Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Văn học chiến tranh => Tác giả chủ đề:: Triumf trong 24 Tháng Năm, 2008, 11:51:21 am



Tiêu đề: Nguyễn Viết Chộp
Gửi bởi: Triumf trong 24 Tháng Năm, 2008, 11:51:21 am
NGUYỄN VIẾT CHỘP

Trần Đăng Khoa

Lão Chộp lại có khách. Chuyện ấy thì chẳng lạ.Nhà lão ngày nào chả rậm rịch khách khứa. Căn nhà nằm ngay bên cạnh con đường chính của lành. Con đường nối ba xóm, dẫn ra cổng đồng. Nhà lão lại có bể nước mưa trong vắt, một nửa chôn chìm xuống dưới lòng đất, nên bốn mùa nước mát lanh, uống đến đâu, mát đến đó. Đang mệt và buồn ngủ, tợp một ngụm là tỉnh queo như sáo tắm. Bởi thế, người ra đồng đáo qua, kẻ về nhà tạt lại, làm chớp nghỉ chân, rồi tiện thể, đánh đãy một gáo dừa, gọi là hưởng tí lộc giời. Nếu không thì cũng sà vào cái chõng tre kê ở hiên nhà, bắn vài điếu thuốc lào. Cái điếu nhà lão là điếu cổ, loại điếu bát, nghe nói có từ đời vua Càn Long ở bên Tàu kia. Thuốc nào nhồi vào đó, hút cũng ngon, cũng ngọt lịm như rót mật vào cổ. Rồi thì say. Say đứ đừ. Say từ ruột say ra, đã hơn cả thuốc phiện, cứ gọi là đê mê từ chân tóc xuống tận kẽ ngón chân. Đời người, mỗi ngày được một choác như thế, có khác gì lên Tiên, lên Phật. Mà Tiên Phật cũng phải gọi bằng cụ. Bởi vậy, nhà lão luôn rục rịch kẻ ra, người vào. Toàn những tiên phật cả đấy. Nhưng ông khách  đến nhà lão Chộp lần này lạ lắm. Không phải người làng. Cũng không phải người ở huyện, ở tỉnh, ở Hà Nội trung ương, mà xa lắm, xa lắm lắm nghe nói mãi tít bên kia Thái Bình Dương. Nghĩa là bên kia trái đất cơ đấy. Đó là ngài Peter Peterson. Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Quái, lão có quen ông ấy đâu nhỉ? Cả đời lão, đến cái tết con cọp này, đã bước vào cái tuổi sáu tám, nhưng lão chưa bao giờ đi ra khỏi làng. Làm sao lão có được ông bạn vàng xa xôi thế, bệ vệ sang trọng đến như thế?


Tiêu đề: Re: Nguyễn Viết Chộp
Gửi bởi: Triumf trong 24 Tháng Năm, 2008, 04:26:52 pm
Thực tình, nói có giời biết đấy, và xin thề trước quỷ thần hai vai, lão Chộp không hề quen ngài đại sứ thượng nghị sĩ Mỹ Peterson. Lão vốn là thợ cày làng An Đoài. Nghề thợ cày là nghề gia truyền từ đời ông bà ông vải để lại. Nhà lão nghèo, lại neo đơn. Lão thuộc hạng độc đinh. Ông cụ thân sinh ra lão gặp phải cái số vất vả về đường con cái. Mà đâu phải chỉ riêng ông cụ. Ai ở cái làng này cũng vất vả đường con cái. Đẻ thì có đẻ. Nhưng khó nuôi. Có nhà đến chín, mười đứa con mà rồi chẳng còn một mống. Đứa leo cây, sa xuống đất: Chết! Đứa rắn cắn: Chết! Đứa trượt chân, rơi tõm xuống ao bèo: Chết! Rồi đứa bị sởi: Chết! Đứa đi chăn trâu, bị cảm nắng, thoạt tiên, đầu chỉ thấy váng vất. Thế rồi cũng lại lăn đùng ra chết. CHết cứ như đùa. Ông cụ thân sinh lão Chộp có đến 5 người con, ba trai, hai gái, trong cứ đều thau tháu, đẹp như tranh vẽ. Chúng chỉ bị đậu mùa nhì nhằng. Vậy mà rồi ai ngờ, chúng cũng lại cướp công cha mẹ, chúng theo nhau đi hết. "Hú ba hồn chín vía cái Gái ở đâu thì về...". "Hú ba hồn bảy vía thằng Buồi Khoăm ở đau thì về với chị, với em nhớ...". "Hú ba hồn chín vía...". Đêm nào, làng cũng cồn lên những tiếng hú hồn như thế. Tiếng hú eo éo, rờn rợn trên những tán cau, bụi chuối đen ngòm, vọng từ cổng đồng vào đến từng ngõ xóm tối sẫm, hun hút mưa phùn gió bấc và rông rốc tiếng chó sủa, rồi lại từ ngõ xóm vòng ra ngoài cổng đồng. Những người đàn bà lớn tiếng, cả hơi đều được sung vào đội quân hú hồn. Thỉnh thoảng cũng có đứa tỉnh lại. Ấy là hồn chưa đi xa, chưa bị lú đường, còn nghe được tiếng hú gọi mà lần về nhập vào xác. Còn nhiều đứa hồn đã lìa, mà không kịp gọi ngay là coi như đi đứt. Chúng đã bị giời bắt. Bà đồng Hỷ khoát tay quả quyết vậy. Bà cụ ở mãi huyện bên, cách làng một thôi đường, một con sông, lại bị mù từ nhỏ, chỉ quanh quản trong cái điện thờ âm u hương khói mà cái gì cũng biết. Cứ như lời bà đồng thì trăm tội đều do ông giời cả. Tại Ngài tất. Ngài đỏng đảnh lắm, tham lam lắm, chỉ muốn có thật nhiều kẻ hầu, người hạ. Cứ đứa nào có tên đèm đẹp là Ngài bắt ngay. Thế là từ đó, đẻ con, người ta cứ thằng cu, cái đĩ mà gọi. Có ông lão làm nghề đánh giậm, đẻ đến 5 cô con gái. Lũ trẻ lau nhau trứng gà, trứng vịt, ăn cơm rau muống, tắm nước ao tù, mầ thấc lên, đẹp như tiên. Da trắng nõn trứng gà bóc. Môi chúm chím, ướt đỏ, trông mát cả mắt. Con gái thị thành cũng chẳng bén gót chân, nhưng đến khi gọi tên thì nghe đến sởn da gà: Ếch, Ộp, Suốt, Suồn, Suột. Ấy vậy mà rồi cũng đâu có thoát khỏi nạn giời. Cô Ếch đội nón ra đi sau một tuần bị chó dại cắn. Khổ! Cũng chỉ tại cô bé có tên là Ếch. Thế thì đích thị là Ngài rồi. Chính Ngài chứ đâu phải chó dại. Biết đâu, Ngài giở tính, lại thèm cái món đồng quê. Thế là khổ con rồi, con ơi! Bà đồng Hỷ bảo thế. Bà đồng đã phán là cấm có sai bao giờ!.