Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:00:54 pm



Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:00:54 pm
Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2002
Số hóa: macbupda
CHỈ ĐẠO NỘI DUNG

TRẦN LÊ: Nguyên Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV - V).

Thượng tướng NGUYỄN MINH CHÂU: Nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Tư lệnh Quân khu, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa V - VI).

BÙI ĐỊNH: Nguyên Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu.

LÊ VĂN HIỀN: Nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy, Phó Chính ủy thứ nhất Quân khu, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV - V).

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG XUYÊN: Nguyên Khu ủy viên, Tư lệnh Quân khu, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI - VII).

VŨ ANH BA: Nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy.

ĐỖ VĂN NUỐNG (Tư Nguyện): Nguyên Khu ủy viên Khu VI, Khu X, Bí thư Tỉnh ủy Phước Long, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV - V).

Đại tá VÕ CÔNG LUẬN: Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng, kiêm Phân viện trưởng Phân viện Lịch sử Quân sự.

BIÊN SOẠN

Đại tá TRẦN DƯƠNG: Nguyên Phó Trưởng ban Tác chiến Quân khu, Văn phòng Quân khu ủy (Chủ biên)

Đại tá VÕ ĐỨC NHI: Nguyên Trưởng ban Tác chiến Quân khu.

Thiếu tá NGUYỄN ĐỨC TẤN: Phòng Lịch sử Quân sự Quân khu VII.

VỚI SỰ THAM GIA

Thiếu tướng PHẠM VĂN KHA: Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu.

Đại tá NGUYỄN VĂN BỔNG: Nguyên Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Trung đoàn 812.

Đại tá ÔNG ÍCH TRIỂN: Nguyên Phó chính ủy Cục Hậu cần Quân khu.

Trung tá PHẠM VĂN ĐƯỢC: Trưởng ban Lịch sử Quân sự Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:01:46 pm
LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Do yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong cả nước, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 10-1945, Nhà nước ta đã thành lập Chiến khu VI từ Phú Yên trở vào. Cuối năm 1948, Khu VI sáp nhập vào Liên khu V. Ở bốn tỉnh phía nam lập Ban Cán sự Đảng cực nam Trung Bộ. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo yêu cầu nhiệm vụ mới, địa bàn Khu VI được Trung ương nhiều lần điều chỉnh, thay đổi, chia tách, sáp nhập cho thích hợp với từng thời kỳ. Từ tháng 5-1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu VI trực thuộc Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang địa phương và làm nhiệm vụ xây dựng căn cứ, mở đường hành lang chiến lược nam Tây Nguyên tiếp nhận sự chi viện của Trung ương cho chiến trường Nam Bộ. Đồng chí Trần Lê, người lãnh đạo giàu kinh nghiệm và kiên định được Trung ương giao trọng trách làm Bí thư Khu ủy VI từ đó cho đến ngày miền Nam toàn thắng.

Địa bàn Khu VI từ lúc này bao gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Tuyên Đức, Lâm Đồng và đến cuối cuộc chiến tranh thì gồm các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy, tương đương với Khu 23, Vùng chiến thuật II - Quân khu II và một phần Khu 33, Vùng chiến thuật III - Quân khu III của Mỹ - ngụy.

Là địa bàn chiến lược quan trọng nhưng rất xa hậu phương lớn, xa Trung ương, với Trung ương Cục tuy có gần hơn nhưng việc đi lại cũng gặp nhiều cách trỏ, trong khi đó tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vùng này trong suốt cuộc chiến tranh lúc nào địch cũng mạnh hơn ta gấp nhiều lần, vì vậy cuộc chiến đấu tự lực tự cường của Đảng bộ, quân và dân Khu VI càng gay go khốc liệt.

Từ điều kiện thuận lợi có chính quyền, có lực lượng vũ trang với phong trào rất mạnh vào cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo Hiệp định Giơnevơ, chúng ta phải chuyển quân tập kết ra Bắc. Giống như tình hình chung của miền Nam lúc đó, Khu VI biến thành vùng địch, không còn chính quyền cách mạng, không có lực lượng vũ trang, về Đảng, ta chỉ bố trí một lực lượng nhỏ gồm những cán bộ kiên trung hoạt động bí mật, hợp pháp hoặc bán hợp pháp chờ thời cơ mới theo chỉ thị của Trung ương. Từ đây, Khu VI bước vào cuộc chiến đấu sống còn với địch ở thế bất lợi. Ngay sau khi lực lượng của ta chuyển quân tập kết ra Bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm lập tức tung quân đánh phá tàn bạo cơ sở cách mạng và những người kháng chiến cũ, gây cho ta những tổn thất rất lớn. Trong bối cảnh của miền Bắc sau khi hòa bình lập lại và tình hình quốc tế lúc bấy giờ, cách mạng miền Nam phải tiến hành đấu tranh chính trị bằng phương pháp hòa bình, trong khi đó kẻ địch dùng bạo lực phản cách mạng để tiêu diệt bằng được phong trào cách mạng miền Nam. Nhận rõ những yêu cầu nóng bỏng, bức xúc của chiến trường, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 quyết định đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam là cần thiết phải dùng bạo lực cách mạng, cả bạo lực chính trị lẫn bạo lực vũ trang để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với quyết định chiến lược mang tính bước ngoặt này, phong trào cách mạng miền Nam đã bùng lên mạnh mẽ, khắp miền Nam tiến hành cuộc đồng khởi hào hùng vào năm 1959-1960, đánh thắng cuộc chiến tranh đơn phương - chiến tranh không tuyên bố - của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam. Từ đây, Đảng bộ, quân và dân Khu VI phối hợp sát cánh cùng quân và dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ và anh dũng, lần lượt đánh thắng chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy cho đến ngày toàn thắng vào mùa Xuân 1975 lịch sử. Trong chiến công hiển hách đó của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân Khu VI đã có đóng góp quan trọng và xứng đáng.

Trong suốt cuộc chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Khu VI đứng chân hoạt động ở địa bàn phức tạp, gian khổ, dân số ít, lực lượng vũ trang mỏng, chỉ được Trung ương và các địa phương chi viện hỗ trợ khoảng 6.500 cán bộ chiến sĩ, vì vậy phải tự lực, tự cường chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Dưới sự lãnh đạo kiên định, rất mực trung thành và sáng tạo của tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu VI, cũng như của các cấp ủy địa phương, đơn vị trong toàn khu, quân và dân Khu VI đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn một cách bền bỉ, kiên cường vượt qua những thử thách sống còn để kiên quyết tiến công địch cả phía trước lẫn phía sau, bằng cả hai chân, ba mũi trên cả ba vùng chiến lược cho đến ngày toàn thắng, để lại những kinh nghiệm quý báu mang đặc trưng Khu VI trong chiến tranh, góp phần làm phong phú kho tàng kinh nghiệm của cả dân tộc qua một thời thời trận mạc để giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, những người lãnh đạo chiến trường Khu VI được điều động, phân công làm nhiệm vụ mới và chỉ sau khi hoàn thành vẻ vang những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, lần lượt được thôi nhiệm, mới họp bàn cách ghi lại một phần cuộc chiến đấu hào hùng và sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân các dân tộc trong khu lưu lại cho hậu thế. Đây là một sự nỗ lực rất đáng trận trọng. Chính những con người hôm qua trực tiếp góp phần làm ra lịch sử, nay ngồi lại với nhau để ghi lại những sự kiện lịch sử mà chính mình đã trải qua hoặc trực tiếp chứng kiến, cho nên rất chính xác và giàu sức thuyết phục.

Với việc xuất bản cuốn lịch sử đã được bổ sung, sửa chữa công phu và tâm huyết này, nhiệm vụ của những con người kiên định làm ra lịch sử và trực tiếp viết lại lịch sử đã hoàn thành. Đây là một tài liệu quý giá góp phần giáo dục truyền thống cách mạng kiên cường của quân và dân Khu VI, đồng thời là một tư liệu đáng tin cậy cho các nhà viết sử chuyên nghiệp sau này nghiên cứu đầy đủ, kỹ càng hơn chặng đường 21 năm chiến đấu, những cống hiến lớn lao của Đảng bộ, quân và dân Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc và xin được cám ơn sự cộng tác đầy tâm huyết của các đồng chí Trần Lê, Đỗ Quang Thắng và Tỉnh ủy Lâm Đồng trong việc xuất bản cuốn sách này.

Tháng 2 năm 2002
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:02:09 pm
CÙNG BẠN ĐỌC

Năm 1995, cuốn Lịch sử Khu VI (cực nam Trung Bộ - nam Tây Nguyên) kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) được Ban chỉ đạo biên soạn phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, xem đấy như là lần sơ thảo thứ nhất.

Cuốn sách ra đời đã đáp ứng phần nào sự mong đợi của đồng bào, đồng chí trong quân khu; đồng thời cũng được bạn đọc gần xa góp thêm nhiều ý kiến bổ sung, sửa chữa. Lẽ ra sau khi cuốn sơ thảo ra mắt bạn đọc phải có sự xem xét để sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh để công bố chính thức. Nhưng do trong Ban chỉ đạo chó một số đồng chí đã qua đời, một số thì quá đau yếu nên không thể cùng nhau họp lại để tiến hành sửa chữa.

Trước tình hình đó, tháng 3-2000, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu ủy cũ và một số đồng chí còn lại trong Ban chỉ đạo biên soạn tổ chức một cuộc họp mở rộng tại Đà Lạt để trực tiếp nghe ý kiến đóng góp và cùng nhau thảo luận. Cuộc họp nhất trí phải bổ sung, sửa chữa những điểm cần thiết và giao cho Ban chỉ đạo biên soạn với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Lâm Đồng thu thập tư liệu, hoản chỉnh dự thảo và sau đó do Khu ủy và Quân khu ủy không có điều kiện họp để thông qua, cho nên đã cử người mang bản thảo đến từng đồng chí xin ý kiến.

Đến nay việc sửa chữa, bổ sung đã hoàn thành và được sự giúp đỡ, cộng tác của các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã biên tập và xuất bản cuốn sách đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Xin trân trọng kính báo cùng đồng bào, đồng chí trong Khu VI và cùng bạn đọc cả nước.

Tháng 12 năm 2001
T/M. BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN
(http://img200.imageshack.us/img200/2082/chukira.jpg)
TRẦN LÊ


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:03:53 pm
Chương mở đầu

KHU VI, VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI

I. VÙNG ĐẤT

Khu VI là dải đất cuối cùng của duyên hải miền Trung và đoạn cuối rặng Trường Sơn - cao nguyên miền Nam thường gọi là cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên; từ tháng 10 năm 1945 được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định tổ chức thành Chiến khu VI, sau đổi thành Khu VI; đến ngày 20 tháng 4 năm 1948 hợp nhất với Khu V và Khu XV thành Liên khu V; từ tháng 7 năm 1961 được tách ra lập thành Khu VI, gồm các tỉnh: Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Do tình hình chiến trường và yêu cầu chỉ đạo đòi hỏi, nên Khu VI phải trải qua nhiều lần thay đổi và tổ chức cơ cấu chiến trường và đến cuối năm 1974 thì bao gồm các tỉnh: Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy.

Do sự thay đổi trên nên phạm vi lãnh thổ rộng, hẹp từng lúc có khác nhau, nhưng nói chung vẫn bao gồm hầu hết các tỉnh Duyên Hải cực nam Trung Bộ và phần lớn các tỉnh nam Tây Nguyên với diện tích trên 40.000 ki-lô-mét vuông. Phía bắc, đông bắc giáp bắc Tây Nguyên, Khu V; phía tây nam giáp miền Đông Nam Bộ, phía tây bắc có chung đường biên giới với Cam-pu-chia, phía đông và đông nam giáp biển.

Địa hình có rừng núi, đồng bằng và bờ biển, trong đó rừng núi chiếm hết bốn phần năm diện tích toàn Khu. Ở đây cộng sản các cao nguyên lớn như cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang), cao nguyên Di Linh (Djialinh), cao nguyên Đắc Lắc. Có các ngọn núi cao như Chư-Yang-Sin 2.402 mét, Lang Biang 2.150 mét; xen kẽ có nhiều vùng thấp bằng, hầu hết đã được khai thác lập đồn điền, hình thành các cụm dân cư; có thị trấn, thị xã như: Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng), Tùng Nghĩa, Đờ-Răn, Đà Lạt (Tuyên Đức), Gia Nghĩa, Đức Lập (Quảng Đức), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), v.v. Ở đây còn có các hồ lớn như hồ Lắc ở nam Buôn Ma Thuột rộng trên 500 hécta; có sông lớn như sông Đồng Nai, sông Đa Dung chảy xuyên qua rừng núi nam Tây Nguyên, với lượng nước khá lớn; thuyền bè có thể đi lại được trên nhiều đoạn. Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Đồng Nai là một con đường vận chuyển vũ khí, hàng hóa quan trọng của ta và cũng là nguồn cung cấp cá mắm cho bộ đội.

Quân khu VI, nhất là nam Tây Nguyên, có thế núi rừng liên hoàn với rừng miền Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia, nên có một vị trí quân sự lợi hại. Ở đây, có đường hành lang chiến lược đi qua, có nguồn tiếp tế từ các hướng, có những địa bàn căn cứ rộng làm chỗ đứng chân cho lực lượng chủ lực. Ngoài ra, trên từng khu vực cũng đã thiết lập được những căn cứ khá vững chắc như: căn cứ Bác Ái của Ninh Thuận, căn cứ Khánh Vĩnh Sơn ở miền tây Khánh Hòa, căn cứ nam Lạc Thiện (Đắc Lắc), căn cứ bắc Bảo Lộc (Lâm Đồng), căn cứ Tánh Linh, Di Linh, Lê Hồng Phong (Bình Thuận).

Tương phản với rừng núi, cao nguyên trùng điệp là dải đồng bằng ven biển dài và hẹp, bị chia cắt bởi những nhánh núi từ Trường Sơn đâm nang ra biển. Ở đây, lượng mưa thấp, sông suối ngắn, có độ dốc cao, mùa mưa dễ bị lũ lụt, mùa nắng thì cạn kiệt, đồng khô, lá rụng, địa hình trống trải; trừ những vùng dọc theo các con sông lớn có nước quanh năm thì đất đai phì nhiêu, dân cứ đông đúc. Về thị xã: gồm có Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết, Lagi; và các thị trấn lớn Như Vạn Giã, Ninh Hòa, Cam Ranh, Diên Khánh (Khánh Hòa), Phú Quý (Ninh Thuận), Liên Hương, Phan Rí, Sông Mao, Phú Long (Bình Thuận). Đồng bằng Khu VI trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ là nơi ta và địch tranh chấp nhau quyết liệt để giành sức người, sức của. Đặc biệt, ở phía đông bắc thị xã Phan Thiết, nhằm giữa quốc lộ 1 và biển có khu căn cứ Lê Hồng Phong là nơi đứng chân của cơ quan chỉ đạo cực nam Trung Bộ trong thời chống Pháp, và sau này cũng là địa bàn căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, địch tập trung đánh phá; nhưng ta vẫn trụ vững cho đến ngày toàn thắng.

Liền với đồng bằng là bờ biển dài 450 ki-lô-mét (tính lúc Khánh Hòa còn nằm trong Khu VI), có nhiều nhánh núi nhô ra biển tạo thành những mũi như: Hòn Hèo, Bình Bà, Mũi Dinh, La Gàn, Mũi Né, Kê Gà, v.v. Những vịnh: Vũng Rô, Vũng Môn, Vịnh Cam Ranh, các cửa biển: Ninh Chữ, Phan Rí, Phan Thiết, Lagi… tàu thuyền ra vào thuận tiện. Biển ở đây có hải sản phong phú, là nguồn lợi chính của nhân dân ven biển. Ngoài ra, còn có các đồng muối như: Hòn Khói, Ninh Chữ, Cà Ná, Duồng, Phan Thiết… Hàng năm khối lượng muối ăn khá lớn, đặc biệt có muối Cà Ná dùng cho công nghiệp.

Ngoài khơi, cách Nha Trang 250 hải lý có quần đảo Trường Sa, cách Phan Thiết 60 hải lý có đảo Phú Quý (cù lao Thu) là những vị trí tiền tiêu quan trọng của Tổ quốc, có giá trị về kinh tế và quốc phòng.

Hệ thống giao thông đường bộ ở Khu VI: tuyến dọc có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam, tuyến ngang có quốc lộ 14, quốc lộ 20, quốc lộ 11, quốc lộ 21 và 21 kéo dài, liên tỉnh lộ 8, có đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt. Nối với quốc lộ còn có đường đi Lagi - Hàm Tân, đường số 2, số 3 đi Hoài Đức - Tánh Linh, đường sắt Phan Thiết - Mường Mán.

Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, Mỹ, ngụy đã thiết lập ở Khu VI một hệ thống căn cứ vận chuyển khá hiện đại như: cảng Nha Trang, quân cảng Cam Ranh, cảng Ninh Chữ và các sân bay, nhất là sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), sân bay Cam Ranh, là hai căn cứ không lực thuộc loại A(1).

Về phía ta, trong kháng chiến chống Pháp đã mở được con đường mòn chạy trên triền núi phía đông qua các tỉnh đồng bằng ven biển, và từ vùng tự do Khu V đến miền Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ có thêm đường mòn Hồ Chí Minh, đường hành lang chiến lược của Trung ương xuyên qua nam Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ. Từ đây, nằm 1967 có tuyến đường vận tải của Quân khu VI (gọi là H50) chuyển hàng và lực lượng cắt qua lộ 14 và lộ 20 về các căn cứ của Khu và tỉnh. Trong kháng chiến, địch đã dùng đủ loại phương tiện chiến tranh đánh phá, ngăn chặn. Những cán bộ, chiến sĩ trong các đoàn vận tải của ta đã dũng cảm vượt qua bom đạn, mưa gió, lũ lụt… để đưa súng đạn về phục vụ cho chiến trường.

Về khí hậu: nam Tây Nguyên mát mẻ quanh năm; nhất là ở Đà Lạt có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình 19oC. Về thời tiết: có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, về mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

Vùng đồng bằng ven biển khí hậu khô, nóng, nhiệt độ trung bình 28oC; vùng sát biển có khí hậu mát mẻ, dễ chịu hơn, mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12. Phan Rang là nơi có lượng mưa thất nhấp Việt Nam. Vùng đồng bằng ven biển ít bão, nhưng từ tháng 8 đến tháng 10 thường có mưa to, gió lớn, biển động, thỉnh thoáng có lốc xoáy mạnh, gây thiệt hại cho tàu thuyền ngoài khơi và nhà cửa.

Nhìn chung địa hình, địa thế Khu VI thì đại bộ phận là vùng rừng núi, đồng bằng nhỏ hẹp, dân ít nhưng thường tập trung ở những chỗ có thể làm ăn sinh sống; nhiều vùng không dân và thường bị ngăn cách bởi núi cao, sông lớn. Ta có thuận lợi về địa thế hiểm trở nhưng cũng có nhiều khó khăn trong việc bố trí lực lượng triển khai hoạt động; do vậy, địch thường coi vùng này là hậu phương an toàn của chúng. Chúng đặt ở đây các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo sĩ quan, dùng đây làm nơi đi lại hội họp, nghỉ dưỡng cho các quan chức, tướng tá trong ngụy quân, ngụy quyền.

Do rừng núi, địa thế như trên nên chiến trường Quân khu VI có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là vùng rừng núi nam Tây Nguyên nối liền với miền rừng đông Nam Bộ. Làm chủ được vùng này sẽ có điều kiện tiến công uy hiếp thủ đô ngụy Sài Gòn từ hướng đông, đông bắc; có điều kiện đánh xuống các tỉnh ven biển cực nam Trung Bộ; thực hiện chia cắt chiến lược giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Vì vậy từ những năm 1960 Trung ương và Tổng Quân ủy đã đặt vấn đề xây dựng thành căn cứ địa vững chắc, có đường hành lang chiến lược đi qua.


(1) Theo quy định của Mỹ, ngụy sân bay loại A là sân bay có đường băng dài trên 2.000 mét, có trang bị hiện đại, có thể tiếp nhận những máy bay lớn.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:05:05 pm
II. CON NGƯỜI

Khu VI đất rộng nhưng dân thưa, có nhiều dân tộc anh em sinh sống; đại thể có thể chia làm hai nhóm: nhóm dân tộc đa số (Kinh) và nhóm các dân tộc thiểu số (Thượng, Chàm).

Trong quá trình lịch sử, qua các bước đổi hay đã hình thành một cộng đồng dân cư đa dạng; tuy phong tục tập quán, tâm tư, tinh cảm có chỗ không giống nhau, nhưng từ lâu các dân tộc đã cùng nhau chung sống, cùng nhau đoàn kết chiến đấu chống thiên tai, địch họa, xây dựng cuộc sống cho từng dân tộc và chung cho cả cộng đồng.

Về dân số: khi thành lập lại Khu VI (tháng 7 năm 1961), toàn khu có khoảng gần 1.100.000 người, người Kinh 850.000, người Thượng 215.000, người Chăm 35.000.

Người Kinh sống chủ yếu là ở vùng đồng bằng ven biển, ở nam Tây Nguyên rất ít. Họ vốn từ phía bắc di cư vào khai hoang lập ấp, lúc đầu vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau đó dần dần đi vào Phan Rang, Phan Thiết, hoặc theo nghề biển từ Nghệ Tĩnh đi vào, đông nhất là khoảng giữa thế kỷ 17. Họ là những người dân bị thiên tai, giặc giã, áp bức bóc lột phải rời bỏ quê hương, đi tìm cuộc sống. Vào đây, lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, phải chống chọi với thiên hiên khắc nghiệt và sự áp bức nặng nề của vua quan phong kiến. Họ đã gắn bó với nhau, cùng nhau hun đúc nên những đức tính và truyền thống quý báu, cần cù, chất phát, thương yêu đùm bọc nhau, giàu lòng yêu quê hương đất nước, kiên trung bất khuất, tự lập tự cường. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7 năm 1954) Mỹ, Diệm đã dưa mười vạn dân miền Bắc, chủ yếu là người Kinh theo đạo Thiên Chúa, và người các dân tộc Nùng, Tày, Thái,… vào bố trí ở những vị trí xung yếu về kinh tế và quân sự như xung quanh Buôn Ma Thuột, dọc quốc lộ 20, 11, quanh sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), căn cứ Sông Mao (Bình Thuận). Từ năm 1958 đến năm 1961, Mỹ, Diệm lại đưa khoảng năm vạn dân ở vùng tự do cũ Liên khu V vào nam Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh cực nam để thiết lập các khu dinh điền, ấp chiến lược. Đến giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh”, chúng chuyển tiếp một số dân ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên (và cả Việt kiều ở Cam-pu-chia) vào bố trí dọc theo quốc lộ 1 (Bình Thuận - Bình Tuy) tỉnh lộ 2 (Bình Tuy) và dọc quốc lộ 11 (Ninh Thuận). Có đáp ứng một phần yêu cầu về kinh tế, quốc phòng của Mỹ, ngụy, nhưng cũng gây mâu thuẫn giữa nhân dân, nhất là những người bị bắt ép rời bỏ quê hương với chế độ Mỹ - ngụy.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Khu VI, thường gọi chung là đồng bào Thượng, phần lớn là cư dân bản địa từ rất lâu đời, có dân tộc đã từng có nền văn hóa khá phát triển. Dân tộc có số dân tương đối đông là Êđê (Rhađê) K’Ho, M’Nông, RagLây. Dân tộc có số dân ít là ChâuRo, Chill, Sê’Tiêng. Nói chung, đồng bào Thượng rất cần cù lao động, gan dạ trước hiểm nguy, vừa sản xuất vừa chiến đấu với thiên nhiên, với thú rừng, với kẻ địch để tồn tại. Ham sống cuộc sống tự do gắn bó với núi rừng, và sẵn sàng chống lại bất kỳ ai xâm phạm. Nhưng với bà con buôn làng, bộ tộc thì rất tốt bụng, sẵn sàng nhường miếng ăn, chén rượu cho nhau. Nhược điểm là tư duy còn đơn giản, máy móc, nhất là còn bị nhiều phong tục, tập quán lạc hậu ràng buộc, gây trở ngại cho đoàn kết, sản xuất, chiến đấu. Trong thời kỳ Mỹ xâm lược còn bị chúng cho đạo Tin Lành thâm nhập khá sâu, làm cho công tác vận động cách mạng của ta trong vùng gặp không ít khó khăn.

Ở đồng bằng ven biển còn có đồng bào Chăm, dân số khoảng 35.000 người, sống thành từng khu vực ở bên cạnh vùng đồng bào Kinh, tập trung nhất là ở hai huyện An Phước (Ninh Thuận) và Phan Lý (Bình Thuận); nguồn sống chính là nghề nông, dệt vải và chăn nuôi. Đồng bào rất đoàn kết chăm sóc nhau trong làm ăn sinh sống và bảo vệ giống nòi, giữ gìn quan hệ tốt với đồng bào Kinh.

Khu VI có nhiều tài nguyên về rừng, biển, khoáng sản quý, nhân dân lao động cần cù, nhưng do trình độ sản xuất thấp, lại bị ách thống trị phong kiến thực dân kìm hãm và chiến tranh tàn phá nặng nề, nên tiềm năng kinh tế đó chưa được khai thác bao nhiêu, đời sống nhân dân vẫn khổ cực.

Đối với những vùng không kiểm soát dược, địch thường dùng bom đạn bắn phá, dùng chất độc hóa học hủy diệt môi trường sống, hành quân càn quét gom dân vào các trục giao thông, thị trấn, thị xã, khiến nhiều vùng nông thôn không còn dân, đất đai vườn ruộng bị bỏ hoang, đời sống nhân dân bị đảo lộn nặng nề.

Cùng với những hành động tàn bạo nói trên, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ còn dùng những thủ đoạn kinh tế, xã hội xảo quyệt để chia rẽ, lối kéo, khống chế quần chúng, đầu độc tư tưởng nhân dân; phát triển các đảng phái, đoàn thể phản động và các tôn giáo để nắm quần chúng, mê hoặc nhân dân; dùng văn hóa, lối sống đồi trụy, thực dụng; dùng chiêu bài quốc gia, dân tộc giả hiệu để đưa thanh niên đi vào con đường sa đọa, lầm lạc, cuối cùng là chống lại Tổ quốc và nhân dân.

Những chính sách, thủ đoạn đó tuy có làm cho phong trào kháng chiến trong Khu gặp rất nhiều khó khăn, trong xây dựng, phát triển lực lượng và triển khai hoạt động; nhưng chúng vẫn không thể nào khuất phúc được đồng bào ta, chặn được bước tiến của phong trào cách mạng. Trái lại, nhân dân các dân tộc trong khu vẫn luôn nêu cao tinh thần yêu nước và chí căm thù địch, cùng nhau chung lưng đấu cật vùng lên chống ngoại xâm, bảo vệ giống nòi, thể yện ý chí quật cường bất khuất của dân tộc.

Từ những phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân tộc, đến các phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Khu VI đã cùng nhân dân cả nước viết nên bao trang sử hào hùng. Thời kỳ đầu, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân các dân tộc ở đây đã tích cực hưởng ứng và phối hợp cùng phong trào khởi nghĩa của Trương Công Định chống lại việc Pháp cướp ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (1862); hàng nghìn nghĩa quân Việt - Chăm của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và nhân dân các dân tộc Stiêng, Châu Ro… ở vùng rừng núi Bình Thuận (giáp Biên Hòa) đã đứng dậy lập căn cứ chống Pháp, phối hợp với cuộc dấy binh của Trương Quyền con trai Trương Công Định (1864). Từ năm 1912 đến năm 1935 có cuộc khởi nghĩa lớn, sau đó chuyển thành cuộc chiến đấu vũ trang do N’ Trang Lơng (tù trưởng dân tộc M’Nông lãnh đạo. Các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa đó tuy có bị dập tắt, nhưng cũng đã gây cho địch nhiều tổn thất, đặc biệt là đã hun đúc thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ nối tiếp nhau.

Trong suốt quá trình Pháp đô hộ vùng đất phiên trấn này (giữa Trung Kỳ và Nam Kỳ) cũng là nơi thường có các sĩ phu yêu nước qua lại gặp gỡ nhau để mưu tìm con đường cứu nước. Đặc biệt vào năm 1910 trong khi đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có dịp dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết.

Trong những năm 1928-1929 chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Nam Trung Kỳ và miền Đông Nam Kỳ, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên cũng bắt đầu có cơ sở của Tân Việt Cách mạng Đảng và Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đầu năm 1930 tiểu tổ Tân Việt ở Bảo An (Tháp Chàm) Lâm Viên, tiểu tổ Tân Việt ở Đà Lạt được chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1930, Bình Thuận cũng lập được chi bộ ở Tam Tân (Hàm Tân). Năm 1931, các tỉnh nói trên đều có tỉnh ủy lâm thời. Cùng với việc xây dựng các tổ chức Cộng sản, các tổ chức Công Hội đỏ, Nông Hội đỏ, phản đế đồng minh… cũng lần lượt được xây dựng. Từ đây, phong trào quần chúng có những nét mới. Khẩu hiệu đòi quyền lợi công, nông, đòi nam nữ bình quyền, chống sưu cao thuế nặng, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô, v.v. được nêu cao. Cờ đỏ búa liềm, truyền đơn, khẩu hiệu xuất hiện ở nhiều nơi. Trong các năm 1932-1935 bị khủng bố nặng nề, phong trào có lắng xuống; nhưng đến những năm 1936-1939 lại phát triển sôi nổi trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Thời kỳ vận động giải phóng dân tộc, lúc đầu có bị chuệch choạc nhưng đến năm 1944-1945 với sự giúp sức của các đồng chí ngoài vào và trong các nhà tù ra, phong trào được phục hồi lại và đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền trong những ngày cuối tháng 8 năm 1946.

Sau Cách mạng tháng Tám, khi Pháp trở lại xâm lược nước ta thì cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên cũng là những nơi sớm trở thành vùng bị địch tạm chiếm. Thời gian đầu, địch mạnh, ta yếu, chúng đã lấn chiếm nhiều nơi, vơ vét được sức người, sức của để tiến hành chiến tranh xâm lược. Nhưng được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, của chính quyền Cách mạng, nhân dân các dân tộc anh em trong Khu đã đoàn kết một lòng kiên quyết đứng lên kháng chiến, từng bước chuyển yếu thành mạnh. Trải qua các thời kỳ giằng co gay go, quyết liệt những nam 1948, 19439, 1950, đến cuối năm 1952 tình hình cơ bản thay đổi có lợi cho ta, nhất là ở các tỉnh cực nam Trung Bộ. Ta đã tiêu diệt được nhiều đơn vị địch, phong trào đấu tranh ở vùng tạm bị chiếm đã phát triển. Đến Xuân - Hè năm 1954 ta đã vươn lên tấn công địch, giành lại được nhiều vùng rộng lớn, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường toàn Nam Trung Bộ và cả nước, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Thắng lợi vẻ vang này cũng đánh dấu một bước trưởng thanh của Đảng bộ và quân, dân Khu VI. Đây cũng là vốn quý của ta khi bước vào Cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:07:25 pm
Chương I

TỪ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ THEO PHƯƠNG PHÁP HÒA BÌNH
CHUYỂN LÊN BẠO LỰC CÁCH MẠNG
(Tháng 7 năm 1954 - 1960)

I. BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ TỪ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
SANG ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên khu ủy, Quân khu ủy V, phối hợp với chiến trường chính trong Khu và toàn quốc, ở chiến trường cực nam Trung Bộ, bước vào Xuân Hè 1954, ta phát triển tiến công địch mạnh mẽ, thu thắng lợi giòn giã. Nhiều đồn bốt địch bị diệt, nhiều đường giao thông bị cắt đứt hoặc uy hiếp, nhiều vùng nông thôn rộng lớn được giải phóng liên hoàn, buộc địch phải co về giữ các thị xã, thị trấn và những đoạn giao thông quan trọng.

Trong lúc ta đang trên đà chiến thắng, thì Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, lệnh ngừng bắn được ban ra. Tuy trước đó có biết: ta và đối phương đang họp ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng tin đình chiến đến với các lực lượng vũ trang và nhân dân trong khu thật là đột ngột. Lúc bấy giờ ta đang trên đà chiến thắng, tâm lý mọi người là không ưng đình chiến mà muốn đánh tới để giành thắng lợi lớn hơn nữa.

Tuy vậy, với lòng tin tưởng tuyệt đối ở Đảng và Bác Hồ, quân và dân cực nam Trung Bộ vẫn chấp hành lệnh ngừng bắn một cách nghiêm chỉnh, kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 8 năm 1954. Tất cả các lực lượng đều ngừng tiến công và chuyển về các vị trí tập trung để tổ chức chuyển quân tập kết. Thực hiện được ngừng bắn đồng loạt trên một chiến trường gồm nhiều địa bàn xa xôi, cách bức nhau ở miền núi và đồng bằng, chứng tỏ ý thức tổ chức và tinh thần kỷ luật cao của toàn quân và dân ta.

Ở các tỉnh cực nam Trung Bộ (trừ Khánh Hòa chuyển quân tập kết qua Phú Yên ra cảng Quy Nhơn) còn các tỉnh khác, các lực lượng vũ trang và dân chính đảng đều hành quân tập kết ở căn cứ Lê Hồng Phong ở Bình Thuận (“Thủ Phủ” của cực nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Pháp). Ở đây, các lực lượng được tổ chức học tập thông suốt về ý nghĩa thắng lợi và nội dung của Hiệp định Giơ-ne-vơ; cùng với nhân dân làm lễ mừng chiến thắng, mừng hòa bình được lập lại. Mọi người lúc bấy giờ có nhiều băn khoăn lo âu, ngại địch không thi hành theo Hiệp định, chúng sẽ khủng bố trả thù, chia cắt lâu dài đất nước, v.v. Nhưng ai nấy đều tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng, và sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới theo sự lãnh đạo của Đảng.

Việc tổ chức chuyển quân, tập kết tiến hành rất cập rập, vì đường sá xa xôi, cách bức, thời gian chỉ có tám mươi ngày (đến này 15 tháng 10 năm 1954) cực nam Trung Bộ phải tập kết xong) nhưng đã cố gắng thực hiện đúng theo kế hoạch hướng dẫn của trên.

Cán bộ thôn, xã: hầu hết ở lại, một số cán bộ huyện cũng trở về sống hợp pháp, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi địch phải tôn trọng điều 14c của Hiệp định.

Cán bộ cấp huyện, tỉnh: khoảng năm mươi phần trăm được bí mật bố trí ở lại, hình thành hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo mới ở các tỉnh, huyện, xã.

Một số ít chuyển đổi vùng để tạo điều kiện hoạt động như đi Blao, Đà Lạt, Sài Gòn. Tất cả số còn lại gồm cán bộ dân chính đảng và toàn bộ lực lượng vũ trang cùng với trang bị vũ khí, khí tài được tập trung lại để tập kết ra miền Bắc. Lực lượng vũ trang được tổ chức lại thành Trung đoàn 812(1) với trên 1.500 đảng viên. Lực lượng được để lại một số ít đặc công làm nhiệm vụ bảo vệ(2). Vũ khí, đạn dược đến những ngày cuối cùng mới có chỉ thị của Liên khu cho để lại, mỗi tỉnh đủ trang bị vài đại đội, nhưng do quá gấp nên việc cất giấu không chu đáo, sau này phần lớn bị hư hỏng hoặc thất lạc.

Về phần địch, ngay từ đầu, ba lần chúng thay đổi bến bãi đón lực lượng ta xuống tàu đi tập kết. Lúc đầu, chúng thỏa thuận xuống bến Biển Khu Lê, sau đổi lại là Hàm Tân - Lagi, và cuối cùng đòi ta phải vào tận bến Rạch Dừa, huyện Châu Thành, Bà Rịa. ta đấu tranh nhưng không kết quả, nên phải chuyển quân trong điều kiện phải đi bộ rất vất vả, nhất là đối với anh em thương bệnh binh. Cùng lúc đó chúng gấp rút hành quân vào chiếm lĩnh các vùng ta không đợi bàn giao. Một số nơi chúng bắt đầu khủng bố, trả thù người kháng chiến, ngay cả khi ta chưa chuyển quân tập kết xong.

Tuy vậy, đông đảo nhân dân, trong đó có nhiều gia đình kháng chiến, vẫn cơm đùm, cơm gói, kéo nhau đến tận Xuyên Mộc để tiễn đưa bộ đội, chồng con, anh em mình đi tập kết. Cảnh tượng chia tay rất cảm động, kẻ ở gởi gắm người ra đi bao niềm hy vọng hứa hẹn son sắt đợi chờ và sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Người ra đi bâng khuâng lo lắng cho số phận người ở lại, nguyện có ngày sẽ quay trở về. Và cuối cùng mọi người đều đưa hai ngón tay lên tạm biệt, biểu thị niềm tin hai năm sẽ gặp lại.

Ở Tây Nguyên (tỉnh Đắc Lắc) sau khi có lệnh ngừng bắn, các lực lượng vũ trang ở đây (chủ yếu là Trung đoàn 84) cùng với nhân dân các dân tộc làm lễ mừng chiến thắng, mừng hòa bình (tại xã giải phóng Đất Làng, đông nam Cheo Reo), để tạm biệt đồng bào, chuyển quân tập kết về Bình Định. Tỉnh ủy tranh thủ đưa hầu hết cán bộ chính trị cùng các đội công tác thâm hập vào các buôn làng, thị trấn để tuyên truyền phát huy thắng lợi, hướng dẫn nhiệm vụ và xây dựng tổ chức cơ sở. Nhưng sau đó bị địch phát hiện bắt và trao trả cho Ban liên lạc đình chiến ở An Khê.


(1) Trung đoàn 812 tổ chức thành bốn tiểu đoàn gồm: tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 86, tiểu đoàn 89, tiểu đoàn 90 và các đơn vị trực thuộc trung đoàn.
(2) Bình Thuận để lại hai tiểu đội đặc công, Khánh Hòa một tiểu đội, Ninh Thuận một tiểu đội.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:08:44 pm
Hình thành tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo mới

Để thuận tiện cho sự lãnh đạo trong tình hình mới, các tỉnh trong Liên khu V được tổ chức lại thành nhiều Liên tỉnh trực thuộc Liên khu ủy; riêng các tỉnh cực nam Trung Bộ được tổ chức lại thành Liên tỉnh 3, do đồng chí Trần Lê - khu ủy viên làm bí thư Ban Cán sự Liên tỉnh, kiêm bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc thành công thành Liên tỉnh 4, do đồng chí Trương Quan Tuân, khu ủy viên làm bí thư Ban Cán sự.

Vận dụng phương châm đấu tranh mới mà Trung ương đã đề ra cho cách mạng miền Nam là tranh thủ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp, kết hợp công tác hợp pháp với không hợp pháp, các địa phương đã bố trí lại cán bộ; một số hoàn toàn bất hợp pháp (số này chủ yếu nằm trong hệ thống lãnh đạo tỉnh, huyện, xã), một số sống trong dân nhưng theo lối nửa hợp pháp, và số đông là sống công khai hợp pháp, sinh hoạt như dân, cùng với nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Các tổ chức cơ sở Đảng, lúc này được chỉ thị đình chỉ sinh hoạt; nhưng đảng viên phải giữ vững niềm tin, luôn luôn nhớ rằng lúc nào cũng có Đảng ở bên cạnh và khi cần cấp trên sẽ bắt liên lạc. Mỗi xã lúc đầu chọn một vài nòng cốt không lộ hoặc ít lộ giao nhiệm vụ hướng dẫn đảng viên cơ sở hoạt động trong quần chúng; và sau một thời gian mới chọn người vững vàng và không lộ hình thành chi bộ.

Tổ chức ở cấp tỉnh: mỗi tỉnh có năm đến sáu tỉnh ủy viên cùng với một số ít đồng chí giúp việc, chủ yếu là văn phòng, đường dây liên lạc và điện đài cơ yếu. Huyện có ba đến năm cấp ủy viên, nhưng hầu hết phân xuống bám xã, số ít lực lượng võ trang để lại chủ yếu là lo việc bảo vệ giao thông liên lạc. Biên chế mỗi tỉnh từ 100-120 người.

Đối với Đắc Lắc, Liên khu ủy V đã chỉ thị cho tỉnh lựa chọn để lại 250 cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ bám chiến trường hoạt động. Số này được cấp hai năm sinh hoạt phí cùng với quân trang và thuốc men, đã tổ chức thành hai bộ phận:

- Một bộ phận bất hợp pháp (do đồng chí Nguyễn Tuấn (tức Ma Đăng) phụ trách) dẫn lên bám lại vùng núi Chư-Đề-Lay-Ya. Từ dây, phân công cán bộ xuống phụ trách các huyện, và tổ chức ba đội thọc sâu vào địa bàn nam tỉnh Đắc Lắc (nam đường 21). Một đội do đồng chí Trần Văn Phòng (tức Bảy Biên) phụ trách, đứng ở Chư Nam Nung (Đắc Min), Một đội do đồng chí Ma Oanh vào gây cơ sở ở vùng núi Chư-Yang-Sin (đông nam Buôn Ma Thuột). Một đội vào vùng hồ Lắc (quận Lạc Thiện) (đội này trên đường đi bị địch đánh hy sinh hết).

- Một bộ phận gồm 24 đồng chí (do đồng chí Phạm Thuần (tức Chín Cán) phụ trách) đi theo đường hợp pháp lên thị xã Buôn Ma Thuột, tổ chức Ban Cán sự Đảng bí mật lãnh đạo phong trào thị xã và các vùng xung quanh, đa một số cán bộ về hoạt động các thị trấn Buôn Hồ, Cheo Reo.

Trong khi ta đang triển khai sắp xếp tổ chức thì địch cũng tranh thủ mở các cuộc hành quân cảnh sát, móc ráp các phần tử xấu tại chỗ vừa đưa bọn lưu vong về lập bộ máy kìm kẹp. chúng ra sức nói xấu Đảng, nói xấu kháng chiến và đề cao “Chính quyền quốc gia”.

Ở vùng địch chiếm cứ, chúng thay số thân Pháp bằng số thân Mỹ và số tay chân theo chúng từ miền Bắc vào. Đưa Sư đoàn 5 (dân tộc Nùng) của Vòng A Sáng vào đứng ở dọc quốc lộ 1 từ Bắc Bình Thuận vào giáp Biên Hòa, xây dựng hậu cứ ở sông Mao (Bình Thuận). Chúng còn đưa một số đồng bào Nùng (phần lớn là gia đình binh sĩ) vào đây và lập ra huyện Hải Ninh). Dọc theo đường 20 từ Định Quán, Túc Trưng, Phú Lâm, Phương Lâm (Đồng Nai) lên đến Tùng Nghĩa (Lâm Đồng), chúng cũng bố trí đồng bào Nùng, Tày vào ở.

Chúng còn hình thành những khu tập trung Công giáo di cư với tổng số năm vạn người trên các vị trí xung yếu: Xung quanh Blao - Di Linh của Lâm Đồng, Tùng Nghĩa, Phú Hội và dọc đường 21 kéo dài của Tuyên Đức. Ở Đắc Lắc, địch cũng cấy khoảng năm vạn dân di cư từ miền Bắc vào.

Địch di dân bố trí theo ý đồ: kết hợp kinh tế với quân sự dọc các trục giao thông quan trọng như đường 14, 20, 11 và các điểm xung yếu quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Điều đó đã làm thay đổi mật cự dân cư và địa hình, địa thế ở đây.

Qua đó, chúng tạo thêm thế và lực để chống phá phong trào cách mạng, khống chế, đàn áp nhân dân; nhưng đồng thời cũng khơi sâu mâu thuẫn giữa nhân dân với chúng. Mâu thuẫn giữa bọn ngụy thân Pháp và thân Mỹ cũng nổi lên gay gắt. Sư đoàn 5 (Nùng) không chấp hành lệnh hành quân của Diệm, án binh bất động. Lực lượng bảo an Com-măng-đô ở Ninh Thuận làm binh biến, kéo lên rừng lập căn cứ chống lại Diệm… Ngược lại, cũng có số tuyên bố ly khai, tướng Hinh ngả theo Diệm, chống nhau kéo dài hàng tháng. Cuối năm 1955, Mỹ truất phế Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên. Ngô Đình Diệm tiến hành đánh dẹp giáo phái, thực hiện độc tài chuyên chính. Đối với những người kháng chiến, Diệm bắt trình diện, bắt làm giấy quy thuận, bắt quản chế, kết hợp mua chuộc và đe dọa ép làm việc cho chúng. Chúng đặc biệt chú ý điều tra nắm rõ số cán bộ, đảng viên còn sống bất hợp pháp ngoài địa hình để dùng mọi thủ đoạn triệt tiêu cho hết.

Âm mưu và thủ đoạn của địch rất trắng trợn và thâm độc, nhưng công tác chuyển hướng chỉ đạo của ta trong giai đoạn mới còn đơn gián, chắp vá. Công tác tư tưởng nặng nhấn mạnh một chiều nội dung pháp lý Hiệp định Giơ-ne-vơ. Công tác tổ chức mới tiến hành một bước sắp xếp ở cơ sở chưa đi sâu nghiên cứu hướng dẫn nội dung công tác và phương châm, phương pháp hoạt động, nhất là biện pháp đối phó trong tình hình địch khủng bố, đàn áp trắng trợn.

Mặc dù vậy, ở các vùng rừng núi sâu thuộc miền Tây các tỉnh đồng bằng và nam Tây Nguyên, lúc đầu địch chưa đủ sức với tới, nên còn nhiều sơ hở. Ta đã kịp thời tranh thủ, tích cực thâm nhập nhân dân tuyên truyền phát động, xây dựng và phát triển mở rộng cơ sở.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:09:55 pm
Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, củng cố và phát triển lực lượng, duy trì phong trào

Ở cực nam Trung Bộ, với khí thế chiến thắng liên tục nhiều tháng sau ngày đình chiến, nhân dân ở hầu hết các huyện đều tổ chức mít tinh, biểu tình mừng hòa bình, mừng thắng lợi, biểu thị sự đoàn kết thống nhất của nhân dân xung quanh Đảng và Bác Hồ, biểu dương sức mạnh của lực lượng quần chúng đồng bào từ nông thôn đến thành thị.

Với khẩu hiệu: Hoan nghênh Hội nghị Giơ-ne-vơ, mừng hòa bình, đòi Mỹ - Diệm nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, không được trả thù những người kháng chiến cũ, hàng vạn người đã xuống đường biểu tình ở các nơi như: Tam Giác, Ngã Hai, Phan Rí (Bình Thuận), Dư Khánh, Đông Tây Giang, Phú Quý, An Xuân, khu Dân Sinh II (Ninh Thuận), Trường Lạc, Thanh Minh (Khánh Hòa), v.v.

Một số nơi địch đàn áp trắng trợn. Ở Bình Thuận, chúng đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình ở Ngã Hai làm 70 người chết và bị thương. Tại Ninh Thuận, địch bắt anh Hồ Bắc Đàn tra tấn đến chết, đàn áp cuộc biểu tinh ở An Xuân, đưa quân xuống khủng bố giải tán khu Dân Sinh I của những người kháng chiến cũ tại sông Nhị Hà. Nhân dân bất bình xô xát với binh lính và kéo thẳng lên huyện đấu tranh buộc địch phải tiếp nhận yêu sách.

Sau ngày 15 tháng 10 năm 1954 (ngày cực nam Trung Bộ) hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc, địch công nhiên chuyển qua phản kích phong trào. Thế là những cuộc đấu tranh chống bắt bớ, khủng bố, trả thù người kháng chiến… đòi thi hành điều 14c của Hiệp định nổ ra khắp nơi. Điển hình là phong trào chống địch khủng bố, bảo vệ các anh: Kinh, Chi, Mỹ, Phát ở huyện Hàm Tân (đây là bố đồng chí đi kháng chiến về ở địa phương bị địch bắt đánh đập tra tấn). Hàng ngàn quần chúng kéo đến xã, huyện đấu tranh, đưa đơn đến Ủy ban Giám sát Quốc tế tố cáo, buộc chúng phải trả lại tự do cho các anh .

Hưởng ứng phong trào Hòa Bình dấy lên từ Sài Gòn, Chợ Lớn, nhân dân các thị xã Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết đã hội họp bàn tán công khai xung quanh các khẩu hiệu: Hoan hô đình chiến, ủng hộ Hòa Bình. Ở miền núi và các vùng giải phóng ở đồng bằng nhân dân đấu tranh giằng co không cho địch lập chính quyền.

Đầu năm 1955, ta phát động phong trào đấu tranh đòi lập lại quan hệ bình thường Bắc - Nam, nhất là đòi để cho nhân dân hai miền được thư từ đi lại thăm viếng nhau, tạo không khí thuận lợi cho việc Hiệp thương tổng tuyển cử.

Ngày 6 tháng 6 năm 1955, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố đề nghị chính quyền miền Nam hiệp thương để bàn việc chuẩn bị tổng tuyển cử như Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định. Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố: Diệm không ký Hiệp định, nên bất cứ về phương diện nào, chúng cũng không bị ràng buộc. Ngày 20 tháng 7 năm 1955 chúng bày trò biểu tình chống hiệp thương dùng lưu manh, côn đồ, đập phá trụ sở Ủy ban Giám sát Quốc tế ở Sài Gòn.

Để thực hiện chỉ thị đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, tháng 8 năm 1955, Liên tỉnh họp (có các đồng chí Tỉnh ủy Bình Thuận tham dự) ở rừng Ngang khu Lê Hồng Phong để bàn nội dung, hình thức, khẩu hiệu đấu tranh. Sau đó, từ tháng 9 đến tháng 10, cuộc đấu tranh ở các tỉnh diễn ra sôi nổi mạnh mẽ, đều khắp với nhiều hình thức và quy mô khác nhau: từ truyền đơn, khẩu hiệu đến đơn từ, kiến nghị thực hiện gặp bọn cầm quyền. Hình thức cao nhất ngừng sinh hoạt (xe không chạy, chợ không họp, mọi người nghỉ việc ở lại trong nhà): Ninh Thuận có Dư Khánh, Phú Quý - Phan Rang; Bình Thuận có Phan Rí, Phú Long, Phan Thiết, v.v. Hình thức đấu tranh này đã gây tác động mạnh đối với địch.

Nhưng qua các phong trào trên cũng đã biểu hiện khuyết điểm là: bộc lộ lực lượng khá nhiều, khẩu hiệu nêu ra còn cứng nhắc, nặng về khẩu hiệu chính trị, nhẹ khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, không lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia, cũng không phân hóa, tranh thủ được nhiều người trong hàng ngũ địch. Vì vậy sau đó Liên tỉnh đã hướng dẫn từng tỉnh kiểm điểm uốn nắn lại cho sát hợp.


(1) Sau đó chúng dùng thủ đoạn bí mật tắt thủ tiêu, riêng đồng chí Kinh thoát chết, phải hoạt động bất hợp pháp, sau này đồng chí hy sinh trong lúc đi công tác.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:11:39 pm
Ở nam Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh đồng bằng: thời gian đầu sau khi có Hiệp định, địch chưa làm gì nhiều, tề ngụy phần lớn là số cũ của Pháp còn lại không thích Diệm và thấy ta đã thắng Pháp nên cũng nghe theo ta. Ở mảng bắc Đắc Lắc, nơi có những lõm căn ứ du kích khá mạnh, cán bộ ta đã bám được các buôn làng, tuyên truyền, phát động quần chúng, xây dựng phát triển cơ sở tại Madrak, Cheo Reo, Buôn Hồ. Ở đây ta còn nắm được cả số tề mới. Thực tế, địch chỉ mới kiểm soát được các thị xã, thị trấn.

Mảng nam của Đắc Lắc từ đương 21 trở vào, hầu hết còn là vùng trắng. Đội của đồng chí Bảy Biên (còn lại năm đồng chí) đã cố gắng học nói thông thạo tiếng dân tộc, ăn ở sinh hoạt cùng với nhân dân nên đã gây được cơ sở năm xã đông nam Đắc Min.

Bộ phận vào họp pháp ở Buôn Ma Thuột từ cuối năm 1954 đã lập được thế đứng và hoạt động trong thị xã không những xây dựng được cơ sở trong nội thị mà còn phát triển ra các buôn, các đồn điền phụ cận Buôn Ma Thuột, đã xây dựng được một số cơ sở tiếp tế, phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng bất hợp pháp bên ngoài.

Phong trào đấu tranh chính trị đòi quan hệ bình thường Bắc Nam, đòi hiệp thương tổng tuyển cử bằng hình thức truyền đơn, khẩu hiệu, chủ yếu diễn ra ở các thị trấn, thị xã. Tại Buôn Ma Thuột, cuối năm 1955 ta đã huy động được gần bảy trăm quần chúng xuống đường đấu tranh trực diện đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, chống các chính sách hà khắc của Ngô Đình Diệm. Địch tìm cách dập tắt, nhưng cuộc đấu tranh vẫn kéo dài gần một năm.

Tại các vùng rừng núi miền Tây các tỉnh cực nam Trung Bộ: ta bám vào đồng bào các vùng căn cứ cũ, ra sức củng cố và tranh thủ thời gian địch còn sơ hở, nhanh chóng mở rộng cơ sở đều khắp và phát triển thêm cơ sở ở một số buôn làng thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức.

Đến năm 1956, địch mới củng cố được tề ở những buôn xã giáp ranh đồng bằng, còn các vùng cao, rừng sâu, chúng mới tổ chức thám báo dưới dạng thương lái để thâm nhập nắm tình hình.

Phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nâng cao được khí thế quần chúng, làm cho ngụy quyền cơ sở nhiều nơi hoang mang, dao động, không dám hành động táo tợn như trước. Nhưng rõ ràng là đối với kẻ thù tàn bạo, đấu tranh chính trị, bằng lý lẽ đơn thuần không thể ngăn chặn được những hành động trắng trợn, thâm độc của chúng. Lãnh đạo chừng nào còn quá tin vào pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ, chưa thấy hết bản chất phản động, ngoan cố của địch, có lúc đã dốc sức đấu tranh, làm bộc lộ lực lượng nòng cốt nên đã bị địch đánh phá, gây nhiều tổn thất nặng nề.

Từ tháng 2 năm 1955, Ngô Đình Diệm đề ra chính sách “Tố cộng”, một chính sách cực kỳ phản động nằm tiêu diệt tận gốc phong trào cách mạng miền Nam.

Đối với cực nam Trung Bộ, lúc đầu chúng lấy Bình Thuận là nơi có phong trào mạnh hơn làm trọng điểm. Đợt đầu, chúng bắt nhân dân học tập đường lối “Cách mạng Quốc gia”, suy tôn Ngô Đình Diệm, xuyên tạc đường lối Cách mạng của ta, phủ nhận công lao của kháng chiến, của Bác Hồ, và o ép quần chúng gia nhập phong trào “Cách mạng Quốc gia” một tổ chức chính trị phản động của chúng.

Trước những hoạt động đàn áp trắng trợn của địch, nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, nông dân lao động đã đấu tranh rất kiên cường và đã khôn khéo dùng những lý lẽ rất sắc bén mà chúng không sao bắt bẻ được để đập lại những luận điệu xuyên tạc, vu khống của địch, và ca ngợi công lao của kháng chiến.

Đầu năm 1956, địch tiếp tục “Tố cộng” đợt hai mạnh hơn, với chủ trương “làm sạch cộng sản” trên từng vùng, xong vùng này chuyển sang vùng khác, theo phương châm “diệt tận gốc, bóc tận rễ, “thà giết lầm còn hơn bỏ lọt”.

Tháng 3 năm 1956, Mỹ - Diệm công khai xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức bầu cử Quốc hội riêng lẻ, ban hành hiến pháp mới, bầu Diệm làm Tổng thống. Thừa dịp này, bọn phản động địa phương càng ra sức đánh phá phong trào Cách mạng mạnh hơn.

Các chiến dịch “Tố cộng” tiến hành ở nhiều nơi như Phan Đình Phùng ở Hàm Tân (tháng 11 năm 1955), Đinh Tiên Hoàng ở khu Lê (tháng 1 năm 1956), Trương Tấn Bửu ở miền Đông Nam Bộ ra đến Tánh Linh (tháng 12 năm 1956). Với khẩu hiệu: Khuấy nước đọng bùn”, “Tát nước bắt cá”, nói là lớp học tập “Tố cộng” nhưng thực chất là những trại giam cầm, tra tấn, nhục hình, ép buộc mọi người khuất phục, phải tố cáo lẫn nhau, phải nhận những công lao thành tích kháng chiến là tội lỗi, những người đi tham gia kháng chiến là phản bội phải xé cờ Đảng, ly khai Đảng. Chúng dồn dân miền núi Tánh Linh xuống giáp ranh đồng bằng, mặc dù nhân dân ở đây đã đấu tranh giằng co rất quyết liệt.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:12:23 pm
Nhiều đảng viên, cơ sở và quần chúng tỏ ra kiên cường, bất khuất, chịu đựng tra tấn, đánh đập, tù đày, chứ nhất định không khai báo, không tố Đảng. Có những đồng chí đã công khai vạch trần tội ác của bọn Việt gian bán nước, lợi dụng diễn đàn “Tố cộng” để tố lại địch; có người đã bị chúng bắn ngay tại chỗ hoặc dẫn đi bí mật thủ tiêu.

Em Thanh ở Bình Lâm (Hàm Thuận) đi liên lạc bị địch bắt, tra tấn đến tàn phế nhưng nhất định không khai. Những học sinh lứa tuổi mười hai, mười ba bị bắt học tập “Tố cộng” bị dọa nạt, đánh đập, nhưng nhất định không chịu nghe theo địch: hô khẩu hiệu đả đảo lãnh tụ ta và và hoan hô Ngô Đình Diệm.

Đặc biệt, có nhiều chị em phụ nữ có chồng đi tập kết hoặc thoát ly, bị chúng bắt phải ly khai chồng, bắt phải lấy chồng khác và hành hạ đủ điều, nhưng đã dũng cảm chống lại, vạch trần bộ mặt dã man của chúng, thà chịu đánh đập, tù tội chứ nhất định không chịu phản bội Cách mạng, không chịu để mất tiết hạnh, nhân cách và phẩm giá của người phụ nữ.

Qua gần hai năm “Tố cộng” (từ đầu năm 1955 đến cuối 1956) ở cực nam Trung Bộ, địch gây cho ta tổn thất, khó khăn rất lớn, nhất là ở đồng bằng. Tổ chức Đảng bị vỡ, tan rã, cán bộ, đảng viên bị bắt và hy sinh nhiều, quần chúng thì bị địch kìm kẹp gắt gao, phong trào bị đẩy lùi. Tính chưa đầy đủ, chúng đã giết hại, tù đày trên tám trăm cán bộ, đảng viên và người kháng chiến cũ, bắt bớ, giam cầm nhiều cơ sở cách mạng; cướp lại gần chín mươi phần trăm ruộng đất cách mạng đã chia cho nông dân trong kháng chiến.

Mặc dù bị dìm trong máu và nước mắt, phong trào đấu tranh chống “Tố cộng” vẫn duy trì, dai dẳng, âm ỉ và có lúc, có nơi quyết liệt. Cán bộ bên ngoài bị tiêu hao tổn thất, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố bám các địa bàn, tìm cách liên hệ với quần chúng, móc nối lại cơ sở và chỉ đạo phong trào, được quần chúng nuôi dưỡng, đùm bọc. Bên cạnh những tấm gương kiên trung của biết bao cán bộ, đảng viên đã có tác dụng củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng và tiền đồ của Cách mạng, cũng có kẻ đầu hàng, phản bội, gây thiệt hại cho Cách mạng, bị quần chúng nguyền rủa.

Qua năm 1957, địch tiếp tục “Tố cộng” đợt ba. Chúng đánh phá cả bên trong lẫn bên ngoài. Tháng 5 năm 1957, Diệm đưa ra đạo luật “Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, cho tay chân bên dưới thẳng tay bắn giết bất kể ai miễn là chúng cho là Cộng sản, hoặc có dính dáng đến Cộng sản, đến cách mạng; tăng cường xây dựng bộ máy hành chính theo lối cảnh sát, tổ chức ngũ gia liên bảo, phụ nữ liên đới, thanh niên cộng hòa và có mạng lưới mật báo viên dày đặc để theo dõi kiểm soát chặt chẽ quần chúng.

Trước tình hình đó, số cán bộ xã có hoạt động phải bị bật ra ngoài địa hình, hoặc phải tránh lánh đi nơi khác, không còn mấy người bám được trong dân. Hoạt động của lực lượng bất hợp pháp bên ngoài hết sức khó khăn, nhưng vẫn chấp hành theo phương châm đã đề ra là khéo công tác, khéo che giấu lực lượng, hết sức lợi dụng mọi khả năng hợp pháp…

Trong khi địch tập trung đánh phá ở đồng bằng, thì ở miền Tây các tỉnh và nam Tây Nguyên, ta đã tranh thủ phát triển cơ sở, mở rộng phong trào. Nhất là ở Đác Lắc, cán bộ ta đã cùng ăn cùng ở với nhân dân, làm tốt công tác dân vận, thực hiện nghiêm túc chính sách dân tộc của Đảng, khéo tranh thủ tề ngụy và lớp trên. Nhờ vậy đã mở được phong trào cán bộ ít bị tiêu hao.

Nhưng lúc địch chuyển trọng điểm đánh phá lên miền núi, tiến hành càn quét, dồn dân vào khu tập trung, kiểm soát chặt từng buôn, ấp thì phong trào gặp khó khăn. Ở Madrak đông Cheo Reo, nhiều buôn dân chạy vào rừng sâu sống bất hợp pháp, nhưng sau một thời gian bị địch truy lùng và gặp nhiều khó khăn trong đời sống nên phải trở về lại vùng địch, vừa làm ăn, vừa đấu tranh từng bước với địch để giữ gìn đời sống, đoàn kết đấu tranh để tự bảo vệ mình.

Tháng 4 năm 1957, địch triển khai thực hiện chính sách dinh điền, một mặt gom dân tại chỗ, một mặt tiếp xúc, cưỡng bức dân ở đồng bằng miền Trung lên, lập những khu tập trung lớn trên các vùng xung yếu ở Tây Nguyên để khai thác vùng đất đai màu mỡ, xây dựng các đồn điền cho gia đình họ Ngô và những tên cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền, dùng đồng bào các dinh điền để bảo vệ các trục giao thông quan trọng và các căn ứ quân sự của chúng.

Quần chúng đấu tranh giằng co rất quyết liệt, nhiều người đã nằm lăn ra đường để ngăn chặn các đoàn xe, nhưng địch vẫn lùa bắt chở đi được hàng vạn dân. Đến năm 1958, riêng nam Tây Nguyên địch đã lập được ở Đắc Lắc 43 dinh điền năm vạy bản ngàn dân, và nhiều dinh điền ở các huyện Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Thuận) Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng) với hàng chục vạn dân.

Từ đấy bắt đầu một cuộc đấu tranh mới, giằng co, dai dẳng của đồng bào Thượng cũng như Kinh, chống địch gom xúc dân, và đòi giải quyết đời sống trong các khu tập trung, các “địa điểm dinh điền” song song với cuộc đấu tranh chống các hoạt động “Tố cộng”.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:13:14 pm
Tố cộng là quốc sách của Mỹ - Diệm nhằm đánh phá toàn diện, triệt để Cách mạng miền Nam tiêu diệt những người cộng sản, tổ chức cộng sản, và tư tưởng cộng sản, tàn sát những người yêu nước, khủng bố tàn bạo những người kháng chiến cũ. Chúng tiến hành bằng lực lượng tổng hợp các cấp, các ngành quân sự, hành chánh, an ninh, tình báo, thông tin; bằng biện pháp tổng hợp cả quân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế rất thâm độc, tàn bạo và xảo quyệt.

Ta đã kiên quyết đấu tranh chốn lại nhưng do chưa có chủ trương và biện pháp đấu tranh thích hợp, nên không ngăn chặn được âm mưu địch. Nhất là ở nông thôn đồng bằng, địch dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo đánh phá quyết liệt, nhưng ta chỉ đơn thuần dùng đấu tranh chính trị, hợp pháp một chiều, thiếu cả những hình thức đấu tranh tự vệ thích đáng để chống lại, nên luôn luôn phải lâm vào thế bị động, chống đỡ, xây dựng, phát triển lực lượng không bù kịp với tiêu hao mất mát.

Đầu năm 1956, Liên khu chỉ đạo đồng chí Trần Lê thôi giữ chức Bí thư Bình Thuận để chuyên lo công tác liên tỉnh, và phân công đồng chí Võ Dân (Ủy viên Ban Cán sự Liên tỉnh) xuống làm Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận. Tình hình chung trong Liên khu lúc này, nhất là các tỉnh đồng bằng đang có nhiều khó khăn; tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng bị bể vỡ nặng; thế đứng bất hợp pháp bên ngoài rừng núi của chỉ đạo và cán bộ gặp nhiều gian nan, không những không sát dân, sát địch, không nắm được quần chúng, lãnh đạo được phong trào mà còn bị tiêu hao mất mát ngày càng nhiều. Tháng 10 năm 1956, Liên khu ủy họp để bàn cách chuyển sự chỉ đạo(1) đề ra chủ trương chuyển hệ thống chỉ đạo vào nằm sát dân, sát địch, sát phong trào; hình thức hoạt động chủ yếu là hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp với bất hợp pháp; đồng thời ra sức khai thác xây dựng nguồn cán bộ hợp pháp mới, tiến tới tạo được thế đứng ở vùng sâu, vùng đông dân, nhất là ở các thị xã, thị trấn để chỉ đạo phong trào.

Đầu năm 1957 Nghị quyết này được phổ biến xuống các tỉnh ở cực nam Trung Bộ. Anh em có nhiều tâm tư, nhưng cũng vẫn phải chấp hành vì chưa có cách nào khác. Nhiều người không thông suốt, vì thấy cán bộ sống trong vùng địch thì dễ bị địch phát hiện, truy bắt. Do đó có ý muốn tổ chức du kích, bộ đội, dựa vào rừng núi mà đánh địch hỗ trợ cho phong trào. Nhưng vì trên đã có quyết định rồi nên phải cố gắng phấn đấu thực hiện. Để tạo điều kiện ăn ở đi lại hợp pháp trong dân, cán bộ phải đổi vùng, phải thay đổi họ tên, làm giấy tờ giả, phải tạo cho mình có một thân phận hợp pháp nhất là có một nghề làm ăn, sống hòa mình trong nhân dân để từ đó đi sâu vận động quần chúng và thực hiện các công tác Cách mạng Đảng phân công cho mình. Nếu không may sa vào tay giặc thì phải chiến đấu giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ Cách mạng.

Đến cuối năm 1957, ở Bình Thuận, ta đã bố trí sắp xếp cho số cán bộ bị địch truy bắt đã tự động chạy ra rừng, cùng với trên bốn mươi cán bộ trong biên chế bất hợp pháp trở về hoạt động lại trong dân; tỉnh Khánh Hòa bố trí vào hoạt động trong dân mười người; Ninh Thuận hai mươi người. Trong những đồng chí ra hợp pháp, trừ một số rất ít tồn tại và hoạt động được; còn phần lớn bị địch phát hiện, bị bắt và bị tù, một số không tạo được chỗ ăn ở phải trở ra rừng. Đầu năm 1958 Liên khu ủy có chỉ thị đình chỉ thực hiện chủ trương này vì nó không phù hợp với đặc điểm tình hình cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ, không những nó không làm chuyển được tình thế mà còn gây thêm tổn thất, khó khăn cho phong trào.

Ở nam Tây Nguyên, trong quá trình bàn triển khai thực hiện, Tỉnh ủy thấy rất khó khăn vì lâu nay quen sống ở rừng núi, nay ra thị xã, thị trấn, nhất định bị lộ. Do đó dùng giằng mãi, chưa có đồng chí nào ra, nhất là sau vụ một tỉnh ủy viên Gia-kon ra hợp pháp ở Buôn Ma Thuột bị bắt. Các huyện Madrak, Cheo Reo, có cho một số cán bộ người dân tộc cải trang vào sống ở các buôn vùng địch, nhưng chỉ một thời gian ngắn, anh em cũng bị bật ra rừng lại. Ở Đắc Min có một số cán bộ dân tộc vào nhưng cũng bị địch phát hiện và bắt thủ tiêu. Do đó, việc chuyển cán bộ ra hợp pháp phải chựng lại và đến đầu năm 1958 thì được lệnh đình chỉ.

Trong khi lãnh đạo đang lúng túng thì địch tiếp tục tấn công vào phong trào. Tại nam Tây Nguyên, sau vụ Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt ở Buôn Ma Thuột, chúng đẩy mạnh việc thanh lọc hàng ngũ ngụy quyền, gom dân xây dựng ấp chiến lược và các khu dinh điền. Ở đồng bằng, chúng dồn dân vào các khu tập trung như Bà Râu, Đồng Dày, Tầm Ngân, Đá Tang, v.v. (Ở Ninh Thuận), các khu Gia Lê, Tà Dục, Tà Nĩa, Thác Trại, Suối Dầu, v.v. (ở Khánh Hòa), các khu Bác Ruộng, Đồng kho, Cỏ Mồm, Láng Cóc,… (ở Bình Thuận). Tình hình ở nông thôn rất căng thẳng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các phong trào chống đối mạnh sau này.


(1) Hội nghị này có đồng chí Trần Lê về dự, đồng chí Lê Văn Hiền Ủy viên Ban cán sự Liên tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận kiêm nhiệm nhiệm vụ thường trực Liên tỉnh.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:16:15 pm
II. CHUYỂN LÊN CÁCH MẠNG BẠO LỰC

Cuối năm 1957 đầu năm 1958, trước tình hình địch ngày càng khủng bố trắng trợn ở đồng bằng và càn quét dồn dân ở miền núi, lẻ tẻ một số nơi (cả ở đồng bằng và miền núi) đã có những hoạt động diệt ác, nhưng giấu cấp trên; nhân dân miền núi có nơi đã tự động bố phòng bằng hầm chông, mang cung, ngụy trang dưới hình thức chống thú rừng, giữ rẫy.

Giữa lúc ấy thì Thường vụ Khu ủy V nhận được gợi ý của đồng chí Lê Duẩn về phương châm đấu tranh ở nam Trung Bộ:

- Đối với đồng bằng phải xây dựng cơ sở mai phục, xúc tích lực lượng. Phong trào chính trị phải được che giấu dưới các phong trào dân sinh như sản xuất, học tập do quần chúng tự làm ra. Chi bộ phải rất ít đảng viên, vấn đề chính là phải tạo ra số cốt cán trong quần chúng. Phải hết sức tranh thủ chính quyền xã.

- Đối với đô thị: căn bản là mai phục.

- Đối với miền núi: quan trọng là nắm vững chính sách dân tộc, dựa từng dân tộc mà hoạt động, đi từ chỗ bất hợp pháp đến chỗ đòi tự trị, từ chỗ võ trang tuyên truyền đến chiến tranh du kích lẻ tẻ, kết hợp với đặc công rất linh hoạt.

Đồng chí còn nêu vấn đề xây dựng căn cứ địa miền núi, nhất là Tây Nguyên.

Từ những gợi ý trên, tháng 3 năm 1958 Liên khu ủy V đã hướng dẫn cho Liên tỉnh 3 làm ba việc:

- Có biện pháp đối phó với bọn ngoan cố.

- Tổ chức võ trang tự vệ.

- Xây dựng căn cứ địa.

Liên tỉnh rất phấn khởi và đã họp ngay để bàn biện pháp triển khai một số mặt như: xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ, xây dựng các tuyến bố phòng, kiên quyết chống tập trung dân, kéo dân về lại núi rừng, tiến hành một số vụ diệt ác để rút kinh nghiệm và không những đình chỉ việc chuyển cán bộ ra hợp pháp mà còn rút một số cần thiết về lại bất hợp pháp.

Cũng trong thời gian đó (tháng 3 năm 1958) Liên tỉnh 3 nhận được bản Đề cương đường lối cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn qua đường liên lạc bất hợp pháp từ Bà Rịa ra. Đề cương nêu rõ: “Đối tượng cách mạng miền Nam là đế quốc xâm lược phát xít Mỹ và phong kiến độc tài trả thù, hiếu chiến Diệm… Mục đích cách mạng miền Nam là phải đánh đổ chính quyền địch. Để chống lại Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam chỉ có con đường cách mạng, ngoài con đường cách mạng không có con đường nào khác. Toàn bộ các mặt hoạt động là nhằm đưa quần chúng tiến dần từng bước đến chỗ vùng dậy dùng bạo lực lật đổ bọn thống trị”. Đề cương này càng làm cho mọi người sáng tỏ thêm phương hướng tiến lên của phong trào và quyết tâm thực hiện các việc Liên khu ủy đề ra.

Mùa thu năm 1958, Liên tỉnh nhận được từ Liên khu ủy bàn kế hoạch sơ bộ về xây dựng căn cứ địa ở Tây Nguyên về miền Tây các tỉnh đồng bằng, về xây dựng lực lượng vũ trang với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ, cho dùng vũ trang diệt bọn phản động ác ôn, biệt kích, hướng dẫn tăng gia sản xuất, dự trữ muối, vải, nông cụ.

Mặc dù tình hình còn khó khăn, nhiều việc chưa rõ hết, nhưng các tỉnh vẫn hăng hái, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Số cán bộ vũ trang ở lại được tập hợp thành những tổ bắt đầu xây dựng và hoạt động. Khánh Hòa diệt hai tên ác ôn ở Ninh Hòa và Vĩnh Xương. Ninh Thuận diệt một tên ác ôn ở Bác Ái, v.v. Một số tề điệp tại chỗ bắt đầu hoang mang, dao động.

Đến tháng 6 năm 1959, lực lượng vũ trang Ninh Thuận gồm 32 đồng chí, thanh niên ở từng mé núi được tổ chức vào các tổ tự vệ.

Ở Bình Thuận tháng 9 năm 1959, sau khi rút được thanh niên từ đồng bằng lên đã thành lập một trung đội của tỉnh.

Ở nam Tây Nguyên cuối năm 1958, ta cũng bắt đầu tổ chức lực lượng vũ trang tự vệ, lo dự trữ lương thực, nhất là muối; chỉ đạo cho các cơ quan tỉnh, huyện làm rẫy tự túc; đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất không những để có ăn mà còn để đóng góp lương thực cho cách mạng. Ở các vùng có phong trào mạnh, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, mỗi hộ đóng góp ba trăm gùi lúa, hộ tối thiểu cũng hai mươi gùi, và tự mình đi làm kho cất giấu cẩn thận rồi báo lại cho cán bộ Cách mạng.

Chính nhờ số lương thực và muối dự trữ đó mà đến năm 1960-1961 ta giải quyết được hàng ngàn khách trên đường hành lang từ nam Tây Nguyên vào Nam Bộ.

Bằng nhiều thủ đoạn đánh phá, đến năm 1958 ở cực nam Trung Bộ địch đã dồn được số đông dân miền núi xuống các khu tập trung giáp ranh đồng bằng. Nhưng lẻ tẻ buôn nào cũng có người bám lại, nhất là thanh niên ở các buôn vùng cao. Nhân dân dựa vào địa hình hiểm trở, đấu tranh giằng co nên địch không dồn được. Số bám lại đã bố phòng chông, bẫy… chống địch lùng sục để tự vệ.

Bà Râu là một trong hai khu tập trung lớn của Bác Ái, nằm ở chân núi Phước Kháng (sát đường sắt Bắc Nam) được xây dựng thành khu kiểu mẫu người dân tộc từng được Ngô Đình Diệm và Nguyễn Ngọc Thơ đến tận nơi để biểu dương khuyến khích. Nhưng cuộc sống của nhân dân bị giam hãm trong khu tập trung chật hẹp và ngày càng cơ cực, đói rách, bệnh tật, chết chóc. Lẻ tẻ đã có người bỏ trốn về núi. Đặc biệt là có một số thanh niên trong ấp bí mật ta tìm gặp cán bộ để báo cáo tình hình và xin ý kiến phá khu tập trung, đưa dân về lại rừng núi ông bà. Trước tình hình bức xúc đó, tỉnh ủy Ninh Thuận đã cử một đồng chí xuống gặp huyện ủy bàn biện pháp phá khu tập trung, tổ chức nhiều mũi công tác đi sâu vận động quần chúng, hướng dẫn kế hoạch bung về. Đêm 30 tháng Chạp âm lịch (tức ngày 7 tháng 2 năm 1959), lợi dụng lúc địch sơ hở, gần 5000 đồng bào đã đứng lên đốt phá các khu xóm tập trung, rầm rập kéo nhau về lại rừng núi ông bà.

Tin khu Bà Râu bị phá đã thúc giục các khu tuyên truyền Krôm, Đồng Dày nổi dậy tiếp theo, làm cho địch không kịp đối phó. Năm ngày sau, địch mới cho một đại đội lên càn quét gom dân trở lại, nhưng nhân dân vừa tránh né, vừa dùng vũ khí thô sơ chống trả.

Tháng 3 năm 1959, các đồng chí lãnh đạo huyện cử đồng chí PinăngTác (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang) cùng 30 thanh niên Bác Ái Đông lên Bác Ái Tây vận động quần chúng diệt ác, phá tề, giải tán các khu ấp ở đây. Đầu tháng 4 năm 1959, đồng bào ở khu Tầm Ngân đã nổi dậy phá banh khu tập trung về lại rừng núi cũ, sản xuất, bố phòng sẵn sàng đánh trả địch.

Việc phá hai khu tập trung Bà Râu và Tầm Ngân có tác động đến phong trào của huyện Anh Dũng (tây đường 11) và các huyện miền núi tây Khánh Hòa. Nhân dân các dân tộc bị dồn trong các khu tập trung theo gương Bà Râu, Tầm Ngân, hàng ngày không ngừng đấu tranh đòi được trở về buôn làng cũ làm ăn, làm cho ách kìm kẹp trong các khu tập trung bị lòng. Một số khu như Cà Rôm, Sông Trau, Đồng Dày… dân lần lượt trốn về núi gần hết.

Tháng 5 năm 1959, Liên tỉnh 3 tổ chức hội nghị mở rộng rút kinh nghiệm về việc phá khu tập trung, đưa dân về rừng núi và xây dựng căn cứ về các mặt. Hội nghị nhận thấy đồng bào các dân tọc rất căm thù địch và luôn luôn hướng về Đảng, về Cách mạng. Họ không chịu được cảnh sống tập trung xa rừng núi, bị kìm kẹp, áp bức, không được tự do đi lại làm ăn. Phá khu tập trung, bung dân về rừng núi là nguyện vọng bức thiết của họ, nếu được lãnh đạo hướng dẫn cụ thể, vận động được tề và binh lính con em của mình, đồng tình thì họ có thể nổi dậy hành động bằng bạo lực của chính bản thân họ.

Từ mùa hè năm 1959 trở đi, nhiều lần địch huy động lực lượng lên càn quét Bác Ái để tìm bắt dân đưa về các khu tập trung. Cuối tháng 10 và tháng 11 năm 1959 chúng đưa hơn 1.200 quân mở cuộc càn lớn kéo dài hơn một tháng vào Bác Ái (Ninh Thuận) và Khánh Sơn (Khánh Hòa). Bằng vũ khí thô sơ, làm chồng, cung tên, v.v. nhân dân Bác Ái, Khánh Sơn đã gây thương vong trên hai trăm tên địch. Trước tình hình không thể dồn dân xuống đồng bằng được, địch chuyển qua tập trung tại chỗ. Chúng xây dựng đồn bót ở Ma Ty, Tà Lú, Đầu Suối rồi cho quân đi lùng sục bắt dân tập trung về đây, nhưng chúng cũng chỉ bắt dược khoảng hai nghìn người, hầu hết là ông bà già, phụ nữ, trẻ em. Sau đó, nhân dân và du kích vừa bám đồn bắn tỉa, phục kích bọn đi lùng, vừa lập các tuyến bố phòng vây hãm địch, làm chủ buôn làng.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:17:45 pm
III. KHI CÓ NGHỊ QUYẾT 15 CỦA TRUNG ƯƠNG
CỰC NAM TRUNG BỘ ĐÃ CHUYỂN LÊN VŨ TRANG KHỞI NGHĨA TỪNG PHẦN
Ở MIỀN NÚI VÀ PHÁT TRIỂN XUỐNG ĐỒNG BẰNG
(1959-1960)

Đầu năm 1959, phong trào cách mạng ở miền Nam và cực nam Trung Bộ bắt đầu có chuyển biến. Mỹ - Diệm càng ra sức phản kích trắng trợn, mà đỉnh cao là “luật 10/59” đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi, mở phiên tòa xét xử và chém ngay tại chỗ những người cách mạng. Chúng tuyên bố đất nước dang trong tình trạng chiến tranh, hô hào “Bắc tiến” và tiến hành càn quét đánh phá ác liệt. ở miền núi, chúng càn quét dồn dân, đóng thêm đồn bót khống chế các khu tập trung. Ở nam Tây Nguyên, chúng tập trung các khu trù mật dọc theo các trục giao thông chiến lược. Mỹ dùng khẩu hiệu tự trị giả hiệu để trực tiếp nắm đồng bào dân tộc.

Ngày 13 tháng 01 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lân thứ 15 ra Nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam: “Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là lấy sức mạnh bạo lực của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình thế đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang cục diện mới, đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Cuối tháng 12 năm 1959, đồng chí Trần Lê (đi dự hội nghị Trung ương lần thứ 15) về cùng với một số cán bộ quân sự cực nam cũ được Trung ương cho trở lại chiến trường.

Hội nghị Liên tỉnh mở rộng được triệu tập đã nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 15 và bàn kế hoạch triển khai thực hiện. Cán bộ dự hội nghị đều vui mừng, phấn khởi, như trút được hết sự trăn trở day dứt từ bấy lâu nay và hoàn toàn nhất trí với đường lối, phương hướng, phương châm đấu tranh Trung ương đề ra, rất tâm đắc với các nhận định và phân tích của Nghị quyết.

Khi bàn triển khai thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí Trần Lê còn truyền đạt những lời dặn dò của trên là: phải làm từng bước, vừa làm vừa thăm dò phản ứng của địch, chưa phải làm mạnh ngay; phải chú ý vận dụng cả ba mặt hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp; chưa được nặng vũ trang, chưa nên bộc lộ các hoạt động vũ trang sớm(1), nhất là khi ta còn có nhiều khó khăn, nếu bộc lộ sớm dễ bị địch ngăn chặn, khó làm; hướng là phải đánh, nhưng phải đợt xây dựng lực lượng vũ trang. Chống càn, trước mắt chủ yếu là dùng vũ khí thô sơ. Đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang phải ra sức móc ráp, xây dựng, phát triển cơ sở chính trị và lực lượng tự vệ ở đồng bằng, kiên quyết phá các khu tập trung dân, đưa đồng bào dân tộc về xây dựng căn cứ miền núi.

Các tỉnh nhanh chóng triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết 15 cho cán bộ, đảng viên đến tận cơ sở. Niềm mong đợi của mọi người từ lâu đã đến, sự vui mừng, phấn khởi lộ rõ trên nét mặt, ai cũng hăm hở quay về địa phương khẩn trương thực hiện.

Ở Liên tỉnh, Ban quân sự được hình thành do đồng chí Phan Văn Hược (tức Mười Trung) chuyên trách. Đầu năm 1960, lực lượng vũ trang Liên tỉnh đã có một đại đội thiếu bộ binh và một đại đội thiếu đặc công. Các tỉnh cũng bước đầu hình thành cơ quan quân sự tỉnh. Bình Thuận xây dựng căn đơn vị 2 tháng 9 thành một trung đội mạnh vừa bộ binh, vừa đặc công. Ninh Thuận một trung đội, Khánh Hòa một trung đội. Một số xã miền núi đã tổ chức tổ hoặc tiểu đội du kích, tự vệ.

Lực lượng vũ trang một mặt lo xây dựng, huấn luyện, một mặt cùng cán bộ chính trị bám các buôn làng, phát động quần chúng xây dựng thực lực chính trị và vũ trang, tổ chức bố phòng, đánh địch càn quét, gom dân.

Những tháng đầu năm 1960, nhiều cuộc càn của địch lên vùng núi Bác Ái, Anh Dũng (Ninh Thuận), Tô Hạp (Khánh Hòa), Di Linh, Tánh Linh (Bình Thuận), đều bị các tuyến bố phòng ngăn cản và sát thương.

Ngày 20 tháng 5 năm 1960, đồng chí Nguyễn Đoàn Tụ, chiến sĩ đơn vị 2 tháng 9 Bình Thuận (đóng Buôn Quao), căm thù địch đốt nhà dân và ném xác trẻ em vào lửa, đã nổ súng tiêu diệt một tên biệt kích. Địch vội vã rút lui. Trên đường về, bọn này lại bị một tổ của Trung đội 2 tháng 9 phục kích ở La Hơn bắt gọn cả toán, thu 4 súng. Đây là trận đánh đầu tiên ở vùng rừng núi Bình Thuận và cả Liên tỉnh 3.

Ở đồng bằng được bổ sung một số cán bộ quân sự và chính trị từ miền Bắc về, các huyện đã xây dựng thêm các đội vũ trang công tác, vừa tiến hành diệt ác, vừa móc ráp mở cơ sở.

Ở miền núi, để xây dựng cắn cứ, phải phá khu tập trung kéo dân về. Riêng Bình Thuận, phải phá cho được khu dinh điền có trên năm nghìn đồng bào dân tộc ở Bác Ruộng. Ở đây, địch đã xây dựng các mặt và bố phòng khá chặt chẽ, coi như một dinh điền kiểu mẫu: xung quanh có rào tre và kẽm gai, có hệ thống lô cốt phòng thủ, lại được bố trí ở sát quận lỵ hành chí và chi khu Hoài Đức; thường xuyên có một đại đội bảo an, một trung đội biệt kích và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, thanh niên cộng hòa có vũ trang chốt giữ. Do đó, tỉnh ủy và cơ quan quân sự đã thống nhất hạ quyết tâm đánh diệt chi khu, quận lỵ, phá khu tập trung đưa dân về buôn làng cũ.


(1) Cuối năm 1959 Trung ương có chỉ thị dặn dò phải kiên trì đấu tranh, không được nóng vội.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười, 2011, 03:18:52 pm
Sau một thời gian ngắn chuẩn bị đêm 30 tháng 7 năm 1960, 27 đồng chí vừa là bộ binh, vừa là đặc công được nhân dân và tự vệ tiếp sức, đã nổ súng tiến công địch. Chỉ sau một giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt và chiếm lĩnh toàn bộ các mục tiêu: chiếm chi khu và quận lỵ Hoài Đức, diệt gọn đại đội bảo an, một trung đội dân vệ, một trung đội cảnh sát chiến đấu, bộ máy khu dinh điền, đánh tan rã thanh niên cộng hòa có vũ trang, thu 150 súng các loại (có 7 trung liên, 10 tiểu liên, 9 súng ngắn) và nhiều chiến lợi phẩm khác; giải thoát bốn mươi cán bộ cơ sở đang bị địch giam giữ. Gần bốn nghìn đồng bào dân tộc trong khu dinh điền Bắc Ruộng đã nổi dậy đốt phá khu tập trung và vượt qua bao nhiêu núi đèo, sông suối để về buôn làng cũ an toàn .

Chiến thắng Bác Ruộng (chi khu quận lỵ Hoài Đức) là chiến thắng mở đầu việc dùng lực lượng vũ trang hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng phá khu tập trung của địch. Nó có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị rộng lớn đối với quân và dân cực nam Trung Bộ, đem lại kinh nghiệm quý báu cho Liên tỉnh trong chỉ đạo dùng vũ trang hỗ trợ cho phá ấp, giành dân về sau.

Đối với địch, đây là một thất bại đau, tiếp theo sau trận Tour 2 ở Trảng Sụp, Tây Ninh. Vì vậy, Diệm đã ra lệnh cho tướng Thái Quang Hoàng chỉ huy sư đoàn cấp tốc truy đuổi với tinh thần “mất súng không sao nhưng mất dân là không được, phải đưa cho được bốn nghìn dân Thượng trở lại khu dinh điền”. Nhưng dân đã về đến núi rừng, lần này lại có lực lượng vũ trang đánh chặn, hỗ trợ, nên nửa chúng địch phải rút.

Phát huy chiến thắng của trận Hoài Đức - Bắc Ruộng, Liên tỉnh đã chỉ đạo các tỉnh dùng lực lượng vũ trang đánh diệt một số đồn bốt, kết hợp với đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền để hỗ trợ đồng bào dân tộc ở các khu tập trung bung về rừng núi, sản xuất, bố phòng, xây dựng căn cứ.

Ở Ninh Thuận, đêm 30 tháng 8 năm 1960 lực lượng vũ trang Liên tỉnh (đại đội 121 đặc công và đại đội 120 bộ binh) tiến công tiêu diệt gọn hai đồn cấp đại đội là Tà Lú và Ma Ty ở Bác Ái, hỗ trợ gần hai nghìn dân nổi dậy phá khu tập trung, bung về làng cũ. Cùng lúc, nhân dân và du kích xã Phước Chiến nổi dậy bao vây uy hiếp, bức rút đồn Đầu Suối. Đồng bào khu tập trung Ma Nơi, Trà Co, Đá Trắng, Chà Vân, Trại Thịt… cũng nổi dậy phá khu tập trung về làng cũ. Miền núi Ninh Thuận được giải phóng với trên một vạn hai nghìn dân.

Ở Khánh Hòa, tháng 9 năm 1960, lực lượng vũ trang tỉnh có một bộ phận lực lượng của Liên tỉnh phối hợp diệt đồn Thác Trại - Gia Lê, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá khu tuyên truyền Gia Lê - Thác Ngựa; năm nghìn đồng bào dân tộc trở về với cuộc sống tự do ở núi rừng. Tháng 11 năm 1960, phá khu tập trung Cây Dầu, giải phóng các vùng Tà lương, Suối Hai. Miền núi Khánh Hòa một vạn năm nghìn dân được giải phóng.

Sau đó, lực lượng vũ trang các tỉnh và Liên tỉnh cùng với cán bộ chính trị và nhân dân tiếp tục phá các khu tập trung còn lại ở miền núi và vùng giáp ranh như La Bá, Cỏ Mòm, Láng Cốc ở Bình Thuận, v.v.

Cuối năm 1960, Liên tỉnh chủ trương mở Đại hội phong trào dân tộc tự trị ở từng huyên và tiếp theo là Đại hội ở toàn khu căn cứ (gồm các huyện miền tây Khánh Hòa và Bác Ái (Ninh Thuận) để phát động mạnh mẽ quyết tâm đứng lên làm chủ núi rừng của nhân dân các dân tộc. Đại hội tuyên bố xóa bỏ hết chính quyền tổng lý của địch, xây dựng chính quyền tự quản của nhân dân, phát động mạnh mẽ phong trào đoàn kết chiến đấu chống địch, xây dựng cuộc sống mới. Sau đại hội nhân dân các dân tộc hưởng ứng sôi nổi và thực hiện tích cực việc sản xuất bố phòng, xây dựng dân quân du kích và bộ đội địa phương.

Nhìn chung, đến cuối năm 1961, đại bộ phận miền núi các tỉnh đồng bằng được giải phóng. Vùng giải phóng nối liền nhau giữa ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng đang được khẩn trương xây dựng các mặt, để trở thành vùng căn cứ địa cách mạng.

Ở đồng bằng ven biển cực nam Trung Bộ: Đầu năm 1960, tuy địch còn kéo dài “Tố cộng” đợt 3, đánh phá phong trào, nhưng cán bộ huyện xã đã cố gắn quần bám, phát động quần chúng, móc nối cơ sở. Từ mùa thu 1960, do tác động của các chiến thắng quân sự ở miền núi và phong trào nổi dậy của đồng bào các dân tộc, cùng với những tin tức tiến công và nổi dậy từ Nam Bộ dội ra, Khu V dội vào, hơn nữa bản thân lực lượng tại chỗ cũng được tăng thêm (như rút được thanh niên, tiếp thu được phần nào sự chi viện từ miền Bắc) nên hoạt động ở đồng bằng có được đẩy mạnh lên một bước, khơi dậy được khí thế cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác vũ trang tuyên truyền diệt ác, phá kìm, kết hợp với số trận đánh tốt, đã tạo thuận lợi để mở rộng cơ sở và nắm quần chúng, phát triển phong trào. Tháng 11 năm 1960, nhân vụ Nguyễn Chánh Thi đảo chánh Diệm, lực lượng Liên tỉnh đã đột nhập thị trấn Ba Ngòi (Khánh Hòa) giữa ban ngày diệt ác, bắt tề, đánh thiệt hại nặng một đại đội Cộng hòa từ Nha Trang kéo vào chi viện. Các đội vũ trang công tác còn đột vào một số xã thuộc các huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, Ninh Hòa để tuyên truyền, phát động quần chúng, tán phát truyền đơn khơi dậy khí thế cách mạng của quần chúng.

Ở Ninh Thuận, tháng 11 năm 1960, lực lượng vũ trang của Liên tỉnh cùng lực lượng huyện tập kích đồn Mỹ Tường, đột nhập các ấp Phương Cựu, Mỹ Hòa… giải phóng các ấp Mỹ Tường, Mỹ Hòa, Thái An, Vĩnh Hy ở ven biển phía bắc. Ở phía nam, đại đội 305 của tỉnh thọc sâu xuống các ấp ven biển đánh diệt một số địch và giải phóng ba ấp Vĩnh Tường, Từ Thiện, Sơn Hải.

Ở Bình Thuận: ngày 9 tháng 12 năm 1960, một tiểu đội của Trung đội 2 tháng 9 cải trang dùng xe khách, ban ngày đột nhập diệt đồn Bầu Trắng (do một trung đội bảo an đóng giữ) và trụ sở xã Nhơn Thiện, diệt tên đồn trưởng và thư ký xã, bắn bị thương ba tên, bắt tám tề, thu bảy súng. Ta tổ chức mít tinh, có mấy trăm quần chúng dự, vận động được ba mươi thanh niên thoát ly.

Như vậy là đồng bằng cực nam đã có một bước chuyển lên tiến công với khí thế mới, cơ sở được khôi phục ở nhiều nơi, lực lượng du kích, tự vệ mật cũng được xây dựng. Số thanh niên thoát ly tham gia bộ đội cũng ngày càng tăng.


(1) Theo các báo cáo của tỉnh ủy Bình Thuận.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:00:18 pm
(http://img24.imageshack.us/img24/9026/hdbrk.jpg)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:03:39 pm
IV. NAM TÂY NGUYÊN CHUYỂN LÊN KHỞI NGHĨA TỪNG PHẦN

Ở Tuyên Đức: từ đầu năm 1960, Liên tỉnh đã tổ chức hai đội vũ trang công tác, một đội từ Anh Dũng (Ninh Thuận) mở về hướng Mlọn (Đơn Dương) do đồng chí Nguyễn Ứng (Lâm) phụ trách; một đội từ tây Bác Ái (Ninh Thuận) mở lên đông bắc Đà Lạt do đồng chí Đinh Sĩ Uẩn phụ trách. Khoảng giữa năm 1960 đội này đã xây dựng được cơ sở và đứng chân được ở buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đạ Cháy và liên tục phát triển về hướng bắc để bắt liên lạc với Liên tỉnh 4, móc nối với cơ sở trong Đà Lạt.

Ở hướng Lâm Đồng: Liên tỉnh 3 chỉ đạo cho Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hai đội công tác: một đội do đồng chí Tính phụ trách xuất phát từ Triêng Làng, Tố Nõ (Tánh Linh) mở cơ sở lên hướng B’Sar, Đạ Gùi, Đạ Hoai vượt qua bắc đường 20; một đội do đồng chí Cảnh (tức Nguyễn Xuân Du) phụ trách xuất phát từ R’Bú mở cơ sở lên hướng Đinh Trang Hạ, Đinh Trang Thượng, các sở chè (dọc đường 20) và Kin Đạ (bắc đường 20). Cuối năm 1960, cả hai đội đều xây dựng được cơ sở ở nam đường 20 và bắt đầu mở cơ sở qua phía bắc đường. Đội thứ ba thành lập từ đầu năm 1961 do đồng chí Hà Ngọc Bích (Tám Bích) phụ trách từ Tố La phát triển lên hướng Blao.

Mở cơ sở lên Lâm Đồng, Tuyên Đức trong thời điểm này còn có nhiệm vụ thực hiện ý đồ của cấp trên là phối hợp với Liên tỉnh 4 tạo cơ sở mở hành lang nối với Nam Bộ. Để hỗ trợ đắc lực cho các đội công tác phát triển lên hướng bắc được thuận lợi, Ban Cán sự Liên tỉnh 3 chủ trương diệt một số cứ điểm then chốt trên đường 20 và 11 (Tuyên Đức - Lâm Đồng).

Tháng 5 năm 1961, lực lượng vũ trang của liên tỉnh 3 và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận cùng hợp đồng tiến công chi khu, quận lị Đran (Đơn Dương) và chi khu quận lỵ Di Linh (Lâm Đồng).

Ở Đran: lực lượng địch có một đại đội bảo an giữ chi khu; một đồn cấp trung đội đóng giữ bờ đập Đa Nhim; quận lỵ do dân vệ và một bộ phận bảo an chiếm giữ. Đêm 15 tháng 5 năm 1961, đại đội 121 đặc công và đại đội 120 bộ binh của Liên tỉnh (do đồng chí Phan Văn Hược và đồng chí Bảy Thành(1) chỉ huy), sau một giờ chiến đấu đã tiêu diệt gần hết các mục tiêu, bắt sống tên quận trưởng, làm chủ và thu dọn chiến trường, thu hàng trăm súng (có 12 trung liên).

Cùng đêm ấy ở Di Linh, lực lượng Bình Thuận, đã diệt một đại đội bảo an, một trung đội cảnh sát đánh thiệt hại nặng khu quận lỵ, một đồn cấp đại đội, chiếm giữ một số khu vực hành chính, làm chủ thị trấn Di Linh trong đêm và tuyên truyền vận động quần chúng nổi dậy.

Các trận đánh ở chi khu, quận lỵ Đran và Di Linh đã tác động mạnh đến cả mảng Lâm Đồng và Tuyên Đức. Địch dao động đề phòng, bọn tề vệ trong các ấp co lại, tạo thuận lợi cho các đội vũ trang công tác phát triển nhanh lên phía bắc.

Đến giữa năm 1961, hai đội công tác của Liên tỉnh lên Tuyên Đức đã xây dựng được cơ sở trong bảy buôn với hàng ngàn dân và đã liên lạc được với các đội nam Tây Nguyên ở phía nam Lạc Thiện, tại vùng Đầm Roòng trên bờ sông Krông-Nô. Ba đội công tác của Bình Thuận đã mở qua bắc đường 20, vào một số đồn điền có cả người dân tộc và người Kinh.

Ở Đắc Lắc: tháng 8 năm 1960, Tỉnh ủy mới chính thức tổ chức học tập Nghị quyết 15. Tuy vậy, từ những tháng cuối năm 1959 Liên tỉnh 4 cũng đã chỉ thị hướng dẫn thực hiện từng phần Nghị quyết 15. Tháng 11 năm 1959 được bổ sung một số cán bộ quân sự ở miền Bắc về, tỉnh bắt đầu tổ chức cơ quan quân sự tỉnh và tuyển thanh niên người dân tộc, xây dựng trung đội tập trung đầu tiên của tỉnh (đơn vị A37). Một số huyện phía bắc cũng bắt đầu xây dựng được tiểu đội vũ trang. Ngay trước đó tỉnh cũng đã cho diệt ác, nhưng không báo cáo lên trên.

Đầu năm 1960, tỉnh ủy Đắc Lắc chia làm hai mảng: mảng phía nam từ đường 21 trở vào do đồng chí Vũ Anh Ba bí thư tỉnh ủy trực tiếp phụ trách có nhiệm vụ mở cơ sở khẩn trương tạo hành lang đi vào Nam Bộ, mảng phía bắc từ đường 21 trở ra do đồng chí Nguyễn Tuấn phó bí thư tỉnh ủy phụ trách.

Tháng 9 năm 1960, tỉnh ủy Đắc Lắc phát động một đợt hoạt động vũ trang để hỗ trợ cho phong trào của đồng bào các dân tộc. mở đầu là trận phục kích diệt một trung đội địch đang ép dân đi dự lễ quốc khánh của Ngô Đình Diệm ngày 27 tháng 10 năm 1960 trên đoạn đường từ Buôn Yu đến Buôn Hoan.

Tháng 11 năm 1960, ta tiến hành bao vây uy hiếp kết hợp binh vận bức rút đồn M’Lák, đánh diệt Ai-nu, thu toàn bộ vũ khí. Quần chúng nổi dậy xóa bỏ tề điệp, giải quyết một vùng rộng lớn trù phú ở lưu vực sông Ba thuộc các huyện Cheo Reo - Madrak.

Phối hợp với trọng điểm đông nam Cheo Reo, ở phía tây Buôn Hồ, ta tập kích bằng hỏa lực vào quận lỵ Buôn Hồ, địch hoảng hốt bỏ chạy, ba ngày sau mới trở lại. Nhưng do ta không nắm được tình hình nên đã bỏ lỡ thời cơ. Tháng 12 năm 1960, ta đánh đồn diệt gọn một trung đội thu 15 súng, phá hủy 4 xe ủi đất, 2 xe GMC.

Lúc này, ta rút thêm được thanh niên dân tộc và được miền Bắc chi viện nên đã xây dựng thêm nhiều đội võ trang công tác. Từ tháng 12 năm 1960, các đội đã phát triển hoạt động vào các buôn làng sâu, mở rộng diện phá kìm, xây dựng chính quyền tự trị của đồng bào dân tộc. Khí thế quần chúng lan rộng nhanh, ta tranh thủ được tầng lớp trên, công chức, sĩ quan địch, mở rộng mặt trận, cô lập chính quyền địch. Có những buôn, ta không đến được nhưng dân cũng tự động nổi dậy. Tính đến mùa xuân 1961 có gần ba vạn đồng bào dân tộc của ba mươi xã, hai trăm buôn, chủ yếu ở mảng bắc của tỉnh Đắc Lắc, đã giành quyền làm chủ.

Vùng giải phóng rộng, liên hoàn từ đông và nam Cheo Reo đến giáp vùng giải phóng tây Phú Yên, vào đến bắc huyện Madrak, sang phía tây của huyện Buôn Hồ trên đường 14. Nhờ có chính sách dân tộc đúng đắn, chính sách mặt trận đoàn kết rộng rãi, biết chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, làm cho sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng được chặt chẽ, nên nhân dân rất phấn khởi, ra sức sản xuất để có ăn và đống góp cho Cách mạng, nô nức đi dân công, phục vụ đường hành lang chiến lược, nhiều thanh niên hăng hái thoát ly tham gia lực lượng vũ trang và làm giao liên.

Đêm 19 tháng 6 năm 1961, theo chỉ thị của trên, lực lượng vũ trang B3 (bắc Đắc Lắc) phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên, đánh vào thị trấn Củng Sơn để giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ta diệt được địch, làm chủ chiến trường, thu vũ khí, nhưng không thực hiện được yêu cầu đưa luật sư ra vì ông đi vắng(2). Ta phá ấp, phát động quần chúng vận động được hàng trăm thanh niên ra nhập ngũ.

Tháng 3 năm 1961, lực lượng vũ trang mảng bắc đã có một đại đội bộ binh người dân tộc, một đại đội bộ binh gồm tân binh Phú Yên rút ra, một trung đội trinh sát, một trung đội đặc công. Các huyện Madrak, Cheo Reo, Buôn Hồ, đã xây dựng được trung đội bộ đội địa phương. Nhiều xã giải phóng đã tổ chức dân quân, du kích. Lúc này đồng chí Nguyễn Viên (tức Bình) thay đồng chí Nguyễn Tuấn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm chính trị viên lực lượng vũ trang mảng bắc của Đắc Lắc.


(1) Nguyễn Cảnh (Bảy Thành) là cán bộ Quân đội nhân dân trong chống Pháp, được bố trí ở lại nắm lực lượng Bình Xuyên chống Ngô Đình Diệm với cấp và tên là trung tá Huỳnh Long. Sau một thời gian, bị lộ chạy ra miền Đông Nam Bộ sau đó về Liên tỉnh 3. Sau này được bố trí về Lâm Đồng rồi Miền rút về Khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
(2) Đến đợt hoạt động cuối tháng 10 năm 1961 mới đưa luật sư ra được.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:08:01 pm
V. NỐI THÔNG HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC
TỪ NAM TÂY NGUYÊN VÀO ĐẾN NAM BỘ

Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, vấn đề chi viện cho chiến trường miền Nam về người và vũ khí là hết sức cấp thiết. Nhất là sau đồng khởi, Nam Bộ rất cần sự chi viện về cán bộ và phương tiện từ Trung ương, để kịp xây dựng lực lượng vũ trang hỗ trợ cho phong trào lúc đấu tranh chính trị.

Lúc này, đường hành lang chiến lược từ Trung ương vào mới thông đến đường 19 bắc Đắc Lắc, nên người và vũ khí chi viện cho Nam Bộ còn bị kẹt ở Gia Lai - Kon Tum và bắc đường 21. Do đó Liên khu ủy V đã tăng cường cán bộ hình thành cơ quan chỉ đạo ở phía nam Đắc Lắc. Đồng chí Vũ Anh Ba làm bí thư. Để khẩn trương xúc tiến việc này, Trung ương cũng cử một đoàn cán bộ gồm 24 đồng chí(1) vào cùng với địa phương mở cơ sở, xoi đường vào Nam Bộ.

Lực lượng mở đường chia làm ba đội: một đội đi về hướng Đức Xuyên, Khiêm Đức qua sông Đồng Nai, bắc Lâm Đồng; đội thứ hai vượt qua đường 14 phát triển vè phía nam ba ranh giới; đội thứ ba đi về phái tây bắc Đà Lạt (Đức Trọng - Tuyên Đức). Liên khu ủy V cũng chỉ đạo cho Liên tỉnh 3 xoi lên bắt liên lạc với mũi Quảng Đức xuống và mũi Nam Bộ ra.

Lúc 16 giờ ngày 11 tháng 11 năm 1960 đội ngoài vào có ba đồng chí: Phạm Văn Nhường (Năm Nhường), Phạm Văn Lạc (Tư Lạc), Hoàng Minh Đô (Ba Đen), đồng chí Nhường phụ trách. Đội trong ra có đồng chí Nguyễn Trọng Tâm (phụ trách) và đồng chí Tư, Cột, gặp nhau tại ngã ba suối Đăk K’tích (ở vùng B’Sar Lao Xiêng)(2). Cuộc gặp vừa mừng vừa xúc động vì nhiệm vụ Đảng giao đã hoàn thành, lệnh thông đường hành lang Bắc - Nam được thực hiện.

Từ đây, trên đường hành lang, các đoàn đi vào Nam Bộ được thông suốt và ngày càng nhiều. Hàng ngàn nam nữ thanh niên, hàng trăm voi của đồng bào Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột, Đắc Min đã được huy động để vận tải hàng hóa, lương thực cho hành lang. Cơ sở cách mạng trong Buôn Ma Thuột đã dùng phương tiện hợp pháp để chuyển gạo và thực phẩm tiếp tế cho hành lang.

Đầu năm 1961; Liên khu ủy V tăng thêm cho nam Tây Nguyên một đại đội bộ binh, một trung đội đặc công, điều đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên vào làm Trưởng ban Quân sự Liên tỉnh 4 cùng với một số cán bộ quân sự khác để hình thành các ban quân sự của các B(3).

Để mở rộng vùng làm chủ, đảm bảo hành lang, tháng 3 năm 1961 ta tiến công tiêu diệt gọn quận lỵ Lắc (Lạc Thiện). Tháng 5 năm 1961 ta lại tiến công tiêu diệt quận lỵ Đức Lập. Các trận đánh trên đã thối động mạnh phong trào trên một vùng rộng lớn ở nam Tây Nguyên, tạo điều kiện nhanh chóng phát triển cơ sở, tập hợp quần chúng. Từ đây mở ra một mảng làm chủ rộng lớn ở tây và nam Hồ Lắc, giáp đường 21 và vùng căn cứ miền tây tỉnh Khánh Hòa.

Mở được cơ sở phong trào ở nam Tây Nguyên không những tạo được điều kiện cơ bản để mở hành lang chiến lược vào thời điểm lúc bấy giờ (cuối 1960 đầu 1961), mà còn để xây dựng địa bàn này, cùng với miền rừng Đông Nam Bộ, thành một căn cứ chiến lược lớn ở miền Nam, có ý nghĩa lâu dài đối với cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam như ý đồ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

*
*   *

Cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên vốn là chiến trường địch hậu, chiến trường vùng yếu, xa Trung ương, xa Liên khu ủy V nên có nhiều khó khăn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm đã ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định, thẳng tay khủng bố ác liệt, hòng dập tắt phong trào Cách mạng của quần chúng và cơ sở Đảng. Chúng hy vọng với chính sách “Tố cộng” thâm độc, dã man sẽ tiêu diệt được tổ chức Đảng ta, khuất phục quần chúng, bình định được miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự Mỹ để tiến công ra miền Bắc.

Nhưng đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên đã nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ trên giao, đã đấu tranh kiên cường, bất khuất, chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh. Lúc đầu đánh giá tình hình địch - ta không đúng, chưa xác định đúng phương hướng, phương châm đấu tranh, chưa kịp thời chuyển hướng tổ chức và hình thức đấu tranh cho phù hợp với tình hình mới nên để bộc lộ lực lượng, bị tổn thất nặng nề.

Sau này, tuy có thấy không thể đấu tranh hòa bình một chiều được, nhưng cũng không mạnh dạn đề đạt ý kiến của mình với trên.

Tuy vậy trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn phức tạp các đảng bộ vẫn giữ vững đoàn kết và ý chí chiến đấu, tin tưởng Đảng, tin thưởng Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, giữ gìn kỷ cương của Đảng. Nhờ vậy mà cuối cùng còn duy trì được hệ thống chỉ đạo từ trên xuống dưới, giữ gìn được một số cán bộ, đảng viên cốt cán và các địa bàn đứng chân để khi có Nghị quyết 15 thì bung ra hoạt động, mở lại phong trào.

Tháng 3 năm 1958, sau khi nhận được sự gợi ý sơ bộ của trên đã kịp thời chuyển hướng lại sự chỉ đạo: lo vũ trang, lo căn cứ, đưa phong trào cách mạng miền Tây các tỉnh đồng bằng từng bước tiến lên.

Năm 1960, đã mạnh dạn sử dụng lực lượng vũ trang kết hợp với cơ sở cách mạng tấn công địch, mở phong trào. Chiến thắng Bác Ruộng, Tà Lú, Maty, chi khu quận lỵ Đran, Di Linh, quận lỵ Lắc, quận lỵ Đức Lập, v.v… đều có tác dụng thối động mạnh phong trào, mở đầu cho thời kỳ đưa vũ trang lên hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Việc mở rộng hành lang vào Nam Bộ là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam và sự hợp đồng chiến đấu giữa các chiến trường trên phạm vi cả nước.

Địa bàn cực nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên được mở ra và nố liền với miền rừng Đông Nam Bộ, cũng là tiền đề để Trung ương quyết định thành lập Khu ủy - Quân khu VI với nhiệm vụ lo căn cứ và hành lang ở vùng xung yếu này.


(1) Đoàn này do đồng chí Trần Đình San tức Phước làm trưởng đoàn. Đồng chí Phùng Đình Ấm (tức Ba Cung) làm phó đoàn đi 20 tháng 5 năm 1959, đến tại Rờ Bút nam Đắc Lắc cuối tháng 12 năm 1959.
(2) Theo sử của tỉnh Lâm Đồng.
(3) B tương đuơng tỉnh.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:08:26 pm
(http://img706.imageshack.us/img706/9900/5460.jpg)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:10:37 pm
Chương II

KHU VI - QUÂN KHU VI ĐƯỢC THÀNH LẬP,
ĐẢM NHIỆM XÂY DỰNG CĂN CỨ VÀ HÀNH LANG - CHIẾN LƯỢC
NAM TÂY NGUYÊN
(1961-1963)

I. SỰ KIỆN THÀNH LẬP KHU ỦY - QUÂN KHU VI

Năm 1960, phong trào miền tây các tỉnh đồng bằng cực nam Trung Bộ và nhiều vùng rộng lớn ở nam Tây Nguyên được mở rộng, nhiều vùng giải phóng, nối thông được hành lang chiến lược từ nam Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ. Ở các tỉnh đồng bằng: từ thế địch kìm kẹp đã từng bước lên diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ. Phong trào tự trị ở miền núi cũng phát triển. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở cực nam Trung Bộ - nam Tây Nguyên ra đời đã tập hợp và động viên mọi tầng lớp nhân dân vùng lên đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Để cứu vãn chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam đang đứng trước nguy cơ suy sụp, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” chống nhân dân miền Nam. Đây là một bộ phận quan trọng của chiến lược “phản ứng linh hoạt” trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ áp dụng vào miền Nam nước ta. Đó là một thứ chiến tranh “dùng người Việt đánh người Việt”. Ngoài mục đích xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ còn âm mưu dùng miền Nam nước ta làm nơi thí nghiệm kiểu chiến tranh đó để đem đi đàn áp phong trào cách mạng ở các nơi khác trên thế giới, đe dọa các nước mới giành độc lập dân tộc, bắt các nước ấy chấp nhận chính sách thực dân kiểu mới của chúng.

Để tiến hành chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ đề ra kế hoạch Salay - Taylor với năm biện pháp lớn: Một là, xây dựng phát triển mạnh quân ngụy theo hướng chống chiến tranh du kích đã phát triển cao, đặc biệt xây dựng quân địa phương và các đặc chủng chống chiến tranh du kích. Hai là, tập trung nỗ lực thực hiện chương trình bình định theo quốc sách “ấp chiến lược”, kết hợp tác chiến diệt lực lượng vũ trang cách mạng, phá căn cứ. Ba là, phong tỏa biên giới, vùng biển, cắt mọi chi viện từ miền Bắc, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bốn là, tiếp tục củng cố hệ thống ngụy quyền các cấp đủ sức tiến hành chiến tranh dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Năm là, triển khai mạnh cố vấn quân sự và lực lượng yểm trợ của Mỹ (cả không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp, hậu cần…) để nhanh chóng tăng khả năng tác chiến và cơ động cho quân ngụy.

Đầu năm 1961, đế quốc Mỹ và tay sai đẩy mạnh bắt lính, tăng quân để xây dựng đội quân ngụy mạnh, có cố vấn Mỹ chỉ huy, xây dựng đồn bốt, công sự vững chắc hơn…

Tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình miền Nam sau Đồng khởi, Hội nghị khẳng định: thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu, các hình thái chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, mở đầu cho một cao trào cách mạng ngày càng rộng hơn.

Bộ Chính trị quyết định: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị; tấn công địch cả hai mặt chính trị và quân sự. Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương, giúp Trung ương chỉ đạo công tác quân sự miền Nam, quyết định kiện toàn Trung ương Cục miền Nam, kiện toàn các cấp ủy, tăng cường cán bộ, tăng cường tiếp tế phương tiện, vũ khí, tài chính và mở rộng giao thông liên lạc với miền Nam”.

Hội nghị Liên khu ủy V tháng 2 năm 1961 đề ra nhiệm vụ làm chủ núi rừng, củng cố và xây dựng căn cứ địa cách mạng, giành lại đồng bằng, tiêu diệt sinh lực địch. Về phương châm đấu tranh ở ba vùng chiến lược Liên khu ủy chỉ rõ: “Vùng căn cứ rừng núi đấu tranh vũ trang là chủ yếu, vùng đồng bằng đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang có thể ngang nhau, vùng đô thị đấu tranh chính trị là chủ yếu”.

Từ thực tiễn tình hình chiến tranh ngày càng mở rộng và phát triển, nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng mọi mặt, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ và kịp thời. tháng 5 năm 1961 Bộ Chính trị quyết định tổ chức chiến trường Nam Trung Bộ thành hai khu và lập Bộ tư lệnh Quân khu. Khu V gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, do đồng chí Võ Chí Công (Ủy viên Trung ương Đảng) làm Bí thư Khu ủy. Khu VI gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Tuyên Đức, Lâm Đồng, do đồng chí Trần Lê (Liên khu ủy viên Khu V) làm Bí thư Khu ủy. Khu ủy V trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Khu ủy VI trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:12:43 pm
Khu VI là một địa bàn chiến lược ở nam Tây Nguyên và miền tây các tỉnh đồng bằng ven biển, kết với vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ hình thành thế trực tiếp, bao vây, uy hiếp Sài Gòn từ phía đông, đông bắc, chia cắt Sài Gòn với miền Trung; là khu vực có khả năng triển khai lực lượng lớn, giáng đòn quyết định vào sào huyệt cuối cùng cùng của địch, kết thúc chiến tranh; là nơi khi cần thiết có thể trở thành địa bàn đứng chân cho các cơ quan chỉ đạo của toàn Miền, là nơi có thể xây dựng cơ sở kinh tế, hậu cần cho chiến lược.

Cho nên, đối với Khu VI, vấn đề xây dựng và mở rộng căn cứ địa và hành lang chiến lược trở thành một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nó bảo đảm cho việc dung trú, xây dựng và phát triển lực lượng, tạo bàn đạp tiến công, bảo đảm giữ vững con đường chi viện từ Bắc vào Nam.

Tháng 7 năm 1961, Bộ tư lệnh Quân khu VI được hình thành, gồm các đồng chí Yblok Êban, Quyền Tư lệnh Quân khu (năm 1963 đồng chí Nguyễn Minh Châu vào thay làm Tư lệnh), đồng chí Bùi Định (Tư Khiêm) - Chính ủy, đồng chí Trọng Xuyên - Tham mưu trưởng, đồng chí Phan Văn Hược - Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên) - Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu.

Vì không có bộ máy lãnh đạo sẵn, việc hình thành các cơ quan của Khu là do sự hợp nhất các cơ quan của hai Liên tỉnh 3 và 4, và phải qua một thời gian điều động, di chuyển đến vị trí mới, nên công việc triển khai có chậm. Tháng 2 năm 1962, Khu ủy Khu VI họp Hội nghị mở rộng để quán triệt Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ nhất và bàn định nhiệm vụ công tác của Khu.

Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt về địch - ta, nhận định những thuận lợi, khó khăn (nhất là những khó khăn của Khu mới được thành lập), quyết định động viên mọi lực lượng trong Khu tập trung thực hiện tốt ba nhiệm vụ:

- Ra sức xây dựng và mở rộng căn cứ địa miền núi; bảo đảm hành lang chiến lược của Trung ương thông suốt vào Nam Bộ và các tỉnh trong khu.

- Phát động quần chúng nổi dậy giành lại nông thôn đồng bằng, xây dựng và phát triển phong trào ở đô thị, thị xã, phá ấp chiến lược của địch.

- Ra sức tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển và xây dựng lực lượng ta.

Nhưng nhiệm vụ trung tâm trước mắt là: mở rộng cơ sở phong trào cách mạng Nam Tây Nguyên gắn liền với miền tây các tỉnh đồng bằng, xây dựng thành căn cứ địa vững mạnh và bảo đảm đường hành lang chiến lược từ bắc Tây Nguyên vào Nam Bộ.

Lúc bấy giờ về tổ chức: Quân khu VI gồm các đơn vị như: Phía nam Tây Nguyên có B3, B4, B5, B6, B8(1). Phía đồng bằng ven biển có các tỉnh Khánh Hoa, Ninh Thuận và Bình Thuận (Lâm Đồng lúc đầu thuộc Khu X).

Về phía địch thuộc khu chiến thuật 23, vùng chiến thuật II - Quân khu II của địch. Chỉ trừ mảng phía nam Bình Thuận (theo địch là bỉnh Bình Tuy) thuộc khu 33, vùng chiến thuật III - Quân khu III của ngụy.

Khu VI địa bàn rộng nhưng cơ sở mới mở ra lốm đốm; trừ miền tây các tỉnh đồng bằng đã có phong trào cũ nối liền nhau, còn các nơi khác, nhất là vùng trọng điểm của Khu (nam Tây Nguyên) phong trào mới tuy có mở ra nhanh chưng chưa đủ thời gian, củng cố, rất nhiều nơi quần chúng chưa được phát động và tổ chức có bài bản.

Lực lượng vũ trang của Quân khu mới có hai đại đội bộ binh và một đại đội đặc công của Liên tỉnh 3 và 4 điều về. Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh thì có Bình Thuận và B3 có đại đội; còn các tỉnh khác mới có trung đội; Tuyên Đức (B8) mới có đội vũ trang công tác.

Đến tháng 8 năm 1961, được miền Bắc chi viện lực lượng, Quân khu có hai khung tiểu đoàn (khung Tiểu đoàn 86 sau này là tiểu đoàn 186, khung Tiểu đoàn 365 sau này là Tiểu đoàn 120 - Tiểu đoàn 840). Mỗi khung tiểu đoàn quân số từ 250 - 300, chủ yếu là tổ trưởng 3/3 trở lên, và bốn đại đội thực binh, mỗi đại đội quân số có 60-70 người. Là những anh em ở chiến trường cũ, nên khi về lại địa bàn đã bắt tay vào hoạt động được ngay, phát huy được vai trò nòng cốt trong chiến đấu, công tác và xây dựng đơn vị, hỗ trợ tốt cho phong trào địa phương.


(1) B tương đương tỉnh: B3 gồm phía bắc đường 21 của Đắc Lắc; B4 gồm phạm vi tỉnh Quảng Đức cũ; B5 từ nam đường 21 vào giáp B4; B6 vùng xung quanh Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Ma Thuột; B8 gồm Tuyên Đức - Đà Lạt.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:14:45 pm
II. KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG NAM TÂY NGUYÊN GẮN LIỀN VỚI
MIỀN TÂY CÁC TỈNH THÀNH CĂN CỨ ĐỊA VÀ HÀNH LANG CHIẾN LƯỢC

Từ tháng 7 năm 1961, trên toàn Miền, địch bắt đầu làm thí điểm ấp chiến lược. Tháng 3 năm 1962, Tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm thông qua “Quốc sách ấp chiến lược” và đến tháng 8 năm 1962 chúng bắt đầu triển khai làm ồ ạt.

Ở nam Tây Nguyên từ đầu năm 1962, địch bắt đầu gom dân xây dựng ấp chiến lược ở các vùng chúng kiểm soát, nhất là vùng xung quanh thị xã Buôn Ma Thuột - Đà lạt và các quận lỵ trên trục đường 14.

Về phần ta, sau khi được thành lập, Khu ủy chủ trương đẩy mạnh công tác phát động quần chúng mở rộng diện phá kìm, xây dựng chính quyền cách mạng, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Hướng mở ra là toàn bộ vùng Lạc Thiện, dọc sông Krông-Nô, đông, tây đường 21Bis, nhất là vùng đứng chân của các cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu.

Qua phát động, đồng bào nhận rõ địch, ta, quyết tâm đi theo cách mạng, hăng hái sản xuất, bố phòng chống địch. Mặt trận, chính quyền, dân quân du kích lần lượt được xây dựng. Ở B3 và miền tây các tỉnh phong trào cách mạng vốn có từ trước nay có dịp vùng lên, nhân dân hăng hái tham gia phong trào du kích chiến tranh, thoát ly làm công tác cách mạng, gia nhập bộ đội địa phương, đi dân công đóng góp lương thực cho kháng chiến và tham, gia các mặt văn hóa, xã hội.

Đi đôi với việc, lực lượng vũ trang các tỉnh, huyện bám đánh các lực lượng kìm kẹp, hỗ trợ cho các đội công tác võ trang tuyên truyền phát động quần chúng. Bộ đội khu đánh một số trận nhằm vào các đồn bốt, còn nằm sâu trong vùng ta, hoặc ở các vùng ven để mở rộng địa bàn căn cứ về diện làm chủ. Tháng 11 năm 1961, đánh diệt đồn cấp đại đội ở Buôn Khanh, mở rộng vùng đông, nam Hồ Lắc ra đến đường 21, nối liền với miền tây tỉnh Khánh Hòa. Nhân dân xã Ninh Phước (huyện Ninh Hòa) và bảy thôn Đất Sét, Khánh Xuân, Phú Cốc, Lễ Thạnh,… (huyện Diên Khánh) nổi dậy phá ấp chiến lược. Đầu tháng 4 năm 1962, đánh cụm đồn bốt Phy-yàng cắt đường 21 kéo dài hỗ trợ cho phong trào huyện Đức Phong, tây tỉnh Tuyên Đức, mở ra thế liên hào giữa B5 và B4 vào giáp sông Đồng Nai (Lâm Đồng).

Cuối tháng 4 năm 1962, cùng một lúc ta đánh tiêu diệt gọn đồn cấp trung đội Hang-tơ và đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an chiếm giữ khu dinh điền Krong Pong, mở rộng diện tranh chấp mảng phía đông bắc Hồ Lắc. Tháng 5 năm 1962 lực lượng vũ trang ta lại tiến công chi khu và quận lỵ Lạc Thiện lần thứ hai(1), mở ra vùng tranh chấp ở vùng Lắc. Tiếp đó phục kích diệt địch từ Lắc đi dinh điền Tham Trạch và mở mảng phía tây Lắc qua Đức Xuyên.

Như vậy, đến giữa năm 1962 đã hình thành được thế ba vùng hỗ trợ lẫn nhau, mở rộng chiến tranh nhân dân địa phương (vùng căn cứ giải phóng, vùng tranh chấp và vùng còn bị kìm). Vùng căn cứ mới của khu được mở ra, đang khẩn trương xây dựng củng cố nâng lên về các mặt.

Đồng thời với việc xây dựng căn cứ, các tuyến hành lang cũng được củng cố hoàn chỉnh, với tất cả trên 30 trạm. Ngoài tuyến hành lang số 1 (hành lang chiến lược nối từ Gia Lai - Kon Tum vào đến Lâm Đồng - Đông Nam Bộ), đa xây dựng xong mạng đường đi về các tỉnh trong khu. Nhờ đó khách và hàng không ứ đọng, nhất là số khác và hàng Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Đến hết quý một năm 1962, Khu đã sử dụng trên 60 tấn gạo và bốn vạn rưỡi lượt dân công phục vụ hành lang, có những chặng đường đã huy động hàng trăm voi và ngựa. Đặc biệt là cuối năm 1961, đã tổ chức đón đưa một số đồng chí Ủy viên Trung ương và luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua đường dây Khu VI về đến Trung ương Cục an toàn.

Đối phó với phong trào Cách mạng đang chuyển lên, địch xúc tiến mạnh việc gom dân xây dựng ấp chiến lược. Ở nam Tây Nguyên trong sáu tháng đầu năm 1962, địch đã gom được 100 làng ở các vùng giáp ranh, vùng ven, xây dựng thành ấp chiến lược khá kiên cố, với nhiều lớp rào, có hào sâu, lô cốt và ụ chiến đấu kết hợp với chông mìn… Ngoài lực lượng dân vệ, còn có lực lượng bảo an chốt giữ ấp, bộ máy kìm kẹp cũng được tổ chức trong từng ấp khá chặt. Miền Tây các tỉnh đồng bằng ven biển, địch gom xúc hàng ngàn dân vùng giáp ranh xuống lập ấp ở đồng bằng.

Tháng 6 năm 1962, sau khi kiểm điểm tình hình và sơ bộ rút khởi nghĩa trong nhiệm vụ chống phá âm mưu gom dân, lập ấp chiến lược của địch, Thường vụ Khu ủy đã đề ra những biện pháp lớn để chống phá âm mưu này và chỉ đạo một đợt đánh phá mạnh ấp chiến lược trong toàn Khu, bắt đầu từ tháng 7 năm 1962.

Ở nam Tây Nguyên, mở đầu đánh phá ấp Buôn Trấp (bắc tây bắc Buôn Ma Thuột) ta diệt một đại đội “tự trị” sau đó mở hoạt động vào một số ấp xung quanh. Nhưng hoạt động của ta nặng dùng vũ trang và vũ trang cũng không đủ mạnh nên bị địch đối phó ngăn chặn. Ta phải chuyển lại hoạt động với phương châm hai chân ba mũi thích hợp ở từng vùng. Đến cuối năm 1962, dù địch nống ra chiếm đóng vùng Đầm Roòng nhưng ta vẫn quần bám đánh địch và nắm dân các ấp xung quanh.

Về xây dựng lực lượng vũ trang, đua tháng 4 năm 19672 Trung ương chi viện vào chiến trường Quân khu VI, một khung cán bộ trung đoàn (Trung đoàn 120) và một khung tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 39) và tiếp sau đó đưa thêm một tiểu đoàn thực binh (Tiểu đoàn 36). Nhưng do cơ sở chính trị, vũ trang bên dưới còn yếu, điều kiện hoạt động tập trung còn hạn chế, nên Khu ủy phải giải thể khung trung đoàn để lấy cán bộ bổ sung xây dựng cơ quan quân sự các tỉnh và xây dựng cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu; còn giữ lại khung tiểu đoàn trợ chiến và hai tiểu đoàn bộ binh (36-39); các đơn vị này phải phân tán hoạt động nhỏ kết hợp với lo lương ăn. Tiểu đoàn 186 đứng hoạt động ở vùng NamKa thuộc huyện Đức Xuyên, tiểu đoàn 120 (sau này là Tiểu đoàn 840) hoạt động ở vùng đồng bằng Ninh Thuận - Khánh Hòa.

Năm 19621, Bình Thuận rút thanh niên (nam nữ) bổ sung cho Quân khu được bảy mươi tân binh và Miền bổ sung khoảng hai trăm tân binh Nam Bộ. Nhưng do các đồng chí chưa quen khí hậu miền núi nên bị đau ốm nhiều, phải nuôi dưỡng một thời gian mới công tác và chiến đấu được.

Bộ đội địa phương tỉnh, huyện ở miền núi, trừ B3 có vốn cũ và được các tỉnh bạn ở Khu V chi viện, nên xây dựng được lực lượng khá hơn. Đến giữa năm 1962, bộ đội tỉnh (B3) đã có hai đại đội bộ binh và một trung đội đặc công. Mỗi huyện có từ một tiểu đội đến một trung đội; dân quân du kích đến đầu năm 1962, riêng nam Tây Nguyên có 2.210 người (trong đó có 500 du kích nửa thoát ly). B3 có 1.600 du kích. Miền Tây các tỉnh đồng bằng, bộ đội địa phương huyện và du kích đã phát triển đều và rộng hơn, chất lượng khá (nhất là du kích Bác Ái).

Như vậy là qua một năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu, được sự chi viện của Trung ương và Miền, lực lượng vũ trang ba thứ quân trong quân khu được hình thành và phát triển (nhất là lực lượng dân quân du kích ở B3, Bác Ái và Di Linh).


(1) Lần thứ nhất, đánh diệt hồi tháng 3 năm 1961.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:15:27 pm
III. PHÁT TRIỂN TIẾN CÔNG ĐỊCH,
MỞ RỘNG PHONG TRÀO Ở ĐỒNG BẰNG

Những tháng đầu năm 1961, ở đồng bằng, lực lượng của Liên tỉnh 3 và các tỉnh cùng đội vũ trang công tác tiếp tục đánh địch, diệt ác, phá kìm, phát động quần chúng, xây dựng phát triển cơ sở.

Trong đợt chống phá bầu cử Tổng thống ngụy tháng 5 năm 1961: Ninh Thuận đánh diệt bốt dân vệ và trụ sở xã Mỹ Tường, diệt ác ở Phương Cựu, Thái An, Mỹ Hòa, v.v. Bình Thuận đánh diệt một tiểu đội biệt kích ở Bình Lâm, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an (từ Phan Thiết viện lên), tiến hành vũ trang tuyên truyền ở nhiều nơi. Tuy nhiên, hoạt động mới chỉ mang tính chất bề nổi từng đợt, lướt qua trên diện rộng, chưa đi sâu phát động, tổ chức được quần chúng, nên khi ta rút đi, địch kim kẹp lại.

Do đó, Hội nghị ban cán sự Liên tỉnh ngày 3 tháng 5 năm 1961 đã đề ra yêu cầu là phải quần bám, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, hướng dẫn đấu tranh, giành giữ phong trào. Chấp hành nhiệm vụ trên, từ tháng 7 năm 1961 trở đi, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã tập trung sức hoạt động, mở phong trào ở đồng bằng.

Lúc này, địch đang tiến hành “chiến tranh đặc biệt” ra sức bắt lính, đôn quân, phát triển lực lượng cả cộng hòa, bảo an và dân vệ tại chỗ, tăng cường bộ máy kìm kẹp thôn xã, tổ chức gián điệp, tiến hành xây dựng thí điểm ấp chiến lược. Tuy vậy, địch vẫn có nhiều sơ hở, từ chỗ hoàn toàn chủ động và tự do đánh phá phong trào cách mạng, nay bị lực lượng vũ trang ta tiến công, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy đã làm chúng bất ngờ, lúng túng, hoang mang, dao động.

Ở Bình Thuận, lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện cùng với các đội vũ trang công tác phối hợp thành các đội vũ trang tuyên truyền mạnh, giương cao cờ Mặt trận giải phóng hoạt động đều khắp trên các khu vực sát thị xã Phan Thiết, Hàm Tân, Lagi. Vừa đánh địch, diệt ác ôn, vừa tuyên truyền, phát động quần chúng bằng nhiều hình thức như truyền đơn, hẩu hiệu, mít tinh, hội họp… Qua đó đã làm cho quần chúng mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống địch, giành giữ quyền làm chủ.

Ở Ninh Thuận - Khánh Hòa, các lực lượng vũ trang và đội công tác cũng phối hợp đẩy mạnh hoạt động phá lỏng, làm rã kìm kẹp ở nhiều nơi, mở rộng cơ sở, khôi phục những vùng bị đứt liên lạc từ lâu, mở ra một số xã làm chủ và tranh chấp.

Tháng 9 năm 1961, được bổ sung thêm lực lượng từ miền Bắc về (gồm những con em ở quê hương, được học tập rèn luyện có trình độ về quân sự, chính trị, có bảnh lĩnh chiến đấu tốt) cộng với lực lượng vũ trang tại chỗ nên ta đã tập trung đẩy mạnh hoạt động đạt hiệu quả chiến đấu cao, nhất là ở vùng đồng bằng.

Ở mảng phía bắc, Tiểu đoàn 120 đánh một số trận tốt: diệt gọn đồn bảo an cấp trung đội (Cửu Lợi) trên đường số 1 phía bắc Ba Ngòi 25 ki-lô-mét; tiếp theo là trận chặn đoàn tàu hỏa, đánh diệt quân hộ tống đoàn tàu và cả đại đội quân cảnh đi học ở Sài Gòn về, thu vũ khí, bắt sống một số tên.

Tháng 10, Tiểu đoàn 120 chuyển ra hoạt động vùng điểm của Khánh Hòa, phối hợp với lực lượng tỉnh đánh trận Cẩm Sơn thắng lợi. Trận này diễn ra phức tạp, từ đánh phục kích vận động chuyển thành trận tập kích, đánh địch trong công sự ban ngày (vì địch lợi dụng công sự của đồn Cẩm Sơn cũ và ngoan cố chống lại ta). Sau ba giờ chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường bộ đội ta diệt gọn một đại đội bảo an và một chi đội xe bọc thép của tiểu khu Khánh Hòa, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Chiến thắng này đã làm thối động phong trào trong tỉnh, làm tê liệt và tan rã lực lượng kìm ở nhiều ấp, xã, từ Đại Điền đến Suối Dầu. Địch phải kêu “có lực lượng chính quy của Bắc Việt về”. Điều đó càng làm cho hàng ngũ chúng lo sợ và nhân dân thì rất vui mừng.

Cũng trong tháng 9, tháng 10 năm 1961, đại đội 305 của Ninh Thuận đánh phá các khu tập trung La Bá, Trại Thịt,… đưa đồng bào dân tộc về lại núi rừng xây dựng căn cứ; thọc sâu xuống vùng sát biển của Thuận Nam, diệt gọn một đội công an xung phong mười bốn tên, thu toàn bộ vũ khí, gây tác động mạnh đến bọn tề vệ địa phương. Cả trung đội dân vệ ở ấp Sơn Hải đào rã ngũ một số mang súng chạy theo cách mạng. Phát huy chiến thắng, ta vũ trang tuyên truyền, phá lỏng rá kìm, xây dựng cơ sở ở các ấp Từ Tâm, Hòa Thủy, Thành Tín, v.v.

Tháng 11 năm 1961, đại đội 305 chuyển vào hoạt động ở hướng Cà Ná, phục kích đánh diệt gọn một trung đội dân vệ đi bảo vệ đoàn xe tải tạo, thu được nhiều lương thực. Ngày hôm sau bị địch bất ngờ đánh úp, nhưng đơn vị đã kịp thời chuyển sang vận động phản công địch, hình thành thế vu hồi, bao vây, diệt gần hết lực lượng này; số sống sót tháo chạy, bỏ xác tại chỗ. Sau đó ta dùng hình thức kỳ tập đánh đồn Mũi Điện ở Sơn Hải, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ trung đội dân vệ 24 tên, phá hủy đồn.

Sau những thận chiến thắng trên, Đại đội 305 cùng với các đội vũ trang đột nhập vào các xã, ấp ven biển (từ Cà Ná - Thương Diêm ra đến Sơn Hải, Vĩnh Trường, v.v.) phát động quần chúng, mở rộng diện làm chủ ra hầu hết các ấp. Nhân dân rất vui mừng được gặp lại bộ đội là con em mình năm xưa trở về quê hương, đã động viên được 130 thanh niên bổ sung cho Đại đội 305 và xây dựng bộ đội địa phương huyện.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:16:14 pm
Cuối năm 1961, Tiểu đoàn 120 chuyển một bộ phận sang hoạt động ở phía Thuận Bắc (Ninh Thuận) nhằm hỗ trợ và chuyển phong trào lên, đã đánh đồn Mỹ Tường, diệt và bắt sống gần hết bọn tề vệ và đánh thiệt hại đại đội bảo an tiểu khu đến chi viện; sau đó phân tán cùng với lực lượng địa phương vũ trang tuyên truyền, làm lỏng, rã kìm nhiều xã, đưa dân lên làm chủ các ấp Thái An, Mỹ Hòa, Vĩnh Hy; rút được 60 thanh niên bổ sung cho lực lượng huyện và khu. Đặc biệt đã tổ chức cho trên năm trăm đồng bào dân tộc Bác Ái xuống tận đồng muối Phương Cựu để lấy muối ăn. Đây là món hàng chiến lược rất quý đối với nhân dân miền núi. Những ngày đi lấy muối ăn cũng là những ngày hội đối với nhân dân ở đây.

Ở Bình Thuận: sau trận đánh diệt đồn Gia Bát (15 tháng 8 năm 1961), tháng 9 năm 1961 lực lượng tỉnh chuyển ra đánh đồn Trường Bia ở Lương Sơn, diệt gọn một trung đội bảo an, thu vũ khí. Tiếp theo là đánh bọn phản kích ra Xe Lương, giải thoát một số đồng bào bị địch bắt. Thắng lợi đã gây chấn động trong hàng ngũ địch ở mảng bắc Bình Thuận, hỗ trợ cho các đội công tác vào ấp phát động quần chúng, kể cả các ấp vùng sâu sát thị trấn chợ Lầu - Phan Rí… Thừa thắng, lực lượng ta phát triển qua khu Lê Hồng Phong. Địch ở Nhơn Thiện, Bàu Thiêu hoảng sợ bỏ đồn tháo chạy. Lực lượng vũ trang và các đội vũ trang công tác thọc sâu vào các ấp ở Rạng, Long Hoa, đánh tan lực lượng kìm kẹp tại chỗ võ trang tuyên truyền phát động quần chúng, đánh bại các cuộc phản kích của địch lên Bến Ngạch, Bàu Tàng. Các xã Hồng Tâm, Hồng Chính (thuộc Nhơn Thiện) và xã Hồng Thịnh được hoàn toàn giải phóng. Các xã Thiện Nghiệp, Hồng Sơn chuyển lên giành quyền làm chủ.

Ở Tam Giác (Hàm Thuận) được sự hỗ trợ có hiệu quả của các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, phong trào quần chúng phá kìm tiếp tục phát triển tốt. Những tên ác ôn khét tiếng như: Cửu Xe, Năm Chấn, Ba Dĩ… lần lượt bị trừng trị. Tháng 10 năm 1961, lực lượng tỉnh phối hợp với bộ đội địa phương huyện và các đột công tác, đánh phá các khu tập trung Cổ Mồm, Gia Lê (Láng Cốc) Gia Bát, và các ấp Tân Lâm, 18, 30, 31 giải phóng các xã Hàm Phú, Hàm Trí. Ngày 17 tháng 10 năm 1961 đại đội Hoành Sơn (486) và du kích đánh bại cuộc càn của địch vào Hàm Thạnh gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đêm 17 tháng 10 năm 1961, ta sử dụng đặc công đánh thiệt hại nặng địch ở quận lỵ Hàm Thuận. Ba xã Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí hoàn toàn được giải phóng và xây dựng thành làng chiến đấu, nối liền với các xã giải phóng ở khu Lê Hồng Phong, mở rộng căn cứ bàn đạp ở đồng bằng và đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch ra vùng giải phóng.

Ở vùng ven thị xã Phan Thiết: xã Tiến Lợi cũng chuyển lên làm chủ. Như vậy các xã, ấp ở Hàm Thuận vào những tháng cuối năm 1961 đều bị lỏng, rã kìm, tề ấp; xã còn lại hoang mang dao động. Chúng đã thất vọng, “mình xây dựng bảy, tám năm trời, Việt cộng về phá một đêm là xong hết”. Một số bỏ trốn vào thị xã, thị trấn. Có những tên viết thư cho ta xin nhận tội hoặc bỏ việc. Khí thế quần chúng vươn lên, mạnh dạn đấu tranh với địch. Tại Tam Giác, ban ngày bộ đội ta vẫn vào cảnh giới địch, để đồng bào chạy máy xay xát gạo tiếp tế cho cách mạng.

Ở Hàm Tân: giải phóng xã Kim Bình và tranh chấp với địch, giành quyền làm chủ các xã, ấp trên mảng phía đông bắc của huyện.

Đồng bào căn cứ miền núi đang đói; đồng bằng đã mở ra, nhưng lực lượng thoát ly tăng nhanh nên thiếu lương thực. Để giải quyết khó khăn này, tỉnh chủ trương, đánh xe lửa vận chuyển lương thực, thực phẩm của địch. Ngày 22 tháng 10 và 4 tháng 12 năm 1961, đã đánh hai đoàn tàu lửa, lấy được nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men, diệt và bắt gọn lính hộ tống. Kịp thời giải quyết khó khăn cho các đơn vị, cơ quan và hỗ trợ một phần cho đồng bào căn cứ.

Đến cuối tháng 11 năm 1961, ba tỉnh đồng bằng ven biển cực nam Trung Bộ đã phát triển và xây dựng cơ sở cách mạng trong 223 thôn (79 xã) (trên tổng số 610 thôn, 135 xã). Bình Thuận có 10 xã giải phóng và làm chủ với trên 25.000 dân, có chính quyền cách mạng, dân quân du kích, động viên được thanh niên thoát ly, huy động được dân công phục vụ chiến trường, vận động ủng hộ và thu mua lúa gạo để nuôi quân. Ninh Thuận cũng mở được 10 xã giải phóng và làm chủ. Khánh Hòa mở ra một số thôn ấp làm chủ và lỏng rã kìm.

Sáu tháng cuối năm 1961, cùng với lực lượng miền Bắc chi viện ba tỉnh đồng bằng đã tuyển được 600 thanh niên. Bình Thuận xây dựng được đại đội bộ binh thứ hai (Đại đội 489). Ninh Thuận phát triển lực lượng lên thành hai đại đội thiếu. Khánh Hòa lập thêm một đại đội bộ binh đứng hoạt động ở mảng phía bắc của tỉnh. Các huyện đồng bằng hầu hết đã xây dựng từ một tiểu đội, hai tiểu đội đến một trung đội bộ đội địa phương huyện. Mỗi xã đều có tổ chức đội vũ trang công tác. Các xã giải phóng và làm chủ đều có từ một tiểu đội đến hai tiểu đội du kích. Tuy vậy, so với yêu cầu và những điều kiện thuận lợi lúc bấy giờ thì việc xây dựng lực lượng vũ trang ở đồng bằng còn chậm.

Đi đôi với việc đó, cuối năm 1961, các tỉnh có Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng lâm thời đã triển khai hoạt động rộng rãi từ miền núi đến đồng bằng. Ủy ban Mặt trận xã, huyện cũng lần lượt thành lập ở các vùng căn cứ miền núi, vùng giải phóng và vùng làm chủ ở đồng bằng ven biển.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười, 2011, 06:17:20 pm
*
*   *

Để cứu vãn nguy cơ thất bại, đế quốc Mỹ một mặt trực tiếp đẩy mạnh hoạt động quân sự ở miền Nam; mặt khác tăng cường viện trợ trang bị cho quân ngụy, đưa một số đơn vị vũ trang của Mỹ (chủ yếu là không quân, hai và lính biệt kích) hỗ trợ cho bọn tay sai, tiến sâu thêm một bước trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta.

Đầu năm 1962, địch tập trung lực lượng phản kích phong trào đồng bằng, ráo riết thực hiện kế hoạch Stalay - Taylor, dồn dân lập ấp chiến lược, lập vành đai trắng, chia cắt đồng bằng với miền núi.

Tháng 2 năm 1962, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp nhận định: “Sự can thiệp mạnh hơn của đế quốc Mỹ chắc chắn sẽ tây thêm khó khăn cho ta, nhưng với đà can thiệp hiện nay về cơ bản so sánh lực lượng giữa ta và địch và đối tượng của cách mạng miền Nam vẫn chưa có gì thay đổi… Đế quốc Mỹ chẳng những không ngăn chặn được phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam ngày càng phát triển, trái lại càng làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ và bọn tay sai càng sâu sắc thêm”.

Hội nghị quyết định: Kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động hơn nữa, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, ra sức phá kế hoạch Stalay - Taylor, tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn nữa”.

Ở Quân khu VI, đầu năm 1962 phong trào các tỉnh đồng bằng và miền núi tiếp tục chuyên lên. Mặc dù lúc bấy giờ địch đã bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng ấp chiến lược và chuẩn bị để phản kích lại phong trào ta; nhưng các lực lượng vũ trang trong khu vẫn tiếp tục tấn công, đã tiêu hao, tiêu diệt được địch và công tác vũ trang, tuyên truyền, mở rộng diện làm chủ và tranh chấp.

Ở Bình Thuận, Đại đội 489 đứng hoạt động phía bắc tỉnh từ huyện Hòa Đa (kể cả khu Lê Hồng Phong) ra các huyện Phan Lý - Tuy Phong. Đại đội 480 hoạt động phía nam từ Tam Giác Hàm Thuận đến huyện Hàm Tân, phối hợp với bộ đội địa phương huyện vừa đánh địch bung ra càn quét, vừa chủ động tiến công vào vùng địch, cùng với các đội vũ trang công tác tuyên truyền phát động quần chúng. Nhờ đó phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển, mặc dầu địch ra sức phản kích, giành giật lại. Ở các vùng trọng điểm, lực lượng chính trị của quần chúng cũng phát triển khá mạnh, đã mạnh dạn đấu tranh trực diện với địch và duy trì được thế hợp pháp. Ở những vùng địch còn kiểm soát, nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi thiết thân hằng ngày đã diễn ra sôi nổi như: đấu tranh chống đuổi nhà cướp đất, chống rào làng xây dựng ấp chiến lược, chống bắt lính, chống khủng bố, chống xâu thuế, chống quyên góp, chống lập tề, đòi tự do đi lại làm ăn, v.v. Làng chiến đấu bố phòng chống địch ở các vùng ta làm chủ và giải phóng.

Để đẩy hoạt động vào trung tâm đầu não địch, chuyển phong trào thị xã, thị trấn lên, đêm 12 tháng 4 năm 1962, một bộ phận của đơn vị 486 đã cải trang đột nhập vào thị xã Phan Thiết, diệt ba tên ác ôn có nợ máu và đánh phá trụ sở phường Đức Long, thu nhiều tài liệu. Cũng trong tháng 4 năm 1962, đại đội 486 cùng với bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận đánh thiệt hại nặng đại đội biệt kích đang càn quét khu vực Hàm Thạnh, giữ vững các xã giải phóng ở phía bắc Mường Mán - Ma Lâm. Ở Tánh Linh tháng 5 năm 1962, đánh diệt đồn cấp trung đội Đồng kho, phá khu tập trung, đưa hơn một trăm đồng bào dân tộc về lại căn cứ.

Phía bắc Bình Thuận và Thuận Phong, các lực lượng vũ trang địa phương đánh địch và vũ trang tuyên truyền vào nhiều xã, thị trấn: Hòa Đa, Chợ Dầu, Long Hương, Long Phú, Long Hoa (Gộp), Phú Long, Bà La, Rạng, Mũi Né…

Ở Hàm Tân: giải phóng thêm xã Văn Mỹ, phá lỏng kìm các ấp Bàu Dòi, Hiệp Nghĩa, Tam Tân, Phú Sung…

Để đẩy mạnh tiến công và tạo thuận lợi hơn nữa cho các địa phương trong tỉnh hoạt động đánh phá, ngăn chặn địch xây dựng ấp chiến lược, bảo vệ vùng làm chủ và giải phóng, đêm 4 tháng 8 năm 1962, ta tiến công tiêu diệt chi khu, quận lỵ Hàm Tân. Đây là một vị trí mạnh, có công sự khá kiên cố, nằm ở vùng ven biển, lực lượng chiếm giữ gồm: một đại đội bảo an, bốn trung đội dân vệ. Lực lượng ta gồm hai đại đội bộ binh và một đơn vị đặc công, được một cơ sở nội ứng trong đồn phối hợp, lợi dụng lúc điện tắt ngắn giữa đêm, ta cắt rào, gỡ mìn và tiếp cận. Khi đèn điện vừa phựt sáng, các hướng đồng loạt nổ súng đánh chiếm các mục tiêu, địch hoàn toàn bất ngờ. Sau gần ba chục phút chiến đấu, ta diệt gọn chi khu, thu 200 súng và nhiều phương tiện thông tin của địch. Cùng lúc, bộ đội địa phương huyện Hàm Tân tiến công diệt đồn dân vệ và trụ sở xã Tân Thuận. Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1962 ta lại chặn đánh lực lượng của tiểu khu từ Lagi ra tiếp viện, diệt gần trăm tên. Nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, mở thêm một số vùng làm chủ mới ở Tam Tân, Gò Đình, Cửa Cạn, Hiệp Nghĩa… Trận chiến đấu này đã được Bộ Tư lệnh Miền tặng thường huân chương Quân công hạng ba.

Phong trào lên mạnh, địch tập trung sức phản kích. Từng tiểu đoàn quân cộng hòa kết hợp với bảo an, dân vệ, vây quét từng thôn xóm nhỏ. Ở xã Hồng Sơn, xã nhỏ nằm ven khu căn cứ Lê Hồng Phong, trong sáu tháng địch càn 18 lần; xóm làng xơ xác, nhà cửa bị đốt trụi, nhưng nhân dân vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”. Địch đốt nhà, dân lại làm nhà, không còn vật liệu thì dựng tạm mấy cây cọc, lợp vài tấm tranh ngay trên nền nhà cũ để che mưa nắng.

Tiểu đoàn 120, sau đợt học tập và sản xuất tại căn cứ Bác Ái, cuối tháng 2 năm 1962, trở lại hoạt động ở Nam Khánh Hòa và Bắc Ninh Thuận. Đây là chiến trường gian khổ, khó khăn nhưng tiểu đoàn vẫn quyết bám dân mà sống, bám địch mà đánh. Mở đầu hoạt động, ta chặn đánh đoàn xe lửa ở ga Hòa Tân (nam Suối Dầu) để vũ trang tuyên truyền và giải quyết lương thực. Sau đó phân tán hoạt động vào các xã dọc theo đường số 1, thọc sâu xuống vùng Thủy Triều, Cầu Hin, Bãi Giấy (Bắc Cam Ranh). Vận dụng một cách linh hoạt các hình thức chiến thuật đột kích, phục kích, tập kích nhỏ,… nên trong một thời gian ngắn ta đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều địch, trừng trị được một số ác ôn, hỗ trợ tốt cho phong trào của địa phương.

Tháng 3 năm 1962, tiểu đoàn chuyển ra hoạt động phía Diên Khánh (Khánh Hòa) đã tạo được thế bất ngờ, đánh diệt một số đơn vị dân vệ ở Suối Dầu, Tân Phú, Suối Tre, Lễ Thanh, Nghiệp Thành, Thanh Minh, Đại Điền (ở sát chi khu Diên Khánh); mở rộng diện lỏng rã kìm, tạo bàn đạp cho các đội vũ trang công tác ra vào ấp chiến lược dễ dàng, có đội còn ở lại được cả ban ngày trong ấp; hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá các khu dồn dân trở về làng cũ.

Tại Ninh Thuận, đại đội 2 (Tiểu đoàn 120) cùng với trung đội bộ đội địa phương đánh địch, mở vùng Khánh Hội, Khánh Nhơn, Bình Nghĩa thuộc Thuận Bắc. Ở Thuận Nam, địch bung ra vùng giáp ranh ngăn chặn ta và tiến hành xây dựng ấp chiến lược bên trong. Đại đội 305 trên đường hành quân xuống chiến trường phải đánh tao ngộ với một đại đội biệt đông quân đi càn ở Hồ Tấn Giang. Đơn vị đã quần đánh địch suốt năm giờ và đã diệt gần hết đại đội này; nhưng ta cũng bị thương vong nhiều, phải lui về căn cứ củng cố. Tháng 6 năm 1962, Đại đội 305 trở lại hoạt động. Tuy có đánh được một số trận ở Mông Nhuận Đức, Thương Diêm, Sơn Hải, v.v. nhưng không ngăn chặn được địch lấn chiếm lại phần lớn ấp, xây dựng hầm hào, gây khó khăn cho ta.

Ở vùng căn cứ Bác Ái, Anh Dũng, địch cũng bung ra càn quét lấn chiếm. Tiểu đoàn 120 đánh diệt cứ điểm Suối Rua (ngày 15 tháng 6 năm 1962) và cùng du kích Bác Ái truy đánh diệt đại đội biệt kích lên càn quét. Ngày 24 tháng 8 năm 1962, tiểu đoàn lại tập kích cánh quân chủ yếu của địch tại đồi thông xã Phước Chính, diệt gọn một đại đội, bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn. Chúng phải dùng trực thăng chở xác chết và thương binh về thị xã Phan rang. Thắng lợi của tiểu đoàn càng làm cho hàng ngũ chúng thêm hoang mang và nhân dân thị xã càng phấn khởi.

Như vậy, ở đồng bằng từ năm 1961 đến giữa năm 1962, ta chuyển lên đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, vừa diệt địch, vừa mở rộng phong trào giành quyền làm chủ; vừa đánh địch càn quét vào căn cứ vừa thọc sâu xuống đồng bằng, kết hợp với quần chúng nổi dậy phá lỏng rã kìm, mở rộng diện tranh chấp và làm chủ, hình thành dần thế ba vùng. Nhưng phong trào giữa các tỉnh không đồng đều. Bình Thuận mở được vùng tranh chấp, làm chủ, giữ được các xã giải phóng, động viên được nhiều nhân tài vật lực tại chỗ. Ninh Thuận, Khánh Hòa thời gian đầu mở ra khá nhưng từ cuối năm 1962, khi địch phản kích, ngăn chặn, thì có một số nơi ta không đủ sức chống lại nên bị địch đánh chiếm.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:03:07 am
IV. KIÊN QUYẾT BÁM TRỤ ĐÁNH ĐỊCH,
CHỐNG PHÁ “QUỐC SÁCH ẤP CHIẾN LƯỢC CỦA ĐỊCH,
GIỮ GÌN CÁC KHU CĂN CỨ NAM TÂY NGUYÊN
VÀ CHUYỂN PHONG TRÀO ĐỒNG BẰNG LÊN

Từ tháng 8 năm 1962 trở đi, chương trình xây dựng ấp chiến lược của địch được xúc tiến trên quy mô lớn trong toàn Miền. Ở Khu VI, chúng tiến hành cả ở đồng bằng và miền núi. Chúng đặt các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Đức trong diện “ưu tiên 2” của “chương trình bình định theo quốc sách ấp chiến lược”(1). Đặc biệt ở nam Tây Nguyên, địch gắn việc gom dân xây dựng ấp chiến lược với việc xóa các địa bàn đứng chân và triệt phá đường hành lang chiến lược của ta.

Địch đã biết: ngoài căn cứ Chư Đề Lay-Ya ở bắc đường 21, ta còn có căn cứ dọc thung lúng sông Krông-Nô, tây đường 21 mà chúng cho là căn cứ chính của Khu VI(2). Chủ chỉ thị cho tướng Tôn Thất Đính (phụ trách Tây Nguyên) phải bằng mọi giá đánh phá giành lại địa bàn này.

Để thực hiện âm mưu nói trên, địch tiến hành củng cố và xây dựng các tuyến đường giao thông, dọc, ngang, chia cắt căn cứ của ta, tạo điều kiện dùng xe cơ giới đánh sâu căn cứ ta. Đó là các đường số 8 kéo dài đến Khiêm Đức (14 kép), đường Gia Nghĩa - Đức Xuyên, đường Đức Lập - Đức Xuyên - Lắc, Đà Lạt - Đầm Roòng - Lắc, Tân Mỹ - Tà Lú - Ma Ty căn cứ Bác Ái. Địch xây thêm 25 cứ điểm lớn nhỏ, lập thêm một số dinh điền mới ở xung quanh Buôn Ma Thuột, Hoài Đức - Tánh Linh (miền tây Bình Thuận), chia nhỏ chiến trường, lập thêm một tỉnh mới (tỉnh Phú Bổn).

Từ giữa năm 1962, địch mở những cuộc hành quân nhỏ vào lưu vực sông Krông-Nô (nam Hồ Lắc - Đà Lạt để đốt phá, bắt dân, hạn chế các cuộc tiến công của ta.

Tháng 10 năm 1962, chúng bắt đầu mở những cuộc hành quân quy mô và dài ngày đánh mạnh vào căn cứ, hành lang. Tham dự cuộc hành quân này có sư đoàn 23, lực lượng biệt động quân, tự trị Mỹ, bảo an, biệt kích, dân vệ, công dân vụ, v.v. Từng lúc còn tăng cường thêm lực lượng thủy quân lục chiến. Địch vận dụng các chiến thuật “hữu hiệu nhất” là “bủa lưới phóng lao”, “trên đe dưới búa”, “phượng hoàng vồ mồi”, trực thăng vân, v.v.

Chiến dịch càn quét mang tên “An Lạc” nhằm đánh phá căn cứ ở Đắc Lắc, Tuyên Đức, Quảng Đức; điểm tập trung là vùng lưu vực sông Krông-Nô. Mở đầu hành quân, chúng đã chốt hai cứ điểm nằm sâu trong căn cứ của ta: một là cứ điểm Phi-di-da tại khu vực Phi Có, trên đường 21 kéo dài, ở phía tây nam căn cứ của khu; hai là cứ điểm Đầm Roòng nằm ở tả ngạn sông Krông-Nô, phía nam căn cứ của Khu. Mỗi cứ điểm địch bố trí khoảng một tiểu đoàn tăng cường, có một trung đội pháo 105 ly, và cùng một số chốt có sẵn trên đường 21 (phía bắc có chi khu Lạc Thiện), hình thành thế bao vây căn cứ ta.

Chiến dịch gồm 13 đợt đánh phá; mỗi đợt dùng từ hai đến ba tiểu đoàn cộng hòa cùng với biệt kích, thám báo và phi pháo tập trung đánh phá vào một khu vực. Xen kẽ các đợt là dùng bọn biệt kích lùng sục bắt dân, đánh phá cơ quan, kho tàng, rẫy sản xuất, trạm giao liên, v.v.

Ta chống càn quét trong điều kiện hết sức khó khăn: căn cứ mới được xây dựng, phong trào nhân dân du kích chiến tranh trong đồng bào dân tộc mới nhen nhóm, lương thực thiếu thốn phải sản xuất tự túc, có khi hàng tháng chỉ ăn lá bép, bột xà bu(3) với măng le, trái gấm và củ rừng… tuy vậy, Khu ủy kiên quyết lãnh đạo các cơ quan, lực lượng bám trụ địa bàn, đánh trả địch, giữ vững căn cứ, hành lang chiến lược. Tiểu đoàn 186 được điều từ Nam Ka (Đức Xuyên) về đứng chân ở khu vực Trêpun-Dôn-bát (B5) để cùng với du kích cơ quan chống càn, hướng dẫn dân quân du kích các buôn bố phòng, canh gác, đánh địch bảo vệ dân. Bộ đội vừa lo bám đánh địch bảo vệ dân, vừa tranh thủ suốt lúa để làm gạo ăn hàng ngày. Buôn nào du kích còn yếu, bộ đội phải phân công trực tiếp bảo vệ, dẫn dân tránh lánh địch và lo ăn cho dân.

Từ căn cứ hành quân, hằng ngày địch dùng pháo bắn vào các khu vực có cơ quan hoặc bộ đội ta ở và bắn yểm trợ cho các cánh quân đi lùng sục. Khi đụng độ với ta thì có máy bay oanh tạc đến chi viện, cùng lúc trực thăng cơ động đổ quân đột kích bất ngờ. Chúng cũng gom được một số buôn về Đầm Roòng và xung quanh một số cứ điểm ở phía nam Hồ Lắc. Hàng trăm mẫu rẫy lúa đang chín vàng không thu hoạch được hoặc bị phá.

Tình hình đó đặt cho lãnh đạo, các cơ quan và lực lượng sự thử thách nghiêm trọng, di chuyển hay trụ lại? Một lần nữa, Thường vụ Khu ủy quyết định phải trụ lại đánh địch, giữ vững địa bàn căn cứ, bảo đảm hành lang. Đồng chí Trần Lê (Bí thư Khu ủy) giải thích: “Trong lịch sử từ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến bây giờ, biết bao đồng chí đã hy sinh và ta phải mất biết bao công sức mới giành được địa bàn chiến lược quan trọng này, nay đang xây dựng thành căn cứ chiến lược theo ý đồ của cấp trên; nếu ta bật đi nơi khác để địch chiếm lại thì biết bao giờ ta mới giành được và nhiệm vụ đến lúc nào mới hoàn thành: cho nên ta phải kiên quyết đứng lại đánh địch, bảo vệ căn cứ hành lang…”. Trước tình hình đó, có một số cán bộ bi quan, dao động muốn rút lui; đồng chí Bí thư Khu ủy phải xuống họp riêng từng chi bộ của cơ quan, đơn vị để động viên, củng cố quyết tâm.


(1) Theo tài liệu nguyên bản của Ủy ban Liên bộ chỉ đạo bình định của ngụy quyền Trung ương ngày 1 tháng 8 năm 1962.
(2) Sau khi đi thị sát vùng phía bắc Đắc Lắc, Ngô Đình Nhu cho vằng Việt cộng đã chiếm lính phần phía nam của tỉnh Đắc Lắc (đường 21).
(3) Xà bu là một loại cây gỗ to, lõi cây cưa ra từng khúc, dùng cối giã ra thành bột có thể làm bánh, nấu cháo, hấp xôi để ăn. Số bột của một cây to có thể đủ nuôi một gia đình ba, bốn người trong một tháng.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:04:40 am
Vậy là, trừ một số bộ phận nặng nền hoặc là cơ quan mật phải di chuyển tránh lánh, còn đại bộ phận cán bộ và chiến sĩ đều trụ lại cùng nhau, bố phòng đánh địch, bảo vệ dân, giúp cho các trạm giao liên cắt đường đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa, thu hoạch cất giấu lúa, hoặc đi về Ninh Thuận - Khánh Hòa lấy muối ăn. Gần hai tháng, ta quyết tâm bám trụ đánh trả địch; địch cũng quyết kéo dài cuộc càn quét để tiêu diệt hoặc đánh bật ta ra khỏi địa bàn, gom được dân, phá được hành lang… Tình hình rất căng thẳng.

Để hạn chế và làm thất bại âm mưu càn quét, lấn chiếm dồn dân của địch, và tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giữa tháng 11 năm 1962 Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu hạ quyết tâm: tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm hành quân Đầm Roòng. Nơi đây địch đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh hành quân của trung đoàn 44, sư đoàn 23 với lực lượng 700 tên, gồm một tiểu đoàn cộng hòa, một đại đội biệt động quân, một phân đội pháo 105 ly (2 khẩu), một phân đội cối 81 ly (3 khẩu), ba cố vấn Mỹ, 6 chốt tiền tiêu bảo vệ, xung quanh còn có công sự, chướng ngại vật, mìn…

Ta sử dụng: tiểu đoàn 120 - với tên gọi mới là Tiểu đoàn 840 (nhưng mới đến kịp một bộ phận), đại đội 1 Tiểu đoàn 186, đại đội 143 trực thuộc Quân khu, một đội đặc công, đại đội trợ chiến (gồm: 3 khẩu 81 ly, 2 ĐKZ 57 ly, 2 đại liên), một đội trinh sát và một trung đội thiếu thông tin liên lạc. Vận dụng chiến thuật tập kích bằng mật tập và có kế hoạch dự phòng, nếu bị lộ thì dùng cường tập, nên phải hết sức khẩn trương và kịp đánh vào thời gian tối trời.

Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 12 năm 1962, sau 55 phút chiến đấu quyết liệt, dũng cảm, ta làm chủ khu trung tâm, tiêu diệt toàn bộ sở chỉ huy hành quân, đại đội thông tin, phân đội pháo 105 ly, phân đội cối 81 ly và hơn một đại đội bộ binh chốt tiền tiêu quan trọng, gồm 300 tên chết và bị thương (trong số chết có tên trung đoàn trưởng Trung đoàn 44). Phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí, điện đài, và thu chiến lợi phẩm.

Trận đánh Đầm Roòng đã gây được tiếng vang lớn (được Bộ Quốc phòng điện biểu dương), có ảnh hưởng tốt trong nhân dân các vùng ở nam Tây Nguyên.

Sau trận đánh, địch đưa thêm lực lượng đến củng cố lại cứ điểm Đầm Roòng và tiếp tục cuộc hành quân An Lạc. Nhưng phấn khởi trước chiến thắng và nắm được quy luật địch, các lực lượng ta đã chống càn có hành quân hơn, buộc địch phải cụm lại. Ngày 11 tháng 12 năm 1962, Đại đội 2 Tiểu đoàn 186 (do đại đội trưởng Lương Văn Nam chỉ huy) đã quần đánh với 2 đại đội địch tại khu rẫy Đak-Trêpun cách cơ quan khu ủy một nghìn năm trăm mét, từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, giết và làm bị thương 40 tên, buộc địch phải rút lui. Ngày 13 tháng 12 năm 1962, một trung đội của Đại đội 141, đánh nhau với một tiểu đoàn địch trên hai mươi phút, sát thương 476 tên. Đại đội 143 phối hợp với bộ đội địa phương (B8) phục kích đánh thiệt hại nặng một đại đội biệt kích địch ở Buôn Liên Trang bờ nam sông Krông-Nô… Qua bám trụ đánh địch, các lực lượng địa phương và du kích đã chuyển lên thế bố phòng và xây dựng làng chiến đấu chống địch, giữ được buôn làng. Các trạm hành lang cũng kết hợp với địa phương bố phòng, đánh địch, mở đường dẫn khách, chuyển hàng đi lại an toàn, bảo đảm cho đường hành lang chiến lược tuy có khó khăn nhưng vẫn được thông suốt.

Trong lúc này, ở các vùng kiểm soát của địch, các đội vũ trang công tác lợi dụng khi địch huy động lực lượng đi càn quét căn cứ, đột nhập vào các ấp phát động quần chúng, móc ráp xây dựng cơ sở, chống lại các chính sách và thủ đoạn lừa mị của địch.

Một âm mưu khá nham hiểm của địch ở Tây Nguyên là đưa ra thuyết “Tự trị” có Mỹ giúp, để lừa bịp, lôi kéo các tầng lớp nhân dân. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, mở nhiều cuộc vận động gọi là tương trợ đồng bào tỵ nạn “cộng sản”, tung ra một số gạo, muối, vải để mua chuộc. Bọn tay sai rêu rao thuyết “Tự trị”, Mỹ sẽ trả đất cho người Thượng, ai vào “Tự trị” sẽ có đặc quyền, đặc lợi, giả vờ nói xấu Diệm, v.v. Có một số người nhầm lẫn nghe theo. Đặc biệt với chiêu bài ấy, bọn Mỹ đã nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang người Thượng, phát triển gián điệp, đẩy mạnh thực hiện ấp chiến lược. Nhưng trước tình hình thực tế, bị giam cầm trong các khu ấp chiến lược, nên không bao lâu nhân dân đã nhận rõ chân tướng của kẻ địch và bắt đầu tẩy chay cái gọi là “Tự trị” kiểu Mỹ.

Trong những tháng đầu năm 1963, địch còn mở thêm những cuộc càn mang tên “Nhơn Hòa”, “Dân Thắng 401” ở B3, nhằm đánh phá, gom dân, nhất là ở khu căn cứ Chư Đề-Lya-Ya và các vùng giải phóng dọc sông Ba, đường số 7. Nhưng nhờ phong trào du kích chiến tranh ở đây đã được xây dựng khá, nên đã chống trả quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất. Sau đó địch phải dùng lực lượng mạnh, kết hợp với biệt kích, gián điệp đánh phá dài ngày mới gom được một vạn hai ngàn dân.

Trải qua nhiều đợt càn quét và chống càn quét liên tục, quyết liệt, với tương quan lực lượng khá chênh lệch, lại phải chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, thiếu thốn, tuy vùng căn cứ, làm chủ của ta có bị địch gom xúc mất nhiều dân, nhưng nhờ tinh thần quyết tâm chống địch, bám núi rừng của đồng bào, việc lăn lộn quần bám của bộ đội và cán bộ, nên đến giữa năm 1963 ta vẫn còn giữ được hai mươi ngàn dân (trong trong số ba mươi lăm ngàn) và 15 lõm căn cứ, bàn đạp lớn nhỏ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:05:03 am
Trong lúc đó, ở ba tỉnh đồng bằng ven biển, địch tiếp tục xây dựng “ấp chiến lược” với quy mô rộng mạnh hơn (đặc biệt là ở hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận); chúng vừa củng cố các ấp đã làm, vừa mở ra vùng tranh chấp, làm chủ của ta; chúng dùng mọi thủ đoạn, vừa trắng trợn, tàn ác, vừa thâm độc, xảo quyệt để cưỡng bức, ép buộc dân vào “ấp chiến lược”. Đến giữa năm 1963 . (theo số liệu của địch) thì Ninh Thuận đã làm xong 125 trong tổng số 127 ấp, với gần 99 phần trăm dân số (địch cho Ninh Thuận là tỉnh kiểu mẫu về xây dựng ấp chiến lược). Ở Bình Thuận đã làm xong 165 trong tổng số 180 ấp. Một số ấp đã phá kìm giải phóng trước đó nay cũng bị địch gom xúc dân về vùng chúng, như: xã Ninh Phước (ở Khánh Hòa); các xã Long Phú, Hàm Phú - Hàm Trí (ở Bình Thuận); các xã Vĩnh Huy, Thái An, Mỹ Hòa, Vĩnh Tường, Từ Thiện (ở Ninh Thuận).

Bao quanh ấp chiến lược có hai hào sâu và ba bờ tường đất cao (chúng gọi là hai sông, ba núi), nhiều lớp rào kẽm gai và chông mìn, chỉ chừa một cổng, ngày đêm canh gác, kiểm soát việc ra vào của dân, lực lượng vũ trang, dân vệ tuân tra, sục sạo xung quanh. Có nơi chúng đã tiến lên rào liên xã ấp chiến lược, xây dựng vành đai dài 20 ki-lô-mét vây quanh 6 xã, 24 ấp với gần 75.000 dân như ở vùng phụ cận thị xã Phan Thiết.

Bên trong, chúng ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp, tổ chức huấn luyện và trang bị cho thanh niên chiến đấu giữ ấp, phát triển do thám, gián điệp theo dõi chặt chẽ các loại đối tượng.

Đồng thời địch tiếp tục mở các cuộc hành quân bên ngoài, đánh phá sâu vào vùng căn cứ giải phóng, để gom hết số dân còn lại.

Ở Bình Thuận: trong tháng 8 và tháng 9 năm 1962, địch mở cuộc càn Sơn Dương 1, sử dụng hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến và địa phương quân đánh sâu vào căn cứ Di Linh (Ara, Salôn,  Quao) và khu Lê Hồng Phong. Tháng 2 và 3 năm 1963, lại mở đợt càn Sơn Dương 2 với lực lượng cấp trung đoàn, đánh phá các vùng giáp ranh miền núi và các xã giải phóng. Tháng 4 năm 1963, lại mở tiếp cuộc càn “Bình Lâm” cấp trung đoàn, kết hợp với lực lượng Hải Thuyền đổ quân đánh vào khu Lê Hồng Phong (Bình Thuận). Ở Khánh Hòa, Ninh Thuận chúng cũng mở nhiều cuộc càn vào căn cứ Khánh Sơn, Bác Ái.

Hầu hết các cuộc càn quét lớn nhỏ của địch đều bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt. tuy có gom bắt được một số dân ở các khu giải phóng, nhưng chúng cũng bị tiêu hao, tổn thất nặng. Đặc biệt là vào tháng 6, 7 năm 1963 trong chiến dịch “Thiểu Đầu Thủy”, địch sử dụng 2.500 quân một trung đoàn tăng cường, với trực thăng, phi pháo yểm trợ, có cả pháo hạm ở Cam Ranh chi viện, chủ yếu đánh vào thung lũng sông “Tô Hạp” thuộc Khánh Sơn là vùng trung tâm căn cứ của tỉnh Khánh Hòa. Nhưng địch đã bị sa lầy ở vùng có phong trào du kích chiến tranh mạnh; bị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích và nhân dân các dân tộc dựa vào các tuyến bố phòng được xây dựng sẵn chống trả quyết liệt và có hiệu quả. Sau 40 ngày đêm ta sát thương 200 tên buộc địch phải rút lui một cách vội vã. Trên đường rút còn bị bộ đội địa phương và du kích truy bám, chặn đánh, gây thêm thương vong, đến nỗi chúng phải gọi lưu vực sông “Tô Hạp” là “Thung lũng tử thần”.

Phối hợp với căn cứ miền núi chống càn; ở đồng bằng: bộ đội địa phương huyện Vĩnh Xương đánh cắt đứt đoạn đường xe lửa từ Phú Vinh đi Suối Dầu, đặc công tỉnh đánh vào sân bay Nha Trang, phá hủy ba máy bay, các đội vũ trang công tác tăng cường hoạt động các xã, ấp.

Ở đồng bằng Bình Thuận: địch càn quét bắt dân về ấp chiến lược, nhưng dựa vào hoạt động của ta có hiệu quả, quần chúng lần lượt đấu tranh trở về đất cũ, xây dựng làng chiến đấu, sản xuất và chống địch. Đến giữa năm 1963, có 9 xã giải phóng ở đồng bằng với 7.000 dân (mỗi xã còn một phần ba, một nửa hoặc hai phần ba dân số), chuyển hẳn lên thế bất hợp pháp.

Hoạt động càn quét và chống càn quét, dồn dân và chống dồn dân, xây dựng và phá ấp chiến lược diễn ra giữa ta và địch ở cả miền núi và đồng bằng rất gay go, rất quyết liệt. Tháng 3 năm 1963, Quân khu mở Hội nghị quân chính để kiểm điểm rút kinh nghiệm về hoạt động xây dựng của lực lượng vũ trang và đề ra nhiệm vụ chóng địch càn quét, lấn chiếm, chống phá “quốc sách ấp chiến lược” của địch, xây dựng và hình thành ba thứ quân, chú trọng nâng cao chất lượng. Lúc này trường Quân chính Quân khu cũng kịp thời bổ sung cho các đơn vị, địa phương tỉnh, huyện trên hai trăm cán bộ đại đội, trung đội đã được bổ túc và đào tạo.

Tháng 4 năm 1963, lực lượng của quân khu được tổ chức biên chế lại cho phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ. Do lực lượng vũ trang bên dưới còn quá yếu, điều kiện bảo đảm hoạt động tập trung còn khó khăn, nên giải thể một số tiểu đoàn để lấy cán bộ, chiến sĩ đưa xuống, xây dựng bộ đội địa phương tỉnh, huyện (như lấy Tiểu đoàn 36, bổ sung cho Tuyên Đức và Quảng Đức, lấy hai đại đội của Tiểu đoàn 39 bổ sung cho Khánh Hòa, v.v.).

Quân khu chỉ còn giữ hai tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 840, quân số hoạt động mỗi tiểu đoàn cũng chỉ có 250 đến 300 tay súng); và một khung tiểu đoàn trợ chiến. Tuy lực lượng ít nhưng việc cung cấp rất khó khăn, lương thực thường xuyên lúc bấy giờ là: mì-măng-môn-muối mà chiến sĩ gọi đùa là công thức “+4M”. Tiểu đoàn 186 thường phải ăn lá bép trừ cơm nên được gọi vui là “Tiểu đoàn lá bép”.

Từ giữa năm 1963 trở đi, tuy địch vẫn còn tiếp tục càn quét, đánh phá, nhưng mật độ và quy mô có giảm. Do lực lượng địch bị tiêu hao, do tình hình chung trên toàn Miền tác động, nhất là sau chiến thắng Ấp Bắc, ta bắt đầu chuyên lên cao trào đánh phá ấp chiến lược, địch bắt đầu gặp khó khăn mới trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận’ của bài của Mỹ - ngụy trong “chiến tranh đặc biệt’ bị phá sản, làm sụp đổ lòng tin của quân ngụy vào trang bị kỹ thuật hiện đại và lực lượng yểm trợ cơ động và hỏa lực của Mỹ. Nó cũng làm sụp đổ lòng tin của Mỹ vào khả năng chống đỡ của quân ngụy trước sức tiến công của ta. Trận “Ấp Bắc” chứng tỏ quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong “chiến tranh đặc biệt’ này.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:06:11 am
Thường vụ Khu ủy và Quân khu chủ trương tranh thủ mở những đợt tấn công vào vùng địch, kết hợp diệt địch với phá ấp chiến lược bằng kết hợp ba mũi: quân sự, chính trị và binh vận.

Mở đầu bằng kết hợp quân sự với binh vận, tiến công phá mảng, ấp buôn ENa, buôn Bla và buôn Edrack ở nam Buôn Ma Thuột. Ở buôn ENa, nhờ có cơ sở nắm chắc dân vệ, nên khi lực lượng ta vào, họ tập trung hết súng giao cho ta và giở vờ nổ súng đánh nhau, để họ có cớ đấu tranh với địch. Ở buôn Edrack-Bla, dân vệ có nổ súng đánh lại, nhưng qua sử dụng cơ sở gia đình họ phát loa giải thích, kêu gọi thì dân làng nhất tề hưởng ứng, vận động dân vệ nộp súng cho ta và cùng nhau ùa ra phá banh hết ranh rào. Ta thu gần 150 súng. Ta còn đánh diệt một đồn cấp trung đội nằm gần đó, tạo thêm lý lẽ cho nhân dân đấu tranh. Với phương thức trên, trong những tháng cuối năm 1963, B6 (thị xã Buôn Ma Thuột và các vùng xung quanh) tiếp tục phá banh hàng loạt ấp.

Để căng kéo địch và hỗ trợ cho nhân dân vùng căn cứ chống càn và chống phá ấp chiến lược, tháng 7 năm 1963 Tiểu đoàn 840 chủ lực Quân khu, tiến công tiêu diệt cứ điểm Hăng-tơ (đồn cấp đại đội) ở đông bắc Hồ Lắc và phối hợp với bộ đội B5 (nam đường 21 đến nam Hồ Lắc) liên tục bám đánh địch, phá lỏng, phá banh một số ấp trong vùng. Tháng 8 năm 1963 Tiểu đoàn 840 đánh một trận phục kích vận động trên đường 21 kép, sau gần hai giờ chiến đấu, ta phá hủy 20 xe GMC, đánh thiệt hại nặng hai đại đội của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 44) đi hộ tống và một trung đội bảo an đi chốt và mở đường; buộc địch sau đó phải co lại, đường hành lang của ta vẫn đi lại bình thường.

Trong những tháng cuối năm 1963, mật độ đánh phá của địch thưa dần. Ta một mặt sẵn sàng chống càn quét, giữ dân còn lại trong các khu căn cứ, giữ vững đường hành lang, mặt khác chủ động tổ chức tiến công địch ở phía trước, đánh phá ấp chiến lược có kết quả.

Ở đồng bằng, tuy địch còn mở một số cuộc càn quét dài ngày vào các vùng căn cứ giải phóng, nhưng phong trào du kích chiến tranh ở căn cứ và các xã giải phóng đã có bước phát triển mới, bước đầu đánh trả địch có hiệu quả. Ngày 30 tháng 3 năm 1963 lực lượng vũ trang vũ trang Bình Thuận cùng với bộ đội địa phương huyện Hòa Đa phục kích giao thông đoạn Bầu Sen (quốc lộ 1), tiêu diệt một đoàn xe quân sự, một đại đội bảo an và bốn trung đội dân vệ, thu 160 súng. Tiếp theo, ta đánh đồn Bình Lâm (đường số 8), làm thiệt hại nặng một đại đội bảo an. Ngày 27 tháng 7 năm 1963, lực lượng tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện Tánh Linh tiêu diệt gần hết hai đại đội bảo an, giết chết tên quận trưởng Tánh Linh, hỗ trợ cho nhân dân vùng Suốt Kiết nổi dậy phá “ấp chiến lược”.

Ngày 28 tháng 10 năm 1963, lực lượng vũ trang tỉnh cùng đội vũ trang công tác diệt ác, phá kìm ở ven thị xã Phan Thiết và phục kích tiêu diệt một đoàn xe lửa bọc thép, thu 50 súng và nhiều chiến lợi phẩm. Đây là loại xe do đế quốc Anh chế tạo chống lại du kích Malaixia, xe có hình dáng như chiếc nồi đồng, vỏ sắt dày, hỏa lực mạnh, thường đi theo đội hình ba chiếc, mỗi chiếc cách nhau 100 mét.

Sau hai lần đánh để rút kinh nghiệm, công binh xưởng Cao Thắng của tỉnh đã sản xuất được một loại mìn đủ sức phá loại xe nồi đồng. Với loại mìn này, ta đã đánh diệt gọn cả tốp ba chiếc, một đoàn tàu mười hai toa và những chiếc xe bọc thép hộ tống. Sau trận đánh này, quân địch phải bỏ luôn đoạn đường sắt Cà Ná - Gia Huynh.

Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo đòi tự do tín ngưỡng từ Huế lan tràn vào các tỉnh phía nam và phong trào sinh viên, học sinh chống độc tài bảo vệ Phật giáo nổi lên rầm rộ đã thu hút cả một bộ phận binh sĩ và nhân viên ngụy quyền tham gia: Ở Đà Lạt hàng ngàn quần chúng xuống đường tuần hành phản đối địch đàn áp nhân dân, tổ chức lễ truy điệu những nạn nhân bị địch giết hại. Nhân dân đưa bàn thờ Phật “xuống đường” thiết lập hương án ngay trên các đường phố khu trung tâm thị xã, gây mất ổn định cho địch trong hàng tuần lễ.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, nhóm Dương Văn Minh do Mỹ giật dây làm đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm, hàng ngũ địch hoang mang dao động. Nhân thời cơ đó, các địa phương đã bung ra hoạt động hỗ trợ cho phong trào quần chúng bung về chỗ cũ làm ăn, giải quyết đời sống và làm lỏng rã kìm. Ta khôi phục và mở thêm một số ấp tranh chấp, làm chủ và phát triển lực lượng tại chỗ. Tuy nhiên, do sức ta có hạn và một số nơi còn chần chừ nên chưa tranh thủ hết thời cơ thuận lợi để đưa phong trào lên mạnh.

Tháng 10 năm 1963, sau khi nhận được quyết định của trên điều chỉnh lại chiến trường, Khu VI đã bàn giao hai tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc (trừ Quảng Đức) lại cho Khu V, tiếp nhận hai tỉnh Phước Long và Lâm Đồng của Khu X, kế tục nhiệm vụ xây dựng căn cứ bảo đảm hành lang Bắc - Nam.

*
*   *

Vậy là, qua những năm tháng chiến đấu hết sức gian khổ, trong những điều kiện vô cùng gian nan, phức tạp của chiến trường, mặc dù vẫn còn nhiều nhược điểm, khó khăn, nhưng đến đây coi như Khu VI đã vượt qua được bước thử thách của mấy năm đầu, kể từ sau ngày được thành lập. Với tư tưởng cách mạng tiến công, với phương châm đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, tư tưởng kiên định bám trụ chiến trường, xây dựng lòng tin Đảng, tin Cách mạng của đồng bào dân tộc nam Tây Nguyên và miền tây các tỉnh, Khu VI đã mở ra và giữ được địa bàn nam Tây Nguyên, giữ vững đường hành lang chiến lược; chuyển được phong trào đồng bằng lên thế hai cân, ba mũi, ba thứ quân được hình thành; thế trận chiến tranh nhân dân không ngừng phát triển (tuy chưa được đồng đều giữa các chiến trường trong Khu).

Khuyết điểm của chúng ta lúc đầu là chủ quan, không thấy hết các âm mưu, thủ đoạn của địch; về sau khi bị địch phản kích thì đánh giá chúng cao, ta thấp, nhẹ công, nặng thủ; chưa coi trọng mũi đấu tranh chính trị, binh vận; chưa coi trọng cách vận dụng phương châm, phương thức sát hợp với từng vùng…


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:09:03 am
Chương III

PHỐI HỢP VỚI TOÀN MIỀN CHUYỂN LÊN TIẾN CÔNG ĐỊCH,
PHÁ ẤP CHIẾN LƯỢC, MỞ RỘNG VÙNG LÀM CHỦ VÀ GIẢI PHÓNG
(1964-1965)

I. TRIỂN KHAI THẾ ĐỨNG, TRANH THỦ CỦNG CỐ VÀ CHUẨN BỊ CÁC MẶT
PHỐI HỢP VỚI TOÀN MIỀN ĐÁNH PHÁ ẤP CHIẾN LƯỢC.

Tháng 12 năm 1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 9, nêu rõ phương hướng trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt; đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều đóng vai trò rất cơ bản và rất quyết định, nhưng đấu tranh quân sự đóng vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh tan lực lượng quân sự của địch làm cho Cách mạng thắng lợi.”. Phải nỗ lực tăng cường lực lượng ta về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự… tiến công địch về quân sự và chính trị nhằm đạt hai mục tiêu chủ yếu:

- Tiêu diệt từng bộ phận quân địch, tạo điều kiện làm tan rã hoàn toàn quân ngụy.

- Làm thất bại kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược của địch, làm chủ rừng núi và phần lớn nông thôn đồng bằng.

Sau Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị chú trọng tăng cường lực lượng cho miền Nam và Nam Trung Bộ.

Ở Khu VI, sau khi có quyết định điều chỉnh lại chiến trường và trải qua cuộc hành quân di chuyển dài ngày vất vả, các cơ quan và lực lượng của Quân khu đã về đến vùng bãi Cát Tiên ở lưu vực sông Đồng Nai, nằm giữa Lâm Đồng và Phước Long. Ở đây, nhờ có sẵn rẫy mì, lang do các đơn vị bạn để lại và tổ chức thu mua được lương thực, thực phẩm từ vùng địch, nên đã sớm ổn định được chỗ ăn, ở cho các đơn vị, có cơ sở bước đầu để triển khai hoạt động, công tác và sản xuất.

Lực lượng ở Khu lúc này chỉ tăng một ít cán bộ ở miền Bắc vào (Đoàn H.34 - H.36)(1) để bổ sung cho cơ quan Quân khu và giáo viên trường Quân chính Quân khu (sáu mươi đồng chí từ thiếu úy đến thiếu tá). Các đơn vị tập trung của Quân khu lúc này vẫn là hai Tiểu đoàn 186-840 thiếu và một khung tiểu đoàn trợ chiến (Tiểu đoàn 145), bộ đội địa phương tỉnh, huyện có 9 đại đội, 19 trung đội và 2.570 du kích.

Sau cuộc đảo chính, địch đang lo củng cố hàng ngũ. Hầu hết các tỉnh trưởng, tỉnh phó và một số tay chân của Diệm - Nhu đều bị bắt, bị câu lưu hoặc thay hế như tỉnh trưởng Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Đức, Bình tuy, thị trưởng Đà Lạt, v.v. Các tổ chức do Diệm - Nhu dựng lên như Đảng cần lao nhân vị, phong trào Cách mạng Quốc gia, Thanh niên Cộng hòa, Phụ nữ liên đới… đều bị giải tán. Các ủy ban xét xử tội trạng bọn tay chân của Diệm - Nhu được thành lập. Tình hình đó làm cho hàng ngũ tề điệp ở xa, ấp hoang mang, rệu rã mạnh. Tiếp đến việc Nguyễn Khánh lật đổ Dương Văn Minh ngày 30 tháng 1 năm 1964 càng làm cho hàng ngũ chúng thêm nghi kỵ, lục đục với nhau.

Đây là cơ hội cho các lực lượng của ta kết hợp với phong trào quần chúng đẩy mạnh hoạt động, đấu tranh giành giữ quyền làm chủ.

Nhiều nơi nhân dân tổ chức mít tinh, hội họp khống chế bọn tay sai địch, đấu tranh đòi thay đổi bọn tề phản động.

Qua một thời gian chấn chỉnh lại hàng ngũ, tháng 3 năm 1964, Nguyễn Khánh tổ chức những đoàn bình định có lực lượng quân sự đi kèm về các vùng trọng điểm củng cố lại bộ máy kìm kẹp ở thôn, xã, tiếp tục thực hiện “Quốc sách ấp chiến lược” (tên gọi mới là “ấp Tân Sinh”), với chiêu bài cải cách dân chủ, lừa mị.

Chúng khẩn trương phát triển các lực lượng bán vũ trang, đặc biệt là tổ chức thanh niên chiến đấu, tăng cường trang bị vũ khí, trả lương, tuyển thanh niên người Thượng xây dựng lực lượng biệt kích Mỹ (Mỹ trực tiếp nắm), thanh niên người Chăm xây dựng lực lượng tự trị Chiêm Thành, xây dựng thêm đồn bót để phục vụ cho kế hoạch lấn chiếm bình định. Chúng chú trọng xây dựng hệ thống đồn bót ở mảng tây bắc Đức Lập để kiểm soát biên giới, ngăn chặn đường hành lang ta, mở rộng sây bay Thành Sơn Ninh Thuận và khai thác quân cảng Cam Ranh.

Từ cuối năm 1963 đến tháng 3 năm 1964, địch mở hai cuộc càn “Bình Lâm 1 và Bình Lâm 2” với lực lượng từ 3 đến 7 tiểu đoàn, đánh phá vào vùng giải phóng khu Lê Hồng Phong, Hàm Thuận và miền tây Bình Thuận; càn quét và đột kích vào các lõm căn cứ ở Lạc Dương, Đức Trọng, Tuyên Đức), Đức Xuyên, Kiến Đức (Quảng Đức), dùng trực thăng đi cướp lúa của đồng bào để ngoài đồng (hàng trăm tấn), rải chất đốc phá hoại mùa màng, triệt nguồn lương thực, gây khó khăn cho đời sống nhân dân và lực lượng ta. Chúng còn dùng chất độc hóa học để phát quang hai bên đường sắt và đường quốc lộ 1 ở Ninh Thuận - Bình Thuận và vùng ngoại ô thị xã Đà Lạt. Dã man hơn, địch cho tay sai trộn thuốc độc vào thực phẩm, thức ăn để giết hại lực lượng Cách mạng và nhân dân vùng giải phóng của ta.

Nhưng những hành động dã man ấy, không làm nhụt ý chí của nhân dân và lực lượng ta. Trong sáu tháng đầu năm 1964, trong lúc nội bộ địch rối ren, các lực lượng ta đã tranh thủ mở hàng trăm cuộc vũ trang tuyên truyền vào các khu ấp chiến lược; hàng chục lần chặn xe khách trên các trục lộ 1, 20, 14… để tán phát tin thức, truyền đơn; mở trên năm trăm cuộc mít tinh lớn nhỏ, để động viên, hướng dẫn phong trào đấu tranh của quần chúng. Nhân dân trong các ấp chiến lược đã cùng các lực lượng bên ngoài đốt phá hàng chục ngàn mét hàng rào ấp, phá hoại giao thông đường bộ, đường sắt, đốt phá 15 trụ sở ấp, xã, diệt một số ác ôn, giải tán gầm 400 thanh niên chiến đấu (nhiều là ở Quảng Đức và Lâm Đồng), phá rã 41 khu ấp chiến lược (Bình Thuận phá 26 ấp), phá binh 23 khu ấp, có hai ấp địch phải bỏ luôn.

Phong trào quần chúng bung về ở vườn, nhà cũ, hoặc đi làm ăn xa ấp, sâu vào vùng ven núi, ven rừng, ngày càng mở rộng. Ở vùng đồng bào dân tộc, hàng ngàn quần chúng đi làm rẫy cách xa ấp từ hai, ba giờ, đến cả buổi, cả ngày đường, dần dần làm chòi ngủ lại rẫy, từ lẻ tẻ đến đông người, từ ít ngày đến nhiều ngày, theo thế hai chân (trong và ngoài ấp), cất giấu lại lương thực, chuẩn bị điều kiện để bó ấp, ở luôn bên ngoài. Tháng 5 năm 1964, ở Lâm Đồng đã có 1.900 đồng bào (có 600 người Kinh), Phước Long có 3.000 người bung ra làm ăn cư trú ở bên ngoài.


(1) - Đoàn H.34: do đồng chí đại úy Nguyễn Trọng Quý đoàn trưởng, thiếu tá Nguyễn Xuân Cảnh chính trị viên.
- Đoàn H.36: do đồng chí đại úy Nguyễn Hoanh đoàn trưởng, (ở lại Khánh Hòa), đại úy Võ Đức Nhi chính trị viên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:09:41 am
Ở đồng bằng Bình Thuận, Ninh Thuận: đồng bào cũng lần lượt về bám lại ruộng vườn cũ sản xuất, chăn nuôi, đi lại làm rừng, làm biển; có trên ngàn gia đình về cất nhà ở lại đất cũ, làm lại hàng trăm mẫu ruộng đất bỏ hoang hóa. Cùng với phong trào quần chúng bung ra, đi lại làm ăn, các cuộc đấu tranh trực diện tại chỗ chống bắt lính, chống tăng thuế, đòi cứu đói, cứu đau dũng diễn ra sôi nổi.

Các vùng giải phóng đồng bằng và căn cứ miền núi đến tháng 5 năm 1964 vẫn còn giữ được 25.000 dân. Đã hình thành được những xã chiến đấu, điển hình ở đồng bằng như: Hồng Liêm, Hồng Lâm, Hồng Chính, Hàm Thạnh, v.v. (Bình Thuận), Sơn Hải, Thương Diêm (Ninh Thuận). Địch càn quét, đánh phá đã bị tiêu hao, ngăn chặn. Việc giao lưu mua bán, thăm viếng hội họp, đi lại giữa vùng ta và vùng địch kiểm soát được duy trì. Nhiều “chợ kháng chiến” ở khu Lê Hồng Phong, Hàm Thạnh, Hàm Tân được tổ chức và hoạt động thường xuyên. Khi địch càn vào thì nhân dân vùng ta tạm tránh vào vùng địch, được nhân dân vùng địch đùm bọc, giúp đỡ.

Tuy có cố gắng như trên, nhưng nhìn chung phong trào chưa chuyển biến mấy. Số lượng diệt địch trong sáu tháng đầu năm 1964 ít hơn sáu tháng đầu năm 1963. Diệt phá banh, phá dứt điểm ấp chiến lược còn ít. Có nguyên nhân do khó khăn về lực lượng, hậu cần, về ăn, ở không ổn định, di chuyển điều chỉnh chiến trường, nhưng chủ yếu là do đánh giá địch cao ta thấp, chưa mạnh dạn bung ra tiến công địch.

Tháng 5 năm 1964, Hội nghị Quân khu ủy kiểm điểm đánh giá tình hình chung và đề ra nhiệm vụ quân sự của Quân khu trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Quân khu ủy được tiến hành bài bản, có đề cập toàn diện các vấn đề hoạt động và xây dựng lực lượng trên cơ sở đánh giá tình hình và kiểm điểm sâu sắc các mắt công tác, nhất là phê phá tư tưởng hữu khuynh co thủ, đã chi phối nhiều đến tinh thần tích cực tấn công tiêu diệt địch.

Hội nghị đề ra nhiệm vụ quân sự trong thời gian tới: “tập trung mọi lực lượng, liên tục tiến công phá ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ giải phóng, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, nỗ lực xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, trước hết là lực lượng du kích và bộ đội địa phương huyện, kiên quyết tiến lên cùng các chiến trường đánh bại kế hoạch Mắcnamara của địch. Trong đánh phá ấp chiến lược phải dùng cả ba thứ quân phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng và qua nhiệm vụ phá ấp giành dân mà mở rộng diện du kích đánh nhỏ lẻ và nâng mức đánh tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, Hội nghị chủ trương tiến hành chỉnh huấn chính trị cho cả cơ quan và các lực lượng vũ trang nhằm: nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tích cực công tác và tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn nữa. Qua đó giải quyết triệt để tư tưởng hữu khuynh co thủ, ngại địch, ngán địch lâu dài, trông chờ ỷ lại.

Tháng 6 năm 1964, Khu ủy mở hội nghị lần thứ 3, xác định nhiệm vụ: “Trong thời gian tới phải đưa phong trào toàn Khu lên một bước mới, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang nhằm đập tan âm mưu địch củng cố lại ấp chiến lược, đánh phá căn cứ, cắt đứt đường hành lang của ta. Mở rộng vùng làm chủ và tranh chấp trên đại bộ phận nông thôn đồng bằng, củng cố và mở rộng căn cứ địa, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng hành lang trước mắt và sau này. Đồng thời ra sức xây dựng và phát triển lực lượng ta về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào”. Hội nghị Khu ủy cũng nhất trí thông qua nhiệm vụ quân sự do Quân khu ủy đề ra.

Để chuẩn bị phối hợp chiến trường chung toàn Miền, tháng 7 năm 1964, Quân khu chủ trương mở một đợt hoạt động Thu Đông 1964 trên địa bàn tỉnh Phước Long nhằm:

- Tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta.

- Đẩy mạnh phong trào phá ấp, giành dân, mở rộng căn cứ bảo đảm hành lang.

- Qua tác chiến nâng trình độ lực lượng vũ trang ta lên.

Đồng thời Quân khu cũng đã tổ chức một đoàn cán bộ công tác chuẩn bị chiến trường ở hướng Lâm Đồng và Bình Thuận (trục đường 20, Hoài Đức - Tánh Linh).

Lúc này Quân khu đã chuyển Tiểu đoàn 840 (thiếu) sang đứng hoạt động ở Phước Long, vừa hỗ trợ cho phong trào phá ấp giành dân ở địa phương, vừa chuẩn bị chiến trường cho hoạt động Đông Xuân 1964-1965 theo kế hoạch chung của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Tiểu đoàn 186 (thiếu) sau thời gian ở lại bảo vệ căn cứ và hành lang lưu vực sông Krông-Nô, trước khi bàn giao cho Khu V, đã chuyển vào đứng ở Mã Đà để học tập và củng cố.

Tỉnh Phước Long sau khi đã sáp nhập vào Khu VI được xác định là trọng điểm của Khu. Lực lượng địch ở đây có Tiểu đoàn 34 biệt động quân, một chi đoàn xe bọc thép và các đại đội bảo an lẻ. Mỗi chi khu có một đại đội bảo an cơ động, không tính số đại đội, trung đội bảo an chốt giữ các cứ điểm. Ở đây còn có hai trại biệt kích Mỹ ở Bù Đốp và Bù Gia Mập; mỗi nơi có từ một đến hai đại đội được huấn luyện theo lối đánh biệt kích ở vùng núi dọc biên giới Phước Long - Cam-pu-chia. Ở các dinh điền, ấp chiến lược, có tử một tiểu đội đến một trung đội giữ ấp.

Phần ta, lực lượng ở tỉnh chưa đầy một đại đội, các huyện mới có từ một tiểu đội đến một trung đội (Sau đó Quân khu có bổ sung thêm đại đội 273, đại đội bảo vệ căn cứ của Khu X để lại). Do tình hình như vậy nên việc hoạt động còn gặp nhiều khó khăn.

Bước vào mùa mưa 1964, Tiểu đoàn 804 (thiếu) và lực lượng vũ trang Phước Long đã tích cực triển khai hoạt động trên diện rộng, vừa đánh phá ấp chiến lược, vừa phục kích đánh viện. Tháng 4 năm 1964, ta diệt đồn Bon Ría (cứ điểm do đại đội bản an chốt giữ và khống chế dân trên trục đường 10). Sau đó chuyển qua phá rã, phá banh một số ấp chiến lược chung quanh, mở rộng được địa bàn đứng chân của tỉnh. Qua hoạt động đã giúp cho cán bộ thấy rõ hơn địch ta, góp phần giải quyết một bước tư tưởng hữu khuynh co thủ, thiếu tin ở sức mình và quần chúng nhân dân, làm cơ sở chuẩn bị khí thế bước vào hoạt động Đông Xuân 1964-1965 mạnh mẽ hơn.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:10:31 am
II. BƯỚC PHÁT TRIỂN CÓ TÍNH CHẤT NHẢY VỌT
CỦA PHONG TRÀO TRONG KHU ĐÔNG XUÂN 1964-1965

Tháng 10 năm 1964, theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục và kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Miền - Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy quyết định mở hoạt động Đông Xuân 1964-1965 trên hai hướng: Vùng đường 10 đông bắc tỉnh Phước Long và vùng Hoài Đức - Tánh Linh tỉnh Bình Thuận, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá ấp mở vùng, giải phóng đại bộ phận nông thôn, làm thất bại “Quốc sách ấp chiến lược” của địch, phối hợp với chiến dịch Bình Giã của Miền.

Lực lượng Quân khu lúc này được Bộ tăng thêm một tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 130) hai đại đội bộ binh độc lập (Đại đội 54, Đại đội 55) và một đại đội hỏa lực. Quân khu bổ sung Đại đội 54 cho Tiểu đoàn 186. Như vậy, bước vào hoạt động, lực lượng chủ lực của Khu có hai tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn trợ chiến (Tiểu đoàn 145).

Ở trọng điểm Phước Long, ta bố trí hai tiểu đoàn (840 và 145), cùng với lực lượng địa phương, do đồng chí Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ đạo. Hướng Hoài Đức - Tánh Linh, Tiểu đoàn 186 cùng phối hợp với bộ đội địa phương Bình Thuận hoạt động do đồng chí Bùi Định, phó bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu cùng Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo.

Lúc này, trên toàn Miền, một số chiến trường đã bước vào hoạt động Đông Xuân, địch bị căng kéo trên nhiều hướng, lại phải đối phó với vụ binh biến của lực lượng vũ trang người Thượng ở Buôn Ma Thuột, nên tình hình rất thuận lợi cho ta.

Đầu tháng 11 năm 1964, trên hướng đường 10 Phước Long ta bắt đầu hoạt động. Tiểu đoàn 840 dùng một đại đội đánh chiếm ấp chiến lược Bù Bông và phục kích đánh một đại đội bảo an từ chi khu Đức Phong đi giải tỏa, tiêu diệt một bộ phận địch, bắt sống bảy tù binh, thu vũ khí. Hai ngày sau, ta bao vây đánh ấp chiến lược Bom Ría, có một đại đội bảo an và hai trung đội dân vệ chiếm giữ. Trận đánh do ta bao vây không chặt nên địch đã bí mật cắt rừng tháo chạy, ta truy quét tàn quân địch và cùng đội công tác vũ trang phát động quần chúng xóa bỏ kìm kẹp, lập chính quyền tự quản.

Sau đó Tiểu đoàn 840 lợi dụng địa hình, bất ngờ áp sát dinh điền Bù Xia - Đức Hạnh ban ngày và thực hành vận động tiến công tiêu diệt địch, số còn lại tháo chạy. Ta chiếm ấp, phát động quần chúng phá kìm và bố trí đánh viện từ tiểu khu Phước Long kéo đến. Đúng theo kế hoạch của ta, sáng hôm sau địch dùng hai đại đội bảo an, một đại đội thám kích và một số trung đội dân vệ đi giải tỏa, bị ta đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an và đánh bật đại đội thám kích lọt xuống sông Đức Hạnh. Buổi chiều, chúng tăng cường thêm hai đại đội của Tiểu đoàn 34 biệt kích quân, một chi đội xe bọc thép và máy bay đến oanh kích. Ta lợi dụng ưu thế địa hình và công sự vững chắc, chờ địch đến gần tầm hỏa lực mới đồng loạt nổ súng, ghìm địch trước cánh đồng nước để tiêu diệt chúng. Cùng lúc, đại đội một bộ binh xuất kích vận động đánh tạt vào sườn địch. Kết quả: ta đánh thiệt hại nặng quân cứu viện, bắn cháy hai xe bọc thép và hai máy bay, địch phải rút chạy. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 840 thừa thắng truy kích địch đến tận bờ bắc của sông Bé gần thị xã Phước Long.

Trận này, tuy ta tiêu diệt địch không gọn, nhưng cũng là một trận đánh khá tốt, đã đánh bại cuộc hành quân phản kích của tiểu khu, có cả xe bọc thép và máy bay chi viện, giữ vững thành quả phá ấp. Lần đầu tiên Tiểu đoàn 840 thực hành tổ chức bám trụ (phòng ngự điểm tựa), đánh gần, kết hợp vận động đánh địch phản kích (với lực lượng tương đối lớn có cả máy bay, xe bọc thép yểm trợ) đã đánh thiệt hại nhiều đại đội địch, truy kích, làm chủ chiến trường, thu vũ khí. Trận đánh không những có ý nghĩa quyết định trong việc mở mảng ấp, giải phóng đường 10, mà còn có tác dụng xây dựng bộ đội về cả tư tưởng và kinh nghiệm tác chiến.

Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục phá các ấp Bù Yàm, Bù Gia Chúc, Khắc Khoan. Đến đầu tháng 1 năm 1965, ta giải phóng hầu hết các ấp trên đường 10 và làm chủ hoàn toàn con đường này, đưa thế tranh chấp vào các ấp xung quanh chi khu, quận lỵ Đức Phong trên đường 14. Các lực lượng địa phương cũng phá lỏng rã kìm, làm chủ có mức độ các ấp Bù Na, Phước Liễu đến nam chân núi Bà Rá và mảng ấp Phú Văn, rút nhiều thanh niên bó vào các đội, mui công tác và bộ đội địa phương. Trước tình hình các địa bàn mở ra, cán bộ địa phương thiếu, Khu ủy điều một số cán bộ và các cơ quan Khu xuống giúp xây dựng các vùng mới giải phóng, kịp thời đưa lên thế hai chân, ba mũi, sẵn sàng chiến đấu chống địch lấn chiếm.

Tiểu đoàn phân công Đại đội 54 ở lại cùng cán bộ địa phương xây dựng, bảo vệ các ấp giải phóng, chủ yếu là khu dinh điền Bù Xia - Đức Hạnh. Đơn vị đã gắn bó với nhân dân và làm tốt công tác dân vận, bám trụ kiên cường, đánh giặc giỏi, bảo vệ được dân nên đã được nhân dân ở đây trìu mến, tặng cho cái tên là “Đại đội Đức Hạnh”.

Giữa lúc đó, chủ lực Miền giành thắng lợi lớn ở Bình Giã, Tiểu đoàn 840, đại đội đặc công tiến công tiêu diệt gọn chi khu, quận lỵ Đức Phong (Phước Long), làm chủ chiến trường, thu chiến lợi phẩm, gây tác động mạnh tình hình trong khu vực Phước Long - Quảng Đức. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện thừa thắng phát triển tiến công giải phóng các ấp Bù Na, Đức Bồn, Phước Liễu, Vĩnh Thuận và một phần ấp Đao Nghĩa. Toàn bộ các ấp chiến lược dọc đường 10 được giải phóng, đường hành lang được mở rộng, vùng giải phóng của ta nối liền từ đường 10 đến đường 14 tiếp giáp với căn cứ của Khu, tạo bàn đạp thuận lợi để chuẩn bị tiến công vào thị xã Phước Long mùa hè năm 1965.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 20 Tháng Mười, 2011, 07:11:01 am
Phối hợp với trọng điểm Phước Long của Khu, trong Đông Xuân, Lâm Đồng đã loại khỏi vòng chiến trên ba trăm tên địch, diệt gọn một số trung đội dân vệ và bảo an, thu hàng trăm súng, chuyển lên tranh chấp và giải phóng một số ấp đồng bào dân tộc ở Đạ Bình, Gung Răngia, Bà Trộ, Bsar… Quảng Đức cũng loại khỏi vòng chiến 140 tên, thu 73 súng, mở được các khu ở Nàng Ne, Khơhimua, Bù Xếp, Kladố, Klata… Tuyên Đức từ tháng 11 năm 1964 đã hoạt động trên đường 11, đánh phá đưa lên làm chủ ấp Xuân Thành là ấp chiến lược kiểu mẫu của địch; đánh diệt một trung đội bảo an ở ấp Tia Hóa (tức Hoạt), mở rộng bàn đạp nối với tây nam Đà Lạt xuống đường 20. Tháng 1 năm 1965 lực lượng ta diệt bốt cảnh sát và đồn dân vệ Trại Mát ở ngoại vi Đà Lạt, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị trong thị xã.

Ở Bình Thuận, Tiểu đoàn 186 cùng lực lượng địa phương mở đợt tấn công vào hệ thống kìm kẹp của địch ở hai huyện Hoài Đức, Tánh Linh. Đây là một vùng kinh tế phì nhiêu nổi tiếng “Gạo Đồng Kho, cá biển Lạc” nối liền với Xuân Lộc, Đồng Nai, Đông Nam Bộ. Từ những năm 1959-1961 địch đã dưa dân miền Trung vào xây dựng những khu “dinh điền” và “ấp chiến lược” nhằm khai thác nguồn kinh tế và cuốt giữ vùng xung yếu này. Chúng lập 25 dinh điền và ấp chiến lược, gồm 50.000 dân Kinh, Thượng và Nùng, với một hệ thống đường sá, đồn bốt nối liền từ Bình Tuy đến quốc lộ 20.

Lực lượng của ta mỗi huyện (Hoài Đức - Tánh Linh) mới có hơn một tiểu đội bộ đội địa phương và hai đến ba tiểu đội vũ trang công tác bám hoạt động phía trước, và từ hai tiểu đội đến hai trung đội du kích ở căn cứ. Cơ sở bên trong nhiều nơi còn trắng. Tình hình như vậy nên tháng đầu ta phải vừa chạy gạo, vừa chuẩn bị chiến trường. Bộ đội gần đến ngày hoạt động, mỗi người không đầy hai ki-lô-gam gạo, để dành nấu cơm vắt mang theo cho chiến dịch trong ngày.

Mở đầu hoạt động đêm 10 tháng 11 năm 1964, phía nam sông ta sử dụng một bộ phận của Đại đội 486 (tỉnh) và bộ đội địa phương huyện Tánh Linh đánh phá các ấp chiến lược Đá Mài, Sông Phan, bắt một số tề, điệp. Ở bắc sông, ta dùng một trung đội (của Tiểu đoàn 186) tiêu diệt một trung đội dân vệ giữ ấp Mêpu, và trụ lại trong ấp, cùng đội mũi công tác phát động quần chúng, truy bắt tề điệp, kêu gọi dân vệ và thanh niên chiến đấu ra nộp vũ khí. 8 giờ sáng ngày 11 tháng 1 năm 1964, đại đội bảo an cơ động của chi khu Hoài Đức và một trung đoàn dân vệ do tên Quận trưởng Hoài Đức chỉ huy, kéo lên ứng cứu, bị sa vào trận địa phục kích của ta, 63 tên bị diệt, ta thu 28 súng; số còn lại tháo chạy, một số đầu hàng.

Tối ngày 11 tháng 11 năm 1964, ta chuyển sang vây ép Quận lỵ, chi khu Hoài Đức, và đột vào đánh phá khu ấp chiến lược Bác Ruộng ở sát chi khu. Địch ở chi khu lo cố thủ, không dám bung ra phản ứng, ta cải trang thanh niên chiến đấu, huy động dân nổi dậy đột trụ sở hành chính, phá ranh rào, phá ban hấp Bắc Ruộng và tiếp tục bao vây chi khu. Ta dự kiến: khi lực lượng cơ động chi khu bị đánh thì tiểu lực lượng cơ động của tiểu khu sẽ kéo đến cứu nguy. Do vậy ta sử dụng một đại đội tăng cường (Đại đội 486, Đại đội 489 của Bình Thuận) và một đại đội của tiểu đoàn 186 bố trí trận địa phục kích trên đường số, đoạn từ Láng Gòn lên ki-lô-mét 46. Ngày 12 tháng 11 năm 1964 một đại đội bảo an, một đại đội biệt kích, một trung đội công dân vụ, một chi đội xe bọc thép M.113 dẫn đầu đi cứu viện đã lọt vào trận địa của ta, bị bao vây, chia cắt; ta diệt tại chỗ 130 tên, có hai cố vấn, phá hủy 10 xe quân sự, thu 57 súng các loại. Số sống sót tháo chạy về tiểu khu. Trận đánh đã làm chấn động quân địch ở Bình Tuy và càng làm cho địch ở chi khu Hoài Đức thêm hoang mang dao động.

Trong ngày, vùng chiến thuật 2, vội vã điều quân cộng hòa từ Nha Trang đến cứu viện bằng trực thăng, đổ xuống chi khu Hoài Đức một tiểu đoàn bộ binh (thiếu) đẻ giữ chi khu và quận lỵ, dùng hỏa lực và máy bay oanh tạc xung quanh để giải tỏa áp lực của ta chứ chưa dám bung ra.

Sau đó, ta dùng một lực lượng nhở vây lỏng chi khu Hoài Đức, Tiểu đoàn 186 phân tán thành đại đội; trung đội, đột nhập vào hầu hết các ấp và dinh điền cả ở phía Bắc và phía Nam chi khu (như: Súng Nhơn 1, Sùng Nhơn 2, Tề Lễ, Tà Bao, Huy Hiêm, v.v.) vừa đánh địch vừa vận động nhân dân (phần lớn là dân vùng tự do cũ Liên khu V bị đưa vào đây rất thông cảm với cách mạng) nhanh chóng nổi dậy tiếp tay cùng bộ đội phá ấp, giành quyền làm chủ. Họ cung cấp địch tình, hướng dẫn địa hình, vận động con em là dân vệ, thanh niên chiến đấu ra đầu hàng, nộp súng cho ta. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Tiểu đoàn 186 và lực lượng địa phương đã làm chủ hầu hết các ấp và dinh điền thuộc quận Hoài Đức, trừ các ấp sát quận lị, số bảo an, dân vệ giữ ấp bị diệt, bị tan rã, số còn lại rút chạy về quận. Số tề điệp ác ôn nhờ có quần chúng phát hiện nên ta đã giải quyết nhanh, phần lớn được đưa đi cải tạo, giáo dục. Do đó, khi địch bung ra phản kích, chúng mất chỗ dựa tại chỗ, bị các lực lượng phân tán của ta quần đánh liên tục, gây tổn thất. Chúng chỉ lướt qua một số ấp, rồi bí mật cắt rừng rút về co cụm ở Quận.

Cùng thời gian này, ở phía Tánh Linh; một bộ phận lực lượng của tỉnh cùng với bộ đội địa phương huyện liên tục đột nhập các ấp Đá Mài, Sông Phan, Bà Tá, các khu dinh điền Quang Hà, Gia An… vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kìm.

Đối với các ấp làm chủ, ta đã tăng cường cán bộ xuống làm công tác phát động quần chúng, lập chính quyền tự quản, xây dựng dân quân du kích, tổ chức các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân.

Nhờ kết hợp chặt chẽ các mặt công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức quần chúng, đánh địch lấn chiếm, cải tạo trấn áp tề điệp, nên đã đưa phong trào các khu ấp mới giải phóng lên nhanh. Ta đã tổ chức cho quần chúng, có cả gia đình binh sĩ kéo lên quận đấu tranh với địch, đòi được tự do đi lại, mua bán làm ăn, không được bắn pháo, không được dùng máy bay bắn phá vào ấp. Qua đó giữ được giao lưu kinh tế giữa vùng địch và vùng ta, xe cộ từ Sài Gòn - Phan Thiết vẫn lui tới vùng mới giải phóng bình thường. Hàng trăm thanh niên thoát ly nhập ngũ, được ưu tiên bổ sung cho bộ đội huyện và tỉnh. Đã giải quyết được lương thực cho các lực lượng có ăn và dự trữ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:43:38 pm
Đầu năm 1965, địch bắt đầu tăng quân dũi ra lấn chiếm lại các khu ấp đã mất. Ngày 17 tháng 1 năm 1965, một đại đội bảo an và ba trung đội dân vệ từ Hoài Đức đánh lên Mêpu. Tiểu đoàn 186 dùng chiến thuật chốt chặn, kết hợp với vận động tiến công đánh tiêu diệt gọn đại đội bảo an và đánh tan ba trung đội dân vệ. Trận đánh diễn ra lúc 8 giờ sáng ngay trong ấp, xác địch ngổn ngang, có cả bọn cố vấn và toàn bộ Ban chỉ huy hành quân của địch. Ta làm chủ hoàn toàn trận địa; nhân dân ùa ra thu dọn chiến trường; bọn sống sót vứt cả súng tháo chạy. Chiến thắng này được Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba.

Sau chiến thắng Mêpu, ta chuyển qua đồng loạt tiến công các ấp chiến lược Bác Núi (xã Huy Khiêm) trên tỉnh lộ số 2, sát với chi khu Hoài Đức; giải trang các trung đội dân vệ, thu hàng trăm súng, chiếm giữ ấp, phát động quần chúng phá kìm.

Ta chuyển một lực lượng sang phía nam sông La Ngà, giải phóng ấp Võ Xu và tranh chấp ấp Chính Đức; cùng đội công tác võ trang tuyên truyền vào hai khu dinh điền lớn Võ Đắc và Gia An.

Lực lượng của Bình Thuận sau khi giải phóng các ấp Bà Tá, Suối Kiết, đêm 7 rạng ngày 8 tháng 2 năm 1965 ta dùng đặc công tiêu diệt gọn cứ điểm Lồ Ô, một cao điểm bảo vệ chi khu - quận lỵ Tánh Linh; đồng thời ta dùng hỏa lực tập kích đánh thiệt hại nặng chi khu Tánh Linh. Cùng lúc ta đánh dứt điểm khu tập trung Đồng Me, một ngàn đồng bào dân tộc nổi dậy phá kìm về lại căn cứ và giải phóng luôn ấp Đồng Kho.

Ngày 22 tháng 2 năm 1965, địch ở Hoài Đức tập trung hai đại đội cộng hòa và bốn trung đội dân vệ đi giải tỏa khu ấp chiến lược Bác Núi, bị ta chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt 60 tên, số còn lại tháo chạy về cố thủ trong chi khu.

Chiến dịch Bình Giã của Miền đã kết thúc thắng lợi. Bộ chỉ huy chiến dịch cho một trung đoàn phát triển ra hướng Lagi - Hàm Tân (Bình Tuy). Đêm 27 tháng 2 năm 1965 trung đoàn đã phối hợp cùng lực lượng địa phương Hàm Tân diệt một trung đội dân vệ của ấp Hiệp Hòa (Tân Thắng) và ngày hôm sau diệt hai đại đội của tiểu khu Bình Tuy từ Lagi viện vào, giải phóng ấp Hiệp Hòa trên hai ngàn dân.

Bị đánh mạnh và bị căng kéo trên toàn tỉnh, tiểu khu Bình Tuy buộc phải rút bỏ một số đồn bốt lẻ có nguy cơ bị tiêu diệt. Toàn bộ địch ở chi khu Hoài Đức đứng trước tình hình bị uy hiếp mà không được trên chi viện. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 2 năm 1965, chúng đã hốt hoảng bỏ chạy về Võ Đắc (nam sông La Ngà). Ta vào kiểm soát và thu dọn được nhiều kho tàng của địch bỏ lại.

Vậy là, sau bốn tháng hoạt động liên tục trên hướng trọng điểm của Bình Thuận, ta đã giải phóng hoàn toàn quân Hoài Đức và đại bộ phận quận Tánh Linh; mở ra một vùng có nhiều lúa gạo, với hơn ba vạn năm ngàn dân, phối hợp tốt với chiến dịch Bình Giã là chiến dịch chủ lực đầu tiên của Miền. Trong thời điểm này, quận Hoài Đức là quận thứ 2 (sau Đức Huệ) được hoàn toàn giải phóng(1).

Phối hợp với hướng trọng điểm Hoài Đức - Tánh Linh của tỉnh, ở khu Lê Hồng Phong, trong tháng 10 năm 1964, lực lượng vũ trang tỉnh và huyện đã đánh diệt một đại đội và một trung đội bảo an, phá banh hai ấp chiến lược Gộp và Tà Nung, nối liền với vùng giải phóng Hồng Sơn. Tại thị xã Phan Thiết, đặc công và biệt động đột nhập diệt địch ở bót Cổng chữ Y và vũ trang tuyên truyền vào các ấp Phú Phong B, Phú Hưng, Phú Khánh. Ở huyện Hàm Thuận, từ tháng 1 năm 1965 các lực lượng địa phương, đã đánh vào chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm), diệt gần hết các mục tiêu, trong đó có một đại đội biệt kích và dân vệ, thu 120 súng. Sau đó, tại ấp Bình Lâm, Đại đội 430 Hàm Thuận dùng một tiểu đội cải trang dân gánh lúa ngoài đồng chiều về ấp, bất thần nổ súng diệt một trung đội bảo an, hỗ trợ quần chúng phá kìm.

Ở Ninh Thuận: tháng 1 năm 1965, ta diệt một đại đội bảo an, san bằng cứ điểm Phước lập, thu 50 súng, phá banh các ấp chiến lược Phước Lập, Nho Lâm, Văn Lâm. Tiếp sau đó tiến công phá banh cấp ấp chiến lược Từ Tâm, Hòa Thủy, Thành Tín, Sơn Hải…

Nhân đà vũ trang hoạt động mạnh, phong trào đấu tranh chính trị trong Đông Xuân 1964-1965, cũng có một bước chuyển biến mới, phối hợp khá tốt với hoạt động vũ trang. Nhân dân nổi dậy phá kìm đấu tranh làm lỏng rã thế kìm trên nhiều mặt, vạch mặt cảnh cáo bọn tay sai và ác ôn, tự động diệt ác; tổ chức đấu tố hạ uy thế tề ngụy (Phước Long - Quảng Đức); đòi bầu cử dân chủ để loại những tên xấu; mặc nhiên phá bỏ một số hình thức ngăn cấm của địch, bung ra xa sản xuất làm ăn. Lâm Đồng đầu năm 1965 có mười ba ngàn đồng bào Thượng từ các ấp bung ra làm rẫy xa, sâu trong rừng, trong đó có một phần ba ở lại bên ngoài.

Ở Quảng Đức và Phước Long tình hình cũng tương tự như vậy. Ở đây, đồng bào Thượng còn đấu tranh đòi phá gạo, muối, thuốc men…

Đấu tranh quyết liệt và dai dẳng là chống bắt lính bằng nhiều hình thức như: kêu khóc, níu kéo, giành giật không để địch bắt con em, thanh niên. Ở Lương Sơn (Bình Thuận); cùng một lúc 400 người nhất loạt đấu tranh đã giải thoát được 150 thanh niên bị bắt lính.


(1) Trên toàn Miền lúc này cũng mới có huyện Đức Huệ được giải phóng.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:44:18 pm
Ở Ninh Thuận còn có phong trào đấu tranh của hàng ngàn quần chúng chống địch rải chất độc hóa học phá hoại mùa màng, buộc chúng phải bồi thường; 160 đồng bào huyện Thuận Bắc đấu tranh giành lại quyền khai thác, đánh bắt cá trên đầm Vĩnh Hy. Sau trận lụt tháng 12 năm 1964 có hơn một nghìn người chết, tài sản hoa màu bị mất nhiều, nhân dân đã tổ chức giúp đỡ nhau và đấu tranh đòi địch phải cứu trợ, chống địch lợi dụng lụt lội để gom dân, bắt lính.

Ở đô thị, ngoài các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ thường xuyên, từ cuối năm 164 đến đầu năm 1965, đã có những cuộc đấu tranh lớn với hàng chục ngàn quần chúng tham gia (bao gồm nhân dân lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên, tín đồ Phật giáo) chống chế độ độc tài phát xít Mỹ - Khánh, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi hòa bình trung lập, đòi dân chủ thật sự. Nổi nhất là những cuộc đấu tranh ở Phan Rang, Phan Thiết hồi tháng 9 năm 1964 với năm vạn lượt người tham gia, bằng các hình thức như biểu tình, bãi khóa, bãi thị liên tiếp trong mấy ngày, đã gây bối rối cho địch và đưa khí thế quần chúng đô thị lên một bước.

Tháng 1 năm 1965, ở Đà Lạt và Blao đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn của tín đồ Phật giáo, học sinh và sinh viên đòi lật đổ chính phủ Trần Văn Hương, đòi Taylor cút về nước (riêng ở Đà Lạt, số người tham gia đấu tranh có lúc lên đến 14.000 người, ở Blao 2.500 người). Các cuộc bãi thị, bãi khóa, đình công liên tiếp xảy ra, địch lúng túng, bị động một thời gian không dám đàn áp.

Tình hình trên có nhiều thuận lợi nhưng do cơ sở ta trong các đô thị còn quá ít, yếu, việc liên hệ chỉ đạo từ bên ngoài vào còn chậm trễ, nên đã không tận dụng được thời cơ để đưa phong trào lên.

Trong Đông Xuân 1964-1965, công tác binh vận cũng được các cấp ủy địa phương đẩy mạnh, nhát là đối với công tác vận động dân vệ và thanh niên chiến đấu. Một số nơi đã xây dựng được cơ sở nội tuyến trong lực lượng này, phục vụ cho đánh địch và làm tan rã hàng ngũ chúng. Việc giáo dục, tuyên truyền chính sách cho binh lính và gia đình họ cũng làm được rộng rãi hơn. Chính sách đối với tù hàng binh làm tốt nên gây được ảnh hưởng đối với binh lính địch, nhất là trong chiến đấu. Trong năm 1964, chủ yếu là những tháng cuối năm ta hoạt động mạnh, số lính đào rã ngũ tăng gấp bốn lần so với năm 1963. Có những vụ trốn hàng loạt, rã từng đơn vị (như Đại đội biệt kích 307 ở trung tâm huấn luyện Bù Đốp (Phước Long); Đại đội 401 bảo an ở Gộp; trung đội lính cộng hòa đóng ở xã Bình Thạnh (Bình Thuận) mang theo 17 súng; 200 lính biệt ích ở trung tâm huấn luyện Tân Rai (Lâm Đồng). Sau cuộc binh biến của lực lượng người Thượng ở Buôn Ma Thuột đã có bốn đại đội “lính đặc biệt” của Mỹ ở trung tâm huấn luyện Sa Pa (Quảng Đức) tan rã cùng một lúc.

Ở Quảng Đức: từ ngày 13 tháng 9 đến cuối tháng 11 năm 1964 đã có tám trung đội biệt kích, dân vệ tan rã. Riêng quận Hoài Đức (Bình Thuận) trong đợt hoạt động của ta tháng 11 năm 1964 đã làm tan rã một lúc bốn trung đội dân vệ. Tại một số dinh điền ở Phước Long cũng có tình hình dân vệ và thanh niên chiến đấu, đầu hàng tan rã hàng loạt.

Phong trào đấu tranh của binh sĩ ngụy chống lệnh đi càn quét, đi chi viện cũng phát triển. Một số đơn vị chủ lực và bảo an đi càn lấy lệ, giữa đường nằm lại chờ hết ngày rút về… Có cả đơn vị dân vệ, thanh niên chiến đấu mang súng ra đầu hàng ta ở Mỹ Tường và Kiền Kiền (Ninh Thuận), hoặc làm nội ứng đánh phá ấp chiến lược; có cả đơn vị làm binh biến, mang súng đạn, trang bị đi theo cách mạng. Chẳng hạn như trung đội dân vệ 32 biệt kích lượng Sơn đóng ở Bàu Ốc do anh Phu Bồ chỉ huy, đã nổi dậy phá banh ấp chiến lược Bàu Ốc, bung 5.000 dân về vùng đất cũ, bố phòng đưa lên du kích chiến tranh (số này về sau có người đã trở thành cán bộ, đảng viên ở địa phương).

Tuy đã góp phần làm tan rã, suy yếu hàng ngũ địch, nhưng theo đánh giá của Khu ủy lúc bấy giờ thì công tác binh, địch vận còn là khâu yếu trong các mặt tiến công địch. Trước tình hình địch đang bê bối, binh sĩ ngụy bị chết nhiều, hàng ngũ dao động, nhưng ta chưa tận dụng hết thuận lợi để đẩy chúng suy sụp hơn nữa, góp phần đưa phong trào quần chúng lên.

Với thắng lợi trong Đông Xuân 1964-1965, cuộc kháng chiến ở Khu VI đã chuyển lên một bước mới, đánh được địch, mở được phong trào, nhất là trên các hướng trọng điểm.

Về tác chiến: Từ đầu năm 1964 đến tháng 1 năm 1964, các lực lượng vũ trang ta đã đánh gần 1.500 trận, diệt 5.365 tên địch làm đào rã ngũ trên 5.000 tên, thu 2.000 súng các loại, phá hủy 48 xe cơ giới có cả xe bọc thép, bắn rơi 14 máy bay và bắn bị thương 19 chiếc khác.

Đã phá 223 (trong tổng số 557) ấp chiến lược; trong đó phá banh, phá dứt điểm 123 ấp, phá lỏng rã kìm 100 ấp. Đến Xuân 1965, số dân giải phóng lên gần 100.000, có những mảng giải phóng liên huyện như Hoài Đức - Tánh Linh, khu Lê Hồng Phong đến Tam Giác huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) vùng đường 10 - 14 (Phước Long). Vùng tranh chấp ở một số nơi đã lấn đến sát thị xã, thị trấn. Bước đầu thực hiện được phương châm đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, phá ấp, phá kìm, chuyển lên thế hai chân, ba mũi, mở rộng diện tranh chấp và làm chủ, thu hẹp vùng địch kiểm soát.

Tình hình phát triển chung trong toàn khu là là có tính chất nhảy vọt, nhưng chưa đều và so với thời cơ thuận lợi thì chưa tận dụng hết. Nguyên nhân: có phần do sức ta còn có hạn, có tỉnh còn quá yếu (như Tuyên Đức), nhưng chủ yếu là do sự chuyển biến và tư tưởng, nhận thức và phương pháp còn chậm.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:45:15 pm
III. PHỐI HỢP VỚI CHỦ LỰC MIỀN TRONG CHIẾN DỊCH ĐỒNG XOÀI HÈ 1965
TIẾP TỤC TIẾN CÔNG ĐỊCH, CHUYỂN PHONG TRÀO LÊN,
GÓP PHẦN LÀM PHÁ SẢN CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA ĐỊCH

Hè 1965, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch trên địa bàn Phước Long - Bình Long mang tên là Chiến dịch Đồng Xoài.

Hướng chính của chiến dịch nằm trên tỉnh Phước Long, trọng điểm của Quân khu VI. Mục đích là tiêu diệt một bộ phận quân tinh nhuệ của địch, kết hợp với phá hệ thống ấp chiến lược, đưa phong trào đại liên lên, mở rộng căn cứ hành lang, mở rộng phong trào dọc biên giới Cam-pu-chia. Thời gian là từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1965. Lực lượng sử dụng trên hướng chính gồm ba trung đoàn chủ lực Miền Tiểu đoàn 840 của Quân khu và lực lượng địa phương.

Nhiệm vụ của Khu VI là phối hợp với Miền trong việc chuẩn bị chiến trường và tham gia hoạt động trong chiến dịch. Đồng thời phải đẩy mạnh hoạt động ở hướng diện là Lâm Đồng - đường 20 và các hướng khác trong Khu, cố gắng giải phóng và tranh chấp được hai phần ba ấp chiến lược còn lại và cắt đứt giao thông địch.

Thị xã Phước Long nằm trên một bình độ cao, có con sông Bé chạy bao bọc từ phía đông nam đến tây bắc, bờ sông dốc đứng cao, đồi núi lồi lõm, gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc hành quân tiếp cận. Ta phải chọn hướng đột phá chủ yếu từ phía đông bắc thị xã để đánh vào tiểu khu và Tòa hành chính tỉnh.

Bước vào chiến dịch Đồng Xoài đợt một, ở hướng chính Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1), hai trung đội đặc công, tám đại đội hỏa lực (hai sơn pháo 75, tám ĐKZ 75, tám khẩu cối 82, tám trọng liên) đánh vào thị xã Phước Long; một tiểu đoàn tăng cường Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 2) đánh chi khu Phước Bình; Trung đoàn 2 (thiếu) và Trung đoàn 3 đánh viện đổ bộ đường không trên khu vực từ thị trấn Phước Bình đến thị xã Phước Long; Trung đoàn 1 (thiếu) làm dự bị chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Minh Châu (Tư lệnh Quân khu VI) làm tư lệnh phó chiến dịch, được phân công trực tiếp chỉ huy cánh quân đánh vào thị xã Phước Long. Yêu cầu là: trong bước một, đánh chiếm hoặc gây thiệt hại nặng thị xã và trụ lại, buộc chủ lực địch phải đi viện tạo điều kiện cho Trung đoàn 2 (thiếu) và Trung đoàn 3 đánh tiêu diệt sinh lực địch.

Sau khi nghiên cứu nắm lại tình hình để chuẩn bị hành quân tiếp viện, thấy do đường xa, mang vác nặng, phải vượt qua nhiều địa hình khó khăn phức tạp, nên chỉ huy cánh quyết định đêm 9 tháng 5 năm 1965 bí mật vượt đường Ngô Đình Thục và ém quân trước tại hữu ngạn sông Bé (gần ngã ba Thác Mơ) trong ngày 10 tháng 5 năm 1965. Tối đến, ta tổ chức bộ đội vượt ghềnh, phải ngả cây làm cầu từng đoạn cho pháo cối qua. Ngày và đêm 10 tháng 5 năm 1965, ta còn xử trí một số tình huống đụng địch nằm ở bên ngoài, nhưng vẫn giữ được bí mật cho đội hình tiếp cận.

Các lực lượng sau khi vượt sông, đã đưa đội hình vào triển khai chiếm lĩnh các mục tiêu đã quy định. Các trận địa hỏa lực cũng đã chiếm lĩnh trên khu vực phía bắc sân bay, chuẩn bị mục tiêu và sẵn sàng trực tiếp chi viện cho bộ binh chiến đấu. Tuy vậy, các đơn vị hỏa lực do hành quân xa, quân số giảm sút (ốm đau) sức mang vác có hạn, nên lượng đạn mỗi loại súng còn không đủ một cơ số chiến đấu. Nhưng cũng đã cố gắng đưa được các phân đội hỏa lực vào, khi nổ súng đánh trong những phút đầu, hỏa lực đã dồn dập áp chế địch, tạo điều kiện cho các mũi đột phá đánh chiếm các mục tiêu: ty cảnh sát, khu thông tin, trận địa pháo…

Quá trình diễn biến chiến đấu thì các phân đội hỏa lực, trợ chiến không kịp thời đi cùng bộ binh phát triển chiến đấu, không diệt được hỏa điểm mạnh kể cả hỏa lực xe tăng, nên ta bị thương vong và chặn lại, không đánh chiếm được tiểu khu và tòa hành chánh. Mũi tiểu đoàn 1 của trung đoàn 1 cũng bị chặn tại khu chợ. Ở phía tây, đơn vị đặc công đã tiêu diệt được khu cư xá Mỹ và dinh tỉnh trưởng.

Kết quả trong đêm, tại thị xã đã đánh chiếm khu thông tin, gần hết khu công an, cảnh sát, phá hủy trận địa pháo, chi đội thiết giáp, đánh thiệt hại nặng khu trung tâm huấn luyện nghĩa quân, đồn biệt động, đồn bảo an, khu cư xá Mỹ, dinh tỉnh trưởng, đốt cháy một kho xăng. Chi khu Phước Bình cũng bị diệt gọn sau hai mươi lăm phút chiến đấu, ta thu toàn bộ chiến lợi phẩm.

Sáng ngày 11 tháng 5 năm 1965, Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1) bám trụ các mục tiêu đã chiếm trong đêm, tổ chức đánh lui sáu đợt phản kích của địch, diệt hai đại đội của tiểu đoàn 36 biệt động quân, bắn rơi 13 máy bay, bắn hỏng một xe bọc thép. Buộc địch phải viện bằng đổ bộ đường không (một tiểu đoàn đổ xuống Hiếu Phong, một tiểu đoàn đổ xuống Phước Bình) để chi viện cho thị xã, nhưng lực lượng Miền không đánh diệt được viện. Đến trưa đã có bộ phận địch lọt vào thị xã, phối hợp với lực lượng còn tại chỗ phản kích. Các lực lượng ta đánh trả quyết liệt, nhưng càng về chiều đạn dược cạn dần và thương vong tăng lên. Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1) phải vừa chiến đấu vừa giải quyết thương binh, tử sĩ và chuyển các đơn vị hỏa lực hết đạn ra ngoài. Tối 11 tháng 5 năm 1965 được lệnh của trên Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 1 rút khỏi thị xã, tổ chức đưa thương binh, tử sĩ và các lực lượng qua sông an toàn.

Ngày 12 tháng 9 năm 1965, địch cho hai đại đội đổ xuống tại Đức Hạnh để ngăn chặn được rút lui của ta, bị Đại đội 54 (Tiểu đoàn 840) đánh quyết liệt, diệt tại chỗ 86 tên, thu vũ khí. Số còn lại tháo chạy về thị xã Phước Long.

Kết thúc đợt một. Chiến dịch Đồng Xoài, các lực lượng Miền phối thuộc chiến đấu rút về. Tiểu đoàn 840 phát triển qua Phước Bình tiếp tục đánh địch, vây ép thị xã và cùng lực lượng địa phương giải phóng các ấp Phước Tín, Phước Quả, Hiếu Phong, Lệ An…


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:46:02 pm
Sang đợt hai của chiến dịch, chủ lực Miền đánh diệt chi khu Đồng Xoài (10 tháng 6 năm 1965) và đánh Tiểu đoàn 7 dù đổ bộ đường không xuống dinh điền Thuận Lợi. Tiểu đoàn 840 đánh vào bọn chi khu Phước Bình lưu vong tại Sơn Giang (cách thị xã ba ki-lô-mét), pháo kích vào thị xã, đánh diệt đài quan sát truyền tin ở núi Bà Rá, làm chủ thị trấn Phước Bình; phối hợp cùng bộ đội địa phương phá banh hệ thống ấp chiến lược trên đường liên tỉnh 2 thuộc Phước Long.

Vào đợt ba, lực lượng chủ lực Miền tiến công Bù Đốp. Địch phải hấp tấp rút bỏ cứ điểm Bù Gia Mập. Thế là một mảng tuyến biên giới được giải phóng. Trong lúc này Tiểu đoàn 840 phân tán cùng với lực lượng địa phương, đội công tác tranh thủ xây dựng phong trào lên thế vững chắc.

Trong quá trình chiến dịch, các cấp ủy địa phương đã chỉ đạo đánh phá kìm kẹp của địch, giải phóng ấp, giải phóng dân. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích, các đội mũi công tác đã giữ vai trò chính. Trừ một số nơi như Phú Riềng, Thuận Lợi, Đa Kim, Bù Đốp,… lực lượng địch còn đông, nên Bộ tư lệnh Chiến dịch phải sử dụng đến chủ lực hỗ trợ cho địa phương.

Kết thúc chiến dịch Hè 1965, đại bộ phận nông thôn tỉnh Phước Long được giải phóng, địch chỉ còn lại ba cụm lớn: thị xã Phước Long nối liền với quận lị Phước Bình mới, cụm Bù Đốp và Chi khu quận lỵ Đức Phong (Bù Đăng). Vùng giải phóng và làm chủ có 56.000 dân (trong tổng số 67.000). Vận động được 350 nam nữ thanh niên tòng quân. Cắt đứt hẳn con đường chiến lược 14 và khai thông được các cửa khẩu biên giới giữa ta và Cam-pu-chia.

Qua chiến dịch, tuy còn nhiều nhược điểm nhưng cũng nổi lên ưu điểm là: ba thứ quân phối hợp được chặt chẽ nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau, thể hiện tính ưu việt của chiến tranh nhân dân; đẩy mạnh được phong trào đấu tranh của quần chúng, phối hợp chặt chẽ với tiến công quân sự, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng giặc trong tình hình địa phương còn nhiều khó khăn, lực lượng tại chỗ không nhiều. Đó là thành công và cũng là những nhân tố bảo đảm cho chiến dịch đạt kết quả.

Phối hợp với chiến trường trọng điểm, các địa phương trong khu đã đẩy mạnh tiến công địch sôi nổi, đều khắp trên các chiến trường.

Ở Lâm Đồng: mặc dầu quân địch bung ra càn quét lấn chiếm ngăn chặn, nhưng ta vẫn chủ động đánh địch. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 5 năm 1965, Tiểu đoàn 186 phục kích gây thiệt hại nặng và tiếp tục bao vây bức rút đồn B’sar (một đồn cấp đại đội nằm trên liên tỉnh lộ số 2). Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 5 năm 1965, tiểu đoàn cùng bộ đội địa phương huyện K4 (Lâm Đồng) tập kích cứ điểm ngã ba B’sar. Sau ba mươi lăm phút chiến đấu., diệt và bắt sống toàn bộ Đại đội 545 bảo an đóng giữ cứ điểm, và cả bọn tàn quân của Đại đội 343 ở đồn B’sar chạy về đó.

Ngày 9 tháng 5 năm 1965, tiểu đoàn lại phục kích dưới chân đèo Blao, diệt đo thám kích của Tiểu khu Lâm Đồng đi cứu viện cho B’sar, bắn cháy hai xe bọc thép, đánh sập cầu Đạ M’Rế và cầu Đa Oai, làm chủ hoàn toàn trên một tháng, một đoạn dài 26 ki-lô-mét trên lộ 20 (từ chân đèo Blao đến đèo Chuối), giải phóng các ấp dọc hai bên đường. Huy động nhân dân vùng giải phóng ở Hoài Đức, phá hoại, cắt đứt đường 20, làm cho lưu thông giữa Sài Gòn Và thành phố Đà Lạt bị gián đoạn.

Giữa tháng 5 năm 1965, Tiểu đoàn 186 chuyển một bộ phận về Hoài Đức - Tánh Linh, hỗ trợ địa phương chống càn quét, lấn chiếm. Đêm 17 tháng 5 năm 1965 tiểu đoàn tập kích tiêu diệt Đại đội 510 bảo an lấn chiếm ra chốt tại ấp Võ Xu; buộc địch phải rút bỏ cuộc càn quét lấn chiếm này; ba khôi phục lại vùng giải phóng.

Phát huy thắng lợi làm chủ đường 20, lực lượng tập trung của Lâm Đồng phối hợp với Tiểu đoàn 130 (thiếu) của Quân khu đánh diệt hai trung đội địch ở ấp Tân Lý, bức rút trại biệt kích Tân Rai, và sau đó chuyển sang phía đông giải phóng đoạn đường số 8 kéo dài, từ bắc quận lỵ Di Linh đến Kin Đạ. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 5 năm 1965 Tiểu đoàn 130 lại cùng với Đại đội 210 của Lâm Đồng đánh chiếm ấp Bờ Xu Lach trên đường số 8 kéo dài và đánh viện của Tiểu khu và Chi khu Di Linh, diệt một đại đội bảo an, một trung đội thám kích, đánh thiệt hại nặng một đại đội bảo an khác. Bị đánh đau, các đồn bốt còn lại trên đường số 8 kéo dài từ Đinh Trang Thượng đến Tân Dân (bắc quận lỵ Di Linh) hoảng hốt tháo chạy. Ta làm chủ hoàn toàn đoạt đường này, giải phóng trên một vạn dân, nối liền với căn cứ phía bắc của tỉnh Lâm Đồng.

Bộ đội địa phương và du kích K3 (tức huyện Di Linh) bám hoạt động từ núi Chẻ đến Tân Dân, đánh địch từ Di Linh dũi ra lấn chiếm đường 8 kéo dài. Đầu tháng 6 năm 1965 Đại đội 310 của tỉnh chuyển sang đánh địch trên đường 20, từ ấp An Lạc đến ấp Đinh Trang Hạ, giải phóng các ấp ở đây và làm chủ đường này, có lúc cả tuần lễ. Cũng trong lúc này Tiểu đoàn 130 (thiếu) chuyển sang vây ép địch ở quận lỵ và chi khu Di Linh, cùng với các đội công tác làm chủ các ấp Cẩm Hương, Kim Lệ, ấp cây số 3, cây số 5 (phía tây thị trấn Di Linh). Thời gian này, ở Lâm Đồng, địch chỉ hai cụm lớn là thị xã Blao, thị trấn Di Linh và một số chốt lưu động trên những đoạn đường 20 còn lại (như chốt ấp 12, đèo Blao và Đa Gùi).

Ta mở rộng vùng căn cứ, vùng giải phóng phía nam và bắc Lâm Đồng nối liền với vùng giải phóng Hoài Đức - Tánh Linh của Bình Thuận. Ta làm chủ và cắt từng đoạn dài trên đường 20, gây khó khăn cho việc vận chuyển, tiếp tế của địch; xe chở khác, chở hàng của tư nhân phải chịu sự kiểm soát của ta. Sĩ quan ngụy đi trên các xe khách phải cái trang và xuất trình giấy tờ qua trạm kiểm soát của ta. Có lúc địch phải điều cả trung đoàn đi giải tỏa lộ 20 nhưng không giải quyết được.

Với tình hình thuận lợi này, nhiều người thân của bộ đội ta (có những người ở tận Nam Bộ) đã từ vùng địch mang quà ra vùng giải phóng thăm viếng con em mình và động viên cán bộ, chiến sĩ ta hăng hái làm nhiệm vụ. Những hoạt động trên của tỉnh Lâm Đồng đã có tác động căng kéo, phân tán lực lượng địch; và phối hợp tốt với chiến dịch Đồng Xoài.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:47:19 pm
Ở Quảng Đức, ngày 9 tháng 5 năm 1965, lực lượng tập trung tỉnh đã đánh dứt điểm đồn Sa Na, diệt gọn đại đội 284 bảo an; sau đó đánh viện của tiểu khu Gia Nghĩa, diệt hai trung đội bảo an, giải phóng ấp Sa Na với 1.200 dân (đồng bào Thượng), cắt đứt hoàn toàn con đường Gia Nghĩa đi Đức Xuyên.

Tháng 6 năm 1965 lực lượng ta tiếp tục đánh diệt bốn trung đội bảo an, dân vệ và trừng trị một số tề điệp ác ôn, nhiều ấp dân vệ tan rã hoặc đầu hàng, nộp vũ khí cho ta. Tính chung Xuân Hè 1965, Quảng Đức đã đánh phá hơn năm mươi phần trăm ấp chiến lược trong tỉnh, mở được diện làm chủ và giải phóng gần một vạn dân.

Ở Tuyên Đức: do ta còn nhiều khó khăn về lương thực, sau hoạt động Xuân 1965, lực lượng phải rút về căn cứ Lạc Dương làm rẫy. Giữa năm 1965 mới trở lại địa bàn. Qua hoạt động đã rút được thanh niên ra thành lập trung đội bộ đội địa phương huyện Lạc Dương và trung đội công binh của tỉnh.

Ở đồng bằng Bình Thuận, các lực lượng vũ trang chính trị đã phối hợp tiến công địch liên tục và đều khắp, mở ra được nhiều mảng ở vùng sâu và vùng ven thị xã. Ở “điểm” của tỉnh(1) đêm 4 rạng ngày 5 tháng 5 năm 1965, lực lượng tỉnh đánh diệt ba trung đội dân vệ ở ấp chiến lược Giồng Thầy Ba, là ấp nằm sát căn cứ khu Lê, 5.000 dân đã bung về làng cũ; đồng thời tiến công giải phóng các ấp Rạng, Bà La. Sau đó ta trụ lại phục kích đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an từ chi khu Hai Long kéo lên cứu viện. Trước tình hình đó, tiểu khu điều quân từ Phan Thiết ra phản kích, bị ta đánh trả quyết liệt, đập tan cuộc phản kích, giữ vững được vùng giải phóng. Tiếp theo, ta tiến sâu vào vùng ven thị xã Phan Thiết, đánh tan hai trung đội dân vệ ở hai ấp Phú Hải và Phước Thiện Xuân, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền làm chủ.

Ngày 17 tháng 5 năm 1965, Đại đội 450 huyện Thuận Phong phối hợp với lực lượng tỉnh, dùng một lực lượng nhỏ cải trang thường dân đi trên hai xe lam vượt qua cổng gác Phú Long, bất ngờ nổ súng tiêu diệt bọn gác cầu (Phú Long), đánh chiếm trụ sở ngụy quyền và đánh thiệt hại Đại đội 433 bảo an và hai trung đội dân vệ. Tiểu khu Phan Thiết phải điều hai đại đội bảo an (441-887), có 5 xe bọc thép đi phản kích. Bảy lần quân địch cho vượt sông đánh vào trận địa ta thì bảy lần các chiến sĩ ta anh dũng đánh bật chúng trở lại. Gần tối, địch co cụm lại. Nắm thời cơ, trung đội trưởng Văn Minh Trường dẫn đầu đơn vị vượt sông đánh thẳng vào đội hình đang co cụm của địch. Cùng lúc, các đơn vị khác cũng vượt sông, hình thành thế bao vây, diệt gọn Đại đội bảo an 887. Tàn quân của Đại đội 441 dựa vào lô cốt cũ của Pháp ở Kim Ngọc ngoan cố chống trả. Ta bắn chết tên chỉ huy ác ôn, buộc những tên còn sống sót hạ súng đầu hàng, diệt và làm bị thương 150 tên.

Ở huyên Hòa Đa: ta tiến công diệt một trung đội dân vệ quận, vây ép đồn 39 và trung tâm huấn luyện biệt kích Lương Sơn, giải phóng trên năm nghìn dân; đánh bọn bảo an tái chiếm, diệt hai trung đội, giữ vững ấp Hiệp Thành, bức rút đồn Phú Hải (tây thị trấn Phan Rí) và phá banh hầu hết các ấp chiến lược còn lại phía tây chợ Lầu.

Ngoài ra, ta còn đột đánh địch ở các ấp Phú Điền, Vĩnh Hảo, La Gàn, Dưồng, diệt và bắt hàng trăm tên dân vệ và tề điệp, thu trên 50 súng, phá hoại nhiều đoạn đường, cắt đứt đường sắt từ sông Lũy qua Ma Lâm và đường số 1 từ Chợ Lầu trở vào.

Ở Hàm Thuận: cuối tháng 5 năm 1965, ta mở hoạt động trên đường số 8, đánh quân lấn chiếm các ấp Bình Lâm, Bình An, Tân Điền, Tân An; đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an; làm chủ hoàn toàn đường số 8 từ Tân An đến An Phú; mở rộng thêm vùng làm chủ của khu Tam Giác, nối liền với mảng giải phóng phía đông đường 8 và khu Lê Hồng Phong. Phong trào quần chúng phá banh ấp chiến lược, bung về vườn đất cũ phát triển rộng mạnh. Lực lượng bộ đội địa phương và du kích đã đẩy mạnh. Lực lượng bộ đội địa phương và du kích đã đẩy mạnh hoạt động vào các vùng sâu; đánh bọn dân vệ ở Lại An, Thuận Nghĩa, Phú Hội; chuyển các ấp Đại Nẫm, Xuân Phong, Phú Hội, Lại An Hạ ở vùng ven thị xã lên tranh chấp mạnh; và nhiều lần vũ trang tuyên truyền vào các ấp Phú Tài, Trinh Tường, phường Phú Trinh nằm trong thị xã, trừ gian diệt ác; đánh diệt bót Cổng chữ Y lần thứ hai.

Chưa bao giờ quân, dân Bình Thuận tiến công địch mạnh mẽ và đều khắp như trong tháng 5 và tháng 6 năm 1965; đã mở rộng được vùng Phước Thiện Xuân, Phú Hài, Bà La, Rạng, và nối liền vùng giải phóng của Hàm Thuận kéo dài theo dọc lộ số 1 từ Lương Sơn vào đến Phú Long. Quận lỵ Hải Long của địch ở Thạch Long, Mũi Né hoàn toàn cô lập.

Ở miền núi tây Bình Thuận cũng có những hoạt động đều, sau nhiều lần phá hoại đường số 8 từ Gia Bát đi Di Linh, ngày 3 tháng 6 năm 1965 bộ đội địa phương huyện Di Linh cùng với một tiểu đội dân vệ tại chỗ đã bức địch rút đồn Gia Bát, giải phóng trên hai nghìn đồng bào dân tộc, mở rộng vùng căn cứ.

Đặc biệt là du kích và đồng bào ở các ấp giải phóng đã hăng hái tham gia cùng với bộ đội đánh phá giao thông các trục đường số 8 (Phan Thiết - Ma Lâm), đường số 1 (Phan Thiết - Sài Gòn), các đoạn đường sắt Mường Mán - Phan Thiết, Mường Mán - Ma Lâm, Mường Mán - Suốt Vận; đánh cả bọn đi giải tỏa đường; làm tê liệt hoan toàn hệ thống giao thông đường bộ của địch trên toàn tỉnh trong từng thời gian.

Ở Ninh Thuận: tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong hoạt động hè cũng cố gắng đánh được địch, mở phong trào. Lực lượng huyện Thuận Nam mạnh dạn thọc sâu đánh địch ở các ấp Hiếu Lễ, Vạn Phước; cùng các đội công tác đánh địch, diệt ác; có trận diệt gọn cả trung đội địch, thu vũ khí, có trận trụ lại đánh địch phản kích ngay cả ban ngày trong ấp chiến lược. Ta đã giành và giữ thế tranh chấp mạnh với địch ở các ấp Thương Diêm, Lạc Nghiệp, Sơn Hải, Vĩnh Trường, Từ Tầm, Hòa Thủy… Ở Thuận Bắc, bộ đội địa phương và các đội công tác bám sát đường số 1 (Bà Râu - Do Long) và đường 11, liên tục đánh nhỏ lẻ, diệt trên 50 tên địch, bắt và cải tạo 20 tên ác ôn, phát động quần chúng xây dựng cơ sở, làm lỏng rã kìm ở nhiều ấp hai bên đường.

Phong trào xung phong ra phía trước tiến công địch, phá ấp, phá kìm, phá giao thông của du kích và bộ đội địa phương ở căn cứ Bác Ái, Anh Dũng, tiếp tục được duy trì.


(1) Tỉnh chọn huyện Thuận Phong và vùng tây nam Hòa Đa (từ Lương Sơn đến chợ Lầu) làm “điểm”.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:48:37 pm
Nhìn chung trong đợt hè năm 1965, phối hợp với toàn Miền, các lực lượng trong quân khu đã chuyển hoạt động đều và rộng mạnh hơn bất cứ đợt nào trước đây. Cả năm 1965, nhất là trong đợt hè, ta đã đánh 1875 trận, diệt 7.965 tên địch, thu 2.000 súng, đánh hỏng 70 xe quân sự (có 12 xe bọc thép), bắn rơi 21 máy bay, bắn bị thương 46 chiếc khác. Đáng chú ý là các đơn vị tập trung của quân khu và tỉnh tuy lực ít nhưng có tinh thần xông xáo và được tổ chức sử dụng linh hoạt, cơ động nên đã đánh diệt được nhiều địch và hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng.

Diện đánh nhỏ lẻ của du kích và bộ đội địa phương huyện cũng rộng rãi và thường xuyên hơn. Riêng du kích đã độc lập đánh 559 trận và phối hợp với các lực lượng đánh 475 trận.

Tiêu diệt địch giành quyền làm chủ, kết hợp tác chiến với quần chúng nổi dậy, ta đã mở ra nhiều vùng rộng lớn, thu hẹp dần vùng kiểm soát của địch, có nơi mở vào sát thị trấn, thị xã. Xuân hè 1965 ta đã phá banh, phá dứt điểm thêm 172 ấp chiến lược, nâng tổng số ấp giải phóng trong toàn khu lên 356 ấp (chiếm gần hai phần ba trong tổng số) với số dân là 203.345 người. Huyện Hoài Đức được giải phóng hoàn toàn và có 10 huyện được giải phóng đại bộ phận như K127, K6, K9 của Phước Long, Di Linh và K4 của Lâm Đồng, Khiêm Đức và Đức Lập của Quảng Đức, Hòa Đa, Thuận Phong, Tánh Linh của Bình Thuận. Các địa bàn được giải phóng đã nối liền với các khu căn cứ thành thế liên hoàn, nối từ biên giới Cam-pu-chia xuống tận bờ biển Bình Thuận (tuy bị các đường 14, 20, đường số 1 và đường sắt cắt ngang, nhưng ta vẫn làm chủ và đi lại bình thường).

Việc liên tục đánh cắt các đường giao thông chiến lược số 14, 20, quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam và hầu hết các tỉnh lộ, đã gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng trong cơ động lực lượng, chuyển vận tiếp tế, giao lưu kinh tế, nhất là giữa Sài Gòn với nam Tây Nguyên và miền Trung; có lúc địch phải dùng cả máy bay, tàu biển để tiếp tế và phải dùng một lực lượng đáng kể vào việc mở đường, mở đường nhưng cũng không bảm đảm an toàn. Ngoài ra, ta còn đánh sập 17 trụ điện cao thế (Lâm Đồng), phối hợp với Long Khánh cắt đứt đường điện từ Đa Nhim về Sài Gòn.

Nhân dân các vùng giải phóng tiếp tục đấu tranh hạn chế sự đánh phá của địch, giữ được thế hợp pháp, giao lưu giữa vùng ta và vùng địch, ổn định cuộc sống, tuyên truyền vận động binh sĩ, nhất là các gia đình có con em đi lính cho địch. Ở Phước long, có dinh điền 96 người đi lính cho địch thì đã có 91 người bỏ ngũ trở về. Ở Bình Thuận, có ấp 43 người đi lính cho địch thì 31 người đào ngũ trở về. Qua đợt hoạt động hè có 11 trung đội dân vệ, biệt kích nộp súng đầu hàng.

Được các chiến thắng quân sự cổ vũ, phong trào đấu tranh của nhân dân trong các vùng địch kiểm soát cả đồng bào Kinh và Thượng, có khí thế mới như đòi tự do đi lại làm ăn, bung về ở chỗ cũ, đòi bồi thường chồng con, em bị tử trận, đòi cứu tế gạo, muối, thuốc men…

Ở vùng giải phóng cũ và mới, công tác xây dựng các mặt được tiến hành khẩn trương nhằm chống địch lấn chiếm và đáp ứng yêu cầu của kháng chiến. Trước mắt là đẩy mạnh sản xuất, cả lương thực và rau màu, tổ chức bố phòng chống địch bằng ba mũi, vừa xây dựng lực lượng chính trị, vừa tổ chức dân quân du kích. Nhiều nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly nhận công tác cách mạng. Nhân dân hăng hái đóng góp và sẵn sàng bán cho cách mạng hàng ngàn tấn lúa gạo, hàng vạn lượt người đi dân công. Công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được tiến hành.

Tính chung trong năm 1965, trong toàn khu đã động viên được 3.204 thanh niên thoát ly, trong đó có 2.689 tân binh, đây là con số động viên cao nhất trong một năm, kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là con số kỷ lục cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, chưa tính số tham gia các mặt công tác khác tại địa phương.

Vùng giải phóng mở rộng nên dân căn cứ bị gom xúc, nay cũng bung về lại núi rừng, đưa số dân vùng căn cứ lên gần ba vạn người. Tình hình tương đối ổn định nên việc xây dựng các mặt ở vùng dân tộc làm được nhiều và sâu hơn, nhất là đi sâu giáo dục nâng cao tinh thần độc lập dân tộc, giải quyết những mơ hồ về ta, bạn, thù, nâng cao ý chí chiến đấu, quyết tâm chống địch, làm chủ núi rừng. Mặt khác, tích cực giải phóng được muối, vải cho nhân dân, nên tình hình đời sống vật chất và tinh thần ở vùng căn cứ có thêm sắc thái mới.

Lực lượng vũ trang tuy phải hoạt động liên tục nhưng vẫn chú ý kết hợp xây dựng và chiến đấu như kèm cặp tân binh, bồi dưỡng đơn vị cũ, xây dựng thêm đơn vị mới, tổ chức huấn luyện và rút kinh nghiệm giữa các đợt chiến đấu để nâng thêm trình độ bộ đội. Trường Quân chính Quân khu đã khắc phục khó khăn, mở được các kháo đào tạo và bổ túc cho cán bộ, kịp thời bổ sung cho các đơn vị chủ lực quân khu và địa phương được nhiều cán bộ trung đội, đại đội, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đơn vị; nhiều đồng chí sau đó đã trưởng thành đảm đương được những chức vụ cao hơn.

Tóm lại, trong năm 1965, tuy sức ta có hạn nhưng đã tranh thủ thời gian, lợi dụng thời cơ, đẩy mạnh các mặt hoạt động, chuyển phong trào toàn Khu lên một cao trào mới, vùng ta được mở rộng và nối liền nhau; hoạt động vũ trang và đấu tranh chính trị được nâng lên một bước, góp phần cùng toàn Miền đánh bại về cơ bản “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy; quân khu đã tạo được thế mới, lực mới để duy trì và phát triển cuộc chiến đấu chống âm mưu mới của địch, đưa thế ta đi lên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Mười Một, 2011, 07:50:06 pm
Chương IV

CÙNG VỚI TOÀN MIỀN ĐÁNH BẠI
CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
(Từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968)

CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ,
QUYẾT TÂM VÀ ĐỐI SÁCH CỦA TA

Bước sang năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại. Trước nguy cơ đó, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” với chiến lược “tìm diệt” và “bình định”. Đồng thời phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nước ta. Chúng hy vọng ngăn chặn sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền; kìm chế sự phát triển của cách mạng miền Nam, từng bước phản công giành lại thế chủ động và tạo ra thế mạnh buộc ta phải thương lượng theo những điều kiện của chúng.

Tin tưởng mù quáng vào “sức mạnh ghê gớm” của quân lực Huê Kỳ, ngày 9 tháng 7 năm 1965, tổng thống Mỹ Giôn-xơn chuẩn y kế hoạch giành thắng lợi từ hai năm lên hai năm rưỡi của tướng Oét-mo-len.

Kế hoạch chia làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn một: Triển khai quân chiến đấu Mỹ và chư hầu ngăn chặn chiều hướng thua của quân ngụy.

- Giai đoạn hai: Mở tiến công 6 tháng đầu năm 1966, ở các vùng đặc biệt ưu tiên để tiêu diệt chủ lực của cộng sản và tiến hành bình định.

- Giai đoạn ba: Từ một năm đến một năm rưỡi tiếp theo giai đoạn hai đánh bại và tiêu diệt các lực lượng và phá các căn cứ của ta.

Đất nước ta, dân tộc ta đang đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên những điều đó không vượt ra ngoài dự kiến của Đảng ta. Hội nghị lần thứ 11 (tháng 9 năm 1965) và Hội nghị lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965) Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu toàn diện tình hình, âm mưu và hoạt động mới của đế quốc Mỹ, nhận định cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta: về tính chất và mục đích vẫn là chiến tranh xâm lược nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Song cuộc chiến tranh đó từ chỗ dựa vào lực lượng quân ngụy là chủ yếu đã phát triển thành cuộc chiến tranh của Mỹ, dựa vào hai lực lượng chiến lược là quân đội viễn chinh của Mỹ và quân đội ngụy. Do đó, cuộc chiến tranh sẽ diễn ra gay go, ác liệt hơn. “… do những thất bại nặng nề của địch và những thắng lợi to lớn của ta, mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam Việt Nam hàng chục vạn quân viễn chinh Mỹ, lực lượng so sánh giữa ta và địch căn bản không thay đổi. Đế quốc Mỹ đưa 20 vạn quân vào miền Nam, hay 40 vạn, 50 vạn cũng không thể thắng được”(1).

Trung ương Đảng nêu cao quyết tâm “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”(2).

Quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, đó là quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quyết tâm đó thể hiện trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 20 tháng 7 năm 1965 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải chiến đấu năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đánh Mỹ và thắng Mỹ, đó là vấn đề của thời đại. Sức mạnh quân sự “không lồ” của tên đế quốc đầu sỏ có nền công nghiệp quân sự hiện đại, cùng với “huyền thoại” một đội quân chưa hề nếm mùi thất bại đã và đang khiến cho nhiều người trên thế giới lo ngại.

Đương đầu với tên sen đầm quốc tế giàu mạnh, có những tham vọng lớn và tính chất tàn bạo nhất, cuộc chiến tranh của Đảng ta, dân tộc ta nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ ác liệt, hy sinh. Không coi thường kẻ địch, nhưng cũng không sợ địch. Vấn đề quan trọng hơn cả là dám đánh Mỹ, từ dám đánh sẽ từng bước tìm ra cách đánh và thắng Mỹ.

Quân chiến đấu Mỹ và chưa hầu nhảy vào miền Nam trong lúc cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt và rộng khắp từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ rừng núi đến đồng bằng và đô thị. Thế trận của chiến tranh nhân dân đã hình thành vững chắc, chiến tranh du kích phát triển cao, quân chủ lực của ta đã được xây dựng và bố trí trên những địa bàn chiến lược quan trọng. Trong lúc đó, ngụy quân, ngụy quyền lại đang bị đánh đau, từng bộ phận bị suy sụp, tan rã. Vì thế, các đơn vị chiến đấu Mỹ và chư hầu mới vào, không những không thể triển khai như ý muốn của chúng, mà lại sa vào vòng vây của chiến tranh du kích của ta.

Vả lại, quân chiến đấu Mỹ là đội quân được huấn luyện và trang bị cho cuộc chiến tranh quy ước phân rõ chiến tuyến. Ở miền Nam nước ta, chiến tranh lại không có mặt trận nhất định, quân Mỹ và chư hầu ở đâu, đi đến đâu cũng bị đánh. Khắp các thôn xã, núi rừng, đồng ruộng, v.v. đều là mặt trận. Đội quân hiện đại đó buộc phải đánh theo cách đánh của ta; phát sinh mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung. Phải đương đầu với một thế trận của chiến tranh nhân dân phát triển cao là điều chúng không thể nào khắc phục được.

Dù là “chiến tranh đặc biệt” hay “chiến tranh cục bộ” cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ vẫn là cuộc chiến tranh thực dân mới, chúng dựa vào ngụy quân ngụy quyền, vẫn phải thực hiện một số chính sách mị dân, lừa bịp, lôi kéo quần chúng. Ta có thể đấu tranh chính trị, binh vận, hình thành ba mũi giáp công, khắp cả ba vùng chiến lược.

Trước tình hình đó Đảng ta khẳng định: “Mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh Mỹ, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lới. Do đó, cách mạng miền Nam vẫn “giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công”, tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, triệt để vận dụng ba mũi giáp công”. Mục tiêu chủ yếu của đấu tranh vũ trang là:

Tiêu diệt và tiêu hao đại bộ phận quan trọng quân Mỹ làm cho nó tổn thất nặng, không làm được nòng cốt và chỗ dựa cho quân ngụy, không thể ngăn chặn được sự tan rã của ngụy quân, ngụy quyền.

Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy tới mức nó không còn là lực lượng mà đế quốc Mỹ có thể dựa vào để tiếp tục chiến tranh xâm lược thực dân mới.

Những nhận định và chủ trương đúng đắn trên đây đã tiếp thêm sức mạnh và củng cố thêm quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân cả nước ta.

Ở chiến trường Khu VI, bước vào mùa khô 1965-1966 ta vẫn tiếp tục phát triển tiến công mở rộng vùng ta, đồng thời phản công địch, giữ các vùng giải phóng.


(1), (2) Trích Nghị quyết lần thứ 12 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12 năm 1965.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:26:00 am
(http://img339.imageshack.us/img339/5411/47509653.jpg)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:27:40 am
I. ĐÁNH BẠI PHẢN CÔNG MÙA KHÔ
LẦN THỨ NHẤT CỦA MỸ - NGỤY Ở TRONG KHU
(giữa năm 1965 đến giữa năm 1966)

Mùa mưa năm 1965 trên toàn Miền đi đôi với việc ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ và chư hầu vào để ngăn chặn chiều hướng thất bại của quân ngụy, Mỹ cũng đã chuẩn bị tiến hành cuộc phản công mùa khô lần thứ nhất, theo kế hoạch chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng.

Khu VI lúc bấy giờ tuy không phải là một chiến trường trọng điểm, nhưng quân địch phải lo đối phó nhằm giảm bớt những thất bại nặng nề của ngụy quân, ngụy quyền ở trong Khu. Chúng đưa thêm quân cộng hòa và quân biệt động của khu chiến thuật và vùng chiến thuật xuống những nơi xung yếu như các thị xã Phước Long, Blao, Phan Thiết, v.v. để tăng cường phòng thủ và giữ cho địa phương quân khỏi tiếp tục bị tan rã. Mặt khác, địch cũng ráo riết bắt lính đôn quân tại chỗ để bổ sung quân số, khôi phục và phát triển thêm quân địa phương và bổ sung cho các lực lượng của trên.

Đầu tháng 12 năm 1965, chủ lực ngụy ở chiến trường Khu VI có 7 tiểu đoàn cộng hòa, 1 tiểu đoàn biệt động, 4 đại đội thám kích, 15 đại đội biệt kích, 4 đại đội hải đoàn,… (so với cuối năm 1964 tăng gấp đôi); lực lượng địa phương quân có 79 đại đội bảo an (tăng 18 đại đội), 3 đại đội thám báo, 3 đại đội và 1 trung đội cảnh sát, 5.700 dân vệ…

Từ tháng 8 năm 1965 đã có 900 tên Mỹ vào khảo sát, chuẩn bị vị trí và cơ sở hậu cần cho lực lượng Mỹ vào đứng ở Phan Rang - Tháp Chàm. Sau đó có 800 lính của lữ dù Mỹ 101 và một bộ phận quân Nam Triều Tiên đến triển khai xây dựng khu vực Tháp Chàm - Thành Sơn, Ninh Chữ (Phan Rang) thành vị trí tiền tiêu, bảo vệ cho căn cứ quân sự liên hợp Cam Ranh. Tại Đà Lạt, chúng xây dựng đài truyền tin trên đỉnh núi Bà (Langbiang) cao 2.000 mét ở tại Phan Thiết quân Mỹ cũng bắt đầu đổ vào chốt đóng ở Camp Êsépic.

Tuy quân Mỹ mới triển khai thế đứng chân ở một số nơi (đến tháng 12 năm 1965 tổng số quân Mỹ đã có 2.000 tên) nhưng cũng đã có tác dụng “hà hơi tiếp sức” cho quân ngụy. Bọn này bắt đầu dựa vào thế của Mỹ, củng cố lại tinh thần đang sa sút.

Sau xuân hè năm 1965, lực lượng quân khu nhờ tuyển được tân binh của địa phương và được trên bổ sung thêm(1) nên phát triển khá nhanh.

Đến cuối năm 1965, quân số toàn Quân khu lên 9.141 người (đầu năm 1965 chỉ có 5.266). Trừ một số biệt phái sang các đội vũ trang công tác và các ngành, Quân khu quản lý 8.241 người. Về tổ chức đơn vị, lực lượng chủ lực của Quân khu đã có Trung đoàn (thiếu) 346(2), một tiểu đoàn bộ binh độc lập (Tiểu đoàn 186) và một tiểu đoàn trợ chiến (Tiểu đoàn 145). Lực lượng tập trung tỉnh có 2 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 482 Bình Thuận và Tiểu đoàn 810 Tuyên Đức), 10 đại đội bộ binh, 2 đại đội trợ chiến (Bình Thuận và Ninh Thuận), một số phân đội đặc công, trinh sát, công binh. Lực lượng huyện có 6 đại đội và 23 trung đội dân quân du kích (so với đầu năm 1965, tăng gấp đôi về số lượng. Riêng du kích xã và du kích thôn tăng gấp ba lần (6591/2625). Các lực lượng vũ trang được phân bố theo tỷ lệ hợp lý(3).

Mùa mưa năm 1965, trên các hướng trọng điểm, bộ đội Khu và tỉnh vừa xây dựng củng cố, vừa cùng với du kích và các lực lượng chính trị bám các vùng ven thị xã, chi khu, đánh bọn dũi ra lấn chiếm, phát triển mở rộng phong trào du kích chiến tranh, cả ở vùng giải phóng và tranh chấp.

Bắt đầu mùa khô tháng 11 và tháng 12 năm 1965, Quân khu sử dụng Tiểu đoàn 840 phối hợp với địa phương mở đợt tiến công ở Kiến Đức (Quảng Đức). Sau nhiều lần phục kích, địch không đi, Tiểu đoàn 840 và lực lượng địa phương chuyển sang phá ấp Bù Nơ trên đường 14 (đoạn từ Sùng Đức đi Tuy Đức); phục kích đánh diệt một chi đội xe bọc thép và một đại đội thám báo của chi khu Kiến Đức đi tiếp viện. Các khu ấp Bù Nơ, Bù Có được giải phóng, nhưng sau đó phần lớn dân đã bị địch tác động, hù dọa chạy về gần chi khu.

Sau trận Bù Nơ, Bù Có, Quân khu chủ trương diệt cứ điểm Bu Prăng (một cứ điểm độc lập nằm sâu căn cứ, khống chế cả một vùng ngã ba biên giới), để mở rộng hành lang và cửa khẩu ở biên giới Cam-pu-chia và để qua “đánh thắng trận đầu” nhằm xây dựng truyền thống cho Trung đoàn 346 được Bộ mới bổ sung vào.

Trận đánh đã không thành công. Nguyên nhân: do bản thân lực lượng có nhược điểm, nhưng chủ yếu là do vận dụng phương án tác chiến không thích hợp, giải quyết tư tưởng và cách đánh không tốt giữa mật tập bằng đặc công và dùng hỏa lực bắn chuẩn bị cho bộ binh đánh cường tập khi bị lộ. Tiểu đoàn 840 bị thương vong cao, nhiều cán bộ chỉ huy ưu tú của các phân đội, đại đội đã hy sinh; chất lượng đơn vị bị giảm sút.

Phối hợp với lực lượng của Khu, ở hướng Phước Long, các lực lượng vũ trang ta đã đánh diệt một trung đội địch chốt trên cao điểm núi Bà Rá và đánh bọn địch bung ra lấn chiếm, các thôn ấp, giải phóng xung quanh các chi khu Phước Bình, Đức Phong.

Lực lượng của tỉnh Quảng Đức đánh địch vận chuyển trên đường 14 các đoạn từ Đức Lập đi Gia Nghĩa, Đức Lập đi Sérêpock.


(1) Trong năm 1965 Quân khu đã tuyển được 2.700 tân binh và Bộ chi viện vào được 2.033 tân binh.
(2) Quân khu điều đồng chí Phạm Văn Kha, Tham mưu phó Quân khu về làm trung đoàn trưởng, đồng chí Phạm Hoài Chương chính trị viên phó tỉnh đội Bình Thuận về làm phó chính ủy trung đoàn.
(3) Lực lượng thuộc Quân khu có 3.252 người, lực lượng thuộc tỉnh và huyện có 4.716 người, lực lượng dân quân du kích có 9.932, trong đó riêng du kích các loại là 6.591 người.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:28:51 am
Ở Lâm Đồng, Tiểu đoàn 186 cùng với lực lượng địa phương đánh mở thêm các ấp ven Blao và trên đường 20. Nhưng lúc này địch đã tăng cường trung đoàn 47 (sư đoàn 23) ngụy cùng với lực lượng địa phương quân của Lâm Đồng, có phi pháo Mỹ yêm trợ, tiến hành càn quét, lấn chiếm lại mảng giải phóng bắc Blao, chiếm lại khu Tân Rai và lập lại trại biệt kích Tân Rai để đánh phá sâu vào căn cứ ta, giải tỏa đường 20. Do đó, kết quả hoạt động của Tiểu đoàn 186 và lực lượng địa phương cũng bị hạn chế.

Đặc biệt, Tuyên Đức tiếp tục chuyển được thế tiến công lên khá hơn. Lực lượng của tỉnh bám phá ấp, phá kìm ở Xuân Thành, Xuân Trường trên đường 11. Tháng 9 năm 1965 ta tập trung lực lượng đánh phá hai khu ấp chiến lược Tiêng Liêng và DuTờNăng ở đông bắc Đà Lạt để đưa đồng bào dân tộc bung về căn cứ. Kết quả diệt được đồn dân vệ Tiêng Liêng, bám trụ liên tục hai ngày trong hai khu ấp, đánh lui bọn địch chi viện. Nhưng do cơ sở chính tị tại chỗ yếu nên không động viên được dân bung về căn cứ.

Ở Đà Lạt, tháng 11 và tháng 12 năm 1965 cũng có những hoạt động tốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, diệt được ba tên tề ác ở Nam Thiên, rải truyền đơn chống Mỹ - ngụy trong nội ô. Cuối tháng 12 năm 1965 đội biệt động do đồng chí Nguyễn Văn Sơn (tức Hùng (sau này được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang) chỉ huy đánh bọn sĩ quan và chuyên viên kỹ thuật Mỹ ở khách sạn Les Revines, diệt hàng chục tên và phá hủy một số xe quân sự, gây được tiếng vang lớn.

Trên tuyến ven biển, Tiểu đoàn 482 Bình Thuận cùng với lực lượng huyện và du kích mở hoạt động ở Phan Rí, Duồng, Tuy Phong, đánh diệt và làm an rã bảy trung đội bảo an và dân vệ, phá banh bốn ấp ở bắc Tuy Phong, làm lỏng rã kìm nhiều ấp khác. Ngoài ra, còn tiến công uy hiếp mạnh các đồn bót và “ấp chiến lược” nằm dọc theo đường số 1 từ Hồng Thái, Lương Sơn vào đến vùng Tam Giác - Hàm Thuận. Các trận đánh nhỏ, lẻ của bộ đội địa phương huyện và du kích được đẩy lên đều và mạnh, vừa tiến công vào vùng sâu vừa bám đánh bọn dũi ra lấn chiếm; liên tục đánh phá cắt đứt giao thông đường số 1, số 8 và đường sắt. Các trận đánh vào các ấp vùng sâu gây mất an toàn nên quân địch phải ra lệnh giới nghiêm ở các thị trấn Hòa Đa, Chợ Lầu và thị xã Phan Thiết…

Cùng với thời gian này, chủ lực của Quân giải phóng miền Nam giành thắng lợi lớn ở chiến trường Đông Nam Bộ: diệt hàng trăm tên xâm lược, bắn rơi 4 máy bay ở Đất Cuốc (8 tháng 1); tập kích diệt hàng nghìn tên xâm lược, phá hủy 35 xe tăng, 20 đại bác 105 milimét ở Bầu Bàng (12 tháng 11); diệt 2.100 địch, loại khỏi vòng chiến đấu ba tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1, bộ binh Mỹ và Trung đoàn 7 (Sư đoàn 5) ngụy ở Dầu Tiếng (20 - 27 tháng 11).

Đòn tiến công của miền Đông Nam Bộ và hoạt động của Khu VI đã làm rung chuyển hệ thống phòng thủ phía đông bắc Sài Gòn của Mỹ - ngụy. Nhưng với lực lượng đông, trang bị mạnh, lại là thời điểm quân Mỹ mới vào nên bọn cầm đầu Mỹ - ngụy một mặt chống đỡ các đòn tiến công của ta; mặt khác vẫn dồn sức phản kích ra vòng ngoài.

Ngày 9 tháng 12 năm 1965, lần đầu tiên quân Mỹ đổ hai tiểu đoàn (của Lữ 173) và một số phân đội lính Úc cùng với Sư đoàn 10 ngụy mở cuộc càn quét, đánh phá ác liệt liên tục vào vùng giải phóng Hoài Đức - Tánh Linh trong 20 ngày.

Và cũng lần đầu tiên trên chiến trường Quân khu VI, địch sử dụng nhiều máu bay, xe tăng, pháo binh đánh phá quyết liệt vào các xã Nghi Đức, Sùng Nhơn, Mêpu, Tề Lễ, Tà Bao, Bác Núi… làm chết gần một trăm đồng bào, cào đốt hàng trăm nóc nhà và cướp đi hàng trăm tấn lúa, gạo. Bộ đội địa phương, du kích ngày đêm quần bám, đánh trả quyết liệt, diệt trên ba trăm tên, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy một xe bọc thép, thu 32 súng các loại.

Đồng chí huyện đội trưởng Lương Văn Năm (sau này được tuyên dương Anh hùng liệt sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân) cùng một bộ phận lực lượng của huyện bị địch vây ép giữa cánh đồng trống, đã anh dũng chiến đấu bắn rơi một máy bay trực thăng và an toàn rút khỏi vòng vây.

Quân ta chiến đấu anh dũng, nhưng do lực lượng địch quá đông, càn dai dẳng trên một diện rộng, hỏa lực, phi pháo, xe bọc thép nhiều… nên ta chỉ đánh được tốt trong thời gian đầu, sau đó phải giãn ra. Các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, xã cũng bị bật ra khỏi địa bàn. Địch đã lấn chiếm được vùng giải phóng huyện Tánh Linh và gom hơn 10.000 dân ở phía bắc sông La Ngà đưa về các khu đồn ở phía nam sông, chỉ còn lại khoảng 2.000 dân(1).

Sau khi địch chấm dứt càn quét, cán bộ, bộ đội và du kích đã giúp dân còn lại ổn định cuộc sống. Tuy bị tổn thất nặng, mọi người vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, ra sức bố phòng và sản xuất, sẵn sàng đánh trả những cuộc càn quét mới.

Trong những tháng cuối năm 1965, ở chiến trường Khu VI địch đã đưa thêm quân Cộng hòa và quân Biệt động ở khu và ùng chiến thuật xuống những nơi xung yếu để tăng cường phòng thủ và giữ cho địa phương quân khỏi bị tan rã. Mỹ cũng bắt đầu mở những cuộc càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, với bom đạn, phi pháo, xe tăng dày đặc. Ta có nhiều tổn thất, 45.000 dân bị gom. Mặc dầu vậy, trên toàn chiến trường từ nam Tây Nguyên đến vùng biển cực nam Trung Bộ, phối hợp chung với toàn Miền, ta vẫn tiếp tục phát triển thế tiến công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở thêm một số thôn, ấp giải phóng và tranh chấp. Đồng thời, ta cũng tiếp tục củng cố, xây dựng giữ vững phần lớn các vùng giải phóng và đánh trả địch càn quét lấn chiếm.


(1) Từ mùa mưa 1965, Miền đã có kế hoạch hợp đồng với Quân khu: cho Sư đoàn 5 ra đứng tại Tánh Linh - Hoài Đức để cùng với lực lượng địa phương xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng quan trọng này. Nhưng Sư đoàn 5 ra chậm nên khi địch càn quét, lấn chiếm, chỉ có bộ đội địa phương và du kích đánh trả.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:29:16 am
Vào đầu năm 1966, Mỹ - ngụy bắt đầu thực hiện cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất. Trên chiến trường trọng điểm miền Đông Nam Bộ và Khu V, Mỹ tiến hành những cuộc hành quân lớn để “tìm diệt” lực lượng và cơ quan đầu não của ta. Đồng thời, địch cũng lấy chiến trường đồng bằng sông Cửu Long làm chiến trường chính để thực hiện gọng kìm “bình định” nhằm giành nguồn nhân lực, vật lực dồi dào cho cuộc chiến tranh.

Đối với Khu VI (một địa bàn trên tuyến nối liền Nam Bộ và miền Trung, có đường biên giới khá dài với Cam-pu-chia) địch tiến hành đồng thời kế hoạch hai gọng kìm “tìm diệt” và bình định” để bảo đảm an toàn cửa ngõ phía đông và đông bắc Sài Gòn. Đến tháng 3 năm 1966, địch bắt đầu đưa một bộ phận quân Mỹ ở miền Đông Nam Bộ ra càn quét đánh phá vùng giải phóng tỉnh Phước Long.

Tháng 4 năm 1966, một lữ đoàn Mỹ mở hành quân Austin đánh phá vùng ráp ranh hai tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và một số nơi trong vùng căn cứ Bình Thuận. Tháng 5 năm 1966, một lữ đoàn quân Mỹ đổ quân đánh chiếm lại vị trí Bù Gia Mập và đánh phá tuyến nam - bắc đường 14. Máy bay Mỹ ném bom, bắn phá có tính chất huy diệt từng vùng ở các khu căn cứ của ta. Quân ngụy cũng bung ra đánh phá các vùng ven đường 20 - thị xã Blao, thị xã Phan Thiết, khu Tam Giác - Hàm Thuận nhất là trục đường số 8…

Về phía ta: sau khi củng cố xong Trung đoàn chủ lực 346, còn thành lập thêm hai tiểu đoàn tập trung tỉnh, trang bị vũ khí có hạn nhưng cũng có cải tiến hơn trước.

Phối hợp chiến đấu với miền Đông Nam Bộ, được Bộ Tư lệnh Miền tăng cường Trung đoàn 16, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung hai trung đoàn mở chiến dịch tiến công trên hướng đông bắc Phước Long, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực thuộc lực lượng cơ động của Tiểu khu Gia Nghĩa và của vùng chiến thuật II, giải phóng hoàn toàn đường 14 (từ Bắc Kiến Đức đến BuPrăng) và cả tuyến biên giới nối liền với Bù Gia Mập. Đồng chí Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ đạo chiến dịch thời gian trong hai tháng.

Đợt một: đầu tháng 2 năm 1966, quân ta bất ngờ nổ súng tiêu diệt cứ điểm Tuy Đức ở ngã ba đường 14 đi BuPrăng; ta không thực hiện được kế hoạch diệt viện vì địch không đi. Ta chuyển qua bao vây, uy hiếp mạnh cứ điểm BuPrăng đến ngày thứ mười bảy nhưng địch không đến viện mà chỉ phản ứng bằng phi pháo.

Bộ chỉ huy chiến dịch liền chuyển kế hoạch cho Trung đoàn 16 tập trung đánh diệt cứ điểm BuPrăng, cứ điểm cuối cùng của hướng này; đồng thời cho Tiểu đoàn 840 thọc sâu vào khu vực Nhân Cơ, phía đông Kiến Đức để gây áp lực, buộc địch co về lo đối phó ở bên trong.

Trung đoàn 16 đánh cứ điểm BuPrăng không dứt điểm, phải chuyển qua bao vây, uy hiếp. Tiểu đoàn 840 phục kích trên đường Nhân Cơ đi Gia Nghĩa đã diệt gọn được một đại đội bảo an, phá hủy 4 xe GMC; gây thối động mạnh đối với bọn địch ở đây, và nhân thời cơ đó phát triển sâu xuống Đạo Nghĩa, cùng với các đội mũi công tác phá vỡ hệ thống ấp chiến lược của địch. Trước tình hình đó, địch phải rút bỏ BuPrăng, chịu mất Tuy Đức. Một vùng rộng lớn được mở ra từ biên giới phía tây Đaksong (của Quảng Đức) vào đến đông hành lang và cửa khẩu của Miền nằm dọc theo biên giới Cam-pu-chia.. Đoạn đường 14 phía bắc Kiến Đức được giải phóng, tạo thế liên hoàn giữa tỉnh Phước Long và Quảng Đức.

Sau chiến dịch này, Miền rút Trung đoàn 16 và điều động Trung đoàn 346 (thiếu) của Quân khu về Miền, chỉ để lại Tiểu đoàn 840. Vậy là lúc này Quân khu cũng chỉ còn lại hai tiểu đoàn bộ binh như cũ.

Cuối tháng 3 năm 1966, địch cho một bộ phận quân Mỹ từ miền Đông Nam Bộ ra cùng quân ngụy càn quét, lấn chiếm các vùng nông thôn giải phóng của tỉnh Phước Long. Quân Mỹ dùng chiến thuật tập kích bằng trực thăng đổ chụp, kết với quân ngụy ở địa phương bung ra đánh phá, hòng đánh bật các lực lượng vũ trang và chính trị của ta ra khỏi các ấp. Nhưng nhờ các xã giải phóng (như Phú Văn, Phước Quả, Đức Hạnh, v.v.) đã xây được làng chiến đấu, phát động được phong trào du kích nên ta đã đánh trả địch có hiệu quả, bảo vệ được nhân dân và các vùng giải phóng.

Đầu tháng 5 năm 1966, địch huy động phần lớn Sư đoàn Bộ binh số 1, đổ Lữ 1 (Sư đoàn 101) dù và 2 tiểu đoàn quân ngụy mở cuộc hành quân liên tục trong mười bảy ngày đêm (1 - 17 tháng 5) đánh dọc theo tuyến biên giới Phước Long, trọng điểm là vùng Bù Gia Mập. Địch dùng cả xe tăng, pháo tự hành và hỏa lực lưu động, dùng trực thăng cơ động đổ quân lùng sục sâu, mật độ hỏa lực phi pháo dày đặc.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đánh Mỹ, nhưng cũng chưa hình dung hết được tình chất ồ ạt, ác liệt của binh khí kỹ thuật và hỏa lực Mỹ, cho nên lúc đầu ta có bị lúng túng, một bộ phận cán bộ và chiến sĩ dao động, chùn bước.

Sau hơn nửa tháng quần bám chiến đấu quyết liệt, ta đã gây nhiều tổn thất cho Mỹ - ngụy. Chúng phải chấm dứt cuộc càn. Qua trận này, ta tổ chức đi nghiên cứu lại trận địa, phát hiện được những chỗ sơ hở của chúng, rút kinh nghiệm tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:30:42 am
Lúc này trên chiến trường nam Tây Nguyên, ngoài các cuộc càn quét bằng bộ binh, quân Mỹ còn tăng cường đánh phá bằng phi pháo và dùng chất độc hóa học phát quang rừng, phá hoại hoa màu. Ngày đêm máy bay B52 rải bom tọa độ, máy bay B57 “cắt bom lén” làm cho việc ăn ở, đi lại, hoạt động của bộ đội và nhân dân trở nên căng thẳng. Nhưng dần dần mỗi người cũng quen với các loại máy bay, bom đạn Mỹ và rút kinh nghiệm đề phòng có hiệu quả. Vấn đề công sự, thế ăn ở, được đặt lên hàng đầu để bảo vệ mình và tiêu diệt địch.

Mùa mưa năm 1966, Tiểu đoàn 840 còn hoạt động sâu vào vùng Nhân Cơ, Đạo Nghĩa và phát triển vào Khiêm Đức. Quân số của tiểu đoàn lúc này tuy đông và trang bị tốt, nhưng lại bị đau yếu quá nhiều, một bộ phận phải lo chuyển tải lương thực, nên kết quả hoạt động của tiểu đoàn bị hạn chế. Ngoài trận phục kích diệt ba xe GMC chở lính gần cầu Đakke, thì chủ yếu là dùng đội công tác hoạt động phân tán, đánh nhỏ lẻ, mở phong trào. Tuy vậy, cũng làm cho hệ thống ấp chiến lược và dinh điền từ Kiến Đức đến Gia Nghĩa bị lỏng rã, đường 14 bị cắt đứt.

Ở Lâm Đồng, sau những trận càn quét, lấn chiếm vùng Tân Rai và đường 20 hồi tháng 12 năm 1965 của lực lượng cộng hòa, Tiểu đoàn 186 và bộ đội tập trung tỉnh vẫn đứng vững ở địa bàn xung quanh thị xã Blao. Xuân hè 1966, Tiểu đoàn 186 cùng với lực lượng vũ trang địa phương giữ được hoạt động liên tục vào vùng ven thị xã Blao, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị trong thị xã, giữ được thế tranh chấp và làm chủ được nhiều ấp trên đường 20; buộc địch phải thường xuyên tăng cường cho hướng Blao từ một đến hai tiểu đoàn cộng hòa và biệt động quân để đối phó.

Tháng 6 năm 1966, Tiểu đoàn 186 đã đánh diệt một đại đội của Tiểu đoàn “cọp đen” ở buôn Đinh Trang Hoạch, diệt gọn đồn cấp đại đội cầu Đại Nga trên đường 20 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 44) ngụy từ Blao viện đến. Sau trận này ta còn làm rã hệ thống kìm của địch từ Phú Hiệp đến đèo Blao, uy hiếp lại con đường 20.

Ở Tuyên Đức, sang năm 1966, ta vừa lo xây dựng căn cứ đứng chân mới của tỉnh ở tây nam Đức Trọng, tạo bàn đạp phát triển vào Đà Lạt từ phía tây, vừa chỉ đạo các lực lượng vũ trang và đội công tác bám đánh địch; vũ trang tuyên truyền vào các ấp trên đường 20 kéo dài, đường 20 (thuộc Đức Trọng) làm lỏng rã kìm một số ấp. Các đội biệt động và du kích mật tiếp tục hoạt động diệt ác, rải truyền đơn trong nội ô và vùng ven Đà Lạt. Tháng 3 năm 1966, đội biệt động có một trung đội bộ binh của Tiểu đoàn 810 phối hợp đã tập kích sân bay Cam Ly, tiêu diệt trên một trăm tên, trong đó có một số lính công binh đang sửa sân bay, phá hủy 5 máy bay, đốt cháy một triệu lít xăng. Trận đánh đã gây tiếng vang lớn, hỗ trợ kịp thời cho cuộc đấu tranh chính trị mới bắt đầu của nhân dân thị xã Đà Lạt.

Trong 6 tháng đầu năm 1966, địch tiếp tục tăng cường lấn chiếm, bình định các vùng giải phóng: Hoàng Đức, Hàm Thuận, khu Lê Hồng Phong.

Địch sử dụng nhiều tiểu đoàn của sư đoàn 23 và sư đoàn 10 (của vùng III chiến thuật), từng lúc có một bộ phận quân Mỹ càn quét, đánh phá để tiêu diệt lực lượng ta, tiến hành bình định tại chỗ hoặc gom, xúc dân về các trọng điểm của chúng. Phi pháo cũng đánh phá ác liệt hơn vào các vùng giải phóng và yểm trợ cho càn quét. Chúng dùng những biện pháp như tăng cường bộ máy kìm, bắt rào làng để kiểm soát dân, bắt quần chúng học “tố cộng”, tác động chiến tranh tâm lý kìm chặt quần chúng và vơ vét sức người, sức của.

Các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và du kích đã được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng trong năm 1965. Phong trào du kích chiến tranh đã chuyển lên một bước mới. Nhờ vậy, vào năm 1966, mặc dầu địch ra sức phản công, các lực lượng ta vẫn đứng vững trên các địa bàn, đánh trả có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn của địch. Nổi rõ là chiến trường Tam Giác - Hàm Thuận. Đầu năm 1966, vùng giải phóng Bình Thuận có gần 100.000 dân và phong trào du kích chiến tranh đang chuyển lên mạnh. Tuy quân chiến đấu Mỹ chưa vào, nhưng chủ lực ngụy ở vùng chiến thuật II phối hợp cho tiểu khu đã cùng với quân địa phương ra sức đánh phá, lấn chiếm.

Từ mùa Xuân năm 1966, theo sự chỉ của Quân khu, Bình Thuận đưa Tiểu đoàn 482 về hoạt động ở địa bàn Tam Giác - Hàm Thuận, để cùng với lực lượng địa phương đánh tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Đồng thời, cũng qua đó mà xây dựng Tiểu đoàn 482 thành một tiểu đoàn mạnh, đánh được trong mọi địa hình, thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng đánh quân Mỹ.

Bước vào hoạt động, ngày 21 tháng 2 năm 1966, Tiểu đoàn 482 phục kích trên đường 8 đánh đoàn vận chuyển của chi khu Ma Lâm từ Phan Thiết về, diệt gọn đại đội 888 bảo an và gần hết sáu trung đội dân vệ của chi khu. Sau đó, đánh viện từ Phan Thiết lên, đánh thiệt hại một tiểu đoàn cộng hòa, một đại đội bảo an, diệt gần hai trăm tên, bắt sống 123 tên, thu trên 100 súng, ta dùng xe GMC chở chiến lợi phẩm về căn cứ, phá hủy 6 xe khác, bắn rơi một máy bay(1). Đầu tháng 3 năm 1966 tập kích ban ngày vào khu ấp Tầm Hưng diệt và đánh thiệt hại nặng hai đại đội bảo an, hai trung đội dân vệ, sát thương 150 tên, bắt sống 75 tên, thu trên 100 súng(2). Đêm 18 tháng 6, tập kích diệt gần hết một tiểu đoàn cộng hòa vừa đến thay quân lấn chiếm ở khu Bình An, buộc địch phải từ bỏ ý định đóng tại đồn Bình An. Trận tập kích hai đại đội bảo an tại Tân Điều chiều 26 tháng 6 vào lúc trời chưa sáng, diệt 111 tên, bắt sống 55 tên, thu 95 súng, 5 máy bộ đàm. Các trận đánh khác ở Đại Nẫm - Phú Hội, đồi Đất Đỏ và phục kích đường số 1 ở bắc Ngã Hai ta cũng diệt nhiều địch, bắt nhiều tù binh và thu vũ khí… Nhìn chung, những trận đánh tiêu diệt trên đường 8 Tam Giác - Hàm Thuận thật sự đã gây thối động mạnh trong bọn địch ở Bình Thuận. Chúng đánh giá Tiểu đoàn 482 là đơn vị “thiện chiến”, “chịu chơi”, “đánh rất ác” và một số bảo nhau: gặp “Hoành Sơn” (mật danh của Tiểu đoàn 482) là phải “Chạy ngay, không nhận chiến”.


(1) Trận này do đồng chí Nguyễn Văn Cang (Đảng) chỉ huy.
(2) Trận Tam Hưng do đồng chí Tâm (Quang) chỉ huy.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:31:11 am
Kết hợp với những trận đánh tập trung tiêu diệt, bộ đội địa phương, du kích và các đội công tác bám đánh nhỏ, lẻ thường xuyên vào bọn bung xỉa, bọn biệt kích thám báo, bọn bình định và tề vệ trong ấp, bao vây bắn tỉa các đồn bót, đánh phá giao thông. Du kích mật cũng đánh một số trận táo bạo, bất ngờ, tiêu hao địch ở vùng sâu. Hoạt động tác chiến của các loại quân đã hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng.

Cho đến cuối mùa hè và sang mùa mưa năm 1966, con đường số 8 ở Tam Giác vẫn là con đường “đầy máu và nước mắt” như bọn địch đã thú nhận. Không những không giải tỏa được con đường này, không lấn chiếm bình định được địa bàn Tam Giác, mà còn bị lỏng rã kìm thêm một số ấp ở vùng sâu, sát thị xã Phan Thiết.

Trên các hướng khác của Bình Thuận, phong trào du kích chiến tranh cũng phát triển khá tốt. Bắc Bình Thuận, Thuận Phong, Hàm Tân, Hoài Đức,… bộ đội địa phương và du kích hoạt động liên tục, vừa cùng với các đội công tác bám vào các ấp đánh địch và trụ lại phá kìm, đánh bọn địch bung xỉa ra càn quét giữ được các vùng giải phóng, vừa đánh phá giao thông. Tháng 4 năm 1966, quân Mỹ đổ quân càn vào khu Lê Hồng Phong, các lực lượng vũ trang, du kích và nhân dân ở đây đã dựa vào làng chiến đấu, đánh trả, tiêu hao và hạn chế được sự lùng sục, đánh phá của chúng. Riêng du kích xã Hồng Thái đã sát thương 48 tên Mỹ. Ở Tánh Linh, Hoài Đức, Sư đoàn 5 chủ lực Miền kết hợp với bộ đội địa phương mở đợt hoạt động đánh phản kích bọn lấn chiếm, tập kích tiêu diệt một tiểu đoàn địch tại Võ Xu nhưng ta cũng chưa đánh bât được bọn lấn chiếm ra khỏi Tánh Linh.

Đến mùa mưa năm 1966, đường quốc lộ số 1 phía nam và bắc thị xã Phan Thiết vẫn tiếp tục bị đánh phá làm gián đoạn, đường sắt Bắc Nam đi qua khu Tam Giác - Bình Thuận và Long Khánh chưa khôi phục được.

Tháng 3 năm 1956, lực lượng tập trung của Ninh Thuận đánh diệt đồn bảo an Nha Tiên Lễ tại Văn Lâm, diệt một đại đội, san bằn đồn, sau đó kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, giành quyền tranh chấp, làm chủ một số ấp và phá lỏng kìm thêm nhiều ấp ở mảng nam của tỉnh. Trong lúc đó, ở Bác Ái, Mỹ ném bom, bắn pháo có tính chất hủy diệt từng vùng ở căn cứ. Thôn Tham Dú xã Phước Trung chỉ có 200 dân, nhưng máy bay Mỹ đã giội xuống đây 300 quả bom tạ, 300 quả bom lửa, hàng ngàm quả bom bi và đạn pháo, đạn hỏa tiễn, nhằm bảo vệ an toàn cho căn cứ không quân Thành Sơn và quân cảng Cam Ranh. Nhưng nhân dân vẫn ngoan cường bám đánh trả lại địch.

Đi đôi với đẩy mạnh tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận trong khu vẫn được duy trì với những nội dung chống phá bình định, chống gom đân, chống bắt lính, chống bắn pháo bừa bãi vào cá xóm làng, phản đối rải chất độc hóa học phá hoại mùa màng, phản đối dùng xe M13 ủi phá hoa màu. Quần chúng đã quan tâm làm công tác binh vận, kêu gọi chồng, con, em và ra sức tranh thủ binh lính, sĩ quan địch đồng tình trong các cuộc đấu tranh. Đặc biệt là mùa hè năm 1966 đã diễn ra phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng đô thị. Tại hầu hết các thị xã và một số thị trấn lớn trong khu như: thị xã Đà Lạt, Blao, Phan Thiết, Phan Rang, Lagi đã có những cuộc mít tinh biểu tình với những khẩu hiệu chính trị đòi lật đổ Thiệu - Kỳ, chống Mỹ xâm lược. Phong trào xuất phát tự sự chống đối của các phe phái đối lập trong nội bộ địch, lấy sinh viên, học sinh phật tử làm lực lượng nòng cốt và đã lôi cuối được đông đảo quần chúng ở đô thị tham gia. Bắt đầu từ miền Trung và lan nhanh vào các đô thị phía Nam. Ta nhân đó thâm nhập, lái phong trào đi vào chiều hướng có lợi cho cách mạng, cho quyền lợi dân sinh và dân chủ của nhân dân.

Điển hình là phong trào đấu tranh chống chính quyền Mỹ - Thiệu - Kỳ ở Đà Lạt kéo dài từ ngày 28 tháng 3 đến tháng 5 năm 1966 mà điểm cao là cuối tháng 4 năm 1966. Mở đầu là sinh viên đại học Đà Lạt cùng học sinh các trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Bồ Đề… do một nhóm cơ sở sinh viên phát động và lãnh đạo, bằng hình thức bãi khóa, nêu ra khẩu hiệu dân sinh kết hợp với khẩu hiệu chính trị đòi tự do, dân chủ, đòi Mỹ phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam, đòi quyền tự quyết, v.v. Cuộc đấu tranh nhanh chóng lan đến chợ Hòa Bình, được cơ sở ở chợ hướng dẫn đã lôi cuốn cả tiểu thương, nhân dân lao động tham gia bãi thị; đã tập hợp được lực lượng dưới tên gọi “Lực lượng thanh niên học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ Đà Lạt”.

Nhiều cuộc mít tinh liên tiếp xảy ra. Ở khu chợ Hòa Bình ngày 1 tháng 4 năm 1966, trên 3.000 quần chúng vũ trang gậy gộc kéo đến phòng thông tin Mỹ trao tuyên bố đòi Mỹ rút khỏi Đà Lạt, trao cho thị trưởng Đà Lạt ba yêu sách:

- Dùng đài phát thanh và xe thông tin thông báo tin tức cuộc đấu tranh cho nhân dân biết.

- Cấp một trụ sở để hoạt động.

- Bảo vệ an toàn cho lực lượng đấu tranh.

Địch từ chối. Đoàn biểu tình lập tức xông vào chiếm giữ đài phát thanh Đà Lạt, phát tuyên bố “Mười muốn, mười không” (muốn hòa bình, muốn tự quyết,… không muốn đàn áp, bóc lột, không muốn làm lính đánh thuê…), hằng ngày truyền đi những tin tức và tình hình đấu tranh, những bài chính luận chống Mỹ, ngụy, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh, phát những bản nhạc hùng tráng thời kỳ Cách mạng tháng 8 năm 1945 âm vang cả thành phố. Sau ba ngày, địch mới huy động được lực lượng cảnh sát dã chiến, biệt động quân đánh chiếm lại đài phát thanh. Quần chúng đã chống trả quyết liệt và hủy nhiều máy móc trước khi rút lui.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:31:29 am
Cuộc đấu tranh ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân Đà Lạt hưởng ứng nhiệt liệt. Có những cuộc biểu tình với hàng vạn người kéo đến tòa hành chính tỉnh chất vấn bọn ngụy quyền, phản đối hành động đàn áp. Địch đã nhiều lần huy động lực lượng đến chiếm lại khu chợ Hòa Bình, đàn áp các đoàn biểu tình, nhưng không thực hiện được. Từ ngày 5 tháng 4 năm 1966 trở đi, lực lượng đấu tranh đã thực sự làm chủ khu Hòa Bình trung tâm thành phố, thành lập đội tự vệ lấy tên là “đội quyết tử”, ban hành một số quy định tạm thời.

Ngày 21 tháng 4 năm 1966, bọn ngụy quyền tỉnh vừa bày trò thương lượng với ban lãnh đạo đấu tranh, vừa cho bọn tay sai lùng bắt, khủng bố. Quần chúng phẫn nộ vũ trang gậy gộc, kéo đến tòa Hành chính. Địch trắng trợn đàn áp, bắn chết bốn sinh viên, học sinh và làm bị thương một số.

Ngày 26 tháng 4 năm 1966, lực lượng đấu tranh tổ chức một đám tang lớn, hàng chục ngàn người đi đưa, biến thành một cuộc biểu tình, tuần hành với khí thế căm thù, sôi sục, có các đại biểu học sinh, sinh viên từ Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn về dự.

Sau đó, thanh niên học sinh, sinh viên tiếp tục đấu tranh với nhiều hình thức phong phú: tổ chức “đêm không ngủ”, “đốt lửa trại để nhìn rõ mặt kẻ thù”, tổ chức phiên tòa xử án tội phạm chiến tranh, đốt hình nộm Giôn-xơn, Mắcnamara, Taylo, Thiệu - Kỳ. Tuy bị địch thẳng tay đàn áp, nhưng phong trào vẫn tiếp diễn sôi nổi, kéo dài đến tháng 5 năm 1966.

Đây là cuộc đấu tranh quy mô đông đảo, quyết liệt và dài ngày nhất trong lịch sử đấu tranh chính trị ở Đà Lạt; có lúc làm tê liệt mọi hoạt động của địch trong thành phố. Thể hiện tinh thần chống Mỹ xâm lược, thể hiện lòng yêu nước của nhân dân, tinh thần dám nổi dậy giành làm chủ của quần chúng ngay cả ở Trung tâm thành phố đầu não của một tỉnh.

Cuộc đấu tranh đã gây cho địch nhiều bất ngờ, lúng túng, và giúp cho ta nhận rõ hơn tinh thần cách mạng của quần chúng và vai trò của đấu tranh chính trị, có thêm kinh nghiệm về khẩu hiệu và hình thức tập hợp quần chúng xuống đường đấu tranh.

Tuy vậy, sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương lúc bấy giờ chưa bám sát phong trào, không nắm được diễn biến tình hình của cuộc đấu tranh, không có chủ trương lãnh đạo kịp thời, để cuộc đấu tranh kéo dài và kết thúc trong bất lợi.

Mặt khác, Tuyên Đức chưa tận dụng kịp thời cơ này để đẩy mạnh tiến công địch, mở vùng ở nông thôn, hỗ trợ lại cho phong trào đô thị.

*
*   *

Phát huy thắng lợi của năm 1965, bước vào cuối mùa hè thu năm 1966, ta vẫn giữ được thế chủ động tiến công địch trên các chiến trường. Không những ngăn chặn địch lấn chiếm, mà còn mở thêm một số mảng giải phóng và tranh chấp mới. Đặc biệt việc mở tuyến biên giới và đường 14 đông bắc Phước Long, qua đó mở rộng căn cứ, hành lang và giải quyết tiếp tế là một thắng lợi có ý nghĩa đối với Khu và cả đối với Miền lúc bấy giờ.

Như vậy là kế hoạch phản công mùa khô lần thứ nhất của Mỹ - ngụy trên chiến trường quân khu cơ bản đã bị thất bại. Tuy vậy, kết quả diệt địch và giành dân còn hạn chế, do chưa đánh giá hết âm mưu và thủ đoạn của địch, nhất là đối với đối tượng tác chiến mới là quân Mỹ, việc chuẩn bị thế trận đánh với quân Mỹ chưa làm được kịp thời và sâu kỹ. Những nơi quân Mỹ đánh phá mạnh, phi pháo ác liệt, thì ta gặp khó khăn, lúng túng, việc tổ chức lực lượng chiến đấu và trang bị tư tưởng cho bộ đội chưa bảo đảm nên khi lâm trận thì trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phát sinh tư tưởng dao động, sợ thương vong, ngán ngại ác liệt, hy sinh, không ít trường hợp thủ tiêu chiến đấu.

Để khắc phục tình hình đó, Khu ủy và Quân khu ủy phải đặt vấn đề bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu, phẩm chất khí tiết cách mạng, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ đến cùng, hú trọng củng cố đơn vị cơ sở, đưa hai phần ba đảng viên và hầu hết đoàn viên thanh niên lao động tham gia lực lượng du kích.

Về Đảng: trọng tâm là xây dựng chi bộ ba tốt, đảng viên ba tốt, cán bộ phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu đi đầu trong chiến đấu và công tác. Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm qua hoạt động và chiến đấu. Trên cơ sở đó mà có nội dung thực tiễn để bồi dưỡng cán bộ tại trường Quân chính Quân khu, thiết thực nâng cao chất lượng chiến đấu của các lực lượng vũ trang khi bước vào “một cuộc đọ sức mới”.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:32:05 am
II. LÀM THẤT BẠI VỀ CƠ BẢN Kế HOẠCH “BÌNH ĐỊNH VÀ TÌM DIỆT”
CỦA MỸ - NGỤY TRONG CUỘC PHẢN CÔNG MÙA KHÔ LẦN THỨ HAI
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUÂN KHU
(Đầu mùa mưa 1966 đến cuối năm 1967)

Tháng 10 năm 1966, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định điều chỉnh chiến trường Khu VI lần thứ hai: tách hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức nhập với tỉnh Bình Long thành Khu X, để chăm lo xây dựng căn cứ và hành lang của Miền. Khu VI với các tỉnh còn lại: Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận và Bình Thuận (gồm có cả tỉnh Bình Tuy của địch). Có nhiệm vụ chính là lo mở phong trào ở các tỉnh đồng bằng và một phần nam Tây Nguyên, gắn với vùng rừng đông Nam Bộ, bám giữ địa bàn, giữ vững hành lang thông suốt từ Quân khu về Miền và biên giới Cam-pu-chia.

Ngày 7 tháng 11 năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân khu tiến hành bàn giao lực lượng và hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức cho Quân khu X, đồng chí Bì Định (Tư Khiêm) (Phó Bí thư Khu VI và chính ủy Quân khu VI) làm Bí thư Khu ủy kiêm chính ủy Quân khu X.

Bộ tư lệnh Quân khu VI gồm các đồng chí: Nguyễn Minh Châu (Tư lệnh), Trần Lê (Bí thư Khu ủy - Kiêm Chính ủy Quân khu), Nguyễn Thành công (Phó tư lệnh - Kiêm tham mưu trưởng), Phan Văn Hược (Phó chính ủy - Kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu VI).

Lực lượng Quân khu VI vẫn giữ nguyên các tiểu đoàn: 840, 186, 145, chỉ rút một số cán bộ, chiến sĩ để làm nòng cốt xây dựng một tiểu đoàn và ba cơ quan cho Quân khu X.

Tháng 11 năm 1966, các cơ quan Quân khu VI chuyển về đứng chân ở nam đường 20, vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Bình Thuận. Từ đây, Khu VI có gần đồng bằng hơn nhưng lại xa trên, xa đường hành lang chiến lược, phải tự lực nhiều. Với địa bàn mới, khu có hai trọng điểm:

- Một là Bình Thuận: chủ yếu là khu vực bao quanh thị xã Phan Thiết và tiếp giáp với các khu căn cứ quan trọng của ta nơi đông dân, nhiều của và nơi đây cũng là nơi địch luôn luôn giành giật với ta.

- Hai là Lâm Đồng: chủ yếu là vùng dân cư và dọc trục lộ 20, con đường chiến lược nối liền Sài Gòn với Đà Lạt và chia chia cắt nam Tây Nguyên với đồng bằng.

Các tiểu đoàn chủ lực của Quân khu được sử dụng ở trọng điểm: Tại Bình Thuận, Tiểu đoàn 840, và Tiểu đoàn 482 của tỉnh tại Lâm Đồng. Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 145 (trợ chiến) của Quân khu.

Ngoài ra Quân khu còn tổ chức tiểu đoàn vận tải H50 (đa phần là chị em nữ), có nhiệm vụ đứng chân ở phía bắc đường 20 đến biên giới Cam-pu-chia để vận tải vũ khí, đan dược về chiến trường và bảo đảm đường hành lang từ Quân khu về Miền.

Đến đầu năm 1967, do địa bàn Bình Thuận quá dài trong tình hình địch bung đánh phá phức tạp, việc đi lại khó khăn, lại được sự đồng ý của Trung ương Cục nên Khu ủy và Quân khu ủy đã tách mảng bắc của tỉnh Bình Thuận gồm ba huyện (Phan Lý, Hòa Đa, Tuy Phong) và K.67 của tỉnh Tuyên Đức để thành lập tỉnh Bắc Bình trực thuộc khu (đáng lẽ lúc ấy không lập tỉnh Bắc Bình mà lập tỉnh Bình Tuy thì đúng hơn). Việc này đến tháng 8 năm 1968 đã điều chỉnh lại, và cả hai nơi đã phát huy được vai trò của mình.

Trên toàn Miền, mùa khô năm 1965-1966, cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, với mục tiêu là tìm diệt “chủ lực Việt cộng” phá chiến tranh du kích, giành chủ động chiến lược, tiến hành “bình định” đã không thực hiện được. Đó là điều bất ngờ sau cuộc đọ sức đầu tiên và sau keo thất bại đầu tiên của Mỹ. Ngày 24 tháng 7, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thú nhận: “Binh sĩ Mỹ đã tham gia một cuộc chiến tranh kỳ lạ, gay go, chống lại một kẻ địch thiện chiến, ngoan cường mà chưa một đạo quân nào của Mỹ trước đây đã gặp phải”.

Thất bại ở chiến trường lại bị dư luận trong nước và thế giới phản đối, nhưng tập đoàn tư bản lũng đoạn Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ném bom bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, cho máy bay chiến lược B52 ném bom phía bắc khu phi quân sự; tăng quân, tăng binh khí kỹ thuật, ráo riết chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 ở miền Nam với chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt và bình định”.

Trước tình hình ấy, ngày 17 tháng 7 năm 1966, Hội đồng Quốc phòng tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn ân chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định quyết tâm sắt đá của nhân dân ta là: “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày thắng lợi, ta xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tiếp theo, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban bố lệnh động viên cục bộ - một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị, nhưng chưa phục vụ tại ngũ, sẽ được gọi vào quân đội, để tăng cường sức mạnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:34:53 am
Ở Khu VI ngày 28 tháng 6 năm 1966, quân Mỹ vào đóng chốt ở Camp Êsépic, Bà Gò, lầu Ông Hoàng, Mường Mán, Tân Nông - Giếng Chùa,… (Bình Thuận). Tháng 3 năm 1967, một bộ phận của lữ dù 101 Mỹ và Trung đoàn 30 (Sư đoàn Bạch Mã - Nam Triều Tiên) đến triển khai ở sân bay Thành Sơn và xung quanh cảng Ninh Chữ (Ninh Thuận), (không tính lực lượng chuyên môn kỹ thuật).

Ở Tuyên Đức, một đại đội công binh Mỹ cùng một đại đội công binh Úc chiếm giữ và mở rộng sân bay Cam Ly. Sau đó, từng lúc có các đơn vị của lữ 173, một bộ phận của Sư 25 “Tia chớp nhiệt đới” và trung đoàn bộ binh thiết giáp Mỹ… từ căn cứ miền Đông Nam Bộ ra đánh phá Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng. Sân bay Thành Sơn đã có 27 máy bay phản lực, ba L19 và nhiều trực thăng. Quân chủ lực ngụy có hai sở chỉ huy trung đoàn, 10 tiểu đoàn, 21 đại đội lẻ. So với đầu năm 1966 tăng 3 tiểu đoàn, 8 đại đội; cơ giới và pháo binh cũng tăng nhiều. Chủ lực ngụy phần lớn đóng ở Bình Thuận và Lâm Đồng. Tổng số lực lượng cả Mỹ - ngụy có mặt thường xuyên trên chiến trường Quân khu là 33.025 tên, gấp hơn năm lần lực lượng của ta lúc bấy giờ(1).

Mỹ - ngụy tập trung gần một trăm phần trăm lực lượng vào việc càn quét đánh phá nông thôn và căn cứ; khoanh vùng lần lượt chà xát từng khu vực ở các tỉnh trong khu. Máy bay B.52 ném bom rải thảm các vùng căn cứ (kể cả khu Lê). Pháo đạn từ ngoài biên thường xuyên bắn vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta. Máy bay trực thăng đổ chụp hết nơi này đến nơi khác. Biệt kích thường lùng để tiêu hao lực lượng ta và gom xúc dân.

Cuối tháng 5 năm 1966, Hội nghị Khu ủy lần thứ 5 đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “… quyết tâm giữ vững và phát triển thế chủ động tiến công địch, nhằm tiêu hao tiêu diệt và làm tan rã lực lượng và hậu phương địch, đánh bại các âm mưu mới của chúng, đẩy địch lùi sâu hơn nữa vào thế bị động lúng túng, giành về ta những nông thôn còn lại, đưa phong trào thị xã, thị trấn lên, nhanh chóng xây dựng vùng giải phóng và vùng căn cứ thành hậu phương vững mạnh… Xây dựng và phát triển lực lượng ta về mọi mặt, để kịp thời tranh thủ và đáp ứng thời cơ, góp phần chung với toàn Miền giành thắng lợi lớn”.

Trong mùa mưa năm 1966, các lực lượng trong toàn Quân khu tiếp tục duy trì thế chủ động tiến công địch, tranh thủ củng cố các mặt và chuẩn bị cho mùa khô đến. Các cơ quan và các đơn vị trực thuộc Quân khu Bộ thì di chuyển về căn cứ và địa bàn mới.

Trong chỉ thị nhiệm vụ hoạt động quân sự đông xuân 1966 - 1967, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy nêu rõ: “Ra sức đẩy mạnh tiến công, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá ấp, phá kìm, giải phóng dân và giữ dân, mở rộng vùng ta, đồng thời tích cực đánh bại mọi kế hoạch càn quét, đánh phá mùa khô của địch, giữ vững các vùng căn cứ giải phóng”.

Vào đợt, chủ lực Quân khu cùng các lực lượng vũ trang địa phương và các đội vũ trang công tác đã triển khai hoạt động đều. Nhưng ở chiến trường trọng điểm, nam Bình Thuận gặp khó khăn, do địch đang bung ra đánh phá mạnh. Lực lượng ta tuy có chuẩn bị tư tưởng từ trước, những vẫn chưa lường hết được mức độ ác liệt của hỏa lực, phi pháo, các binh khí kỹ thuật, và sức cơ động nhanh của quân kỵ binh không vận Mỹ, nên đã bị bất ngờ và lúng túng, không đánh được.

Tháng 10 năm 1966, mở mảng hoạt động mùa khô, tỉnh dùng toàn bộ lực lượng tỉnh và bộ đội địa phương Hàm Thuận, tập kích tiêu diệt chi khu Ma Lâm để gây đà khôi phục lại thế tiến công của ta. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt, ta diệt gần hết các mục tiêu trong chi khu, thu vũ khí (cả trung liên, đại liên, cối 82-60 ly) nhưng không dứt điểm được lô cốt “mẹ”(2). Bị thương vong nhiều ta phải rút lui. Trên đường về căn cứ, hai lần bị quân Mỹ phát hiên và đánh vào đội hình, gây thêm tổn thất. Khuyết điểm thuộc về chỉ đạo và chỉ huy: đã không rút kinh nghiệm kỹ các trận đánh ở Hoài Đức - Tánh Linh (Bình Thuận) và Bù Gia Mập (Phước Long) để chuẩn bị chu đáo cho bộ đội.

Sau một thời gian củng cố, tháng 2 năm 1967, tỉnh tổ chức trận đánh Chi đoàn xe bọc thép Mỹ (thường ngày cơ động càn quét ở Tam Giác, chiều tối về cụm lại ở cây số 6 đường 8). Ta sử dụng Đại đội 481 đặc công, Đại đội 5 trinh sát, hỏa lực của Tiểu đoàn 482 và trinh sát của Đại đội 430 bộ đội địa phương Hàm Thuận, đêm 17 tháng 2 năm 1967 tập kích vào đội hình địch. Sau gần mười phút chiến đấu, ta phá hủy và bắn cháy 13 xe M.113 và M.118, diệt nhiều tên, chỉ còn mấy chiếc tháo chạy về Phan Thiết. Cùng lúc đặc công ta dùng mìn ĐH10 đánh vào trận địa pháo Mỹ ở Bà Gò, sát thương hàng chục tên. Trận địa pháo bị tê liệt không hoạt động được.

Cùng thời gian này, quân Mỹ và Nam Triều Tiên càn lớn vào căn cứ Lê Hồng Phong. Đại đội 440 cùng du kích địa phương liên tục quần bám, đánh diệt 230 tên, phá hủy 2 xe bọc thép, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng. Ta giành thắng lợi.

Những trận đánh Mỹ nói trên tuy chưa lớn, nhưng đã cổ vũ mạnh mẽ quân và dân Bình Thuận, bước đầu làm sáng tỏ khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ trong bộ đội và nhân dân. Nhưng do hằng ngày và cả đêm “tàu gáo”(3) Mỹ còn qua lại lùng sục, chỉ điểm cho pháo và trực thăng bắn phá hoặc đổ quân tập kích, nên tình hình vẫn rất căng thẳng. Vấn đề bức xúc lúc này là phải làm thế nào để phát triển phong trào đánh Mỹ rộng rãi, đều khắp trong tất cả các lực lượng, các địa phương, nhất là phải chống cho được chiến thuật “trực thăng nhảy cóc”, “đổ chụp” và xe tăng của địch, phát động phong trào diệt xe tăng bằng súng trường bá đỏ và phong trào bắn máy bay địch cả phía trước và phía sau.


(1) Tổng số lực lượng của ta là 6.174 người, gồm 2.112 thuộc Quân khu, 2.201 thuộc tỉnh và 1.816 thuộc lực lượng huyện.
(2) Lô cốt “mẹ” là lô cốt cao nhất nằm ở trung tâm chỉ huy của chi khu.
(3) Loại máy bay trinh sát nhỏ hình như cái gáo dừa múc nước, nên nhân dân và bộ đội gọi là “tàu gáo” hay “tàu rọ”. Nó hoạt động rất linh hoạt, có thể bay nhanh hay bay chậm hoặc dừng tại chỗ, bay rất thấp để kiểm soát người ngoài đồng ruộng, trên đường đi trong các xóm nhá, chòi rẫy, để kêu ra trình diện, chúng nghi ngờ ai thì bắt chở đi. Nó có nhược diểm: bắn dễ cháy và rớt ngay. Như do ta chưa nắm được tính năng, nhược điểm của nó, nên bước đầu có ngán, không dám bắn. Thực tế, đã có đồng chí dùng súng nắn bắn rớt “tàu gáo”.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:16:15 am
Ở hướng Lâm Đồng, các lực lượng của ta bước vào mùa khô hoạt động có khá hơn. Lực lượng của tỉnh và Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 145 vẫn đứng vững trên các khu vực đã phản công, vận dụng tốt phương thức hoạt động tập trung, phân tán linh hoạt, liên tục tiến công địch cả phía đông và phía tây Blao, làm địch bị căng kéo, dàn mỏng, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân trên trục đường 20 và xung quanh thị xã Blao. Đại đội 210 của tỉnh tập kích diệt một trung đội địch ở ấp Đạ Nghịch, một trong những ấp vành đai bảo vệ thị xã Blao, buộc địch phải co lại.

Tiểu đoàn 186 có một trung đội bộ đội địa phương và đội công tác K3 phối hợp phục kích trên đường 20 (đoạn từ Đông An Lạc đến ngã ba Trảng Bia), dùng phương thức phá cầu, phá đường để dụ địch từ tiểu khu ra. Địch từ tiểu khu mò ra theo đúng dự kiến. Sau 15 phút chiến đấu ta làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt một đại đội bảo an, đại đội 3 (tiểu đoàn 1) Cộng Hòa, một trung đội thám báo, một chi đội thiết giáp, bắn rơi 2 máy bay L.19, bắn chết và làm bị thương trên 200 tên, phá hủy 17 xe quân sự (có 3 xe bọc thép), thu trên 30 súng. Đặc biệt là đã tiêu diệt được đại đội 544 bảo an, một đơn vị ác ôn khét tiếng ở Lâm Đồng, nên đã có tác dụng lớn đối với phong trào.

Tiếp theo, tiểu đoàn đã phân tán hoạt động sâu vào vùng yếu, dùng hình thức vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phát động quần chúng mở phong trào ở các ấp Tân Thanh, Tân Hóa… Lực lượng đặc công, biệt động và Đại đội 210 của tỉnh nhiều lần hoạt động vào nội thị. Tháng 12 năm 1966, ta diệt bót Thánh Tâm sát nội ô và pháo kích vào tiểu khu, gây rối loạn trong thị xã.

Ta làm chủ đường 20, đoạn từ cầu Đạ Nga đến ấp 16. Tổ chức vui tết với nhân dân (tết Đinh Mùi 1967) ở các ấp và các sở. Binh lính địch muốn vào phải chấp hành đúng theo những điều quy định của cách mạng.

Ở Tuyên Đức: vào đầu mùa khô 1966-1967, sau khi được Quân khu bổ sung thêm lực lượng (Đại đội 816 về làm bộ đội địa phương huyện Đức Trọng; Đà Lạt được tăng cường thêm một đại đội biệt động) đã đẩy hoạt động lên khá hơn. Đã bám đánh địch, phá ấp, phá kìm trên đường 20, 11 và lấn sâu vào vùng ven Đà Lạt, mở được thế tranh chấp trong nhiều ấp như : Quảng Hiệp, Định An, Klong A, Klong B, nhà máy chè Cầu Đất, Bằng Tiên, Quảng Thừa, v.v. Tháng 12 năm 1966, lực lượng tỉnh và thị xã tập kích đánh thiệt hại nặng một đại đội biệt động quân ngụy tại đồn Tân Lạc, sát Đà Lạt.

Mùa đông 1966, Tiểu đoàn 840 từ Phước Long hành quân về vị trí mới, ở bắc Bình Thuận, đứng giữa hai huyện Tuy Phong và Hòa Đa. Ở đây, hàng năm đến vụ mùa, tất cả các lực lượng vũ trang, các cơ quan quân dân chính đảng đều phải dốc lực lượng ra phía trước để giúp dân bảo vệ mùa, vừa thu mua vận chuyển lúa ngay từ ngoài đồng để có ăn và dự trữ. Địch cũng ra sức càn quét và kiểm soát gắt gao, buộc nhân dân phải mang hết lúa về ấp chiến lược. Nhưng nhân dân vốn có truyền thống cách mạng, đã tìm mọi cách cất giấu lúa để dành cho cách mạng. Có những lúc địch làm căng quá, dân đã bí mật chỉ ruộng của họ để ban đêm ta vào gặt mang đi cất giấu và sau đó báo lại số lượng cho họ biết.

Quân khu giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 840 là cố gắng đánh tiêu diệt một số đại đội bảo an để hỗ trợ cho phong trào địa phương và căng kéo địch, chi viện cho nam Bình Thuận.

Đầu tháng 1 năm 1967, Tiểu đoàn 740 hạ quyết tâm tiến công tiêu diệt cứ điểm yếu khu Duồng, bằng vận dụng chiến thuật tập kích, kết hợp một bộ phận đặc công luồn sâu, ém sẵn. Trận đánh diễn ra trong đêm 7 tháng 1 năm 1967(1). Sau gần một giờ chiến đấu ngoan cường, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm, diệt và bắn sống hầu hết bọn địch (gồm Đại đội 119 bảo an, hai trung đội dân vệ và bọn bình định), làm chủ trận địa và thu chiến lợi phẩm.

Sau trận đánh, địch không dám phản ứng ngay, và phải bỏ luôn cứ điểm Duồng.

Tiểu đoàn 840 chuyển qua hoạt động phân tán, từng đại đội kết hợp với các đội công tác đánh bọn kìm kẹp, phát động quần chúng, chuyển các ấp Duồng, Hội Tâm, Thanh Lương, Lâm Lộc lên thế tranh chấp. Bọn địch ở Hòa Đa - Phan Lý cũng bớt hung hăng. Bộ đội địa phương và các đội công tác ở đây càng có điều kiện hoạt động sâu vào thị trấn Phan Rí, Chợ Lầu, Long Lương…

Ở Ninh Thuận: vào đợt hoạt động mùa khô, các lực lượng triển khai đánh nhỏ các ấp ở vùng sâu, kết hợp với phá ấp, phá kìm đưa lên tranh chấp được 3.000 dân ở một số ấp như: Phước Lập, Từ Thiên, Hòa Thủy, Mỹ Nghiệp, Thanh Tín (Thuận Nam). Bộ đội địa phương và du kích Bác Ái, Anh Dũng vừa tích cực chống càn quét và bắn máy bay bảo vệ căn cứ vừa đưa lực lượng ra tham gia đánh địch ở phía trước như phá kìm, chống lấn chiếm, phá hoại giao thông trên đường số 11 và đường số 1.

Vào mùa khô địch càng đánh rộng ra các vùng giáp ranh căn cứ để hỗ trợ cho bình định bên trong. Đi đôi với dùng bộ binh, địch càng tăng cường hoạt động, phi pháo, hóa học mật độ dày, liên tục và ác liệt hơn. Nhất là vùng Tam Giác huyện Hàm Thuận, khu Lê Hồng Phong, Hoài Đức (Bình Thuận). Các huyện miền núi Bác Ái, Anh Dũng (Ninh Thuận) và vùng căn cứ bắc Bảo Lộc (K1 - Lâm Đồng). Chúng dùng B52 đánh vào vùng núi Lâm Đồng và khu Lê Hồng Phong (Bình Thuận). Hoạt động của hải thuyền và pháo của hạm đội Mỹ cũng thường xuyên uy hiếp bắn phá vào các vùng dọc bờ biển Ninh Thuận và Bình Thuận, nhất là căn cứ Lê Hồng Phong và những nơi chúng nghi là bàn đạp, trú quân của ta.


(1) Ban chỉ huy trận đánh: Tiểu đoàn trưởng Lê Du, chính trị viên Võ Đức Nhi, đồng chí Phan Văn Hược - Phó chính ủy, chủ nhiệm chính trị Quân khu cùng đi với Sở chỉ huy.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:16:47 am
Trước tình hình này, Quân khu đã tăng cường công tác chính trị, chỉ đạo chuyển cách hoạt động của các lực lượng vũ trang, xây dựng thôn xã, cơ quan chuyển cách ăn ở, sản xuất của nhân dân cho sát hợp để tránh bị tiêu hao và đánh được địch.

Bộ đội địa phương và du kích huyện Hoài Đức từ ngày 9 đến ngày 29 tháng 12 năm 1966 đã kiên quyết đánh trả cuộc càn của một lực lượng khá lớn quân hỗn hợp Mỹ - ngụy, diệt 167 tên, đánh hỏng 5 xe M113, bắn rơi một trực thăng, bảo vệ được dân còn ở lại phía bắc sông La Ngà. Du kích khu Lê, Hàm Thuận… đã kết hợp sử dụng cả chông, mìn, bom bi trong chiến đấu, gây nhiều tiêu hao tổn thất cho địch.

Các tỉnh khác du kích và nhân dân cũng ra sức củng cố và làm thêm các tuyến bố phòng, đào hầm trú ẩn, xây dựng công sự chiến đấu, chuyển qua thế ăn ở phân tán theo ruộng rẫy, vừa sản xuất, vừa bố phòng và chiến đấu chống càn quét, chống phi pháo. Nhờ đó mà nhiều cuộc càn quét, đánh phá, gom xúc dân ở các xã căn cứ, địch không những không làm được mà còn bị đánh thiệt hại nặng.

Địch tập trung đánh phá ác liệt, chủ yếu vào gọng kìm bình định. Đấu tranh chính trị và binh vận của nhân dân trong mùa đông năm 1966 tiếp tục phát triển. Sau những cuộc đấu tranh phá trò hề bầu cử quốc hội bù nhìn của Thiệu - Kỳ hồi tháng 9 năm 1966, nhiều cuộc đấu tranh trực diễn vẫn liên tiếp diễn ra mỗi cuộc độ bốn mươi, năm mươi người, kéo đến quận, đến đồn bốt của địch, chống bắn phi pháo vào xóm làng, đồng ruộng, chốt bắt bớ bừa bãi.

Những nơi có quân Mỹ đóng hoặc đi càn quét, đồng bào vẫn mạnh dạn xáp vào đấu tranh trực diện với chúng, như ngăn chặn đầu xe tăng Mỹ ủi phá hoa màu, mô mả, chống bắn pháo bừa bãi, chống rải chất độc hóa học, v.v. Có cuộc đấu tranh chúng phải nhượng bộ, xoa dịu hoặc bồi thường. Ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận) trong một cuộc càn của Mỹ, chị em đã trực tiếp đưa truyền đơn vạch trần tính chất phi nghĩa và tàn bạo của cuộc đấu tranh mà Mỹ đang tiến hành, khiến chúng phải suy nghĩ và dừng lại sau khi xúm nhau đọc.

Công tác binh vận cũng tranh thủ được nhiều binh lính ngụy đồng tình với các cuộc đấu tranh của nhân dân. Cũng có người tỏ ra chán ghét cuộc chiến tranh, bộc lộ tinh thần chống Mỹ. Tình trạng dao động đào ngũ về nhà làm ăn cũng phát triển. Sau trận đánh đồn Ma Lâm của Bình Thuận tháng 10 năm 1966 có hai trung đội tâm lý chiến và bốn mươi lính bảo an đào rã ngũ. Sau trận đánh ngày 29 tháng 11 năm 1966 của Tiểu đoàn 186 trên đường 20, có hơn một trăm lính bảo an bỏ trốn.

Như vậy, màu đông, địch có lấn chiếm được vùng Tam Giác của Bình Thuận nhưng thực tế chưa bình định được. Ở các nơi khác, vẫn mở rộng diện lỏng kìm, đưa một số ấp lên tranh chấp và làm chủ (18 ấp 8.000 dân). Lâm Đồng - Tuyên Đức và Bắc Bình mở được nhiều hơn, sát vào thị xã, thị trấn, trục giao thông. Đến cuối năm 1966 vùng tranh chấp và giải phóng trong toàn khu có 144.000 dân.

Đợt hoạt động xuân 1967: đêm 23 tháng 2 năm 1967 một bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn 186 cùng với lực lượng địa phương đánh tiêu diệt một trung đội dân vệ “ấp chiến lược” số 5, kết hợp với phá cầu, phá đường; tổ chức trận địa phục kích trên đường 20 (cách quận lỵ Di Linh từ ba đến năm ki-lô-mét) để kéo địch đến viện - địch thường đi viện theo thứ tự từng cấp (lực lượng án ngữ tại chỗ, chi khu, tiểu khu). Sáng 24 tháng 2 một đại đội bảo an kéo đến cứu viện bị ta diệt gọn.

Trưa đó, tên quận trưởng Di Linh cùng hai đại đội bảo an cơ động của chi khu mò đến, cũng bị quân ta diệt gọn (kể cả quận trưởng). Phán đoán quân địch còn tiếp cứ, ban chỉ huy trận đánh nhanh chóng cho thu dọn chiến trường, củng cố, ngụy trang lại công sự, đợi địch tới tiếp viện. Mặc dù máy bay và pháo địch oanh kích dữ dội vào trận địa, thả bom napan đốt cháy cả cỏ cây trên mặt đất, nhưng quân ta vẫn giữ nguyên đội hình bố trí và kiên trì chờ địch. Quả nhiên, chiều ngày 24 tháng 12, tiểu đoàn quân biệt động số 53 từ Tiểu khu Blao kéo xuống. Chúng không ngờ ta vẫn tiếp tục bố trí lại trận địa cũ nên cả tiểu đoàn bị đánh tiêu diệt một phần lớn. Như vậy, liên tiếp trong một ngày, bộ đội ta chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm, đã đánh ba trận, diệt và làm thiệt hại ba đại đội bảo an, ba đại đội biệt động quân, bắn rơi bốn máy bay và thu nhiều súng đạn.

Bọn địch còn lại ở Chi khu Di Linh vô cùng hoảng hốt, kêu cứu liên tục, buộc địch phải rút quân Mỹ đang càn quét về tăng cường cho Di Linh.

14 giờ ngày hôm sau (25 tháng 2), phát hiện được vị trí của ta, quân Mỹ dùng hóa học tập kích và phi pháo bắn chuẩn bị ác liệt, sau đó đổ chụp lên trận địa ta. Tiểu đoàn 186 đã kiên cường bám công sự đánh trả, bắn rơi hai trực thăng, đánh thiệt hại nặng một đại đội Mỹ, giữ vững được trận địa cho đến tối mới di chuyển.

Trong hai ngày liên tiếp bị đánh bốn trận, thiệt hại đó không những gây hoang mang cho hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền ở Lâm Đồng mà còn gây tác động mạnh đối với bọn địch ở Tuyên Đức.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:18:20 am
Với chiến thắng trên, Tiểu đoàn 186 đã được Bộ chỉ huy Miền tặng huân chương Quân công hạng ba. Vậy là tuy lực lượng ta ít, nhưng chất lượng tốt, chiến đấu kiên cường và lãnh đạo chỉ huy có quyết tâm cao, nắm được quy luật địch, phá đoán đúng và tạo ra những yếu tố bất ngờ (trên một trận địa có thể tổ chức đánh địch được nhiều lần) nên đã giành được thắng lợi lớn. Đây cũng là cách đánh về sau được vận dụng có hiệu quả ở các nơi trên chiến trường Quân khu VI.

Sau các trận đánh trên, Tiểu đoàn 186 đã phối hợp với Tiểu đoàn 145 và các lực lượng địa phương tiến công địch liên tục vào các ấp xung quanh Di Linh - Blao, đánh nhỏ trên đường 20 (đoạn giữa Di Linh - Bảo Lộc và Đa Oai đến đèo Bảo Lộc), phá hoại giao thông, pháo kích vào thị xã Bảo Lộc và đánh tiêu hao bọn biệt kích ở Tân Rai. Kết quả đã gây cho địch nhiều tổn thất và lúng túng, nội bộ và nhân dân ta tin tưởng phấn khởi.

Ở Bình Thuận: tại trọng điểm Nam Bình vào đợt Xuân, các lực lượng của tỉnh còn bị sượng, chưa có trận chủ động tiến công nào đáng kể, chỉ đánh nhỏ chống càn quét, tiêu hao địch. Phía Bắc Bình ngày 27 tháng 1 năm 1967 Tiểu đoàn 40 có một bộ phận chống càn quét ở huyện Phan Lý, đã diệt một trung đội biệt kích Mỹ, sát thương ba mươi hai tên. Đêm 19 rạng 20 tháng 2 năm 1967, Tiểu đoàn 840 đã mở màn hoạt động, tập kích vào bọn địch đang dũi ra lấn chiếm vùng giải phóng Tuy Tịnh (huyện Tuy Phong), đánh thiệt hại hai đại đội bảo an và hai đoàn bình định số 8 và số 11. Trận đánh tuy không gọn (do bao vây không chặt), nhưng đã làm bọn địch ở Tuy Phong hoảng sợ đào ngũ, hai đoàn bình định số 8 và số 11 tan rã; số còn lại không dám bung ra hoạt động như trước.

Sau đó Tiểu đoàn 840 phân tán, kết hợp với bộ đội địa phương và đội công tác hoạt động nhỏ, diệt ác, phá kìm, đánh bọn bình định, bao vây bắn tỉa, hỗ trợ cho nhân dân các ấp Phú Điền, Thanh Lương, Hội Tâm, Duồng,… đứng lên phá lỏng, phá rã kìm.

Ngày 10 tháng 3 năm 1967, ta tập kích vào trận địa pháo binh Mỹ (vừa kéo đến đóng dã ngoại ở ngã tư Long Lương (Tuy Phong) để yểm trợ cho bọn bình định lấn chiếm ở khu vực Tuy Tịnh, ga Sông Lõng Song. Diệt 40 tên Mỹ, phá hủy một xe và ba khẩu pháo (105 ly và pháo 175 ly), buộc chúng phải rút bỏ. Đánh địch vận chuyển trên đường số 1, diệt ba xe. Để khắc phục khó khăn trước mắt về thiếu đạn dược, tổ quân giới của tiểu đoàn đã sáng kiến sản xuất ra các loại mìn ĐH10, ĐH20 để có vũ khí chiến đấu liên tục. Tiểu đoàn đã phát động phong trào thi đua diệt Mỹ - ngụy, vận động rộng rãi và sáng tạo nhiều cách đánh (như phục kích đánh mìn, bắn tỉa, bắn máy bay,…) không để cho địch yên. Tổ đồng chí Nguyễn Văn Huấn, tiểu đoàn trưởng trinh sát của tiểu đoàn rất xông xáo táo bạo, luồn sâu đánh mìn, bắn tỉa ở các ấp Tuy Tịnh, Phú Điền làm cho chúng rất hoảng sợ bảo nhau phải coi chừng “thằng ba mắt”(1).

Tính chung trong đợt phân tán đánh nhỏ, lẻ, ta đã sát thương 202 tên, bắt sống 9 tề điệp, 2 dân vệ, phá hủy 3 khẩu pháo, 3 xe quân sự (có 1 xe kéo pháo) và bắn rơi 2 máy bay trực thăng.

Các tỉnh Ninh Thuận, Thuyên Đức cũng phát triển được thế chủ động tiến công. Đêm 3 tháng 2 năm 1967, trong lúc quân Mỹ ở Nam Triều Tiên càn sâu vào các khu căn cứ Anh Dũng, Tương Phúc, thì đội biệt động của Ninh Thuận đã luồn sâu vào Phan Rang, tập kích diệt gần một đại đội quân canh Mỹ, gây chấn động lớn. Đợt đánh địch ở ấp Phương Cựu, khu tập trung xóm Bằng; phục kích trên đường 11, diệt hai trung đội địch, phá hủy 4 xe, đánh sập 1 cầu, v.v.

Tuyên Đức diệt một trung đội thám báo ở ấp Quang Trung, tập kích bọn cố vấn Mỹ ở khách sạn Catina trong Đà Lạt, đánh vào khu kho quân cụ Quyết Tiến diệt trung đội dân vệ. Lực lượng của tỉnh và huyện còn đột đánh địch ở ấp chiến lược An Hòa, Phú Hội, phá lỏng kìm các ấp trên đường 21 kéo dài từ Thanh Bình đi Hoạt (Đức Trọng) và đánh địch vận chuyển trên đường 21 kép (từ Phi Nôm đi Đran).

Trong đợt Xuân 1976, các lực lượng ở phía sau (du kích căn cứ, du kích cơ quan, bộ đội sản xuất, bộ đội hành lang, v.v.) cũng đã tích cực bám đánh địch càn quét và bắn máy bay. Khắp nơi, từ buôn, làng đến cơ quan, đã chuẩn bị được tư thế sẵn sàng chiến đấu, nên khi địch càn đến đã chủ động đối phó, có bộ phận bám đánh địch có bộ phận lo di chuyển cơ quan, hướng dẫn dân tránh lánh. Nhờ đó đã tiêu hao được địch, bắn rơi được máy bay, hạn chế được quân Mỹ đổ quân lùng sục, rải chất độc hóa học, bảo vệ được dân, bảo vệ được kho tàng, hành lang sản xuất. Trong đợt càn quét ác liệt của địch từ giữa tháng 1 đến tháng 3 năm 1967, riêng du kích và lực lượng phía sau đã sát thương gần 1.500 tên Mỹ, chư hầu và quân ngụy, bắn rơi 20 máy bay, phá hủy 5 khẩu pháo 105 và 155 ly, 5 xe M113, giữ vững hầu hết các địa bàn căn cứ của Khu, tỉnh, huyện. Đã xuất hiện một số khu căn cứ du kích kiên cố, là những pháo đài chống Mỹ mà địch không thể lấn chiếm hoặc hủy diệt được (như căn cứ du Bác Ái Đông, nằm sát căn cứ không quân Thành Sơn). Ở đây, để bảo đảm an toàn cho sân bay quân Mỹ và Nam Triều Tiên, đã nhiều lần địch càn quét đánh phá ác liệt bằng bộ binh, bằng phi pháo và hóa học nhưng chúng đều bị thất bại. Đồng bào dân tộc Raglây ở đây đã trở thành một tập thể anh hùng kiên cường bất khuất, kiên quyết bám trụ núi rừng, đánh trả địch bằng mọi cách để bảo tồn mình cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt, phong trào bắn máy bay ở đây đã trở thành phong trào quần chúng, ông già, phụ nữ, trẻ em đều tranh nhau bắn máy bay địch và bắn rất giỏi, tiết kiệm từng viên đạn. Chẳng hạn như ông già Đuông đã bắn rơi 1 máy bay phản lực; như chị Tháp, chị Bui cũng bắn rơi máy bay phản lực; như em Hoài cũng hạ 1 máy bay phản lực(2).

Cũng trong đợt càn quét có tính chất hủy diệt này, trong mười bốn ngày đêm, quân và dân Bác Ái đã anh dũng đánh trả địch, đánh cả trong lẫn ngoài, bẻ gẫy cuộc càn của chúng; ta không một ai thương vong, một ai bị bắt; trái lại còn bắn rơi tại chỗ 42 máy bay các loại của địch. Đây là một cuộc chiến công kỳ diệu, được Bộ chỉ huy Miền nhiệt liệt biểu dương khen thưởng.


(1) Vì ở gần mí mắt đồng chí có thêm một cái sẹo sâu do vết thương nên được gọi là “thắng ba mắt”.
(2) “Báo cáo về xây dựng căn cứ địa và phát triển chiến tranh du kích ở huyện Bác Ái” tỉnh Ninh Thuận.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:18:58 am
Căn cứ Lê Hồng Phong (gọi là khu Lê) nằm ở đồng bằng ven biển Bình Thuận, nằm giữa tuyến đường số 1, đường sắt và bở biển, là căn cứ cực nam Trung Bộ trong thời kháng chiến chống Pháp, có truyền thống kiên cường, bất khuất. Bao lần địch đánh phá chà xát cả bằng B52, chất độc hóa học để hủy diệt, nhưng nhân dân vùng đất kiên trung này vẫn đứng vững luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; từ ăn ngủ, sinh hoạt, hội họp, chăn nuôi heo gà, trâu bò đều ở dưới hầm. Việc bố trí chiến đấu, canh gác ngày đêm, kết hợp với sản xuất đều có kế hoạch chu đáo. Nên bất cứ lúc nào địch vào cũng phát hiện. Vào xuân 1967 đã đánh gãy cuộc càn của sáu tiểu đoàn địch (đại bộ phận là quân Mỹ và Nam Triều Tiên), có cả xe M113, không quân, pháo mặt đất, pháo hạm ngoài biển yểm trợ tối đa. Ta diệt 230 tên, phá hủy 2 xe M.113, bắn rơi 2 máy bay.

Ở vùng tranh chấp, vùng ven và trong các thị xã, thị trấn nổi lên phong trào: du kích mật kết hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích tạo thành một diện tiến công địch rộng rãi, thường xuyên hỗ trợ cho phong trào chính trị của quần chúng, buộc địch phải luôn luôn đối phó và không ổn định. Nổi nhất là phong trào du kích Hồng Thái, Hồng Liêm, Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Đức (của Bình Thuận), phong trào du kích K3, K9 (của Lâm Đồng), phong trào du kích vùng 2 (của Ninh Thuận), v.v. Đặc biệt phong trào du kích vùng Tam Giác (huyện Hàm Thuận) đã được khôi phục và chuyển lên, cán bộ, đảng viên du kích bám địa bàn ấp xã, lãnh đạo quần chúng đấu tranh ba mũi, hình thành các vành đai du kích, bao vây các chốt Mỹ ở Bà Gò, Bàu Gia… từng bước vây lấn địch, diệt và khống chế bọn tề điệp. Do vậy, mặc dầu địch sử dụng cả quân Mỹ và quân ngụy vẫn không bình định được.

Phía bắc Bình Thuận: ngày 5 tháng 4 năm 1967, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 840) dựa vào trận địa có công sự vững chắc, bám trụ ở tây ấp Tuy Tịnh, chiến đấu với một tiểu đoàn Cộng hòa đi càn quét từ 09 giờ sáng đến 19 giờ tối mới dứt tiếng súng. Đến trưa, chúng bị tổn thất nặng phải kêu cứu. Sau đó, một đại đội kỵ binh không vận Mỹ từ Phan Thiết ra tăng viện. Dùng trực thăng liên tục bắn và thả cối, phản lực đến giội bom vào trận địa ta để yểm trợ cho bộ binh tiến công. Nhưng các lần tiến công đều bị đánh bật ra. Đến chiều tối, chúng đành phải bỏ xác chết lại trận địa và rút lui. Trong đêm, pháo 155 ly từ căn cứ sông Mao liên tiếp bắn vào trận địa ta và hai lần B57 đến cắt bom. Ta đã đánh thiệt hại nặng 2 đại đội Cộng hòa, 1 đại đội Mỹ, sát thương 287 tên, bắn rơi 7 trực thăng, thu 25 súng gồm đại liên, trung liên, M79… ta hy sinh 8 đồng chí và bị thương 25 đồng chí.

Đây là thất bại đầu tiên của một tiểu đoàn cộng hòa và một đại đội kỵ binh không vận Mỹ trên chiến trường Bắc Bình Thuận, có cả các loại phản lực và pháo binh, trực thăng, yểm trợ tối đa với một lực lượng, đông hơn ta gáp nhiều lần. Và đây cũng là lần đầu tiên Đại đội 2 (Tiểu đoàn 840) dựa vào công sự, có giao thông hào trên một địa hình không lấy gì làm ưu thế lắm (rừng chồi thưa, hơi mấp mô, gần ấp chiến lược) nhưng đã chiến đấu rất ngoan cường, giữ vững được trận địa và tiêu diệt địch tại công sự. Từ đồng chí nuôi quân, y tá, quân khí viên đều tham gia chiến đấu, lấy súng địch đánh địch, giữ trận địa. Có lần, một trung đội bộ binh địch liều lĩnh chiếm một đoạn giao thông hào ở trận địa ta, đại đội trưởng Lê Văn Long và chính trị viên Nguyễn Hữu Sạt đã chỉ huy đánh bật địch ra khỏi công sự, diệt tại chỗ nhiều tên và khôi phục lại trận địa. Đặc biệt đã biểu hiện tinh thần tiết kiệm đạn dược, lấy súng địch đánh địch, chờ địch đến gần mới bắn, bắn từng loạt ngắn hai, ba viên để dành đạn đánh địch trong suốt cả ngày.

Trận đánh này có ý nghĩa mở ra khả năng ta trụ đánh địch dưới tầm phi pháo địch ác liệt. Các lực lượng của Quân khu và tỉnh đã vận dụng kinh nghiệm này cho các trận sau đó (trận Hàm Phú - Đồi Trúc).

Ngày 13 tháng 5 năm 1967, Tiểu đoàn 740 lại tập kích đánh thiệt hại nặng Đại đội biệt kích Lương Sơn, Đại đội 118 bảo an và một đoàn bình định ở ấp Châu Hanh; làm cho binh lính và bọn bình định còn lại ở đấy dao động, bỏ ấp chạy về quận. Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng và hiên ngang trước kẻ thù, phát huy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Sống oanh liệt, chết vẻ vang” gây được ảnh hưởng tốt trong đồng bào Chăm (thuộc huyện Phan Lý, Bắc Bình. Sau trận này, đồng bào đã đấu tranh đòi địch bồi thường thiệt hại về trâu bò, nhà cửa…

Ở Lâm Đồng đêm ngày 25 tháng 5 năm 1967, Tiểu đoàn 186 đã tập kích vào lực lượng biệt kích Tân Rai đang dừng chân tại đồi Nguyễn Khánh (đồi núi ở ConxàĐờn), diệt gần hai đại đội biệt kích và hai trung đội thám báo, thu vũ khí. Sau trận này, số còn lại đã rã ngũ phần lớn. Cùng trong thời gian này, Tiểu đoàn 145 tập kích Tiểu đoàn 23 biệt động quân tại ấp Tân Bùi, diệt gần một trăm tên… Cùng những trận đánh nói trên, ta mở thêm nhiều ấp trên đường 20 sát thị xã Blao và thị trấn Di Linh.

Ở Bình Thuận: mặc dầu địch ra sức bình định trọng điểm, ta vẫn giữ được thế tranh chấp mạnh ở khu Tam Giác và Thuận Phong, đưa lên tranh chấp và làm lỏng kìm thêm một số mảng ở Bắc Bình, kiểm soát được đoạn đường số 1 từ Phan Thiết đi Hàm Tân, từng lúc làm gián đoạn từ đông bắc Phan Thiết đi Ninh Thuận. Tuyên Đức đã mở diện làm chủ ở mức độ ở nhiều ấp trên đường 21 kéo dài, đường 20 và đường 11. Ninh Thuận cũng mở thêm một số ấp tranh chấp ở mảng nam của tỉnh và làm lỏng kìm thêm một số ấp ở vùng sâu.

Trong ba tháng đầu năm 1967, bằng thủ đoạn càn quét, đánh phá ác liệt, dai dẳng, kết hợp với gián điệp, chiến tranh tâm lý, hù dọa, mua chuộc, địch đã gom xúc được 3.000 dân ở vùng giải phóng. Lực lượng ta về mặt bảo đảm vật chất, trang bị còn hạn chế; chưa bẻ gãy được chiến thuật tập kích bằng trực thăng đổ chụp của địch. Phong trào chính trị chính trị, binh vận chuyển lên không đều.

Đó là những khó khăn của ta khi phải đối đầu với tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh, lại cực kỳ ngoan cố, tàn bạo và xảo quyệt.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:19:31 am
III. ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TIẾN CÔNG MÙA KHÔ
TRONG ĐÔNG - XUÂN 1967-1968
GIÀNH THẮNG LỢI LỚN TRONG QUÂN KHU

Do bị thất bại nặng trong cuộc phản công mùa khô lần thứ hai trên toàn Miền, lại bị các lực lượng vũ trang và nhân dân trong Khu liên tục tiến công, nên quân địch bắt đầu co lại, quân Mỹ rút bỏ một số chốt và cứ điểm ở vùng Tam Giác - Bình Thuận (8 năm 1967), nhịp độ càn quét vào vùng giáp ranh và sâu vào căn cứ có giảm.

Về ta, tuy đã giành thắng lợi trong Đông Xuân 1966-1967, nhưng phong trào chiến tranh du kích phát triển chưa đều, đấu tranh chính trị, binh vận còn yếu. Về quân sự, trình độ đánh tiêu diệt còn thấp, chưa đối phó có hiệu quả với chiến thuật tập kích bằng trực thăng đổ chụp của quân Mỹ.

Tháng 5 năm 1967, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 đề ra nhiệm vụ quân sự cho toàn Miền là: “… ra sức phát huy thắng lợi, khắc phục mọi khó khăn, khuyết điểm, mở ra một cao trào mới của chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh chủ động tiến công và phản công liên tục của các thứ quân, tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều sinh lực Mỹ - ngụy và chư hầu… đẩy địch vào thế bị động phòng ngự nghiêm trọng hơn, xây dựng ba thứ quân lớn mạnh để theo kịp đòi hỏi tình hình; tạo điều kiện giành thắng lợi ngày càng lớn, tiến lên tổng tiến công và nổi dậy thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương”. Quán triệt và thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương và Trung ương Cục, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy đã đề ra nhiệm vụ quân sự trong năm 1967-1968 là: “… ra sức động viên quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tăng cường đoàn kết, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh tiến lên mạnh mẽ. Đồng thời phải nâng trình độ tác chiến tập trung lên tới quy mô thích hợp, để đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới… Tích cực đánh phá vùng kiểm soát của địch, giải phóng nông thôn còn lại, đẩy mạnh phong trào thị xã, thị trấn lên, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng căn cứ… Trước mắt, đập tan kế hoạch mùa khô sắp tới của chúng, đồng thời xây dựng mình trưởng thành nhanh chóng, làm thay đổi tương quan có lợi cho ta, tạo cơ sở vững chắc tiến lên cùng toàn Miền đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong mọi tình huống”.

Nghị quyết còn nhấn mạnh: Về tác chiến còn hai vấn đề lớn cần tập trung giải quyết lúc này là đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm “bình định” của Mỹ - ngụy, phải diệt đại bộ phận quân ngụy và đánh gãy cho được chiến thuật trực thăng vận của Mỹ.

Suốt mùa hè 1967, các địa phương vẫn liên tục hoạt động cho đến đầu mùa mưa. Bình Thuận đã khôi phục lại được thế tiến công của Tiểu đoàn 482 và bộ đội địa phương huyện, thị xã; đã tiến công tiêu diệt một số đại đội, trung đội cộng hòa, bảo an, dân vệ ngay tại vùng sâu Tam Giác, Xuân Phong, Tân Điền, Cầu Bến Lội, Tùy Hòa, Ngã Hai, Gò Bồi, Văn Mỹ; buộc địch phải rút bỏ một số cứ điểm của Mỹ ở vòng ngoài như: Nỗng Kàtang, Núi Một… co về lo phòng thủ bên trong.

Ở Bắc Bình, Tiểu đoàn 840 với lực lượng địa phương, du kích hoạt động từ Tuy Phong đến Hòa Đa, Phan Lý đã diệt hai đại đội và ba trung đội bảo an, một trung đội dân vệ, căng kéo địch chi viện cho nam Bình Thuận.

Ninh Thuận mùa mưa năm 1967 lại ghi thêm một số chiến công nữa của quân và dân Bác Ái. Trong hai ngày 9 và 10 tháng 6, Bác Ái Đông đã đánh gãy bốn lượt trực thăng đổ quân tập kích vào thẳng căn cứ. Riêng trận ngày 10 tháng 6 đã bắn rơi 5 máy bay (4 trực thăng 1 L19), bắn bị thương 4 chiếc khác, đánh bại thảm hại cuộc đổ bộ của 47 trực thăng có sự yểm trợ của phản lực oanh kích.

Từ ngày 24 tháng 6 đến 2 tháng 7 năm 1967, Bác Ái lại tiếp tục đánh bại hoàn toàn cuộc đổ quân càn quét của trên 4.000 quân Mỹ và Nam Triều Tiên với hàng trăm lượt phi cơ, hàng chục đại bác yểm trợ; đã diệt 170 tên, làm bị thương 333 tên (phần lớn bằng vũ khí thô sơ, hầm chông, cạm bẫy); bắn rơi 30 máy bay các loại và bắn bị thương 10 chiếc khác. Ở đồng bằng Ninh Thuận, để chi viện cho du kích Bác Ái, ta đã đánh phá ống dẫn dầu từ cảng Ninh Chữ về sân bay Thành Sơn, diệt ác phá kìm ở những ấp: Phương Cựu, La Chữ, Thái Giao, Từ Tâm.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1967, toàn quân khu mở đợt đồng loạt phá cuộc bầu cử tổng thống và hạ nghị viện của ngụy; nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền tán phát truyền đơn, căng biểu ngữ mở mít tinh vạch tội ác giặc Mỹ và tay sai, vạch âm mưu bầu cử bịp bợm đã diễn ra khắp nơi. Đồng thời đột nhập đánh địch ở vùng sâu, nhất là trong ngày bầu cử, đễ hỗ trợ cho phong trào. Nhân dân nhiều nơi đã đồng tình hưởng ứng; nhất là thị xã Đà Lạt và các vùng phụ cận (Di Linh, Tuy Phong, Hòa Đa, Thuận Phong, Hàm Thuận) nhiều lần đã lấy cớ tình hình không có an ninh để không chịu đi bỏ phiếu hoặc làm bôi bác lấy lệ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:22:14 am
Hạ tuần tháng 10 năm 1967, quân khu mở hội nghị học tập chính trị(1) cho cán bộ trung, cao cấp toàn quân khu, do Thường vụ Khu ủy chủ trì, nhằm quán triệt Nghị quyết tháng 5 năm 1967 của Trung ương Cục.

Cuộc chỉnh huấn chính trị lần này có sức động viên tư tưởng mạnh mẽ sâu sắc: khí thế “Sức mạnh Phù Đổng”, “Cơ hội một ngày bằng 20 năm”, “Sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp Cách mạng”; - nhằm đảm bảo cho toàn quân vươn lên đẩy mạnh tiến công địch, giành thắng lợi quyết định, trước mắt là giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân 1967-1967. Những lời phát biểu đầy tâm huyết của các đơn vị chủ lực quân khu (trước Thường vụ Khu ủy - Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu) đều thể hiện rõ quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị mình.

Cùng với việc trên, toàn quân khu cũng tổ chức học tập trong cán bộ và tuyên truyền giáo dục trong nhân dân về tình hình và nhiệm vụ mới.

Liền sau hội nghị này, các đơn vị vừa triển khai chỉnh huấn chính trị cho cán bộ và chiến sĩ vừa khẩn trương chuẩn bị chiến trường về mọi mặt để bước vào hoạt động. Hai vấn đề lớn lúc bấy giờ đặt ra cho trọng điểm Bình Thuận là phải đánh cho được bọn bung ra càn quét, lấn chiếm, giải tỏa giao thông và đánh gãy cho được chiến thuật “trực thăng đổ chụp” của quân Mỹ. Quân khu quyết định chuyển tiểu đoàn 840 từ Bắc Bình vào đứng hoạt động ở nam Bình Thuận.

Lúc này ở hướng đông bắc Phan Thiết, địch đang bung ra càn quét hai bên quốc lộ 1, đường sắt, triển khai xây dựng cứ điểm hành quân Bàu Ốc (cách Phan Thiết 34 ki-lô-mét) để làm nơi tung quân ra càn quét, đánh vào các căn cứ du kích, giải tỏa giao thông trên đoạn đường số 1 và đường sắt từ Phan Thiết đi Ninh Thuận.

Quân khu hạ quyết tâm: phải đánh gãy ý đồ của địch ngay từ đầu, giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 840 chuẩn bị trận đánh tiêu diệt cứ điểm hành quân Bàu Ốc ngay trong khi chúng còn đang xây dựng và tập kết quân.

Sau hơn một tuần chuẩn bị các mặt và phương án tác chiến đã được xác định, Quân khu tăng cường thêm lực lượng phối thuộc chiến đấu (đại đội 450 bộ đội địa phương Thuận Phong làm lực lượng dự bị và lực lượng phục vụ)(2), bổ sung thêm vũ khí, đạn dược khá đầy đủ.

Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 11 năm 1967, lực lượng ta từ các hướng, các mũi đồng loạt tập kích vào các cụm cứ điểm hành quân đối ngoại hỗn hợp Mỹ - ngụy ở Bàu Ốc. Sau bốn mươi lăm phút chiến đấu quyết liệt, bằng các mũi thọc sâu, ta đã đánh dứt điểm, làm chủ chiến trường và thu vũ khí. Lực lượng ở đây gồm tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 44 Sư đoàn 23), một chi đoàn tăng thiết giáp, một đại đội công binh Mỹ, một đại đội bảo an, hai đại đội biệt kích Lương Sơn, hai trung đội thám báo và một số đơn vị khác thuộc vùng chiến thuật 2 (mới hành quân đến chiều tối ngày 7 tháng 11 để hôm sau cùng hành quân càn quét). Số địch bị diệt gần 700 tên. Hầu hết các đơn vị địch đã bị diệt hoặc đánh thiệt hại nặng. 47 xe quân sự bị bắn cháy và phá hủy trong đó một chi đoàn xe bọc thép bị diệt gọn), 4 máy bay trực thăng bị bắn rơi. Địch buộc phải bỏ kế hoạch càn quét và rút bỏ luôn cứ điểm hành quân dã chiến Bàu Ốc.

Trận mở màn Đông Xuân 1967-1968 thắng lợi ở Bình Thuận đã có tác dụng thối động mạnh đối với hàng ngũ địch và phong trào quần chúng trong Quân khu.

Đây cũng là trận đánh tốt, không những thể thiện được khí thế của cán bộ, chiến sĩ qua chỉnh huấn chính trị, mà còn thể hiện sự tiến bộ của tổ chức và chỉ huy chiến đấu(3). Lực lượng chiến đấu được tổ chức thành nhiều mũi đột kích mạnh, trang bị gọn nhẹ (gồm AK, RBD, thủ pháo, lựu đạn, B40 - B41, mìn ĐH 10 - ĐH 20) để đủ sức đánh địch co cụm với số lượng đông dày đặc, mà ta phải đột kích liên tục từ ngoài vào trung tâm. Không có hỏa lực của cấp trên chi viện, Tiểu đoàn tổ chức trận địa hỏa lực gồm hai khẩu cối 82 ly, hai ĐKZ 75 ly, hai đại liên; đã hợp đồng với du kích tổ chức các tổ bắn máy bay bằng trung liên và súng trường từ Phan Thiết lên và khống chế các bãi đổ trực thăng xung quanh.

Trận đánh diễn ra hoàn toàn chủ động và bất ngờ. Ta đánh nhanh, diệt gọn. Sau khi dứt tiếng súng, ta làm chủ và thu dọn. 15 phút sau từng tốp trực thăng Mỹ từ Camp Êsépic theo đường số 1 bay ra, đã hối hả rải đạn pháo và bắn xối xả ngay xuống trận địa, không cần quần đảo quan sát. Đây là lối “Yểm trợ tối đa” của kỵ binh không vận Mỹ khi biết đồng minh của chúng đã bị tiêu diệt.

Chiến thắng Bàu Ốc đã làm nức lòng quân, dân Bình Thuận và cực nam Trung Bộ; đã được bộ chỉ huy Miền nhiệt liệt khen ngợi và tặng thưởng huân chương Quân công hạng hai. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được Bộ Tư lệnh quân khu tặng thưởng huân chương Chiến công.

Với tinh thần chiến đấu liên tục và thừa thắng, Quân khu chỉ đạo thực hiện kế hoạch đánh phá chiến thuật “trực thăng đổ chụp” của quân Mỹ ở chiến trường Hàm Thuận (trận Phú Sơn). Lực lượng sử dụng cho đợt hoạt động gồm Tiểu đoàn 482 và một đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 840, Đại đội 430 bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận và du kích xã Hàm Phú do Ban chỉ huy tiền phương tỉnh trực tiếp chỉ huy(4).


(1) Tại Sở chỉ huy quân khu “Đồi 400” ở về phía tây bắc Bình Thuận.
(2) Cán bộ chiến sĩ khung nhà trường Quân chính Quân khu và lực lượng sản xuất phía sau.
(3) Tiểu đoàn trưởng Lê Du, chính trị viên Võ Đắc Nhi.
(4) Đồng chí Phạm Văn Kha, tỉnh đội trưởng và đồng chí Lê Văn Hiền chính trị viên tỉnh đội Bình Thuận chỉ huy với sự tham gia của đồng chí Phan Văn Hược, chủ nhiệm chính trị Quân khu và đồng chí Dương Thước Tường, tham mưu phó Quân khu.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:22:53 am
Theo kế hoạch ngày 22 tháng 11 năm 1967, Tiểu đoàn 482 và Đại đội 430 phục kích đánh chi đoàn tăng trên đường số 8 (đoạn phía bắc Ma Lâm); đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 840 bố trí đánh trực thăng đổ chụp chặn đường lui của quân ta tại Phú Sơn (Hàm Phú); nhưng chi đoàn tăng không đi. Ta kiên trì ém phục và tổ chức nghi binh. Ngày 23 tháng 11 năm 1967 Tiểu đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ đã mắc mưu, hung hăng đổ quân xuống Phú Sơn nơi ta đã tổ chức trận địa sẵn.

Với kinh nghiệm đánh Mỹ đã có với quyết tâm và lòng tự tin, toàn đơn vị đã nổ súng chiến đấu kiên cường, đánh gãy nhiều đợt trực thăng đổ quân tập kích của địch cả phía trước và phía sau. Cứ sau mỗi đợt bị thất bại, chúng lại lui ra dùng nhiều tốp trực thăng và phản lực thả bom, thả đạn cối, bắn rốc két vào trận địa ta, rồi lại đổ quân thêm xông lên, nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt, đến chiều tối phải rút lui. Ta đã diệt gọn một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng một đại đội Mỹ khác và một đại đội ngụy, diệt tại chỗ 180 tên, bắn rơi 8 máy bay trực thăng. Ta hy sinh ba đồng chí.

Vậy là trên chiến trường Bình Thuận, ta đã đánh thắng liên tiếp một trận với đối tượng là kỵ binh không vận Mỹ (trận trước, ngày 5 tháng 4 năm 1967 ở Tuy Tịnh). Qua thắng lợi này bộ đội ta rất phấn khởi, tin tưởng ở khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Tuy vận, vẫy còn bộc lộ chỗ yếu là có bộ phận ta chưa thật dũng mãnh xung phong xuất kích diệt địch trước trận địa.

Phát huy thắng lợi, sau trận Phú Sơn, lực lượng ta phát triển chiến đấu xuống vùng tam giác và tiếp tục câu nhử đánh quân Mỹ “đổ chụp”.

Tuy bị đánh đau, có dè dặt, thận trọng hơn, nhưng với tính cuồng vọng, ỷ vào sức mạnh binh khí, kỹ thuật, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 9 tháng 12 năm 1967, trực thăng không vận Mỹ lại đổ quân xuống đồi Trúc (đỉnh núi bắc Hàm Thuận) để chiếm cao điểm rồi đánh xuống các đơn vị đóng quân bên dưới. Nhưng không ngờ chúng lại sa vào trận địa cảnh giới của trung đội 3 (đại đoàn 3, Tiểu đoàn 840). Thế là trận chiến đấu xảy ra quyết liệt, gần một đại đội bị diệt và 4 trực thăng bị bắn rơi. Ta hy sinh 8 bị thương 6 đồng chí.

Hai trận đánh Mỹ ở Phú Sơn và đồi Trúc tuy quy mô không lớn, nưng bước đầu đã đánh gãy được chiến thuật “trực thăng đổ chụp” của quân kỵ binh không vận Mỹ, khiến chúng không còn dám nghênh ngang như trước. Các loại trực thăng “cán gáo” cũng không còn tự do lùng sục khắp mọi nơi. Tình hình đó đã làm cho quân ngụy bắt đầu co lại, thuận lợi cho các lực lượng vũ trang và chính trị ở địa phương bám sát địa bàn phá ấp, giành dân, mở vùng.

Cùng thời gian này, ở Lâm Đồng, Tiểu đoàn 145 và các lực lượng địa phương tiếp tục đánh địch, mở phong trào xung quanh Blao và trên trục đường 20 từ đông Blao đến tây Di Linh. Tháng 12 năm 1967 lại chặn đánh quân Mỹ đi càn quét để ngăn chặn hành lang qua đường 20 của ta.

Tiểu đoàn 186 phát triển về phía đông Di Linh lên vùng Tà In - La Hoan của Tuyên Đức. Đây là vùng giếp giáp với bốn tỉnh (Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận) lâu này còn nằm trong sự kiểm soát của địch. Tháng 11 năm 1967 Tiểu đoàn đã cùng với lực lượng địa phương K3, đánh diệt 3 đại đội bảo an, đánh thiệt hại nặng hai đại đội cộng hòa, bắn rơi ba trực thăng, mở ra một số ấp lõm kìm và tranh chấp như: Động Bò, Phú Hiệp, Tam Bố, v.v.

Đêm 8 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 186 lại tập kích đồn Tà In (đồn bảo an có từ thời Pháp, khống chế phần lớn khu vực này). Sau mười lăm phút chiến đấu, ta diệt hoàn toàn bọn bảo an chốt giữ đồn, thu toàn bộ vũ khí, bắt sáu tù binh, phá hủy đồn. Ngày hôm sau, địch cho trực thăng chở bọn sĩ quan tham mưu, có cả cố vẫn Mỹ và một trung đội trinh sát của tiểu khu xuống thị sát; lại bị Tiểu đoàn 186 bao vây tiêu diệt gần hết, bắn rơi hai trực thăng.

Sau đó tiểu đoàn tiếp tục bám lại khu vực K67, cùng với đội công tác phát động quần chúng xây dựng vùng giải phóng. Tháng 1 năm 1968, quân Mỹ đổ quân càn quét, lại bị đánh làm thiệt hại một đại đội, bắn rơi 4 trực thăng, buộc phải rút bỏ cuộc càn. K67 được giải phóng mở ra một bàn đạp mới và đường hành lang ở khu vực này, tạo thuận lợi để tiến vào vùng sâu, vùng yếu của Tuyên Đức.

Ở Ninh Thuận và Bắc Bình, các lực lượng tỉnh huyện và du kích đã đột ấp đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ, phá ấp, phá kìm, đánh bọn bung xia lấn chiếm bình định, nhất là mở các bàn đạp và thị xã, thị trấn.

Trong năm 1967, ta đánh tốt nhưng việc tuyển tân binh tại địa phương đạt thấp (cả năm 1967 toàn Quân khu chỉ tuyển được 200 tân binh) nhưng nhờ được Bộ. bổ sung cho 814 cán bộ và chiến sĩ nên quân số có tăng thêm so với cuối năm 1966.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:24:10 am
Để hỗ trợ cho phong trào chiến tranh nhân dân địa phương phát triển, khắc phục tình trạng bất đồng đều giữa các chiến trường, Quân khu đã ưu tiên bổ sung quân số cho bộ đội tỉnh, huyện. Năm 1967 ngoài việc chuyển Tiểu đoàn 145 của Quân khu thành bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng, bổ sung Tiểu đoàn 610 (miền Bắc mới vào) cho tỉnh Ninh Thuận và xây dựng bộ đội địa phương huyện, thị được 12 đại đội và 19 trung đội. Quân khu còn chú trọng phát triển các phân đội đặc công, biệt động, công binh và bộ đội nữ. Lực lượng từ Quân khu đến tỉnh, huyện được nâng cao thêm chất lượng chiến đấu để khắc phục sự thiếu hụt về số lượng.

Lực lượng du kích so với thời kỳ cao nhất là giữa năm 1966 không giảm, nhưng có lúc bị xáo trộn do trải qua đấu tranh giằng co ác liệt, một số du kích mật phải chuyển ra địa hình, một số phải theo dân chuyển từ nơi này qua nơi khác.

Phần lớn cán bộ các cấp, các ngành được học tập, tập huấn, bồi dưỡng về tình hình nhiệm vụ, về âm mưu, thủ đoạn của địch, học tập tư tưởng và tác phong chiến đấu, các hình thức chiến thuật, v.v. Các trường Quân chính của Quân khu, của tỉnh tiếp tục bổ túc và đào tạo cán bộ từ đại đội, trung đội, tiểu đội, cán bộ thôn xã, cán bộ sơ cấp thuộc ngành hậu cần. Quân khu còn mở hội nghị du kích chiến tranh, hội nghị tổng kết công tác vùng sau lưng địch.

Trong năm 1967, Kinh tài và Hậu cần Quân khu tỉnh đã mở được cửa khẩu trên đường 20, đường số một để rút hàng từ vùng địch ra. Nhờ đó đã giải quyết được những nhu cầu về lương thực, thuốc men, muối vải - và một số nhu yếu phẩm khác cho các lực lượng vũ trang và cơ quan dân chính Đảng trong toàn khu.

Giữ vững tuyến hành lang vận tải của Đoàn H.50 Quân khu

Vào những năm đầuu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Khu VI, việc trang bị vũ khí, khí tài cho các lực lượng chủ yếu giải quyết bằng đánh lấy của địch và tự sản xuất một phần (các loại mìn, lựu đạn, đạn và quân cụ…); nhưng sau này do tình hình phát triển nên đòi hỏi phải tổ chức việc tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc về vũ khí, đạn dược qua con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam.

Vì vậy tháng 4 năm 1967, Quân khu quyết định tổ chức đoàn vận tải H.50 để đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến trường, giữ vững tuyến hành lang chiến lược từ biên giới qua tỉnh Phước Long, chuyển hàng và đưa người về khu, tỏa đi các tỉnh và ngược lại.

Đây là một tuyến đường xuyên qua rừng núi dài trên ba trăm ki-lô-mét, phải vượt qua nhiều sông suối, đèo dốc, phải qua hai con đường chiến lược 14 và 20, thường xuyên bị địch ngăn chặn, phục kích. Cho nên, đối với đoàn vận tải, chuyển được một chuyến hàng là một đợt chiến đấu, luôn luôn đụng đầu với địch, phải đánh mà đi, phải mở đường để đến, rất vất vả.

Quân số của đoàn có lúc lên 700, 800 người, phần đông là cán bộ, chiến sĩ nam làm nòng cốt. Có đại đội hoàn toàn là nữ, hăng hái thoát ly theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng chấp nhận “3 khoan”(1).

Thời gian đầu, suốt cả chiến trường chủ yếu là mang vác, gùi, cõng với 10 đến 20 ki-lô-gam bằng sắt trên vai. Từng lúc do yêu cầu chiến trường, có những chị em đã mang đến 40, 50 hoặc 60 ki-lô-gam như các chị Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Thu, Phạm Thị Hương, Lê Thị Thính, Võ Thị Túc… Nhiệm vụ hết sức nặng nhọc, gian khổ, hiểm nguy nhưng không làm cho anh chị em sờn lòng, nản chí; khi cần hy sinh vì nhiệm vụ thì không một chút do dự, đắn đo ví dụ như chị Nguyễn Thị Xuân trung đội phó cùng đơn vị tải đạn vượt qua trảng trống, trong lúc toàn đơn vị vừa vượt qua trảng bám vào rừng, riêng chị và một đồng chí nữa còn ở ngoài trảng bị trực thăng từ xa phát hiện lao đến bắn xối xả, chị không do dự tách ra khỏi đội hình chạy lùi về sau để kéo địch đuổi theo, đảm bảo cho toàn đoàn và vũ khí được an toàn. Riêng chị đã bị địch bắn và hy sinh anh dũng. Đại đội chiến sĩ thi đua Quân khu năm 1972-1973 đã tuyên dương hành động anh hùng của chị.

Những năm 1973, 1974 trên vài cung đoạn, đoàn H.50 được bổ sung bằng xe đạp thồ, có đoạn có xe ô tô hoặc ca nô máy. Anh chị em đã nâng mức thồ hàng từ 80 đến 160 ki-lô-gam. Đặc biệt, như chị Phạm Thị Thu đã nâng lên 195 ki-lô-gam, mặc dù chị chưa biết đi xe đạp.

Riêng trong năm 1967 đầu 1968, đoàn vận tải H.50 đã tải về đến Quân khu một khối lượng súng đạn khá lớn: 2977 khẩu súng bộ binh và các loại súng đạn B40, B41, cối 82, ĐK 57ly và ĐK 75ly… Do đó, chất lượng trang bị của các loại quân được nâng lên, chiến đấu được liên tục. Ngoài ra, đoàn còn đưa đón các đoàn cán bộ qua lại và chuyển anh em thương bệnh binh đến đường hành lang chiến lược để ra miền Bắc.

Đoàn còn phải sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm, cứu giúp và bảo vệ đồng bào các buôn dọc theo hành lang.

Rõ ràng đoàn vận tải H.50 đã đóng góp công lao to lớn vào chiến công của quân dân Khu VI ở chiến trường.


(1) Khoan có người yêu, khoan có chồng (nữ), khoan có vợ (nam), khoan có con.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:10:21 am
IV. THỰC HIỆN TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
TRONG NĂM 1968

Vào cuối năm 1967, cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở miền Nam đã phát triển đến đỉnh cao(1) và đã bị thất bại nặng nề. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đã bị quân và dân miền Bắc tiếp tục chống trả thắng lợi.

Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967 nhận định: “do những thất bại có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền Nam và do những thắng lợi to lớn của ta, trong Đông Xuân này, địch khó có khả năng mở cuộc tiến công mùa khô lần thứ ba. Xu hướng tình hình cả năm 1968 là chúng càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”.

Về phía ta, Bộ Chính trị đánh giá: “Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược, chiến thuật. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử chiến tranh giải phóng của ta… Tình hình ấy cho phép có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới: “Thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Căn cứ vào những nhận định đó, nghị quyết của Bộ Chính trị nêu: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân trong cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định…”.

Ở Khu VI cuối năm 1967 đầu năm 1968, trong lúc đang phải đối phó với cuộc càn dài ngày của địch vào căn cứ Bình Thuận, Lâm Đồng và triển khai kế hoạch Đông Xuân, thì ngày 8 tháng 1 năm 1968, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu nhận được quyết định của Trung ương Cục, Quân ủy Miền về cuộc tổng tiến công và nổi dậy theo tinh thần Nghị quyết tháng 12 năm 1967 của Bộ Chính trị. Đồng chí Phó tư lệnh Miền (Tám Kiến Quốc) xuống truyền đạt miệng (trên đường đi, vướng lúc địch càn, nên đồng chí gặp Quân khu chậm mất một tuần).

Nội dung nêu rõ: Quyết tâm của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền là tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy các cấp và diệt một bộ phận quân Mỹ, chiếm các thành phố và thị xã chính, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, làm chuyển biến cục diện chiến trường, giành thắng lợi quyết định. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy có thể diễn biến theo ba khả năng:

- Làm gọn được các thành phố - thị xã.

- Thành phố, thị xã chỉ dứt điểm được một số.

- Chuyển ra giành đại bộ phận nông thôn.

Nhưng cuối cùng thì nhấn mạnh quyết tâm thực hiện khả năng một, cũng không nói chia nhiều đợt (nhiều đợt mới nói sau này). Riêng đối với Quân khu VI là phải cố gắng tập trung dứt điểm hai trọng điểm: Phan Thiết và Đà Lạt, mà Phan Thiết là trọng điểm một.

Sau khi trao đổi, quán triệt quyết tâm của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, phân tích tình hình địch ta trong Khu(2), có tính thời điểm chiến lược chung và xác định trách nhiệm đối với thời cơ lịch sử, mặc dù trước mắt còn có nhiều khó khăn, địch đang ra sức đánh phá ngăn chặn ta; Với tinh thần các nơi trong Miền làm được, Khu VI tin mình cũng sẽ làm được, và Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu hạ quyết tâm: “Phối hợp chung với toàn Miền trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy sắp đến, Quân khu tập trung sức đánh dứt điểm hai thị xã lớn là Phan Thiết và Đà Lạt mà Phan Thiết là trọng điểm một”.

Lực lượng sử dụng ở hướng Phan Thiết gồm: Tiểu đoàn 840, tiểu đoàn 482 và các đơn vị đặc công của Bình Thuận, lực lượng vũ trang thị xã và lực lượng chính trị ở địa phương.

Lực lượng sử dụng ở hướng Đà Lạt gồm: Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 145 (thiếu) điều từ Lâm Đồng lên, cùng với lực lượng đặc công biệt động thị xã của tỉnh Tuyên Đức, lực lượng chính trị địa phương.

Đi đôi với dứt điểm hai thị xã Phan Thiết và Đà Lạt, cố gắng giải phóng toàn bộ nông thôn của hai tỉnh Bình Thuận - Tuyên Đức và hướng phát triển tiếp theo là các tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng.

Do nhận được chỉ thị chậm (8 tháng 1 năm 1966), thời gian chuẩn bị ít, nên việc triển khai các mặt rất cập rập. Hơn nữa, vì công tác tổ chức kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng cũng có thiếu sót, nên khi được lệnh (29 tháng 1) thì các đơn vị chủ công chưa sẵn sàng và chưa đến kịp mục tiêu(3). Việc đánh chậm là mất thời cơ, yếu tố bất ngờ không còn, hợp đồng chiến đấu giữa các trọng điểm, các hướng chưa kịp có kế hoạch. Nhưng nhờ công tác động viên chính trị sâu sắc trong chỉnh huấn tháng 10 năm 1967: “Giành thắng lợi to lớn trong Đông Xuân 1967-1968” tiến lên với quyết tâm “giành thắng lợi quyết định” và trước thời cơ lịch sử “một ngày bằng hai mươi năm”, với lòng tin ở sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, với tinh thần chấp hành mệnh lệnh cao, dám xả thân và đánh theo yêu cầu; nên các cấp, các đơn vị trong toàn Quân khu đã bước vào tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 hết sức kiên quyết mạnh bạo, theo tinh thần “kịp bao nhiêu đánh bấy nhiêu, kịp lúc nào đánh lúc ấy”, tích cực giải quyết khâu tổ chức hiệp đồng trong quá trình chiến đấu để liên tục tiến công địch.


(1) Cuối năm 1967, Mỹ đã vào miền Nam xấp xỉ 50 vạn quân (9 sư đoàn, 5 lữ đoàn), nếu tính cả quân ngụy và chư hầu của Mỹ thì tổng số quân tăng lên 1,1 triệu quân.
(2) Địch ở Quân khu có trung đoàn 44 (sư đoàn 23), một tiểu đoàn cộng hòa, một tiểu đoàn biệt động quân, 110 đại đội bảo an, 2 đại đội  28 trung đội dân vệ, 85 đoàn Bình Định, 2 đại đội công binh, 8 trung đội pháo binh, 2 chi đoàn   8 chi đội xe bọc thép, 4 hải thuyền, quân Mỹ có 5 lữ đoàn, trung đoàn 30 Bạch mã Nam Triều Tiên, tiểu đoàn 3, 1 sư đoàn không vận 40 chiếc, 2 chi đoàn xe bọc thép và nhiều máy bay phản lực oanh tạc.
(3) Đêm 28 tháng 1 năm 1968 cơ yếu nhận lệnh của Trung ương Cục, trong lúc đồng chí Bí thư Khu ủy đi Tuyên Đức, đồng chí Tư lệnh Quân khu được phân công trực đang đi công tác Bắc Bình. Trong đêm liên lạc phải đi ba tiếng đồng hồ xuống cơ quan tỉnh Bình Thuận báo cho đồng chí Lê Văn Hiền Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Bí thư Bình Thuận về cơ quan Khu nhận lệnh - 5 giờ ngày 29 tháng 1 lệnh của Miền mới chuyển xuống các tỉnh và đơn vị, 14 giờ ngày 29 tháng 1 đồng chí Tư lệnh về đến cơ quan, kế hoạch cụ thể mới được bắt đầu triển khai.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:11:06 am
1. Đợt một tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968:

Ở trọng điểm Phan Thiết (tiền phương A)

Theo kế hoạch: đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 1 rạng 2 Tết Mậu Thân) ta tổ chức tiến công vào thị xã thành ba cánh:

- Cánh một: đảm nhận hướng chủ yếu, lực lượng gồm Tiểu đoàn 840, đại đội 3/481 đặc công thị xã Phan Thiết, một bộ phận lực lượng chính trị của tỉnh và thị xã. Từ hướng đông đánh thẳng vào Tiểu khu, Toàn Hành chánh, Tỉnh đoàn bảo an và các ty, sở xung quanh. Đồng chí Phạm Kha (phó chỉ huy trưởng tiền phương) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phan Văn Hược (phó chính ủy) làm chính ủy.

- Cánh hai: hướng chủ yếu quan trọng, lực lượng gồm: tiểu đoàn 482 (thiếu), đại đội 2/481, đại đội trinh sát, đại đội trợ chiến tỉnh, một số cán bộ chính trị. Đồng chí Phạm Hoài Chương (chính trị viên phó tỉnh đội) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Bốn (Bí thư thị ủy Phan Thiết) làm Chính ủy. Từ phía Bắc theo đường số 8 đánh diệt đồn Trịnh Tường, phát triển đánh chiếm biệt khu Bình Lâm (trại Quang Trung) và trại Đinh Công Tránh, chiếm và kiểm soát các ty, sở đến tiểu khu.

- Cánh ba: từ phía Tây Nam, lực lượng gồm: đại đội 1/481, đại đội 3 (Tiểu đoàn 482) đại đội 480 Phan Thiết, đại đội 30 trợ chiến Quân khu (đồng chí Nguyễn Hội chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Bá Hải tức Như chính trị viên); đánh vào Camp Êsépic, cổng chữ Y, chi cảnh sát Châu Thành, lữ quán Anh Đào nhà bọn cơ quan MAAG Mỹ, phối hợp cùng cánh một và hai chiếm toàn bộ khu hữu ngạn sông Cà Ty và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Quyết tâm chung của Khu và tỉnh là dứt điểm thị xã.

Thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, (mặc dù cánh chủ yếu ở hướng đông bước vào chiến đấu chậm) để phối hợp chung với toàn Miền, đúng 0 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1986 các đơn vị thuộc cánh hai theo đường 8 từ hướng Bắc nổ súng đánh vào đồn Trịnh Tường. Sau một ngày đêm chiến đấu liên tục quyết liệt, ta chiếm hai phần ba đồn, đánh bật các đại đội bảo an 208, 954 và lực lượng tiểu khu ra ngoài. Sáu lần địch phản kích, có cả xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, nhưng vẫn không chiếm lại được đồn. Đến 16 giờ ngày 1 tháng 2 năm 1968 địch bị thiệt hại nặng, chúng dùng máy bay ném bom hủy diệt khu này. Ta lui ra củng cố lại lực lượng và tiếp tục tiến công Trịnh Tường đêm 1 rạng ngày 2 tháng 2 năm 1968. Sau đó thấy không dứt điểm được, nên ta chuyển qua bao vây đồn, làm chủ khu phố và đánh trả nhiều đợt phản kích của địch.

Trước tình hình nguy ngập của Phan Thiết, Khu 23 chiến thuật phải điều trung đoàn 44 và chi đoàn xe bọc thép 4/8 từ Vĩnh Hảo vào ứng cứu. Đêm ngày 3 tháng 2 năm 1968, ta rút ra bám trụ ấp Xuân Phong, tiếp tục chiến đấu với xe tăng và bộ binh Mỹ phản kích từ khu vực nhà thương, xóm Gò lên.

Ở cánh một, hướng chủ yếu: 24 giờ ngày 2 tháng 2 năm 1968, từ hướng Đông ta nổ súng đánh tan bọn địch ngăn chặn bên ngoài, đánh chiếm hai phần ba khu vực Tỉnh đoàn bảo an, Ty cảnh sát, Câu lạc bộ Quân nhân, và uy hiếp Tiểu khu Bình Thuận. Chiến sự nơi đây nổ ra dữ dội nhất. Bấp chấp bom pháo địch, ta trụ đánh phản kích trong cả ngày 3 tháng 2 năm 1968. Đêm 3 rạng ngày 4 tháng 2 năm 1968, ta tổ chức lực lượng đột phá vào Tỉnh đoàn bảo an, pháo kích vây ép Tòa hành chánh, Tiểu khu. Địch chống trả quyết liệt, nên trong ngày ta chỉ chiếm được các khu vực xung quanh (như Ty Canh nông, Ty Mục súc, Ty Chiêu hồi, Ty Lâm vụ, khu vực trường Phan Bội Châu, Chùa Giác Hoa) - và làm chủ khu vực xung quanh Tiểu khu. Đên 16 giờ địch dùng máy bay thả bom xăng hủy diệt để giải tỏa áp lực của ta. Qua hai ngày đêm ta tiêu diệt được nhiều địch và bắn cháy hai xe bọc thép tại chỗ.

Cùng lúc tiểu đoàn 482 tiếp tục đánh vào trại Đinh Công Tráng, dùng hỏa lực ĐKZ, B40, B41 nã vào đồn, diệt nhiều địch, giết tên đại úy Nguyễn Hữu Chí - Chỉ huy trưởng chi khu Châu Thành. Cả ngày 4 tháng 2 năm 1968 lực lượng ta trụ lại nhà bác Xì (phố 30 căn), địch cố thủ trong vị trí không dám bung ra phản kích. Qua các cuộc chiến đấu trên, ta diệt tại chỗ hàng trăm tên bảo an (của các đại đội 208, 954 một bộ phận trung đoàn 44 chủ lực ngụy, đơn vị biệt kích Mỹ, thu 30 súng các loại.

Cùng thời gian nổ súng của cánh hai, cánh ba ta đã đánh vào Camp Êsépic, hậu cứ chiến đoàn 3/506 Mỹ và cổng chữ Y, diệt một số tên, bắn cháy kho xăng hơn nửa triệu lít, làm tê liệt hoạt động của Camp Êsépic. Sau đó, ta trụ lại ấp Phú Phong, đánh với trực thăng vũ trang và bộ binh Mỹ kéo đến phản kích, diệt một trung đội Mỹ, bắn rơi hai trực thăng. Đêm 3 rạng 4 tháng 2 năm 1968 ta tiếp tục tiến công vào chi cảnh sát xã Châu Thành, trụ sở phường Đức Nghĩa, lữ quán Anh Đào, nhà bọn cơ quan MAAG Mỹ và trụ lại khu vực này. Địch dùng L19 và trực thăng đánh vào các chốt của ta; đồng thời cho xe bọc thép và bộ binh vào phản kích. Ta vừa chữa cháy cho dân vừa đánh trả máy bay và đẩy lùi các đợt phản kích bằng bộ binh của địch, giữ vững vị trí chốt. Tối đến, ta rút ra vùng ven để giải quyết thương binh liệt sĩ và chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Mặc dù ở trọng điểm Phan Thiết bước vào Mậu Thân 1968 lúc đầu có bị chệch choạc, nhưng vẫn là nơi chiến sự đã nổ ra quyết liệt nhất. Địch đã dùng cả pháo ở hạm đội và máy bay oanh tạc thẳng vào các khu phố dân cư ở nội thị như Bình Hưng, Phú Trinh, Đức Nghĩa và ngoại ô như Xuân Phong, Đại Nẫm, bất chấp sinh mạng của nhân dân, gây nhiều đám cháy, làm sập đổ nhiều nhà cửa. Nhân dân phải chạy lánh ra khỏi vùng chiến sự. Nhưng cũng còn khá nhiều bà con ở lại với bộ đội, phát hiện địch, chỉ mục tiêu địch chính xác, cùng bộ đội làm công sự tránh phi pháo, đánh địch, cứu chữa nhà cháy và lo tiếp tế cơm nước cho bộ đội, v.v…


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:11:40 am
Qua bốn ngày đêm chiến đấu quyết liệt và liên tục, lực lượng ta đã đánh chiếm nhiều khu vực, mục tiêu quan trọng ở nội ô, gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhưng Mỹ - ngụy đã tăng cường lực lượng phòng thủ các mục tiêu đầu não, và tiến hành phản kích mạnh cả bằng bộ binh, cơ giới và phi pháo. Số thương vong của ta khá lớn, nhất là ở cánh chủ yếu, thương binh chưa đưa về phía sau được, đạn dược cũng không được bổ sung. Do đó, đến ngày 3 tháng 2 năm 1968 (đêm mùng 5 tết), tại sở chỉ huy tiền phương Quân khu ở vùng ven (xóm Mía Tam giác) đã có cuộc họp giữa đồng chí Bí thư Khu ủy với các đồng chí Đảng ủy Tiền phương: chủ trương chuyển ra vùng ven để giải quyết thương binh tử sĩ, củng cố lực lượng. Nhưng các lực lượng ta vẫn bám ở vùng ven để vây ép địch trong thị xã, đánh bọn bung ra phản kích và nã pháo cối vào các mục tiêu trong thị xã.

Trong khi các lực lượng tiến công vào thị xã thì ở các nơi khác, du kích tại chỗ, du kích vùng giải phóng, vùng căn cứ, anh em ở cơ quan khu, các đoàn sản xuất, đều bung ra hoạt động hoặc xung phong tham gia vào các đơn vị chiến đấu. Nhờ vậy mà các lực lượng được kịp thời bổ sung để tiếp tục bước vào đợt chiến đấu mới.

Đặc biệt là có trung đội Thiếu sinh quân, các cháu đã nhất mực xin các chú chỉ huy được đi chiến đấu diệt Mỹ - ngụy, không chịu công tác ở phía sau. Được bổ sung trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 482 (tỉnh), khi giáp mặt với quân Mỹ lấn ra ở ấp Xuân Phong, các em đã chiến đấu rất hăng, diệt gọn một trung đội, thu 20 súng (trận ngày 3 tháng 2 năm 1968). Sau này qua chiến đấu nhiều em đã trưởng thành nhanh cóng và là những cán bộ tiểu đội, trung đội đại đội chiến đấu, có em chiến đấu hy sinh rất dũng cảm.

Đại đội 430 địa phương Hàm Thuận, cùng du kích các xã Hàm Phú, Hàm Trí đánh diệt bọn dân vệ ở cây số 18 trên trục đường số 8; ta thu toàn bộ vũ kũ khí, sau đó phát động quần chúng đưa lên thế làm chủ. Du kích xã Hàm Thạnh đánh bọn dân vệ ở Văn phòng, bao vây uy hiếp khu vực Mường Bán.

Ở Bắc Bình: bộ đội địa phương phối hợp với các đội công tác đánh vào Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, diệt bọn cảnh sát, bắt một số tên ác ôn, phản động quần chúng.

Phối hợp với trọng điểm, đêm ngày 31 tháng 1 năm 1968 lực lượng đặc công Ninh Thuận đột nhập vào thị xã Phan Rang diệt bọn quân cảnh ngụy, thu 7 súng. Một bộ phận khác đột nhập vào sân bay Thành Sơn bắn cháy một máy bay Đacôta. Tiểu đoàn 610 tiến công địch ở La Chữ, Mộng Đức, Nhuận Đức, căng kéo địch, hỗ trợ cho trọng điểm Phan Thiết - Đà Lạt.

Trong khi lực lượng ta chuyển ra vùng ven tiếp tục ép địch trong thị xã, vừa củng cố lực lượng, vừa mở rộng vùng nông thôn, chuẩn bị cho cuộc tiến công mới, thì nhận được chỉ thị của Miền: mở đợt hai vào ngày 17 tháng 2 năm 1968, trọng điểm vẫn là Phan Thiết và Đà Lạt.

Ở Trọng điểm Phan Thiết; vào đợt tiến công này, công tác chuẩn bị và tổ chức làm được chu đáo hơn, lực lượng các cánh, các mũi đều được điều chỉnh, bổ sung và được tăng cường thêm vũ khí, đạn dược, được động viên khí thế với quyết tâm cao và công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu được chặt chẽ hơn.

Cánh chủ yếu: Tiểu đoàn 840 được tăng cường Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4820, Đại đội 30 trợ chiến Quân khu, từ hướng Đông công kích thẳng vào khu trung tâm (Tiểu khu, Tòa hành chánh, Tỉnh đoàn bảo an, khu lao xá…).

Cánh hai: Tiểu đoàn 482 (thiếu) cùng hai đại đội đặc công của thị xã và đại đội 1/430 huyện Hàm Thuận, từ hướng Bắc thọc sâu đánh thẳng vào biệt khu Bình Lâm, cơ quan ban chỉ huy hành quân của địch, trụ sở quận trấn, Ty bưu điện…

Cánh ba: gồm lực lượng của thị xã và được tăng cường thêm đại đội 489 của Bắc Bình vào đánh chiếm khu hữu ngạn, pháo kích vào Camp Êsépic.

Sau đợt tiến công lần một, địch đã tăng cường Trung đoàn 44 và chi đoàn 4/8 phòng thủ Phan Thiết, lực lượng chiến đoàn 3/506 Mỹ thường xuyên bung ra vùng ven để ngăn chặn ta và sẵn sàng chi viện cứu nguy cho quân ngụy tại chỗ.

Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, với tinh thần dũng cảm ngoan cường của cán bộ và chiến sĩ, đêm 17 rạng ngày 18 tháng 2 năm 1968, các cánh một và hai vừa tránh địch vừa đánh dẹp địch trên đường tiếp cận đã nhanh chóng đưa đội hình thọc sâu vào khu trung tâm.

Cánh một: ở hướng Đông đánh chiếm được các mục tiêu bao quanh Tiểu khu và Tòa hành chính, Ty cảnh sát, Nhà bưu điện, Kho xây dựng, Ty Công chánh, khu vườn hoa (nơi có tháp nước), Nhà trường Chính Tâm; tích cực công kích các mục tiêu đầu não. Đặc biệt vào lúc 2 giờ ngày 18 tháng 2 năm 1968, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 840) đã đánh chiếm khu nhà Lao, giải thoát trên 700 cán bộ và đồng bào bị giam giữ (sau khi giải thoát đã có 150 đồng chí xung phong gia nhập vào đội hình của Đại đội 3 (Tiểu đoàn 840) và cầm súng chiến đấu ngay tại chỗ).

Trước tình hình bị uy hiếp mạnh, địch dùng cả xe tăng, máy bay và pháo hạm phản kích, song lực lượng ta vẫn ngoan cường, bám trụ, đánh suốt ngày, chiếm thêm Phòng Tuyển mộ của Sư đoàn 23 ngụy.

Cánh hai: từ hướng bắc tiến công vào biệt khu Bình Lâm, trụ sở quận trấn, Ty Bưu điện. Sau hai giờ chiến đấu, ta chiếm và làm chủ ấp Phú Trinh, Ty Y Tế, Ty Lao động, trụ sở đoàn y tế Đài Loan.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:12:09 am
Suốt ngày 18 tháng 2 năm 1968, cuộc chiến đấu đã diễn ra gay go, ác liệt, địch và ta đã đánh chiếm và giành giựt nhau từng khu phố, từng vị trí. Mỹ đã dùng cả pháo hạm ngoài biển, pháo mặt đất, trực thăng vũ trang, máy bay phản lực, khu trục oanh tạc tối đa để hủy diệt và ngăn chặn ta phát triển tiến công. Tên đại tá Trương Quang Ân Khu chiến thuật 23 đã đáp trực thăng đến Phan Thiết trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 44 phản kích, giải tỏa áp lực của ta xung quanh Tiểu khu, Tòa Hành chính và trại Quang Trung. Bên hữu ngạn, cánh ba không vào chiếm lĩnh được nên quân Mỹ từ khu hữu ngạn đánh sang trường nữ tiểu học để giải tỏa áp lực cho trại Quang Trung.

16 giờ chiều ngày 18 tháng 2 năm 1968, địch dùng máy bay và pháo tập trung oanh kích hủy diệt khu Lao Xá, gần sát với Tiểu khu, nơi mà Đại đội 3 (Tiểu đoàn 840) đã chiếm giữ trong ngày và đánh trả quyết liệt với Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 44) ngụy. Các đợt phản kích của địch đều bị thất bại (Đại đội 3 (Tiểu đoàn 840) được tuyên dương Đơn vị anh hùng).

Ngày 19 tháng 2 năm 1968, chiến đoàn 3/506 Mỹ từ phía hữu ngạn tiến qua sông, đánh mạnh vào khu vực Bình Hưng, nhằm phản kích vào bên sườn phải của cánh một. Nhưng nhờ phán đoán chính xác được hướng phản kích của địch, nên trong đêm ta đã cho điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng, tổ chức trận địa phòng ngự tại ấp Bình Hưng, có điểm tựa phòng tăng vững chắc. Suốt ngày 19 tháng 2, đã đánh lui nhiều đợt phản kích của xe tăng và bộ binh Mỹ, có máy bay và pháo binh yểm trợ, diệt bộ binh và bắn cháy xe tăng địch, giữ vững trận địa và bảo vệ được thương binh.

Qua hai ngày đêm chiến đấu ác liệt và gần 100 thương binh còn nằm tại Sở chỉ huy của cánh tại Bình Hưng, đạn dược phía sau không thiếp tế lên được, nên đêm 19 tháng 2 năm 1968, ta quyết định tạm thời lui ra vùng ven (Kim Ngọc) giải quyết thương binh, tử sĩ và chờ lệnh của Bộ Chỉ huy Tiền phương.

Ở Cánh hai: ta còn tiếp tục bám trụ khu Chợ Gò, Trưởng Nữ tiểu học, khu phố 30 căn, đường Hải Thượng Lãn Ông,… đánh trả quyết liệt bọn địch phản kích. Đồng bào ở khu vực Trường Nữ tiểu học, đường Trần Cao Vân, Chợ Gò,… đã hết lòng ủng hộ bộ đội. Nhiều người đem gỗ ván trong nhà ra cho bộ đội làm hầm hào, công sự. Điều này làm cho bộ đội ta càng thêm quyết tâm bám trụ và tiến công diệt địch.

Bị thiệt hại nặng, địch phản kích điên cuồng, ném bom, bắn hỏa tiễn bừa bãi vào các khu dân cư trong thị xã, vào những nơi bộ đội ta bám trụ. Nhiều cán bộ và chiến sĩ ta đã chiến đấu rất dũng cảm, gan dạ. Đồng chí Tra, cảnh vệ Sở Chỉ huy cánh hai, một mình diệt 20 tên và đẩy lùi một mũi phản kích của địch. Trung đội trưởng Từ Văn Tư (sau này được tuyên dương anh hùng quân đội), khi phát hiện xe tăng địch đang thọc vào đội hình của ta, liền áp sát xe địch, dùng thủ pháo đánh cháy xe tăng và bắn gục 6 tên Mỹ; anh bị thương cả hai chân nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy trung đội chiến đấu và khẩn thiết kêu gọi anh em: “Nếu có chết ta hãy quay đầu về hướng giặc mà chết”. Noi gương Từ Văn Tư, cả trung đội đồng loạt xông lên đánh bật quân địch ra khỏi chốt, giữ vững trận địa. Trung đội trưởng Vũ Hưu (sau này được tuyên dương anh hùng quân đội) mặc dù bị thương nặng vẫn cố gắng bò xuống các cụm chốt để chỉ huy đơn vị, đánh bật hàng chục đợt phản kích của địch; đồng chí đã anh dũng hy sinh khi đánh bật quân địch ra khỏi chốt cuối cùng.

Riêng cánh ba bị nước thủy triều dâng lên quá lớn nên không vượt được qua sông Cà Ty để tiến công vào phía hữu ngạn, phải trụ lại bến đò Giang Thánh, tạo thế vây ép thị xã. Đêm 19 tháng 2 đơn vị trợ chiến đã pháo kích trúng vào đội hình quân Mỹ đang tập trung ở vườn hoa Đức Nghĩa, gây cho chúng một số thương vong.

Qua bốn ngày đêm bám trụ đánh địch trong nội ô, lực lượng ta ở khu lao xá Bình Hưng, khu Chợ Gò, Trường Nữ tiểu học,… đã bẻ gãy tát cả các đợt phản kích của địch, có xe tăng máy bay và pháo binh yểm trợ, diệt hàng trăm tên. Trong quân sử của quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng phải cay đắng thú nhận: “Mỗi lần giội bom xuống, tiến vào thì quân đội Mỹ lại bắn dội ra không vào được. Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2 năm 1968 lực lượng Hoa Kỳ không làm chủ được khu vực này, ngoại trừ phía đường Hải Thượng Lãn Ông tiến được đôi chút”. Đây cũng là lời thú nhận sự thiệt hại nặng nhất về người và vật chất của chúng trong Mậu Thân 1968 ở Phan Thiết.

Đêm 21 tháng 2 năm 1968, được lệnh Bộ chỉ huy Tiền phương, toàn bộ lực lượng ở Phan Thiết rút ra vùng ven bám trụ, tiếp tục đánh địch đi giải tỏa, mở phong trào nông thôn và tạo thế vây ép thị xã.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:12:44 am
Phối hợp với đợt hai tiến công vào Phan Thiết, bộ đội địa phương và dân quân du kích các địa phương như Hàm Tân, Hòa Đa và Thuận Phong… đã tích cực hoạt động, mở rộng vùng giải phóng.

Ở Hàm Thuận: ta bao vây uy hiếp chi khu Thiện Giáo, diệt bót cầu Móng, phá sập cầu Sông Trao và làm chủ khu vực này. Du kích xã hàm Đức phối hợp với bộ đội địa phương Thuận Phong và nhân dân bao vây uy hiếp đồn Tùy Hòa. Nhân dân các xã Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thắng, vùng lên truy bắt tề điệp ác ôn trong các xóm ấp, phát loa kêu gọi bọn đồn bốt lẻ hạ vũ khí đầu hàng cách mạng, hoặc bỏ súng về nhà làm ăn. Hốt hoảng trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, bọn phòng vệ dân sự, cảnh sát, tề điệp đã tháo chạy bỏ trống đồn bót, nhiệm sở. Nhân dân đã vùng lên làm chủ khu vực Tam Giác và đường 8 (Đoạn từ Tân An đến Bình Lâm) và các vùng xung quanh, phá tan mọi hình thức kìm kẹp của địch.

Ở Ninh Thuận, Đại đội 311 đặc công đột nhập sân bay Thành Sơn lần thứ hai, diệt thêm một máy bay. Sau đó ta dùng pháo liên tục bắn phá sân bay, có những ngày sân bay gần như bị tê liệt, các loại máy bay không cất cánh. Tiểu đoàn 610 tiếp tục đánh địch mở phong trào ở các ấp La Chữ, Từ Tâm, Mộng Đức, Tuấn Tú, Hòa Thủy, phá đường ống dẫn dầu ở Ninh Chữ. Đồng thời, phối hợp với bộ đội huyện và dân quân du kích phá sập 25 cầu cống; đường 11 (Phan Rang đi Đà Lạt) bị cắt đứt 20 ngày đêm liên tục.

Trong những ngày ta tiến công thị xã Phan Thiết, các cơ quan Đảng các cấp và nhân dân hăng hái huy động sức ngươi, sức của tiếp tế lương thực, đạn dược, cõng cáng thương binh, v.v. Bà con tự động ghép thành đoàn, toán chia nhau làm các việc, nhiều chị em, nhiều cháu thiếu niên ở Đại Nẫm, Phú Tài, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí,… tự nguyên xung phong vào các đội dân công, hỏa tuyến vượt qua bom đạn địch, len lỏi vào tận các chốt của quân ta ở Chợ Gò, Trường Nữ tiểu học, Phú Thủy để tiếp tế cơm nước, chuyển thương binh và tử sĩ ra ngoài. Một số gia đình ở vùng ven và nội ô thị xã đã đón thương binh về nhà cứu chữa và che giấu, đến khi bình phục thì tổ chức đưa ra giao cho cách mạng, như bà má Ba Tôm ở Phú Mỹ, má Hai ở Phú Trinh, v.v.

Sau đợt hai, địch tăng cường Trung đoàn 44 ngụy và chiến đoàn 3/506 Mỹ cùng với lực lượng tiểu khu phòng thủ Phan Thiết, nhất là các mục tiêu trọng yếu.

Theo sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy, các đơn vị chuyển ra bám trụ ở vùng ven, vừa đánh địch bung ra, vừa ho những mũi thọc sâu đánh một số mục tiêu trong nội ô và Camp Êsépic, đồng thời tổ chức đánh địch, phá kìm, giành dân ở nông thôn.

Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 840 tiến công yếu khu Phú Long và bám trụ đánh địch suốt ngày, đến 17 giờ chiều, địch phải rút chạy qua sông và dùng máy bay thả bom hủy diệt khu vực xung quanh yếu khu (thị trấn Phú Long).

Cùng thời gian, Tiểu đoàn 482 phối hợp với lực lượng thị xã Phan Thiết pháo kích vào Camp Êsépic trúng khu vực sân bay làm nổ tung kho đạn 300 tấn, cháy 3 xe quân sự và phương tiện thông tin địch.

Đêm 11 rạng 12 tháng 3 năm 1968, Tiểu đoàn 840 lại tập kích tiêu diệt và làm chủ yếu khu Phú Long lần thứ ba, đánh sập cầu Phú Long và tiếp tục chiếm giữ khu vực này. Bị thua đau, địch tung Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 44) và chi đoàn xe bọc thép 4/8 từ Phan Thiết ra ứng cứu, bị lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 482 (được tăng cường Đại đội 30 hỏa lực Quân khu và bộ đội địa phương). Ta diệt Tiểu đoàn (Trung đoàn 44), đánh thiệt hại nặng chi đoàn 4/8 và tiêu hao một số đơn vị địa phương quân của địch. Thu nhiều vũ khí, đạn dược và trong đêm, ta huy động xe chở chiến lợi phẩm về vùng ta.

Kết quả hai đợt cao điểm Mậu Thân ở trọng điểm Phan Thiết và vùng ven phụ cận: Ta đã diệt 3.500 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 44) và chi đoàn bọc thép 4/8, 14 đại đội lẻ và 22 trung đội, phá hủy 4 kho xăng một triệu lít, một kho đạn 300 tấn; giải thoát 700 tù chính trị, bức rút 14 đồn bót, và phá banh nhiều ấp chiến lược. Hàng vạn quần chúng đã xuống đường, phối hợp chiến đấu với bộ đội bằng nhiều hình thức như truy bắt tề điệp, phát loa kêu gọi địch đầu hàng, bao vây uy hiếp đồn bót, phá ấp, phá kìm giành quyền làm chủ, tải thương, tải đạn tiếp tế bộ đội, góp phân giành thắng lợi lớn trong Xuân Mậu Thân. Đáng tiếc là: do công tác tổ chức, chuẩn bị của ta còn cập rập, chưa phổ cập nên không huy động được phong trào quần chúng rộng mạnh và đều khắp hơn nữa.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:13:12 am
Ở trọng điểm Đà Lạt (Tiền phương B)

Ngày 29 tháng 1 năm 1968 nhận được lệnh tổng tiến công và nổi dậy, Bộ chỉ huy Tiền phương đã phải điều cấp tốc bộ đội địa phương của các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương,… tập trung vào trọng điểm Đà Lạt, chịu bỏ trống nông thôn.

Đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968, theo phương án tác chiến, ta tổ chức tiến công trên ba hướng với tinh thần “lực lượng đến được bao nhiêu thì đánh bấy nhiêu”:

- Hướng chủ yếu: từ Tây Nam đánh vào tiểu khu và phát triển lên khu vực Tòa Hành chánh tỉnh, đánh chiếm các ty, sở, ấp Du Sinh,… Lực lượng lúc đầu chỉ có một đại đội (Tiểu đoàn 145) đến trước), Đại đội 899, Đại đội 852 biệt động thị xã.

- Hướng thứ yếu quan trọng: là Tây Bắc đánh vào dinh thị trưởng, khu trung tâm thị xã, chiếm khu chợ Hòa Bình, Ty Công an, chiếm cá phố Đa Cát, Phước Thành, Đa Phú, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tạo thế bám trụ và bàn đạp tiến công, nối hành lang thông với bên ngoài. Lực lượng gồm Đại đội 810 của tỉnh, Đại đội 820 đặc công, Đại đội 860 biệt động thị xã và 30 cán bộ chính trị. Dự kiến đi theo hướng này còn có đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Tỉnh đội phó vào lo công tác quân quản.

- Hướng thứ ba: từ phía Đông đánh vào chiếm khu Trại Hầm, phát triển vào khu Trường Võ bị quốc gia, Trung tâm Nguyên tử lực… lực lượng gồm Đại đội 870 bộ đội địa phương Lạc Dương, Đại đội 855 bộ đội địa phương Đơn Dương và đội công tác hướng Đông.

Nhưng cả ba hướng, đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968, do chưa được chuẩn bị sẵn sàng và đường xa nên không vào tiếp cận được, phải hoãn lại đến đêm 31 rạng ngày1 tháng 2 năm 1968 mới bước vào chiến đấu, chậm một ngày so với hiệp đồng chung toàn Khu và toàn Miền. Tiểu đoàn 186, đơn vị chủ công, đêm 4 tháng 2 năm 1968 mới đến kịp.

Thế phòng thủ của địch ở Đà Lạt tuy có những chỗ yếu và sơ hở, nhưng do ta vào chậm lực lượng lại ít, bị phân tán, nên địch đã được báo động, có điều kiện cố thủ những nơi trọng yếu, gây cho ta khó khăn.

Ở hướng chủ yếu, đêm 31 tháng 1 rạng ngày 1 tháng 2 năm 1968, ta đã đánh chiếm cả khu vực Pasteur, Ty Mục súc, sáng hôm sau, rút ra trụ lại Hầm Đá - Nam Thiên đánh phản kích.

Đêm ngày 2 tháng 2 năm 1968 lực lượng đến thêm gồm có Tiêu diệt 145 (thiếu) đội đặc công 852, Đại đội 809, một bộ phận tiền trạm của Tiểu đoàn 186. Ta đã đánh chiếm được hai phần ba tiểu khu, vùng Pasteur, Du Sinh, Hầm Đá, làm chủ 9 ty, sở xung quanh tiểu khu.

Đêm ngày 4 tháng 2 năm 1968, toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 186, Đại đội 852, Đại đội 809 tiếp tục đánh chiếm tiểu khu và các ty, sở xung quanh. Nhưng ta vẫn đánh chiếm được ba phần tư tiểu khu và các ty sở, diệt trên 100 tên địch. Chúng chỉ còn ở một góc tây nam tiểu khu, nhưng nhờ đã điều thêm một tiểu đoàn có xe bọc thép đến chi viện, nên ta không dứt điểm được. Đến sáng ta chuyển ra chiếm giữ các ty, sở và tổ chức đánh phản kích. Trong lúc đó Tiểu đoàn 145 chuyển sang chốt giữ các ấp Du Sinh, Nam Thiên và Dinh 3.

Ngày 5 tháng 2 năm 1968, địch phản kích từ ba hướng (Sân bay Cam Ly, Dinh 1, Dinh 3) vào khu ta chiếm giữ nhưng bị ta chặn đánh, tiêu hao nên phải lui ra, dùng máy bay ném bom hủy diệt khu vực các ty, sở và Viện Pasteur. 16 giờ, ta chuyển lực lượng ra ngoài, chỉ để lại Tiểu đoàn 145 giữ các ấp Du Sinh, Nam Thiên, Saint-Jean, Dinh 3 cho đến ngày 8 tháng 2 mới rút. Kết quả trong đêm 4 tháng 2 và 5 tháng 2 năm 1968, ta đã diệt trên 250 tên địch, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 123 biệt động quân và lực lượng tại chỗ.

Ngày 10 tháng 2 nam 1968 bộ phận còn bám lại tập kích diệt địch ở Tân Lạc và pháo kích vào tiểu khu; ngày 11 tháng 2 đánh vào nhà đèn; ngày 12 tháng 2 năm 1968 tiếp tục tập kích bọn Mỹ ở đây.

Suốt trong những ngày bộ đội tiến công và bám trụ đánh địch, đồng bào ở Nam Thiên đã cơm nước tiếp tế cho bộ đội, du kích mật, phối hợp diệt ác, phục vụ dẫn đường, liên lạc, trinh sát nắm địch. Bộ đội ta thu dọn nhà cửa, cho heo gà ăn giúp các gia đình lánh cư, đã gây ảnh hưởng tốt trong đồng bào.

Ở hướng tây bắc ngay trong đêm 31 tháng 1 và ngày 1 tháng 2 năm 1968, ta chia ba mũi thọc sâu vào trung tâm thị xã. Một mũi đánh thẳng vào Dinh Tỉnh trưởng, diệt quân Mỹ, Nam Hàn và bọn bảo vệ. Một múi đánh vào Tỉnh đoàn Bảo an, nhưng đến khu chợ Hòa Bình trời sáng nên phải trụ lại đánh địch phản kích suốt ngày. Địch dùng máy bay hủy diệt, đốt phá khu chợ Hòa Bình. Một mũi đánh vào Ty công an, không dứt điểm được, phải chuyển qua đánh đài vô tuyến điện, Trường Hiến binh và trụ đánh phản kích suốt ngày.

Ngày 2 tháng 2 năm 1968, ta chuyển ra trụ ở Đa Cát, liên tục đánh địch phản kích cho đến ngày 1 tháng 2 năm 1968. Trong những ngày trụ lại Đa Cát, ta đã triển khai tiến công địch Lãnh địa Đức Bà, đánh thọc sâu vào các hướng đường Phan Đình Phùng, Trung tâm chính trị, Mã Thánh, Sân bay Cam Ly, quận Lạc Dương và làm chủ nhiều khu phố ở mảng Tây Bắc thị xã.

Đêm 31 tháng 1 rạng ngày 1 tháng 2 (tức là đêm mùng 2 rạng mùng 3 Tết), nhân dân ở Đà Cát, Đa Thành, Phước Thành, Đa Phú, Phan Đình Phùng, đã hội họp mít tinh động viên mọi người xuống đường phối hợp với chiến đấu cùng bộ đội. Bà con đưa cả bàn ghế, giường tủ ra làm chướng ngại vật. Sáng mùng ba Tết nhân dân tổ chức tuần hành, mang cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu kéo vào chợ Hòa Bình, dọc đường được đông đảo quần chúng tham gia, đồng bào dự định làm cuộc biểu tình lớn ở trung tâm thành phố nhưng đến nửa đường Phan Đình Phùng bị địch cho máy bay và trực thăng oanh tạc, bắn chặn nên phải quay lại.

Đặc biệt trong những ngày bộ đội ta trụ lại Đa Cát, đồng bào phải dỡ nhà cửa, mang gỗ ván đến cùng bộ đội xây dựng công sự, hầm hào, tổ chức canh gác, phối hợp với bộ đội bắt bọn công an, cảnh sát đặc biệt, tề điệp ác ôn. Các em thiếu nhi đi trinh sát nắm tình hình địch, làm liên lạc giữa các cánh quân của ta.

Du kích mật cũng ra vùng Đa Cát nhận vũ khí về nội ô hoạt động. Đồng bào Đa Phú đã giúp đỡ nhiều cho đội hoàn phẫu và trạm xá cứu chữa thương binh.

Trong những ngày bị địch ném bom, bắn pháo, nhà cửa bị thiêu hủy đồng bào phải sơ tán về phía sau; nhưng vẫn còn nhiều cụ già, em gái ở lại lo tiếp tế và phối hợp chiến đấu với bộ đội, làm công tác, có một số đã hy sinh trong hầm cùng bộ đội.

Trong 11 ngày đêm bám trụ đánh địch phản kích (có ngày đánh 12 đợt liền, nhiều đợt đánh trả với 3 tiểu đoàn địch, có xe bọc thép, máy bay và pháo binh yểm trợ), cán bộ chiến sĩ ta đã chiến đấu ngoan cường, nhiều lần xung phong truy kích địch, thu vũ khí. Trong những đêm mùng 3, 5, 8 tháng 2 ta còn tổ chức đánh thọc sâu vào trung tâm thành phố, phối hợp với cánh Tây Nam diệt nhiều sinh lực và làm rối loạn hậu phương địch. Đã diệt hàng trăm tên, bắn cháy 3 xe bọc thép, bắn rơi 6 máy bay, bắt 9 lính và 56 tề điệp ác ôn.

Bộ đội ta vừa chiến đấu vừa làm công tác dân vận, chữa cháy cho nhà cửa, của cải, cứu chữa người bị thương, giúp dân tránh lánh ra khỏi vùng chiến sự. Ở khu chợ Hòa Bình có những tiệm vàng, tiệp đồng hồ bị địch bắn sập, anh em đã thu gom trả lại cho dân, không lấy, không xin cũng không nhận của cho. Binh lính địch đi lẻ thì bắt giữ lại, tuyên truyền giải thích chính sách rồi thả.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:13:51 am
Ở hướng thứ ba (Đông Nam): đêm 31 tháng 1 năm 1968 ta tấn công vào Trại Hầm nhưng không đánh được phải rút ra. Đêm 3 tháng 2 có thêm Đại đội 815, ta tiến công vào khu hiến binh, nhà sĩ quan Mỹ ở đường Trần Hưng Đạo, trụ đánh phản kích liên tục đến chiều tối mới rút.

Đêm ngày 5 tháng 2 năm 1968, phối hợp với cánh chủ yếu (Tây Nam) lực lượng ta lại tiến công vào khu hiến binh, khu vực Nha địa dư, và trường trung học Yersin, chiếm khu vực Yersin và trụ lại đánh địch phản kích suốt hai ngày 6 và 7 tháng 2 năm 1968; sau đó rút ra chốt Trại Hầm, đánh địch phản kích. Ở đây, nhân dân rất tận tình, vừa lo cơm nước, vừa lo băng bó, cứu chữa thương binh, cho con dẫn bộ đội bị lạc đường; đặc biệt có gia đình đã bí mật nuôi hai đồng chí hơn 10 ngày sau đó mới tổ chức đưa ra vùng ta.

Qua 8 ngày đêm chiến đấu liên tục và quyết liệt dưới bom đạn của địch, ngày 8 tháng 2, ở hai hướng Tây Nam và Đông Bắc, các lực lượng ta tạm lui ra ngoài để củng cố. Riêng hướng Tây Bắc vẫn còn bám trụ đánh địch tại một số khu phố cho đến ngày 11 tháng 2 mới chuyển ra (riêng Đa Phú ngày 12 tháng 2 năm 1968).

Tính chung qua đợt một ta đã diệt 1.450 tên có nhiều tên ác ôn, phá hủy 10 xe bọc thép, 12 xe quân sự, bắn rơi 11 máy bay, bắn bị thương 4 chiếc khác (có 1 phản lực); ở một số nơi địch rất hoang mang, như bọn sĩ quan trường Võ bị Quốc gia đã chuẩn bị cờ trắng đầu hàng. Ta làm chủ một số khu phố trong cả tuần lễ.

Ở vùng nông thôn phụ cận, quận lỵ Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, bọn ngụy quân, ngụy quyền cũng hoang mang, dao động, ngó chừng thời thế.

Lực lượng ta tại chỗ tuy ít, nhưng cũng đã lợi dụng thời cơ sáp vào kết hợp vói nhân dân vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng tiến công binh vận, làm cho các đồn bót co lại.

Ở đường 20, đồng bào Quang Hiệp, Định An, K’Long A-B treo băng cờ, dựng cổng chào làm chướng ngại chặn đường, cán bộ ở trong ấp cả ngày đêm.

Ở đường 11, các thôn Xuân Sơn, Đắt Làng, Trường Sơn, Cầu Đất, tề xã và bọn lính đồn tháo chạy; Xuân Thành, Đa Quý, Đa Lộc đã tổ chức được chính quyền cách mạng. Tính chung, trọng dịp này ở hai xã Xuân Trường, Xuân Thọ có gần 200 thanh niên thoát ly tham gia kháng chiến.

Ở đường 21 kép (Dran - Phi Nôm) địch cũng tan rã, chỉ còn đồn M’Long. Ta phát động quần chúng các ấp Quảng Hiệp, Nam Hiệp, Nghĩa Hiệp và các xã dân tộc đứng lên phá kìm, xây dựng chính quyền cách mạng, mở ra được một mảng làm chủ, nhân dân tham gia chuyển lương thực cho bộ đội. Nhiều thanh niên đã thoát ly tham gia cách mạng.

Theo lệnh chung của Quân khu, đêm 17 rạng 18 tháng 2 năm 1968 ta lại mở đợt tiến công lần thứ hai vào Đà Lạt. Qua tiến công đợt một của ta, lực lượng địch bị tiêu hao nặng, sức chiến đấu giảm sút. Chúng đã phải tăng thêm đến một biệt đoàn cảnh sát, một tiểu đoàn cộng hòa, một tiểu đoàn biệt động quân cùng với quân Mỹ, Nam Hàn để giữ Đà Lạt.

Phía ta: tuy lực lượng có được củng cố sau đợt một nhưng quân số chưa được bổ sung. Tiểu đoàn 186 được chuyển sang hướng chủ yếu Tây Bắc, cùng với Đại đội 810 tỉnh, đội biệt động 860 có nhiệm vụ đột thẳng vào đánh chiếm khu trường chiến tranh chính trị, trận địa pháo, khu ấp Đa Thành; từ đó tiếp tục phát triển tiến công vào khu trung tâm thành phố. Nhưng vào đến tuyến Kim Thạch - Vạn Kiếp thì bị liên đoàn 2 biệt động quân ngăn chặn, phải đánh nhau với chúng. Từ ngày 18 tháng 2 đến ngày 20 tháng 2 năm 1968, đã đánh lui nhiều đọt phản kích tại đường Hai Bà Trưng, Vạn Kiếp và Đa Thành, diệt gần 200 tên, buộc chúng phải lùi vào phía thị xã. Đêm 18 rạng 19 tháng 2 năm 1968 ta lại tổ chức tấn công vào nội ô nhưng không kết quả. Suốt ngày 19 tháng 2 địch dùng phi pháo đánh vào trận địa ta, một bộ phận lực lượng ta bị mất sức chiến đấu, địch chọc thủng được phòng tuyến nên đến 21 giờ ta phải rút khỏi vùng Kim Thạch. Trong ngày ta diệt 150 tên địch, bắn cháy hai máy bay (có 1 phản lực).

Ở hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 145 (thiếu), Đại đội 816, đội biệt động 820 đã đánh chiếm các ấp Du Sinh, Saint Jean, chiếm khu nhà đèn, pháo kích vào tiểu khu; nhưng cũng bị địch ngăn chặn, không phát triển được.

Ở hướng Đông, ta dùng đội công tác vào Đa Lộc - Trại Mát, dùng hỏa lực pháo kích vào trường Võ bị Quốc gia. còn Đại đội 870 và 815 thì về lại huyện Lạc Dương và Đơn Dương để mở phong trào ở nông thôn.

Ngày 21 tháng 2 năm 1968 trước tình hình địch đã tăng cường canh giữ Đà Lạt, Bộ chỉ huy Tiền phương quyết định chuyển phần lớn lực lượng Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 145 ra hoạt động ở nông thôn, trọng điểm là huyện Đức Trọng. Ở thị xã chỉ để lại đại đội 810 và các đội biệt động tiếp tục đánh nhỏ, kìm giữ địch. Cuối tháng 2 tập kích bọn cảnh sát dã chiến ở Phước Thành; ngày 1 tháng 3 năm 1968 tập kích vào sân bay Cam Ly (cháy hai phần ba sân bay).

Ở Đông thôn Đức Trọng thượng tuần tháng 3 năm 1968, Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 145 (thiếu) tập kích yếu khu cảnh sát Tùng Nghĩa, đánh diệt đồn Phú Hội, đánh thiệt hại hai đại đội bảo an từ chi khu Đức Trọng đi chi viện, tảo trừ các ổ đề kháng trong thị trấn… diệt 160 tên, làm chủ thị trấn Tùng Nghĩa.

Bộ đội địa phương và đội công tác các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương đã đánh phá giao thông và phá ấp, phá kìm, giành làm chủ được một số ấp trên các đường 21, 20, 11.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Giêng, 2012, 09:15:26 am
Kết quả trong cao điểm Mậu Thân 1968, tại trọng điểm Đà Lạt và Tuyên Đức, ta diệt 2.723 tên địch, diệt một tiểu đoàn biệt động quân số 23 (còn 26 tên) và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác, 6 đại đội lẻ, trên 700 tên đào ngũ (có 178 sinh viên sĩ quan trường Võ bị Quốc gia và 200 sinh viên sĩ quan trường Chiến tranh Chính trị) bắt và diệt trên 40 tên ác ôn, bắn rơi 14 máy bay, bắn bị thương bốn chiếc khác, phá hủy 100 xe quân sự (có 10 xe bọc thép), bức rút 18 đồn bót, đánh sập 2 cầu, đánh cháy 2 kho xăng, đánh cháy hai phần ba sân bay Cam Ly, phá hủy trận địa pháo trường võ bị (3 khẩu) và đánh hỏng nhà máy đèn Suối Vàng.

Cùng với trọng điểm Đà Lạt, Lâm Đồng cũng cố gắng thực hành tổng tiến công và nổi dậy theo khả năng của địa phương mình để phối hợp với chiến trường chung toàn Khu, đã đột đánh vào thị trấn Di Linh, huy động nhân dân và du kích căn cứ ra phá hoại đường 20, làm gián đoạn vận chuyển của địch từng lúc và nhiều ngày. Kết hợp với tiến công quân sự, đã phát động quần chúng trong nhiều ấp nổi dậy rượt bắt tề vệ, chiếm trụ sở ấp, phá banh rào giành quyền làm chủ, mít tinh tuần hành kéo đến đồn bót trụ sở ngụy quyền đấu tranh trực diện với địch.

Ở các vùng căn cứ giải phóng cũ, các mặt sinh hoạt chính trị, sản xuất phục vụ kháng chiến đều có bước chuyển biến mạnh với khí thế sôi nổi chưa từng có, quần chúng đã tham gia đóng góp một số nhân lực đáng kể trong việc phục vụ tiền tuyến phá hoại giao thông; đồng thời vẫn đẩy mạnh sản xuất đưa diện tích rẫy lên ngang mức năm 1963 (là năm cao nhất). Đảng, Đoàn, du kích và các đoàn thể được phát triển và củng cố vững mạnh hơn.

Tính chung, toàn Quân khu trong đợt cao điểm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, từ 31 tháng 1 năm 1968 đến 15 tháng 3 năm 1968 ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.000 tên địch; gần 8.800 tên bị diệt; 2.200 tên đào rã ngũ; ta diệt và đánh thiệt hại nặng bốn tiểu đoàn 1 chi đoàn xe bọc thép, 22 đại đội lẻ và 37 trung đội; bức hàng hai đồn, bức rút 37 đồn bót và phá nhiều ấp chiến lược; bắn rơi và phá hủy 60 máy bay; đánh hỏng 126 xe quân sự, có 37 xe bọc thép; đánh sập 52 cầu cống, cắt đứt làm gián đoạn từng lúc hầu hết các con đường quốc lộ và tỉnh lộ trong khu. Phối hợp với mũi quân sự quần chúng đã nổi dậy giải phóng 20 xã, 102 ấp với 50.850 dân và chuyển vùng tranh chấp lên làm chủ thật sự 53.700 dân; động viên được 700 thanh niên thoát ly, có 450 bổ sung cho lực lượng vũ trang.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa Xuân 1968 ở miền Nam là một điểm son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đã làm cho Mỹ - ngụy bị một đòn thất bại nặng nề phải bàng hoàng, sửng sốt, giảm sút lòng tin vào khả năng chiến thắng. Còn nhân dân tiến bộ và các dân bộc bị áp bức thì vui mừng, tin tưởng.

Ở chiến trường Khu VI vào Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân đã cố gắng phối hợp tốt với cao điểm tổng tiến công và nổi dậy trong toàn Miền(1). Tuy sức ít nhưng đã nghiêm túc chấp hành chỉ thị: trên cùng một lúc tiến công vào hai thị xã lớn. Đánh chiếm và làm chủ được nhiều ngày, nhiều khu vực và mục tiêu đầu não quan trọng. Đây là một nỗ lực rất lớn của quân dân Khu VI. Tuy không dứt điểm được nhưng cũng đã gây được thiệt hại nặng nề cho địch, nhất là đã làm cho cơ quan đầu não cấp tỉnh của địch có lúc bị tê liệt, rối loạn, hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, rệu rã, thế và lực của địch trong khu bị đánh sụt xuống một bước nghiêm trọng.

Kế hoạch bình định nông thôn của địch đã bị đánh một đòn mạnh, nhiều nơi hệ thống kìm kẹp bị tan rã, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ với nhiều mức độ, góp phần cùng toàn Miền làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Trong những ngày chiến đấu ác liệt, quần bám với địch ở trọng điểm những tấm gương xả thân vì dân vì nước “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của những người con quê hương Bình Thuận, Tuyên Đức, những con em từ hậu phương lớn vào đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, không bao giờ phai mờ trong lòng nhân dân ở những vùng lâu nay nằm dưới ách kìm kẹp của địch. Khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, quê hương của các tầng lớp nhân dân rộng rãi.

Các lực lượng vũ trang trong khu một lần nữa khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân và với dân tộc; sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua biết bao khó khăn thử thách, không quản ngại hy sinh, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, tích cực đánh theo yêu cầu, quyết giành thắng lợi trong thời cơ lịch sử.

Nhưng đáng tiếc là do công tác tổ chức và chuẩn bị có khuyết điểm, do lực lượng vũ trang, chính trị tại chỗ còn quá yếu chỉ đạo ở một số địa phương chưa thật khẩn trương, mạnh bạo nên đã không gây cho địch thất bại nặng nề hơn nữa và giành về ta thắng lợi to lớn hơn nữa.

Mặc dù vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân trong khu đã đi vào những chiến tích lịch sử, với truyền thống khắc phục khó khăn, chiến đấu ngoan cường, tin Đảng, tin dân, quyết tâm giành thắng lợi, như một bản anh hùng ca bất diệt.


(1) Toàn Miền trong cao điểm Mậu Thân 1968 đã đồng loạt tiến công vào 40 thành phố và thị xã.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:16:32 pm
2. Liên tục tiến công và nổi dậy cùng toàn Miền và cả nước
đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đến quốc Mỹ


Cao điểm hè 1968 (tháng 5 đến 8 năm 1968)

Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gởi điện khen “Quân và dân ta ở miền Nam đánh rất giởi, rất đều, rất nhịp nhàng, đánh khắp nơi và nơi nào cũng thắng to”, đồng thời căn dặn “Càng thắng lợi, càng nhiều gian nan, quân địch như con thú đến bước đường cùng, càng giẫy giụa điên cuồng, quân và dân ta càng phải tăng cường đoàn kết, kiên trì chiến đấu, đánh mạnh, đánh liên tục, giành thắng lợi to lớn hơn nữa”(1).

Hội nghị Trung ương Cục mở rộng lần thứ 6 (tháng 3 năm 1968) đã đánh giá qua thắng lợi tổng tiến công và nổi dậy ta đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện chưa từng có và đề ra chủ trương: “… kiên quyết giữ vững và không ngừng phát huy thắng lợi đã giành được… liên tục tiến công địch, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, ra sức tiêu hao, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch và thật nhiều phương tiện chiến tranh của Mĩ - ngụy…”.

Quán triệt và chấp hành lời dạy của Bác Hồ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 6, Hội nghị Khu ủy Khu VI đầu tháng 4 năm 1968 đã sơ kết 45 ngày tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và đề ra nhiệm vụ hoạt động hè cho toàn Khu với quyết tâm rất cao:

- Loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2 vạn tên địch, trong đó sát thương khoảng 14.000, bắn rơi và phá hủy 60 máy bay, đánh hỏng 40 xe bọc thép.

- Thường xuyên đánh phá mạnh vào các thị xã, hậu cứ sân bay, kho tàng của địch để tiêu hao, vây ép, làm tê liệt, tạo điều kiện tiến tới dứt điểm, nhất là các thị xã Đà Lạt, Phan Thiết.

- Giải phóng từ 130 đến 150 ngàn dân, nhất la giải phóng các vùng nông thôn trọng điểm của từng tỉnh.

- Triệt phá các con đường giao thông, nhất là đường số 1, 11, 10, 21, làm gián đoạn có thời gian, tiến tới cắt đứt hoàn toàn.
 
- Khẩn trương xây dựng lực lượng ba thứ quân (theo chỉ tiêu của Quân ủy Miền đề ra cho toàn Khu, xây dựng lực lượng chính trị tại chỗ và tuyển mộ 1.500 tân binh.

Để chuẩn bị vào đợt hè, lực lượng Khu được tăng thêm Tiểu đoàn 240 bộ binh (Bộ bổ sung) bố trí hoạt động cùng Tiểu đoàn 186 ở Tuyên Đức, Tiểu đoàn 145 (thiếu) trở về Lâm Đồng. Quân khu thành lập thêm đại đội 115 (đại đội nữ độc lập trực thuộc Quân khu có 130 đồng chí(2).

Tuyên Đức xây dựng và phát triển Đại đội 810 thành Tiểu đoàn 810 (thiếu), Lâm Đồng xây dựng thêm 1 đại đội bộ đội địa phương cho thị xã Blao (Đại đội 744), 1 đại đội bộ đội căn cứ. Trung đội nữ pháo binh (8-3) thuộc tỉnh). Ninh Thuận được tăng thêm 2 đại đội đặc công của Bộ bổ sung, chuyên trách đánh phá sân bay Thành Sơn. 1 Trung đội nữ 803 thuộc tỉnh Bình Thuận và Bắc Bình các bộ đội địa phương tỉnh, huyện cũng được sắp xếp lại bổ sung thêm quân số. Thành lập thêm Đại đội 3/430 Hàm Thuận, trung đội 68 nữ của Phan Lý, trung đội nữ thông tin và trung đội nữ pháo binh 483 trực thuộc tỉnh.

Sau những thất bại nặng nề và toàn diện trong Xuân 1968, trên toàn Miền, địch phải bỏ chiến lược 2 gọng kim “Bình định và tìm diệt”, chuyển sang chiến lược “quét và giữ” củng cố lại lực lượng, tăng cường phòng thủ bên trong, từng bước dũi ra các vùng ven, đẩy ta ra xa, giải tỏa thế bao vây, uy hiếp quanh thị xã. Khu chiến thuật 23 vẫn tiếp tục đưa chủ lực đến tăng viện cho Bình Thuận và Tuyên Đức; chúng lập thêm một số đơn vị địa phương quân mới, phát triển lực lượng phòng vệ dân sự ở các thị xã, thị trấn quan trọng (nhất là Phan Thiết - Đà Lạt); làm thêm công sự; giao thông hào, lập vành đai phòng thủ xung quanh; đẩy mạnh các hoạt động an ninh, cảnh sát truy đánh cơ sở cách mạng; khôi phục lại bộ máy kìm kẹp. Từng bước chúng sử dụng quân cơ động Mĩ - ngụy, đánh phá các bàn đạp đứng chân của các lực lượng ta và đánh sâu vào một số vùng giáp ranh và căn cứ, tăng cường đánh phá bằng phi pháo và chất độc hóa học.

Theo chỉ thị hoạt động phối hợp chung của Bộ Tư lệnh Miền, đợt cao điểm hè bắt đầu từ đêm 4 rạng ngày 5 tháng 5 năm 1968. Đợt này ta chủ trương chuyển Tiểu đoàn 840 ra Bắc Bình cùng với lực lượng địa phương tiến công mở mảng và kéo địch ra để diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho Tiểu đoàn 482 và lực lượng địa phương ở phía Nam Bình Thuận bám giữ vùng ven, vây ép uy hiếp thị xã Phan Thiết, giành giữ nông thôn.


(1) Điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 4 tháng 2 năm 1968.
(2) Ban Chỉ huy Đại đội 115 có đồng chí Đào Thị Huệ, Đại đội trưởng; chị Sen, đại đội phó và chị Nga, Chính trị viên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:18:03 pm
Mở đầu, đêm 4 rạng ngày 5 tháng 5 năm 19658, ta tập kích diệt bọn dân vệ và đánh chiếm thị trấn Chợ Lầu, ta cho một trung đội (Đại đội 440) trụ lại để đánh địch từ Lương Sơn ra. Nhưng bọn ở Lường Sơn không đi, mà bọn Sông Mao kéo vào. Cách chiến sĩ Đại đội 440 kiên cường bám trụ đánh trả quyết liệt, nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên ta phải rút.

Đêm ngày 6 ta tăng thêm lực lượng chiếm lại chốt. Sáng ngày 7, một đại đội lính bảo an từ Phan Lý kéo vào bị Đại đội 440 nổ súng tiêu diệt gần hết, số còn lại tháo chạy.

Đến 15 giờ cùng ngày, 4 đại đội biệt kích từ Lương Sơn kéo ra giải tỏa định đánh bọc phía sau ta. Nhưng đội hình chúng lại lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 840. Ta nổ súng diệt gọn 2 đại đội, 2 đại đội còn lại bị tiêu hao và tháo chạy. Ta thừa thắng truy kích địch trên quốc lộ 1 ngay giữa ban chiều, diệt thêm một số. Đồng bào dọc 2 bên đường không sợ “đạn lạc, tên bay” đã chạy ra hoan hô bộ đội giải phóng.

Từ ngày 8 tháng 5, ta đánh chiếm và làm chủ ấp Lâm Lộc và một phần thị trấn Phan Rí Cửa, vào các ấp Long Lễ, Hội Tâm để phát động, tổ chức quần chúng và trụ lại gài thế đánh địch phản kích, bảo vệ phong trào.

Cùng phối hợp với Tiểu đoàn 840, bộ đội địa phương Hòa Đa, Phan Rí, Tuy Phong đã đột nhập vào các ấp ven đường số 1 diệt ác, làm phá kìm, hỗ trợ đồng bào nổi dậy. Bị sức ép ngày 11 tháng 5 năm 1968 địch phải cấp tốc điều Tiểu đoàn 3/506 Mỹ và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 44 ngụy từ Phan Thiết ra để giải tỏa cho Lâm Lộc và Phan Rí Cửa. Nhưng chúng đã bị Tiểu đoàn 840 bố trí trận địa gài sẵn (theo hình thái chiến thuật “chốt chặn kết hợp vận động”) đánh từ trưa đến chiều tại cánh đồng Hậu Quách gây thiệt hại nặng. Ngay từ đầu, đội hình chúng đã rối loạn, giữa bọn Mỹ và ngụy không chi viện được cho nhau. Chiều tối, quân Mỹ phải bỏ xác chết đồng đội tại trận địa rút, chạy về Chi khu Hòa Đa và sau đó trực thăng bốc về Camp Êsépic.

Sáng hôm sau, chúng cho phi pháo bắn nhiều giờ xuống cành đồng Hậu Quách, cho quận kỵ binh không vận 506 Mỹ xuống lấy xác.

Sau trận đánh, Tiểu đoàn 840 về rú quân ở khu vực Tầm Vu để ổn định và củng cố đơn vị. Sau 2 ngày địch dùng pháo binh, máy bay, pháo hạm ở biển bắn phá vùng quanh Bàu Mặn (Hậu Quách) đến Tầm Vu. Sáng ngày thứ 3 (15 tháng 5 năm 1965), Mỹ đổ quân đánh vào vị trí đứng chân của tiểu đoàn ở khu vực Tầm Vu, nhưng một lần nữa chúng lại bị thiệt hại nặng hơn; vì ta có lợi thế về địa hình, trận địa đã được chuẩn bị. Bị thương vọng nặng, tối hôm đó chúng phải vội vã rút bằng trực thăng về lại Phan Thiết, bỏ luôn cả xác lại trận địa; cả ngày tiếp theo chúng cũng không dám quay lại.

Vừa củng cố vừa chuẩn bị chiến đấu, sau đó tiểu đoàn cùng với bộ đội địa phương và các đội công tác tiếp tục làm chủ vùng Long Lễ, Lâm Lộc, và Phan Rí Cửa; gài đánh thiệt hại nặng 2 đại đội bảo an giữ chốt và cơ động của chi khu Hòa Đa; tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các lực lượng địa phương, đội công tác, phát động quần chúng xây dựng thế làm chủ.

Vậy là qua tháng đầu của đợt hoạt động hè, ở hướng Bắc Bình, Tiểu đoàn 840 và bộ đội địa phương đánh 4 trận tập trung cấp tiểu đoàn và tiểu đoàn tăng cường, tiêu diệt và làm thiệt hại nặng 7 đại đội địch. Nhân dân nhiều xã, ấp ở Bắc Bình đã nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận phối hợp tốt với tiến công quân sự. Nổi bật là thị trấn Chợ Lầu. Ở đây, khi bộ đội nổ súng đánh địch thì đồng bào nhiều ấp nổi dậy đánh trống mõ liên hồi xông ra bao vây, đồn bót, uy hiếp địch, gây khí thế cách mạng sôi nổi. Đồng bào đã đốt hết trụ sở tề ngụy, phá bỏ các hình thức kìm kẹp trong các ấp chiến lược; rải truyền đơn, treo cờ. Mặt trận giải phóng miền Nam tại thị trấn. Địch bắn pháo ngăn chặn thì lập tức có hàng ngàn người kéo đến quận đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại, đòi chấm dứt bắn pháo, đòi trả xác chồng, con, em bị chết trận, v.v. Đấu tranh sôi nổi, kéo dài, lôi cuốn cả binh lính địch tham gia, buộc tên quận trưởng phải xoa dịu.

Ở Nam Bình Thuận, Tiểu đoàn 482 cùng với bộ đội địa phương và du kích tiếp tục bám đánh địch ở vùng ven, giữ được vùng nông thôn phụ cận Phan Thiết và từng lúc lực lượng đặc công và hỏa lực đánh sâu vào thị xã Phan Thiết. Cuối tháng 5 năm 1968, địch cho xuất hiện loại xe M41 - M48 yểm trợ cho các tiểu đoàn cộng hòa bung ra phản kích ta trên chiến trường Tam Giác(1). Lực lượng ở đây lúng túng, có tư tưởng ngại xe tăng, nên Quân khu quyết định điều Tiểu đoàn 840 trở lại tăng cường cho Nam Bình Thuận.


(1) Sau Mậu Thân 1986, Mỹ cử tướng xe tăng Abram thay tướng Westmora Land làm Tư lệnh trưởng Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV) ở Sài Gòn. Từ đó Abram đã cho tăng cường mật độ sử dụng xe tăng trên các chiến trường toàn miền Nam.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:18:44 pm
Trong các ngày 16 và 20 tháng 6 năm 1968, Tiểu đoàn 840 cùng với bộ đội địa phương đã gài thế đánh được 2 trận vào bọn càn quét, lấn chiếm lại Tân An và Phú Bình; đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 4/ Trung đoàn 44 ngụy và một số đại đội bảo an khác, có cả xe tăng yểm trợ. Đặc biệt trong ngày 20 tháng 6 năm 1968, Tiểu đoàn 840 đã bố trí trận địa với kế hoạch đánh cả xe tăng, phát huy các hỏa lực B40 - B41 bắn ngang sườn và chính diện của xe tăng địch, làm cháy tại chỗ 2 xe M41, số còn lại vội vã tháo lui. Trận này gây được lòng tin và mở ra phong trào đánh xe tăng rộng rãi ở chiến trường Bình Thuận.

Ở Tuyên Đức, vào đợt hè năm 1968, các lực lượng Khu, tỉnh, bộ đội địa phương huyện và các đội công tác phối hợp hoạt động đều, cả ở nông thôn và trong thị xã, nhất là 15 ngày đầu tháng 5 năm 1968. Trên đường 21 kéo dài, Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 240 đã vào hoạt động ở các khu ấp Thanh Bình, Gia Thạnh, phía bắc quận lỵ Đức Trọng. Với hình thức chiến thuật chốt chặn kết hợp với vận động, ta đã lần lượt kéo lực lượng của chi khu Đức Trọng và tiểu khu Tuyên Đức đến, diệt và làm thiệt hại nặng nhiều đại đội biệt động quân và một số đơn vị bảo an dân vệ; pháo kích vào chi khu làm tê liệt sân bay Liên Khương.

Kết hợp với tấn công quân sự, hàng ngàn đồng bào Thượng ở Khu và các ấp trên đường 21 kéo dài đã nổi dậy đánh trống, tập hợp nhau kéo lên quận đấu tranh đòi về ruộng đất cũ làm ăn, chống bắn pháo bừa bãi. Đây là nét mới trong phong trào đồng bào dân tộc ở khu vực này.

Tại thị xã Đà Lạt Tiểu đoàn 810 (thiếu) và các đội biệt động trong 15 ngày đầu tháng 5 năm 1968 đã 26 lần đánh vào 13 mục tiêu như Dinh Thị trưởng, cư xá Mỹ, một số ty, sở, trụ sở phường, 3 lần pháo kích sân bay Cam Ly, đánh hỏng nhà máy thủy điện Suối Vàng… gây mất ổn định trong thị xã. Bộ đội địa phương và các đội công tác Lạc Dương, Đơn Dương đánh tiêu hao các Đoàn bình định và bọn bảo an, dân vệ giữ ấp, giữ giao thông trên đường 21 kép, đường 11 và 20.

Tính chung trong 15 ngày đầu tháng 5 năm 1968, các lực lượng ở địa bàn Tuyên Đức đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1000 tên địch, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 22 và tiêu hao Tiểu đoàn 11 biệt động quân, diệt 2 đại đội bảo an… bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 7 xe quân sự, 2 pháo 105 ly, đánh sập 3 cầu, 5 trụ điện cao thế, thu 56 súng, 4 máy PRC10, diệt 23 tề ác, làm lỏng rã nhiều ấp chiến lược trên đường 20, 21, 11 trong đó có một số ấp chuyển lên làm chủ có mức độ.

Cuối tháng 5 năm 1968 địch tăng thêm cho Đà Lạt một tiểu đoàn cộng hòa và một bộ phận lực lượng Mỹ thộc Lữ đoàn 173 dù, có pháo 175 ly; sân bay Cam Ly được tăng cường thêm trực thăng thường trực. Tháng 6 năm 1968 chúng bắt đầu phản kích mạnh ở vùng ven giao thông, nhất là ở trục đường 21 kéo dài. Lực lượng a lúc này đang gặp khó khăn về lương thực, bộ đội phải ăn cháo, rau,… nên sức chiến đấu bị hạn chế, có chỗ đã bị địch lấn lại.

Lâm Đồng, Tiểu đoàn 145 cùng với lực lượng địa phương đánh được một số trận tốt trên đường 20 từ Blao đi Di Linh, gây thiệt hại nặng 4 đại đội địch.

Lực lượng ta ở Ninh Thuận nhiều lần đánh phá ống dẫn dầu từ Ninh Chữ đi Thành Sơn gây cháy 5 triệu lít xăng, pháo kích gây hư hại sân bay Thành Sơn đánh sập 9 cầu trên quốc lộ 1 và 11, 7 lần pháo kích và đánh nhỏ vào các mục tiêu trong thị xã Phan Rang, tập kích vào thị trấn Phú Quý và vũ trang tuyên truyền vào hầu hết các ấp mảng nam của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các trận đánh chỉ tiêu hao địch, ít có trận đánh diệt gọn.

Nhìn chung trong đợt cao điểm hè 1968, toàn khu mở rộng hoạt động phá kìm giành dân ở các vùng nông thôn, đồng thời cũng giữ được mức vây ép thị xã. Tuy chưa đạt được yêu cầu về tiêu diệt địch, giành dân như mức đã đề ra (mới diệt được 8.545 tên, diệt và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 3 đại đội, bắn rơi và phá hủy 29 máy bay, đánh hỏng 70 xe, có 16 xe bọc thép, đánh sập 17 cầu, v.v.(1) Nhưng ta đã giữ và phát triển được thế tấn công và nổi dậy đều hơn, đã làm lỏng rã kìm và đưa lên tranh chấp thêm một số mảng mới ở Bắc Bình, Tuyên Đức, Ninh Thuận một số thị trấn như Chợ Lầu, Phan Rí Cửa, Phú Quý, Di Linh… làm chủ từng thời gian ngắn nhiều đoạn đường số 1, đường 20, đường 11. Rút được thêm thanh niên bổ sung cho lực lượng.

Tuy vậy lực lượng ta có hạn, lại phải hoạt động liên tục, ít có thời gian củng cố, một số nơi gặp nhiều khó khăn về mặt đảm bảo hậu cần, lương thực (Tuyên Đức) nên sức chiến đấu bộ đội bị giảm sút, một số vùng bị địch lấn chiếm lại.


(1) Theo số liệu cơ quan Bộ tham mưu Quân khu VI tổng hợp lúc bấy giờ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:21:50 pm
Cao điểm thu 1968

Tháng 6 năm 1968, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 7 đã đánh giá: “mặc dù ta còn khuyết nhược điểm nhất định, nhưng sau đợt 2 thế và lực của ta đều mạnh lên, chúng ta đang đứng trước thời có lớn có nhiều điều kiện đánh địch, làm cho chúng bị suy sụp hơn nữa nhằm giành thắng lợi lớn quyết định”.

Hội nghị đã đề ra phương hướng nhiệm vụ tiếp theo: phải làm cho toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân nhận rõ thắng lợi sau hai đợt tấn công và nổi dậy của toàn Miền, nhất là của hướng trọng điểm, nhận rõ thất bại và suy sụp mới của địch, nhanh chóng củng cố, phát triển lực lượng ta, liên tục tấn công và nổi dậy ở đô thị cũng như ở nông thôn tiếp tục đánh địch những cú nặng hơn(1). Hội nghị cũng đề ra chủ trương trước mắt là tiếp tục tấn công và nổi dậy, duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục rộng mạnh với phương thức và sử dụng lực lượng thích hợp, đi đôi với tích cực củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chính trị, tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho các đợt lớn hơn.

Tháng 8 năm 1968, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở đợt 3 nhằm làm cho địch thua to hơn nữa về các mặt, đạt cho được mục tiêu chiến lược đề ra, giành thắng lợi quyết định về ta.

Ở Khu VI, sau đợt hè, địch ráo riết tăng cường lực lượng để chống trả và phản kích lại ta. Chúng đưa đến Tuyên Đức và Lâm Đồng một tiểu đoàn Mỹ (Tiểu đoàn 3/503), thành lập trung đoàn 53 (thiếu) thuộc Sư đoàn 23 đứng chân ở Ninh Thuận, xây dựng thêm 15 đại đội bảo an cho các tỉnh và bắt đầu ghép các đại đội bảo an thành liên đội. Lực lượng cảnh sát, bình định cũng tăng lên nhiều hơn. Đồng thời phát triển mạnh lực lượng phòng vệ dân sự với nhiệm vụ giữ ấp, để dân vệ và bỏ an cơ động đánh phá bên ngoài. Chúng tăng cường phòng thủ thị xã, hậu cứ, các đường giao thông, khôi phục lại đường sắt Ninh Thuận - Bình Thuận.

Đặc biệt là đẩy mạnh “quét và giữ” ưu tiên ở các vùng ven thị xã, thị trấn. Quanh thị xã Phan Thiết, địch lập “Khu chung cư” có hàng rào với nhiều chướng ngại, hầm hào và được canh gác khá chặt chẽ. Bên trong để bớt không khí ngột ngạt, chúng cho tổ chức rạp hát, chiếu phim, giải trí… để xoa dịu. Địch còn tổ chức chiến dịch “Phượng hoàng đồng tiến” để truy phá cơ sở, ngăn chặn việc thành lập chính quyền cách mạng và các hoạt động tiến công của ta.

Trong âm mưu bình định nắm dân ở các vùng dân tộc, địch tích cực mua chuộc sử dụng đồng bào dân tộc. Ở Tuyên Đức, xuất hiện lực lượng biệt kích người Thượng mang phù hiệu “Nhà Sàn”. Ở Ninh Thuận bọn Fulrô vận động đồng bào Chăm tổ chức “Đêm khóc mất nước” để khơi dậy hận thù dân tộc, đưa thanh niên sang học ở Campuchia và cử người đi họp với Fulrô ở Buôn Ma Thuột.

Chấp hành Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ 7 và chỉ thị hướng dẫn thực hiện của Quân ủy Miền, sau đợt Hè, Quân khu 1 mặt khẩn trương củng cố bộ đội, chuẩn bị cho cao điểm 3; mặt khác tranh thủ đẩy mạnh hoạt động thường xuyên để hỗ trọ phong trào và kìm giữ địch ở vùng ven thị xã.

Ở Bình Thuận, từ giữa tháng 7 năm 1968, Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 482, cùng với lực lượng địa phương Thuận Phong đánh ép địch ở đông bắc Phan Thiết gây thiệt hại nặng 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 44, 1 đại đội Mỹ và 4 trung đội dân vệ, bắn rơi 5 trực thăng, giữ được thế tranh chấp làm chủ từ Phú Long - Phước Thiện Xuân đến Tùy Hòa.

 Hướng Tuyên Đức Tiểu đoàn 186 phải lui về phía sau để củng cố, còn Tiểu đoàn 810 và các đội biệt động tiếp tục đánh nhỏ vào một số mục tiêu ở vùng ven và trong Đà Lạt, nhưng không mạnh nên địch đã bung ra đánh phá các bàn đạp.

Ninh Thuận hoạt động trong tháng 7 và đầu tháng 8 năm 1968 khá hơn, vừa đánh vào nội ô Phan Rang, kho xăng dầu và khu nhà Mỹ ở, cảng Ninh Chữ, pháo kích sân bay Thành Sơn, vừa phá kìm giải phóng xã Thương Diêm. Kết hợp vận động với tranh thủ tổ chức học tập chính trị, quân sự, chuẩn bị cho đợt hoạt động sắp tới.

Đầu tháng 8 năm 1968, Hội nghị Khu ủy mở rộng sau khi đánh giá tình hình trong Khu qua 2 đợt tiến công và nổi dậy đã đề ra nhiệm vụ hoạt động đợt 3 (thu 1968) là: Đánh gây thiệt hại nặng đối với cơ quan đầu não, các sân bay, kho xăng, hậu cứ, đánh chiếm một số chi khu, thị trấn, đồn bót, triệt phá các đường giao thông, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận với đấu tranh vũ trang tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, nhất là ở cơ sở, tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng nông thôn và chuyển phong trào đô thị lên một bước mới. Thời gian cao điểm 3 (đợt thu) được trên ấn định là từ 17 tháng 8 năm 1968 đến cuối tháng 9 năm 1968.

Lúc này, được sự đồng ý của trên, Khu cho sát nhập Bắc Bình vào Bình Thuận, tách các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức ra thành lập tỉnh Bình Tuy (thống nhất theo địa lý hành chính của địch trực thuộc Khu).

Về lực lượng đến tháng 8 năm 1968 Quân khu dược trên bổ sung thêm đơn vị Tiểu đoàn 200c (thiếu) đặc công(2).


(1) Trích Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục lần tứ 6 (6 năm 1968) lưu trữ mật các bộ phận phía nam Viện Lịch sử quân sự.
(2) Bổ sung cho Khu 1 tiểu đoàn đặc công (Tiểu đoàn 200c) nhưng đi trên đường hành lang Miền điều một đại đội (Đại đội 1).


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:22:33 pm
Mở đầu cao điểm 3, đêm 20 tháng 8 năm 1968 Quân khu sử dụng Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 145 cùng với lực lượng địa phương đánh diệt chi khu và quận lỵ Di Linh, trụ lại đánh phản kích, nhằm hỗ trợ và mở rộng diện phá ấp ở vùng này.

Chi khu Di Linh và các điểm xung quanh là vị trí mạnh và kiên cố, lãnh đạo chỉ huy quyết tâm cao, các đơn vị chiến đấu rất dũng cảm nhưng đánh không dứt điểm. Tiểu đoàn 186 đánh diệt được mục tiêu Chi khu nhưng lại bị hỏa lực tầm cao của Tòa hành chánh khống chế nên không phát triển được. Tiểu đoàn 145 đánh hỏng trận địa pháo binh nhưng không làm chủ được, 2 đại đội đặc công đánh khu công binh Mỹ không gọn. Gần sáng thương vong lại nhiều, không còn đủ sức phát triển và trụ lại đánh phản kích nên phải chuyển ra.

Tuy trận đánh chưa đạt yêu cầu, nhưng về diệt sinh lực và phương tiện địch có tác động lớn. Ta đã diệt 338 tên, đánh hỏng 4 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, 5 xe M13 và M41, 9 xe quân sự khác. Đã làm cho hàng ngũ địch ở đây dao động mạnh, địch phải đưa 2 tiểu đoàn cộng hòa ở Tuyên Đức xuống ổn định tình hình.

Ở Tuyên Đức Tiểu đoàn 810 và các đội biệt động tiếp tục bám địa bàn ven Đà Lạt, đánh vào các mục tiêu trong thị xã, 2 lần tập kích hỏa lực gây nhiều thiệt hại cho quân Mỹ đóng ở đồi Nam Thiên, từng lúc cơ động đánh địch trên đoạn đường 20 từ ngã ba Phi Nôm đến Đà Lạt.

Bộ đội địa phương các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng bám đánh địch trên đường 11, đường 21 kéo dài, đường 21 kép. Vũ trang tuyên truyền phát động các ấp dọc đường. Tiểu đoàn 240 từng lúc đánh địch phá kìm ở khu vực Tùng Nghĩa - Phú Hội, nhưng chủ yếu là xây dựng, củng cố đơn vị và chống càn quét ở căn cứ.

Ở Bình Thuận, mở đầu đợt hoạt động Thu, Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 482 và lực lượng thị xã đánh vào một số ấp chiến lược địch vừa mới củng cố trên vành đai phòng thủ thị xã Phan Thiết.

Đêm 20 tháng 8 năm 1968, Tiểu đoàn 840 tập kích địch ở khu tập trung Xuân Phong nhưng không dứt điểm. Nên chuyển qua bao vây đánh quân đên giải tỏa, gây thiệt hại nặng 1 đại đội Mỹ, diệt 1 xe tăng M41, bắn rơi 1 trực thăng. Ngày 25 tháng 8 năm 1968 Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 842 cùng các lực lượng địa phương đánh chiếm khu chung cư Chung Chang và trụ lại đánh phản kích suốt ngày với 1 tiểu đoàn cộng hòa và một số đại đội bảo an có quân Mỹ hỗ trợ. Địch dựa vào xe tăng và xe bọc thép xông vào trận địa chốt của ta. Trung đội trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa (thuộc Tiểu đoàn 840, sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang) vừa bình tĩnh chỉ huy đơn vị đánh trả địch, vừa một mình bí mật áp sát chiếc xe tăng đi đầu, địch phát hiện định cho xe tăng lao tới nghiền nát anh, nhưng không kịp, một tiếng nổ của thủ pháo và tiếp theo là nhiều tiếng nổ rất đanh của lựu đạn, chiếc xe tăng M41 bị khựng lại và bốc cháy. Bọn bộ binh thấy vậy vội vàng tháo chạy bỏ lại xác xe tăng và nhiều xác lính trước trận địa ta. Qua 1 ngày chiến đấu, ta diệt 350 tên, đánh thiệt hại nặng 3 đại đội (có 1 đại đội Mỹ), bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 1 xe tăng M41; phía ta cũng bị hy sinh 23 đồng chí, bị thương 38 đồng chí.

Cùng lúc các đội đặc công và lực lượng thị xã đột nhập vào Phan Thiết đánh kho xăng, đánh các lô cốt mới xây trên vành đai phòng thủ, pháo kích vào Camp Êsépic phá hủy máy bay, kho tàng, diệt một số lính Mỹ. Bộ đội địa phương và du kích các huyện Hàm Thuận – Thuận Phong quần bám suốt ngày đêm đánh bọn lấn chiếm, tích cực tranh chấp với chúng ở các khu vực Tam Giác, Phú Long, Phước Thiện Xuân, bắc và đông bắc thị xã Phan Thiết. Nhân dân đã phối hợp với lực lượng vũ trang tổ chức diệt ác phá kìm, đấu tranh chính trị, làm binh vận ủng hộ bộ đội, chăm lo thương binh…

Để xây dựng truyền thống đánh thắng trận đầu cho Tiểu đoàn đặc công 200c, đêm ngày 19 tháng 9 năm 1968, Quân khu sử dụng Tiểu đoàn 200c cùng với một số đặc công của Đại đội 5 (Tiểu đoàn 840) làm nòng cốt, và 1 khẩu ĐKZ75, tiến công chi khu Hòa Đa. Sau 40 phút chiến đấu, ta diệt gọn chi khu và quận lỵ Hòa Đa, diệt 300 tên địch, bắt sống 25 tên, thu 40 súng, phá hủy 5 xe quân sự… Trận đánh giành được thắng lợi lớn, gây thối động đối với quân địch trong khu vực, hỗ trợ được phong trào ở mảng Bắc Bình, buộc địch phải đưa lực lượng Nam Bình Thuận ra đối phó. Bộ đã có điện khen chiến công đầu của Tiểu đoàn 200c.

Ninh Thuận pháo kích gây thiệt hại cho sân bay Thành Sơn đánh phá nhiều đoạn ống dẫn dầu của Mỹ từ Ninh Chữ đi Thành Sơn, làm cháy hơn nửa triệu lít xăng, dầu. Tiểu đoàn 610 và bộ đội địa phương huyện, du kích đánh vào các ấp địch bung ra lấn chiếm, đánh vào các thị trấn Phú Quý, Krong Pha, Cà Ná,… và trên các trục đường số 1, 11, giữ được thế tranh chấp với địch; đánh phá nhiều đoạn đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt và phối hợp với Bình Thuận đánh phá con đường sắt Bắc - Nam.

Bình Tuy, tuy mới được thành lập nhưng cũng đã cố gắng tham gia hoạt động phối hợp chung trong toàn Khu, đã đánh 51 trận, diệt gần 200 tên địch, thu 13 súng.

Kết quả chung trong đợt hoạt động Thu 1968, toàn Khu đã diệt được 6.250 tên địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 10 đại đội, 48 trung đội, 2 đoàn bình định, đánh hỏng 14 xe tăng và xe M41, 3 khẩu pháo 105 và 155 ly, phá sập 53 cầu cống, làm tê liệt và gián đoạn giao thông đường số 1, 20, 11 từ 12 đến 15 ngày. Đường sắt Bắc Nam qua Ninh Thuận, Bình Tuy chưa nối lại được.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:23:18 pm
Các đợt hoạt động vũ trang của ta đã hỗ trợ cho quần chúng nhiều nơi nổi dậy, giành và giữ quyền làm chủ, đấu tranh cho quyền lợi dân sinh, dân chủ có kết quả. Ninh Thuận có hàng trăm người tổ chức đấu tranh nhập thị, kéo đến ngụy quyền tỉnh phản đối việc gom dân, rào ấp, khủng bố bắt bớ. Tại các xã Thương Diêm, Lạc Nghiệp, Ba Tháp, Mỹ Phong, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh,… trên 3.000 đồng bào đã đấu tranh kiên quyết, kéo dài cả tháng chống địch gom dân, dời làng - buộc địch phải nhượng bộ.

Ở Bình Thuận: hơn 600 người kéo lên quận lỵ tố cáo địch rải chất độc hóa học, đòi bồi thường thiệt hại nhân mạng, hao màu, đòi thả chồng, con, em bị bắt… Ở Lâm Đồng: quần chúng tổ chức được 8 cuộc (có trên 200 người, đa số là đồng bào dân tộc) kéo lên quận lỵ, thị xã đấu tranh đòi thả con em bị bắt lính, đòi nhận xác về chôn cất, chống bắn phá bừa bãi vào thôn ấp, đòi bán muối, gạo. Địch phải cam kết bán muối, gạo và hứa không bắn pháo vào ấp.

Ở các thị xã, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân cũng có bước chuyển biến mới: nơi nào cũng có phong trào đòi được đào hầm chống phi pháo trong nhà, chống lục soát nhà ban đêm, phản đối việc thành lập phòng vệ dân sự, v.v. Đặc biệt từ tháng 12 năm 1968 trở đi nổi lên phong trào công khai bàn tán thời sự, chống Mỹ - Thiệu - Kỳ - Hương, đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình. Quần chúng (kể cả một bộ phận binh lính, nhân viên ngụy quyền) mạnh dạn dùng lý lẽ, đập lại luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch. Trong thanh niên học sinh, sinh viên có phong trào chống văn hóa nô dịch, chống lệnh tổng động viên, đòi chủ quyền dân tộc, dưới hình thức mở hội thảo, ra kiến nghị, chuyền thư tay.

Lực lượng tại chỗ được phát triển, một số nơi đã xây dựng được Đảng, Đoàn. Trong đợt hoạt động thu, đã vận động được hơn 500 lính bỏ ngũ, xây dựng bồi dưỡng được một số cơ sở nòng cốt trong binh lính địch.

Ở vùng giải phóng và căn cứ, ta tiến hành hai cuộc vận động chính trị có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Một là cuộc vận động xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, được quần chúng tham gia sôi nổi, có 82 xã và trên 300 thôn ấp với trên 50.000 dân, lập ủy ban cách mạng xã, thôn và chuẩn bị lập chính quyền huyện. Việc này có tác dụng động viên thúc đẩy quần chúng thực hiện tốt các công tác kháng chiến, củng cố nâng cao lòng tin của quần chúng, đồng thời cũng có tác động đối với những người trong hàng ngũ địch.

Cuộc vận động chính trị thứ 2 là tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình và nhiệm vụ theo tinh thần của Nghị quyết 6 và Nghị quyết 7 của Trung ương Cục và lời kêu gọi của Bác Hồ nhân ngày 20 tháng 7 năm 1968. Qua học tập đã dấy lên một không khí phấn khởi hồ hởi trong nhân dân khắp nơi hăng hái làm vụ mùa thắng lợi, lo chăn nuôi cải thiện đời sống tốt. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, học tập văn hóa cũng dấy lên khá. Đặc biệt là phong trào du kích chiến tranh,xây dựng làng chiến đấu và phòng gian bảo mật. Ở Bình Thuận: du kích các xã Hồng Liêm, Hồng Sơn, Hồng Chính, Hàm Liêm qua một số đợt chống càn và đánh địch trên trục lộ giao thông số 1, sô 8 đã diệt trên 200 tên địch, phá hủy nhiều xe quân sự; du kích các xã phía bắc Hoài Đức đã tích cực bắn máy bay, hạn chế địch rải chất độc hóa học. Du kích Bác Ái, Anh Dũng của Ninh Thuận thay phiên nhau ra phía trước hoạt động. Du kích Lâm Đồng đã bắn rơi được máy bay và chống càn tốt.

Sự đóng góp của nhân dân cũng tăng lên: trong 3 tháng quý 3 năm 1968 toàn Khu thu được 27 triệu đồng (gần bằng số thu của 6 tháng đầu năm), rút được 110 thanh niên bổ sung cho bộ đội và huy động được hàng ngàn dân công phục vụ chiến trường từ 1-3 tháng.

Tóm lại, trong hoạt động Thu 1968, các lực lượng trong Khu đã kiên quyết khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, giữ và phát huy thế chủ dộng tiến công địch, phối hợp với toàn Miền.

Nhưng do sức ta có hạn, lại phải hoạt động liên tục dài ngày, có những đơn vị bị hao hụt nhưng không được bổ sung. Địch mặc dù bị tổn thất nhiều nhưng vẫn còn điều kiện bù đắp, còn được bọn bên trên hà hơi tiếp sức dể hoạt động “quét và giữ”, nên hoạt động của ta dần dần về sau có bị hạn chế. Mức tiêu hao tiêu diệt địch trong đợt Thu giảm so với đợt Hè (đợt Hè diệt 8545 tên, đợt Thu 6.250 tên). Ta đánh phá làm lỏng rã kìm được hơn 50 khu ấp chiến lược, nhưng lại có những vùng giải phóng bị địch gom xúc dân hoặc bị lấn chiếm trở thành vùng tranh chấp (so với đợt Hè dân vùng căn cứ giải phóng giảm mất 45.000 người và dân vùng tranh chấp tăng lên 44.000 người).

*
*   *

Tóm lại trong thời kỳ giữa năm 1965-1968 nhất là trong cao điểm Mậu Thân, cùng quân và dân toàn Miền và cả nước, quân và dân Khu VI đã trải qua những năm tháng chiến đấu cực kỳ gay go, gian khổ và ác liệt. Kẻ địch có quân số đông, trang bị mạnh, với âm mưu đè bẹp lực lượng ta trong thời gian ngắn bằng cuộc phản công chiến lược “Tìm diệt” và “Bình định”.

Ta mặc dù lực lượng ít lại có nhiều nhược điểm, khó khăn, nhưng trong các năm 1965-1967 đã từng bước ngăn chặn, đánh bại cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy và vào thời điểm Xuân Mậu Thân lịch sử đã quyết tâm vươn lên rập ràng với toàn Miền thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (nhất là đối với 2 trọng điểm Phan Thiết và Đà Lạt), tuy còn có nhiều khuyết nhược điểm nên kết quả bị hạn chế, nhưng cũng đã góp phần tích cực vào thắng lợi chung của toàn Miền trong cả nước, đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Hai, 2012, 04:24:00 pm
(http://img812.imageshack.us/img812/2274/90804688.jpg)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:20:23 pm
Chương V

ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA
CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
 (Cuối năm 1968 đến tháng 1 năm 1973)

I. CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
VÀ QUYẾT TÂM CHIẾN ĐẤU CỦA QUÂN VÀ DÂN KHU VI

Thắng lợi của quân và dân trong cả nước đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc buộc đế quốc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược, chấm dứt ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán về Việt Nam ở hội nghị Pari. Nhưng Mỹ lại tiến hành cho “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam.

Mục tiêu cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních Xơn là rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Để đạt mục tiêu chiến lược đó, Ních-xơn đã sử dụng sức mạnh tối đa về quân sự của Mỹ - ngụy ở miền Nam nhằm trọng tâm là “bình định” nông thôn miền Nam với 4 biện pháp chủ yếu:

- Bình định nông thôn, kiểm soát tuyệt đại bộ phận đất đai và dân số, dựa vào đó để bắt lính, tăng quân ngụy phòng thủ thành thị, căn cứ quân sự, đường giao thông và các vùng xung yếu.

- Dùng quân ngụy thay quân Mỹ “thay màu da cho xác chết”.

- Ổn định ngụy quyền, ra sức cướp bóc để bù vào lỗ hổng kinh tế Mỹ giảm viện trợ và tăng ngân sách chiến tranh của ngụy quyền miền Nam.

- Triệt phá kinh tế vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, tập trung đánh phá hành lang chiến lược nhằm cắt đứt mọi chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc mỹ chia ra 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tập trung cả quân Mỹ, chư hầu và quân ngụy đánh phá, “bình định” nông thôn, gấp rút tăng cường quân ngụy.

Giai đoạn 2: Rút dần quân chiến đấu trên bộ của Mỹ về nước, thực hiện công thức hỏa lực Mỹ cộng với quân chiến đấu ngụy, sử dụng quân ngụy có sự yểm trợ tối đa của không quân, hải quân và pháo binh Mỹ, đánh phá, cắt đứt hành lang chiến lược Bắc - Nam, sử dụng quân Nam Triều Tiên và một bộ phận quân ngụy tiếp tục bình định nông thôn.

Giai đoạn 3: Chuyển giao vũ khí, phương tiện chiến tranh và căn cứ quân sự Mỹ cho quân ngụy, chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên không cho quân ngụy, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước.

Đảng ta nhận định: “Việt Nam hóa chiến tranh” là một mưu đồ chiến lược hết sức thâm độc của đế quốc Mỹ, nhằm kéo dài chiến tranh xâm lược, từng bước rút quân Mỹ ra khỏi Đông Dương mà ngụy quân, ngụy quyền vẫn mạnh lên. Trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, quân ngụy là công cụ chủ yếu để thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh thay thế dần cho quân Mỹ.

Ngày 1 tháng 1 năm 1969, trong thư chúc mừng năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ trong thời kỳ mới là: “đánh cho Mỹ cút, đánh chu ngụy nhào”.

Ngày 20 tháng 7 năm 1969 Hồ Chủ tịch kêu gọi quân và dân cả nước: “Đế quốc Mỹ thất bại đã rõ ràng, nhưng chúng chưa chịu tử bỏ dã tâm bám lấy miền Nam nước ta. Quân và dân cả nước ta, triệu người như một nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho Mỹ rút hết sạch, đánh cho ngụy quân ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

Hội nghị Trung ương Cục miền Nam (10 năm 1968) đã nhận định: từ cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, đầu năm 1968 và những đợt cao điểm tiếp theo, ta đã giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện… Quân Mỹ, ngụy và chư hầu đã phải rút lui vào thế phòng ngự bị động… về ngoại giao ta cũng giành thắng lợi to lớn, đặc biệt tranh thủ sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi Giôn Xơn phải hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc và thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ trước mắt: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy thắng lợi to lớn đã giành được, tiếp tục đẩy mạnh tổng tiến công và nổi dậy bằng quân sự, chính trị, bằng 3 mũi giáp công, kết hợp tiến công ngoại giao, đánh bại chiến lược “quét và giữ” và các âm mưu chính trị phản động của địch, tạo một bước nhảy vọt mới, kiên quyết giành thắng lợi quyết định trong thời gian tới, thúc đẩy nhanh chóng quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đánh thắng địch nếu chúng kéo dài hoặc mở rộng chiến tranh”(1).

Chấp hành Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ 8, tháng 11 năm 1968 Hội nghị Khu ủy đã đề ra nhiệm vụ cho toàn khu là; “… hết sức tranh thủ thời gian, lợi dụng thời cơ đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch, nhất là tiến công trên chiến trường vùng ven thị xã, vùng yếu nông thôn và cả trong thành phố. Nhằm phá tan âm mưu “quét và giữ” của địch, làm cho chúng nhanh chóng suy yếu, quyết tâm giành cho được về ta, vùng ven thị xã, vùng yếu nông thôn, mở rộng địa bàn nông thôn và chuyển phong trào thành phố lên một bước mới. Đồng thời gấp rút lo xây dựng, tăng cường lực lượng các mặt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cùng chiến trường toàn Miền, dấy lên một cao trào tiến công mới, toàn diện mạnh mẽ, rộng khắp, giành thắng lợi cao nhất cho địa phương, góp phần tích cực giành thắng lợi quyết định trong thời gian trước mắt trên toàn Miền…”(2).

Từ Đông Xuân năm 1968-1969, ở Khu VI, lực lượng Mỹ và chư hầu có Tiểu đoàn 3/506 dù ở Cam Êsépic Phan Thiết, Tiểu đoàn 3/503 lữ 173 dù cơ động trên 2 tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức và 1 tiểu đoàn công binh Mỹ phụ trách con đường 20 đóng căn cứ ở Đức Trọng và Blao.

Ở sân bay Thành Sơn thường xuyên có 1 tiểu đoàn đến 2 tiểu đoàn Nam Triều Tiên hoặc Mỹ bảo vệ. Tính chung, quân Mỹ và chư hầu có 8.100 tên so với trước tăng lên 1.800 tên. Quân chủ lực ngụy có 11 tiểu đoàn gồm Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23) (4 tiểu đoàn) cơ động ở Bình Thuận, Ninh Thuận; Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23) cơ động Tuyên Đức, Lâm Đồng, 4 tiểu đoàn bộ binh thuộc Quân khu III ngụy thường ở Bình Tuy và có 1 tiểu đoàn Sơn chiến (người Thượng) ở Tuyên Đức. Lực lượng bảo an có 113 đại đội và 5 trung đội, bọn bình định tăng 800 tên, quân cảnh sát tăng 700 tên.

Tính chung, quân Mỹ ngụy và chư hầu trong toàn khu có 33.00 tên (không tính 5.000 tên phòng vệ dân sự vũ trang). So sánh lực lượng địch - ta đến cuối năm 1968 đầu năm 1969 thì ta 1 địch 3.

Về phương tiện chiến tranh, phi cơ pháo binh, xe tăng thiết giáp cũng tăng nhiều hơn trước. Địch bắt đầu trang bị súng AR15, cối 60 ly, M79 cho dân vệ và đôn bọn này lên bảo an.

Đầu năm 1969, Mỹ bắt đâu thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” với chiến lược “quét và giữ”. Ở khu VI, 2 tiểu đoàn Mỹ càn quét vùng căn cứ ta ở sông La Ngà qua đường 8, bắc sông Mao (Bình Thuận), dọc sông Đồng Nai qua đường 21 kéo dài thuộc tỉnh Tuyên Đức, hỗ trợ cho quân ngụy bình định bên trong. Đồng thời quân ngụy cũng dựa vào quân Mỹ tăng cường hoạt động, nhất là tập trung thực hiện âm mưu “Bình định cấp tốc”, ra sức giành dân mở rộng vùng kiểm soát.

Chấp hành Nghị quyết Trung ương Cục và thực hiện Nghị quyết tháng 11 năm 1968 của Khu ủy, Quân khu liên tiếp mở các đợt cao điểm tiến công và nổi dậy Đông Xuân năm 1968-1969, Hè 1969, Thu Đông 1969 phối hợp với toàn Miền, hướng vào mục tiêu nỗ lực góp phần tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi quyết định.


(1) Trích nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Cục tháng 10 năm 1968 - lưu trữ tại kho bảo mật của Phân viện Lịch sử quân sự Việt Nam (số bảo mật M1131).
(2) Trích hội nghị Khu ủy Khu VI từ 22 đến 29 tháng 11 năm 1968 (Bảo mật số 46).


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:20:55 pm
Đợt Đông Xuân 1968-1969

Vào đợt, Quân khu tập trung hầu hết các tiểu đoàn chủ lực của Khu trên chiến trường Bình Thuận, quyết “ăn” địch ở chiến trường trọng điểm này, điều Tiểu đoàn 145 từ Lâm Đồng lên phối thuộc hẳn cho tỉnh Tuyên Đức.

Để đánh được dài hơi, vào đợt Đông, Quân khu chủ trương vừa hoạt động, vừa tranh thủ củng cố, xây dựng, học tập quán triệt tinh thần Nghị quyết 8 của Trung ương Cục, của Khu ủy và tranh thủ huấn luyện nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang, nhất là chuyển mạnh tư tưởng lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng thắng số lượng, phát huy sở trường đánh đặc công và xây dựng được nhiều đơn vị bộ binh biết đánh đặc công.

Mở màn, ta đánh vào căn cứ Sông Mao bằng chiến thuật đặc công có kết hợp pháo chối chi viện.

Ở đây địch thường xuyên có sở chỉ huy Sư đoàn bộ nhẹ và Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23), một đoàn cố vấn Mỹ, 1-2 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn tăng 4/8, 1 đại đội thám kích, 1 tiểu đoàn pháo (thiếu), tiểu đoàn huấn luyện tân binh.

Lực lượng ta sử dụng gồm: Tiểu đoàn 200c đặc công, 2 đại đội đặc công của Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 240 và 1 Tiểu đội đặc công của huyện Phan Lý, đại đội 4 hỏa lực Tiểu đoàn 840 (4 cối 82 - 2 đại liên), 60 đồng chí bộ binh (Tiểu đoàn 240) làm nhiệm vụ tiếp chiến, mang đạn, tải thương. Vũ khí trang bị gọn nhẹ gồm: AK, B40, B4, cối 60 ly (bắn ứng dụng cự ly gần), thủ pháo dù, thủ pháo ném và lựu đạn.

Bộ chỉ huy Quân khu giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí: Đại úy Lê Du (cán bộ tác chiến Quân khu) làm chỉ huy trưởng và Thiếu tá Võ Đức Nhi (Trưởng ban tổ chức Quân khu) làm chính ủy trận đánh. Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1968, 15 mũi đặc công và các bộ phận hỏa lực đã bất ngờ đồng loạt tiến công dồn dập vào hầu hết các mục tiêu trong hậu cần Sông Mao. Kho đạn ở trận địa pháo bị nổ tung, cả căn cứ Sông Mao chìm trong bão lửa.

Sau gần 40 phút chiến đấu quyết liệt, dũng cảm cán bộ, chiến sĩ ta đã dứt điểm các khu vực, các đội, mũi nhanh chóng tảo trừ, thu dọn và rút lui. Căn cứ Sông Mao bị tê liệt, địch ở Bình Thuận không kịp phản công vì ngay từ đầu ta đã đánh trúng vào sở chỉ huy, khu thông tin, cắt đứt mọi hướng liên lạc của chúng, sau đó chỉ có một máy bay C130 từ hướng Phan Thiết bay ra quần đảo ở độ cao trên không cho đến sáng.

Kết quả: ta diệt khoảng 800 tên địch; bên ta chỉ có 9 đồng chí bị thương nhẹ, không có hy sinh. Sáng 26 tháng 11 năm 1968, đài kỹ thuật của Quân khu bắt được tin địch đã thú nhận: “00 giờ 30’ ngày 26 tháng 11 năm 1968 Việt Cộng tiến công tràn ngập căn cứ. Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23) Sông Mao. Thiệt hại được coi là nghiêm trọng, tiểu đoàn 1 bộ binh, Sở chỉ huy Trung đoàn 44, Chi đoàn 4/8, trận địa pháo… bị thiệt hại nặng nề, 700 quân huấn luyện biến mất…”.

Trận chiến thắng Sông Mao không những có tác dụng tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào phá ấp, mở vùng ở địa phương mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tư tưởng cho bộ đội, rút kinh nghiệm về chỉ đạo tác chiến dùng chiến thuật đánh đặc công, với lực lượng ít, tinh nhuệ, có thể đánh địch trong công sự khá vững chắc, kết hợp với dùng hỏa lực pháo cối kìm chế những mục tiêu sâu mà ta không đánh tới, nhất là các hậu cứ lớn của địch.

Trận đánh đã cổ vũ động viên quân và dân trong Quân khu và đã được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng huân chương Quân công hạng hai và được Bộ chỉ huy Quân khu tặng thưởng nhiều huân chương Chiến công cho các đơn vị và cá nhân.

Căn cứ Sông Mao bị thiệt hại nặng. Chiến đoàn 3/506 Mỹ phải bỏ dở cuộc càn ở vùng bắc Ma Lâm (Hàm Thuận) để vội vã kéo ra Bắc Bình đối phó. Đồng thời chúng điều Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 từ Phan Thiết ra chiếm giữ Sông Mao, rút tỉa một số đơn vị bảo an, dân vệ bắt thêm lính bổ sung cho Trung đoàn 44.

Lúc này địch xúc tiến kế hoạch “Bình định cấp tốc”. Trọng điểm đánh phá là vùng ven thị xã, thị trấn, các trục giao thông và một số khu vực trực thuộc đồng bằng Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuy.

Ở Bình Thuận, tính đến tháng 12 năm 1968, địch đã gom xúc, lấn chiếm khoảng 24.000 dân. Ở Tuyên Đức, địch ép chạy ra ở ven đường 20 mất 4.000 dân, vùng giải phóng ở K67, và bị lấn chiếm một số ấp trên lộ 11 và lộ 21. Ở Lâm Đồng, địch cũng dồn dân thành từng cụm dọc sát lộ 20…

Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 năm 1969, ở trọng điểm Bình Thuận, các tiểu đoàn của Khu và tỉnh đã bám đánh địch liên tục trên đường số 1 và số 8 đông và bắc Phan Thiết. Ngày 8 tháng 1 năm 1969, Tiểu đoàn 186 và Tiểu đoàn 240 đã phục kích đánh thiệt hại nặng 2 đại đội biệt kích Lương Sơn tại Cầu Vĩ. Ngày 16 tháng 1 năm 1969, Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 482 cùng bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận phá ấp Bình An trên đường số 8 và gài thế đánh thiệt hại 2 đại đội bảo an đi giải tỏa. Ngày 21 tháng 2 năm 1969, Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 186 đánh cứ điểm Bà Hòe trên đường số 1 đông bắc Phan Thiết và bố trí đánh viện, gây thiệt hại 2 đại đội bảo an và 1 đại đội Mỹ, đánh hỏng 2 xe M41, v.v. Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Tư lệnh Quân khu đã đi sát chỉ đạo các hoạt động, đồng thời nắm quy luật địch để chuẩn bị cho cao điểm Xuân đánh được tốt hơn.

Kết hợp với hoạt động của chủ lực, bộ đội địa phương huyện, các đội vũ trang công tác và du kích của Bình Thuận cũng tích cực đột ấp, đánh bọn kìm kẹp và lực lượng hỗ trợ, diệt bọn ác ôn, đánh tiêu hao bọn bung ra càn quét quanh các ấp, vùng giáp ranh và căn cứ. Quần chúng trong một số ấp đấu tranh làm rã kìm, làm cho kế hoạch bình định của địch nhiều nơi bị chựng lại.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:21:24 pm
Ở Tuyên Đức, tháng 1 năm 1969, các lực lượng vũ trang đã đánh thiệt hại và làm tan rã gần 1500 tên địch, đạt thành tích cao nhất của tháng trong Đông Xuân, tập kích bằng đặc công, gây thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 tại Liên Khương, tập kích yếu khu Mờ Lọn, Suối Thông A trên đường 21 kép, nhiều lần đánh vào một số mục tiêu ở ngoại ô và nội thành Đà Lạt, diệt nhiều địch, nhất là bọn sĩ quan và chuyên viên Mỹ. Đặc biệt đã chú ý diệt bọn bình định xây dựng nông thôn trong các ấp. Qua hoạt động của ta, địch ở Tuyên Đức dao động, hai phần ba bọn dân vệ ở Đà Lạt bỏ canh gác, càng đến gần Tết Nguyên đán, địch càng nơm nớp lo sợ ta tiến công.

Lâm Đồng: bộ đội địa phương pháo kích gây thiệt hại cho hậu cần Tiểu đoàn 3/503 Mỹ; tập kích bằng bộ binh ấp Đồng Lạc, gây thiệt hại nặng cho đội bảo an và 1 trung đội dân vệ; phục kích đánh nhiều trận liên tục trên đường 20; đặc biệt du kích căn cứ đánh chống càn tốt, tiêu hao nhiều địch, bắn rơi máy bay.

Ở Ninh Thuận: ta đánh bằng đặc công, kết hợp với pháo kích bằng đạn hỏa tiễn H12, cối 82 ly, gây thiệt hại lớn cho quân Mỹ ở căn cứ không quân Thành Sơn, phá hủy 26 máy bay, gây cháy nổ kho xăng, kho đạn, sây bay bị tê liệt trong 2 ngày. Du kích và nhân dân Bác Ái đã tích cực chống càn quét tiêu hao được nhiều địch.

Kết quả hoạt động của ta (tương đối đều trong tháng 1 và nửa tháng 2 năm 1969) không những gây nhiều thiệt hại cho địch về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc chúng phải đối phó, mà ở một số nơi ta đã ngăn chặn và làm thất bại một bước âm mưu “bình định cấp tốc” của chúng. Ở Tuyên Đức, địch thú nhận chương trình bình định trọng điểm của chúng không tiến triển được.

Ở Bình Thuận, địch không thực hiện được kế hoạch gom xúc dân các vùng giải phóng Tam Giác, Hàm Phú, Hàm Trí và ở ven căn cứ. Ninh Thuận: trong nhiều ấp, địch không lập được tề và phòng vệ dân sự.

Bước vào cao điểm Xuân 1969, phối hợp với toàn Miền trong các ngày 22, 23 tháng 2 năm 1969, các đơn vị và địa phương đã đồng loạt nổ súng đánh địch, trên 100 mục tiêu, cả ở nông thôn, thị xã và căn cứ Mỹ - ngụy.

Ở trọng điểm Bình Thuận: được sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Tiền phương Quân khu, các lực lượng của Khu và tỉnh đã gài thế trận liên hoàn, đánh nhiều trận tiêu diệt nhiều sinh lực Mỹ - ngụy. Mở mảng hoạt động, đêm 21 rạng 22 tháng 2 năm 1969, ta sử dụng đại đội 5 đặc công Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn đặc công (thiếu) của tỉnh, đại đội 481 đặc công thị xã Phan Thiết, hỏa lực pháo cối đánh vào Camp Êsépic (căn cứ này của Tiểu đoàn 3/50 Mỹ trên chiến trường Khu VI, là nơi tiếp tế và chi viện cho cả Lâm Đồng, Tuyên Đức) là vị trí có địa hình trống trải nằm trên một đồi cao sát biển, cập đường số 1, nơi có thể quan sát toàn bộ khu vực thị xã Phan Thiết, có hệ thống dây điện với 4 lớp rào, bên trong có chiến hào và hệ thống lô cốt bao quanh (cứ 50 mét 1 cái) cứ 10 đến 15 phút lại cho trực thăng cất cánh rọi đèn pha xung quanh và hỏa lực các cỡ bắn cầm chừng đề phòng ta tiến công.

Nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, sau 45 phút chiến đấu ngoan cường và dũng mãnh, bằng các loại vũ khí gọn nhem, AK, B40, B41, thủ pháo, lựu đạn và hỏa lực chi viện, các chiến sĩ ta đã đánh thiệt hại nặng hậu cứ Tiểu đoàn 3/506 Mỹ; hàng trăm tên địch bị sát thương; 13 máy bay, 12 khẩu pháo, 12 xe tăng, xe bọc thép và nhiều nhà cửa, lô cốt bị phá hủy, nhiều kho đạn, xăng, dầu bị cháy nổ trong nhiều giờ. Cả căn cứ Camp Êsépic bị chìm trong biển lửa.

Chiến thắng Camp Êsépic là trận đánh mở màn Xuân 1969, là trận thắng lợi rực rỡ của quân và dân Bình Thuận; đồng thời là chiến thắng lớn trong Quân khu VI. Được Bộ chỉ huy Miền thặng thưởng huân chương Quân công hạng hai.

Sáng ngày 22 tháng 2 năm 1969, Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 482 cùng với lực lượng địa phương Hàm Thuận đánh phá ấp Bình Lâm, đánh bọn đi giải tỏa trên đường số 8, diệt và đánh thiệt hại 2 đại đội bảo an, 1 tiểu đoàn cộng hòa, một bộ phận quân Mỹ, đánh hỏng 3 xe tăng M41, bắn rơi 2 máy bay. Chiều ngày 22 tháng 2 năm 1969, địch phải điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 44) và chi đoàn 4/8 thiết kỵ từ Sông Mao theo đường số 1 vào ứng cứu thì bị lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 240 tại Bàu Sen ở đông bắc Phan Thiết 34 ki-lô-mét. Trận đánh diễn quyết liệt kéo dài cả buổi chiều. Địch bị thiệt hại nặng, 35 xe quân sự trong đó có 5 xe tăng bị phá hủy, 2 máy bay bị bắn rơi.

Cũng trong ngày 22 tháng 2 năm 1969 và liên tiếp nhiều ngày sau đó Đại đội 30 hỏa lực của Quân khu và đại đội trợ chiến của Bình Thuận pháo kích vào tiểu khu và tòa hành chánh ở thị xã Phan Thiết, căn cứ chiến đoàn Mỹ ở Camp Êsépic, các trận địa pháo Mỹ ở Tân Nông, Nỗng Cà Tang…

Ngày 29 tháng 2 năm 1969, đại đội 5 đặc công Tiểu đoàn 840 tập kích tiêu diệt chi khu Hải Ninh ở phía nam căn cứ Sông Mao 1 ki-lô-mét. Bộ đội địa phương huyện và du kích toàn tỉnh Bình Thuận hoạt động phối hợp đều khắp, liên tục đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ bọn giữ ấp, bọn bung xỉa ra các vùng ven, diệt ác ôn và bọn bình định, đánh phá giao thông.

Trên các chiến trường trong Quân khu, các lực lượng đã phát huy cách đánh đặc công và pháo kích vào các thị trấn, thị xã, sân bay hậu cứ, trận địa pháo, đồn bót địch… Đặc biệt Ninh Thuận nhiều lần pháo kích bằng hỏa tiễn H12 và cối 82 ly vào sân bay Thành Sơn, phá hủy 18 máy bay, diệt nhiều địch; đánh phá ống dẫn dầu ở Cảng Ninh Chữ đốt cháy xăng dầu; diệt cứ điểm Đồng Mé; đánh cắt giao thông đường 11.

Đặc công và biệt động Tuyên Đức đánh phá một số mục tiêu trong nội ô đánh vào khách sạn Duy Tân, diệt 68 Mỹ và vùng ven Đa Lạt, đánh hỏng nặng sân bay Cam Ly. Các Tiểu đoàn 145 (thiếu), Tiểu đoàn 810 (thiếu) cũng vận dụng lối đánh kết hợp giữa đặc công và bộ binh, diệt một số đại đội bảo an, đoàn bình định, trung đội dân vệ chốt giữ ấp trên trục lộ 20 và 21.

Đầu tháng 4 năm 1969, lực lượng tỉnh Lâm Đồng đã tập kích đánh thiệt hại nặng 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3/503 Mỹ, trong lúc chúng đang dừng lại trong càn quét tại khu vực Tứ Quý. Đặc biệt, trận ra quân đầu tiên của đội nữ pháo binh Lâm Đồng ngày 15 tháng 5 năm 1969 bằng 5 đạn cối 82 ly đánh vào tòa Tỉnh Tiểu Khu Bảo Lộc, diệt 23 địch và 1 máy bay L19.

Các đơn vị bộ đội địa phương huyện ở các tỉnh đã chuyển lên đánh diệt nhiều đồn bốt cấp trung đội, tiểu đội, chốt giữ các ấp, đánh diệt và thiệt hại nặng từng trung đội, đại đội địch ngoài công sự. Các đội vũ trang công tác và du kích cũng bám đánh địch được nhiều hơn. Có đội chỉ có 4, 5 đồng chí nhưng nhờ có cơ sở bên trong cung cấp tình hình, đã đánh diệt được các đoàn bình định của địch trong các ấp. Du kích đã tích cực phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh và khu, độc lập đánh địch bên ngoài các ấp, trên các trục đường kết hợp phá hoại giao thông. Đặc biệt, du kích cùng nhân dân căn cứ phía Bắc Lâm Đồng và căn cứ Bác Ái Đông của Ninh Thuận, trong 2 đợt chống càn tháng 3 và 4 năm 1969 đã đánh diệt hơn 300 tên địch, bắn rơi và bắn cháy trên 20 máy bay, bảo vệ được dân.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:22:13 pm
Nhìn chung, các địa phương đã nỗ lực tiến công địch tương đối đều ở cả 3 vùng, đã chuyển được về tư tưởng và cách đánh (lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng thắng số lượng) diệt được nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Tính chung trong Đông Xuân 1968-1969 từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 4 năm 1969, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.895 tên địch, phá hủy và bắn rơi 120 máy bay, gần 200 xe quân sự (trong đó có 50 xe tăng và xe bọc thép), thu gần 300 súng các loại(1).

Đáng chú ý là về tác chiến, các lực lượng đã có chuyển biến trong nhiệm vụ đánh phá kế hoạch bình định của địch. Chẳng hạn như đã chú trọng đánh vào các dối tượng bình định, bọn tề vệ ở ấp xã, kết hợp với phát động quần chúng nổi dậy phá các hình thức kìm kẹp, xây dựng thế đấu tranh 2 chân, 3 mũi tại chỗ. Mặt khác trước những thắng lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao của cả nước (năm 1968 và đầu năm 1969), trước những khó khăn, thất bại về mặt chiến lược của địch, quần chúng nông thôn và đô thị có sự chuyển biến mới, tin tưởng nhiều hơn vào thắng lợi của cách mạng. Do đó, mặc dầu địch ra sức đánh phá ác liệt và dùng mọi thủ đoạn chia rẽ, mua chuộc để kìm kẹp, bình định, nhưng khí thế đấu tranh của quần chúng vẫn được duy trì và phong trào từng bước được nâng lên.

Trong Xuân 1969, nhân dân đấu tranh chống địch cào nhà, dồn dân, chống khủng bố, bắt bớ, chống lập tề, lập phòng vệ dân sự… nổi nhất là các cuộc đấu tranh chống dồn dân của đồng bào các ấp Thương Diêm, Lạc Nghiệp, Ba Tháp, Mỹ Phong, Mỹ Tường (Ninh Thuận) kéo dài suốt mấy tháng; cuối cùng quần chúng vẫn ở nguyên chỗ cũ và địch không lập được tề, phòng vệ dân sự.

Đồng bào ở các ấp Ninh Thuận, Mỹ Thạnh (Bình Thuận) bị địch dùng quân sự cưỡng bức dồn đi, dồn lại vào khu tập trung nhiều lần, nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh trở về chỗ cũ làm ăn. Đồng bào ở Hàm Phú, Hàm Trí, Hồng Liêm (vùng căn cứ)… bị gom cũng đấu tranh và lần lượt trở về bám lại ruộng vườn sản xuất.

Đồng bào Thượng ở Lâm Đồng và Tuyên Đức cũng nổi lên đấu tranh quyết liệt với địch, chống dồn dân, lập tề, chống bắt lính, đòi tự do đi lại làm ăn. Điển hình như ấp Tân Rai, 500 đồng bào bị dồn về ở sát đồn địch vẫn kiên quyết kêu gọi chồng con em đi lính cho địch trở về và đấu tranh chống địch bắt lính lại. Đồng bào các áp Nhân Trung, Nam Sao, Chí Hòa đấu tranh chống lập tề, lập phòng vệ dân sự có kết quả. Đồng bào ấp 16, 17, Đa Nghịch của Lâm Đồng, đồng bào ở K67 và nhiều ấp khác thuộc Tuyên Đức cũng đấu tranh buộc địch phải để cho bung ra rẫy, ruộng làm ăn.

Trong các thị xã cũng nổi lên phong trào bàn tán Mỹ thua, ta thắng, đòi vãn hồi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đòi Mỹ rút quân về nước, đòi lật đổ Thiệu, Kỳ, Hương… và đòi các quyền dân sinh, dân chủ.

Nhìn chung, trong Đông Xuân ta đã phá rã kìm 92 ấp (gồm 100.000 dân), trong đó đưa lên làm chủ 35 ấp (33.000 dân). Tuy lực lượng ta không nhiều như ở Bình Tuy, cũng mở thêm được 13.000 dân lõng kìm. Trong một số thị xã đã hình thành được những lõm chính trị (Đa Lạt xây dựng được 7 lõm chính trị…).

Cùng với đấu tranh vũ trang và chính trị, mũi đấu tranh binh vận cũng có những chuyển biến tiến bộ: Đã tổ chức học tập giáo dục rộng rãi cho quần chúng và gia đình binh sĩ về chính sách bình địch vận. Nhiều gia đình đã viết thư trực tiếp kêu gọi chồng, con, em trở về. Nhiều nơi bà con đã mạnh dạn sáp vô tuyên truyền vận động bỏ ngũ, giúp đỡ tiền bạc, phương tiện cho binh sĩ trở về quê quán. Kết quả trong 3 tháng đầu năm 1969: đã vận động được 550 binh sĩ bỏ ngũ (trong tổng số 3.000 lính đào, rã ngũ cả năm) và làm rã trên 3.000 phòng vệ dân sự. Đã có 4 đại đội và 6 trung đội bảo an, dân vệ, 7 đoàn bình định, 17 trung đội phòng vệ dân sự rã từ 70 đến 100 phần trăm quân số.

Để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch ra sức triển khai chương trình bình định trên quy mô lớn “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt” v.v… Chúng sử dụng vào công tác bình định cả lực lượng Mỹ - ngụy; dùng biện pháp quân sự đánh phá, chà xát, kết họp với thủ đoạn chiến tranh tâm lý, hù dọa, mua chuộc, lừa mỵ, cố lấn chiếm, giành quyền kiểm soát nông thôn, nhất là các vùng nông thôn trọng điểm. Về phần ta, do sức có hạn, nhiều vùng mở ra nhưng không đủ lực lượng đứng lại để đánh địch phản kích, lấn chiếm, nên nhiều ấp gọi là làm chủ nhưng thực tế, ta chỉ làm chủ ban đêm, còn ban ngày do địch kiểm soát; chúng còn lấn chiếm gom xúc trên 32.000 dân vùng tranh chấp và làm chủ, và 400 dân ở vùng căn cứ.


(1) Theo số liệu báo cáo của phòng Tham mưu Quân khu VI.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:24:59 pm
Đợt Hè năm 1969

Bước vào đợt Hè 1969, Quân khu chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tiến công tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đồng thời ra sức đánh phá làm thất bại kế hoạch bình định cấp tốc của địch. Đợt này, theo chỉ thị của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, là đợt có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm 1969, yêu cầu phải giành thắng lợi to lớn hơn đợt Xuân. Vì vậy, Quân khu đã động viên các lực lượng bước vào hoạt động Hè với một quyết tâm rất cao.

Ở trọng điểm Bình Thuận, ta chuyển hướng tập trung lực lượng ra hoạt động ở mang Bắc Bịnh để căng kéo lực lượng địch, giải tỏa thế ngăn chặn của chúng ở vùng ven Phan Thiết.

Mở màn, đêm 11 rạng ngày 12 tháng 5 năm 1969, ta sử dụng đặc công tập kích căn cứ Sông Mao lần thứ hai, diệt khoảng 400 tên địch. Ngày hôm sau hai Tiểu đoàn 840, 240 đánh viện đi giải tỏa tại khu vực Lương Bình (cách căn cứ Sông Mao về Tây nam 4 ki lô -mét), gây thiệt hại nặng hai đại đội địch, bắn hỏng 5 xe tăng và bắn rơi 1 trực thăng. Tuy vậy tỷ lệ thương vong ta khá cao. Ta kịp thời chuyển qua đánh nhiều trận phục kích vận động trên đường số một (đoạn giữa Hòa Đa - Phan Thiết và Hòa Đa - Tuy Phong) đạt hiệu quả tốt.

Ở đây, sau hoạt động Xuân 1969 của ta, kế hoạch khôi phục lại đoạn đường sắt từ Long Khánh ra Phan Rang - Tháp Chàm bị phá sản, địch buộc phải tăng cường 2 Tiểu đoàn Thiết kỵ Mỹ(1), cùng với lực lượng ngụy giữ đường quốc lộ số 1, bảo đảm đường vận chuyển từ Nam Bộ ra miền Trung. Chi đoàn 4/8 ngụy ở Sông Mao cũng phải chuyển thành chi đoàn Thiết kỵ trang bị xe pháo gần như của Mỹ; nhưng chúng cũng bị đặc công và hỏa lực ta chặn đánh liên tục ở ngay tại căn cứ và lúc di chuyển trên đường.

Ngày 6 tháng 6 năm 1969, Tiểu đoàn 186 pháo kích vào căn cứ Sông Mao, đánh thiệt hại Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 44). Ngày 13 tháng 6 năm 1969, 2 Tiểu đoàn 186, 20 vây ép đồn Bàu Ốc, kéo địch đến giải tỏa; đánh thiệt hại 1 chi đoàn từ Sông Mao đến, phá hủy 11 xe bọc thép (có 4 xe tăng M41). Ngày 27 tháng 6 năm 1969, Tiểu đoàn 840, 240 phục kích vận động tại khu vực Dốc Cúng (đoạn giữa Phan Rí và Tuy Phong), diệt 13 xe bọc thép (có 5 xe tăng M41) thuộc chiến đoàn Thiết kỵ Mỹ.

Ngày 7 tháng 7 năm 1969, đặc công của các Tiểu đoàn 840, 240, 186 đã tập kích gây thiệt hại nặng căn cứ Lương Sơn(2) phá hủy một khẩu pháo 105 ly, bắn rơi 1 trực thăng. Ngoài ra, ta còn phát động rộng rãi phong trào săn diệt cơ giới địch, nhất là đối với các loại xe tăng, xe bọc thép bằng mìn, B40, B41 và súng trường bá đỏ.

Phối hợp với hoạt động của các lực lượng chủ lực của Khu, bộ đội địa phương, du kích và các đội vũ trang công tác huyện Hòa Đa cũng liên tục tiến công địch, đánh vào bọn bình định trong các ấp, các thị trấn Phan Rí Cứa - Chợ Lầu, bọn lùng sục bên ngoài, bọn chốt giữ và tuần tra bảo vệ giao thông; làm cho đợt hoạt động Hè 1969 ở mảng Bắc Bình hết sức sôi động.

Ở nam Bình Thuận: các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện cũng liên tiếp tiến công địch; nhiều lần pháo kích vào hậu cứ chiến đoàn 3/506 Mỹ ở Camp Êsépic và tiểu khu, Tòa Hành chánh tỉnh, thị xã Phan Thiết; đánh bằng đặc công, biệt động và một số mục tiêu trong nội ô Phan Thiết, tập kích, đột kích vào các ấp vùng ven Phan Thiết và trên đường số 8. Nhất là ta dùng pháo cối và đánh nhỏ bằng đặc công, tiêu hao và gây mất ổn định thường xuyên các chi khu Ma Lâm, Ngã Hai, các trận địa pháo Mỹ ở Nỗng Cà Tang, Tân Nông, yếu khu Kim Ngọc, v.v.

Ở Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Tuy trong hè năm 1969 cũng phát triển tiến công địch đều và mạnh hơn. Tuyên Đức nhiều lần đánh bằng đặc công và pháo cối vào trường Võ bị Quốc gia, Tiểu khu và một số mục tiêu trong Đà Lạt, đánh thiệt hại sân bay Cam Ly, sân bay Liên Khương, các chi khu Đức Trọng, Dran, phục kích đánh giao thông trên đường 20.

Ninh Thuận nhiều lần đánh vào sân bay Thành Sơn, cảng dầu Ninh Chữ bằng hỏa tiễn H12, cối 82 ly và đặc công; nhiều mục tiêu đánh sâu trong thị xã Phan Thiết cũng bị đánh.

Lâm Đồng đã đánh vào một số mục tiêu trong thị xã Blao, chi khu Di Linh, hậu cứ Tiểu đoàn 3/503, căn cứ công binh Mỹ ở Đa Nghịch, thường xuyên gây tiêu hao sinh lực Mỹ - ngụy và phương tiện chiến tranh. Bộ đội địa phương, du kích, đội công tác của các tỉnh đã đánh vào nhiều ấp ở vùng ven, vùng yếu, diệt lực lượng kìm kẹp và lực lượng hỗ trợ; vũ trang tuyên truyền kết hợp xây dựng cơ sở chính trị ở bên trong. Du kích tự vệ mật Đà Lạt, Phan Rang, Chợ Lầu, Tuy Phong, Ma Lâm và một số ở vùng sâu đã đánh địch được nhiều hơn, nhất là diệt ác ôn, cảnh sát. Đánh phá giao thông liên tục nên nhiều đoạn đường đi lại vẫn không thông suốt và an toàn.

Đặc biệt, trong hè năm 1969, bọn Mỹ và Nam Triều Tiên đã càn quét dài ngày vào căn cứ Bác Ái (để giải tỏa thế uy hiếp của ta đối với sân bay Thành Sơn và đánh phá hành lang của Khu đi qua Nam - Bắc đường 20); nhưng chúng đã bị bộ đội địa phương, du kích và lực lượng hành lang các nơi nói trên đánh trả quyết liệt, bắn rơi nhiều máy bay; buộc chúng phải kết thúc các cuộc càn.

Tóm lại, trong hoạt động Hè 1969, không những ở trọng điểm hoạt động tốt, mà các chiến trường diện cũng chuyển lên hoạt động đều hơn, đánh địch trên cả 3 vùng. Thành tích diệt địch và phá hủy phương tiện chiến tranh vượt hẳn đợt Xuân 1969(3). Nhiệm vụ đánh phá bình định có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhiều cuộc đấu tranh chống phá, ngăn chặn các đợt hoạt động bình định, kìm kẹp của địch diễn ra ở nhiều nơi; quần chúng dùng nhiều lý lẽ hợp pháp, chống lại chủ trương dồn dân, rào ấp, cử tề, không chịu vào tổ chức phòng vệ dân sự. Có những nơi quần chúng phối hợp với lực lượng bên ngoài vào, chỉ trong một đêm đã nổi dậy diệt ác, trừ gian, đốt phá ranh rào, kéo nhau về vùng đất cũ.

Trong các thị xã, các sự kiện chính trị (như: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời, công bố giải pháp 10 điểm; Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải giảm chi phí chiến tranh ở Việt Nam (19 tháng 3 năm 1969) rút dần quân Mỹ và thương lượng ngừng bắn (7 tháng 4 năm 1969), đã làm cho các tầng lớp nhân dân và cả trong sĩ quan, quân lính ngụy ngày càng bàn tán nhiều về thế Mỹ thua, ta thắng; tăng thêm sự phấn khởi tin tưởng trong nhân dân và tình trạng hoang mang dao động trong hàng ngũ địch.

Kết hợp với mũi tiến công quân sự trong đợt hoạt động Hè, ta đã phá lỏng thêm nhiều ấp, trong đó có một số ấp đưa lên làm chủ; đồng thời cũng giằng co gìn giữ được một số ấp, xã giải phóng hoặc đã làm chủ trong Đông Xuân 1968-1969.

Tuy vậy, bình định vẫn là khâu then chốt của địch trong hè 1969, chúng quyết giữ và bình định cho kỳ được, chúng ra sức đối phó và giành giựt quyết liệt với ta để thực hiện mục tiêu cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.


(1) Trong Hè 1969, địch tăng cường Tiểu đoàn Thiết kỵ 1/50 Mỹ đóng căn cứ chính ở núi Tà Dôn, sau đó tăng phái Tiểu đoàn Thiết kỵ 2/8 đóng căn cứ ở Sông Mao.
(2) Căn cứ này có một bộ phận thiết kỵ Mỹ đóng chốt.
(3) Đơt Xuân 1969 : diệt 6.885 tên, đánh hỏng 37 xe bọc thép và xe tămg, bắn rơi 76 máy bay.
Đợt Hè 1969: diệt 9.709 tên, đánh hỏng 77 xe bọc thép và xe tăng, bắn rơi 71 máy bay.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:25:58 pm
Đợt Thu Đông năm 1969

Chấp hành Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ 9 (tháng 7 năm 1969) về nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh tổng tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định, Hội nghị Khu ủy tháng 8 năm 1969 đề ra nhiệm vụ trước mắt cho toàn Khu là: “tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đánh tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định cấp tốc” của chúng, đồng thời ra sức xây dựng, phát triển lực lượng ta về mọi mặt, làm chuyển biến cục diện chiến trường có tính chất nhảy vọt”.

Lúc này ở chiến trường, địch đang ra sức giữ hậu cứ, thị xã, quận lỵ, giữ giao thông, ấp chiến lược bằng kế hoạch đẩy mạnh “bình định cấp tốc” giai đoạn 2: chúng liên tục mở các chiến dịch “An Dân”, “Phượng Hoàng”, “Tảo thanh tràn ngập”, nhằm truy quét cơ sở cách mạng, xây dựng, củng cố bộ máy kìm kẹp, củng cố và phát triển lực lượng phòng vệ dân sự; dùng vật chất để mua chuộc đi đôi với bao vây kinh tế ta. Chúng còn ra sức đôn quân bắt lính, xây dựng quân ngụy mạnh lên để thay thế quân Mỹ đang rút dần(1).

Khu chủ trương chuyển một bộ phận lực lượng của quân khu ra Ninh Thuận và lên Lâm Đồng, phối hợp cùng lực lượng địa phương đẩy mạnh hoạt động để căng kéo địch, hỗ trợ cho phong trào địa phương.

Lúc này, Bộ chỉ huy Quân khu có sự thay đổi: đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Châu (Tư lệnh trưởng Quân khu VI) đã được cấp trên điều về làm Tham mưu phó, Bộ Tham mưu của Miền; đồng chí Thượng tá Nguyễn Trọng Xuyên (Tư lệnh Quân khu X) về thay quyền Tư lệnh Quân khu VI, đồng thời, theo đề nghị của Khu ủy, Quân ủy Miền bổ nhiệm đồng chí Lê Văn Hiền (Ủy viên Thường vụ Khu ủy Chính ủy tiền phương A) làm phó chính ủy thứ nhất của quân khu, và đồng chí Thượng tá Phan Văn Hược làm phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị Quân khu.

Bước vào hoạt động Thu, ta sử dụng đặc công và hỏa lực đánh liên tục 2 trận vào căn cứ Sông Mao, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Trận đầu vào đêm 11 rạng 12 tháng 8 năm 1969, ta đánh thiệt hại nặng 2 đại đội bộ binh, 1 trung đội pháo và Sở chỉ huy Trung đoàn 44. Trận thứ 2 vào đêm 21 rạng 2 tháng 8 năm 1969 diệt khoảng 300 tên. Đây là sự thành công của các lực lượng đặc công của Khu trong việc đánh liên tiếp 2 lần vào 1 mục tiêu trong một thời gian ngắn.

Ở Tuyên Đức, ngày 12 tháng 8 năm 1969, lực lượng đặc công của tỉnh diệt gọn 1 đồn cấp trung đội bảo an, thu vũ khí (đồn Cà Răng Gọ). Ngày 18 tháng 8 năm 1969, ở nam Bình Thuận, lực lượng của tỉnh tập kích vào Đại đội 84 bảo an và chi đoàn 2/1 kỵ binh thiết giáp Mỹ, tại cây số 18 đường 8 (đông bắc quận Thiện Giáo), gây cho địch nhiều thiệt hại.

Giữa lúc quân, dân Khu VI đang hăng hái chiến đấu thì được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của toàn Đảng, toàn dân, qua đời. Một sự xúc động lớn và đột ngột đã đến với toàn đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong Khu. Ở vùng giải phóng, nhân dân và bộ đội, cán bộ, tụm quanh máy thu thanh “nuốt vào lòng” từng lời Di chúc của Bác và thông báo của Ban Chấp hành Trung ương. Nghe đến đoạn Bác nói về việc riêng: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình…”, nhiều người òa khóc nức nở. Nhiều cán bộ và đồng bào cả Kinh và Thượng, không ăn, không ngủ mấy ngày để theo dõi lễ tang Bác. Đặc biệt, ở vùng tạm bị chiếm, các tầng lớp nhân dân cả ở nông thôn và đô thị, với lòng thương tiếc và kính yêu vô hạn đối với Bác, đã bất chấp sự hăm dọa, ngăn cấm của địch, công khai bài luận về công đức của Bác, nghe đài miền Bắc, tổ chức để tang, làm lễ truy điệu, đặt bàn cầu siêu cho Bác và dặn dò nhau tiếp tục làm theo lời dạy của Bác.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, biến đau thương thành sức mạnh, các đảng bộ và đơn vị mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, xây dựng quyết tâm đánh địch, giải phóng miền Nam, mở cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, tuyển chọn kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh; kết hợp lớp Di chúc của Bác với tự phê bình và phê bình, chống tư tưởng ngại ác liệt, hy sinh; phát động thi đua quần bám đánh địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Trong nhân dân thì học lời dạy của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do” động viên nay nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.


(1) Tháng 8 năm 1969 Mỹ rút Tiểu đoàn 3/503 khỏi Lâm Đồng. Tháng 11 năm 1969 Mỹ rút Tiểu đoàn 3/50 ở Bình Thuận.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:27:04 pm
Với khí thế mới, mở mảng Thu Đông ngày 5 tháng 9 năm 1969, ở hướng bắc Bình Thuận các Tiểu đoàn 840, 240 đã đánh phục kích giao thông trên quốc lộ 1 (giữa huyện Hòa Đa và Tuy Phong), diệt Tiểu đoàn 1 (thiếu) Trung đoàn 44, phá hủy 35 xe (có 7 xe bọc thép), bắn rơi 3 máy bay. Tiểu đoàn 186 tập kích đánh thiệt hại nặng yếu khu Sông Lũy. Ở nam Bình Thuận, lực lượng của tỉnh tập kích, gây thiệt hại nặng một chốt Mỹ đóng tại đông bắc Phan Thiết 10 ki-lô-mét.

Lâm Đồng: Lực lượng của tỉnh tiến công đồn vấp Đình Trang Hạ, đánh thiệt hại nặng đại đội 1 bảo an và 1 đoàn bình định, giải trang phòng vệ dân sự, thu vũ khí; Tiểu đoàn 200c đặc công đã phối hợp với địa phương tiến công chi khu Di Linh và hậu cứ Trung đoàn 53 ngụy trong đêm 11 tháng 9 năm 1969, diệt khoảng 700 tên địch.

Tuyên Đức: Tiểu đoàn 810 và đặc công thị xã Đà Lạt đêm mùng 5 rạng ngày 6 tháng 9 năm 1969 đã tiến công gây thiệt hại nặng Trung tâm huấn luyện cảnh sát dã chiến ngụy (Trường đào tạo cảnh sát dã chiến và cảnh sát cơ bản cho cả miền Nam) tại Trại Mát, diệt khoảng 600 tên.

Ninh Thuận: đánh 1 trung đội bảo an và 1 trung đội dân vệ tại Phước Lập và pháo kích vào sân bay Thành Sơn, cùng một số mục tiêu trong thị xã Phan Rang.

Đi đôi đó, bộ đội địa phương, du kích và các đội công tác ở nhiều huyện liên tục quần bám, đánh lực lượng kìm kẹp, phá rã phòng vệ dân sự phát động quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận, làm lỏng kìm trong nhiều khu ấp chiến lược, hỗ trợ cho dân bung về ruộng cũ làm ăn.

Lực lượng K3 Lâm Đồng đánh địch trong các ấp chiến lược, diệt một đoàn Trường Sơn(1) và một số tên tề vệ ác ôn, tước vũ khí và giải tán 5 trung đội phòng vệ dân sự vũ trang, đốt hủy hồ sơ, tài liệu của bọn tề ở xã, địch hoảng hốt thu lại 159 súng của phòng vệ dân sự ở 5 ấp khác.

Bình Thuận: lực lượng địa phương các huyện và du kích đã đánh địch liên tục trên đường số 1, số 8, kết hợp với phá đường trong những ngày mưa lớn, làm gián đoạn giao thông địch trong nhiều ngày, diệt bọn bình định trong các ấp, làm rã 6 trung đội phòng vệ dân sự (hơn 200 tên). Du kích các xã Hồng Thái, Hồng Liêm, Hàm Chính dùng mìn tự tạo đánh diệt 5 xe bọc thép.

Bộ đội địa phương và du kích huyện Anh Dũng của Ninh Thuận bám đánh địch đi càn quét diệt 80 tên, bắn rơi 4 chiếc trực thăng, thu vũ khí, bảo vệ được vùng căn cứ.

Ở các vùng căn cứ giải phóng nhân dân khẩn trương thu hoặc vụ mùa sớm và tích cực chăm sóc, bảo vệ vụ lúa màu chính. Bình Thuận và Lâm Đồng vận động bà con trồng thêm hơn 200.000 gốc mì và hàng ngàn mét vuông lang, rau màu ngắn này. Để tránh máy bay địch đánh phá, đồng bào dân tộc khu căn cứ Bác Ái đã đốt đuốc làm rẫy ban đêm. Lương thực sản xuất ở vùng căn cứ đảm bảo một phần nhu cầu kháng chiến của khu.

Phong trào du kích bố phòng chống địch tiếp tục phát triển. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đã xây dựng thêm nhiều tuyến bố phòng. Đào thêm hầm chông, gài thêm mang cung, bẫy đá và lựu đạn, trái nổ. Đồng thời đàm thêm hầm hố chống phi pháo và công sự đánh địch.

Trên tuyến vận tải H50 lực lượng vận tải và dân công dài hạn, không quản ngày đêm, mưa lũ, nặng nhọc, lo đảm bảo cho được yêu cầu của chiến trường. Nghĩa tình quân dân sâu đậm giữa những ngày đau thương nhớ Bác và những ngày chiến đấu gian lao mãi mãi ghi sâu vào ký ức, củng cố thêm ý chí chiến đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tháng 10 năm 1969: nổi lên các trận đánh: trận tiêu diệt gọn đồn cấp đại đội ở cây số 18 tây nam Phan Thiết, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí đạn dược, có một súng cối 81 ly; và trận đánh diệt đồn dân vệ Bà Deur, đánh thiệt hại nặng một đoàn Trường Sơn trong ấp Bà Deur, thu 21 súng (Lâm Đồng)…


(1) Đoàn bình định ở miền núi.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:28:36 pm
Thực hiện chủ trương căng kéo địch và trực tiếp hỗ trợ cho phong trào địa phương, Quân khu điều Tiểu đoàn 840 ra hoạt động ở Ninh Thuận và Tiểu đoàn 200c đặc công tiếp tục hoạt động ở Lâm Đồng. Các Tiểu đoàn 186, 240 đứng chân hoạt động ở mảng bắc Bình Thuận. Ở phía Bình Tuy, từ háng 10 năm 1969, Bộ Tư lệnh Miền đã điều Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) từ chiến trường Long Khánh ra phối hợp với lực lượng địa phương hoạt động trên trục đường số 3 (từ Hoài Đức đến Gia Rai) nhằm hỗ trợ cho phong trào địa phương và chuẩn bị chiến trường cho Trung đoàn 33 ra đứng chân hoạt động. Công việc đang triển khai thì một chuyển tổn thất đau thương xảy ra: đồng chí Phan Văn Hược - Phó chính ủy - Chủ nhiệm chính trị Quân khu, được phân công ra chỉ huy mặt trận chính Ninh Thuận, trên đường đi qua suối Mù-u bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Đồng chí là cán bộ trung kiên, gương mẫu, hoạt động chiến đấu trên chiến trường Khu VI từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vào chiến trường năm 1959. Trước tình hình đó, quân khu cử đồng chí Trung tá Phạm Văn Kha - Tham mưu phó Quân khu ra thay(1).

Trong hoạt động Đông 1969, các lực lượng Quân khu và tỉnh Bình Thuận đã đánh diệt và thiệt hại nặng các yếu khu Sông Lũy, đồn ở ấp Châu Hanh, yếu khu Kim Ngọc - Sở chỉ huy liên đội 2/31 bảo an, nhiều lần pháo kích vào Tiểu khu và Tòa hành chánh tỉnh ở thị xã Phan Thiết và hậu cứ Sông Mao, các chi khu Hoài Đức, Tuy Phong, Ngã Hai…

Tuyên Dức tiêu diệt đồn Kim Phát, đánh thiệt hại nặng Trung tâm huấn luyện cảnh sát cơ bản ở Trại Mát lần 2, pháo kích trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và đánh giao thông trên đường 20, diệt 500 tên và 6 xe quân sự.

Lâm Đồng tiến công lần thứ 2 vào hậu cứ Trung đoàn 53 ngụy ở Di Linh, diệt 300 tên, buộc địch phải điều 2 tiểu đoàn từ Đà Lạt xuống giải tỏa cho Di Linh và tiến công lần thứ 2 vào ấp Đinh Trang Hạ, diệt 1 đoàn Trường Sơn và tước vũ khí phòng vệ dân sự.

Bình Tuy tiến công đồn Chính Đức, diệt 1 đoàn bình định, giải trang phòng vệ dân sự, đồng thời pháo kích chi khu Hoài Đức.

Ninh Thuận tiến công lần thứ 2 vào ấp Từ Tâm và đánh địch đi chi viện gây thiệt hại nặng 2 đại đội bảo an. Tháng 12 năm 1969, Tiểu đoàn 840 phối hợp với Tiểu đoàn 610 của tỉnh đánh vào ấp Hữu Đức, gài kéo viện từ Phan Rang đến, đánh diệt và gây thiệt hại nặng 3 đại đội bảo an và 1 chi đội xe bọc thép. Sau đó đã luồn sâu tập kích Trung tâm huấn luyện bảo an và dân vệ An Phước(2), sát thương gần 400 tên gồm sĩ quan và học viên, đánh tiếp đồn Nha Tiên Lễ, phục kích đánh viện… Các trận đánh nói trên cùng với các hoạt động diệt ác, vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng đã làm cho chiến trường Ninh Thuận vào dịp cuối năm trở nên sôi động. Tiểu khu Ninh Thuận phải kêu cứu và vùng II chiến thuật phải điều 2 tiểu đoàn (Trung đoàn 44), Chi đoàn 2/1 Thiệt kỵ Mỹ từ Bình Thuận ra giải tỏa.

Đi đôi với tác chiến và đánh phá kế hoạch bình định, toàn khu đã đánh phá nhiều lần ấp nhiều ấp chiến lược, diệt một số đoàn bình định, tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng phát triển thêm thực lực chính trị và vũ trang tại chỗ, rõ nhất là ở Bình Thuận - Lâm Đồng.

Vận động trên 730 binh lính và phòng vệ dân sự có vũ trang rã ngũ, trong đó có 14 trung đội và 2 tiểu đội phòng vệ dân sự tan rã và nộp cho ta 65 khẩu súng. Tháng 12 năm 1969 huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) chỉ còn 120 tên phòng vệ dân sự; Đà Lạt từ 2.000 tên giảm xuống còn không đầy 1.000 tên.

Tính chung Thu - Đông 1969 toàn Quân khu đã diệt 11.709 tên địch, bắn rơi 72 máy bay, phá huy 466 xe quân sự (có 162 xe bọc thép), 27 khẩu pháo, thu 400 súng, trên 10 máy thông tin. Nhưng chỉ tiêu đánh phá làm thất bại về cơ bản kế hoạch bình định cấp tốc của địch thì chưa đạt, ở đây có phần do lực lượng địa phương tại chỗ yếu, nhưng cũng có phần do chưa kết hợp tốt việc diệt địch với phá bình định, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm. Nên địch vẫn còn có điều kiện dựa vào nhau, ổn định tình hình và lập lại thế kìm.


(1) Ngày 5 tháng 12 năm 1969, Bộ Chỉ huy Miền quyết định bổ nhiệm đồng chí Võ Đức Nhi lên Phó chủ nhiệm chính trị - Phòng Chính trị quân khu, sau là Phó chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu VI.
(2) Trung tâm Huấn luyện Bảo an và Dân vệ của các tỉnh cực nam Trung Bộ, gần sát thị trấn Tháp Chàm.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:29:50 pm
Đợt Xuân Hè năm 1970:

Cuối năm 1969, chỉ thị số 136 của Miền nêu rõ: “Khẩn trương đẩy mạnh tổng tiến công toàn diện, tạo thêm thế và lực, đánh bại “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, mở ra cục diện mới để giành thắng lợi quyết định”. Chỉ thị cũng chỉ rõ tình hình trong năm 1970 hết sức thuận lợi cho ta và bất lợi cho địch và đề ra quyết tâm trong những tháng tới là giành một bước thắng lợi toàn diện, yêu cầu tăng cường lực lượng cách mạng trên khắp 3 vùng chiến lược, nhằm đánh bại một bước nữa kế hoạch bình định, xây dựng ngụy quân, củng cố ngụy quyền của địch. Đồn thời ráo riết chuẩn bị những điều kiện mở ra cao trào tiến công nổi dậy quyết liệt, dồn dập, đánh một đòn quyết định vào kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Về hoạt động, chỉ thị 136 đề ra yêu cầu chủ yếu là: “Phát huy sức mạnh cả 3 thứ quân, đánh bại cả Mỹ và ngụy, tiếp tục đánh vào hậu cứ, kho tàng, cơ quan đầu não, trung tâm huấn luyện và trục giao thông, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng… tạo thế kết hợp với quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, làn tan rã cho được phần lớn lực lượng phòng vệ dân sự, phát triển, bao vây đồn bót và ở những nơi có điều kiện phải tập trung chỉ đạo phá từng mảng kìm kẹp của địch, giải phóng nhiều ấp xã”.

Thực hiện chỉ thị 136 của Trung ương Cục miền Nam, hội nghị Khu ủy Khu VI tháng 1 năm 1970, sau khi kiểm điểm tình hình trong Khu đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới như sau: “Ra sức đẩy mạnh tiến công và xây dựng lực lượng nhân dân chuyển biến cho được một bước cục diện chiến trường đồng thời ráo riết chuẩn bị điều kiện để tiến tới một cao trào tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, dồn dập, quyết liệt, tạo một sự chuyển biến có tính chất nhảy vọt.

Yêu cầu trong 6 tháng đầu năm 1970 là phải tiêu diệt, tiêu hao khoảng 50 phần trăm địch hiện có trên chiến trường trong khu, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định, xây dựng và mở rộng thêm vùng giải phóng, làm chủ thực sự trên phần lớn nông thôn, nhất là các vùng trọng điểm, đạt cho được khoảng 270.000 dân vùng ta, xây dựng lực lượng, đẩy phong trào chính trị và du kích chiến tranh ở thành thị lên nhằm giành giữ quyền làm chủ với nhiều mức độ ở cơ sở, nơi nào có điều kiện thì kết hợp quân sự và chính trị đánh chiếm làm chủ có thời gian… xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, quân sự, chính trị, kinh tế… cả ở phía trước và phía sau.

Quân khu bước vào đợt hoạt động Xuân Hè 1970 (gọi là đợt TK) từ cuối tháng 3 đến tháng 6 năm 1970 phối hợp chung với toàn Miền. Trọng điểm một của Khu vẫn là Bình Thuận và trọng điểm hai là Tuyên Đức. Quân khu điều Tiểu đoàn 840 từ Ninh Thuận về lại Bình Thuận và điều Tiểu đoàn 200c đặc công từ Lâm Đồng lên tăng cường cho Tuyên Đức. Miền đã phối thuộc cho Quân khu Trung đoàn 33 (Trung đoàn độc lập) có nhiệm vụ cùng với địa phương đánh địch mở vùng nông thôn Hoài Đức - Tánh Linh (Bình Tuy), tạo bàn đạp phát triển vào vùng sâu của miền Đông Nam Bộ từ hướng đông.

Vào đợt, ở Bình Thuận, các Tiểu đoàn 840, 186 và 240 tiến công căn cứ Sông Mao lần thứ 5 diệt khoảng 600 tên và đánh quân ứng viện giải tỏa, gây thiệt hại nặng cho chiến đoàn 1/50 Mỹ từ Tà Dôn và Camp Êsépic Phan Thiết ra. Tháng 5 năm 1970 lại đánh thiệt hại nặng căn cứ chiến đoàn 1/50 Mỹ tại Tà Dôn. Tháng 6 năm 1970 ta sử dụng đặc công của khu và tỉnh đánh vào hậu cứ Mỹ ở Camp Êsépic lần thứ 3 diệt khoảng 400 tên(1), phá hủy nhiều phương tiện kỹ thuật của địch, có 13 máy bay. Cùng thời gian này lực lượng tỉnh tập kích yếu khu Kim Ngọc, đánh viện, diệt và làm thiệt hại nặng 3 đại đội địch, 1 trận địa pháo 6 khẩu, pháo kích và đánh bằng đặc công vào một số mục tiêu trong thị xã Phan Thiết. Trong suốt đợt TK, bộ đội địa phương, du kích và các đội công tác ở nam và bắc Bình Thuận đều chuyển lên tiến công địch liên tục, đánh vào các ấp, diệt bọn bình định và bọn lùng sục, đánh nhỏ lẻ trên các trục giao thông, tiêu hao được nhiều địch, hỗ trợ cho phong trào phá ấp giành dân. Các đơn vị của Khu, tỉnh sau các trận đánh tập trung đều có phân tán từng đại đội hoạt động nhỏ và vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng.

Ở Bình Tuy, Trung đoàn 33 lần lượt đánh vào các cụm dã chiến hỗn hợp của Mỹ ở Vũ Xu, Quang Hà và Chi khu Tánh Linh, pháo kích vào chốt Mỹ ở Núi Giang, đánh giao thông trên đường số 3 từ Gia Huynh đi Võ Đắc diệt nhiều phương tiện và binh khí kỹ thuật của Mỹ. Trận chống càn ở Núi Lốp, Trung đoàn 33 cùng lực lượng địa phương đã đánh thiệt hại nhiều trung đội, đại đội Mỹ, bắn rơi chiếc trực thăng chở tên thiếu tướng Tư lệnh Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ, cùng với một số sĩ quan tùy tùng, bắt chúng phải đền tội (ngày 2 tháng 4 năm 1970). Lực lượng của tỉnh, huyện và du kích vào các ấp trên đường số 3 từ Võ Đắc đến Tánh Linh.

Ở Lâm Đồng và Ninh Thuận, các lực lượng tỉnh, huyện và du kích đã bám đánh phá các ấp trên đường 20, đường 11 và các ấp ở tây nam Phan Rang, kết hợp đánh phá giao thông. Ninh Thuận tiếp tục pháo kích sân bay Thành Sơn và xây dựng vành đai bắn máy bay lên xuống sân bay (5 tiểu đội du kích lập tuyến bám xung quanh sân bay Thành Sơn). Lực lượng địa phương và du kích Bác Ái, Anh Dũng của Ninh Thuận và căn cứ Bắc Lâm Đồng đánh chống càn, bắn rơi nhiều máy bay, bảo vệ được căn cứ. Đặc biệt tổ du kích ở căn cứ bắc Bảo Lộc (K1) Lâm Đông do đồng chí Kwét chỉ huy đã bắn rơi chiếc trực thăng chở tên trung tướng Tư lệnh sư đoàn bộ binh không vận số 1 của Mỹ, cùng 7 tên sĩ quan tùy tùng, tất cả đều bị thiệt mạng (ngày 7 tháng 7 năm 1970). Liên tiếp 2 ngày sau du kích còn bắn rơi 6 trực thăng Mỹ đến lấy xác đồng bọn, thu 1 đại liên, 7 súng ngắn.


(1) Đánh vào hậu cứ Camp Êsépic lần 1 vào Mậu Thân, lần 2 vào năm 1969.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Hai, 2012, 08:32:13 pm

Ở trọng điểm 2: Tuyên Đức vào đợt TK, Tiểu đoàn 200c đặc công của Khu cùng với lực lượng tỉnh tấn công trường Võ bị Quốc gia, trường chiến tranh chính trị trong thị xã Đà Lạt, chi khu Đơn Dương, Trung tâm huấn luyện cảnh sát dã chiến, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đồng thời, các tiểu đoàn bộ binh tỉnh cùng với bộ đội huyện đánh phá ấp và phục kích đánh viện trên đường 21 kéo dài và đường 20.

Cuối tháng 5 năm 1970 nhận được chỉ thị (của Miền) đánh phối hợp với chiến trường Campuchia, Quân khu chủ trương mở tiến công đồng loạt vào thị xã Đà Lạt, với 2 Tiểu đoàn bộ binh thiếu (810-145), Tiểu đoàn 200c đặc công, các đội biệt động thị xã, cùng lực lượng du kích mật và cơ sở tại chỗ. Với yêu cầu là phải chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng then chốt trong thị xã, làm chủ thị xã ít nhất 2 ngày, gây tác động mạnh, buộc địch phải điều quân đối phó, lo phòng thủ nội địa. Qua đó ta thực hiện được sự phối hợp, hỗ trợ với chiến trường bạn.

Thực hiện ý định trên, đêm 28 rạng ngày 29 tháng 5 năm 1970, trên các hướng, các cánh, các mũi đều đồng loạt đánh chiếm và gây thiệt hại nặng một số mục tiêu quan trọng trong thị xã như: dinh thị trưởng, trường Võ bị Quốc gia, ấp Đa Thiện, trụ sở Vô tuyến viễn thông, Lữ quán Thanh niên; đánh chiếm cao điểm Picorbin và trận địa pháo Tân Lạc, Đa Cát, đồi Đất Đỏ, Lãnh địa Đức Bà… diệt viện đoạn từ thác Pren đến bót Nguyễn Tri Phương và tiếp theo liên tục đánh phản kích ở đồi Đất Đỏ, đồi Bạch Đằng và lãnh địa Đức Bà… Địch đã phải dùng cả bom pháo để hủy diệt. Riêng đơn vị chiếm lĩnh Lãnh địa Đức Bà đã đánh lui 8 đợt phản kích của địch, diệt 1 đại đội và đánh thiệt hại 1 đại đội khác. Ở trường đại học Giáo Hoàng chủng viện - ta đã đánh địch phản kích suốt ngày 29 tháng 5 diệt 1 đại đội và đánh thiệt hại nặng 1 đại đội khác. Qua ngày 30 tháng 5 ta chuyển ra đứng tại ấp Đa Thiện tiếp tục đánh địch phản kích và đến sáng ngày 31 tháng 5 năm 1970 ta mới rút ra. Kết quả ta diệt được gần 1.000 tên, diệt 2 đại đội đánh thiệt hại 3 đại đội (Trung đoàn 53), phá trụ sở Vô tuyến viễn thông, đánh chiếm dinh 2, cao điểm Picorbin, Lãnh địa Đức Bà, đồi Đất Đỏ và đánh thiệt hại nặng dinh Thị trưởng - trận địa pháo Tân Lạc.

Du kích và biệt động đã phối hợp diệt 1 bót cảnh sát, diệt một số ác ôn và phát triển thế diện. Lực lượng quần chúng đã hưởng ứng, nổi dậy truy lùng bọn tề ác trong một số khu phố, treo cờ, khẩu hiệu tiếp tế cơm nước cho bộ đội, cho mượn cuốc xẻng đào hầm. Ở trường Đại học, học sinh, sinh viên hăng hái đưa bàn ghế, giường tủ ra làm chướng ngại vật.

Qua đợt tiến công bất ngờ, địch đối phó lúng túng. Các lực lượng đều bị đánh, bị tiêu hao, nhiều mục tiêu quan trọng bị đánh phá, liên lạc vô tuyến Đà Lạt - Sài Gòn bị gián đoạn. Địch hoảng hốt phải điều lực lượng từ các nơi đến để chi viện và giải tỏa. Sáng 30 tháng 5 điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 53) từ Đơn Dương lên; sau đó điều tiếp 2 tiểu đoàn từ Di Linh, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 44) ở Sông Mao (Bình Thuận) và 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 22 từ Quy Nhơn vào để giải tỏa Đà Lạt.

Dư luận báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ(1) cho đây là cuộc tiến công lớn nhất vào một thành phố ở miền Nam Việt Nam, kể từ sau Tết Mậu Thân…

Trong đợt tiến công này, bộ đội ta đã làm tốt chính sách dân vận, khi vào vùng Công giáo ở Lãnh địa Đức Bà, Giáo hoàng Chủng viện, bộ đội vừa chiến đấu đánh địch, vừa phân công cán bộ làm công tác tuyên truyền, giải thích chính sách cho quần chúng giáo dân, trong đó có một số cha cố của Chủng viện. Địch đã dùng đạn có chất độc hóa học bắn vào Chủng viện. Ta đã giúp họ phòng tránh và cứu chữa những người bị ngạt, gây được ảnh hưởng tốt; nên sau khi rút ra, địch đến tuyên truyền xuyên tạc, đã bị giáo dân ở đây phản bác thẳng thừng, nói lên những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Chiến công này đã được Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền gửi điện khen ngợi.

Tính chung trong Xuân Hè năm 1970, toàn Khu đã diệt 20.113 địch, bắn rơi và phá hủy 188 máy bay các loại, 340 xe tăng và xe bọc thép, 74 khẩu pháo, cối 81 ly(2). Bộ đội địa phương huyện, du kích lộ và du kích biệt động mật, các đội công tác, lực lượng an ninh đã đánh bọn kìm kẹp và quân yểm trợ diệt 5.543 tên (trong tổng số 13.900 tên địch).

Các lực lượng vừa đánh địch, vừa vũ trang tuyên truyền gần 1.100 lần vào 400 khu ấp chiến lược (có 40 phường, ấp nằm trong các thị xã) với 36.000 lượt quần chúng, tấn phát hơn 100.000 truyền đơn, diệt 503 tên ác, bắt cải tạo 350 tên và cảnh cáo giáo dục tại chỗ gần 450 tên khác.

Ở một số xã, ấp đã hình thành được 3 mũi đấu tranh tại chỗ trong chống phá bình định, giành quyền làm chủ, nâng được khí thế quần chúng lên. 6 tháng đầu năm 1970 đã vận động đào rã ngũ 3.160 tên. Diện lỏng rã kìm được mở rộng, số dân bung ra làm ăn trên ruộng, vườn đất cũ ngày càng đông (Bình Thuận có 13.000 người, Lâm Đồng 8.000 người), nhưng vẫn chưa ngăn được kế hoạch bình định của địch, chưa chuyển được cục diện chiến trường. Đến tháng 6 năm 1970, vùng căn cứ giải phóng có 24.950 dân, vùng làm chủ khoảng 72.000 dân, vùng tranh chấp 116.000 dân, vùng lõng kìm 130.000 dân, vùng yếu, vùng bị kìm (thị trấn, thị xã) còn 235.000 dân. Vậy là so với yêu cầu giành dân, mở vùng đã đề ra thì còn xa mới đạt được. Ta có cố gắng phá đi, phá lại nhiều lần, nhưng địch cũng tập trung lực lượng làm đi, làm lại nhiều lần, nhất là chúng dùng mọi cách triệt phá cơ sở cách mạng tại chỗ, phong tỏa ngăn chặn lực lượng ta từ bên ngoài vào, kìm chặt quần chúng bên trong, tăng cường sĩ quan nắm lực lượng bình định, củng cố các tổ chức Phượng Hoàng, phân chi khu cảnh sát xã, phát triển mạng lưới tề điệp ngầm(3). Do lực lượng so sánh quá chênh lệch những cũng có phần do cách hoạt động của ta chưa thích hợp, chưa đi sâu nghiên cứu đánh trúng vào các thủ đoạn nguy hiểm của địch, nặng dùng lực lượng bên ngoài đánh địch, chưa vận dụng tốt các phương thức để xây dựng, phát huy lực lượng tại chỗ, kết hợp lực lượng trong và ngoài để tiến công địch; vì vậy tuy ta có đánh diệt được địch nhưng lại mất dân, mất ấp và gặp thêm khó khăn.


(1) Các báo Công luận, Chính luận, Tiền tuyến, Đuốc Nhà Nam… xuất bản tại Sài Gòn những ngày đầu tháng 6 năm 1970, lưu tại Thư viện khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
(2) Theo số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 1970 của Khu ủy - Quân khu VI.
(3) Phượng Hoàng là một tổ chức đơn thuần tình báo do Phân cục tình báo CIA Mỹ ở Sài Gòn lập ra từ cuối năm 1967. Từ tháng 7 năm 1968, Mỹ chuyển giao cho ngụy nhưng tiếp tục điều khiển thông qua 300 cố vấn đặc trách bình định ở các tỉnh và quận. Từ 1969 trở đi tổ chức này phát triển nhanh với quy mô lớn và sâu rộng từ trung ương đến địa phương, đảm nhận vai trò có tính chất quyết định trong chương trình bình định. Tổ chức này được Mỹ mệnh danh là “con chim của thần chết” do tính dã man, tàn bạo của nó trong hoạt động. Mục tiêu chính của hoạt động này là “diệt và vô hiệu hóa hạ tầng cơ sở cách mạng, bình định quần chúng nhân dân”.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:47:20 pm
II. CHUYỂN MẠNH VÀO NHIỆM VỤ TRUNG TÂM
ĐÁNH PHÁ BÌNH ĐỊNH

Từ tháng 7 năm 1970, địch chuyển sang thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt”. Chúng ra sức triệt phá cơ sở cách mạng, bình định các ấp ta đang tranh chấp, lấn chiếm các ấp ta làm chủ và giải phóng, củng cố và hoàn chỉnh bộ máy ngụy quyền ở cơ sở, thực hiện kế hoạch tự phòng thủ xã, ấp, lập nhiều tuyến ngăn chặn từ xa, giành giữ các địa bàn trọng yếu.

Sau đợt TK, từng loại quân, từng đơn vị có tổ chức những phân đội nòng cốt ác ôn chuyên đánh biệt kích, phục kích, đột kích, gài đánh mìn… Chúng đẩy bọn này bung ra hoạt động nhỏ, lẻ từng tiểu đội, trung đội, đại đội quanh đồn bót, ấp, lùng lội phục kích, nhất là phát triển mạnh việc đánh mìn trên các hướng ta có thể ra vào, cả đêm và ngày.

Chúng điều chỉnh lại thệ thống đồn bót cũ, đóng thêm đồn bót mới, các cụm lô cốt quanh một số khu ấp chiến lược đông dân, tiến hành phát quang, ủi trống địa hình dọc một số trục giao thông chính như đường số 1, đường 20… quanh một số thị xã, ấp chiến lược. Với những thủ đoạn trên, địch đã gây cho ta nhiều tổn thất, việc đi lại hoạt động rát khó khăn.

Ở vòng ngoài, địch dùng quân cộng hóa và quân Mỹ kết hợp với bảo an, dân vệ, biệt kích càn quét, dùng trực thăng đổ chụp, phi pháo đánh phá vùng giáp ranh và căn cứ giải phóng để diệt cơ quan, phá hoại kho tàng, cơ sở sản xuất, ngăn chặn hành lang, khu vực đánh phá liên tục và dài nhất là mảng phía tây Tuyên Đức, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Tuy (đánh bên sườn của miền Đông Nam Bộ để dọn bãi bến cho Mỹ xuống thang, rút quân).

Cũng trong thời gian này chúng rút dân quân Mỹ và chư hầu(1) đưa Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23) về Bình Thuận, Trung đoàn 53 về Tuyên Đức và Lâm Đồng. Giao cho bảo an, dân vệ, cảnh sát từng bước đảm nhiệm phòng thủ địa phương, chuyển quân cộng hòa lên làm nhiệm vụ cơ động bên ngoài. Ghép thêm 2 tiểu đoàn bảo an cho Bình Thuận và Tuyên Đức và một số liên đội bảo an cho các tỉnh, tích cực phát triển lực lượng phòng vệ dân sự để thanh thế dân vệ và bảo an giữ ấp.

Tháng 8 năm 1970, tiếp theo các chỉ thị số 18/CT, 21/CT và 25/CT của Thường vụ Trung ương Cục, Hội nghị Khu ủy mở rộng nhận định tình hình địch, ta trong Khu và bàn biện pháp chuyển mạnh qua trọng tâm đánh phá kế hoạch bình định của địch với nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể như sau:

“Trên cơ sở cải tiến chỉ đạo, phát huy sức tiến công của ta lên một bước, tập trung sức vừa đẩy mạnh tiến công, vừa phát động quần chúng nổi dậy đánh bại một bước âm mưu bình định của địch. Trước mắt là đánh bại bình định trong mùa mưa, phá cho được một số mảng, chuyển một số vùng lên làm chủ (nhất là ở trọng điểm), phá lỏng rã kìm trên một diện rộng; đồng thời ra sức xây dựng tích lũy lực lượng ta về các mặt (phong trào chính trị và du kích chiến tranh tại chỗ) để tạo thêm thế và lực mới, chuẩn bị cho Đông Xuân đến…”(2).

Hội nghị cũng đã bàn các phương thức hoạt động và xây dựng của các lực lượng vũ trang, của đấu tranh chính trị và binh vận và xây dựng phát triển thực lực bên trong, bảo đảm chuyển được 3 mũi tại chỗ và phong trào du kích chiến tranh lên một bước.

Trong lúc triển khai thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ trên, ngoài khó khăn về địch, ta còn gặp một số khó khăn như quân số rất thiếu, lực lượng và phong trào 3 mũi còn yếu, đảm bảo vật chất hậu cần đang thiếu hụt, có ảnh hưởng đến đời sống, và hoạt động của các lực lượng; nội bộ nổi lên tư tưởng ngần ngại lâu dài, hy sinh gian khổ. Nhưng qua học tập, tình hình có chuyển biến một bước, nên 6 tháng cuối năm, toàn Khu vẫn đẩy được hoạt động liên tục, từng bước, có những đợt cao điểm đồng loạt, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh(3), đã đánh được một số trận tiêu diệt bọn bên trên, gây thối động (đánh Camp Êsépic, chi khu Hàm Tân) nhất là đã phát triển được lối đánh nhỏ vào bọn bên dưới, diệt được nhiều lực lượng kìm (chiếm tỷ lệ 60 phần trăm trong tổng số địch bị diệt), kết hợp tác chiến với vũ trang tuyên truyền diệt ác, hỗ trợ 3 mũi tại chỗ.

Nhưng đến cuối năm 1970, ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, xâm nhập vào ấp để đánh địch, tiếp xúc với dân, giải quyết tiếp tế lương thực, thực phẩm, có nơi gần như bế tắc. Thực lực cách mạng ở xã, ấp phát triển không được bao nhiêu, nhiều ấp còn trắng hoặc có nhưng không liên lạc được với ta, riêng lực lượng vũ trang ngày cảng bị giảm sút về số lượng(4), chất lượng nâng lên không kịp.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình tên là do ta chưa có sự chuyển biến toàn diện sâu sắc đối với nhiệm vụ trung tâm là đánh bại kế hoạch bình định của địch, nhất là chưa tập trung sức đánh bại các thủ đoạn và biện pháp đánh phá cơ sở, làm mất chỗ dựa của ta ở xã ấp. Tư tưởng lúc đầu có chủ quan nôn nóng, nhưng sau gặp khó khăn, phức tạp thì thấy khó khăn lâu dài, thiếu tích cực xốc tới.

Mặt khác, qua 2 năm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy hết đợt này đến đợt khác, lực lượng của ta bị tiêu hao, giảm sút nhiều. Địch bị tổn thất nhiều nhưng có được bổ sung, chi viện và cố giành giựt quyết liệt với ta tại địa bàn xã, ấp và ngăn chặn ta từ bên ngoài.


(1) Mỹ rút các chi đoàn 1/50, 2/, 2/15, d3/506 ở Camp Êsépic Bình Thuận, Lữ 199 ở Bình Tuy nhưng lại đưa đến một số tiểu đoàn kỵ binh không vận để thay thế, từng bước chuyển giao căn cứ không quân Thành Sơn cho quân ngụy.
(2) Trích Nghị quyết Hội nghị Khu ủy mở rộng từ ngày 5 đến 14 tháng 8 năm 1970;
(3) Từ 1 tháng 7 năm 1970 đến tháng 12 năm 1970, toàn Khu đã diệt 12.044 tên địch (có 2.240 tên Mỹ), làm đào, rã ngũ 1.552 tên (có 600 phòng vệ dân sự), diệt một Chi khu, 2 cứ điểm, 18 đại đội, 43 trung đội, 1 đoàn bình định, bắn rơi và phá hủy 102 máy bay, đánh hỏng 279 xe quân sự (có 13 xe tăng và xe bọc thép), 16 khẩu pháo, đánh sập 14 cầu, 14 cống, làm gián đoạn giao thông đường số 1, số 8, 11 từ 1 đến 7 ngày, thu 150 súng.
(4) Trong năm 1970, toàn khu chỉ rút được 240 tân binh địa phương và 139 du kích bổ sung cho bộ đội.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:47:38 pm
Tập trung cao cho nhiệm vụ đánh phá bình định

Ở Khu VI, địch tiếp tục thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt”. Đến tháng 4 năm 1971 thì chuyển sang kế hoạch “bình định phát triển” giai đoạn 1, với nội dung tự vệ, tự quản, tự túc, củng cố và mở rộng vùng an ninh, mở rộng lấn chiếm ra vùng tranh chấp, giải phóng, gom hết số dân còn lại về vùng kiểm soát của chúng. Tăng cường xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, tổ chức các đoàn thể phản động và từng bước phát huy chức năng hoạt động của các loại quân tại chỗ. Đồng thời khôi phục tuyến đường sắt để giải quyết lưu thông và cũng để lập thêm tuyến ngăn chặn ta từ vùng núi xuống đồng bằng ở 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Phần ta, sang đầu năm 1971, tình hình đánh phá kế hoạch bình định trên toàn Miền vẫn còn nhiều khó khăn. Trung ương Cục và Quân ủy Miền tiếp tục ra nhiều chỉ thị về nhiệm vụ đánh phá bình định (chỉ thị số 33/CT70, 01/CT71…). Tháng 3 năm 1971, Hội nghị Khu ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 1971 như sau:

“Trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ, bước đi trước mắt và phương châm sách lược của Đảng, tập trung mọi khả năng đẩy mạnh tiến công 3 mũi và xây dựng lực lượng các mặt trên 3 vùng, nhằm chống phá kế hoạch bình định của địch, trước hết là đánh sụp lực lượng kìm ở cơ sở, giành quyền làm chủ hầu hết xã, ấp, phá lỏng hệ thống phòng thủ khống chế ở nông thôn, mở rộng nâng cao các phong trào thành thị, giữ vững các địa bàn căn cứ các trục hành lang, làm cho kế hoạch bình định của địch thất bại một bước nặng nề, tạo ra thế lực mới trên 3 vùng, tạo ra thế chủ động tiến công mới, trên cơ sở của phong trào quần chúng và phong trào du kích chiến tranh rộng mạnh…”.

Về hoạt động quân sự, trước hết phải nhằm vào lực lượng “bình định” của địch, tập trung đánh sụp lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, phá lỏng hệ thống khống chế của địch ở nông thôn, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, đồng thời coi trọng đánh phá hậu phương, hậu cứ, kho tàng, cơ quan đầu não của địch, diệt sinh lực và phương tiện kỹ thuật của địch.

Về xây dựng, ưu tiên bổ sung phát triển bộ đội huyện, đổi mới công tác và đi sâu xây dựng du kích mật, an ninh mật, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng nói trên để làm đòn xeo cho phong trào 3 mũi tại chỗ.

Tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động vũ trang phải nằm vững phương châm tập trung, phân tán linh hoạt, phải biết vận động thích hợp với điều kiện cụ thể, trong thời điểm cụ thể các phương thức:

- Vũ trang công tác, vũ trang tuyên truyền trừ gian, diệt ác.

- Thọc sâu, đánh đau, đánh hiểm của bộ đội đặc công, biệt động, du kích mật, các phân đội nhỏ của chủ lực phân tán xuống tăng cường cho địa phương.

- Vây, lấn, tấn, diệt, tạo thể mở vùng và trụ lại các xã ấp.

- Mở chiến dịch tổng hợp đánh phá “bình định” trên từng khu vực với quy mô thích hợp.

- Mở hội nghị rút kinh nghiệm đánh phá bình định trong năm 1970 và tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ cả về công tác và chiến kỹ thuật.

Thượng tuần tháng 3 năm 1971, Quân khu mở một đợt cao điểm, tiến công đồng loạt phối hợp với chiến trường chung toàn Miền, với đường số 9 Nam Lào và đông bắc Campuchia. Tại trọng điểm Bình Thuận, các Tiểu đoàn 840, 482 và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 33 phối hợp với các lực lượng bộ đội địa phương đã cài thế bố trí sẵn đánh được nhiều trận, diệt bọn bung ra giải tỏa chi viện liên tục trong một số ngày, ngay tại vùng ven Phan Thiết, trên đường số 8 và trên đường Ngã Hai - Mường Mán; diệt và đánh thiệt hại nặng 5 đại đội và 12 trung đội thuộc đối tượng bảo an, dân vệ, cảnh sát, thám báo, biệt kích. Các lực lượng bộ đội địa phương huyện, du kích, đội công tác đã đột nhập vào gần 20 khu ấp chiến lược, đánh bọn tề ác, bọn bình định, vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm. Ở Thuận Phong, Tiểu đoàn 186 đột nhập vào ấp Gò, đánh quân giải tỏa, diệt 1 xe. Đêm 22 tháng 3, đặc công Quân khu đánh vào căn cứ Sông Mao lần thứ 7, diệt 150 tên địch.

Lâm Đồng đánh diệt hậu cứ Liên đội bảo an Quang Trung, phá khu ấp Việt kiề ở sát thị xã Blao, đột nhập đánh địch ở các ấp Tân Lạc, Liên Đầm, Đồng Lạc trên đường 20.

Ninh Thuận đánh diệt 1 đoàn bình định ở Nhuận Đức, đánh phá giao thông trên đoạn đường 11 Tháp Chàm.

Tuyên Đức diệt ác và vũ trang tuyên truyền, móc nối cơ ở ở các ấp ven thị xã Đà Lạt, đường 20, đường 21 và đánh bọn lùng sục ra vùng bàn đạp Đức Trọng.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:47:55 pm
Bình Tuy đánh phá một số ấp sát chi khu Hàm Tân và đánh 3 đại đội địch từ Lagi kéo lên chi viện. Qua hoạt động, tuy ta có đánh một số trận đạt hiệu quả chiến đấu khá, nhưng Khu ủy và Quân khu thấy cơ sở vẫn còn yếu, phải tăng cường hơn nữa lực lượng bên dưới đủ sức làm nhiệm vụ, nên chủ trương giải thể tiểu đoàn 24C bộ binh của Khu để bổ sung chủ yếu cho bộ đội địa phương của tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, điều chỉnh Tiểu đoàn 200c đặc công thành 1 đại đội đặc công tăng cường, lấy quân số còn lại bổ sung cho các đội biệt động Đà Lạt - Tuyên Đức. Thu hẹp Tiểu đoàn 130 hỏa lực của Khu thành 1 đại đội hỏa lực tăng cường, quân số còn lại bổ sung cho các tiểu đoàn của Quân khu và tỉnh. Quân khu bổ sung đại đội 216 đặc công cho Lâm Đồng, Đại đội 71 trinh sát và Đại đội 10 công binh cho Bình Tuy. Giải thể Đại đội 115 (nữ) của Quân khu để bổ sung cho đoàn vận tải H50, số còn lại bổ sung cho các đôi vũ trang công tác của Bình Thuận. Gần một trăm cán bộ và chiến sĩ của các cơ quan Khu ủy và Quân khu được rút ra bổ sung cho các tỉnh và huyện. Ngoài ra, các đơn vị tập trung của tỉnh (như Tiểu đoàn 145 của Tuyên Đức, Tiểu đoàn 610 của Ninh Thuận, Tiểu đoàn 481 (thiếu) đặc công của Bình Thuận, Đại đội 745 bộ binh của Lâm Đồng) cũng tinh giản biên chế để có quân số bổ sung cho lực lượng huyện và các đội vũ trang công tác. Lúc này, Miền giao huyện Khiêm Đức và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Quảng Đức cũ về cho tỉnh Lâm Đồng, giao huyện Kiến Đức và Phước Long, cá huyện Đức Xuyên, Đức Lập về tỉnh Đắc Lắc (không còn tỉnh Quảng Đức).

Qua điều chỉnh biên chế, lực lượng các huyện được tăng cường, nhất là được tăng thêm thành phần đặc công và công binh. Đội công tác cũng được tăng thêm 30 đội cả về số lượng và chất lượng. Một số địa phương còn đưa một số cán bộ và chiến sĩ ém vào trong dân, để làm nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang tại chỗ, nhất là các ấp vùng sâu và thị xã.

Cuộc chiến đấu giành giật vùng nông thôn giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Từ mùa hè năm 1971, một độ các cuộc hành quân cảnh sát của địch tăng gấp rưỡi và hành quân càn quét vùng giáp rang tăng gấp đôi năm 1970. Nhưng nhờ tăng cường lực lượng cho cơ sở, với sự tập trung chỉ đạo của các cấp vào địa bàn xã ấp, với thế bố trí mới kết hợp được giữa lực lượng bên trong và bên ngoài, nên công tác đánh phá bình định của các địa phương dần dần chuyển biến tốt. Khó khăn, gian khổ nhiều, nhưng cán bộ đảng viên, chiến sĩ ngày đêm bám sát ấp, xã diệt ác, phá kìm, phát động quần chúng, đẩy được phong trào 3 mũi phát triển. Khá nhất là du kích các ấp Bình Lâm, Tân An, Tuy Hòa, xóm Gò của Bình Thuận, du kích Tháp Chàm của Ninh Thuận, du kích Đạ Roan của Lâm Đồng…

Cán bộ về làng, bộ đội và du kích bám xã - ấp, bọn đầu sỏ ác ôn bị diệt, thế kìm của địch lỏng dần, quần chúng càng kiên quyết đấu tranh chống địch, cơ sở từng bước được phục hồi.

Tính từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1971, toàn Khu đã xóa được 63 ấp trắng và nối lại hàng trăm cơ sở bị đứt liên lạc, việc kèm cặp, bồi dưỡng làm được nhiều hơn trước, chất lượng cơ sở được nâng lên.

Cao điểm từ 23 tháng 9 năm 1971 đến 15 tháng 10 năm 1971: để hỗ trợ cho phong trào chống phá bầu cử Hạ nghị viện và Tổng thống ngụy, các chiến trường đã chuyển lên hoạt động đều, phối hợp được trong ngoài tốt hơn, đánh diệt chi khu Đức Trọng, đánh vào các thị trấn Phan Rí, Tùng Nghĩa, Cầu Đất, đánh đồn Thiện Chánh, 3 phân chi cảnh sát và 4 cụm lô cốt khác; đột nhập vào nhiều ấp chiến lược, tiến công bằng đặc công và pháo kích vào các mục tiêu trong thị xã Phan Thiết, Lagi, Blao, Đà Lạt, Chi khu Hòa Đa, Chi khu Thiện Giáo, Trung tâm huấn luyện Đức Trọng, vũ trang tuyên truyền nhiều lần vào các ấp chiến lược treo cờ, khẩu hiệu và tấn phát nhiều truyền đơn, vạch mặt trò hề bầu cử của ngụy.

Tình hình được chuyển biến như trên cũng có phần nhờ sự tác động của tình hình chung, nhất là chiến thắng ở đường 9 Nam Lào, ở Campuchia (Chen la 1 - Chen la 2) buộc địch phải tập trung đối phó; nhân lúc địch gặp rối ren nhân dân đã mạnh dạn vươn lên đấu tranh chống gom dân, đòi bung về vườn đất cũ sản xuất.

Đặc biệt, phong trào đấu tranh chống phá bầu cử Hạ nghị viện và Tổng thống ngụy diễn ra từ đầu tháng 8 năm 1971 và ngày càng sôi nổi từ thành thị lan ra nông thôn. Nổi bật là Đà Lạt, mặc dầu địch tìm cách dọa dẫm, ngăn chặn nhưng các cuộc hội thảo và biểu tình vẫn diễn ra. Sinh viên, học sinh, công chức, cả thương phế binh và binh lính cũng tham gia chống bầu cử gian lận kéo dài trong nhiều ngày.

Công tác tuyên truyền thời sự và phổ biến chính sách trong hàng ngũ địch có tác dụng phân hóa cô lập số xấu, tranh thủ được nhiều binh lính và nhân viên ngụy quyền, góp phần làm lỏng rã kìm. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1971 đã có 2100 tên đào rã ngũ, có một số chịu nhận công tác cách mạng giao.

Tóm lại, năm 1971, tình hình các mặt trong Khu có tiến bộ, tính đến tháng 10 năm 1971, dân vùng làm chủ có 50.607, vùng tranh chấp 77.673, vùng lõng kìm 122.423 và vùng còn bị kìm là 235.000; dân vùng căn cứ giải phóng ổn định hơn, nối liền phía sau và phía trước, miền núi và đồng bằng; việc ăn ở, đi lại học tập của các cơ quan và lực lượng được rộng rãi hơn; nhân dân đã đóng góp được nhiều sức người, sức của cho phía trước, sản xuất lương thực, lúa, bắp, sắn đều tăng, không những đủ cung cấp cho các lực lượng địa phương mà còn giải quyết một phần cho lực lượng trên (Trung đoàn 33 Miền) và Quân khu bạn (Quân khu VII).

Từ năm 1969 đến năm 1971 là một trong các thời kỳ có nhiều khó khăn, gian khổ của Đảng bộ và quân dân Khu VI. Lúc đầu do chưa đánh giá đúng bản chất ngoan cố xảo quyệt của địch, nhất là chưa dự kiến đầy đủ khả năng chúng vừa xuống thang chiến tranh, vừa tập trung sức đánh phá ta, ta lại chưa có chủ trương và biện pháp đối phó thích hợp và kịp thời nên phong trào gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Sau đó, được sự chỉ đạo của trên, kiểu cách hoạt động được sửa đổi, chuyển mạnh xuống địa bàn xã ấp, phá kìm giành dân kết hợp với đánh lực lượng yểm trợ bên trên, nên tình hình đã chuyển biến; nhất là với thắng lợi Xuân Hè năm 1971 ở trong Khu và thắng lợi to lớn của toàn Miền tác động, phong trào trong Khu ước đầu có thêm thế và lực mới, có thêm điều kiện để bước vào năm 1972 giành thắng lợi lớn hơn.

Thực tiễn cho thấy: trước một đối tượng tác chiến mà mỗi lần chúng thay đổi chiến lược chiến tranh là mỗi lần chúng thay đổi cả biện pháp, thủ đoạn, nếu ta chỉ chú ý đến những âm mưu lớn mà không nắm được những biện pháp, thủ đoạn cụ thể của địch, để có chủ trương đối phó thích hợp, thì sẽ lâm vào thế bị động, khó khăn và tổn thất. Cố nhiên nó không thể xoay chuyển được xu thế phát triển cơ bản của tình hình nhưng nó cũng làm chậm bước tiến của ta, bắt ta phải trả giá.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:50:08 pm
III. CÙNG TOÀN MIỀN THỰC HIỆN CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC NĂM 1972,
GÓP PHẦN GIÀNH THẮNG LỢI BUỘC ĐỊCH PHẢI KÍ KẾT
HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM

Trên toàn miền, trong năm 1971, các chiến trường đã đánh phá có kết quả kế hoạch bình định của địch, ngăn chặn và đẩy lùi chúng ở nhiều nơi, thực hiện phá lỏng rã kìm trên một diện rộng và xây dựng thêm được thế mới trên mặt trận đánh phá bình định. Đồng thời ở Campuchia và đường 9 Nam Lào, ta đã đánh thắng giòn giã cuộc phản công mùa khô của quân ngụy, có không quân Mỹ hỗ trợ.

Tháng 5 năm 1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định nhiệm vụ tiến công chiến lược năm 1972 như sau: “… Động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của Mỹ ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”.

Tháng 10 năm 1971, Trung ương Cục họp Hội nghị lần thứ 11 để quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị và đề ra nhiệm vụ trong năm 1972 là cùng với các chiến trường khác trên toàn Miền, với 3 quả đấm chiến lược(1) đánh bại về cơ bản chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và giành thắng lợi lớn trên chiến trường Campuchia, đồng thời cũng chuẩn bị đánh lâu dài nếu địch còn ngoan cố. Thường vụ Trung ương Cục và Quẩn ủy Miền cũng đề ra quyết tâm cụ thể cho từng chiến trường trong toàn Miền. Riêng đối với Khu VI, Miền chỉ đạo mở chiến dịch tổng hợp ở khu vực trọng điểm đánh phá bình định của Khu. Đồng chí Lê Văn Hiền, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó bí thư Quân khu ủy đã dự Hội nghị này(2).

Tháng 12 năm 1971, Hội nghị Khu ủy mở rộng. Sau khi nghe đồng chí Lê Văn Hiền truyền đạt quán triệt Nghị quyết của Trung ương Cục, Hội nghị đã bàn và đề ra nhiệm vụ cho toàn Khu là: “… Nỗ lực khẩn trương phấn đấu đánh sụp một bước nghiêm trọng ngụy quân, ngụy quyền (chủ yếu là cơ sở) và âm mưu bình định của địch, phá lỏng rã kìm; mở cơ sở và phong trào trên hầu hết xã, ấp, xây dựng nâng lên làm chủ nhiều mức độ đại bộ phận nông thôn, kết hợp với bung dân ra khôi phục vùng giải phóng cũ, mở thêm những lõm giải phóng mới, lập thế liên hoàn giữa các vùng; đồng thời ra sức đưa phong trào thành thị lên phối hợp với cao trào đấu tranh của các đô thị trong Miền; hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho phong trào đánh phá bình định ở nông thôn; ra sức xây dựng ta về các mặt. nhất là xây dựng lực lượng tại chỗ ngày càng vững mạnh để đủ sức liên tục tiến công và nổi dậy giành thắng lợi lớn, sẵn sàng chủ động đối phó với mọi tình huống.

Tháng 1 năm 1972, Quân khu mở Hội nghị cán bộ trung cao cấp trong toàn Quân khu, để học tấp, quán triệt Nghị quyết, chủ trương hoạt động của Miền và của Khu ủy, và kinh nghiệm mở chiến dịch tổng hợp đánh phá bình định (một loại hình chiến dịch mới, mà Miền mới tổng kết).

Lúc này trong Khu, quân Mỹ còn khoảng 1.500 tên, chủ yếu là lực lượng yểm trợ của không quân Thành Sơn và pháo binh, công binh. Quân cộng hòa còn 2 trung đội bộ, 9 tiểu đoàn nhưng đang điều dần đi các chiến trường chính; đến cuối tháng 3 năm 1972 chỉ còn 1 tiểu đoàn cộng hòa và chi đoàn bọc thép 2/8 ở Bình Thuận. Chúng đang ra sức huấn luyện và tăng cường trang bị cho lực lượng địa phương, nâng dần chức năng cơ động của bảo an và dân vệ, lập thêm một số tiểu đoàn, ghép thêm các liên đội bảo an cho các tỉnh; huấn luyện bọn này sử dụng cơ giới và trực thăng; xây dựng phát triển lực lượng phòng vệ dân sự giữ ấp; tăng thêm các phân chi cảnh sát xã, nâng bọn này lên thành lực lượng nòng cốt, kìm kẹp quần chúng, ngày đêm lùng sục truy bắt cơ sở. Bên ngoài dùng quân cộng hòa còn lại nống ra vùng giáp ranh, đột sâu vào một số vùng căn cứ để vừa đánh phá, vừa phát hiện, ngăn chặn sự tiến công mùa khô của ta.

Mở chiến dịch tổng hợp đánh phá bình định

Để thực hiện quyết tâm chung của Miền và Nghị quyết tháng 12 năm 1971 của Khu ủy, Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy Quân khu chủ trương mở chiến dịch tổng hợp. yêu cầu của chiến dịch là: đánh phá bình định ở trọng điểm Bình Thuận tiêu hao và làm tan rã một lực lượng bảo an cơ động, dân vệ, cảnh sát, phá lỏng, phá rã bộ máy kìm kẹp, bung dần về khôi phục vùng giải phóng cũ, mở thêm những lõm giải phóng mới, nâng thế làm chủ nhiều mức độ trên đại bộ phận nông thôn còn lại, phát triển cơ sở và đưa phong trào thị xã, thị trấn lên một bước mới, cắt giao thông… phối hợp với các chiến trường trong toàn Miền.

Khu vực Tam giác đường số 8 và đường số 1, đoạn từ Lương Sơn đến Tà Nung (đông bắc Phan Thiết) là điểm tiến công thu hút tiêu diệt lực lượng cơ động của địch, tạo thuận lợi cho nhân dân khu vực Tam giác đường số 8 nổi dậy giành quyền làm chủ và bung về vườn đất cũ.

Lực lượng sử dụng là các tiểu đoàn của Khu, Tiểu đoàn 482 của tỉnh, bộ đội huyện và du kích. Thời gian chiến dịch từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1972, chia làm 3 đợt, đồng thời cũng là 3 cao điểm để các chiến trường khác trong toàn Quân khu phối hợp.

Mở màn chiến dịch: ngày 6 tháng 4, ta dùng đặc công tiêu diệt cứ điểm Lương Sơn (Bình Thuận), nhưng đánh không gọn, ta chuyển sang vây ép, khống chế các cứ điểm Cây Táo, Gộp… gài, kéo đánh các lực lượng đi chi viện và giải tỏa của chi khu, tiểu khu. Kết quả là: đã đánh diệt và gây thiệt hại một số đại đội, trung đội bảo an và bọn cơ giới, thu hút được các tiểu đoàn bảo an cơ động của tiểu khu và chi đoàn xe bọc thép 2/8,tạo thuận lợi cho các địa phương đấu tranh 3 mũi phá ấp, phá kìm; nhất là trên trục đường số 8 và đường số 1 (bắc và đông bắc Phan Thiết) bộ đội địa phương và du kích đẩy hoạt động, diệt được các lô cốt lẻ, bao vây đồn bót, đánh bọn gài mìn phục kích; đột vào ấp đánh lực lượng kìm, phát động quần chúng, du kích mật ở một số xã đã diệt cảnh sát, ác ôn, uy hiếp, phân hóa, tranh thủ phòng vệ dân sự. Quần chúng đã nhân dịp này kết đấu tranh chính trị và binh vận chống phá sự kìm kẹp của địch, chống bắt lính, bảo vệ thanh niên, đòi bung về ruộng vườn đất cũ làm ăn. Trên cánh đồng Tam Giác, Hàm Phú, Hàm Trí và dọc sông Khiêng, này càng có nhiều bà con bung ra làm ăn, dựng chòi trại ở lại. Binh lính được quần chúng tuyên truyền mười chính sách của Mặt trận nên đã tỏ thái độ làm ngơ hoặc đồng tình để cho dân hành động, tránh né lực lượng ta, không chịu đi viện, bỏ gác, v.v.

Trong hai tháng 6 và 7 năm 1972 ta liên tiếp có những trận tập kích vào Camp Êsépic, vào thị xã Phan Thiết, căn cứ Sông Mao và các chi khu Hải Ninh, Hòa Đa, Thiện Giáo, tiến công phá rã một số ấp chiến lược, đưa 32.000 dân lên làm chủ, phá lỏng rã kìm 65.000 dân, vận động rã ngũ 560 bảo an, dân vệ, 350 phòng vệ dân sự. Ở Tuyên Đức, Tiểu đoàn 810 và Đại đội 816 tiến công địch ở các ấp Phú Hội, Tùng Nghĩa và trục đường 21 kéo dài hỗ trợ nhân dân phá kìm ở các ấp Phú Sơn, Gia Thạnh, Đa Huynh; mở rộng đường hành lang từ căn cứ tỉnh Lâm Đồng qua đường 21 kéo dài đến Nam Ban, vùng bàn đạp tây nam thị xã Đà Lạt; trong thành phố, biệt động và tự vệ mật diệt được một số ác ôn.

Lực lượng vũ trang Lâm Đồng phá các ấp chiến lược “Minh Rồng - An Lạc”, đánh phá cắt đứt nhiều đoạn giao thông trên đường 20, khai thông được hành lang Nam - Bắc đường 20, đoạn Đa Oai và Tứ Quý.

Ở Ninh Thuận, du kích và bộ đội địa phương 2 huyện căn cứ Bác Ái, Anh Dũng đã ra phía trước phối hợp cùng lực lượng của tỉnh và các huyện đồng bằng, đánh địch trên đường 11, phá các ấp phía tây nam An Phước. Các đội vũ trang công tác đi sâu phát động quần chúng ở La Chữ, Cà Ná, Khánh Nhơn, Hoài Trung, Hữu Đức…

Lực lượng vũ trang Bình Tuy mở hoạt động vào Gia An, Huy Khiêm, Tề Lễ, Lạc Tánh, Xã Dú ở Tánh Linh, và phá ấp giành dân ở các xã Phong Điền, Hiệp Nghĩa ở Hàm Tân.


(1) Quả đấm của chủ lực, quả đấm đánh bình định ở nông thôn (quân sự, chính trị, binh vận) quả đấm của phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân các đô thị.
(2) Lúc này đồng chí Lê Thành Công (Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu được Miền điều ra miền Bắc chữa bệnh, đồng chí Phạm Văn Kha (Phó tham mưu trưởng) được bổ nhiêm Tham mưu trưởng Quân khu.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:51:24 pm
Chuẩn bị đón thời cơ.

Trên toàn miền Nam, địch bị thua đau trong cuộc tiến công chiến lược và bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên từ mùa thu năm 1972, đế quốc Mỹ đã buộc phải chuẩn bị để ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.

Ở chiến trường Khu VI, từ giữa tháng 7 năm 1972 địch đã đưa đến một số lực lượng cơ động, tăng cường cho lực lượng tại chỗ và bắt đầu phản kích. Lực lượng Quân khu tuy có được Bộ Tư lệnh Miền tăng cường cho 2 tiểu đoàn (15, 17) bộ binh và trung đoàn bộ nhẹ ghép thành Trung đoàn 211 (thiếu), nhưng quân số, vũ khí trang bị đều rất thiếu.

Tháng 10 năm 1972, được hướng dẫn của trên, Quân khu đã động viên các lực lượng đẩy mạnh tiến công và nổi dậy mở rộng vùng giải phóng nông thôn; đồng thời khẩn trương xây dựng các mặt trận chuẩn bị cho kế hoạch thời cơ có giải pháp chính trị(1).

Trọng điểm hoạt động chuyên về phía nam (từ khu vực Tam Giác của Bình Thuận qua đến Tánh Linh - Hoài Đức của Bình Tuy và lên đường 20 phía nam đèo Blao của Lâm Đồng), nhằm mở rộng vùng giải phóng và tuyến hành lang từ Miền về Quân khu. Điều Tiểu đoàn 840 từ bắc Bình Thuận vào địa bàn đường số 8 Tam Giác, Tiểu đoàn 186 vào Tánh Linh - Hoài Đức, Tiểu đoàn 200c từ Bình Thuận lên khu vực Đa Oai (Lâm Đồng), Trung đoàn 211 (thiếu) đứng hoạt động ở đoạn nam đèo Blao trên đường 20 của Lâm Đồng.

Bước vào hoạt động, đêm 14 tháng 10 năm 1972, Tiểu đoàn 200c (thiếu) đặc công tập kích tiêu diệt chi khu Đa Oai (một cứ điểm khá kiên cố từ lâu khống chế đoạn đường 20 và bảo vệ cầu Đa Oai) và đánh sập cầu Đa Oai. Sáng ngày hôm sau Trung đoàn 221 (thiếu) đánh gãy cánh quân chi viện giải tỏa của tiểu khu Lâm Đồng ngay tại chân đèo Blao, diệt và đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an. Ta làm chủ đoạn đường 20 từ nam đèo Blao đến nam cầu Đa Oai trong nhiều ngày.

Tiểu đoàn 186 cùng với lực lượng địa phương Bình Tuy gài, bám đánh bọn bảo an, dân vệ và lực lượng kìm ở các khu vực ấp chiến lược Nghị Đức, Gia An, Lạc Tánh, diệt một số trung đội bảo an, dân vệ mở rộng diện lỏng rã kìm và làm chủ từng lúc trên một số đoạn đường tỉnh lộ số 3.

Ở khu vực Tam Giác trên đường số 8 (Bình Thuận), Tiểu đoàn 840 cùng với các lực lượng địa phương đánh liên tiếp ba trận cấp tiểu đoàn và tiểu đoàn tăng cường ở các ấp Bình Lâm, Tân Điền, An Phú. Với chiến trường quen thuộc và lối đánh sở trường “vận động tiến công kết hợp với chốt chặn”, khéo nghi binh kết hợp, có công sự khá vững chắc và tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, Tiểu đoàn đã lần lượt đánh thiệt hại từng đại đội bảo an và chi đoàn 2/8 của tiểu khu đi giải tỏa. Các lực lượng vũ trang, chính trị của địa phương đã áp sát vào ấp, kể cả các ấp vùng sâu, vùng en thị xã Phan Thiết, vừa tấn công địch, vừa phát động quần chúng đấu tranh 3 mới và xây dựng lực lượng tại chỗ.

Ở hướng diện của Bình Thuận, Tiểu đoàn 482 cùng với lực lượng bộ đội địa phương huyện và du kích vừa đánh tiêu diệt nhỏ, vừa bám đánh phá các ấp từ Lương Sơn đến phía tây Chợ Lầu.

Các tỉnh khác tuy đánh nhỏ nhưng đều, vừa đột đánh vào ấp chiến lược, vừa xây dựng phát triển lực lượng tại chỗ, nâng phong trào 3 mũi lên. Đồng thời đánh phá giao thông, đánh vào một số thị xã, hậu cứ. Tỉnh Tuyên Đức nhiều lần pháo kích và đánh đặc công vào một số mục tiêu trong Đà Lạt, sân bay Cam Ly. Ninh Thuận thường xuyên bắn hỏa tiễn H12 gây mất ổn định căn cứ không quân Thành Sơn. Lâm Đồng liên tục đánh phá các ấp chiến lược trên đường 20, nhất là đoạn từ đèo Blao đến giáp Định Quán (Long Khánh). Lực lượng địa phương Bình Tuy đưa hoạt động vào vùng sâu của huyện Hàm Tân và thị xã Lagi.

Kết hợp với tiến công quân sự, ta đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị và binh vận. Tổ chức những đợt hoạt động đồng loạt: cán bộ chính trị, đội mũi công tác và lực lượng vũ trang bám vào ấp tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng, giáo dục cơ sở. Mặt khác, tổ chức đưa quần chúng ra bên ngoài hội họp (họp nhóm, họp giới, họp đại biểu nhân dân…), để tuyên truyền, phát động thâm nhập chính sách và hướng dẫn đấu tranh; qua đó khơi dậy được khí thế của quần chúng, mạnh dạn đấu tranh làm lỏng rã kìm, bung ra làm ăn, mạnh dạn tiếp xúc với cách mạng, đấu tranh chống bắt lính, bảo vệ thanh niên, tuyên truyền cho lực lượng phòng vệ dân sự bỏ canh gác, không chịu cầm súng, chống đôn lên dân vệ, bảo an, đòi được ở nhà làm ăn…

Phong trào được sự đồng tình của binh lính, sĩ quan và lan rộng vào vùng sâu, vùng công giáo. Ta cũng tuyên truyền được chính sách vào đồng bào Chăm, Nùng, công giáo di cư khá hơn. Trong toàn khu lúc này dân bung ra làm ăn có đến hàng vạn người, hàng ngàn gia đình đã ra các chòi trại, ở lại hẳn vùng ta.

Ở Đà lạt, Phan Rang phong trào bị vỡ, một số đảng viên, ở bị bắt, bị đứt liên lạc. Còn Phan Thiết vẫn giữ được phong trào và phát triển tốt hơn. Đến cuối năm 1972, Đà Lạt có 9 lõm chính trị. Phan Thiết 6, Blao 3. Trong đấu tranh, quần chúng đã biết vận động các tổ chức công khai để tạo thêm thế và lực.

Cùng với tác động của tiến công quân sự, công tác binh vận trong năm 1972 làm tan rã ngũ 2386 binh lính và hơn 1000 phòng vệ dân sự, xây dựng được 543 cơ sở nội tuyến trong phòng vệ dân sự, bảo an, tranh thủ được một số sĩ quan; nắm và sử dụng với nhiều mức độ 29 toán phòng vệ dân sự, 32 trung đội dân vệ, 3 đại đội bảo an, và làm cho một số toán phòng vệ dân sự khác mất hiệu lực. Lúc này, số chỉ huy đồn bót nghiêng về phía hòa bình, phía nhân dân có tăng lên, ác ôn bị cô lập; hiện tượng hòa hoãn, trung lập, đồng tình với nhân dân phát triển.

Công tác xây dựng, phát triển thực lực tại chỗ cũng được xúc tiến mạnh. Đến cuối năm 19 72, vùng nông thôn phía trước: 338 (trong số 507) ấp có cơ sở, 148 ấp có chi bộ thuộc đảng viên, 96 ấp có đoàn viên, 152 ấp có du kích mật. Dân vùng căn cứ giải phóng có 24.163; nông thôn phía trước có 534.810 dân (vùng làm chủ 43.914 người (trong 47 ấp), vùng tranh chấp có 82.650 dân (trong 89 ấp), vùng lỏng kìm có 163.025 dân (trong 143 ấp), vùng kìm là 239 ấp với 235.000 dân). Riêng lực lượng vũ trang cuối năm 1972: quân số còn 5.593 (so với năm 1971 giảm gần 200). Tân binh rút ở địa phương được ít và số trên bổ sung cũng không bù kịp với đà bị tiêu hao, tổn thất(2).

Tuy sức ta có bị hạn chế, nhưng nhìn chung, qua hoạt động và chuẩn bị cho thời cơ, các lực lượng đã có nhiều cố gắng, đã mạnh dạn áp sát ra phía trước, huy động thêm được lực lượng phía sau (căn cứ, cơ quan) tăng cho phía trước. Nhờ đó mà đẩy tiến công quân sự và chính trị lên đều hơn, diện tiếp xúc với quần chúng được rộng rãi hơn. Công tác ảo đảm lương thực, vũ khí đạn dược cho các lực lượng chiến đấu phía trước và chuẩn bị cho kế hoạch thời cơ tiếp theo cũng được tiến hành khẩn trương với mọi khả năng có thể (Bình Tuy mua từ vùng địch hàng trăm tấn bột mì…).


(1) Chỉ thị ngày 10 tháng 10 năm 1972 của Quân khu “Từ nay đến khi có ngừng bắn, khi ngừng bắn, sau khi ngừng bắn, từng lúc phải làm gì?” (Số bảo mật 895 QK lưu tại bộ phận phía Nam của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).
(2) So sánh tương quan ta - địch cuối năm 1972, tổng quân số địch trong Khu (chưa tính phòng vệ dân sự là 22.058 tên, chiếm tỉ lệ 4/1 so với ta. Ta 1972 tuyển tân binh và rút du kích địa phương lên được 372, cơ quan dân chính đảng chuyển qua 271, Miền bổ sung 485, trong đó Tiểu đoàn 15 quân số chỉ có 280.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:51:47 pm
Tranh thủ “Chồm lên” giành thêm thắng lợi trong thời cơ ký Hiệp định Paris về Việt Nam

Để chuẩn bị giành thêm thắng lợi trong thời cơ ký kết Hiệp định Paris, từ cuối tháng 12 năm 1972, ta đã đẩy mạnh hoạt động và tạo thế, triển khai lực lượng áp sát vào các mục tiêu theo “Kế hoạch thời cơ”. Đồng thời cũng chuẩn bị khả năng địch ngoan cố kéo dài chiến tranh. Khu ủy và Quân khu đã huy động tối đa các lực lượng cơ quan, đơn vị sản xuất ở phía sau, dân quân du kích và cả dân vùng căn cứ địa phương ra cùng với lực lượng phí trước chuẩn bị “chồm lên”, chuyển các cơ quan Khu, tỉnh ra đứng các vùng bàn đạp để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo.

Theo kế hoạch thời cơ thì ngay trong đêm trước ngày ký kết hiệp định, tất cả các lực lượng của ta bên ngoài phải áp sát vào ấp phối hợp với lực lượng tại chỗ tranh thủ đánh chiếm, làm chủ nhiều ấp, làm chủ nhiều đoạn giao thông quan trọng, mở rộng vùng ta, đánh địch phản kích và quyết giữ cho đến vùng ta, đánh địch phản kích và quyết giữ cho đến giờ ngừng bắn có hiệu lực (theo quy định của Hiệp định). Sau đó, tổ chức hội họp quần chúng tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định, treo băng cờ, khẩu hiệu hoan nghênh Hiệp định, hoan nghênh ngừng bắn… sẵn sàng đánh trả bọn ngoan cố phản kích lấn chiếm.

Trước những ngày đó, địch cũng ra sức chuẩn bị đối phó với các cuộc tiến công của ta và nổi dậy của quần chúng. Tại trọng điểm Bình Thuận, địch tăng thêm 1 tiểu đoàn cộng hòa, 1 chi đoàn xe bọc thép, 1 tiểu đoàn công binh, 1 phi đội trực thăng và pháo binh, 2 tàu chiến Mỹ rập rình ngoài cửa Phan Thiết; chúng còn dùng cả B52 đánh dọc trục đường sắt trên khu vực Tam Giác để ngăn chặn ta. Chúng ra lệnh giới nghiêm cấm trại 100 phần trăm. Tất cả các địa phương tăng cường quân xuống giữ các chốt, ấp, trục giao thông, vành đai thị xã, cho lính ra cắm cờ ở những vùng tranh chấp, đưa bọn sĩ quan tâm lý chiến, bọn an ninh quân đội xuống kìm các đơn vị bảo an, dân vệ và phòng vệ dân sự.

Mặc cho địch ra sức ngăn chặn, đề phòng, đêm 26 rạng ngày 27 tháng 1 năm 1973 các lực lượng vũ trang và chính trị trong toàn Khu đã đồng loạt nổ súng tiến công địch trên hầu khắp các địa phương. Ở hướng trọng điểm của Khu, ta chủ động đồng loạt đánh chiếm, làm chủ nhiều ấp trên đường số 8 như Bình Lâm, Bình An, Tân Điền, vùng ven thị xã Phan Thiết, ấp Đại Hòa, Đại Thiện, thị trấn Mường Mán, các ấp trên đường số 3 đoạn Tánh Linh - Hoài Đức của Bình Tuy, các ấp trên đường 20 ở đoạn phía nam Đa Oai của Lâm Đồng, một số ấp phía tây An Phước trên đường 11 của Ninh Thuận, trên đường 21 của Tuyên Đức. Các lực lượng của ta cũng đồng thời đánh chiếm, phá hoại, làm chủ nhiều đoạn trên hầu hết các con đường giao thông quan trọng trong khu.

Từ rừng núi đến đồng bằng, ở các xóm ấp, ta làm chủ ven trục lộ giao thông, ven thị trấn, thị xã, cờ cách mạng đồng loạt mọc lên. Lực lượng ta chốt xen kẽ với địch trên các đường 11, đường số 1, đường số 8, đường số 3… Hình thái cài răng lược (địch và ta) và giành giựt giữa ta và địch đang diễn ra ở khắp các địa phương.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 và những ngày tiếp theo, địch liên tục phản kích cố đánh bật ta ra khỏi các ấp mới chiếm được, bất chấp giờ ngừng bắn đã có hiệu lực; chiến sự diễn ra ác liệt ở nhiều nơi.

Ở mảng trọng điểm: địch và ta tranh chấp quyết liệt các khu ấp chiến lược Đại Thiện - Đại Hòa (vùng ven Phan Thiết), Bình Lâm - Tân Điền… trên trục đường số 8 (thị trấn Mường Mán và thị trấn Tánh Linh… Chúng dùng phi pháo và cả xe tăng đánh vào các khu, ấp bị ta đánh chiếm với tính chất hủy diệt, tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản, gây thương vong cho nhân dân và lực lượng của ta. Sau giờ ngừng bắn có hiệu lực, ta còn chiếm giữ được 36 ấp, nhưng do sức ta có hạn và để tránh bớt thiệt hại cho nhân dân, nên sau 1 ngày đêm chiến đấu quyết liệt (28 tháng 1 năm 1973, ta rút ra khỏi phần lớn các ấp vùng sâu. Ở Bình Tuy, các khu ấp Hiếu Tín, Huy Lễ, Gia An, Võ Xu trên trục đường số 3 (Hoài Đức - Tánh Linh) ta chiếm giữ đến ngày 3 và ngày 4 tháng 2 năm 1973. Trên các trục giao thông, ta liên tục đánh bọn phản kích giải tỏa. Đường 20 đoạn từ Đa Oai và đường số 3 ta cắt và làm chủ đến ngày 7 tháng 2 năm 1973 địch mới giải tỏa được. Trên hướng trọng điểm đường 8 Tam Giác, sau khi chuyển lực lượng ra, ta vẫn giữ được thế áp sát, giữ được các bàn đạp vùng ven Phan Thiết và các ấp trên trục giao thông, đã đánh trả được các cuộc bung ra cắm cờ lấn đất của địch, chúng không thực hiện được mưu đồ đánh bật lực lượng ta để chiếm lại khu Tam Giác (là một bàn đạp lợi hại, thường xuyên uy hiếp thị xã Phan Thiết).

Tóm lại, từ giữa năm 1971, sau khi chuyển lại kiểu cách hoạt động tốt hơn phong trào trong Khu đã từng bước chuyển lên, cùng toàn Miền thực hiện thắng lợi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và tranh thủ giành thêm thắng lợi trong thời cơ ký kết Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:53:49 pm
Chương VI

TRONG THỜI CƠ CHIẾN LƯỢC SÁT CÁNH CÙNG TOÀN MIỀN
VƯƠN LÊN THỰC HIỆN TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975,
GIẢI PHÓNG TOÀN QUÂN KHU
(Tháng 01 năm 1973 - 30 tháng 4 năm 1975)

I. GIỮ VỮNG VÀ PHÁT TRIỂN THẾ TIẾN CÔNG ĐỊCH
SAU KHI CÓ HIỆP ĐỊNH PARIS CHO ĐẾN CUỐI NĂM 1973

Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và chiến công xuất sắc của quân và dân ta, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, đã buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris.

Theo Hiệp định, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền làm dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam… Các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam giữ nguyên lực lượng và thế bố trí rên các địa bàn chiến lược.

Song đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố bám lấy miền Nam và Đông Dương bám lấy “Học thuyết Níchxơn” và chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục dùng ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ của Mỹ, âm mưu đặt toàn bộ miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi quân và dân cả nước: “Tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà”.

Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương và Trung ương Cục, Khu ủy và Quân khu ủy Khu VI đề ra chủ trương: một mặt phải tôn trọng Hiệp định Pais, một mặt phải đấu tranh đòi địch phải thi hành Hiệp định, phải giữ vững và phát triển thế tiến công địch, bảo vệ và mở rộng vùng ta, khẩn trương xây dựng lực lượng ta lớn mạnh. Các lực lượng vũ trang phải đứng vững ở các vùng ven ấp, ven đường, sẵn sàng đánh trả địch bung ra lấn chiếm, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chính trị, đẩy mạnh 3 mũi tại chỗ tiến công địch, tạo điều kiện cho dân bung ra làm ăn rộng rãi, đồng thời phải có những trận thọc sâu đánh phá cơ quan đầu não, kho tàng… và các đơn vị ác ôn của địch, nhưng phải thật gọn, thật khôn khéo.

Đánh địch vi phạm Hiệp định

Ngay khi Hiệp định Paris có hiệu lực, ngày 28 tháng 1 năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu được chủ Mỹ hà hơi, đã trắng trợn tuyên bố quyết chống phá hiệp định, đưa ra khẩu hiệu 4 không (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử) và ra lệnh cho quân ngụy thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” ào ạt lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Ở Khu VI, địch dùng phi pháo, xe tăng cùng bộ binh phản kích hòng chiếm lại các ấp mà ta đã giành được trong “kế hoạch chồm lên”. Nhưng chúng đã bị quân ta đánh trả quyết liệt. lúc 8 giờ 30 phút ngày 29 tháng 1 năm 1973 đồng chí chỉ huy trưởng mặt trận đường 8 Tam giác, dùng máy bộ đàm nói chuyện với Ngô Tấn Nghĩa (tỉnh trưởng Bình Thuận) kêu gọi chúng tôn trọng Hiệp định Paris, chấm dứt dùng phi pháo và các cuộc hành quân lấn chiếm ra các vùng giải phóng. Nhưng chúng vẫn ngoan cố, không chấp nhận. Ta phải dùng hỏa tiễn H.12 đánh thẳng vào tiểu khu Phan Thiết để cảnh cáo(1).

Do tác động của Hiệp định và những trận đánh trả quyết liệt của ta, trong sĩ quan và binh lính địch có những biểu hiện dao động, cầu an, một số nơi tỏ thái độ hòa hoãn, chịu tiếp xúc với ta để bàn việc thực hiện ngừng bắn tại chỗ, nghe ta giải thích Hiệp định(2)

Nhưng sau đó, do bọn bên trên thúc ép nên các cuộc hành quân vẫn tiếp diễn theo chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” và “bình định đặc biệt”. Trên các địa bàn trong Khu địch đưa quân nống dần ra vùng ven ấp, nhổ cờ ta, cắm cờ chúng(3), từng bước lấn sâu ra vùng giải phóng. Âm mưu của chúng là đẩy lực lượng ta ra xa và chốt lại các vị trí đã rút bỏ trước, xóa thế “da báo”; trước hết là giành lại các vùng ta mới giải phóng trong năm 1972 và trên các trục giao thông chiến lược, có những nơi lực lượng ta mỏng, bị địch lấn chốt thêm đồn bót trên vùng giải phóng, hoặc ven căn cứ ta.

Ở trọng điểm Bình Thuận, địch cố giành lại mảng đường 8 Tam Giác, đẩy lực lượng ta lên trên đường sắt, khôi phục đoạn đường sắt từ Ninh Thuận vào Gia Rai, lấy đây làm tuyến phân ranh giới giữa hai bên và làm nơi để đón đoàn quân sự của ta vào Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên tại khu vực 4 (Cam Êsépic - Phan Thiết). Nhưng chúng đã bị ta đánh trả quyết liệt, không thực hiện được.

Đầu tháng 2 năm 1973, địch hành quân lấn chiếm, nhổ cờ vùng ven bắc Phan Thiết và dọc đường số 8, đã bị tiểu đoàn 840 và các lực lượng địa phương chặn đánh. đến ngày 7 tháng 2 năm 1973, địch cho 2 chi đoàn xe bọc thép và đại đội bộ binh nống ra vùng ven ấp Tân Điền (đường 8), dùng hỏa lực bắn vào các vị trí cắm cờ và chốt của ta; lại bị các lực lượng ta đánh trả, buộc chúng phải rút lui.


(1) Đồng chí Võ Đức Nhi (chỉ huy trưởng) dùng máy bộ đàm nói chuyện, nhưng chúng đã không chấp nhận ý kiến ta mà còn ngoan cố đòi ta phải rút lên trên đường sắt, giao cả vung Tam giác cho chúng.
(2) Sau khi Hiệp định có hiệu lực, địch và ta nhiều nơi đóng xen kẽ nhau ở cấp trung đội, đại đội, nên cán bộ, chiến sĩ ta tranh thủ giải thích về Hiệp định, về hòa hợp dân tộc, nhiều binh sĩ địch vui mừng.
(3) Trong thời cơ “chồm lên”, ta và địch đều có cắm cờ, để xác định phạm vi lãnh thổ kiểm soát của mỗi bên khi Hiệp định Paris có hiệu lực.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:55:29 pm
Trung tuần tháng 2 năm 1973, Thường vụ Khu ủy ra chỉ thị: phải dùng ba mũi giáp công đánh trả địch, buộc địch phải thi hành Hiệp định.

Ngày 10 tháng 3 năm 1973, địch lại liều lĩnh cho Tiểu đoàn 202 bảo an của tiểu khu, có sự yểm trợ của phi pháo, mở cuộc tiến công lấn chiếm Xóm Bàu (Tam Giác), phía tây đường số 8, cách bắc Phan Thiết 4 ki-lô-mét. Trên thế đã bố trí sẵn, Tiểu đoàn 840 xuất kích đánh trả quyết liệt, gây thiệt hại nặng 1 đại đội, bắt sống 9 tên, thu 27 súng các loại; số còn lại tháo chạy về ấp Tân Điền.

Hai ngày sau, tại Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên, thuộc khu vực 4, tên trưởng phái đoàn ngụy tố cáo ta vi phạm Hiệp định ngừng bắn, nổ súng đánh vào Tiểu đoàn 202 bảo an gây hương vong cho chúng, bắt sống 25 tên và yêu cầu ta trả lại số lính bị bắt. Đồng chí Thượng tá Nguyễn Trọng Xuyên, Trưởng phái đoàn ta đã kháng cáo là chính chúng đã vi phạm Hiệp định, xua quân tấn công lấn chiếm vùng kiểm soát của ta; yêu cầu Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên và Ủy hội Quốc tế hãy mở cuộc điều tra tại chỗ để có kết luận chính xác. Nhưng do bị thất lý nên sau đó chúng đã lờ đi, để tránh cuộc điều tra.

Ở hướng bắc Bình Thuận, Tiểu đoàn 482 (thiếu) và các lực lượng địa phương đứng sát các ấp dọc đường số 1 từ Lương Sơn ra Vĩnh Hảo đã kịp thời chặn đánh bọn lấn chiếm.

Các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và lực lượng của các tỉnh cũng chuyển ra phía trước. Bộ đội địa phương và du kích các huyện Bác Ái, Anh Dũng bám sát đường số 11 và số 1. Lâm Đồng Trung đoàn 211 (thiếu) cũng bám sát đường 20 nam đèo Blao, cùng với lực lượng của tỉnh kịp thời trừng trị bọn bung xỉa, lấn chiếm ở ven thị xã Blao, An Lạc và thị trấn Di Linh.

Ngày 22 tháng 2 năm 1973, tại Ninh Thuận địch đã trắng trợn cho một tiểu đoàn bảo an, có phi pháo chi viện đánh vào cánh đồng Cà Tiêu, noi mà theo sự thỏa thuận của hai bên, đối phương sẽ cho trực thăng đáp xuống đón tổ Liên hiệp quân sự 2 bên của ta vào Phan Rang(1). Ở Lâm Đồng, Tuyên Đức chúng cũng đánh vào các điểm hẹn với phía ta như vậy. Nhưng nhờ có cảnh giác đề phòng, nên các lực lượng ta đã kịp thời đánh trả. Ninh Thuận diệt 11 tên. Do những hành động phá hoại của địch như trên, việc triển khai các tổ Liên hiệp quân sự hai bên để kiểm soát việc thi hành hiệp định các tỉnh trong Quân khu không thực hiện được.

Tại Ban Liên hiệp quân sự bốn bên (khu vực 4 Camp Êsépic - Phan Thiết) phái đoàn ta đã cực lực tố cáo các hành động vi phạm trắng trợn ấy, nhưng chúng cứ chối cãi quanh co, nên cuối cùng các tổ Liên hiệp quân sự hai bên của các tỉnh không vào được(2). Trong khi đó thì địch ráo riết thực hiện chương trình “Bình định đặc biệt”, tăng cường hành quân cảnh sát truy đánh cơ sở, bắt lính. Có nơi chúng trắng trợn khủng bố, bắn xả vào nhân dân đang khiêng xác người bị bắn chết lên quận đấu tranh làm chết và bị thương 20 người (xã Phước Thế - Tuy Phong - Bình Thuận). Chúng bưng bít và xuyên tạc Hiệp định với nhân dân và cả binh lính của chúng, chỉ giải thích những điều khoản nào có lợi cho chúng, xuyên tạc những thắng lợi của ta, hòng gây mất lòng tin trong nhân dân, vu cáo ta vi phạm Hiệp định, ngăn cản không cho dân tự do đi lại làm ăn, không cho tiếp xúc với kháng chiến.

Mặc dù vậy, nhân dân vẫn biết dựa vào pháp lý của Hiệp định, đòi thực hiện ngừng bắn, chống khủng bố, bắt bớ, đòi bồi thường thiệt hại do địch gây ra, nhất loạt đòi tự do đi lại làm ăn. Ở Bình Thuận: từ những ngày đầu tháng 2 năm 1973 dân các ấp Bình Lâm, Tân Điền, Ta Nung, Gộp, v.v… đã bung ra ngoài làm ăn, sản xuất, tiếp xúc với ta. Ở Ninh Thuận, Lâm Đồng, v.v. địch cũng không ngăn chặn được dân bung ra sản xuất, làm ăn. Nhiều nơi dân đã khéo léo vận động binh lính địch cho dân đi làm ăn xa, đi sớm về muộn, ngủ lại đêm ngoài rẫy; phong trào phát triển rộng mạnh lôi kéo cả tề, vệ, binh lính (nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc) theo gia đình ra bên ngoài làm ăn tiếp xúc với ta.

Trong các thị xã, thị trấn, sau khi có Hiệp định, phong trào quần chúng với khí thế mới đã đấu tranh mạnh dạn hơn, sôi nổi luận bàn về Hiệp định, về chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của ta. Xu hướng hào bình, hòa hợp dân tộc phát triển rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong các gia đình binh lính, trong công chức.

Hoạt động của lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh của nhân dân cở một số địa phương đã diễn ra khá mạnh, nhất là ở Bình Thuận đã giữ vững được vùng mới mở ra và vùng giải phóng cũ. Nhưng nhiều nơi khác địch vẫn lấn được đất, giành được dân. Ở đây ngoài vấn đề do sức ta có hạn, còn có nguyên nhân do chỉ đạo không thấy hết bản chất ngoan cố và những thủ đoạn chiến tranh mới của địch, để có biện pháp chống trả thích đáng; có nơi cán bộ còn ỷ lại vào pháp lý của Hiệp định, mơ hồ, hữu khuynh “hòa hoãn”, “hòa hợp”, thiếu chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng đánh trừng trị địch vi phạm Hiệp định ngay từ đầu nên địch có điều kiện đánh chiếm nhanh mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, tư tưởng của các lực lượng ta.


(1) Ở tỉnh gọi là tổ Liên hiệp quân sự hai bên.
(2) Sau gần 50 ngày trực diện đấu tranh với địch ở Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại Camp Êsépic tháng 7 năm 1973 hai phái đoàn của ta (Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam) rút về sát nhập với phái đoàn quân sự tại Ban Liên hiệp quân sự Trung ương tại Tân Sơn Nhất (Sài Gòn).


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 07:55:58 pm
Tháng 3 năm 1973, Quân khu mở hội nghị quân chính kiểm điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng vũ trang ta: phải kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định, vừa đánh bọn bung ra, vừa đánh sâu vào vùng địch, diệt ác, phá kìm, kết với tuyên truyền, phát động quần chúng đấu tranh 3 mũi chống phá bình định, xây dựng phát triển lực lượng cách mạng.

Tháng 4 năm 1973 trong buổi đồng chí Trần Lê lên làm việc với Trung ương Cục, đồng chí Phạm Hùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục chỉ rõ “cây muốn lặng mà gió không dừng”. Nó đã đánh ta thì ta phải đánh nó. Cứ mạnh dạn làm, không ngại vi phạm Hiệp định.

Tháng 5 năm 1973, Hội nghị Khu ủy mở rộng đã kiểm điểm, uốn nắn tư tưởng hữu khuynh, do dự trong tiến công đánh trả địch vi phạm Hiệp định, và ra nghị quyết nêu rõ: “Trên cơ sở tiếp tục, bám, tấn và xây, chuyển mạnh phương thức hoạt động, ra sức giữ vững và mở rộng vùng tranh chấp, xóa đại bộ phận ấp trắng, tích cực mở vào vùng sâu, vùng yếu, kết chặt với phá kìm, giành dân, giành quyền làm chủ,… xây dựng cả lực lượng bên ngoài và bên trong vững mạnh”.

Để thực hiện, Quân khu và hướng dẫn các lực lượng học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Khu ủy và Quân khu về tình hình và nhiệm vụ mới, vừa tổ chức huấn luyện chiến kỹ thuật, nâng cao trình độ chiến đấu cho các lực lượng một bước và tiến hành đình chỉnh, bố trí lại lực lượng theo hướng tăng cường cho bên dưới; giải thể Trung đoàn 211 (thiếu), lấy Tiểu đoàn 17 bộ binh bổ sung quân sự cho Tiểu đoàn 840, phối thuộc Tiểu đoàn 186 cho Bình Tuy; tăng cường Tiểu đoàn 15 cho Bình Thuận đứng ở trọng điểm Tam Giác. Quân khu chỉ trực tiếp nắm Tiểu đoàn 840, đại đội 200c đặc công, đại đội 130 trợ chiến và đại đội công binh.

Bộ đội địa phương các tỉnh tổ chức gọn lại, có nơi còn một đại đội (Ninh Thuận - Bình Tuy) hoặc đại đội tăng cường (Bình Thuận), tiểu đoàn (thiếu) (Tuyên Đức - Lâm Đồng). Đối với bộ đội địa phương mỗi huyện còn một trung đội hoặc trung đội thiếu.

Bước vào năm 1973 các lực lượng trong toàn Khu đã vươn lên hoạt động, bám giữ được địa bàn, đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ, ngăn chặn hoặc hạn chế địch đánh lấn ra vùng ta và phá kế hoạch khôi phục đường sắt của chúng. Riêng trong hai tháng 4 và 5 năm 1973, ta đã đánh 150 trận, diệt 323 tên địch, có 9 tên ác ôn, bắt sống 5 tên, bắn rơi 5 máy bay, đánh hỏng 8 xe quân sự, đánh sập 7 cầu cống, phá 500m đường sắt, làm tê liệt hoàn toàn đoạn đường Tháp Chàm - Sông Mao chúng vừa mới khôi phục.

Đi đôi với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ gắn với đòi làm đúng pháp lý Hiệp định, tiếp tục phát triển. Những cuộc đấu tranh chống đuổi nhà, dồn dân ở Đà Lạt, Phan Thiết diễn ra giằng co, quyết liệt. Phong trào chống bắt lính, bảo vệ thanh niên, bảo vệ lính trốn, cũng diễn ra với nhiều hình thức. Nhân dân còn đấu tranh chống học tập chiêu hồi, chống cướp giật ruộng đất, chống tăng thuế, v.v. Trong binh lính có tình hình không chịu đôn quân, không muốn đi đánh nhau, án binh bất động hoặc đào ngũ trong các đơn vị và sắc lính địch.

Đặc biệt trong các thị xã, nhân dịp lễ Phật Đản tháng 5 năm 1973 khẩu hiệu “Hòa bình” đã trở thành khẩu hiệu chính trong các buổi lễ, các buổi cầu nguyện được đồng bào nhân dân hưởng ứng. Tại Đà Lạt ngày 15 tháng 5 năm 1973, hàng ngàn người tỏa ra đường đi dự lễ “mừng hòa bình”, được dư luận cho là ngày lễ Phật Đản lớn nhất ở thị xã này.

Ở nông thôn và miền biển, mặc cho địch ngăn cấm, quần chúng vẫn bung ra làm ăn ngoài đồng và trên mặt biển ngày ngày càng đông. Có hàng người về cất chòi, trại tại vườn cũ ở theo thế 2 chân.

Đi đôi với đẩy mạnh hoạt động ở phía trước, Khu cũng đặt vấn đề xây dựng căn cứ theo quy mô, không những nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương, mà còn cho các lực lượng của trên nữa. Ngoài sản xuất tự túc của các lực lượng tại chỗ, đã xây dựng được 3 khu sản xuất lớn dưới dạng nông trường gọi là “công doanh”, khu vực lớn nhất là Đa Tẻ (vùng 3 Lâm Đồng) vỡ hoang được gần 1000 mẫu, sử dụng 20 máy cày, chủ yếu trồng cây lương thực (mì, mía, bắp), làm được 300 hécta lúa nước. Ban kinh tế Khu vận động lạc quyên trong vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát và thu thuế trên các đường giao thông, các đồn điền, các nơi khai thác gỗ… Riêng năm 1974 là 436 triệu đồng. ngoài ra còn dự trữ gần 5.000 lạng vàng.

Thế ăn ở của nhân dân, kể cả đường sá đi lại ở vùng giải phóng cũng được bố trí, sửa sang lại thuận tiện hơn, trường học, nhà y tế được xây dựng thêm. Đường hành lang vận tải vũ khí từ biên giới Căm-pu-chia về khu được củng cố và tăng cường, các cung đoạn được tổ chức lại.

Cung đoạn 1: Vận tải bàng phương tiện ô tô, từ Bù Đốp qua Sông Bé, qua lộ 14 - Bù Na về đến Bến Cầu (sông Đồng Nai Thượng).

Cung đoạn 2: Từ Bến Cầu, dùng thuyền máy chạy dọc theo sông Đồng Nai về đến vàm sông Đa Oai.

Cung đoạn 3: Từ vàm sông Đa Oai vượt lộ 20 về đến Hoài Đức, Tánh Linh (La Ngà) bằng mang vác bộ và xe thồ, có đoạn đã dùng ô tô và tỏa đi các tỉnh trong khu. Khối lượng hàng hóa nhận lãnh và chuyển tải riêng trong 2 năm 1973-1974 được 700 tấn đã phục vụ kịp thời cho chiến trường.

Nhìn chung, với tinh thần tiến công trừng trị địch vi phạm Hiệp định, các lực lượng không những đã đánh được địch lấn ra bên ngoài mà còn thọc sâu vào vùng địch, phong trào chính trị, binh vận có phát triển. Kế hoạch “Bình định đặc biệt” và “tràn ngập lãnh thổ” một số nơi bị ngăn chặn. Ta tranh thủ xây dựng đưa vùng ta lên toàn diện hơn. Tuy nhiên các lực lượng vũ trang ta sức có ít, vừa lo củng cố học tập, vừa giành một phần lực lượng để lo sản xuất phục vụ mùa nên hoạt động có bị hạn chế, thiếu những trận đánh đau để trừng trị bọn lấn chiếm. Có những nơi địch còn hung hăng bung ra đánh phá lấn chiếm gây khó khăn cho phong trào.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:51:26 am
Đánh phá kế hoạch bình định, lấn chiếm mới của địch

Sau khi Hiệp định Paris thực hiện được mấy tháng, bốn bên ký Hiệp định về Việt Nam lại họp tại Paris, để kiểm điểm tình hình thi hành Hiệp định, ra Thông cáo chung (13 tháng 6 năm 1973) quy định các bên chấp hành đúng theo Hiệp định và ngừng bắn vào ngày 15 tháng 6 năm 1973. Một lần nữa địch đề phòng ta “chồm lên” tiến công, nên tranh thủ cho lực lượng bung dũi ra đánh phá ngăn chặn trước. Thực tế Thông cáo chung cũng không có hiệu lực vì Mỹ - ngụy có tình xóa bỏ Hiệp định Paris, chiếm giữ lâu dài miền Nam nước ta. Ngay từ đầu, chúng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế hậu chiến, nhằm thu hẹp vùng giải phóng, xóa bỏ các lõm căn cứ, bàn đạp của ta, mở rộng vùng chúng kiểm soát.

Chúng ra sức ủi phá, phát quang địa hình, đẩy mạnh chương trình “khai hoang lập ấp”, di dân, giãn dân, lập ra những khu dân cư mới với quy mô lớn trên các địa bàn xung yếu, dọc các trục giao thông quan trọng. Ở Ninh Thuận, địch lấn ra ủi phá 2 bên đường 11 từ bắc Tân Mỹ đến giáp Krongpha; di dân Trị Thiên vào thành lập khu Quảng Thuận - Sông Mỹ, quy mô gần như một thị trấn và lấn ra phía sông Cái, Trà Co; mở rộng 2 bên đường số 1 ở Quán Thẻ (nam Phan Rang) để chuẩn bị xây dựng nông trường.

Ở Bình Tuy, chúng di dân đến lập ấp, dọc đường quốc lộ số 1 (từ ki-lô-mét 26 nam Phan Thiết vào đến ki-lô-mét 54 (rừng lá) và hai bên đường số 2 từ Láng Gòn đến ki-lô-mét 46, xây dựng đồn Hột Xoài trên tỉnh lộ số 2 đi sông Dinh - Suối Kiết, lập ra huyện Nghĩa Lộ với số dân gom từ vùng tự do cũ của Khu V, Quảng Trị và Việt kiều từ Cam-pu-chia về.

Ở Lâm Đồng, địch mở rộng khu di dân Tân Rai - Minh Rồng, đến cuối tháng 6 năm 1973 chúng đã chuyển đến đây 11.000 dân, đa phần là người tỉnh Bình Long.

Ở Bình Thuận, địch ủi phá mở rộng khu di dân tây nam Camp Êsépic (do Việt kiều ở Cam-pu-chia về) và ven đường quốc lộ 1 tây nam Phan Thiết, khu tây sông Lũy (trên đường sắt).

Ở Tuyên Đức, chúng ủi phá khai hoang xây dựng khu tập trung lớn ở tây Phú Hội - Núi R’Chai và đóng đồn ở khu vực thác Pông-Gua.

Bên trong, chúng ra sức củng cố bộ máy tề xã, ấp và liên gia, tăng thêm thành phần ác ôn vào lực lượng kìm kẹp, cảnh sát hóa bộ máy chính quyền ở cơ sở. Phương thức và thủ đoạn đánh phá và kết hợp quân sự, chính trị, kinh tế, vừa tiến công ta, vừa xây dựng chúng, kết hợp bung xỉa ra với kềm kẹp bình định bên trong ấp. Chúng dùng thủ đoạn lấn chiếm êm, bằng cách phối hợp với sự làm ăn của các chủ đồn điền, chủ xe be, các chức sắc tôn giáo, để triển khai kế hoạch di giãn dân lập ấp, thực hiện chiếm đất kết với bảo vệ giao thông, ngăn chặn hành lang ta, bằng kinh tế, chính trị đi trước, quân sự theo sau, v.v. nhằm để ta sơ hở mất cảnh giác.

Về ta: trong các tháng 6, 7, 8 năm 1973 tranh thủ tập huấn cho cán bộ, tổ chức học tập chính trị và huấn luyện quân sự cho các đơn vị nên chất lượng bộ đội có được nâng lên, nhất là về ý chí cách mạng tiến công, giải quyết tư tưởng hòa bình nghi ngờ, học tập những kinh nghiệm tốt của các nơi trên toàn Miền, nhất là kinh nghiệm đánh trả thắng lợi của quân dân Khu IX. Riêng trong Khu thì việc đánh trả địch giữ vững địa bàn của quân dân trên các chiến trường đường 8 - Tam Giác cũng là những kinh nghiệm tốt đã được phổ biến.

Bước vào hoạt động: theo kế hoạch phản công, chống địch lấn chiếm, đêm ngày 1 tháng 6 năm 1973 Lâm Đồng (Đại đội 216) tập kích đánh thiệt hại nặng đoàn Sơn Thôn (Bình Định) tại khu định cư Bình Phước (Minh Rồng), tuyên truyền phát động quần chúng bỏ khu tập trung trở về quê cũ. Đêm ngày 3 tháng 6 năm 1973 Trung đội 3 của Đại đội 712 tập kích đại đội bảo an tại sở trà Mạc - Phen diệt nhiều tên, thu vũ khí. Tháng 7 năm 1973 đại đội 216 lại tiến công khu định cư Bình Phước, diệt 30 tên địch làm rệu rã bộ máy kìm, đội công tác đã luồn sâu vào thị xã, Blao làm công tác xây dựng cơ sở.

Ở Đà Lạt: lực lượng biệt động (Đại đội 850) đột nhập vào nội thị, diệt 5 tên ác ôn, thu 4 khẩu súng…

Tại Bình Thuận: Tiểu đoàn 15 thay cho Tiểu đoàn 840 (về củng cố), đã cùng lực lượng địa phương bám trụ vững ở khu Tam Giác đường 8, đánh trả các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, tạo thuận lợi cho quân dân bung ra sản xuất và các đội công tác đi vào vùng sâu. Tháng 7 năm 1973, Tiểu đoàn 15 đánh gãy một cuộc càn lấn chiếm của 5 tiểu đoàn địch, có lực lượng thiết xa vận M113 và phi pháo yểm trợ, qua 5 ngày liên tục quần bám, đánh 34 trận, diệt 101 tên (có 2 trung đội bị diệt gọn), bắn rơi 3 máy bay trực thăng, chúng phải rút lu, ta giữ vững vùng giải phóng.

Với tinh thần tiến công, chống địch lấn chiếm, các tiểu đoàn 840 và 186 vừa củng cố huấn luyện, vừa tham gia hoạt động trên trục quốc lộ 1 từ tây nam Phan Thiết vào Bình Tuy. Đã đánh phá khu di dân, lấn chiếm ở nam Camp Êsépic, hỗ trợ cho 12.000 đồng bào lần lượt bỏ khu tập trung này chuyển đi nơi khác. Liên tiếp đánh nhiều trận ở Gia Huynh, Trà Tân (đường số 3), Suối Kiết, Sông Dinh, Đồn Hột Xoài… Tháng 7 năm 1973, đánh phục kích khu vực “căn cứ 6”, trên đường số 1 (Bình Tuy) diệt trên 100 tên, bẻ gãy các hoạt động bung dũi lấn chiếm của địch.

Ninh Thuận đã tiến công buộc địch phải rút bỏ một số chốt nằm sâu trong vùng ta như chốt Tây Sa, Ô Cam, Bình Tuy bức rút các chốt Thạch Mĩ, Quang Hà, nam ga Sông Phan, Xã Dú, v.v.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:51:44 am
Nhìn chung, các lực lượng trong khu đã chuyển lên hoạt động khá đều, đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào, bẻ gãy và làm hạn chế một phần kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch. Nhưng cuộc chiến đấu vẫn còn gay go, phức tạp, do lực lượng địch còn đông và chúng còn cố đánh phá giành giật với ta.

Để chặn đứng âm mưu lấn chiếm, di dân, từ tháng 9 năm 1973, Khu chỉ đạo các địa phương và lực lượng toàn Khu phải chuyển mạnh nhiệm vụ chống phá kế hoạch bình định, lấn chiếm mới của địch bằng cách tập trung đánh mạnh vào lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ phát triển và hoạt động, đẩy mạnh 3 mũi tiến công địch.

Những tháng cuối năm 1973, các lực lượng đã cố gắng khắc phục khó khăn, phối hợp với toàn Miền tiến công địch đều và liên tục. Bình Thuận bám đánh bọn địch ủi phá địa hình di giãn dân ở khu nam Camp Êsépic và khu dòng Thầy Ba (Bàu Tàng), phá hủy nhiều xe ủi đất, sát thương nhiều tên địch; đồng thời cũng đột nhập vào các ấp ở dọc đường số 8 và vùng ven thị xã Phan Thiết để làm lỏng, rã kìm và phát động quần chúng. Huyện Hòa Đa diệt một số tên ác ôn và phá kìm ở Lương Sơn, tây Chợ Lầu. Ở Thuận Phong, diệt hai cuộc cảnh sát ở Xa Ra và Rạng. Ngày 16 tháng 11 năm 1973 du kích mật ấp Bình Lâm xã Hàm Chính đã dùng lựu đạn diệt ba tên ác ôn và một tiểu đội lính; địch phản ứng trả thù bằng cách lùng bắt hàng chục thanh niên, trong đó có một số du kích mật, nhưng lập tức đã bị nhân dân kéo lên quận đấu tranh với lý lẽ sắc bén nên buộc địch phải thả hết. Các lực lượng bên ngoài bám đánh bọn bung xỉa lấn chiếm và liên tục đánh phá đường sắt Tháp Chàm - Ma Lâm buộc địch phải bỏ luôn.

Ở Bình Tuy, tháng 11 năm 1973 ta lập thêm một huyện mới (Nghĩa Lộ) là địa bàn mới di dân, lấm chiếm ở hai bên trục lộ số 1 từ ki-lô-mét 37 đến rừng lá và hai bên đường số 2 từ Láng Giòn đến ki-lô-mét số 46, 4 đội vũ trang công tác bám hoạt động, xây dựng cơ sở, nắm quần chúng mở phong trào.

Ở Ninh Thuận, bộ đội địa phương và du kích tập trung đánh phá khu di dân, lấn chiếm ở nam bắc đường 11. Các huyện Bác Ái và Anh Dũng cùng với đơn vị 311 đặc công tỉnh, đánh bọn đi ủi phá địa hình lấn ra sông Cái, Trà Co, Sông Chá, Suối Dầu, phá nhiều xe ủi đất và sát thương nhiều địch, huyện Thuận Nam đã đánh và ngăn chặn địch lấn ra sông Nhị Hà. Khuyết nhược điểm là thiếu những trận đánh sâu vào vùng địch, để gây mất ổn định cho chúng từ bên trong.

Ở Lâm Đồng, từ tháng 10 năm 1973 trở đi các lực lượng tỉnh và tiểu đoàn 17 (thiếu) của Khu liên tục chặn đánh địch dũi ra lấn chiếm khu vực Bờ - Kẽ, Tam Lang buộc địch co lại, tạo được thế cho dân bung ra làm ăn và tiếp xúc với ta, xây dựng phát triển cơ sở trong nhiều ấp, kể cả một số ấp đồng bào công giáo.

Ở Quảng Đức, từ ngày 4 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 1973, lực lượng của Miền đã tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Bù Bông, giải phóng mảng Bùi - Bông, Buprăng, Tuy Đức và một phần huyện Kiến Đức, mở rộng đường hành lang chiến lược vào miền Đông Nam Bộ, và con đường nối Đắc Lắc với Khu VI, hỗ trợ hơn 800 đồng bào dân tộc bở các khu tập trung trở về vùng ta.

Tuyên Đức còn nhiều khó khăn, nhất là lương thực nên phần lớn lực lượng phải lui về căn cứ lo thu hoạch vụ mùa tự túc, nhưng cũng cố gắng đánh vào sân bay Cam Ly, chi khu Đức Trọng và một số ấp trên đường 20 và đường 21 kéo dài.
Đi đôi với đánh phá ngăn chặn kế hoạch bình định và lấn chiếm của địch, ở đồng bằng các lực lượng ta còn phải lo đánh địch giành giật vụ mùa với ta, chúng bắt nhân dân ở các cánh đồng Hàm Trí, Hàm Phú, Hàm Thạnh, Sông Khương (Bình Thuận), Hoài Đức, Đồng Kho… (Bình Tuy) phải đưa lúa về vùng chúng. Ta phải kiên quyết đánh trả bọn càn quét, để bảo vệ nhân dân thu hoạch lúa và cho các bộ phận ta đi thu mua và cất giấu lúa. Mặc dù địch hù dọa, ngăn cấm, nhân dân vẫn bằng mọi cách để lúa gạo lại bán cho ta, hoặc cất giấu ở ngoài đồng. Nhờ vậy mà các lực lượng của ta đã thu mua được trên 500 tấn lúa trong vụ mùa.

Công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cũng đạt một số kết quả, đã nối được liên lạc với 29 ấp bị đứt, xóa 21 ấp trắng, xây dựng đưa lên tranh chấp trên 9 ấp với 27.000 dân. Phong trào đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn, giải quyết đời sống chống cướp lúa, chống khủng bố bắt người, chống lập tề, vệ, tổ chức ngụy đoàn thể v.v… tiếp tục diễn ra. Nhờ đó hằng ngày dân bung ra làm ăn trên các hướng có trên 50.000 người, có 28.000 chòi trại được dựng ngoài đồng, ngoài rẫy, để trưa tối ngủ lại và 200 gia đình về ở hẳn vùng đất cũ. Vùng căn cứ giải phóng được ổn định, củng cố và giữ vững. Tính đến cuối năm 1973 đã có 2.000 người từ vùng địch trở về ở hẳn vùng căn cứ giải phóng.

Từ thực tiễn tình hình ấy, Khu xác định nhiệm vụ trung tâm trước mắt cho các địa phương là đánh bại bình định và lấn chiếm của địch, giành dân, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng, đồng thời nỗ lực xây dựng lực lượng ta lớn mạnh, giành thắng lợi to lớn trong thời gian tới.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:53:16 am
II. TIẾP TỤC ĐÁNH PHÁ KẾ HOẠCH BÌNH ĐỊNH LẤN CHIẾM CỦA ĐỊCH,
TẠO THẾ, TẠO LỰC CHO ĐỢT MÙA KHÔ 1974-1975

Trên chiến trường toàn Miền, từ khi có Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy quyền Sài Gòn, tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Tuy chúng có đạt một số kết quả, gây cho ta khó khăn những vẫn không thực hiện được kế hoạch bình định lấn chiếm, không làm cho ngụy quân, ngụy quyền mạnh lên về chính trị, quân sự, kinh tế, mà còn bộc lộ nhiều điểm yếu và sa sút mới cả về tinh thần và tổ chức.

Tháng 7 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21, đề ra những vấn đề cơ bản đối với cách mạng miền Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã khẳng định: “Con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực, bất cứ trong tình huống nào, ta cũng phải nắm thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược, tấn công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên… Cách mạng miền Nam có thể trải qua nhiều bước quá độ và chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực cách mạng, khởi nghĩa, dựa trên lực lượng chính trị và lực lượng quân sự hoặc là trong trường hợp chiến tranh lớn trở lại thì tiến hành chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi hoàn toàn…”. Quân ủy Trung ương cũng có nghị quyết xác định rõ: “Vai trò đấu tranh quân sự trong giai đoạn chiến lược là kiên quyết phản công và tấn công địch phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta nhằm đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch.

Chấp hành Nghị quyết 21 của Trung ương và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương vào thực tế chiến trường Nam Bộ và Khu VI (B2). Trung ương Cục có nghị quyết lần thứ 12 (tháng 11 năm 1973), xác định nhiệm vụ cụ thể từng thời kỳ, về tác chiến để tạo thế chiến lược mới, về đánh phá bình định, về xây dựng lực lượng, xây dựng hậu phương căn cứ v.v…

Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1973, Khu ủy Khu VI họp hội nghị kiểm điểm tình hình, đề ra phương hướng nhiệm vụ và bước đi của Khu là: “Vừa tấn vừa xây đưa phong trào ba vùng lên một bước vững chắc, làm thay đổi tương quan ta, địch trên chiến trường. Trước mắt là chuyển vùng nông thôn phía trước nhất là vùng yếu trên thế tranh chấp và mở rộng vùng làm chủ. Về công tác quân sự trước mắt là đẩy hoạt động nhằm đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, đánh bọn càn quét bung dũi, đánh sâu vào bên trong, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ đắc lực cho phong trào quần chúng bung ra làm ăn, tạo thuận lợi phá kìm giành quyền làm chủ…”(1).

Tháng 3 năm 1974, Thường vụ Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu mở lớp tập huấn cho cán bộ chủ trí các địa phương và các đơn vị về kinh nghiệm đánh phá bình định và âm mưu chống lấn chiếm của địch.

Tháng 4 năm 1974, Quân khu mở Hội nghị Du kích chiến tranh, nhằm rút kinh nghiệm, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên cả 3 vùng lên một bước mới, Khu ủy và Quân khu chỉ đạo tổ chức các Ban lãnh đạo, chỉ huy chống lấn chiếm trên từng khu vực trọng điểm như: K4 trên đường 20 Lâm Đồng, nam Camp Êsépic của Bình Thuận, ở trục đường 11 của Ninh Thuận, K67 của Tuyên Đức…

Giữa tháng 5 năm 1974, tiến hành chỉnh huấn chính trị theo tinh thần Nghị quyết 12 Trung ương Cục - Quân ủy Miền và các chỉ thị về công tác phát động quần chúng (chỉ thị 04), tăng cường giáo dục chính trị, rèn luyện đạo đức tác phong của cán bộ - chiến sĩ, chống và ngăn ngừa mọi biểu hiện tiêu cực (chỉ thị 05)… Tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng cho Tiểu đoàn 840 và học tập thành tích của các đơn vị anh hùng, phát động phong trào thi đua Quyết thắng. Qua đó làm chuyển biến một bước về nhận thức tư tưởng, nâng khí thế tiến công trong các lực lượng vũ trang, phê phán khắc phục tư tưởng hữu khuynh, mất cảnh giác, tư tưởng tiến công để địch lấn thế.

Với khí thế mới đó, cùng toàn Miền, các lực lượng vũ trang trong khu sôi nổi bước vào hoạt động mùa khô đầu năm 1974 trên một diện rộng, kết hợp với những đợt cao điểm đánh đồng loạt, kìm căng địch trên hầu khắp các địa bàn trong khu.

Ở Tam Giác, lực lượng của Quân khu và bộ đội địa phương, du kích Hầm Thuận, đã bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch, với lực lượng 4 đến 5 tiểu đoàn, có phi pháo, xe bọc thép yểm trợ, làm cho chúng bị nhiều tổn thất không lấn chiếm được xóm Bàu, và không đẩy được lực lượng ta ra xa.

Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy bám đánh bọn dũi ra ủi phá địa hình đã tích thu và phá hủy nhiều phương tiện như: ở đường 11 (Ninh Thuận) nam Camp Êsépic (Bình Thuận) dọc đường số 1 và số 3 ở Bình Tuy… Tích cực đánh phá giao thông trên các đường số 1, số 8, số 3 làm cho sự đi lại của địch từng lúc bị gián đoạn.

Bộ đội địa phương, du kích và đội công tác đã bám chắc địa bàn ven ấp, thường xuyên đột đánh lực lượng kìm, kết hợp với tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng phát triển cơ sở chính trị vũ trang tại chỗ. Nổi lên là địa bàn Tam Giác đường 8, Hòa Đa của Bình Thuận, Hàm Tân, Hoài Đức của Bình Tuy, du kích mật cũng diệt được ác, hỗ trợ cho phong trào. Du kích căn cứ Nam Sơn, Bác Ái, Anh Dũng, K1 (Lâm Đồng)… vừa truy đánh bọn biệt kích, bọn càn quét bảo vệ căn cứ hành lang, vừa cùng bộ đội địa phương ra phía trước đánh địch.

Từ tháng 4 năm 1974, theo sự chỉ đạo của Miền, Quân khu chuyển lực lượng về đứng hoạt động trên địa bàn trong điểm Hoài Đức, Tánh Linh của Bình Tuy và củng cố xây dựng đơn vị.

Tháng 5 năm 1974, theo hướng dẫn của Miền, Thường vụ Khu ủy và Quân khu quyết định thành lập Trung đoàn 812(2), để có quả đấm chủ lực, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, bổ sung quân sự khôi phục lại Tiểu đoàn pháo 130 và Tiểu đoàn đặc công 200c.

Sự kiện thành lập Trung đoàn 812 trong lúc này là 1 cái mốc quan trọng trong sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu. Nó cũng là sự cố gắng lớn, một bước chuyển kịp thời, trước yêu cầu nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, trong lúc tình hình các mặt trong Quân khu lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhất là về đảm bảo hậu cần và quân số.


(1) Sau hội nghị này được sự đồng ý của Trung ương để đồng chí Trần Lê ra miền Bắc chữa bệnh, Khu ủy bầu đồng chí Lê Văn Hiền quyền bí thư Khu ủy quyền chính ủy Quân khu (tháng 2 năm 1974 - tháng 4 năm 1975).
(2) Biên chế Trung đoàn 812 gồm 3 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 840, Tiểu đoàn 186, Tiểu đoàn 15). Riêng tiểu đoàn 15 lúc đầu còn tăng cường cho Bình Thuận đứng tại Tam Giác. Có đại đội hỏa lực, công binh, thông tin vận tải trinh sát. Tăng cường Tiểu đoàn 130 pháo binh và Tiểu đoàn 200c đặc công thành trung đoàn mạnh. Đồng chí Võ Đức Nhi Phó chủ nhiệm Cục chính trị Quân khu xuống làm Chính ủy, đồng chí Phạm Ty Tỉnh đội phó Bình Thuận quyền Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hiệp nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 làm tham mưu trưởng, đồng chí Phạm Tý nguyên phó ban tổ chức Quân khu làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Phước Chủ nhiệm hậu cần.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:54:22 am
Sau khi thành lập, Trung đoàn 812 vẫn tiếp tục đứng ở trọng điểm Hoài Đức, Tánh Linh (Bình Tuy) vừa tác chiến hỗ trợ cho địa phương, vừa xây dựng hoàn chỉnh tổ chức biên chế của Trung đoàn và huấn luyện.

Mùa mưa năm 1974, Trung đoàn 812 cùng với lực lượng địa phương mở hoạt động chống lấn chiếm, bình định, trên trục lộ số 1 và tỉnh lộ số 3 của Bình Tuy. Đánh diệt đồn cấp trung đội giữ cầu 37, điểm căn cứ 4, hai lần đánh dứt điểm đồn Hột Xoài, đồn cấp trung đội ở ấp Chính Tâm 3, gài đánh quân ứng viện diệt một số đại đội và nhiều trung đội địch. Sau đó trung đoàn cho luân phiên huấn luyện, hoạt động phân tán cùng lực lượng địa phương, đột vào các ấp đánh bọn kìm hỗ trợ phong trào quần chúng bung ra làm ăn.

Kết quả đã làm thất bại kế hoạch khai hoang lấn chiếm, phá rừng cướp gỗ của địch, làm lỏng kìm, mở rộng cơ sở ở vùng này, và trung đoàn bước đầu được ổn định về tổ chức và huấn luyện quân sự chính trị được tốt.

Tháng 9 năm 1974, Quân khu chuyển trung đoàn 812 (thiếu) ra hướng bắc Bình Thuận để phối hợp với lực lượng địa phương nhằm diệt một bộ phận sinh lực địch, chống lấn chiếm ủi phá địa hình, di giãn dân ở khu Nghĩa Thuận (tây sông Lũy sâu vô căn cứ ta). Đồng thời cũng để tạo điều kiện xây dựng Trung đoàn, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, chiến đấu hợp đồng và rút kinh nghiệm về chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá bình định (Ở đây địch đã đóng chốt cứ điểm ấp đại đội trên cao điểm 131 để khống chế khu vực đang lấn chiếm.

Điều bất lợi đã xảy ra trước khi bộ đội hành quân đến vị trí tập kết, tên Huỳnh Bu Tiểu đoàn trưởng 200c đặc công đào ngũ theo địch, nhưng sau khi nắm lại tình hình, lường hết hậu quả và có biện pháp đề phòng, Quân khu chủ trương cho tiến hành hoạt động theo phương án đã đề ra.

Bước vào hoạt động Trung đoàn dùng 1 bộ phận vây ép cứ điểm 131 và đánh phá khu Nghĩa Thuận, toàn bộ lực lượng còn lại (Trung đoàn 812 (thiếu) + Tiểu đoàn 482 tỉnh) thì phục kích diệt quân ứng viện, giải tỏa từ Tiểu khu Phan Thiết ra. Sau 2 ngày đêm vây ép cứ điểm, phá banh ấp, ngày 12 tháng 9 năm 1974 Tiểu đoàn 202 + 212 bảo an của Tiểu khi đi giải tỏa bị lọt vào trận địa, ta diệt 2 đại đội đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác và 2 trung đội dân vệ, bắt tù binh và thu vũ khí. Sau đó đánh diệt cứ điểm 131 và phá banh khu Nghĩa Thuận.

Trên các hướng diện, lực lượng địa phương cũng nổ súng diệt một số phân chi khu, đồn bót lẻ, cụm lô cốt, trong đó có 26 tên bình định ác ôn. Tính chung ta diệt và làm bị thương 345 tên, phá banh khu Nghĩa Thuận, bẻ gãy kế hoạch lấn chiếm, di giãn dân ở khu vực Sông Khiêng (tây Sông Lũy) và làm lỏng rã kìm ở một số ấp khác.

Phối hợp với hoạt động của chiến trường trọng điểm, các địa phương trong toàn khu cũng chuyển lên đánh phá mạnh bọn lấn chiếm khai hoang, bung xỉa càn quét, đánh phá giao thông và các lực lượng kèm ấp, võ trang tuyên truyền phát động quần chúng xây dựng thực lực tại chỗ, đẩy đấu tranh chính trị và binh vận.

Ninh Thuận đánh bọn khai hoang lấn chiếm ở ven bờ sông Cái, Trò Co, đẩy lùi bọn lấn chiếm ở khu vực Hồ Tân Giang, bức rút bỏ điểm chốt ở Gộp 59 sát chân núi chiến khu 7.

Lâm Đồng đánh bọn ủi phá mở rộng khu vực Tân Ray - Minh Rồng, đánh bại kế hoạch lập ấp mới ở cây số 142 trên đường 20, phá ý đồ ngăn chặn hanh lang của Khu.

Tuyên Đức bám dân, đánh địch chống lấn chiếm di giãn dân, giữ được địa bàn Nam Ban phía tây Đà Lạt.

Ở Bình Tuy, các huyện Hàm Tân, Lagi, Hoài Đức, lực lượng địa phương và Tiểu đoàn 186/Trung đoàn 812, liên tục chặn đánh địch ủi phá địa hình, tịch thu và đốt phá nhiều xe và phương tiện khai thác gỗ.

Như vậy là cho đến mùa mưa năm 1974, hoạt động vũ trang trong khu đã có một bước chuyển biến tốt, đánh được địch đều và liên tục, nhất là ở những đợt cao điểm, có sự phối hợp rộng rãi giữa các địa phương trong toàn khu, nâng mức địch bị tiêu diệt lên cao hơn. Đã đánh được các phân chi khu, cuộc cảnh sát, bọn bình định ác ôn, hỗ trợ cho nhân dân bung ra làm ăn, nhất là đánh đau vào bọn ủi phá địa hình, di giãn dân, ngăn chặn kế hoạch lấn chiếm của địch.

Cùng với bước phát triển của hoạt động quân sự, phong trào đấu tranh chính trị cũng được nâng lên, nhất là sau khi có chỉ thị 04 của Trung ương Cục về công tác phát động quần chúng trong tình hình mới. Nhân dân đã mạnh dạn đấu tranh chống bọn kìm kẹp ở xã, ấp bằng nhiều hình thức như: cô lập, chỉ trích, khống chế, kiên lật, phục vụ cho bên ngoài vào diệt ác, v.v. làm cho bọn tề dao động, lưu vong, dân bung ra sản xuất làm ăn, chống bắt lính đôn quân, chống cướp lúa; phong trào có nơi có lúc quyết liệt, quần chúng đã dùng đến bạo lực để đấu tranh với địch.

Ở các khu địch mới di dân đến, nhân dân đấu tranh đòi giải quyết đời sống, không chịu vào tổ chức phòng vệ dân sự, chống bắt lính, không chịu nhận đát chúng đã cướp của đồng bào tại chỗ, đòi cung cấp đủ 12 tháng ăn (chúng quy định cấp 6 tháng). Đến tháng 10 năm 1974 nhiều nơi chưa ổn định được thế ăn, ở, sản xuất, chưa lập được thế kìm. Riêng khu di dân ở nam Camp Êsépic, quần chúng đã lần lượt bỏ đi nơi khác gần hết(1).

Đối với các thị xã, từ đầu năm 1974, địch tăng cường kiểm soát nội thị đánh phá các bàn đạp, các lõm chính trị và làm chủ ở nội thị và vùng ven. Ở Đà Lạt, do có bàn tay nội gián trong cơ quan lãnh đạo nên địch đã đánh trúng các lõm chính trị, các cơ sở cốt cán trong các phong trào công nhân lao động, thanh niên học sinh, hàng loạt cơ sở, đảng viên trong nội thị bị tổn thất (bị bắt, bị truy, đứt liên lạc). Tuy vậy, nhiều nơi ta vẫn kiên trì bám trụ, móc nối và dần dần khôi phục lại cơ sở. Riêng Đà Lạt đến cuối năm 1974 và cả những tháng đầu năm 1975 nhiều đội công tác không bám được nội thị chỉ còn liên lạc được một số cơ sở trong lực lượng 3, nhưng trong số này có người thực chất là của địch (làm 2 mặt).

Mùa nưa năm 1974 phong trào đô thị có chuyển lên, các cuộc đấu tranh đòi bán gạo, xăng dầu, chống đuổi nhà, cướp đắt (ở Đà Lạt) chống tăng truy thuế, đòi tăng lương, chống sa thải, chống bắt lính ở Phan Thiết, Lagi, Blao, có cuộc hàng nghìn quần chúng tham gia. Phong trào công khai chống Nguyễn Văn Thiệu tham nũng, đòi thi hành Hiệp định nổi lên trong toàn Miền cũng được các tầng lớp nhân dân trong Khu hưởng ứng sôi nổi, có tác dụng mở rộng mặt trận đoàn kết đấu tranh và xây dựng phát triển thực lực của ta.

Nhìn chung, được sự hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ của tiến công quân sự và những thắng lợi chung trên toàn Miền cổ vũ và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận kết hợp với tiến công quân sự, gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng và làm thất bại thêm một bước kế hoạch bình định lấn chiếm mới của địch, chuyển tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho ta, tạo thêm điều kiện cho Quân khu cùng với toàn Miền bước vào mùa khô 1974-1975 giành thắng lợi to lớn.


(1) Mùa khô 1973-1974 và cả mùa mưa 1974, trên toàn Miền, các lực lượng ta tiến công địch liên tục, giành thắng lợi lớn toàn diện, kế hoạch bình định lấn chiếm của địch trong năm 1974 bị đánh bại một bước quan trọng.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:55:56 am
Chuẩn bị cho hoạt động mùa khô 1974-1975

Hạ tuần tháng 8 năm 1974, Khu ủy họp hội nghị mở rộng lần thứ 18 để bàn về phương hướng, nhiệm vụ và yêu cầu đối với công tác trước mắt của Khu. Hội nghị nhận thấy từ cuối năm 1973, sang năm 1974 tình hình có được cải thiện từng bước nhưng còn chậm. Có nơi còn khó khăn về đảm bảo vật chất hậu cần, quân số nhắt là Tuyên Đức và Ninh Thuận. Nhưng xét về xu thế phát triển của tình hình thì ta đang ở trong thế thuận lợi, những nhân tố mới, khả năng mới của phong trào đang rõ dần.

Về địch, tuy chúng còn có sức, còn nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, nhưng chúng cũng gặp nhiều khó khăn, nhược điểm nhất là về chính trị, tinh thần. Do những tác động của tình hình chung trên toàn Miền, những khó khăn nhược điểm của chúng sẽ càng ngày càng phát triển, chúng không thể nào đảo ngược được xu thế ngày càng có lợi cho ta và bất lợi cho chúng.

Đặc biệt, trong Hội nghị này, Khu ủy cũng nhận định nội dung tóm tắt của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn (4 tháng 5 năm 1974) về nhiệm vụ và công tác cấp bách của Khu VI trong 2 năm 1974-1975 (do đồng chí Trần Lê Bí thư khu ủy ở miền Bắc gởi về qua thư đề ngày 7 tháng 5 năm 1974(1): “Xác định rõ vị trí của miền núi Khu VI nối liền với miền rừng đông Nam Bộ là một địa bàn căn cứ chiến lược chung cho cả chiến trường B2 (từ Khu VI vào), nơi triển khai những binh đoàn chủ lực để từ đây tiến đánh Sài Gòn, thắng địch tại đây để cuối cùng thắng địch trên toàn chiến trường B2. Trước mắt cuộc chiến đấu đòi hỏi Khu VI phải khẩn trương nỗ lực vươn lên, mở rộng và hoàn chỉnh thế làm chủ núi rừng, phối hợp với Khu VII, xây dựng căn cứ chiến lược chung - để trong một vài năm có đủ sức chứa một khối chủ lực lớn. Riêng Khu VI có thể tiếp thu thêm một vài Sư đoàn…”.

Đồng thời Khu ủy cũng nhận được điện của đồng chí Trần Lê nói về việc chuyển cơ quan Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu lên đứng chân phía bắc đường 20 của Lâm Đồng, để có điều kiện gắn với cục diện chiến trường chung khi thời cơ xuất hiện(2).

Qua ý kiến chỉ đạo của trên, liên hệ với tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Cục miền Nam, hội nghị Khu ủy đảm nhận là tình hình hết sức khẩn trương, thời cơ lớn có thể đến(3). Do đó, mặc dù tình hình trong Khu có nhiều khó khăn, nhưng hội nghị vẫn quyết tâm phấn đấu trong những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, giành cho được một bước thắng lợi mới, toàn diện cả phía trước lẫn phía sau, cả tiến công và xây dựng, làm thay đổi so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta… Đây là quyết tâm có căn cứ, đồng thời cũng là truyền thống tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và quân dân Khu VI, trước những thời cơ chiến lược trong quá trình cuộc kháng chiến lâu dài.

Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình và hạ quyết tâm chiến lược, khẳng định là ta đang đứng trước thời cơ lớn để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà và đề ra kế hoạch chiến lược cơ bản 2 năm 1975-1976 để giành thắng lợi hoàn toàn. Năm 1975 tranh thủ bất ngờ ta tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện đầy đủ để sang năm 1976 thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Căn cứ quyết tâm và kế hoạch chiến lược của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tác chiến năm 1975 gồm 3 đợt:

- Đợt 1: đẩy mạnh hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và Khu VI.

- Đợt 2: là đợt chủ yếu của toàn Miền lấy Tây Nguyên làm chiến trường chính.

- Đợt 3: là tiếp tục phát triển thắng lợi.

Vậy là đầu tháng 12 năm 1974, chiến cuộc mùa khô 1974-1975 trên chiến trường Nam Bộ và Khu VI đã bắt đầu triển khai. Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm trong đợt đầu đánh phá bình định ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là mở rộng vùng ruột của sông Hậu, mở chiến dịch của chủ lực Miền ở miền dông, giải phóng lộ 14 (dự kiến giải phóng tỉnh Phước Long) nối liền với địa bàn Tây Ninh, giải phóng lộ 20, vùng Hoài Đức - Tánh Linh Khu VI, chia cắt giữa Quân khu II và Quân khu III của địch. Quá trình đó tạo điều kiện bao vây, uy hiếp Sài Gòn, tạo bàn đạp để sẵn sàng tiến công Sài Gòn từ nhiều hướng.

Sau Hội nghị Khu ủy, đồng chí Lê Văn Hiền quyền Chính ủy Quân khu và Bộ Tư lệnh Miền nhận kế hoạch mùa khô năm 1974-1975 mà nội dung chủ yếu là: Quân khu VI kết hợp với Quân khu VII đánh giải phóng 2 huyện Hoài Đức - Tánh Linh của Bình Tuy, góp phần hoàn chỉnh căn cứ miền Đông Nam Bộ với lộ 14 tỉnh Phước Long, nối liền với địa bàn Tây Ninh, tạo bàn đạp tiến công và uy hiếp Sài Gòn từ hướng bắc; đồng thời đánh giải phóng đường 20, chia cắt Quân khu II và Quân khu III của địch, hình thành thế uy hiếp Sài Gòn từ hướng đông bắc, giải phóng, lam chủ phần lớn vùng nôn thông đồng bằng và miền núi của Khu VI.

Ở hướng trọng điểm, trong đợt 1, mở đầu hoạt động mùa khô năm 1974-1975, Quân khu sử dụng Trung đoàn 812 và lực lượng địa phương tỉnh Bình Tuy, phối hợp với Sư đoàn 6 (thiếu) của Quân khu VII, mở chiến dịch tiến công tổng hợp trên địa bàn 2 huyện Hoài Đức - Tánh Linh, tiêu diệt sinh lực địch, đập tan bộ máy kìm kẹp của chúng, giải phóng hoàn toàn 2 huyện này và phối hợp với chiến dịch tiến công của chủ lực Miền ở hướng chính đường 14 Phước Long. Đợt 2 sẽ phát triển trên hướng đường 20 của Lâm Đồng.


(1) Đồng chí Trần Lê, Bí thư Khu ủy ra miền Bắc chữa bệnh, có làm việc với đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí Quân ủy Trung ương vì đồng chí chưa vào kịp nên có thư đề ngày 7 tháng 5 năm 1974, chuyển đạt ý kiến của trên về trước.
(2) Theo hồi ký “Vùng đất kiên trung” của đồng chí Lê Văn Hiền Ủy viên Thường vụ Khu ủy VI, quyền chính ủy Quân khu VI (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1985).
(3) Trong buổi làm việc của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn với đồng chí Trần Lê ngày 4 tháng 5 năm 1974 khi nhận định vè thời cơ đối với cách mạng miền Nam, đồng chí nói: 20 năm qua ta ta mới đi một bước, nhưng thời gian đó tới một ngày có thể bằng 20 năm nên ta phải rất khẩn trương.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:56:45 am
Nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi Quân khu phải triển khai nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, không những cho chiến dịch ở hướng trọng điểm mà phải chuẩn bị cho toàn Khu nhanh chóng tranh thủ thời cơ chiến lược, phối hợp với các chiến trường trong toàn Khu và chung với toàn Miền giành thắng lợi to lớn.

Cuối tháng 9 năm 1974, Quân khu cho chấm dứt đợt hoạt động của Trung đoàn 812 phía tây sông Lũy (Bình Thuận) cho lực lượng đặc công và cán bộ Trung đoàn 812 cùng với lực lượng đặc công, cán bộ Sư đoàn 6 (thiếu) Quân khu VII tiến hành chuẩn bị các mục tiêu thuộc 2 khu vực Hoài Đức và Tánh Linh.

Tháng 10 năm 1974, Quân khu củng cố bổ sung lực lượng chủ yếu cho Trung đoàn 812 và tỉnh, rút tỉa du kích lên bổ sung cho bộ đội huyện; tiến hành tập huấn cho cán bộ Trung đoàn 812, các tỉnh đội chủ yếu và chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt và đánh địch trong công sự vững chắc. Riêng Trung đoàn 812 và Bình Thuận huấn luyện chiến thuật từ cá nhân, tổ 3/3… đến tiểu đoàn chiến đấu vận động tiến công kết hợp chốt và đánh địch trong công sự vững chắc, theo phương án tác chiến trong điều kiện chiến đấu dài ngày. Các tỉnh khác huấn luyện chiến thuật đến đại đội chiến đấu tập kích và phục kích. Đồng thời Bộ tư lệnh Miền cũng mở hớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt ở các Quân khu và đơn vị chủ lực về đánh địch trong công sự vững chắc (công kiên).

Công tác chính trị đảm bảo cho hoạt động cũng được tiến hành sâu rộng, toàn quân được học tập công tác chính trị mùa khô 1974-1975 của Quân ủy Miền và Quân khu ủy. Cuối tháng 11 năm 1974 học tập thư động viên vào đợt của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền. Công tác động viên phía sau phục vụ cho phía trước cũng làm với yêu cầu cao, hàng trăm du kích, hàng ngàn dân công căn cứ và hơn 200 cán bộ, nhân viên cơ quan được huy động ra phía trước tham gia chiến dịch, phục vụ chiến đấu.

Công tác bảo đảm hậu cần, nhất là vũ khí đạn dược, được chuẩn bị một cách khẩn trương, tích cực từ đầu mùa mưa. Tuyến hành lang vận tải H.50 vẫn giữ vững, thông suốt từ cửa khẩu Bù Đốp ở biên giới về Bến Cầu (sông Đồng Nai) và vàm sông Đạ Oai. Lúc này, ô tô, thuyền máy chạy ngược xuôi ngày đêm liên tục. Từ bến sông Đạ Oai vượt sang nam đường 20, phải dùng lực lượng vận tải bộ, xe đạp thồ, phần lớn do nữ chiến sĩ H.50 đảm nhận. Để kịp phụ vụ cho chiến dịch, mặc dù thời tiết mưa rét, lầy lội, địch thường xuyên phục kích, nhưng có những đêm đoàn xe đạp thồ phải vận chuyển vượt đường 20 hai chuyến liền. Với tinh thần thi đua tăng năng suất vận chuyển hàng, nữ đồng chí Nguyễn Thị Thu đạt kỷ lục tỉa 195 ki-lô-gam hàng một chuyến trong khi bản thân đồng chí ấy vẫn chưa biết đi xe đạp. Sáu tháng cuối năm 1974 ta đã đưa qua nam đường 20 được 104 tấn hàng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 15 tấn) và chuyển tận chiến trường 40 tấn vũ khí, đạn dược kịp cho Trung đoàn 812 bước vào chiến đấu đợt một của mùa khô. Tinh thần phục vụ của anh chị em trên tuyến vận tải Đoàn H.50 là một hình ảnh tiêu biểu cho ý chí tự lực tự cường, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ của quân và dân Khu VI trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Về lương thực tuy nhờ tích cực thu mua của dân trong vụ mùa trên các cánh đồng và nhận một phần của hậu cần Miền cung cấp (Đoàn 814), nhưng hết tháng 11 năm 1974 cũng chỉ còn đủ cho lực lượng của Khu ăn trong hai tháng. Vì vậy phải tiếp tục thu mua cả lúa và màu trong nhân dân và dùng máy xay xát ngay trên cánh đồng mới kịp đáp ứng yêu cầu huấn luyện và chiến đấu cho các lực lượng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1974, Bộ Tư lệnh Miền thông qua phương án tác chiến. Sau đó Bộ Tư lệnh Quân khu VI và Bộ Tư lệnh Quân khu VII họp bàn cụ thể kế hoạch phối hợp và phương án tiến hành chiến dịch do đồng chí Nguyễn Minh Châu - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền chủ trì. Miền quyết định lập Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí: Lê Văn Sỹ sư đoàn trưởng Sư đoàn 6 Quân khu VII, làm chỉ huy trưởng; Lê Văn Hiền quyền chính ủy Quân khu VI làm Chính ủy, Bùi Văn Mì Phó tư lệnh Quân khu VI, Lê Khắc Thành - Bí thư tỉnh ủy Bình Tuy, và đồng chí Bảy Mai - Chính ủy Sư đoàn 6 làm Phó chỉ huy trưởng và Phó chính ủy chiến dịch.

Đồng chí Nguyễn Minh Châu thay mặt Bộ Tư lệnh Miền trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Bộ Tư lệnh Quân khu VI chính thức ra chỉ thị cho các tỉnh và đơn vị kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975. Nội dung nêu rõ vị trí chiến lược của chiến trường Khu VI và yêu cầu cấp thiết trong năm 1975 là phải mở rộng vùng giải phóng và làm chủ, hoàn chỉnh khu căn cứ của khu, nối liền với miền Đông Nam Bộ; đánh phá bình định, giành quyền làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng, thúc đẩy phong trào đô thị, đánh bại một bước cơ bản kế hoạch bình định lấn chiếm của địch.

Về chiến trường, thì phân thành 3 khu vực:

- Khu vực 1: Gồm Bình Thuận và Bình Tuy, Lâm Đồng thành một mảng; yêu cầu chủ yếu là giải phóng 2 huyện Hoài Đức - Tánh Linh, mở rộng vùng căn cứ giải phóng nối liền với miền Đông Nam Bộ, nâng lên tranh chấp, xóa trắng và làm lỏng rã kìm số ấp còn lại.

- Khu vực 2: Ninh Thuận - Tuyên Đức thành một mảng; chủ yếu là chống kế hoạch bình định, lấn chiếm, làm lỏng rã kìm, đưa dân về căn cứ hoặc đấu tranh 2 chân 3 mũi, giữ gìn các bàn đạp, hành lang chú ý đánh phá giao thông, sân bay, kho tàng, đột kích vào các thị xã.

- Khu vực 3: Quảng Đức, yêu cầu kết hợp với hoạt động chủ lực của trên mở rộng vùng giải phóng, mở rộng hành lang.

Quân khu chỉ đạo thành lập Ban Chỉ huy tiền phương ở các tỉnh, phối hợp hướng dẫn hoạt động chặt chẽ với trọng điểm giành thắng lợi.

Về thời gian, mọi công tác chuẩn bị cho hoạt động đợt một phải hoàn thành trước ngày 5 tháng 12 năm 1974.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:57:29 am
III. TRANH THỦ THỜI CƠ, NỖ LỰC VƯƠN LÊN PHỐI HỢP VỚI
LỰC LƯỢNG CỦA TRÊN GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN KHU VI
VÀ GÓP PHẦN TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
(Từ 10 tháng 12 năm 1974 đến 23 tháng 4 năm 1975)

Bước vào mùa khô cuối 1974 đầu 1975 trên chiến trường Quân khu, địch có 23 tiểu đoàn, 145 đại đội, 380 trung đội, 20 tiểu đội quân bảo an và trên 5.000 dân vệ. Có 156 cuộc cảnh sát, 64 đoàn bình định, 149 phân chi khu và các lực lượng kìm tại chỗ. Tính chung, quân địa phương có 72.450 tên. Phương tiện chiến tranh của địch gồm có: 84 khẩu pháo, 80 xe cơ giới bọc thép, 167 máy bay (2 sân bay lớn Thành Sơn thuộc Quân khu II và sân bay Biên Hòa thuộc Quân khu III địch), 46 tàu xuồng chiến đấu. Đồn bót ngoài 6 tiểu khu và 2 căn cứ quân sự (Thành Sơn - Camp Êsépic) có 20 đồn cấp tiểu đoàn, 166 đồn cấp đại đội và nhiều đồn bốt lẻ. Cộng chung là 823 cái. Riêng lực lượng chủ lực cơ động trên chiến trường trọng điểm có 2 tiểu đoàn biệt động, 2 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn cộng hòa, chiến đoàn 43 (Sư đoàn 18), 1 đại đội pháo, 1 đại đội cơ giới bọc thép…

Về phía ta, lực lượng toàn quân khu gồm: Trung đoàn 812 (3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo và các đại đội trực thuộc trung đoàn), Tiểu đoàn 200c đặc công thuộc Khu. Bộ đội tỉnh có 353 tay súng chiến đấu, bộ đội huyện có 389, tính chung lực lượng trong toàn Quân khu lúc bấy giờ số quân trực tiếp tham gia chiến đấu là 1.470 tay súng. Ngoài ra, có 5.000 dân quân du kích các loại, nhưng thực chất chiến đấu khoảng 15 phần trăm.

Lực lượng chính trị tại chỗ khoảng 10.000 cơ sở các loại mạnh và nhiều nhất là ở 2 huyện Hàm Thuận (Bình Thuận), Hàm Tân (Bình Tuy).

Vậy là khi bước vào hoạt động mùa khô 1974-1975, lực lượng chiến đấu của ta so với địch thì còn quá chênh lệch. Tuy nhiên, ta đang ở thế chủ động, có thể tập trung lực lượng vào các hướng trọng điểm và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương. Mặt khác, lực lượng vũ trang ta tuyệt đại bộ phận là cán bộ và chiến sĩ đã trải qua chiến đấu nhiều, có kinh nghiệm, lại vừa được học tập, huấn luyện quân sự chính trị, quán triệt nhiệm vụ mới nên rất phấn khởi và quyết tâm cao. Trình độ tổ chức và chỉ huy của cán bộ các cấp có được nâng lên… do đó có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đầu tháng 12 năm 1974, theo mệnh lệnh và chỉ thị hiệp đồng chung của Bộ chỉ huy Miền, ở hướng trọng điểm của Khu, chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh bắt đầu.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Sư đoàn 6 bộ binh (thiếu) của Quân khu VII (Trung đoàn 33, Trung đoàn 4 bộ binh và các Tiểu đoàn 18, 19, 20 đặc công, 1 đại đội pháo 85 ly và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn), Trung đoàn 812 bộ binh, Tiểu đoàn 130 pháo binh, Tiểu đoàn 200c đặc công, Đại đội 88 bộ binh tỉnh Bình Tuy và các lực lượng của 2 huyện Hoài Đức - Tánh Linh.

Hoài Đức - Tánh Linh là hai huyện nằm về phía bắc và đông bắc của tỉnh Bình Tuy, hướng bắc và đông bắc giáp Lâm Đồng (quốc lộ 20) hướng đông và đông nam giáp Bình Thuận (quốc lộ 1), hướng tây và tây nam giáp Long Khánh (thuộc Quân khu III của địch). Là vùng tiếp giáp giữa Quân khu II và Quân khu III địch, là vùng tương đối bằng nằm trong thung lũng sông La Ngà, địa hình có nhiều mấp mô, sát hoặc xa với núi đồi, có các tỉnh lộ số 2, số 3 và sông La Ngà chia cắt.

Trong kế hoạch hiệp đồng chiến đấu, Sư đoàn 6 được tăng cường Tiểu đoàn 186 (thiếu) (của Trung đoàn 812) ở hướng chủ yếu, đánh diệt địch, giải phóng toàn bộ huyện Hoài Đức, mục tiêu then chốt là chi khu quận lỵ Hoài Đức, Trung đoàn 812 (thiếu) được tăng cường thêm Tiểu đoàn đặc công 200c và Đại đội bộ binh 88 của Bình Tuy ở hướng thứ yếu, đánh giải phóng huyện Tánh Linh, mục tiêu then chốt là chi khu và cao điểm Lồ Ô (sát chi khu).

Điều bất lợi cho chiến dịch là gần đến ngày “N” (5 tháng 12 năm 1974) thì một cán bộ của tiểu đoàn 200c dao động ra đầu hàng giặc một đồng chí tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 33 đi nghiên cứu lại mục tiêu, bị địch phục kích bắn bị thương và bị bắt. Vì vậy, địch tăng thêm lực lượng lực lượng đề phòng. Chúng điều Tiểu đoàn 334 bảo an từ Tánh Linh về tăng cường phòng giữ xung quanh chi khu Hoài Đức, điều Tiểu đoàn 355 bảo an từ Long An lên tăng cho chi khu Tánh Linh, điều chỉnh lại Liên đoàn 7 biệt động quân, chi đoàn xe cơ giới 3/5 và hai trung đội pháo đứng trên đường số 1 và số 3 thuộc Hoài Đức; điều tiếp tiểu đoàn bảo an từ Long Khánh lên Giá Rây, chiến đoàn 48 (Sư đoàn 18) đứng tại ngã ba Ông Đồn (đường số 1) sẵn sàng cơ động chi viện. Chúng còn dùng phi pháo bắn phá các nơi nghi có quân ta tập kết.

Do vậy, Bộ chỉ huy Miền cho lùi ngày “N” để chuẩn bị thêm. Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn giữ nguyên quyết tâm đánh Hoài Đức - Tánh Linh, nhưng về phương án tác chiến, có sả đổi cho phù hợp với tình hình địch đã tăng cường đối phó. Ở hướng thứ yếu Tánh Linh, Trung đoàn 812 chưa đánh vào chi khu ngay từ đầu mà dùng đặc công, 1 đại đội bộ binh đánh chiếm cao điểm Lồ Ô, chiếm giữ và khống chế chi khu, giải phóng vùng nông thôn xung quanh, sau đó mới tập trung đánh dứt điểm chi khu.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:57:56 am
Đúng 2 giờ ngày 10 tháng 12 năm 1974, ở hướng chủ yếu, Sư đoàn 6 đồng loạt tiến công các Tiểu đoàn 18, 20 đặc công và 1 tiểu đoàn bộ binh (của Trung đoàn 4), hình thành 4 mũi đánh vào chi khu Hoài Đức nhưng không dứt điểm. Cùng lúc, các bộ phận khác của Trung đoàn 4 và đặc công trinh sát của Sư đoàn đánh chiếm các mục tiêu: các đồn ở đồi Bảo Đại, Núi Dinh, dùng hỏa lực đánh vào điểm đồi Su. Riêng đồi Bảo Đại do ta chiếm giữ nên địch chiếm lại. Tiểu đoàn 186 (thiếu) (của Trung đoàn 812) cùng với bộ đội địa phương và du kích đánh chiếm đại bộ phận xã Võ Xu. Trung đoàn 33 bộ binh chặn đánh viện trên đường số 3 đã chiếm cầu Gia Huynh và tổ chức trận địa chặn đánh viện phía nam lên.

2 giờ 32 phút cùng ngày, ở hướng thứ yếu (Tánh Linh) Tiểu đoàn 200c đặc công cùng một đại đội bộ binh Tiểu đoàn 15 (Trung đoàn 812) và một bộ phận hỏa lực Tiểu đoàn 130 pháo binh, tiến công dứt điểm Lồ Ô, một cứ điểm quan trọng nằm trên đỉnh cao 250 mét, sát chi khu Tánh Linh, do một đại đội bảo an, một trung đội dân vệ và một trung đội pháo 105 ly chiếm giữ, khống chế toàn bộ khu vực Tánh Linh, cứ điểm Lồ Ô địa hình dốc đứng, công sự tương đối vững chắc, với hệ thống công sự, chướng ngại hầm hào, có 7 lớp rào kẽm gai hỗ hợp xen kẽ mìn và chông. Địch quyết giữ và chống trả quyết liệt, sau bốn giờ tiến công dũng mãnh, ta đã đánh dứt điểm. Đây là chiến công xuất sắc của tiểu đoàn 200c đặc công và đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 15 và cũng là lần đầu tiên đặc công phải đánh kéo dài, chiếm và giành giật từng mục tiêu với địch cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó 1 đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 15 và một bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn 130 chốt trụ lại (tổ chức phòng ngự điểm tựa) và dùng hỏa lực kìm chế chi khu Tánh Linh.

Cùng đêm, đại đội 5 đặc công của Trung đoàn 812 đánh chiếm đồn cấp đại đội ở đồi Giang nằm về phía đông bắc chi khu 700 mét, nhưng ta không chốt giữ nên sáng hôm sau địch chiếm lại. Tiểu đoàn 15 (thiếu) đại đội 88 bộ binh của tỉnh, bộ đội huyện và du kích hiệp đồng tiến công liên tục, và ngày hôm sau đánh chiếm các đồn bót lẻ, phân chi khu xung quanh, chi khu Tánh Linh, chiếm các ấp Lạc Tánh, Quảng Hà, Huy lễ, v.v.

Những ngày tiếp theo, địch tăng thêm Tiểu đoàn 344 bảo an trực tiếp giữ chi khu Hoài Đức và dùng phi pháo đánh phá có tính chất hủy diệt “cao điểm Lồ Ô” dùng trực thăng đổ quân xuống tăng viện giữ chi khu Tánh Linh. Được phi pháo yểm trợ tối đa, nhiều lần chúng xua quân lên phản kích chiếm lại cao điểm Lồ Ô nhưng đều bị quân các lực lượng ta chốt giữ ngoan cường đánh trả, chúng không sao chiếm được.

Ở hướng chặn viện đường số 3, trong ngày 11 và 12 tháng 12 năm 1974 địch cho liên đoàn 7 biệt động quân và chiến đoàn 46 (Sư đoàn 18) liên tiếp mở nhiều đợt tiến công giải tỏa đường đi cứu viện cho hai chi khu Hoài Đức - Tánh Linh nhưng đều bị Trung đoàn 33 chặn đánh buộc phải rút lui. Trong đêm 12 tháng 12, do ta bị sơ hở, 1 tiểu đoàn (thiếu) của Liên đoàn 7 biệt động quân và 1 tiểu đoàn của Chiến đoàn 48 (Sư đoàn 18) chiếm được phía nam cầu Gia Huynh, nhưng sau đó ta chặn đánh nên chúng không phát triển được.

Những ngày tiếp theo, ta vẫn giữ chốt các nơi đã chiếm được, vây ép chi khu, đánh địch phản kích, kết hợp với phát động quần chúng nổi dậy giải phóng các xã, ấp còn lại. Sư đoàn 6 tăng cường một bộ phận lực lượng cho trung đoàn 33, đánh dứt điểm đồn Đồi Đá, cầu Nín Thở, và chốt Trà Tân. Ta chiếm giữ đường số 3 từng đoạn xen kẽ giữa ta và địch, bao vây cô lập bọn biệt động quân và chiến đoàn 48 (Sư đoàn 18) ra từng cụm, chúng không mở đường tiến lên được và cũng không lui được. Trung đoàn 4 áp sát thị trấn Võ Đắc, vây ép chi khu Hoài Đức. Tiểu đoàn 186 (thiếu) tiếp tục vây ép các đồn bót còn lại và đánh địch phản kích ở xã Võ Xu.

Ở Tánh Linh cao điểm Lồ Ô ta vẫn đứng vững đánh địch phản kích và khống chế chi khu. Các lực lượng còn lại của Trung đoàn 812 cùng với lực lượng địa phương phát triển tiến công bức rút đồn Duy Cần, giải phóng ấp Gia An và lần lượt đánh giải phóng địch, vừa cùng với đội công tác và lực lượng chính trị phát động quần chúng nổi dậy truy bắt tề điệp, giải tán bộ máy kìm, phá ranh rào ấp v.v. Nhân dân lúc đầu còn dè dặt vì sợ ta đánh xong rút đi, nhưng khi thấy ta trụ lại đánh địch phản kích cả ban ngày thì hăng hái giúp đỡ bộ đội mọi mặt và làm theo sự hướng dẫn của ta, nhất là đào hầm hố chống phí pháo địch. Ta khẩn trương vận động đưa dân phía bắc sông La Ngà bị tập trung về lại vườn đất cũ của họ. Đồng chí Lê Thứ (tức Mười Bắc) Khu ủy viên, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Khu VI, cùng với cán bộ chính trị, đội công tác đảm nhiệm công việc này. Hàng nghìn đồng bào đã được tổ chức vượt sông phấn khởi trở về vùng giải phóng phía bắc sông trong bước 1 của chiến dịch.

Qua 12 ngày đêm chiến đấu, vây ép các chi khu và giành giữ các địa bàn xung quanh, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm đánh tiêu diệt chi khu Tánh Linh trước, sau đó tập trung dứt điểm chi khu Hoài Đức.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 07:58:45 am
23 giờ ngày 23 tháng 12 năm 1974, Trung đoàn 812 (thiếu), Tiểu đoàn 200c đặc công được tăng cường một bộ phận hỏa lực của Sư đoàn 6 (2 ĐKZ 75, 20 đạn H.12) tổ chức thành 3 mũi tiến công chi khu Tánh Linh và các chốt còn lại xung quanh. Các mũi đột phá đã lợi dụng được những chỗ sơ hở của địch nên đánh chiếm tương đối thuận lợi, nhưng khi phát triển vào trung tâm thì bị hệ thống lô cốt chìm và công sự ngầm của địch chống trả dữ dội. Trận đánh ngày càng gay go kéo dài ta phải đưa hết lực lượng dự bị vào đánh chiếm và giữ từng ngách hầm ngầm của địch. Đến 8 giờ ngày 24 tháng 12 năm 1974 ta mới dứt điểm làm chủ chi khu và tảo trừ. Nhưng liền sau đó tiểu đoàn 335 bảo an từ phía đông nam (Quang Hà) kéo lên phản kích, một bộ phận đột nhập được vào chi khu cùng với bọn sống sót còn dưới hầm ngầm chống cự lại ta quyết liệt. Trung đoàn 812 (thiếu) phải vừa đánh bọn địch bên ngoài, và vừa tảo trừ bọn bên trong, cho đến 16 giờ 30 ngày 24 tháng 12 năm 1974, ta mới giải quyết hết bọn bên trong chi khu và địch ở các ấp Quang Hà, Xã Dú, Lạc Tánh. Địch ở Đồi Giang bị Đại đội 5 (Tiểu đoàn 840) và một bộ phận hỏa lực vây ép đã nằm im và đến đêm bí mật rút chạy về hướng đường số 1 (Bình Tuy).

Như vậy, đến 7 giờ sáng ngày 26 tháng 12 năm 1974, Trung đoàn 812 cùng với lực lượng địa phương chiến đấu rất ngoan cường, dũng cảm, đã tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Trong lúc này, trên hướng chủ yếu của chiến dịch, Trung đoàn 33, Trung đoàn 4, v ẫn tiếp tục chặn đứng các cánh quân cứu viện, cắt đứt đường số 3, bao vây cô lập chi khu Hoài Đức.

Trước tình hình chi khu Hoài Đức bị áp lực mạnh và có nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 26 tháng 12 năm 1974, địch vội vã dùng trực thăng đến hốt Tiểu đoàn 344 bảo an ở Trà Tân 2 về tăng cường giữ chi khu, điều chiến đoàn 43 (sư đoàn 18) từ Thủ Dầu Một theo đường 20 lên Định Quán (ki-lô-mét 125) xuống chi viện cho Chi khu Hòi Đức, và triển khai trận địa pháo 12 khẩu tại Trà Cổ. Ngày 28 tháng 12 năm 1974 chúng dùng trực thẳng đổ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 43 xuống phía bắc Chi khu. Trên đường số 3, địch chuyển Liên đoàn 7 biệt động quân về Long Khánh để củng cố, đưa chiến đoàn 48/18 về giữ ngã ba Ông Đồn - Giá Ray.

Sau khi ta giải quyết dứt điểm chi khu và giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chỉ để lại tiểu đoàn 15 (Trung đoàn 812) cùng với lực lượng địa phương giữ Tánh Linh. Chuyển Trung đoàn 812 (thiếu) và Tiểu đoàn 200c đặc công qua phối hợp với Sư đoàn 6 (Quân khu VII) đánh dứt điểm chi khu Hoài Đức.

Trước tình hình địch đã tăng cường lực lượng quyết giữ chi khu còn lại, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đánh theo cách bóc vỏ: điều một bộ phận của Trung đoàn 33 đánh chiếm ấp Tư Tề, dùng toàn bộ Trung đoàn 4, các tiểu đoàn đặc công (Sư đoàn 6), cùng Trung đoàn 812 (thiếu) đánh vào thị trấn Võ Đắc, diệt các chốt và sinh lực địch vòng ngoài, luồn lách đưa lực lượng vào đột phá, đánh dứt điểm chi khu; sau đó quay ra diệt Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 43).

Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 12 năm 1974, ta tiến công vào các vị trí và lực lượng án ngữ bên ngoài, đánh lui Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 43) địch vượt sông La Ngà chi viện cho chi khu. Nhưng sau đó, chúng dùng trực thăng đổ đại đội trinh sát của chiến đoàn 43 xuống đồi Bảo Đại thay cho 1 đại đội của Tiểu đoàn 344 bảo an về tăng cường giữ chi khu.

Tối ngày 01 tháng 01 năm 1975, các mũi tiến công chi khu đã tiếp cận rào, nhưng bị địch phản kích không mở cửa được, phải dừng lại. Các ngày tiếp theo, các đơn vị đánh địch bên ngoài và vây lấn địch. Đêm ngày 4 tháng 1 năm 1975, ta lại tiếu cận chi khu, vẫn không đột phá được, bị thương vong nên Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng tiến công.

Ngày 5 tháng 1 năm 1975, địch dùng trực thăng đổ tiếp Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 43) xuống phía đông sông La Ngà, đồi Bảo Đại, tìm cách tiến sát vào Võ Đắc để tăng viện cho chi khu; ta vẫn vây, bám đánh địch xung quanh chi khu.

Sau 10 ngày đêm chiến đấu, ta vây ép, diệt được địch ở ngoại vi, nhưng đột phá vào chi khu không thành công, do ta đánh quân tăng viện chưa tốt, bóc vỏ chưa sạch, hỏa lực bị hạn chế, đánh thiếu hiệu quả. Mặt khác, địch đã tập trung lực lượng tăng cường phòng giữ cả bên trong và bên ngoài, bộ đội ta thương vọng, lực lượng bị giảm sút. Do đó Bộ Chỉ huy Miền cho chấm dứt chiến dịch; dùng một bộ phận của Sư đoàn 6 (Quân khu VII) vây lỏng chi khu Hoài Đức, chuyển Trung đoàn 812 (thiếu) sang phía bắc đánh đồn bót, phân chi khu, giải phóng xã ấp; lập Bộ Chỉ huy tiền phương Quân khu tiếp tục chỉ huy Trung đoàn 812 và Bình Tuy hoạt động và chuyển bị cho những đợt tiến công tiếp theo(1).

Trong 2 ngày 13, 14 tháng 1 năm 1975, Trung đoàn 812 (thiếu) đã đánh dứt điểm các đồn Đồi Su, đồn Bến Gỗ, đồn Chính Đức, giải phóng hoàn toàn xã Võ Xu và Chính Đức. Sau đó để lại Đại đội 5 trinh sát (của Trung đoàn 812) chốt giữ cao điểm núi Dinh, Tiểu đoàn 840 chốt giữ chặn địch trên đường số 3.

Trung đoàn 812 còn lại chuyển về giữ Tánh Linh và thay phiên củng cố lực lượng. Sư đoàn 6 (Quân khu VII) rút về.


(1) Bộ Chỉ huy Tiền phương Quân khu gồm: Đồng chí Bùi Văn Kỳ (Phó tư lệnh Quân khu) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Khắc Thành (Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy) làm Chính ủy, đồng chí Phạm Hoài Chương (Phó cục trưởng Cục Chính trị quân khu), Nguyễn Thanh Đức (Tỉnh đội trưởng Bình Tuy) làm chỉ huy phó.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Tư, 2012, 08:00:02 am
Tính chung, trong chiến dịch Hoài Đức - Tánh Linh ta loại 2.300 tên địch, diệt 1 tiểu đoàn, 3 đại đội bảo an, đánh thiệt hại nhiều đại đội và tiểu đoàn khác, diệt và bức rút 48 đồn, 1 chi khu, giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và đại bộ phận nông thôn huyện Hoài Đức với 30.000 dân.

Tuy chưa dứt điểm chi khu Hoài Đức và đánh quân đổ viện chưa hiệu quả, nhưng cũng kìm căng được Sư đoàn 18 (Quân khu III) ngụy, thu hút được nhiều máy bay địch, phối hợp đắc lực với hướng tiến công chính: Chiến dịch đường 14 Phước Long của chủ lực Miền(1).

Đối với Quân khu VI, đây là một thắng lợi to lớn, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris, ta giải phóng hoàn toàn 1 huyện, giành được dân, tạo ra thế và lực mới, thúc đẩy các địa phương trong Quân khu đẩy mạnh tiến công tiêu diệt, giành quyền làm chủ.

Phối hợp với trọng điểm Hoài Đức - Tánh Linh ở Bình Tuy bộ đội địa phương huyện Hàm Tân đánh địch ủi phá địa hình dọc đường số 1, từ căn cứ 5 đến Đông Hà, diệt chốt Hiệp Lễ, diệt ác ở ấp Văn Mỹ. Các đội công tác huyện Nghĩa Lộ liên tục đột vào các ấp ở căn cứ 6 - 7 - 10 - Nghĩa Tân, phát động quần chúng gây cơ sở. Thị xã Lagi đánh bọn địch bung ra vùng ven và móc nối xây dựng, phát triển được cơ sở trong nội thị.

Ở Bình Thuận, hướng diện trực tiếp của Quân khu, tỉnh đã sử dụng tập trung lực lượng tiến công chi khu Thiện Giáo, đánh mở rộng nông thôn đường số 8, diệt phân chi khu Tân An và đánh thiệt hại, kiềm chế được nhiều phân chi khu khác; đánh phác các cụm lô cốt: Xuân Phong, Thuận Thắng; đặc công đánh sâu vào thị xã Phan Thiết, đánh phá banh ấp Bình Lâm, trụ lại đánh địch phản kích, phát động nhân dân bỏ khu tập trung bung về vườn đất cũ; đánh phá làm lỏng rã kìm nhiều ấp trên trục đường số 8 và vùng ven Phan Thiết, đưa một số ấp lên tranh chấp.

Đường số 8 bị uy hiếp và cắt đứt trong từng thời gian, các lực lượng tỉnh, huyện, du kích và đội công tác đã phối hợp hoạt động liên tục, dồn dập làm cho địch đối phó lúng túng, phải co lại để giữ là chủ yếu.

Nhằm giải tỏa áp lực của ta, cuối tháng 12 năm 1974, địch huy động 7 tiểu đoàn tập trung càn quét khu vực Tam giác đường 8 nhưng bị phong trào du kích rộng mạnh ở đây đánh trả, tiêu hao nhiều nên buộc phải bỏ dở cuộc càn. Phối hợp với mảng phía nam, ở phía bắc Bình Thuận bộ đội địa phương và du kích các huyện Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Thuận Phong cũng bám đánh địch phá nhiều ấp, gài mìn, bắn tỉa, phục kích diệt bọn bung ra giải tỏa, mở đường số 1. Tính chung trong đợt 1, Bình Thuận đã đánh 311 trận lớn nhỏ, loại 889 tên địch, diệt 7 trung đội, 1 đoàn bình định, san bằng 2 đồn cấp trung đội, 2 đồn cấp tiểu đội, phá banh và mở ra tranh chấp trên diện rộng, phối hợp nhịp nhàng với trọng điểm Hoài Đức - Tánh Linh.

Ninh Thuận đánh phá có hiệu quả bọn lấn chiếm trên đường 11, phía Anh Dũng đánh bọn địch ở Ma Nới buộc chúng lùi ra tuyến sông Dầu. Bộ đội địa phương và du kích Bác Ái đã đánh và vây ép chốt địch ở cao điểm 181 (Trà Co), buộc chúng phải rút chạy về phía bờ tây sông Cái, đánh vào các khu tập trung Quảng Thuận - Sông Mỹ, phá trụ điện cao thế ở dọc đường 11. Pháo kích và đánh bằng đặc công vào sân bay Thành Sơn, phá hỏng 6 máy bay, ở An Phước ta đã lấn xuống đánh bức địch rút bỏ đồn Cà Tuông, khôi phục lại phần lớn địa bàn sông Nhị Hà. Đánh phá 1 số ấp ở Thuận Nam và Thuận Bắc bọn tề dao động co lại, các đội công tác ra vào ấp dễ dàng.

Tuyên Đức đánh diệt điểm R’Lôm, liên tục đánh địch lấn chiếm khu vực Nam Ban, làm lỏng rã kìm thêm nhiều ấp trên đường số 21 kéo dài và đường 20. Các đội biệt động đánh địch trong thị xã Đà Lạt và vùng ven, khôi phục lại các địa bàn ở hướng tây bắc, tây nam và đông thị xã.

Lâm Đồng đánh phá liên tục các khu Minh Rồng, Quảng Lâm, bức rút chốt Trảng Bia. Các lực lượng vũ trang và đội công tác liên tục đột ấp, diệt ác, phá kìm, xây dựng phát triển cơ sở, nhất là các ấp và các sở trà xung quanh Di Linh. Liên tục đánh phá cầu cống, cắt đứt đườn 20 từng thời gian ngắn.

Tính chung toàn Quân khu, trong đợt 1 mùa khô năm 1974-1975 đã đánh 1316 trận, loại 5.702 địch, trong đó có 500 tên đào rã ngũ; diệt và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn, 10 đại đội, thu 2.389 súng, trên 30 tấn đạn, nhiều phương tiện thông tin, xe cộ, bắn rơi và phá hủy 19 máy bay, đánh hỏng 11 khẩu pháo, 67 xe quân sự, làm cháy 1 triệu lít xăng; đánh diệt 1 chi khu, bức rút 70 đồn bót, giải phóng hoàn toàn 1 huyện và 1 số ấp khác trên 30.000 dân, hơn 1.000 dân của huyện Hàm Thuận (đường 8 - Tam Giác) bỏ ấp chiến lược trở về vùng giải phóng.

Thắng lợi trong đợt 1 mùa khô 1974-1975 là hết sức quan trọng, đó là một bước phát triển mới của phong trào kháng chiến trong Khu, một tiến bộ mới của các lực lượng vũ trang trong Quân khu, làm tăng thêm lòng tin của nhân dân và nội bộ, làm cho địch suy yếu thêm một bước, tạo thuận lợi cho tiến công đợt 2 giành thắng lợi to lớn.


(1)  Chiến dịch đường 14 Phước Long từ 13 tháng năm 19 năm 1974 - 6 tháng 1 năm 1975 đã diệt chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Bù Đốp lưu vong và tiểu khu Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:13:20 pm
Tiếp tục tiến công đợt 2 mùa khô năm 1974-1975 giải phóng huyện Hoài Đức và 2 tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức

Đầu năm 1975, lực lượng địch ở chiến trường Khu VI, sau đợt một tăng thêm 5 tiểu đoàn nhưng về số lượng chung có bị giảm 3.000 tên (tổng số 69.543 tên). Riêng ở hướng trọng điểm, địch bổ sung quân số, điều chỉnh lại lực lượng nhằm giải tỏa thế bị bao vây, cô lập đối với chi khu Hoài Đức và cố đánh chiếm lại Tánh Linh, giữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn. Xung quanh chi khu Hoài Đức, chúng bố trí 3 tiểu đoàn dự phòng: Tiểu đoàn 3 (Chiến đoàn 43 sư đoàn 18) giữ đồn Sơn và đồi bảo Đại. Tiểu đoàn 344 bảo an giữ cầu Nín Thở, Trà Tân 3, tiểu đoàn 369 bảo an giữ Sùng Nhơn, Võ Xu. Lực lượng chiếm giữ chi khu gồm: 1 đại đội bản an, 2 trung đội thám báo và cảnh sát dã chiến, 1 chi đội thiết giáp, 2 khẩu pháo 105 ly. Ngoài ra các đồn bót lẻ, dân vệ trong các thôn thuộc thị trấn Võ Đắc bao bọc chi khu, sau tiến công đợt 1 của ta, chúng đã khôi phục lại nguyên vẹn. Đặc biệt chúng dùng máy bay và pháo binh đánh liên tục có tính chất hủy diệt cao điểm núi Dinh do đại đội 5 trinh sát chiếm giữ, chúng kết hợp với bộ binh phản kích quyết liệt nhiều lần trong ngày, hòng đánh bật lực lượng ta ra khỏi cao điểm khống chế này. Nhưng đại đội 5 đã kiên cường bám trụ và đánh trả, làm thất bại mọi cuộc tiến công của địch, giữ vững cao điểm suốt 58 ngày đêm, liên tục quan sát theo dõi địch trong chiến dịch, cho đến khi ta tiến công đợt 2 đánh dứt điểm chi khu Hoài Đức (Núi Dinh trơ trọi chỉ còn lại sỏi đá, nhưng chiến sĩ trinh sát ta vẫn kiên cường bám trụ).

Lúc 11 giờ ngày 9 tháng 2 năm 1975 (đúng ngày 29 tết âm lịch) dưới sự yểm trợ của nhiều loại máy bay oanh kích, địch bất ngờ dùng trực thăng đổ 1 đại đội thám kích xuống chi khu Tánh Linh, đánh chiếm bàn đạp để tiếp tục đổ quân tái chiếm chi khu. Lập tức chúng bị tiểu đoàn 15 và một bộ phận hỏa lực của Tiểu đoàn 130 đánh tiêu diệt, bắn rơi 3 trực thăng và 1 chiếc khác bị thương, bẻ gãy hoàn toàn ý đồ tái chiếm Tánh Linh. Nhân dân Tánh Linh hân hoan phấn khởi càng tin ở ta, càng hết lòng ủng hộ bộ đội, quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng và ùng với bộ đội hưởng một cái tết chiến thắng đầu tiên thấm đậm tình quân dân.

Đợt 2: lực lượng ta chưa được bổ sung quân số kịp sau chiến đấu đợt 1 (tân binh của trên bổ sung chưa kịp); bộ đội địa phương của các tỉnh cũng chưa được củng cố (Bình Thuận còn giữ được tiểu đoàn 482 nhưng quân số thiếu nhiều, các tỉnh khác quân số chiến đấu của mỗi đại đội chỉ còn trên dưới 25 người, một số huyện còn giữ được trung đội nhưng quân số nhiều nhất cũng chỉ có 15 người).

Tình hình miền Nam lúc này đang chuyển biến rất nhanh, ngày 8 tháng 1 năm 1975 Bộ Chính trị họp (mở rộng). Sau khi xem xét tình hình các mặt về địch, ta ở miền Nam, nhất là sau chiến thắng Phước Long, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam”.

Ngoài kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976, Bộ Chính trị còn dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam năm 1975”. Bộ Chính trị đã thông qua quyết định chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên, vì đánh chiếm Buôn Ma Thuột sẽ gây rụng động mạnh về chiến lược, tạo sự chấn động lớn và nhanh, ảnh hưởng đến toàn cục.

Căn cứ vào quyết tâm của Bộ Chính trị, phát huy thắng lợi trong đợt 1, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền (B2) đề ra kế hoạch cụ thể cho đợt 2 với quyết tâm chung là hoàn thành trong mùa khô này những chỉ tiêu còn lại của năm 1975. Đồng thời Miền cũng có dự kiến: nếu ở hướng Tây Nguyên thắng lợi, tình hình chung có đột biến sự thực hiện kế hoạch một cách khẩn trương tích cực, sẵn sàng đón thời cơ chiến lược mới.

Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân khu VII, Quân khu VI và chủ lực Miền ra sức tiêu diệt sinh lực địch, hoàn chỉnh khu giải phóng, mở thông hành lang xuống phía đông Sài Gòn, tạo bàn đạp áp sát lộ 26, Đồng Dù, Củ Chi. Quân đoàn 4 cùng lực lượng địa phương tổ chức chiến dịch binh chủng hợp thành trên 2 hướng Dầu Tiếng và lộ 20 Lâm Đồng.

Hướng lộ 20: tiêu diệt chi khu Định Quán, giải phóng lộ 20 từ Túc Trưng đến Phương Lâm, phát triển lên thị xã Bảo Lộc (tỉnh lỵ Lâm Đồng). Sư đoàn 6 (Quân khu VII) hợp đồng đánh tiêu diệt địch ở lộ 3 từ Gia Huynh đến lộ 1, phát triển từ ngã ba Ông Đồn đến căn cứ 4 lộ 1. Quân khu VI sử dụng Trung đoàn 812 hợp đồng đánh quân giải phóng huyện Hoài Đức, phát triển hoạt động trên hướng Di Linh, lộ 20 Lâm Đồng.

Sau khi đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên (quyền Tư lệnh Quân khu) nhận nhiệm vụ đợt 2 ở Miền về, Thường vụ Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu họp soát xét lại tình hình và hạ quyết tâm của đợt 2 mua khô 1974-1975 như sau: dùng lực lượng Trung đoàn 812 cùng với lực lượng tỉnh Bình Tuy, nhanh chóng đánh tiêu diệt chi khu Hoài Đức trong thời gian ngắn nhất, sau đó chuyển hướng Di Linh đường 20 để phối hợp với lực lượng chủ lực Miền, giải phóng tỉnh Lâm Đồng, phát triển tiếp theo là Đức Trọng và toàn bộ tỉnh Tuyên Đức khi thời cơ thuận lợi.

Các tỉnh tiếp tục đánh mở rộng địa bàn, nhằm vào các khu đông dân, các khu lấn chiếm bình định của địch, mở rộng vùng tranh chấp và vùng giải phóng, khẩn trương đưa phong trào lên với nhiều mức độ. Đối với đặc công, đánh chiếm Ma Lâm, chi khu Thiện Giáo, giải phóng các ấp trên đường số 8, chuẩn bị đánh sâu vào thị xã Phan Thiết. Ninh Thuận chủ yếu đánh phá khu vực lấn chiếm Quảng Thuận, Sông Mỹ trên đường 11, giành lại khu vực Trà Co - Sông Cái, đánh phá mạnh căn cứ không quân Thành Sơn.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:16:17 pm
Quyết tâm đối với hướng trọng điểm Hoài Đức, Quân khu phân tích rõ: tuy địch tăng cường phòng thủ và lực lượng ta chỉ có Trung đoàn 812 là chủ công nhưng ta đánh trong thế hợp đồng chung với Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 (Quân khu VII), đánh mạnh trên hướng đường 20, đường số 1 và số 3 (Bình Tuy) căng địch ra, nên khả năng địch chi viện cho nhau bị hạn chế. Ta vẫn giữ vững cao điểm Núi Dinh 1 đài quan sát lợi hại cho khu vực Hoài Đức và có nhiều kinh nghiệm qua lần đánh trước… nên ta có thuận lợi hơn. Quân khu quyết định cách đánh “bóc vỏ” với tư tưởng tiến công tích cực, mãnh liệt, và phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. Trong 3 ngày đầu, ta bóc gỡ tất cả các điểm ngoại vi và thọc sâu thị trấn Võ Đắc, đưa lực lượng áp sát vào chi khu, tổ chức đột phá đánh dứt điểm chi khu rồi chuyển qua quét sạch bọn địch còn chốt giữ các cao điểm xung quanh.

Đồng thời triển khai một bộ phận lực lượng trinh sát chuẩn bị hướng Di Linh và một bộ phận cán bộ Quân khu lên cùng Lâm Đồng chuẩn bị các mặt sẵn sàng phối hợp với chủ lực Miền tiến công giải phóng Bảo Lộc, Lâm Đồng. Quân khu tăng cường lực lượng công binh cho Bình Thuận, tích cực sửa chữa đường 8, sẵn sàng cho Trung đoàn 812 nhanh chóng cơ động lên hướng Di Linh sau giải phóng Hoài Đức.

Thống nhất ngày N do Miền quy định: 23 giờ ngày 16 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 812 bắt đầu nổ súng tiến công. Theo đúng kế hoạch, sau 3 ngày chiến đấu quyết liệt (tiểu đoàn 15 (thiếu) và 186 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh “bóc vỏ”, diệt phần lớn các đồn bốt xung quanh chi khu, làm chủ thị trấn Võ Đắc. Tiểu đoàn đặc công 200c, đại đội 5 anh hùng của Tiểu đoàn 840 đã đẩy lùi được Tiểu đoàn 344 bảo an từ Trà Tân kéo lên chi viện cho chi khu. Ở hướng bắc, tiểu đoàn 369 bảo an từ Võ Xu kéo về giải tỏa chi khu cũng bị đại đội 88 của tỉnh, bộ đội địa phương huyện và du kích ngăn chặn. Phối hợp với bộ binh, Tiểu đoàn 130 pháo binh cũng đánh trả tiêu hao địch trong chi khu và đánh kìm có hiệu quả trận địa pháo của Tiểu đoàn 3.43 địch trên đồi Sơn.

Tối ngày 19 tháng 3 nắm vững thời cơ, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh tiến công chi khu, 2 giờ 40 phút đến 4 giờ 20 phút ngày 20 tháng 3 pháo bắn chuẩn bị và các mũi bắt đầu tiến công đánh chiếm đầu cầu, phát triển vào trung tâm. 6 giờ ta làm chủ đại bộ phận chi khu, nhưng bọn còn sống sót co cụm lại ngoan cố chống trả; ta tung đội dự bị vào đánh chiếm và dứt điểm chi khu, thu nhiều chiến lợi phẩm, có 2 khẩu pháo 105 ly còn nguyên vẹn. Trong ngày, ta tiếp tục truy đánh bọn còn lại bên ngoài và đến chiều ta hoàn toàn kiểm soát thị trấn Võ Đắc, giải phóng hầu hết nông thôn Hoài Đức. Tiểu đoàn 840 (thiếu) đã truy quét địch đến Trà Tân 3 và bắt liên lạc được với trinh sát của Sư đoàn 6 (Quân khu VII) từ Gia Huynh lên. Như vậy là đường số 3 đã hoàn toàn giải phóng.

Địch chỉ còn lại Tiểu đoàn 3/43 cụm ở đồi Sơn, nhưng bị ta vây hãm và dùng 2 khẩu pháo thu được bắn mạnh. Đêm 21 tháng 3, Trung đoàn 812 (thiếu) cùng với một bộ phận đặc công tập kích tiêu diệt. 6 giờ sáng ngày 22 tháng 3 năm 1975 ta chiếm lĩnh toàn bộ trận địa đồi Sơn và thu thêm 2 khẩu pháo 105 ly.

Cùng với tiếng súng tiến công chi khu và đồi Sơn… đông đảo nhân dân và lực lượng chính trị trong các ấp nổi dậy phá ranh rào, bắt tù binh, truy lùng ác ôn, thu dọn vũ khí, thành lập chính quyền cách mạng. Riêng xã Võ Xu chỉ trong một ngày, đồng bào đã thu trên 300 khẩu súng các loại, hàng trăm thanh niên tham gia du kích và thoát ly theo cách mạng. Chiều ngày 22 tháng 3 năm 1975 huyện Hoài Đức được hoàn toàn giải phóng.

Cùng với chiến thắng Hoài Đức của Quân khu VI, đêm 18 tháng 3 năm 1975 trên hướng lộ 20 Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4 chủ lực Miền), đánh diệt chi khu Định Quán và phối hợp với lực lượng địa phương tỉnh Long Khánh, quét sạch hệ thống đồn bót từ Túc Trưng đến Phương Lâm - Phú Lâm. Đường 20 bị cắt, ta làm chủ gần 50 ki-lô-mét. Ở đường số 1, chủ lực (của Quân khu VII) diệt yếu khu Gia Ray và làm chủ quốc lộ 1 từ ngã ba Ông Đồn ra đến Bình Tuy.

Hoài Đức - Tánh Linh được hoàn toàn giải phóng, phía đông bắc nối liền với căn cứ Nam Sơn (tây Bình Thuận), với vùng 3, K1 căn cứ của Lâm Đồng; phía tây nam nối với miền Đông Nam Bộ thành một địa bàn chiến lược hoàn chỉnh rộng lớn, mở rộng với đường hành lang phía đông Sài Gòn, chia cắt một phần Quân khu II với Quân khu III của địch, tạo áp lực nặng nề lên Sư đoàn 18 Quân khu III ngụy; cửa ngõ phía đông - đông bắc Sài Gòn bị trực tiếp uy hiếp.

Cùng thời gian này, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 271 chủ lực Bộ đánh chiếm các huyện Đức Lập, Kiến Đức, thị xã Gia Nghĩa và ngày 23 tháng 3 năm 1975 đánh diệt tiểu khu Gia Nghĩa; tỉnh Quảng Đức hoàn toàn giải phóng, tàn binh địch theo đường số 8 kéo dài, rút chạy về hướng Lâm Đồng đến Kin Đạ bị du kích huyện K1, K6 chặn đánh, diệt và bắt sống 40 tên(1), thu nhiều xe pháo vũ khí, đạn dược, số còn lại chạy tản lạc vào rừng.

Buôn Ma Thuột bị thất thủ và tiếp theo đó, ngụy quyền Sài Gòn rút bỏ Tây Nguyên, tỉnh Quảng Đức bị mất, đường chiến lược 20 bị cắt đứt; địch ở 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức rơi vào thế bị cô lập và uy hiếp, lo sợ bị tiến công tiêu diệt, mặc dù lực lượng chúng còn nhiều.


(1) Theo lịch sử tỉnh Lâm Đồng thì địch ra hàng 200 tên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:16:58 pm
Sau khi giải phóng Tánh Linh - Hoài Đức và diệt chi khu Định Quán, để phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên và đồng bằng Khu V, thực hiện chia cắt chiến lược giữa Quân khu II và Quân khu III địch, đảm bảo và mở rộng hành lang chiến lược tiến công Sài Gòn trên hướng đông bắc, Bộ Tư lệnh Miền chủ trương nhanh chóng đánh giải phóng tỉnh lâm Đồng và nếu thuận lợi thì phát triển lên Tuyên Đức.

Lực lượng sử dụng là Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) (được phối thuộc một Tiểu đoàn xe tăng, pháo 130 ly, cối 106 ly, Tiểu đoàn cao xạ và 2 tiểu đoàn công binh) đánh chiếm tiểu khu, tỉnh lỵ Lâm Đồng. Trung đoàn 812 (Quân khu VI) sau khi dứt điểm chi khu Hoài Đức, nhanh chóng hành quân đánh chiếm chi khu Di Linh, cắt đường 20 phối hợp với Sư đoàn 7 giải phóng hoàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

Về tổ chức chỉ đạo, chỉ huy:

Ngày 22 tháng 2 năm 1975 đồng chí Trần Lê (Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu) từ Hà Nội về đến Lộc Ninh, được Bộ Tư lệnh Miền triệu tập họp phổ biến tình hình nhiệm vụ mới và nhận ý đồ giải phóng tỉnh Lâm Đồng (chưa nói đến Tuyên Đức).

Sau đó đồng chí Trần Lê đã điện mời một số đồng chí trong Thường vụ Khu ủy và Quân khu lên vàm sông Đa Oai để bàn kế hoạch triển khai, đồng thời cùng với đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm (Tư lệnh Quân đoàn 4) bàn xúc tiến việc chuẩn bị theo quyết định của trên. Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận giải phóng Lâm Đồng gồm có:

- Đồng chí Hoàng Cầm: Tư lệnh

- Đồng chí Trần Lê: Chính ủy

- Đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên: Phó Tư lệnh

- Đồng chí Bùi Cát Vũ: Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng

- Đồng chí Lê Thanh: Chủ nhiệm chính trị

Cơ quan Bộ Tư lệnh mặt trận còn có đồng chí Nguyễn Thông (Phó tham mưu trưởng) và đồng chí Võ Đức Nhi (Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu) và một số cán bộ Lâm Đồng.

Lúc này lực lượng địch ở Lâm Đồng có 5 tiểu đoàn bảo an, 17 đại đội biệt lập, 80 trung đội dân vệ - biệt kích, 8 pháo đội, gồm có 4.000 tên được trang bị đầy đủ. Địa hình ở đây hiểm trở, đường độc đạo, nhiều đèo dốc, đồn bót và công sự kiên cố và phức tạp.

Để có đường hành quân tiếp cận cho cánh vu hồi đánh từ bắc và tây bắc tiểu khu lâm Đồng, 2.500 dân công các xã vùng căn cứ, suốt 15 ngày đêm mở đường dài hơn 30 ki-lô-mét qua đồi núi cho xe pháo và bộ đội hành quân chiếm lĩnh bàn đạp tiến công, tạo thế bất ngờ cho mũi tiến công chủ yếu đánh ngay vào các mục tiêu then chốt của địch ở trung tâm thị xã Bảo Lộc.

Toàn bộ Sư đoàn 7 chia làm 2 cánh tiến về hướng thị xã Bảo Lộc. Cánh vu hồi: trước ngày 25 - 26 tháng 3 năm 1975 các phân đội pháo lớn và xe tăng cùng bộ binh vượt bến Tà Lài (sông Đồng Nai) tiến vào các vị trí chờ đợt xuất phát tiến công từ bắc và tây bắc tiểu khu và các mục tiêu then chốt ở trung tâm thị xã.

Cánh 2: Ở hướng chính diện ta dùng 1 trung đoàn cơ giới tiến công trong hành tiến đánh chiếm chi khu Đa Oai, tiểu khu và thọc lên hướng bắc hợp điểm tại Tòa Hành chính tỉnh, có sự chi viện của pháo binh, cao xạ; và 1 trung đoàn cơ giới (thiếu) làm dự bị.

Chiều ngày 27 tháng 3, ta sử dụng một tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm chi khu Đa Oai, tiểu đoàn công binh 272, Đại đội 10 bao vây giữ chặt các chốt, bảo đảm cho trung đoàn bộ binh cơ giới hành tiến theo đường 20, đánh chiếm đèo Ba Cô. 0 giờ ngày 28 tháng 3 đánh chiếm cầu Đạ Lào (là vị trí chờ đợi), cách Bảo Lộc 7 ki-lô-mét; từ đó phối hợp với cánh vu hồi triển khai đội hình tiến công.

Ngày 28 tháng 3, khi trời vừa hửng sáng từ vị trí xuất phát, dưới sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, các cánh, các mũi trong hành tiến đồng loạt tiến công thị xã và tiểu khu. Trước sự tiến công bất ngờ của xe tăng, bộ binh và hỏa lực mạnh của ta, địch lớp bị diệt, lớp tháo chạy hoảng loạn về hướng Di Linh (có tên tỉnh trưởng Lâm Đồng, kéo theo 3 khẩu pháo), một số chạy tản mát vào rừng và lẩn trốn trong dân. Tiểu khu Lâm Đồng bị chiếm, thị xã Bảo Lộc được giải phóng vào lúc 9 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975. Cơ sở cách mạng và nhân dân thị xã nổi dậy diệt ác ôn, chiếm giữ một số công sở và bảo vệ kho tàng.

Tàn quân địch tháo chạy về hướng Di Linh, gây hốt hoảng dây chuyền. Trưa ngày 28 tháng 3, bọn địch ở Di Linh cũng bắt đầu tháo chạy. Cướp thời cơ, bộ phận chuẩn bị chiến trường của Quân khu do đồng chí Thiếu tá Phạm Ty phụ trách, liền cho đại đội 5 trinh sát Quân khu phối hợp với bộ đội địa phương huyện và đội công tác nổ súng tiến công diệt địch, làm chủ chi khu và thị trấn Di Linh, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện trang bị của địch.

Trung đoàn 812 (sau giải phóng Hoài Đức) hành quân về hướng Di Linh quá chậm so với kế hoạch hợp đồng. Sư đoàn 7, do yêu cầu nhiệm vụ mới nên chỉ để lại 3 xe tăng phối hợp với lực lượng địa phương giải phóng Di Linh, còn toàn bộ lực lượng phải quay về mặt trận đông bắc Sài Gòn.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:18:26 pm
Địch phát hiện lực lượng ta chiếm giữ Di Linh ít, nên chiều ngày 29 tháng 3 chúng tập hợp lực lượng phản kích, đổ 12 lần chiếc trực thăng và 5 khẩu pháo xuống Đồng Lạc phía đông Di Linh. Sáng 20 tháng 3, ngoài bọn tàn quân của Lâm Đồng, chúng điều 2 tiểu đoàn 204, 261, 2 chi đội xe bọc thép và đại đội pháo 105 ly chi viện theo trục lộ 20, chia thành nhiều mũi đánh chiếm lại Di Linh.

Suốt trong ngày 30 tháng 3, Đại đội 5 trinh sát và lực lượng địa phương ta nằm trong thế bị bao vây nhưng đã chiến đấu ngoan cường, giữ vững các điểm xung yếu ở chi khu và trong thị trấn.

Chiều 30 tháng 3 đồng chí Bùi Văn Mỳ (Phó Tư lệnh Quân khu) cùng đi với Trung đoàn 812 (thiếu) mới đến Di Linh, gặp Bộ Tư lệnh mặt trận báo cáo tình hình và thống nhất kế hoạch hợp đồng chiến đấu. Tối 30 tháng 3 triển khai lực lượng và rạng sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 812 (thiếu) có xe tăng hỗ trợ, nổ súng tiến công, đánh tan ngày cuộc phản kích của địch. Chúng rút chạy theo đường 20. Đến Đồng Lạc bị bộ phận chốt chặn của Trung đoàn 812 chặn đánh, phải bỏ lại 3 khẩu pháo, 3 xe và vũ khí đạn dược. Đến 11 giờ 30 phút Trung đoàn 812 truy đánh lần 2, diệt 30 tên, thu thêm 2 khẩu pháo, 2 xe. Đến 15 giờ cùng ngày, địch còn lại hoang mang tìm đường tháo chạy. Nắm vững tình hình, Trung đoàn 812 xuất kích, diệt gần 100 tên, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện, một số tháo chạy tán loạn vào rừng và về Đà Lạt. Tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng.

Cũng trong ngày 31 tháng 3 năm 1975, tại chỉ huy sở cơ bản ở thị xã Bảo Lộc, Thường vụ Khu ủy họp (có đồng chí Lê Văn Hiền)… để bàn công việc tiếp theo, nhân khí thế thừa thắng quyết định cho Trung đoàn 812 phát triển lên Tuyên Đức trước mắt là giành nông thôn Đức Trọng. Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng, đêm 31 rạng ngày 1 tháng 4 năm 1975, qua theo dõi đài kỹ thuật, ta biết địch ở Đà Lạt đã hoảng loạn chuẩn bị rút chạy, nên đã kịp thời chuyển hướng không phải giành nông thôn Đức Trọng, mà là nhanh chóng tiến quân để phối hợp với lực lượng địa phương, đánh chiếm Đà Lạt, đi theo đường 20 bằng phương tiện cơ giới thu của địch và huy động trong dân. Chiều ngày 2 tháng 4 năm 1975 lực lượng ta đến cầu Đa Ninh; trước khi rút chạy (đêm 31 tháng 3 năm 1975) địch đã đánh sập cầu để chặn ta. Nhưng nhờ nhân dân đã hết lòng giúp đỡ thuyền bè để vượt sông và huy động hàng chục xe ô tô để chở bộ đội nhanh chóng hành quân, đến 20 giờ thì Trung đoàn 812 (thiếu) chiếm lĩnh chi khu quận lỵ Đức Trọng.

Trong đêm 2 tháng 4, Trung đoàn 812 chia làm 2 cánh nhanh chóng phát triển lên Đạt Lạt: một cánh gồm Tiểu đoàn 186, Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu theo đường 20 tiến thẳng lên Đà Lạt, một cánh gồm Tiểu đoàn 840, Sở chỉ huy Trung đoàn 812 theo đường 21 kép, thọc xuống chiếm chi khu Đơn Dương, quận lỵ Đran, chặn đánh địch từ Đà Lạt theo đường 11 chạy về Phan Rang, và bắt liên lạc với tỉnh Ninh Thuận tại Krongpha(1).

8 giờ ngày 3 tháng 4, Tiểu đoàn 186 và Bộ chỉ huy tiền phương đến Đà Lạt, lúc này Đại đội 810 của tỉnh cũng vào tiếp quản. Ở đây, trong ngày 2 tháng 4 khi bọn địch rút chạy hỗn loạn thì đảng viên cơ sở bên trong đã kịp thời huy động quần chúng đứng ra tổ chức việc tự quản, tự vệ, giữ gìn trật tự, bảo vệ các cơ sở quan trọng trong thành phố, đồng thời cử người đi tìm bộ đội và cán bộ, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được bọn tàn quân, lưu manh, côn đồ cướp phá hoành hành, nổ súng bừa bãi.

Khi Tiểu đoàn 186 và Đại đội 810 vào thành phố, hàng ngàn người tụ tập reo hò chào đón, hăng hái giúp đỡ bộ đội, nhanh chóng triển khai chiếm lĩnh các khu vực then chốt (Tiểu khu, Tòa Hành chánh quốc gia, khu chợ Hòa Bình, Chi Lăng, Trung tâm nguyên tử lực, Sở Địa dư, Trường võ bị quốc gia, v.v…) tổ chức bảo vệ các kho tàng, điện nước, truy bắt và kêu gọi tàn quân ra trình diện, nộp vũ khí (chiều ngày 3 tháng 4, trong nội ô đã thu trên 2.000 súng các loại); tập hợp nghe nói chuyện tại Quảng trường Hòa Bình và ban bố một số mệnh lệnh.

Đến 15 giờ, trong thành phố im tiếng súng. Trật tự được thiết lập cùng ngày ở các ấp ngoại ô, tây - tây bắc, đông - đông nam. Các đội biệt động, đội công tác cũng vào tiếp quản.

11 giờ 00 Tiểu đoàn 840 và Sở chỉ huy Trung đoàn 812 đến Chi khu Đơn Dương thị trấn Đran. Bọn chỉ huy địch ở đây đã bỏ chạy. Ngày 3 tháng 4 lực lượng địa phương đã vào tiếp quản. Tiểu đoàn 840 cho 1 đại đội chốt ở Phú Thuận (điểm giáp ranh giữa Tuyên Đức và Ninh Thuận trên đường 11) và cho một lực lượng thọc xuống Krongpha bắt liên lạc với Ninh Thuận; lực lượng còn lại phối hợp với đội công tác và cán bộ địa phương, truy quét tàn quân, tề điệp, phát động, tổ chức quần chúng, chính quyền ở các ấp. Trong hành tiến, ta đã cho một bộ phận lực lượng vừa truy quét, vừa vận động kêu gọi binh sĩ và nhân viên ngụy quyền các ấp ven trục lộ 21 kéo ra trình diện, nộp vũ khí các loại. Ra trình diện trên 400 tên, có 1 trung tá, 1 thiếu tá, 1 cảnh sát, 30 tên thuộc Tiểu đoàn 204 bảo an. Tại thị trấn Đran, lực lượng địa phương đã thu 300 súng. Như vậy, toàn bộ tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt trong ngày 3 tháng 4 năm 1975 đã hoàn toàn giải phóng.

Tối ngày 3 tháng 4 năm 1975, tại căn nhà số 15 đường Trần Hưng Đạo thành phố Đà Lạt, đồng chí Trần Lê (Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu) cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy tiền phương Quân khu và một số đồng chí địa phương họp bàn kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, khôi phục điện, nước, giải quyết đời sống nhân dân để sớm ổn định tình hình. Cuộc họp cũng phân công cán bộ lập Ban Quân quản thành phố, thảo ra một số mệnh lệnh, quy định liên quan đến việc giữ gìn trật tự của thành phố.

Vậy là, trong vòng 1 tuần (27 tháng 3 - 3 tháng 4) cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng 2 tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức đã kết thúc thắng lợi. Và từ đây, Lâm Đồng - Tuyên Đức kết liền với vùng giải phóng Quảng Đức - Phước Long thành một mảng rộng lớn tiếp nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, tạo nên thế chiến lược rất tốt để triển khai lực lượng lớn tiến công vây ép Sài Gòn từ phía đông và đông bắc.


(1) Trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 186 có đồng chí Nguyễn Thông, Phó Tham mưu trưởng Quân khu.
Trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 840 có đồng chí Võ Đức Nhi, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:20:35 pm
Giải phóng các tỉnh đồng bằng còn lại, hoàn thành giải phóng Khu VI (đầu tháng 4 năm 1975 - 23 tháng 4 năm 1975)

Trong đợt 2 mùa khô 1974-1975, từ tháng 3 năm 1975 đến đầu tháng 4 năm 1975 trên toàn Miền, ta đã giành thắng lợi to lớn dồn dập, giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, toàn bộ Khu V và các một số tỉnh, huyện trên chiến trường B2. Từ Khu VI đến khu IX; Quân đoàn 1 và gần hết Quân đoàn 2 của địch bị diệt và tan rã nhanh chóng.

Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp và quyết định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của toàn quân ta bắt đầu”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược “với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng có quyết tâm lớn, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm”(1).

Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chuẩn bị phương án đánh vào Sài Gòn. Thường vụ Trung ương Cục ra Nghị quyết đặc biệt số 15 chỉ đạo các địa phương nắm thơi cơ, thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, theo phương châm tự lực tự cường “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Đài phát thanh giải phóng miền Nam phát đi nhiều lần lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng, thúc giục mọi người tranh thủ thời cơ đứng lên hành động.

Quán triệt tình hình và nhiệm vụ lịch sử, Khu ủy và Quân khu ủy đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị khẩn trương tận dụng thời cơ, nỗ lực hoạt động để tự giải phóng quê hương. Điện số 152 của Khu ủy gởi các tỉnh ủy đã nêu rõ: Tình hình diễn biến hết sức thuận lợi cho ta, các tỉnh trong Quân khu không được trông chờ ỷ lại vào chủ lực, mà phải nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương với mức cao nhất, bám chắc tình hình, mạnh bạo xốc tới tiêu diệt địch, gự giải phóng địa phương mình…”.

Lúc này, tình hình trong Khu chuyển biến hết sức nhanh chóng và sôi động. Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, khi địch ở Đà lạt - Tuyên Đức rút chạy về Phan Rang và địch ở Cam Ranh cũng rút chạy theo đường số 1, thì bọn đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền ở Ninh Thuận - Bình Thuận cũng hoảng hốt kéo chạy ra biển, bỏ ngỏ thị xã Phan Rang - Phan Thiết trong những ngày 2 và 3 tháng 4 năm 1975. Đến ngày 4 và 5, chúng phát hiện lực lượng ta chưa đến và cũng do bọn bên trên thúc ép nên chúng phải quay trở lại. Đồng thời để ngăn chặn cuộc tiến quân của ta, cứu vãn tinh hình nguy ngập, theo kế hoạch của tên tướng Mỹ Weyand(2), ngụy quyền Sài Gòn cho lập tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa, lấy Phan Rang làm vị trí tiều tiêu quan trọng.

Địch nhập 2 tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận của Quân khu II và Quân khu III, thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 (do tên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh), chốt tại căn cứ không quân Thành Sơn - Phan Rang. Chúng tăng cường cho ở đây Lữ đoàn 2 dù (Trung đoàn 4 Sư đoàn 2) (mới khôi phục lại), Liên đoàn 31 biệt động quân, Sư đoàn không quân 6 (có khoảng 100 máy bay các loại), 1 tiểu đoàn pháo. Chúng đưa đến Phan Thiết Liên đoàn 24 biệt động quân, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 2, Tiểu đoàn 330 bảo an và 1 tiểu đoàn pháo binh tập hợp bọn tàn quân của Sư đoàn 23 về Bình Tuy để giữ đường số 1 và trục lộ Hàm Tân - Lagi.

Trung đoàn 812 sau khi chiếm tỉnh Đà Lạt - Tuyên Đức, để lại Tiểu đoàn 186 tiếp tục truy quét tàn binh địch, còn đại bộ phận nhanh chóng chuyển về Bình Thuận để tiến công địch trên tục lộ số 6, đường số 1 (đông bắc) và vây ép thị xã Phan Thiết, sẵn sàng phối hợp với chủ lực của trên giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI. Điều 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội trinh sát tăng cường cho Bình Thuận.

Lúc này, các cánh quân của Bộ và của Quân khu V đang rầm rập tiến vào phía Nam với khí thế thần tốc để kịp thời bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Trong khu, các địa phương và đơn vị cũng tranh thủ thời gian đẩy mạnh tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực đánh giải phóng hoàn toàn Quân khu.

Các đồng chí Trần Lê, Nguyễn Trọng Xuyên cùng một bộ phận cơ quan chỉ huy đã có mặt ở Ninh Thuận để chỉ đạo các hoạt động của địa phương. Chấp hành lệnh của Bộ, Quân khu cử đồng chí Bùi Văn Mỳ (Phó Tư lệnh quân khu) ra Suối Dầu (Khánh Hòa) gặp đồng chí Lê Trọng Tấn (Tư lệnh cánh quân Duyên Hải) báo cáo tình hình và bàn kế hoạch tiến quân giải phóng Phan Rang.

Ở Ninh Thuận, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 1975, lực lượng của tỉnh, bộ đội huyện và du kích Bác Ái - Anh Dũng đã tích cực bám địch trên đường 11 từ cầu Tân Mỹ đến Krongpha. Nhiều lần tập kích địch trong các khu tập trung Quảng Thuận - Sông Mỹ - Tà Giang và trụ lại đánh địch phản kích, diệt nhiều tên, thu vũ khí. Đêm 31 tháng 3 rạng ngày 1 tháng 4 năm 1975, phát hiện đoàn xe địch từ Đà Lạt rút chạy xuống (Phan Rang) ta đã chặn đánh diệt 3 xe. Lực lượng vũ trang đã kết hợp với quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm. Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 4 năm 1975, ta đã giải phóng gần hết các khu ấp dọc đường 11, từ thị trấn Krongpha đến Đồng Mề… Huyện Krongpha được hoàn toàn giải phóng (nhà máy thủy điện Đa Nhim được bảo vệ an toàn) mở ra thế uy hiếp và bao vây căn cứ không quân Thành Sơn về phía Tây Nam, nối liền đường 11 với vùng giải phóng 2 tỉnh Tuyên Đức - Lâm Đồng. Hằng ngày dân quân du kích và nhân dân Bác Ái bất kẻ bom, pháo của địch, ngày đêm hăng hái dọn phá chông, mìn, bạt núi, lấp khe, gấp rút mở đường (từ Trại Cá trên đường số 1 Cam Ranh - Khánh Hòa) xuyên qua vùng núi Bác Ái đến Tân Mỹ (trên đường 11) để Sư đoàn 10 cơ động theo đường 11 lên Tuyên Đức, theo đường 20 xuống Lâm Đồng, và từ đó đi vào vị trí tập kết của Quân đoàn 3 ở Tây Bắc Sài Gòn, kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh(3). Trong lúc đó Nguyễn Văn Thiệu đang gáo thét “Tử thủ” ở phòng tuyến Phan Rang.

Ở phía nam của Ninh Thuận, ngày 3 tháng 4 năm 1975, 1 bộ phận lực lượng tỉnh cùng các đội công tác An Phước đã đánh chiếm ấp Hậu Sanh, kiểm soát các ấp La Chữ, Mông Nhuận Đức, thị trấn Phú Quý trên đường số 1, phát động quần chúng nổi dậy làm chủ các ấp Thương Diêm, Lạc Nghiệp, tổ chức chính quyền tự quản, thu vũ khí địch (cả súng cối 60 ly và đại liên) trang bị cho 2 trung đội. Lực lượng này đã 3 lần đánh lui bọn địch từ ngoài biển vào, giữ vững vùng giải phóng Cà Ná cho đến ngày toàn tỉnh được giải phóng. Trước các ngày 3, 4, 5 tháng 4 năm 1975, các ấp Sơn Hải, Từ Tâm ở phía nam và các ấp Phương Cựu, Mỹ Tường, Mỹ Phong ở phía bắc cũng được giải phóng, quận Du Long rút chạy, du kích Bác Ái đã kịp thời vào tiếp quản.

Tính đến ngày 7 tháng 4 năm 1975, quân và dân Ninh Thuận, mặc dù lực lượng ít ỏi, đã tranh thủ thời cơ tự mình giải phóng được 1 huyên và 14 xã, làm chủ gần hết các vùng nông thôn ven biển.


(1) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Những sự kiện quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, trang 302).
(2) Weyand - tham mưu trưởng lục quân Mỹ, ngày 28 tháng 3 năm 1975 đã đến Sài Gòn trực tiếp vạch kế hoạch phòng thủ từ xa để cứu nguy cho bọn ngụy quyền.
(3) Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3, ở hưởng chủ yếu tây bắc Sài Gòn được giao đảm nhiệm vai trò mũi nhọn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và phối hợp với Quân đoàn 1 đánh vào cơ quan Bộ Tổng Tham mưu ngụy nên phải mở đường đi về vị trí tập kết cho kịp, không thể đợi Phan Rang, Phan Thiết giải phóng xong để đi theo đường số 1.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:22:14 pm
Để có thêm sức phối hợp với chủ lực đánh giải phóng tỉnh nhà, tỉnh đã rút cá đơn vị bộ đội địa phương các huyện Bác Ái, Anh Dũng và các đơn vị lẻ của tỉnh, cùng với Đại đội 610 tổ chức thành Tiểu đoàn 610 chốt giữ khu vực Đèo Cậu trên đường 11, đánh địch từ Thành Sơn - Phan Rang lên phản kích hòng chiếm lại quận Krongpha. Du kích Bác Ái Đông cũng tổ chức thành từng đại đội bám vành đai sân Bay Thành Sơn, đánh tiêu hao và nắm chắc tình hình địch, sẵn sàng phục vụ cho chủ lực phát triển tiến công.

Ở thị xã, ta sử dụng Đại đội 311 đặc công (20 người ) cùng 15 đồng chí cán bộ chính trị do đồng chí Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phan Rang - Tháp Chàm phụ trách. Đêm 7 tháng 4 thọc sâu vào thị trấn Tháp Chàm, mờ sáng bất ngờ nổ súng đánh chiếm trại lính Nguyễn Hoàng, nhà ga Tháp Chàm, Cầu Móng, ngã ba đường 11 cửa ngõ vào sân bay Thành Sơn; và trụ lại suốt ngày 8 tháng 4. Đại đội 311 được du kích mật và nhân dân phối hợp đã chiến đấu ngoan cường, đánh lui 16 đợt phản kích của địch từ sân bay Thành Sơn ra, từ tiểu khu Phan Rang lên và từ Cầu Móng sang, có cả xe tăng và phi pháo yểm trợ.

Nhân dân Tháp Chàm, đặc biệt là đồng bào xóm Dừa, phường Đô Vinh đã nổi dậy động viên con em tham gia cùng bộ đội chiến đấu, l tiếp tế cơm nước, cứu chữa thương binh, thu chiến lợi phẩm. Qua một ngày đêm chiến đấu, ta đã đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn bộ binh địch, diệt tại chỗ 120 tên, bắt sống 11 tên (có 1 đại úy, 1 trung úy), bắn cháy 3 xe bọc thép, thu 2 xe GMC, 150 súng, 10 máy PRC25. Nhưng do lực lượng địch đông, sức ta có hạn, một số bị thương vong nên trong đêm 8 tháng 4, lực lượng ta phải chuyển ra ngoài để giải quyết thương vong và củng cố.

Ngày 12 tháng 4 năm 1975, tại vị trí cách thị xã Phan Rang 40 ki-lô-mét về phía đông bắc, Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải họp cùng các đồng chí đại diện của Bộ Tư lệnh Quân khu V, Quân khu VI(1), Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu V) (do đồng chí Lê Trọng Tấn chủ trì) bàn kế hoạch tiến công đập tan lá chắn Phan Rang - Tháp Chàm. Sau khi nghe đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu VI báo cáo tình hình và đề đạt ý kiến, đồng chí lê Trọng Tấn quyết định sử dụng Sư đoàn 3 (của Quân khu V), tăng cường thêm Trung đoàn bộ binh 25 từ Tây Nguyên xuống (đang có mặt trong đội hình cánh quân Duyên Hải) hình thành 3 mũi nhằm vào 3 mục tiêu: thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn và cảnh Ninh Chữ. Các lực lượng vũ trang của Ninh Thuận tích cực phục vụ tình hình, trinh sát dẫn đường và hợp đồng đánh địch, truy quét tàn binh.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 3 bộ binh và Trung đoàn 25 được du kích đội công tác và nhân dân Bác Ái phối hợp dẫn đường, tiến công vào các cụm tiền tiêu tại Du Long của toản phòng thủ Phan Rang - Thành Sơn do Quân đoàn 3 ngụy chiếm giữ. Địch dùng phi pháo tối đa đánh trả ngăn chặn ta quyết liệt. Nhưng chiều tối ngày 14, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) đã đánh tan tuyến phòng ngự của liên đoàn 31 quân biệt động tại Du Long; Trung đoàn 25 đánh chiếm một số điểm ở ngoại vi sân bay Thành Sơn.

Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 2 tiếp tục tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ thứ 2 của địch ở Kiền-Kiền. Trung đoàn 141 vượt đường số 1 đánh về hướng cảng Ninh Chữ; Trung đoàn 25 được tăng cường Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 12) tiếp tục tiến công tuyến phòng thủ ngoại vi sân bay Thành Sơn.

Để tạo đòn tiến công bất ngờ và quyết định, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải tăng cường thêm Trung đoàn 101 (thuộc Sư đoàn 325) và một tiểu đoàn xe tăng, cùng với Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 nhanh chóng tiến công đánh chiếm trung tâm thị xã Phan Thiết, sân bay Thành Sơn và cảnh Ninh Chữ, chặn đường tháo chạy ra biển của địch.

Trước những đòn sấm sét của pháo binh và lối đánh thọc sâu, táo bạo của các đơn vị thiết giáp kết hợp với xe tăng thọc sâu có cán bộ và chiến sĩ trinh sát Quân khu VI dẫn đường, chỉ mục tiêu, đã mở hết tốc độ lao nhanh về phía trước trong khói bụi của hỏa pháo chuẩn bị của ta. Đến 8 giờ ngày 16 tháng 4 năm 1975, lực lượng ta bất ngờ xuất hiện trước tiểu khu, Tòa hành chánh tỉnh và chiếm lĩnh thị xã Phan Rang - cảng Ninh Chữ, 9 giờ 30 cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng.

Từ đây, xe tăng ta ngược đường 11, tiến lên Tháp Chàm hợp đồng với Trung đoàn 25 tiến công vào sân bay Thành Sơn. Bị thêm một đòn tiến công mạnh, táo bạo, bắt ngờ của ta, địch không kịp chống cự, hoảng hốt bỏ lại tất cả máy bay, xe pháo và toàn bộ trang bị kho tàng. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang cùng toàn bộ cơ quan tiền phương không kịp lên máy bay đã chuẩn bị sẵn, phải lủi trốn ra các xóm nhà dân. 10 giờ ngày 16 tháng 4 năm 1975 ta kiểm soát và làm chủ toàn bộ sân bay Thành Sơn.

Phối hợp kịp thời với quân chủ lực, đại đội 311 ở núi Cà Đú đã nổ súng đánh vào sườn bọn địch tháo chạy trên đường số 1 và dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiến công vào Phan Rang - Tháp Chàm - Thành Sơn. Tiểu đoàn 610 chặn đánh địch phía tây đường 11 giải phóng mảng nông thôn còn lại, đến 17 giờ cùng ngày hợp điểm với chủ lực tại Tháp Chàm và 18 giờ cùng với địa phương vào tiếp quản thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. 20 giờ đồng chí Trần Lê và đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên đã cùng với các đồng chí Thường vụ tỉnh ủy vào thị xã họp bàn kế hoạch thiết lập trật tự, ổn định tình hình tại thị xã và trong toàn tỉnh.

Trong ngày 16 - 17 tháng 4, d các ấp còn lại cùng các lực lượng vũ trang, đội công tác, truy bắt tàn binh, tước vũ khí dân vệ, thành lập chính quyền tự quản, giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt trong đêm 16 tháng 4, nhân dân Xóm Dừa - Đô Vinh phát hiện rồi cùng với bộ đội lùng bắt được hai tên tướng ngụy: Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang và các sĩ quan tùy tùng cùng 3 xe bọc thép còn nguyên vẹn. Ngày 17 du kích các ấp Sơn Hải, Thương Diêm, Cà Ná… chặn đánh bọn tàn quân tháo chạy ra biển, bắt sống 550 tên, thu nhiều vũ khí…

Tính chung trong mấy ngày qua, ta đã bắt sống 1.665 tên, thu 11 xe tăng và thiết giáp, 51 máy bay còn nguyên vẹn, 1 hải thuyền, 13 khẩu pháo 105 và 155 ly, toàn bộ kho tàng và cơ sở vật chất của địch. Tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa, trên hướng chủ yếu của địch đã bị đập tan. 23 giờ ngày 16 tháng 4 năm 1975 tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng Phan Rang ghi tiếp một tiến bộ mới của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành.

Trưa ngày 17 tháng 4, theo điện mời của Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải, đồng chí Trần Lê ra Suối Dầu (Khánh Hòa) gặp đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa trao đổi kế hoạch phối hợp phát triển tiến công vào Bình Thuận - Bình Tuy.


(1) Bộ Tư lệnh Quân khu do đồng chí Phó Tư lệnh Bùi Văn Mỳ, cùng đi có một số cán bộ, chiến sĩ tham mưu, trinh sát, các đồng chí này về sau đã ngồi xe tăng dẫn đường chỉ mục tiêu tiến công vào Phan Rang - Phan Thiết.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:23:36 pm
Tiến công giải phóng tỉnh Bình Thuận - Bình Tuy, tỉnh cuối cùng của Khu VI

Ngày 17 tháng 4 năm 1975 chủ lực của Bộ tiếp tục cơ động theo đường số 1 vào Phan Thiết. Để kịp nhận lệnh chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng cơ quan Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã rẽ theo đường 11 lên Tuyên Đức, xuống Di Linh theo đường 8 xuyên qua vùng giải phóng của Bình Thuận, Bình Tuy vào trước ở Rừng lá Long Khánh.

Ở Bình Thuận, Trung đoàn 812 từ Đà Lạt cấp tốc hành quân chiều 7 tháng 4 về đến khu vực Ma Lâm. Nhờ phương án tác chiến đã được chuẩn bị trước và quen thạo chiến trường, nên đêm 7 rạng 8 tháng 4 Trung đoàn đã cùng với Tiểu đoàn 200c đặc công tiến công ngay chi khu quận lỵ Thiện Giáo (Ma Lâm) và các ấp xung quanh. Đêm 7 ta chưa đè bẹp được sức đề kháng của địch nên ngày 8 tháng 4 phải chuyển sang vây lấn và đánh phản kích. Tối đến ta tiếp tục tiến công; sau 30 phút chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn chi khu và quận lỵ Thiện Giáo.

Mất chi khu Ma Lâm, vị trí then chốt bảo vệ phía bắc Phan Thiết (cách 15 ki-lô-mét), bọn địch trên đường số 8 và đường số 1 đều rung động. Bộ đội địa phương và du kích thừa thắng bám đánh địch, kết hợp với phát động quần chúng nổi dậy giải phóng các xã, ấp… và đồn bót lẻ trên đường số 8 từ Tầm Hưng, An Phú, Bình Lâm, Bình An… cho đến Tân Điền (cách thị xã 3 ki-lô-mét). Địch cố tăng cường lực lượng chặn ta tại Cầu Trắng, giữa Tân Điền và Tân An.

Ngày 9 tháng 4 Trung đoàn 812 (thiếu) cùng với bộ đội địa phương đánh chiếm ấp Xara và vây ép đồn Tuy Hòa. Ngày 10 - 11 tháng 4 đánh dứt điểm đồn Gộp, giải phóng đồn Tuy Hòa và các ấp ở vùng này. Thừa thắng, đêm 11 rạng 12 tháng 4 Trung đoàn 812 (thiếu) cùng với đại đội 5 của tỉnh và du kích xốc tới đánh chiếm thị trấn Phú Long và chốt giữ cầu Xóm Lụa (Phú Long) đẩy địch về phía Nam cầu (ấp Kim Ngọc). Phú Long là một thị trấn nằm trên đường số 1 cách Phan Thiết 7 ki-lô-mét, có cầu dài trên 50 mét qua sông Hội Nhơn, địch dùng đây làm phòng tuyến để ngăn chặn ta. Vậy là đến ngày 14 tháng 4 thị trấn Phú Long hoàn toàn giải phóng, cửa ngõ vào Phan Thiết đã mở.

Trong cơn nguy ngập, bọn địch ở tiểu khu Phan Thiết đã dốc hết lực lượng để chống đỡ. Các loại máy bay, pháo biển, pháo ở các trận địa Ngã Hai, Camp Êsépic, Lầu Ông Hoàng,… đánh phá điên cuồng, có tính chất hủy diệt vào vùng vành đai Phan Thiết. Tên tiểu khu trưởng Bình Thuận đích thân tập hợp các đơn vị, đốc thúc liên đoàn biệt động số 21, Trung đoàn 5 (Sư đoàn 2), Tiểu đoàn 330 bảo an pháo kích quyết liệt. Các tiểu đoàn 840, 15 của Trung đoàn 812 và bộ đội địa phương từ ngày 14 - 18 tháng 4 đã chiến đấu và trụ vững dưới phi pháo ác liệt, đánh bại các cuộc phản kích của địch, giữ vững cầu Phú Long. Trên hướng đường 8, Tiểu đoàn 200c cũng anh dũng chiến đấu, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch, giữ bàn đạp Cầu Trắng, Tân Điền, đêm 17 rạng ngày 18 tháng 4 đã tiến công chiếm đồn và ấp Tân An cách thị xã Phan Thiết 3 ki-lô-mét. Trong đêm 17 tháng 4 ở hướng đông bắc, ta cũng tiêu diệt cao điểm Tà Đôn, cứ điểm cuối cùng của địch còn lại ở phía sau, thu 2 khẩu pháo 105 ly và toàn bộ vũ khí đạn dược.

Hướng bắc thị xã Phan thiết, từ ngày 11 tháng 4 trở đi Tiểu đoàn 130 đã dùng pháo 105 ly và cối 120 ly nhiều lần đánh vào Tiểu khu và đánh kìm chế các cụm pháo địch ở Camp Êsépic, Lầu Ông Hoàng, ngã ba Kim Ngọc… ở tây bắc Phan Thiết, lực lượng của thị xã và huyện Hàm Thuận đã san bằng đồn Bàu Gia; cùng quần chúng nổi dậy đánh chiếm các ấp Phú Hội, Đại Nẫm, Xuân Phong, dồn địch đến sát Trinh Tường, áp sát thị xã. Cơ sở trong nội thị khẩn trương vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy, phối hợp với lực lượng bên ngoài giải phóng thị xã. Nhưng bọn tàn quân ở đây, trong những ngày cuối cùng trước sự sống còn và với bản chất tàn bạo, chúng đã thẳng tay đốt phá, cướp bóc, gây nhiều đau thương mất mát cho nhân dân.

Hướng bắc Bình Thuận từ ngày 4 đến 14 tháng 4, lực lượng bộ đội địa phương và đội công tác đã bám sát các khu vực trọng điểm, vừa tiêu hao địch và làm công tác binh vận. Phần lớn đồn bót địch ở đây co lại chờ đợi. Ngày 13 tháng 4 ta tiến công vào Tuy Tịnh; địch bỏ chạy về đồn Long Hương. Ba ấp ở Tuy Tịnh: Kinh, Chăm, Thượng được giải phóng. Nhân dân các ấp dọc 2 bên đường số 1 sôi nổi chờ đón quân chủ lực tiến vào và sẵn sàng nổi dậy giải phóng ấp, xã.

Cánh quân Duyên Hải, sau khi giải phóng Phan Rang, đã tức tốc tiến vào phía Nam, vừa đi vừa chiến đấu đánh trả các cuộc đánh chặn của không quân, tàu thủy và biệt kích địch. Chúng dùng mìn phá sập các cầu để chặn bước tiến của quân ta. Nhưng công binh đã kết hợp với du kích và nhân dân địa phương kịp thời sửa chữa, bảo đảm cho cuộc hành quân được liên tục. 19 giờ ngày 18 tháng 4 năm 1975, bộ phận đi đầu đã đến Xara (cách Phan Thiết 12 ki-lô-mét) gặp Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu(1) và Trung đoàn 812, kế hoạch tiến công giải phóng thị xã Phan Thiết lập tức được triển khai.


(1) Cuối tháng 3 năm 1975, Quân khu thành lập Bộ Chỉ huy Tiền phương giải phóng Bình Thuận do đồng chí Đỗ Phú Đáp - Tham mưu trưởng Quân khu làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Quý Đôn (Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận làm chính ủy, các đồng chí Phạm Hoài Chương, Vũ Ngọc Đài, Lê Văn Nhất làm chỉ huy phó. Sau giải phóng Bình Thuận, Quân khu cử đồng chí Đỗ Phú Đáp, Phạm Hoài Chương vào phối hợp với Tiền phương Bình Tuy giải phóng Bình Tuy.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:24:08 pm
20 giờ, Lữ đoàn xe tăng của Quân đoàn 2, có cán bộ tác chiến và chiến sĩ trinh sát của Quân khu VI cùng ngồi trên xe dẫn đường cùng với bộ binh chia thành 3 mũi tiến công thị xã: mũi chủ yếu theo đường quốc lộ số 1 đánh thẳng vào tiểu khu - tòa tỉnh trưởng, một bộ phận thọc xuống chặn cửa biển Thượng Chánh; một mũi vu hồi theo đường Phú Long đi Phước Thiện Xuân - Phú Hải, đánh chiếm cao điểm Lầu Ông Hoàng, chặn đường địch chạy ra Mũi Né, một mũi vượt cầu Trần Hưng Đạo thọc thẳng vào phía nam Phan Thiết chặn đường địch chạy vào Bình Tuy.

Hướng bắc, các Tiểu đoàn 482, 200c đặc công từ Tân An đường số 8 đánh thẳng vào Trinh Tường.

Trong lúc pháo địch từ Camp Êsépic, Ngã Hai, Lầu Ông Hoàng và từ hạm tàu địch điên cuồng bắn chặn đường tiến của ta, pháo ta cũng dồn dập trút bão lửa lên đầu quân địch. Bầu trời Phan Thiết rung chuyển vì tiếng nổ của đạn pháo hai bên, vì các kho xăng, kho đạn địch nổ tung và bốc cháy, ngọn lửa rực sáng một góc trời. Quân ta tiến đến đâu, địch rút chạy và tan rã đến đó. Các hướng, các mũi tiến công hợp đồng binh chủng chọc thẳng vào các mục tiêu đã định. Khi xe tăng ta xuất hiện trước cổng tiểu khu, Tòa Hành chánh tỉnh, bọn chỉ huy chỉ kịp hốt hoảng kêu lên “xe tăng Cộng sản” rồi nháo nhào bỏ chạy tán loạn. Tên chuẩn tướng tỉnh trưởng - tiểu khu trưởng Ngô Tấn Nghĩa không kịp lên trực thăng mà phải lủi xuống sông Cà Ty theo một thuyền con trốn ra biển.

22 giờ 30 ngày 18 tháng 4 năm 1975, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Phan Thiết, chiếm lĩnh Tòa Tỉnh trưởng, tiểu khu, Camp Êsépic, Lầu Ông Hoàng và các mục tiêu khác, mở cửa nhà lao giải thoát cho 400 đồng bào, đồng chí bị giam cầm.

Ngày 19 tháng 4 ta tiếp tục truy quét bọn tàn quân, thu chiến lợi phẩm. Nhân dân các phường phối hợp với lực lượng vũ trang truy bắt bọn ác ôn, tề điệp. Băng cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ chào mừng mặt trận và giải phóng quân xuất hiện khắp phố phường. Ủy ban Quân quản thị xã bắt đầu hoạt động, các điều quy định, các mệnh lệnh ban hành được nhân dân chấp hành nghiêm túc.

13 giờ ngày 19 tháng 4 năm 1975, địch cho 1 phi vụ F5 oanh kích đánh sập cầu Quang nằm ở trung tâm thị xã, bị cao xạ ta bắn bị thương hoảng hốt trút bom bửa bãi rôi bay về, nhưng đến Nhà Bè - Sài Gòn thì bị rơi (theo tài liệu đăng ký tác chiến ngày 19 tháng 4 năm 1975 của Bộ Tổng Tham mưu ngụy).

Trong ngày đại đội 2 (Tiểu đoàn 840) và lực lượng địa phương chiếm lĩnh chi khu Hải Long, thị trấn Mũi Né và chi khu Ngã Hai. Vậy là trong ngày 19 tháng 4 năm 1975, tỉnh Bình Thuận (từ đảo Phú Quý) đã được hoàn toàn giải phóng.

Ta diệt và làm tan rã 8 tiểu đoàn cộng hòa, biệt động 18 đại đội, 136 trung đội bảo an, dân vệ và toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch. Thu 16 khẩu pháo, 4 máy bay, toàn bộ vũ khí, khí tài và kho tàng. Trên 14.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ ra trình diện, nộp vũ khí.

Trong những ngày ta tiến công giải phóng Bình Thuận, thì ở Bình Tuy, các lực lượng địa phương cũng nỗ lực vươn lên tiến công địch, đánh giải phóng địa phương mình. Ở đây, từ đầu tháng 4 năm 1975 đã có tàn quân địch đánh các nơi lần lượt chạy dồn về khá đông, căng lều ở từng cụm xung quanh thị xã Lagi, sân bay Láng Gòn, dọc tỉnh lộ 28 và trên dọc quốc lộ 1. Chúng giành giật, cướp bóc của nhau và của nhân dân, bắn giết lẫn nhau, gây tình hình rất hỗn độn. Ngày 18 tháng 4 năm 1975, Đại đội 88 của tỉnh phối hợp với bộ đội huyện Hàm Tân đánh chiếm căn cứ 6 và căn cứ 13 của địch. Ngày 20 tháng 4, địch phá sập cầu 37 và 38 trên đường số 1 rồi rút chạy, dồn xuống tỉnh lộ 28. Ngày 21 tháng 4, Đại đội 88 đánh chiếm ấp Đông Hà, áp sát sân bay Láng Gòn, cùng với lực lượng vũ trang và cơ sở bên trong của ta bố trí thanh niên canh giữ các ấp Văn Kê, Thạnh Mỹ, nắm và sử dụng các toán phòng vệ dân sự ở ấp Hiệp Nghĩa, Hiệp Phước, Hiệp Trí, Hiệp An để làm áp lực bao vây chi khu Hàm Tân.

Sau giải phóng Phan Thiết, Quân khu lệnh cho tiểu đoàn 200c, Tiểu đoàn 15 (Trung đoàn 812) nhanh chóng phong trào đánh chiếm Bình Tuy tạo thuận lợi cho cánh quân Duyên Hải tiến về phía Nam; đồng thời đồng chí Lê Trọng Tấn cũng cho một bộ phận nhỏ xe tăng, pháo binh và cơ giới hỗ trợ cho lực lượng địa phương đánh chiếm thị xã Lagi.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:25:50 pm
19 giờ ngày 22 tháng 4 năm 1975, với sự chi viện của hỏa lực pháo binh, Tiểu đoàn 15 và một bộ phận của Tiểu đoàn 200c, phối hợp cùng xe tăng và 1 đại đội bộ binh cơ giới tiến công đánh chiếm sân bay Láng Gòn, sau đó chia thành 2 mũi chọc thẳng vào tiểu khu và thị xã Lagi. Ở đây, địch tuy đông nhưng đã mất tinh thần nên chỉ chống trả yếu ớt, rồi tranh nhau chạy ra cửa biển Tân Lý, vứt bỏ lại xe pháo, súng đạn ngổn ngang dọc dường. Từ hướng nam, Đại đội 88 cũng đánh thẳng vào thị xã và bắt liên lạc với chủ lực tại khu trung tâm. Đến 23 giờ, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Lagi.

Cùng đêm, bộ đội địa phương, du kích phối hợp với cơ sở binh vận bên trong, nổ súng đánh chiếm chi khu và quận lỵ Hàm Tân. Tên quận trưởng cùng một số sĩ quan và binh sĩ bỏ chạy thoát thân. Một số bị diệt tại chỗ. Nhân dân xung quanh nổi dậy truy bắt ác ôn, tề ngụy, thu súng phòng vệ dân sự, bảo an, kêu gọi số còn lại đầu hàng. Toàn huyện Hàm Tân, huyện cuối cùng của Bình Tuy được giải phóng.

Ngày 23 tháng 4, trong khi ta tiếp tục truy quét bọn tàn quân lẩn trốn trong các khu vực đồi Dương, cửa biển Tân Lý thì bắt được tên trung tá Trần Hữu Giao - Quận trưởng kiêm chi khu trưởng Hàm Tân cùng bọn sĩ quan tùy tùng, ta kiểm soát đảo Hòn Bà, một hòn đảo nhỏ cách bở biển 3 ki-lô-mét.

Đến sáng ngày 23 tháng 4 năm 1975, tỉnh Bình Tuy đã được hoàn toàn giải phóng, nối liền với tỉnh Long Khánh và thị xã Xuân Lộc, mở rộng thêm hậu phương và bàn đạp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ở Bình Thuận, đêm 26 tháng 4, Tiểu đoàn 482 của tỉnh và Đại đội 490 của huyện Tuy Phong cùng một số cán bộ chính trị (được sự chi viện về phương tiện của đoàn 385 Hải quân) đã tiến ra đảo Phú Quý (cù lao Thu). 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 quân ta bất ngờ đổ bổ bộ lên đảo và sau 1 giờ chiến đấu, 300 tên lính địch đầu hàng, nộp 100 súng các loại, 12.000 đồng bào được giải phóng. Cùng với việc giải phóng đảo Phú Quý (mảnh đắt cuối cùng của tỉnh Bình Thuận) toàn bộ lãnh thổ Quân khu VI, cả trên đất liền và trên biển được hoàn toàn giải phóng.

*
*   *

Vậy là trong điều kiện có nhiều khó khăn, lực lượng có hạn, các lực lượng vũ trang và nhân dân Khu VI, với quyết tâm tranh thủ thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, tiến công và nổi dậy liên tục trong 38 ngày đêm (từ 17 tháng 3 đến 23 tháng 4) giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh, góp phần phá vỡ tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa của địch, tiêu diệt và làm tan rã hơn 7 vạn tên địch, thu toàn bộ cơ sở vật chất, kho tàng và phương tiện chiến tranh, kể cả căn cứ không quân lớn ở Phan Rang, các cơ sở nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt như Viện Nguyên tử, Nha Địa dư, Viện Pasteur…

Khu VI được giải phóng đã mở rộng đường tiến vào Sài Gòn từ hướng đông và đông bắc của các binh đoàn chủ lực trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trục đường số 1 từ Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết vào đến Rừng Lá, Xuân Lộc, ngày đêm không ngớt các đoàn xe nối đuôi nhau lao nhanh về hướng Long Khánh - Biên Hòa (xe chuyển quân, chuyển nhiên liệu, lương thực, xe tăng, xe kéo pháo). Từ sân bay Thành Sơn, máy bay A37 cất cánh đánh bom làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất(1). Bệnh viện Đoàn Mạnh Hoạch ở Camp Êsépic mới tiếp quản đã được nhanh chóng sửa sang và mở rộng để đón thương binh, bệnh binh của cánh quân Duyên Hải. Nha Địa dư ở Đà Lạt đã khẩn trương in hàng ngàn tấm bản đồ phục vụ cho bộ đội ta trên đường tiến vào Sài Gòn. Nhân dân dọc các đường hành quân hăng hái sửa chữa đường sá để cuộc tiến quân được nhanh chóng. Cả cực nam Trung Bộ được huy động tối đa phục vụ cho trận quyết chiến, chiến lược giải phóng Sài Gòn và thực tế đã trở thành hậu phương cho những cánh quân phía đông, đông bắc Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đi đôi với phục vụ tiền tuyến, nhân dân Khu VI từ rừng núi đến đồng bằng, bắt tay ngay vào việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định nơi ăn ở và sản xuất, khôi phục sinh hoạt bình thường. Một không khí sôi nổi, phấn khởi tự hào bao trùm khắp làng mạc phố phường.

Với tinh thần thần tốc, táo bạo các binh đoàn chủ lực ta đã xông lên đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy; 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ quyết chiến quyết thắng phất cao trên nóc “Dinh Độc Lập”.

Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, ác liệt và vinh quang suốt 21 năm của dân tộc đã toàn thắng!


(1) 15 giờ 40 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975, 1 biên đội 5 chiếc áy bay A37 do Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn, bất ngờ ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay địch, có cả một số máy bay Mỹ đang làm nhiệm vụ di tản, cháy 1 kho nhiên liệu, chết 200 tên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:26:32 pm
(http://img846.imageshack.us/img846/1161/47731794.jpg)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:28:29 pm
(http://nl9.upanh.com/b2.s29.d4/b5c98a86b7f5ace61a4191be2d3186ca_43917909.01.jpg)

Đồng chí Trần Lê Bí thư Khu ủy Khu VI (1961-1975)

(http://nl1.upanh.com/b2.s29.d1/a2989d007db66409829344e677515158_43917911.02.jpg)

Đồng chí Bùi Định (Tư Khiêm) Phó bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu VI (1961-1966)

(http://nl7.upanh.com/b4.s28.d2/47f5c77af5b479c173fecc1b9d36db9d_43917907.26.jpg)

Đồng chí Lê Văn Hiền - quyền Bí thư Khu ủy, quyền Chính ủy Quân khu (tháng 2 năm 1974 đến tháng 4 năm 1975

(http://nl3.upanh.com/b4.s28.d3/9871d634e3db64bc7a75a102e82082e2_43917913.03.jpg)

Đồng chí Thượng tá Yblok Eban quyền Tư lệnh Quân khu VI (7-1961 – đầu 1963)

(http://nl4.upanh.com/b3.s28.d1/1a6fc121f954acd8c5440c14680eb46e_43917914.04.jpg)

Đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Châu Tư lệnh Quân khu VI (đầu 1963 – 7-1969)

(http://nl0.upanh.com/b3.s29.d4/143bfae119080298ef638ad23305e8ec_43917880.16.jpg)

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Trọng Xuyên quyền Tư lệnh Quân khu VI (7-1969 – 2-1976)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:30:07 pm
(http://nl9.upanh.com/b3.s26.d1/ee218c0de5a95156d6b0d7aeb5e6fcf9_43917919.09.jpg)

Đồng chí Nguyễn Hội dân tộc Kinh tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 482 (10-1965) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(http://img31.imageshack.us/img31/4554/pinangtac.jpg)

Đồng chí Pi Năng Tắc dân tộc Ragley, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chính trị viên phó huyện đội, người lãnh đạo nhân dân huyện Bác Ái đánh giặc giữ làng

(http://nl8.upanh.com/b3.s28.d3/5051f5473762f4451ce941075eb53782_43917878.15.jpg)

Liệt sĩ Lê Thị Pha, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(http://nl2.upanh.com/b1.s29.d1/da5908c033fe5317893252fe764dffa2_43917892.21.jpg)

Liệt sĩ Đổng Dậu (dân tộc Chăm) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mãi lãi là người con ưu tú của dân tộc Chăm đã có công đóng góp vào sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước

(http://img99.imageshack.us/img99/4594/nguyentiem.jpg)

Liệt sĩ Nguyễn Tiệm, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,
chiến sĩ biệt động chiến đấu trong lòng địch

(http://nl7.upanh.com/b3.s28.d2/af7437b2deb1b948995263f67939155b_43917887.17.jpg)

Đồng chí Kwét du kích căn cứ Bảo Lộc (K1) Lâm Đồng người chỉ huy bắn rơi chiếc trực thăng chở tên trung tướng Giê-cóc-gi-kê-si tư lệnh sư đoàn bộ binh không vận số 1 của Mỹ cùng 7 tên sĩ quan tùy tùng (ngày 7-7-1970).


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:31:51 pm
(http://nl1.upanh.com/b1.s29.d4/b0e59ea1814a4ccb8aca282b53c2fdcf_43917891.18.jpg)

Má Phạm Thị Ngự (Bình Thuận) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có 7 con và 1 con rể là liệt sĩ

(http://nl4.upanh.com/b6.s28.d2/184648378a0e5df2a81bf2dcd3986d1b_43917894.22.jpg)

Má K’lim (dân tộc K’Ho) bà mẹ Việt Nam anh hùng có 3 con là liệt sĩ ở xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng.

(http://nl8.upanh.com/b5.s27.d2/187ae55a57868223948822938c49cbc6_43917898.24.jpg)

Má Parâu Thi Nai (dân tộc Ragley) bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Phước Hà, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

(http://img12.imageshack.us/img12/9167/meluongthibui.jpg)

Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Bùi (Ninh Thuận)
có chồng, 4 con và 2 cháu là liệt sĩ


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:32:50 pm
KẾT LUẬN

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã trải qua gần 21 năm. Ta đã giành thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh ngời sáng của Đảng ta, dân tộc ta và quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Khu VI (cực nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên) bước vào cuộc chiến đấu, tuy là nằm trong điều kiện và bối cảnh lịch sử chung nhưng cũng có những cái riêng chi phối. Là chiến trường mà điều kiện để tự lực bị nhiều hạn chế, lại ở xa Trung ương, Trung ương Cục, tự mình phải lo xoay xở nhiều bề để chống địch và thắng địch. Nhưng từ 9 năm chống thực dân Pháp, tiếp đến gần 21 năm chống Mỹ, cứu nước, trải qua 30 năm trường, Khu VI đã tỏ rõ là một miền đất kiên trung của Tổ quốc. Dân và quân Khu VI trước sau vẫn một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ, luôn luôn sát cánh cùng cả nước, bền bỉ, dũng cảm chiến đấu, tự lực tự cường, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi từng bước cho đến thắng lợi hoàn toàn. Là địa bàn nằm giữa và nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ. Đây cũng là cửa ngõ hướng tiến công chính của ta ta vào Sài Gòn (sào huyệt của kẻ thù) từ phía đông và đông bắc, nên có vị trí chiến lược rất quan trọng. Là chiến trường đại bộ phận là rừng núi, đất rộng, dân thưa, nhiều dân tộc, tôn giáo khá phức tạp, đồng bằng thì nhỏ hẹp, kinh tế còn mang tính chất tự cung, tự cấp, giao thông và điều kiện cơ động còn hạ chế, lực lượng cách mạng còn yếu, đại bộ phận là vùng sâu, vùng yếu.

Nhưng với truyền thống bất khuất của các dân tộc trong Khu. Với lòng trung thành vô hạn đối với Đảng và nhân dân, với ý chí kiên cường bất khuất, tự lực tự cường, vượt qua bao gian khổ hy sinh, quết đánh và quyết thắng, quân và dân Quân khu VI đã vươn lên cùng quân, dân toàn Miền, quân, dân cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Suốt chặng đường lịch sử: Quân khu VI đã trải qua những năm tháng chiến đấu đầy chông gai thử thách, trải qua các bước thăng trầm, những thời kỳ đen tối, tổn thất nặng nề của phong trào cách mạng, nhất là những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, trong bước chuyển từ “đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị”. Tuy vậy, Liên tỉnh 3 (cực nam Trung Bộ) và Liên tỉnh 4 (Nam Tây Nguyên) vẫn giữ được các địa bàn căn cứ, giữ dược cái vốn cán bộ nòng cốt, có liên hệ máu thịt với nhân dân; do đó, khi có Nghị quyết Trung ương 15 đã kịp thời nổi dậy tiến công địch, giành lại phong trào. Từ phát động nhân dân các dân tộc đứng lên làm chủ núi rừng, xây dựng căn cứ, đến phát động phong trào khởi nghĩa, giành lại nông thôn đồng bằng. Từ miền tây các tỉnh đồng bằng (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) phát triển lên Lâm Đồng, Tuyên Đức, nối thông với Đắc Lắc - Quảng Đức… hoàn chỉnh địa bàn nam Tây Nguyên, nối liền bắc Tây Nguyên với miền rừng đông Nam Bộ; hình thành đường hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, bảo đảm sự chi viện về người và trang bị của Trung ương vào đến chiến trường Nam Bộ.

Từ đó, cuộc chiến tranh nhân dân được phát triển trên một chiến trường mà đại bộ phận là rừng núi, trên cơ sở phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, các dân tộc trong Khu, từng bước nâng cao thế chủ động tiến công địch cả về quân sự và chính trị, cả phía trước và phía sau, đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đi đôi với giành dân mở vùng, giành quyền làm chủ, từng bước thay đổi lực lượng so sánh giữa ta và địch.

Quân dân Khu VI đã phát huy được tác dụng của một chiến trường ở vùng bản lề, nối liền giữa Khu V và Nam Bộ, một vùng tiếp cận với vành đai bảo vệ Sài Gòn; từng thời gian đã thực hiện được kìm căng, chia cắt địch, hỗ trợ cho các chiến trường, không để địch dễ dàng biến nơi đây thành hậu phương an toàn, thành bàn đạp đánh phá các nơi, nổi rõ là trong những năm 1965-1966-1977; đã đánh phá giao thông mạnh mẽ, cắt đứt hầu hết những con đường bộ từ Sài Gòn đi miền Trung và Tây Nguyên, gây cho địch nhiều khó khăn trong cơ động lực lượng và vận chuyển chiến lược, buộc địch phải duy trì thường xuyên tại đây một bộ phận quân chủ lực ngụy, một bộ phận quân Mỹ và chư hầu.

Về xây dựng lực lượng đã chú ý cả chính trị và vũ trang. Về chính trị: chú trọng khâu xây dựng nòng cốt, phát động quần chúng; đối với vùng yếu, vùng trắng, dùng phương thức đội vũ trang công tác để mở phong trào, kết hợp với vận dụng các khả năng công khai hợp pháp. Về xây dựng lực lượng vũ trang: đã chú trọng cả ba thứ quân và hết sức coi trọng chất lượng, đặc biệt coi trọng xây dựng binh chủng đặc công; đặc công hóa bộ binh và các đội vũ trang công tác. Trong chiến đấu biết lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng thắng số lượng, với cách đánh sáng tạo, mưu mẹo, buộc địch đánh theo cách đánh của ta, đạt hiệu quả chiến đấu cao, thương vong thấp. lực lượng ngày càng trưởng thành; đã lập nên thành tích đáng tự hào qua những thời điểm có tính chất bước ngoặt quan trọng như: Đồng khởi 1959-1960, Hè 1964-1965, Đông Xuân 1967, Mậu Thân 1968, thời cơ 1972-1973. Đặc biệt, trong những năm 1969-1970, 1971, địch tập trung đánh phá ác liệt vào căn cứ hành lang bằng chất độc hóa học, phi pháo, B52, dùng chiêu bài “Tự trị” giả hiệu để nắm các dân tộc thiểu số, chia rẽ Kinh Thượng, dùng các quốc sách “ấp chiến lược” - “bình định” - “tìm diệt” - “Việt Nam hóa chiến tranh”, v.v. để đè bẹp phong trào với hy vọng xóa bỏ các căn cứ, hành lang, chia cắt giữa Nam Bộ và Khu V. Nhưng Đảng bộ và quân dân Khu VI nhận rõ trách nhiệm của mình, luôn luôn đứng vững ở vị trí được giao, kiên quyết đánh trả địch, giữ vững địa bàn và ra sức xây dựng, tăng cường lực lượng ta về các mặt.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:33:33 pm
Bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa khô 1974-1975 quân dân Khu VI đã nỗ lực cao, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường bạn, với chủ lực Quân khu VII và chủ lực Miền, giải phóng vùng Hoài Đức - Tánh Linh - Lâm Đồng - Tuyên Đức, hoàn thành nhiệm vụ được giao và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trong toàn Miền. Đến mùa xuân năm 1975, đã phối hợp chặt chẽ với chủ lực Bộ đánh địch trong thế áp đảo, đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang, tạo thuận lợi cho các tỉnh còn lại thừa thắng xông lên giành thắng lợi nhanh gọn, giải phóng hoàn toàn Quân khu và bảo đảm hành lang, tạo bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực triển khai tiến công vào sào huyệt Sài Gòn từ hướng đông, đông bắc; đồng thời làm nhiệm vụ hậu phương trực tiếp phục vụ cho các lực lượng tham gia.

Đạt được những thành tích và thắng lợi vẻ vang nêu trên là nhờ có những nhân tố cơ bản sau đây:

1. Nhờ có Đảng và Bác Hồ vạch ra đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và phương châm chiến lược, phù hợp với từng giai đoạn kháng chiến, không chỉ quan tâm mặt lãnh đạo chính trị tư tưởng và tổ chức, mà còn chú ý chi viện cả sức người sức của cho miền Nam trong đó có Quân khu VI.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và quân dân các dân tộc anh em Khu VI, được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu ủy V (1954-1961), của Trung ương Cục miền Nam (1961-1975); đã tiếp thu, quán triệt và vận dụng đường lối, phương châm và nghệ thuật chỉ đạo ấy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của chiến trường, từng bước tạo nên thế mới, lực mới để thành thắng lợi.

2. Nhờ sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong Quân khu.

Chiến tranh là nghiệt ngã: “mạnh được yếu thua” là quy luật tất yếu. Quân khu VI sức người, sức của có hạn. Để giành được thắng lợi càng đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong Khu phải có sự nỗ lực rất to lớn mới ta ra được sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù; phải nỗ lực vừa tiến công địch ở phía trước, vừa xây dựng căn cứ ở phía sau; vừa diệt địch, vừa giành dân mở vùng; vừa hoạt động, vừa lo xây dựng lực lượng, giải quyết lương ăn, chỗ đứng.

Nhìn chung, mỗi cấp lãnh đạo và chỉ huy đều phải chăm lo toàn diện, cả tiến công và xây dựng, cả quân sự và chính trị, cả đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, để có thể duy trì và phát triển cuộc chiến đấu đến thắng lợi.

Nhân dân đã không quản khó khăn, mất mát, hy sinh, không ngừng tăng cường đoàn kết, vừa trực tiếp đấu tranh ba mũi chống quân thù, vừa không tiếc đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến với tấm lòng cao cả vô biên.

Các lực lượng vũ trang trong Quân khu nhận rõ trách nhiệm vẻ vang vì nhân dân quên mình, luôn luôn đi đầu trong chiến đấu, yêu mến và gắn bó với nhân dân, với chiến trường, mặc dầu đói cơm, lạt muối, ốm đau, bệnh tật vẫn không xa rời vị trí chiến đấu. Biết bao cán bộ, chiến sĩ đã hăng hái hoạt động, kiên cường chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì nước vì dân, thể hiện sáng ngời bản chất truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với lời khen ngợi của Trung ương dành cho Đảng bộ, quân và dân Khu VI là: “Tự lực tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

3. Vai trò lãnh đạo, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ nói chung và của cấp ủy nói riêng (cả cấp ủy trong và ngoài quân đội):

Thắng lợi vẻ vang của quân và dân Khu VI, ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắng của Đảng, của Bác Hồ, từ công lao vô bờ bến của nhân dân, của chiến sĩ, còn có nguyên nhân quan trọng là sự hy sinh tận tụy của biết bao cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, lớp trước ngã, lớp sau đứng lên tiếp tục gánh vác nhiệm vụ.

Trong những lúc đấu tranh gay go, phức tạp, nhiều đồng chí vẫn giữ vững niềm tin, kiên định ý chí quyết chiến, quết thắng, luôn luôn gắn bó với quần chúng, với phong trào; trường hợp bị sa vào tay giặc vẫn giữ vững sự kiên trung, bất khuất, thà chấp nhận sự hy sinh, chứ quyết không làm tổn hại đến thanh danh và tổ chức của Đảng. Nhờ vậy khi bị địch tiến công điên cuồng, đã hạn chế được tổn thất và lúc có điều kiện thì xông lên giành thắng lợi; trước sau đã nuôi dưỡng được niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Cách mạng.

Thắng lợi vừa qua cũng đã thể hiên trình độ của các cấp lãnh đạo và chỉ huy trong Khu trong việc hiểu biết quán triệt, vận dụng đường lối, phương châm chung vào đặc điểm chiến trường, sao cho sát hợp, hiệu quả nhất, phát huy chỗ mạnh, khắc phục chỗ yếu, chú trọng cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhưng trước sau phải nắm chắc vấn đề vũ trang, vấn đề căn cứ, phải lo toàn diện các mặt: quân sự, chính trị, phía trước, phía sau. Về vũ trang, phải coi trọng cả du kích tại chỗ và lực lượng tập trung, xây dựng đơn vị phải coi trọng chất lượng, tổ chức tinh gọn, lực lượng tinh nhuệ.

Luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, phát động quần chúng, coi trọng việc thực hiện các chính sách đại đoàn kết, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ vừa đánh được địch, vừa làm công tác dân vận.

Khi khó khăn cũng như lúc thuận lợi phải luôn quan tâm vấn đề giải quyết tư tưởng nhận thức, trước hết là cho cán bộ, đảng viên; quan tâm việc phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ, kèm cặp, đào tạo cán bộ, giữ gìn sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong bất kỳ tình huống nào.

Những vấn đề trên đây không phải một lúc đã nhận ra, đã làm được, mà là kết quả của một quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, tạo chuyển biến đi lên.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:34:42 pm
4. Sự chi viện quý báu của miền Bắc của Nam Bộ và Khu V đã tăng thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho quân và dân Khu VI.

Đảng bộ và quân dân Khu VI rất tự hào về truyền thống tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ. nhưng thắng lợi của mỗi chiến trường đều có sự đóng góp chung của cả nước. Miền Bắc là hậu phương lớn là nguồn động viên ngày càng nhiều sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, thay đổi tương quan, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra cho từng giai đoạn kháng chiến. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được bổ sung về chiến trường Khu VI là những con em quê hương từ thủ đô Hà Nội - Hà Tây - Hải Phòng - Vĩnh Phú - Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh - Tuyên Quang - Hà Giang - Yên Bái, v.v. theo lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Đảng, của Bác Hồ, vì tình nghĩa Bắc Nam ruột thịt, vì nghĩa vụ thiêng liêng của đất nước đã vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Khu VI. Các tỉnh anh em ở Nam Bộ và Khu V, theo lời kêu gọi của Trung ương Cục, đã nhiệt tình giúp đỡ chia sẻ với Khu VI về quân số vũ khí lương thực.

Đảng bộ và quân dân Khu VI và các thế hệ tiếp theo mãi mãi ghi sâu tấm lòng cao cả của đồng bào miền Bắc ruột thịt và tình nghĩa anh em các tỉnh bạn ở miền Nam, mãi mãi biết ơn những cán bộ, chiến sĩ từ các nơi đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Khu VI; sự chi viện của Miền, của các khu bạn, sự hợp đồng chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi giữa các địa phương đã động viên cổ vũ thúc đẩy nhau cùng tiên lên giành thắng lợi.

Thành tích ưu điểm trên là cơ bản, nhưng sai lầm khuyết điểm không phải là ít.

Đó là những sai khuyết trong đánh giá tình hình, trong vận dụng phương châm. Nhất là sau mỗi bước địch thay đổi chiến lược, thay đổi đối sách, do thấy chậm, nên phong trào, lực lượng có lúc lâm thế bị động, tổn thất. Ngược lại, cũng có lúc đánh giá địch cao, ta thấp, không thấy hết chỗ sơ hở của địch để kịp thời mạnh dạn bung ra tiến công địch, chuyển phong trào lên.

Chưa kết hợp được chặt chẽ giữa hoạt động và xây dựng ta về các mặt, nên nhiều lúc lực lượng ta đã không theo kịp tình hình, không đáp ứng được thời cơ, v.v.

Tổ chức chiến trường phải nhiều lần thay đổi, không được ổn định, có hạn chế đến sự phát triển của phong trào.

Mặc dù còn có những sai khuyết như trên, nhưng ưu điểm vẫn là cơ bản, thành tích và thắng lợi vẫn là to lớn. Quân và dân Khu VI đã tin tưởng, phấn khởi tiến lên, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì thắng lợi trọng vẹn cho quê hương, đất nước.

*
*   *

Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cả một thời kỳ vô cùng khắc nghiệt, nhưng cũng là thời kỳ chiến đấu rất oanh liệt và chiến thắng rất vẻ vang của quân và dân Khu VI.

Đây là điều không những quân và dân Khu VI chúng ta rất tự hào, mà đồng bào ruột thịt ở mọi miền đất nước cũng tự hào, tự hào về một miền đất kiên trung của Tổ quốc.

Ngày nay, lịch sử đã sang trang, tình hình đã khác trước nhiều, nhưng những kinh nghiệm vừa qua không phải là không còn bổ ích đối với công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, nhất là những truyền thống và phẩm giá tốt đẹp của quân và dân ta trong mấy mươi năm qua, sẽ mãi mãi còn giữ nguyên giá trị, mãi mãi vẫn là những bài học quý báu cho các thế hệ mai sau.

Quân và dân các tỉnh trong Khu VI cũ của chúng ta cần trân trọng giữ gìn và phát huy những truyền thống, phẩm giá tốt đẹp ấy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Sẵn sàng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi mưu đồ thâm độc “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:36:18 pm
PHỤ LỤC

I. SỰ PHÂN CHIA KHU, TỈNH TRÊN CHIẾN TRƯỜNG
CỰC NAM TRUNG BỘ - NAM TÂY NGUYÊN
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

- Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (20 tháng 7 năm 1954) các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng được tổ chức thành Liên tỉnh 3 và các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum tổ chức thành Liên tỉnh 4 thuộc Liên khu V.

- Tháng 7 năm 1961, Đắc Lắc sáp nhập với Liên tỉnh 3 lập thành Khu VI - Quân khu VI, trực thuộc Trung ương Cục miền nam (B2). Địa bàn Duyên Hải gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (kể cả Bình Tuy). Địa bàn Nam Tây Nguyên được tổ chức thành từng B tương đương cấp tỉnh gồm:

+ B3: Bắc đường 21 đến giáp tỉnh Gia Lai của Khu V.

+ B4: Tây nam Hồ Lắc đến giáp tỉnh Phước Long và nam Đồng Nai Thượng (tức Quảng Đức).

+ B5: nam đường 21 đến nam Hồ Lắc.

+ B6: Thị xã Buôn Ma Thuột và các vùng xung quanh thị xã.

+ B7: Lâm Đồng.

+ B8: Tuyên Đức.

Tương đương với cấp tỉnh của chính quyền ngụy miền Nam: Tuyên Đức (địch lập từ năm 1958), Lâm Đồng (địch lập từ năm 1960), Quảng Đức (địch lập từ 1959), Đắc Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy (địch lập từ năm 1956).

- Từ đầu năm 1962, tỉnh Lâm Đồng (B7) chuyển giao Khu X.

- Tháng 10 năm 1963, giải thể Khu X, nhập Lâm Đồng, Phước Long về Khu VI. Khu VI giao Đắc Lắc, Khánh Hòa về Khu V.

- Cuối năm 1966, Trung ương Cục miền Nam tách 2 tỉnh Phước Long, Quảng Đức ra khỏi Khu VI để cùng Bình Long lập lại Khu X.

- Tỉnh Bình Thuận từ đầu năm 1967 được chia thành 2 tỉnh Bình Thuận và Bắc Bình (gồm huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong và K67 của Tuyên Đức). Đến tháng 8 năm 1968 nhập các huyện Hòa Đa, Tuy Phong, Phan Lý về lại Bình Thuận, giao K67 về Tuyên Đức và chia Bình Thuận ra 2 tỉnh: Bình Thuận và Bình Tuy (theo tổ chức hành chính của địch).

- Đầu năm 1971 giải thể Khu X, nhập tỉnh Bình Long, Phước Long thành liên tỉnh Bình Phước trực thuộc Trung ương Cục miền Nam. Sau khi lập Khu miền Đông, thì tỉnh Bình Phước trực thuộc Khu miền Đông Nam Bộ. Tỉnh Quảng Đức thì chia làm 3 phần: các huyện Đức Xuyên, Đức Lập về Đắc Lắc, huyện Kiến Đức về Phước Long, huyện Khiêm Đức và thị xã Gia Nghĩa về tỉnh Lâm Đồng.

- Cuối năm 1974 Trung ương Cục miền Nam lập lại tỉnh Quảng Đức giao về Khu VI. Lúc này, Khu VI gồm các tỉnh: Quảng Đức, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy.

- Tỉnh Bình Tuy trước đây là một phần đất của Bình Thuận, từ ngày 20 tháng 10 năm 1956, theo sắc lệnh số 143/VN của ngụy quyền Sài Gòn tách hai huyện Hàm Tân, Tánh Linh của Bình Thuận và cộng thêm một phần đất của Long Khánh, Lâm Đồng lập ra tỉnh Bình Tuy và Bình Tuy có thêm 1 huyện mới là Hoài Đức.

Năm 1968, ta thiết lập chính quyền cách mạng tỉnh Bình Tuy theo địa giới của địch và tỉnh Bình Tuy tồn tại cho đến ngày giải phóng. Đầu năm 1976 Bình Tuy nhập với Bình Thuận, Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải. Hiện nay Bình Tuy nằm trong tỉnh Bình Thuận (1992).


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:37:48 pm
II. DANH SÁCH ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG
DANH HIỆU ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VÀ SỐ BÀ MẸ
ĐƯỢC TẶNG VÀ TRUY TẶNG DANH HIỆU BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

TỈNH BÌNH THUẬN

Đơn vị và địa phương

1. Đại đội 2 bộ binh, Thị đội Phan Thiết (ngày tuyên dương 19-5-1972)

2. Dân quân du kích và nhân dân xã Hàm Liêm huyện Hàm Thuận Bắc (20-12-1972)

3. Tiểu đoàn 482 bộ binh tỉnh Bình Thuận (20-10-1976)

4. Đại đội 430 bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận (20-10-1976)

5. Đại đội 5 đặc công tỉnh Bình Thuận (20-10-1976)

6. Lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hàm Thuận (6-1-1978)

7. Dân quân du kích xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình (6-11-1978)

8. Dân quân du kích xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (6-11-1978)

9. Dân quân du kích xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam (6-11-1978)

10. Dân quân du kích xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (6-11-1978)

11. Lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Thuận (20-12-1979)

12. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) huyện Bắc Bình (20-12-1994)

13. Nhân dân và LLVTND huyện Đức Linh (20-12-1994)

14. Nhân dân và LLVTND huyện Tánh Linh (20-12-1994)

15. Nhân dân và LLVTND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (20-12-1994)

16. Nhân dân và LLVTND xã Phong Nẫm, thị xã Phan Thiết (20-12-1994)

17. Nhân dân và LLVTND xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (20-12-1994)

18. Nhân dân và LLVTND xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (20-12-1994)

19. Nhân dân và LLVTND xã Mê Pu huyện Đức Linh (20-12-1994)

20. Nhân dân và LLVTND xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (20-12-1994)

21. Bệnh xá tỉnh đội Bình Thuận (20-12-1994)

22. Nhân dân và LLVTND xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (30-8-1995)

23. Nhân dân và LLVTND xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình (29-1-1996)

24. Nhân dân và LLVTND huyện Tuy Phong (22-8-1998)

25. Nhân dân và LLVTND xã La Ngâu, huyện Tánh Linh (22-8-1998)

26. Nhân dân và LLVTND xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh (22-8-1998)

27. Nhân dân và LLVTND xã Hàm Phú huyện Hàm Thuận Bắc (22-8-1998)

28. Nhân dân và LLVTND xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (22-8-1998)

29. Nhân dân và LLVTND xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (22-8-1998)

30. Nhân dân và LLVTND xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (22-8-1998)

31. Nhân dân và LLVTND xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình (22-8-1998)

32. Nhân dân và LLVTND phường Đức Nghĩa, thị xã Phan Thiết (22-8-1998)

33. Nhân dân và LLVTND xã Tiến Lợi, thị xã Phan Thiết (22-8-1998)

34. Nhân dân và LLVTND xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh (22-8-1998)

35. Nhân dân và LLVTND xã Mường Mán, huyện Hàm Thuận Nam (22-8-1998)

36. Nhân dân và LLVTND xã Chí Công, huyện Tuy Phong (22-8-1998)

37. Nhân dân và LLVTND xã Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (22-8-1998)

38. Lực lượng giao bưu, thông tin, liên lạc tỉnh Bình Thuận (22-8-1998)

39. Nhân dân và LLVTND thị xã Phan Thiết (11-6-1999)

40. Nhân dân và LLVTND Nhân dân và LLVTND xã Võ Xu, huyện Đức Linh (11-6-1999)

41. Thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình (11-6-1999)

42. Thị trấn Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (11-6-1999)

43. Xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (11-6-1999)

44. Xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (11-6-1999)

45. Xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (11-6-1999)

46. Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong (11-6-1999)

47. Xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong (11-6-1999)

48. Xã Vĩnh Bảo, huyện Tuy Phong (11-6-1999)

49. Xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (11-6-1999)

50. Xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh (11-6-1999)

51. Xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh (11-6-1999)

52. Phường Phú Trinh, thị xã Phan Thiết (11-6-1999)

53. Xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (28-4-2000)

54. Xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam (28-4-2000)

55. Xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (28-4-2000)

56. Xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (28-4-2000)

57. Xã Tân Hải, huyện Hàm Tân (28-4-2000)

Cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Nguyễn Hội, Đại đội trưởng đặc công (5-5-1965)

2. Lê Văn Bảng, Đại đội trưởng đặc công (17-9-1967)

3. Liệt sĩ Từ Văn Tư, Trung đội trưởng bộ binh (15-2-1970)

4. Liệt sĩ Võ Hữu, Đại đội trưởng đặc công (6-11-1978)

5. Nguyễn Thanh Mận, Chính trị viên xã đội Phan Thanh (Bắc Bình) (6-11-1978)

6. Liệt sĩ Lương Văn Năm, Huyện đội trưởng Hàm Thuận (6-11-1978)

7. Liệt sĩ Huỳnh Thị Khá, Tiểu đội phó, Trung đội nữ 68 (6-11-1978)

8. Mang Đa, Xã đội trưởng xã Kalon (Bắc Bình) (6-11-1978)

9. Phạm Minh Tư, Chính trị viên đại đội, bộ đội địa phương huyện Đức Linh (6-11-1978)

10. Liệt sĩ Đặng Văn Lãnh, Đội trưởng đội công tác xã Phong Nẫm - Phan Thiết (6-11-1978)

11. Phạm Thị Ngự, cơ sở cách mạng, mẹ của 8 liệt sĩ (6-11-1978)

12. Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hùng, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình (4-2000)

13. Phạm Thị Mai, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (4-2000)

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 672 bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:39:40 pm
TỈNH NINH THUẬN

Đơn vị và địa phương


1. Nhân dân và LLVTND huyện Bác Ái (20-12-1976)

2. Nhân dân và LLVTND xã Phước Trung, huyện Bác Ái (15-2-1970)

3. Nhân dân và LLVTND xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước (20-12-1994)

4. Nhân dân và LLVTND xã Phước Hà, huyện Ninh Phước (20-12-1994)

5. Nhân dân và LLVTND xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (20-12-1994)

6. Nhân dân và LLVTND xã Phước Kháng, huyện Bác Ái (20-12-1994)

7. Nhân dân và LLVTND xã Phước Chiến, huyện Bác Ái (20-12-1994)

8. Nhân dân và LLVTND xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (20-12-1994)

9. Nhân dân và LLVTND xã Phước Thắng, huyện Bác Ái (20-12-1994)

10. Nhân dân và LLVTND xã Phước Đại, huyện Bác Ái (20-12-1994)

11. Tiểu đoàn 610 bộ binh tỉnh Ninh Thuận (20-12-1994)

12. Phường Đô Vinh, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (1995)

13. Nhân dân và LLVTND xã Phước Hải, huyện Ninh Hải (22-8-1998)

14. Nhân dân và LLVTND xã Phước Chính, huyện Bác Ái (22-8-1998)

15. Lực lượng giao bưu, thông tin, liên lạc tỉnh Ninh Thuận (22-8-1998)

16. Xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (1-6-1999)

17. Thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (28-4-2000)

18. Huyện Ninh Hải (10-4-2001)

19. Xã Phương Hải, huyện Ninh Hải (10-4-2001)

Cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Pi Năng Tắc, Chính trị viên phó, Huyện đội Bác Ái (5-5-1965)

2. Pi Năng Thạnh, Chính trị viên xã đội Phước Trung - Bác Ái (20-12-1969)

3. Liệt sĩ Đổng Dậu, Chính trị viên đại đội bộ binh (6-11-1978).

4. Liệt sĩ Nguyễn Tiệm, Đại đội trưởng Đại đội 31 biệt động (20-12-1994)

5. Cha Ma Léa Châu, Xã đội trưởng Xã đội Phước Trung huyện Bác Ái (20-12-1994)

6. Tạ Bô Cương (tức Mai Văn Cương) Ma Nới, huyện Ninh Sơn (11-6-1999)

- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 143 bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế

TỈNH LÂM ĐỒNG

Đơn vị và địa phương


1. Đại đội 810 thuộc LLVTND tỉnh Lâm Đồng (19-5-1972)

2. Đơn vị C15 Công an Lâm Đồng (24-1-1976)

3. Xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm (6-11-1978)

4. Xã Đồng Nai, huyện Cát Tiên (6-11-1978)

5. Xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh (6-11-1978)

6. Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (20-12-1994)

7. Xã Sơn Điền, huyện Di Linh (20-12-1994)

8. Xã Đồng Mang, huyện Lạc Dương (20-12-1994)

9. Huyện Di Linh (22-8-1998)

10. Xã Bà Gia, huyện Đạ Huoai (22-8-1998)

11. Xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm (22-8-1998).

12. Xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt (22-8-1998)

13. Xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (22-8-1998)

14. Xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương (22-8-1998)

15. Thành phố Đà Lạt (28-4-2000)

16. Huyện Đạ Tẻh (28-4-2000)

17. Xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (28-4-2000)

18. Bưu điện Lâm Đồng (8-11-2000)

Cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Đặng Quang Cầu (21-8-1955)

2. Ngô Xuân Đệ (19-5-1972)

3. Trần Văn Côi (19-5-1972)

4. Nguyễn Văn Sơn (15-1-1976)

5. Liệt sĩ Đoàn Đức Ngọc thuộc Công an Lâm Đồng (24-1-1976)

6. Liệt sĩ Lê Thị Pha (6-11-1978)

7. Liệt sĩ Nguyễn Đình Quân (6-11-1978)

8. Liệt sĩ Nguyễn Văn Trúc thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng (29-8-1985).

9. Liệt sĩ K’Đen (30-8-1995)

10. Liệt sĩ Lại Hùng Cường (30-8-1995)

- Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 71 bà mẹ đã có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG QUÂN KHU

1. Trung đoàn 812 quân khu (12-9-1975)

2. Tiểu đoàn 840 bộ binh trực thuộc Trung đoàn 812 (20-12-1972)

3. Tiểu đoàn 186 bộ binh trực thuộc Trung đoàn 812 (6-11-1987)

4. Đại đội 3, Tiểu đoàn 840 (23-11-1969)

5. Đại đội 5 đặc công, Tiểu đoàn 840 (22-9-1971)

6. Đoàn vận tải H50 (22-8-1998)

Cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND

1. Liệt sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Chính trị viên Phó Tiểu đoàn 840 (23-11-1969)

2. Liệt sĩ Nguyễn Tấn Định, Tiểu đoàn Phó, Đại đội 5 đặc công, Tiểu đoàn 840 (19-5-1972)

3. Liệt sĩ Huỳnh Phước, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 200C đặc công, Quân khu (20-12-1994)

Chú thích: Các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 186 và 3 liệt sĩ trong danh sách này, nay thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng quản lý. Danh hiệu Anh hùng của Trung đoàn 812 và Đoàn H50 do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận quản lý.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:40:30 pm
III. SỐ LIỆU VỀ QUÂN SỐ DƯỢC BỔ SUNG CHO CHIẾN TRƯỜNG KHU VI
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954-1975)

- Miền Bắc chi viện kể cả cán bộ, chiến sĩ: 5.500

- Nam Bộ chi viện kể cả nam - nữ thanh niên: 630

- Khu V chi viện cán bộ, chiến sĩ và tân binh: 220

- Rút tân binh tại chỗ bổ sung cho các lực lượng: 6.000

Tổng cộng: 12.350

Số liệu này nắm qua các thời kỳ được các nơi chi viện và bổ sung với mức tương ứng, chưa chính xác lắm, nếu có chênh lệch thì chỉ lên xuống chút ít không có nhiều.


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:41:38 pm
(http://nl1.upanh.com/b4.s29.d2/99272aac0778533bc3fb7b7eb76c7dbd_44441651.bacruong.jpg)

Lô cốt tại quận Hoài Đức - Bắc Ruộng (1960)

(http://nl5.upanh.com/b6.s27.d1/459614b69240ce25cc199f2396e4a7a3_44441475.05.jpg)

Nhân dân thị xã Phan Thiết (Bình Thuận) đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (6-1963)

(http://nl8.upanh.com/b5.s29.d4/2846a34b7f1f82cc66a6589d8685cb7a_44441478.06.jpg)

Nhân dân cùng bộ đội địa phương dân quân du kích phá banh ấp chiến lược trở về ruộng đất cũ làm ăn (Bình Thuận)

(http://nl0.upanh.com/b5.s26.d2/9553e8d70c1b8b33815573660cc65353_44441480.07.jpg)

Hơn 10 nghìn nhân dân Đà Lạt đưa đám tang 4 HSTN bị địch giết trong cuộc biểu tình chống Mỹ Thiệu đòi dân chủ, dân sinh ngày 21-4-1966


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:42:35 pm
(http://nl3.upanh.com/b2.s29.d2/60ab7616e486d668c5b95112472c8fac_44441483.12.jpg)

(http://nl2.upanh.com/b1.s29.d4/810fad650f7a529727ebb154ccc7e2bf_44441482.11.jpg)

Đoàn vận tải H.50 Quân khu VI trên đường vận chuyển vũ khí vè chiến trường

(http://nl6.upanh.com/b1.s27.d1/2ff45bd59f71948246692252c154bc43_44441486.13.jpg)

(http://nl1.upanh.com/b6.s26.d2/03af75b90597d2a420bbe1ee193f5ded_44441471.14.jpg)

Các chiến sĩ đoàn H50 trên đường vận tải và chuẩn bị vượt sông


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:43:27 pm
(http://nl4.upanh.com/b5.s29.d1/08af3f1856f2bc36609a862885fb9a24_44441994.19.jpg)

Hội nghị đại biểu các dân tộc trong Khu (12-1972)

(http://nl6.upanh.com/b6.s29.d4/55212066e7cd9a0dbb65bac5b4c5565d_44441996.23.jpg)

Khu ủy họp bàn kế hoạch thời cơ (12-1972)

(http://nl9.upanh.com/b4.s27.d2/f14c6e0f6bc68ea0b3af660590091b91_44441999.25.jpg)

Mít tinh chào mừng những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng trong các nhà tù Mỹ, ngụy trở về

(http://nl6.upanh.com/b3.s27.d1/7e05701951ac7fccdfac43060c64e093_44443606.h50001.jpg)

Đoàn vận tải H50 Quân khu VI tải đạn ra chiến trường (1974)


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:44:44 pm
(http://nl4.upanh.com/b4.s29.d4/c68ecd587d97c49d235c6ee9df4c0744_44442004.29.jpg)

Quân ngụy trước sức mạnh của Quân giải phóng (12-1974)

(http://nl2.upanh.com/b3.s26.d2/35af675a935dfe4d1f2d350b8737d13f_44442002.28.jpg)

Hội nghị tổng kết chiến dịch giải phóng Hoài Đức – Tánh Linh

(http://nl5.upanh.com/b1.s28.d2/d7265bb64be9c9d82655819e1adbcf27_44441935.thanhson.jpg)

Sân bay Thành Sơn – Phan Rang bị quân giải phóng đánh chiếm


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:45:57 pm
(http://nl9.upanh.com/b1.s26.d2/bc0899586a82dc9209ac8644654d7677_44442009.30.jpg)

(http://nl1.upanh.com/b6.s28.d2/64b3b295b53fb4e931a56ecce3416d05_44442011.31.jpg)

(http://nl2.upanh.com/b3.s26.d2/1c6624ddbce65a36bd3d9dc6d1ffc322_44442012.32.jpg)

(http://nl4.upanh.com/b1.s27.d2/56b3ab0ea3d398ea14d9b7169903654f_44442014.33.jpg)

(http://nl5.upanh.com/b2.s28.d2/d96170707ffbdecdd0ee47e2e01396bc_44442015.34.jpg)

Quân ta tiến vào giải phóng thị xã Phan Thiết


Tiêu đề: Khu VI kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2012, 03:46:56 pm
(http://nl6.upanh.com/b6.s26.d1/e089b347b5562a2b8fb7d289e6973349_44442016.35.jpg)

(http://nl9.upanh.com/b6.s29.d3/f78f3b27df209d518bddac03b5707612_44442249.bt7.jpg)

Lễ đón nhận danh hiệu Trung đoàn 812 Anh hùng (9-1975)

(http://nl8.upanh.com/b5.s27.d1/769779c4fe566eedc1bd840b8f4aab8d_44442018.37.jpg)

Hội nghị Khu ủy mở rộng cuối tháng 4-1975

(http://nl8.upanh.com/b5.s26.d2/d95f7740320f686f5ca508926b9225c6_44442388.40.jpg)

Ban biên soạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ của Khu VI