Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Một thời máu và hoa => Tác giả chủ đề:: wanta trong 17 Tháng Bảy, 2011, 11:00:20 pm



Tiêu đề: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Bảy, 2011, 11:00:20 pm
       Chào các Bác, mình là Wanta lính D4 sau là D7, E747, F317 mới tham gia diễn đàn. Trước đây mình đã có biết đến diễn đàn Quân sử Việt Nam nhưng không có điều kiện truy cập internet thường xuyên nên không có tìm hiểu về diễn đàn nhiều. Nay do điều kiện công việc tôi thường xuyên lên mạng nên đến với diễn đàn nhiều hơn và nhất là đọc chủ đề “Một thời máu và hoa” với hồi ký của các Bác Ducthao, trungsy1, lethaitho, lukhach và hai ruộng qua đó tôi sống lại quảng đời tuổi trẻ của mình mà bao năm qua do áp lực của cuộc sống, công việc tôi đã quên đi. Những địa danh, tên đất, tên người lại trở về với tôi, tôi đã tìm được những đồng đội dù không cùng đơn vị nhưng đã sống một thời tuổi trẻ với tôi trong những năm tháng chiến tranh trên chiến trường K, nhất là Bác Hai Ruộng là người cùng D7 với tôi từ lúc ở 2Bis Xô Viết Nghệ Tĩnh (tôi đang đọc “Một số trận đánh trên chiến trường K” của Bác).

   Trước đây một lần đến ngày 22/12 Cơ quan tôi công tác ở Đắknông (Trường GDĐT và GQVL số 6 của LLTNXP) lại tổ chức họp mặt CCB (nói tiếng CCB nhưng chỉ có tôi và ông PGĐ Trường là tham gia chiến trường K còn lại là những anh em tham gia bộ đội sau này) tôi có suy nghĩ viết hồi ký về những năm tháng đó nhưng viết để ai đọc (lớp trẻ bây giờ nhiều khi kể về những năm tháng đó họ không tin) rồi phần công việc, cuộc sống cuốn hút nên không nghĩ đến nữa.

   Nay qua diễn đàn Quân sử Việt Nam tôi đã tìm được nơi để nhớ về ký ức và viết về ký ức một thời của tôi và của các đồng đội D7, E747 (và cũng có thể qua đây tôi sẽ tìm lại được những đồng đội thân yêu của tôi ngày xưa, hiện nay tôi hoàn toàn đứt liên lạc không có thông tin của một ai cả). Có thể do thời gian đã quá lâu 33 năm rồi nên một số địa danh, tên người và thời gian tôi không còn nhớ chính xác, có gì các Bác bổ sung cho tôi nhất là Bác Hai Ruộng người cùng đơn vị với tôi.

   Trước khi viết về “Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)” tôi xin post bài thơ “Chúng tôi đi” mà tôi mới làm để nhớ về đêm 14/03/1979 đêm D7 chúng tôi giã từ thành phố đi K.

CHÚNG TÔI ĐI
Thân tặng những đồng đội D7, E747
Nhớ về ngày 14/03/1979

Chào thành phô
Chúng tôi đi
Những chàng trai tuổi 20
Xếp bút nghiên lên đường ra chiến tuyến

Chúng tôi đi
Trong âm thầm lặng lẽ
Những hàng me đứng thẳng
Lá rung rinh xào xạc tiễn đưa người

Chúng tôi đi
Những lá thư rải dài trên đường phố
Ai nhặt được xin gửi về người thân
Báo giùm tin chúng tôi ra tuyến trước

Chúng tôi đi
Kia nhà ai bên đường
Hiu hắt ánh đèn qua cửa sổ
Phải chăng em giờ này chưa ngủ
Miệt mài bên sách vở tuổi học trò

Chúng tôi đi
Đi về nơi súng nổ
Nơi máu xương bao người đang phải đổ
Để giữ yên mảnh đất quê hương này
Để mai đây em lại đến giảng đường
Thay chúng tôi viết bài trên giấy trắng

Chào thành phố
Chúng tôi đi
17/07/2011
Wanta

Chữ ký của tôi cũng là bài thơ làm cuối năm 1979
khi suy nghĩ về tình yêu của lính


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: daibacvn trong 17 Tháng Bảy, 2011, 11:42:42 pm
Hoan hô nhiệt liệt, nhiệt liệt hoan hô!
Chúc mừng chú Wanta đã mạnh dạn cho ra đời hồi ký này, chúc chú nhanh chóng tiến công trên khắp các mặt trận để chúng em được đọc & biết về thời trai trẻ hào hùng của chú nói riêng và QDNDVN nói chung!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: soldier1978 trong 18 Tháng Bảy, 2011, 09:31:09 am
Xin chào bác Wanta, vậy là bác cũng nhập ngũ cuối năm 78 hoặc đầu năm 79 thôi phải không ? bác đi đợt nào vậy? năm 79 bác đã 20 vậy bác đang là sinh viên rồi. Tôi là Trọng, học trường Trần Quốc Tuấn Q3 (Lasan Đức Minh) đi đợt 25/10/1978, bạn bè học cùng trường về F317 cũng vài tên.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: hoangson1960 trong 18 Tháng Bảy, 2011, 09:57:48 am
Xin chào bác Wanta, vậy là bác cũng nhập ngũ cuối năm 78 hoặc đầu năm 79 thôi phải không ? bác đi đợt nào vậy? năm 79 bác đã 20 vậy bác đang là sinh viên rồi. Tôi là Trọng, học trường Trần Quốc Tuấn Q3 (Lasan Đức Minh) đi đợt 25/10/1978, bạn bè học cùng trường về F317 cũng vài tên.
[

Trường này nằm trong hẻm trên đường Võ thị Sáu ngay Phạm ngọc Thạch đâm qua phải không bác !
Hè 1978 tôi học cán bộ đoàn ở trường này .Tháng 9/78 thì tình nguyện đi lính ở trường Bùi thị Xuân .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: soldier1978 trong 18 Tháng Bảy, 2011, 11:00:22 am
Xin chào bác Wanta, vậy là bác cũng nhập ngũ cuối năm 78 hoặc đầu năm 79 thôi phải không ? bác đi đợt nào vậy? năm 79 bác đã 20 vậy bác đang là sinh viên rồi. Tôi là Trọng, học trường Trần Quốc Tuấn Q3 (Lasan Đức Minh) đi đợt 25/10/1978, bạn bè học cùng trường về F317 cũng vài tên.
[

Trường này nằm trong hẻm trên đường Võ thị Sáu ngay Phạm ngọc Thạch đâm qua phải không bác !
Hè 1978 tôi học cán bộ đoàn ở trường này .Tháng 9/78 thì tình nguyện đi lính ở trường Bùi thị Xuân .
Thưa bác hoangson1960, dạ đúng trường đó đấy ạ. Bác lớn hơn em 3 tuổi vì năm 1978 em tình nguyện nhập ngũ khi mới 15 thôi, hihi !


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: leasedline trong 18 Tháng Bảy, 2011, 11:43:28 am
Anh Wanta ơi, anh đến đây là trang web có thêm một thành viên, cựu chiến binh chúng ta có thêm một đồng đội nữa. Vui mừng và chờ đón đọc những ký ức một thời của anh và của các đồng đội D7, E747.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 18 Tháng Bảy, 2011, 12:06:51 pm
hehe bài thơ hay lắm bác wanta  ;D mấy mươi năm rồi mà bác vẫn còn nhớ như in cảm xúc ngày xưa , cảm xúc của những chú nhóc cởi áo học trò mặc áo chiến binh . Em tuy lên đường sau bác khá lâu ( lúc bác đã được trở về với mẹ ) nhưng vẫn có chung cái cảm xúc ấy , cũng " Chúng tôi đi , trong âm thầm lặng lẽ " , cũng " Những lá thư rải dài trên phố.....chúng tôi ra tuyến trước " , cũng nhớ đến "ai đó " ... ;D Đường ra trận  có chút lo lắng nhưng cũng có chút tự hào ..
Mong rằng qua những dòng hồi ức sắp tới của bác , những cảm xúc ngày xưa - tưởng đã chết dần theo năm tháng bởi những lo toan cơm áo đời thường sẽ sống lại trong lòng người lính chúng ta .
Xin được cảm ơn và chúc bác nhiều sức khỏe .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 18 Tháng Bảy, 2011, 12:55:33 pm
Hè 1978 tôi học cán bộ đoàn ở trường này .Tháng 9/78 thì tình nguyện đi lính ở trường Bùi thị Xuân .
Á, bác dân Bần Thị Xui à?
Sau này bác có quay lại Hẻm Võ Thị Sáu học làm cán bộ hông?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: hoangson1960 trong 18 Tháng Bảy, 2011, 01:34:28 pm
Hè 1978 tôi học cán bộ đoàn ở trường này .Tháng 9/78 thì tình nguyện đi lính ở trường Bùi thị Xuân .
Á, bác dân Bần Thị Xui à?
Sau này bác có quay lại Hẻm Võ Thị Sáu học làm cán bộ hông?
[

Có cách đây khoảng 8-9 năm mình có học luật tại chức ở trường này 'học buổi tối ".Hình như trường này bây giờ là trường quản lí cán bộ TP thì phải.!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 18 Tháng Bảy, 2011, 01:38:19 pm
Có cách đây khoảng 8-9 năm mình có học luật tại chức ở trường này 'học buổi tối ".Hình như trường này bây giờ là trường quản lí cán bộ TP thì phải.!
Bác đi hơi bị sớm... không được ngắm em Diễm My, cứ giờ ra chơi mặc váy mini dạo dưới sân trường ... vừa đi vừa nhai nhóp nhép cái gì đó!

Bác đi rồi, mấy năm sau em cũng đi nốt.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 18 Tháng Bảy, 2011, 02:13:05 pm
Có cách đây khoảng 8-9 năm mình có học luật tại chức ở trường này 'học buổi tối ".Hình như trường này bây giờ là trường quản lí cán bộ TP thì phải.!
Bác đi hơi bị sớm... không được ngắm em Diễm My, cứ giờ ra chơi mặc váy mini dạo dưới sân trường ... vừa đi vừa nhai nhóp nhép cái gì đó!

Bác đi rồi, mấy năm sau em cũng đi nốt.
hehe lúc em ghé thăm nhà chị DM cũng mặc váy hoa , trông đáng yêu lắm cơ  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: hoangson1960 trong 18 Tháng Bảy, 2011, 02:15:15 pm
Có cách đây khoảng 8-9 năm mình có học luật tại chức ở trường này 'học buổi tối ".Hình như trường này bây giờ là trường quản lí cán bộ TP thì phải.!
Bác đi hơi bị sớm... không được ngắm em Diễm My, cứ giờ ra chơi mặc váy mini dạo dưới sân trường ... vừa đi vừa nhai nhóp nhép cái gì đó!

Bác đi rồi, mấy năm sau em cũng đi nốt.

Cái gì nhai tóp tép hả Tuâns. ???


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 18 Tháng Bảy, 2011, 04:18:39 pm
Chậc, topic bàn về thời học trò rồi đi lính ... lúc ấy đầu óc sáng loáng, lòng dạt dào tình cảm cách mạng, tâm hồn sục sôi ... chỉ muốn ra trận để bảo vệ biên cương tổ quốc! Bác lại bảo nhai tóp tép cái gì? Cái gì là cái gì đâu ... là ra chơi ăn quà vặt (ăn hàng) đó!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 12:24:55 am
Lời Mở đầu

   Để mở đầu cho topic Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317). Tôi xin có đôi lời với các bác trước. Suốt cả chặng đường chiến đấu của tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317) tôi chỉ là một anh A phó khi hành quân với cái nồi nhôm sau lưng, tôi không trải qua chiến trận nhiều như các bác Hai ruộng, Trungsy1, Lethaitho, Lukhach, Ducthao (trừ một vài trận đầu tiên của D7 ở Stung). Nên nhưng gì tôi viết ra đây là nhưng ký ức vui, buồn của một anh lính học trò trong một tiểu đoàn học trò, nó có những sự ngây thơ, buồn cười nên các Bác có tham gia góp ý, bình luận thì cũng trên tinh thần tuổi trẻ chúng ta ngày ấy, chứ đừng nâng quan điểm lên thì nó mất vui như tôi thấy ở những topic của các bác vừa qua.

I. Chiến tranh đến với tôi như thế đó

Chiến tranh biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh mà theo tôi nghĩ đất nước chúng ta không lường trước được. Đất nước chúng ta qua 30 năm chiến tranh khói lửa, đứng trước hàng loạt vấn đề phức tạp cần phải giải quyết để khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại.
   
Năm 1976 lứa tuổi chúng tôi những đoàn viên thanh niên thế hệ đầu tiên của trường THPT Nguyễn Trãi ở Quận 4 với nhiệt tình của tuổi trẻ theo tiếng gọi Thành phố đã lần lượt tham gia TNXP và thi hành NVQS.
   
Tháng 07/1976 sau khi tốt nghiệp cấp 3 (PTTH bây giờ) tôi gia nhập LLTNXP và đóng quân tại huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh đến tháng 03/1977 chuyển về cây số 69 Quốc lộ 13 huyện Bến Cát tỉnh Sông Bé (bây giờ là tỉnh Bình Dương). Tháng 08 năm 1977 cả đơn vị chúng tôi bàng hoàng khi nhận được tin bè lũ Pôn Pốt đã xua quân quân qua biến giới tàn sát đồng bào ta suốt dọc biên giới tỉnh Tây Ninh nhất là tại Sa Mát, chúng tôi bàng hoàng vì dọc theo biên giới tỉnh Tây ninh suốt từ Bến Cầu qua Xa Mát, Tân Biên về Đồng Pan, Kà Tum là những xã KTM mà các đơn vị TNXP của chúng tôi đang đóng quân xây dựng và người dân thành phố lên định cư sinh sống. máu của đồng bào chúng ta đã đổ, hai liên đội Dũng Chí và Dũng Cảm đóng quân trên địa bàn Tây Ninh đã được lệnh lên đường phục vụ các đơn vị bộ đội bảo vệ biên giới. “Chiến tranh biên giới Tây Nam đã đến”.
   
Tháng 11 năm 1977 tôi được đơn vị cử về đi học khóa 1 trường Trung học Lao động Tiền lương II, trong khóa của tôi có 3 anh bộ đội thuộc quân đoàn 3 đang chiến đấu ở Biên giới Tây Nam được cử về học, những mẫu chuyện về cuộc chiến trên biên giới và tin tức về Biên giới Tây Nam dồn dập qua báo đài làm cho lớp chúng tôi cứ xôn xao bàn tán.

   Tết năm 1977 tôi lên Dương Minh Châu ăn tết với đơn vị hỏi thăm tình hình thì anh em cho biết địch vẫn hay về đánh phá ở phía Thiện Ngôn cách đơn vị đóng quân khoảng 4 km tết năm nay toàn thể Tổng đội 5 đều trong tư thế sẵn sàng phương án sơ tán quân nếu có chiến sự lớn xảy ra và lan đến đây. Đêm giao thừa ngồi uống rượu với anh em nghe tiếng súng từ phía Thiện Ngôn rộ về dồn dập anh em lại chép miệng “nó lại về hướng Thiện Ngôn rồi”
   
Đầu năm 1978 đơn vị TNXP của tôi chuyển về làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế mới tại Gò Quao, Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang tôi lại tiếp tục ngày ngày “bảng đen giấy trắng” có muốn gì cũng không được nhiệm vụ chính trị của Đoàn viên chúng tôi lúc đó trên giảng đường là phải “học tốt” nhưng khó quá “học tốt” sao được khi tin tức hàng ngày của “chiến trường Tây Nam” vẫn dồn dập dội về, Trung đoàn Gia Định rồi bộ đội các quận huyện được huy động lên biên giới (sau này thành D5, D6 của E747), công nhân các nhà máy, công xưởng cơ khí thành phố tăng cường dập bàn chông chi viện cho thanh niên các tỉnh xây dựng tuyến phòng thủ Biên Giới.

   Hè năm 1978 tôi nhận được tin đơn vị TNXP của tôi đang ở Kiên Giang chuyển quân về Tây Ninh hướng Kà Tum làm nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu và một số anh em khác đã chuyển qua Bộ đội. Nhận được tin đang nghỉ hè tôi tìm đường về đơn vị TNXP cũ để gặp anh em với mục đích kịp gặp lại anh em, chiến sĩ TNXP của tôi trước khi họ ra Biên giới (nói nhỏ với các bạn đừng cười nhé còn mục đích khác là gập bạn gái của tôi nữa).

       Xe đò lên đến ngã tư Đồng Pan thì không đi nữa tôi đành phải cuốc bộ 4 km nữa để vào Kà Tum tìm về đơn vị, tới Kà Tum trong khi đang hỏi thăm người dân nơi đơn vị đóng quân thì nghe tiếng gọi “Anh Nam đi đâu đây” tôi nhìn lại thì thấy một số anh em đơn vị TNXP của tôi, tôi trả lời “Tìm về thăm anh em đây”, anh em dẫn tôi về nơi BCH đại đội gặp Thành Trọc (Trần văn Thành nay là chủ tịch HĐQT công ty Nhà Việt Nam) và Đỗ Việt Dân (nay là Đại tá bác sỹ quân y về hưu) là chính trị viên đại đội TNXP và cũng là bạn học chung trường Nguyễn Trãi, bạn bè đồng đội gặp nhau mừng mừng tủi tủi tối tôi nghỉ lại với anh em và theo Đỗ Việt Dân lên sân bay Kà Tum để bàn việc phối thuộc với đơn vị công binh đang làm nhiệm vụ ở đây (Bạn nào trong thời điểm này có ở lữ công binh này thì có thể góp ý thêm về đơn vị TNXP này nhé đó là Liên đội Kiên Quyết I để tôi có thể biết thêm về quá trình phục vụ chiến đấu của đồng đội TNXP của tôi, cám ơn nhiều). Tối hôm đó các đồng đội nữ TNXP của tôi đã ghé thăm tôi và báo tôi rằng bạn gái của tôi đã đi cùng một trung đội nữ TNXP phối thuộc với một đơn vị Quân y đóng tại Suối Ky ở bên ngã ba Tân Biên rồi.

          Sáng hôm đơn vị TNXP của tôi chuẩn bị chuyển quân lên tuyến trước để làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông cho bộ đội chuyển quân, tôi tạm biệt tất cả các đồng đội TNXP của tôi, bắt tay với Thành trọc và Đỗ Việt Dân chúng tôi cùng hẹn với nhau một câu “Hẹn gặp lại ở Phnom pênh”, nhìn anh em đơn vị chuẩn bị chuyển quân tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì cũng chỉ biết bắt tay anh em và cùng hứa với nhau câu nói trên (sau này khi qua K may mắn thay có thời gian tôi gặp và đóng gần đơn vị TNXP của tôi ở Kampong thom).

         Tôi qua lại ngã tư Đồng Pan đón xe về Tân Biên để tìm thăm bạn gái và các đồng đội TNXP nữ xe tới ngã ba Suối Ky tôi xuống xe và đi bộ vào đơn vị quân y tiền phương nơi các đồng đội nữ của tôi phối thuộc (bạn nào trước đây có công tác tại đơn vị quân y này có thể góp ý thêm cho tôi về đơn vị nữ TNXP này, cám ơn nhiều). Cũng vẫn những trảng cỏ tranh, con đường đất đỏ nhưng bầu không khí ở đây khác hẳn với những nơi trước đây đơn vị TNXP của tôi đã từng đóng quân có lẽ đây đã gần chiến trường rồi. Đến cây cầu gổ bắc qua con suối có barie chắn ngang và trạm gác của vệ binh tôi trình giấy tờ và xin vào gặp bạn gái và các đồng đội nữ của tôi (có lẽ do giấy nghỉ phép và bộ đồ đồng phục TNXP của tôi nên các đồng chí vệ binh báo vào trong). Bạn gái và các đồng đội nữ ra đón tôi, mừng mừng tủi tủi các bạn ấy không ngờ là gặp tôi ở đây.

          Sau khi tiếp các bạn đồng đội TNXP nữ và bạn gái của tôi, tối hôm đó tôi nghỉ lại tại nhà khách quân y tiền phương, nằm trên chiếc võng đong đưa tôi không ngũ được cứ thao thức và đếm tiếng pháo của ta nổ đầu nòng “một, hai, ba, bốn” và nghe tiếng đạn rèo qua đầu rồi tiếp tục đếm tiếng nổ chạm ở đầu kia “một, hai, ba, bốn” và nghĩ rằng tôi đang sống trong không khí của chiến tranh, bạn bè, đồng đội của tôi đang đi vào cuộc chiến  một cách nhẹ nhàng, vô tư của tuổi mười tám, đôi mươi.

            Sáng hôm sau tôi rời quân y viện tiền phương các đồng đội TNXP nữ và người bạn gái đưa tôi ra đến cầu Suối Ky. Tôi bước qua khỏi barie của vệ binh và bước đi, cô ấy đứng lại vẫy tay chào tiễn tôi đi đến khi khuất bóng.

           Ngồi trên chuyến xe về thành phố lòng tôi nặng trũi, nhớ trước đây khi tôi rời đơn vị về Sông Bé cũng những cô gái ấy tiễn tôi với nước mắt lưng tròng, nhưng hôm nay họ tiễn tôi về thành phố mà sao nhẹ nhàng, vô tư thế không một giọt nước mắt mà là những nụ cười và câu nói “hẹn gặp nhau ở Phom pênh”.

          Tôi về lại thành phố với những tháng ngày đèn sách, đêm đêm nghe tiếng pháo từ biên giới xa xa vọng về, lòng nặng trũi với một cảm giác như một kẻ đào ngũ, bạn bè, đồng đội, bạn gái tôi đang ở nơi đó, nơi tiếng súng đang nổ và tôi nhủ thầm trong lòng “Hẹn gặp ở Phom pênh”.

          Chiến tranh biên giới Tây Nam những ngày đầu đến với tôi như thế đấy các bạn ạ.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 19 Tháng Bảy, 2011, 12:49:15 am
Em cũng phải nói trước là anh em không ai nâng quan điểm lên làm gì!
Phong cách của trang nhà ta là kể chyện lính. Kể chuyện đôi chỗ nó "bờm xơm" nhưng vui ... và hấp dẫn! Viết như bác thì tuyệt về câu cú, về chính tả, lớp lang... nhưng cũng góp í với bác là đọc hơi chán. Nó làm em nhớ đến mấy cuốn sách kể chuyện chiến tranh biên giới hồi đó ở trong nước viết và xuất bản khá nhiều. Chắc bây giờ vào thư viên quân đội lục lại vẫn còn.
Kể ra các bác viết chuyện của thời xưa cho thời nay đọc thế là quí rồi. Chuyện của các bác, các bác kể chứ có xạo đâu mà lo.
Chỉ mong các bác có năng khiếu viết lách đừng có tự nâng quan điểm câu chuyện của mình lên nhằm truyền lại kinh nghiệm quí báu cho đời sau gì gì đó .. thanh niên đời nay chúng nó biết đọc, biết suy nghĩ mà!

Bác đọc bên topic bên kia thấy không vui à? Đúng đấy, câu chuyện bên đấy có vẻ hấp dẫn nhưng ... nhưng nó chả có thấy cái thằng tôi trong câu chuyện ấy đâu cả! Đó là vấn đề!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 19 Tháng Bảy, 2011, 01:34:53 am
hehe bác wanta xem lại đi , 1 số bác nâng quan điểm lên cao quá nên anh em phải hạ xuống bớt cho nó đời thường đấy  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 01:54:37 am
Cám ơn tuaans đã đọc phần mở đầu của mình và góp ý.

Có lẽ đã lâu lắm rồi (có lẽ cũng trên 20 năm) mình không gặp lại các đồng đội cũ lại thêm 7 năm trời làm công tác quản lý mấy ông thần nước mặn nghiện xì ke nên cái tếu táo của lính nó lặn mất tăm.

Nhưng tuaans yên tâm đi đây chỉ là phần mở đầu cho những chuyện về sau của những anh lính học trò mà bây giờ nghĩ lại vẫn thấy cười ra nước mắt.

Cuộc sống theo thời gian nó sẽ đổi khác để phù hợp với xã hội, lớp trẻ bây giờ khác và lớp trẻ của chúng mình ngày xưa khác. Cách thể hiện tình cảm của lớp trẻ bây giờ khác của chúng mình ngày xưa khác.

Mình không mang một ý tưởng cao xa là truyền đạt lại cho lớp trẻ bây giờ những gì gọi là kinh nghiệm mà chỉ muốn nói lên rằng ngày đó tuổi 20 của chúng tôi sống như thế đó và bây giờ nghĩ lại chúng tôi vẫn tự hào về những gì ngày xưa chúng tôi đã sống.

Những gì mang tính chất chiến trận thì Bác Hai Ruộng đã nói rồi và các bác khác đã phân tích rồi.

Ở Topic này chỉ đi vào những mảng mang tính chất đời thường, thậm chí ngây thơ, ngô nghê của những anh lính vừa rời ghế nhà trường cầm cây súng.

Đảm bảo tuaans và các bác khi đọc topic của mình sẽ thấy trong đây một cài gì đó của mình trong những ngày tháng gian khổ đó


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: soldier1978 trong 19 Tháng Bảy, 2011, 02:22:34 am
Oh, bác Wanta thuộc thế hệ những lớp TNXP đầu tiên của Tp mang tên Bác rồi! Vậy thì chắc là bác biết cái trường huấn luyện Thống Nhất ở Dương minh Châu - Tây Ninh, ở đấy rất nhiều các anh TNXP kỳ cựu (gia nhập LL năm 76) chuyển sang làm khung huấn luyện tân binh lứa 25/10/1978.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: thaynhin trong 19 Tháng Bảy, 2011, 02:24:48 am
Chào Wanta và các bác!
Xin vui mừng đón chào và được đọc nhưng kỷ niệm sống động của bác thời trai trẻ!Gắng viết khỏe và nhanh nhé,cũng nên tham khảo các bài viết va ý kiến anh em để còn hay nữa bạn à!
Trân trọng,một đồng đội của bạn trên đất mẹ Việt Nam!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 19 Tháng Bảy, 2011, 09:36:08 am
He he, "cái thằng tôi" đấy không phải là em, là bác ... mà là của tác giả kể chuyện đó bác ạ!  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 12:52:15 pm
Đúng đấy bạn soldier1978 ạ. Năm 1978 một số đồng đội tôi chuyển qua làm cán bộ khung huấn luyện tại quân trường Thống Nhất ở Dương Minh Châu. Nghĩ chuyện đời thời ấy lại oái oăn TNXP đi phục vụ bộ đội chiến đấu, TNXP chuyển qua bộ đội rồi lại cũng TNXP làm cán bộ khung huấn luyện tân binh. Trong số những người ở quân trường Thống Nhất ngày ấy hiện nay còn chị Đào đang công tác tại Trung tâm GDTX của LLTNXP.

Nhân tiện qua đây tôi cũng cám ơn diễn đàn QSVN và các thành viên trong diễn đàn vì nhờ có diễn đàn mà tôi đã bắt liên lạc được với Bác Hai Ruộng là đồng đội nhập ngũ chung đợt năm 1978. Qua Bác Hai Ruộng tôi gặp lại hình ảnh của các đồng đội ngày xưa và Bố Xường người D trưởng D7 anh hùng năm nào giờ vẫn còn sống ở quê hương Bến Tre.

Cũng qua Bác Hai Ruộng tôi đã liên lạc được với Võ Công Lý trợ lý quân nhu của D hiện đang công tác tại XSKT tỉnh Long An.

Bác tuaans cái trang bản đồ của Bác sao tôi tải không được. Tôi muốn có được bản đồ của Kampong Thom ngày ấy để xác định các địa danh và vẽ lại chặng đường hành quân của D7 ngày xưa. Có cách nào Bác giúp tớ không


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: leasedline trong 19 Tháng Bảy, 2011, 02:16:24 pm
Năm 1978 một số đồng đội tôi chuyển qua làm cán bộ khung huấn luyện tại quân trường Thống Nhất ở Dương Minh Châu.

Anh wanta ơi,

Anh có biết anh Trần Hùng Lự và anh Vũ Đình Thơm là cán bộ khung huấn luyện tại quân trường Thống Nhất ở Dương Minh Châu thì cho em xin thông tin. Em cảm ơn anh nhiều.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 19 Tháng Bảy, 2011, 03:48:58 pm
Bản đồ thì bác wanta vào cái này xem đỡ, chỗ nào cần chi tiết hơn thì bác nói, em gửi sau.

http://www.nexus.net/~911gfx/mapnd4810.html


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 04:56:49 pm
Em leasedline ơi. Quân trường Thống Nhất Dương Minh Châu thì anh có biết nhưng khi đó anh đã về đi học rồi nên về cán bộ khung ở đó ngày xưa anh không biết rành lắm. Anh Trần Hồng Lự thì sau này không công tác ở TNXP thì anh có nghe nói nhưng không biết mặt.

Em có thể liên hệ chị Đoàn Thị Anh Đào đang công tác tại Trung tâm GDTX TNXP địa chỉ 708 (số cũ 10/12) Lạc Long Quân, P.9, Quận Tân Bình, đối diện chùa Giác Lâm ĐT: (08)3975.2983. Có thể chị ấy biết rõ hơn vì khi đó chị ấy là Chính trị viên quân trường Thống Nhất và chị ấy công tác trong TNXP xuyên suốt từ ngày ấy đến nay.

Cám ơn Bác tuaans đã gửi link về bản đổ cho tớ

Báo cáo với các Bác, mình đã liên hệ được với họa sĩ Phan Tấn Đức ở Phan Rang cũng là CCB của tiểu đoàn học trò D7, khi nhập ngũ Bác ấy đang học cao đẳng Mỹ Thuật. Bác ấy hiện cỏn đang lưu giữ những hình ảnh của đơn vị, những bức ký họa trên chặng đường chính chiến của D7 và quan trọng nhất là những bức thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho con là họa sĩ Lưu Anh Tuấn khi đó là lính thông tin D7.

Mình đang nhờ Bác Đức scan lại những hình ảnh và ký họa ngày ấy để đưa lên diễn đàn cho mục "một thời máu và hoa" thêm phong phú


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 19 Tháng Bảy, 2011, 05:15:01 pm
hehe D7 - E 747 ngày xưa có 2 bác đeo kính là bác Nam sún và bác Quang cận , không biết bác wanta là bác nào  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 06:27:57 pm
hehe! bác haanh là thầy bói hay sao vậy. Bói sao trúng phóc vậy. Wanta chính là Nam Sún của D7 đây. Bác ở đơn vị nào chắc cũng thuộc D7 hoặc thân cận với D7 lắm mới nhớ được như vậy.

Nickname Wanta là để mình nhớ đến biệt danh ngày xưa đơn vị đặt cho mình. Dân K thì gọi mình là pu per wanta (chú đeo kính) thế là Anh Sáng C trưởng đặt cho mình biệt danh là wantanamera luôn.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 19 Tháng Bảy, 2011, 06:38:41 pm
hehe! bác haanh là thầy bói hay sao vậy. Bói sao trúng phóc vậy. Wanta chính là Nam Sún của D7 đây. Bác ở đơn vị nào chắc cũng thuộc D7 hoặc thân cận với D7 lắm mới nhớ được như vậy.

Nickname Wanta là để mình nhớ đến biệt danh ngày xưa đơn vị đặt cho mình. Dân K thì gọi mình là pu per wanta (chú đeo kính) thế là Anh Sáng C trưởng đặt cho mình biệt danh là wantanamera luôn.
hehe thế bác có nhớ ai từng lên đấu võ đài , đánh gãy răng thằng võ sư người K ở phum kha na không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 19 Tháng Bảy, 2011, 06:45:06 pm
Em leasedline ơi. Quân trường Thống Nhất Dương Minh Châu thì anh có biết nhưng khi đó anh đã về đi học rồi nên về cán bộ khung ở đó ngày xưa anh không biết rành lắm. Anh Trần Hồng Lự thì sau này không công tác ở TNXP thì anh có nghe nói nhưng không biết mặt.

Em có thể liên hệ chị Đoàn Thị Anh Đào đang công tác tại Trung tâm GDTX TNXP địa chỉ 708 (số cũ 10/12) Lạc Long Quân, P.9, Quận Tân Bình, đối diện chùa Giác Lâm ĐT: (08)3975.2983. Có thể chị ấy biết rõ hơn vì khi đó chị ấy là Chính trị viên quân trường Thống Nhất và chị ấy công tác trong TNXP xuyên suốt từ ngày ấy đến nay.

Cám ơn Bác tuaans đã gửi link về bản đổ cho tớ

Báo cáo với các Bác, mình đã liên hệ được với họa sĩ Phan Tấn Đức ở Phan Rang cũng là CCB của tiểu đoàn học trò D7, khi nhập ngũ Bác ấy đang học cao đẳng Mỹ Thuật. Bác ấy hiện cỏn đang lưu giữ những hình ảnh của đơn vị, những bức ký họa trên chặng đường chính chiến của D7 và quan trọng nhất là những bức thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho con là họa sĩ Lưu Anh Tuấn khi đó là lính thông tin D7.

Mình đang nhờ Bác Đức scan lại những hình ảnh và ký họa ngày ấy để đưa lên diễn đàn cho mục "một thời máu và hoa" thêm phong phú

Có hình minh họa của họa sĩ Đức - Phan Rang nữa thì nhất rồi. Wanta tiếp tục đi, chủ đề của Wanta có nhiều cái đặc biệt vì từ đơn vị TNXP chuyển qua, Wanta viết có đầu có đủa từ ngày mới nhập ngũ, rất hợp với phong cách vnmilitaryhistory.net (quansuvn.net). Thời điểm Wanta đi thăm bạn bè ở Đồng Bang là tháng nào, nếu sau tháng 7/1978 thì là bệnh xá của F302, còn trước đó là quân đoàn 3 và F5. Có phải liên đội của bác đi phối thuộc với F302 đánh trận Lò Gò Xóm Giữa???


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 07:47:30 pm
II. Ngày đầu nhập ngũ:
   
Những tháng cuối năm 1978 Chiến tranh Biên Giới Tây Nam ngày càng ác liệt, đêm đêm cứ nghe tiếng pháo từ hướng Tây Ninh, Long An vọng về, lại nghĩ đến đồng đội TNXP đang phục vụ biên giới. Một số đồng đội TNXP chuyển qua bộ đội đang huấn luyện tại F477 nghe tin tôi có đến thăm những chàng trai, cô gái đã rời xa cuốc, rựa với những đoạn đường chống lầy nay đã trở thành bộ đội cầm súng ra thẳng chiến trường và cũng lời hứa “hẹn gặp nhau ở Phnom pênh”.
   
Tháng 10/1978, anh Bùi Hùng người cán bộ liên đội của tôi đang học Đại học kinh tế đã nhập ngũ trong đợt các sinh viên Đại học. Nhà trường thông báo toàn trường đi khám sức khỏe NVQS và phát động phong trào làm đơn tình nguyện gia nhập quân đội, đi khám sức khỏe đấy nhưng trong lòng tôi nghỉ “mình không trúng tuyển đâu vì sức khỏe không đạt” (Tôi khi đó đã cận thị 7 độ lại mất nguyên hàng tiền đạo bên trên nữa).

Kết quả NVQV gửi về trường trong danh sách đó có tôi (có lẽ ngày ấy việc xét tuyển dựa vào yếu tố chính trị là chính vì những người trúng NVQS đều có lý lịch là con em cán bộ hoặc là cán bộ TNXP), Phúc, Nguyên lớp A1, Sơn, Thảnh lớp B1, Hồ Ngọc Long lớp C1 và vài người nữa bây giờ tôi không nhớ tên.

Ngày lên đường rồi cũng đến, buổi lễ tiễn đưa diễn ra đơn giản nhưng tràn đầy tình cảm và xúc động, các bạn nữ đã chuẩn bị sẳn từ lúc nào những khăn tay thêu hoa và tên lớp nay đem ra tặng chúng tôi. Quới Phước cô em út của lớp tôi cứ đứng ở cửa xe mà khóc (có ai ngờ một cô bé lúc nào cũng mắc cở mỗi khi các anh trong lớp chọc ghẹo sau này lại là một khẩu đội trưởng 12,7 ly giỏi của đại dội tự vệ nhà máy sợi Đông Nam). Xe của nhà trường chở chúng tôi về hướng thành phố và điểm đến lại là Trường Trung học Sư phạm Mẫu Giáo nằm trên đường Tôn Đức Thắng.

Sân trường nhỏ nhưng đầy nghẹt những chàng trai tuổi vừa đôi mươi của các Trường Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung về đây (chỗ Trung học LĐTL II, chỗ Trung học Tài chính kế toán 4, chỗ Trung học Ăn uống công cộng, chỗ thì TDTT TWII, v.v…). Cho đến tận bây giờ tôi không biết chính xác đợt nhập ngũ ấy có tất cả bao nhiêu trường trừ các trường sư phạm. Một lúc sau, thầy Tiến người chịu trách nhiệm giao quân ra bảo chúng tôi lên xe quay về trường, các trường khác cũng như thế. Sao lạ vậy đến đây rồi lại về (sau này theo tôi biết thì lúc đó đang có sự căng kéo giữa Bộ ĐH và THCN với Bộ Quốc Phòng, vì xét góc độ nào đó tất cả chúng tôi tương lai đều là lứa cán bộ trung cấp đầu tiên của toàn miền Nam, nên Bộ ĐH và THCN không muốn đưa đi vì trước đó đã có đợt sinh viên đại học rồi, nhưng Bộ Quốc Phòng thì Quyết định nhập ngũ đã ký và ban hành rồi). Về trường chúng tôi cảm thấy ngượng làm sao, đã làm lễ tiễn đưa, đã nhận quà của các bạn gái bây giờ lại quay về chẳng biết ăn, nói làm sao.

Một tuần sau, ngày 07/11/1978 chúng tôi lại tập trung lên đường nơi giao quân vẫn là Trường Trung học Sư Phạm Mẫu Giáo. Sau khi làm thủ tục giao quân xong xe các trường ra về chỉ còn lại một hàng dài xe đò đang đậu ngoài đường, tất cả chúng tôi lần lượt lên đầy các xe và bắt đầu chuyển bánh.

Đoàn xe đi theo đường Đinh Tiên Hoàng rồi quẹo Xô Viết Nghệ Tỉnh (Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) hướng về Thị Nghè tôi nghĩ bụng đi hướng này là Long Giao chứ không phải ở Quang Trung rồi. Nhưng xe đến ngang Sở Thú thì quẹo vào một doanh trại quân đội (số 2 bis Xô Viết Nghệ Tỉnh). Tất cả xuống xe mà cứ ngơ ngác sao lại ở đây, số lính củ đang ở trong doanh trại tập trung lại nhìn chúng tôi những anh chàng lính mới. Tình cờ tôi gặp Bùi Hùng chào anh ấy và hỏi thăm thì được biết đây là D4 Quyết Thắng làm nhiệm vụ huấn luyện tân bình và chúng tôi sẽ được huấn luyện tại đây, số lính đang ở đây là vừa qua khóa huấn luyện xong đang chờ đi đơn vị mới.

Ngạc nhiên chưa, đi bộ đội đưa cho về chơi 7 ngày sau đó lại được huấn luyện ngay trong lòng thành phố kế bên Sở Thú nữa. Có lẽ chưa có đợt nhập ngũ nào mà có được cái diễm phúc như thế của chúng tôi những người lính học trò. Và đó cũng là sự khởi đầu của tiểu đoàn học trò D7, E747, F317 sau này.

Bài tới sẽ là những ngày huấn luyện và những cái ma mãnh của các anh lính học trò khi được huấn luyện ngay trong lòng thành phố (hãy đón đọc hihi!)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 19 Tháng Bảy, 2011, 08:08:38 pm
haanh ơi! lâu quá rồi nên mình không nhớ rõ nữa có thể Bác nói rõ cụ thể tên và đơn vị được không.

Thông báo với các Bác trên diễn đàn. Chiều nay tôi vừa liên lạc lại với họa sĩ Phan Tấn Đức cho biết đã gửi mail kèm đường link của diễn đàn QSVN với chủ đề "Một thời máu và hoa" và thông báo cho họa sĩ Đức biết bố Xường người D trưởng năm nào hiện đang sống ở Bến Tre và gửi kèm 3 tấm hình của anh Hai Ruộng chụp khi về thăm bố. Họa sĩ Đức nói với tôi "Nam ơi, ngày xưa mày là người mẫu để tao vẽ nay nhận được tin mày đã vui, lại được tin Bố Xường còn sống tao mừng muốn khóc, nhớ Bố quá"

Tôi có trao đổi với họa sĩ Đức về những bức ảnh, những ký họa năm xưa và di cảo nhưng lá thư của Bố Nhân (họa sĩ Lưu Công Nhân) gửi cho Lưu Anh Tuấn, Phan Tấn Đức và chúng tôi những đứa con của Bố đang ở chiến trường K post lên diễn đàn để tất cả chúng ta cùng đọc.

Họa sĩ Đức đống ý với tôi về việc này, những lá thư của Bố phải đưa lên để chúng ta hiểu được về tình cảm của một người cha, một họa sĩ nổi tiếng của nước ta đối với những đứa con nơi chiến trận như thế nào?

Do hiện nay toàn bộ hình ảnh và thư từ đã gần 30 năm nên có phần bị mối mọt. Họa sỉ Đức đang nhập lại lưu trữ trên vi tính và ủy quyền cho tôi khi nhập xong lá thư nào tôi sẽ post lên diễn đàn lá thư đó. Còn hình ảnh thì sẽ từng bước Scan lại mail cho tôi để xử lý lại sau đó post lên diễn đàn cho các Bác xem.

Về những lá thư của Bố Nhân tôi sẽ post thành một chủ đề riêng và đề nghị các bác tham gia góp ý cho tôi xem nên đặt tên chủ đề này là gì?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 19 Tháng Bảy, 2011, 10:33:53 pm
@wanta : hehe bác nên tạo topic và post vào box này
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?board=58.0


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: daibacvn trong 20 Tháng Bảy, 2011, 12:06:52 am
hehe thế bác có nhớ ai từng lên đấu võ đài , đánh gãy răng thằng võ sư người K ở phum kha na không ?
Giờ mới lộ hàng, cái vụ việc này thiệt là hấp dẫn này sao từ trước đến giờ chú haanh không kể ra nhỉ? ;)

Nickname Wanta là để mình nhớ đến biệt danh ngày xưa đơn vị đặt cho mình. Dân K thì gọi mình là pu per wanta (chú đeo kính) thế là Anh Sáng C trưởng đặt cho mình biệt danh là wantanamera luôn.
Hình như có bài hát dùng cụm từ wantademera nên sẵn đó mới có biết danh wantanamera đây mà ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 20 Tháng Bảy, 2011, 12:29:12 am
hehe thế bác có nhớ ai từng lên đấu võ đài , đánh gãy răng thằng võ sư người K ở phum kha na không ?
Giờ mới lộ hàng, cái vụ việc này thiệt là hấp dẫn này sao từ trước đến giờ chú haanh không kể ra nhỉ? ;)
hehe vụ này là của 1 bác 747 mà mình cũng đã có nhắc tới , sau này thì không có chuyện dân dám so găng với lính mình đâu , vào phum thấy thằng nào mặt cô hồn là chụp đầu đánh để moi súng rồi .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 01:39:29 am
Đúng đấy daibacvn ơi. Nó là tên một bài hát nổi tiếng của Cuba mà tất cả chúng ta đều đã từng nghe với điệu chachacha sôi động đấy. Sở dĩ anh Sáng C trưởng kêu tớ như vậy là vì 2 âm đầu của tên bài này nó trùng âm với từ wanta tiếng K "có nghĩa là cái mắt kính". Thu thật lúc đó vốn liếng tiếng K của tôi còn kém lắm chỉ quanh đi, quanh lại với mấy từ xum, đô rồi mon, xà bu, chà nam đủ để xin và đổi đồ thôi. Khi cứ nghe anh Sáng C trưởng có gì cứ gọi tôi là wantanamera, tôi thắc mắc hỏi thì anh ấy nói: "chứ mày không nghe dân K gọi mày là wanta à".

Cuộc đời lính ở chiến trường K nó có những kỷ niệm nho nhỏ mà vui như thế đấy bạn à. Mỗi một người đều có một vài biệt danh của anh em đặt cho mình dựa và đặc điểm riêng về tính cách hoặc hình dạng cá nhân, cho đến bây giờ nhiều khi nói đến tên chưa chắc anh em cũ nhận ra nhưng nói biệt danh là nhận ra liền.

Thì kỳ đầu lúc mới qua K thì anh em cứ gọi tôi là Nam Sún như Bác haanh đã nói vì tôi vừa cận thị nặng (7 độ) vừa mất nguyên hàng tiền đạo bên trên nữa. Họa sĩ Đức ở Phan Rang cũng vậy sáng hôm qua vửa điện thoại liên lạc hỏi thăm nói tên thì họa sĩ Đức hỏi lại "Nam nào? phải Nam đeo kiếng cận mà lợi thì có lợi nhưng răng không còn không?" thế là anh em nhận ra ngay.

Wanta là biệt danh thứ hai của tớ, sau này tớ còn có biệt danh "xạ thủ có đầu ruồi trên mắt kiếng" hoặc "ếch, nhái, chuột" nữa mỗi biệt danh này là gắn liền với một sự cố dở khóc, dở cười của tớ sau này tớ sẽ kể.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: leasedline trong 20 Tháng Bảy, 2011, 05:05:05 am
Em leasedline ơi. Quân trường Thống Nhất Dương Minh Châu thì anh có biết nhưng khi đó anh đã về đi học rồi nên về cán bộ khung ở đó ngày xưa anh không biết rành lắm. Anh Trần Hồng Lự thì sau này không công tác ở TNXP thì anh có nghe nói nhưng không biết mặt.

Em có thể liên hệ chị Đoàn Thị Anh Đào đang công tác tại Trung tâm GDTX TNXP địa chỉ 708 (số cũ 10/12) Lạc Long Quân, P.9, Quận Tân Bình, đối diện chùa Giác Lâm ĐT: (08)3975.2983. Có thể chị ấy biết rõ hơn vì khi đó chị ấy là Chính trị viên quân trường Thống Nhất và chị ấy công tác trong TNXP xuyên suốt từ ngày ấy đến nay.

Cảm ơn anh wanta nhiều.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 02:21:05 pm
Báo cáo với các bác CCB, các anh em thế hệ trẻ sau này. Tớ đã nhận được mail của họa sĩ Đức ở Phan Rang người CCB của tiểu đoàn học trò (D7) năm nào có kèm theo 10 bức ký họa trên chiến trường K ngày ấy. Hiện tại tớ đang tải về và xử lý xong tớ sẽ post lên cho các bác cùng xem. Dưới đây là nội dung mail của họa sĩ Đức gửi cho tớ. Tớ xin post lên để các Bác hiểu thêm về tình cảm của họa sĩ Đức đối với diễn đàn của chúng ta (riêng thư của Bố Nhân vì họa sĩ Đức chưa số hóa xong nên tôi chưa nhận được khi nào nhận được tôise4 post lên cho anh em trên diễn đàn cùng đọc).

Thư của họa sĩ Phan Tấn Đức
"Chào đồng đội Nam-người mẫu đẹp trai và chịu khó ngồi im nhất của tôi,rất vui và cảm động khi nối được liên lạc với các đồng đội chiến trường một thủa-thời trai trẻ của chúng ta. TÔI VỘI VÀNG LỤC LẠI, hiện thờii chỉ tìm lại được vài tranh-đã theo mình-trong balo trên vai qua bao cuộc hành quân,về cứ,về thành phố,về trường vẽ...ôi một doc dài thời gian như không thể nào hình dung nỗi-10 cái ký họa nhỏ thôi,rách nát một số theo thời gian,theo những gian nan vất vả cùng mình hành quân...nay còn lại tuy không bao nhiêu với con số 10, nhưng Nam cũng biết rằng chúng chính là MÁU, MỒ HÔI, NƯỚC MẮT,TRĂN TRỞ VÀ HY VỌNG VỀ MỌI THỨ CỦA CHÚNG MÌNH NGÀY ẤY-NGÀY CHÚNG TA CÒN RẤT TRẺ:ĐÔI MƯƠI!. Nam cứ để nguyên vẹn những rách rưới của tờ tranh cũng không sao,càng thể hiện màu thời gian kỹ niệm-tốt chứ sao đâu-post lên chia sẽ cùng anh em thưởng thức nhe. Hẹn gặp lại."


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 20 Tháng Bảy, 2011, 03:08:45 pm
Báo cáo với các bác CCB, các anh em thế hệ trẻ sau này. Tớ đã nhận được mail của họa sĩ Đức ở Phan Rang người CCB của tiểu đoàn học trò (D7) năm nào có kèm theo 10 bức ký họa trên chiến trường K ngày ấy. Hiện tại tớ đang tải về và xử lý xong tớ sẽ post lên cho các bác cùng xem. Dưới đây là nội dung mail của họa sĩ Đức gửi cho tớ. Tớ xin post lên để các Bác hiểu thêm về tình cảm của họa sĩ Đức đối với diễn đàn của chúng ta (riêng thư của Bố Nhân vì họa sĩ Đức chưa số hóa xong nên tôi chưa nhận được khi nào nhận được tôise4 post lên cho anh em trên diễn đàn cùng đọc).

Thư của họa sĩ Phan Tấn Đức
"Chào đồng đội Nam-người mẫu đẹp trai và chịu khó ngồi im nhất của tôi,rất vui và cảm động khi nối được liên lạc với các đồng đội chiến trường một thủa-thời trai trẻ của chúng ta. TÔI VỘI VÀNG LỤC LẠI, hiện thờii chỉ tìm lại được vài tranh-đã theo mình-trong balo trên vai qua bao cuộc hành quân,về cứ,về thành phố,về trường vẽ...ôi một doc dài thời gian như không thể nào hình dung nỗi-10 cái ký họa nhỏ thôi,rách nát một số theo thời gian,theo những gian nan vất vả cùng mình hành quân...nay còn lại tuy không bao nhiêu với con số 10, nhưng Nam cũng biết rằng chúng chính là MÁU, MỒ HÔI, NƯỚC MẮT,TRĂN TRỞ VÀ HY VỌNG VỀ MỌI THỨ CỦA CHÚNG MÌNH NGÀY ẤY-NGÀY CHÚNG TA CÒN RẤT TRẺ:ĐÔI MƯƠI!. Nam cứ để nguyên vẹn những rách rưới của tờ tranh cũng không sao,càng thể hiện màu thời gian kỹ niệm-tốt chứ sao đâu-post lên chia sẽ cùng anh em thưởng thức nhe. Hẹn gặp lại."
Nếu có chú thích cho các bức họa nữa thì tuyệt diệu. Thí dụ như "người mẫu" trên đường hành quân, ở Núi Hồng chờ ngày hạ sơn ...


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 04:21:01 pm
KÝ HỌA CỦA HỌA SĨ PHAN TÂN ĐỨC

Hình thứ nhất: Chân dung của Wanta
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinh11.jpg)
Ký họa chì của họa sĩ Phan Tấn Đức - Phan Rang

Hehe! bao nhiêu năm rồi nay mới được ngắm lại "dung nhan mùa hạ của ta". Đẹp trai không các Bác. Chả trách Bác Hai Ruộng lúc nhận chiến hữu hỏi có phải "Anh Nam trắng trẻo đẹp trai ở D7 phải không?".

Hehe! Cũng may là Bác Đức lúc đó không kêu há cái miệng ra để vẽ chứ không lại thêm ghi chú "lợi thì có lợi nhưng răng không còn" thì quê lắm.

Hình này vẽ vào khoảng đầu năm 80 được Bố Nhân cho cái gọng để làm kiếng lại chứ trước đó thì trên kiếng mình có "cái đầu ruồi" nữa. Sự tích "cái đầu ruồi" trên kiếng thì mình sẽ kể sau (Ha! Ha! Ha!)

Theo yêu cầu của Họa sỉ Đức tất cả các hình tớ đều giữ nguyên trạng các vết ố, vết rách. Tớ chỉ xử lý lại độ tương phản để cho rõ lên vì giấy và chì vẽ của thời bao cấp 32 năm rồi nên bị xuống màu mà Scan lại nữa nên nếu để nguyên thì nhìn "đui con mắt" luôn mới ra.

Sẳn đây nhờ ban QT diễn đàn tư vấn hộ: hình gốc họa sĩ Đức Scan nguyên bản khổ giấy 24 cm x 32 cm độ phân giải 180dpi. Tớ đã giảm kích thước ảnh còn 10 cm x 13 cm độ phân giải 189dpi nhưng hình khi xem trước vẫn lớn quá. Làm cách nào để hình nhỏ vừa để anh em mình xem.

Tối nay đọc tiếp những cái dễ thương của lính học trò khi huấn luyện nhé.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 20 Tháng Bảy, 2011, 05:48:28 pm
KÝ HỌA CỦA HỌA SĨ PHAN TÂN ĐỨC
...
Hehe! bao nhiêu năm rồi nay mới được ngắm lại "dung nhan mùa hạ của ta". Đẹp trai không các Bác. Chả trách Bác Hai Ruộng lúc nhận chiến hữu hỏi có phải "Anh Nam trắng trẻo đẹp trai ở D7 phải không?".
...
Khà, khà, trí tuệ và ra anh lính ta lắm. Bác Wanta sướng nhé, ở ngay đơn vị có người vẽ đẹp và hớt tóc đẹp, yta262 khen đẹp có lẽ vì hâm mộ lối vẽ chồng nét của phái ấn tượng chứ không phải lối vẽ dùng bột than để tô (cho giống hình chụp) hay lối vẽ ký họa chỉ có đường viền. Hồi đó yta262 mà không lên Xa Mát sớm, ở lại 2 Bis Xô Viết Nghệ Tĩnh nghe đại úy Lan giảng chính trị lâu chút nữa thì chắc cũng tìm tới họa sĩ Đức xem vẽ. Hồi huấn luyện ở 2 Bis, yta262 ưa tới C7 để coi 1 anh học kiến trúc vẽ, thích lắm tối nào cũng tới.

Tiếp đi Wanta ơi.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: DK1278 trong 20 Tháng Bảy, 2011, 06:37:59 pm
Chào Bác Wanta (D7,E747,F317)
Tôi xin tự giới thiệu DK1278 lính C19 trực thuộc E 740 Đoàn 7705. mình chưa từng tham gia viết bài trên trang QSVN, nhưng có đọc nhiều lần mình rất cảm kích, gợi nhớ về những hình ảnh tuổi trẻ ae mình đã qua.
Được biết Bác Wanta linh D7, E747, F317. Minh không biết có phải là đơn vị bạn đánh trận Phum Ô trên trục đường 6 giữ huyện ChiKaCreng với huyện SoniKCun khoảng năm 80 - 81. Lúc đó đơn vị mình chỉ có 12 người chốt ngay phum đó.
Buổi sáng tin mơ chiến sự diễn ra ác liệt quá!...
Bác Wanta có biềt trận đó không kể cho minh với

DK1278


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 09:22:50 pm
III. NHỮNG THÁNG NGÀY HUẤN LUYỆN: “VƯỜN TAO NGỘ”

   Thế là bắt đầu những ngày tháng huấn luyện và bắt đầu khó khăn, sung sướng của những anh lính học trò (Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà). Tớ xin post mặt bằng của khu vực 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh (nay là 2 Bis Nguyễn Thị Minh Khai) trên google map và vẽ lại sơ đồ mặt bằng khu vực 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày xưa (các bác nào đã từng huấn luyện ở 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh xem có thiếu sót gì thì bổ sung thêm vào nhé) để các Bác dễ hình dung.

Mặt bằng 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày nay
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/2bisxovietnghetinh.jpg)

Mặt bằng 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh năm 1979 (vẽ lại theo ký ức)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/matbang2bisxovietnghetinh.jpg)

   Cái khổ của các anh lính tân binh khi bước vào môi trường quân ngũ thì anh nào cũng như nhau. Ở đây tớ chỉ nói cái khổ và những cái sướng của những anh lính ho5ctro2 được huấn luyện trong lòng thành phố.

   Như trên mặt bằng các Bác thấy khu vực 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh chiếm một khu vực rộng nằm dọc theo đường Xô Viết Nghệ Tỉnh trải dài từ ngã tư Xô Viết Nghệ Tỉnh – Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cầu Thị Nghè.

   Phía đường Xô Viết Nghệ Tỉnh là hàng tường rào cao tầm ngang ngực phía trên rào kẽm gai, tiếp đến là lề đường Xô Viết Nghệ Tỉnh cả hai bên đều có trạm xe buýt. Đối diện phía bên kia đường là “Sở Thú – Thảo Cầm Viên” tụ điểm vui chơi duy nhất của thành phố mà cửa sau của nó nằm chân cầu Thị Nghè.

   Và cái khổ thứ nhất của các anh lính học trò chỉ biết học hành, vui chơi là “Mỡ treo miệng mèo” mà không được ăn, nhất là các bạn có gia đình ở thành phố ở khu vực quận 1, quận 3 gần nhà đấy các có mấy bước chân thôi nhưng không về được. Đã vậy ngoài đường xe cộ qua lại ồn ào, nhộn nhịp chiều chiều các em nữ sinh đi học về nói cười tíu tít khiến cho nhớ lại cái vô tư của tuổi học trò, muốn chạy nhảy vui đùa mà không được, mình đã là cán bộ TNXP, đã từng sống xa gia đình, xa thành phố quen rồi thế mà thấy những cảnh như vậy còn cảm thấy buồn huống chi các bạn chưa xa gia đình lần nào. Cái khổ về mặt tâm lý, tinh thần của chúng tôi cũng là cái đau đầu của BCH tiểu đoàn và nhất là các Bác vệ binh.

   Trên mặt bằng sơ đồ tôi vẽ ở tường rào Xô Viết Nghệ Tỉnh có một điểm vàng và một điểm xanh, điểm vàng tôi ghi chú là “Vườn tao ngộ” điểm xanh tôi ghi chú là “đại tá rào”.

   Trước hết tôi nói về “Vườn tao ngộ” ngày xưa trước giải phóng tại các quân trường của lính ngụy co một khu vực để hàng tuần lên thăm nuôi lính và gọi là “Vườn Tao Ngộ” thì ở đây cái tường rào Xô Viết Nghệ Tỉnh cũng vậy nhưng khác là ngày Chủ nhật thăm nuôi thì không có nhưng ngày thường vào chiều tối là có.

   Nếu các Bác đứng ở cương vị của Bố Xường D trưởng và đại úy Lan CTV trưởng trước cái cảnh buổi sáng vừa giao quân xong thì buổi chiều dọc theo tường rào phía trong là một dãy lính tân binh đứng ngó ra ngoài, phía ngoài lề đường cũng một dãy thân nhân của tân binh đứng hỏi thăm và tuồn hàng tiếp tế vào. Bây giờ ngồi gõ những dòng này nhớ lại những ngày đó tôi cũng phải cười vì trên thế giới và ở Việt Nam ta không có một đơn vị huấn luyện tân binh nào có cảnh này cả.
   
   Trước cái cảnh như vậy mỗi chiều, chịu không xiết tiểu đoàn cho làm thêm cái chòi gác ngay góc nhà của C bộ và cử một vệ binh trực gác ở đó để ngăn chặn lính ta tới gần hàng rào tình hình có giảm đi nhưng dứt hẳn.

   Nhưng lính ta cũng khôn lắm do đặc điểm của tường rào lúc đó không có đèn mà chỉ có đèn đường nên cứ chập tối sao giờ sinh hoạt tối xong thì khu vực góc tường rào sát khu vực lối vào khu gia đình ngành an ninh rất tối. Nên đó là điểm hẹn của những chàng lính học trò và các cô bạn gái, cảnh nàng đứng ngoài dỗi hờn, chàng đứng trong năn nỉ đôi khi còn nhờ nàng đi mua cà phê bịch, nước mía hối lộ cho đồng đội bên trong khỏi chọc và “canh me” cán bộ B hoặc C đi kiểm tra, chưa kể có cô liều dở rào chui vào để gặp bạn trai cùng các bạn học cùng trường ở chổ tôi đánh dấu điểm vàng thứ hai sau dãy nhà ngang nữa (chỗ này buổi tối cũng tối dễ tập trung đông).

Cho đến bây giờ tôi được chứng kiến một cặp như vậy đã nên duyên chồng vợ rồi, không biết các Bác lính học trò ngày ấy có bác nào nhờ vậy mà có “tiểu đoàn phó hậu cần” hay không đề nghị báo cáo đi. Hi! Hi! Tớ thì không rồi vì bạn gái tới lúc đó đang ở biên giới rồi. Buồn năm phút!

Thôi “Vườn tao ngộ” như thế này đủ rồi còn để các Bác thả hồn bay bổng tưởng tượng ra nữa chứ. Biết đâu có Bác tưởng tượng ra một chuyện tình lâm ly, thắm thiết của một anh lính và một cô sinh viên làm sao.

Hồi sau: Những điểm xanh “Đại tá rào” (hãy nhớ đón đọc Hi! Hi! Ha! Ha)

Báo cáo các Bác chiều nay Bác Hai Ruộng trên đường từ quê nhà Cai Lậy về thành phố đã ghé thăm em. Mừng lắm các bác ạ, Tớ lại biết thêm thông tin về một đồng đội TS D7 hiện đang công tác Liên đoàn LĐ tỉnh Long An.

Theo thông tin từ họa sĩ Đức tối nay sẽ số hóa xong một số thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho con ở chiến trường K. Nếu kịp tối nay tôi sẽ post lên trên diễn đàn ở chủ đề Hình ảnh – Kỷ vật theo gợi ý của bác haanh. Các Bác nhớ đón xem nhé (chậm lắm thì ngày sẽ có)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 20 Tháng Bảy, 2011, 09:49:35 pm
 Hồi 15 giờ chiều ngày hôm nay , mình và WANTA đã gặp nhau tại Long An , nhân dịp mình về quê lên đi ngang qua . Khuôn mặt của Wanta vẫn như ngày nào , nhât là nhìn vào cặp kín cận dầy cui là anh em không lầm vào đâu được . Đúng là thời khói lửa chiến tranh , một người cận thị nặng như vậy mà cũng tình nguyện ra đi đánh giặc cũng như bao nhiêu anh em sáng mắt khác . Cũng như thân gái như chị Thanh Loan cũng tình nguyện ra trận . Ôi ! Yêu làm sao , quí làm sao , dòng máu yêu nước của thanh niên mình . Nhưng lúc đó nếu có ai hỏi vì sao anh đi bộ đội , tất cả lại ngại ngùng trả lời rằng : " Tại gì nhà nước bắt đi ... " Cái chất lính là ở chỗ đó .
 Nhờ gặp Wanta mà mình có thêm liên lạc của một số anh em trong D7 củ nữa , thật là vui mừng không gì bằng . Wanta có nhắc đến anh Bùi Hùng , mình mới nhớ ra anh Bùi Hùng dong dõng cao lưng hơi khom một tý , cũng đôi mắt kín cận , nổi tiếng làm thơ , sau nầy công tác ở phòng chính trị F317 , không biết anh Hùng có vào VMH chưa ? Có ai liên lạc được với anh Bùi Hùng không ? Lúc ở 2BIS XVNT mình nhớ còn có nhà thơ Bùi Chí Vinh nữa không biết có đúng không ? Và còn có một anh ca cải lương rất hay , anh nầy là sinh viên trường Nghệ Thuật Sân Khấu cũng nhập ngũ cùng đợt , mình quên tên hình như là ( Chí Tâm hay gì đó không biết có đúng không ? ) . Lúc đó vui lắm , A mình có Phú hình như là sv trường Tài Chính Ngân Hàng anh nầy quá đắt bồ , chủ nhật nào cũng 3-4 em vào thăm nuôi , phải sắp xếp giờ để các em khỏi phải chạm mặt nhau , khiếp thật . Bù lại mình thì buồn hiu chẳng ai thăm hết vì vậy nên mình mới nổi tiếng là chui rào trốn ra ngoài chơi .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 10:22:25 pm
Chào Bác Hai Ruộng

Anh em mình mới gặp nhau hồi chiều. Bây giờ lại gặp Bác ở Topic này rồi. Bác hãy tham gia bổ sung vào topic này của tớ nhé để cùng nhớ về những kỷ niệm vui, buồn của đời lính học trò nhé.

Anh Bùi Hùng, thì lâu lâu mình có gặp vì anh ấy trước khi đi bộ đội là Liên đội phó TNXP của mình. năm nào đơn vị TNXP cũ ở quận 4 đều có tổ chức gặp mặt nếu gặp anh ấy mình sẽ xin số điện thoại rồi gửi cho Hai Ruộng.

Anh bạn trường nghệ thuật sân khấu 2 thì tên Tâm (mình chỉ nhớ tên Tâm nhưng không nhờ họ và tên lót) hình như sau này cũng là một diễn viên cải lương. Nhớ hồi ở 2 Bis tối tối anh em cứ tập trung lại kêu Tâm ra diễn cải lương cho anh em xem, Tâm cũng giỏi một mình diển "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" tới hai, ba vai lận rồi lại múa vũ đạo cho anh em mình xem nữa.

Chuyện leo rào thì chủ đề mới về "Đại tá rào" có gì Hai Ruộng tham gia vào cho nó sôm tụ nhé.



Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 10:27:37 pm
@Trả lời Bác yta262: tớ không nhớ rõ nữa lâu quá rồi, chỉ nhớ tầm tháng 7 hoặc tháng 8 năm 1978 vì lúc đó tớ đang nghỉ hè. Hình như là phối thuộc với lữ Công binh của Quân đoàn 3 thì phải. Sau này đơn vị TNXP của tớ qua K làm nhiệm vụ bảo vệ các cầu từ Kampong thom lên Xiêm Riệp. Bác yta262 ở F302 à thời đó tớ có thằng cháu tên Quang kêu bằng cậu ở cối 82 của E88, F302 không biết Bác có biết không.

@Trả lời DK1278: tầm năm 80 – 81 E747 của mình đóng ở huyện Ba Rài tỉnh Kampong thom sau đó theo sư đoàn chuyển lên Xiêm Riệp đóng tại sân bay Xiêm Riệp. Khoảng thời gian lên Xiêm Riệp thì nếu nhớ không lầm thì có một E của F317 làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường từ Xiêm Riệp về tới huyện Chikareng hình như là E115 thì phải. Có thể bác hỏi thăm những Bác CCB khác có thời gian đóng tại địa bàn này xem sao. Cám ơn đã theo dõi những dòng ký ý ức của mình.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 20 Tháng Bảy, 2011, 10:36:27 pm
III. NHỮNG THÁNG NGÀY HUẤN LUYỆN: “VƯỜN TAO NGỘ”

   Thế là bắt đầu những ngày tháng huấn luyện và bắt đầu khó khăn, sung sướng của những anh lính học trò (Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà). Tớ xin post mặt bằng của khu vực 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh (nay là 2 Bis Nguyễn Thị Minh Khai) trên google map và vẽ lại sơ đồ mặt bằng khu vực 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày xưa (các bác nào đã từng huấn luyện ở 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh xem có thiếu sót gì thì bổ sung thêm vào nhé) để các Bác dễ hình dung.

Mặt bằng 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày nay
...
Góp vui với bác Wanta mặt bằng quân trường 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày xưa đây bác Wanta. Khi yta huấn luyện ở 2 Bis thì nhà ăn nhà bếp và chuồng heo ở 1 góc trại, còn các dãy nhà phía trong cùng mới là nơi các thủ trưởng ở. Một phần lớn khu vực trại lính này (khu đánh số 51) dành cho dân chúng ở, hình như khu gia binh cũ, sau này gia đình của các cán bộ D4 Quyết Thắng E Gia Định ở. Yta nghe nói khi trước đây là bản doanh của Cục Tâm Lý Chiến và đài phát thanh quân đội (tổng cục chiến tranh chính trị) và nha an ninh quân đội (mình gọi là quân pháp) của VNCH. Bây giờ bác Wanta xác nhận khu hộ ngành an ninh, an ninh của VNCH phải không ạ?

Wanta ơi, mình ở E pháo binh 262 của F302, nên không biết Quang E88 đâu.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 20 Tháng Bảy, 2011, 10:54:01 pm
 Wanta ơi ! Lúc còn thời gian huấn luyện thì D huấn luyện chỉ có Chính Trị Viên D thôi chính là Trung úy Nguyễn Ngọc Lan quê Thanh Hóa , còn D trưởng thì chưa có , cho đến khi chuẩn bị đi càn Fun Rô và tàn quân ở khu vực sông La Ngà thì Bố Sườn mới chuyển về với quân hàm thượng úy quê Bến Tre cùng với Thượng úy Phạm Thanh Mai quê Cái Tắc Hậu Giang làm chính trị Viên trưởng . Còn Trung úy Nguyễn Ngọc Lan thì cũng còn là Chính trị viên của D ( Trưởng phó gì mình không nhớ ).
 Thời D huấn luyện thì có một trung đội vệ binh , Một đại đội huấn luyện cùng với khung huấn luyện từ B đến A . Gồm có Thiếu úy Năm Vân , C trưởng huấn luyện ,nguyên là dân đặc công nói chuyện là chưởi thề nổi tiếng , nhưng tính tình cương trực ghét lòn cúi nịnh bợ , quê Củ Chi hay Hóc Môn gì đó . Chính trị viên C huấn luyện là thiếu Úy Quản , có một cô con gái khoảng 17 - 18 tuổi gì đó và cậu con trai quí tử 5- 6 tuổi phá như quỉ , cã gia đình thiếu úy Quản ở luôn trong 2 Bis , mỡi lần B mình ra thao trường về là chăn màn trật tự nội vụ bị câu quí tử nầy phá tung hết , cứ mỗi lần lính ta bắt được nổi giận định tán cho một bạt tay , chưa kịp tán là cậu quí tử nầy khóc la om sòm , cã gia đình chạy ra xem , thế là lính ta thua đành nuốt giận , giả vờ đùa giởn với cậu quí tử . Một lần duy nhất anh Phú hay anh nào đó tay thủ sẳn chiếc vớ sau cã tuần chưa giặc sặc mùi mắm tôm, canh me cậu quí tử vừa vào phá phách là chận ngay cửa , cậu quí vừa mới há to mồm chưa kịp la khóc là Phú cho nguyên cái vớ sặc mùi mắm tôm vào mồm cậu , thế là cậu phải nín thôi , từ đó về sau cậu ta chừa không dám phá nữa .
  D bộ thì gồm có Tr/U CTV N Ngọc Lan , Thiếu úy Mong văn Phương ( đặc công ) , Thiếu úy CT Phạm Quyết Chiến , Chuẩn Úy CT Phạm văn An .
  Cán bộ B gồm  : Anh Thượng sỹ Sâm , Thượng Sỹ Thám , ..... một vài anh nữa mình không nhớ .
  Cán bộ A gồm  : Anh Thanh ( cà chua ) , anh Chiến , ..... Mấy anh nữa mình quên mất .
  Anh nuôi gồm  : văn Hường ..... Hình như có cã chị nuôi .
  Liên lạc tiểu đoàn thì có anh Dũng tóc vàng ....
  Y tá thì hình như Anh Đậu , hình như có cã cô Y tá nữa ....
  


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 20 Tháng Bảy, 2011, 11:04:26 pm
Hay quá Bác yta262.
      Bác kiếm được bản đồ mặt bằng của 2 bis Xô Viết Nghệ Tỉnh hay thiệt. Có thể do lâu năm nên tớ không nhớ hết được. Nhưng phía góc tớ đánh dấu 2 điểm vàng thì tớ không quên được vì khi là tân binh huấn luyện và sau này chính thức là lính của D7 trong tời gian ở 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh tớ ở ngay góc đó. Đó là góc kẹt cuối cùng của 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh hướng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp giáp với 1 hẻm nhỏ những hộ gia đình trong hẻm đó khi đó là cán bộ ngành an ninh của ta.

      Tớ còn nhớ khi đã trở thành chiến sỉ của D7 bọn tớ hay vượt rào ở chổ tớ chấm điểm xanh phía đó hay bị những đứa trẻ ở khu vực đó la lên "Bộ đội vượt rào kìa". Hi! Hi! (mắc cở quá)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 21 Tháng Bảy, 2011, 11:03:09 am
Chào Bác Wanta (D7,E747,F317)
Tôi xin tự giới thiệu DK1278 lính C19 trực thuộc E 740 Đoàn 7705. mình chưa từng tham gia viết bài trên trang QSVN, nhưng có đọc nhiều lần mình rất cảm kích, gợi nhớ về những hình ảnh tuổi trẻ ae mình đã qua.
Được biết Bác Wanta linh D7, E747, F317. Minh không biết có phải là đơn vị bạn đánh trận Phum Ô trên trục đường 6 giữ huyện ChiKaCreng với huyện SoniKCun khoảng năm 80 - 81. Lúc đó đơn vị mình chỉ có 12 người chốt ngay phum đó.
Buổi sáng tin mơ chiến sự diễn ra ác liệt quá!...
Bác Wanta có biềt trận đó không kể cho minh với

DK1278
hehe bác ở E bộ 740 chốt phum thì đơn vị chi viện cho bác có thể là các D trực thuộc E 740  đang hoạt động khu vực này ( D51 , D52 , D53 ) Bác vào topic của bác minhtrang 91 (lính E740 - 7705 ) kể lại trận này xem các bác ấy có nhớ không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 21 Tháng Bảy, 2011, 04:26:57 pm
POST TIẾP KÝ HỌA CỦA HỌA SĨ ĐỨC

Hình 2: giữ chặng hành quân (Bức này hình như là ký họa mực tàu)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinh2.jpg)

Hình này họa sĩ Đức vẽ anh Liêm. Các Bác thấy lính ta ngày xưa mặc áo trấn thủ không, nghĩ lại đất nước mình ngày đó nghèo quá ở giai đoạn cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 mà vẫn chống lạnh bằng loại áo có từ thời kháng chiến chông Pháp. Bác Hai Ruộng có nhớ Liêm nào không, họa sĩ Đức chỉ nhớ thời qua K có thời gian sử dụng đại liên "đuôi cá" M.60

Tôi post kèm theo đây 2 hình chụp mới nhận được của họa sĩ Đức

Hình chụp họa sĩ Đức cùng đồng đội trẻ lúc ở chiến trường K
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinhduc11.jpg)

Người ngồi ngoài cùng bên phải là họa sĩ Phạm Tấn Đức, người ngồi giữa hình như là họa sĩ Lưu Anh Tuấn thông tin tiểu đoàn. Các anh em còn lại tôi không nhớ tên. Bác Hai Ruộng xem có nhận ra anh em nào không bổ sung thêm nhé.

Hình này hình như chụp vào thời điểm năm 81 ở Xiêm Riệp, vì tháng 4 năm 1981 khi tôi ra quân thì lúc đó ở đền Angkor Wat mới có dịch vụ chụp hình. Rất tiếc tôi không có hình nào chụp ở K cả (buồn ghê).

Hình họa sĩ Phạm Tấn Đức hiện nay ở phòng làm việc tại Phan Rang
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinhduc2.jpg)

Tuổi học trò chúng ta khi nhập ngũ thì có nhiều điều vui lắm, mặc dù Topic của tôi nói về anh em học trò ở D7 nhưng các bác nào có kỷ niệm về tuổi học trò của mình khi tham gia bộ đội thì cứ post vào đây cho thêm phong phú, thêm vui.

Tớ cũng đã mở một Topic mới bên hình ảnh, kỷ vật "Họa sĩ Lưu Công Nhân: những lá thư gửi chiến trường K" các Bác hãy đọc và cho biết cảm nhận của mình nhé.

Đã 30 năm đã trôi qua, đường hành quân về miền ký ức còn xa lắm các bạc ạ.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: dathao trong 21 Tháng Bảy, 2011, 07:54:47 pm
Cho phép tôi gọi Wanta bằng tên vì lẻ đọc bài viết của Wanta thấy gia nhập TNXP năm 76 bởi tôi cũng đi bộ đội vào năm nầy.
Vào năm 1977 khoảng tháng 9-10 đv tôi:E 25 cb-quân khu 7 có một đợt làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới Sa Mat(sân bay Thiện Ngôn đi lên miệt rừng giáp biên) phối thuộc với một đv của sư 5.
Trong khi làm một tuyến đường cắt rừng biên giới đv tôi đóng quân ở sâu vài km trong rừng .Vào ban đêm khi gác,tôi thường nghe tiếng sinh hoạt vổ thùng -vổ trống bập bùng của một đv TNXP ở phía sau vài km.Không biết là đv TNXP nào ở đó?Có phải là của tổng đội 5 TNXP-đv của Wanta không?
Đợt nầy đv tôi làm nhiệm vụ riêng không có phối hợp với TNXP.
Và cho tới tháng 12/78 thì đv tôi lại được thêm một lần nửa cùng làm nhiệm vụ với một đv TNXP ,lần nầy là gở mìn ở ngã ba Snoul rồi sau đó còn cùng tham gia làm ngầm-làm đường cắt rừng ở lộ 7 đoạn từ sông Cholong đến cầu sông Tê-hướng đi lên thị xã Karatie(lúc nầy là đầu tháng 1/79).Lần nầy thì lại là tổng đội 3 TNXP.
Tôi có đọc một số bài viết vừa qua của Wanta,cách viết lạ,hay,giống kiểu viết của học trò nhưng nhận thức sâu hơn,trình bày và diển đạt như một nhà văn.Đọc rất dể hiểu ,dể gần.Mong bạn tham gia viết liên tục và cứ thế phát huy.
Thân chào bạn.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 21 Tháng Bảy, 2011, 08:12:05 pm
 Hình này họa sĩ Đức vẽ anh Liêm. Các Bác thấy lính ta ngày xưa mặc áo trấn thủ không, nghĩ lại đất nước mình ngày đó nghèo quá ở giai đoạn cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 mà vẫn chống lạnh bằng loại áo có từ thời kháng chiến chông Pháp. Bác Hai Ruộng có nhớ Liêm nào không, họa sĩ Đức chỉ nhớ thời qua K có thời gian sử dụng đại liên "đuôi cá" M.60 



Liêm trinh sát là người bạn rất thân của mình , thường đi trinh sát chung nhiều đợt hay sử dụng khẩu M79 , khi cười lộ ra cây răng khểnh rất có duyên , hiện nay đang làm ăn ở Nhơn Trạch , vẫn còn là lính phòng không tóc muối tiêu , súng đạn còn ngon lành , kinh tế ổn định , có lẽ vì hận tình nên anh chàng chê phụ nữ . Anh em mình ai thử trổ tài làm mai cho Liêm thử . Ưu tiên cho mấy chị QSVN

 Trong tấm ảnh 5 anh em , thì mình chỉ nhớ chắc chắn có Lưu anh Tuấn , sau chuyển lên đồ bản F317 , còn người cuối cùng bên trái không biết có phải đợt lính 2 BIS , sau mình nhìn thấy hơi lạ . Còn người ngồi bên trái Tuấn có phải là Khải không Wanta ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 21 Tháng Bảy, 2011, 09:13:30 pm
       @Dathao: "Trong khi làm một tuyến đường cắt rừng biên giới đv tôi đóng quân ở sâu vài km trong rừng .Vào ban đêm khi gác,tôi thường nghe tiếng sinh hoạt vổ thùng -vổ trống bập bùng của một đv TNXP ở phía sau vài km.Không biết là đv TNXP nào ở đó?Có phải là của tổng đội 5 TNXP-đv của Wanta không?"

   Thời gian năm 1977 Tổng đội 5 TNXP vừa mới thành lập và làm nhiệm vụ xây dựng khu KTM Dương Minh Châu nằm trên trục đường từ khu KTM Chà Dơi đi lên Thiện Ngôn. Tổng đội bộ và Liên đội của mình đóng tại ngã 3 từ Đồng Ban và KTM Tha La đi vào. Tiếng sinh hoạt vổ thùng -vổ trống bập bùng mà Bác nghe chính là của các đơn vị TNXP không trật đâu được. Đó là một đặc điểm dễ nhận ra của TNXP khi làm nhiệm vụ xây dựng KTM ngày ấy.

   Năm 1978 LLTNXP thành lập tổng đội 3 biên giới gồm những liên đội từ các tổng đội khác tập trung về, Liên đội mình lúc này đổi lại phiên hiệu là liên đội 303 không biết phối thuộc với đơn vị bộ đội nào chỉ biết sau này qua K làm nhiệm vụ bảo vệ các cây cầu trải dài từ Kampong thom lên Xiêm Riệp.

       Hi! Hi! Bác khen quá rồi làm lổ mũi em thành trái cà chua rồi. Chẳng nói dấu gì Bác ngày xửa, ngày xưa em là CTV phó Liên đội TNXP nên cũng tập tành thơ văn, lãng mạn ra phết. Chỉ tiếc rằng những bài thơ em làm ngày xưa và nhật ký những tháng ngày ở chiến trường K của em bị thất lạc rồi. Chứ nếu còn em post lên chắc Bác lại khen em đến "mặt trời".


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 21 Tháng Bảy, 2011, 09:15:00 pm
       @Hai Ruộng: Trong tấm ảnh 5 anh em , thì mình chỉ nhớ chắc chắn có Lưu anh Tuấn , sau chuyển lên đồ bản F317 , còn người cuối cùng bên trái không biết có phải đợt lính 2 BIS , sau mình nhìn thấy hơi lạ . Còn người ngồi bên trái Tuấn có phải là Khải không Wanta ?

   Mình vừa liên hệ với Đức xong do hình chụp đã lâu rồi Đức chỉ nhớ người ngồi ngoài cùng bên trái là Dũng sinh viên trường Cao đẳng Mỹ Thuật TP. HCM, người dựa gốc cây là học sinh trường TDTT TW2, người ngồi sau lưng Đức là học sinh trường GTVT.

   Mình đang chuẩn bị post chủ đề “Đại tá Rào” đây. Hai Ruộng có kỷ niệm gì về “Đại tá Rào ở 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh” tham gia vào cho vui.

   Báo cáo các Bác trong diễn đàn, mình cũng vừa nhận được tin Đức đã số hóa xong 2 bức thư của Họa sĩ Lưu Công Nhân gửi chiến trường K. Mình sẽ post lên ở chủ đề hình ảnh, kỷ vật. Các Bác nhớ đón đọc để hiểu thêm về tấm lòng của một họa sĩ tài hoa, một người cha đối với những người con làm nhiệm vụ trên chiến trường K.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 21 Tháng Bảy, 2011, 09:59:05 pm
IV. NHỮNG ĐIỂM XANH: “ĐẠI TÁ RÀO”

   Mục này Bác Hai Ruộng, yta262 và những Bác khác có thời gian ở 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh có những kỷ niệm về “Đại tá Rào” tham gia thêm cho sôm tụ nhé.

   Như các bác thấy, trên sơ đồ mặt bằng 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh ngày đó tôi có đánh dấu mấy điểm xanh và ghi chú là “Đại tá Rào”. Đó là những vị trí anh em chúng tôi hay “xé rào” ra ngoài.

   Ngày đó tôi không hiểu tại sao BTL thành lại lấy vị trí này làm nơi huấn luyện tân binh của thành phố. Vì như trên sơ đồ các bác thấy mặt chính của doanh trại là đường Xô Viết Nghệ Tỉnh hàng ngày xe cộ qua lại tấp nập, hai bên đường đều có trạm xe buýt dừng chân, đối diện lại là “Sở thú – Thảo cầm viên” nơi vui chơi chủ yếu của thành phố nên nam thanh, nữ tú áo quần bảnh bao đi chơi ở “Sở thú – Thảo cầm viên” ngày nào cũng có, hàng rào thì tường cao tầm ngang ngực phía trên rào kẻm gai sơ sài. Hỏi các Bác có phải là “Mở để trước miệng mèo” của những anh lính học trò chúng tôi không?

   Thế là bắt đầu xảy ra chuyện xé rào, lính ta cũng rất khôn cũng “nghiên cứu, trinh sát, điều nghiên” trước rồi mới trổ tài “đặc công vượt rào” tập trung chủ yếu ở B của tôi (vì lúc đó B của tôi nằm ở khu vực này). Thông thường thì sau giờ ăn cơm chiều anh em hay tập trung ở hàng rào để đứng ngằm nhìn ngoài đường và trêu ghẹo các em nữ sinh đi học về, lợi dụng những lúc như vậy lính ta khẻ bẻ cong lưới kẻm gai phía dưới lên rồi để đó (thế là có khoảng trống đủ để trườn ra ngoài).

        Tối đến sau khi kẻng tắt đèn đi ngũ, ai cũng mắc mùng lên giường đi ngũ, khuya cán bộ A, B đi kiểm tra thấy đủ hết nhưng sáng ra thấy “bốc hơi một hai em”. Thì ra khuya lính ta lấy mền, ba lô sắp lên giường ngụy trang xong đàng hoàng ra tường rào nơi đã chuẩn bị sẵn từ chiều “chui ra ngoài” xong bẻ lưới kẻm gai lại như cũ và thảnh thơi “ngựa phi, ngựa phi đường xa”.

        Nhưng đám lính học trò chúng tôi ngày đó không có anh nào đi luôn, sau khi ra ngoài về thăm gia đình, vi vu với bạn gái hai, ba ngày cho “thỏa lòng nhớ mong” xong đàng hoàng lên đơn vị trình diện lại, kèm theo là cung cấp hàng tiếp tế chia xẻ với những anh em không có người thân ở thành phố.

        Cứ mỗi lần như vậy BCH đại đội lại sinh hoạt thiếu Úy Quản Chính trị viên C huấn luyện thì chúng tôi không ngán, vì chỉ nói về quan điểm chính trị, an tâm tư tưởng này kia thôi (thú thực đợt lính học trò chúng tôi ngày đó đa số là ĐVTN, cán bộ Đoàn trường học, con em CB cách mạng, lại làm đơn tình nguyện nhập ngũ nên nói chính trị thì cứ như “đàn gảy tai trâu” vì anh em thấm nhuần quá rồi). Nhưng sợ nhất Thiếu úy Năm Vân đại đội trưởng, như Bác hai Ruộng đã nói ở trên Anh Năm Vân là dân đặc công gốc D4 Quyết Thắng trong KCCM tính thẳng thắn nhưng nổi tiếng về chưởi thề, nhưng cũng rất thương lính.

       Mỗi lần B tôi có anh nào “vượt rào” lên trình diện mà Anh Năm Vân xuống sinh hoạt là anh em mọi người im thin thít, mặt tái xanh vì cứ nghe chưởi từ đầu tới cuối, chưởi rát mặt luôn, nhưng bao giờ cũng vậy chưởi xong, cuối cùng anh lại nói những điều hay, lẽ phải đôi khi rất tục nhưng rất thực tế khiến tất cả anh em đang trong bầu không khí nặng nề cũng phải bật cười thế là nhẹ nhỏm cả người.

      Tôi nhớ có một lần ở B tôi sau khi sinh hoạt chưởi đã xong. Anh phán cho một câu tới bây giờ tôi vẫn nhớ “nó chỉ có khoảng một lạng à, nếu cộng thêm hai cái bánh ú nữa chưa tới một ký, đáng giá gì đâu tụi bay trốn ra ngoài cho mệt” cả B chúng tôi đang im phắng phắt tự nhiên bật cười rầm rầm.

      Anh Năm Vân đại đội trưởng huấn luyện của chúng tôi như thế đó. Sau này khi qua K, anh là C trưởng C10 trong trận đánh ác liệt “nở hoa trong lòng địch” đầu tiên của D7 ở huyện Sà tung trong khi cối địch nả ầm ầm anh em nằm bẹp dí, Anh tay cầm K54 sổng người chạy từ đám lính này, đến đám lính kia vừa chưởi thề, vừa đá đít kêu anh em tản ra để tránh thương vong. Trận này hình như Anh Năm Vân cũng bị thương.

      Bác Hai Ruộng có kỷ niệm nào về Anh Năm Vân tham gia vào để anh em mình cùng nhớ về Anh ấy với.

     Trở lại chuyện “đại tá Rào”, cũng ở hàng rào ấy đã xảy ra những chuyện dở khóc, dở cười đối với lính ta và đối với anh em vệ binh. Một số anh em ở các B khác do ở xa hàng rào hơn B của mình nên không thể “vượt rào” ban đêm được đành “canh me vượt rào” ban ngày thường vào tầm giờ ngủ trưa, vì tầm giờ này khu vực này vắng, mọi người đầu ngủ kể cả ở C bộ. Và việc gì xảy ra?

      Có 2 trường hợp xảy ra và trường hợp nào cũng dở khóc dở cười:

      Trường hợp thứ nhất: hên cho vệ binh và xui cho chiến sĩ “vượt rào”, các Bác thử hình dung hình ảnh một anh chàng ăn mặc quân phục chỉnh tề đang trong tư thế “đặc công vượt rào” mình năm trên hàng rào chân trong, chân ngoài bị vệ binh phát hiện bắt ngay “tại trận”, chiến sĩ ta đành líu ríu, ủ rủ như "mèo gặp nước" quay trở vào.

      Trường hợp thứ hai: hên cho chiến sĩ “vượt rào” và xui cho vệ binh, các Bác hình dung hình ảnh thứ hai như thế này, chiến sĩ ta đã “vượt qua được vật cản” đáp xuống lề đường, vệ binh phát hiện chạy đến đứng ở bên trong và thế là “Bái bai! Em đi hai ba ngày em về”. Sau đó, “A lê hấp” phóng qua lề đường bên kia, tót lên xe buýt vi vu “thỏa lòng nhớ mong”, có khi xe buýt chưa tới thì gặp chiếc gắn máy nào chạy ngang quắc xin quá giang thế là xong. Vệ binh chỉ có nước đứng “trơ mắt ếch ra mà nhìn” không làm gì được.

      Nghĩ lại thời đó, đồng bào thành phố thương bộ đội lắm, có lẽ thời kỳ đó đa số gia đình nào cũng có con em mình đang ở trong bộ đội, trên chiến trường Tây Nam, ở đoàn “6 tạ” hoặc đang huấn luyện ở xa. Còn bây giờ …

      Viết tới đây các Bác sẽ thắc mắc, hỏi tớ thế có “vượt rào” không? Thú thật trong thời gian huấn luyện tớ không có vượt rào (trong thời gian huấn luyện thôi nhé!). Vì như tớ đã nói ở trên bạn bè cùng học phổ thông, đồng đội TNXP, bạn gái tất cả đều đang ở Biên giới Tây Nam cả rồi nên nhớ lắm, thương lăm nhưng làm sao mà đi thăm được, chả lẻ đi thăm nói thẳng là “tao vượt rào lên thăm tụi bay (hoặc thăm em)” có mà nghe “chửi không còn mặt mũi nào” còn nói dối thì mình không quen. Gia đình tớ cũng ở thành phố nhưng cha, mẹ không còn, chỉ còn gia đình ông Anh ở quận Phú Nhuận nhưng kinh tế khó khăn (thời bao cấp mà) mình mà về thì lại làm cơm, làm gà đãi thì mình không đành và lại mình đã thoát ly xa gia đình từ năm 1976 nên cũng quen sống xa gia đình rồi (trong thời gian huấn luyện gia đình ông Anh mình đi thăm được một lần).

       Còn khi ra đơn vị thuộc C7, D4 Quyết Thắng rồi thì “thường xuyên” chuyện này sau này mới kể. Bây giờ xin Bác Hai Ruộng kể những kỷ niệm “vượt rào” của Bác đi (Bác đã tự thú “vượt rào” 3, 4 lần cơ mà).

Hồi sau: Sướng của lính học trò “Chạy dài” và “học xạ kích”


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 21 Tháng Bảy, 2011, 10:50:25 pm
 Mình nhớ là chuyện chui rào mình đã kễ rồi , nhưng vì có WanTa nên mình xin phép anh em cho mình lặp lại cho vui cửa vui nhà .
 Báo cáo với WanTa , lúc tình nguyện vào Bộ đội mình giấu gia đình , nên mình chẳng có ai hay mà lên thăm nuôi , vì gia đình cứ tưởng mình còn đang học , cho đến khi gần sang K thì gia đình mới biết , khi bà mẹ mình lên thăm thì mình đã sang K rồi , bà mới hỏi thăm một số anh em , còn rơi rớt lại vì đang ốm không theo đơn vị được , và bà sang bên đại đội 5 , đóng quân ở nhà hát lớn TP làm KSQS , để hỏi xem mình có được chuyển qua đó không ? Khi qua đó , bà mới biết chắc chắn là mình đã sang K . Tuy nhiên lúc ở 2BIS , mình không có người thân yêu ở đó , nhưng có thể nói mình là người chui rào nổi tiếng , đến nổi đại đội cho kiểm điểm bao nhiêu lần cũng không chừa , vì vậy kỹ luật tăng dần cho đến bị nhốt vào lô cốt ngầm sát bên cổng , bên lề đường XVNT , bị nhốt xong cho ra lại chui rào tiếp . Nhưng khổ cho đại đội là mình khi ra thì chui rào , khi vào thì đi vào cổng chính đàng hoàn cho vệ binh ghi tên chơi , vệ binh có một anh có cái cằm rất dài anh em mình đặt tên là vệ binh mỏ cày, mình vào Mỏ Cày hỏi tên gì mình lại trả lời tên mình là tên CTV đại đội cho vệ binh ghi vào sổ , cuối cùng đơn vị cũng tìm ra , mình lại bị kiểm điểm lại bị nhốt , kỳ nầy bị nhốt vào cô nét , nóng hơn là lô cốt , nhốt hai ngày một đêm CTV hỏi " mầy chui rào chổ nào mầy phải chỉ chổ đó , thì cho mầy ra " Mình dẩn thủ trưởng đi rào lại chổ hàng rào kẻm gai phía bên cây gòn sát bờ sông Thị Nghè rào lại xong thủ trưởng yên tâm là mình không thể nào chuồn ra được nữa , thủ trưởng tức ở chổ " phải chi nó chui rào ra ngoài chơi , rồi lại chui rào vào doanh trại thì đơn vị không bị trừ điểm thi đua , đằng nầy nó chui rào ra rồi khi vào lại vào cổng chính , thế mới tức . Sau khi được thả ra vài tiếng đồng hồ là mình chuồn tiếp , cái chổ để mình chuồn lại là hàng rào bằng tấm tôn kín mít trước cửa BCH đại đội , mình canh me lúc đại đội phó AN trực là Y như rằng có cô bồ của ổng Vào , sau đó cửa phòng trực ban khép lại , thế là mình chỉ cần nhanh chóng nhấc nhẹ tấm tôn , đã được mình tháo dây kẻm sẳn , chui chớp nhoáng ra ngoài rồi khép lại để hôm sau còn đi tiếp . Nhưng mình nhảy rào hoàn toàn không phải vì hai lạng thịt và hai cái bánh . Mà vì lúc đó mình cảm thấy trong người nó bực bội , một phần cũng vì mặt cảm , mọi người có thân nhân lên thăm hỏi còn mình chỉ có một mình thui thủi , nên đi chơi cho hết bực bội , mà chỉ có vào sở thú chơi thôi , lúc đó còn con nít lắm , vào chọc khỉ đột , không thôi thì chọc voi , tiền cũng chẳng có nên đến chổ chú voi , mượn một khúc mía của em bé bán mía để du khách mua cho voi ăn , gạt cho voi làm trò xong trả khúc mía lại cho cô bé . Thế là voi sở thú tức lên vì bị gạt nhiều lần , chú voi thò vòi rút nước ống cống xịt mạnh vào mình thối chịu không nổi , nhưng cũng từ đó mình lại có trò tinh nghịch mới , cứ mỗi lần thấy khách sang trọng đến xem voi và cho mía để voi diển trò là mình xích lại gần , chú voi thấy áo bộ đội là đã ghét nên thò vòi rút nước cống , mình đã biết rồi nên chạy trước báo hại mấy khách sang bị voi xịt nước dâu thơm ướt từ đầu đến chân mà không hiểu tại sao voi xịt nước .
 Lần cuối cùng mình tự bỏ chui rào là vì CTV hù dọa sẽ cho chuyển qua TK nếu còn chui rào nữa , mình sợ qua TK là không được ra Mặt Trận nên từ đó không chui rào nữa .
 Mà mình cũng không hiểu nổi , mình là lính tụt tạt nổi tiếng ở 2 BIS . Nhưng sang K mình lại lọt vào mắt xanh của thủ trưởng , sau trận nở hoa trong lòng địch mình lại bị thủ trượng nhất quyết chọn làm liên lạc , mình từ chối cũng không được , cuối cùng cũng phải lên làm liên lạc , nhưng mình đề nghị làm liên lạc thì làm nhưng tôi không chịu pha trà cho các ông uống đâu , các thủ trưởng uống thì tự pha . Nhưng một thời gian làm liên lạc mình lại thấy quí mến thủ Trưởng của mình cho đến bây giờ , nhất là anh Mơ , anh Long ( đã hy sinh ) rồi anh Xuân . Có khi tắm anh Xuân kỳ lưng cho mình , rồi mình kỳ lưng cho anh Xuân lại , trong cách sưng hô cũng chỉ sưng hô anh em thôi chứ chưa bao giờ sưng hô thủ trưởng . Vậy mà tình cảm anh em cho đến bây giờ vẫn quý , vẫn mến .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 21 Tháng Bảy, 2011, 11:55:32 pm
HÈN GÌ!

Thời kỳ đó các anh em trong đơn vị cứ thắc mắc "tại sao voi trong Sở thú nó ghét màu xanh áo bộ đội thế. Hễ cứ thấy màu xanh áo bộ đội là nó hút nước xịt". Thì ra thủ phạm chính là Bác Hai Ruộng. Bây giờ mới tự thú hé!

Ngày đó anh em mà biết được thì chắc Bác Hai Ruộng nhừ đòn rồi và chắc sẽ có biệt danh "Vòi Voi" quá.

Nghĩ lại cũng vui quá há Bác Hai Ruộng. Bác nhớ ngày đó lúc vệ binh tiểu đoàn đi học TS ở BTL Thành. Tiểu đoàn phân công các đại đội hàng ngày cử chiến sĩ ra gác cổng. Thế là lính ta tha hồ ăn mặc chỉnh tề "đường đường, chính chính" cổng chính mà ra. Lúc đầu anh em trực sợ tiểu đoàn nên làm căng không mở Barie cho ra thì thế nào cũng bị hăm "mày không cho tao ra, tới ca tao trực thì đừng hòng ra nhé!". Thế là sao này cái Barie đó khi có bóng dáng cán bộ tiểu đoàn thì hạ xuống, vắng bóng thì cứ cột dây treo lên chứ không cứ "mở lên, hạ xuống" cho anh, em ra vào tì chắc "rụng cánh tay".

Phải không Bác Hai Ruộng


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 22 Tháng Bảy, 2011, 12:57:23 pm
Hình này họa sĩ Đức vẽ anh Liêm. Các Bác thấy lính ta ngày xưa mặc áo trấn thủ không, nghĩ lại đất nước mình ngày đó nghèo quá ở giai đoạn cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 mà vẫn chống lạnh bằng loại áo có từ thời kháng chiến chông Pháp. Bác Hai Ruộng có nhớ Liêm nào không, họa sĩ Đức chỉ nhớ thời qua K có thời gian sử dụng đại liên "đuôi cá" M.60
hehe Hải đao nói nhìn hình này nói không giống anh Liêm lắm  ;D Cái áo trấn thủ này bọn em sau này cũng được phát , qua đến đơn vị bị lính cũ trưng dụng lót giá đạn B40  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: binhyen1960 trong 22 Tháng Bảy, 2011, 01:41:08 pm
POST TIẾP KÝ HỌA CỦA HỌA SĨ ĐỨC

Hình 2: giữ chặng hành quân (Bức này hình như là ký họa mực tàu)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinh2.jpg)


Bức họa rất đúng với thực tế chiến trường K thời 1979 trở đi, xưa nay ai cũng nghĩ chiếc áo trấn thủ là hình ảnh đặc trưng của chiến sỹ Điên Biên Phủ, nhưng trên chiến trường K có 1 thời chúng tôi cũng được phát loại áo chống lạnh này lúc tham gia tải gạo cho F339 đầu năm 1980, khi về cứ tuyến sau thì dùng làm gối đầu khi nằm ngủ trong doanh trại. Khẩu súng AK có lưỡi lê thì sau này mới có nên chắc chắn bức họa này đã lột tả đời sống, chiến đấu  của chiến sỹ trên chiến trường K.
 Xin cám ơn tác giả của bức họa đã cho tôi và nhiều CCB khác được sống lại hình ảnh của chính mình với những giây phút của hơn 30 năm về trước.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 22 Tháng Bảy, 2011, 04:26:45 pm
        Về áo trấn thủ này cũng có khối chuyện để nói.

       Ngoài tác dụng chống lạnh thì như các Bác nói làm gối ngủ, tôi nhớ hồi ở K đám 12 ly vác của trung đoàn, bó đầu nòng làm đệm vác vai.

       Riêng khoản cải tiến áo lại mặc cho hợp thời trang thì không biết các đơn vị khác như thế nào chứ đơn vị của em cải tiến lại thành "ÁO KHỈ". Số là như thế này: nguyên gốc áo trấn thủ thì bố trí hàng khuy cài nằm trên vai và bên hông trái, theo kiểu "áo dài" của ta hoặc "sườn xám" của TQ. Anh em lính mình là cánh đàn ông mặc áo cài khuy giữa quen rồi, giờ cài kiểu vậy nó vướng vướng, kỳ kỳ làm sao. Thế là không biết Bác nào nghĩ ra trước kiểu "ÁO KHỈ" này. Nói "ÁO KHỈ" chắc các bác hình dùng cái áo ngày xưa mấy con khỉ của mấy gánh "Sơn đông Mãi võ" mặc để diễn xiếc.

       Lính ta cắt ngay một đường giữa ngực, lấy vải khâu nẹp lại, hàng khuy trên vai và bên hông cắt đi khâu bít lại luôn. Thế là có cái áo vừa tiện, vừa hợp thời trang. Anh nào chịu khó thì khâu thêm hàng khuy trước ngực, hoặc thời trang hơn thì khâu hai hàng dây, cột thắt nơ cho nó đẹp.

       Ấy vậy mà thời trang ra phết, cả D7 anh nào cũng cải tạo lại, tớ cũng hì hục cắt, rồi cặm cúi sỏ kim khâu lại làm một cái để khỏi lạc hậu so với anh em chứ.

      Bây giờ mà có một cái như vậy mùa lạnh mặc đi ngoài đường chắc các em nhìn lé mắt, và biết đâu các nhà thiết kế thời trang, các ca sỉ lại mua bản quyền để sản xuất và mặc thay cái áo gilê đen (Các bác cứ tưởng tượng cở Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng lên sân khấu đầu tóc tém, quần tây, áo sơ mi trắng, thay cái áo gilê đen bằng áo này vừa hát vừa giật gân thì hay biêt mấy hehe! chúng ta tha hồ hốt bạc cắc và nhậu lai rai hihi!).


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: hoangson1960 trong 22 Tháng Bảy, 2011, 04:28:09 pm


Bức họa rất đúng với thực tế chiến trường K thời 1979 trở đi, xưa nay ai cũng nghĩ chiếc áo trấn thủ là hình ảnh đặc trưng của chiến sỹ Điên Biên Phủ, nhưng trên chiến trường K có 1 thời chúng tôi cũng được phát loại áo chống lạnh này lúc tham gia tải gạo cho F339 đầu năm 1980, khi về cứ tuyến sau thì dùng làm gối đầu khi nằm ngủ trong doanh trại. Khẩu súng AK có lưỡi lê thì sau này mới có nên chắc chắn bức họa này đã lột tả đời sống, chiến đấu  của chiến sỹ trên chiến trường K.
 Xin cám ơn tác giả của bức họa đã cho tôi và nhiều CCB khác được sống lại hình ảnh của chính mình với những giây phút của hơn 30 năm về trước.
[/quote]

Đv tôi cũng phát áo trấn thủ ,nhưng số lượng ít lắm.Tôi còn nhớ áo trấn thủ chỉ dùng để lót vác nòng 12.8 ly khi đáng vận động cho khỏi bị bỏng.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: tuaans trong 23 Tháng Bảy, 2011, 11:52:02 am
Lính thời giữa cuộc chiến trở về sau chúng em cũng thỉnh thoảng thấy áo trấn thủ ... nhưng không có ấn tượng sâu sắc gì lắm, vì chẳng gắn bó với nó bao nhiêu.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 23 Tháng Bảy, 2011, 08:28:30 pm
GIẢI LAO 10 PHÚT

        Có lẻ hơn 30 năm không có tin tức gì của đồng đội củ. Nay thông qua QSVN thông tin về các đồng đội năm xưa đến dồn dập, hết người này tới người khác nên ký ức 30 năm qua chìm sâu trong quên lãng cũng ào ào đến, thằng huấn luyện, thằng Phương Lâm, thằng Stung, thằng Ba Rài, thằng Xiêm Riệp .... thằng nào cũng nhao nhao dành "Em trước! Em trước!". Nên hôm qua em phải nghỉ giai lao 10 phút giữa chặng hành quân.

       Đã vậy sáng nay điện thoại của "xếp" phải đi tăng cường cho "chốt" có "một em gục rồi" thế là phải tức tốc "đem cái thân ốm nhách này ra cày 8 tiếng ngoài bãi xe". Giờ mới về đến Văn phòng đang "sắp xếp lại đội hình hành quân cho có trật tự lại trước khi hành quân tiếp các Bác ạ".

      Trong khi giải lao 10 phút, các Bác hãy cùng em đọc lời tâm sự của người lính Nga trước trận đánh cuối cùng giải phóng Berlin xem có giống tâm sự anh em mình ngày xưa ở K không nhé. Tớ thì thấy giống lắm các Bác ạ.

"Tôi chỉ muốn về Nga, tôi muốn về nhà
Đã lâu quá rồi chưa gặp đươc mẹ tôi
Tôi chỉ muốn về Nga, tôi chỉ muốn về nhà
Đã bốn năm rồi chúng tôi không nhà vì bọn Quốc xã
Đã bốn năm rồi mồ hôi mặn chát, máu chảy thành sông
Còn tôi muốn được phải lòng một em gái xinh
Còn tôi muốn được chạm tay vào đất quê hương..."
(Lời bài hát trong phim "Giải phóng" của Liên Xô
tập 5 "Trận đánh cuối cùng")


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 23 Tháng Bảy, 2011, 09:05:05 pm
 Wanta và anh em D7 E747 . Các trận đánh của D7 suốt thời gian ở chiến trường K đã được mình viết sơ lượt trong các topic ( Một số trận đánh ở chiến trường K , phần 1 và phần 2 , phần 3 thì có hình của Bố Sườn và một số anh em trong D đến thăm Bố Sườn ổ Bến Tre ) . Một số anh em mới vào có thể tham khảo ở địa chỉ sau : http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,7069.0.html
 Tuy nhiên phần viết của mình chưa nói hết được công lao của cã D7 trong suốt thời gian làm nhiệm vụ ở K , rất đơn giản vì mình chỉ là một người lính trực tiếp tham gia các trận đánh . Chính vì vậy mà mình chỉ viết ở phạm vi hạn hẹp trong các trận đánh mà có mình tham gia , Còn chiến công của D7 thì còn nhiều nữa ở các C 10, C 11 , C 12, B Trinh Sát , B Thông Tin nữa . Mong các anh em mình bổ xung thêm .
 Điều mà mình và anh em mong đợi nhất là một ngày nào đó anh em mình sẽ tổ chức được buổi họp mặt Tiểu Đoàn 7 và mời Bố Sườn về tham dự , cứ mỗi anh em chăm lo cho Bố một tuần thôi là Bố có thể ở TP chơi với anh em mấy tháng trời rồi .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 24 Tháng Bảy, 2011, 08:04:51 pm
 Wanta có còn nhớ ngày mà D7 mình nổ súng đầu tiên ở một ngọn đồi bên con suối lớn Stưng Xtung vào khoảng 10 giờ đêm trăng sáng , khi D7 mình vừa băng qua con suối . Chiều hôm đó D7 được lệnh dừng quân bên bờ đê của con kênh đào chưa có nước xung quanh khô cạn chỉ còn một vũng nước sình cạnh bờ đê , nước đục ngầu , E chỉ cho D7 dừng lại vừa nấu cơm vừa ăn trong vòng có 30 phút không ? Lúc đó anh em mình phải phân công người thì bẻ củi , người thì nhặt thóc , người thì đào đất làm bếp , còn bao nhiêu người thì phải moi đất cạnh vũng nước sình cho sâu rồi dùng ca nhôm tát hết nước sình , để nước trong từ trong cát chảy ra mà múc vào nồi để nấu cơm không ? Vậy mà đúng là sau 30 phút D7 lại có cơm vừa chín vừa vắt cơm vừa ăn vừa hành quân , Có B nào đó chậm tay phải vừa khiêng nồi vừa cầm cây củi cháy chạy theo .
  Khoảng gần 10 giờ thì chạm địch chúng đang nằm ngủ sau gò mối . C 9 của mình đi chính diện nên bị chúng bắn trước . Sau đó anh em mình bắn lại . C11 ở cánh phải , lúc đó Bùi Hiệp bắn một loạt đại liên M60 , khi xung phong lên thì bọn chúng bỏ lại một xác chết , C9 thu một khẩu AK , còn mình thì thu được một máy ngắm cối và một trái mìn KP2 còn trong túi vải nhựa .
  C9 có một anh bị thương vào vai hai viên , tên Minh . Wanta có còn nhớ trận đó không ? Sau đó D7 ngủ tại ngọn đồi đó luôn , sáng hôm sau hành quân vào phum , mình cũng không nhớ phum gì . WanTa có còn nhớ tên phum đó không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 24 Tháng Bảy, 2011, 09:30:10 pm
Chào Bác Hai Ruông!

        Đang gỏ bài để post lên cho các Bác đọc tiếp nhưng cũng tranh thủ online để tám với các Bác.

        Mình thống nhất với ý kiến của Bác về việc tổ chức một buổi họp mặt anh em CCB D7 và mời bố Xường về dự với anh em minh vì bố nay đã già rồi, chưa biết ra sao, có một buổi để bố gặp lại đám con "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò của bố ngày nào" mình nghỉ bố sẽ mừng lắm và anh em mình cũng vậy. Việc này chắc phải nhờ Bác Hai Ruộng ra tay thôi vì Bác ở TP có điều kiện liên hệ anh em nhiều hơn Wanta. Ở Long An thì mình sẽ làm cầu nối thông qua anh Võ Công Lý để liên hệ với những anh em khác.

        Trận đánh buổi tối đó mình nhớ chứ, có điều mình không có tham gia nổ súng, vì hôm đó mình bị sốt đại đội để mình đi theo cánh D bộ. Mình nhớ đêm đó hành quân khi vượt qua con suối cạn bề ngang chỉ khoảng 1 mét, anh chàng nào tới đó cũng ngồi xuống "cởi giày, cởi vớ" lội qua xong lại mang giày, mang vớ vào đi tiếp. Lên đến bờ suối thì lệnh dừng lại nghỉ thế là chổ này túm t5um lại với nhau nói chuyện rân ran, hút thuốc. Anh Mai CTV D với Bố Xường cứ chạy đi, chạy lại miệng cứ nói "tản ra, tản ra, muốn chết à. Nó ở phía trước, ở đó mà hút thuốc" (giờ nghĩ lại đúng là "điếc không sợ súng").

        Cũng nói sơ về D7 lúc đó, để các Bác CCB khác thấy được cái đặc điểm của nó nhiều khi cười ra nước mắt. Như chủ đề của Topic này tôi đã nói lính của D7 đa số là đám HS TNCN sau này có bổ sung thêm một số tân binh huấn luyện ở E Gia Định về, cán bộ cấp A là tân binh huấn luyện các khóa trước, cán bộ cấp B là bộ đội nhập ngũ năm 76 chưa qua chiến đấu. Nói chung cả D7 trừ cán bộ cấp C và cấp D còn lại đều chưa qua một trận đánh lớn nào. Đã vậy, khi qua K thì các C đóng cách xa nhau không gặp mặt. Lần này hành quân cấp D nên anh em mới có dịp gặp nhau vì vậy mới có cảnh nghỉ giải lao anh C này đi kiếm bạn C kia để mà tám.

       Thời gian mình không nhớ nhưng cũng tầm khuya 10 giờ hay 12 giờ gì đó (vì anh em cũng tranh thủ ngũ được một ít) thì có lệnh dàn hàng ngang càn lên.
Tầm đâu khoảng 100 mét thì gặp chốt tiền tiêu của nó và nổ súng.

       Lúc nổ súng mình lao vào một gốc thốt nốt nấp, khẩu đội cối 82 giá súng bắn đâu 1, 2 trái gì đó, súng phía trước tiếng M60 của Bùi Hiệp nổ ran. Được một lúc thì im tiếng súng. Tất cả đều ngũ ngay tại chỗ.

       Sáng ra cả D càn tiếp vào phum, đi ngang qua thằng pốt bị bắt chết nhìn nó còn nhỏ quá tầm khoảng 15, 16 tuổi, nhỏ hơn anh em mình.

       Minh bị thương người Bắc, về D7 đợt bổ sung tân binh E Gia Định về sau khi đi viện bổ sung về C 11 của mình, ra quân đợt 4/1981 khi ở Xiêm Riệp cùng với mình.

       Phum mà D7 vào mình cũng không nhớ tên, chỉ nhớ nó nằm trên đường đi vào phum Cà Dia và cũng gần phum Cà Dia (hình như cách 4, 5 km gì đó). Sau trận này là đến trận đánh "Nở hoa trong lòng địch" của D7 đó.

       Mình lại tiếp tục chặng đường của thằng Huấn Luyện đây


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 24 Tháng Bảy, 2011, 10:40:35 pm
 Thời gian các trận đánh ở Xtung là anh em mình đều cùng tham dự vì lúc đó địch rất đông , hành quân mỗi cánh là một tiểu đoàn mà thấy còn lạnh chân . Sau nầy về Ba Rày và Siêm Riệp thì địch yếu đi nhiều , anh em mình có khi một trung đội hành quân thọc sâu gần 50 km .
 Chính đêm trăng D7 nổ súng lần đầu tiên đó , trung đội cơ động của mình được càn thẳng lên ngọn đồi đó , cây sậy mọc lưa thưa , bị đốt cháy còn xót lại , bốn người mình đi đầu dàn hàng ngang , mình lại là người đi bìa bên phải tay cặp nách khẩu B40 , nhưng chưa giương búa , còn 3 người kia thì súng còn vác trên vai , không có người nào cầm súng ở tư thế sẳn sàng chiến đấu cã , đúng là lính học trò thực sự ( điếc không sợ súng ) , khi đi lên đến gần gò mối thì mình nhìn dưới triền dốc bên kia có một đám người khoảng vài chục tên đang hành quân cùng hướng với mình , mình cứ tưởng đâu là phe ta ( bọn chúng  đang rút ) cánh B40 của chúng còn cạ vào cành cây nghe tiếng xèng xèng , khi bốn người mình đi thêm khoảng 10 bước nữa , còn cách gò mối khoảng 5 -7 mét , mình là người đứng gần gò mối nhất trong bốn người đi đầu , lúc đó cã bốn người bọn mình đang nhìn về hướng trái , về phía mấy chục tên đang hành quân mà bọn mình tưởng là quân ta , thình lình nghe tiếng quát : " nẹc na " ( ai đó ? ) . Bọn mình chưa kịp trả lời nghe tiếng quát quay mặt lại thì thấy có một đám áo đen khoảng 7-8 tên đang nằm ngủ vừa lồm cồm ngội dậy trong đó có một tên đang đứng khom khom chỉa súng về phía bốn anh em mình ( tên nầy đang ngồi gác và cũng chính tên nầy hỏi " nẹc na " . Trong chớp nhoáng là tên nầy nổ súng liên thanh lửa đỏ trời ở cự ly cách mình khoảng từ 5-7 mét , cả bốn người lúc đó mới kịp xuống súng , còn mình thì đã cặp nách cây B40 nhưng chưa lên cò , liền lên cò và bóp nhưng súng lại không nổ , lúc đó nó ria lại mình một loạt nữa , mình cũng lên cò lại và bóp thêm một lần nữa nhưng lại không nổ , mình có cảm giác như ai xô mình té xuống  (vì lúc đó mình không chủ động nằm ) , lúc đó cã bốn người đều tự nằm xuống hết , chỉ có Hùng giữ khầu RBK là bắn được một loạt sau khi nằm xuống ( tên chết là do Hùng bắn ) , mình té nằm xuống lấy tay rút trái đạn bỏ ra và nạp trái khác vào , tên địch đang gác thấy mình còn cụt cựa nó bắn thêm một loạt nữa , cát văng rát cã mặt mình , còn lửa hạt do thuốc súng cháy chưa kịp lăn tròn tròn trên mặt đất đến trước mặt mình mà vẫn còn cháy . Lúc đó mình nghe tiếng Bùi Hiệp hô xung phong và bắn một loạt M60 , bị đánh hai hướng nên bọn nó bỏ chạy , Khi mình thay xong quả đạn mới thì địch đã chạy mầt hết . Lúc nầy bốn đứa mình vẫn còn nằm tại chổ nghe Bố Sườn hỏi " bốn đứa đi đầu có còn sống không ? " . Bốn đứa mình mới đứng lên , Anh Mơ còn kêu bốn đứa tụi bây rờ khắp người xem có bị viên nào không ? Anh Mơ còn kêu đích danh tên mình coi mình có còn sống không ? Vì thấy mình gần địch nhất , lúc đó mình mới lấy tay rờ khắp người thấy chưa có chổ nào chảy máu , anh Mơ còn nói mạng tụi bây lớn thật , tao thấy nó rất gần tụi bây , nó bắn ria hai ba loạt mà tụi bây không trúng viên nào . Đúng là đạn tránh mình , có lẽ nhờ Ông Bà phò hộ , nên mình có cảm giác như ai xô mình té úp mặt , chứ lúc đó mình không hề có ý nghĩ là nằm xuống . Nhưng sau đó thì phía sau lại có người báo cáo lên là Minh bị thương một lúc hai viên AK vào bả vai .
  Đúng là trận nổ súng đầu tiên bọn mình ngu chưa từng thấy , dàng hàng ngang càng lên đánh địch mà súng thì anh còn vác vai , anh thì đeo súng , mình thì cặp nách mà không giương búa , chỉ có Hùng mang RBK là ở tư thế mở khóa an toàn là bắn luôn được .
  Bốn người đi đầu là Anh Kiệt B trưởng ( lúc ở 2 BIS là A trưởng huấn luyện ) đi bìa bên trái , rồi đến Hiệp ( Hiệp khỉ ) , rồi đến Hùng ( Hùng Pôn Pốt , vì đen như là Pôn Pốt , giữ RBK ) , rồi đến mình giữ khẩu B40 .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 25 Tháng Bảy, 2011, 12:26:42 am
V. SƯỚNG CỦA LÍNH HỌC TRÒ: “CHẠY DÀI” VÀ “HỌC XẠ KÍCH”

   Chào các Bác!

   Hôm nay tớ tiếp tục hầu các Bác phần “Chạy dài” và “Học xạ kích”

   Trước tiên là “Chạy dài”: thời kỳ đầu của huấn luyện sáng nào cũng tập hai bài thể dục buổi sáng và chạy tại chỗ ngay trong sân 2 Bis. Nếu như vậy thì như những đơn vị huấn luyện khác. Nhưng không biết Ban chi huy C thông cảm cho cánh lính trẻ hay sao mà đưa ra quy định “một tuần có từ 2 đến 3 buổi chạy dài”. Các Bác nghĩ sao? Không biết các Bác lúc huấn luyện Quang Trung, ở Long Giao chạy dài như thế nào? Chứ với tụi tớ ngày đó thì “quá sướng”, em nào cũng hớn hở ra mặt “Ban chỉ huy tâm lý quá”.

   Thử hỏi cả đơn vị huấn luyện của tớ anh nào lớn nhất cũng chỉ 20, 21 tuổi còn thì 18, 19 là đa số; lứa tuổi mà theo tớ là đẹp nhất, lãng mạn, mơ mộng nhất đã vậy lại là học sinh THCN nữa thì lãng mạn và mơ mộng đến dường nào. Đang ở ngoài đời tự do bay nhảy, vui chơi với bạn bè, bạn gái, nay khép vào khuôn khổ trong môi trường mới lại gần môi trường sống mà mình mới vừa rời xa thì các Bác thấy với quy định mới đó đám lính trẻ chúng tôi ngày đó mừng biết chừng nào.

   Ngày chạy dài đầu tiên, tối hôm trước không hẹn nhưng anh nào cũng chuẩn bị quần áo, giày dép chỉnh tề. 5 giờ sáng, kẻng báo thức tất cả đều vùng dậy nhanh tập họp cho nhanh và rồi “Rầm rập! Rầm rập!”, “1…2…3…4”, những bước chân, những tiếng hô của 200 chàng lính trẻ vang đều trên đường phố, lộ trình chạy của chúng tôi là “Xô Viết Nghệ Tỉnh, Đinh tiên Hoàng, Đại lộ Lê Duẩn” điểm xuất phát là 2 Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh, đích đến là Hội trường Thống Nhất khi về thì ngược lại. Không biết Bác Hai Ruộng nghĩ thế nào chứ tớ thì “Sướng như tiên” được chạy giữa lòng đường phố trong ánh mắt ngưỡng mộ của các em công nhân đi làm sớm, nhìn xe cộ qua lại thì còn gì sướng gì bằng.

   Và rồi những lần chạy dài như thế này lính ta cũng tranh thủ “đi phép”. Lúc đầu mỗi lần chạy dài về xong, sáng ra điểm danh lại thấy bốc hơi 1, 2 em. Sau khi vụ “Đại tá rào” bị kiểm tra gắt quá lính ta không thể dù được nữa. Thì bây giờ việc một tuần “Chạy dài” 2, 3 ngày lại là “Mỡ để miệng mèo”, “Cơ hội ngàn vàng” cho các anh chàng muốn “thỏa lòng nhớ mong”. Thời kỳ 79, 80 thành phố vẫn còn xe buýt, dọc theo tuyến đường chúng tôi “Chạy dài” có nhiều trạm xe buýt đón khách sớm, tập trung là công nhân đi làm.

   Thế là tối nào thấy anh chàng nào vui vẻ, huýt sáo, yêu đời, chuẩn bị này kia thì y như rằng sáng hôm sau anh chàng này bốc hơi. Các bác cứ tưởng tượng cảnh này nhé, cả một đoàn người 200 anh lính trẻ đồng phục, giày dép nghiêm chỉnh đang chạy rầm rập trên đường, ngang qua một xe buýt đang rước khách và từ trong đoàn người đó có một anh chàng tách ra “chạy đều, chạy dài” đến và… tót lên xe buýt “vi vu thỏa lòng nhớ mong”. “Chạy dài” là thế.

        Bây giờ đến “Học xạ kích”: “Học xạ kích” bài 1 bia 4A thì các Bác chắc tới bây giờ vẫn nhớ nằm lòng yếu lĩnh “Đầu ruồi chạm dích điểm đen, tỳ vai, áp má, nheo mắt, lấy đường ngắm cơ bản…. bóp cò”. Do địa thế của khu 2 Bis không rộng rãi, vướng vật kiến trúc, không đủ cự ly để thực hành đúng theo lý thuyết để bắn đạn thật “thước ngắm 3, cự ly 100 mét”. Thế là chúng tôi lại được cái sướng thứ hai “Học xạ kích”

         Thời kỳ đầu ở 2Bis khi học xạ kích chúng tôi học ngay trong doanh trại ở cự ly ngắn cho quen, sau chuyển ra ngoài học. Đố các Bác chúng tôi học thực hành xạ kích, bài 1 bia số 4A ở đâu?

         Ở ngay khu công viên trước Hội trường Thống Nhất đường Lê Duẫn. Thế là hôm nào học xạ kích, ngày hai buổi sáng, chiều lại hành quân theo trục đường “Xô Viết Nghệ Tỉnh, Đinh tiên Hoàng, Đại lộ Lê Duẩn” ngang qua trường đại học tổng hợp tha hồ ngắm các em sinh viên, ngắm xe cộ qua lại.

         Trời ơi! Còn gì sướng bằng học xạ kích giữa một công viên “cây cao, bóng mát, thảm cỏ êm đềm” đã vậy kế bên là sinh viên các trường đại học tập trung học quân sự. Thế là có cảnh “Đầu ruồi ngắm đích điểm đen” nhưng nhắm bia 4A không ngắm mà ngắm “Bia di động”, rồi giờ nghỉ giải lao thì “báo cáo cho em mua nước uống”, “báo cáo cho em gặp người nhà”. Nghĩ lại cán bộ A, B ngày đó chắc cũng thông cảm cho đám lính học trò này nên cho đi nhưng cũng thòng một câu “đi nhanh lên, rồi quay lại” nhưng anh nào quay lại sớm thì cũng 1 tiếng, có anh “chém vè” chờ gần hết giờ học mới quay lại, các anh đi “tám” với mấy em sinh viên mà.

        Cái sướng của chúng tôi khi “Chạy dài” và “Học xạ kích” ngày ấy nó là như vậy đó các Bác. Bác Hai Ruộng thấy sao.

Kỳ tới: Bắn đạn thật

        Bác Hai Ruộng có thông tin gì vê Anh Kiệt, Anh Sâm không. Anh Kiệt sau này lên làm ở Ban quân lực E, Anh Sâm lên làm ở Ban chính trị. Không biết giờ thế nào rồi?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 25 Tháng Bảy, 2011, 09:35:21 am
V. SƯỚNG CỦA LÍNH HỌC TRÒ: “CHẠY DÀI” VÀ “HỌC XẠ KÍCH”

   Chào các Bác!

   Hôm nay tớ tiếp tục hầu các Bác phần “Chạy dài” và “Học xạ kích”
...

Trời thần ạ, sướng như vậy mà bác 2 Ruộng hổm rày đâu có chịu công khai cho anh em biết, bác 2 chỉ mới kể ấn tượng "sướng" khi coi nữ TNXP tắm tiên ở Định Quán thôi  ;D ... Hồi tụi này huấn luyện ở quân trường 2 Bis (17 tháng 9 tới gần cuối tháng 10 /1978) đâu có 2 cái vụ chạy dài và tập xạ kích ở ngoài doanh trại như vậy, cho nên nhảy rào vẫn là cách duy nhất để ra khỏi 2 Bis, mấy chỗ nhảy rào xanh vàng bác Wanta đánh dấu là do tụi tôi mở ra trước đó, còn mấy cái bác 2 Ruộng mở tôn lên trong C bộ là cái mới, bác 2 còn biết sinh hoạt giờ hẹn hò của thủ trưởng nữa mới tài chứ. Xét về năng khiếu luồn sâu đánh hiểm, quân đội ta nên phát hiện tài năng này sớm để xét tuyển bác 2 Ruộng vô đặc công mới phải  ;D.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: thaynhin trong 25 Tháng Bảy, 2011, 10:54:04 am
Vậy nha,hai bác Hai Ruộng và Wanta đã tìm gặp được chiến hữu cùng chiến tuyến rồi nhé!
Hai bác gắng đem đến cho anh em xem nhiều ký ức không thể quên và quí báu thời máu lửa nhé,mong lắm và kính chúc tất cả các anh em đều khỏe!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 25 Tháng Bảy, 2011, 08:03:41 pm
 Được tập ngắm ở công viên trước dinh Thống Nhất thì sướng thật , nhưng mà lúc đó các nàng còn ăn mặc kín kẻ lắm chứ đâu có như bây giờ , nàng nào mà mô đen lắm thì cũng chỉ mặc áo thun bó sát người một tý thôi , đủ để cho lính ta tưởng tượng chứ đâu có như bây giờ , các nàng mặc toàn váy ngắn lại chạy xe gắn máy ,  gặp bây giờ mà lính ta nằm trên bải cỏ mà ngắm thì thấy rỏ điểm đen là cái chắc . Hơn nữa lúc đó mình khù khờ lắm , cho nên sau nầy lên bờ sông La Ngà mình mới được " Thánh nhân ưu đải " cho cã đại đội lọt vào bải tắm tiên của nữ TNXP , lúc đó mình mới nhìn thấy rỏ mặt mũi như thế nào thôi . Còn đại đội của Wanta là hoàn toàn không có diễm phúc đó , để mình copy lại cho Wanta đở thèm nha:
 

 . Bửa nay mình kễ chuyên nầy cho vui xem các bạn có còn nhớ không ?Nếu nhớ thì các bạn chính là anh em trong đại đội của mình . Đó là câu chuyện đại đội bị mang danh là đại đội phục kích , một trận phục kích hoàn hảo , tuyệt đẹp ,không đổ máu . Chuyện như vầy :
   Lúc E747 còn làm nhiệm vụ đánh FULRO ở khu vực sông La Ngà . D7 hầu hết là sv và CN thế hệ thứ tư còn mới nên coi như là D đàn em vì vậy được dùng để khua chiên giống trống để 02 D đàn anh đánh bọc hậu . D7 chia ra 02 hay 03 cánh gì đó  Đại đội 2 ruộng đi một cánh  đi hai ngày luồn rừng  thì có lệnh hành quân đến điểm qui định  nhưng tụi nầy đi lạc đường ra bờ sông La Ngà , khi đến bờ sông thì ui cha không thể nào tưởng tượng nổi . Đó là đoạn sông chính là nơi <<ngút tất của kôn srây >>Thanh NiêN XP tỉnh Thuận HẢI . Quá bất ngờ cả đại đội bèn chịu nhịn đói ,nhịn khát , để nằm dài theo bờ sông mà phục kích , mục tiêu trắng toát , lồ lộ trước đường ngắm ( ngắm thôi chứ không được bắn) , cho đến tối khi mục tiêu biến mất rối mới xuống sông lấy nước nấu cơm.
    Sáng hôm sau , sau khi báo cáo với Tiểu đoàn , tiểu đoản ra lệnh cho C hành quân về tiểu đoàn tiếp tục . Thế là C lại hành quân đi lòng vòng lại lạc đường và về ngay chổ củ ngày hôm qua , đại đội lại tiếp tục phục kích . Kỳ nầy tiểu đoàn nghi ngờ , vì liên lạc bằng máy prc 25 với ăng ten lá lúa được , mà sao hành quân cả ngày không đến . Chính trị viên D đ/c Mai  cùng với liên lạc chống gậy đi dọc theo bờ sông để tìm . Thế là cả C đang nằm phục kích bị thủ trưởng bắt gặp tại trân  , lúc đó cũng gần 4 giờ chiều , trận phục kích bị bại lộ . Nhưng cũng rất tâm lý , thủ trưởng bảo lở phục kích rồi thì ở lại phục kích luôn  sáng mai hành quân về . Từ đó đại đội  bị mang tên là đại đội <<phục kích>> . Nào có bạn nào còn nhớ trận phục kích có một không hai trong lịch sử nầy không ?

 
   Anh Kiệt sau khi tham dự trận nở hoa trong lòng địch rồi vài hôm sau được rút lên E hay F gì đó mình cũng không rỏ , coi như số anh Kiệt đỏ hơn anh em mình , còn anh Sâm thì sang K ở E bộ hay gì đó mình không thấy trong D7 , mình cũng không quan tâm mấy , còn anh Thám hình như đi học lúc đơn vị chuẩn bị sang K . Nói chung những anh nầy đều tốt số cã .
   Còn có vụ việc mà 2 BIS có đoạn hàng rào giáp ranh với doanh trại của Công AN  bảo vệ , cạnh nhà ăn tập thể Wanta có nhớ không , sát hàng rào lại là nhà tắm của Công  An nữ , lính ta đụt lỗ nhà tắm cứ đến tối là tranh nhau rình . Nhưng mình nghiêm chỉnh không có tham gia vụ nầy ?
  Còn chui rào khá nổi tiếng nhưng tướng tá của mình thì cao , chân dài, nên Bố Sườn mấy lần đòi biên chế qua Trinh Sát , nhưng anh Mơ lại không chịu giữ lại làm liên lạc cũng sau trận nở hoa đó . Vì vậy nên khổ thân cho mình , khi đi trinh sát cho D thì lại điều mình đi theo Trinh Sát , trinh sát xong nhiệm vụ lại về làm liên lạc , cứ chạy qua chạy lại mệt gần chết .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 25 Tháng Bảy, 2011, 10:21:22 pm
      @hai Ruộng: đúng là Bác được "Thánh nhân đãi rồi" thời đi càn Phương Lâm tớ được ông C phó đãi cho anh em lính mới một trận đi lạc "sinh tử", báo hại tiểu đoàn phải cử TS đi tìm, lúc tìm được thì cả trung đội em nào em nấy đuối sức đ không nổi vì đói và vì "mất máu". Cái khoản "mất máu" không phải là do đánh đấm gì đâu, mà là do "Vắt" các Bác ạ.

      Cha mẹ ơi! từ trước đến giờ đi TNXP 2 năm ở Tây Ninh, Sông Bé, qua chiến trường K 3 năm, sau này về lại TNXP rong ruổi trên các cánh rừng trên ĐakNong, DakMil, nói chung cuộc đời của mình gắn bó với rừng nhiều nhưng chưa bao giờ mình thấy cảnh "vắt" nhiều như thế ở Phương Lâm, Miền Tây có câu "đĩa lền như bánh canh", ở đây phải dùng từ "Vắt bò như bánh canh" mới đúng.

           Hành quân trong rừng chỉ cần dừng chân lại khoảng 1 phút thôi là nó đã bò "lổn ngổn" dưới chân rồi "đánh thủng phòng tuyến giày, vớ" để mà chén no nê, cứ mỗi lần dừng chân nghỉ là "Chú ý! coi chừng vắt". Mình nhớ có lần Vắt bu nhiều quá thôi kệ cho mày "ăn no" rồi tự rớt, ấy vậy mà đến tối mắc võng ngũ mình lấy tay rà soát khắp người kiểm tra, thấy ở cần cổ tự nhiên có một cục "thịt dư", đụng đến nó rụng ra còn tay và cổ thì máu chảy nhèo nhoẹt, thì ra có một thằng "âm thầm lặng lẽ, cương quyết đeo bám đến cùng" lên đến tận cổ đến khi bị phát giác nó mới chịu nhả ra. Lần đó tối ngủ cứ nhắm mắt lại là hình ảnh mấy con vắt nó cứ "bò lổn ngổn" trong đầu, thế là thức trắng mắt luôn.

          Tay C phó dẫn trung đội mình đi lạc sau này chuyển đơn vị khác không có qua K, kể ra ông ấy cũng tốt số mà anh em C mình cũng tốt số. Gặp C phó dẫn lính kiểu đó qua K thì chắc bỏ xác cả đám. Chỉ vì háo thắng, muốn chắng tỏ mình với cánh lính trẻ chưa có kinh nghiệm mà chút nữa cả Trung đội bỏ xác tại Phương Lâm nếu Tiểu đoàn không cho trinh sát đi tìm.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: dathao trong 25 Tháng Bảy, 2011, 11:19:17 pm
Nói đến con vắt làm tôi chợt nhớ đến thời gian đv tôi ở xã 25 KT mới vào năm 77 và 78 (ngã ba Dầu Giây-Long Khánh )làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất.
Hồi đó E 25 cb có một cái rấy khá lớn ở trên đó,hàng năm các đv thay phiên nhau lên trên đó làm rẩy.Đv tôi là đv đầu tiên lên đó phá rừng làm rẩy.Vào mùa khô sau khi phát hoang cây cỏ và hạ những cây lớn ,gom lại và đốt gốc ,đến cuốc đất cho tơi ra.Thì vào mùa mưa chúng tôi lại lên trồng bắp ,trồng khoai mì.
Tôi chỉ khoái nhất là mùa mưa,vì không bị cái nắng nóng khủng khiếp như lửa.Không khí mát mẻ và lao động đở vất vả hơn mùa khô.
Thời gian rảnh chúng tôi hay đi vô rừng hái măng tre,có những cánh rừng toàn tre gai rất nhiều măng.Khổ nổi ở đây vắt rất nhiều,thấy người ,nghe mùi máu là nó vừa đo vừa búng phóng tới .Nhìn đâu cũng toàn là vắt,mang giầy,cột ống quần bó sát,tay áo gài nút kín mít,áo bỏ vô quần thắt dây nịt mà không biết sao nó vẩn chui được vô trong người .Ham hái măng nên sợ mà vẩn đi,mổi khi về tới doanh trại xuống suối tắm thằng nầy bắt cho thằng kia,con nào con nấy no tròn căng ra .
Rồi tới lúc qua K thì không thấy bóng dáng của con vắt nửa mà là đĩa.Đúng là đỉa trâu,đỉa lội như bánh canh.Có con bắt lên bờ lấy cây đóng căng nó ra dài cở hai tấc.
Hồi đó ở thành phố có biết con vắt hay con đĩa đâu!cho tới lúc đó mới biết.Mới đầu còn sợ riết rồi cũng quen không còn biết sợ là gì nửa.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 26 Tháng Bảy, 2011, 12:00:19 am
Ái chà!

      Bác dathao nhắc tới đĩa khiến tôi nhớ kỷ niệm về đĩa ở hồ Ba Rài Xiêm Riệp. Ngày đó đơn vị D7, E747 chuyển quân lên Xiêm Riệp, C11 của tớ đóng ngay trên bờ hồ Ba Rài chỗ có cái Chùa cũ (vào google map thấy cái chùa này vẫn còn, chỗ B1 tớ đóng là cụm nhà nằm phía phải chùa). Đóng gần hồ nên mọi việc sinh hoạt, tắm rửa đều xuống hồ mà lấy nước.

      Hồ Ba Rài có đĩa nhưng do nó rộng nên khó thấy thế là trong một lần chiều xuống hồ tắm xong, tối tớ lên C bộ họp giao ban (lúc này tớ là hạ sĩ A phó) đang trên đường đi tự nhiên nghe ở "mông" có một "cục" gì to lắm rớt xuống đất. Giật mình, tớ vội sờ tay vào "mông" thấy "ướt nhẹp" rút tay ra nhìn thì "Cha mẹ ơi!" đỏ lòm máu. Lên C bộ họp, mọi người thấy tay dính máu hỏi: "tay bị sao vậy?" tớ trả lời: "bị đĩa đeo vô mông". Mọi người cười rần rần "May mà nó không đeo vô thằng nhỏ".

      Nói về đĩa, có Bác nào "ăn cơm độn đĩa" chưa chứ tớ thì có rồi đó. Số là thế này cũng tại hồ Ba Rài sau này C tổ chức ăn cơm bếp đại đội. Trong một lần sáng sớm tinh mơ, anh nuôi đại đội xuống bờ hồ Ba Rài vo gạo nấu cơm. Đến sáng, các B tập trung lên ăn cơm, anh nuôi chia cơm xong đến lớp cơm cháy dưới đáy nồi tự nhiên nghe anh nuôi la lên "Oái! đĩa", anh em chạy lại nhìn thì tá hỏa, dưới lớp cơm cháy đáy nồi là 3, 4 con đĩa to nằm "kềnh càng" ở đó. Thì ra do trời còn nhá nhem anh nuôi vo gạo lọt vào nồi 3, 4 con đĩa mà không hay. Báo hại bữa đó anh nào lỡ ăn rồi thì thôi, anh nào chưa ăn là bỏ ăn luôn.

       Ngày đó có một anh của D7 tớ đi hái bông súng bị đĩa chui vào "thằng nhỏ" không biết thuộc C9 của Bác Hai Ruộng, hay TT, TS của D gì đó. Bác Hai Ruộng có biết chuyện này không kể cho anh em nghe với. C Bác ngày đó đóng gần D bộ mà.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 26 Tháng Bảy, 2011, 12:51:10 am
@wanta : hehe cái anh bị đĩa chui vô thằng nhỏ này mấy chục năm sau gặp Hải đao tại đội THA Tân Bình . Hải đao thấy mặt quen quen chợt mừng rở hỏi lớn : Mầy có phải thằng ..bị đĩa chui vô con c.. không ? ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: soldier1978 trong 26 Tháng Bảy, 2011, 10:02:30 am
@wanta : hehe cái anh bị đĩa chui vô thằng nhỏ này mấy chục năm sau gặp Hải đao tại đội THA Tân Bình . Hải đao thấy mặt quen quen chợt mừng rở hỏi lớn : Mầy có phải thằng ..bị đĩa chui vô con c.. không ? ;D
bó tay với cái chất lính không lẫn vào đâu được !


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: TANVINHprc25 trong 26 Tháng Bảy, 2011, 12:04:44 pm

Chào Wanta,

Tôi hay đọc các trang viết của ae ccb chiến trường K, một lực lượng khá đông đảo trên DN-GN so với ae ccb kccm chúng tôi, tuy anh em ta cũng chỉ các nhau mấy năm thôi.
Lớp lứa ae chúng tôi cũng gian khổ ác liệt nhưng là trên đất Tổ quốc mình còn anh em chiến trường K là hi sinh gian khổ trên đất khách quê người có nhiều đặc biệt hơn. Đọc và xem ảnh các ae ccb đi thăm lại chiến trường xưa, thắp hương nhớ các đồng đội đã ngã xuống bên đó xa xôi mà thấy thật cảm động.

Bạn cũng như tôi và nhiều ae khác nhập ngũ ở tuổi học trò nên ta đều có những kỉ niệm của những chàng trai trẻ nghịch ngợm và vô tư. Nào là vượt rào trốn trại của các bạn, chúng tôi thì “tút” về thành phố chơi, thăm bạn gái hay về thăm nhà vào đêm thứ Bảy rồi lại mò lên đơn vị vào tối Chủ nhật...Bạn được đóng quân huấn luyên tân binh ở trung tâm TP thật sướng.

Wanta à, không biết bạn nói vui hay thật là bạn ở Quận 4 ? Tôi có 1 kỉ niệm nho nhỏ liên quan tới địa bàn ấy. Cuối những năm 80 tôi làm ở 1 cty vận tải biển, có thời gian làm thủy thủ trên tàu chở hàng xnk chạy khu vực Châu Á. Có chuyến tàu về cảng Tân Thuận, có chuyến thì về cảng Khánh Hôi. Hai cảng này đêu ở Q4 có trục đường Nguyễn Tất Thành chạy từ phía Hàm Nghi sang. Tôi đi lại trên trục đường này nhiều lắm. Khi tàu làm hàng ở cảng Khánh Hội thì hay neo đậu chờ ở ngoài lòng sông, có lúc chếch lên ngang với Nhà Rồng nên chúng tôi hay đi đò dọc lên thẳng bến ở chỗ góc phía Hàm Nghi thẳng xuống, khi nào tàu vào cầu cảng thì chúng tôi mới đi lại qua cổng cảng tại đường Nguyễn Tất Thành. Thời kỳ đó đời sống còn khó khăn nhiều nhưng SG vẫn tấp nập và khoáng đạt hơn HN.nên tàu về SG là vui lắm. Ae thủy thủ hay lên ăn uống quanh khu vực chợ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, ăn sáng thì vỉa hè phố ăn sáng gần Đồng Khởi cạnh NĐK. Có mấy lần tôi và 1 thằng bạn ăn tại nhà hàng gần HTK quen một em hiền thục và xinh nhà ở Q4, Sau vài chuyến về SG, tàu tôi về các cảng miền Trung và miền Bắc và sau 1 năm tôi lên bờ không làm thủy thủ nên chẳng có dịp quay lại thăm em. 

Ít dòng với Wanta, chúc bạn khỏe.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 27 Tháng Bảy, 2011, 12:43:30 am
 Nhờ Wanta nhắc mình mới nhớ , lúc ở Phương Lâm C mình cũng đã có lần đi lùng xục đến vùng có nhiều vắt , ở khu rừng khộp cũng gần sông La Ngà , vùng tương đối bằng phẳng , vắt nhiều vô kể , c mình đã được phổ biến trước cách chống vắt là lấy dây thun cột chặt ống quần lại , dùng xà phòng thoa xung quanh giầy , vớ để chống vắt bò lên chân , nhưng hởi ôi ! Người đi đầu vừa bước qua , là nhìn thấy từ dưới mặt đất trong lớp lá rụng tua tủa những con vắt một đầu bám vào lá , đầu còn lại dựng đứng lên quay vòng vòng như là ra đa tìm mục tiêu , rồi bắt đầu đo như là sâu đo về phía mình , lềnh khênh như là đàn kiến , chưa hết đâu ngước nhìn lên cành cây cũng đầy là vắt , nó cứ đánh hơi thấy mình ở dưới là nó buông rớt xuống lên đầu lên áo . Vì vậy anh em mình cũng bị vắt cắn cho tơi tả vì bọn vắt nhảy dù nầy . Nhưng cũng may là qua khỏi đoạn rừng đó thì không còn gặp nữa .
  Còn đĩa ở hồ Ba Rài thì mình đã từng bị một con chui vào nách , khi mình dùng cây sào khoảng 2 mét , một tay cầm sào , vai mang AK bơi ra xa bờ hồ nơi mà đám le le thường xuống , để phục kích bắn le le . Bằng cách bơi ra đó xong cắm cây sào xuống hồ rồi hai chân quắp đu theo cây sào , để mình không bị chìm xuống , lấy lá súng che đầu lại , súng giá lên cây sào , chờ le le xuống mà bắn , một lát sau mình thấy ngứa dưới nách , thò tay vào mò thộp được con đĩa tròn đầy nắm tay , mình gở quăng ra xa , chưa đầy hai phút sau lại cũng một con to tổ bố như vậy nữa , thế là mình bơi luôn vào bờ , đành nhìn đám le le cã trăm con đậu ngoài tầm bắn .
  Còn bị đĩa chui vào thằng nhỏ hình như là Phưỡng , C9 của mình ,lính nhận quân cuối năm 80 , em nầy mũi cao như tây , Y tá đại đội , hình như phải lên Quân Y E mới bắt ra được hay sao đó .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 27 Tháng Bảy, 2011, 02:30:26 pm
...
Còn bị đĩa chui vào thằng nhỏ hình như là Phưỡng , C9 của mình ,lính nhận quân cuối năm 80 , em nầy mũi cao như tây , Y tá đại đội , hình như phải lên Quân Y E mới bắt ra được hay sao đó .
Tên Phưởng này nghe quen lắm, trong phường mình khi trước cũng có 1 anh tên Phưởng mũi cao trắng như Tây lai, nói nhanh lắm nhiều khi bị vấp vì nói nhanh, Phưởng nhỏ tuổi hơn yta262 nhưng lại là người giới thiệu yta vào làm hội viên hội liên hiệp thanh niên VN năm 1975. Phưởng là đoàn viên địa phương, nhà ở gần nhà yta262, phường 8 (giờ là phường 2) Quận 3, nhà trong hẻm 491 Nguyễn Đình Chiểu, kỳ rồi về thăm xóm nghe nói giờ Phưởng làm ăn khá lắm. Thì ra Phưởng cũng đi bộ đội.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 28 Tháng Bảy, 2011, 12:10:04 am
 Theo Y TÁ 262 tả mình thấy rất giống , Phưởng giống tây lai , người cao to , nói nhanh , nhưng hơi nói lấp , Phưởng nhỏ hơn mình hai ba tuổi gì đó , tức năm nay Phưởng nhỏ hơn 54 tuổi . Nếu có hình thì mình nhận ra , nhưng nhà ở phường nào thì mình không nhớ , họ gì mình cũng quên . y Tá 262 có liên lạc gì với Phưởng không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 28 Tháng Bảy, 2011, 12:33:19 am
Hồ Ba Rài có đĩa nhưng do nó rộng nên khó thấy thế là trong một lần chiều xuống hồ tắm xong, tối tớ lên C bộ họp giao ban (lúc này tớ là hạ sĩ A phó) đang trên đường đi tự nhiên nghe ở "mông" có một "cục" gì to lắm rớt xuống đất. Giật mình, tớ vội sờ tay vào "mông" thấy "ướt nhẹp" rút tay ra nhìn thì "Cha mẹ ơi!" đỏ lòm máu. Lên C bộ họp, mọi người thấy tay dính máu hỏi: "tay bị sao vậy?" tớ trả lời: "bị đĩa đeo vô mông". Mọi người cười rần rần "May mà nó không đeo vô thằng nhỏ".


    Wanta nhắc lại đĩa trâu , mình còn thấy giật mình , bây giờ có khi anh em mình kiểm tra lại biết đâu một con đeo đằng trước mông lại là chính nó , ha ! ha !


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 28 Tháng Bảy, 2011, 08:53:05 am
Theo Y TÁ 262 tả mình thấy rất giống , Phưởng giống tây lai , người cao to , nói nhanh , nhưng hơi nói lấp , Phưởng nhỏ hơn mình hai ba tuổi gì đó , tức năm nay Phưởng nhỏ hơn 54 tuổi . Nếu có hình thì mình nhận ra , nhưng nhà ở phường nào thì mình không nhớ , họ gì mình cũng quên . y Tá 262 có liên lạc gì với Phưởng không ?
Nếu vậy là đúng người rồi bác 2 ơi, tên Phượng thì có nhiều, nhưng từ hồi nào tới giờ mình chỉ mới nghe có 1 người VN tên Phưởng thôi. Chính hắn rồi, môi mỏng mũi cao, mặt giống Tây lắm. Lần này về thăm Phưởng hỏi coi phải y tá C9 không, rồi hỏi thăm cái vụ bị đĩa nó bám, nhân tiện hỏi coi tình hình vợ con ra sao, hì hì, hy vọng không sao, vẫn "nếp tẻ" bình thường.  Còn nếu bị tịt ngòi thì đồng cảnh ngộ với yta262, y tá gặp a tý, càng dễ gần gũi chứ có sao  ;D! Chỉ có điều ngày 27/7 là ngày của Phưởng chứ không phải của mình!

Lúc yta262 mới tốt nghiệp phổ thông thì bác đã học đại học rồi, vậy bác 2R hơn mình 3 tuổi, hơn Phưởng 4 tuổi.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 28 Tháng Bảy, 2011, 12:04:04 pm
 Nếu Y Tá 262 hỏi Phưởng có phải Y Tá C 9 không thì có khi Phưởng không nhớ . Vì D7 thường xuyên thay Y Tá , Phưởng ở C9  chỉ có mấy tháng hay một năm gì đó thôi , rồi thay Y Tá khác . Nếu hỏi Phưởng có phải lính D7 E747 lính Bố Sườn là chắc ăn . Vì D7 chỉ có một người duy nhất tên PHƯỞNG mà thôi .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 28 Tháng Bảy, 2011, 12:54:46 pm
Chiều hôm qua, trời trở mưa lại cúp điện không online được lại ngày 27/07 chợt nhớ đến Anh Mai, Hùng, Sơn những người đã hy sinh trong những ngày đầu D7 đứng chân ở Stung, những Bá, Minh "xụi", Tâm "sọ não" và những anh em khác đã bị thương trong những ngày đó, không biết giờ này ra sao? ở đâu?

16 giờ nhận được điện thoại của Hải dot làm chung với haanh, báo tối nay họp mặt anh em 747 ở quán Cây Sứ chỗ Bảo tàng LLVTMĐ trời vẫn mưa tầm tả. 17 giờ, khóa cửa VP gửi chìa khóa xong ra đón xe buýt về thành phố.

Đến nơi nhà hàng đông quá phải điện cho Hải dot ra đón, khi vào anh em đông quá và cũng lạ quá bao nhiêu năm rồi giờ thay đổi nhiều quá nhưng khi Hải dot giới thiệu mình lính của Bố Xường D trưởng và anh Nam đen B trưởng thì mọi người nhận ra.

30 năm rồi mình mới gặp lại đồng đội cũ, sống lại những kỷ niệm tiếu táo của lính ngày xưa, vẫn gõ chén, hát hò khi nghe những bài hát về người lính năm xưa, cũng chiếm sân khấu hát bài svai chanty, calahong để tất cả anh em lên múa lâm thôn.

Người ta thường ví TNXP và Bộ đội là hai trường đại học tổng hợp lớn không bằng cấp, tôi đều trải qua hai trường này. Nhưng bao năm qua hàng năm tôi chỉ mới dự họp mặt truyền thống của TNXP còn của bộ đội thì chưa có, nay thế là mỗi năm tôi có thêm một ngày họp mặt truyền thống nữa. Thế là thỏa lòng mong ước bao năm nay rồi các Bác ạ. Tôi cám ơn diễn đàn VMH vì nhờ tham gia diễn đàn mà tôi đã nối được liên lạc với các anh em trong đơn vị.

Anh bạn bị "đĩa đeo vào thằng nhỏ" tôi có hỏi bác Hải dot thì đúng là y tá Phưởng ở C9 lúc đóng ở sân bay Xiêm Riệp. Lúc gặp ở THA Tân Bình mừng quá mà quên mất tên nên mới hỏi thẳng câu mà Bác haanh đã nói. yta272 nếu có gặp Phưởng hỏi ngày xưa ở Xiêm Riệp tiểu đoàn của Bố Xường thì chắc nhớ ra liền.

Buổi họp mặt này Hải dot có chụp một số hình chắc để nhờ Bác haanh post lên cho anh em biết "dung nhan tàn tạ" của wanta


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 28 Tháng Bảy, 2011, 06:28:54 pm
 Vậy là trí nhớ của mình cũng còn khá lắm , lúc ở Siêm Riệp Y Tá Phưởng thay cho Y Tá Thành về phép , cho nên Phưởng chỉ ở C9 có hơn một tháng gì đó . Lúc nầy C9 đang đóng ở phum CÒ KHUYÊN , kế bên bào nước cạn bên ngoài góc đông nam của hồ Ba Rai .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 28 Tháng Bảy, 2011, 11:41:07 pm
VI. BẮN ĐẠN THẬT VÀ NHỮNG NGÀY CHỜ ĐỢI

       Thấm thoát cũng hết 1 tháng huấn luyện đến mục cuối cùng là kiểm tra bắn đạn thật.

   Buổi sáng ngày Bắn đạn thật toàn đơn vị tập trung lên xe GMC ra thao trường. Xe chạy về hướng Thủ Đức rẻ vào khu giãn dân vào trường bắn (khu vực này nếu mình nhớ không lầm thì nằm sau Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM bây giờ). Cả một khu vực đất trống mênh mông không một bóng cây nắng như đổ lửa. Tất cả tập trung lại chờ bộ phận chuẩn bị bia và súng. Tất cả đều sẵn sàng yêu cầu phải bắn 3 viên bia số 4A đạt 15 điểm sẽ tiếp tục bắn bia số 7 “rách áo ăn tiền” người nào không đạt phải bắn lại lần 2.

   Từng tốp đầu tiên lên bệ bắn mọi người đều hồi hộp chờ và “pằng” phát súng đầu tiên nổ và rồi hàng loạt đạn nối tiếp vang lên. Kết quả những anh nào không đạt quay về phía sau nằm ôn lại xạ kích để chờ bắn lần 2.

   Đến lượt mình lên bệ bắn, gặp ngay anh Bùi Hùng dẩn bắn cho mình, lên bệ bắn mình bình tỉnh thực hiện đúng các thao tác kiểm tra súng, lắp đạn, lên đạn và chờ hiệu lệnh. Khi hiệu lệnh bắn ban ra mình nâng súng lên nhắm thì …

   “Cha mẹ ơi!” Tim mình tự nhiên nó đập “bình bịch! bình bịch!” thiếu điều muốn nhảy ra ngoài. Còn cái nòng súng với đầu ruồi thì nói xin lỗi các Bác “nó ngóc lên, ngóc xuống giống như thằng nhỏ vậy”, Bùi Hùng nói “để súng xuống bình tỉnh lại” lạ thay vừa để súng xuống mọi việc trở lại bình thường, đưa súng lên nó lại “bình bịch! bình bịch!”, lại “ngóc lên! ngóc xuống” lại để súng xuống. Mình quyết định lần thứ 3 dù gì cũng “bóp cò” lại vẫn “bình bịch! bình bịch!”, “ngóc lên! ngóc xuống” vừa lúc người kế bên nổ súng thế mình bóp cò “pằng pằng! pằng pằng! pằng pằng” 3 phát súng nổ liên tiếp và chờ kết quả báo bia.

   “Lạ chưa kìa! kha!kha!kha! 19 điểm” các Bác thấy không “cận thị 7 độ” mang cặp “đít chai” đạt được 19 điểm kể cũng “xiềng chứ nhỉ”. Thế là không phải “đằng sau quay” về tập lại bài “xạ kích”. Tiếp tục bắn bia số 7 “rách áo ăn tiền” lần này nòng súng và đầu ruồi không “ngóc lên, ngóc xuống” mà “nhảy qua, nhảy lại” giống như đang nhảy “giựt gân” vậy, rút kinh nghiệm bắn bia 4A mình không chờ lâu nữa đầu ruồi vừa chạm mép dưới là mình bóp cò “pằng pằng! pằng pằng!” và kết quả là “áo không rách”“chim cũng chẳng rơi con nào”. Thôi thế là cũng đạt yêu cầu rồi.

   Sau ngày bắn đạt thật là những ngày chờ đợi không biết chừng nào lên đường đây? Ngày lại ngày qua từng đợt anh em được gọi lên đường đầu tiên là đợt đi đoàn “6 tạ” trong đợt này có Nguyên học cùng lớp ở trường THCN may là mình không có tên trong đợt này, kế tiếp là Phúc cũng học cùng lớp chẳng biết đi đơn vị nào (sau này khi nó về mới biết là đi học cối 82), rồi tốp đi học trinh sát, học thông tin vẫn không có tên mình. Doanh trại lúc này vắng bớt đi rồi số anh em còn ở lại cứ phải chờ đợi.

   Chờ đợi và buồn chán chẳng biết làm gì thế là bắt đầu những ngày “leo rào”.

   Bác Hai Ruộng và các Bác CCB khác cảm giác khi lần đầu tiên bắn đạn thật như thế nào kể cho em nghe với.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 29 Tháng Bảy, 2011, 12:05:47 am
 Wanta ơi ! Đó là sân bắn Long Thạnh Mỹ . Mình cũng bắn đợt đầu là xong , đạt loại khá . Wanta có còn nhớ xung quanh bải bắn dọctheo đường ra lộ có giao thông hào sâu vừa ngang đầu không ? Sau khi mình bắn xong , biết kêt quả về ngồi chờ người sau bắn tiếp mình ra đi tiểu , nhìn thấy giao thông hào , thế là mình nhảy xuống giao thông hào đi một mạch ra đến đường cái nhảy lên lộ , vẩy vẩy tay chào anh em và mình chuồn luôn , tìm đường tắt về hướng Thành Phố , đi theo đường đá ong ra Chợ Nhỏ rồi ra nhà máy Dệt Phong Phú quá gian xe nhà máy dệt ra thẳng bến xe Miền Tây về quê luôn , tự giải quyêt phép một tuần , chính lần về nầy mà gia đình mới biết mình đi bộ đội , sau đó lên đơn vị , bị phạt tiếp .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: daibacvn trong 29 Tháng Bảy, 2011, 12:37:46 am
Sau khi mình bắn xong , biết kêt quả về ngồi chờ người sau bắn tiếp mình ra đi tiểu , nhìn thấy giao thông hào , thế là mình nhảy xuống giao thông hào đi một mạch ra đến đường cái nhảy lên lộ , vẩy vẩy tay chào anh em và mình chuồn luôn , tìm đường tắt về hướng Thành Phố , đi theo đường đá ong ra Chợ Nhỏ rồi ra nhà máy Dệt Phong Phú quá gian xe nhà máy dệt ra thẳng bến xe Miền Tây về quê luôn , tự giải quyêt phép một tuần , chính lần về nầy mà gia đình mới biết mình đi bộ đội , sau đó lên đơn vị , bị phạt tiếp .
Bác Hai Ruộng nhà ta đúng là chịu chơi quá xá! ;D ;D ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 29 Tháng Bảy, 2011, 12:53:58 pm
...
   Bác Hai Ruộng và các Bác CCB khác cảm giác khi lần đầu tiên bắn đạn thật như thế nào kể cho em nghe với.

Nhóm tụi mình do nhu cầu chiến trường không được đào tạo chính quy như wanta & bác 2R, yta262 được học cấp tốc cho nên không cho tập bắn mà bắn thật ngay chiến trường luôn. Đó là lý do yta262 không có nhiều kỷ niệm với cái quân trường dễ thương này. Khi yta vào 2 BIS được đâu chừng 1 tháng thì tăng thiết giáp vô lấy quân, sau đó là F302 nửa đêm vô gọi tên rồi bốc bọn mình lên thẳng Sa Mát. Đa số anh em bổ sung vô E88 và E271 ở tuyến sau để huấn luyện kỹ thuật bộ binh tiếp, còn tụi mình vô E pháo 262 học chuyên môn, người thì kỹ thuật pháo, người thông tin, người trinh sát, người dò gỡ mìn. Cảm giác hồi hộp bắn đạn thật cũng có nhưng vì là mục tiêu cụ thể chứ không phải bia giả nữa nên hồi hộp kiểu khác wanta ạ. Rời quân ngũ cả 20-30 năm sau này yta262 vẫn còn nằm mơ thấy địch vào, súng mình bị kẹt đạn không bắn được, hồn siêu phách lạc mồ hôi đổ ra lạnh toát!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 29 Tháng Bảy, 2011, 07:15:50 pm
Rời quân ngũ cả 20-30 năm sau này yta262 vẫn còn nằm mơ thấy địch vào, súng mình bị kẹt đạn không bắn được, hồn shiêu phách lạc mồ hôi đổ ra lạnh toát!

Mình cũng vậy . Thỉnh thoảng cũng còn nằm mơ thấy đang đánh nhau với Pốt , lúc nào cũng súng bắn hoài không nổ , có khi tìm hoài không thấy khẩu súng của mình để ở đâu , có khi thì súng hết đạn . Cách đây khảng 10 năm có lần mình nằm mơ thấy địch mò vào rất gần , đưa AK lên bóp cò không nổ , địch cứ tiến đến càng lúc càng gần , mình bèn nghĩ ra cách nhát ma chúng , đang rên hừ ! hừ ! cho địch nó sợ thì bị đạp mạnh một cái , giật mình tỉnh dậy , mới biết mình nằm mơ , rên để nhát ma , bà xã mình sợ không biết chuyện gì nên đạp mạnh vào mình một phát . Nhờ vậy mà mấy thằng ma lính Pôn Pốt nó chạy mất tiêu . Có lẽ ma lính Pốt nó cũng sợ mấy bà ...


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: dathao trong 29 Tháng Bảy, 2011, 08:07:10 pm
Nói về chuyện bắn đạn thật.
Tôi và một số ae nhập ngủ đợt đầu tiên của thành phố HCM được cái diểm phúc nhập ngủ vào thời bình nên được huấn luyện khá lâu.Khoảng 6 tháng quân trường ở Núi Đất.
Học đủ thứ:từ điều lệnh đội ngủ ,tập họp hàng dọc -hàng ngang,quay phải -quay trái,xếp mùng mền cho vuông góc-thẳng hàng. Học chính trị mỗi tuần,học các bài học thể dục buổi sáng kể cả tập xà đơn ,xà kép.Học lăn -lê- bò- toài,học ném lựu đạn ,chiến thuật bộ binh phòng thủ-tấn công đủ loại,học bắn súng.Ôi thôi đủ thứ trên đời...
Riêng về cái chuyên mục tập bắn súng AK là cái môn dể chán nhất.Ngày nào cũng vậy!vác cây súng và một cái bao cát để làm bệ bắn.Trời nắng chang chang mà cứ bắt nằm gác súng lên bao cát tập lấy đường ngắm.Hết ngày nầy qua ngày khác cứ 7 yếu lỉnh bắn súng mà làm tới...Và cuối cùng thì cũng tới cái ngày mà nhiều đứa thích còn nhiều đứa thì sợ té đái trong quần là thi bắn đạn thật.
Tôi không nhớ hồi đó thi bắn ở đâu?chỉ nhớ lần thi bắn thứ hai thì ở trường bắn Long Thành.
Lần đó tôi cũng hồi hộp nhưng lại khoái lắm!Cũng có mấy đứa khi lên nằm trên bệ bắn thì đái cả ra quần.
Bắn bài 1:bia số 4A,cự ly 100m,đạn 3 viên,thời gian không hạn chế.Bia là nửa cái hình người có vẽ nhiều vòng tròn mà tâm ở giửa là vòng tròn màu đỏ,nếu bắn trúng chổ vòng màu đỏ thì được 10 điểm là điểm cao nhất.
Tôi cẩn thận lấy đường ngắm như đã được học,khi đường ngắm đã chuẩn, bóp cò súng hết nấc 1,nín thở kiểm tra nhanh đường ngắm lần nửa và bóp nhẹ cò.Pằng,nghỉ giải lao một chút cho bớt hồi hộp,rồi tiếp tục bắn thêm hai viên nửa .Vậy là xong việc!nói thì nghe có vẻ gọn lắm!nhưng thật sự lúc đó có những cái làm cho giật mình.Nhất là khi đường ngắm được chuẩn,định bắn thì  bất ngờ có tiếng súng của hai bên nổ .Giật mình phải lấy đường ngắm lại tới vài ba lần mới hết bị giật mình.Bắn được viên thứ nhất rồi thì yên tâm nên những viên sau bắn rất dể.
Lần đó tôi bắn được 3 vòng 6,3 viên chụm một chổ cách nhau vài phân,ngay dưới vòng 10.Anh cán bộ kiểm tra nói tuy điểm bắn thấp nhưng bắn chụm như thế là đường ngắm rất tốt.Có thể do cây súng nầy bị chỉnh thấp.Nghe nói vậy tôi cũng an ủi vì lúc đó tôi cũng rất muốn có điểm cao.
Lần thứ hai khi tôi được đưa về đv mới ở cầu Đồng Nai ,đv lại cho thi bắn đạn thật một lần nửa ở trường bắn Long Thành.Lần nầy thì được 3 điểm 9,vẫn chụm như lần trước.Cũng thấp ở ngay dưới vòng 10.
Không thể nào lấy được 3 điểm 10,nhưng có một số ít ae lại bắn được .
Tôi có một niềm đam mê là săn bắn nên khi đi qua K,tranh thủ những lúc đv rảnh tôi thường vác súng vào rừng kiếm một cây to để chỉnh súng theo ý mình.Tôi nhớ có một chổ vặn ở đầu ruồi và cứ thế mà chỉnh qua lại lên xuống và bắn thử cho tới khi nào chính xác nhất thì xong.
Sau nầy khi đv ở lộ 68, có dịp là tôi một mình một súng đi bắn chim,bắn vịt trời đem về làm thức ăn cải thiện cho ae trong tiểu đội.
Một kỷ niệm vui thời đi bộ đội nhớ mãi không quên...!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 29 Tháng Bảy, 2011, 10:13:46 pm
Tớ thì những năm tháng ở chiến trường K ít có điều kiện đụng trận như các Bác, trừ những trận đầu ở huyện Stung khi tiểu đoàn mới qua còn từ khi về Ba Rài rồi lên Xiêm Riệp thì thường ở lại giữ cứ khi đơn vị đi chiến dịch.

Nhưng ở cứ cũng có những nổi ám ảnh của ở cứ, mỗi lần đơn vị đi chiến dịch là đôi khi tối mấy anh em ở cứ phải tản ra ngũ chổ khác vì sợ nó tập kích vào, sáng ra mà nghe tiếng súng nổ dồn dập là biết đơn vị đụng lớn lại đi ra, đi vào không biết có anh em nào bị thương vong hay không.

Có lẽ khi về nước sống trong không khí thanh bình thì nổi ám ảnh lớn nhất của tớ là tiếng súng, nhiều khi ngồi nói chuyện với bạn gái nghe tiếng động lớn sau lưng thì phản xạ tự nhiên là quay lại sau, bạn gái cứ hỏi "làm gì anh quay lại đằng sau hoài vậy" tớ chẳng biết nói sao nữa.

Chiến tranh chúng ta chẳng ai thích cả, nhưng khi đã trải qua nó không ít thì nhiều cũng để lại một dấu ấn trong lòng chúng ta để như bác yta262 và Bác Hai Ruộng đôi khi nằm mơ thấy ác mộng "đáng đấm", còn tớ thì nghe tiếng động gì đó thì cứ quay lại một cách "máy móc". Đôi khi có những người khi trải qua chiến tranh thì thay đổi cả tính tình. Mong rằng thế hệ con cháu chúng ta không phải thấy hay trải qua những gì mà chúng ta đã trải qua trong nhưng tháng ngày ở chiến trường K


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 30 Tháng Bảy, 2011, 09:07:40 pm
       Trưa nay Bác Hai Ruộng về Long An có ghé thăm tớ, hai anh em lên google map để tìm lại các địa danh mà đã từng đi qua trên đất K và đã tìm được vị trí của phum Cà Dia cũng như vị trí của trận đánh "Nở hoa trong lòng địch" ngày 15/04/1979 tại huyện Stung. Tôi đã chụp lại và tối nay post lên có ghi chú để các Bác đã đọc "Những trận đánh trên chiến trường K" của Bác Hai Ruộng thấy được rõ hơn vị trí, địa hình của trận đánh ngày hôm đó. Có gì Bác Hai Ruộng diễn dãi thêm.

Vị trí tương quan giữa phum Cà Dia trận "Nở hoa trong lòng địch" ngày 15/04/1979 của D7, E747, F317 (nơi tôi đánh dấu 2 vòng tròn vàng)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/phumcadia2.jpg)

Vị trí trận đánh "Nở hoa trong lòng địch" ngày 15/04/1979 đã phóng to lên và có chú thích hướng tấn công của Pốt và vị trí phòng ngự của ta (theo chú thích của Bác Hai Ruộng)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/sodotrannohoatronglongdich.jpg)

         Trận này mình không tham dự phải ở lại giữ cứ do bị sốt, tổng cộng 5 người (4 của các C và 1 của D bộ) tất cả gom lại tại nhà của D bộ. Đêm hôm đó trời mưa lâm râm, mọi người không ai ngủ được mặc dù đã chia nhau ra gác, phần vì sợ Pốt lợi dụng của D đi chiến dịch hết lẻn vào tập kích giống như trường hợp D6, phần vì nghe ngóng tình hình ở hướng đơn vị đang hành quân.

        Rạng sáng ngày 15/04/1979, nghe tiếng nổ "bùng! bình" của B kèm theo đó tiếng 12 ly 8 và AK nổ liên hồi mọi người nó "đụng rồi" và nghe ngóng tiếp, không còn tiếng AK và 12 ly 8 nữa mà chỉ còn tiếng cối nổ.

      Khoảng 8 giờ sáng, thấy bóng bộ đội đi về nhưng không phải đơn vị tôi, chúng tôi ra hỏi tình hình thì được biết bị thương nhiều lắm và chỉ về hướng đằng sau. Nhìn về hướng đó tôi thắng một hàng dài võng cáng thương binh, tử sĩ đi vê. Tôi chạy đến thì thấy đi đầu là xác anh Mai chính trị viên D và thắng Hùng ở B tôi theo sau là các anh em bị thương.

       Có ai vỗ vai tôi và nói "kiếng của mày nè" (tối hôm trước do mỗi C chỉ cử 1 người ở lại cứ mà B tôi có tôi và Hùng cùng cận thị, Hùng cận nhẹ hơn tôi nhưng không đeo kiếng. Anh Sáng C trưởng nói "hoặc là Nam, hoặc là Hùng ở lại cứ" Hùng đã xin đi Anh Sáng hỏi "Đi đêm có được không?" Hùng trả lời "Có kiếng em đi được" và Anh Sáng đã nói tôi cho Hùng mượn kiếng để đi) và đưa tôi cặp mắt kiếng. Cầm cặp kiếng còn dính máu của Hùng (mặc dù anh em đã rửa) thế là Hùng đã thế mạng tôi, Hùng đã hy sinh vì một mãnh cối trúng xuyên qua nồi nhôm quân dụng mang trên lưng.

       Trong trận này C11 của tôi ngoài Hùng hy sinh còn có anh Trị chính trị viên phó và 1 tiểu đội của B tôi bị thương. Cả tiểu đoàn tính tất cả hy sinh và bị thương trên 20 người, sau đó xe con của trung đoàn vào quan sát trận địa, trong khi đi quan sát trận địa thì đồng chí Trung đoàn phó (Tư Đáp hay Bảy Ga lâu quá rồi tôi không nhớ rõ) lại bị thương do mìn của Pốt cài lại.

      Chiều hôm đó, đơn vị rút về phum Cà Dia mình về lại B của mình không khí trống vằng, buồn làm sao. Anh Sáng C trưởng kêu "B1 qua ở chung với C bộ đi chứ vắng quá, buồn quá"

      Trận "Nở hoa trong lòng địch" của D7, E747, F317 đến với mình góc cạnh người ở lại cứ như vậy đó. Trong 2 trận đánh lớn của D7 ở Stung thì chỉ có trận đánh thứ hai là ngày 26/05/1979 mình có tham dự trong đội hình C11, D7. Mình sẽ post sau theo lộ trình hành quân của tiểu đoàn học trò D7, E747, F317.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 31 Tháng Bảy, 2011, 02:58:19 am
 Theo hình vẽ bố trí các đội hình trận đánh thì chưa được đúng một số điểm ;
  Súng cối của ta tập trung lại nơi khoảng trống trên ngọn đồi gần con suối cạn , vì địa hình ở đây chỉ có điểm đó là bắn cối được thôi . Nên Bố Sườn ra lệnh tập trung tất cả cối 61 và cối 82 để bắn cấp tập vào đội hình địch đang tập trung ở bải cát trắng và trong lòng suối cạn . Với cơ số đạn rất lớn , mỗi khẩu cối 61 là 80 quả đạn , bắn hết chỉ còn 2 quả . Như vậy 3 khẩu cối 61 của 3 đại đội đã là 240 quả rồi , chưa kể cối 82 . Khi hành quân mỗi anh em bộ binh không giữ hỏa lực là phải có nhiệm vụ mang thêm mỗi người 2 quả cối 60 . Trận đó cối ta bắn hết đạn .
 Có lẻ lâu ngày nên Wanta quên mất ký hiệu cuau1ng cối rồi . Tất cã cối của ta đều tập trung bắn cấp tập về một địa điểm chứ không bắn rải ra ba phía như là Wan Ta bố trí , mục tiêu là bọn Pốt tập trung như đang chào cờ ở dưới suối và bên bải cát bên kia suối . Còn ba C bộ binh thì bố Sườn bô trí phòng thủ kín xung quanh ngọn đồi , cụ thể C nào ở bên nào thì mình không biết vì lúc đó mình ở B cơ động , phía trước bố trí B trinh sát , B cơ động , khẩu đội 12 ly 8 là đúng theo trận đánh .
 Khi trận đánh đã giảm phần ác liệt thì mình cỏng 02 thương binh vào cho Y Tá  D băng bó thì mình mới thấy chổ bố trí cối tập trung vì vậy mình còn nhớ .
 Còn đội hình của địch thì đóng như sau :
 Chổ nhìn thấy trắng trắng , nơi bố trí B ts B cơ động , 12 ly8 là bải cát cao khoảng 3 -4 mét so với bải cát trống bên kia suối , phía trên bải cát trồng cây thuốc lá đã thu  hoạch xong chỉ còn gốc
 Hướng tây của 12ly8 bên kia suối lúc đó là một ngọn đồi thấp hơn ngọn đồi bên nây nhưng lúc đó là rừng cây xanh um . Một đơn vị Pốt đóng ở đó rất đông có lẽ là một E đóng tập trung .
 Còn Hướng nam bên kia suối nơi bố trí B trinh sát cách suối một thửa ruộng trủng rộng khoảng 100 mét kéo dài cặp theo suối khoảng 600-700 mét giáp thửa ruộng là rừng cây giống như một phum hoang , ở đó có cây soài to . Nơi đó cũng là cụm đóng quân của Pốt , cũng rất đông có khẩu DKZ tại đó . Khi nó bắn vào đội hình mình thì khẩu DKZ bố trí cách chổ B trinh sát nằm khoảng 400-500 mét , C2n sung cối thì kể cã cối 60 và 80  địch có mười mấy khẩu , chúng đặt ở hai vị trí đóng quân của chúng đối diện bên kia suối .
 Còn nơi D7 trụ lại phòng thủ chinh là cứ của chỉ huy sư đoàn của Pốt , chỉ hầm chữ Z của bọn chúng không mà khi D7 mình tràn lên đó là đủ hết hầm cho anh em cã D nhảy vào .
 Còn phía đông nam ởgo1c bản đồ phía bên đông con suối cũng là nơi đóng quân của Pốt , có thể là của một E tập trung của chúng .
  Khi D7 hành quân lúc 12 giờ đêm từ phum KRAYA xuất phát đánh địch ở cự ly khoảng gần 3 km ,  D7 hành quân đi cặp theo bên ngoài phum về phía bắc khi khỏi Phum một đoạn hơn 1km thì đi bám theo suối , chui giữa dọc theo đám ruộng trũng , như vậy trọn đội hình D7 sắp hàng một nằm lọt giữa hai cụm quân của Pốt , cách lúm cây nơi đóng quân của chúng chưa tới 100 mét , lúc nầy trời sáng trăng , chúng tôi đi êm không phát ra tiếng động vì trước khi lên đường BỐ Sườn bằt nai nịt bao xe kỹ lưỡng , đeo bình ton nước đúng vị trí , cho chạy thử tại chổ kiểm tra trước khi xuất phát . Nhưng chỉ có cái bất lợi là anh em chúng tôi quần nhau rượt đuổi bọn nầy từ cuối tháng 3 đến nay đã một tháng rưởi , nên bên nào cũng uể oải , mệt mỏi tột cùng . Khi trinh sát vừa đến đoạn suối cong và qua khỏi hàng cây ven suối thì phát hiện địch rất đông từ phía trên đồi bên kia suối chuyển quân xuống rẩy thuốc lá và đi vòng chân đồi về phía đông , hai bên nhìn thấy nhau ở cự ly chưa tới 30 mét , trời sáng trăng . Nhưng không hiểu sau địch không nổ súng vào trinh sát , lúc nầy đi đầu trinh sát là anh Ngọc đen , thấy vậy cũng đứng lại cũng không nổ súng luôn , bên kia suối địch cũng sắp hàng một tiếp tục di chuyển , Trinh sát truyền báo cho Bố Sườn , Bố Sừon thường đi hành quân sau B trinh sát , Bố đi lên nhìn địch đang sắp hàng một đen kịt hành quân di chuyển , Bố biết là nó phát hiện nhưng tưởng ta là quân của nó , lúc đó D 7 cã D dừng lại một gàng một cũng dầy đặc người nầy sát người kia , đi sau Bố SƯỜN là C 9 bọn mình ,nhưng B mình thì đi sau cùng C 9 . Vì quá mệt mỏi nên vừa dừng quân là tất cã anh em phía sau nằm lăn ra ngủ đại trên đám ruộng , mình cũng tranh thủ ngủ , khi Bố Sườn truyền lệnh B Cơ động di chuyển lên cùng với Trinh Sát thì người nầy phải nắm chân người kia lay dậy , B cơ động chúng tôi lên thì thấy bên kia suối địch cũng vừa đi khỏi . Bố Sườn ra lệnh cho bọn tôi hành quân qua suối lên đồi nơi mà địch vừa hành quân đi , vì bên đó có lợi thế hơn bên nây , bên đó đồi cao nhất so với các đồi khu vực nầy . khi chúng tôi đi đến mép suối thì thấy ở mép suối có một đám khoảng 7-8 tên địch đang ra suối múc nước rửa mặt , thấy chúng tôi đến bọn nầy dạt ra hai bên cho chúng tôi qua suối , không ai nói câu nào . Có một tên lấy nòng AK chọc vào xường một líng trinh sát của ta , anh nầy lấy tay gạt nòng súng ra một cách nhẹ nhàng , cũng không nói tiếng nào . Sau đó đám nầy cùng nhau đi về cụm đóng quân của chúng .Chúng tôi băng qua suối cạn ngang gối , trèo lên bải cát độ cao thoai thỏa khoảng 3 -4 mét , khi lên trên bải cát , Bố Sườn bắt đầu nhanh chóng bố trí B trinh Sát , rồi đến B cơ động , rồi đến khẩu đội 12ly8 và căn dặn chúng tôi khi nào địch bám theo thì bắn . Bố tiếp tục lên đồi cùng các C còn lại và nhanh chóng bố trí các C , riêng cối thì tập trung lại và bố chỉ cho bắn vào bải cát bên kia suối mà D7 vừa đi qua ( đội hình D7 giống như con rắn đầu quay lại phía đuôi ) C cuối cùng qua suối là C hoả lực cối 82 , lúc nầy C hỏa lực C12 từ lính đến C trưởng lúc chưa qua suối còn chưa biết địch rất đông và rất gần ta , nên co một số anh em khi qua suối còn ngồi lại cởi giầy ra vì sợ ướt giầy , qua suối rồi mới mang giầy lại . Khi C 12 vừa qua hết suối , thì từ phum hoang cạnh đám ruộng trủng mà chúng tôi vừa hành quân qua , một đám địch đông như kiến , hút thuốc đỏ trời , vừa đi vừa nói chuyện vừa đùa giởn , không có hàng ngủ gì hết chúng ùa ra bải cát trống bên kia suối , rồi bắt đầu lội qua suối để nói đuôi với chúng tôi ở bên nầy suối , khi một đám đầu tiên qua bên nây suối rồi bắt đầu leo lên bờ cát cao 3 -4 mét , khi tên đi đầu còn cách chừng 2 mé là anh Mót khai quả trái B41 vào giữa đám Pốt bắn cắm xuống đất , nổ long trời , tất cả anh em nổ súng , bọn chúng ngã nhàu  lăn xuống suối , sau khi hoàn hồn bọn chúng bắt đầu bắn trả từ dưới suối bắn lên chúng tôi ở trên cao nên không anh nào bị thương hết . Lúc nầy lệnh của BỐ Sường cho B trinh sát và B cơ động rút chạy nhanh lên đồi tìm công sự mà núp , chúng tôi nhanh chân chạy lên đồi , v72 chạy khỏi khoảng 20 mét là cối của ta tới rơi đúng lòng suối và bải cát bên kia bờ , bọn địch còn chưa kịp chạy vào lúm cây . Cối rơi thành chùm liên hồi ánh lửa chớp liên tục như là một hàng lửa . Sau đó là cối của địch cũng cấp tập nhiều gấp mấy lần cối của ta rơi vào chổ chúng tôi đã nổ súng trước đó , may là chúng tôi đã chạy khỏi vào tìm công sự có sẳn của địch ở trên đồi rồi . DKZ ch1ng bắt đầu thổi lên đồi . Chúng bắt đầu phản cối , chúng dời mục tiêu không bắn vào bờ suối nữa , mà chúng bắn vào nơi đặt cối tập trung của ta . Ch1ng biết trên ngọn đồi đó chỉ có một chổ trống mà ta có thể bắn cối được vì là cứ củ của chúng , trong loạt nầy anh em bộ phận cối gần 20 em bị thương đều ở đây cã , theo tỷ lệ ta bắn một trái địch bắn 4-5 trái . Sau đợt bị phản cối anh em ta rút kinh nghiệm , khi địch tạm ngưng bắn ta lại dựng cối lên bắn cấp tập một loạt 4-5 trái mỗi khẩu , sau đó bỏ khẩu cối chạy xa ra nơi suối cạn nằm nấp ở đó , cho địch phản cối đã đời , nhiều khẩu cối bị ngã vì địch bắn quá chính xác vào nơi đặt cối . Xong đợt ta lại mò ra dựng cối trở lại bắn tiếp .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 31 Tháng Bảy, 2011, 12:05:03 pm
Ok! Để mình điều chỉnh lại hình vẽ lại cho chính xác hơn theo mô tả của Bác Hai Ruộng rồi post lại hai tấm hình này.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 04 Tháng Tám, 2011, 01:21:50 am
VI. NHỮNG NGÀY CHỜ ĐỢI: LEO RÀO VÀ NHẬN VŨ KHÍ

   Vừa rồi Bác Hai Ruộng có công việc của diễn đàn về Long An, hai anh em lên Google map tìm xác định vị trí của phum Cà Dia (Krâya) và hai trận đánh “Nở hoa trong lòng địch” ngày 15/04/1979 và 24/05/1979 của D7, E747 ở huyện Stung. Tối về tôi có xử lý hình và post lên. Tối tôi đọc topic “Một số trận đánh trên chiến trường K” của Bác Hai Ruộng. Đọc xong tôi thấy các Bác bình luận trên đó còn lấn cấn chưa thống nhất về địa danh Cà Dia (Krâya), con sông xảy ra trận đánh thuộc huyện nào ở tỉnh Kampong Thom, các bản đồ post lên đều đá nhau. Tôi quyết định tạm gác topic này để làm một nhiệm vụ lịch sử là xác định chính xác vị trí địa danh Cà Dia (Krâya) và trận đánh “Nở hoa trong lòng địch” trong mối tương quan giữa 3 tỉnh Xiêm Riệp, Preah Vihear và Kampong Thom trên cơ sở bản đồ địa hình và Google map. Sau khi chụp, cắt, cúp, ghép bản đồ, vẽ ghi chú đến nay đã xong và đã post lên với mục đích là lịch sử dù là lịch sử một con người, một trận đánh, một đơn vị phải chính xác chứ không thể mập mờ. Các Bác có thể đọc trên topic “Một số trận đánh trên chiến trường K (phần 3)”.
   
        Còn bây giờ xin tiếp tục chặng đường hành quân của tiểu đoàn học trò.

   Như phần trước tôi đã nói sau khi bắn đạn thật trở về, từng đợt từng đợt anh em vừa huấn luyện xong được giao quân tốp về đoàn “6 tạ”, tốp về Đoàn 10, tốp đi học trinh sát, thông tin, cối. Doanh trại ngày càng vắng dần, không còn giai đoạn huấn luyện nữa nên chẳng có việc gì làm, cứ đi ra, đi vào chờ giờ cơm. Như các Bác đã biết chúng tôi là lính học trò ở trường thì chỉ biết suốt ngày “dùi mài kinh sử” còn không thì đi chơi vi vu với bạn bè, bạn gái, còn bây giờ “thân dài, vai rộng” tuổi trẻ lại hiếu động, cứ đi ra, đi vào đâm ra buồn chán đã vậy D1 thành phố (sau này là D5, E747) từ Biên giới Tây Nam về đóng quân ngay bên cạnh đơn vị, ngày ngày cứ thấy mấy tay bộ đội bên đó tự do đi ra ngoài chơi mà phát thèm. Và thế là “nhà cư vi bất thiện”, bắt đầu thực hành bài “Vượt rào!”.

   Doanh trại lúc này càng vắng vì anh em hầu hết “Vượt rào” ra ngoài, bữa cơm luôn luôn vắng người, có khi một người ăn 2 suất cơm. Tôi cũng không ngoại lệ, lúc đầu anh em còn sợ nên cứ “Vượt chướng ngại vật” ở những điểm có “đại tá rào” nhưng điểm ở hàng rào phía lề đường không áp dụng nữa, mà tập trung ở các hướng khác.

   Nói đến vị trí “đại tá rào” hàng rào hôm rồi Bác Hai Ruộng có ghé chơi, hai anh em ngồi uống cà phê thời huấn luyện nhắc đến một câu nói của Chính trị viên Quảng mà đến tận bây giờ đã trở thành một giai thoại vui mỗi khi các anh em cũ gặp nhau nhắc lại. Số là trong giai đoạn huấn luyện có một anh tên Phan Thanh Minh cũng thuộc loại vua “Vượt rào”. Trong một lần “Vượt rào” bị vệ binh bắt được CTV Quảng tập họp đại đội lại và bắt anh Phan Thanh Minh thực hành động tác “Vượt chướng ngại vật" cho mọi người xem. Sau đó CTV Quảng tuyên bố “Phê bình đồng chí Phan Thanh Minh trước đại đội vì lý do tự ý ra ngoài không báo cáo tổ chức”, cả đại đội cười rần lên vì lý do “đã bỏ trốn ra ngoài làm sao báo cáo tổ chức được”.

   Quay lại vấn đề “Vượt rào”, khi vệ binh đi học trinh sát tiểu đoàn phân công mỗi C hàng ngày thay phiên nhau cử người ra trực cổng và thế là anh em cứ tự do, thoải mái ăn mặc “chỉnh tề” ra cổng “báo cáo tôi ra ngoài” và dở barie đi ra, anh nào căng nguyên tắc không cho ra là lập tức nghe câu hăm “không cho tao ra, mai đến phiên tao trực thì đừng xin nhé” thế là barie được dở lên ngay vì thằng nào mà chẳng muốn ra ngoài, có anh làm biếng cột barie lên luôn khỏi phải mỏi tay “dỡ lên, dỡ xuống”.  Những ngày này nơi chúng tôi ra ngoài hay ghé chơi nhất là “Sở thú – Thảo cầm viên”  vì nó gần và ưu tiên bộ đội vào “miễn phí he!he!”, vào sở thú cứ thấy màu áo xanh bộ đội thì không là lính 2 Bis thì là lính D1 thành phố (D5 sau này) và điều đặc biệt là chớ dại “lảng vảng” đến gần chuồng voi nếu không sẽ bị nó “tắm rửa” cho. Nguyên nhân thì bây giờ Bác Hai Ruộng mới tự thú lý do. Không biết các Bác ở D5 ngày xưa có Bác nào bị chưa?

   Các anh em đi học trinh sát, thông tin, cối 82 trở về, đơn vị lại tiếp nhận một số tân binh vừa huấn luyện ở E Gia Định bổ sung về và chính thức trở thành D4 độc lập thuộc BTL Thành với biên chế tổ chức 4 C trong đó 3 C BB là C5, C6, C7 và 1 C hỏa lực là C8, cùng với các B trực thuộc là Trinh sát và Thông tin. Việc trực cổng bây giờ giao lại cho B trinh sát và có khó khăn hơn, nhưng anh em chúng tôi cũng “ma le” lắm cứ đàng hoàng ra cửa chính anh nào cho ra thì thôi, anh nào không cho ra chúng tôi đi ngã “Đại tá Rào” chơi cho đã rồi “canh me” đổi ca trực chúng tôi đàng hoàng trở vào nói “Anh ca trước cho ra” thế là huề cả làng.

   Tháng 12/1978 là tháng có nhiều sự kiện căng thẳng nhất, ở biên giới Tây Nam Pôn Pốt xua quân đánh tổng lực dọc theo biên giới các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé, Long An với mục tiêu là “đánh tới cây thốt nốt số 0”. Các bác có biết “Cây thốt nốt số 0” nằm ở đâu không? Lúc đầu tôi cũng không biết “Cây thốt nốt số 0” ở đâu, sau này học chính trị mới biết “Cây thốt nốt số 0” là ở “Lăng ông Bà Chiểu” các Bác ạ! Thì ra chúng nó hạ quyết tâm đánh tới TP HCM.

   Ở thành phố thì sự kiện Hoa kiều càng tăng cao, Trung Quốc đưa tàu đến ngoài khơi Vũng Tàu đòi vào cảng TP. HCM để rước Hoa kiều về nước, Chính phủ ta không đồng ý và tàu của họ cứ rập rình ngoài khơi. Tiếp đến sự kiện hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết sau khi diễn vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” lúc này có tin đồn là do tình báo Trung Quốc giết vì diễn vở này chống Trung Quốc (sau nhiều năm điều tra vụ án Công an mới xác định là không phải).

   Thành phố phát động một phong trào rầm rộ Thanh niên nhập ngũ trên toàn thành phố với đối tượng là thanh niên các phường, xã mang tên đợt “Hồng Quân”. Đợt nhập ngũ này có quy mô lớn nhất của thành phố với lễ ra quân tại Công viên Tao Đàn do đích thân Chú Sáu Dân (Chú Võ Văn Kiệt) nguyên Bí thư thành ủy lúc bấy giờ đến dự và đọc bài phát biểu. Trong đợt này Trường Nguyễn Trãi của tôi ở Quận 4 cũng có một số đoàn viên lên đường nhập ngũ. Tôi có trở về dự lễ giao quân để tiển các bạn lên đường, lúc này mình đã trở thành một “Chú bộ đội” trong bộ quân phục xanh nghiêm chỉnh, các em vây quanh tôi nam có, nữ có (vâng tôi gọi là các em vì so về độ tuổi, khóa học trong trường và nhập ngũ thì tôi thuộc thế hệ đàn anh).

         Một hình ảnh trái ngược nhau diễn ra trước mắt tôi, đó là những em nào nhận được quyết định nhập ngũ thì vui vẽ hớn hở hỏi tôi về cuộc sống ở quân trường (đâu dám kể sướng toàn kể khổ không à), những em nào nhận quyết định giai nhập TNXP thì khóc lóc năn nỉ “anh nói giùm em đi, em đi bộ đội không đi TNXP đâu”. Tôi nghỉ thầm trong bụng “học trò thế đấy sắp trở thành bộ đội, TNXP rồi mà cứ như ở nhà với anh chị, cha mẹ vậy” và tôi chỉ biết động viên “Bộ đội hay TNXP gì thì cũng ra biên giới hết mà đừng lo” và rồi lại những nụ cười, những vẫy tay chào tạm biệt và lời hẹn “gặp nhau ở Phnôm Pênh”. Hình như Phnôm Pênh ngày ấy là nơi hội tụ, điểm hẹn của tuổi trẻ thành phố khi đi bộ đội giống như TP. HCM là điểm hẹn của các cánh quân trong ngày 30/04/1975 vậy. Sau này tôi được biết trong số các bạn trẻ học trường Nguyễn Trãi Quận 4 đã có bạn đã nằm xuống ngay tại cửa ngỏ vào Phnôm Pênh vào ngày 07/01/1979.

           Hình như với tình hình căng thẳng của thành phố nên cuối cùng D4 chúng tôi đã được trang bị vũ khí. Việc trang bị vũ khí không biết các đơn vị khác như thế nào chứ đơn vị chúng tôi dở khóc, dở cười. Như các Bác biết chương trình huấn luyện tân binh về vũ khí chúng ta chỉ được học về K63, AK, RPD thêm hỏa lực B40, B41 là hết. Vậy mà không biết các Bác ở BTL thành nghĩ như thế nào trang bị một cây DKZ82, một cây M60 và một cối 60 và được giao về cho B của tôi. Không nhận thì không được, nhận thì có biết sử dụng đâu, thế là cây DKZ82 được ráp lại để ở giữa sam để “triển lãm” và anh nào thích “dọc”  thì cứ đến đó mà quay nòng, chỉnh bọt nước kính ngắm cho vui. Sau này khi có tốp tân binh được huấn luyện về cối 60 ở Quang Trung về thì giao khẩu cối cho tốp này quản lý, còn DKZ82 thì hình như trả lại BTL thành.

         Không biết bên Bác Hai Ruộng được trang bị như thế nào nhỉ?

Kỳ sau: Diễn tập báo động và noel năm 1978


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 04 Tháng Tám, 2011, 08:16:44 pm
 Lúc đó mình nhận khẩu B41 với 4 quả đạn , loại B41cu3 xì của Nga , của TRung Quốc thì nhẹ hơn có hai chân chống và có cã kính ngắm quang học . Nhưng mà khẩu B41 của mình xác địch giữ lắm , sau nầy khi qua K thì khẩu B41 của mình giao cho anh Mót vàd9a4 bắn trái B41 đầu tiên vào giữa đội hình địch đông như kiến , lúc đó đổi lại cho mình khẩu B40 vì thấy anh Mót to con hơn , khỏe hơn và có kinh nghiệm chiến đấu hơn vì anh Mót từng là du kích Củ Chi từng bắn cháy xe tăng Mỹ  trong trận đánh . Anh Mót từng là Công An biên phòng , hình như là trung úy đồn phó , đồn Sa Mát , đã bám trụ lại đồn khi bị Pốt tấn công , nhưng sau đó vì hoàn cảnh vợ con nên phải bỏ ngủ trở về , khi việc nhà ổn định anh lên trình diện thì bị đưa qua TK , D7 mới nhận quân ở TK , lúc nầy anh Mót bị hạ sạch còn lính trơn .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: dathao trong 04 Tháng Tám, 2011, 08:24:16 pm
Ok! Để mình điều chỉnh lại hình vẽ lại cho chính xác hơn theo mô tả của Bác Hai Ruộng rồi post lại hai tấm hình này.
VI. NHỮNG NGÀY CHỜ ĐỢI: LEO RÀO VÀ NHẬN VŨ KHÍ

   
Tháng 12/1979 là tháng có nhiều sự kiện căng thẳng nhất, ở biên giới Tây Nam Pôn Pốt xua quân đánh tổng lực dọc theo biên giới các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé, Long An với mục tiêu là “đánh tới cây thốt nốt số 0”

Có lẻ bác Wanta ghi lầm chổ nầy!Thay vì là tháng 12/78 thì bác lại viết lầm là tháng 12/79.
Đọc bài viết trận đánh nở hoa trong lòng địch của Hai Ruộng thấy hay quá!kịch tính khá nhiều,lúc đó chỉ huy xử lý tình huống chậm hoặc ae lính sơ sót một chút thôi là trả giá rất lớn.Quân ta ít còn địch thì quá đông ( cấp sư chứ chẳng phải chơi).
Thật sự ông tiểu đoàn trưởng nầy có rất nhiều kinh nghiệm trong cách đánh nở hoa trong lòng địch nên chỉ có một D mà dám đánh đv Pot cấp sư.



Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 04 Tháng Tám, 2011, 08:52:40 pm
         Cám ơn Bác dathao đã góp ý. Tối qua vừa gỏ bài vừa dò tìm bản đồ để chụp lại làm tư liệu nên đúng là gỏ sai năm 1978 chứ không phải năm 1979. Khi post bài có gì sai sót mong các Bác góp ý để chỉnh sửa cho nó phù hợp với tình hình và thời điểm lịch sử vì có thể đã 30 năm có thể nhớ không rõ về mốc thời gian và cũng có thể do lỗi đánh máy không nhìn rõ (các Bác thông cảm mắt giờ 10 độ rồi chứ không còn 7 độ như xưa nữa). Để tớ kiểm tra và chỉnh sửa lại cho đúng. O cun Bác dathao chờ rờn.

         Bác Hai Ruộng à! đang "Một số trận đánh trên chiến trường K" của Bác đến phần về Ba Rài rồi Bác có nói đến anh "Thanh lùn" mình mới nhớ không biết giờ Bác có tin tức gì của anh ấy không.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 04 Tháng Tám, 2011, 09:48:26 pm
 Anh Thanh Lùn ở Bà Điểm , mình tìm mãi mà chưa gặp .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 05 Tháng Tám, 2011, 10:16:37 am
Anh Thanh Lùn ở Bà Điểm , mình tìm mãi mà chưa gặp .
Hồi huấn luyện ở tiểu đoàn 4 Quyết Thắng ở 2 BIS, B trưởng của yta262 là anh Thanh lùn người nhỏ con đen ưa đội nón kết mềm (mũ mềm), nghe giọng nói có lẽ người ở vùng gần Bình Dương (thường nói chữ "th" ra chữ "kh", "cướp" thì nói là "cớp"), không biết có phải anh Thanh lùn này không? Anh Thanh tương đối dễ thương vì không đì tân binh nhiều (đì ít ít thôi  ;D).


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 05 Tháng Tám, 2011, 11:59:07 am
 Y TÁ ơi ! Anh Thanh nầy là anh Thanh A trưởng khi huấn luyện ở 2 Bís . Anh em mình gọi đùa là anh THANH ( cà chua ) . Anh Thanh nầy ăn nói nhỏ nhẹ có tình cảm , chữ th nói ra chữ kh ( hình như dân LONG THÀNH ), nhưng khi D7 đi chiến đấu thì anh Thanh nầy không qua , mà được chuyển đi học sỹ quan gì đó mình cũng không rỏ . Còn Anh Thanh Lùn B trưởng là cán bộ B từ Gia Định chuyển qua , anh nầy tay chân rất nhanh nhẹn , nhưng ăn nói thì mang phần lỗ mảnh nhiều hơn , nhưng rất lo cho lính . Trận đánh của D7 đánh vào cứ quân khu Miền Đông của Pốt ngày 26/5/79 . Khi khẩu đội 12ly8 bị địch khống chế , thì anh Thanh nầy là người âm thầm trường lên nhẹ nhàng đến gần công sự của địch mà đánh lựu đạn , làm chúng câm họng khẩu RPD cách khầu 12ly8 chư tới 10 mét . Có lần hành quân đánh vào núi Chi , khi chui qua rừng rậm có nhiều dây leo , anh em ai cũng toát mồ hôi vì phải lom khom chui rừng , chỉ có anh Thanh phát huy hết kích thươc chiều cao khiêm tốn của mình , anh ta chỉ cần cuối đầu một tý thôi là chui qua được vừa chui miệng vừa la " ẻnh " . Nhưng đến khi đội hình qua suối , nước chỉ ngập đến ngang nách mọi người ,nên khi qua suối không ai chuần bị bơi mà mang luôn cã súng đạn , đến khi anh Thanh qua suối thì bị ngập mất đầu chỉ còn cái chóp nón cối thụp lên thụp xuống . Bố Sườn thấy vậy kêu anh em mình " Kéo nó lên tụi bây để nó chết chìm bây giờ " anh em đùa bảo , để cho ổng uống nước thêm chút nữa đi Bố , nảy giờ mình chui mệt , còn ổng thì khỏe re , bây giờ bù lại . ha ! ha!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 06 Tháng Tám, 2011, 09:08:33 pm
 Wan ta có còn nhớ lúc ở 2 BIS có khu nhà ở của cán bộ : hình như là văn công quân đội hay sao đó , mà anh em mình , sáng nào cũng nghe luyện giọng từ 4 - năm giờ sáng , có khi thấy họ tập múa nữa . Wan ta Có còn nhớ mấy anh em trường Sân Khấu Nghệ Thuật TP không ? cũng vào bộ đội đợt anh em mình , nhưng sau đó hình như không thấy họ qua K , có lẽ họ chuyển qua đơn vị khác sao ấy ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 06 Tháng Tám, 2011, 09:50:11 pm
        Số anh em trường Nghệ thuật sân khấu 2 mình nhớ có 3 người: Tâm học khoa Cải lương tướng to cao 1,8m, hồi còn huấn luyện cứ tối tối hay tập trung anh em lại xem Tâm diễn "Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà" một mình diễn 2, 3 vai có khi múa "vũ đạo" cho anh em xem nữa; một người học khoa lý luận nghệ thuật chơi đàn bầu rất hay hình như tên Dũng và một tay học khoa kịch nói mình không nhớ tên.

       Tâm thì sau khi huấn luyện xong một thời gian thì bỏ về, tay học kịch nói thì không biết đi đơn vị khác hay bỏ về, Dũng thì khi qua K ở C10 hay C12 gì đó đến khi về Ba Rài thì cũng bỏ về luôn.

      Mình vừa ghép xong bản đồ địa hình bao gồm toàn bộ địa bàn của E747 từ Stung đến Krâya đấn đường 12 và về lộ 6. Để mình post lên bên "Trung đoàn 88 oai hùng" cho tribeco xem và nhờ tribeco cho đường link bản đồ địa hình có đánh dấu khu dân cư để mình ghép bản đồ đó xem cho chính xác hơn. Nếu Hai Ruộng cần mình cho mình email mình sẽ mail cho để in ra xem cho nó dễ.

     Chuẩn bị nghiên cứu ghép khu vực Ba Rài


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 06 Tháng Tám, 2011, 10:16:42 pm
 Wan ta cứ pot bản đồ lên đi rồi mình xem sao ? Tâm khoa cải lương có phải là Chí Tâm vẫn thường thấy trên TIVI không . Mình nhìn cái mũi của Chí Tâm rất giống anh thường lên phục vụ anh em mình ở 2 BIS .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 06 Tháng Tám, 2011, 10:35:37 pm
        Hồi trước có nghe một số anh em nói sau này Tâm có đi hát cải lương nhưng không kêu là gì Tâm. Ngày đó ở 2 Bis chỉ có một mình Tâm này thôi. Hồi đó 2 Bis có nhiều nhân tài về nghệ thuật thật, Hai Ruộng có nhớ lúc thi làm báo tường không, các anh chàng bên Cao Đẳng Mỹ Thuật Thành phố tha hồ trổ tài các tờ báo tường như là những bức tranh tuyên truyền cổ động nhìn mê luôn, bây giờ mà tìm lại được đem ra trưng bày thì "khỏi chê". Hồi đó còn có anh chàng học nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh nữa mình không nhớ tên, cái anh chàng mà khi hội diễn văn nghệ lên kéo đàn Violon đó. Nhớ không?

        Bản đồ mình đã post lên rồi đó


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Kon tiahien trong 07 Tháng Tám, 2011, 09:45:33 am
Đọc những dòng tự sự của Wanta làm Tiahien nhớ lại những kỷ niệm tưởng chừng đã cho vào quên lãng. Tiahien cũng từng là đội viên TNXP và cũng từng chia sẻ với các bác thời gian thực tại E747 đây.
Một số thông tin thêm (theo Tiahien) những người được nhắc tới trong topic này:

-Chị Đào. Hiện là phó CT Hội cựu TNXP TP.HCM?
-CT viên của D7 huấn luyện tại 2bis XVNT, sau là thiếu tá Nguyễn Ngọc Lan, chính ủy E747, người ký tên trong quyết định xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành cho các cs E747 năm 1982?
-Tiền thân của E747 là E4 Quyết Thắng của Thành phố, trên cơ sở tập họp các tiểu đoàn tân binh từ đa số học sinh -sinh viên thành phố và một tiểu đoàn TNXP, dưới khung cán bộ của E Gia Định. Tiểu đoàn TNXP này được huấn luyện tại Quang Trung, nồng cốt từ 3 liên đội Dũng Chí(Tân Bình), Dũng Tiến(Phú Nhuận) và Thống Nhất(Gò Vấp). Vậy đơn vị TNXP của các liên đội khác chuyển qua quân đội lúc ấy được huấn luyện tại 2 bis vào cuối năm 78 bây giờ Tiahien mới hay.
-E trưởng đầu tiên của E4 Quyết Thắng là chú Ba Son, chính ủy là chú Ba Thắng. Tháng 3- ngày 17,1979 tái cơ cấu lại tại Kampuchia nên có phiên hiệu E747,F 317 từ đó.
-Chú Ba Thắng sau đó chuyển qua F5, Khi chú Lan lên Chính Ủy thì chú Tư Đáp cũng lên E trưởng thay chú Ba Son.
-Trận Lò Gò – Xóm giữa mà yta262 có đề cập tới là trận của 302 có sự góp mặt của Liên đội Dũng Chí- Tổng đội 3 TNXP biên giới. Ban đầu liên đội trưởng Dũng Chí là Trần Hữu Anh, đến năm 1979 liên đội  qua Kampuchia dưới quyền chỉ huy của anh Phan Được.

Một số thông tin theo Tiahien còn nhớ được. Có một thông tin trái chiều tại E bộ lúc bấy giờ là chú Ba Sườn “sát” quân? Có lẻ D7 thường bị thiệt hại nhiều nhất trong 3 cánh của Trung Đoàn? Wanta có ý kiến gì về vấn đế này?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 07 Tháng Tám, 2011, 04:53:19 pm
...
-Trận Lò Gò – Xóm giữa mà yta262 có đề cập tới là trận của 302 có sự góp mặt của Liên đội Dũng Chí- Tổng đội 3 TNXP biên giới. Ban đầu liên đội trưởng Dũng Chí là Trần Hữu Anh, đến năm 1979 liên đội  qua Kampuchia dưới quyền chỉ huy của anh Phan Được.
...
Cám ơn bác Kon Tiahien về thông tin của liên đội 3 TNXP - Dũng Chí. Bác Kon Tiahien có biết cô Hạnh giáo viên âm nhạc, cô tham gia TNXP ngay ngày đầu GP, nghe nói hiện cô là bí thư hay phó bí thư quận ủy Q2 (quận Thủ Thiêm là Q2 phải không)?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 07 Tháng Tám, 2011, 10:58:21 pm
Hôm nay Chủ nhật mà không thấy chủ tịch "Hội thức đêm" xuất hiện vậy ta? Đàn anh Wanta ơi,khoảng năm 82,83 anh có ghé về thăm trường Nguyễn Trãi và lên hội trường kể chuyện chiến trường cho học sinh nghe không? Mấy anh chị em nhà em đều học ở Nguyễn Trãi,chị kế em học Nguyễn Khoái,sau giải phóng cũng được chuyển qua Nguyễn Trãi (thầy Phùng chủ nhiệm) không biết có học chung với anh không? Anh em ở Tổng đội 3 biên giới bị thương cụt chân sau về Tổng đội 9 ở Trị An,anh có ở Đắc Nông,Đắc Min vậy chắc anh cũng biết Nghĩa đen,Nghĩa trắng phải không?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 08 Tháng Tám, 2011, 12:38:53 am
@Kon tiahien: Chào Kon tiahien chiến hữu E747 gớm nghe Hai Ruộng giới thiệu hôm nay mới được Bác ghé vào topic này. Hãy tham gia vào topic này để anh em mình cùng nhớ về những năm tháng đã qua. Có Bác tham gia càng thêm hay vì có những thông tin Wanta và Hai Ruộng chỉ nhìn ở góc độ của cấp C và D, có thêm Bác ở góc độ lính ở E thì thông tin càng phong phú hơn.

       Ngày xưa Bác cũng là TNXP à thế ở Liên đội nào? Đóng ở đâu? Thế là mình có thêm một đồng đội TNXP nữa đấy.

       Về chị Đoàn Thị Anh Đào theo thông tin mình biết thì cách đây 1 năm hiện chị làm công tác Đảng vụ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP. Hiện nay thì mình không rõ. Còn Phó chủ tịch Hội cựu TNXP TP.HCM hiện nay là chị Thái Thị Hạnh.

       Kon tiahien nói Angko Krao vào đây thêm cho có tụ, nghe nói Kon tiahien trước ở hỏa lực E có biết Kính ở C 12ly8 tứng nhỏ con, lùn người đi hành quân hay vác nòng. Kính là bạn học chung với mình ở Trường Nguyễn Trãi, không biết Kính lúc này ra sao rồi?

@yta262: “Bác Kon Tiahien có biết cô Hạnh giáo viên âm nhạc, cô tham gia TNXP ngay ngày đầu GP, nghe nói hiện cô là bí thư hay phó bí thư quận ủy Q2 (quận Thủ Thiêm là Q2 phải không)?”

         Chị Thái Thị Hạnh thì mình rành quá vì trước năm 75 khi vừa tốt nhiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khoa đàn tranh thì chị Thái Thị Hạnh về trường Nguyễn Trãi ở Quận 4 dạy nhạc cho mình (lúc đó mình đang học lớp 9). Sau này khi xuất ngũ mình về TNXP công tác thì chị Hạnh là Bí thư Đoàn LLTNXP lúc đó mình mới biết chị là cô giáo dạy nhạc mình ngày xưa.
        Sau này Chị Hạnh chuyển công tác về là Phó chủ tịch Quận 2 khi quận mới thành lập sau hình như là Phó Bí thư Quận ủy Quận 2. Hiện tại Chị Hạnh đã nghỉ hưu và là Phó chủ tịch Hội cựu TNXP TP. HCM

@86humxamthay: “Hôm nay Chủ nhật mà không thấy chủ tịch "Hội thức đêm" xuất hiện vậy ta?”
        He!he! Có mặt trên từng cây số chứ nhưng hơi trễ. Vì hôm nay mình về nhà phát lương cho “Gấu mẹ vĩ đại”, về Văn phòng tại Long An thì có sự cố, phải kếu người đến phá cửa mới vào được. Rồi phải ngồi viết báo cáo sự việc để mai gửi về Công ty. Nhưng cũng tranh thủ vào diễn đàn xem có gì không?

        86humxamthay khoảng năm 82, 83 trở đi năm nào mình cũng về thăm trường và dự hội trường hết những năm đó trường tổ chức cắm trại lúc nào cũng dành riêng 1 trại cho cựu học sinh về dự, lúc đó đã lớn rồi, đi làm rồi nhưng về dự cũng “quậy” lắm. Mình không có báo cáo chiến trường cho học sinh ở trường nghe, có lẽ một bạn nào cựu học sinh của Trường nhập ngũ đợt Hồng quân về báo cáo.
       
       Số học sinh Trường Nguyễn Khoái chuyển qua sau năm 75 có thể mình biết nếu chị 86humxamthay có sinh hoạt Đoàn ở Trường. Chị 86humxamthay năm đó học lớp mấy? năm 1976 mình học lớp 12D7 lớp Thầy Đoàn dạy Pháp văn làm chủ nhiệm còn Thầy Phùng dạy Văn. 86humxamthay hỏi chị có nhớ các anh Đỗ Việt Dân, Trần Văn Thành, Long, Đạt, Đức, Tri, chị Minh Truyền, chị Nga ở Nguyễn Khoái qua, còn ở Nguyễn Trãi có các anh Nguyễn Đức Cường, Nhật, Bắc, Thông, Chức và mình là Nguyễn Tiến Nam được kết nạp Đoàn năm 1975 chung với chị Minh Truyền. Anh của 86humxamthay ở Tổng đội 3 biên giới ở liên đội nào có phải liên đội 303 không?

       Anh Nguyễn Văn Nghĩa tự “Nghĩa đen” trước là Tổng đội trưởng tổng đội 1 ở Kiến Đức sau làm Giám đốcTrường GDĐT và GQVL số 1 ở Kiến Đức có thời gian làm Chỉ huy phó Lực lượng giờ hình như ra ngoài rồi. Còn anh Nguyễn Văn Nghĩa tự “Nghĩa Trắng” là Tổng đội trưởng tổng đội 4 Đắkmil hiện giờ là Bí thư Đảng ủy LLTNXP TP.HCM các anh này mình rất quen vì đều là TNXP năm 76 cả.

      Thôi mình viết báo cáo tiếp, viết xong sẽ “thức đêm” tiếp với các Bác. Tối nào mà không vào diễn đàn buồn lắm vì vào đây mình biết được nhiều chiến hữu và người quen nữa.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 08 Tháng Tám, 2011, 05:11:08 pm
Thằng bộ đội đáng yêu của tôi (ký họa bút sáp của họa sĩ Phan Tấn Đức)
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/hinh3.jpg)


        Chào các Bác. Hôm nay em xin tiếp tục chặng đường hành quân của tiểu đoàn học trò

VII. DIỄN TẬP BÁO ĐỘNG VÀ NOEL 1978

   Sau khi đơn vị được trang bị vũ khí, phần vì tình hình an ninh chính trị của Thành phố rất căng thẳng nhiệm vụ của D4 lúc này là bảo vệ các mục tiêu trọng điểm nằm gần 2Bis là: Đài phát thanh thành phố nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đài truyền hình thành phố nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng và Xô Viết Nghệ Tỉnh, ngoài ra còn có các Cơ quan trung ương nằm trên đường Lê Duẫn. Phần chắc để lính cứ “nhàn cư vi bất thiện” mãi không nên. Nên BCH đại đội của tớ nảy ra ý nghĩ tổ chức diễn tập báo động chiến đấu.

   Lần đầu tiên tổ chức diễn tập báo động là thực hành phương án bảo vệ Đài truyền hình thành phố. Ban chỉ huy đại đội họp triển khai phương án tác chiến cho từng B, B trưởng về triển khai cho toàn trung đội vị trí của từng A, từng tổ khi triển khai đội hình. Tối hôm đó, đến giờ ngủ anh nào cũng hồi hộp, lo âu chuẩn bị kỹ càng lên giường ngũ chân mang giày sẵn, súng và nón đem để kế bên trong mùng thậm chí có anh đeo bao xe đạn đi ngũ nữa.

          22 giờ mọi người đang thiu thiu ngũ chợt “hoét! Hoét! Hoét!” còi báo động của đại đội vang lên. Mọi người bừng dậy tung mềm, mùng chụp súng và nón chạy ra sân tập họp đội hình, có anh còn vừa chạy vừa mặc áo hoặc vừa lò cò mang giày, còn tôi thì “quýnh quáng” làm sao tập họp vào đội hình rồi phát hiện mình đeo súng ngược (Súng đeo trước mặt báng súng hướng lên trên, nòng súng hướng xuống dưới) mình vội tháo súng ra đeo lại, lại “quýnh quáng” làm rớt súng xuống đất đánh “cạch”. Đại đội phó hỏi “ai đó? Cái gì vậy?”, “Dạ em! Làm rớt súng”.

   Rồi mệnh lệnh ban ra, tất cả mọi người ào ào chạy ra đường Xô Viết Nghệ Tỉnh hướng về Đài truyền hình thành phố. Hồi huấn luyện chỉ có chạy dài thôi chứ đâu có chạy vũ trang, nên chúng tôi đâu có biết cách vác súng chạy như thế nào, vác súng trên vai chạy nó dằn lên dằn xuống ê cả vai. Khốn khổ cho mấy anh mang hỏa lực B41 và M60, nó vừa nặng vừa không gọn bằng AK nên chạy dần dần tụt lại sau.

   Cuối cùng chúng tôi cũng đến được vị trí, trung đội tôi ngoặt về đường Đinh Tiên Hoàng tấp vào các gốc me hai bên đường phía sân Hoa Lư và đơn vị Cảnh sát bảo vệ, trung đội còn lại tấp vào hai bên lề đường Xô Viết Nghệ Tỉnh phía sân Hoa Lư và Đài truyền hình thành phố, hỏa lực tập trung ở cả 2 góc đầu đường. Đêm thành phố vào những năm đó rất vắng, lác đác chỉ có vài người dân có việc đi đâu về khuya chạy xe đạp, xe gắn máy tự nhiên thấy lính tráng súng ống đầy người “núp núp, nấp nấp” hoảng sợ quay đầu xe chạy ngược trở lại.

   Khốn khổ nhất là mấy tay Công an bảo vệ Đài truyền hình thành phố và đơn vị cảnh sát bảo vệ trên đường Đinh Tiên Hoàng, tự nhiên thấy bộ đội ở đâu “súng ống đầy mình” rầm rập chạy tới “bày binh, bố trận” “đằng đằng khí thế”. Thế là tay Công an gác cổng của đơn vị cảnh sát bảo vệ chạy ra ngó xong chạy vào báo cáo gì đó, một lúc sau 4, 5 chiếc Sít đơ ca từ trong sân chạy ra đi tuần đêm. Bên Đài truyền hình thành phố cũng vậy Công an bảo vệ Đài truyền hình không biết gì thấy vậy chạy vào nhấn còi báo động rồi tập họp ra đi tuần xung quanh Đài truyền hình. Lệnh thu quân ban ra, chúng tôi lục tục kéo về vừa đi vừa cười đùa khi nghĩ đến cảnh mấy anh Công an hoảng hồn phải báo động ké.

   Lần thứ hai diễn tập báo động, lần này chúng tôi chạy về hướng cầu Thị Nghè, rút kinh nghiệm của lần trước lần này anh em chúng tôi chạy đỡ vất vả hơn. Sau khi qua cầu C chúng tôi chia ra đi tuần vào các hẻm nhỏ bên đường. Có lẽ Phường đội ở đó thấy bộ đội súng ống đầy đủ từ đâu đến địa phương mình đi tuần trong các hẻm nên cũng tập trung đi tuần, nhưng có lẽ do tính hống hách ở địa phương nên vừa đi vừa gỏ vào thùng rác của các nhà trong hẻm ầm ầm, nhưng “xui cho Lan” anh em nghe tiếng gỏ ầm ầm đến thấy ngứa mắt quá thế là mệnh lệnh ban ra “bắt trói lại”, anh em xúm lại thu súng, trói lại dẫn ra ngoài lề đường Xô Viết Nghệ Tỉnh cho ngồi một đống. Đại đội phó đến chúng tôi báo cáo lại thế là một bài chính trị “quan hệ quân dân” được giảng trực tiếp trên đường phố mà giảng viên là đồng chí đại đội phó và học viên là các “tù binh” ngồi trên lề đường. Lần diễn tập này không kịch tính như lần trước nhưng anh em chúng tôi cũng có dịp cười đùa vui vẻ vì đã lập thành tích “bắt được tù binh”.

   Thắm thoát cũng đã cuối năm, ngày 22/12 kỷ niệm ngày thành lập QĐND cả đơn vị được ăn theo tiêu chuẩn lể ngày thường thì “cơm độn thịt” còn ngày này thì “thịt độn cơm”. Ngày 24/12/1978 lễ Noel đã tới lệnh của tiểu đoàn ban ra là cắm trại 100%, chiều BCH C và các B trưởng tổ chức nhậu trên C bộ, ngoài đường người đi chơi Noel đi lại tấp nập, các em thì áo xanh, áo đỏ đùa giởn tưng bừng. Đứng trong doanh trại nhìn ra cảnh đó thì đúng là “Mỡ treo miệng mèo” thế là cả đơn vị đều xin phép “Đại tá Rào” đi chơi Noel, tôi cũng tham gia vào lực lượng này. Không hẹn mà gặp, điểm đến của anh em chúng tôi là khu vực Nhà Thờ Đức Bà và Nhà Văn Hóa Thanh Niên cứ đi vòng vòng thấy áo xanh bộ đội còn mới tinh, sao mũ, quân hàm nghiêm chỉnh thì y chang là “lính nhà”. Tầm 23 giờ chúng tôi từng tốp kéo nhau về doanh trại, đến doanh trại thì thấy mấy anh không đi chơi thì cũng tập trung ra ngoài đường đứng nhìn người ta đi chơi.

   Mấy anh em ở nhà nói nãy D tính báo động nhưng rồi thôi. Hỏi thì được biết phía cầu Thị Nghè dân đi chơi thấy có người ném vật gì đó xuống sông nên báo Công an đến để dò tìm. Bố Xườn lệnh gỏ kẻnh báo động đơn vị nhưng nghĩ lại Bố nói: “Thôi đừng báo động, có báo động cũng chẳng có thằng nào tập trung đâu, chúng nó đi chơi hết rồi”.
Cuối cùng thì cầu Thị Nghè không có chất nổ mà chỉ là một gói rác người nào đó quẳng xuống sông thôi.
   Thế đấy những tháng ngày cuối năm 1978 của chúng tôi như vậy đấy.

Kỳ tới: Ngày 07/09/1979




Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Kon tiahien trong 08 Tháng Tám, 2011, 06:45:51 pm
Tiahien không biết về chị Đoàn Thị Anh Đào, nhớ lầm ra chị Đào Thị Hồng Đào hiện là Ban Thường Vụ-Chính sách hội Cựu TNXP thành phố. Còn đúng như Wanta đã trả Iời thay mình: chị Thái Thị Hạnh trước đây là phó bí thư Q2 nay là phó CT Hội Cựu TNXP thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015.
   He he... bác Wanta nhớ chuyện xưa kỹ quá mặc dù vẫn còn lo công sự vụ lệnh.
Những ngày đó bọn mình ở Quang Trung được 5 tuần, biên chế về đơn vị chiến đấu đóng cứ tại Trần Nguyên Hãn(Ngã tư Lý Thường Kiệt- An Dương Vương). Chẳng cần phải để đơn vị tổ chức báo động giả, các chú đội tự tổ chức hành quân bao vây giải phóng Thủ Đô, Toàn Thắng và ...Lệ Thanh(vốn là tên của 3 rạp hát cũ tại Chợ Lớn-Q.5). Mặc dù tự phát nhưng các cuộc tập kích này lại có tổ chức hợp đồng tác chiến hẵn hoi. Xé lẻ ra cổng để qua mặt vệ binh, cắt dây điện thoại từ rạp hát ra ngoài, CA chốt ở các ngã tư bị bao vây mượn súng, băng đạn bị tháo ra vứt xuống cống...Điều khiến cho BCH quận sự TP và cả Kiểm soát QS 195 đau đầu là khi điều quân đến, hiện trường chỉ còn là đống đổ nát, tan hoang mà chẳng tóm được lấy một "quậy binh" nào.
Ngày đó B DKZ mình được phân công làm vệ binh ngoài cổng, khi thấy các chú đội lũ lượt rút về biết ngay sẽ có chuyện. Khoảng sau 1 tiếng thì xe quân sự của 195 chạy đầy đường, E Trưởng bắt toàn đơn vị tập họp điểm danh... hic, chỉ xui cho mấy anh đơn độc dù về nhà chơi là bị vấn nạn, bị bắt qua chất vấn với KSQS, còn các thủ phạm chỉ bị chửi chung chung rồi ung dung đi ngủ.
Để không làm đứt mạch của bác Wanta mời bác đi tiếp nhé mà hình như bác đang muốn nói đến 07-01-1979?
...

       Ngày xưa Bác cũng là TNXP à thế ở Liên đội nào? Đóng ở đâu? Thế là mình có thêm một đồng đội TNXP nữa đấy.

       
Tiahien ở C57- Dũng Chí từ tháng 6-1976 đã có mặt tại KàTum -Tây Ninh.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 08 Tháng Tám, 2011, 08:16:56 pm
       Chào Tiahien

       Thế là chúng mình vừa là đồng đội trên chiến trường K lại cũng là đồng đội TNXP nữa rồi. Tiahien liên đội Dũng Chí ở Kàtum tháng 06/1976 thì mình ở Liên đội Kiên Quyết 2 ở Suối Đá, Dương Minh Châu tháng 07/1976. Năm 1977 mình về Tổng đội 6 ở Trường huấn luyện cây số 69 Bến Cát, Sông Bé lúc này các liên đội ở Tây Ninh thuộc Tổng đội 5.

       Đợt đầu liên đội Dũng Chí phục vụ biên giới Tây Nam Tiahien có mặt chứ. Hàng năm Tiahien có về dự họp mặt ngày 28/03 không? Mình thì năm nào anh em cũng kêu về dự.

      Năm nay có thêm họp mặt anh em cựu chiến binh E747 nữa thế là đủ cả 2 thế là vui rồi.

      Ngày đó Tiahien ở Trần Nguyên Hãn "quậy" ở Quận 5, còn khu vực "Sở thú" là giang sơn của D5 ngày nào hình như không "quậy" Công an là ăn cơm không ngon vậy. KSQS của BTL Thành cũng mệt bở hơi tai ở khu vực này.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 08 Tháng Tám, 2011, 10:21:30 pm
 Vậy là  KONTAHIEN và WANTA gặp nhau vui rồi , kéo cã ANGKOKRAO vào luôn cho xôm tụ . Nào anh em mình dô một ly đi . Khà ! khà ! ...


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 08 Tháng Tám, 2011, 11:10:46 pm
...
@yta262: “Bác Kon Tiahien có biết cô Hạnh giáo viên âm nhạc, cô tham gia TNXP ngay ngày đầu GP, nghe nói hiện cô là bí thư hay phó bí thư quận ủy Q2 (quận Thủ Thiêm là Q2 phải không)?”

         Chị Thái Thị Hạnh thì mình rành quá vì trước năm 75 khi vừa tốt nhiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khoa đàn tranh thì chị Thái Thị Hạnh về trường Nguyễn Trãi ở Quận 4 dạy nhạc cho mình (lúc đó mình đang học lớp 9). Sau này khi xuất ngũ mình về TNXP công tác thì chị Hạnh là Bí thư Đoàn LLTNXP lúc đó mình mới biết chị là cô giáo dạy nhạc mình ngày xưa.
        Sau này Chị Hạnh chuyển công tác về là Phó chủ tịch Quận 2 khi quận mới thành lập sau hình như là Phó Bí thư Quận ủy Quận 2. Hiện tại Chị Hạnh đã nghỉ hưu và là Phó chủ tịch Hội cựu TNXP TP. HCM
Cô Thái Thị Hạnh là giáo viên âm nhạc của mình hồi học lớp 8 và lớp 9 (niên khóa 1973-1975) ở trường Hồng Bàng đó Wanta, như vậy tụi mình là bạn đồng môn cùng 1 sư mẫu dạy âm nhạc. Nói sư mẫu nghe già quá, thực ra cô Hạnh là cô trẻ nhất trong trường Hồng Bàng, té ra sau năm 1975 cô Hạnh chuyển sang dạy ở trường Nguyễn Trãi rồi gia nhập TNXP khi lực lượng mới thành lập 1976. Sau này nghe nói cô có ra phục vụ BGTN nữa, không biết phải không? Đây là hình các bạn của yta262 gởi cho. Wanta & Kon TiaHien có nhận ra cô Hạnh đang chụp hình ở đâu không:

(http://www.vietspring.org/hongbang/album/thayco/slides/CoHanh.jpg)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 08 Tháng Tám, 2011, 11:11:02 pm
Đàn anh Wanta ơi,vậy là hồi năm 76 anh là chính trị viên phó,anh Dân là chính trị viên trưởng,anh Hồ văn Nhàn là liên đội trưởng phải không? Anh Dân sau chuyển sang quân đội giờ là thiếu tá,công tác ở bệnh viện Miền Đông.Anh có nhớ anh C trưởng Cao văn Lời không? Có dịp lên thành phố anh sẽ gặp ảnh đang hành nghề xe ôm tại góc Lê Thánh Tôn-Thái văn Lung.Hồi năm 85 em cũng gia nhập TNXP được...một tháng,tại em là con út ở nhà sợ qua K chết mất xác nên ông anh xin cho đi TNXP (lúc đó anh em cùng với anh Lợi,sau này là giám đốc công ty Công ích TNXP,là hai đệ tử thân cận của chú Bảy Thanh),em ở trường Giáo dục lao động công nông nghiệp 2 được một tháng,chán cảnh suốt ngày đi quản lý mấy "ông tiên,bà tiên"(chỗ em gọi các học viên cai nghiện là tiên) nên âm thầm trốn về,gặp ngay đợt giao quân nghĩa vụ nên xung phong luôn,đi lính mà cứ phải giấu bà già làm bà cứ trách ông anh hoài :"Sao mày nói cho nó ở gần Sài Gòn mà cả năm trời người ta không cho nó về phép thăm tao vậy?" Cũng may là thằng em còn nguyên vẹn trở về,nếu không thì chắc bả cạo đầu ông anh em trọc lóc!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 08 Tháng Tám, 2011, 11:12:46 pm
Khà! Khà!
      Hôm nào tổ chức off anh em CCB D7 và E747 đi Bác Hai Ruộng ơi. Mời thêm một số anh em như Phạm Năm, anh Mơ và một số AE khác nữa. Mình đọc bên topic "Một số trận đánh trên chiến trường K" thấy Bác báo tin anh Mơ, Anh Đức B trưởng TS tham gia diễn đàn mà sao không thấy. Có thể thông qua diễn đàn này anh em mình sẽ xây dựng được LS của E747 và D7 thông qua những ký ức, những kỷ niệm trên từng chặng đường hành quân từ khi thành lập đến khi về nước.

     Qua truy tìm thông tin trên mạng mình biết E747 của anh em mình ngày xưa hiện tại có 2 người lên tướng đó là:
     - Thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc Giám đốc bệnh viện 175 thời qua K là Trung úy Bác sỹ Trạm xá trưởng của E747. Được phong tướng ngày 17/09/2008.
     - Thiếu tướng Trần Văn Hùng hiện là Phó chính ủy Quân khu 7 thời qua K ở C18 của E747


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 08 Tháng Tám, 2011, 11:20:52 pm
...
Tiahien ở C57- Dũng Chí từ tháng 6-1976 đã có mặt tại KàTum -Tây Ninh.
Tới cuối năm 1978 TiaHien còn trong Dũng Chí giúp tải thương tải đạn cho anh em F302 của mình trong chiến dịch cửa mở Lò Gò Xóm Giữa không? Nếu vậy biết đâu anh em mình (bác Kon TiaHien, bác Y Lố F302, bác TuocB41 và bác Công Xuân Việt, yta262,  v.v...) có thể đã gặp nhau đâu đó trong chiến dịch năm nào?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 08 Tháng Tám, 2011, 11:49:42 pm
        @yta262: Thật không ngờ cứ nghĩ Wanta và yta262 là đồng đội ở chiến trường K và cũng có kỷ niệm ở 2 Bis bây giờ lại lòi ra cùng là học trò của cô Thái Thị Hạnh. Hình yta262 post lên mờ quá mình nhìn không rõ có thể cho biết chụp ở đâu không? Cô Thái Thị Hạnh có thời gian ở trong Ban chỉ huy Tổng đội 3 biên giới của TNXP Thành phố.

Đây là hình cô Thái Thị Hạnh khi Tổng đội 3 biên giới hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trở về thành phố. Cô Thái Thị Hạnh là người mặt đồng phục TNXP thứ 2 từ bên phải qua
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/Thaithihanh.jpg)

Còn đây là hình cô Thái Thị Hạnh đang ngâm bài thơ “Tờ báo tường ở chốt tiền tiêu” của nhà thơ TNXP Cao Vũ Huy Miên ở Quán Đo Đo của vợ chồng nhà thơ TNXP Nguyễn Nhật Ánh
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/thaithihanh2.jpg)

   @86humxamthay: đúng đó 86humxamthay năm 1976 khi đi TNXP anh là Chính trị viên phó Liên đội Kiên Quyết 2 của Quận 4, anh Hồ Văn Nhàn là Liên đội trưởng, anh Đỗ Việt Dân là chính trị viên trưởng đại đội. Sau này anh Nhàn cũng chuyển qua bộ đội công tác ở BTL Thành rồi về Quận đội quận 4, anh Đỗ Việt Dân thì giờ đã về hưu trước khi về hưu là Đại tá chủ nhiệm khoa ngoại của bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông trừ anh Nhàn ra còn lại hầu hết cán bộ TNXP quận 4 ngày đó đều là dân Nguyễn Trãi hết. Anh biết 86humxamthay nhà ở TTT P.18 Quận 4 rồi, chị của 86humxamthay tên gì? Năm 76 học lớp nào ở Nguyễn Trãi? Cả 86humxamthay nữa? Trường Nguyễn Trãi bây giờ có cô Hà Thanh Loan dạy văn là học sinh cũ của Trường đó, nhà thiết kết thời trang Minh Hạnh cũng vậy.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: yta262 trong 09 Tháng Tám, 2011, 08:45:59 am
       @yta262: Thật không ngờ cứ nghĩ Wanta và yta262 là đồng đội ở chiến trường K và cũng có kỷ niệm ở 2 Bis bây giờ lại lòi ra cùng là học trò của cô Thái Thị Hạnh. Hình yta262 post lên mờ quá mình nhìn không rõ có thể cho biết chụp ở đâu không? Cô Thái Thị Hạnh có thời gian ở trong Ban chỉ huy Tổng đội 3 biên giới của TNXP Thành phố.

Đây là hình cô Thái Thị Hạnh khi Tổng đội 3 biên giới hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trở về thành phố. Cô Thái Thị Hạnh là người mặt đồng phục TNXP thứ 2 từ bên phải qua
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/Thaithihanh.jpg)
...

Thức đêm mới biết đêm dài
Thức hoài mới biết ... ngày dài hơn đêm

Càng già càng biết nhiều người, mình mà càng biết cùng 1 người thì càng chứng tỏ mình sống nhiều sống dài sống dai, nói chung là biểu hiện cuả tuổi già ... Khà khà, đuà với bác chơi thôi, wanta thường xuyên vô VNM này sẽ từ từ nhớ lại và biết thêm nhiều người, nhiều việc và nhiều điều thú vị nữa, rất tốt cho trí nhớ đang độ lão hoá, về già đỡ mắc chứng Alzheimer cuả cựu tổng thống Mỹ Reagan  ;D.

BGTN tuy rộng vậy nhưng thật ra QK7 mình chỉ tập trung 2 tỉnh biên giới Tây Ninh và Sông Bé (Lộc Ninh Bù Đăng Bù Đốp). Còn lại từ Ban Mê Thuột trở lên là QK5, từ Long An trở xuống có QĐ4, QK9 & QĐ2 đảm nhiệm rồi. Ngoài ra Tây Ninh & Lộc Ninh còn có QĐ3, anh em ở SG nếu đi cùng thời được bổ sung vô các đ/v cuả QK7 thì đi chiến trường Tây Ninh hay Lộc Ninh chứ đi đâu nữa đây. 2 nơi này chỉ có mấy trận chính, đã là lính chiến hay tổng đội TNXP biên giới thì gặp nhau tại các trận chính trên các trục đường chính dẫn về Phnôm Pênh và các đô thị chứ còn đi đâu nữa. Bên K. có 5-7 triệu dân nên đâu có bao nhiêu đường xá, quân sự nói chung phải dựa vào các trục đường chính để đánh cho lẹ, càng lẹ càng mau chiến thắng (tốc chiến tốc thắng). QK7 chủ yếu qua ngõ lộ 7, xong rồi thì không tẻ lộ 5 thì cũng đi lộ 6 là 2 con lộ cặp theo 2 bên Biển Hồ, lính mình đâu phải dàn hàng ngang cắt thẳng rừng núi qua K. đâu mà khó gặp nhau, phải không nào.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 09 Tháng Tám, 2011, 10:11:31 am
Đàn anh Wanta ơi,chị em tên Hồng Thọ sinh năm 58(chắc cỡ tuổi anh),giờ là phóng viên Thủy Cúc của báo Tuổi Trẻ đó anh,anh Nhàn làm quân pháp Quận đội quận 4,sau bị kỷ luật vì bán máy PRC 25 cho anh em TNXP ở Đắc Nông.Năm 82 em cũng học Nguyễn Trãi,mấy ông thầy dạy mình sau này toàn là siêu sao ở các lò luyện thi đại học như thầy Phùng dạy văn,thầy Ung Thanh Hải dạy hóa,thầy Huỳnh Hoa dạy toán...đó anh!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 09 Tháng Tám, 2011, 09:44:36 pm
He!he!
       Phương Tây có câu "đường nào cũng về La Mã" đúng thật Bác ạ. Có bao giờ mình nghĩ rằng với đất nước Campuchia rộng lớn như vậy với bao nhiêu cánh quân bộ đội, TNXP mình gặp được đồng đội TNXP của mình khi không hề có một tin tức gì. Ấy vậy mà khi đơn vị về dưỡng quân đóng tại phum gần cầu 43 nới sông Sen đổ ra Biển Hồ lại gặp đơn vị TNXP của mình đang đóng quân bảo vệ cây cầu đó.

      Cũng như khi mình tham gia diễn đàn này chỉ với hy vọng nhỏ nhoi là thông qua diễn đàn này để bắt liên lạc được với các anh em D7. Thế mà từ topic này mình gặp được Bác Hai Ruộng người chung D7 từ ngày đầu huấn luyện, yta262 cùng có thời gian gắn bó với 2Bis rồi từ đó lại biết Kon Tiahien CCB E747 rồi lại là đồng đội TNXP, yta262 lại là đồng môn với cô Thái Thị Hạnh, 86humxamthay một "con ma thức đêm" lại là đàn em cùng trường Nguyễn Trãi Quận 4 và có lẽ sẽ còn nhiều bất ngờ khác đối với mình.

      @86humxamthay: Chị của 86humxamthay sinh năm 58 là bằng tuổi với anh như vậy năm 76 học lớp 12, bây giờ là phóng viên chắc lúc đó học khối A hoặc B (Văn, Ngoại ngữ) , còn anh học khối D (Hóa, Sinh). Thầy Phùng dạy Văn thì anh biết vì ngày đó anh có học Thầy Phùng ngoài ra dạy Văn còn có Thầy Biên nữa, hai thầy kia thì dạy sau này nên anh có biết tên nhưng không có ấn tượng nhiều. Anh Nhàn thì năm nào anh cũng gặp khi họp mặt truyền thống TNXP thành phố.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 11 Tháng Tám, 2011, 08:11:07 pm
 TIẾP TỤC hành quân wanta ơi ! mấy hôm thức nhiều , hôm nay Tiểu đoàn học trò ngủ quên hành quân rồi à!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 11 Tháng Tám, 2011, 08:22:48 pm
       Đang chuẩn bị đây Bác Hai ơi. Tối qua phải đi tăng cường ở "chốt" tới 12 giờ đêm mới về nên chẳng post gì được cả.

       Bây giờ đang chuẩn bị đến chặng Phương Lâm - Định Quán đây cái đoạn mà cả đại đội của Bác đi lạc 2 ngày vì lý do "mấy em tiến tăm" đấy. Chuẩn bị mà vào chiến đấu nhé.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 11 Tháng Tám, 2011, 11:17:24 pm
        Hai hôm nay, công việc dồn dập đến cứ phải đi chữa cháy cho các “chốt” hôm kia thì đi buổi sáng, hôm qua thì đi buổi tối tới 24h mới về tới văn phòng, mệt nên chỉ vào diễn đàn để đọc chứ không post được cái gì.

   Hôm nay vào tiếp tục hầu các Bác chặng hành quân năm 1979.

VIII. NĂM 1979: NGÀY 07/01/1979 VÀ PHƯƠNG LÂM – ĐỊNH QUÁN THỬ THÁCH LẦN ĐẦU
   
1. Cảm nghĩ ngày 07/01/1979
        Những ngày cuối năm 1978 sắp hết, đơn vị của chúng tôi vẫn đóng ở 2 Bis, vẫn cảnh “nhàn cư” suốt ngày cứ “đi ra, đi vào”. Tin tức từ chiến trường Tây Nam vẫn hàng ngày dồn dập đến với chiều hướng phấn khởi, bộ đội ta đã đập tan âm mưu “đánh tới cây thốt nốt số 0” của bè lũ Pôn Pốt – Iêng Xary, Mặt trận Dân tộc Cứu nước Campuchia đã thành lập, bộ đội ta đang giúp bạn chiến đấu giải phóng những vùng đất phía Đông Campuchia. Chúng tôi càng nóng ruột hơn, không biết chừng nào mới lên đường.
   
   Sáng ngày 07/01/1979, vẫn một sáng bình thường như những ngày khác vẫn với tâm trang trông chờ, không biết chừng nào lên đường. Tầm trưa ngày 07/01/1979 đột nhiên có người từ trên C bộ chạy vào sam anh em chúng tôi la to: “Giải phóng Phnôm Pênh rồi” mọi người chợt yên lặng rồi có người hỏi “đúng không” và lấy radio ra dò Đài phát thanh thành phố để nghe tin tức. Và rồi mọi người cùng hét lên “thắng rồi! Giải phóng Phnôm Pênh rồi”, một cảm giác hân hoan, mừng vui hiện lên trên mặt mọi người thế là “Chiến tranh đã chấm dứt”, biên giới đã an lành, người dân không còn sống trong nổi lo sợ nữa, xen vào đó là những lời tiếc nuối “thế là không vào Phnôm Pênh được rồi”.

         Nói với các bác như thế nào nhỉ, cảm giác của chúng tôi những ngày này là buồn vui lẫn lộn, một cảm giác thật khó tả; vui vì đất nước không còn chiến tranh nhưng buồn vì mình không được ở trong đội hình những người lính trên chiến trường trong ngày lịch sử này. Chúng tôi ngày đó suy nghĩ tất cả những người lính, tất cả những cánh quân đều tụ về Phnôm Pênh trong giờ phúc lịch sử này, một suy nghĩ rất trẻ con quá phải không các Bác.

        Bây giờ nghĩ lại, thời điểm 11 giờ 30 ngày 07/01/1979 không phải là thời điểm kết thúc, mà là thời điểm bắt đầu chặng đường 10 năm đầy “Máu và Hoa” của những người lính trẻ làm nhiệm vụ quốc tế giúp đất nước bạn, giúp người dân Campuchia hồi sinh để rồi có ngày hôm nay, đất nước bạn Campuchia sống lại và phát triển; có ngày tôi và các Bác cùng tụ hội trong diễn đàn này để hồi tưởng lại những tháng ngày đầy gian lao, khổ cực, bi tráng nhưng hào hùng ấy và tự hào chúng ta đã đóng góp một phần tuổi thanh xuân của mình vào những ngày tháng vinh quang ấy. Ngày 07/01/1979 các Bác đang làm gì? ở đâu và suy nghĩ như thế nào?

2. Phương Lâm _ Định Quán: Thử thách lần đầu
            Không khí hồ hởi của ngày 07/01/1979 qua đi, đơn vị chúng tôi được cấp phát những trang bị phục vụ chiến đấu và hậu cần như tăng, võng, súng đạn, ruột tượng, cuốc xẻng, nồi quân dụng, công tác chuẩn bị chiến đấu đã sẵn sàng nhưng đi đâu chúng tôi không rõ.

           Vào một đêm giữa tháng 01/1979 xe chở quân vào doanh trại toàn tiểu đoàn lên xe và bắt đầu hành quân. Xe rời khỏi cổng 2Bis chạy về hướng Thị Nghè tôi nghĩ trong bụng “đi K rồi” vì đây là hướng đi về Quốc lộ 13 qua Bình Dương, lên Chơn Thành, Lộc Ninh và qua K, nhưng đến ngã tư Hàng Xanh xe rẻ phải hướng về cầu Sài Gòn tôi tha81v mắc “đi đâu thế này?”, xe qua Biên Hòa, Hố Nai, đến ngã ba Dầu Dây rẻ trái hướng về Đà Lạt qua Cầu La Nga. Khoảng 6 giờ sáng đoàn xe dừng lại đổ quân (vị trí này tôi không nhớ thuộc xã nào nhưng tôi nhớ đó là một khúc quanh phía bên phải là nhà dân, bên trái là một ngọn đồi trên đó người dân trồng chuối).

           Chúng tôi bắt đầu hành quân bộ lên đồi chuối, trang bị của chúng tôi khi hành quân bây giờ nghĩ lại cảnh ngày ấy thấy tức cười, ngoài trang bị cá nhân của mỗi người gồm ba lô tư trang cá nhân, súng đạn, võng tăng, ruột tượng 5 kg gạo thì kèm theo đó là trang bị hậu cần của cả Trung đội (không biết hậu cần ngày ấy nghĩ như thế nào mà làm như vậy) anh thì xách nồi, anh thì xách cái bắp cải (nói chung giống một đám người đi chợ thì đúng hơn). Trời sáng còn sương mù mát lạnh nên đi không cảm thấy gì, nhưng tầm trưa nắng lên các anh lính tân binh lần đầu tiên hành quân bộ chưa có kinh nghiệm bắt đầu thấm dần, chân thì căng cứng, lưng và tay thì mỏi nhừ nhất là tay vì xách thức ăn và vật dụng hậu cần, đã vậy do tay xách thức ăn (tôi xách cái bắp cải cở 2 kg) cứ phải đổi qua đổi lại nên súng thì đeo vai không có tay ghì quai súng, cuốc xẻng cột sau lưng cứ “lủng la, lủng lẳng” làm cho việc đi đứng càng thêm vướng vúi, khó chịu.

           Lúc đầu đội hình hành quân còn hàng dọc nối đuôi nhau đi, dần dần rớt lại thành từng tốp lê lết đi, cán bộ Trung đội cứ lâu lâu lại chạy ngược lại để tìm quân. Tôi đi chung với Cao Văn Vui học sinh trường Y Học Dân Tộc (sau này qua K Vui ở đoàn 7705 hiện là Bác sĩ ở Viện Y học Dân Tộc) hai đứa cứ động viên nhau “đừng nghĩ đến cái chân, bọn mình đi bằng cái đầu mà, ráng đừng để đứt đuôi” bọn tôi cứ nhắm bóng người đằng trước mà bám đi, ấy vậy mà xém chút nữa hai đứa bị lạc, số là đi trước đội hình C7 (C11 sau này) của tôi là C5 (C9 sau này) của Bác Hai Ruộng, tới một ngã ba C7 của tôi rẽ phải, C5 đi thẳng do đi đằng sau xa nên cứ bám bóng người đàng trước mà đi, vì vậy đến ngã ba tôi và Vui không rẽ mà đi thẳng theo bóng của C5 được một đoạn thì có người kêu phía đằng sau, quay lại thì ra anh em trong B khi quẹo ngã ba thì thấy đứt đuôi nên cho người quay ra tìm. Quay lại ngã ba thì thấy anh em đang ngồi nghĩ, trên tay người nào cũng 1 khúc mía thì ra khi thấy đứt đuôi phía sau anh em ngừng lại chờ và kế đó là rẫy mía của dân thế là tự động mỗi người làm một khúc để “tăng lực”.

          Cuối cùng tôi cũng về tới nơi đóng quân của trung đội nằm cặp theo 1 con suối nhỏ bề ngang khoảng 1m, sau khi bố trí nơi đóng quân xong A1 của tôi nằm bên này suối, A2 và BCH B ở bên kia suối trên 1 ngọn đồi nhỏ. Tối sau khi cơm nước xong B họp phổ biến nhiệm vụ của tiểu đoàn lên đây là đi càn FULRO, các hướng khác còn D5, D6 nữa và phân ca gác đêm mỗi ca 2 tiếng bắt đầu từ 19 giờ.

         Nằm đong đưa trên võng giữa cái lạnh của sương đêm, của mùi ngai ngái của lá cây mục và tiếng suối róc rách chảy tự nhiên tôi cảm thấy một cảm giác gần gủi, thân quen đến lạ lùng và rồi phát hiện ra đó là cảm giác sống ở rừng một cảm giác mà từ ngày rời đơn vị TNXP về đi học tôi không có nữa, ký ức quay về với đồng đội TNXP, bạn học giờ này ở đâu? Đang làm gì nơi chiến trường K? Ai còn ai mất? Tôi dần chìm vào giấc ngủ trong nổi nhớ và cảm giác thân quen đó.

         22 giờ, đang chìm trong giấc ngủ A trưởng đến khẻ lay võng nói: “dậy đi có người đang đi vào hướng con suối” thế là cả A thức dậy lặng lẽ ra sát bờ suối nằm phục, không biết cảm giác lần đầu của các Bác như thế nào? Chứ tôi thì hồi hộp lắm, nằm im re không dám cục cực, tiếng côn trùng kêu rả ríc, tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá cây xào xạc tất cả hòa vào một làm cho cảm giác có ai đó đang ở ngoài kia trong bóng đêm quan sát mình.

        Cả A nằm suốt đêm ngoài bờ suối thay phiên nhau gác, anh này gác xong khều anh nằm kế bên thay ca. 5 giờ sáng, thấy tình hình không có gì anh em lục tục thức giấc, một anh đứng dậy vươn vai, từ bên kia bờ suối vang lên tiếng lên đạn và tiếng quát “Ai đó” anh chàng vừa vươn vai run run trả lời “tao đây, A1 đây” và cả 2 bờ suối đồng loạt đứng lên thì …

       “Cha mẹ ơi!” Phía bên kia suối nơi A2 đóng quân nguyên một khẩu B41 và cây M60 đang lăm lăm chĩa qua bờ suối bên này sẵn sàng nhả đạn, nhìn lại thì bên A1 của tôi cũng một B40 và cây RPD đang lăm lăm chĩa qua bên đó. May là không có gì xảy ra trong đêm, chứ nếu có thì xem như cả B của tôi đi đứt hết.

       Thế đấy các Bác ạ, bài học đầu tiên của tôi không phải ngay trên chiến trường K mà ngay lần đầu tiên đổ quân lên Phương Lâm – Định Quán đó là hành quân bộ và việc bố trí đội hình khi đóng quân dã ngoại phải làm sao để khi có nổ súng quân ta không bắn vào quân mình (kể cũng tội các Bác ạ, cả B của tôi từ B trưởng cho đến lính đều chưa kinh qua chiến đấu lần nào nên mới có sự cố đó).

       Sau này khi qua chiến trường K anh em chúng tôi thường nói với nhau “phải cám ơn những ngày ở Phương Lâm – Định Quán”, nếu không có những ngày đó thì anh em chúng tôi không chịu đựng nổi với những lần hành quân liên tục ngày, đêm tại huyện Stung.

      Ngày đầu tiên của Bác Hai Ruộng ở Phương Lâm – Định Quán ra sao?

Kỳ tới: Phương Lâm – Định Quán: Vắt và đi lạc


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 11 Tháng Tám, 2011, 11:51:01 pm
 Wan Ta nhắc tới Cao Văn Vui mình mới nhớ . Lúc về nước anh em mình lại về cùng đoàn với Cao V Vui , gặp nhau mừng lắm , chỉ biết nhà Vui ở đường Nguyễn Đình Chiểu , nhưng không nhớ số nhà . Vậy Wan Ta có số điện thoại của Vui không ? PM qua tin nhắn cho mình . Cảm ơn .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: dathao trong 12 Tháng Tám, 2011, 09:02:04 pm
Nếu chỉ tính riêng chiến dịch tổng tấn công giải phóng K bắt đầu từ ngày 23/12/78 thì cho tới ngày giải phóng Phompenh 07/01/79 là vỏn vẹn có 15 ngày.Trong ngày 07/01/79 đó QTNVN mới chỉ giải phóng được thủ đô của K và một số thành phố -thị xã,còn rất nhiều vùng lảnh thổ của K chưa có quân ta đặt chân đến.Nhất là các vùng sâu -vùng xa chưa có bộ đội VN đặt chân tới.Hồi đó tôi cũng nghỉ đơn giản và ngây thơ như Wanta!vậy là xong !kết thúc chiến tranh rồi,chắc tụi mình được về nhà thôi.Thật là ngây thơ quá đổi!!!
Đâu có biết rằng đó chỉ mới là thời điểm bắt đầu cho cuộc chiến đấu lâu dài để bình định và xây dựng lực lượng cho quân đội K :10 NĂM.
Cho tới năm 1981 khi lứa lính 76-77 chúng tôi được giải quyết xuất ngủ,chúng tôi cũng vẫn nghỉ rằng vậy là tụi mình xong việc ,toàn bộ lảnh thổ K đã được bình định.Bây giờ có còn gì đâu mà chiến với đấu,chỉ còn có đám tàn quân Pot lẻ tẻ thôi mà!Cũng vẫn còn ấu trỉ thấy ghê chưa!!!
Tôi vẫn mang cái suy nghỉ trong đầu như thế cho tới khi vào được trang web VHM nầy thì mới biết được 8 năm sau đó lính ta vẫn phải còn chịu nhiều gian khổ ác liệt không thua gì thời đánh giải phóng K.
Ngày 07/01/79 đó đv tôi chỉ mới tới được bến Chompo nắm về phía bắc Karatie 34 km ở bên bờ đông sông Mekong và khoảng trưa ngày đó thì nghe tin giải phóng Phnompenh.Và cứ thế mà đi ,càng ngày càng đi xa ,xa nửa...
Đọc bài viết của Wanta tôi mới biết được là thời điểm đó lại có giặc Fulro ở Định Quán.Vậy là lúc đó ở trong nước, ta vẩn còn nhiều đv lính dự bị chưa phải qua K như đv của Wanta và Hairuong.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 12 Tháng Tám, 2011, 09:35:28 pm
Bác Hai Ruộng có nhìn ra ai không
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/BScaovanvui.jpg)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 12 Tháng Tám, 2011, 11:32:53 pm
 Cảm ơn Wan Ta . Đây chính là bác sỹ Cao văn Vui rồi , Wan Ta hay thật . Chắc bửa nào mình phải ghé khám thử xem đô bác sỹ có còn cao không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 12 Tháng Tám, 2011, 11:49:18 pm
         Chính xác Hai Ruộng nhớ kỹ ghê. Có nhận được tin nhắn của mình không?

         Mình gặp Cao Văn Vui cũng tình cờ. Lần đó mình đang làm cho một cơ sở dịch vụ photocopy, đánh máy vi tính gần Viện Y Dược học dân tộc thì Vui đến nhờ xử lý dàn trang vì in luận văn chuyên khoa cấp 1. Cả 2 anh em nhìn nhau thấy quen quen nên hỏi chuyện nhau, cuối cùng hỏi có đi bộ đội không, đóng ở đâu, thế là nhận ra nhau. Vui làm việc ở Khoa nội 3, chuyên về tim mạch, khi nào Bác bị lên cơn đau tim do "cháy nhà" vì chuyên xưa ở K thì đến nhờ hắn chích cho vài mũi.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 13 Tháng Tám, 2011, 12:06:09 am
 Bác sỹ Vui chuyển ngành khỏi quân đội lâu rồi không biêt tính tình có dịu bớt chưa , chứ tay nầy cũng nóng tính , cương trực , có phần ngang bương , cũng đều là lính "tôi quá lửa" như anh em mình . Hôm đoàn về nước Vui đòi " bặc co " tay đôi với tay đại úy trưởng đoàn .lúc ghé binh trạm tai thị xã Kam Pong Thom , để ngày mình gọi điện cho lão coi lão còn nhớ không ?
  Còn vụ đau tim do cháy nhà thì bà xã mình trị cho là đủ hạ cơn đau tim rồi .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 13 Tháng Tám, 2011, 12:32:51 am
        Tính tình, giọng nói vẫn như xưa cứ "ào ào" không thay đổi. Có lẽ do vậy mà bị "đì" thành ra làm ngành Y lâu mà đi học chuyên khoa trễ như vậy.

        Hai Ruộng xem 2/9 này tổ chức off anh em được không có gì hú Bác sĩ Vui luôn, Bác sĩ Vui mà gặp lại anh em mình chắc mừng lắm.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: daibacvn trong 13 Tháng Tám, 2011, 01:44:47 am
Hôm nay đồng chí wantademera cũng không chịu hành quân gì hết trơn, làm người hâm mộ chờ mỏi cổ luôn!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 14 Tháng Tám, 2011, 12:23:09 am
VIII PHƯƠNG LÂM – ĐỊNH QUÁN: VẮT
   
   Wanta xin chào các Bác, hôm nay Wanta tiếp tục chặng đường hành quân ở Phương Lâm – Định Quán.

   Sau sự cố mở màn “quân ta xém bắn quân mình” mọi việc trở lại bình thường, nhiệm vụ của C7 của tớ là các B thay phiên nhau đóng chốt và đi càn hàng ngày, tớ và một tay A phó nữa thì hàng ngày lao vào “khói lửa” để phục vụ bữa ăn cho anh em sau khi tuần tra về. Cho đến một hôm…

   Sáng hôm đó, B tôi được lệnh đi càn ở nhà mãi cũng chán tôi xin được đi theo. Sau khi ăn sáng xong tất cả lên đường, chỉ huy cuộc đi càn này là tay C phó (giờ tớ không nhớ tên), tay này anh em trong C không ưa vì có cách biểu hiện ra vẻ ta đây tích cực, lấy điểm với cấp trên và tai họa xảy ra cho anh em chúng tôi trong lần đi càn cũng từ tính cách này của tay C phó.

   Tất cả mọi người hành quân ra D bộ để gặp 2 tay trinh sát dẫn đường, sau khi nhận nhiệm vụ từ D mọi người tiếp tục hành quân, đường hành quân lúc đầu đi ngược trở lại chặng đường khi chúng tôi hành quân vào, sau đó rẻ phải hành quân vào rừng, chúng tôi đi theo đường xe be khai thác gỗ, trời Phương Lâm – Định Quán sáng sớm se lạnh nên chúng tôi đi cũng không phải mệt nhọc gì, qua nơi B2 đóng chốt chúng tôi ghé lại nghỉ tám một lúc rồi đi tiếp (vì bắt đầu từ đây trở đi là rừng không có đơn vị nào đóng nữa).

   Đường hành quân càng đi sâu vào càng hoang vu hơn, không có dấu vết người qua lại, lá cây mục rơi rụng đầy đường, thỉnh thoảng có tiếng vượn hú vang vọng trong rừng cây. Chợt trước mặt hiện ra một rừng tre dày đặc, trên đất đầy lá tre mục, mọi người dừng lại, theo kinh nghiệm thời ở TNXP tôi đoán phía trong rừng tre này có một con suối, một tay trinh sát lủi vào trong rừng tre đó để tìm đường, tay còn lại chợt nói: “coi chừng vắt nhiều lắm đó”, tôi nhìn xuống chân của mình và …

   “Cha mẹ ơi!” vắt ở đâu ra mà nhiều quá, hai đôi giày của tôi nó bu bám chắc cở 20 con, vén ống quần lên thì trong đó đã có 4, 5 em đang no bụng, căng tròn, máu chảy đầy 2 ống chân, cùng lúc đó các anh em khác cũng la lên “vắt! vắt!” và tiếng dậm chân “thình thịch! thình thịch!” không cần có khẩu lệnh ai cũng tự động “chạy đều 1, 2, 3, 4”. Nói thật với các Bác, thời còn là TNXP ở Tây Ninh, Sông Bé tớ cũng đã từng gặp vắt trong những lần dẫn anh em đi chặt tre, chặt mây nhưng họa hoằn lắm cũng chỉ 1, 2 con, còn ở đây thì không thể tưởng tượng nổi cả một “binh đoàn vắt” đang “đeo bám” anh em chúng tôi.

   Tay trinh sát chui vào rừng tre quay trở lại và dẫn anh em chúng tôi đi vào trong rừng tre, anh em chúng tôi len lõi trong rừng tre dày đặc và đến bờ suối, con suối bề ngang khoảng 4m, 2 bên bờ tre mọc dầy đặc các thân tre mọc vắt vẻo trùm lên con suối tạo thành một cây cầu tự nhiên nối 2 bờ suối, phía dưới cách cây cầu tự nhiên này khoảng 2m là dòng suối êm đềm chảy, anh em chúng tôi từng người bám theo các nhánh tre phủ trên đầu từng bước nhích dần qua (không dám qua nhanh vì thân tre nó có độ nhún, qua nhanh thì độ nhún của nó càng cao và việc lọt xuống suối chắc chắn sẽ xảy ra, và đã lọt xuống dưới đó thì việc leo lên được là cả vấn đề vì 2 bên bờ vách đứng cao 2m tre thì mọc ra tới bờ suối dày đặc).

   Cuối cùng tất cả anh em chúng tôi đều qua cây cầu tre tự nhiên ấy an toàn và ra khỏi rừng tre, đến chỗ trống tất cả ngừng lại và cởi giày, cởi vớ ra để “bắt vắt”, giày bố bộ đội lại thêm một lớp vớ nữa thế mà không biết bằng cách nào nó lại len lỏi vào được mu bàn chân để mà hút máu chứ, anh nào ít nhất là cũng 5, 6 con no tròn mập ú đang đánh chén no nê, cái giống này cũng lạ lúc đầu chỉ ốm như cây tăm nhưng đã đeo dính rồi thì đố mà dùng tay nắm kéo ra vậy, mà khi no máu to bằng đầu ngón tay chỉ cần đụng nhẹ vào là rơi ngay xuống đất. Đã vậy nó còn tiết vào vết cắn chất chống đông máu nên từ vết cắn của nó máu cứ rỉ ra không cầm được, làm như nó đánh dấu và la lên “chỗ này mồi ngon lắm kéo đến làm thịt tụi bay ơi” và lũ vắt khác đánh hơi mùi máu tươi kéo đến càng đông hơn (sau này khi về lại TNXP công tác ở rừng Đắknông trong trang bị BHLĐ có tất chống vắt, cầm đôi vớ chống vắt bằng vải kaki dày cui tôi nhớ lại những đôi vớ ngày xưa thì đúng là chẳng ăn thua gì với lũ vắt).

   Sau khi bắt hết vắt trong giày, trong vớ và trên ống chân, các Bác có nhớ ống quần bộ đội của chúng ta ngày đó có một cái khuy và một móc cài không, lúc đó tớ thấy lạ nó dùng để làm gì vậy. Bây giờ anh em chúng tôi mới phát hiện ra công dụng của nó vậy là cài túm ống quần lại mang giày vớ vào, kéo vớ cao lên trùm kín ống quần đã túm lại. Sau khi chuẩn bị kỹ tư thế chống vắt xong, anh em chúng tôi hành quân tiếp thế nhưng cả một đoàn gần 20 người lại bị vắt cắn máu không cầm được, thế nên hơi người, mùi máu đã quyến rũ lũ “vắt” chúng từ trong bìa rừng kéo ra ào ào, trên cây thì nó ngóc đầu lên “rà qua, rà lại” như “đài rada”, do đó mặc dù chỉ đi giữa đường nơi ít lá cây nhất, khi đi qua những vũng nước thì “Một! Hai! Ba! Chạy”, dừng chân nghỉ là dáo dát nhìn quanh xem có cục đá nào nhô lên khỏi mặt đất thì nhanh chóng nhảy tót lên đó xí chổ ngồi giống như “khỉ sở thú” (vì vắt không bám vào bề mặt của đá để leo lên được), anh nào không xí được chổ thì cứ “Một! Hai! Ba! Bốn! Chạy đều” thế nhưng chúng tôi vẫn bị vắt đeo, sau này lại phát hiện ra 2, 3 anh đi đầu ít bị vắt đeo (vì đi đầu chúng đánh hơi từ trong rừng bò ra chưa tới nên các anh đi sau là lãnh đủ) nên thi nhau đi nhanh để vượt lên trước, anh nào đi sau là lãnh đủ.

   Đến trưa, trinh sát dẫn chúng tôi đi càn đến điểm quy định và báo với tay C phó là quay về, lúc này nắng đã lên, anh em ai cũng đói hết rồi (vì không có vắt cơm đem theo). Tay C phó thấy đường trước mặt còn thênh thang nên kêu đi tiếp, trinh sát nói “chỉ biết dẫn đường đến đây thôi đi tiếp không biết đường” (kể cũng tội các Bác cả D đều là lính mới, trinh sát cũng là lính cùng đợt với tụi em được cử đi học lớp trinh sát ngắn hạn, đây là lần đầu tiên làm nhiệm vụ trinh sát nên chưa có kinh nghiệm đi rừng nhiều), tay C phó cứ đòi đi tiếp (bản tính thích lập thành tích với cấp trên mà). Trinh sát không chịu và nói “Nếu muốn đi thì anh cứ đi, la bàn đây. Nhiệm vụ của tụi tôi tới đây là hết” và trinh sát quay về. Thế là chúng tôi đi tiếp mà không biết đi về đâu và họa tới: “ĐI LẠC”.

        Chuyện này Bác Hai Ruộng có gặp Ngọc, Vinh hoặc Liêm TS hỏi thì rõ vì tớ nhớ không lầm thì Ngọc hoặc Vinh dẫn B mình đi càn trong trong câu chuyện này đó

   Thôi dài rồi, tạm nghỉ giải lao nhé các Bác. Ngày mai tiếp

   Kỳ sau: Phương Lâm – Định Quán: họa tới “ĐI LẠC”


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 14 Tháng Tám, 2011, 01:16:13 am
Cám ơn đàn anh Wanta đã cho em nhớ lại cái đám vắt,nỗi ám ảnh của một thời ở rừng,em đã có dịp quan sát cách nó tấn công mình,đầu tiên tụi nó dựng thân đứng thẳng lên,cái đầu quơ vòng vòng như ra đa đánh hơi rồi búng nhanh về hướng mục tiêu,nhìn trái phải trước sau gì cũng thấy tụi nó ào ào xung phong về phía mình như cảm tử quân.Bù lại những khu rùng có vắt sinh sống thì mình không sợ bị khát,vì tụi nó toàn ở gần suối hoặc vùng ẩm ướt,bởi vậy khi mình đi trong mấy trảng tranh thì rất ít gặp nó.Thời đó đàn anh Wanta chưa có vũ khí để chơi với nó,chứ sau này thời tụi em có hũ thuốc DEP như hũ dầu cù là,thoa vào mấy kẻ ngón chân (để tiết kiệm) vắt nghe hơi là co vòi lại ngay không dám leo lên nữa!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 14 Tháng Tám, 2011, 01:32:01 am
        Chào người em 86humxamthay lâu quá mới nhảy vào topic này em ở TTT P.18, Q4 không biết có biết BS Thi không nhà cũng TTT P18, Q4 cũng dân học Nguyễn Trãi đấy.

        86humxamthay cho anh số ĐT đi. Hôm nào anh về TP ghé em chơi dù gì anh em mình cũng "3 cùng" mà: cùng chiến hữu chiến trường K, cùng một lò "Chùa Nguyễn Trãi", cùng là dân Quận 4


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 14 Tháng Tám, 2011, 09:24:14 am

Bài viết: 145


Mẹ con nhà Hùm


Xem hồ sơ cá nhân Email Personal Message (Online)
   
   
Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
« Trả lời #133 vào lúc: Hôm nay lúc 01:16:13 AM »
   Trích dẫn và trả lờiTrích dẫn
Cám ơn đàn anh Wanta đã cho em nhớ lại cái đám vắt,nỗi ám ảnh của một thời ở rừng,em đã có dịp quan sát cách nó tấn công mình,đầu tiên tụi nó dựng thân đứng thẳng lên,cái đầu quơ vòng vòng như ra đa đánh hơi rồi búng nhanh về hướng mục tiêu,nhìn trái phải trước sau gì cũng thấy tụi nó ào ào xung phong về phía mình như cảm tử quân.Bù lại những khu rùng có vắt sinh sống thì mình không sợ bị khát,vì tụi nó toàn ở gần suối hoặc vùng ẩm ướt,bởi vậy khi mình đi trong mấy trảng tranh thì rất ít gặp nó.Thời đó đàn anh Wanta chưa có vũ khí để chơi với nó,chứ sau này thời tụi em có hũ thuốc DEP như hũ dầu cù là,thoa vào mấy kẻ ngón chân (để tiết kiệm) vắt nghe hơi là co vòi lại ngay không dám leo lên nữa!

 Con vắt mà một đầu chấm đất , một đầu huơ huơ , rồi đồng loạt xung phong hướng về mục tiêu chiếm lĩnh là vắt bộ binh , mình lấy dầu DEP hay xà phòng thoa xung quang giầy là nó không cắn mình được . Còn anh em mình bị nó chui lên bám vào lưng , vào nách vào bụng mà cắn . Đó là vắt nhảy dù Hùm xám ơi ! Những con nầy nó trèo lên cây đậu trên lá , khi mình đi qua phía dưới là nó cũng huơ huơ , nhưng nó buông người rơi từ trên xuống , trúng mình chỗ nào là nó bám vào chỗ đó , bất cứ đầu mình chân tay , lúc đó mình sẽ không hay biết gì , rồi âm thầm xâm nhập qua lớp áo , lựa chổ hiểm mà tấn công , đa số anh em mình bị cắn là loại vắt nhẩy dù nầy .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 14 Tháng Tám, 2011, 12:42:53 pm
Vậy là em hổng biết tụi vắt cũng có binh chủng nhảy dù nữa,em cứ tưởng là nó leo lên chân mình rồi nó luồn sâu lên chứ,với lại chui trong rừng em chỉ lo dòm chăm chăm dưới chân,đâu có dám ngước lên thành ra không phát hiện được đám lính dù này! Hì hì!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 14 Tháng Tám, 2011, 09:14:22 pm
Kính chào các chiến hữu e55,e 33, e747, e88, e 6 và các tiểu đoàn địa bàn của đoàn 7705 Mặt trận 479 thân mến , thấm thoát ae mình đả rời mái trướng đại học tổng hợp ba mươi mấy năm rồi , ngồi đọc lại chuyện các bạn kễ gio mình còn lạnh ,nhưng củng còn cái gọi là về với gia đình.Các chiến hữu còn nằm lại chắc lạnh lắm,cô đơn lắm,lại bị ma pot ăn hiếp.Cuộc sống của ae mình lúc đó "cứ mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui"cứ lây lất rừng chòi , rừng già, đỉnh núi Hồng,hóc núi,rồi Biển hồ. Đôi lúc suy nghĩ mới thấy oai củng một thời" à na rưn tô tưng,à na hiên tha anh"...... củng được nghe ae 88 ở Bărelia đường lên núi Hồng ,có một cầu bằng kế ngã ba đi vào rừng khoản 10km có 1 phum có chừn 20 hộ . Phum nầy ae E 6 gọi là lục địa sa nhicốp sinh linh rất nhiều,lính mình bị nhát có bị nhập có, tối ngũ sinh linh đi vòng vòng chơi.
Có bửa tôi đi lùng bắn chim tình cờ thấy cây cáng vỏng nằm chổ đất mới, lúc nầy tôi thấy rùng mình nên cắt xuống suối thì thấy vệ suối có
vài cái nón bộ đội chống cây. Hôm nay qua những hàng chử nên biết được các ae .Nên quá tảng mạng chưa tập trung. Những địa danh nầy tôi ở rất nhiều, khi khác xin nhập cuộc sâu hơn . Kính chào các chiến hữu


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 14 Tháng Tám, 2011, 09:46:16 pm
Kính chào các chiến hữu e55,e 33, e747, e88, e 6 và các tiểu đoàn địa bàn của đoàn 7705 Mặt trận 479 thân mến , thấm thoát ae mình đả rời mái trướng đại học tổng hợp ba mươi mấy năm rồi , ngồi đọc lại chuyện các bạn kễ gio mình còn lạnh ,nhưng củng còn cái gọi là về với gia đình.Các chiến hữu còn nằm lại chắc lạnh lắm,cô đơn lắm,lại bị ma pot ăn hiếp.Cuộc sống của ae mình lúc đó "cứ mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui"cứ lây lất rừng chòi , rừng già, đỉnh núi Hồng,hóc núi,rồi Biển hồ. Đôi lúc suy nghĩ mới thấy oai củng một thời" à na rưn tô tưng,à na hiên tha anh"...... củng được nghe ae 88 ở Bărelia đường lên núi Hồng ,có một cầu bằng kế ngã ba đi vào rừng khoản 10km có 1 phum có chừn 20 hộ . Phum nầy ae E 6 gọi là lục địa sa nhicốp sinh linh rất nhiều,lính mình bị nhát có bị nhập có, tối ngũ sinh linh đi vòng vòng chơi.
Có bửa tôi đi lùng bắn chim tình cờ thấy cây cáng vỏng nằm chổ đất mới, lúc nầy tôi thấy rùng mình nên cắt xuống suối thì thấy vệ suối có
vài cái nón bộ đội chống cây. Hôm nay qua những hàng chử nên biết được các ae .Nên quá tảng mạng chưa tập trung. Những địa danh nầy tôi ở rất nhiều, khi khác xin nhập cuộc sâu hơn . Kính chào các chiến hữu
hehe bắt đầu vậy là ngon rồi nghe  ;D cứ từ từ mà kể , nhất là cái thời " nhúng ..nước sôi " nghe vì đa số 82 về hết rồi  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Kon tiahien trong 14 Tháng Tám, 2011, 10:33:23 pm
Kính chào các chiến hữu e55,e 33, e747, e88, e 6 và các tiểu đoàn địa bàn của đoàn 7705 Mặt trận 479 thân mến , thấm thoát ae mình đả rời mái trướng đại học tổng hợp ba mươi mấy năm rồi , ngồi đọc lại chuyện các bạn kễ gio mình còn lạnh ,nhưng củng còn cái gọi là về với gia đình.Các chiến hữu còn nằm lại chắc lạnh lắm,cô đơn lắm,lại bị ma pot ăn hiếp.Cuộc sống của ae mình lúc đó "cứ mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui"cứ lây lất rừng chòi , rừng già, đỉnh núi Hồng,hóc núi,rồi Biển hồ. Đôi lúc suy nghĩ mới thấy oai củng một thời" à na rưn tô tưng,à na hiên tha anh"...... củng được nghe ae 88 ở Bărelia đường lên núi Hồng ,có một cầu bằng kế ngã ba đi vào rừng khoản 10km có 1 phum có chừn 20 hộ . Phum nầy ae E 6 gọi là lục địa sa nhicốp sinh linh rất nhiều,lính mình bị nhát có bị nhập có, tối ngũ sinh linh đi vòng vòng chơi.
Có bửa tôi đi lùng bắn chim tình cờ thấy cây cáng vỏng nằm chổ đất mới, lúc nầy tôi thấy rùng mình nên cắt xuống suối thì thấy vệ suối có
vài cái nón bộ đội chống cây. Hôm nay qua những hàng chử nên biết được các ae .Nên quá tảng mạng chưa tập trung. Những địa danh nầy tôi ở rất nhiều, khi khác xin nhập cuộc sâu hơn . Kính chào các chiến hữu
Chào bạn wwhai20,
Nghe cái đoạn này quen quen, Tiahien chắc như bắp bạn là thằng bạn của tui từng qua 303, 747 và E6.
He he... nếu đúng vậy, cho Tiahien gởi lời chào kiểu con nhà lính ở K: "Lớt đay lơn- chap đay hơi."
Với số vốn sống ở K nhiều năm hơn các ae khác, hy vọng được nghe wwhai20 kể chuyện ôn lại các kỷ niệm nóng bỏng của đời mình, phải 0 bạn?
@wanta:
Những người lính cùng thời với wanta cũng từng trải qua cái cảm giác về 07/01/79 như thế. Đó là sự bắt đầu một chặng đường 10 năm gian khổ như wanta đã viết.
Tiahien nhớ các lần báo động giả tại đơn vị. Đám tân binh chúng mình chỉ biết được gọi là đi, giờ N và điểm đến luôn luôn là một ẩn số. Thời điểm có tin tốt từ chiến trường K báo về cũng là lúc các chỉ huy bàn tính đến việc chuyển quân, nhiều đêm sau ngày đó là tư thế sẵn sàng lên đường. Hầu như các lần tập dượt đều tiến hành vào ban đêm và hai lần chuyển quân của E747 rời khỏi thành phố cũng vào tầm buổi tối.
Cả hai lần, Tiahien còn nhớ đoàn công-voa dài dằng dặc ẩn hiện trên đường quốc lộ lúc bình minh buổi sáng. Chỉ khoảng 125km từ thành phố đến Phương Lâm, hành quân cơ giới sao mãi gần tối mới tới được điểm dừng đóng quân? Thì ra có một đoạn hành quân bằng lôca-chân bây giờ mới nhớ.
Đêm đầu tiên tại Phương Lâm với A của Tiahien không có muỗi, vắt. Lúc chiều căng võng tại vườn chuối, nửa đêm bí mật hành quân tiếp cận vào nhà dân. Cứ nền đất, ụ rơm lăn kềnh ra đó.
Sáng sớm phát hiện ra di trú đúng chuồng gà. Anh em người ngứa ngáy nổi đầy ban đỏ. Chưa mần ăn gì đã bị đám mạt gà tấn công, dùng lửa đốt mấy ngày mới hết... ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 15 Tháng Tám, 2011, 12:16:42 am
        Chào người em 86humxamthay lâu quá mới nhảy vào topic này em ở TTT P.18, Q4 không biết có biết BS Thi không nhà cũng TTT P18, Q4 cũng dân học Nguyễn Trãi đấy.

        86humxamthay cho anh số ĐT đi. Hôm nào anh về TP ghé em chơi dù gì anh em mình cũng "3 cùng" mà: cùng chiến hữu chiến trường K, cùng một lò "Chùa Nguyễn Trãi", cùng là dân Quận 4
                  Đàn anh có ghé thành phố thì lên 2W tần số 0903912678 gặp em,dân quận Tư giờ tản lạc gần hết rồi anh ơi,dân TTT thì đi nước ngoài nhiều lắm (vì ở ngay nơi đóng tàu vượt biên mà),một phần dời qua quận 7 do bị giải tỏa,hôm trước em cũng có hỏi thăm anh Hòa thương binh dùm chị Bé Hiền QYV 7C mà người ta cũng không biết ảnh đã dời đi đâu nữa.Anh em mình có tới 5 cùng lận đó,cùng từng ăn cơm của TNXP và nay cùng lập nghiệp miền Tây (chừng vài năm nữa em xin nghĩ việc,lãnh tiền đi thăm K một chuyến rồi dọn về quê luôn)!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: daibacvn trong 15 Tháng Tám, 2011, 11:20:59 am
Trích dẫn từ: Hai Ruộng
Con vắt mà một đầu chấm đất , một đầu huơ huơ , rồi đồng loạt xung phong hướng về mục tiêu chiếm lĩnh là vắt bộ binh , mình lấy dầu DEP hay xà phòng thoa xung quang giầy là nó không cắn mình được . Còn anh em mình bị nó chui lên bám vào lưng , vào nách vào bụng mà cắn . Đó là vắt nhảy dù Hùm xám ơi ! Những con nầy nó trèo lên cây đậu trên lá , khi mình đi qua phía dưới là nó cũng huơ huơ , nhưng nó buông người rơi từ trên xuống , trúng mình chỗ nào là nó bám vào chỗ đó , bất cứ đầu mình chân tay , lúc đó mình sẽ không hay biết gì , rồi âm thầm xâm nhập qua lớp áo , lựa chổ hiểm mà tấn công , đa số anh em mình bị cắn là loại vắt nhẩy dù nầy .
Qua bài này em tạm kết luận: vắt gồm có hai binh chủng là binh chủng bộ binh & binh chủng nhảy dù kết hợp với đỉa là binh chủng hải quân là hợp thành... 3 thứ quân hút máu!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 15 Tháng Tám, 2011, 08:49:15 pm
chào bạn wanta ,bạn nhớ khoản tháng 11/1978 bạn là TNXP có đi theo E 33 để tải thương, tải đạn phải ko? ở cao điễm 182 ca ra chê nhớ ko. còn thời gian ở D7 E 747 năm 1980 ăn tết ở phum khơ khuyên gần sân bay SR, còn năm 1981 C 2 và cối 82 ăn tết tại phum tinh -va rin còn D bộ ăn tết tại bẹt xi nen cha. còn diễn kịch , tôi đóng vai pot (nói câu à na rưn tô tưng-à na hiên tha anh- anh xà láp tần rua).bạn Mạnh Dk đi theo phối hợp C 1 anh Đấu,anh Diệm để học đại đội tấn công theo kiễu liên xô. các địa danh như:- phum bà đạ- núi liếp huyện bòn tia sa rây-phum kha na xiêm riệp. nghĩ giải lao rồi ngay mai minh điệp khúc lại nha./


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 15 Tháng Tám, 2011, 09:07:18 pm
 Hai Ruộng nhớ rỏ tết năm 1981 tại phum ting anh em ta gọi là phum Cà ting , làm sân khấu trình diển văn nghệ , có hát rất nhiều bài tiếng K , hình như là anh Nam C 11 hát bài hoa chăm Pa nhưng dịch ra tiếng K ( đuốch phca chăm pa , nâu chăm , phliêng kgioi  manh ... ), còn trinh sát D thì múa minh họa và hát bài bước chân người trinh sát , còn Huệ thông tin thì diển trò đóng vai lực sỹ , còn Chương thông tin thì hát bài gì mình quên rồi , có diển kịch , đóng vai Pốt không biết có phải là Thạnh "chiên da" mình quên mất , có vai tướng bắc kinh nữa , còn C mình thì có Cường vừa đọc tấu ghi ta vừ hát bài la dây bằng tiếng K , còn Hiệp lùn với anh gì (tiếng eo éo như con gái hình như là Hoa lúc đầu ở C 12 cối 82 , sau chuyển qua C 9) giã gái mượn xà rong phụ tùng của phụ nữ K hóa trang , múa dẽo và xinh hơn cã mấy em K  .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 15 Tháng Tám, 2011, 11:01:31 pm
        Chào các Bác CCB trên diễn đàn VMH dự tính tối nay post tiếp chặng hành quân Phương Lâm - Định Quán: họa tới "Đi Lạc" để các Bác thấy cùng là "Đi lạc" mà tại sao ông trời ưu đãi cho Bác Hai Ruộng được "đầu ruồi nhắm đít điểm đen, các nàng tiên tắm! Bắn" còn tớ thì "Họa tới" nhưng có thằng em làm chung công ty nhà ở Long An nên mấy anh em kéo nhau đi "xị xô" và chiến đấu với "Xì Ke" giờ mới về "đầu ruồi trên mắt kiếng" giờ "nhìn 1 thành 2" nên botay.com "bóp cò không xong". Đành phải nghỉ giải lao tiếp hẹn các Bác ngày mai tiếp tục hành quân.

       @wwhai20: Cám ơn Bác wwhai20, Bác mới tham gia diễn đàn mà đã ghé thăm "tệ xá" của em quý hóa quá. Hì! Hì! thú thật với Bác em là TNXP nhưng tháng 11/1978 em không được diễm phúc cùng đồng đội TNXP phục vụ chiến đấu tại BGTN mà đang "Hì! Hì! lăn, lê, bò, lết" tại 2Bis Xô Viết Nghệ Tỉnh, Bác nhớ thời đó đơn vị TNXP mà bác nói là đơn vị nào đơn vị của tớ là liên đội Kiên Quyết khi phục vụ chiến đấu là liên đội 303. Năm 1980 D7, E747 là nhiệm vụ bảo vệ sân bay Xiêm Riệp, D bộ và các C khác đóng dọc theo đường từ đền Angkor wat vào sân bay còn C của tớ thì đóng tại ngay cái chùa ở trên bờ hồ Ba Rài ở sân bay nhìn lên. Năm 1981 thì tớ đã ra quân nên tết năm 1981 ở Cà Ting thì cái này Bác Hai Ruộng rõ hơn. Bác ở đơn vị nào? Có những ký ức gì vui cứ post lên đây anh em mình chia sẻ.

       @Hai Ruộng: Huệ thông tin thì mình nhớ, anh chàng đi theo anh Mai CTV trong trận "nở hoa trong lòng địch" may mắn xuống công sự trước nên không bị thương. Sau này ra quân nghe nói vào làm ở xí nghiệp dược phẩm Vinaspecial ở Quận 4 chổ mẹ Phụng, mẹ của Lưu Anh Tuấn làm Giám đốc bây giờ không biết làm gì? Bác Hai Ruộngc ó thông tin gì không


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 16 Tháng Tám, 2011, 05:29:03 pm
Chào bạn wata,năm 1981 ăn tết tại phum  cà tinh chỉ có C 2 và 1 trung đội cối 82 của C 4 . nhờ lấy hầm cối 82 làm lò than , nên ae ăn tết rất lớn .Mua thẳng 1 con bò đễ ăn tết, tôi và ae trực tiệp đập đầu bò lấy máu còn pha rượu uống tại chổ.Ăn tết xong anh Huyền thay cho bố Sườn rồi ae cùng tiểu đoàn hành quân tiếp khoản 20 km thế chân cho E 201 gần phơ num đòn rét- va rin ,vào đậy ae mình bắt được 1 thằng pot.tôi là người trực tiếp giữ và đêm trăng lên tôi luộc chính luôn.vì khu vực nầy rừng rậm và lắm trái 65/2a sẳn sàn lấy chân các bạn, phải bảo vệ lực lượng để chơi với pot và TQ"Nếu cần thiết là chơi; còn lai quần vẩn chơi;chơi cho biết ai ngăn nổi bước chân ta.Tôi củng người trực tiếp đi tuyền trạm và củng là ngừoi đi cứu bị dân heo rừng húc chết. tôi,Hiệp,hùng,Sữu khi nge dân báo 4 ae liền cắt rừng tìm xát thủ và hạ ngay tại chổ 1 xát thủ như con trâu- dân ra thịt cho các chú đội 1/4 con ,gánh về ná thở. Thế là tiểu đoàn mình ấm bụng được 1 bữa" vụ nầy anh 2 Ruộng biết mà" wata tôi gặp bạn lần cuối tại phum tà co lúc C 3 đang hành quân ,để sáng chi viện cho trinh sát tiểu đoàn 5 bị pot chơi tại cầu cây phum bẹt si nen cha, sáng D vừa vào tới cầu là chỏn nhau rồi và cứu thương binh ngay .....! ngon chưa các chiến hữu" à na rưn tô tưng--  sà lắp tằn o"/   giơn xum xằm rạ mà tít bòn on


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 16 Tháng Tám, 2011, 07:19:29 pm
 Lâu quá rồi mình không nhớ rỏ từng chi tiết . Kỳ mà anh em C11 bắn chết con heo rừng độc chiết mà nó quật chết một tay du kich K , lúc đó đúng là sau tết , D7 mình hành quân đón lỏng khu vực Va Rin để F 302 càn quét từ phía bắc xuống , C 9 của mình đóng tại phum Trúp , còn D bộ thì đóng trên C9 về phía bắc theo trục đường cát trắng . Như vậy WANHAI 20 có phải là Hai hay hát nghêu ngao bài " gái thời nay điếm thúi , hay tìm chồng hoa mai , quên những thằng binh hai ... " không ? Nếu đúng là mình nhớ rồi , còn không đúng nữa là mình cũng chịu chưa nhớ ra nổi  .
 Hiệp ,  Hùng có phải Trinh Sát D không ?  Hiệp là Hiệp đen ( Hiệp nhỏ phải không ? ) . Còn CTV phó là thượng úy Ngô Xuân Quyền chứ không phải Huyền .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Tám, 2011, 12:47:43 am
IX. PHƯƠNG LÂM – ĐỊNH QUÁN: HỌA TỚI “ĐI LẠC”

   Như phần trước tôi đã nói, khi đưa B tôi đến điểm quy định thì xảy ra tranh cải giữa TS D và tay C phó giữa việc đi tiếp hay quay về. Cuối cùng TS D quay về, còn B tôi là lính phải theo chỉ huy đi tiếp với lập luận “đi tiếp là về cứ”. Thế là cả B chúng tôi gặp đại họa “ĐI LẠC”.

   Trời buổi trưa nắng gắt đổ xuống đầu, cả đoàn quân lầm lủi đi mà không biết mình đi về phương trời nào, do nhiệm vụ ban đầu sáng đi trưa về nên không có chuẩn bị cơm vắt ăn trưa, trên đường đi không gặp con suối nào, là lính mới sức chịu đựng hành quân bộ chưa quen nên ai cũng bị cái đói, cái khát hành hạ cả B có 2 bi đông nước chia nhau uống dần cũng hết, có anh bạn đem theo lọ muối đậu chắc được ai đó truyền kinh nghiệm nên lấy ra bỏ một miếng nhỏ vào miệng gậm rồi phun ra, tôi thấy lạ hỏi “làm gì vậy” hắn cho tôi một miếng nhỏ và bảo “ngậm ở đầu lưỡi nhấp nhấp rồi phun ra đừng có nuốt”, tôi làm theo và thấy đỡ cơn khát, đã vậy vẫn bị hàng “binh đoàn vắt” đeo bám không ngừng nghỉ.

   Đường hành quân càng đi càng thấy hoang vắng hơn, lúc đầu trên đường còn thấy dấu bánh xe đạp chắc của dân đi lấy củi, sau dần không thấy nữa trên đường lại đầy phân voi lâu lâu lại thấy dấu vết của những bếp lửa đã cũ ở bên đường, trên đường đôi khi gặp con suối nhỏ cắt ngang anh em mừng rỡ lấy nón cối múc uống cho đã khát, tôi thì có kinh nghiệm thời TNXP là đến nơi nào mới thì đừng uống nước sống vì nếu uống sẽ bị “chói nước” và “sốt rét”, nhưng khát quá không uống không được nên tôi chỉ uống một ngụm nhỏ rồi lấy khăn nhúng ướt lau mặt rồi vắt vai để khi nào khát thì lấy đầu khăn cho vào miệng nhấm nhấm cho đã khát.

   Trời xế chiều vẫn không thấy đơn vị đâu, anh em đa số đều đã đuối sức vì mệt, vì đói, vì khát nhất là những người khi đi qua suối uống nhiều nước, chỉ có một vài anh vốn là học sinh trường TDTT TW2 là còn khỏe (dân thể thao mà), một vài người súng đạn mang không nổi nữa phải nhờ người khác mang giùm, tôi cũng mệt quá rồi nhưng chưa đến nổi phải nhờ anh em khác mang hộ súng đạn.

   Đến lúc này tay C phó đã biết đi lạc rồi cũng bắt đầu hoảng loạn, cứ đi một đoạn lại rẽ vào rừng rồi lại quay ra đi tiếp, lâu lâu lại bắn 3 phát súng để liên lạc nhưng không thấy tăm hơi gì (sau này anh Trị CTV phó nói ở cứ có nghe tiếng súng nhưng xa quá nên tưởng là súng của cách D6). Chiều đến khi không còn nắng mặt trời nữa anh em đuối quá rồi vừa lên hết đoạn dốc ngắn Hai “phao câu” (do đi cái đít cứ vễnh ra phía sau) tướng nhỏ người ngồi bệt giữa đường nói “Không đi nữa, mệt quá rồi, có chết cũng không đi” (lúc đó mà bất chợt đơn vị tôi mà gặp FUROL thì chắc hốt xác cả đám).

          Đêm đã gần đến, cả đội hình tìm chổ bằng phẳng tắp vào rừng để qua đêm, sau khi cởi giày, cởi vớ để truy tìm giặc “vắt”, đã chuẩn bị kỹ như thế ống quần cài túm lại, vớ trùm lên vậy mà nó vẫn “xuyên thủng phòng tuyến” bu vào mu bàn chân có thằng còn xung phong lên tận ống quyển, tôi đếm sơ sơ cũng cở chục con to tròn bằng đầu ngón tay út. Mọi người mắc vỏng ổn định chổ nghỉ, tay C phó kêu tôi mắc võng gần ổng (chắc tại thấy tôi đeo kiếng dáng vẻ thư sinh, lại hiền không than van nên kêu nằm chung để không phải nghe càm ràm như các anh em khác).

          Trời xụp tối, tôi lên võng nằm linh tính như thế nào tôi đưa tay rờ đầu, rờ cổ rờ đến sau gáy tôi thấy có một cục to cở đầu ngón út nó “mềm mềm” nghĩ trong bụng “cổ mình từ hồi nào đến giờ đâu có gì đâu sao bây giờ có cục thịt dư”, lấy tay khều nhẹ thì nó rớt “bịch” xuống vỏng và tay nhèo nhoẹt chất lỏng nhớt nhớt trong đầu tôi hiện ra chữ “Vắt” (thì ra một thằng vắt binh chủng nhảy dù đã cảm tử nhảy xuống cổ tôi từ lúc nào không hay và chểm chệ “đánh chén” rất may là nó không phát tín hiệu kêu lính nhảy dù đến), tôi vội bật dậy nhảy xuống và dũ võng ầm ầm, tay C phó hỏi tôi “gì vậy Nam” tôi trả lời “Vắt đeo cần cổ”.

         Tôi lên võng trở lại, nằm đong đưa trên vỏng, trời xe lạnh, lá cây xào xạc và cái mùi ẩm mốc rừng cảm giác quen thuộc lại trở về như ngày nào ở TNXP mới đổ quân lên Tây Ninh, trong không gian yên tỉnh của rừng núi văng vẳng vọng về tiếng “ào ào” như tiếng nước chảy từ xa vọng về, tay C phó hỏi tôi “Nam em có nghe gì không” tôi trả lời “Có, hình như đâu đây có con suối lớn”.

       Trong bóng đêm vọng về từng tràng súng Ak từ xa, tôi dần chìm vào giấc ngủ của thân xác, tiếng “ào ào” của suối từ xa vọng về và nổi ám ảnh của hàng “binh đoàn vắt” trong đầu.

        Cả cuộc đời tôi đã lăn lộn với rừng nhiều từ năm 1976, cho đến khi qua K và sau này trong rừng già Tây Nguyên chưa bao giờ tôi gặp “Vắt” như ở Phương Lâm – Định Quán này. Cho tới bây giờ khi ngồi gỏ những dòng này trong đầu tôi lại hiện về hình ảnh những con vật nhỏ như cây tăm màu đỏ bầm bò lúc nhúc năm xưa.

         Đi lạc của tôi khi ở Phương Lâm – Định Quán là như thế đó “Mệt, Đói, Khát và Vắt” chứ đâu được “diễm phúc” như Bác Hai Ruộng được “phục kích” các em TNXP “Tắm tiên”. Bác Hai Ruộng hạnh phúc nhé!

        Ký tới: Phương Lâm – Định Quán: trở về trong vòng tay đồng đội

        @wwhai20: Như thông tin Bác nói lúc ở Xiêm Riệp ở tại phum khơ khuyên có phải phum có cái chùa chỉ còn khung sườn nằm trên bờ hồ Ba Rài không? theo như Bác nói C của Bác bắn được heo rừng và Bác Hai Ruộng nói có nghe nói C11 bắn được heo rừng. Vậy có phải Bác ở C11 không? tôi là lính C11 ở B1 của anh Nam đen, Bùi Hiệp, Hiếu pốt ở hỏa lực của C11 có Thịnh tướng to cao giữa cây M60 đó. Nếu phải Bác ở C11 vậy Bác ở B nào? tên gì? cho tớ biết với.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 17 Tháng Tám, 2011, 09:47:42 am
Chào chiến hữu kom Tiahien:

Đầu tiên biết được nhau phải là sóc sa bai rồi mới chap đay chúp kơ nia mới là CCB ! ... Vậy mình pải nói cùm vây mít Việt Nam ... Chào bạn thân mến, nói về màu áo xanh thì làm sao quên đươc nó cứ đeo đẳng suốt với mình, cứ xem rồi hồi âm lại thấy gần nhau và thương nhau, cùng nhau tác chiến... Bạn còn nhớ túi rút cơm vắt, cá khô qua ngày để đánh Pốt. Đôi lúc thịt cọp muối ớt cứ vậy mà lủi thủi trong rừng, trong gian khổ nào cũng có sự an ủi, động viên phải không? Còn nhớ chim kêu khó khăn khắc phục, bắt cô trói cột hay là tắc kè kêu anh em mình dịch là: Bắc kỳ, Bắckỳ hay là mút mùa, mút mùa hoặc hết về, hết về ...
 Anh Hai Ruộng tôi nhớ rồi, bạn đóng vai nữ mặc sarong hát nhạc Campuchia tên là Chung C 4 cối 82 nhà ở quận 3 gần khúc vào trại giam chí Hòa hiện nay bản thân không vợ ít có mặt ở nhà lúc nào cũng ở trong chùa làm công quả, bạn nầy rất thân với y tá Phưởng ở Campuchia lúc nào 2 bạn này cũng đi chung với nhau Vụ con đỉa chui vào... Thì hai bạn này cũng đi chung hái bông súng để cải thiện đời sống cho anh em. Còn các địa danh núi Hồng, Tà ben. Nói chung là hướng đông bắc có quên thì em sẽ chia lửa. Vì em được trân trọng lên núi Hồng 2 lần, lần 2 ở E 6 em ở rất lâu và cũng là người cắt rừng dẫn đường đưa 40 anh em về chính sách, từ phum Bơ lon thom trên núi Hồng ra hướng Tho mo chui xuống núi về chợ là lụa SR. Xin bay vợ kêu nấu cơm..bay nha!......


 Bác thì "bay" đi nấu cơm cho vợ, còn tôi thi phải ngồi sửa lỗi chính tả cho bác đấy. ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 17 Tháng Tám, 2011, 10:25:16 am
@wwwhai20 : hehe em nghe nói núi Hồng đã được E 88 bình định xong , dân ở phum tà ben trên núi rất thương bộ đội VN lại có đội du kích rất mạnh vậy sao các bác không mượn xe bò của dân xuống núi cho khỏe mà phải cắt rừng chi cho cực vậy ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 17 Tháng Tám, 2011, 10:47:12 am
 Đúng rồi CHUNG C 12 cối 82 , chứ không phải tên Hoa mình nhớ lầm rồi , anh em thông cảm . Sau nầy mình cũng nghe nói Chung không lấy vợ mà đi tu , vì có căn tu từ lâu rồi , mấy năm ở K anh em mình ăn chay trường liên tục , toàn cơm vắt với muối không thôi . Có gặp Chung cho mình gữi lời thăm , bắt tay và ôm hôn cô sơn nữ duyên dáng năm nào !
  Như vậy là sau khi F 317 về nước WWHAI 20 là người ở lại , như vậy bạn là người nhập ngủ sau năm 1978 , một số anh em ở lại nghe nói sau nầy hy sinh nhiều lắm , Hai Ruộng rất muốn biết các em của mình ở lại như Mỹ , Phát , Nên , Kiểng , ( Cuội , Thành lính Nghệ An , Phóng hay giả tiếng đàn bầu ) . Tội mấy em còn non nớt , chưa có kinh nghiệm bao nhiêu .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: haanh trong 17 Tháng Tám, 2011, 11:03:08 am
hehe bác wwwhai20 xuất thân từ F 303 , lúc wanta đang lăn lê bò toài ở quân trường thì bác ấy đang oánh nhau trong đội hình của F303 ở sông tê , sa long hay đồi không tên gì đó cùng với các bác E 55 của tribeco  ;D
Các bác E55 vào nhận đồng hương E33 nghe  ;D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Tám, 2011, 11:42:49 am
He!He!
         Mình biết WWhai20 là ai rồi lúc đầu mình ngờ ngợ còn hỏi thăm dò. Nhưng bây giờ Bác haanh bật mí rồi. WWhai20 chính là Bác Hải Đao chứ còn ai nữa, đúng không nào. Hình chụp hôm off 747 ngày 27/07 đâu post lên cho anh em chiêm ngưởng dung nhan của người đã hạ ngục vỏ sĩ K năm nào đi.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 18 Tháng Tám, 2011, 10:13:19 pm
X. PHƯƠNG LÂM – ĐỊNH QUÁN: TRỞ VỀ TRONG VÒNG TAY ĐỒNG ĐỘI

   Sáng hôm sau, sau một giấc ngủ dài anh em chúng tôi hồi phục một phần sức khỏe và tiếp tục đi tiếp, tiếng “ào ào” của nước chảy càng ngày càng nghe rõ hơn, đến một ngã ba tiếng “ào ào” nghe rất lớn, chúng tôi rẻ vào đi một đoạn ngắn thì cả một khoảng trời mênh mông với dòng suối lớn hiện ra trước mắt, giữa lòng suối là những tảng đá nhô lên khiến dòng suối cuộn cuộn chảy tạo thành dòng thác nhỏ thì ra tiếng “ào ào” đêm qua tôi nghe phát ra từ đây, khung cảnh hoang sơ và đẹp làm sao. Chúng tôi dừng chân nghỉ tranh thủ xuống suối rửa mặt và uống nước, anh nào có bi đông thì trữ nước để đi tiếp.

   Đến bây giờ thì tay C phó không còn xác định được đang ở đâu nữa và quyết định quay trở lại con đường cũ. Anh em chúng tôi lại tiếp tục cắm cúi đi mặc dù đã qua một đêm ngủ sức khỏe có hồi phục nhưng cũng chỉ được thời gian đầu khi trời còn mát lạnh, đến khi nắng lên thì cái đói, cái khát lại trở về cả đoàn người lầm lủi đi, lại bị vắt tấn công nhưng lần này đuối quá rồi nên chẳng anh nào thèm bắt nữa “kệ mày hút no rồi lại rơi xuống thôi”. Đã có anh em đuối sức quá rồi đi không nổi nữa, thế là mấy anh học trường TDTT TW2 to khỏe phải vác súng cho các anh em khác, số còn sức vừa vừa thì dìu những anh yếu không đi được, hai anh khỏe nhất được phân công đi trước theo đường cũ tìm về nơi chốt cuối cùng của B2 mà hôm qua chúng tôi đã ghé nghĩ, để báo anh em nấu cháo trước cho anh em về ăn.

   Tầm trưa chúng tôi tìm về được đến chốt của B2 nhưng không thấy bóng dáng người nào, thì ra anh em ở B2 đã rút chốt về rồi. Nổi thất vọng hiện lên trên khuôn mặt một số anh em nhưng chúng tôi vẫn phải đi tiếp lần này thì với hy vọng mau về tới đơn vị vì đã tìm được đường về rồi.

   Chiều xuống, chúng tôi về tới một dòng suối từ đây về tới ngã 3 nơi B2 đóng chốt khoảng 2km thì ngồi nghỉ dọc bờ suối, có anh nào thấy đám rau tàu bay mọc ven suối nhổ đưa cho tôi ăn đỡ đói, tôi bỏ mấy cọng rau tàu bay vào miệng nhai thật kỹ, lần đầu tiên tôi ăn rau tàu bay và trong tình trạng đói hai ngày sao mà thấy nó ngon quá các Bác ạ. Trong khi anh em chúng tôi nằm ngồi la liệt vì mệt, vì đói thì tay C phó lại bỏ anh em chúng tôi lại đi về một mình (khốn nạn thế đấy các Bác).
 
   Được một lúc thì có tiếng kêu và tiếng chân người chạy vào, đi đầu là anh Trị CTVP C với một số anh em mang theo súng đạn đang chạy vào, gặp lại anh em chúng tôi anh mừng quá nói “tưởng đâu là anh em tiêu hết rồi” (thì ra tối hôm qua không thấy anh em chúng tôi về C bộ và D bộ đã biết chúng tôi lạc, khuya lại nghe tiếng súng nổ. Chiều nay lại chưa thấy chúng tôi về C bộ và D bộ nghĩ rằng anh em chúng tôi đi lạc gặp FULRO đã tiêu rồi), C bộ và D bộ quyết định cử người đi tìm nên anh Trị dẫn một số anh em súng ống đầy đủ để đi tìm chúng tôi. Khi đến ngã ba B2 chốt thì gặp mấy anh của B tôi đi trước ra tới đó. Nên đã lấy thêm quân của B2 chạy vào để đưa anh em ra, số còn lại ở B2 thì lo nấu cháo để anh em chúng tôi ra ăn.

   Các anh em B2 chặt cây cột vỏng để cáng những anh em yếu sức đi không nổi về trước, số còn lại anh em chúng tôi từng bước đi về ngã ba chốt của B2 mừng quá thế là gặp lại đơn vị, gặp lại đồng đội rồi. Về đến chốt B2, cháo đã nấu xong các anh em B2 múc cho chúng tôi mỗi người một chén cháo loãng và canh không cho anh em chúng tôi ăn nhiều vì sợ bội thực.

   Sau khi nghỉ ngơi và ăn cháo ở chốt của B2 xong anh em chúng tôi về đại đội của mình, ngang qua D bộ mọi người chạy ra hỏi thăm số anh em yếu sức được võng về trước đang được Y tá D săn sóc và chúng tôi đã trở về đơn vị đầy đủ và an toàn.

   Qua lần đi lạc này tình cảm của tất cả anh em trong C tôi ngày càng gắn bó hơn, thân thiết hơn vì chúng tôi thấy rõ rằng khi gian nan hoạn nạn thì người cận kề giúp đỡ, hổ trợ, động viên mình chính là nhưng đồng đội, đồng chí thân yêu của mình.

   Riêng tay C phó tôi không biết BCH D và C có kiểm điểm gì không, nhưng từ đó trở đi mỗi lần đi đâu với tay này anh em cạch tới già, chỉ vì muốn ra vẻ ta đây, lập thành tích cá nhân mà xém chút nữa đã được hai mươi mấy con người vào tình trạng nguy hiểm. Sau này khi đi qua K thì tay C phó này không biết vì lý do gì lại không đi.

   Kỳ tới: ngu chưa từng thấy

   Đọc trên topic “Nhớ về Trung đoàn Gia Định” của Bác trungdoangiadinh thấy có nói đến lời bài hát này: “Ta lên đường hành quân ra tuyến đầu. Đây đất trời biên cương của núi sông. Nắng bừng lên chim líu lo hát chào mùa xuân. Đường ra biên giới chiến công giữa đất này”

   Đây là bài hát rất quen thuộc với lớp lính trẻ thành phố của những năm tháng BGTN và chiến trường K. Bài hát tuy đã xưa nhưng bây giờ đọc lời của nó vẫn thấy được khí thế hừng hừng ra trận của tuổi trẻ thành phố năm xưa. Có bác nào nhớ tên bài hát này không cho biết để tớ lên mạng tìm. Sẵn lên mạng tìm thông tin về bài hát này, tớ tìm được những bài hát một thời gắn bó với tuổi trẻ chúng ta trong nhưng năm tháng đầy “Máu và Hoa” và những bài hát này là “Hoa” của chúng ta.

Bài thứ nhất: Bài ca tạm biệt
Nhạc sĩ: Diệp Minh Tuyền
Ca sĩ: Quốc Định

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Bai-Ca-Tam-Biet-Quoc-Dinh/IWZAOAF6.html

          Bài này ca sĩ trẻ bây giờ hát nên không biết đoạn thơ nằm giữa đoạn nhạc chờ. Ngày xưa khi nghe bài này tớ thích nhất là đoạn thơ này. Tớ chép ra đây để các bác cùng nhớ một thời trai trẻ và lãng mạn của chúng ta

Đêm nay mình chia tay
Bóng đêm dài vô tận
Ngày mai đường chia hai
Hậu phương và mặt trận

Ước có gửi hình em
Trong ba lô anh được
Ước gửi tình em
Theo bàn chân anh bước

Anh ơi cứ đi cứ đi
Chiến trường đang vẫy gọi
Anh ơi cứ đi cứ đi
Dù xa em vẫn đợi

Bài thứ hai: Ta ra trận hôm nay
nhạc sĩ : Văn An  Ca sĩ : Trọng Tấn

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ta-Ra-Tran-Hom-Nay-Trong-Tan/ZWZAA7AD.html

       Vừa ngồi gõ bài cho topic vừa nghe những bài hát này mình thật xúc động như sống lại những năm tháng tuổi trẻ đầy hào hùng và lãng mạn năm nào.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 18 Tháng Tám, 2011, 10:53:06 pm
 Mình bật mí cho WAN TA biết bài hát "chia tay ", Thanh Loan y Tá F 302 hát hay lắm đó , Thanh Loan đã từng hát tặng cho hai vợ chồng mình , hôm nào liên hoan bác nhớ yêu cầu Thanh Loan hát lại nhé , không biết sao mà mình mãi mãi thích bài hát nầy .
 Còn bài hát "Trên đường ra biên giới ", hồi huấn luyện ngày nào mà anh em mình chẳng hát khi trên đường ra thao trường .
 Tội cho C của Wan Ta ghê khi đi càng FulRo ! Bọn mình cũng có lúc tách ra , đi mỗi cánh một B . B mình đi gặp con suối nước trong mát , có thác cao khoảng 3-4 mét , phong cảnh rất đẹp , dưới khe đá , cá nhiều lắm anh em mình vừa tắm vừa mò cá theo hóc đá , được một bửa cá no nê , mắc võng bên bờ suối ngồi ngắm cảnh tuyệt đẹp , nước trong mát trên dòng thác trắng xóa , tương phản nền  trời trong xanh , nhô ra dòng suối là một cành cây lá màu đỏ tạo nên bức tranh màu sắc hài hòa làm say đắm tâm hồn những người lính trẻ còn vương vấn nét học trò  . Bức tranh đó hòa quyện vào trong ký ức rồi cùng với chúng tôi đi mãi vào nơi chiến trường khốc liệt sau nầy , thỉnh thoảng lại hiện về trong nổi nhớ của người lính đang hành quân dưới tán  rừng K xa xôi mơ về viễn xứ  .....
  Hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân , khi chiều đến chúng tôi gặp một nhánh suối cạn , trong bải cát ngập nước những con chem chép đang há miệng trong dòng nươc trong vắt , B tôi lại dừng quân , ban đêm trăng lại sáng , bên bờ suối chúng tôi mò chem chép nấu một nồi cháo ngọt lịm . Giữa thiên nhiên hoang vắng , dưới ánh trăng , anh em ngồi bên nồi cháo chem chép , trừ ai đang làm nhiệm vụ gác , vừa thưởng thức cháo chem chép dưới ánh trăng khuya , vừ trò chuyện . Ôi nó sướng làm sao , B Trưởng là anh Kiệt . Không biết giờ nầy anh Kiệt đang ở đâu không biết có còn nhớ nồi cháo chem chép đó không ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 18 Tháng Tám, 2011, 11:09:34 pm
         Chắc tại tay C phó đó ám, Bác Hai Ruộng biết không tính ra lần bị lạc đó cả đi lẫn về gần 100 km vừa đói, vừa khát. Cái đoạn suối đá mà cả B mình ra nghỉ sau này mình biết nếu đi thẳng tiếp nữa khoảng 1 km là đến phía sau D bộ, tức là B mình đi lạc thành một vòng tròn, xuất phát từ trước D bộ đi cả ngày trời đến sáng hôm sau còn cách phía sau D bộ 1 km rồi lại quay ngược lại đi ngược trở về phía trước D bộ. Nghĩ cũng còn may chứ nếu chiều hoặc đêm hôm đó mà đụng FULRO thiệt thì cả B và tay C phó chắc bỏ xác ở Phương Lâm - Định Quán rồi chứ có đâu mà được qua K để bây giờ lên VMH ngồi nhớ lại chuyện xưa.

       Mà tay C phó này lúc cả D qua K lại không thấy mặt chớ, lặn đâu biệt tâm luôn. Anh Kiệt thì lúc về Ba Rài làm ở Quân lực E sau này mình có nghe nói về là ở BTL Thành. Hồi đó anh Kiệt cũng thương mình lắm, Không biết giờ ra sao


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Hai Ruộng trong 19 Tháng Tám, 2011, 09:20:00 pm
 Không biết bây giờ anh Kiệt có còn ở BTL Thành không ? Wan ta . Không biết ông Kiệt nầy có gốc gác gì không , sau trận nở hoa trong lòng địch là , ổng bỏ B trưởng được rút về E làm quân lực , khỏi đánh nhau khỏe re . B trưởng giao cho anh Mót trước kia là du kich Củ Chi đã từng chặn đánh xe tăng Mỹ , anh Mót chuyên bắn B 41 , băn đạt mức thiện nghệ .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: hoangson1960 trong 21 Tháng Tám, 2011, 08:56:57 pm

   
   
   
   
   Đọc trên topic “Nhớ về Trung đoàn Gia Định” của Bác trungdoangiadinh thấy có nói đến lời bài hát này: “Ta lên đường hành quân ra tuyến đầu. Đây đất trời biên cương của núi sông. Nắng bừng lên chim líu lo hát chào mùa xuân. Đường ra biên giới chiến công giữa đất này”

   Đây là bài hát rất quen thuộc với lớp lính trẻ thành phố của những năm tháng BGTN và chiến trường K. Bài hát tuy đã xưa nhưng bây giờ đọc lời của nó vẫn thấy được khí thế hừng hừng ra trận của tuổi trẻ thành phố năm xưa. Có bác nào nhớ tên bài hát này không cho biết để tớ lên mạng tìm. Sẵn lên mạng tìm thông tin về bài hát này, tớ tìm được những bài hát một thời gắn bó với tuổi trẻ chúng ta trong nhưng năm tháng đầy “Máu và Hoa” và những bài hát này là “Hoa” của chúng ta.

         
Hôm chủ nhật tuần rồi ,bên quán cafe Q8 .Sau một hồi sương sương ,mình có nghêu ngao lại bài hát thời 1978.Lời bài hát có đoạn mở đầu."ta lên đường hành quân ra tuyến đầu, đây đất trời biên cương của núi sông".Hát lên CCB ông nào cũng hưởng ứng ,nhưng được một đoạn thì....quên!.Bài hát này  rất phù hợp với chiến tranh biên giới tây nam lúc đó.TV,đài phát thanh cũng hát liên tục,thúc dục lớp thanh niên ,đoàn viên hăng hái lên đường bảo vệ tổ quốc. Mình có một kỉ niệm về bài hát này.
 16/9/78 lúc này mới qua hè ,bắt đầu vào học được hơn tuần.Hôm đó là chiều thứ 7 ,Mình vào lớp ,khi chuẩn bị vào tiết học đầu .Mình lên bảnh xin cô giáo vài phút để nói với các bạn."Hôm nay là buổi học cuối cùng của mình với lớp ,vì ngày mai mình lên đường nhập ngũ".Sau đó mình hát chia tay với cả lớp bài hát này.Không khí trong lớp thật cảm động .Các bạn,cô giáo chúc mình lên đường mạnh khỏe,may mắn và lập nhiều chiến công.Một số bạn nữ nước mắt còn rơm rớm,làm mình cũng thấy cay cay ở mắt.Sau khi chia tay lớp mình xin ra về để ngày hôm sau nhập ngũ.Hơn 30 năm lời bài hát này cũng chỗ nhớ chỗ quên.

Chào bác wan ta ! Tôi lính F5 ,vào thời đó những bài hát về biên giới luôn thúc dục ae mình lên đường ra mặt trận .Tôi cũng lính tình nguyện khi đang học lớp 11 Bùi thị Xuân Q1 .Xin góp với bác chút kỉ niệm về bài hát "Đường ra biên giới "


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 26 Tháng Tám, 2011, 12:00:26 am
Đàn anh Wanta bỏ nhà đi đâu cả tuần vậy cà? Hay đàn anh làm mất mắt kiếng tìm chưa được nên không thấy viết bài nữa?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 26 Tháng Tám, 2011, 12:28:04 am
86humxamthay ơi!
          Đi dự hội thảo lịch sử về trận đánh tàu Baton Rouge Victory thấy các Bác CCB Đoàn 10 Rừng Sát và các bác CCB biệt động - đặc công nghĩ lại thấy những gì tuổi trẻ anh em chúng mình trải qua không sánh bằng những mất mát các Bác, các Chú ấy đã trải qua mà cho đến bây giờ mới được biết đến. Mình xúc động quá nên mấy bữa nay không tập trung để gỏ bàn phím được. Hẹn ngày mai tiếp tục hành quân nhé.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: CCBTT trong 26 Tháng Tám, 2011, 12:32:40 am
Đây đây, kính nghiêm chỉnh nhé

(http://upnhanh.sieuthinhanh.com/tmpimages/images/sieuthiNHANH2011082523634nwi3ndjlmz943414.jpeg)


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 26 Tháng Tám, 2011, 12:52:07 am
Chào CCBTT!
      Cám ơn CCBTT đã chụp hình và post lên để các Bác trên diễn đàn biết "dung nhan mùa hạ của wanta" lỡ sau này có gặp mặt biết mà đừng có "chào cụ" kẻo tổn thọ chết.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 30 Tháng Tám, 2011, 01:11:05 am
XI. PHƯƠNG LÂM – ĐỊNH QUÁN: NGU CHƯA TỪNG THẤY

        Mấy hôm nay bay nhảy lung tung "tám" chổ này một tý, chổ kia một tý. Hôm nay Wanta tiếp tục chặng đường hành quân ở Phương Lâm – Định Quán đề hầu các Bác đây.

       Như phần trước Wanta đã nói việc do tính tự cao, tự đại muốn lập thành tích cá nhân mà tay C phó đã được cả B của tôi xém bỏ mạng vì đói và khát trong rừng Phương Lâm – Định Quán do đi lạc 2 ngày trời. Khi về được đơn vị sau vài ngày nghỉ ngơi anh em chúng tôi đã hồi phục lại sức khỏe.

   Lần này cả tiểu đoàn của chúng tôi đi càn, C7 chúng tôi đi một cánh lần này đi có TS và máy PRC25 đi theo nên chắc chắn không sợ lạc nữa rồi. Sáng sớm sau khi cơm nước xong cả C xuất phát, lần này dời cứ luôn nên tư trang cá nhân và trang bị hậu cần đều đem theo hết. Cả C đến trước D bộ nhận nhiệm vụ xong xuất phát theo hướng phía sau lưng D bộ, lúc này D bộ cũng đang chuẩn bị chuyển cứ.

   Sau khi đi ra khỏi D bộ một đoạn chúng tôi gặp một con đường be và cả C hành quân theo đường be này. Đi được khoảng 1km thì gặp một ngã ba chúng tôi quẹo phải gặp con suối đá lớn nước chảy ào ào, anh em trong B của tôi nhìn chổ này thấy quen quen và xực nhớ ra thì « Cha mẹ ơi! » chỗ này là nơi hôm trước chúng tôi đi lạc sáng hôm sau đã ghé nghỉ chân lau mặt và uống nước, thì ra hôm đó chúng tôi đã đi thành một vòng tròn xuất phát từ trước D bộ và về còn cách phía sau D bộ 1 km, tính ra cả đi và về trên 100 km. Sau khi nghỉ ngơi để cho anh em ngắm cảnh thiên nhiên xong đơn vị chúng tôi hành quân tiếp, đến chiều cả đơn vị chúng tôi dừng chân tại cánh rừng, may phước ở đây không có « vắt ». Nhiệm vụ của C chúng tôi hàng ngày vẫn là cử một B đi chốt và 1 A đi tuần.

   Một hôm tôi được lệnh dẫn một tổ 3 người đi tuần, nhiệm vụ là « đi sâu vào rừng theo đường mòn khoảng 200 m sẽ gặp một con suối, đi cặp theo bờ phải của con suối lên phía thượng nguồn cho đến khi gặp một đường mòn vượt suối qua bờ trái, theo đường mòn để bắt liên lạc với D bộ ».

       Nhận nhiệm vụ xong, tổ 3 người chúng tôi lên đường, trời cuối năm xe xe lạnh đi trong bầu không khí yên tĩnh của rừng Phương lâm – Định Quán tôi lại nhớ đến những cánh rừng ở Dương Minh Châu, rừng ở đây khác rừng Dương Minh Châu không có những hố bom, những công sự chiến đấu của bộ đội ngày xưa, cây không lớn lắm và thưa hơn và lá rụng đầy trên mặt đất, nếu không có phải đang làm nhiệm vụ chắc mình kiếm một gốc cây nào đó, mắc võng để thưởng thức bầu không khí yên lành này.

       Rồi tổ của tôi cũng đến con suối, đó là một con suối rộng khoảng 4 m, nước từ thượng nguồn chảy về gợn lên những con sóng lăn tăn ở giữa dòng, hai bên bờ là rừng cây thưa chứ không phải là rừng tre. Tổ ba người chúng tôi cặp theo bờ phải đi về phía thượng nguồn và rồi ... «Họa tới! Vắt!», đám vắt ở dưới lá cây mục đánh hơi người ngóc đầu dậy và ùn ùn kéo tới tấn công chúng tôi, cứ đi một đoạn chúng tôi lại dừng lại vén ống quần lên để bắt «Vắt», những con vắt no máu to tròn như đầu ngón tay bu đầy trên hai ống chân chỉ cần đụng tay vào là rớt xuống đất, những dòng máu đỏ cứ rỉ ra từ vết cắn của vắt chảy dài trên bắp chân.

        Đi một đoạn quá khủng hoảng vì vắt, tôi chợt nghĩ ra một «tối kiến» đi xuống nước để khỏi bị vắt đeo, thế là tổ 3 người chúng tôi lội xuống suối mà đi, nước suối ngập ngang bắp đùi, chảy hơi mạnh lại lội ngược dòng nên lực cản rất lớn, lúc đầu không sao, càng ngày chân càng mỏi chúng tôi té lên, té xuống quần áo ướt nhẹp, càng ngày cái lạnh do dầm nước thấm vào người chúng tôi lạnh run người. Lạnh quá chúng tôi lại leo lên bờ và lại gặp «Vắt».

        Tổ 3 người chúng tôi cứ hết lên bờ «vắt đeo» lại xuống nước «ướt nhèm», 3 người thằng nào cũng vừa ướt, vừa lạnh run, chân thì máu chảy đầm đìa (vì xuống nước máu loan theo nước chảy đầy ra chân). Té lên, té xuống, lên bờ xuống nước mãi chúng tôi cũng đến được con đường mòn.

        Sau khi nghỉ một lái cho lại sức, tổ 3 người chúng tôi vượt suối qua bờ trái, đi theo đường mòn để tìm D bộ, đi được khoảng 200 m chúng tôi đến nơi D bộ đóng quân, Bố Xường thấy chúng tôi đứa nào chân «máu me be bét» quát lên hỏi:
 
        - Chúng mày làm sao vậy?
        - Tụi con vị vắt đeo
        - Thế sao quần áo ướt hết thế kia
        - Dạ sợ vắt quá tụi con lội xuống suối.
        - Trời ơi! Sao mà ngu thế, không ai chỉ chúng mày à.
        - Dạ, chỉ gì ạ.
        - Lấy xà bông bôi lên giày thì vắt không đeo chứ gì nữa. Thôi ra bếp sưởi cho khô quần áo, ăn cơm rồi về.


       Ba anh em chúng tôi lủi vào bếp của D bộ ngồi sưởi ấm cho khô người, hai ống chân máu cũng dần thôi chảy để lại chi chít những vết bầm tím do vắt cắn. Ăn cơm và nghỉ trưa xong ba anh em chúng tôi ra về.

       Lần này, có cho tiền chúng tôi cũng không dám đi theo đường cũ nữa mà đi theo đường mòn ra tới đường lớn thì vòng về nơi C đóng quân.

       Thế là một kỷ niệm nhớ đời nữa ở vùng Phương Lâm – Định Quán lần trước «đi lạc, đói, khát và vắt đeo» lần này thì «đi tuần, lội suối, ướt, lạnh và lại vắt đeo». Sau này anh em trong D7 mỗi lần nhắc đến Phương Lâm – Định Quán là nói «Vắt».

       Kỳ tới : Về lại thành phố

       Tạm biệt các Bác, kỳ tới tiếp tục hành quân


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 30 Tháng Tám, 2011, 09:23:34 am
Chào bạn wata thân mến.!nhìn chân dung và đọc hồi ký  của bạntôi cảm thấy quá mặn mà với một bề dầy.... nào là học sinh,sinh viên giỏi,nào là bác thanh niên xung phong xây dựng kinh tế và cùng tiến bước cáng thương tải đạn ,nào là anh bộ đội. Đến khi phục viên về củng quên mình đã lao vào làm công tác xả hội ở nông trường đắc Nông..!" Đúng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh" chổ nào cần là có wata.Đây củng là tấm gương điển hình trong các trường đại học tổng hợp phải không bạn.Tôi còn trưu tượng được cái cảnh bạn đi hành quân vào Tà cọ( hướng Bà Đạ đi vào) sau thấy quá mà thương ,lưng vác chỉếc son 5 vai đeo cây AK lủi thủi rải bước nhìn về phía trước bằng 2 mãnh kính dầy cui, khi nói chuyện với Dủng cối 60 và khi miểm cười chỉ thấy có nấu răng.Quá phong sương với màu áo xanh, quá gian khổ phải không bạn?.. Hảy cố ăn muối mà sống - lâu rồi bọn mình củng quen.! Bay nha bạn wata..... đừng thấy chân dung vậy mà bị quan nha.vẫn còn múa apsara được tốt.... Bay..


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Kon tiahien trong 30 Tháng Tám, 2011, 11:03:46 am
Ngày D7 wanta đi lạc thì bọn lính E bộ chúng tôi làm công tác dân vận... He he...cũng nhớ lại chuyện cũ mà vẫn thấy kỳ kỳ khó giải thích. Hàng ngày theo A trưởng vào các nhà dân quan hệ. Chủ yếu vì là tân binh nên rất để ý cách hành xử của người đi trước mà học hỏi. A trưởng tôi người Hóc Môn, nhanh nhẹn. hoạt bát, việc gì cũng làm được tất. Tôi còn thán phục ở anh ấy cái tài thiện xạ và trèo dừa nhanh như khỉ. Cả A nhiều lần bị anh dụ cá độ thuốc lá Hoa Mai bằng cách bắn chim còn nguyên thịt. Cứ chỉ đầu là rơi đầu, chỉ chân là rụng chân, đặc biệt kể cả cánh trái hoặc cánh phải cứ ra giá là anh lượm tuốt. Trèo dừa như sóc dù anh cao cũng cỡ 1m7, không cần dao anh ngồi trên cây dừa lấy tay bóc vỏ, uống sạch nước xong còn xơi luôn cơm dừa trong trái rồi vứt vỏ xuống cho ae kiểm chứng.

Hôm đó, anh dắt chúng tôi vào nhà một CCB chế độ cũ, ông già có hai cô gái xinh đẹp. Chủ yếu từ lúc phát hiện có 2 cô mà anh năng lui tới chăng? hay đơn vị có điều nghiên trước về đối tượng mà phân công anh phụ trách? Theo tôi thì nguyên do ở vế đầu thì đúng hơn vì qua chuyện trò người ta mới cho mình hay là ông ta từng đi lính. Chúng tôi được gia chủ và hai cô con gái tận tình giúp đỡ không những chất tươi rau củ cải thiện bữa ăn, thu xếp chỗ ở cho những anh chưa có võng mà còn khá thân thiện khi cười đùa, giao tiếp...

Một bữa, A trưởng được lệnh dẫn quân đi kích đêm. Tôi theo A trưởng vòng vèo qua các đường đồi quanh quẩn. Nửa đêm anh báo dừng chân và phân công 3 tổ chốt tam tam.
- Tổ đc M hướng này nhé. Thấy người nào đi ra phải bắt hết.
- Ủa, tôi hơi ngạc nhiên, đây là phía sau vườn nhà cô Hương mà? (Hương là chị trong 2 cô gái)
- Thì đúng rồi chứ sao! Tụi bây phải coi chừng lão già đó, lão là lính nhảy dù nghe mậy.
Tôi chợt thấy gai người vì mới chiều này bọn tôi còn rủ nhau qua ổng xin khoai lang.
A trưởng bỏ đi chốt chỗ khác để lại trong chúng tôi nhiều luồng suy nghĩ. Lệnh đã ra là vậy nhưng tình huống nếu có xảy ra tôi không biết xử lý sao...!

Một đêm thức trắng canh phòng nhà người quen với dụng ý đã rõ. Vậy mà sáng ra A trưởng vẫn dẫn chúng tôi hành quân qua nhà cô Hương. A trưởng vẫn vui vẻ chào hỏi với chủ nhà như không hề có chuyện gì. Lúc ấy tôi chỉ im lìm mà trong lòng cảm thấy mắc cỡ.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 01 Tháng Chín, 2011, 02:29:29 am
XII. THÀNH PHỐ HCM: TRỞ VỀ
         
   Những ngày cuối năm đã đến đơn vị chúng tôi đã đón ngày 23 đưa ông táo về trời ở rừng Phương Lâm – Định Quán, nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi vẫn là đi chốt và tuần tra. Thông tin chúng tôi được biết là cánh D6 đã bắt được một số FULRO và khả năng chúng tôi sẽ ăn tết tại rừng Phương Lâm – La Ngà này.

   Cho đến một ngày đâu tầm 26 tết, đơn vị chúng tôi được lệnh chuẩn bị dời cứ, trưa ngày 26 tết cả C của tôi bắt đầu hành quân khoảng 2 tiếng thì chúng tôi gặp D bộ và C12 hỏa lực, chúng tôi ngồi nghỉ tại D bộ chờ C9, C10 đến hội quân. Khoảng 16 giờ cả D hành quân đi về hướng dãy núi nhỏ phía xa xa. Đường hành quân theo chiều hướng ngày càng lên cao vượt đồi dốc nhiều hơn, nên bắt đầu tất cả những lổ ở trên đầu tai, mắt, mũi, miệng đều thở, đôi chân thì căng cứng ra, quân trang trên vai càng ngày càng nặng.

          Trời chập choạng tối, tầm khoảng 18 giờ cả tiểu đoàn chúng tôi đến chân dãy núi và bắt đầu leo, núi ở đây không phải là núi đất mà là núi đá, những tảng đá to với những bề mặt góc cạnh nhô lên một cách «vô tổ chức», quân trang trên vai đang nặng, cặp đùi căng cứng bây giờ lại leo núi đá quả là cả một cực hình, anh em ai cũng đưa bàn dân dò dẫm tìm vị trí để đặt bàn chân leo lên, những người đi trước phải đưa tay xuống kéo anh sau lên, tôi với Cao Văn Vui (hiện nay là BS khoa nội 3 tại Viện Y Học Dân Tộc TP.HCM) lại động viên nhau «ráng mà đi, đi bằng cái đầu chứ không phải bằng chân».

        Tầm khoảng 19 giờ chúng tôi đến đỉnh núi nhìn xuống dưới chân núi cả một vùng đất rộng mênh mông, thấp thoáng trong bóng đêm leo loét những ánh đèn dầu chập chờn trong những ngôi nhà, phía xa xa có ánh đèn xe chạy, vậy là chúng tôi sắp đi qua một khu dân cư và đi về phía đường nhựa. Cả tiểu đoàn chúng tôi từng người đi xuống núi, leo lên đã khó, đi xuống lại càng khó hơn vì trong bóng đêm phải mò mẫm tìm vị trí đặt chân, chân đã mỏi, vai mang nặng quân trang và vũ khí chỉ cần sở sẩy hụt chân là cả người nhào đầu vào những tảng đá to.

   Xuống đến chân núi chúng tôi đi theo hàng dọc trong bóng đêm trên một con đường đất đỏ, hai bên là những rẩy khoai mì và những ngôi nhà tranh loe loét ánh đèn dầu, thỉnh thoảng có nhà mở cửa ra nhìn xong đóng lại, văng vẳng đâu đó có tiểng trẻ con khóc đêm và tiếng chó sủa, sau bao ngày ở trong rừng bây giờ đi trong bầu không khí yên tĩnh thanh bình của một vùng quê lòng tôi chợt xôn xao khó tả, nhìn những ngôi nhà trong bóng đêm thẳng tắp hai bên đường tôi đoán đây là một khu KTM của dân TP.HCM lên ở, nơi đây đã từng in dấu chân của những đồng đội TNXP của tôi năm nào, từ một vùng đất hoang nay đã có những ngôi nhà, những hàng cây, những rẩy mì, sức sống đang sinh sôi còn đồng đội tôi giờ đang ở đâu.

          Cuối cùng cả D chúng tôi đã ra tới đường lộ chúng tôi dừng chân nghỉ dọc hai bên đường, tôi cùng một vài anh em đi dọc theo đường lộ gặp một quán nước nhỏ còn mở cửa gần cột mốc cây số 142, cả nhóm vào ngồi uống nước tôi hỏi thăm thì được biết những ngôi nhà mà chúng tôi hành quân ngang qua là khu kinh tế mới Tân Phú, và nơi chúng tôi ngồi uống nước là khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng đi lên khỏi dốc là trạm MaDơGui.

          Khoảng 22 giờ một đoàn xe GMC đến chúng tôi lên xe và hành quân chung với đội hình trung đoàn. Cả một đoàn xe dài chạy trong bóng đêm đứng trên xe nhìn về phía trước và phía sau thấy những ánh đèn soi trong bóng đêm dài dằng dặc, tôi nghỉ trong bụng «đẹp quá! không có hình ảnh nào đẹp như thế này ».

   4 giờ sáng đoàn xe qua cầu Sài Gòn chạy trong ánh đèn đường đến ngã tư Hàng Xanh quẹo vào Xô Viết Nghệ Tỉnh, qua cầu Thị Nghè và đến 2 Bis quẹo vào doanh trại. Thế là chúng tôi đã về thành phố trong những ngày cận tết.

   Sau này chúng tôi mới biết sở dĩ trung đoàn 4 Quyết Thắng của chúng tôi phải bỏ ngang chiến dịch càn FULRO ở Phương Lâm – Định Quán vì thời điểm đó trung đoàn Gia Định nhận nhiệm vụ đi giải vây Tà Keo, chúng tôi được điều về làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố trong những ngày tết.

   Cám ơn những đàn anh trung đoàn Gia Định đã lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu để những người lính học trò chúng tôi được về thành phố trong những ngày tết.

Khu vực Phương Lâm - Định Quán ngày nay trên google map
(http://i1141.photobucket.com/albums/n594/tiennam1/phuonglam.jpg)
1. Nơi D7 đổ quân bắt đầu hành quân
2. Khu vực D7 làm nhiệm vụ
3. Dãy núi đá D7 hành quân rút ra
4. Khu vực D7 tập kết đón xe

Kỳ tới :  Thành phố Hồ Chí Minh: Chờ đợi và thỏa ngày đợi mong


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: DK1278 trong 04 Tháng Chín, 2011, 04:35:03 pm
Trận chiến phum Ô….  Bài hát “Các bụi của Trịnh Công Sơn…”
Từ phum ĐamKderle chuyển qua phum BangCo đơn vị đón tết 80-81 qua tết mở chiến dịch mùa khô, thời gian nay tụi Pốt tập họp lực lượng lại tương đối mạnh, chủ yếu đánh phá cầu trên trục lộ 6 con đường huyết mạch của mặt trận… Phum Ô là môt phum nằm giữa địa bàn huyện ChiKaReng và SocNiKum thuộc tỉnh SemReap trong địa bàn phum này dọc theo lộ 6 có hai cây cầu đá nhỏ cùng quần thể cầu đá “Con rồng” ngay huyên ChiKaReng, vì giáp ranh hai huyện nên tụi Pốt hay về đây hoạt động… Tháng 4 năm 81 C19 nhận lệnh trung đoàn 740 (thuộc đoàn 7705) cử một trung đội 10 ae, và một trung đội K nhận nhiệm vụ hành quân đóng tại phum Ô do A. Sáp đại đội phó C19 chỉ huy, A bộ có liên lạc anh nuôi, yta.
Đơn vị hành quân đến phum, hàng ngày hành quân chốt đường đều êm ả… Hai hôm sau, vào buổi trưa nghe dân báo tại cầu đá địch về phá cầu. Bỏ cơm trưa đơn vị chia hai cánh mỗi bên phân nửa bộ đội VN và K cách đường 200m vận động lên cầu đá (cây cầu đá cách phum 3Km) gần đến nơi thấy tụi Pốt còn đang ngồi nghỉ trưa ăn (bánh xèo chúng bắt dân trong phum đổ mang ra). Từ cự ly vài chục mét ta ém quân trong bụi phát hiện, tổ chức tập kích bất ngờ tiêu diệt được hai tay súng bỏ xác tại trân và bị thương mấy tên chúng vác nhau chay vào phum trong rừng, thấy lưc lượng chúng cũng đông khoản hơn trăm lính. Quân ta đại thắng thu binh trở về trên đường lộ, địch trong phum tổ chức lực lượng bắn loạt cối 6 phản công nhưng o đến đôi hình… sau trận đó nghe dân báo dịch bị chết 3 và bị thương 2.
Chiều tối hôm ấy cả đơn vị căng thẳng chia nhau gác phòng vệ hai người một chốt, địch biết được lực lượng ta ít chúng gửi thư vào thông báo sẽ xóa sổ đơn vị, nhưng C19 công binh mìn, trái thì nhiều nên sẵn sàng đón tiếp. Đêm dài cũng qua an lành báo hại anh nuôi, liên lạc, yta cũng phải đảm nhiệm một hướng…
Cả ngày hôm sau đơn vị phân công trực gác ban ngày, xế chiều một tiểu của đoàn sư 317 xuống thế chốt, đơn vị được lệnh rút về cứ như do trời đã xập tối ae đành ở lại sáng hôm sau về… Cũng tối hôm đó dịch tập kích vào, chúng kéo quân qua khỏi phum đánh vòng sau lưng C19 nhưng nhờ có một đại đội của tiểu đoàn sư 317 án quân ngay chùa nên dịch dội ra (nếu hôm đó không có tiểu đoàn 317 đến thì C19 bị tập kích sau lưng hướng của anh nuôi, yta gác rồi tình thế lúc đó không biết như thế nào?).
Địch ém quân ngoài rừng chờ phục kích. Trời hừng sáng đại đội của 317 đóng quân ngay chùa xuất kích, ra khỏi phum vài trăm mét đã trạm tráng, súng lớn, súng nhỏ rền vang cả tiểu đoàn vận động ra truy kích địch. C19 thời điểm đó chờ xe lên chở về cứ, nghe tiếng súng gầm vang gần phum quá và khí thế thắng trân hai hôm trước cán bộ đại đội cùng ae máu nóng lên xung phong ra tiếp viện với đơn vị bạn…
Say men chiến thắng, đưa đến chủ quan, khi đơn vị vận động ra chưa bắt được thông tin với tiểu đoàn bạn, đội hình đơn vị bạn chưa lên kịp, mới vận động ra mà thấy đơn vị bạn hy sinh hết mấy ae, khi ra đến trận địa ngay giữa đội hình dịch và ta lúc này tiến thoái lưỡng nan đành phải nằm lại bờ đê ụ mối. Địch phát hiện mục tiêu ta ở ụ mối, bắn tỉa một đồng đôi cầm RBD hy sinh (viên đạn chui vào cổ xuyên thẳng xuống ngực o trổ ra). y ta lên băng, vừa lên tới u mối thì địch phát hiện bắn một quà B40 nổ ngay sau lưng, trước mặt chỉ huy … tí nữa là đi đời cả chỉ huy và yta luôn rồi…Tàn chiến cuộc cỏng thương binh và rút quân ra, 3 người gồm (yta với 2 ae) vát ra đến giũa đoạn đường đồng đội Bảo (lính 79 quê Long An trước khi đi bộ đội là một giáo viên) nhắm mắt ra đi…., tiểu đoàn của F 317 trận đó cũng hy sinh mất 3 ae. Chiến tranh tàn ác đã cướp đi một người bạn, đồng đội và là người thầy giáo của bao em nhỏ ở quê nhà. Trong phum ĐamKĐecLe mấy bà má hay tin cũng khóc sang đơn vị chia buồn cùng đơn vị.
Đơn vị rút về ĐamKĐec đồng đội nghe tin ra quán TaKao tại chợ ngồi chờ ae chiến trận trở về, gặp nhau chia sẽ buồn vui, uống cùng ly nước. Trong quán bài hát “Cát bụi” từ lúc nào cất lên “hạt bụi nào hóa kíp thân tôi….” nghe nảo nề, đứt ruột….
Ôi !….!  một chiều buồn ĐamKĐec….
ngã ba này ngay chợ huyên DamKdes SocNiKum (đường vào SVaLo, núi Hồng) phía ngoài nay gần ngã ba vào chùa BănCo là phum DamKdesLo C19 đóng quân những tháng cuối năm 80
(http://img143.imageshack.us/img143/9389/dsc00632ln.jpg)
Từ chiến trân Phum Ô trở về ae đồng đội chờ ngay quán TàKao đối diện sân bóng, nay là chợ huyện (nghe bài "Các bụi..")
(http://img508.imageshack.us/img508/3299/dsc01907d.jpg)
Trong hình Chánh Đạt văn thư đại đôi lính Sài Gòn đồng hương với Yta, anh nuôi ra quán ngồi chờ tin tức...tại quán TàKao ... (về lại chiến trường xưa năm 2007)
(http://img685.imageshack.us/img685/2575/dsc01914xj.jpg)


ae CCB 317 có thông tin trân đánh phum Ô xin cho thông tin



Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Trungkien111 trong 16 Tháng Chín, 2011, 01:02:39 am
Tìm bạn tên Xích Hồng ở Q4.. và Tư Cụt anh chị nào có biết ?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 16 Tháng Chín, 2011, 01:06:21 am
Đây đây, kính nghiêm chỉnh nhé

(http://upnhanh.sieuthinhanh.com/tmpimages/images/sieuthiNHANH2011082523634nwi3ndjlmz943414.jpeg)
Nhìn anh wanta giống ông đồ nhỉ :D :D , anh wanta ơi , lúc anh đi bộ đội mà mang kính như thế thì làm sao mà đánh đấm :D , chưa kể lỡ anh mất kính chắc anh đành ngồi im cho Pốt nó " lụm " chứ làm sao rượt nó :D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 16 Tháng Chín, 2011, 01:07:02 am
     Phan Xích Hồng trước ở đường Tôn Thất Thuyết, Phường 1, Quận 4 chỗ xí nghiệp dệt đay 13 đi vào phải không?


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 16 Tháng Chín, 2011, 01:29:38 am
     Hi!Hi!
     Em có thấy mấy Việt kiều đeo kiếng có sợi dây ở đằng sau không. Hi!Hi! anh là người phát minh ra đầu tiên đấy nhưng thời đó chưa có đăng ký bản quyền, chứ nếu có đăng ký thời đó thì Hi!Hi! giờ ngồi thu bạc cắc khỏe re


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Trungkien111 trong 16 Tháng Chín, 2011, 01:52:54 am
Khg nhớ họ nhg có anh là tấn sỉ .. củng là TNXP .. Q4


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 16 Tháng Chín, 2011, 02:00:53 am
     Xin lỗi tôi lộn họ Nguyễn chứ không phải họ Phan, có anh Nguyễn Tấn Sĩ đi TNXP năm 76 (giờ hình như ở nước ngoài) có người em tên Kiến Quốc, tôi là đồng đội TNXP chung BCH Liên đội KQ2 ở Quận 4, Xích Hồng giờ không còn ở Quận 4 nữa (gia đình hình như còn ở), tôi ít gặp Xích Hồng chỉ khi nào họp mặt TNXP thì mới gặp. Anh có thể cho biết quý danh để tôi liên hệ với anh Xích Hồng. Còn anh Tư cụt thì tôi không biết


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Trungkien111 trong 16 Tháng Chín, 2011, 11:15:28 pm
Đúng rồi có 3 anh em ..của Xích Hồng,  Quốc là nhỏ nhất.. 
Có lẻ tôi củng đả gặp anh ở cây số 69 nếu khg lầm..
Lâu quá rồi 30 năm .. Khi đó có chú 6 Dân ...

Xin lổi quên giới thiệu tôi tên Hải ở Trung kiên ..
nếu anh chị nào có biết lên tiếng nhé


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 16 Tháng Chín, 2011, 11:26:54 pm
      Như vậy anh là TNXP thuộc liên đội Trung Kiên ở Quận 8 phải không? Anh có học khóa 1 lớp cán bộ trung sơ cấp TNXP ở trường huấn luyện cây số 69 không? Lớp học xuất phát sau khi làm lệ ra quân TNXP ngày 28/06/1977 tại HT Thống Nhất đấy. Tôi dự lớp đó cùng với Xích Hồng, Tấn Sĩ, Trọng Nghĩa của liên đội Kiên Quyết Quận 4.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Trungkien111 trong 17 Tháng Chín, 2011, 12:00:06 am
Khg anh ah tôi lên đó dự đại hội TNXP ... Hình như vào cuối năm.

Còn khóa cán bộ thì chúng tôi có gởi một số anh em lên học
riêng tôi khg có tham gia ah





Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Chín, 2011, 12:02:11 am
      Anh biết anh Xích Hồng khi nào vậy? Có thể cho biết rõ họ tên và số ĐT để tôi liên hệ báo cho anh Xích Hồng biết


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: Trungkien111 trong 17 Tháng Chín, 2011, 12:09:55 am
Tôi là bạn học của xích hồng ..

Còn anh sao giờ nầy chưa ngủ .. khuya lắm rồi ..

Nói thật tôi đả gặp lại xích hồng tháng rồi .. bạn bè dắt nhau đi nhậu ..

Xin lổi anh tên là gì để khi gặp lại x.hồng nói cho nó biết ..


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Chín, 2011, 12:34:08 am
      Anh có gặp Xích Hồng nói Tiến Nam TNXP Q4 hỏi thăm. Ngày xưa Xích Hồng Làm CTV trưởng LĐ tôi làm CTVP LĐ. Năm 77 Xích Hồng về học Trường Đảng, tôi về học Trung cấp sau đó chuyển qua bộ đội


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 17 Tháng Chín, 2011, 01:33:04 am
     Hi!Hi!
     Em có thấy mấy Việt kiều đeo kiếng có sợi dây ở đằng sau không. Hi!Hi! anh là người phát minh ra đầu tiên đấy nhưng thời đó chưa có đăng ký bản quyền, chứ nếu có đăng ký thời đó thì Hi!Hi! giờ ngồi thu bạc cắc khỏe re
Vậy ít ra anh cũng được gọi là " chú học " ấy chứ nhỉ :D , nhưng BH thấy thu bạc cắc mà khỏe gì anh ơi :) , vác nặng thí mồ chứ khỏe gì anh :D :D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Chín, 2011, 01:45:55 am
     Mệt mà cũng ráng lên đây tung hoành kể cũng ghê thật mà em nói anh là "chú học" nghĩa là sao? anh không hiểu? ngu lắm em ơi Hi!Hi!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 17 Tháng Chín, 2011, 01:54:30 am
     Mệt mà cũng ráng lên đây tung hoành kể cũng ghê thật mà em nói anh là "chú học" nghĩa là sao? anh không hiểu? ngu lắm em ơi Hi!Hi!
Chú học là em bác học đó anh :D , giống như chú sỹ em bác sỹ ấy :P , BH mệt nhưng mấy chú bộ đội còn nhậu nên BH cũng chưa ngủ được nên ngồi "  tám " :D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 17 Tháng Chín, 2011, 02:13:27 am
     Nghĩa tử nghĩa tận mà em! đưa được các anh về quê nhà là quý rồi các chú đội nhà mình đang nhậu với các anh ấy đấy, có khi các anh ấy đang ngồi sau BH xem con bé này nó làm cái gì cứ gỏ lách cách ngộ quá. Em sợ không?
    Ở 7C sau này là BV Quân dân y Miền Đông em có biết BS Đỗ Việt Dân không làm ở khoa ngoại, trước khi nghĩ hưu là Đại tá chủ nhiệm khoa


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 22 Tháng Chín, 2011, 12:22:47 am
     Đúng là "tiểu đoàn học trò",vui thì đi học,buồn thì nghỉ,nửa vui nửa buồn thì cúp cua! Đề nghị đồng chí hội trưởng "hội thức đêm" quay về đơn vị gấp nha! Hì hì!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 22 Tháng Chín, 2011, 01:10:15 pm
Anh wanta này , nắng nghỉ , mưa ngủ , mát trời tranh thủ đi nhậu :) nên không nhớ tới nhà cửa gì ráo trọi  :D  :o  :P


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 23 Tháng Chín, 2011, 01:08:50 am
      Hi!Hi!
      Hùm Xám thì "vui thì đi học,buồn thì nghỉ,nửa vui nửa buồn thì cúp cua"
      Bộ đội thì "Nắng nghĩ, Mưa ngủ, Mát trời đi chơi"
      BH thì thì "Nắng nghỉ , Mưa ngủ , Mát trời tranh thủ đi nhậu" (cái này áp dụng cho các bác cựu đây)

      Nhà thơ Nguyễn Bính có 2 câu thơ trong bài "Tương tư"
Nắng Mưa là chuyện của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
     Học trò có 2 câu thơ
Nắng Mưa là chuyện của trời
"Cúp cua" là bệnh của thời học sinh

     Còn lính thì cũng có 2 câu thơ
Nắng Mưa là chuyện của trời
"Xé rào" là bệnh của thời tân binh

     Hi!Hi! Nói vui thôi. Chứ mấy ngày hôm nay đám lính trẻ cứ thay nhau ốm hoài làm Wanta cứ phải vác cái thân già đóng trong phim "Sao Tháng Tám" đi trực tối suốt. Hôm nay 12 giờ đêm mới về VP lên diễn đàn xem và tám là chính. Nếu không có gì thay đổi ngày mai Wanta sẽ tiếp tục chặng đường hành quân "Đường ra biên giới".

    Hi!Hi! nhớ đón xem


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 23 Tháng Chín, 2011, 01:38:01 am
Có cách đây khoảng 8-9 năm mình có học luật tại chức ở trường này 'học buổi tối ".Hình như trường này bây giờ là trường quản lí cán bộ TP thì phải.!
Bác đi hơi bị sớm... không được ngắm em Diễm My, cứ giờ ra chơi mặc váy mini dạo dưới sân trường ... vừa đi vừa nhai nhóp nhép cái gì đó!
BH nghĩ chắc lúc đó nhiều người ước được làm cái gì đó lắm anh tuaans hén :P :D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 23 Tháng Chín, 2011, 01:56:35 am
     Nghĩa tử nghĩa tận mà em! đưa được các anh về quê nhà là quý rồi các chú đội nhà mình đang nhậu với các anh ấy đấy, có khi các anh ấy đang ngồi sau BH xem con bé này nó làm cái gì cứ gỏ lách cách ngộ quá. Em sợ không?
    Ở 7C sau này là BV Quân dân y Miền Đông em có biết BS Đỗ Việt Dân không làm ở khoa ngoại, trước khi nghĩ hưu là Đại tá chủ nhiệm khoa
Em nghe tên thì biết nhưng không nhớ mặt :) , hihi , bây giờ BH không sợ ma nữa nhất là mấy chú bộ đội càng không sợ :D :P


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: TANVINHprc25 trong 04 Tháng Mười, 2011, 07:39:29 pm

Wanta, hôm qua anh mới gửi ít ảnh YT qua email em đấ. Có lẽ dạo này Wanta bận thấy vắng nhà lâu rồi :D


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 05 Tháng Mười, 2011, 02:36:24 am
      Chào anh TANVINHPRC25
      Em đã nhận được những hình ảnh về quê hương YT mà anh đã mail cho em. Cám ơn anh nhiều.
      Đúng là mấy hôm nay em bận việc nhiều ban ngày công việc cơ quan, tối lại phải đi trực thay cho đám nhân viên trẻ nên 12 giờ đêm mới về VP nên mệt em chỉ vào diễn đàn để xem các bài post mới thôi. Nay mai em sẽ tiếp tục chặng đường của em.

     Đọc topic của Binhyen1960 và các bác CCB ở hướng Tây Ninh trong chiến tranh BGTN Wanta mới biết thêm về những hy sinh của đồng đội TNXP trong phục vụ BGTN, trong đó sự kiện gây chấn động nhất trong TNXP là sự kiện pốt tập kích trung đội nữ TNXP tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh vì đây là lần đầu tiên TNXP có sự hy sinh cùng một lúc với số lượng đông như vậy. Theo Wanta sau này được biết thì trung đội này làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn phục vụ bộ đội đóng ở tuyến sau, cả trung đội toàn là nữ chỉ có 1 nam TNXP được trang bị 1 cây AK, đêm hôm đó pốt đã luồn sâu vào tập kích người nam TNXP đã dùng súng chống trả và bị thương ngất đi, các nữ TNXP không có súng nên đã bị chúng vây bắt và làm nhục trong đó có nữ TNXP Lục Thiên Hương người Hoa nhà ở Phường 5, Quận 4 do biết võ nên đã chống cự bằng tay không với chúng và đã bị pốt là nhục và chết thảm nhất (Lục Thiên Hương tham gia TNXP năm 76 khi mới 16 tuổi, hy sinh năm 78 lúc 18 tuổi), số nữ TNXP còn lại sau khi bị làm nhục pốt đã tập trung lại và xã súng bắn trong đó có chị Nguyễn Thị Lý có lẽ do hoảng sợ nên đã ngất đi và xác các đồng đội khác ngã đè lên nên không chết, chị Lý sau khi được bộ đội cứu đã bị chấn thương tâm thần cho tới nay di chứng vẫn còn (trong sự kiện này có 24 nữ TNXP hy sinh), mỗi năm đến ngày 28/03 khi đi viếng đồng đội tại NTLS TP hoặc về khu tưởng niệm TNXP tại huyện Bến Cầu thì chị lại ngất đi.

      Hiện nay LLTNXP TP đã đầu tư xây dựng khu tưởng niệm 24 liệt sĩ nữ TNXP tại ngã ba Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (do sự kiện xảy ra trên đất K nên phải XD trên đất VN cách nơi xảy ra sự kiện khoảng gần 1 Km). Tổng kết trong phục vụ BGTN và trên đất K số thương bịnh, liệt sĩ TNXP khoảng 200 người.

      Các bác có thể bấm vào link này để xem hình khu tưởng niệm và lễ tưởng niệm, cầu siêu các TNXP đã hy sinh ở BGTN
http://www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/khu-tuong-niem-liet-si-tnxp?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_col_id=column-eighty-right&p_p_col_count=1&_EXT_ARTICLEVIEW_struts_action=%2Fext%2Farticleview%2Fview&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=10217&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=39849&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_i=5&_EXT_ARTICLEVIEW_curValue=1&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Fkhu-tuong-niem-liet-si-tnxp

      Chúng ta có thể xem đây là một ngã ba Đồng Lộc ở BGTN trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

     Vài dòng để tưởng nhớ về những đồng đội TNXP đã hy sinh, những người đã sát cánh cùng bộ đội trong những năm tháng đầy "máu và hoa" ở BGTN.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 05 Tháng Mười, 2011, 02:40:59 pm
BH tự xóa .


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 13 Tháng Mười, 2011, 09:25:19 pm
Hải 20, Chào anh cận lúc nầy có khỏe không ,sao lúc nầy không thấy kể chuyện, đã đi đâu rồi rủ mình đi theo để đón gió chứ!...Nầy anh bạn nói nhỏ cho nghe nha,thấy hình chân dung Thanh Loan chưa!...Bởi vậy F 302 đi đến đâu là pót nó chạy re.Thấy chân dung là thể hiện biểu dương lực lượng,đội hình rỏ nét phòng ngự, tấn công,tác chiến song phương giử chân núi Hồng, ( đúng là Hổ xám)./.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: 86humxamthaylong trong 14 Tháng Mười, 2011, 01:01:13 am
       Học trò bị tổng động viên hết rồi anh ơi,chắc là đang trong thời gian lăn,lê,bò,toài...nên tạm dừng bút! Hì hì!


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 14 Tháng Mười, 2011, 08:40:50 pm
      Hi!Hi!
      Wanta xin chào bác Hai20 và Humxam đã quan tâm đến ngôi nhà của Wanta. Vẫn lúc này Wanta bỏ nhà "lang thang đi hoang, đi bụi. Hi!Hi! Wanta có máu giang hồ mà" nên Hai20, Humxam và các bác CCB khác có quan tâm đến sức khỏe của Wanta. Wanta xin cảm ơn!
      Tối hôm qua thấy bài Bác Hai20 và Humxam co viếng nhà của Wanta định bụng hôm nay viết bài tiếp nhưng chiều nay phải đi "tê tê với đối tác" nên giờ về cũng "tê...tê" luôn nên không viết bài được. Xin cáo lỗi. Vả lại lúc này Wanta đang được "cấp trên" xả trại để chuẩn bị tư tưởng lên đường nên tha hồ đi thăm "nhà này, nhà nọ".
     Ngày mai Wanta sẽ tiếp tục chặng đường hành quân "ta lên đường hành quân ra tuyến đầu"
     Bác Hai20 mở nhà đi để góp phần thêm góc cạnh "bong ... vèo .... ùng" của C12, D7 chứ.
     Hẹn hôm nào CN Wanta về TP cùng với Humxam và bác Hai20 off mini một bữa nhé.
    Xin chào
           


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wwhai20 trong 15 Tháng Mười, 2011, 08:33:39 pm
Chào wanta ,có máu giang hồ thì ít tê tê nha, để dành sức mà còn tiếp tục hành quân chứ.Nhiệm vụ phía trước còn gian nan  lắm,nhiệm vụ sau nầy ae mình không còn đi bộ nửa mà phải đi bằng trực thăng,rồi ôm phao nhảy xuống biển mà chiến đấu để bảo vệ đảo đó nha,cố gắng mà sinh tồn 2 tiếng mới có chi diện. Cuộc chiến nầy giống như đánh ở biển hồ CPC vậy đó, cứ phải ôm bắp chuối, đặt súng lên bắp chuối mà chiến đấu  dành với pót từ tất đất trên bờ đập, không khẩn trương B69 nó bắn nổi như cá, cứ đánh nhau 1 trận là mặt sức mà vớt cá,ae cứ bám vào các ngọn cây để núp vì lúc nầy nước rất cao.tàn cuộc chiến ae bơi về quần áo ướt như chuột, bụng thì đói meo rút vè sau chợ lalu vào dân mà úp ba thom (lúc nầy đổi từ Xum)cho phù hợp với chính sách dân vận để bồi dưởng mà đi theo pót( nó ra biển hồ hay vào núi Hồng ae mình theo nó để phục vụ chu đáo. Có lần phải ở trên núi vài tháng chỉ có thịt trâu và mắm bo hóc dể sinh tồn, thậm chí tử sỹ củng phải chôn trên núi Hồng. cho nên có máu giang hồ phải rèn luyện sức khỏe dể sẳn sàng đi đâu khi tổ quốc đang cần (còn cái lai quần củng chơi) cho thế giới biết thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh./.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: wanta trong 02 Tháng Ba, 2012, 01:57:49 am
      Wanta xin chào tất cả các đồng đội, chiến hữu trên diễn đàn. Thời gian qua sau khi bị tai nạn xong, kế tiếp nhiều việc dồn dập đến với Wanta cận tết bị bệnh một trận, qua tết Công ty giải thể chi nhánh Long An và cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc nên Wanta lại lại càng dồn dập nhiều việc phải giải quyết hơn, mặt khác do không làm việc nữa nên cũng không có máy để lên mạng. Do đó tạm thời Wanta vắng mặt trên diễn đàn một thời gian hơi lâu.

     Hiện tại, Wanta đã tạm thời ổn định chổ ở, sức khỏe cũng đã phục hồi, đã có máy nối mạng nên có thể hàng ngày cùng tham gia với các chiến hữu trên các mặt trận và tiếp tục chặng đường hành quân đang dỡ dang.

     @anh TANVINHPRC25: em đã nhận được lời thăm hỏi của anh. Em cám ơn anh nhiều, tình hình của em lúc này đã tạm ổn. Chúc anh và gia đình dồi dào sức khỏe.


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Ba, 2012, 06:58:51 am
       Chào các Bác, mình là Wanta lính D4 sau là D7, E747, F317 mới tham gia diễn đàn.

Xin kính chào bác Wanta. Thảo nào tôi thấy bác rành lực lượng TNXP là vậy. Sáng nay vào Re của bác Tranphu 341, gặp mấy bức ảnh của bác BY và line của bác nói về sự hy sinh oanh liệt và đẫm máu của các anh chị TNXP ở biên giới ngày ấy làm tôi cảm động quá. thật sự cám ơn bác đã cung cấp những thông tin và sự đồng cảm trước những mất mát của đồng đội mà có lẽ cả cuộc đời còn lại chúng ta không thể nào quên. Chúc bác mạnh khỏe viết tiếp những kỉ niệm một thời để nhớ. Thân


Tiêu đề: Re: Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)
Gửi bởi: behienQYV7C trong 02 Tháng Ba, 2012, 11:27:27 am
      Wanta xin chào tất cả các đồng đội, chiến hữu trên diễn đàn. Thời gian qua sau khi bị tai nạn xong, kế tiếp nhiều việc dồn dập đến với Wanta cận tết bị bệnh một trận, qua tết Công ty giải thể chi nhánh Long An và cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc nên Wanta lại lại càng dồn dập nhiều việc phải giải quyết hơn, mặt khác do không làm việc nữa nên cũng không có máy để lên mạng. Do đó tạm thời Wanta vắng mặt trên diễn đàn một thời gian hơi lâu.
 

Anh wanta bị tai nạn gì vậy ? anh tuổi gì mà mới đầu năm nhiều chuyện vậy anh ?  :( .

Mong mọi chuyện xui xẻo mau qua với anh , hihi , chúc anh mạnh khỏe và vạn sự như ý nhé  :D