Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Một thời máu và hoa => Tác giả chủ đề:: hieuc3d26f7 trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:01:02 pm



Tiêu đề: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:01:02 pm
 Xin kính chào tất cả anh em CCB cùng các bạn trẻ trên mạng QSVN .
 Tôi xin được tự giới thiệu :
 Tôi tên là Nguyễn Hữu Hiệu là lính thông tin của C3 D26 F7 QD4 .
 Quê Cẩm giàng Hải Dương , là lính thông tin F7 nhập ngũ 1974 .
 Tôi cũng đã từng có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam trong thời điểm lịch sử của Đất nước và cũng là người lính thông tin F7 QD4 có mặt bên biên giới Tây nam từ những ngày đầu nổ ra cuộc chiến tranh Việt nam - Campuchia .
 Qua một số con cháu cho biết trang QSVN này , bản thân tôi cũng rất muốn được tham gia sinh hoạt viết bài cùng anh em CCB đã từng có ngày tháng chiến đấu trên chiến trường K .
 Nguyễn Hữu Hiệu tôi rất mong được sự giúp đỡ chỉ bảo của anh em


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: H3 Hùng trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:28:26 pm
Xin kính chào tất cả anh em CCB cùng các bạn trẻ trên mạng QSVN .
 Tôi xin được tự giới thiệu :
 Tôi tên là Nguyễn Hữu Hiệu là lính thông tin của C3 D26 F7 QD4 .
 Quê Cẩm giàng Hải Dương , là lính thông tin F7 nhập ngũ 1974 .
 Tôi cũng đã từng có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam trong thời điểm lịch sử của Đất nước và cũng là người lính thông tin F7 QD4 có mặt bên biên giới Tây nam từ những ngày đầu nổ ra cuộc chiến tranh Việt nam - Campuchia .
 Qua một số con cháu cho biết trang QSVN này , bản thân tôi cũng rất muốn được tham gia sinh hoạt viết bài cùng anh em CCB đã từng có ngày tháng chiến đấu trên chiến trường K .
 Nguyễn Hữu Hiệu tôi rất mong được sự giúp đỡ chỉ bảo của anh em

Hoan nghênh đồng chí thông tin F7 QĐNDVN lên diễn đàn quân sử. Lính thông tin trong này thì nhiều lắm, xưa thì có chị hatuyenha, nay thì có bác tran479, linhmoi, trungsy1, haanh, ali_rua_205 và nhiều đồng chí nửa mà trong lúc vội vàng không kịp kể tên.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: Bodoibucket trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:32:11 pm
Bác Hiệu có gì hay cứ phọt ra, bác có phọt ra thì tụi em mới bàn tán và ném đá được chớ!
Trên này lính thông tin hơi bị nhiều đấy bác! Các bác thông tin ơi vào cổ vũ, xúi giục bác Hiệu đê!  ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: T54b trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:40:46 pm
Chào mừng bác Hiệu!
QSVN ngày càng lớn mạnh khi có đông những người lính chiến như bác. Rất mong bác cho lớp lính đàn em như chúng tôi những câu chuyện đầy chất bi hùng của người lính.
2w haanh ra nghênh đón bác Hiệu đi


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 27 Tháng Hai, 2010, 05:55:55 pm
 Xin kính chào người đồng đội lớp đàn anh .
 Nhiệt liệt chào đón người lính thông tin C26 F7 QD4 .
 Vậy là từ nay binhyen tôi không còn phải chiến đấu đơn lẻ hướng F7 rồi , mong bác có nhiều ký ức để viết lên phần nào trang sử những người lính Tình nguyện chúng ta trên chiến trường K .
 Chúc bác khỏe tay bút trên mặt trận QSVN này .


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Ba, 2010, 05:55:56 am
Nhiệt liệt hoan nghênh bạn Hieuc3d26f7@ tham gia trang QSVN.net.Mong được xem thật nhiều hồi ức của bạn từ KCCM và BGTN.Thế là có thêm một chiến sỹ Thông tin lên trang rồi,bạn có chuyên môn gì :  vô tuyến,hữu tuyến hay quân bưu ? Kể đi bạn để ta cùng nhau nhớ lại một thời hùng anh,một thời trẻ trai,một thời...mãi mãi không phai mờ trong ký ức những người lính chúng ta.
Mình là lính Hữu tuyến,Cáp,dây, xà,cột ,máy tải ba ghép kênh là chuyên môn của mình,lính 1967 bạn ạ.
Mình cũng đã đến phòng thông tin,xưởng sửa chữa và trung đoàn thông tin của QD4 ở Sóng thần rồi đấy. Cả mặt trận 479 ở K nữa.
Chúc bạn khỏe,nhớ lại nhiều ký ức thời lính nhé.Rất mong.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 03 Tháng Ba, 2010, 03:35:13 pm
Đọc "Mũi chính diện giải phóng Phnom Penh" của bạn thì đúng là chúng ta đánh cùng trận tại đường 10 cầu Don Xo rồi. Bạn nói đúng đấy, ngày 03.01 pháo địch bắn rất nhiều vào D7. Pháo của ta cũng bắn nhiều để chi viện cho D7. ở sở chỉ huy E tôi thấy anh Trần Cường và anh Cưu liên tục điện về F xin pháo của E210 bắn chi viện cho các anh, lúc này tôi cũng đang ở đằng sau các anh.
Chọc thủng phòng tuyến đường 10 cầu Đôn Xo của địch không phải là F9 đánh ở hướng thị xã Svay Rieng mà địch tự rút ở tuyến phòng thủ này đâu anh Binhyen ah, mà là địch không thể chống lại được nữa. Anh đi qua bờ tường ủi,đường 10 lên cầu Đôn xo thỉ thấy đấy, những hố pháo bắn tan nát mặt đường, từng mảng bờ đê bị phá, rặng Thốt Nốt bên đường bị pháo bắn tả tơi. Chọc thủng phòng tuyến này là kết quả của 2 trung đoàn bộ binh 209,141 và lực lượng pháo binh của ta cùng một số đơn vị khác tăng cường đánh từ ngày 2 đấy.
6h chiều mồng 3, d7 của anh vượt cầu Đôn xo thì lúc này tôi đi sau anh đó, tôi đi cùng a Trần Cường và anh Trọng trưởng ban tiểu ban tác chiến. Tôi chứng kiến a Trần Cường quát mắng bộ đội vì khi vượt cầu mà tập trung quá đông hết sức nguy hiểm, nếu địch bắn pháo thì thương vong sẽ lớn nên thủ trưởng quát mắng cấp dưới là đúng thôi. :D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: H3 Hùng trong 03 Tháng Ba, 2010, 03:54:00 pm
6h chiều mồng 3, d7 của anh vượt cầu Đôn xo thì lúc này tôi đi sau anh đó, tôi đi cùng a Trần Cường và anh Trọng trưởng ban tiểu ban tác chiến. Tôi chứng kiến a Trần Cường quát mắng bộ đội vì khi vượt cầu mà tập trung quá đông hết sức nguy hiểm, nếu địch bắn pháo thì thương vong sẽ lớn nên thủ trưởng quát mắng cấp dưới là đúng thôi. :D

Hoan nghênh bài viết của bác Hiệu D26 F7, bác binhyen1960 hiện đang ở trong Nam, giờ nay có lẽ đang ngồi nhậu ở Đồng Nai  ;D, nên chắc khó có thời gian và điều kiện lên mạng.

Bác cứ từ từ kể chuyện hành quân của sư 7 trên hướng bác tham gia, để làm phong phú thêm bài viết "Mũi chính diện giải phóng Phnom Pêng" mà bác BY đã viết.


Tiêu đề: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 04 Tháng Ba, 2010, 10:25:02 am
(Bản thảo)                                                                                      Nguyễn Hữu Hiệu

ĐẾN PHNÔM PÊNH
Hồi Ký

Tháng 11/1978 sau hơn một tháng ở chốt của tiểu đoàn 6 trung đoàn 165 về, tôi làm việc ở tổ đài thông tin phục vụ cho sở chỉ huy Sư đoàn. Gần cuối tháng 12 về đơn vị của mình là C3 D26 F7, đơn vị của tôi là tiểu đoàn thông tin của sư đoàn. Tiểu đoàn có 2 đại đội, đại đội 1 hữu tuyến điện, đại đội 3 của tôi là đại đội vô tuyến điện, một trung đội trực thuộc tiểu đoàn, là trung đội truyền đạt. Mặc dù cùng đại đội nhưng ngày này chúng tôi mới được gặp nhau khá đầy đủ, chỉ vắng 6-7 người đang làm nhiệm vụ đảm bảo liên lạc của sư đoàn. Sau hơn 1 năm từ tháng 10/1977 sư đoàn lên đường ra biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Gặp nhau với những người lính sau thời gian xa cách đi tăng cường cho các đơn vị giữ chốt là may rồi, hàng ngày chúng tôi chỉ có nghe tiếng nhau trên máy vô tuyến điện, dưới những dòng mật mã, những bức điện chuyển đi mệnh lệnh chiến đấu với kỷ luật chiến trường nghiêm khắc. Nay về đơn vị được nói với nhau mỗi người một chuyện; chuyện về cuộc sống gian khổ ở các hướng trên tuyến phòng thủ mà các đơn vị trong sư đoàn chốt giữ. Chuyện của anh em các đơn vị bám chốt trong mùa mưa, chuyện chốt chặn, phòng thủ, tiến công truy kích địch của các chiến sĩ bộ binh, chi viện của pháo binh giữ chốt, chuyện đồng đội, bạn bè, đồng hương đã hi sinh hoặc bị thương trong những ngày bảo vệ biên giới. Nhìn nhau anh nào cũng khác, có một điểm chung là ai cũng gầy và đen sạm, không còn mạnh khỏe trắng hồng như lúc xuống đường ra trận.
Lúc này trời đã vào mùa khô, địch hoạt động trên toàn tuyến của sư đoàn đã bớt căng thẳng vì những thiệt hại do sư đoàn chúng tôi tiến công nhiều trận vào đội hình của địch trong những tháng vừa qua. Mấy ngày đầu về đơn vị anh em cùng nhau đi bắt cá để cải thiện đời sống ở quanh khu vực đóng quân. Đời sống bộ đội ở trận địa lúc này khá hơn trước, được ăn no, bữa ăn không phải ăn độn hạt mạch, ngô, mỳ như hồi trước nữa. Đơn vị lúc này đóng ở phía tây KoKiSon gần giáp cốc, cách sở chỉ huy sư đoàn hơn 1Km về hướng tây, đây cũng là một trong những đơn vị bảo vệ sở chỉ huy sư đoàn. Đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm đi phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong năm qua và tổ chức hội nghị mừng công nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1978). Đại hội mừng công của tiểu đoàn 26 được tổ chức trong dịp này, tôi là một trong những số Đại biểu của đại đội vô tuyến điện đi dự Hội nghị đó. Hội nghị mừng công được mở sau ngày 22/12 tại một căn hầm khá rộng ở khu tiểu đoàn bộ (có lẽ đây là hầm chỉ huy của Trung đoàn nào đó khi chốt giữ khu vực này). Trong Hội nghị mừng công, những cán bộ chiến sỹ của Trung đội vô tuyến điện được đánh giá cao, có nhiều người được khen thưởng, thật phấn khởi, tự hào công lao đi phục vụ chiến đấu và chiến đấu được cấp trên ghi nhận. Mấy ngày sau anh em ôn luyện mật mã, lau chùi máy móc, súng đạn để chuẩn bị cho những chiến dịch tiếp theo. Chả là thông tin vô tuyến điện thoại chúng tôi gọi nhau, chuyển mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị toàn bằng mã số, đòi hỏi người chiến sỹ thông tin vô tuyến điện phải luyện tập thường xuyên và có trí nhớ tốt mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Ở đơn vị được hơn một tuần, 9h sáng ngày 28/12, anh Đỗ Minh trung đội trưởng (người Thái Bình) phân công tôi xuống trung đoàn 209 cùng với anh Khôi* người cùng đơn vị tôi đang ở dưới đó, anh giao nhiệm vụ cho tôi phải đảm bảo tốt giữ thông suốt liên lạc ở nơi đó với đài chỉ huy.
Trung đoàn 209 chốt giữ từ phía Nam đến phía Bắc Chóp (Châk), trung đoàn có 3 tiểu đoàn bộ binh là các tiểu đoàn 7,8,9 và các đại đội trực thuộc trinh sát, pháo binh, công binh, thông tin, vận tải, bệnh xá... ở trung đoàn có tăng cường trận địa pháo gồm 4 khẩu (2 khẩu 105mm, 2 khẩu 37mm) của trung đoàn pháo binh 210, trung đoàn chốt giữ ở đây khá lâu. Trung đoàn trưởng lúc sang đây là thủ trưởng Tám Nhàn (người Miền Nam), hiện nay là anh Trần Cường. Trong vòng 5 tháng chốt giữ ở đây, lần này là lần thứ ba tôi được phân công tăng cường xuống đó. Địa hình đơn vị chốt giữ là khu vực Chóp, Chóp một thị trấn nhỏ đường 241 đi lên hướng Tây gặp đường 24, tạo thành ngã ba, đường 24 làm từ thời Pháp lúc này đã hỏng nặng do thời gian và chiến tranh phá hủy, phía Tây là khúc sông rộng trong bản đồ quân sự chúng tôi biết đoạn rộng nhất trên 1,5km, cánh đồng có nhiều mương máng ngang dọc để đảm bảo tưới tiêu cho đồng ruộng, phia Nam Chóp là đoạn đường 24 đi quốc lộ 1 (đi thị xã XvayRieng). Từ ngã ba về phía Nam có cây cầu gọi là cầu Nam Chop. Phía Bắc cách ngã ba hơn 1km có cây cầu Bắc Chop, phía Bắc Chop có tiểu đoàn 7, E209 và E141 chốt giữ (trận địa này bố trí tháng 09 năm 1978). Tại nơi đây đã bao nhiêu cán bộ chiến sỹ trung đoàn 209 đã bị thương vong vì chốt giữ vị trí này.
Tôi định ngày hôm sau là sáng ngày 29/12 sẽ xuống trung đoàn 209, nhưng có tin trên sư đoàn có xe của tiểu đoàn vận tải chở đạn và lương thực xuống trung đoàn nên vội đi ngay. Tôi mang theo khẩu AK và hai băng đạn, đeo túi mìn ClayMo trong đó có chiếc võng, chiếc màn nhỏ và một bộ quần áo lót rất mỏng, đây là quân tư trang của người lính chúng tôi khi ra trận. Tôi chào anh em trong đơn vị, trước khi đi anh Minh B trưởng dặn tôi lên C bộ lấy pin chứ đài ở dưới đó sắp hết pin. Tôi đi dọc bờ ruộng về hướng C bộ và trung đội 1 vô tuyến điện báo, vào chỗ anh Việt*1 (quản lý đại đội) để lấy pin. Gần tới C bộ tôi gặp hai anh là Nguyễn Văn Chung*2, đại đội trưởng người huyện Nam Sách, Hải Dương (chính anh sau này giới thiệu tôi vào Đảng) và anh Lỗ Hữu Minh, chính trị viên, người Vĩnh Phú (anh Minh học ở trường sĩ quan thông tin mới về đơn vị). Các anh hỏi: Hiệu xuống trung đoàn 209 phải không? Tôi trả lời: Em đến lấy pin để đi xuống Chop. Anh Chung nói: “Vài ngày nữa bộ phận vô tuyến điện các cậu sẽ đi tăng cường hết”. Dù không được thông báo trận đánh lớn sắp tới nhưng với kinh nghiệm của người lính vô tuyến điện tôi biết rằng chuẩn bị có chiến dịch, chắc chắn sư đoàn 7 chúng tôi sẽ cùng với quân đoàn phản công quân địch trên toàn tuyến. Tôi xuống nhà quản lý anh Việt ở đó đề nghị anh cấp cho hai bình pin máy PR C25. Tôi và anh trò chuyện với nhau ít phút, sau sang nhà B1 chào anh em trong bộ phận thông tin 15W, các anh ở đó cho tôi bọc thuốc rê nói “Tặng anh ra phía trước”. Tôi chia tay anh em đi về hướng sở chỉ huy sư đoàn từ tiểu đoàn 26 đến đó khoảng 1,5km. Men theo bờ mương nhỏ đi về phía hầm chỉ huy của sư đoàn, tổ đài của chúng tôi cách hầm chỉ huy khoảng 30m, qua đó tôi nói với các anh trực ở đài chỉ huy: Tôi về cùng anh Khôi để đảm bảo thông tin ở trung đoàn 209 lên đây nhờ xe xuống Chop. Các anh nói: Cơm nước đã xong, ăn rồi hãy đi. Trưa hôm đó tôi ăn qua loa mấy bát cơm với cá khô, lúc chuẩn bị về tiểu đoàn vận tải thì gặp anh Khai*, anh là trưởng ban thông tin của sư đoàn. Hầu hết lính vô tuyến điện ở D26 anh biết rõ từng người, anh là người rất giỏi nghiệp vụ thông tin cả vô tuyến lẫn hữu tuyến. Chúng tôi biết trong chiến dịch tấn công hay phòng ngự từ tháng 04/1978 đến nay của sư đoàn đều do anh bố trí mạng lưới thông tin, thay đổi mật ngữ, tên đài hay liên lạc vượt cấp đều do anh quyết định. Dù anh không trực tiếp quản lý nhưng việc điều động các đài vô tuyến điện trong những chiến dịch lớn, anh điều hành trực tiếp. Tôi chào anh, anh gật đầu rồi nói: “Chú đi 209 phải không?” Tôi vâng: “Em đi về Chop đây”, anh nói: “Mai ngày kia cho lũ 2W chúng mày đi hết”. Vậy dự doán chuẩn bị đánh lớn của tôi là có cơ sở. Sau này tôi được biết ngay ngày hôm sau các anh em trong đơn vị vô tuyến điện lần lượt về các trung đoàn và phục vụ tại sở chỉ huy sư đoàn. Anh bảo: “Lát nữa có xe xuống 209 đấy, chuẩn bị mà đi cho kịp”
Xuống đơn vị vận tải tôi hỏi nhờ các anh về Chóp, mấy anh hỏi lại tôi về đó làm gì, tôi trả lời về tổ đài vô tuyến đang làm việc tại sở chỉ huy trung đoàn. Một anh nói: “Chờ tí nữa, xe còn đang bốc hàng”. Hơn một tiếng sau thấy hai chiếc xe Zeo, loại xe chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ ta thu được chở đầy những hòm đạn màu xanh, trên xe có bộ phận đi bảo vệ, mỗi xe chừng 3 - 4 người. Tôi hỏi nhờ các anh kéo tôi lên ngay. Hai chiếc xe Zeo đi dọc đường 241 về phía trung đoàn 209. Đường 241 từ KoKiSon đến Chop tôi đã qua lại nhiều lần, trên đoạn đường này từ trận đánh đầu tiên của sư đoàn cuối năm 1977 ta và địch đã giành giật nhau, nhiều đồng chí đồng đội đã hi sinh tại đây. Vào mùa khô nhưng đường bị bom pháo cày xới cùng với mùa mưa vừa rồi làm xuống cấp chưa được tu sửa lại nên xe đi rất chậm. Trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp các tổ công binh chốt giữ bảo vệ đường cùng các anh em bên C1 hữu tuyến điện đi kiểm tra đường dây thông tin. Đoạn đường từ sư đoàn đến E209 không xa nhưng xe đi mất khá nhiều thời gian. Ngồi trên thùng xe tôi nói với anh em trên xe là sắp đến Chop rồi. Trước mặt tôi cách 2km là cụm cây Thốt Nốt cao, tôi nhận ra đó là đơn vị đứng chân của đại đội 21 trinh sát E209. Hồi đánh Bắc Chóp cuối tháng 9 vừa qua khi mất chốt D7 tôi rút về Nam ngã ba Chop và đã chạy về đây, nơi này có khoảng hơn chục ngôi nhà lợp lá Thốt Nốt, trong nhà chiến sỹ ta đã đào hầm hố đắp công sự vững chắc, những chiếc chum to được chôn xuống đất làm hầm cá nhân để phòng nước vào khi mùa mưa đến.
Chỗ này cũng là một trong những chốt để bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn về phía đường 24.
(còn nữa)


Tiêu đề: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp)
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 04 Tháng Ba, 2010, 10:27:11 am
Xe đi một đoạn nữa tôi nhận ra trận địa pháo của trung đoàn 210, trận địa pháo này đã tham gia cùng với trung đoàn 209 bảo vệ khu vực. Các tiểu đoàn bộ binh 7,8,9 đã nhiều lần được trận địa pháo này chi viện, vừa là hỏa lực mạnh của chiến trường, trận địa pháo cũng là điểm tựa vững chắc cho bộ binh giữ  chốt. Gần 4h chiều xe đến kho hậu cần của trung đoàn, tôi xuống xe cảm ơn các anh ở tiểu đoàn vận tải đi cùng, men theo đường nhỏ vào sở chỉ huy của trung đoàn. Vào đến gần tôi gặp các anh ở đại đội 20 thông tin, chào hỏi nhau vài câu các anh cho tôi biết anh Lương Đức Khoát người ở xóm tôi đi trinh sát mơi hi sinh chưa tìm thấy xác. Anh Khoát trong trận cuối tháng 9 mất chốt D7, khi ở đài quan sát xuống anh đã mang tư trang cho tôi, hai anh em chạy về Nam Chop. Bỏ gói thuốc rê mời anh em hút rồi về thẳng nhà đặt máy thông tin của tôi. Căn nhà rộng khoảng 6m2, nó là bếp hay chuồng bò của người Miên. Nơi này tôi đã cùng với anh Đặng Quang Xuyền, bạn tôi quê xã Đức Chính, ở đây đảm bảo thông tin cho trung đoàn hồi tháng 8 tháng 9. Lúc về nhà đặt máy tôi không thấy anh Khôi đâu, nhìn trong nhà có chiếc ván gỗ nằm sâu dưới đất với chiếc máy thông tin và mấy quả lựu đạn, xung quanh nhà đắp đất để phòng pháo đạn của địch. Một lát sau anh Khôi về tôi hỏi anh đi đâu, anh bảo là đi báo cơm cho tôi, anh biết tôi đã đi xuống đây từ hồi trưa. Anh Khôi người Thái Bình nhập ngũ năm 1975 sau tôi mấy tháng, khi vào B2 được bổ sung vào đơn vị luôn, còn tôi đến tháng 7/1976 mới từ D5 E165 lên. Anh là lính vô tuyến điện có nhiều kinh nghiệm làm việc, đi với anh tôi hoàn toàn an tâm.
Ngày 31/12 là ngày cuối cùng trong năm, tại hầm chỉ huy trung đoàn các cán bộ trung, tiểu đoàn, các sỹ quan tác chiến họp hạ quyết tâm đánh dịch với phương án sư đoàn giao. Tôi trực gần hầm chỉ huy nên được biết mục tiêu của đơn vị là đánh vào đường 10 và cầu Đôn So, quả thực là chỉ nghe chứ chưa biết nơi này là đâu. Trung đoàn giao cho tiểu đoàn 8 và 9 đánh lên, tiểu đoàn 7 làm dự bị. Ngày 1/1/1979, hai tiểu đoàn 8 và 9 đã vào chiếm lĩnh trận địa, tiểu đoàn 7 di chuyển lên phía trên. Tối ngày 1/1 sở chỉ huy trung đoàn di chuyển vị trí khác, hai máy thông tin của sư đoàn và trung đoàn theo phục vụ cho sở chỉ huy. Máy của trung đoàn do anh Cao Quang Khôi C20 thông tin đảm nhiệm, anh Khôi quê xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng (hiện đang làm cán bộ địa chính xã Kim Giang). Sở chỉ huy trung đoàn hành quân về hướng Tây Nam, hướng của D8 trước đây. Tất cả đều đi trong đêm tối, người nọ bám người kia. Đến vị trí tập kết nơi sở chỉ huy đóng quân là chốt cũ của đơn vị bộ binh (có khả năng là D8). Sở chỉ huy đặt trong 1 chiếc nhà ngói cũ của dân khá rộng, nền nhà được đào sâu xung quanh đắp đất để tránh pháo và đạn bắn thẳng của địch. Máy thông tin của C20 đặt tại đây, máy của sư đoàn chúng tôi đặt trong chiếc hầm sát cạnh sở chỉ huy. Tôi mở máy liên tục để chuẩn bị nhận mệnh lệnh của trên nhưng tuyệt đối không được phát tín hiệu khi chưa có lệnh. Lúc này máy thông tin của bọn lính Pôn Pốt luôn theo sát các tần số làm việc của chúng tôi và tìm mọi cách phá sóng làm đứt các cuộc liên lạc. Chúng tôi phải thay đổi tần số liên lạc luôn, nằm trong hầm chúng tôi chỉ giương cần Anten 2m7 lên để liên lạc, các cuộc gọi nhau lúc này của mạng liên lạc sư đoàn chỉ dùng tín hiệu gõ vào ống nói của máy. Mạng liên lạc của E xuống các tiểu đoàn vẫn thông suốt, máy liên lạc của anh Cao Quang Khôi chỉ dùng Anten 1,1m nên khả năng liên lạc gần ít bị địch phá. Trong sở chỉ huy lúc này có anh Trần Cường là E trưởng, anh Từ là chính ủy, anh Vũ Xuân Cưu là tham mưu trưởng, anh Trọng (Trọng hói) trưởng tiểu ban tác chiến và một số sỹ quan phụ trách tác chiến trinh sát, thông tin, công binh... với 4 chiến sỹ thông tin vừa vô tuyến vừa hữu tuyến. Ngày mồng 1 chưa tập trung đánh lớn nhưng trên D8 và D9 luôn phải tác chiến những trận nhỏ lẻ. Trung đoàn 209 có nhiệm vụ đánh mở cửa để tạo điều kiện cho đơn vị bạn đánh thẳng vào cầu Đôn So. Khó khăn nhất là phải vượt qua bờ tường ủi, bờ tường ủi chính là bờ mương dẫn nước phục vụ nông nghiệp, đất đào lên được đưa lên 2 bên thành cao 1,5m; mặt đường dùng làm đường giao thông phục vụ dân sinh, lòng mương rộng khoảng 8m tạo thành 1 bức tường thành vững chắc để phòng thủ. Từ hướng D8, D9 đánh lên đó khoảng 1,5km.
Giờ G đã đến, lúc đó khoảng hơn 3h sáng, các loại pháo của sư đoàn, quân đoàn bắt đầu bắn vào bờ tường ủi, các tọa độ đã được chấm định sẵn, lúc đầu còn bắn thưa sau càng bắn dồn dập, tiếng nổ làm mặt đất rung chuyển, những tia chớp lóe sáng phá tan màn đêm. Đã qua bao chiến dịch nhưng chưa bao giờ quân ta sử dụng nhiều pháo đến thế. Ngày 26/4/1978 khi quân ta tiến công toàn tuyến cũng chưa sử dụng nhiều như vậy. Các loại pháo 85,105, 130, 155, nghe nói có cả 175 cũng tham gia công phá trận này. Nằm dưới hầm tấm tôn che trên cứ rung lên bần bật. Khoảng gần 2 tiếng pháo binh bắn cấp tập, đến gần sáng thì pháo bắn thưa dần, lúc này anh em ra khỏi hầm. Anh Trần Cường điện cho 2 tiểu đoàn 8 và 9 chuẩn bị khi pháo binh thôi bắn thì lập tức xung phong chiếm bờ tường ủi. 5h sáng ngày mồng 2, dứt tiếng pháo, 2 tiểu đoàn 8 và 9 của trung đoàn tấn công. Lúc này sở chỉ huy của trung đoàn di chuyển lên gần các tiểu đoàn bộ binh. Nói là sở chỉ huy những chỉ có anh Trần Cường E trưởng, anh Vũ Xuân Cưu tham mưu trưởng và 1 số sỹ quan tham mưu trung đoàn cùng 2 máy vô tuyến điện của E và F đi phục vụ.
Trần Cường E trưởng có nhiều người gọi anh là Cường “liều”, có thể nói “người liều mạng xông pha trên chiến trường”. Anh là trung đoàn trưởng trẻ nhất trong quân đoàn. Khi là trung đoàn trưởng anh chưa đầy 30 tuổi. Tôi đã nhiều lần đi đảm bảo thông tin liên lạc cho anh với tác phong chỉ huy của anh tôi rất khâm phục. Chỉ huy các trận đánh ác liệt chưa bao giờ tôi thấy anh ngồi trong hầm chỉ huy, anh luôn xông xáo đến gần với các tiểu đoàn để đôn đốc các đơn vị đánh chiếm mục tiêu, chiếc gậy anh mang theo các trận đánh là chiếc cần Anten liên lạc của xe thiết giáp anh dùng làm gậy chống. Tôi từng đi với anh trên trận đánh cùng với thiết giáp đánh lên phía Nam chùa Cốc và trận Bắc Chop (trận này anh bị thương nhẹ vào mặt). Anh xông pha khắp các nơi, anh cũng là người chỉ huy sử dụng vô tuyến điện nhiều nhất. Câu nói trong chỉ huy chiến trận của anh là “nhanh như sóc, mạnh như hổ tiến lên”, cuối những trận đánh giọng anh khản đặc.
Ở tuyến phòng thủ đường 10, cầu Đôn So có thể địch phán đoán được ý đồ tác chiến của ta nên chúng phòng thủ rất cẩn thận và vững chắc. Nhiều đơn vị lính Pôn Pốt được điều lên phòng tuyến này, chúng bố trí nhiều tầng hỏa lực, hầm hố chiến đấu ở các bờ tường ủi được đào rất chu đáo, kiên cố, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do hỏa lực của ta công phá. Vị trí phòng thủ của địch có lợi thế hơn, chúng ở trên cao, ta ở dưới, hướng tiểu đoàn 9 đánh lên hoàn toàn bất lợi, bộ đội phải vận động qua cánh đồng trống nên dễ bị phát hiện. Đã nhiều lần trong buổi sáng bộ đội trung đoàn 209 xuất kích hướng tiểu đoàn 8 đánh bờ tường ủi thứ nhất, tiểu đoàn 9 đánh lên tiếp cận mục tiêu nhưng bị địch dùng hỏa lực cá nhân, cối 60, M79, đại liên chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn 9 có thiết giáp phối hợp nhưng nằm giữa cánh đồng trống không lên được. Đã nhiều lần anh Trần Cường và anh Cưu lệnh cho hỏa lực của trung đoàn yểm trợ cho hai tiểu đoàn nhưng tình thế không thay đổi. Đánh đến 9h30’ thì bộ đội tiểu đoàn 8 và 9 thương vong khá nhiều, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 Nguyễn Khắc Siêu hi sinh, địch điên cuồng phản công nên 2 tiểu đoàn phải dừng lại đợi trên chi viện.
Hướng về sở chỉ huy trung đoàn, thương binh, tử sỹ về trạm phẫu 23 gần đó ngày một đông, anh em bị thương nhẹ vào tay, đầu, người thì tự đi, số bị nặng thì được đơn vị vận tải cáng về. Lúc này bộ phận lên đốc chiến cũng rút về sở chỉ huy. Anh Trần Cường và anh Cưu bực tức vì đơn vị không chiếm được bờ tường ủi mà bộ đội ta thương vong nhiều. Cùng với các sỹ quan tham mưu tập trung vào tấm bản đồ tác chiến, bày mưu tính kế đánh tiếp, đưa D7 dự bị vào thay D9. Tại sở chỉ huy, chính ủy Từ* điện động viên các đơn vị nhắc nhở các bộ phận vận chuyển và cứu chữa anh em thương binh. Nhìn anh em thương binh về ngày một nhiều anh rất buồn. Khoảng 12h trưa anh nuôi đưa cơm đến nhưng chẳng ai muốn ăn, đồng chí công vụ mời chính ủy dùng cơm trưa nhưng tôi thấy hai dòng nước mắt của người chính ủy trung đoàn lăn trên gò má. Tôi hiểu lúc này anh đang nghĩ đến tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Siêu và anh em bộ đội đã thương vong trong trận chiến sáng nay. Chính ủy Từ là người Khu 4 sau này ra quân tôi có nghe anh trở thành chính ủy sư đoàn. Với dáng người khá mập, nước da đen sạm nắng gió anh rất bình tĩnh chỉ huy trong mọi tình huống, anh được nhiều cán bộ chiến sĩ quý mến. Chúng tôi mỗi người ăn một chút cơm và mấy miếng cá khô rồi tiếp tục làm việc.
Đến trưa ngày 03/01, tiểu đoàn 7, đơn vị dự bị của trận đánh được điều lên thay tiểu đoàn 9. Tiểu đoàn 7 được pháo bắn chi viện cùng với sự phối hợp của các đơn vị bạn, tiểu đoàn 7 đánh phá chiếm bờ tường ủi truy kích địch trên đường 10 và tiến thẳng về cầu Đôn So. Như vậy sau hơn hai ngày trung đoàn 209 mới đánh xong bờ tường ủi, sư đoàn 7 mới chọc thủng phòng tuyến cầu Đôn So của địch. Đây là phòng tuyến rắn nhất, sử dụng lực lượng của nhiều đơn vị, có sự yểm trợ của thiết giáp. Quân số thương vong của ta lớn nhất trong chiến dịch giúp bạn đánh giải phóng Phnôm Pênh. Sau khi đánh xong cửa mở, sở chỉ huy nhẹ của E209 di chuyển về phía cầu Đôn So.
(còn nữa)


Tiêu đề: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 04 Tháng Ba, 2010, 10:29:35 am
Tôi nắp những đốt Anten cuối cùng hiện có để liên lạc với đài chỉ huy ở sư đoàn, không biết sở chỉ huy hiện nằm ở đâu, có khả năng cũng đang trên đường di chuyển nên liên lạc rất khó. Lúc này phương tiện liên lạc duy nhất là máy vô tuyến điện. Quân giặc tuy bị đánh tan nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, đài vô tuyến điện của địch vẫn theo dõi tần số liên lạc của chúng tôi để phá sóng. 4h chiều đơn vị hành quân qua trận địa D9 đặt chân lên bờ tường ủi, thật khủng khiếp chứng kiến quân địch đào công sự kiên cố, bố trí lực lượng chống lại ta. Ở đây liên tục những hố pháo do pháo binh ta bắn, nhiều mảng công sự bị phá vỡ. Dưới lòng mương cá chết trắng, những cây Thốt Nốt ven đường bị trúng đạn tả tơi, ở đây cây Thốt Nốt cũng là vật che chắn rất lợi hại cho các chiến binh. Vượt qua lòng mương là những chiếc cầu khỉ cũ và những tấm gỗ bắc qua do bộ đội công binh sửa lại cho bộ binh cơ động. Lên đến gần đường 10 thấy rất nhiều bộ đội mặc quần áo mới khá đẹp, anh nào cũng trẻ khỏe hồng hào, bên cạnh mỗi người là một chiếc sọt nhỏ. Tôi đeo chiếc máy thông tin PR C25 đi đến gần, các anh hỏi đơn vị nào, tôi trả lời ở sư 7 đây. Các anh cho biết anh em ở F2 quân khu 5 mới tăng cường. Ngay từ đầu trông thấy tôi đã nghĩ nhất định không phải lính khu này bởi anh em chúng tôi ra trận có mang theo sọt bao giờ đâu. Tôi vừa đi vừa nghĩ miên man tại sao lại tăng cường lính quân khu 5 đến đây? Như vậy đánh chiếm Đôn So có cả đơn vị bạn tăng cường. Đến lúc này tôi chưa hề biết ý định đánh chiếm Pnong Pênh. Bộ đội vẫn cứ hành quân qua phum, sóc, đi qua những dãy nhà dài 40-50m, 2 bên là những sàn ghép bằng những thanh cây Thốt Nốt chẻ nhỏ. Đây là nhà ở tập trung của dân Campuchia đây. Bọn Pôn Pốt chúng bắt dân ăn chung, ở chung, ngủ chung ở những dãy nhà này. Cạnh những ngôi nhà có rất nhiều chum đường Thốt Nốt, tôi đoán đây là cơ sở nấu đường, tuy rất mệt nhưng không ai dám ăn. Ra khỏi dãy nhà này cách 1km là cầu Đôn So, cứ hướng đó chúng tôi đi theo D7 đang truy quét địch trên đó. Đến khu vực cầu tôi ngắm nhìn cây cầu nhỏ bằng gỗ khá xinh, hai phía chân cầu được cắm kè vững chắc, gọi nó là đập nước thì đúng hơn. Quanh khu vực này mương máng chằng chịt, đây là hệ thống thủy nông tưới tiêu cho đồng ruộng. Hệ thống mương máng như thế này đúng là khó đánh thật, nó tạo lên những công sự vững chắc, một tuyến phòng thủ tuyệt vời, chả thế mà mấy ngày nay sư đoàn 7 được tăng cường hỏa lực mạnh mà đánh vẫn chật vật.
Qua cầu Đôn So tôi nhận được một bức điện ngắn, bức điện gửi cho tôi do anh Nguyễn Mạnh Đề ở đài F gửi. Vừa nhận, vừa dịch bức điện “tổ đài của anh tìm gặp thủ trưởng Tư và phục vụ cho thủ trưởng nhưng vẫn phải bám sát sở chỉ huy E209”. Tôi kêu trời, ở chiến trường mênh mông rộng lớn như thế này tôi phải tìm một cái người là thủ trưởng không biết mặt, không biết tên. Trời sẩm tối, tôi thấy anh Trần Cường đi cùng một người đã cứng tuổi nói tiếng miền Nam. Mấy anh cán bộ tham mưu gọi người đó là thủ trưởng, lúc này tôi mới biết rằng đó là đồng chí Tư Ngọc Anh, mới ở đơn vị khác về thay đồng chí Mười Kim làm tham mưu trưởng sư đoàn. Anh Ngọc Anh xuống cùng ban chỉ huy trung đoàn đốc chiến đơn vị cắt đứt đường 1.
Trời tối không một miếng cơm vào bụng, suốt mấy ngày liền anh em đã mệt mỏi muốn dừng chân nhưng không được. Trung đoàn 209 có nhiệm vụ trong đêm nay phải cắt đứt đường 1 không cho địch rút từ thị xã XvayRieng về bến phà Niết Lương. Đội hình hành quân của trung đoàn do bộ phận trinh sát đi đầu dẫn đường sau đó đến tiểu đoàn 7 rồi sở chỉ huy trung đoàn D8 và D9 đi sau, đằng sau chắc còn một số đơn vị nữa. Trong đêm tối mịt mùng, đoàn quân hướng về quốc lộ 1. Đài thông tin của sư đoàn do tôi làm việc, anh Khôi Thái Bình cầm súng bảo vệ, chúng tôi đi bên nhau, còn đài của trung đoàn do anh Cao Quang Khôi làm việc, đài thông tin luôn bám sát chỉ huy. Quả thực trong lúc này liên lạc bằng vô tuyến điện cực kỳ quan trọng, ngoài hai chiếc máy PR C25 thì không còn phương tiện nào khác. Đoàn quân vẫn lầm lũi tiến về phía quốc lộ 1, 2 bên đường các phum, sóc* người dân vẫn yên giấc ngủ hay di tản đi nơi khác không rõ. Đến gần 12h đêm thấy một chiếc ô tô chở lính, đèn pha sáng rực tiến vào đội hình hành quân của ta. Chắc chúng không biết là lực lượng luồn sâu của bộ đội Việt Nam nên ngày càng đến gần. Bộ đội ta trong chốc lát đã tiêu diệt gọn.
Đến khoảng 3h sáng, đội hình của sở chỉ huy trung đoàn, trong đó có cả thủ trưởng Ngọc Anh đang trên đường hành quân thì từ bên phía trái có khẩu đại liên bắn về phía chúng tôi, vầng lửa trước mũi súng lóe sáng, những viên đạn lửa màu đỏ lao vun vút vào vị trí chỉ huy trung đoàn. Chúng tôi nằm dạp xuống đất đẻ né đạn, anh Ngọc Anh hô anh em đào hầm hố chiến đấu, anh Trần Cường lệnh cho các đơn vị lên chặn đánh. Ở trong cái quầng lửa bắn về phía chúng tôi thấy có tiếng máy nổ, lúc này chúng tôi mới biết đã vào đến gần vị trí đơn vị thiết giáp của địch mà không hề biết. Bị bộ đội ta phản công, mấy chiếc thiết giáp của địch vừa chạy vừa bắn về phía đội hình của ta, tiếng máy cứ nhỏ dần, xe thiết giáp của địch vội rút lui. Đội hình hành quân của trung đoàn vẫn thẳng tiến hướng đường 1, cách đường 1 khoảng 2km, nhìn về hướng Đông có luồng ánh sáng, đoàn xe từ thị xã Xvay Rieng đi lên. Trung đoàn lệnh cho đơn vị đi đầu nhanh chóng đánh cắt đứt đường 1. Lát sau tôi dịch điện của đài đi tăng cường E165 báo về F đã chặn đánh đoàn xe ô tô của địch, không cho chúng lên phà Niết Lương. Trời vừa sáng thì đội hình của chỉ huy sở trung đoàn 209 đã sang bên kia đường số 1, các đơn vị trong trung đoàn đã vào vị trí phòng ngự, lúc này đã là 4h30’ sáng ngày 4/1/1979. Vị trí đóng quân cạnh đường số 1, khu này có nhiều nhà cửa, khả năng là một thị trấn có tên là Pra Nhay gì đó, anh em đến lúc này đều mệt mỏi qua mấy ngày liên tục hành quân chiến đấu. Trông ai nấy đều rã rời không muốn nói gì. Anh Khôi tìm chỗ mắc Anten dây phòng khi đội hình xa, Anten cần không liên lạc được. Mấy anh ở ban tham mưu E dò hỏi tôi hiện vị trí chỉ huy của sư đoàn ở đâu, tôi chịu chết không biết. Làm sao mà tôi biết được sở chỉ huy của sư đoàn lên đâu, mặc dù chúng tôi vẫn chuyển nhận đều đều những bức điện về đó. Thế mới biết tầm quan trọng của cấp trên với những trận đánh như thế nào. Anh Khôi trực máy, tôi mệt quá thiếp đi lúc nào không biết. Khoảng gần 8h sáng anh em gọi dậy ăn cơm, vừa đói vừa mệt, nhìn chậu cơm đầy thức ăn, thịt lợn, thịt gà có cả, tôi hỏi ở đâu ra thế này, đồng chí nuôi quân bảo đi cải thiện, tôi hiểu ý anh, tôi nói: “Vi phạm kỷ luật chiến trường đấy nhé”. Đồng chí nuôi quân bảo tôi: “Phải ăn vụng thủ trưởng nên đem đến đây cùng ăn”, đã lâu rồi chưa bao giờ được bữa cơm ngon như vậy.
Trên đường số 1 các đơn vị vẫn hành quân lên hướng phà Niết Lương, các anh bên C1 hữu tuyến điện vội vã triển khai đường dây lên hướng đó. Lúc đầu thấy bộ đội hành quân bộ, lát sau từng đoàn xe cơ giới đưa bộ đội lên rất đông. Đây là hai trung đoàn 141 và 165 được điều lên. Đến gần tối lực lượng pháo binh cũng về hướng đó, những khẩu pháo 105, 130, 37 của E210 và quân đoàn tăng cường dầm dập đi lên. Lúc này tuyến đường số 1 từ Tây Ninh sang đã thông.
Tại sở chỉ huy E209 khoảng hơn 8h tối náo động hẳn lên. Các chỉ huy tiểu đoàn, cán bộ các ban tham mưu, chính trị hậu cần tập trung ở đây cả. Chiếc máy phát điện quay tay dùng cho trạm phẫu thuật mang ra phát điện lấy ánh sáng cho cuộc họp. Tấm bản đồ tác chiến được treo lên. E trưởng phổ biến kế hoạch tác chiến của trên lấy sư đoàn 7 làm hướng chính đánh vào thành phố Phnôm Pênh. E trưởng Trần Cường lập kế hoạch tác chiến của trung đoàn giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu cho từng tiểu đoàn, phân công nhiệm vụ cho các C trực thuộc. Nhiệm vụ lớn như vậy, bao nhiêu là công việc nhưng chỉ có họp khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Lúc này chúng tôi mới biết đích xác là đánh vào thành phố Phnôm Pênh. Địa danh thành phố Phnôm Pênh hiện lên bản đồ nhìn rất rõ, từ vị đứng chân của E đến đó không xa lắm, đường đến đó phải qua bến phà Niết Lương, sông Me Kong đoạn này khá rộng, nhất định bờ sông phía bên kia địch sẽ lập một phòng tuyến phòng thủ cực kỳ vững chắc để ngăn chặn bộ đội ta không cho tiến vào thành phố. Từ trưa đến giờ đường dây hữu tuyến đã thông, từ sở chỉ huy của F đến các E những cuộc làm việc điều qua phương tiện thông tin này. Đài vô tuyến điện chỉ giữ liên lạc với nhau một tiếng hai lần, chúng tôi có dịp nghỉ ngơi.
Sáng ngày 05/01/1979, trung đoàn 165 do anh Phạm Hựu chỉ huy đã cho bộ đội đánh chiếm phà Niết Lương, các tiểu đoàn của E165 đã vào vị trí để nhận lệnh đánh tiếp sang bên kia sông. Tin chiến thắng của trận đánh vừa rồi được làn rộng khắp sư đoàn, trung đoàn 165 đã thu hơn 100 xe các loại và nhiều vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Cũng trong ngày này lực lượng cầu phà lữ đoàn công binh của quân đoàn kể cả lực lượng của bộ quốc phòng tăng cường dồn về hướng Niết Lương. Lữ đoàn xe tăng thiết giáp cũng hành quân lên hướng đó. Khoảng 2h chiều, tôi thấy thủ trưởng Lê Nam Phong lên kiểm tra đôn đốc các đơn vị.
Lê Nam Phong, người sư đoàn trưởng kính mến của sư đoàn 7 chúng tôi, ông đã từng chỉ huy dẫn dắt sư đoàn trong chiến đấu và xây dựng nhiều năm nay, lúc này ông là tham mưu trưởng quân đoàn 4. Sư đoàn 7 hiện do thủ trưởng Ba Dũng chỉ huy. Tôi biết Lê Nam Phong từ khi đơn vị làm nhiệm vụ quân quản ở thành phố Sài Gòn khi đó thành phố mới giải phóng. Ngày 26/04/1978 tôi được phân công đi đảm bảo liên lạc ở đài chỉ huy sở sư đoàn, trực tiếp truyền mệnh lệnh của ông xuống các đơn vị, lúc đó mật danh của Lê Nam Phong là Điện Biên, có lẽ tên này do anh khai ở ban thông tin sư đoàn đặt. Hồi ở đài làm việc vượt cấp của sư đoàn khi Điện Biên làm việc với các tiểu đoàn, mạng thông tin có liên quan phải dừng lại hết. Tôi đã từng mắc võng ngủ cùng ông ở rừng Long Khánh huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh tại chiến dịch 26/04/1978. Khi chiến tranh biên giới phía bắc xảy ra ông ra biên giới phía bắc làm quân đoàn trưởng. Mấy năm trước tôi xem vô tuyến thấy ông mang quân hàm trung tướng về thăm chiến trường xưa ở tỉnh Phước Long. Thủ trưởng Lê Nam Phong đến đây anh em chúng tôi dự đoán có lẽ ông triển khai kế hoạch vượt sông tiến sang bên kia phà Niết Lương để đánh vào thành phố Phnôm Pênh.
Xe vẫn trở quân lên hướng Niết Lương, có cả xe chở quân của bộ đội HenSomRin (bộ đội cách mạng Campuchia) cũng lên tham gia chiến đấu. Chiều ngày 05/01 các trận địa pháo ở bờ sông bên này đồng loạt bắn sang bờ bên kia. Lúc đầu bắn từ giáp phía bờ sông sau nâng dần lên phía trên, các trận địa pháo đã bắn khống chế ghìm chân quân địch không cho chúng phản công lực lượng của công binh và bộ đội trung đoàn 165 tiến sang.
Anh Phạm Hựu lệnh cho khoảng hơn 20 chiếc phà chở bộ đội sang sông, pháo ở bờ bên này vẫn cứ bắn, lực lượng bộ đội đã bám sát bờ bên kia. Đến gần tối ngày 05, lực lượng hải quân lên chi viện bắt liên lạc được với trung đoàn 165. Bộ đội cầu phà và và hải quân đưa những chiến sĩ trung đoàn 165 lên bờ triển khai tuyến phòng thủ. Như vậy tối ngày mồng 5 ta đã vượt sang bên kia bến phà Niết Lương.
(Còn nữa)


Tiêu đề: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa và hết)
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 04 Tháng Ba, 2010, 10:31:54 am
Ngày mồng 6, công tác chuẩn bị vượt sông của các đơn vị lớn đã sẵn sàng, hải quân đã đưa loại tàu chiến của Mỹ đưa trung đoàn 141 qua sông, trung đoàn 209 đã hành quân lên. Trưa ngày mồng 6 rất nhiều xe của bộ quốc phòng chi viện để cơ động bộ đội lên phía trên.
5h sáng ngày 07/01, sở chỉ huy trung đoàn 209 di chuyển, các anh trong sở chỉ huy yêu cầu đài thông tin vô tuyến đi phục vụ. Tôi và anh Cao Quang Khôi mỗi người một máy lên xe cùng với anh Trần Cường, anh Cưu đi trước lên phà Niết Lương. Tôi nghe các anh nói tiểu đoàn 8 tăng cường cho trung đoàn 141 làm mũi tiên chính diện đánh vào thành phố. Ở bến phà Niết Lương, những chiếc tàu chiến hối hả đưa bộ đội sang bên kia sông. Đến thời điểm này lực lượng hải quân từ phía Việt Nam lên khá nhiều, các chiếc tàu nhỏ tuần tra cảnh vệ để các loại phà đưa bộ đội qua sông. Tôi và anh Cao Quang Khôi theo sở chỉ huy xuống tàu, trong chốc lát chúng tôi qua sông. Sang đến bờ bên kia chúng tôi thấy đội hình hành tiến đã được chuẩn bị, lúc này E141 và D8 của E209 cùng với lực lượng xe tăng thiết giáp đang giàn đội hình tiến vào thành phố dưới sự đảm bảo của trung đoàn 165 đứng chân tại khu vực bảo vệ. Ngồi trên chiếc xe chỉ huy có anh Trần Cường, anh Vũ Xuân Cưu cùng 2 máy thông tin của E và F do tôi và anh Cao Quang Khôi làm việc và một đồng chí vệ binh đi bảo vệ cho thủ trưởng Trần Cường. Đội hình đi đầu là lực lượng xe tăng thiết giáp và trung đoàn 141 sau đó đến D8 và E209. Chiếc xe chỉ huy E209 mở hết tốc độ đi cùng xe thiết giáp bỏ lại đội hình D8. Máy của E do anh Khôi phụ trách dùng Anten 1,1m lúc này hầu như không liên lạc. 9h máy của tôi cũng không liên lạc được với sở chỉ huy sư đoàn, tôi loay hoay tìm các tần số phụ để liên lạc nhưng cũng không được. Đội hình hành quân vẫn thẳng tiến về phía thành phố. Mọi người đều lo mất liên lạc với đài chỉ huy vì đây là phương tiện thông tin duy nhất về sư đoàn. Bộ phận đi đầu có tác chiến một số trận nhưng thời gian không lâu. Lúc đầu có tàu chiến của hải quân ở dưới sông Me Kong cũng trên đường hành tiến để bảo vệ cho chúng tôi nhưng sau đó chúng tôi vượt lên đi trước. Sức mạnh như vũ bão không có gì cản trở được của bộ đội ta đang tiến vào thành phố. Đến ngoại ô cách thành phố Phnôm Pênh khoảng 10km, anh Trần Cường nói với tôi báo về sư đoàn lực lượng của ta bắt đầu tiến vào thành phố, tôi nói hoàn toàn mất liên lạc với sở chỉ huy sư đoàn. Tôi dò tần số của các đài đi tăng cường những không được nên không còn cách nào điện về F được. Lúc này 2 máy vô tuyến điện không còn tác dụng, tôi rất lo, đây là trường hợp hy hữu từ trước đến nay chưa bao giờ có. Tôi đoán rằng có thể chỉ huy sư đoàn còn cách xa, cự ly liên lạc không đảm bảo vì máy của tôi dùng Anten 2,7m, trong lý thuyết học về tính năng kỹ chiến thuật của máy PR C25 trong địa hình tốt chỉ liên lạc được từ 15-18km. Sau này tôi được biết hầu hết mạng thông tin liên lạc đều mất khi ta đánh vào thành phố vì tốc độ cơ động nhanh.
Với lực lượng áp đảo bộ đội ta vào thành phố tương đối dễ, chỉ có một chiếc thiết giáp của quân đoàn tăng cường bị địch bắn cháy khi đánh vào sâu trong thành phố. Khi xe chỉ huy chúng tôi đến chỗ chiếc xe thiết giáp bị địch bắn cháy thì anh em đang tìm cách đưa các chiến sĩ hi sinh từ trong xe ra. Chúng tôi tiếp tục thẳng tiến về mục tiêu đài phát thanh thành phố. Đi khoảng 200m, xe chúng tôi rẽ vào ngã tư thì gặp khoảng 5-6 anh em bộ đội xe tăng phục tại ngã tư bảo vệ chiếc xe tăng T54 vì lúc đánh nhau chiếc xe tăng này đã đâm thủng bờ tường nằm gọn trong vườn. Anh Cưu tham mưu trưởng E giở bản đồ ra xác định vị trí dừng chân nhưng rất khó xác định vị trí đứng chân vì không quen xem bản đồ thành phố. Tôi và anh Khôi xuống xe, trước mặt có một toán lính mặc áo đen cầm súng chạy, đây là bọn lính Pôn Pốt đang tìm lối thoát.
Thành phố Phnôm Pênh lúc này vắng vẻ không một bóng người dân, không biết dân di chuyển đi đâu hết, chỉ có quân đội Việt Nam và ít đơn vị lính Pôn Pốt thỉnh thoảng chạm súng nhỏ lẻ không đáng kể. Đánh vào thành phố thiệt hại không mấy, lúc này là 11h trưa ngày 07/01. Chiếc máy PR C25 của tôi vẫn mở để đợi tổ đài ở sở chỉ huy gọi. Hơn 1h chiều tôi mới liên lạc được với đài sở chỉ huy, tôi điện về báo tin anh em chúng tôi đã đến thành phố khoảng 11h trưa nay rồi. Ở ngã 3, ngã 4 thành phố bộ đội ta đã chiếm các nhà cao tầng và các vị trí quan trọng của thành phố. Ở hướng quốc lộ 1, trung đoàn 165, 210 pháo binh của sư đoàn 7 cùng với lực lượng bộ đội của bạn vẫn đổ về thành phố.
Thành phố Phnôm Pênh không lớn nhưng rất đẹp, ít những tòa nhà cao tầng hơn thành phố Sài Gòn, các tòa nhà phía sau hay bên cạnh có những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn trái, thành phố ở ngã tư sông sát cạnh là dòng ToLeSap chảy từ biển Hồ về, cách đó không xa là dòng Me Kong phân thành 2 nhánh đổ về Việt Nam là sông Tiền Giang và Hậu Giang. Ngồi trên chiếc xe Zép, tôi cùng với chỉ huy 209 đi đến các mục tiêu mà trung đoàn đảm nhiệm đi về hướng đài truyền hình thành phố gần cầu Sập (cầu bắc qua sông ToLeSap bị đánh sập từ hồi trước năm 1975). Đi trong thành phố gặp những gương mặt rạng ngời đầy kiêu hãnh của người chiến thắng, chúng tôi vẫy chào nhau, đưa cho nhau đồ ăn như kẹo, bánh, nước ngọt, cả rượu và chiến lợi phẩm của địch. 4h chiều chúng tôi về khu vực hoàng cung nơi mục tiêu đánh chiếm của trung đoàn 141. Chúng tôi đi đến nhiều vị trí ở khu hoàng cung.
Hoàng cung nơi dinh thự các triều đại vua của đất nước Campuchia. Khu hoàng cung rất rộng, được xây dựng trên một địa thế rất đẹp nơi dòng ToLeSap gặp dòng Me Kong. Trước hoàng cung mênh mang sông nước, những tòa thành kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại in bóng xuống dòng sông. Mặt trời đã ngả về tây, những tia nắng cuối cùng trong ngày hắt xuống dòng sông. Nhìn nước Me Kong xuôi dòng về hướng tổ quốc Việt Nam yêu quí, người tôi lặng đi chợt nghĩ thật nhiều về dòng sông Thái Bình lặng đỏ phù sa nơi quê hương yêu mến của tôi, nghĩ thật nhiều về dòng sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông nơi tôi đã từng công tác và chiến đấu, nơi đó có những người thân yêu nhất. Tôi mong ngày trở lại tổ quốc Việt Nam.

Từ đó đến nay đã 31 năm...
Cẩm giàng, ngày 07 tháng 01 năm 2010
 
------------
Trên đây là bản thảo của tôi, mong anh em góp ý để bài hồi kí của tôi được hoàn chỉnh hơn  ;)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: Bodoibucket trong 04 Tháng Ba, 2010, 10:42:15 am
Em nghĩ bác phải gặp 2 xe M113 bị cháy sát nhau trong PP chứ?
Bác xem lại bằng cách nào máy 2W của bác liên lạc được lúc 1h chiều?


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: svailo trong 04 Tháng Ba, 2010, 11:45:53 am
[quote author=hieuc3d26f7
... Đến gần 12h đêm thấy một chiếc ô tô chở lính, đèn pha sáng rực tiến vào đội hình hành quân của ta. Chắc chúng không biết là lực lượng luồn sâu của bộ đội Việt Nam nên ngày càng đến gần. Bộ đội ta trong chốc lát đã tiêu diệt gọn.
... Như vậy tối ngày mồng 5 ta đã vượt sang bên kia bến phà Niết Lương.
(Còn nữa)
[/quote]
***************************88
    Chắc C của Binhyen đánh chiếc xe này đây !
Nhưng thật đáng tiếc cho công tác hiệp đồng : Đó là xe trinh sát của F9
 Quân ta chiến thắng quân mình ! Xót đau thay .
 Viết hay lắm , rất khúc chiết ,mạch lạc , hừng hực khí thế . Không kém gì Binhyen , Trinhsat1... cả  .  Hoan hô Hieu c3d26f7  . Tiếp tục Xung...phong... !


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: Hungnt_E1F2 trong 04 Tháng Ba, 2010, 12:00:44 pm
... Đến gần 12h đêm thấy một chiếc ô tô chở lính, đèn pha sáng rực tiến vào đội hình hành quân của ta. Chắc chúng không biết là lực lượng luồn sâu của bộ đội Việt Nam nên ngày càng đến gần. Bộ đội ta trong chốc lát đã tiêu diệt gọn.
... Như vậy tối ngày mồng 5 ta đã vượt sang bên kia bến phà Niết Lương.
(Còn nữa)

***************************88
    Chắc C của Binhyen đánh chiếc xe này đây !
Nhưng thật đáng tiếc cho công tác hiệp đồng : Đó là xe trinh sát của F9
 Quân ta chiến thắng quân mình ! Xót đau thay .
 Viết hay lắm , rất khúc chiết ,mạch lạc , hừng hực khí thế . Không kém gì Binhyen , Trinhsat1... cả  .  Hoan hô Hieu c3d26f7  . Tiếp tục Xung...phong... !



Một bác BY nhìn chiến trận của e209, theo góc độ người lính, và chỉ nhìn dưới góc độ cấp c, d
Một bác Hiệu lại nhìn cùng các trận ấy của e209 theo cách của lính thông tin, với góc nhìn gần với của BCH e209, theo cấp e, f.
Nhưng, cùng một chỉ huy Trần Cường mà 2 bác có ý kiến trái ngược nhau!


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: VTD e1f2 trong 04 Tháng Ba, 2010, 12:19:44 pm
Tôi đeo chiếc máy thông tin PR C25 đi đến gần, các anh hỏi đơn vị nào, tôi trả lời ở sư 7 đây. Các anh cho biết anh em ở F2 quân khu 5 mới tăng cường. Ngay từ đầu trông thấy tôi đã nghĩ nhất định không phải lính khu này bởi anh em chúng tôi ra trận có mang theo sọt bao giờ đâu. Tôi vừa đi vừa nghĩ miên man tại sao lại tăng cường lính quân khu 5 đến đây? Như vậy đánh chiếm Đôn So có cả đơn vị bạn tăng cường. Đến lúc này tôi chưa hề biết ý định đánh chiếm Pnong Pênh. đ
 --------------------------------
     Bác Thông tin C3 D26 F7 QD4  ơi ! không phải mới tăng cường mà chúng tôi tham gai chốt bắc Chốp , đường 13 ,từ tháng 10/1978 trong đội hình Q Đ 4  ,bên cạnh f7  ,và tham gia đánh cửa mở đầu tháng 1/1979  đường 10 - đon so bác ạ ... chào thân


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: GiangNH trong 04 Tháng Ba, 2010, 12:27:45 pm
Một bác BY nhìn chiến trận của e209, theo góc độ người lính, và chỉ nhìn dưới góc độ cấp c, d
Một bác Hiệu lại nhìn các trận ấy của e209 theo cách của lính thông tin (b trưởng?), với góc nhìn gần với của BCH e209, theo cấp e, f.
Nhưng, cùng một chỉ huy Trần Cường mà 2 bác có ý kiến trái ngược nhau!
TVB C1,TVD C3-D7-E209+TVK 2w D7-E 209 nhận xét về bác TC:
-Học bên Liên xô về, từng học trường sĩ quan quân chính trên xóm Vệ(phía đông xóm là sĩ quan tài chính, phía tây xóm là trường quân chính).
-Giỏi, nhưng "ngộng nghệnh": Lính dân tộc(hình như Quảng ninh) mới vào, tối hôm đấy thứ 7, CN gì đó họ túm tụm trà thuốc ở quán Pako, bác TC đi qua, chẳng anh nào chào hỏi, bác quát: Chúng mày biết tao là ai không?Lính đốp lại: Mày là thằng nào(lơ lớ tiếng TQ). Thế là bác ấy rút súng ngắn bắn chỉ thiên, vừa dứt tiếng súng thì 1 trận mưa "song phi, đấm, đạp..." lên bác ấy. Mọi người chạy đến nơi, chỉ còn mỗi...bác TC?


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: ongbom_f2 trong 04 Tháng Ba, 2010, 12:46:34 pm
TVB C1,TVD C3-D7-E209+TVK 2w D7-E 209 nhận xét về bác TC:
-Học bên Liên xô về, từng học trường sĩ quan quân chính trên xóm Vệ(phía đông xóm là sĩ quan tài chính, phía tây xóm là trường quân chính).
-Giỏi, nhưng "ngộng nghệnh": Lính dân tộc(hình như Cao bằng) mới vào, tối hôm đấy họ túm tụm trà thuốc, bác TC đi qua, chẳng anh nào chào hỏi, bác quát: Chúng mày biết tao là ai không?Lính đốp lại: Mày là thằng nào. Thế là bác ấy rút súng ngắn bắn chỉ thiên, vừa dứt tiếng súng thì 1 trận mưa "song phi, đấm, đạp..." lên bác ấy. Báo động khẩn cấp, vệ binh đến nơi, chỉ còn mỗi...bác TC?

Cái đoạn này là bác Giang-k17 nghe mấy bác ấy kể riêng với bác hay là bác dẫn chứng vậy? Dẫn ở trang nào thế bác Giang ?


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa)
Gửi bởi: GiangNH trong 04 Tháng Ba, 2010, 12:53:14 pm
TVB C1,TVD C3-D7-E209+TVK 2w D7-E 209 nhận xét về bác TC:
-Học bên Liên xô về, từng học trường sĩ quan quân chính trên xóm Vệ(phía đông xóm là sĩ quan tài chính, phía tây xóm là trường quân chính).
-Giỏi, nhưng "ngộng nghệnh": Lính dân tộc(hình như Cao bằng) mới vào, tối hôm đấy họ túm tụm trà thuốc, bác TC đi qua, chẳng anh nào chào hỏi, bác quát: Chúng mày biết tao là ai không?Lính đốp lại: Mày là thằng nào. Thế là bác ấy rút súng ngắn bắn chỉ thiên, vừa dứt tiếng súng thì 1 trận mưa "song phi, đấm, đạp..." lên bác ấy. Báo động khẩn cấp, vệ binh đến nơi, chỉ còn mỗi...bác TC?

Cái đoạn này là bác Giang-k17 nghe mấy bác ấy kể riêng với bác hay là bác dẫn chứng vậy? Dẫn ở trang nào thế bác Giang ?
3 lão CCB E 209 kể ấy mà. Nói về bác TC đấy. Em hớt lẻo tý, có gì các bác xá tội. Lính chỗ em, họ tin vào quân đội, nhưng ít tin vào sử sách lắm?
  (Chuyện của bác binhyen1960, bác Hiệu em có thể biết qua những cuộc "hội thảo dưới ánh trăng" quê em, hướng BGTN chỉ có QK5 là em mù tịt thôi)


Tiêu đề: Re: Hồi kí của tôi - Nguyễn Hữu Hiệu (tiếp nữa và hết)
Gửi bởi: H3 Hùng trong 04 Tháng Ba, 2010, 02:55:15 pm
Đội hình đi đầu là lực lượng xe tăng thiết giáp và trung đoàn 141 sau đó đến D8 và E209. Chiếc xe chỉ huy E209 mở hết tốc độ đi cùng xe thiết giáp bỏ lại đội hình D8.

Cám ơn bài viết của bác Hiệu làm sáng tỏ thêm nhiều tình tiết về đội hình hành tiến của quân đoàn 4 khi tiến quân vào giải phóng Phnôm Pênh. Cho tôi hỏi thêm trung đoàn 141 trong thời kỳ chống Mỹ còn có tên gọi là trung đoàn 14 phải không? Vì coi trong truyện ký Đường vào Phnôm Pênh của cụ Bùi Cát Vũ, tôi thấy trận đó cụ Vũ kể E14 (có TTG phối thuộc) đi đầu đội hình hành tiến.

Góp ý với bác một điểm nhỏ này: Do truyện của bác post lên mạng khá dài, bác chịu khó khi xuống hàng nên cách một hàng trống để chúng tôi dễ đọc. Tôi nghĩ khi bác viết bài sẳn trong word thì bác đã cẩn thận trình bày câu cú rồi, nhưng khi post bài lên mạng quân sử thì mạng cài đặt câu cú của mình lại theo mặc định, nên bác chịu khó dò lại, đánh cách khoảng từng đoạn để người đọc xem truyện cho dễ.

Kính bác một ly. ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Ba, 2010, 08:20:56 pm
Bác hieuc3d26f7  nhớ cũng như tôi nhớ: Chiều mùng 5 đã ở bến phà NL rồi  ;)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 05 Tháng Ba, 2010, 08:28:24 am
        Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết và có những ý kiến đóng góp. Quả thực tôi không biết sử dụng vi tính (chỉ biết đọc báo điện tử thôi). Ở quê tôi có nhiều anh em ở F7, hàng năm chúng tôi gặp nhau nói chuyện cũ hay nhắc đến chop và sư đoàn 7. Một hôm con tôi nói " Ở trên mạng Internet con thấy có nhiều người viết về BG Tây Nam, về chop và sư đoàn 7, hình như họ cùng đơn vị, cùng đánh trận với bố và các bác, các chú đấy". Vậy tôi mới gặp Binhyen và các bạn ít ngày nay thôi.
        Có bạn hỏi E141 có fai là E 14 không? Đúng là một đấy, E này còn có tên là E 38 nữa. Sư đoàn 7 có 4 trung đoàn, 3 trung đoàn bộ binh là 141, 165, 209, 210 (trung đoàn pháo binh) và các D trực thuộc.
         Tôi chưa xem "Đường vào Phnom Penh" của bác Bùi Cát Vũ nhưng tôi đã đọc "nhật kí chiến đấu" của bác hồi năm 1975 rồi. Trong chiến dịch giúp bạn giải phóng Phnom Penh bác ấy cũng là 1 trong những vị chỉ huy chiến dịch đấy.
         Việc 2 chiếc M 113 bị cháy ở hướng nào, chỗ nào tôi không nắm được, chứ ở hướng tôi vào chỉ có 1 chiếc thôi.
         Ở hướng trung đoàn 209 tôi nối lại đc thông tin với đài sở chỉ huy sư đoàn lúc hơn 1h chiều như vậy mất liên lạc 4 tiếng đồng hồ từ 9h sáng. Vì lúc 1 h chiều đài ở sở chỉ huy nhẹ của F đã di chuyển đến gần thành phố PP.
         Chiếc xe ô tô chở lính lúc ta đánh gần 12h đêm ngày mồng 3 không phải do d7 của binhyen đánh đâu. Chiếc xe này ở sau đội hình sở chỉ huy E, xe này do bộ đội d8 và d9 đánh. Còn việc đánh nhầm vào xe của f9 là ngày hôm sau 04.01 ở trên khu vực đường 1. Ở hướng f9 lúc đó có e165 của f7 ở đó. Trong chiến đấu, chỉ đơn vị nào đảm nhiệm hướng nào thì biết hướng đó chứ tuyệt đối bí mật, không biết việc bố trí lực lượng của đơn vị khác đâu, chỉ có cấp trên mới biết. Sau này đi truy quét địch ở Căng đan STưng anh hiến là sĩ quan tác chiến của E đi nắm tình hình địch cùng với trinh sát bị địch vây, a phải đốt bản đồ tác chiến vì sợ rơi vào tay địch. Được giải vây khi về đơn vị, a Trần cường E trưởng cứ gặng hỏi mãi có đúng là đốt hay để rơi? Sợ lộ bí mật, trung đoàn 209 fai điều chỉnh lại vị trí đứng chân.
         Trong chiến đấu những trận đánh lớn lúc nào cũng có 2 sở chỉ huy, sở chỉ cơ bản và sở chỉ huy nhẹ. Sở chỉ huy nhẹ là quan trọng và đặc biệt thường xuyên di chuyển theo tình hình của từng trận đánh, xử lí các tình huống trong chiến đấu đều do sở chỉ huy nhẹ ra mệnh lệnh. Tôi đã từng phục vụ ở sở chỉ huy nhẹ này. Cấp dưới thường gọi đây là bộ phận đốc chiến.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: Kon tiahien trong 05 Tháng Ba, 2010, 08:50:23 am
       
         ...Trong chiến đấu những trận đánh lớn lúc nào cũng có 2 sở chỉ huy, sở chỉ cơ bản và sở chỉ huy nhẹ. Sở chỉ huy nhẹ là quan trọng và đặc biệt thường xuyên di chuyển theo tình hình của từng trận đánh, xử lí các tình huống trong chiến đấu đều do sở chỉ huy nhẹ ra mệnh lệnh. Tôi đã từng phục vụ ở sở chỉ huy nhẹ này. Cấp dưới thường gọi đây là bộ phận đốc chiến.
Cánh F317 của Tiahien gọi là cứ cơ bản và cứ tiền phương bác a! Không nhất thiết là các trận đánh lớn mới lập cứ vì một năm có 2 mùa đồng thời có 2 chiến dịch cho cả năm. Như vậy có thể nói ít khi E được về chung làm 1 cứ. Cánh bên các bác chắc cũng vậy thôi nhỉ! ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 08 Tháng Ba, 2010, 10:06:22 am
Trích dẫn từ binhyen1960:
"Khi ra đến con đường đất đỏ cắt ngang đường quốc lộ 10, đất ở đó bị đạn pháo của địch bắn xốp như bột mì"

Trả lời: Theo tôi được biết đoạn đường này chính là 1 trong những bờ tường ủi mà f7 fai đánh. Không chỉ có pháo địch bắn đâu mà ngày hôm trước pháo của e 210 và của quân đoàn cũng bắn vào đây rồi. Vị trí này là nơi quyết tử của cả ta và địch đấy, nếu không chiếm được đây thì làm sao chiếm được cầu đôn xo và có trận luồn sâu cắt đứt đường 1 được?
      Xin nói thêm rằng đôn xo là hệ thống thủy nông đầu mối rất nhiều mương máng dẫn nước nên địch đã lợi dụng địa thế này để phòng thủ.
Về phía ta tôi nghĩ các vị chỉ huy trận đánh đã tính kỹ rồi nên sử dụng lực lượng bộ binh và hỏa lực nhiều như vậy để chọc thủng phòng tuyến. Từ khi đánh với Pôn Pốt, chưa trận nào chúng ta phải đánh tới ngày thứ 3 như ở đôn xo. Tôi tin rằng trận mở cửa đánh đường 10, cầu đôn xo giúp bạn giải phóng PP những đơn vị tham gia chiến đấu ở đây sẽ được ghi trong lịch sử của QĐ 4 và QĐNDVN.



Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 09 Tháng Ba, 2010, 03:50:02 pm
 Khi D7 của E 209 vượt qua được bờ tường ủi vào sáng ngày 3.1.1979 thì gặp con mương nước rộng , vượt qua bên kia là cánh đồng rộng với con đường 10 chạy thẳng tới cầu Đôn xo , đường đất đỏ mới , đắp thẳng tắp to rộng , cũng khoảng 9h sáng D7 mới tới chân cầu , tại vị trí này có con đường dất khác chạy cắt ngang con đường 10 , theo binhyen nhớ thì nó là ngã 3 , tại đây có 2 ãy nhà lá dọc theo con đường nhỏ , đơn vị binhyen bố trí đội hình tại đây bên phải chân cầu , bên trái chân cầu là lính của E 141 .
 Cầu Đôn xo là một cái đập chắn nước đắp bằng đất , 2 bên tre gai dày đặc chạy ra giữa là trạm van khóa đập nước bên trên là cái cầu bằng gỗ to rộng , một đoạn xa mới tới điểm giữa cầu , đoạn này cong cong cao lên trên , nếu để bộ binh đơn thương độc mã vượt qua cầu theo địa hình này mà bên kia cầu là 1 khẩu đại liên 1 khẩu 12,8ly của địch bắn quét từ bên kia qua thì binhyen khẳng định không thể vượt qua nổi , có bao nhiêu quân vào đó cũng hết . Chính vì vậy đơn vị binhyen nằm lại bên phải chân cầu gần cái gò cao bên trên gò là mấy cây to , sau lưng là dãy nhà lá và con đường đất đỏ nhỏ cắt ngang .
 Tại đây đơn vị binhyen bị dập pháo 105ly của địch từ hướng cánh phải và từ phía sau bắn tới một lúc , hướng bên phải đội hình thì đã rõ địch là chắc chắn rồi , xong từ phía sau hơi chếch về hướng trận địa pháo tại cửa mở phía bờ tường ủi quất lên và cũng dập trúng bên cánh phải lên cái gò C2 đứng chân thì có lẽ là pháo của F7 hoặc QD4 bắn giữ sườn cho E 141 thôi , mấy cây to trên cái gò đó trúng đạn tan nát , cũng may họ chỉ bắn một lúc thì dừng , thời gian lúc đó có lẽ ngừng trôi với đơn vị binhyen , 1 phút qua đi bằng 1 năm , cảm giác thật ghê sợ khi nằm dưới tọa độ pháo của quân ta , chỉ cần nghe tiếng "cùng " đầu là toàn bộ BCH C2 rúm hết lại với nhau rồi , cũng rất nhanh nó rít trên đầu và nổ tung phía trên đỉnh đầu mình hoặc trên cái gò đó . Bên ngoài con đường đất đỏ đó thì địch bắn lâu hơn nhiều , có lẽ 4 5 khẩu 105ly cùng dập một lúc , chúng bắn tới mức đất trên đường mịn ra như bột mỳ , binhyen đi đội giày bước chân lên đường mà lún tới nửa bắp chân vì đất mịn .
 Con đường này nằm sát chân cầu Đon xo chứ không phải bên bờ tường ủi bác HieuCD26F7 à , từ vị trí đầu cầu này đi khoảng 20 phút qua bên kia cầu là chúng ta tập trung để luồn sâu đấy , khi đó Trần Cường lên sau chửi ầm lên vì lính tập trung ùn lại đông quá , lính thì trẻ kinh nghiệm chưa nhiều , có người chưa từng bắn phát đạn nào , anh em lính cũ thì quá ít quân dồn về lộn sộn gọi tên nhau như gọi đò sông cái , E trưởng cầm cái ba toong bằng ăng ten M113 đi đến cùng một số anh em khác khi đó trời cũng đã nhá nhem tối rồi và lệnh C2 D7 đi đầu đội hình luồn sâu của E 209 .
 Hóa ra khi đó cũng có mặt bác hieuc3d26f7 trong đội hình đó .
 Bác lính thông tin của F7 nên có cái nhìn chính xác mang tính tổng quát hơn binhyen nhiều , với góc độ người lính phía dưới chỉ nói được cái mình thấy mình biết của trận đánh .


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: GiangNH trong 09 Tháng Ba, 2010, 04:24:15 pm
 Cầu Đon xo này, lính quê em nhắc đến nhiều đây(bộ binh E141, E209-F7 và pháo binh E42-F9, hình như có cả lính cối 120 của F9, ít nhất 6 bác). Mai, ngày kia em bận việc " nhớn", cuối tuần em rủ mấy bác bình luận trận này!
 Bác binhyen1960 cho em hỏi: Hôm ấy có cối 120 của ta bắn yểm trợ không?(Lính cối nói:5/5 đi chơi với bọn anh không?)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 09 Tháng Ba, 2010, 05:42:45 pm
 Có chứ Giang K17 , lính cối 120ly là quân số của E mà , họ luôn đi sau đội hình bởi vậy binhyen rất ít gặp trên đường hành quân , trong chiến dịch duy nhất 1 lần gặp khi E 209 lật cánh từ hướng nam về hướng bắc Chóp đánh trận cửa mở , nhìn số anh em này gánh cối đi trên đường mình phát hoảng , may ngày đó anh Thái không nhận mình về pháo , nếu không có lẽ anh ấy phải gánh nốt cả mình mất , họ vất vả lắm khi gánh pháo và đạn trên đường bằng phẳng , nếu trên địa hình rừng núi có lẽ vất vả hơn thế nhiều lần .
 Thôi làm thằng lính bộ binh chiến đấu cho nó nhàn  ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: Trungsy1 trong 12 Tháng Ba, 2010, 09:01:20 pm
Vượt U Răng thì 4 thằng C16 một cái đế cối 120mm, trầy trật với hai đòn khiêng kẽo kẹt cắt nhau hình chữ thập. DK75mm C17 hai thằng một nòng...
Đúng là suốt đời không thể quên được. Cái ngưỡng con người ta quả là vô biên...


Tiêu đề: Tô Teeng ngày ấy
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:34:36 pm
TÔ TEENG NGÀY ẤY
Nguyễn Hữu Hiệu

Cuối tháng 4 năm 1978 ta tấn công toàn tuyến đẩy lùi quân địch về đất chúng, các đơn vị của Sư đoàn 7 đều đứng chân trên tỉnh Svay Riêng Campuchia. Quân giặc gây ra chiến tranh phải đẩy chiến tranh sang đất nó, giữ bình yên cho đồng bào ta ở biên giới đồng thời bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Khi ta đứng chân ở đây, địch hoạt động rất mạnh hòng đẩy lực lượng ta về phía bên kia biên giới. Chúng thường xuyên bâu bám đánh vào các chốt của ta, nhiều khi còn mở những trận đánh với quy mô hàng tiểu đoàn, trung đoàn, liều lĩnh luồn sâu tập kích vào phía sau ta. Cách đây không lâu chúng đánh vào đơn vị thanh niên xung phong phục vụ ở đoạn đường 241 và các tiểu đoàn trực thuộc vào đến gần Sở chỉ huy Sư đoàn. Cùng với những đơn vị bộ binh của chúng, các loại hỏa lực như pháo, cối cũng thường xuyên bắn vào chốt gây thương vong đáng kể cho ta. Không ngày nào thời gian chốt ở đây bộ đội ta không có thương vong.
Hướng Sư đoàn 7 đảm nhiệm có 9 tiểu đoàn Bộ binh của ba trung đoàn 165, 209, 141 đều phải đưa lên phía trước. Trung đoàn pháo binh 210 bố trí ba trận địa pháo để chi viện cho đơn vị giữ chốt, tiểu đoàn công binh chốt tuyến đường từ Việt Nam sang và dọc theo tuyến đường 241 lên Chóp các tiểu đoàn chinh sát, thông tin, vận tải... đều đưa lực lượng tăng cường cho các trung đoàn. Tuyến phòng thủ của F7 được bố trí theo hình vòng cung. Trung đoàn 165 chốt ở hướng nam, giáp Sư đoàn 9 (hướng đường số 1), trung đoàn 209 chốt giữa hướng tây nam, chốt phía đường 24 đến bắc Chóp, bắc Chóp là trung đoàn 141 giáp với đơn vị bạn về hướng đường 13 là sư đoàn 1. Ở dưới các chốt tiền tiêu về mùa mưa này anh em bộ đội rất vất vả, điều kiện ăn ở sinh hoạt hết sức khó khăn, hàng ngày phải đối mặt với quân thù, suốt ngày đêm phải căng ra giữ chốt. Quân giặc luôn chủ động tấn công vào chốt của ta.
Nằm ở đây anh em bộ đội ta rất khó hiểu tại sao một nước nhỏ bé, nghèo nàn, dân số ít, có 7 triệu dân thì bọn Pôn Pốt đã giết mất gần 2 triệu từ 1975 đến nay rồi, hàng trăm ngàn dân sát biên giới với Việt Nam đã tị nạn sang ta, đánh với ta mấy năm nay ta diệt cũng nhiều, người ở đâu ra mà lực lượng của địch vẫn mạnh như vậy dám đương đầu với bộ đội Việt Nam - một quân đội mạnh và thiện chiến vào bậc nhất thế giới, nhiều khi chúng lại chủ động tấn công ta.
Trung tuần tháng 10 năm 1978, sau thời gian phục vụ trung đoàn 209, tôi được lệnh rút về, không về đơn vị mà về thẳng cụm đài vô tuyến điện phục vụ cho sở chỉ huy sư đoàn. Cụm đài này triển khai 3 đài vô tuyến, 2 đài thường xuyên làm việc với các trung đoàn, 1 đài dự bị để làm việc vượt cấp xuống các tiểu đoàn khi cần thiết và phục vụ theo yêu cầu cơ động của chỉ huy sư đoàn. Ở đây còn có đài vô tuyến điện của quân đoàn tăng cường. Cụm đài sở chỉ huy do anh Đỗ Minh trung đội trưởng lên trực tiếp chỉ huy. Về đây gặp các anh cũng ở dưới các trung đoàn vừa về đây cách mấy hôm, anh Lã Thanh Bình (Hà Tây), anh Nguyễn Mạnh Đề, Trần Đắc Xít (Thái Bình) và một số anh em khác mới bổ sung về đơn vị. Về được ít ngày anh Minh phân công tôi và anh Nguyễn Mạnh Đề xuống trung đoàn 165, anh Đề nói ở đó có anh Đào Hải Yến và anh Phú rồi còn xuống làm gì? Anh Minh giải thích xuống 165 lần này là xuống chốt của tiểu đoàn nên phải đưa người có kinh nghiệm quen với chiến trận, xuống đó phải nằm chốt với bộ binh, phải chiến đấu kết hợp với đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện rất khó khăn ác liệt. Tôi hỏi thêm: xuống tiểu đoàn nào? Anh nói: tiểu đoàn 6, E165, vị trí của tiểu đoàn chốt tại Tô Teeng. Tô Teeng nằm ở phía tây nam sở chỉ huy sư đoàn, các đồng chí chuẩn bị ngay chiều nay có mặt tại đó. Ngoài máy, pin, cơ số đạn đầy đủ thì xuống đó nên mang theo lương thực. Nhận mệnh lệnh anh Đề chuẩn bị máy, pin, súng đạn. Tôi nói với anh không phải mang gạo, khi nào có xe qua lại thì lấy sau cũng được, chắc ở dưới đó không thiếu lương thực đâu, có khó khăn thiếu thốn như đầu năm đâu mà sợ. Tôi lên hầm sở chỉ huy sư đoàn xem bản đồ tác chiến xác định vị trí đứng chân và đường đi đến chốt Tô Teeng. Các anh ở ban tác chiến trực chỉ huy ở đây cho biết gần đây ở hướng nam (hướng đường 1) địch tập chung đánh mạnh vào sư đoàn 9, một số vị trí chốt của sư đoàn 9 bị mất, trung đoàn 165 được lệnh của quân đoàn tăng cường trung đoàn thiếu cho sư 9 gồm hai tiểu đoàn 4 và 5 cùng các C trực thuộc. Tiểu đoàn 6 không đi tăng cường mà ở lại giữ sườn phía đông cho trung đoàn 209, đồng thời chặn giữ phía tây nam sở chỉ huy sư đoàn và đường 241 từ KoKiSon về Chóp. Vậy tiểu đoàn 6 lúc này chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh sư đoàn, chính vì vậy mà đài vô tuyến điện của chúng tôi phải xuống đây, không chỉ có vô tuyến điện mà hữu tuyến điện cũng triển khai đường dây xuống hướng này.
Hơn 9 giờ sáng, tôi mang chiếc máy PRC25 và mấy bình pin dự trữ, anh Đề mang súng đeo bao se đạn, hai anh em lên đường xuống Tô Teeng. Đường đến đó khoảng hơn 8km từ sở chỉ huy sư đoàn đi về hướng tây dọc đường 241 hơn 3km, rẽ trái 5km về phía nam là đến Tô Teeng. Đoạn đường 241 từ KoKiSon đến Chóp hôm nay thật êm ả, từ sáng đến giờ chưa thấy địch bắn pháo cối vào, trên đường chỉ có các tổ công binh chốt đường và anh em bên C1 hữu tuyến điện đi kiểm tra đường dây, thỉnh thoảng có chiếc xe Zeo chở bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm từ Việt Nam sang chi viện cho các trung đoàn nằm phía trên Chóp. Đi đến ngã ba, lối rẽ vào tiểu đoàn 6, ở gần vị trí này những lần ở 209 về lấy pin và lương thực thường gặp đơn vị thanh niên xung phong. Các chị em chốt ở đây đến gần tôi vẫn thường nghe những câu hò điệu lý, câu vọng cổ Nam bộ do chị em ca. Hôm nay qua đây không thấy ai nữa, trung đội nữ thanh niên xung phong chốt đường đã bị địch đánh vào, các chị em đã hi sinh gần hết. Tiểu đoàn 5 của trung đoàn 165 phải đánh quay lại, các D trực thuộc và đại đội vệ binh của sư đoàn phải đánh lên đưa các em về Tổ quốc. Trận chiến này cách đây không lâu. Vị trí này do một bộ phận của tiểu đoàn 25 công binh của sư đoàn đảm nhiệm. Tôi hỏi các anh chốt đường, đường về Tô Teeng nơi tiểu đoàn 6 đang chốt ở đó. Các anh cho biêt còn hơn 5km nữa, cứ thẳng bờ kênh này là đến. Sáng nay đã có các anh hữu tuyến của D26 rải đường dây điện thoại đến rồi. Như vậy các anh bên C1 đã về đó trước chúng tôi.
Đứng ở ngã ba nơi đường về Tô Teeng, nhìn cánh đồng nước mênh mông trắng xóa, dưới ruộng nước những đàn cò trắng hàng ngàn con đang mải miết kiếm ăn, trên rặng cây thốt lốt những đàn sáo đen đùa giỡn, khung cảnh làng quê êm đềm thơ mộng làm sao. Chỉ có những con vật kia mới không biết chiến tranh là gì, chúng không thể biết được con người phải đối mặt với bao vất vả hi sinh, những người nông dân cần cù chịu khó phải bỏ quê hương, ruộng đồng gần gũi thân thương của mình đi nơi khác, biết đâu được những người lính từng ngày từng phút mong ngày về Tổ quốc mình. Khác với đường 241, đường đến Tô Teeng thật vắng, lúc này chỉ có hai người -tôi và anh Nguyễn Mạnh Đề đi về hướng đó. Đi trên bờ kênh thẳng tắp, hai bên bờ kênh là những cây bình bát (quả ăn gần giống quả na), những cây dừa nước xen lẫn những cây tràm non. Hai bên đường là kênh dẫn nước, phía đông kênh rộng hơn. Mùa mưa này bộ đội vận tải dùng thuyền để vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm chi viện cho tiểu đoàn 6 và vận chuyển thương binh liệt sĩ từ D6 về phía sau. Trên cánh đồng nước mệnh mông chỉ có con đường độc đạo chạy theo hướng nam đến thẳng Tô Teeng. Vào mùa mưa Tô Teeng như một hòn đảo nổi giữa trùng khơi, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 6 trung đoàn 165 hiên ngang đứng chốt giữ nơi đầu sóng ngọn gió.
(Còn nữa ....)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: bschung trong 24 Tháng Mười Hai, 2010, 02:29:58 pm
  Tiếp đi bác Hiệu,bác "bỏ nhà' đi đâu gần năm nay mới quay lại thế !  nghe bác H (BY1960) ,boong H so so; k 2w...nhắc bác nhiều ,em cùng là lính sư 7 nhưng là lớp lính đàn em ut của các bác ! tiếp tục đi bác,rất hấp dẫn !
   


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: haanh trong 24 Tháng Mười Hai, 2010, 09:52:19 pm
hehe hay lắm anh Hiếu ơi , em cũng 2w đây tiến lên đi anh  ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: bschung trong 24 Tháng Mười Hai, 2010, 10:53:54 pm
Nhân dip giang sinh ,chúc bác chủ "thớt" ,chúc các thành viên quansuvn.net các bác cựu chiến binh và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, hưởng  một đêm giáng sinh vui vẻ
                   :•.(¯`°´¯).• ¤*•,¸.¸, một năm mới bình an •*¤*•,.•

 ¤*•,¸.¸, •*¤*•,¸.MERRY CHRISTMAS,•*¤*•,¸.¸,•*HAPPY NEW YEAR                     *•,¸.¸,•*¤*•,¤*•,¸.¸,•*¤*•,¸., •*¤*•,¸.¸,•*¤*•,¸.¸,•



Tiêu đề: Hồi ký "Tô Teeng ngày ấy" - Phần II
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 01:40:03 pm
Hơn 1 giờ chiều đến nơi tôi vào báo cáo chỉ huy tiểu đoàn. Ở D6 thời gian này anh Mai Kim làm tiểu đoàn trưởng, anh Sáu là chính trị viên, cả hai anh là người Thanh Hóa. Tôi báo cáo anh Mai Kim là tổ đài vô tuyến chúng tôi đến phục vụ cho tiểu đoàn chịu sự chỉ huy của các anh, đề nghị các anh giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Anh nói với chúng tôi là anh đã biết kế hoạch này từ hôm qua rồi, anh nhấn mạnh rằng ở đây không như ở trung đoàn và sư đoàn đâu, các đồng chí phải hết sức chú ý trong việc sinh hoạt, đi lại. Phía trước mặt chúng ta là địch, xung quanh là những bãi mìn, phải hết sức cảnh giác. Anh Đề nói với anh Kim và anh Sáu cho đặt đài ở nhà chỉ huy của tiểu đoàn. Các anh đồng ý ngay. Anh Sáu chính trị viên nói: “Các chú ở gần bọn anh để tiện cho các anh liên lạc sư đoàn”. Lát sau tôi thấy anh Nguyễn Văn Trong ở trên chốt đại đội về, anh Trong thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ đi bộ đội cùng tôi, anh là trợ lý tác chiến tiểu đoàn. Anh em găp nhau, tôi nói lâu lắm rồi không xuống dưới này, anh em cùng đoàn ai còn ai mất? Anh bảo đứa thì chuyển đi đơn vị khác, người thì bị thương, người hi sinh gần hết cả rồi, hiện chỉ còn vài người, dưới C15 đại đội hỏa lực của tiểu đoàn có anh Nguyễn Hữu Lương xã Cẩm Hoàng. Tôi hỏi có xa không? Lát nữa sẽ xuống đó. Anh Trong bảo: gần thôi nhưng không nên đi vì nơi đây không như nơi khác, xung quanh ta là địch cả.
Làng Tô Teeng bộ đội ta chốt giữ ở đây gọi là làng “Sen”, mùa mưa xung quanh làng chỉ có nước và nước. Đứng ở đây nhìn về bốn hướng chỉ có hướng đông bắc là có ít cây chàm non mọc ở những nơi chũng nhất không cấy lúa được,còn xung quanh là ruộng của nông dân. Người dân ở đây từ cuối năm 1977 đã theo bộ đội Việt Nam và di chuyển đi nơi khác hết, hiện không có người nào ở đây cả, chỉ có bộ đội tiểu đoàn 6 chốt giữ tại đây. Bờ kênh từ đoạn đường 241 vào đây phía đông là vị trí đứng chân của tiểu đoàn bộ. Cách một đoạn không xa là đại đội 15 hỏa lực của tiểu đoàn, ở hướng tây nam là đại đội 11,12, 13. Các đại đội được bố trí dọc theo làng theo hướng Bắc nam, C13 là đơn vị dâng lên cao nhất. Đường xuống các đại đội chủ yếu men theo các bờ kênh, chỉ có đoạn đường từ sở chỉ huy tiểu đoàn xuống C15 hỏa lực là có thể dùng xe cơ giới được. Tiểu đoàn bộ đóng ở một xóm nhỏ, phía đông là hai chiếc nhà ngói khá to nhưng bị xiêu vẹo bởi những trận pháo kích, phía tây là hai chiếc nhà ngói nhỏ hơn, một chiếc bị đánh sập, còn một chiếc là nhà chỉ huy của tiểu đoàn. Các anh chỉ huy tiểu đoàn và bộ phận tác chiến cùng với máy thông tin vô hữu tuyến ở đây. Phía đông nam sở chỉ huy là chốt của trung đội chinh sát, phía đông bắc là trung đội thông tin, phía bắc là bộ phận hậu cần ý tá, phía tây giáp bờ kênh là lực lượng vận tải công binh của tiểu đoàn. Những đơn vị bao quanh sở chỉ huy ban ngày thì về vị trí, ban đêm thì dông lên các hầm phía trước để phục kích. Xuống đây mới thấy hầm hố anh em làm rất kiên cố, đảm bảo sự sống còn của người lính khi chốt giữ vị trí tiền tiêu này. Mùa mưa ở đây hầm không đào sâu được, chỉ đào 50cm kê sạp gỗ để nằm, có chỗ để múc nước ra, phía cửa hầm là ụ đất lớn ngăn đạn bắn vào. Đây cũng là nơi bộ đội ta phục kích vào ban đêm, là công sự đánh trả quân địch khi chúng đánh vào. Ở dưới các đại đội cũng làm như vậy, suốt ngày đêm anh em phải sống dưới hầm như thế này, nhiều khi ăn cơm cũng ở dưới đó.
Tôi và anh Đề, hai anh em đi xuống báo cơm không ngờ cái vị trí “sang trọng” nhất ở đây lại là nơi nấu cơm (nhà ngói đẹp nhất). Báo cơm xong chúng tôi tranh thủ đi quan sát xem anh em dưới này ăn ở ra sao, đến nhà thông tin hỏi các tần số liên lạc và mạng lưới thông tin ở dưới này được bố trí như thế nào, đây là nơi chúng tôi quan tâm nhất. Các anh thông tin vô tuyến ở đây cho biết “Bọn em làm việc không có giờ, cứ thấy súng nổ ở phía trên hay là đường dây hữu tuyến không liên lạc được là chúng em lên máy, chả mấy khi chúng em mất liên lạc với đại đội ở dưới chốt cả”. Tôi nửa đùa nửa thật nói với các anh: Ở đây bọn tớ có làm sao thì các đồng chí cứ mở tần số (...) gọi về đài thông tin phục vụ ở sở chỉ huy sư đoàn. Đi qua các hầm của bộ đội ta chỗ nào cũng thấy rất nhiều đạn, lựu đạn, bông băng cá nhân, tư thế cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của bộ đội ta rất cao, cảnh giác tuyệt đối, nó quyết định giữa sự sống và cái chết, giữa thất bại và chiến thắng. Vào đến chỗ của anh em trinh sát các anh thấy người lạ hỏi chúng tôi ở đâu đến, tôi nói chúng tôi là lính thông tin sư đoàn. Mấy anh nói lính “cậu” xuống đây có mang súng đạn không. Anh Đề nói chúng tớ chỉ có một máy, một súng và mấy băng đạn. Các anh đưa đạn và lựu đạn cho chúng tôi. Các anh bảo ở đây phải chuẩn bị nhiều đạn, không chỉ vài băng như ở trung đoàn được.
Đêm đầu tiên ở chốt chúng tôi không hề chợp mắt. Ở các đại đội 11, 12, 13 lại nổ súng, địch tập kích vào các chốt của ta. Đạn bắn qua sang cả sở chỉ huy tiểu đoàn. Địch đánh vào đâu thì ở đó nổ súng, còn lại các chốt nằm im. Ngày ngủ, đêm thức những người lính đã quen từ lâu nhất là những người lính nằm ở các chốt và lính vô tuyến điện nơi giáp ranh giữa ta và địch. Chả hiểu sao giữa cái biển nước thế này mà đêm nào địch cũng mò vào các chốt của ta, ban ngày thì chúng bắn pháo cối.
Mấy đêm nay chúng tôi đã quen dần với cuộc sống ở đây, đêm đêm anh em thay nhau nằm phục với các bộ phận để bảo vệ sở chỉ huy, cũng là bảo vệ sự sống còn của chính mình. Ban ngày lại về nhà ngói nơi hầm chỉ huy của tiểu đoàn, mấy nhà ngói này chỉ là nơi ở ban ngày còn đêm không ai ở mà phải dông lên các hầm phục tại đó. Xuống đơn vị chiến đấu gian khổ nhưng chúng tôi được ăn no hơn, thức ăn nhiều hơn, không phải ăn cá khô như ở trung đoàn và sư đoàn. Thức ăn toàn là cá tươi sống, ở đây cá rất nhiều, chỉ cần vài trái lựu đạn quẳng xuống mương là cả tiểu đoàn bộ ăn cá thoải mái, chỉ có thịt là hiếm, hơn một tuần ở đây mới được ăn một bữa thịt ướp muối mặn đắng mang từ Việt Nam sang. Ngày ngủ đêm thức đã quen, bọn giặc quấy nhiễu vào ban ngày chúng tôi chẳng sợ, vào ban đêm thì phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo, lo nhất là thỉnh thoảng có quả đạn pháo hay cối chúng bắn vào chả biết đâu mà tránh. Tôi và anh Đề mấy hôm nay rồi không nằm cùng nhau, mỗi người một nơi, hôm thì tôi trực máy, anh ra hầm phục cùng anh em, lúc thì tôi ra phục, anh trực máy. Sự đồng cam cộng khổ dẫn đến sự đồng cảm giữa chúng tôi và anh em ngày càng nâng lên. Nhiều anh ở đây nói với chúng tôi “Chúng em cứ tưởng lính sư đoàn dát lắm, ai ngờ các anh cũng như bọn em”. Tôi nói từ khi xuống đường ra biên giới đến nay chúng tớ đều đi theo các đơn vị bộ binh, thích nghi với điều kiện ở chốt và chịu trận nhiều rồi, lần này là lần thứ hai tớ về trung đoàn 165 đấy. Trước đây tớ là lính tiểu đoàn 5, trung đoàn 165 là đơn vị cũ của tớ từ đầu năm 1975 đấy. Mình đi bộ đội cùng với anh Nguyễn Văn Trong, chúng tớ cùng với những người lính từng vượt Trường Sơn vào Nam đấy. Đến lúc này không còn ai coi mình là lính “cậu”, thứ lính phục vụ ở tuyến sau nữa. Các anh ở bộ phận trinh sát nói hơn một tuần nay rồi các anh ra đây ngày nào cũng chứng kiến những làn đạn, những quả pháo cối của địch đánh vào chịu trận cùng chúng em. Ngày nào cũng có anh em D6 bị thương hoặc hi sinh, người lính bọn mình khổ lắm đó. Bọn em là lính chủ yếu nhập ngũ từ năm 1977 và đầu 1978 là đàn em các anh.
Ở hầm chỉ huy của tiểu đoàn tôi bất ngờ gặp anh Lê Nho Hữu, anh là người chính gốc tiểu đoàn 6 khi đơn vị làm quân quản ở thành phố Sài Gòn (1975). Tiểu đoàn 6 đóng quân ở bến Bạch Đằng (đầu đường Tự Do). Tôi đã đến đây với anh nhiều lần, khi đó anh Bùi Viết Thường còn làm tiểu đoàn trưởng. Anh Hữu người cùng quê, tháng 12 năm 1977 anh tham ra trận đánh ở biên giới Tây Ninh Campuchia, trung đoàn 165 lúc đó toàn lính mới bị địch đánh thiệt hại nặng, may mắn anh còn sống sau đó tiểu đoàn phân công anh về tuyến sau. Tôi không hiểu vì sao, có việc gì mà anh lại ra cái nơi nguy hiểm vào bậc nhất này. Anh em đã lâu không gặp nhau mừng lắm, nhiều chuyện muốn nói về đồng đội, quê hương, gia đình. Bằng những câu chuyện anh nói cho tôi nghe, anh ở Việt Nam sang tôi rất muốn tìm hiểu xem ở đất nước có gì mới không, Sài Gòn có còn đẹp như xưa không, tình hình kinh tế ra sao. Anh cứ tuần tự dài dòng, nghe một lúc tôi sốt ruột quá. Ở các đại đội phía trên nổ súng, tôi bảo anh có việc gì với thủ trưởng thì làm việc đi, làm xong về luôn không ở đây lâu, ở lâu chẳng có lợi lộc gì đâu, chả ngày nào địch không tập kích vào chốt này cả. Chả biết anh trao đổi công việc gì với chỉ huy tiểu đoàn, làm việc xong, trước khi anh về tuyến sau, anh nói với tôi đã gặp anh Lê Đình Nhẫn cùng làng, cùng bạn. Tôi ngạc nhiên hỏi thằng Nhẫn ở C21 trinh sát E209 chết rồi sao lại gặp được nó? Anh nói nó bị thương nặng đơn vị tưởng nó chết, ngày hôm sau đơn vị đánh lên lấy xác nó thì nó vẫn còn thở, bị thương nặng vào bụng nên đưa nó vào bệnh viện. Bệnh viện đã cứu nó thoát chết, hiện nó đã khỏe và đi lại được rồi. Chính thông tin này tôi đã viết thư cho anh Lê Đình Côi - anh ruột anh Nhẫn, gia đình đã cúng cơm anh ấy mấy tháng rồi. Tôi không nói gì đứng thẫn thờ, mấy phút sau tôi nói mày về ngay đi, anh Hữu chào anh Kim rồi anh về ngay chiều hôm đó.
Đêm nay trời tối đen như mực suốt từ sẩm tối đến giờ không thấy tiếng nổ của đạn pháo, một đêm khá đặc biệt ở chốt Tô Teeng này. Từ lúc sẩm tối anh Đề nói anh sẽ trực máy, tôi ra hầm chốt với trung đội vận tải cùng với anh em, nếu có gì thì anh gọi tôi. Tôi bảo cứ an tâm, địch đánh vào tao sẽ bò men theo rãnh nước này về, đề phòng nếu có trường hợp xấu nhất xảy ra thì vẫn có người đảm bảo liên lạc về sư đoàn. Hầm của bộ phận vận tải có khoảng 7-8 người cách hầm chỉ huy khoảng 25m về hướng Tây giáp với bờ kênh. Đã quen nhau, tôi đến là vào hầm với các anh luôn, cả hầm chỉ có tôi là nhỏ bé nhất, các anh lính vận tải đều là người to cao có sức khỏe. Ở đây chia làm hai ca phục tại ụ đất ở hai cửa hầm, mùa mưa nên nước xung quanh cứ chảy vào hầm, hai tiếng một lần lại phải múc ra. Tôi không ra phục mà múc nước cùng với mấy anh, trong hầm mắc ba chiếc màn một, những chiếc màn này không bao giờ được giặt, chả hiểu từ từ lúc nào, thời gian nào, chắc ở đây không ai nhớ, chả ai quan tâm đến những vết bùn đất, vết máu thâm đen như thế này nó cứ tồn tại ở đây suốt ngày này qua ngày khác, chả ai vén lên, lúc thư thả thì anh em chui vào ngủ tạm. Mùa mưa nên muỗi ở đây rất nhiều, lạ thật, đêm thì muỗi, ngày thì ruồi, chẳng có thứ thuốc gì tiêu diệt chúng được. Nó là thứ giặc mà chúng tôi căm thù như bọn Pôn Pốt.
(Còn nữa...)


Tiêu đề: Hồi ký - Tô Teeng ngày ấy - Phần III
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 09:39:37 am
Hơn 3 giờ sáng, loạt đạn ở phía đông nam bắn vào sở chỉ huy, tiếp sau là hỏa lực cá nhân M79, B40, B41 cũng ở hướng đó bắn vào, chúng đánh như vậy mọi chỗ, mọi người đều biết tại sao không thấy nơi nào nổ súng để bắn lại chúng. Phía đông nam là hầm của trung đội trinh sát bộ phận tin tưởng nhất tại sao lại cứ nằm im không thấy phản ứng gì. Ở các hầm tất cả anh em đều chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, mấy phút sau hướng đông nam trung đội trinh sát nổ súng thì ở hướng tây nơi bờ kênh, địch cũng bắt đầu bắn xối xả vào tiểu đoàn bộ, như vậy hai gọng kìm từ hướng đông nam và hướng tây đang xiết chặt vào sở chỉ huy tiểu đoàn. Trong tiếng đạn nổ tôi chỉ nghe thấy tiếng anh Lê Công Hoàn (anh Hoàn ở ban tác chiến sư đoàn xuống đây cùng ban chỉ huy tiểu đoàn 6 chỉ huy giữ chốt) “Tất cả chiến đấu, chỉ có giữ vững chốt, không được lùi”. Bò ra khỏi hầm vận tải, nghe tiếng anh Mai Kim “Vô tuyến sư đoàn đâu?”. Đường dây hữu tuyến liên lạc về sư đoàn đã bị địch cắt đứt. Tìm vị trí thuận lợi nhất để bò về hầm chỉ huy nơi anh Đề đang ở đó. Quả đạn B41 của địch bắn trúng hầm của đơn vị vận tải nơi tôi vừa ở đó ra. Vì hầm làm kiên cố nên chỉ có một người bị thương, chỉ nghe tiếng kêu “Em bị thương rồi!”. Chẳng biết là ai, tôi bò quay lại cõng đồng chí thương binh về nhà chỉ huy tiểu đoàn. Tôi thì nhỏ, anh ấy thì to nặng, cõng anh tôi cứ ngã lên ngã xuống. Về đến nhà ngói nơi chỉ huy thì mấy anh ra giúp sức đưa đồng chí thương binh về hầm cứu thương. Tôi vào hầm chỉ huy cùng với các anh Mai Kim, anh Sáu, anh Trong, anh Đề và một anh thông tin của tiểu đoàn. Địch hai hướng vẫn bắn vào, ít phút sau lại thấy súng ở phía bắc bắn lên vào sở chỉ huy, vậy sở chi huy đã bị bao vây chặt. Trên các đại đội địch cũng bắn vào như vậy, cả tiểu đoàn bị địch bao vây rồi. Các chốt ở tiểu đoàn đều nổ súng, các loại súng AK, trung liên, M79 của ta và địch nổ loạn xạ. Địch bắn vào, ta bắn ra, tiếng nổ đùng đoàng khắp các nơi. Những viên đạn bắn vào mái ngói nhà chỉ huy, những cành cây gãy rời, những tia chớp lóe sáng kèm theo là tiếng nổ của đạn B40, B41. Những viên đạn lửa cứ đan chéo nhau sáng rực cả một góc trời. Mục tiêu mà địch bắn vào là các nhà ngói, sở chỉ huy tiểu đoàn không ở nhà ngói mà về khu nhà của trung đội thông tin. Tôi và anh Đề kéo máy xuống đó. Lúc này chỉ thấy anh Lê Công Hoàn là hô hào ầm ĩ. Địch đánh vào cả đơn vị nằm trong vòng vây của giặc, mà tiểu đoàn trưởng Mai Kim vẫn bình tĩnh lạ thường, thỉnh thoảng anh lại nhô ra khỏi hầm, nắm tình hình quan sát các hướng, dùng máy vô tuyến điện cho các C đánh địch giữ chốt. Anh Nguyễn Văn Trong tác chiến của tiểu đoàn không vào hầm mà lom khom bò ngang dọc đến các vị trí trong khu tiểu đoàn bộ. Đường dây hữu tuyến hoàn toàn bị tê liệt, mạng hữu tuyến của tiểu đoàn đến các C đều mất, đường dây về sư đoàn thì mất ngay từ lúc đầu. Máy thông tin của sư đoàn vẫn liên lạc về sở chỉ huy F. Tôi chuyển bức điện đầu tiên, bức điện không được viết không có chữ ký. Anh Mai Kim tiểu đoàn trưởng nói đến đâu tôi dịch và phát về sư đoàn đến đó. “Tiểu đoàn bị địch bao vây, các hướng địch đều dùng hỏa lực đánh vào. Lực lượng của địch khá đông, đề nghị sư đoàn chi viện”. Trong hầm, tấm bản đồ tác chiến được rải ra. Anh Trong tác chiến tiểu đoàn cùng anh Mai Kim dùng chiếc đèn pin nhỏ như chiếc bút máy dí sát bản đồ soi chấm tọa độ để xin pháo sư đoàn chi viện. Ít phút sau tọa độ đã được xác định, anh Mai Kim lệnh cho tôi phát điện về sư đoàn xin pháo bắn. Ở các hướng địch vẫn bắn vào tiểu đoàn 6, các đại đội phía trên đồng loạt nổ súng. Ở khu chỉ huy tiểu đoàn địch vẫn tập trung đánh mạnh nhất, có lẽ chúng cũng phát hiện được đây là sở chỉ huy của ta. Thật khó hiểu chả lực lượng nào ở hướng trên đánh lại ứng cứu cho tiểu đoàn bộ, chả lẽ cứ để anh em nằm chịu trận như thế này sao? Ít phút sau thấy khẩu 12 ly 8 ở đại đội 15 bắn mạnh về sườn phía đông nam của tiểu đoàn, mọi người mừng lắm. Thế là hỏa lực của tiểu đoàn đã đánh ứng cứu cho tiểu đoàn bộ. Chả hiểu sao địch đánh cả nửa giờ đồng hồ mà C15 bây giờ mới bắn, sau này ngồi chuyện trò với anh Nguyễn Hữu Lương mới biết ở C15 không có tăng cường đài vô tuyến điện mà chỉ có đường dây hữu tuyến, đường dây bị địch cắt đứt không liên lạc được, địch đánh vào tiểu đoàn bộ sốt ruột quá chỉ huy C15 mới cho khẩu 12 ly 8 bắn về chi viện cho tiểu đoàn bộ.
Đài thông tin của sư đoàn liên tục phát tín hiệu về chỉ huy sở, khoảng 15,16 tọa độ quanh tiểu đoàn được chuyển qua máy vô tuyến. Thỉnh thoảng lại có loạt đạn bắn vào sở chỉ huy, tôi phải dừng lại không phát điện, một phút không thấy chúng tôi lên máy là các anh đài chỉ huy lo lắm, điện gọi liên tục cho chúng tôi. Ở hầm chỉ huy tiểu đoàn trưởng Mai Kim dùng máy vô tuyến điện trực tiếp cho các C  phải quyết tâm bám chốt, tiểu đoàn đã xin pháo của sư đoàn chi viện.
Gần 10 phút sau những viên đạn pháo rít trên đầu bay qua chúng tôi, rồi bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau. Xung quanh tiểu đoàn tiếng nổ long trời, những tia chớp lóe sáng. Nhiều anh em ở dưới hầm sung sướng quá reo lên, pháo của sư đoàn đã chi viện rồi. Các vị trí chốt của ta im bặt không nổ súng nữa, súng của bọn giặc cũng im bặt, chỉ có tiếng pháo, bọn giặc cũng rất sợ những quả đạn pháo. Bộ đội ta nằm im dưới hầm hơn nửa tiếng đồng hồ, nghe trận địa pháo của trung đoàn 210 từ phía đường 241 bắn ứng cứu cho tiểu đoàn. Có nhiều quả đạn bắn gần sát chốt của ta, lúc ban đầu thì vui mừng lắm, bây giờ nằm thấy pháo bắn xung quanh chốt lại là nỗi lo chỉ sợ có sự nhầm lẫn nào đó ta lại bắn ta. Ở đài sở chỉ huy rất lo cho dưới này, chúng tôi chỉ ngừng liên lạc mấy phút là các anh gọi luôn. Chiếc máy PRC25 liên tục chuyển những bức điện báo cáo tình hình địch, sự đối phó của ta và làm thông tin chỉnh pháo để làm sao pháo của ta bắn trúng mục tiêu, nhận những mệnh lệnh của chỉ huy sư đoàn đối với tiểu đoàn 6. Ở khu đường 241 chắc các đơn vị dưới đó sẵn sàng chiến đấu cao độ, ngóng chờ tình hình ở tiểu đoàn 6.
Pháo binh của 210 bắn liên tục khoảng hơn 40 phút thì ngừng hẳn, xung quanh vị trí của tiểu đoàn bây giờ chỉ còn nghe tiếng AK của ta, không thấy tiếng hỏa lực nữa. Những loạt đạn AK bắn đuổi theo tàn quân Pôn Pốt đang tìm đường rút chạy. Trời cũng vừa hửng sáng, trận địa im tiếng súng anh em ra khỏi hầm. Anh Sáu chính trị viên tiểu đoàn điện cho các đại đội kiểm tra đưa anh em thương binh tử sỹ về tiểu đoàn bộ, các chốt cử bộ đội đi kiểm tra trận địa và thu vũ khí của địch. Các anh bộ đội vận tải đã xuống các chốt của đại đội để vận chuyển anh em thương binh về trước để sơ cứu và chuyển về tuyến sau. Hơn nửa tiếng các chốt đã đưa gần 20 anh em bị thương về đến lối rẽ sở chỉ huy tiểu đoàn, bộ phận vận tải đã đưa anh em thương binh xuống bốn chiếc thuyền vội vã xuôi về hướng đường 241. Các đồng chí tử sỹ chờ đợi vận chuyển sau. Ở phía trên các đại đội vẫn đi tìm anh em bị thương nặng và tử sỹ để vận chuyển về. Đến 8 giờ thì các chốt đã đưa liệt sỹ về tiểu đoàn bộ, hơn chục anh em hi sinh đêm qua được nằm ở đây, mỗi người chết một tư thế, tay chân quyềnh quàng, có người vẫn còn đeo bao se đạn. Trong số anh em năm đây có 2 anh là lính trinh sát được mang về sau cùng, toàn những anh em trẻ khoảng 19-20 tuổi, mấy hôm trước anh em nói với chúng tôi “Bọn em đều nhập ngũ năm 1977 và đầu năm 1978 là đàn em của các anh”. Các anh nằm đó, sự mất mát rất lớn cho gia đình, cho đơn vị, chúng tôi những người còn lại sau trận đánh không một nén hương thắp cho các anh, chỉ đứng lặng lẽ thương tiếc vĩnh biệt những người đồng đội đã hi sinh vì Tổ quốc. Mong sao lực lượng vận tải sớm đưa các anh về đất mẹ. Đến gần trưa thì thông tin cuối cùng của trận chiến đêm qua cả tiểu đoàn vừa bị thương và hi sinh hơn 30 người trong đó có 12 anh em hi sinh. Đến trưa cả sở chỉ huy từ cán bộ đến chiến sỹ phục vụ chỉ im lặng nhìn lực lượng vận tải chuyển thương binh, tử sỹ về tuyến sau. Nhìn gương mặt anh Sáu chính trị viên, anh Mai Kim bơ phờ mệt mỏi với những mất mát hi sinh của bộ đội ta trong trận chiến đêm hôm qua.
Chiều ngày hôm sau chiếc xe Zeo nhỏ chở vũ khí, lương thực từ hướng đường 241 đi ra Tô Teeng, từ khi ra đây đến nay hôm nay mới thấy xe ra, mọi thứ vận chuyển ra đây chỉ bằng những chiếc thuyền săt. Mấy anh vận tải bảo lạ thật tại sao không sợ địch ở (cây số 5, chốt cụm cây xoài) bọn chúng vẫn bắn chặn ta từ phía trong ra và từ Tô Teeng về, nó chỉ có cách đường 600-700m. Chiếc xe Zeo tiến dần và đi thẳng về tiểu đoàn bộ, người xuống xe đầu tiên là sư trưởng Ba Dũng, sau đó là một số cán bộ tác chiến trinh sát của sư đoàn. Chỉ có các anh trong ban chỉ huy tiểu đoàn và anh em thông tin sư đoàn chúng tôi là biết sư trưởng, còn anh em ở dưới không biết. Anh Đề nói với anh em sư trưởng đến đó, mọi người ngạc nhiên làm sao sư trưởng lại ra cái chốt tiền tiêu nguy hiểm vào bậc nhất này. Anh em chiến sỹ mừng lắm vì không chỉ có những người lính mà sau những trận đánh có mặt của vị chỉ huy cao nhất của sư đoàn. Sư trưởng Ba Dũng ra đây ông động viên biểu dương anh em chiến sỹ tiểu đoàn 6 đã dũng cảm kiên cường bám chốt đồng thời nghiên cứu tuyến phòng thủ chung của khu vực sư đoàn đảm nhiệm và chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Bộ phận hậu cần đã chuyển vũ khí, lương thực từ trên xe xuống. Làm việc với ban chỉ huy tiểu đoàn khoảng hơn một tiếng đồng hồ ông quay về sư đoàn, trước khi về ông tặng anh em giữ chốt ở đây thuốc lá, bánh kẹo...
Đêm nay không ra phục với anh em nữa, mấy thằng lính thông tin của cả tiểu đoàn và sư đoàn nằm ở hầm thông tin, mọi người chỉ thao thức, tôi muốn chợp mắt môt tí mà không sao ngủ được, trận đánh đêm hôm trước và những lần đi phục vụ ở các tuyến các đơn vị cứ dần hiện về. Ngày ở 209 ấy chỉ có hơn một tháng mà phải chứng kiến bao nhiêu trận đáng nhớ. Trận đi cùng với anh Trần Cường trung đoàn trưởng cùng với tiểu đoàn 9 và lực lượng thiết giáp đánh nam chùa Cốc, lực lượng thiết giáp tăng cường không lên được, một chiếc bị địch bắn hỏng, trên chiếc xe chỉ huy chỉ có anh Trần Cường là chống gậy đứng trên trần xe dùng vô tuyến điện hò hét tiểu đoàn 9 đánh lên chiếm mục tiêu, còn anh em chúng tôi nằm rạp trên trần xe thiết giáp. Trận bắc Chóp mang máy theo phục vụ anh Trần Cường lên hướng D7, mấy đại đội của D7 mất chốt, địch đánh vào chỉ huy nhẹ trung đoàn. Khi địch vào đến gần tôi phải chạy về cầu bắc Chóp, chiếc ăngten 2,7m bị địch bắn gãy làm hai. Đến cầu bắc Chóp cả pháo ta và địch đều bắn vào đây, lần đầu tiên được chứng kiến pháo phòng không 37ly của E210 rẽ ngang bắn chặn địch qua cầu, những viên đạn nối nhau tạo thành một đường lửa từ đầu lòng pháo đến mục tiêu, năm quả đạn như những chùm lựu đạn nổ gần như cùng một lúc. Mấy tuần nay ở Tô Teeng còn nguy hiểm hơn trên bắc Chóp vì phải đối mặt trực tiếp với địch. Đầu năm xuống phục vụ ở sở chỉ huy trung đoàn đóng ở ấp Gò Ngãi, xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mấy tháng ở đây vui vẻ lắm, được sống trong sự tận tình giúp đỡ của nhân dân Gò Ngãi. Người dân ở vùng ven biên giới này đối xử rất tốt với bộ đội ta, chính vì vậy mà anh em chúng tôi luôn nhớ về đó, đêm nay hình ảnh những bà má, người chị, người em ấp Gò Ngãi từng quen biết cứ hiện dần lên trong tôi. Tôi tự hỏi mình, liệu có khi nào về đó được nữa không? Xa xa có tiếng gà gáy vọng về, phía Đông nơi Tổ quốc Việt Nam trời cũng đã bắt đầu hửng sáng. Lại một đêm nữa qua đi, những người lính không ngủ.
(Còn nữa...)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 09:38:25 pm
 Hoan hô đàn anh lính thông tin F7 lại tiếp tục chiến đấu . ;D
 Trận Tô Teeng này thì lớp lính như em cũng mới nhập ngũ vẫn còn đang ở miền Bắc , sau này về sư đoàn tại Lai Khê Sông Bé lúc học sử dụng hỏa lực bộ binh và chính trị tại căn cứ sư đoàn cũng có nghe giảng nhiều về truyền thống của sư đoàn , khi E165 của F7 đi phối thuộc cùng F9 bên hướng cánh trái của sư đoàn ( trận Tô Teeng ) cũng có nói trận đánh đó nằm trong chương trình giảng dạy truyền thống của đơn vị .
 Hóa ra trong trận đánh đó cũng có bác Hiệu C3D26F7 tham gia trong đội hình giữ và đánh vận động của trận đánh quyết định này .
 Hiện nay lính D5 D6 của E165 đoàn của BY nhiều người vẫn nhắc lại trận đánh này mặc dù bọn em chỉ được nghe kể lại vài người cũng từng nằm chốt giữ ở đây những tháng cuối của năm 1978 .
 Cám ơn bác Hiệu , cám ơn các người lính đàn anh đã xả thân mình trong những năm tháng đó .


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: bschung trong 02 Tháng Giêng, 2011, 02:52:43 pm
  Bác Hiệuc3d26f7@ : trong trận này,có một đêm mà mình mất tới gần 30 tay súng,mà các bác phòng ngự trong công sự vững chắc ,như vậy chứng tỏ lực lượng pot đông và hỏa lực rất mạnh,chúng cũng tương đối dũng cảm đấy chứ,đối thủ của chúng ta thật không xoàng ! vậy sau trận đánh mình thu được nhiều vũ khí và diệt được nhiều địch không,chúng có bỏ lại nhiều xác chết tại trận địa không ?


Tiêu đề: Hồi ký - Tô Teeng ngày ấy - Phần cuối
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:11:25 am
Từ sáng sớm, ở sở chỉ huy tiểu đoàn đã thấy các anh chỉ huy ở các đại đội 11, 12, 13, 15 và các trung đội trực thuộc lần lượt đến hầm chỉ huy. Chúng tôi đoán chiều qua anh Mai Kim và anh Sáu về sư đoàn, hôm nay lại có kế hoạch gì mới đây nên triệu tập anh em ở dưới về họp. Tôi không phải thành phần họp nhưng trực máy tại đó nên biết được nội dung của cuộc họp hôm nay. Tiểu đoàn 6 hạ quyết tâm đánh lên khu vực nhà ngói đỏ, khu nhà này cách làng Tô Teeng khoảng 2km, các chốt của đại đội cách đó khoảng 1,5km. Từ Tô Teeng đến khu nhà ngói đỏ là cánh đồng nước trắng xóa, đường đến đó chỉ có mấy bờ mương nhỏ. Sư đoàn giao cho tiểu đoàn 6 đánh chiếm vị trí này. Hai tiểu đoàn 4 và 5 ở hướng Nam đi trong đội hình của sư đoàn 9 chắc là chỉ huy đưa D6 đánh vào đây để giãn lực lượng địch, tạo điều kiện cho hai tiểu đoàn đánh chiếm mục tiêu ở phía Nam. Anh Kim tiểu đoàn trưởng giao cho hai đại đội đánh lên, đại đội 15 hỏa lực của tiểu đoàn triển khai DKZ82, cối 82 và 12 ly 8 lên chi viện cho hai đại đội, còn một đại đội làm dự bị và bảo vệ khẩu pháo 105 của E210 được kéo ra sát trận địa và khẩu DKZ75 của E tăng cường bắn thẳng vào khu nhà đỏ. Ở phía đường 241, trận địa pháo E210 bắn chi viện vào khu vực đó, công tác hậu cần phục vụ cho trận đánh cũng được anh Mai Kim giao cho các đơn vị khá cụ thể. Ở các đại đội chỉ đánh chiếm mục tiêu còn thương binh, tử sỹ thì băng bó để tại chỗ ở bờ kênh, sẽ có bộ phận vận tải lên chuyển về tuyến sau, bảo đảm thông tin ở hai đại đội chỉ dùng đài vô tuyến không triển khai đường dây lên đó vì đơn vị đánh vận động, khi chiếm được mục tiêu chốt tại đó mới triển khai đường dây. Phương tiện liên lạc từ tiểu đoàn về sư đoàn và trận địa pháo phía đường 241 của trung đoàn 210 do đài vô tuyến sư đoàn đảm nhiệm, sở chỉ huy của tiểu đoàn sẽ di chuyển lên vị trí chốt của đại đội.
Đêm nay hai đại đội 11 và 13 di chuyển lên chiếm lĩnh trận địa nằm gần khu nhà ngói đỏ, đại đội 15 cũng triển khai hỏa lực di chuyển lên phía trên để chi viện cho hai đại đội. Đại đội 12 cùng với lực lượng của 210 kéo pháo vào trận địa đặt tại C15. Cả đêm hôm đó cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn ai vào việc đó, di chuyển đến các mục tiêu đã định. Công việc nặng nhọc nhất là phải kéo khẩu pháo 105 vào trận địa, ở đây không thể cho xe kéo pháo vào được, sợ lộ bí mật, trong khi đó đường vào lầy lội, kéo pháo hoàn toàn bằng sức người. Bộ đội kéo đến 3 giờ sáng thì khẩu pháo 105 cũng vào vị trí. Ở phía trên khu nhà đỏ thỉnh thoảng vẫn có những loạt đạn bắn về phía ta. Chắc địch cũng phát hiện được lực lượng của ta đang di chuyển lên hướng đó. Trung đội trinh sát của tiểu đoàn đã tung ra các hướng để nắm tình hình địch.
Hôm sau trời mờ sáng, ở hướng đông bắc thấy đoàn bộ đội men theo bờ ruộng đi về phía sở chỉ huy tiểu đoàn, các anh chỉ huy tiểu đoàn gọi chúng tôi theo các anh di chuyển lên phía trên. Tôi không hề biết đoàn bộ đội đang đi về phía chúng tôi là đơn vị nào. Sau trận đánh mới biết đó là sở chỉ huy nhẹ của trung đoàn 165 do anh Phạm Hựu chỉ huy đã đặt chỉ huy nhẹ trung đoàn ở đây để chỉ huy trung đoàn đánh lên phía sư đoàn 9. Sở chỉ huy tiểu đoàn đi qua đại đội 15, đi thẳng về hướng Tây, đây là chốt cũ của đại đội 13 hiện nay ba đại đội được giao nhiệm vụ nằm ở phía trên đại đội 11 lên phía bên phải, bên trái bờ kênh là đại đội 13 dọc bờ kênh C15, C15 mang một cối 82, một DKZ82, một khẩu 12 ly 8 để yểm trợ cho hai đại đội đánh lên, các C đã chiếm lĩnh các vị trí mà tiểu đoàn quy định. Đứng ở chốt này tôi thấy khu nhà đỏ rất gần, thời tiết tốt quan sát được cả lực lượng địch ở đó. Sở chỉ huy tiểu đoàn không ở trong hầm mà ở sau chiếc hầm kèo và mấy ụ đất đắp cao tránh hỏa lực của địch. Chiếc hầm nằm tựa vào cây trứng cá tõe ra hai chạc, đứng ở đây quan sát các hướng rất dễ. Mục tiêu mà D6 phải đánh lên không hề có vật che khuất, che đỡ, chỉ là một cánh đồng nước nên đánh chiếm mục tiêu rất khó.
Hơn 5 giờ sáng, trận địa pháo của trung đoàn 210 ở phía đường 241 bắn vào khu nhà đỏ, những quả pháo xé không khí bay qua đầu chúng tôi về hướng nhà ngói đỏ. Anh Mai Kim điện cho hai đại đội phía trên khi dứt tiếng pháo thì đánh chiếm mục tiêu. Đài vô tuyến điện của sư đoàn hiện chúng tôi làm nhiệm vụ chỉnh pháo thay cho đài trinh sát pháo binh vì chúng tôi ở gần địch hơn. Những bức điện rất ngắn gọn “Bắn bên phải 500m, bắn bên trái ...m, nâng lên ...m”. Cứ như vậy chuyển về trận địa pháo của E210, pháo binh ta bắn, địch vẫn nằm im, không thấy nổ súng, chắc bọn địch cũng rất sợ pháo của ta nên nằm cả dưới hầm. Đến lúc này khẩu pháo 105 kéo ra trận địa và khẩu DKZ75 cùng hỏa lực của C15 vẫn nằm im chưa phát hỏa. Ở hướng đường 1 nơi trung đoàn 165 đi tăng cường cho sư đoàn 9 thì súng nổ giòn giã, chắc lần này thì bọn giặc sẽ phải đền tội tại đây, các vị trí mà địch chiếm ta sẽ lấy lại được. Pháo của ta bắn từ đường 241 ra được khoảng gần 1 tiếng thì ngừng, hai đại đội của D6 đánh lên nhưng rất khó, không chiếm được mục tiêu. Ở nơi cánh đồng trống, không có vật che khuất nên nơi nào ta nổ súng thì địch tập trung đánh vào hướng đó, ở những nơi bờ kênh hay bờ ruộng thì địch khống chế bằng hỏa lực. Hơn 1 tiếng đồng hồ, ba đại đội không phát triển lên được phải nằm im tại chỗ chống đỡ những làn đạn của địch. Các anh chỉ huy đại đội điện về xin anh Kim cho hỏa lực chi viện tiếp. Anh Mai Kim lệnh cho C15 bắn chi viện. Ít phút sau anh lệnh tiếp khẩu DKZ75 và pháo 105 tăng cường cho tiểu đoàn cùng với hỏa lực của C15 tập chung đánh vào khu nhà đỏ chi viện cho hai đại đội. Đây là lần thứ hai lực lượng hỏa lực của ta đánh phá mục tiêu không thấy tiếng hú như mọi khi mà chỉ thấy tiếng xoẹt qua đầu cùng với tiếng nổ. Rất đáng sợ khi hỏa lực bắn thẳng, một năm nay ở chiến trường lần đầu tiên tôi mới thấy pháo 105 bắn thẳng. Chỉ sau mấy loạt đạn pháo ta đã bắn trúng khu nhà đỏ, mái ngói tung lên, khói mù mịt, không thấy quân địch phản công tôi nhô lên nóc hầm, bám vào cây trứng cá để quan sát. Các anh trong ban chỉ huy thấy pháo bắn trúng sung sướng lắm, chắc đợt này hai đại đội sẽ chiếm được mục tiêu. Điện từ phía trên hai đại đội về là pháo bắn tốt, bắn trúng, đề nghị bắn tiếp. Anh Mai Kim lệnh cho hai đại đội nhân cơ hội này mà chiếm mục tiêu. Ở 3 C phía trên, từ sáng đến giờ anh em bị thương và hi sinh đáng kể, phần thì đói mệt, đã gắng hết sức nhưng không chiếm mục tiêu đúng thời gian quy định. Tiểu đoàn lệnh tiếp cho C12 di chuyển lên phía trên để hỗ trợ cho các đại đội chiếm bằng được khu nhà đỏ. Không ngờ ít phút sau khi pháo của ta thôi bắn thì pháo của địch tập trung bắn phản lại ta, các loạt đạn của địch bắn lúc đầu đều vượt qua chúng tôi về phía sau đại đội 15, nơi đặt khẩu 105 và khẩu DKZ75 nằm ở bên phía trái sở chỉ huy. Ở trước hầm chỉ huy của tiểu đoàn địch dùng cối 120 bắn vào, tiếng nổ trước mặt tôi làm tôi lăn từ trên nóc hầm chữ A xuống, bùn đất, rong rêu và những cây cỏ phủ đầy người. Anh Trong và anh Kim hỏi tôi có làm sao không? Tôi ngồi dậy vuốt mặt bàng hoàng sờ khắp người không thấy bị thương ở đâu tôi mới trả lời các anh là không làm sao. Gần tối hôm đó pháo của địch vẫn bắn vào phía chốt của tiểu đoàn bộ và C15. Ở khu nhà ngói cả 4 đại đội của tiểu đoàn đều quyết tâm chiếm mục tiêu đến gần tối thì ba đại đội 11, 13 và 15 cũng đã chiếm được mục tiêu mà đơn vị phải đánh lên. Anh em thương binh tử sỹ cũng được bộ phận vận tải chuyển về, suốt ngày đánh trận anh em tiểu đoàn 6 và các bộ phận đi tăng cường đã mệt mỏi. Khi biết chắc chắn là hai đại đội bộ binh và C hỏa lực đứng chân ở khu nhà ngói đỏ thì sở chỉ huy nhẹ tiểu đoàn cũng rút từ chốt của đại đội 13 về vị trí cũ. Lúc này trời đã sẩm tối, về đến chốt cũ của tiểu đoàn thấy nơi này vắng vẻ đi về phía đông nam nơi hai chiếc nhà ngói và khu hầm của trung đội trinh sát, trên đường thấy những vũng máu và những mảng da đầu có cả tóc ở đó, hỏi mấy anh về trước tại sao thế này, các anh nói lúc chiều địch phản pháo nó bắn trúng vào đây nơi chỉ huy nhẹ của trung đoàn một số anh em hi sinh và bị thương trong đó có cả anh Nhất người Thái Bình trước đây ở cùng anh Hữu ở tiểu đoàn 6 tôi vẫn hay đến chơi chỗ anh. Anh em đã được đưa về tuyến sau rồi, bây giờ chỉ còn lại dấu tích pháo địch bắn vào, sở chỉ huy nhẹ trung đoàn cũng đã rút khỏi nơi đây rồi.
Ở khu nhà ngói đỏ mục tiêu mà tiểu đoàn 6 đánh lên ta chỉ chiếm được một phần, khu này khá rộng, còn nhiều vị trí ta chưa chiếm được, lực lượng địch ở đây khá nhiều có cả xe tăng thiết giáp ở phía sau di chuyển đến, chúng sẽ phản công chiếm lại vị trí đã mất. Nói là mấy đại đội trên đó nhưng lực lượng rất ít, mỗi đại đội chỉ còn vài chục tay súng, anh em bộ đội thì mệt mỏi, vũ khí đã cạn, việc lo hậu cần tiếp tế cho bộ đội rất khó khăn, quân địch sẽ tập trung đánh để đẩy quân ta ra. Anh Mai Kim điện cho các đại đội phải củng cố hầm hố công sự ngay. Để các đại đội ở đây các anh chỉ huy tiểu đoàn không an tâm, anh em rất lo cho lực lượng ở trên đó, anh Mai Kim làm việc qua đường dây hữu tuyến về sư đoàn báo cáo tình hình thực tế tình hình bộ đội ta, lực lượng địch trên khu nhà ngói đỏ và xin lệnh của sư đoàn. Về đến vị trí là đồng chí nuôi quân tiểu đoàn vội vã triển khai nấu cơm ngay, bếp nấu cơm ngay tại vị trí pháo địch bắn vào chiều nay. Từ tối qua đến giờ hơn một ngày một đêm anh em không một miếng cơm vào bụng, người mệt rã rời, đầu óc căng thẳng, tôi ngồi trong hầm ôm chiếc máy thông tin đợi bữa cơm tối.
Khoảng 8 giờ tối, qua máy hữu tuyến chỉ huy sư đoàn làm việc với anh Mai Kim, thời gian làm việc khá lâu, sau đó tiểu đoàn trưởng điện cho các đại đội ở phía trên khu nhà đỏ bí mật rút về. Anh yêu cầu phải tuyệt đối bí mật cho từng trung đội rút, phải bố trí lực lượng bảo vệ chủ động đánh địch khi ta rút địch sẽ phản công, bằng bất cứ tình huống nào cũng phải đưa anh em tử sỹ về nếu có. Anh Kim cũng lệnh cho C15 rút trước và chủ động chuẩn bị DKZ82, cối 82 và 12 ly 8 sẵn sàng yểm trợ cho hai đại đội. Đến hơn 11 giờ đêm thì các đại đội của tiểu đoàn đã rút về vị trí an toàn.
Thời gian chốt ở đây tiểu đoàn 6 đã mất khá nhiều lực lượng, số thì bị thương, số bị hi sinh song làng Tô Teeng vị trí chốt của ta vẫn được giữ vững tạo điều kiện cho lực lượng của sư đoàn 9 đánh lấy lại mục tiêu đã mất, tiểu đoàn 6 cũng là bức tường thành vững chắc giữ sườn phía đông cho trung đoàn 209 - hàng rào thép ngăn chặn sự tấn công của giặc vào đường 241 và sở chỉ huy sư đoàn. Sau trận đánh lên khu nhà đỏ, tiểu đoàn 6 trở về với đội hình của trung đoàn 165, lúc này trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ đi phối thuộc với sư đoàn 9. Mấy ngày sau đài vô tuyến điện của chúng tôi được lệnh rút khỏi tiểu đoàn 6.
Phiên làm việc đầu tiên trong ngày anh Nguyễn Mạnh Đề báo cho tôi là điện của anh Đỗ Minh ở đài chỉ huy lệnh cho chúng tôi là thời gian đi tăng cường ở tiểu đoàn 6 đã hết. Hai anh em chúng tôi bố trí rút về cụm đài sở chỉ huy để nhận nhiệm vụ mới. Nhận mệnh lệnh anh em chúng tôi vui buồn lẫn lộn, tâm trạng rất khó tả, vui vì đã được về tuyến sau, không còn phải sống ở cái nơi gian khổ ác liệt này nữa, buồn vì phải xa các anh em những người lính đã cùng nhau giữ chốt này. Anh Đề xuống bếp thanh toán tiền ăn trong thời gian chúng tôi tăng cường xuống đây. Khi anh về nói với tôi ở đây các anh không lấy gì cả, đồng chí quản lý nói “Các anh xuống đây giữ chốt cùng chúng em là quý lắm rồi, lương thực thực phẩm của nhà nước chứ có phải của bọn em đâu. Các anh về đừng quên làng Tô Teeng này nhé!”. Bữa cơm cuối cùng ở đây vẫn bộ phận nào mang về bộ phận đó. Ăn cơm xong tôi đi chào tạm biệt các anh em trong khu vực tiểu đoàn bộ, về nhà chỉ huy tiểu đoàn chào các anh trong sở chỉ huy và chuẩn bị phương tiện máy móc, súng đạn để về phía sau. Đi ra giáp bờ kênh, nơi này là bến đỗ của những chiếc thuyền vận tải, tôi đứng nhìn lại tiểu đoàn bộ lần cuối, nhìn lại những vị trí mà địch đã nổ súng vào đây, nhìn về hướng các đại đội 11, 12, 13, 15 và khu nhà ngói đỏ, nơi đó đã chứng kiến bao trận đánh quyết tử giữa bộ đội ta và kẻ thù. Nơi tôi đang đứng đầu bờ kênh này 12 anh em cán bộ chiến sỹ đã hi sinh trong đêm giặc bao vây tiểu đoàn, các anh đã về nằm tập trung ở bến này để đợi về Tổ quốc. Các đồng chí ở đơn vị vận tải của tiểu đoàn vẫy chúng tôi, chúng tôi vẫy tay lại. Tôi nói như thét lên: Xin chào các đồng chí, chào cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 6, chào Tô Teeng.
Tôi và anh Nguyễn Mạnh Đề đi dọc bờ kênh hướng về đường 241.
Cẩm Giàng, tháng 11 năm 2010.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 04:19:19 pm
Các bạn cựu chiến binh F7 còn nhớ ko?
- Sáng ngày hôm nay E165 đánh chiếm phà Niết Luơng thu nhiều vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng của địch.
- Chiều, trung đoàn trưởng Phạm Hựu lệnh cho 20 chiếc xuồng cùng các chiến sỹ cảm tử của trung đoàn 165 sư đoàn 7 vượt sông Mê Kông duới sự yểm trợ của pháo binh.
Các đơn vị của sư đoàn 7 ngày hôm nay đều di chuyển lên phía trên làm trật cứng các nẻo đường... hừng hực khí thế quyết chiến quyết thắng của quân đội Việt Nam anh hùng.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 06:43:50 pm
 Nhớ bác HieuC3D26F7 ạ , nhớ 31 một năm trước ngày này , giờ này lính F7 chúng ta đã tề tựu đầy đủ trên bờ đông bến phà Niec luong , với khí thế ào ào các đơn vị với phương tiện cơ giới cùng TTG pháo binh tràn ngập đầu phà , trên Trời máy bay trực thăng phành phạch gầm rú cùng những tốp phản lực lao nhanh sâu trong nội địa Campuchia
 Một ngày tháng lịch sử của lính F7 lúc đó nhưng chiến tranh cùng hy sinh mất mát vẫn còn đeo bám chúng ta nhiều năm tháng nữa .


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 17 Tháng Chín, 2011, 07:59:59 pm
 Bác Hiệu thông tin C3 D26 F7 QD4 đâu rồi? Lâu quá không thấy bác ra vào trang VHM.

 Hôm nay BY mới ngồi với mấy thằng lính cùng đoàn C3 D26 F7 QD4, nhắc đến anh Hiệu Cẩm Giàng chúng nó vẫn nhớ.

 Bác có nhớ thằng Tuấn lính HN 1978 không? Nó vẫn nhớ nhiều kỷ niệm về bác Hiệu B trưởng của nó cũ, vẫn nhắc chuyện bác toàn bắt nó trèo cây đài. Bọn em gọi nó là thằng Tuấn Toét nhà phố Cầu Gỗ. ;D

 Nhiều thằng nữa trong D26 vẫn nhớ về bác, lúc đầu chúng nó đã nhầm bác với anh Hiệu cũng D26 người Thanh Hóa, sau có thằng Tuấn Toét xực nhớ ra: Thôi chết rồi anh Hiệu "lùn" Cẩm Giàng B trưởng B tao. ;D


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 18 Tháng Chín, 2011, 06:08:49 pm
Chú Binh Yên ơi, có phải thằng Tuấn ở 57C-Đinh Tiên Hoàng Hà Nội không?
Ở D26 có nhiều người biết mình mà mình không biết họ. Trước khi ra quân tiểu toàn giao cho mình và một số người nữa huấn luyện anh em chiến sĩ mới.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 18 Tháng Chín, 2011, 06:46:58 pm
 Chính nó đấy bác hieuc3d26f7 ạ. ;D

 Bọn em gọi nó là thằng Tuấn Toét vì mắt nó lúc nào cũng toét nhèm, nhà nó thông cả sang phố Cầu Gỗ.

 Ngày đó ở Lai Khê chia quân về cả sư đoàn, danh sách bọn em đi trước chúng nó đi sau và một bộ phận nhỏ về D26 thông tin của F7, trong đó có thằng Tuấn Toét và thằng Tú "nhọ" lính thông tin hữu tuyến, trên đường hành quân trong chiến dịch đánh Amleang đầu 1979 BY hay gặp thằng Tú, lúc nào cũng thấy lụi hụi vác 2 cuộn dây thông tin.

 Hình nó đây, mời bác lục lại trí nhớ của mình xem có nhận ra nó không nhé. Thằng Tuấn mặc áo trắng bên phải đang ngậm điếu thuốc.

 (http://i973.photobucket.com/albums/ae216/hieu1960/012-2.jpg)

 Thằng Tú "nhọ" mặc bộ đồ sẫm màu bên trái. Hôm qua nói chuyện nó cũng biết anh Hiệu đấy. ;D

(http://i973.photobucket.com/albums/ae216/hieu1960/003-1.jpg)


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: hieuc3d26f7 trong 18 Tháng Chín, 2011, 07:17:14 pm
Đã lâu lắm rồi không gặp chú Tuấn, kể cả lúc mình ra quân chú ấy cũng đi tăng cường cho Trung đoàntruy quét địch. Ảnh Bình Yên đưa lên mạng mình thấy quen lắm. Có lẽ đúng là chú Tuấn. Tuấn về đơn vị lúc nào mình cũng không  rõ nữa, khi mình về đơn vị cuối năm 1978 thì thấy có một số tân binh bổ xung chả biết là ai cả. Chưa biết mặt nhau thì mình lại tăng cường cho 209 đánh đương 10 cầu Đônso tiến vào Phnom penh, truy quét địch ở đường 4 dường 5 và ngã sáu... cùng với đơn vị của Bình Yên. Sau này về huấn luyện mới biết chu Tuấn. Hồi chốt giữ ở Biên Giới anh em lính mới chưa phải xuống Trung đoàn và tiểu đoàn sau này anh em lính  78  mới đi tăng cường xuống Trung đoàn và các đài trung gian truy quét địch ở Am leng và trong dãy Uran rồi lên Bosat. Chúng nó cũng vất vả lắm. Bình Yên cho số điện thoại của tôi để anh em liên lạc với nhau.


Tiêu đề: Re: Thông tin C3 D26 F7 QD4
Gửi bởi: binhyen1960 trong 18 Tháng Chín, 2011, 07:31:18 pm
 Dạ có đây anh. ;D

 Số máy của Tuấn Toét: 0912 968 488