Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Văn học chiến tranh => Tác giả chủ đề:: trauxanh trong 09 Tháng Sáu, 2010, 12:04:04 am



Tiêu đề: Đất miền Đông: Mùa xuân đến sớm
Gửi bởi: trauxanh trong 09 Tháng Sáu, 2010, 12:04:04 am
Tiếp theo Tập 1: Cuộc chiến đấu trên đường 13
CHƯƠNG 14
[/color][/b]

 - Cái bí ẩn của Chiến tranh? Và cái bí ẩn trong Chiến tranh? - Hoàng Việt nhắc đi nhắc lại hai câu đó, rồi tiếp tục dòng suy nghĩ -Hai vấn đề ấy liên quan với nhau, tác động lẫn nhau, có mối quan hệ hữu cơ, nhưng chắc thuộc hai phạm trù. Phạm trù - Hoàng Việt lẩm bẩm và bỗng mỉm cười, mặt ông hơi đỏ lênn một chút, vì thấy mình cũng bắt đầu nói, bắt đầu dùng những danh từ Triết học như Nguyễn Tính, " cây" lý luận của Sư đoàn 267 thường nói và hay cùng. Nhưng rồi Hoàng Việt không cười nữa, bởi lẽ những câu hỏi nảy sinh và những vấn đề của cuộc chiến tranh đang đặt ra là hết sức mới mẻ, hết sức quan trọng. Phải suy nghỉ những vấn đề đó một cách nghiêm chỉnh. Phân tích những câu hỏi vừa nảy sinh, không thể không dùng hai chữ phạm trù. Câu hỏi thứ nhất thuộc phạm trù đường lối chiến tranh, chiến lược chiến tranh. Câu hỏi thứ hai thuộc phạm trù thực hành chiến tranh, vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến tranh.
   
   Hoàng Việt nhìn chăm chú chiếc đài bán dẫn đặt trên bàn tre. Những âm thanhh của người phát thanh viên đài Hà Nội và một đài nước ngoài, như còn văng vẳng trong ngôi nhà là trung quân khá đẹp, ngôi nhà khách của sư đoàn 267. Ở chiến trường sách báo ít, tài liệu tham khảo không có, lượng thông tin nghèo nàn, lại đang ở trong thời điểm vừa xảy ra một sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặc của cuộc chiến tranh – Hiệp định Pari, thì cứ vào mỗi ngày ba giờ, vào ba buổi: buổi sang, buổi chiều và ban đêm, lúc hai mươi mốt giờ ba mươi phút, Hoàng Việt không rời cái đài bán dẫn nhỏ nhãn hiệu So-ny này. Trong những buổi phát thanh tin tức đó, ông lần mò tìm làn sóng của đài Hà Nội, đài Giải Phóng, có đêm ông lần mò tìm làn sóng của đài Anh, đài Mỹ, đài Liên Xô, đài Trung Quốc. Với đài Hà Nội, đài Giải Phóng, ông nghe tin tức, nghe kỹ các điều khoản trong Hiệp định, chăm chú theo dõi và nắm bắt những vấn đề lõi cốt của các bài bình luận, xã luận. Với đài Anh, đài Mỹ, ông nghe những phản ứng và tin tức của phía bên kia. Với đài Liên Xô, đài Trung Quốc ông nghe tin tức của bạn bè. Ông cũng dành ra ba mươi phút để nghe đài Sài Gòn. Nghe xong ông nằm im rất lâu, nắm lại mọi tin tức, sang lọc, lựa chọn , đối chiếu, rồi nghĩ tới cuộc chiến tranh này từ mọi phía, từ những bước đi và sự phát triển của nó. Ông cứ im lặng thao thức như vậy, có đêm tới hai mươi ba giờ, có đem kim đồng hồ chỉ tới ngày hôm sau ông mới chợp mắt. Ông thiếp đi trong vòng ba bốn giờ, rồi lại thức dậy đúng lúc các đài phát thanh trong nước, trên thế giới chuẩn bị phát đi bản tin đầu tiên trong ngày. Thói quen này đã có từ lâu, nhưng khác với trước kia ông toàn nghe bản tin của đài Hà Nội, đài Giải Phóng, tin tức của một vài đài nước ngoài. Chỉ mới hơn một tháng nay, khi Ních –xơn dùng không quân chiến lược ồ ạt ném bơm xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thiệu giảy nảy lên không chịu ký Hiệp định Pari, và mấy ngày nay, khi Hiệp định chung cục đã được ký, đã có hiệu lực, thì ông tăng thêm thì giờ nghe bản tin của nhiều đài phát thanh trên thế giới.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 19 Tháng Sáu, 2010, 05:36:34 pm
-   Cái bí ẩn của chiến tranh?
Hoàng Việt thầm nhắc lại câu hỏi. Câu hỏi nảy sinh một cách tự nhiên sau những buổi nghe tin tức. Ông lại đặt cả hai tay lên thân cây ngang, hai đầu cây buộc chặt vào hai cột nhà, vừa giữ thêm chắc, vừa làm thành dãy lan can bao quanh bốn góc nhà. Ông đưa mắt nhìn qua những đám cây thưa, tới vạt trảng nhỏ đầy cỏ tranh, xen lẫn với những loài cây thấp không tên tuổi. Trảng tranh sát bờ sông Bé. Bên kia sông Bé là chiến khu D nổi tiếng. Hoàng Việt liếc nhìn đồng hồ. Đã hơn bảy giờ chiều nhưng trời vẫn chưa tối. Ông sực nhớ hôm nay là mùng 1 tháng 2, nghĩa là đang tháng giêng âm lịch, đang đầu xuân. “ Ngày tháng giêng ăn nghiêng bồ lúa”. Đúng thế thật. Ngày tháng giêng dài, ở đây, trước mắt ông, khoảng không gian bị rừng cây che lấp trên trảng tranh, tiếp theo là khoảng không gian trên dòng sông Bé, khúc sông này chắc rộng, nên khác với khoảng không gian phía sau lưng ông là những mảng rừng rộng lớn, ở đó bóng tối đã sẫm lại trong các vòm cây, trên cả lối đi. Nhưng ngoài trảng tranh thì vẫn còn sang, gió lao xao đưa đẩy những khóm cây, làm cỏ tranh lã lướt theo chiều gió. Nhiều loài chim màu sắc rực rỡ vừa bay lượn, vừa hót ríu rít. Mỗi loài chim một loại âm thanh. Hoàng Việt có cảm tưởng như chúng đang tập dượt, đang biểu diễn những động tác bay lượn, phức tạp đến mức tinh vi không gì sánh được. Chúng đang thả sức nô đùa, cất lên bản nhạc bất tận trong buổi hoàng hôn hoàn toàn yên tĩnh, để chút xíu nữa, mỗi loài bay tới mỗi phương, về các tổ ấm của mình ở bên hai bờ sông Bé.
Hoàng Việt đưa mắt nhìn lên bầu trời, rồi nhìn rộng ra chung quanh. Thật là một buổi hoàng hôn êm ả, đẹp đẽ và rất hiếm hoi trong chiến tranh! Ông hiểu con người sống trong thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Còn thiên nhiên thì không hẹp hòi, tằn tiện trong việc bộc lộ vẽ đẹp phong phú của mình dành riêng cho con người thưởng thức. Nhưng thiên nhiên trong chiến tranh, đặc biệt trong mắt người lính ở chiến trường lại rất khác, rất lạ. Người lính nhìn bầu trời rồi tự đặt ra bao nhiêu câu hỏi: Trời này có khả năng mưa hay không? Mưa thì chiếc tăng thủng lỗ chỗ vì một trái bom bi nổ gần, sẽ làm cho nước mưa cứ theo đó nhỏ xuống võng, ướt dầm dề, không sao ngủ được. Mưa thì đêm hành quân vô cùng cực nhọc đây, lại không có cách gì xóa dấu vết được. Bầu trời này và những đám mây kia có ảnh hưởng gì đối với tầm nhìn của máy bay địch? Giờ này còn máy bay lên nữa không? Loại gì? Chúng ném bom chổ nào? Và cái nghĩa trang tạm thời nào đó, trong một góc rừng nào đó, có bị bom đạn đào bới lên không? Người lính sẽ đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy đối với bầu trời. Còn mặt đất? – Hoàng Việt gật đầu, tiếp tục dòng suy nghĩ – Mặt đất gần gũi và gắn bó với người lính hơn cả. Mặt đất là toàn bộ địa hình, địa vật, là màu sắc, là cây cỏ, là sông rạch. Địa hình, địa vật là một nửa cuộc sống của người lính ngoài mặt trận rồi còn gì! Người lính yêu thích nhất màu xanh, màu xanh của cây cỏ, màu xanh của rừng. Màu xanh biểu hiện sự sống của thực vật còn tồn tại, còn phát triển. Trong những quần thể của thực vật đang phát triển đó, nếu ở rừng thì có những thứ lá dùng để nấu canh, có thứ củ nuôi sống người, nếu ở đồng ruộng là cây lương thực. Người lính yêu thích màu xanh trên mặt đất, còn bởi màu xanh bảo đảm một phần quan trọng cho sinh mạng của họ. Từ thuở còn làm lính, cho đến khi làm cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, Hoàng Việt hiểu sâu sắc cái cảnh hành quân qua bãi trống, trên đầu, máy bay quan sát vo ve quần đảo, rồi máy bay khu trục hùng hổ lao xuống ném bom. Hoàng Việt thấm thía cảnh trườn bò trên mặt đất khô cháy, không có một vật che khuất, một vật che đở, đạn liên thanh của địch đan chéo trên lưng, dựng tóc gáy, nổi cả da gà. Ôi chao, màu xanh! Thế nhưng trong cuộc chiến tranh thứ hai này, bọn Mỹ đã tưới không biết bao nhiêu chất độc hóa học xuống rừng, đổ không biết bao nhiêu bom đạn xuống đất. Rừng chết không từng dải, lội bộ cả tuần không hết, đất lồi lõm, loang lổ, cháy sém, còn hơn sa mạc. Vậy mà cuối cùng cái nước Mỹ tự khoe là giàu có nhất thế giới, với một quân đội hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, lại thực hiện kế cuối cùng trong tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 21 Tháng Sáu, 2010, 01:48:55 pm
- Cái bí ẩn của chiến tranh?
Hoàng Việt trở lại câu hỏi vừa nảy sinh. Ông vẫn chưa nắm bắt và tập trung tư tưởng vào những vấn đề cốt lõi của câu hỏi. Hể vừa chạm tới câu hỏi thì những gì mắt thấy, tai nghe đang diễn ra, lại hướng luồng tư tưởng của ông chuyển từ cảm nghĩ này sang cảm nghĩ khác.
Bây giờ, bóng tối đã trùm lên khoảng trống, khoảng không gian trên dòng sông Bé trở nên xa vời thăm thẳm. Đêm hoàn toàn yên tĩnh. Hoàng Việt lắng tai, ông nghe được tiếng nước sông Bé chảy ầm ào. Đang là mùa khô nên nước cạn, và hẳn đoạn sông này có ghềnh, có thác, mới có tiếng nước chảy dữ dội như thế. Sông Bé mùa này có đoạn chỉ cần xắn quần lội qua, nhưng đến mùa mưa, dòng sông ngắn và hẹp lượn quanh co giữa đất miền đông này lại rất hung dữ.
Có tiếng động phía sau lưng, Hoàng Việt quay lại, ông thấy cậu chiến sĩ bảo vệ đang thắp đèn. Cậu ta đã bỏ hai cái “cửa sổ” thay vào bằng một cái chao làm bằng bìa cứng chụp xuống đoạn ống thủy tinh, ánh sang không còn đóng khung trong quyển sách đặt trên bàn như trước kia. Ánh sáng đã tỏa rộng ra bốn phía, sang tận chổ ông đang đứng. Người chiến sĩ ngắm quầng ánh sang, cậu ta ước lượng phạm vi và giới hạn cuối cùng của luồng ánh sang. Cậu ta nhìn xung quanh, vẻ mặt suy tính như cân nhắc một vài tình huống có thể xảy ra, rồi quả quyết quay mặt về phía Hoàng Việt, cậu ta hỏi:
- Báo cáo thủ trưởng có sang quá không ạ?
Hoàng Việt hiểu ngay những suy nghĩ vừa rồi của cậu chiến sĩ, ông chưa trả lời câu cậu ta hỏi, ông hỏi lại:
- Ý của cậu thì sao? Có sáng quá không? Và cậu muốn hỏi có sai nề nếp kỷ luật không chứ gì?
- Rõ? – Người chiến sĩ đứng nghiêm, nét mặt tươi trẻ, đôi môi gần như mỉm cười, nói một cách mạnh dạn – Dạ, hiệp định Pari đã được ba ngày, chắc Mỹ - không cho máy bay đi trinh sát ban đêm hay ném bom trộm – Chúng đang lo rút quân về nước.
Hoàng Việt nghe một cách chăm chú ông hỏi tiếp:
- Này, theo cậu Mỹ Thiệu có chấp hành các điều khoản của hiệp định không?


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 26 Tháng Sáu, 2010, 10:12:37 pm
Bây giờ cậu chiến sĩ cười thực sự, đôi mắt sáng ánh lên, cậu ta vừa lắc đầu, vừa nói:
- Dạ, tôi không tin chúng thi hành hiệp định.
- Vì sao?
- Dạ - Vẻ mặt cậu chiến sĩ bổng trở nên nghiêm túc, vừng trán như muốn cau lại, cậu ta ngẫm nghĩ một chút, rồi ngước nhìn vị Tư lệnh bằng tuổi bố mình, cậu ta nói chậm rãi, nhưng rõ rang, dứt khoát – Báo cáo thủ trưởng, sau hiệp định Geneve năm 1954, bố tôi mới được về phép lần đầu, mẹ tôi bảo thế, mẹ tôi sinh tôi tháng 9 năm 1955. Lớn đi học, tôi hiểu hiệp định Geneve quy định sau hai năm là hai miền hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Nhưng Mỹ Diệm trả lời bằng Luật 10/59 đưa máy chém đi khắp miền Nam -  Cậu ta ngưng lại đôi mắt nhìn Tư lệnh Hoàng Việt vẻ thăm dò, rồi nói tiếp – Đáng lẽ tôi nhập ngũ đầu năm 1971, nhưng bố tôi bảo chờ thi tốt nghiệp lớp 10 xong hãy nhập ngũ, đừng để dở dang năm học phổ thông cuối cùng. Thi đậu xong, bố tôi bảo “ Mỹ - Diệm không thi hành hiệp nghị Geneve nên mới có cuộc kháng chiến lần thứ hai này. Bố không đủ sức ra chiến trường nữa. Đến lượt con, con hãy vào Miền Nam với đồng chí, đồng bào” Báo cáo thủ trưởng tôi nhập ngũ tháng 11 năm 1971. Tháng 6 năm 1972 vào chiến trường Miền Đông.
- Thế bố cậu còn ở bộ đội không?
- Báo cáo thủ trưởng, bố tôi là thương binh trong trận Điện Biên Phủ, năm 1956 bố tôi chuyển ngành trong số tám vạn, bây giờ bố tôi làm việc ở ủy ban tỉnh.
- Tám vạn! – Hoàng Việt nhấn mạnh từng chữ rồi nói tiếp- Tám vạn, đúng, có chuyện tám vạn, nhưng cậu có hiểu thế nào không?
Cậu chiến sĩ bảo vệ lắc đầu:
- Báo cáo thủ trưởng tôi không hiểu rõ lắm.
Hoàng Việt đứng lại, tựa lưng vào cột nhà, hai tay khoanh trước ngực, đôi mắt sắc sảo, chăm chú nhìn hai luồng ánh sáng ở hai phía từ cây đèn dầu đặt trên bàn tỏa ra. Như vậy là cuộc chiến tranh giải phóng cho đến nay đã kéo dài hai mươi tám năm, đã hai lần ký hiệp định. Chiều mùng 7 tháng 5 năm 1954, chúng ta bắt sống tướng Đờ Cát cùng một vạn sáu nghìn quân tinh nhuệ của tên đế quốc đã một thời lừng lẫy. Ngày 21 tháng 7 năm 1954 chúng ta ký hiệp định Geneve. Mất chin năm mới giải phóng được nữa đất nước. Rồi Mỹ-Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, tiến hành chiến tranh mộ phiá. Rồi Nghị quyết 15 và cuộc đồng khởi. Rồi chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ. Chúng ta cũng muốn một Điện Biên Phủ thứ hai dành cho đế quốc Mỹ ở Khe Sanh, và cũng muốn một cuộc Tổng tiến công và nỗi dậy trên khắp thị thành thôn ấp toànmiền Nam năm 1968. Nhưng đề quốc Mỹ năm 1968 không như đế quốc Pháp năm 1954. Giôn-xơn đã bắt Bộ quốc phòng và Bộ tham mưu liên quân của hắn ký tên vào bản quyết tâm, không được để Khe Sanh trở thành Điện Biên Phủ đối với Mỹ. Lính thủy đánh bộ Mỹ tình cách chuonf khỏi Khe Sanh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đánh bại về cơ bản quyết tâm chiến tranh của Mỹ. Tuy không thua triệt để, thua hoàn toàn như Pháp năm 1954 ở Điện Biên Phủ, nhưng về ý chí, về quyết tâm, về chiến lược chiến tranh, đối với Mỹ, năm 1968 cũng là thua rồi. Nỗi đau của cái thua đó chưa thể lường, chưa đánh giá hết được, nhưng kết quả trước mắt là Giôn-xơn rút lui, Oét-mo-len về vườn, rồi cuộc hòa đàm Pari khai diễn. Ních-xơn tức tối, điên cuồng lao vào cuộc chiến tranh Việt Nam hóa, biến cả Đông Dương thành một biển lửa. Cuộc chiến tranh mỗi ngày càng ác liệt cho đến tháng ba năm nay – Hoàng Việt khẽ trút một hơi thở dài, tay chắp sau lưng, đầu hơi cúi, ông lại đặt từng bước ngắn trong nhà. Những năm tháng, những sự kiện, những diễn biến của cuộc chiến tranh, trong bối cảnh của thế giới đầy những biến động, đầy những diễn biến phức tạp, lần lượt hiện ra trong óc ông.



Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 27 Tháng Sáu, 2010, 09:11:14 pm
- Cái bí ẩn của chiến tranh?
Hoàng Việt lập lại từng chữ, ông gật đầu – Đúng, mỗi giai đoạn, mỗi bước thăng trầm, mỗi khúc quanh ngặt nghèo, đều là những bí ẩn. Những bí ẩn của chiến tranh không phải một lúc đã được hiểu biết tường tận. Nhưng ngững kinh nghiệm được rút ra từ những sự kiện lịch sử, cùng với trình độ và khả năng hiểu biết của từng người, từng tập thể, trong phạm vi và chức trách của mình, cũng đã có thể có những kết luận rõ rang: Năm 1954 đình chiến, có tập kết quân, đất nước tạp thời chia làm hai miền, năm 1956 hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng Diệm tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến tận vĩ tuyến 17. Năm 1973 ngừng bắn tại chỗ, Mỹ rút quân, có Chính phủ liên hiệp ba thành phần, hòa giải hòa hợp dân tộc. Nhưng Thiệu cũng lại đã bốn lắc, bốn không: không ngừng bắn, không nhượng một tấc đất cho Cộng sản, không Chính phủ ba thành phần, không hòa hợp hòa giải dân tộc. Tối 27 tháng 1 năm 1973, khi nghe xong bài nói chuyện của Thiệu trên đài phát thanh Sài Gòn, Hoàng Việt liền ra lệnh tổ chức ngay một đoàn cán bộ do ông dẫn đầu đi thị sát chiến trường. Ông hiểu câu nói của Diệm năm 1956 và câu nói của Thiệu vừa rồi, bản chất không khác gì nhau, chỉ khác lối nói, cách nói do thực tế tình hình của hai thời gian mà thôi. Hiệp định Pari ký chưa ráo mực, nhưng Thiệu đã cự tuyệt thẳng thừng các điều khoảng của Hiệp định, đã giày xéo lên Hiệp định. Phải chăng đó cũng là cái bí ẩn của chiến tranh về phía địch và địch đã không cần che đậy, giấu giếm, đã bộc lộ ra một cách công khai, rõ ràng? Vậy thì không còn gì phải thắc mắc, băn khoăn, lo nghĩ. Không thể mơ hồ và ảo tưởng, không thể phạm sai lầm.
Hoàng Việt ngồi xuống ghế, uống ly nước trà nguội, dịch chiếc đèn ra một bên, mở xắc cốt lấy bản đồ. Sự diễn biến trong tư duy của người chỉ huy ở chiến trường, bao giờ cũng dẫn đến những ý định và công việc cụ thể. Ông muốn cân nhắc, xét duyệt lại lần nữa thế bố trí của Sư đoàn 267 trên hướng đông đường 13, để chốc nữa trao đổi kỹ với Đàm Lên và Phan Nguyên.
 Tấm bản đồ chưa kịp mở Hoàng Việt đã nghe tiếng bước chân từ ngoài xa, rồi cậu chiến sĩ bảo vệ hiện ra, đứng nghiêm trên bậc thềm:
- Báo cáo thủ trưởng, có các thủ trưởng của sư đoàn tới làm việc.
- Được – Hoàng Việt quay mặt ra phía ngoài gọi to – Vào đi các đồng chí.
Cậu chiến sĩ bảo vệ nhanh nhẹn lấy phích rót nước sôi vào ấm trà, rót trà ra bab cái ly thủy tinh xinh xinh, rồi lại biến ra ngoài. Cậu tiếp tục làm nhiệm vụ của mình: chiến sĩ bảo vệ.
Đàm Lê và Phan Nguyên cùng bước lên bậc thềm. Cả hai đứng nghiêm. Đàm Lê lên tiếng trước:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh chúng tôi có mặt.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 01 Tháng Bảy, 2010, 11:11:06 pm
Hoàng Việt đứng dậy chỉ chiếc ghế đối diện, ông cười, nước da nâu trên mặt dường như sáng lên, ông hỏi:
- Trong tình huống này, ai là chủ, ai là khách đây, hả? Đàm Lê phát biểu trước đi.
Đàm Lê ngồi xuống ghế, ông gãi đầu, thói quen mỗi khi lung túng, còn Phan Nguyên thì đi loanh quanh xem lại ngôi nhà. Thấy vậy, Hoàng Việt hỏi:
- Làm cái nhà này mất bao nhiêu công, bao nhiêu thời gian?
- Báo cáo đồng chí tư lệnh – Đàm Lê nhẩm tính rồi nói tiếp – mất bốn mươi công.
Hoàng Việt xua tay, lắc đầu:
- Cậu nói vậy ai mà hiểu được cụ thể. Bốn mươi người làm trong một ngày cũng là bốn mươi công, mười người làm trong bốn ngày cũng là bốn mươi công. Phải tính công theo cách tính quân sự, cách tính trong  tranh.
Đàm Lê nhận ra ngay thiếu sót của mình. Quả tình ông không nắm được thật cụ thể, chỉ áng chừng, ông hiểu lối nói của tư lệnh, ông thay đổi cách xưng hô:
- Báo cáo anh Ba, thời gian ba ngày, còn nhân lực có ngày mười, có ngày mười lăm. Mất nhiều thì giờ ở khâu tìm lá trung quân, rồi ken, rồi lợp, còn đào hầm, cưa cây thì nhanh thôi. Anh em đề nghị cắt tranh ngoài trảng, nhưng chúng tôi không cho, ở một vùng rừng không có dân, một trảng tranh đột nhiên bị cắt sạch, có ngu dại đến đâu, địch cũng kết luận là có Việt Cộng.
- Đúng!
Phan Nguyên đã ngồi vào bàn, ông chen vào khoảng khắc im lặng, giọng nhỏ nhẹ:
- Báo cáo anh Ba, thế nhưng lại có ý kiến bảo bộ đội làm nhà ngoài trảng, có hàng, có lối, có sân bóng đá, nghĩa là ăn ở như thời bình.
Hoàng Việt nhíu mày nhìn Phan Nguyên:
- Ý kiến hay chỉ thị?
- Báo cáo anh Ba gọi là chỉ thị cũng không sai, vì ý kiến đó nằm trong văn bản đánh máy, chúng tôi đã đọc rất kỹ từng câu, từng chữ, chúng tôi chỉ tìm thấy hai chữ có thể.
- Và các cậu nắm lấy hai chữ có thể để vận dụng vào hoàn cảnh của đơn vị mình?
- Rõ!
- Tôi phản đối ý kiến cho bộ đội làm nhà ngoài bãi trống, làm nhà có hàng, có lối – Hoàng Việt nói ngay, giọng như đang tranh luận – Thật là mơ hồ, thật là ảo tưởng và hình thức chủ nghĩa. Hiệp định ký rồi nhưng Thiệu đáp lại bằng bốn lắc, bốn không. Cái không đầu tiên của hắn là không ngừng bắn, nghĩa hắn muốn chiến tranh và sẽ tiếp tục chiến tranh. Cái không thứ hai là không nhường một tấc đất cho Cộng sản, nghĩa là hắn sẽ xua quân đánh chiếm những thôn ấp vừa giải phóng, hoặc được giải phóng từ lâu, sẽ đánh chiếm những đoạn đường chiến lược bị ta chia cắt. Như vậy bộ đội làm nhà ngoài bãi trống, có hàng có lối sao được. Những người viết chỉ thị quên mất bốn chữ  “ bí mật quân sự’’ rồi sao? Trong thời bình, bí mật quân sự đã là bí mật quốc gia rồi, huống hồ chúng ta đang ở chiến trường, đang đối đầu với địch – Hoàng Việt lắc đầu – Không, bộ đội vẫn ăn ở theo nề nếp cũ, tuyệt đối không lơi lỏng, không mất cảnh giác.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 25 Tháng Bảy, 2010, 07:08:10 pm
Dừng lại ngẫm nghĩ một lát, Hoàng Việt nói tiếp:
- Với nhà cửa của nhân dân ở những nơi vừa mới giải phóng thì được. Đó là những điểm dân cư trước dây địch kiểm soát, có trước trên thực địa và có sẵn trên bản đồ. Chúng ta phải có kế hoạch xây dựng hậu phương tại chỗ, xây dựng thế ăn ở hợp pháp giúp nhân dân, vận động nhân dân tăng gia, sản xuất, kể cả việc vui chơi, thể dục thể thao. Cái sân bóng mà các đồng chí vừa nói, tôi cho là nên có ở các vùng đó. Còn các vùng đóng quân của đơn vị thì không được. Thiệu đã bộc lộ tâm địa của hắn, nhưng chưa ra tay dâu, vì cả hai phía đều đang trao trả tù binh, Mỹ đang rút quân. Nhưng sau mấy mươi ngày thì sẽ làm mạnh đấy. Hồi 57, 58 thằng Diệm lê máy chém đi cùng miền Nam. Đó là một bài học đau đớn, một kinh nghiệm lịch sử. Bây giờ, không cần phải hai năm như thằng Diệm, mà chỉ sau nửa ngày, một ngày, thằng Thiệu đã lăm le dùng bom đạn rồi. Chuyện Chính phủ ba thành phần là chuyện sách lược, là một trong những phương pháp và bước đi của cách mạng. Chuyện đó là của trên, đã có trên lo nghĩ. Còn chúng ta, những người lính ở chiến trường, từ người chiến sĩ đến người chỉ huy, đang đối diện với địch, chúng ta chỉ có hai câu hỏi và hai câu trả lời: Điịch đang là gì? Chúng sẽ làm gì nữa? Hai câu hỏi đó đặt ra chung cho mọi người, chung cho mọi cấp. Mỗi người, mỗi cấp, theo phạm vi, chức trách và quyền hạn, phải tự tìm ra câu trả lời sớm nhất, chính xác nhất. Chúng ta không phải chờ đợi. Hàng ngày Thiệu đang đẩy quân đi lấy chiếm khắp nơi đó.
Hoàng Việt bổng mở ngăng thứ hai của xắc cốt, lấy ra một tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, ông lật tìm bức ảnh, rồi đưa trang báo có bức ảnh ra trước mặt Đàm Lê và Phan Nguyên. Ông nói:
- Các cậu xem kỹ đi. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng sư trưởng sư 5 và Đại tá Trần Văn Nhật Tỉnh trưởng tỉnh Bình Long sau ba tháng tử thủ ở An Lộc đấy. Chúng nó chỉ còn là một cái xác chứ đâu phải người. Lũ lính tử thủ ở An Lộc đều như thế. Vậy mà chúng nó đâu có đầu hàng, đâu có buông súng. Mình vẫn cứ nghĩ về cuộc đọ sức ở Tàu Ô. Nếu không vu hồi được xuống Bàu Lòng, thì làm sao Quân đoàn 3, làm sao Lê Văn Tư chịu nhả cái Tàu Ô ra? Những thực tế nóng hổi, sinh động đấy không đủ để kết luận và chứng minh bản chất của bọn ngụy quân, ngụy quyền sao? Thằng Thiệu hò hét chiến tranh, bốn lắc, bốn không, nhưng thằng Mỹ có phản ứng gì đâu. Bọn Mỹ đang vừa rút quân, vừa ùn ùn đổ vũ khí vào miền Nam. Chúng đang tranh thủ từng ngày. Hãng Roi-tơ bảo đó là kế hoạch tăng cường cộng. Nghĩa là đã tăng cường rồi, nhưng bây giờ tranh thủ cộng thêm. Thật không khảo mà xưng. Tâm địa Mỹ - ngụy rõ như ban ngày.
Hoàng Việt đứng lên, ông cởi hai cúc áo sơ mi, lấy khăn lau mồ hôi trán, tiện tay lau quanh cổ, ông phe phẩy chiếc khăn và hỏi:
- Còn các đồng chí? Các đồng chí có theo dõi tình hình không? Các đồng chí nghĩ gì về tình hình hiện nay? Các đồng chí nghĩ gì về Hiệp định? Nào Phan Nguyên, đồng chí nói trước đi.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 04 Tháng Tám, 2010, 10:26:57 pm
Phan Nguyên ngước mắt nhìn Tư lệnh Hoàng Việt với ánh mắt thông cảm, tin tưởng, trung thực, ông nói:
- Báo cáo đồng chí Tư lệnh, chúng tôi luôn theo dõi tình hình, các bộ phận có trách nhiệm nắm tin tức địch làm việc liên tục. Chúng tôi đã thảo luận và tranh cãi. Chúng tôi nhất trí chỉ thị cho bộ đội trong toàn sư đoàn giữ nguyên mọi nền nếp đã được rèn luyện và thực hiện trong chiến tranh, kể cả việc ăn ở. Trong khi chờ đợi tài liệu học tập chính thức của trên gửi xuống, chúng tôi soạn ngay một tài liệu phổ biến cho an hem, để kịp thời ổn định tư tưởng, xác định phương hướng.
- Tài liệu gì thế?
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, chúng tôi dựa vào bài thơ mừng Xuân Kỷ Dậu 1969, bài thơ Xuân cuối cùng của Bác.
- À, toi nhớ rồi – Hoàng Việt nói ngay, nét mặt sáng lên, ông vừa mừng, vừa xúc động, ông đọc to:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Hoàng Việt vừa dạo vừa nói tiếp, giọng trở nên bùi ngùi, xa xăm.
- Ngày được tin Bác mất tôi đã khóc, khóc to như một đứa trẻ, khóc suốt mấy ngày. Cứ nghĩ đến bác, đến cuộc đời Bác, những lời dặn dò, dạy dỗ của Bác, những kỷ niệm mỗi lần gặp Bác, là nước mắt lại trào ra, không sao ngăn được. Vị thống soái tối cao của quân đội, của dân tộc đã thể hiện đường lối chiến tranh, chiến lược chiến tranh, đã tiên đoán một cách biện chứng kết quả cuối cùng của chiến tranh bằng những câu thơ hết sức rõ rang, hết sức giản dị. có phải cái gì đạt tới chân lý thì cũng đồng thời đạt đến sự cô đọng và giản dị, giản dị đến mức người bình thường cũng hiểu được? Thiên tài của Bác còn ở chỗ Bác đã gói gọn đường lối, chiến lược, sách lược, nghệ thuật tiến hành chiến tranh và kết thúc chiến tranh trong một bài thơ Xuân! Đến bây giờ, chúng ta có thể thưa với Bác, chúng ta đã làm được một nữa nhiệm vụ mà Bác dặn dò. Tức là đánh cho Mỹ cút. Còn một nữa nhiệm vụ kia, thì tình hình đã quá rõ rang. Thiệu bốn lắc, bốn không, chúng ta không có cách nào khác là dùng sức mạnh tổng hợp của chúng ta để đập lại và cuối cùng tiêu diệt chúng. Các đồng chí đã đúng, đã sáng tạo khi dùng bài thơ Xuân của Bác làm cốt lõi cho tài liệu học tập kịp thời. Trong buổi giao thời của những giai đoạn chiến lượt, người ta rất dễ ngộ nhận, rất dễ mơ hồ và ảo tưởng. Những sai lầm đó sẽ dẫn tới hậu quả tai hại. Vấn đề còn có thể có ý kiến này nọ, có thể có sự tranh cãi, nhưng thực tế chiến trường có sức thuyết phục rất lớn, bởi lẽ, âm mưu của địch không chỉ là âm mưu, âm mưu sẽ được thể hiện ra bằng kế hoạch, kế hoạch sẽ được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trên chiến trường. Và chúng ta, những người đầu tiên nhìn thấy những hành động cụ thể đó của địch. Vì thế phải có sẵn mọi kế hoạch để đánh bại những hành động cụ thể đó của địch. Ở đây, trong những trường hợp cụ thể không có vấn đề sách lược. Các nhà kinh điển nói rồi “ Một lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh bại bởi một lực lượng vật chất khác mà thôi! ”. Không còn nghi ngờ gì nữa.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 17 Tháng Tám, 2010, 12:00:44 am
Chờ Hoàng Việt ngừng lời, Phan Nguyên tiếp tục nêu những suy nghĩ của mình:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, chúng tôi nhất trí hoàn toàn những ý kiến của đồng chí. Vấn đề chúng tôi đang tìm hiểu, đang tiếp tục suy nghĩ là, tại sao Thiệu lại phun ran gay lập tức những điều gay gắt như vậy? Một con người làm chính trị, dù là chính trị phản động đi nữa cũng không đến mức ngu dại như thế. Hay hắn quá tin vào sức mạnh được tăng cường của quân đội ngụy? Hay hắn quá sợ đối phương, vì nghiên cứu kỹ những điều khoản trong Hiệp định, thì Hiệp định có khác gì lưỡi gươm kề bên cổ Thiệu, nên hắn liều mạng ra tay trước, theo kiểu được ăn cả, ngã về không?
Phan Nguyên nhấp một ngụm nước, nói tiếp:
- Chúng ta thiếu tư liệu, tài liệu về phía địch, nên thường hiểu chúng nó không đầy đủ, kịp thời.
Hoàng Việt gật đầu:
- Vấn đề đó tôi cũng đang nghĩ, nhưng chưa có cơ sở để giải thích rõ rang, tính thuyết phục chưa cao. Đúng, chúng ta ít tài liệu về địch quá, rồi chúng ta phải tìm mọi cách moi cho ra nội tình bên trong của chúng nó thôi. Rõ rang Thiệu không huênh hoang, những điều hắn nói đều có cơ sở, và nói đúng với nội tình của chúng nó.
Từ nãy đến giờ Đàm Lê vừa lắng nghe, vừa xem lại bản đồ. Ông  đang chuẩn bị trả lời những câu hỏi của tư lệnh, nhưng ông cũng chưa đoán được tư lệnh sẽ hỏi về vấn đề gì.
Hoàng Việt nhìn sang Đàm Lê, ông nhớ tới những công việc phải bàn, ông ngồi xuống ghế, hỏi ngay:
- Có tin tức gì về Trung đoàn 65 không? Các tiểu đoàn của nó đứng ở đâu? Trung đoàn bộ đứng ở đâu? Tiếp tế có gặp khó khăn gì không?
Không ai bảo ai, cả ba người chỉ huy cùng nhấc kính lên. Hoàng Việt vặn to ngọn đèn, xoay luồng ánh sáng chiếu vào bản đồ, ông chăm chú nhìn theo dấu bút chì của Đàm Lê đang đặt trên từng tọa độ.
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, Trung đoàn 65 đứng đúng những nơi quy định, các tiểu đoàn đứng ở Bình Cơ – Bình Mỹ chia cắt lộ 16. Mấy ngày nay cả hai bên đều có nổ súng, nhưng như anh em nói, chỉ lẹc xẹc thôi. Ta đang ổn định thế đứng, địch đang bố trí lại lực lượng, nhưng việc cả hai bên bắt đầu hầm hè đã biểu hiện rất rõ – Đàm Lê dừng đầu bút chì trên tỉnh lộ 16 đoạn cua “Pari”, ông nói tiếp – Vấn đề quan trọng nhất để Trung đoàn 65 đứng được lâu dài ở vùng này là hành lang tiếp tế. Chúng tôi đã cho trung đoàn lập hậu cứ ở nam sông Bé. Trước mắt, hành lang tiếp tế cho Trung đoàn 65 vẫn qua ngã tư giao liên. Nhưng để đề phòng địch bịt ngã tư này, chúng tôi đã chuẩn bị đường thứ hai qua nam Bàu Chư xuống bắc sông Bé. Sơm muộn chiến sự cũng sẽ ác liệt ở vùng đường 16.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 22 Tháng Tám, 2010, 04:19:49 pm
Hoàng Việt gật đầu, ông chỉ tay vào đoạn đường ấy nói tiếp ý kiến của Đàm Lê mà ông đã đoán ra:
- Sư đoàn 5 sẽ hành quân giải tỏa đoạn đường này, thậm chí đóng đồn bốt ở ngã tư giao liên để bịt, cắt hành lang tiếp tế của Trung đoàn 65. Đúng, Quân đoàn 3 ngụy sẽ rất khó chịu khi một trung đoàn của ta thọc sâu uy hiếp sườn Lai Khê – Bến Cát, uy hiếp Tân Uyên, và hai điều “không” đầu tiên của Thiệu trước sau sẽ diễn ra ở vùng Trung đoàn 65 đang đứng. Có đúng vậy không?
- Rõ! – Đàm Lê ngước nhìn Hoàng Việt như chờ đợi ý kiến tiếp của tư lệnh, nhưng ông đoán tư lệnh sẽ chuyển sang vấn đề khác, ông vội nói hết suy nghĩ của mình:
- Nếu như chúng ta tiêu diệt được chi khu Phú Giáo, tiêu diệt được đồn bảo an bảo vệ cầu Phước Hòa, vây chặt căn cứ Phước Vĩnh, thì Trung đoàn 65 sẽ đứng rất ung dung, và sự uy hiếp sườn phía đông vùng Lai Khê – Bến Cát sẽ có hiệu quả cao.
Hoàng Việt bỗng cười, hỏi lại Đàm Lê:
- Đồng chí quên mất ngày tháng rồi sao? Quên mất sự kiện gì vừa xảy ra rồi sao? Hôm nay là mồng 1 tháng 2, Hiệp định Pari có hiệu lực đã được ba ngày – Ông nhìn Đàm Lê với đôi mắt thông cảm, nói tiếp:
- Đợt III chiến dịch năm 1972 chúng ta đã thọc sâu xuống tận Lái Thiêu bên này và Tân Phú Trung bên kia, nhưng địch đâu có chịu để chúng ta đứng ở những nơi quan trọng đó. Chúng phản kích quyết liệt, chúng ta phải rút về vùng của mình, thành quả giao lại cho các lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục khai thác. Kế hoạch tạo thế và tạo thời cơ trên hướng bắc Sài Gòn này có rất nhiều mục tiêu cần diệt: Dầu Tiếng, Chơn Thành, Phú Giáo. Các chi khu quận lỵ ấy án ngữ cửa ngõ vùng trung tuyến, tiêu diệt được các nơi ấy coi như chúng ta đã hãm thành đối phương, thọc gươm vào ngực Sài Gòn rồi còn gì.  Địch biết vậy, ta cũng biết vậy, nhưng đúng như ông cha ta đã nói: ” lực bất tòng tâm”. Sau một năm ròng rã chiến đấu, sức lực ta cũng hao mòn, Sư đoàn 290 vẫn phải bao vây An Lộc, không thể để bọn chúng sổng chuồng, làm trời làm đất, còn Sư đoàn 250 hiện đang ở Mộc Hóa – Kiến Tường. Vùng bắc Sài Gòn này còn lại các đồng chí và trung đoàn đặc công 49. Chúng tôi đã loại mục tiêu Chơn Thành ra, chọn mục tiêu Phú Giáo và Dầu Tiếng. Cả hai mục tiêu đều có tầm chiến lược quan trọng. Chọn Phú Giáo thì phải giải quyết luôn căn cứ Phước Vĩnh, sức các đồng chí không làm nỗi cả hai, nên cuối cùng chúng tôi chọn mục tiêu Dầu Tiếng. Giải phóng được quận lỵ, chi khu Dầu Tiếng, chúng ta nối liền vùng giải phóng phía bắc Sài Gòn với Củ Chi, Trảng Bàng phía tây bắc Sài Gòn. Dầu Tiếng trơ trọi hơn Phú Giáo, bọn địch muốn phản kích chiếm lại cũng khó. Nhưng như đồng chí đã biết, trong chiến tranh không phải lúc nào sự việc cũng diễn ra  thuận theo ý muốn chủ quan của mình. Trước ngày ký Hiệp định, Thiệu xua quân lấn chiếm vùng Long Nguyên. Kế hoạch tiêu diệt Dầu Tiếng phải bỏ. Các đồng chí quay lại tiên diệt Chiến đoàn 8 đã thọc sâu vào vùng ruột Long Nguyên.
 Hoàng Viêt đăm đăm nhìn hai người chỉ huy cấp dưới với ánh mắt ấm áp,, tin cậy, ông nói tiếp điều đã được suy ngẫm kỹ càng:
- Ở thời điểm cuối của mỗi giai đoạn chiến tranh, mỗi bên đều ra sức dành lấy hiệu quả và thắng lợi cao nhất về mình. Nhưng cuối cùng, mỗi bên đều phải chấp nhận cái thực trạng khách quan do sự so sánh lực lượng và kết quả chỉ huy, kết quả chiến đấu của bộ đội mình đem lại. Cái điều phải làm và làm thật tốt đối với chúng ta là, trên cơ sở thực trạng khách quan này, chúng ta củng cố và khai thác những thuận lợi như thế nào? Chúng ta khắc phục những khó khăn như thế nào, để giữ vững và phát huy thế trận – Hoàng Việt cuối xuống bản đồ, đôi mắt mở to sau chiếc kính lão, ông nhìn rất lâu vào vùng Trung đoàn 65 đứng chân, ông nghiêm trang, bình tĩnh nói tiếp như đã lượng định trước mọi tình huống sẽ diễn ra:


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 02 Tháng Chín, 2010, 08:28:18 pm
- Trước mắt và cho đến hết năm 1973, Trung đoàn 65 vẫn phải bám giữ địa bàn hiện nay. Các đồng chí cần có ngay những cuộc họp với tỉnh ủy, tỉnh đội Bình Dương để thảo luận tình hình, phối hợp hoạt động. Đặt hậu cứ của Trung đoàn 65 ở nam sông Bé là đúng, đến một lúc nào khó khăn, Trung đoàn 65 sẽ phải rút về đứng chân ở đó. Dù vậy, nhiệm vụ của nó vẫn phải đánh phá con lộ. Cắm được một trung đoàn chủ lực ở vùng đường 16, là chúng ta tạo được sức ép thường xuyên với Lai Khê – Bến Cát – Tân Uyên, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng địa phương, đồng thời làm chỗ dựa cho pháo binh và đặc công, uy hiếp Biên Hòa. Vì vậy, khó mấy cũng phải khắc phục để bám trụ bằng được. Hướng lộ 13, hai sư đoàn của ta đã thiết lập trận địa vững chắc ở hai bên đường rồi, bọn địch không dám lao vào con đường chết đó – Hoàng Việt lại cúi xuống bản đồ, ngón tay lần tìm một đoạn đường khác – Đây, chúng sẽ tập kết quân ở căn cứ Phước Vĩnh để phản kích chiếm lại đoạn đường dài hai mươi lăm cây số: Phước Vĩnh – Đồng Xoài. Bọn địch đang tức tối và đau đớn vì chúng ta đã nhanh chóng đánh chiếm đoạn đường trọng yếu này, làm cho chúng không kịp trở tay. Cắt vĩnh viễn, làm chủ vĩnh viễn đoạn đường này, chúng ta đã làm cho Đồng Xoài và toàn bộ tỉnh Phước Long bị cô lập. Muốn tiếp tế cho tỉnh Phước Long, bọn địch, hoặc dùng đường không, hoặc từ Sài Gòn đi ra Buôn Ma Thuật rồi vòng xuống. Tốn kém lắm! Từ trước đến nay, đoạn đường duy nhất nối liền Phước Long với Sài Gòn này chưa hề bị cắt. Trong chiến dịch năm 1972 trên đoạn đường này không có chiến sự, bọn địch đã dùng nó tiếp tế cho Chơn Thành.  Bây giờ đột nhiên bị đối phương đánh chiếm và cắt đứt thì đau lắm. Chúng sẽ đánh chiếm lại. Không lâu đâu, những trận đánh lớn, nhỏ sẽ diễn ra ở bắc Phước Vĩnh. Trung đoàn 11 của các đồng chí đứng ở đấy là hay, là tốt rồi. Phải thiết lập trận địa chốt thật vững chắc ở cả hai phía: bắc Phước Vĩnh và nam Đồng Xoài. Nhưng cách đánh thì phải khác, không giống như Tàu Ô năm 1972. Phải chọn trước trận địa đánh vận động. Khi bọn địch hành quân giải tỏa đường là phải tiêu diệt gọn ghẽ, triệt để, đánh cho chúng phải sợ, phải gờm, phải bỏ quyết tâm thông đường. Các đồng chí cắt và chiếm vĩnh viễn đoạn đường trọng yếu này là tạo ra một trong những tiền đề cho trên nghĩ tới việc giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long khi có thời cơ – Ông nhìn Phan Nguyên rồi nhìn Đàm Lê – Các đồng chí có nắm được ý tôi nói không?
Đàm Lê đưa mắt hỏi Phan Nguyên rồi nói:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, đảng ủy sư đoàn cũng đã nghiên cứu và thảo luận những vấn đề về quân sự như đồng chí vừa nói. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí – Đàm Lê chỉ đầu bút chì vào vị trí đứng chân của Trung đoàn 29 rồi nói tiếp – Để đảm bảo đánh tiêu diệt triệt để quân lấn chiếm đoạn đường đó, lúc cần, chúng tôi đề nghị Bộ tư lệnh mặt trận cho cơ động một phần lực lượng của Trung đoàn 29 vượt sông Bé sang bên đó.
- Đồng ý – Hoàng Việt nói nhanh – Ngay từ bây giờ phải chuẩn bị sẵn các phương tiện vượt sông, đường hành quân, kế hoạch phối hợp chiến đấu,và cả trận địa tiến công nữa.
Hoàng Việt lại đứng dậy lấy khăn lau mồ hôi, những lúc tập trung tư tưởng cao độ, suy nghĩ căng thẳng, ra những mệnh lệnh quan trọng, mồ hôi thường vã ra, lau xong ông vừa như đi dạo vừa nói:
- Hiệp định Pari đã ký, trên danh nghĩa đã có hòa bình. Nhưng đối với chúng ta, những người lính ở chiến trường chưa có hòa bình đâu. Phải dứt khoát điều đó trong nhận thức từ người chỉ huy đến người chiến sĩ, để khi chiến sự có nổ ra – Ông nhấn mạnh – tôi tin sớm muộn cũng sẽ nổ ra – tất cả chúng ta đều không bỡ ngỡ, không dao động, không vấp váp.
Sực nhớ tới một việc quan trọng, ông hỏi ngay:
- Này, Trần Thơ và những cán bộ làm nhiệm vụ Liên hợp bốn bên đã đi chưa?
Phan Nguyên đáp:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh, an hem đã đi trước ngày ký Hiệp định?
- Liên hợp bốn bên, rồi hai bên chưa biết diễn biến thế nào, trước mắt các đồng chí không có tham mưu trưởng.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 04 Tháng Chín, 2010, 11:32:42 am
Phan Nguyên tiếp ngay:
- Phòng tham mưu sư đoàn hiện có đồng chí Hữu Tư là tham mưu phó, nhưng một phần vì sức khỏe, một phần vì trình độ, khả năng, nên cả năm 1972 chúng tôi giao cho đồng chí Hữu Tư phụ trách phía sau. Bây giờ đồng chí Hữu Tư đang chỉ huy một bộ phận cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn làm nhiệm vụ trao trả tù binh ở Minh Hòa. Chúng tôi định đề nghị trên bổ nhiệm đồng chí Đoàn Vũ trung đoàn trưởng Trung đoàn 29 đảm nhiệm chức vụ đó.
- Đúng – Hoàng Việt gật đầu nói to – Rất đúng, Đoàn Vũ xứng đáng và đủ khả năng đảm nhiệm chức tham mưu phó sư đoàn. Tôi tin bộ chỉ huy chiến trường chấp nhận và có quyết định ngay khi chúng ta đề nghị. Nhưng còn Nguyễn Tính? Bên phòng chính trị của các đồng chí có thiếu người không? Đã nên bổ nhiệm Nguyễn Tính lên chức phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn chưa? Ý kiến đảng ủy thế nào?
Phan Nguyên nhìn Tư lệnh Hoàng Việt với vẻ hơi ngạc nhiên, thứ ngạc nhiên do nỗi vui mừng và thông cảm tạo ra. Trước khi cắp xắc cốt cùng Đàm Lê lên làm việc với tư lệnh, ông cũng chưa hình dung được là công việc sẽ bắt đầu từ đâu và sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đến lúc này, những công việc quan trọng đều đã đi vào và diễn ra một cách tự nhiên. Trên dưới hoàn toàn nhất trí, ông uống cạn ly nước rồi tiếp tục trình bày ý kiến của đảng ủy:
- Báo cáo đồng chí, đảng ủy chúng tôi cũng đã cân nhắc và thảo luận về trường hợp Nguyễn Tính. Chúng tôi nhất trí để Nguyễn Tính ở cương vị cũ một thời gian nữa. Một là bên phòng chính trị còn đủ ba đồng chí, một chủ nhiệm, hai phó chủ nhiệm, điều lên là thừa, trong khi đó ở dưới thiếu người chủ trì. Người có thể thay Nguyễn Tính là chủ nhiệm chính trị Lê Hòa đã ra Bắc học dài hạn, đồng chí phó chủ nhiệm hiện nay chưa đủ sức. Với Trung đoàn 29 sau một trăm năm mươi ngày đêm ở Tàu Ô, cũng đã có những vấn đề nảy sinh cần quan tâm, một lúc điều cả hai người chủ trì đi, chúng tôi thấy không có lợi. Còn cá nhân đồng chí Nguyễn Tính cũng cần phải được tiếp tục rèn luyện trong thức tế. Hơn một năm qua, sự phát triển của đồng chí ấy không được đều, không được chắc.
Hoàng Việt đứng lại nhìn Phan Nguyên:
- Ai sẽ thay Đoàn Vũ làm Trung đoàn trưởng?
- Báo cáo tư lệnh, đồng chí Nhân trung đoàn phó. Sau trận đánh chiến đoàn 52 hồi đầu chiến dịch, đồng chí Nhân bị thương, cuối chiến dịch mới về. Nhân dũng cảm hăng hái, nhưng trình độ cũng có hạn.
- Tôi nhớ có lần các đồng chí định đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng phải không?
- Báo cáo đồng chí, chúng tôi có ý định đó – Đàm Lê trả lời ngay, vì ý kiến đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng là do Đmà Lê đề xuất, bây giờ ông thấy đây là trườn hợp tốt nhất giải bày những kinh nghiệm đã rút ra – Lê Nhu có khả năng và xứng đáng là một trung đoàn trưởng, nhưng chúng tôi nghiệm thấy trong chiến đâu, đối với một sư đoàn, do vị trí chức năng của nó, một trưởng ban tác chiến yếu kém về trình độ và khả năng thì thật là tai hại. Chúng tôi đã xét kỹ từng trung đoàn phó, từng tiểu đoàn trưởng và cả những trợ lý trong ban tác chiến, kết hợp với tình hình phức tạp trong giai đoạn giao thời này, nên chúng tôi chưa muốn đề nghị đưa Lê Nhu xuống làm trung đoàn trưởng. Chúng tôi đang tìm một đồng chí phó ban để kèm cặp dần – Ngừng một chút để nhớ lại công việc, Đàm Lê nói tiếp – Trên chỉ thị sư đoàn tiến hành tổng kết chiến dịch tiến công năm 1972, đặc biệt tổng kết chuyên đề chiến dịch chốt chặn trên đường 13. Lê Nhu xuống phụ trách đơn vị, chúng tôi gặp khó khăn trong tổng kết. Đảng ủy chúng tôi đã bàn về đề nghị trên đề bạt Lê Nhu lên chức tham mưu phó sư đoàn, trực tiếp làm trưởng ban tác chiến.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 06 Tháng Mười, 2010, 03:46:55 pm
Hoàng Việt lắng nghe, ông lặng lẽ suy nghĩ. Cả Đàm Lê và Phan Nguyên đang suy nghĩ. Mõi người đều thấy mình đang đứng trước những vấn đề hệ trọng: xem xét, cân nhắc từng cán bộ để quyết định đề bạt, thuyên chuyển hay không đề bạt, thuyên chuyển cán bộ. Đây là một vấn đề then chốt trong việc xây dựng quân đội. Hiểu được, hiểu đúng cán bộ, đánh giá đúng lập trường, đạo đức, năng lực và khả năng phát triển của từng cán bộ, sắp xếp cán bộ cho đúng vị trí, để họ có điều kiện phát huy hết năng lực, là chuyện rất khó. Xưa nay con người là đối tượng khám phá của các ngành khoa học, của văn học nghệ thuật. Mỗi con người là một thế giới bí ẩn. Trong việc đánh giá con người, cân nhắc, đề bạt cán bộ, đã có thời gian, đã có lúc ở cấp này, cấp kia, phạm phải những sai lầm như thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, thành phần chủ nghĩa, địa phương cục bộ …. Bản thân ông, trong quyền hạn và chức trách, ông cũng đã từng cầm bút ký quyết định đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, thuyên chuyển cấp dưới. Ông cũng chưa hiểu hết tình hình và có gì bảo đảm là ông không mắc những trường hợp chưa đúng nào đó? Đảng nói “ Cán bộ quyết định hết thảy” . Không thể khác được dù đó là cán bộ tiểu đội hay cán bộ trung đoàn, sư đoàn.  Bảo thủ, chủ quan, tự mãn, là căn bệnh thường có, sẵn có trong mỗi con người. Con người ở cấp bậc và cương vị của mình, thường hay ngộ nhận, cứ cho rằng chỉ có mình mới làm được công viêc đó, không ai thay thế được mình, không ai vượt qua được mình, và vì vậy không nhìn trước ngó sau, không lưu tâm tìm kiếm, đào tạo những người kế tục mính, thay thế mình.
Hoàng Việt hiểu khá rõ Hữu Tư, tham mưu phó sư đoàn. Hồi Hoàng Việt làm tiểu đoàn trưởng, Hữu Tư là trung đội trưởng. Hoàng Việt lên trung đoàn trưởng, Hữu Tư lên tiểu đoàn phó. Suốt chín năm đánh Pháp, Hữu Tư hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có gì đáng chê trách về đạo đức, lập trường, tuy năng lực có bị hạn chế. Sau 1954, Hữu Tư đi học liền mấy lớp văn hóa và quân sự. Bước vào đánh Mỹ, Hữu Tư là trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng, nhưng trung đoàn của Hữu Tư không đánh được trận nào tốt. Có trận thương vong rất cao. Anh em trong sư đoàn đã đặt tên cho Hữu Tư là trung đoàn trưởng “dốc nòng” [Đánh đến viên đạn cuối cùng – Ý nói không có năng lực chỉ huy, bất chấp mọi tổn thất]. Trước tình hình đó, trên phải điều Hữu Tư về phòng tham mưu giữ chức tham mưu phó, phụ trách phía sau. Đanhns giá Hữu Tư như thế nào cho đúng với thực chất của cậu ta? Phải chăng mỗi con người đầu có giới hạn về sự phát triển do rất nhiều nguyên nhân sâu xa tạo nên? Và mỗi con người đều có vai trò lịch sử nhất định? Mỗi giai đoạn lịch sử là một cửa ải? Ai tự mình vượt qua được thì tiếp tục phát triển. Ai không tự mình vượt qua được thì đứng lại, rồi rơi rụng dần đi! Cuộc chiến đấu sàn lọc triệt để và sự phán xét của lịch sử là công bằng và vô cùng nghieemm khắc! Hoàng Việt thấm thía những điều đó. Nhưng nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân cuối cùng về cái sức ỳ, về bệnh tự mãn, bảo thủ, chủ quan trong mỗi con người là ở đâu; từ đâu, thì Hoàng Việt chưa lần tìm được đến nơi đến chốn. Đó là những vấn đề phức tạp.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 27 Tháng Mười, 2010, 11:37:30 am
Hoàng Việt ngồi xuống, uống cạn ly nước rồi nói:
- Vậy là các đồng chí cũng đã suy tính, cân nhắc rất kỹ từng người, từng trường hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại lần nữa rồi báo cáo lên trên xin quyết định. Nhưng vấn đề này không phải chỉ một số người, một số trường hợp. Đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, sơ kết, tổng kết là công việc phải làm từ dưới lên, nằm trong chủ trương chung là kiện toàn đơn vị. Những công việc này phải làm thật tốt, đảm bảo sau khi kiện toàn xong, đơn vị nào cũng phấn khởi, hào hứng, tăng thêm sức mạnh chiến đấu. Những kết quả đó là người trọng tài kiểm tra những việc các đồng chí làm tốt hay xấu, đúng hay sai. Còn Trung đoàn 29, phải xuống tận nơi mà nghiên cứu. Nó đã dốc tất cả những gì có thể dốc ra để giữ vững khu vực Tàu Ô trên một trăm ngày đêm. Đó là một tập thể anh hùng. Nó sẽ được khen thưởng xứng đáng, nhưng bản thân nó phải trả giá không nhỏ. Nhiều cán bộ,, chiến sĩ nòng cốt của trung đoàn đã hy sinh hoặc bị thương ở Tàu Ô, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng bây giờ. Lại còn phải đề phòng tư tưởng kiêu căng, chủ quan, thỏa mãn nảy sinh sau chiến công nó lập được – Hoàng Việt hạ thấp giọng gần như tâm sự - Mỗi con người, mỗi tập thể đơn vị, khi đã tiến tới, đạt tới đỉnh cao của chiến công và vinh quang, nếu không tỉnh táo coi chừng mình, không hiểu đúng mình, thì cũng sẽ bắt đầu từ cái đỉnh cao ấy đi xuống đấy. Có những chiến sĩ thi đua, thậm chí cả những người được phong Anh hùng cũng đã biểu hiện như vậy. Còn Trung đoàn 29? Bản thân nó cũng là một bài học sâu sắc và cay đắng rồi còn gì? Nó đánh chiếm sở chỉ huy và bắt sống toàn bộ bộ tham mưu của tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ. Nhưng năm 1968 vào Tây Nguyên nó đánh không được khá lắm. Nó có phần sút kém mãi cho đến mùa mưa năm 1971 mới gượng dần lên, đến năm 1972 nó mới trở lại vị trí của nó. Bản thân nó không là một bài học sâu sắc sao? Bài học về nghệ thuật xây dựng đơn vị, phát huy truyền thống. Đánh nhau liên mien, chúng ta mới chỉ nhìn thấy những bài học rất chung, chứ chưa tìm đến những bài học thật cụ thể. Về xây dựng đơn vị lại phải bắt đầu từ việc cụ thể nhất, con người cụ thể nhất.
Hoàng Việt lại ngừng lời, ông cười và nhìn Đàm Lê, Phan Nguyên với ánh mắt vui vẻ:
- Hết chuyện này đến chuyện kia, công việc này qua công việc khác, cứ vậy có thể nói mãi, bàn mãi hết đêm sang ngày, hết ngày sang đêm – Và ông lại cười – Hai mươi tám năm chiến tranh rồi còn gì, làm sao không nhiều chuyện được. Nhiều người nói sau Hiệp định sẽ được xả hơi, nhưng thực tế có được xả hơi đâu. Công việc lại ngạp đầu, lút cổ. Còn các cậu? Ngoài những việc trên chỉ thị phải làm có đề ra công việc nào nữa không?
Đàm Lê:
- Báo cáo anh Ba, sau khi ổn định và làm xong những công việc cấp bách, tôi định đi xem lại các trận đánh cũ những năm trước.
Hoàng Việt cười to:
- Cậu lại đi tìm cái bí ẩn trong chiến tranh và trong chiến đấu chứ gì?
- Vâng, có những trận đánh đã qua từ lâu mà vẫn thấy nó quằn quại trong người.
- Đúng, đó là một việc làm hay, rất cần thiết. Còn Phan Nguyên?
- Báo cáo anh Ba, tôi cũng sẽ đi tìm cái bí ẩn của chiến tranh, cái bí ẩn trong chiến tranh, nhưng khác với anh Đàm Lê, tôi sẽ xuống Trung đoàn 29 như anh Ba vừa khêu gợi, sau đó tôi xuống các trại tù binh. Tôi muốn trực tiếp tìm hiểu sĩ quan và binh sĩ địch. Chúng ta phải hiểu thêm bọn địch trong giai đoạn mới của chiến tranh.
- Tốt, rất tốt, vấn đề ấy quan trọng lắm, cậu phải nắm cho được, khái quát cho được. Một cuộc chiến tranh đặc biệt kiểu mới. Nhưng này, các cậu còn phải làm việc này nữa, phải tổ chức anh em lên vùng đông bắc Cam-pu-chia bốc hài cốt của anh em về đất mình. Vấn đề này các anh trên Miền rất quan tâm. Bây giờ đã có điều kiện làm việc đó. Tổ chức sẵn, có lệnh là đi ngay.
Và còn việc này nữa… Việc này nữa…
Cứ vậy, hết việc này đến việc khác, lúc Hoàng Việt nói, lúc Đàm Lê nói, lúc Phan Nguyên nói. Ba người uống hết, cả một phích nước đầy, nhưng vẫn không chấm dứt được các công việc vứ lần lượt hiện ra. Họ quên cả thời gian, đến nỗi cậu chiến sĩ bảo vệ đã mấy lần bước lui, bước tới trước bậc thềm, vừa dặng hắng, vừa ho, có ý báo cho các thủ trưởng biết là đêm đã rất khuya, nhưng cả ba đều không ai để ý cả.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 30 Tháng Mười Một, 2010, 05:02:05 pm
II

Sài Gòn sau ngày 27 tháng 1 năm 1973 thật khác thường. Cái thành phố lớn hơn ba triệu dân, bao nhiêu năm nay sống cuộc sống của nó vốn đã quay cuồng, ồn ào, náo nhiệt, thi nay như đang ở đỉnh cao của những cơn sốt: cơn sốt chính trị, cơn sốt thời cuộc. Không phải bây giờ, khi Hiệp định Pari được ký kết, các điều khoảng đầu tiên của Hiệp định đang được bốn bên tham chiến gấp rút triển khai, cuộc sống Sài Gòn mới biến động. Thực ra nó đã có những biến động từ hồi tháng 10 năm 1972, khi tin Hiệp định Pari sẽ được Kít-sing-gơ và ông Lê Đức Thọ ký tắt vào ngày 26 tháng 10. Từ đó đến bây giờ, sự biến động theo phong vũ biểu thời cuộc cứ mỗi ngày một phát triển, mỗi ngày một dâng cao, cho đến lúc này đã lên đến tột đỉnh. Hồi đầu tháng 10 năm 1972, Hoàng Đức Nhã cháu ruột Thiệu, mới ngoài ba mươi tuổi, từng du học ở Mỹ nhiều năm, đương kim Bộ trưởng Bộ thông tin, đã nhanh chóng phát hiện ra gần sáu mươi điểm sơ hở và lỗi lầm trong bản Hiệp định Kít-sing-gơ gửi cho Thiệu. Thiệu và những tay cố vấn chóp bu giật mình khi Hoàng Đức Nhã lần lượt vạch ra từng điểm một. Thiệu khướt từ dự thảo bản Hiệp định. Nhà Trắng cử tướng Hây-gơ phụ tá của Kít-sing-gơ, dẫn đầu một phái đoàn sang Sài Gòn giải thích bản Hiệp định và thuyết phục Thiệu, nhưng Thiệu không nghe. Kít-sing-gơ tự tiện hủy bỏ ngày ký tắt Hiệp định, tức tốc bay sang Sài Gòn, Kít-sing-gơ vét sạch tài hùng biện và vốn trí thức uyên thâm của mình dẫn giải cho Thiêu nghe. Nhưng Thiệu vẫn một mực lắc đàu từ chối ký tên vào bản Hiệp định. Ních-xơn tức tối và điên cuồng, một mặt ra lệnh huy động máy bay chiến lượt B.52 ném bom ồ ạt xuống Hà Nội và Hải Phòng trước và sau lễ Thiên chúa giáng sinh, buộc đối phương nhân nhượng. Một mặt viết thư vừa thuyết phục,vừa dọa dẫm, đe dọa Thiệu. Những bức thư rất bí mật ấy, không hiểu bằng cách nào, bằng đường nào lần lượt lộ ra ngoài. Nhiều người ở Sài Gòn quan tâm tới thời cuộc đọc được những đoạn trích trong các bức thư đó trên những tờ giấy khổ hẹp in rô-nê-ô, hoặc trong những bản tin lưu hành bí mật:
“ Ngày 17 tháng năm 1972… Nhưng điều quan trọng hơn rất nhiều so với những gì mà chúng tôi nói trong bản Hiệp định đứng về vấn đề này, là việc chúng tôi sẽ làm trong trường hợp đối phương tiến hành trở lại xâm lược. Tôi xin đảm bảo chắc chắn với ngài rằng, nếu Hà Nội không thi hành các điều khoản của Hiệp định này, thì tôi sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng và nghiêm khắc. Điều thiết yếu là tôi phải được công chúng Mỹ ủng hộ và Chính phủ của ngài đang là trở ngại cho nền hòa bình mà lúc này toàn thể dư luận ở Mỹ mong đợi…”.
“Ngày 5 tháng 1 năm 1973…Nếu Chính phủ ngài tìm cách khướt từ bản Hiệp định và tách khỏi Hoa Kỳ, thì sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Như tôi đã nói trong thư ngày 17 tháng 12, tôi tin nếu ngài không hợp tác với tôi thì ngài sẽ chuốc lấy thảm họa mà thôi, tức là sẽ mất hết những gì mà chúng ta đã cùng nhau đấu tranh để giành lấy suốt một thập niên qua. Đó sẽ là điều không bào chữa được, trước hết bởi vì như vậy, chúng ta sẽ mất đi phương án hợp lý và có danh dự để chấm dứt cuộc chiến tranh…”
.
Sài Gòn là một trung tâm truyền đi những tin tức giả và tin tức thật, là nơi tập trung rất nhiều những nhà quan sát phương Tây, trung thực và không trung thực, phe này và phe kia. Nhưng khi những đoạn thư tuyệt mật của Ních – xơn lọt ra ngoài, truyền khẩu và truyền tay lưu hành ở Sài Gòn, thì mọi người đều có chung nhận xét “Tổng thống Ních – xơn và ông Kít – sinh – gơ không còn đủ sức chịu đựng những dư luận của thế giới và sức ép của nhân dân Mỹ, nhất là sau vụ dùng máy bay chiến lược ném bom Hà Nội, Hải Phòng trong tuần lễ  Thiên Chúa giáng sinh. Những người đứng đầu Nhà Trắng không còn đủ kiên trì thuyết phục Thiệu ký Hiệp định nữa. Ông chủ đã chuẩn bị cầm cây gậy, sẵn sang hoa lên trên đầu tên đầy tớ bướng bỉnh”. Rồi bản dự thảo Hiệp định Pari, không hiểu bằng cách nào cũng được bí mật in ra, nơi này một vài điều khoản, nơi kia một vài điều khoản. Nhiều nhà quan sát, bằng mọi cách cố thu thập lại, nghiền ngẫm từng điều khoản, mục đích cố tìm cho được cái lý do khiến Thiệu khước từ ký Hiệp định. Họ tìm những lỗi lầm, sơ hở mà Hoàng Đức Nhã đã chỉ ra cho Thiệu là những lỗi lầm, sơ hở gì? Đọc những điều khoản của bản Hiệp định chắp nhặt đó, những nhà quan sát cũng lại có chung nhận xét: ”Cái điều cơ bản khiến Thiệu thắc mắc, suy nghĩ, dẫn đến lo sợ là, Hiệp định không đả động gì đến mười mấy sư đoàn Bắc Việt trên chiến trường. Quân Mỹ rút lui, còn quân Bắc Việt thì ở lại. Có thể Hoàng Đức Nhã, Thiệu và những cố vấn cao cấp của ông ta, đã hình dung được tình hình sẽ diễn ra như thế nào khi Mỹ rút hết quân . Chắc chắn đó là bức tranh đen tối nhất đối với chế độ Thiệu. Còn ở Mỹ, hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam đã ngấm sâu vào toàn bộ cơ thể đất nước, biến nước Mỹ cũng thành một bãi chiến trường. Những người đứng đầu nước Mỹ ở Nhà Trắng lo sợ không kém gì Thiệu – nhưng là một mối lo sợ khác. Họ không còn đủ kiên nhẫn. Sức chịu đựng đã tới giới hạn cuối cùng!”.
Những nhà quan sát có đầu óc còn phán đoán và nhận xét thêm, mặc cho Hoa Kỳ bị kết tội bán đứng Việt Nam Cộng hòa, đầu hàng một cách danh dự, rằng mặc cho hậu quả muốn ra sao thì ra, Hoa Kỳ cũng sẽ ký Hiệp định vào một ngày cuối tháng 1 năm 1973.


Tiêu đề: Re: Đất miền Đông : Mùa xuân đến sớm - Nam Hà
Gửi bởi: trauxanh trong 12 Tháng Giêng, 2011, 05:21:28 pm
Thế rồi trong mười ngày cuối của tháng 1 năm 1973, Sài Gòn lại lan truyền một tin mới mẻ: Đại sứ Bân-cơ đã đem bảy triệu – có tin tám triệu đô la đặt vào tay Thiệu, hứa với Thiệu sẽ tức khắc cho chở sang miền Nam Việt Nam một tỷ đô la vũ khí, chỉ yêu cầu Thiệu ra lệnh cho trưởng đoàn Chính phủ Sài Gòn ở Pari ký tên vào bản Hiệp định. Cái tin ấy cuối cùng được xác minh là có thực và, Sài Gòn đã ký vào bản Hiệp định được công bố, được đăng tải trên các báo. Sự chấn động của sự kiện lịch sử này trong cuộc chiến tranh, lập tức tác động tới mọi bình diện của cuộc sống của Sài Gòn. Nó được biểu hiện ra hàng trăm vẻ, hàng trăm kiểu, dồn dập, sôi động, hối hả, khiến những người “trùm chăn” kín mít suốt cuộc chiến tranh cũng phải bật dậy ngó xuống đường phố.
Trong số những tập thể người góp phần làm cho Sài Gòn lên cơn sốt, sôi động và náo nhiệt, đầu tiên phải nói đến đội quân bán báo. Lâu nay, phần nhiều các nhật báo ở Sài Gòn có khuynh hướng chính trị, nên đây là thời cơ làm ăn của các ông chủ báo. Độ quân – có thể gọi như vậy vì số em bán báo ở Sài Gòn rất đông – đã được bổ sung thêm bằng đội ngũ những em bé đánh giầy. Trước đây các em này chủ yếu đánh giầy cho người Mỹ, nay người Mỹ lục tục ra đi, các em lâm vào cảnh thất nghiệp, lập tức quay sang nghề bán báo. Đội quân bán báo ở Sài Gòn trạc lứa tuổi Ga-vơ-rốt [Nhân vật trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Vic-to Huy-gô] hoặc hơn kém Ga-vơ-rốt một vài tuổi. Điều chắc chắn là trong đội quân đông đảo ấy, có nhiều em đang làm nhiệm vụ như Ga-vơ-rốt đã làm trong cuộc cách mạng Pháp. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự nhanh nhạy khác thường, các em là những người, bằng tiếng rao đặc biệt của mình, làm rung động Sài Gòn:
- Báo mới đây … Báo mới… đây… Lần đầu tiên trong chiến tranh, hai trung tướng Cộng sản dẫn phái đoàn của mình tới Sài Gòn giữa ban ngày… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Ủy hội Quốc tế gồm bốn nước tham gia đã đến Sài Gòn . Có hai nước Cộng Sản Đông Âu. Ai muốn xem hình sĩ quan Cộng sản Đông Âu thì xem đây… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Tổng thống Thiệu nhất quyết bốn lắc, bốn không… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Tin tường thuật tang lễ của cựu Tổng thống Giôn-xơn… Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Xã luận của Tuần tin tức Mỹ, cựu Tổng thống Giôn-xơn là thương vong cao cấp nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Mô-lô-tô-va chạy như nước trên đường mòn Hồ Chí Minh. Báo mới đây… Báo mới đây…
- Báo mới đây … Báo mới đây… Giá đồ cổ tăng gấp ba lần hơn… Báo mới đây… Báo mới đây…
Và rồi còn bao nhiêu tin tức khác hấp dẫn có, mới mẻ có, giật gân có, từ những cửa miệng với tiếng rao lanh lảnh và mời chào của đội quân bán báo đông đảo, làm cho Sài Gòn huyên náo lên. Không một ai có thể dửng dưng trước cơn sốt thời cuộc.
Cái tập thể người thứ hai làm cho Sài Gòn náo nhiệt, sôi động là hàng đàn lính Mỹ, trắng có, đen có, từ các bin-đinh kiên cố, từ các cao ốc sang trọng, vứt bỏ chiếc ba lô dã chiến, thắng quần áo mới thật đẹp, nước hoa tưới từ đầu đến chân, tỏa ra khắp phố phường Sài Gòn, túi áo căng phồng từng xấp đô la đỏ [Loại đô la dùng cho quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam] mua sắm va ly, mua sắm đồ cổ, mua sắm vật kỷ niệm. Bọn Mỹ từ quan đến lính, hình thành tốp năm tốp ba, đột nhập vào các tửu điếm, các “lầu xanh”, các cửa hàng “bar” nổi tiếng ở “club” 147, đường Võ Tánh, nhà ba con rồng phố Lê Lợi, phố Nguyễn Huệ và cả những ổ điếm thăm thẳm trong các phố vắng. Chúng thi nhau tìm mọi cách mua những lần cuối sự trinh bạch, sự trong trắng của những cô gái Sài Gòn thất nghiệp với giá rẻ mạt nhất. Những tên lính Mỹ của quân viễn chinh hơn nữa triệu, một lần nữa phơi bày bản chất của chúng trước con mắt đủ mọi cách nhìn của người Sài Gòn. Chúng nó hối hả ăn nhậu, hối hả mua, hối hả cướp, hối hả ngủ với đàn bà, con gái trước khi chuồn khỏi cái đất nước không sao hiểu được và cuộc chiến tranh khủng khiếp này.