Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Cha ông ta đánh giặc => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 01:46:31 pm



Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 01:46:31 pm
Khởi nghĩa Bãi Sậy
Tác giả: Vũ Thanh Sơn
Nhà xuất bản: Văn hóa thông tin
Năm xuất bàn: 2009
Số hóa: macbupda

(http://img585.imageshack.us/img585/8193/biab.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU

Khởi nghĩa Bãi Sậy là cuộc khởi nghĩa ở cuối thế kỉ 19, kéo dài trong 10 năm (1883-1892). Cuộc khởi nghĩa chia ra làm 3 giai đoạn:

1. Đổng quân vụ Đinh Gia Quế lãnh đạo từ tháng 4/1883 đến tháng 8/1885.

2. Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật từ tháng 9/1885 đến tháng 10/1890.

3. Nguyễn Thiện Kế từ từ tháng 10/1890 đến tháng 4/1892.

Trong giai đoạn hai cuộc khởi nghĩa chiến đấu dưới ngọn cờ cần vương do vua Hàm Nghi phát động và phát triển trên quy mô rộng lớn ở các tỉnh châu thổ Sông Hồng và vùng đông bắc Bắc Bộ.

Nhiều trận chiến đấu quyết liệt chống quân Pháp và quân Nam triều do Hoàng Cao Khải cầm đầu diễn ra ở khắp nơi. Quân Pháp phải thay đổi từ chiến thuật điều động lớn lực lượng đánh nhanh, thắng nhanh đến chiến thuật “Dùng người Việt đánh người Việt”, thành lập “Đạo quân Bình định”, “Binh đoàn cảnh sát” đều giao cho Hoàng Cao Khải làm tư lệnh, cấp tiền, cấp súng cho quan phủ, quan huyện, chánh tổng, lý trưởng… để đàn áp nghĩa quân và các làng xã ủng hộ nghĩa quân bất cứ lúc nào. Chúng còn triệt hạ hàng trăm làng xã từng là căn cứ tiếp tế cho nghĩa quân đồn trú.

Đặc thù của cuộc khởi nghĩa là các thủ lĩnh chỉ xây dựng hai căn cứ ở Bãi Sậy và Trại Sơn, còn lại thực hiện khẩu hiệu toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một quân nhân, mỗi làng xã là một pháo đài. Bên cạnh việc chiến đấu trên chiến trường, nghĩa quân còn coi trọng công tác tuyên truyền, vạch tội ác của giặc, chú trọng đến công tác binh vận, ngụy vận.

Nghĩa quân trang bị vũ khí hiện đại bằng nhiều nguồn, trong đó có việc dựa vào mẫu súng của Pháp sản xuất ra hàng ngàn súng cải tiến. Nghĩa quân cũng đã thành lập nhiều trang trại cấy lúa, trồng rau màu để tự túc một phần lương thực.

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy diễn ra trên quy mô lớn, kéo dài trong 10 năm, tiếc rằng do không được khai thác nên đang có nguy cơ bị mai một. Trong khi đó trên một số sách báo chính thống viết về cuộc khởi nghĩa còn phiến diện, thậm chí sai lệch cả về quê quán, thời gian hoạt động của một số thủ lĩnh.

Là người dân sống trong vùng căn cứ Bãi Sậy, mặc dù trình độ, năng lực, cơ sở vật chất có hạn, với tấm lòng kính trọng các anh hùng hào kiệt, chúng tôi vẫn kiên trì vượt qua mọi trở ngại để sưu tầm tư liệu viết nên những trang sách nhỏ này cùng với cuốn “Các thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy” và trước đó đã xuất bản cuốn “Tướng lĩnh Bãi Sậy” để tưởng niệm đến một số anh hùng bị người đời lãng quên.

Chúng tôi rất mong các nhà sử học, lãnh đạo các địa phương có cuộc khởi nghĩa, hậu duệ các tướng lĩnh, nghĩa quân và những người quan tâm đến sử học chỉ giáo.

Xin trận trọng cảm ơn!


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 01:53:03 pm
Phần thứ nhất:

VÀI NÉT VÊ TÌNH HÌNH XÃ HỘI VIỆT NAM
TỪ KHI NHÀ NGUYỄN THỐNG TRỊ ĐẾN KHI
QUÂN PHÁP ĐÁNH CHIẾM BẮC KỲ
LẦN THỨ HAI (7/1802-4/1882)

CHƯƠNG I

XÃ HỘI VIỆT NAM TỪ KHI GIA LONG LÊN CẦM QUYỀN
ĐẾN TRƯỚC KHI THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(7/1802-5/1858)

Tháng 7/1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Gia Long dựng kinh đô ở Huế, củng cố nền chuyên chế tập quyền, ban hành bộ Luật Gia Long, thi hành nhiều chính sách hà khắc. Quan lại tham nhũng, hào lý thả sức đục khoét dân. Đương thời có câu ca:

“Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”

Trong một tờ sớ gửi triều đình, Nguyễn Công Trứ đã phải viết: “Cái họa cường hào nó làm cho con người ta thành mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mệnh người ta, làm kiệt cả gia tài người ta mà không sợ lộ, cho nên cứ ngang nhiên không kiêng sợ gì”(1)

Thuế khóa nặng nề, lao dịch, cống nộp nhiều để xây dựng cung điện, lăng tẩm, phủ đưởng. Chỉ riêng thuế ruộng đất Đàng Ngoài phải nộp cao hơn Đàng Trong từ 2 đến 3 lần.

Tháng 6/1862, sau khi Triều đình kí Hiệp ước “Hòa bình và hữu nghị” với Pháp trong đó có điều khoản phải bồi thường cho chúng 4 triệu đô la, tương đương với 2.880.000 lạng bạc(2).  Tự Đức đã tăng thuế cũ, đặt thêm thuế mới, đặc biệt là bãi bỏ lệnh cấm thuốc phiện để lấy tiền thuế trả nợ cho Pháp…

Hàng năm đến kì thu thế đã gây nên nỗi kinh hoàng khiếp sợ trong nhân dân. Giáo sĩ người Pháp Guérard nhận xét: “Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả thời Tây Sơn. Thuế khóa lao dịch tăng lên gấp 3 lần”(3) hoặc: “Dưới thời Tự Đức các tỉnh Bắc Kì thường bị áp bức và bị các quan lại của Triều đình Huế đối xử như là một xứ bị chiếm đóng”(4).

Gia Long chủ trương bần cùng hóa nhân dân để dễ bề cai trị, đã tuyên bố: “Nay chinh chiến mới yên người ta chưa quên sự khó nhọc thì dễ khiến và việc dễ nên. Nếu để vài năm sau dân quen yên rồi thì khó khiến mà oán thì dễ sinh”(5).

Chính sách kinh tế thì lạc hậu, phản động. Các vua nhà Nguyễn tịch thu ruộng đất nhà Tây Sơn đã chia cho nông dân, không tu sửa đê điều, bãi bỏ các chứ quan trông coi đê điều. Vì vậy, từ năm 1805 dịch lớn; năm 1806 đê Văn Giang (Bắc Ninh), đê Sơn Tây; đê Hải Dương vỡ, 370 xã thôn phiêu tán; năm 1807 chuột phá hoại mùa màng, dân chết đói nhiều, số đinh của Bắc Thành chỉ còn 159.589 người so với mốc đời Lê là 268.990 đinh, giảm 28%; năm 1809-1810 bị mưa bão, nước tràn, sâu phá lúa chiêm, nhiều người chết đói; cuối năm 1815 đầu năm 1816, mưa dữ dội, Sơn Nam thượng (Hưng Yên, Thái Bình), Sơn Tây lụt to, 204 xã thôn bị tai họa; năm 1816 xảy ra nạn dịch tả, nhiều người chết; năm 1818 mưa to, lúa mùa bị ngập úng; năm 1820 Sơn Nam thượng, Kinh Bắc đói, dịch bệnh giết hại 206.835 người; năm 1827, riêng  Hải Dương có 108 xã thôn phiêu tán, hơn 12.700 mẫu ruộng bị bỏ hoang; năm 1832, 1833 đê Sài Quất, Sài Thị, Nhuế Dương (Hưng Yên), đê Hải Dương năm nào cũng vỡ, dân chết đói; năm 1834, 1835, Hưng Yên, Hải Dương ngập nước, đói, từ năm 1836 đến năm 1841, đê Cứu Yên (Khoái Châu) năm nào cũng vỡ, nhiều năm Hưng Yên ngập sâu 2,5 mét nước; năm 1844, 1847 Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội vỡ đê, hai năm 1849, 1850 đồng bằng Sông Hồng bị dịch làm chết 589.460 người; vụ chiêm năm 1854 các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây bị châu chấu phá lúa đến vụ mùa các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh… bão lụt lớn, nhiều người chết; năm 1835 huyện An Dương (Hải Dương) dịch bệnh, nhiều người chết; năm 1856, Bắc Kì lụt to, đê vỡ lung tung, nhiều làng bị mất tích dưới nước, nạn đói xảy ra thê thảm không sao kể xiết. Các năm 1857, 1858, 1859 lụt, đói làm hàng vạn người ở đồng bằng sông Hồng, Thanh Hóa chết đói. Tháng 2-1862, triều đình bãi bỏ Nha Đê chính, trông coi đê điều trong cả nước nên các việc xây sửa cống, đắp sửa đê, khơi vét sông không được tiến hành. Việc làm trên đã dẫn đến năm 1865 các tỉnh Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ đều bị đói. Năm 1871 đê các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định vỡ, dân chết đói nhiều vô kể, đồng ruộng bỏ hoang. Triều đình đứng ra bán hơn 60.000 mẫu ruộng công ở Nam Định, 13.000 mẫu ở Hải Dương, hơn 7000 mẫu ở Hưng Yên để lấy tiền chi cho chiến tranh. Năm 1872 đê Văn Giang với hơn 20 trượng, các nơi đề xuất việc đắp đê. Tự Đức phán: “Hiện nay đương bận việc quân ở vùng biên giới, nên chưa bàn đến việc trị thủy vội”. Hậu quả là 11 năm liền (1872-1882) đê Phi Liệt ở Văn Giang năm nào cũng vỡ. Cũng trong thời gian đó đê Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Đông Yên, Nhạn Trạch (Hưng Yên), đê ở Sơn Tây, Nam Định, Hà Nội năm nào cũng vỡ. Năm 1885, Hưng Yên bị hạn nghiêm trọng; năm 1892 đê Hoàng Xá vỡ, Hưng Yên lại bị lụt; Năm 1896, vụ chiêm hạn hán lớn, lúa, màu chết cháy. Hưng Yên, Hải Dương bị thiệt hại nặng nề; năm 1898, đê sông Đuống vỡ; Bắc Ninh, Hưng Yên bị tổn thất nặng nề(6).


(1) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên, tập XVIII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 104, 105 - Việt sử thông dám cương mục - Lịch triều bản kỉ.
(2) Dương Kinh Quốc, Việt Nam và những sự kiện lịch sử tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, trang 45, 46.
(3) Nouveles lettes édifiantes (Những bức thư khuyến thiện mới) Paris 1918 tập VIII.
(4) G. Taboulet Legeste Francaise en Indochin tomme II - Paris Adrien Maisonneuve (1956).
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 191.
(6) Theo Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971 - Lịch triều bản kỉ - Bắc Kỳ hà đê sự tích - Minh Mệnh chính yếu - Hưng Yên tỉnh chí - Bắc Ninh tỉnh chí - Hải Dương địa chí… Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 01:55:04 pm
Trong suốt mấy chục năm trời dưới triều Nguyễn nhân dân đồng bằng sông Hồng năm nào cũng gặp tai họa lụt lội, hạn hán, sâu bệnh, dịch tễ lại khốn khổ về thuế khóa, phu phen và sự bóc lột của cường hào ác bá, nó còn được ghi nhận trong thành ngữ “Oai oái như Phủ Khoái xin lương”, hoặc trong bài vè “Về các thời Tự Đức”:

“Lúa mười quan một chục
Dân tình buồn bực
Vay mượn thì nhà giàu không cho
Cầm tiền mua thì không bán
Có kẻ trốn không đi
Tìm lên rú lên ri
Đào khoai mài, củ chuối
Người gầy bụng đói
Chỉ còn một bộ xương
Cai phó tổng không thương
Bắt về định nọc đập!
… Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét,
Dân tình cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết đường chết chợ…”


Vào thập kỉ 20 của thế kỉ XIX, kinh tế hàng hóa phát triển trong một chừng mực nhất định, những thợ lành nghề đều bị trưng tập cả đời trong các xưởng thủ công của triều đình. Luật lệ của triều đình về nhà ở, hàng tiêu dùng, may mặc rất khắt khe để phân biệt đẳng cấp nên nghề thủ công, nghề xây dựng; vật liệu xây dựng bị kìm hãm, mai một.

Công nghiệp chủ yếu là khai thác mỏ, cả nước có tới 139 mỏ. Mỗi mỏ tập trung hàng nghìn thợ và binh lính, họ bị lao động cưỡng bức, bị bóc lột hà khắc nên hiệu quả thấp. Mỏ tư nhân bị đánh thuế bằng sản phẩm rất nặng nề nên nhiều chủ mỏ phá sản.

Kinh tế thị trường phát triển chậm, thuế khóa nặng nề như chở gạo ở Nam Định vào Nghệ An phải chịu 9 lần thuế. Triều đình áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng”, chỉ có một số huyền buồm của triều đình buôn báo với Trung Quốc, Giava, Ấn Độ, Nam Dương nhưng chủ yếu là mua hàng xa xỉ phẩm sử dụng trong cung đình.

Đối ngoại thì triều đình lệ thuộc vào triều đình Mãn Thanh. Mọi tập quán, luật lệ, luật pháp nhà Thanh đều được các vua nhà Nguyễn áp dụng vào Việt Nam một cách máy móc. Đối với tư bản Pháp thì ngay từ những năm 1785, Nguyễn Ánh đã cầu cứu nước Pháp giúp sĩ quan, vũ khí đánh nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã đền ơn tư bản Pháp bằng cách cho những sĩ quan Pháp giúp mình diệt nhà Tây Sơn làm quan trong triều; cho Hội Truyền giáo nước ngoài được tự do truyền đạo Thiên chúa. Lợi dụng cơ hội đó tư bản Pháp đã phái nhiều gián điệp vào Việt Nam, dưới dạng thương nhân, giáo sĩ truyền đạo do thám tình hình chính trị, địa lí, kinh tế, xã hội, các mục tiêu quân sự, các loại vũ khí của Việt Nam phục vụ cho mục đích xâm lược sau này. Bọn gián điệp này còn mua chuộc quan lại cao cấp trong triều đình, các quan lại ở những địa phương quan trọng ngả theo Pháp, áp dụng các chính sách có lợi cho Pháp, tuyển một số người Việt Nam sang Pháp và các thuộc địa của Pháp học tập phục vụ cho âm mưu xâm lược sau này. Các vị trí có tính chất chiến lược kinh tế, quân sự đều được các các cha cố truyền đạo, lập ra các làng công giáo toàn tòng, xây nhà thờ có tháp chuông cao kiên cố, biến vùng này thành chỗ dựa của Pháp, kích động cho họ chống lại triều đình, chống các tôn giáo khác gây nên mối kì thị dân tộc.

Chính sách hà  khắc với dân, đầu hàng giặc, dung túng bọn quan lại tham nhũng của vua quan nhà Nguyễn gây nên sự bất bình trong nhân dân. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, thời Gia Long (1802-1819) chỉ tính theo tài liệu của triều Nguyễn có 50 cuộc khởi nghĩa lớn, trong đó cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc ở Thái Nguyên kéo dài từ năm 1806 đến 1824. Năm 1807 đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên nổi dậy bền bỉ chống lại nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn phải đắp một lũy đất dài 37.479 trượng (khoảng 120 km) gọi là lũy “Bình man”, dựng 115 đồn ở miền núi Quảng Ngãi để ngăn chặn các cuộc tấn công của nghĩa quân. Tại Hưng Yên, tháng 12-1804, nông dân huyện Thiên Thi (Ân Thi) khởi nghĩa, năm 1806 và tháng 2 năm 1808 nông dân Khoái Châu khởi nghĩa. Dưới thời Minh Mạng (1820-1840) có hơn 200 cuộc khởi nghĩa như Phan Bá Vành ở xã Minh Giám, Thái Bình (1821-1827), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833-1835). Tại Hưng Yên tháng 3-1826, hơn 400 nông dân ở huyện Tiên Lữ khởi nghĩa. Năm 1840, Nguyễn Công Trứ có bản tấu về triêu đình: “Hàng ngày nghe tiếng vang la vây đánh, chỗ nào chỗ ấy bọn phỉ tụ hợp như ruồi đậu, muỗi bay”(1).


(1) Xét lại nguyên nhân các vụ loạn dưới thời Tự Đức - Tạp chí Sử - Địa Sài Gòn số 1-1966.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:04:44 pm
Thời Thiệu Trị (1841-1847) có gần 50 cuộc khởi nghĩa. Thời Tự Đức chưa kể giặc Khánh, giặc biển, giặc Tàu ô cướp phá các tỉnh phá bắc, cũng có hàng chục cuộc khởi nghĩa nông dân như khởi nghĩa Cao Bá Quát ở Bắc Ninh, Sơn Tây (1854-1855). Tại Hưng Yên có các cuộc khởi nghĩa Lê Duy Cự, Bì Văn Tăng, Bùi Thương Chiểu, Nguyễn Hữu Vân, Vũ Đặng Vinh, Trần Đình Cơ. Các cuộc khởi nghĩa nhiều đến nỗi năm 1885, Tự Đức phải bảo các đình thần rằng: “Năm ngoái các hạt Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đều có giặc nổi lên. Duy có tỉnh Nam Định là được yên ổn đó cũng là sự may rủi không cùng mà thôi”. Năm 1861, Tạ Văn Phụng lấy tên là Lê Duy Minh, tự xưng là Minh chủ nổi dậy ở Quảng Yên, liên lạc với các cuộc khởi nghĩa ở Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An làm cho quan quân nhiều phen thất điên bát đảo(1). Tháng 4-1862, Cai Vàng nổi lên ở Bắc Ninh, phủ Lạng Giang, Yên Dũng, Sơn Tây liên lạc với Tạ Văn Phụng(2). Tháng 5-1862, loạn quân giết chết tri huyện sở tại Gia Lộc (Hải Dương) là Đặng Lang. Tháng 6, Hải Dương bị đói, nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi, Triều đình phải đưa quân từ Kinh đô, Thanh - Nghệ ra đánh. Việc dụ hàng địch ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên không có kết quả(3)

Những cuộc khởi nghĩa trên trước sau đều bị vua quan nhà nguyễn đưa quân đến đàn áp, dìm trong biển máu kể cả những người trong hoàng tộc như vụ nổi loạn ở Kinh thành Huế. Nhiều làng xã bị triệt hạ, nhưng các cuộc khởi nghĩa trên đã làm cho triều đình hao binh tổn tướng, nhiều tên tham quan, ô lại bị trừng trị, bọn vua quan bớt hà khắc ở một số vùng vì sợ nhân dân lại nổi dậy.

Trước tình hình đất nước suy thoái, bọn xâm lăng tới gần, nhiều quan lại và những người có tri thức đã dâng sớ đề nghị triều đình cải cách về nhiều mặt. Tháng 7-1859, Quang lộc tự khanh Nguyễn Tư Giản(4) viết bản mật sở gửi Tự Đức, đầu đề là “Sớ đánh Tây”. Trong sớ có đoạn viết “Quân Pháp tàn ngược, nhân dân cả nước ai cũng căm thù, nên đều có chí giết giặc. Chúng tôi xin triều đình đừng bảo là không có người trung thần, nghĩa dũng, không có tướng giỏi, tài cao mà cam chịu sự hòa nhục nhã này lo làm kế tạm yên để giẫm lên bánh xe nhà Tống Ngu đã bị đổ trước. Sự bàn hòa ngày nay, quân giặc sẽ yêu cầu ta những việc gì, ta sẽ được ở giặc những gì, chúng tôi đều chưa biết, nhưng biết rằng cuộc bàn hòa này nếu thành thì là đem nước dâng cho giặc, đem giặc đến cho vua cha vậy. Làm kế sống sót của bầy tôi thì làm được, làm kế lâu dài cho đất nước thì không được”(5).

Từ năm 1863 đến năm 1867, Nguyễn Trường Tộ(6) liên tục đề nghị cải cách chấn hưng kinh tế. Riêng việc nâng cao tinh thần binh sĩ, Nguyễn Trường Tộ có nhiều bản điều trần như “Tu võ bị” (sửa sang việc võ) (tháng 6/1871), Đại luận tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp). Năm 1868, Đinh Văn Điền (người công giáo) đề nghị các việc cần làm để chống giặc Pháp. Tháng 12/1882, Ông Ích Khiêm(7) dâng sớ kế sách: “Quốc phú binh cường” là khai mỏ ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh (gồm cả Bắc Giang ngày nay), Thái Nguyên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang lấy vàng, bạc, sắt, đồng, chì, gang, diêm tiêu, than đá, các thứ gỗ, muối, nhựa thông, dầu hồi, củ nâu… Trong từ sấu về triều đình, ông vạch rõ: “Tôi từ lúc đi đánh giặc, đi qua các mỏ, hỏi các phụ lão sự lợi hại nghe được rõ ràng, nghĩ kế hoạch làm cho dân giàu, nước mạnh, không gì bằng khai mỏ”(8).

Tiếp đó Nguyễn Lộ Trạch(9), Phạm Phú Thứ cũng giử các bản điều trần về triều đình Huế đề nghị cải cách. Nhưng tiếc thay tất cả các đề nghị thức thời đó đều không được Tự Đức và các quan đại thần xem xét.


(1), (2), (3) Xét lại nguyên nhân các vụ loạn dưới thời Tự Đức - Tạp chí Sử - Địa Sài Gòn số 1-1966.
(4) Nguyễn Tư Giản quê làng Du Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội làm quan Đề chính.
(5) Chép trong “Công văn tấu tập” A545 Thư viện Khoa học xã hội.
(6) Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1827, người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông theo đạo Thiên chúa, tinh thông Nho học, lại theo học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Sau đó sang Pháp học. Ông về nước làm phiên dịch một thời gian rồi về quê. Ông có nhiều đề nghị cải cách, song Tự Đức không chấp nhận.
(7) Ông Ích Khiêm sinh năm 1831 tại làng Phong Lệ nay thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ cử nhân năm 1846, năm 1852 ông giữ chức tri huyện Kim Thành (Hải Dương). Sau ông bị cách chức vì đánh một tên cường hào, một cố đạo. Sau ông chuyển sang ngạch võ, cùng Nguyễn Tri Phương đánh Pháp ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) (9/1858). Từ năm 1862 đến năm 1873 ông tiễu trừ nhiều toán phỉ ở Bắc Kỳ. Từ 1873 đến 1883, ông hai lần đề nghị phòng thủ Bắc Kỳ, song không được vua Tự Đức chấp nhận. Ông cùng với các tướng liên kết với tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đánh thắng giặc Pháp ở Cầu Giấy lần thứ hai, ngày 19/5/1983. Tháng 8/1884, Ông Ích Khiêm kết thúc cuộc đời một cách oan uổng tại nhà tù của vua quan nhà Nguyễn.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
(9) Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895), biệt hiệu Kỳ Am, nhà chính luận, người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông học rộng, quan tâm đến thời thế, đọc tân thư của Trung Quốc. Năm 1877, ông viết bản “Thời vụ sách” lần thứ hai đề nghị những cải cách cần thiết, không được Tự Đức chấp nhận.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:07:23 pm
CHƯƠNG II

QUÂN PHÁP TẤN CÔNG ĐÀ NẴNG, CHIẾM LỤC TỈNH NAM KỲ -
ĐÁNH CHIẾM BẮC KỲ LẦN THỨ NHẤT VÀ HIỆP ƯƠC GIÁP TUẤT
(1858-1874)

Trải mấy chục năm thu thập tình báo, chuẩn bị mọi mặt cho âm mưu xâm lược Việt Nam, năm 1857, chính phủ Pháp và triều đình Mãn Thanh kí Hiệp ước Thiên Tân. Pháp rút lực lượng quân sư khỏi Trung Hoa, phối hợp với chiến hạm Tây Ban Nha thành lập liên quân Pháp - Tây Ban Nha gồm 13 chiến hạm do thiếu tướng Hải quân Pháp Rigôn Đờ Giơniuy (Rigauld de Genoilly) phó Thủy sư đô đốc kiêm Tổng chỉ huy lực lượng Hải quân Pháp trên vùng biển Đông, kiêm Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam trực tiếp chỉ huy trận đánh mở đầu xâm lược Việt Nam.

Tàu chiến của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha rời đảo Hải Nam tiến về vùng biển Trung Kỳ đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - nơi giữ vị trí chiến lược quân sư quan trong.

Ngày 1/9/1858, đại bác giặc từ các pháo hạm bắn phá vào bán đảo Sơn Trà rồi cho quân đổ bộ chiếm bán đảo. Chúng đã vấp phải sự đánh trả mãnh liệt của quân dân Sơn Trà do Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm chỉ huy gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề…

Khi quân Triều đình rút lui, với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, nhân dân đã tự động vũ trang tập kích vào các đồn bốt của giặc, phục kích các toán quân đi tuần, cất giấu lương thực khiến cho chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng” của Rigôn đờ Gioniuy phá sản. Hắn trao quyền chỉ huy bán đảo Sơn Trà cho đại tái Hải quân Toayông (Toyon) rồi rút hạm đội liên quân vào Gia Định. Toyon đã bị quân triều đình và nhân dân vũ trang mở nhiều đợt tấn công vào báo đảo Sơn Trà và đánh bại chúng trên sông Hàn, sông Nai Hiền gây cho chúng bao nỗi kinh hoàng.

Ngày 10/2/1859, chiến thuyền của liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ ngoài khơi nã đại bác vào các pháo đài của quân triều đình khu vực Vũng Tàu.

Ngày 17/2/1859, chúng tấn công cửa biển Cần Giờ và các pháo đài, đồn lũy… bảo vệ thành Sài Gòn từ xa, rồi theo đường sông bắn phá thành Sài Gòn. Thành vỡ, quan quân rút về Tây Thái (huyện Bình Long) bị quân Pháp truy kích. Lập tức cựu tri huyện Trần Thiện Chính, cựu suất đội Lê Huy tập hợp 5800 nông dân xông ra chặn giặc cho quan quân rút lui an toàn. Từ tháng 4 đến tháng 9/1859, nhân dân Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long đã tự động góp tiền gạo nuôi quân, góp kim khí để chế tạo “địa lôi chấn”, súng đồng loại lớn, ống phun lửa (hỏa hỏ thời Tây Sơn). Hoạt động của nghĩa quân Trần Thiện Chính gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, quân Pháp phải thú nhận: “Quân Pháp chỉ đụng độ với quân đội của nhà vua trong một số ít trường hợp thôi, còn phần lớn phải đương đầu với một đội quân vô hình, họ như từ dưới đất mọc lên”(1).

Trong khi phong trào kháng chiến của nhân dân lên cao thì triều đình Huế lại bạc nhược, hèn nhát. Tháng 6/1859, Tự Đức họp triều thần bàn kế chống Pháp, đã có 5 loại ý kiến khác nhau;

1 - Lấy thế thủ làm chính, vì có giữ vững thì sau mới có thể bàn đến chuyện hòa hay chiến được;

2 - Lấy kế chống giữ lâu dài làm chính vì thuyền tàu, súng đạn là sở trường của giặc, giặc muốn đánh nhanh, thắng nhanh, ta không nên chống lại sở trường của chúng, mà phải kiên trì chống giữ, đợi khi chúng mỏi mệt, cầu giảng hòa lúc đó ta sẽ tùy cơ ứng biến;

3 - Hòa có mức độ, nếu giặc chỉ yêu cầu được tự do đi lại truyền đạo và thông thương buôn bán thì ta nên hòa, nếu đó chỉ là những yêu sách giả dối thì ta phải cố sức giữ;

4 - Nên hòa ngay;

5 - Quyết giữ đất, tấn công giặc, quyết không nghị hòa với giặc(2).

Tư tưởng cầu hòa chiếm tuyệt đại đa số từ vua Tự Đức cho tới các đại thần. Nắm được tư tưởng đầu hàng đó của triều đình Huế, thiếu thướng Hải quân Pháp Page (Page) Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam mới sang thay Rigôn đờ Giơniuy đã huy động quân lực đánh phá các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, tấn công ba tỉnh miền Đông. Nhưng những nỗ lực của Page thất bại, đỉnh cao là trận đại bại ở đại đồn Chí Hòa (Gia Định) tháng 4/1860.

Ngày 15/5/1860, Chính phủ Pháp bãi chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp của Page, cử phó thủy sư đô đốc Sácne (Charner) lên nắm quyền chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam. Để tỏ ra mình có tài thao lược, Sácne muốn tấn công đại đồn Chí Hòa ngay, nhưng tháng 8/1860, triều đình Huế điều Nguyễn Tri Phương vào Gia Định củng cố, xây dựng phòng tuyến Chí Hòa. Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 2/1861, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha mở cuộc tấn công lớn và đã phá được phòng tuyến Chí Hòa. Song bọn xâm lược đã phải trả một giá đắt: 5 sĩ quan cao cấp, 30 sĩ quan, 121 hạ sĩ quan, 1805 tên lính Pháp Tây Ban Nha chết trận. Ngày 12/4, quân Pháp đánh Mỹ Tho.


(1) Fernand Bernad l’Indochina, Errieuurs et Danger (Đông Dương những sai lầm và nguy hiểm) Charpantier, Paris, 1901.
(2) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự liện lịch sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:18:30 pm
Tháng 11/1861, quân dân Định Tường đánh chìm hai tàu chiến của quân Pháp, diệt 540 tên. Ngày l9/12/1861, quân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho lần thứ hai, tỉnh Định Tường và Côn Lôn (Côn Đảo). Ngày 1/3/1862, Bôna (Bonard), Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định thiết lập nhà tù Côn Đảo. Ngày 5/6/1862, Triều đình Huế ký Hiệp ước nhường hẳn Côn Đảo cho Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy pháo hạm Hy Vọng (Espérance) và diệt nhiều tên giặc trên sông Vàm Cỏ Đông(1).

Tháng 9/1861, Trương Công Định(2) khởi nghĩa ở rú Gò Thượng với lực lượng 600 người tìm địch mà diệt, thu súng của địch, làm khuôn mẫu đúc súng mới. Ngày 16/12/1681, nghĩa quân do Đốc binh Là chỉ huy chiến đấu dũng cảm tại Cần Giuộc, diệt nhiều tên địch nhưng tổn thất cũng lớn.

Từ tháng 1 đến tháng 3/1862, quân Pháp đánh chiếm Bà Rịa, Vĩnh Long. Nhân dân đứng lên kháng chiến đã cản bước tiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Trong vòng 38 tháng (từ 1 tháng 9/1858 đến 29 tháng 11/1861), Chính phủ Pháp phải thay bốn tướng Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp xâm lược Việt Nam(3). Thực dân Pháp thực hiện chiến thuật “vừa đánh vừa đàm”, chúng tấn công cửa Thuận An để buộc triều đình Huế phải kí Hiệp ước công nhận quyền cai trị của chúng ở ba tỉnh Miền Đông. Triều đình Huế run sợ đã cử một phái bộ do Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp làm chánh, phó sử Toàn quyền đại thần vào Gia Định ký với Thiếu tướng Hải quân Pháp Bôna (Bonard) hiệp ước "Hòa binh và hữu nghị” vào ngày 5/6/1862. Hiệp ước có 12 điều khoản, trong đó có những điều khoản nhường cho Pháp thống trị ba tỉnh miền Đông và Côn Đảo; truy lùng, bắt giữ nộp cho chúng những người kháng chiến; nhận bồi thường 4 triệu đôla, chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha (tương đương với 2.880.000 lạng bạc); bãi bỏ lệnh cấm đạo, mở cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên (bao gồm cả Hải Ninh) cho Pháp và Tây Ban Nha buôn bán; Pháp trao trả Vĩnh Long khi nào triều đình Huế dẹp yên cuộc khởi nghĩa ở Định Tường, Gia Định(4).

Sau Hiệp định tháng 6/1862, Tự Đức nhiều lần ra lệnh bãi binh cấm nhân dân lục tỉnh không được mộ quân chống Pháp(5), triệu hồi một số thủ lĩnh nghĩa quân như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực(6).

Song cuộc kháng chiến của nhân dân ta vẫn tiếp tục và thắng nhiều trận lớn. chính bọn sĩ quan Pháp phải thừa nhận: “Mặc dù hòa ước đã được kí kết quân khởi nghĩa vẫn không chịu hạ vũ khí. Khắp nơi những người nổi dậy đi lại tự do, được dân chúng đón tiếp, rồi thu thuế báo hiệu cho chúng ta (Pháp) sắp phải cuốn gói khỏi nơi này… Chúng ta (Pháp) cảm thấy những khó khăn rất lớn trong việc thiết lập chính quyền trên một thuộc địa mới của chúng ta. Những toán quân khởi nghĩa được toàn xứ An Nam ủng hộ đã tỏa ra khắp các hướng”(7).

Tháng Tháng 11/1862, lần thứ hai Trương Định chống lệnh triệt binh của triều đình Huế chuyển căn cứ về Gò Công tiêu diệt nhiều quân Pháp. Quân Pháp phải điều viện binh từ Thượng Hải, Mani sang, mở nhiều cuộc tấn công lớn vào căn cứ nghĩa quân.

Ngày 1/5/1863, Chính phủ Pháp cách chức Tổng chỉ huy lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam của thiếu tướng Bôna, cử thiếu tướng Hải quân Đờ la Gờrăng (De la Grandière) thay chức đó và kiêm chức Thống đốc Nam Kỳ. De la Grandière đã tốn rất nhiều xương máu của binh sĩ Pháp, súng đạn tiền bạc để tiêu diệt Trương Định. Do bị tên Đội Tấn làm phản, ngày 19 tháng 8 năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 7 (1864), khuyên Trương Định trở lại thôn Phước Lộc để đánh úp Tân Thuận. Định tin lời. Tên Tấn báo cho quân Pháp đến phục kích. Trương Định bị trọng thương, ông rút dao tự tử. Con ông là Trương Quyền (Trương Tuệ) lên thay, chuyển địa bàn hoạt động về Tây Ninh. Từ tháng 2/1865 đến tháng 8/1867, tại lục tỉnh có các ông Võ Duy Dương, Quản Thành, Lê Đình Đường, Nguyễn Hữu Huân, A Xoa, một thủ lĩnh người Campuchia phát động nhiều cuộc chiến tranh chống Pháp.

Cuộc chiến đấu của nhân dân lục tỉnh Nam Kỳ làm cho kẻ thù khiếp sợ, chúng phải thừa nhận: “Việt Nam là một quốc gia kiên cường gắn bó với lịch sử riêng, thể chế riêng của mình và thiết tha với nền độc lập của mình. Trong các thế kỷ trước,, Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước quân xâm lược, họ biết đợt thời cơ… Tình trạng của chúng ta (Pháp) rất đỗi khủng khiếp bởi vì chúng ta phải đương đầu với một dân tộc thống nhất và tình cảm của dân tộc không phải đã bị suy yếu”(8).

Một tên thực dân khác cũng phải thú nhận: “Phải thấy rằng dân tộc Việt Nam đã có nghị lực kiên cường lắm mới đủ sức chịu đựng một cuộc chiến đấu quá ư dai dẳng như thế. Trước quân đội của chúng ta (Pháp) người Việt Nam chỉ có một cách duy nhắt là chết để bảo vệ nền độc lập, tự do của họ…”(9).


(1) Ngày 27/10/1868, Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp xử chém ở Rạch Giá. Trước khi chết, ông thét vào mặt giặc: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
(2)  Còn gọi là Trương Định nguyên quán ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), con ông Trương Cẩm, lãnh binh Gia Định thời Thiệu Trị. Trương Định lấy vợ ở Tân An, Định Tường, Cha chết ông chiêu mộ dân lập đồn điền nên được bổ chức quản cơ. Tháng 1/1859, ông dẫn lính cơ đến đóng ở Thuận Kiều đánh Pháp. Năm 1861, Trương Định rút quân về Tân Hòa. Tháng 11/1861, ông làm phó lãnh binh tỉnh Gia Định, tháng 7/1862, ông được thăng chức lãnh binh An Giang. Triều đình ra lệnh bãi binh. Ông chống lệnh, quân Pháp dụ hàng không được, nhân dân, quân sĩ tôn ông làm “Bình Tây đại nguyên soái”. Ngày 18/9 năm Giáp Tí (1864) vì Đội Tấn làm phản, ông bị thương nặng rồi rút dao tự tử năm ông 44 tuổi. Con ông là Trương Quyền tiếp tục chỉ huy nghĩa quân.
(3) Thiếu tướng phó thủy sư đô đốc Đờ Giơniuy từ 1/9/1858 đến 1/11/1859; thiếu tướng Hải quân Page từ 1/11/1859 đén 15/5/1860; phó thủ sư đô đốc Sácne (Charner) từ 15/5/1860 đến 29/11/1861; thiếu tướng Hải quân Bôna (Bonard) từ 29/11/1861 đến 30/4/1862.
(4) Đăng Huy Văn… Phan Thanh Giản trong Lịch sử cận đại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử tháng 3/1963.
(5) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỉ IV (1863-1865), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tập 30.
(6), (7) Officiere de le tat Mazor Hitoire militairre de Indochinol det débuts à nos our 1/1922 (Tập thể sĩ quan Tham mưu: Lịch sử quân sư Đông Dương từ đầu đến tháng 1/1922, Ideo Hà Nội).
(8) Fernard Bernard : L’Indochininoi, Erieuurs et Dangers (Đông Dương, những sai lầm và nguy hiểm). Charpeutier, Pái, 1901. (Bernard từng là đại úy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam).
(9) Capitaine: Charles Goselin : L’empire d’Annam (Đại úy Sáclơ Gốtsơlanh: Vương quốc An Nam), Dé-Rin et cie - Paris 1904.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:23:16 pm
Năm 1867, quân Pháp đã cơ bản chiếm được các tỉnh Miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên và đã đơn phương tuyên bố: “Lục tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp”. Chúng thiết lập bộ máy cai trị, đứng đầu là Thống đốc (Còn gọi là Đô đốc toàn quyền). Có các Sở Tham biện và Thanh tra viện giúp việc. Dưới cấp đó là cấp tổng có chánh tổng, phó tổng, dưới nữa là cấp xã có lý trưởng, phó lý đảm nhận việc cai trị.

Chuẩn bị cho việc đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1872, Soái phủ Sài Gòn phái Jean Dupuis là lái thương, nhưng thực chất là sĩ quan tình báo đem tàu buôn chở hàng hóa cùng tàu chiến có binh lính, súng đạn đi cùng xâm nhập vịnh Bắc Kỳ rồi theo đường sông Hồng đến Vân Nam (Trung Quốc) mặc dù chưa được phép của triều đình Huế.

Chuyến đi trót lọt cùa hắn càng làm cho hắn kiêu căng, ngạo mạn.

Tiếp đó, Soái Phủ Sài Gòn lại sai thiếu tá Sônét (Sonés) phái viên của Thống đốc Nam Kỳ ra Bắc liên lạc với Dupuis. Sonét chỉ huy tùa Lơ Buraynơ (Le Bourayne) thám thính các cửa sông vào châu thổ Sông Hồng bằng thuyền từ Hải Dương tới Lục Đầu Giang theo Sông Đuống tới Hà Nội. Cuộc trinh sát này không bị đe dọa, không gặp một sự kháng cự nào.

Ngày 20/11/1873, Thiếu tá Hải quân Phrăngxi Giocnhiê (Francis Garnier) hạ thành Hà Nội. Ngày 26/11/1873 quân Pháp chiếm Phủ Lý, Gia Lâm, Hoài Đức. Sau khi đánh chiếm được thành Hà Nội và các vùng lân cận Francis Garnier càng hung hăng, hắn lệnh cho các tỉnh phải triệt phá các vị trí phòng thủ, các cửa ải, bến tàu và yết thị các điều khoản thông thương.

Ngày 4/10 năm Quý Dậu (24/11/1873), Francis Garnier sai thiếu úy hải quân Baluy l’Avricourt và thiếu úy thủy quân lục chiến Trentinian chỉ huy đi một chiếc tàu con xuống Hưng Yên hỏi quan tỉnh có thuận điều ấy không. Tuần vũ Nguyễn Đức Đạt, án sát Tôn Thất Phiên phải quyền nghi trả lời rằng: “Hai cửa ải Mễ Đằng, từ sau vụ Hà Nội bọn gian đồ phiền nhiễu nên các quan đã bỏ trốn đi rồi, cừ dưới sông thì trước kia tiếp quan Khâm sứ nói có thuyền quý quốc đi qua nên đã nhổ hơn 10 trượng, nay tàu bè có thể tới lui không ngại gì, các điều khoản thông thương đã niêm yết”(1).

Tuần phủ Hưng Yên, Tôn Thất Đản hoảng sợ không dám chống cự, bỏ thanh trốn chạy, quân giặc chiếm thành một cách dễ dàng. Cùng ngày hôm đó, thành Thái Nguyên và thành Bắc Ninh cũng lọt vào tay quân Pháp(2).

Hạ được thành Hưng Yên, để đảm bảo mọi sự liên lạc với ngoài biển, Garnier quyết định đánh chiếm Hải Dương một địa điểm chiến lược quan trong, ông ta giao nhiệm vụ này cho trung úy Hải quân Balny.

Sự kiện trên được Thống sứ thứ nhất Bắc Kỳ viết trong cuốn: “Những năm đầu tiên của chúng ta ở Bắc Kỳ” như sau: “Ông Balny đưa quân đến trước thành Hải Dương. Viên Tổng đốc khăng khăng một mực khước từ không chịu xuống tàu yết kiến ông. Thời hạn của “Tối hậu thư” hết, ông cho quân đổ bộ dưới đạn lửa của những người An Nam. Từ tàu chiến Ripinhon (l’Rispignole) đại bác bắn yểm trợ cho quân tiến. Binh sĩ Pháp đánh tan một ổ súng đầu tiên, họ vượt qua rất nhanh và lao về phía chòi thành. Họ may mắn vượt qua luồng đạn từ các mặt thành bắn ra, nhưng rồi họ vấp phải một công sự mà không thể nào phá được cửa. Họ trèo lên tường và lọt vào trong thành thành lũy hẹp được bảo vệ bởi 3 khẩu pháo của lô cốt gốc và một khẩu pháo cửa. Sau loạt đạn đầu không gây cho họ tổn thất gì, họ chạy thật nhanh vượt qua cái cầu mặt hào và lại vấp phải chính cái cửa thành không phá nổi. Một người tên là Gôte (Gautherd) thử trèo lên song vô hiệu. Ácmăng (Hararmand) nẩy ý bắn một phát súng lục vỡ toang một trong các chấn song sắt phía trên cửa. Một phát thứ hai bắn gãy vụn cái bên cạnh. Balny liền bám lấy cái chấn song giật tung ra. Súng lục lăm lăm trong tay, ông làm cho bọn lính giữ thành phải hoảng sợ bỏ chạy. Bốn người theo ông. Ông đi về một phía với hai người, còn ông Harmand thì cùng hai người khác đi vòng quanh thành. Đờ Tơrăngtiniăng (De Trentinian) và viên bác sĩ cũng đuổi kịp họ. Mọi sự kháng chiến ngừng bặt, các binh sĩ An Nam đều ném khí giới xin hàng. Cờ nước Pháp được kéo lên cột cờ giữa thành…”

… Việc chiếm đóng Hải Dương xảy ra ngày 4/12/1873. Cùng ngày đó, thành Ninh Bình cũng bị hạ. Ngày 10/12, quân Pháp đánh chiếm Nam Định.

Qua những ngày bị động lúng túng, các tướng sĩ, sĩ phu phe chủ chiến đã tổ chức lực lượng quân đội và nhân dân phản công giặc, tiêu biểu là trận quan quân đã phối hợp với quân Cờ den do tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy(3) đánh trận Cầu Giấy ngày 21/1/1873, viên thiếu tá hải quân Francis Garnier đang bàn chuyện với Trần Đình Túc tại Hà Nội thì nghe báo cáo quân Cờ đen do tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy và một cánh quân của Triều đình tiến đánh Hà Nội. Thiếu tá Francis Garnier lên mặt thành bắn mấy phát súng rồi dẫn quân đuổi theo, đến Cầu Giấy thì quân Cờ đen tổ chức trận địa phục kích ở đó, đào hố trên đường, phủ cỏ lên. Garnier đến đó bị sa xuống hố, quân Cờ đen phục ở hai bên nên xông ra đâm chết, tên Balny l’Avricourt, tên chỉ huy hạ thành Hưng Yên cũng bị giết chết ở Voi Phục(41). Quân ta chặt đầu hai tên chỉ huy giặc cùng các tên giặc Pháp bị giết chết bêu đầu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ một tháng(5).


(1) A de Mirbel: Phan Khoang: Việt Nam Pháp thuộc sử.
(2) Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu. Nhà in Ngô Tử Hạ xuất bản năm 1934.
(3) Tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc thuộc phái “Thiên Địa hội” vào Việt Nam từ năm 1867 (trước dây lịch sử ta cho là Lưu Vĩnh Phúc thuộc phái Thái Bình Thiên Quốc vào Việt Nam từ năm 1863) (Lịch sử Quân sư số tháng 4/1998): Về quân Cờ đen công hay tội với nhân dân ta, có nhiều ý kiến. Nhưng đa số ý kiến thì cho rằng công của quân Cờ đen đối với nhân dân ta nhiều hơn tội vì họ đã hy sinh cả xương máu cùng nhân dân ta đánh Pháp lập được nhiều chiến công vẻ vang.
(4) Dullenman: Nhiệm vụ binh dịch và cuộc chiến đấu chống cướp bóc, Hải Dương 12/1932. Nguyễn Luận dịch, bản đánh máy T.V Hải Dương.
(5) Trương Bá Phát trong bài “Bọn Cờ đen hạ sát Frnacis Garnier” đăng trong tập san Sử Địa số 25 năm 1973, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn ấn hành mô tả như sau:
“Cờ đen cũng là vũ khí. Cờ cao, khổ rộng, mầu đen, xung quanh biên có rất nhiều móc câu kín nhau. Mỗi khi đánh nhau quân lính vác cờ theo như là quân cầm cờ thường. Vác cờ đi gần tướng bên địch, đối phương ngồi trên ngựa thấy họ chỉ cầm lá cờ trên tay không có vũ khí nào khác, không lưu ý đề phòng. Quân Cờ đen kéo đi như gần kề bên mình ngựa câu móc vào bó chặt lại, tức thì người cầm cờ lôi người bị lá cờ quấn gọn xuống đất, bắt sống như chơi. Trường hợp Francis Garnier bị quân Cờ đen bắt giết là như vậy”.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:27:05 pm
Sau khi thành Hà Nội và một số tỉnh khác ở Bắc Kỳ lọt vào tay quân Pháp, Tự Đức vội vàng cử Nguyễn Văn Tường gặp Fillat, đại diện Soái phủ Sài Gòn để thảo ra bản Quy ước tháng 1/1874. Bản Quy ước này có hai điểm đáng chú ý là: “Triều đình Huế không được đưa thêm quân ra các tỉnh thành Pháp trao trả, phải để cho quân Pháp được tự do đi lại trên đường bộ, đường thủy ở các tỉnh đố; phải ân xá những người đã cộng tác với Pháp…”(1).

Ngày 17/1/1874, Tự Đức phải ra dụ thả tất cả những kẻ cộng tác với Pháp trong việc đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ.

Quân Pháp đã đạt được những mục tiêu đề ra trong cuộc tấn công Bắc Kỳ lần thứ nhất, nên từ ngày 31/12/1873 đến ngày 16/12/1874 quân Pháp đã trao trả các tỉnh thành chúng chiếm, chỉ để lại một số quân đóng ở Hà Nội, Hải Dương, Ninh Hải (nay là Hải Phòng khi đó thuộc tỉnh Hải Dương).

Ngày 15/3/1874, Triều đình Huế cử thượng thư Bộ Hình Lê Tuấn chánh sứ, tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Tường phó sử vào Sài Gòn ký với Thiếu tướng Hải quân phó Thủy sư đô đốc kiêm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Nam Kỳ Đuypơrê (Dupré) hiệp ước “Hòa bình và Liên minh” còn gọi là Hiệp ước Giáp Tuất hoặc Hiệp ước Philatre với nội dung như bản Quy ước tháng 1/1874 giữ Nguyễn Văn Tường và Philát.

Hiệp ước có 22 điều khoản, nội dung chính là:

1- Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên phần đất Việt Nam kể từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở vào Nam (điều 5).

2 - Nước Pháp thừa nhận chủ quyền của vua nước An Nam trên phần đất đai Việt Nam kể từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc; thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Nam; nghĩa là nước Nam không phải lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào (điều 2).

3 - Vua nước Nam phải thi hành chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với chính sách đối ngoại của nước Pháp; về mặt chính trị, không được thay đổi những mối quan hệ ngoại giao hiện nay với Pháp; không được tự ý ký hiệp ước thương mại với bất kỳ một nước nào khác mà không báo trước cho chính phủ Pháp biết(điều 3).

4 - Xóa bỏ Hiệp ước đã kí ngày 5 tháng 6 năm 1862.

Sau khi ký hiệp ước ngày 15 tháng 3 năm 1884, thực dân Pháp chủ yếu củng cố bộ máy cai trị ở Lục tỉnh Nam Kỳ.

Với âm mưu thôn tính cả nước Việt Nam song thực dân Pháp ở Sài Gòn gặp khó khăn về quân số trang bị vũ khí và tiền chi phí chiến tranh. Song Soái phủ Pháp ở Sài Gòn tích cực chuẩn bị cho việc thống trị cả nước Việt Nam. Kế hoạch đánh chiếm cả nước ta được chúng thực hiện như sau:

Ngày 21 tháng 7 năm 1875, Thiếu tướng Hải quân kiêm Thống đốc Nam Kỳ Kran (Krantz) cử Rena (Rheinart) làm đại diện của Pháp bên cạnh Chính phủ Nam triều, đóng tại Huế. Việc bổ nhiệm Rena làm đại diện là căn cứ vào điều 20 của bản Hiệp ước ngày 15/3/19874. Đây thực sự là tiền thân của Khâm sứ Trung Kỳ sau này.

Thực dân Pháp không chỉ đặt “tai mắt” của chúng ở kinh đô Huế, mà ngày 26/8/1875, Thiếu tướng Hải quân kiêm Thống đốc Nam Kỳ cử Thiếu tá Hải quân De Kegaradec làm Lãnh sự Pháp ở Hà Nội.

Kecgaradec đâu chỉ chịu yên ở Hà Nội, trong 2 năm liền 1876, 1877 tên Lãnh sự này đã dùng tàu chiến nhiều lần đi thám sát tuyến đường Sông Hồng và đã rút ra kết luận: Sông Hồng có thể đáp ứng cho việc vận chuyển đường thủy, đáp ứng thị trường chè, vải, khoáng sản

Nhằm có khu vực đất đai riêng gọi là “Nhượng địa” ở Hà Nội, ngày 318/1875, Tổng đốc Hà Nội Trần Đình Túc và Tuần phủ Trần Hy Tăng đã ký với De Kecgaradec Lãnh sự Pháp tại Hà Nội bản Hiệp định “Nhường hẳn toàn bộ khu vực Đồn Thủy cũ cho Pháp để xây dựng Lãnh sự quán. Khu vực này rộng 15 hécta 50535 mét”.

Theo Hiệp ước “Hòa bình và Liên minh” ký ngày 153/1875 thì Pháp được đặt ở Hà Nội một “Lãnh sự quán’ với một lực lượng lính bảo vệ không quá 100 người.


(1) Mục 11 Hòa ước này ghi như sau: Chính phủ An Nam cam kết mở cửa thông thương cảng Thị Nại (Quy Nhơn) ở tỉnh Bình Định, Ninh Hải (Hải Phòng) ở tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và cho đi qua sông Nhị Hà (Sông Hồng) từ biển tới Vân Nam; một Hiệp ước kèm theo Hòa ước có giá trị như Hòa ước sẽ quy định những điều kiện của việc buôn bán.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Năm, 2011, 02:29:26 pm
Với tham vọng khai thác mỏ than ở Hòn Gai, Đông Triều và chiếm cứ vị trí quân sự, kinh tế quan trọng ở vung Đông Bắc Bắc Kỳ, năm 1876, Đô đốc Đuyperê (Duperrré) cử hai kỹ sư Pháp là Phuyksơ (Fuclis) và Xalađanh (Saladin) bắt đầu đi thám sát vùng mỏ Hòn Gai, Kế Bào, Đông Triều. Đại diện Pháp bên cạnh triều đình Huế đã căn cứ vào Hiệp ước “Hòa bình và Liên minh” ký ngày 15 tháng 3 năm 1874 kịch liệt phản đối triều đình Huế cử sứ đoàn sang nhà Thành, coi đây là vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước.

Sau một thời gian dài từ 1874 đến 1880 các Thống đốc Nam Kỳ liên tục đòi hỏi Chính phủ Pháp cho quân đánh chiếm Bắc Kỳ, song vẫn không được nghị viện và Chính phủ Pháp chấp nhận. Mãi đến tháng 7/1880, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp Freycinet đề nghị với bạn đồng nghiệp Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa rằng nên chiếm Bắc Kỳ. Nhưng chẳng bao lâu nội các mà Freycinet làm bộ trưởng đổ. Nhưng hai người kế vị ở Bộ Ngoại giao là Barthelemy Saint Hilaire và ở Bộ Hải quân và Thuộc địa là thủy sư đô đốc Clouré cũng có ý kiến như Freycinet và soạn thảo một dự luật trình Hạ nghị viện xin ngân khoản thực hiện chiến tranh Bắc Kỳ.

Tháng 7/1881, Hạ nghị viện Pháp bỏ phiếu chấp thuận một ngân khoản để tăng cường lực lượng Hải quân Pháp tại Bắc phần Việt Nam. Sự chuẩn bị ngân khoản này thấy rõ quyết định của Chính phủ Pháp can thiệp mạnh vào Bắc phần Việt Nam.

Ngày 24/9/1881, Tăng Kỷ Trạch, quan cao cấp nhà Thanh cho Pháp biết rằng: “Trung Hoa không thừa nhận Hiệp ước 1874 giữa Pháp và Việt Nam và cũng nhấn mạnh rằng chính ngay việc Pháp thừa nhận nền độc lập Việt Nam cũng không thể làm thay sự bang giao sẵn có giữa Trung Hoa và Việt Nam”.

Tháng 1/1882, nội các Freycinet với Thủy sư đô đốc Jaure gui Beray làm Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa quyết định gửi hai đại đội tăng cường số quân Pháp đồn trú ở Hà Nội, Hải Phong. Đây chắc là dấu hiệu của những hành động sắp đến của Pháp. Trong tháng 3/1882, trung tá Hải quân Henri Rivère được phái ra Hà Nội ngày 3 tháng 4 và 17 ngày sau đánh chiếm thành Hà Nội.

Chiếm được Hà Nội, quân Pháp đánh tràn ra ngoại thành và đánh ra các tỉnh. Không tin vào lực lượng kháng chiến của nhân dân, Tự Đức ra lệnh bãi binh, ngăn cấm phe chủ chiến và nhân dân vũ trang đánh Pháp, Tự Đức ký nhiều Hiệp ước nhục nhã với Pháp và cầu cứu triều đình Mãn Thanh đưa quân sang giúp Việt Nam đánh đuổi quân Pháp, bất chấp sự phản kháng của nhân dân Việt Nam.

Nhà Thanh cũng có âm mưu xâm lược Bác Kỳ, nó được bộc lộ trong cuộc thương lượng giữa Chính phủ Pháp và triều đình Mãn Thanh từ tháng 5/1882 tại Paris và Bắc Kinh về vấn đề Việt Nam, Chính phủ Pháp không chịu nhượng bộ.

Tháng 8/1882, quân Thanh tiếp tục đóng ở Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc tỉnh Yên Bái) nhằm xâu xé Bắc Kỳ với Pháp. Tháng 10/1882, quân Thanh lại tiếp tục kéo san đóng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh.

Năm Quý Mùi (1883) quân Pháp bắt đầu đánh rộng ra các tỉnh Bắc Kỳ. Ngày 12/3/1883, quân Pháp đánh chiếm Hòn Gai, đóng chốt ở Quảng Yên, phong tỏa vịnh Hạ Long.

Ngày 25/3/1883, tàu chiến Pháp do trung tá Hải quân Henri Rivière từ Hà Nội xuôi theo Sông Hồng đánh chiếm sông Vị Hoàng. Ngày 26/3/1883, chúng đánh thành Nam Định. Quân dân Nam Định chiến đấu dũng cảm, giặc phải tháo chạy, để lại nhiều xác chết.

Ngày 28/3/1883, Henri Rivière hạ thành Nam Định xong cho một toán bộ binh 15 tên cùng với bác sĩ Harnand đi trên một chiếc tàu nhỏ xuất phát từ Nam Định sang đánh thành Hưng Yên. Chúng phá kè ở cửa sông Luộc vì theo lệnh của Tổng đốc Vũ Trọng Bình, tuần phủ hưng Yên Nguyễn Đức Đạt đã dựng chướng ngại vật ở cửa Sông Luộc bằng 2 chiếc xích sắt và nhiều cọc tre để ngăn tàu chiến. Quân Pháp chỉ bắn 3 quả đại bác, kè đã tan tành, tàu qua lại ngang nhiên buộc quan quân phải trao thành cho chúng. Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, án sát Tôn Thất Phiên không dám chống cự là ra trình bày với chúng như sau: “Hai cửa Mễ Đằng từ hôm Pháp hạ thành Hà Nội đã bỏ trống, các quan và quân lính cũng rút hết còn cừ ở dưới sông cũng đã nhổ hơn 10 trượng, do quan Khâm mệnh đã tư cho biết có thuyền của quý quốc đi qua”(1)

Quân Pháp chiếm thành Hưng Yên không tốn một viên đạn. Số quan lại khác bỏ chạy vài ngày sau về hàng. Pháp cho giữ chức vụ cũ và sai đi mộ lính. Bọn này một được đội quân rất đông.


(1) Trịnh Như Tấu trích dịch trong quyển Notice của Ade Mitribel và quyển Notich sur la Gardière du Tonkin dẫn trong quyển Hưng Yên địa chí, nhà in Ngô Tử Hạ, xuất bản năm 1934.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:06:22 pm
Phần thứ hai:

KHỞI NGHĨA BÃI SẬY

Giai đoạn thứ nhất

ĐINH GIA QUẾ GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ
“NAM ĐẠO CẦN VƯƠNG - BÌNH TÂY PHẠT TỘI”
(4/1883-7/1885)

CHƯƠNG I

TẬP HỢP NGHĨA BINH - XÂY DỰNG BÃI SẬY
THÀNH CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN

Ngày 27/3/1883, quân Pháp do trung tá Hải quân Henri Rivière chỉ huy từ Hà Nội theo Sông Hồng hạ thành Nam Định. Ngày 28/3/1883, Henri Rivière cho viên thiếu úy hải quân De Trentinia đưa một toán bộ binh đi một chiếc tàu nhẹ tới đánh thành Hưng Yên. Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, án sát Tôn Thất Phiên sợ hãi không dám chống cự, bỏ thành chạy. Quân Pháp hạ thành Hưng Yên không tốn một viên đạn(1).

Căm thù giặc Pháp xâm lược và vua quan triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc Pháp, Đinh Gia Quế phất cờ khởi nghĩa.

Đinh Gia Quế sinh ngày 1 tháng 11 năm Đinh Dậu (1/2/1825) là con cụ Đinh Quý Công, hiệu Gia Phúc và cụ bà là Nguyễn Thị Bách, tương truyền quê ở xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông(2). Đinh Gia Quế học đến khóa sinh thì chuyển đến làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh hưng Yên dạy học, sau làm Chánh tổng rồi thăng Chánh tuần huyện Đông Yên.

Đinh Gia Quế có ba bà vợ, chính thất là Nguyễn Thị Duyên, bà kế là Nguyễn Thị Hường, bà thứ kế là Nguyễn Thị Thao. Các bà sinh một trai là Đinh Văn Vĩnh, hai gái là Nguyễn Thị Duyên và Nguyễn Thị Hằng(3).

Khi giặc Pháp đánh thành Hưng Yên, các quan sợ hãi bỏ chạy, có một số về theo Pháp khiến chánh tuần huyện Đông Yên Đinh Gia Quế phẫn nộ, ông từ quan về quê chiêu mộ quân đánh Pháp. Nguyễn Đình Mai là người đầu tiên được Đinh Gia Quế đưa chủ trương khởi nghĩa chống Pháp ra bàn. Nguyễn Đình Mai đã nhiệt liệt đồng tình và có nhiều ý kiến xác đáng về tổ chức lực lượng nghĩa quân, về xây dựng căn cứ và phương châm tác chiến. Ông cũng là người đề xuất không thể lấy danh nghĩa “Chánh tuần huyện Đông Yên” để chiêu mộ quân mà phải có chức tước của một vị võ quan. Hai ông lựa chọn mãi mới quyết định lấy chức “Đổng quân vụ”(4), gọi tắt là Đổng Quế. Hai ông cũng quyết định lấy màu đỏ là màu cờ của vua Quang Trung khi xưa ra Thăng Long tiêu diệt quân Thanh làm cờ của nghĩa quân trên nền cờ viết tám chữ “NAM ĐẠO CẦN VƯƠNG - BÌNH TÂY PHẠT TỘI”(5) tức là đạo quân nước Nam giúp vua đánh đuổi giặc Pháp.

Trong khi Đinh Gia Quế giương cao cờ khởi nghĩa, phát lệnh “Đánh cả Triều lẫn Tây” thì ở nhiều làng xã trong phủ Khoái Châu cũng có các thủ lĩnh khác nổi trống chiêu quân.

Tại làng An Vỹ, tổng An Cánh, huyện Đông Yên có Chánh tổng Nguyễn Đình Học, mây đời làm tổng lý giàu nổi tiếng ở Khoái Châu, nhà có trên 60 mẫu tư điền, thổ cư rộng trên 3 mẫu. Ông có ba con trai là Nguyễn Đình Đề, Nguyễn Đình Tính, con thứ ba đến nay con cháu không nhớ tên, chỉ biết tên tục là Ba Sành(6), con ông chú là Nguyễn Đình Xuyên.

Tuy là tổng lý, có thế lực, nhà giàu, nhưng cha con ông đều là những người yêu nước, thương dân. Thở đó ở xung quanh phủ lỵ Khoái Châu, làng xã thưa thớt, xung quanh đều là bãi sậy um tùm, là sào huyệt của nhiều đám cướp. Để bảo vệ dân làng cả ba thôn Thượng, Trung, Hạ của xã An Vỹ đều đắp lũy, đào hào, trồng me gai xung quanh. Mỗi thôn chỉ có hai cổng ra vào chính, cánh cửa bằng gỗ lim dày, có bánh xe để di chuyển. Trai tráng được vũ trang để chống giặc cướp.

Cụ Tổng Học thành lập đội chống cướp của xã An Vỹ có tới trên 30 người do Ba Sành chỉ huy. Ông Tổng có mời thầy về dạy võ cho con cháu và trai tráng trong xã. Độ quân chống cướp của xã An Vỹ không những bảo vệ xa mình, mà còn hỗ trợ cho các xã lân cận đánh đuổi giặc Tàu Ô, giặc biển theo Sông Hồng tràn vào.


(1) Trịnh Như Tấu trích dịch trong quyển Notice của Ade Mitribel và quyển Notich sur la Gardière du Tonkin dẫn trong quyển Hưng Yên địa chí, nhà in Ngô Tử Hạ, xuất bản năm 1934.
(2) Tháng 5/2008, chúng tôi cùng ông Nguyễn Quốc Hùng chắ tcủa Đinh Gia Quế về Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội để tìm hiểu về dòng họ Đinh ở đây. Ông chủ tịch xã và các cố lão cho biết ở Nghiêm Xá xưa có họ Đinh, nhưng đã thất tán trên 100 năm nay.
(3) Các ông Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Quốc Hùng, cháu bốn đời và anh Nguyễn Văn Ứng, cháu năm đời, cụ Đinh Gia Quế cung cấp theo gia phả con cháu cụ đổi sang họ Nguyễn từ khi cuộc khởi nghĩa tan rã.
(4) Các tài liệu của Pháp như Les Provinces du Tonkin Hưng Yên của De Miribel, bản đánh máy tháng 12/1904; Notice sur la Provice de Hưng Yên của Tòa sứ Hưng Yên, bản đánh máy tháng 1/1933 và các nhà sử học Việt Nam đều viết Đinh Gia Quế tự xưng là Đổng Nguyên Nhung. Nay chúng tôi căn cứ vào gia phả của họ Đinh (con cháu vẫn mang họ Nguyễn) và truyền ngôn ở làng Thọ Bình đều nói ông xưng là Đổng Quân vụ.
(5) Từ trước đến nay các tài liệu của Pháp cũng như của Việt Nam đều viết “Cờ của ông có bốn chữ Bình Tây phạt tội” không nói rõ cờ màu gì. Thực ra đây chỉ là cụm động từ, đứng trước nó phải có một cụm danh từ. Cũng theo gia phả òng họ Đinh, thì cờ màu đỏ, thêu tám chữ “NAM ĐẠO CẦN VƯƠNG - BÌNH TÂY PHẠT TỘI”. Chúng tôi cũng không rõ cờ thêu bằng chỉ vàng hay chỉ viết bằng mực tàu đen. Có khả năng chỉ viết bằng mực tàu màu đen.
(6) Minh Thành trong bài “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5, 6/1969 viết: “Tính có hai người em là Lãnh binh Nguyễn Đình Quý và Ba Sành cùng tham gia chống Pháp. Cả hai người đều bị thực dân Pháp bắt và giết năm 1889 và trong đó Lãnh Quý tỏ ra rất dũng cảm”. Chúng tôi căn cứ vào gia phả họ Nguyễn Đình ở An Vỹ, lời kể của cụ Đàm Thị Nhỡ vợ cụ Trường, cháu đích tôn cụ Tính và tài liệu của thực dân Pháp.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:12:00 pm
Ngay sau khi quân Pháp hạ thành Hưng Yên được vài ngày, Nguyễn Đình Tính đã bàn bạc với các anh em và em thúc bá là Nguyễn Đình Xuyên khởi binh đánh Pháp. Ông vừa dứt lời, các ông Đề, ông Ba Sành, ông Xuyên lập tức hưởng ứng. Việc các ông bàn, được cụ Tổng Học khuyến khích và khuyên các con gấp rút chuẩn bị lễ ra quân trọng thể rồi gia nhập cuộc khởi nghĩa do quan Tuần huyện Đinh Gia Quế phát động. Vì theo ông muốn đánh thắng quân Pha lang phải có nhiều người đồng tâm, hợp lực.

Huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là nơi trực tiếp phải hứng chịu tai họa khủng khiếp tan vỡ đê Văn Giang, Khoái Châu. Nay triều đình Huế lại đầu hàng giặc nên nhân dân vô cùng căm phẫn, hầu hết các xã(1) đều nổi dậy chống Pháp.

Vào một ngày đầu tháng 3 âm lịch, Nguyễn Đình Tính đã làm lễ Thành hoàng cầu xin khởi binh và âm phù nghĩa quân đánh thắng giặc. Hôm đó, mặt trời vừa lên đến tầm ngọn tre, bốn anh em ông Tính cùng đội nghĩa binh gần 100 người mà nòng cốt là đội chống cướp của xã An Vỹ đã tề tựu trước sân đình. Cửa đình mở rộng, bày hương án cờ và đồ minh khí, lá cờ đại màu đỏ, ba mặt viền ngũ sắc treo trên đỉnh cột cờ. Ba Sành thúc trống ngũ liên mời nam phụ lão ấu ra đình. Nghe tiếng trống lại nghe loa báo tin An Vỹ làm lễ khởi binh đánh Pháp già trẻ trai gái đều ra đình. Trên thềm phía tay trái là bốn anh em ông Tính đều mặc quần áo nâu đầu chít khăn đỏ, lưng thắt đai xanh, bên phải là các kỳ lão trong xã do cụ Tổng học đứng hàng đầu. Dưới sân đình là đội nghĩa binh cũng mặc quần áo nâu mới, trên cánh tay người nào cũng đeo băng đỏ, khí giới cầm chắc trong tay.

Khi dân làng đã tề tựu đông đủ, Nguyễn Đình Tính châm một nắm hương tịnh trọng cắm vào bình hương, vái năm vái rồi quay ra nói với dân làng:

“Thưa các bậc lão trượng, thưa toàn thể cư dân ba thôn Thượng, Trung, Hạ xã An Vỹ, cuối tháng ba năm Nhâm Ngọ (tháng 4/1882) giặc Pháp từ nam Kỳ ra xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, sau đó chúng đánh rộng ra các tỉnh, ngày 26 tháng 2 (18/3/1883) giặc Pháp đã hạ thành Hưng Yên. Các sĩ phu và cư dân Bắc Kỳ đã nổi dậy chống Pháp, ngay trong hạt Khoái Châu cũng đã nhiều nơi nổi dậy. Người An Vỹ ta từ xưa đã theo Vua Rừng Triệu Quang Phục(2) đánh giặc Lương, lại theo Đức Trần Hưng Đạo ba lần đánh giặc Nguyên - Mông, đình làng ta thờ hai vị đó cùng vị Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Tây Cung tiên nữ làm Thành hoàng, nay chúng ta quyết noi gương tiền nhân đã theo các vị Thành hoàng đánh giặc bằng cách gia nhập đội nghĩa binh Bãi Sậy do Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế đứng đầu đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc. Chúng ta thề quyết đánh giặc Pháp đến giọt máu cuối cùng, đồng bào có quyết đánh không?” Nguyễn Đình Tính vừa dứt lời, tất cả nghĩa quân và nam phụ lão ấu đều vung cao vũ khí và cánh tay lên cao với lời hô “quyết đánh! quyết đánh!”. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng tiếng hô vang lên thể hiện ý chí sắt đá của người An Vỹ quyết tâm đánh giặc Pháp xâm lược.

(http://img853.imageshack.us/img853/5201/img0492a.jpg)

Văn chỉ Bình Dân, xã Tân Dân huyện Khoái Châu, Đại bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy,
di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1962

Ở xã Đa Hòa, tổng Mễ Sở(3) có vợ chồng ông Nguyễn Túc là con ông Nguyễn Bá Giỏi sinh trong một gia đình có năm anh em trai. Nguyễn Túc là người giỏi võ nghệ, nhà ở ngay trên bờ Sông Hồng. Vì là xã ở ngoài đê, chỉ cấy được vụ chiêm và trồng vụ rau màu Đông - Xuân nên ông sinh sống bằng nghề đánh cá. Bà Túc tên là Nguyễn Thị Biên(4) quê ở làng Giồng Gầu, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thôn Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Bà là người xinh đẹp, lại có võ nghệ, có tài cưỡi ngựa, múa gươm và giao du rất rộng. Cả hai ông bà đều có khí phách giang hồ, giao du rộng bàn bè nhiều nên dù cả hai người gắng sức làm cũng chỉ đủ ăn. Nhưng ông bà lại rất hài lòng vì có nhiều bạn bè, các ông đều có chung một chí hướng cùng nhau trừng trị bọn địa chủ, ác bá, bênh vực người nghèo, nên được nhiều người yêu quý. Có những tay anh chị nổi tiếng một vùng cũng đều quy phục.

Hai vợ chồng ở với nhau đầy năm thì giặc Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1882), sau đó chúng hạ thành Hưng Yên lần thứ hai (1883). Hai ông bà và chiến hữu đều căm giận bọn giặc Pha lang cướp nước và vua quan nhà Nguyễn ươn hèn đầu hàng giặc, chỉ tiếc là hai ông bà không đủ sức chống lại chúng. Lúc đó quan Tuần huyện Đông Yên Đinh Gia Quế, vợ chồng Quyền Túc liền đem bốn mươi thủ hạ đến theo.


(1) Chúng tôi viết theo đơn vị xã mới.
(2) Làng An Vỹ có đền “Vua Rừng” thờ Triệu Việt Vương làm ngay trên nền doanh trại cũ, trong đình thôn Trung cũng thờ hai vị trên làm thành hoàng.
(3) Nay là thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
(4) Cụ Nguyễn Văn Long 73 tuổi (năm 1999) là cháu nội của cụ Nguyễn Túc nói bà Quyền Túc tên là Nguyễn Thị Biên, là vợ bé cụ Quyền Túc. Nhưng ông Nguyễn Tiến Xã chắt đích tôn cụ Túc (ngành trưởng) lại nói bà cả là Nguyễn Thị Trà, bà Trà chính là bà Quyền Túc, bà lấy vợ bé cho chống là Bùi Thị Lệnh.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:20:43 pm
Phạm Văn Ban làm lý trưởng xã Bằng Nha tổng Mễ Sở, nay Bằng Nha thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu đã cung cấp nhiều lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân. Ông có 120 tuần đinh nhưng không làm việc cho Pháp mà ngày đêm bảo vệ các thủ lĩnh nghĩa quân hoạt động ở Bằng Nha và các xã lân cận. Sau này cụ Khóa Cát viết trong gia phả nói về cha mình nưh sau:

“… Ngoài thì lý trưởng, trong thời Cần Vương
Công danh trọn cả đôi đường”
(1)

Xã Yên Vinh nơi có đền Hóa Dạ Trạch thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Tây cung tiên nữ và Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục. Đền cách ấp Thọ Bình, nơi có thành gạch khoảng 2 dặm. Đây là trung tâm của cuộc khởi nghĩa, đền cùng với thành Thọ Bình là nơi Đổng Quân vụ làm việc, họp bàn việc quân cơ với các tướng lĩnh. Tại đền Dạ Trạch, nơi Đổng Quế làm việc có bức trướng: “Dạ Trạch xướng nghĩa - Đổng suất quân vụ - Bình Tây phạt tôi”. Tư đền Dạ Trạch tới thành Thọ Bình khi bình yên thì đi trên mặt đất, khi có biến thì theo đường hầm.

Hầu hết dân Yên Vĩnh đều theo nghĩa quân Đổng Quế, trong đó có những người xuất sắc như Đốc Gừng, Đốc Lành, Chánh Sanh, Thọ Nghị, Cai Thêm, Quản Năm, Điển Hức(2). Ông Đội Bổng, người xã Ông Đình làm rể ở Yên Vĩnh cũng gia nhập nghĩa quân tại quê vợ cả và chỉ huy một đội quân. Xã Đức Nhuận nằm sát xã Yên Vĩnh cũng thuộc tổng Yên Vĩnh, nay đều thuộc xã Dạ Trạch, cả làng cũng đều tham gia nghĩa quân. Trong đó có ông Ngô Gia Long là bạn thân của Đổng Quế, Đội Phụng, Bếp Trung. Xã Hàm Tử có Chánh Văn, chỉ huy hơn 100 quân phòng thủ ở đê Sông Hồng sẵn sàng đánh quân Pháp từ tàu chến đổ bộ lên. Xã Xuân Đình có Bang Nho nổi tiếng vì cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm nuôi quân. Ông chỉ huy trận đánh giết hai tên quan của triều đình làm tay say cho giặc là Bang Trực và Đề Lâu. Xã Thái Hòa có Nguyễn Văn Tề có chí khí hào hiệp, bán 3 mẫu ruộng lấy tiền nuôi quân. Xã Thuần Lễ có ông Sắc Chỉ có 20 quân thường mai phục chặn đánh bọn lính tuần tra và chăn các xe chở lương thực cho quân Pháp. Xã Vạn Phúc có Tổng Hội, Đốc Dụng, thương đem quân đi mật phục ngay sát đồn địch bắn tỉa bọn lính gác, bọn ra kéo cờ. Xã Tiểu Quan(3) có rất nhiều ngươi tham gia nghĩa quân, xuất hiện nhiều vị chỉ huy xuất sắc như lãnh binh Bùi Quang Cơ, lãnh binh Đỗ Đình Tạo, lãnh binh Bùi Quang Tích và các hiệp quản Bùi Quang Đẩu, Bùi Quang Hiển, Tạ Văn Bản. Các ông tú tài Lê Công Đôn, Lê Công Bẩm, ông tú tài họ Đỗ cũng bỏ bút nghiên cầm súng đánh giặc. Đông đảo hào lý cũng tham gia nghĩa quân như chánh tổng Vũ Văn Chính, thường xuyên thông báo tin tức của quân Pháp, tri phủ cho nghĩa quân, tiếp tế rất nhiều lương thực cho nghĩa quân. Người già, phụ nữ đã tự nguyện đào hào đắp lũy xay giã thóc gạo cứu chữa thương binh. Trong số phụ nữ thì bà Chiến là người xuất sắc nhất, đã từng làm bù nhìn để dụ địch đến đánh. Xã Kim Quan(4) có ông Lê Văn Thiều, xã Ngọc Nha thượng(5) có các ông Đinh Văn Thâm, Nguyễn Văn Ngân. Xã Ngọc Nha hạ(6) có các ông Trần Văn Đảng, Nguyễn Văn Kều đều tập hợp tráng đinh trong làng thành đội nghĩa binh bảo vệ làng. Các ông đánh thắng nhiều trận càn quét của giặc, có trận còn đuổi chúng đến tận Bô Thời. Thôn Đường, xã Tứ Dân(7) quê hương bà Hai Đạm, vợ lãnh binh Dương Văn Điền, có rất nhiều người tham gia nghĩa quân xuất hiện nhiều chỉ huy dũng cảm như Cai Gia, Cai Tư, Bếp Dật, Bếp Công, Bếp Nhuệ. Vườn chuối xã Tây Trù, tổng Ninh Tập có hầm chứa vũ khí của Lãnh Điển. Xã Kinh Kiều tổng Yên Cảnh, huyện Đông Yên có rất nhiều người theo Đổng Quế. Ông Phan Văn Cù thường đứng dưới gốc cây lộc vừng dịch loa chiêu mộ nghĩa quân cho Đổng Quế. Ông Đội Thường nhiều lần đem nghĩa quân đi đánh úp các vị trí đóng quân dã chiến của địch. Xã Đông Kết có Tổng Đông giỏi võ nghệ xây dựng đồn lũy ở làng, Quản Dây - người xã Lạc Thủy lo việc binh lương, Đội Chúc lo việc tác chiến. Bà Đỗ Thị Từ bán hàng xén ở chợ Bài Khê đảm nhiệm việc trinh sát nắm tin tức của quân Pháp báo cho nghĩa quân.


(1) Cụ Nguyễn Văn Kiều 80 thuổi, cụ Nguyễn Văn Sâm 75 tuổi la con cụ Khóa Cát ở thôn Bằng Nha nay thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu cung cấp theo gia phr cho tác giả tháng 5-1999.
(2) Tháng 12/1985, Triều định phục chứ Điển học ở các đạo Điển phụ trách việc họ ở cấp đạo (cũng như Đốc học phụ trách việc học ở cấp tỉnh).
(3) Nay là đơn vị thôn thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu.
(4), (5), (6) 3 xã này là đơn vị thôn đều thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu. Trên đây chỉ là danh sách nghĩa quân hy sinh được ghi trong Lịch sử Đảng bộ xã Phùng Hưng và do cụ Bùi Quang Hồ 83 tuổi, cháu gọi cụ Bùi Quang Cơ bằng ông nội cung cấp cho tác giả năm 1999.
(7) Nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:26:24 pm
(http://img402.imageshack.us/img402/7172/img0496uw.jpg)

Cây Đề cổ thụ có tới trên 300 tuổi ở trước đình thôn Phù Sa thượng, xã Đại Tập, Khoái Châu là vọng gác tiền tiêu của Lãnh binh Dương Văn Điển, khi đó đóng quân ở làng Phù sa thượng giữa năm 1883 đến năm 1891.

Xã Ông Đình(1), tổng yên Cảnh có đốc binh Vũ Đức Thàng(2) là người giỏi võ nghệ, căm thù giặc Pháp xâm lược và bọn quan lại bán nước làm tay sai cho Pháp. Dưới quyền ông còn có các Đốc binh Vũ Đăng Vận, Đốc binh Thường, Đốc binh Nguyễn Văn Đá, Tổng Duyệt (Nguyễn Trọng Duyệt). Các ông tập hợp hầu hết trai tráng trong xã Ông Đình và các xã trong vùng vào nghĩa quân. Người già, phụ nữ thì rào làng, đắp lũy, xay giã gạo, nấu ăn tiếp thế cho nghĩa quân. Đốc Thàng là người hành động kiên quyết, ông cho quân phá kho thóc của nhà mẹ vợ rất giàu, nhưng không chịu ủng hộ nghĩa quân để làm quân lương và chia cho người nghèo. Xã Ninh Tập, tổng Ninh Tập(3) có Đội Xuân. Nhân dân hầu hết các thôn xã Đông Tào, đều theo nghĩa quân. Xã An Cảnh có các ông Giới, Sào, Cài chỉ huy nghĩa quân.

Tại huyện Kim Động, phong trào tham gia nghĩa quân Bãi Sậy rất lớn, đồng nhất, mạnh nhất là xã An Xá.

Xã An Xá, tổng An Xá, huyện Kim Động tiếp giáp với phía nam của phủ Khoái Châu. Xã An Xá(4) cách Thọ Bình khoảng 10 km về phía đông - nam. Xã có phó lý Vũ Văn Cợp(5) là con ông Cai Già (cai đắp đê), cùng em ruột là Hai Cống đứng lên chiêu mộ quân đánh Pháp. Gia đình ông là gia đình giàu có, quyền thế ở xã An Xá. Chủ ruột ông làm chánh tổng, một ông chú làm bá hộ. Ông thi đỗ đệ nhất trường, đệ nhị trường vào đến tam trườn thị bị trượt. Chán con đường khoa cử, ông chạy chân phó lý. Vào thời đó xã An Xá có 647 mẫu công điền và tư điền thì chú cháu, anh em ông Cợp chiếm 415 mẫu, riêng Ông Cợp có 74 mẫu. Khi thành Hưng Yên mất, ông khoảng 30, 31 tuổi. Vốn căm thù giặc Pháp, ông làm phó lý nhà giàu nhưng không keo kiệt, thường giúp đỡ người nghèo. Ông là người có võ nghệ, nên khi ông hô hào khởi nghĩa đánh Pháp là đông đảo người trong xã, trong tổng tham gia. Quân số tới trên 200 người, được trang bị nhiều súng bắn nhanh, súng kíp. Dòng họ ông không những có nhiều người gia nhập nghĩa quân, mà còn cung cấp nhiều thóc gạo, trâu bò, tiền bạc để nuôi quân và vận động những người hàng xã, hàng tổng tham gia. Quân Pháp sợ ông như sợ cọp, nên gọi ông là Đốc Cọp.

Đề Tập tên thật là Võ Văn Tập, quê ở xã Yên Lã, chỉ huy một đội quân trên 200 người hoạt động ở Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ. Ông đánh nhiều trận lớn trên đường 39, đường đê Sông Hồng gây kinh hoàng cho quân Pháp.

Tắc Nho quê ở Bãi Giữa, tổng Đức Triêm, lấy vợ ở xã Mễ Sở. Ông có vài chục nghĩa quân, hoạt động chủ yếu trên dòng Sông Hồng. Từ tổng Đức Triêm (Kim Động) đến tổng Mễ Sở. Tắc Nho là người hào hiệp, sống chan hòa với mọi ngươi ở cá thôn Mễ Sợ, Phú Thị, Đa Hòa, nhưng ông rất căm ghét bọn quan lại và cường hào, ác bá. Dân tổng Mễ Sở nhiệt tình giúp đỡ ông như cụ Buồm giữ kho vũ khí, ông Phích quê ở thôn Phú Thị làm trương tuần nhưng lại báo trước các cuộc càn quét của địch cho ông biết, canh gác bảo vệ Tắc Nho.

Tại huyện Ân Thi, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trở thanh phong trào. Tại xã Mễ Xá, tổng Nhân Vũ(6) có ông Nguyễn Hữu Đức, đỗ cử nhân, nhưng ông không ra làm quan cho triều đình, mà ở nhà dạy học. Ông vẫn liên lạc với thông gia của mình là Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật mới được điều động từ Hưng Hóa về làm Tổng đốc Hải Yên để bàn kế hoạch cứu nước.

Khi Đinh Gia Quế phát cao cờ “Nam Đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội”, ông hưởng ứng ngay. Ông thường cùng Đinh Gai Quế bàn việc quân cơ.

Con trai ông là Nguyễn Hữu Hạnh cũng tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và trở thanh người liên lạc tin cẩn giữa Đổng quân vụ Đinh Gia Quế với Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật(7).


(1) Nay là xã Ông Đình, huyện Khoái Châu.
(2) Tài liệu của Pháp viết là Vũ Đức Thăng.
(3) Nay là thôn Ninh Tập, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu.
(4) Nay An Xá thuộc xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
(5) Theo gia phả họ Vũ ở An Xá, cụ Vũ Văn Cay 83 tuổi (năm 1998) là cháu ba đời Đốc Cợp. Đốc Cợp tên thật là Vũ Văn Cợp, nhân dân gọi trệch là Vũ Văn Cấp. Khi chiến đấu, ông dũng mãnh, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải sợ ông như sợ cọp, nên chúng gọi ông là Đốc Cọp. Vợ ông là Đỗ Thị Thành, sinh ba gái và một trai nhưng chết từ năm 5-6 tuổi.
(6) Mễ Xá nay thuộc xã Nguyễn Trại, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
(7) Theo gia phỏ họ Nguyễn Đức ở Mễ Xá thì bà Đức tên là Nguyễn Thị Âu, người thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào. Ông bà Cử Đức sinh một trai là Nguyễn Hữu Hạnh. Hạnh lấy con gái ông Tán Thuật là Nguyễn Thị Trúc.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:32:45 pm
Xã Mễ Xá còn có ông Cù Văn Hiên là Đốc vận quân lương, Quản Lâu, Quản Nhân (Trần Văn Nhân), Trần Vă Vừng. Toàn dân Mễ Xá theo Cử Đức chống quân Pháp. Mễ Xá cùng các xã Nhân Lý, Nhân Vũ, ấp Nhân Lý, Mão Xuyên(1) giữ được 4 năm (1884-1887) quân Pháp không tới được, không thành lập được chính quyền, không thu được thuế, không bắt được lính, được phu(2).

Tại xã Nhân Vũ, tổng Nhân Vũ(3) có nhiều người tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy do Đinh Gia Quế lãnh đạo như Phạm Duy, Phạm Đích, Phạm Hải, Phạm Tích, Nguyễn Long, Nguyễn Xuân, Nguyễn Thố, Nguyễn San, Đỗ Cao, Cù Duệ… Xã Nhân Lý(4), tổng Nhân Nhân Vũ có hai chị em ruột là Bùi Thị Huân và Bùi Thị Hòe cùng tham gia nghĩa quân. Bùi Thị Huân làm nhiệm vụ tiếp nhận và điều phối quân lương, được Đổng Quế phong là “Đốc vận quân lương”(5). Ấp Nhân Lý có ông Nguyễn Văn Chát tham gia nghĩa quân. Xã Mão Xuyên có ông Lê Văn Đoàn chiến đấu dũng cảm, được phong là Đốc binh, Phạm Văn Do giữ chức Quản quân. Lê Văn Tài, chiến đấu xuất sắc được phong là Lãnh binh, sau hy sinh trong trận Hương Quan. Họ Lê còn có nhiều người tham gia như Lê Văn Hội, Lê Văn Hào, Lê Văn Giáo, Lê Văn Lại, Lê Văn Thiện.

Xã Mão Cầu(6), tổng Yên Cảnh có Nguyễn Đình Tiêm tính tình khẳng khái, ham luyện tập võ nghệ, làm mục tuần rồi làm chánh tổng. Khi Đổng quế khởi binh, Nguyễn Đình Tiêm cùng Lê Văn Trứ ở xã Gạo Bắc(7) khởi binh mộ được 1000 quân, gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, rồi đem quân đóng ở Chợ Thi, Cống Tráng.

Đổng Quế phong cho Nguyễn Đình Tiêm làm Hành tá tướng quân, gọi là Lãnh binh. Lê Công Trứ được phong là phó Lãnh binh, đương thời gọi là Lãnh Trứ.

Trong hàng ngũ nghĩa quân có nhiều người xuất sắc được Lãnh Tiêm giao cho chỉ huy một cánh quân hoặc chỉ huy một đồn, một trận tập kích, phục kích như Tư Bập, Phó Ruộm, Phạm Văn Cửa, Nguyễn Quang Bùng, Phạm Văn Trực, Nhữ Nguyên, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Thi là người thôn Mão Cầu. Lê Công Trứ phụ trách hậu cần, ông được mẹ mua cho 50 cái chum to muối cá và nhiều ngày xúc gạo ra nấu hàng trăm nắm cơm, chở theo đường sông Đào Ân Thi tiếp tế cho nghĩa quân(8).

Với lòng yêu nước sâu sắc, căm thù bọn cướp nước và bán nước, Phạm Văn Ban, phó lý xã Bối Khê đã bàn bạc với ông tú tài Thương Bằng là người bạn thân với quan Tổng đốc Nguyễn Thiện Thuật với ông xã Thấu ở Bối Khê, người trợ thủ đắc lực của ông, trực tiếp chỉ huy đội đánh cướp. Hai con trai ông Ban là Quản Cầu, Phó Cận đã trở thành trợ thủ đắc lực của ông trong việc phát triển lực lượng. Ông được biết cờ của nghĩa quân Đổng Quế và của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật ở Hải Dương đều có màu đỏ nên đã dựng một lá cờ đại màu đỏ ở đình Bối Khê để tuyển mộ quân. Đây là sự thách thức lớn đối với thực dân Pháp, chính quyền Nam triều và dân công giáo tay sai thân Pháp.

(http://img88.imageshack.us/img88/977/img0498eh.jpg)

Đường Tế cờ khởi nghĩa của Đề đốc Phạm Văn Ban
ở Bối Khê Chu Xá (Ân Thi)


(1) Nay các xã trên là đơn vị thôn thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
(2) Cụ Nguyễn Văn Đệ, cán bộ tiền khởi nghĩa người thôn Mễ Xá cung cấp cho tác giả tại thôn Mễ Xá tháng 6/1999.
(3), (4), (5) Nay là đơn vị thôn thuộc xã Nguyễn Trãi huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
(6), (7) Mão Cầu, Gạo Bắc nay thuộc xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
(8) Cụ Lê Công Trung, cháu tứ đại cụ Lê Công Trứ quê ở Gạo Bắc và một số cụ ở thôn Mão Cầu kể cho tac giả nghe tháng 6/1999.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 05:39:35 pm
Ba tổng Huệ Lai, Đỗ Xá, Phù Vệ ở Bắc Ân Thi[color=g  reen](1)[/color] gia nhập đội quân thường trực và chiến đấu tại thôn xã giống như lực lượng Dân binh do Điện tiền Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão xây dựng thời Trần chống quân Nguyên - Mông.

Trong số chỉ huy nghĩa quân ở ba tổng trên có nhiều người xuất sắc trở thành chỉ huy một cánh quân, một đội, một toán, một xã xuất sắc như ở làng Huệ Lai có ông Thương Bằng(2) và ba con trai là cả San, Quản Vân, Quản Vát. Ở La Mát có Nguyễn Đình Tuyển sau trở thành Chánh đề đốc đứng sau Đề Ban, Nguyễn Văn Thiệp (sau được phong là Đề đốc), Đố Quanh, Đốc Sàng, Quản Khán, Quản Pháp, Cai Mai, ông Điếu (ông Điếu là là người dũng cảm, mưu lược, bị quân Pháp bắt hai lần đều giết lính áp giải trốn thoát. Lần thứ ba chúng bắt được ông liền giết ngay). Ở Sa Lung có Phạm Văn Tư sau được phong là Đốc binh. Ở Kim Lũ có Lê Huy Triệu, Phù Ủng là xã có vị trí thuận lợi cho nghĩa quân xuất kích đi đánh Sặt, Bình Giang, Mỹ Hào, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Lang Tài, Gia Bình. Đề Ban đóng đại bản doanh ở đình (đền) Phủ Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Ở Phần Hà(3) có Quản Hạnh; ở Chú Xá(4) có Lãnh Thu, Lãnh Thu, Đốc Thúc, Đỗ Văn Chàng, Thư Hồ. Ở Linh Đạo(5) có Đốc Kiều, quản Năng; ở Cao Trai(6) có Quản Kiểm, Hình, Đích (sau ba ông Quản Kiểm, Hình, Đích được cử sang Trung Quốc đi giữa đường bị Pháp bắn chết). Ở An Xá có Tổng Hậu, cai bạ Trần Đình Nô, cai bạ Nguyễn Văn Hộ, Lý đội Trần Văn Cách. Ở Ngọc Nhuế, có Độ Cận, Quản Cừ, Quản Biểu, Quản Huống, Quản Trí. Ở Đào Xá có Lãnh Tảo, Đốc Nhỡ. Ở Đỗ Mỹ (Duy Mỹ) có Lý Chi (sau bị Pháp giết ở Yên Lạc). Xã Tiên Kiều(7) có Tả quân Trần Triệu Quát, Hữu quân Chánh Đề đốc Trần Thiện Tuyển (Lãnh Ba), ông Đốc Khuy, con gái là Đốc Huệ, cùng con rể. Ở An Khải có ông Mãnh.

Ở An Đạm có Phí Văn Thoá, Phí Văn Thoả. Ở Cựu Thuỵ(8) có Đốc Thanh; ở Đặng Xá(9) có Cai Con. Ông Tên thật là Đặng Phúc Hoa, sở dĩ gọi là Cai Con do cha ông là Đặng Phúc Huy cũng là cai(10). Để phân biệt, dân làng gọi cụ Cai Huy là Cai Già hay Cai Cựu, còn Đặng Phúc Hoa là Cai Con. Cả hai cha con cùng tham gia nghĩa quân và ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm và tiền bạc.

Vấn đề cấp thiết đặt ra cho nghĩa quân Ân Thi là lương thực, vũ khí. Trong nghĩa quân có nhiều người chuyên lo công việc lương thực như bà Vũ Thị Hội ở xã Phù Ủng, được phong là Đốc vận quân lương.

(http://img849.imageshack.us/img849/1536/img0502p.jpg)

Gò Đống Tanh (Lý Thường Kiệt, Yên Mỹ)
đồn tiền tiêu của Lãnh Chú, Lãnh Điếc

Vấn đề vũ khí được Đề Ban hết sức quan tâm, ngoài vũ khí tự tạo như dao, kiếm, đoản đao, súng kíp, Phạm Văn Ban còn tổ chức nhiều trận đánh táo bạo vào đồn địch lấy súng đạn của giặc. Ông còn tập trung tất cả thợ rèn giỏi nghiên cứu chế tạo súng theo mẫu súng 1874, súng remington, súng lục của quân Pháp; “ví như lò rèn của nghĩa quân Đề Ban ở làng Nhân Đồng (tổng Huệ Lai, Ân Thi). Đề Ban lại có một nghĩa quân rất giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê (tổng Huệ Lai)(11) chuyên việc chữa các báng súng trường. Ông này được mệnh danh là “Cai binh”(12).


(1) Tổng Huệ Lai có 10 xã là Huệ Lai, La Mát, Sa Lung, Phù Ủng, Chu Xá, Kim Lũ, Bối Khê, Chu Lai, Đào Xá, Nhân Đồng, tổng Đỗ Xá có 7 xã là An Đạm, Thúc Tá, Thi Tân, An Đỗ, Đỗ Xá, Đỗ Thượng, Đỗ Xuyên; tổng Phúc Vệ có 10 xã là: An Khải, Cao Trai, Đỗ Mỹ, Linh Đạo, Ngọc Nhuế, Phần Dương, Phần Hà, Phần Lâm, Vệ Dương, Nhuế Giang.
(2) Mộ ông Thương Bằng ở làng Đào Quạt, nay vẫn còn.
(3) Phần Hà nay thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi.
(4) Chu Xá nay thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi.
(5) Linh Đạo nay thuộc xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi.
(6) Cao Trai nay thuộc xã Chiến Thắng, huyện Ân Thi.
(7) Du Mỹ, Đặng Xá, Lênh Bối, Trâm Nhị nay thuộc xã Tân Trào. Các xã Đào Xá, Bối Khê, Nhân Đồng, Tiên Kiều phía đông có sông Kẻ Sặt chảy từ đầu đến cuối xã; phía bắc giáp Phù Ủng, La Mát; phía tây giáp An Đỗ (Bắc Sơn); phía nam giáp xã Ngọc Nhuế, Linh Đạo, Vệ Dương là đường 38.
(8) Cựu Thuỵ nay thuộc xã Phạm Hồng Thái, huyện Ân Thi.
(9) Đặng Xá nay thuộc xã Vân Du, huyện Ân Thi.
(10) Cai xã sau đổi là trương tuần.
(11) Nhan Đồng nay thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, Hưng Yên.
(12) Minh Thành: “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Viện Sử học, số 122, 123 tháng 5, 6/1969.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 09:02:14 pm
Xã Trúc Thuỷ(1) xưa gồm có ba thôn là Trúc Đình, Trúc Nội, Trúc Lẻ - có Nguyễn Chủ, Nguyễn Điếc là hai anh em ruột và Cai hàn là con trai Nguyễn Điếc cùng chiêu mộ quân, lập căn cứ tại ba làng Trúc. Hai ông chiến đấu dũng cảm, đánh thắng nhiều trận, đều được Đổng Quế phong là Lãnh binh.

Lãnh Điếc nhận nhiệm vụ giết tên Trực ở Bình Hồ thuộc tổng Lưu Xá, huyện Ân thi nay thuộc xã Quảng Lăng, huyện Ân Thi. Lãnh Điếc rất gan dạ, có lần đuổi theo quân Pháp đến tận Quán Cào, xã Thổ Hoàng (nay là khu vực nhà bưu điện, thị trấn Ân Thi). Gia nhập lực lượng khởi nghĩa do Lãnh Chủ, Lãnh Điếc chỉ huy còn có thủ lĩnh ở nhiều làng xã thộc vùng giưa huyện Ân Thi. Mỗi người có từ 100 đến 200 quân, có người đem quân gia nhập độ quân cơ động ở căn cứ có người thì đào hào, đắp lũy, biến làng mình thành làng chiến đấu. Đến nay qua nhiều đợt chúng tôi đi khảo sát, chúng tôi biết ở xã Xuân Nguyên(2) có Cai Tiêm, ở xã Cù Tu(3) có Tổng Khang; ở xã Trà Khương(4) có Đội Bản, Đội Khao, Quản Báu, Quản Vòi; xã Đan Tràng(5) có Quản Giáp Dương Văn Vũ. Xã Ninh Thôn(6) có Quản Huân, Dương Văn Chiêu, Bát Nghiễm, Trần Văn Địch. Xã Bích Tràng(7), tổng Văn Nhuệ có Vũ Văn Tuy, Nguyễn Văn Dung. Xã Tồng Củ(8) có Đốc Gạch. Khi khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, Đốc Gạch lên Yên Thế gia nhập cuộc khởi nghĩa do Đề Thám lãnh đạo.

Huyện Yên Mỹ có đề đốc Nguyễn Văn Sung cùng em trai là lãnh binh Nguyễn Văn Trạch quê ở làng Dịch Trì, tổng Liêu Xá gia nhập nghĩa quân Tuần Vân ở Xuân Quan từ đầu. Làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá có lãnh binh Lưu Ngọc Thấu(9). Các ông rào làng chiến đấu, đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn. Xã Cảnh Lãm(10) tiếp giáp với căn cứ Thuỷ Trúc của Lãnh Chủ, Lãnh Điếc có Đốc Đoán ở làng Cảnh Lâm, Lãnh Mậu ở làng Nguyên Xá, Đốc binh Vũ Văn Đồng ở làng Tam Trạch(11). Đây là vị trí quan trong nằm ở ranh giới ba huyện Yên Mỹ - Mỹ Hào - Ân Thi, nên quân Pháp tấn công nhiều lần song chúng đều bị thất bại. Xã Phạm Xá(12) có Phạm Văn Thiệp vận động nhân dân rào làng chiến đấu, uy hiếp bốt Thuỵ Lân trên bờ sông Thiết Trụ, chỉ cách làng chưa đầy 2 km.

Huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tiếp giáp với huyện Đông Yên. Phong trào gia nhập nghĩa quân rào làng chiến đấu chống Pháp cũng rộng khắp, quyết liệt. Văn Giang giữ vị trí chiến lược quan trong, phía Nam là huyện Đông yên, lại tiếp giáp với Dạ Trạch - Ông Đình - Thọ Bình là căn cứ chính của nghĩa quân; phía bắc là huyện Gia Lâm, phía Đông Nam là huyện Mỹ Hào, quê hương của Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật đã từ chức Tổng đốc Hải Yên về Chí Linh - Đông Triều mộ quân đánh Pháp; phía Tây qua Sông Hồng là huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín của tỉnh Hà Đông.

Văn Giang là vung căn cứ của các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm từ năm 39-40. Hai Bà Trưng phát động nhân dân chống Thái thú Tô Định. Khi Lý Nam Đế chống Tiêu Tư thứ sử nhà Lương (545-547) tiếp đó là Triệu Quang Phục chống Trần Bá Tiên - Dương Sàn (547-550) cũng lấy Văn Giang và Đông Yên làm căn cứ. Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1258,1285, 1288), Văn Giang đã cùng với Đông Yên, Kim Động của phủ Khoái Châu đều là căn cứ của triều đình. Vì vậy khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), Văn Giang có nhiều người nổi dậy chống Pháp. Tiêu biểu là Tuần Vân còn gọi là Tuần Văn. Ông là người họ Đàm, sinh năm Tân Sửu. Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), tính tình khí khái không chịu luồn cúi cường quyền, bị quan lại nhà Nguyễn bắt giam ở nhà tù trong thành Bắc Ninh. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội, quan quân hốt hoảng, lơi lỏng việc canh gác, ông phá ngục cùng với một số người bỏ trốn. Ông về Cổ Bi (Gia Lâm) tập hợp những người cùng chí hướng đánh Pháp từ tháng 5/1883. Hàng trăm người nghèo khổ, cả tầng lớp nho sĩ theo ông, có những người xuất sắc như Nguyễn Văn Sung quê ở làng Dịch Trí, tổng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ở làng xã Xuân Quan còn có các ông Chánh Bẩy, Đồ Hỗ, Lãnh Sinh, em họ Tuần Văn là những tướng lĩnh xuất sắc. Xã Công Luận (Văn Giang) có Lãnh Dâu ở thôn Nhạc Lộc; xã Như Phượng có cai tổng Tín chiêu mộ quân theo Đổng Quế(13).


(1), (2), (3) Trúc Thuỷ, Xuân Nguyễn, Cù Tu trước đây thuộc tổng Hạ Cổ, huyện Ân Thi, sau thuộc xã Quang Trung, nay đổi là xã Xuân Trúc.
(4) Theo “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy” của Minh Thành. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5, 6/1964.
(5) Đan Tràng nay thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Ân Thi.
(6) Ninh Thôn nay thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Ân Thi.
(7) Bách Tràng nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Ân Thi.
(8) Tòng Củ nay thuộc xã Vân Du, huyện Ân Thi.
(9) Liêu Trung nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ.
(10) Cảnh Lãm nay thuộc xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ.
(11) Nguyễn Xá, Tam Trạch nay thuộc xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ.
(12) Phạm Xá nay thuộc xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
(13) Ông Nguyễn Đức Hào, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng xã Xuân Quan cung cấp cho tác giả tháng 11/1998.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 09:07:12 pm
Về quê hương của Tuần Vân (Tuần Văn) và Đội Văn (Vương Văn Vang, Đề Vang) nhiều tài liệu viết khác nhau. Về Tuần Vân, sách La Pravince viết quê ông ở Như Quỳnh, thực ra ông quê ở Xuân Quan, lấy vợ ở Như Quỳnh. Sách “Khởi nghĩa Yên Thế”(1) viết quê Tuần Văn ở tổng Thái Lạc cùng quê với Ngô Quang Huy; còn Đề Vang quê ở xã An Bình, tổng Bình Ngô, huyện Thuận Thành. Thực ra Tuần Vân (hoặc Tuần Văn) quê ở Xuân Quan, huyện Văn Giang; còn Đội Văn, tức Vương Văn Vang, tức Đề Vang, tức Đề đốc họ Vương chỉ là một người, quê ở xã Chạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tham gia nghĩa quân Bãi Sậy còn có các ông Đề Dần(2), Đốc Chính(3) quê ở Hương Thôn, Khánh Mỹ, huyện Thần Khê(4).

Ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mùi (khoảng 4, 5 tháng 4 năm 1883), Đổng Quế tổ chức Tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân, tổng Bình Dân. Văn chí Bình Dân và trên các ngả đường vào Văn Chỉ trang hoàng cờ xí lộng lẫy. Lá cờ màu đỏ, hình vuông có tám chứ “NAM ĐẠO CẦN VƯƠNG 0 BÌNH TÂY PHẠT TỘI”.

Tới dự lễ Tế cờ có đông đủ tướng lĩnh ở các phủ huyện trong tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang (Bắc Ninh), huyện Mỹ Hào (Hải Dương) và một đội quân danh dự trên 500 người. Tất cả đều mặc quần áo màu mới, đầu quấn khăn xanh, chân quấn xà cạp. Các ông đội, cai thì chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ.

Trên lễ đài có Tổng đốc Hải Yên(5) Nguyễn Thiện Thuật, Đề đốc 5Định An(6) Tạ Hiện(7).

Trong không khí trang nghiêm, Đổng quân vụ Đinh Gia Quế kịch liệt lên án giặc Pháp xâm lược, gieo đau thương tang tóc cho dân tộc Việt Nam. Chúng đã chiếm lục tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa. Ông cũng tố cáo triều đình Tự Đức ươn hèn, ký nhiều hiệp định nhượng bộ Pháp đất đai, triều đình Huế hoàn toàn lệ thuộc vào Pháp, không tổ chức kháng chiến, ngăn cấm nhân dân kháng chiến, trái với truyền thống dân tộc ta là “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Ông kêu gọi mọi người không kể trai, gái, già trẻ, giàu nghèo, hãy cầm lấy vũ khí đánh giặc giữ làng, giữ nước, đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi, khôi phục giang sơn do tổ tiên phải đổ xương máu mới tồn tại đến ngày nay.

Dứt lời, ông giơ cao thanh gươm hô to: “Quyết đánh giặc Pháp xâm lược!” ba lần. Toàn thể tướng lĩnh, nghĩa binh và nhân dân đồng thanh đáp lại: “Quyết đánh, quyết đánh, quyết đánh”.

Ngay sau Lễ Tế cờ, Đổng quân vụ Đinh Gia Quế đã giao cho các tướng lĩnh vượt Sông Hồng đánh quân Pháp ở các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Ông cũng sia Lãnh Điển đi dẹp dân Thiên chúa giáo quá khích ở thôn Sài Quất, tổng Đại Quan thường đi do thám các hoạt động của nghĩa quân cho Pháp.

Piglowski Historie de la Garde Indigène du Tonkin viết về trận đánh ở Đức Nhuận do Lãnh Sậy chỉ huy như sau: “Trong một trận đánh ở làng Đức Nhuận, cạnh xã Yên Vịnh gần đền Hoá Dạ Trạch, nghĩa quân mặc quần áo như nông dân, bọn Pháp chỉ nhận ra người chỉ huy là Lãnh Sậy, vì ông chít khăn xanh và thắt lưng đỏ”.


(1) Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần - Sở Văn hóa thông tin - Hội Khoa học Lịch sử xuất bản.
(2) Đề Dần tên là Phạm Hữu Dần, đỗ tú tài, giỏi võ nghệ, quê ở thôn Tè tức là Hương Thôn, nay thuộc xã Khánh Mỹ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông được triều đình phong là Tây đạo đô đốc, tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy. Ông bị giặc Pháp bắt được ở Bãi Sậy, đem về làng Nội Quả (Hưng Yên) chém.
(3) Đốc Chính tên thập là Phạm Công Chính. Ông tham gia khởi nghĩa ở Thái Bình, bị quân Pháp truy kích, ông vượt Sông Luộc sang Hưng Yên tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy. Khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, ông chạy về Thái Bình, bị quân Pháp bắt được ở cửa Sông Luộc, chúng đưa ông về chém ở gần thị xã Hưng Yên.
(4) Nay thuộc xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
(5) Hải Dương và Quảng Yên.
(6) Nam Định và Hưng Yên.
(7) Tạ Hiện còn có tên là Tạ Quang Hiện, sinh năm Tân Sửu (1841), quê ở xã Quang Trung, Thuỵ Anh, Thái Bình, đậu tú tài. Ông giữ cức Đốc binh Quân vụ tỉnh Tuyên Quang, đã cùng với Lưu Vĩnh Phúc đánh giực Cờ Vàng. Tháng 9/1882, ông đánh hải tặc Trung Quốc ở Quảng Yên. Sau đó, ông làm Lãnh binh Hải Dương. Đề đốc Bắc Ninh. Triều đình ký hòa ước với Pháp, ông trả ấn tín lui về phủ Kiến Xương, Thái Bình đánh Pháp. Công sứ Pháp ở Nam Định đem quân đánh ông, bị ông đánh cho đại bại. Ông phối hợp với Đổng Quế, Tán Thuật đánh nhiều trận lớn. Tháng 2/1887, ông bị thực dân Pháp bắt nhưng trốn thoát, sau ông bị bắt lại và xử tử.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 04 Tháng Năm, 2011, 09:10:44 pm
Sau Lễ Tế cờ, Tạ Hiện với tư cách là Đề đốc Định - An đã cử Nguyễn Thành Thà từng giữ chức Chánh quản ở Hưng Yên, chuyên lo xây dựng lực lượng quân sư về căn cứ Bãi Sậy giúp Đổng quân vụ Đinh Gia Quế xây dựng, huấn luyện lực lượng nghĩa quân. Nguyễn Thành Thà đã có hai con là Nguyễn Khả Lương, Nguyễn Sung cùng các ông Đề Dần, Đốc Chính sang chiến đấu ở căn cứ Bãi Sậy.

Nguyễn Đình Mai là người thiết kế, chỉ đạo xây dựng một tòa thành ở ấp Thọ Bình. Thành này chỉ các đền Hoá Dạ Trạch ở thôn Yên Vĩnh khoảng 2 dặm.

(http://img222.imageshack.us/img222/2608/75215817.jpg)

Cầu Tiểu Quan nay thuộc xã Phung Hưng, Khoái Châu

Thành được xây bằng gạch, rộng 5 mẫu Bắc Bộ. Trong thành có nơi làm việc của bộ Tham mưu, có nhà kho, trường tập bắn, bãi luyện võ nghệ, bãi tập bắn súng bắn nhanh. Thành xây không kiên cố lằm và thực sự nó chỉ là nơi làm việc của Đổng Quế - nơi hội họp của các tướng lĩnh và nơi đóng quân của đội quân thường trực. Các công tình trên mặt đất thì sơ sài, nhưng trong lòng đất có nhiều địa đạo, nhiều đoạn được xây bằng gạch thông từ trong thành đến đền Hoá Dạ Trạch trụ sở công khai của Đổng Quế, lại có đường từ trong thành ra đê Sông Hồng và tỏa ra bãi sậy rậm rạp xung quanh. Đường hầm rộng, có các ngã ba, ngã tư, hai người tránh nhau một cách dễ dàng. Trong địa đạo có kho lương, kho vũ khí, nơi làm việc của Ban chỉ huy, nơi ăn ngủ của chiến sĩ. Cửa hầm và lỗ thông hơi rất bí mật, có dấu hiệu riêng và chỉ những người chỉ huy và các đội viên bảo vệ trong thành biết. Muốn vào được trong thành gặp rất nhiều khó khăn vì sậy mọc cao tới 3-4 mét, lớp nọ đè lên lớp kia. Nghĩa quân đã khéo léo tạo thành những con đường bí mật ở dưới. Xung quanh thành lại có nhiều vọng gác, ổ mai phục, người lạ không thể vào được.

Đặc điểm của nghĩa quân Bãi Sậy trừ mấy đội quân cơ động là ở tập trung, còn đại bộ phận không đóng trong thành lũy như những cuộc khởi nghĩa đương thời khác. Quân ở trong làng xã nào biên chế cơ đội theo từng xóm, làng, xã, chỉ huy cũng là người ở địa phương đó. Thông thường, mỗi thủ lĩnh nghĩa quân có một đội quân cơ động từ 100 đến 200 quân. Số còn lại được gọi là Hương binh hay Dân binh. Khi có trận đánh lớn, các thủ lĩnh mới hợp đồng tác chiến, huy động Hương binh đi chiến đấu. Kết thúc chiến dịch, nghĩa binh ở làng xã nào lại về làng xã đó.

Tại Hưng Yên(1) số người tham gia nghĩa quân rất đông, đúng như lời thú nhận của A de Miribel, công sứ Hưng yên: “Tất cả những nông dân vùng Bãy Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống lại quân Pháp”(2). Ở huyện Ân Thi, các trung tâm Mễ Xá, Thuý Trúc, Mão Cầu ở phía nam và phía giữa huyện, còn ở phía bắc thì ba tổng Phù Vệ, Đỗ Xá, Huệ Lai đuề là căn cứ mà trung tâm là Bối Khê  do Đề đốc Phạm Văn Ban chỉ huy. Vì thế thực dân Pháp gọi là “Tam tổng chi nhân dô thị tặc!” nghĩa là dân của ba tổng đều làm giặc.

(http://img842.imageshack.us/img842/3267/75688187.jpg)

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Khoái Châu lấy hình tượng
bó sậy làm biểu tượng


(1) Chúng tôi chỉ trích các huyện Đông Yên, Ân Thi, Tiên Lữ, Kim Động, còn Văn Giang khi đó thuộc Bắc Ninh, Mỹ Hào thuộc Hải Dương, Yên Mỹ, Văn Lâm chưa thành lập.
(2) Trịnh Văn Tấu trong Hưng Yên địa chí, xuất bản năm 1934.
(3) Nay Bối Khê là đơn vị thôn thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:12:30 am
CHƯƠNG II

NGHĨA QUÂN BÃI SẬY ĐẨY LUI CÁC ĐỢT
TẤN CÔNG CỦA QUÂN PHÁP VÀ QUÂN
NAM TRIỀU BẢO VỆ VỮNG CHẮC CĂN CỨ

Ngay sau Lễ Tế cờ, nghĩa quân Bãi Sậy do Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế chỉ huy đã tiến đánh quân Pháp ở nhiều nơi, nay ta còn biết được một số trận như sau:

- Dân theo đạo Thiên chúa thôn Sài Quất, tổng Đại Quan thường đi do thám các hoạt động của nghĩa quân báo cho quân Pháp. Đổng Quế cho đội tuyên truyền đến giải thích thì chúng đánh giết nghĩa quân. Đổng Quế giao cho Lãnh Điển tấn công đám dân Công giáo phản động ở làng này.

- Trong trận đánh lớn ở làng Đức Nhuận, cạnh xã Yên Vĩnh, gần đền Hoá Dạ Trạch, nghĩa quân mặc quần áo như nông dân, bọn Pháp chỉ nhận ra người chỉ huy là Lãnh Sậy (Nguyễn Đình Mai) vì ông chít khăn xanh và thắt lưng đỏ(1).

Trước sự phát triển của nghĩa quân Bãi Sậy, những người chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ quyết định thành lập một binh đoàn mạnh tiến từ Hải Phong lên đánh bật toán quân của Đổng Quế ra Sông Hồng để tiêu diệt. Đại tá Donnier thuộc Lữ đoàn Négrier chỉ huy binh đoàn này. Đại tá Donnier với đội quân hùng hậu, trang bị hiện đại nhưng tấn công vào Bãi Sậy đã bị thiệt hại nặng nề, phải rút quân và cay đắng thú nhận: “Vì những lý do tôi nói ở trên, cuộc hành quân này không đạt được kết quả mà chỉ làm cho dân chúng nghèo đói thêm”(2).

Trước thất bại đó của quân Pháp, Bộ Tư lệnh quân đội Pháp ở Trung - Bắc Kỳ liền giao cho Hoàng Cao Khải khi đó, đang làm án sát Hưng Yên, phối hợp với quân Pháp đánh Đổng Quế. Hoàng Cao Khải được quân Pháp hỗ trợ bằng công binh, pháo binh, tàu chiến trang bị đại bác diễu võ giương oai dưới Sông Hồng hỗ trợ. Hoàng Cao Khải hung hăng ra trận với mưu đồ chỉ trong một trận dồn nghĩa quân vào chỗ chết. Khải ra lệnh cho quân lính phải vượt bãi sậy mà tiến vào. Điều làm chúng hoảng sợ là rất nhiều hầm hào luồn dưới những thân sậy lóp nọ chồng lên lớp kia. Rắn độc cũng rất nhiều, nhiều tên bò vào trinh sát bị rắn cắn chết. Đại tá Noninié cho một toán quân liều chết thọc sâu vào căn cứ thì cả toán không một tên nào sống sót trở vè mà không hề có một tiếng súng nổ. Cay cú, Hoàng Cao Khải cho lính dàn hàng ngang tiến vào. Bọn lính phải vượt qua những đám sậy cao tới 3 mét cùng những gai mỏ quạ, cả gai leo, gai dứa cùng những cây lá han đụng vào là sưng tấy nhức buốt đến tận xương. Khi chúng phải lội qua đầm lầy, kênh rạch thì vô vàn những con đỉa đói bám lấy chúng mà hút máu. Quân giặc dò dẫm như đi vào mê hồn trận, đang lúc bàng hoàng chưa biết đi về hướng nào thì cờ đỏ phất lên, lập tức nghĩa quân nấp trong các hầm hào, địa đạo bí mật nổ súng. Hơn ba chục tên đổ vật xuống rẫy rụa trong vũng máu. Bọn sống sót vừa nằm dán mình xuống đầm lầy tránh đạn thì nghĩa quân, cầm kiếm, mã tấu, đoản đao xông ra đánh giáp lá cà. Trong trận hỗn chiến đó hàng chục tên lính Pháp lính Nam bị giết chết bởi thứ vũ khí thô sơ mà chúng rất coi thường đó. Bọn còn lại bỏ những tên bị thương đang rên la cùng toàn bộ súng đạn để thoát thân. Bọn giặc nhìn thấy một hướng trống trải liền chạy xô cả về phía đó, chúng kinh hoàng khi đất lở dưới chân, cả bọn sa vào hố chông. Bị thiệt hại lớn, Hoàng Cao Khải điên khùng cho đốt bãi sậy thì chính lửa lại bao vây lấy chúng khiến chúng không có đường ra.

Bọn lính Pháp, lính Nam quá khiếp đảm không chờ lệnh chỉ huy đã tháo chạy. Trận này quân Pháp chết và bị thương tới bảy, tám phần mười quân số, súng hầu như mất gần hết. Nhưng thất bại lớn hơn cả là lính Pháp, lính Nam khiếp sợ nghĩa quân Bãi Sậy, bị bắt đi lính Bãi Sậy nhiều tên khiếp sợ bỏ trốn(3).

Quân Pháp rút về đóng ở phủ lỵ Khoái Châu và nhiều lần xua quân đi đánh Bãi Sậy nhưng không dám vào sâu mà vẫn bị phục kích, tập kích…

Nghĩa quân Bãi Sậy do Đổng Quế chỉ huy bị quân Pháp tấn công liên tục nhưng không bị tiêu diệt mà quân số này càng phát triển, được trang bị thêm nhiều súng bắn nhanh vừa thu được của giặc và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Ban ngày nghĩa quân ở trong căn cứ, ban đêm đi tập kích các đồn địch. Nhân dân tự động làm công tác trinh sát, phát hiện các cuộc càn quét của giạc báo cho nghĩa quân, nên nghĩa quân đã kịp thời đón đánh chúng. Nghĩa quân không chỉ đánh giặc khi chúng xâm phạm vào căn cứ, mà nghĩa quân còn tấn công các đồn binh Bình Phú, Lực Điền, Thuỵ Lân (Yên Mỹ), đồn Bần, đồn Thúa (Mỹ Hào), đồn Phủ Ân Thi, đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), các đồn ở huyện Văn Giang và phục kích quân Pháp trên đường số 5, đường 39(4).

Bọn cầm đầu quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thú nhận: “Nghĩa quân vẫn thật sự cai trị các làng, còn bọn quan cai trị Pháp đặt ở các phủ huyện để cai trị dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng bỏ tốn vào các tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa”(5).


(1) Piglowski Histoire de la Garede Ingigène du Tonkin (Lịch sử Lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ, Nguyễn Luận dịch, lưu ở Thư viện tỉnh Hải Dương..
(2) A de Miribel: La Province de Hưng Yên (Lịch sử cuộc chiếm đóng Hưng Yên). Sđd.
(3) Theo Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nguyễn Khánh Toàn, chủ biên. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971 - Theo A de Miribel Les province de Tonkin Hưng Yên - Theo cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy, Lịch sử Quân sự số 46 tháng 12/1989.
(4), (5) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc, Hải Dương 12-1932 tài liệu đánh máy lưu ở Thư viện tỉnh Hải Dương.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:16:20 am
Vì vậy quân Pháp phải rút khỏi Bãi Sậy, nhưng vẫn luôn chú ý đến vùng này.

Từ đó quân Pháp, quân Nam chỉ nghe tiếng Bãi Sậy là sợ hãi bỏ trốn tránh không dám liều mạng vào chỗ chết. Chính Dulleman cũng phải thú nhận: “Khu vực Bãi Sậy mà bọn phản nghịch đương đầu với lực lượng của chúng ta và né tránh được các cuộc truy lùng. Tướng De Courcy đích thân đi tuần tiễu thành công một phần”(1).

Cuối năm 1883, đầu năm 1884 trên toàn mặt trận, thế lực của Đổng Quế ngày càng lớn mạnh. “Những khi quân Pháp đưa quân từ Hải Dương, Hải Phòng đến uy hiếp căn cứ Bãi Sậy thì Nguyễn Thiện Thuật đưa quân về huyện Mỹ Hoà để chi viện cho Đổng Quế, quân Pháp e ngại không dám tấn công Bãi Sậy vì sợ Nguyễn Thiện Thuật đánh tập hâu”(2).

Sau khi vua Hiệp Hòa ký Hoà ước với Pháp ngày 6/6/1884, đặt Bắc Kỳ, Trung Kỳ dưới sự bảo hộ của Pháp, khi đó Bắc Kỳ có có 13 tỉnh(3) thì quân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc khởi nghĩa, hoàn chỉnh bộ máy cai trị từ tỉnh, huyện đến tổng, xã.

Tháng 11/1884, Chính phủ Pháp đưa thêm 6000 quân tiếp viện sang chiến trường Bắc Kỳ(4) thì chiến sự ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, Tuyên Quang có nhiều biến động. Nguyễn Thiện Thuật phải đưa quân lên các tỉnh đó phối hợp với các tướng Cai Kinh, Tổng Bưởi, Lưu Kỳ và quân Cờ đen đánh Pháp. Thừa dịp đó quân Pháp huy động quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, nhưng Đổng Quế và các tướng lĩnh vẫn bảo vệ được căn cứ.

Với phương thức “biến vi binh, bất biến vi dân” nên vùng nào, thậm chí làng nào cũng có nghĩa quân kể cả ở các thôn, xã giáp phủ Khoái Châu như An Vỹ, Ông Đình, Thọ Bình, các xã nằm trên tục đường 39 và các xã sát các đồn bốt địch.

Nhiều trận đánh đã diễn ra. Có trận nghĩa quân nấp trong bãi sậy, quân Pháp bao vây, nghĩa quân đốt lửa nghi binh. Quân giặc tưởng nghĩa quân đông không dám tấn công, vội vàng rút lui. Nghĩa quân do Đề Tính chỉ huy kéo đến xã Trung Châu (Khoái Châu) thì bị quân Pháp bao vây. Nghĩa quân đánh trả từ sáng đến trưa, giết chết một số lính, cướp 1 súng bắn nhanh rồi rút lui an toàn. Hôm sau quân Pháp trả thù kéo đến Trung Châu giết chết 2 người dân.

Đốc binh Vũ Đức Thàng chỉ huy trên 100 quân, ông rất gan dạ lại mưu trí. Có lần vì cần súng trường nhãn 1874 để làm mẫu cho “xưởng quân giới” của mình, ông tự chui vào cũi, cho hai nghĩa quân thân tín làm tuần đinh khiêng ông vào trong đồn nộp cho quân Pháp, còn một bộ phận nghĩa quân thì bí mật bao vây bên ngoài. Thấy bắt được “tướng giặc” bọn lính xúm lại xem, bất thình lình ông đạp cũi nhẩy ra giết lính, nghĩa quân ở ngoài ập vào. Quân Pháp bị bất ngờ không kịp trở tay. Ông không ham đánh, cướp một số súng đạn rồi rút lui an toàn. Lần khác, quân Pháp càn vào làng Ông Đình, ông đào hầm ẩn mình dưới đó, phủ sậy lên trên. Đợi cho quân Pháp đi qua, chỉ còn vài ba tên đi sau, ông bật dậy xông lên giết ba tên lính cướp súng. Khi bọn Pháp đi ở phía trước phát hiện ra quay lại, thì ông đã đem ba khẩu súng rút vào bãi sậy an toàn(5).

Nhờ có súng mẫu trên, ông đón thợ rèn Hoàng Vân về dựa theo mẫu sản xuất ra súng cải tiến.

Trong số tướng lĩnh của Đổng Quế ở Khoái Châu có hai vợ chồng ông Quyền Túc. Ông tên thật là Nguyễn Túc, bà là Nguyễn Thị Biên. Hai ông bà đều dũng cảm, gan dạ, đa mưu túc kế. Vào giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa, ông được phong chức đội nên gọi là Quyền Túc. Từ đó nghĩa binh và nhân dân gọi ông là “Ông Quyền Túc’, “Bà Quyền Túc”. Ông bà Quyền Túc được giao nhiệm vụ kiểm soát đoạn đường (sau Pháp gọi là đường 199) từ Dốc Thiết qua bến đồ ngang Sông Hồng sang Vân La, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông và đoạn Sông Hồng chảy qua Đa Hoà - Nhạn Tháp - Mễ Sở. Ông bà Quyền Túc chiêu mộ thêm quân, chẳng những trai tráng tổng Mễ Sở mà người Vân La, Tự Nhiên, Thư Phú theo cũng rất đông. Ông Nguyễn Đăng Thành là Chánh tổng tổng Mễ Sở, làm bá hộ nhưng lại tiếp tế rất nhiền lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân.

Bà Biên quyết hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nên đã hỏi cô Bùi Thị Lệnh làm vợ bé để sinh con cho chồng.


(1) Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu. Nhà in Ngô Tử Hạ, xuất bản năm 1934.
(2) Lịch sử Cận đại Việt Nam và Chống xâm lăng của Trần Văn Giàu, NXB Xây dựng Hà Nội, 1957.
(3) Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán Triều Nguyễn.
(4) Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1945), tập 1, Dương Kinh Quốc, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, trang 224.
(5) Theo lời kể của cụ Vũ Đức Hồng 83 tuổi ở xã Ông Đình gọi cụ Đốc Thàng là bác ruột kể về bác mình đánh Pháp với tác giả tháng 10/1998.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:18:48 am
Quân Pháp đón đồn Nhạn Tháp ngay trên bờ sông giáp với Đa Hòa và đồn Vân La bên kia Sông Hồng gây khó khăn cho các hoạt động của nghĩa quân hai bờ tả hữu sông Hồng nên Đổng Quân vụ giao cho hai ông bà điều tra để nhổ bỏ hai đồn này.

(http://img40.imageshack.us/img40/7045/98918336.jpg)

Lối vào đình Trúc Đình, huyện Ân Thi, Hưng Yên đại bản doanh
của Lãnh Chủ, Lãnh Điếc

Giặc Pháp sai một tên mật thám đóng vai Tây buôn thường qua lại giữa các đồn Đào Viên (nay thuộc xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu), Bình Phú nay thuộc xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Nhạn Tháp nay thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu và đồn Vân La ở bên kia sông thuộc huyện Thường Tín để giao nhiệm vụ thu thập tin tức cho bọn điệp viên, mật thám về các hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy và những làng xã ủng hộ nghĩa quân rồi đem quan đi càn quét. Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế thấy rằng phải giết tên chỉ huy mật vụ liền giao cho vợ chồng ông Quyền Túc thực hiện bản an. Vợ chồng Quyền Túc nhận lệnh đã bí mật điều tra thấy tên này hám gái liền quyết đình dùng “mĩ nhân kế” để giết hắn. Theo kế của Quyền Túc, bà Biên chở đò ngang qua sông, cổ tình cợt nhả với tên Pháp đó. Mấy ngày đầu tên này còn dè dặt, nhưng rồi sắc dẹp, nụ cười, ánh mắt của cô gái đã chinh phục được trái tim mê gái của hắn. Từ đó hẳn chỉ chờ đò của bà mới qua sông và để được tự do tán tỉnh bà, hắn không cho lính đi hộ vệ.

Thấy thời cơ hành động đã đến, ông Quyền Túc phối hợp với nghĩa quân xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín do ông Lãnh Be (tật thật là Nguyễn Văn Ve), chỉ huy bí mật bao vây quanh đồn Văn La. Bà Quyền Túc giấu con dao thái chuối đã được mài sắc dưới thuyền. Chiều đó tên mật thám Pháp xuống thuyền thấy bà mặc đẹp hơn mọi ngày, giơ tay vẫy hắn xuống thuyền. Thuyền ra khỏi bờ một quãng xa, bà Quyền Túc cố tình làm cho thuyền lắc mạnh, tên Pháp hốt hoảng, hai tay giữ chặt lấy mạn thuyền. Lập tức bà Biên chộp dao chém tới tấp vào tên Pháp rồi cắt đầu chở tiếp thuyền sang Mễ Sở.

Trong khi đó nghĩa quân xông vào đánh đồn Vân La. Quân Pháp mất tướng như rắt mất đầu chống cự một cách yếu ớt rồi bỏ chạy. Dân Văn La, Tự Nhiên, Đa Hoà thấy đồn binh đã bị tấn công liền chèo đò sang xông vào đồn cướp lương thực vải vóc cùng nhiều vật dụng khác rồi nổi lửa đốt đồn. Bà Biên xách đầu tên Pháp lêm cắm vào cọc bêu ở phố chợ Mễ Sở để cảnh cáo bọn xâm lược và bọn tay sai.

Trận đánh táo bạo này khiến quân Pháp khiếp sợ, hai ngày sau mới dám vượt sông sang lấy đầu tên mật thám và càn vào làng Đa Hoà và các làng xung quanh khủng bố nhân dân. Gia đình các nghĩa quân bị tàn phá, vợ con và cả họ hàng phải dắt díu nhau đi trốn(1).

Sau trận này vợ chồng Quyền Túc còn đánh một số trận nữa, trận nào cũng lập được chiến công. Đổng Quế phong chức Lãnh binh cho cả hai vợ chồng Quyền Túc. Ông còn tặng đôi câu đối:

“Hạ phu thê lương đồng thị lâu dịch châu nghĩa quân liên:
Nộ đảo sơn hà tam xích kiếm
Công thành phu phụ nhất gia binh”


Dịch:

Câu đối mừng vợ chồng cùng là nghĩa quân Bãi Sậy:
“Núi sông rạp đổ gươm ba thước,
Vợ chồng xông pha lính một nhà”
(2)


(1) Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Long, ông Nguyễn Tiến Xã, cháu và chắt cụ Quyền Túc, đồng chí Hoằng thường vụ đảng ủy xã Bình Minh, đồng chí Đức nguyên trung tá quân đội nhân dân, người thôn Đa Hoà, ông Nguyễn Liên Phương, người thôn Phú Thị, cụ Nguyễn Văn Kiều, Nguyễn Văn Sâm, con cụ Khoá Cát thôn Bằng Nha và nhiều cố lão ở thôn Đa Hoà kể với tác giả tháng 5/1999.
(2) Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, trang 534.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:22:26 am
Diệt xong đồn Vân La, bắt hết bọn chỉ điểm ngầm trong vùng nghĩa quân kiểm soát, Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế giao cho vợ chồng Lãnh binh Nguyễn Túc điều tra các hoạt động của đồn Nhạn Tháp để nhổ đồn này đánh thông đường giao thông hai bờ Tả và Hữu ngan Sông Hồng ở Mễ Sở - Vân La.

Xã Nhạn Tháp giáp ranh với xã Đa Hoà và đều ở ngoài đê Sông Hồng. Đồn tuy nhỏ, ít quân nhưng nằm ở bến đò trên bờ Tả ngạn Sông Hồng kiểm soát một đoạn dài đường 199 đầu mối giao thông của nghĩa quân ở căn cứ Bãi Sậy với nghĩa quân ở các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên… tỉnh Hà Đông. Đồn có 25 tên lính Nam do một tên cai người Pháp chỉ huy. Đồn binh này chẳng những gây khó khăn cho nghĩa quân mà còn cướp bóc, hà hiếp nhân dân và khách qua sông.

Nhận lệnh, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên cho quân điều tra vẽ bàn đồ nhà lính, kho lương, bà còn cải trang làm người cắt cỏ vào sát hàng rào địch để kiểm tra. Sau khi nắm chắc vị trí địch, bà chọn ngày chủ nhật có nhiều lính đi chơi, cho 30 nghĩa quân giả làm khách qua sông. Khi ngang qua cửa đồn, bà rút đoản đao giết lính gác rồi chỉ huy nghĩa quân xông vào giết lính, cướp 11 khẩu súng rồi rút lui an toàn(1).

Trong các huyện ở tỉnh Hưng Yên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Đinh Gia Quế đề xướng và lãnh đạo thì sau phủ Khoái Châu(2) là phủ Ân Thi. Ân Thi là phủ lớn, diện tích tự nhiên tới 123km2, tương ứng với phủ Khoái Châu. Dân số khi nổ ra cuộc khởi nghĩa năm 1883 khoản 50.000 người(3).

Ngay khi Đinh Gia Quế phát động cuộc khởi nghĩa thì ở vùng phía nam (vùng dưới) có các thủ lĩnh Nguyễn Hữu Đức ở Mễ Xá, Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm ở Mão Cầu; ở vùng giữa có Lãnh Chủ, Lãnh Điếc ở Xuân Trúc, ở vùng phía bắc (vùng trên) là đất của ba tổng Huệ Lai, Phù Vệ, Đỗ Xá là căn cứ địa của Đề đốc Phạm Văn Ban và hàng chục ông bà lãnh binh, đốc binh cải quản. Nghĩa quân hoạt động mạnh gây khiếp đảm cho quân Pháp và quân Nam triều.

Nhiều trận đánh lớn gây thiệt hại nặng nề cho quân Pháp và quân Nam triều diễn ra ở phủ Ân Thi. Trong quyển sách này chúng tôi chỉ giới thiệu một số hoạt động của nghĩa quân Ân Thi.

Trận đánh phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa, diễn ra vào đầu năm 1884. Đổng quân vụ Đinh Gia Quế giao nhiệm vụ cho Hành tả tướng quân Nguyễn Đình Tiêm điều tra các hoạt động của quân Pháp và tên tri phủ Ân Thi thân Pháp chống lại nghĩa quân ở phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa để tiêu diệt chúng.

(http://img832.imageshack.us/img832/1292/74331125.jpg)

Đình Xuân Quan nay thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
nơi nghĩa quân tập trung quân huấn quân sự và xuất kích đánh quân Pháp

Dịp may hiếm có là tri phủ Ân Thi sắp làm lễ thượng thọ cho mẹ, bọn lý dịch đua nhau đem gà, gạo, bạc trắng đến mừng. Lãnh Tiêm đợi đến giữa trưa trong phủ vắng vẻ mới đem đôi gà trống thiến vào mừng. Vì vào giữa trưa quan phủ còn nghỉ ngơi chưa lên công đường. Ông nằn nì với lính gác cho mình vào trước sảnh đường để chờ đợi. Nhờ đó Lãnh Tiêm quan sát rõ nơi ở, phòng làm việc của hắn cũng như sự bố ở trong phủ. Khi đều tra đồn Cao Từa, ông đóng vai người đi bắt rắn đến các gò, đống, bờ ruộng quanh đồn nên qua sát biết được vị trí bên ngoài. Ông cử Lê Công Trứ - người được phân công đánh đồn Cao Từa đem theo 3 nghĩa quân giả làm người đi đường ngang qua đồn. Khi đó đồn Cao Từa đang cần nhiều phu để đào đắp hào, đắp luỹ. Quả nhiên Lê Công Trứ và 3 nghĩa quân bị bọn lính “bắt phu ngang”.

Lọt được vào trong đồn, các nghĩa quân chia nhau đi quan sát các vị trí phòng nhà của tên chỉ huy, nhà lính, kho vũ khí, kho lương. Khi nắm vững tình hình, Lê Công Tứ và 3 nghĩa quân trà trộn và đám phu ra ngoài.


(1) Sự kiện này chúng tôi khai thác ở các thôn Đa Hoà, Phú Thị, Nhạn Tháp, Mễ Sở, các cụ truyền lại không nhớ năm tháng, chỉ biết dưới thời Đổng Quế lãnh đạo (1883-1885). Tài liệu của Pháp cũng nói đến đồn Nhạn Tháp nhưng không viết ở đó có trận đánh nào. Sau trận đánh đó, dân trong vùng kéo tới đốt đồn, nghĩa quân hoạt động mạnh nên quân Pháp không dám đóng đồn. Mãi đến năm 1905, khi Chu Mạnh Trinh về làm án sát Hưng Yên mới xây đồn bằng gạch, lợp lá mía. Đồn này bị lũ cuốn trôi trước năm 1945, nay phù sa bồi thành bãi trồng ngô.
(2) Phủ Khoái Châu kiêm nhiệm các huyện Đông Yên, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ. Trong bài viết này chỉ tính riêng phần đất huyện Đông Yên, tương ứng với huyện Khoái Châu ngày nay.
(3) Thống kê của Trịnh Như Tấu trong sách Hưng Yên địa chí xuất bản năm 1934 thì phủ Ân Thi rộng 132,30km2, dân số 54.618 người; phủ Khoái Châu diện tích 130,30 km2, dân số 95.515 người.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:28:07 am
Điều tra bố phòng của phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa xong, Lãnh Tiêm cho người về Bãi Sậy đón Đổng Quế tới thôn Mao Cầu họp bàn kế hoạch đánh phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa. Tham gia trận đánh lớn này có nghĩa quân do các tướng Nguyễn Hữu Đức, Lãnh Tiêm, Đề đốc Phạm Văn Ban, Lãnh Chủ, Lãnh Điếc, Lê Công Trứ.

Trong trận đánh phủ đường Ân Thi, Đốc Ngư sử dụng cây trường giết được tên chỉ huy Pháp. Ông Đoàn Việt cắm lá cờ “Nam Đạo Cần vương - bình Tây phạt tội” lên nóc phủ đường. Nghĩa quân làm chủ phủ đường đưa sổ sách công văn, chỉ thị ra đốt, phá ngục thả những người yêu nước bị giam giữ, trừng trị bọn quan lại, hào lý ức hiếp dân.

Lãnh binh Lê Công Trứ chỉ huy đánh đồn Cao Từa cũng tiêu diệt hoàn toàn đồn này, giết hết bọn lính Pháp, lính Nam từng gây tội ác với nhân dân.

Sau giặc Pháp đưa quân từ thị xã Hưng Yên, Hải Dương đến giải vây. Trước thế mạnh của giặc vả lại nghĩa quân đã đạt được mục tiêu nên Đổng Quế quyết định rút quân theo đường chùa Một Cột ở Lê Xá, Nhân La sang xã Xuân Trúc giữa cánh đồng Tam Thiên Mão, căn cứ của Lãnh Chủ - Lãnh Điếc.

Sau trận thắng lớn ở phủ đường Ân Thi và đồn Cao Từa, thanh thế của nghĩa quân Lãnh Tiêm ngày càng lừng lẫy. Ông đưa quân đi đánh đâu thắng đấy(4).

Lãnh Chủ, Lãnh Điếc chỉ huy nghĩa quân ở nhiều xã như Cù Tu, Trúc Đình, Trúc Lẻ, Trúc Nội, Xuân Nguyên, Yến Đô, Hoan Ái, Đông Mỹ, Cảnh Lâm, Du Mỹ, Cao Trai. Nghĩa quân đặt sở chỉ huy ở Trúc Đình, đóng quân ở các gò đống giữa bãi sậy, làm lán lợp sậy để ở, đào hầm hố, đắp tường bằng đất để phòng thủ. Đến nay vẫn còn dấu tích các trại quân như gò Đống Cao, Gò Nồi, thuộc xã Thuý Trúc, huyện Ân Thi, gò Đống Tanh nay thuộc xã Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ. Gò Đống Cao nay đã khác đi nhiều, vẫn còn ruộng cấy trên một mẫu Bắc Bộ. Gò này khi khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, nhân dân dựng một ngôi chùa gọi là Chùa Nổi để thờ phật và các tướng lĩnh, nghĩa quân, nhân dân hi sinh. Sau sợ lộ, gọi chệch là Chùa Ổi. Chùa này bị phá vào năm 1964, nhưng đến nay gò vẫn còn, không ai dám cuốc phá.

Nghĩa quân hoạt động ở khắp nơi, kiểm soát được đường 39, đường số 5, đường đê Sông Hồng. Chính Miribel từng làm công sứ Hưng Yên đã phải cay đắng thú nhận: “Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống lại quân Pháp”(2).

(http://img52.imageshack.us/img52/9208/54542809.jpg)

Đền Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội,
nơi nghĩa quân Ngô Quang Huy, Đề Dương hoạt động

Nhận xét về cuộc chiến đấu của Đinh Gia Quế, một quan chức Pháp viết trong quyển “La Province de Hưng Yên” viết xong tháng 1/1933 bàng tiếng Pháp, có đoạn như sau: “Từ năm 1883-1885 giặc cướp nổi lên khắp nơi dưới sự chỉ huy Đổng Quế. Lau sậy giúp họ có chỗ ẩn nấp, lính tráng không vào được. Từ ngoài nhìn vào không thấy, họ như đàn hổ nấp trong bụi rậm. Bất thình lỉnh nhẩy ra vồ mồi. Điều đó giải thích tại sao các cuộc cố đánh dẹp, quân giặc thắng và đại nhân Hoàng Cao Khải lại thua”(3).

Không tiêu diệt được nghĩa quân, quân Pháp khủng bố nhân dân vùng xung quanh để li tán nghĩa quân với nhân dân. Chúng đốt cháy nhiều vùng Bãi Sậy rộng lớn, nhưng vẫn không ngăn cản được nghĩa quân. Quân Pháp đóng thêm nhiều đồn bốt mới, tăng cường lính cho các đồn cũ. Ở phía nam tỉnh Hưng Yên, chúng đóng thêm đồn Cái Nênh và đồn Duyên Hà(4), đồn Ứng Lôi(5), đồn Đình Cao, đồn Cát Dương thuộc huyện Phù Cừ. Ở phía bắc chúng đóng thêm các đồn Kim Động, đồn Phó Nham (tổng Phú Khê, huyện Khoái Châu), đồn Bình Phú (tổng Khoá Nhu, huyện Yên Mỹ), đồn Lực Điền (tổng Tứ Dương, Yên Mỹ), đồn Thuỵ Lân (Huyện Yên Mỹ).

So sánh lực lượng thì các đồn binh phía nam kém hơn phía bắc vì đều là lính nam chỉ có một viên quan hoặc đội người Pháp chỉ huy, còn các đồn phái bắc phần lớn là do quân Âu - Phi chiếm đóng(6).


(1) Cụ Nguyễn Văn Sớ cháu nội cụ Lãnh Tiêm kể với tác giả tháng 9/1999 tại Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
(2) Miribel, Lịch sử cuộc chiếm đóng Hưng Yên, tài liệu đã dẫn.
(3) La Province de Hưng Yên.
(4) Huyện Duyên Hà trước thuộc Hưng Yên đến năm 1890 cắt về tỉnh Thái Bình.
(5) Ứng Lôi nay thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
(6) Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu. Nhà in Ngô Tử Hạ, xuất bản năm 1934.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 08:33:03 am
Đổng Quế và các tướng lĩnh biết rõ các đồn phía nam lực lượng quân địch yếu hơn phía bắc nên ông thường xuyên đưa quân đến tấn công các đồn đó để tiêu diệt sinh lực địch và cướp vũ khí, lương thực và đã thành công nhiều lần.

Trận đánh đồn Ứng Lôi thuộc tổng Cát Dương huyện Phù Cừ trên bờ sông Luộc do tên đội De Laforge chỉ huy, tên này đã ngoan cố thúc lính chống cự đến cùng, nghĩa quân phải rút lui. Sau trận này, tên đội De Laforge được thăng thiếu úy(1).

Các đồn phía bắc như Bình Phú, Ân Thi, Lực Điền cũng đều bị nghĩa quân tân công, nhưng nghĩa quân không gây được thiệt hại cho địch(2).

Quân Pháp tấn công vào làng Mão Cầu, tổng Yên Cảnh, huyện Ân Thi là quê hương và cũng là căn cứ của Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm. Nghĩa quân chiến đấu quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch buộc chúng phải rút lui.

Tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương, quân Pháp đóng đồn Bần Yên Nhân có 50 lính khố xanh, do một tên quản người Pháp chỉ huy. Đồn này bảo vệ huyện đường và khống chế cả một vùng rộng lớn thuộc các tỉnh Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên, đường số 5(3).

(http://img19.imageshack.us/img19/379/53170236.jpg)

Bàn thờ Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế
(1-11-1825 đến 21-1-1885), tại gia tộc, thôn Thọ Bình,
xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Trận đánh đồn Bình Phú quân Pháp có 12 lính do một tên cai người Pháp cai quản. Ta có nội công, một chỉ huy nghĩa quân tên là Bé Con đóng giả con gái, một số nghĩa quân giả làm phu đào hào, một số giả làm người đánh giậm ở xung quanh. Một số lính được đội tuyên truyền - trinh sát trinh sát đã ra mua hàng ở chợ rồi gây sự đánh nhau, lính ở trong đồn kéo ra. Nghĩa quân xô tới bắt trói ở giữa chợ. Những người đánh giậm, đi chợ xông vào đốt đồn, tên cai người Pháp chết cháy. Nghĩa quân thu súng giải thích cho tù binh rồi tha về quê làm ăn(4).

Trận trên đường 39. Quâ ta mặc áo của lính khố xanh, khố đỏ đánh nhau với quân do Hoàng Cao Khải chỉ huy. Quân ta phục kích đợi quân giặc đến gần mới nổ súng, giặc Pháp thua to bỏ chạy tán loạn. Hoàng Cao Khải bỏ cả voi chạy trốn vào một làng được tên lý dịch cõng đưa xuống thuyền vượt sông Hồng đưa về Hà Nội(5).

Trận Đồn Sài, nghĩa quân mỗi người nấp trong một bó sậy, do một nghĩa quân khỏe mạnh gánh vào khỏi cổng đồn, nghĩa quân xông ra diệt lính cướp đồn(6).

Sau khi đánh phá nhiều đồn địch ở phía nam, nghĩa quân tiến đánh các đồn phía bắc của tỉnh và đánh cả đồn Bần là một đồn lớn ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương. Trận này nghĩa quân mặc quần áo lính khố xanh, giả đưa giấy cho lính gác rồi đâm chết hắn, ập vào đồn giết 30-40 lính, thu được 20 súng bắn nhanh.

Ngoài các trận tập kích vào đồn, nghĩa quân còn tổ chức nhiều trận mai phục, phục kích có trận nghĩa quân còn đánh độn thổ. Cho đến nay những người cao tuổi ở huyện Khoái Châu còn nhớ một số trận như:

- Lãnh Điển chỉ huy trận phục kích ở Cống Kênh, nghĩa quân nấp dưới cống, bọn giặc trong đó có cả tên chỉ huy Pháp đi qua, nghĩa quân xông lên giết chết cả bọn cướp súng rồi rút lui an toàn(7).

Trong 6 tháng đầu năm 1885, nghĩa quân Bãi Sậy chiến đấu rất quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng với nghĩa quân Nam Định do Tạ Hiện chỉ huy đã gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Saboron (Chabrol) viết: “Hồi tháng 6 năm 1885 cuộc khởi nghĩa dân chúng đồng bằng là đều khắp mọi nơi”(8).

Phong trào kháng chiến chống Pháp còn được phản ánh qua tờ trình của thân sĩ Bắc Kỳ gửi Tổng đốc Vân Nam - Quý Châu trong tháng 6/1885 nhằm xin viện trợ quân khí: “Hiện nay dân cư các tỉnh chúng tôi như Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên đều hưởng ứng không chịu cung ứng binh lương phục dịch cho chúng, dân cư các phủ, huyện và ty thuộc cho chúng đều đã bỏ về”(9).


(1) A de Miribel: tài liệu đã dẫn.
(2) Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí, Sđd.
(3) Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí, Nhà in Ngô Tử Hạ, 1934.
(4) Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu - Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành, số 122, 123 tháng 5, 6/1969.
(5) Về trận đánh này hiện nay ở Kim Động còn lưu truyền Hoàng Cao Khải thua chạy bán sống bán chết may được một cô gái tên là Bông cứu thoát. Để đền ơn, Hoàng Cao Khải đã lấy Bông làm vợ lẽ thứ tư.
(6) Chưa rõ Đồn Sài là đồn nào, hay là đồn Sài Quất ở Khoái Châu vì khi đó dân theo đạo ở đây đã chống cự kịch liệt với nghĩa quân Đổng Quế.
(7) Theo các cụ Thám, Hoán, Tứ ở xã Đông Kinh kể với nhóm sinh viên khao sử đi khai thác tư liệu năm 1967.
(8) Charbol: Les opérations du Tonkin, Trần Văn Giàu dẫn trong cuốn Chống xâm lăng, tập III, NXB Xây dựng, Hà Nội, 1957, tr.157.
(9) Trung Pháp chiến tranh, tư liệu, tập VII, Tân Hoa xã, xuất bản ở Bắc Kinh, 1955, bản dịch của Chu Thiên, bản đánh máy, Thư viện Quốc gia.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 09:07:09 pm
CHƯƠNG III

TRẬN VẠN PHÚC - CUỘC KHỞI NGHĨA
BÃI SẬY TRƯỚC NGUY CƠ BỊ TAN RÃ

Cuối tháng 6 năm 1885, Hoàng Cao Khải đem quân càn quét căn cứ Bãi Sậy, Đinh Gia Quế chỉ huy nghĩa quân đánh bại trận càn quét này. Hoàng Cao Khải vội vàng rút quân qua sông Hồng chạy tháo thân sang huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Thừa thắng, Đổng Quế giao cho Chánh Tính giữ Bãi Sậy còn mình cùng Lãnh binh Nguyễn Đình Mai (Lãnh Sậy) vượt sông Hồng đuổi theo Hoàng Cao Khai. Các ông đuổi hắn đến tận làng Thanh Trì, huyện Thanh Trì(1). Nghĩa quân sắp bắt được hắn thì hắn được một người đàn bà đem giấu trong đống cở ở chuồng bò. Không bắt được tên đại Việt gian, nghĩa quân đuổi theo giết chết gần hết số lính của hắn rồi rút quân về. Song Đổng Quế chủ quan không biết rằng khi ông dẫn quân đuổi theo Hoàng Cao Khải thì bọn chỉ huy quân Pháp ở huyện Thường Tín điều động lính cơ ở hai huyện Thường Tín và Thanh Trì mai phục ở bến đồ Vạn Phúc để tiêu diệt khi ông dẫn quân trở về. Đổng Quế và Lãnh Sậy dẫn đội quân mệt mỏi sau chặng đường hành quân dài về tới. Bỗng súng nổ ran, nhiều chiến sĩ ngã xuống khi súng còn khoác trên vai, những chiến sĩ còn lại bắn trả một cách yếu ớt rồi tan vỡ. Đổng Quế đi ở phía sau được một số nghĩa quân hộ tống nên chạy thoát. Ông bị quân Pháp truy kích phải chạy lên tận bến đò Hồ, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng nửa tháng sau ông trở về Bãi Sậy, cùng một bé trai 4, 5 tuổi đóng vai hai ông cháu để trở về(2). Năm đó Đổng Quế đã 60 tuổi, bị ốm nặng, không chỉ huy được, giao binh quyền cho chánh Đề đốc Nguyễn Đình Tính rồi tới dưỡng bệnh ở ấp Dương Trạch cũng nằm trong căn cứ Bãi Sậy. Ông mất khoảng cối tháng 12/1885, con cháu và nghĩa quân chờ đến đêm mới an táng. Con cháu cúng giỗ vào ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu. Khoảng năm 1915-1920 con cháu mới đưa về an táng ở trong xã nhưng không cắm bia. Khoảng năm 1975, mới xây mộ, lập bia(3).

Lãnh binh Nguyễn Đình Mai chạy thoát khỏi bến đò Vạn Phúc. Sau trận đánh tan cánh quân do Đổng Quế và Lãnh Sậy chỉ huy ở bến đò Vạn Phúc, Quân Pháp và quân Nam triều do Hoàng Cao Khải chỉ huy bao vây, uy hiếp căn cứ Bãi Sậy. Lãnh Sậy không trở về được. Ông cải trang làm nhà sư để đi tìm Đổng Quế và số nghĩa quân bị thất bại. Một hôm, ông giả làm hành khất, mặc quần áo rách, đội nón mê, vai khoác bị, tây cầm gậy trở về Hoàng Vân gặp bà Thuận và nghĩa quân ở đó. Nhưng đi khỏi Quán Cà đang trên đường về làng, ông phát hiện thấy bọn lính đang vây làng, nên phải quay trở lại. Ông cải trang làm nhà sư về chùa Lộ thì bị mật thám nhận diện chỉ điểm cho quân Pháp bắt. Chúng tra tấn ông để buộc ông khai nơi trú ẩn của Đổng Quế và các tước lĩnh khác. Song Lãnh Sậy kiên cường bất khuất không khai báo một lời nào. Giặc Pháp đưa ông ra gốc gạo trước cửa đền Lộ chặt đầu ướp muối đưa về Hưng Yên bêu, còn xác vứt xuống sông Hồng, đã được nhân dân làng Lộ vốn rất có cảm tình với ông vớt lên chôn chất, lập miếu thờ ở gốc gạo nơi quân Pháp hành hình ông(4). Con cháu cúng giỗ ông vào ngày 17/7 âm lịch là ngày ông bị chúng giết hại.

Sau khi Đinh Gia quế và Lãnh Sậy hi sinh, quân Pháp và quân Nam Triều do Hoàng Cao Khải chỉ huy ráo riết đánh phá căn cứ Bãi Sậy hòng tiêu diệt hoàn toàn cuộc khởi nghĩa Chúng không ngờ sau khi thất bại ở bến đò Vạn Phúc, nghĩa quân Bãi Sậy do chánh Lãnh binh Nguyễn Đinh Tính và các tướng như Lãnh Điển, Đốc Cợp, Đề Ban, Lãnh Tiên, Đốc Thàng, Đề Tập, Lãnh Khuy, bà Đốc Huệ chỉ huy vẫn kiên cường chiến đấu, đánh bật các đợt tấn công do tên thiếu tướng Négrier, Hoàng Cao Khải chỉ huy, nhưng chỉ giữ được căn cứ chính Bãi Sậy.

(http://img84.imageshack.us/img84/1715/69844624.jpg)

Lăng mộ Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế

Không đánh bại được lực lượng vũ trang, quân Pháp khủng bố nhân dân. Làng Đa Hoà, quê hương của vợ chồng ông Lãnh Túc, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên bị quân Pháp phá. Dân làng giúp bà Bùi Thị Lệnh (vợ hai ông Quyền Túc) đưa hai con trai tên là Vốn và Giá đi trốn(5).

 A De miribel nguyên công sứ Hưng Yên cũng viết: “Thủy tai làm cho dân gian bị khốc hại, hết đường sinh kế. Muốn sang các tỉnh lân bang tìm việc làm, nhưng đương thời kì loạn lạc, khó kiếm ăn. Trong khi cùng quẫn, họ được người giúp đỡ thì theo ngay. Họ họp đảng với một người kỳ hào ở xã Thọ Bình tên là Đổng Quế. Đổng Quế lẫy danh nghĩa là kháng chiến chống ngoại xâm và những người theo ông ta lập thành nhiều toán đi kiểm soát và cướp bóc các xã lân cận. Khi quan quân đến, Đổng Quế cùng các đảng viên lại trốn vào Bãi Sậy là nơi Pháp không biết lối vào”.

Các viên đồn không am hiểu đường lối và các xã thì sợ thù hằn không ai dám chỉ dẫn, nên quân giặc càng ngày càng đông mà binh Pháp không sao dẹp được.

Binh gia bèn cho một toán hùng binh từ Hải Dương lên đánh quân nghịch, có quan đại tá Donnier đốc xuất. Cuộc chiến sự ấy cũng vô hiệu. Dân sự càng thêm khổ sở nên nhiều trộm cướp nổi lên.

Sau quan binh Pháp giao cho Hoàng Cao Khải thời ấy Án sát Hưng Yên cầm quân đi đánh Đổng Quế.

Quan Hoàng Cao Khải đem theo gia nhân và có lính Tây hộ vệ vào Bãi Sậy dẹp giặc. Sậy mọc cao hơn 3 thước tây, quan lại phải lần đường cứ quanh quẩn trên các hầm của Đổng Quế. Xung quanh lửa cháy mà cũng không trông thấy quân nghịch, quan quân phải vừa đánh vừa lui về Khoái Châu
(6).


(1) Nay là làng Thanh Trì gần cảng Phà Đen, Hà Nội. Chúng tôi hỏi các cố lão được trả lời là có nghe các cụ nói Hoàng Cao Khải thua trận chạy vào làng, được một người đàn bà cứu thoát, còn ngôi miếu thờ Đổng Quế từ khi Đổng Quế chết đã bị phá từ lâu, đến nay không ai nhớ rõ.
(2) Cách đây vài năm, cháu 4 đời cảu con nuôi Đổng Quế đã tìm được quê quán.
(3) Tư liệu trên là do anh Nguyễn Văn Ứng cháu 5 đời cụ Đinh Gia Quế cung cấp theo gia phả với tác giả.
(4) Các ông Nguyễn Đình Dực, cháu bốn đơi, Nguyễn Đình Đối, cháu 5 đời cụ Nguyễn Đình Mai ở thôn Hồng Vân, xã Hồng tiến và thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu cung cấp.
Trong bản “Dạnh sách nghĩa quân Bãi Sậy bị chặt đầu” của Phủ thống sứ Bắc Kỳ hiện lưu ở trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội cũng ghi: “Sậy, Lãnh binh sinh ở Thọ Bình, tổng Bình Dân bị chặt đầu ở Hà Nội” là phù hợp với “Quốc triều chính biên toát yếu” và gia phả họ Nguyễn Xuân.
(5) Cụ Long cháu 3 đời, ông Bốn, cháu bốn đời cụ Túc cung cấp và các ông Hoằng, thường vụ Đảng ủy xã Bình Minh, ông Đức trung tá QĐND Việt Nam, người thôn Đa Hoà nay ở tổ viết sử xã Bình Minh kể cho tác giả năm 2002.
(6) La Provine de Hưng Yên, viết xong tháng 1/1933 bằng tiếng Pháp.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 09:09:17 pm
Giai đoạn thứ hai

NGUYỄN THIỆN THUẬT VỀ NƯỚC
LÃNH ĐẠO CUỘC KHỞI NGHĨA BÃI SẬY
(7/1885-10/1890)

CHƯƠNG I

DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG QUY MÔ CUỘC KHỞI NGHĨA
(8/1885-12/1885)

Ngày 19/7/1883, Tự Đức băng hà khi cuộc tranh chấp giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa trở lên quyết liệt, song phe chủ chiến vẫn yếu thế vì quân Pháp đánh chiếm được hầu hết các vị trí quan trong ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, ổn định được bộ máy cai trị ở lục tỉnh Nam Kỳ và bỉnh Bình Thuận. Triều đình Huế bị tòa khâm sứ Pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt. Trong các đại thần không ít kẻ công khai hoặc ngấm ngầm theo Pháp.

Tranh chấp gay gắt, cao độ và quyết liệt nhất là ngôi vua. Tự Đức mất ngày 19/7 (14 tháng 6 năm Tự Đức thứ 36) vì Tự Đức không có con nên lấy con của Thoại Thái vương là Ưng Chân và hai con của Kiền Thái vương là Ưng Đường và Ưng Đăng làm con nuôi để sau này có người kế vị. Tự Đức chết hôm trước thì hôm sau các đại thần tôn Ưng Chân lên ngôi vua, hiệu là Dục Đức. Nhưng hôm sau các phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế bỏ với ba tội: muốn sửa di chiếu; có đại tang mà mặc quần áo màu; hư hỏng, ăn chơi. Ưng Chân bị tống giam trong ngục, bị chết đói ngày 24/10/1844. Ngày 30/7/1833, các đại thần đưa Hồng Dật lên nối ngôi niên hiệu là Hiệp Hoà. Hiệp Hòa nhu nhược lại là người chủ trì kí Hiệp ước Harmand (ngày 25/8/1883) với Pháp sau khi Pháp chiếm Thuận An. Hiệp Hoà muốn dựa vào Pháp, giao cho Trần Tiễn Thành giết Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Tờ chiếu đó lọt vào tay Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường ép Hồng Dật uống thuốc độc chết vào ngày 19/11/1883, Trần Tiễn Thành cũng bị ám hại. Các đại thần đưa Ưng Đăng, con nuôi Tự Đức lên ngôi vua ngày 2/12/1883, đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Kiến Phúc lại kí hiệp ước ngày 6/6/1884 với Pháp. Ngày 31/7/1884, Kiến Phúc chết một cách đáng ngờ.

Từ đó trong dân gian lưu truyền đôi câu đối:

“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất thường”


Nghĩa là:
“Một sông hai nước lời khôn nói
Bốn tháng ba vua điềm chẳng lành”


Phe chủ chiến đưa Ưng Lịch là người có tư tưởng bài Pháp lên ngôi vua vào ngày 2/8/1884 đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Vua Hàm Nghi tuy mới 13 tuổi nhưng là người quyết đoán, nhiều việc vua tự quyền quyết định không qua ý kiến của tòa khâm sứ Pháp. Vua Hàm Nghi làm vua được một năm thì phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu chủ trương đánh úp đồn Mang Cá, Tòa khâm sứ Pháp và khu nhượng địa của Pháp. Trận đánh không thành, Tôn Thất Thuyết rước vau Hàm Nghi ra Quảng Trị.

Đến Quảng Trị đoàn ngự đạo chia làm hai, một đoàn theo thái hậu Từ Dũ về Huế, mọt đoàn theo nhà vua lên Tân Sở. Sau ba ngày ở Tân Sở, nhà vua ngỏ ý với Tôn Thất Thuyết đưa người về Huế nhưng Tôn Thất Thuyết tỏ ý quyết chiến đánh Pháp. Hai ngày sau Tôn Thất Thuyết đệ vua tờ chiếu kể tội giặc Pháp, kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp. Nhà vua đọc lại 2 lần rồi mới phê chuẩn và nói thêm:

- Bây giờ trẫm mới hiểu vì sao khanh không muốn trẫm về Huế khi còn giặc Pháp chiếm đóng.

Tôn Thất Thuyết hỏi:

- Vậy nếu công cuộc kháng chiến đòi hỏi phải đi vào sống trong rừng sâu, núi thẳm, Ngài có đi không?

Vua Hàm Nghi trả lời với giọng kiên quyết:

- Đi đâu cũng được, sống thế nào cũng được miễn là đuổi hết giặc Pháp ra khỏi đất nước.

Vua Hàm Nghi ký chiếu, sau này gọi là chiếu Cần vương ngày 13/7/1885 lập tức được ban bố khắp các tỉnh Trung và Bắc kỳ, đã được đông đảo các sĩ phu và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp các tỉnh.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 09:13:25 pm
(http://img576.imageshack.us/img576/6596/10726432.jpg)

Cây đề Xuân Nhân, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào
tỉnh Hưng Yên - Vọng Gác đồn tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy
ở căn cứ Xuân Nhân

Sau khi ban hành chiếu Cần vương, Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi rời Tân Sở, ngược Mai Lĩnh qua Lào, rồi về Sơn Phòng, Quảng Trị là nơi Tôn Thất Thuyết đã chuẩn bị từ trước. Cuộc hành quân vô cùng gian khổ lại bị quân Pháp, quan lại tay sai cho thực dân Pháp truy kích, chặn đánh nhiều lần, vì vậy khi đến nơi chỉ còn 200 người với một cái kiệu, 6 cái võng và một con ngựa, 3 con voi và 50 gánh hành lí.

Tuy vậy, vua Hàm Nghi vẫn giữ vững ý chí bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh.

Cuối tháng 7/1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc)(1) được Đề Vinh sang báo tin vua Hàm Nghi đã ra Sơn Phòng, Quảng Trị hạ chiếu Cần vương, ông lập tức về nước. Đề Vinh đưa ông vượt qua biên giới Việt - Trung, khi đó thiếu tướng Négrier đánh thành Lạng Sơn bị trọng thương, quân Pháp rút cả về tỉnh lỵ nên ông Thuật về nước được dễ dàng. Đề Vinh đưa Nguyễn Thiện Thuật đến căn cứ Tiên Động(2)

gặp Nguyễn Quang Bích mới được vua sai sứ ra Hưng Hóa phong làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng quân, Lễ bộ thượng thư đại diện nhà vua chủ trương phong trào chống Pháp ở Bắc Kỳ, cho phép quan văn từ tham tán, quan võ từ đề đốc trở xuống được tuy tài bổ dụng.

Nguyễn Quang Bích rất xúc động gặp lại người bạn thân thiết đã cùng ông chiến đấu ngay từ từ khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Ông trịnh trọng trao cho Nguyễn Thiện Thuật bản “chiếu Cần vương” của vua Hàm Nghi. Nguyễn Thiện Thuật kính cẩn đó nhận rồi quay mặt về hướng Nam - nơi nhà vua đang lãnh đạo cuộc kháng chiến lạy ba lạy.

Nguyễn Thiện Thuật đọc một mạch hết tờ “chiếu Cần vương” rồi nói với Lễ bộ thượng thư Nguyễn Quang Bích:

- Xưa vua Tự Đức chủ hòa với giặc, tôi kháng lệnh, nhưng nay Đức vua Hàm Nghi tuy tuổi còn trẻ nhưng đã tỏ rõ khí phác anh hùng, dời kinh đi lên Sơn Phòng lãnh đạo nhân dân kháng chiến, tôi nguyện làm người lính tiên phong chiến đấu đến cùng…

Nguyễn Quang Bích báo cho Nguyễn Thiện Thuật biết tin sau trận bị quân Pháp phục kích ở bến đó Vạn Phúc. Lực lượng nghĩa quân do Lãnh Sậy chỉ huy đã tổn thất nặng nề. Đổng Quế bị ốm không chỉ huy chiến đâu được. Căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp uy hiếp nghiêm trọng, nên phái Nguyễn Thiện Thuật về trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, đồng thời cũng giao cho ông thống nhất các lực lượng kháng chiến ở châu thổ sông Hồng và vùng ven biển Bắc Kỳ dưới ngọn cờ Cần vương.

(http://www.hungyen24h.net/uploads/News/pic/1226366464.nv.jpg)

Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ
đại thần Nguyễn Thiện Thuật

Nguyễn Thiện Thuật đã nhận sự ủy thác đó. Ngay sau đó theo lời tấu của Nguyễn Quang Bích, vua Hàm Nghi đã phong cho Nguyễn Thiện Thuật chức “Bắc Kỳ Hiệp thống Quân vụ đại thần”.


(1) Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cách Lạng Sơn 50 km.
(2) Tân Động là một vùng núi non hiểm trở, giáp với 3 huyện Cẩm Khê, Hạ Hoà, Yên Lập. Có ngòi Giành thông qua sông Hồng. Theo ngòi Giành có thể sang Thanh Ba xuôi Cẩm Khê, ngược Hạ Hoà; có đường bộ qua Yên Lập sang Nghĩa Lộ.
Từ trước đến nay các sách của Pháp cũng như sách của ta đều viết ông Thuật về căn cứ Quế Sơn ở Cẩm Khê gặp Nguyễn Quang Bích. Nhưng từ cuối năm 1884 đến tháng 11/1886 Nguyễn Quang Bích vẫn ở căn cứ Tiên Động. Đến tháng 10/1887 ông mới chuyển về Quế Sơn.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Năm, 2011, 09:20:03 pm
Trung tuần tháng 8/1885, Đề Vinh đưa Nguyễn Thiện Thuật về căn cứ của Hai Kế ở vùng giáp ranh Bắc Ninh - Hưng Yên, Hải Dương. Ông đã nhận được thông tin chính xác về các hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy nên đã biết rõ sau trận bị quân Pháp phục kích ở bến đò Vạn Phúc (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Lãnh Sậy bị giặc bắt, chặt đầu ở gốc gạo chùa Lộ, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đinh Gia Quế phải chạy lên vùng bến đò Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, hơn một tháng sau mới trở về. Ông bị ốm nặng, phải nằm dưỡng bệnh ở ấp Dương Trạch cũng ở căn cứ Bãi Sậy và giao quyền tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cho Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính(1). Chánh Tính là một tướng tài giỏi, có uy tín, song cố gắng lắm ông cũng chỉ bảo vệ được các mục tiêu chính trong căn cứ. Nếu không kịp thời ổ sung lực lượng thì khó bảo tồn được trước lực lượng đông đảo vũ khí hiện đại của quân Pháp và quân triều đình do Hoàng Cao Khải chỉ huy.

(http://img845.imageshack.us/img845/376/81158523.jpg)

Đình Mậu Duyệt nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giang, tỉnh
Hải Dương - nơi Nguyễn Thiện Kế sử dụng làm căn cứ từ những năm 1886-1892

Trước tình hình cấp bách đó, Nguyễn Thiện Thuật đã mời cử nhân Ngô Quang Huy, người xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh(2), năm 1883-1884 đã cùng ông chống Pháp ở Chí Linh, Đông Triều; cử nhân Nguyễn Hữu Đức người xã Mễ Xá, tổng Nhân Vũ, huyện Ân Thi, thông gia với ông(3) tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ đầu, được phong là Tán tương quân vụ để bàn việc phục hồi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và thống nhất các lực lượng khởi nghĩa ở châu thổ sông Hồng. Ba vị cử nhân cũng là ba vị tướng đã duy trì lực lượng quân sự hiện có ở căn cứ Bãi Sậy và ở các làng xã thuộc các huyện Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ của Hưng Yên, miền tây Mỹ Hào của Hải Dương(4) sau đó phát triển lực lượng sang các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương.

Nguyễn Thiện Thuật nhất trí với ý kiến của hai ông và giao cho Nguyễn Hữu Đức về Bãi Sậy gặp Đổng Quế, Chánh Tính và một số tướng lĩnh ở các phủ của huyện giao cho Ngô Quang Huy liên lạc với các tướng của “Tam tỉnh nghĩa quân” và phát động phong trào kháng chiến nam Bắc Ninh; giao cho Nguyễn Thiện Kế liên lạc với Cử Bình, Lãnh Tư ở huyện An Lão phủ Kiến An, giao cho Nguyễn Thiện Dương đi gặp Ba Báo, con trai của Đề đốc Tạ Hiện đang hoat động ở lưu vực sông Thái Bình, sông Kinh Thày; phái Đốc binh Đặng Văn Hách người theo ông từ năm 1883, khi ông sang Long Châu thì Đốc Hách ở lại duy trì phong trào chống Pháp ở huyện Mỹ Hào đem thư của ông đến núi Bảo Đài ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Ninh giao thư của ông cho Lưu Kỳ. Trong thư ông dặn Lưu Kỳ giữ vững các căn cứ ở vùng Đông Bắc và bổ sung lực lượng cho đường dây mua và vận chuyển vũ khí từ miền nam Trung Quốc về cung cấp cho nghĩa quân; phái Đề Vinh - người đã cùng Đốc Tít đánh bọn Tiên Viên, Tạ Văn Phụng giáo dân Thiên chúa giáo cướp phá các tỉnh ven biển và châu thổ sông hồng cùng đánh thành Hải Dương ngày 12/11/1883, đánh trận cầu Quan Âm (Lạng Sơn) ngày 26/10/1884, chặn đánh quân Pháp ở thành Lạng Sơn ngày 23/3/1885 đến căn cứ Trại Sơn ở Thuỷ Đường báo tin cho Đốc Tít.


(1) Các tài liệu như “La province du Tonkin: Hưng Yên” - Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, Quốc sử quán triều Nguyễn đều viết Đổng Quế ốm và chết vào năm 1885, không ghi ngày tháng. Minh Thành viết trong “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy” cũng như vậy.
Chúng tôi nghiên cứu các tư liệu, đọc gia phả dòng họ Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Gia Quế dưỡng bệnh ở Dương Trạch mất ngày 21/11 âm lịch (tức cuối tháng 12/1885) tháng 7, Nguyễn Thiện Thuật về nước tháng 9 tế cờ ở Bình Dân chắc chắn 2 người bạn chiến đấu có gặp nhau.
(2) Nay An Lạc thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
(3) Nguyễn Hữu Đức có con trai là Nguyễn Hữu Hạnh lấy con gái Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thị Trúc.
(4) Miền Tây Mỹ Hào nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 07:45:50 am
Ngay sau khi các tướng đi thực hiện nhiệm vụ thì Vương Văn Duệ đi hộ tống Nguyễn Thện Thuật trở về xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào(1), tỉnh Hải Dương là quê hương ông để phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn huyện.

Vương Văn Duệ là người Nghệ An đỗ khóa sinh, giỏi thơ văn, kinh sử nhưng rất giỏi võ là bộ tướng của Nguyễn Xuân Ôn. Khi thủ lĩnh họ Nguyễn bị thực dân Pháp bắt, ông bị quân Pháp và triều đình Huế truy nã, chạy ra Bắc làm con nuôi cụ Tán. Tới Xuân Dục ông lấy vợ tên là Nhàn, ông đã theo Tán Thuật chinh chiến ở Bắc Ninh, Hưng Hóa, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn. Tháng 3/1885, Nguyễn Thiện Thuật tạm lánh sang Long Châu (Trung Quốc), ông trở về Xuân Dục làm nghề thợ mộc, không ai biết rằng ông từng là một dũng tướng từng gây nỗi khủng khiếp cho quân Pháp và quân Nam triều mà chỉ gọi ông là Đĩ Nhàn hay Phó Nhàn. Khi Nguyễn Thiện Thuật từ Long Châu trở về nước đã phong cho ông là lãnh binh. Tuy được phong chức lãnh binh nhưng ông làm việc văn thư, chuyên soạn thảo thư từ giao dịch, viết lời kêu gọi, thơ văn cho thủ lĩnh. Ông cũng thay mặt cụ Tán tiếp kiến các tướng khi các tướng đề đạt kiến nghị của họ lên cụ Tán hay truyền đạt mệnh lệnh cụ Tán đến các tướng.

Nguyễn Thiện Thuật đã phái Lãnh Duệ đến các xã trong huyện Mỹ Hào và Ân Thi của Hưng Yên, Thuận Thành của Bắc Ninh giúp các tướng tổ chức quân đội, xây dựng công sự bố phòng và huấn luyện quân sự cho các nghĩa quân.

Phạm Văn Thụ là người làng Bạch Sam, tổng Bạch Sam, thượng thư Bộ Hộ kiêm thượng thư Bộ Binh triều Khải Định viết về Nguyễn Thiện Thuật và các tướng lĩnh của ông trong đó có đoạn viết về Lãnh Duệ; “Ông Nguyễn Khắc Nham phó nhậm huyện Mỹ Hào, tuổi trẻ, chí kiêu. Bẩm tỉnh xin truy thu hết thuế thượng niên, bắt đầu về đình Xuân Đào tra sách dân tình khủng khiếp. Các tướng nghĩa quân là Đốc Duệ, Đề Vang, Lãnh Ngạnh trú ở thôn ta, ban đêm nổi lên thiêu sát. Huyện bẩm xin đại đồn về đóng ở chọ Dị Sử, đợi đốc thuế xong, huyện thân dẫn quân đi càn. Hôm sau ba tướng nghĩa quân giả làm khán thủ đem phu lên huyện giữa ban ngày, dùng đoản đao xông vào giết huyện Nham, rồi mỗi tướng dật một cái cuộc chạy lẫn vào phu. Quân đồn được tin kinh hoàng ra đến nơi thì các tướng đã chạy xa rồi. Hôm sau nghĩa quan dán yết thị ở các nơi hạch tội viên tri huyện, hư trương thanh thế, đại quân đóng ở Chợ Bạc(2), ước nhật giao tranh. Quan quân càn nã thậm ư tao nhiễu”(3).

Theo tài liệu của thực dân Pháp thì hoạt động của Lãnh Duệ tức Lãnh Nhàn còn rộng lớn hơn nữa. Dulleman viết trong cuốn “Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến chống cướp bóc” như sau: “Lãnh Nhàn hoạt động ở Tứ Kỳ, Thanh Hà, Yên Lãng”.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Hữu Đức đã về làng Dương Trạch gặp Đổng quân vụ Đinh Gia Quế và Chánh lãnh binh Nguyễn Đình Tính. Nguyễn Hữu Đức báo cáo với hai ông, Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật được vua Hàm Nghi phong chức “Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ Đại thần” biao cho trọng trách phát động phong trào Cần vương ở các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ đã trở về, nay mai sẽ đến Bãi Sậy bàn việc với các thủ lính. Đinh Gia Quế lúc này đã 60 tuổi, sức yếu, bệnh tình ngày càng trầm trọng gắng gượng lắm mới căn dặn được các tướng hãy nghiêm chỉnh thực hiện mệnh lệnh của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật.

Sau đó Chánh Tính và Cử Đức đã tới truyền đạt Di chúc của Đổng quân vụ cho một số tướng lĩnh như lãnh binh Dương Văn Điển, xã Phù Sa, lãnh binh Nguyễn Túc, lãnh binh Nguyễn Thị Biên xã Đa Hoà, lãnh binh Bùi Quang Cơ, xã Tiểu Quan (huyện Đông Yên); Tuần Vân, Lãnh binh xã Xuân Quan (Văn Giang); lãnh binh Nguyễn Văn Sung xã Dịch Trì, lãnh binh Phạm Văn Điệp xã Phạm Xá, lãnh binh Lưu Ngọc Tháu xã Liêu Trung (Yên Mỹ), lãnh binh Phạm Văn Ban xã Bối Khê (Ân Thi). Các ông cùng với các xã Tam Nông, Xuân Điềm, Hậu Xá (Tiên Lữ)(4) gặp các lãnh binh Nguyễn Văn Sở, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Tồn, Nguyễn Văn Đầm cùng các hiệp quản, suất đội truyền đạt nội dung chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi và việc thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật về thay thế Đổng Quế bị ốm nặng. Hai ông yêu cầu các thủ lính nghĩa quân ở Tam Nông, Xuân Điểm, Hậu Xá mở rộng địa bàn hoạt động ra toàn huyện Tiên Lữ chờ thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật về phát động cuộc chiến đấu mới.

Rời Tiên Lữ, hai vị phái viên của Nguyễn Thiện Thuật và Đinh Gia Quế tới làng Trà Bồng (Làng Chè, tổng Ba Đông, huyện Phù Cừ) gặp Phó Hữu Dực, Nguyễn Công Khuyến - một dũng tướng ở miền nam Hưng Yên đã nhiền lần tấn công đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), phối hợp với các lực lượng nghĩa quân khác tấn công các đồn Thuỵ Lôi (Tiên Lữ), phủ thành Ân Thi, cắm lá cờ đỏ lên nóc phủ đường, các trận Bói, vệ ở Ninh Giang, Hải Dương.

Chánh Tính cùng Cử Đức từ Phù Cừ vượt sông Luộc sang làng Phan Bổng, huyện Hưng Nhân gặp Nguyễn Sung là con trai thứ hai của Chánh quản Nguyễn Thành Thà(5) đang chỉ huy căn cứ Đống Lau ở ngay làng Phan Bồng quê ông ngăn chặn con đường huyết mạch từ tỉnh Hưng Yên sang phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định. Căn cứ Đống Lau còn bảo vệ căn cứ Bãi Sậy từ xa. Tại đây hai phái viên gặp Chánh quản Nguyễn Thành Thà đã già yếu, khi ông nhận được tin Nguyễn Thiện Thuật được vua Hàm Nghi phong là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào Cần vương ở đồng bằng sông Hồng và trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thì rất tin tưởng liền cho con trai thứ ba là Nguyễn Giới, con trai thứ tư là Nguyễn Mịch sang chiến đấu ở căn cứ Bãi Sậy.


(1) Huyện Mỹ Hà khi đó bao gồm huyện Mỹ Hào, các xã phía bắc huyện Yên Mỹ, phía bắc huyện Ân Thi, phía nam huyện Gia Lâm.
(2) Chợ Bạch còn gọi là phố Bạc tức phố Bạch Sam, xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào ngày nay.
(3) Học Phi: một vị thượng thư triều đình Huế nói về nghĩa quân Bãi Sậy. Tạp chí Phố hiến số 5/1998.
(4) Nay là đơn vị thôn thuộc xã Tam Nông, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
(5) Nguyễn Thành Thà cho con trai lớn là Nguyễn Khả Lương, con trai thứ hai là Nguyễn Sung sang chiến đấu ở căn cứ Bãi Sậy từ tháng 4 năm 1883, nay lại cho con thứ ba, thứ tư là Nguyễn Giới và Nguyễn Mịch và cháu nội là Nguyễn Nhưng sang chiến đấu ở Bãi Sậy.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 07:49:49 am
Từ căn cứ Đồng Lau, hai ông đã tới làng Hương Thôn, tên Nôm là làng Tè(1) gặp Đề Dần, trước khi tham gia chống Pháp đã được triều đình phong chức Tây đạo Đô đốc, vì có công đánh giặc Tàu Ô. Đề Dần cùng cháu gọi bằng cậu là Đốc Chính là những người đầu tiên đến căn cứ Bãi Sậy. Hai cậu cháu ông đã nhiều lần trực tiếp chỉ huy nghĩa quân tấn công các đồn Cái Nênh ở huyện Duyên Hà, đồn Ứng Lôi trên bờ sông Luộc ở Phù Cừ. Hai câu cháu còn xây dựng nhiều cơ sở tình báo, thông tin, liên lạc ở hai bờ tả, hữu ngạn ông Luộc, đảm bảo an toàn cho nghĩa quân qua lại sông Luộc.

Đề Dần đã từng phối hợp chiến đấu với Nguyễn Thiện Thuật từ cuối năm 1883, 1884, nên rất hoanh nghênh việc ông trở về lãnh đạo phong trào Cần vương ở châu thổ sông Hồng. Ông hứa sẽ phát triển lực lượng quân sự ở hai bên tả, hữu ngạn sông Luộc để đón thời cơ mới.

Nhận nhiệm vụ của thủ lĩnh, Ngô Quang Huy đến gặp ngay các chiến hữu trong “Tam tỉnh nghĩa quân”(2) do ông và Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Nguyễn Thiện Thuật tổ chức. Người đầu tiên ông gặp là Đội Văn tức Vương Văng Vang ở thôn Thuận An, xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh(3). Đội Văn cùng với Tuần Xô ở làng Gia Đông, tổng Tam Á là hai người có mặt đầu tiên trong đội ngũ Tam tỉnh nghĩa quân. Khi mới thành lập nghĩa quân chưa có súng, Đội Văn đã cùng với một số trai tráng lội xuống sông ngụy trang bằng bèo tây, đến trạm gác Cống Vực, nhảy lên tấn công bọn lính cướp súng. Đội Văn cùng một số nghĩa quân gánh rơm đi nghênh ngang trên đường gặp lính đi tuần liền rút đòn càn, đoản đao đâm chết chúng rồi cướp súng(4). Ông còn chỉ huy nghĩa quân tấn công kho vũ khí thực dân Pháp ở bến đò Hồ cướp được trên 100 khẩu súng bắn nhanh trang bị cho nghĩa quân. Đội Văn giữ mũi chủ công khi Tam tỉnh nghĩa quân đánh trận ở làng Ngọc Trĩ, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh giành thắng lợi vang dội.

Khi Tam tỉnh nghĩa quân tan rã, Tuần Xô hy sinh, Đội Văn vẫn duy trì hơn 200 quân tập kích các đồn binh Pháp ở Gia Bình, Siêu Loại, Thuận Thành.

Sau khi Ngô Quang Huy báo tin vua Hàm Nghi cử Nguyễn Thiện Thuật về lãnh đạo phong trào Cần vương ở đồng bằng Sông Hồng trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Độ Văn hăng hái nhận lời gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.


(1) Nay là xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
(2) Nghĩa quân ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.
(3) Về nhận vật Đội Văn, nhiều sử sách, truyền thuyết có sự nhầm lẫn đáng tiếc giữa ba nhân vật: Đội Văn, Tuần Văn, Tuần Xô.
- Đội Văn còn có tên là Vương Văn Vang, Tuần Vang, Đề Vang, Đề đốc Vương Văn Vang, Đề đốc họ Vương. Quê ở thôn Thuận An, xã Chạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
- Tuần Văn còn gọi là Tuần Vân, họ Đàm, quê ở thôn Xuân Quan, xã Xuân Quan huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh.
- Tuần Xô quê ở thôn Gia Đông, tổng Tam Á, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Riêng về Đội Văn chũng tôi xin dẫn chứng về một số nhầm lẫn của một số tác giả như sau:
- Con cháu và dòng họ Đội Văn ở thôn Thuận An xã Chạm Lộ cũng không biết Đội Văn là ai, cho rằng Độ Văn quê ở tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang cùng quê với Ngô Quang Huy. Thái Lạc nay thuộc xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên.
- Nhiều tài liệu của thực dân Pháp không biết Đội Văn họ gì, quê ở làng xã nào chỉ biết Đội Văn quê ở Bắc Ninh.
- Sách “Khởi nghĩa Yên Thế của Nguyễn Xuân Cần, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Giang, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam”… trong phần tiểu dẫn: “Cuộc khởi nghĩa Gia Bình - Tuần Xô, Đề Vang lãnh đạo” viết xã Gia Đông tổng Tam Á, huyện Gia Bình là quê hương Tuần Xô, xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Gia Bình là quê hương Đề Vang.
Trong tiểu dẫn “Đội Văn và cuộc khởi nghĩa Yên Thế” tác giả viết “Đội Văn quê ở tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh cùng quê với Đốc học Ngô Quang Huy”.
- Sách “Lịch sử xã Chạm Lộ” cũng không hề nhắc đến Đội Văn mà viết “Đề Vang tên thật là Vương Văn Vang người thôn Thuận An xã Chạm Lộ. Ông còn được gọi là Đề Vang, Đề đốc họ Vương”.
- Sách Lịch sử Hà Bắc do Hội đồng Lịch sử Hà Bắc, xuất bản năm 1988 cho rằng Đội Văn và Vương Văn Vang là hai nhân vật, cho nên đã viết:
- Khởi nghĩa Đội Văn:
Các tác giả không viết rõ quê hương Đội Văn ở đâu, chỉ viết Độ Văn vốn là một thủ lĩnh có tài trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ngày 16/3/1889, ông trá hàng. Ngày 17/9/1889, Đội Văn trở lại hàng ngũ kháng chiến, lên Yên Thế phối hợp với Đề Nắm, Đề Thám đánh Pháp. Đội Văn bị thương và ốm phải ra hàng thực dân Pháp. Ngày 7/11/1889, Đội Văn bị xử chém tại ô vườn hoa Pônbe (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội) trang 184 và 186.
- Cuộc khởi nghĩa Tuần Xô - Đề Vang
Đại lược Năm 1886, Tuần Xô khởi nghĩa, Đề Vang là một trợ thủ đắc lực. Khi Tuần Xô hy sinh ở Hà Mãn (Thuận Thành) thì Đề Vang lên thay. Trong hai năm 1886-1887, Đề Vang chỉ huy tấn công phố Bạc (Hưng Yên), đồn Đoan Bắc, Bưởi Xuyên, Gia Bình. Ngày 31/8/1888, ông hoạt động ở Thuận Thành. Năm 1889, Đề Vang chỉ huy đột kích vào phủ Thuận Thành. Nhưng năm sua hoạt động ở Gia Quất (Gia Lâm), Đại Bái (Gia Bình, Bích Câu (Thuần Thành). Năm 1894 đem toàn bộ lực lượng lên Yên Thế, sau lại trở về Gia Bình. Một thời gian sau ông quy hàng trở về làngThuận An sinh sống.
Năm 1897, Đề Vang lại cùng Lãnh Cổ lên Yên Thế, khi đó Đề Thám hòa với Pháp, ông trở vè quê hương hoạt động. Tháng 3 năm 1899 Đề Vang sa vào tay giặc. Cuộc khởi nghĩa thất bại hoàn toàn.
(4) Cụ Vương Văn Hà nguyên bí thư đảng ủy xã Chạm Lộ và các cụ cao niên ở thôn Thuận An kể.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 07:59:32 am
- Rời Chạm Lộ, Ngô Quang Huy đến làng Ngọc Trì, nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài. Đây là làng có đông đảo người tham gia “Tam tỉnh nghĩa quân”. Trong đó phải kể đến năm anh em họ Vũ đều là thầy đồ. Đó là Đồ Cả húy Đô, Đồ Hai húy Ngữ, Đồ Ba húy Hải, Đồ Tư húy Loại, Đồ Năm húy Hàng. Năm anh em đồ bỏ bút nghiên cầm vũ khí đánh Pháp. Một số con cháu trong họ cũng tham gia. Họ Phạm cũng có 4 anh em một nhà là Phạm Văn Tá, Phạm Văn Tả, Phạm Văn Võ, Phạm Văn Văn (còn gọi là Chánh Tư) tham gia. Họ Nguyễn cũng có nhiều người tham gia như Chánh tổng nguyễn Văn Che, Nguyễn Văn San, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Khắc Nga và rát nhiều người làng Ngọc Trì tham gia.

Khi Ngô Quang Huy đến làng thì ông đồ Cả và ông Phạm Văn Tá triệu tập những nghĩa quân củ của Tam tỉnh họp tại đình Nghĩa nghe ông Đốc học Ngô Quang Huy bí tin vua Hàm Nghi đã xuất bôn ra tỉnh Quảng Bình phát hịch Cần vương. Nhà vua giao cho Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo phong trào Cần vương ở đồng bằng Bắc Kỳ và trực tiếp chỉ huy căn cứ Bãi Sậy. Ngô Quang Huy kêu gọi mọi người gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Mọi người đều tung hô vua Hàm Nghi vạn tuế và gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy(1).

Vừa trở về Thái Lạc, Ngô Quang Huy triệu tập ngay những nghĩa quân Tam tỉnh và những người có lòng yêu nước hăng hái ở tổng Thái Hà (Văn Giang)(2), tổng Đại Từ(3), tổng Nghĩa Trai(4) (Siêu Loại), tổng Kim Sơn(5) (Gia Lâm) đều thuộc tỉnh Bắc Ninh họp tại đình xã An Lạc. Người đến dự rất đông, ngoài những chiến binh trong “Tam tỉnh nghĩa quân”, nghĩa binh Chí Linh, Đông Triều, Ngô Quan Huy còn thấy xuất hiện những gương mặt mới như Ngô Đình Điền, Bang Trọng ở Nhạc Miếu(6); Hoàng Cả, Hoàng Hai, Đồ Hàn, Cai Thích, Đội Tổ ở An Thái(7), Tuần Dâu, Lãnh Nho ở Tuấn Dị(8); Quản Nam, Xã Tảo, Xã Cuội ở Hồng Cầu(9); Quản Nhân, Trương Trai xã Ngải Dương(10); Chánh Thám, Chánh Giả, Kỹ Liễu ở xã Đình Dù(11); Đào Văn Lê, Chánh Tả ở xã Tăng Bảo, Cai Lâm ở xã Thọ Khang(12); Phó Chung ở xã Yên Tập(13) và rất nhiều người khác Ngô Quang Huy chưa biết tên tuổi, địa chỉ.

Khi Ngô Quang Huy tuyên bố lí do cuộc họp và tuyên đọc “chiếu Cần vương” của vua Hàm Nghi, mọi người đứng nghiêm trang kính cần lắng nghe và tuyên thệ tuyệt đối trung thành với vua Hàm Nghi và tuân thủ mệnh lệnh của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật. Ngay sau cuộc họp cả một vùng làng xã rộng lớn ở nam Bắc Ninh sôi nổi chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.

Sau khi nhận lệnh của Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế đã về ngay cùa Long Hoa ở chân núi Voi là căn cứ của nghĩa quân An Lão yêu cầu Cử Bình, Lãnh Tự triệu tập các thủ lĩnh nghĩa quân họp nghe tuyên đọc chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi và mệnh lệnh chiến đấu của Nguyễn Thiện Thuật.

Tin tức trên làm nức lòng nghĩa quân An Lão. Nghi Dương (gồm quận Đồ Sơn và vùng phụ cận), mọi người nô nức tới dự, Nguyễn Thiện Kế vui mừng nhận thấy từ tháng 10/1883 nổ ra cuộc khởi nghĩa ở An Lão đến nay hầu như vẫn còn đông đủ các cấp chỉ huy mà ông đã biết như sư cụ Vương Quốc Chính trụ trì chùa Long Hòa, Đội Trịch, thống Ất ở Mỹ Đức, Thống Trực ở Kha Lâm, Tổng Học ở Vân Đẩu, Lãnh Tho ở Trứ Khê, tổng Cọc ở Phù Lưu vẫn có mặt. Đó là những người đã làm nên những chiến công vang dội như cuối tháng 11/1883 tham gia tấn công thành Hải Dương. Trong cuộc tấn công thành Hải Dương, nghĩa quân đã sử dụng một loại hỏa tiễn (Fuése Incendiaire) để bắn vào thành(14). Tỉnh thành Hải Dương bị nghĩa quân bao vây trong nhiều ngày, đường trong tỉnh bị phong tỏa và dựng chướng ngại vật ở nhiều đoạn, khoảng 200 lá cờ của quân công thành mọc lên khắp nơi từ trong thành, trên mặt thành cho đến các đường phố ngoài thành. Ngày 19/11/1883, viện binh Pháp đến giải vây, nghĩa quân mới rút lui an toàn(15).


(1) Tác giả khai thác tại thôn Ngọc Trì, đọc gia phả các dòng họ tháng 8/1999.
(2) Nay thuộc xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
(3) Nay là xã Đại Từ và xã Đong Mai, huyện Văn Lâm.
(4) Nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
(5) Nay thuộc xã Dương Xá và xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
(6), (7), (8) Các xã trên nay là đơn vị thôn thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm.
(9) Nay thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
(10), (11) Hai xã này nay là hai thôn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm.
(12) Hai xã này nay là hai thôn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm.
(13) Nay thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.
(14) Quân Pháp mô tả loại “hỏa tiễn” (fusée incediaire) đó đại loại như sau: “Hỏa tiễn” được cấu tạo thành một đoạn ống tre đực, một đầu cắm mũi tên bằng sắt, tẩm thuốc cực độc; đầu kia buộc mảnh vải dùng để điều chỉnh hướng bay, thuốc nổ và mồi cháy được đặt trong một ống tre về phía có mũi tên cắm. Trước khi bắn, người ta cuốn mảnh vải điều chỉnh vào xung quanh ống tre và đặt “hỏa tiễn” vào một loại súng phóng và sợi dây vải ở đuôi tung ra để tự điều chỉnh hướng đi của “hỏa tiễn”. Sau khi phát hỏa, lửa bén vào mồi rồi vào thuốc nổ đặt trong ống tre. Thuốc độc ở đầu mũi tên cực manh, bị trúng tên không thuốc gì chữa được.
(Dương Kinh Quốc dẫn trong “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, trang 221, 222).
(15) Dương Kinh Quốc “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 08:02:31 am
Ngay sau khi tuyên đọc chiếu Cần vương và mệnh lệnh chiến đấu của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật, Cử Bình và Lãnh Tư đã quyết định đánh một trận lớn để hưởng ứng chiếu Cần vương và giao cho Đốc Trịch thực hiện. Nghĩa quân đang chọn mục tiêu tấn công thì ngay trong tháng 8/1885, giặc Pháp từ Ninh Hải (nội thành Hải Phòng ngày nay), đưa tàu chiến gắn đại bác tấn công vào huyện An Lão. Cử Bình, Lãnh Tư đã điều quân của Thống Trực chỉ huy nghĩa quân Kha Lâm, Cai Chiến chỉ huy nghĩa quân Đại hoàng phối hợp.

Do lực lượng nghĩa quân ít, trang bị kém, nên Đốc Trịch không dàn thành trận tuyến mà nhử địch vào trận địa bày sẵn ở khu Đầm Rô, Bình Vôi, lau sậy um tùm (nay là đoạn đường 354 từ Quán Rẽ đến Giám Trạch, nay thuộc xã Mỹ Đức, An Thái). Quân Pháp thấy khoảng 20 nghĩa quân bắn vài phát súng rồi chạy vào vùng lau sậy, liền xua quân đuổi theo. Đến chỗ ngoặt, chúng đang ngơ ngác không thấy một bóng nghĩa quân nào, bỗng pháo lệnh nổ vang trời, hàng trăm nghĩa quân mai phục trong các đám lau sậy và trát kín bùn nằm hai bên vệ đường nhất tề vung dậy vung mã tấu, đoản đao xông vào chém giết.

Trận này nghĩa quân giết trên 30 tên giặc, chưa kể những tên bị thương. Bọn sống sót quăng vũ khí bỏ mặc những tên chết và bị thương chạy về nơi tàu neo đậu(1).

Ngay sau khi nhận được thư của Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Tít làm lễ tế cờ ở chùa Kim Liên. Lá cờ màu đỏ mang dòng chữ: “Ninh Sơn động chủ, xướng nghĩa bình Tây”. Ông còn duyệt binh, biểu dương lực lượng hư trương thanh thế để động viên tướng sĩ và nhân dân. Cư dân ở 86 làng xã thuôc hai huyện Kim Môn và Thuỷ Đường đã nô nức cho con em gia nhập nghĩa quân, ròa làng, đắp lũy, công khai chống Pháp, cung ứng quân lương.

Sau lễ tế cờ, khí thế của nghĩa quân lên cao, Đốc Tít đã xuất quân tấn công quân Pháp nhiều trận trong đó có một số trận như:

- Ngày 22/8/1885, nghĩa quân chống quân Pháp càn vào Tam Lưu, bắn chết và làm bị thương hàng chục tên Pháp, trong đó có tên quản Pháp bị giết chết(1).

- Ngày 31/8/1885, trước khi Đốc Tít và một số tướng lĩnh về Văn chỉ Bình Dân dự lễ Tế cờ, ông đã chỉ huy quân tấn công đồn binh Pháp ở Hiệp Sơn(3).

Lưu Kỳ nhận được thư của Nguyễn Thiện Thuật lập tức triệu các tướng Hoàng Tài Ngạn, Hoàng Thái Nhân, Đề Kỳ, Đề Quý báo tin vua Hàm Nghi đã xuất bôn ra sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương. Nhà vua cũng cử Tán tương Nguyễn Thện Thuật chỉ đạo phong trào Cần vương ở các tỉnh đồng bằng và vùng đông bắc Bắc Kỳ trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Lưu Kỳ cũng quyết định đưa toàn bộ lực lượng gia nhâp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Sau cuộc họp tướng lĩnh, ông tăng cường lực lượng cho các đồn binh ở Đông Triều, An Châu, Mai Sơn, Đá Bạc, Lầm, Biển Động. Ông biết rõ vũ khí hiện đại không thể thiếu trong cuộc chiến đấu quy mô lớn sắp tới nên đã bổ sung lực lượng tinh nhuệ cho đội vận chuyển vũ khí từ Quảng Đông, Quảng Tây về. Đề phòng bị nghẽn đường, Lưu Kỳ mở tới 3 đường vận chuyển vũ khí:

- Đường từ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên ngược lên Đầm Hà, Hà Cối qua Móng Cái, Bình Liêu sang Đông Hưng và Đồng Tôn, Trung Quốc.

- Đường từ Bã Chẽ, Lộc Bình, Nam Chàm qua núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) qua tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

- Đường khe suối, luồng lạch và ven vịnh Bắc Bộ qua Mũi Ngọc của huyện Móng Cái sang các huyện Đông Hưng, Phòng Thành (Trung Quốc)(4).

Sau khi tiếp xúc với phái viên của Nguyễn Thiện Thuật, Ba Báo hoạt động ở vùng sông Thái Bình, Kinh Thày; Trung Lan, Đốc Đàm hoạt động ở huyện Thanh Hà; Tiền quân Phạm Văn Đức hoạt động ở vùng các cửa sông, hải đảo; Lãnh Tư, Cử Bình hoạt động ở Núi Voi, huyện An Lão; Đội Quý, Ba Giang, Phạm Văn Khoát hoạt động ở huyện Ninh Giang, Hải Dương đã giao ước phối hợp chiến đấu ngăn chặn không cho quân Pháp từ Hải Dương đi đánh phá các căn cứ của nghĩa quân ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Yên.

Khi các phái viên hoàn thành nhiệm vụ trở về, Nguyễn Thiện Thuật rất vui mừng vì chẳng những toàn bộ tướng lĩnh của Đổng Quế hưởng ứng mà thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa như Đốc Tít ở Kinh Môn, Trung Lan, Đốc Đàm ở Thanh Hà, Đề Quý, Lãnh Khoát ở Ninh Giang, Tiền Đức ở Gia Lộc, Lãnh Tư, Cử Bình ớ An Lão, Ba Báo ở vùng sông Kinh Thày (Hải Dương), Lưu Kỳ ở Lục Ngạn (Bắc Ninh); Tạ Hiện ở phủ Thái Bình (Nam Định)… đều tự nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ Cần vương do vua Hàm Nghi phát động.


(1) Theo Lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng huyện An Lão, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
(2) Theo tư liệu của trung tá Mạc Hữu Họa, Hội Khoa học lịch sử huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
(3) Theo tư liệu của trung tá Mạc Hữu Họa, Hội Khoa học lịch sử huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
(4) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, NXB. Văn hóa Dân tộc, 2001.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 08:13:44 am
Nguyễn Thiện Thuật quyết định làm lễ Tế cờ vào tháng 8 năm Ất Dậu (tháng 9/1885) tại Văn Chỉ xã Bình Dân, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, nơi Đổng quân vu Đinh Gia Quế đã long trọng tổ chức lễ Tế Cờ vào tháng 4/1883 phát động cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Văn Chỉ, Bình Dân được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Các tướng lĩnh đứng nghiêm trang chứng kiến lễ thượng cờ. Khi lá cờ đại màu đỏ rực được kéo lên đỉnh cột thì Bắc Kỳ Hiệp thống quan vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật uy nghi trong bộ lễ phục trang trọng tuyên đọc chiếu Cần vương nhà vua Hàm Nghi.

Chiếu Cần vương

Dụ:

Từ xưa kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội, giữ thì khó định hẹn được sức, hòa thì họ đòi hỏi không biết chán. Đang lúc thế sự muôn vàn khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền. Thái vương dời sang đất Kỳ(1), Huyền Tông sang chơi đất Thục(2), người xưa cũng đều đã có làm.

Nước ta gần đây ngẫu nhiên gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến tự cường tự trị. Kẻ Tây được phái đến ngày càng ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước, chúng tăng thêm binh thuyền đến, bắt theo những điều mình không thể nào làm được; ta chiếu lệ thường khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô náo động, mối nguy biến ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu việc nước, chăm chỉ đến kế yên xã tắc; trong triều triều phải đắn đo về hai điều: cúi đầu tuân mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao bằng nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước ví bằng việc xảy ra không thể tránh được thì cũng còn có vài việc ngày nay để mưu tốt cái lợi sau này, cũng là do thời thế xui nên vậy. Phàm những người đã được cùng dự chia mối lo này, tưởng cũng đã biết cả. Biết thì phải tham gia vào công việc, nghiến răng, dựng tóc thề giết tan giặc, nào ai là không có cái lòng như thế? cũng lẽ nào không có người gối gươm(3), đánh dầm(4), cướp giáo(5), lăn chum(6) ư? Vả lại kẻ bây tôi đứng ở triều, chỉ có theo nghĩa mà thôi. Nghĩa đã ở đâu mà sống chết ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi(7) nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật(8) nhà Đường là người thế nào đời xưa vậy?

Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xe tứ giá(9) phải dời xa, tội ở mình trẫm cả, thật là xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có luân thường quan hệ với nhau, bách quan khanh sĩ không kế lớn nhỏ, tắt không bỏ xa trẫm; kẻ sĩ hiến mưu kế, người dũng hiến sức lực, kẻ giàu bỏ của ra hiến quân nhu, đồng bào, đồng trạch(10) chẳng từ nguy hiểm, như thế mới phải chứ? Cứu nguy chống đỡ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu hòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại được bờ cõi, chính cái cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau rồi cũng nghỉ với nhau há chẳng tốt lắm ư? Bằng cái lòng sợ chết hơn lòng yêu vua, nghĩ lo cho nhà hơn là lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ, trốn lẩn, người dân không biết trọng nghĩa, cứ gấp việc công, kẻ sĩ thì cam bỏ chỗ sáng đi theo vào nơi tối tăm, ví không phải sống thừa ở trên đời thì mũ áo mà làm ngựa trâu, ai nỡ làm như thế?

Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình sẽ có điều lệ hẳn hoi chớ để sau này phải hối. Phải nghiêm sợ mà tuân theo!


Hàm Nghi năm đầu tháng 6 mùng 2
Khâm thử                        

(Chu Thiên dịch theo bản chữ Hán trong Trung - Pháp chiến tranh
Tư liệu, quyển VII, in trong cuốn Thơ văn yêu nước, nửa sau
thế kỷ XIX (NXB Văn học, 1970, tr.52-523)

Lời chiếu của nhà vua yêu nước, còn ở tuổi thiếu niên đã dũng cảm từ bỏ ngai vàng dấn thân vào rừng sâu, núi thẳm, phát động phong trào Cần vương đã kích động ý chí chống giặc cứu nước của các tướng lĩnh và nghĩa binh, mọi người muốn xông ngay ra chiến trường đánh đuổi giặc Pháp.

Trong không khí sôi động đó, Nguyễn Thiện Thuật đọc sắc phong của vua Hàm Nghi cho các tướng:

- Phong chức Hồng lô tự khanh Tán tương quân vụ cho cử nhân Ngô Quang Huy.

- Phong chức Hồng lô tự khanh Tán tương quân vụ cho Nguyễn Thiện Kế(11).

- Phong chức Hồng lô tự khanh Tán tương quân vụ cho cử nhân Nguyễn Hữu Đức.

- Phong chức Đô thống cho Tạ Hiện.

- Phong chức Đề đốc quân vụ An Hải cho Đốc Tít (Nguyễn Duy Hiệu).

- Phong chức Đề đốc Hải An cho Nguyễn Thiện Dương.

- Phong chức Đề đốc cho Lãnh binh Nguyễn Văn Sung.

Các tướng đã được Đổng quân vụ phong tước vẫn giữ nguyên, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần theo quyền hạn nhà vua giao cũng phong chức Đề đốc cho các ông Phạm Văn Ban, Lưu Kỳ và dâng sớ về triều phong tước, ban thưởng cho một số tướng lĩnh.

Về cuộc chiến đấu, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ chủ trương:

1. Củng cố vững chắc căn cứ địa Bãi Sậy, căn cứ Hai Sông, căn cứ Bảo Đài và các căn cứ hiện có ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên.

2. Giao cho các tướng lĩnh ở đồn nào mộ dân ở đó, xây dựng căn cứ mới, tự túc lương thực, vũ khí tới mức cao nhất.

3 Tăng cường các trận tập kích vào đồn địch, chặn đánh quân tuần tiễu, quân đi càn, tăng cường công tác binh vận, tiễu trừ Việt gian.

Nguyễn Thiện Thuật đã nâng cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lên quy mô rộng lớn và quyết liệt.


(1) Nhà Chu trước ở phía Tây sông Vị, dời sang phía Đông (đất Kỳ, miền Sơn Tây) dựng nghiệp.
(2) Đường Minh Hoàng bị An Lộc Sơn đánh phải bỏ Kinh đô dời sang đất Thục.
(3) Lưu Côn đời tấn, chí muốn giết giặc, đêm nằm không ngủ được nói rằng: “Gối lên gươm mong chóng sáng để giết giặc”.
(4) Đánh dầm tức là đánh dầm chèo: Tổ Địch đời Tấn đi qua sông cầm dầm chèo đập xuống nước thề không bình xong Trung Nguyên thì không trở về.
(5) Cướp giáo: Uất Trì Cung đời Đường ba lần đấu võ mà đều cướp được giáo của đối phương.
(6) Lăn chum: Đào Khản đời Tấn làm đến chức Chinh Tây đại tướng quân, bình được loạn Tô Tuần. Khi ông còn là Thứ sử Quảng Châu một ngày lăn 100 cái chum ra rồi lại lăn vào để quen việc nặng nhọc và nói rằng: “Ta sẽ gắng sức để bình định Trung Nguyên nhưng nếu quen nhà rồi sợ không làm được”.
(7) Hồ Yển, Triệu Thôi người nước Tấn theo Tấn Văn Công (Trùng Nhĩ), chạy ra ngoài 19 năm, say lấy lại được nước.
(8) Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật là những trung thần đời Đường Minh Hoàng giúp nhà vua bình an loạn An Lộc Sơn lấy lại được nước.
(9) Xe tứ giá: Xa giá của ba cung: mẹ và hai vợ Tự Đức.
(10) Đồng bào, đồng trạch: cữ trong bài thơ “Vô y” ở kinh Thi nói tình quân dân, san sẻ áo, gắn bó với nhau, không trừ gian khổ, nguy hiểm, lúc nào cũng có nhau.
(11) Nguyễn Thiện Kế dâng sớ xin cố từ, lấy chữ Đường Dân làm hiệu.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:08:02 pm
CHƯƠNG II

NGHĨA QUÂN BÃI SẬY CHỦ ĐỘNG TẤN CÔNG VÀ ĐÁNH THẮNG
NHIỀU TRẬN CÀN QUÉT LỚN CỦA QUÂN PHÁP
(9/1885-12/1886)

Điều bất lợi cho cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và các cuộc khởi nghĩa khác ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ là từ ngày 1/6/1885, Thống tướng De Courcy từ Pháp tới vịnh Hạ Long nhậm chức Tổng Tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Trung và Bắc Kỳ nắm toàn bộ quyền quân sư và quyền dân sự. Nhiệm vụ quan trong mà nội các Brisson giao phó cho De Courcy là:

1. Bình định vùng đồng bằng Bắc Kỳ.

2. Đánh chiếm và bình định vùng miền núi Bắc Kỳ.

3. Dọn đường sông Hồng để đánh chiếm Lào Cai.

Nội các Brison còn quyết định tăng quân số đánh chiếm Bắc Kỳ, Trung Kỳ từ 2 sư đoàn lên 3 sư đoàn; 2 sư đoàn đóng ở Bắc Kỳ, 1 sư đoàn đóng ở Trung Kỳ(1).

Ngày 11/6/1885, Thống tướng De Courcy ra bản Tổng mệnh lệnh phân chia 13 tỉnh hiện có ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ thành 2 quân khu lớn: quân khu miền đông gồm 6 tỉnh là: Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên - quân khu miền tây gồm 7 tỉnh là Hà Nội, Hưng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Nam Định, Ninh Bình.

Quân khu miền đông có 1 sư đoàn chiếm đóng phiên chế thành 2 lữ đoàn do trung tướng Négrier chỉ huy. Quân khu miền tây có 1 sư đoàn gồm 2 lữ đoàn, Sư đoàn do trung tướng Briène de Lisl chỉ huy(2).

Vào thời điểm Nguyễn Thiện Thuật khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy thì đạo quân viễn chinh Pháp đã lên đến đỉnh cao nhất vào quý II năm 1885 với gần 42.000 quân khi cuộc chiến tranh Trung - Pháp đã kết thúc và khi quân Pháp chỉ còn đối phó với những toán “giặc cướp lẻ tẻ” như lời tuyên bố huênh hoang, bịp bợm của các quan chức thực dân lúc ấy. Một bộ tham mưu hùng hậu đã được thành lập để chỉ huy đạo quân viễn chinh gồm có 9 tướng, trong đó có 1 đại tướng, 2 trung tướng, 4 thiếu tướng, 1 tư lệnh pháo binh và tướng tham mưu tướng, 36 sĩ quan tham mưu, 600 sĩ quan đủ loại… Điều nay khiến người Pháp đương thời phải thốt lên: đây là một bộ tham mưu đủ sức để chỉ huy một đạo quân lớn ở Châu Âu(3).

Với lực lượng quân sư hùng hậu như vậy, bọn tướng tá Pháp chủ quan, khinh địch tưởng rằng với những cuộc hành quân cảnh sát dễ dàng đè bẹp được các cuộc kháng chiến chống Pháp ở Trung và Bắc Kỳ. Năm 1885, Thống tướng De Courcy, Tư lệnh kiêm Tổng trú sứ đã huênh hoang hứa với chính phủ Pháp là cuộc chinh phục Việt Nam sẽ kết thúc vào năm sau (1886) như chính phủ Pháp và dư luận Pháp đòi hỏi.

Để thực hiện được những lời lẽ huênh hoang trên, Thống tướng De Courcy đã “ra quân” với những binh đoàn lớn (grandes colone). Một trong những mục tiêu De Courcy chọn để tấn công là căn cứ Bãi Sậy.

Về phía nghĩa quân mới được phục hồi sau 1 tháng, chỉ có một số ít nghĩa quân đã từng tham gia chiến trận, dày dạn với tiếng súng, còn lại đều mới tuyển mộ trong nông dân. Việc huấn luyện các động tác chiến đấu cơ bản chưa có thời gian làm, chỉ có các “cựu binh” hướng dẫn cách sử dụng súng bắn nhanh mà lần đầu tiên trong đời họ được nhìn thấy. Vũ khí chỉ có một số ít súng bắn nhanh còn lại là súng kíp, hỏa mai và vũ khí thô sơ như giáo, mác, mã tấu. Nhiều làng mà nghĩa quân dùng làm căn cứ chưa kịp củng cố hào, lũy. Lương thực, thực phẩm cũng hoàn toàn không có dự trữ mà chủ yếu nghĩa quân vẫn ăn cơm nhà, khi có chiến sự thì nhân dân quyên góp gạo nấu tập trung. Tuy khó khăn chồng chất nhưng ông và các tướng lĩnh vẫn quyết tâm chiến đấu bằng lòng căm thù và tinh thần dũng cảm, cùng với sự đồng tình phối hợp tác chiến của nhân dân. Qua công tác trinh sát và nhân dân báo tin, ông biết rõ quân Pháp đang cùng với quân Nam triều tập trung binh lực lớn để tấn công căn cứ Bãi Sậy. Với phương châm “Chờ địch tới không bằng đánh địch trước”, Nguyễn Thiện Thuật tăng cường phòng thủ Bãi Sậy, lệnh cho các cánh quân phải tổ chức trận địa, mưu trí đánh thắng các trận càn quét nhỏ của địch, đồng thời bao vây tấn công các đồn Cái Nênh, Duyên Hà (nay thuộc tỉnh Thái Bình khi đó còn thuộc hưng yên), đồn Ứng Lôi, đồn Phù Cừ nằm trên hữu ngạn sông Luộc nằm trên địa bàn các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ và các đồn ở huyện Kim Động, Khoái Châu, Phó Nham, đồn Bình Phú, đồn Lực Điền. Các tướng đã thực hiện mệnh lệnh trên một cách khẩn trương, tích cực. Vì vậy trong tháng 9, 10/1885 đã có một số trận đánh như sau:

- Tháng 9/1885, ngay sau lễ Tế cờ nghĩa quân đã vượt sông Hồng tấn công các phủ đường, đồn bốt của quân Pháp ở các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hoà thuộc tỉnh Hà Đông.


(1) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr.253.
(2) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr.253.
(3) Những cuộc tiếp xúc Pháp - Việt ở Trung và Bắc Kỳ từ năm 1885 - 1896 của Charles Fourniau (Lescontate Farcai - Việt Nam, miên en An Nam et du Tonkin de 1885 à 1896), tr. 568 do Ngô Văn Hoà “giới thiệu sách” trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số tháng 4/1984.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:11:19 pm
Tuần phủ Cao Xuân Dục sai tên Bát phẩm Nguyễn Chúc, Cửu phẩm Phùng Văn Thoan đem quân đánh nhau với nghĩa quan. Khi bọn này bị nghĩa quân đánh cho đại bại, Cao Xuân Dục thân cầm quân đánh chiếm các phủ thành, thu hết vũ khí, tiền bạc, lương thực rồi rút về Bãi Sậy an toàn.

Mặc dù Cao Xuân Dục không diệt được nghĩa quân nhưng để mua chuộc, khuyển khích bọn tay sai, Đồng Khánh vẫn tặng cho Cao Xuân Dục Quân công kỷ lục hai thứ, một cái khánh vàng Quân công và dây đeo. Bọn Chú, Thoan mỗi tên được thưởng bài tử kim và thăng trận. Ngài lại truyền chỉ thông lục cho Tả Kỳ và Hữu Kỳ biết(1).

Tại Trại Sơn(2) huyện Thuỷ Đường(3) phủ Nam Sách khi Đốc Tít đang dự lễ Tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân thì các tướng Lãnh Canh, Lãnh Pha đã tấn công quân Pháp ở chợt Cột, Đông Triều (Hải Dương). Quân Pháp chưa hết kinh hoàng về trận đánh đó thì Đỗng Lăng lại phục kích trên đường Đèo Neo - Huệ Trì giết trên 30 tên lính Pháp(4).

Nghĩa quân ráo riết chuẩn bị tấn công thành Hải Dương. Việc tuyển mộ, huấn luyện cho tân binh diễn ra công khai. Nhân dân đóng thuế, xay giã thóc gạo làm quân lương giữa ban ngày. Bọn lính đồn sợ hãi không dám ra ngoài. Các quan huyện, tổng lý chạy hết vào tỉnh lỵ, bọn chỉ điểm lộ mặt chui rúc trong đồn không dám ở làng. Nghĩa quân định tấn công thành Hải Dương vào đêm 28 rạng ngày 29/9/1885(5).

Việc chuẩn bị đánh chiếm diễn ra công khia song công sứ Pháp và tổng đốc Hoàng Cao Khải cho rằng nghĩa quân nghi binh nên chưa có hành động đối phó. Khi pháo hạm La Matsuy (Maussue) đụng độ với nhiều toán nghĩa quân ở làng Mao Điền, huyện Câm Giang cách tỉnh lỵ chừng 15 cây số Bọn cầm quyền Pháp thấy rõ nguy cơ tỉnh lỵ Hải Dương bị tấn công mới vội vã điều 3 toán quân gồm những đại đội Âu - Phi, lính pháo thủ Bắc Kỳ, lính Nam triều càn quét các huyện Cẩm Giàng, bình Giang và cả vùng nam Bắc Ninh, bổ sung lính và súng đạn cho các đồn ở ngoại vi tỉnh lỵ. Quân Pháp còn đóng chặn các ngả đường vào tỉnh lỵ. Ngoài pháo hạm La Massue, công sứ còn điều thêm hai pháo hạm làm nhiệm vụ bảo vệ hai bên bờ sông Thái Bình và vùng sông ngòi phía trong.

Với lực lượng quân sự mạnh có 3 pháo hạm yểm hộ, quân Pháp đã đẩy lùi được nghĩa quân của Hai Kế ở vùng rừng núi huyện Chí Linh và huyện Đông Triều. trước khi quân Pháp rút khỏi Đường Hào, Bình Giang chúng đã dựng một loạt đồn bốt mới ở những cứ điểm quan trọng. Được các đồn hỗ trợ, bọn quan phủ, huyện ở Nam Sách, Bình Giang, Cẩm Giàng trước kia chạy vào tỉnh lỵ nay lại lục đục kéo về phủ đường. Bọn mật vụ chỉ điểm trước kia sợ uy thế của nghĩa quân phải trốn tránh vào đồn binh hoặc nằm im nay đều ngóc đầu dậy trả thù những gia đình có người tham gia nghĩa quân, đưa lính đi cướp phá những làng tiếp tế, cho nghĩa quân đồn trú. Bọn chúng được quân hỗ trợ tới các làng thu thuế cho Pháp chỉ riêng hai huyện Đường Hào, Bình Giang bọn chúng đã bắt dân đóng 60.000 quan tiền thuế truy thu ở những làng trước kia không chịu nộp thuế cho Pháp(6).

Quân Pháp không đủ trải ra trên diện rộng, chúng luôn luôn bị nghĩa quân tập kích vào bọn lính đóng dã ngoại, bọn tuần tra, bọn đi thu thế, nên quân Pháp phải chia nhỏ lực lượng để đối phó. Lợi dụng cơ hội đó, nghĩa quân từ Chí Linh, Hưng Yên trở lại hoạt động xung quanh tỉnh lỵ Hải Dương, đột kích một số đồn quân Pháp mới dựng, trừng trị những tên tay sai có nợ máu với nghĩa quân và nhân dân.

Nguyễn Thiện Thuật phán đoán sắp tới quân Pháp sẽ đánh lớn vào căn cứ Bãi Sậy, nên đã quyết định rút lực lượng của Hai Kế về Bãi Sậy để củng cố trận địa, chuẩn bị vũ khí, lương thực sẵn sàng đón đánh địch.

Đúng như phán đoán của ông, tháng 10/1885, Thống tướng De Courcy giao cho thiếu tướng Négrier, trung tá Donnier, trung tá Godard huy động một lực lượng lớn liên tục tấn công suốt 3 tháng (10, 11, 12/1885) vào căn cứ của nghĩa quân ở các huyện Văn Giang (Bắc Ninh), miền tây Đường Hào nay thuộc huyện Yên Mỹ). Tuần phủ Hoàng Cao Khải cũng đưa lính đến phối hợp với quân Pháp để đàn áp phong trào(7).


(1) Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, NXB Độc Lập, Huế, 1923, Tả Kỳ là từ Bình Định đến Bình Thuận, Hữu Kỳ là từ Hà Tĩnh đễn Thanh Hóa.
(2) Trại Sơn trước đây tên là Trại Tre nằm ở thượng huyện Thuỷ Đường. Phía bắc có dãy núi đã vôi Thiên Triều, có 9 hang động lớn, có nhiều di tích thời tiền sử, thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, phía nam giáp sông Kinh Thày, phía tây giáp sông Hàn Mấu, phía đông giáp sông Hòn Ngọc.
(3) Tháng 4/1885 đổi tên là huyện Thuỷ Nguyên, phủ Nam Sách Hải Dương, nay Thuỷ Nguyên thuộc Hải Phòng.
(4) Tác giả khai thác tại Trại Sơn, An Sơn, Thuỷ Nguyên năm 1998.
(5) Theo Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Nguyễn Luận dịch năm 1975, bản đánh máy lưu tại thư viện Hải Dương.
(6) Theo Dulleman: Niệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc.
(7) Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:12:03 pm
Với hệ thống tình báo tự nguyện, hình thành một đường dây từ cơ sở tới trung tâm căn cứ, nên mọi hoạt động của giặc đều được báo cáo kịp thời về bộ Tư lệnh. Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lệnh cho các đơn vị nghĩa quân đóng ở trong và ngoài căn cứ Bãi Sậy chủ động đón đánh quân Pháp. Vì vậy ngay khi quân Pháp vừa xuất phát ra tới đường số 5, đường 39… chúng đã bị các đơn vị nghĩa quân chặn đánh, cản bước tiến vào căn cứ. Quân giặc bị đánh ở khắp nơi, liên tục, nhưng không có lực lượng của nghĩa quân nên vô cùng hoang mang. Nhưng nỗi kinh hoàng của chúng còn tăng lên gấp bội khi chúng tiến sâu vào vùng giáp ranh căn cứ ở miền tây Đường Hào và nam Văn Giang. Bọn giặc liều chết tới được các xã ngoại vi căn cứ Bãi Sậy thì nhiều tên đã bị chết vì những tay súng bắn tỉa, bị chết vì sa hố chông, cạm bẫy. Bọn giặc càng vào sâu thì số thương vong càng lớn, có toán phải quay về nơi xuất phát. Có bọn đang lội bì bõm dưới đầm lầy thì đột nhiên cờ đỏ phất lên, nghĩa quân đột ngột hiện ra vung gươm, mã tấu, đoản đao lăn xả vào chúng mà chém giết, cướp súng đạn. Khi bọn lính ở phía sau đến cứu thì động bọn của chúng chỉ là những cái xác không hồn, mất cả súng đạn, quân trang. Không giết được nghĩa quân, quân Pháp và Hoàng Cao Khải cho quân tàn phá các làng nghĩa quân xây dựng căn cứ. Lửa cháy ngút trời hết ngày nọ sang ngày kia. Song sự tàn bạo của giặc không uy hiếp được nhân dân, có rất nhiều làng dân chúng đi hết, nhường làng xóm, nhà cửa cho nghĩa quân xây dựng tận địa chiến đấu. Quân Pháp phải chịu tổn thất lớn mới tiến sát đến căn cứ Bãi Sậy. Chúng thấy hầm hố, giao thông hào chằng chịt như mạng nhện. Quân giặc không còn đường tiến phải luồn lách trong lau sậy, bị lạc, quân lính càng lo sợ như lạc vào “mê hồn trận” và “bát quái trận đồ”. Hoàng Cao Khải sai đốt Bãi Sậy, lửa bén vào lau lách khô cháy ngùn ngụt, nhưng chúng cũng không thấy bóng dáng nghĩa quân, khiến cho cả quan lẫn lính càng hoảng sợ.

Một tên lính nhìn thấy trong đám cháy có một cửa hầm, Hoàng Cao Khải sai bọn lính gạt tro than ra nhìn xuống thấy sâu thăm tẳm, tối om bèn sai một viên lính Pháp, hai viên đội và vài tên lính khố xanh xuống hám sát. Bọn này sợ hãi run lập cập bò xuống hầm, càng vào sâu đường hầm càng tối đen, lõng bõng nước, bùn ngập ngang đầu gối, ngoắt ngoéo chúng phải dò dẫm từng bước, luôn đề phòng nghĩa quân bất ngờ xông ra giết chết. Bên ngoài toán quân canh cửa hầm cũng phải luôn luôn đề phòng, đứa nào súng cũng lên đạn lăm lăm trong tay hễ có động là bắn súng báo hiệu cho bọn dưới hầm chui lên.

Bỗng nhiên nghĩa quân từ các hầm bí mật bắn điểm xạ từng phát, mỗi tiếng nổ là một tên giặc ngã gục. Bọn giặc kinh hoàng đón cái chết mà không biết địch thủ ở đâu thì các ông Đề, ông Lãnh đầu chít khăn đó, lưng thắt bao xanh phất cờ đỏ ra lệnh, nghĩa quân như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên, miệng thét “sát, sát” vung mã tấu, đoản đao lăn xả vào chúng mà chém giết. Bọn chúng toan chống cự nhưng nghĩa quân xông ra mỗi lúc một đông, bọn lính Pháp và lính khố xanh không dám chống cự, cũng không biết đường nào mà chạy vì ba phía đều là nghĩa quân, phía còn lại là lửa do chính chúng gây ra.

Bọn lính chui ở dướng đường hầm nghe thấy tiếng súng, tiếng gươm giáo, tiếng hò la từ bên trên vọng xuống, chúng hiểu ra là mặt đất đang xảy ra giao chiến vội vàng kéo lên. Nhưng hễ kẻ nào nhô lên đến cửa hầm đều bị bắn chết chỉ còn mấy tên nhờ bọn lính canh hỗ trợ nên đã thoát chết.

Sau trận thất bại này, thiếu tướng Négrier, Hoàng Cao Khải đành phải hô quân tháo chạy về phủ lỵ Khoái Châu. Từ đây, chúng chia quân đi đánh các làng xóm thuộc huyện Văn giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi. Quân Pháp thẳng tay tàn sát, xa thì dùng súng, gần thì dùng lưỡi lê, báng súng tàn sát không tiếc tay, hàng trăm người phần lớn là ông bà già, trẻ em đã bị chết thê thảm. Những người bị bắt bị chúng dồn lại rồi xả súng bắn chết, nhiều xóm làng bị đốt trụi, nhiều hào lũy bị san phẳng.

Nhưng có điều kỳ lạ là ngay trong vùng quân Pháp vừa chém giết, chúng vẫn bị nghĩa quân và nhân dân tự vũ trang tấn công. Có lần một toán quân tuần tiễu đóng trong đình bỗng nửa đêm thình lình hàng loạt súng bắn vào giết hơn một chục tên. Chúng bắn loạn xạ, tìm mãi vẫn không biết súng từ nơi nào bắn tới. Thực ra nghĩa quân chỉ có vài người lợi dụng đêm tối leo lên mái đình dỡ ngói chĩa súng bắn xuống. Khi chúng biết được súng từ đâu bắn tới thì nghĩa quân đã rút lui, chúng chỉ còn biết băng bó cho những tên bị thương, khiêng xác chết của đồng bọn rút lui. Có lần quân Pháp đi nghênh ngang trên một quãng đê gặp mấy người lái buôn. Mấy người này rút súng giấu trong người bắn tới tấp vào chúng. Chúng chưa kịp đối phó thì những người nông dân trên cánh đồng cũng xông lên, chúng chỉ còn biết tháo chạy thoát thân.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:14:34 pm
Quân Pháp điều quân đi càn quét nhưng không gặp nghĩa quân đâu mà còn bị đánh bới những toán quân nhỏ, quân Pháp không sao truy kích được. Nghĩa quân còn đột kích vào những vị trí trú quân và những trận tao ngộ chiến mà nghĩa quân thường là những toán có rất it chỉ có 15-20 người phân tán khắp nơi, xuất kỳ bất ý đánh bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Kiểu chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân đó, dân cũng là lính, lính cũng là dân làm cho quân Pháp lo sợ nơm nớp ngày đêm. Có làng quân Pháp bao vây một làng nghi là có nghĩa quân đồn trú thì có vài kỳ mục khăn xếp, áo the đội những mâm chuối tiêu, trứng gà luộc, rượu ra chào mừng các sĩ quan Pháp. Khi quân Pháp hỏi trong làng có nghĩa quân không thì họ đều trả lời “không biết, không có”, nhưng thực ra khi đó có tới hơn hai chục nghĩa quân đang ăn cỗ tại đám giỗ nhà lý trưởng. Quân Pháp biết rõ nhưng sợ có phục binh nên không dám vào.

Nghĩa quân Bãi Sậy không dừng lại ở những trận đánh nhỏ, những trận tập kích và những trận tao ngộ chiến mà còn điều động quân, có trận tới 300-400 quân được trang bị súng bắn nhanh tấn công các đồn địch và đã giành được thắng lợi như trận đánh vào các đồn bốt, vào phủ đường huyện Ân Thi.

Khi quân Pháp đánh phá căn cứ Bãi Sậy, thì tại Hải Dương, nghĩa quân do Đề Quý chỉ huy đã phối hợp với nghĩa quân Ba Báo liên tiếp đánh phá các đồn địch, chặn đánh tàu thuyền, các toán quân Pháp đi càn quét khiến cho quân Pháp lo sợ. Vì vậy riêng Hải Dương, quân Pháp đã phải thành lập 3 binh đoàn để đối phó:

- Binh đoàn Nenny phụ trách vùng đông nam Trung châu tức phủ Nam Sách, đối phó với Đề Quý.

- Binh đoàn Falkon và Faure đối phó với quân Đốc Tít ở Trại Sơn.

- Binh đoàn Rouseau và Founière bình định vùng Đông Triều(1).

Ngày 30/11/1885, quân Pháp do hai đại úy Falkon và Faure có 5 hạm tàu yểm hộ đã bao vậy Trại Sơn có 600 quân do Đốc Tít chỉ huy. Nghĩa quân chặn đánh quân Pháp, bắn chết tên chỉ huy tàu chiến trên sông Giá, gần khu lò gạch Thụ Khê, huyện Thuỷ Nguyên. Cũng trong ngày 30/11/1885, đại bác của quân Pháp trên tàu chiến ở sông Hàn Mấu, sông Bến Ngọc bắn dữ dội vào căn cứ Trại Sơn yểm hộ cho bộ binh tràn lên. Nghĩa quan dựa vào núi đá, hang động, lại có 3 con sông bao quanh là sông Kinh Thày, sông Hán, sông Con, địa hình rất hiểm trở. Sau khi bắn đại bác, chúng cho công binh dọn đường rồi cho bộ binh tiến lên.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt suốt 12 ngày đêm, quân Pháp không vào được căn cứ của nghĩa quân mà còn bị thiệt hại nặng nề. Nghĩa quân có 600 người chiến đấu kiên cường, sử dụng nhiều loại súng bắn nhanh, cả gươm, giáo, mã tấu để đánh gần. Nghĩa quân lợi dụng sườn núi dốc đứng làm bẫy đá gây cho quân Pháp thiệt hại nặng nề.

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến nỗi bộ Tư lệnh quân Pháp ở Trung - Bắc Kỳ, điều động toàn bộ binh lính do thiếu tướng Négrier, đại tá Donnier, trung tá Godard đang càn quét Bãi Sậy phải vội vã đem quân về ứng cứu(2).

Ngày 11/12/1885, nghĩa quân chủ động rút khỏi Trại Sơn về lập căn cứ mới tại cù lao Hai Sông(3). Vị trí Hai Sông nằm trong phạm vi quân khu Hải Phòng của quân Pháp.

Căn cứ cù lao Hai Sông chưa được củng cố vững chắc thì quân Pháp tập trung pháo binh, công binh, bộ binh thủy quân lục chiến có tàu chiến gắn đại bác yểm hộ tấn công. Nghĩa quân đánh trả kịch liệt, cả hai bên điều thiệt hại nặng nề. Đốc Tít rút về huyện Đông Triều, Chí Linh.

Tại đây ông đã phối hợp với Lưu Kỳ, Đề Quý, Đốc Khoát liên tục tấn công các đồn binh Pháp và các toán quân Pháp coi phu làm đường Hải Dương - Chí Linh - Đông Triều gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Kẻ thù cũng phải thừa nhận; “Đốc Tít đã phục hồi được lực lượng sau trận tấn công của quân Pháp, vào cuối năm 1885, trở về hoạt động ở Hiệp Sơn, Giáp Sơn, Chí Linh. Tại vùng đất dân cư đã chịu ảnh hưởng và nhiệt tình ủng hộ ông từ mây năm trước, ông đã bổ sung được quân số. Tán Thuật cung cấp cho Đốc Tít tiền thu thuế, Lưu Kỳ cung cấp súng mua từ vùng biên giới Việt Trung về”(4).


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Nguyễn Luận dịch năm 1975, bản đánh máy lưu tại thư viện Hải Dương.
(2) Theo Hồ Sanh: Việt Nam dưới ngọn cờ Cần vương xuất bản ở Sài Gòn năm 1948.
(3) Cù lao Hai Sông, bắc giáp sông Đá Bạc, nam giáp sông Kinh Thày, bởi sông Hàn Mấu, sông Đá Bạc cắt ngang cù lao Hai Sông chảy ra biển. Diện tích chiếm 2/3 huyện Thuỷ Nguyên, bốn xã của huyện Kinh môn, tới bến đò Triều.
(4) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc - Hải Dương 12/1932, Nguyễn Luận, bản đánh máy lưu tại thư viện Hải Dương.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:16:40 pm
Không đánh được căn cứ Bãi Sậy và thất bại trong việc tiêu diệt quân chủ lực của Đốc Tít ở căn cứ Trại Sơn, quân Pháp tập trung quân đánh Đề Ban ở căn cứ Tam Tổng, bắc Ân Thi. Để tránh giao chiến với lực lượng lớn quân Pháp, nhằm bảo tồn lực lượng, Đề Ban đưa hơn 1.000 quân chạy lên huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật cùng Đề Vinh lên Đông Triều, bàn bạc với ông, chỉ giữ lại 300 người khỏe mạnh dũng cảm, trung thành được trang bị tốt làm quân cơ động. Chru tướng cũng để Đề Vinh ở lại giúp Đề Ban huấn luyện quân đội, sử dụng thành thạo súng bắn nhanh, ứng dụng chiến thuật đánh du kích như đột kích, tập kích, phục kích, dùng kế nghi binh lấy ít đánh nhiều. Đề Vinh cũng bồi dưỡng cho đội quân cơ động của Đề Ban làm công tác binh vận, ngụy vận, phân hóa hàng ngũ kẻ thù để tiêu diệt. Số quân còn lại là những người già yếu, gia đình neo đơn được trở về xã trở thành lực lượng đánh tại chỗ để bảo vệ làng xóm, làm nhiệm vụ sản xuất lương thực, cung cấp một phần cho nghĩa quân.

Từ đó Đề Ban không phải lo nhiều về lương thực, thực phẩm cho đội quân đông tới một nghìn người. Đội quân của ông chỉ có trên 300 người nhưng là đội quân tinh nhuệ, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, được trang bị tốt, nên đánh trận nào cũng thắng.

Quân Pháp bị thất bại liên tiếp đã phải thừa nhận: “Năm 1885 việc chống bọn cướp bóc chưa đạt được một tiến bộ nào trừ thời gian cuối năm, chúng ta không được an toàn dù chỉ là đi lại khoảng 1 giờ trong tỉnh. Cờ đỏ giương cao, những toán cướp chiếm giữ các thôn xã chính, chiếm giữ các ngả đường lớn, kiểm soát các khách bộ hành, chặn đứng mọi sự giao liên, gây nguy hiểm cho sự qua lại của những người mà họ có ý ngờ vực. Thường xuyên trong đêm, từ tỉnh ta nhìn thấy ánh lửa của nhiều thôn xã bị đốt cháy. Nhân dân sống trong thành phố liên tục sở hãi một cuộc tấn công mà đâu đâu cũng có tin đồn.

Đành phải điều một pháo hạm và một viện binh người Pháp đến nhằm xua tan nỗi kiếp sợ bao trùm”
(1).

Không đánh bại được Bắc Kỳ Hiệp thốn quân vụ Đại thần Nguyễn Thiện Thuậ trên chiến trường và không khuất phục được ông bằng những lời dụ dỗ đường mật của ông vua bù nhìn Đồng Khánh, một kẻ trung thành với đế quốc Pháp. Cuối năm 1885, giặc Pháp đã hèn hạ đến huyện Mỹ Hòa mộ những người làm gián điệp để phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ bên trong, ám sát thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật và các thủ lĩnh khác. Chúng đến tận làng Xuân Dục, tập trung dân chúng lại gọi lý trưởng ra hỏi mồ mả tiền nhân họ Nguyễn ở đâu nhưng lý trưởng không trả lời. Giặc bắn chết ông, chúng lại bắt một thiếu niên 16 tuổi kề gươm vào cổ mà hỏi mồ mả họ Nguyễn ở đâu. Thiếu niên lắc đầu không đáp, giặc vung gươm chém, máu chảy ròng ròng từ đầu đến gót chân. Chàng thiếu niên anh dũng đã thét lên: “Đồ giặc giữ, quan Hiệp thống Nguyễn Thiện Thuật hết lòng vì nước, ta tiếc rằng không thể cầm roi ngựa mà đi theo ngài lẽ nào lại giúp bay làm điều bạo ngược!”.

Quân giặc không khai thác gì ở chàng thiếu niên dũng cảm lại bị chàng sỉ nhục, bọn dã man lấy vải quấn quay người thiếu niên tẩm dầu mà đốt. Chàng thiếu niên anh hùng bất khuất vẫn chửi mắng quân giặc cho tới lúc chết
(2).

Sau trận đánh thắng quân Pháp tấn công vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác của nghĩa quân, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật đã cho củng cố vững chắc hệ thống phòng thủ ở căn cứ Bãi Sậy hơn nữa. Các đường địa đạo được đào thêm, cấu trúc trận địa được thay đổi, các vọng gác cũ được rời đi nơi khác, thiết lập các vọng gác mới vừa bí mật vừa bất ngờ với địch.

Ông đặc biệt coi trọng việc phát triển binh lực ở các địa phương, các vùng có vị trí quân sư, kinh tế quan trong.

Thực hiện chủ trương trên của chủ soái các tướng lĩnh đã phát triển lực lượng, chia nghĩa quân thành những toán nhỏ 20-25 người hoạt động độc lập ở các làng xóm, trại ấp do những người có tài năng về quân sư chỉ huy. Nghĩa quân được tiếp nhận một số súng bắn nhanh còn lại họ tự sản xuất theo mẫu súng của Pháp.


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Nguyễn Thượng Hiền: Giọt lệ bể dâu. Trần Văn Giàu, Đinh Văn Xuân - Lịch sử cận đại Việt Nam, quyển 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1975.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:20:51 pm
Nghĩa quân các làng phối hợp với nhau đánh thắng nhiều trận càn lớn của giặc tấn công các đồn Lực Điền (tổng Tứ Dương, huyện Yên Mỹ), Bình Phú (tổng Khoá Nhu, Yên Mỹ), Liêu Trung (tổng Liêu Xá, Yên Mỹ), Hoàng Trạch (tổng Mễ Sở, Khoái Châu) Quảng Bố, Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ (Bắc Ninh), Mễ Đậu (Văn Lâm), An Định (Đông Triều). Nghĩa quân còn vượt sông Hồng phối hợp với nghĩa quân Lãnh Be (xã Tự Nhiên, Thường Tín) đánh sang Hà Nội, Hà Đông.

Nghĩa quân hoạt động mạnh gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, ngay kẻ thù cũng phải thú nhận: “Chúng ta còn phải chiến đấu chống một kẻ thù rất khó tiêu diệt hơn cả việc chúng ta chiếm cứ được thủ phủ của tỉnh này. Nhưng toán cướp đông, được trang bị tốt có kỷ luật, dưới sự chỉ huy của những viên thủ lĩnh mà nhân dân đều kính phục. Mỗi viên thủ lĩnh lại có vùng chiến đấu riêng và như vậy họ chiếm toàn địa bàn. Họ là chỗ dựa của Tán Thuật về người, về vũ khí trong chuộ chiến đấu không khoan nhượng chống chúng ta với hy vọng không bao giờ mệt mỏi làm cho chúng ta lực cùng, sức kiệt, bằng cách tổ chức những hoạt động cừu địch buộc chúng ta phải sợ hãi ná đảm rồi rút khỏi Bắc Kỳ”(1).

Sau thất bại của quân Pháp ở Bãi Sậy và các cuộc khởi nghĩa khác ở Bắc kỳ, Trung Kỳ làm cho Thống tướng De Courcy thất bại cả về quân sư lẫn chính trị. Tướng De Courcy đã gặp phải sự chống đối gần như là của toàn thể dân chúng. Về quân sư, so sánh với những cuộc chiến tranh của Pháp ở Algéri, Tuynidi và cuộc xâm lược của đế quốc Anh ở Ấn Độ, Miến Điện thì tỉ lệ thương vong của Quân Pháp ở Trung - Bắc Kỳ lên cao nhất, gần 10%(2).

Cuộc chiến đấu của nhân dân Trung - Bắc Kỳ còn tác động ngay cả đến nước Pháp. Dư luận nước Pháp đã bàn cãi sôi nổi về vấn đền Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong vòng gần một năm những tin tức trực tiếp hay có liên quan đến những vấn đền này, đã chiếm vị trí trang nhất trên các báo chí của nước Pháp. Fournia viết: “Cho đến trước thế kỷ XX vấn đề Bắc Kỳ đã chiếm vị trí quan trong trong chính sách đối ngoại của nền “đệ tam cộng hòa Pháp”(3)“… việc xâm lược Bắc - Trung Kỳ cũng gây ra những sự xáo trộn mạnh mẽ trong đời sống chính trị của nước Pháp(4).

Sang năm 1886, tướng De Courcy không chỉ phải đối phó với các căn cứ cũ của nghĩa quân Bãi Sậy được triển khia trên địa bàn rộng lớn tỉnh Hưng yên, các huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân (nay thuộc Thái Bình) miền tây Hải Dương như căn cứ của Trung Lan - Đốc Đàm ở Thanh Hà, căn cứ Bối Giang và vùng phụ cận Ninh Giang, căn cứ Núi Voi ở An Lão, vùng rừng núi Đông Triều, Chí Linh, vùng cửa sông và các đảo, vùng Trại Sơn, Hai Sông ở Thuỷ Đường, Kinh Môn ỏ Hải Dương, vùng Lục Ngạn(5), Chạm Lộ - Tam Á của Thuận Thành (Bắc Ninh), mà còn phải đối phó với những căn cứ mới.

- Căn cứ nam Bắc Ninh do Hồng lô tự khanh tán lý quân vụ Ngô Quang Huy mới thiết lập từ đông Văn Giang qua nam Gia Lâm kéo dài tới vùng Thuận thành (nay là huyện Văn Lâm), phía tây nam Thuận Thành, vượt qua sông Đuống qua qua các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong của Bắc Ninh tới vùng lưu vực sông Cà Lồ thuộc các huyện Kim Anh(6), Đa Phúc(7) của Bắc Ninh, huyện Phổ Yên của Thái Nguyên, huyện Đông Anh nay thuộc Hà Nội.

- Căn cứ của Nguyễn Thiện Kế ở đông nam Bắc Ninh gồm các huyện Gia Bình, Lang Tài, phía đông huyện Siêu Loại (phủ Thuận Thành) của tỉnh Bắc Ninh, các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Cầm Giàng (Hải Dương).

- Căn cứ Thị Cầu (Bắc Ninh) của Lãnh Giang phía bắc, phía nam sông Cầu.


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2), (3), (4) Những cuộc tiếp xúc của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ từ năm 1885 đến năm 1896 của Charles Fourniau (Lescoutacre Francai Việt Nan miên en An Nam et au Tonkin de 1885 à 1896). Ngô Văn Hoà giới thiệu trong mục “đọc sách” trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1984.
(5) Huyện Lục Ngạn xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh có 7 tổng khi thành lập tỉnh Bắc Giang thì thuộc tỉnh Bắc Giang. Nay 7 tổng được chia ra 3 huyện như sau:
- Huyện Lục Ngạn: tổng Niêm Sơn (Đào Gia, Nam Dương, Phong Minh, Phú Điền, Phú Nhuận, Tân Hoa, Tân Mộc, Xa Lý; tổng Kiên Lao: (Kiên Lao, Kiền Thành, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Tân Sơn); tổng Hà Nộ: (Biện Sơn, Giáp Sơn, Hồng Quang, Phong Vân, Tân Quang, thành Hải). Tổng Biển Động(Biển Động, Kim Sơn và 6 xã thuộc huyện Sơn Động ở dưới.
- Huyện Lục Nam: tổng Võ Trang (Bình Sơn, Lục Sơn, Thường Sơn, Võ tranh). Tổng Cương Sơn (Cẩm Lý, Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương) và xã Trường Hoàng của tổng Mỹ Lương.
- Huyện Sơn Động có 6 xã: Cẩm Đàn, Chiên Sơn, Giáo Liên, Phúc Thắng, Quế Sơn, Thạch Sơn của tổng Biển Động.
(6) Huyện Kim Anh đời Lê Quang Thuận gọi là huyện Kim Hoa, năm Thuận trị thứ nhất đổi là huyện Kim Anh, thuộc phủ Thiên Phúc, tỉnh Bắc Ninh.
(7) Huyện Đa Phúc trước là huyện Thiên Phúc, phủ Thiên Phúc, tỉnh Bắc Ninh, sau đổi là Đa Phúc thuộc tỉnh Phúc Yên.
Nay Kim Anh và Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn, thuộc thành phố Hà Nội.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Năm, 2011, 06:23:43 pm
Ba căn cứ trên mới triển khai từ cuối tháng 9/1885 nhưng đã rất sôi động, gây nên khí thế chống giặc Pháp chưa từng có ở các tỉnh châu thổ sông Hồng. Căn cứ của Ngô Quang Huy hoạt động công khai, hàng ngày các đội tuyên truyền, võ trang trống dong cờ mở đi tới các làng xã trong vùng tố cáo tội ác của giặc Pháp xâm lược, lên án vua bù nhìn Đồng Khánh và Nam triều tiếp tay cho giặc Pháp đàn áp phong trào Cần Vương, kêu gọi mọi người gia nhập quân đánh cả Triều lẫn Tây. Ngô Quang Huy cho đắp một con đê lớn, trên trồng tre dọc theo sông Nghĩa Trụ kéo dài từ phía tây bắc là xã Ngọc Linh, qua 3 xã Tuấn Dỵ, An Lạc, Vĩnh Bảo đến các xã Đông Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài trên 20 km làm phòng tuyến chống Pháp và một số con đê khác từ xã Nghĩa Trai đến Cầu Ghênh (Nhạc Miếu) dìa 4 km làm tuyến phòng thủ(1).

Ngô Quang Huy khôn lập đại bản doanh ở An Lạc mà lập ở chùa Dâu(2). Ông thiết lập nhiều làng chiến đấu do các lãnh binh, đốc binh, hiệp quản… người làng xã đó chỉ huy như Đại Từ, Đông Mai, Nghĩa Lộ, hương Lãng, Thanh Khê, Phượng Trì, Ngọc Quỳnh ở nam Thuận Thành nay thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh hưng Yên; An Lạc, Tuấn Dỵ xưa thuộc huyện Văn Giang nay thuộc huyện Văn Lâm, Phú Thị, Ngọc Trì, Dương Xá huyện Gia Lâm; Phù Lập, Long Khám (Tiên Du), Thuý Lâm (Quế Dương), Đẩu Sao (Kim Anh), Đông Tảo (Đa Phúc), Quan Đình, Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh)…

Căn cứ của Nguyễn Thiện Kế ở đông nam Bắc Ninh gồm các huyện Gia Bình, Lang Tài ở phía đông huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang (Hải Dương). Căn cứ này đã nối liền căn cứ Tam Tổng ở Bắc Ân Thi do Đề Ban chỉ huy với căn cứ của Đội Văn ở Phạm Lộ, Tam Á ơ phía đông Thuận Thành với căn cứ Lục Ngạn (Bắc Ninh) của Lưu Kỳ với căn cứ Lãnh Giang ở Thị Cầu. Căn cứ của Lãnh Giang ở Thị Cầu đã là cầu nối giữa căn cứ Yên Phong, Tiên Du của Ngô Quang Huy với căn cứ của Tổng Bưởi, Cai kinh ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn và quân Cờ đen do tướng Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy, quân Thành do Đường Cảnh Tùng, Hoàng Quế Lan đóng ở Phủ Lạng Thương.Căn cứ của Lãnh Giang ở Thị Cầu còn án ngữ con đường bộ thiên lý Bắc nam từ Bắc Ninh qua Thị Cầu đi Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn án ngữ đường sông từ Lục Đầu Giang theo sông Cầu ngược lên Thị Cầu để tấn công tỉnh thành Bắc Ninh từ phía bắc, tấn công Phủ Lạng Thương (nay là thị xã Bắc Giang) từ phía nam. Quan trong hơn nữa Lãnh Giang còn có một đội quân tham gia bảo vệ một trong ba tuyến đường vận chuyển vũ khí của Đề đốc Lưu Kỳ mua ở Quảng Đông, Quảng Tây về tập kết ở Thị Cầu trước khi phân phối cho nghĩa quân Bãi Sậy ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.

Nghĩa quân Bãi Sậy vừa phát triển lực lượng vừa chặn đánh quân Pháp, bảo vệ vùng căn cứ và chủ động tấn công đồn binh Pháp. Từ cuối năm 1885 và 2 tháng đầu năm 1886, nghĩa quân đã đánh nhiều trận, trong đó có một số trận như sau:

- Trong trận đánh quân Pháp ở xã Nghĩa Trụ (Nay thuộc huyện Văn Giang), nghĩa quân mai phục sau chiến lũy, chặn đánh quân Pháp đi ca nô ở sông Nghĩa Trụ. Khi quân Pháp đổ bộ lên, nghĩa quân dùng mâm đồng, chậu thau làm mộc đỡ đạn đánh giáp lá cà. Trận này quân Pháp chết nhiều, nghĩa quân cũng bị thiệt hại nặng vì đạn súng bắn nhanh xuyên qua mâm đồng và chậu thau.

- Nghĩa quân các xã Hương Lăng, Thanh Khê, Phượng Trì(3) làm lễ tế ở đình Chạ Hiên, Hương Lăng rồi xuất quân đánh đồn Bần Yên Nhân.

- Ngô Quang Huy đích thân chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn Ghênh, đồn Đống Mối (nay thuộc huyện Văn Lâm), đồn Bần Yên Nhân.

- Nghĩa quân Ngô Quang Huy phối hợp với nghĩa quân huyện Đường Hào(4) Hải Dương do Lãnh Nhàn, Lãnh Thảo, Đốc Muỗi chỉ huy đánh trận Cầu Lường (nay thuộc xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào) bắt được tên chỉ huy Pháp đưa về giết tế cờ khởi nghĩa.

- Nghĩa quân Đội Văn tấn công phủ Thuận Thành thu được trên 300 súng bắn nhanh lấy cả súng hỏng về sửa chữa.


(1) Chiến lũy vừa là phòng tuyến đánh giặc vừa là đê phòng lụt. Trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954) bộ đội, du kích cũng dựa vào các lũy trên để đánh Pháp. Đến năm 1956, khi làm công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải mở rộng lòng sông Nghĩa Trụ mới bị phá bỏ.
(2) Theo gia phả dòng họ Ngô Quang ở An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm và tác giả ghi theo truyền ngôn vở vùng Dâu, Keo, Dương Xá, Phú Thị, Tô Khê…
(3) Nay cả 3 thôn thuộc xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
(4) Tháng 4/1886 đổi tên huyện Đường Hào thành huyện Mỹ Hào, huyện Đường An thành huyện Năng An, huyện Thuỷ Đường thành huyện Thuỷ Nguyên đuề thuộc tỉnh Hải Dương để khỏi trùng tên húy, tên hiệu của vua Đồng Khánh.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 07:54:55 am
Tất cả những cố gắng của Thống tướng De Courcy không ngăn cản được nghĩa quân Bãi Sậy phát triển cả lực lượng và vùng kiểm soát. De Courcy còn bị thất bại ở các chiến trường khác ở Trung - Bắc Kỳ.

Vì vậy, ngày 16/2/1886, Thống tướng De Courcy đã bị chính phủ Pháp bãi chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm Tổng trú sứ Trung - Bức Kỳ, chính phủ Pháp cử tướng Varnet sang đảm nhiệm hai chức vụ đó.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Trung và Bắc Kỳ kiêm chức Tổng trú sứ ở Trung và Bắc Kỳ trông coi việc dân sự, tướng Varnet đã bắt buộc phải thay đổi chiến lược mở những cuộc càn quét quy mô lớn của Thống tướng De Courcy bằng chiến lược phân tán quân đội thiết lập các đồn binh nhỏ ở khắp nơi, thực hiện chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt”.

Varnet mở nhiều trận đánh nghĩa quân Bãi Sậy, nhưng kết quả không đáng kể. Các đồn binh, các toán quân tuần tiễu của Varnet chỉ làm giảm chứ không ngăn cản được sự hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy.

Đi đôi với biện pháp quân sự, Varnet với cương vị Tổng trú sứ Trung và Bức Kỳ cũng chuyển chế độ cai trị từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự. Công sứ được bổ nhiệm đầu tiên ở Hưng Yên là Thureau. Tổng đốc đầu tiên là Phạm Văn Chuẩn, nhưng thực quyền nằm trong tay tuần phủ Hoàng Cao Khải(1) một tên khét tiếng tàn bạo trong việc đàn áp nghĩa quân Bãi Sậy. Công sứ đầu tiên ở Hải Dương là Aumotité.

Ngoài lực lượng quân sư do Varnet phái tới các tỉnh thì công sứ, tuần phủ ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh đều có quân đội riêng để đàn áp nghĩa quân Bãi Sậy.

Để đối phó lại, chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đã phải các đội vũ trang tuyên truyền đi tuyên đọc và niêm yết các bản tuyên cáo ở khắp các thôn xóm kêu gọi lính An Nam đào ngũ, bắn vào bọn chỉ huy Pháp, bọn quan chức Việt Nam theo Pháp lập công trở về hàng ngũ kháng chiến.

Lời kêu gọi đó có tác dụng, nhiều lính Nam trong quân đội Pháp bỏ ngũ thay tên đổi họ trốn lên rừng, số đông đem vũ khí gia nhập nghĩa quân. Đơn cử trong số hơn 600 quân của Đốc Tít có tới hai phần ba là lính khố xanh, lính khố đỏ và có cả hai hàng binh Pháp là Clausede và Martin.

Mặc dù Varnet trổ hết tài năng binh nghiệp để đối phó với nghĩa quân Bãi Sậy và các lực lượng kháng chiến khác ở Trung và Bắc Kỳ, nhưng hai tháng nhậm chức tối cao về quân sư và dân sự, Varnet không xoay chuyển được tình thế, trái lại các cuộc khởi nghĩa ở Trung và Bắc Kỳ vẫn được duy trì và phát triển mạnh. Thực tế đó đã buộc chính phủ Pháp phải thay đổi chính sách cai trị ở Trung và Bắc Kỳ. Ngày 8/4/1886, Paulber, bộ trưởng bộ Giáo dục Pháp được tổng thống Pháp cử làm trú sứ dân sự Trung và Bắc Kỳ do tướng Varnet bàn giao(2). Ngày 24/4/1886 tướng Varnet phải giao chức chỉ huy quân đội Pháp ở Trung và Bắc Kỳ cho trung tướng Zamont và bị triệu hồi về nước kết thúc cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi ở Việt Nam.

Lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Trung vả Bắc Kỳ khi Zamont tiếp quản 3 sư đoàn riêng ở Bắc Kỳ có 2 sư đoàn; sư đoàn bộ binh có 3 lữ đoàn, sư đoàn Hải quân có 41 tàu chiến(3).

Ngay khi mới được nhậm chức, trung tướng Zamont đã ra mệnh lệnh ngày 1/5/1886 giao cho công sứ và chỉ huy các đạo quân Pháp đóng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương,Bắc Ninh bổ sung lính, vũ khí cho các đồn bốt sẵn có, đóng thêm các đồn bốt mới. Chỉ trong một thời gian ngắn các đồn binh của quân Pháp như Kẻ Sặt, Bình Giang, Cẩm Giàng, Định Đào, Bần yên Nhân, Dị Sử, Ninh Giang (Hải Dương), Tổng Long, Bình Phú, Lực Điền, chợ huyện, Ghềnh (Hưng Yên), Phú Dương, Hùng Giao, Hải Châu, Hương Giang (phủ Đa Phúc) và hàng loạt đồn bốt khác được bổ sung quân số, vũ khí(4).

Những đồn bốt này do lính Pháp, lính Châu Phi và ngụy binh đóng giữ. Quân Pháp còn cho quân tuần tiễu khắp trong vùng. Các binh đoàn do Bouchaud, Fouque, Bellemare, Bazinet chỉ huy còn có các toán quân cơ động sẵn sàng dàn áp, truy kích nghĩa quân(5).

Tại Hải Dương, để đàn áp cuộc kháng chiến của nghĩa quân, tiến hành bắt phu, bắt lính, thu thuế nhân dân Chí Linh, tháng 6/1886 Thực dân Pháp thiết lập huyện Chí Linh thành đơn vị hành chính thuộc phủ Nam Sách(6) (trước do tri phủ Nam Sách kiêm lý). Tòa sứ Hải Dương còn thành lập các đồn cảnh sát và dân binh đóng ở tỉnh lỵ, các phủ lỵ, huyện lỵ và những vi trí giao thông quan trọng).


(1) Hoàng Cao Khải còn làm tuần phủ Hải Dương, Bắc Ninh kiêm tiễu phủ sứ đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
(2) Ngày 11/11/1886 Paulber chết vì bệnh dịch tả ở Hà Nội.
(3) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
(4) Báo La Venier du Tonkin tháng 5/1886.
(5) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(6) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:00:58 am
Với chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt” theo lệnh của Tòa khâm sứ Pháp, Đồng Khánh bắt lính người Vệt ở Bắc Kỳ lên tới 27.539 tên, chia làm 4 đạo, riêng Hưng Yên, Hải Dương nơi nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động mạnh được đặt dưới quyền đạo quân thứ tư cơ động tới 6860 tên, trong đó 5000 là lính tập, 1680 lính phuc dịch ở các tỉnh đạo và công sứ(1).

Nuyret trở về Hải Dương làm công sứ Hải Dương thay cho Aumoitte(2). Nuyret đã đôn dân binh trở thành Bảo anh binh dân sự. Lực lượng này được trang bị không kém gì lính khố xanh, đóng đồn bốt khắp các địa bàn trong tỉnh hình thành từng cụm quân sự, cum lưu động, dựa vào nhau, chi viện cho nhau khi bị nghĩa quân tấn công, chỉ để lại ở thành phố 200 tên làm nhiệm vụ thường trực cơ động khi cần thiết.

Những đồn binh mới này do những viên vệ binh chính chỉ huy và đặt dưới quyền quản lý của các quan phủ, huyện. Các quan phủ, huyện có quyền trưng tập các đội quân cảnh sát, bảo an dân sự trên để đàn áp nghĩa quân, triệt phá các làng xóm ủng hộ nghĩa quân, bắt phu, bắt lính và làm áp lực hỗ trợ cho các nhân viên thu thuế.

Một số quan phủ, huyện phản động trước kia phải lẩn trốn ở tỉnh lỵ, nay trở về đội quân trên đi cướp bóc các nhà giàu có, chỉ cần vu cho họ cái tội ủng hộ nghĩa quân. Nhiều làng ủng hộ nghĩa quân, bị bọn quan lại đưa lính đến bắt người cướp thóc lúa, trâu bồ, rồi công khai đòi tiền chuộc. Những việc oan khốc trên, thống trị Pháp và quan lại Nam triều đều rõ nhưng vẫn làm ngơ. Để uy hiếp tinh thần nghĩa quân và nhân dân, ngày 21/8/1887, quân Pháp xử tử 4 nghĩa quân tại chợ, cạnh phố Hàng Bài, Hà Nội.

Cũng trong tháng 6/1886, vua bù nhìn Đồng Khánh hạ lệnh “Cấm không ai được tàng trữ cất giấu vũ khí kể từ mác, đao, kiếm đến súng quy định cách thưởng cho những ai tự động đem đến nộp và tố giác những người tàng trữ các lọi vũ khí ấy (sẽ được tưởng tiền, phẩm hàm), quy định cách phạt những người vi phạm lệnh này (phạt tiền, đóng gông tịch thu tài sản)”(3).

Năm 1886, Đốc Tít từ Chí Linh, Đông Triều trở về xây dựng lại căn cứ Trại Sơn và Hai Sông. Tất cả các lối vào hang động, các điểm cao đều đặt súng thần công, súng “thập bát”, “thập tam”, địa lội.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm, Đốc Tít chẳng những phục hồi được lực lượng quân sự mà quân số còn tăng. Vũ Khí được trang bị tốt, do nhiều nguồn đó là do bà Nguyễn Thị Thành, chị gái Đốc Tít giữ chức “Quản đốc vũ khí” mua từ Quảng Đông, Quảng Tây về, đó là súng của đường dây Lưu Kỳ cũng mua ở Quảng Đông, Quảng Tây, đó là súng đạn do ông Ôbe thương gia người Thụy Điển ở Hải Phòng bí mật bán cho nghĩa quân. Còn một nguồn quan trọng nữa là súng tự chế do hai hàng binh Pháp là Clausede và Martin chế tạo ngay tại căn cứ Trại Sơn. Vì thế Thực dân Pháp đã phải thừa nhận: “Vũ khí của Đốc Tít có nhiều súng bắn nhanh do Pháp và các nước Châu Âu sản xuất có tới 150 khẩu, có cả súng “thập tam”, “thập bát”. Đến cuối năm 1884, đầu năm 1885 thì 600 quân của Đốc Tít được trang bị tới 500 súng bắn nhanh còn lại là súng kíp, hỏa mai”(4).

Kẻ thù của chúng ta cũng phải công nhận: "Trong khu sào huyệt có đảo hai con sông, Đốc Tít mạnh lên, Đốc Tít đã có 150 súng. Mọi lực lượng của chúng ta đi qua vùng này đã bị tiến đánh. Đốc Tít còn liên kết với những toán cướp Tàu”(5).

Có lực lượng mạnh, trang bị vũ khí hiện đại, tháng 5/1886 nghĩa quân Đốc Tít đánh 3 tàu chiến của Pháp tại Hang Sơn, sông Đá Bạc lên yểm hộ cho lục quân vây càn Đông Triều, một tàu bị bắn trọng thương mất thăng bằng đâm vào một chiếc tàu khác, cả hai tàu đều cháy, quân Pháp phải kéo về Ninh Hải (Hải Phòng). Quân trên bộ bị nghĩa quân đánh cho tổn thất vội vã rút về Hiệp Sơn đóng lại. Đến đêm Đốc Tít đưa nghĩa quân đến đánh úp tiêu diệt đại đội Âu - Phi ở cầu Ba đến nay nhân dân vẫn còn truyền tụng về trận đánh đó(6).

Để ngăn chặn hoạt động của nghĩa quân và li khai giữa nghĩa quân với nhân dân, các công sứ Pháp ở Hải Dương là Négrier sau đó đến Morel đã mở nhiều cuộc thành quân bình định xây dựng ngụy quyền từ tỉnh, phủ, huyện đến các tổng, xã. Công sứ Auvenge cho xây dựng lại lực lượng dân binh, cho phép tòa sứ có một đội vũ trang làm chỗ dựa uy quyền cho quan chức bản xứ trong khu vực hành chính của họ. Biện pháp này cùng với biện pháp xây dựng thêm niều cứ điểm mới cho đội quân chính ngạch hoặc dân binh đã đem lại kết quả là đưa lại trật tự cho nhiều vùng trong tình. Đáng phần nàn là những biện pháp kể trên còn nhược điểm để hình thành trên toàn cục và rải ra khắp mọi nơi cần đến(7).


(1) Báo La Venier du Tonkin tháng 5/1886.
(2) Công sứ đầu tiên của Hải Dương là Aumoitte, tiếp đó là Nuyret, Morel, Auvvergne, Debisse, Adamolle, Robineau, Groleau.
(3) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
(4), (5) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(6) Vũ Thanh Sơn, Tướng lĩnh Bãi Sậy, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2001, trang 254.
(7) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:05:58 am
Mặc dù quân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân đánh phá căn cứ của nghĩa quân, phá hủy nhiều làng xóm nơi nghĩa quân đồn trú, nghĩa quân chẳng những chống càn thắng lợi mà còn liên tục tấn công địch.

- Ngày 25/6/1886 nghĩa quân từ Bãi Sậy triển khai hoạt động ở Hà Nội. Đêm 25 rạng ngày 26/6, Lãnh Giang chỉ huy nghĩa quân tấn công một đồn binh ở Cầu Đuống, cách Hà Nội 10 kilômét(1).

Ngày 9/9/1886, Lưu Kỳ chỉ huy hoảng 1100 nghĩa quân ngươi Tàu đã lọt vào một làng gần đồn Đông Triều. Nghĩa quân đã tung một tin giả dụ viên thiếu tá chỉ huy đồn điều quân đi đàn áp ở một nơi khác. Đại úy Bertnand thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chỉ huy đồn có 160 tay súng lại được sự hỗ trợ tích cực của thiếu úy Hardoem thuộc đơn vị Hải quân số 1 và toán quân của viên đội nhất Poulet, Blanchou, Ricon thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chống lại quyết liệt nên sau vài giờ chiến đấu, nghĩa quân phải rút khỏi thị trấn Đông Triều(2).

Tháng 9/1866 nhân phiên chợ gần đồn Ứng Lôi (còn gọi là poste des bambeus) thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, 50 nghĩa quân giả làm phu khuân vác, mỗi người mang một bó cúi đến đồn của Delaforge để cung cấp củi cho binh sĩ mùa đông. Bọn lính gác không ngờ đã cho anh em vào. Vào trong đồn, nghĩa binh vứt củi, rút đoản đao súng ngắn được giấu trong các bó củi chém giết, cướp vũ khí đạn dược(3).

- Ngày 27/9/1886, nghĩa quân Bãi Sậy tấn công đồn Bần Yên Nhân(4).

- Ba Báo(5) đứng đầu một đội quân có kỷ luật và được trang bị rất tốt. Báo là người tổ chức tất cả các cuộc tấn công vào những đồn binh và những đội thám báo của chúng ta. Chính Báo là người chỉ huy cuộc tấn công táo bạo vào chiếc xà lúp (chaloupe) chở thư đường sông La Raphael vào tháng 12 vừa qua. Để trả thù cho thất bại trên, quân Pháp bắt bớ, hành hình một cách man rợ hàng trăm dân thường, đốt cháy hàng chục làng xóm(6).

- Tháng 12/1886 binh đoàn Bazinéte bị nghĩa quân đánh ở Lạc Đạo, Cống Hà (tổng Đại Từ, huyện Văn Lâm); Kẻ Sặt (huyện Binh Giang) bị thiệt hại nặng nề.

Để trả thù quân Pháp đã đốt trụi các làng trên, tàn sát dân thường vì không báo cho quân Pháp biết hoạt động của nghĩa quân(7).

Năm 1886 thế và lực của nghĩa quân Bãi Sậy rất mạnh, áp đảo quân địch. Cụ bà Nguyễn Tuy, thân mẫu ông Tán tạ thế. Ông tán tổ chức đám tang rất lớn ở làng Xuân Nhân, sát làng Xuân Đào. Về đám tang này, Phạm Văn Thụ, người xã Bạch Sam, Thượng thư triều Khải Định viết như sau:

“Hết thảy tướng tá Trung và Bắc Kỳ đều về hội tang. Khắp Đông - Bắc - Hưng (Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên) các tổng xã xung quanh đều có quân đóng. Bò, gạo phúng viếng vô kể. Quân đi như nước chảy. Đêm cất đám, mỗi tướng tá cầm cây đại bạch lạp sáng rực góc trời. Lính các đồn Tây đều trông rõ, nhưng không dám bắn ra. Huyệt xây thành lăng. Trước khi cụ Tán trảy quân đi lại phá làng, mật thiên đi các nơi khác” (sợ giặc phá trộm nhà)(8).

Năm 1886 là năm thực dân Pháp thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh. thắng nhanh” sang “chiến thuật vết dầu loang” đã phải mấy lần đổi tướng Tổng chỉ huy(9). Nhận xét về tình hình an ninh Dulleman viết: “Năm 1886 tình hình an ninh đã khá hơn, chỉ còn những toán cướp lớn quấy rối vùng mỏ Chí Linh, Đông Triều. Phỉ Tàu thành viên của các toán hoạt động khủng bố khắp vùng. Sợ bị trả thù, bọn hào mục không dám cung cấp tình hình cho chúng ta nữa và họ tuyên bố thẳng là họ lại sẵn sàng giúp đỡ nếu như chúng ta bảo đảm được sự an toàn cho họ”(10)… Bonnal cũng nhận định: “trong khi đó ngày lại ngày bọn phản nghịch đều thu được thắng lợi, các quan chức và những viên thủ lĩnh chiến đấu nhằm mục đích lật đổ vị hoàng đế do nước Pháp lập nên có hại cho Hàm Nghi - một ông vua hợp pháp của họ. Ở Bắc Kỳ, lũ phản nghịch sống trong vùng đầm lậy Bãi Sậy gồm những tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Từ nơi này bọn họ có thể tổ chức và chuẩn bị cho những cuộc thâm nhập vào địa bàn những tỉnh lân cận”.



(1) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tạp chí Nghiên cứ lịch sử, số 122, 123 tháng 5,6/1999.
(2) Báo Tương lai Bắc Kỳ số 15 ra ngày 25/9/1886.
(3) Theo Mason: Souvenirs de l’AnNam et du Tonkin. Trận này xảy ra ở vùng Bãi Sậy. Còn theo A de Miribel trận này xảy ra ở đồn Ứng Lôi.
(4) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5,6/1969.
(5) Tức Tạ Quang Báo, con trai thứ ba Tạ Hiện.
(6), (7) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(8) Học Phi: Một thượng thư triều đình Huế viết về nghĩa quân Bãi Sậy. Tạp chí Phố Hiến, tháng 5/1969.
(9) Thống tướng Général Bousel de Courcy, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Trnng - Bắc Kỳ và kiêm cả chức Tổng trú sứ Trung Bắc Kỳ từ tháng 5/6/1885 đến 25/1/1886 thì bị triệu hồi về Pháp (vì phải tập trung chỉ đạo chiến tranh, phải ủy quyền Tổng trú sứ cho Đờ Săm pô (De champlaus) từ 5 tháng 6/1885 đến tháng 3/10/1885, cho Hécto (Hector) từ tháng 10/1885 đến tháng 4/1886. Tướng Vénê (Warnet) lên thay từ 27 tháng 1/1886 đến 4/71886 hắn cũng phải ủy quyền cho Hécto giữ chức Tổng trú sứ). Từ tháng 4/1886 đến tháng trung tướng Zamont lên thay chức Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Trung - Bắc Kỳ.
(10) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và chuộc chiến đấu chóng cướp bóc.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:09:15 am
CHƯƠNG III

NGHĨA QUÂN PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI
GIẶC PHÁP VÀ TRIỀU ĐÌNH ĐỒNG KHÁNH
(1/1887-12/1887)

Nghĩa quân Bãi Sậy chẳng những chỉ chiến đấu chống quân Pháp xâm lược mà còn phải chống cả triều đình Đồng Khánh nên đã phải thực hiện khẩu hiệu “Chống cả triều lẫn Tây”. Khẩu hiệu này không phải là mới mà đã được nhiều thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa lấy làm mục tiêu chiến đấu như Trần Tấn và Đặng Thai Mai, huyện Thanh Cương tỉnh Nghệ An đã khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu: “chống cả triều lẫn Tây” khi Tự Đức ký với Pháp “Hiệp ước Hoà bình và liên minh” ngày 15/3/1874.

Cũng trong tháng 3/1874 Hồ Sĩ Công ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã khởi nghĩa đánh cả quân Pháp, quân triều đình, quân Đạo Thiên chúa phản động nê có câu ca:

“Dập dìu súng bắn cờ xiêu
Phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây”

Khi đó vua Tự Đức và phe chủ hòa tức phe đầu hàng mới chỉ bán rẻ một phần đất nước cho giặc bằng các hiệp ước còn Ưng Đường được thực dân Pháp đưa lên làm vua ngày 19/9/1885 thay cho vua Hàm Nghi đặt niên hiệu là Đồng Khánh. Vừa ngồi vào ngai vàng đã viết thư cho Tổng thống Pháp. Trong thư có đoạn: “Cái ân giúp cho ấy không biết lấy báo đáp, nước tôi xin nhận quý quốc là thượng quốc, và xin tuyên bố đô thống đại thần Cơ Suy (tức De Courcy) là “Bảo hộ quận vương”, Khâm sứ đại thần Champleaux làm “bảo hộ công…”(1).

Tiếp đó trong các tháng 9, 11/1885, các tháng, 6, 7/1886, Đồng Khánh liên tiếp ra các đạo dụ cho quan lại địa phương hễ bắt được Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn cho xử chém ngay.

Đồng Khánh còn sai quân triều đình đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa. Tháng 12/1885 nhân dân phủ Nha Sơn và phủ Diễn Châu (Nghệ An) nỏi dậy đánh chiếm phủ thành, quan quân quân đều bỏ chạy. Đồng Khánh cho quân đến đàn áp thì bị nghĩa quân đánh cho tan tác, các lãnh binh, hiệp quản, suất đội của quân triều đình đều bị bắt sống. Đồng Khánh xin quân Pháp đến giúp sức giập tắt phong trào. Sau đó, Đồng Khánh cầu cứu quân Pháp đóng ở phủ Cam Lộ, huyên Minh Linh, xã An Hà, huyện Do Linh đàn áp cuộc kháng chiến ở Quảng Trị. Đồng Khánh còn ban thưởng hậu hĩ cho những kẻ bắt giết hại được các thủ lĩnh nghĩa quân.

Tháng 6/1886, Đồng Khánh hạ lệnh cấm không ai được tàng trữ cất giấu các loại vũ khí kể từ giáo mác, đao, kiếm đến súng, quy định thưởng cho người tố giác, phạt người chứa chấp. Đến tháng 11/1886, Đồng Khánh lại quy định mức thưởng đối với những người bắt được nghĩa quân đem nộp và phạt người cố tình che giấu nghĩa quân.

Sau năm 1887, vua bù nhìn Đồng Khánh công khai tiếp tay cho giặc Pháp đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân. Tháng giêng, vua bù nhìn Đồng Khánh quy định mức độ trừng phạt đối với nghĩa binh bị bắt: xử chém ngay lập tức những ai giữ chức từ suất đội trở lên; dưới suất đội đưa đi đày khổ sai từ 5 đến 10 năm và cưỡng bức lao dịch tại Đà Nẵng và các công sở.

Đối với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, bộ máy cai trị của Nam triều ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cũng được tăng cường bằng việc tháng 1/1887, Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp xin với Đồng Khánh đổi tổng đốc Phạm Văn Chuẩn là vị quan thanh liêm có cảm tình với nghĩa quân Bãi Sậy, cho Hoàng Cao Khải từ chức tuần phủ và thăng lên Tổng đốc kiêm tuần phủ ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh kiêm chức Tiễu phủ sức đặc trách đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy(2).

Đồng Khánh cũng cho phép Tổng đốc, Tuần phủ bố chính và cả tri phủ, tri huyện ở các tỉnh có nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động được tuyển mộ quân, lập đồn bốt để đánh phá các căn cứ của nghĩa quân. Mạng lưới mật vụ, chỉ điểm cũng được chúng tổ chức dày đặc để rình mò mọi hoạt động của nghĩa quân và các làng xã ủng hộ nghĩa quân.


(1) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, Sđd
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn: Quốc triều chính biên toát yếu, Quyển 6, Nhà xuất bản Đắc lập, Huế, năm 1923.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:11:18 am
Mặc dù bị giặc Pháp, quân đội Nam triều đánh phá ác liệt, nghĩa quân Bãi Sậy dưới sự chỉ huy của Bắc Kỳ hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện thuật và các tướng lĩnh đã kịp thời thay đổi chiến thuật tác chiến cho phù hợp với tình thế mới nên đã liên tục tấn công giặc.

Tháng 1/1887, Lãnh Giang về hội sư với Khoát, Ba Báo, Văn và Quý. Kết quả của sự nhất trí của họ thể hiện ngay. Lần lượt 3 chiếc xà lúp luôn bị tấn công trên sông Luộc. Một chiếc trong đó vì thủy thủ bỏ chạy nên bị cướp phá. Trong các cuộc tuần tra, pháo binh và dân binh của chúng ta vẫn thường xuyên đụng độ với những toán cướp. Lại một đồn binh suýt bị hạ. Mặt khác, lại có tin nhiều cuộc tập trung quân đang được xúc tiến trong vùng Ninh Giang, cả Tham Tán Thuật có có mặt ở Bối Giang.

Một cuộc thảo phạt được quyết định. Lực lượng chúng ta gồm có lính lê dương, lính của đại đội Châu Phi và pháo binh liền ba mặt đánh vào Bối Giang. Làng này bị chọc thủng. Chúng ta bắt được 50 tên, nhiều vũ khí. Không may cho chúng ta, Tán Thuật, Khoát và những tên thủ lĩnh khác lại chạy thoát được. Ngài thiếu tá chỉ huy trận đánh muốn đè bẹp ý chí đề kháng của dân làng bằng cách san bằng thành lũy bao quanh, song việc thực hiện rất khó khăn, ngài đánh bỏ chủ trương trên và đánh bằng lòng với chủ trương chặt một quãng hàng rào tre vậy.

Trên địa bàn khác, có tin Báo, Quý đang ở Gia Lộc, Tứ Kỳ. Cùng lúc một bộ phận của lực lượng bình định đang thảo phạt vùng Bãi Sậy tỉnh Hưng Yên, qua tỉnh Hải Dương về càn quét vùng giáp ranh tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Sự tăng gia số lượng của dân binh cho phép cắm thêm một số đồn trên một số điểm mới… Để tăng cường phương tiện hành động cho các quan chức bản xứ, Tòa sứ tổ chức cho họ một đội phòng vệ đặc biệt (gorde spéciale). Đội này gồm những nhân viên chọn lọc. Sau đó được huấn luyện trang bị súng ống. Nhờ có đội phòng viên quan thiếu năng lực bị thay thế. Một vài tên xác định là có cảm tình với bọn cướp bị đày đi Côn Đảo. Những thôn xã tin cậy được phép trang bị vũ khí. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã sử dụng thắng lợi với bọn hào mục quen nộp thuế cho địch, không chịu thuế cho ta. Sau hết là một sự trừng phạt ác liệt với những thôn xã đã để địch dùng làm sào huyệt… Tán Thuật, Lãnh Giang, Đề đốc Hiện, Tổng Kênh, Đốc Tít, Đốc Sung vẫn có mặt trong tỉnh. Đội ngũ của họ chưa xây dựng được vững mạnh bằng trước, nhưng bù lại, họ rất thiện chiến. Vì vậy mà nọ vẫn hoạt động và luôn luôn giao chiến với chúng ta. Rất nhiều lần họ còn chủ động tấn công chúng ta, tìm cách nhổ những đồn binh của chúng ta và tập kích vào lực lượng của chúng ta”(1).

Tháng 3/1887 (ngày 10/2 âm lịch) nghĩa quân tổng Đặng Xá, huyện Ân Thi nhận được tin báo ngày 10/2 âm lịch, quân Pháp từ Trương Xá (Kim Động) léo lên đánh phá ba tổng Huệ Lai, Đỗ Xá, Phủ Vệ ở bắc Ân Thi, lập tức thông tin cho nhau hình thành một trận hợp đồng tác chiến, đón đường chặn đánh bọn giặc không cho chúng đem quân lên đàn áp ba tổng phía bắc. Các đầu lĩnh nhất trí chọn “Quán Cháo” làm “điểm quyết chiến”. Nghĩa quân chia làm ba mũi do các ông Cai Con, Đặng Quang Hiệp, Ba Báo, Đào Văn Tập, Đào Đình Diện chỉ huy.

Tuy nhiên, giặc đến quá sớm, nghĩa quân chưa kịp triển khai, nhưng Cai Con và Cai Tuy vẫn mỗi người một ngựa cầm dao xông ra chém giết quân giặc. Quân giặc bàng hoàng không kịp đối phó, ba ông chém chết gần một chục tên rồi đều hy sinh.

Nghĩa quân Tạ Hiện thường phối hợp tác chiến với các cánh quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Kế, Đốc Tít, Đề Quý, Lưu Kỳ chỉ huy đánh thắng quân Pháp nhiền trận ở Hải Dương. Ông còn quan hệ chặt chẽ với nhiều người Việt, người Hoa cùng đánh Pháp. Trong một trận kịch chiến ở Bình Bắc, Phả Lại huyện Chí Linh ngày 2/2/1887, giặc Pháp bắt được Tạ Hiện và giết chết.

Trong suốt mùa xuân 1887, nghĩa quân Tạ Quang Báo phối hợp với quân Đề Quý hoạt động mạnh ở Chí Linh, Thanh Hà, Đông Triều, trên các dòng sông Kinh Thày, sông Hán, sông Con. Quân của ông đánh quân Pháp dữ đội, tập kích các đồn binh Pháp.

Ngày 15/4/1887 viên trưởng đồn Bình Bao đã đụng đội với một lực lượng nghĩa quân do viên Thủ lĩnh trứ danh Ba Báo. Qua cuộc chiến gay gắt Ba Báo đã rơi vào tay Echnsduler. “Từ ba năm nay Ba Báo là kẻ thù tích cực của chúng ta. Giàu có và có học, với sự hào phóng của mình, Ba Báo đã chiêu mộ được nhiều thuộc hạ trong vùng Đông Triều, Phả Lại và vùng hạ lưu đồng bằng.

Đứng đầu một toán quân có kỷ luật và được trang bị rất tốt, Báo là người tổ chức tất cả những cuộc tấn công vào những đội thám báo của chúng ta. Cũng chính Báo là người chỉ huy cuộc tấn công táo bạo vào chiếc xà lúp chở thư đường sông La Rafael của chúng ta từ hồi tháng 12 vừa qua. Báo có rất nhiều quan hệ với những viên thủ lĩnh người Tàu với những viên quan chức phản nghịch và đã thoát khỏi nhiều cuộc truy lùng cũng như đã làm thất bại nhiều nỗ lực của chúng ta”.

Ba Báo bị bắt ngày 15/4/1887 thì hôm sau 26/4/1887 giặc Pháp sợ ông vượt ngục nên xử bắn ngay(2).

Sau vụ bắt giữ viên thủ lĩnh Ba Báo của trung úy Eckensduler, ngày 12/5, dân binh lại truy lùng Chánh Sương một viên trung úy của Báo và bắt được ở làng Kinh Thuỷ. Sương bị bắn chết ngay (18/5/1887)(3).


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2), (3) Piglowski: viết trong cuốn Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ; “Ngày 13/4/1889 quân Pháp mua chuộc một tên tay sai bắt Báo nộp cho Trung úy Etvuer chỉ huy đồn Bình Bạch. Sau khi Ba Báo hy sinh quân của ông tấn công đồn Bình Bạch giết chết trung úy Đơ ma riêng mới về thay cho tên Etvuer đã về Pháp.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:13:34 am
Ba Báo và Chánh Sương bị giết song những tướng lĩnh dưới quyền Ba Báo vẫn tổ chức nhiều trận tấn công quân Pháp trả thù cho thủ lĩnh như:

- 9 giờ sáng ngày 17/6/1887, nghĩa quân đã tấn công xà lúp Madalay của gia đình Ulyassa Pila và công ty trên sông Luộc khoảng giữa Ninh Giang và Phù Cừ.

Chiếc xà lúp Antoinette chở thư đường sông Hà Nội - Hải Phòng đã bắt gặp chiếc Maladay sau khi Maladay bị tấn công. Chiếc xà lúp Antoinette được một đồn lính canh yểm trợ nên đã cập bến Hải Phòng vào ngày 29/6/1887(1).

- Tháng 7/1887, Đội Văn tấn công Phố Bạc (nay là thị tứ xã Bạch Sam huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên).

- Lãnh Giang mở rộng địa bàn hoạt động sang tỉnh Hải Dương. Thực dân Pháp phải thừa nhận: “Năm 1887 trong thời gian chờ đợi, công việc bình định chỉ tiến hành hững bước yếu ớt. Từ tháng giêng năm 1887, Lãnh Giang lại trở về trong tỉnh và liên kết với Khoát, Ba Báo, Văn, Quý. Kết quả của viêc này chẳng bao lâu đã rõ. Vụ nọ tiếp vụ kia, ba tàu buôn nhỏ bị tấn công trên sông Luộc. Một tàu bị bỏ lại và bị cướp”(2).

“Trong những cuộc truy lùng địch các đội lính khố đỏ và lính khố xanh của chúng ta luôn luôn xung đột với các đám giặc đương đầu với họ, có một bốt suýt nữa bị họ chiếm”(3).

Cũng trong năm 1887, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn vào tổng Trúc Động(4). Đốc Tít biết trước bày sẵn thế trận cho nghĩa quân khiêu chiến nhử dịch vào vòng vây rồi nhất loạt nổ súng. Địch chết chồng lên nhau ở cánh đồng Lan, Mai Động. Nhân dân nhặt xác cả lính Pháp - Phi lẫn ngụy chôn chung một hố gọi là mả tây cây sòi.

Tháng 7/1887, trận đánh trên sông gần chùa Hang Sơn. Quân Pháp bị chìm một ca nô, bị hỏng hai chiếc, 20 tên lính chết, 15 bị thương(5).

Tháng 8/1887, Nuyret được Thống sức Bắc Kỳ bổ nhiệm làm công sứ Hải Dương. Hắn là một tên ác ôn khét tiếng đã cùng tên trung tá Piot cai quản Hải Dương đàn áp phong trào cách mạng trong tỉnh Hải Dương(6).

Nuyret và Piot đã sử dụng lực lượng cảnh sát để đảm nhận nhiệm vụ chính đánh phá nghĩa quân. Ngoài lực lượng cảnh sát chính này, chúng còn tuyển một lực lượng dân binh trong tỉnh Hải Dương lên tới 800 tên hỗ trợ cho cảnh sát chính ngạch. Lực lượng cảnh sát hỗn hợp này được bọn cầm quyền Pháp ở Hải Dương phân bố đều khắp trong tỉnh.

(http://img88.imageshack.us/img88/4826/64982230.jpg)

Cây gạo trên đường từ làng Mậu Duyệt đến làng Ngọc Trì,
nơi các thủ lính nghĩa quân Bãi Sậy ở làng Ngọc Trì xử tội tên phản bội

Ít lâu sau, Nuyret chuyển từ các cứ điểm của lực lượng hỗn hợp cảnh sát - dân binh cho các tri phủ, tri huyện chỉ huy, riêng thành phố Hải Dương, vùng Kẻ Sặt, vùng núi Nàm Mâu đến Phả Lại (Chí Linh).

Trên địa bàn khác có tin Ba Báo và Quý đang ở Gia Lộc và Tứ Kỳ và đang bị một đạo binh gồm pháo binh và dân binh truy kích. Cùng lúc một bộ phận của lực lượng bình định đang thảo phạt vùng Bãi Sậy Hưng Yên qua tỉnh Hải Dương và càn quét vùng ranh giới Bắc Ninh - Hưng Yên. Sự gia tăng của số lượng dân binh cho phép cắm thêm một số đồn trên một số điểm mới. Nhân dân bắt đầu vững dạ tỏ ý muốn cắt đứt với bọn cướp. Ba Báo, Đề Hiện bị bắt, 11 đồng bọn ra hàng. Tòa sứ cho một đội phòng vệ đặc biệt. Quan huyện Tứ Kỳ chống trả được nghĩa quân nhờ có đội phòng vệ này. Quan huyện Thanh Hà cùng với đội phòng vệ đánh tan một toán cướp thu 20 súng.

Bị truy lùng, nghĩa quân bị chia sẻ, phân tán nhưng vẫn lẩn khuất và sẵn sàng tổ chức lại. Chúng thường vãng lai ở Cẩm Giàng, Năng Yên, Mỹ Hào, Nam Sách.


(1) Trận này Pigowski viết trong “Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ” như sau: “Chiếc xà lúp Mandalay của gia đình Ulysse Pila vào lúc 9 giờ ngày 17/6, trên sông Luộc khoảng giữa Ninh Giang và Phù Cừ. Nhiều tên cướp đã vãi đạn vào chiếc tầu. Một thủy thủ bị chết. chiếc xà lúp Antoinette chở thư đường sông Hà Nội - Hải Phòng đã bắt gặp chiếc Malayday sau khi Madalay bị tấn công. Chiếc xà lúp Antoinette đã được đồn binh đó yểm hộ và cập bến Hải Phòng vô sự (29/6).
(2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Hải Dương 12/1932.
(3) Piglowski: Viết trong cuốn Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ
(4) Tổng Trúc Động có 9 xã: Trúc Động, Mai Động, Hưu Liệt, Phúc Liệt, Quỳ Khê, Điêu Khê, Thụ Khê, Viên Khê, Đào Tú, nay là hai xã Liên Khê, Lưu Kiếm của huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
(5) Tài liệu của Mạc Trung cháu ba đời Đốc Tít, ở Kinh Môn, Hải Dương.
(6) Sơ thảo lịch sử phong trào công nhân và công đoàn thị xã Hải Dương.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Năm, 2011, 08:18:25 am
Kết quả của rất nhiều biện pháp cộng với những hoạt động không biết mệt mỏi nhằm thiết lập và buộc phải tôn trọng sự thống trị của chúng ta và đã cải thiện được tình hình vào năm 1887(1).

Một vài viên quan có cảm tình với nghĩa quân bị đày đi Côn Đảo.

Những thôn xã đáng tin cậy được vũ trang bằng vũ khí thô sơ.

Nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã sử dụng thắng lợi với bọn hào mục quen nộp thuế cho địch. Sau hết là trừng phạt ác liệt các thôn xã đã để địch làm sào huyệt(2).

Ngày 6/10/1887, nghĩa quân Lãnh Giang, Đội Văn có 300 người trang bị 120 súng bắn nhanh đã đánh nhau với 40 tên lính Aubert gần căn cứ Bãi Sậy(3).

Mặc dù đã chiếm được tỉnh Hưng Yên, nhưng quân Pháp mới chỉ làm chủ được tình thế ở một số nơi còn đại bộ phận vùng nông thôn rộng lớn vẫn do nghĩa quân kiểm soát, thu thế, chiêu mộ nghĩa quân, quyên góp lương thực. Thí dụ về thuế ruộng có nơi nhân dân góp mỗi mẫu một hộc thóc, có nơi là ba phương.

Cũng trong tháng 7/1887 tại làng Lang Khê ở ngã ba sông Thái Bình và sông Đuống quân đội của trung úy Monghiô gặp một toán quân của Đội Văn, hai bên đánh nhau.

Trong năm 1887, hoạt động của nghĩa quân Bãi Sậy rất mạnh khiến bọn xâm lược Pháp mặc dù che giấu nhiều thất bại thảm hại trong các báo cáo quân sư, chính trị, công bố một phần rất nhỏ và xuyên tác phong trào kháng chiến Bãi Sậy, nhưng vẫn phải đắng cay thừa nhận: “… Tán Thuật, Lãnh Giang theo sau là Đề đốc Hiện, tên tù vượt ngục, Tổng Kinh, Đốc Tít, Đốc Sung vẫn có mặt ở trong tỉnh. Đội ngũ của họ chưa xây dựng được vững mạnh bằng trước, song họ có vũ khí tinh xảo, rất thiện chiến: Bị vây nã liên tục, họ vẫn hoạt động và luôn luôn giao chiến với binh lính của chúng ta. Rất nhiều lần họ còn chủ động tấn công chúng ta, tìm cách nhổ những đồn binh của chúng ta (nhưng vô hiệu) và tập kích vào lực lượng của chúng ta”(4).

Trong khu sào huyệt “đảo Hai Sông”, Đốc Tít mạnh lên. Tít đã có 150 súng, một lực lượng của chúng ta khi qua vùng này đã bị tiến đánh. liên kết với những toán quân Tàu (chỉ[172] nghĩa quân Lưu Kỳ) ở Đông Triều, Tít càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Mấy tháng trước đây một cuộc thảo phạt đã được tiến hành chống Tít. Cuộc thảo phạt này do những lực lượng của đạo quân chính ngạch đảm nhiệm có sự yểm hộ của nhiều pháo hạm nhưng bị thất bại. Một cuộc thảo phạt khác do dân binh (Milites) tỉnh Hải Dương cùng với dân binh Quảng Yên cũng không đem lại kết quả tốt ngay. Từ trên một hòn núi đá Tít đích thân chỉ huy cùng với một cái loa. Trận chiến đấu khốc liệt cho tới khi quân nhu cạn kệt. Nấp trên núi cao, nghĩa quân rất lợi thế hệt như một đạo quân giỏi chác trong bọn họ có cựu pháo thủ và cựu dân binh, họ bắn rất hăng vào chỉ huy sở, 4 dân binh hy sinh, 13 bị thương, 2 vạn viên đạn bị mất. Về phía Đốc Tít, 40 bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Sự thiệt hại này khiến Đốc Tít suy yếu nghiêm trọng, có lẽ sợ một cuộc tấn công mới và cũng vì quân nhu cạn. Đốc Tít sau đó rời “đảo Hai Sông” cùng với đồng đảng của mình vào ẩn náu ở vùng Đông Triều và Lục Nam(5).

Thực dân Pháp phải thú nhận rằng phong trào chống Pháp (ở Bắc Kỳ) rất mạnh, cho đến những năm 1886-1887 chúng mới chỉ chiếm được một số điểm mà thôi. Bất lực trước phong trào kháng chiến này, chúng thường la lên rằng quan lại nhà Thanh ở Quảng Đông và Quảng Tây xúi giục và giúp đỡ nghĩa quân hoạt động. Thực tế thì chính quan lại nhà Thanh cũng xác nhận rằng họ không có vai trò gì trong hoạt động chống Pháp ở Đông Bắc Bắc Kỳ. Theo họ thì: “… Ba su (đại sứ Pháp) bảo nội loạn của dân Việt là[173] do súy phủ Lưỡng Quảng chỉ thị điều ấy rất là nhàm láo. Thực tình Việt phục Pháp hay là Việt chống Pháp đều không phải là việc của Trung Quốc”(6).

Về chiến sự năm 1887, Thực dân Pháp cũng phải thú nhận: “năm 1887, trong thời gian chờ đội công việc bình định được tiến hành từng bước yếu ớt. Từ tháng giêng năm 1887, Lãnh Giang trở về trong tỉnh và liên kết với Khoát, Ba Báo, Vân và Quý. Kết quả này chẳng bao lâu đã thấy rõ. Vụ này nối tiếp vụ kia, ba tàu buôn nhỏ bị tấn công khi qua sông Luộc. Một tàu bị bỏ lại và bị cướp. Trong cuộc truy lùng địch, các đội lính khố đỏ và lính khố xanh của chúng ta luôn xung đột với các toán nghĩa quân đương đầu với họ, có một bốt suýt bị chúng chiếm…”(7).

Về sự cộng tác lỏng lẻo của phần lớn quan lại Việt Nam với bọn Pháp, chúng đánh giá như sau: “Vấn đề Bắc Kỳ đã làm nổi dậy những cuộc tranh luận ở bên Pháp, nên biết rằng chính bản thân chúng ta cũng nghi ngờ về tính chất vững chãi của công cuộc chiếm đóng của chúng ta ở đây. Một số lớn người bản xứ hy vọng sẽ có một sự kết thúc tình hình phù hợp với mong muốn của họ. Do đó mà đến lúc bấy giờ, phần đông quan chức bản xứ hay còn có thái độ do dự, ngập ngừng. Người ta có nên lấy làm ngạc nhiên về thái độ này của họ không? Chưa rõ tình thế sẽ chuyển biến như thế nào, họ sợ sẽ tự hại mình một cách vô ích nếu đàng hoàng ra mặt cộng tác với chúng ta”(8).


(1), (2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3) Trên đây là tài liệu Minh Thành viết trong “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy”, số 122, 123 tháng 5,6/1969. Nhưng Daufès trong cuốn La Garde Ingigène de I’ldochine de sa création à nos zo zours (tomme I) Le Tonkin, Nhà xuất bản Séguin avigno năm 1933 cũng như các cố lão ở thôn Phù Sa xã Đại Tập huyện Châu Khoát kể thì trận này do Lãnh Điển chỉ huy. Vì đây là quê hương của ông, Đội Văn không hoạt động ở vùng này.
(4) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(5) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(6) Trung - Pháp chiến tranh, tư liệu, quyển VII, Bắc Kinh, 1955, Chu Thiên dịch, bản đánh máy lưu ở Thư viện Quốc gia.
(7), (8) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:31:12 am
CHƯƠNG IV

TAO NGỘ CHIẾN Ở BẦN YÊN NHÂN - LÃNH GIANG TỬ TRẬN
NHỮNG TRẬN ĐÁNH TRẢ THÙ CỦA NGHĨA QUÂN
(1/1888-12/1888)

Phát huy thắng lợi của năm 1887, bước sang năm 1888, nghĩa quân Bãi Sậy có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngay trong tháng giêng nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh lớn trong đó có trận ngày 3/1/188, Đề đốc Lưu Kỳ chỉ huy trận đánh quân Pháp ở khoảng giữa Mai Sưu - Đá Bạc giết chết viên trung úy Marron. Bên Bourgoin Melffre dẫn phu đi Lạng Sơn bị chặn đánh. Tên nhân viên đi theo bị giết chết. Quân Pháp phải thú nhận: “Đường dây Hn đi Lạng Sơn vẫn bị ngăn trở, các đội trạm thường bị bắt. Dây điện thoại ở Lạng Sơn - Thái Nguyên - Vi Loại bị cắt nhiều đoạn, trạm liên lạc bị đánh phá. Nhân viên bưu điện đi từ Đáp Cầu lên Phủ Lạng Thương đến Lạng Sơn và Lầm không thể đi đơn độc mà phải có xe quân sự đi yểm hộ”(1).

- Ngày 1/2/1888, 200 nghĩa quân đột nhập vào chợ Tổng Long(2).

Cuộc kháng chiến ở miền Trung và Bắc Việt Nam trong đó có cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã gây tác động đến cả nước Pháp, dư luận nước Pháp bàn cãi sôi nổi về vấn đề ở Trung và Bắc Kỳ. trong vòng gần một năm trời những tin tức trực tiếp hay có liên quan đến vấn đề Việt Nam đã chiếm vị trí trên trang nhất các báo Pháp như “Việc chiến tranh ở Trung và Bắc Kỳ gây ra những xáo trộng mãnh mẽ trong đời sống chính trị của nước Pháp”.

Nhiều chính khác tư sản có tên tuổi của nước Pháp đã lợi dụng vấn đề này chất vấn chính phủ Pháp, tranh giành địa vị.

Chính phủ Pháp đã nhiều lần bàn lại về chính sách cai trị nói chung và đặc biệt là sách lược quân sự của Pháp ở Việt Nam(3).

Để trấn an dư luận ở chính quốc, bộ Tư lệnh viễn chinh Pháp ở Trung và Bắc Kỳ đã quyết định mở một số trận đánh lớn vào các căn cứ của nghĩa quân ở hầu khắp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên. Nguyễn Thiện Thuật nhận được nguồn thông tin từ các chiến sỹ trinh sát và từ những quan lại yêu nước được ông cài cắm vào các cơ quan hành chính, quân sự của Thực dân Pháp và Nam triều. Để giành thế chủ động đối phó với những cuộc tấn công của quân Pháp, ông đã triệu tập các tướng lĩnh phải có mặt ở căn cứ Bãi Sậy vào chiều ngày 10/2/1888 để nhận mệnh lệnh mới.

Nhận được lệnh, Lãnh Giang cùng 15 chiến sỹ lập tức đi gấp về căn cứ Bãi Sậy.

Lãnh Giang tên thật là Nguyễn Thiện Dương, em thứ tư của Nguyễn Thiện Thuật(4). Ông là người có đức độ, võ nghệ cao cường từ hồi còn niêu thiếu. Ông cùng hai anh là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển theo giúp việc quân cho Nguyễn Thiện Thuật từ khi ông giữ chức Sơn Phòng Chánh sứ Hưng Hoá(5) kiêm tán tương quân thứ Sơn Tây. Khi Nguyễn Thiện Thuật làm tổng đốc Hải - Yên, ông cũng theo giúp việc quân chiêu tập anh hùng hào kiệt, đưa họ vào con đường chống giặc cứu nước. Ông cùng Nguyễn Thiện Kế một lòng ủng hộ Nguyễn Thiện Thuật từ quan để phản đối chỉ dụ bãi binh của vua Tự Đức về Đông Triều, Chí Linh chiêu mộ quan đánh pháp. Khi Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Long Châu (Trung Quốc), ông ở lại trong nước hô hào nhân dân bất cộng tác với giặc Pháp, giữ vững ngọn lửa yêu nước do Nguyễn Thiện Thuật nhen nhóm.

Tháng 7 năm Ất Dậu (1885), Nguyễn Thiện Thuật được tin vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Bình, đã về nước gặp Lễ bộ thượng thư Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi giao cho chủ trương chống Pháp ở Bắc Kỳ rồi lãnh trách nhiệm phục hồi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vì Đổng Quế ốm nặng, phong trào đang sa sút. Nguyễn Thiện Dương có mặt trong lễ tế cờ ở Văn chỉ Bình Dân tháng 8 năm Ất Dậu (9/1885), ông được phong là Lãnh binh. Ông được chủ tướng giao cho đóng quân ở vùng Thịu Cầu án ngữ con đường thiên lý Bắc Nam từ Bắc Ninh lên Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn. Ông còn lãnh trách nhiệm bảo vệ một trong ba con đường vận chuyển vũ khí do Đề đốc Lưu Kỳ tổ chức từ biên giới Việt - Trung về tập kết ở Thị Cầu rồi phân phối cho các lực lượng nghĩa quân.


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Phạm Văn Sơn: Việt Nam cách mạng cận sử, xuất bản ở Sài Gòn.
(3) Charles Fournia: Những sự tiếp xúc Pháp Việt ở Trung và Bắc Kỳ từ năm 1885 đến 1896, Ngô Văn Hoà giới thiệu trong mục “Đọc sách”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số tháng 4/1984.
(4) Nguyễn Thiệt Thuật (1844-1926); Nguyễn Thiện Kế (1849-1937); Nguyễn Thiện Hiển (?-1882); Nguyễn Thiện Dương (?-1888).
(5) Tỉnh Hưng Hoá gồm các huyện liên hữu ngạn sông Hồng của tỉnh Phú Thọ ngày nay, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai, tỉnh Sơn La, tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên ngày nay.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:34:04 am
Tuy đóng quân ở Thị Cầu, song phạm vi hoạt động của Lãnh Giang rất rộng bao gồm hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên.

Về tài thao lược của Lãnh Giang kẻ thù cũng phải thừa nhận: “Tán Thuật có hai tướng giúp việc là anh em của ông là Lãnh Giang và Hai kế. Hai người này thực sự là những chỉ huy có tài đã khiến cho cuộc nổi dậy này phải khó khăn và lâu dài mới đàn áp nổi”(1).

Ngày 9/2/1888, nhận được lệnh của chủ soái, Lãnh Giang cùng với 15 chiến sĩ lập tức đi gấp về căn cứ Bãi Sậy. Trời sẩm tối, ông về nghỉ trong ngôi chùa Bần Yên Nhân. Bất chợt toán tuần tiễu Pháp do Filippe chỉ huy đồn Ghênh từ Kẻ Sặt về qua Bần Yên Nhân phát hiện ra toán của Lãnh Giang đang đóng trong một ngôi chùa liền bao vây. Bọn Pháp nấp sau những cái mả người Trung Quốc cao tới 1 mét, rộng 2-3 mét ở xung quanh chùa bắn vào trong chùa. Nghĩa quân bắn trả kịch liệt. Mấy tên lính Pháp đi đầu bị trúng đạn chết ngay, trận chiến đấu kéo dài đến 30 phút. Quân Pháp đang lúng túng thì tình cờ gặp hai toán quân do tên quản Soler và tên quản Sumaran chỉ huy đi qua liền tới vây chặt ngôi chùa tấn công liên tục. Lãng Giang chỉ huy quân sĩ nhiều lần đánh bật quân Pháp ra xa ngôi chùa, nhưng bọn chúng đông, nhiều súng đạn vẫn không ngừng tấn công. Không may Lãnh Giang trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân mở đường máu đưa xác ông vào trong làng, được nhân dân giấu trong đống rơm, quân Pháp không tìm ra. Khi quân Pháp rút, nghĩa quân đưa xác ông về Bãi Sậy(2).

(http://img848.imageshack.us/img848/7022/99861749.jpg)

Đồn Bần Yên Nhân nơi diễn ra nhiều trận đánh
của nghĩa quân với quân Pháp

Tại đại bản doanh ở căn cứ Bãi Xậy lúc vừa họp được một lúc thì quân canh cửa vào bẩm có một toán nghĩa quân khiêng một cái cáng đi vào. Nguyễn Thiện Thuật nhìn thấy viên tùy tướng vẫn đi theo bảo vệ Lãnh Giang đã đoán ra có việc không lánh đối với em mình. Tuy vậy ông vẫn nén lòng nghe viên tuy tướng bẩm báo. Đoạn ông bước đến bên cáng, mở chiếc chiếu ra nhận ra đó là Lãnh Giang, ông hét lên một tiếng “Lãnh Giang” rồi ngất đi. Các tướng sĩ vội vực ông vào phục thuốc. Cái chết đột ngột của Lãnh Giang là một thiệt thòi lớn chẳng những cho gia đình ông mà cho cả cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Tang lễ Lãnh Giang được cử hành trọng thể tại căn cứ, có đông đủ các tướng lĩnh, nghĩa quân, nhân dân đến để tang. Lửa đốt suốt đêm, sáng rực cả một vùng. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải ở các đồn xung quanh biết nhưng không dám đem quân đến đánh. Mộ ông đắp to trên một khu đất cao tại căn cứ(3).

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của chủ thướng Nguyễn Thiện Thuật trong cuộc họp ngày 9/2/1888, các thủ lĩnh nghĩa quân vừa xây dựng lực lượng vừa tấn công liên tục vào hàng loạt đồn bốt của lính lê dương, lính khố đỏ, lính khố xanh, dân binh và chặn đánh những toán quân tuần tiễu và đi càn quét ở khắp nơi.


(1) A de Miribel: La Province de Hưng Yên. Sđd.
(2) “Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay” cuốn 1: “Lịch sử quân sự xứ Đông Dương” viết: “Mùa xuân năm Kỷ Mùi (9/2/1889) một toán quân Pháp bị Lãnh Giang chỉ huy 300 quân vây đánh ở Bần Yên Nhân xung quanh đồn Đoàn Thượng 3 giờ liền, sau nhờ hai toán quân Pháp đến cứu…”. Bài “dòng họ Nguyễn Trãi - Nguyễn Thiện Thuật trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” của phó giáo sư, phó tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh đăng trên Tạp chí Quân sự số 1-1991: “Tháng 2/1889 trong một trận kịch chiến với quân Pháp tại Yên Phú, Mỹ Hào (Hải Dương) Nguyễn Thiện Dương hy sinh anh dũng” là chưa đúng - Miribel viết trong quyển Notice được Trịnh Như Tấu trích trong Hưng Yên địa chí về trận đánh này như sau: “… Em Tán Thuật là Lãnh Giang tử trận ở xã Yên Nhân. Viên độ Filippe cùng 15 lính khố đỏ ở Kẻ Sặt đi lại, vừa ra khỏi làng Yên Nhân thì gặp toán quân Lãnh Giang đóng ở chùa, đổ ra đánh. Viên đội Filippe vì ít người, thế yếu phải nấp sau những cái mộ cao vài thước tây để chống lại với quân địch, cho đến khi các viên quan khố xanh Silor và Samaran nghe tiếng súng đem binh lại cứu viện. Chính trong trận này Lãnh Giang tử trận.
(3) Sau lại thiên đi nơi khác, về sau con cháu đưa về táng tại khu Mả Quan xã Xuân Dục.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:41:16 am
Ngay đêm 9/2, Tuần Văn, Đề Tính, đưa quân tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân, tiêu diệt 20 tên lính pháp, lính khố đỏ song hai tên Filippe và Soler sợ hãi trốn thoát.

- Đầu tháng 3/1888, 200 nghĩa quân giáo chiến với quân Pháp cách Hưng Yên 2 kilômét(1).

- Đêm 25/3/1888, một thủ lĩnh nghĩa quân đưa một toán quân tấn công tiêu diệt hoàn toàn đồn Bình Phú(2).

- Trong tháng 3 có 500 nghĩa quân hoạt động ở vùng sông Cà Lồ(3).

- Giữa tháng 3/1888 một đội quân do Đề Cọp chỉ huy tao ngộ chiến dữ dội với quân Pháp ở Đồng Nhu, Vũ Xá, bắn trọng thương hai sĩ quan Pháp là Leglle và Chuibert, giết chết nhiều tên(4).

Nghĩa quân do Đốc Tít chỉ huy hoạt động ráo riết tiêu hao nhiều sinh lực của quân Pháp, khiến cho bọn xâm lược Pháp vô cùng lo lắng, báo chí Pháp nổ ra cuộc tranh luận: “Chính người Pháp cũng tự nghi ngờ về tính chất vững chắc của cuộc chiếm đóng. Những quan chức người bản xứ còn do dự, ngập ngừng họ chưa biết rồi tình thế lại chuyển biến như thế nào. Họ tự hại mình một cách vô ích”(5).

Trong một tờ báo Ponlanhvian viết: “Đốc Tít ngày càng trở nên nguy hiểm, mấy tháng trước thiếu tướng De Négrier đưa quân đến hỏi tội đã bị y làm lỡ kế hoạch, môt cuộc tiễu phạt mới được tổ chức kết quả cũng chẳng được tốt lành”(6).

Chính Ponlanhvian phải thừa nhận: “Bình lính Pháp rất hoang mang cứ mỗi lần phải đi đánh Trại Sơn và thực tế binh lính coi Trại Sơn là tử địa”(7).

Trong trận Hoàng Vân do Đốc Sung chỉ huy, Đội Song, Phó Hữu dực phụ trách miền tây - nam Khoái Châu và Nguyễn Công Khuyến, quê ở Trà Bồ huyện Phù Cừ chỉ huy giết chết sĩ quan Pháp Escot(8).

Tháng 4/1888, nghĩa quân Văn Giang do Tuần Văn, Lãnh Sính chỉ huy kéo tới tấn công cả ba đồn Bình Phú, Lực Điền, Thung Linh (Yên Mỹ, Hưng Yên) trong một trận đánh. Ba đồn này do lính Hoàng Cao Khải đóng được trang bị bằng súng nhãn 1842.

Tại đồn Bình Phú, tổng Khoá Nhu, huyện Yên Mỹ, 20 nghĩa quân giả làm culi, giấu súng trong người rồi kéo vào đồn làm việc. Bắt thình lình nghĩa quân xông vào, cướp súng của lính coi phu, 2 tên lính chống cự lại bị biết chết. Nghĩa quân cướp ít nhất là 9 súng nhãn 1842 và nổi lửa đốt cháy đồn.

Quân lính đang đóng ở đồn Lực Điền, tổng Tử Dương và quân Thung Linh tổng Khoá Nhu đến cứu viện đã bị nghĩa quân chặn đánh ở phủ Khoái giết thêm 3 tên lính cơ, 3 tên bị thương và thu thêm một số súng(9).

Sau trận này quân Pháp phải kiến nghị tăng cường số lính mỗi đồn lên 50-60 tên. Giá những dân binh quá rẻ, người ta có thể tăng số dân inh mà chẳng khặp khó khăn gì(10).

Những trận tấn công quyết liệt đó làm cho quân Pháp phải co lại cố thủ trong các đồn bốt. Phải cố gắng lắm, bằng nhiều biện pháp đưa quân ở Quảng yên về quân Pháp mới mở được cuộc tấn công vào Thuỷ Động - một hang lớn của nghĩa quân Đốc Tít trong căn cứ Trại Sơn, song cũng không thu được kết quả mà còn bị thiệt hại lớn.

Để đối phó với những hoạt động tích cực và có hiệu quả của nghĩa quân Bãi Sậy, công sứ Hải Dương Nuyret, trung tá Piot chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương đã thành lập hai đội khinh binh, một đội do cấc chiến binh của các đồn binh tỉnh đảm nhiệm, còn một đội gồm dân binh thường trực đảm nhiệm. Piot cũng trang bị thêm vũ khí mới nhất mới đưa từ Pháp sang cho hai đội quân này.

Trong hai tháng 3 và 4/1888, các đội khinh binh này đã phối hợp với quân Pháp và quân Nam triều do Hoàng Cao Khải chỉ huy ở các tỉnh hưng yên, Hải Dương, Bắc Ninh liên tục tấn công nghĩa quân trên tất cả các hướng. Nghĩa quân chiến thắng một số trận, tiêu hao nhiều sinh lực địch, nhưng vụ lúa chiêm 1888 mất mùa nặng, nhân dân thiếu ăn nên cung cấp cho nghĩa quân cũng không được đầy đủ như trước. Nghĩa quân lại phải đối phó với địch, súng đạn tiêu hao, lực lượng bị thiệt hại nặng nề, riêng trong mùa xuân 1888 đã có 37 thủ lĩnh từ đề đốc, đến suất đội bị giặc giết, Đốc Vinh và em của Đốc Long bị giặc bắt, một số cùng đường phải ra hàng. Nhiều làng kháng chiến bị tàn phá, triệt hạ, bọn quan lại lập được lý trưởng, hội đồng kỳ mục là những kẻ thân Pháp ở nhiều xã.


(1), (2), (4) Phạm Văn Sơn, Việt Nam cách mạng cận sử, xuất bản ở Sài Gòn.
(3) Trước đây là các huyện Kim Anh, Đa Phúc, Bình Xuyên, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc Đa Phúc, Kim Anh hợp lại thành Sóc Sơn, Hà Nội; Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên.
(5), (6), (7) Dulleman : Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(8) Phạm Văn Sơn, Việt Nam cách mạng cận sử, xuất bản ở Sài Gòn.
(9), (10) Báo Tin tức Hải Phòng số 156 ngày thứ năm 5/4/1888.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:45:37 am
Như vậy, Hải Dương đi đầu trong việc “vũ trang hóa” bộ máy hành chính của Nam triều để thực hiện chủ trương thâm độc của bọn thống trị Pháp là “dùng người Việt đánh người Việt”.

(http://img808.imageshack.us/img808/9858/15804955.jpg)

Thanh gươm bằng gỗ của Lãnh binh Lê Thảo, Đốc binh Lê Muỗi
dùng cho quân sĩ luyện tập

Tổ chức quân sự mới của quân Pháp đã gây cho nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động ở Hải Dương lúng túng, vì không thể tập hợp được những đội quân đông đảo để mở những trận đánh lớn vì bị quân lính đóng ở khắp nơi phát hiện sự vận động của nghĩa quân. Có nhiều toán quân vừa mới di chuyển tới địa điểm mới đã bị quân lính kéo tới bao vây.

Nguyễn Thiện Thuật phải đối phó bằng cách phân tán lực lượng nghĩa quân nhở hơn nữa, thực hiện chiến tranh du kích bằng cách liên tục tấn công những vị trí địch đóng trong vùng, chặn đánh các toán quân tuần tiễu khiến chúng sợ hãi không dám đi vào vùng nghĩa quân hoạt động. Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Bắc Ninh, sau đó ông trở về huyện Mỹ Hào. Nhân dân Mỹ hào, quê hương ông vẫn trung thành với ông, nhiều người hăng hái gia nhập nghĩa quân, nên chỉ trong 2-3 tháng ông lại phục hồi được lực lượng(1).

Các lực lượng nghĩa quân ở Bãi Sậy, nam Bắc Ninh, bắc hải Dương, Trại Sơn, Lục Ngạn… cũng được phục hồi và tổ chức một số trận như:

- Một toán nghĩa quân do Tuần Văn và Lộng chỉ huy đánh nhau với dân binh ở làng Tống Xá, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

- Từ đầu năm 1888 có 37 thủ lĩnh lớn nhỏ bị giết, bị bắt, một số ra hàng. Tuy nhiên sự yên ổn không kéo dài được mấy. Mùa màng xấu, đói trong vùng giáp ranh Bắc Ninh - Hải Dương. Tán Thuật xuất hiện để mộ thêm quân.

Bị quân Pháp khủng bố ở Bắc Nhinh, Tán Thuật lại trở về Mỹ Hào, ông mộ được 800 quân, một nửa số quân được trang bị súng bắn nhanh.

Đề Quý, Đốc Lăng phải lui về Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng và cũng chỉ trong một thời gian ngắn đã bổ sung được quân số, trang bị thêm vũ khí. Các thủ lĩnh khác cũng được bổ sung quân số, vũ khí, lương thực.

(http://img821.imageshack.us/img821/4575/98048492.jpg)

Chùa Dâu - nơi nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động

Nguồn vũ khí bổ sung cho nghĩa quân chủ yếu do Lưu Kỳ mua từ biên giới Việt - Trung về và do nghĩa quân dựa vào mẫu súng của Pháp chế tạo, một nửa quân số được trang bị súng bắn nhanh phần lớn theo kiểu 1874(2).

- Ngày 25/6/1888, nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy từ căn cứ Bãi Sậy triển khai ra hoạt động ở Hà Nội(3).

- Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 6 năm 1888 nghĩa quân tấn công lính Pháp ở Cầu Đuống(4).

- Sang tháng 7/1888, nghĩa quân Bãi Sậy phát triển rộng ra khắp vùng nam Bắc Ninh, (Thuận Thành, Lang Tài, Gia Nghĩa, Văn Giang, Gia lâm), vùng giáp ranh Bắc Ninh - Hải Dương, Hưng Yên và phát triển mạnh ở Tiên Du(5).


(1) Theo Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Theo Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 122, 123 tháng 5, 6/1969.
(4), (5) Daufès Bảo an binh từ ngày thành lập đến nay (cuốn 1, xuất bản ở Paris, 1933).


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:51:10 am
Để ngăn chặn các hoạt động của nghĩa quân ở vùng này quân Pháp đóng đồn Ghênh, Gia Lâm, Lang Tài, Đống Mối(1), đồn Đại Lộ…

Song quân Pháp cũng không ngăn chặn được cuộc tấn công của nghĩa quân liên tiếp nổ ra. Trong hai tháng 7 và 8. Các báo cáo, ghi chép của một số tướng lĩnh, si quan Pháp từng tham gia các trận đánh trên đã phản ánh một phần cuộc chiến đấu đó:

- Ngày 8/7/1888, 600 nghĩa quân trang bị 300 súng bắn nhanh, mặc quần áo lính khố xanh do 3 “sĩ quan Pháp” chỉ huy xuất phát từ căn cứ Bãi Sậy vượt qua Sông Hồng tấn công vào một đồn lính ở huyện Thanh Trì (Hà Đông). Chỉ có một số lính dám chống lại, còn phần lớn chạy trốn. Nghĩa quân nhờ dêm tối và sự giúp đỡ của nhân dân rút lui an toàn(2).

- Ngày 10/7/1888, một toán nghĩa quân người Tàu đã tấn công đồn binh Đông Triều. Toán này cũng từ An Châu kéo đến(3).

- Ngày 16/7/1888 nghĩa quân đã nổ súng vào một pháo đài Pháp ở tả ngạn sông hồng ở Hà Nội(4).

- Hạ tuần tháng 7/1888, nghĩa quân Bãi Sậy có 500 người, trang bị 200 súng bắn nhanh đã phá tan một cuộc càn quét lớn của quân Pháp do trung úy Tissandier Sanbèrede ở Lang Tài gần Bắc Ninh(5).

- Ngày 21/7/1888, toán quân của thủ lĩnh Đội Văn có 100 người, 20 tay súng bắn nhanh đã xông ra cướp một trạm ở chỗ sông Đuống cắt ngang con đường từ Hải Dương đi Bắc Ninh(6).

- Ngày 22/7/1888 công sứ Bắc Ninh được tin báo ngay trong vùng lân cận có nghĩa quân, trung úy Tisandier và trung úy Lambarede cùng với 30 lính khố đỏ thuộc tiểu đoàn Bắc Ninh và 40 lính khố xanh lập tức được lệnh đưa lính đi thám sát vùng này. Ngày 23/7/1888, nghĩa quân bãi Sậy có 500 người, trang bị 200 súng bắn nhanh đang tiến về Quảng Bố, Lang Tài (Bắc Ninh) thì gặp toán quân của trung úy Tisandier và Lamberede. Hai bên xông lại giáp chiến. Trận đánh diễn ra ác liệt trên địa hình trống trải. Trung úy Lambrede bị giết chết cùng với một trung sĩ, 4 lính khố đỏ, khố xanh, hai bị thương, bị bắt 5 lính, nhưng được thả ngay(7).

Tháng 7/1888, đê Văn Giang, đê sông Cửu Yên, (Khoái Châu) với nhân dân Hưng Yên bị khốn khổ vì ngập lụt. Các đồn binh Pháp cũng khốn đốn. Nghĩa quân liên tục tấn công quân Pháp(8).

- Ngày 24/7/1888, nghĩa quân hoạt động mạnh ở Tiên Du, cách thị xã Bắc Ninh 5 km(10)..

- Các đêm 24-25 và 30/7/1888, nghĩa quân lại tấn công nhiều vị trí của quân Pháp ở Cầu Dương và khu vực từ Hải Dương đi Bắc Ninh(11).

- Tháng 8 năm Mậu Tý (9/1888), nghĩa quân Đốc Tít hoạt động phục kích đánh tan đạo quân lớn do đích thân Hoàng Cao Khải chỉ huy diệt gần 100 lính khố xanh, Hoàng Cao Khải nhờ các đồn địch gần đó đến cứu mới thoát chết.

Mấy ngày sau quân Pháp càn quét, tàn phá 238 làng ở phủ Kinh Môn(12).

- Ngày 16/8/1888, quân Pháp đem một lực lượng lớn gồm lính Pháp, lính khố xanh, dân binh có hạm tàu gắn đại bác, cbi, pháo binh yểm trợ tấn công vào Trại Sơn. Thấy lực lượng quân Pháp mạnh, Đốc Tít chỉ giao chiến mấy trận rồi rút về Đông Triều, Lục Ngạn để bảo toàn lực lượng. Trên đường rút lui, nghĩa quân chạm trán với quân Pháp, một cuộc giao chiến ác liệt xảy ra, nhưng Đốc Tít vẫn đánh tan quân Pháp rút về căn cứ mới(9).


(1) Đống Mối theo truyền thuyết ở Văn Lâm, Thuận Thành thì vào thời Lý, Hoàng hậu ỷ Lan xây 72 chùa. chùa Hương Lãng là chùa cuối cùng. Bà định xây chùa 73 trên đất Thuận Thành. Chùa do các tiên xây chỉ làm trong một đêm. Khi các nàng tiên đem gỗ đến vùng giáp ranh Văn Lâm - Thuận Thành ngày nay thì con yêu tinh sợ dựng chùa lên cuộc sống của nó sẽ nguy khốn, liền giả tiếng gà gáy sáng. Các nàng tiên vội vã bỏ gỗ bay về trời, gỗ đó của nhà vua nên không ai dám lấy để mối xông lên gọi là Đống Mối ở làng Nghĩa thuộc nay thuộc xã Chỉ Đạo lại có Cầu Gáy là nơi gà gáy ở xã Đông Mai, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
(2) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 122, 123 tháng 5, 6/1969.
(2) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(4) Trần Văn Giàu: Lịch sử 80 năm chống Pháp.
(5) Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí. Nhà in Ngô Tử Hạ, xuất bản năm 1936.
(6) Daufès: Bảo an binh từ ngày thành lập đến nay, Paris xuất bản năm 1933.
(7) Tập thể sĩ quan Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến 1/1922 Ideo, Hà Nội - Daufès: Bảo an binh từ ngày thành lập đến nay, Paris, 1933
Theo Trần Văn Giàu trong “Chống xâm lăng” quyển III, tập “Phong trào Cần Vương” NXB Xây dựng, 1957 và Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội thì trận đánh này xảy ra ở Quan Độ, phủ Từ Sơn, nay thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn: Theo Đại Nam nhất thống chí. Sđd
(9) Trần Văn Giàu: Lịch sử 80 năm chống Pháp, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957
(10) Nguyễn Văn Khánh: Dòng họ Nguyễn Thiện Thuật trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Tạp chí Lịch sử quân sự số 1/1999.
(11) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, Sđd.
(12) Mạc Hữu Hoạ: Một số tư liệu về nghĩa quân Đốc Tít, Kỷ yếu: Đất và người Thuỷ Nguyên, UBND huyện Thuỷ Nguyên xuất bản tháng 6/1992.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:53:25 am
Ngày 23/8/1888, Đội Văn đánh trận ở Lang Tài, Bắc Ninh diệt 30 lính khố đỏ, 40 lính tập, tên trung úy Lambarede bị chết tại trận.

Tháng 8/1888 Pareau đã kết tôi 3 ngụy binh là đội Nguyễn Văn Quyên, bếp Nguyễn Văn Khắc và lính Nguyễn Văn Thung đem giao cho Nam triều xử đầy chung thân ra Công Đảo và tịch thu gia sản của họ vì họ phạm tội lấy vũ khí bán cho nghĩa quân với giá 600 quan tiều. Pareau còn phải công nhận: “Sự kiện” trên rất quan trong và đòi hỏi phải có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhất để ngăn ngừa sự tái diễn.

Các hoạt động ủa nghĩa quân ở ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh trở nên mạnh mẽ đánh thắng nhiều trận, diệt nhiều đồn bốt địch làm chủ nhiều vùng rộng lớn, dân cư đông đúc. Tình hình sấu cho quân Pháp đến nỗi tháng 6/12888, Nuyret được bổ nhiệm làm công sứ Hải Dương từ tháng 8/1887, hắn là tên tàn ác khét tiếng trong việc đánh phá nghĩa quân và tàn sát nhân dân. Sau 10 tháng nhiệm chức đã phải báo cáo lên toàn quyền Đông Dương: “Tôi về nhậm chức ở Hải Dương là một tỉnh rối loạn cực độ”.

Tháng 8/1888, Pareau, quyền Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ sau khi thảo luận với các quan chức cao cấp khác và chính quyền Nam Triều đã ra thông tri cấp phát không phải trả tiền cho bất cứ ai đến xin canh tác.

Bằng biện pháp trên, Pareau muốn ngăn cản nhân dân ta tham gia nghĩa quân và lôi kéo nghĩa quân mau chóng rời bỏ hàng ngũ chiến đấu trở về quê hương. Hắn cũng kêu gọi nhân dân cộng tác với Pháp tiêu diệt nghĩa quân để mọi người được “an cư lạc nghiệp”. Pareau còn nêu lên những biện pháp mị dân nữa như giảm bớt phu phen, tạp dịch, phụ thu, làm bổ, cho nhân dân có quyền khiếu nại về sự lộng hành của bọn tay sai, v.v.

Nhưng mặt khác chính hắn lại thi hành một loạt hình phạt tàn khốc như xử tử hình, bắt đi đày từ 10 đến 20 năm những nghĩa quân bị chúng bắt, kể cả tổng lý, kỳ hào ủng hộ nghĩa quân. Đối với những làng từng là nơi trú quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân, nếu chúng không triệt hạ thì cũng bắt nộp tiền phạt.

Nghĩa quân đang lâm vào tình thế nguy khốn thì cuối tháng 10/1888 tin vua hàm Nghi bị tên phản bội Trương Quang Ngọc dẫn hơn 100 tên cận vệ người Mường bao vây ở khe Tá Bào - nơi vua Hàm Nghi ở để bắt vua Hàm Nghi nộp cho giặc Pháp, tàn sát các quan và quân sĩ bảo vệ vua truyền đến Bãi Sậy khiến một số tướng lĩnh và nghĩa quân hoang mang mất tin tưởng, một số bỏ đi nơi khác…

Vua Hàm Nghi ra sơn phòng, Quảng Trị thì thực dân Pháp chỉ đạo cho triều đình Huế cử Hoàng Kế Viêm ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi và các quan cựu thần về hàng. Việc du hàng thất bại, thực dân Pháp đã phế truất vua Hàm Nghi, người thay thế vua là hoàng tử Chánh Mông 22 tuổi, là anh trai vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi lên ngôi hiệu là Đồng Khánh.

Đồng Khánh là vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của chính phủ Pháp. Đồng Khánh phá lệ xưa cho phép quan lại Pháp đi vào đại nội bằng cửa giữa Ngọ Môn. Đây là điều cấm kỵ của triều Nguyễn, chỉ có vua mới được đi cửa này. Đồng Khánh trở thành tay sai đắc lực của thực dân Pháp.

Đồng Khánh còn ca ngợi giặc Pháp, lên án vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn… Tháng 7/1886, Đồng Khánh còn tự tay viết một Đạo dụ lên án Tôn Thất Thuyết và trọng thưởng cho kẻ nào bắt được vua Hàm Nghi. Đồng Khánh cung sai Nguyễn Thân, Phan Liêm đi đàn áp nghĩa hội Quảng Nam, cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Lê Ninh và nhiều cuộc khởi nghĩa khác.

Đồng Khánh thực hiện mệnh lệnh của thực dân Pháp phong cho Hoàng Cao Khải chức Khâm sai đại thần, kinh lược sứ để đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Dùng vũ lực không được, Hoàng Cao Khải mượn danh Đồng Khánh viết thư dụ hàng. Thư đại ý: “Khải đại diện cho hai chính phủ Pháp và Nam triều khuyên ông Thuật nên đem tướng sĩ ra hàng để nhân dân được yên ổn làm ăn và hứa đề nghị với hai chính phủ khôi phục lại chức vụ cũ cho ông”.

Nguyễn Thiện Thuật viết thư trả lời: “Tôi không thể tuân theo lời khuyên của Khái hứa dành cho và quyết chí theo đuổi mục đích tới cùng”.

Ông nhờ Khải gửi mấy chữ về Kinh: “Bất khẳng thụ chỉ” (không tuân lệnh vua) và tờ thư dụ hàng của triều đình kèm theo thư trả lời Khải.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 06:58:04 am
Không thuyết phục được ông, giặc Pháp và Hoàng Cao Khải đã trả thù một cách hèn hạ: “đơn hẹn ra hàng của tham tán Thuật không được Thuật thực hiện, mặc dù có sự phúc đáp ưng thuận của ngài tổng trú sứ(1) người ta xứ trí bằng cách hành hình hai người cháu của Tán Thuật bị bắt giam tại nhà lao ngày 2/9/1888 ngày hết hạn của tổng trú sứ”(2).

Ngày 11 và 12/9/1888 nghĩa quân Đốc Tít tấn công đồn Uông Bí(3).

Trong đêm 11 rạng ngày 2/9/1888, vào khoảng nửa đêm một toán nghĩa quân khoảng 70 người dưới sự chỉ huy của Đốc Tít đã đánh vào đồn Huy Bố. Đồn binh này nằm trên đắt Hải Dương song do vệ binh dân sự tỉnh Quảng Yên chiếm đóng.

Trận đánh này chỉ rõ tính táo bạo hiếm có của Đốc Tít đã bị thất bại nhờ khả năng và sự chỉ huy khéo léo của viên chỉ huy đồn - viên vệ binh chính Laraot và sự hiện diện của một toán hộ tống cặp đội người Âu và pháo thủ đi hộ tống một sĩ quan và 2 sĩ quan pháo binh. Nghĩa quân đén bằng thuyền vào 10 giờ đêm thì tập hợp trong một đồn binh cách đồn 300 m. Nửa đêm trinh sát của nghĩa quân xả súng bắn vào lính gác. Súng nổ giòn giã và những sự bố trí, sắp đặt đã đâu vào đấy: một viên hạ sĩ quan được phân công giữ một trong những điểm chính diện của cuộc tấn công. Trung úy Bourgeois và những người Âu thì ở lại trong trung tâm đồn. Súng nổ 45 phút thì nghĩa quân xung phong. Lần thứ nhất bị đẩy lùi, hai đợt xung phong khác cũng không đat hiệu quả.

Đêm tối như mực, viên trưởng đồn chờ đến sáng sẽ truy kích, song nghĩa quân đã mất hút không để lại một vết tích, về phía quân Pháp có một viên cai bị bắn chết do bốn viên đạn trúng sọ.

Trung úy Bourgeois đã trao lại quyền chỉ huy cho Ianelot vì được thăng trật lên loại cao(4).

- Ngày 31-9/1888, Đôi Văn tấn công đội quân của trung úy Môngghiô tại lang Khê ngã ba sông Thái Bình và sông Đuống giết chết Môngghiô và 3 tên lính Pháp(5).

- Ngày 15/10/1888, một cuộc chiến đấu nữa diễn ra tại vùng Đông Triều do Đốc Tít và Tuần Văn chỉ huy với quân Pháp do trung tá Piot cai quản vùng Hải Dương chỉ huy(6).

Ngày 4/10/1888, Lưu Kỳ tấn công Lạc Đạo. Các đạo quân Pháp do trung tá Servière, Pretel Dengne đi càn quét vùng núi Lục Nam và phía đông vùng Lầm nhằm đẩy Lưu Kỳ ra khỏi vùng ruộng đất phì nhiêu. Nghĩa quân phản công mãnh liệt đánh cho quân Pháp đại bại(7).

- Tháng 10/1888, trọng trận chống quân Pháp càn vào Trúc Động, huyện Thuỷ Nguyên, Đốc Tít chỉ huy nghĩa quân tấn công giết tại trận trên 100 lính Pháp, xác chết của chúng chồng đống ở cánh đồng Lan xã Mai Động(8).

- Ngày 3/11/1888, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến công Biển Động. Nghĩa quân Lưu Kỳ còn hoạt động mạnh ở Mai Sưu, Đá Bạc, Lầm, An Châu, Biển Động.

Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ, Toàn quyền Đông Dương phải ra nghị định thành lập đạo Lục Nam.

Hoàng Cao Khải đem quân đánh Lưu Kỳ không được phải rút lui.

A Marde có 150 quân do các viên quản Morpayrat, Fèrrien Arlhac, Marsal chỉ huy tiến đánh Lưu Kỳ. Trong trận ở Bãi Táo, Arlhac bị thương nặng.

Quân Pháp bị nghĩa quân tấn công liên tục đã cố gắng một số trận vào căn cứ lớn của nghĩa quân và tìm diệt các thủ lĩnh của nghĩa quân. Một trong những trận đánh đó là ngày 3/11/1888, M.Ferre quan chưởng ấn (Chanceller) đồn trưởng phủ Thuận Thành được Chánh tổng Hoà Bình báo tin Đốc Thiêm vừa mới đem gia đình đến một nhà ở làng Khúc Lộng, huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Đốc Thiêm chắc chắn còn ở lại đấy. Trong một xóm làng còn có một thủ lĩnh là Quản Ho rất có nhiều khả năng tóm được. Ferre khởi hành vào 8 giờ tối với 70 dân binh và một viên vệ binh chính Loyer. Sau một cuộc hành quân rất vất vả qua những cánh đồng lut lội, toán quân nhỏ đến Khúc Lộng không một ai hay biết. Nhưng ngôi nhà của Đốc Thiêm, Quản Ho bị bao vây kín. Chúng xông vào và viên vệ binh chính đã bắt gọn được cả gia đình Đốc Thiêm: mẹ, vợ, con gái và những người phục vụ. Chúng phát hiện được nhiều súng đạn nặng. Còn nghĩa quân chắc chắn không có ai trong làng.

Trong cả làng không có một bóng người, riêng ngôi nhà Đốc Thiêm có 2 người làm nhiệm vụ bảo vệ.

Sự ra vào trong làng thuộc vùng này rất khó khăn. Để mọi sự kiểm soát trở thành vô hiệu, nhân dân đã phá một cách cố ý tất cả đường sá hoặc những con đê nhỏ(9).


(1) Berger, quyền Tổng trú sứ ngày 17/11/1887 đến 25/6/1888; Pareau quyền Tổng trú sứ từ 25/6/1888; Rheinart tổng trú sứ từ 23/6/1888 đến 5/1889.
(2) Báo Tương lai Bắc Kỳ ra ngày 8/9/1888.
(3) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
(4), (5), (6) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd,
(7) Báo l’Avenier du Tonkin ngày 8/10/1888.
(8) Theo Mạc Hữu Hoạ tài liệu đã dẫn và tác giả nghiên cứu tại xã An Sơn, nhưng theo Mạc Trung, (dòng họ Đốc Tít) thì quân Pháp chết gần 200 tên.
(9) Báo Tương lai Bắc Kỳ số 126 ngày 10/11/1888.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:21:28 pm
Ngày 11/11/1888, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin do Bang Ấm là người làng Bạch Sam do ông phái vào làm bang tá huyện Mỹ Hào cung cấp. Sáng ngày 12/11/1888, Hoàng Cao Khải cùng giám binh Louis Ney, chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá huyện Mỹ Hào, tỉnh hải Dương, ông lập tức lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Ngô Quang Huy, Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đề Vinh, Đốc binh Vũ Văn Đồng, Lãnh Thảo, Đốc Muỗi… đưa 800 quân trang bị 400 súng ngắn nhanh bố trí trận địa phục kích ở cánh đồng Liêu Trung. Trận địa vừa bố trí xong thì Hoàng Cao Khải, Bang tá Hải Dương Nguyễn Hữu Hào, giám binh Louis Ney đem quân đến gặt lúa của dân. Hoàng Cao Khải vừa xua lính xuống cánh đồng, thì súng lệnh nổ, những thợ gặt là nghĩa quân cải trang, rút súng ngắn, đoản đao tới định bắt sống Hoàng Cao Khải, nhưng mấy tên lính hầu liều chết chống đỡ nên nghĩa quân không tiếp cận được Hoàng Cao Khải. Khi nghĩa quân giết chết được mấy tên lính hầu thì Hoàng Cao Khải cùng mấy tên cầm đầu đã chạy xa. Nghĩa quân mai phục trên cánh đồng nghe tiếng súng lệnh cùng xông ra chém giết quân địch. Bọn lính Pháp, lính khố xanh không bắn trả được phát nào chỉ lo tháo chạy. Nghĩa quân đuổi theo Hoàng Cao Khải để bắt sống theo mệnh lệnh chủ tướng nhưng bị quân Pháp và lính khố xanh cản lại. Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Hào được tên Ney hộ vệ đã chạy thoát. Đề Vinh nấp sau một gốc cây thấy tên Ney bảo vệ hai tên mặc Nam phục trong đó có tên theo Sát tên Ney thì đinh ninh đó là Hoàng Cao Khải, liền nổ súng, đạn xuyên qua gáy tên này bị chết ngay. Đề Vinh tín chắc đó là Hoàng Cao Khải liền hô quân truy kích bắt được tên Ney, xử chém ngay tại chỗ. Khi nghĩa quân lật xác tên mặc Nam phục lên xem mới biết đó là Nguyễn Hữu Hào liền hô quân đuổi theo Hoàng Cao Khải. Tên này nhờ quân lính che chở và sự nhầm lẫn của nghĩa quân nên chạy thoát được vào chùa Liêu Trung bắt người đánh giậm, lột quần áo rồi lủi theo các bờ bụi đến trốn ở làng Dị Sử. Nghĩa quân đột nhập vào làng Liêu Trung thì Hoàng Cao Khải đã chạy thoát. Các tướng đuổi theo đến làng Dị Sử thì Hoàng Cao Khải đã chui lủi vào ẩn náu trong nhà thờ Kẻ Sặt. Nghĩa quân đuổi đến nhà thờ Kẻ Sặt thì Hoàng Cao Khải đã chạy thoát về thị xã Hải Dương.

Trận này nghĩa quân thắng lớn, giết chết 31 tên lính Pháp và lính khố xanh, trong đó có tên Louis Ney(1), tên thương tá Nguyễn Hữu Hào, làm bị thương 16 tên khác, thu 23 súng các loại(2).

Trận đánh này Phạm Văn Thụ ở làng Bạch Sam tổng Bạch Sam nhưng ở sát làng Xuân Dục, quê hương Nguyễn Thiện Thuật sống cùng thời với cụ Nguyễn Thiện Thuật, thương thư bộ Hộ, kiêm thượng thư Bộ Binh dưới triều Khải Định viết về trận đánh đó như sau: “Khâm sai thư vụ là quận công Hoàng Cao Khải được người hiến kế thân đốc đại binh về cắt lúa tổng Liêu, dùng cách “Tuyệt lương bách thú” các tướng lĩnh nghĩa quân lân vào phu gặt, toan sự sinh cầm “bắt sống” họ Hoàng. Hoàng Cao Khải thoát chết chạy vào làng Dị Sử, còn ngoài đồng thì quân hai bên hỗn chiến, súng nổ như pháo rang. Ròng rã mãi đến chiều tối, nghĩa quân giết mất viên thương tá tỉnh Đông và quan hai Cạp Dậm (tức giám binh Louis Ney). Lính tập phần đông bỏ súng chạy trống. Hoàng tướng quân (chỉ Hoàng Cao Khải) thu thập tàn quân lui về đóng ở nhà thờ Kẻ Sặt rồi theo đường tắt về tỉnh. Nghĩa quân lại đón bắt nhưng không bắt được Khải”.

Sau khi nghĩa quan rút lui, Hoàng Cao Khải đem quân 5 tỉnh về càn quét với mệnh lệnh tam quang (đốt, phá, giết hết). Họ Hoàng còn xin với quan thầy Pháp đưa một đại đội lính lê dương và một dại đội lính Ả Rập về tàn sát đồng bào. Thoạt đầu quân Pháp và quân Nam tàn phá các làng Liêu Trung, Liêu Hạ, Liêu Thượng, Dịch Trì, Thổ Cốc thuộc tổng Liêu. Tất cả nhà cửa dù nhà tranh, nhà gạch cho đến đình chùa, đền miếu như chùa Long Vân ở Dịch Trì quê hương của Đốc Sung đều bị đốt phá hết. Lương thực, trâu bò, lợn gà nếu không bị giết thì cũng bị cướp, không cướp được thì chúng đốt. Dân bất cứ già trẻ lớn bé trai gái chúng gặp là giết. Tàn phá tổng Liêu xong quân giặc tràn sang tổng Bạch Sam, tất cả các làng Dị Sử, Xuân Dục, Xuân Đào Xuân Nhân thuộc xã Xuân Dục. Các thôn Ngọc Lập, Nghĩa Lộ, Đào Du, Tứ Mỹ, Long Đằng thuộc tổng Bạch Sam và các làng khác trong tổng đều bị đốt phá. Tiếp đó là tổng Sài Trang các làng Trai Trang là nơi chúng hành quyết 62 nghĩa quân và nhân dân chúng bắt được trong đó làng Trai Trang có 17 người. Riêng các xã Bùi Xá, Nguyên Xá, Tam Trạch cũng thuộc tổng Sài Trang nằm trên đường 200 giữa Cầu Treo - Cầu Hầu - Kẻ Sặt - Hải Dương là quê hương của đốc binh Vũ Văn Đồng, lãnh binh Nguyễn Văn Mậu, cũng là nơi nghĩa quân chặn đánh chúng quyết liệt khi chúng theo đường 200 rút về nhà thờ Kẻ Sặt giết chết 13 tên Pháp chúng bỏ lại xác, nhân dân chôn dưới gốc đa Tam Tằng thì chúng tàn phá nặng nề. Trong một trận càn quét lớn vào cuối năm 1989 chúng bắt được Đốc binh Vũ Văn Đồng đưa đi đày ở Côn Đảo, sau chém đầu đem về bêu, chúng cũng bắt được lãnh binh Nguyễn Văn Mậu chém ở vực và bắn chết nghĩa quân Vũ Văn Khối là anh thúc bá đốc binh Vũ Văn Đồng quê ở xã Tam Trạch. Dã man hơn chúng còn đào mả tổ tiên các tướng lĩnh nghĩa quân, bắn chết vợ con họ hàng họ. Hoàng Cao Khải còn bắt hơn 20 người bà con thân thuộc với Tán Thuật đem về Hải Dương giam giữ làm con tin rồi viết thư dụ ông hàng.


(1) Mộ tên Louis Ney (Tây cạp dậm) chôn ở thôn Tháp phố Thứa, ngay sau khi hắn chết (11/11/1888). Bia xây trên một cái gò ở giữa ao, bia xây bằng gạch cao 5 mét, đáy rộng 4m2, có gắn bia bằng đá. Bia mới bị đổ vào năm 1995, một số người đào dất ở cái gồ xây bia thì không thấy hài cốt gì. Nay bia đó cũng bị mất.
(2) “Lịch sử 80 năm chống Pháp” của Trần Văn Giàu, quyển I in lần thứ 2 nhà xuất bản Văn Sử Địa năm 1957 và “Chống xâm lăng” của Trần Văn Giàu (phần Phong trào Cần Vương) cũng như lịch sử Cận đại Việt Nam của Trần Văn Giàu và Đinh Xuân Lâm, tập 2 thì trận này xảy ra ở làng Sài Trang, tổng Sài Trang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương đã tiêu diệt hoàn toàn một toán quân địch. Đó là điều không đúng, làng Trại Trang chỉ là nơi quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải trả thù cùng với 27 làng xã khác, tàn sát 62 người trong đó ở làng Trai Trang có 17 người tại đình Trai Trang. Có sách viết trận này xảy ra vào tháng 3, tháng 4 năm 1889 hoặc có sách viết trận này nghĩa quân có 300 quân tham gia chống tên Ney, đồn trưởng đồn Dương Hoà (hưng Yên) và Hoàng Cao Khải đều chưa đúng vì trên mộ của Louis Ney ghi rõ hắn chết trận ở Liêu Trung ngày 11/11/1888 trong cuộc đàn áp khởi nghĩa Bãi Sậy.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:25:04 pm
Trước sự trả thù khốc liệt của giặc Pháp và tên tay sai Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thiện Thuật đích thân viết hai lá thư giao cho người thần tín đưa đến cho Toàn quyền Đông Dương và Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ cực lực lên án hành động tàn sát đốt phá tàn bạo của giặc Pháp và tuyên bố: “Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bức được ta hàng đâu, ta sẽ không ngừng chiến đấu, không bao giờ khuất phục nguyện trung thành mãi mãi với nhà vua”.

Phủ Toàn quyền Đông Dương nhận thấy không thể dùng bạo lực khuất phục được Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật nên đã phải buộc rút quân ra lệnh chiêu an để không đẩy dân theo Nguyễn Thiện Thuật(1).

Về sự trả thù hèn hạ, dã man của giặc Phấp, Phạm Văn Thụ người Bạch Sam, sau là Thượng thư Bộ Hộ kiêm Bộ Binh viết hồi tưởng như sau: “… Tướng quân (chỉ Hoàng Cao Khải) liền khởi nộ uy tư súy phủ lấy quân 5 tỉnh về càn, tứ hành thiêu sát, quyết tâm san thành bình địa hạt Mỹ Hào. Đại đội lê dương cùng lính ở Ả Rập kéo về vây càn, dân gian trốn chạy hoặc bị bắn, bị chém, phải ai tai nấy thảm khốc không biết chừng nào… Bắt đầu đốt hết tổng Liêu (tức Liêu Trung, Liêu Thượng…) rồi tổng Bạch (tức Bạch Sảm). Các chị ta cõng mẹ ẩn thoát ngoài đồng. Anh ta và ta nấp trong bụi tre, cũng may mà thoát. Trông ngọn lửa dịu dần về thăm nhà chỉ còn thấy toàn tro với đất. Đình chùa nhà cửa cháy nhăn như chùi. Hỏa mệnh vừa hết tổng Bạch chuyển đến tổng Phong thì đình. Nghe cụ Tán thân thủ viết hai phong thư giao gia phái để một phong vào phủ Toàn quyền, một phong vào nhà Kinh Lược phản đối việc thiêu sát. Đại ý cụ nói: “Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bắt được ta đầu hàng”. Phủ Toàn quyền tức thì thông điện đình yết hỏa pháp, ra lệnh chiêu an. Dân chúng còn ai sống sót đấy tìm về. Đãi thóc cháy để ăn. Túp lề tranh để ở. Ta cùng nội tướng ta làm lấy một căn nhà một gian hai chái. Mai đến khi ta làm tri huyện, tri phủ căn nhà ấy vẫn còn nguyên tính lưu lại làm kỉ niệm phẩm, nhưng sau vì kinh lý chỗ ở cải tạo nhà cửa đại khoa, chật quá phải phá dỡ đi. Thật đáng tiếc”(2).

Về sự tàn bạo của giặc Pháp và Hoàng Cao Khải trả thù sau trận Liêu Trung đã được nhiều sách báo của người Pháp nhắc đến, nó còn được ghi trong gia phả các vị tướng lĩnh tham gia trận đánh như họ Nguyễn Xuân Dục, đốc binh Đồng ở Tam Trạch, Đốc Sung ở Dịch Trĩ, Lãnh binh Lưu Ngọc Tháu ở Liêu Trung ghi lại và đặc biệt là dân cư vùng Liêu Trung, Tam Trạch, Dị Chế, Bạch Sam ngày nay vẫn còn kể cho nhau nghe và truyền thuyết có nhiều(3).

Phát huy khí thế của nghĩa quân sau trận chiến thắng quân Pháp và Hoàng Cao Khải ngày 12 tháng 11 năm 1888 và trả thù cho đồng bào 28 làng bị giặc Pháp tàn sát dã man, các tướng lĩnh đã mở nhiều cuộc tấn công vào các đồn binh Pháp, đánh thắng nhiều trận càn quét của chúng. Tiêu biểu một số trận như sau:

- Tháng 11/1888, Đội Văn cùng Cử Bình, Lãnh Tư chỉ huy 200 nghĩa quân đánh đồn núi Voi (nay là trung tâm hành chính quận Kiến An, thành phố Hải Phòng không tốn một viên đạn. Nghĩa quân làm chủ đồn này từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều(4).

- Cách phủ Từ Sơn 5 km về phía đông nam, làng này (làng Đại Vi) là căn cứ của nghĩa quân có lũy tre dầy và lũy đất bao bọc. Trai tráng trong làng đều gia nhập nghĩa quân, những người già còn khỏe mạnh, phụ nữ cũng tình nguyện ở lại phục vụ chiến đấu, chỉ những người già yếu, con mọn, trẻ em mới tản cư đi nơi khác. Căn cứ Đại Vi đã gây khó khăn lớn cho quân Pháp ở phủ Từ Sơn và huyện Tiên Du. Quân Pháp đem quân đánh nhiều lần không có kết quả. Ngày 22/11/1888 được tin do trung úy Môngghio báo là nghĩa quân đang đóng trong làng Đại Vi, thiếu tướng chỉ huy lữ đoàn 2 hạ lệnh cho thiếu tá Servière khi đó đang hành quân cách Đại Vi 12 km phải chuyển quân về làng Đại Vi chỉ huy tác chiến. Quân Pháp với lực lượng đông, trang bị mạnh bao vây rồi tấn công Đại Vi. Nghĩa quân dựa vào hào lũy kiên cố, chiến đấu dũng cảm đánh bật nhiều đợt xung phong của quân Pháp. Quân Pháp bắn mãnh liệt rồi cho quân ào ạt xung phòng vào làng đều bị đánh bật ra, 1 viên đội, 3 lính bị giết chết, một số tên bị thương trong đó có trung úy Môngghio và một xạ thủ súng máy. Quân Pháp buộc phải rút quân(5).


(1) Rút trong bài “Một thượng thư triều đình Huế nói về nghĩa quân Bãi Sậy” của Học Phi dăng trên Tạp chí phố Hiến số 5/1998 của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hưng Yên.
(2) Rút trong bài “Một thượng thư triều đình Huế nói về nghĩa quân Bãi Sậy” của Học Phi dăng trên Tạp chí phố Hiến số 5/1998 của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hưng Yên.
(3) Trong đó có truyền thuyết Hoàng Cao Khải vào ngủ trưa ở chùa Liêu Trung, được chúa Liễu báo cho biết sắp bị nguy hiểm đến tính mạng. Hoàng Cao Khải tỉnh dậy sợ toát mồ hôi vội vã rời khỏi chùa. Vừa đi hỏi thì trận dánh xảy ra. Lại có truyền thuyết nói chính cụ Nguyễn Thiện Thuật đã vào chùa Trung trách bà chúa Liễu sao lại chỉ đường mách lối cho tên Việt gian đó trốn thoát.
Tuần phủ Nguyễn Năng Quốc, con nuôi Hoàng Cao Khải đã dựng bia mở hội mấy ngày liền ở chùa Trung ca ngợi công lao của bố nuôi trong việc “Dẹp giặc Bãi Sậy”. Sau này một nhà nho đi qua chùa Trung đã làm bài thơ châm biếm như sau:
            “Tiện đường xe ngựa tới chùa Trung
            Ghếch cẳng xem kia những giận lòng
            Một mảnh đá xanh rầy chễm chện
            Mấy vùng con đỏ phải bồng bềnh
            Anh hùng đã ngán ông Đề Bắc
            Trung nghĩa càng thương cụ Tán Đông
            Hai chữ vương quân bia tạc chửa?
            Sao không biết thẹn với non sông”.

(Dựa theo ý cụ Chiểu xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ
in trong tập “Thơ văn yêu nước’ nửa sau thế kỷ XIX).
Năm 1923 (Khải Định năm thứ 8) Vũ Phạm Hàm cũng soạn bia chùa Trung. Khải đã nói: “Ta đóng quân ở chùa Mỹ Hào cùng quan binh nước Pháp (Louis Ney) tiến quân đóng ở chùa Liêu Trung. Lúc ấy quân giặc rất nhiều, gần đấy đều là tai mắt của giạc - quan binh Pháp và bang tá đều chết trận, quân lính cũng ít vài chục người.
Phản ánh về trận đánh này của Dulleman viết trong cuốn “Tỉnh Hải Dương” như sau: “Ông (chỉ Tán Thuật) chạy về ẩn nấp trong huyện quê ông ở đó nhân dân tất cả mọi người tuyệt đối trung thành với ông. Vào một thời gian nào đó ông có 800 quân quanh mình. Được vũ trang một nửa bằng súng ống họ định bắt có quan tuần phủ Hải Dương đang đi tuần trong vùng. Họ tấn công đội quân hộ vệ tên quan gồm 40 lính dõng, 60 lính khố xanh chỉ huy bởi tên quan Bảo an binh đồn Dương Hào. Viên dội bị giết cùng vwosi 22 lính khố xanh và 7 lính dõng của quan tổng đốc. Đội quân chỉ tháo chạy được khi nghe tiếng súng nổ, các bốt lân cận kéo đêu cứu.
Về trận đánh trên cũng Dulleman viết trong cuốn “Tỉnh Hưng Yên” như sau: “Vụ đánh úp táo bạo này trả lời bằng một cuộc đàn áp dữ dội: 28 làng trong số những làng chính đã cung cấp nguồn của, người, lương thực cho toán quân Tán Thuật và là những pháp đài thực sự dùng làm sào huyệt cho bọn chúng đã bị san phẳng các lũy bên ngoài và bên trong. Lũ hương lý bị bắt, Tán Thuật đã trốn thoát. Trước đó 20 thân nhân của gia đình ông đã bị bắt giữ làm con tin. Hai người trong số cháu ông bị xử tử. Tán Thuật được báo là nếu ông chịu đầu hàng thì sẽ được ân xá, nhưng ông đã viết thư riêng cho quan chánh sứ trả lời rằng ông không thể từ bỏ lời thề trung thành với quân vương”.
(4) Căn cứ kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc và miền Trung thế kỷ thứ XIX, Dương Đình Lạp, Tạp chí Lịch sử quân sự số 1/1996.
(5) Tập thể sĩ quan tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến tháng 1/1922, Ideo, Hà Nội.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:41:04 pm
Đồn Yên Phong (Bắc Ninh) do quản Gaudel chỉ huy đóng quân gần nơi Đề Quý đóng. Trong một trận giao chiến, Đề Quý bị Gaudel bắn rách một tai. Ông quyết tâm bắt sống hắn để trả thù.

Ngày 2 tháng 12 năm 1888, Đề Quý nhận được tin Gaudel có 15 tên lính đi hộ vệ lĩnh lương cho lính. Đề Quý biết lính có lương sẽ rượu chè, trễ nải việc canh gác, đêm đó dẫn 60 nghĩa quân bao vây đồn, cắt dây thép gai hàng rào, Đề Quý cho 55 nghĩa quân đột nhập vào đồn, còn mình cùng 5 nghĩa quân ở lại chỗ cửa mở. Bọn lính phát hiện ra nghĩa quân đột nhập vào đồn thổi còi báo động. Song nghĩa quân vẫn quyết đánh và bắt sống Gaudel theo lệnh của Đề Quý. Sau một giờ kịch chiến nghĩa quân vẫn không bắt được Gaudel, liền cùng 5 nghĩa quân vào đồn. Nhờ có ánh đèn một nghĩa quân nhìn rõ Gaudel liền giáng một báng súng vào gáy hắn. Tên này gục ngã, bọn lính xô lại cứu. Nghĩa quân xông vào đâm chém bọn lính để bắt Gaudel. Đúng lúc quân Pháp tới cứu viện, Đề Quý phải lệnh cho nghĩa quân rút lui. Quân cứu viện tới truy kích thì nghĩa quân đã đi xa. Từ đó Gaudel và bọn lính hoảng sợ Đề Quý và đội nghĩa quân của ông(1).

- Tháng 12 năm 1888, quân Pháp đưa bộ binh, thủy binh có trọng pháo yểm hộ tiến đánh Trại Sơn. Giặc mới tới, căng bạt ngủ trên cánh đồng bên bờ sông Hòn Ngọc. Lợi dụng đêm tối, nghĩa quân đánh úp giết gần 200 tên. Phu phải nhặt xác chôn hai ngày liền kín 3 sào ruộng, nhân dân gọi là “Khu mả Tây đít nhện”. Dân đã phá làm ruộng, đến năm 1999 tác giả tới quan sát, chỉ còn dấu tích cái mả Tây xây gạch(2).

(http://img156.imageshack.us/img156/2165/28183960.jpg)

Chùa làng Dịch Trĩ quê hương Đốc Sung, nay thuộc xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ,
tỉnh Hưng Yên, do Đốc Sung làm trả dân, vì ngôi chùa lợp tranh của làng
bị quân Pháp đốt sau trận Liêu Trung ngày 12-11-1888

Mỗi khi quân Pháp bị thất trận, chúng tra thù hèn hạ là tàn sát nhân dân, giết trâu bò, cướp thóc lúa, đốt phá xóm làng. Chính bọn thực dân đã phải thừa nhận và mặc nhiên chúng coi đó là chiến công vẻ vang:

- “Đầu tháng 12 năm 1888 (ngày 21 tháng 10 âm lịch), quân Pháp càn quét vào làng Lôi Cầu, tổng An Xá, huyện Kim Động, nay thuộc huyện Khoái Châu, tàn sát 22 dân thường. Nay nhân dân Lôi Cầu vẫn cúng giỗ vào ngày 21 tháng 10 âm lịch gọi là “ngày giỗ trận”(3).

- Ngày 15/12/1888 viên vệ binh Narlier chỉ huy đồn Cầu Thương được tin một toán nghĩa quân đang tấn công đồn Phú Thịnh, liền đem 20 lính đến cứu. Các toán quân do các viên Hasan, Vinadel, Boyer, Danieuc cũng đem quân cùng lúc tấn công vào làng Cầu Trương. Hai bên kịch chiến. Đốc Lan một viên thủ lĩnh cừ khôi của nghĩa quân chết. Quân Pháp tràn vào làng Phú Thịnh tàn sát nhân dân(4).

Năm 1888 nghĩa quân tấn công quân Pháp dữ dội ở khắp nơi, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Piglowski đã phải thú nhận: “Tỉnh Hải Dương trải qua mọt thời kỳ dài là nơi tụ hội của nhiều thủ lĩnh các toán, để bình định tỉnh này đã phải tiến hành rất nhiều cuộc thảo phạt do những ngài tư lệnh Dugenne, Sevière chỉ huy rồi đến những đạo quân cảnh sát (Colonnes de police) do ngài Hoàng Cao Khải, Tán lý Lê Hoan chỉ huy. Nhiều làng mạc bị san bằng, nhiều người bị hành hình; nhiều vụ ra hàng thành thực; song cũng có rất nhiều vu trá hàng vì có nhiều tên thủ lĩnh ra hàng xong lại trở về khai chiến”(5).

Mặc dù thực dân Pháp và Nam triều điên cuồng đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, tàn sát nhân dân cực kỳ man rợ nhưng chính Parreau quyền Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ đã hải thú nhận: “Trong năm 1888 tình hình Hải Dương và Bắc Ninh luôn luôn rối loạn vì nghĩa quân hoạt động mạnh ở hai tỉnh này và các đạo quân Pháp thì tỏ ra bất lực”(6).

(http://img822.imageshack.us/img822/190/83474197.jpg)

Di tích thành Thuận Thành (thành Phủ)
nơi diễn ra nhiều trận đánh giữa Đội Văn với quân Pháp


(1) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd,
(2) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, sđd.
(3) Tác giả khảo sát tại làng Lôi Cầu năm 1999.
(4), (5) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd,
(6) Báo L’Aviennier du Tonkin tháng 10/1888.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:43:28 pm
CHƯƠNG V

ĐẬP TAN CUỘC HÀNH QUÂN CỦA QUÂN PHÁP VÀO NAM BẮC NINH -
PHÁ ÂM MƯU TIÊU DIỆT CHỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN THUẬT, ĐỀ SUNG, ĐỐC MỸ
(1/1889-5/1889)

Các hoạt động quân sự ráo riết của nghĩa quân năm 1888 đã tiêu hao sinh lực, tài lực của quân viễn chinh Pháp mặc dù nhận được sự đồng lõa của triều đình Đồng Khánh(1), làm chậm trễ việc khai thác thuộc địa của tư bản Pháp(2). Với tham vọng tiêu diệt các lực lượng kháng chiến ở vùng đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Bắc Kỳ do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Theo thống kê chưa đầy đủ từ tháng 1 đến 2 năm 1889 quân Pháp đã liên tục mở các cuộc tấn công vào các căn cứ của nghĩa quân.

“Tháng giêng năm 1889, quân Pháp khủng bố nhân dân huyện Mỹ Hào và đã thực nhiện nhiều cuộc hành hình ngay sau khi phán xử, nhiều làng bị thiêu hủy theo lệnh của cấp trên. Tất cả nhân dân huyện này đều là thuộc hạ của Tham Tán Thuật. Gần như tổng số quân ông ta đều được tuyển mộ ở đây”(3).

“Chỉ trong một cuộc hành quân, quân Pháp đã bắt 60 kỳ mục ở huyện Mỹ Hào vì tội là quân của ông Thuật”.

Tháng 1/1889, trung tá Xecvierơ (Sẻvière) chỉ huy một đao quân càn quét vùng núi Lục Nam và phía đông vùng Lầm nhằm đẩy Lưu Kỳ ra khỏi vùng đất phi nhiều. Song đội quân hùng mạnh của Servière đã bị đội quân của Lưu Kỳ phản công mãnh liệt. Ngày 3/1/1889, Thiếu tá Prêtê (Prétet) bị nghĩa quân đánh ở Lang Xá, một địa điểm ở tả ngạn sông Lục Nam, cách đồn Lầm 15 kilômét(4).

Cuối tháng 1/1889, quân Pháp được tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải mách nước là không huy động đại quân đánh phá căn cứ Bãi Sậy mà cho quân đóng nhiều đồn bốt xung quanh, mua chuộc bọn hào lý, lưu manh đã bị nghĩa quân trừng trị, biến chúng thành gián điệp tung vào vùng nghĩa quân kiểm soát để dò la tin tức.

Ngày 4/2/188, đại úy De Pigmè chỉ huy một toán quân lê dương từ Lầm tiến đánh vùng tây bắc Lục Nam mà không được kết quả gì(5).

Ngày 16/2/1889, trung úy Le Core chỉ huy 225 lính và vệ binh dân sự đến bao vây làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương(6), nơi xảy ra trận chiến đấu ngày 12/1/1888 để trả thù. Không rõ lực lượng nghĩa quân đóng trong làng có bao nhiêu, do thủ lĩnh nào chỉ huy. Nghĩa quân từ sau những cụm tre dầy đặc cách 100 mét bắn ra, quân Pháp mở nhiều cuộc tấn công nhưng không vào được làng(7).

Lãnh Tháo và Đốc Muỗi ở làng Khúc Phu nằm trên đường liên tỉnh Phố Nối - Bến Đò Hồ - thị xã Bắc Ninh đem quân đến đánh vào sau lưng quân Pháp khiến hàng ngũ địch rối loạn(8).

Với mưu đồ tiêu diệt hoàn toàn nghĩa quân, đè bẹp làng kháng chiến Liêu Trung, bọn chỉ huy Pháp đã điều động các tên Aubert, Soler, Paraud và Vincillioni mang quân tiếp ứng. Mặc dù có thêm lực lượng, quân Pháp vẫn không đột nhập được vào làng. Chúng phải rút lui, trên đường lui về đồn Ghênh, Vincillioni liều chết chống lại 300 nghĩa quân chặn đánh. Trận đánh giằng co, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề. Bọn Aubert và Soler phải vội vàng đưa quân đến cứu viện(9).


(1) Trong hai năm 1887-1888, Đồng Khánh đã phái nhiều đạo quân đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ… Đến khi sắp chết (chết ngày Mậu Thân, tháng giêng năm Kỷ Dậu 1/2/1889) tháng 12/1888, Đồng Khánh vẫn còn ra dụ hạ lệnh cho viên Kinh lược Bắc Kỳ phải hết lòng ủng hộ công cuộc bình định của thực dân Pháp ở vùng rừng núi Bắc Kỳ. Kinh lược Bắc Kỳ có nhiệm vụ phải thông sức cho quan lại các cấp tỉnh, phủ, huyện biết rõ dụ này để bọn này đặt kế hoạch theo dõi mọi hoạt động của nghĩa quân, nhất là về các mặt như: thủ lĩnh nghĩa quân là ai? Quê quán ở đâu? Nghĩa quân dùng phương tiện gì để vận chuyển khí giới, lương thực? Nghĩa quân dùng âm mưu gì để thực hiện việc tập trung lực lượng? Đường tiến công và đường rút của nghĩa quân (Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1).
(2) Ngày 4/4/1888, Tư bản Pháp thành lập “Công ty Pháp, mỏ than Bắc Kỳ” để khai thác mỏ than ở khu vực Hạ Long trên diện tích 22.000 ha.
(3) Báo Tương lai Bác Kỳ số 136 ngày 19/1/1889.
(4) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ. Sđd.
(5) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ. Sđd.
(6) Nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
(7) Piglowsky trong: “Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ”, không nói rõ thủ lĩnh nào chỉ huy, nhưng chúng tôi cho rằng trận này do lãnh binh Lưu Ngọc Tháu chỉ huy (VTS).
(8) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, NXB Văn hóa Dân tộc, 2001.
(9) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:46:03 pm
Hoảng sợ trước những hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân Bãi Sậy, tiêu hao nhiều sinh lực của quân Pháp, phá vỡ bộ máy hành chính các cấp của Nam triều, cuối tháng 2/1889, Toàn quyền Pigqueut đã ủy quyền cho Thống sứ Bắc Kỳ Pareau ra Sắc lệnh thành lập đạo quân Bình định (Colonne pacifcatrice) để thay thế cho các binh đoàn Âu - Phi, lính Lê Dương, lính Khố đỏ.

Thống sứ giao cho Tổng đốc Hưng Yên - Hải Dương, Bắc Ninh Hoàng Cao Khải làm Tư lệnh trưởng và hai Giám binh Laura, Blanchard chỉ huy. Dưới quyền Bộ Tư lệnh có 14 viên quản người Pháp với 600 lính khố xanh, 800 lính cơ. Thống sứ còn cho phép Hoàng Cao Khải được tuyển mộ thêm Bảo an dân sự tại địa phương để bổ sung cho đạo quân này.

Binh đoàn còn được sự chi viện đắc lực của các binh chủng pháo binh, cbi, các pháp hạm và lính thủy đánh bộ đóng ở các căn cứ thủy quân tại Hà Nội, Hải Dương, Lục Đầu,] Phả Lại, Nam Hải (thành phố Hải Phòng). Về nhiệm vụ của Đạo quân bình định thì Thống sứ Bắc Kỳ nêu rõ trong bức thư gửi Toàn quyền như sau: “Hắn (chỉ Hoàng Cao Khải) được đứng đầu một đội quân do tự hắn tuyển mộ và được sự giúp đỡ tích cực của lính khố xanh để đi càn quét những tỉnh rối loạn, một mặt tụ tập dân chúng lại, mặt khác ra sức khủng bố và truy kích không ngừng những toán nghĩa quân để tiêu diệt hoặc bắt rồi dụ hàng, sua đó thu thuế ở những nơi chưa thu được”(1).

Ngay sau khi mới thành lập, Hoàng Cao Khải đã điều động lực lượng lớn quân lính định đánh phá các cứ điểm của nghĩa quân ở Thuận Thành, Lang Tài, Từ Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh); huyện Tam Dương, Quốc Oai (Sơn Tây); Bãi Sậy, Ân Thi (Hưng Yên).

Song song với việc thiết lập một đạo quân đặc biệt giữ việc bình định nghĩa quân Bãi Sậy, phủ Thống sứ Bắc Kỳ còn thực hiện các biện pháp như: Đưa lính khố xanh đến đóng thay cho lính Pháp; Lập thêm nhiều đồn nhỏ với mục đích tiến hành các cuộc hành quân trị an kiểm soát làng xóm dễ dàng hơn.

Đồng thời, cho các quan phủ, huyện được tuyển mộ lính; trang bị vũ khí để bọn này bao vây, tiêu diệt các toán nghĩa quân nhỏ, đốt phá các làng ủng hộ nghĩa quân tiếp tế lương thực cho nghĩa quân, để nghĩa quân xây dựng trận địa ở làng xóm mình.

Tổ chức quân sự mới của giặc Pháp làm cho thủ lĩnh Tán Thuật và các tướng rất lúng túng vì không thể tập hợp được những toán quân lớn mà không bị địch phát hiện bao vây bốn phía bởi lính ở các đồn bốt lân cận. Tán Thuật bắt buộc phải phân tán nhỏ lực lượng hơn nữa, tiến hành chiến tranh du kích bằng cách tấn công những vị trí nhỏ, phục kích các toán quân tuần tiễu, diệt trừ Việt gian, thám báo.

Với biện pháp phân tán lực lượng chiến đấu nhỏ tăng cường công tác trinh sát, nắm địch nhanh chóng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, binh vận, nghĩa quân đã nắm rõ tình hình địch và cả âm mưu của địch. Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đã hạ lệnh cho các tướng mở hàng loạt các cuộc tấn công vào quân Pháp từ cuối tháng 2 tháng 3 và tháng 4.

Đến nay theo một số tài liệu ghi chép lại của thực dân Pháp giữa nghĩa nghĩa quân và giặc Pháp đã diễn ra một số trận đánh như sau:

Ngày 26/2/1889, 300 nghĩa quân đã bao vây, tấn công của Philippi khi bọn này trở về đồn Ghênh. Hai viên quản Aubert và Soler phải đến cứu viện(2).

Ngày 3/3/1889 là ngày chru nhật, 100 nghĩa quân tấn công một tổ điện báo do đội Mourey chỉ huy 25 dân binh đi rải đường dây từ Kẻ Sặt về Lực Điền, tổng Tử Dương, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 18/3/1889 một lá thư của bộ Tham mưu đề ngày 15/3/1889 báo cáo có một thủ lĩnh nghĩa quân xuất hiện ở làng Ca Linh như do nhầm hướng, nên đến ngày 18/3/1889 thư mới tới. Mật vụ Pháp đến nơi thì viên Quản Liên đã đi trước đó 24 giờ(3).

Ngày 20/3/1889, Hoàng Cao Khải lệnh cho đồn binh Lương Tài chuyển quân về đồn Đống Mối là nơi mà Hoàng Cao Khải và thanh tra sẽ tới đưa quân số lên tới 300(4).


(1) Báo cáo chính trị số 2 ngày 27/2/1889 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương (bản viết tay).
(2) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(3) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(4) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Hải Dương 12/1932, Nguyễn Luận dịch, bản dánh máy, Thư viện Hải Dương, phòng Địa chí.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:47:32 pm
Giữa tháng 3/1889 chủ tướng Nguyễn Thiện thuật giao cho Đốc Sung từ căn cứ Bãi Sậy đưa quân trở lại vùng Nam Bắc Ninh chi viện cho cánh quân do Ngô Quang Huy chỉ huy đang bị quân Pháp bao vây chia cắt.

Ngày 20/3/1889, Đốc Sung cùng Đốc Mỹ, Quản Dây chỉ huy 200 quân từ Bãi Sậy gấp rút hành quân. Tới địa phận làng Hoàng Trạch, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên thì các ông gặp cai Soler chỉ huy vệ binh đi thám thính vùng Bãi Sậy. Với quyết tâm tiêu diệt bọn Soler để gấp rút hành quân lên nam Bắc Ninh chi viện cho Ngô Quang huy, Đốc sung, Đốc Mỹ đã đánh cho Soler chạy tháo thân về đồn Bình Phú. Đốc Sung dẫn 100 quân truy kích Soler, giao cho Đốc Mỹ, Quản Dây 100 quân đi chặn viên binh từ Lực Điền và Bần Yên Nhân tới. Quả nhiên tên phó chỉ huy đồn Lực Điền đưa quân lên, tên quản ở đồn Bầu mang theo 100 quân đến chi viện. Đốc Mỹ, Quản Dây đã đánh tan hai đội quân cứu viện này không cho chúng tới đồn Bình Phú(1).

Sau khi đánh đuổi Soler và hai đội quân cứu viện, Đốc Sung cùng Đốc Mỹ, Quản Dây chỉ huy hơn 200 quân dời căn cứ Bãi Sậy hành quân về các làng Dịch Trì, Liêu Trung rồi vượt đường số 5 ở Phố Nối qua các xã Yên Tập, Khúc Khu, Hương Lãng (tên Nôm là làng Lạng, nay thuộc xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Đốc Sung, Đốc Mỹ để Quản Dây ở lại bao vây đồn Đống Mỗi, không cho chúng đuổi theo rồi hành quân tới các xã Liễu Khê, Liễu Ngạn, sang vùng Dâu, Keo, Mãn Xá vốn là căn cứ của Đốc Sung từ những năm 1884, 1885. Đốc Sung, Đốc Mỹ tới Dâu, Keo được vài giờ thì Quản Dây đuổi kịp. Các ông quyết định yểm hộ cho nhau vượt sông Đuống ngay trong đêm sang huyện Từ Sơn, Tiên Du.

Nửa đêm 20/3, Đốc Mỹ, Quản Dây đưa 100 quân vượt sông an toàn, Đốc Sung chuẩn bị vượt sông thì Hoàng Cao Khải nhận được tin Đốc Sung đang tiến sang nam Bắc Ninh chi viện cho Ngô Quang Huy liền lập tức điều động 55 lính còn lại của đồn Đống Mối, đuổi theo quân của Đốc Sung, Đốc Mỹ không cho toán nghĩa quân này vượt sông Đuống sang Từ Sơn, Bắc Ninh. Hoàng Cao Khải cũng lệnh cho Bố chính Bắc Ninh đem quân ngăn chặn quân của Đốc Mỹ, Quản Dây(1).

Đốc Sung không vượt sông được phải vào đồn trú ở các xã ven sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm.

Hoàng Cao Khải phải mật vụ đi khắp nơi để do thám địa điểm đồn trú của nghĩa quân nhưng do nghĩa quân giữ được bí mật đường hành quân và được nhân dân che chở nên tới ngày 22 tháng 3 năm 1889, bọn do thám không nắm được tin tức gì. Cuối cùng, một tên do thám mẫn cán dò xét được tin là một toán nghĩa quân đã vượt sông Đuống đang đồn trú ở vùng Từ Sơn, số còn lại vẫn đồn trú trong các làng ven sông Đuống thuộc huyện Gia Lâm. Lập tức Hoàng Cao Khải lệnh cho lính đi lùng sục. Việc này được thực dân Pháp thuật lại như sau: “Ngày 22 tháng 3 năm 1889 một toán cướp khá đông đang phân tán hoạt động trong vùng gần đồn binh Phú Thị ở những làng thuộc huyện Gia lâm. Quan phủ mới của Từ Sơn đã được điều về Phú Thị để chỉ huy những cuộc lùng sục với sự hỗ trợ của ba viên đội đã ra hàng”(3).

Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin đội quân của Đốc Sung, Đốc Mỹ, chưa tới huyện Tiên Du và huyện Yên Phong để hỗ trợ cho Ngô Quang Huy liền lệnh cho Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh đang hoạt động ở Gia Bình, Lang Tài gấp rút hành quân về Yên Phong, đồng thời phái Ba Phi con út của Lý Tích ở Ngọc Truyền hành quân gấp sang Từ Sơn phối hợp với cánh quân của Đốc Mỹ, Quản Dây đang đồn trú ở đó mở đường tiến lên Tiên Du, Yên Phong.

Hoàng Cao Khải biết có các đội quân ở Bãi Sậy đang tiến về Nam Bắc Ninh chi viện cho Ngô Quang Huy, lập tức mang đạo quân Bình định chiếm lĩnh các vị trí yếu trọng, các đầu mối giao thông từ Hưng yên, Hải Dương lên Bắc Ninh để ngăn chặn nghĩa quân.

Đồng thời quân Pháp còn lệnh cho các đồn binh đóng ở Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên mở các trận tiến công vào căn cứ của nghĩa quân để kìm chân không cho nghĩa quân tới Bắc Ninh.Trước sức mạnh của đạo quân Bình định mới thành lập, các toán nghĩa quân đã bị đánh bật khỏi vùng đất vừa đặt chân tới. Đốc Sung vẫn không sao vượt được sông Đuống vì chiếc cầu tre bắc qua sông bị quân lính canh giữ, tất cả thuyền bè của nhân dân hai bên bờ sông đều bị Bố chính Bắc Ninh tịch thu. Hai Kế, Đề Vinh từ Gia Bình hành quân đến Lang Tài thì bị chặn lại ở Thứa (nay là thị trấn huyện Lang Tài). Riêng cánh quân của Ba Phi ở Ngọc Truyền đánh sang tới phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thì bị quân của tri phù Từ Sơn và viên vệ binh chính Chiappidi chỉ huy 50 lính chặn lại(4).

Nguyễn Thiện Thuật thấy các tướng do ông phái đi đều bị quân Pháp đánh bật trở lại liền tự dẫn một đội quân từ căn cứ Bãi Sậy vượt qua các ổ mai phục, đến được làng Đình Tổ huyện Thuận Thành (nay thuộc huyện Văn Lâm) bắt liên lạc được với đội quân của Đốc Sung. Ông chuẩn bị vượt sông Đuống thì bị bọn mật thám báo cho quân Pháp. Lập tức Hoàng Cao Khải và Brauchad sai phân đội Phú Thị và phân đội Corre hỗn hợp tiến đánh Đình Tố là một làng mà toàn thể người dân đều ủng hộ nghĩa quân(5).


(1) Theo Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí, xuất bản năm 1934.
(2) Tác giả khảo sát ở vùng Dâu, Keo, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
(3), (4), (5) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 05:50:55 pm
Tuy nhiên, Nguyễn Thiện Thuật và Đốc Sung đã nghi binh dánh lừa được quân Pháp vượt sông Đuống an toàn. Đến trưa ngày 24/3/1889, Hoàng Cao Khải lại nhận được tin của Bố chính Bắc Ninh đang chỉ huy 50 lính giám sát hướng bắc sông Đuống báo cho biết là toán quân của Tán Thuật được các toán của Đốc Sung tăng cường hiện đang đóng ở các làng Mạn Xá, Quan Đình, Quan Độ huyện Yên Phong trong phủ Từ Sơn. Bố chính Bắc Ninh còn cho biết là xin viện binh của công sứ Bắc Ninh và tấn công nghĩa quân vào hồi 4 giờ chiều, buộc nghĩa quân phải rút về làng Mạn Xá là làng chiến đấu được nghĩa quân xây dựng từ lâu. Bên ngoài làng là lũy tre dày, xung quanh làng là hào ngập nước, cắm chông tre. Trong làng đường ngõ ngoắt ngoéo, nhiều ao, đầm, gồ đống nên quân lính không dám đánh đêm mà chỉ bao vây xin tiếp ứng.

Công sứ Bắc Ninh nhận được tin lệnh cho tri phủ Từ Sơn đem 100 lính trang bị tốt và điều đội tuần tra cảnh sát 150 lính do 2 viên vệ binh chỉ huy lập tức được phái tới Mạn Xá cùng với mệnh lệnh: “Chỉ được trở về khi đánh tan Tán Thuật hoặc Tán Thuật phải ra hàng”. Công sứ còn phái viên vệ binh chính là Corre đem theo 96 lính đến Lê Thi để giám sát bến đồ Cầu Đông lối sang Sơn Tây đóng lõng quân Tán Thuật do quân bố chính Bắc Ninh, tri phủ Từ Sơn đánh tan ở Mạn Xá sẽ phải dạt sang.

Hoàng Cao Khải cũng lệnh cho án sát Hưng Yên đưa 100 quân đến đảo Phù Vệ (giáp Kẻ Sặt) để ngăn chặn quân của Đền Ban, Lãnh Bay, Lãnh Phong từ Ân Thi vượt qua Cầu Giàng sang nam Bắc Ninh.

Nguyễn Thiện Thuật và Đốc Sung phán đoán được ý đồ của quân Pháp, trong khi đó nghĩa quân bị bao vây ở Mạn Xá vì thế phải sử dụng kế sách nghi binh thu hút lực lượng địch rồi bí mật vượt vòng vây về Thuý Lâm. Khi Hoàng Cao Khải phát hiện ra thì nghĩa quân đã đi xa, đang hoạt động ở Đa Phúc.

Để đối phó, quân Pháp phải bố trí binh lực trên một đường thẳng dài 50 km rải rộng trên địa bàn ba tỉnh Sơn Tây - Bắc Ninh - Hưng Yên, đồn phía bắc ở Thuý Lâm trên vùng sông Cà Lồ, đồn phía nam ở Phù Vệ.

Ngày 25/3/1889 quân Pháp tung hai đơn vị đuổi theo Tán Thuật, ông vượt sông Cà Lồ và đến Xuyên Kỳ. Công sứ Thái Nguyên đã được báo tin này và phán đoán Nguyễn Thiện Thuật đang ẩn náu ở nhà một người em ở Bình Xuyên.

Trong khi đó các toán nghĩa quân khác cũng hoạt động mạnh ở khắp nơi khiến quân Pháp bối rối, trong cùng một thời điểm phải tiến hành ba hướng càn quét là:

- Truy kích Nguyễn Thiện Thuật ở phía bắc, bên kia sông Cà Lồ trên phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh.

- Truy lùng toán quân của Ba Phi ở hướng Phả Lại - Chí Linh.

- Truy lùng toán quân của Đề Ban, Đề Quý có sự hỗ trợ của Đốc Tít ở phía nam Kẻ Sặt.

Sau sự việc ở Mạn Xá, Bố chính Bắc Ninh không còn biết ông Thuật hiện ở đâu, liền đóng tại Phủ Lỗ khi biết tin toán của ông Thuật rút về Phổ Lộng và Đẩu Sao ở phủ Đa Phúc liền lập tức sai Bố chính Bắc Ninh đem 100 lính khố xanh và bắt dân phu đi theo, hành quân từ 3 giờ sáng đến Phổ Lộng. Nghĩa quân chặn đánh rồi rút sang Đan Tảo cũng ở phủ Đa Phúc.

Lực lượng quân Pháp tấn công Đan Tảo gồm vệ binh dân sự và dân binh chia làm nhiều toán bao vây làng rồi nổ súng tấn công. Nghĩa quân dựa vào hào lũy kiên cố đánh trả địch rất quyết liệt. Trận chiến đấu kéo dài từ 7 giờ sáng đến 19 giờ quân Pháp mới thọc được vào một trong số cổng chính. Một bộ phận quân Pháp lọt được vào trong làng nhưng do có nhiều nhà tường trình bằng đất, nhiều vườn cây rậm rạp, nhiều ao hồ, gò đống, thuận lợi cho nghĩa quân vận động và tổ chức tác chiến, nên quân Pháp bị chặn đứng lại không vào sâu được trong làng. Nghĩa quân biến nhà viên lý trưởng là nhà ngói có tường dầy bao quanh thành pháo đài kiên cố, đục tường làm lỗ châu mai, từ đó nã đạn vào quân của Bố chính Bắc Ninh. Quân Pháp nhiều lần đột phá để đốt cháy nhà viên lý trưởng nhưng không hiệu quả. Lúc đó trời bắt đầu tối, cuộc giao chiến phải ngừng lại.

Tranh thủ lúc ngớt súng, nghĩa quân rút về làng Trà Mậu. Quân Bố chính cũng rút về Phủ Lỗ, đem theo một số xác chết trong đó có tên phó quản vệ binh dân sự.

Quân Bố chính bắt được một nghĩa binh, đem chém đầu ngay. Quân Pháp thu được 1 súng loại nặng, 2 súng khác, 1 súng lục, 1 kiếm, nhiều cái mộc, nhiều lao…


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Năm, 2011, 08:42:45 pm
Ngày hôm sau, 29/3 Tổng đốc cử viên thanh tra cùng với 100 vệ binh dân sự do viên vệ binh chính Chiappini chỉ huy tham gia cuộc thảo phạt của Bố chính Bắc Ninh.

Trước sự truy kích ráo riết của quân Pháp, Tán Thuật, Đốc Sung, Quản Dây rút về làng Thuý Lâm. Trận chiến đấu bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 17 giờ ngày 29/3 một cuộc kịch chiến diễn ra giữa 300 quân của Tán Thuật, Đốc Sung với quân của Bố chính Bắc ninh và viên vệ binh chính Chiappini ở làng Thuý Lâm, quân Bố chính chiếm được một phần làng, đốt cháy nhà cửa. Song nghĩa quân vẫn giữ vững từng căn nhà, bắn chặn địch. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 21 giờ, quân Bố chính sợ ban đêm phải rút lui đem theo một số xác chết trong đó có tên phó quản, nghĩa quân rút về phía làng Cao Gia, huyện Đông Anh. Trong trận này nghĩa quân cũng bị thiệt hại.

Ngày 30/3 quân Bố chính tiếp tục truy kích quân ông Thuật và Đốc Sung. Hoàng Cao Khải cũng lệnh cho công sứ Sơn Tây và Thái Nguyên cho quân chặn ở những con đường ranh giới giữa Bắc Ninh với hai tỉnh chỉ để một lối hở bên bờ tản ngạn sông Hồng, nơi đã có pháo hạm mai phục để tiêu diệt khi nghĩa quân vượt qua sông. Thanh tra trở về Kiêm Trạch huyện Đông Khê (nay là huyện Yên Phong) để hợp đồng tác chiến.

Tán Thuật, Đốc Sung khôn khéo tránh được các mũi truy kích, các ổ mai phục tiến về huyện Tiên Du để vượt sông Đuống khi có thời cơ. Nhưng khi các ông về tới Nha Thi trên bờ sông Đuống thì bị bọn mật vụ phát hiện báo cho quân Pháp. Quân Pháp lập tức bố trí lực lượng ngăn chặn.

- Đồn binh Phú Thị phải canh gác chiếc cầu tre bắc ngang sông Đuống ở xã Phù Đổng.

- Các đồn bình Đống Mối, Bần Yên Nhân tiến ngược lên mai phục ở bến đò Đại Đồng.

- Lãnh Vắn qua đò làm nhiệm vụ trinh sát ở bờ bên trái(1).

Bị quân Pháp chặn đường vượt sông, đêm 30 rạng ngày 31/3, đội quân của Tán Thuật, Đốc Sung từ Nha Thi, Phù lập chuyển theo hướng Thượng Vi cũng thuộc huyện Tiên Du. Nhận được tin trên, viên thanh tra Pháp phán đoán Tán Thuật, Đốc Sung sẽ vượt sông Đuống sang Gia Lâm liên từ Kiêm Trạch quay lại Phủ Lỗ vào hồi 5 giờ sáng. Theo lệnh của Hoàng Cao Khải, Lãnh Vắn cũng đến đó vào hồi 8 giờ sáng để hơp đồng với các đội quân khác ngăn chặn nghĩa quân vượt sông.

Song một bộ phận nghĩa quân đã vượt được sông Đuống, thanh tra đang điều động quân để ứng phó thì lại nhận được tin có nhiều toán nghĩa quân xuất hiện ở 5 làng xung quanh xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Nhằm tiêu diệt đội quân này, Hoàng Cao Khải và thanh tra điều 100 lính của đạo quân Bình Định đến đồn Đống Mối ngay trong đêm 31/3. Đồng thời đích thân thanh tra chỉ huy 40 lính hành quân về phía bắc đền Ghênh (nay thuộc thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm), nên thanh tra phán đoán khi nghĩa quân bị lính từ Đống Mối, Phú Thị tấn công nghĩa quân buộc phải rút qua lối này. Quân Pháp thú nhận; “Kẻ địch rất cơ động, chúng phân tán lực lượng rất nhanh, đôi khi ở nhiều địa điểm cách xa nhau, cùng một lúc đều có tin báo về cho chúng, chúng ta bắt buộc phải di động liên tục cả ngày lẫn đêm khi có tin báo là tỏ ra có cơ sở”(2).

Không tiêu diệt được nghĩa quân ở các làng xung quanh Phú Thị, ngay sáng 1/4/1889, đồn Phú Thị cùng với một số quân được phái tới lùng sục vào làng Hương Quan. Làng này có tin cho biết chứa 30 nghĩa quân có vũ trang. Chúng bắt được một chỉ huy là Lê Hoa và hai nghĩa quân liền đem giết ngay(3).

Ngày 2/4/1889, án sát hưng Yên đóng ở đồn Hà Liên hành hình ngay một nghĩa quân bị bắt(4).

Quân Pháp kéo đến vây làng Ngọc Can, huyện Văn Giang. Nhưng cuộc vây quét này gặp trở ngại vì trời mưa, đướng sá đã bị nhân dân phá nay lầy lội. Quân Pháp dàn quân bắn như vãi đạn vào làng, nhưng đã bị nghĩa quân nấp sau các lũy tre, thành đất rất kiên cố, có lỗ châu mai bắn trả rất chính xác và mãnh liệt. Lực lượng nghĩa quân yếu hơn nên phải rút về phía Ghênh, Đốc Trung ở lại chặn giặc bị bắt(5).


(1) Piglowski: Theo chúng tôi cuối tháng 3/1889 Lãnh Vắn mới thương thuyết để ra đầu hàng. Đây chỉ là bộ hạ của Lãnh Vắn. sđd.
(2) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(3) Theo chỉ dụ của Đống Khánh về “Quy định mức độ trừng phạt đối với suất đội trở lên; dưới suất đội đưa đi đày khổ sai từ 5 đến 10 năm và cưỡng bức lao động tại Đà Nẵng và các công sở”. (Theo Việt Nam những sự kiện lịch sử, 1858-1945, tập 1 của Dương Kinh Quốc).
(4), (5) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:06:28 am
Sau khi rút khỏi Ngọc Can, một toán nghĩa quân về đồn trú ở đền Ghênh xã Ngọc Quỳnh, nay là thôn Ngọc Quỳnh thị trấn Như Quỳnh huyện Văn Lâm thờ Hoàng thái hậu Ỷ Lan cố thủ. Về sự kiện này, các tác giả “Hoàng thái hậu Ỷ Lan”(1) đã viết như sau: “Nghĩa quân lui về tạm đóng ở Ghênh, khi vào đền, tướng Đốc Tít(2) là người chỉ huy đã làm lễ thánh Ỷ Lan và ra lệnh cho quân phải tôn kính nơi thờ Thánh. Sau đó quân Pháp bao vây, kêu gọi nghĩa quân trong đền phải đầu hàng. Nhưng nghĩa quân đã anh dũng chống lại địch, quyết không đầu hàng. Không làm gì được, quân Pháp đã dùng hỏa công đốt đền. Lửa thiêu cháy Tam quan và phần trên của cổng Sủi. Bỗng nhiên trời đất nổi sấm sét, mây đen kéo đến, mưa trút nước xuống, dập tắt ngọn lửa, nhờ đó mà nghĩa quân được giải thoát”(3).

Không tiêu diệt được nghĩa quân ở Hương Quan, Ngọc Can, Ghênh, ngày 3/4/1889, Hoàng Cao Khải, Branchard, Laura từ nơi tập trung quân ở đồn Đống mối đã tấn công vào huyện Văn Giang. Sự kiện trên được Piglowski tường thuật như sau:

“Một cuộc săn lùng lớn đã được thực hiện với lực lượng 350 vệ binh dân sự và 200 dân binh vũ trang vào trong huyện Văn Giang nhằm mục đích thăm dò sự có mặt và tầm quan trong của một toán nghĩa quân đang có giả thuyết đặt ra là chúng hiện ở đây. Viên chánh tổng và những viên lý trưởng nói là không hay biết. Tình hình chính trị ở đây cũng hệt như tình hình chính trị ở phủ Thượng Tân trước khi Đội Văn ra hàng. Chánh tổng và lý trưởng đều chịu sự khống chế của nghĩa quân - và lực lượng của nghĩa quân đông, lớn. Những viên chánh tổng mới hay những viên lý trưởng mới muốn thoát khỏi cái ách của chúng, đều bị thủ tiêu”.

Trong cuộc săn lùng này, hai cạnh của hinh tam giác do những con đường Ghềnh và Khúc Lộng có 350 lính chiếm giữ trước khi trờ sáng, 200 vệ binh dân sự cùng lúc tiến về phía trước các làng Lang Viên, Sơn Canh, Duy Đình, Bảo Vực, Yên Nội, Vĩnh Phúc. Những làng này nằm trên bờ con ngòi hình thành cạnh đáy của hình tam giác.

Sáng ra 200 người này chia làm 4 đội, mỗi đội gần 50 người vào săn lùng các làng trong hình tam giác. Một vị trí của toán cướp đặt ở Duy Đình, trước khi bị phát hiện đã xả súng bắn vào phía chúng ta. Lính ta xô nhanh vào đối phương trốn chạy, một tên trong bọn họ đã bỏ lại khẩu súng tốt có cả kiếm lê. Lực lượng ta dùng cơm (thổi từ hôm trước) tại chỗ. Cuộc lùng sục kết thúc vào hồi 4 giờ chiều.

83 người từ 25 đến 40 tuổi đã bị bắt vì toan vượt khỏi vùng này, 5, 6 người sau cuộc hỏi cung một cách đại khái đã được ngài Tổng đốc thả ngay.

Trong cuộc lùng sục, mỗi viên vệ binh chính của chúng ta đều được cung cấp một bản họa đồ với những lời chỉ dẫn và lộ trình cầm đi theo, những điểm nào cần chiếm giữ từng giờ, từng giờ một những sự bố trí kế tiếp nhau cần chú ý thực hiện. Mục đích cuộc thảo phạt đã đạt.

Qua cuộc thảo phạt này còn lại một vấn đề cần chứng minh: “Những linh tính về một toán nghĩa quân quan trong từ Kim Anh tràn xuống là có”.

Hoàng Cao Khải và thanh tra Branchard dự định dẫn 600 quân xuống càn quét vùng Kẻ Sặt, Kẻ Mót thuộc huyện Bình Giang giáp ranh với căn cứ Tam tổng ở bắc Ân Thi để ngăn chặn Đề đốc Phạm Văn Ban vượt qua huyện Cẩm Giàng tiến sang Thuận Thành chi viện cho Nguyễn Thiện Thuật thì nhận được một lá thư của quan huyện Quế Dương báo có 500 tên phiến loạn đang hoạt động ở làng Trang và làng Thuý Lâm. Viên thanh tra cũng nhận được một lá thư của đồn trưởng đồn binh phủ Đa Phúc với nội dung tương tự. Vì vậy Hoàng Cao Khải và thanh tra Pháp giao cho viên vệ binh chính Siappini cùng Bố chánh Bắc Ninh chỉ huy 400 quân đi đánh Kẻ Sặt, Kẻ Mót. Đồng thời, thanh tra còn điều hai pháo hạm trong đó pháo hạm Moulin thả neo ở Kẻ Giàng, làng Vĩnh Lại, trên sông Thái Bình, một pháo hạm khác thả neo ở Kẻ Mót không cho toán quân Đề Ban bị Siappin đánh chạy về Đông Triều hợp tác với Lưu Kỳ. Hoàng Cao Khải cùng với thanh tra đưa 150 quân đi gấp về phủ Đa Phúc.


(1) Các tác giả là đại tá Nguyễn Bắc, đại tá Nguyễn Hải Lương, Lê Văn Bảng, Phạm Như Tiên, NXB Thanh Hóa, 1997.
(2) Theo cụ Duyên ở xã Như Quỳnh, đây là Đốc Tít người làng Ghênh, có người nói là biệt danh của lãnh binh Trường Đình Tuyển người làng Ghênh.
(3) Về sự kiện trên được các cụ Tú Bằng, Dương Quốc Vinh người thôn Đậu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm là nghĩa quân Bãi Sậy tham gia trận đánh đó tường thuật bằng thơ từ tháng 4/1889. trong bài thơ có đoạn:
               “… Trời đông vân hắc kéo về
               Mưa tuôn trút nước bốn bề chớp vang
               Tối trời giặc sợ nghĩa quân
               Viện binh kéo tới khó lần thoát qua
               Ngoài đánh vào trong đánh ra
               Giữa vòng mãnh hổ cũng là coi khinh
               Vội vàng giặc rút về kinh
               Lửa tan tàn lụi nghĩa binh reo hò…”.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:10:54 am
Ngày 4/4/1889 quân Pháp phải thành lập phân đội Cà Lồ để đối phó với Tán Thuật, Đốc Sung, Đốc Mỹ đang hoạt động ở các huyện Kim Anh, Đa Phúc. Phân đội có 230 người, của lực lượng tuần tra cảnh sát và 134 người do công sứ Bắc Ninh điều sau đưa quân số của phân đội lên 380 người. Phân đội này còn được pháo hạm Bobillot làm nhiệm vụ diễu hành ở phía Ngọc Giang bên sông Hồng để tham gia vào cuộc thảo phạt.

Hoàng Cao Khải còn nằn nì với công sứ Bắc Ninh xin một lực lượng pháo binh để phá hỏng một bộ phận rất chắc chắn của làng Đăng Thao. Mọi người đều chưa hình dung được chi tiết công trình phải phá, vì làng Đăng Thao phòng thủ nghiêm mật, người ngoài không thể vào làng được mà cả làng đều là những người trung thành với chủ tướng Tán Thuật không chịu làm gián điệp cho Pháp, vì thế chúng không thể hình dung được những công trình phải phá hủy nên không nhất trí đưa đại bác tới. Thanh tra đội thám báo điều tra được các công trình định phá hủy sẽ báo cho pháo hạm Bobillot yểm hộ vào ngày 6/4/1889.

Ngày 5/4/1889 phân đội Cà Lồ kéo về Thuý Lâm nơi nghĩa quân đã giao chiến kịch liệt với quân của Bố chính Bắc Ninh từ ngay 29/3/1889. Nhưng khi Hoàng Cao Khải và thanh tra Pháp kéo tới thì nghĩa quân đã rút từ lâu, chỉ còn những “bố lộ”(1) treo đầy trên các hàng rào, dưới gốc cây tố cáo tội ác của giặc Pháp và triều đình Huế bán nước, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi. Hoàng Cao Khải tức giận sai quân triệt phá cả làng, gặp ai giết người đó, bất kể là người già, đàn bà, trẻ con.

Cũng tại Thuý Lâm, Hoàng Cao Khải nhận được tin báo phó công sứ Bắc Ninh dẫn 100 vệ binh dân sự cùng đi Phù Lỗ, sau đó đồn binh Đa Phúc lại bổ sung 80 lính nữa, đưa số quân của phân đội Cà Lồ lên 458 tên do một tổng đốc, 1 phó công sứ, 1 thanh tra Pháp, 1 Bố chính Bắc Ninh chỉ huy lại có pháo hạm yểm hộ.

Hoàng Cao Khải và Phó công sứ Bắc Ninh kéo đến Phù Lỗ không gặp một sự chống đối đáng kể nào của nghĩa quân, nhưng nhiều tên bị sa vào hố chông, cạm bẫy, Khải liền tung do thám đi các làng dò xét. Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cũng lệnh cho viên vệ binh chính của tỉnh Sơn Tây đóng ở Yên Lăng(2) liên lạc với viên thanh tra đang hành quân ở Đa Phúc(3) để cung cấp tin tức.

Song nghĩa quân được nhân dân bảo vệ, bọn do thám không nắm được các hoạt động của nghĩa quân, viên thanh tra lại tung mật thám đi các làng dò xét. Bọn này trở về biết chỉ có làng Đăng Thao và làng La Cát ở huyện Kim Anh là có dấu hiệu khả nghi có nghĩa quân hoạt động.

Quân Pháp làm sao tìm được nghĩa quân vì khi Hoàng Cao Khải, Phó công sứ Bắc Ninh, thanh tra còn đang điều động quân lính thì Đốc Sung đã được nhân dân dẫn đường, đánh lạc hướng bọn do thám viên thanh trá phái đi, để Đốc Sung rời các làng ở Đa Phúc, Kim Anh. Ông còn cho quân khống chế hai đồn binh Phủ Lỗ và Đa Phúc đóng ở hai bên sông Cà Lồ giúp nghĩa quân vượt qua sông ở gần ngay hai đồn binh này luồn về hoạt động ở phủ Từ Sơn. Ngày 6 tháng 4 năm 1889, Đốc Sung chỉ huy nghĩa quân đánh phá Đông Khê (nay là huyện Yên Phong, Bắc Ninh) thuộc phủ Từ Sơn ngay gần đồn binh Từ Sơn.

Hoàng Cao Khải và Phó công sứ Bắc Ninh biết bị mắc lừa liền lập tức kéo quân về phủ Từ Sơn. Đốc Sung phán đoán trước đã đặt phục binh đón đánh đội quân ô hợp này và đã thắng lớn, tiêu diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, lương thực.

Trước khí thế dũng mãnh của nghĩa quân, quan huyện Phủ Lỗ, tay chân đắc lực của Hoàng Cao Khải rắt lo sợ, không dám đi ra khỏi phủ. Bọn mật vụ, chỉ điểm trông gương mấy tên bị trừng trị cũng co vài nằm yên. Tối 10/4/1`889, quân Pháp phải đưa một viên vệ binh chính, 60 lính đến đóng cùng quan huyện ở một làng gần đồn lính.

Khi quân của Phó công sứ và Hoàng Cao Khải cũng vững chân được ở phủ Từ Sơn thì Đốc Sung lại nhanh chóng đưa quân trở về hoạt động ở vùng phía nam huyện Thuận Thành giáp với huyện Mỹ Hào(4).

Đêm 12 rạng ngày 13/4 một phân đội gồm 250 người bao vây làng Kẻ Mót vì nhận được tin báo có 30 nghĩa quân. Một cha xứ An Nam bất ngờ và ngạc nhiên bảo đảm rằng nguồn tin trên là không chính xác. Cha xứ cho biết có một toán nghĩa quân chừng 30 người do 6 viên thủ lĩnh chỉ huy. Họ ăn mặc như người phu đã qua Kẻ Mót hôm qua. Người cho rằng chúng chưa thể đi xa, chắc còn ẩn náu trong vùng xung quanh. Sáng 13/4 quân lính lùng sục làng Đạm Trai phía trên con ngòi Kẻ Mót. Nhà cửa vắng tanh nhưng dấu vết để lại là nghĩa quân vừa di tản. Viên thanh tra dẫn lực lượng pháo thủ đi lùng sục trong cánh đồng, những đám cỏ cao, dưới rộng và phát hiện 2 nghĩa quân súng còn trên tay, không xét xử mà hành quyết ngay, 8 tên khác bị bắt trong đó có 1 là lý trưởng, 1 là phó quản(5).


(1) Bố lộ là những tấm vải trắng viết những lời tố cáo tội ác của giặc Pháp và tay sai nhằm hô hào mọi người đứng lên chống Pháp.
(2) Huyện Yên Lăng thuộc phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây, sau thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
(3) Đa Phúc trước là Thiên Phúc thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1905 tách các huyện Đông Anh, Kim Anh, Đa Phúc của tỉnh Bắc Ninh nhập vào tỉnh Vĩnh Yên. Nay Kim Anh, Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn thuộc Hà Nội.
(4) Vùng này năm 1890 Pháp cắt thành lập huyện Văn Lâm là một trong 4 huyện của đạo Bãi Sậy để đánh dẹp nghĩa quân Bãi Sậy. Năm 1891, Pháp lại giải tán đạo Bãi Sậy, trả huyện Cẩm Lương về cho hai huyện Cẩm Giàng và Lang Tài, Văn Lâm cùng Yên Mỹ, Mỹ Hào sấp nhập vào tỉnh Hưng Yên.
(5) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:15:33 am
Được tin Đốc Sung đang hoạt động mạnh ở vùng Mễ Đậu, ngày 13/4/1889, Hoàng Cao Khải, phó công sứ Bắc Ninh phải đưa quân đóng giữa các đồn mới như sau:

- Hào Xá(1), Đông Mai đều thuộc tổng Đại Từ, huyện Văn Lâm, hai đồn binh có 100 vệ binh dân sự.

- Đồn Phú Thị, đồn Bần Yên Nhân được tăng thêm để mỗi đồn có 50 lính và 15 lính ở tàu Doudard de Lagré đổ bộ lên (nơi có sông Như Nguyệt, cầu Như Nguyệt, nơi vua Lý gặp Ỷ Lan, sông này chảy ra cống Xuân Quan ở sông Hồng).

Ở mỗi đồn binh kể trên, một quan chức bản xứ của lực lượng tuần tra cản sát giám sát tất cả các hoạt động của những toán nghĩa quân trên một đường kính nhất định và kêu gọi đầu hàng(2).

- 260 vệ binh dân sự, 1/2 lực lượng cảnh sát tuần tra đóng ở Lương Tài (tổng Lương Tài, huyện Văn Lâm cùng với tổng đốc và thanh tra đóng ở đó(3).

Một đại quân lưu động gồm 118 người do công sứ Hải Dương tổ chức ra, đặt dưới sự điểu khiển của ngài quan án tỉnh này, đạo quân gồm cả 50 người của lực lượng tần tra cảnh sát từ Bần Yên Nhân rút về nhập vào lực lượng đang đóng quân ở Văn Nhai, chỉ huy là viên đội chính loại 1: Vincillomi(4).

- Ngày 18/4/1889, các thuộc hạ của Đội Văn (khi đó ông đã trá hàng quân Pháp) nhận lệnh bắt vợ một viên thủ lĩnh trở về làng Nghĩa Lộ, tổng Đại Từ vào ban đêm. Những người tùy tùng đều có vũ trang nên đã bảo vệ được vợ của viên thủ lĩnh này bằng cách giương đông kích tây đánh vào đồn Đống Mối. Trong khi đân binh vào làng Nghĩa Lộ thì vợ viên thủ lĩnh đã tìm cách trốn, tuy nhiên bọn chũng cũng bắt được bà(5).

Cùng ngày 18/4, phân đội Bãi Sậy hợp binh với đồn Đống Mối và Bần Yên Nhân cho quân lùng sục là làng Yên Tập, tổng Yên Xá, huyện Mỹ Hào, gần làng Khúc Nhu, tổng Yên Xá, căn cứ của anh em Lãnh Thảo, Hai Thao, Đốc Muỗi qua cùa Hương Lãng ở phía nam huyện Thuận Thành đã khám phá ra một công binh xưởng, những khuôn đúc về các chi tiết quy lát cơ động của kiểu súng 1874 và nhiều linh kiện khác trong quá trình chế tạo(6).

Ngày 19/4/1894, phân đội Phú Thái (Hải Dương) bắt được các nghĩa quân là Gia, Khu La, Gấm tất cả đều bị hành hình(7).

Bố chính Bắc Ninh nhận được tin báo quân Đốc Sung đánh phá Mễ Đậu và Cự Đình trong phủ Thuận Thành, nhưng không điều động được quân. Đến ngày 26/7/1889 hắn mới lệnh cho đồn binh Đống Mối và Bần Yên Nhân hợp thành và cả 35 vệ binh mới từ Ninh Bình gửi tới thành một đạo quân tiến đánh Đốc Sung.

Song Mễ Đậu là căn cứ tin cậy của Đốc Sung từ nhiều năm trước, nên khi Đốc sung tới nhân dân đã dời đi nơi khác chỉ để trai tráng ở lại giúp Đốc Sung. Đốc Mỹ xây dựng trận địa, phục vụ hậu cần. Mễ Đậu trở thành làng kháng chiến vững chắc, không kém gì các làng Phổ Lộng, Thuý Lâm, Đăng Thao, Đan Tảo ở Đa Phúc và Kim Anh nên Bố Chính đánh suốt một ngày mà không phá được lũy còn bị thiệt hại nặng nề về người và của.

Không đánh được Đốc Sung quân Pháp trả thù bằng cách giao cho án sát Hưng Yên đóng ở đồn Hà Liên chặt đầu Quản Tu thủ lĩnh nghĩa quân ở huyện Lang Tài (Bắc Ninh) và các nghĩa quân Nam, Quy, Trụ, Lập, Dinh, Vương, Hựu, Vích, Tín, Đáp, Tích, Huy, Phu bị bắt trong các trận càn quét(8).

Điều mà Hoàng Cao Khải, Bố chính Bắc Ninh không thể ngờ là Đốc Sung, Lãnh Mỹ, Quản Dậy lợi dụng đêm tối, trời mưa bí mật đem 200 quân vượt vòng vây về bắc Ân Thi phối hợp với đội quân của Đề Quý, Lãnh Vang, Đội Vinh vây đánh một phân đội lính của tỉnh Hưng Yên đóng ở bắc Ân Thi để khống chế không cho nghĩa quân đem quân lên nam Bắc Ninh. Trận này nghĩa quân thắng lớn giết được nhiều giặc, thu được nhiều vũ khí. Song nghĩa quân cũng bị tổn thất không ít mà theo tài liệu của quân Pháp, nghĩa quân chết 6 người, trong đó có Quý và Thông được đưa về chôn ở làng Thanh Khúc.


(1) Có lẽ là Trình Xá - VTS.
(2), (3), (4), (5), (6) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(7) Dulleman: Notice sur la Province de Hải Dương. Sđd.
(8) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:22:57 am
Nhận được tin trên, Hoàng Cao Khải vội vàng sai bố chính Bắc Ninh rút bớt quân bao vây Mễ Đậu đi cứu viện phân đội Hưng Yên đang bị nguy khốn ở bắc Ân Thi. Nghĩa quân rút lui trước khi quân tiếp viên của quân Pháp kéo tới. Ngay trong đêm, Đốc Sung, Lãnh Mỹ lạ hành quân về Thuận Thành, còn Lãnh Vang, Đội Vinh phân tán vào các làng ở bắc Ân Thi(1). Khi Đốc Sung, Lãnh Mỹ về đến làng Mộ Đạo, Cự Đình huyện Thuận thành thì bị bọn thám báo phát hiện báo cho Bố chính Bắc Ninh. Hoàng Cao Khải, thanh tra Laune nhận được tin liền lệnh cho Bố chính Bắc Ninh cùng đồn trưởng các đồn Đống Mối, Bần Yên Nhân tập hợp thành một đạo quân tiến đánh Cự Đình. Trận đánh diễn ra vào ngày 23/4/1889, viên vệ binh chính Nicolais chỉ huy 35 dân binh của tỉnh Ninh Bình hung hăng tiến lên trước, tới gần chiến lũy thì bị nghĩa quân bắn đón đầu. Vị trí của viên vệ binh này bằng phẳng vì thế rất bất lợi cho việc giữ vững. Nicolais được quân Bố chính và quân ở đồn binh Đống Mối, Bần Yên Nhân yểm hộ nên xông được vào làng. Lập tức khoảng 200 nghĩa quân bao vây quanh Nicolais và 35 người lính đánh giáp lá cà. Giữa lúc trận chiến đấu diễn ra quyết liệt thì viên quản khố xanh Normanrd cùng với 75 lính của đồn Bần Yên Nhân xông vào đánh tập hậu quân phiến loạn (entre cogne derrere les piates). Sau 1 giờ 30 phút súng nổ ran, bọn phiến loạn tháo chạy tứ phía, đồn Bần Yên Nhân truy đuổi chúng 45 phút, mỗi khi thấy chúng tổ chức lại thành một nhóm lại xả súng bắn vào đồng loạt. Đã bắn hết 2.884 bao đạn.

34 nghĩa quân bị giết, số bị thương chưa rõ. Trong số chết tại trận có Lãnh Trạch người làng Dịch Trì, Lãnh Dan và Lãnh Kiệt người làng Bảo Khan, Lãnh Dao ở Nghĩa Lộc, Lãnh Lộc ở Man Lương, Lãnh Nai ở Lê Xá.Trong số chết, có cả một đội và nhiều lính. Về phía ta hoàn toàn vô sự(2).

Những đồn binh Lương Tài(3) và huyện Cẩm Giàng do các viên vệ binh chính chỉ huy: Dominici và Perroudin mặc dù quân số ít ỏi cũng chạy lại chiến trường vì ở xa quá họ đến không kịp để góp sức; cả những đồn binh Ghênh, Ngã Tư Dâu cũng vậy.

Lãnh Vắn từ cuối tháng 3/1889 đã bí mật thương thuyết với Bố chính Bắc Ninh xin hàng, giử cả dấu ấn đến đồn Đống Mối để làm tin. Lãnh Vắn đã tiết lộ bí mật các vị trí đóng quân cùng các cuộc hành quân của nghĩa quân cho quân Pháp. Sau trận giao tranh này, Lãnh Vắn công khai ra hàng Pháp.

Lãnh Vắn đã lôi kéo một số lãnh binh, đốc binh, nghĩa quân chịu ảnh hưởng của hắn ra hàng. Trong số những người ra hàng có những người bị đẩy vào tình thế buộc bị rơi vào thế cùng đường, có ngưười bị giặc bắt cha mẹ, vợ con buộc phải ra hàng để cứu thân nhân. Song cũng có những kẻ phản bội lý tưởng của mình, phản bội chủ thướng và đồng đội như Đốc Khoát, Lãnh Quang, Lãnh Tảo… trở thành tay sai đắc lực cho giặc đi do thám, đưa đường cho giặc đánh phá căn cứ, triệt hạ các cơ sở, giết hại các thủ lĩnh gây tổn thất nặng nề cho cuộc khởi nghĩa.

Hoàng Cao Khải tưởng rằng Đốc Sung cũng như một số thủ lĩnh khác đã ra hàng, ngày 25/4/1889 hắn viết thư chiêu hàng, nhưng “Toán quân của Sung không phúc đáp thư của ngài Tổng đốc do những viên mật vụ chuyển đến mà còn tìm cách bắt những tên này”.

Đốc Sung còn trả lời quân Pháp và Hoàng Cao Khải bằng hành động quyết liệt: “ngày 4/5/1990 giao cho Đốc Mỹ tấn công Lãnh Vinh, Lãnh Hiếu, định ra hàng ở tổng Phú Thị” và ngày 6/5/1889 tấn công giết chết 6 thuộc hạ của Quý đã ra hàng Pháp[/i(4).

Mặc dù cón hiều cố gắng song Nguyễn Thiệt Thuật, Đốc Sung, Đốc Mỹ và các tướng lĩnh khác đã bị quân Pháp, đạo quân Bình định của Hoàng Cao Khải, Branchard, Laura, của Bố chính Bắc Ninh chặn lại không liên hệ được với đạo quân của Tán tương quân vụ Ngô Quang Huy.

Bị quân Pháp, quân Hoàng Cao Khải truy kích ráo riết, Ngô Quang Huy và Ngô Quang Chước phải chạy về một làng thuộc tỉnh Bắc Giang, theo sau ông chỉ có mười nghĩa quân thân tín. Thấy khó lòng thoát khỏi bị quân Pháp bắt, Ngô Quang Huy giải tán nghĩa quân rồi tự vẫn vào ngày 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu, Thành Thái thứ nhất (khoảng ngày 1 tháng 5 năm 1889) Ngô Quang Chước cùng mấy nghĩa quân thân tín chôn cất ông, sau đó san bằng mặt ruộng. Chủ ruộng là cơ sở của nghĩa quân gieo mạ lên xóa dấu vết khiến bọn Pháp và Việt gian không tìm thấy(5). Ngô Quang Chước phải trốn tránh không dám về làng.

Còn chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung, Đốc Mỹ cũng đã đánh bại các cuộc hành quân của giặc Pháp và Nam triều, trở về căn cứ Bãi Sậy an toàn. Về sự kiện trên, thực dân Pháp phải thú nhận như sau:

“Nhưng từ đó cho tới ngày 31/3/1889 và sang cả đầu tháng 4/1889, Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung thoắt ẩn, thoắt hiện liên tục đánh quân Pháp ở Bắc Ninh, Phúc Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây khiến cho quân Pháp khốn đốn rồi kéo xuống mạn Thanh Trì, Thường Tín vượt sông Hồng về căn cứ Bãi Sậy an toàn”(16.

Trong năm tháng đầu năm 1889 mặc dù quân Pháp và Nam triều đàn áp tàn bạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, song nghĩa quân vẫn chiến đấu kiên cường. Tuy Tán tương quân vụ Ngô quang Huy cùng một số tướng lĩnh, nghĩa quân hy sinh, một số tướng lĩnh, nghĩa quân đầu hàng giặc gây tổn thất về lực lượng, vũ khí. Nhưng về cơ bản nghĩa quân đã làm thất bại các cuộc hành quân của quân Pháp vào nam Bắc Ninh, căn cứ Bai Sậy, bắc Ân Thi, căn cứ Hai Sông ở Kinh Môn và Thuỷ Nguyên, phá vỡ cuồng vọng cửa giặc Pháp và Nam Triều là giết hoặc buộc Nguyễn Thiện Thuật đầu hàng. Kẻ địch phải thú nhận:

“Cho nên chúng ta thấy cần phải chiếm cứ những địa bàn căn cứ này vào lúc mà những toán cướp nếu bé nhỏ thì không trụ được bằng cách tăng thêm nhiều đồn binh của lực lượng tuần tra cảnh sát, buộc những toán cướp này hoặc những tàn dư của những toán này phải ra hàng, nếu không thì phải chui vào ẩn náu ở một vùng và chỉ ở một vùng thôi. Vùng này ta mở cửa, đó là vùng đảo có Hai Sông nơi đồn trú của Đốc Tít. Khi đạt được kết quả này chúng ta sẽ tập trung lực lượng vào đảo bằng một đòn nhanh và có hiệu lực”(7). Tuy nhiên, quân Pháp chưa kịp thực hiện kế hoạch trên thì tháng 6 năm 1889 theo lệnh của Toàn quyền Parô (Parreau)(8) tháng 6/1889, Thống sức Bắc Kỳ Brière phải ra sắc lệnh giải tán đạo quân Bình định đê thay thế bằng một đạo quân mới là binh đoàn cảnh sát (Colone de police) ngay trong tháng 6/1889,


(1) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam - Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải. Sđd.
(2) Thật là vô lý lấy đâu ra lắm Lãnh binh lại cùng bị chết trong một trận nưh thế, mà quân Pháp không hề có một tên nào bị thương vong - VTS.
(3) Tổng Lương Tài thuộc huyện Văn Lâm.
(4) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(5) Theo gia phả họ Ngô Quang ở thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm do cụ Ngô Quang Vy cháu 4 đời cụ Ngô Quang Huy, cụ Ngô Quang Chước cung cấp cho tác giả tháng 11/1998.
(6) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo Tương lai Bắc Kỳ số 147 ra ngày 6/4/1889 - Báo Tin tức Hải Phòng số 258 ngày 4/4/1889.
(7) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(8) Đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở vùng Bắc Kỳ là viên Tổng trú sứ (Résident Genéral) mà đương thời lúc đó gọi là Toàn quyền Lưỡng Kỳ, thay mặt chính phủ Pháp cai trị ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ theo Hiệp ước 6/6/1884. Toàn quyền Lưỡng Kỳ ngang với Thống đốc Nam Kỳ và độc lập đối với Thống đốc Nam Kỳ. Dưới quyền Toàn quyền Lưỡng Kỳ là Thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ. Các tổng trú sức Trung Bắc Kỳ là: Pônbe (Paul Bert) 8/4/1886-11/11/1886; Pôlanh Vian (Paulin Vial) quyền Tổng trú sứ 12/11/1876-28/1/1887; Bilhua (Bilhourd) 29/1/1887-11/9/1887; Bécgê (Berger) quyền Tổng trú sứ 11/9/1887-27/10/1887; Bilhua (Bilhourd) Tổng trú sứ 27/10/1887-17/11/1887; Bergea quyền Tổng trú sứ 17/11/1887-25/6/1888; Parô (Parreau) quyền Tổng trú sứ 25/6/1888-8/9/1888; Rêna (Rheinard) Tổng trú sứ 23/6/1888-5/1889; Parô (Parreau) quyền Tổng trú sứ 5/1889.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:28:01 am
CHƯƠNG VI

QUÂN PHÁP TẬP TRUNG BINH LỰC
TIÊU DIỆT NGHĨA QUÂN ĐỐC TÍT
(6/1889-8/1889)

Sau trận chiến kéo dài 3 tháng đến tháng 5/889, quân Pháp huy động lực lượng lớn bao gồm quân viễn chinh Pháp, đạo quân Bình định, cảnh sát cơ động, binh lính Nam triều ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bác Ninh, Tây Sơn, Thái Nguyên, Ninh Bình có sự chi viện tích cực của pháo binh, công binh, các hạm tàu. Tuy chúng không tiêu diệt được thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung, Đốc Mỹ, nhưng đã làm tan rã lực lượng nghĩa quân của Ngô Quang Huy, dồn ông vào đường cùng, buộc ông phải tự tử. Chúng cũng buộc nhiều thủ lĩnh nghĩa quân phải ra hàng trong đó có Đội Văn, Lãnh Vắn, Đốc Quang, Đốc Khoát, Lãnh Tảo và nhiều thủ lĩnh khác cùng hàng trăm nghĩa quân, mất rất nhiều vũ khí trong đó có tới 300 khẩu súng bắn nhanh(1). Trước sự tấn công ác liệt của quân Pháp, Đốc Tít phải bỏ căn cứ Hai Sông rút về xây dựng căn cứ mới ở cù lao Hai Sông.

Tuy nhiên, quân Pháp cũng bị tổn thất nặng nề về binh lực, vũ khí, tiền bạc, thất bại nặng nề hơn nữa là Thống sứ Bắc Kỳ Brière phải ra sắc lệnh giải tán đạo quân Bình định vào đầu tháng 6/1889, khiến nó bị chết yểu sau khi ra đời mới được 2 tháng tuổi.

Không tin tưởng vào quân Nam triều do Hoàng Cao Khải và các quan lại chỉ huy, ngày 8/6/61889, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Trung - Bắc Kỳ điều động quân Pháp đóng ở Ninh Hải (nay là Hải Phòng) tỉnh lỵ Hải Dương, Quảng Yên tấn công căn cứ Thuỷ Động(2) ở cù lao Hai Sông.

Vùng Hai Sông nằm giữa hai con sông Kinh Thầy và sông Đá Bạch trên một địa bàn rộng lớn thuộc địa phận các huyện Kinh Môn, Đông Triều, Thuỷ Nguyên (Hải Dương) và Yên Hưng (Quảng Yên), nằm ngay trong phạm vi 13 xã của huyện Kinh Môn (Hải Dương) - Đông Triều (Quảng Ninh) - Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Cù lao Hai Sông lại phân chia làm cù lao lớn và cù lao nhỏ, do một nhánh của sông Kinh Thầy, dân cư gọi là sông Hàn Mấu cắt ngang.

Đây là vùng núi non hiểm trở. Khi cần nghĩa quân có thể mở rộng phạm vi hoạt động phối hợp tác chiến với nghĩa quân Tiền Đức ở đảo Cát Bà và các cửa sông; với nghĩa quân Cử Bình, Lãnh Tư ở An Lão, phủ Kiến An; với nghĩa quân Lưu Kỳ ở vùng rừng núi huyện Đông Triều; với nghĩa quân Nguyễn Thiện Kế ở bắc Hải Dương và nam Bắc Ninh.

Nhờ địa thế núi cao hiểm trở, Đốc Tít đã bố trí trận địa phòng ngự ở thế có lợi, đánh bật nhiều cuộc tấn công của quân Pháp. Dulleman từng đem quân đi đánh Đốc Tít, sau đó là phó công Sứ Hải Dương viết về trận đánh đó như sau: “Trong khu sào huyệt “đảo có hai sông” Đốc Tít mạnh lên. Tít có 150 súng. Một lực lượng của chúng ta khi qua vùng này bị tiết đánh. Liên kết với những toán cướp của Tàu ở Đông Triều và chính Tít… ngày càng trở nên nguy hiểm. Mấy tháng trước đây một cuộc thảo phạt được tiến hành để chống Tít. Cuộc thảo phạt này do lực lượng của những đạo quân chính ngạch đảm nhiệm có sự yểm hộ của những pháo hạm nhưng thất bại. Một cuộc thảo phạt khác giao cho dân binh tỉnh Hải Dương cùng với dân binh Quảng Yên cũng không đem lại những kết quả tốt. Từ trên một hòn núi đá Tít đích thân chỉ huy cùng với một cái loa. Trận chiến đấu khốc liệt kéo dài tới khi quân nhu của dân binh bị cạn. Nấp trên đỉnh núi cao, toán cướp rất có lợi thế. Hệt như một đạo quân giỏi, chắc trong bọn họ có cựu pháo thủ và cựu dân binh, họ bắn hăng vào chỉ huy sở, 4 dân binh bị hy sinh, 13 bị thương, 20.000 viên đạn bị mất. Về phía Đốc Tít, do bị loại khỏi vòng chiến đấu. Sự thiệt hại này khiến Đốc Tít suy yểu nghiêm trọng. Có lẽ sợ một cuộc tấn công mới và có lẽ cũng vì quân nhu cạn. Đốc Tít sau đó rời “đảo có hai sông” cùng với đồng đảng của mình vào ẩn náu ở vùng Đông Triều và vùng Lục Nam”(3).


(1) Trong số ra hàng Pháp thì Lãnh Vắn, Đốc Khoát, Lãnh Tảo là những kẻ phản bội đã giúp Pháp điên cuồng đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Đội Văn trá hàng, còn một số khác chỉ an phận không gây tội ác.
(2) Chúng tôi đã về Trại Sơn xã An Sơn và vùng Hai Sông hỏi các cố lão và tra cứu các sách địa chí viết trước Cách mạng tháng Tám 1945 thì ở vùng Hai Sông không có làng xã nào tên là Thuỷ Động. Địa danh này là một cái hang đầy nước ở núi Thiên Triều cạnh chùa Kim Liên ở Trại Sơn. Muốn vào hang phải đi bằng thuyền nghĩa quân bắc sạp trên mặt nước để ngủ nên gọi là Thuỷ Động.
(3) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Hải Dương, 1932.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:32:41 am
Sau trận quân viễn chinh Pháp bị thất bại ở Trại Sơn và Hai Sông, thống sứ Bắc Kỳ nhận thấy muốn thắng được cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu lãnh đạo, mà lực lượng chiến đấu lại là nông dân sống trên vùng đất đai rộng lớn, quân Pháp không có cơ hội đánh thắng được nên quay sang sử dụng chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”. Tháng 6.1889, toàn quyền Parô lại ủy quyền cho thống sứ(1) Bắc Kỳ Brière ra quyết định thành lập binh đoàn thứ hai mang tên là Binh đoàn cảnh sát (Colone de police) và giao cho Hoàng Cao Khải khi đó đã được Nam triều thăng chức Khâm sai Bắc Kỳ giữ chức Tư lệnh binh đoàn, Museller với danh nghĩa là ủy viên chính phủ. Binh đoàn có cả Tòa án quân sự để xét xử “Những vụ án phiến loạn”.

Thực dân Pháp đã tập hợp 1000 dân vệ dưới sự chỉ huy chặt chẽ của các viên thanh tra, cai đội Pháp 500 lính cơ và chỉ huy của họ.

Lần thứ hai được thực dân Pháp giao cho làm Tư lệnh binh đoàn, Hoàng Cao Khải điên cuồng trổ tài với bọn xâm lược bằng cách đánh phá ác liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, khủng bố nhân dân. Hắn ngạo mạn xưng là Phó vương thả sức ban ơn, gieo họa.

Với kinh nghiệm đánh phá các cuộc khởi nghĩa ở Trung - Bắc Kỳ trong nhiều năm, Hoàng Cao Khải vạch ra kế hoạch đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy như sau:

- Tạm thời chưa đánh phá lớn căn cứ Bãi Sậy, chỉ tăng cường quân lính tạo thành thế bao vây ngăn chặn nghĩa quân Bãy Sậy mở rộng địa bàn hoạt động, tiêu diệt các tướng lĩnh ở căn cứ khác nhằm cô lập căn cứ Bãi Sậy.

- Tập trung quân Pháp - Nam với lực lượng mạnh có pháo binh, công binh, hạm tàu tiêu diêt căn cứ Hai Sông của Đốc Tít, căn cứ Đông Triều, Lục Nam của Lưu Kỳ.

- Bố trí lực lượng mạnh ngăn chặn nghĩa quân từ Bãi Sậy, nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương đến ứng cứu cho Đốc Tít, Lưu Kỳ.

Kế hoạch đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãy Sậy có trọng điểm của Hoàng Cao Khải được Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn. Lập tức từ tháng 6/1889, Hoàng Cao Khải tăng cường quân lính và súng đạn cho các đồn binh xung quanh căn cứ Bãi Sậy, lập thêm các toán quân cơ động chốt các vị trí trọng yếu giáp ranh giữa các tỉnh Hưng Yên - Hải Dương - Bắc Ninh để ngăn chặn nghĩa quân từ căn cứ Bãi Sậy tiếp ứng cho Đốc Tít, Lưu Kỳ.

Rút kinh nghiệm trận đánh ngày 8/6/1899 thất bại vì quân Pháp không nắm được thực lực của Đốc Tít nên trong khi đai quân tấn công căn cứ Hai Sông thì những căn cứ khác của Đốc Tít liên tục đánh phá các đồn binh Pháp, là nơi quân cơ động Pháp tập kết trước khi tấn công vào trung tâm căn cứ Hai Sông và cướp các kho lương thực. Vì vậy, trước khi tiến hành trận đánh quy mô lớn hơn, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp và Hoàng Cao Khải tung gián điệp đi do thám, chúng nắm được quân của Đốc Tít như sau:

Ngày 27/6/1889

Qua sự đối chiếu nhiều báo cáo khác nhau của những viên mật vụ từ những nơi Đốc Tít chiếm giữ là có thể có một bảng kê ước chừng về lực lượng của viên thủ lĩnh này:

- Đội quân trợ thủ người Tàu: 380 tên

- Mai Động(2), Lãnh Pho, Vũ Pháo: 16 tên

- Đội quân của Tán Thuật, Cai Mỹ: 11 tên

- Đội quân của Đốc Tít, Đốc Thuận, Quản Xuyên, Quán Hạnh, Quản Y: 47 tên

- Phó đề đốc Lăng (Lan): 100 tên

- Ở Phát Cơ: Lãnh Luân, các đội Hựu, Cao, Cách: 72 tên

- Ở Liên Sơn, Lãnh Hay, Quản Phi: 43 tên

- Ở Vũ Lao(3), Lãnh Huyên, Quản Nguyên, Lãnh Niên: 27 tên

- Ở Phượng Sơn, đội Chu; 25 tên

- Ở Phi Việt: Quản Bang: 15 tên.

- Ở Viên Khê: Quản Dung: 18 tên

- Ở Phù Lưu(4): Quản Sửu: 15 tên

- Ở Ngọc Khê: Quản Cay: 18 tên

 Trên các ngòi lạch: Đội Ba và Đạt: 6 thuyền

Tổng số chừng 1.100 người trang bị thích đáng.


(1) Từ tháng 4/1886-5-1886 khi bãi chức Tổng trú sứ ở Trung - Bắc Kỳ, thay vào đó là chức Thống sứ ở Bắc Kỳ, Khâm sứ ở Trung Kỳ, Chính phủ Pháp đã phải thay đổi người giữ chức Tổng trú sứ đến 9 lần là Paulber, Poli, Vial, Bihua (Bihourt), Béc giê (Berger), Parreau, Rêna (Rhénrart), Parô (Parreau).
(2) Nay thuộc xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
(3) Nay thuộc xã Kỳ Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
(4) Có Phù Lưu Nội, Phù Lưu ngoại nay thuộc xã Phù Lưu huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 19 Tháng Năm, 2011, 09:37:55 am
Vấn đề đặt ra cho quân viễn chinh Pháp và tay sai Hoàng Cao Khải là phải kiểm tra những địa điểm có nghĩa quân đồn trú, các cuộc hành quân của nghĩa quân Đốc Tít và nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lĩnh do ông chỉ huy. Một vấn đề nữa là căn cứ Hai Sông tại sao nghĩa quân lại bỏ phòng ngự phía trước vốn quen thuộc để tập trung vào giữa một hòn đảo nằm đối diện với Yên Lưu, một hòn đảo hình thành bởi sông Giá ở phía bắc và đông bắc, bởi sông Kinh Thày và sông Cấm ở phía tây nam, bởi sông Đằng Giang ở phía đông(1).

Sau những trận đánh lớn vào căn cứ nghĩa quân chẳng những quân Pháp không tiêu diệt được nghĩa quân mà còn bị thất bại thảm hại. Hoàng Cao Khải tổng đốc Hải Dương - Hưng Yên – Bắc Ninh kiêm Khâm sai Bắc Kỳ, kiêm chỉ huy Tiễu phủ sứ nhận thấy quân Pháp không thể dùng lực lượng lớn đánh nhanh thắng nhanh, hắn đã hiến kế cho quan thày Pháp tập trung binh lực lớn đồng loạt tấn công vào căn cứ Hai Sông, đóng các đồn binh xung quanh căn cứ, điều động hơn mười tàu chiến, pháo hạm, công binh, pháo binh đánh phá căn cứ Hai Sông. Tổ chức lực lượng hương binh phản động, khủng bố nhân dân, triệt phá các làng có người tham gia nghĩa quân, ủng hộ, đóng thuế cho nghĩa quân. Cấm chợ, ngăn sông để nghĩa quân không mua được lương thực. Một chiến dịch vu cáo nghĩa quân là kẻ cướp được tung ra, chúng còn hèn hạ cho tay chân đóng giả nghĩa quân đi ăn cướp rồi phao tin nghĩa quân đi cướp của dân. Hoàng Cao Khải còn giao cho các đồn binh, các quan phủ huyện phải đánh phá, chặn được đường không cho nghĩa quân từ Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Lục Nam đến chi viện cho Đốc Tít.

Kế hoạch trên của Hoàng Cao Khải được bọn cầm quyền Pháp chấp nhận và khẩn trương điều động lực lượng.

- Ngày 13/7/1889 một cuộc tập trung lực lượng vệ binh dân sự nhằm hỗ trợ việc bình định vùng Đông Triều đã hoàn thành. Những chuẩn bị cuối cùng cho lực lượng này đã được tiến hành.

- Phân đội Yên Liên bắt Lê Văn Cự người làng Yên Liên, huyện An Dương tỉnh Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng). Cự là thám báo của Đốc Tít và là một thành viên của nghĩa quân do viên Phó thủ lĩnh Lam chỉ huy. Cự bị bắt quả tang đang hoạt động do thám. Hắn cũng khai Lãnh Lam, Nguyễn Văn Thi, Lê Văn Gác cùng là người làng với hắn và đều là người của Đốc Tít(2).

- Ngày 14/7/1889, Hoàng Cao Khải cùng hai giám binh Blanchard và Laune chỉ huy cho binh đoàn bao vây căn cứ Hai Sông bằng 4 đạo quân lớn:

+ Đạo quân thứ nhất của Tán lý Cao Xuân Dục đóng đồn ở xã Mai Động và chặn đường ra vào của nghĩa quân.

+ Đạo quân thứ hai của Tán lý Đào Trọng Kỳ đóng đồn ở xã Quỳ Khê chặn đường sau lưng nghĩa quân ngăn nối Đốc Tít rút vào huyện Đông Triều.

+ Đạo quân thứ ba của Tán lý Nguyễn Hữu Vịnh đóng ở xã Dương Động chặn đường cửa sông.

+ Đạo quân thứ tư của Hoàng Cao Khải đóng phía trước mặt nghĩa quân.

Địch còn sử dụng 10 pháo hạm do sĩ quan Pháp chỉ huy, binh lính Pháp sử dụng pháo đại bác trợ chiến(3).


(1) Piglowsky: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(1) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải trong tỉnh Hải Dương từ đầu tháng 4 đến 15/6/1889. Piglowsky dẫn trong sách: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(3) Lịch sử cận đại Việt Nam, tập II của Trần Văn Giàu và Đinh Xuân Lâm - dẫn theo báo cáo của Trần Lưu Huệ tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên Kinh lược sứ Bắc Kỳ về việc bắt Đốc Tít.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:34:50 am
Hoàng Cao Khải, Banchard, Laune mở đợt tấn công lớn vào cù lao Hai Sông bằng những loạt đại bác bắn dữ dội vào các làng Viên Sơn, Phát Cơ, Việt Sơn, Cao Từ. Nhiều nhà cửa, cây cối bị dổ, cháy. Sau một đợt đại bác, bọn chỉ huy Pháp lại đem quân xông vào, nhưng đều bị nghĩa quân đánh bật trở lại(1).

Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin quân Pháp tấn công vào căn cứ Hai Sông đã lệnh cho thủ lĩnh nghĩa quân tấn công vào các đôn bốt mở đường cho đội quân đến chi viện cho Đốc Tít. Chỉ trong cuối tháng 7/1889, hàng loạt cuộc tấn công đã diễn ra.

- Ngày 23/7/1889, một toán 50 nghĩa quân đột kích vào phủ Thuận Thành (Bắc Ninh)(2).

- Nghĩa quân hoạt động ở Cầu Hầu (Yên Mỹ) nghĩa quân có ý định vượt qua huyện Ân Thi để tiến sang Hải Dương, Morel, phó công sứ Hưng Yên và quản khố xanh Samaral, Soler Anber phải kéo đến đánh nhau với nghĩa quân.

- Đề Mỹ chỉ huy một toán quân có 60 tay súng trú quân ở Chúc Mao thì Tán lý Lê Hoan, Đề đốc Sơn Tây, thanh tra Zambert bao vây tấn công, đã bị nghĩa quân đánh cho đại bại, giết chết 16 tên, bị thương 2 tên.

- Ngày 23/7/1889, một toán nghĩa quân mạnh chừng 300 người, được trang bị 200 súng bắn nhanh về làng Quang Bố, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh thì gặp toán quân của trung úy Trysandier Laubarède chỉ huy 30 lính khố xanh cũng đang trên đường đi tìm và diệt nghĩa quân. Hai bên đánh nhau dữ dội, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề. Laubarède tử thương(3).


(1) Trong mấy thập kỷ qua có rất nhiều sách, tạp chí viết Đốc Tít bố trí cho Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Trung Quốc vào tháng 7/1889 như sau:
Sách Lịch sử Việt Nam (1858-1896) viết: “Cho đến giữa năm 1889, trên tất cả ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, nghĩa quân rơi vào tình thế bị bao vây, cô lập và liên tục bị truy kích. Trước tinh thế khó khăn đó, Nguyễn Thiện Thuật đã giao bình quyền cho các em Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Giang và một số tướng lĩnh khác rồi vượt vòng vây đến căn cứ Hai Sông. Tại đây Đốc Tít đã bố trí cho ông trốn sang Trung Quốc (7/1889), ông đi Khâm Chân, Nam Ninh rồi chết ở bên đó và năm 1925”.
Nguyễn Văn Khánh trong bài: Giòng họ Nguyễn Thiện Thuật trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX viết: “Mùa thu 1889 trước tình thế khó khăn, Nguyễn Thiện Thuật giao lại binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế và một số tướng lĩnh khác rồi vượt vòng ây đến căn cứ Hai Sông với Đốc Tít. Ngày 17/7/1889, Đốc Tít đã tổ chức cho Nguyễn Thiện Thuật vượt vòng vây sang Trung Quốc, Nguyễn Thiện Thuật sang chân núi Bái Vọng để khấn bái tổ tiên, sau đó ông lại đổi núi này thành núi Bái Đức”.
Một số sách khác cũng viết theo như vậy.
Theo chúng tôi không có việc Đốc Tít bố trí cho Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Trung Quốc vì:
- Thứ nhất là, ngày 8/6/1889, quân Pháp tấn công căn cứ Thuỷ Động (ở Trại Sơn) suốt 8 tiếng đồng hồ, quân Pháp bắn 22.000 viên đạn, Đốc Tít định rút về Lục Nam thì quân Pháp lại tấn công. Đốc Tít phải lui quân trở lại đánh giáp lá cà rồi rút về Đông Triều, Lục Nam sau đó lại trở về căn cứ Hai Sông.
Ngày 14/7/1889, Giám binh Laune và Hoàng Cao Khải bao vây cù lao Hai Sông bằng 4 đạo quân lớn. Cuối tháng 7/1889 phải chạy về xã Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. Sau đó trở lại căn cứ Hai Sông. Từ ngày 1 đến ngày 11/8/1889 Đốc Tít bị quân Pháp vây đánh liên tục. Ngày 12/8/1889, Đốc Tít, Đốc Lăng đưa hơn 200 quân ra hàng Pháp.
- Thứ hai là từ tháng 7/1889 đến tháng 9/1890, nhiều tài liệu của Pháp nhắc đến Nguyễn Thiện Thuật như: “Tán Thuật, Hai Kế, Đốc Sung, Lãnh Bao và Văn trở lại chiến trường đều mới có mặt ở vùng này”. (Theo Dulleman). “Tháng Giêng năm 1890, chúng (chỉ nghĩa quân) mở hai đợt tấn công lớn vào Kẻ Sặt, một đội lính cơ, lính khố xanh được thành lập sau cuộc xung đột với các đám giặc liên kết, quân ta đuổi được chúng sang tỉnh Bắc Ninh và sau đó chúng phải tự phân tán.Nhưng rồi Tán Thuật trở về, các đám lại quần tụ và tập trung quanh ông ta” (Theo Hải Dương tỉnh chí). Hoàng Cao Khải cũng tự thú nhận; “ở vùng Đốc Sung vẫn còn lại chừng 200-300 tên, vũ trang khoảng 100 súng, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tán Thuật”. (Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải)…
- Thứ ba là, từ căn cứ Bãi Sậy lên Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương tới Lạng Sơn sang Long Châu rất gần, lại là địa bàn hoạt động của ông. Hà tất gì ông phải đến căn cứ Hai Sông nhờ Đốc Tít đưa sang Trung Quốc.
Lại nữa, làng Chi Ngãi, huyện Chí Linh nằm cạnh đường 18 từ Bắc Ninh tới Phải Lại - Hòn Gai. Chi Nghĩa cách thị trấn Sao Đỏ khoảng 3 km, phía tay trái đường có mộ và nhà thờ Nguyễn Phi Khanh. Vào thời điểm đó, quân Pháp đống đồn ở Phả Lại, Sao Đỏ ngày nay, Uông Bí… Đường 18 là đường hành quân của quân Pháp đâu có dễ dàng gì để ông Thuật đến bái vọng tổ tiên.
Một điều nữa là, sách Lịch sử Việt Nam viết; “Nguyễn Thiện Thuật giao binh quyền cho Nguyễn Thiện Kế và Nguyễn Thiện Dương” Nhưng Nguyễn Thiện Dương đã hi sinh trong trận tao ngộ chiến ở Bần Yên Nhân ngày 9/2/1888 và Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 26/5/1926 (ngày 15 tháng 4 năm Bính Dần), chứ không phải năm 1925 và Khâm Châu chứ không phải Khâm Chân.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn trên là do có sự hiểu bai thơ của Nguyễn Thiện Thuật nhan đề “Ký Đốc Tít” gửi cho Đốc Tít, sau khi đầu hàng Pháp tiệc tùng ở dinh Tổng đốc Hải Dương mở đầu bằng hai câu:
   “Cộng thệ tiêm cửu thất tải dư
   Mai Sơn nhất xuất ngẫu tương sơ”

Dịch:   Hơn bẩy năm trời hẹn trước sau
   Mai Sơn một chốc bỗng xa nhau

thành bài thơ của Đốc Tít tiễn Nguyễn Thiện Thuật trước khi lên đường Trung Quốc nhan đề: “Tiễn Nguyễn Công Thiện Thuật” mở đầu bằng hai câu:
   “Cộng thệ tiêm cửu tứ tải dư
   Mai Sơn nhất xuất ngẫu tương sơ”

Dịch   Diệt thù thề bốn năm hơn
   Xa nhau một buổi Mai Sơn lên đường…

(2) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5, 6/1969.
(3) Theo La Garde Ingigène des créstion à losrous của Daufès.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:35:50 am
Sau khi đẩy lùi được các toán quân từ Hưng Yên, Bắc Ninh đánh sang Hải Dương với ý định đánh vào sau lưng quân Pháp đang tấn công căn cứ Hai Sông. Quân Pháp còn triệt đường tiếp tế vũ khí, lương thực vào căn cứ Hai Sông.

Nhằm thực hiện ý đồ nham hiểm trên, Hoàng Cao Khải ra lệnh chao quân triệt phá 250 làng ở cù lao Hai Sông, bắt nhân dân tản cư đi nơi khác, vì sợ nhân dân tiếp tế cho nghĩa quân. Quân Pháp mai phục ở Huệ Trì đánh cướp đoàn tải lương do Đốc vận quân lương Bùi Hữu Tích chỉ huy. Chúng bắt được ông tra tấn cho đến chết. Bà Nguyễn Thị Thành, chị ruột của Đốc Tít giữ chức Quản đốc vũ khí. Bà thương mua súng đạn, quân trang ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chở bằng thuyền buồm phủ hàng hóa lên trên, cung cấp cho căn cứ Hai Sông. Chúng đi này gặp biến động, đoàn thuyền của bà phải dựa vào vịnh Hạ Long mà đi. Quân Pháp dò biết tin, đưa tàu chiến ra phục kích ở gần Cồn Chanh. Thấy thuyền giặc bủa kín xung quanh, bật đèn pha sáng trưng, bà biết là không thể thoát, liền cho quân đồ bộ lên Cồn Chanh rồi nổ mìn phá hủy thuyền. Quân giặc bao vậy chặt Cồn Chanh, bà chỉ huy nghĩa quân bắn trả kịch liệt, hầu hết nghĩa quân hy sinh. Bà Thành bị giặc bắt. Chúng đưa bà về Yên Lưu Thượng tra tấn man rợ. Bà không khai báo mà còn chửi vào mặt chúng. Chúng nung chiếc mâm thau đỏ rực để dọa bà. Bà không hề run sợ, bước thẳng tới ngồi gọn trên mâm. Quần áo, da thịt bà cháy khét lẹt. Sợ bà chết không khai thác được tài liệu, chúng kéo bà rồi đưa đi mất tích.

Bị triệt nguồn tiếp viện, nghĩa quân ngày một khó khăn, đạn gần hết, lương thực cạn kiệt, quân sĩ mệt mỏi. Trong khi đó thì ở phía bắc Cù Lao, phó tướng Lãnh Canh chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ròng rã 22 ngày, đạn dược và lương thực đều cạn kiệt, quân tiếp viện không tới được. Giặc bất ngờ ập tới, ông dùng lưỡi lê, đoản đao đánh trả địch. Phần lớn nghĩa quân hy sinh, ông bị giặc bắt. Bọn giặc tra tấn ông cho đến chết. Ở phía nam Cù Lao, quân Pháp cũng tấn công ác liệt, Lãnh Hưu, Tổng Du, Quản Quỳnh tự mình xông lên trước chiến đấu ròng rã 20 ngày. Nghĩa quân chiến đấu cho đến khi bắn hết đạn. Quản Quỳnh hy sinh. Lãnh Hưu, Tổng Du bị giặc bắt, phòng tuyến phía nam tan rã. Trước tình thế đó, cuối tháng 7/1889 Đốc Tít phải dẫn tàn quân chạy về Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. Ông được tri huyện giúp mộ quân, quyền góp được lương thực, lại trở về căn cứ Hai Sông.

Ngày 1/8/1889 Tổng đốc Hoàng Cao Khải và Thanh tra Branchard cho cảnh sát đổ bộ lên đảo Hai Sông và đã dựng trong hòn đảo lớn đối diện với Yên Lưu những đồn binh như sau:

- Dưỡng Lai: 2 vệ binh chính, 80 vệ binh dân sự.

- Lỗ Sơn: 2 vệ binh chính, 94 vệ binh dân sự.

Mỗi đồn binh này đều được cắm ở lối vào các động Dưỡng Lai, Phát Cơ, Lang Nhâm. Nhiệm vụ của các đồn binh này là bắt giữ tất cả nam giới trở lại các vùng lân cận. Địa điểm đó là ở vào khoảng đất của hòn đảo, khoảng này có nhiều đá lớm chởm và là nơi nghĩa quân của Đốc Tít dùng làm nơi trú ẩn.

Quân của lực lượng tảo thanh còn khoảng 400 và 200 vệ binh dân sự đóng ở Bần Yên Nhân, Đông Mai, Hà Xá, Phú Thị, 300 tên ở Dưỡng Lai và Lỗ Sơn(1).

Lực lượng chia làm hai cách để lên tàu:

- Một lên pháo hạm Berthe ở Villers.

- Một lên thương thuyền và 1 tàu thủy số 4 ở sông Côi, sông Thái Bình.

Một cánh đổ bộ lên phía nam của hòn đảo Lang Thiêm, một cánh lên phía bắc làng Thuỵ Khê, ở cạnh hai làng trên là những gò đống, không cây cối. cao, chế ngự các hòn núi đá, những hang động của Mai Động nằm kẹp giữa hai cánh quân này.

Cuộc đổ bộ tiến hành êm thấm, lác đác có vài nghĩa quân chống lại rời khỏi làng mạc tiến về hang động.


(1) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải trong tỉnh Hải Dương từ đầu tháng 4 đến 15/6/1889, Piglowski dẫn trong sách: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:38:14 am
Chiều đến nhiều toán quân Pháp mạnh đã tiến hành lùng sục các làng Thuỵ Khê, Kim Khê, Lang Thiêm, Mai Động… Từ những khoảng cách xa, vài nghĩa quân loáng thoáng, tỏ ra cô độc, kiểu cách này cho ta đặt ra giả thuyết là Mai Động có kẻ địch(1).

Quân Pháp còn huy động pháo hạm Berthe de Villière và các xuồng nhỏ tuần tiễu quanh vùng có nhiều đảo phía đông bắc và phía đông của đảo nơi nghĩa quân ẩn náu.

Đêm 2/8/1889, Đốc Tít dẫn 200 quân tấn công đồn lính. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 90 phút, nghĩa quân giết chết 6 tên Pháp, làm bị thương 15 tên, trong đó có giám binh Laune chỉ huy cuộc bình định Hai Sông bị trọng thương, phải đưa về Hải Phòng chữa trị, một số súng bị gãy(2).

Mặc dù bị đánh phủ đầu, nhưng lực lượng địch vẫn còn rất mạnh. Sáng hôm sau, ngày 3/8/1889, Vincillion, Blanchart và Hoàng Cao Khải vẫn chỉ huy cuộc tấn công vào Trại Sơn. Đốc Tít mai phục quân ở nơi hiểm yếu dụ địch vào để tiêu diệt. Quân Pháp thấy nghĩa quân không chống cự, thì cho rằng nghĩa quân khiếp đảm vũ khí tối tân của quân Pháp mà tháo chạy, nên khinh thường, kéo nhau lên núi. Đợi khi quân giặc tới cách khoảng trên dưới 10 mét, Đốc Tít mới ra lệnh nổ súng. Tất cả mũi súng của nghĩa quân đều nhằm sẵn vào quân địch, nhất loạt rung lên. Những tên đi đầu ngã gục, những tên lính bị thương giãy giụa trong vũng máu, bọn còn lại nằm rạp xuống tránh đạn. Nghĩa quân bắn yểm hộ để một số tràn xuống cướp súng đạn. Khi Vincillion và Blanche củng cố được đội hình xua quân tràn lên thì hầu hết nghĩa quân đã trở về vị trí chiến đấu.

Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt, quân Pháp bị đánh bật xuống chân núi nhiều lần nhưng chúng cậy động quân và lắm súng đạn, vẫn bắn như vãi thóc lên núi rồi hò hét xông lên. Nghĩa quân có ít người, súng đạn cũng hạn chế, nên núng thế. Lãnh Bái ở lại cầm chân giặc, còn Đốc Tít, Lãnh Quý, Lãnh Tiến rút về vùng rừng núi Phát Cơ. Lãnh Bái cầm cự được chừng một giờ thì bị trúng đạn vào vai, phải hô quân rút lui.

Quân Pháp lập tức đuổi theo, bao vây Phát Cơ kín bốn phía. Đường vào núi Phát Cơ rất hiểm trở, quân Pháp phải dùng mìn phá đã để mở lối, cho quân xông lên. Nhưng mỗi khi quân Pháp nhô lên lập tức bị nghĩa quân bắn trúng. Quân Pháp, quân Nam bị chết, bị thương rất nhiều phải rút lui. Song Hoàng Cao Khải, Vincillion và Blanche vẫn cho quân bao vây chặt Phát Cơ, Dưỡng Lai và Yên Lưu nhằm cô lập nghĩa quân trên núi đá. Trên sông Lô Sơn, sông Côi, sông Kinh Thày thì pháo thuyền Moulion và nhiều xà lúp tuần tiễu suốt ngày đêm.

Một đêm tối trời, đội quân của Riléan và Ménard mạo hiểm leo lên núi Phát Cơ nơi nghĩa quân chiếm đóng. Khi cách núi khoảng 100 mét, quân Pháp dừng lại bò sát đất tiến vào. Đến nơi chúng chia thành từng tốp 3-5 người vây chặt khu vực nghĩa quân đồn trú chờ lệnh là xông lên. Nghĩa quân sau nhiều ngày quân thảo với địch, sức lực kiệt quệ dần. Số thương binh nặng không được cứu chữa kịp thời các vết thương sưng tấy, mung mủ dẫn đến tử vong, người ốm nằm la liệt. Vì vậy quân giặc bò lên núi nghĩa quân vẫn không phát hiện được.

Trời gần sáng, một nghĩa quân làm nhiệm vụ cảnh giới nhìn thấy quân giặc liền thổi tù và báo động. Lập tức nghĩa quân cầm lấy súng sẵn sàng chiến đấu. Quân Pháp và nghĩa quân bắn nhau dữ dội. Tuy nghĩa quân cố gắng ngăn cản địch, nhưng quân Pháp lợi dụng các khe đá ẩn nấp cũng tiến lên được. Thấy quân địch mạnh, Đốc Tít phải rút hết quân theo lối bí mật.

Toán quân của Ménard chiếm được núi Phát Cơ, cướp được nhiều lương thực, khí giới, giấy tờ quan trọng mà nghĩa quân không kịp mang đi. Nhờ đó quân Pháp biết được trong hàng ngũ nghĩa quân có hai lính Pháp là Martin và Clausede đã ra hàng Đốc Tít và làm nhiệm vụ sửa chữa vũ khí cho nghĩa quân(3).

Đốc Tít đem quân về đóng ở xã Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, chưa yên chỗ thì địch đem quân đến đánh. Lần này Đốc Tít không dám giao chiến, mà thu thập quân lương rút về hang Bích Nội. Đóng quân ở đây Đốc Tít dựa vào một phía có đầm lầy, một phía có cỏ rậm để chặn địch.


(1), (2), (3) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:40:04 am
Quân Pháp tiến bằng hai đường: đầm lầy và cỏ rậm. Vừa tiến sát đến chân núi, quân Pháp đã bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt. Chúng bị thiệt hại nặng, giám binh Dominiki bị trọng thương. Quân Pháp phải chia quân đóng ở Lỗ Sơn và Lang Nhâm rồi dàn trận phía Bích Nội. Súng đại bác của quân Pháp bắn dữ dội. Lãnh Quỳnh, Lãnh Đề và một số nghĩa quân tử trận. Đốc Tít phải dùng thuyền theo sông Giá rút về Đông Triều. Quân Pháp cho xà lúp đuổi theo nhưng chỉ bắt được vài chục thuyền nhỏ chở lương thực. Nghĩa quân không còn sức chiến đấu phải phân tán sống trong các làng.

Được viên tri huyện Đông Triều giúp việc tuyển quân và cung cấp lương thực, nghĩa quân lại tổ chức được lực lượng, vũ trang đầy đủ, trở lại cù lao Hai Sông. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải vẫn tìm mọi cách để tiêu diệt nghĩa quân, song chúng không phát hiện ra nơi trú quân.

Báo chí Pháp than phiền: “Đốc Tít càng trở nên nguy hiểm. Mất năm trước, thiếu tướng Négrier đưa quân đến hỏi tội y, đã bị y làm lỡ kế hoạch. Một chuộc tiễu phạt mới được tổ chức kết quả cũng chẳng tốt lành”(1).

Sáng ngày 5/8/1889, quân Pháp tấn công ác liệt vào nơi đồn trú của nghĩa quân. Các pháo hạm Béctađờvin (Berthe de Villers) và Muliông (Moulion) cùng 4 ca nô chở đầy lính nhằm hướng sông Đá Bạch tiến vào, còn bộ binh do hai lối Lang Thi và phía Nam Thuỵ Khê rầm rộ kéo tới. Mấy làng bị tình nghi chứa chấp nghĩa quân như Lang Thiêm, Mai Động, tổng Trúc Động bị quân Pháp kiểm soát gắt gao. Quân Pháp tin chắc rằng nghĩa quân đang ẩn náu trong những hang đá ở núi Mai Động. Hoàng Cao Khải, Laune hiểu rõ tầm quan trọng của vị trí này vừa cao lại có nhiều hang động, khe đá có vách rất cao, lợi thế cho nghĩa quân phòng thủ, nên đã sai 200 vệ binh dân sự, 100 tùy tùng đi thăm dò(2).

Nghĩa quân bố trí trong khắp các khe đá và đã được lệnh khi nào địch đến thật gần mới bắn. Vì thế hơn 300 quân Pháp dàn hàng ngang dò dẫm tiến lên, nghĩa quân vẫn yên lặng, mặc cho chúng bắn súng thăm dò. Trong khi phân đội thuộc đồn binh Thuỵ Khê được báo trước đã bao vây các hòn núi đá ở phía bắc.

Hoàng Cao Khải, thanh tra Laune bố trí đội hình tấn công như sau:

- 75 vệ binh dân sự dưới sự chỉ huy của viên vệ binh chính Vincilionti theo con đê tiến về những núi đá bên tay phải. Toán thứ hai do viên vệ binh chính Soubra chỉ huy gồm một lực lượng tương đương theo con đê tiến về hướng núi đá ở phía tay trái. Một phân đội vệ binh dân sự tiến thẳng về phía núi đá ngay giữa đồng ruộng dưới sự chỉ huy của viên vệ binh chính Manard. Toán này cũng có nhiệm vụ bắn đồng loạt vào khoảng những hòn núi đá mà ở đó sẽ có những loạt đạn bắn trả(3).

Quân Pháp phát lệnh tấn công, bọn lính dò dẫm tiến từng bước khi cách chân núi chừng 100 mét thì từ phía núi đá nghĩa quân bắn ra dữ dội. Tên vệ binh dân sự chỉ huy toán quân đi đầu phải nằm rạp xuống bờ ruộng tránh đạn. Đường đạn của nghĩa quân bắn rất căng trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Sau đó rút lên tuyến hai ở đỉnh núi. Số nghĩa quân còn lại bắn yểm hộ rút sau thì bị lính của đồn binh Thuỵ Khê bắn chặn. Nghĩa quân vốn thông thạo địa hình nên cho một bộ phậ luồn ra phía sau đánh tập hậu khiến cho quân Pháp rối loạn. Đúng lúc đó, nước thủy triều lên, trời nóng, quân Pháp sợ phải bỏ dở cuộc hành quân, rút về vị trí đem theo những xác chết và 13 vệ binh dân sự bị thương.

Nghĩa quân cũng phải rút vì không còn đạn.

Sang đêm mùng 2 rạng ngày mùng 3 tháng 8, quan Pháp bày trận hình vuông (en carcré) trên gò cao khống chế các vùng lân cận. Trước khi trời ngả tối, tên thanh tra chỉ huy cuộc hành quân nhìn thấy một toán nghĩa quân đang hội ý trên gò ở ngoài tầm súng liền bố trí lại thế trận như sau:

- Về hai phía trước mặt của thế trận hình vuông do vệ binh dân sự chiếm đóng, người của ta nằm liền nhau, súng khoác trên tay, đầu quay ra ngoài, lính gác ác cạnh đó 10 mét. Nếu bị tấn công thì rút nhau sau khi đã nổ súng báo(4).


(1), (2), (3), (4) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải. Sđd


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:42:13 am
Vào tầm nửa đêm và một giờ sáng, giữa bóng tối đen sệt, người lính gác nổ súng và kêu thét lên: “Cầm lấy vũ khí!”. Toán nghĩa quân đông chừng 200 người bò sát về hai phía trước mặt của thế trận hình vuông do vệ binh dân sự chiếm giữ. Tức khắc họ đáp lại tiếng nổ của người gác bằng hàng loạt đạn. Ngài thanh tra và những viên vệ binh chính nằm sau những người lính vài thước liền tiến ra đường hỏa tuyến (ligne de feu). Toán nghĩa quân cách đó không xa, trong tư thế nằm bắn, đường đạn rất căng. Ngài thanh tra bị trúng đạn vào đùi phải tuy nhiên ngài vẫn chỉ huy cuộc chiến đấu phòng ngự(1).

Hỏa lực của nghĩa quân thưa dần, thanh tra ra lênh ngừng bắn và cắm lê vào nòng súng chờ, nếu như kẻ địch tiến lên thì dùng lưỡi lê đánh lui chúng.

Súng của nghĩa quân ngừng dần, nghe rõ chúng thổi còi tập hợp quân từ đằng xa. Đến sáng hôm sau thì chúng mất hút. Trận đánh kéo dài 1 giờ 30 phút. Trong trận này 6 vệ binh dân sự chết, 3 bị thương. Do ở tư thế nằm bắn nên nhiều người bị thương nhẹ vào tay. Vài khẩu súng hư hại nặng do địch.

Ngay sáng sớm một đội thám báo có vũ trang đã đến nghiên cứu trận địa. 10 nghĩa quân nằm sóng sượt trên trận tuyến. Ta thu được 4 súng nhãn 1874, 4 súng lục, những thắt lưng đầy đạn cải tiến, nhiều gươm kiếm… Chắc chắn là nghĩa quân đã bị thiệt hại nặng nề, điều đó chứng minh ở nhiều vết máu ta thấy.

Thanh tra giao quyền chỉ huy vệ binh dân sự của đội bình định do viên vệ binh chính, hạng nhất: Vincilioni, một người vệ binh thâm niên nhất. Những người bị thương được di chuyển về nhà thương Hải Phòng(2).

Ngày 3/8/1889 pháo hạm Berthe de Villers bắn một vài quả ô huy vào vị trí của nghĩa quân gây cho nghĩa quân thiệt hại nghiêm trọng(3).

Đồn binh Lỗ Sơn được lệnh nối với Mai Động bằng những chiếc tàu thủy đã gửi đến. Sự chi viện này nhằm thiết lập một đồn binh thứ ba quanh vùng núi đá mà nghĩa quân đang chiếm đóng

Đúng như phán đoán của Đốc Tít, sáng sớm ngày 5/8/1889 Hoàng Cao Khải cho quân tấn công ác liệt vào nghĩa quân, những pháo hạm Berthe de villers và Moulion nã đại bác vào chỗ đóng quân của Đốc Tít, đạn đều rơi trúng vào các hang động trú quân của Đốc Tít ở Trại Sơn và bao vây nghĩa quân ở căn cứ Thiên Triều. Quân Pháp pháo kích 2 giờ liền gây tổn thất lớn cho quân Đốc Tít sau đó cho quân tràn lên núi, nhưng chúng cũng bị nghĩa quân tiêu diệt nhiều tên, đánh tạt xuống.

Nghĩa quân chống cự quyết liệt vì thế quân Pháp không loạt được vào phòng tuyến. Nhưng trải qua 12 ngày đánh nhau với lực lượng lớn của nghĩa quân, binh lính Pháp mệt mỏi, canh gác trễ nải. Đốc Tít lặng lẽ cho quân rút qua đèo Nghé sang Mai Động, Thiểm Khê chỉ để lại một lá cờ nghi binh(4).

Ngày 11/8/1889, Đốc Tít thấy cuộc chiến kéo dài vừa qua đã gây tổn thất nặng nề cho nghĩa quân, một số tướng lĩnh nghĩa quân hy sinh, một số bị bắt, một số cùng đường phải ra hàng. Quản đốc vũ khí Nguyễn Thị Thành chở thuyền súng đạn đến Cồn Chanh thì bị giặc phát hiện cho tàu ra bao vây. Bà cho đánh đắm thuyền rồi chiếm một hòn đảo nhỏ chiến đấu đến cùng rồi bị giặc bắt và đã anh dũng hy sinh. Con đường chuyên chở vũ khí từ biên giới Việt - Trung về do Lưu Kỳ tổ chức bị giặc phong tỏa. Nguồn tiếp tế thứ ba do Ôbe thương nhân Thuỵ Điển ở Hải Phòng bị lộ, Ôbe phải trốn về Hồng Kông. Lương thực cũng cạn kiệt, Đốc vận quân lương Bùi Hữu Tích bị bắt và hy sinh khi đang vận chuyển mấy thuyền lương về căn cứ. Nghĩa quân lâm vào cảnh thiếu súng đạn và lương thực.

Quân tiếp viện từ các căn cứ khác không tới được vì các ngả đường bộ điều bị các đồn binh mới và quân cơ động canh giữ nghiêm ngặt, còn dưới sông thì các hạm tàu của Hải quân Pháp và chiến thuyền của bọn giặc biển ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Yên cùng bọn giáo dân quá khích ở nhà thờ Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) bịt kín. Vì thế tất cả các đội quân cứu viện không thể lọt được vào vùng cù lao Hai Sông.


(1). (2), (3) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải. Sđd
(4) Cụ Nguyễn Văn Xướng ở xã An Son huyện Thuỷ Nguyên cho biết, Đốc Tít buộc con chó con vào cán cờ lệnh, khi súng bắn chó sợ chạy lá cờ rung lên. Quân Pháp sợ không dám tấn công, ba ngày sau chúng thấy yên ắng mới mò lên núi thì biết đã bị mắc mưu của nghĩa quân.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:45:04 am
Để uy hiếp Đốc Tít buộc ông phải ra hàng, Hoàng Cao Khải còn cho quân vây chặt hai làng Yên Lưu Thượng, Yên Lưu Hạ ở huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn(1) quê hương Đốc Tít và làng Phù Lưu huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn(2) là quê hương bà Nguyễn Thị Nền, vợ ông. Hoàng Cao Khải còn cho phát loa đe dọa nếu Đốc Tít không cộng tác với nhà Nguyễn thì Khải sẽ bắt tất cả già trẻ, lớn bé ở vùng Hai Sông phát lưu lên rừng, xuống biển, ai chống cự bất cự già trẻ, lớn bé đều bắn chết tại chỗ, sau đó cho quân đốt phá bình địa hai làng yên Lưu và cả vùng Hai Sông.

Đốc Tít cho rằng với Hoàng Cao Khải thì đó không phải là lời đe dọa vì hắn đã từng gây ra hàng trăm vụ triệt phá các làng, xã thậm chí cả một huyện khi họ dám chống lại quân Pháp và Nam triều như đối với các huyện Đông Yên, Ân Thi, Kim Động (Hưng Yên) Văn Giang (Bắc Ninh) nằm trong căn cứ địa Bãi Sậy. Tháng giêng năm 1888, Khải đã cùng trung tá Sercvice đốt cháy một láng lớn ở tỉnh Hải Dương, Khải đã thực hiện nhiều cuộc hành hình (ở huyện Mỹ Hào) ngay sau khi xét xử, nhiều làng bị thiêu hủy theo lệnh của cấp trên vì tất cả nhân dân huyện Mỹ Hào đều là quân của ông Thuật; tháng 11/1888 sau vụ nghĩa quân giết Louis Ney, thương tá Nguyễn Hữu Hào ở Liêu Trung, Hoàng Cao Khải đưa quân về triệt phá 28 làng. Tháng 1/1889, Hoàng Cao Khải đã ra lệnh cho quân lính đốt phá 50 làng ở cù lao Hai Sông, bắt dồn dân đi nơi khác vì sợ dân ở lại giúp nghĩa quân(3).

Trong hoàn cảnh đó, Đốc Tít đề nghị các tướng đem quân và mang theo vũ khí tốt gia nhập đội quân của Lưu Kỳ hoặc các cuộc khởi nghĩa khác, còn mình và Đốc Lan phải đưa 200 nghĩa quân với 120 súng trường, 15 súng lục và hơn 300 viên đạ ra hàng. Một số thủ lĩnh như Lãnh Pha, Lãnh Hai, Đề Hùng, Đề Quý, Đốc Bẩm, Quản Bảo vẫn ở lại cù lao Hai Sông tiếp tục đánh Pháp. Quân Pháp càn quét vùng căn cứ Hai Sông bắn được 47 nghĩa quân đưa ra tòa án hỗn hợp xét xử. Chúng thu được 4 súng các loại, 3 súng trường, 8 súng lục, 120 viên đạn và nhiều vũ khí thô sơ(4).

Khi quân Pháp truy kích ráo riết, Lãnh Hai hoạt động chống Pháp ở Đông Triều, Phả Lại, Lãnh Hy đánh Pháp ở vùng ven biển Bắc Kỳ, Lãnh Pha đóng căn cứ ở Dốc Mít (Quảng Yên).

Bọn xâm lược Pháp sợ giam giữ Đốc Tít ở Việt Nam ông sẽ vượt ngục trở lại hàng ngũ kháng chiến. Chúng cũng không dám giết ông vì chúng dụ ông ra hàng, nếu giết ông thì tự chúng lột mặt nạ kẻ phản trắc. Vì vậy bọn xâm lược Pháp và Hoàng Cao Khải quyết định đày ông đi xa. Ngày 1/1/1890 Thống sứ Bắc Kỳ Brière gửi toàn quyền Đông Dương một đoạn báo cáo như sau: “… Trường hợp Đội Văn sau khi ra hàng lại quay giáo tiếp tục chống lại chúng ta đặt cho chính quyền nhiệm vụ khẩn thiết là phải có biện pháp mạnh đối với Đốc Tít, nhằm đề phòng một sự phản trắc mới. Tuy Đốc Tít xin được trở về cuộc sống đời thường như y không phải là chủ tướng tầm thường như Đội Văn. Đốc Tít là một viên quan nổi loạn chứ không phải là một tướng giặc. Tít xuất thân một gia đình danh vọng và giàu có. Vai trò của y trong cuộc chiến đấu chống lại chúng ta trước hết là vai trò chính trị và tiếng tăm của y trong vùng này có ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng. Hiên nay vùng châu thổ Bắc Kỳ còn buộc chúng ta tuyệt đối cần thiết phải cách ly Đốc Tít ra khỏi môi trường này. Chúng ta đã hứa bảo toàn tính mạnh cho Đốc Tít, nếu đầy sang Cayenne thì chẳng khác nào ghép y vào tội chết và sẽ có hậu quả xấu đối với công luận. Có lẽ cách khôn ngoan hơn là nên đày Đốc Tít sang Algérie”.

Bọn xâm lược Pháp đày Đốc Tít sang Algérie không qua xét xử và tiến hành hoàn toàn bí mật. Đốc Tít bị bắt đưa về Hải Dương rồi đưa về Hà Nội ngay, chúng giam giữ ông ở Hà Nội trong 5 tháng rồi bắt ông giải vào Nam Kỳ, bà Nền vợ ông được tin cũng đòi đem một con tên An mới 5 tuổi đi đày cùng chồng, và được bọn cầm quyền Pháp chấp nhận.


(1) Nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
(2) Nay là huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.”
(3) Theo báo Tương lai Bắc Kỳ số 16 ngày 19/1/1889. Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Piglowski: Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải.
(4) Dulleman - tài liệu đã dẫn. Về Đốc Tít trong bài: Một số tư liệu về nghĩa quân Đốc Tít của Nguyễn Hữu Hoạ nguyên trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, người xã An Sơn huyện Thuủ Nguyên, Ủy viên Ban chấp hành hội Khoa học lịch sử huyện Thuỷ Nguyên do Ủy ban nhân dân huyện Thuỷ Nguyên xuất bản tháng 6/1998 viết đại ý: Hoàng Cao Khải viết thư du hàng, ông viết thư trả lời không hàng. Lần thứ hai Khải viết thư đe dọa nếu Đốc Tít không hợp tác với nhà Nguyễn, thì Khải bắt hết người ở Yên Lưu Thượng quê ông ở huyện Hiệp Sơn và quê vợ ông ở xã Phù Lưu huyện Thuỷ Nguyên phát lưu lên rừng xuống biển, triệt phá các làng xã ở cù lao Hai Sông. Đốc Tít gửi thư nêu 5 quy ước cho Khải và yêu cầu Khải rút quân mới bàn. Khải đồng ý và hẹn ngay 12/9/1889 hôi tại đình Phù Lưu. Đúng hẹn ông đến thì bị lính của Hoàng Cao Khải xông ra bắt.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:49:59 am
CHƯƠNG VII

ĐỘI VĂN TRỞ LẠI HÀNG NGŨ KHÁNG CHIẾN
VÀ ANH DŨNG HY SINH
(9/1889-11/1889)

Trước sự truy kích gắt gao của quân Pháp và đạo quân Bình định do Hoàng Cao Khải làm Tư lệnh dưới sự giám sát của hai giám binh Blanchard và Laune. Trước tình thế bất lợi đó, Đội Văn đã thay đổi chiến thuật là tránh các mũi tấn công ồ ạt của địch sử dụng chiến thuật nghi binh, phục kích để tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ mình. Thực dân Pháp cũng biết được chuyển hướng chiến thuật đó, nên chúng viết: “Hình như quân nổi loạn đã vận dụng một cách đánh mới: chúng tháo chạy khi bị ta tấn công ở thế cô lập, nhử cho quân ta tiến sâu vào nội đị rồi chúng tập hợp lại với lực lượng rất lớn, phản công ta bằng những đòn quyết định”(1).

Mặc dù, Đội Văn đã thay đổi chiến thuật nhưng nghĩa quân của ông vẫn bị tổn thất nặng nề, nhiều thủ lĩnh tin cậy và nhiều nghĩa quân đã hy sinh như ngày 19/2/1889, một bộ tướng của Đội Văn là Đốc Thuỷ sa vào tay địch. Ông cắn lưỡi để địch không lấy được khẩu cung và bị chúng xử tử ngay chiều hôm đó. Trong trận đánh gần phủ Từ Sơn ngày 3/3/1889, hai bộ tướng xuất sắc của Đội Văn là Quản Cheo và Lãnh Cửu hy sinh. Tiếp đó ngày 5/3/1889 một bộ tướng khác của Đội Văn là Đội Trường bị địch bắt và xử tử(2). Dân chúng các làng ủng hộ nghĩa quân bị tàn sát, nhà cửa, đình chùa bị đốt phá. Hoàng Cao Khải thấy Đội Văn lâm vào tình thế nguy ngập liền viết thư dụ hàng. Trước tình thế nguy khốn bị bao vây tứ phía, Đội Văn thấy cần phải trá hàng để bảo tồn lực lượng và học chiến thuật của quân Pháp. Song ông sợ quân Pháp không tin tưởng nên đã cho Đội Trụ, một thủ hạ tin cậy ra đầu hàng ở phân đội Phù Đổng, mang theo một súng lực và năm viên đạn. Những sự việc xảy ra sau đó cho thấy Đội Trụ ra hàng theo lệnh chảu chủ tướng (Đội Văn), nhằm thăm dò cách đối xử của chúng ta(3).

Về mục đích trá hàng của Đội Văn, tác giả Louise Michel viết: “Ông (Đội Văn) nghĩ rằng muốn chiến thắng thù tốt nhất phải tìm hiểu kẻ thù từ đồn lũy của nó. Ông trá hàng và khi nắm được thực lực của đối phương ông lại tiếp tục cuộc chiến đấu vì tự do”(4).

Đội Văn thấy Đội Trụ ra hàng được an toàn nên quyết định ra hàng và viết thư cho Hoàng Cao Khải. Ngày 27/2/1889, Hoàng Cao Khải nhận được một bức thư của Đội Văn xin đầu hàng qua sự trung gian của ông cố đạo người Tây Ban Nha ở nhà thờ thị xã Bắc Ninh và xin cho thời hạn 15 ngày. Hoàng Cao Khải chấp nhận và hứa phong cho Đội Văn chức Lãnh binh Bắc Ninh nếu y chịa ra hàng trong 5 ngày(5).

Ngày 1/1/1889, Đội Văn đã tập kết lực lượng của ông tại mấy địa điểm ở huyện Lang Tài và huyện Gia Bình. Ông cố đạo người Tây Ban Nha đến gặp Đội Văn báo tin Hoàng Cao Khải chấp nhận việc đầu hàng. Ngày 6/3/1889 Đội Văn xin gia hạn mấy ngày nữa. Ngày 11/3/1889 ông cố đạo người Tây Ban Nha báo cho Hoàng Cao Khải biết Đội Văn sẽ ra hàng vào ngày 14/3/1889(6).

Cũng trong ngày 11/3/1889, Thống sứ Bắc Kỳ Parreau báo cáo lên toàn quyền Đông Dương: “Đội Văn đã nhận thấy y khó lòng tiếp tục chống lại chúng ta được nữa, nên y đã quyết định ra đầu hàng. Y xin thời hạn là 20 ngày để tập hợp đồng đảng, gom vũ khí. Nhưng Tổng đốc Hoàng Cao Khải chỉ chấp nhận cho 4 ngày. Cuối cùng tôi đã chỉ thị cho Hoàng Cao Khải báo cho Đội Văn biết y được đầu hàng vào ngày 14/3/1889 theo yêu cầu của y. Thời điểm này đã xác định coi như không thay đổi nữa”.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 14/3/1889, Đội Văn đưa 237 nghĩa quân. (có sách viết là 256) đến chùa Kê Nê (?). Số vũ khí đem theo đếm được 67 súng trường Gras, 31 súng trường kiểu 1874, 4 súng mổ cò, 6 súng liên thanh, 16 súng lục, một con dấu Đề đốc cỡ lớn, một con dấu Đề đốc cỡ nhỏ, một số gươm giáo ra hàng.

Hoàng Cao Khải rất mừng, trao lại toàn bộ vũ khí trên cho ông và cấp thêm 50 khẩu súng trường để ông đánh nghĩa quân(7). Việc Đội văn ra hàng “Địch rất hí hửng vì Đội Văn ra hàng coi như đã bình định xong Bắc Ninh vì Đội Văn chỉ huy số quân lưn nhất tỉnh Bắc Ninh. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng, chúng dự đoán Nguyễn Thiện Thuật cũng sẽ theo gương Đội Văn ra hàng. Ngày hôm sau, một tùy tướng của Đội Văn là Đốc Quang cũng đem 50 người về hàng. Vì thế quân Pháp càng tích cực mua chuộc Đội Văn hòng biến ông thành tay sai để đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy”(8).


(1) Báo cáo bổ sung của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1889, lưu tại Cục Lưu trữ I, Trung ương.
(2), (4) Charles Fourniau. Những cuộc tiếp xúc Pháp - Việt từ 1885 đến 1896 ở Trung và Bắc Kỳ - Luận án tiến sỹ, Pari, 1983.
(3) Báo cáo của thanh tra.
(5), (6) Báo cáo của thanh tra.
(7) Báo tin tức Hải Phòng số 250 ngày 5, 7/3/1889.
(8) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5, 6/1969.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Năm, 2011, 10:52:29 am
Thống sứ Bắc Kỳ Parreau còn muốn cho Đội Văn và nghĩa quân của ông ra thăm Hà Nội hy vọng làm tan ý chí chiến đấu của họ. Nhiều tên chưa từng được biết hoặc đã lâu lắm mới được trở lại Hà Nội. Đướng sá khang trang, nhà cửa lộng lẫy theo kiểu Châu Âu làm cho chúng kinh ngạc. Nghĩa là chúng phải ghi nhận sức mạnh của chúng ta, thấy rõ chúng ta đã hy sinh, đã trả giá như thế nào để thiết lập nền thống trị của chúng ta ở xứ này, chứng tỏ hiển nhiên rằng chúng ta quyết dứt khoắt đứng vững tại đây.

Thống sứ Bắc kỳ Parreau rất hài lòng sau khi tự mình khai thác Đội Văn con số chính xác về lực lượng nghĩa quân, cách tuyển mộ quân, cách tìm kiếm vũ khí, đạn dược và sự liên kết giữa các toán với nhau.

Tuy nhiên Thống sứ Bắc Kỳ Parreau vẫn cảnh giác đề phòng Đội Văn “trở giáo”. Mặc khác, Thống sứ cũng lo ngại vì Hoàng Cao Khải tỏ ra tin tướng hoàn toàn Đội Văn. Vì vậy, Thống sứ cho kê rõ họ tên, tuổi, quê quán những tên đầu hàng và còn chụp ảnh từng nhóm, để chứng tỏ người Pháp đã nắm rất chắc sinh mạng của họ và mưu mô tẩu thoát của họ chỉ là ảo tưởng.

Quân Pháp trả lương cho Đội Văn 100 quan tiền, các tùy tướng 30 quan tiền, mỗi hiệp quản 25 quan tiền, mỗi quân sĩ 15 quan tiền. Lại cấp cho nghĩa quân Đội Văn “những trang phục riêng, những dấu hiện riêng để không lẫn lộn với binh lính của chúng ta: mỗi tên được cấp một nón lính kiểu lính lệ và một tấm thẻ (đeo trên mình) để dễ nhận biết họ tên khi tiếp cận, lại thêm một thắt lưng ba sắc (tam tài). Đội Văn được cấp thêm 15 súng bắn nhanh và một số pháo hiệu (loại pháo hiệu của Hải quân) để nhận biết nhau về ban đêm”.

Đội Văn ra hàng thực dân Pháp là đáp ứng tham vọng của chúng là “Dùng người Việt đánh người Việt”. Vì vậy Thống sứ Bắc Kỳ Parreau viết trong báo cáo việc Đội Văn ra hàng như sau: “… Thực dân Pháp muốn vận dụng hơn nữa việc: Dùng người bản xứ diệt người bản xứ. Cho đến nay những thử nghiệm của chúng ta không có hiệu quả mà chỉ làm cho quân nổi loạn thêm táo bạo (…). Vậy cần phải có biện pháp mới, nghĩa là phải làm sao cho dân bản xứ chống lại nhau. Tôi sẽ giao nhiệm vụ này cho Tổng đốc Hoàng Cao Khải, viên quan rất có nghị lực và đầy tham vọng”.

Quân Pháp đưa ông đi đàn áp một số thủ lĩnh nghĩa quân, song điều ông quan tâm là chiến thuật bố trí binh lực của các sĩ quan Pháp theo chiến thuật hiện đại của phương Tây, nghĩa là trận địa có mũi chính diện, mũi phụ, có quân dự bị. Khi tấn công có mũi chính diện, mũi vu hồi, tập hậu. Ông còn giao cho một số thủ lĩnh tin cậy học cách sửa chữa, chế tạo súng đạn.

Với con mắt của người cầm quân có kinh nghiệm, chỉ trong một thời gian ngắn ông cùng một số thủ lĩnh đã học được cách chỉ huy quân đội trong tác chiến cũn như trong phương pháp huấn luyện quân sĩ một cách toàn diện.

Quân Pháp sau khi bao vây, tiêu diệt được đội quân ở tây nam Bắc Ninh, buộc Hồng Lô tự khanh Tán tương Quân vụ Ngô Quang Huy phải tự tử, nghĩa quân tan rã. Quân Pháp cũng đẩy Đốc Tít vào thế cùng đường buộc ông phải ra hàng và đầy ông đi Algéri, phá được căn cứ Trại Sơn, căn cứ Hai Sông. Bừng một lực lượng lớn quân đội của nhiều binh chủng, vũ khí hiện đại, quân Pháp cũng đánh bật Lưu Kỳ ra khỏi Đông Triều, Uông Bí. Sau khi đánh phá ba căn cứ mạnh của nghĩa quân Bãi Sậy ở tây Nam Bắc Ninh, ở các huyện Kinh Môn, Thuỷ Nguyên tỉnh Hải Dương, Đông Triều tỉnh Hải Dương và Uông Bí tỉnh Quảng Yên, quân Pháp tập trung lực lượng để mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ Bãi Sậy ở Khoái Châu nhằm tiêu diệt căn cứ đầu não của cuộc khởi nghĩa.

Một sự kiện bất ngờ đối với thực dân Pháp là ngày 17/9/1889, Đội Văn sau 8 tháng trá hàng quân Pháp, trong một trận quân Pháp sai ông đi đàn áp nghĩa quân ông đã ước hẹn với một số đồng chí rồi bí mật đem 200 quân, 100 tay súng(1) vượt sông Đuống nhập với toán quân của Lãnh Đội chờ sẵn theo mật ước từ trước. Nghĩa quân mặc áo lính theo đường số 1 qua sông Cầu để lên Yên Thế gia nhập nghĩa quân Đề Nắm (Lương Văn Nắm) tiếp tục đánh Pháp(2).

Được tin Đội Văn trở lại hàng ngũ kháng chiến lập tức các tướng lĩnh cũ như Lãnh Giám, Lãnh Giới, Lãnh Bội… cũng bỏ quân Pháp chạy lên Yên Thế đưa lực lượng của Đội Văn lên trên 400 người với trên 200 súng bắn nhanh(3).


(1) Daufès: Bảo an lính Đông Dương từ ngày thành lập đến nay, sách đã dẫn - Báo Le Courier Hải Phòng năm 1889 viết: Đội Văn đe mtheo 40 súng. Theo chúng tôi, khi Đội Văn ra hàng Pháp để nguyên số súng của đội quân của ông lại trang bị thêm 50 súng nữa, như vậy số súng của ông đem đi phải nhiều - V.T.S.
(2) Tập thể sĩ quan bộ Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến tháng 1/1992 Ideo, Hà Nội. Năm 1889 Pháp chưa thành lập tỉnh Bắc Giang, phần đất của Bắc Giang ngày nay thuộc tỉnh Bắc Nhinh.
(3) Daufès: Bao anh lính Đông Dương từ ngày thành lập đến nay, Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 01:58:34 pm
“Trong một thông báo gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng: Mình đã trá hàng để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ đảm bảo đánh được khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ sở Bắc kỳ. Đội Văn thông báo rằng thời cơ ấy đã đến và quyết định với các bộ hạ trung thành của mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Hượng mà Đội Văn sẽ đi đến đến cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật”(1).

Đội Văn trở lại hàng ngũ kháng chiến lại liên kết với nghĩa quân Yên Thế làm cho bọn xâm lược Pháp ở Bắc Kỳ rất hoảng sợ. Chúng phải kêu lên: “Lúc này Đội Văn lại hoạt động mạnh trong vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương Bắc Ninh và Tỉnh đạo”“Cách đây 2 tháng người ta có thể ung dung đi lại trên con đường Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng ngày nay thì người ta phải “vũ trang đến tận răng” thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới dám đi từ Đáp Cầu đến Phủ Lạng Thương”(2).

Bọn chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc kỳ lập tức ra lệnh cho đồn binh Phủ Lạng Thương phải dò tìm đương hành quân của ông. Tên trung úy May (Meyer) chỉ huy đồn Phủ Lạng Thương lập tức cho lính lùng sục vùng Phú Khê, Liên Bộ, Lán Tranh).

Đội Văn trở về Bắc Ninh là quê hương của mình. Trong một bức thư gửi nhân dân Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đề ngày 24/8 âm lịch, năm Hàm Nghi thứ 5, Đội Văn nêu rõ: “Mục đích chiến đấu của ông là nhằm để đánh đuổi giặc xâm lược Pháp, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình, yên tĩnh thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ nghĩa quân”(3).

Chiều ngày 18/9/1889, quân trinh sát của Đội Văn phát hiện quân của Meyer có 51 lính đang đóng ở chùa Lang Tài, bên bờ sông Thương thuộc huyện Yên Dũng, ông quyết định phải tấn công bọn lính này, đã bình tĩnh dẫn nghĩa quân mặc quần áo lính khố đỏ tiến đến cách chùa 100 m thì xung phong đánh vào chùa, mặc cho quân Pháp chống trả dữ dội, nghĩa quân chiếm được hai gò rất cao. Ông cho bắn mãnh liệt vào chùa hai tiếng đồng hồ liền buộc quân Pháp phải cố thủ trong đó. Sau đó, nghĩa quân chia làm ba mũi lợi dụng những mô đất tránh đạn tiến vào chùa. Cuộc chiến kéo dài đến nửa đêm, tên đội Gaudin phải mở đường máu rút ra ngoài, còn Meyer phải đợi trờ sáng mới dám rút quân chạy về Phủ Lạng Thương(4). Quân Đội Văn cũng tranh thủ thời gian vượt lên Thượng Yên Thế.

Cùng ngày 18/9/1889 nghĩa quân Yên Thế do Đề Nắm chỉ huy đã bị một đạo quân Pháp do Đại úy Gooxơ (Gorxse) chỉ huy tấn công đang đóng ở trong làng Sặt. Sau một ngày kịch chiến, nghĩa quân Yên Thế đuối sức phải rút về Hữu Thương lập chiến lũy trong rừng.

Nghĩa quân Đội Văn phải trải qua chặng đường hành quân vất vả, chịu đựng đói rét, phải né tránh quân Pháp đuổi theo lại vừa trải qua trận chiến ác liệt với quân Pháp nên vô cùng mệt mỏi. Song tình thế không cho nghĩa quân được nghỉ ngơi, ông lập tức tiến công quân Pháp. Được quân Đội Văn hỗ trợ, Đề Nắm tung quân ra đánh, hai bên không hẹn mà hợp đồng chặt chẽ vì thế đại úy Gooxơ phải ngừng cuộc tấn công Hữu Thượng để đói phó với Đội Văn.

Ngày 19/9/1889, nghĩa quân vẫn “điềm nhiên tiến về phía Phủ Mọc và cứ thế tới vùng Thượng Yên Thế tiếp sức cho những toán lớn mạnh”(5) của nghĩa quân Yên Thế. Sau cuộc tiếp sức, Đội Văn triển khai lực lượng của mình ở Hữu Thượng, Dĩnh Thép, Bãi Mét và “chiếm Tỉnh đạo cũ và biến thành vị trí tiến công”(6).


(1) Frey: Pirates et rebelles au Tonkin, Paris (1892 - Giặc dã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ, Paris, 1892).
(2) Báo Tin tức Hải Phòng số ra ngày 27/2/1890.
(3) Theo bản dịch chữ Pháp Bức thư Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) - theo Paul Isoart: Le phèno mène national Việt Nam, xuất bản ở Paris năm 1961.
(4) Theo Ablert de Pouvourivillet Chasseur de pirater (Laslures de In Brousse) xuất bản ở Paris năm 1928. Nhưng theo Frey trong cuốn Giặc giã thổ phỉ ở Bắc Kỳ chỉ trận đánh diễn ra ở Đèo Lai: “Chiều ngày 18/9/1889, hai bên đụng độ tại Đèo Lai (Nghĩa Trung - Việt Yên). Ngay lúc đó Đội Văn chi quân thành từng tốp có ứng cứu bằng dự bị theo đánh chiến thuật quân sự phương Tây và bắt đầu tấn công. Trong khói lửa súng đạn người ta thấy một thiếu phụ cưỡi ngựa, ăn mặc sang trọng, mang súng trường luôn luôn cổ vũ nghĩa quân. Đó là người vợ yêu của Đội Văn. Trận đánh ở Đèo Lai kéo dài tới chiều tối. Hai bên giành giật với nhau từng thước đất. Meyer phải dẫn quân chạy về Phủ Lạng Thương.
(5) Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến 1-1922, Ideo, Hà Nội, viết: “Cuộc tiếp sức ở Cao Thượng được tiến hành giữa Đề Thám và Đội Văn tại ngôi đình của làng”.
(6) Frey: Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:01:18 pm
Cuối tháng 9 đầu tháng 10/1889, Đội Văn phối hợp với nghĩa quân Yên Thế Thượng, thế lực nghĩa quân mạnh hẳn lên. Mặc dù lực lượng nghĩa quân Yên Thế khi đó có khoảng 500 binh sĩ nhưng đã bị tổn thất nặng nề sau các đợt tấn của giặc Pháp, lực lượng Đội Văn có 500 quân, trang bị 250 súng bắn nhanh, nhưng cơ số đạn ít, quân lính mệt mỏi vì phải đối phó với các đợt truy kích liên tục của quân Pháp.

Mặc dù vậy, quân Pháp rất hoảng sợ vì “Sự có mặt của Đội Văn đứng đầu một toán quân lớn và trang bị vũ khí đầy đủ đã đem lại cho bọn giặc (chỉ nghĩa quân Yên Thế) một chỗ dựa rất quan trọng khiến cho những đội quân nhỏ bé của ta (Pháp) từ nay khó lòng ứng chiến với chút thắng lợi. Vì thế đại úy Gooxơ được lệnh cắt những hoạt động chống các toán ở Hữu Thượng các đội quân phải rút lui về các đồn lính”(1).

Trở lại hàng ngũ kháng chiến giải phóng dân tộc, Đội Văn coi đó là niềm tự hào của mình: “Trong một thông cáo chung gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng mình đã giả vờ hàng phục để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ đảm bảo được khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Đội Văn thông báo rằng, thời cơ ấy đã đến và quyết định với các bộ hạ trung thành của mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Thượng mà Đội Văn sẽ đi đến để cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc (tức nghĩa quân) vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật”(2).

Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin cấp báo ngày 17/9/1889, Đội Văn cùng một số thủ lĩnh ra hàng Pháp, tám tháng trước đã bỏ hàng ngũ quân Pháp lên Yên Thế tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp và đang bị quân Pháp truy kích, ông lập tức lệnh cho các tướng đánh mạnh vào quân Pháp ở khắp nơi để “chia lửa” với Đội Văn. Các tướng lập tức thực hiện mệnh lệnh, điển hình là các trận:

- Ngày 27/9/1889, nghĩa quân Bãi Sậy nhiều lần tấn công đồn Bầy Yên Nhân khiến viên vệ binh chính chỉ huy đồn phải cố thủ trong đồn. Sau đó, hắn thu hút lực lượng binh lính các đồn Ghênh, Đông Mai, Mỹ Hào… đến tham gia cuộc thảo phạt vào vùng Tam Trạch (Sài Trang, Yên Mỹ) vì có tin báo làng này có nghĩa quân Bãi Sậy đang trú ẩn.

Vệ binh tấn công, nghĩa quân chiến đấu quyết liệt với địch rồi rút khỏi làng tiến về con đê Kẻ Sặt. Theo tin của địch, nghĩa quân rút lui để lại 4 các bin, 3 súng mút cơ tông(3).

“Trong nghĩa quân Đội Văn có một người phụ nữ là vợ của Đội Văn, bà đã cải trang thành đàn ông, cũng đeo súng, cưới ngựa theo sát nghĩa quân trong từng trận đánh để uy náo và cùng chiến đấu với họ”(4).

Để diệt trừ Độ Văn, quân Pháp đã điều động một lực lượng lớn tràn lên Yên Thế nhằm tiêu diệt lực lượng Đội Văn trước khi nghĩa quân hòa nhập với phong trào Yên Thế. Triệt phá các đồn lũy, các làng chiến đấu, chiếm lại đồn binh, tỉnh đạo, triệt phá các cơ sở của nghĩa quân Yên Thế dọc sông Thương và ở khu vực Phủ Mọc, Cầu Chay. Lực lượng quân Pháp gồm:

- Đạo binh của thiếu tá ĐuyMông (Dumont) gồm 1.000 lính (500 kị binh, 384 bộ binh, 1 tiểu đội pháo binh chốt giữ Nhã Nam, Dĩnh Thép, Hữu Thượng).

- Đạo binh của của thiếu tá Pichkê có 250 thám báo phối hợp với một cánh quân do thám binh Chiappini chỉ huy làm nhiệm vụ tuần tiễn sông Thương, ngòi Vo, phủ Mọc, sông Cầu để chặn đường rút của nghĩa quân.

- Đạo quân do Hoàng Cao Khải gồm 600 lính cơ chốt giữ ở vùng sông Cầu rải quân từ biển Gầm lên Phủ Lạng Thương.

Những cuộc hành quân này bắt đầu từ ngày 11/10/1889. Trong 154 ngày toàn xứ bị sục sạo khắp nơi. Những đồn nhỏ của nghĩa quân Yên Thế và các làng đắp lũy bị san phẳng hoặc làm mồi cho lửa. Lương thực dự trữ bị đốt cháy nhưng các toán giặc vẫn vô hình, vô ảnh, chúng phân thành những đơn vị nhỏ và mất hút vào những con đường mà quân ta không vào được.

“Mùa này cho phép những cuộc hành quân dài hơn. Ngay những ngày đầy tháng 10 một đội quân được tập hợp với nhiệm vụ phải chiếm lấy tỉnh đạo, san phẳng những đồn nhỏ và những làng có đắp lũy ở vùng Yên Thế và một khi thu được kết quả ấy rồi thì phải đánh ngoặt xuống Yên Thế nhằm đánh bọn giặc đóng giữ”(5).


(1) Tập thể sĩ quan Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến 1/1922, Ideo, Hà Nội.
(2) Frey: Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ. Sđd.
(3) Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải, Piglowski dẫn trong: Lịch sử Lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(4) Theo Frey: Pirates et rebelles au Tonkin (Hos soldas au Yên Thế), Nhà xuất bản Hachette, Paris, 1892. Theo cụ Vương Văn Sướng cháu gọi Đội Văn bằng ông bác và nhiều người dân ở thôn Thuận An, xã Châu Lỗ, Thuận Thành, Bắc Ninh kể thì Đội Văn có hai bà là bà thứ năm và bà thứ sáu, một bà quê ở làng Ngò nay thuộc xã An Bình, Thuận Thành và một bà ở làng Hè thường búi tóc ngược cầm súng, kiếm ra trận cùng Đội Văn. Đến nay con cháu cũng không biết tên vì các bà quê ở làng khác.
(5) Lịch sử quân sự Đông Dương của tập thể sĩ quan Tham mưu viết: Mùa này cho phép những cuộc hành quân dài hơn. Ngay những ngày đầu tháng 10 một đội quân đượ tập hợp với nhiệm vụ phải chiếm lấy tỉnh đạo, san phẳng những đồn nhỏ và những làng có đắp lũy ở vùng Yên Thế và một khi thu được kết quả ấy rồi thì phỉa đánh ngoặt uống Yên Thế nhằm đánh bọn giặc đóng giữ.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:04:54 pm
Đội Văn buộc phải chiến đấu ở vùng rừng núi mà quân của ông chưa quen, cơ sở trong nhân dân không có, việc tiếp lương thực vô cùng khó khăn trong khi bị quân Pháp truy kích từ nhiều hướng rất dữ dội ở Thượng Yên Thế nên trong các ngày 22-23/10/1859, Đội Văn phải dẫn quân về huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Khi tới Sen Hồ, sở lị của huyện Yên Dũng lúc đó, Đội Văn đã gửi thông báo cho nhân dân huyện Yên Dũng tgrong đó có lời tuyên bố sắt đá: “Không chịu sống đội trời chung với bọn quỷ Tây Dương” và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ và đứng vào hàng ngũ nghĩa quân. Bên dưới kí tên: “Đề đốc họ Vương” chức do ông Tán Thuật phong cho(1).

Nhân dân huyện Yên Dũng cũng như nhân dân Bắc Ninh gia nhập nghĩa quân của ông, tiếp tế lương thực, nhường làng xóm của mình cho nghĩa quân xây dựng căn cứ chống Pháp. Nghĩa quân hoạt động mạnh trong một vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương - Bắc Ninh và Tỉnh đạo, địch phải thừa nhận: “Cách đây hai tháng (trước khi Đội Văn đến) người ta có thể ung dung đi lại trên con đường Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng ngày nay thì người ta phải “vũ trang trận răng” thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới dám đi từ Đáp Cầu đến Phủ Lạng Thương”(2).

Thấy địch không ngừng truy kích khắp nơi, Đội Văn phái 14 thủ lĩnh dưới quyền ông trở về đồng bằng để xây dựng lại lực lượng nghĩa quân nhằm làm cơ sở phát động một phong trào khởi nghĩa mới. Nhưng không may cả 14 người đều bị quân Pháp chặn bắt. Đội Văn bị ốm rất lâu đồng thời lại bị thương trong chiến đấu với giặc, lực lượng nghĩa quân bị suy yếu, nhiều người bỏ đi hoặc ra hàng. Trước tình hình đó, Đội Văn định rút về đồng bằng chờ thời cơ khác. Khi về tới Bắc Ninh thì ông phát bệnh nặng rồi bị lọt vào tay bọn công giáo phản động. Do một cố đạo người Tây Ban Nha làm trung gian, ngày 31/10/1889 chúng đem nộp ông cho đồn binh Pháp ở Bắc Ninh. Mặc dù ông đã bị thương lại ốm nặng nhưng chúng vẫn nhốt ông vào cũi, đeo gông cổ, xiềng tay giải về Hà Nội.

Ngày 17/11/1889, quân Pháp xử chém ông tại bãi đất trống ở thành phố Hà Nội (nay là nhà Kèn vườn hoa Lý Thái Tổ).

Đội Văn hy sinh hết sức dũng cảm, ông hiên ngang mỉm cười dưới lưỡi dao của kẻ thù(3). Ngay sau đó chúng chặt đầu ông đem về bêu ở Bắc Ninh còn xác ném xuống sông Hồng vì chúng rất sợ uy tín của Đội Văn trong phong trào khởi nghĩa. Báo Tương lai Bắc kỳ (L’avennir du Tonkin số 178 ngày 9/11/1889 viết: “Nếu người ta trả xác Đội Văn cho gia đình ông thì sẽ có những cuộc tang lễ long trọng để làm vẻ vang cho Đội Văn. Người ta sẽ xây cho ông một đài tưởng niệm và sau này ngôi mộ của ông sẽ trở thành nơi hành hương, một nơi trung tâm tập hợp những cuộc khởi nghĩa mới”. Chính vì những lý do này mà Thống sứ Bắc Kỳ Brière kiên quyết trị Đội Văn theo luật An Nam(4).

Nhân dân vô cùng thương tiếc, sánh ông ngang với Đốc Tít có đôi câu đối:

“Tít bổng trời đông, tái tạo Nam bang tri vũ trụ
Vang lừng đắt Bắc, Nam đạo Tây quốc tri cơ mi”
(5).

Nhân dân ca ngợi Đội Văn đã từng chiến đấu ở Bãi Sậy lại chiến đấu ở Yên Thế:

“Cỏ vùng Bãi Sậy còn xanh
Đá vùng Yên Thế chênh vênh chẳng mòn”
.


(1) Tập thể sĩ quan tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến 1/1922, Ideo, Hà Nội, Sđd.
(2) Báo Le Courrier Hải Phòng năm 1889.
(3) Theo Albert de Pouvourivillet Uhseur de pirais (Lesliv res de la Brousse) xuất bản ở Paris - 1923. Về sự hy sinh của Đội Văn đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong “Bản án chế độ thực dân” viết như sau: Một người Pháp đã từng ở Bắc Kỳ lâu năm kể: “Chúng ta (?) coi những người Việt Nam yêu nước là những tên cướp. Chẳng hạn như Đội Văn, một người yêu nước đã từng chiến đấu mấy năm trời chống lại sự thống trị của người nước ngoài bị chém tại Hà Nội, bêu đầu ở Bắc Ninh, xác ném xuống sông Hồng” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tr. 128).
- Ngày 28/11/1996, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra quyết định số 666/QĐ/UB về việc đặt, đổi tên một số đường phố ở thành phố Hải Phòng do Chủ tịch Đào An ký như sau, trong đó:
1 - Đường hiện mang số 23, một đoạn của đường 28 và một đoạn của đường 12, đặt tên là phố Bãi Sậy.
2 - Đường hiện mang số 25, đặt tên là phố Tán Thuật.
3 - Đường hiện mang số 26, đặt tên là phố Trại Sơn.
4 - Đường hiện mang số 27, đặt tên là phố Núi Voi.
5 - Đường hiện mang số 11, đặt tên là phố Đội văn.
6 - Đường hiện mang số 24, đặt tên là phố Cử Bình(a).
7 - Đường hiện mang số 22, đặt tên là phố Hàm Nghi.
8 - Đường hiện mang số 24, đặt tên là phố Tiền Đức.
9 - Đường hiện mang số 21, đặt tên là phố Đốc Tít.
(a) Cử Bình là tướng hậu quân của Tạ Hiện (Tạ Hiện có 5 dinh là: Tiền quân Đức, Tả quân Quý, Hữu Quân Khoát (sau Khoát hàng Pháp), Trung quân Dĩnh, Hậu quân Bình), ông từng đỗ cử nhân. Khi Tạ Hiện bị giết ông cũng như các tướng khác chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Tán Thuật. Cử Bình đưa quân về Kiến An làm thủ lĩnh vùng này, ông chỉ huy hạ đồn Núi Voi. (Theo Đặng Huy Vận - Chu Thiên: Đề đốc Tạ Hiện và phong trào chống Pháp ở Nam Định và Thái Bình cuối thế kỷ XIX đưng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử.
(4) Báo L’anvenir du Tonkin số 178 ngày 9/11/1889.
(5) Khởi nghĩa Yên Thế của Khổng Đức Thiêm, Nguyễn An Cần, Sở Văn hoa Thông tin Bắc Giang, Hội Khoa học lịch sử, 1977.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:07:21 pm
CHƯƠNG VIII

NGHĨA QUÂN LƯU KỲ ĐÁNH BẠI NHIỀU CUỘC
TẤN CÔNG CỦA QUÂN PHÁP VÀO CĂN CỨ
(5/1889-10/1890)

Từ khi Nguyễn Thiện Thuật về nước, Lưu Kỳ gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thì thế lực của ông ngày càng lớn mạnh, quân Pháp phải thừa nhận: “Mặc dù khác dân tộc, khác khuynh hướng, nhưng hai người thủ lĩnh (Nguyễn Thiện Thuật và Lưu Kỳ) đã phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động” và “Ông có mối liên hệ mật thiết với Nguyễn Thiện Thuật, được Tán Thuật phong chức Đề đốc”(1). Nguyễn Thiện Thuật giao cho Lưu Kỳ trấn giữ vùng Đông Bắc Bắc Kỳ và tổ chức quy mô đường dây mua và vận chuyển vũ khí từ miền Nam Trung Quốc về cung cấp cho nghĩa quân.

Được sự giúp đỡ tích cực của đồng bào Hoa và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Quảng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Lưu Kỳ đã nhanh chóng xây dựng được một đội quân hùng mạnh, có đủ lương thực. Lưu Kỳ cũng nhanh chóng tổ chức quy mô đường dây mua, vận chuyển vũ khí từ Quảng Đông, Quảng Tây vượt qua biên giới các tỉnh Lạn Sơn, Quảng Yên, Bắc Ninh tập kết ở hai điểm Lục Ngạn và Thị Cầu, rồi từ đó cung câp cho các đơn vị của nghĩa quân. Đội quân hộ tống đông tới trăm người, thông thạo núi rừng, khe lạch ở vùng Đông bắc. Đây là đội quân có võ nghệ, thiện chiến đủ sức mạnh để tiêu diệt các toán quân thổ phỉ mạnh và cả các toán quân Pháp. Việc này chính bọn chỉ huy quân sự Pháp cũng phải thừa nhận: “Đặc biệt cũng do chính Lưu Kỳ mà Bãi Sậy đã nhận được nhiều súng ống từ Trung quốc chuyển sang với giá rẻ”(2).

Từ đó cho đến tháng 5/1889, nghĩa quân Lưu Kỳ chẳng những bảo vệ được căn cứ mà còn mở nhiều trận tấn công vào các đồn binh Pháp.

Ngày 4/5/1889, quân Pháp tấn công Lang Sa, nhưng cũng như lần trước, chúng bị thất bại vì khi chúng ồ ạt tràn vào mục tiêu thì nghĩa quân đã rút từ lâu. Khi chúng hành quân trở về đang kiệt sức vì đường đèo núi hiểm trở, lại sa vào ổ phục kích của nghĩa quân. Quân Pháp mở nhiều cuộc tấn công, nhưng nghĩa quân vẫn làm chủ vùng Lục Ngạn, Bảo Đài. Quân Pháp cay đắng thú nhận sự bất lực của chúng : “ở đây Lưu Kỳ có 300 quân cùng với những đội quân người Việt của Tổng Bưởi, Đốc Nghi, Đốc Tiến hoạt động. Họ được nhân dân địa phương che chở, cung cấp tiền nong, lương thực. Nhiều đoàn xe địch bị chặn đánh, nhiều trạm liên lạc của địch bị bắn phá. họ làm chủ nhiều đồn trên đường giao thông và trên những đường vào căn cứ Bảo Đài có quân bố trí mai phục, và có hầm chông cạm bẫy”(3).

(http://img685.imageshack.us/img685/5917/17943045.jpg)

Đồn Đông Triều. thị trấn Đông Triều nơi nhiều lần
nghĩa quân Đông Triều tập kích quân Pháp

Bọn xâm lược Pháp và tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải tập trung quân lực tấn công căn cứ Hai Sông, đồng thời chúng mở một chiến dịch tấn công vào căn cứ Bảo Đài để hai cánh quân này bị động không chi viện được cho nhau.


(1) Daufès: La Garde ingigène de l’Indochinol sa Création à nos zours, tomme 1, Paris, 1933.
(2) Pgginier - Situation du Tonkin et de l’AnNam au 25/10/1890.
(3) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:08:59 pm
Cuối tháng 7 đầu tháng 8/1889, quân Pháp mở chiến dịch lớn tấn công vào căn cứ của Lưu Kỳ. Lực lượng của chúng gồm hai binh đoàn:

- Binh đoàn thứ nhất do thiếu tá Prêtê (Pretet) chỉ huy gồm 350 tên đi từ Lầm đến đèo Quán để càn quét vùng Bắc Lệ cắt đứt đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

- Binh đoàn thứ hai do đại úy Pênha (Pegna) chỉ huy gồm 230 tên đi từ Kép tấn công vào vùng Bảo Lộc cũng nhằm chặn đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

Đồng thời chúng cho một đội quân ngụy canh gác ở phía bắc không cho nghĩa quân tiến sang hữu ngạn sông Thương. Ở phía Nam chúng dùng tàu chiến kiểm soát trên sông vùng Lục Ngạn.

Biết được tin này Lưu Kỳ chủ động chuẩn bị đối phó. Chủ trương của ông là rút lui khi địch mạnh, hãy đợi cho chúng hành quân mệt mỏi trong núi rừng lúc đó mới đánh.

Đúng như dự tính của ông, địch đã phải len lỏi trong rừng rậm, dưới trời mưa to gió lớn chỉ tìm thấy những căn cứ bỏ không của nghĩa quân. Đề đốc Lưu Kỳ chủ trương xây dựng căn cứ ở nơi hiểm yếu, nhưng đó chỉ là những nơi nghỉ chân sau đợt hành quân dài ngày, không phải những doanh trại cố định. Nó gần giống như căn cứ của Đốc Ngữ song khác với những căn cứ cố định kiên cố của Đề Thám, Phan Đình Phùng. Trong thực tế, nó là những điểm tựa về phương diện tác chiến. Con đường của ông hoạt động cũng hoàn toàn bí mật, bất ngờ, chúng đã phải thú nhận: “Đó là một kẻ thù không sao nắm được”.

Cũng chính vì chiến thuật của Lưu Kỳ như vậy, nên quân Pháp không tìm thấy quân đội của ông. Chúng khủng bố nhân dân hòng buộc những người dân yếu đuối không tấc sắt trong tay khai ra nơi đóng quân, khai ra những người tiếp tế lương thực, che giấu quân của ông. Nhưng dân chúng một lòng bảo vệ ông nên quân Pháp không thu được kết quả. Chúng đang thất vọng thì nhận được tin Lưu Kỳ vẫn còn ở căn cứ Bảo Đài. Ngày 27/8/1889, quân Pháp tiến công Bảo Đài, Lưu Kỳ vận động nhân dân làm vườn không nhà trống còn ông thì rút quân khỏi Bảo Đài, nhưng cho người giám sát từng bước hành quân của chúng. Quân giặc tiến vào gần căn cứ mà không bắt được phu phục dịch, không tìm được người dẫn đường trong khi đó chúng chịu đựng đói khát, mệt mỏi. Lúc đó, Lưu Kỳ mới chọn địa hình hiểm trở là một con đường nhỏ, một bên là vách núi dựng đứng có cây cối um tùm, một bên là vực thẳm mà quân Pháp bắt buộc phải đi qua cách căn cứ Bảo Đài 500m, làm trận địa phục kích. Bọn giặc không ngờ đang dò dẫm trên đường thì bị tấn công, súng của nghĩa quân nổ dữ dội. Ngay từ loạt đạn đầu tiên tên trung úy Môngtécxơ (Monterce) đã bị thương ở tay, nhiều tên bị tiêu diệt, số còn lại tháo chạy. Quân giặc sau phút kinh hoàng phản công lại một cách yếu ớt, chúng càng đánh càng tổn thất nặng nề nên buộc phải rút lui. Bọn chỉ huy sợ bị phục kích lần nữa nên không dám rút theo đường cũ mà đi đường xuyên qua rừng nhưng rừng núi là địa bàn hoạt động của nghĩa quân nên chúng đi tới đâu cũng bị vây đánh. Trận phục kích thứ hai ác liệt không kém gì trận trươc, quân Pháp lại bị chết, bị thương một số nữa.

Ngày 31/8/1889 toán quân Pháp hành quân ở đèo Quán cũng bị phục kích trên một đoạn đường hiểm trở, vách núi dựng đứng, khi chúng vượt qua ngọn đèo cao 500m thì nghĩa quân nổ súng làm hàng ngũ rối loạn. Quân Pháp vừa hoàn hồn và tổ chức phản công thì nghĩa quân đã bí mật rút đi nhằm tổ chức tiếp một cuộc phục kích mới đón đầu chúng.

Quân Pháp bị phục kích liên tục, muốn tìm quân Lưu Kỳ đánh nhưng không đánh được, nên hai bình đoàn do thiếu tá Pretet chỉ huy và binh đoàn do Pégna chỉ huy không gặp được nhau như kế hoạch tác chiến vạch ra.

Hai đạo quân Pháp vẫn tiếp tục càn quét đến giữa tháng 9 với hy vọng tiêu diệt được quân của Lưu Kỳ, vì chúng đã gặp phải một đối thủ có tài đánh du kích thiên biến vạn hóa, lai vô ảnh khứ vô hình, khi địch mạnh, hung hăng thì ông khôn khéo rút lui để bảo toàn lực lượng cũng để cho địch khinh thường không phòng bị hoặc đã mệt nhoài đói khát vì phải hành quân lâu trong rừng rậm, đến lúc đó ông mới tung quân ra đánh, khiến giặc trở tay không kịp.

Một trận đánh nữa diễn ra giữa quân Lưu Kỳ và quân Pháp ở chùa Thượng Lẫm kết quả là hai tên trung úy Pháp bị giết chết, hai tên trung úy khác bị trọng tương, còn lính Pháp và lính Nam bị chết và bị thương rất nhiều.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:11:19 pm
Thực dân Pháp không diệt được Lưu Kỳ như đối với Ngô Quang Huy buộc ông phải tự vẫn hoặc như buộc Đội Văn, Đốc Tít phải ra hàng mà chúng chỉ buộc ông rút khỏi căn cứ Bảo Đài về xây dựng căn cứ mới ở Lục Nam.

Từ căn cứ này, Lưu Kỳ mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp vùng Đông Bắc gây tổn thất lớn cho quân Pháp. Lưu Kỳ còn thường xuyên tấn công vào các công trình đường sắt Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn. Sự có mặt của Lưu Kỳ ở vùng Đông Bắc đã khiến kế hoạch khai thác các mỏ than ở vùng vịnh Hạ Long trên diện tích 22.000 ha(1) không triển khai được.

Để đối phó với Lưu Kỳ, ngày 5/11/1889, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Lục Nam, tỉnh lị đặt tại Lục Nam. Địa bàn tỉnh gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh và đều nằm trên tả ngạn sông Thương).

Thực dân Pháp thiết lập và củng cố bộ máy cai trị ở cấp tỉnh, huyện, tổng, xã. Song điều quân Pháp quân tâm là thiết lập các đồn binh mới trong tỉnh Lục Nam và một đội quân cơ động mạnh để ngăn chặn các hoạt động quân sự của nghĩa quân Lưu Kỳ đang diễn ra thường xuyên và quyết liệt.

Sang năm 1890, nghĩa quân Lưu Kỳ cũng hoạt động ráo riết. Đêm mùng 8 rạng ngày 9/1/1890 tên thực dân Rốccơ (Roque) và một số sĩ quan khác ngủ tại nhà tên lý trưởng Bến Châu gần Đông Triều. 1 giờ sáng Lưu Kỳ chỉ huy một toán người Hoa và người Mán đánh vào giết được tên đại úy Rôdơ (Roce), tên thực dân La boóc (Laborde), bắt sống hai anh em tên thực dân Rốc cơ và đòi chúng phải chuộc với số tiền 50.000 đồng.

Nghĩa quân Lưu Kỳ từ Lục Nam mở rộng địa bàn hoạt động trên tuyến đường sắt phủ Lạng Thương - Lạng Sơn. Nghĩa quân Lưu Kỳ liên kết với nghĩa quân Đề Thám và công nhân đường sắt đánh phá nhiều đồn bốt đich trên tuyến đường sắt đang thi công(2).

Các hoạt động của Lưu Kỳ rất có hiệu quan, ngay bọn cầm quyền Pháp cũng phải thừa nhận:  .“Lưu Kỳ là một người có nghị lực và rất thông minh đã làm cho đồng đội tin tưởng tuyệt đối. Ông là một thủ lĩnh du kích giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Đội ngũ nghĩa quân phức tạp phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dận. Mặc dù vậy, Lưu Kỳ còn biết sử dụng thời cơ một cách khéo léo. Dân cư vùng Đông Triều là nơi Lưu Kỳ đóng quân từ lâu đã ủng hộ ông ta, một là có lợi, hai là do sợ hãi mà phụ thuộc vào Lưu Kỳ. Dân cư buộc phải tạo ra quãng trống xung quanh những toán quân được phái tới để đánh Lưu Kỳ. Đáng ra phải có những cứ điểm như một vài pháo đài dựng lên khá kiên cố dù chỉ là hình thức ngoài vỏ từng được biết như: Than Muội, Bù Đinh, Chợ Mới thì Lưu Kỳ đã rất khôn ngoan và chỉ lập ra ở vùng rừng núi hoang vu những sào huyệt tạm bợ, thực tế cũng chỉ được củng cố qua loa, địa điểm được giữ bí mật bất kỳ lúc nào cũng có thể rời đi nơi khác”(3)

Ngày 28/3/1890, quân Pháp đánh Lục Nam, Lưu Kỳ phải chạy tới Bảo Đài, ông đóng quân ở Làng Voi.

Trong tháng 10/1890, khi Hai Kế và các tướng lĩnh nghĩa quân đánh địch quyết liệt ở Ân Thi, Khoái Châu, Bình Giang, nam Bắc Ninh thì Lưu Kỳ cũng có những hoạt động quân sự mạnh mẽ ở Lục Nam, Đông Triều, Uông Bí và vùng phụ cận như:

- Ngày 11/10/1890, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến đánh thị xã Lục Nam. Nghĩa quân chia làm hai cánh, một kiểm soát các làng vùng ven, một cáh đánh vào tòa công sứ.

- Ngày 13/10/1890 nghĩa quân chặn đánh quân của Đuy Phuya. Để đối phó với quân Lưu Kỳ từng gây bao nỗi kinh hoàng cho quân Pháp, bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thiết lập hàng loạt đồn bốt ở Chi Ngãi, Lục nam, Lầm, Biển Động, Vi Loại, Uông Bí, Đông Triều, đưa 6 pháo thuyền ngày đêm tuần tra trên sông Lục Nam để cắt đứt đường tiếp tế của nghĩa quân và mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Lưu Kỳ chuyển địa bàn hoạt động về Đông Triều.


(1) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử - tập 1, NXB Khoa học xã hội, trang 329-330.
(2), (3) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Năm, 2011, 02:14:18 pm
CHƯƠNG IX

QUÂN PHÁP ĐÁNH PHÁ DỮ DỘI CĂN CỨ BÃI SẬY -
NGHĨA QUÂN BỊ TỔN THẤT NẶNG NỀ
(10/1889-9/1890)

Sua khi đánh bại các cánh quân Đốc Tít, Đội Văn, Lưu Kỳ đầu tháng 10/1890, quân Pháp tập trung ba binh đoàn lớn do thiếu tướng Négrier, trung tá Godard chỉ huy càn đi quét lại trong huyện Mỹ Hào (Hải Dương), Văn Giang (Bắc Ninh) để tiêu diệt cánh quân do Nguyễn Thiện Kế, Đốc Súng chỉ huy. Ngày 11/10/1889 chúng cho tên quản Soler dẫn bọn thám báo đi thám thính vùng Bãi Sậy.

Ngoài ba binh đoàn chủ lực các tri phủ, tri huyện cũng có binh lính riêng, ráo riết tấn công nghĩa quân ở khắp nơi.

Cũng trong thời gian đó Toàn quyền Đông Dương Pikê (Piquet)(1) được phe hiếu chiến ở chính quốc ủng hộ đã cho phép đội quân viễn chinh Pháp tiếp tục đánh Bắc Kỳ và nhận thêm sĩ quan, quân lính, vũ khí bổ sung gửi sang Đông Dương. Toàn quyền Piquet quyết định tung toàn bộ lực lượng quân sự đánh Bắc Kỳ mà Bãi Sậy là trọng điểm.

Một bộ tư lệnh Pháp - Nam hỗn hợp được thành lập để đánh phá phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy do thiếu tướng Négrier làm tổng chỉ huy, quân Nam do Hoàng Cao Khải chỉ huy. Lực lượng tác chiến gồm một tiểu đoàn Âu - Phi thiện chiến, hai đại đội bộ binh Pháp, nhiều binh lính khố xanh, khố đỏ, một đại đội pháo binh trong đó có ba cỗ pháo hạng nặng. Các hạm tàu trang bị đại bác thường xuyên tuần tiễn trên sông Hồng, sông Luộc. Hoàng Cao khải còn điều động binh lính ở Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội làm đội dự bị đóng ở xung quanh căn cứ Bãi Sậy. Bọn quan phủ, quan huyện được thăng thêm lính, trang bị thêm vũ khí, đạn dược.

Négrier và Hoàng Cao Khải tung quân đi do thám quanh căn cứ Bãi Sậy, khủng bố các làng xã ủng hộ nghĩa quân, cắt đứt đường giao thông liên lạc của nghĩa quân từ trung tâm cuộc khởi nghĩa ra các vùng xung quanh.

Về phía nghĩa quân, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ địa thần họp với các tướng nhận định tình hình, phán đoán mưu đồ của giặc Pháp, giao cho các tướng chỉ huy từng cánh quân làm nhiệm vụ đánh địch từ xa căn cứ, đánh phá các đồn bốt để làm diểm tập kết quân của chúng. Ông còn tổ chức một đội “du binh” trang bị mạnh tác chiến cơ động, nhiệm vụ chủ yếu là đánh địch từ xa mới tới, mới hạ trại. Các tướng khác như Đề Ban ở vùng bắc Ân Thi, Tuần Văn ở Văn Giang, Đề Lập ở nam huyện Kim Động… có nhiệm vụ đánh chặn địch từ xa, đánh phá hậu phương của địch khi tác chiến nổ ra.

Bên cạnh quan Hiệp thống có Đốc Sung, Đốc Cọp, Đề Vinh, vợ chồng Đốc Phúc chỉ huy một đội quân 300 người bảo vệ căn cứ Bãi Sậy - Yên Vĩnh. Đốc binh Nguyễn Đình Tính, Tuần Văn chỉ huy một cánh quân bảo vệ vòng ngoài căn cứ và có những mũi đột kích vào sau lưng quân giặc. Nghĩa quân đóng ở Bắc Ninh, Lục Ngạn, Đông Triều do Hai Kế, Đốc Khoá, Lưu Kỳ chỉ huy cũng đã nhận được lệnh tác chiến tại chỗ và sẵn sàng chi viện cho Bãi Sậy

Quả nhiên chỉ ít ngày sau khi quân Pháp, quân Nam do Négrier và Hoàng Cao Khải chỉ huy cùng lính của các tri phủ, tri huyện kéo đến đóng san sát xung quanh căn cứ Bãi Sậy.

Sau vài ngày thăm dò, thám thính, bắt bớ, tra hỏi nhân dân về hoạt động của nghĩa quân, quân Pháp, quân Nam triều chia làm ba mũi tiến vào căn cứ Bãi Sậy. Bộ chỉ huy nghĩa quân bố trí sẵn lực lượng đón đánh địch ở các ngả đường. Nhân dân đã tình nguyện rời khỏi làng xóm để nghĩa quân xây dựng trận địa. Những người không tham gia chiến đấu đi rào làng, đào hầm hào, ngả cây lấp các đường ngõ.

Cuộc chiến đấu mở đầu xảy ra tại Đông Nhu(2). Quân Pháp bao vây làng, bắn dữ dội vào làng 4 giờ liền nhưng nghĩa quân có hầm hào chắc chắn nên vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chúng tiến vào là bị nghĩa quân nấp sau lũy tre dày, trong hầm hào bắn ra làm hàng chục tên chết và bị thương. Quân Pháp được tiếp viện bắn như trút đạn vào làng.

Đánh nhau tới nửa ngày bất phân thắng bại, Đốc Cọp liền mang ấn tiên phong, tách mình ra khỏi đạo quân đi đường tắt vòng ra phía sau đánh tập hậu vào quân Pháp. Bị đánh bất ngờ vào phía sau, quân Pháp rối loạn, vòng vây nới lỏng. Nguyễn Thiện Thuật cũng từ căn cứ Bãi Sậy kéo tới, ở trong làng nghĩa quân đánh thốc ra, quân Pháp bị thiệt hại nặng. Quản Legléc bị giết chết, quản Aubert bị trọng thương phải lui dần về đồn bốt.

Thừa thắng nghĩa quân tiến lên bao vây, công phá đồn. Quân Pháp dần dần lâm vào thế nguy khốn nhưng tình thế đảo ngược khi quân Pháp là lính khố xanh ở các nơi khác kịp đến tiếp viện cho các đồn. Lực lượng của quân Pháp kéo đến rất đông, nghĩa quân vừa đánh vừa rút về Vũ Xá rồi chia các ngả canh phòng. Khoảng nửa đêm quân Pháp và lính khố xnah tròn tới bao vây kín làng Vũ Xá. Nghĩa quân rơi vào thế thế nguy cấp bắt buộc phải mở đường máu rút lui. Lãnh Chiến, Lãnh Hạ dẫn một số quân cảm tử xông ra chiến đấu với quân Pháp. Nghĩa quân chiến đấu với tinh thần dũng mãnh khiến quân Pháp hoảng sợ, hàng ngũ rối loạn. Nhờ đó ông Thuật đem được đại quân thoát ra ngoài. Lãnh Chiến và Lãnh Hạ cùng một số nghĩa quân hy sinh anh dũng. Ông Thuật rút chưa được bao xa thì quân Pháp đuổi tiết từ phía sau, ông phải rút quân về căn cứ Bãi Sậy.


(1) Pikê (Piquet) nguyên là Thống đốc Nam Kỳ từ 13/11/1887. Ngày 10/5/1889 được phong làm Toàn quyền Đông Dương, chính thức nhận chức ngày 31/5/1889, bàn giao cho Biđô (Bideau) ngày 12/4/1891 để chuẩn bị về nước.
(2) Tỉnh Hưng Yên không có làng Đông Nhu chỉ có làng Khoá Nhu, tổng Khoá Nhu huyện Yên Mĩ - V.T.S.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:24:00 am
Tháng 5/1889, do bị ốm nặng ông Thuật giao cho Đốc Cọp quyền tổng chỉ huy quân bên ngoài căn cứ. Từ khi ở cương vị chỉ huy, Đốc Cọp thường đem 100 quân rời khỏi căn cứ đi đánh úp các đồn lẻ của địch, cướp khí giới, lương thực, trang bị cho nghĩa quân. Đốc Cọp đã thành công nhiều lần(1).

Ngày 22/5/1889, Đốc Cọp đem 100 quân đi kiểm tra các làng xung quanh căn cứ Bãi Sậy. Mấy làng mới quy thuận quân Pháp thấy nghĩa quân đến thì bỏ chạy, nghĩa quân phải giữ lại, giải thích họ mới dám quay lại làng. Đêm đó Đốc Cọp đóng quân ở Điền Nha, Khoái Châu(2).

Khi Đốc Cọp đem quân đi tấn công quân Pháp ở Ân Thi, Kim Động thì Nguyễn Thiện Thuật giao quyền Tổng chỉ huy bên trong và bên ngoài căn cứ cho Đề Vinh. Từ khi Đề Vĩnh giữ cương vị Tổng chỉ huy, ông dẫn quân đi đánh nhiều trận. Ngày 6/11/1889 ông tấn công đồn Bình Phú, giết lính, cướp súng, đốt đồn.

Khi Đề Vinh đem quân đi đánh ở ngoài thì Nguyễn Thiện Thuật cử Đốc Sủng lên giữ quyền Tổng chỉ huy. Đốc Sủng hy sinh trong một trận đánh cách căn cứ Bãi Sậy 5-6 km, Nguyễn Thiện Thuật cử đề đốc Nguyễn Đình Tính lên thay Đốc Sủng.

Từ cuối tháng 11 đến tháng 12 năm 1889, cac tướng ở ngoài căn cứ đã tấn công quân Pháp ở Văn Lâm, Mỹ Hào, Ân Thi (Hưng Yên), Bình Giang (Hải Dương), Lang Tài (Bắc Ninh) để giải vây cho căn cứ Bãi Sậy. Tiêu biểu là trận tấn công binh đoàn Barnettre ở Lạc Đạo (tổng Lạc Đạo, Văn Lâm) gây cho quân Pháp thiệt hại nặng nề. Vài ngày sau lại diễn ra trận đánh ở Đại Từ, tổng Đại Từ, huyện văn Lâm, quân Pháp bị thiệt hại lớn. Khi quân cứ viện của chúng tới thì nghĩa quân đã rút đi xa. Trong trận Lãnh Khuy chỉ huy đánh Cầu Hà (Ân Thi), ông bị giặc bắn chết, sau đó chặt đầu đưa về phủ Bình Giang. Lãnh Ba (lãnh binh Nguyễn Đình Tuyển) cùng bà Đốc Huệ bao vây uy hiếp phủ đường Bình Giang năm ngày liền, liên tục bắn vào đồn. Cuối cùng bọn giặc phải đem đầu Lãnh Khuy ra trả, nghĩa quân mới rút.

Cuối năm 1889, Lưu Kỳ từ Bình Hồ kéo quân về hoạt động ở Lục Nam, Bảo Đài gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Toàn quyền Đông Dương tách Lục Lan ra khỏi Lạng Sơn để thành lập một khu vực riêng do tên Đamát (Damade) đứng đầu để có tập trung lực lượng tiêu diệt Lưu Kỳ. Nghĩa quân chủ động rút khỏi Bảo Đài về đóng ở núi Huyền Dinh, cách Bảo Đài 4 km đây là vùng núi hiểm trở nhưng nghĩa quân di chuyển dễ dàng.

Tháng 12/1889, quân Pháp điều động quân từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương do những sỹ quan giàu kinh nghiệm như Môngpera (Monpeyrat), Macxan (Marsal), Ácta (Arta), Perơ (Pirreere) chỉ huy chia làm 3 cánh quân tấn công vào căn cứ. Lưu Kỳ phán đoán từ trước, cho quân phục kích trên những mỏm núi cao, nổ súng quyết liệt vào bọn Pháp đang hành quân trên con đường độc đạo, hai bên là vách đá dựng đứng. Giặc Pháp bị thương vong hàng chục trên, trong đó có tên thiếu úy Ácta. Quân Pháp phải rút lui, Lưu Kỳ còn tập kích đoàn xe tải chở lương thực ở núi Bóp, bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn quét lớn của quân Pháp.

Khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gặp khó khăn vì quân Pháp, quân Hoàng Cao Khải mở nhiều cuộc tấn cồn vào các căn cứ của nghĩa quân thì Phạm Trung Thứ phải đem một số quân chạy về Nam Định.

Với ý chí căm thù giặc Pháp và kinh nghiệm tổ chức vũ trang, tổ chức tác chiến của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật và các tướng lĩnh khác, Phạm Trung Thứ đã cùng các ông Đỗ Công Thiềm, Phạm Văn Sắt, Phạm Văn Thi, Nguyễn Thế Thị, Phạm Kim Thảo… chiêu mộ nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lương thực tổ chức đội ngũ chiến đấu.

Nhưng vào tháng 12/1889 công việc bị bài lộ do tên Tổng Cự báo cho quân Pháp biết. Trước tình thế cấp bách đó, Phạm Trung Thứ buộc phải làm lễ tế cờ khởi nghĩa rồi đánh chiếm huyện lỵ Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên) bắt tri phủ Nguyễn Quỹ giải về đình làng Thượng Đồng trị tội. Khí thế của nghĩa quân lên cao, làng Thượng Đồng trở thành trung tâm cuộc khởi nghĩa. Ông đưa quân về đánh chiếm tỉnh lỵ Ninh Bình nhưng giữa đường bị giặc Pháp chặn lại. Phạm Trung Đồng chiến đấu quyết liệt rồi rút quân về làng Thượng Đồng cố thủ.


(1) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, Sđd.
(2) Piglowski; Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:27:59 am
Quân Pháp không dám đánh ngay, cho gián điệp dò la biết rõ lực lượng và sự bố phòng của nghĩa quân, ngày 10/12/1889 quân Pháp tấn công vào làng, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, Phạm Trung Thứ hô quân bắn vào lính Pháp, gọi hàng lính tập, vì thế hàng ngũ quân Pháp dao động khiến bọn chỉ huy Pháp phải ra lệnh rút lui vì sợ lính tập phản chiến. Quân Pháp phải thú nhận sự thất bại nặng nề này như sau: “Ngày 10/12/1889 ở làng Thượng Đồng phía bắc tỉnh lỵ, một thiếu úy khố xanh là Sô đơ rông bị chết trong một cuộc chiến đấu, ở đó người bạn của ông ta là Mô Ganh cũng bị đạn ở tay trái”(1).

Để bảo toàn lực lượng, Phạm Trung Thứ đưa quân lên xây dựng cứ điểm mới ở Núi Nể(2). Ông cho dân làng Thượng Đồng sơ tán tránh sự khủng bố của giặc. Quân Pháp tràn vào Thượng Đồng cướp phá, Phạm Trung Thứ cho quân vào Thượng Đồng đánh tan quân Pháp rồi rút về căn cứ mới an toàn(3).

Cũng trong thời gian đó, Đề Yêm bị quân Pháp truy kích ráo riết ở Hưng Yên, Bắc Ninh. Ông chỉ huy một toán quân từ căn cứ Bãi Sậy vượt sông Hồng về hoạt động ở bắc Hà Nam, nam Hà Đông. Nghĩa quân được các tầng lớp nhân dân hết lòng ủng hộ, gia nhập lực lượng, tiếp tế lương thực. Ông đã tổ chức được những trận đánh lớn của Quảng Thừa, Mã Não (nay thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) và Tuyết Sơn, chùa Hương (thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây). Cuộc chiến của nghĩa quân Bãi Sậy ở vùng Kim Bảng, Ứng Hòa do Đề Yêm chỉ huy kéo dài đến năm 1890 thì bị quân Pháp truy kích ráo riết lực lượng tiêu hao, Đề Yêm phải giải tán nghĩa quân rồi sang Trung Quốc(4).

Vào tháng giêng năm 1890, đồn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) do giám binh Bllessen chỉ huy, phó quản Tích là đồn phó, chỉ huy 60 lính. Nghĩa quân tung một tin giả là làng Đông Xá vừa bị nghĩa quân tấn công. Giám binh Bellessen lập tức đem 46 lính đi cứu chỉ để lại phó quản Tích và 13 lính ở lại. Lúc đó Minaul. Trưởng ấn tòa sứ Hải Dương vừa đi thu thuế về vào đồn nhờ quân Tích bảo vệ 7000 quan tiền và 5 két bạc. Gần nửa đêm nghĩa quân cải trang làm lính do một sĩ quan Pháp chỉ huy kéo vào đồn. Bếp Ngọc gác cổng ngăn lại, lập tức bị bắn gãy tay. Nghĩa quân xông vào đồn giao chiến, sau đó rút lui.

Hai giờ sau, 300 nghĩa quân lại tấn công dữ dội vào đồn, đến sáng mới lui(5).

Nghĩa quân Hải Dương dưới sự chỉ huy của Đề Quý, Lãnh pha, Lãnh hai cũng hoạt động tích cực. Đêm 20 rạng 21/2/1890 đã tấn công mãnh liệt đồn Iakden (Hải Dương).

Ngày 20/2/1890 quân Pháp biết tin Đốc Sung, Đốc Mỹ đang ở làng Đồng Ngư, phủ Thuận Thành, bèn đưa 140 lính ở các đồn xung quanh đến bao vây. Đốc Sung, Đốc Mỹ chiến đấu quyết liệt và giết chết tên quản Legllère, bắn trọng thương tên quản Auber. Bị thua quân Pháp phải điều 500 quân nữa đến Đồng Ngư thì nghĩa quân Đốc Sung, Đốc Mỹ đã rút từ lâu.

Trong một bức điện về Hà Nội ngay 22/2/1890 của phóng viên báo Tin tức Hải Phòng ghi như sau: “Trong một cuộc đụng độ với toán của Đốc Sung và Tham Thuật ở Đồng Ngư tỉnh Bắc Ninh, một vệ binh chết, hai vệ binh bị thương, trong đó có vệ binh chisnh là Auber bị thương ở vai. Mọi sự bố trí đều nhằm bao vây toán này. Chúng có chừng 60 tay súng. Nhiều cuộc chiến đã nổ ra”(6).

Thực dân Pháp nhận thấy muốn đánh phá phong trào Bãi Sậy thì không thể đơn thuần bằng giải pháp quân sự, mà còn phải tổ chức lại cơ cấu hành chính. Vì vậy ngày 25/2/1890, Toàn quyền Đông Dương Pikê (Piquet) ra nghị định thành lập đạo Bãi Sậy mà nhiệm vụ của nó chỉ có một việc là đàn áp, đè bẹp cuộc kháng chiến Bãi Sậy đang được phục hồi.

Đạo Bãi Sậy có 4 huyện mới là Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ, Mỹ Hào được cắt từ các huyện Văn Giang, Gia Lâm, Siêu Loại của Bắc Ninh, Cẩm Giàng, Mỹ Hào của Hải Dương, Khoái Châu, Ân Thi của Hưng Yên, lị sở Bần Yên Nhân.

Cai quản đạo Bãi Sậy do công sứ Hưng Yên Masselier nắm quyền, trực tiếp là phó sứ Morel, một tên chuyên cầm quân đi đánh phá phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Dưới quyền Morel có hai chánh, phó quản đạo cùng một tên thanh tra lữ đoàn, 8 viên quản, 380 lính cơ dưới sự chỉ huy của một tên giám binh.


(1) Daufès: L Garde indigène de L’Indochine tomme 1, Avigron, Paris, 1933, trang 56.
(2) Núi Nể nay thuộc xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
(3) Trịnh Như: “Về phong trào chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Hà Nam Ninh”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3 (174) tháng 5-6/1977.
(4) Trịnh Như: “Về phong trào chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Hà Nam Ninh”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3 (174) tháng 5-6/1977.
(5) Daufès: Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay, cuốn 1, xuất bản ở Paris, 1933.
(6) Báo tin tức Hải Phòng số 351 ra ngày thứ năm 27/2/1890.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:30:30 am
Masselier lập đồn bốt ở những vùng giáp ranh của 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, mỗi đồn có khoảng 50-60 lính, liên lạc thường xuyên với nhau. Đó là các đồn bốt: phủ Khoái Châu do thanh tra Aubert chỉ huy, Hà Tiên (giáp ranh Ân Thi - Hải Dương) do Samarim chỉ huy; Thuỵ Lân do cai Ponistis chỉ huy; Phú Thạch (tổng Mễ Sở, Văn Giang, Bắc Ninh) do Soler chỉ huy. Các tri phủ, tri huyện đều có từ 50-120 lính cơ, lính lệ và mạng lưới chỉ điểm, thám báo rải ra ở khắp nơi(1).

Mặc dù quân giặc kìm kẹp nhưng các đội tuyên truyền trừ gian của nghĩa quân vẫn tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và thu thuế, tuyển mộ thanh niên bổ sung cho lực lượng kháng chiến.

Các hoạt động quân sự cũng diễn ra dồn dập;

Cai Soler chỉ huy đồn binh Bình Phú, tổng Khoá Nhu (Yên Mỹ) đem tất cả lính khố xanh hành quân ra khỏi đồn đã bị nghĩa quân đánh bật trở ra bờ sông Hồng. Khi chúng sắp bị tiêu diệt thì may mắn gặp ca nô của địch nên được cứu thoát.

Tháng 3/1890, Đốc Sung, Lãnh Mỹ, quản Dây hoạt động mạnh ở Thuận Thành, Từ Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh): Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh hoạt động mạnh mẽ ở Lang Tài (Bắc Ninh), Cẩm Giàng (Hải Dương), Văn Lâm (Hưng Yên); Lãnh Pha, Lãnh Hai, tướng cũ của Đốc Tít, tiền quân Đô thống Phạm Văn Đức hoạt động ở Đồ Sơn, các cửa sông, hải đảo.

Tháng 4/1890, nghĩa quân xuất phát từ Văn Giang tấn công đồn binh Bình Phú, tổng Khoá Nhu, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Đồn do lính lệ của tổng đốc Hưng Yên đóng. Nghĩa quân chiếm, đốt sạch đồn này.

Các đồn Lực Điền, Thuý Lâm kéo đén tiếp viện bị nghĩa quân chặn đánh ở dọc đường. Dân binh chết 3, bị thương 3, 1 mất tích. Có tin nhiều súng bắn nhanh của dân binh bị lấy mất trong đó có 9 khẩu 1842 của lính đồn Bình Phú(2).

Ngày 27/5/1890 nghĩa quân Lãnh Điển phối hợp với nghĩa quân Hà Nội phục kích quân Pháp do Aubert chỉ huy ở làng Phù Sa và Ninh Vũ (Khoái Châu), Aubet bỏ chạy để lại hai xác chết, một tên bị thương nặng, một tên bị nghĩa quân bắt.

Ngày 2/9/1890, nghĩa quân Hai Kế, Đề Vinh phối hợp với nghĩa quân Lãnh Điển tiến đánh thành phố Hải Dương. Không may kế hoạch bị lộ, công sứ Hải Dương sai Chaigrau mang 70 lính ở Hải Dương chặn đánh nghĩa quân ở ngoại vi thành phố. Sau đó quân Pháp từ Ninh Hải (Hải Phòng) đem quân thủy đánh bộ từ tàu chiến ở sông Thái Bình đổ bộ lên chặn đánh nghĩa quân. Nghĩa quân giao chiến với quân Pháp ở làng Yên Lưu Thượng, phủ Kinh Môn (Hải Dương) từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối. Quân Pháp chết 2, bị thương 1(3).

Song những cố gắng của nghĩa quân cũng không ngăn chặn được những cuộc tấn công quyết liệt của quân Pháp ở khắp các căn cứ của nghĩa quân.

Hoàng Cao Khải đem quân triệt hạ nhiều làng, tàn sát dân lành vô tội, trong đó có làng Văn Dương (tục gọi là làng Muồng) nay thuộc xã Hoà Phong huyện Mỹ Hào. Văn Dương là làng làm nghề rèn, nên đã rèn vũ khí cho nghĩa quân, đốt phá các xóm làng, đốt đình Giải, chùa Đụn thuộc xã Hoà Phong. Dân phải chạy đi các xã khác, cỏ mọc đầy đồng khắp nơi hoang vắng, khó tìm ra chốn cũ(4).

Cuộc khởi nghĩa tạm thời bị thoái trào nhưng quần chúng nhân dân vẫn kiên cường tiếp tục đứng lên chống Pháp, nơi bị giặc khống chế thì âm thầm chuẩn bị chờ cơ hội. Các thủ lĩnh nghĩa quân như: Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Kế, Đốc Cọp, Đề Tính, Lãnh Điểu, Đề Ban, Tiền Đức… vẫn duy trì được lực lượng vũ trang và tiếp tục bổ sung, quan trọng hơn là căn cứ Bãi Sậy vẫn được giữ vững, tuy có bị thu hẹp hơn trước.


(1) A de Miribel nguyên công sứ Hưng Yên: La Province de Hưng Yên.
(2) Theo báo Tin tức Hải Phòng số 156 ngày 5/4/1890.
(3) A de Miribel sđd.
(4) Nghề cổ truyền tập 1, Hội đồng nghiên cứu lịch sử Hải Dương biên soạn, xuất bản năm 1984, tr. 48.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:36:43 am
Giai đoạn thứ ba

NGUYỄN THIỆN KẾT VƯỢT QUA MUÔN VÀN
KHÓ KHĂN DUY TRÌ CUỘC KHỞI NGHĨA
(10/1890-4/1892)

CHƯƠNG I

LIÊN TỤC MỞ CÁC CUỘC TẤN CÔNG
ĐỂ PHỤC HỘI LỰC LƯỢNG
(10/1890-2/1891)

Cuối năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế trong nước có nhiều khó khăn, không thuận lợi cho cuộc kháng chiến. Tháng 10 năm ấy ông tạm giao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế và các tướng lĩnh rồi sang Trung Quốc mưu tính cuộc vận động mới để khôi phục lực lượng. Nhưng trong thời gian này triều đình Mãn Thanh đã ký “Hiệp ước thân thiện” với thực dân Pháp nên không những không giúp Việt Nam, mà còn thông đồng với Pháp giữ ông ở Trung Quốc(1).

Theo tài liệu của thực dân Pháp, sau khi Nguyễn Thiện Thuật đi Trung Quốc thì phong trào kháng chiến bị sa sút, nhiều thủ lĩnh kiệt xuất tử trận, bị bắt rồi bị hành hình, một số khác bức bách phải ra hàng. Tuy vậy dưới quyền Nguyễn Thiện Kế còn 7 thủ lĩnh chính là:

- Đề đốc Sung người làng Dịch Trĩ, Yên Mỹ.

- Đề đốc Ban, người làng Bối Khê, Ân Thi.

- Đề đốc Nguyễn Đình Tính, người làng An Vỹ, Khoái Châu.

- Đề đốc Cọp, người làng An Xá, Kim Động.

- Lãnh binh Dương Văn Điểu, người làng Phù Sa, Khoái Châu.

- Tuần Văn, người Như Quỳnh, Văn Lâm(2).

- Đề đốc Mỹ, người làng Xuân Cầu, Văn Giang.


Bảy người chỉ huy này có trên 600 khẩu súng. Không có sự chỉ huy chung, họ bắt đầu hành động ở từng vùng và tấn công liên tục vào các vị trí của ta. Hợp thành từng thoán 20-25 người, họ ẩn nấp trong các làng xã và mỗi khi một toán đánh nhau với binh lính của ta thì các toán gần đấy lại đến hỗ trợ(3).

Súng ống của họ phần lớn gồm có súng Carabine, Winchester, súng trường và các bin mle 1894 lấy ở các trại lính, súng kíp kiểu Mỹ, súng Remington, súng Mauser dùng đạn mle 1873 và một số súng hỏa mai(4).

Số liệu trên đây là do bọn mật vụ chỉ điểm báo cho quân Pháp, còn trên thực tế số thủ lĩnh nghĩa qnân còn nhiều hơn, vì chỉ riêng Đề đốc Nguyễn Văn Sung đã có 300 quân, trang bị tới 250 súng bắn nhanh. Trong trận Quang Xá, Chaignau đã phải huy động tới 500 lính đi đánh Đốc Súng, Đốc Mỹ mà vẫn không thắng. Lãnh binh Dương Văn Điển. Lãnh binh Dương Văn Điển có trên 200 quân, hầu hết được trang bị súng bắn nhanh do các nước Châu Âu sản xuất và súng cải tiến. Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính có 300 quân trang bị 200 súng bắn nhanh. Trận đánh đồn Kẻ Sặt, Đề Ban huy động tới trên 300 quân. Bọn cầm quyền Pháp phải thú nhận: “Lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy vận được tổ chức và trang bị tốt nên càng ngày càng lớn mạnh”(5).

Cũng như giai đoạn trước, Hai kế vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính. Ông cùng với Đề Ban, Đốc Mỹ cho dán các bản Tuyên cáo kể tội giặc Pháp và bọn tay sai bán nước, kêu gọi nhân dân tham gia nghĩa quân và tiếp tục thu thuế của nhân dân. Nghĩa quân vẫn hoạt động tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, uy hiếp đường số 5, đường 39 đánh úp các đồn lẻ, phục kích các toán quân tuần tiễu. Khi đánh lớn mới tập trung quân như trước.


(1)Theo gia phả họ Nguyễn Thiện Thuật ở xã Xuân Dục huyện Mỹ Hào và các tư liệu của A de Miribel, Daufès, Piglowski và các báo L’avennire du Tonkin, Le couriet Hải Phòng thì tháng 10/1890 Nguyễn Thiện Thuật mới sang Trung Quốc. Piglowski trong cuốn “Lịch sử lính khố xanh ở Bắc Kỳ” viết: Ngày 20/3/1890 Tán Thuật đi Lục Nam bàn viêc với cai Biểu. Dulleman viết trong cuốn “Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc” có nêu: “Trong vòng tháng 8/1897 Tán Thuật, Hai Kế vẫn còn ở Mỹ Hào (hai ông mới ở Trung Quốc về) nhưng ảnh hưởng của hai viên thủ lĩnh này đã mất” - điều này không đúng.
- Cuốn “Tán Thuật - Bãi Sậy” của Văn Hà ký hiệu SV/1038 lưu trữ ở Thư viện quốc gia cũng viết “tháng 8/1897 Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Kế về Mỹ Hào, nhân lực lượng yếu không đánh nổi Pháp lại phải sang Trung Quốc”, có lẽ là dựa vào tài liệu của Dulleman. “Lịch sử 80 năm chống Pháp”, trang 32 viết “cho tới năm 1899 hai ông Nguyễn Thiện Thuật và Đốc Tít đến chỗ cùng cực phải ra hàng. Nguyễn Thiện Thuật bị đày đi Côn Đảo, Đốc Tít bị đày đi Algérie, mấy lãnh tụ nữ hoặc ra hầng hoặc nhập vào một đoàn quân khởi nghĩa khác. Cuộc khởi nghĩa đến đây là tan rã” - là không đúng.
(2) La pronnces de Hưng Yên của A de Miribel (Lịch sử chiếm đóng Hưng Yên) viết Tuàn Văn quê ở Như Quỳ là không đúng. Quê ông ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang nay thuộc Hưng Yên.
(3), (4) A de Miribel : Notice - notichsur la garde Indigène du Tonkin.
(5) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5, 6/1969.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:37:52 am
Nguyễn Thiện Kế đã phái một đội vận chuyển đặc biệt để phối hợp với Đề đốc Lưu Kỳ duy trì và bảo vệ ba đường dây vận chuyển vũ khí từ Quảng Đông, Quảng Tây về nên nghĩa quân vẫn được trang bị đầy đủ súng đạn.

Để đối phó với các đồn binh, các toán quân cơ động tuần tiễn, lính dõng do quan phủ, quan huyện chỉ huy, Nguyễn Thiện Kế và bộ Tư lệnh nghĩa quân đã chi các toán lớn thành nhiều toán nhỏ từ 20 đến 30 người hoạt động lưu động từ làng này qua làng khác. Các toán quân này còn làm nhiệm vụ cảnh cáo và trừng trị đám quan phủ, quan huyện, tổng lý và những tên thám báo, chỉ điểm cam tâm làm chó săn, chim mồi cho giặc, đánh phá các căn cứ của nghĩa quân, triệt hạ các làng ủng hộ nghĩa quân.

Do bố trí lại lực lượng như vậy, nên dù quân số ít nhưng nghĩa quân vẫn có mặt ở khắp các tỉnh và tả ngạn sông Hồng. Nguyễn Thiện Kế, Đốc Sung, Đề Ban, Đốc Mỹ cũng đã nhiều lần tập trung lực lượng, tổ chức chống càn thắng lợi, chủ động tấn công địch, trong đó có một số trận tiêu biểu:

- Nghĩa quân do Hai Kế, Đề Ban, Đốc Mỹ, Đề Quý chỉ huy nhiều lần tập kích vào các đồn địch ở Khoái Châu, Hà Tiên (giáp ranh giữa Ân Thi và Thanh Miện) Phú Trạch (tổng Mễ Sở, Khoái Châu), Thuận thành, Lang Tài Gia Tài (Bắc Ninh) gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải.

- Nguyễn Thiện Kế vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Lưu Kỳ nay đã từ Ba Chẽ (Quảng Yên) trở về Lục Nam, Đông Triều đánh những trận lớn ở Lục Nam, Sơn Động, Uông Mý…

Khi biết tin Đề Ban đóng quân làng làng La Mát, quân Pháp huy động lực lượng lớn đến bao vây nhằm tiêu diệt cánh quân của ông. Từ 5 giờ sáng ngày 8/10/1890, một cánh quân do Montillon cùng Phó quản Tích bí mật lọt vào đảo Kẻ Sặt. Đảo này hình mhư một cái thau, bờ là những con đê dùng để chống lũ lụt. Trong khi đó thì những viên vệ binh chính Brento và Petit Zean đóng ở các đồn lân cận đem lính đánh tạt sườn vào nghĩa quân ở làng La Mát, trong khi mũi chính diện của Montillion tấn công vào chính diện của làng.

Nhưng bọn giặc không ngờ các mũi hành quân bí mật của chúng đã bị các trinh sát nghĩa quân và nhân dân phát hiện báo cho nghĩa quân biết. Vì vậy, Đề Ban đã bố trí phòng ngự trong làng, đồng thời cho quân đi mai phục chặn đánh quân tiếp viện và đường rút lui của chúng. Khi cánh quân chính diện do Moutillon chỉ huy tiến về bến đò ngang thì ngay từ phút đầu đã vấp phải lực lượng mạnh được Đề Ban đã bố trí sẵn và bắn quyết liệt vào đội hình hành quân của chúng. Còn cánh quân của Brenton và Petit Zean có nhiệm vụ đánh tạt sườn của nghĩa quân, không tiến được. Montillon hiểu rõ tình thế của mình đang nguy hiểm do Petit Zean bị nghẽn, nên đã nhiều lần Montillon và Phó quan Tích thúc quân lính bắn nhanh, xua quân tràn qua cánh đồng lầy, bùn ngập tới đầu gối để ra đê nhưng 50 quân của Montillon đã bị các nghĩa quân của Đề Ban xé nát đội hình bằng những đường đạn chính xác, nhiều tên bỏ mạng, nhiều tên bị thương.

Trong khi nghĩa quân chiến đấu thì nhân dân tự nguyện tiếp tế cơm nước, tải đạn, cứu thương nên đã kéo dài cuộc chiến đấu từ 5 giờ sáng tới 18 giờ. Ban đêm lợi thế thuộc về nghĩa quân, lại chiến đấu trên địa bàn quen thuộc được nhân dân giúp sức nên càng đánh càng hăng. Montillon bắn gần hết đạn phải dẫn quân tháo chạy về Kẻ Sặt. Đề Ban phán đoán trước tình thế này nên đã cho quân mai phục ở bến đò Phù Ủng bắn dữ dội vào đội hình rối loạn của chúng. Trước tình thế đó, Montillon liều chết xua quân lên chiếm ngôi chùa để cố thủ chờ viên binh, lệnh cho lính lắp lưỡi lê vào nòng súng rồi nhất loạt tràn lên. Nhưng đạn của nghĩa quân bắn xối xả, nhiều tên chết và bị thương. Montillon bị đạn bắn trúng gối bên phải.

Sau trận giao chiến ác liệ, quân Pháp chiếm được ngôi chùa, nhưng lại bị nghĩa quân bao vây chặt và tấn công ác liệt bằng súng từ xa, sau đó xông lên áp sát quân địch. Nhân dân các làng gần đó trợ chiến bằng cách gõ thanh la, trống, mõ.

Quân Pháp đang có nguy cơ bị tiêu diệt thì bọn Công giáo phản động vội vã đến báo cho cha đạo Gácsia (Garcia) người Tây Ban Nha ở nhà thờ Kẻ Sặt về tình hình nguy cấp của đạo quân Montillon ở La Mát, ở bến đò Phù Ủng và ở ngôi chùa. Tên cố đạo này lập tức cho tay chân thân tín cưỡi ngựa về báo cho đạo quân Bãi Sậy, khi đó đóng ở Bần Yên Nhân hay tin. Nhận được tin cấp báo trên, lập tức M.Della chỉ huy đạo quân Bãi Sậy liền cho 100 tay súng đến cứ viện. Bọn này đến bắn vào sau lưng toán nghĩa quân phục kích ở bến đò Phù Ủng. Quân Pháp cho Petit Zean và Montillon bắn mạnh vào phía trước nghĩa quân. Nghĩa quân bị hai luồng đạn bắn vào, đạn cũng đã cạn đành phải rút vào các làng gần đó. Nhờ đó quân tiếp viện của M.Della chỉ huy qua được sông tiến vào Kẻ Sặt(1).


(1) Dulleman: “Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp”. Hải Dương 12/1932 - Nguyễn Luận dịch, bản đánh máy lưu ở Thư viện Hải Dương.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:42:02 am
Ngày 8/2/1891 quân Pháp tập trung trên 1400 dân binh và lính lệ do thanh tra Blanchart và Hoàng Cao Khải chỉ huy, 14 tên vệ binh chính cùng lính Nam ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh có pháo binh, tàu chiến yểm hộ tấn công dữ dội vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân do Hai kế, Đề Ban, Đốc Sung, Lãnh Tảo chỉ huy đã chống trả quân Pháp quyết liệt nhưng sau cũng phải rút sang huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, sang vùng sông Kinh Thày(1).

Về sự kiện này A de Miribel viết tỏng quyển La Prommes de Hưng Yên như sau: “Ở La Mát (Ân Thi) viên cai Montillon bị thương trận đánh suýt trở thành thảm khốc nếu không nhờ có Đức cha Garcia, cố đạo người Tây Ban Nha phái kỵ binh phi báo cho Bần Yên Nhân biết là đơn vị đang bị vây tứ phía ở La Mát”(2) (La Mát nay thuộc xã Phù Ung, Ân Thi).

Trong khi Hai Kế và các tướng lĩnh đánh địch quyết liệt ở Ân Thi, Kim Động, Đông Yên (hưng Yê), Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) thì Lưu Kỳ cũng có nhiều hoạt động quân sự rầm rộ ở Lục Ngạn (Bắc Ninh), Đông Triều (Hải Dương), Uông Bí (Quảng Yên) và vùng phụ cận. Trong đó, tiêu biểu là các trận:

- Ngày 10/10/1890, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến đánh tỉnh lỵ Lục Nam. Nghĩa quân chia làm hai cánh quân, một cánh kiểm soát các làng ven tỉnh lỵ, một cánh đánh vào tỉnh lỵ, đánh vào tòa công sứ.

- Ngày 13/10/1890 nghĩa quân chặn đánh đội quân của Duy Phuya (Duffoure)…

Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ, từng gây bao nỗi kinh hoàng cho quân Pháp, Bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thiết lập hàng loạt đồn bốt ở Chi Ngãi, Lục nam, Lầm, Biển Động, Vi Loại, Uông Bí, Đông Triều. Quân Pháp cũng đưa 6 pháo thuyền ngày đêm tuần tiễu trên sông Lục Nam để cắt đường tiếp tế của nghĩa quân và mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Để tránh tổn thất Lưu Kỳ chuyển địa bàn hoạt động về Đông Triều(3).

Nghĩa quân không những chỉ hoạt động ở Hưng Yên, Hải Dương vào hồi 21 giờ ngày 26/10/1890, lực lượng nghĩa quân đông tới 150 người được trang bị khoảng 40-50 súng bắn nhanh đã bất ngờ tập kích một đồn địch ở Gia Lâm. Đồn có 25 lính Pháp và lính khố đỏ đóng. Địch phải cho quân ở Hà Nội sang cứ viện, quân Pháp bị chết 1, bị thương 1, nghĩa quân bị thương 4. Sau đó rút lui an toàn(4).

Ngày 8/12/1890, giám binh Sobran và hai viên quản Chaignaune và Bestol đồn Kẻ Sặt đánh nhau với quân Đề Ban, Hai Kế ở tổng Huệ Lai, Ân Thi. Quân Pháp bị chết, bị thương 8, nghĩa quân bị chết một số, mất một số súng(5).

Sang năm 1891, quân Pháp nhận định là nghĩa quân khá đông đảo và trang bị tốt.

Mặc dù so với trước kia, lực lượng nghĩa quân đã suy yếu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Kế và các thủ lĩnh khác, nghĩa quân vẫn thành công được những trận đánh lớn. Nhân dân bị địch khủng bố ác liệt, nhiều làng bị chúng tàn sát hàng chục, hàng trăm người, thiếu cháy nhà cửa, triệt hạ làng xóm nhưng nhân dân vẫn ủng hộ nghĩa quân bằng nhiều hình thức như gia nhập nghĩa quân, đóng thuế, ủng hộ thóc gạo, bảo vệ khi nghĩa quân tới hoạt động ở địa phương và một số sự hy sinh cao cả là nhường làng xóm nhà cửa của mình cho nghĩa quân xây dựng trận địa đánh Pháp.

Hoạt động của nghĩa quân gây cho quân Pháp thiệt hại nặng nề, bọn cầm quyền Pháp phải thú nhận: “Giữa vùng đồng bằng, trong khu Bãi Sậy, bọn cướp bóc lại tổ chức và đe dọa nghiêm trọng các tuyến đường giao thông giữa Hà Nội - Hải Dương, Nam Định -Hà Nội. Đầu năm 1891, một toán trong bọn này đã tấn công Hà Nội ở phía tả ngạn sông Hồng tức là giữa hệ tống đồn binh từ Bắc Ninh về Hà Nội(6).

Dulleman cũng phải thú nhận trong sách “Notice Sur de Province de Hải Dương” như sau: “Gần hết năm 1891 những di chuyển của chún để lộ ý đồ chúng muốn tập trung, đồng thời chúng cũng lớn mạnh thêm vì những đám từ Bãi Sậy kéo đến. Tán Thuật hoạt động ráo riết hơn bao giờ hết và liên lạc với những đám Đông Triều. Các huyện vừa rồi đã mất bao công sức để tống khứ các ông khách gớm ghiếc, gây giờ lại rơi vào tay chúng. Tiền Đức xuất hiện trong những vụ đánh cướp thuyền binh ở cửa sông Thái Bình và cửa lạch Văn Úc. Lãnh Quý cũng trở lại hoạt động, y đã lập bọn và lại bắt đầu quấy rối huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và Kim Thành. Các huyện Thanh Miện, Năng Yên, Cẩm Giàng và Thanh Lâm cũng lại thấy ló mặt những toán vũ trang khá mạnh đó đánh các đội quân ta. Loạn lạc trở lại hoành hành dữ dội bởi nguyên nhân nào chăng nữa thì tình hình cũng nghiêm trọng…”.

Vùng Đông Triều vẫn bị chiếm cứ bởi những đám giặc khách mà thế lớn thêm, vì những toán bị đánh ở vùng thượng du chạy dạt xuống chây thổ tại miền nam Đông Triều, những tướng cũ của Đốc Tít, Lãnh Pha, Đề Cửu, Đốc Chuyên, Lãnh Nam, Đốc Tuân… đã lập lại những toán có súng ống đầy đủ
.


(1) Theo Piglowski “Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ”. Daufès: Bảo an binh Đông dương từ ngày thành lập đến nay”, cuốn 1 xuất bản ở Paris, 1933.
(2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định vủa cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3) Khổng Đức Thiêm… Khởi nghĩa Yên Thế, Hội Khao học lịch sử và Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang, Hà Nội, 1997.
(4) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1890, bản viết tay.
(5) Daufès: Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay”, cuốn 1, xuất bản ở Paris, 1933.
(6) Z. Mason: Những kỉ niệm ở Trung Kỳ Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris. 1933.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:46:42 am
Để đối phó với nghĩa quân tại Hưng Yên, từ ngày 8/2/1891, quân Pháp tập trung 1400 dân binh và lính lệ do thanh tra Blanchard và Hoàng Cao Khải, 14 viên vệ binh chính, lãnh binh ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và các quan phủ huyện đánh phá căn cứ Bãi Sậy. Tham vọng của quân Pháp là sau khi tiêu diệt được lực lượng kháng chiến đầu não ở Bãy Sậy, chúng sẽ mở rộng phạm vi tảo thanh ra các tỉnh Bắc Kỳ.

Tại Hải Dương, Tòa sứ dự kiến tổ chức trên cơ sở tin cậy dựa hơn nữa vào căc quan chức bản xứ để gắn bó họ hợp tác chặt chẽ thêm với những cố gắng của chúng ta. Tòa sứ đã đề nghị và được phép thành lập một lực lượng Bảo an đặc biệt, gọi là lính cơ, đặt dười quyền trực tiếp và hoàn toàn của quân phủ, quan huyện. Lực lượng này trang bị bằng súng hòa mai và cung cấp cho các quan phương tiện để bất cứ lúc nào cũng có thể hành động hoàn toàn theo sáng kiến của mình và chịu trách nhiệm chống bọn phá rối trật tự trị an. Tổ chức này được bổ sung bằng việc thành lập một ban tuần tra do thám bảo đảm bởi các hương lý ở tất cả các làng. Ngoài ra, đặt một loạt các lô cốt ở những địa điểm giao thông quan trọng lại. Những pháo đài nhỏ này dựa vào nhau, dùng làm nơi đồn trú lâm thời cho những toán quân thường xuyên tuần hành trong tỉnh đi từ lô cốt này đến lô cốt kia và do đó kiểm soát được toàn tỉnh, hợp lực với các đội canh phòng của hương lý hiệu nghiệm hơn(1).

Trong khi đó thì một lực lượng khác của quân Pháp gồm vệ binh dân sự, lính cơ, dân binh cũng càn quét Cẩm Giàng, Gia Lộc, Năng Yên, Thanh Miện. Lực lượng nghĩa quân do Hai Kế, Đề Ban, Đốc Sung, Lãnh Tảo chỉ huy đã chống lại giặc Pháp quyết liệt, nhưng sau cũng phải rút về Tứ Kỳ, Thanh Hà sang vùng sông Kinh Thày.

Để cắt đứt sự ủng hộ nghĩa quân trong nhân dân, chỉ trong 15 ngày của tháng 2/1891, viên thanh tra dân binh đã hành hình 75 hào mục ở khu vực Bãi Sậy(2). Chúng còn tàn phá nhiều làng xóm như Lê Xá, Hành Lạc, khu đền Ghềnh, các đình Ngọc Cầu, đình An Xuyên. Tổng Như Quỳnh từng là hành dinh của thủ lĩnh Tuần Văn. Các gia đình có người tham gia nghĩa quân như: Quản Chén, Bang Chu, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Cốc ở các thôn thuộc xã Như Quỳnh ngày nay bị địch khủng bố, tàn phá nhà cửa, cướp hết của cải. Ông Trương Đình Tuyển đánh Pháp ở Khoái Châu bị quân Pháp bắt đưa về hành hình ở Bần Yên Nhân(3). Quân Pháp kéo về tàn phá huyện Mỹ Hào, giết chết hai người cháu của Nguyễn Thiện Thuật ở làng Xuân Dục. Bọn cầm quyền Pháp phải thú nhận: “… Nhiều thôn xã bị đốt cháy bốn bề, nhiều người nhà quê bị bắt, bị giết và những đồn binh của chúng ta thì bị tấn công. Nhìn chung tình hình không ổn định. Chính thức thì chúng ta nói là không có cướp bóc, xứ này bình định được rồi”(4).

Chính vào lúc giặc điên cuồng khủng bố phong trào thì nghĩa quân vẫn hoạt động mạnh mẽ: “Giữa vùng đồng bằng, trong khu Bãi Sậy, bọn cướp bóc lại tổ chức và đe dọa nghiêm trọng các đường giao thông chính như: Hà Nội - Hải Dương và Nam Định - Hà Nội. Đầu năm 1891, một toán trong bọn này đã tấn công Hà Nội ở phía tả ngạn sông Hồng tức là giữa hệ thốn đồn binh từ Bắc Ninh về Hà Nội”(5). Nghĩa quân hoạt động ráo riết đến nỗi Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ đã phải mật báo với quân Pháp là: “Phải đón trước một cuộc tấn công bất ngờ của nghĩa quân Bãi Sậy ngay tại Hà Nội”(6). Địch còn thú nhận: “Sau tết âm lịch, nghĩa quân tập trung lực lượng lớn tại căn cứ Bãi Sậy đến hợp tác với Lưu Kỳ. Có rất nhiều toán nghĩa quna được phục hồi trong mùa gặt, nghĩa quân đi lại từ Hưng Yên sang Hải Dương, Bắc Ninh. Các đội quân trên khi thì đi riêng biệt, khi được những người nông dân che chở, họ trở thành những người nông dân chất phát khiến bọn lính không thể phân biệt nổi đâu là nghĩa quân đâu là dân thường, tên tuổi, hành động của họ quan chức An Nam đều biết rất rõ, nhưng sợ không dám báo cho quân Pháp vì họ sợ bị trả thù”(7).

Được sự phối hợp của nghĩa quân từ căn cứ Bãi Sậy đến, Lưu Kỳ, Tiền Đức đã tấn công các tàu thuyền của Pháp trên sông Thái Bình và sông Văn Úc. Lãnh Quý cũng trở lại chiến trường cũ là các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành tổ chức lại đội ngũ, trang bị thêm vũ khí tiếp tục đánh phá quân Pháp. Tại huyện Thanh Lâm (nay là Nam Sách) lại xuất hiện các đạo quân khác sẵn sàng chiến đấu(8).


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định của cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Charbol: Opérations militaires au do Tonkin: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.
(3) Lịch sử Đảng bộ xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
(4) Charbol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.
(5) Z. Mason: Những kỉ niệm ở Trung Kỳ Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
(7), (8) Dulleman: Nhiệm vụ binh định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 23 Tháng Năm, 2011, 06:56:26 am
Trước sự xuất hiện của lực lượng nghĩa quân hùng mạnh dưới sự chỉ huy thống nhất của Nguyễn Thiện Kế, trong khi lực lượng Bảo an binh của Hải Dương từ 800 tên rút xuống còn 450 tên và không có hy vọng gì tăng lên được. Trước tình hình đó, Tòa sứ Hải Dương nhận thấy kẻ địch của mình vốn là gốc người bản xứ, thông thạo địa hình, biết rõ thủy thổ, được nhân dân che chở, tiếp tế lương thực, di chuyển mau lẹ. Họ còn biết thông đồng với các quan An Nam đang làm việc cho Pháp nắm rõ tình hình, quân số, trang bị, sự bố phòng của các đồn binh, thời gian, địa điểm hành quân của quân Pháp báo lại cho nghĩa quân(1).

Để đối phó với đạo quân ấy, giặc Pháp không thể điều động lính Âu - Phi và quân lính An nam từ xa đến được. Tòa sứ Hải Dương đã thực hiện gợi ý của Tổng đại sứ Paul Bert(2) có ý định tổ chức lực lượng dân binh trên cơ sở Nghị định ngày 6/8/1886 như người Anh đã từng làm có kết quả ở Miến Điện và Ấn Độ. Từ là phải tổ chức đạo quân chống lại nghĩa quân trong những người bản xứ, giao cho những võ quan Pháp đã ở Đông Dương lâu năm, biết rõ phong tục, ngôn ngữ của dân An Nam(3).

Chủ trương của Tòa xứ Hải Dương được sự chấp nhận của Thống sứ Bắc Kỳ, sáng lập tại tỉnh này một lực lượng cảnh sát đặc biệt, dưới danh hiệu “lính cơ”. Lực lượng cảnh sát này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của các quan phủ huyện, được trang bị súng bắn nhanh. Tòa sứ còn cho phép các quan phủ, huyện hoạt động trong bất cứ thời điểm nào để chống lại nghĩa quân và các làng xã ủng hộ nghĩa quân, chúng bắt phu, bắt lính theo sáng kiến và ý thức trách nhiệm của mình.

Việc “Sáng tạo ra đội ngũ lính cơ giúp cho bọn quan phủ, quan huyện tự ý đem quân đi đánh phá nghĩa quân, triệt phá các làng có nghi ngờ là ủng hộ nghĩa quân. Đội quân này còn giúp cho vệ binh dân sự đóng nhiều đồn bốt thành những phân đội cơ động khắp các tỉnh để tìm diệt nghĩa quân”(4).

Ít lâu sau Tòa sứ Hải Dương lại thành lập một lực lượng tuần tra và thám báo do hào mục các thôn xã đảm nhận bằng sự thiết lập hàng loạt những lô cốt trên các ngả đường quan trọng. Những lô cốt nhỏ này dùng làm nơi đồn trú tạm thời của những đạo quân thường xuyên di động trong tỉnh, từ chỗ này qua chỗ khác làm cho tất cả dải đất của tỉnh này đều nằm trong sự giám sát và cũng từ đó sự tuần tra của hàm mục càng tăng thêm hiệu lực(5).

Mặc dù chính quyền và bọn chỉ huy quân sự Pháp có những cải cách mới về quân đội, đóng thêm nhiều đồn bốt, giao quyền chủ động cho các quan phủ, huyện đánh phá nghĩa quân. Chúng cũng tăng cường các cuộc càn quét ác liệt vòa các căn cứ của nghĩa quân, song lực lượng nghĩa quân vẫn tồn tại và phát triển. Thực dân Pháp cũng phải thừa nhận; “Nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy cũng mạnh lên vì những toán khác ở vùng cao bị đánh chạy dần xuống Đông Triều. Ở phía Nam huyện Đông Triều, các phụ tá cũ của Đốc Tít như Lãnh Pha, Đề Cung, Đốc Chuyên, Lãnh Nam đã xây dựng được những đạo quân trang bị tốt”(6).

Nhằm tiêu diệt lực lượng của nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động ở Hải Dương, Tòa sứ Hải Dương và trung tá Piôt đã huy động quân chính ngạch, vệ binh dân sự dân binh có sự yểm hộ của Hải quân đã càn quét toàn vùng, đẩy lùi nghĩa quân Bãi Sậy về phía Đông Triều.

Một lực lượng khác gồm vệ binh dân sự, lính cơ, dân binh cùng một lúc càn quét các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Năng Yên, Thanh Miện. Các toán quân của Hai Kế, Đề Ban tập trung ở các huyện trên cũng bị đánh.

Mặc dù bị nhiều lực lượng của địch điên cuồng chống phá ở khắp nơi, Nguyễn Thiện Kế đã chỉ thị cho các tướng né tránh những cuộc hành quân càn quét “tìm và diệt” lớn của Pháp khi chúng còn đang hung hăng. Chọn thời cơ và địa hình thích hợp để bố trí các trận địa phục kích, tập kích khi chúng đi “tìm và diệt” đã mệt mỏi quay trở về nơi trú quân, khiến cho kẻ đi “tìm diệt” lại bị tiêu diệt. Ngoài ra, nghĩa quân còn tổ chức một số trận đánh lớn:

- Đêm 4/3/1891, nhờ có nội ứng, một toán nhỏ nghĩa quân lọt vào một đồn địch ở phủ Khoái Châu giết chết một lính làm bị thương 4 tên, lấy 12 súng, 50 bao đạn.

Sự việc trên xảy ra rất nhanh chóng và bí mật đến nỗi một bọn lính đóng ở đồn cách đó 120m vẫn không hay biết. Trong khi đó đại bộ phận nghĩa quân núp ở làng An Vĩ sát phủ lị Khoái Châu đợi cho toán quân ở trong làng rút xa xong mới bắn một loạt đạn yểm hộ để ngăn chặn quân Pháp truy kích.

Nghe tiếng súng nổ bọn địch ở đồn bên mới biết, nhưng sợ đêm tối cũng không dám đuổi theo. Sau trận này viên trưởng đồn sợ bị khiển trách đã tự tử, còn viên tuần phủ Hưng Yên(7) và viên tri phủ Khoái Châu thì bị bắt giải về Hà Nội để xét hỏi về tội có liên quan đến vụ tập kết nói trên.

Lãnh Điển là một thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc hoạt động ở phía bắc Hưng Yên và Hà Nội, ông nhận thấy quân Pháp đánh phá dữ dội Hưng Yên, Hải Dương cần phải phân tán lực lượng địch, vì vậy tháng 3/1891 Lãnh Điển dẫn quân vượt sông Hồng tấn công một đồn lính huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Đông(8).

Ngày 24/3/1891, thanh tra Lambert với sự hỗ trợ của các đồn Mỹ Hào, Đỗ Mỹ, Phong Cốc đánh nhau với Hai Kế.

Cùng ngày, đồn binh Phong Cốc đụng độ trong đảo Ba Tổng với 5 nghĩa quân trên một chiếc thuyền(9).

Tháng 3/1891, huyện Mỹ Hào hoàn toàn do nghĩa quân chiếm đóng mà lý trưởng, chánh tổng, kỳ hào đều được bầu ra dưới áp lực của nghĩa quân, nên họ điều trung thành với Tán Thuật. Chính những người này đã hình thành nên một chính quyền Cách mạng thực sự trong hệ thống chính quyền cấp dưới(10).


(1), (3) Dulleman: Nhiệm vụ binh định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Paul Bert nguyên là Bộ trưởng bộ Giáo dục Pháp dưới nội các Gambetta từ 14/11/881 đến 26/1/1882. Năm 1882 là viện sĩ Hàn lâm Khoa học Pháp. Ngày 27/1/1886 được Tổng thống Pháp ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Tổng trú sứ dân sự đầu tiên ở Trung - Bắc Kỳ. Paul Bert chính thức giữ chức Tổng trú sứ từ ngày 8/4/1886 đế ngày 11/11/886 thì bị chết vì bệnh dịch tả ở Hà Nội. (Chế độ Tổng trú sứ được áp dụng từ tháng 1/886 đến tháng 5/1889).
(4), (5), (6) Dullman: Nhiệm vụ binh định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(7) Tuần phủ Hưng Yên năm 1891-1892 Thành Thái năm thứ 3, 4 là Nguyễn Thịnh (Hưng Yên địa chí).
(8) Theo Albert de Poavourville: Chassrur de Pirates (Les liv res de la Barvusse) xuất bản ở Paris năm 1828. Nhưng theo báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1891 thì nghĩa quân đã giết chết, làm bị thương nhiều tên lấy được 12 khẩu súng trường và 123 bao đạn.
(9) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1891.
(10) Bonafont: Ba mươi năm ở Bắc Kỳ - tập I, xuất bản ở Paris năm 1924.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:25:30 am
CHƯƠNG II

NHIỀU THỦ LĨNH XUẤT SẮC HY SINH
CUỘC KHỞI NGHĨA BÃI SẬY SA SÚT NGHIÊM TRỌNG
(3/1891-3/1892)

Mặc dù Nguyễn Thiện Thuật đã sang Trung Quốc, nhiều tướng lĩnh sản xuất đã hy sinh như: Ngô Quang Huy, Đội Văn, nhiều người vì tình thế bắt buộc phải ra hàng như Đốc Tít, Đốc Lan. Một số kẻ cơ hội nay thấy cuộc khởi nghĩa suy yếu đã đầu hàng như Lãnh binh Lê Văn Vắn ở Đông Mai (nay thuộc huyện Văn Lâm); Lãnh Tảo ở Ân Thi, Hưng Yên; Đốc Khoát ở Bối Giang, Ninh Giang Hải Dương đã trở thành tay sai của giặc, quay lại đánh phá ác liệt cuộc khởi nghĩa. Nhưng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Kế, mặc dù nhiều tướng lĩnh bị sát hại, vùng nghĩa quân kiểm soát bị thu hẹp, song nghĩa quân vẫn đánh những trận đánh lớn, tiêu hao nhiều sinh lực của quân Pháp, quân Nam triều.

Thực dân Pháp và Nam triều điều động binh lực từ Sài Gòn, từ các tỉnh Nam Trung Kỳ ra và bắt lính tại chỗ cùng quân của triều đình Huế do Hoàng Cao Khải chỉ huy đánh phá ác liệt các căn cứ của nghĩa quân Bãi Sậy ở cả 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dưowng, Bắc Ninh. Tàu chiến, pháo binh, công binh cũng được bọn chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ huy động tới mức tối đa để hỗ trợ cho bộ binh.

Các cuộc tấn công ác liệt, kéo dài nhiều ngày của quân Pháp đã gây tổn thất nặng nề cho cuộc khởi nghĩa Bãi Sây. Chỉ tính bảy viên tướng chủ chốt Nguyễn Thiện Kế trong một năm (3/1891-3/1892) đã có nhiều người hy sinh.

Đầu năm 1821, Đề đốc Nguyễn Văn Sung vẫn còn trên 200 quân, được trang bị trên 100 súng bắn nhanh còn lại là súng kíp, súng khai hậu, súng hỏa mai. Ông cùng Đề Vinh luôn luôn chiến đấu bên cạnh Nguyễn Thiện kế. Ông còn phối hợp với Đề đốc Phạm Văn Ban ở phía bắc huyện Ân Thi với Lãnh Điển hoạt động ở các huyện bắc Hưng Yên với trận tấn công lớn vào các đồn binh khác. Vì nhiều tướng lĩnh hy sinh, bị bắt hoặc ra hàng nên Đốc Sung phải hoạt động trên một địa bàn rộng lớn từ đông, nam Hải Dương, miền đông và bắc tỉnh Hưng Yên, nam Bắc Ninh, nam Vĩnh Phúc, nam Sơn Tây.

Ngày 8/2/1891, quân Pháp tập trung trên 1.400 lính khố đỏ, dân binh, lính lệ do thanh tra Blanchard và Hoàng Cao Khải chỉ huy, có 14 vệ binh chính (người Pháp) lãnh binh, các quan phủ, quan huyện ba tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh đánh phá nghĩa quân Bãi Sậy. Quân Pháp có tham vọng tiêu diệt nghĩa quân ở căn cứ Bãi Sậy(1).

Để hỗ trợ cho căn cứ Bãi Sậy, phân tán lực lượng địch, Đốc Sung, Đề Ban, Hai Kế… tấn công quyết liệt quân Pháp ở Cẩm Giàng, Gia Lộc, Năng Yên, Thanh Miện, Tứ Kỳ gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại rồi rút quân sang vùng sông Kinh Thày.

Đầu tháng 3/1891, Đốc Sung đưa quân về hoạt động ở quê ông, tổng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, đạo Bãi Sậy. Ông đóng quân ở chùa Chi Long gần làng Dịch Trĩ. Ngày 17/3/1891 (27 tháng 2 âm lịch) Lãnh Vắn làm phản được quân Pháp cho chỉ huy đồn Đông Mai dẫn đường cho quân Pháp đang đêm bao vây chùa Chi Long. Đốc Sung thấy động liền ra cửa chùa quan sát, thấy quân Pháp đang lố nhố tiến vào chùa, ông hô lớn: “Tây vây chùa”. Quân Pháp bắn như đổ đạn về phía ông. Nghĩa quân lập tức triển khai đội hình chiến đấu đánh bật các đợt “tấn công dồn dập” của địch ra khỏi chùa. Đốc Sung bị thương nặng ở ngực, ông cố bò đến khu ruộng ngập nước trước cửa chùa, giấu thanh đoản kiếm của vua Hàm Nghi ban rồi rút súng lục tự tử. Tên Môliner chỉ huy cuộc hành quân khám trong người ông còn thấy đồng Kim tiền (tiền vàng) mà Tôn Thất Thuyết được vua Hàm Nghi ủy quyền ban cho các tướng lĩnh xuất sắc ở Bắc Kỳ. Quân Pháp chặt đầu ông đưa về phủ Thống sứ Bắc Kỳ ở Hà Nội để xác minh rồi đưa về Bần Yên Nhân(2).

Đốc Sung hy sinh tháng 3/1891, quân Pháp tập trung binh lực truy kích cánh quân Đốc Cọp và cánh quân Lãnh Điển.

Đốc Cọp chỉ huy nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ ở các huyện Kim Đông, Ân Thi, Phù Cừ, Đông Yên. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/1891 ông bị quân Pháp truy kích ráo riết. Đầu tháng 4/1891, Đốc Cọp đưa quân về đóng ở chùa Quàn thuộc xã Lôi Cầu huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu nay thuộc xã Việt Hoà, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Chùa Quàn nằm giữa bãi sậy trên một gò đất cao, rộng hơn một mẫu Bắc bộ. Trong chùa có nhiều tượng Phật, tượng La Hán, có sư trụ trì. Xung quanh chùa là các xã Khé, Ôn (Tiểu Quan) nay thuộc xã Phùng Hưng, Lác nay thuộc xã Việt Hoà đều ở huyện Khoái Châu; Lôi Cầu và Đảo Xá nay thuộc xã xã Toàn Tiến, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.


(1) Dullman: Nhiệm vụ binh định cà cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Theo lời thuật lại của các cụ cao tuổi người làng Dịch Trĩ thì giặc Pháp vây làng vào buổi sáng sớm, trời sương mù, do Lãnh Vắn dẫn đường tập kích bất ngờ. Trong cuộc hỗn chiến, Đốc Sung bị thương nặng. Ông rút súng tự sát. Gia đình cúng giỗ ông vào ngày 27/2 (Âm lịch).


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:27:12 am
Nghĩa quân đóng ở trong chùa, được nhân dân các xã xung quanh đưa người đến đắp lũy đất xung quanh chùa và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Trong đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng của ông Vũ Văn Chính, người làng Tiểu Quan, làm Chánh tổng Đại Quan.

Hoàng Cao Khải đem quân đến đánh hơn một tháng đều bị thất bại, hắn liền thực hiện chính sách cũ là tách nhân dân ra khỏi nghĩa quân. Vì vậy, một mặt chúng thắt chặt vòng vây chùa Quàn và xã Tiểu Quan, giết nhiều người, nhiều nhà cửa bị đốt cháy.

Vì quân sĩ đã mệt mỏi, đạn đã cạn, không còn lương thực, Đề Cọp lợi dụng đêm tối và bãi sậy cao ngập đầu người rút khỏi cùa Quàn về xã Tiểu Quan. Đến Tiểu Quan, ông được nghĩa quân ở đó và nhân dân hết lòng giúp đỡ, củng cố công sự, sẵn sàng đánh địch.

Ngày 21/5/1891 khi được tin Đề đốc Cọp chỉ huy 300 nghĩa quân đóng ở làng Tiểu Quan, huyện Đôn Yên, lập tức Muselier cho các cánh quân do Vincilliont, Pointes, Breston chỉ huy cấp tốc hành quân đến Tiểu Quan. Quân Pháp đế từ nửa đêm, nhưng vốn sợ Đốc Cọp nên không dám khinh thường, mà chỉ bao vây từ xa, gần sáng chúng mới thắt chặt vòng vây.

Mờ sáng ngày 22/5/1891, nghĩa quân chuẩn bị rút khỏi Tiểu Quan bỗng có báo động. Đề cọp cho người ra quan sát thì thấy quân Pháp đã bao vây kín làng, ông liền bố trí quân sau các lũy đất trên trồng tre gai dày đặc, củng cố công sự, đón đánh địch. Nhân dân nấu cơm, giết lợn đem đến từng chiến lũy tiếp tế cho nghĩa quân.Quân Pháp bắn như đổ đạn vào làng. Nghĩa quân có ưu thế chiếm được cao điểm, lại có lũy tre dày chê chở, nên hạ nhiều giặc, khiến chúng phải lùi ra xa, gọi đại bác bắn cấp tập vào trong làng. Quân Pháp biết Đề Cọp chỉ có ít quân, đạn dược đã cạn kiệt nên bao vây chặt và cho quân chặn các ngả đường không cho các cánh quân khác đến cứu viện. Đề Cọp sai Đội Thuỷ mở mũi đột kích xông ra phá vây, nhưng ông cùng các nghĩa sĩ hy sinh ngay sau khi vượt khỏi lũy tre.

Suốt ngày hôm đó, nghĩa quân không chọc thủng được vòng vây. Ông sai người về Bãi Sậy cầu viện, nhưng đi cũng không thoát, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Quân Pháp bắn đại bác cấp tập vào cổng làng. Cánh cổng lim dày cỡ gần gang tay, bên trong chèn rất nhiều cối đá lỗ, cùng những bao cát bị vỡ toang. Chúng tràn vào làng, nghĩa quân xông ra đánh giáp lá cà, nhưng lực lượng ít, không địch nổi quân Pháp, 30 nghĩa quân tử trận, trong đó có Lãnh Sùng là viên tướng xuất sắc nhất của Đề Cọp mất 10 khẩu súng trường, 3 khẩu súng lục. Quân Pháp bắt nhân dân tập trung ở đình để bọn chỉ điểm nhận mặt nghĩa quân và tung quân đi sục sạo khắp nơi. Đề Cọp bị thương nặng, phải nấp dưới một cái ao sâu, đậy lá rau muống lên đầu, chỉ ngửa mặt lên thở. Bọn lính đuổi bắt gà, tình cờ một con gà bay xuống ao, chúng đuổi theo, phát hiện ra Đề Cọp, liền nhốt vào cũi đưa về Hà Nội cho Thống sứ Bắc Kỳ xem mặt. Chúng cũng bắt được hơn 20 nghĩa quân, hành hình ngay tại sân đình, máu đào của cách chiến sĩ nhuộm đỏ sân đình.

Ngày 25/5/1891 tức ngày 16 tháng 4 âm lịch, quân Pháp chặt đầu Đốc Cọp ở khu đất trống cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - nơi chúng đã hành hình Đội Văn tháng 11/1889 (nay ở khoảng nhà tám mái phía sau tượng Lý Thái Tổ, đưa đầu về Hưng Yên bêu, xác chúng ném xuống sông Hồng).

Khi Đề đốc Cọp bị bắt ở Tiểu Quan giải về Hà Nội, mấy thủ hạ thân tín của ông, trong đó có ông Quyền Thọ quê ở làng Đào Xá (cạnh An Xá) cải trang làm dân thường, bí mật theo lên Hà Nội. Khi chúng chặt đầu ông đưa về Hưng Yên, ném xác xuống sông Hồng, Quyền Thọ phân công người theo dõi bọn lính về Hưng Yên xem chúng bêu đầu ở đâu thì tổ chức cướp, còn ông đi theo bờ sông Hồng. Xác ông Cọp không chìm mà lập lờ trôi đến Dốc Vĩnh thì dạt vào vũng ở trước cửa đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở xã Đa Hoà, tổng Mễ Sở. Quyền Thọ và mấy nghĩa quân chờ đến đêm mới vớt xác ông về táng ở cạnh đồng làng Đào Xá, đến khi cải táng con cháu mới bí mật dời về An Xá. Từ đó con cháu cúng giỗ ông vào ngày 16 tháng 4 âm lịch(1).

Số nghĩa quân còn lại phải rút khỏi xã Tiểu Quan qua các xã Ninh Vũ, Kênh Khê ra ngoài đê sông Hồng qua xã Phù Sa (nay là thôn Lãnh Điển, xã Đại Tập) rồi vượt sông Hồng bằng thuyền, bằng bè chuối sang Hà Đông, Hà Nam đến vùng rừng núi xã Quyển Sơn ở Kim Bảng (có nhiều cụ kể đến rừng Ngang thuộc tỉnh Hoà Binh).


(1) Theo Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, số 122, 123 tháng 5,6/1969 và tác giả về An Xá, gặp cụ Vũ Văn Công 83 tuổi (năm 1988) cháu ba đời Đề Cọp và các cụ trong họ Vũ, đọc gia phả họ Vũ tháng 5/1969.
Theo tài liệu của Daufès, Piglowski, Ngô Vi Liễn và Lịch sử 80 năm chống Pháp viết trận này xảy ra ở Điền Nha, Khoái Châu vào ngày 23/5/1889. “Đốc Cọp cùng 100 quân đến làng Điền Nha, Khoái Câu nghỉ qua đêm. Các tên Vincilion và Pointes chỉ huy quân lính bao vây. Đốc Cọp phá vây, nghĩa quân bị chết 80 người, Đốc Cọp nấp dưới ao một ngày vừa bị thương, lại bị đói, mệt, gần tối ông bò lên bờ nhưng lên đến nơi thì chết. Quân lính bắn vào thi thể ông 100 viên đạn, rồi chặt đầu ông và 32 nghĩa quân đưa về bêu, 20 nghĩa quân còn lại đều bị bắt. Theo chúng tôi, tài liệu trên là không chính xác, vì tháng 10/1890 quân Pháp còn thống kê Hai Kế còn lại bảy vị trướng trong đó có Đề đốc Cọp xếp hàng thứ tư.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:31:58 am
Trên đường rút xuống Thuý Ái thuộc Phú Xuyên (Hà Đông) nghĩa quân phải chiến đấu với một toán quân Pháp chặn đường. Lãnh binh Đỗ Đình Tạo quê ở Tiểu Quan hy sinh(1).

Trong cánh quân rút về sông Hồng đêm ấy có ông Bùi Xuân Tứ quê ở xã Nghi Xuyên, tổng Đại Quan, huyện Đông Yên. Đêm đó nghĩa quân rút qua sông Hồng ở bến Cửa Sòng trên thuyền có 25 nghĩa quân do ông Sen lái đò chở để rút về rừng Ngang ở tỉnh Hòa Bình(2).

Còn một bộ phận nghĩa quân quê ở Tiểu Quan, trong đó có ông Bùi Quang Cơ, Bùi Quang Tính bị tay chân một tên phản bội đã bị ba ông tú tài người làng Tiểu Quan là Lê Công Đôn, Lê Công Bẩm, và một ông tú họ Đỗ bắt giết, nay thừa lúc nghĩa quân thất thế, bọn tay chân của tên phản bội đưa lính về truy bức nghĩa quân, đốt phá làng xóm. Chúng bắt được hai ông Bùi Quang Cơ và Bùi Quang Tính đem ra chợ Lác tùng xẻo từng miếng thịt rồi chặt đầu cắm cọc bêu ở chợ Lác. Hai đêm sau chị ruột ông Quang Cơ thừa lúc bọn lính và tuần đinh lơ là lấy được đầu hai ông bọc vào khăn vuông đem về chôn cất.

Sau khi bắt giết nghĩa quân, Hoàng Cao Khải cho lính thỏa sức chém giết dân làng, hãm hiếp đàn bà con gái, cướp của rồi đốt làng. Chúng chu di tam tộc các gia đình nghĩa quân, nên con cháu họ hàng phải chạy đi nơi khác, họ Đỗ phải đổi thành họ Nguyễn cho đến nay(3).

Đầu năm 1891, Chánh tính vẫn còn trên 200 quân, ba phần tư quân số được trang bị súng bắn nhanh như súng trường Carabine, súng Mile 1834 kiểu Mỹ, súng Wunchester, súng remainton, súng Mause dùng đạn Mile 1894 và một số súng hỏa mai(4). Nghĩa quân Chánh Tính hoạt động mạnh mẽ ở Nam Hưng Yên, Nam Hải Dương, gây cho quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải tổn thất lớn, đến nỗi quân Pháp phải thốt lên: “Hai toán còn lại tiếp tục chống cự là Đề Tính và Lãnh Điển. Hai toán này hoạt động ở phủ Khoái Châu và mỗi khi cần thiết lại ẩn nấp ở vùng Bãi Sậy, họ đã chống cự lại một cách hữu hiệu đối với các cuộc truy kích của binh đoàn”(5).

Nghĩa quân Chánh Tính hoạt động mạnh mẽ gây thổn thất nặng nề cho quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải. Chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 6/1891 đã có nhiều sĩ quan Pháp bị giết như ngày 10/4/1891 tên La Sage giám binh hạng nhì bị giết, cùng nhiều lính Âu - Phi, lính Nam bị giết chết. Tháng 7/1891, Chánh Tính bị đạo quân lớn của Hoàng Cao Khải không ngừng truy kích song ông vẫn kiên cường chiến đấu Hoàng Cao Khải viết thư dụ ông hàng, ông kiên quyết phản đối, kiên trì con đường chống Pháp của mình, ông nói với anh là Lãnh Đề với hai em là Lãnh Xuyên và Ba Sành: “Chúng ta dù thân phơi ngoài đồng nội, da ngựa bọc xương cũng quyết không đầu hàng, còn răng nào bừa răng ấy”.

Các anh em ông, các tướng lĩnh dưới quyền ông và nghĩa quân đều một lòng như ông, dù nghĩa quân có hy sinh hết còn một người cũng đánh. Để tỏ rõ khí phách của mình, các ông liên tiếp ở những trận đánh lớn tiêu hao lực lượng của quân Pháp(6).

Sau khi Chánh Tính cự tuyệt thư dụ hàng của Hoàng Cao Khải, quân Pháp và Hoàng Cao Khải ráo riết truy kích không ngừng. Tháng 7/1891, Chánh Tính phải đem 300 quân vượt sông Hồng sang Hà Đông để liên hệ với các thủ lĩnh Đông và Tây sang hoạt động ở đó. Cuối tháng 7/1891, ông đem 200 quân tấn công huyện đường Phú Xuyên giết chết tri phủ(7).

Tháng 8/1891, quân Pháp truy kích Chánh Tính mãi không được nên phải nhờ Lãnh binh Lê Văn Vắn phản bội nghĩa quân, đầu hàng Pháp bao vây bắt được Chánh Tính. Sau khi bắt được Chánh Tính, chúng tiếp tục truy kích bắt được hai ông Lãnh Xuyên, Lãnh Đề. Chúng đưa ba ông về giam ở thành Hưng Yên. Ngày 21/8/1891 (ngày 17 tháng 7 năm Tân Mão) chúng xử chém ba ông. Chúng vứt xác của ba ông ở đâu không rõ, còn đầu ba ông chúng chôn ở trong thành, lắp đất, đặt kiềng lên đun và giao cho Đội Quý canh giữ.

Em gái ông Lãnh Đề tìm mọi cách không lấy được đầu ba ông, sau phải nhận lời lấy Đội Quý, rồi chuốc rượu cho Đội Qúy và bọn lính gác say sau đó đào đầu ba ông đem về An Vỹ, bí mật chôn ở vườn trầu không, lấy cành dâu làm xương rồi an táng(8).


(1) Bản thảo lịch sử Đảng bộ xã Phùng Hưng huyện Khoái Châu và cụ Bùi Quang Hồ 83 thuổi cháu gọi cụ Bùi Quang Cơ bằng ông quê ở Tiểu Quan kể cho tác giả nghe trong tháng 5/1999.
(2), (3) Gia phả họ Bùi Xuân xã Nghi Xuyên, nay là thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, Khoái Châu ghi sự tích trên qua lời kể của cụ Tứ.
(4), (5) Theo Miribel: La Province de Hưng Yên, xuất bản năm 1933.
(6) Ghi theo lời cụ Đàm Thị Nhỡ là cháu dâu gọi Chánh Tính là ông tháng 11/1998 tại xã An Vĩ.
(7) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương tháng 7 và 8/1891, bản viết tay.
(8) Nhưng sau hai ngôi mộ trên cũng bị thất lạc.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:35:42 am
Sau khi giết ba ông, Hoàng Cao Khải triệt phá nhà Chánh Tính cũng như cả xã An Vỹ, tịch biên hết của cải, ruộng nương. Chúng vây bắt được anh Toáng con ông Đề, anh Đồng, anh An con ông Lãnh Xuyên cũng bị bắt, anh Sơn trốn thoat(1).

Sau khi ba anh bị giặc Pháp bắt, nghĩa quân tan rã, Ba Sành trốn về nhà vợ. Quân Pháp sục vào tìm, ông trốn dưới ao. Bọn lấy vào thấy con cò ở dưới ao liền bắt rồi reo: “nó chết rồi”. Ba Sành tưởng bị lộ, ngoi lên bị chúng bắt đưa đi mất tích.

Các cụ ngày xưa vẫn chia ngày cúng giỗ như sau: cụ Đề cúng ngày 16 tháng 7, cụ Tính cúng ngày 17 tháng 7, cụ Xuyên cúng ngày 18 tháng 7, cụ Ba Sành cũng ngay 19 tháng 7.

Cuối tháng 6 (1891, Lãnh Hiêm chỉ huy nghĩa quân ở Bắc Ninh nhận lệnh của chủ tướng Nguyễn Thiện Kế về Bãi Sậy có việc quan trọng. ông liền đi gấp, đến làng Phú Khê, huyện Từ Sơn thì trời tối, liền đóng quân nghỉ lại(2).

Tri phủ Từ Sơn biết tin liền đem 150 lính đến vây đánh nhưng Lãnh Hiêm đã đề phòng, bọn lính phủ vừa tới đã bị nghĩa quân đánh phủ đầu gây thiệt hại lớn cho quân của tri phủ. Tri phủ một mặt cho lính đuổi theo nghĩa quân, một mặt phi báo cho đồn Đông Khê và đồn Phù Cơ.

Nghĩa quân đóng ở làng Đào Thuế thuộc huyện Đông Anh tỉnh Bắc Ninh. Biết địch sẽ đến đánh, ông cho quân phòng giữ. Làng Đào Thuế có lũy tre dày bao bọc, trong làng có nhiều gò đống, nhà cửa chi chít, cây cối um tùm có lợi thế cho nghĩa quân. Nghĩa quân bố trí trận địa xong thì lính Đông Khê và đồn Phù Cơ ập tới.

Các tên quản Guillsume và Richard cùng các tên tri huyện Đông Anh, Kim Anh cũng kéo tới bao vây Đào Thế.

Lực lượng quân Pháp đông gấp bội, bao vây kín làng nhưng Lãnh Hiêm vẫn bình tĩnh chỉ huy nghĩa quân núp sau lũy tre làng, các gò đống bắn trả địch rất có hiệu quả, giết chết nhiều tên. Ông còn cho chặt cây lấp đường khiến mấy lần quân Pháp tràn vào đều bị đánh bật ra.Nhưng quân giặc đông, trang bị mạnh từ nhiều hướng tấn công vào làng.

Chiều tối, hai toán quân của Guillanne và Richard lọt được vào làng. Lãnh Hiêm hô nghĩa quân kháng cự lại mãnh liệt. Quân giặc tràn vào làng mỗi lúc một đông, nghĩa quân phải vừa đánh vừa tìm đường rút ra ngoài. Lúc đầu nghĩa quân giành nhau với quân Pháp từng xóm, từng nhà rồi nhờ thông thuộc địa hình và đêm tối biến mất. Mấy tên tri phủ, tri huyện thấy tời tối liền lệnh cho bọn lính đốt nhà để lấy ánh sáng truy lùng nghĩa quân. Số nghĩa quân rút trước trong đó có Lãnh Hiêm, anh ruột Lãnh Hiêm bơi qua sông bị lính bắn chết cùng với nhiều nghĩa quân. Lãnh Hiêm cũng bị trúng đạn ở gối. Số nghĩa quân còn lại bị lửa cản, phần lớn bị quân lính giết chết.

Đây là trận thua đầu tiên của Lãnh Hiêm, vì trong suốt mấy năm chỉ huy nghĩa quân, ông chưa từng bị thua một trận nhỏ nào. Ông đã từng chỉ huy nghĩa quân giết tên quản Dol, La May, đánh bại quân lính do các tên quản Beria, thiếu tá Baule chỉ huy. Thua trận này Lãnh Hiêm đành đưa tàn quân rút về Bãi Sậy.

Sau trận thất bại ở Đào Thuế, thế lực nghĩa quân ngày càng suy yếu, nhưng Nguyễn Thiện Kế và các thủ lĩnh vẫn cố gắng phục hồi, tổ chức được một số trận đánh.

Tháng 3/1891, Lãnh Điển dẫn quân vượt sông Hồng, tấn công một đồn lính ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông(3) rồi về đóng quân ở Phù Sa.

Thực dân Pháp và Hoàng Cao Khải cay cú nên tháng 5/1891 cho quân bao vây chặt Phù Sa. Chúng huy động cả tàu chiến tuần tiễu dưới sông Hồng, liên tục bắn đại bác vào các làng Phù Sa Cựu, Phù Sa Thượng. Sau khi tiêu diệt Đề Cọp, Chánh Tính, quân Pháp tập trung binh lực bao vây, tấn công đội quân của Lãnh Điển. Hoàng Cao Khải cho quân về đóng ở Miếu Bà là quê hương của ông ở Phù Sa Cựu, chỉ cách Phù Sa Thượng nơi Lãnh Điển đóng quân có 500m, cách một con ngòi nhỏ. Thấy bọn tay sai không những không đánh, không bắt được Lãnh Điển mà còn bị Lãnh Điển cho quân tập kích, tiêu diệt nhiều tên. Hoàng Cao Khải về tận nơi chỉ huy bọn tay chân đánh Lãnh Điển, khủng bố nhân dân Phù Sa, đặc biệt truy tìm giết hại những người họ Dương và gia đình nghĩa quân. Các toán lính do quan phủ Khoái Châu, quan huyện Đông Yên, quan huyện Kim Động luôn luôn đuổi theo Lãnh Điển. Lực lượng của ông bị tổn thất, vũ khí bị tiêu hao.


(1) Nguyễn Đình Dấc sinh ra Nguyễn Đình Trường. Ông Trường hoạt động chống Pháp trong cuộc kháng chiến 9 năm (1947-1954). Ông bị giặc Pháp bắn chết từ đầu năm 1947 ở Khoái Châu. Nay bà Đàm Thị Nhỡ là vợ ông Trường cũng giỗ cả bốn cụ là ông chú, ông bác, bố mẹ chồng, chồng.
(2) Minh Thành viết trong bài: “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, số 122, 123 tháng 5,6/1969” như sau: Ngày 27/6/1891, quân Pháp đượ tin Lãnh Hiêm đóng ở làng Quỳnh Bội (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), Lesage và Picard vội đem 2 toán quân đến bao vây. Nhưng đến khi xuất trận Lasage cưỡi ngựa vượt lên trước bị nghĩa quân nấp trong lau sậy xông ra giao chiến. Lasage tử thương. Đội Nguyễn Văn Long và hai lính khố xanh vội đến cướp xác hắn.
(3) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:39:19 am
Mặc dù giặc điên cuồng khủng bố, ông vẫn đóng quân ở Phù Sa Thượng. Khi quân Hoàng Cao Khải tấn công, Dương Văn Lạp cùng chi họ của ông gác ở trạm tiền tiêu cây đề trước cửa đình Phù Sa Thượng, bắn súng báo động thì bị quân giặc bắn chết. Ông thấy không thể nào hoạt động được nên khuyên mọi người lên Yên Thế theo Đề Thám hoạc đi làm ăn bất cứ đâu, nhưng không được đầu hàng làm tay sai cho giặc. Ông cùng ba nghĩa quân thân tín là Lê Văn Cần, Ké, Phó quê đều ở Phù Sa giữ chức Hiệp quản lên Ấp Dâu, Thuận Thành (Bắc Ninh) để nghe ngóng tình hình địch. Nhưng quân Pháp và Hoàng Cao Khải ráo riết truy lùng, có nguy cơ bị bắt, Lãnh Điển cùng ba nghĩa quân lên Hưng Hoá(1) liên hệ với nghĩa quân Đề Kiều. Các ông đến làng Phương Cách thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn thây thì bị lính của tri phủ huyện Quốc Oai và lính của tri huyện sở tại Phạm Hữu Đại bao vây. Vì giặc đông, Lãnh Điển cùng ba nghĩa quân nhảy xuống nấp dưới ao bèo tây nhưng cũng bị bọn lính bắt và chặt đầu(2).

Sau khi một số thủ lĩnh chủ yếu của nghĩa quân Bãi Sậy hy sinh, bị bắt và ra hàng, phong trào tạm lắng xuống, bọn cầm quyền Pháp cho rằng tình hình đã yên nên ngày 8/9/1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định trả lại Bảo Lộc(3), Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, hôm sau lại ra Nghị định chuyển Lục Nam, Yên Bái vào đạo quân binh thứ nhất(4).

Với chủ trương phát triển cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy sang hữu ngạn sông Hồng, trước mắt là ở hai tỉnh Hà Nam, Hà Đông. Cuối năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật giao cho Đề Yêm và Lãnh Ve (người xã Tự Nhiên, Thường Tín) về xây dựng căn cứ ở hai tỉnh này. Đề Yêm xây dựng cơ sở thông tin liên lạc, trú quân ở các xã ven sông Hồng thuộc hai tỉnh Duy Tiên và Lý Nhân. Ông xây dựng tổng Kim Bảng vùng núi đá quê ông thành một điểm quân sự vững chắc.

Từ đây ông đưa quân đi đánh phá các nơi. Quân Pháp nhận thấy nếu Nguyễn Thiện Thuật làm chủ được vùng núi đá Kim Bảng thông qua các huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức (Hà Đông), Kim Bôi (Hoà Bình) liên kết với các lực lượng kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều ở Hưng Hoá… Chợ Bờ thì vô cùng nguy hiểm cho sự thống trị của chúng ở Bắc Kỳ. Vì thế, chúng tập trung đánh phá tổng Kim Bảng. Đề Yêm dựa vào thế hiểm trở của đồi gò và núi đá đánh bật các cuộc tấn công của quân Pháp.

Khoảng 3/1889, Đề Yêm chuyển địa bàn hoạt động vào vùng núi đá cao, rừng rậm ở phía tây bắc tổng Kim Bảng, giáp ranh vùng núi đá huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, Kim Bôi tỉnh Chợ Bờ (sau đổi là Hoà Bình). Song địa bàn hoạt động quân sự của Đề Yêm kéo dài từ các huyện Duy Tiên, Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Đông). Nghĩa quân Đề Yêm đánh nhiều trận lớn như trận ở chùa Tam Giáo (xã Tượng Lĩnh), trận ở đình thôn Mã Não (xã Ngọc Sơn) tiêu diệt một số sỹ quan và binh lính Pháp.

Đại đa dố nhân dân các huyện trên chẳng những cung cấp lương thực, thông tin liên lạc mà còn có nhiều thương gia nhập nghĩa quân, đưa số quân ban đầu chỉ có khoảng 110 người lên 250 người, một nửa số quân được trang bị súng kíp, súng hỏa mai và súng bắn nhanh.

Trong đội ngũ của Đề Yêm có nhiều tướng lĩnh giỏi như Đội Kinh, Lãnh Cương, Tần Trường, Tắc Vy. Tắc Vy có sức khỏe phi thường, giỏi võ, ông sử dụng cái khiên dắt đồng. Vào trận ông múa khiên tới đâu giặc chết tới đó. Có trận một tay ông múa khiên một tay cầm kiếm chém chết hàng chục tên giặc. Vợ ông là Hoàng Thị Tiệm, người thôn Phú Dư, nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà cũng làm một viên tướng xuất sắc.

Tháng 9/1889, quân Pháp liên tục tấn công Đề Yêm. Ông chuyển căn cứ kháng chiến đến chùa Tuyết Sơn nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Đề Yêm nhận được sự giúp đỡ của các tăng ni, Phật tử. Đề Yêm giao cho Thượng tọa cùng Lãnh Cường xây dựng đồn tiền tiêu ở chùa Bảo Đài. Theo các cố lão ở Hương Sơn kể lại thì “Lũy đất trước cửa chùa cao bằng núi”. Địa bản doanh đóng trong chùa Động Tuyết Sơn, trên đỉnh núi cắm lá cờ đại màu đỏ, đứng cách xa 5-6 dặm cũng nhìn thấy.


(1) Hưng Hoá khi đó bao gồm Phú Thọ, Sơn Tây, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Đề Kiều lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đó.
(2) Giặc Pháp sợ uy thế Lãnh Điển, chúng bắt được mấy nghĩa quân chặt đầu cắm cọc bêu ở bãi Phúc Xá, Hà Nội tung tin là Lãnh Điển. Người nhà tưởng thực lên Hà Nội đút lót tiền cho lính canh đưa xuống bè chuối đem về Phù Sa chôn cất.
Theo gia phả họ Dương (từ khi ông Điển bị giặc Pháp hành hình, truy nã thì chi ông Điển đổi là Dương Hữu). Theo gia phả các cụ họ Dương Hữu thì số người trong chi ông Điển bị giặc Pháp giết như sau: Dương Văn Điển, Dương Văn Sáu, Dương Văn Quyên, Dương Văn Ké, Dương Văn Phô, Dương Văn Chủ, Dương Văn Tước, Dương Văn Dĩnh, Dương Văn Nhận, Dương Văn Châu, Dương Văn Cương, Dương Thị Quyên, Dương Văn Bính bị đày đi Côn Đảo sau chết ở đó.
(3) Khi đó cuộc khởi nghĩa Bảo Lộc do Cai Biểu, Tổng Bưởi làm lãnh đạo cũng ngừng hoạt động.
(4) Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, tr.101. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:42:32 am
Từ khi xây dựng căn cứ Tuyến Tơn, Bải Đài, Đề Yêm luôn luôn xuất kích tấn công các đồn binh Pháp, chặn đứng nhiều cuộc càn quét của chúng. Quân Pháp ăn không ngon ngủ không yên điều động lực lượng lớn đến đánh phá căn cứ Tuyết Sơn. Căn cứ vào những tư liệu của bọn cầm quyền Pháp còn lại, giáo sư Trần Văn Giàu và các cộng sự đã viết trong “Lịch sử cận đại Việt Nam” tập II như sau:

“Một trận đánh lớn diễn ra vào ngày 14/10/1891 ở Tuyết Sơn, vùng Mỹ Đức. Trận này địch bị thiệt hại khá nặng. Tên thiếu úy Lơmegơrơ (Lemaigre) và nhiều lính Tây, lính ngụy bị chết nên phải rút lui. Sau trận đại bại này, chúng điều từ Ninh Bình đến 150 lính phản công lại nghĩa quân, nhưng cũng không thắng nổi. Chúng phải xin thêm Hà Nội 100 lính và một đội bộ binh, hải quân nữa. Trong khi chờ viện binh tới chúng tiến hành bao vây và tiến dần từng bước. Nghĩa quân chống cự lại rất anh dũng. Viện binh đã tới, chúng mở cuộc tấn công lớn, ngày 1/11 chiếm được Tuyết Sơn, nhưng phải mua một giá đắt, tên đại úy Ginetxtơ (Ghineste) bị thương và nhiều lính bị chết. Nghĩa quân theo đường rừng rút lui”(1).

Sau trận đánh ngày 14/10/1891, nghĩa quân Đề Yêm tan tác vì không còn căn cứ, đạn dược, lương thực cũng bị quân Pháp cướp và phá hủy. Đề Yêm đưa bà Hoàng Thị Tiệm đang có mang sắp đến ngày sinh đến một cơ sở kín đáo để sinh nở. Sau đó, cùng mấy nghĩa quân tâm phúc lên Yên Thế.

Trong khi đó, tại một hang đá, bà Hoàng Thị Thiệm hạ lệnh chém đầu 5 tên gián điệp bị giam ở đó, rồi tuyên bố với một số nghĩa quân: “Nghĩa quân ta chiến đấu là để tiêu diệt quân xâm lược, cứu nước, cứu dân, nhưng tình thế hiện nay không cho phép chúng ta tiếp tục sự nghiệp nữa. Vậy truyền cho tướng quân giải tán để về nhà hoặc tìm nơi yên ổ làm ăn, nhưng chớ theo giặc”.

Nói rồi bà còn ít tiền chia cho anh em làm lộ phí. Nhiều anh em không nhận, để bà chi têu trong sinh nở. Còn lại 5 nghĩa quân nữa không chịu về mà đi theo bà.

Toán nghĩa quân theo bà Tiệm đi được vài tiếng đồng hồ thì quân Pháp đuổi sát tới nơi. Ba nghĩa quân tình nguyện ở lại cản đường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng thì hy sinh. Hai nghĩa quân dìu bà chạy vào rừng cũng bị chúng giết chết. Bọn chúng bắt được bà giải về Hà Nội. Trên đường đi bà trở dạ, chúng giải bà vào một nhà dân ven đường sinh rồi giết chết con bà, tiếp tục bắt bà đi bộ về Hà Nội. Bà Hoàng Thị Tiệm kiêm cường, bất khuất cắn răng chịu đựng không khia nửa lời. Quân giặc bỏ tù bà 3 năm rồi thả về, bí mật cho người theo dõi.

Về nhà bà tìm mọi cách hỏi tin tức của chồng. Song mãi đến năm 1913 mấy nghĩa quân theo Đề Yêm lên Yên Thế trốn được về báo tin, lên Yên Thế ông vẫn giữ chức Đề đốc chỉ huy một cánh quân và hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở căn cứ Yên Thế. Bà viết duệ hiệu của ông đặt trong bát hương phụng thờ ông cho tới khi mất.

Được tin chủ tướng hy sinh, mấy nghĩa quân ở lại Tuyết Sơn dựng cái am nhỏ canh chùa thờ ông.

Lãnh Ve cùng với các ông Dương Tứ Trai, Nguyễn Đức Bảng ở xã Thư Phú (Thường tín) xây dựng nhiều cơ sở ở các xã dọc sông Hồng và đường thiên lý. Các cơ sở này làm nhiệm vụ điều tra các hoạt động của quân Pháp, quân Nam triều báo cho nghĩa quân.

Ngày 4/6/1891 được tin Đền Ban, Đền Quý vừa hành quân đến làng Mi Động (huyện Cẩm Giàng) thanh tra Lambert và Tán lý Lê Hoan có pháo hạm yểm trợ, đem quân bao vây làng Mi Động, huyên này nằm giữa huyện Cẩm Giàng và huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Nghĩa quân tuy mới tới làng nhưng làng là cơ sở của nghĩa quân, có lũy tre dày, có lũy đất bao bọc, có đường hào giao thông, bên ngoài lũy ngập nước, dưới cắm chông. Nhân dân tiếp tế cho nghĩa quân ăn no, lại trinh sát, canh gác cho nghĩa quân.

Quân Pháp tấn công đã bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt, giết chết 6 tên, làm bị thương 3 tên, bọn còn lại tháo chạy(2).

Cuối tháng 10/1891 nhằm triệt phá căn cứ Bãi Sậy, quân pháp đóng thêm đồn Đỗ Mỹ (Ân Thi) do cai Simon chỉ huy, đồn Mỹ Hào do Bonne chỉ huy, đồn Đống Mối do Flippi chỉ huy để bao vây Đề ban.


(1) Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm… Lịch sử cận đại Việt Nam, tập II, NXB Giáo dục, 1961.
(2) Dulleman: Tài liệu đã dẫn. Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Tổng hợp, thành phố HCM, 2005.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Năm, 2011, 09:48:02 am
Mặc dù quân Pháp bao vây chặt, nghĩa quân Đề Ban vẫn hoạt động mạnh.

- Ngày 19/11/1891, Pierot chỉ huy một cánh quân tấn công đồn làng Hoà Đam (Mỹ Hào) chống trả nghĩa quân Đề Ban. Các tên Moulin, Sinmon, Fouré cùng hợp lực với Pirerot đánh Đề Ban, nhưng khi chúng tới nơi thì Đề Ban đã rút, chúng bắt bớ một số dân. Nghĩa quân cũng đánh nhau với quân Pháp ở làng Cao Trai (tổng Hạ Cổ, huyện Ân Thi) giáp ranh với vùng Ba Tổng(1), nghĩa quân rút về Thuý Trúc (Ân Thi) căn cứ của Lãnh Chủ, Lãnh Điếc. Quân Pháp tìm thấy nhiều vỏ đạn súng Zebel, những ármes blaslies, cuộc chiến đấu kéo dài 1 giờ 30 phút(2).

- Ngày 12/12/1891, Lambert, Bellesen, Pierot, Breston, Ronnal và Simol lại bao vây 10 nghĩa quân do Hai Kế, Đề Ban chỉ huy ở vùng Chu Xá (Ân Thi). Trong trận đánh này, nghĩa quân có 6 người chết, trong đó có Đốc binh Sao,. Quân Pháp bắt được hai nghĩa quân trong đó có một người là anh rể của Đề Ban. Nghĩa quân mất 4 súng trường, 1 súng lục. Đề Ban bị đạn bắn gãy chân. Ông được một nghĩa quân thân tín người cùng xóm là Nguyễn Văn Bòng(3) cõng chạy đến huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Quân Pháp vẫn không ngừng truy kích. Đề đốc Nguyễn Đình Tuyển thay Đề Ban chỉ huy, rồi lui quân vừa đánh trả quân Pháp. Trong đó, nghĩa quân Đề Ban khi đó có ông Ngũ Ốc, Ngũ Mạc, Ngũ Phả người làng Đoàn Lâm(4), anh em Nguyễn Đình Ba, Nguyễn Đình Tư người làng Đông bên cạnh làng Đoàn Lâm huyện Thanh Miện. Đây là làng chiến đấu có lũy tre dày, lũy đất bao quanh làng, phía ngoài là con đê lớn ngăn nước lụt tràn vào làng. Đội nghĩa quân Bãi Sậy của làng do ông Chánh Đích, Sư Học người làng Đào Quạt, tu ở chùa Đoàn Lâm chỉ huy. Trong mấy năm qua, nghĩa quân Đoàn Lâm đánh thắng nhiều trận càn quét của quân Pháp.

Nghĩa quân đã bị tổn thất trong mấy trận đánh lớn vừa qua, chủ tướng bị thương, quân sĩ mệt mỏi nên Đề đốc Nguyễn Đình Tuyển đành đưa quân về Đoàn Lâm.

Nghĩa quân tới làng Đoàn Lâm từ đêm 15/12/1891, được nghĩa quân người làng Đoàn Lâm và nhân dân đón thầy thuốc về chữa vết thương cho Đề Ban và thương binh. Nhân dân mổ bò, lợn bồi dưỡng cho anh em. Nghĩa quân và nhân dân phòng thủ cẩn mật đề phòng quân Pháp tấn công.

Đề Ban và Nguyễn Đình Tuyển có ý định ở lại Đoàn Lâm để bổ sung lực lượng, nhưng rạng sáng ngày 25/12/1891 các ông nhận được tin do trinh sát báo cáo là quân Pháp đã phát hiện ra Đề Ban ở Đoàn Lâm nên tung bốn phân đội do các vệ binh chính Broussee, Zullierd, Zuler, Massed và Ménerd chỉ huy 100 lính khố xanh do Lãnh binh Phạm Văn Khoát đầu hàng giặc Pháp chỉ điểm tiến về Đoàn Lâm. Đề Ban, Nguyễn Đình Tuyển nhận thấy vị trí Đoàn Lâm tuy vững chắc có lợi thế cho phòng thủ nhưng lực lượng quân Pháp đông gấp 5-6 lần lại được trang bị súng tốt, nên quyết định rời khỏi Đoàn Lâm để bảo toàn lực lượng, tránh cho Đoàn Lâm bị kẻ địch tàn sát.

Lợi dụng trời chưa sáng, có sương mù, nghĩa quân rút khỏi Đoàn Lâm, nhưng nghĩa quân vừa tới mặt đê, địa hình trống trải thì quân Pháp đã ập tới, hai bên xông vào đánh nhau giáp lá cà trên mặt đê. Trận đánh diễn ra dữ dội kéo dài một tiếng đồng hồ. Nghĩa quân núng thế. Đề Ban thấy quân Pháp vây kín xung quanh biết là khó thoát, ông từ chối không để Nguyễn Văn Bòng cõng mà rút súng lục tự sát, hôm đó là ngày 25/12/1891 tức ngày 18/11 âm lịch. Quân Pháp bắt được cả ấn tín của ông. Lãnh Cương, nghĩa quân Nguyễn Văn Bòng và nhiều nghĩa quân khác hy sinh(5). Nguyễn Đình Tuyển mở đường máu dẫn đại bộ phận nghĩa quân chạy sang làng Đông Triều, huyện Kim thành, tỉnh Hải Dương(6). Quân Pháp chia làm hai cánh quân đuổi theo, nhưng chúng hành quân tới nơi thì Nguyễn Đình Tuyển đã đưa quân chạy sang Chí Linh, Đông Triều sáp nhập với cánh quân do Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh chỉ huy.

Sau trận Đoàn Lâm, quân Pháp tấn công làng Triệu Đông huyện Kim Thành, Hải Dương(7).

Sau khi Đề Ban hy sinh, Lãnh Tuyển làm Chánh Đề đốc. Trong hoàn cảnh lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy sa sút, nghĩa quân phải rút về Chí Linh, Đông Triều. Tuy vậy, nghĩa quân vẫn thỉnh thoảng đánh thọc xuống vùng đồng bằng Hải Dương và các huyện Mỹ Hào, Ân Thi.

Cuối năm 1891, trung tá Terilon huy động lực lượng quân sự lớn tấn công vào Đông Triều để tiêu diệt nghĩa quân đã mắc phải “Một kẻ thù lớn mạnh vừa khó nắm được, kẻ thù luôn ẩn tránh và chỉ xuất hiện trong trường hợp đánh phục kích”(8).


(1) Ba Tổng là Huệ Lai, Phù Vệ, Đỗ Xá (Ân Thi, Hưng Yên).
(2) Lịch sử Bảo an binh Trung - Bắc Kỳ.
(3) Cụ Nguyễn Văn Khu cháu bốn đời cụ Nguyễn Văn Bòng quê ở Bối Khê, xã Bãi Sậy, Ân Thi kể với tác giả tháng 7/2000.
(4) Đoàn Lâm nay thuộc xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
(5) Lịch sử Bảo an binh Trung - Bắc Kỳ của Piglowski viết : “Ngày 25/12/1891, Đề Ban bị tấn công, toán của Đề Ban có khoảng 100 quân. Đề Ban phải chạy từ làng nọ đến làng kia, để lại 15 xác chết, 4 súng nặng, 500 viên đạn cùng ấn tín của Đề Ban”. Gia đình cụ Khu cúng cụ Bòng vào ngày đó.
(6) Khi chúng tôi đến Đoàn Lâm một số cụ như cụ Phạm Đình Tạ 75 tuổi ở làng Đoàn Lâm, cụ Hiếu 84 tuổi ở làng Đông cạnh làng Đoàn Lâm có kể về làng chiến đấu Đoàn Lâm xưa và trận đánh trên những địa hình hoàn toàn thay đổi, không còn lũy tre, lũy đất, con đê bao quanh làng nay phá để mở đường.
(7) L.Bonafont: Ba mươi năm ở Bắc Kỳ xuất bản ở Paris, tr.422 - Dàuès: Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay - Piglowski: Lịch sử Bảo an binh Trung - Bắc Kỳ cuốn 1.
(8) Charbol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 06:59:21 am
CHƯƠNG III

TRẬN NGÔ PHẦN - BÍCH KHÊ
ĐỀ VINH ANH DŨNG HY SINH
(11-12/4/1892)

Ngày 11/4/1892, khi nhận được tin báo Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy hơn 200 quân đang hoạt động ở làng Mậu Duyệt, tổng Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên(1). Bên kia lũy tre làng Mậu Duyệt về phía Đông là làng Ngọc Quan (tên nôm là làng Sen), nay thuộc xã Lâm Thao, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh; giáp làng Ngọc Quan là thị trấn Cẩm Giàng, huyện cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; phía bắc làng Mậu Duyệt là làng Ngọc Trì (tên nôm là làng Bến) và làng Ngô Phần (tên nôm là làng Ngô) thuộc tổng Ngọc Trì huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng giáp ranh 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, một con gá gáy cả ba tỉnh cùng nghe. Đây là vùng chiêm trũng có nhiều lau sậy, có lác mọc um tùm, lại là nơi chính quyền thực dân chó nhiều sơ hở(2). Nhận được tin trên, lập tức công sứ Hưng Yên Muselier, thanh tra Lambert, chỉ huy đồn Mỹ Hào Simon đem 400 lính đến bao vây. Nhưng nghĩa quân được các trạm gác từ xa và dân báo tin đã chia làm hai cánh quân, một cánh do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy gồm 150 quân rút về hướng huyện Gia Bình, một cánh do Đề Vinh(3) chỉ huy khoảng trên 80 quân rút qua làng Ngọc Trì đế làng Ngô Phần, tổng Dịch Trì, huyện Lang Tài trước khi quân Pháp đến. Quân Pháp không phát hiện ra cánh quân của Hai Kế mà chỉ đuổi theo cánh quân do Đề Vinh chỉ huy rút về làng Ngọc Trì. Chúng tới làng Ngọc Trì thì Đề Vinh đã đưa quân vào ẩn náu trong các đường địa đạo Nguyễn Hữu Cầu chạy dài từ Ngọc Trì sang Ngô Phần. Nếu đi theo đường liên xã thì từ làng Mậu Duyệt đến làng Ngô Phần khoảng 4 km.

Làng Ngô Phần tên Nôm là làng Ngô thuộc huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Đây là một làng giữ vị trí quân sự quan trọng. Từ thế kỷ X, Lê Hoàn đã đóng quân ở đây để đi đánh quân Tống. Nhà Mạc khi bị nhà Lê trung hưng đánh bật khỏi Thăng Long cũng về xây dựng thành lũy ở đây. Từ năm 1744 đến năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu quê ở Lợi Đông, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khởi nghĩa ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã xây thành lũy và đặc biệt là đường địa đạo xây bằng gạch múi chanh từ thôn Ngọc Trì đến thôn Ngô Phần dài tới 3 cây số, bên trên đắp lũy đất cao từ 2 tới 4 mét, dày 4-5 mét, cây cối rậm rạp lại có nhiều ngòi lạch nối Ngọc Trì và Ngô Phần thành một hệ thống phòng thủ liên hoàn(4).

Làng Ngô Phần được bố phòng rất kiên cố. Làng có 3 cổng chính là cổng Đình, cổng Cái và cổng Mặng được xây chắc chắn, cánh cổng bằng gỗ lim dày, trên là vọng gác, phía trong cổng có điếm gác, điểm xây tường, mái lợp ngói, cổng đóng từ 7 giờ tối đến 5-6 giờ sáng mới mở. Làng được kiến tạp gần như hình tam giác bởi ba con đường nối từ ba cổng Đình đến cổng Cái gọi là con đường Voi, từ cổng Cái đến cổng Mặng được nối bằng đường nhỏ, đường từ cổng Mặng đến cổng Đình được nối bằng đường Cô Tiên. Tiếng gọi là đường nhưng cũng rất nhỏ, lầy lội. Vây quanh làng là lớp hào rộng và sâu, tiếp đó là lũy đất sâu tới 2 mét, rộng từ 4-5 mét, trên trồng tre dày đặc, mây, cây vuốt hùm, lũy đắt đều có lỗ châu mai. Bên trong là một con đường nhỏ vòng quanh lang để vận chuyển khi tác chiến. Kế đó bên trong lại là một lỹ tre dày 5-6 mét. Trong làng (khoảng 400 dân) chỉ có ba đường từ ba cổng vào giữa làng nhưng rắt nhỏ, lầy lội, một số ngõ ngách. Từng xóm, từng gia đình lại có lũy tre, lũy đất riêng, lũy đất ao quanh nhà, tường nhà cũng trình bằng đất, phần dưới dầy 80 phân, phía trên dầy 50-60 phân.

Làng Ngô Phần lại có lực lượng nghĩa quân mạnh do Tổng Quế (họ Phạm Đức) cùng ba con trai, ông Lý Hai là chú thúc bá với ông Tổng Quế, em ruột ông Lý Hai la Hai Dĩnh, con rể ông Tổng Quế là Phúc chỉ huy(5) nghĩa quân và nhân dân tham gia cùng Đề Vinh đánh quân Pháp, tiếp tế lương thực, vận chuyển đạn dược, cứu chữa thương binh.

Do có vị trí quân sự tốt, lại có lực lượng nghĩa quân tại chỗ nên Đề Vinh đã rút quân về đó. Ngay lập tức trong ngày 11/4/1892, công sứ Muselier và những người khác như thanh tra Lambert, Simon liền vội vàng hành quân sang làng Ngô Phần theo ba ngã:

- Thị trấn Cẩm Giàng ngược lên 3 km.

- Từ Mậu Duyệt qua Ngọc Trì sang 3 km.

- Từ thị trấn huyện Lang Tài xuống 4 km.


(1) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ số 346, này 16/5/1892 gửi Toàn quyền Đông Dương.
Trước kia Mậu Duyệt thuộc tổng Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, năm 1954 cắt sang xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
(2) Bảo an binh từ ngày thành lập đến này, cuốn 1 (Sđd).
(3) Tài liệu của Pháp nói rất nhiều về Đề Vinh nhưng không nói rõ họ và chữ đệm cũng như quê quán. Khi chúng tôi về Mậu Duyệt, Ngọc Trì, Ngọc Quan, Ngô Phần, Bích Khê nghiên cứu về trận đánh này, hỏi rất nhiều các cố lão, cán bộ chính quyền, hội Cựu chiến binh các xã về lai lịch của Đề Vinh thì được biết, ông quê ở vùng “Ba Tổng”, nay là các thôn Thanh Lâm, Cường Tráng, An Thịnh… thuộc huyện Lang Tài. Theo các cụ thì “Ba Tổng” là “đất nghịch” thường tụ tập các “anh hùng hảo hán” chống quan quân Pháp và triều đình, giết cả Tây Đoan đi khám rượu lậu và thường đi cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Tài liệu của Việt Minh xã An Thịnh cướp huyện Lang Tài đầu tiên. An Thịnh có anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Hữu Hoạt. Còn đích xác Đề Vinh là con cụ nào, sinh trú quán ở làng nào thì không ai biết.
(4) Thành và địa đạo xây bằng gạch múi chanh mới bị phá cách đây 15 năm lấy đất đóng gạch, nay thỉnh thoáng còn vài mô cao hơn 1 mét, số còn lại đều thành ruộng, ao, làm nhà ở, trường học, đào dưới ruộng chân thành cũ còn lợp tường móng. Các tổng làng, lũy đất, lũy tre cũng bị phá làm nhà, đào ao, cây to bị chặt. Đường sá trong làng cũng mở rộng, lát gạch nghiêng, các bờ rào, lũy tre, tường trình bằng đất nay bị phá thay vào tường gạch, chỉ còn sót lại vài đoạn tường.
(5) Theo gia phả và truyền thuyết thì sau Lý Hai tranh giành quyền hành với Tổng Quế giết Tổng Quế. Ông Phạm Đức Quế là con rể cụ Tán Cách Bi (Tán tương quân vụ Nguyễn Cao).


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:01:44 am
Khi ba cánh quân do Molière, Lambert, Simon chỉ huy kéo tới bao vây làng Ngô Phần thì lại được một toán quân do viên quản Fouréne đi tuần tiễu ngang qua làng Ngô Phần bèn hợp quân tấn công làng Ngô Phần.

Đề Vinh(1) được sự phối hợp của nghĩa quân Ngô Phần do Tổng Quế, Lý Hai, Hai Dĩnh em ruột Lý Hai, con rể Tổng Quế là Nguyễn Vĩnh Phúc chỉ huy đã dàn quân ra nấp sau các lũy tre, lũy đất bắn trả quyết liệt đẩy lùi hầu hết các cuộc tấn công của quân Pháp.

Nhân dân Ngô Phần giúp nghĩa quân củng cố công sự, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh. Hai bên giao chiến độ 1 giờ thì Fourie và Muselier hô quân xung phong vào làng, nhưng Đề Vinh cùng các vị chỉ huy khác như Quan Bá Học, Tổng Quế, Hai Dĩnh đánh bật quân địch ra khỏi cổng Cái, cổng Đình, cổng Mặng.

Lúc đó quân Pháp được giám binh Lambert và Desmots từ làng bên đánh tràn tới chọc được một mũi vào vườn Thái phía sau làng. Quân ta phản công quyết liệt. Desmots bị trúng đạn vào bụng chết ngay tại chỗ, giám binh Lambert bị trọng thượng(2)

Phía quân ta, Hai Dĩnh trèo lên ngọn cây cau phất cờ ra lệnh cho nghĩa quân bắn, nhưng ông bị quân Pháp bắn nên đã hy sinh.

Quân Pháp bị phản công mạnh, Lambert và Desmots bị thương vong phải ngừng tấn công nhưng lại tiến hành bao vây làng Ngô Phần, nghĩa quân của Đề Vinh mấy lần phá vòng vây nhưng không sao thoát được.

Nửa giờ sau, các toán quân của Pierrot, Simon, Filippi và Vilian lại kéo tới. Có thêm quân và súng đạn tăng viện, quân Pháp lại tiến hành bắn phá vào làng rồi hò hét xông vào. Nghĩa quân Đề Vinh vẫn núp sau các lũy tre bắn trả khiến nhiều lính Pháp và lính ngụy bị chết, chặn đứng nhiều đợt xung phong của địch. Quân Pháp thấy sử dụng súng bộ binh không thể thắng được nghĩa quân, quản Lambert phái một toán lính đi gấp đường về Bắc Ninh với hai việc là báo cho công sứ Bắc Ninh rõ tình hình chiến sự ở Ngô Phần. Việc thứ hai là xin Thống tướng Voyron cấp ngay cho mặt trận Ngô Phần mấy khẩu đại bác. Trong khi đó quân Pháp điều động các đồn binh xung quanh đến thắt chặt vòng vây làng Ngô Phần. Bọn giặc ở vòng ngoài chặn các toán nghĩa quân khác không cho đến Ngô Phần ứng cứu cho Đề Vinh và cũng khiến quân Đề Vinh không thể thoát khỏi Ngô Phần. Lúc này bệnh của Đề Vinh tái phát, lại không được nghỉ ngơi, phải liên tục chỉ huy nghĩa quân đánh trả quân Pháp nên càng trầm trọng, nhưng ông vẫn tổ chức chiến đấu, cho quân nấp sau các bụi tre bắn ra khiến quân Pháp không thể vào làng được.

Trưa hôm đó, quân Pháp đưa hai khẩu đại bác từ Bắc Ninh về làng Ngô Phần, chúng nã đại bác vào làng, nhà cửa bị đổ nát, người chết, người bị thương rất nhiều. Đề Vinh mấy làn phá vòng vây nhưng không được vì trời tối, mưa to và bị quân Pháp vây chặt không thoát được về làng Bích Khê nhưng cuối cùng Đề Vinh lợi dụng được đêm tối, mưa bão nổi lên, đường sá lầy lội rút khỏi làng Ngô Phần về đóng ở làng Bích Khê thuộc huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Cũng do mưa bão quân Pháp không chuyển được đại bác về làng Ngô Phần sớm(3).

Nghĩa quân tới Bích Khê (nay thuộc xã Phú Lương huện Lang Tài), bệnh tình của Đề Vinh ngày càng trầm trọng, nghĩa quân cũng rất mệt mỏi và đói khát. Vài giờ sau, ngày 12/4/1892, quân Pháp lại kéo tới bao vây quanh làng, song nghĩa quân vẫn chiến đấu dũng cảm, quân Pháp không sao tới giáp chiến lũy được. Về phía quân Pháp đi Bắc Ninh lây đại bác về, bình thường chỉ đi 6 tiếng đồng hồ nhưng do đường trơn chúng phải đi mất 20 tiếng nên đến 3 giờ chiều ngày hôm sau tên thiếu úy Gammard chở thêm mấy khẩu đại bác nữa bắn dữ dội vào làng Bích Khê, nhà cửa cây cối bị tàn phá. Các cánh quân của Hai Kế, Đề Quý, Đốc Mỹ hoạt động ở nơi khác cũng bị quân Pháp bao vây, chặn đánh không sao vượt được vòng vây đi ứng cứu cho Đề Vinh được.

Quân Pháp lại bắn đại bác dữ dội vào làng tới 5 giờ chiều thì nhà cửa, cây cối trong làng bị đổ gẫy hết, quân Đề Vinh tử thương rất nhiều. Phân đội bản xứ tràn vào làng nhưng nghĩa quân chống trả quyết liệt, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề buộc phải rút khỏi làng.

Mặc dù bị ốm nặng, Đề Vinh vẫn quyết định rời khỏi làng, họp tướng sỹ lại quyết định nửa đi đi ngược luồng đạn của địch để thoát khỏi vòng vây, đó là cách duy nhất. Nhưng trước luồng đạn dày đặc của giặc, tất cả nghĩa quân đều hy sinh, trong đó có Đề Vinh, Quan Bá Học, Am, tổng số 30 người.

Song quân Pháp cũng bị tổn thất nặng nề: Montillon và 4 lính bị chết, 7 lính bị thương, quân lính 3 ngày liền không được ăn cơm.


(1) Các tài liệu của Pháp như “Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay”, các tài liệu của Daufés, Piglowki chỉ nói khi ở Mậu Duyệt có 200 nghĩa quân do Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy đến khi toán quân này rút về Ngô Phần và Bích Khê thì không nói gì đén Hai kế và chỉ nói tổng số quân của Đề Vinh bị chết ở Bích Khê là 30 người, trong đó có Đề Vinh, Quan Bá Hốc, Am… Chúng tôi (VTS) cho rằng sau khi phát hiện quân Pháp tấn công vào Mậu Duyệt thì nghĩa quân chia làm nhiều cánh rút khỏi Mậu Duyệt, riêng cánh quân do Đề Vinh chỉ huy rút về Ngô Phần, Bích Khê, bị quân Pháp tấn công và hy sinh. Theo ông Nguyễn Tất Ký, chắt nội cụ Nguyễn Thiệt Thuật thì Hai Kế cũng rút với Đề Vinh. Khi bị bao vây ở Bích Khê thì Đề Vinh dẫn một cánh quân Quyết tử có 30 chiến sỹ phá vây để thu hút lực lượng địch nhưng bị chết hết. Trong khi quân Pháp tập trung quân tiêu diệt quân Đề Vinh thì Hai Kế dẫn số đông quân vượt vòng vây an toàn.
(2) Chúng tôi nghiên cứu tài liệu của các quan chức Pháp như Dulleman, Miribel… nghiên cứu thực địa, đọc gia phả các tướng lĩnh, nghe truyền thuyết ở làng Ngô Phần.
Về trận đánh này, sách “Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ của Piglowski và Miribel trong quyển Notice viết là chiến sự xảy ra ở làng Ngô Phần từ ngày 11/4/1891 và ở làng Bích Khê là ngày 12/4/1891.
(3) Dullman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:04:27 am
Quân Pháp tràn vào các làng lùng sục bắt được 30 nghĩa quân giết ở Ao Hiên (Thị trấn Cẩm Giàng) bắt ở các nơi đưa về giết rồi ném xác xuống ao(1).

Sau trận Bích Khê, lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, nghĩa quân không còn đủ sức đánh những trận lớn mà chỉ còn hoạt động lẻ tẻ. Căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ xung quanh Bãi Sậy bị lọt vào tay quân Pháp và Hoàng Cao Khải chúng đóng thêm nhiều đôn binh mới như đồn Đống Tanh giáp gới với căn cứ Thuỷ Trúc của Lãnh Chủ, Lãnh Điếc; căn cứ Mão Cầu của Lánh binh Nguyễn Đình Tiêm, căn cứ Mễ Xá của Nguyễn Hữu Đức, căn cứ vùng Ba Tổng ở bắc Ân Thi bị phá. Các căn cứ kháng chiến khác của nghĩa quân ở Hải Dương, Bắc Ninh, Phúc Yên cũng đều bị phá; quân Pháp đóng nhiều đồn hàng ngày cho lính đi càn quét, truy lùng các thủ lĩnh, nghĩa quân, tàn phá các làng xã ủng hộ nghĩa quân. Bọn phản động cường hào, bọn Việt gian, Công giáo phản động dựa vào quân Pháp trả thù bọn cường hào ở xã Dịch Trì (Yên Mỹ) đòi lại ruộng đất mà Đốc Sung đã áp dụng chính sách “đạc diền” chia cho dân trước đây(2).

Sau trận này nghĩa quân Bãi Sậy suy yếu, mặt khác quân Pháp vẫn không ngừng truy kích nghĩa quân ở khắp nơi, khiến cho nghĩa quân không dừng lâu ở đâu được vài ngày để củng cố lực lượng. Chúng cũng điên cuồng khủng bố các làng mà nghi là có nghĩa quân hoạt động. Quân Pháp còn bắt các làng có lũy tre dầy, có tường lũy bằng đất, có hào phải chặt phá dỡ bỏ, san bằng các gò đống vì sợ nghĩa quân xây dựng trận địa. Chúng còn bắt dân đi phu xây dựng đồn bốt, làm đường giao thông(3).

(http://img34.imageshack.us/img34/4474/85934881.jpg)

Lũy đất ở làng Ngô Phần, Lang Tài, Bắc Ninh nơi diễn ra
cuộc chiến đấu đẫm máu của Đề Vinh với quân pháp ngày 12/4/1892

Từ đó, Nguyễn Thiện Kế cải trang làm người bán thuốc bôn tẩu khắp nơi thường qua lại Trung Quốc thăm anh, đưa đường cho nhiều người trong nước xuất dương Đông du. Ngày 14/3/1913 và ngày 26/4/1913 xảy ra hai vụ ném lựu đạn giết chết Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn và làm bị thương một số sĩ quan Pháp ở Hà Nội. Hội đồng Đề hình Pháp họp ngày 5/9/1913 nghi ông tham gia vụ này đã kết án chung thân vắng mặt. Năm 1914 khi ông 65 tuổi, nhà cầm quyền Pháp bắt được ông ở chợ Sơn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Pháp đày ông đi Côn Đảo, khi ông ngoài 70 tuổi, chúng mới đưa về an trí ở quê nhà(4).

Theo Huỳnh Thúc Kháng trong “Thi tù tùng thoại” thì năm 1921 cụ được tha và vài năm sau Nguyễn Thiện Kế cũng được tha.

Về tới quê thì nhà cửa khánh kiệt, bị quản thúc sống trong cảnh bần hàn nhưng ông rất khẳng khái thường nói với con cháu: “Nếu ta còn sức khỏe, ta còn tiếp tục đánh Tây đến cùng”. Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Xuân Đào thì Nguyễn Thiện Kế mất ngày 25/10/1937 thọ 88 tuổi(5).


(1) Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ viết ngày xảy ra chiến sự ở Ngô Phần là ngày 11/4/1891 và ở Bích Khê là ngày 12/4/1891.
A de Miribel viết trong chương “Binh Pháp hạ Hưng thành” trong quyển Notice như sau: “Ngày 11/31891, quân của Hai Kế, Đề Vinh bị viên quản khố xanh Moliner vây quanh Mậu Duyệt (Hưng Yên). Viên giám binh Lambert và viên quản Desmot đem quân lại để hợp sức với viên quản Noliner. Nhưng quân giặc phá vòng vây chạy sang làng Ngô Phần.
Viên quản khố xanh Fourrre đem quân đi tuần tiễu vừa đến đấy hợp sức lại giao chiến.
Quan quân dốc hết sức phá cổng làng, viên quản Desmot tử trận, viên giám binh Lambert bị thương. Lúc ấy tạm đình chiến để xin súng đại bác ở Bắc Ninh.
Toán quân Piermot, Filippi, Vilaire cũng dần dần đến vây làng Ngô Phần. Viên quản Montillon đem thêm khí gới đến.
Đêm đến trời mưa tầm tã, đường đi lầy lội. Tonas giặc phá vòng vây nhưng bị vây ở làng Bích Khê.
Ba giờ chiều hôm sau có súng đại bác chở đến. Trận tuyến đã lập xong chỉ còn chờ khai chiến.
Đến nửa đêm, quân giặc phá vòng vây. Viên quản Montillon bị thương, quân giặc bị phá tan, chết mất 9 người. Đề Vinh, Quan Bá Học và Am tử trận. Quan quân lây được 9 khẩu súng trường, 1 súng lục và nhiều đạn dược.
Nhưng cũng do A de Miribel viết trong cuốn La Provice de Hưng Yên lại viết: “Người cầm đầu cuối cùng là Đề Vinh trốn thoát khỏi Bắc Ninh bị phát hiện ngày 12/4/1892 ở làng Lang Tài gần địa giới chúng ta đã bị bắn chết ở đó với 7 người của ông ta. Ông ta đã ngã xuống và tự vệ đến cùng làm cho viên cai Desmot bị chết, các ông thanh tra Lambert và Montillon bị thương trong lúc giao tranh” - Chúng tôi (VTS) cho rằng tư liệu ngày 12/4/1892 là đúng.
(2) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 123 tháng 6/1969.
(3) Theo Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(4) Theo tài liệu cùa Pháp thì sau 3 năm ngừng hoạt động đến năm 1895 Hai Kế cùng Ba Giang chỉ huy một lực lượng nghĩa quân khoảng 80 tay súng trở lại đánh Pháp ở huyện Lang Tài, Tắc Ninh (a).
(a) Pilowski: Histoire de Le Garde indigène du Tonkin (tập 1) xuất bản ở Paris không có tên tác giả. Đông Dương Tạp chí số 18 ngày 11/9/1913 và số 43 ngày 12/3/1914.
(5) Gia phả dòng họ Nguyễn Thiện Thuật ở thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:07:24 am
CHƯƠNG IV

LƯU KỲ HY SINH VÀ MỘT SỐ TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
CỦA NGHĨA QUÂN BÃI SẬY
(7/1892-2/1897)

Cuối năm 1891(1) quân Pháp lại tập trung lực lượng tổ chức một chiến dịch lớn tiến công vào căn cứ của Lưu Kỳ.

Các binh đoàn này do Rápphane (Raffanel), binh đoàn Đôminê (Nominé) chỉ huy lại được các công sứ Hải Dương, Quảng Yên, Lục Ngạn đưa quân đến gặp, dẫn đường, tiếp tế quân lương song vẫn không thu được kết quả nào đáng kể.

Do được tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải mách nước, bọn xâm lược Pháp cho rằng Lưu Kỳ là viên dũng tướng mưu lược lại có quan hệ mật thiết với dân, được nhân dân các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc hết lòng giúp đỡ, che chở nên phải vừa càn quét, bao vây tiêu diệt sinh lực, vừa phải triệt đường tiếp tế, tách nghĩa quân ra khỏi dân.

Quân Pháp đề ra kế hoạch tác chiến là tìm mọi cách chiếm được vùng núi rừng Yên Tử, xây dựng một hệ thống đồn bốt nhằm thực hiện âm mưu nói trên(2).

Một loạt đồn bốt của quân Pháp được dựng lên ở Phả Lại, Chi Ngãi, Lục Ngạn, Biển Động, An Châu, Na Peo, Keo Cô, Quán La, Đông Triều, Vi Loại… Quân Pháp còn thành lập các đội quân nhỏ khoảng 150 đến 200 tay súng liên tục tuần tra, thám báo, phục kích, khủng bố nhân dân ở vùng Lầm, Kép Ba, Vi Loại, Quán Ba, Đông Triều, Bản Phung. Chùng còn cho 6 tàu chiến trang bị đại bác hạng nhẹ ngày đêm tuần tiễu trên sông Lục Nam(3).

Sau khi đóng các đồn binh xung quanh căn cứ, thành lập các đội quân lưu động, quân Pháp điều động một lực lượng lớn với 600 quân giao cho trung tá Teriong (Terrillon) và thiếu tá Pero (Perraux) chỉ huy.

Quân sự được bố trí như sau;

- Đạo quân thứ nhất do thiếu tá Tanơ (Tanne chỉ huy.

- Đạo quân thứ hai do thiếu tá Duyphuya (Duffoure) chỉ huy.

- Đạo quân thứ ba do thiếu tá Môren (Morel) chỉ huy.

- Đạo quân thứ tư do đại úy Lơmoan (Lemoine) chỉ huy.

Ngày 5-12-1891 cả bốn đạo quân trên tập trung ở Công Lược. Chúng chia quân đi các ngả tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Quân Pháp tàn sát người và gia súc, cướp thóc lúa, trâu bò lợn gà, đốt phá nhà cửa của nhân dân không từ một thủ đoạn nào, riêng tại Công Lược giặc Pháp đốt 54 nóc nhà.

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 12, quân Pháp càn quét vùng núi nằm giữa Lục Nam và sông Kỳ Cùng. Lưu Kỳ đã khôn khéo tránh được các mũi tấn công của quân Pháp rút về phía sông Kỳ, đóng trên núi Cơ Bằng, xây dựng trận địa phòng thủ. Quân Pháp dò biết lập tức kéo tới tấn công. Teriông trực tiếp chỉ huy trận này, hắn chia quân làm hai cánh Mê Sơn và Gia Mô tiến vào Kim Sen ngày 15 tháng 12 rồi đại bộ phận kéo vào Lam Xá, còn một bộ phận nhỏ men dọc sườn núi Đông Sơn vượt qua núi, bí mặt tấn công vào căn cứ.

Lưu Kỳ bố trí sẵn quân trên bốn cao điểm, bình tĩnh đợi giặc đến gần mới nổ súng. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, hai tên trung úy cùng nhiều binh lính bị giết chết, nhiều tên bị thương. Trận đánh giằng co kéo dài đến 19 giờ, quân Pháp phải rút về Lam Sá.


(1) Từ tháng 10-1890 khi Nguyễn Thiện Thuật đi Trung Quốc thì Nguyễn Thiện Kế chỉ huy các đơn vị nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phúc Yên và Hà Nội, Hà Đông, còn lực lượng nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy ở Lục Ngạn, Phủ Lạng Thương, Quảng Yên, Lạng Sơn do Lưu Kỳ trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến và chỉ huy. Nguyễn Thiện Kế chỉ có sự phối hợp với Lưu Kỳ trong một số trận.
(2) Pouvourville: Etudes colonialès, tomme, tập III, Paris 1894.
(3) Pouvourville: Etudes colonialès, tomme, tập III, Paris 1894.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:12:00 am
Trong thời gian diễn ra trận đánh ở núi Cơ Bằng thì ngày 4 tháng 12 năm 1891 ở phía Tây Nam thiếu tá Tuốcniê (Tournier) nghe tin nghĩa quân Lưu Kỳ xuất hiện ở Uông Bí hắn lập tức đem một đạo quân nhỏ có 183 lính do 4 tên sĩ quan chỉ huy xuất phát từ Quán La tiến đánh. Quân Pháp phải nghỉ lại ở Đề Tham rồi hành quân tiến vào căn cứ. Đến 1 giờ chiều Tuốcniê dẫn quân vượt dãy núi cao vào làng Đông Tham cho quân đốt làng này để uy hiếp nhân dân.

Nghĩa quân mai phục sẵn ở sườn núi đợi quân giặc đến sát gần mới nổ súng. Toán phu khuân vác đi đầu bỏ chạy tán loạn. 35 tên giặc ngã gục ngay từ loạt đạn đầu trong đó có tên trung úy Bêtua (Bethouard) bị trọng thương. Ngay đêm đó, quân Pháp phải tháo chạy chịu đựng đói khát tới 10 giờ đêm mới về tới nơi xuất phát.

Sau khi thất trận ở núi Cơ Bằng, trung tá Teriông vẫn hành quân truy tìm đội quân do Lưu Kỳ chỉ huy trực tiếp. Ngày 25-12-1891, Teriông nhận được tin Lưu Kỳ trở về núi Quynh hắn liền phái thiếu tá Guyonne (Guyonnet) phối hợp càn quét. Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1891, Teriông tập trung quân đánh vào căn cứ Hố Thuội và Kem An. Ở Hố Thuột, Lưu Kỳ đánh trả quyết liệt gây cho chúng nhiều thiệt hại rồi rút lui. Teriông càn quét dãy núi phía bắc, qua Bảo Đài về Lục Nam.

Sang năm 1892 vẫn diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ngày 12-1-1892, quân Pháp bao vây căn cứ Chuồi Xuân. Đội quân Môren từ Đông Triều đánh lên, đội quân của Galê (Galle) từ Lục Nam đánh xuống.

Lưu Kỳ xét thấy lực lượng quân Pháp tuy mạnh nhưng phải hành quân nhiều ngày trên đường núi vất vả nên rất mệt mỏi, liền bố trí trận địa phục kích. Đội quân Môren bị tổn thất nặng, tên đại úy Lơ moan (Lemoire) và tên trung úy Exteradi (Esierhanzi) đi đuầ bị trúng đạn tử trận. Đội quân Galê phải khó khăn lắm mới chạy được đến nơi ứng cứu, đem quân đi đánh trả thù, nhưng nghĩa quân đã rút lui an toàn.

Cuối tháng giêng năm 1892, theo tin báo, nghĩa quân xuất hiện ở Hố Thuội, tên thiếu tá Guymonnê (Guyonnet) lập tức đem quân đi bao vây, song nghĩa quân đã rút lui, nhưng đến trận sau diễn ra tại Na Mâu thì tên trung úy Letardef đã bị tử trận.

Quân Pháp nhận được tin Lưu Kỳ chuyển quân về đóng trong thung lũng Cao Lão, núi Mẫu Sơn, binh đoàn Servière liền tập trung 250 quân càn quét. Nghĩa quân rút về Ba Sơn, ngày 22 tháng 4 quân Pháp tiến đánh Ba Sơn. Để tránh bị tổn thất như những trận trước Szeviere phái hai đội tiền vệ đi trước sục sạo, thám thính. Đội thứ nhất do thiếu tá Sabrol chỉ huy tiên về Cô Tam rồi theo đường Nachi đến gần vùng Bản Ngoã. Ở đây chúng có trách nhiệm thu thập tin tức về nghĩa quân Lưu Kỳ. Đội tiền vệ thứ hai do trung úy Bertrand chỉ huy có nhiệm vụ thám sát vùng núi phía tây.

Đội tiền vệ do Chabrol chỉ huy bị nghĩa quân chặn đánh hồi 7 giờ sáng ở ngã ba đường Côn Lam - Bản Ngoã - Khô Khi. Nghĩa quân mai phục trên một mỏm núi rất có lợi thế, trận đánh kéo dài 9 giờ liền. Ngay loạt đạn đầu, một phần tư toán quân tiền vệ này đã bị tiêu diệt, loại ra ngoài vòng chiến đấu. Quân giặc hoảng sợ, phải ra lệnh rút quân về và thú nhận: “Kết quả của sự chờ đợi trên lâu dài trong 3 tháng đã hoàn toàn mất, vòng vây đã bị vỡ và Lưu Kỳ cùng toàn quân của y đã vượt qua vòng vây như dòng nước lũ xô qua con đê vỡ”(1)“Cuộc viễn chinh xưa kia lại bắt đầu làm lại. Những cuộc hành quân vất vả, những trận phục kích, những trận đánh để truy kích một kẻ thù không thể nào nắm được…”(2).

Lưu Kỳ thoát khỏi vòng vây lại tiếp tục hoạt động. Ngày 22-2-1892 ông đã phục kích thắng lợi đoàn xe địch tại cầu Bắc Lệ. Con đường Lạng Sơn thường xuyên có 500 lính gác song địch vẫn không được yên ổn. Lần này đoàn xe 45 chiếc, trong đó có 5 xe chở vũ khí, các xe khác chở quân trang quân dụng và binh lính bị thương, có 70 con ngựa dắt và một đội quân có 46 tên dưới quyền chỉ huy của đại úy Lamey và trung úy Renard rời Than Muội sáng sớm ngày 22. Khi chúng tiến qua chiếc cầu thì nghĩa quân nổ súng tiêu diệt được một số tên, nhưng trước hỏa lực mạnh của địch, họ đã rút về Bảo Đài(3).

Ngày 3-4-1892 nghĩa quân Lưu Kỳ và công nhân bị người Pháp cưỡng bức làm đường sắt Lạng Sơn đã phối hợp tập kích đội quân của tên đội Pháp trên tuyến đường từ Suối Ghềnh đi Bắc Lệ. Trong trận này phía nghĩa quân hy sinh 2 người trong đó có viên cai đường sắt(4).

Ngày 1-7-1892 nghĩa quân Lưu Kỳ lại phối hợp với công nhân đường sắt Lạng Sơn bố trí các trận phục kích bắt cóc tên thầu khoán công trường Vezin ngay trên công trường để lấy 60.000 đồng tiền chuộc lấy tiền mua vũ khí(5).


(1), (2) Pouvourvile - Etude, coloniales
(3) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.
(4) Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, Sđd.
(5) Theo Quennec: trong bài Les provinces de Tonkin Bắc Giang đăng trên tạp chí Reveue Indochinoise số 8 ngày 30-4-1904.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:16:21 am
Ngày 8 tháng 7 năm 1892 nghĩa quân Lưu Kỳ lại đánh một trận lớn ở Bắc Lệ do Lưu Kỳ trực tiếp chỉ huy. Quân Pháp có 18 xe chở vũ khí và một đạo quân hộ vệ do 4 viên sĩ qyan chỉ huy: thiếu tá Normand, đại úy Charpentier, trung úy Valton và bác sĩ quân y Menier. Ngay loạt đạn đầu tiên tên thiếu tá và tên đại úy đã tử trận. Trời còn sớm, sương mù bao phủ núi đồi và địch không ngờ Lưu Kỳ dám phục kích ở ngay một địa điểm cũ và ngay sau khi chúng xuất phát lên đường. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch gần như hoàn toàn bị tiêu diệt, 2 sĩ quan, 50 lính bị giết. Nhưng không may Lưu Kỳ cũng trúng đạn hy sinh trong khi chỉ huy trận đánh(1).

Lưu Kỳ hy sinh nhưng vợ ông(2), em trai ông và các tướng lĩnh vẫn tiếp tục chiến đấu chống Pháp. Thời kỳ này quân Pháp đã tiêu diệt được các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, vùng Lục Ngạn, Đông Triều… căn cứ cũ của Lưu Kỳ đã bị quân Pháp chiếm đóng đặt các đồn binh khủng bố nhân dân. Vợ Lưu Kỳ và các tướng phải chuyển địa bàn hoạt động liên tục lên tục đường số 4, đoạn Lạng Sơn - Đông Khê - Thất Khê. Từ căn cứ mới này, nghĩa quân liên tục tổ chức các trận tấn công quân Pháp, tiêu biểu như các trận sau:

- Ngày 13-10-1892 nghĩa quân do vợ và em Lưu Kỳ chỉ huy giết tên Meigeniol.

- Ngày 13-10-1892 nghĩa quân do vợ và em Lwy Kỳ chỉ huy bắt tên cai mỏ Pieonelli ở gần Than Muội.

- Tháng 10-1892 nghĩa quân do Hoàng Thái Nhân chỉ huy bắt Bonillet, Drozne.

- Ngày 6-11-1892 thừa lúc viên chỉ huy Pháp đem quân đi càn quét, nghĩa quân do vợ Lưu Kỳ chỉ huy kéo đến đánh úp Thác Hát.

- Ngày 17-12-1892 vợ Lưu Kỳ trực tiếp chỉ huy đánh trận Nabo làm cho quân Pháp tổn thất nặng(3).

- Vợ và các tướng của Lưu Kỳ xây dựng căn cứ kháng chiến mới ở Bảo Đài và Cai Kinh (Lạng Sơn) thành lập căn cứ ở Bình Hồ (nay thuộc huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh) không xa Tiên Yên lắm. Đại úy Xanhzame đem quân đến đánh đã bị thất bại nặng nề vào ngày 22-6-1893 và ngày 10-8-1893(4).

- Ngày 28-7-1893 nghĩa quân do các tướng của vợ Lưu Kỳ và em Lưu Kỳ chỉ huy lại bắt cóc tên Rotty nhân viên hãng Danine trên công trường đường sắt Lạng Sơn gần Sông Hoá(5).

- Tháng 9-1893 nghĩa quân do vợ Lưu Kỳ chỉ huy lại bắt cóc tên Bule(6).

- Tháng 10-1893 nghĩa quân do vợ Lưu Kỳ chỉ huy bắt sống tên Humber và ám sát tên Pigamiôn(7).

- Cuối năm 1893, nghĩa quân do vợ và em Lưu Kỳ chỉ huy lập căn cứ mới ở Lũng Lật uy hiếp đường số 4 đoạn Lạng Sơn đi Cao Bằng. Nghĩa quân phối hợp với các toán quân người Việt từ miền xuôi tránh khủng bố và đồng bào các dân tộc để chiến đấu. Căn cứ được bảo vệ bởi 4 đạo quân:

1 - Hoàng Tài Ngạn một thủ lĩnh xuất sắc người Lạng Sơn chỉ huy.

2 - Đề đốc Quý, quan lại cũ ở Thái Nguyên chỉ huy.

3 - Đề Kỳ, tướng của vợ Lưu Kỳ chỉ huy.

4 - Vợ Lưu Kỳ (phải chăng là Hoàng Thái Nhân) chỉ huy.

Nghĩa quân còn đặt hai trạm gác ở Bình Gia và Hun Len cách căn cứ 1 ngày và 1 ngày rưỡi đường. Nghĩa quân sau khi làm chủ vùng này đặt quan cai trị, thu thuế, chiêu mộ quân. Nghĩa quân đã đánh tan nhiều trận tấn công của quân Pháp và xuất phát từ căn cứ này đã xuống đường sắt Lạng Sơn thực hiện nhiều vụ bắt cóc các quan chức Pháp, chủ thầu lấy tiền chi cho việc quân.

Đầu năm 1894, quân Pháp tập trung 3 đạo quân lớn tấn công vào căn cứ, quân Pháp bị thiệt hại nặng song nghĩa quân cũng bị tổn thất, thủ lĩnh Hoàng Tài Ngạn một chỉ huy xuất sắc hy sinh, nghĩa quân phải phân tán nhỏ rồi tan rã.

Sau trận này, cuộc kháng chiến chống Pháp anh hùng của nghĩa quân Bãi Sậy trong hơn 10 năm (4/1883-1/1894) đến đây coi như chấm dứt.


(1) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ, Vũ Thanh Sơn dẫn trong “Tướng lĩnh Bãi Sậy”, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.125-126.
(2), (3), (4) Chabrol: Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ.
(5), (6), (7) Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:19:45 am
Tuy nhiên trên thực tế ngoài lực lượng do vợ Lưu Kỳ và Hoàng Tài Ngạn chỉ huy một số tướng lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy vẫn thu thập tàn quân, chiêu mộ quân mới, trở lại chiếm các căn cứ cũ hay xây dựng căn cứ mới chống Pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ có các cuộc kháng chiến sau:

- Cuối năm 1892 đầu năm 1893 chỉ còn những toán nghĩa quân nhỏ hoạt động lẻ tẻ như Đốc Thu, Quản Hoa, em của Đốc Thu là Đốc Duyệt hoạt động ở Đông Triều, Thanh Hà.

Lãnh Pha cùng Quản Báo, Lãnh Hy khởi nghĩa ở ven biển Bắc Kỳ, lập căn cứ ở Dốc Mít.

Ngày 25-9-1892, đại úy Brunet chỉ huy 100 lính khố đỏ lấy ở Đông Triều và các diền lân cận, tiến đánh Lãnh Pha ở Dốc Chai giữa rừng Dốc Mít, nhưng chưa đến nơi thì nghĩa quân đã rút sang Đông Triều. Quân Pháp lần theo dấu vết nghĩa quân đến nghĩa quân đến ngày 28/9/1892 một toán quân Pháp ở Đông Triều do đại úy Dulin chỉ huy có 23 tay súng bộ binh và 50 lính khố đỏ tấn công vào Cửa Phủ rừng Vang thông đến căn cứ của Lãnh Pha. Nghĩa quân Pháp đi đầu bị từng loạt đạn trong rừng núi bắn ra, địa hình lại hiểm yếu, quân Pháp biết rằng không đánh thắng được nghĩa quân, phải rút lui(1).

Ngày 10 tháng 10, những toán quân Pháp tại các đồn Đông Triều, Bến Châu và Chín Gai do trung tá Louver chỉ huy tiến đánh Cửa Phủ Rừng Vang, đến nơi thì nghĩa quân đã đốt trại bỏ đi.

Ngày 11 tháng 10, đại úy Zobard coi đồn Quán La bắt được một thủ lĩnh của Lãnh Pha.

Ngày 17-11-1892, lúc viên chỉ huy Pháp đem quân đi thám thính và càn quét, một toán nghĩa quân kéo đến đánh úp đồn Thác Hát.

Từ 14 đến 17-11 một toán quân Pháp, do đại úy Dulin coi đồn Đông Triều họp cùng những quân Pháp tại những đồn Chín Gai và bến Han, vây đánh nghĩa quân của Lãnh Pha, Đề Hải, Đề Quý và Đốc Thẩm ở lũng núi phía tây Cửa Phủ Rừng Vang, đến đêm nghĩa quân rút đi để lại 8 xác chết.

Tại Hải Dương, Quý và Ba Gang tập hợp được một lực lượng nhỏ tổ chức được một số trận đánh nhỏ. Trong trận hai ông tấn công quân Pháp đóng ở hai làng thuộc huyện Vĩnh Bảo hành động không thành, hai ông bị quân Pháp truy kích ráo riết phải di chuyển sang tỉnh khác. Thống Đàm là em ruột của Đốc Lanh đem một toán quân nhỏ hoạt động ở Thanh Hà bị quan huyện Thanh Hà bắt xử tử cùng 11 nghĩa quân.

Ba Chương, em của Quý cũng bị quân Pháp bắt xử tử hình. Hai người em khác của Quý là Lãnh Nhan và Tuấn Đức một người bị quân Pháp giết, một người bị thương.

Quân Pháp treo giải thưởng đầu của các thủ lĩnh nghĩa quân. Bọn phản động đua nhau đi các làng lùng bắt nghĩa quân, nhiều nghĩa quân và nhân dân bị chúng tàn sát. Lãnh Bao cùng đường phải ra hàng, một số toán quân khác mất người chỉ huy phải tự giải tán(2).

Cuối năm 1892, nghĩa quân và công nhân mỏ Quảng Yên phối hợp với nhau dưới sự lãnh đạo của Lãnh Pha mưu toan chiếm lại vùng Đông Triều. Cũng trong thời gian này nghĩa quân của Lãnh Hy đã chiếm Hà Vối phía Tây khu mỏ Kế Bào để làm căn cứ hoạt động mạnh quanh vùng này(3).

Tháng 6 năm 1894, một toán nghĩa quân Bãi Sậy 12 người bị giam ở nhà lao Hoả Lò Hà Nội bị quân Pháp đưa đi làm ở vườn Bách Thảo, thừa lúc lính canh vô ý đã cướp súng, bắn chết 8 tên lính rồi chạy trốn theo đường lên Sơn Tây. Quân Pháp huy động quân đuổi bắt, toán quân trên cố thủ trong một ngôi chùa ở giữa cánh đồng huyện Từ Liêm kháng cự kịch liệt. Cuối cùng 11 chiến sỹ đã hy sinh, 1 người vượt được vòng vây trốn thoát(4).

Cho đến tháng 11-1895, có tin báo Đốc Thu đang ở làng Cam Lộ (huyện Thanh Hà, Hải Dương), quan huyện Thanh Hà, lính cơ đều sợ. Lúc đó một phân đội vệ binh dưới sự chỉ huy của một viên thanh tra kéo đến, viên thanh tra bị bắn chết ngay từ loạt đạn đầu(5).

Năm 1896, toán của Đốc Thu lại xuất hiện ở Nam Sách đánh nhau với quân của quan phủ. Quân của Quản Hoa, Đốc Mỹ, Đốc Tảo cũng tấn công quân Pháp ở Nam Sách. Sau đó Quản Hoa phải ra hàng, Đốc Thu trở về Bắc Ninh, trong trận này Đốc Duyệt em Đốc Thu bị bắt.

Trưa ngày 26-2-1897, một lực lượng nghĩa quân tấn công đồn Quý Cao (Hải Phòng giáp Thái Bình) viên vệ binh chính Reinrt và hai viên vệ binh dân sự phải đi tiếp ứng.

Đến chiều toán nghĩa quân trên tấn công huyện Vĩnh Bảo. tất cả các nhà giam ở Vĩnh Bảo đều bị đốt cháy do cuộc bạo động này(6).


(1), (2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3)  Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, tr.376, 377. Sđd.
(4) C I Bourin. Le Vieux Tonkin - Nguyễn Văn Tuấn dẫn trong “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” quyển thượng, tr.312, Nhà xuất bản Hà Nội.
(5) Dullman viết 25-12-1932 ladmins trateur adzoint Signé: Dulleman
Ngày 24-5-1895, Ba Giang và Hai Kế hai viên thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy đã ba năm nay người ta không thấy động tĩnh gì, nay lại trở lại hoạt động ở Lang Tài (Bắc Ninh) trong vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh những đồn binh bản xứ đã được báo trước để chuẩn bị cẩn thận.
Tại sao lại chưa phá hủy những chiến lũy và những hào sâu, rào tre trong nhiều làng ở trong vùng những thứ này trở thành những thành trì tốt nhất.
(6) Piglowski viết: “Sau 3 năm tạm thời ngừng hoạt động (1892-1895) đén năm 1895, hai thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy là Hai Kế và Ba Giang với một lực lượng khoảng 80 khẩu súng đã trở lại đánh pháp ở huyện Lang Tài (Bắc Ninh) nhưng không nói thêm.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 28 Tháng Năm, 2011, 07:26:48 am
Phần thứ ba:

KHỞI NGHĨA BÃI SẬY LÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN
RỘNG LỚN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế khởi xướng (4/1883-7/1885), Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật đưa lên quy mô rộng lớn (8/1885-10/1890) và Nguyễn Thiện Kế duy trì (10/1890-4/1892). Các tướng còn lại kéo dài cuộc khởi nghĩa đến tháng 2/1897 mới tan rã hoàn toàn. Cuộc khởi nghĩa này có đặc trưng khác các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX những đặc điểm lớn sau đây:

1. Thường xuyên làm công tác tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Từ khi Đinh Gia Quế dựng cờ “Nam đạo Cần vương, Bình Tây phạt tội” lập căn cứ Bãi Sậy, tiếp đó là Nguyễn Thiện Thuật đưa quy mô cuộc khởi nghĩa lên thành phong trào chống Pháp, chống chính quyền Nam triều phản động trên một vùng rộng lớn ở đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Bắc. Tiếp đó, Nguyễn Thiện Kế và các tướng duy trì cho đến khi cuộc khởi nghĩa thắt bại, các vị đều coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chí căm thù giặc trong nhân dân, kêu gọi các tầng lớp nhân dân gia nhập, ủng hộ nghĩa quân.

Các ông cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức và các nhà nho tham gia cuộc khởi nghĩa đảm đương trách nhiệm nặng nề này. Các ông đã đến cá làng xóm họp nhân dân, kì hào, đến các nơi tập trung dân như các chợ, các đám lễ hội để nói cho nhân dân rõ về kẻ thù của nhân dân Việt Nam là giặc Pháp và bọn quan lại làm tay sai cho giặc. Chúng đến nước ta là để xâm chiếm Tổ quốc ta, chúng chỉ gieo rắc cảnh tàn phá chết chóc cho nhân dân ta, đất nước ta mà thôi. Các ông kêu gọi mọi người phát huy tinh thần yêu nước chí căm thù giặc vốn có từ ngàn xưa, gia nhập, ủng hộ nghĩa quân Bãi Sậy đánh Pháp. Nguyễn Thiện Thuật và Bộ tư lệnh nghĩa quân còn thành lập một đội tuyên truyền - trinh sát có trên 100 người, phần lớn là các nho sinh và các cô gái, họ chia làm nhiều toán nhỏ đi khắp các tỉnh tả ngạn sông Hồng làm công tác tuyên truyền, dán bố cáo, phổ biến các bài vè như “Vè Tán Thuật”(1) và làm công tác trinh sát địch.

Đốc Tít cũng hết sức chống lại luận điệu xuyên tác của địch cho rằng nghĩa quân của ông chỉ chuyên nghề cướp bóc và một lần nữa Đốc Tít khẳng định mục đích khởi nghĩa của ông là vì nước, vì vua Hàm Nghi: “Tôi không bao giờ để cho nghĩa quân của tôi cướp bóc, tôi chỉ có một mục đích duy nhất phục vụ trung thành cho Tổ quốc và nhà vua của tôi”(2).

Trong một bức thư gửi nhân dân Yên Dũng (Bắc Giang) đề ngày 24-8-1889), Đội Văn nêu rõ “Mục đích chiến đấu của ông là nhằm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, khôi phục đất nước, mang lại hòa bình yên tĩnh thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Đội Văn kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ nghĩa quân”(3).


(1) Chúng tôi trích một đoạn bài “Vè Tán Thuật” trong tập “Vè yêu nước chống Pháp”, Nhà xuất bản Văn học năm 1967:
               “… Một lòng theo ngọn cờ đào
               Thề cùng bạch quỷ có tao không mày
               Quân nghĩa dũng đêm ngày luyện tập
               Sức hùng cường giao chiến càng hăng
               Những phường mũi lõ tóc quăn
               Một rằng thất đảm, hai rằng thất kinh
               Mẹo thao lược, tài tình lắm vẻ
               Xuất sư như quỷ nhập thần
               Khi xa, khi lại như gần,
               Khi chơi hóa thật, khi Đông hóa Đoài,
               Khi giả cách làm trai thợ gặt,
               Khi giấu mình giả bắt tôm cua
               Lừa cho giặc phải sa cơ
               Gò Đa vũ dũng cũng thua sức này
               Trận đại thắng vũng lầy phủ Khoái
               Tướng Ghi ê đại bại một phen
               Giâng sơn riêng dải Hưng Yên
               Những mong đại cục chu tuyền bõ công…”

(2) Thư Đốc Tít gửi Hoàng Cao Khải ngày 7-5 năm Hàm Nghi thứ nhất (1885).
(3) Theo bản Nguyễn Ái Quốc dịch ra chữ Pháp bức thư của Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng tình Bắc Giang (khi đó chưa thành lập tỉnh Bắc Giang, Yên Dũng thuộc Bắc Ninh).


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 07:46:50 pm
Công tác tuyên truyền đem lại kết quả to lớn. Có rất nhiều gia đình cả cha con, anh em, vợ chồng đều tham gia nghĩa quân. Căn cứ vào các tư liệu của quân Pháp để lại, ta còn thấy một số trường hợp như sau: Nguyễn Hữu Đức cùng con trai là Nguyễn Hữu Hạnh, ông Lãnh Khuy cùng con gái là bà Đốc Huệ cùng con rể. Có rất nhiều vợ chồng cùng tham gia và trở thành chỉ huy như vợ chồng Lưu Kỳ, vợ chồng Đội Văn(1), vợ chồng Quyền Túc, vợ chồng Đề Vinh.

Nhiều gia đình có 2, 3, 4 anh em ruột tham gia nghĩa quân như Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Đề, Nguyễn Ba Sành; Đề Quý có ba em là Lãnh Nhan, Ba Chung Tuấn Đức đều là lãnh binh, đốc binh; Lãnh Hiên có bốn anh em ruột tham gia, Đề Ban có anh cùng tham gia; Đốc Cọp có anh, em cùng tham gia; Lãnh Chủ, Lãnh Điếc có hai anh em ruột, cai Hàn là con Lãnh Chủ đều là thủ lĩnh nghĩa quân, Đốc Sung cùng em là Lãnh Trạch, Tạ Hiện có ba con trai là Quang Hùng, Quang Hổ, Quang Báo; bốn anh em ruột là Đốc Thu, Đốc Duyên và các em trai. Hai chị em Bùi Thị Huân và Bùi Thị Hoè. Nguyễn Thành Thà có bốn anh em con trai là Nguyễn Khả Lương, Nguyễn Sung, Nguyễn Giới, Nguyễn Mịch và cháu nội là Nguyễn Nhưng tham gia. Chị em phụ nữ chẳng những đảm nhân công việc hậu cần mà còn trực tiếp chỉ huy và tham gia chiến đấu. Nhiều người được phong là tướng lĩnh như bà Đốc Khuy (bà Đốc Huệ), Lãnh binh Nguyễn Thị Biên (vợ Quyền Túc), Vũ Thị Huân, Vũ Thị được phong là Đốc vận quân lương, chị Đốc Tít là Nguyễn Thị Thành làm Quản đốc vũ khí, cô Mai chỉ huy đánh đồn Bình Phú ngày 6-4-1889 bà Chiến làm bù nhìn rơm dụ địch đến rồi đánh; bà Đỗ Thị Từ bán hàng xén ở chợ Bãi Khê làm trinh sát cho nghĩa quân.

Có rất nhiều làng, tổng cả làng, cả tổng đều tham gia nghĩa quân, rào làng chiến đấu như Yên Vĩnh, An Vĩ, Đại Quan, Phù Sa, Liêu Trung, Tam Trạch, Thọ Bình, Mễ Xá, Thuý Túc… (Hưng Yên) Như Quỳnh, Ngọc Quỳnh, Lê Xá, Thái Lạc, Bối Khê (Bắc Ninh); Đan Tảo, Phổ Lộng (Phúc Yên), Phù Tình, Bối Khê, Bối Giang… Đạm Trai, An Định (Tứ Kỳ, Hải Dương), 50 làng ở vùng Hai Sông thuộc Hải Dương, các làng Bích Khê ở Bắc Ninh… các làng Đan Tảo, Phổ Lộng ở phủ Đa Phúc đều là căn cứ vững chắc của nghĩa quân.

Có nhiều huyện, đại đa số các làng trong huyện đều theo nghĩa quân, như Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi.

Công tác tuyên truyền của Nguyễn Thiện Thuật và bộ Tư lệnh đạt được hiệu quả rất cao. Một số người Pháp có mặt ở Bắc Kỳ khi đó phải thừa nhận: “Trong những bản Tuyên cáo của ông ta (chỉ Nguyễn Thiện Thuật) ông ta coi chúng ta như những kẻ thù hung tợn không biết kiêng nể bất cứ thứ gì, chúng ta đến xứ sở này là để thống trị và dìm xứ sở này trong cảnh khốn cùng”(2) và: “Trong các bản Tuyên cáo ông ta tự xưng là “Tư lệnh tả phân khu chỉ huy quân tình nguyện phò nhà vua vùng Đông” hoặc “Thủ lĩnh nghĩa quân chống xâm lược Pháp”. Nhân danh phe chống Pháp mà ông ta ra lệnh cho những người có tâm huyết chống lại chúng ta bất cứ ở đâu nếu có cơ hội thuận lợi, đồng thời tuyên truyền một viện binh của Triều đình Trung Quốc sẽ có mặt tức thì để giải phóng Bắc Kỳ(3)“Những lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa đường thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nhân dân, chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh của dân tộc”.

Nhận xét về cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam cũng như cuộc kháng chiến do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, ngay kẻ thù cũng phải công nhận: “Phải thấy rằng dân tộc Việt Nam đã có nghị lực kiên cường lắm lắm mới đủ sức chịu đựng được một cuộc chiến đấu quá ư dai dẳng như thế… Trước quân đội của chúng ta (Pháp), người Việt Nam chỉ có một cách duy nhất là chết để bảo vệ nền độc lập tự do của họ…”(4)  hoặc: “Việt Nam là một quốc gia kiên cường gắn bó với lịch sử riêng, thể chế riêng của mình và thiết tha với nền độc lập của mình; … trong các thể kỷ trước, Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước quân xâm lược, họ biết đợi thời cơ… Tình trạng của chúng ta (Pháp) rất đỗi khủng khiếp bởi vì chúng ta phải đương đầu với một dân tộc thống nhất và tình cảm dân tộc của họ không phải đã suy yếu”(5).


(1) Theo Frey: Piraste er rebelles au Tonkin (Nos Soldat au Yên Thế, xuất bản ở Paris năm 1892 viết “Trong nghĩa quân Đội Văn có một người phụ nữ là vợ của Đội Văn cải trang thành đàn ông, - cũng đeo súng, cưỡi ngựa trong từng trận theo sát nghĩa quân để uy nao chiến sĩ và chiến đấu cùng họ.
(2), (3) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(4) Capitaine Charles Cosselin: L’empire d’Annam (Đại úy Sác nơ Gốt sơ lanh: Vương quốc An Nam) Perrin et cie, Paris 1904, tr.17-18
(5) Fernand Bernad (đại úy): Đông Dương những sai lầm và nguy hiểm, Paris, 1901, tr.32.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 07:53:27 pm
2. Thiết lập chính quyền kháng chiến ngay trong lòng địch

Để thực hiện được các chủ trương kháng chiến, tuyển mộ nghĩa quân, thu thuế, điều tra tình hình địch, diệt trừ thám báo, mật vụ, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật và các tướng lĩnh coi trọng nhiệm vụ thiết lập chính quyền cách mạng. Tại vùng nghĩa quân kiểm soát, chính quyền đó do hội nghị nhân dân cử ra, ở vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát, nghĩa quân thành lập chính quyền bí mật và thường lợi dụng ngay “bộ máy cai trị” của địch để đưa người của nghĩa quân vào hoặc khống chế, buộc bọn lí dịch do địch cử ra phải làm việc cho nghĩa quân, không được thi hành các mệnh lệnh của giặc làm hại đến dân. Chính quyền bí mật này đã tiến hành thu thuế, thu các khoản tiền, gạo, nhân dân ủng hộ nghĩa quân, tuyển mộ nghĩa quân, đồng thời báo cho nghĩa quân biết trước các âm mưu của địch mà mình biết. Chính kẻ địch cũng phải thú nhận: “Các ông chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, kỳ hào, đều được dân làng bầu ra dưới áp lực của nghĩa quân, nên trước hết họ trung thành với Tán Thuật. Chính những người này đã hình thành nên một chính quyền cách mạng thật sự trong hệ thống chính quyền cấp dưới”(1). Chính quyền cách mạng có ở hầu hết các tỉnh nghĩa quân hoạt động: “Tất cả các tỉnh thực chất đều nằm dưới quyền của các toán. Những quan chức do chúng ta đặt ra đều bất lực và không được ai tuân thủ. Việc cai trị không phải thuộc về các quan chức nữa mà thuộc về các viên thủ lĩnh. Những toán này tiến hành thu thuế, mộ quân và duy trì hoạt động phiến loạn trong nhân dân”(2).

Nhận xét trên đã được một người Pháp chứng minh như sau: “350 vệ binh dân sự, 200 dân binh vũ trang tấn công vào các làng Lang Viên, Sơn Cảnh, Duy Đình, Bảo Vực, Yên Nội thuộc huyện Văn Giang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có nghĩa quân hoạt động. Chánh tổng và các lý trưởng nói là không hay biết gì. Tình hình chính trị ở đây cũng hệt như ở phủ Thượng Tân trước khi Đội Văn ra hàng. Chánh tổng và lý trưởng đều chịu sự thống trị của bọn cướp vì lực lượng của bọn cướp đông lớn. Những viên cánh tổng mới, lý trưởng mới muốn thoát khỏi cái ách của chúng đều bị thủ tiêu(3).

Trong một thông tri của Perreau quyền Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ gửi công sứ các tỉnh vào tháng 10-1888 sau khi thừa nhận rằng: “Nghĩa quân Bãi Sậy đang hoạt động mạnh ở các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Perreau còn cho biết chính quyền và nhân dân địa phương không chịu cung cấp tin tức của nghĩa quân cho địch mà thường bỏ trốn hàng loạt trước khi địch kéo đến làng. Nhưng đối với nghĩa quân thì nhân dân lại tích cực ủng hộ về lương thực, vũ khí, đóng góp thuế má, cung cấp người… Mỗi làng đều là nơi nghĩa quân có hể đóng lại hoặc nghỉ ngơi”(4).

Một tên thực dân khác thú nhận: “Trước hết là một số tổng lý, kỳ hào ở nông thôn là những người trực tiếp cai trị nhân dân ở địa phương mình thì thái độ chính trị của họ nói chung là có giúp đỡ ít nhiều cho nghĩa quân như nộp thuế, đóng góp quân lương. Hơn nữa đại bộ phần vùng nông thôn đều do nghĩa quân kiểm soát, nên muốn hay không họ cũng phải tỏ ra có cảm tình với phong trào, có ý thức Cần vương chống Pháp”.

Qua báo chí(5), báo cáo của địch, ta thấy rõ thời đó rất nhiều làng theo nghĩa quân. Những người nông dân đều tình nguyện trở thành chiến binh và phục vụ chiến đấu. Làng xóm trở thành pháo đài, đường ngang, ngõ tắt, ao, hồ đều trở thành cạm bẫy đối với giặc. Nông dân còn tự nguyện dùng gia súc gần gũi với mình như trâu, chó, mèo để đánh những trận hỏa công. Thực dân Pháp mặc dù phải che giấu sự thật vẫn phải thừa nhận điều đó: “Thứ hai tuần qua, trung tá Servière đã đốt cháy một làng lớn trong thành phố Hải Dương. Làng này đã từ lâu trở thành nơi đồn trú của nghĩa quân. Trung tá cón bắn khoảng 10 người An Nam tìm cách lừa phỉnh theo phương pháp của nghĩa quân làm cho một phân đội của chúng ta mắc cạm” “Tháng 7-1889, Hoàng Cao Khải ra lệnh đốt phá 50 làng ở vùng Hai Sông (Hải Dương) bắt nhân dân phải đi nơ khác vì sợ nhân dân giúp nghĩa quân”(6). Miribel công sứ Hưng Yên cũng phải thú nhận: “Thực vậy, thời ấy hầu như tất cả làng nào ở trong tỉnh Hưng Yên cũng rất đông người tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy và thậm chí ở nhiều làng tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều trở thành nghĩa quân”(7)“Nhiều làng xã được sự chăm chút của họ thực sự trở thành những pháo đài có hố sâu đầy nước, rào tre dày và tươi, lũy, lỗ châu mai”(8).


(1) Theo báo cáo chính trị tháng 3-1891 của Thống sứ Bác Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương - bản viết tay.
(2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3) Piglowski: Lích sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ, cuốn 1. Sđd.
(4) Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành - Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 122, 123 năm 1969.
(5) Báo Tương lai Bắc Kỳ số 129 ra ngày 1/2/1888.
(6) Theo Nhật ký hành quân của Hoàng Cao Khải. Sđd.
(7) Miribel, tài liệu đã dẫn.
(8) Daufès: Bảo an binh từ ngày thành lập đến nay, cuốn 1 xuất bản ở Paris, năm 1933.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 07:55:38 pm
Tháng 6-1889, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải tấn công căn cứ Bãi Sậy. Chúng đánh Đông Nhu trước, nhưng nhân dân nhiều làng ở vùng Bãi Sậy đã hy sinh rời khỏi làng để nghĩa quân xây dựng làng chiến đấu, đào hầm hào, đắp lũy đất, rào lũy tre. Những người đi tản cư đều là người già, trẻ em, người ốm yếu. Những người khỏe mạnh hầu hết trai tráng và cả nhiều cụ già thiếu niên đều tình nguyện ở lại giúp nghĩa quân xây dựng công sự”(1).

Một số tổng lý, kỳ hào còn thoát ly tham gia nghĩa quân. Một kỳ hào trong đội ngũ nghĩa quân Đội Văn bị quân Pháp bắt ở Hữu Thượng (Yên Thế, Bắc Giang) đem tra hỏi, ông đã trả lời thắng vào mặt chúng rằng: “Vì ông Đội Văn kêu gọi khởi nghĩa chống Pháp, như vậy nhiệm vụ của ông đã được vạch rõ nên ông phải tham gia hàng ngũ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đội Văn”(2).

Tháng 4-1887 “Ba Báo có nhiều quan hệ với những viên thủ lĩnh người Tàu và những quan chức phản nghịch”(3).

“Làng Phù Tình (huyện Thanh Miện, Hải Dương) thành lũy kiên cố từ năm 1885 đến ngày 12-11-1888, quân Pháp tấn công vào làng nhiều lần đều bị đánh bật ra. Đến ngày 13-11-1888 (ngày 13-10 năm Mậu Tý) quân Pháp tràn được vào làng chúng triệt hạ cả làng, phá đình chùa, bắt 43 cụ già đánh đập, chôn sống tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Mỹ bị giặc quấn vải tẩm dầu vào người, chết vẫn không khai(4).

Thống sứ Bắc Kỳ cũng phải thừa nhận trong thời ấy đã có hình thức song song tồn tại hqi chính quyền do thực dân Pháp đặt ra và chính quyền bí mật của nghĩa quân. Trên thực tế, mọi công việc trong làng xã từ chia công điền, định hạng ruộng để đánh thuế đến việc giải quyết xích mích, kiện tụng trong nhân dân… đều do chính quyền bí mật của nhân dân giải quyết. Cũng có những xã, nghĩa quân đưa người của mình ra tranh chức lý trưởng phó lý, trưởng bạ, trương tuần, mọi việc đối phó với giặc Pháp đều làm theo sự chỉ đạo của nghĩa quân. Thực dân Pháp phải thừa nhận: “nghĩa quân là chủ nhân thực dự của đất nước đã thành lập một chính quyền bí mật song song tồn tại với chính quyền của Pháp đặt ra. “Chính quyền bí mật” này được nhân dân phục tùng và kính trọng hơn hẳn chính quyền chính thức”(5).

Chẳng những chỉ tổng lý ủng hộ nghĩa quân mà nhiều quan phủ, quan huyện cũng ủng hộ nghĩa quân. Đây là lời thú nhận của thống sức Bắc Kỳ: “Lại có một số quan phủ, huyện cũng ủng hộ nghĩa quân như cung cấp lương thực, báo cho nghĩa quân biết kế hoạch hành quân đàn áp như ở các huyện Đông Triều, Cẩm Giàng, Yên Mỹ, Mỹ Hào, v.v. Trong số các viên quan lại trên có người bị Pháp xử tử vì tội liên quan đến bọn phiến loạn”(6).

“Năm 1887 một vài viên quan có cảm tình với bọn cướp đã bị đày đi Côn Đảo”(7). “Tháng 7/1889, Đốc Tít thất trận ở Hải Sông, nghĩa quân tan rã phải chạy về Phục Lễ (nay thuộc huyện Thuỷ Nguyên và tri huyện Đông Triều, nghĩa quân đã tổ chức lại lực lượng, trang bị vũ khí và trở lại Hai Sông hoạt động”(8).

Đế quốc Pháp điên cuồng khủng bố những chức dịch mà chúng phát hiện hoặc nghi ngờ ủng hộ nghĩa quân như:

- Ngày 15/6/1889, đồn binh Đông Mai (tổng Đại Từ, Văn Lâm) bắt chánh tổng, hào mục là đồng đảng của Đốc Sung(9).

- Ngày 29 tháng 7 năm 1889, Tóa Khâm sứ Bắc Kỳ đã quyết định bắt Nguyễn Sửu, lý trưởng, Lê Đức Nhuận, Nguyễn Trung Thư hào mục làng An Vỹ (tổng An Cảnh, huyện Đông Yên) giải lên ngục thuyền Công Đảo đầy ở trại cầm cố 5 năm(10).

- Năm 1891, khi giặc Pháp phát hiện ra chánh tuần huyện Đông Yên, Dương Văn Bình thường báo cho nghĩa quân các cuộc hành quân của quân Pháp, các chuyến vận chuyển lương thực để nghĩa quân phục kích cướp lương thực. Chúng đày ông đi Côn Đảo và chết ở đó(11).


(1) Piglowski: Lích sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
(2) Frey: “Firateset e rebelles au Tonkin (Nos - soldat au Yên Thế), Nhà xuất bản Hachettr - Paris năm 1892.
(3) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(4) Thanh Hồng làng xã và con người, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương, xuất bản 1991.
(5) Báo cáo chính trị tháng 3/1891 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
(6) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương tháng 4/1891, bản viết tay.
(7), (8) Dulleman: tài liệu đã dẫn.
(9) Piglowski: tài liệu đã dẫn.
(10) Công báo Đông Dương, phần 2; Trung Kỳ, Bắc Kỳ, số 63 tháng 8/1889.
(11) Gia phả họ Dương Hữu ở Phù Sa, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 08:06:49 pm
3. Xây dựng quân đội tại chỗ - có quân cơ động, quân địa phương và dân binh

Đổng Quế cũng như Nguyễn Thiện Thuật chỉ thành lập một đội quân cơ động có từ 100 đến 200 người, không tổ chức quân đội tập trung, không đóng trong thành, trong đồn lũy, từ căn cứ Bãi Sậy và căn cứ Hai Sông, mà nghĩa quân sống, hoạt động trong nhân dân, làng xóm. Bình thường họ là nông dân ở trong làng xóm của mình vẫn sản xuất bình tường để nuôi mình và gia đình.

“Đúng ra phải có những cứ điểm như một pháo đài dựng lên khá kiên cố dù chỉ là hình thức ngoài vỏ từng được biết đến như Than Muội, Bù Đinh, Chợ Mới chẳng hạn như Lưu Kỳ đã không ngoan và chỉ lập ra ở vùng rừng núi hoang vu những sào huyện tạm bợ, thực tế cũng chỉ được củng cố qua loa, địa điểm được giữ bí mật bất kỳ lúc nào cũng dễ dời đi nơi khác(1). Ngoài Lục Ngạn, Lưu Kỳ còn trải địa bàn hoạt động sang Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Yên Bác(2) và Đông Triều”.

Nghĩa quân không có quân phục riêng mà mặc quần áo như nông dân bình thường. Chỉ khi ra trận, nghĩa quân thường chít khăn đầu rìu vải đỏ thắt lưng xanh. Bên trong thường mặc một cái áo giáp bằng giấy bản bồi rất dày, chân đi hài sào.Trong một bài viết trên áo L’avenire du Tonkin xuất bản ở Hà Nội năm 1889, tác giả người Pháp cũng viết rằng nghĩa quân Đề Bính, Đôc Cọp ăn mặc như nông dân bình thường(3). Còn Piglowski thì viết: “Trong một trận đánh ở làng Đức Nhuận, phủ Khoái Châu (thời Đổng Quế) bọn Pháp chỉ phân biệt được người chỉ huy là Sậy (lãnh binh Nguyễn Đình Mai) với nghĩa quân của ông là ông chít khăn xanh, thắt lưng màu đỏ”(4).

Nghĩa quân đi làm, đi chơi đều đem theo vũ khí. Giặc đến làng, theo hiệu lệnh lập tức ra vị trí đã được phân công từ trước. Khi nhận được lệnh tập trung mở chiến dịch lớn thì đi đánh xong lại trở về làng sống cuộc đời nông dân bình thường.

Chủ trương “Động là quân, tĩnh là dân” là một chủ trương sáng suốt, phù hợp với tình hình lúc đó của cuộc khn Bãi Sậy. Việc xây dựng lực lượng tại chỗ, phân tán lực lượng, đã làm cho quân Pháp không biết nghĩa quân ở đâu mà đánh. Vào thời gian ấy, trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nghĩa quân thường được chia thành từng đội, từng quân thứ. Trái lại nghĩa quân Bãi Sậy chỉ bao gồm những toán quân nhỏ 15-20-25-30 hoặc 50 người là đông nhất(5). Với thế trận ở đâu cũng có nghĩa quân, làng nào cũng có đồn lũy, khiến quân Pháp bị đánh ở khắp nơi, khắp chốn, đóng ở trong đồn cũng bị đánh đi càn quét cũng bị đánh. Chính Miribel đã phải thú nhân: “Tất cả nông dân vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống Pháp”(6) hoặc “Trung tâm kháng chiến là ở khắp mọi nơi, chia nhỏ ra vô hạn, hầu như có bao nhiều người An Nam là có bấy nhiêu trung tâm kháng chiến… Một người nông dân gặt lúa là một trung tâm kháng chiến”.

Công tác thông tin liên lạc của nghĩa quân rất nhanh chóng, như trong trận Liêu Trung chỉ trong vài giờ, chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đã tập trung được 800 quân với trên 400 súng bắn nhanh đã đến trận địa phục kích trước quân Pháp giết chết tên Ney đồn trưởng đồn Mỹ Hào, bang tá Hải Dương Nguyễn Hữu Hào, suýt bắn sống được Hoàng Cao Khải…

Kỷ luật của nghĩa quân Bãi Sậy rất nghiêm minh như việc Lãnh Tiêm phải giết Phó Ruộm, một nghĩa quân thân tín của mình vì ông này chặt cây cau của dân đưa về nhà mình(7).

Nghĩa quân cũng trừng trị bọn tay sai chỉ điểm cho Pháp và phản bội như Lý trưởng làng Tế Cầu (Ninh Giang, Hải Dương) vì đã giết em Đốc Khoát hồi năm 1884 và dẫn đường cho quân Pháp tấn công làng Bối Giang (Ninh Giang, Hải Dương)(8). Ngày 4-5-1889, một đơn vị của Lãnh Sung do Lãnh Mỹ chỉ huy tấn công Lãnh Vinh, Lãnh Hiêm vì đầu hàng Pháp, giết vài bộ hạ thu 3 súng bắn nhanh và vài súng cải tiến(9). Tháng 5-1889, nghĩa quân tấn công vào đồn Phú Thị giết chết 2 viên thủ lĩnh đến đồn này đầu hàng(10). Ngày 6-5-1889, nghĩa quân giết chết 6 bộ hạ của Đội Quý đã ra hàng trên đường từ Lang Tài đến Mai Xá(11).


(1) Sabrone: Những cuộc hành binh ở tại Bắc Kỳ. Sđd.
(2) Huyện Phượng Nhỡn khi đó có 10 tổng nay sáp nhập vào huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam (Bắc Giang) và huyện Chí Linh (Hải Dương huyện Yên Bác đổi thành huyện Sơn Động (Bắc Giang).
(3) Piglowski: tài liệu đã dẫn.
(4) Theo Piglowsk: Histoire de la garde indigène du Tonkin (Tomme I) xuất bản ở Hà Nội.
(5) Theo Journal oficel de L’Indochine Fraçaise.
(6) Pratie: An Nam - Tonkin số 72 ngày 9-9-1889; Les Proviace du Tonkin: Hưng Yên và Histoire de la garde indigène du Tonkin (tommeI).
(7) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(8), (9), (10), (11) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 08:14:44 pm
4. Địch vận - giáo hóa những người theo địch trở thành nghĩa quân

Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật và các tướng hiểu rõ những người cầm súng đi lính cho Pháp hoặc “làm quan” trừ một số ít làm tay sai cho giặc, bán rẻ Tổ quốc, bán rẻ đồng bào cho giặc còn phần đông bị bắt buộc, bị nhất thời lầm lỗi theo giặc, cần phải thức tỉnh lòng yêu nước trong con người họ, chỉ cho họ tấy rõ nỗi nhục của người dân mất nước để họ quay súng về hàng ngũ nghĩa quân hay trong một chừng mực nhất định không tàn sát đồng bào.

Với quan điểm trên, các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy rất coi trọng công tác binh vận. Chính kẻ địch cũng phải thừa nhận: “Nguyễn Thiện Thuật cho dán yết thị ở khắp nơi kêu gọi ngụy binh hãy đào ngũ cùng nhân dân tham gia khởi nghĩa chống Pháp, hãy lấy đầu bọn sĩ quan Pháp và quan lại Việt gian để lập công với nghĩa quân” (1).

Năm 1886, công tác tuyên truyền được nghai quân tiến hành rộng rãi ở khắp nơi: “Trong các bản Tuyên cáo dán khắp các thôn xóm, họ kích động nhân dân nổi dậy kích động lính An Nam đào ngũ và treo giá từng cái đầu của những viên sĩ quan của chúng ta và những quan chức An Nam đã liên kết với chúng ta”(2). Công tác này được hầu hết các thủ lĩnh coi trọng nên “mỗi khi bắt được ngụy binh, nghĩa quân chỉ giữ lại giáo dục trong một thời gian rồi cho họ trở về quê hương; trừ những kẻ ngoan cố lắm mới bị giết. Nghĩa quân còn thôn qua các gia đình ngụy binh để vận động gia đình họ khuyên bảo con em trở về quê làm ăn như cũ hoặc nhờ ngụy binh mua giúp súng đạn của địch”(3).

Trong trận đánh ngày 23-7-1888, Đội Văn bắt được 5 lính khố xanh giữ lại giải thích rồi thả ngay. Trong một trận đánh do Đốc Tít chỉ huy, sau khi thắng lợi Đốc Tít tập trung tất cả lính và phu giải thích chia chiến lợi phẩm, đưa tiền cho vợ con lính khố xanh và phu trở về quê làm ăn"(4). "Năm 1888 ở một đồn binh thuộc phủ Thường Tín (Hà Đông) có một người lính đã đánh lừa được một lính gác rồi bỏ trốn theo nghĩa quân. Nhưng khi ra khỏi đồn anh ta bị kỳ hào trong làng bắt được đem nộp cho Pháp(5). “Năm 1889 ở đồn kẻ Sặt (Hải Dương) lại có một người cai và một người lính cũng đào ngũ mang cả vũ khí theo nghĩa quân Bãi Sậy” (6). “Tháng 6-1889 trong trận Văn Lai (Mỹ Hào) bọn chúng đem tra hỏi mới biết rằng trong hàng ngũ của nghĩa quân Đốc Sung có một người lính khố đỏ tên là Phạm Văn Thức, số lính 116, lính ở phủ Bình Giang (Hải Dương)”(7). Tháng 7-1889, địch lại bắt được một người lính khố đỏ nữa ở Bãi Sậy”(8). Cho đến đầu năm 1891 quân Pháp cũng nói rằng: “Chúng vẫn thấy xuất hiện những bản Thông cáo của nghĩa quân Bãi Sậy luôn luôn kêu gọi ngụy binh nổi dậy chống Pháp”(9).

Một ngụy binh ở Hà Đông đào ngũ bị bắt đem ra tra khảo, trước mặt quân địch anh vẫn khẳng khái công khai tuyên bố rằng anh sẽ đào ngũ để đi theo nghĩa quân Bãi Sậy. Địch bèn tập trung tất cả lính ta ở Hà Nội đến cửa Tây rồi đem anh ngụy binh phản chiến này ra chém để uy hiếp tinh thần những người có mặt.

“Cũng trong thời gian ấy có ngụy binh còn sẵn sàng làm nội ứng cho nghĩa quân đánh vào đồn địch rồi gia nhập luôn phong trào khởi nghĩa như anh Cai Tuyến ở Khái Châu, Hưng Yên”(10).

Trong các thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy thì Đốc Tít là người tích cực tuyên truyền địch vận nên trong nghĩa quân của ông có tới 1/3 là lính khố xanh, khố đỏ. Một nghia quân bị quân Pháp bắt được ở Hai Sông cũng khai rằng: “Có 250 lính cũ đang chiến đấu trong hàng ngũ Đốc Tít”(11). Ngay bọn chỉ huy quân Pháp cũng phải thú nhận: “Từ trên một hòn núi cao, Đốc Tít đích thân chỉ huy với một cái loa. Trận chiến đấu khốc liệt đến khi quân nhu của dân bị cạn. Chắc trong đó có cựu pháo thủ và cựu dân binh của ta, họ bắn rất hăng vò sở chỉ huy”(12). Một sĩ quan Pháp nhận xét: “Trong các thũ lĩnh thì Đốc Tít đặc biệt quan tâm đến binh vận vì những binh lính này đã được huấn luyện quân sự và được trang bị vũ khí. Trong 800 quân của ông có tới 1/3 là lính khố xanh, khố đỏ tự nguyện gia nhập nghĩa quân”(13)

Đặc biệt nghĩa quân Đốc Tít có hai hàng binh Pháp là hai người lính Pháp là Martin và Claude đóng ở đồn Đáp Cầu (Bắc Ninh) bị tên thiếu tá Doumont nhiều lần bỏ tù. Tối 23/9/1889, hai người trốn khỏi nhà tù, nhờ anh Nam làm phu ở đồn mà hai anh đã quen biết từ trước đưa tới gặp lý làng Cao Quán là người thân của Đốc Tít. Ông lý trưởng bí mật đưa hai người lính Pháp đến Trúc Động (Quảng Yên) gặp Đốc Tít. Ngay buổi gặp đầu tiên, hai hàng binh Pháp đã cung cấp tình hình các đồn lính Pháp ở Đáp Cầu nơi các anh đóng quân. Đốc Tít khen ngợi và cung cấp quần áo, lương thực cho hai anh. Hai anh xin đi theo Đốc Tít được ông chấp nhận.

Trong các trận đánh ngày 16 tháng 7, 27-8 và 2-8-1889, Martin ốm không tham chiến, Claude tham chiến rất dũng cảm và bắn hết 40-50 viên đạn. Hai anh còn sửa chữa vũ khí, đúc một số bộ phận của súng bắn nhanh để thay thế súng bị hỏng.

Khi Đốc Tít ra hàng, phải nộp Martin cho Pháp còn Claude bị Pháp bắt ở đồn Yên Lưu, sau Martin ốm chết. Ngày 17-9-1889, Claude bị kết án “đào ngũ theo nghĩa quân Đốc Tít”, “phản bội tổ quốc”. Tên đại tá chánh án dụ dỗ nếu anh chỉ cho Pháp biết người cung cấp vũ khí cho nghĩa quân thì được tha, Claude từng làm trung gian giấy tờ cho mua bán súng giữa Đốc Tít với Oberg một thương gia Thuỵ Điển nhưng không khai. Địch tuyên án xử tử anh vẫn bình tĩnh khi đó anh mới 20 tuổi, chúng đã xử tử anh vào tháng 10-(4).


(1) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(2) Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 123 tháng 6/1969.
(3) Tập thể Bộ tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đên 1/922, Ideo, Hà Nội.
(4) Tập thể Bộ tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đên 1/1922, Ideo, Hà Nội.
(5) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(6), (7), (8) Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 123, tháng 6/1969.
(9) Theo báo cáo chính trị tháng 3-1891 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, bải viết tay.
(10) Theo Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo cáo chính trị ngày 18-3-1899 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.
(11), (12) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(13) Lịch sử quân sự số 12/1889 (46).
(14) Theo Claude de Bourrrin, Piglowski, Daufès các sách đã dẫn, các báo Le Courier d’ Hải Phòng La Indochi’noi Française partie: AnNam et Tonkin năm 1889 và năm 1890.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Năm, 2011, 08:26:02 pm
5. Tự trang bị vũ khí bằng nhiều nguồn

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách của nghĩa quân Bãi Sậy để bảo đảm đánh thắng giặc duy trì cuộc khởi nghĩa lâu dài là súng đạn hiện đại như của quân Pháp. Để giải quyết nhiệm vụ quan trọng, cực kỳ khó khăn này, chủ tướng Đinh Gia Quế và Nguyễn Thiện Thuật và các thủ lĩnh nghĩa quân đồng thời tiến hành nhiều biện pháp:

a. Cướp vũ khí của địch

Cướp vũ khí để trang bị cho quân đội là biện pháp nhanh và hiệu quả cao nhất, nhưng lại là việc cực kỳ khó khăn, nhiều khi phải đổi bằng xương máu của chiến sĩ. Nghĩa quân thường đột kích vào các đồn, phục kích các toán quân tuần tiễu, chặn đánh các đoàn xe vận tải.

Những trận đánh chỉ với mục tiêu cướp vũ khí được diễn ra nhiều lần, ở khắp nơi. Đó là chưa kể trong tất cả các trận đánh ngoài mục tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ, bảo vệ làng thì mục tiêu cướp súng đạn địch không kém phần quan trọng.

Điều này đã được quân Pháp mô tả trong các bản báo cáo, trong các sách, báo đương thời ở Việt Nam và Pháp như:

“… Thế là trong một phiên chợ ở vùng Bãi Sậy, một người lính gác Bắc Kỳ thấy khoảng 50 cu li, mỗi cu li gánh một gánh củi, trông dáng đi đứng không có điều gì đáng nghi ngờ. Đến cổng đồn, bọn cu li trả lời người gác là họ có nhiệm vụ tiếp tế cho đồn một số củi để dùng vào mùa đông và họ yêu cầu chỉ cho họ chỗ xếp củi.

Người lính gác mắc lừa vì vẻ thực thà của họ, liền mở cửa để bọn lính trá hình này tiến vào. Khi đã lọt vào hết, bọn này vứt củi gỗ xuống đất, rút đoản đao, mã tấu, kiếm ra tấn công tới tấp vào mấy người lính trong đồn và vét hết vũ khí trong kho”
(1).

Nhiều trận nghĩa quân đột nhập vào đồn địch cướp súng đã diễn ra như: “Ngày 6/4/1888 giữa ban ngày, một toán nghĩa quân do Đề Vinh và cô Mai chỉ huy xông vào đồn Bình Phú cướp 12 khẩu súng, trong đó có 7 súng trường, 3 các bin”(2). Một hành động táo bạo khác: “Ngày 7/8/1888, có 600 nghĩa quân được trang bị 300 súng bắn nhanh, mặc quần áo lính khố xanh tấn công một đồn binh ở huyện Thanh Trì, cướp kho vũ khí rồi nhờ nhân dân che chở rút lui qua sông Hồng về Bãi Sậy an toàn”(3).

“Đêm 4/3/1891 nghĩa quân đột nhập vào một đồn ở phủ lỵ Khoái Châu giết lính, cướp 12 khẩu súng, 123 bao đạn”(4).

Những sự kiện trên đã được mô tả trong các báo cáo, sách, báo đương thời ở Việt Nam và ở Pháp: “Cuối năm 1886 vào thời kỳ mà bọn phản nghịch tìm đủ mọi cách để có nhiều vũ khí nhằm báo động, nhiều đồn binh của chúng ta trở thành đối tượng của những dự kiến đánh cắp vũ khí. Điều này chừng nào chỉ rõ những ngón giảo hoạt của chúng”(5).

b. Mua súng, đạn trang bị cho nghĩa quân

Nghĩa quân Bãi Sậy còn thuyết phục binh sĩ đã được nghĩa quân giác ngộ, hoặc thông qua cha mẹ, vợ con, anh em họ ủng hộ và bán súng, đạn cho nghĩa quân. Rất nhiều binh sĩ đã hưởng ứng, lấy súng đạn của địch ủng hộ hoặc bán cho nghĩa quân. Đến nay, thông qua các tư liệu của quân Pháp xử lý một số vụ, mà chúng phát hiện ra một số vụ như sau: “Tháng 8/1888, Parreau đã kết tội ba ngụy quân là đội Nguyễn Văn Quyên, bếp Nguyễn Văn Khắc và lính Nguyễn Văn Trung giao cho tòa Nam án, xử đày trung thân ra Côn đảo và tịch ký gia sản của họ, vì họ lấy vũ khí bán cho nghĩa quân với giá 600 quan tiền. Parreau phải công nhận đây là sự kiện quan trong và đòi hỏi phải có biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhất ngăn ngừa sự tái diễn(6). Tháng 3/1889 khi Đội Văn ra hàng trong một cuộc thẩm vấn về những nguồn cung cấp vũ khí, quân nhu. Đội Văn đã cho Pháp biết rằng: “Phần lớn những vũ khí do y mua được từ những binh lính của chúng ta lấy cắp đem bán. Nhiều súng khác do chúng cướp được trong các trận phục kích. Đội Văn còn xác nhận rằng các lái buôn Trung Hoa thường xuyên qua lại biên giới bán súng đạn cho họ, bán cả thuốc phiện để đổi lấy sản vật ở địa phương và phụ nữ. Một người Trung Hoa cư trú ở Lạng Sơn (tên là Khái Ca) cũng đem súng bán cho Đội Văn”(7).

Nguồn cung cấp quan trọng thứ hai là đường dây mua vũ khí của Đề đốc Lưu Kỳ đóng quân ở Lục Ngạn, Đông Triều đã tổ chức một đường dây mua và vận chuyển vũ khí của tàn quân Thái Bình thiên quốc, tàn quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cơ Trắng của bọn thổ phỉ, hai phỉ ở núi Thập vạn đại Sơn (Quảng Tây - Quảng Đông, Trung Quốc) và vùng ven biển Trung Quốc - Việt Nam của các tổ chức lái súng Trung Quốc. Vũ khí được vận chuyển từ vùng biên giới Việt Nam, Trung Quốc theo đường thủy và theo đường bộ. Đường thủy qua vùng ven biển Đông Hưng - Móng Cái rồi vào các cửa sông Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ… vào sông Chanh, sông Giá… rồi vào Lục Ngạn, Biển Đông. Đường bộ từ biên giới Lộc Bình, Cao Lộc, Na Dương (Lạng Sơn), Bình Liêu, Móng Cái, Hà Cối (Hải Ninh) theo đường xuyên sơn, đường của bọn buôn lậu thuốc phiện quốc tế chuyển về vùng Biển Động, Lục Ngạn rồi từ đó chuyển về các ngả Bắc Ninh, Đông Triều, Chí Linh rồi về căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác của nghĩa quân. Việc tổ chức mua và vận chuyển vũ khí được tính toán rất chặt chẽ có quân hộ tống mạnh đã tồn tại từ năm 1884 cho đến tận năm 1891, 1892. Trong nhiều năm đường dây này đã cung cấp phần lớn vũ khí hiện đại cho nghĩa quân(8).

Người Pháp, người châu Âu cũng bán vũ khí cho nghĩa quân Bãi Sậy như: “một thương gia người Pháp tên là DC thường xuyên gửi cho Đốc Tít những hộp sữa gải trong đừng đầy đạn”(9). Nhưng bán súng có tổ chức trong một thời gian dài với khối lượng lớn các loại súng đạn phải kể đến một thương gia Thụy Điển là Gustave Oberg, ông đã cung cấp rất nhiều vũ khí cho Đốc Tít với giá 4 đồng 100 viên đạn, 40 đồng một khảu súng các bin, 8-10 đồng 1 khẩu súng lục. Việc buôn bán vũ khí này được một số người Việt Nam và Trung Hoa như Lê Bá Bút, Kon làm môi giới. Khi hai người lính Pháp và Martin và Claude về hàng Đốc Tít thì họ cũng tham gia vào việc giao dịch. Đặc biệt việc buôn bán này cũng được một số quan lại cao cấp Pháp ở Hải Phòng che giấu để kiếm lời. Khi việc “bán súng lậu” bị phát giác thì Oberg trốn về Hồng Kông(10).

Quân Pháp phải thú nhận: “… Vũ khí của nghĩa quân trang bị phần lớn là súng Atababie, 1874, Mác, Carabine, Wachester súng trường và Mile lấy được ở các trại lính, súng kíp kiểu Mỹ, súng Remainton, súng Maser dùng đạn Mile 1873 và một ít súng hỏa mai phần lớn của Lưu Kỳ ở Lục Nam mua tiếp tế”.


(1) Z. Masson: Những kỉ niệm ở Trung và Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris, 1933.
(2), (3) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(4) Báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1890, 1891.
(5) Masson: Những kỉ niệm ở Trung và Bắc Kỳ, xuất bản ở Paris, 1933.
(6) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Sđd.
(7) Báo cáo chính trị tháng 3/1891 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đôngg Dương, bản viết tay.
(8) Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành, số 122, 123 tháng 5,6/1969.
(9) Theo E. Bévin - Au Tonkin: Millicas et piraterie nhà xuất bản Charles lavauzelle Paris năm 1891.
(10) Theo Claude Bourrrin “Le vieux Tonkin Le Théàtre - Le Sprt - La vic mondaine de 1884 à 1899” NXB Aspar, Sài Gòn năm 1935, L. Bonnafont. Thente ans de Tonkin xuất bản ở Paris năm 1923 và các bán Le Courrier d; Hải Phòng, L’Avenir du Tonkin năm 1889 và 1890.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:10:59 am
c. Sửa chữa, sản xuất súng đạn

Nhiệm vụ mà chủ tướng Đinh Gia Quế và Nguyễn Thiện Thuật và các thủ lĩnh nghĩa quân rất coi trọng là sửa chữa. sản xuất các loại súng bắn nhanh kiểu 1874 và các kiểu súng khác cùng đạn dược. Từ năm 1885, các thủ lính Đề Ban, Đề Tính, Đốc Cọp chỉ huy nghĩa quân Ân Thi, Động Yên, Kim Động đã tập trung các thợ rèn, thợ đúc, thợ nguội, thợ mộc, thành lập các lò rèn - thực ra là các công binh xưởng nhỏ để làm nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất các loại súng bắn nhanh như của quân Pháp. Các “công binh xưởng nhỏ” này đã tháo rời các bộ phận kiểu súng 1873 rồi rèn, đúc, giũa thành khẩu súng hoàn chỉnh. Nguyên liệu do nhân dân đóng góp là các nông cụ hỏng, gang, sắt, đồng vụ, hoặc do nghĩa quân đi mua ở các xã về. Trong nghĩa quân của Đề Ban có một người giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê chuyên sửa chữa các báng súng kiểu 1874, ông được mệnh danh là “ông cai binh”(1).

Trong các trận càn quét vào các nơi đóng quân của nghĩa quân, quân Pháp cũng phát hiện nhiều xưởng sản xuất súng của nghĩa quan: “Trong nhiều lần đi càn quét ở Vạn Lai, Ninh Tập (Khoái Châu) quân Pháp thường tìm thấy những nơi sản xuất súng trường kiểu 1874 của nghĩa quân Bãi Sậy”(2)“Quân Pháp sau khi đánh chiếm được căn cứ Trại Sơn của Đốc Tít còn biết hai lính Pháp là Martin và Claude đã giúp nghĩa quân sản xuất vũ khí. Quân Pháp cũng phát hiện ở đây có nhiều khuôn mẫu đúc súng và các bộ phận của súng dang đúc, chưa gia công”(3).

“Ngày 23/11/1891, binh lính ở đồn Mỹ Hào đã đụng độ với nghĩa quân làng Cao Trai giáp giới với vùng Ba Tổng và huyện Thanh Miện (Hải Dương), quân Pháp bắt được một bộ quy lát mô bin, những Armé blache chắc chắn là do nghĩa quân sản xuất. Ngày 18/11/1891, đồn Thu Cúc bắt được 5 quy lát của nghĩa quân Đề Ban ở làng Liêu Trung”(4). Các công binh xưởng nhỏ của nghĩa quân còn mạnh dạn cải tiến các loại súng của quân Pháp, hoặc dựa vào mẫu súng của Pháp để chế tạo ra các loại súng thích họp cho những trận đánh hóa trang giấu súng trong người, trong bó củi: “… Để nhằm đạt hiệu quả cao, họ đã tạo ra một loại súng đáng lưu ý: đó là súng mút kị binh báng ngắn, nòng súng dài, loại súng này có thể giấu trong tay áo, trong ống quần hoặc trên ngực. Viên thủ lĩnh này (chỉ Đội Văn) trong một thời gian ngắn đầu hàng còn cho chúng ta biết có nhiều mẫu súng khác”(5).

Ngài thanh tra Laune người được ủy nhiệm đưa Đội Quý ra trình diện cho biết, chính ngài đã phát hiện ra được một xưởng chế tạo vũ khí chiến trang của họ trong một cuộc tuần tra gần nhất. “Trong đám đồ nghề, dụng cụ dã tìm được một cái khuôn đúc nòng súng bắt đất rất tinh vi, ngoài ra còn rất nhiều vết của những chi tiết vũ khí của chúng ta được tháo rời”(6). Một tài liệu của Pháp viết: “Tháng 5/1889 có 33 nghĩa quân ra hàng ở thị xã Hưng Yên có kiểu súng nòng súng bằng ống tre”(7) (Đây là một loại súng phóng mà quân Pháp gọi là “hỏa tiễn”. Ngày 28/4/1884, đồn Cầu Đất (Mỹ Hào, Hưng Yên) gửi về Tòa sứ Hải Dương 11 súng kiểu 1874, 1 súng Bannont, 1 súng tay, 12 lao và đặc biệt là 1 hòm khuôn mẫu các chi tiết kiểu súng 1874”(8).

Do nghĩa quân sản xuất được nhiều súng như vậy nên tháng 7/1891, nghĩa quân Đề Tính có 200 súng cải tiến tấn công huyện Phú Xuyên, giết chết tên tri huyện(9)

Nhận xét về những khẩu súng trường do nghĩa quân Bãi Sậy chế tạo thời đó, quân Pháp đã phải thừa nhận rằng, nếu đem so sánh với những khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp thì súng của nghĩa quân không thiếu một thứ gì, từ cái quy lát di động được, tới những phụ tùng của súng nhưng chỉ khác là nòng súng của ta bằng đồng, độ bắn không được chính xác lắm, và người ta lại có thể bắn nó bằng đạn của súng trường kiểu Gras. Kẻ địch phải thốt lên: “Qua việc này một lần nữa lại chứng tỏ trí thông minh và tài khéo léo của người thợ Việt Nam”(10).

Do vũ khí được cung cấp từ nhiều nguồn và tự sản xuất nên nghĩa quân Bãi Sậy được trang bị rất nhiều súng như trong “trận đánh Obert ngày 6/10/1997, Đội Văn có 300 quân trang bị 120 súng hơn hẳn quân Pháp. Trận đánh ở huyện Thanh Trì ngày 8/7/1888 nghĩa quân có 600 người, trang bị 300 súng; trận đánh giám binh Loui’s Ney, Hoàng Cao Khải tháng 11/1888 ở Liêu Trung, nghĩa quân có 800 người, trang bị 400 súng bắn nhanh”(11).

Một tài liệu khác của Pháp viết: Toán của Khoát có chừng 500 quân, 300 quân được trang bị phần lớn súng bắn nhanh, toán của Ba Giang (Giang) và Quý mỗi thủ lĩnh có chừng 100 súng cải tiến (súng do nghĩa quân chế tạo). Tháng 5/1891 khi Đội Quý ra hàng, đã nộp cho Pháp chừng 240 súng trong đó có hơn 100 súng bắn nhanh. Người ta nhận thấy có rất ít loại súng thường gặp trong sự trao đổi, mua bán (chứng tỏ là nghĩa quân cướp của Pháp và tự sản xuất).

Đốc Sung có 300 quân được trang bị hàng trăm súng. Đốc Tít có 800 quân được trang bị 500 súng. Tháng 7/1891, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã bước vào thời kỳ suy yếu, Đề Tính vẫn còn 200 súng.

Theo báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương thì trong năm 1890-1891 lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy vẫn được tổ chức trang bị tốt. Trong giai đoạn 1890-1892, Nguyễn Thiện Kế có hơn 600 súng. Súng của họ phần lớn có carabin, wachester…, súng trường carabin, súng mile 1894 kiểu Mỹ, súng remainton, súng Mauser dùng đạn 1873 và một số súng hỏa mai(12).

Do nguồn vũ khí dồi dào, chất lượng gần như của quân Pháp, nguồn súng tự chế tạo nghĩa quân đánh thắng nhiều trận lớn và duy trì được cuộc khởi nghĩa trong 10 năm trời.


(1) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 122, 123 tháng 5,6/1969.
(2) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(3) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(4) Daufès: Bảo an binh từ ngày thành lập đến nay, Paris, 1933.
(5) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ, trang 410, cuốn 1.
(6) Báo Tương lai Bắc Kỳ số 153 ngày 18/4/1889.
(7) Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ. Sđd.
(8) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(9) Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương tháng 7-8/1891, bản viết tay.
(10) Theo La Province de Hưng Yên xuất bản năm 1934 - Minh Thành dẫn trong “Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy”. Sđd.
(11), (12) Miribel: La Province de Hưng Yên, xuất bản năm 1901.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:16:37 am
6. Tự túc lương thực bằng nhiều hình thức phong phú

Một trong những vấn đề quan trọng để cuộc khởi nghĩa tồn tại là lương thực. Để có đủ lương thực cung cấp cho hàng ngàn quân trong suốt cuộc khởi nghĩa kéo dìa 10 năm, Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Kế đã đồng thời thực hiện cács biện pháp lớn:

a. Nghĩa quân tự túc tại chỗ

Quân tập trung chỉ có một lực lượng nhất định đóng tại căn cứ bãi Sậy và Hai Sông làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và cơ động. Nghĩa quân của các thủ lĩnh ở ngay nhà mình, láng xóm mình vẫn tham gia sản xuất để tự nuôi mình và gia đình. Chỉ khi giặc tới, hoặc có lệnh tập trung đi chiến dịch mới cầm vũ khí chiến đấu. Một phần lương thực quan trọng trong thời gian đầu là nhiều thủ lĩnh bỏ lương thực của nhà mình để nuôi quân như các cụ Cai Già, thân sinh ra Đề Cọp ở An Xá, Kim Động, Hưng Yên đã xuất thóc và tiền cho Đốc Cọp nuôi quân và mua vũ khí. Gia đình ông Cọp có 70 mẫu ruộng chỉ giữ lại vài mấy cấy đủ ăn còn lại giao cho nghĩa quân cày cấy. Lãnh Tiêm ở Mão Cầu, Ân Thi cấy 60 mẫu ruộng cũng chỉ giữ thóc đủ ăn còn dành để nuôi quân. Chánh Tính ở An Vĩ cấy trên 60 mẫu ruộng cũng chỉ giữ thóc đủ ăn còn lại giao cho nghĩa quân. Đề Yêm quê ở Kim Bảng, Hà Nam đã nhiều lần chở hàng thuyền thóc sang Bãi Sậy ủng hộ nghĩa quân, đem toàn bộ thóc thuế mà ông làm lý trưởng thu được ủng hộ nghĩa quân.

b. Nghĩa quân thành lập các trang tại cấy lúa trồng màu

Nhằm chủ động có nguồn lương thực dự trữ, nghĩa quân đã khai hoang, phục hóa những cánh đồng lớn để cấy lúa, trồng rau, màu. Đổng Quế giao cho lãnh binh Nguyễn Đình Mai tổ chức một đội quân chuyên đốt sậy khai hoang để cấy lúa, nên nghĩa quân còn gọi là Lãnh Sậy. Ông cũng là người tiếp nhận lương thực, thực phẩm cho nhân dân ủng hộ và đóng thuế để phân phối cho các đội quân(1). Nghĩa quân của Lãnh Thâu cấy hàng chục mẫu lúa ở cánh đồng Liêu Trung, tổng Liêu Xá, huyện Mỹ Hào(2). Đội Văn đã cho nghĩa quân cấy 300 mẫu ở tổng Tam Á, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 4/11/1888, tổng đốc Bắc Ninh cho lính khố xanh và phu đến gặt. Bỗng có một số người cải trang làm lính tập ở đồn Lực Điền đễn hỗ trợ, rồi tới gần giết chết 27 lính, trong đó có tên phó quan Givené. Bọn lính phải tháo chạy(3). Bà Vũ Thị Hội giữ chức Đốc vận quân lương trong nghĩa quân Đề Ban ở bắc Ân Thi(4). Tiền quân Phạm Văn Đức ở huyện Gai Lộc (Hải Dương) thành lập một nông trại ở Mạo Khê, huyện Đông Triều. Nông trại này cung cấp thóc gạo, bò lợn cho nghĩa quân. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nông trại này gọi là “ấp Tiền Đức”. Trâu của trại chạy vào rừng sinh con cái, trở thành trâu rừng, nhân dân gọi là trâu Tiền Đức(5). Lãnh Chủ ở Thuỷ Trúc (Ân Thi) rất coi trọng sản xuất lương thực. Trong thời gian tồn tại của nghĩa quân (1883-1891) nghĩa quân và nhân dân ở Thuỷ Trúc và các xã xung quanh như Trằm Củ, Vân Mạc, Du Mỹ, Cao Trai (nay thuộc Ân Thi), Yến Đô, Hoan Ái, Dã Cầu, Đông Mỹ, Cảnh Lâm (nay thuộc Yên Mỹ) đều tới Trúc Đình, Trúc Lễ, Thuỷ Trúc khai hoang thành ruộng cấy lúa với diện trích lên tới 540 mẫu Bắc Bộ (trong đó có 12 mẫu ruộng đăng cai, 3 mẫu ruộng thủ từ, 4 mẫu ruộng chùa). Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp và quan lại triều Nguyễn cũng không cướp được số ruộng đó, nó trở thành công điền cho các xã Xuân Trúc và các xã Yến Đô, Hoan Ái, Dã Cầu, Đông Mỹ, Cảnh Lâm, Trằm Củ, Văn Mạc, Du Mỹ, Cao Trai, Trâm Nhi, gọi là ruộng “xâm canh”. Mãi đến năm 1956, cải cách ruộng đất mới cắt ruộng xâm canh của các xã trên(6).


(1) Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, NXB Văn hóa dân tộc, 2001.
(2) Nay Liêu Trung thuộc xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên.
(3) Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Sở Văn hóa thông tin, Hội Khoa học Lịch sử.
(4) Bản thảo lịch sử xã Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên.
(5) Tác giả khai thác tại thôn Thượng Cốc huyện Gia Lộc, quê Tiền Đức.
(6) Cụ Nguyễn Đức Cường 73 tuổi, người thôn Thuỷ Trúc từng làm chủ tịch xã Quang Trung (nay là 3 xã Xuân Trúc, Văn Mạc, Văn Du) kể với tác giả tháng 6/1999.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:21:25 am
c. Cướp của giặc và của quan lại, địa chủ phản động

Một nguồn lương thực quan trọng là cướp lương thực của địch tại các kho, trên đường vận chuyển, cướp thóc thuế của địch để ở các đình chùa, nhà lý trưởng. Đối với quan lại, địa chủ phản động, nghĩa quân cũng tịch thu thóc gạo làm quân lương và chia cho dân nghèo. Đốc binh Vũ Đức Thàng ở xã Ông Đình (Khoái Châu, Hưng Yên) đã phá kho thóc ở nhà mẹ vợ vì không chịu ủng hộ nghĩa quân để làm quân lương và chia cho người nghèo(1).

d. Nhân dân đóng thuế

Nguồn lương thực quan trọng là do nhân dân đóng thuế. Nhân dân vùng nghĩa quân kiểm soát ở tỉnh Hưng Yên, nộp thuế cho Đinh Gia Quế mỗi mẫu ruộng một hộc thóc, có nơi mỗi mấu nộp 3 phương. Thóc thuế được để lại ngay tại làng, khi nghĩa quân dùng thì phụ nữ là lực lượng xay, giã, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân(2). Trong một cuộc tuần tra, quân Pháp bắt được một toán nghĩa quân đi thu thuế của nhân dân làng Bình Cách, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương(3). Ở căn cứ Hai Sông của Đốc Tít có lần quân Pháp bắt được hàng chục thuyền đầy thóc của nhân dân tiếp tế cho nghĩa quân Đốc Tít. Ở chợ Mỹ Giang, nghĩa quân Đốc Tít thường xuyên mua bán, trao đổi lương thực với nhân dân. Phụ nữ làm nhiệm vụ xay, giã, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân(4).

(http://img29.imageshack.us/img29/6288/81506373.jpg)

Rước hài cốt Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần
từ trên xe về quàn tại Hội trường xã Xuân Dục

Địch cũng phải thừa nhận, nhân dân đóng thuế cho nghĩa quân: “Cho tới cuối năm 1889, sau khi nghĩa quân Đội Văn tan rã, đây là lần đầu tiên thực dân Pháp chiếm đóng Bắc Ninh chúng mới thu được thuế đều đặn ở tỉnh này(5). Địch còn xuyên tạc việc nhân dân tự nguyện đóng thuế cho nghĩa quân: “Ông ta (chỉ Đội Quý) cấm nhân dân không đựoc nộp thuế cho ai mà chỉ nộp thuế cho ông, nhưng những người nhà quê đáng thương kia phải làm ngơ. Họ đã đóng thuế đều đặn và đóng cho cả hai bên”(6). Quân Pháp phải thừa nhận: “Năm 1890-1891, nhân dân Ân Thi và các huyện khác vẫn nộp thuế cho Đề Ban. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã được sử dụng thắng lợi với bọn hào mục quen nộp thuế cho địch, không chịu nộp thuế cho ta. Sau hết là trừng phạt ác liệt với những thôn xã để địch dùng làm sào huyệt”(7).

Nghĩa quân còn sung công ruộng đắt “thừa” của địa chủ cấp cho dân nghèo. Đốc Sung đã thực hiện ở làng Dịch Trĩ và các địa chủ tự khai báo diện tích ruộng đất hiên có. Rất nhiều địa chủ giấu diện tích để không phải nộp thuế. Khai báo xong, Đốc Sung cho đo lại gọi là “đạc điền” ruộng đất còn thừa đều bị Đốc Sung tịch thu làm công điền, rồi chia đều cho dân nghèo. Khi đó chúng không dám chống lại nhưng đến khi cuộc khởi nghĩa thất bại, bọn địa chủ bắt nhân dân trả lại ruộng cho chúng(8).


(1) Tác giả khai thác tại xã Ông Đình, huyện Khoái Châu.
(2) Nguyễn Thượng Hiền: Giọt lệ bể dâu.
(3) Dulleman: Tài liệu đã dẫn.
(4) Tác giả khai thác tại Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
(5) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
(6) Báo Tương lai Bắc Kỳ số 153, ngay 18/5/1889.
(7) Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Sđd.
(8) Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, tài liệu đã dẫn và tác giả khai thác tại xã Ngọc Long


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:23:00 am
*
*   *

(http://img195.imageshack.us/img195/6040/59072681.jpg)

Lễ kỉ niệm lần thứ 82 ngày mất của Nguyễn Thiện Thuật (15 tháng 4/19256-15-4-2008)
tại khu Tưởng niệm Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật
tại Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên

Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892) là một cuộc khởi nghĩa lớn ở cuối thế kỷ XIX do Đinh Gia Quế khởi xướng ngay sau khi quân Pháp hạ thành Hưng Yên lần thứ hai (3/1883). Từ tháng 8/1885 khi Nguyễn Thiện Thuật được Lễ bộ Thượng thư Nguyễn Quang Bích cử về thay thế Đinh Gia Quế bị ốm nặng, ông đã dẫn dắt cuộc khởi nghĩa lên quy mô rộng lớn ở đồng bắc Bắc Kỳ và vùng Đông bắc Bắc Kỳ. Từ tháng 10/1890, Nguyễn Thiện Kế trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã vượt qua muôn vàn khó hăn duy trì cuộc khởi nghĩa tới tháng 41/892. Nhưng Đề đốc Lưu Kỳ và các tướng lĩnh còn duy trì cuộc khởi nghĩa đến tháng 2 năm 1897. Như vậy cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy kéo dài được 14 năm.

Cuộc khởi nghĩa có nhiều tướng lĩnh trong phe chủ chiến của triều đình Huế, các nhà khoa bảng yêu nước, đông  đảo nông dân và có cả một số quan lại đang làm việc cho thực dân Pháp, Nam triều tha gia cùng một số binh lính hưởng ứng.

Dưới sự lãnh đạo của Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế và Bắc Kỳ Hiệp thống đại thần Nguyễn Thiện Thuât đã đưa cuộc khởi nghĩa lên quy mô rộng lớn. Đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân, toàn diện bao gồm cả chính trị, quân sự, binh vận và đã áp dụng chiến thuật du kích một cách tài tình, linh hoạt với tính tự lực rất cao cả về đường lối chiến tranh, cung cấp vũ khí, lương thực. Đáng chú ý là trong nền kinh tế nông nghiệp lac hậu nhưng với trí thông minh, tài trí của mình nghĩa quân đã chế tạo được ra nhiều vũ khí hiện đại.

Cuộc khởi nghĩa không chỉ làm khuynh đảo bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ, của vua quan triều đình Nguyễn đầu hàng giặc mà còn làm rung động dư luận nước Pháp

Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy cũng để lại nhiêu bìa học quý báu mà nhiều cán bộ chỉ huy quân sự ở các tỉnh, thành phố Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Phòng học tập, ứng dụng trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trong những năm 1945-1954.

Vũ Thanh Sơn
(Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh,
Hải Phòng, Hà Tây, Hà Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn
từ 1999 đến 2008)


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:29:25 am
NHỮNG TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

Sách trong nước

Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (chính biên) từ tập III đến tập XVIII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử Thông giám cương mục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội

Quốc sử quán triều nguyễn: Lịch triều Tạp kỷ.

Bắc Kỳ Hà đê sự tích, Tổng đốc tỉnh Hưng Yên kính trình triều đình Huế. Thư viện Quân đội K/VNP75 1093.

Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu.

Ủy ban Khoa học xã hội: Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1971.

Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí, Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội, 1934.

Trần Huy Liệu: Lịch sử thủ đô Hà Nội, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2000 (tái bản).

Quốc sử quán triều Nguyễn: Công văn tấu tập, kí hiệu A.545, Thư viện Khoa học xã hội.

Trần Văn Giàu - Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Sự: Lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1961.

Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng, tập III, NXB Xây dựng, Hà Nội, 1957.

Trần Huy Liệu: Lịch sử 80 năm chống Pháp, NXB Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1957.

Phan Khoang: Việt Nam Pháp thuộc sử Sài Gòn, 1974.

Vũ Thanh Sơn: Tướng lĩnh Bãi Sậy, Nxb văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.

Quốc sử quán triều Nguyễn: Quốc triều chính biên toát yếu, NXB Đắc Lập, Huế, 1923.

Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, NXB Văn học, Hà Nội, 1975.

Khổng Đức Thiêm - Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang - Hội khoa học lịch sử, 1997.

Phạm Văn sơn: Việt Nam cách mạng cận sử, xuất bản ở Sài Gòn.

Nguyễn Văn Tuấn: Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, quyển thượng, trang 312, NXB Hà Nội.

Dương Kinh Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.

Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện An Lão (Hải Phòng), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

Hồ Sanh: Việt Nam dưới ngọn cờ cần vương, xuất bản ở Sài Gòn, 1948.

Nguyễn Thượng Hiền: Giọt lệ bể dâu.

Liên hiệp công đoàn Hải Dương: Sơ thảo lịch sử phong trào công nhân, công đoàn Hải Dương.

Hoàng Cao Khải: Nhật ký hành quân, Piglowski dẫn trong Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.

Hội đồng nghiên cứu biên soạn lịch sử tỉnh Hải Hưng: Nghề cổ truyền, tập I, II, - Sở Văn hóa thông tin Hải Hưng, 1984.

Lịch sử Đảng bộ xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

Văn Hà: Tán Thuật - Bãi Sậy - Khởi nghĩa, NXB Á Châu, Sài Gòn, 1951.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:30:08 am
Sách nước ngoài

Nouveles lettres édifiantes (Những bức thư khuyến thiện mới) Paris, tpaja VIII.

G. Taboulet La geste Française en Indochinoi tomme II, Paris Adrien Maisonneuve 1956.

Fernad Bernad l’Indochine Erruieus et Danger (Đông Dương những sai lầm nguy hiểm), Pariss 1901.

Tập thể sĩ quan Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến 1-1922, Ideo, Hà Nội.

Capitaile Charles Gosselin l’empire d’Annam (Vương quốc An Nam).

A de Miribel; Notice

Pauin Vial: Les premières amnées de la Cochichie, Tomme I Challamel ainée’did, Paris 1874.

Fernand Bernad l’Indochine Errieurs et Danger charpantier, Paris 1901.

Chabrol: Opérations militaires au Tonkin (Những cuộc hành binh tại Bắc Kỳ).

Dulleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc. Hải Dương 12-1932 - Nguyễn Luận dịch bản đnáh máy, Thư viện Hải Dương (phòng Địa chí).

Pouvourille: Etudes colonilès, tomme III; Paris, 1894.

A de Miribel: La Fronnes de Hưng Yên (Lịch sử chiếm đóng Hưng Yên).

Piglowski: Histoire de la Garde Indigène du Tonkin (Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ) Nguyễn Luận dịch, bản đánh máy lưu ở phòng Địa chí thư viện Hải Dương.

Masson: Souvenirs de L’Annam et du Tonkin (Những kỷ niệm ở Trung và Bắc Kỳ), Paris, 1933.

Bonnal: Ở Bắc Kỳ 1872-1881-1886.

Tòa sứ Hưng Yên: La province de Hưng Yên 1/1993 (Tỉnh HưngYên) - Lưu Xuân Hỷ dịch tháng 5/1973, Thư viện Hưng Yên, phòng Địa chí: Vv 042.

Charler Fouriau: Les contacsts Franco Vietnamiens en Annam et au Tonkinde 1885 à 1886 (Những cuộc tiếp xúc Pháp Việt ở Trung và Bác Kỳ từ năm 1885-1896 của Charels Fournia), Ngô Xuân Hòa giới thiệu trong mục “Đọc sách” Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1984.

Paul Isoart: Le phèno national Vietnam mien, xuất bản ở Paris, 1961.

Puginier: Parates et rebelles au Tonkin (No soldas at Yên Thế), NXB. Hachette, Paris 1892.

L. Bonfont: Ba mươi năm ở Bắc Kỳ tập 1, Paris, 1924.

Daufès: La garde indigène de l’Indochine de sa création a nos foures Tomme I, Paris, 1933 (Bảo an binh Đông Dương từ ngày thành lập đến nay, xuất bản ở Paris, 1933).

Officier de la tat Mazor Histoire militaire de Indochinol des débuts à nos jour 1/9122 (Tập thể sĩ quan tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương từ đầu đến tháng 1/1922 Idoe, Hả Nội.

E. Bévin - Au Tonkin Milices et piraterie, NXB Charles lavauzelle Paris, 1891.

Claude Bourrin: Le vieux tonkin le Thêâtre - Le Sport - La Vic mondaine de 1884 à 1889, NXB Aspar, Sài Gòn, 1935.

Trung Pháp chiến tranh tư liệu, quyển VII, Tân Hoa Xã, Bắc Kinh, 1955, Chu Thiên trích dịch. Bản đánh máy, lưu Thư viện quốc gia.


Tiêu đề: Khởi nghĩa Bãi Sậy - Vũ Thanh Sơn
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Năm, 2011, 07:31:20 am
Tạp chí

Đông Dương tạp chí, số 18 ra ngày 11/9/1933 và số 43 ra ngày 12/3/1914.

Tạp chí Sử địa Sài Gòn số 1/1966, số 25 năm 1973.

Tạp chí Nghiên cứ Lịch sử 1961 số tháng 3/1963; số tháng 5,6/1969; số tháng 4/1984.

Lịch sử Quân sự số 46 tháng 12/1889; số tháng 1/1991; số tháng 1/1996; số tháng 4/1998; số tháng 3/1999.

Tạp chí Phố Hiến tháng 5/1998.

Báo

Le Venier du Tonkin tháng 5/1886, tháng 10/1888.

Báo Tương lai Bắc Kỳ: số 15 ra ngày 25/9/1886; số ra ngày 1/2/1888; số ra ngày 8/9/1888; số 126 ra ngày 10/11/1888; số 136 ra ngày 19/1/1889; số 147 ra ngày 6/4/1889.

Báo Tin tức Hải Phòng: số 156 ra ngày 5/4/1888; số 250 ra ngày 7/3/1889, số 258 ra ngày 4/4/1889; số ra ngày 27/2/1890; số 156 ra ngày 5/4/1890.

Công báo

Công báo Đông Dương: Phần II: Trung Kỳ và Bắc Kỳ số 63 tháng 8/1889.

Báo cáo

Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 18/3/1889.

Báo cáo chính trị số 2 ngày 27//3/1889 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương (bản viết tay).

Báo cáo bổ sung của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1889 lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương.

Báo cáo của Thanh tra

Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1890 - bản viết tay

Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1891.

Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương tháng 7-8/1891, bản viết tay.

Báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương số 396 ngày 16/6/1892.

Báo cáo chính trị tháng 3/1891 của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.

Danh sách nghĩa quân Bãi Sậy bị chặt đầu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

Gia phả

Gia phả họ Vũ ở An Xá, xã Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên.

Gia phả họ Nguyễn (Đình) thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, Khoái Châu.

Gia phả họ Vũ ở xã Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên.

Gia phả họ Ngô Quang ở thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Gia phả họ Nguyễn ở thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Gia phả họ Nguyễn Đức ở Mễ Xá, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Gia phả họ Nguyễn ở thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, Ân Thi, Hưng Yên.