Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:47:37 am



Tiêu đề: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:47:37 am

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23366;image)

Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ I: Một cuộc đời huyền thoại và một người lính tài hoa

*Giới thiệu của nhà thơ Đặng Vương Hưng*

"Cũng như các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, cuộc đời chiến đấu và hy sinh của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân tiêu biểu cho những thanh niên trí thức Hà Nội đã vì Tổ quốc ngã xuống ở tuổi 20 - độ tuổi đẹp nhất của đời người". Đó là câu mở đầu của nhà thơ Đặng Vương Hưng in ở bản thảo cuốn nhật ký Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. Nhật ký này sẽ được ấn hành vào tháng 10.2005 tới đây. Báo Thanh Niên sẽ lần lượt trích một số đoạn tiêu biểu trong nhật ký. Để các bạn tiện theo dõi. Dưới đây, chúng tôi đăng lời giới thiệu của nhà thơ Đặng Vương Hưng:

Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) sinh năm 1946 tại Hà Nội. Là một người tài hoa, anh chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ: ghi-ta, sáo, kèn ácmônica... Ngay từ nhỏ, cậu bé Lân đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Nguyên là sinh viên của Trường Mỹ thuật Hà Nội (bạn cùng trang lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng,...), Lân xung phong vào bộ đội tháng 7.1967, khi vừa tròn 21 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và hành quân vào chiến trường miền Nam.

Đầu năm 1968, đơn vị của Lân đã vào đến Vĩnh Linh, sau đó thì sang hẳn với đồng bào Gio Linh - Cam Lộ để bám dân, chống càn và giữ đất. Đó là một địa bàn vô cùng ác liệt. Máy bay địch quần đảo suốt ngày trút bom đạn. Các trận địa pháo của chúng từ các tàu chiến ngoài biển, từ các căn cứ trên đất liền luôn sẵn sàng dội xuống bất cứ lúc nào. Đơn vị của Lân được trang bị chủ yếu là các loại vũ khí hạng nhẹ (các loại súng bộ binh như AK, B40, DKZ...), nên họ phải ngồi trong hầm cát, lăn lê, bò, trườn dưới cái nắng đổ lửa của vùng "gió Lào cát trắng" chống lại với các loại xe tăng, đại bác và máy bay hiện đại của kẻ thù...

Chàng trai Hà Nội tài hoa Hoàng Thượng Lân vốn chỉ quen vẽ tranh, chơi đàn, thổi kèn... đã trực tiếp tham dự hàng chục trận đánh đẫm máu với bọn lính Mỹ - ngụy. Tiêu biểu như trận chống càn ở Đại Độ (Cam Lộ) bên sông Cửa Việt, suốt ngày quần nhau với giặc, cả đơn vị thương vong hết, chỉ còn một mình Lân; anh bị thương, đi lạc đường nhưng tối đến vẫn tự dò đường để trở về hậu cứ... Sau trận đánh này, anh đã được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và Huân chương Chiến công giải phóng. Ba tháng sau, Lân bị thương lần thứ hai trong một trận đánh ở Mai Xá (Gio Linh)... Đầu năm 1970, Hoàng Thượng Lân được ra Bắc an dưỡng. Tiếp đó, anh được đi học Trường Bồi dưỡng văn hóa thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để thi vào Đại học Kiến trúc. Cũng thời kỳ này, những trang nhật ký với tựa đề Viết dưới chiến hào của anh đã được một số báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong... giới thiệu, trích đăng và gây được tiếng vang.

Hồi đó, các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Lữ Huy Nguyên... đều đánh giá rất cao các tập nhật ký của Hoàng Thượng Lân. Sau khi đọc các trang ghi chép của anh, họ đều xúc động và có một nhận xét chung: Đó là những trang viết xương máu của cuộc đời người chiến sĩ. Điều đáng quý và hiếm hoi là ít người ra trận lại viết nhật ký được lâu bền, trong một hoàn cảnh khắc nghiệt và gian nan đến thế!

Chính vì vậy, khi biết tin Hoàng Thượng Lân không có ý định thi vào Đại học Kiến trúc nữa (vì mặc cảm ngón cái tay phải bị mất), nhà thơ Xuân Miễn và nhà báo Dân Hồng đã đề nghị anh về Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân làm biên tập cho trang Văn hóa - văn nghệ. Thế nhưng Hoàng Thượng Lân đã có một quyết định khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và không ai ngăn cản nổi: Xin được lại vào chiến trường B! Vậy là, tháng 4.1971, một lần nữa Hoàng Thượng Lân vượt Trường Sơn vào chiến trường!

(...) Tháng 10.1971, trong một lần vượt sông Xê Băng Hiên đi làm nhiệm vụ, Hoàng Thượng Lân mang theo tập bản thảo mới viết định gửi ra Hà Nội, nhưng khi anh còn đang bơi giữa dòng, thì một loạt bom B52 dữ dội của kẻ thù đã trút xuống... Mộ của anh được đồng đội đặt trên một quả đồi cao, gần binh trạm, sau đó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi thống nhất giữ nguyên tắc: tôn trọng tối đa bản thảo gốc (bản chép tay của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân).

Đây chính là những trang viết máu thịt còn lại của cuộc đời anh - những trang viết bằng cả trái tim yêu thương, trong trẻo, nồng nàn của một trong muôn vàn người lính bình dị đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đọc mỗi trang sách này, ta luôn có cảm giác ấm nóng như có lửa - ngọn lửa yêu nước và khát vọng hòa bình còn cháy mãi, sáng mãi cho muôn đời sau...

Hà Nội, tháng 10/2005

Đ.V.H



Nhật ký thay cho “di chúc”

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45168964-anh-tu-lieu.jpg)
Ngày 3/2/1968
Kể cũng nhanh, mới đó còn về phép thăm nhà, còn ăn bữa cơm với ba mẹ và các em, còn chụp ảnh, còn ra bến xe Văn Miếu mua vé... Thế mà, lúc này lại là lúc đang chuẩn bị cho đêm mai lên đường đi chiến đấu.
Mình sẽ chiến đấu cho thật tốt, có mất mạng mình thì sẽ cũng phải đổi lấy vài ba mạng Mỹ đã, chẳng có gì đáng sợ lắm. Người ta đánh được, mình cũng đánh được thôi. Quý hồ đừng có mà chết sớm quá, phải khôn, phải cho thật nhanh nhẹn, tháo vát, ít nhất cũng phải được vài ba trận đã chứ. Có lẽ nào mới chỉ trận "đụng độ" đã quy tiên, đã "ngoẻo" rồi!

Đêm ngủ, mình với H. nằm tâm sự, dặn dò nhau. Mình dặn nó:
- Nhỡ tao có việc gì rồi thì mày cứ tìm về nhà tao mà báo lại ở H4 Nguyễn Công Trứ, chắc mày chưa quên địa chỉ ấy chứ?
Nó cũng dặn mình:
- Nhớ tên cô Lạng ở 106 Hàng Buồm nhé!
H. khá lắm, người bé tí xíu thế mà dai phong ra phết. Hành quân từ ngoài vào đây, chưa hề bị một trận ốm đau nào cả. Hắn có đức tính tốt, tự tin ở mình, luôn lạc quan yêu đời và rất thân, rất thông cảm với mình.
Ngày 22/4/1968
...Ba ạ, ba có nhớ những cốc bia hơi con vẫn mua về ? Một ổ khóa hỏng hóc, những kiểu tủ, bàn ghế mới lạ, những tờ giấy di chuyển và quyết định ?... Con muốn nói nhiều, nhưng không thể diễn tả được. Đầu óc rối bời. Máy bay vừa làm xoạch một loạt bom "tọa độ" gần đây - chắc ở Vĩnh Long. Nó bay rất cao, không nghe thấy tiếng động, chỉ bất thình lình nghe thấy tiếng bom rơi vút xuống và nổ liên tục - có thể là bom phá, có thể là bom bi. Đơn vị con, mới đây, một đồng chí đã mất một chân vì bom "tọa độ". Hai người khác cáng đồng chí đó đến bệnh viện, dọc đường lại gặp bom, mảng văng đến cướp mất một miếng thịt ở cổ họng đồng chí đi cáng phía trước. Thật may là nó chưa ăn sâu vào cuống họng!
Hậu cứ, nơi nghỉ ngơi an toàn của chúng con là như vậy đấy! Huống hồ khi ở chiến trường? Ba có thể hình dung được không?
Chúng con sắp vào trận nữa rồi. Chỉ chừng nửa tháng nữa thôi. Mỗi người chuẩn bị ba ngày lương khô (gạo rang). Xuất phát từ 16 giờ chiều nay, sáng mai đã có thể ở bên kia bờ Nam rồi. Đêm qua đò Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn hay Cửa Tùng; sáng ngủ ở Cát Sơn, Thụy Bạn hay Cánh Gian; cái đó không cần thiết và quan trọng lắm nữa. Đâu cũng là bom, cũng là đạn. Một bãi cát trắng trải dài, từ xa phải nhìn kỹ lắm mới thấy được những chiếc hầm làm theo kiểu Triều Tiên, được ngụy trang khéo léo. Cây cối tiêu điều xác xơ, một cây to, lá còn xanh tốt, sống đàng hoàng bên cạnh một hố bom, âu cũng là nhờ sự may mắn! Chỉ có trong những chiếc hầm kia, sự sống mới thấy rõ rệt nhất: Bộ đội ngủ, ngáy khò khò mệt mỏi; bộ đội nấu cơm, vắt từng nắm để mang theo, chiều hành quân vào trận địa; bộ đội lau súng đạn, lách ta lánh tách với những "khóa nòng", "thoi", "ốp che tay"... Đêm qua hành quân, tránh pháo câu đến không biết bao nhiêu lần, ngã sấp ngã ngửa, cát dính vào súng nhiều quá!
Ba mẹ ạ! Con còn nhớ, cũng như trên cách đây gần ba tháng, con cũng mệt mỏi sau một đêm hành quân dài vượt sông, ngái ngủ (nhưng không thể ngủ được), lo lắng nhìn khẩu súng đầy cát và nước, rỉ bám vàng khè. Khẩu trung liên độc nhất của tiểu đội bắn không nổ. Lò xo đã quá yếu, quân khí không kiểm tra kỹ lưỡng, con đã khổ sở vác khẩu súng "bù nhìn" đó vào công sự chiến đấu. Rồi trận đánh đầu tiên của đời con đã xảy ra, con dùng khẩu súng trường, máu me còn dính bê bết ở quai và báng súng của một đồng chí đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày hôm trước.
Ba mẹ ạ. Thú thật, ngày đầu con đã hoảng sợ một cách ghê gớm khi thấy đồng chí Du nằm chết, đầu óc vỡ toang. Mới hôm nào, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh, trên đò sông La, anh ấy nói: "Tao chấm cho đất Hà Tĩnh của mày được 10 điểm!". Thế mà bây giờ anh ấy đã chết rồi đấy! Đồng chí Thám cũng vậy, 8 giờ sáng anh ấy chết nhưng cách 2 giờ trước đó, con còn gọi anh ấy bò sang hầm cùng hút chung điếu thuốc lá!
Nông trường Cửu Long - Hòa Bình, đi vào đây có 10 người, mới một tháng chiến đấu đã hy sinh mất 5 người (Quang, Xuân, Thơ, Trọng, Huệ), còn bị thương Lâm và Chiêu, xây xát nhẹ là Ri, duy nhất có anh Thiện không hề bị gì cả.
Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả. Ở đây, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pôluya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò, nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ. Con mang đi theo hai chiếc ảnh, một cái chụp ba, con và em Ly, một cái chụp ba, con và em Phượng (cái này đã mất ở trong Nam) để xem cho đỡ nhớ. Lúc nào con cũng giở áo ra xem và mỗi lần như vậy, ruột gan bị cồn cào quá chừng. Những lúc chờ địch lên, ngồi trong công sự, con nhìn ảnh và thầm gọi tên từng người, trong bầu không gian tĩnh mịch, cái xú khí nặng mùi chết chóc, con thường tự hỏi và tưởng tượng ra: lúc này, ba đang làm gì? mẹ đang làm gì? các em đang làm gì?...
Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng !
Con muốn nói sang chuyện khác, kẻo con không muốn nghĩ đến những điều trên kia nữa. Rời khu xóm 9, xóm 8 này sau 9 ngày chốt cứ, cầm cự với địch giữ đất, chúng con chuyển vào vùng Cam Lộ. Địch đóng trên đồn, dân ở dưới đồn (khu tập trung) và ở cả đất nhà mình. Chúng con trà trộn vào với dân. Đêm ngủ với họ, ngày tản ra vị trí chiến đấu.
(Xem tiếp kỳ sau)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-I-Mot-cuoc-doi-huyen-thoai-va-mot-nguoi-linh-tai-hoa/45168964/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:53:12 am
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 2: Kỷ niệm sâu sắc nhất

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169069-2.jpg)
Hoàng Thượng Lân lúc nhỏ và mẹ - ảnh: T.L
Ngày 1/5/1968

Làm sao mà quên được cái ngày nổ súng đầu tiên ấy. Trung đội 2 thọc sâu vào phía địch khi trời vừa hửng sáng. Lần đầu chưa có kinh nghiệm. Con quan sát đã để lộ mục tiêu, nhô cả người lên thành công sự. Bên kia, một thằng xạ thủ súng máy đã ngắm vào con và nổ một loạt.

May làm sao, đạn chỉ thi nhau cắm phầm phập vào ụ đất trước mặt, cát tung lên từng cụm một. Thụp đầu xuống mãi một lúc mà vẫn chưa hẳn hoàn hồn. Lát sau, lại bị một viên bay qua, đạn đi căng quá, tai còn ù lên, đinh đinh, choáng váng. Con đổ vội người xuống và nghĩ: "Chết chưa? Chết à?". Anh Đoàn cùng hầm với con hỏi: "Có can chi không?". Lúc đó con mới tin chắc rằng là mình chưa chết.

Tội nghiệp, nghĩ lại mà buồn cười, anh Đoàn lên cơn sốt rét vào giữa lúc đang đánh. Tay cầm khẩu B40, nằm rên hừ hừ, lắp bắp nói với con: "Lâm ơi! Khi khi nào ào... xe tăng tăng... ên lên... thì bảo tao nghe!".

Làm sao mà quên được nổi sự sửng sốt, bàng hoàng của con khi thấy người ta cáng sáu đồng chí đã hy sinh. Con không thể ngờ được như thế. Đồng chí Du, Thơ, Thám, Xuân, Cử, Hải mãi mãi chẳng bao giờ sống nữa. Du chết rồi nhưng không được yên, bị nó gài cho một quả lựu đạn dưới đầu, đến tối anh em ra lấy xác, lựu đạn nổ, phá thêm vào khuôn mặt ấy những hố sâu hoắm, không còn thấy đúng hình dạng của Du nữa. Đồng chí Thám khi bị thương còn ngoắc ngoải, bị địch lấy lưỡi lê đâm cho nát cổ.

Làm sao mà quên được những chiếc máy bay trinh sát L19 bay lượn suốt ngày tìm kiếm, những chiếc trực thăng vũ trang (chú bác quen gọi nó là "Utiti"), hình thù như con nòng nọc, nhả đại liên rốc-két suốt ngày xuống mặt đất. Đồng chí Quang cùng hai dân quân đi cảnh giới, đứng ngoài công sự, bị trực thăng bắn chết cả 3 người một lúc.

Chúng con ở mặt trận, kiêng nhất là bắn lẻ tẻ, đã nổ súng là phải nổ súng đồng loạt. Trận thứ hai, đồng chí Tiến chết, Hùng bị thương là do lỗi của Tiến gây ra. Địch hãy còn ở xa nhưng Tiến sốt ruột, đã bắn trước, lẻ loi một mình. Địch tìm được mục tiêu, tập trung hỏa lực đến đúng miệng công sự. Tiến ở ngoài chết ngay, Hùng ngồi ở trong không can gì, bị ép sưng vêu cả mặt.

Làm sao mà quên được cái ngày chính tự tay con đi lấy xác đồng đội. Đồng chí đó bị một quả pháo rót trúng ngay vào hầm, bị vùi lấp hết, còn hở hai cái chân. Máu của người chết dính cả vào quần áo con, một mùi tanh không bao giờ quên vị nó được. Chiều đó, nghĩ đến lúc đào tử sĩ, con không nuốt nổi cơm, người run như sốt rét. Làm sao mà quên được mảnh đất con đã sống, những danh từ địa phương, xóm, xã, đã gắn bó cùng con thân thiết lạ lùng; vì ở đó rất có thể chỉ một lúc bất ngờ nào thôi, con sẽ phải yên nghỉ vĩnh viễn: Đông Hà, Cửa Việt, Lâm Xuân Đông, Lâm Xuân Tây, Nhị Hạ, Đồi 31, xóm Hợp, Đại Độ, Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ...

Biết bao kỷ niệm, làm sao có thể quên được nó. Và đây, kỷ niệm sâu sắc nhất, nó đã hằn dấu vết, chẳng bao giờ mất được nữa: xóm Đại Độ, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ - nơi được chứng kiến trận chiến đấu quyết tử của chúng con. Máu của chúng con đã đổ ở đó, đồng chí của chúng con đã hy sinh ở đó, và cá nhân con cũng đã mất một ngón tay cái ở đó! Ngón tay mà suốt 22 năm trời đã cùng con bập bẹ làm quen với đời, cùng buồn khổ, sướng vui.

Hôm ấy là ngày 5 tháng 3 năm 1968. Đêm hôm trước chúng con vội vã hành quân chuyển chỗ ra bờ sông Cửa Việt, nhằm mục đích đánh tràn và cản lực lượng bộ binh địch từ Quáng Ngang xuống. Chúng con nhanh chóng đào công sự ẩn nấp. Dân ở vùng này đã bỏ đi lên khu tập trung của địch hết. Con ở trong một cái nhà bằng tôn còn nguyên vẹn, chưa bị tàn phá, trông rõ hai thằng bắn súng máy đứng trong lá chắn, mũ sắt lụp xụp che mất mắt, mất mũi... vài ba thằng không có việc gì, ngồi ủ rũ ở mui bên kia, hút thuốc, mắt lơ đễnh nhìn đâu đâu... Cờ "Nữu Ước" sòng sọc xanh, to bằng cái phản ngão nghệnh hứng gió. Rồi hai chiếc tàu há mồm mang số 67 và 51 đi đến. Vẫn bình yên vô sự, chúng con không bắn những loại ấy.

Chờ đến khoảng 7 giờ sáng thì tàu vận tải bắt đầu lên. Nó lấy hàng ngoài cảng Cửa Việt để vào Đông Hà tiếp tế, để rồi từ Đông Hà chuyển vào Khe Sanh cho bọn bị bao vây. Chiếc tàu chở quá nặng nên đi rất chậm, khẩu đội ĐK của đơn vị phối thuộc phát hỏa quả đầu tiên trúng ngay sườn tàu, ngang với mép nước, không thấy gì ngoài từng luồng khói đen ngum tuôn ra mù mịt, dữ dội. Chiếc tàu thứ hai cũng bị nện một quả B41.

Đạn địch phản ứng bắn lên bờ như mưa, tụi giặc đóng ở những xóm bên kia bờ sông cũng bắn sang. Ba bốn chiếc trực thăng đã phát hiện được nơi có B41 vừa bắn, chúng nhào đi lượn lại, bắn không ngớt. Mái tôn, cách tường phía bếp ở nhà con ẩn nấp bị bay biến ngay sau hai loạt pháo từ Cửa Việt bắn đến.

Mãi sau, đồng chí Tập ngó lên quan sát phía sau, bỗng hốt hoảng nói với chúng con: "Bộ binh nó tới"!

Con không hiểu nổi chúng nó vào cách nào mà nhanh như vậy. Xe tăng đi rất êm, hầu như không nghe thấy tiếng động. Trông rõ bọn lính nhảy từ trên xe tăng xuống, tập hợp dàn thành hàng ngang, thận trọng tiến vào chỗ chúng con. Chúng đông quá, có đến 4, 5 xe tăng yểm hộ; trên trời, máy bay L19 bay rè rè chậm chạp dòm ngó. Loại "Utiti" hung hãn cứ nhè vào chỗ chúng con mà phóng rốc-két, nhả đại liên xuống không ngớt... Đồng chí Đính chết ngay trong hầm. Đạn bay qua chỗ hở, cắm vào bên dưới ngực. Không ai bảo ai, chúng con đều biết là đã bị bao vây rồi!

(Còn tiếp)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-2-Ky-niem-sau-sac-nhat/45169069/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:55:23 am
Hồi ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 3: Trận chiến đấu quyết tử

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169154-nhat-ki.jpg)
Hoàng Thượng Lân

Chiến đấu ở đây ư? Không thể được. Đằng sau lưng là sông, bọn địch có thể từ Đông Hà tràn qua (từ Đông Hà tới đây chỉ có 2 km). Địa hình khó khăn vô cùng. Tình hình thì cấp bách, chúng con bụng dạ vừa phân vân, vừa lo lắng. Trung đội trưởng ra lệnh: "Gắng sức lực, tất cả chạy vào xóm bên trái cố thủ ở đấy!".

Thế là chúng con đã liều lĩnh xé đường chạy trống không giữa ban ngày ban mặt. Máy bay quần trên đầu như một lũ mù, không phát hiện được. Bọn bộ binh trông thấy, bắn đuổi theo, đạn bay cao không một ai trúng cả. Con chạy thở không ra hơi, tim đập thình thình. Phần vừa hồi hộp, phần vừa đeo quá nặng nữa, mệt! Trong lúc rút vội vàng, chúng con đã bỏ lại ở Thượng Độ nồi nấu cơm, gạo, cơm nắm, muối... Chắc đã lọt vào tay địch rồi. Đơn vị DK sau khi bắn hết đạn, cũng đã vội vàng ném xuống ao nước giấu vì tụi nó đến nhanh và bất ngờ quá, không kịp mang theo, sau tối mò ra lấy lại.

Bọn địch cũng rất thông thạo địa hình. Một bộ phận nữa, chúng cho xe tăng đi trước ào nhanh vào phía xóm nơi chúng con vừa đến. Xóm này, hầm hố không có. Nguyên đây là vùng giặc đóng từ xưa tới giờ, chúng mới bỏ lên bốt, ta chưa ai dám vào sâu tới, thành thử công sự chiến đấu chẳng có cái nào cả. Cả thảy 19 người chúng con, giăng đều sau những rặng tre. Nước ngập tới đầu gối, lội lõm bõm. Bắt đầu nổ súng, đánh trả lại với điều kiện địa hình hết sức thuận lợi. Đây là xóm Đại Độ, khu ở của những người dân Công giáo. Trong khi đánh nhau, cả hai bên, ai cũng muốn chạy vào nhà thờ làm nơi ẩn nấp, chiến đấu. Một thằng Mỹ bỏ mạng ngay với con cũng vì ý nghĩ trên. Hắn lăm le muốn chồm sang phía nhà thờ. Con đã để ý sẵn, sau khi ngớt loạt đạn đầu, hắn cùng hai ba thằng nữa lom khom chạy qua quãng trống. Con bóp cò, hắn đổ vật ngay xuống. Mấy thằng kia chạy quay trở lại, nhằm vào con mà bắn không tiếc đạn.

Lúc căng thẳng nhất đó, con vẫn bình tĩnh lắm. Biết là sẽ rất ác liệt, và cũng có thể sẽ chết ở đây. Nhưng không phải vì hiểu thế để mà dẫn tới chỗ lùi bước, hoảng sợ. Đàng hoàng lắm, giờ nghĩ lại con vẫn thấy buồn cười và có chút tự hào về con: tự thưởng nhiều quấn thuốc lá hút sau một đợt tấn công của địch. Máy bay sà sát ngọn tre, kêu gọi "hồi chánh với chính phủ", con liền giơ súng lên, ngắm và làm cho một loạt. Nhưng rồi cái lo sợ nó đến ngay, anh em chúng con thay nhau chết và bị thương. Số người còn ở lại tuyến trước rất ít, đạn bắn đã bắt đầu thấy lẻ tẻ rời rạc... Một đồng chí phụ trách B41 bị pháo làm lòi ruột. Con trông thấy, cuống cả lên, nếu bỏ súng mà chạy tới băng cho đồng chí đó thì nguy hiểm vô cùng. Con là chủ chốt nhất vì lúc này, chỉ có loại súng của con mới phát hỏa mạnh được. Nhưng rồi con cũng trườn tới băng, băng một cách vội vàng. Sau này đồng chí đó cũng hy sinh nốt. Vết thương quá nặng và máu ra quá nhiều.

Trận đánh kéo dài suốt ngày. Pháo địch từ các nơi bắn về. Nổ chính xác vào đội hình của chúng con. Anh em bị thương, lui ra sau hết. Hai trực thăng vũ trang phành phạch bay đến, nhè vào chỗ chúng con ẩn nấp bắn không ngớt. Đạn cắm chíu xuống quanh con, nghe lạnh cả xương sống. Hầm hố không có, nên ai cũng cố gắng thu người lại cho thật nhỏ. Bọn địch hò hét om sòm. Con nghe rõ tiếng thằng Mỹ kêu, giọng the thé: "Gô... gô...". Thằng chỉ huy ngụy giọng khàn khàn, tiếng Quảng Nam: "Bên này! Bên này! Lên đi! Lên đi!"... Chúng nấp sau những gò mả, thỉnh thoảng mới nhú đầu lên. Lúc sau, thấy một lớp khói dày đặc, tạo thành bức màn bít cứng lấy mắt, không ai nhìn thấy gì nữa. Trong lớp khói đó, nghe tiếng súng nổ mà giật mình: bọn địch đã phóng khói mù, lợi dụng tiếp cận sát chúng con. Chúng con chuyển sang ném lựu đạn và bắn liên tục, không cho chúng tràn vào... Một giờ sau, thấy chẳng làm gì được bọn con, chúng nó lại phóng khói mù che mắt, rồi lùi xa ra sau, gọi pháo đến, bắn dồn dập... cây cối, nhà cửa tung tóe.

Địch không vào được trong xóm, điên cuồng gọi pháo, trực thăng vũ trang, phóng lựu, cối cá nhân, liên tục bắn vào chúng con. Tiểu đội con còn lại 3 người, con nói với Nguyên, ở phía bên kia mô đất: "Mày nhớ nhìn kỹ chỗ ấy, nó có thể bò vào đấy!". Lát sau, con lại gọi Nguyên, nhưng nó đã chết lúc nào không hay, ngồi ôm súng như ngủ gật. Thế là tiểu đội con chỉ còn có hai. Con và đồng chí tiểu đội trưởng giữ trách nhiệm một cánh. Chúng con lùi ra sau khoảng 20 mét, tìm vào một nền nhà đã cháy xém, kiếm được mỗi người một bao lúa làm ụ chắn đạn, tiếp tục đánh lại. Mấy băng đạn con tham mang đi, giờ lại có giá trị vô cùng. Bắn tha hồ, yên tâm lắm vì không lo thiếu đạn. Đồng chí tiểu đội trưởng còn mang theo được hai khẩu tiểu liên vừa lấy được lại ở hai đồng chí đã hy sinh.

Thời gian lúc này đã khoảng hai, ba giờ chiều. Phía gò mả cạnh một ao nước, hai chiếc xe tăng bị bắn cháy lúc sáng vẫn âm ỉ cuộn khói, thỉnh thoảng lại nổ đùm đụp vì đạn hãy còn trong xe.

Nhận thấy sức chống trả của chúng con có yếu đi, tụi Mỹ hò hét om sòm, chạy vụt qua vụt lại sau mấy cái mả. Có một thằng, con trông thấy rõ lắm mà bắn hai loạt vẫn không thấy nó chết. Sau con mới hiểu là nó đã chết ngồi như thế từ lâu rồi. Địch đánh lại mạnh, đạn xối vào chỗ chúng con như mưa, cả cái bao lúa đặt phía trước mặt con bị găm thủng "bùm píu" mấy lỗ. Đạn bay qua người con sát rạt, lạnh cả xương sống. Con cố dán người thật sát sau bao lúa và từ từ nâng khẩu súng chuẩn bị chờ ngớt tiếng đạn là di chuyển ngay khỏi chỗ nãy. Nhưng bỗng nhanh lắm và bất ngờ lắm, bàn tay phải của con bị hẫng, tê hẳn đi... Ngón tay cái của con đã bị trúng đạn, máu phun thành một tia nhỏ, đốt xương bị lồi bật ra, trông thấy những sợi gân nhỏ chưa đứt. Con gọi đồng chí tiểu đội trưởng, báo là đã bị thương, rồi vội vàng lấy tay trái mở cuộn băng cá nhân và cứ nằm sát bao lúa như vậy, vừa quấn bậy vào tay những vòng băng lộn xộn rối ren. Thực vậy, không thể nào mà bình tĩnh để băng bó được. Rảnh mắt một tí, địch có thể bò sát vào lúc nào không hay.

Súng hãy còn bắn được, phần đầu ruồi ngắm bị viên đạn làm cho méo xẹo hẳn đi. Con gọi sang đồng chí tiểu đội trưởng báo là vẫn bắn được nhưng chỉ ước lượng áng chừng mà bóp cò thôi chứ không ngắm được nữa. Hai chiếc F4 bay lượn hai vòng. Bọn địch thôi bắn, nhả pháo mù và lùi ra xa. Chúng con biết là chúng sắp bổ nhào bom vào trận địa. Khi chúng con đã thống nhất rút vào xóm, tìm hầm trú, và dọc đường chạy vào thì trên không, máy bay đã nhào xuống, cắt từng chùm 3 quả bom một, đen sì, lủng lẳng trên đầu. Nằm xuống, qua đợt bom lại chạy. Khói mù mịt, tai ù đặc. Hai đứa chúng con bị lạc nhau ngay sau đợt bom đầu tiên ấy. Con tìm được một cái hầm to, lao nhanh vào. Thân thể bị lắc vì bom nổ như đưa võng. Một cái xóm nhỏ như vậy mà phải chịu đến hơn ba chục quả bom quẳng xuống, cây cối đổ rào rào, đất đá bắn lên nóc hầm cứ bình bịch! Nằm trong hầm một lúc, con thiếp đi lúc nào không hay bởi đánh suốt ngày phải nhịn đói, mệt mỏi, lo lắng và máu ra nhiều. Khi con tỉnh dậy, nhìn ra ngoài thấy trời đã sắp tối rồi. Bốn bề yên lặng, vắng vẻ. Máu ở tay vẫn chảy rỉ rỉ, túi áo bị ướt nhiều vì máu, lúc ngủ con đã để tay lên ngực. Bây giờ mới thấy đau và buốt, người choáng váng.

Vắng lặng quá! Con lang thang hết hầm này sang hầm nọ, lần theo vết máu đã khô của mấy đồng chí thương binh trước đã lùi vào đây. Gọi xuống từng hầm một xem có bộ đội không, nhưng chẳng hề có lấy một tiếng đáp. Lang thang như vậy trong trạng thái hết sức cô độc, vắng vẻ đã làm con cảm thấy sợ. Té ra con là người cuối cùng còn sót lại đây.

Lên đến xóm trên thì trời đã tối mịt. Bà con cô bác thấy con bị thương, có người cứ cầm lấy tay con mà khóc. Họ nấu cơm cho con, pha đường sữa cho uống. Ở đây, con gặp lại đồng chí tiểu đội trưởng, đang nói mê sảng một điều gì đó và giẫy giụa mạnh. Đồng chí đó bị một viên đạn giắt sau đầu vì đã liều lĩnh bỏ xóm, chạy giữa đồng khi đợt bom đầu tiên tới. Tụi địch nằm ở giữa ruộng mà không biết.

Con nhớ mãi khuôn mặt của một em bé gái, tuổi độ 14, 15, xinh xắn và hiền hậu, cứ nhìn mãi con bằng cặp mắt trìu mến. Xới cơm cho con, chan cho con từng thìa canh một. Đồng bào trong Nam có những vùng sao họ tốt và thật lòng thương chúng con đến vậy?!

Đêm đó, trên đường ra Bắc chữa vết thương, tuy máu ra nhiều, chiến đấu suốt ngày mệt mỏi, nhưng nhìn anh em khác cũng mệt mỏi như con, con không nỡ nằm trên cáng cho anh em khiêng đi, nên đã kiếm được một cái gậy, gắng đi bộ ra với những anh em bị thương khác.

Thay đổi nhanh quá ba mẹ và các em ạ! Có phải thằng Lâm ngày nào còn đi học đi hành, hay đánh em và xấu chơi? Con đó! Con là Lâm đây! Con vẫn khỏe, và vẫn sống ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Con hẹn ngày trở về để gặp gỡ và nói chuyện nhiều.

(còn tiếp)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Hoi-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-3-Tran-chien-dau-quyet-tu/45169154/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:56:48 am
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 4: Trụ vững giữa 2 bờ Bến Hải

12/10/1968

Trung đội mình lọt vào vùng Cam Giang hoạt động. Bốn bề lửa khói. Trên trời, máy bay trực thăng phành phạch nhào lượn. Bọn mình đóng giả dân, trà trộn để làm nhiệm vụ.

Mạn trên, súng nổ ròn rã, pháo bắn dồn dập. L19 bay nhiều, rà sát mặt đất tìm mục tiêu. Một bà mẹ vừa chết vì bị quả pháo lạc. Một bộ xương người trắng mốc đã từ lâu nằm kề gốc cây đa ở An Mỹ. Vượt khỏi Bến Hải vào một đêm mưa tối trời. Những tay chèo khỏe mạnh đã lái con đò sang bờ Nam nhanh chóng. Nước sông dâng cao, hai bên bờ rộng rãi. Nhớ một câu nói của đài Hoa Kỳ tối 28/9: "...Đợt mưa này, nước sông Bến Hải lên cao, sẽ là khó khăn lớn cho việc rút ra Bắc của "Cộng quân" và rất dễ dàng cho việc tiêu diệt của quân Đồng minh...!".

Mẹ kiếp! Các ông mày đây! Đơn vị mình đã vào được trên mười ngày nay. Cắm chốt ở Thụy Bạn, Cường Gián. Đêm đi tập kích, phục kích suốt.

Xóm 8 - nơi trước kia mình đã từng lăn lộn - nay nó đã chiếm được và dựng lên mấy chiếc lô cốt. Đêm đêm, pháo sáng bắn rực trời. Cách đây ba ngày, Bảo - một thằng mình chúa ghét về phong cách sinh hoạt hồi ở ngoài Bắc - đã bắn sập một lô cốt ở xóm 8. Yên - người dân tộc Thái, ở A3 B1 - trong một trường hợp ngẫu nhiên (đi lạc), qua ánh đèn pha, Yên trông thấy một xe M41 nằm lù lù ngay cạnh, và đã "oàng" cho một phát B40 rồi tháo chạy một mạch về đơn vị an toàn.

Trong khói lửa dữ dội, khí thế anh em lên rất cao. Ai cũng phấn khởi với những chiến công của đơn vị.

Chỉ vài ba cá nhân còn rớt lại là làm hại đơn vị: T. - một thằng ba hoa, lắm mồm nhất - vào đây hóa ra nhát như một con gián. P. cảm tình Đảng, ở ngoài Bắc ai cũng phục về tài nói, tài làm; nhưng khi vào đây, ranh giới giữa cái chết và sự sống xích lại, P. đã nằm lì, kêu đau và xin ra Bắc...

Dạo này địch đánh phá mạnh. Pháo biển Cửa Việt, Dốc Miếu, Cồn Tiên... bắn tung tóe khắp mọi nơi. Lâm còn sống, đang và đã quen với bom đạn lắm rồi. Trúng thì chết thôi! Chẳng sao cả!

Đồng chí Việt hy sinh vì pháo đêm 6 tháng 10. Lúc pháo bắn cấp tập, Việt còn đùa bỡn, chửi tếu: "Ngu! Bố đây mà sao bắn mãi không trúng?". Vừa dứt lời, chẳng may một quả khác bay đến trúng giữa hầm.

Đồng chí Vĩnh B trưởng B1 đã hai năm ở chiến trường. Đánh đã nhiều trận mà không hề xây xát lấy một miếng da. Đêm 9/10, đi địa hình thôn 8 với Kịa, bị phục kích, Kịa chạy thoát, còn Vĩnh bị trúng năm viên đạn "cực nhanh", chết. Tội nghiệp! Hôm hành quân vào Nam, dọc đường ở Vĩnh Thành, Vĩnh tình cờ gặp người yêu. O ấy tặng cho Vĩnh một chiếc khăn mùi xoa mới, thêu khá đẹp và hẹn: "Khi quay ra, phải nhớ vào nhà em đã nhé!".

Địch càn ra thấu Cẩm Phổ, chúng đi toàn bằng tăng và đã được pháo, B52 dọn đường kỹ càng. Thế mà vẫn phải phơi sương lại 9 xe tăng. Vùng này gần sông, nên chúng khó mà cho trực thăng đến cắp xác mang đi. Thành thử, chỗ ở của 4 chiếc xe trở thành một bãi tọa độ nguy hiểm, chúng muốn thủ tiêu "của nợ" đó. Bọn mình đi qua, lấy tay gõ gõ vào tấm thép đồ sộ to như một toa tàu ấy mà lòng cảm thấy rạo rực, tự hào.
Đêm nay ra sông để trở về Bắc.

Cứ khoảng 5 phút, lại một loạt pháo bắn tới tấp vào bến. Tất cả tản ra, ngồi, nằm đủ kiểu để tránh pháo. Mình lội xuống nước ngập tận bụng, nếu có gì thì ngụp xuống. Quanh đây, không có lấy một cái hầm nào cả (vì không dám làm hầm ở đây, sợ chúng phát hiện, lộ bến). Sang bờ Bắc, khu vực Vĩnh Giang và Vĩnh Tân còn ác liệt hơn ở vùng Xuân Mỹ trong Nam. Nó bắn pháo suốt và thả bom tọa độ.

27/10/1968

Dạo này, máy bay bay nhiều, mức độ đánh phá lớn. Ngày cũng như đêm, bom nổ rền suốt không lúc nào ngớt. Trời nắng ráo sáng sủa thì máy bay trinh sát đến, dò la rồi gọi bọn bổ nhào đến cắt bom, bắn rốc-két, chỉnh cho pháo biển, pháo Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, bắn vào. Trời mây mù, u ám thì từng đoàn, từng đoàn một, theo từng ô có sẵn trên bản đồ, bay tít trên cao thả bom xuống. Còn máy bay B52 thì bất kể, sáng đánh, chiều đánh, nửa đêm đánh...

Ở C1, hai đồng chí ra bãi lấy củi, bị trúng ngay "tọa độ", một chết, một cụt chân.
Hôm kia, dọc đường đi Vĩnh Tú, khi qua chỗ ngã ba, mình tình cờ trông thấy một cánh tay đã teo khô nằm trong một khóm cỏ chổi.

Mấy o "con nhà" thương nghiệp về Bắc Phú cuốn thuốc. Họ chóng quen thuộc với cánh mình và mình cũng thấy vui vui, vì lính thời chiến chỉ quen với bom đạn mãi cũng phát ngấy, phát sốt!

Mấy o kể chuyện về một mối tình của anh ả nọ ở trong Vĩnh Sơn thật keo sơn thắm thiết. Nhưng rồi ả nọ bỗng chẳng may trúng bom, cụt mất một chân. Anh nọ đã xa lánh ả và bỏ hẳn. Kể xong, o Kính ngẩng mặt nhìn mình, thở dài, lắc đầu, kết luận: "Các anh là một lũ vô đạo đức!".

Mình không chịu, ngồi bịa ra, kể cho mấy o nghe về sự phản bội của đằng phụ nữ, và cũng kết luận: "Đàn bà các o thật là một giống dã man!".

O Cường quê ở Vĩnh Tú, trắng trẻo, đẹp mặt đẹp người. Vui tính và có học thức, tế nhị trong khi nói năng cười cợt. Có lúc mình nghĩ thầm, giá đừng có chiến tranh, mình sẽ "xách" o ta ra ngoài đó, chắc "ông bô bà bô" mình chẳng thể chê lấy được một câu nào! Cường cứ đòi nhận làm "chị", và đòi "út" Lân làm em để: "Ả có trách nhiệm lo lắng cho tương lai của út. Út có thiếu thốn gì, cứ bảo với ả sắm sửa cho!". Và Cường căn dặn mình: "Út đừng đi "cưa" (tức là tán tỉnh) kẻo khổ chị. Cưa lắm hàng xóm họ chê bai là chị không biết dạy dỗ em!".

Mình giả bộ thật thà, như một đứa em ngoan, nói: "Vâng ạ, chị dạy đúng. Út sẽ nghe lời chị, út chẳng đi cưa ai đâu. Khi nào buồn, út chỉ tìm đến chị chơi cho đỡ buồn thôi!". Mình nhấn rõ câu "chỉ tìm đến chị chơi thôi" một cách thích thú.

Cường bụm môi lại, lườm mình, rồi bất ngờ cười phá lên, trong trẻo...

(Còn tiếp)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-4-Tru-vung-giua-hai-bo-Ben-Hai/45169305/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:58:41 am
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 5: Trở về Hà Nội tìm lại kỷ niệm xưa...

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169405-tu-lieua.jpg)
Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân - (ảnh: TL)

28/4/1970 (Thứ ba)

Trưa xuống, Thủy báo là mình được nghỉ ngày thứ 6 và 7. Rủ Thủy về Hà Nội, Thủy từ chối. Mình giả bộ giận và phát ra những điều làm Thủy khổ tâm, Thủy nắm lấy cánh tay mình kéo vào lòng, rạo rực nói: "Em đùa đấy mà; anh chả lẽ chẳng bao giờ đùa sao? Em sẽ đi với anh, nhất định thế. Em sẽ xin nghỉ một ngày, như thế anh tin em rồi chứ?... Em không biết nói như thế nào để anh hiểu được nữa. Anh nghe em đi, em sẽ nghỉ, một hoặc hai ngày em xin phép được và theo anh. Anh đồng ý nhé...!".

Mình từ chối vì đau khổ. Mình không thể đủ can đảm giày vò thêm cô ta nữa. Có phương pháp nào để rút lui đây? Chính mình cũng đang đau khổ đấy! Mình muốn nói với Thủy rằng: Mình đã có một tình yêu rồi. Tình yêu đó đậm đà, sâu sắc, kéo dài không quá 13 ngày, để rồi là chia tay và tưởng nhớ... Một năm rồi, tình yêu đó không trở lại. Hoàn cảnh, thời gian, môi trường đã cản trở. Mình dần lãng quên, dần mất đi thứ tình cảm mãnh liệt của tuổi ban đầu: tình yêu!

Mình gặp Thủy ở đây, con tim mình rung động: Thủy ngoan, hiểu biết, cần cù, giản dị và đau khổ. Thủy có đôi mắt buồn, u ám - mình vẫn thường nói với Thủy như thế và mình bị đôi mắt đó hấp dẫn! Mình thầm yêu Thủy. Như thế, mình không giấu lòng mình. Mình bồng bột mãnh liệt, sôi nổi để nói với Thủy những điều mà phải chăng với Thủy đó là những lời nói đầu tiên, Thủy yêu mình. Mình bỗng sợ và lo lắng!

Mình từ chối, sẽ không đi với Thủy về Hà Nội nữa, và mãi mãi như thế. Mặc dầu đau khổ vẫn là sự thật nhất của cõi lòng mình. Rồi dần đó, mình sẽ không đến nhà Thủy chơi nữa. Vô ích, đến mà làm gì? Cả hai sẽ cùng đau khổ. Chủ động cho sự xa cách là ở mình. Thủy sẽ giận và oán mình đành vậy. Thủy ơi, hiểu sao là tùy em, còn anh, anh không thể đi sâu mãi vào con đường đó được nữa. Đừng giận nếu lâu anh không đến thăm em. Thời gian giúp chúng ta xa nhau và quên nhau. Đó là sự hy sinh của anh. Anh sẽ thắng những gì yếu đuối nhất trong tâm hồn. Xa em, từ chối tình yêu của em có nghĩa là anh yêu em, thương em. Chính anh là kẻ phân vân nhiều nhất: làm sao để em có thể hiểu được tâm trạng của anh? Không bao giờ anh về với em đâu, anh sẽ tránh gặp em, tránh để em khỏi nhìn thấy anh và... em biết không, càng như thế, anh càng yêu em tha thiết trong một tâm trạng rối bời: sự kết thúc!

Đừng hiểu lầm nếu từ nay anh không đến thăm em, Thủy nhé!
Đau khổ. Nhưng mà quên nhau đi, anh sẽ thắng.
Anh tin tưởng thế!

18/6/1970

Thương Thủy vô cùng!
Mình thật đáng được nguyền rủa lắm.

28/10/1970

Kết thúc ở đây!
Đêm vào thăm Thủy
Vất vả lắm, Thủy mới nói được cho mình cái "tin vui": T đã có gia đình!
- Chúng em đã làm lễ hôm thứ 5 tuần trước, em buồn lắm, mấy bữa nay toàn bỏ cơm, cứ về nằm biệt ở nhà em. Em buồn không thể tưởng được. Em chán tất cả.

- Vì sao thế?
- Vì thiếu anh!
- ...?!
- Anh thông cảm cho em. Em không còn đường nào khác. Anh sẽ là anh của em, anh đừng đến đây nữa. Em sẽ ra thăm anh, em sẽ tìm đến anh, sẽ tìm đến anh, anh nghe rõ chưa? Sẽ tìm đến anh!...

- Muộn rồi! - Mình cầm tay bùi ngùi thương mến. Có cái gì đó trào lên cổ nghẹn ngào. Thủy không cưỡng được ôm chầm lấy mình, dúi mặt vào vai khóc nức nở... Mình áp môi vào tay Thủy, an ủi: "Thôi, đừng thế. Anh mừng cho em, hạnh phúc của em đáng được trân trọng lắm, em cần có hạnh phúc bởi cuộc đời em đau khổ đã nhiều, đừng tìm đến anh nữa, chúng ta chia tay nhau từ đây...".
Mình choáng váng mất một lúc lâu. Không ngờ Thủy có sự thay đổi nhanh đến thế. Chính mình là nguyên nhân cho mọi đau khổ của Thủy? Dễ phân tích lắm tâm trạng của Thủy, còn mình, mình nói với Thủy:

- Anh vẫn yêu em cơ mà!
Thì Thủy nhỏ nhẹ:
- Anh thông cảm cho em. Em yêu anh, yêu anh từ phút đầu tiên khi gặp gỡ. Mãi mãi vẫn thế! Anh là của em, em sẽ ra tìm anh, nhất định thế...
- Đừng, đừng nên. Vô ích, sẽ tan vỡ tất cả. Chúng ta dừng lại đi thôi. Nhớ đến nhau hãy bắt đầu từ những kỷ niệm...
Không, mình dối lòng mình chính lúc này, tình yêu của mình đối với Thủy sao đằm thắm tha thiết đến vậy? Điều đau xót nhất, buốt nhói vào tim là điều chắc chắn nhất, từ nay, vĩnh viễn Thủy không còn là của mình nữa.
Chia tay, mình bịn rịn, cầm tay Thủy nói:
- Vĩnh biệt nhé!
Thủy trả lời:
- Không phải thế, "tạm biệt" thôi!

Thủy thương quý!

Anh thao thức nghĩ về em, mà dĩ vãng để lại cho chúng mình những nét kỷ niệm xinh xinh của một đêm nào gió lộng, trăng sáng lạnh trên đê, của một hôm nào giận hờn nhau trong đêm xem chiếu bóng... Tất cả đã qua đi theo thời gian, chúng mình cùng lớn lên và thay đổi.

...Anh yêu em bởi một tình cảm mãnh liệt mà khởi đầu là một sự thông cảm chân thành do hoàn cảnh và môi trường em sống. Em có đôi mắt buồn u ám, anh bị hấp dẫn bởi đôi mắt ấy, và cũng từ đôi mắt đó, anh thầm đọc được những gì trong em của cả một quãng đời mồ côi cha mẹ, thiếu vuốt ve, chiều chuộng, thiếu sự đùm bọc chở che. Anh biết em đau khổ. Thủy ơi! Thương em biết ngần nào, khi anh thấy ở em, sau những tháng ngày quen biết: sự đau khổ lại là những gì trong suy nghĩ, nó bắt đầu từ một tâm hồn cao cả.

Làm sao có thể buộc anh quên đi mọi kỷ niệm? Anh ràng buộc và tự giày vò bởi lương tâm trong anh.

Thủy yêu quý! Ngàn lần để nói cho một lời cũng chẳng bao giờ chuộc lại được những gì đã qua. Anh cầu xin em một tình cảm rộng lượng hơn: Đó là sự tha thứ. Đừng đến với anh nữa. Hãy biết thủy chung! Em trách anh tàn nhẫn - tàn nhẫn thật đấy Thủy yêu quý ạ. Nhưng cho phép anh nói những lời cuối cùng nhé: Tình yêu của anh vẫn là tình yêu, anh muốn rõ hơn: Anh yêu em!

Em có một cuộc đời trong sáng từ đau khổ. Thiên bẩm cho em đức tính giản dị, mong em luôn tự tin ở mình và vững vàng vì tương lai.

Nghĩ gì về anh, Thủy yêu quý? Đừng giận anh nhé.

Vĩnh biệt!

Còn em, em nói đi, "tạm biệt" phải không?
Ngủ ngon Thủy nhé. Anh cũng vậy.

(Còn tiếp)

Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-5-Tro-ve-Ha-Noi-tim-lai-ky-niem-xua/45169405/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 12:01:37 pm
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 6: Ra trận lần thứ II

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169539-lan.jpg)
Hoàng Thượng Lân và một nữ đồng đội
1/4/1971
Đúng 3h, đơn vị tập trung, hành quân ra ga Văn Điển. 7h, tàu chuyển bánh. Tàu chạy nhanh và rú còi ầm ĩ. Đầu máy xả hơi nước phì phò. Gió mát ập vào toa, ập vào lồng ngực mình đang thổn thức. Những mái ngói thành phố lùi dần về sau... Thôi nhé, "Tạm biệt ba mẹ và các em của con...". Giấu mọi người, mình áp mặt vào cánh cửa toa, khóc một cách thoải mái.

12h đêm tới Vinh. Ngủ gà ngủ gật trên tàu.
Đêm hôm qua ở thành phố. Mình đến thăm và chào từ biệt gia đình hai mẹ con cô T. Mẹ T. sốt sắng làm cơm nếp gói cho mình một gói to để mang đi ăn đường. T. bọc nó trong một chiếc khăn mùi soa mới có những nét viền đẹp của một đường thêu công phu từ một bàn tay khéo léo dệt nên - kỷ vật của một người ở lại - T. còn mua cho mình một chiếc quạt. T. nói: "Quạt này để anh dùng rồi đây khi ở trên Trường Sơn những ngày nắng nóng và mỗi khi nhớ... nhớ...". Cô ta dừng lại, im bặt, mặt đỏ bừng, chẳng nói được thêm câu nào nữa.
Cơm nếp của mẹ T. cho mang đi, cùng ăn với mấy anh em trên tàu. Lạc độn nhiều, ai cũng khen ngon.
Con tàu hú còi, tăng tốc độ đi nhanh vào hướng trong, xa dần nếp nghĩ đang dâng trào. Kỷ niệm đã qua và những gì của hôm nay. Tự nhiên trong lòng thấy chộn rộn, xao xuyến. Thứ bảy này, thế là mình không có mặt ở nhà nữa. Ba mẹ và các em chắc không quên nhắc đến tên mình đây. Lại nhơ nhớ T., nhớ cô bé "chăn bò" có một cuộc đời khác với mọi người, đau khổ được thể hiện rõ trên đôi mắt nhìn xa xôi ấy.

3/4/1971
Đi ca-nô, lênh đênh trên dòng sông Lam một đêm trăng vằng vặc. Đêm dần về khuya. Hai bên bờ sông nhấp nháy những ánh đèn dầu thôn xóm. Đèn thao thức. Lòng dân cũng thức theo tiếng máy ca-nô nổ rền.

4/4/1971
Ô tô đưa bọn mình về KP., một chiều trời nắng nóng và đầy bụi đường. Những chiếc xe dăng dài thành tuyến dọc, chở đầy chiến sĩ, lắc mạnh và chồm qua những ổ gà, mô đất. Lá ngụy trang rung, rơi lả tả xuống sàn xe. Bụi mù mịt. Chẳng mấy chốc nhìn nhau, tóc ai cũng đều bạc đỏ cả.
Mệt vì say xe, ngủ không còn biết trời đất là gì nữa.

5/4/1971
Đêm ngủ trên Trường Sơn. Rừng bạt ngàn, hoang dã, bí mật và dễ sợ. Bình minh ở rừng khó nhận thấy hơn ở đồng bằng. Hai chiếc trinh sát OV... mò đến từ sớm, tiếng động cơ rền rĩ, dai dẳng.
Đã một tuần nay toàn leo núi và lội suối, bám dây song trườn qua những eo vực sâu thăm thẳm lại tưởng tượng như mình là những người địa chất đang đi tìm quặng. Đồ đạc đeo trên ba lô chẳng giảm đi được chút nào. Cơm không thấy buồn ăn nữa. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ thấy cơm với muối không, mặn đắng cả lưỡi.
Đường giao liên dẫn bọn mình ngày một vào sâu hơn về phía Tây Nam.

9/4/1971
Nghỉ mười phút, toàn đơn vị dừng lại trên một đoạn đường cái lớn. Một chiếc ô tô chết máy được giấu kỹ lưỡng dưới một tùm lá cây rậm rạp.
Hỏi chuyện, bọn mình mới biết đồng chí lái xe phụ đã hy sinh. Đồng chí lái chính - tên là Thành - một mình đưa bạn ra khỏi cabin, ra tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Nấm mồ được đánh dấu kỹ lưỡng, cách chiếc xe chỉ chừng bốn chục mét.

19/4/1971
Đường từ BT2 đến BT3 không thông. Đây là con đường giao liên duy nhất dẫn tới làng Hồ. Sáng nay một chiếc cáng cách làng Hồ sáu cây số được đưa ra. Đồng chí thương binh nằm trên cáng mê man. Người ta đã băng bó kỹ cho chiếc chân đã cụt đến đầu gối của anh mà máu vẫn rỉ ra võng. Một đồng chí khác bị hỏng mất mắt trái, tỉnh táo đi đầu chiếc cáng. Gặp bọn mình ngồi nghỉ, toán cáng thương cũng dừng lại. Họ xin nước uống và hỏi thăm đường ra BT1, trạm phẫu. "Đồng chí này" - họ chỉ vào chiếc cáng - "bị mìn hôm qua, đến hôm nay chưa thay băng".

oOo

(...) Ô tô dừng lại bên một sườn dốc. Những nhành đá tai mèo nhô ra tưởng như những cọc tiêu trên đường hay ở trạm ba-ri-e nào đó. Dưới thung, những tia khói xanh ngoằn ngoèo bay lên, quyện mùi thơm của hành tỏi xông nức mũi. Đơn vị B15 đã đến từ lúc nào rồi, đang tổ chức bữa cơm chiều dưới suối. Những tia nắng chiều xuyên qua các kẽ lá, rọi lung linh. Ve sầu kêu đổ hồi, tiếng các loài chim gần xa tạo thành một thứ âm thanh mới lạ.
Chính trị viên Hòa bước ra khỏi cabin, đóng cửa xe đánh "sầm" một tiếng khô và đanh, bụi tung đỏ lừ. Anh nói to:
- Tất cả xuống nhé. Đến rồi!
Trên các khoang xe, anh em lục đục nhận đồ đạc. Anh còn khỏe xuống xe trước đón ba lô. Các đại đội lần lượt tập hợp quân số, báo cáo và chờ lệnh di chuyển. Chiến sĩ dàn thành hai hàng đứng nép sát vách núi và bờ vực nhường đường cho mấy xe Zin xuống dốc, tìm bãi rộng để quay xe trở ra, về binh trạm.

oOo

Tiểu đoàn thành hàng dọc theo đồng chí giao liên dẫn đến chỗ nghỉ. Một con suối trong vắt hiền hòa chảy qua đường cái dẫn chúng tôi rẽ ngang để vào rừng. Anh em đeo vác nặng: ba lô quần áo, gạo muối, súng đạn, v.v... Lích kích đủ thứ. Từ nhánh suối nhỏ, chúng tôi tới một cái khe lớn đầy đá cuội trắng. Mặc dù đang vào mùa khô, nước vẫn tạo thành một dòng lớn, tung bọt trắng trườn qua những hòn cuội chắn giữa dòng.
Tôi theo bộ phận đoàn bộ đi vào sâu hơn - vùng thượng nguồn. Một vùng đất bằng phẳng nhưng ở trên cao. Có nhiều cây con mắc võng rất tiện. Tất cả đều ổn định chỗ nghỉ. Bếp Hoàng Cầm nhanh chóng được hình thành, chẳng mấy chốc, các bếp đều đã âm ỉ khói.

26/4/1971
Chúng tôi hành quân về phía Tây. Núi rừng Trường Sơn rộng lớn chạy dài vào hướng Nam. Càng ngày, chúng tôi càng lọt sâu vào rừng núi. Bốn bề, bốn bề lá keo dày đặc. Sau mỗi ngày theo con đường mòn len lỏi đi về phía trước, đơn vị lại dừng chân tại một binh trạm ven đường nghỉ đêm. Binh trạm nơi đây để lại nhiều dấu vết của bao người đã đi qua. Những thân cây cổ thụ với vết dao khắc tên kỷ niệm, ngày tháng họ đã đến, đã đi, còn hằn rõ vết dây võng, một ống bương ai đã khéo léo đặt dưới một phần đất cao ri rỉ nước, hứng đón từng giọt ngày này qua ngày khác vào mùa khô cạn... Những cái bếp Hoàng Cầm với một công trình tuyệt vời về đường ngầm dẫn khói đi ra các ngả để rồi tỏa lan, loãng dần trong không khí khiến máy bay địch không phát hiện được.
Đêm ngủ không yên tĩnh chút nào. Máy bay địch bay suốt đêm. Những đơn vị bạn hành quân tới trạm muộn, bước chân rầm rập, hối hả trong đêm tối. Họ tìm vị trí đóng quân. Những đốm lửa thuốc lá lập lòe, tiếng điếu cày kêu ròn trong tấm ni-lông trùm kín che ánh sáng.

oOo

1/5/1971
Đơn vị lên đường lúc bầu trời còn đầy sao. Tất cả sửa soạn nhanh gọn, nhẹ nhàng và xuất phát theo thứ tự từng bộ phận.
Bọn B52 đánh dữ dội, nổ rền rung chuyển. Lửa bom lóe sáng. Tiếng động cơ của F.105 hộ tống bay xèo xẹt trên đầu.
Đơn vị đi được một tiếng đồng hồ thì gặp ngay một con dốc cao. Dốc dữ dội, nói "dữ dội" là sai, nhưng quả là khiếp thật! Đèo cao và đèo. Đây là đường giao liên dẫn đi sâu về phía Tây Nam. Càng leo lên cao, cơ thể càng dần mệt mỏi. Mồ hôi ai cũng đều vã ra như tắm, tim đập thình thình, phải há cả miệng để thở.

(Còn tiếp)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-6-Ra-tran-lan-thu-hai/45169539/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 12:30:44 pm
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 7: Tình đồng đội: núi rừng ấm áp
(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169606-14pe.jpg)
Hoàng Thượng Lân với em trai ở Hà Nội tết năm 1971

1/5/1971

Giữa lưng chừng đèo, chúng tôi gặp một đơn vị nữ thanh niên xung phong đang khẩn trương vá lại một đoạn đường vừa bị bọn địch làm sạt lở. Không ai bảo ai, tất cả đều tự nhìn lại mình, sửa sang tư thế. Có cậu chàng đặt vội balô từ xa, mặc lại quần dài kẻo "khó coi" khi đi qua tốp thanh niên xung phong đó.

Các cô gái ngừng tay xẻng tay cuốc, né tránh sang một bên nhường lối cho chúng tôi đi. Một cô có khuôn mặt tròn, thân hình đẫy đà đứng trên mỏm cao của một bậc đá với tay xuống cho các chiến sĩ bíu vào. Tôi giơ cao tay cho cô ta cầm, rồi lấy đà nhún chân bước mạnh lên bậc cao. Cô ta kéo khá khỏe, giọng đặc miền Trung hỏi tôi:

- Nặng lắm không eng?
- Thường thôi - tôi trả lời - Các o vào đây lâu chưa?
Tôi đi đã quá người con gái vừa kéo tay tôi lên, thành thử câu hỏi đâm ra trống không. Nhưng những cô gái khác đứng phía trên tôi đã lập tức đón câu hỏi đó:
- Chúng em vào đây hai năm rồi!
- Quê các o ở đâu?
- Quảng Bình có. Hà Tĩnh có. Nghệ An có. Cả người khu Ba các eng cũng có!

oOo

Anh em tụ tập nghỉ ngơi trên đỉnh dốc - một phần đất phẳng, quen gọi là "yên ngựa". Leo được tới đó là mừng rồi. Giờ chỉ còn xuống dốc nữa thôi. Một số khỏe hơn, đặt balô xuống, quay lại đón đỡ hộ đồ đạc cho những đồng chí yếu vất vả leo lên. Mưa đổ xuống rào rào. Một cơn giông kéo dài không ngớt hạt. Anh em tháo vội các nắp túi cóc, lấy ni-lông che chùm lên người và balô. Một số tản vào các hốc đá khô ráo mà ẩn nấp. Đất và lá rừng ướt sũng những nước là nước. Lên dốc đá đã khó, xuống dốc cũng khó. Đường ở những quãng đất rất trơn, chân phải bấm chặt, xuống dần từng bước. Đã đi chậm, sợ trượt ngã, nhưng cả khối nặng trên balô thì cứ dồn xuống, nặng trĩu đôi vai, buộc phải đi nhanh. Đi trên những mầm đá tai mèo nham nhở, phải ngồi xổm, nắm lấy từng "tai mèo" mà tuột dần dần xuống. Những khúc đường này, thường là đi rất chậm. Anh em dồn lại đằng sau chờ người đằng trước.

Có anh đứng lâu, mỏi, hỏi giọng sốt ruột:

- Sao mà chậm thế?
Một giọng miền Trung từ xa đáp lại:
- Không mắc chi mà vội. Chỗ ni, đi ẩu, bổ... thì có mà lòi ruột!

Có những đoạn một bên là sườn đá nhỏ cheo leo, một bên là thành vực sâu hoắm. Người qua được trước đứng lại đỡ cho người đi tới. Người đi tới vừa qua lại đỡ cho người sau tới. Cứ thế mà nhích dần, nhích dần. Mưa vẫn rơi đều, không ngớt. Nước mưa hắt rào rào từ trên lá cây đổ xuống. Anh em không còn phân biệt được đâu là mồ hôi, đâu là nước mưa trên trán, trên má mình nữa. Thỉnh thoảng nghe đánh "huỵch", một anh chàng nào sơ ý, tuột chân, ngã ngồi cả người lẫn balô, ướt bê ướt bết. Những tiếng cười trêu chọc nổi lên:

- Chỗ ấy tớ đo rồi, không cần cậu đo nữa đâu!
- Ếch to không đấy?
Anh chàng vừa bị ngã, mặt méo xệch vì đau, nhưng không nhịn được, cũng phì cười theo và không quên lời "khủng bố":
- Tớ không phải là người cuối cùng đâu. Rồi còn được cười nữa. Không chừng kẻ cười tớ nhiều là kẻ sẽ ngã đau nhất đấy!

Nền đất ẩm ướt. Nước theo chỗ trũng của sườn núi tuôn thành dòng xối ầm ầm xuống vực sâu. Nhiều anh chàng sợ vắt, thỉnh thoảng lại kêu tướng lên, cuống quýt xát hai bàn chân vào cho con vắt bật ra ngoài. Nhưng những con vắt đói mồi nào có chịu, càng bám chặt hơn. "Kẻ thù gặp phải đầu tiên!" - anh chàng Bảo lè lưỡi lắc đầu nói với tôi vẻ hài hước. Quả vậy, hễ mưa xuống là chúng tôi ngày càng nhiều khó khăn, mà khó khăn bởi những chú vắt đói mồi, rướn cao thân lẩy bẩy đón lấy bàn chân chiến sĩ mà bám lấy cũng đáng kể lắm. Cậu Kha bị vắt cắn ở nách, máu chảy ra loang lổ một vạt áo. Anh em hỏi đùa:

- Bị thương mặt trận nào ra đấy?
Kha chọc ngón tay trỏ lên cao, huơ qua huơ lại mấy vòng, ra vẻ:
- Ở A Sầu, A Lưới đây!

oOo

Trời trở lạnh đột ngột. Mây trắng dâng đầy, che lấp các mỏm núi. Mưa nặng hạt rải rác rồi ngớt dần.

Chúng tôi tới đỉnh đèo "một không không một" lúc trời về chiều. Đơn vị trú đêm bên một con suối lớn. Nước suối sôi réo tung bọt trắng xóa. Ăn được bữa cơm, nắm một vắt cơm để mai ăn đường, mắc vừa xong tăng võng thì mưa lại sập xuống lộp độp trên mái tăng và to dần khiến nước bắn cả dưới đáy võng. Nước tuồn xuống tụ họp thành dòng chảy ra suối. Đất rừng ẩm lạnh. Mưa một lúc lại tạnh, mưa trên Trường Sơn là thế. Chỉ còn nghe tiếng ầm ầm của suối lũ. Những giọt nước tụ dần trên các nhành cây, được một cơn gió lại thi nhau tuột xuống. Con vật gì kêu "chà bóc", "chà bóc" phía xa xa. Tôi ngồi tán chuyện với Bảo, đang say sưa nghe Bảo kể chuyện chăn vịt đồng nước, lỗ lãi ra sao thì Hải từ võng bên mò sang.

- Các anh còn thuốc không?
- Ký ninh à? - Bảo hỏi tinh nghịch.
- Thuốc là thuốc hút cơ!
- Đây. Thuốc lá thì hết, nhưng thuốc lào thì sẵn - Bảo mở túi áo đưa cho Hải một bao nhỏ bằng ni-lông.
Tôi mời Hải ngồi chơi, Hải vui vẻ:
- Em bị phồng rộp mấy ngón chân anh ạ. Em lo ngày mai không biết có đi được nổi không đây.
- Này, đừng có mà bóp mạnh chỗ phồng đấy nhé kẻo nó vỡ - Bảo phổ biến - Lấy kim chỉ xâu qua chỗ phồng nước, cắt để lại đoạn chỉ trong đó, nó sẽ xẹp xuống dần dần.
- Ôi! Đi thật vất vả anh ạ. Từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên em cảm thấy mệt quá sức. Mà cũng chẳng còn là "cảm thấy" nữa. Nó thực tế ngay trước mắt. Nhìn các anh đi thoải mái, em thèm được đôi bàn chân như thế quá!...

Tôi hỏi:
- Cậu nhập ngũ lâu chưa?
Hải nhìn tôi rồi lại nhìn sang Bảo:
- Mới đây thôi anh ạ. Lần đầu tiên em đi xa đấy. Hồi ở nhà, chỉ một trận đá bóng nhỏ, chạy chưa được vài vòng trên sân là đã thở dốc rồi. Hai bên mạng sườn đau ê ẩm. Chẳng bù cho hôm nay, sau này về, đá liền cả hai hiệp cũng chả "mùi" gì nữa!

Còn tiếp

Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-7-Tinh-dong-doi-nui-rung-am-ap/45169606/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 12:33:25 pm
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 8: Giữa vòng bom đạn

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169791-15b.jpg)
Hoàng Thượng Lân trong chiến trường Quảng Trị

(Tiếp theo ngày 1.5.1971): Hải xoay mình, dài tay ra với ở đầu võng một chiếc gậy đi đường. Gậy bằng ống nứa mỏng, săn thớ, dùng cho người nghiện thuốc lào lên Trường Sơn. Vừa là gậy chống, vừa là ống điếu bằng một lỗ nhỏ khoét ở giữa vừa cho một điếu thuốc lào để giải nghiện. Sau hơi thuốc dài, Hải đặt "điếu" lại chỗ cũ, nheo mắt lại vì khói, cậu ta nói tiếp:

- Ngày ở nhà, các anh ở làng em từ mặt trận trở về. Các anh ấy kể chuyện chiến đấu, chuyện trên đường hành quân, trên những địa danh các anh ấy đã đi qua và những kỷ niệm... Em ngồi nghe, chỉ biết nghe thôi chứ không tham dự được câu nào. Làm sao mà góp chuyện được khi mà mình chưa từng sống như họ. Em thèm muốn được như họ quá. Nghe họ kể lòng cứ tức anh ách... Bây giờ thì đàng hoàng rồi. Chuyến này có về, ngồi kể cả tuần cũng không hết chuyện.

Nghe tiếng nói, tiểu đoàn trưởng đã tìm đến. Anh đằng hắng từ xa, hỏi tới:

- Các cậu chưa ngủ à, chuyện gì mà vui vẻ thế?

- Dạ, tâm sự tí tỉnh thôi, thủ trưởng ạ!

Tôi ngồi dịch sang một bên nhường chỗ cho tiểu đoàn trưởng. Anh lom khom chui qua sợi dây tăng, ngồi xổm xuống cạnh Hải, quàng tay qua vai Hải một cách tự nhiên.

- Mai đi sớm đấy - anh nói - Dốc khá cao và dài. Vượt được nó mất những sáu tiếng đồng hồ. Nhớ đóng nước cho đầy bi-đông kẻo lên đỉnh khát mà hết nước thì khốn! Dốc này ngày xưa tớ đã đi rồi. Hồi ấy chúng tớ đi vất vả hơn bây giờ nhiều. Con đường mòn đã được hình thành như bây giờ đâu, cứ cầm dao phát cây mà đi. Lên tới đỉnh, tầm mắt nhìn được giải phóng khỏi lá rừng bít bưng, trông về hướng đông xa xa, thấy đồng bằng thoai thoải, lòng phơi phới...

5.5.1971

Nguyên nhẩm tính đã được bao ngày đi trong rừng. Anh thở hắt một cái thật mạnh: "Nửa tháng rồi!". "Nửa tháng trên Trường Sơn".

Nguyên sẽ gửi ngay thư về nhà, báo cho gia đình biết về tình hình ở đây để yên tâm. Chốc nữa thôi, sau bữa cơm sáng, Nguyên sẽ viết. Hôm nay đơn vị dừng chân nghỉ lấy sức hai ngày. Toàn đơn vị mắc võng dọc theo hai bờ suối. Anh em được nghỉ ngơi, tắm giặt hò hét thoải mái dưới lòng suối. Chuyện xảy ra ngày hôm qua, họ thật chóng quên, không những thế, mấy tay nằm cạnh sáng nay còn rủ Nguyên đi chơi thăm một đơn vị thanh niên xung phong đóng gần đấy. Nguyên chẳng tiện từ chối, đi theo họ. Nguyên rủ tôi cùng nhập cuộc. Tôi cũng "chẳng tiện từ chối": Ừ thì đi!

Chúng tôi chui qua những lùm cây tươi tốt, nơi ẩn náu của những mái nhà binh trạm. Dọc theo con đường mòn rẽ xuống khe suối nhỏ, Nguyên gợi chuyện xảy ra ngày hôm qua. Hôm qua, vừa dời khỏi BT27 thì đơn vị bị lộ đội hình. Chúng tôi không một ai chịu nhận là lỗi do đội hình hành quân của đơn vị mà là do khói của mấy nhà bếp BT27 bốc cao quá, "cái con bé cấp dưỡng có lúm đồng tiền ở má ấy, hễ cơm cạn, củi còn cháy là cứ lôi ra vứt bừa ngoài cửa bếp, khói cứ đùn lên...". "Chẳng hẳn, có khi tại mấy chiếc ô tô chở hàng vào BT27 rồi nằm lì cả đêm ở đó...".

- Nằm lì thì có làm sao, ngụy trang trên xe kỹ, trời mà biết được!

- Ấy, chưa chừng, đêm qua nó bay nhiều. Phương tiện trinh sát của chúng không thiếu. Mấy "con mẹ" OV10 réo thật dai dẳng...

- Nó dùng tia hồng ngoại...

- Nó đến đánh lúc ấy khoảng sáu giờ nhỉ?

Hai chiếc OV10 đến đánh lúc sáu giờ. Chúng liệng xuống thấp và phóng lựu đạn vào đúng khu vực BT27. Đạn nổ chát chúa, cây rừng rào rào đổ. Chúng tôi được lệnh vừa ẩn nấp vừa chạy về phía trước. Theo dự đoán của chính trị viên Hòa, chốc nữa máy bay oanh tạc sẽ đến, cần vượt nhanh ra khỏi khu vực này. Lựu đạn và rốc-két trên hai chiếc OV10 nổ vương vãi bên đường. Chúng tôi vừa qua khỏi một con dốc đã nghe tiếng động cơ của B57 lượn vòng trên cao. Đơn vị không ai việc gì cả. Nghe anh em tự kháo với nhau rằng ai cũng đều bị "những quả đạn hú vía" nổ ngay bên cạnh nhưng may mắn không bị "tới".

- Thế là... cậu còn sống nhăn răng ra đây - Nguyên búng vào mũi Hải một cái - có thế thôi mà nghe cậu tường thuật cứ như cậu ở âm ti chui lên ấy!
Hải cười ngượng nghịu:

- Quả là sợ thật đấy anh Nguyên ạ. Buổi đầu mà... Còn anh, cái buổi đầu ấy cảm giác nó ra làm sao?

- Tớ? Tớ là tớ qua rồi, qua từ cái ngày còn ở dân quân, vác 12 ly 7 ra đồi chọi với nó ấy. Chỉ có lạ với các loại OV10 và B57 này. Tớ chưa xáp mặt bao giờ.

Nguyên quê ở một vùng chiêm trũng, nước lúc nào cũng trắng đồng, đôi xà cạp quấn chân chẳng bao giờ khô, mưa xuống ếch nhái kêu râm ran, kêu đến nỗi - Nguyên thổ lộ với tôi - "không nguôi cái nhớ" tiếng râm ran ngoài đồng nước ở quê nhà mỗi khi mưa xuống ở đây!

Tôi cười thông cảm. "Đường ra trận, ai mà không mang theo trong mình những suy nghĩ riêng tư, những kỷ niệm bộn bề về gia đình, về bạn bè, về những gì đã gắn bó với mình qua từng chặng đường trưởng thành... và cả những gì thuộc về khung cảnh thiên nhiên mang nặng màu sắc quê hương mình như Nguyên ấy: tiếng "râm ran"...".
Nguyên cười ngắt lời tôi:

- Cái đó là nhỏ!...

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169791-15-ky-hoa.jpg)
Một bức ký họa của Hoàng Thượng Lân trong chiến trường

* * *

Chúng tôi dừng lại ở cái bậc lên xuống. Bậc không cao. Sáu bước thôi là "chạm" ngay một cái lán rộng chứa một cái bàn bóng bàn tự làm lấy bằng các mảnh gỗ đựng khí tài. Hai cây vợt "mút" hẳn hoi để giữa bàn nhưng không có người chơi.

Khu vực của đơn vị thanh niên xung phong ở sâu và kín. Đi dưới suối, nếu không chú ý thì không biết chỗ đóng quân của họ.

Lên hết sáu bước, chúng tôi ngồi cả lên cái bàn bóng bàn, lắng nghe tiếng hát từ trên cao vọng xuống. Một giọng nữ đang hát bài Rừng xanh vang tiếng Ta Lư.

- Thúy Hà Trường Sơn đấy!

- Giọng tốt đấy chứ. Nghe thủ trưởng bảo, ngày kia đi tiếp sẽ được gặp một bản Vân Kiều và cây đàn Ta Lư của họ...

(còn tiếp)
Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-Ky-8-Giua-vong-bom-dan/45169791/275/)


Tiêu đề: Re: Tài hoa ra trận
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 12:38:25 pm
Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - kỳ 9: Những dòng chữ cuối cùng

Ngày 5/5/1971
(...) Các đồng chí thanh niên xung phong tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Đồng chí Đại đội phó - đưa đến từng người những ca nước làm bằng ống phóng rốc-két, hơi nước sôi bốc nghi ngút, đon đả mời:
- Uống đi các anh. Chỉ hiềm nỗi nước không ngon thôi. Chúng em vẫn uống quen vị chè vùng này rồi!
Tôi hỏi:
- Các đồng chí ở đây lâu chưa?
Vân Anh dịu dàng đáp:
- Dạ, cũng mới thôi. Hôm nay đơn vị ra mặt đường gần một nửa, còn nửa chúng em ra làm đêm qua, được nghỉ bù...
Chúng tôi ngồi dịch sát lại nhau nhường thêm chỗ cho các cô gái ở những lán khác hiếu khách đến.
- Các anh đã qua một trọng điểm ác liệt mà các anh không biết vì mấy ngày nay chúng không đến "tọa độ" - một cô gái nói với chúng tôi - bọn em vẫn thường làm ở đấy!
- Chúng tôi chỉ thấy đường mòn nhỏ thôi - Nguyên đáp.
- Vậy là các anh đi đường tránh mới mở. Chỉ có điều đi như thế rất vất vả vì toàn dốc và trơn.

Doãn nãy giờ im lặng, thấy một quyển sách được bọc giấy báo cẩn thận, Doãn cầm lên tay, lật lật vài trang đầu, cậu ta bỗng kêu:
- Ôi! Quý quá!
- Gì thế?
- "Cơn bão táp"!
- Của Ê-ren-bua - Tiến ngồi cạnh tôi nói - Hồi ở nhà mình đã được xem một lần. Trong đó có một mối tình cảm động giữa Xéc-gây và Ma-đô.
Một cô gái ngồi phía ngoài cửa bỗng xoay hẳn người về phía Tiến, tham gia:
- Đấy chỉ là một khía cạnh...
- Vâng, vượt lên trên là lòng yêu nước nồng nàn và một cuộc chiến đấu vĩ đại chống phát-xít Đức của nhân dân Liên Xô...
Cô gái đưa mắt đồng tình nhìn Nguyên - người vừa nói - và hỏi Doãn:
- Anh chưa đọc phải không?
Doãn trả lời:
- Tôi muốn xem lại.
- Biếu các anh đấy. Chỉ tiếc thiếu mất, không đủ bộ. Hôm chúng em đi làm vắng, ở nhà bị bom... Sót lại quyển này.
Các cô gái vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện xảy ra những ngày họ ở Trường Sơn. Chúng tôi vui lây cái vui của họ. Với vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn, các cô hỏi thăm chúng tôi lần lượt từng người một về sức khỏe, về quê hương và vợ con... Rồi họ cười phá lên, nhất định không tin lời của cậu Ban "râu" khi cậu ta thật thà trả lời là "Chưa có vợ!". Đến lượt chúng tôi hỏi lại, các cô cũng đều trả lời: "Chưa có chồng!".
- Vội chi anh - một cô gái ngồi đối diện tôi, hai bàn tay đang thoăn thoắt tết tóc, đầu nghiêng nghiêng, ngước mắt nhìn lướt chúng tôi nói - Xong xuôi đã rồi lấy chồng cũng chưa muộn mà!
Chúng tôi có thể đọc thấy, nhìn thấy một niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi cuối cùng, một sức sống tiềm tàng chứa đựng ở những khuôn mặt xanh lướt vì mệt mỏi, thiếu ngủ và nụ cười hồn nhiên của những cô gái thanh niên xung phong chúng tôi gặp hôm nay. Đôi mắt của họ hiền hậu, nhìn sâu đọng và hứa hẹn. Tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục những cô gái thanh niên xung phong, họ sống lạc quan bên những mái lán Trường Sơn, thường xuyên chịu đựng bom đạn, gian khổ để góp phần của mình vào chiến thắng chung trên những tuyến đường ngày đêm cả đất nước đang hành quân ra trận...

(http://www2.vietbao.vn/images/vn45/the-gioi-tre/45169878-14pa.jpg)
Gia đình đưa Hoàng Thượng Lân từ Nghĩa trang Trường Sơn về Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi - Hà Nội

Thay cho đoạn kết
Cuốn nhật ký đã khép lại trang cuối cùng ở đây và Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) đã hy sinh ngày 24/10/1971 trong một trận bom dữ dội của kẻ thù, khi đang vượt sông Xê Băng Hiên (Quảng Trị) đi làm nhiệm vụ. Theo lời đồng đội kể lại, lần đó, trong ba lô của Hoàng Thượng Lân còn một tập bản thảo ghi chép rất công phu và dày dặn. Có thể đó là một cuốn nhật ký, nhưng cũng có người bảo đó là bản thảo một tiểu thuyết và những truyện ngắn. Dù là nhật ký, truyện ngắn hay tiểu thuyết thì chắc chắn đó cũng là những trang viết cuối cùng.
Trong những cuốn sổ ghi chép mà Hoàng Thượng Lân đã gửi về gia đình, trang đầu tiên đều có dòng chữ do chính tay anh viết nắn nót: "Nếu tôi có hy sinh (hoặc nhỡ xảy ra chuyện gì"), xin gửi lại cuốn sổ này cho cha tôi ngoài Hà Nội, theo địa chỉ: Ông Hoàng Nguyên Kỳ Nhà H4, phòng 47 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ.". Nhưng rất tiếc là tập bản thảo cuối cùng của anh đã bị cuốn theo dòng nước sông Xê Băng Hiên, sau loạt bom tọa độ của máy bay Mỹ. Chúng ta không rõ Hoàng Thượng Lân đã viết những gì trong trong tập bản thảo đã thất lạc ấy...
Hà Nội, tháng 10/2005
Đặng Vương Hưng

Họa sĩ Lê Trí Dũng: Ngay tại chiến trường Quảng Trị, Hoàng Thượng Lân đã được đồng đội coi như một người anh hùng!
"Trong thời gian học tại Trường Mỹ thuật Yết Kêu (năm 1964 - 1967), tôi cùng họa sĩ Thành Chương và Hoàng Thượng Lân chơi với nhau khá thân thiết. Lân hồi bấy giờ là một chàng trai to cao nhất trường (cao 1,74m, nặng hơn 70 kg), tính tình rất hào hoa, phóng khoáng tới mức bạt mạng. Lân có hai ham thích lớn là hội họa và thể thao. Lân thường xuyên luyện tập, tổ chức những cuộc đấm bốc và là một cầu thủ bóng đá nghiệp dư rất giỏi của trường. Chiều nào Lân cũng cùng bạn bè ra đá bóng ở sân Công viên Thống Nhất. Hoàng Thượng Lân rất thương và yêu tin bạn bè, không tiếc một thứ gì nếu bạn bè thích, sẵn sàng cho bạn bất kỳ thứ gì mà mình có. Tôi còn nhớ có một buổi chiều sau khi đá bóng ở sân công viên trở về, mấy anh em mệt nhoài và đói lả, Lân rủ anh em vào một hiệu bánh rán ngon nhất ven hồ Thiền Quang và bảo: "Các ông ăn được bao nhiêu thì cứ ăn", bánh rán thì nhỏ bằng quả bóng bàn, chúng tôi mỗi người phải ăn vài chục chiếc mới no, Lân bảo cứ ăn thoải mái, lúc đứng dậy, Lân phải vét hết sạch tiền trong túi mới đủ trả. Cá tính phóng khoáng của Lân thể hiện rõ cả trong lối vẽ tung tẩy, mạnh bạo của anh. Cá tính này của Lân nổi lên rất rõ trong những năm tháng chiến đấu sau này, khi anh có một lối đánh giặc rất quả cảm, liều lĩnh và hiệu quả trong nhiều trận. Ngay tại chiến trường Quảng Trị, Hoàng Thượng Lân đã được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Sau này, khi tôi vào chiến trường, đến thôn Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh (ngày nay là Quảng Trị) thì gặp Hoàng Thượng Lân vừa đi đánh trận về. Trong trận đánh này Lân bị cụt một ngón tay cái, vì Hoàng Thượng Lân là trung đội trưởng, sử dụng súng máy trung liên RBD (hỏa lực chính của trung đội), nên thường bị Mỹ - ngụy tập trung hỏa lực mạnh để tiêu diệt. Khi tôi vào đơn vị thăm Lân, thì anh tặng tôi chiến lợi phẩm là một chiếc ca của Mỹ và một chiếc võng. Lân còn đem nhiều giò hộp (chiếm được trong căn cứ của Mỹ) ra chiêu đãi tôi. Có thể nói những người lính Vĩnh Linh, Quảng Trị lúc bấy giờ đặc biệt quý trọng Hoàng Thượng Lân và coi anh như một người "Anh hùng" của những người lính sinh trưởng ở Hà Nội, không những vì phong thái hào hoa, phong nhã cùng những tri thức hiểu biết của Lân mà cái chính là vì cách đánh trận quá dũng cảm của anh. Có những trận, Hoàng Thượng Lân bật dậy từ chiến hào, tay vác súng máy RBD lao thẳng về phía địch, vừa chạy vừa bắn rất dũng mãnh, bất chấp việc có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chính vì cách đánh trận dữ dằn, quá dũng cảm như vậy nên đồng đội ngày ấy thường gọi anh là "đại ca".

Việt Chiến (ghi)

Việt Báo (http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Nhat-ky-Tai-hoa-ra-tran-cua-Hoang-Thuong-Lan-ky-9-Nhung-dong-chu-cuoi-cung/45169878/275/)