Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: chuongxedap trong 10 Tháng Ba, 2008, 05:48:57 pm



Tiêu đề: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Ba, 2008, 05:48:57 pm
Tên sách: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội-The secret war against Hanoi
The secret war against Hanoi
Kennedy’s and Johnson’ Use of Spies, Saboteurs, and Covert warriors in north Vietnam
Nhà xuất bản Harper Collins, 1999 Vương quốc Anh
Tác giả: Richard H.Shultz, Jr
Dịch giả: Hoàng Anh Tuyên
Hiệu đính: Anh Thái
Nhà xuất bản: Văn hoá - Thông tin
Năm xuất bản: 2002
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Cuộc chiến tranh Việt Nam - theo cách gọi của người Mỹ - đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ, nhưng thất bại của Mỹ và những hậu quả kèm theo - được khái quát bằng cụm từ "hội chứng Việt Nam" - vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Câu hỏi: Tại sao Việt Nam ? Vẫn còn đó và tiếp tục thách thức các nhà nghiên cứu Mỹ tìm ra câu trả lời thoả đáng.

Cuốn sách Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội  xuất bản năm 1999, của nhà nghiên cứu Mỹ, giáo sư Richard H Shultz, Jr mà các bạn đang có trong tay là một trong những nỗ lực giải đáp câu hỏi đó: Như tên gọi, cuốn sách đề cập đến một khía cạnh rất đặc biệt và bí mật của cuộc chiến tranh. Nhưng khác với một số ít cuốn sách đã viết về đề tài này, Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội  không khai thác những yếu tố bí mật, đặc biệt để lôi kéo độc giả. Ngược lại, với các nguồn tài liệu tuyệt mật của CIA, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng mới được công bố, và đặc biệt là các cuộc phỏng vấn những người trực tiếp chỉ đạo, điều hành và thực hiện cuộc chiến tranh bí mật, cuốn sách đi sâu phân tích tư tưởng chỉ đạo, dựng lại quá trình hoạt động, phân tích các nguyên nhân thất bại và trên cơ sở đó rút ra những bài học cần thiết cho nước Mỹ. Có thể nói cuốn sách là một tổng kết khá đầy đủ của các nhà nghiên cứu Mỹ về các hoạt động bí mật chống phá miền Bắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Theo cuốn sách, từ năm 1951 đến 1972, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và CIA, Mỹ đã thành lập một tổ chức cực kỳ bí mật để tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc, điều hành hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến, tiến hành các hoạt động phá hoại trên biển và ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh. Tác giả đã làm rõ vai trò của giới lãnh đạo cao cấp nhất ở Washington và những toan tính của họ trong quyết định tiến hành các hoạt động bí mật chống miền Bắc. Họ là Tổng thống Kenedy, Johnson và Nixon; là Bộ trưởng Quốc phòng Mcnamara, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ Colby, Cố vấn an ninh Tổng thống Bundy, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kenedy và nhiều quan chức dân sự, quân sự cao cấp khác. Đồng thời, qua những trang sách, các phương thức hoạt động, kể cả những thủ đoạn "bẩn thỉu" mà Mỹ sử dụng trong hoạt động bí mật cũng được mô tả chi tiết.

Mặc dù được tập trung chỉ đạo, sử dụng một số lượng lớn nguồn nhân lực và vật lực trong một thời gian dài, cuốn sách kết luận Mỹ đã thất bại. Hầu hết số gián điệp biệt kích tung ra Bắc đều bị bắt giữ hoặc tiêu diệt, chiến tranh tâm lý bị phá sản, con đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển vẫn tiếp tục hoạt động. Như cuốn sách thừa nhận, Việt Nam là đối thủ quá khó chơi đối với Mỹ. Tuy nhiên, thay vì tìm nguyên nhân thất bại trong sai lầm chiến lược của giới cầm quyền Mỹ như Mcnamara đã từng chỉ ra, tác giả mới chỉ dừng lại ở những nguyên nhân về tổ chức, năng lực và phối hợp của phía Mỹ.

Với những nội dung và cách đặt vấn đề trong cuốn sách, có thể thấy tác giả đã cố gắng có cách nhìn tương đối khách quan về cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ ở Việt Nam. Mặc dù một số đánh giá nhận định của tác giả mang tính phiến diện một chiều, do đó còn có những hạn chế nhất định, cuốn sách đã góp phần làm sáng tỏ một khía cạnh còn ít được nghiên cứu của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Với mong muốn giúp bạn đọc quan tâm đến vấn đề này hiểu thêm cách nhìn nhận đánh giá từ phía học giả Mỹ và qua đó cảm nhận đầy đủ hơn về chiến thắng vĩ đại của chúng ta, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin xin trân trọng giới thiệu cuốn sách: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội  như một tài liệu để chúng ta cùng tham khảo.


                                                                       Tháng 3 năm 2002
                                                          NHÀ XUẤT BẢN VĂN HOÁ - THÔNG TIN





Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Ba, 2008, 05:53:43 pm
PHẦN MỞ ĐẦU

Kể từ khi khai sinh ra Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần sử dụng các lực lượng đặc biệt tiến hành các hoạt động ngầm để hỗ trợ chính sách ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, do tính chất bí mật cao và nhạy cảm về chính trị của các hoạt động này, mọi người biết rất ít về chúng. Chắc chắn rằng qua thời gian, nhiều mẩu thông tin về hoạt động ngầm đã lộ lọt ra ngoài, nhưng phần lớn các tài liệu và hồ sơ của các chiến dịch bí mật vẫn còn nằm trong các kho lưu trữ của chính phủ. Những tài liệu đó thuộc một trong những loại bí mật nhất của thời chiến tranh lạnh.

Với sự chấm dứt của xung đột Đông-Tây, giờ đây chúng ta đã có thể nhìn xuyên qua bức màn bí mật vốn che phủ những hoạt động ngầm trong suốt nửa thế kỷ qua. Khi những kho lưu trữ được mở ra, chúng ta có thể xem xét hồ sơ của các điệp vụ thành công và thất bại trong quá khứ và rút ra những bài học cho các tình huống trong tương lai, trong đó các lực lượng đặc biệt có thể được sử dụng.

Chiến dịch bán quân sự bí mật của Washington chống lại Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam minh hoạ tình hình mới nói trên. Chiến dịch do Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là MACVSOG hoặc SOG) là hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất do Mỹ thực hiện kể từ khi OSS ra đời. MACVSOG đã tiến hành cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội trong tám năm, bắt đầu từ tháng Giêng năm 1964 đến tháng Tư năm 1972.

Trong khi ở các thư viện không thiếu sách viết về hầu hết các khía cạnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng ở đó vẫn còn thiếu vắng những nghiên cứu, đánh giá về hoạt động và ý nghĩa chiến lược của SOG. Người ta cho rằng tất cả các cuốn sử viết về chiến tranh thế giới lần thứ hai mà viết trước thời điểm tiết lộ việc giải mã những bức điện thông tin bí mật của Đức là không đầy đủ. Điều này cũng đúng đối với các nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Nếu không đề cập một cách đầy đủ về chiến dịch bán quân sự bí mật do SOG thực hiện thì lịch sử về cuộc xung đột này đã thiếu vắng những chương quan trọng. Cuốn sách: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội  đã bổ sung cho sự thiếu hụt này bằng việc cung cấp thông tin một cách hoàn chỉnh về cuộc chiến tranh bí mật - mà đúng ra sẽ không bao giờ được tiết lộ - đồng thời cho thấy những khía cạnh mới mẻ về thất bại của Mỹ ở Việt Nam.




CHỨNG CỨ

Cuốn sách này dựa trên kinh nghiệm và hồi ức của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam và những quan chức cấp cao vạch chính sách và chỉ đạo chiến dịch này ở Washington. Tác giả có được sự tiếp cận đặc biệt đối với hồ sơ và những cá nhân đã điều hành một tổ chức tuyệt mật mang một cái tên hiền lành là “Nhóm nghiên cứu và quan sát". Sự tiếp cận đặc biệt này do cựu tư lệnh lực lượng hoạt động đặc biệt, Trung tướng Terry Scott dành cho tác giả khi ông nhận ra rằng những bài học của SOG vẫn được giữ kín, thậm chí với cả những người đang được giao thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Vì vậy, bắt đầu từ mùa hè năm 1995, một cuộc nghiên cứu toàn diện về cuộc chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam được tiến hành. Cuộc nghiên cứu gần như tập trung chủ yếu vào các nguồn thông tin gốc, bao gồm các cuộc phỏng vấn sâu với hơn 60 quan chức đã điều hành các chương trình của SOG, trong đó có năm vị tư lệnh của SOG và các quan chức chỉ đạo hoặc đồng vai trò quan trọng trong bốn bộ phận của SOG có nhiệm vụ vạch kế hoạch và thực hiện hàng loạt điệp vụ chống lại Hà Nội.

Bốn nhiệm vụ chủ yếu đó của SOG bao gồm:

1. Cài cắm và chỉ đạo các toán gián điệp và tạo ra một chiến dịch nghi binh phức tạp, trong đó có cả việc tuyển mộ tù binh của Bắc Việt Nam.

2. Chiến tranh tâm lý- dựng nên một phong trào chống đối giả ở Bắc Việt Nam, bắt cóc và tuyên truyền công dân Bắc Việt Nam, điều hành các đài phát thanh đen, phân phát các tài liệu tuyên truyền, làm giả thư từ, tài liệu và các hoạt động bẩn thỉu khác.

3. Hoạt động ngăn chặn trên biển: bắt giữ và phá huỷ các tàu hải quân và thuyền đánh cá của Bắc Việt Nam, đánh phá các mục tiêu ven biển, tiến hành các vụ tập kích phá hoại các cơ sở quân sự và dân sự và rải các tài liệu chiến tranh tâm lý.

4. Hoạt động thám báo bên kia biên giới chống lại đường mòn Hồ Chí Minh bằng các toán thám báo người dân tộc (người Thượng và người Nùng) để ngăn cản hoạt động cung cấp nhân lực và vật lực của quân đội miền Bắc, bao gồm việc xác định mục tiêu không kích, bắt cóc bộ đội, đặt máy nghe trộm, và phân phát tài liệu chiến tranh tâm lý.

Mỗi một cuộc phỏng vấn được thiết kế nhằm làm rõ vai trò của từng cá nhân trong SOG. Các bảng hỏi sơ bộ được  lập ra trên cơ sở thông tin có được từ tài liệu của MACVSOG hên quan trực tiếp đến điệp vụ, chiến dịch hoặc hoạt động do từng cá nhân phụ trách. Do vậy các thông tin thu thập được từ các cựu chiến binh của SOG vừa chi tiết vừa sâu sắc. Do tác giả đã nắm được quy mô, tình tiết hoạt động và hiệu quả của các kế hoạch do từng cá nhân thực hiện, các cuộc phỏng vấn tập trung chủ yếu vào những sắc thái và chi tiết thường không thể tìm thấy trong các hồ sơ tuyệt mật.

Cơ sở cho việc áp dụng kỹ thuật phỏng vấn này là việc sử dụng rộng rãi hai nguồn tài liệu mật quý báu. Những tài liệu này bao gồm khoảng 2.000-3.000 trang hồ sơ được giải mật vào năm 1995. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng và Cục Tình báo Trung ương đã cho phép tác giả tiếp cận với 1.500 trang tài liệu có độ nhậy cảm cao hơn. Những hồ sơ này đã tạo ra một cái nhìn chi tiết và chân thực về các kế hoạch, chương trình và hoạt động của MACVSOG. Chúng cũng còn bao gồm các báo cáo, nghiên cứu và đánh giá của bốn bộ phận nghiệp vụ của SOG.

Những hồ sơ trên lẽ ra sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Trong thực tế, nhiều nhân viên của SOG đã rất ngạc nhiên khi được hỏi về các vấn đề mà họ đã tuyên thệ phải giữ kín. Nhiều người chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn sau khi đã có thư hoặc trực tiếp trao đổi với tư lệnh lực lượng quân đội đặc biệt. Chỉ sau khi có sự xác nhận cho phép của vị tư lệnh, họ mới đồng ý cho phỏng vấn.

Cuốn sách này không những kể lại câu chuyện về chiến dịch bí mật mà SOG thực hiện chống lại Hà Nội mà còn hé mở cho thấy sự tham gia chặt chẽ của những người lãnh đạo cao nhất trong chính quyền Kenedy và Johnson vào chiến dịch này. Khi John F. Kenedy quyết định chuyển giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động bí mật chống Hà Nội từ CIA sang cho Bộ Quốc phòng vào cuối năm 1962, một đơn vị đặc biệt của Lầu Năm Góc được giao nhiệm vụ giám sát tiến trình phê duyệt cho phép thực hiện các điệp vụ. Được biết đến dưới cái tên "Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống nổi loạn và các hoạt động đặc biệt" (viết tắt theo tên tiếng Anh là SACSA) và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, nhóm này chịu trách nhiệm phối hợp tiến hành các thủ tục phê duyệt cho mọi hoạt động của SOG. Các nhân viên của "Phòng hoạt động đặc biệt" trực thuộc SACSA đệ trình các đề xuất của SOG lên những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ Mỹ.

Khi SACSA nhận được đề xuất về một hoạt động nhất định của SOG, nhân viên của SACSA sẽ trực tiếp trình yêu cầu đó cho Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, nhân viên của SACSA phải xin ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mcnamara hoặc Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance. Sau đó SACSA phải trình lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Rusk hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Một nơi cần xin ý kiến nữa là Cố vấn an ninh của tổng thống Mc George Bundy. Tuy nhiên ngay cả khi Cố vấn an ninh đã ký vào bản đề xuất quá trình phê duyệt vẫn có thể chưa hoàn thành. Thông thường Bundy sẽ không cho SACSA chuyển ý kiến phê duyệt cho SOG và chờ cho đến khi tổng thống Johnson xem xét lần cuối.

Vì vậy một phần quan trọng của cuốn sách này sẽ tập trung đề cập đến sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách cao cấp nhất của Mỹ vào các hoạt động ngầm của SOG. Các cuộc phỏng vấn nhân viên của SACSA đã làm rõ những chi tiết của tiến trình phê chuẩn ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Những nhân viên này không chỉ xác nhận việc các nhà hoạch định chính sách đã quyết định làm hoặc không làm việc gì - như đã thể hiện trong các hồ sơ được giải mật - mà còn cung cấp các căn cứ cho thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố này đối với các quyết định của Washington về chiến tranh bí mật chống Hà Nội.

Tác giả cũng đã phỏng vấn các quan chức cao cấp phụ trách việc giám sát và tiến trình phê duyệt. Những người này gồm: Robert Mcnamara, Walt Rostow, Roger Hilsman, William Sullivan, Richard Helms, William Colby, Victor Krulak và William Westmoreland. Trong trường hợp không phỏng vấn được các thành viên cao cấp của chính quyền Kenedy và Johnson, tác giả sử dụng những ý kiến của họ còn lưu trong thư viện của Tổng thống. Khi có liên quan, tác giả cũng đã tham khảo thêm hồ sơ được giải mật của Hội đồng an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV).

Nói tóm lại, Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội được dựa trên nền tảng căn cứ duy nhất là các nguồn tài liệu gốc. Nếu không có sụ tiếp cận với những tài liệu và cá nhân đó, thì sẽ không có đủ cơ sở dữ liệu cần thiết cho cuốn sách này. Với những tư liệu đó, tác giả sẽ đưa độc giả vượt qua bức màn bí mật che phủ SOG và các kho lưu trữ tài liệu để tìm hiểu cách thức mà chính quyền Kenedy và Johnson đã áp dụng để tham gia trò chơi theo luật chơi của Hà Nội. Tám chương và phần kết của cuốn sách sẽ trình bày những chi tiết xác thực về cuộc chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Ba, 2008, 05:59:10 pm

CÂU CHUYỆN

Câu chuyện bắt đầu bằng quyết định của tổng thống Kenedy tháng Giêng năm 1961 giao cho CIA nhiệm vụ tiến hành điệp vụ chống Bắc Việt Nam. Tổng thống muốn gây sức ép đối với Hà Nội và làm đúng những gì mà họ đang thực hiện đối với đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Hai bên đều có thể cùng chơi trò lật đổ, dùng thủ đoạn xấu và chiến tranh bí mật. Vào mùa hè 1962, không hài lòng với sự bất lực của CIA trong việc thực hiện nhiệm vụ, Kenedy đã ra lệnh chuyển giao nhiệm vụ này cho quân đội và mở rộng chiến tranh bí mật. Chương một của cuốn sách mô tả những sự kiện này và giải thích tại sao Kenedy lại lựa chọn giải pháp đó.

Phần hai của chương một mô tả Kế hoạch hoạt động 34A (viết tắt theo tên tiếng Anh là OPLAN34), nền tảng của MACVSOG. Phần này trình bày quá trình vạch kế hoạch, phác hoạ các phần khác nhau của 34A và trả lời câu hỏi kế hoạch này có xác định được các điểm yếu của Bắc Việt Nam mà nếu bị tác động có thể ảnh hưởng đến khả năng của Hà Nội tiến hành cuộc chiến ở miền Nam không. Bao gồm 72 loại hoạt động với tổng số 2.026 điệp vụ thực hiện trong năm 1964, OPLAN34 đã tạo cơ sở cho sự leo thang của cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ.

Xây dựng kế hoạch hoạt động là một chuyện, nhưng việc hình thành nên tổ chức để thực hiện kế hoạch đó lại là một chuyện khác. Tại thời điểm đó không hề có một hình mẫu tổ chức cho MACVSOG và tổ chức này được tạo nên từ con số không ở Sài Gòn. Chương hai cho thấy mức độ khó khăn trong việc thành lập và điều hành SOG, nhất là khi Washington đòi hỏi phải có kết quả ngay lập tức. Việc lãnh đạo điều hành SOG gặp phải 5 thách thức lớn: (1) giành được sự giúp đỡ miễn cưỡng của CIA, (2) xử lý mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách đối với một số loại điệp vụ được nêu trong OPLAN34A, (3) tạo ra một bộ máy tổ chức có khả năng làm việc cho SOG, (4) tìm được người có đủ tiêu chuẩn, (5) tạo ra mối quan hệ làm việc giữa MACVSOG và đối tác Nam Việt Nam.

Chương ba đến chương sáu sẽ tập trung vào các phòng nghiệp vụ của SOG - người thực hiện cuộc chiến tranh bí mật chống miền Bắc. Hoạt động của những phòng này nhằm vào hai mục tiêu là "trung tâm trọng lực" mà Clausewitz gọi là điểm sức ép chiến lược của kẻ thù. Nếu những điểm này bị xói mòn hoặc tác động, kẻ địch sẽ bị mất thăng bằng và giảm khả năng tiến hành chiến tranh.

Một "trung tâm trọng lực" mà MACVSOG muốn gây rối là sự ổn định ở hậu phương và an ninh ở bên trong miền Bắc. Các chính phủ kiểu Hà Nội rất coi trọng an ninh nội bộ và kiểm soát nhân dân, thậm chí ngay cả trong thời bình. Hà Nội đang chiến đấu chống lại một siêu cường và an ninh ở hậu phương là yếu tố chiến lược sống còn. Trung tâm trọng lực thứ hai mà MACVSOG nhằm vào là hệ thống cung cấp hậu cần, hệ thống chỉ huy kiểm soát và địa bàn đóng quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia - một trong những tài sản chiến lược của Hà Nội để tiến hành cuộc chiến tranh.

Để làm suy yếu an ninh hậu phương của Hà Nội, MACVSOG chỉ đạo hàng loạt các điệp vụ chống lại Bắc Việt Nam, trong đó có việc cài cắm các toán gián điệp. Phòng nghiệp vụ phụ trách vấn đề này của SOG được mô tả trong chương ba. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 1964 đến tháng 10 năm 1967, khoảng 250 điệp viên được tung ra miền Bắc. Cộng với số điệp viên của CIA, tổng số điệp viên được tung đi là khoảng 500 người. Tương tự như CIA, tỷ lệ xâm nhập thành công của SOG là thấp.

Vào cuối năm 1967, SOG nhận được tin xấu về hoạt động của các điệp viên. Chương ba lý giải sai lầm đã xảy ra như thế nào và đưa độc giả vào thế giới thủ đoạn của điệp viên đôi, đánh lửa và trò chơi nghiệp vụ. Nhận ra rằng mọi việc đang tồi tệ, SOG dự định tiến hành lừa lại miền Bắc. Đây là một nỗ lực nghiêm túc để gỡ gạc lại từ thất bại đau đớn. Phần cuối của chương ba trình bày những chi tiết sâu kín nhất của kế hoạch đánh lừa này.

Chương bốn mô tả chiến dịch chiến tranh tâm lý nhằm tác động vào giới lãnh đạo và nhân dân Bắc Việt Nam. Điểm cốt lõi là dự định làm cho Hà Nội tin rằng phong trào chống đối giả tạo - Phong trào gươm thiêng ái quốc (viết tắt theo tiếng Anh là SSPL) - là có thật. Để làm được điều đó SOG tạo ra đài phát thanh của SSPL hướng vào Bắc Việt Nam và rải tài liệu tuyên truyền của SSPL. SOG còn tạo ra một vùng giải phóng giả, nơi những công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến gặp gỡ lãnh đạo của SSPL và truyền bá tư tưởng theo kịch bản chuẩn bị sẵn.

Các hoạt động chiến tranh tâm lý khác, như đài phát thanh giả, thư tâm lý chiến, giấy tờ giả và các thủ đoạn bẩn thỉu tương tự, cũng được áp dụng để khuếch đại ấn tượng của Hà Nội là họ đang có rất nhiều vấn đề an ninh. Đó là hàng loạt các kỹ thuật chiến tranh tâm lý đầy ấn tượng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cuộc chiến tranh tâm lý này không phải ở chỗ các biện pháp được áp dụng mà ở mục đích được đề ra và những hạn chế do các nhà vạch chính sách áp đặt. Phần cuối của chương sẽ làm rõ lý do tại sao lại như vậy.

Phòng nghiệp vụ thứ ba của SOG tiến hành các hoạt động bí mật trên biển dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Trong những điệp vụ đầu tiên đề ra trong OPLAN34A, hoạt động trên biển được tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara coi là có nhiều khả năng tạo ra tác động ngay và lớn nhất đối với Hà Nội. Những hoạt động này bao gồm pháo kích bờ biển, bắt giữ tù binh, ngăn chặn các thuyền bè, tập kích, phân phát hàng tâm lý chiến và bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để cho SSPL tuyên truyền. Chương năm mô tả những hoạt động này và đánh giá tác động của chúng. Ở phần kết, chương năm sẽ phân tích tại sao sự kỳ vọng của Mc Namara và các nhà vạch chính sách khác là hoàn toàn phi thực tế.

Phòng nghiệp vụ cuối cùng của SOG phụ trách các điệp vụ thám báo do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn cản việc Hà Nội sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Do thái độ thận trọng và mối lo ngại về chính trị nội bộ, Tổng thống Johnson đã rất ngần ngại khi đưa ra quyết định tiến hành các hoạt động này. Phần đầu của chương sáu bàn về cuộc tranh đấu chính trị trong gần hai năm giữa Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc về việc có cho phép SOG tiến hành hoạt động chống lại con đường mòn hay không.

Cuối cùng thì các hoạt động thám báo cũng được chuẩn y và các đội thám báo do Mỹ chỉ huy được tung sang Lào vào tháng 10 năm 1965. Trong vòng ba năm, phòng này của SOG đã mở rộng một cách nhanh chóng và sử dụng phần lớn nhân lực và trang thiết bị. Vào năm 1967, hoạt động thám báo được mở rộng sang Campuchia. Phần còn lại của chương sáu mô tả cuộc chiến tranh bí mật của SOG chống lại quân đội miền Bắc trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Mục đích của các hoạt động này là nhằm ngăn chặn quân đội Bắc Việt sử dụng con đường mòn để nhanh chóng chuyển quân từ các căn cứ ở Lào và Campuchia đến các chiến trường ở miền Nam. Như được đề cập trong chương này, Bắc Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp để chống lại hoạt động của SOG.

Trong chương bảy, câu chuyện được chuyển từ hoạt động của SOG trên chiến trường sang vị trí của SOG trong chiến lược quân sự của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Chương này bắt đầu bằng việc xác định mức độ tin tưởng của các nhà lãnh đạo quân sự -những người chịu trách nhiệm tiến hành cuộc chiến tranh - vào khả năng đóng góp của hoạt động bán quân sự bí mật và việc gắn kết hoạt động đó vào kế hoạch chiến tranh chung. Chương này cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự mà đặc biệt là tướng Westmoreland đã không xem xét các hoạt động của SOG theo khía cạnh này.

Trong khi các nhà lãnh đạo quân sự không coi SOG là một bộ phận cấu thành của chiến lược chiến tranh, họ đã kiểm soát hoạt động của SOG một cách chặt chẽ vì e ngại về tính chất nhạy cảm của các điệp vụ. Phần thứ hai của chương bảy phân tích nguyên nhân của tình trạng này và trình bày chi tiết về hệ thống chỉ huy-kiểm soát đã bó buộc SOG. Chương này xác định mức độ giới lãnh đạo quân sự đã chống lại quan niệm của Kenedy về chiến tranh đặc biệt, giành giật quyền kiểm soát hoạt động bí mật và đã không gắn kết SOG với chiến lược chiến tranh.

Chương tám, chương cuối cùng, quay về chủ đề sự kiểm soát của Kenedy và Johnson đối với chiến tranh đặc biệt. Việc sử dụng hoạt động ngầm đặc trưng bởi sự hăm hở và lưõng lự. Khởi đầu với tổng thống Kenedy và các quan chức cao cấp như Robert Mc Namara, Mc George Bundy, Walt Rostow, và Robert Kenedy, mọi người đều sẵn sàng sử dụng hoạt động ngầm một cách tích cực và coi đó là phương tiện để thuyết phục Hà Nội chấm dứt việc xúi giục chiến tranh ở miền Nam. Khi CIA tỏ ra không thể triển khai nhanh chóng, Kenedy giao cho Lầu Năm Góc nhận nhiệm vụ tiến hành chiến tranh bí mật chống lại Bắc Việt Nam.

Bất chấp sự tiếp cận hăng hái của tổng thống Kenedy, hoạt động của SOG bị kìm hãm bởi sự ngăn trở và hạn chế dưới thời tổng thống Johnson. Chương này giải thích tại sao và bằng cách nào mà sự khác biệt giữa ý định ban đầu của Kenedy và việc thực hiện các hoạt động của SOG trên thực tế của Johnson lại nảy sinh. Việc giám sát của Nhà Trắng lúc này không phải đặc trưng bởi sự sẵn sàng chấp nhận mà là lảng tránh rủi ro. Bắt đầu bằng sự xem xét OPLAN34A của tổng thống Johnson vào tháng 12 năm 1964 và trong cả quá trình tồn tại của SOG, các nhà vạch chính sách cao cấp đã bác bỏ các điệp vụ có thể mang lại rủi ro chính trị. Họ đã rụt rè và hầu như không dám chấp nhận rủi ro, bất chấp việc Tổng thống Kenedy đã tích cực như thế nào trong việc tiến hành hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, mặc dù có sự e dè của Nhà Trắng, các giới hạn chính trị do Washington đặt ra, và những thất bại trong hoạt động của SOG cũng như các biện pháp đối phó của đối phương, vào năm 1968 Hà Nội bắt đầu tỏ ra lo ngại. Chính quyền đã phát động phong trào chống gián điệp để đối phó với tình hình. Tương tự như vậy, hoạt động của SOG chống lại đường mòn Hồ Chí Minh đã làm cho Bắc Việt Nam chú ý. Hà Nội đã áp dụng hàng loạt biện pháp để bảo đảm việc sử dụng an toàn con đường này. Cuối cùng, Hà Nội đã cài cắm điệp viên của mình vào trong bộ máy miền Nam Việt Nam cùng làm việc với SOG.

SOG bắt đầu có tác động mà Kenedy đã tính toán năm 1961 và phải mất những bảy năm để đạt được điều đó. Nhưng thực tế chính trị nội bộ Mỹ có diễn biến mới. Chương tám cung cấp những chi tiết về sự tiến triển này.

Có thể học hỏi được rất nhiều từ MACVSOG về khả năng của Hoa Kỳ trong việc thực hiện hoạt động ngầm với quy mô lớn. Cuốn sách này xác định một số cản trở đã hạn chế tính hiệu quả của SOG. Chơi theo luật chơi của Hà Nội tỏ ra nói dễ hơn làm. Tuy nhiên những ngáng trở đã gây tai hoạ cho SOG cũng có thể được tìm thấy trong các ví dụ khác của thời kỳ chiến tranh lạnh trong đó Hoa Kỳ sử dụng hoạt động ngầm. Phần kết nêu bật những kết luận của MACVSOG và so sánh chúng với các hoạt động ngầm khác mà Mỹ đã tiến hành và bị cản trở bởi những hạn chế tương tự. Việc khảo sát so sánh này làm sáng tỏ những hạn chế vốn là đặc điểm của việc sử dụng hoạt động ngầm trong các đời tổng thống Mỹ.

Phần kết được kết thúc bằng việc giải đáp câu hỏi cuối cùng. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, những bài học của MACVSOG có ích lợi gì đối với các tổng thống tương lai nếu như họ muốn sử dụng hoạt động ngầm để đối phó với những nguy cơ mới đe doạ đến lợi ích an ninh của Mỹ?


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Ba, 2008, 05:52:51 pm
CHƯƠNG MỘT

NẾU HỌ LÀM ĐƯỢC THÌ CHÚNG TA CŨNG LÀM ĐƯỢC

Vào buổi sáng chủ nhật, ngày 28 tháng Giêng năm 1961, tổng thống vừa tuyên thệ nhận chức John F. Kenedy chủ toạ cuộc họp đầu tiên của Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về tình hình Việt Nam. Tin tức rất xấu, và do chính một người có hiểu biết sâu về Việt Nam đồng thời là một chuyên gia chống chiến tranh du kích do cộng sản phát động báo cáo.

Edward Geary Lansdale là một chuẩn tướng không quân khác thường. Vốn là cựu binh của Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai và một người chỉ huy giàu kinh nghiệm các hoạt động bí mật của Cục tình báo Trung ương (CIA), Lansdale đã trở thành huyền thoại về vai trò của ông trong chiến dịch chống nổi loạn rất thành công ở Philippines đầu những năm 50. Lansdale đã giúp Ramon Magsaysay đánh bại cuộc nổi loạn cộng sản Huk.

Với những kinh nghiệm còn nóng hổi, ông được tổng thống Dwight D. Eisenhower cử sang Việt Nam khi chế độ thuộc địa Pháp sụp đổ, đánh dấu bằng sự đầu hàng tại Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiệm vụ ban đầu của Lansdale là vạch kế hoạch và tiến hành chiến dịch hoạt động ngầm chống lại chế độ cộng sản mới ở Hà Nội. Mặc dù những nỗ lực này không thành công, ông tiếp tục ở lại Việt Nam cho đến năm 1956 và trở thành bạn thân và người tin cẩn của Ngô Đình Diệm, tổng thống tương lai của Nam Việt Nam.

Lansdale vừa mới trở về sau chuyến đi tìm hiểu tình hình hai tuần ở Việt Nam đầu tháng Giêng năm 1961 và được mời đến để thuyết trình với Hội đồng an ninh quốc gia về những gì ông thu thập được. Kenedy đã đọc báo cáo chuyến đi của Lansdale và lưu ý các thành viên của Hội đồng rằng "lần đầu tiên, có một bản báo cáo cho ông cảm giác về mối nguy hiểm và tính khẩn cấp của vấn đề Việt Nam". (Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, 1961-1963: Việt Nam, Tập 1 (Washing- ton DC, Nhà in chính phủ, 1988), sau đây viết tắt là FRUS, tr.16.)

Lansdale trình bày một cách thẳng thắn. Ông nói với Hội đồng an ninh quốc gia rằng "bắt đầu từ tháng 12 năm 1959 cho đến nay, ở khắp miền Nam các hoạt động du kích và chống trả của Việt Cộng ngày càng gia tăng". Việt Cộng với sự hậu thuẫn của Hà Nội tiến hành "bắt cóc và sát hại các quan chức ở xã ấp, phục kích và tấn công vũ trang". Mục tiêu của Bắc Việt Nam là "sáp nhập Nam Việt Nam vào khối cộng sản” (Sđd. tr.5-6). Trong chuyến thị sát, Lansdale hầu như không thấy điều gì có thể mang lại hy vọng, Hà Nội và Việt Cộng đang áp sát và trong điều kiện đó, chính quyền Sài Gòn không thể làm chậm chứ đừng nói đến việc ngăn chặn ngày tận thế đang đến gần.

Lansdale đệ trình "Kế hoạch chống nổi loạn cơ bản cho Việt Nam" đã được toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi cho Washington đầu tháng Giêng năm 1961(Kế hoạch này do Nhóm công tác quốc gia soạn thảo năm 1960, được phê duyệt 28-1-1961 mà không có những bất đông lớn trong Hội đồng an ninh quốc gia). Bản báo cáo đã đề nghị cần có những thay đổi cơ bản trong phương pháp đối phó với tình trạng nổi loạn của chính phủ Diệm. Các lực lượng chống du kích và chương trình cải cách dân sự là cần thiết để đánh bại Việt Cộng và giành sự ủng hộ và trung thành của nông dân. Hoa Kỳ có thể cung cấp viện trợ cho các chương trình này, nhưng Sài Gòn phải cộng tác. Trên nhiều khía cạnh, kế hoạch này phù hợp với quan điểm của Tổng thống và nhiều cố vấn thân cận của ông. Họ tin rằng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh du kích, một cuộc chiến không giới tuyến hoặc chiến trường, đòi hỏi những chính sách và chiến lược mới. Mọi điều ở Nam Việt Nam cần phải được thay đổi.

Thách thức lần này phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc nổi loạn ở Philippines mà Lansdale đã giúp đánh bại. Ở Philippines, vấn đề chỉ là cuộc lật đổ cộng sản mang tính nội bộ do Huk lãnh đạo và chiến tranh du kích. Ở Nam Việt Nam, Việt Cộng đang áp dụng những hoạt động tương tự, nhưng không giống như Huk, họ nhận được sự trợ giúp và chỉ đạo từ Hà Nội. Sự trợ giúp từ bên ngoài này là sự khác biệt có tính chất cốt lõi giữa hai tình huống.

Kế hoạch chống nổi loạn tìm cách vô hiệu hoá và đánh bại thách thức của Việt Cộng ở Nam Việt Nam, một nhiệm vụ sẽ đơn giản đi rất nhiều nếu như sự giúp đỡ của Bắc Việt Nam bị loại trừ. Điều gì có thể thuyết phục Hà Nội rằng việc giúp đỡ Việt Cộng là không phù hợp với lợi ích của họ? Tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống đặt ra câu hỏi liệu hoạt động du kích có thể được tiến hành trong lòng Bắc Việt Nam hay không. Allen Dulles, giám đốc CIA, báo cáo hiện có một số hoạt động hạn chế đang được thực hiện để giúp tổ chức du kích của Nam Việt Nam đủ khả năng quấy rối Bắc Việt Nam. Nhưng ông thừa nhận rằng mới chỉ có bốn toán, mỗi toán tám người được thành lập dưới sự giám sát của CIA và các toán này không được bố trí và hoạt động thường xuyên ở miền Bắc. Nhiệm vụ của họ là quấy phá ở vùng biên giới Bắc Việt Nam. Kenedy được báo cáo là "các toán này được phân công hoạt động ở các địa bàn phía nam" và "chuyển sang biên với Lào".(FRUSm 1961-1963, tr. 17) Đây là những nỗ lực rất hạn chế và khó có thể làm nản lòng Hà Nội trong cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam.

Kenedy không hài lòng với những cố gắng của CIA và tuyên bố ông muốn "có du kích hoạt động ở miền Bắc" (FRUSm 1961-1963, tr. 17). Đây chính là điểm khởi đầu những gì về sau trở thành chiến dịch hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ 1964 đến 1972, chiến dịch này do quân đội chứ không phải CIA thực hiện và bao gồm việc tạo ra mạng lưới điệp viên, phong trào chống đối giả tạo, hoạt động đánh lạc hướng, chiến tranh tâm lý, hoạt động trên biển và các hoạt động thám báo qua biên giới.

Chiến dịch hoạt động ngầm bắt đầu vào một sáng chủ nhật tháng Giêng năm 1961 khi vị tân Tổng thống quyết định gửi một bức thông điệp cho Hà Nội là họ sẽ trả giá cho hoạt động lật đổ ở miền Nam. Trên thực tế, điều mà John F. Kenedy muốn nói là: hãy cho miền Bắc nếm thử những gì họ đang làm đối với chúng ta ở miền Nam và làm ngay lập tức.




Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Ba, 2008, 11:54:36 am
HOẠT ĐỘNG NGẦM VÀ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT: NHỮNG VŨ KHÍ MỚI CỦA CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH

Vào những năm 1950, John F. Kenedy là một phần của dàn đồng ca gồm các nhân vật chính trị, sĩ quan quân đội, và học giả - những người tin rằng Hoa Kỳ cần triển khai những công cụ và chiến thuật mới để chiến đấu trong cuộc chiến tranh lạnh. Ở Đông-Nam Á, châu Mỹ La tinh và những nơi khác thuộc thế giới thứ ba, mối đe doạ đang nổi lên là chiến tranh du kích của cộng sản. Cuộc chiến tranh đó vạch ra ranh giới xung đột giữa Đông và Tây và Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Khi là tổng thống, mối quan tâm cá nhân của John F. Kenedy đối với chiến tranh du kích được nhiều người biết đến. Trong ngôn ngữ quân đội và theo học thuyết quân sự, những công cụ và chiến thuật mới bao gồm ba yếu tố: chống bạo loạn, chiến tranh không quy ước và hoạt động chiến tranh tâm lý.

Người ta đã viết rất nhiều về sự nhiệt tình của chính quyền Kenedy đối với việc chống bạo loạn. Doughlas Blaufarb, cựu nhân viên cao cấp về hoạt động bí mật của CIA tại Lào và từng là trưởng trung tâm CIA tại Lào vào giữa những năm 1960 đã coi những năm dưới quyền Kenedy là kỷ nguyên chống bạo loạn. Công việc này liên quan tới những cố gắng có hệ thống để đánh bại du kích bằng việc sử dụng chính chiến thuật của họ. Một câu nói thường được nhắc đi nhắc lại trong những năm đầu 60 là bạn phải "phỗng tay trên của du kích". Một chuyên gia về các hoạt động này giải thích rõ hơn: "Điều cần thiết là phải tránh được vũ khí cách mạng, chấp nhận và cải tiến chúng theo mục đích sử dụng của mình rồi dùng chính những vũ khí ấy chống lại cách mạng"(1).

Trong khi việc chống bạo loạn được nhận sự quan tâm của công chúng, Kenedy cũng không kém phần bận rộn với chiến tranh không quy ước. Theo các nhà quân sự của đầu những năm 60, chiến tranh không quy ước được thực hiện "trong lãnh thổ do kẻ địch nắm giữ và chiếm đóng" với mục tiêu "tận dụng lợi thế hoặc kích động phong trào chống đối chống lại chính phủ thù địch"(2). Đây chính là những việc mà OSS đã tiến hành trong chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu và châu Á. Đó là việc thúc đẩy các hoạt động bán quân sự ở trong lãnh thổ đối phương bằng cách tổ chức và hỗ trợ phong trào chống đối du kích ở vùng dân tộc. Thông qua các hoạt động này, chiến tranh không quy ước làm suy yếu chính phủ đối phương bằng việc giảm hiệu quả hoạt động quân sự, khả năng kinh tế, sự ổn định và tinh thần của đối phương.

Một thành tố quan trọng của chiến tranh không quy ước là chiến tranh tâm lý. Nó bao gồm "các hoạt động và chiến dịch được vạch ra và thực hiện nhằm tác động vào quan điểm, tình cảm, thái độ và hành vi của kẻ địch và dân chúng"(3). Thật là dễ dàng nhận thấy sự hấp dẫn của chiến tranh không quy ước đối với Kenedy. Đây cũng chính là điều ông muốn tiến hành sâu trong lòng Bắc Việt Nam.

Sự ủng hộ của Kenedy đối với chiến tranh đặc biệt còn là một phần trong việc chỉ trích chính sách an ninh quốc gia nói chung và học thuyết trả đũa hàng loạt nói riêng của Eisenhower. Chính quyền Eisenhower nhận định rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng ưu thế về kỹ thuật và công nghệ để xác định cách thức đối phó với đe doạ và thách thức của kẻ thù. Công nghệ có thể thay thế cho nhân lực và vũ khí hạt nhân tối tân có thể ngăn chặn tất cả mọi mưu kế của Liên Xô và khối cộng sản.

John Foster Dulles, Ngoại trưởng của Eisenhower và là người cổ động nhiệt tình cho học thuyết trả đũa hàng loạt đã phát biểu trước Hội đồng đối ngoại rằng: "Kẻ xâm lược tiềm tàng phải biết rằng hắn sẽ không thể áp đặt điều kiện chiến trường phù hợp cho mình". Ngược lại "chúng ta sẽ tận dụng khả năng tấn công chiến lược bằng vũ khí hạt nhân tối tân để ngăn chặn mọi nỗ lực trực tiếp hay gián tiếp tổng lực hay cục bộ của cộng sản nhằm giành lợi ích đối với Mỹ"(4). Hay nói một cách khác, Hoa Kỳ chứ không phải đối phương quyết định cách thức, thời gian và chiến trường cho cuộc chiến.

Trong từ vựng thuật ngữ quân sự, trả đũa hàng loạt là một chiến lược đa năng mà những người ủng hộ tin rằng có thể sử dụng chống lại mọi loại hình thách thức quân sự. Như tổng thống Eisenhower tuyên bố vào năm 1955: "Tôi không thấy có lý do tại sao vũ khí hạt nhân lại không được sử dụng tương tự như bạn sử dụng một viên đạn hoặc vũ khí khác”(5).

Kenedy không tin như vậy. ông nghi ngờ việc học thuyết này có thể sử dụng để chống lại chiến tranh du kích và cho rằng cần thiết phải có sự đánh giá lại một cách kỹ lưỡng về mặt chiến lược. Chiến lược không cân xứng chỉ đưa ra một số ít các giải pháp cho một thế giới phức tạp của chiến tranh gián tiếp và thách thức không quy ước. Kenedy lập luận: "Những sự kiện ở Đông Dương và những nơi khác đã làm sụp đổ những luận cứ nền tảng của học thuyết trả đũa hàng loạt; việc chúng ta không tập trung đối phó với các vụ phục kích hay chiến tranh du kích mà chỉ đe doạ trả đũa hạt nhân, trên thực tế đã tạo điều kiện cho cộng sản bành trướng ở những nơi như Đông Dương thông qua những chiến thuật tấn công không đến mức làm cho chúng ta phát động chiến tranh hạt nhân"(6). Học thuyết trả đũa hàng loạt không đủ tin cậy. Liệu có ai tin rằng Mỹ sẽ dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với chiến tranh du kích? Kenedy đã nhận xét một cách châm biếm rằng ông thật khó hình dung là Mỹ sẽ "phát động chiến tranh hạt nhân chống lại bạo loạn cộng sản ở Miến Điện"(7). Lời chỉ trích này là thoả đáng. Hoa Kỳ cần nhiều hơn, chứ không phải ít đi, các phương án để đối phó một cách linh hoạt với các thách thức đa dạng. Theo Kenedy, các phương án cần phải tương xứng. Vì vậy ông đã dành nhiều quan tâm cho việc tăng cường các yếu tố bí mật và công khai của chiến tranh đặc biệt. Trong hai tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, việc chỉ trích Eisenhower là điểm trọng tâm để nhấn mạnh yêu cầu cần có giải pháp mới. Trong diễn văn trước Quốc hội tháng 3 năm 1961, tổng thống nhận xét: "kể từ năm 1945, chiến tranh phi hạt nhân và chiến tranh du kích đã trở thành mối đe doạ thường trực và nổi nhất đối với thế giới tự do". Chúng ta đã có "khả năng lớn hơn để đối phó với lực lượng du kích, bạo loạn và lật đổ...Giờ đây chúng ta cần phải sẵn sàng đối phó với mọi quy mô lực lượng, bao gồm cả những lực lượng nhỏ được nước ngoài hỗ trợ, và chúng ta phải huấn luyện lực lượng tại chỗ đạt được mức độ tương đương"(8 ). Tháng Sáu năm 1962, ông nói với các học viên vừa tốt nghiệp Học viện Quân sự Westpoint rằng Hoa Kỳ cần "một chiến lược hoàn toàn mới" để đương đầu với những thách thức đó(9).

Kenedy tập hợp quanh mình những cố vấn cao cấp- những người cổ vũ cho chiến tranh đặc biệt và những giải pháp hoạt động bí mật. Việc lựa chọn Maxwell Taylor làm cố vấn quân sự là một minh chứng cụ thể. Taylor là người hiểu rõ vấn đề cả về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Taylor đã hoạt động ở sau giới tuyến ở Ý và nhảy dù xuống Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tại Triều Tiên, ông tổ chức các hoạt động du kích ở vùng núi Chirisan năm 1953. Ông là người phê phán mạnh mẽ chiến lược của Eisenhower. Những lập luận chỉ trích của ông được tập hợp trong một cuốn sách được tuyên truyền rộng rãi mà Kenedy đã đọc và thích thú. Năm 1961, trong một bài viết đăng trên tạp chí Ngoại giao, Taylor kêu gọi Mỹ phải phát triển khả năng đối phó với hoạt động lật đổ du kích ở Thế giới thứ ba. Maxwell Taylor là một vị tướng mà tân tổng thống đang tìm kiếm. Ông hiểu những gì cần được thực hiện.

McGeorge Bundy là trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, một cương vị mà sau đó Bundy đã xác lập lại tầm quan trọng. Kenedy chọn Bundy vì ông mang hình ảnh của một nhà hoạt động năng nổ và cứng rắn mà Kenedy đang cần. Bundy thường được mô tả là người sắc sảo, xông xáo và sẵn sàng sử dụng vũ lực. David Halberstam đã viết rằng Bundy là một phần của “trường phái siêu thực cực đoan. Những người theo trường phái này tin rằng họ cứng rắn, rằng họ biết rõ thế giới thực sự như thế nào, và vũ lực cần được chấp nhận như là một yếu tố cơ bản của ngoại giao". Đối với Bundy, hoạt động ngầm là một phần của cuộc chơi, là một công cụ "của thủ đoạn chính trị ngoại giao"(10). Bundy là chủ tịch của Ủy ban 303 mà quyền hạn của nó bao gồm việc giám sát tất cả các hoạt động ngầm của Mỹ, trong đó có các hoạt động của CIA và quân đội chống Bắc Việt Nam. Uỷ ban này được thành lập năm 1961 sau sự kiện Vịnh Con lợn vì Kenedy muốn có sự kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bí mật.

Bộ trưởng Quốc phòng của Kenedy, Robert McNamara, thường được coi là người gắn liền với sự leo thang của chiến tranh thông thường ở Việt Nam kể từ năm 1965. Tuy nhiên, ông cũng là người ủng hộ tích cực việc sử dụng các biện pháp không tương xứng để đối phó với chiến tranh du kích và hoạt động ngầm của cộng sản. Trong năm 1961, McNamara, với sự thúc giục của Kenedy, đã tăng gấp đôi lực lượng đặc biệt và hướng lực lượng này vào các nhiệm vụ chống bạo loạn và chiến tranh không quy ước. Sau thất bại ở Vịnh Con lợn, McNamara đứng đằng sau quyết định chuyển giao những hoạt động ngầm có quy mô lớn từ CIA sang Bộ Quốc phòng. Năm 1963, ông đóng vai trò cốt yếu trong việc dự thảo và phê duyệt một chương trình hoạt .động ngầm mới do giới quân sự chỉ đạo chống lại Hà Nội.

Người tiếp theo là Walt Rostow, phó và sau đó là người kế nhiệm của Bundy. Vốn là nhà kinh tế của Học viện công nghệ Massachusetts, ông là một gương mặt lý luận hàng đầu về chiến tranh đặc biệt và hoạt động ngầm. Cuốn sách của ông, "Các giai đoạn của tăng trưởng kinh tế", đã đề xuất một cuộc tấn công vào tận gốc của bạo loạn và lật đổ cộng sản nhằm ngăn chặn chúng trước khi xảy ra(11). Rostow lập luận rằng Hoa Kỳ cần ở vị thế tấn công chống lại những thách thức mới của cuộc chiến tranh lạnh. Những ý tưởng của Rostow về chiến tranh đặc biệt, viện trợ nước ngoài, và các chiến lược phát triển cho Thế giới thứ ba đã có ảnh hưởng đối với Kenedy trước khi ông trở thành tổng thống. Chính Rostow là người đầu tiên đọc báo cáo về chuyến thăm Việt Nam tháng Giêng năm 1961 của Lansdale và bản báo cáo đã làm ông lo lắng. Ông đã làm mọi cách để cho Kenedy đọc bản báo cáo. Sau cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961, Rostow có quan điểm dứt khoát về Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam.

Taylor, Bundy, McNamara, Rostow không phải là những người duy nhất. Em trai của tổng thống, Robert Kenedy, cũng là người nhiệt tình ủng hộ việc chống bạo loạn và coi đó là giải pháp cho vấn đề ở Nam Việt Nam. Một nhân vật khác là Roger Hillsman, người khi còn là nhân viên của OSS đã tổ chức các đơn vị du kích ngăn chặn không cho Nhật Bản chiếm đóng Miến Điện trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những kinh nghiệm thực tế về chiến tranh đặc biệt này cộng với sự quan tâm nghiên cứu của Hillsman đã đưa ông đến với chiến tranh đặc biệt và trở thành người ủng hộ chủ yếu cho học thuyết chống bạo loạn, coi đó như là phương cách để chặn đứng các mối đe doạ du kích của Thế giới thứ ba. William Bundy, một cựu nhân viên CIA và là anh trai của cố vấn an ninh tổng thống, cũng tin vào tầm quan trọng của các hoạt động ngầm. Ngoài ra còn những người khác.

Chiến trường mới của chiến tranh lạnh là Thế giới thứ ba và học thuyết cũng như lực lượng chống bạo loạn là những công cụ quan trọng cho việc thực hiện chính sách của Mỹ trong môi trường ấy. Những nhân vật cao cấp trong chính quyền mới của Kenedy đều nhất trí về nhận định này. Điều quan trọng nhất là quan điểm của họ phù hợp và củng cố thêm quan điểm của tổng thống.
___________________________________________
1. John J. McCuen. "Nghệ thuật của chiến tranh chống lại cách mạng (Harrisburg, Pa. Stackpole Press- 1966). tr- 50

2, 3. “Thuật ngữ của chiến tranh lạnh”-. Tập san thông tin quân đội, tháng 6-1962. tr.53 54

4. John Forster Dulles, "Sự phát triển của chính sách đổi ngoại”, Bản tin Bộ Ngoại giao, 25-1-1954.

5. (Tài liệu công khai của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, (Washington DC, Văn phòng đăng ký liên bang 1955) tr. 332)

6, 7. John F. Kenedy, "Tuyển tập các bài phát biểu của Tổng thống trong thời gian phục vụ tại Thượng viện và Hạ viện, (Washington DC. Nhà in chính phủ Hoa Kỳ năm 1964) tr 1002- 1003 , 91

8, 9. Tài liệu công khai của Tổng thống John F. Kenedy, (Washington DC. Nhà máy in chính phủ Hoa Kỳ, 1962). tr. 232-236, 453

10. David Halberstam. “Những ngườí xuất sắc và thông minh nhất” (New York: Ballantine Books. bản 1992) tr. 56

11. W W Rostow, "Các giai đoạn của tăng trưởng kinh tế”, (Cambridge: Trường đại học Cambridge xuất bản, năm 1960)


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 19 Tháng Ba, 2008, 05:50:13 pm
DI SẢN HOẠT ĐỘNG NGẦM CỦA CIA

Trước năm 1961, hoạt động ngầm bán vũ trang theo dạng Kenedy mong muốn tiến hành trong lòng Bắc Việt Nam mang lại rất ít thành công. Các nhà điều hành của CIA gọi đây là địa bàn bị từ chối: đó là những mục tiêu rất khó xâm nhập chứ đừng nói chuyện lật đổ. Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc cộng sản, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Bắc Việt Nam tất cả đều là địa bàn bị từ chối. Một nhân viên tình báo giàu kinh nghiệm đã gắn cho những nước này nhãn hiệu "nhà nước chống tình báo" vì sự chú ý quá mức đối với an ninh trong nước và kiểm soát dân chúng(1) . Ở đó có nhiều lực lượng tình báo, cảnh sát đối phó với mọi đe doạ về an ninh bất kể là có thật hay được tưởng tượng ra. Việc thành lập phong trào chống đối và mạng lưới điệp viên trong lòng những địa bàn bị từ chối tỏ ra là nhiệm vụ quá khó khăn và thường là không kết quả đối với CIA.

Tuy nhiên kết luận này không đúng với nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ trong việc sử dụng hoạt động chống đối và bán quân sự ngầm trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày 13-6-1942, sau những tranh luận về hành chính giữa Văn phòng phối hợp thông tin do William Donovan lãnh đạo và Hội đồng tham mưu liên quân, Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) được Tổng thống thành lập và đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng tham mưu liên quân- Đây là một công việc phiền toái cho các tham mưu trưởng, những người hay ngần ngại về hoạt động bán quân sự bí mật. Những hoạt động này không được tiến hành theo những nguyên tắc quân sự truyền thống thông thường, và do đó làm cho giới lãnh đạo quân đội lo ngại. Donovan cho rằng trong thời chiến, hoạt động bán quân sự cần hướng tới và phối hợp với hoạt động quân sự thông thường và OSS nên sáp nhập với quân đội Mỹ(2).

Những hoạt động chiến tranh không quy ước trong lòng lãnh thổ đối phương bao gồm chiến tranh tâm lý, hay hoạt động tác động tinh thần - theo thuật ngữ của OSS, và việc khuyến khích các phong trào chống đối sử dụng chiến thuật du kích. Loại hoạt động thứ nhất nhằm khuyến khích sự phản kháng của người dân và làm giảm sút tinh thần của đối phương. Các biện pháp được sử dụng bao gồm thả truyền đơn, phát sóng từ đài phát thanh bí mật, và trợ giúp phong trào chống đối làm ra các loại tài liệu tuyên truyền để tung vào lãnh thổ bị chiếm đóng. Chiến tranh tâm lý còn gồm cả những thủ đoạn "bẩn thỉu”. Trong đại chiến thế giới thứ hai, “các đường bưu điện giữa Thụy Điển trung lập và phát xít Đức được sử dụng để ngụy tạo ra mối liên hệ giữa một số người Đức được coi là tích cực chống quân đồng minh với âm mưu nổ bom ám sát Hitler ngày 20-6-1944"(3). Rõ ràng nhiều người đã bị xử tử vì những thông tin giả này.

OSS còn hỗ trợ vật chất cho các phong trào chống đối và tìm cách tổ chức và huấn luyện du kích ở lãnh thổ châu Á bị chiếm đóng. Ví dụ, năm 1942, nhiều căn cứ được thành lập ở Ấn Độ, Miến Điện và Xrilanca để tiến hành các hoạt động thám báo và du kích chống lại Nhật Bản. Hoạt động này đã trở thành một phần chủ yếu của chiến tranh không quy ước. Những hoạt động tương tự cũng được tiến hành ở lãnh thổ châu Âu bị chiếm đóng. Ở miền Bắc Ý, bộ phận hoạt động đặc biệt của OSS đã giúp tổ chức phong trào chống đối làm hao tổn nhân lực và vật lực của Đức. Ở Pháp, các toán OSS đã phối hợp với Maquis - Phong trào chống đối Pháp - trước và sau ngày đổ bộ để phân tán và gây rối các lực lượng chiếm đóng Đức. Không nghi ngờ gì nữa, những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của Đồng minh.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai , OSS bị giải thể. Tổng thống Harry S. Truman tìm cách giảm thiểu sự dính líu của Mỹ vào các hoạt động bí mật. Ông lập luận: bây giờ là thời bình những biện pháp như vậy không còn cần thiết nữa. Nhưng ước vọng của ông không tồn tại lâu vì chiến tranh lạnh hình thành. CIA được thành lập theo Luật An ninh quốc gia năm 1947. Năm 1948, hai chỉ thị - NSC4 và NSC4A - chính thức giao trách nhiệm hoạt động ngầm cho CIA.

Một chỉ thị khác trong năm 1948, NSC1O-2, thành lập Văn phòng phối hợp chính sách trực thuộc CIA để phát triển và tiến hành các phương thức hoạt động ngầm chống lại Liên Xô và đồng minh của Liên Xô. Theo văn bản này, "Hội đồng an ninh quốc gia -NSC-, sau khi xem xét các hoạt động ngầm của Liên Xô nhằm hạ uy tín và làm thất bại mục tiêu, hoạt động của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác, đã quyết định: các hoạt động công khai ở nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ phải được hỗ trợ bởi hoạt động ngầm"(4).

Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA thực hiện hàng loạt thủ đoạn hoạt động ngầm: "Cụ thể là các hoạt động sẽ bao gồm bất kỳ hoạt động nào liên quan đến: tuyên truyền; chiến tranh kinh tế; hành động phòng ngừa trực tiếp như phá hoại, chống phá hoại, huỷ hoại và sơ tán; và hoạt động lật đổ chống lại các quốc gia thù địch, trong đó có việc trợ giúp cho phong trào kháng chiến ngầm, du kích và các nhóm tị nạn, và hỗ trợ các phần tử chống cộng tại chỗ". Như vậy CIA đã trở thành công cụ qua đó Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động chiến tranh không quy ước chống Liên Xô và đồng minh và là giải pháp thay thế trong tình huống chưa đến mức "xung đột vũ trang do lực lượng quân sự thông thường tiến hành"(5).
________________________________________________
1. John Dizak, “Lịch sử của KGB", (Lexington, Mass. Lexington Books, 1988 ) tr. 1-2

2. Anthony Cave Brown biên tập. “Báo cáo chiến tranh đặc biệt của OSS" (New York: Berkeley, 1976) Về Donavan, xin xem Thomas Troy "Donovan và CIA” (Federik Md. ấn phẩm đại học của Mỹ, 1981.

3. John Ranelagh. "Sự vươn lên và suy yếu của CIA”. (New York: Simon và Schuster, 1988), tr. 88.

4, 5. Chỉ thị của Hội đồng An ninh quốc gia 10/2, ngày 18-6-1948 về việc thành lập Văn phòng các đề án đặc biệt.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Ba, 2008, 07:32:42 pm

Những năm cuối thập kỷ 1940 và 1950 thường được nhắc đến như là thời hoàng kim của hoạt động ngầm, một sự đánh giá đúng mức nhưng dễ gây hiểu lầm. Chắc chắn là có những chiến dịch thành công. Những chiến tích này bao gồm sự giúp đỡ của Mỹ đối với châu Âu sau thế chiến thứ hai. Mục tiêu của chính sách đối ngoại lúc đó là ngăn cản sự bành trướng chính trị của cộng sản và xây dựng lại nền dân chủ. Các đảng chính trị, nghiệp đoàn, tổ chức văn hoá và các nhóm có liên quan đều cần giúp đỡ để chống lại đối thủ cộng sản được tổ chức và tài trợ tốt hơn. Họ đã nhận được sự giúp đỡ đó từ CIA. Cùng với sự hỗ trợ kinh tế, ngoại giao của kế hoạch Marshall, hoạt động ngầm đã góp phần quan trọng vào việc tái thiết châu Âu.

Ở Philippines, hoạt động ngầm đóng vai trò thiết yếu trong việc đánh bại hoạt động nổi dậy của cộng sản những năm 1950. Từ giác độ địa chiến lược, việc không để cho cộng sản nắm giữ quyền lực ở quốc gia này là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Sự trợ giúp bán quân sự bí mật là một phần của chương trình được vạch ra nhằm khuyến khích cải tổ chính trị và phát triển kinh tế ở Philippines. Điều này đã mang lại kết quả. Với sự giúp đỡ của Edward Lansdale, Ramon Magsaysay đánh bại Huk và sau đó được bầu là tổng thống năm 1953.

Những hoạt động gây nhiều tranh cãi và bàn luận nhất trong giai đoạn này là cuộc đảo chính chống Mahamed Mossadegh ở Iran năm 1953 và chống chính phủ Jacabo Guzman Arbenz ở Guatemala năm 1954. Vào lúc bấy giờ, mỗi hoạt động đều được coi là thành công ngoạn mục trong cuộc chiến chống lại Matxcơva. Iran có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Mỹ và đầu những năm 1950 chính phủ của Mossadegh tỏ ra đang đi theo hướng chỉ đạo của Matxcơva. Còn hoạt động ở Guatemala, nơi yếu tố địa chiến lược và mối liên hệ với Matxcova không rõ ràng, cuộc đảo chính đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhiều năm sau, cả hai vụ này đã tạo ra những cuộc tranh luận căng thẳng về việc hoạt động ngầm như vậy có thể được coi là chính đáng không, khi xem xét tác động lâu dài trên thực tế và ảnh hưởng đạo lý đối với những nguyên tắc dân chủ của Mỹ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Iran và Guatemala đều được coi là quan trọng và hoạt động bán quân sự, tuyên truyền chính trị ngầm của CIA có vai trò quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu chính sách của Mỹ.

Những "thành tích" này đã đề cao danh tiếng của CIA như là một tổ chức có thể hành động nhanh chóng và có hiệu quả. Theo một chuyên gia tình báo hàng đầu, có nhiều lý do để hoạt động ngầm thành công. Một là, ở Washington, "có sự phối hợp và lãnh đạo chính sách rõ ràng và nhất quán ở cấp cao nhất để chớp lấy thời cơ” sử dụng công cụ hoạt động ngầm một cách hữu hiệu. Thứ hai, "có những người vạch kế hoạch sáng tạo và hiểu biết về địa bàn, xác định được đồng minh - những người cùng chia sẻ những mục đích cụ thể của Mỹ". Cuối cùng, các nhân viên chỉ đạo có năng lực để vạch ra đề án và hiện thực hoá mục đích của đề án đó(1).

Ở các địa bàn bị từ chối, CIA không thu được những thành tích tương tự. Trong những năm cuối 1940 và đầu 1950, CIA đã khởi xướng một số hoạt động bán quân sự bí mật nhằm gây mất ổn định và lật đổ chính quyền ở các chế độ cộng sản thuộc khối Liên Xô, bao gồm các nước vùng Ban tích: Lítva, Látvia, Etônia, Ba Lan, Ucraina và Anbani. Nhiều điệp viên được huấn luyện, cung cấp giấy tờ giả, và cài cắm vào những địa bàn bị từ chối để phát triển mạng lưới chống đối và thực hiện các hoạt động bán quân sự. Nhưng rất ít người có tin phản hồi.

Một sĩ quan lục quân cao cấp được điều về CIA và tham gia vào các điệp vụ trên khi được hỏi về những người đã được mình huấn luyện đã nhớ lại: "Tôi đến sân bay mỗi khi có một điệp viên được tung vào đối phương để kiểm tra lần cuối cùng các trang bị và chúc họ may mắn. Tôi đặc biệt nhớ một loại trang bị mà chúng tôi gọi là thắt lưng tự do. Vật này giống như một thắt lưng đựng tiền dùng để đựng những tài liệu tuyên truyền mà điệp viên sử dụng để thu hút và tuyển mộ người chống đối". Khi được hỏi có bao nhiêu điệp viên tạo được vỏ bọc và tiến hành hoạt động, viên sĩ quan - giờ đã nghỉ hưu - trả lời: "Vào lúc bấy giờ không một ai trong số tôi phụ trách có thông tin phản hồi sau khi được tung đi".

Hai thập kỷ sau, khi là tuỳ viên quân sự ở một nước thuộc khối Liên Xô, cuối cùng thì ông cũng đã gặp một người mà mình từng phụ trách. Trong một buổi tiếp tân tối, một người đàn ông đã tiến lại từ phía đằng sau và nói thầm: "Tôi vẫn còn chiếc thắt lưng tự do". Khi quay lại, ông tuỳ viên quân sự chỉ còn kịp nhìn thấy lưng của người đàn ông đang rời khỏi phòng. Ông ấy đã sống sót, tất cả chỉ có thế"(2).

Câu chuyện này phản ảnh những gì xảy ra đối với các hoạt động ở địa bàn bị từ chối. Ví dụ vào cuối những năm 1940, CIA và cơ quan tình báo Anh cố gây rối tình hình Anbani. Bây giờ thì mọi người đều biết rằng vào thời điểm đó hàng trăm người di tản đã được huấn luyện và đành trở về để thành lập phong trào chống đối và tiến hành chiến tranh du kích. Kết cục thật là thảm hoạ. Nhiều điệp viên bị xét xử công khai và hoạt động này phải chấm dứt vào năm 1953(3).

Những vụ việc tương tự cũng diễn ra ở Ba Lan. Hàng ngàn người Ba Lan đã ở lại phía Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Khi cộng sản chiếm Ba Lan, các tổ chức của người Ba Lan tị nạn mọc lên như nấm và tuyên bố rằng họ có mạng lưới tổ chức đằng sau "bức màn sắt". Phong trào độc lập và tự do, hay WIN - viết tắt theo tiếng Ba Lan - là một trong những tổ chức ấy. CIA tin rằng tổ chức này là tốt và giúp đỡ tiền, huấn luyện, và thực hiện các chuyến bay thả điệp viên, vũ khí, và các phương tiện khác cho các đơn vị WIN trong lãnh thổ Ba Lan. Trên thực tế, WIN đã bị cơ quan tình báo Ba Lan xâm nhập từ những năm 1940. Trong lãnh thổ Ba Lan, tất cả hoạt động của WIN đã bị vô hiệu hoá và được sử dụng để chống lại CIA. Đây là một thất bại khác và là một phần của thất bại tương tự của CIA tại các nước thuộc khối Liên Xô trong những năm cuối 1940 và 1950.
______________________________________
1. Roy Godson, “Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài” (Washington DC: Brassey, 1995), tr. 42

2. Theo đề nghị của người được phỏng vấn, tên của người này được giữ kín

3. Godson, "Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài", tr. 47. Vào lúc bấy giờ Kim Philby được coi là nguyên nhân thất bại ở Anbani. Nhưng Godson cho thấy còn có những yếu tố khác dẫn đến thất bại này như điệp viên của Anbani trong số người lưu vong, việc đánh giá thấp năng lực của cơ quan phản gián đối phương, ít hiểu biết về tình hình Anbani...


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Ba, 2008, 04:42:24 pm

Hoạt động ngầm chống lại các địa bàn bị từ chối ngoài khối Liên Xô cũng tỏ ra khó khăn không kém. Trong chiến tranh Triều Tiên, CIA định thực hiện một loạt các hoạt động ngầm tương tự như OSS, cơ quan tiền thân của mình. Dưới vỏ bọc Uỷ ban cố vấn chung ở Triều Tiên - viết tắt là JACK - cơ quan này được giao nhiệm vụ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc cộng sản thông qua việc trợ giúp cho phong trào du kích, nhất là dọc theo tuyến đường cung cấp cho lực lượng của Trung Quốc đóng tại Triều Tiên. Một nhân viên của JACK, người một thập kỷ sau trở thành vị lãnh đạo thứ ba của MACVSOG ở Việt Nam, là thiếu tá John K. Singlaub. Ông có kinh nghiệm về hoạt động ngầm khi còn là nhân viên của OSS trong chiến tranh thế giới thứ hai và nửa cuối của thập kỷ 1940 ở Mãn châu lý. Khi đến nhận chức phó trung tâm ở Hàn Quốc, Singlaub hầu như không tìm thấy chứng cứ gì chứng tỏ có sự tồn tại của chiến dịch hoạt động ngầm. JACK đã tung nhiều điệp viên, những người có mối quan hệ gia đình và có thể tồn tại được vào Bắc Triều Tiên. Singlaub ghi lại rằng điệp viên có "cung cấp những nguồn thông tin đáng tin cậy về sự di chuyển quân của kẻ địch". Tuy nhiên, JACK chưa bao giờ tạo nên được bất kỳ điều gì thực sự giống như phong trào kháng chiến kiểu Maquis ở Pháp trong thời kỳ Đại chiến thứ hai(1).

Trong những năm cuối thập kỷ 1950, hoạt động bán quân sự của CIA chống lại địa bàn bị từ chối bao gồm Tây Tạng và Bắc Việt Nam. Trong tất cả các điệp vụ ở giai đoạn này chương trình Tây Tạng là thành công nhất, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Phong trào chống đối Tây Tạng khởi nguồn từ sự chiếm đóng và luật lệ hà khắc của Trung Quốc cộng sản. Vào năm 1954, các lực lượng của hai đảng chính trị đang đánh nhau, và vào năm 1955 ba trung đoàn của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc bị xóa sổ. Khi cuộc nổi dậy kéo dài sang năm 1956, CIA thiết lập mối quan hệ và hợp tác. Quan hệ này bao gồm việc cung cấp rộng rãi thiết bị và huấn luyện. Khi cuộc xung đột lan rộng hơn, người Tây Tạng đã tập hợp được đội quân khoảng 100.000 người. Đội quân này đã có tác động đáng kể đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, buộc Trung Quốc phải sử dụng một số lớn nguồn nhân lực và vật lực. Tuy nhiên vào năm 1960, quân đội Trung quốc đã thiết lập xong việc kiểm soát và phong trào chống đối nhanh chóng bị tiêu hao lực lượng, chỉ còn lại một vài nhóm nhỏ. Không còn có bất kỳ cơ hội nào để giải phóng Tây Tạng khỏi Trung Quốc cộng sản. Mọi hành động như vậy của Mỹ sẽ gây ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân và ván bài đó không đáng để đặt cửa. Chính sách của Washington là gây rối Trung Hoa cộng sản và việc này chấm dứt vào đầu thập kỷ 60 khi quân đội Trung Quốc chiếm giữ Tây Tạng.

Những hoạt động chống lại miền Bắc đã bắt đầu từ năm 1954 ngay sau Hiệp định Giơnevơ chia Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17: miền Nam (Cộng hoà Việt Nam) và miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Việc chia cắt này là tạm thời và tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Mặc dù không ký, nhưng Hoa Kỳ công khai đồng ý với những điều khoản của Hiệp định. Tuy nhiên, với việc không ký văn bản này, Washington đã tạo cho mình một lỗ hổng pháp lý để tránh việc tuân theo Hiệp định. Lansdale đã được cử sang Việt Nam để vạch kế hoạch và thực hiện cuộc chiến tranh bí mật chống lại chính quyền cộng sản mới ở Hà Nội. Theo Hiệp định Giơnevơ, việc tập kết được thực hiện trong thời hạn 300 ngày để cho người Việt Nam ở miền Nam cũng như miền Bắc có cơ hội chuyển chỗ ở. Trước khi giai đoạn này kết thúc, Lansdale đã huấn luyện, trang bị và cài cắm một số nhóm bán vũ trang nhỏ ở Bắc Việt Nam. Các đơn vị hải quân bí mật của Mỹ đã bố trí những địa điểm cất giấu vũ khí rải rác dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại mấy kết quả, vì chính quyền mới đã nhanh chóng bóc gỡ các toán cài cắm của Lansdale. Mặt khác, Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho khoảng 10.000 nhân viên Việt Minh ở lại miền Nam, hình thành mạng lưới ngầm với mục đích "gây mất ổn định chính quyền mới ở miền Nam thông qua các hoạt động tuyền truyền và kích động chính trị, đồng thời tạo ra những "hạt giống" nổi dậy khi Hồ Chí Minh ra lệnh"(2).

Năm 1953, CIA giúp thành lập " Nhóm quan sát số một", một tổ chức bán vũ trang hoạt động bên ngoài sự chỉ đạo của quân đội miền Nam. Lực lượng này do Ngô Đình Diệm trực tiếp chỉ huy và có nhiệm vụ tổ chức các lực lượng du kích nằm vùng ở khu vực dưới vĩ tuyến 17 trong trường hợp miền Bắc tấn công. CIA nhận thấy "Nhóm quan sát số một" có tiềm năng tiến hành chiến tranh không quy ước ở bên kia vĩ tuyến để cắt đứt đường liên lạc của Bắc Việt Nam và thu thập tin tức tình báo. Năm 1958, Diệm và CIA đã ký một bản thoả thuận chung để tiến hành những điệp vụ chống lại Hà Nội. Nhưng như Giám đốc CIA Dulles chỉ ra khi trả lời câu hỏi của Tổng thống Kennedy tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961, những nội dung thoả thuận này hầu như không được thực hiện. Không có một nhóm chống đối nào do Mỹ chỉ đạo hoạt động lâu dài ở trong lòng Bắc Việt Nam.

Nhưng những nỗ lực của Hà Nội ở miền Nam thì khác hẳn. Năm 1957, những cán bộ nằm vùng của Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành tuyên truyền, tấn công vũ trang và tuyển người để hình thành tổ chức bí mật. Các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 được đưa về miền Nam dọc theo tuyến đường mà về sau này được biết đến dưới tên "đường mòn Hồ Chí Minh". Năm 1959, theo chỉ thị của Hà Nội, mạng lưới này đã phát động chiến dịch ám sát và chống trả lại quan chức Nam Việt Nam và trưởng ấp. Theo số liệu của Mỹ, có "2.500 vụ ám sát xảy ra trong năm 1959, tăng gấp đôi so với năm trước", và "hoạt động phá hoại trước đây mang tính đơn lẻ nay đã trở nên phổ biến"(3). Hà Nội đã chấp nhận cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam và, như Lansdale nói với Tổng thống Kenedy và các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia tại cuộc họp ngày 28-1-1961, cuộc đấu tranh này đã đặt chính phủ Ngô Đình Diệm trước nguy cơ sụp đổ. Lansdale khẩn thiết đề nghị chính quyền mới "xác nhận Việt Nam đang ở trong tình thế nghiêm trọng và cần phải coi đây là chiến trường của chiến tranh lạnh đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách"(4).
_____________________________________
1. John Singlaub, "Nhiệm vụ nguy hiểm", (New York: Summit Books, 1991) tr.182.

2. John S. Bowman biên tập, “Almanac của chiến tranh Việt Nam” (New York: Pharos Books 1985) tr.449.

3. John S. Bowman, Sđd, tr. 451.

4. FRUS, 1961-1963:Việt Nam, tập 1, tr. 12


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Ba, 2008, 05:03:57 pm

Hơn nữa, theo quan sát của một nhân viên CIA được cử sang Sài Gòn để tiến hành các điệp vụ, Bắc Việt Nam là địa bàn bị từ chối khó khăn nhất. Trước khi nhận nhiệm vụ ở Nam Việt Nam năm 1963, Herbert Weisshart đã có 10 năm kinh nghiệm chỉ đạo các điệp vụ ở địa bàn bị từ chối chống lại Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, và Việt Nam từ các căn cứ khác nhau. Herbert biết rất rõ châu Á. Herbert Weisshart học tiếng Trung và tiếng Nhật, nghiên cứu về các vấn đề Đông Á tại trường Đại học Harvard vào cuối những năm 1940. Ông là học trò của giáo sư John Fairbanks và Edwin Reischauer, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Weisshart, những gì mà tổng thống muốn chúng ta thực hiện là rất khó. "Trong tất cả các mục tiêu thuộc địa bàn bị từ chối vào lúc bấy giờ:  Liên Xô, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ Đức, Bắc Triều Tiên... tôi cho rằng Bắc Việt Nam là 1 mục tiêu khó khăn nhất để tiến hành chiến tranh tâm lý và.hoạt động ngầm"(1).

Weisshart đã nêu ra sáu lý do. Trước hết, "khác với nước Pháp bị chiếm đóng... nơi phong trào kháng chiến Maquis đã hình thành và nhận được sự trợ giúp tích cực từ bên ngoài, không có một tổ chức tương tự tồn tại ở Bắc Việt Nam”. Do đó Hoa Kỳ phải tạo ra một tổ chức như vậy. Thứ hai, "những nhà lãnh đạo và nhân dân Bắc Việt Nam vẫn còn đang sống trong tâm trạng của người mới giành được độc lập từ sự áp bức thuộc địa bằng việc đánh bại người Pháp năm 1954". Vì vậy nhân dân ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Hà Nội "để xây dựng một đất nước mạnh về kinh tế, tiến bộ về xã hội". Theo Weisshart, điều này là sự thật mặc dù Hà Nội tiến hành chương trình cải cách ruộng đất rất khắc nghiệt vào cuối những năm 1950. Thứ ba, "việc kiểm soát hoạt động của dân ở các vùng biên giới, ven biển, nông thôn, thành thị là rất chặt chẽ". Thứ tư, "một khi biên giới bị đóng lại, không có dòng di tản của những người theo đạo Thiên chúa, dân tộc ít người hoặc những kẻ bất mãn - những người có thể tuyển dụng vào hoạt động ngầm". Thứ năm, "hầu như không có dòng di chuyển của người và hàng hoá từ các nước không cộng sản đến các cảng, thành phố ở Bắc Việt Nam. Do vậy, không có cơ hội để đánh các điệp viên hoặc nhằm thu thập được tin tức tình báo ở Bắc Việt Nam". Sáu, "tình hình kinh tế chính trị ở Nam Việt Nam trong những năm đầu 1960 không tạo ra một sự so sánh hấp dẫn cho khán giả Bắc Việt Nam”(2).

Không biết tổng thống Kenedy, Mac Bundy, Walt Rostow, Bob McNamara, Max Taylor, Bobby Kenedy, Bill Bundy và những người nhiệt tình ủng hộ hoạt động ngầm và chiến tranh đặc biệt có hiểu biết như thế nào về lịch sử hoạt động của CIA tại địa bàn bị từ chối. Họ có hiểu những khó khăn khi khơi mào cuộc chiến tranh không quy ước trong lòng Bắc Việt Nam không? Họ có ý thức được những tiền đề để thực hiện thành công cuộc chiến tranh đó không? Như diễn biến của sự việc cho thấy, họ đã không đánh giá hết tính chất phức tạp của việc tiến hành các hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam.
________________________________________
1, 2. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 1, 5.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Ba, 2008, 05:14:21 pm

KENEDY VÀ VIỆT NAM: NHỮNG BUỚC ĐI CHÍNH SÁCH BAN ĐẦU

Mối quan tâm của Kenedy đối với Việt Nam được hình thành rất sớm, trước khi ông bước vào Nhà Trắng. Năm 1953, ông bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và tuyên bố điều kiện tiên quyết cho sự can thiệp của Mỹ là "độc lập cho Đông Dương"(1). Ông chỉ trích Eisenhower đã quá thân thiện với người Pháp. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, John F. Kenedy tham gia sinh hoạt với Hội những người Mỹ là bạn Việt Nam, một tổ chức chiết trung bao gồm các nhà học giả theo trường phái tả, các vị tướng bảo thủ, và quan chức nhà nước thuộc đủ các quan điểm chính trị. Họ hy vọng tìm ra "một con đường thứ ba hoặc giải pháp độc lập" cho Nam Việt Nam. Các hội viên bao gồm các học giả theo trường phái tự do như Max Lerner và Arther Schesinger, Jr., lãnh đạo phe xã hội Norman Thomas, Leo Cherne thuộc Uỷ ban cứu trợ quốc tế, hồng y giáo chủ John Spellman, tướng William Donovan và Micheal O' Daniel, thẩm phán toà án tối cao William O. Douglas, viên thống đốc bảo thủ J. Bracken Lee, thượng nghị sĩ tự do Mike Mansfields và Joseph P. Kenedy, người thân sinh ra Kenedy - lúc bấy giờ đang là thượng nghị sĩ. Tham gia sinh hoạt còn có đại tá Lansdale.

Hội những người bạn Việt Nam tin rằng Ngô Đình Diệm là "người theo chủ nghĩa dân tộc độc lập" và là sự lựa chọn cần thiết để chiến đấu chống cộng sản. Họ đã tạo ra sự hỗ trợ cho Diệm ở Hoa Kỳ trong những năm cuối của chính quyền Eisenhower. Sự hỗ trợ này được thể hiện bằng việc tăng cường viện trợ nước ngoài. Nhưng thật không may, ở miền Nam, Diệm đã không chứng tỏ được mình là sự lựa chọn tốt hơn so với Việt Cộng. Trên thực tế, khi Kenedy chuyển vào Nhà Trắng, hiệu quả hoạt động của chính quyền Diệm đang xấu đi rất nhanh trong khi hoạt động và sức mạnh của Việt Cộng đang tăng lên. Báo cáo của CIA trong năm 1960 (bắt đầu phản ánh kết luận là cơ sở chính trị của Diệm đã bị xói mòn nghiêm trọng và Việt Cộng do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hậu thuẫn đang là mối de doạ sống còn" đối với sự tồn tại của Nam Việt Nam(2).

Trên cơ sở những báo cáo này, bản Báo cáo tình báo quốc gia về Việt Nam tỏ ra rất bi quan. Cáo báo cáo tình báo quốc gia được coi là sản phẩm chủ yếu của cộng đồng tình báo Mỹ và báo cáo về Việt Nam là tài liệu rất quan trọng. Những tin tức xấu nêu trong báo cáo ngay sau đó được khẳng định bởi báo cáo chuyến công tác của Lansdale và Kế hoạch chống nổi loạn ở Việt Nam do nhóm cố vấn quân sự Mỹ ở Sài Gòn soạn thảo. Trong những ngày đầu tiên giữ cương vị tổng thống, Kenedy đối mặt với tình hình ảm đạm và ngày một xấu đi ở Việt Nam. Kenedy muốn có những hành động ngay lập tức, nhưng sau đó ông hiểu rằng bộ máy hành chính rất ít khi chạy hết tốc lực.

Vào đầu tháng 3, John F. Kenedy yêu cầu có báo cáo về chỉ thị của ông giao cho CIA tiến hành các hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam hồi cuối tháng 1. Công việc đang tiến triển ra sao? Chúng ta có đang cho Hà Nội nếm thử những gì họ đang làm ở miền Nam không? Ông phát hiện ra rằng trong vòng một tháng rưỡi hầu như không có gì được thực hiện. Để chấn chỉnh sự trì trệ này, Kenedy nhanh chóng ra chỉ thị số 28 của Hội đồng an ninh quốc gia. Thay vì yêu cầu có hành động, ông ra lệnh cho CIA phải tuân thủ theo “chỉ thị của tổng thống về việc chúng ta phải nỗ lực tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam"(3).
__________________________________________
1. Kenedy, Tuyển tập diễn văn, tr. 295.

2. Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam, 1945-1967, Quốc hội 92 (Washington DC; Nhà in chính phủ, 1972) quyển 4, tr. 24.

3. Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam, Sđd, quyển 2, tr. 18.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Ba, 2008, 05:15:58 pm

Tháng 4, Kenedy chỉ thị cho thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Roswell Gilpatric chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm liên ngành thảo ra "Chương trình hành động cho Việt Nam". Lansdale được cử làm sĩ quan điều hành, và các thành viên khác bao gồm Rostow, U. Alexis Johnson, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và Desmon Fitzgerald, Trưởng phòng Viễn đông của Cục kế hoạch thuộc CIA. Mục tiêu là "đối phó với ảnh hưởng và áp lực của cộng sản đối với sự phát triển và duy trì một Nam Việt Nam tự do và vững mạnh"(1).

Báo cáo của lực lượng đặc nhiệm được chuẩn bị xong vào đầu tháng 5. Bản báo cáo bắt đầu bằng những tin tức tồi tệ hơn. Tình hình được đánh giá là khắc nghiệt. "Bất chấp các nỗ lực của các lực lượng Nam Việt Nam, 58% lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát ở mức độ khác nhau của cộng sản, từ việc quấy rối, tập kích ban đêm đến kiểm soát hành chính hoàn toàn."(2). Trong khi tập trung chủ yếu vào vấn đề phát triển và an ninh nội địa ở Nam Việt Nam, các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm cũng đề cập đến các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam.

Ngày 11-5, tổng thống xem xét bản báo cáo và phê chuẩn những khuyến nghị. Khái niệm hoạt động nêu trong đó rất rộng "Mục tiêu của Hoa Kỳ là... ngăn cản sự thống trị của cộng sản ở Nam Việt Nam; tạo ra ở đó một nền dân chủ vững chắc; và nhanh chóng đề xướng các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau có tính chất bí mật về quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý nhằm đạt được mục tiêu trên"(3). Với khái niệm này và chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia 52, tổng thống đã ra lệnh bộ máy hành chính phải hành động.

Vào thời điểm này, CIA còn đang vạch kế hoạch hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Bản kế hoạch bao gồm việc xâm nhập các toán điệp viên và điệp viên đơn tuyến để thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý (đài phát thanh, truyền đơn, hàng tâm lý chiến), hoạt động biệt kích ven bờ biển Bắc Việt Nam (thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, phá hoại), và tạo ra một phong trào chống đối tưởng tượng.

Herb Weisshart, phó chỉ huy Phòng nghiên cứu hỗn hợp của Trung tâm CIA tại Sài Gòn trong những năm đầu 1960, đã khái quát: "những hoạt động này là rất khiêm tốn. Đây là một chương trình nhỏ. Tôi có thể nói rằng 90% cố gắng của CIA là ở Nam Việt Nam"(4). Tại sao chỉ là một chương trình nhỏ trong khi tổng thống yêu cầu lớn hơn? Weisshart cho biết William Colby, Trưởng trung tâm CIA Sài Gòn lúc bấy giừ chính là người hạn chế các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam vì cho rằng những hoạt động với quy mô lớn sẽ tiêu tốn nguồn lực của CIA vốn đang cần tập trung cho Nam Việt Nam. Việc hạn chế các hoạt động ở Bắc Việt Nam không phải là "một ý tưởng tồi vì Colby nhìn thấy tương lai ra sao và Nam Việt Nam sẽ trở thành thách thức lớn hơn đối với sự cam kết của Mỹ"(5).
_____________________________________________
1. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 1, tr. 74.

2. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 1, tr. 93-94.

3. Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Truman đến Clinton. (Bethesda, Md. University Publications of America, 1995), tài liệu số 180.

4, 5. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 3,5, 4.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Ba, 2008, 05:27:56 pm
Sự kiện Vịnh Con lợn xảy ra đúng vào lúc việc thực hiện các chỉ thị của Kenedy đang diễn ra một cách ỳ ạch. Đây là một cố gắng nữa của CIA chống lại địa bàn bị từ chối và tạo ra sự ngượng ngập chính trị lớn cho tổng thống. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1960, Kenedy đã mô tả Cu Ba là "một trong những thất bại hiển nhiên của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ... một mối đe doạ cộng sản lại được phép tồn tại ngay trước mũi của chúng ta"(1). Tất nhiên, những gì mà ông muốn nói là cộng sản Cu Ba đã được phép tồn tại ngay dưới mũi của chính quyền Eisenhower. Chính quyền Castro là "một nhà kho cung cấp vũ khí và hoạt động của cộng sản ở toàn khu vực Nam Mỹ - tuyển mộ những nhóm nhỏ các nhà cách mạng do cộng sản làm hạt nhân cho cách mạng ở châu Mỹ La tinh". Cu Ba còn là "vệ tinh cộng sản thù địch" nhận sự "hướng dẫn, giúp đỡ và vũ khí của Matxcơva và Bắc Kinh"(2). Kenedy tuyên bố mọi chuyện sẽ khác đi khi ông là tổng thống. ông đưa ra những khẩu hiệu mạnh mẽ. Tuy nhiên vào tháng 4 năm 1961, Kenedy đã không thể hậu thuẫn những khẩu hiệu dũng cảm đó bằng hành động cụ thể. Kết quả là vụ thảm bại ở Vịnh Con lợn.

Nhiều nhân vật lãnh đạo bị thay thế. Trước hết, Giám đốc CIA Alen Dulles và Phó Giám đốc phụ trách kế hoạch, Rechard Bissell - kiến trúc sư của vụ xâm lược - bị thải hồi. Nhưng Kenedy cho rằng vấn đề không dừng lại ở Dulles và Bissell mà là ở cả thể chế. Sự kiện Vịnh Con lợn đã làm tổng thống thay đổi đánh giá về khả năng vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động bán vũ trang bí mật của CIA. Hai tháng sau vụ thất bại, ngày 28-6-1961 Kenedy phê duyệt ba chỉ thị số 55, 56, 57 của Hội đồng an ninh quốc gia nhằm xác định lại và chuyển giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động chiến tranh không quy ước từ CIA Sang Lầu Năm Góc.

Chỉ thị số 55 - về quan hệ giữa Hội đồng tham mưu liên quân với tổng thống trong các hoạt động chiến tranh lạnh đã tước đi đặc quyền của CIA trong việc vạch kế hoạch và thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật. Phát biểu trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Kenedy tuyên bố: "Tôi trông chở Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có vai trò lãnh đạo sáng tạo và năng động góp phần vào thành công của các khía cạnh quân sự và bán quân sự trong các chương trình chiến tranh lạnh"(3). Đây là bước đầu tiên của tổng thống để giảm quyền hạn của CIA đối với các hoạt động bán quân sự bí mật.

Bước tiếp theo là Chỉ thị 56 - Đánh giá các yêu cầu bán quân sự. Chỉ thị này yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng "kiểm kê những lực lượng bán quân sự hiện có và xem xét các khu vực trên thế giới, nơi mà việc thực hiện chính sách ngoại giao đòi hỏi phải có lực lượng bán quân sự tại chỗ, để đề ra mục tiêu của chúng ta tại những khu vực đó". Sau khi đã xác định yêu cầu về nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của chính sách, thì "vấn đề tiếp theo là phát triển một kế hoạch để bù vào sự hẫng hụt"(4). Tướng Lansdale được giao nhiệm vụ kiểm kê, xác định sự thiếu hụt và đề xuất những nguồn lực cần được bổ sung để Lầu Năm Góc có thể thực hiện được các hoạt động bán quân sự bí mật.

Lansdale viết rất nhiều tờ trình cho Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric. Một trong số đó đề cập đến thách thức về biện pháp thực hiện chiến tranh không quy ước đối với đối phương. Lansdale nhận thấy rằng "các kế hoạch chống lại Bắc Việt Nam hiện tại tỏ ra đã đạt đến mức độ cao nhất mà chính sách của Hoa Kỳ cho phép". Những gì ông muốn là phải thay đổi chính sách đó và mở rộng nguồn lực của Bộ Quốc phòng. "Cần tính đến chính sách dài hạn đối với Bắc Việt Nam. Nếu cộng sản có thể thực hiện cuộc chiến tranh lật đổ để nắm giữ một đất nước thì đã đến lúc chúng ta cho họ nhận điều tương tự".

Lansdale đề nghị thành lập một phong trào chống đối cộng sản trong lòng Bắc Việt Nam. Dĩ nhiên điều này không dễ dàng gì. Đó là công việc "lâu dài và gian khổ". Tuy nhiên, "nếu mục tiêu của chúng ta là tạo ra một tình hình tương tự như Hungary, thì phải sẵn sàng giúp đỡ với mục tiêu là thống nhất Việt Nam", và điều cần thiết là "phải vạch ra một chương trình hoạt động ngầm lớn hơn chống lại Bắc Việt Nam"(5).

Đề nghị của Lansdale đã gây ra tranh cãi, đấy là nói một cách nhẹ nhàng nhất. "Tạo ra một tình hình tương tự như Hungary" là điều khá nhạy cảm trong chính phủ Mỹ. Ví dụ, ở CIA những ý tưởng tương tự sẽ không được chào đón kể từ sau năm 1956. Một trong những đề nghị phiền toái nhất là việc thành lập một mạng lưới điệp viên trong lãnh thổ Bắc Việt Nam với mục tiêu gây dựng một phong trào chống đối. Bộ máy hành chính của Washington, nhất là Bộ Ngoại giao và CIA phản đối đề nghị này. Đối với họ Hungary mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Họ đã rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc nổi loạn ở Hungary năm 1956 rằng Washington sẽ không ủng hộ những cuộc nổi loạn như vậy vì có thể dẫn đến chiến tranh thế giới. Vì vậy, thay vì khuyến khích, nên tránh xa các cuộc bạo loạn ở các quốc gia cộng sản.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất là Chỉ thị 57 đã đề ra các quy định về hành chính trong việc vạch kế hoạch và tiến hành các hoạt động bán quân sự của CIA và Bộ Quốc phòng. Theo đó CIA được giao thực hiện hoạt động bán quân sự "hoàn toàn bí mật hoặc có thể chối bỏ được với điều kiện hoạt động đó nằm trong phạm vi khả năng bình thường của CIA". Ở đây cụm từ chủ chốt là "khả năng bình thường". Chỉ thị 57 nói rằng "các hoạt động bán quân sự lớn mang tính bí mật hoàn toàn hoặc một phần mà đòi hỏi một số lượng đáng kể nhân viên được huấn luyện về quân sự và thiết bị quân sự" sẽ được coi là "vượt quá nguồn lực và kinh nghiệm quân sự của CIA" và trong trường hợp đó những chương trình lớn này sẽ" do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chính với sự giúp đỡ của CIA"(6).

Chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia số 55, 56, 57 cho thấy sự không hài lòng của Kenedy đối với CIA và quyết tâm phát triển các công cụ hoạt động để tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt chống Bắc Việt Nam và các địa bàn bị từ chối khác. ông sẽ không nhường trận địa mới cho bất kỳ ai. Bên cạnh tầm hoạt động, tư tưởng của Kenedy còn thể hiện rõ trong các sáng kiến chính sách. Tháng 2-1962 theo chỉ thị số 124, Nhóm Đặc biệt về chống nổi loạn được thành lập. Mục đích của nhóm này là thành lập việc giám sát ở tầm chính sách để đảm bảo "sự phát triển các chương trình liên bộ đầy đủ nhằm ngăn chặn hoặc đánh bại bạo loạn lật đổ và xâm lược gián tiếp ở các nước và khu vực được giao cho nhóm đặc biệt"(7).
_____________________________________
1. John F. Kenedy, "Diễn văn, Phát biểu, Họp báo chí, và Tuyên bố từ 1-8 đến 7-11 năm 1960” trong Tự do về thông tin, Báo cáo cuối cùng của Uỷ ban Thương mại , Thượng viện Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 87, kỳ họp thứ nhất, báo cáo số 994, phần một, trang 510-511.

2. John F. Kenedy, Sđd, trang 511.

3. Chỉ thị số 55 được Kenedy ký ngày 28-6-1961 cùng với chỉ thị số 56, 57. Được gửi cho chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, ngay trang đầu tiên Kenedy chỉ thị "Tôi thông báo cho Hội đồng tham mưu trưởng liên quân quan điểm của tôi về mối quan hệ giữa hội đồng và tôi trong các hoạt động chiến tranh lạnh như sau”. Xem toàn văn trong "Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Truman đến Clinton” số hồ sơ 183 NSDDINDEX, trang 1.

4. Sđd, NSDDINDEX, tr. 184.

5. Xem báo cáo của Lansdale ngày 23-10-1961 gửi Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống Kenedy. Tiêu đề của bản báo cáo này là " Chiến tranh không quy ước”. FRUS, 1961- 1963: Việt Nam, Tập 1 , trang 421-422.

6. Chỉ thị 57 Có tên chính thức là " Trách nhiệm trong các hoạt động bán quân sự” được Kenedy gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Giám đốc CIA". In trong "Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Kenedy đến Clinton" NSDDINDEX, hồ sơ số 185.

7. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 2, trang 49.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Ba, 2008, 05:32:46 pm
Một nhóm cấp cao - Uỷ ban 303 - được giao nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động ngầm, kể cả hoạt động bán quân sự(1). Thẩm quyền của Uỷ ban bao gồm tất cả các hoạt động ngầm quan trọng trên thế giới. Uỷ ban 303 chịu trách nhiệm về các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam của CIA trong những năm 1961-1963. Năm 1964, các hoạt động ngầm do quân đội chỉ đạo chống Việt Nam trở thành công việc chính của Uỷ ban. Các thành viên của Uỷ ban bao gồm Mc George Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, Roswell Gilpatric, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, U. Alexis Johnson, Trợ lý Thứ trưởng về vấn đề chính trị, và Rechard Helm, Phó Giám đốc Cục tình báo Trung ương. Bundy là chủ tịch Uỷ ban. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cũng có đại diện cao cấp. Theo Gilpatric, đó là tướng Maxwell.Taylor, Chủ tịch hội đồng. Ông cũng cho biết thêm đôi khi "McNamara cũng đến dự các cuộc họp. Mỗi khi có chương trình lớn đang được cân nhắc, tôi sẽ báo và ông ấy sẽ đến dự"(2).

Với vai trò ngày càng tăng của Lầu Năm Góc trong chống nổi loạn và chiến tranh bí mật, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập Văn phòng trợ lý đặc biệt về hoạt động đặc biệt và nổi loạn (SACSA) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch hội đồng. Văn phòng này hỗ trợ Bộ trưởng và Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân thực hiện các yêu cầu của Nhóm đặc biệt và Uỷ ban 303. Ở Washington, Văn phòng này giúp vạch kế hoạch và chỉ đạo những hoạt động chiến tranh đặc biệt có sự tham gia của Bộ Quốc phòng. Tất cả mọi thành phần quốc phòng tham gia vào các hoạt động này phải hỗ trợ Văn phòng trợ lý đặc biệt khi được yêu cầu. Được thành lập tháng 2-1962, vị trợ lý đặc biệt đầu tiên là thiếu tướng thuỷ quân lục chiến Victor H. Krulak.

Krulak là một người có đầu óc sáng tạo. Khi còn là một sĩ quan trẻ và chứng kiến hoạt động của người Nhật chống Trung Quốc vào cuối những năm 1930, ông đã thiết kế phần thân cho tàu đổ bộ, giải quyết vấn đề đổ bộ nhanh chóng các lực lượng tấn công từ biển vào đất liền. Kết quả là đã ra đời các tàu đổ bộ tiêu chuẩn được thủy quân lục chiến sử dụng ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Krulak khẳng định vị trí của mình trong các trận đánh trong chiến tranh bằng việc chỉ huy các vụ tập kích lên bộ vào ban đêm đầy nguy hiểm. Trong một phi vụ, một chiếc tàu đổ bộ chở 30 lính thuỷ đánh bộ dưới quyền Krulak đâm vào đá ngầm và bị chìm. Một chiếc tàu phóng lôi do viên trung uý trẻ tên là John Kenedy chỉ huy đã cứu thoát họ. Trung tá Krulak bày tỏ lòng biết ơn với viên trung uý. Năm 1961, Krulak, giờ đã là thiếu tướng, và tổng thống Kenedy gặp lại nhau khi Krulak đến thăm vị tân tổng thống tại Nhà Trắng. Họ ngồi cùng nhau và nhắc lại những cuộc phiêu lưu thời thế chiến thứ hai. Mối quan hệ cũ được nối lại. Và Krulak nhanh chóng trở thành một trong những viền tướng được Kenedy yêu thích. Vì vậy, khi Kenedy cần một viên sĩ quan cao cấp để phụ trách SACSA, ông đã chọn Krulak(3). Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Kenedy đã giám sát chính sách chiến tranh đặc biệt chặt chẽ như thế nào.

Như vậy, khi năm 1961 kết thúc và năm 1962 bắt đầu, tổng thống Kenedy đã tiến hành nhiều bước đi hành chính và chính sách để có thể "làm tất cả để tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam". Thật không may cho tổng thống, không có gì ngoài sự thất vọng đang đón đợi ở phía trước.
_____________________________________
1. Một tổ chức tương tự, Uỷ ban 5412 tồn tại trong chính quyền Eisenhower. Uỷ ban này ra đời trên cơ sở "Chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia về hoạt động ngầm” hay NSC5412. Xem "Các chỉ thị về an ninh quốc gia từ Kenedy đến Clinton” NSDDINDEX, hồ sơ 1964. Uỷ ban 303 thay thế Uỷ ban 5412 và mang tên theo số phòng mà Uỷ ban tổ chức các buổi làm việc trong toà nhà văn phòng hành pháp.

2. Phỏng vấn trực tiếp Roswell Gilpatric, Thư viện Kenedy (tháng 5 - 1970), trang 38-39.

3. Phỏng vấn tướng Victor Krulak ở San Diego, 5-1-1998, trang 7.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Ba, 2008, 05:42:13 pm
HOẠT ĐỘNG CỦA CIA CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM: QUÁ ÍT VÀ QUÁ CHẬM CHẠP

Đánh giá của chính quyền về Việt Nam trong năm 1962 thật là mâu thuẫn và bắt đầu bằng những nhận định bi quan về tình hình. Ngày 15-1-1962, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara khai mạc cuộc họp để đánh giá tình hình đang xấu đi và đề ra giải pháp. Bộ trưởng muốn có bước đi nhanh chóng để tăng cường nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam. McNamara kết luận rằng cần có một bộ chỉ huy mới ở tầm hoạt động nhằm tạo ra sự thống nhất các nỗ lực và đưa mọi việc đi đúng hướng. Ngày 8-2, chính quyền thành lập Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV), là một bộ phận trực thuộc Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương và được giao trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam. Cố vấn Mỹ bắt đầu có mặt tại Việt Nam để thực hiện những giải pháp mới của McNamara nhằm đẩy lùi cơn thuỷ triều Việt Cộng.

Vị tư lệnh MACV, tướng Paul Harkin, tin tưởng rằng sẽ đạt được điều đó trong năm 1962. Harkin chính là sự lựa chọn của Maxwell Taylor cho vị trí này. Họ là hai người bạn thân, có quan hệ từ những năm 1940 tại Westpoint khi cả hai cùng làm việc tại học viện. Khi Taylor là tư lệnh Tập đoàn quân số 8 ở Triều Tiên, Harkin là tham mưu trưởng của ông. Nhưng Harkin là sự lựa chọn không phù hợp với loại xung đột đang diễn ra ở Việt Nam. Ông không hề có kinh nghiệm về bạo loạn và nhân viên được ông chọn ở MACV cũng chẳng hơn gì(1). Tuy nhiên, Kenedy và McNamara chấp nhận sự lựa chọn của Taylor.

Đối với chính quyền Kenedy, năm 1962 nhanh chóng bị hai sự kiện lấn át: cuộc khủng khoảng tên lửa Cu Ba và Lào. Việt Nam tạm bị gác sang một bên, cho dù cuối cùng thì giải pháp Giơnevơ về Lào có tác động sâu sắc ngoài dự kiến đối với cuộc xung đột ở Nam Việt Nam. Đối với Hà Nội, đường Hồ Chí Minh ở Lào mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc chiến ở miền Nam.

Đối với Bắc Việt Nam, con đường mòn chính là cái mà nhà lý luận quân sự Carlvon Clausewitz gọi là "trọng tâm trọng lực". Khái niệm này chỉ "trung tâm của tất cả sức mạnh và chuyển động mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó" của đối phương. Clausewitz cho rằng nếu một viên tư lệnh có thể xác định và phá rối "trung tâm trọng lực" thì sẽ làm giảm sút cơ bản khả năng duy trì chiến tranh của kẻ địch"(2).

Đường mòn Hồ Chí Minh là hệ thống thông tin và vận tải bao gồm mạng lưới cung cấp hậu cần, cấu trúc chỉ huy kiểm soát và các vị trí đóng quân của quân đội Bắc Việt Nam. Về mặt địa lý, con đường này nằm dọc theo một mạng lưới dầy đặc các tuyến đường lớn nhỏ chạy từ miền Bắc sang Lào sau đó đến miền Nam. Ngoài ra, con đường còn mở sang Campuchia. Con đường mòn này là một trong những nhân tố chiến lược chủ yếu cho phép Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh. Đường mòn tạo ra lợi thế hậu cần có tính chất quyết định đồng thời giúp nhanh chóng chuyển quân từ những căn cứ tập kết ở Lào và Campuchia sang các chiến trường ở Nam Việt Nam. Một trong những nhà địa lý quân sự hàng đầu, John Collins đã nhận xét “Khi mới được mở vào cuối những năm 1959, đường mòn Hồ Chí Minh không là cái gì khác ngoài mạng lưới nhằng nhịt các con đường nhỏ dưới tán rừng rậm rạp. Nam nữ thanh niên xung phong đã cõng những gùi hàng nặng trĩu dọc theo những con đường mòn này nhưng giới chức cao cấp của Mỹ và của Nam Việt Nam ở Sài Gòn đã coi thường hoạt động đó vì số lượng hàng không đáng kể: một chút gạo, một vài khẩu súng ngắn lấy được từ người Pháp, và vũ khí tự tạo trông như đồ chơi "(3). Bức tranh này thay đổi nhanh chóng trong những năm 1960.

Năm 1962 là năm thứ 3 mà Võ Bẩm, một vị tướng Bắc Việt Nam và đơn vị vận tải 559 tiến hành mở các tuyến đường xâm nhập vào miền Nam. Họ bắt đầu công việc sau khi Trung ương Đảng có quyết định tháng 5-1959 tăng cường hoạt động vũ trang ở miền Nam. Đối với tướng Bẩm, đó là niềm vinh dự lớn khi được giao nhiệm vụ "tổ chức một tuyến đường quân sự đặc biệt để vận chuyển hàng cho cách mạng miền Nam". 25 năm sau, ông hồi tưởng lại "chưa bao giờ trong cuộc đời binh nghiệp vốn có rất nhiều các nhiệm vụ đặc biệt của mình, tôi lại cảm thấy xúc động như lúc ấy. Tôi biết rằng một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đang chờ đón tôi"(4).

Cho đến năm 1962, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp đối với tưởng Bẩm và đoàn 559. Theo một báo cáo của CIA vào lùa hè năm trước, chỉ riêng trong tháng 6, Hà Nội đã đưa 1.500 lính vào miền Nam. Trong khi con số này rất nhỏ nhoi so với mấy năm sau đó, nhưng vào tháng 6-1961 nó đã gấp đôi tháng trước đó. Báo cáo còn bổ sung thêm rằng nếu muốn, Hà Nội có thể dễ dàng tăng cường việc xâm nhập theo đường mòn(5).

Hậu quả là tình hình ở Lào trở thành vấn đề lớn đối với Kenedy. Cần phải làm điều gì đó để ngăn cản dòng vận chuyển. Rostow và Taylor đề nghị có một chiến dịch gồm các lực lượng hỗn hợp của Lào, Thái và Nam Việt Nam phá hoại một số đoạn quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập. Lực lượng đặc biệt của Mỹ sẽ đóng vai trò cố vấn. Rostow và Taylor còn đề xuất hàng loạt các hoạt động chống lại Bắc Việt Nam, kể cả ném bom(6).

Kenedy chưa sẵn sàng cho những giải pháp này. Việc can thiệp quân sự vào Lào và ném bom Bắc Việt Nam rõ ràng là không ổn. Ông tuyên bố: "Tôi muốn có một giải pháp đàm phán Tôi không muốn dính líu về quân sự"(7).

Những cuộc đàm phán được tiến hành ở Giơnevơ 23-7-1962 và kết quả là trung lập hoá Lào. Làm sao có được kết quả này là một câu chuyện dài và phức tạp mà khi nhìn lại thì kết quả đó thật là thảm hại. Tuy nhiên lúc đó tổng thống ca ngợi hiệp định vì đã cho phép Mỹ tránh được sự can thiệp quân sự.
_________________________________________
1. Một sử gia của giai đoạn này viết rằng Taylor đã bỏ qua nhiều sĩ quan có kinh nghiệm. Những người này bao gồm chuẩn tướng William Yarborough, Giám đốc trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg, đại tá William Peers người có kinh nghiệm về chiến tranh du kích từ OSS, và chuẩn tướng William Rossom, người trở thành trưởng phòng chiến tranh đặc biệt thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Xem Andrew Krepinevich, "Quân đội và Việt Nam”. Batimore, Nhà xuất bản Trường đại học Johns Hoppkins 1986, trang 64-65.

2. Xin trích Clausewitz "đó là những nơi mà nỗ lực của chúng ta cần hướng tới. Nếu đối phương bị mất thăng bằng, không để chúng có cơ hội phục hồi. Các cú đánh nối tiếp nhau phải được nhằm vào cùng một hướng”. Xem Carl Clausewitz, "Về chiến tranh", Nhà xuất bản trường Đại học Princeton, New York năm 1976, trang 595-597.

3. John M. Collins, "Địa quân sự”, Nhà xuất bản Bassey's. Washington, năm 1998, trang 367.

4. Võ Bẩm , "Mở đường Mòn”, trang 9.

5. Thư viện Kenedy, Hồ sơ về an ninh quốc gia, phần hồ sơ về Việt Nam, hộp số 193, thông tin này nêu trong "Báo cáo thực điạ của CIA”.

6. Sđd, Hồ sơ về An ninh khu vực Đông Nam Á, hộp 231A, xem “tờ trình của Rostow và Taylor lên Kenedy”.

7. Trích dẫn theo Walter Isaacson và Evan Thomas trong "Những người đàn ông khôn ngoan: sáu người bạn và thế giới do họ tạo ra”. Nhà xuất bản Simon và Schutter, 1986, trang 616.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 31 Tháng Ba, 2008, 01:13:59 pm

Nhân vật chính của hiệp định Giơnevơ là W. Averel Harriman. Sinh ra trong một gia đình thuộc loại nổi tiếng và giàu có nhất nước Mỹ, Harriman kiếm được khoản tiền lớn trong chiến tranh thế giới thứ hai thông qua Công ty tàu biển. Vào giữa những năm 1920, ở tuổi 34 ông làm chủ đội tàu hàng lớn nhất nước Mỹ. Trong những năm 1930, ông mở rộng lãnh địa của đế chế xe lửa của cha mình và trở thành chủ tịch của Công ty Central ở Illinois năm 1931 và Pacific Union năm 1932.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa Harriman vào chính quyền, và ông đã bắt đầu một sự nghiệp 40 năm với tư cách là một nhà ngoại giao đầy quyền lực và có tính độc lập. Trong chiến tranh, ông đại diện cho Chương trình "thuê mượn" cho Anh và Nga, là đặc phái viên của tổng thống Roosevelt bên cạnh thủ tướng Churchill và Joseph Stalin. Năm 1943, Harriman được cử làm đại sứ tại Matxcơva. Và đây là điểm khởi đầu cho sự quan tâm của ông đến quan hệ Mỹ-Xô và tự cho rằng mình biết cách đối phó với người Nga. Sau chiến tranh, Harriman giúp hình thành chính sách ngoại giao của Mỹ trong những năm đầu của chiến tranh lạnh. Năm 1948, ông được tổng thống Truman cử làm đại diện chính thức của Mỹ tại châu Âu về kế hoạch Marshall và năm 1951, đại diện của Mỹ tại NATO.

Trong chính quyền, Harriman nổi tiếng là một người đấu tranh không khoan nhượng và độc đoán. Người nào mắc phải việc gì đó với ông chắc chắn sẽ gặp phiền hà lớn. Phương pháp tiến hành đàm phán của ông được nhân viên mô tả là "tra tấn bằng nước. Ông ta nhắc đi nhắc lại luận điềm của mình cho đến khi đối phương nhượng bộ". Sau khi quan sát Harriman làm việc, Mac Bundy gọi ông là "cá sấu ". “Con cá sấu chỉ nằm ườn ở bên bờ sông, mắt khép hờ, trông như ngái ngủ. Rồi đột nhiên nó nhảy lên ngoạm một miếng”. Từ đó biệt danh này gắn liền với ông. "Boby Kenedy tặng Harriman một con cá sấu vàng, còn nhân viên thì tặng một con bằng bạc với dòng chữ đề tặng: từ những nạn nhân của ngài"(1).

Mặc dù giàu kinh nghiệm ngoại giao, Harriman không có vị trí gì lớn trong chính quyền mới. Đầu tiên, ông giữ một chức vụ vô thưởng vô phạt là Đại sứ lưu động, một chức vụ chẳng có quyền hành gì ở Washington. Tháng 10-1961, Kenedy bổ nhiệm ông là trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Viễn Đông. Đây chính là bộ phận bị tác động nặng nề nhất trong thời kỳ McCarthy. Dẫu sao, Trung Quốc đã bị mất. Khi nhận chức, Harriman mô tả cơ quan là "một vùng đất hoang... một thảm hoạ đầy những xác chết."(2).

Việc Harriman dính líu vào Lào gần như là ngẫu nhiên. Lào không phải là vấn đề mà ông quan tâm. Nhưng ông coi việc này là con đường đưa ông trở lại quyền lực: tổng thống đang muốn có giải pháp đàm phán và Harriman mang lại điều đó. Ông được ban thưởng bằng việc bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị.

Lào ở trong tình trạng phức tạp và rối rắm. Đất nước này giành độc lập từ người Pháp sau hội nghị Giơnevơ 1954 nhưng ngay sau đó rơi vào cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Lào cộng sản do Hoàng thân Xuphanuvông lãnh đạo và chính phủ hoàng gia Lào do Hoàng thân Xuvanna Phuma, người anh cùng cha khác mẹ với Xuphanuvông. Nhưng cuộc tranh giành này không dừng lại trong phạm vi gia đình. Hà Nội hậu thuẫn Xuphanuvông, Mỹ giúp Xuvanna Phuma. Từ 1954-1958, Pathet Lào, vốn chỉ kiểm soát hai tỉnh phía đông bắc Lào, tìm cách mở rộng thế lực, trong khi chính phủ cố giành lại những khu vực này. Năm 1959, tình trạng đối địch ngày càng tăng khi phe cộng sản với sự giúp sức của Hà Nội tấn công một số vị trí tiền tiêu ở đông bắc Lào.

Từ 1959-1962, xung đột đã trở thành cuộc nội chiến. Giai đoạn này còn được đánh dấu bởi các cuộc đảo chính liên tiếp trong chính phủ hoàng gia Lào làm nảy sinh nhóm trung lập do Hoàng thân Xuvanna Phuma lãnh đạo và nhóm cánh hữu do tướng Phumi Nôxavẳn cầm đầu. Viên tướng này cướp chính quyền tháng 3-1961, Hoàng thân Phuma chạy sang Campuchia. Đầu năm 1962, Phuma thành lập căn cứ tại Cánh đồng Chum ở Trung Lào.

Việc tranh giành này đã giúp củng cố vị trí của Pathet Lào và Hà Nội. Những người theo phái trung lập đã tìm thấy lợi ích khi liên minh với Pathet Lào. Ngay sau đó, Matxcơva đã nhảy vào cuộc, lấy danh nghĩa công khai là ủng hộ phe Suvanna Phuma, người đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho chính phủ của ông và doạ rút cố vấn quân sự ngay trước khi Phumi nắm quyền lực. Liên Xô đã lợi dụng lời mời này để cung cấp viện trợ cho các lực lượng Bắc Việt Nam và Pathet Lào. Phái trung lập chỉ nhận được những gì còn lại sau khi Bắc Việt Nam và Pathet Lào lấy đi phần của mình. Số đó chẳng nhiều nhặn gì.

Đó là tình hình khi Harriman vào cuộc. Ông tin Xuvanna Phuma là yếu tố chủ chốt của một giải pháp đàm phán. Harriman thúc giục cả ba bên chấp nhận về nguyên tắc thành lập chính phủ hoà giải dân tộc, và tháng 12-1961, Hội nghị Giơnevơ thông qua bản tuyên bố tạm thời về trung lập. Vấn đề lớn nhất đối với Harriman, theo David Halberstam trong cuốn "Những người xuất sắc và thông minh nhất", là "cố thuyết phục người Xôviết rằng họ gần như chẳng mất gì" khi chấp nhận giải pháp trung lập. Halberstam nhận xét là ngay cả Harriman cũng cho đó quả là một công việc khó(3). Khi hồi tưởng lại, mọi người có thể tự hỏi phải chăng Matxcơva không hiểu ý nghĩa của việc Lào trung lập hay chính Harriman và chính quyền Washington không hiểu, trong khi hai trong số ba bên của giải pháp là đông minh của Liên Xô. Điều không kém phần quan trọng là trong khi Mỹ công khai mang lại sự kết thúc nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng ở Lào, họ đã không ngăn cản tướng Bẩm và đoàn 559 tiếp tục làm việc trên con đường Hồ Chí Minh.

Tháng 6-1962, các bên của Lào gặp nhau tại Cánh đồng Chum để thảo ra bản hiệp định và thành lập chính phủ liên hiệp thống nhất dân tộc. Hiệp định này có hiệu lực ngày 23-6, và Lào được tuyên bố trung lập ngày 6-7. Theo Hiệp định mọi lực lượng nước ngoài: Mỹ, Liên Xô, Việt Nam phải rút khỏi Lào.

Uỷ ban kiểm soát quốc tế, có trách nhiệm giám sát các cửa khẩu rút quân đội nước ngoài ở Lào, chỉ ghi nhận việc rút 40 người thuộc Bắc Việt Nam. Theo ước tính có đến 10 000 bộ đội Việt Nam tại Lào(4), không kể đoàn 559 của tướng Bẩm. Trên thực tế, chính quyền Kenedy đã nhường Lào và việc sử dụng thoải mái đường mòn Hồ Chí Minh cho Hà Nội. Các báo cáo tình báo cho biết vào mùa xuân 1963, quân đội Bắc Việt Nam đã đẩy lùi lực lượng tướng Phumi ra xa mạng lưới đường mòn đang mở rộng, và các đoàn xe tải tiếp tục chở hàng cung cấp dọc theo tuyến đường. Ở Sài Gòn, tướng Harkin tìm cách làm giảm ý nghĩa của việc này bằng cách cho đây là sự đồn đoán vô căn cứ.(5).
__________________________________________
1. Những người dàn ông khôn ngoan, Sđd, trang 618.

2. Trích theo Halberstam, "Những người xuất sắc và thông minh nhất” trang 189.

3. Halberstam, "Những người xuất sắc và thông minh nhất", trang 92.

4. John M. Newman. "JFK và Việt Nam: Lừa dối, âm mưu và tranh giành quyền lực” Nhà xuất bản Warner Book, New York, trang 296.

5. Jon M. Newnlan, Sđd, trang 14.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Tư, 2008, 12:16:43 pm
Trong khi sự "trung lập" của Lào đang được đàm phán năm 1962, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống Bắc Việt Nam đang được ráo riết tiến hành. Bộ phận hành động Bắc Việt Nam thuộc trung tâm CIA ở Sài Gòn do Gilbert Layton lãnh đạo chỉ có một số ít nhân viên. Trong số đó có một vài người như Lucius, Conein, Tucker Gougelmann sau này đã trở thành huyền thoại. Trưởng trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ là Bill Colby, một ngôi sao đang lên của CIA. Vốn là cựu nhân viên OSS, Colby đã cộng tác với phong trào kháng chiến Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Kinh nghiệm đó đã cho ông thấy giá trị của hoạt động ngầm. Cũng giống như các nhân viên CIA đương đại, Colby học tại các trường thuộc Ivy League - chỉ các trường đại học ở bờ Đông nước Mỹ. Tốt nghiệp đại học ở trường Princeton, ông nhận bằng luật tại trường đại học Colombia sau chiến tranh thế giới thứ hai. Colby đã làm luật sư về lao động trước khi gia nhập CIA năm 1950. Vào năm 1959, ông là trưởng trung tâm CIA ở Việt Nam. Sau đó ông được bổ nhiệm là Trưởng phòng Viễn Đông thuộc Cục kế hoạch. Colby giải thích rằng mục đích của chương trình bí mật là "làm tăng tình hình mất an ninh ở Bắc Việt Nam tương xứng với tình hình mất an ninh họ tạo ra ở miền Nam." Như Colby nhớ lại, Kenedy đã tiếp nhận ý tưởng này(1).
 
Các hoạt động này kèm theo những gì? Mức độ tập trung ra sao? Hà Nội có cảm thấy rõ hơn về an ninh nội bộ trong năm 1962 không? Theo Colby, chương trình hoạt động ngầm trong hai năm 1961-1963 rất khiêm tốn. Chương trình này bao gồm "các toán gián điệp xâm nhập vào miền Bắc". Khi được hỏi về mục đích, Colby cho biết: ý nghĩ ban đầu của ông là "thành lập một căn cứ cho hoạt động của phong trào chống đối". Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ mà ông thực sự giao cho họ. Đầu tiên, các toán gián điệp này có nhiệm vụ thu thập tình báo. Sang năm 1962, họ khuyển sang nhiệm vụ phá hoại và quấy rối. Vào năm sau, các toán gián điệp được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh tâm lý.

Cho dù với nhiệm vụ gì đi nữa, kết quả đều giống nhau. Tất cả đều thất bại. Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp, như Colby sau đó đã nhận ra. Hơn 30 toán gián điệp và các điệp viên đơn tuyến được cử xâm nhập miền Bắc qua đường biển, đường không và đường bộ trong giai đoạn 1961-1963. Rất nhiều người trong số điệp viên là người miền Bắc di cư vào Nam theo các điều khoản cho phép tái định cư của Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Trong sổ ghi sự kiện của CIA, bên cạnh mã hiệu của từng toán thường có dòng chữ: "bị bắt ngay sau khi tiếp đất", "bị bắt làm gián điệp đôi, bị tiêu diệt", “không có liên lạc, mất liên lạc"(2). Trong thực tế vào năm 1963, chỉ còn bốn toán và một điệp viên được coi là còn hoạt động ở miền Bắc. Số còn lại đã chết, đang ở trong nhà tù, hoặc hoạt động dưới sự kiểm soát của đối phương.

Điều này gợi nhớ lại những hoạt động ở các địa bàn bị từ chối trong quá khứ, như Colby sau này đau xót nhắc lại "Anh biết đấy, chúng tôi tham gia hỗ trợ một tổ chức chống đối Ba Lan mà không ngờ tổ chức này hoàn toàn giả tạo. Người Đông Đức nói rằng rất nhiều trong số điệp viên của Mỹ là do họ điều khiển. Người Cu Ba gần đây cũng nói như vậy. Vì vậy, Việt Nam cũng không phải là một câu chuyện hay ho gì”(3).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của CIA ở Bắc Việt Nam, mà phần lớn trong số đó là do sự không thích ứng của CIA. Trước hết, CIA không phải là người tuyển chọn điệp viên cho từng toán. Đối tác Nam Việt Nam chịu trách nhiệm tuyển chọn trong số dân miền Bắc hiện đang sống ở miền Nam. Việc kiểm soát chất lượng là vấn đề lớn. Thứ hai, các toán được xâm nhập rải rác khắp miền Bắc mà không hề tính toán tới khả năng tập trung họ vào một vùng nhất định sau đó mới mở rộng. Không hề có nhân tố thân thiện trong các địa bàn mà các toán xâm nhập. Những chuyến xâm nhập này được "thả tù mù”, vì theo Colby "không có gì để giúp cho việc xâm nhập. Không có mạng lưới tình báo (tại chỗ ở miền Bắc)"(4). Hơn nữa, một số toán nhảy dù vào vùng xa và không có tầm quan trọng, những nơi mà riêng việc tồn tại được đã rất khó khăn. Thứ ba, các toán đều phụ thuộc vào việc cung cấp qua đường không. Với điều kiện vật chất hạn hẹp của mình, điều này rất khó đối với CIA. Thứ tư, các toán không được trang bị tốt về giấy tờ giả để thoát thân trong môi trường an ninh được kiểm soát ở miền Bắc. Cuối cùng, có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến yếu tố an ninh của các chiến dịch. Một số người nghi rằng, các hoạt động này đã bị tình báo Bắc Việt Nam xâm nhập.

Đây không phải là những điều mà tổng thống Kenedy mong đợi. Khi nhắc lại những hoạt động này Herb Weisshart cho rằng kết quả đó không có gì đáng ngạc nhiên: các toán "không được mời đến, ở đó không có phong trào chống đối nào cả... Lý do cơ bản là môi trường hoạt động không dễ dàng cho các điệp viên thâm nhập. Không có ai để móc nối và bắt đầu hoạt động chống đối. Dĩ nhiên không thể làm được những gì chúng ta mong muốn."(5). Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai mà giống như các địa bàn bị từ chối ở các nước cộng hoà Ban Tích, Ba Lan, Anbani, và Ucraina. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước khác thuộc khối cộng sản vào những năm 1950 mà Weisshart không đề cập tới: Hà Nội đang trong chiến tranh với một siêu cường.

Ngoài các toán gián điệp, Trung tâm CIA ở Sài Gòn thực hiện một số hoạt động quy mô nhỏ dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Ngay trong hoạt động này, nhiệm vụ của bộ phận hành động của Tucker Gougelman luôn thay đổi. Đầu tiên, nhiệm vụ này là trinh sát và thu thập tin tức tình báo và một thời gian ngắn sau đó bổ sung thêm nhiệm vụ tung các toán gián điệp theo đường biển. Năm 1962, nhiệm vụ này là quấy rối và tập kích phá hoại. Gougelman, người phụ trách các hoạt động trên biển, nguyên là lính thuý đánh bộ đã từng bị thương nặng tại Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi là nhân viên CIA, Gougelman đã tiến hành các hoạt động tại địa bàn bị từ chối ở các nước Đông Âu trong những năm 1950 trước khi chuyển sang Việt Nam. Nhưng theo đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương, thì các hoạt động do Gougelman điều hành chống lại Bắc Việt Nam quá nhỏ bé và mức độ thành công cũng rất khiêm tốn. Lúc đó, Felt tin rằng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội sẽ có kết quả và buộc Hà Nội ngừng hỗ trợ hoạt động nổi loạn ở miền Nam. Nhưng để đạt được điều đó cần phải làm nhiều hơn những “hoạt động phá hoại ở hải phận phía Bắc hiện tại vì những hoạt động này không đủ nhanh và được trang bị vũ khí cần thiết" để tạo ra tác động mong muốn. Theo quan điểm của ông "những người vạch kế hoạch của CIA không được huấn luyện phù hợp để tiến hành các phi vụ loại này."(6). Vào cuối năm 1962, các phi vụ Bắc tiến của mảng hoạt động trên biển trong chương trình của CIA nhận được các tàu phóng lôi. Năm sau, có thêm tàu tuần tiễu Na Uy, có tên "Nasty". Nhưng hoạt động này có quy mô không lớn và nhiều lắm cũng chỉ gây ra những khó chịu nhỏ cho Hà Nội. Vào cuối năm 1962, mọi thứ đã quá đủ với Colby. Ông vạch kế hoạch chuyển trọng tâm hoạt động ngầm chống lại miền Bắc của CIA sang hoạt động chiến tranh tâm lý mà đến thời điểm đó vẫn bị coi nhẹ. Ông kết luận, "hoạt động gián điệp không hiệu quả. Lập luận của tôi là nếu chúng ta dành nỗ lực đúng mức vào hoạt động chiến tranh tâm lý bao gồm đài phát thanh và những thứ tương tự, bạn có thể tạo ra tác động vì những người cộng sản thường rất nhậy cảm với mối nguy hiểm của sự chống đối và nếu bạn tạo cho họ có ấn tượng rằng có một nhóm đối lập trong hàng ngũ của họ, thì điều đó sẽ làm cho họ phát điên."(7).

Herb Weisshart được cử đến Sài Gòn để lãnh đạo hoạt động chiến tranh tâm lý. Ông đã từng thực hiện các hoạt động tương tự đối với các mục tiêu khác. "Hầu như mọi thứ chúng ta làm chống lại miền Bắc đều đã thực hiện ở đâu đó”. Khi đến Sài Gòn Weisshart thấy rằng "chưa hề có một hoạt động chiến tranh tâm lý nào, họ giao cho tôi làm kế hoạch". Kế hoạch này bao gồm "tăng cường thả truyền đơn, các chương trình phát thanh" và tạo ra một phong trào chống đối giả có tên "Gươm thiêng ái quốc" của Liên đoàn những người yêu nước. Theo Weisshart, mục đích của chương trình chiến tranh tâm lý là "xem chúng ta có thể làm được gì để buộc Bắc Việt Nam phải dành ra một phần nguồn lực và phải lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở hậu phương của họ"(8 ).

Như vậy, khi năm 1962 sắp kết thúc, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống lại Bắc Việt Nam vẫn đang ỳ ạch, còn xa mới đạt được những ý định của Kenedy. Thật khó làm cho Hà Nội lo ngại về an ninh nội bộ của mình bằng những hoạt động như vậy. Và điều đó không qua được mắt CIA. Cơ quan này chuẩn bị một kế hoạch hoạt động ngầm khác chống Bắc Việt Nam và gửi cho tổng thống tháng 1-1963, nhưng Mac Bundy nghi ngờ khả năng thực hiện kế hoạch đó. Bundy nói với Kenedy "không có đủ cơ sở để tin rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ không gặp phải những khó khăn mà CIA đã từng đối mặt tại các địa bàn bị từ chối"(9).
________________________________________
1. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34”.

2. Hội đồng tham mưu liên quân (JCS), “Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu và quan sát (MACVSOG) tài liệu nghiên cứu tháng 7-1970, phụ lục C và B "hoạt động không vận”, trang 63-65.

3, 4. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby đăng trong "MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34”. Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 10, 15

5. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với Herb Weisshart, đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34" Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 7.

6. Edward Marolda và Osca Fitzgerald, “Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", Trung tâm lịch sử hải quân, Washington DC, 1986, trang 203.
 
7. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34". Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 13.

8. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với Herb Weisshart, đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34". Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7- 1996, trang 5.

9. Trích theo Ban biên tập của Công ty xuất bản Boston, “Chiến tranh trong bóng tối”, Boston năm 1988. trang 48.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Tư, 2008, 12:25:58 pm

LẦU NĂM GÓC NHẬN NHIỆM VỤ OPLAN 34A VÀ VIỆC HÌNH THÀNH MACVSOG

Tháng 7-1962, McNamara tổ chức một cuộc họp tại Hawai với các quan chức của Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, CIA, Bộ Ngoại giao và MACV để xem xét việc quân đội tiếp nhận các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam theo chỉ thị 57. Quá trình bàn giao các chương trình bán quân sự này mang mật danh “chiến dịch Switchback".

Tại cuộc họp, tướng Harkin nói với McNamara một cách tin tưởng rằng "Chúng ta đang ở phía giành chiến thắng. Nếu các chương trình được tiếp tục, các hoạt động của Việt Cộng sẽ suy giảm"(1). Tiếp theo ông tóm tắt những tiến bộ thu được từ các chương trình ấp chiến lược, hoạt động của Quân đội Việt Nam cộng hoà, việc huấn luyện lực lượng phòng vệ dân sự và bảo an,v.v... McNamara tỏ ra phấn khởi và nhận xét rằng "sáu tháng trước, hầu như chúng ta không có tin tức gì tích cực, từ đó đến nay chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn". Ông hỏi Harkin còn bao lâu nữa thì "Việt Cộng bị tiêu hao đến mức chỉ còn là lực lượng không đáng kể". Người đứng đầu MACV đã trả lời "dự kiến mất khoảng một năm sau khi quân đội Việt Nam cộng hoà đạt đến mức hoạt động tối đa và gây sức ép đối với Việt Cộng ở mọi nơi". Đây quả là tin tốt lành và bước ngoặt lớn. Tuy nhiên McNamara tỏ ra thận trọng hơn Harkin, cho rằng cần phải mất khoảng ba năm để quân đội Việt Nam trở nên "hoạt động tối đa" và kết liễu Việt Cộng"(2). Như vậy, và như các số liệu thống kê đã chứng minh, Hoa Kỳ đang đi đúng hướng.

Suy nghĩ ảo tưởng và sự lạc quan không đúng chỗ của Harkin lây lan nhanh chóng. Điều này sớm được phản ánh trong báo cáo của đại diện quân sự của tổng thống, tướng Max Taylor. Vừa từ Việt Nam trở về tháng 9 năm 1962, Taylor đã trình bày một bản ca ngợi thành tích và tuyên bố rằng "đã đạt nhiều tiến bộ kể từ chuyến thăm của tôi tháng 10 năm 1961"(3). Trong khi chứng cứ cho thấy điều ngược lại, nhất là từ các sĩ quan lục quân Hoa Kỳ là cố vấn cho các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa ở vùng nông thôn cũng như từ báo cáo của CIA. Năm 1962 kết thúc với việc McNamara, Harkin, Taylor tất cả đều phấn khởi vì những tiến bộ ở Việt Nam. Họ đã tự lừa dối mình: Mỹ không đang giành thắng lợi.

Điều này là rõ ràng đối với các cố vấn quân sự Mỹ, những người theo dõi rất sát tình hình. Việt Cộng không tỏ ra sợ hãi quân đội Việt Nam cộng loà. Điều này được minh chứng bằng trận ấp Bắc tháng 12 năm 1962. Tại đồng bằng sông Mê Công, cách Sài Gòn 40 dặm về phía tây nam, ba đại đội Việt Cộng cố thủ dọc theo chiến hào dài một dặm giữa ấp Bắc và ấp Tân Thới. Trung đoàn 7 của quân đội Việt Nam cộng hoà được trang bị bằng súng tự động và xe bọc thép và được hỗ trợ bằng máy bay ném bom và máy bay trực thăng, tấn công vào các vị trí phòng thủ của Việt Cộng nhưng bị đẩy lùi bởi khoảng 300 du kích. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1-1963 bằng việc Việt Cộng rút lui một cách an toàn. Âp Bắc là một thất bại ê chề. Thất bại này cho thấy tình trạng chỉ huy kém cỏi và tinh thần chiến đấu rệu rã của quân đội Việt Nam cộng hoà. Một trung đoàn quân chính quy mà không thể chiến thắng tinh thần chiến đấu của 300 Việt Cộng. Ấp Bắc đã phủ bóng đen lên luận điểm rằng Mỹ và Nam Việt Nam đang giành thắng lợi.

Tiếp sau đó là cuộc chiến về các báo cáo tình báo. Ngày 11 tháng 1, Văn phòng tin tức tình báo của CIA đưa ra báo cáo "Tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam" cho rằng "thuỷ triều vẫn chưa bị đẩy lùi. Nam Việt Nam đã có một số tiến bộ nhưng chủ yếu là do sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên Việt Cộng tiếp tục mở rộng và tận dụng tính hiệu quả của mình và ngày càng trở nên mạnh bạo hơn trong các cuộc tấn công". Bản báo cáo đưa ra kết luận rằng tình trạng hiện tại là bế tắc, nhưng nhận định này không hề được các cơ quan khác chấp nhận. Bản báo cáo đã đưa ra một bức tranh trong đó Việt Cộng đang gia tăng thách thức còn chính phủ Nam Việt Nam thì đang đối phó với thách thức đó một cách rất khó khăn.

Forrestal, một nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia, còn vẽ ra cho tổng thống một bức tranh ảm đạm hơn. Là con trai của Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, Forrestal từng là trợ lý cho Harriman về kế hoạch Marshall. Tốt nghiệp trường Luật Harvard, Forrestal làm việc ở phố Uôn (Wall) trước khi đến làm việc tại Hội đồng an ninh quốc gia về vấn đề Việt Nam. Cuối tháng 12-1962, tổng thống Kenedy đã cử ông sang Việt Nam để nắm tình hình tại chỗ. Ngày 11-2-1963, Forrestal cho tổng thống biết rằng chiến tranh sẽ rất tốn kém và kéo dài. Ông không tin các số liệu thống kê của MACV về thương vong của Việt Cộng được sử dụng để chứng minh sự thắng thế của Mỹ. Ông chỉ ra rằng không ai có thể biết rõ rằng trong số 20.000 Việt Cộng bị chết vào năm ngoái có bao nhiêu là người vô tội hoặc chỉ là những người dân ấp có thiện cảm với Việt Cộng. Hơn nữa, Việt Cộng có thể tuyển mộ người thay thế số thương vong một cách dễ dàng. Forrestal cũng đặt câu hỏivề số lượng ấp chiến lược đã được xây dựng thành công. Chương trình này là trọng điểm cho nỗ lực của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Mục đích của chương trình là tái định cư dân chúng ở nông thôn vào các ấp tập trung và được bảo vệ để chống lại ảnh hưởng và hoạt động tuyển lựa hoặc tấn công của Việt Cộng. Theo Forrestal, chương trình này có rất nhiều nhược điểm. Chương trình đã tạo ra sự căm ghét của những người dân bị di dời, không đảm bảo đủ an ninh để chống lại Việt Cộng, thêm vào đó tình trạng tham nhũng cũng như quản lý yếu kém của các quan chức của Nam Việt Nam là rất phổ biến(4).
__________________________________________
1, 2. “Hồ sơ hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ sáu, Trại Smith, Hawai. 23-7-1962” trong FRUS. 1961-1963: Việt Nam. tập 2. tr. 546, 548 - 549.

3. “Báo cáo của đại diện quân sự của tổng thống" trong sđd trên, trang 660

4. "Tờ trình của Giám đốc Văn phòng tình báo và nghiên cứu (Roger Hilsman) và Micheal V. Forrestal của Hội đồng an ninh quốc gia lên Tổng thống" trong sđd trên, trang 49-62.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Tư, 2008, 12:31:11 pm
Hai tháng sau, bản Báo cáo tình báo quốc gia về Việt Nam đã sửa đổi của CIA đưa ra đánh giá khác với Forrestal. Được công bố ngày 17-4, bản báo cáo này cho rằng "tiến bộ của cộng sản đã bị đẩy lui và tình hình đang được cải thiện". Vì bản thảo đầu tiên tỏ ra quá bi quan, Giám đốc CIA John McCone đã "phê phán bản báo cáo và gửi trả lại ban soạn thảo”(1). Khi được viết lại, bản báo cáo đã mang âm hưởng lạc quan. Taylor, Harkins, Rostow, Krulak và các thành viên khác của chính quyền đều là những người theo chủ nghĩa lạc quan và McCone muốn bảo đảm rằng Báo cáo tình báo quốc gia phải phù hợp với đánh giá tích cực của họ đối với tình hình. Ở cấp thấp hơn, những người tham gia trực tiếp vào thực tế chiến trường ở Việt Nam lại có cách nhìn nhận hoàn toàn khác. Sự không nhất quán trong Báo cáo tình báo quốc gia, sự khác biệt giữa đánh giá của Forrestal với của McNamara và Taylor cho thấy sự bất đồng quan điểm ở các cấp trong chính quyền vào đầu năm 1963.

Ngay sau khi những đánh giá lạc quan của Báo cáo tình báo quốc gia 53-63 được đưa ra, tình hình chính trị ở Nam Việt Nam trở nên hỗn loạn. Căn cứ theo một đạo luật cũ của Pháp cấm phật tử treo cờ nhiều màu, viên phó tỉnh trưởng người Thiên Chúa giáo ra lệnh cho quân lính xả  vào hai muơi nghìn phật tử đang kỷ niệm ngày Phật đản ở Huế. 9 phật tử bị chết và khoảng 20 người bị thương. Sự kiện Huế phơi bày một điểm yếu nữa của chính phủ Sài Gòn. Diệm và gia đình là những người theo đạo Thiên Chúa. Trong khi ở miền Nam đa số dân chúng theo đạo Phật, phần lớn các vị trí chủ yếu trong bộ máy hành chính, quân sự và cơ quan cảnh sát lại là người công giáo. Tôn giáo trở thành con đường tiến thân và tạo ảnh hưởng chính trị. Phản ứng lại xu hướng thân công giáo, phật tử hình thành tổ chức chính trị đối lập chống chính phủ Diệm vào cuối những năm 1950. Vào năm 1963, tổ chức này đã phát triển thành một phong trào chính trị quan trọng.

Rõ ràng Diệm muốn giấu nhẹm sự kiện ở Huế bằng việc đổ lỗi cho Việt Cộng nhưng không được. Lãnh đạo phật giáo bác bỏ lập luận của Diệm và đòi công lý từ chính phủ. Họ không nhận được điều họ muốn và việc đông đảo phật tử tham gia biểu tình đã trở thành cuộc trưng cầu dân ý về sự hợp pháp của chính quyền Diệm. Tại Huế đã diễn ra những cuộc biểu tình lớn với những vụ sư tự thiêu để phản đối hành động của chính phủ. Những hình ảnh nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn làm cho tổng thống Kenedy choáng váng. Đó là hình ảnh khủng khiếp mà cô em dâu của Diệm - bà Nhu - đã đưa vào bàn tiệc bằng tuyên bố phi nhân tính. Bà Nhu đã gọi việc tự thiêu là món "nướng" và sẵn sàng cấp thêm xăng cho ai muốn nấu món này. Trong suốt mùa hè, chồng của bà và là em trai của Diệm đồng thời là  người cầm đầu cơ quan cảnh sát đặc biệt ra lệnh tấn công vào chùa chiền. Vào tháng 7, các vị tướng Nam Việt Nam đã cho Lucius Conein, một nhân viên CIA biết rằng họ đang có kế hoạch làm đảo chính.

Trước nguy cơ việc đổ vỡ từng mảng ở Nam Việt Nam phá hỏng những "tin vui" của năm 1962, chính quyền Mỹ tìm cách giải quyết tình hình đang nhanh chóng xấu đi. Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức tại Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương ngày 6-5-1963, việc gia tăng hoạt động bí mật chống phá miền Bắc trở thành một nội dung chủ yếu. Hội nghị quyết định gây sức ép đối với miền Bắc. Cuối tháng 5, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương gia tăng hoạt động bí mật ở Bắc Việt Nam. Đô đốc Felt giao cho ban tham mưu vạch kế hoạch cho những hoạt động này.

Nói tóm lại, cuộc khủng khoảng ở Nam Việt Nam vào nửa đầu năm 1963 cùng với sự không hài lòng của tổng thống đối với khả năng của CIA trong việc thực hiện những hoạt động bán quân sự có quy mô lớn chống lại Hà Nội đã khởi động tiến trình vạch kế hoạch dẫn đến việc mở rộng hoạt động bí mật của Washington ở Đông-Nam Á. Ngày 17-6-1963, Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương đệ trình bản thảo kế hoạch hoạt động lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Bản kế hoạch này đề xuất hàng loạt hoạt động ngầm sẽ được thực hiện để chống lại miền Bắc nằm trong một kế hoạch tổng thể mang tên Kế hoạch 34A - được biết đến với tên tiếng Anh là OPLAN34A. Mục đích hoạt động này là buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải giảm bớt, và khi có thể, chấm dứt sự hỗ trợ đối với hoạt động bạo loạn ở miền Nam.

Maxwell Taylor, lúc này đã chuyển từ Nhà Trắng sang Lầu Năm Góc để giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, không phê duyệt ngay mà giữ lại kế hoạch này trong vòng hai tháng. Tại sao Taylor lại om kế hoạch này cho đến tháng 9, thật là một câu hỏi khó lý giải. Rất có thể là do sự kết hợp của các nguyên nhân sau: (1). Tình hình ở Nam Việt Nam đã đạt đến điểm khủng khoảng và điều này chiếm nhiều thời gian của bên hành pháp, (2). Ngay cả trong trường hợp Taylor muốn nhanh chóng triển khai các đề xuất của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, MACV không có bất kỳ một tổ chức bán quân sự nào để thực hiện nhiệm vụ này, (3). Taylor không tin hoạt động ngầm có thể đạt được mục tiêu đề ra và không coi việc thực hiện các hoạt động đó là nhiệm vụ của quân đội. Trái ngược với những gì chính quyền Kenedy tính toán, các nguồn lực cần thiết cũng không sẵn có tại Bộ Quốc phòng, (4). Diệm không quan tâm đến đề nghị này vì còn lo lắng cho sự tồn tại chính trị của chính mình.

Cuối cùng, bản kế hoạch được Taylor phê duyệt vào ngày 9-9, nhưng lại bị quên lãng thêm hai tháng nứa. Lần này là do những màn kịch chính trị diễn ra trên chính trường Nam Việt Nam mà đỉnh cao là việc ám sát Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 cũng như sự hoài nghi của Taylor đối với hiệu quả của các biện pháp chiến tranh đặc biệt. Kế hoạch 34A của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương được đưa vào chương trình nghị sự của một cuộc họp đặc biệt về Việt Nam tổ chức tại Honolulu do McNamara chủ trì ngày 20-11-1963, hai ngày trước khi Kenedy bị ám sát. Với những diễn biến trong 11 tháng trước đó, không khí cuộc họp thật ảm đạm. Ngoài việc tìm ra những biện pháp tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn với Hội đồng cách mạng quân sự của các viên tướng miền Nam đã thay thế Diệm,cuộc họp thảo luận cách củng cố sự phối hợp giữa MACV và CIA và mở rộng hoạt động bí mật chống lại miền Bắc.

Quan hệ giữa CIA và MACV trở nên căng thẳng xung quanh chiến dịch "Switchback". Chính quyền Kenedy một lần nữa kết luận rằng CIA không đủ khả năng hoạt động chống lại các địa bàn bị từ chối và rằng đã đến lúc phải thay đổi điều đó. Và lần này Bộ Quốc phòng cũng tin như vậy. McNamara cho rằng họ có thể mang lại kết quả tốt hơn. Những gì cần ở đây là một nỗ lực rộng khắp chứ không phải các hoạt động hạn hẹp mà CIA thực hiện. Colby,  người cũng dự cuộc họp này, đã cố gắng làm thay đổi ý kiến đơn giản cho rằng chỉ cần bổ sung thêm nguồn lực sẽ có thể làm thay đổi đáng kể tìnhư thế. Ông kết luận hoạt động ngầm, bất kể quy mô hoạt động như thế nào, chống lại Bắc Việt Nam đều không thể thành công. Và chính điều này đã làm ông, khi giữ cương vị Cục trưởng Cục Viễn Đông của CIA, đã giới hạn các hoạt động ngầm trong phạm vi chiến tranh tâm lý.

Colby nhớ lại, tại cuộc họp đó "thái độ chung của phía quân sự là CIA làm quá ít và quá ì ạch. Một nhúm điệp viên, vài chuyến bay trên bầu trời miền Bắc không phản ánh hết sức mạnh của Mỹ. Vai trò của CIA mới chỉ là hỗ trợ và cung cấp cho  người Việt Nam tự thi hành nhiệm vụ. Quan điểm của McNamara là CIA "chỉ làm hời hợt mà không thật sự đưa một số lượng lớn vào Bắc Việt Nam đến mức có thể tạo ra tác động". Đây là sự nhận xét mang đậm dấu ấn McNamara. Con số là câu trả lời cho mọi thứ. Tại cuộc họp, Colby đã đứng dậy phản bác: "CIA đã đi đến kết luận rằng hoạt động gián điệp ở Bắc Việt Nam sẽ không mang lại kết quả. Ông Cục phó Cục Viễn Đông của tôi cho rằng "hãy chờ xem, điều đó thật vô nghĩa". Chúng tôi đã xem xét lại kinh nghiệm của chúng ta ở Bắc Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, đầu 1950 và ở Trung Quốc - không có một nơi nào hoạt động của chúng ta thật sự tỏ ra thành công". Trong mỗi trường hợp, Colby chỉ ra "chúng ta phải đương đầu với những hệ thống xã hội độc tài, kỷ luật theo kiểu cộng sản"(2).

McNamara có cách nhìn hoàn toàn khác. Với ông, vấn đề ở đây là con số. Quân đội đã có cái mà họ cần: nguồn lực lực lượng, học thuyết về chiến tranh đặc biệt để gây sức ép tổng lực với Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng tin rằng một nỗ lực ngầm với quy mô lớn sẽ tạo ra hoảng loạn bên trong Bắc Việt Nam và buộc Hồ Chí Minh ngừng ủng hộ hoạt động lật đổ ở miền Nam. Colby bác lại "Thưa ngài Bộ trưởng, tôi đã nghe những gì ngài nói, nhưng quả thật nó không mang lại kết quả. Hoạt động ngầm sẽ không mang lại kết quả trong kiểu xã hội này"(3). Colby đã đầu hàng. Xâm nhập vào địa bàn bị từ chối thật là quá khó khăn.

Kết luận số 273 của Hội đồng an ninh quốc gia là kết quả của Hội nghị Honolulu. Bản kết luận cho phép gia tăng các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. Tổng thống Johnson phê duyệt kết luận này vào 26-10, chỉ 4 ngày sau khi Kenedy bị ám sát. Theo bản ghi nhớ của Roger Hilsman, trợ lý ngoại trưởng về Viễn Đông, kết luận này đã khởi động toàn bộ chương trình hoạt động. Một kế hoạch chung của CIA và MACV về việc tăng cường các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc sẽ được hoàn thiện ở Sài Gòn và chuyển về Washington vào 20-12. Các hoạt động bán quân sự ở Nam Lào chống phá đường mòn Hồ Chí Minh cũng được đưa vào kế hoạch này.
____________________________________________
1. Newman "JFK và Việt Nam", trang 314.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với Colby, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan phục vụ trong kế hoạch 34A của MACVSOG", trang 9.



Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tư, 2008, 12:20:11 pm
Ở Sài Gòn, Herb Weisshart được phó trung tâm CIA giao cho nhiệm vụ giúp hoàn tất bản kế hoạch CIA-MACV. Ông nhớ lại "Chúng tôi xem xét toàn bộ những gì CIA đang thực hiện chống lại Bắc Việt Nam... chúng tôi xây dựng một kế hoạch bắt đầu từ mức độ hiện có cho đến các giai đoạn có cường độ cao hơn". Bản kế hoạch này được triển khai khi “tình hình Nam Việt Nam rất nghiêm trọng". Nhiệm vụ của họ là tìm cách thúc đẩy các chương trình hiện tại trong bối cảnh cần chuyển sang các hoạt động có cường độ cao hơn(1). Những gì thu được từ cuộc họp Honolulu là một cú hích mạnh ở tầm chính sách cho kế hoạch 34A mà Bản tường trình của Lầu Năm Góc mô tả là “một chương trình chi tiết về các hoạt động bán quân sự chống lại Bắc Việt Nam". Bản tường trình nhấn mạnh những hoạt động này không phải là “một vài hoạt động sơ Sài tương tự như của CIA trong giai đoạn 1961-1963". Đây là sự đánh giá chính xác. Trên giấy tờ, Kế hoạch 34A rất "hấp dẫn". Kế hoạch này đưa ra hàng loạt các hoạt động ngầm phong phú và đa dạng nhằm quấy nhiễu, lật đổ và trừng phạt Bắc Việt Nam.

Bản kế hoạch đặt ra mục tiêu rất tham vọng: "thông qua việc dần gia tăng áp lực nhằm tạo ra sự trừng phạt ngày càng lớn đối với miền Bắc và tạo ra sức ép đến mức có thể thuyết phục giới lãnh đạo Hà Nội rằng việc chấm dứt chính sách gây rối ở miền Nam chính là phục vụ cho lợi ích của họ"(2). Để đạt được mục tiêu trên, các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA kiến nghị 5 loại hình hoạt động lớn.

Loại hình thứ nhất liên quan đến việc thu thập tình báo về Bắc Việt Nam. Những tin tức này được thu thập thông qua việc cài cắm điệp viên và thông qua các biện pháp điện tử, thu tin và viễn thông.

Thứ hai, hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm vào cả hai mục tiêu là giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam để khai thác tối đa tác động và tạo ra sự chia rẽ. Theo chỉ đạo của Colby, CIA đã bắt đầu tiến hành một số hoạt động này vào năm 1963 và Kế hoạch 34A kiến nghị "tiếp tục các chương trình đã được CIA phê chuẩn" theo hướng "mở rộng các hoạt động này", bao gồm "việc hỗ trợ một phong trào chống đối (cả thật và giả)"(3).

Dạng thứ ba liên quan đến súc ép chính trị. Dạng này bao gồm các hoạt động bán quân sự chuyên sâu được vạch ra để làm cho Hà Nội ý thức được tính nghiêm trọng và giá phải trả cho sự tiếp tục dính líu vào Lào và Nam Việt Nam. Các hoạt động này bao gồm việc phá hoại các cơ sở kinh tế và an ninh quan trọng của Bắc Việt Nam. Nếu Hà Nội không bị thuyết phục thì sẽ có “các hành động trả đũa nặng nề hơn"(4).

Dạng thứ tư trở lại vấn đề thúc đẩy việc hình thành một phong trào chống đối. Hoạt động này được coi là khía cạnh chủ chốt của kế hoạch được đề ra: "Điều được mọi người thừa nhận là sự phát triển thành công của một phong trào chống đối ở Bắc Việt Nam với tư cách là một bộ phận không tách rời của Kế hoạch 34A có thể mang lại sức ép hữu hiệu đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải đánh giá lại và chấm dứt chính sách xâm lược của họ"(5). Các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA cho rằng đây là chìa khoá của cả kế hoạch tổng thể. Thúc đẩy phong trào chống đối là cách để làm tăng "nhiệt độ” ở Hà Nội.

Cuối cùng là hoạt động phá hoại thông qua việc tập kích đường không và đường biển cùng với hoạt động thám báo phối hợp với không kích nhằm vào Bắc Việt Nam.

Ở giai đoạn đầu, Kế hoạch 34A dự kiến kéo dài một năm chia ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn bốn tháng theo hướng dần gia tăng cường độ. Để thực hiện kế hoạch cần phải hình thành một bộ máy, mặc dầu chưa ai rõ tổ chức đó sẽ như thế nào. Khi nhìn lại, đây chính là điểm đã bị bỏ qua.

Ý tưởng gây sức ép trực tiếp đối với Hà Nội rất cuốn hút Lyndon Johnson, nhưng ông quyết định xúc tiến một cách thận trọng. Ngày 21-12-1963, tổng thống giao cho một Uỷ ban liên bộ nghiên cứu Kế hoạch 34A để "chọn ra những hoạt động ít rủi ro nhất". Chủ tịch Uỷ ban là thiếu tướng Krulak, trợ lý đặc biệt của Lầu Năm Góc về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Ngày 2-1-1964, bản báo cáo của Uỷ ban phản ánh sự thận trọng của Johnson. Báo cáo đã chọn ra những hoạt động ít nguy hiểm nhất để tiến hành và kiến nghị giai đoạn một của hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam bắt đầu vào 1-2-1964.

Bản kế hoạch còn được McConé, McNamara, Rusk và Mac Bundy xem xét và những ý kiến của họ được chuyển cho tổng thống trong tờ trình ngày 3-1. Theo Bundy, tất cả đều "nhất trí đề nghị tổng thống phê chuẩn kế hoạch"(6).

Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, sai sót hay nằm ở những chi tiết. Trước hết, không phải ai cũng đánh giá cao khả năng thành công. McNamara thì "rất hăng hái". Còn Giám đốc CIA McCone lại cho rằng "những nỗ lực dạng này sẽ không mang lại kết quả gì ghê gớm". Ngoại trưởng Rusk thì coi những hoạt động này là quan trọng vì "sẽ giúp thuyết phục Hà Nội rằng chúng ta sẽ không từ bỏ cuộc chiến", nhưng ông chỉ ra rằng “98% của vấn đề là ở miền Nam" chứ không phải ở miền Bắc. Bundy ủng hộ và muốn các nhân viên trên chiến trường bắt đầu triển khai hoạt động. Nhưng ông cũng yêu cầu toàn bộ chương trình cần được giám sát một cách chặt chẽ “trong phạm vi chức năng giám sát mọi hoạt động bí mật của Nhóm đặc biệt 303"(7).


________
Sự khác biệt trong đánh giá chính sách ở cấp cao nói trên cũng được thể hiện ở chỗ các quan chức lãnh đạo có những bảo lưu về một số khía cạnh cực kỳ quan trọng của Kế hoạch 34A. Tất cả những ý kiến tham gia về việc triển khai phong trào chống đối vốn được coi là thành tố thiết yếu của Kế hoạch 34A, đều không được thể hiện trong tờ trình. Đã có những lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ tỏ ra quá mạnh tay trong việc sử dụng hoạt động bí mật trong lòng miền Bắc, Hà Nội có thể đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam.

Thêm vào đó, Washington cần phải thận trọng để không tiến hành các hoạt động quá lộ liễu đến mức không phủi tay được. Rồi còn có sự lo lắng về phản ứng của Trung Quốc nếu hoạt động ngầm của Mỹ bắt đầu gây bất ổn thực sự ở Bắc Việt Nam. Liệu Trung Quốc có đến giúp Hà Nội và do đó tái diễn cuộc chiến tranh Triều Tiên không?

Tương tự như vậy, các ý kiến khác nhau về hoạt động bí mật ở Lào chống đường mòn Hồ Chí Minh cũng không được nêu trong tờ trình. Đã có ý kiến lo ngại về việc làm đảo lộn hiệp định Hariman. Hoa Kỳ là người trung gian cho hiệp định, và nếu bị bắt quả tang là người vi phạm, chính quyền sẽ gặp phải tình huống thật khó xử.

Vào giữa tháng Giêng năm 1964, Lyndon Johnson phê chuẩn kiến nghị của McCone, McNamara, Rusk, và Bundy được nêu trong báo cáo của Uỷ ban Krulak. Chương trình hành động của Kế hoạch 34A bao gồm "tổng cộng 72 loại hoạt động và nếu được thực hiện sẽ có 2.962 điệp vụ riêng biệt được tiến hành trong 12 tháng đầu tiên. Trong số 72 loại hoạt động đó, có 33 loại được phê duyệt cho thực hiện ở giai đoạn một"(8 ).

Ba năm sau khi Kenedy chỉ thị cần có một chương trình hoạt động bí mật nghiêm túc chống lại Hà Nội, cuối cùng thì bản kế hoạch hành động để thực hiện mong muốn đó của tổng thống đã được Johnson cho phép tiến hành. MACV được Washington giao trách nhiệm thực hiện Kế hoạch 34A nhưng chưa có bộ máy tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. MACV gần như phải bắt đầu từ con số không.

Ngày 24-1-1964, Bộ chỉ huy MACV ở Sài Gòn ra chỉ thị số 6, thành lập một tổ chức hết sức bí mật để tiến hành các hoạt động ngầm. Tổ chức này mang một cái tên rất giản dị "Nhóm nghiên cứu và quan sát" thuộc MACV, và thường được biết đến dưới cái tên viết tắt là MACVSOG, hay đơn giản hơn là SOG.
___________________________________
1. Newman, JFK và Việt Nam, trang 446-448.

2. Gravel. Giấy tờ của Lầu Năm Góc: Lịch sử Bộ Quốc phòng về việc vạch chính sách đối với Việt Nam", tập 3, trang 149.

3, 4, 5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", tháng 7-1970 phụ lục Aa/pt.IV, Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Cục kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển", trang 150, 151.

6, 7. Gravel, Giấy tờ của Lầu năm góc: “Lịch sử Bộ Quốc phòng về việc vạch chính sách đối với Việt Nam", tập 3, trang 151.

8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, tháng 7-1970, phụ lục A/pt.IV, "Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Cục kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, trang 151.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tư, 2008, 12:29:20 pm

CHƯƠNG HAI

HÌNH THÀNH SOG


Vạch kế hoạch hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam là một chuyện, nhưng thành lập một tổ chức bí mật để thực hiện kế hoạch đó lại là chuyện khác. Không có một mẫu hình sẵn cho SOG và Chỉ thị số 6 cũng không phân công chuyên gia chiến tranh đặc biệt cho Kế hoạch 34A. Tất cả mọi thứ phải được hình thành từ con số không. Và cần có thời gian để làm việc đó.

Đó chính là tình huống mà trung tá Eward Partain gặp phải khi đến Sài Gòn năm 1964. Là chỉ huy trưởng của hoạt động không vận, bộ phận của ông tiếp nhận các chương trình điệp viên chống lại Bắc Việt Nam mà CIA đang thực hiện.

Partain tốt nghiệp Học viện quân sự Westpoint năm 1951 và nhiều năm là sĩ quan bộ binh, trong đó có chuyến công tác với trung đoàn 25 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm cuối của thập kỷ 50, Partain, lúc này là thiếu tá, phục vụ hai năm trong lực lượng đặc biệt số 10 ở Đức. Khi đó nhiệm vụ của ông là xâm nhập Estonia bằng đường không, đường biển và đường bộ để tổ chức lực lượng du kích chống đối ở vùng hậu phương của quân đội Liên Xô trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Partain nhớ lại rằng “các nhóm thuộc lực lượng đặc biệt 10 được phân theo từng quốc gia cụ thể, chúng tôi nghiên cứu địa bàn, học ngôn ngữ. Về cơ bản đó là việc lãnh đạo du kích". Được hình thành theo mô hình của OSS trong chiến tranh thế gian thứ hai, nhưng mục đích của lực lượng này, Partain nhấn mạnh, không phải là tạo ra mạng lưới điệp viên ở vùng hậu phương của Liên Xô: "Chúng tôi được CIA cho biết là sẽ có những điệp viên cài trong phong trào chống đối trước khi chúng tôi xâm nhập". Nhiệm vụ của đơn vị 10 không phải là thiết lập và chỉ huy mạng lưới điệp viên(1).

Tổ chức bí mật nơi Partain đến nhận nhiệm vụ một mặt còn đang được hình thành, mặt khác "chịu sức ép đáng kể buộc phải hoạt động ngay". McNamara, Mac Bundy, Rostow - những ông lớn ở Washington - đòi hỏi phải gây sức ép đối với Hà Nội. Hệ quả là các nhân viên quân sự được "triệu một cách khẩn cấp từ các đơn vị khác nhau của MACV, thậm chí trực tiếp từ chiến trường rồi ghép lại với nhau, trong đó có một số nhân viên hầu như không có kinh nghiệm gì về nội dung hoạt động nhưng được yêu cầu phải làm việc". Quả là phương pháp làm việc vội vã. Khi nhớ lại Partain cho rằng "lẽ ra phải có mô hình tổ chức được phê duyệt trước và có những  người được phân công để lập ra và hoàn thành kế hoạch trước khi bắt đầu hoạt động"(2). Nhưng điều đó đã không xảy ra vào năm 1964. 



ĐẠI TÁ CLYDE RUSSELL ĐẾN SÀI GÒN

Partain phục vụ dưới quyền đại tá Clyde Russell, vị chỉ huy đầu tiên trong tổng số năm người lãnh đạo SOG. Russell đến Sài Gòn cùng với một nhóm tiền trạm nhỏ vào tháng Giêng và trong vòng 6 tháng liền phải làm việc không ngơi nghỉ. Ông được chỉ định lãnh đạo MACVSOG hay SOG. Russell tham gia lực lượng đặc biệt trong những năm 1950, sau khi đã phục vụ trong lực lượng nhảy dù và bộ binh. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông nhảy dù xuống Pháp và Hà Lan. Sau chiến tranh, ông được điều về lực lượng bộ binh và đã từng là tham mưu trưởng của Trường bộ binh ở Fort Benning. Không ai biết lý do tại sao ông lại chuyển sang lực lượng đặc biệt.

Russell là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, đã từng chỉ huy tiểu đoàn 1 của lực lượng đặc biệt 10 ở Đức và Nhóm lực lượng đặc biệt số 7 ở Fort Bragg mà địa bàn hoạt động chủ yếu là Mỹ Latinh. Vì vậy, mặc dù Russell là một trong những sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc biệt, đối với ông châu Á hoàn toàn mới mẻ. Hơn nữa, kinh nghiệm chiến tranh không quy ước ở lực lượng đặc biệt 10 không giúp gì cho ông trong việc chỉ huy các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.

Sau khi đến, đại tá Russell gặp gỡ nhân viên thuộc phòng hoạt động đặc biệt của trung tâm CIA tại Sài Gòn, trong đó có Herb Weisshart - người sau đó trở thành phó của ông. Weisshart nhớ lại rằng những ngày đầu của SOG thật là hỗn độn. Đó không phải là tổ chức được chuẩn bị cho hoạt động. "Đó là tình trạng mò mẫm từng bước một. Trước hết, Russell không có kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm chống lại địa bàn bị từ chối". Điều này cũng đúng với những thành viên khác trong nhóm tiền trạm. Theo Weisshart, "những nhân viên này bị quẳng vào một tình huống hoàn toàn mới mẻ mà họ chưa từng biết đến. Ở đây ý của tôi là họ không hề có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị tử chối. Và cần có thời gian để họ làm quen với môi trường khắc nghiệt đó."(3).

Việc thiếu kinh nghiệm không phải là khó khăn duy nhất của Russell ở thời điểm 1964 khi ông cố gắng dựng lên hình hài của SOG. Có rất nhiều vấn đề khác cần phải xử lý.

Russell được cho biết rằng mọi nguồn lực của CIA dành cho hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam sẽ được chuyển cho SOG. Những nguồn lực đó sẽ là hạt nhân cho các chương trình mở rộng của Kế hoạch 34A. Thêm vào đó, nhiều nhân viên CIA, những người chỉ đạo các chương trình này, sẽ phục vụ dưới sự chỉ huy của Russell. Tất cả các việc đó đã được quy định trong chỉ thị 57. Nhưng tại trụ sở CIA, giới lãnh đạo của cơ quan này không hài lòng với việc đóng vai trò thứ yếu so với Lầu Năm Góc trong hoạt động bí mật. CIA định chuyển giao toàn bộ mọi nguồn lực, tài sản có liên quan đến hoạt động bí mật chống miền Bắc cho SOG và coi thế là xong việc của mình. CIA chẳng thích thú gì việc cung cấp cho SOG những nhân viên giàu kinh nghiệm và nhận chỉ thị từ giới quân sự.
______________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain trong: “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan phục vụ trong OP29 của MACVSOG, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, năm 1996, trang 18.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục B, phần "Nhận xét về sự phát triển tổ chức của MACVSOG", trang 8.

3. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart trong: “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan phục vụ trong OP29 của MACVSOG”, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, năm 1997, trang 7.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tư, 2008, 12:35:56 pm

Chương trình chống Hà Nội của CIA chỉ có quy mô rất khiêm tốn và những gì được chuyển giao cho MAEVSOG lại còn ít hơn, bao gồm: bốn toán biệt kích và một điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập được vào miền Bắc; một số phi công quốc dân đảng phục vụ cho các chuyến bay tung gián điệp và tiếp tế; một vài mạng liên lạc; một số cơ sở vật chất phục vụ hoạt động trên biển ở Đà Nẵng; và một chương trình chiến tranh tâm lý mới được thúc đẩy trước khi bàn giao. Russell nhanh chóng nhận ra rằng khó có thể xây dựng được gì trên cái nền đó. Một trong những giả định nhầm lẫn của Russell khi nhận cương vị phụ trách SOG là "chúng tôi sẽ tiếp nhận một cơ sở vật chất con người kha khá"(1). Hay nói một cách khác, SOG sẽ kế thừa một chương trình hoạt động mạnh mẽ. Không rõ tại sao ông lại có ý nghĩ như vậy. Ông đã nghe CIA thuyết trình tóm tắt khi sang Sài Gòn. Phải chăng CIA đã giới thiệu quá mức về những gì họ đang có trong chương trình chống lại miền Bắc hay chính Russell không hiểu được rằng những gì ông thừa kế là rất ít ỏi? Là người thiếu kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm, nhiều khả năng là vì lý do thứ hai.

Russell trù tính rằng khoảng ba mươi nhân viên tình báo hạng nhất của Trung tâm CIA tại Sài Gòn sẽ được chuyển sang SOG. Năm 1964, ông chỉ nhận được có 13 người và năm 1965 chỉ còn có chín người. Chỉ thị số 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA vai trò hỗ trợ trong các hoạt động ngầm bán quân sự có quy mô lớn do quân đội điều hành, nhưng trên thực tế, đại tá Russell thấy CIA làm điều đó một cách miễn cưỡng. Tháng 6 năm 1964, Giám đốc CIA McCone gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance trong đó thông báo việc giảm bớt sự tham gia của CIA trong SOG. Thêm nữa, McCone cho biết việc giảm bớt này bao gồm cả số nhân viên được cử sang SOG và khả năng chuyên môn của họ. Lá thư viết “sự hỗ trợ của CIA chỉ dành cho hoạt động chiến tranh tâm lý". Trong thư trả lời, Vance đề nghị không có sự giảm bớt các hỗ trợ của CIA cho SOG(2). Tuy nhiên CIA vẫn tiến hành việc cắt giảm. Không có chứng cứ gì cho thấy Vance đã cố thuyết phục McNamara gây áp lực với Nhà Trắng để buộc CIA thay đổi quyết định.
Ngoài ra, trừ vài trường hợp ngoại lệ như Weisshart, CIA không cử những nhân viên tốt nhất của mình cho SOG. Thay vào đó, những nhân viên giàu năng lực nhất được huy động vào việc mở rộng các hoạt động chống Việt Cộng ở Nam Việt Nam. CIA đã chuyển giao toàn bộ hoạt động chống miền Bắc cho quân đội và chỉ tập trung vào các hoạt động ở miền Nam. Riêng chiến tranh tâm lý là một ngoại lệ CIA sẵn sàng giúp đỡ SOG. Tuy nhiên trên thực tế, việc trợ giúp này cũng thể hiện thái độ lãnh đạm của CIA. Tại Cục Kế hoạch, các chuyên gia về chiến tranh tâm lý không được coi là nhân viên "hàng đầu” của CIA. Những người có nhiều cơ hội thăng tiến hơn là những nhân viên thu thập tình báo bằng con người (có nghĩa tuyển mộ gián điệp) hoặc các lĩnh vực hoạt động ngầm khác (hoạt động chính trị hoặc bán quân sự). Thế là quá đủ cho chỉ thị 57 và vai trò "hỗ trợ” của CIA.

Trong khi Russell đang cố hình thành bộ máy mới, các nhà hoạch định chính sách lại lưỡng lự khi xác định phạm vi hoạt động của SOG. Trên văn bản, Kế hoạch 34 tỏ ra rất tham vọng thậm chí còn có phần thái quá. Mục tiêu của kế hoạch là, như thuật ngữ của Clausewitz, làm suy yếu hai trung tâm trọng lực của Hà Nội. Trung tâm thứ nhất là hệ thống an ninh nội bộ và kiểm soát dân chúng. Các chế độ chính trị như miền Bắc thường rất coi trọng những vấn đề này. Đối với Hà Nội, an ninh nội bộ thậm chí còn có ý nghĩa sống còn vì họ đang chiến đấu chống lại một cường quốc. Để làm suy yếu sự kiểm soát của Hà Nội, Russell cho rằng việc cốt tử là thành lập một phong trào chống đối. Trọng tâm thứ hai mà SOG nhằm vào là đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Theo Russell, các hoạt động thám báo qua biên giới nhằm làm gián đoạn hệ thống hậu cần chiến lược là không thể thiếu được.

Tuy nhiên, tạo dựng một mạng lưới chống đối trong lòng Bắc Việt gây ra sự băn khoăn đáng kể cho các nhà vạch chính sách. Mặc dù đó là một bộ phận cấu thành của Kế hoạch 34, Washington đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Đây quả là tình huống khó xử cho Russell. Một mặt, Washington yêu cầu ông nhanh chóng gia tăng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Mặt khác, chính Washington lại hạn chế quyền hạn của SOG trong việc thúc đẩy phong trào chống đối. Vào năm 1970, Russell nhớ lại "một trong những thất vọng lớn nhất của tôi là không thể phát động phong trào du kích ở Bắc Việt Nam. Khi nhìn lại, giá như chúng ta làm điều đó từ 1964, tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta đã có một phong trào chống đối ở miền Bắc"(3). Năm 1964, Washington còn ngăn cản các hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Điều này cũng làm cho Russell không kém phần lúng túng.

Khi Hà Nội quyết định nhanh chóng mở rộng đường Hồ Chí Minh nhằm tăng cường cho chiến tranh ở miền Nam, đại tá Russell nhận được chỉ thị không được tiến hành các hoạt động chống lại con đường ấy. Ông nhớ lại "trong nhiệm kỳ của tôi, chúng tôi không được phép xâm nhập vào Lào"(4). Phải đến năm 1965, tức là gần hai năm sau khi được thành lập SOG mới được phép tiến hành hoạt động ở đó. Chỉ riêng việc hình thành bộ máy tổ chức của SOG gần như từ con số không đã là rất khó đối với Russell. Giờ đây; sự cấm đoán của Washington đã làm cho nhiệm vụ của ông trở nên phức tạp hơn nhiều.

Russell cũng nhận ra rằng Lầu Năm Góc cũng chưa hoàn toàn ngã ngũ về tổ chức của SOG. Đầu tiên, Russell dự kiến thành lập Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp - bắt nguồn từ học thuyết chiến tranh không quy ước của Lầu Năm Góc. Theo tính toán của Russell, việc đó mang lại nhiều lợi thế thực tiễn. Trước hết nó cho phép SOG được sự cung cấp trực tiếp về nhân sự và trang bị. Theo học thuyết chiến tranh không quy ước, việc thực hiện các chiến dịch ngầm trên không, bộ, biển được phép lấy quân nhân của tất cả các đơn vị quân đội. Như vậy, các đơn vị quân đội tiến hành chiến tranh thông thường không được phớt lờ các yêu cầu của SOG. Hai là Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng William Westmoreland và việc hỗ trợ, cung cấp và lực lượng được phân bổ cho SOG sẽ được quy định rõ ràng. Điều đó sẽ biến SOG thành một bộ phận của chiến lược chiến tranh chung mà không chỉ là một sự lệ thuộc bề ngoài. Đối với Russell, đó dường như là cách làm đúng đắn.
__________________________________________
1. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tức tình báo của MACVSOG", trang 4.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục B, phần “Tóm lược các tài liệu nghiên cứu về MACVSOG”, trang 26.

3. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhận xét về hoạt động và tin tức tình báo của MACVSOG", trang 5.

4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tức tình báo của MACVSOG", trang 63.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Tư, 2008, 05:52:11 pm

Tuy nhiên, cũng có một nhược điểm của Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp. Jack Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG giải thích: "điều mà tôi phản đối là việc giữ nguyên các đặc điểm của quân binh chủng khác nhau trong một bộ máy tồ chức. Tôi cho rằng các hoạt động chiến tranh không quy ước không nên mang đặc điểm của quân chủng nào"(1). Điều này rất quan trọng và chĩa đúng vào vấn đề chủ nghĩa cục bộ kinh niên giữa các quân chủng. Các quân chủng, và ngay cả một tổ chức như SOG, thường tìm cách giữ lại những đặc điểm riêng. Những gì mà Singlaub đề nghị chỉ phù hợp với đặc điểm của SOG nhưng lại trái với truyền thống tổ chức của các quân chủng. Nhưng ngay cả kiến nghị của Singlaub cũng bộc lộ nhược điểm. Bằng việc xoá bỏ đặc điểm của từng quân chủng, mối quan hệ hỗ trợ giữa các quân chủng và một tổ chức như SOG sẽ trở nên mờ nhạt. Như ta sẽ thấy, điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong việc nhận được đúng người từ các quân chủng khác.

Russell nhận thấy khái niệm về lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước không được các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chấp nhận. Không ai nói cho ông biết lý do tại sao mà ông chỉ biết rằng cần phải tổ chức SOG theo hướng chuyên sâu. Có nghĩa là thành lập các bộ phận chuyên biệt và các bộ phận đó được gắn kết với nhau tương tự như xây từng khối nhà để hình thành một tổ chúc phù hợp với nhiệm vụ hoạt động do cấp trên chỉ huy. Mặc dù ủng hộ mô hình lực lượng đặc nhiệm, Russell cũng không phản đối ý kiến trên vì mô hình đó cho phép ông có được sự linh hoạt ở mức độ nhất định. Mặc dù vậy, giá phải trả cho sự lựa chọn này trở nên rõ ràng khi SOG tìm kiếm những quân nhân đủ tiêu chuẩn cho các hoạt động bí mật.

Russell nhận ra là những người như vậy là rất hiếm trong quân đội Hoa Kỳ. Hơn nữa, nếu có những người như vậy thì cũng rất khó tìm ra họ thông qua hệ thống quản lí nhân sự của từng quân binh chủng. Để thực hiện Kế hoạch 34, SOG cần nhân viên có cách tư duy khác hẳn với những sĩ quan và binh linh được đào tạo về chiến tranh quy ước. SOG cần nhân viên có kinh nghiệm và từng trải về chiến tranh đặc biệt. Công việc càng ít mang tính chất sách vở và lén lút càng cần những kinh nghiệm chuyên sâu. Mà hoạt động chiến tranh tâm lý bí mật và điều hành mạng lưới điệp viên tại địa bàn bị từ chối là những công việc như vậy.

Những gì mà Russell và những  người dưới quyền của ông thường tiếp nhận là những cá nhân đến từ các lực lượng chính quy. Đặc biệt là trong thời gian đầu, rất nhiều trong số họ không có kinh nghiệm về các bộ phận nghiệp vụ của SOG - nơi họ đến nhận công tác. Ví dụ, Ed Partain, người được giao phụ trách các hoạt động gián điệp năm 1964, không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. "Tôi mới chỉ làm quen với khái niệm" ông Partain thừa nhận, "và không hề có hiểu biết gì về việc chỉ đạo các hoạt động dưới dạng bí mật". Viên phó của ông đã từng tham gia hoạt động chiến tranh không quy ước trong chiến tranh Triều Tiên nhưng không phải trực tiếp trong lĩnh vực điệp báo. Partain mô tả một cách khái quát các sĩ quan trẻ dưới quyền của mình “tận tâm, cần cù và ham học hỏi, nhưng trong lĩnh vực chỉ đạo điệp viên, họ không hề được đào tạo"(2). Tương tự, các sĩ quan được điều đến bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG chỉ biết chút ít về các kỹ thuật tuyên truyền đen.

Ngay cả khi các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt được điều động đến SOG, họ có xu hướng quen thuộc với chống bạo loạn hơn là chiến tranh không quy ước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vấn đề chống bạo loạn đã được tô đậm dưới thời chính quyền Kenedy. Tổng thống thường bày tỏ sự quan tâm đối với mối đe doạ của chiến tranh giải phóng dân tộc của cộng sản. Viễn cảnh để mất một quốc gia vào tay lực lượng bạo loạn là điều mà Kenedy không sẵn lòng chấp nhận. Chống bạo loạn nhằm vào mục tiêu xoá bỏ hoạt động lật đổ của cộng sản. Kenedy đã cố gắng lái quân đội theo hướng này. Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng tăng cường các tiềm năng chống bạo loạn(3). Do vậy khi Jack Singlaub tiếp nhận cương vị chỉ huy SOG tháng 5-1966, ông nhận ra rằng "các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt đến Việt Nam sau quá trình huấn luyện chủ yếu theo hướng chống bạo loạn chứ không phải chiến tranh không quy ước"(4).

Để khắc phục vấn đề này, Russell cố gắng yêu cầu các binh chủng tìm ra những cá nhân đã từng tham gia chiến tranh không quy ước. Vì không được "lập trình" để xử lý các yêu cầu này, các lực lượng khác đã không tiến cử được người nào. Trên thực tế cũng không có quy định về tổ chức nào cho phép vị chỉ huy của SOG được xác định và yêu cầu cung cấp các quân nhân giàu kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước. Vào cuối nhiệm kỳ chỉ huy, Singlaub phàn nàn "các quân binh chủng khác chắc chắn có các quy trình cho phép tìm ra quân nhân có kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước và điều động họ đến nơi thực hiện loại công việc này"(5). Hơn nữa nhiều nhân viên đầu tiên chỉ được điều động tạm thời đến SOG trong thời gian sáu tháng. Vất vả lắm Russell mới thay đổi được điều này. Tuy nhiên thời hạn công tác thông thường tại SOG là một năm tương tự như thời hạn của các lực lượng khác được cử sang Việt Nam. Nhưng cũng phải cần đến một năm để một nhân viên chưa hề có kinh nghiệm làm quen với các công việc của SOG. Đến thời điểm đó, thay vì được hưởng lợi từ những gì mà nhân viên đó đã tích luỹ được, SOG lại phải bắt đầu đào tạo nhân viên mới.

Vấn đề phức tạp cuối cùng mà Russell gặp phải vào năm 1964 là mối quan hệ với đối tác Nam Việt Nam của SOG. Theo Kế hoạch 34A, ông phải cố vấn, trợ giúp vật chất và huấn luyện giúp Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam (STD) đủ khả năng thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật chống lại miền Bắc. Hay nói cách khác, SOG giữ vai trò cố vấn. Tuy nhiên thoả thuận này chưa bao giờ được hiện thực hoá. Trong một thời gian ngắn, SOG không chỉ giữ vai trò vạch kế hoạch mà còn là người thực hiện các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Vai trò của STD chỉ giới hạn trong việc cung cấp những người bản xứ cho các hoạt động của SOG và cũng chỉ được tiếp cận một cách hạn chế các hoạt động có tính nhạy cảm. Sự lo ngại chủ yếu của SOG là việc mất an ninh của STD và khả năng cơ quan này bị đối phương thâm nhập.
____________________________________
1. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về sự phát triển tổ chức của MACVSOG", trang 12.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về nhân sự và huấn luyện của MACVSOG", trang 18-19.

3. Bộ Quốc phòng "Quan hệ Việt Mỹ 1945-1946” tập 11 (Washington DC, Nhà in chính phủ, 1971) trang 17.   

4, 5. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục B, phần "Nhận xét về sự phát triển tổ chức của MACVSOG” trang 47, 60.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Tư, 2008, 09:08:46 pm

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SOG

Vào thời điểm Russell rời vị trí chỉ huy SOG năm 1965, phần lớn các bộ phận chủ yếu đã được hình thành theo từng nhiệm vụ chuyên biệt đúng như yêu cầu mà Washington đề ra. Khi SOG phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau đó, bộ máy tổ chức của nó càng trở nên phức tạp với hạt nhân là bốn bộ phận nghiệp vụ. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ vạch ra và thực hiện các kế hoạch hoạt động một trong những loại điệp vụ sau: mạng lưới điệp viên và chương trình đánh lạc hướng; tập kích trên biển; chiến tranh tâm lý; và hoạt động thám báo qua biên giới chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.

Mỗi một dạng điệp vụ trên được mang một mật danh và có tính khép kín cao. Trong nghề tình báo, tính khép kín là nhằm đảm bảo bí mật. Nhân viên của bộ phận này không nắm được những hoạt động của bộ phận khác. Việc khép kín này là rất chặt chẽ và tác động tiêu cực đến nguyên tắc thống nhất và phối hợp công tác của SOG.

Mật danh cho toàn bộ chiến dịch chống Hà Nội là “Footboy". Mỗi một bộ phận lại có một mật danh khác. Ví dụ, việc cài cắm và chỉ đạo các toán điệp viên hoạt động lâu dài mang tên "Timberwork". Nhưng sau đó Timberwork cũng bao gồm cả các toán biệt kích ngắn hạn và vào cuối năm 1967 được giao điều hành chương trình rất phức tạp nhằm đánh lừa miền Bắc có mật danh là Forae. Đây là một thủ đoạn nhằm làm cho Hà Nội tin rằng nguy cơ bị lật đổ ở trong nước là nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ biết.

Hoạt động trên biển mang mật danh là "Plowman". Những hoạt động này bao gồm nhiều hoạt động bán quân sự và tâm lý. "Hulidor" là mật danh của hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này bao gồm nhiều kỹ thuật tâm lý chiến khác nhau.

Mãi cho đến năm 1965, các điệp vụ của SOG mới được mở rộng bao gồm cả hoạt động thám báo sang Lào. Hoạt động này có hai mục đích: điều nghiên nắm tình hình một cách chính xác về mạng lưới đường Hồ Chí Minh và tiến hành các biện pháp ngăn chặn không cho Hà Nội sử dụng Lào làm bàn đạp để phát động các cuộc tấn công vào Nam Việt Nam. Khởi đầu với mật danh "Shining Brass", chương trình này có các toán thám báo người thiểu số do nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ chỉ huy. Đến năm 1967, hoạt động thám báo qua biên giới được mở rộng sang Campuchia và mang mật danh mới "Daniel Boone".

SOG còn có một bộ phận nghiệp vụ nữa giữ vai trò là  người tiếp tế qua đường hàng không cho tất cả các hoạt động bí mật chống lại miền Bắc và tập trung vào đường mòn Hồ Chí Minh. Mật danh của hoạt động đường không này là "Midriff”. Bộ phận này quản lý các máy bay và trực thăng của SOG.

SOG luôn luôn đặt dưới sự chỉ huy của một đại tá bộ binh Mỹ. Với chức danh tư lệnh của SOG, người chỉ huy cần có kiến thức về các hoạt động chiến tranh đặc biệt. Nếu SOG là một bộ phận cấu thành của chiến lược chiến tranh chung ở Việt Nam, tư lệnh của SOG cần phải thích ứng với mối quan hệ công việc với các quan chức lãnh đạo của Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Người đó cần có sự tiếp xúc với một quan chức cao cấp nhất và phải được coi như là một thành viên trong câu lạc bộ của họ. Nếu không SOG rất dễ dàng bị gạt ra rìa và không liên quan gì đến nỗ lực chính của cuộc chiến.

Do vậy việc lựa chọn tư lệnh cho SOG có ý nghĩa quyết định. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh vị trí đó không được giao cho một sĩ quan cấp tướng cùng với những quyền hạn và quan hệ kèm theo. Trong khi các quan chức dân sự cao cấp ở Washington có vẻ nhiệt tình với chiến tranh đặc biệt thì các bạn đồng nghiệp của họ ở Lầu Năm Góc lại có thái độ khác hẳn. Các quân chủng nói chung và lục quân nói riêng không hề nhiễm cơn sốt chiến tranh đặc biệt của chính quyền Kenedy mà có quan niệm ngược lại. Thái độ thiếu nhiệt tình, thậm chí lãnh đạm của giới quân sự được phản ánh qua cách thức giới lãnh đạo lục quân cưỡng lại yêu cầu phát triển năng lực chống bạo loạn của tổng thống Kenedy. Andrew Krepinevich, trong tác phẩm mang tính kinh điển “Lục quân và Việt Nam", đã viết "Thái độ bên trong bộ máy lục quân cho thấy sự thiếu quan tâm đến đề nghị của Kenedy và quan niệm cho rằng lục quân có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong mọi loại hình xung đột có cường độ thấp. Ví dụ, tướng Lemnitzer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân từ năm 1960-1962 tuyên bố rằng chính quyền mới tuyên truyền “quá mức" về tầm quan trọng của chiến tranh du kích". Tương tự như vậy, tướng George Decker, Tham mưu trưởng lục quân từ 1960-1962 "đã phản ứng lại bài thuyết giảng của tổng thống trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về chống bạo loạn bằng câu trả lời: bất cứ một người lính bộ binh cừ nào cũng có thể đối phó được với du kích". Tướng Earl Wheeler, Tham mưu trưởng lục quân từ 1962-1964 tuyên bố: "về bản chất vấn đề Việt Nam vẫn là vấn đề quân sự". Cuối cùng tướng Maxwell Taylor cho rằng "chống bạo loạn chỉ là "một dạng chiến tranh có quy mô nhỏ" và rằng "tất cả những đám hoả mù do Nhà Trắng tung ra là không cần thiết"(1).

Thái độ của họ đối với chiến tranh không quy ước cũng tương tự. Do vậy, các sĩ quan cấp tướng không thể bị sử dụng một cách phung phí vào một tổ chức như SOG. Hạn chế cấp hàm của tư lệnh SOG ở mức đại tá đã tạo ra những sự cản trở lớn cho tính hiệu quả của tổ chức này. Russell nhấn mạnh một trở ngại trong tiến trình chuẩn y điệp vụ: "Thật là một sự bất lực ghê gớm trong việc xin được sự phê chuẩn của các cấp, trong một số trường hợp, đến cả Nhà Trắng. Trở ngại thì rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi đã có kế hoạch thả mìn giả ở cảng Hải Phòng. Đó là một kế hoạch tốt nhưng chúng tôi không được thực hiện. Báo cáo nối tiếp báo cáo được gửi lên nhưng luôn luôn bị bác bỏ. Chúng tôi không hề biết ai bác hoặc tại sao trừ một thứ là điệp vụ bị bác bỏ”(2). Một đại tá không có quyền đòi hỏi có được lời giải thích, nhưng một vị tướng thì có.

Để SOG có sự đóng góp có ý nghĩa đối với chiến lược của Mỹ, việc được tiếp cận với Bộ Chỉ huy viện trợ (MACV) và tiến trình vạch kế hoạch ở Hội đồng tham mưu là cực kỳ quan trọng. Nếu không, các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp sẽ chỉ hiểu biết chút ít hoặc không nắm được hoặc không quan tâm đến giá trị tiềm năng của hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.
____________________________________________
1. Krepinevich, "Lục quân và Việt Nam", trang 36-37.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về chỉ huy và kiểm soát của MACVSOG", trang 3.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Tư, 2008, 09:19:53 pm

Clyde Russell không có quyền ra vào tiếp cận với các vị chỉ huy lục quân cấp cao ở MACV và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Khi tham gia lực lượng đặc biệt năm 1950, ông trở thành một phần của lực lượng được coi là không hợp thời vào lúc bấy giờ. Khi nhắc lại những tháng năm đó, thiếu tướng nghỉ hưu Ed Partain còn nhớ: "Vào đầu nhưng năm 1950, các nhóm lực lượng đặc biệt không được coi là một phần của lục quân. Họ bị coi là người ngoài... những chiến binh cừ khôi nhưng không thể sống một cách thoải mái trong thời bình. Anh biết đấy, anh có những  người lính mà anh muốn làm đông cứng họ sau trận đánh cuối cùng và làm tan băng cho họ sống lại trước trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh mới. Vì vậy, đó là những nhóm rất cá tính. Khi được cử đến đơn vị đặc biệt 10, tôi không muốn đi, nhưng không thể được"(1). Là chỉ huy trưởng của SOG, Russell lại càng bị đẩy xa ra khỏi đời sống lục quân. Do vậy khi tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam, tướng William Westmoreland vạch kế hoạch leo thang chiến tranh năm 1964. Russell không được tham gia tiến trình đó. Ông không được mời tham gia các cuộc thảo luận.

Người thay thế Russell là người hùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Don Blackburn. Những thành công của ông ở Phillipines đã được Holywood dựng thành phim vào giữa năm 1950 với tên "Đầu hàng - còn lâu”. Khi người Nhật chiếm giữ Phillipines, ông chạy vào rừng và tổ chức các đơn vị du kích trong số những bộ lạc thiểu số mà phần lớn là người thuộc bộ lạc Igorot. Sau đó họ được biết với cái tên "người sưu tập đầu kẻ thù của Blackburn" và đóng vai trò quyết định khi tướng McArthur giải phóng Phillipines khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản. Vào năm 1944, với những thành tích đó, ở tuổi 29, .Blackburn trở thành viên đại tá trẻ nhất trong lục quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên lục quân không biết phải sử dụng kinh nghiệm chiến tranh không quy ước của ông như thế nào sau khi chiến tranh kết thúc. Đầu tiên họ cố biến ông thành một sĩ quan lục quân đầy kính trọng bằng cách cử ông đến trường bộ binh. Sau khi được đào tạo lại, dự kiến ông sẽ nằm trong luồng chảy chính của lục quân Hoa Kỳ. Năm 1950 ông được cử đến giảng dạy tại trường Westpoint. Tuy nhiên theo một nguồn tài liệu vào lúc bấy giờ, ông luôn luôn tranh thủ đưa vào bài giảng những luận điểm về chiến đấu của riêng ông, đố học viên nghĩ ra cách làm giảm thương vong, và yêu cầu học viên phải suy nghĩ theo hướng không quy ước(2). Rõ ràng, việc trở thành một sĩ quan lục quân chính thống là quá khó đối với thủ lĩnh Blackburn.

Sau khi làm cố vấn ở Việt Nam một thời gian ngắn, Blackburn trở lại lực lượng đặc biệt vào cuối những năm 1950. ông được đưa đến chỉ huy đơn vị đặc nhiệm số 77 ở Fort Bragg. Năm 1961, tổng thống Kenedy tuyên bố rằng chiến tranh đặc biệt là quan trọng và Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức một đơn vị hoạt động ngầm bán vũ trang, một phần trong chính sách của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng tại Lào. Sau đó, tháng năm 1965, ông trở thành người lãnh đạo SOG. Dường như Blackburn là con người lý tưởng cho công việc này: ông có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh đặc biệt. Tuy nhiên, ông cũng vẫn chỉ là đại tá nhưng người giữ cấp hàm này lâu nhất trong lục quân Hoa Kỳ.

Người ta thường nói rằng những sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến tranh đặc biệt như Blackburn được tướng Westmoreland đánh giá rất cao. Trong hồi ký của mình, vị cựu tư lệnh của MACV tuyên bố "các chỉ huy trưởng của SOG là một nhóm thiên tài"(3). Jack Singlaub, chỉ huy trưởng thứ ba của SOG tin là Westmorelanh coi trọng SOG. Ông viết “ấn tượng của tôi là bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về quan điểm đối với loại hình hoạt động này giữa tướng Westmoreland và  người tiền nhiệm, tướng Abram. Tướng Abram là  người tẩy chay lực lượng đặc biệt. Tôi đã từng nghe ông ta nói là việc tập trung tất cả những quân nhân tốt nhất cho một đơn vị đặc biệt sẽ làm xuống cấp các đơn vị thường trực và không phù hợp với lợi ích của quân đội. Giờ đây tôi có quan hệ tuyệt vời với tướng Westmoreland... Trong suốt hai năm tôi không bao giờ nhỡ cuộc họp sáng thứ hai để báo cáo tóm tắt với tướng Westmoreland về các hoạt động của SOG. Abram thường hoãn hoặc thay đổi thời gian cho các buổi thuyết trình này. Westmoreland không bao giờ làm như vậy”(4).

Westmoreland từng viết "SOG đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của chúng ta chống lại kẻ địch ở Việt Nam"(5). Tuy nhiên, hồi ký của ông cũng thừa nhận ông "có những ý kiến khác biệt về mức độ hiệu quả các hoạt động ngầm do SOG có thể mang lại"(6).
_________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain trong: “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan phục vụ trong OP29 của MACVSOG”, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế năm 1996, trang 19.

2. Benjamin Schemmer, “Tập kích” (New York: Avon Books, 1976 ), trang 46.

3. William Westmoreland, "Báo cáo của những người lính” (Garden City, N. Y 1976), tr. 108.

4. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K. Singlaub trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", Trường Luật và Ngoại giao Fleteher, chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, năm 1996, trang 60-61.

5. John L. Plaster, "SOG: Cuộc chiến tranh biệt kích bí mật ở Việt Nam (New York: Simon và Schuster, 1997), trích từ phần bìa của cuốn sách.

6. Westmoreland “Báo cáo của....", tr. 106.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Tư, 2008, 09:49:34 pm

Trong thời gian một năm giữ vai trò tư lệnh của SOG, Don Blackburn chỉ gặp báo cáo Westmoreland có một lần. Theo Blackburn, Westmoreland là "một tư lệnh thông thường của lực lượng thông thường và không thích thú gì các hoạt động kiểu như SOG"(1). Là một  người được đánh giá cao trong lĩnh vực hoạt động đặc biệt, Blackburn thất rằng "chưa bao giờ các hoạt động đặc biệt được coi trọng trong tính toán của MACV. Ở đó chỉ có hoạt động thông thường... Có một sự thật được mọi người thừa nhận là hoạt động đặc biệt bị coi nhẹ và bị đối xử như một đứa con riêng"(2).

Như vậy, hai viên tư lệnh đầu tiên của SOG, Russell và Blackburn, phải đối mặt với những cản trở đầy khó khăn. Các quan chức vạch chính sách cấp cao ở Washington muốn sử dụng hoạt động ngầm ép Hà Nội ngừng hỗ trợ cuộc chiến tranh ở miền Nam, nhưng đồng thời lại lo ngại hoạt động này có thể quá nhiều. Trong giới quân sự, SOG là một yếu tố thứ yếu khi họ vạch kế hoạch cho một cuộc chiến tranh thông thường.

Viên phó tư lệnh của SOG luôn luôn là sĩ quan không quân, nhưng không phải là người đang ở vị thế được thăng tiến - rất khó lên được cấp tướng. Vị trí thứ ba của SOG do một quan chức CIA nắm giữ. Quan hệ giữa SOG và CIA luôn rất tế nhị. Bất chấp những quy định trong chỉ thị 57, CIA không hề muốn đóng vai trò lệ thuộc trong hoạt động bán quân sự ngầm do quân đội lãnh đạo. Nếu các nhà vạch chính sách đã giao nhiệm vụ đó cho MACV, thì mặc kệ họ. CIA sẽ chú trọng vào các hoạt động khác.

Trước khi nhận bàn giao, Blackburn đã "đến CIA và gặp Colby đặt vấn đề có được những nhân viên CIA cao cấp giữ chức phó của SOG". Colby lắng nghe nhưng không bao giờ phân công ai. Khi được hỏi xem CIA có giữ vai trò hỗ trợ tích cực không, Blackburn khẳng định "không, ít nhất là khi tôi ở đó. Điều làm cho tôi bị bó buộc là tôi không có đủ nhân viên có kinh nghiệm của CIA. Viên phó CIA thì yếu quá."(3). Các vị chỉ huy sau này có quan hệ công tác khá hơn với các quan chức cấp cao của CIA, nhưng sự tham gia của cơ quan này vẫn hạn chế và chất lượng các nhân viên được biệt phái sang SOG không đồng đều.

Bất chấp những trở ngại này, SOG phình to một cách nhanh chóng tương tự như, hoặc thậm chí còn nhanh hơn, lực lượng quân sự thông thường ở Việt Nam và có bộ máy ngày càng phức tạp. Đến năm 1967, SOG phụ trách các chương trình hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự mở rộng này có thể thấy rõ hơn trong hai sơ đồ ở trang bên. Sơ đồ thứ nhất cho thấy cơ cấu tổ chức năm 1965, một năm sau khi đoàn tiền trạm của Russell đến Việt Nam, lúc đó SOG mới.chỉ có 128 nhân viên. Vào năm 1969, tổ chức này có tới một nghìn nhân viên  người Mỹ, vài ngàn người Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.

Mặc dù đã phát triển nhanh chóng về quy mô, về cơ bản SOG có bốn nhiệm vụ chính kết hợp với nhau tạo nên chiến dịch hoạt động bán quân sự ngầm.

Mạng lưới gián điệp - biệt kích và đánh lạc hướng

Việc cài cắm các toán biệt kích nằm vùng dài hạn ở Bắc Việt Nam là nhiệm vụ của Nhóm không vận của SOG. Từ 1964 đến 1969, bộ phận này được biết với mật danh OP34. Vào cuối 1967, nó có thêm hai nhiệm vụ nữa, đó là bay trinh sát và tham gia chương trình đánh lạc hướng. Dưới thời CIA, việc tung các toán biệt kích dài hạn vào Bắc Việt Nam là vô cùng khó khăn và phần lớn gặp thất bại. Washington đã không quy định rõ về nhiệm vụ của các toán này. Theo OPLAN34, nhiệm vụ của các toán biệt kích là thành lập tổ chức chống đối ở miền Bắc. Vì nhiệm vụ này chưa bao giờ được Washington chính thức cho phép nên họ được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, phá hoại, và chiến tranh tâm lý. Điều lạ lùng là, các toán biệt kích được chỉ thị phải tránh tiếp xúc với dân chúng trong khi thực thi các nhiệm vụ được giao. Trong hoàn cảnh đó, làm sao có thể trông đợi các toán này hoàn thành nhiệm vụ? Năm 1966, một lần nữa nhiệm vụ lại thay đổi. Lần này trọng tâm là thu thập tin tức tình báo và thiết lập các mối quan hệ với dân, và nhiệm vụ thứ yếu là chiến tranh tâm lý và phá hoại. Sự thay đổi này được thể hiện trong bản kế hoạch 15 tháng, theo đó các toán gián điệp - biệt kích được cài cắm hoặc điều chỉnh vị trí để bám theo các tuyến đường chính nối với đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.

Không chỉ nhiệm vụ của các toán gián điệp-biệt kích dài hạn thường xuyên bị thay đổi do sự hoang mang của Washington, mà bản thân từng điệp vụ cũng bị giám sát một cách hết sức chặt chẽ. Có những lo ngại là các toán này đã bị Bộ Nội vụ Hà Nội vô hiệu hoá, tuy nhiên cho đến năm 1967 không có bất cứ một cuộc thẩm định về phản gián nào được tiến hành.

Đến 1967, hoạt động của các toán biệt kích không làm cho các cấp lãnh đạo hài lòng. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, kết quả hoạt động này cũng rất còm cõi. Hơn nữa, sự lo ngại ngày càng lớn về khả năng các toán này bị vô hiệu hoá đã làm tăng sự nghi ngờ đối với hiệu quả của hoạt động này. Hệ quả là nhiệm vụ của OP34 lại bị xem xét lại một lần nữa.

Lý do cho sự xem xét lại này là: "người ta tin rằng với thời gian hoạt động ngắn và cơ động cao, các toán có khả năng tồn tại và đưa trở về cao hơn"(4). Trên thực tế, việc xâm nhập và đưa các toán biệt kích trở về đã trở thành tiêu chí đánh giá thành công của điệp vụ. Trong năm 1968, thiếu tá George Gaspard là người chỉ huy hoạt động biệt kích ở Bắc Việt Nam. Trước khi nhận nhiệm vụ này, Gaspard đã từng được biệt phái sang CIA ở Triều Tiên với nhiệm vụ giúp phát triển chương trình chống xâm nhập cho cảnh sát Nam Triều Tiên. Đó là một công việc đầy thử thách vào thời điểm Bắc Triều Tiên đang cố tung một số lớn điệp viên vào miền Nam. Theo Gaspard, "chúng tôi đã giết 119 người... đó là vào năm 1967, chúng tôi không bắt được ai làm tù binh vì điều đó rất khó... họ không chịu đầu hàng"(5).
______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG”, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher: chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, năm 1996, trang 27.

2. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn,Sđd, tr. 39-40.

3. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, Sđd, tr. 8,13,39.

4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), Phụ lục C, phần "Hoạt động đường không", tr 6.

5. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng George Gaspard, trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ Kế hoạch 34 của MACVSOG", tr 126, 130 - 131.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Tư, 2008, 09:54:52 pm

Khi tham gia SOG, Gaspard đã chuyển từ chống xâm nhập sang tổ chức các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc. Mục tiêu Gaspard đặt ra cho các toán là: "đưa họ xâm nhập, đón họ trở về và thu được một số thông tin từ họ"(3). Điều này quả là rất ý nghĩa khi mà tất cả 500 biệt kích mà CIA và SOG tung vào Bắc Việt Nam không có ai được đưa trở về Nam Việt Nam.

Vào cuối năm 1967, OP34 được bổ sung nhiệm vụ đánh lạc hướng. Ý tưởng này được nảy sinh từ sự nghi ngờ là phần lớn các toán biệt kích cài cắm đã bị vô hiệu hoá và khống chế và Hà Nội đang tiến hành chống SOG bằng việc sử dụng các toán bị bắt làm gián điệp đôi. Nếu đúng như vậy Bắc Việt Nam không chỉ biết được các biện pháp nghiệp vụ và mục tiêu của SOG mà còn cung cấp các thông tin giả thông qua việc liên lạc vô tuyến điện. Chương trình đánh lạc hướng có mật danh là Forae hy vọng làm cho Hà Nội tin là mối đe doạ lật đổ từ bên trong còn lớn hơn nhiều so với những toán biệt kích đã bị bắt. Forae bao gồm 6 hoạt động được tướng Westmoreland phê chuẩn miệng ngày 14-3-1968.

Như vậy, đến 1968, OP34 được chia ra làm ba bộ phận: OP34A, hoạt động gián điệp, OP34B, xâm nhập biệt kích và OP34C, hoạt động đánh lạc hướng.

Hoạt động ngầm trên biển

Hoạt động ngầm trên biển là bộ phận cấu thành quan trọng thứ hai của SOG. Cũng được kế thừa từ CIA, trách nhiệm tiến hành nhiệm vụ này được giao cho nhóm hoạt động trên biển, hay OP37. Tháng Giêng 1964, Bộ phận cố vấn hải quân - tên bình phong của nhóm - được thành lập tại Đà Nẵng. Năm 1965, một bộ phận nhỏ có tên Nhóm nghiên cứu hàng hải được thành lập tại trụ sở của SOG. Về cơ bản, nhóm này có chức năng tham mưu còn Bộ phận cố vấn hải quân là người tiến hành các hoạt động ngầm trên biển cụ thể.

Viên chỉ huy của Bộ phận cố vấn luôn luôn là sĩ quan hải quân. Ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, nhưng người được cử đến chỉ huy OP37 hầu như không có kinh nghiệm chiến tranh không quy ước. Ví dụ Jack Owen, vị chỉ huy đầu tiên là chỉ huy trưởng tàu khu trục và không biết gì về hoạt động ngầm trên biển. Cuộc đời binh nghiệp của Owen gắn liền với đại dương trên những con tàu lớn chứ không phải chỉ huy các con tàu nhỏ tiến hành hoạt động ngầm ở vùng ven biển các địa bàn bị từ chối kiểu như Bắc Việt Nam. Một sĩ quan hải quân sẽ không bao giờ được nâng cấp hàm cao hơn nếu chỉ hoạt động trong bóng tối. Con đường danh vọng nằm ở ngoài biển khơi, trên các con tàu nổi hoặc tàu ngầm lớn. Do vậy, trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp của hải quân tại thời điểm 1964, rất ít người có kinh nghiệm hoạt động ngầm. Trong hải quân, hoạt động đặc biệt không được coi là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, khi được hải quân chọn cử, đó là tín hiệu rõ ràng là Jack Owen không còn là thứ nguyên liệu để tạo ra đô đốc hải quân nữa.

Phó chỉ huy phụ trách nghiệp vụ và huấn luyện của Nhóm cố vấn là sĩ quan lính thuỷ đánh bộ, người thường có chút ít hiểu biết về hoạt động đặc biệt. Nhận xét này rất đúng với trường hợp trung tá James Munson, người được giao nhiệm vụ trên năm 1964. Như sau này James nhớ lại, "Tôi làm việc với CIA... và dường như được Langley (tức CIA) chấp nhận... Tôi đã tham gia hoạt động của Liên hợp quốc và đây là nhiệm vụ hoàn toàn bất thường đối với một sĩ quan quân đội vì khi tiến hành các hoạt động ngừng bắn và gìn giữ hoà bình, chúng tôi phải làm việc với người dân nước chủ nhà và cố đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc và đằng sau đó là mục tiêu của Mỹ, bằng cách sử dụng phương pháp của nước sở tại. Đó được coi là hoạt động đặc biệt"(1). Tuy nhiên, Munson không có kinh nghiệm trực tiếp về các dạng hoạt động bán quân sự bí mật mà OP37 được giao. Munson được chọn vì năng khiếu ngoại ngữ và kinh nghiệm tình báo có được từ lính thuỷ đánh bộ và CIA.

Sự lựa chọn Owen và Munson minh hoạ cho sự khó khăn mà SOG gặp phải trong việc tìm ra đúng người cần thiết. Khi được hỏi liệu các sĩ quan hải quân trong bộ phận cố vấn hải quân có kinh nghiệm gì về hoạt động bí mật không, Munson nhớ lại: "Tôi không tìm thấy ai có bất cứ kinh nghiệm gì phù hợp với nhiệm vụ của SOG". Munson nhớ Jack Owen đã từng nói "Quỷ tha ma bắt, tôi chỉ huy tàu khu trục, tôi có biết quái gì về kiểu hoạt động này đâu”. Owen đã rất thành thực khi thừa nhận "tôi thật sự không biết những chi tiết, nhưng chúng ta là người chịu trách nhiệm, vậy hãy làm tất cả những gì bạn có thể"(2).

Tương tự như OP34, nhiệm vụ của OP37 thường xuyên thay đổi trong giai đoạn 1964-1969. Trong khoảng thời gian này, nhiều hoạt động khác nhau đã được tiến hành. Hoạt động ngầm trên biển bao gồm: các cuộc tập kích trên biển với sự yểm trợ của không quân như: phá hoại, bắt giữ cán bộ Bắc Việt Nam, dùng tàu nhanh bắn phá các mục tiêu trên bờ, ngăn chặn và phục kích các tàu vận tải của miền Bắc cho miền Nam, phân phát hàng chiến tranh tâm lý, bắt cóc công dân miền Bắc mà chủ yếu là ngư dân để phục vụ chương trình chiến tranh tâm lý, tung các toán gián điệp và biệt kích qua đường biển và thu thập tin tức tình báo ven biển.

Nhiệm vụ của các điệp vụ trong từng giai đoạn phụ thuộc vào quyết định của Washington. Ở tầm chính sách thường xuyên có sự xem xét lại và thay đổi nhiệm vụ của hoạt động trên biển. Sự quan tâm của các nhà vạch chính sách đối với các hoạt động ngầm trên biển đã có từ những ngày đầu thành lập SOG mà lý do chính là sự kiện các tàu nhanh của OP37 dính líu vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng tháng 8-1964.

Trong nội bộ bộ phận cố vấn, nhóm nghiệp vụ và huấn luyện vạch kế hoạch và thực hiện toàn bộ các phi vụ hoạt động ngầm trên biển chống lại miền Bắc sau khi đã được Washington bật đèn xanh. Nhóm thám báo và lực lượng đặc biệt của hải quân (SEAL), bao gồm một đơn vị SEAL của hải quân và các nhân viên thám báo, đã huấn luyện các toán biệt kích Việt Nam về hoạt động ven biển dọc theo bờ biển miền Bắc. Nhóm này hỗ trợ và cố vấn cho các thuỷ thủ Việt Nam về chiến thuật, sử dụng vũ khí, xác định phương hướng và hoạt động trên các tàu tốc độ cao mang tên "Nasty". Những thuỷ thủ này chịu trách nhiệm trực tiếp tiến hành các hoạt động trong lãnh hải miền Bắc.

Các nhân viên Mỹ không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào của OP37. Chỉ có nhân viên người Việt dưới sự điều hành của cơ quan an ninh bờ biển trực thuộc Tổng nha kỹ thuật chiến lược được phép Bắc tiến. Cơ quan an ninh bờ biển là đối tác Việt Nam của Nhóm cố vấn hải quân.
__________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tá James Munson, trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ Kế hoạch 34 của MACV SOG", tr. 1.

2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá James Munson, trong: "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ Kế hoạch 34 của MACV SOG” tr. 12.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 07:34:58 pm

Chiến tranh tâm lý

Nhiệm vụ trọng yếu thứ ba của SOG là chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này được gọi là tuyên truyền "đen" vì các thông tin và hoạt động được gán cho các nguồn thông tin không tồn tại hoặc bị bóp méo. Nói một cách khác, đối tượng nghe, trong trường hợp này là giới lãnh đạo và nhân dân của miền Bắc, sẽ cho rằng các nguồn thông tin đó không phải từ Hoa Kỳ mà là từ nơi khác.

Chiến tranh tâm lý thường mang vẻ bí hiểm về thủ đoạn và mục đích hoạt động. Chiến tranh tâm lý là một khía cạnh kinh điển của thủ đoạn tình báo. Tôn Tử, nhà chiến lược quân sự cổ xưa của Trung Quốc, rất coi trọng sự đóng góp của chiến tranh tâm lý trong việc giành thắng lợi không cần dùng bạo lực hoặc với bạo lực ít nhất. Tuy nhiên điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Chiến tranh tâm lý có rất nhiều điểm chung với việc nghi binh và là một trong những thuật ngữ của thời chiến tranh lạnh gợi lại những hình ảnh về mánh khoé khéo léo của đối phương. Có những người tin rằng chiến tranh tâm lý có thể thay thế một cách có hiệu quả cho chiến đấu.

Việc nghiên cứu kỹ hơn cho thấy chiến tranh tâm lý không phải là điều thần kỳ như vậy. Người ta cho rằng những người cộng sản là bậc thầy về mặt này, và thực ra nhận định này cũng có một phần sự thật. Một nghiên cứu có tính kinh điển về chiến tranh tâm lý trong những năm 1950 - Cuốn sách về các tình huống chiến tranh tâm lý - chỉ rõ là "khái niệm về chiến tranh tâm lý của Liên Xô không có gì bí hiểm. Nó được coi là một vũ khí tổ chức chứ không chỉ là vũ khí bằng lời. Với những người cộng sản, không có sự phân biệt rõ ràng giữa lời nói và việc làm"(1).

Chiến tranh tâm lý là một thành tố quan trọng của chiến lược chung được Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng chống Pháp và Mỹ, những kẻ thù đầy sức mạnh mà Việt Nam phải đối đầu từ 1946-1973. Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông tiến hành một chiến dịch chiến tranh tâm lý mạnh mẽ trên thế giới và trong lòng nước Pháp và Hoa Kỳ. Chiến tranh tâm lý được sử dụng để cô lập Pháp và sau đó là Hoa Kỳ về mặt quốc tế và xói mòn sự gắn kết chính trị trong nước.

Hoa Kỳ mới chỉ trải nghiệm chiến tranh tâm lý trong chiến tranh thế giới thứ hai và chưa bao giờ thực sự làm chủ nó. CIA chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền chống các địa bàn bị từ chối thuộc khối Liên Xô, nhưng mục tiêu chiến lược của những hoạt động này không mấy khi rõ ràng. Một ví dụ cụ thể là Đài phát thanh châu Âu tự do và Đài phát thanh tự do, cả hai đều do CIA chỉ đạo sau khi được nhận bàn giao từ Quốc hội. Mục tiêu của các đài này là chuyển tải thông tin tới những người bị giam cầm sau "bức màn sắt”. Theo cựu nhân viên CIA Cord Meyer, người phụ trách hai đài phát thanh trong những năm 1950, "thành công của chúng tuỳ thuộc vào việc quyết định tạo ra tin tức khách quan và chính xác trong phạm vi có thể và tập trung đưa tin về các diễn biến nội bộ của khối Liên Xô mà Đài tiếng nói Hoa Kỳ hoặc BBC không thể đưa tin" (2).

Theo những người trốn ra từ những địa bàn này, CIA dường như đã đạt được mục đích trên. Đài phát thanh đã thành nguồn tin tức cho những người đằng sau bức màn sắt Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là những người dân đó sẽ làm gì với những thông tin, kiến thức có được từ đài. Theo chính sách của Hoa Kỳ thì ít nhất họ không được khuyến khích có hành vi bạo lực chống lại chính phủ của họ. Hay nói cách khác, thông qua đài phát thanh họ biết được sự thật nhưng sự thật đó không nhằm kích động họ có hành động giải phóng cho mình bằng bạo lực. Thay vào đó, theo Meyer, đài phát thanh góp phần "cải thiện từng ít một khả năng thay đổi dần theo hướng xã hội cởi mở hơn"(3). Các nhà vạch chính sách Hoa Kỳ đã vạch ra ranh giới giữa tiến trình chính trị và cách mạng. Đó chính là ranh giới mà người Hungary không nhận ra hoặc không muốn chấp nhận năm 1956 khi họ cố tự giải phóng mình. Hoa Kỳ, trong một hành động đáng ngạc nhiên, đã từ chối trợ giúp và đứng ngoài khi cuộc cách mạng ở Hungary bị đàn áp.

Khi CIA tham gia chiến tranh tâm lý, giới quân sự chính thống lại xem nhẹ cái gọi là hoạt động tâm lý chiến này. Hoạt động này liệu có thể làm được gì? Các chuyên gia hoạt động tâm lý chiến thường bị các sĩ quan chiến đấu coi thường. Chỉ nói suông với kẻ địch thì chẳng đạt được gì cả. Tốt hơn cả là bỏ hẳn hoạt động này để tái đầu tư nguồn lực vào tàu chiến và xe bọc thép mới. Không giống như những người cộng sản, Lầu Năm Góc không coi chiến tranh tâm lý là một phần quan trọng trong chiến lược chiến tranh nói chung.

SOG kế thừa chương trình chiến tranh tâm lý từ CIA. Kiến trúc sư của CIA về chương trình này là Herb Weisshart. Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân khi hoạt động tại Triều Tiên và Trung Quốc, Weisshart triển khai một chương trình "tờ rơi, gói quà rải qua đường không, chương trình phát thanh tâm lý, những bước triển khai bước đầu của một phong trào chống đối giả mạo và hoạt động trên biển sử dụng các tàu nhỏ cho chiến tranh tâm lý”, Weisshart khái quát hoá nỗ lực này là "một hoạt động có ngân sách nhỏ nhoi", quả là lời đánh giá chính xác(4).

Theo Weisshart, chương trình của CIA nhằm vào giới lãnh đạo và dân chúng Bắc Việt Nam. Chương trình chiến tranh tâm lý của SOG cũng nhằm mục tiêu tương tự. Làm cách nào có thể tác động Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo Hà Nội? Cái gì có thể làm cho họ lo lắng? Làm thế nào Weisshart và sau đó là đồng nghiệp của SOG hy vọng có thể đánh lừa Hà Nội và nhằm mục đích gì? Theo một cựu chuyên gia chiến tranh tâm lý, mục đích của hoạt động này là làm cho giới lãnh đạo tin rằng họ đang có mối đe doạ về an ninh từ bên trong, rằng dân chúng bất bình về cuộc chiến tranh đang phung phí sinh mạng con cháu họ và hệ quả là hình thành các nhóm chống đối. Khi mối nghi ngờ này được lan truyền, theo Weisshart, "hy vọng là Hà Nội phải chuyển bớt các lực lượng tình báo, phản gián, an ninh nội bộ và quân đội để giải quyết vấn đề an ninh tiềm ẩn đó"(5). Về mặt lý thuyết, đây là những mục tiêu hoàn toàn vừa mức của chiến tranh tâm lý.

Thế còn nhân dân Bắc Việt Nam thì sao. Ở đây CIA đã vạch ra một ranh giới mỏng manh như từng áp dụng đối với Đông Âu trong những năm 1950. Mục đích là cung cấp thông tin chính xác cho nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về chính phủ của họ và cuộc chiến tranh với hy vọng điều đó sẽ làm cho họ bày tỏ sự bất bình, thậm chí có hình thức chống đối ở mức thấp nào đó. Tuy nhiên, một lần nữa, một câu hỏi rõ ràng được đặt ra: Một khi dân chúng Bắc Việt Nam trở nên bất bình và mất lòng tin với chính phủ của họ, Washington muốn họ làm gì. Theo Weisshart, Washington không mong muốn họ "tiến hành các hoạt động bạo lực, nghĩa là không làm nổ các công trình hoặc mục tiêu tương tự... Tôi có cảm giác là Washington muốn dân chúng đạt đến điểm buộc Chính phủ Hà Nội phải áp dụng các biện pháp an ninh nội bộ nào đó...Washington hy vọng sẽ bó tay họ ở mức độ nào đó và buộc họ phải chuyền bớt nguồn lực vào vấn đề an ninh nội bộ thay vì dành cho chiến tranh ở miền Nam"(6). CIA Và SOG không khuyến khích dân chúng Bắc Việt Nam sát hại quan chức của chính phủ Hà Nội. Tại sao? Theo Weisshart, "anh không muốn họ bị sát hại vì những gì anh bảo họ làm"(7).
_____________________________________
1. William Daughtery và Morris Janowitz, "Cuốn sách về chiến tranh tâm lý” (Baltimore, Trường Đại học Johns Hopkins, 1958) tr.779.

2, 3. Cord Mayer "Đối mặt với thực tế”, (New York: Harper and Row, 1980) tr. 113, 114.

4. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ Kế hoạch 39 của MACV SOG”, tr. 3.

5, 6. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, Sđd,, tr.14; 12,14.

7. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, Sđd,, tr.12, 8.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 09:18:22 pm
Mặc dù CIA chuyển giao chiến tranh tâm lý từ năm 1964, đây là một bộ phận còn giữ được nguyên vẹn của SOG. Weisshart ghi nhận, "người của chúng tôi (CIA) tiếp tục điều hành các bộ phận cấu thành của OP39 ngay từ đầu. Sau đó giới quân sự dần thay thế khi họ có đủ khả năng"(1).

Weisshart và trung tá Norbert Richardson chỉ đạo chương trình chiến tranh tâm lý từ những ngày đầu của SOG. Trước đó, Richardson được phân công đến làm việc tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Trung tâm CIA Sài Gòn. Cuối mùa xuân 1964, Trung tá Martin Marden trở thành chỉ huy trưởng hoạt động tâm lý chiến của SOG. Marden chỉ có chút ít kinh nghiệm về vấn đề này và những người dưới trướng của ông cũng tương tự như vậy. Họ có thể đã trải qua hoạt động đặc biệt nhưng chưa hề tham gia hoạt động chiến tranh tâm lý. Theo Weisshart nhớ lại, cùng đi với Marden là 25 sĩ quan cấp trung uý và đại uý thông minh, trẻ trung, đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm.

Đại uý John Harrell là một trong số đó. Tốt nghiệp trường lục quân 1959, Harrell đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg để tham gia khoá huấn luyện các đơn vị chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên như sau này Harrell nhớ lại, "hoàn toàn không có hoạt động huấn luyện nào từ Trung tâm chiến tranh đặc biệt... Chúng tôi hoàn toàn không có nhiệm vụ huấn luyện. Chúng tôi không có bài tập thực hành nào về công tác tuyên truyền". Harrell cũng không được huấn luyện về chiến tranh tâm lý. “Chúng tôi chưa bao giờ thực sự đi sâu vào vấn đề này. Họ giới thiệu cho chúng tôi về khái.niệm, một số kỹ thuật chiến tranh tâm lý và nghe một số ví dụ nhưng chúng tôi không hề được đào tạo thật sự về hoạt động này"(2).

Khi đến Việt Nam, Harrell được phân công phụ trách chi nhánh phân tích và nghiên cứu của OP37. "Tôi không hề có khái niệm về những việc sẽ phải làm cũng như các loại tài liệu mà tôi phải xử lý ngoài những tài liệu mật. Tôi không biết chúng liên quan đến vấn đề gì"(3). Harrell rơi vào vị thế lãnh đạo một bộ phận mà mình chỉ hiểu biết chút ít. Trong những ngày đầu của SOG, Harrell không phải là trường hợp duy nhất.

Cuộc chiến tranh tâm lý mà SOG tiến hành chống lại Bắc Việt Nam bao gồm các hoạt động sau: Tạo ra trên danh nghĩa một phong trào chống đối có tên Gươm thiêng ái quốc với mục đích gây ra ấn tượng là có một phong trào chống đối đang hoạt động ở miền Bắc; và tiến hành tuyên truyền tâm lý đối với số ngư dân bị bắt tại đảo Thiên Đường. Khởi đầu từ năm 1965, hoạt động tuyên truyền tâm lý này có mục đích thuyết phục những công dân miền Bắc bị bắt cóc là phong trào Gươm thiêng ái quốc là có thật và đang hoạt động ở vùng giải phóng thuộc miền Bắc. Các hoạt động khác bao gồm: đài phát thanh, rải truyền đơn và quà tâm lý, các lá thư giả gửi cho cán bộ và công dân Bắc Việt Nam từ nước thứ ba; làm tiền giả, và đặt các loại bẫy nổ ở Lào.

Hoạt động ngầm chống lại đường mòn Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ cuối cùng của SOG liên quan tới các toán thám báo do Mỹ chỉ huy chống lại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Việc cho tiến hành hoạt động này là một quyết định khó khăn của chính quyền Johnson. Phải mất gần hai năm chính quyền mới cho phép hoạt động "qua giới tuyến" như cách gọi của nhân viên của SOG đối với hoạt động ở Lào. Mặc dù vấn đề phá hoại đường mòn đã được thảo luận trong quá trình vạch kế hoạch OPLAN34, văn bản cuối cùng đã cắt bỏ hoạt động này. Nguyên nhân là do Hiệp định Gionevơ 1962 về Lào đã ngăn cấm các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động tại đây. Lo ngại sẽ vi phạm Hiệp định, năm 1964 Washington đã có chỉ thị hạn chế các hoạt động ngầm tại Lào như sau: "Các lực lượng của chính phủ Nam Việt Nam không được phép hoạt động dọc theo biên giới Lào... Các nhân viên Hoa Kỳ không được phép tham gia các hoạt động ngầm của Nam Việt Nam tại Lào"(4).

Tháng 3-1964, Hội đồng tham mưu liên quân đã gây sức ép buộc Bộ trưởng McNamara xóa bỏ hạn chế trên vì "đã làm giảm hiệu quả hoạt động quân sự ở Việt Nam". Tháng 5-1964, sau khi có bản báo cáo tình báo cho thấy "các hoạt động hậu cần tích cực của đối phương tại Lào", Hội đồng tham mưu liên quân được phép "đề xướng các kế hoạch hoạt động qua biên giới hỗn hợp với chính phủ Nam Việt Nam và tiến hành các hoạt động tuần tra thu thập tin tức tình báo có giới hạn tại Lào". Trên thực tế điều này có nghĩa là các toán thám báo của Nam Việt Nam có thể qua biên giới Lào, nhưng các cố vấn Mỹ không được phép đi cùng các toán này(5).

Clyde Russell, chỉ huy trưởng của SOG lúc bấy giờ, biết được quyết định trên khi ông được gọi đến Sài Gòn trong một chuyến thăm của McNamara và được tham gia cuộc họp với sự có mặt của tướng Westmoreland, tướng Taylor và Đại sứ Lodge. McNamara hỏi Russell có một câu: "Bao giờ có thể triển khai hoạt động ở Lào... Tôi muốn có các hoạt động thám sát hệ thống đường giao thông xuất phát từ đường Chín". Trong vòng 30 ngày, các toán thám báo cần sẵn sàng triển khai. Đó là ý kiến thể hiện đúng tính cách của McNamara. Russell trình bày rằng mặc dù có thể huấn luyện các toán thám báo Nam Việt Nam "nhưng tôi cho rằng các toán này không thể mang lại kết quả cụ thể nào nếu không có sự tham gia của nhân viên Mỹ". McNamara trả lời "tôi đồng ý, tuy nhiên ngoại trưởng Rusk cho rằng vào lúc này chúng ta không nên đưa lực lượng Mỹ vào khu vực đó"(6).

Russell muốn phát triển một kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Leaping Len" và huấn luyện các toán thám báo Việt Nam. Tuy nhiên các toán này tỏ ra không đủ năng lực tiến hành các hoạt động "bên kia giới tuyến" ở Lào và chỉ có một số ít là còn sống sót trở về. Đó là một thảm hoạ, mặc dù hoạt động này có mang lại một số thông tin bổ ích về hoạt động của quân đội Bắc Việt Nam dọc theo đường mòn. Những lực lượng này không phải là các toán du kích chân đất đi bộ xuyên rừng rậm mà là các đơn vị chủ lực của Bắc Việt Nam. Hà Nội bảo vệ tuyến đường khá nghiêm ngặt vì ý nghĩa chiến lược của nó đối với việc tiến hành chiến tranh ở miền Nam.
_______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, Sđd,, tr.12, 8.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Harrell, trong: “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ Kế hoạch 39 của MACVSOG”, tr.1, 2.

4, 5. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7- 1970), Phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr 4; 6,7.

6. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Sđd, tr.8.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 09:26:31 pm

Vào đầu năm 1965, MACV kiến nghị cần làm một việc gì đó với phần đường mòn tại Lào. Tuy nhiên Washington vẫn còn lo ngại về tính nhạy cảm chính trị nếu Mỹ có can thiệp quân sự bí mật tại Lào. Đây chính là tình trạng mà Don Blackburn kế thừa khi nhận chức chỉ huy trưởng SOG tháng 5-1965. Blackburn nhanh chóng nhận ra là nếu SOG tiến hành các hoạt động chống lại đường mòn, các toán thám báo phải do Mỹ chỉ huy. Blackburn giải thích "Vì sự thất bại của các toán thám báo người địa phương, tôi cho rằng hoạt động này phải do Mỹ chỉ huy và lãnh đạo". Để làm điều đó cần được phép của cấp cao hơn ở Washington. Blackburn thực hiện một chuyến công tác đặc biệt đến Washington để giải trình lập luận của mình. "Tôi biết là tôi phải đi để có được đèn xanh cho hoạt động bên kia biên giới tại Lào và tôi đã làm như vậy"(1).

Trong khi Blackburn đang đấu tranh, SOG xây dựng một kế hoạch hành động ở Lào. Kế hoạch này đề ra "3 giai đoạn khởi đầu bằng các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo chiến lược với thời gian lưu trú ngắn cho đến nhiệm vụ phá hoại với thời gian lưu trú dài hơi hơn tiến đến các nhiệm vụ dài hạn là phát triển nguồn chống đối"(2). Giai đoạn một của kế hoạch này được phê chuẩn vào tháng 9-1965. Toán thám báo do Mỹ chỉ huy đầu tiên được tung vào Lào vào tháng 10-1965. Tuy nhiên trước khi mọi việc được triển khai, các đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, CIA, Đại sứ quán Mỹ tại Lào, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV đã bàn thảo và đi tới nhất trí với nhau về những giới hạn của hoạt động này. Tương tự như các bộ phận khác của SOG, bộ phận chỉ đạo hoạt động thám báo cũng gặp phải những vấn đề trong quản lý, sự giám sát chặt chẽ về chính trị và các giới hạn ngặt nghèo trong hoạt động.

Về mặt tổ chức, hoạt động chống lại đường mòn Hồ Chí Minh được giao cho một bộ phận mới của SOG. Trong sơ đồ tổ chức năm 1969, bộ phận này có mật danh OP35 - "nhóm nghiên cứu mặt đất". Để hình thành bộ phận này, Blackburn đã tuyển chọn một sĩ quan lừng danh trong quân đội, đại tá Arthur D. Simon. Được mô tả là người "chiến binh cứng rắn và thô lỗ", Simon còn được gọi một cách ngắn gọn hơn là người "không biết sợ”. Simon vừa là chiến binh vừa là chỉ huy và đã chứng tỏ phẩm chất đó của mình trong nhiều trận đánh. Mọi người muốn đi theo và tin ở khả năng lãnh đạo đưa họ vượt qua mọi tình huống nguy hiểm của Simon. Lời khen ngợi dưới đây của một nhân viên đã từng cùng chiến đấu với Simon minh chứng cho điều này. "Tôi muốn đi theo Simon "bò tót" ngay cả khi xuống địa ngục rồi quay trở về chỉ vì một niềm thích thú duy nhất là được đi cùng anh ta".

Với biệt danh "bò tót", Simon trước đó đã từng làm việc với Blackburn. Blackburn đã chọn và giao cho Simon tổ chức và huấn luyện các đơn vị địa phương quân ở Lào trong những năm đầu 1960. Simon đã đưa toán quân 107 người tham gia một chiến dịch có mật danh "White Star - Sao trắng" ở Lào. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là huấn luyện quân đội Lào. Tuy nhiên, sau đó Simon được giao nhiệm vụ giúp đỡ những người dân tộc vùng núi cao tiến hành các hoạt động du kích quấy phá giao thông dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành nhiệm vụ, Simon đã thành lập một lực lượng đáng kể những người thiểu số. Các toán "Sao trắng" này chủ yếu hoạt động ở cao nguyên Boloven.

Có thể dễ dàng đoán trước được kết quả hoạt động do Simon "bò tót" chỉ huy. Blackburn nhớ lại "Chúng tôi đã nắm giữ cao nguyên Boloven cho đến Hiệp định Paris 1962... trong chiến dịch "Sao trắng" chúng tôi đã nhét được chiếc nút vào chai và điều đó hết sức thuận lợi... chính Simon đã làm được việc này. Cao nguyên Boloven thường được coi là vùng cổ chai của dòng di chuyển từ Bắc xuống Nam. Simon đã nhận ra điều này và muốn làm một việc gì đó... Vào lúc bấy giờ Pathet Lào đang kiểm soát Boloven. Simon đã chỉ huy chiến dịch đẩy Pathet Lào ra khỏi cao nguyên và chiếm giữ vùng này cho đến khi buộc phải rút lui theo Hiệp định Giơnevơ”(3).

Năm 1965, Simon nhận được một cú điện thoại của Blackburn. Blackburn đang cần người để tổ chức các toán thám báo do Mỹ chỉ huy cho các hoạt động bí mật tại Lào. Simon được biết mục đích của các hoạt động đó là "xây dựng năng lực ngăn chặn sự di chuyển nguồn cung cấp dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và mọi việc bắt đầu từ con số không. Chúng tôi biết rằng phải mất nhiều thời gian để đạt được mục đích đó"(4). Ngay lập tức Simon lên đường đến SOG.

Bộ máy do Simon lập ra năm 1965 phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau. OP35 trở thành bộ phận hoạt động lớn nhất của SOG. Năm 1966, 137 toán thám báo được tung sang hoạt động ở Lào. Bắt đầu từ năm 1967, địa bàn hoạt động của OP35 mở rộng sang Campuchia. Năm 1969, số điệp vụ thực hiện ở Lào và Campuchia là 400. Phần lớn các điệp vụ này là các toán nhỏ do sĩ quan Mỹ chỉ huy có nhiệm vụ xác định mục tiêu cho máy bay không kích. Các điệp vụ khác bao gồm bắt cóc người của đối phương, đánh giá kết quả oanh kích, chụp ảnh mặt đất, đặt máy nghe trộm điện thoại và cài đặt các thiết bị cảm ứng điện tử.

Các bộ phận hỗ trợ của SOG

SOG có ba bộ phận hỗ trợ chính cho bốn bộ phận nghiệp vụ. Bộ phận thứ nhất là "Bộ phận nghiên cứu hàng không” và "Nhóm nghiên cứu hàng không" được biết đến dưới mật danh OP32 và OP75. Bộ phận nghiên cứu hàng không vạch kế hoạch hỗ trợ hàng không còn OP75 có chức năng thực hiện các kế hoạch đó và được trang bị các loại máy bay: trực thăng chiến thuật, vận tải và máy bay kiểm soát không trung. Các máy bay này được bố trí tại Việt Nam và Thái Lan.

Sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, phần quan trọng cho các điệp vụ của OP35 ở Lào và Campuchia, do một đơn vị của không quân Nam Việt Nam - phi đội trực thăng 219 - và hai phi đội trực thăng hoạt động đặc biệt của không lực Hoa Kỳ tại Udorn và Nakhon Phanom, Thái Lan thực hiện. Các máy bay chiến thuật và kiểm soát không lưu chủ yếu là của Hoa Kỳ, mặc dù Nam Việt Nam có giao cho SOG một phi đội máy bay chiến đấu. Cuối cùng, SOG có các phi công từ một nước thứ ba: Đài Loan, lái những chiếc máy bay không số hiệu xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam.

Bộ phận đáng chú ý thứ hai là Phòng hậu cần-OP40. Trong khi hoạt động hậu cần thường mang tính ổn định, OP40 là một ngoại lệ vì bộ phận này làm việc với Văn phòng hỗ trợ chống bạo loạn và Văn phòng hậu cần Viễn Đông tuyệt mật của CIA, cả hai đều đặt tại Okinawa. Hai cơ quan này cung cấp cho SOG hàng loạt thiết bị chiến tranh đặc biệt như các vũ khí chuyên dụng, trang phục của quân đội Bắc Việt Nam cho các đơn vị thám báo, súng AK47, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm đặc biệt và các chất làm cho gạo nhiễm độc.

Những thiết bị khác thường, và đôi khi rất ác hiểm này, không hẳn đã được Washington đánh giá cao. Singlaub nhớ lại một trường hợp có liên quan đến việc làm nhiễm độc các kho chứa gạo dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. “Chúng tôi gặp phải một số rắc rối liên quan đến gạo. Tôi muốn dùng một hoá chất có tên Bitrex có thể dễ dàng làm cho gạo hư hỏng mà gạo vô cùng cần thiết cho hoạt động của quân đội miền Bắc. Đôi khi chúng tôi gặp kho gạo chứa đến 100 tấn, đó là một số lượng lớn. Nếu chúng tôi có thể dùng Bitrex để rải lên gạo, thứ gạo đó sẽ không dùng được nữa...- Bộ Ngoại giao không cho dùng Bitrex. Nhưng trong thực tế số gạo đó là để cho quân đội sử dụng và nếu bị huỷ hoại sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hoạt động cung cấp của đối phương"(5). Bộ Ngoại giao coi Bitrex là một vũ khí hoá học, mặc dù nó không gây độc hại gì; hoá chất này chỉ làm cho gạo có vị đắng. Sau những cuộc tranh luận căng thẳng giữa Bộ Ngoại giao và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cuối cùng Singlaub được phép sử dụng Bitrex.

Bộ phận thứ ba có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi hoạt động của SOG là phòng thông tin liên lạc, OP60. Các thiết bị mật mã cao cấp của bộ phận này đảm bảo liên lạc an toàn với các nhân viên của SOG đang hoạt động trên thực địa. Một trong những trạm chuyển tiếp tiền tiêu của phòng được đặt ở trên đỉnh ngọn núi dựng đứng ở Nam Lào. Trạm này đã trở thành vị cứu tinh cho các toán thám báo tại Lào đang gặp khó khăn trầm trọng trong việc duy trì liên lạc. Theo một cựu thám báo, từ đỉnh núi này các bức điện được chuyển tới cho các toán thám báo và nhờ đó giải quyết được vấn đề sống còn mà họ đang gặp phải. "Bộ đội Bắc Việt Nam đã phát hiện ra thủ đoạn hoạt động của SOG và bắt đầu để cho các toán thám báo đổ bộ an toàn và chờ cho đến khi máy bay trực thăng đi khuất và khỏi tầm liên lạc mới bắt đầu tấn công"(6). Mang mật danh Leghorn, đài tiếp sóng tỏ ra vô cùng quý báu. Vị trí này cũng là trung tâm của hệ thống tình báo kỹ thuật hiện đại của cơ quan an ninh quốc gia thu tin và gây nhiễu thông tin của quân đội Bắc Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động của SOG và hoạt động tình báo có liên quan khác.

Bốn nhiệm vụ chủ yếu của SOG: cài cắm các toán biệt kích và chương trình đánh lạc hướng; chiến tranh tâm lý; hoạt động phá hoại ven biển; và ngăn cản đường mòn Hồ Chí Minh cấu thành chiến dịch bán vũ trang bí mật. Điều cốt yếu là để có vai trò nào đó trong chiến lược quân sự Mỹ ở Việt Nam, các bộ phận cấu thành cần được thực hiện dưới dạng một chiến dịch chung thống nhất.

Vạch kế hoạch quân sự là một yếu tố của hoạch định chính sách và chiến lược chiến tranh. Chiến lược quân sự thường bao gồm một hay nhiều chiến dịch. Những chiến dịch đó diễn ra ở tầm hoạt động mà mục đích của chúng là hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Bốn nhiệm vụ cốt lõi của SOG tạo thành nền tảng cho chiến dịch bán quân sự bí mật nhằm vào hai mục tiêu tối quan trọng: an ninh nội bộ và sự kiểm soát dân chúng của Hà Nội và việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến lược đề ra trọng điểm cho mọi chiến dịch và ngược lại mọi chiến dịch phải hỗ trợ mục tiêu của chiến lược. Như cách nói của giới quân sự, chiến lược biến chính sách thành khái niệm quân sự thông qua việc đề ra mục tiêu chiến lược quân sự. Đến lượt mình, những mục tiêu quân sự đó thường là một bộ phận cấu thành của chiến lược toàn diện để tiến hành chiến tranh.

Do vậy, có mối tác động qua lại và thống nhất giữa chính sách, chiến lược và chiến dịch. Chính sách xác định mục đích mà chiến lược cần phải đạt được. Còn chiến dịch chỉ có ý nghĩa khi chúng hỗ trợ và thống nhất với chiến lược và được phối hợp chặt chẽ. Sự hài hoà sẽ củng cố thành công, còn lủng củng sẽ làm giảm thắng lợi. Trong trường hợp SOG, sự phối hợp và thống nhất tỏ ra hết sức khó khăn, đôi khi còn không tồn tại. SOG đã triển khai và thực hiện chiến dịch bán quân sự bí mật tập trung vào hai mối lo ngại chiến lược của đối phương. Tuy nhiên, không có những nỗ lực rõ ràng nhằm hoà hợp chiến dịch đó với chiến lược quân sự tổng thể cho chiến tranh Việt Nam.
_____________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong : "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr.7,37.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970), phụ lục D, phần “Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr 10.

3, 4. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong: “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr.16-17,18, 35.

5. Phòng vấn lịch sử với thiếu tướng John L. Singlaub, trong : “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr.46.

6. Plaster, "Cuộc chiến tranh biệt kích bí mật ở Việt Nam”, tr.77,78.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 09:34:39 pm

CHỈ HUY VÀ KIỂM SOÁT SOG

Những hoạt động mà SOG tiến hành được coi là rất nhạy cảm và gây lo ngại cho giới quân sự và các nhà vạch chính sách mặc dù với các lý do hoàn toàn khác nhau. Thực ra có yếu tố xuất phát từ thái độ của Washington. Đầu tiên, chính quyền Kenedy rất nhiệt tình với các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam và muốn quản lý các hoạt động này ở tầm thực hiện. Các quan chức cao cấp, do không lường trước được tính phức tạp trong việc thực hiện chiến dịch ngầm tại địa bàn bị từ chối, mong muốn có ngay hiệu quả. Hơn nữa họ đòi phải biết hết mọi chi tiết. Tác động là gì? Hà Nội có cảm thấy sức ép không? Washington muốn biết tất cả mọi thứ.

Khi kết quả không được như ý muốn, mọi người nhanh chóng đổ lỗi cho nhau. Kenedy không hài lòng với kết quả các hoạt động chống phá miền Bắc của CIA và giao việc này cho Lầu Năm Góc. Sau đó, vào cuối mùa xuân 1964, chính quyền Johnson thất vọng vì sự tiến triển chậm chạp của SOG và McNamara kêu gọi tăng cường số lượng điệp vụ ngay lập tức. Vì chiến tranh tập trung chủ yếu vào các hoạt động theo quy ước, vị chỉ huy thứ ba của SOG, Singlaub nhận xét rằng các quan chức hoạch định chính sách cao cấp không còn để tâm đến sự đóng góp của hoạt động ngầm nữa. "Tôi cảm nhận rất rõ là thái độ đó diễn ra vì thiếu nhận thức về tác dụng hỗ trợ của hoạt động ngầm đối với hoạt động thông thường. Trước khi đưa quân đội vào Việt Nam, hoạt động ngầm là biện pháp quân sự duy nhất. Khi quân đội đã được đưa vào, người ta tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu của chúng ta. Ai ai cũng lạc quan: chỉ cần đưa vài trung đoàn vào là chúng ta sẽ nghiền nát họ. Nhưng điều đó không xảy ra và chúng tôi, những người nghiên cứu vấn đề này, biết rằng mọi chuyện sẽ không diễn ra theo chiều hướng đó"(1).

Thái độ mâu thuẫn trên của các nhà hoạch định chính sách bắt nguồn từ một thực tế là họ vừa tích cực ủng hộ hoạt động ngầm vừa hiểu rõ những hệ quả ngoài ý muốn mà những hoạt động đó có thể gây ra. Họ sợ nhất là sự việc bị vỡ lở trước công luận. Các nhà vạch chính sách dân sự thì e ngại làm đảo lộn tình hình ở Lào và đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế nếu như các phi vụ phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị đưa ra công khai. Đối với Bắc Việt Nam, họ sợ rằng sự mất ổn định ở miền Bắc sẽ dẫn tới sự can thiệp của Trung Quốc, tạo ra một Triều Tiên thứ hai. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, các hoạt động ngầm nếu quá liều có thể buộc miền Bắc đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Những mối lo ngại này đã tạo ra hàng loạt giới hạn cho mọi hoạt động của SOG. Khi sự nhiệt tình đối với hoạt động ngầm giảm đi, sự lưỡng lự và những hạn chế trong hoạt động được duy trì đến phút cuối cùng. Hệ quả là, sự giám sát của Nhà Trắng đối với SOG là hết sức nghiêm ngặt.

Các quan chức quân sự cao cấp cũng khó chịu đối với hoạt động của SOG, nhưng với lý do khác hẳn. Mối quan tâm của họ liên quan nhiều hơn đến thái độ của giới quân sự chính thống đối với chiến tranh đặc biệt nói chung, bất kể đó là chống bạo loạn hay chiến tranh không quy ước. Các tướng lĩnh không tin là hoạt động đặc biệt có thể đóng góp nhiều cho việc tiến hành chiến tranh ở Nam Việt Nam. Blackburn đã mô tả như sau "Tại sao chúng ta không thể sử dụng lực lượng đặc biệt theo cách có hiệu quả hơn? Westmoreland là một vị tư lệnh chính thống... Ông thường xuyên gặp tư lệnh các lực lượng và quan tâm đến công việc của họ. Ông ta chẳng bao giờ để ý đến chúng tôi"(2).

Các viên tướng của Lầu Năm Góc lại có lý do khác để phản đối hoạt động bí mật. Sự hấp dẫn của hoạt động này cùng với nhiệt tình của Kenedy đối với lực lượng mũ nồi xanh thu hút sự chú ý của các sĩ quan trẻ đầy hứa hẹn. Đối với số lãnh đạo quân đội cao cấp thì đây là vấn đề. Singlaub hiểu rõ thái độ này qua chính sự nghiệp của mình. Đã từng là một trong những sĩ quan hoạt động đặc biệt tài năng nhất của quân đội, nhưng Singlaub lên được cấp tướng là nhờ những thành tích công tác trong các công việc có tính chính thống. Thực ra, khi biết mình được chọn làm chỉ huy trưởng của SOG, Singlaub, lúc bấy giờ là đại tá, đã cố thoái thác. Ông đề nghị tham mưu trưởng lục quân Harold Johnson cho phép ông giữ một vị trí chỉ huy trong lực lượng thông thường tại Việt Nam. Singlaub nhớ lại "lúc đó vẻ mặt của Johnson thể hiện sự mất kiên nhẫn... Ông ta nói với tôi: Jack, tướng Westmoreland đã yêu cầu đích danh cậu làm chỉ huy trưởng của SOG và đó sẽ là nhiệm vụ của cậu(3). Điều này có vẻ như mâu thuẫn. Tại sao giới quân sự chính thống lại sợ mất những sĩ quan trẻ triển vọng mà lại cử một đại tá hạng nhất nhận nhiệm vụ tại SOG? Có lẽ lý do mà Westmoreland khăng khăng chỉ định Singlaub chính là những thành tích mà Singlaub có được khi thực hiện nhiệm vụ thông thường chứ không phải kinh nghiệm hoạt động đặc biệt. Singlaub không phải mẫu người hùng mà Westmorelanh ít thiện cảm như Blackburn. Westmoreland cảm thấy Singlaub dễ chịu hơn.

Tất cả nhưng e ngại, lo sợ của giới quân sự và dân sự cao cấp đã tạo nên một tiến trình phê duyệt rắc rối cho mọi điệp vụ của SOG. Hàng tháng, mỗi bộ phận của SOG phải đề ra kế hoạch hoạt động cho 30 ngày của tháng tới. Kế hoạch này được chỉ huy trưởng của SOG đệ trình trực tiếp lên Westmoreland. SOG cố tình bỏ qua đối tác của mình là Tổng nha kỹ thuật chiến lược mặc dù OPLAN34 xác định là việc phối hợp và hỗ trợ hoạt động ngầm của Tổng nha kỹ thuật chiến lược là tối quan trọng. Lý do Tổng nha kỹ thuật chiến lược bị gạt ra ngoài là vì lãnh đạo của SOG tin rằng cơ quan này đã bị xâm nhập. Bản kế hoạch sau đó được trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cho ý kiến rồi gửi cho Hội đồng tham mưu liên quân - tới Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Trong Lầu Năm Góc, viên trợ lý này sẽ trình bản kế hoạch cho Văn phòng Bộ trưởng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân xem xét và phê duyệt. Sau đó nhân viên của trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt sẽ mang bản kế hoạch hoạt động sang Bộ Ngoại giao, CIA và Nhà Trắng để xin phê duyệt.

Tại bất kỳ khâu nào trong tiến trình trên, các hoạt động nêu trong kế hoạch đều có thể bị sửa đổi hoặc gạch bỏ. Theo hai vị chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG, việc này thường xuyên xảy ra. Russell nhận xét “Khi chúng tôi gửi bản kế hoạch về nước, nó đã bị thay đổi ít nhiều rồi. Khi trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nó bị thay đổi thêm ít nữa và khi đến được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, bản kế hoạch tiếp tục bị cắt xén". Sau Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là đến lượt các cơ quan dân sự.

Russell cho rằng tiến trình phê duyệt này tạo ra “quá nhiều” hạn chế một cách quá "thường xuyên"(4). Don Blackburn cũng có cái nhìn tương tự "sự kiểm soát chặt chẽ từ Washington đã kìm hãm các hoạt động. Tôi hiểu được những vấn đề Washington đang gặp phải nhưng sự kiểm soát nghiêm ngặt đó làm mất thời gian tính. Điều lạ lùng là một số hoạt động do Nhà Trắng trực tiếp phê duyệt. Đôi khi phải mất ba bốn tuần lễ để ra quyết định"(5).

Một ví dụ điển hình của quá trình cắt xén này là việc Bộ Ngoại giao khăng khăng không cho SOG hoạt động ở Lào với lý do: theo Hiệp định Giơnevơ năm 1962, Lào là quốc gia trung lập và những nỗ lực đưa các toán thám báo do Mỹ chỉ huy vào hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị ngăn cản cho đến mùa thu năm 1965. Khi Đại sứ Mỹ ở Lào William Sulivan không thể ngăn SOG được nữa, ông đã thành công trong việc đặt ra một loạt những giới hạn nghiêm ngặt cho các hoạt động bí mật. Theo Blackburn "Sulivan muốn chúng tôi giới hạn hoạt động trong một khu vực khoảng 20x30 dặm. Ông ta cũng không muốn chúng tôi sử dụng máy bay trực thăng... Sau khi nghe tôi giải thích ông hiểu ra nhưng chỉ đồng ý cho sử dụng máy bay trực thăng để đưa các toán thám báo ra chứ không cho đưa vào. Phải rất vất vả mới có thể làm nhẹ bớt những giới hạn ngặt nghèo này"(6).

Tương tự như vậy, CIA không muốn cho SOG hoạt động ở Lào nhưng không phải vì Hiệp định Giơnevơ. CIA cũng đang chỉ đạo một cuộc chiến bí mật ở bắc Lào. CIA đã tổ chức và vũ trang cho người H'mông do Vàng Pao chỉ huy và không muốn SOG đụng chạm đến địa bàn họ đang hoạt động.

Thậm chí sau khi kế hoạch hoạt động được phê duyệt, quá trình giám sát vẫn chưa kết thúc. Mỗi một điệp vụ cụ thể của kế hoạch đó đều phải trải qua quá trình phê duyệt tương tự. 24 giờ trước khi tiến hành điệp vụ, SOG phải báo cáo cho các cơ quan cho phép về điệp vụ đó qua MACV.
______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John Singlaub, trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr. 76.

2. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong: "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG” tr.27.

3. Singlaub "Nhiệm vụ nguy hiểm” tr. 293.

4, 5. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Bộ Tổng tham mưu liên quân (tháng 7-1970 ), phụ lục B, phần "Nhận xét việc chỉ huy và kiểm soát của SOG", tr 3.8.

6. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong: "MACVSOO: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr. 18.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 10:24:26 pm

CHƯƠNG BA
BẮC TIẾN

Khi tổng thống Kenedy tuyên bố tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28 tháng Giêng 1961 rằng ông muốn tiến hành hoạt động du kích trong lòng miền Bắc, ý nghĩ đó xuất phát từ mối quan tâm sâu sắc từ rất lâu của ông đối với chiến tranh đặc biệt. Ngày 27-4-1961, Kenedy nói với các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia "Chúng ta bị chống đối ở khắp nơi trên thế giới bởi các thế lực dựa chủ yếu vào các phương tiện bí mật để mở rộng phạm vi ảnh hưởng - bằng xâm nhập chứ không xâm lược, lật đổ chứ không bầu cử, hoạt động du kích ban đêm chứ không dùng lực lượng quân đội ban ngày". Chính quyền cần hiểu rõ Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những gì. Theo Kenedy "đó là cuộc đấu tranh còn khó khăn hơn chiến tranh trên nhiều khía cạnh" và nước Mỹ cần bắt đầu đọc tác phẩm của Mao Trạch Đông và Che Guevara về chiến tranh du kích(1). Và ông đã làm đúng như vậy.

Khi báo cáo trước Hội đồng an ninh buổi họp đó, tướng Lansdale nêu rõ Việt Cộng đang tiến hành một chiến dịch chiến tranh du kích ngày càng thành công và mở rộng chống lại Nam Việt Nam. Chiến lược của Việt Cộng do Hà Nội hỗ trợ rất tinh vi với mục đích cuối cùng là lật đổ chế độ Diệm. Theo Lansdale sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn đã hiện ra ở phía chân trời.

Tại sao Việt Cộng lại thành công như vậy? Liệu chúng ta có thể tạo ra điều tương tự ở miền Bắc không? Ít nhất có hai yếu tố dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của Việt Cộng. Thứ nhất là kinh nghiệm. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam là bậc thầy về những nguyên tắc chiến tranh cách mạng, việc họ đánh bại Pháp chứng minh rõ điều này. Khi Hà Nội quyết định thay đổi chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang ở miền Nam vào năm 1960, những người được cử đi miền Nam để thực hiện chiến lược đó được học tập và có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh cách mạng. Những cán bộ nằm lại miền Nam sau năm 1954 cũng giàu kinh nghiệm như vậy và giờ đây họ được chỉ thị tái tiến hành hoạt động quân sự.

Vào tháng 12-1960, những kinh nghiệm này đã mang lại kết quả và Hà Nội quyết định đã đến lúc chính thức thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam. Mục đích của Mặt trận, hay theo cách gọi của Mỹ: Việt Cộng, là tiến hành cuộc tổng nổi dậy vũ trang ở Nam Việt Nam. Mặc dầu do Hà Nội kiểm soát, Mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố đấu tranh vì độc lập dân tộc chứ không phải đấu tranh giai cấp. Điều này đã mở rộng cơ sở chính trị và dễ dàng tuyên truyền trên trường quốc tế. Đấu tranh giai cấp cần phải chờ sau khi đã có cuộc cách mạng. Mặt trận đơn giản chỉ là một phiên bản mới của tổ chức Việt Minh do Hồ Chí Minh thành lập năm 1941 để huy động tinh thần chống Pháp và Nhật vào phong trào đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên Mặt trận có hai lợi thế cực kỳ quan trọng: (1) Mặt trận có thể rút kinh nghiệm và bài học mà Hà Nội tích luỹ được từ chiến thắng của Việt Minh đối với Pháp năm 1954 và (2) được miền Bắc cung cấp phương tiện và cả quân đội.

Vào những năm 1960, nhiều yếu tố hư cấu được phủ lên Việt Cộng, kể cả từ hai phía phản đối và ủng hộ họ. Một bên, trong đó có Washington, mô tả Việt Cộng là một tổ chức khủng bố mà thành công chỉ dựa trên sự cưỡng bức. Ví dụ, tháng 12-1961, sách trắng của chính quyền Kenedy về tình hình Việt Nam cho rằng phong trào (Việt Cộng) "dựa vào mọi biện pháp để gây rối loạn và mất trật tự... mọi chiến thuật, kể cả khủng bố, hoạt động vũ trang hoặc thuyết phục đều được sử dụng"(2). Phía bên kia, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, lãng mạn hoá hình ảnh Việt Cộng như là du kích chân đất và họ thành công vì, theo như Fitzgerald, "những người nông dân Việt Nam thấy họ tốt hơn"(3).

Mỗi quan điểm đều có phần sư thật. Việt Cộng không cần mất nhiều thời gian để tuyển lựa nông dân, điều đó phản ánh thái độ tôn trọng đối với họ. Tuy nhiên họ cũng ám sát địa chủ và quan chức chính phủ. Trong thực tế, Việt Cộng là một phong trào có tổ chức cao kết hợp các yếu tố tư tưởng, tổ chức, chính sách và chương trình cải tổ, tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc và bạo lực thành một chiến lược chính trị- quân sự của chiến tranh cách mạng.

Lý do thứ hai giúp Việt Cộng phát triển nhanh chóng có liên quan với chính quyền Diệm. Diệm được mô tả là người "bất tài đã giữ vị trí lâu hơn dự kiến của mọi người... khép kín và hoang tưởng, Diệm lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình, không chịu giao quyền hành và chẳng làm gì để tạo ra một chính phủ được ủng hộ rộng rãi"(4). Tham nhũng, bất tài, đàn áp, và xa rời dân là những đặc trưng của chính quyền Diệm vào đầu những năm 1960. Rõ rằng tình thế là có lợi cho Việt Cộng.

Với Mỹ, cả hai lợi thế này không tồn tại ở miền Bắc vào năm 1961. Thứ nhất, chưa hề có phong trào chống đối cộng sản sẵn có để dựa vào. Những điệp viên nằm vùng mà Lansdale đã cài lại ở miền Bắc đã bị Bộ Nội vụ bóc gỡ từ lâu. Không có những người chờ đợi tín hiệu để kích động sự chống đối vũ trang ở miền Bắc như đã từng xảy ra ở miền Nam vào năm 1959. Thứ hai, Hồ Chí Minh và những người đồng chí thành lập một cấu trúc phản gián nhà nước và hệ thống an ninh của họ thật hữu hiệu. Cựu giám đốc CIA William Colby nhận xét "Xã hội được tổ chức chặt chẽ, không ai lại có thể nằm ngoài tổ chức... một xã hội rất kỷ luật. Đó là nơi chúng ta thực hiện các hoạt động chống lại họ"(5).

Liệu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara có nhận ra điều này không khi ông ép Lầu Năm Góc nhận bàn giao các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc từ CIA? Rõ ràng là không. McNamara không đổ lỗi thất bại của CIA cho sự khó khăn của mục tiêu mà cho sự rụt rè của cơ quan này. Những gì cần là một chiến dịch lớn hơn. Hãy làm cái gì thật lớn và tung nhiều toán biệt kích ra Bắc - đó là câu trả lời. Giới quân sự có thể nạp thêm nhiều năng lượng cho các hoạt động đó. Trong hồi ký, McNamara thừa nhận là "đó là mục tiêu quá tham vọng”(6). Có thể là như vậy. Nhưng vào những năm đầu 1960, ông là người nhiệt tình ủng hộ hoạt động ngầm vốn đang mê hoặc chính quyền Kenedy.

Richard Helm, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc CIA phụ trách kế hoạch, tham dự cuộc họp của Uỷ ban 303 xem xét tất cả các hoạt động ngầm. Helm đã thăng tiến bằng con đường chuyên môn và đến năm 1966 nắng giữ cương vị giám đốc Helm là người điều hành hoạt động bí mật. Ông biết rõ công việc và không hề ảo tưởng rằng hoạt động ngầm là chiếc đũa thần kỳ. Nó đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm, và làm việc nhọc nhằn để thành công. Nhắc đến chính quyền Kenedy, nhất là tổng thống và em trai- Robert, vị cựu giám đốc CIA này nhận thấy họ rất nhiệt tình đối với hoạt động ngầm nhưng không hiểu biết mấy về tính phức tạp khi thực hiện chúng. Về lập luận của McNamara chuyển giao hoạt động ngầm từ CIA sang Bộ Quốc phòng, Helm giải thích như sau: "Nếu anh em Kenedy đồng ý, McNamara cũng đồng ý". Liệu McNamara có biết phải cần những gì để thành công ở miền Bắc không? Helm nghi ngờ điều đó. "McNamara chẳng biết gì về những hoạt động kiểu đó cả”(7).
_________________________________________
1. Các tài liệu của Tổng thống John F.Kenedy. 1961 (Washington DC, Nhà in chính phủ, 1962) tr.336.

2. Sách trắng, 1961 trong "The Vietnam Reader" (New York: Vintage 1965), tr. 123-24.

3. Frances Fitzgerald, "Lửa trên hồ” (Boston, Little, Brown, 1972) tr. 159- 59.

4. James Olson "Từ điển chiến tranh Việt Nam" (Westpoint: Greenwood Press, 1988) tr. 304.

5. Phỏng vấn lịch sử với William Colby. trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP 34 của MACVSOG" tr. 304.

6. Robert S. McNamara: "Hồi tưởng: Bi kịch và bài học của Việt Nam" (New York: Random House, 1995) tr.105.

7. Tác giả phỏng vấn Richard Helm tại nhà riêng ở Washington, ngày 6-6-1997.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 10:57:24 pm

SOG TIẾP NHẬN HOẠT ĐỘNG BIỆT KÍCH

Khi đến Sài Gòn đầu năm 1964, đại tá Russell, chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG, nhanh chóng nhận ra là ông phải xử lý nhiều vấn đề trước khi có thể đạt được sự tiến bộ nào đó từ những thành công nhỏ bé của chương trình biệt kích do CIA thực hiện. Đầu tiên, Russell cần phải tìm ra những sĩ quan có năng lực và kinh nghiệm, những người có thể tuyển chọn, huấn luyện, cài cắm và chỉ đạo các toán biệt kích tại địa bàn bị từ chối. Thêm vào đó, Russell phải đưa ra khái niệm hoạt động chiến tranh không quy ước thích hợp làm cơ sở cho việc mở rộng hoạt động biệt kích trong lòng miền Bắc đúng theo yêu cầu của các nhà vạch chính sách.

Tìm ra nhân viên quân sự có kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực hoạt động biệt kích là một công việc quá khó đối với mọi chỉ huy của SOG. Tại sao? Đơn giản là vì họ không tồn tại. Thực tế này nhanh chóng trở nên rõ ràng khi trung tá Ed Partain đến Sài Gòn tháng 6-1964 để chỉ huy OP34. Partain biết gì về việc cài cắm các toán biệt kích lâu dài ở miền Bắc? Ông có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tương tự ở các địa bàn bị từ chối khác không? Ông có được huấn luyện về nghệ thuật chỉ đạo điệp viên tình báo không. Hồ sơ của Partain không có câu trả lời rõ ràng về các câu hỏi trên. Mặc dù đã tốt nghiệp trường Westpoint và là sĩ quan ưu tú, Partain chưa được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy OP34.

Tại sao Partain được chọn? Hoàn toàn do ngẫu nhiên. "Tôi nhận được lệnh điều động đến công tác tại bộ phận kế hoạch của MACV của chuẩn tướng Richard Stilwell", Partain nhớ lại "lúc này Russell đã được cử là chỉ huy trưởng của SOG. Russell đến gặp Stilwell và đề nghị "Tôi cần một người trung thực và có năng lực trong cơ quan ông". Stilwell đã chỉ tôi và cử tôi sang SOG"(1). Partain có biết là ông sẽ chỉ huy OP34 không? Với Partain, tất cả đều mới mẻ.

Chỉ một số ít nhân viên dưới quyền Partain là được huấn luyện hoặc có kinh nghiệm hoạt động biệt kích. Partain nhớ lại "Sau khi nhân viên CIA rút đi, không còn có ai có kinh nghiệm chỉ đạo biệt kích". Khi được hỏi tại sao quá trình lựa chọn không tìm được những nhân viên thích hợp, thiếu tướng Partain, giờ đã nghỉ hưu, nhận xét là những nhân viên như vậy nói chung là không tồn tại trong lục quân(2). Đây là một ví dụ cho thấy mức độ kém hiểu biết của các nhà vạch chính sách đối với năng lực của quân đội khi tiếp nhận các hoạt động ngầm cụ thể. Vì không hài lòng với nỗ lực của CIA, McNamara cho rằng quân đội có nhiều khả năng hơn và do đó có thể làm công việc tăng cường hoạt động biệt kích chống miền Bắc tốt hơn. Trong thực tế, điều đó không đúng sự thật. Quân đội có rất ít kinh nghiệm về lĩnh vực này. Khi được hỏi tại sao Bộ trưởng Quốc phòng lại mắc phải sai lầm như vậy, Partian thở dài “tôi nghĩ chúng ta đã nhận ra đó là một sai lầm nữa của ông (McNamara) trong việc đánh giá Việt Nam"(3).

Ed Partain không phải là viên chỉ huy duy nhất của OP34 thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Hai trung tá chỉ huy OP34 sau đó cũng như vậy. Cả Reginald Woolard và Robert McLane đều không có chút kinh nghiệm gì về hoạt động này. Cũng như Partain, họ là những sĩ quan ưu tú đã từng công tác trong lực lượng đặc biệt. Tuy nhiên như Pete Hayes, phó cho Partain và Woolard nhận xét, việc huấn luyện lực lượng đặc biệt tại Fort Bragg không hề nhằm vào hoạt động biệt kích.

Partain, Woolard và McLane đều là những con cá bị tách ra khỏi nước. Đối với họ, thời gian ở SOG là giai đoạn thất vọng và buồn nản. Viên phó của McLane năm 1966, John Hada còn nhớ rằng vào thời gian cuối nhiệm kỳ "McLane mất hết ảo tưởng với toàn bộ công việc... Tôi biết khi tôi ở đó McLane vỡ mộng và chỉ muốn thời gian trôi nhanh để về nhà"(4). Partain thể hiện tư tưởng tương tự. Thời gian công tác tại SOG không được ông cho điểm cao mà ngược lại. Partain rất vui mừng khi thời gian một năm kết thúc và có thể quên hết mọi thứ để trở về với quân đội "chính thống".

Russell còn phát hiện ra là học thuyết chiến tranh không quy ước không liên quan gì mấy đến các điệp vụ mà OP34 thực hiện. Ưu tiên của quân đội là tổ chức lực lượng du kích để hỗ trợ cho hoạt động chiến tranh tương tự như trong thế chiến thứ hai. Học thuyết đề ra việc tổ chức hoạt động của lục quân và du kích tại chỗ ở các nước Đông Âu trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô, đồng thời tính toán trước các hoạt động du kích ở vùng hậu phương. Học thuyết giả định rằng hệ thống điệp viên do CIA tổ chức sẽ được cho hoạt động vào lúc có chiến tranh và có mặt khi các đơn vị đặc biệt tiến đến. Với những gì giờ đây đã biết, những đơn vị đặc biệt nếu có xâm nhập hậu phương kẻ thù sẽ chỉ thấy mình bị lẻ loi.

Học thuyết chiến tranh không quy ước được chuẩn bị cho chiến tranh nóng, trong khi đó vai trò của nó trong chiến tranh lạnh lại bị bỏ qua. Có khoảng cách lớn giữa những gì sĩ quan được huấn luyện tại Trường Chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg và những gì .họ được giao thực hiện để chống lại Bắc Việt Nam. Trước khi trở thành phó chỉ huy của OP34, John Hada công tác tại Khoa chiến tranh không quy ước của trường. Lúc bấy giờ ông nhận xét "Khoa Chiến tranh không quy ước dạy khoá học 15 tuần về chiến tranh không quy ước cho một số lựa chọn các học viên. Họ phải học qua khoá này mới đủ tiêu chuẩn trở thành sĩ quan lực lượng đặc biệt". Khi được hỏi chương trình đó có phần chỉ huy biệt kích cài cắm lâu dài không, Hada trả lời: “Không, không có huấn luyện cụ thể nào. Chương trình chỉ đề cập đến một số hoạt động được thực hiện trong chiến tranh thế giới thứ hai, ở Phillippines và phong trào Maquis ở Pháp"(5).
___________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Partain, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 9,16.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Partain, Sđd, tr. 22.

4. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong " MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 49.

5. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MAEVSOG” tr. 38.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 11:30:58 pm

Pete Hayes, phó của Partain cũng cho biết câu chuyện tương tự. Khoá học về chiến tranh không quy ước ở Fort Bragg chỉ "ở trình độ thấp. Nội dung chủ yếu là phát triển các nhóm chống đối trong bối cảnh có chiến tranh. Tối không nghĩ là ở thời điểm bấy giờ Trung tâm chiến tranh đặc biệt có giáo trình về hoạt động gián điệp-biệt kích. Đó là lĩnh vực của tình báo". Ông nhận xét học thuyết chiến tranh không quy ước được dựa trên những kinh nghiệm của chiến tranh thế giới thứ hai, do vậy "lực lượng đặc biệt cần được đưa vào khu vực đã có sẵn các phần tử thân thiện. Cơ sở tại chỗ đã được thiết lập". Thế còn bài vở về biện pháp phát triển cơ sở tại chỗ và tạo dựng mạng lưới thì sao? Theo Hayes "nó không tồn tại"(1).

Phụ trách một công việc mà cả ông và những người giúp việc đều không được huấn luyện hoặc có kinh nghiệm, thậm chí chưa có cơ sở lý luận, Partain chỉ còn biết tuân theo những kỹ thuật của CIA. Dẫu sao, cơ quan chủ chốt của CIA là Cục kế hoạch có nhiệm vụ chính là tuyển lựa và chỉ  đạo điệp viên. Đối với Partain quyết định trên là hợp lôgíc. Reg Woolard và Bob McLane cũng nhất trí áp dụng các phương pháp của CIA khi họ chỉ huy OP34.

CIA đã áp dụng biện pháp gì để chống lại miền Bắc? Kiến trúc sư của chương trình, Bill Colby, gọi đó là biện pháp “thả bừa", ám chỉ việc để các toán gián điệp-biệt kích tự lo liệu mọi chuyện. Có lẽ không hẳn thế. Colby chỉ ra rằng "chúng tôi tìm được một số người sẵn sàng quay trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Do vậy, họ quen thuộc với địa hình và một số người trong địa bàn họ được cài cắm"(2).

CIA không trực tiếp tuyển lựa điệp viên mà giao việc đó cho người Việt Nam. Colby thừa nhận là việc này có nhiều nhược điểm: “Hãy nhớ là chúng ta quan hệ với người Nam Việt Nam. Họ đang điều hành hoạt động, CIA không phải là người tuyển mộ trực tiếp... có thể có những điệp viên đôi, nhưng rõ ràng đó là công việc của họ. Sau đó mọi việc khoanh gọn trong một bộ phận nhất định. Đó là cách thức công việc được tiến hành"(3). Vấn đề quản lý chất lượng và những thiếu sót trong hoạt động gián điệp-biệt kích chống lại Hà Nội của CIA nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Colby biết. Colby giải thích rằng một khi được tung đi, các điệp viên "nằm im giữ mình, hợp pháp hoá rồi dần dần theo thời gian mở rộng và thành lập một mạng lưới bạn bè". Đây là quá trình dài và "mất thời gian, ở Pháp phải mất 4 năm từ 1940 đến 1944"(4).

Cách "thả tù mù” tỏ ra không thành công trong giai đoạn 1961-1963. CIA đã tung trên 40 toán gián điệp-biệt kích và nhiều điệp viên đơn tuyến vào miền Bắc qua đường bộ, đường không, và đường biển. Đối với phần lớn trong số họ thì đấy không phải là "thả tù mù". Có những người chờ sẵn để đón họ nhưng tiếc thay họ không phải là thành viên của mạng lưới chống đối thân thiện. Thông thường họ bị lực lượng an ninh miền Bắc bắt sống hoặc tiêu diệt.

Đó là một thảm hoạ. Trong số 250 người được tung đi, chỉ có bốn toán và một điệp viên đơn được coi là còn hoạt động tại thời điểm SOG tiếp quản(5). Số này chiếm khoảng 15% tổng số gián điệp-biệt kích được tung đi.

Sai lầm ở chỗ nào? Colby cho rằng tỷ lệ thành công thấp là do hệ thống an ninh miền Bắc. Vào năm 1963, ông tin là "hoạt động gián điệp -biệt kích không có tác dụng" và tốt hơn là tập trung vào chiến tranh tâm lý. "Lập luận của tôi là nếu như tập trung đáng kể vào chiến tránh tâm lý, bao gồm đài phát thanh và những nội dung khác, bạn có thể tạo ra tác động vì cộng sản rất nhậy cảm với mối nguy hiểm của chống đối và một khi bạn tạo cho họ ý nghĩ có một nhóm chống đối ngay trong hàng ngũ của mình, họ sẽ phát điên lên"(6).

Đó là tình trạng của chương trình gián điệp-biệt kích của CIA tháng 1-1964. Cách "thả tù mù” chỉ mang lại một tỷ lệ thành công rất thấp. Tuy nhiên, thay vì tự hỏi lý do tại sao lại như vậy, SOG áp dụng biện pháp của CIA vào chương trình của mình và theo chỉ thị của Washington, tiếp tục đưa nhiều gián điệp - biệt kích vào miền Bắc. Đó cũng là chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Như Colby giải thích, việc khẩn cấp là đẩy mạnh nỗ lực. "Họ chịu sức ép phải tiếp tục. Anh biết đấy, từ trên xuống. Tôi có thể đứng dậy và nói: thưa Bộ trưởng, điều đó là không thể. Nhưng một đại tá thì không. Không có các đại tá dám bác bỏ ý kiến cấp trên, họ nói "Thưa sếp, tôi sẽ làm điều đó”(7).
_________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tá E rnest Pete Haye, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP35 của MACVSOG" tr. 172.

2, 3, 4. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 10. Những người này rời khỏi miền Bắc năm 1954 trong giai đoạn 300 ngày sau Hiệp định Giơ ne vơ. Người Việt Nam cả hai miền được cơ hội di chuyển chỗ ở tr. 11.

5. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, “Hoạt động hàng không", tr. 63.

6. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 13.

7. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 16.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 05 Tháng Tư, 2008, 11:38:45 pm

HOẠT ĐỘNG GIÁN ĐIỆP BIỆT KÍCH OP34

Trong những tháng đầu năm 1964, CIA hoàn thành việc chuyển giao hoạt động gián điệp - biệt kích cho SOG. Có tất cả bốn toán mang mật danh Bell, Remus, Tourbillon, và Easy mà họ tin là vẫn đang hoạt động trong lãnh thổ đối phương. Bốn toán này có khoảng 30 người. Toán thứ năm mang mật danh Europa được CIA thả dù vào tháng 2-1964 đã ngừng mọi liên lạc vô tuyến điện tại thời điểm bàn giao. Toán này được coi là bị đối phương xoá sổ. Cuối cùng CIA chuyển giao điệp viên đơn tuyến đã được cài cắm thành công có mật danh Ares. CIA còn bàn giao cho SOG cơ sở Long Thành với 169 người đang được huấn luyện và một số hộp thư bí mật ở Sài Gòn.

McNamara và các nhà vạch chính sách cao cấp ở Washington đang trông đợi hành động. Họ muốn SOG nhanh chóng đẩy mạnh chương trình gián điệp-biệt kích. Từ tháng 4-1964 đến tháng 10-1967 gần 30 toán biệt kích và một số điệp viên đơn tuyến được tung ra miền Bắc, với tổng cộng khoảng 250 người. cộng với số CIA đã cài cắm từ trước, số gián điệp- biệt kích được tung đi khoảng 500 người. Cũng giống như CIA, tỷ lệ thành công của OP34 là thấp. Vào cuối năm 1967, người ta cho rằng chỉ còn bảy toán: Remus, Tourbillon, Easy, Eagle, Hadley, Red Dragon, và Romeo cùng với điệp viên đơn tuyến Ares là còn hoạt động. Đây không phải kết quả mà Washington mong đợi.

Vào nửa cuối năm 1967, sếp mới của OP34 Bob Kinhston quyết định đánh giá lại hoạt động gián điệp - biệt kích. Kết quả đánh giá đã dẫn đến việc các chuyên gia phản gián của CIA và Cơ quan tình báo quân đội (DIA) xem xét lại toàn bộ hoạt động vào năm 1968. Họ thẩm định lại các bức điện, báo cáo tình báo, sự dịch chuyển, báo cáo của sĩ quan điều hành, và các tài liệu liên quan khác của từng toán. Phải mất một tháng mới hoàn thành việc thẩm định này và kết luận cuối cùng thật là tai hoạ. Không có toán nào hoạt động cả. Tất cả các toán mà OP34 cho rằng đang hoạt động trên thực tế đã bị đối phương khống chế sử dụng chống lại SOG. Trong bảy năm, 500 người đã được tung đi nhưng không một ai quay về!

Sai lầm ở chỗ nào? Câu trả lời không đơn giản: nó liên quan đến lĩnh vực phản gián, điệp viên hai, ba mang, tung tin giả và đánh lạc hướng. James Angleton, người phụ trách công tác phản gián trong thời gian dài của CIA đã từng mô tả thế giới đó là "vô số gương phản chiếu còn John Masterson, người lãnh đạo cơ quan an ninh Anh MI5 coi đó là "hệ thống hai mang”(1). Tuy nhiên, không phải chỉ riêng sự thông minh của các chuyên gia trong lĩnh vực "hai mang" của miền Bắc gây ra sự thất bại. Lỗi lầm còn thuộc về người khác, trong đó có các nhà vạch chính sách ở Washington, những người mong muốn Bắc tiến, và các nhân viên trực tiếp thực hiện các điệp vụ của SOG.

Hoạt động của các biệt kích nằm vùng: kết quả

Chương trình điệp viên nằm vùng, như được đề cập đến trong một tài liệu tuyệt mật, cũng là một thất bại đau đớn. Trong số 7 toán và một điệp viên đơn được cho là đang hoạt động ở miền Bắc năm 1967, có ba toán và điệp viên đôi là do CIA bàn giao lại. Như vậy, sau bốn năm, SOG chỉ có bốn toán: Eagle, Hadley, Red Dragon và Romeo để chứng tỏ nỗ lực của mình.

Dù xem xét dưới góc độ nào, đó cũng là tỷ lệ thành công rất thấp. Cộng với chương trình do CIA thực hiện trước đây, hoạt động này chỉ có thể mô tả là thất bại. Tuy nhiên con số chỉ nói lên một phần câu chuyện. Cần phải xem xét kỹ hơn các toán được coi là thành công và đánh giá xem họ làm được những gì: kết quả là rất nhỏ bé.

Toán Tourbillon do CIA tung đi ngày 16-5-1962, sau đó còn được tăng cường thêm hai lần nữa. Hoạt động ở phía tây bắc Bắc Việt Nam. Tourbillon được giao nhiệm vụ tiến hành phá hoại và gây rối. Sau đó chuyển sang thu thập tin tức tình báo. Trong những nhiệm vụ trên, Tourbillon không làm được điều gì đáng kể. Theo một báo cáo "Không có tin tức tình báo có ý nghĩa nào được báo về"(2). Mỗi khi SOG định đón toán này về, họ đều không đến điểm hẹn đúng.

Tháng 8-1963 CIA thả dù toán Easy xuống Sơn La để "liên lạc với người Mèo và người Thái nhằm thiết lập vùng an toàn cho các toán khác hoạt động trong khu vực". Toán này còn có nhiệm vụ "xác định mức độ phản kháng, trang bị vũ khí cho một số chọn lọc người thiểu số để tấn công quấy phá mạng thông tin và đường giao thông của quân đội miền Bắc" và tuyển mộ lãnh đạo người thiểu số để "đưa về Nam huấn luyện"(3). Sau tháng Giêng năm 1964 nhiệm vụ này bị bãi bỏ vì SOG không được phép tiến hành hoạt động tổ chức phong trào chống đối. Lúc này, Easy được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo bằng cách quan sát và khai thác các nguồn tin được móc nối tại địa phương". SOG không nhận được tin tức đáng chú ý nào. Tuy nhiên, Easy được tăng cường thêm bốn lần với tổng số là 23 người. Khi được thông báo chuẩn bị trở về Nam, Easy bỗng "mất hút và ngừng mọi liên lạc"(4).

Toán Remus có sáu người được thả dù ngày 16-4-1962 gần Điện Biên Phủ để "thành lập khu căn cứ cho các hoạt động thu thập tình báo". Toán này sẽ "thu thập thông tin kinh tế, chính trị, quân sự của đối phương; xác định vị trí thả dù tiếp tế và khu vực an toàn cho các điệp viên được bổ sung thêm hay đưa về, thu thập các tài liệu; và tuyển lựa cơ sở hỗ trợ và cung cấp tin"(5). Năm 1964, Remus báo cáo cho biết đã phá huỷ một vài chiếc cầu. McNamara rất phấn khởi. Colby nhớ lại là Bộ trưởng Quốc phòng "phấn khích như một đứa trẻ" trước báo cáo đó. "Tôi nhớ ông ấy cho rằng đó là một sự kiện to lớn cứ như là nó có thể thay đổi được tiến trình cuộc chiến tranh."(6). Vì được coi là thành công, Remus được bổ sung 5 lần. Khi nhiệm vụ được thay đổi năm 1966, toán này bắt đầu biện bạch cho việc cung cấp quá ít thông tin có ích. Năm 1967, SOG ra lệnh rút hai nhân viên của toán về Nam. Toán từ chối với lý do việc đó quá nguy hiểm.

Năm 1968, tất cả liên lạc điện đài với toán bị ngừng trệ. Cùng lúc đó, việc thẩm vấn một tù binh quân đội miền Bắc cho biết tháng 6-1962 có một toán biệt kích bị bắt giữ ở địa bàn Remus hoạt động. Tháng 5-1968, Hà Nội khẳng định đã bắt giữ một toán biệt kích. Không nghi ngờ gì nữa, những thông tin này cho thấy đó là Remus.
_____________________________________
1. John Masterman, "Hệ thống hai mang (double-cross) trong chiến tranh 1939-1945”, New York: Baltimore books, 1982.

2. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1969, phụ lục F, tr. IX-B-4

3, 4. MACVSOG, Sđd, tr.III-4-C-2.

5. MACVSOG, Sđd, tr.III-4-C-4.

6. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 16.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 01:07:50 pm

Ares là điệp viên đơn tuyến duy nhất còn tồn tại. Còn những điệp viên khác được tung ra Bắc sau đó không hề có thông tin phản hồi nào. Theo hồ sơ, "một nhân viên tuyển mộ đã gặp Ares ở Trung tâm thẩm vấn người ty nạn, Sài Gòn, ngày 29-8-1960 và cho rằng anh ta là người có năng lực lại đang nuôi ý chí trả thù cán bộ miền Bắc. Sau đó anh ta được tuyển lựa".(1) Đầu năm 1961, Ares được tung ra miền Bắc qua đường biển, gần biên giới Trung Quốc. Đầu tiên Ares được coi là có tác dụng, "cung cấp thông tin về các tài liệu của miền Bắc, nhà máy điện Uổng Bí, đường giao thông, cầu cống, cảng Hải Phòng và các thông tin khác mà anh ta quan sát và thu lượm được".(2) Tuy nhiên vào năm 1966, SOG bắt đầu nghi ngờ các đề nghị của Ares về thông tin và tiếp tế. Khi được chỉ thị tìm địa điểm tiếp tế, Ares đề nghị các biện pháp khác để nhận được tiếp tế mà qua đó có thể làm lộ các cơ sở khác của SOG. Khi SOG có kế hoạch rút Ares, anh ta không tuân theo. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tiếp tục trò chơi và Ares giữ liên lạc điện đài đến năm 1968.

Toán Eagle được tung vào khu vực gần biên giới Trung Quốc ngày 27-6-1964. Nhiệm vụ cua toán là "tiến hành phá hoại tuyên đường số 1 và số 4, đường xe lửa Mục Nam Quan và căn cứ không quân Mai Pha". Không có căn cứ nào cho thấy Eagle đã thực hiện những nhiệm vụ này. Ngoài ra toán còn có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về các mục tiêu trên. Theo đánh giá của SOG, "thông tin nhận được có rất ít hoặc không có giá trị". Năm 1966, Eagle được giao nhiệm vụ theo dõi các tuyến đường. Kết quả thu được cũng tương tự, theo đánh giá của SOG, Eagle "không hoàn thành nhiệm vụ”.(3) Năm 1968, SOG chỉ thị cho toán di chuyển xuống phía nam để rút về. Eagle báo cáo không thể đến vị trí tập kết. Ngay sau đó liên lạc với toán bị cắt đứt.

Tháng 11-1965, SOG dùng trực thăng thả toán Romeo gồm mười người xuống khu vực ngay bên kia khu phi quân sự. Nhiệm vụ của toán là "tiến hành trinh sát địa bàn để thu thập tin tức tình báo; giám sát các tuyến đường; và tiến hành các hoạt động phá hoại, quấy rối. Mục tiêu chủ yếu của toán là đường 103 vốn được coi là con đường chính chuyên chở người và hàng hoá xuống phía Nam". Romeo làm được những gì? Theo tài liệu của SOG, từ giữa năm 1966 trở đi, kết quả hoạt động của toán là nghèo nàn. "Romeo không cung cấp được tin đáng giá nào trong năm 1967 và 1968".(4)

Toán Hadley cũng xâm nhập vào ngay bên kia khu phi quân sự để tiến hành theo dõi tuyến đường số 8 nối đường 15 với đường 81, 12 và 121 ở Lào. Những con đường này là "các tuyến đường tiếp tế và chở quân chủ yếu cho miền Nam". Haley còn được giao nhiệm vụ theo dõi con đường vận tải thủy chính trên sông Ngàn Phố.(5)  Đầu tiên toán Hadley gặp một số khó khăn do bị phát hiện, nhưng sau đó đã nhanh chóng đáp lại tín hiệu liên lạc từ SOG. Tuy nhiên, Hadley cũng không cung cấp được thông tin có ích hoặc xác định được mục tiêu không kích có giá trị nào.

Toán cuối cùng được coi còn hoạt động vào cuối năm 1967 là Red Dragon. Được xâm nhập ngày 21-9-1967, toán biệt kích gồm bảy thành viên này được bố trí ở địa bàn Lào Cai và Yên Bái. Hai tỉnh này nằm ở thung lũng sông Đà, dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ và đường sắt chạy qua. Red Dragon có nhiệm vụ "tiến hành phá hoại và thu thập tin tình báo". Theo hồ sơ, Red Dragon "rất kém hiệu quả" và "tình trạng an ninh của toán là đáng ngờ ngay sau khi có buổi liên lạc điện đài đầu tiên". Rõ ràng là có sự bất đồng sâu sắc về khả năng toán này đã bị bắt và khống chế buộc phải làm việc cho Hà Nội: "Các nhân viên Mỹ tin rằng toán này đang dưới sự kiểm soát của Hà Nội, trong khi nhân viên chỉ huy của Nam Việt Nam không cho là như vậy".(6) Liên lạc còn được duy trì đến năm 1968, đến 1969 Red Dragon mất dấu vết.

Bất kể nhiệm vụ là phá hoại, quấy rối, hay thu tin tình báo, kết quả do các toán biệt kích dài ngày mang lại rất nhỏ. Khi được hỏi về mức độ thành công của các hoạt động phá hoại của OP34, Ed Partain đánh giá: trừ một ngoại lệ, ông "không biết bất kỳ một hoạt động phá hoại thành công nào của các toán biệt kích". Một ngoại lệ nào? "Một toán thông báo cho biết đã phá huỷ một chiếc cầu và cho biết vị trí của chiếc cầu đó. Khỏi phải nói, đây là trường hợp tốt nhất trong nhiệm kỳ của tôi. Do đó tôi đề nghị chụp ảnh trên không... Những gì họ đã làm là phá hỏng một trụ của chiếc cầu đi bộ trên đường vào làng".(7) Thông tin do các toán thu lượm được cũng chẳng mấy giá trị. Do vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Partain nghi ngờ hiệu quả và tác dụng của các toán biệt kích nằm vùng. Rusell và Blackburn cũng chia sẻ quan điểm này khi được nghe báo cáo về chương trình.

Trong nhiệm kỳ chỉ huy OP34 của Reg Woolard từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1966, sự đánh giá về hiệu quả của các toán biệt kích cũng như vậy. John Hada, viên phó của ông, phê phán mạnh mẽ kết quả thu được. "Chúng ta không có cách gì kiểm chứng việc toán biệt kích có hoạt động hay không".(8 ) Tương tự, Pete Hayes, người trực tiếp báo cáo công việc cho Woolard, nhận thấy "có ít tin tình báo thực sự và gần như không có chứng cứ cụ thể nào cho sự thành công trong hoạt động của các toán biệt kích".(9)

Bob McLane thay Woolard tháng 5-1966, nhưng hiệu quả hoạt động của các toán biệt kích rất mù mờ. Hada, phó chỉ huy của McLane, nhớ rằng vào cuối năm 1966, chỉ huy trưởng của SOG cảm thấy quá đủ về hoạt động gián điệp-biệt kích do McLane chỉ huy. "Jack Singlaub hiểu rằng cần phải làm chặt chẽ hơn cả hai phía: SOG và đối tác Nam Việt Nam. Trên thực tế, Singlaub rất bức bối về những diễ biến của OP34 và đã nói chuyện với tướng Westmoreland về vấn đề này".(10) 

Singlaub quyết định giải quyết vấn đề bằng cách đưa trung tá Robert Kingston về phụ trách OP34. Là một sĩ quan rắn rỏi, Kingston với biệt danh "dây thép gai" kết thúc cuộc đời binh nghiệp với quân hàm đại tướng. Cũng như Singlaub, ông là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có tài nhưng lên được cấp tướng là nhờ năm tháng phục vụ trong lực lượng quân đội chính thống. Kingston là người chỉ huy đầu tiên của OP34 có trong tay những nhân viên giàu kinh nghiệm hoặc được huấn luyện về hoạt động gián điệp-biệt kích. Ông không phải mất nhiều thời gian để nắm tình hình.

Việc xem qua các luồng liên lạc đã cho Kingston thấy kết quả hoạt động của các toán rất vụn vặt. Càng nghiên cứu số liệu ông càng nhận ra là vấn đề của OP34 không chỉ là kém hiệu quả. Đối với ông toàn bộ chương trình toát lên mùi vị tồi tệ. McLane đã hết hạn và mong muốn trở về. Sau khi xem xét nhân sự của OP34, Kingston cảm thấy "không hài lòng với một số nhân viên chỉ đạo toán biệt kích mà McLane để lại. Tôi gọi họ đến và nói: Cho tôi biết tình hình toán của anh. Mặc dù mỗi người chỉ phụ trách từ một đến hai toán, họ phải giở hết hồ sơ này đến hồ sơ khác để có thông tin báo cáo. Họ không nắm được thành phần, nhiệm vụ, thời gian xâm nhập, cách xâm nhập, tình trạng liên lạc. Vì vậy tôi đã gạt bỏ họ". Tuy nhiên, ông phát hiện ra rằng sự mọt rỗng còn ăn sâu hơn khi ông đọc "tất cả các bức điện liên lạc của các toán".(11)

Sau vài tuần nghiên cứu kỹ lưỡng, Kingston cảm thấy đã đủ để báo cáo cho chỉ huy trưởng của SOG. Singlaub không biết trước là mình sẽ có một cú sốc. Kingston báo cáo cho sếp như sau: “Tôi đến gặp Singlaub và nói: Anh muốn nói gì với Hồ Chí Minh?" Singlaub không cười. Anh nói gì? Singlaub hỏi lại. Lúc này Kingston mới báo cáo "các toán biệt kích của chúng ta đã bị khống chế và qua họ tôi có thể gửi thông điệp cho Hồ Chí Minh". Singlaub lúc này cứ như ở trên trời rơi xuống. Đó chính là tính cách của Kingston: không cợt nhả, không loanh quanh, chỉ có sự thật. Sau khi đã bình tĩnh, Singlaub yêu cầu Kingston cho tiến hành xem xét lại toàn bộ mớ bòng bong đó.(12) 
_____________________________________
1, 2. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1969, phụ lục F, trang IX-B-1

3, 5, 6. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1969, phụ lục F, trang IX-B-2.

4. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1968, phụ lục F, trang III-4-C-4.

7. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng.Partain, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr.26, 29.

8, 10. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 46

9. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970 ), phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tình báo của SOG", tr. 39

11. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 53.

12. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, Sđd., tr. 59.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 01:16:03 pm

Cuộc xem xét về phản gián và hệ thống hai mang

Càng xem xét Kingston càng tiến gần đến kết luận là "phần lớn (các toán biệt kích) hoặc là bị bắt hoặc bị khống chế ngay sau khi họ có mặt (ở miền Bắc)”.(1) Nhiều yếu tố đưa ông đến kết luận này. Thứ nhất, là đặc điểm chung của các điệp vụ thất bại. Theo Kingston, "chúng tôi đã mất rất nhiều toán" và việc bị mất này đều có chung một dạng. Trung bình một năm chỉ có một toán là hoạt động thành công, còn các toán khác hoặc là không liên lạc được hoặc nhanh chóng mất liên lạc. Tỷ lệ thành công là ngược lại đối với số toán được cử tăng cường cho các toán được coi là xâm nhập thành công. Các toán này đều xâm nhập trót lọt. Đối với Kingston, sự trùng hợp này là quá nhiều.

Yếu tố thứ hai là liên lạc điện đài với các toán biệt kích. Theo Kingston, "trong thông tin liên lạc, nhân viên điện đài có tín hiệu riêng. Nếu người nhận thấy rằng tín hiệu không phù hợp, họ biết ngay là có vấn đề. Đồng thời, trong thông tin, nếu họ khống chế được nhân viên điện đài, anh ta có thể đưa thêm vào những chữ sai chính tả hoặc chữ lạ mà anh ta thường không dùng nhằm mật báo cho SOG biết là mình đã bị bắt. Cuối cùng, bằng việc qua sóng điện đài để tìm ra vị trí của đài phát, bạn có thể xác định được độ tin cậy". Những yếu tố này đã bị các sĩ quan chỉ huy bỏ qua vì "họ chẳng biết mình đang đọc cái gì".(2)

Thứ ba, đôi khi Hà Nội cũng vụng về để lộ mình. Ví dụ họ đã phát các bức điện của toán bị khống chế từ địa điểm không nằm trong địa bàn mà toán đó được cử đến hoạt động. Kingston nhớ một trường hợp: "Chúng tôi có một toán được xâm nhập để hoạt động tại một địa bàn. Tuy nhiên khi kiểm tra vị trí đài phát, thì không phải từ địa bàn đó mà là từ Hà Nội".(3)

Thứ tư, việc SOG không hề đưa về được một người nào, chứ đừng nói đến cả toán, là một yếu tố rõ ràng nữa. Ông nhớ rằng đã hai lần yêu cầu toán Easy di chuyển đến vị trí tập kết, nhưng cả hai lần toán này đều điện về cho biết họ không thể đến đó được. Cuối cùng, Kingston tin rằng sai sót trong công tác an ninh cũng góp phần đưa đến thất bại. Ví dụ, một số biệt kích đang được đào tạo tại trại Long Thành thì đi đâu một thời gian rồi quay trở lại xin được tiếp tục chương trình. Cả OP34 và đối tác Nam Việt Nam không biết họ đã làm gì trong thời gian đó.

Liệu tất cả mọi người đều bị khống chế không? Kinhston không kết luận như vậy. "Tôi không nói tất cả bọn họ, nhưng phần lớn số họ bị bắt hoặc khống chế ngay sau khi họ được xâm nhập".(4) Kết luận này không làm Kingston nản chí. Ông không quyết định chấm dứt mà tiến hành xem xét lại toàn bộ chương trình và lần này là do các chuyên viên phản gián của CIA và DIA thực hiện.

Trong tình trạng tồi tệ đó, trung tá Robert McKnight đến nhận trách nhiệm chỉ huy OP34 tháng 1-1968. McKnight đã có kinh nghiệm chiến tranh không quy ước tại Lào trong những năm đầu 1960 khi tham gia chiến dịch White Star của Simons. McKnight còn phục vụ trong Nhóm lực lượng đặc biệt số một mà địa bàn hoạt động là châu Á. Thế còn việc chỉ huy các toán biệt kích cài cắm thì sao? Như phần lớn các chỉ huy của OP34 trước đó, McKnight không có kinh nghiệm về việc này. Tuy nhiên ông có lợi thế vì được kế thừa những đánh giá của Kingston. Những gì McKnight biết là rất xấu. OP34 có vấn đề về chỉ huy điều hành. Ngoại trừ Kingston, những người khác đã tự lừa dối mình về những thành công đã thu được. Họ "không thực sự nghĩ là hoạt động đó đã thất bại. Họ muốn tin rằng các toán của họ đang hoạt động có hiệu quả và đang cung cấp những tin tình báo có giá trị".(5) 

McKnight muốn biết sự thật tồi tệ đến mức nào. Vị chỉ huy mới của SOG quyết định tiến hành đánh giá riêng của mình về toàn bộ hoạt động. Ông tập hợp tất cả thông tin về từng toán và bắt đầu nghiên cứu. Khi kết thúc, McKnight kết luận mình đang giữ trong tay một mớ lộn xộn. Nó tồi tệ đến mức nào? Ông nhớ lại "Khi tôi tiếp nhận, điều đầu tiên tôi làm là yêu cầu đọc tất cả hồ sơ. Tôi ngồi một chỗ và đọc trong vòng ba tuần. Tôi đi đến kết luận tương tự như của Kingston rằng tất cả các toán bị vô hiệu hoá ngay sau khi chạm đất".(6) Liệu có thể Hà Nội đã chơi trò hai mang với SOG trong vòng bảy năm qua? McKnight tự hỏi. Điều đó phải tuỳ thuộc vào kết luận của các chuyên gia phản gián của CIA và DIA.

Cuối cùng thì các chuyên gia cũng hoàn thành bản báo cáo. Tin tức không thể tồi tệ hơn được nữa. Tất cả các toán mà SOG cho rằng đang hoạt động trên thực tế chịu sự kiểm soát của Bộ Nội vụ Hà Nội. Một số đã được sử dụng để chống CIA và sau đó là SOG.

Nhóm chuyên gia phản gián còn đưa ra kết luận tồi tệ hơn: Hà Nội đã áp dụng thứ mà John Masterman mô tả là "hệ thống hai mang". Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Masterman, đang công tác tại MI5 - cơ quan an ninh của Anh, chỉ đạo một kế hoạch như vậy chống lại phát xít Đức. Theo Masterman hệ thống hai mang phức tạp hơn nhiều so với "một số trường hợp đơn lẻ" các điệp viên đôi và "phải làm nhiều việc hơn so với việc tiến hành một chiến dịch đánh lạc hướng có quy mô lớn". Thông qua hệ thống hai mang, MI5 đã "thành công trong việc kiểm soát toàn bộ mạng lưới gián điệp của Đức tại Anh".(7)

Hệ thống hai mang là một công việc cực kỳ phức tạp. Masterman mô tả bảy hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau. Thứ nhất: thiết lập sự kiểm soát đối với hoạt động của gián điệp đối phương trong lãnh thổ một nước, hay nói cách khác kiểm soát mạng lưới gián điệp đó và giả tạo sự hoạt động theo cách thức mà “đối phương không thể mất thời gian vào việc tạo ra một mạng lưới thứ hai".(8 ) Họ phải tin là họ đang thành công, tương tự như MI5 đã làm cho người Đức tin tưởng các điệp viên của họ ở Anh. Miền Bắc đã làm đúng như vậy đối với hoạt động cài cắm gián điệp - biệt kích dài hạn của SOG cho đến năm 1968.

Hai là, sử dụng các điệp viên bị khống chế để "liên lạc và phát hiện ra những điệp viên khác". Các toán của OP34 được coi là hoạt động tốt thường xuyên được tăng cường. Ví dụ, toán Tourbillon nhận bổ sung người một lần năm 1962, hai lần năm 1964 và sau đó là các năm 1965, 1966 và 1967. Toán Remus được tăng cường bốn lần và toán Easy là năm lần. Tất cả lực lượng được bổ sung này đều bị bắt hoặc tiêu diệt.

Ba là, hệ thống hai mang cho phép "thu thập thông tin về con người và thủ đoạn hoạt động" của cơ quan an ninh đối phương. Từ số điệp viên bị bắt, MI5 đã nắm được tất cả thủ đoạn nghiệp vụ của Đức. Điều này cho phép Anh "lần ra các điệp viên khác" khi họ được cài cắm.(9) Nhóm phản gián CIA và DIA nhận thấy Bộ Nội vụ Hà Nội đã nắm được biện pháp và cách thức tiến hành công việc của OP34. Họ còn nắm được mật mã liên lạc, yếu tố thứ tư của hệ thống hai mang.

Năm là, thông qua hệ thống hai mang, MI5 có thể thu được thông tin về ý đồ của người Đức, đặc biệt kế hoạch xâm lược Anh. Tương tự, Hà Nội nắm được giới hạn của Washington trong việc sử dụng các toán biệt kích chống lại miền Bắc. Theo Masterman, thông tin dạng này có thể được sử dụng để "tác động và có thể thay đổi ý đồ hoạt động của đối phương".(10) Đây chính là thành tố thứ sáu. Bằng việc kiểm soát tất cả các toán của SOG, Hà Nội có cơ hội để khai thác chúng. SOG nhận được những "thành công" vừa đủ để tiếp tục chứ không gia tăng hoạt động. Đây là một tính toán khôn ngoan và cho thấy khả năng chỉ đạo hệ thống hai mang của Hà Nội.

Cuối cùng, hệ thống hai mang cung cấp cơ hội tung tin giả cho đối phương. Nhóm CIA-DIA phát hiện rất nhiều thông tin như vậy trong các điện báo cáo, trong đó có một số tin rất khôn khéo. Ví dụ, sau đợt không kích miền Bắc đầu tiên, Ares liên tục đề nghị có thêm nhiều đợt nữa. Điều này phù hợp với chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Hà Nội mô tả Hoa Kỳ là tên xâm lược khát máu.

Toán phản gián thông báo cho Singlaub và McKnight biết chương trình OP34 đã bị "xoá sổ". Sau khi nghiên cứu báo cáo, lãnh đạo SOG đặt ra nhiều câu hỏi: (1) Sai lầm ở chỗ nào và tại sao tình hình lại trở nên tồi tệ như vậy; (2) Liệu có thể sử dụng hệ thống hai mang của Hà Nội để chống lại chính họ? Liệu SOG có thể tạo ra hệ thống ba mang để thuyết phục Hà Nội là họ mới chỉ phát hiện ra một phần của hoạt động lật đổ phức tạp trong biên giới của họ?
__________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, Sđd., tr. 59.

2, 3, 4. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, Sđd., tr. 64, 63, 59.

5, 6. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Robert McKnight, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 53.

7, 8. Masterman, "Hệ thống hai mang trong chiến tranh 1939-1945". tr. 3, 8.

9, 10. Masterman, Sđd., tr.8.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 05:08:14 pm

GIẢI THÍCH HỆ THỐNG HAI MANG: CẦN CÓ HAI NGƯỜI

Chuyên gia trong lĩnh vực trò chơi nghiệp vụ lý luận rằng để một kế hoạch thành công, cả người lứa và bị lừa đều tham gia vào hoạt động. Chỉ có sự thông minh của người đánh lừa và sự tiếp nhận của người bị lừa không thôi thì chưa đủ. Một kế hoạch lớn cần cả hai bên. Chắc chắn rằng điều này cũng đúng đối với hệ thống hai mang của Hà Nội chống lại SOG. Hà Nội thành công vì nhiệm vụ của SOG không ổn định, lý luận hoạt động không phù hợp, thiếu kinh nghiệm, và thiếu quy trình tuyển lựa, động viên và huấn luyện cộng với tài năng của chính họ trong việc chỉ đạo hệ thống hai mang.

Nhiệm vụ của SOG không ổn định và lý luận hoạt động không phù hợp.

Các toán biệt kích sẽ làm gì sau khi đã xâm nhập vào miền Bắc? Câu trả lời của Washington thường là không nhất quán hoặc rõ ràng. Nhiệm vụ của các toán biệt kích luôn luôn ở trong tình trạng bị đánh giá xem xét lại. Washington không quyết định dứt khoát họ muốn các toán biệt kích làm gì. Thay vào đó, họ quan tâm đến khía cạnh tiêu cực của các hoạt động này nhiều hơn việc làm thế nào để làm suy yếu an ninh nội bộ của miền Bắc.

OPLAN 34 đề ra việc phát triển một phong trào chống đối trong lòng miền Bắc. Việc này được coi là trọng tâm cho kế hoạch chung, là thành tố chủ yếu nếu như muốn hoạt động ngầm có được tác động như mong muốn lên giới lãnh đạo Hà Nội và chính sách của họ đối với miền Nam. Thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc là chìa khoá cho sự thành công. Và đó chính là những gì tổng thống Kenedy hình dung năm 1961.

Mặc dù vậy, Washington chưa bao giờ sẵn sàng cho phép SOG thực hiện nhiệm vụ này. Theo một tài liệu tuyệt mật trước đó "như dự định ban đầu, hoạt động không vận nhằm giúp xây dựng phong trào chống đối ở miền Bắc qua đó gây sức ép lên chính phủ Hà Nội buộc họ phải san sẻ nguồn lực và làm giảm nỗ lực ở miền Nam". Tuy nhiên, tài liệu này nói rằng "việc tạo ra một phong trào chống đối chưa bao giờ được Washington chuẩn y và do đó hoạt động không vận được tiến hành theo nhiệm vụ rất mù mờ".(1)

Có thể hình dung được sự ngạc nhiên của Russell vào năm 1964 khi biết được nhiệm vụ xây dựng phong trào chống đối bị từ chối. Ông đã mường tượng tới việc tổ chức hoạt động du kích ở miền Bắc. Ông hình dung là mình sẽ được làm những gì mà Hà Nội đang tiến hành ở miền Nam. Phản ánh sự thất vọng này, Russell nói "tôi không hiểu tại sao, là một đất nước, sao chúng ta lại có quan điểm mơ hồ về chiến tranh du kích do chúng ta thực hiện trong khi đó chính là vũ khí tốt nhất của họ chống lại chúng ta".(2) 

Russell tin là lẽ ra Hoa Kỳ phải thúc đẩy việc gây dựng phong trào chống đối nhưng Washington không mặn mà với khuyến nghị này. Russell cho rằng Hà Nội dễ bị tổn thương và hoạt động gây dựng phong trào chống đối sẽ mang lại kết quả. Riêng về biện pháp "thả tù mù”, theo ông nên bãi bỏ vì không mấy kết quả. Thay vào đó ông đề nghị tập trung vào số dân tộc ít người dọc theo biên giới miền Bắc. Russell đã nghiên cứu bản đồ dân tộc học và kết luận là về mặt địa lý Việt Nam có thể phân chia làm hai phần khác biệt. Vùng núi cao ở phía tây bắc và đông bắc. Đây là vùng cư trú của các dân tộc thiểu số mà theo truyền thống và thực tiễn không giống với người Kinh. Số dân ở vùng này chiếm khoảng 15% dân số của miền Bắc. Phần lớn các dân tộc ít người có quan hệ với nhân dân ở Lào và Trung Quốc nhiều hơn với người Kinh, trong đó nhiều dân tộc không coi người Kinh là bạn bè. Phần còn lại là vùng đất thấp nơi người Kinh sinh sống, bao gồm các đồng bằng ven biển. Russell đề nghị gây dựng phong trào chống đối trong chính những dân tộc thiểu số. Hà Nội không thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với họ và họ không thích người Kinh. Russell đã chọn con bài dân tộc, nhưng đó không phải là con bài duy nhất có trong tay. Cộng đồng người công giáo tập trung ở hai tỉnh đồng bằng ven biển Nam Hà và Ninh Bình và hai tỉnh khác dịch về phía nam là Nghệ An và Hà Tĩnh cũng được chú ý đến. Cuối cùng có một cộng đồng người Hoa nhỏ ở miền Bắc, và đây cũng có thể là một con bài. Russell hình dung việc khơi dậy sự thù nghịch của người Việt đối với người Hoa. Ở miền Bắc, số này có thể chia làm hai nhóm. Một sống dọc theo biên giới Việt - Trung và một sống ở các thành phố mà tập trung là ở Hải Phòng.

Partain nhớ lại là vào năm 1964, ông và Russell "đề xuất việc gây dựng phong trào chống đối” trong số dân tộc ít người. "Tôi nhớ là như vậy. Russell và tôi đã trao đổi về vấn đề này... Cả hai chúng tôi đều có chung ý kiến là để cho các toán biệt kích hoạt động có hiệu quả, các toán này phải gây dựng được phong trào chống đối".(3) Cả hai gửi đề xuất lên cấp trên. Vài tuần sau, Russell nhận được tin đề nghị bị bác bỏ. Theo Partain, quyết định đó là do Washington đưa ra.

Nếu không vì phong trào chống đối thì nhân viên biệt kích làm gì? Russell và Partain hầu như không tin vào tai mình. Theo Russell, ông nhận được chỉ thị hướng dẫn cho các toán biệt kích không được tiếp xúc với công dân miền Bắc và nhiệm vụ được giới hạn trong hoạt động tâm lý và thu thập tình báo". Đối với lãnh đạo của SOG, điều này thật vô nghĩa. ông tự hỏi "làm sao có thể thu thập được tin tức tình báo khi anh ẩn náu ở trên núi và cố bảo vệ tính mạng của mình?" Việc "rải tờ bướm ở trong rừng” có thể mang lại gì?(4) Mặc dù rất lạ lùng, nhưng đó chính là nhiệm vụ được giao cho OP34. Đó thực sự là những nhiệm vụ "vớ vẩn" nhưng cả Russell và Partain không thể thay đổi.
_____________________________________
1. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970 ), phụ lục C, phần “Hoạt động không vận”, tr. 3.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tình báo của SOG", tr. 5.

3. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Partain, trong: “MACVSOG - phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG”, tr 23, 25.

4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tình bào của SOG” tr. 7.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 05:15:07 pm

Khi Don Blackburn thay Russell tháng 5-1965, không phải mất thời gian lắm ông nhận ra ngay điều bất hợp lý của chương trình gián điệp - biệt kích. Dẫu sao thì Blackburn đã có kinh nghiệm hoạt động du kích trong vùng địch hậu. Ông là một trong số ít chuyên gia quân đội về lĩnh vực này và dự định đưa OP34 vào đúng hướng. Blackburn xem lại và mở rộng bản kiến nghị của Russell. "Điều cần thiết hiện nay là có được căn cứ ở Lào giáp với biên giới Việt Nam từ đó các toán biệt kích có thể tung đi tăng cường, tiếp tế hoặc rút lui khi cần thiết bằng máy bay trực thăng hoặc qua đường bộ". Blackburn muốn thành lập một tổ chức bình phong nhằm "thành lập cơ sở ở miền Bắc và phát triển một hệ thống móc nối người đi huấn luyện và tung trở lại đồng thời đưa những người Bắc di cư trở lại miền Bắc. Những căn cứ tại các khu vực dọc theo biên giới miền Bắc sẽ rất có ích cho các hoạt động đó".(1) 

Blackburn nhập cuộc. Có vẻ như những ngày huy hoàng trước kia đang trở lại. Ông không những phát triển lý luận mà còn tìm kiếm người Bắc di cư, những người sẵn sàng quay trở lại và chiến đấu chống Hà Nội. Blackburn nhớ rằng có sẵn những con người với "mối quan hệ với người thiểu số vùng tây bắc và những phần tử chống đối trong nhân dân". Ví dụ "một thủ lĩnh người Bắc di cư trước đây sống ở vùng đông bắc sẵn sàng giúp tuyển lựa và thiết lập quan hệ với người địa phương ở cả miền Bắc và miền Nam". Đó là cách khởi đầu, bằng việc “thiết lập cơ sở và quan hệ" và biến chúng thành tổ chức bình phong, "một phong trào chống đối thực sự sẽ hình thành".(2) 

Blackburn chuẩn bị báo cáo kế hoạch đưa hoạt động gián điệp - biệt kích quay lại tập trung vào việc gây dựng phong trào chống đối. Qua kinh nghiệm của Russell ông biết là "phong trào chống đối không thể được tổ chức nếu không có sự phê duyệt của cấp cao". Nhưng ông rất tự tin. Dù sao, những hoạt động hiện nay là vô nghĩa và không mang lại kết quả gì. Chắc chắn Washington sẽ nhận ra "phương pháp chủ yếu hiện nay (thả tù mù) tạo nên con đường một chiều đối với các toán biệt kích, họ không có hy vọng trở về".(3)

Bản kiến nghị năm 1966 vượt qua được các cấp và đến Uỷ ban 303. Câu trả lời vẫn như cũ: OP34 không được phép tiến hành việc thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc. Blackburn bị sốc trước câu trả lời của Washington. "Thật là một điều tệ hại", ông nhớ lại "vì phong trào đó sẽ tương tự như Mặt trận giải phóng miền Nam và có thể tạo ra cơ sở đáng tin cậy hơn cho hoạt động biệt kích".(4) Một lần nữa, Washington không sẵn sàng thách thức miền Bắc bằng luật chơi của Hà Nội. Blackburn biết rằng các nhà vạch chính sách không dám tiến xa tới mức đó. Động thái này sẽ trái với chính sách đã công bố của Hoa Kỳ là không tìm cách lật đổ chính phủ Hà Nội. Đối với Blackbum, điều đó thật ngớ ngẩn. Ông tự hỏi, đây là cuộc chiến tranh kiểu gì?

Blackburn còn phát hiện ra là CIA cũng phản đối đề nghị của ông vì sẽ động chạm tới địa bàn hoạt động của họ ở Lào. CIA đang thực hiện chương trình du kích của người thiểu số hỗ trợ quân đội người H'Mông do Vàng Pao cầm đầu. Đó là cố gắng không để Hà Nội chiếm giữ Lào đồng thời gây thiệt hại cho quân đội miền Bắc hoạt động ở Bắc Lào. H'Mông là một dân tộc thiểu số mà bản kiến nghị của Blackburn đã đề cập đến.

Blackburn đến gặp Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn để thương lượng. "Tôi muốn Blaufarb cho phép chúng tôi đưa các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc qua Lào. Hay nói cách khác, tuyển chọn người Việt Nam và hình thành căn cứ ở Lào để xem họ có thể làm được gì trong lòng miền Bắc sau đó sẽ đẩy mạnh hơn. Đó là cách chúng tôi đã làm ở Phillippines".(5) CIA không nhất trí với đề nghị này. Bắc Lào là địa bàn của họ. Blackburn không chỉ gặp phải sự phản đối của CIA mà còn của đại sứ Mỹ tại Lào William Sullivan. Sullivan không muốn cho SOG hoạt động ở Lào và phản đối kế hoạch của SOG. Tương tự, Sullivan còn phản đối hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh. SOG là người không được hoan nghênh tại Lào.

Khi một đại tá quân đội, người không thuộc giới quân sự chính thống, gặp phải sự phản đối của CIA và Bộ Ngoại giao, anh ta sẽ thất bại. SOG không được phép tiến hành gây dựng phong trào chống đối từ những căn cứ ở Lào. Uỷ ban 303 chỉ cho phép CIA hoạt động ở đó. Blackburn rất bất bình và "định chấm dứt hoạt động... Tôi nghĩ rằng họ đã đề ra mục tiêu sai lầm vì đã đưa biệt kích đến một nơi mà họ biết rất ít và không thể nhận được sự trợ giúp của dân chúng. Trước sau họ cũng sẽ bị bắt. Và điều đó đã xảy ra".(6) Lý luận hoạt động và trọng tâm nhiệm vụ là phi lôgíc.

Tại thời điểm Washington bác bỏ đề nghị của Blackburn, nhiệm vụ của các toán biệt kích đang có sự điều chỉnh. Tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuyển tới SOG chỉ thị về nhiệm vụ mới. Bản chỉ thị công bố nhiệm vụ các toán biệt kích hiện nay là "tiến hành các hoạt động tâm lý, phá hoại và tình báo". Nhiệm vụ mới này không khác mấy so với trước. Tuy nhiên, các toán biệt kích được phép tiếp xúc với dân để "tuyển lựa và hỗ trợ cơ sở tại chỗ ở miền Bắc để thu thập tình báo và lẩn trốn".(7) Đó là điểm mới nhưng vô nghĩa và chẳng làm thay đổi tình hình chút nào. Blackburn lắc đầu: Nếu bạn không thể tổ chức dân thành phong trào chống đối thì "bạn đưa họ đến đó làm gì? Câu hỏi này cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi và đó là lý do tại sao tôi không hề hào hứng với các toán biệt kích".(8.)

Blackburn chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo SOG cho Jack Singlaub tháng 5-1966. Các toán gián điệp tiếp tục xâm nhập ra Bắc dưới sự giám sát của ông và mang lại kết quả tương tự như Blackburn đã chứng kiến. Blackburn xâm nhập sáu toán, bao gồm 46 người. Họ chẳng làm được gì đáng nói cả.
________________________________________
1, 2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Sđd., tr.22.

3, 4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Sđd, tr.22,23.

5, 6. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy.của MACVSOG", tr. 10, 11.

7. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không “, tr. 2.

8. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy của MACVSOG", tr. 14.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 08:36:24 pm

Jack Singlaub đã không tin tưởng vào OP34 từ trước khi đến Sài Gòn tiếp nhận công việc. "Phải nói rằng khi nghe tường trình tại Lầu Năm Góc, tôi rất ngạc nhiên trước ý nghĩ cho biệt kích nhảy dù vào địa bàn đó. Lãnh thổ miền Bắc, cũng như Triều Tiên, không giống như đất Pháp hay Nam Tư bị chiếm đóng trong chiến tranh thế giơi thứ hai, những nơi Cơ quan tình báo chiến lược OSS đã từng hoạt động. Tôi bày tỏ thái độ hoài nghi về cách thức đưa biệt kích xâm nhập, nhưng ngay lập tức tôi biết họ không coi trọng ý kiến của tôi do vậy trong suốt thời gian tường trình tôi không nhắc đến vấn đề này nữa. Anh biết đấy, tôi là người mới và trước hết cần đến xem cụ thể những gì đang diễn ra và có thể làm được gì".(1) 

Khi đã nhận chức, không phải mất nhiều thời gian lắm để Singlaub nhận ra là hoạt động biệt kích chẳng đi tới đâu nếu cứ tiếp tục như hiện nay. Sau khi nghiên cứu hồ sơ ông thấy rằng trong quá nhiều trường hợp "thả tù mù” thành "thả vào cõi tử". Theo vị tân chỉ huy trưởng, đề nghị của Blackburn cho triển khai phong trào chống đối bằng cách trước hết thành lập phong trào sau đó từ Lào xâm nhập vào miền Bắc là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, ông biết rằng "có những quy định cụ thể không cho phép OP34 thành lập tổ chức du kích ở miền Bắc...Chúng tôi bị trói buộc không được gây dựng phong trào chống đối chính phủ Hà Nội".(2) 

Singlaub quyết định tung ra một quả bóng thăm dò xem các nhà vạch chính sách sẽ phản ứng ra sao. Liệu họ có biết có những người dân tộc thiểu số miền Bắc đang sống ở miền Nam và có thể tuyển lựa cho nhiệm vụ chống đối không? Singlaub biết rằng "nhiều thủ lĩnh của các dân tộc ít người đã di cư vào Nam trong năm 1954... có mối quan hệ với đối tác Việt Nam của SOG". Họ có muốn trở về miền Bắc không? Theo Singlaub, "họ tỏ ra sẵn sàng trở về tái lập quan hệ với người của họ mà họ cho rằng còn trung thành". Nhưng vì lý do gì mà họ dám chấp nhận nguy hiểm? Chỉ khi "họ được đảm bảo là họ được phép tổ chức phong trào chống đối và dùng nó để tạo ra khu tự trị ở miền Bắc".(3) Nếu Hoa Kỳ hỗ trợ mục tiêu này, họ sẵn sàng Bắc tiến.

Singlaub nhanh chóng nhận ra là không hy vọng gì ở sự thay đổi thái độ của Washington. Theo một tài liệu mật, chính sách quốc gia của Hoa Kỳ là "kiềm chế cổ vũ hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới nổi loạn bên trong chính phủ hiện nay ở Hà Nội".(4) Singlaub nhớ lại "họ (Washington) sẽ không bao giờ phê duyệt những điều chúng tôi muốn thực hiện mà liên quan đến chiến tranh du kích và hoạt động chống đổi".(5)

Thay vào đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân yêu cầu các toán biệt kích cần phải "nhấn mạnh tối đa vào nhiệm vụ thu thập tình báo và thành lập quan hệ dân sự". Các toán sắp được tung đi phải tập trung vào "nơi có nhiều mạng lưới giao thông chủ yếu nối miền Bắc và Lào" với nhiệm vụ chủ yếu là "thu thập tình báo qua quan sát đường bộ, đường sắt và đường sông".(6) Để thực hiện nhiệm vụ mới, 25 biệt kích được tập trung huấn luyện trong nhiều tháng và xâm nhập vào các khu vực tập trung các tuyến đường trọng yếu nối với đường mòn Hồ Chí Minh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Đó là một nỗ lực lớn và, trong vòng 15 tháng sau đó, có sự tham gia của hàng trăm nhân viên biệt kích. Theo Singlaub, chương trình mới này tạo ra những thách thức lớn cho SOG. Trước hết, đó là kiểu "thả tù mù" với tất cả những hậu quả mà biện pháp này đã mang lại. Thứ hai, SOG sẽ tìm đâu ra hàng trăm người dân tộc đã từng sống ở Bắc rồi di cư vào Nam có quyết tâm cao và sẵn sàng trở lại miền Bắc để thực thi nhiệm vụ? Việc tuyển chọn không dễ dàng gì. "Những người có thể trở thành nhân vật lãnh đạo của phong trào chống đối không chỉ không muốn trở thành người dẫn đường mà còn không giới thiệu cho SOG những người phù hợp với nhiệm vụ".(7) Họ có thể quay trở lại để giải phóng đất đai của họ chứ không phải để đếm xe.

Tuy vậy, Singlaub đã đưa ra chỉ thị và được OP34 thực hiện dưới sự chỉ huy của trung tá Bob McLane. Trong nhiệm kỳ của mình, McLane tung đi trên 50 biệt kích mới và cố bố trí lại số đã xâm nhập trước đây. Một năm với những công việc ngớ ngẩn là tất cả những gì Singlaub chịu đựng. Hoạt động biệt kích không có kết quả, ông biết điều đó. OP34 trong trạng thái rệu rã. John Hada, phó của McLane nhớ lại "Bob McLane chịu sức ép lớn từ Singlaub trong việc chấn chỉnh lại bộ phận. Để giải quyết vấn đề, Singlaub đưa Kingston đến OP34 tháng 5-1967 để thay McLane. "Singlaub biết Kingston" Hada nói, "và ông ta muốn thay McLane bằng người hiểu biết về hoạt động biệt kích".(8 )

Bob Kingston đúng là người cho công việc đó. Ông nhanh chóng nhận ra khái niệm xâm nhập biệt kích -"thả tù mù” - là sai sót nghiêm trọng. Tương tự, mục tiêu chính sách cần chặt chẽ hơn. Ông phát hiện ra là OP34 không chỉ có hai vấn đề đó. Có nhiều yếu tố dẫn đến thất bại của chương trình biệt kích. Nhưng, không nghi ngờ gì nữa, mục tiêu chính sách sai lầm là yếu tố hàng đầu. Theo suy nghĩ của Kingston, những mục tiêu được đề ra đơn giản là ngu xuẩn.

Tại sao Washington lại không ủng hộ việc cho phép SOG thiết lập phong trào chống đối trong lòng miền Bắc? Dựa trên căn cứ nào để Washington bác bỏ yếu tố cốt lõi của Kế hoạch 34A?

Một trong nhiều lý do mà Singlaub biết là, theo các nhà vạch chính sách ở Washington, việc bí mật khuyến khích phong trào chống đối sẽ mâu thuẫn với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vốn không kêu gọi gây mất ổn định và lật đổ chính phủ Hà Nội. Hay nói cách khác, quan điểm của các nhà vạch chính sách là hoạt động ngầm phải thống nhất với chính sách chính thống. Vì vậy, mỗi khi SOG "xin phép được gây dựng phong trào chống đối, Washington đều nói rằng điều đó không phù hợp với mục tiêu của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Một phong trào chống đối sẽ trái với mục tiêu quốc gia công khai".(9) 

Theo Singlaub, ít nhất đó là một trong hai lý do giải thích cho sự phản đối của Washington. Singlaub thấy quan điểm không tách biệt "chính sách công khai với chính sách ngầm" của Washington chẳng có ý nghĩa gì. Dẫu sao, một trong những động cơ tiến hành hoạt động ngầm là các biện pháp công khai khó đạt được kết quả đề ra. Hơn nữa, hoạt động ngầm rất linh hoạt cho phép lách qua những hạn chế về chính sách. Đối với nhân viên của SOG, lôgíc của các nhà vạch chính sách thật là kỳ quặc. Nếu hoạt động ngầm phải thống nhất với chính sách công khai thì cần gì phải hoạt động ngầm nữa.

Lý do thứ hai mà Singlaub nêu ra là "sự e ngại rằng phong trào chống đối sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát" và gây ra điều gì đó. Năm 1964, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Herry Cobot Lodge đã nói như sau: "Tôi hoan nghênh việc gây áp lực lên miền Bắc với hai mục đích buộc Việt Cộng và Pa thét Lào ngừng bắn và trung lập hoá Bắc Việt Nam... Tôi không cho rằng việc lật đổ Hồ Chí Minh là có ích vì người thay thế ông có thể còn xấu hơn đối với chúng ta".(10) Người ta chỉ có thể tự hỏi là ông đại sứ đang nghĩ gì trong đầu. Tại sao lại xấu hơn nếu có ai đó thay thế Hồ Chí Minh? Lodge có hiểu gì về đối phương không? Thật là lý sự quanh quẩn, Singlaub nghĩ.

Tương tự, các nhà vạch chính sách lo ngại là làm cho miền Bắc mất ổn định có thể "tạo ra sự trả đũa quy mô lớn của miền Bắc". Họ có thể gia tăng chiến tranh ở miền Nam nếu Mỹ làm cho họ quá khó chịu ở miền Bắc. Nhưng Washington có hiểu là Hà Nội đã quyết định tăng cường hoạt động ở miền Nam khi đưa quân chủ lực vào Nam năm 1963?

Cuối cùng, Washington sợ rằng nếu Hà Nội sụp đổ, Trung Quốc sẽ nhảy vào như trong chiến tranh Triều Tiên. Vào mọi thời điểm Washington đều lo ngại sự dính líu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mao đang lãnh đạo cách mạng văn hoá và, nhiều năm sau, Trung Quốc tiếp tục cuộc thanh lọc nội bộ hàng loạt làm tê liệt hoạt động của chính phủ, kể cả chính sách ngoại giao. Washington có hiểu được tác động của cuộc cách mạng văn hoá không? Để hệ thống hai mang thành công, cả người lừa lẫn người bị lừa đều đóng vai trò quan trọng và Hoa Kỳ chắc chắn đã làm rất tốt vai trò của mình.
______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K. Blackburn, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy của MACVSOG", tr. 44.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970): phụ lục B, phần "Nhận xét hoạt động và tin tình báo của SOG”, tr. 60-61.

3. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Sđd. tr. 64.

4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động chiến tranh tâm lý", tr. 137.

5. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K. Singlaub, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy của MACVSOG", tr. 49.

6. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần “Hoạt động không vận”, tr. 4.

7. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét hoạt động và tin tình báo của SOG", tr. 65.

8. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 40,48.

9. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét hoạt động và tin tình báo của SOG", tr. 32.

10. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trường liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần “Hoạt động chống miền Bắc của MACVSOG", tr. 59.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 09:21:51 pm

Thiếu kinh nghiệm trong OP34

Trừ Bob Kingston, không một chỉ huy nào của OP34 từng trải qua hoạt động chỉ đạo biệt kích tại địa bàn bị từ chối. Trái ngược với những gì mà các nhà vạch chính sách hình dung, hoạt động này không là một phần năng lực chiến tranh đặc biệt của Lầu Năm Góc. Chương trình học tại Trường chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg cũng như trong học thuyết quân sự không có nội dung này.

Ed Partain, chỉ huy trưởng của OP34 từ giữa năm 1964 đến giữa 1965, là một ví dụ. Ông không phải là chuyên gia trong công việc được giao là leo thang hoạt động trong lòng miền Bắc. Được khoảng nửa năm, Partain nhận thấy có những vấn đề nghiêm trọng về nội dung nhiệm vụ, biện pháp cài cắm và việc huấn luyện người Việt Nam. Ông cũng biết rằng mình hiểu rất ít về mục tiêu, ở đây là miền Bắc. Vậy tại sao Partain tiếp tục xâm nhập các toán biệt kích theo đúng cách thức vốn chẳng mang lại kết quả gì? Việc thiếu kinh nghiệm đã phần nào dẫn đến thái độ không muốn chấp nhận sự thực.

Thật ra, Partain hầu như không thể làm được gì để thay đổi tình hình. Ông ở cấp bậc thấp trong hệ thống chỉ huy và có ít kiến thức để xử lý vấn đề. Partain nhận ra điều này khi "đến gặp và nói chuyện với Russell" về toàn bộ tình hình. “Tôi đã ở đây được năm, sáu tháng. Tôi thấy chúng ta đang phung phí thời gian, tiền bạc và sinh mạng. Tại sao chúng ta không làm cái gì khác? Russell nói: Anh không biết, cấp trên muốn tiếp tục như vậy. Tôi đoán đó là ý kiến tử Washington...".(1)

Nhân viên Mỹ được cử đến cho Partain cũng như vậy. Họ bao gồm những thiếu tá quân đội trẻ nhiệt tình như Pete Hayes. Tốt nghiệp Học viện Westpoint, Hayes rất thông minh và hăng hái nhưng không được chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ của OP34. Hayes đã chỉ đạo các toán biệt kích biển xâm nhập tấn công các mục tiêu ven biển Bắc Triều Tiên và cứu hộ các phi công bị bắn rơi. Chắc chắn đó là một khía cạnh của chiến tranh không quy ước nhưng không bao gồm việc huấn luyện và chỉ đạo mạng lưới biệt kích trong địa bàn bị từ chối. Ít nhất là dường như quân đội đã cố gắng chọn cử những sĩ quan tốt nhất. Nhưng thực tế không phải như vậy. Hayes được cử đến OP34 là do nhầm lẫn. "Tôi nghĩ Russell là chỉ huy trưởng vào thời điểm đó. Ông ấy nhầm tôi với John Hayes, người cũng đã công tác tại SOG và từng công tác tại Nhóm lực lượng đặc biệt số 10 với Russell. Do vậy khi tôi đến trình diện, ông ấy tưởng tôi là John Hayesn. Vì đã có kinh nghiệm trước đây nên Pete Hayes phải ở lại.(2)

Trong nhiệm kỳ của mình, Hayes cũng nhận ra những vấn đề nghiêm trọng của chương trình. Hayes nhắc lại những sự kiện xảy ra với toán Bell và điệp viên Ares đã giúp ông nhận thức được tình hình. "Máy bay của chúng tôi suýt nữa bị bắn rơi khi bay tiếp tế cho toán Bell. Phi hành đoàn nói rằng họ bị một chiếc trực thăng phục kích và phải đổi hướng bay về Thái Lan. Tương tự, có một số dấu hiệu trong việc tiếp tế cho Ares cho phép Hayes kết luận "anh ta đã bị khống chế... và đó là các đồng nghiệp miền Bắc đang chơi lại chúng tôi".(3) 

Vấn đề nhân sự còn kéo dài cho đến khi Reg Woolard và Bob McLane chỉ huy OP34. John Hada, phó của McLane, nhớ lại nhiều sĩ quan chỉ đạo trực tiếp không mấy nhiệt tình với công việc. Ông mô tả "họ không biết cách giao tiếp với người khác và với nền văn hoá khác... Nhân viên trung cấp ở O P34 không có bằng cao đẳng... họ không thể ngồi đánh giá những gì đang xảy ra vì thực sự họ không hiểu". Hada kết luận "tôi nghĩ cách mô tả tốt nhất là chúng tôi bay trong mù tối và không kiểm soát được gì cả".(4) 

Đó chính là những gì mà Bob Kingston gặp phải khi tiếp quản OP34 tháng 5-1967. Ông tiếp nhận những người thuộc quyền hoặc là kém nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm. Kingston sa thải một số chỉ giữ lại những ai có thể bồi dưỡng thành nhân viên chỉ đạo hoạt động biệt kích.

OP34 đối mặt với một chế độ rất chú ý đến an ninh nội bộ. Các lực lượng an ninh và tình báo có trình độ nghề nghiệp và giỏi xử lý các thách thức và đe doạ từ bên trong. Phát triển mạng lưới gián điệp, biệt kích trong môi trường như vậy là quá mệt mỏi đối với CIA trong những năm 1950 trong khi họ có kiến thức, kinh nghiệm và được đào tạo về hoạt động này. Đối với OP34, đó là sự đối đầu không cân sức và thực tế cũng chứng tỏ như vậy.
_________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain, trong "Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP34 của MACVSOG” tr. 34.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Emest Pete Hayes, trong "Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của MACVSOG", tr. 171, 182.

4. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 40.48.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Tư, 2008, 09:29:01 pm

Việc tuyển lựa, động cơ và huấn luyện biệt kích.

Hoạt động biệt kích trong lòng miền Bắc đòi hỏi có động cơ và huấn luyện cao- Đó là môi trường khó khăn. Tuy nhiên, việc tuyển chọn, động viên và huấn luyện bị nhiễm nhiều căn bệnh từ khi thành lập 1964 đến lúc Chương trình đánh lạc hướng được hình thành vào cuối năm 1967.

Chất lượng của từng cá nhân được tuyển lựa cho chương trình biệt kích cài cắm lâu dài rất không đều. Có một số người hăng hái nhưng theo các nhà lãnh đạo của OP34 số này là ngoại lệ chứ không nhiều. Có rất nhiều khó khăn, trong đó tuyển lựa và tạo động cơ là hai khó khăn hàng đầu Trạng thái tinh thần kém của biệt kích là hệ quả trực tiếp của tiến trình tuyển lựa.

Rắc rối mà Russell gặp phải trong việc tuyển chọn người phù hợp nhanh chóng trở nên rõ ràng khi ông tiếp nhận số đang huấn luyện đo CIA bàn giao tháng 1-1964. Russell nhớ lại "khi tiếp quản, chúng tôi nhận ra là một số trong đó không đạt tiêu chuẩn cho bất cứ nhiệm vụ nào. Họ được tuyển dụng và thích mức lương được hưởng, nhưng đến lúc cần đến, họ không hăng hái lên đường". Việc tiếp nhận số người này đặt sếp của SOG vào tình huống khó xử. Ông không tin là một khi được xâm nhập họ có thể làm được điều gì đó nên hồn. “Những người mà chúng tôi tiếp nhận từ CIA cho chương trình này không có khả năng đi đâu cả”. Tuy vậy, Russell vẫn phải nhận, “chúng tôi không thể thả rông họ ở miền Nam vì họ đã được nghe về hoạt động ở miền Bắc".(1) Họ biết quá nhiều và không đủ tin cậy và vì thế với một phần thưởng nào đó họ sẵn lòng để lộ toàn bộ hoạt động cho đối phương hoặc bất cứ người nào muốn biết.

Giải pháp của Russell là tung họ ra Bắc. Ông "không hy vọng họ liên lạc trở lại mà nghĩ là họ sẽ đầu hàng đối phương ngay sau khi chạm đất và họ đã làm đúng như vậy". Theo chỉ huy trưởng của SOG, chỉ có một lý do duy nhất để họ đi là "chúng tôi phải loại bỏ họ... và giải pháp là đưa họ ra Bắc".(2) Chắc chắn cách này sẽ không làm cho tin tức về hoạt động biệt kích lọt ra tờ Thời báo New York. Tuy nhiên, ai cũng có thể hình dung là Hà Nội sẽ khai thác số bị bắt này về toàn bộ chương trình một cách không mấy vất vả.

Quá trình tuyển chọn không được cải thiện gì trong năm 1964 và sau đó vì SOG phải dựa vào đối tác Nam Việt Nam là Tổng nha kỹ thuật chiến lược để tuyển lựa nhân sự. Người Nam Việt Nam không làm tốt việc này: "sự bất lực của Tổng nha trong việc chọn lựa được người có đủ tiêu chuẩn cho huấn luyện biệt kích đã buộc phải sử dụng những toán trung bình" bản báo cáo của SOG năm 1964 đã thừa nhận như vậy(3).


Có một vấn đề lớn mà Partain gặp phải khi tiếp nhận OP34. Theo Partain, chủ yếu đó là vấn đề quan hệ với bên thứ ba, người cung cấp nguồn tuyển lựa... Họ cho rằng số được tuyển là sẵn sàng, có trình độ văn hoá mà chúng tôi không có cách nào thẩm định được". Partain còn nói thêm: "Với nhũng gì tôi biết, số được tuyển không phải thuộc tầng lớp trung lưu có văn hoá. Nếu anh nhớ lại, phần lớn số điệp viên của chúng ta trong chiến tranh thế giới thứ hai là người có học, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận rủi ro. Còn số này thì không". Hơn nữa "OP34 không đủ khả năng ngôn ngữ để hỏi han họ. Và do vậy không thể dựa vào việc kiểm tra lý lịch mà chúng ta thường làm".(4) 

Một khi số tuyển lựa đã qua huấn luyện, Partain phát hiện ra là "phần lớn số họ không muốn đi. Chúng tôi gần như phải hối lộ để họ bước ra khỏi máy bay". Bạn phải cho họ "thêm súng, thêm tiền và trong một trường hợp chúng tôi đã phải đẩy một người lên và sau đó ra khỏi máy bay".(5) 

Pete Hayes cũng gặp một trường hợp tương tự. "Tôi nhớ một trường hợp năm 1965 khi chúng tôi đã đưa họ lên hết máy bay thì một người, là nhân viên điều khiển điện đài, nói: tôi không đi, tôi không có đồng hồ đeo tay. Tôi nói chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó và tháo đồng hồ đưa cho anh ta. Anh ta lại nói: Tôi quên mất bản tín hiệu và tín hiệu nhận biết. Tôi lại nói: không lo, tín hiệu nhận biết của anh đây... Nói chung, nhân viên điện đài là ngon hơn các thành viên khác nhưng đôi khi họ cũng bị ảnh hưởng bởi các thành viên khác trong nhóm và cố tạo ra lý do để không phải đi...Cuối cùng thì chúng tôi cũng đưa được anh ta lên máy bay".(6) 

Ed Partain kết thúc nhiệm kỳ và được thay thế bằng Reg Woolard và sau đó Woolard được thay bằng McLane, nhưng chất lượng tuyển chọn vẫn ở mức thấp. Báo cáo năm 1966 của SOG nói rõ mức độ của vấn đề: "Trong năm, việc tuyển được người đủ tiêu chuẩn ngày càng trở nên khó khăn hơn". Hơn nữa "việc đào ngũ của số đang huấn luyện tiếp tục là vấn đề lớn có tác động xấu đến khả năng duy trì sự thống nhất của toán. Tỷ lệ đào ngũ trong số đang huấn luyện tăng từ 8% vào tháng 3 lên 21% vào tháng 5. Họ trốn trại vì "sợ bị cử đi hoạt động trong toán biệt kích ở miền Bắc". Rõ ràng là Tổng nha kỹ thuật chiến lược không hề cho họ biết nhiệm vụ phải thực hiện. Khi họ biết sự thật khắc nghiệt về nhiệm vụ và "không có một cố gắng nào nhằm đưa các toán trở về Nam thành công" sự lo ngại của họ tăng lên nhanh chóng".(7)
____________________________________
1, 2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần "Nhận xét về hoạt động và tin tức tình báo của MACVSOG", tr. 8.

3. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần “Hoạt động không vận", tr.15.
 
4. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain, trong "Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP34 của MACVSOG” tr. 29, 34.

5. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Eaward Partain, Sđd, tr.24, 29.

6. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Ernest Pete Hayes, trong "Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của MACVSOG" tr. 90.

7. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng hên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không vận tr.16.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Tư, 2008, 12:39:58 pm
John Hada nhớ là OP34 không hề biết trước Tổng nha kỹ thuật chiến lược sẽ mang đến những gì. "Trong nhiều trường hợp, rất khó phác hoạ lý lịch, học vấn, và địa vị kinh tế xã hội. Họ đều hăng hái vì lương cao. Nhưng, trên cơ sở quan sát, tôi phải nói rằng họ không tỏ ra yêu mến Cộng hoà miền Nam". Sự hăng hái của họ nhanh chóng bị xẹp xuống khi đến lúc phải xâm nhập. Hada cho rằng họ "tham gia chủ yếu vì tiền".(1) Vì OP34 không kiểm soát quá trình tuyển lựa, ông kết luận "việc lựa chọn người huấn luyện rất bừa bãi và không đạt như mong muốn".(2) 

Giải pháp cho vấn đề này là rõ ràng, như Hada nhận xét: giá như chúng ta có thể kiểm soát việc tuyển lựa thì công việc đã khá hơn nhiều(3). Nhưng không ai trong OP34 có đủ ngoại ngữ hoặc hiểu biết để làm điều đó.

Năm 1967, Kingston đau đớn phát hiện ra là người Nam Việt Nam đang tuyển chọn thiếu niên bằng cách tuyên truyền vật chất, theo kiểu: "Bạn sẽ làm việc với người Mỹ. Đây là một cuộc phiêu lưu thú vị và bạn sẽ được trả hậu hĩ khi tham gia cuộc phiêu lưu đó". Kingston không thể biết Tổng nha kỹ thuật chiến lược đã nói gì với họ. "Chúng tôi không biết họ tuyển người như thế nào và hứa hẹn những gì(4). Kingston có kế hoạch kiểm soát tiến trình tuyển mộ. Đó là một bước nhỏ nhưng đúng hướng. Tuy nhiên việc này hầu như không được thực hiện và sau đó trở nên không cần thiết khi OP34 tiến hành Chương trình đánh lạc hướng.

Người được tuyển được huấn luyện về hoạt động biệt kích cài cắm lâu dài ở trại Long Thành, nhưng việc huấn luyện không đồng đều. Cố vấn Mỹ hướng dẫn họ cách sử dụng vũ khí, chiến thuật chiến đấu, phá huỷ, xâm nhập bằng đường không và các kỹ thuật quân sự khác. Tuy nhiên, lẽ ra họ cũng cần được huấn luyện để nắm được kỹ năng tình báo. Nhiều khả năng là họ không được huấn luyện đến trình độ cần thiết. Ed Partain nhấn mạnh, "chúng tôi cố dạy họ vũ khí, cứu thương, phá hoại, thông tin liên lạc... nhưng không đào tạo họ về các kỹ năng đó”.(5) Đó là công việc của Tổng nha kỹ thuật chiến lược. Họ làm công việc đó thế nào? Lãnh đạo của OP34 không có câu trả lời.

Huấn luyện không phải là vấn đề duy nhất ở trại Long Thành. Còn có cả những bất cập về an ninh nữa. Điệp viên không được tách riêng sau khi đã nhận nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc cơ bản của hoạt động loại này. Thậm chí họ sau đó còn được nghỉ phép. Với mạng lưới tình báo rộng rãi của Việt Cộng ở khu vực Long Thành, điều đó thật đáng để giật mình.

Với chất lượng tuyển lựa như trên, không có gì ngạc nhiên khi kỷ luật huấn luyện bị vi phạm ở Long Thành. Nhiều trại viên có "danh tiếng đáng ngờ và làm nổi lên vấn đề kỷ luật ở trại".(6) Các yếu tố khác cũng góp phần tạo ra tình hình này: Tổng nha kỹ thuật chiến lược thường sử dụng những lời hứa hão và một khi người được tuyển biết được nhiệm vụ thực sự thì "tư tưởng cho rằng đằng nào cũng bị chết làm cho trại viên và một số cán bộ của trại cho rằng họ cần hưởng thụ khi có cơ hội".(7) Tất cả điều này đã góp phần làm tăng tỷ lệ trốn trại.
_________________________________________
1, 2, 3. Phỏng vấn lịch sử với John Hada, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 41, 42, 43.

4. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, trong "MACV8OG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG” tr. 70.

5, 6. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain, trong "Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP34 của MACVSOG", tr. 30, 29.

7. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Edward Partain, Sđd, tr.29.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Tư, 2008, 12:44:48 pm

Kỹ năng chỉ đạo hệ thống hai mang của Hà Nội

Hệ thống hai mang mà Hà Nội sử dụng chống SOG cũng giống như các hoạt động tương tự mà các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để chống cơ quan tình báo phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Cũng như các nước cùng hệ thống, miền Bắc chú trọng vấn đề an ninh nội bộ, phản gián và kiểm soát dân. Đó là quốc gia phản gián. Những nước này quan tâm sâu sắc đến vấn đề an ninh trong nước. Lực lượng an ninh và tình báo thường đông đảo và nhiệm vụ của họ là chống lại mọi mối đe doạ an ninh nội bộ. Trong thuật ngữ tình báo, điều này được gọi là phản gián chủ động, bao gồm việc xác định, bắt giữ, và vô hiệu hoá phần tử khủng bố, lật đổ, phản cách mạng, gián điệp, biệt kích. Chính phủ Hà Nội rất coi trọng những vấn đề này và trên thực tế còn tỏ ra lo ngại thái quá về âm mưu hoạt động gián điệp và lật đổ.

Để đảm bảo ổn định trong nước, chính phủ Hà Nội thành lập và duy trì các cơ quan cảnh sát, an ninh và tình báo mà đặc trưng là sự chồng chéo về tổ chức. Điều này đúng như ở Liên Xô, vốn là mô hình cho các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ khi thành lập, việc "tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt kẻ thù là nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước".(1) 

Miền Bắc tiếp nhận triết lý đó vào công tác phản gián và an ninh trong nước. Tương tự như đồng nghiệp Liên Xô, Hà Nội bị ám ảnh bởi vào những vấn đề này. Theo John Dziak, cựu nhân viên của cơ quan tình báo quân đội Mỹ, người đã từng đương đầu với KGB trong hơn ba thập kỷ, những nhà nước như vậy "thể hiện sự lo lắng thái quá về đe doạ cả bên trong lẫn bên ngoài. An ninh và việc trừ bỏ tận gốc các mối đe doạ là một nhiệm vụ chính của hệ thống đó”. Để đánh bại đối phương, các quốc gia phản gián "bỏ ra nhiều nguồn lực". Như Dziak nhận xét, "nhiệm vụ này đòi hỏi phải tạo ra cơ quan an ninh quốc gia xâm nhập vào mọi thể chế của đất nước".(2) 

Hà Nội duy trì một cơ quan như vậy. Cơ quan này có hệ thống từ Hà Nội đến các cấp hành chính thấp nhất. Công an nhân dân là nền tảng của hệ thống an ninh của Hà Nội. Dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ, lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn và trấn áp mọi hoạt động phá hoại và lật đổ đồng thời kiểm soát và vô hiệu hoá mọi phần tử phản cách mạng. Để đạt được mục đích này, công an được giao quyền hạn lớn trong việc khám xét, giam giữ, thu thập chứng cứ và sử dụng vũ khí để bóc gỡ gián điệp, chống phá hoại và dập tắt hoạt động lật đổ.

Ở cấp xã và cao hơn, công an duy trì quan hệ mật thiết với các cơ quan quân đội, dân quân và tình báo. Đây chính là chỗ chồng chéo về tổ chức xuất hiện. Mỗi một cơ quan có trách nhiệm an ninh nội bộ và quyền hạn trùng lặp với công an, trong đó công an vũ trang là một ví dụ. Dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng, một trong những nhiệm vụ của công an vũ trang là bảo vệ an toàn cho các cơ sở quan trọng chống phá hoại; giữ gìn an ninh biên giới, phát hiện việc xâm nhập của biệt kích; nắm tin, phát hiện và trấn áp các hành động phản cách mạng trong dân tộc thiểu số ở vùng núi cao dọc theo biên giới với Lào. Đây chính là những nhóm dân tộc ít người mà ba người chỉ huy đầu tiên của SOG đề nghị được sử dụng để thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc, Washington không nhận ra tiềm năng của họ, nhưng Hà Nội thì có.

Khi xem xét đến các cấp hành chính cao hơn như huyện, tỉnh và thành phố, người ta nhận thấy đầy đủ đại diện của các cơ quan có mặt ở cấp xã. Sự chồng chéo này là ở mức cao. Cuối cùng ở cấp bộ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chính trong việc chống lật đổ, phá hoại, gián điệp do số gián điệp biệt kích thâm nhập thực hiện. Bộ máy này cho phép Hà Nội tiến hành chiến dịch phản gián chủ động. Như William Colby giải thích, "chiến dịch đó thấm vào toàn xã hội... không ai đứng ngoài".(3) Các toán biệt kích của SOG phải đối mặt với bộ máy an ninh khổng lồ. Với tất cả những căn bệnh của SOG, các toán này hầu như không có cơ hội. Đó là cuộc chiến không cân sức.

Hà Nội không thoả mãn với việc xác định, bắt giữ, và vô hiệu hoá các toán biệt kích của SOG. Tương tự như các nước xã hội chủ nghĩa khác, chiến lược phản gián chủ động của Hà Nội tỏ ra rất hiệu quả. Trên thực tế, kế hoạch hai mang mà Hà Nội thực hiện chống lại SOG là một trong nhiều chiến dịch chống cơ quan tình báo phương Tây thành công mà các đồng nghiệp của họ ở các nước xã hội chủ nghĩa gặt hái được trong chiến tranh lạnh. Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm qua các mối quan hệ hợp tác với cơ quan an ninh, tình báo của các quốc gia bè bạn. KGB cũng có mặt ở Việt Nam và các nhân viên an ninh Việt Nam được học tập tại trường tình báo ở Matxcơva, nơi mà giáo trình giới thiệu chi tiết về nhiều hoạt động khống chế hai mang.

Tuy nhiên, ít nhất có ba yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển các cơ quan an ninh, tình báo của Hà Nội trong kỹ năng phản gián thụ động và chủ động. Thứ nhất là tâm lý, các nhà lãnh đạo Hà Nội luôn quan tâm tới các âm mưu hoạt động của đối phương và coi việc phát hiện và vô hiệu hoá các âm mưu đó là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, Bắc Việt Nam dành nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội bộ và phản gián. Điều này phản ánh ở quy mô, đào tạo và khả năng nghề nghiệp của các cơ quan an ninh.

Yếu tố thứ ba, có tính chất đặc biệt quan trọng, có liên quan đến kinh nghiệm trong nghệ thuật lật đổ, đánh lừa đối phương, và hoạt động bí mật. Trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong bí mật với nhiều phương thức khác nhau. Việt Cộng đã áp dụng hiệu quả các kinh nghiệm này. Vì vậy, kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp góp phần vào khả năng chống lại các thủ đoạn tương tự. Hà Nội biết phải làm gì và áp dụng biện pháp nào để vô hiệu hoá các hoạt động đó.
______________________________________
1. Dziak, "Lịch sử của KGB", tr. 1, 2.

2. Dziak, "Lịch sử của KGB", tr. 1.

3. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 9.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Tư, 2008, 10:34:33 pm

CHUƠNG TRÌNH ĐÁNH LẠC HUỚNG VÀ NGHỆ THUẬT CHƠI TRÒ BA MANG

Khi Singlaub và McKnight xem xét các thiệt hại trong năm 1968, họ suy nghĩ cần phải làm gì với OP34. Phải chăng cách tốt nhất là chấm dứt chương trình, hay là tiếp tục làm như cũ? Tuy nhiên, khi nghiên cứu báo cáo của nhóm chuyên viên phản gián về chương trình gián điệp, biệt kích và sự đánh giá trước đó của Kingston, Singlaub và McKnight gặp phải rất nhiều chi tiết lạ lùng, thậm chí còn kỳ lạ. Đầu tiên, những chi tiết đó không làm họ chú ý.

Các chuyên gia phản gián khi nghiên cứu hồ sơ đã phát hiện ra Hà Nội tuyên bố đã bắt giữ một số lượng biệt kích lớn hơn nhiều so với số SOG đã tung đi. Nếu con số đó chỉ xuất hiện trên báo chí và đài phát thanh thì lãnh đạo SOG đã không để ý đến vì đó chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, số liệu này xuất hiện trong tài liệu nội bộ, chỉ thị, và tài liệu đặc biệt. Ví dụ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo trước Quốc hội tháng 3-1966 là trong năm trước đó, gián điệp đã tích cực hoạt động thu thập tin tức chính trị, kinh tế, quân sự và điệp viên của đối phương đã gây ra sự bất mãn trong dân tộc thiểu số và các tổ chức tôn giáo. Bức thông điệp có vẻ nghiêm trọng.(1)

Hà Nội dường như đang quá lo ngại về gián điệp, Singlaub nghĩ, mọi việc cuối cùng đã trở nên thú vị hơn. Càng nghiên cứu các tin tức tình báo, Singlaub càng trở nên thích thú. Ông nhận ra các cơ quan an ninh của Hà Nội tập trung nhiều thời gian và công sức rà soát mọi khu vực để tìm kiếm các toán biệt kích vốn không tồn tại. Các hoạt động tìm kiếm này không khác gì công việc "kéo lưới". Họ dò hỏi dân làng, bao vây số đối tượng nghi vấn. "Người nào bị nghi vấn ủng hộ hoạt động phản cách mạng trong quá khứ" đều bị tra hỏi.(2) Sự cảnh giác dường như đang lan rộng trong tư tưởng của các quan chức miền Bắc. Singlaub suy nghĩ, chẳng mấy chốc họ sẽ tự đánh lẫn nhau. Nếu như vậy, Singlaub lập luận, đây chưa phải lúc chấm dứt chương trình OP34 mà ngược lại. OP34 cần được tổ chức lại và mở rộng nhưng với mục đích khác. Hà Nội dễ bị mắc lừa về quy mô và mức độ họ khống chế hoạt động biệt kích của OP34. Có lẽ, có thể làm cho họ tin là có nhiều toán khác mà họ không biết vẫn đang hoạt động bên trong biên giới. Trong hệ thống thuật ngữ tình báo, đây là trò chơi ba mang. Trò chơi này không dễ dàng, nhưng đây là điểm khơi đầu. Đã đến lúc khai thác nỗi lo sợ của Hà Nội. Với mục đích đó, SOG vạch ra "Chương trình đánh lạc hướng”. Với chương trình đó đến lượt SOG giữ vai trò chủ động.


Chương trình đánh lạc hướng

Với mật danh Forae, chương trình này được tướng Westmoreland phê chuẩn bằng miệng ngày 14-3-1968. Với tính chất của chương trình, điều này không có gì lạ.

Đầu tiên, Forae bao gồm “sáu đề án", trong đó ba đề án "được chuyển cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG".(3) Ba đề án còn lại được giao cho OP34 và trở thành hạt nhân của trò chơi ba mang.

Forae rất đơn giản nhưng việc thực hiện rất phức tạp. Mục tiêu của Forae là làm cho Hà Nội tin rằng họ mới chỉ phát hiện ra một phần nhỏ và rằng điệp viên của đối phương đã ăn sâu bén rễ ở miền Bắc. Bản kế hoạch nhằm "thuyết phục Hà Nội là có nhiều toán gián điệp biệt kích đang hoạt động ở miền Bắc hơn con số thực tế".(4) SOG hy vọng là Forae sẽ làm cho Hà Nội tập trung lực lượng quân đội, an ninh... tăng cường kiểm soát dân chúng, tạo môi trường thuận lợi cho chiến tranh tâm lý và khai thác quấy rối hậu phương của đối phương".(5) 

Nội dung chủ yếu của Forae là hoạt động đánh lừa do Bob Kingston đề xướng. Kingston quyết định "đưa máy phát thanh vào miền Bắc qua các toán biệt kích và thả qua đường không để tiếp sóng hai chương trình phát thanh tâm lý chiến (Đài Gươm thiêng ái quốc và Đài Cờ đỏ). Những gì chúng tôi muốn là lực lượng an ninh miền Bắc sẽ truy lùng cái mà họ nghĩ là biệt kích nhưng thực tế chỉ là đài phát".(6) Hoạt động này chủ yếu dựa vào đài phát thanh. Một khía cạnh khác là gửi các bức điện yêu cầu "các toán đang hoạt động liên hệ với các toán không tồn tại. Chúng tôi chỉ thị cho toán di chuyển để liên hệ với toán giả tạo khác. Đây là mật khẩu của anh, đây là mật khẩu của họ, đây là đường đi”.(7) Đây là nỗ lực rất khiêm tốn và khó làm cho Hà Nội phải lo lắng.
_______________________________________
1. Trích trong "Sổ tay địa bàn miền Bắc Việt Nam" (Washington DC, Cơ quan in ấn của chính phủ, tháng 6-1967, tr.338.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhận xét về hoạt động và tin tức tình báo của MACVSOG", tr. 63.

3. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần “Hoạt động không vận”, tr. 85.

4. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không vận", tr. 7.

5. MACVSOG "Lịch sử chỉ huy 1969" Phụ lục F, tr. IX-1-2.

6, 7. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, trong “MAEVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 68, 69, 70.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Tư, 2008, 10:47:59 pm

Ba đề án chính của Forae

Một chương trình tham vọng như Forae đòi hỏi có hàng loạt kỹ thuật đánh lừa mới có kết quả. Chương trình phát thanh là không đủ. Nhiệm vụ triển khai các hoạt động liên quan khác trong năm 1968 được giao cho Bob McKnight. Ông có một nhóm các sĩ quan triển khai các nội dung hoạt động khác nhau của Forae. Họ tỏ ra rất sáng tạo. Những sĩ quan này và sếp của họ trở nên "hiểu biết những lo ngại về an ninh nội bộ của miền Bắc và mức độ lo ngại của họ về vấn đề này".(1) Với kiến thức này, OP34 bắt đầu tạo ra trò chơi ba mang phức tạp.

McKnight cho biết, ngoài việc lừa Hà Nội, Forae còn đánh lạc hướng đối tác của SOG, Tổng nha kỹ thuật chiến lược. Họ chỉ được biết một phần và tin rằng Forae chỉ là một phiên bản mới của hoạt động gián điệp, biệt kích của OP34. Theo McKnight, Tổng nha kỹ thuật chiến lược nghĩ rằng mọi thứ "tiếp tục được thúc đẩy. Tôi tin rằng họ không bao giờ biết những gì chúng tôi thực sự đang tiến hành”. Trò chơi ba mang không chỉ "chơi" Hà Nội mà còn cả "đối tác của chúng ta" vì SOG tin rằng cơ quan tình báo Hà Nội đã xâm nhập được vào Tổng nha kỹ thuật. Cốt lõi của Forae là ba đề án chính: Borden, Urgency, và Oodles.

Đề án Borden

Đề án Borden tuyển chọn tù binh của Bắc Việt Nam làm điệp viên cho SOG. Khi được tuyển mộ, các tù binh sẽ phục vụ mục đích của Chương trình đánh lạc hướng một cách không tự giác.

Bert Spivy, lúc bấy giờ là đại uý, đã tốt nghiệp Westpoint là "một trong mười bảy" học viên của khoá 1960, những người "thực sự tin tưởng vào quan điểm của Kenedy về nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt". Spivy nhớ lại, "vào lúc bấy giờ, người ta bảo chúng tôi công việc đó không thuận lợi cho sự nghiệp. Tuy nhiên, tổng thống nhấn mạnh thách thức của nổi dậy cách mạng cộng sản và nhu cầu phát triển công cụ hữu hiệu để đối phó của Hoa Kỳ".(2) Đầu năm 1968, Spivy đến nhận công tác tại OP34 giúp điều hành đề án Borden.

Nhiệm vụ đầu tiên của Spivy là chọn từ số bị bắt ở các nơi giam giữ tù binh chiến tranh do quân đội Mỹ quản lý ra những người cộng tác. OP34 tránh tuyển chọn tù binh do quân đội Việt Nam Cộng hoà giam giữ. Spivy mô tả tiến trình tuyển lựa như sau: "chúng tôi xác định những người có khả năng thông qua việc trao đổi với nhân viên quản lý trại giam. Sau đó chúng tôi tiếp xúc với số đã qua sơ tuyển để xem họ có muốn trở thành điệp viên hay không".(3) 

Điều mà số tù binh được tuyển lựa không biết là những người điều hành đề án Borden không quan tâm đến việc họ tự nguyện trở thành điệp viên hay không. Thực ra, theo hồ sơ của Borden, "chúng tôi muốn số được tuyển lựa này để lộ nhiệm vụ được giao cho miền Bắc khi đầu hàng hoặc bị thẩm vấn".(4) Spivy nhấn mạnh, "chúng tôi muốn họ tin là việc tuyển lựa họ là thành thật. Hay nói cách khác, chúng tôi muốn họ tin là chúng tôi thật sự muốn họ làm việc cho chúng tôi và trở thành một bộ phận của mạng lưới gián điệp và phong trào chống đối trong lòng miền Bắc".(5) Dĩ nhiên, mối quan tâm thực sự không phải là độ tin cậy của họ mà là liệu OP34 có thể tuyển chọn họ hay không để phục vụ cho mục đích đánh lừa mà họ không hề hay biết.

Khi đã được đưa về miền Bắc, các điệp viên của Borden sẽ phục vụ mục đích của OP34 một cách không tự giác. Sếp của SOG đại tá Steve Cavanaugh, người thay thế Singlaub, giải thích "trong khi huấn luyện, chúng tôi giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể là móc nối với toán giả tạo ở miền Bắc để lấy tin tức... Tất nhiên, chúng tôi lừa họ bởi vì chẳng có toán nào tồn tại để liên lạc. Chúng tôi dự kiến họ sẽ bị bắt và thẩm vấn, và vì chúng tôi không tin tưởng họ thực sự muốn cộng tác, tôi nghĩ họ sẽ khai ra hết. Chúng tôi muốn họ bị bắt, bị thẩm vấn để khai ra những gì chúng tôi đã nói với họ về các toán gián đỉệp-biệt kích đang hoạt động ở miền Bắc.(6) Đó mới chỉ là một phần của trò chơi đố chữ mà OP34 đang đề ra trong đề án Borden.

Sau đó là việc huấn luyện số tù binh đã được tuyển chọn. Như Spivy mô tả, đó là một công việc được kiểm soát chặt chẽ và theo kịch bản có trước. “Chúng tôi sử dụng một số biệt kích do Tổng nha kỹ thuật chiến lược tuyển chọn cùng huấn luyện chung với họ. Sự có mặt của số này sẽ cung cấp cho họ một cách không chính thức thông tin về các toán khác đã Bắc tiến hoặc sự đồn đoán về phong trào chống đối ở miền Bắc. Kiểu thông tin không chính thức này sẽ củng cố thêm các thông tin chính thức mà chúng tôi nhồi cho họ trong quá trình huấn luyện".(7) Kiểu đưa tin chính thức bao gồm việc "cung cấp cho họ đầu mối liên lạc, cách móc nối với các tổ gián điệp. Chúng tôi cũng có thể cho biết thông tin về các quan chức chính phủ tham nhũng mà chúng tôi nói rằng có được là nhờ các toán cài cắm cung cấp”.(8 )

Borden được "thiết kế để làm Bắc Việt Nam phải tiêu tốn nguồn lực quân sự để đối phó với sự xâm nhập này". SOG hy vọng rằng Hà Nội sẽ bắt đầu chiến dịch săn lùng trong hàng ngũ của mình và tạo ra "sự bất mãn và xa cách giữa binh lính và chỉ huy, kích thích sự đảo ngũ”.(9) Khi việc huấn luyện kết thúc, các điệp viên "giả hiệu" đã sẵn sàng xâm nhập về miền Bắc hoặc vùng lãnh thổ do Bắc Việt Nam kiểm soát tại Lào hoặc Campuchia. Ngay trong giai đoạn xâm nhập, các thủ đoạn đánh lừa vẫn được áp dụng. Một điệp viên của Borden được "một phần thưởng là nhảy dù trước vì đạt kết quả tốt khi huấn luyện", sau đó đến các thành viên khác. Dĩ nhiên, "anh ta không biết là khi mình vừa nhảy ra khỏi máy bay vào bóng đêm, đồng đội của anh ta cởi bỏ móc dù và ngồi xuống". Họ chính là một phần của trò chơi. Khi lực lượng an ninh miền Bắc đến tìm kiếm, họ sẽ thu được những chiếc dù "treo ở trên cây”. Những chiếc dù này không chở điệp viên mà là các cục nước đá. Khi bị phát hiện các "điệp viên này đã tan thành nước".(10) 

Thậm chí những tù binh không được tuyển chọn là điệp viên cũng có vai trò nhất định trong trò chơi. Theo hồ sơ của Borden, họ được "đưa về trại giam như bình thường để lan truyền thông tin về đề án cho những người cùng bị giam giữ để cuối cùng chuyển đến các nhà phân tích tình báo của miền Bắc".(11) 

Điều này bổ sung thêm một khía cạnh nữa cho đề án Borden nhằm vào số tù binh nói chung mà từ đó SOG tuyển chọn điệp viên. Sáng kiến này do một sĩ quan không quân trẻ đến công tác tại SOG năm 1967-1968 đề xuất. Clem Tamaraz khá xa lạ với công việc của mình. Không quân thường không tạo ra sĩ quan có sự quan tâm đến lĩnh vực phản gián và đánh lửa. Nhưng nhiều ý tưởng của Tamaraz đã trở thành nội dung hoạt động của Chương trình đánh lạc hướng.

Tamaraz nhắc lại một thủ đoạn như sau: "Tù binh không được tuyển chọn cũng vẫn được tiếp xúc với người đi tuyển theo cách làm cho họ tin rằng chúng tôi đang chào đón một điệp viên, người thường xuyên sinh hoạt cùng với họ". Thủ đoạn này được thực hiện như sau "cách chúng tôi làm là sử dụng bột bắt sáng. Chúng tôi (giả vờ tiến hành) nghiên cứu về hội chứng quá căng thẳng trong số tù binh miền Bắc. Chúng tôi có một bác sĩ quân y đến tận trại và khám từng tù binh. Viên bác sĩ sẽ đánh dấu vào trán một người nào đó thứ bột bắt sáng không nhìn thấy được bằng mắt thường. Ngày hôm sau, tôi sẽ đến phỏng vấn số tù binh đó và dùng đèn chiếu để vết đánh dấu đó hiện lên, khi đó tôi tiến đến chào hỏi vồn vã, bắt tay, ôm hôn và đưa anh ta ra chỗ khám. Số tù binh còn lại cũng nhìn thấy vết sáng hiện trên trán... và vì vậy họ biết anh ta không giống người khác".

Không cần phải thiên tài lắm để kết luận là anh ta là điệp viên. Thông tin này được củng cố bằng số bị loại ra trong quá trình huấn luyện. "Do đó, cơ quan tình báo miền Bắc có được thông tin từ số tù binh chiến tranh mà chúng tôi đã cấy người vào. Rồi họ có thông tin...rằng chúng ta đang tung người đi. Điều này tái khẳng định kết luận của họ là chúng tôi đang huấn luyện người đưa ra Bắc".(12) Cuối cùng, người tù binh bị đánh dấu bằng bột phát sáng được lựa chọn hoặc là trở thành điệp viên hoặc trở về nơi giam giữ cũ. Đó không phải là sự lựa chọn khó khăn. Và thế là OP34 có nhiều điệp viên hơn để tung ra Bắc.

Theo Spivy, mục đích đầu tiên của đề án Borden là tung đi khoảng vài trăm điệp viên một năm.(13) Trong năm 1968, hồ sơ cho thấy đề án đang được triển khai với 98 tù binh đã được tuyển lựa. 50 người trở về trại giam, 44 người được đưa ra Bắc và các vùng do Bắc Việt Nam kiểm soát. 4 người dự kiến sẽ được xâm nhập vào tháng 1-1969".(14) Đối với những người chỉ đạo Borden, 1968 được coi là năm khởi đầu tốt đẹp. Họ vạch kế hoạch làm nhiều hơn nữa trong năm 1969, tuy nhiên Washington đã can thiệp vào cuối năm 1968 và chấm dứt mọi hoạt động chống lại miền Bắc của SOG có liên quan đến việc đưa người qua giới tuyến.
_______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với tướng Robert Kingston, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr.117.

2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bert Spivy, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 162.

3, 5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bert Spivy, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 165.

4, 11. MACVSOG "Lịch sử chỉ huy 1969” Phụ lục F, tr. IX-4.

6. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Stephen E. Cavanaugh, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những chỉ huy của SOG" tr. 95.

7, 8, 13. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bert Spivy, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 166.

9. MACVSOG "Lịch sử chỉ huy 1969" Phụ lục F, tr. IX-3.

10. Plaster, “SOG: cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Mỹ tại Việt Nam", tr.228.

12. Phỏng vấn lịch sử với trung tá C.P.Tamaraz, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 153-154.

14. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không vận", tr. 87.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Tư, 2008, 12:28:13 pm

Đề án Urgency

Đề án Urgency, yếu tố cốt lõi thứ hai của Forae, bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất có liên quan đến bộ đội, dân quân, cán bộ đảng miền Bắc trung kiên, không hợp tác đã bị bắt hoặc bị bắt cóc. OP34 có được tiếp cận với số này thông qua hai con đường. Thứ nhất, là qua các trại tù binh do quân đội Mỹ quản lý và là nơi đề án Borden tuyển lựa điệp viên. Thứ hai, là qua hoạt động trên biển có mật danh Plowman chuyên bắt cóc công dân miền Bắc. Khi bị bắt cóc và lựa chọn, số này được đưa ra đảo Thiên Đường, nơi họ được tuyên truyền về phong trào chống đối nguy tạo có tên Gươm thiêng ái quốc do bộ phận hoạt động tâm lý chiến của SOG chỉ đạo. Những người bị bắt giữ và tù binh chiến tranh được Urgency lựa chọn là những người không chịu hợp tác. Họ là những người cứng rắn và không thể khai thác được gì. Rõ ràng là họ không thích gì phong trào chống đối giả tạo. Nhưng đề án Urgency biết cách sử dụng họ. Theo Bob McKnight, chỉ huy trưởng của SOG năm 1968, SOG dự định biến họ thành gián điệp và đẩy trả về miền Bắc.

Đây thật là một đòn hiểm. Thứ nhất, những công cụ gián điệp được khâu vào áo của họ mà họ không biết. Đây là một công việc chuyên môn. Sau đó, theo McKnight, "chúng tôi huấn luyện họ một chút về cách lên xuống máy bay trực thăng (hoặc sử dụng dù) rồi đưa họ vào vùng nào đó nơi họ có thể đi bộ đến chỗ có dân cư không mấy khó khăn".(1) 

Những người điều hành đề án dự tính rằng lực lượng an ninh miền Bắc sẽ bắt và giam giữ họ và sau đó sẽ phát hiện ra tài liệu giấu trong người, trong đó có danh sách những điệp viên và các hoạt động gián điệp khác. Khi họ phủ nhận việc biết có các tài liệu này, nhiều khả năng là tiến trình thẩm vấn trở nên tồi tệ. Họ càng giải thích thì càng phải chịu đựng các biện pháp xét hỏi khắc nghiệt hơn.

Nội dung thứ hai liên quan đến số bị giữ trên đảo Thiên Đường, nhưng người muốn hợp tác, hay ít nhất là tỏ ra như vậy. Dù thái độ thật thế nào, họ đều được những người điều hành Urgency quan tâm. Những người này có thể là điệp viên thật hoặc giả. Trong phần lớn các trường hợp điều đó không quan trọng vì Urgency về cơ bản là hoạt động đánh lừa. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, một số ít điệp viên được tuyển chọn và huấn luyện sơ bộ, sau đó tung về miền Bắc chờ liên lạc sau. Trên thực tế, OP34 đã thực hiện một chương trình tương tự với một số ít được lựa chọn tại đảo Thiên Đường năm 1967. Theo hồ sơ, "ý tưởng hoạt động là sử dụng hai người bị bắt cóc để thu thập tình báo ở nơi họ cư trú”. Hai điệp viên, mật danh Goldfish và Pergola, được đưa ra Bắc tháng 9-1967, sau đó không ai nhận được tin gì của họ.(2) Tuy nhiên, mục đích chính trong nội dung này của Urgency là biến người bị bắt giữ thành điệp viên giả với mục đích duy nhất là khai báo hết với cơ quan ninh miền Bắc khi bị xét hỏi.

Mục tiêu ở đây không phải thu thập tin tình báo mà đánh lừa. Họ được huấn luyện tương tự như số được chọn cho đề án Borden. Trên thực tế, theo Bert Spivy, "tôi đến đảo Thiên Đường và có thể quan sát được hoạt động của ngư dân. Mục đích của tôi là học các kỹ thuật khác nhau vì tôi thực hiện một nhiệm vụ tương tự đối với tù binh chiến tranh".(3) Những gì mà ông học được là Urgency đang điều hành một công việc hoàn toàn theo kịch bản, trong đó những người bị bắt đều có vai và được nhận những thông tin giả về các điệp viên và mạng lưới khác. Quá trình huấn luyện tỷ mỉ đó kết thúc bằng buổi lễ đặc biệt trong đó các "điệp viên" được kết nạp vào hội anh em bí mật. Ngay sau đó điệp viên đó được đưa ra Bắc.

Cũng như Borden, Urgency mới bắt đầu triển khai thì cuối 1968, Washington đình chỉ mọi hoạt động bên kia giới tuyến của miền Bắc.


Đề án Oodles

Thành tố chủ yếu thứ ba của Forae là đề án Oodles. Đó là một hoạt động đánh lừa bằng điện đài phức tạp được cụ thể hoá trên cơ sở nỗ lực của Kingston. Theo hồ sơ của SOG, đề án Oodles được "thiết kế nhằm tạo ra hình ảnh về một mạng lưới điệp viên hiệu quả, rộng rãi trong một số vùng ở miền Bắc. Với mục đích đó, mười bốn toán "ma" được dựng lên".(4) Chúng có mục đích tạo thành một mạng lưới phức tạp hơn song song với số mà người Bắc Việt Narn đã phát hiện và khống chế sử dụng chống lại SOG. Đây là một thủ đoạn tinh vi do Dave Thoemen, một nhân viên CIA vạch ra.

Để làm cho đề án Oodles có vẻ đáng tin tưởng, các bức điện giả được gửi từ OP34 cho từng toán biệt kích ma. Những bức điện đó bao gồm hướng dẫn hoạt động, mục tiêu thu thập tình báo, tiếp tế, hoạt động của các toán khác và các toán bổ sung. Thêm vào đó, toán viên còn nhận được điện từ gia đình, nhất là trong các ngày nghỉ quan trọng. Ví dụ, nhân dịp sinh nhật, một toán viên nhận được điện từ cha mẹ, vợ và con. Nhân dịp ngày cưới, có điện rất riêng tư của vợ, nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ.

Các kiện hàng tiếp tế cũng được thả dù xuống khu vực mà toán biệt kích ma đang hoạt động. Tất nhiên những gì mà cơ quan an ninh miền Bắc tìm thấy chỉ là phần vỏ, không có hàng. Ấn tượng mà OP34 muốn tạo ra là các cơ quan an ninh miền Bắc đã đến quá chậm: toán biệt kích đã có mặt ở đó và lấy đi một kiện hàng. Theo hồ sơ của đề án, "để tăng thêm độ tin cậy, sự có mặt của con người được thể hiện bằng những chiếc dù buộc nước đá để khi đá tan dù vẫn còn treo trên cây".(5) Ở đây bức thông điệp cho công an hoặc ai đó tìm thấy dù là : bạn đến chậm quá, họ đã đi xa rồi.

Một thủ đoạn khác, điệp viên giả được tung đi từ hai đề án Borden và Urgency đều tin là khi chạm đất họ sẽ được các thành viên của các toán biệt kích "ma" đón. Trong khi số điệp viên giả này thực sự tin là họ sẽ được gặp các toán có từ trước, mục tiêu của OP34 đơn giản chỉ là tạo ra thêm chứng cứ cho thấy các toán ma là có thật.

Cuối cùng, các điện đài của các toán ngụy tạo được thả xuống miền Bắc. Điều này khép kín vòng tròn liên lạc. Các bức điện được gửi đi và được trả lời. Ngoài ra, các thiết bị sát thương được thả xuống miền Bắc để buộc lực lượng an ninh phải hành động. Ở đây mục tiêu là làm cho đối phương truy tìm thiết bị chứ không phải người sử dụng thiết bị đó.

Cũng như Borden và Urgency, các hoạt động của đề án Oodles có liên quan đến đưa người qua biên giới miền Bắc như các chuyến tiếp tế giả và thả điện đài bị ngừng lại cuối năm 1968. Oodles được tiếp tục trong năm 1969 nhưng chỉ giới hạn trong việc gửi điện cho mười bốn toán “ma" mà thôi. Trung bình mỗi tuần có hai bức điện được gửi đi.
______________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Robert McKnight, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 116.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không vận", tr. 84.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bert Spivy, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 167.

4, 5. MACVSOG "Lịch sử chỉ huy 1969”, Phụ lục F, tr. IX-1-3.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Tư, 2008, 06:20:43 pm

Các đề án hỗ trợ Forae khác

Trong khi Borden, Urgency và Oodles là ba hoạt động chủ yếu của Chương trình đánh lạc hướng của OP34, các chương trình khác do SOG điều hành có vai trò hỗ trợ nhằm làm cho Hà Nội tin rằng họ đang có vấn đề an ninh nghiêm trọng. Một trong chương trình đó là "Chương trình biệt kích thám sát đường và mục tiêu ngắn hạn", viết tắt là Strata, có nhiệm vụ phụ là củng cố thêm Forae thông qua hoạt động của mình.

Tháng 5-1967, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương điện phê chuẩn đề án Strata. Hai toán Strata đầu tiên được xâm nhập vào miền Bắc cuối năm đó. Địa bàn hoạt động của hai toán này là phía nam vĩ tuyến 20, khoảng 150 dặm phía trên khu phi quân sự, nơi họ thu thập thông tin về mạng lưới đường giao thông nối với đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. Trong khi các toán dài hạn được chuyển sang nhiệm vụ thu tin tình báo tương tự từ năm 1966, rất ít toán còn tồn tại và cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy, "người ta cho rằng việc nhấn mạnh thời gian ngắn và cơ động của các toán Strata trong huấn luyện sẽ giúp họ tồn tại và đưa về thành công".(1)

Các toán Strata bao gồm từ "5-15 toán viên là người địa phương được chuyên chở bằng máy bay trực thăng của không quân Mỹ hoặc không quân Nam Việt Nam... Mỗi một công vụ kéo dài khoảng 15-30 ngày”.(2) Trong năm 1968, tất cả 28 toán được tung ra Bắc. Thiếu tá Gaspard, người giám sát việc thi hành đề án này, kể lại rằng nhiệm vụ của các toán Strata là "quan sát đường và thám báo... trinh sát đường lớn, đường mòn, hoặc các mục tiêu khác và tìm ra địa điểm tập kết rút về Nam. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn vì địa hình ở đó rất hiểm trở. Tôi không nghĩ là nó dễ dàng chút nào".(3)

Gaspard là một sĩ quan giàu kinh nghiệm của Lực lượng đặc biệt, người đã từng chỉ huy các toán thám báo hoạt động ở bên kia giới tuyến ở Bắc Triều Tiên. Ông "chỉ huy một đơn vị phối thuộc có tên "Văn phòng liên lạc chiến thuật" hay TLO, thường bao gồm một trung uý hoặc đại uý, ba hoặc bốn nhân viên điều hành và khoảng 30-40 thám báo người Triều Tiên. Khi tiểu đoàn bộ binh ra chiến trường, đội TLO cùng đi và tiến hành tuần tra, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát... Tôi đã chỉ huy 97 phi vụ qua khu phi quân sự xâm nhập vào Bắc Triều Tiên và được đánh giá khá cao về các hoạt động này".(4) Sau đó, vào giữa những năm 1960, Gaspard trở lại Triều Tiên, lần này là để "triển khai chương trình chống xâm nhập". Lúc này Bắc Triều Tiên đang tiến hành đưa một số lượng đáng kể lực lượng đặc biệt vào miền Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm này, Gaspard dường như rất thích hợp với vị trí lãnh đạo Strata.

Các toán Strata được giao thêm một số nhiệm vụ phụ như cài mìn, bắt cóc tù binh, rải tài liệu tâm lý chiến. Nhưng hồ sơ của chương trình cho thấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ này của các toán Strata là rất hạn chế. Các toán viên cho biết rất ít khi họ tiếp cận gần đường để có thể nhìn thấy xe tải hoặc phát hiện ra mục tiêu không kích đáng giá. Các toán Strata cũng không bắt cóc được tù binh và chỉ gài được một số mìn ít ỏi. Tuy nhiên, họ đã rải nhiều tài liệu tâm lý chiến trong các khu vực họ được xâm nhập. Những tài liệu này liên quan tới hoạt động chống đối giả tạo phong trào "Gươm thiêng ái quốc". Thông thường các tài liệu đó nói xấu cán bộ địa phương trong vùng. Ý là, theo Gaspard, "hoặc hạ bệ người cán bộ đó hoặc làm cho an ninh miền Bắc tin là phong trào chống đối là có thật và đang hoạt động tại khu vực đó".(5) 

Với tình hình như vậy, lợi ích của các toán Strata là gì? Gaspard có cách đánh giá rất riêng "cách đánh giá của tôi là nếu bạn chỉ huy chương trình, và nhiệm vụ của bạn là tung họ đi thì chúng tôi đã thực hiện được điều đó. Nếu họ làm được điều gì hơn thế, theo tôi, đó là việc phụ. Tôi biết cách nhìn này có vẻ ngược đời nhưng tôi phải đánh giá hoạt động đó".(6) Thế thì hoạt động này có tác động thế nào đối với Hà Nội? Gaspard tin là nó cho Hà Nội biết "chúng ta muốn đến lúc nào thì đến, muốn rải truyền đơn và cắm cờ lúc nào cũng được".(7)

Trong khi các toán Strata không hoàn thành nhiệm vụ như dự kiến, sự thật là họ xâm nhập miền Bắc 24 lần trong năm 1968 rõ ràng làm tăng thêm hiệu quả của Chương trình đánh lạc hướng, như ý kiến của Gaspard. Trong thực tế, đó là một chứng cứ thực sự về hoạt động gián điệp, biệt kích như Hà Nội thường vẫn gọi. Cũng như đối với các hoạt động khác của SOG có liên quan đến việc đưa người thâm nhập miền Bắc, chương trình Strata bị kết thúc một cách đột ngột vào cuối năm 1968. Trong năm 1969, Strata tập trung vào Lào và Campuchia đồng thời quay trở lại nhiệm vụ thu thập tình báo.

Forae không chỉ có như vậy. Bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG đã triển khai ba đề án khác. Một là đề án Uranolite, "tung các thiết bị quấy phá và bóng gió ám chỉ có điệp viên vào miền Bắc để buộc lực lượng an ninh phải tập trung lực lượng truy tìm và tìm hiểu thiết bị, phát hiện điệp viên, và mở rộng phạm vi hoạt động". Những thiết bị này được chở bằng máy bay rồi thả xuống một số khu vực nhất định. Ví dụ như các hộp chứa phương tiện đặc trưng của hoạt động gián điệp (đèn pin tiết kiệm năng lượng, máy dự báo thời tiết hoặc thuốc nổ, máy thu thanh rẻ tiền, hoặc thiết bị chẳng có mục đích gì ngoài việc buộc họ mất thời gian nghiên cứu)". Đề án này "đã sẵn sàng khởi động khi Washington ra lệnh ngừng ném bom năm 1968 đồng thời chấm dứt mọi hoạt động như vậy chống lại miền Bắc".(8 )

Tiếp theo là đề án Pollak, “vu cáo cho một số quan chức miền Bắc là gián điệp nhằm mục đích để an ninh miền Bắc tập trung lực lượng bắt giữ, xét hỏi, và điều tra những người và cơ quan hoàn toàn vô tội". Mục đích này được thực hiện thông qua thư trong đó sử dụng mực bí mật dễ bị phát hiện". Những lá thư này được gửi qua đầu mối hai mang ở miền Nam hoặc qua số điệp viên "giả" được tung ra Bắc. Thuật ngữ tình báo gọi đó là những lá thư "đen". Đề án này được triển khai năm 1968.

Đề án Sanitaries "nhằm mở rộng hoạt động của "Gươm thiêng ái quốc" thông qua việc sử dụng các tờ rơi có phiếu thưởng… được thiết kế để làm cho cơ quan an ninh Hà Nội tin là hoạt động của Gươm thiêng ái quốc là rộng lớn, có sự ủng hộ rộng rãi và để khuyến khích nhân dân giấu các tờ rơi đó để lĩnh thưởng”. Đề án này cũng bị dừng lại tháng 11 1968.(9) 

Phong trào Gươm thiêng ái quốc, thành lập năm 1965 , cũng góp phần vào Chương trình đánh lạc hướng. Hai nội dung hoạt động chủ yếu của nó có liên quan và hỗ trợ trực tiếp cho trò chơi ba mang của OP34.

Cuối cùng, OP39 gửi một số lượng lớn thư giả cho cán bộ và công dân miền Bắc. Một số thư nhằm tạo ra sự nghi ngờ hoạt động gián điệp đối với người nhận hoặc “biến" họ thành gián điệp. Một thủ thuật nhỏ nữa là gắn những thông tin trong thư với thông tin giả về gián điệp và biệt kích mà đề án Borden và Urgency tung ra.
_____________________________________
1, 2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động không vận", tr. 6.

3. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng George Gaspard, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những nhân viên phục vụ kế hoạch OP34 của MACVSOG" tr. 129.

4, 5. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng George Gaspard, Sđd, tr. 125.

6, 7. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng George Gaspard, Sđd tr-131,160.

8, 9. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động tâm lý chiến", tr. 90.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Tư, 2008, 06:36:37 pm

CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG

Cuối cùng thì OP34 cũng đi đúng hướng, và vào mùa thu 1968, Chương trình đánh lạc hướng đang được triền khai. Sếp của OP34 và một số ít sĩ quan tỏ ra có đầu óc sáng tạo trong việc kiến tạo một hệ thống ba mang phức tạp. Đó là một nỗ lực thật sự nghiêm chỉnh nhằm vớt vát từ thất bại trước đó. OP34 đã trở lại trò chơi nhưng với vai trò người đi lừa chứ không phải bị lừa.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Chương trình đánh lạc hướng đã làm cho Hà Nội chú ý. Báo chí và đài phát thanh trong năm 1968 hé lộ cho thấy nỗi lo ngại về gián điệp biệt kích, và lật đổ. Đó là sự thay đổi lớn so với năm trước đó. Các bài báo và bình luận trên đài phát thanh trở nên báo động nhiều hơn. Ngay cả trong giai đoạn hình thành, Chương trình đánh lạc hướng rõ ràng đã tạo ra kết quả như mong muốn. Hà Nội cảm thấy độ nóng và ngày càng trở nên nhậy cảm đối với nguy cơ lật đổ.

Đúng lúc đó một bức điện được gửi tới. Tháng 11-1968, SOG nhận được một thông báo khẩn của Washington. Bản thông báo yêu cầu chấm dứt tất cả hoạt động biên kia giới tuyến. Đối với Chương trình đánh lạc hướng, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ chương trình mới vừa được triển khai. Tại sao điều đó lại xảy ra? Đại tá Cavanaugh, chỉ huy trưởng của SOG tự hỏi. Ông nhớ lại: "Không lâu sau khi tôi có mặt tại đó, Washington cho gọi tôi và hỏi: Anh có toán nào đang hoạt động bên trên giới tuyến không? Tôi có ba toán, và họ nói "Anh phải đưa họ về ngay lập tức, chúng ta chuẩn bị ngừng ném bom và tuyên bố chúng ta không có hoạt động gì bên trên giới tuyến. Tôi nhớ kỹ bởi vì mệnh lệnh này gây ra sự kinh hoàng do không thể có cách nào đưa họ về ngay được. Vì thế, đó là lần cuối cùng chúng tôi đưa người ra Bắc".1 

Chương trình đánh lạc hướng đã trở thành nạn nhân của việc xem xét lại chính sách sau Tết Mậu Thân của tổng thống Johnson. Vào cuối tháng Giêng, Việt Cộng phát động cuộc tấn công trên toàn quốc làm Washington chết điếng. Ngoài việc tấn công 36 trong tổng số 44 tỉnh lỵ và 5 thành phố lớn nhất ở miền Nam, Việt Cộng còn tập kích vào toà Đại sứ Mỹ, dinh tổng thống và tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn. Mặc dù sau đó Việt Cộng chịu tổn thất và mất quyền kiểm soát các khu vực đánh chiếm được, cuộc tổng tấn công là một cú sốc chiến lược đối với chính quyền Johnson. Nó xé tan những đánh giá lạc quan từ năm 1967 của Lầu Năm Góc là tình hình đang được cải thiện và dự báo chiến tranh sắp kết thúc. Tết Mậu Thân làm Johnson mất hết nhuệ khí.

Ngày 31-3-1968, Johnson thông báo với toàn quốc rằng ông đã đơn phương ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc, trừ vùng tiếp giáp với khu phi quân sự, nơi sự tập trung của quân đội miền Bắc đe doạ trực tiếp căn cứ của Mỹ và quân đội Sài Gòn, và rằng ông sẽ không ra tranh cử tổng thống. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân thay đổi sâu sắc chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Mục tiêu lúc này là thoát ra khỏi chứ không phải đánh thắng cuộc chiến tranh.

Người ta hy vọng việc ngừng ném bom sẽ là một cử chỉ thiện chí phát đi tín hiệu cho thấy nguyện vọng muốn đàm phán nghiêm chỉnh của chính quyền, một sáng kiến hoà bình mới. Đó là sự thay đổi sâu sắc. Miền Bắc, sau khi tiến hành đánh giá cuộc tổng tấn công, tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán.

Sau một tháng tranh luận về địa điểm, cuối cùng Hà Nội và Washington đồng ý gặp ở Paris và cuộc đàm phán bắt đầu ngày 13-5-1968. Ngay sau khi có mặt, các nhà đàm phán miền Bắc đã nhanh chóng nêu điều kiện của đàm phán. Những điều kiện này gần như đồng nghĩa với việc đòi Washington đầu hàng. Đối với đoàn đàm phán của Mỹ do Averall Harriman dẫn đầu, đó là tình huống khó khăn và chán ngán. Hà Nội yêu cầu cuộc đàm phán chỉ có thể tiến triển với "sự chấm dứt vô điều kiện các cuộc không kích của Mỹ và các hành động chiến tranh khác" chống lại miền Bắc. Hay nói cách khác, kết thúc SOG. Hà Nội bác bỏ đề nghị có đi có lại của Mỹ vì nó có thể phương hại đến khả năng hỗ trợ chiến tranh ở miền Nam. Họ sẽ không bỏ Việt Cộng và cũng không rút quân đội ra khỏi miền Nam. Hà Nội cũng từ chối không công nhận chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ cũng làm như vậy đối với Việt Cộng.

Vào tháng 7, Johnson thấy thế là quá đủ. Ông ra lệnh B52 tái ném bom phía bắc khu phi quân sự. Tuy nhiên, Hà Nội không chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và Harriman không làm gì để lay chuyển được lập trường đó. Vào đầu mùa thu, Harriman thuyết phục được Johnson đồng ý chấm dứt ném bom lần nữa nếu muốn có được nhượng bộ của miền Bắc Việt Nam. Cuối cùng "Cá sấu đã có được một "hiểu biết". Khó có thể nói đó là nhượng bộ. Harriman không thể ép Việt Nam chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và nói với đoàn đàm phán Bắc Việt Nam là Hoa Kỳ có thể chấp nhận ngừng ném bom mà không cần có đòi hỏi gì nhiều. Harriman nói Hà Nội cần chấm dứt pháo kích và bắn rốc két vào các thành phố lớn và giảm số bộ đội tăng cường cho miền Nam qua khu phi quân sự. Hà Nội từ chối không chịu có cam kết chính thức, nhưng Harriman tin rằng họ đã "nháy mắt và gật đầu” đồng ý với ông.

Đó là tất cả những gì Harriman thu được. Thậm chí Hà Nội không phải thừa nhận họ có quân đội ở miền Nam chứ đừng nói đến việc rút quân. Đồng thời, miền Bắc không đưa ra một chỉ thị nào chấm dứt hoạt động của Việt Cộng. Đó là một thoả thuận theo kiểu Lào năm 1962 cũng do Harriman đàm phán. Ngày 31-11, Johnson tuyên bố, trên cơ sở "tiến bộ" ở Paris, mọi cuộc không kích ở miền Bắc sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, theo một tài liệu đã được giải mật, chính quyền còn đồng ý chấm dứt mọi hoạt động ngầm liên quan đến việc đưa người qua giới tuyến, bất kể qua đường không, đường bộ hay đường biển. Theo một báo cáo tuyệt mật năm 1970, trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán hoà bình tại Paris, đại diện Hà Nội nêu đề nghị “giá cho hoà bình", trong đó có "đòi hỏi thể hiện sự phản ứng của miền Bắc đối với hoạt động của chương trình Footboy (mật danh của toàn bộ hoạt động ngầm chống Hà Nội)".2

Nếu SOG không biết Chương trình đánh lạc hướng có tác động như thế nào đối với Hà Nội thì đây là một chứng cứ tích cực. SOG chỉ tự hỏi tại sao Johnson lại chấp nhận đòi hỏi chấm dứt chiến tranh bí mật của miền Bắc.

Đối với nhân viên trong OP34, quyết định đó thật vô lý. Tại sao chúng ta phải nhượng bộ mọi thứ trước khi đàm phán? Tại sao phải chấm dứt hoạt động có thể là một con bài quý giá một khi cuộc đàm phán bắt đầu? Chỉ cần bác bỏ việc dính líu vào SOG và kệ họ. Đó là cách nhìn của nhân viên OP34.

Theo nhân viên của SOG, không cần thiết phải làm cho hoạt động ngầm phù hợp với chính sách công khai. Nhưng các nhà vạch chính sách cấp cao lại theo đuổi những tính toán khác phát sinh sau cơn sốt tổng tấn công năm 1968. Thêm nữa, cuộc bầu cử tổng thống 1968 cũng tác động đến quyết định chấp nhận đòi hỏi của Hà Nội. Theo một nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ về những sự kiện này, Harriman, Cyrus Vance, và Clark Clifford "tất cả đều sợ rằng nếu không làm một điều gì đó thật ấn tượng, chiến dịch tranh cử của Hubert Humphrey sẽ sụp đổ và Richard Nixon sẽ thắng cử. Họ đã thuyết phục được Johnson, người trước đó còn "e ngại bị kết tội dùng thủ đoạn chính trị rẻ tiền" nếu chấp nhận đề nghị "giá của hoà bình" của Hà Nội, nghe theo.

Đối với OP34 và Chương trình đánh lạc hướng, cuộc tấn công hoà bình của chính quyền Johnson có nghĩa chấm dứt hoạt động ở miền Bắc. Hoạt động ngầm bị bãi bỏ. Trò chơi ba mang bị đình lại.

Cuối năm 1995, Hoa Kỳ biết là Hà Nội vẫn rút ra bài học từ “kinh nghiệm đấu tranh chống gián điệp biệt kích trong thời gian chiến tranh”. Về mặt chính thức, Bộ Nội vụ cho rằng "những bài học đấu tranh chống vụ xâm nhập đầu tiên đã dần được biến thành quy trình nghiệp vụ chung dẫn đến chiến thắng liên tiếp trong đấu tranh chống xâm nhập".3
________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Stephen E. Cavanaugh, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những chỉ huy của SOG” tr. 89.

2. Nghiên cứu tài liệu MACVSOG, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (tháng 7-1970), phụ lục C, phần “Hoạt động tâm lý chiến", tr. 110.

3. "Cựu nhân viên an ninh thảo luận chống gián điệp thời chiến tranh", FBIS-EAS-95-177 (13-9-1995) tr. 70.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Tư, 2008, 12:25:17 pm
CHƯƠNG BỐN

LÀM CHO HỌ PHÁT ĐIÊN BẰNG CHIẾN TRANH TÂM LÝ


Vào cuối năm 1962, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Sài Gòn, Bill Colby kết luận là hoạt động chống miền Bắc của CIA đã đổ vỡ. Nhất là các toán biệt kích không hề mang lại kết quả.

Colby trở về Washington lãnh đạo Phòng Viễn Đông trong Cục kế hoạch, cơ quan chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động bí mật của CIA. Một trong những hành động đầu tiên của ông là yêu cầu nhân viên đánh giá hoạt động ở miền Bắc của Trung tâm Sài Gòn. Bản báo cáo của họ khẳng định những gì Colby đã lường trước. Sau này Colby nhớ lại là "Viên phó của tôi nói với tôi như sau: "Đây hãy nhìn xem, nó (việc tung gián điệp ra miền Bắc) thật là vớ vẩn". Anh ta còn nhắc lại kinh nghiệm ở Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, ở Trung Quốc đầu 1950 và không một hoạt động nào trong số đó thành công". Bản báo cáo nói một cách thẳng thắn là những "kiểu hoạt động biệt kích này ở miền Bắc sẽ không mang lại kết quả".1

Điều đó đặt ra một câu hỏi hắc búa cho Colby. Rõ rành là hoạt động của CIA chống Hà Nội không đi tới đâu, nhưng, theo Colby, tổng thống Kenedy tiếp tục yêu cầu ông "gia tăng sự mất an ninh ở miền Bắc tương xứng với độ mất an ninh họ đang gây ra ở miền Nam".2 Liệu có điều gì nữa mà CIA có thể làm không? Theo Colby câu trả lời là chiến tranh tâm lý. Ông tin là chế độ cộng sản thường hoang tưởng, nếu bạn có thể tạo ra tâm lý đó, "thì sẽ làm họ phát điên".3 Khi còn là trạm trưởng ở Sài Gòn, ông đã khởi xướng một chương trình tâm lý chiến chống Hà Nội có quy mô nhỏ. Giờ đây, Colby muốn mở rộng nó. Có thể câu trả lời chưa hẳn đã đúng, nhưng đó là tất cả những gì ông nghĩ ra.

Thật ra, những gì Colby đề nghị là lôgíc. Ông muốn khoét sâu vào nỗi ám ảnh của Hà Nội về gián điệp để khai thác sự lo sợ quá mức về lật đổ và bạo loạn. Trong thực tế, hoạt động chiến tranh tâm lý không có gì thần kỳ, trái hẳn với những người nhiệt tình ủng hộ hình dung. Đó là một công cụ trong quan hệ giữa các quốc gia và là một phần trong "túi thủ đoạn" của CIA trong chiến tranh lạnh.

Trong khi chiến dịch tâm lý chiến bí mật không có gì thần kỳ, việc thực hiện nó lại rất phức tạp. Nó kéo theo việc sử dụng có kế hoạch việc tuyên truyền (như đài phát thanh, tờ bướm, các tài liệu ở dạng in ấn) và các kỹ thuật tâm lý khác (như tổ chức giả hiệu, tưởng tượng) để tác động ảnh hưởng đến quan điểm, tình cảm, thái độ, động cơ và hành vi của giới lãnh đạo và dân chúng ở quốc gia thù địch. Chiến dịch chiến tranh tâm lý rất phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức.

Năm 1948, cựu nhân viên của OSS, Frank Wisner được giao phụ trách hoạt động ngầm. Cơ quan do ông lãnh đạo có tên Văn phòng phối hợp chính sách được đặt ở CIA nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng an ninh quốc gia. Ông biết hoạt động ngầm là một công việc rắc rối, dù là tập trung vào khía cạnh chính trị, tâm lý, bán quân sự hoặc kinh tế. Wisner cho rằng tất cả các hoạt động như vậy cần phải do một cơ quan có quyền lực rộng rãi "có thể chơi bài quân sự và ngoại giao; có thể tổ chức hoạt động, kiểm soát báo chí, tác động dư luận".4 Hình ảnh này cho thấy tính phức tạp trong tất cả hoạt động ngầm, đặc biệt là chiến tranh tâm lý.

Để thành công, hoạt động chiến tranh tâm lý cần phải được quản lý như là một chiến dịch phức tạp gắn kết hàng loạt các biện pháp. Nhưng đó mới chỉ là những điều mà Colby có trong đầu về hoạt động chống miền Bắc khi ông chọn Weisshart làm phó trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn phụ trách bộ phận hoạt động chống miền Bắc năm 1963. Weisshart nhanh chóng nhận ra chiến dịch tâm lý chống Hà Nội có quy mô không lớn. Bản hướng dẫn của Colby nói rõ: một hoạt động có quy mô nhỏ là đủ.

Weisshart đến Sài Gòn tháng 3- 1963 để triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Ông nhớ lại rằng mình gần như phải bắt đầu từ con số không: "không có hoạt động chiến tranh tâm lý đáng kể nào chống lại miền Bắc vào lúc bấy giờ".5 Weisshart đã tiến hành hoạt động tương tự ở Đông bắc Á và dựa chủ yếu vào những kinh nghiệm đó. Ông không có sự lựa chọn nào khác vì ông biết rất ít về Việt Nam.

Mục tiêu của chiến tranh tâm lý này là gì? Theo Weisshart, "chỉ có một mục tiêu duy nhất: đó là thử xem chúng ta có thể làm gì để buộc miền Bắc phải san sẻ bớt nguồn lực và làm cho họ lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở sân sau của họ. Bạn không thể trông đợi nhiều hơn".6

Tuy nhiên, Weisshart phải làm việc và bắt đầu triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Nó bao gồm việc tăng cường chương trình phát thanh từ các đài phát bí mật vào miền Bắc, tăng số truyền đơn và hàng tâm lý chiến qua đường không, đường biển, và tạo ra một tổ chức chống đối giả được gọi là Gươm thiêng ái quốc (SSPL). Trong quá trình làm việc, Weisshart biết được việc Washington trở nên kém nhẫn nại với nỗ lực của CIA và đã quyết định chuyển giao hoạt động ngầm cho Lầu Năm Góc. Đã đến lúc hun nóng Hà Nội, và như ông nhớ lại, quan điểm của các nhà vạch chính sách là "quân đội có tiền, nhân lực và vật lực để làm điều đó".7 

Khi việc bàn giao được tiến hành năm 1963, Herb Weisshart không chỉ chuẩn bị cho OPLAN 34A mà còn biết là mình và một số đồng nghiệp CIA khác được cử sang SOG làm việc dưới sự chỉ đạo của một đại tá có tên Clyde Russell. Với quy mô tham vọng của Kế hoạch 34A, Weisshart hy vọng mình có cơ hội để mở rộng chương trình chiến tranh tâm lý.
_____________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với William Colby trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP34 của MACVSOG”, tr. 9.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với William Colby trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP34 của MACVSOG”, tr. 7, 13.

4. Ranelagh. "Cơ quan tình báo", tr.216.

5. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 10.

6, 7. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, Sđđ, tr.12, 15.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Tư, 2008, 05:40:44 pm

KHỞI ĐẦU: CHƯƠNG TRÌNH CHIẾN TRANH TÂM LÝ CỦA SOG

Đại tá Russell, chỉ huy đầu tiên của SOG, gặp bốn thách thức trong việc điều hành tổ chức non trẻ của bộ phận chiến tranh tâm lý: tìm được đúng người thành lập phòng hoạt động của bộ phận chiến tranh tâm lý, vạch kế hoạch hoạt động, và tiến hành hoạt động. Hơn nữa, ông phải hoàn thành công việc trên gần như cùng một lúc. Đó là nhiệm vụ quá nặng nề.

Vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự là nhân sự. Weisshart chuyển sang giữ chức phó chỉ huy SOG vào lúc Russell đến Sài Gòn tháng 1-1964. Ông là một nhân viên CIA cao cấp trong số ít các chuyên gia chiến tranh tâm lý của cơ quan này. Russell yêu cầu Weisshart chờ đón một nhóm lớn các chuyên gia tâm lý chiến của quân đội. Mọi thứ xem ra đầy hứa hẹn. Sếp của SOG nói như vậy vì Trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg có một bộ phận chuyên về hoạt động chiến tranh tâm lý và do vậy các sĩ quan được cử đến SOG sẽ nắm được công việc. Ít nhất họ đã được nghe giảng và huấn luyện các phương pháp tâm lý chiến tại Bragg. Ông hy vọng thậm chí một số đã thực sự trải qua công việc trên chiến trường. Khi đoàn sĩ quan đến, Russell nhận được thứ khác hẳn. Weisshart nhớ lại là họ phần lớn là các đại uý trẻ không có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị từ chối. Hy vọng của Russell thế là bị sụp đổ.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm chỉ là một phần của vấn đề. Trong khi những sĩ quan trẻ đã trải qua khoá học về hoạt động tâm lý chiến tại Fort Bragg, Russell phát hiện ra nội dung khóa học hầu như không đụng chạm tới dạng hoạt động cụ thể mà Weisshart muốn triển khai và mở rộng chống lại Hà Nội. John Harrell, một trong số đại uý đó. Trước khi đến SOG, Harrell đã công tác ba năm rưỡi ở Trung tâm Chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg. Harrell theo học khoá huấn luyện sĩ quan hoạt động tâm lý chiến và các khoá học khác liên quan đến các khía cạnh khác nhau của tuyên truyền. Harell cũng đã được cử đến nhiều đơn vị chuyên về nhiệm vụ tâm lý chiến. Mặc dầu vậy Harrell không được chuẩn bị cho dạng hoạt động mà ông tham gia trong nhiệm kỳ ở SOG. Trên thực tế, Harrell "không biết rằng đó là nhiệm vụ tâm lý chiến cho đến khi đến Sài Gòn tháng 1-1964".1

Đó lại là vấn đề nhân sự mà Russell đang gặp phải ở SOG. Sự chuyên môn hoá mà ông yêu cầu cho hoạt động chiến tranh tâm lý không tồn tại trong cộng đồng chiến tranh đặc biệt, trái ngược hẳn với những suy nghĩ của các nhà vạch chính sách ở Washington. Kiến thức vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động tâm lý chiến chống lại địa bàn bị từ chối không thể tìm thấy trong quân đội Mỹ. Một đại uý trẻ khác cùng đến nhận công tác ở SOG năm 1964 là John Hardaway nhận xét: “với tất cả những gì tôi biết, quân đội không có kinh nghiệm thực tiễn để rút ra bài học. Tôi đã công tác tâm lý chiến trong tám năm đầu tiên ở lục quân. Thực ra, khi kết thúc tôi đã là một trong những cựu chiến binh. Chúng tôi chỉ không có chuyên gia về tâm lý chiến và chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm. Những người giảng dạy chúng tôi ở Fort Bragg chỉ ở cấp đại uý và họ không phải là những người dày dạn trong hoạt động tâm lý".2 

Những sĩ quan trẻ này còn thiếu cả hiểu biết về miền Bắc. Chiến tranh tâm lý đòi hỏi sự hiểu biết kỹ lưỡng về mục tiêu trên mọi phương diện chính trị, xã hội, tổ chức,và lịch sử. Khi được hỏi liệu ông và đồng nghiệp có hiểu biết về điểm áp lực tâm lý ở miền Bắc hay không, Hardaway trả lời "tôi không nghĩ vậy”. Những gì mà SOG cần là những cá nhân có thể "nói được ngôn ngữ, được học về đối tượng tác động, về văn hoá, nhưng trên thực tế, họ khác hẳn".3 

Có lẽ điều tồi tệ hơn là những sĩ quan này chỉ đến công tác tại SOG trong thời gian ngắn và tạm thời vì Russell gặp phải rắc rối trong việc xin phê duyệt những nhân viên cần thiết, mà thông thường thời hạn công tác là một năm. Ông đã cãi vã với MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương về 40 biên chế đã bị cắt bớt trong tổng số 150 nhân viên mà ông yêu cầu. Washington muốn đẩy mạnh hoạt động bí mật, nhưng Russell lại được yêu cầu cắt giảm số người mà theo ông rất cần để tiến hành công việc.

Cách khắc phục điểm yếu này là cho mượn nhân viên. Đó là giải pháp tình thế và các đại uý trẻ chưa hề có kinh nghiệm hoặc được huấn luyện về tâm lý chiến và không hiểu hoặc hiểu biết rất ít về mục tiêu được cử đến SOG công tác trong thời gian sáu tháng, khó mà đủ cho việc huấn luyện tại chỗ chứ chưa nói đến việc giúp Weisshart mở rộng hoạt động tâm lý chiến chống lại Hà Nội.

Dẫu sao, Russell tính toán, những sĩ quan này sẽ học từ nhân viên CIA được cử đến bổ sung cho bộ phận tâm lý chiến. Có rất nhiều chỗ trống trong bộ phận này và ông hy vọng nhận được một số lượng lớn nhân viên CIA để lấp vào đó Tháng 12-1964, SOG đề nghị xin 31 nhân viên CIA. Nhưng cơ quan này không hề có ý định cử một số lượng lớn nhân viên như vậy. Theo hồ sơ, “quan niệm ở Sài Gòn là CIA sẽ rút khỏi chương trình 34A trong vòng sáu tháng". Vì vậy, CIA không chấp thuận đề nghị và chỉ cử 13 nhân viên.

Vào năm 1966, số nhân viên này giảm xuống chỉ còn 9. Do vậy, vấn đề cử nhân viên CIA đến SOG trở thành nội dung của buổi làm việc giữa Colby và thiếu tướng William Peers, trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Sự hỗ trợ "thiếu tích cực" của CIA cho SOG, như Russell trình bày sẽ ngáng trở SOG trong nhiều năm tới. Peers không thể lay chuyển CIA để cung cấp thêm người cho SOG. Colby thừa nhận là vào lúc đó "CIA không hỗ trợ SOG một cạch thích đáng".4 Theo Ted Shackley, trạm trưởng CIA vào cuối những năm 1960, tiêu điểm của CIA ở Việt Nam là ở miền Nam. Vào năm 1964, nhũng yêu cầu về nhân sự của CIA là rất lớn và được ưu tiên trước hết. Vì vậy Shackley thừa nhận, SOG không thể nhận đủ theo yêu cầu.5

Ngoài ra, chất lượng một số ít nhân viên tâm lý của CIA được cử đến SOG không đồng đều. Chỉ có rất ít người biết tiếng Việt, văn hoá, và bối cảnh hiện tại. Thêm vào đó công việc ở bộ phận chiến tranh tâm lý thuộc Cục kế hoạch của CIA không được coi là "hứa hẹn”. Theo Phil Adam, một nhân viên CIA phục vụ tại SOG, "chiến tranh tâm lý được coi là bộ phận không quan trọng của CIA. Bộ phận quan trọng là tình báo, tức là tình báo tích cực (thu thập tình báo qua điệp viên), đó là số một và số hai là hoạt động bán quân sự. Đó là lĩnh vực được coi là quan trọng và tôi cho rằng, theo một cách nào đó, đây là một thất bại của hoạt động chiến tranh tâm lý".6 

Một số lượng lớn người Việt Nam làm việc cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG (OP39) trong đó có nhiều người từ miền Bắc di cư năm 1954. Họ cung cấp sự hiểu biết về miền Bắc. Họ nắm được các khía cạnh chính trị, xã hội, văn hoá, cấu trúc, và lịch sử. Họ dịch các tài liệu tuyên truyền sang ngôn ngữ thích hợp, làm phát thanh viên và cung cấp nhân sự cho hoạt động của phong trào Gươm thiêng ái quốc.

Cuối cùng, Russell cần một sĩ quan quân đội có kinh nghiệm để phụ trách bộ phận tâm lý chiến. Trung tá Martin Marden được cử đến. Tương tự như vị chỉ huy đầu tiên của OP34, Marden là một sĩ quan ưu tú. Nhưng ông có phải là một chuyên gia chiến tranh tâm lý không? Ông có kinh nghiệm hoạt động ở địa bàn bị từ chối không? Theo Weisshart, người đã làm việc với Borden, câu trả lời là "Không, không hơn bất kỳ ai mà tôi biết".7 

Chỉ có một trong năm sĩ quan quân đội giữ cương vị chỉ huy trưởng của OP34 là có kiến thức về chiến tranh tâm lý. Marden được thay thế bằng trung tá Robert Bartelt, một cựu nhân viên của lực lượng đặc biệt. Được coi là một chỉ huy năng động, Bartelt tham gia Nhóm đặc biệt số 77 năm 1955. Sự hiểu biết của ông về chiến tranh tâm lý chủ yếu là trong lĩnh vực hoạt động ngầm. Trung tá Albert Mathwin thay Bartelt tháng 8-1966. Ông không có kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh tâm lý nhưng đã phục vụ một nhiệm kỳ tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Lầu Năm Góc. Tại sao ông lại trở thành chỉ huy trưởng OP39? Martin đã kể câu chuyện sau. Ông đã chuẩn bị nghỉ hưu. Tuy nhiên trước khi nghỉ, ông muốn sang Việt Nam công tác một nhiệm kỳ. Ông biết việc hình thành SOG, tình nguyện sang công tác và được chuẩn y. Khi chuẩn bị cho việc lãnh đạo OP39, Mathwin được cử tham gia một khoá huấn luyện về chiến tranh tâm lý tại Fort Bragg.

Sau đó là trung tá Thomas Bowen, học viên của Westpoint khoá 1948. Phần lớn sự nghiệp của ông là trong lực lượng bọc thép và bộ binh. Trước đó ông đã sang Việt Nam và được nhận huân chương "Bronze Star" - Sao đồng. Tháng 6-1968, trung tá Louis Bush thay thế Bowen. Tốt nghiệp Westpoint năm 1949, ông là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tâm lý chiến trong số chỉ huy của OP39. Bush làm quen với vấn đề này tại Trường chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg và nhân viên điều hành của Nhóm hoạt động tâm lý chiến số bảy ở Okinawa. Ông chỉ giữ cương vị chỉ huy OP39 trong thời gian năm tháng và rời SOG tháng 11-1968.

Đối với Russell, bức tranh về nhân sự thật là pha trộn. Các sĩ quan quân đội rất hăng hái nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Và tình trạng này cơ bản vẫn giữ nguyên trong những năm tiếp theo. Các nhân viên CIA biết kỹ thuật và có kinh nghiệm thực tiễn nhưng nhìn chung là xa lạ với Việt Nam. Người Việt Nam có thể có sự hiểu biết về tình hình ở miền Bắc nhưng họ không phải là sự lựa chọn lý tưởng. Russell chỉ còn biết hy vọng họ sẽ làm việc ăn khớp với nhau.

Sau đó, Russell và Weisshart thành lập Nhóm hoạt động tâm lý chiến, hay OP39. Khi OP39 phát triển trong những năm tiếp theo, bốn bộ phận dần hình thành: nghiên cứu và phân tích; tài liệu in ấn, giấy tờ và thư từ giả; đài phát thanh; và dự án đặc biệt. Các tổ công tác có tính khép kín cao. Vì vậy, các sĩ quan trong một tổ công tác thường không biết những gì xảy ra trong tổ khác. Các tổ công tác này nằm rải rác trong Sài Gòn. Tình trạng này cộng với thực tế là sếp của OP39 là người ít kinh nghiệm đã tác động tiêu cực đến sự phối hợp giữa các bộ phận.
___________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Harrell trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 39.

2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Hardaway trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr. 66-67.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Hardaway trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr.69.

4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Nghiên cứu tài liệu về MACVSOG. phụ lục B “Nhóm quan sát và nghiên cứu của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: Hình thành, tô chức và phát triển”, tr.269-271.

5. Phỏng vấn Ted Shackley, 23-4-1998.

6. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adam, trong “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 106.

7. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 9.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Tư, 2008, 10:39:43 pm

Đầu tiên, tổ nghiên cứu và phân tích của OP39 do John Harrell lãnh đạo và chủ yếu là nhân viên quân đội. Harrell không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Ông "không biết mình phải làm gì; tôi không biết loại tài liệu nào hoặc việc gì tôi phải tham gia ngoài số tài liệu mật. Tôi không biết số tài liệu đó liên quan đến lĩnh vực nào".1 Về bản chất, nhiệm vụ của tổ là thu thập, đối chiếu, và phân tích các thông tin từ các nguồn miền Bắc để có thể cho hiểu biết sâu hơn về yếu điểm tâm lý của Hà Nội. Harrell tự nhận là trước đó "không được tìm hiểu gì về miền Bắc và Việt Nam nói chung".2 

Một nhiệm vụ khác của tổ nghiên cứu và phân tích là sử dụng chính các nguồn tin đó để đánh giá tác động của chiến tranh tâm lý đối với miền Bắc. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không bao giờ được thực hiện vì tổ nghiên cứu và phân tích không nhận được người được huấn luyện về khía cạnh này.

Bản thân tổ thư từ, giấy tớ giả và in ấn đã khép kín trong từng công việc. Phần in ấn chủ yếu sản xuất các tờ rơi. Trách nhiệm này được giao cho cho một đơn vị quân đội phối hợp với đối tác Việt Nam cùng sản xuất. Theo Hardaway, cách làm việc như sau: ông nhận được hướng dẫn về chủ đề cần phải tuyên truyền và sau đó "tự viết tờ rơi". Tiếp theo, ông "đưa nó đến cho đối tác để dịch ra tiếng Việt và xem lại để đảm bảo mọi chuyện đều ổn thoả. Đối tác là người Bắc di cư năm 1954, vì vậy, trong hoạt động in ấn, chúng tôi quan hệ mật thiết với họ. Mọi thứ đều qua những người này".3 Nhưng vì Hardaway không nói được tiếng Việt, ông không có cách nào để kiểm tra lại sản phẩm sau khi người Nam Việt Nam đã hoàn thành.

Chủ đề chiến tranh tâm lý mà OP39 triển khai thường đan xen với tài liệu miền Bắc giả mạo. Việc làm giả do chuyên gia CIA thực hiện. CIA thu thập tài liệu mẫu bắt giữ hoặc thu được qua nhiều nguồn khác nhau. Các chuyên viên của CIA có thể làm giả tất cả những gì mà miền Bắc có. Những chuyên gia CIA này không thường trực tại SOG nhưng có được ý tưởng về tài liệu giả thông qua quan hệ liên lạc với nhân viên CIA trong Bộ phận tâm lý chiến. Khi tài liệu đã làm xong, chúng được đưa vào lãnh thổ đối phương bằng nhiều cách, trong đó có hoạt động của SOG tại Lào. Các toán thám báo sẽ rải các tài liệu này ở nơi đối phương đóng quân hoặc các cơ sở của quân đội miền Bắc dọc theo con đường mòn.

Hoạt động thư từ giả cũng do các nhân viên CIA của SOG thực hiện. Những lá thư này, thường được gửi từ nước thứ ba, được phân làm hai loại. Loại thứ nhất mang nội dung tuyên truyền do người Việt Nam sống ở nước ngoài gửi tới nhân dân miền Bắc. Nội dung cơ bản là bôi nhọ giới lãnh đạo Hà Nội. Loại thứ hai được gửi cho cán bộ miền Bắc. Mục tiêu ở đây là tạo ra sự nghi ngờ về lòng trung thành của họ trong suy nghĩ của cơ quan an ninh, người giám sát và đọc tất cả thư từ nước ngoài gửi về nước.

Tổ thứ ba của OP39 điều hành ba đài phát thanh bí mật phát đi tin tức, thường là giả tạo, vào miền Bắc. Thứ nhất là đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc, phát đi từ khu "giải phóng” giả tạo ở miền Bắc. Thứ hai là đài Cờ đỏ, lấy danh nghĩa tiếng nói của số cộng sản bất mãn bí mật ở miền Bắc. Thứ ba là đài Hà Nội giả mạo phát kề và nhại theo chương trình của đài phát thanh Hà Nội. Tất cả các đài này do các nhân viên CIA thuộc bộ phận tâm lý chiến chỉ đạo. Nhân viên của Cơ quan thông tin Hoa Kỳ cung cấp định hướng chính sách và chủ đề tuyên truyền. Ngoài ra, tổ này còn đặt sản xuất các đài bán dẫn có sóng cố định tại Nhật Bản. Những đài này chỉ thu được các đài tâm lý chiến của SOG. Trong khi nhân viên CIA chỉ đạo hoạt động của đài phát thanh, số người Việt Nam thuộc SOG là phát thanh viên trực tiếp và tạo ra bối cảnh văn hóa cho chương trình.

Tổ cuối cùng của Bộ phận chiến tranh tâm lý tham gia vào "các dự án đặc biệt" mà dự án lớn nhất là dựng lên phong trào chống đối giả có tên Gươm thiêng ái quốc - SSPL. Trong hoạt động phức tạp này, công dân miền Bắc bị bắt cóc và nhồi sọ tâm lý ở đảo Thiên Đường, một địa chỉ giả danh làm một làng ven biển miền Bắc đã được SSPL giải phóng. Sau đó họ được đưa trở lại miền Bắc để lan truyền tin về SSPL. Đảo Thiên Đường nằm ở Nam vĩ tuyến 17. Các yếu tố hoạt động khác bao gồm đài phát thanh SSPL, tờ rơi, hàng tâm lý chiến. Đó là những loại hàng khó kiếm ở miền Bắc: quần áo, chỉ khâu, dây câu, xà phòng, v.v…

Trong khi SSPL là dự án đặc biệt của SOG, còn có một số dự án nhỏ khác như gây nhiễu đường thông tin liên lạc, bẫy nổ, tiền giả. Các kỹ thuật cần thiết để sản xuất các sản phẩm này thường do Văn phòng Viễn Đông của CIA ở Okinawa cung cấp.

Trong khi áp dụng hàng loạt biện pháp chiến tranh tâm lý SOG chưa bao giờ có một kế hoạch chiến tranh tâm lý tổng thể. Khi được hỏi có biết kế hoạch nào như vậy không, Phil Adam, một sĩ quan CIA giàu kinh nghiệm đã từng chỉ đạo hoạt động đài phát thanh đen ở Đông Âu, trả lời: "không, tôi không nhớ một kế hoạch tổng thể nào. Tôi không nhớ bất kỳ ai có ý tưởng cụ thể về công việc cần phải làm và cách làm như thế nào".4 Câu trả lời của ông thống nhất vấn ý kiến của các nhân viên CIA và quân sự phục vụ trong OP39.

Thay vào bản kế hoạch tổng thể, các hướng dẫn hoạt động chung được vạch ra thông qua quan hệ cộng tác giữa quân đội, Cơ quan thông tin và CIA. Những nhân viên này phải nghiên cứu kế hoạch 34A. Theo thiếu tá Richard Holzheimer, người tham gia OP39 năm 1965, "khi tôi đến đó... họ nói "đây là kế hoạch của chúng tôi, 34A, hãy đọc nó đi".5 Kế hoạch 34A giao cho OP39 một nhiệm vụ rộng rãi với mục đích làm cho Hà Nội tin là họ nên chấm dứt việc chỉ đạo và ủng hộ cuộc chiến tranh ở miền Nam. Để đạt được mục đích này, Bộ phận tâm lý chiến sử dụng nhiều thủ đoạn tâm lý nhằm vào giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam. Mật danh của các hoạt động này là Humidor.

Hoạt động tâm lý chiến của OP39 nhằm làm cho Hà Nội tin là họ có vấn đề an ninh nội bộ. Họ nghĩ rằng nhân dân ngày càng bất bình với cuộc chiến tranh hao người tốn của, rằng nhân dân đang bí mật tổ chức các nhóm chống đối và rằng an ninh hậu phương trở nên lỏng lẻo. Ít nhất, OP39 hy vọng hoạt động chiến tranh tâm lý sẽ làm cho Hà Nội tiêu tốn nguồn lực để đối phó với mối đe doạ mà họ tưởng tượng ra.

Tuy nhiên Washington có mục tiêu lớn hơn. Washington muốn miền Bắc nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau những vấn đề an ninh nội bộ này và rằng nếu muốn Hoa Kỳ chấm dứt, Hà Nội phải ngừng các hoạt động của Việt Cộng ở miền Nam. Tuy nhiên, OP39 có nhiệm vụ vạch ra ranh giới mỏng manh trong thông điệp gửi cho giới lãnh đạo Hà Nội. Những hoạt động ngầm này chỉ nhằm trừng phạt cuộc chiến tranh của Hà Nội ở miền Nam; Washington không muốn Hà Nội nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn xoá bỏ chế độ Hà Nội thông qua hoạt động lật đổ và chiến tranh không quy ước. Hay nói một cách khác, hoạt động của SOG không được giống như những gì Hà Nội đang tiến hành chống lại chính quyền miền Nam. Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc chiến tranh hạn chế và hoạt động ngầm phải bị kiềm chế.

Do đó, đối với nhân dân miền Bắc, mục tiêu của OP39 là tạo ra sự bất bình, mất lòng tin, thậm chí hành động chống đối ở dạng thấp nào đó đối với cách tiến hành cuộc chiến tranh của Hà Nội và tác động của cuộc chiến tranh đó đối với đời sống hàng ngày của họ. Các nhà vạch chính sách hy vọng là sức ép của dân chúng sẽ làm cho Hà Nội giảm bớt mức độ trong chính sách của họ đối với chiến tranh ở miền Nam.

Dân chúng ở miền Bắc có thể tạo ra sức ép gì khi họ bất mãn và mất lòng tin? Theo những người chỉ đạo chiến tranh tâm lý của SOG, đó là sức ép phi bạo lực của lực lượng chống đối bên trong miền Bắc. SOG bị cấm không được khuyến khích nhân dân miền Bắc tiến hành hoạt động vũ trang chống lại chế độ dưới bất kỳ hình thức nào. OP39 phải vạch ra một ranh giới mỏng manh trong hoạt động tác động lên hành vi của nhân dân miền Bắc.

Không có mấy căn cứ cho thấy OP39 có bất kỳ kế hoạch tổng thể nào khi triển khai chương trình tâm lý chiến trong giai đoạn 1964 - 1965, tương tự như việc chính quyền, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Các kỹ thuật tâm lý chiến chủ động hoặc bị động không được gắn kết thành một chiến dịch mạnh mẽ. Sự khép kín trong từng bộ phận đã tạo ra sự thiếu phối hợp giữa quân đội và CIA. Do vậy, có những câu hỏi nghiêm túc về mục đích chiến lược của hoạt động chiến tranh tâm lý. Với bản chất chế độ Hà Nội, liệu nó có tác dụng gì không?
___________________________________
1, 2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Harrell trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 41,44.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Hardaway, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG". tr. 63.

4. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adam, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 102.

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Richard Holzheimer, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với sĩ quan đã từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr 89.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Tư, 2008, 11:36:19 pm

HOẠT ĐỘNG TÂM LÝ CHIẾN CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM


Vào năm 1965, SOG đã mở rộng đề án Humidor một cách đáng kể. Ở thời kỳ cao điểm, đề án bao gồm hàng loạt nội dung hoạt động. Vậy, hoạt động tâm lý chiến của SOG bao gồm những gì và được chỉ đạo ra sao?

Gươm thiêng ái quốc

Hoạt động phức tạp nhất của OP39 là tạo ra trong ý tưởng của người Bắc Việt Nam một tổ chức chống đối giả tạo. CIA đã sử dụng bài này trong nhiều chiến dịch ngầm khác. Trên thực tế, Herb Weisshart giải thích "ý tưởng này được dựa trên một chương trình phát triển phong trào chống đối giả tương tự được thực hiện từ 1952 và kéo dài đến 1963 ở một nơi nào đó".1 Với các công tác đã qua và sự hiểu biết về Trung Quốc của Weisshart, "một nơi nào đó” ở đây có lẽ là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Để tạo ra một tổ chức giả, theo thuật ngữ tình báo, phải tạo ra một lý do tồn tại, hay một câu chuyện đáng tin cậy cho tổ chức ấy. Weisshart nói như sau: "Ngay sau khi tôi đến Sài Gòn (năm 1963), tôi cố tìm ra một lý do và một hình tượng nào đó dễ nhận biết cho phong trào chống đối giả tạo ở miền Bắc. Các nhân viên của tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo truyền đơn, tờ rơi, chương trình phát thanh và chống đối chiến giả. Chúng tôi thường trò chuyện với người Việt Nam và biết được câu chuyện chiếc gươm thần.2

Thực ra, Weisshart cố tìm ra cách gắn phong trào chống đối giả này với một sự kiện quan trọng trong lịch sử và truyền thuyết Việt Nam vào thời điểm các thế lực Phong kiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam thế kỷ XV- Triều Minh, thành lập năm 1368, sau khi đánh thắng quân Mông Cổ đã điều động một đạo quân khổng lồ xâm lược Việt Nam năm 1406. Sau một năm giao tranh, Việt Nam bị nhà Minh đô hộ. Ách đô hộ của nhà Minh vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến việc hình thành một phong trào khởi nghĩa Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa này do Lê Lợi, một chủ đất ở vùng Thanh Hoá, lãnh đạo.

Cách Lê Lợi hình thành và tiến hành cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 10 năm chống quân xâm lược là một câu chuyện dài và phức tạp. Cuộc chiến đó liên quan tới những sáng tạo về quân sự, chính trị và tâm lý. Ví dụ để tạo ra uy tín và giành sự ủng hộ của nông dân, Lê Lợi đã sử dụng hoạt động tâm lý mà người Trung Quốc đã từng áp dụng. "Sử dụng mực là mỡ động vật, Lê Lợi cho viết lên lá cây "Lê Lợi là vua"... khi kiến ăn hết mỡ, dòng chữ này hiện lên trên lá. Việc này làm cho mọi người tin là ý trời và hàng nghìn nông dân đi theo Lê Lợi".3 Lê Lợi sau đó bắt đầu tuyển mộ nông dân tiến hành khởi nghĩa giành độc lập. Tuy nhiên, do thế nhà Minh rất mạnh, Lê Lợi phải đi vào hoạt động bí mật.

Lê Lợi nhận ra rằng sẽ là tự sát nếu giao chiến với quân Minh theo cách thông thường. Kẻ thù quá mạnh. Vì vậy, ông chủ trương sử dụng chiến thuật du kích. Từ căn cứ ở vùng núi Hà Tĩnh, Lê Lợi tổ chức tấn công bất ngờ các lực lượng quân Minh ở Việt Nam. Năm 1428, quân Trung Quốc rút chạy khỏi Việt Nam. Ông lên ngôi vua, lấy tên hiệu Lê Thái Tổ và thành lập triều Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ.

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Lợi được coi là kiến trúc sư của đoàn kết dân tộc và là vị lãnh đạo không bao giờ nhụt ý chí đánh đuổi quân Minh xâm lược. Song song với những sự thật lịch sử này, có truyền thuyết về lý do Lê Lợi đánh thắng quân Minh vốn hùng mạnh hơn nhiều. Và câu chuyện đó gắn liền với thanh gươm thần mà ông đã sử dụng trong chiến tranh giải phóng.

Theo truyền thuyết, sau khi đánh bại quân Minh và lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đóng đô tại Hà Nội. Một hôm, ông đi thuyền trên hồ Lục Thuỷ ở giữa kinh đô thì một con rùa lớn hiện lên. Khi nhà vua rút gươm ra để tự vệ, con rùa nhanh chóng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống hồ sâu và đi mất. Vua bực lắm sai người tát cạn hồ, nhưng không tìm thấy cả rùa lẫn gươm báu. Về sau người đời nói rằng cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi là "mệnh trời". Hay nói cách khác thần thánh đã cho ông mượn kiếm báu để đánh đuổi quân Minh và sau khi làm xong sứ mạng, ông phải trao trả kiếm. Kiếm được giữ an toàn trong hồ để sau này có thể sử dụng khi cần thiết. Để ghi nhận công lao của kiếm báu, nhà vua đổi tên hồ thành Hồ Hoàn Kiếm.

Tất cả những điều trên là quá tốt, Weisshart nghĩ. Đây là hình tượng hoàn hảo cho linh hồn của một phong trào chống đối giả mà ông muốn đưa thành yếu tố trung tâm của chiến dịch tâm lý chiến của OP39. Weisshart quyết định đặt tên cho phong trào đó là "Gươm thiêng ái quốc" - SSPL - nhằm tạo ra sự liên tưởng tới cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi đầu thế kỷ thứ XV.

SSPL đại diện cho ai và tại sao họ phải tổ chức phong trào bí mật chống chính phủ Hà Nội? Cũng như Lê Lợi, lãnh đạo của "Gươm thiêng ái quốc" là người theo chủ nghĩa dân tộc. Weisshart khoác cho họ lý lịch là cựu thành viên của Việt Minh, người đã đấu tranh chống thực dân Pháp. Theo câu chuyện được dựng lên, họ trở nên vỡ mộng với chính quyền Cộng sản ở miền Bắc sau chương trình cải cách ruộng đất khởi đầu năm 1953. Vào mùa hè 1956, sự quá tả của cải cách ruộng đất đã tạo nên phản ứng ở một số nơi. Đó là những sự kiện có sẵn mà Weisshart chỉ việc gắn nó vào SSPL. Theo câu chuyện do Weisshart vẽ ra, SSPL được hình thành từ các cuộc bạo loạn đúng thời kỳ cải cách ruộng đất. Sự đàn áp của chính quyền đã tạo ra SSPL. Điều đó nghe có vẻ đáng tin cậy.4 

Chính phủ Hà Nội đã phản ứng nhanh chóng với sự mất trật tự trên và dẹp yên tình hình. Weisshart lấy đó là lý do buộc SSPL phải chuyển sang hoạt động bí mật như Lê Lợi đã từng làm. SSPL phải lánh vào vùng núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi Lê Lợi đã từng sử dụng làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa. Những người lãnh đạo giả hiệu của tổ chức “Gươm thiêng ái quốc" là người mang họ hoặc có tên là Lê. Ví dụ, người thành lập SSPL là Lê Quốc Hùng. "Tháng 12-1961, phong trào tổ chức đại hội lần thứ nhất và Lê Quốc Hùng được bầu làm chủ tịch".5 

Sau đó, những người tạo ra hình hài của OP39 phải đề ra mục đích của SSPL. SSPL đang đấu tranh vì cái gì và hy vọng đạt được gì? Là một tổ chức của những người dân tộc chủ nghĩa, SSPL tuyên bố chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài ở Việt Nam, bất kể là sự giúp đỡ bạn bè, chiếm đóng trên thực tế hoặc cường quốc nước ngoài muốn thống trị Việt Nam dưới hình thức tinh vi nào đó. Vì vậy, trong tuyên truyền, SSPL tuyên bố tất cả quân đội, cố vấn và ảnh hưởng của nước ngoài phải bị loại bỏ khỏi cả Bắc và Nam Việt Nam. SSPL phê phán lãnh đạo Đảng Cộng sản ngả theo Trung Quốc. Họ đang trở thành bù nhìn của cựu thù mà trong suốt chiều dài lịch sử đã tìm mọi cách biến Việt Nam thành chư hầu. Trung Quốc ngày nay cũng vậy, họ đang sử dụng chủ nghĩa quốc tế vô sản làm bình phong che đậy âm mưu thực sự buộc Việt Nam lệ thuộc vào trung Quốc. Cộng sản, nhà Minh, hoặc ai chăng nữa đều là người Trung Quốc và đều có chung ý đồ đó. Phải không cho họ đụng đến Việt Nam.6 

Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam là lực lượng xung kích chống Mỹ. Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có bài học cay đắng ở Triều Tiên. Trung Quốc đã nếm trải khó khăn và thiệt hại trong cuộc chiến trực tiếp, mặt đối mặt với quân đội Mỹ. Do vậy tốt hơn cả là có ai đó chiến đấu và chết thay cho mình. SSPL tuyên truyền rằng Trung Quốc quá sung sướng khi chiến đấu với Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng. Hà Nội đã làm Việt Nam bị cuốn vào cuộc xung đột Trung - Mỹ. Đối với Trung Quốc, đó là hành động nhất cử lưỡng tiện. Mỹ thì bị sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài hao tốn tiền của. Còn Việt Nam thì bị suy yếu đến mức không còn con đường nào khác ngoài việc trở thành chư hầu của Trung Quốc. SSPL tuyên bố Hà Nội cần phải thay đổi chính sách.

Trong tuyên truyền, SSPL khoe rằng các chi bộ bí mật đang phát triển nhanh chóng vì thu hút được những người theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1965, SSPL tuyên bố có 10.000 thành viên, trong đó có "1.600 quân chính quy".7 

Sau đó, Weisshart quyết định đã đến lúc truyền đi thông điệp của SSPL. Weisshart cần một đài phát thanh và tháng 4-1965 đài tiếng nói của Gươm thiêng ái quốc ra đời tại “vùng núi tỉnh Hà Tĩnh", căn cứ của Lê Lợi. OP39 bắt đầu sản xuất truyền đơn, tờ rơi để tung vào miền Bắc qua đường không. Để rải số truyền đơn này, SOG thuê nhân viên của nước thứ ba thực hiện các chuyến bay xâm nhập miền Bắc. Phi công của Quốc dân đảng Trung Quốc, với danh nghĩa người làm thuê, lái những chiếc máy bay không số hiệu để thả truyền đơn. Trước khi thực hiện những phi vụ này, họ đã hợp tác với CIA ở châu Á từ đầu thập kỷ 50.

Thông qua những phương tiện tuyên truyền trên, SSPL bắt đầu tuyên bố duy trì tổ chức bí mật ở miền Bắc không chỉ với nhiệm vụ phát triển tổ chức, rải truyền đơn mà còn giải phóng lãnh thổ. SSPL nói rằng hoạt động giải phóng này diễn ra bên dưới vĩ tuyến 19, nơi SSPL duy trì "an toàn khu”.8 

Vào cuối năm 1964, hoạt động SSPL đã bắt đầu khởi động. Weisshart và OP39 đã tạo ra lý lịch của SSPL dựa trên truyền thuyết và sự thực lịch sử của Việt Nam. Họ đã chơi con bài Trung Quốc để làm giảm uy tín các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và làm suy yếu việc tiến hành chiến tranh. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp. Bước tiếp theo là làm cho câu chuyện giả này đáng tin hơn. Để làm điều đó, SSPL cần một vùng giải phóng nơi OP39 có thể đưa công dân miền Bắc tới tuyên truyền. Tuy nhiên đó là công việc không mấy dễ dàng.
_________________________________
1, 2. Phỏng vấn lịch sử Herbert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr. 27.

3. Oscar Chanis, "Lịch sử Việt Nam từ Hồng Bàng tới Tự Đức (Westpoit, Conn. Greenwood Press, 1995), tr. 27.

4, 5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", Phụ lục C, phần "Hoạt động tâm lý chiến", tr. 14-20.

6, 7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" Phụ lục C, phần "Hoạt động tâm lý chiến", tr. 14, 15.

8. MACVSOG, "Lịch sứ chỉ huy, 1971-1972", phụ lục B, tr. B-13-10 John Palaster đã sao y bản chính để chuyển cho tác giả sử dụng khi viết cuốn sách này.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Tư, 2008, 10:16:52 pm

Đảo Thiên Đường

Làm thế nào SOG có thể tạo ra một vùng giải phóng cho SSPL khi mà Washington cấm giải phóng bất kỳ một phần lãnh thổ của miền Bắc và bác bỏ đề nghị được tạo dựng phong trào chống đối chống lại Hà Nội nêu trong kế hoạch 34A? OP39 phải nghĩ ra cách để lách qua những điều cấm đoán của Washington.

Ở phía Nam vĩ tuyến 17, dọc theo bờ biển phía ngoài Đà Nẵng có một hòn mang tên là "Cù Lao Chàm" - được biết đến dưới một cái tên khác: "Đảo Thiên Đường".

Hòn đảo này sẽ trở thành vùng giải phóng, nơi các công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến để "cải huấn". Dường như là ý tưởng ngớ ngẩn. Làm sao một hòn đảo phía Nam vĩ tuyến 17 lại có thể trở thành vùng giải phóng bên trong miền Bắc? Làm thế nào OP39 có thể biến ý tưởng đó thành một công việc tỷ mỷ và có thể tin được?

Trước hết, trên chính hòn đảo, OP39 tạo ra những làng giống hệt như các làng xóm nằm dọc theo bờ biển miền Bắc. Về hình thức bề ngoài, chúng không khác gì nhau vì SOG để ý đến từng chi tiết nhỏ. Khó khăn ở đây là đưa công dân miền Bắc đến và làm cho họ tin là đang sống ở miền Bắc. Để làm điều này, SOG tạo ra một nhóm hải quân nhỏ của SSPL. Bắt đầu từ tháng 5-1964, các tàu chiến không có số hiệu đi vào hải phận miền Bắc bắt cóc ngư dân rồi đưa về đảo Thiên Đường. Những nhân viên trên các con tàu này đều nói tiếng Việt với giọng đặc trưng của miền Trung và, trong nhiều trường hợp, là người vùng này di cư vào Nam năm 1954.1 Những chiếc tàu này mang cờ của SSPL và thuỷ thủ thì xưng là thành viên của tổ chức.

Hoạt động của tàu chiến là sự kết hợp giữa OP37 và OP39. Bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc -NAD- mật danh của OP37 được đóng tại Đà Nẵng. Bộ phận này duy trì tàu và thuỷ thủ thực hiện các chuyến bắt cóc sử dụng nhân viên của SSPL thuộc OP39. Thiếu tá Roger McElroy là một trong số ít nhân viên Mỹ thực sự xâm nhập miền Bắc. Ông nhớ lại các con tàu "làm bằng gỗ nên có thể tránh được ra đa. Các con tàu tập trung ở Đà Nẵng... Đôi khi tôi cùng đi với một chiếc và phải ngụy trang... Tôi mặc bộ quần áo rằn ri (không số hiệu hoặc phù hiệu của nước nào cụ thể), phủ tấm lưới lên mặt và đeo găng tay". Khi xâm nhập biển miền Bắc, McElroy thường "ở bên dưới".2 Ông cùng đi là để liên lạc với các tàu hải quân ngoài khơi để "cho họ biết là chúng tôi đang ở vùng biển đó nếu không họ sẽ bắn chìm chúng tôi mất. Tôi có mặt để liên lạc với người Mỹ. Tôi không tham gia vào hoạt động. Những việc đó do đối tác hoặc ai đó chỉ huy tàu thực hiện".3 

Một khi bị bắt cóc, ngư dân hoặc những công dân Bắc Việt Nam được thông báo họ đang ở trong tay tổ chức Gươm thiêng ái quốc, một tổ chức yêu nước bí mật và sẽ được đưa đến vùng giải phóng ở ven biển. Những người bị bắt cóc được thông báo là họ sẽ bị bịt mặt và đưa xuống khoang dưới vì lý do an ninh. Họ cũng được cho biết là chuyến đi bị cố tình kéo dài để giữ bí mật địa điểm của các làng SSPL. Sau đó, chiếc tàu hướng về đảo Thiên Đường, chuyến đi thường kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi cập đảo, những người bị bắt được đưa lên boong, bỏ khăn bịt mặt và trước mắt họ là một làng giải phóng ở một nơi nào đó dọc bờ biển miền Bắc. Đây mới chỉ là màn dạo đầu, sau đó là quá trình tuyên huấn.

Mục đích của kịch bản tỷ mỷ này, theo Don Blackburn là "làm cho họ tin là đang ở một vùng giải phóng ven biển. Khi họ được trả về, họ sẽ lan truyền tin là có một phong trào chống đối và vùng giải phóng thực sự ở miền Bắc.4 Những người này ở trong làng khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, họ chỉ gặp người Việt.Nam nói giọng Bắc. Họ cùng nhau ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ Hà Nội và tìm hiểu về SSPL. Một số người còn được đưa vào núi tới những làng nhỏ "giống như các làng ở vùng núi miền Bắc. Mục đích dựng lên các địa điểm này là... tạo thêm độ tin cậy đối với lời tuyên truyền một mật khu của SSPL là ở vùng núi cao miền Bắc".5 

Jack Singlaub, người thay thế Blackburn, mô tả chương trình ba tuần như sau: "Chúng tôi cho họ ăn uống tốt, làm cho họ lên cân, chữa bệnh cho họ, bất kể bệnh gì. Điều này chứng minh đời sống ở khu giải phóng tốt hơn đời sống ở làng quê của họ. Chúng tôi thu thập tin tức đồng thời cho họ biết thông tin về chính phủ Hà Nội, v.v... Chúng tôi cho họ thức ăn có lượng calo cao. Đồng thời chúng tôi dành nhiều thời gian nói về nhược điểm của chủ nghĩa cộng sản và họ cho chúng tôi biết về sự tham nhũng và thiếu thành thật của cán bộ miền Bắc. Trên cơ sở đó, chúng tôi làm chương trình phát thanh về những trường hợp cụ thể để tạo ra sự lủng củng từ bên trong nội bộ của miền Bắc".6 

Vào những ngày cuối cùng trước khi rời đảo, họ được thông báo về các chi bộ SSPL đang hoạt động ở nơi họ cư trú và cách bí mật để liên hệ với các chi bộ này. Dĩ nhiên, điều này là để cho lực lượng an ninh miền Bắc tìm hiểu vì chắc chắn họ sẽ thẩm vấn số người trở về. Cuối cùng, họ được tặng một món quà để mang về gồm xà phòng, vải vóc và các thứ khác đang khan hiếm ở miền Bắc. Trong bộ quà tặng còn có đài bán dẫn đã cố định sóng của đài Gươm thiêng ái quốc mà họ nghe suốt ngày trong thời gian ở trên đảo Thiên Đường. Khi trở về, họ lại bị bịt mắt và đưa trả lại miền Bắc theo đúng như cách họ được đưa đến đảo.

Năm 1966, năm hoạt động mạnh nhất, 353 người Bắc Việt Nam được đưa đến đảo Thiên Đường. Từ năm 1964 đến 1968 có tất cả 1.003 người được "cải huấn" trên đảo.7 OP39 kiến nghị nhiều biện pháp để mở rộng đề án và tạo nên độ tin cậy cao hơn nữa. Họ cho rằng chỉ có thể duy trì sự "giả hiệu” này trong một thời gian nhất định mà thôi. Nếu không bổ sung thêm điều gì đáng tin, Hà Nội sẽ phát hiện ra ngay sự giả tạo.

OP39 đã nêu lên nhiều cách để làm cho hoạt động của SSPL giống như thật và được Washington phê chuẩn một số kiến nghị đơn giản nhất. Ví dụ: khi một người bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa tàu của SSPL và của ngư dân, người đó bị xét xử bởi toà án của SSPL, bị kết tội chống lại tổ quốc và tuyên án tử hình nhưng sau đó được hưởng ân xá vì SSPL là tổ chức vì hoà bình. Sau đó người bị bắt phải trải qua một đợt học tập tập trung, và "trước khi trở về họ có bản thu hoạch, lên án hoạt động của chính mình và tuyên thệ trước SSPL".8 Bản thu hoạch này sẽ được sử dụng trong chương trình phát thanh tuyên truyền của SSPL. Ví dụ thứ hai liên quan tới "người tỏ ra chân thành trong việc giúp đỡ sự nghiệp của SSPL". Một số họ "được tuyển làm điệp viên"... và huấn luyện cách làm tờ rơi, truyền đơn ở dạng đơn giản và cách tuyên truyền cho SSPL. Ngoài ra, những người này còn được giao nhiệm vụ thu thập tình báo đơn giản". Số ít được đưa trở về để "tổ chức cho số bạn bè đào nhiệm chạy vào Nam". Cuối cùng, người muốn đào nhiệm sẽ được đưa vào nam tái định cư sau khi câu chuyện của họ được đưa lên "truyền hình và tờ Tin Sài Gòn hàng ngày".9 

Những hoạt động to tát hơn để làm cho dự án đảo Thiên Đường của SSPL có vẻ thực tế hơn lại bị bác bỏ. Ví dụ: một cách là động viên dân chúng miền Bắc - thông qua đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc, khởi sự hoạt động vũ trang thông qua việc "ám sát một số chọn lọc các cán bộ miền Bắc bị căm ghét".10 Một kiến nghị có liên quan khác là xúi giục những người được huấn cải tại đảo Thiên Đường trở về ám sát cán bộ. SSPL sẽ cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết. Cả hai kiến nghị trên đều bị Washington bác bỏ. Sau đó, do sự hối thúc của lãnh đạo SOG, đầu năm 1968, MACV đề nghị cho phép chuyển SSPL từ một tổ chức giả sang một tổ chức thật sự. Đề nghị này cũng không được chấp nhận- Bản thẩm định của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các đề nghị nói trên "nhắc đi nhắc lại là việc chuyển từ SSPL giả hiệu sang một mô hình SSPL thật sự sẽ không được các cấp ở Washington chấp thuận".11

Các thành viên của OP39 không hề biết tại sao những đề nghị của mình lại bị gạt bỏ. Các tài liệu đã được giải mật cho thấy Washington có bốn lo ngại. Thứ nhất, mở rộng hoạt động của đảo Thiên Đường sẽ trái với chính sách công khai của Hoa Kỳ vốn cam kết không gây bất ổn hoặc lật đổ chính phủ Hà Nội. Washington cho rằng hoạt động ngầm phải phản ánh chính sách công khai. Thứ hai, các nhà vạch chính sách lo rằng các hoạt động nêu trong đề nghị có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, thực sự gây ra vấn đề nội bộ ở miền Bắc làm cho tình hình trở nên không thể kiểm soát được (cứ như là Washington có thể kiểm soát được những việc Hà Nội làm). Ba là, các nhà vạch chính sách sợ rằng gây tình hình bất ổn ở miền Bắc có thể làm cho Hà Nội đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam. Cuối cùng, nếu như Hà Nội đổ vỡ, Trung Hoa cộng sản có thể can thiệp như đã từng xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên.
________________________________________
1. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy, 1971-1972", Sđd. tr.77.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr. 150, 153.

4. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy của SOG", tr.12.

5. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, Sđd tr. 72.

6. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K.Sinhlaub, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các chỉ huy của SOG" tr. 52.

7. Số lượng người cụ thể của từng năm như sau: 1965: 126; 1966: 353; 1967: 328; 1968: 185. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu MACVSOG" (tháng 7-1970), phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển" tr. 58.

8. Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân "Nghiên cứu tài liệu MACVSOG", phụ lục C, Phần "Hoạt động tâm lý chiến", tr. 74.

9. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu MACVSOG", phụ lục C, Phần "Hoạt động tâm lý chiến", tr. 74 -75. Một biện pháp nữa nhưng bị bác bỏ là đưa ngư dân miền Bắc vào vùng núi ở miền Bắc giáp với biên giới Lào. Hoạt động này sẽ tạo ra ấn tượng là các vùng bí mật của SSPL tồn tại ở cả những vùng xa bờ biển.

10, 11. Như trên, tr.18, 20.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Tư, 2008, 10:29:15 pm

Hoạt động phát thanh đen

Ngoài Tiếng nói SSPL, OP39 còn điều hành các hoạt động phát thanh đen khác với nhiệm vụ riêng biệt. Một là, bắn tin cho nhân dân miền Bắc biết ngoài SSPL còn có các nguồn chống đối chính quyền Hà Nội khác đang tích cực hoạt động tại miền Bắc. Hai là, tạo ra một đài Hà Nội giả hiệu bằng biện pháp trùng sóng - tạo ra chương trình phát thanh giả có tần số ngay cạnh đài chính thức.

Lãnh đạo của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ ở Việt Nam, Barry Zorthian nhận ra rằng sự phối hợp là tối quan trọng nên đã đề xuất và được chấp nhận thành lập một cơ quan hỗn hợp. Tháng 5-1965, Văn phòng Truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ - JUSPAO - được thành lập theo một chỉ thị của Nhà Trắng để phối hợp mọi hoạt động tâm lý chiến của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có hoạt động tâm lý chiến bí mật chống miền Bắc. Giám đốc của JUSPAO đề ra phương hướng cho một số cơ quan quân, dân sự tham gia vào hoạt động tuyên truyền "đen", "xám", "trắng” và giám sát việc thực hiện thông qua bộ phận kiểm soát chất lượng. Về mặt tổ chức, một trong năm phòng của JUSPAO được giao chuyên trách về các vấn đề miền Bắc. Phòng này điều hành việc tuyên truyền vào miền Bắc và dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia.

Trong hoạt động chống miền Bắc, JUSPAO có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của đài Tiếng nói tự do - VOF. VOF là một đài phát thanh "xám", nghĩa là "chuyển tải thông tin không cần che đậy kỹ lưỡng... Tuyên truyền xám chỉ giấu được nguồn tin đối với người ít quan tâm chứ không phải những người nghe tinh tế". Đài phát thanh bí mật là một trong những kênh thông thường cho tuyên truyền xám.1 VOF chủ yếu phát tin tức thời sự, chương trình văn hóa và giải trí vào miền Bắc. Những chủ đề chính bao gồm: chống lại sự tuyên truyền của Hà Nội; cung cấp thông tin cho dân chúng miền Bắc về cuộc sống ở thế giới tự do; đưa tin tức chính xác về chiến tranh; và cung cấp cho dân chúng miền Bắc cơ sở để so sánh điều kiện sống của họ với miền Nam. Năm 1968, đài này phát tổng cộng 75 tiếng một ngày bằng năm thứ tiếng.2 

Một nhân viên cơ quan thông tin Hoa Kỳ chỉ đạo hoạt động của VOF. Nhân viên này còn được cử tới SOG và đưa ra định hướng chính sách cho các hoạt động phát thanh đen và tâm lý chiến khác của bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các hướng dẫn của Washington thường mập mờ: Các đài phát thanh đen của SOG không được đưa nội dung kích động hoạt động lật đổ hoặc sử dụng vũ trang chống chính quyền Hà Nội. Những người điều hành hoạt động tâm lý chiến đã thực hiện hướng dẫn này đúng đến từng từ một.

Các đài phát thanh đen của SOG bao gồm: Đài cờ đỏ, tiếng nói của một bộ phận ly khai giả hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam- Đài này chỉ trích Hà Nội về sự quá ngả sang Trung Quốc và cho rằng Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh. Cờ đỏ có xu hướng thân Liên Xô hơn.3 

Đó chính là thủ đoạn mà CIA đã từng áp dụng ở nơi khác. Trên thực tế, Phil Adam, người được CIA cử đến SOG mùa hè năm 1966 để hình thành Đài phát thanh Cờ đỏ đã từng chỉ đạo hoạt động tương tự chống Anbani đầu thập kỷ 50. Hồi tưởng những ngày đó, Adam kể: "ở đài phát thanh của chúng tôi, tôi thuê năm hoặc sáu người Anbani có học thức. Chúng tôi giả làm những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Anbani đang ẩn náu ở vùng núi. Mới nghe thì có vẻ không đáng tin, nhưng ý đồ ở đây là nhằm vào những người cộng sản bất mãn và thuyết phục họ rằng chính quyền không xây dựng một thứ chủ nghĩa cộng sản đích thực và đang gây tội ác đối với đảng viên. Hay nói cách khác, chúng tôi cố tạo ra sự bất mãn trong Đảng Cộng sản Anbani".4 

Mặc dù chịu thất bại ở Anbani, các nhân viên CIA được cử đến SOG đều nghĩ rằng hoạt động phát thanh đen rất đáng được thử nghiệm một lần nữa. Khi Adam đến, đài phát thanh Cờ đỏ đang được xây dựng cách Sài Gòn khoảng năm dặm. "Vì vậy, trong năm tháng đầu tiên, tôi làm người giúp việc cho kỹ sư. Chúng tôi phải tự làm lấy bởi vì chúng tôi chỉ có hai kỹ sư người Phillipines, nhưng họ gần như vô dụng. Cuối cùng thì đài cũng được lắp đặt xong vào đầu năm 1967; sau đó công việc của tôi là thuê người vận hành. Tôi tìm được hai hạ sĩ quan Mỹ đã từng vận hành đài phát cỡ nhỏ ở Mỹ. Thế là chúng tôi cho đài phát hoạt động, có lẽ vào quãng giữa năm 1967, và câu chuyện ngụy trang vẫn là những người cộng sản bất đồng chính kiến cùng với một số nhà văn đã từng là đảng viên Cộng sản nhưng đảo ngũ”.5 

CIA cũng chỉ đạo một đài phát thanh riêng chống lại Việt Cộng ở miền Nam mang tên Ngôi sao đỏ. "Đài phát thanh lấy danh nghĩa của một nhóm cộng sản bất đồng chính kiến ở Nam Việt Nam cho rằng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay Việt Cộng, là bù nhìn của Hà Nội. Luận điểm chính là Nam Việt Nam là của người miền Nam".6 

Hoạt động chèn sóng của SOG cũng là một thủ đoạn cũ của CIA. William Colby đã sử dụng biện pháp này đầu những năm 1960 ở miền Nam, tạo ra đài giải phóng giả "phát chương trình trên tần số kề sát với đài phát thanh giải phóng thật, do vậy thính giả không để ý sẽ nghe nhầm đài".7 Đài phát thanh giả của Colby nghe hệt như đài thật, trừ một số phần giả nhất định với hy vọng gây ra ấn tượng xấu về Việt Cộng trong đầu óc của người nghe".8 ví dụ, đài đưa tin về một trận đánh theo cách tạo ra ấn tượng là Việt Cộng phung phí sinh mạng bộ đội.

SOG tạo ra đài Hà Nội giả. Ý tưởng ở đây giống hệt như ý đồ của Colby trước đây. Weisshart nhớ lại rằng vấn đề "đài Hà Nội giả và các máy thu thanh bán dẫn cố định sóng được thảo luận và vạch kế hoạch tại thời điểm tôi vẫn còn ở SOG".9 Đài này bắt chước mọi chi tiết của đài Hà Nội, trừ việc thay thế một số phần quan trọng của chương trình. Một cựu nhân viên của SOG đã nêu hai ví dụ về cách hoạt động của đài: "một bài phỏng vấn với bác sĩ Hà Nội khen ngợi sự cải tiến trong việc sản xuất chân tay giả và tự hào công bố số lượng chân tay giả sẽ được tăng lên gấp 3 lần vào cuối năm", bản tin khác mô tả một thắng lợi lớn của đơn vị quân đội theo cách mà mặc dù có nhiều huy chương và lời khen ngợi của Đảng, người nghe không thể không kết luận “thật là đẫm máu”.10 Có rất nhiều mẩu tin và chủ đề tương tự như vậy.

Kỹ thuật đánh lừa điện tử cuối cùng trong hoạt động đài phát thanh đen của OP39 liên quan đến một thủ đoạn mà thuật ngữ tình báo gọi là đài "ma". Thủ đoạn này là "bí mật chặn đài phát thanh của đối phương và phát chương trình của mình thay vào tín hiệu của đài phát thật".11 Các Chương trình phát thanh của miền Bắc và các kênh thông tin điện tử chính thức bị ngăn chặn và thay thế bằng các chương trình khác. Ví dụ như gây nhiễu chương trình thời sự của đài phát thanh Hà Nội và thay vào đó bằng các thông tin mâu thuẫn nhau. Tương tự, những chỉ thị giả cho các đơn vị bộ đội cũng được đưa vào các kênh liên lạc điện tử.

Thách thức lớn nhất đối với hoạt động phát thanh đen của OP39 là phần lớn dân chúng miền Bắc không có đài thu thanh. Vì vậy, SOG phải cung cấp cho họ. Thông qua một hoạt động có mật danh Peanuts, SOG đặt hàng sản xuất đài bán dẫn từ Nhật Bản.

Những chiếc đài này được cố định tần số và do vậy chỉ nghe được các đài phát thanh của SOG. Hàng ngàn chiếc máy thu thanh kiểu này được đưa vào miền Bắc dưới dạng các gói quà được thả từ máy bay xuống hoặc thả nổi từ biển vào. Chúng được coi là quà của SSPL. Một số khác "được các toán thám báo đưa vào vùng căn cứ của đối phương (ở Lào hoặc Campuchia). Những chiếc đài này được đựng trong hộp có ghi tên thật hoặc giả của bộ đội".12 Tại thời điểm năm 1968, chương trình Peanuts đã tung đi trên 10.000 đài thu thanh.
_______________________________________
1, 7, 11. Godson, " Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài" , tr.152.

2. MACVSOG, " Lịch sử chỉ huy 1970”, Phụ lục B, tr.XI - 1-3. Năm 1968, các ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt (7.300 giờ), Triều Châu (2.190 giờ), Quan Hoả (730 giờ), Pháp (182,5 giờ) và tiếng Anh (182,5 giờ).

3. Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG, 1970”, Phụ lục B, Phần "Hoạt động chiến tranh tâm lý", tr 65.

4. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adams, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr. 93 - 94.

5. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adams, Sđd, tr.98 - 99.

6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", phụ lục C, Phần “Hoạt động tâm lý chiến", tr.66.

8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", phụ lục C, Phần "Hoạt động tâm lý chiến , tr.6.

9. Phỏng vấn lịch sử với Hervert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 30.

10. Plaster, "SOG: Cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Mỹ ở Việt Nam", chương 7.

12. MACVSOG. "Lịch sử chỉ huy 1971 -1972", Phụ lục B, tr.B-3-14.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Tư, 2008, 10:35:18 pm

Truyền đơn và gói quà

OP39 sử dụng truyền đơn và gói quà để làm tăng độ tin cậy của phong trào Gươm thiêng ái quốc. Do có trong tay máy bay C130, SOG có thể dễ dàng tung hàng chục ngàn truyền đơn và đã làm đúng như vậy. Ngoài truyền đơn của SSPL, một số lượng lớn truyền đơn không ghi nguồn gốc hoặc ghi nguồn gốc giả được chở bằng đường hàng không thả vào miền Bắc. Ví dụ, nhóm cộng sản ly khai của Đảng Cộng sản Việt Nam điều hành đài phát thanh Cờ đỏ cũng tuyên truyền về mình qua truyền đơn. Nội dung là sự sao chép những thông tin phát trên đài Tiếng nói tự do, đài SSPL và Cờ đỏ.

Các loại truyền đơn khác nhau được Weisshart mô tả là "một số tuyên truyền trực tiếp... ủng hộ SSPL" và số khác thì nhằm vào những thành phần cụ thể trong nhân dân miền Bắc.1 Một trong những thành phần này là cộng đồng công giáo. Theo Weisshart "chúng tôi cố gắng tiếp cận với người theo đạo Thiên chúa bằng truyền đơn và chương trình phát thanh. Chúng tôi rải ở Vinh và những nơi khác ở miền Bắc... Có một số truyền đơn cụ thể nhằm vào họ, thu hút sự quan tâm, và tác động lên họ".2 

Truyền đơn còn được sử dụng kết hợp với hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh của SOG ở Lào. Các toán thám báo của SOG trực tiếp hoặc sử dụng máy bay rải truyền đơn.

Việc sản xuất truyền đơn được giao cho OP39 và do một sĩ quan trẻ chỉ huy. Theo John Hardaway, người phụ trách hoạt động truyền đơn năm 1964, nhân viên của cơ quan thông tin Hoa Kỳ được cử tới SOG sẽ đưa phương hướng chung và nội dung chủ đề của truyền đơn. Sau đó John Hardaway sẽ sản xuất truyền đơn và đưa cho đối tác Việt Nam đọc, tham gia ý kiến trước khi dịch sang tiếng Việt. Ông kể lại trong năm 1964, Washington rất chú ý đến hoạt động truyền đơn: "một đêm tôi phải ngồi chuẩn bị báo cáo lên cho McNamara về số lượng truyền đơn đã thả ở miền Bắc".3 

Tương tự như truyền đơn, gói quà được gửi từ nguồn không ghi địa chỉ hoặc địa chỉ giả. Trong trường hợp ghi địa chỉ giả, đó là từ SSPL. Theo Welsshart, gói quà bao gồm: "giấy viết, xà phòng, bút chì, nến, khăn tắm, vải vóc, sách vở... Đó là những món quà hữu ích nhằm tác động thuận lợi đến người nhận về một phong trào chống Hà Nội chưa rõ tên hoặc về SSPL. Món quà nhằm dẫn dụ họ thảo luận về SSPL với bạn bè thân thích". Túi quà không bao giờ có thực phẩm. Weisshart nhận xét "vì Hà Nội có thể dùng chính thực phẩm đó chống lại chúng ta.4 

Cũng như truyền đơn, OP39 đã rải một số lượng lớn gói quà vào miền Bắc. Thành tích của OP39 được đánh giá bằng số lượng được chuyển đi hàng năm. Năm 1967, chỉ riêng qua đường hàng không, 22.000 gói quà được rải khắp miền Bắc vào ban đêm.5 
___________________________________
1, 4. Phỏng vấn lịch sử với Harbert Wersshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr.19.

2. Phỏng vấn lịch sử với Harbert Wersshart, Sđd, tr.22, 23.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Hardaway, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 65.

5. Plaster. "SOG: Cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Mỹ tại Việt Nam", chương 7.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 12:31:14 pm
Thư đen và giấy tờ giả

Việc làm giả có vai trò trọng yếu trong công việc của SOG, bao gồm sản xuất và lưu hành thư từ, tài liệu giả có vẻ bề ngoài giống như thật. Đối tượng chủ yếu của hoạt động làm giả là quan chức của chính phủ. Tuy nhiên cũng có thể nhằm vào đông đảo quần chúng. "Người làm giả gán một nội dung không có thật cho người khác hoặc tự mình tạo ra thông tin giả".1 

OP39 làm giả cả giấy tờ và tài liệu. CIA rất giàu kinh nghiệm trong loại hoạt động này, và không có gì ngạc nhiên là thư từ và tài liệu giả ở SOG được giám sát bởi một nhân viên CIA, người thường xuyên liên hệ với các chuyên gia làm giả của CIA.

Hoạt động thư từ đen của SOG bao gồm nhiều biến thể khác nhau và có thể được chia làm hai dạng chính. Dạng thứ nhất liên quan tới thư "bút độc”. Trong chiến tranh Việt Nam, CIA xây dựng những cơ sở dữ liệu đặc biệt về Bắc Việt Nam, trong đó có thông tin về cán bộ trung cao cấp trong chính quyền, quân đội, và đảng. Thông tin này bao gồm địa chỉ cơ quan hoặc nhà riêng của họ. Và thế là số cán bộ này trở thành đối tượng lý tưởng của các thư "bút độc" gửi từ Paris, Hồng Kông, Tokyo hoặc Băngkốc.2 

Tương tự như các hoạt động khác của SOG, nội dung của những lá thư này là nhằm đánh vào ý thức cảnh giác của chính phủ Hà Nội. Ví dụ, trong một lá thư gửi cho một cán bộ miền Bắc từ một người Việt sống ở nước ngoài, tác giả làm như thể là đang trả lời một số băn khoăn của người nhận được giãi bày trong thư gửi ra nước ngoài trước đó, chỉ trích cách tiến hành chiến tranh của Đảng. Ở miền Bắc sự chỉ trích này là một hành vi phản bội và cơ quan an ninh, ít nhất, sẽ để mắt theo dõi cán bộ đó.

Dưới đây là một ví dụ. Trong thư, tác giả, người viết lá thư từ Hà Lan, nhắc đến lá thư mình nhận được từ cán bộ nọ. Tác giả viết thư để đáp lại những thông tin về sự đối xử hà khắc đối với tù binh chiến tranh Mỹ và cuộc tập kích Sơn Tây năm 1970 để giải cứu họ. Những lời lẽ trong thư nhằm tạo ra câu hỏi về sự trung thành của người cán bộ này.

Anh Tình thân mến,

Hai tuần trước đây tôi nhận được thư của anh... tình hình miền Bắc của chúng ta đã trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ hạ cánh xuống tỉnh Sơn Tây tháng 11 vừa qua đế giải phóng số tù binh phi công bị bắt giũ. Trước đây tôi không tin lời đồn đoán. Nhưng mối nghi ngờ của tôi đã được giải toả sau ghi nhận được thư của anh...

Người Mỹ và bọn phản bội ở miền Nam rất quan tâm đến số phận binh sĩ của họ. Vì vậy, khi được nghe kể về sự đối xử tồi tệ đối với số phi công bị bắt giũ, họ không thể giữ im lặng. Họ phản ứng mạnh mẽ đối với các hành vi xấu xa và tìm mọi cách đề nghị chính phủ chúng ta trao đổi tù binh chiến tranh… Nhưng chính phủ chúng ta đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị này...

Không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều nước khác trên thế giới cũng lên tiếng phê phán sự đối xử tồi tệ đối với binh sĩ Mỹ bị bắt và coi đó là hành vi phi nhân tính. Ngày 2-3-1971, Hội cựu chiến binh Hà Lan đề nghị tổ chức Hội nghị của tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế để yêu cầu chính phủ chúng ta chấm dút những hành động trên. Ngoài ra những người hàng xóm thường hỏi tôi: Tại sao chính phủ miền Bắc không tôn trọng Công ước Giơnevơ về tù binh chiến tranh mặc dù đã tham gia ký kết? Tôi không trả lời được câu hỏi đó một cách đúng đắn. Hãy cho chúng tôi biết quan điếm của anh trong thư tới đề chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn này.

Thế thôi, vì thư đã dài. cho phép tôi dừng ở đây, chúc anh và gia đình mạnh khoẻ.


Bạn của anh

Trần Văn Toàn


Một ví dụ còn tinh vi hơn là gắn người nhận vào hoạt động lật đổ để các chuyên gia phản gián miền Bắc khi đọc những bức thư được dựng lên này sẽ bị dẫn đến việc cố phát hiện sự liên hệ giữa người nhận và toán biệt kích của SOG, hoặc SSPL, hoặc hoạt động tình báo nước ngoài chống lại miền Bắc, ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Dạng thứ hai của hoạt động thư từ đen là chuyển thông điệp tuyên truyền từ người Việt Nam sống ở nước ngoài tới người sống ở miền Bắc. Những lá thư này bao gồm "từ những thư tình cảm nhẹ nhàng từ các địa chỉ giả gửi cho công dân bình thường ở miền Bắc" cho đến "thư cứng rắn về vấn đề chính trị gửi tới cán bộ và trí thức miền Bắc".3 

Ngoài ra còn có thư giả danh số tù binh người Bắc đang bị giam giữ gửi cho gia đình. Những lá thư này có thể chuyển tải một hoặc nhiều thông điệp. Ví dụ, tù binh có thể chỉ trích việc Hà Nội sẵn lòng hi sinh bộ đội và ghi nhận rằng mình được đối xử tốt trong trại. Lá thư tiếp theo có thể cho gia đình biết về quyết định xin được chiêu hồi, một chương trình ân xá dành cho binh sĩ đối phương của chính phủ Sài Gòn. Cuối cùng, anh ta cho biết mình đã gia nhập quân đội miền Nam. Với việc gia nhập này, anh ta có thể giúp các đơn vị quân đội Nam Việt Nam và Mỹ bằng sự thông thuộc với phong trào, chiến thuật và các biện pháp hoạt động của miền Bắc. Dĩ nhiên, chẳng có gì là đúng sự thật và bản thân tù binh cũng không hề biết về những lá thư đó.

Một dạng khác của chương trình thư tù binh chiến tranh người miền Bắc là đề án mang mật danh "Soap-chips". Những lá thư này giả danh thư từ hậu phương gửi đến bộ đội miền Bắc đang chiến đấu ở miền Nam. Các toán thám báo của OP35 sẽ đặt những lá thư này vào xác của bộ đội đã hi sinh mà họ gặp khi hoạt động ở Lào và Campuchia. Thư mô tả tình hình ở hậu phương là rất tồi tệ. Ý tưởng ở đây là khi có người đến di chuyển thi thể, họ sẽ đọc thư. Thư còn có thể chơi con bài Trung Quốc, cáo buộc các sĩ quan Trung Quốc làm nhục phụ nữ Việt Nam mà chẳng có ai làm gì họ cả. SOG còn gửi những giấy báo tử giả cho gia đình có bộ đội chiến đấu ở miền Nam.4 

Theo Bob Andrews, công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, có rất nhiều chương trình thư đen khác nhau và có nhiều cách để đưa thư ra Hà Nội. Andrews mô tả sự việc sử dụng địa chỉ ở Băng Kốc như sau: "Lúc bấy giờ có rất nhiều kho chứa thư quốc tế trên khắp thế giới. Một trong số đó là ở Băng Kốc. Chúng tôi gửi hàng túi thư kiểu này tới Băng Kốc và Trung tâm CIA ở đây có một cơ sở người Thái ở ngành bưu chính và anh ta sẽ ném túi thư đó vào số thư từ đi Việt Nam".5 Ở thời kỳ cao điểm, hàng năm có 7.000 bức thư đen được chuyển qua Băng Kốc và các thành phố khác đến miền Bắc.6 

SOG dùng "tài liệu, vật liệu giả gửi miền Bắc để thể hiện sức mạnh của tổ chức, nhóm người, hoặc cá nhân có thực hoặc giả mạo"7. Thật khó có thể nêu ra được dẫn chứng vì CIA vẫn chưa giải mật những tài liệu này với lý do sẽ làm lộ kỹ thuật và biện pháp nghiệp vụ. Với những gì được biết thì CIA thu thập một số lượng lớn tài liệu thu giữ hoặc có được từ nguồn khác. CIA có kỹ thuật chuyên môn để làm giả các tài liệu đó đúng đến từng chi tiết nhỏ. Văn phòng hậu cần tuyệt mật Viễn Đông của CIA đặt tại Okinawa chuyên sản xuất ra các sản phẩm giả phục vụ cho hoạt động của SOG. Những tài liệu giả này "được các toán hoạt động của SOG, tiểu đoàn không quân 101 (của Mỹ), lực lượng đặc nhiệm hải quân-SEAL, và các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hoà đưa vào Lào, Campuchia và Nam Việt Nam"8.
____________________________________
1. Godson, "Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài", tr. 155.

2, 3, 4, 6, 7, 8. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1971 -1972", Phụ lục B, tr. B-13-7.

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bob Andrews, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG " tr. 121.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 12:44:07 pm

Các hoạt động tâm lý chiến đen khác

SOG thực hiện hàng loạt hoạt động chiến tranh tâm lý có quy mô nhỏ hơn và mang tính chiến thuật. Nhiều hoạt động trong số này thuộc loại thủ đoạn "bẩn thỉu" và thường có sự giúp đỡ của Văn phòng hậu cần Viễn Đông của CIA. Hai cơ quan này cho phép SOG có sự tiếp cận độc nhất vô nhị với hàng loạt thiết bị đặc chủng như vũ khí đã bị han gỉ của đối phương, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm điện thoại đặc biệt và chất làm nhiễm bẩn gạo.

Phần lớn nhất của các hoạt động này là cài bẫy vào vũ khí của đối phương. Ý tưởng này là của Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG năm 1967. Singlaub còn nhớ Eldest Son, mật danh của hoạt động này, là "nhạy cảm tôi phải xin sự phê chuẩn của Westmoreland và CIA vì chúng tôi sử dụng thiết bị của họ. Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt - SACSA- chuyển số vũ khí này qua người của CIA ở Sài Gòn và Okinawa".1 Các vũ khí bị sửa đổi bao gồm đạn AK47 và cối 82 do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sản xuất mà CIA có được qua một nước thứ ba. Các chuyên gia của CIA tháo rời đạn ra, gài bẫy vào trong, sau đó lắp lại như cũ, cho vào băng hoặc thùng đạn để không ai biết chúng đã bị sửa đổi. Những viên đạn này sẽ nổ tại chỗ khi được sử dụng và có thể gây ra chết người.

Việc đưa vũ khí này tới tay của quân đội miền Bắc là trách nhiệm của các toán thám báo thuộc OP35. Họ mang số đạn AK47 đã bị cài bẫy vào Lào và Campuchia đặt bên cạnh thi thể của bộ đội miền Bắc hoặc rải xung quanh nếu các toán thám báo gặp đối phương. (Quân đội miền Bắc thường chịu khó thu nhặt vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác để lại sau trận đánh). SOG còn tạo ra kho đạn giả của đối phương ở những nơi có hệ thống kho tồn tại.

Việc nghe trộm đường dây liên lạc của bộ đội miền Bắc cho thấy số đạn bị cài bẫy này gây hoang mang trong bộ đội. Để khuếch trương tác động, SOG đưa lên đài phát thanh hoặc đưa tin trên báo chí của quân đội Mỹ nhắc nhở nhân viên Hoa Kỳ không được sử dụng vũ khí của đối phương. Ngoài việc đánh lừa, sự nhắc nhở này là cần thiết vì có trường hợp nhân viên Mỹ bị thương vong vì loại vũ khí này.

Bob Adrews liên hệ tới một ví dụ liên quan tới một sĩ quan hải quân bị mù mắt vì bắn súng AK47. "Vào khoảng mùa thu 1968, chúng tôi đang tìm cách để đối phương quan tâm hơn đến đề án Eldest Son và chuyển cho họ thông điệp là số đạn AK47 hỏng này là do người Trung Quốc gây ra. Chúng tôi muốn làm lớn chuyện này… chúng tôi biết về vụ một sĩ quan hải quân đã nhặt khẩu AK47 và cầm đúng băng đạn đã cài bẫy, khi bắn, do đạn nổ về hướng mặt nên anh ta bị mù. Tôi nảy ra ý tưởng là cần phải tuyên truyền mạnh trong quân đội Hoa Kỳ về việc MACV cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí của đối phương. Vì vậy, chúng tôi đưa tin lên đài nói rằng: đây là câu chuyện đã xảy ra với một người của chúng ta vì đã vi phạm quy định và nguyên nhân là do đạn hỏng".2 

Để kích động sự thù hằn đối với Trung Quốc, Andrews "đến Trung tâm khai thác vật liệu hỗn hợp" của MACV và thoả thuận với giám đốc trung tâm tạo ra một bản phân tích giả về khẩu súng mà người sĩ quan nọ đã sử dụng. Bản phân tích cho biết vũ khí đó không đạt tiêu chuẩn và có vẻ như bị cố ý làm như vậy, và toàn bộ lô AK47 có khả năng bị kém chất lượng. Tay giám đốc còn đóng dấu "mật" vào bản báo cáo và "vô tình" để quên tại một quán bar, ngay sau đó tài liệu bị biến mất".3 Tài liệu giả cũng được sử dụng để nói xấu người Trung Quốc và làm cho bộ đội Bắc Việt Nam ngại không muốn sử dụng vũ khí của họ. Thủ đoạn này được thực hiện dưới dạng một thông báo của Tổng hành dinh quân đội Bắc Việt Nam gửi các tư lệnh ở miền Nam xác nhận vấn đề và giải thích là các đồng chí Trung Quốc đang áp dụng mọi biện pháp để xử lý khó khăn trong chế tạo vũ khí và chấn chỉnh dư luận cho rằng Trung Quốc cố ý gài bẫy vũ khí, đạn dược. SOG có một số lượng lớn các bẫy nổ ngụy trang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để bộ đội Bắc Việt Nam thu nhặt. Phần lớn số bẫy này lại là loại vật dụng dùng trong quân đội đang khan hiếm, thường là pin và đài thu thanh.

Các loại tài liệu giả khác cũng đánh vào sự nghi ngại truyền kiếp của Bắc Việt Nam đối với Trung Quốc. William Rydell, một nhân viên CIA chuyên về chiến tranh tâm lý và chỉ huy OP39 năm 1970, kể lại thủ đoạn sử dụng thiếp chúc tết để đạt mục đích trên. Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư chúc tết cho bộ đội ở miền Nam. Hồ Chủ tịch đã mất năm 1969 và dĩ nhiên là không thể gửi thư chúc tết cho bộ đội được nữa. Vì vậy chúng tôi chọn ra một người.lãnh đạo thân Trung Quốc nhất để làm giả thư chúc tết của người đó gửi bộ đội ở miền Nam (năm 1971).

Rydell chọn Trường Chinh, một lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - người trên thực tế cũng ngả mạnh theo Trung Quốc. Rydell giải thích "những người Việt Nam cùng làm việc với tôi cho đây là ý tưởng tuyệt vời (thiếp chúc tết) rất hiệu quả". Và Hà Nội đã "tổ chức họp báo tại Lào và ở Paris lên án hoạt động bí mật này".4 SOG phân phát hơn 22.000 thiếp ở Lào, Campuchia và miền Nam.5 

Cuối cùng, có một đề án nhỏ về làm tiền giả. Tuy nhiên Washington rất e ngại dự án này đi quá xa. Theo Bob Andrews, "tôi biết việc làm tiền giả được thảo luận, nhưng cấp trên bảo chúng tôi : "Không được làm như vậy. Đó là điều không thể được về mặt chính trị.6 
_________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K. Singlaub, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr.55.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bob Andrews, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr 116.

4. Phỏng vấn lịch sử William Rydell, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr. 183.

5. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1971-1972", tr. B-13-12.

6. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bob Andrew, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr.122.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 10:25:53 pm

CHUƠNG TRÌNH TÂM LÝ CHIẾN:
KHÔNG PHẢI HOẠT ĐỘNG ĐẦY SỨC MẠNH

Chương trình chiến tranh tâm lý chống Hà Nội kết hợp nhiều công cụ và thủ đoạn. Những kỹ thuật và chiến thuật này là một nỗ lực tinh vi, nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Vấn đề quan trọng là liệu nó có phục vụ mục tiêu chiến lược không. 

Sự không ổn định chiến lược

Liệu các chiến thuật chiến tranh tâm lý có đủ mạnh để giúp thực hiện các mục tiêu chiến lược của SOG không? Họ muốn đánh lừa Hà Nội bằng cách nào và nhằm mục đích gì? Những cố gắng của chiến tranh tâm lý có mang tính thực tiễn không? Cũng có những câu hỏi được đặt ra về nhân dân miền Bắc. Những hoạt động tâm lý chiến chống lại họ có một mục tiêu chiến lược không? Nếu có, thì mục tiêu đó có thể đạt được với những hạn chế áp đặt cho SOG không?

Mục tiêu chiến lược của chương trình chiến tranh tâm lý là làm cho giới lãnh đạo Hà Nội tin rằng an ninh ở hậu phương đang trở nên xấu đi. Thách thức ở đây là làm cho Hà Nội tin rằng mọi hoạt động giả tạo là công việc của những phần tử chống đối thật sự trong lòng miền Bắc. Liệu SOG có thể tiến hành chiến thuật tung hoả mù để đánh lừa miền Bắc trong bao lâu? Một khi Hà Nội nhận ra rằng mọi thứ chỉ là đồ giả thì SOG sẽ làm gì?

Trên thực tế, bản chất giả tạo hoàn toàn chính là nhược điểm lớn nhất của chương trình tâm lý chiến do SOG thực hiện. Các chỉ huy cao cấp của SOG và cấp trên nhận ra điều này vào năm 1966. Khi hồi tưởng về chương trình, Don Blackbum nhận xét: (hoạt động này) chỉ gây chút ít phiền toái cho người Bắc Việt Nam, còn ngoài ra "chẳng đạt được cái gì cả" Blackburn so sánh với hoạt động của đối phương và cho rằng điều khác biệt chủ yếu là "triển khai việc tuyên truyền bằng cách kèm theo nhiều hoạt động khác nữa".1 Hà Nội không chỉ đạo phong trào giả ở miền Nam mà đó là một bộ máy tổ chức phát triển đầy đủ. Chiến tranh tâm lý là một yếu tố không tách rời của chiến lược chung của Hà Nội.

Blackburn đã nêu đúng vấn đề mà các chuyên gia xem xét chương trình chiến tranh tâm lý đã nhận ra. Cần phải làm thêm điều gì đó nữa nếu muốn giới lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang gặp phải sự chống đối nghiêm trọng. Bắt đầu từ 1967, sau khi đánh giá lại chương trình tâm lý chiến. SACSA và SOG đã đệ trình nhiều đề xuất tập trung vào yếu tố cốt lõi của OP39: phong trào Gươm thiêng ái quốc. Để gia cố hình ảnh của SSPL, cần có thêm các hoạt động bên trong và bên ngoài miền Bắc.

Những đề nghị này bao gồm: thành lập đại diện của SSPL ở miền Nam; đưa những lời kêu gọi đề nghị Hà Nội chấm dứt chiến tranh mang lại hoà bình của SSPL ra diễn đàn quốc tế; khuyến khích số ngư dân bị giữ tại đảo Thiên Đường ở lại và đưa họ về miền Nam phục vụ mục đích tuyên truyền; và cho SSPL có động thái mở cơ quan đại diện ở Liên hợp quốc.2 Bằng việc đưa SSPL ra sân khấu quốc tế thông qua tổ chức bình phong, SOG có thể làm tăng độ lo lắng của Hà Nội về một phong trào chống đối có tổ chức. Nhưng không một sáng kiến nào được Washington chấp nhận.

Đối với các hoạt động bên trong miền Bắc, các kiến nghị bao gồm "bổ sung thêm nhiều chi tiết vào hoạt đông của SSPL. Ví dụ như tăng cường các bức điện đài gửi cho các đơn vị ma của SSPL; mở rộng chương trình phát thanh của Tiếng nói Gươm thiêng ái quốc; thông báo về các hoạt động như các cuộc gặp của trung ương, chương trình công tác mới và số lượng người gia nhập SSPL ngày càng tăng". Nhiều nội dung trên đây đã được thực hiện.3 

Những kiến nghị thay đổi nêu trên có tác dụng làm tăng độ tin cậy của SSPL nhưng, nếu như được cho phép thực hiện, liệu chúng có tác động đến việc tiến hành chiến tranh ở miền Nam của Hà Nội không? Vì đó chính là mục tiêu cuối cùng của Kế hoạch 34A mà chiến tranh tâm lý là một bộ phận cấu thành. Mặc dù cuộc chiến tranh bí mật do SOG tiến hành có gây khó chịu cho Hà Nội, vì Hà Nội coi việc chấm dứt hoạt động này là một trong những điều kiện cho đàm phán hoà bình, hoạt động của SOG không hề làm thay đổi sự hỗ trợ của miền Bắc đối với miền Nam.

Cần phải bổ sung cái gì đó, và những gì tiếp theo cũng không có gì huyền bí. Cả ba chỉ huy đầu tiên của SOG, Russell, Blackburn và Singlaub, đều có chung kiến nghị: SOG phải thúc đẩy việc xây dựng một tổ chức chống đối thực sự trong lòng miền Bắc. Phong trào chống đối giả tạo và hoạt động của các điệp viên ma có thể làm Hà Nội lo ngại, nhưng chỉ được đến thế mà thôi. Đó là kết luận của Báo cáo đánh giá được hoàn thành tháng 2-1968 do nhóm đánh giá của MACV, đứng đầu là chuẩn tướng A.R.Brownfield, người từng giữ chức phó SACSA, thực hiện. Ông phê phán chương trình chiến tranh tâm lý là "không rõ ràng và quá rộng”. Nhiệm vụ của hoạt động này cần được thay đổi nếu như muốn phục vụ các mục tiêu của Kế hoạch 34A.4 Vấn đề là ở chỗ các nhà vạch chính sách ở Washington không cho phép SOG thành lập một tổ chức chống đối thực sự cũng như khuyến khích nhân dân miền Bắc đứng dậy hoạt động.
___________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Donald Blackburn, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan chỉ huy của SOG", tr. 21, 22.

2, 3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu của SOG", tháng 7-1970, phần "Hoạt động chiến tranh tâm lý”, tr- 112-136.

4. "Đánh giá về SOG", Báo cáo của nhóm đánh giá, tháng 2-1968, tr. 8-9.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 10:40:08 pm

Dư âm Hungary

Khi Colby tái tập trung nỗ lực chống Hà Nội của CIA vào chiến tranh tâm lý, các quan chức CIA tại Sài Gòn rơi vào tình huống phải vạch ra một ranh giới mỏng manh như đã từng làm ở Đông Âu tiếp theo sau cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956. Washington coi mục đích của chiến tranh tâm lý là cung cấp thông tin chứ không phải khuyến khích nổi dậy. Cuộc phiêu lưu tâm lý chiến của SOG chống miền Bắc cũng không được giải thoát khỏi hạn chế này. Nhớ lại những ngày còn lãnh đạo OP39 năm 1966, Al Mathwin nhận xét: "Mục tiêu không phải là xúi giục dân chúng dùng bạo lực. Chúng tôi không được giao làm việc đó", ông giải thích "bởi vì chúng tôi không hỗ trợ những người nổi loạn".1

Tác động của "bài học Hungary" đối với việc hình thành hoạt động tâm lý chiến của SOG là rất sâu sắc. Không nghi ngờ gì nữa, kết quả của cuộc cách mạng Hungary đã làm chấn động các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ nói chung và CIA nói riêng. Năm 1956, Hoa Kỳ có cơ hội hỗ trợ một nỗ lực lật đổ chính phủ cộng sản. Bộ trưởng Ngoại giao John Forster Dulles vận động cho chiến lược "lăn trở lại"- Roll back - hay lật đổ chế độ Cộng sản với hàm ý Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các hoạt động đó. Thực ra, "Roll back" và nhu cầu giải phóng Đông Âu là chủ đề đã được Dwight Eisenhower trình bày chi tiết trong chương trình tranh cử tổng thống 1952. Tuy nhiên, khi người Hungary bạo loạn, tổng thống Eisenhower và chính quyền của ông nhắm mắt làm ngơ không có sự giúp đỡ nào giành cho dân Hungary, mặc dầu chương trình phát thanh của đài châu Âu tự do, RFE, do CIA chỉ đạo đã tiến sát đến việc khuyến khích nổi dậy. Khi cuộc nổi dậy mạnh lên, thậm chí RFE đã phát lại chương trình phát thanh của đài địa phương kêu gọi giúp đỡ và lời đồn đoán rằng Mỹ chuẩn bị can thiệp. Những chương trình phát thanh này là để duy trì hy vọng của những người xuống đường ở Hungary rằng nước Mỹ sẽ cứu họ. Nhưng chính quyền Elsenhower không hành động.2 

CIA rút ra những bài học quan trọng từ Hungary. Bill Rydell, người chỉ đạo hoạt động tâm lý chiến và gián điệp chống lại địa bàn bị từ chối từ những năm 1950, giải thích như sau: "Bạn chẳng cần có hiểu biết gì lắm cũng có thể hình dung ra là sau năm 1956 chúng ta sẽ không thể tiến hành công việc theo kiểu đó nữa vì có thể gây ra chiến tranh nguyên tử", Rydell nhắc lại: "Trước năm 1956, chính sách của chúng ta là giải phóng". Tuy nhiên sau Hungary, việc "kích động dân chúng ở các địa bàn bị từ chối nổi dậy bị cấm... chúng ta sẽ không đi vào giúp đỡ hoặc khuyến khích hoạt động này... Tôi biết rằng sau năm 1956, chúng ta rất thận trọng về các hoạt động tương tự... Chúng ta sẽ không tiến hành hoạt động xúi giục nổi dậy".3 Tại CIA. Rydell cho biết "bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi về nhiệm vụ hoạt động ở địa bàn bị từ chối, trước 1956 họ thúc đẩy một việc mà sau 1956 lại rút lui khỏi việc đó".4

"Bài học Hungary” trở thành nỗi ám ảnh của CIA. Do đó mọi ý tưởng dự định xúi giục nổi dậy đều bị cấm từ khi còn manh nha. Trong khi vào thời điểm 1961, Kenedy mong muốn thực hiện tại miền Bắc những gì họ đang tiến hành ở miền Nam thì vào lúc MACVSOG thành lập năm 1964, mục tiêu chính sách đó nhanh chóng bị mờ nhạt. Trong lĩnh vực chiến tranh đặc biệt, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ và trợ giúp chính phủ bị đe doạ bởi bạo loạn cách mạng nhưng không cổ vũ những cố gắng chống quốc gia cộng sản bằng vũ trang.

Tác động chiến lược của bài học Hungary đối với OP39 là rõ ràng. Hậu quả là hoạt động tâm lý chiến của OP39 chống nhân dân miền Bắc thiếu mục đích chiến lược. Trên thực tế, ranh giới mà SOG cố vạch ra giữa những gì SOG muốn dân chúng miền Bắc làm và không làm có lẽ chỉ tồn tại trong đầu các nhân viên của SOG. Điều chắc chắn là, những hoạt động này mang rất ít ý nghĩa chiến lược. Hậu quả không tránh khỏi là toàn bộ nỗ lực tâm lý chiến chống miền Bắc bị làm cho rối beng.

Nhiều người từng điều hành hoạt động tâm lý chiến cũng san sẻ quan điểm trên. Có lẽ Bob Adrews là người đã khái quát tốt nhất những ảnh hưởng của quy định cấm đoán đối với hoạt động và mục tiêu chiến tranh tâm lý như sau:"Chúng tôi phải lên tận SACSA để xin ý kiến về mọi vấn đề lớn, tại đây họ phải xin ý kiến của Lầu Năm Góc và chỉ có Chúa mới biết là cán bộ ở cấp thực hiện cần phải làm gì. Sau một thời gian, tình trạng đó buộc anh phải tự xác định "hãy làm việc gì nhỏ thôi, đừng làm lớn vì nếu muốn làm điều gì to tát, bạn sẽ chẳng bao giờ được làm". Do đó, chỉ nên làm những việc "dưới xà”- dưới mức phải báo cáo cho SACSA, có nghĩa là bạn phải làm những việc vụn vặt tầm thường". Andrews cho rằng "mối đe doạ mà người miền Bắc không thể dung thứ là mất sự kiểm soát... Rất nhiều thứ chúng tôi làm lẽ ra có hiệu quả nếu như được tiến hành thích đáng".5 Ý kiến này có thể đúng hoặc sai, nhưng những hạn chế áp đặt cho OP39 không cho phép kiểm định giả thuyết đó.

Với việc hình thành Chương trình đánh lạc hướng (Forae) cuối 1967, OP39 có cơ hội điều chỉnh tình trạng thiếu mục tiêu chiến lược khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ OP34 tiến hành trò chơi ba mang với Hà Nội. Sự giúp đỡ này có nhiều dạng. Thứ nhất, Gươm thiêng ái quốc được điều chỉnh hoạt động và sáp nhập vào Forea, kéo theo sự thay đổi nội dung cải huấn ở đảo Thiên Đường. Hai hoạt động này trực tiếp gắn với và hỗ trợ Chương trình đánh lạc hướng. Thứ hai, OP39 triển khai một số dạng thư giả đặc biệt để hỗ trợ Forae. Đó là việc lồng vào trong thư giả những thông tin về điệp viên là cán bộ miền Bắc đã được đề án Borden và Urgency dựng lên.

Những bước trên chỉ là sự khởi đầu. Cần phải làm nhiều hơn để hoà nhập chiến tranh tâm lý vào Forae. Rất nhiều dự định khác đang được "hình thành" khi SOG nhận được chỉ thị từ Washington tháng 11-1969 ra lệnh chấm dứt mọi hoạt động bên kia giới tuyến của miền Bắc. Đối với chương trình đánh lạc hướng, điều đó tương đương với việc đóng cửa gần như hoàn toàn chương trình ngay khi mới bắt tay thực hiện. Vì vậy, OP39 mất cơ hội hình thành mục tiêu chiến lược cho chương trình tâm lý chiến.


Các thiếu sót khác của chương trình tâm lý chiến

Trong khi việc thiếu mục đích chiến lược là nhược điểm chủ yếu của chương trình tâm lý chiến do SOG tiến hành và là nguyên nhân làm cho hoạt động đó không có khả năng tác động đến Hà Nội như mong muốn, còn có một số thiếu sót khác nữa. Có thể nêu ra ba thiếu sót nổi lên và góp phần đáng kể vào những thành quả rất hạn hẹp của SOG. Một là, sự khép kín trong từng bộ phận của các thành tố tổ chức của SOG dẫn đến việc thiếu phối kết hợp với nhau. Theo Phil Adams, người được CIA cử đến SOG năm 1966, "Tôi không nhớ là có bất kỳ kế hoạch tổng thể nào. Tôi không nhớ ai có ý tưởng cụ thể về nhiệm vụ chính xác của chúng tôi và chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào. Mọi thứ đều mơ hồ".6 Không một sĩ quan quân đội hoặc một nhân viên CIA nào nhớ lại rằng mình nhìn thấy hoặc tham gia soạn thảo kế hoạch hành động tổng thể cho chiến tranh tâm lý. Đó là cái giá của việc khép kín trong từng bộ phận một cách quá mức.

Hai là, vấn đề nhân sự, căn bệnh mãn tính trong suốt thời gian tồn tại của SOG, cũng ảnh hưởng đến bộ phận tâm lý chiến. Chuyên gia trong hoạt động chiến tranh tâm lý đen thật thiếu thốn, như Russell phát hiện ra năm 1964, khi ông bắt đầu xây dựng SOG. Vấn đề nhân sự cũng không được cải thiện tốt hơn trong những năm tiếp theo. Theo Phil Adams, bộ phận tâm lý chiến chịu đựng tình trạng thiếu chuyên môn trong nhiệm kỳ của ông. Adams kể: "Đối với nhân viên quân đội tôi không nhớ có ai đã từng trải qua hoạt động tâm lý chiến hoặc được đào tạo về chuyên môn này".7 Adams nói thêm “tôi không tin là có nhân viên Mỹ được đào tạo về văn hoá Việt Nam. Tất cả số nhân viên quân đội là sĩ quan bộ binh hoặc pháo binh”. Thế còn số nhân viên của CIA ở SOG thì sao "Người của CIA cũng chẳng hơn gì mấy", Adams nhận xét.8 Tình trạng này vẫn tiếp diễn ngay khi Adams rời SOG cuối 1967.

Cuối cùng là vấn đề đánh giá tác động của chiến tranh tâm lý đối với các mục tiêu Bắc Việt Nam. Một chi nhánh của OP39 có tên “nghiên cứu và phân tích” có chức năng thu thập, so sánh đối chiếu, và phân tích các thông tin từ các nguồn về miền Bắc nhằm hai mục đích: Chỉ ra những điểm yếu về tâm lý miền Bắc để xác định đối tượng và sử dụng chính những nguồn đó để đánh giá tác động của chương trình tâm lý chiến.

Mục tiêu thứ hai này không được chi nhánh nghiên cứu và phân tích theo đuổi. John Harrell, người chỉ huy đầu tiên của chi nhánh, nhận định là không có “hành động nào để phát triển một cơ chế đánh giá. Tôi không có đủ điều kiện làm việc đó”.9 Richard Holzheimer, người thay thế Harrell năm 1965, cũng kể lại câu chuyện tương tự. Holzheimer không "nhớ là được giao nhiệm vụ hoặc một điều gì đó tương tự… Không, chúng tôi không làm việc đó". Khi được hỏi hàng năm có đánh giá về hoạt động tâm lý chiến không, Holzheimer trả lời “tôi không nhớ có việc như vậy”.10 Theo Derek Theissen, người làm tại chi nhánh vào cuối năm 1960, OP39 cho đánh giá tính hiệu quả của hoạt động tâm lý chiến. Tuy nhiên, "hiệu quả được đánh giá chủ yếu bằng số lượng hiện vật được chuyển đi chứ không phải theo phản ứng của Hà Nội. Trong năm 1969 -1970, chúng ta mắc phải hội chứng "đếm hạt đậu” - thiên về số lượng- trái ngược hẳn với sự phân tích chi tiết về tác động”.11 

Thật khó có thể tin là SOG không tiến hành đánh giá một cách có hệ thống tác động và hiệu quả của chiến dịch chiến tranh tâm lý. Khi được hỏi tại sao lại như vậy, Bill Rydell, nhân viên CIA, sếp của OP39 năm 1970 - 1971, trả lời: "trong một xã hội mở làm điều đó đã rất khó. Còn trong một nhà nước sau bức tường sắt thì điều đó là điều không thể. Đối phương ít khi, nếu không muốn nói là không bao giờ, cho bạn biết các dấu hiệu về tác động của hoạt động tâm lý chiến. Bạn đọc nát báo chí để tìm ra từng dấu hiệu nhỏ nhất, đọc thư từ hay bất kể thứ gì có thể cho bạn một chỉ dẫn. Bạn không thể tiến hành một cách có hệ thống theo kiểu thăm dò ý kiến, đó chính là vấn đề. Và cũng không có sự chống đối công khai nào... không! Bởi vì đó là dấu hiệu tốt nhất".12 Đó là câu trả lời có sẵn về khó khăn trong việc đánh giá hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại các địa bàn bị từ chối. Tuy nhiên, Hà Nội không phải yên lặng về các hoạt động tâm lý chiến của SOG, mà ngược lại.
_______________________________________
1. Ghi chép của tác giả trong cuộc phỏng vấn với trung tá Al Mathwin tại Lầu Năm Góc (tháng 7-1996), mọi người từng phục vụ trong OP39 khi phỏng vấn đều có chung ý kiến như vậy. Họ có nhiệm vụ gây bất mãn trong nhân dân miền Bắc nhưng không được khuyến khích họ có hành vi bạo lực.

2. Ranelagh. “Cơ quan CIA", tr.302-309.

3. Phỏng vấn lịch sử với William Rydell, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG” tr.188-189, 194.

4. Phỏng vấn lịch sử với William Rydell, Sđd, tr.194

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bob Andrews, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr. 118.

6, 7. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adams, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MAEVSOG" tr.97, 96.

8. Phỏng vấn lịch sử với Phil Adams. Sđd, tr. 97.

9. Phỏng vấn lịch sử với trung tá John Harrell, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG” tr-52.

10. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Richard Holzheimer, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG”, tr. 90.

11. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Derek Theissen, trong “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG” tr. 177.

12. Phỏng vấn lịch sử William Rydell, trong “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr.196.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 10:56:44 pm

CÓ LẼ COLBY ĐÃ ĐÚNG

Tương tự như hoạt động biệt kích, chương trình chiến tranh tâm lý nhận được sự chú ý của Hà Nội. Bản báo cáo phản gián của OP34 đầu 1968 hé cho thấy miền Bắc tuyên bố bắt giữ được số biệt kích nhiều hơn số SOG xâm nhập. Sự ước tính quá mức này và những báo động về an ninh nội bộ về các toán biệt kích ma và hoạt động liên quan tới gián điệp không chỉ xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh mà còn trong các tài liệu nội bộ. Tương tự, dấu hiệu đó còn thể hiện dưới dạng áp dụng biện pháp tổ chức, bảo vệ và truy tìm gián điệp, biệt kích cả thật lẫn giả của đối phương. Hoạt động phản gián và cảnh sát như bắt, điều tra, xâm nhập, khiêu khích, cài bẫy... đều gia tăng. Cuối cùng, những hình phạt mới và nghiêm khắc hơn, kể cả tử hình, được ban hành và áp dụng đối với tội hoạt động phản cách mạng và gián điệp.

Việc đánh giá quá mức và báo động có tính quy luật trên còn được phản ảnh trong cách Hà Nội đối phó với chương trình chiến tranh tâm lý. Điều này bắt đầu từ năm 1965 và là vấn đề được nhắc nhở nhiều trong các bài báo và chương trình phát thanh của miền Bắc. Ví dụ, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, cảnh báo rằng "để làm nhụt ý chí chiến đấu của miền Bắc , Hoa Kỳ coi "chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, hoặc dạng chiến tranh thứ tư (sau chiến tranh quân sự, kinh tế, ngoại giao) là chính sách quốc gia”.1 Nhân Dân và các cơ quan chính thức của miền Bắc thường xuyên lặp đi lặp lại lời cảnh báo trên và tuyên truyền trong nhân dân "đế quốc Mỹ đang dốc sức thực hiện chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý nhằm phá hoại hậu phương của ta".2 Hay nói cách khác, đó là dạng lật đổ tương tự như Hà Nội đang tiến hành ở miền Nam.

Khi hồi tưởng lại, Hà Nội chỉ đúng có một nửa. Chắc chắn, chiến tranh tâm lý cũng như các hoạt động ngầm của SOG là nhằm vào hậu phương, một trung tâm trọng lực của Hà Nội. Hà Nội thể hiện sự lo ngại sâu sắc về an ninh ở hậu phương vì an ninh nội bộ là tối quan trọng cho phép Hà Nội đối đầu với siêu cường ở miền Nam. Tuy nhiên, những gì mà Hà Nội không biết là có những giới hạn trong hoạt động tâm lý chiến của SOG, nhất là khi đến lúc cần khuyến khích bạo lực và nổi dậy. Có lẽ, miền Bắc giả định rằng việc thúc đẩy trình trạng mất trật tự và nổi loạn là mục tiêu rõ ràng của hoạt động đó. Nếu không, làm việc đó làm gì?

Các chương trình phát thanh và ấn phẩm báo chí của Hà Nội đưa tin khá cụ thể về các loại kỹ thuật, chiến thuật do OP39 sử dụng. Lý do thật rõ ràng. Hà Nội cho rằng điều cơ bản là phải vạch trần và tố cáo hoạt động này để nhân dân khỏi tin chúng là sự thật. Nếu không, nhân dân có thể có thái độ cảm thông với SSPL, thậm chí muốn tham gia tổ chức được dựng lên này. Mọi việc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thời gian qua đi, những công bố công khai càng trở nên chính xác hơn. Ví dụ, tạp chí lý luận hàng tháng của Đảng, tạp chí Học tập, số tháng 6-1967 đăng bài lột mặt nạ của tổ chức Gươm thiêng ái quốc. Bài báo cho rằng thông qua đài phát thanh của SSPL và các hoạt động khác, Mỹ muốn làm cho nhân dân miền Bắc tin là “phong trào này, vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, đã thành công trong việc tổ chức căn cứ chống chính quyền nhân dân tại một số tỉnh và thành phố ở miền Bắc".3 Hà Nội cũng đưa tin về số ngư dân đã qua cải huấn. Mỹ đang "bắt cóc ngư dân và người đi biển để thẩm vấn, dụ dỗ hoặc cưỡng ép họ tham gia vào tổ chức Gươm thiêng ái quốc, chúng đã lựa chọn một số, giao nhiệm vụ trở về miền Bắc bí mật phát triển điệp viên cho chúng".4 Toàn bộ ý tưởng về phong trào chống đối trong nội bộ là không thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội và phải bị vạch trần. Hà Nội đã giành thời gian và sức lực để làm điều đó.

Ngoài SSPL và chương trình cải huấn, Hà Nội còn đưa ra công khai hoạt động tâm lý chiến của SOG, bao gồm các đài phát thanh đen, trong đó có đài Cờ đỏ. Hà Nội cho rằng đài Cờ đỏ nhằm "làm cho thính giả tin rằng đó là cách mạng, rằng họ đương đầu với đế quốc Mỹ...". Tuy nhiên, Hà Nội tố cáo "đây chỉ là luận điệu lẩn tránh che đậy âm mưu đen tối, đó là nhằm gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng, chia rẽ đất nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng xuyên tạc phong trào yêu nước ở miền Bắc, bịa ra thiệt hại của lực lượng giải phóng miền Nam...".5 Nhiều bài báo tương tự đã lên án hoạt động thư đen, quà tặng và truyền đơn của OP39, tất cả đều được mô tả rất chi tiết để phơi bày nguồn gốc và mục đích thật sự.

Tuy nhiên vạch trần hoạt động không thôi thì chưa đủ. Hà Nội còn chú ý hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân biện pháp vô hiệu hoá chiến tranh tâm lý và các hoạt động bí mật khác do SOG thực hiện. Có nhiều hình thức làm việc này, bao gồm các "câu chuyện cảnh giác" trong đó cán bộ hoặc nhân dân địa phương bắt giữ được gián điệp hoặc lột mặt nạ hoạt động của SOG. Các phương tiện truyền thông của Hà Nội chuyển tải nhiều ví dụ về hành động đó. Ví dụ, một bài báo trên tờ Quân đội nhân dân, tờ nhật báo của quân đội miền Bắc đưa tin về việc "chiến sĩ an ninh biên giới ở Quảng Bình đã xoá bỏ toàn bộ toán biệt kích trên núi Don Pu”.6 Tương tự như vậy, tờ nhật báo Nhân Dân, tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng câu chuyện cơ quan an ninh địa phương đã thuyết phục được một "ngư dân từ tỉnh Hà Tĩnh ra đầu thú với chính quyền địa phương, khai nhận là gián điệp cho Mỹ". Anh ta bị một tàu địch bắt và dụ dỗ làm tay sai cho chúng".7 

Đảng Cộng sản Việt Nam còn đề ra "đường lối và biện pháp" để hướng dẫn cán bộ địa phương cách tốt nhất để vô hiệu hoá các hoạt động trên. Theo một bài báo tháng 6- 1967, "để đối phó có hiệu quả chiến tranh tâm lý của địch, chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng về tình hình và nhiệm vụ... bằng nhiều biện pháp khác nhau”.8 Điều này được biến thành các hoạt động giáo dục và huấn luyện rộng rãi ở cấp cơ sở.

Việc đánh giá mức độ báo chí, đài phát thanh của Hà Nội đưa tin, bài tương tự như nêu trên cho thấy có sự lo ngại đang tăng lên trong giai đoạn 1965 -1967. Hơn nữa, với cách tiếp cận vấn đề của Hà Nội trong đó nhấn mạnh việc hướng dẫn và các biện pháp thiết thực để đối phó với hoạt động ngầm, dường như có thể kết luận một cách thoả đáng là hoạt động tâm lý chiến của SOG đang có hiệu quả. Nhưng, ở đây để hoạt động đánh lừa có kết quả phải cần có hai người: người lừa và bị lừa. Chứng cứ cho thấy chương trình tâm lý chiến của SOG đã thu hút sự chú ý của lãnh đạo Hà Nội.

Năm 1968, sự quan tâm lo ngại của Hà Nội về những hoạt động này lan truyền nhanh chóng. Hà Nội cho rằng Mỹ đang tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý và gián điệp chống lại miền Bắc để “kích động các phần tử phản cách mạng ở miền Bắc nổi loạn chống chính quyền. Chúng âm mưu gây rối vùng hậu phương của ta”.9 Dẫn chứng về nhận thức cho là Mỹ đang gia tăng hoạt động ngầm chống lại miền Bắc có thể tìm được trong tài liệu của các cơ quan ở Hà Nội. Đây không phải chỉ thuần tuý là sự lo ngại của Hà Nội đối với vấn đề an ninh mà phản ánh thực tế. Những gì làm cho Hà Nội có phản ứng trên, một phần là "Chương trình đánh lạc hướng" của SOG, trong đó hoạt động chiến tranh târn lý của OP39 là bộ phận cấu thành.

Tuy nhiên, sự phản ứng của Hà Nội không dừng ở chỗ tăng cường đưa ra công khai hoặc bổ sung hướng dẫn biện pháp để vô hiệu hoá một cách hữu hiệu những hoạt động của SOG. Hà Nội ban hành hình phạt mới nặng hơn đối với bất kỳ ai có dính líu đến hoạt động phản cách mạng. Tất cả có 15 tội danh được quy định và mỗi tội danh có khung hình phạt tù lâu năm, chung thân hoặc tử hình.10 Chi tiết của các hình phạt mới này được đưa tin rộng rãi ở miền Bắc. Những điều đó cho thấy Hà Nội thực sự chú ý đến hoạt động của Chương trình đánh lạc hướng và muốn chuyển tải bức thông điệp đó đến nhân dân. Báo Nhân Dân đưa tin: Các hình phạt nghiêm khắc là "cần thiết" để "làm cơ sở cho công tác đấu tranh chống hoạt động của gián điệp và bọn phản cách mạng khác".11

Những điều trình bày trên đây cho thấy gì về chương trình tâm lý chiến của SOG? Câu trả lời ngắn gọn là khi được gắn kết với chương trình đánh lạc hướng, nó cho thấy có vẻ như William Colby đã đúng. Colby đã nói như sau: Chiến tranh tâm lý có thể "có tác động bởi vì người cộng sản rất nhạy cảm đối với sự nguy hiểm của chống đối nên nếu tạo cho họ có suy nghĩ là có nhóm chống đối trong hàng ngũ, điều đó sẽ làm họ phát điên". Vì vậy, vượt lên những hạn chế, việc thiếu mục tiêu chiến lược và những vấn đề khác tác động tiêu cực đến OP39, trong những năm 1965-1967, hoạt động của OP39 rõ ràng có hiệu quả mà Colby mong muốn. Thành quả này không được SOG nhận ra vì không có cơ chế đánh giá một cách có hệ thống tác động của chiến dịch chiến tranh tâm lý. Điều đó vượt quá khả năng của SOG.

Trong năm 1968, phản ứng của Hà Nội đối với hoạt động của OP39 ở miền Bắc trở nên rõ ràng hơn đối với SOG mặc dù tác động đó vẫn chưa được định lượng một cách có hệ thống. Cần nhắc lại rằng hoạt động đánh lừa nhằm làm cho Hà Nội tin là họ chỉ phát hiện ra một phần nhỏ của tảng băng chìm và rằng tổ chức chống đối đã "ăn rất sâu” và chính Hà Nội cũng thừa nhận như vậy. Hà Nội càng trở nên nhạy cảm hơn với nguy cơ lật đổ.

Nhưng tháng 11-1968, có chỉ thị chấm dứt chương trình vì chính quyền Johnson quyết định chấp nhận yêu cầu của Hà Nội để bắt đầu đàm phán hoà bình. Đối với OP39, điều đó có nghĩa chấm dứt hoạt động ở đảo Thiên Đường và các hoạt động khác. Tất cả hoạt động tâm lý chiến tích cực cũng như phần lớn chương trình đánh lạc hướng đều phải ngừng lại. Một ngày đầu tháng 11-1968, thiếu tá Bob Andrews và các nhân viên quân, dân sự của OP39 nhận được chỉ thị ngừng hoạt động. Andrews nhớ lại, "Chúng tôi ngừng mọi hoạt đồng ra Bắc. Ngừng ngay lập tức. Tất cả những gì có thể dùng để chứng minh cho sự dính líu của Mỹ đều bị quăng qua cửa sổ. Có lệnh chấm dứt công việc từ cấp trên, và tất cả chỉ có vậy. Chúng tôi tiếp tục tập hợp nhau để duy trì một số hoạt động nhưng không, không được Đó là mệnh lệnh".12

Những gì còn lại của OP39 chỉ là một số hoạt động kém hiệu quả và thụ động. Với việc chấm dứt chương trình đánh lạc hướng, OP39, cũng giống như OP34, bị !oại khỏi cuộc chiến.
_______________________________________
1. "Đập tan chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ", Nhân Dân ngày 7-9-1965.

2. "Chúng ta hãy đập tan chiến tranh tâm lý và chiến tranh gián điệp của đế quốc Mỹ”, Lao Động, ngày 14-9-1965.

3. "Quyết tâm đánh thắng chiến tranh tâm lý của để quốc Mỹ", Tạp chí Học tập. tháng 6-1967.

4. "Đánh bại âm mưu tình báo của Mỹ”, Tuyên huấn, tháng 4-1968.

5. “Quyết tâm đánh thắng chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ (đã dẫn).

6. "Toán biệt kích bị tiêu diệt tại núi Don Pu”, Quân đội nhân dân, tháng 9-1968.

7. "Gián điệp của địch ra đầu thú chính quyền miền Bắc", Nhân Dân, 24-8-1968.

8. "Giáo dục quần chúng đánh bại chiến tranh tâm lý của địch", Tuyên huấn, tháng 6-1968.

9. "Nắm vững và thực thi Sắc lệnh trừng trị tội phản cách mạng”, Nhân Dân, 26-3-1968.

10. "Sắc lệnh về tội phản cách mạng", Học tập, tháng 4-1968.

11. "Tăng cường pháp luật xã hội chủ nghĩa chống phản cách mạng". Nhân dân, 24-3-1968.

12. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Bob Andrew, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG" tr. 118.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Tư, 2008, 11:59:54 pm

CHƯƠNG NĂM
TỪ MẶT BIỂN

Đối với đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, ý tưởng là CIA có thể chỉ đạo hoạt động ngầm trên biển tấn công các mục tiêu ven bờ Bắc Việt Nam thật là khôi hài. Harry Felt tự hỏi liệu CIA biết cái gì về hoạt động trên biển, thậm chí kể cả các điệp vụ bí mật có sử dụng tàu nhỏ. Những tháng đầu năm 1961, CIA bắt đầu tiến hành các hoạt động như vậy chống lại miền Bắc. Sau khi xem xét lại kết quả hoạt động đó vào mùa thu năm 1962, đô đốc Felt nhận thấy kết quả thu được không có gì đáng kể. Ông cho rằng CIA đang bị lạc hướng và các báo cáo về điệp vụ làm ông phát bực mình. Felt chỉ trích thẳng thừng: chương trình của CIA lẽ ra phải được đẩy mạnh từ trước đó rất lâu.1 

Vị đô đốc có lý lẽ của mình. Không có chứng cứ gì cho thấy hoạt động trên biển có tác động nhiều đến Hà Nội. Những chiếc thuyền nhỏ được sử dụng thậm chí còn khó đến được đó (miền Bắc) và một khi đã đến được hải phận thì không đủ vũ khí để gây thiệt hại lớn. Nhưng lúc bấy giờ, Colby, kiến trúc sư của chương trình CIA, cũng chẳng hy vọng thu được gì nhiều từ hoạt động này. Ông chỉ tuân theo chỉ thị từ Washington.

Mặc dù chỉ trích gay gắt công việc của CIA, Felt khảng định là miền Bắc dễ bị tổn thương đối với hoạt động trên biển. Hà Nội có lực lượng phòng thủ bờ biển không đáng kể, và lực lượng hải quân cũng vậy. Điều này làm cho các nhà máy điện, cầu, đường xe lửa và các mục tiêu khác ven bờ rất dễ bị tấn công. Những mục tiêu đó là sự lựa chọn đễ dàng cho hoạt động từ biển được tổ chức có kế hoạch và thực hiện một cách hiệu quả.2  Ông lập luận, tấn công chúng đến một mức nào đó Hà Nội sẽ bị oằn xương và chấm dứt xúi giục bạo loạn ở miền Nam. Tháng 7-1962, đô đốc George Anderson chỉ huy trưởng hoạt động hội quân tham gia ý kiến. ông cũng đề nghị có một "chiến dịch quấy nhiễu” trên biển chống miền Bắc để thuyết phục họ ngừng hậu thuẫn Việt Cộng  (2).



XUẤT XỨ CỦA HOẠT ĐỘNG HẢI QUÂN NGẦM

Các nhà lãnh đạo cao cấp của hải quân cảm thấy CIA chẳng có lý do gì để dính vào hoạt động loại này hoặc ít nhất nó phải chịu sự giám sát của hải quân. Thực ra, suy nghĩ cho rằng CIA có thể làm được cái gì đó to tát ngoài việc xâm nhập vài điệp viên qua đường biển vào miền Bắc đối với giới lãnh đạo hải quân là viển vông. Tuy nhiên, trung tâm CIA ở Sài Gòn lại được giao nhiệm vụ nhiều hơn thế trên biển.

Kiến trúc sư của hoạt động trên biển là Tucker Gougelmann, cựu lính thuỷ đánh bộ, Gouglemann có thành tích chiến đấu đáng kính trọng ở Thái Bình Dương, nơi ông đã nhiều lần bị thương. Là nhân viên CIA, Gouglemann đã chỉ huy hoạt động chống lại địa bàn bị từ chối ở Đông Âu trong những năm 1950 và Triều Tiên. Năm 1960, CIA cử ông đến Sài Gòn.

Gouglemann thành lập cơ sở tại Đà Nẵng năm 1961 và bắt đầu đưa thuyền ra Bắc. Hoạt động trên biển là một phần trong chương trình chống Hà Nội của CIA. Các nội dung khác bao gồm: cài cắm điệp viên và chiến tranh tâm lý. Vào mùa hè năm 1961, CIA bổ sung thêm hoạt động qua giới tuyến ở Lào và Campuchia để do thám đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng chỉ mới tiến hành được vài điệp vụ. Sử dụng người Việt Nam, không có trực thăng hỗ trợ để xâm nhập, những toán này không thể vào sâu trong Lào.

Hoạt động trên biển do Gouglemann khởi xướng có quy mô nhỏ tương tự. "Mục tiêu cơ bản" là “thu thập tình báo và thám sát vùng ven biển miền Bắc". Gouglemann xâm nhập điệp viên đầu tiên vào Bắc Việt Nam - điệp viên đơn tuyến mật danh Ares - tháng 2 năm 1961. Sau đó là các điệp viên khác. Theo tài liệu đã giải mật của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, những hoạt động ban đầu “về cơ bản là thụ động và cố tránh đụng độ nếu có thể”.3 Năm 1962, Gouglemann được chỉ đạo bắt đầu "các cuộc tập kích phá hoại ngắn hạn ven bờ” để đáp lại việc gia tăng thù địch Nam-Bắc và chuẩn bị cho việc thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc".4 Tổng thống Kenedy đang hối thúc CIA gia tăng cường độ hoạt động ngầm ở đó.

Nguồn lực mà Gouglemann có trong tay chủ yếu là các thuyền có gắn động cơ của Nam Việt Nam, lý do chính để đô đốc Felt kết luận kết quả hoạt động của CIA không có gì đáng kể. Các thuyền gắn máy không hề được thiết kế cho hoạt động phá hoại hoặc gây rối, trong đó tốc độ và khả năng lẩn trốn là hai yếu tố sống còn.

Khi Washington quyết định đẩy mạnh hoạt động trên biển lên mức quấy rối và phá hoại, hải quân được giao nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp thiết bị để cải thiện năng lực của CIA trong việc thực thi các điệp vụ. Tháng 8-1962, tư lệnh MACV, tướng Harkin "đề nghị sử dụng tàu ngư lôi của Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của đơn vị hậu cần hải quân ở Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ trên biển miền Bắc". Cuối tháng 9, chính quyền Kenedy chấp thuận đề nghị này.5

Hải quân lục lọi trong kho của mình để tìm ra loại tàu phù hợp. Tháng 10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Roswell Gilpatric chỉ đạo đô đốc Anderson giao cho CIA tái sử dụng hai tàu phóng lôi thân nhôm được đóng năm 1950 hiện đang bỏ không: chiếc PT-810 và PT-811 được trang bị súng 20mm và 40mm. Hai chiếc tàu được đặt lại tên là Tàu tuần tiễu nhanh (PTF1 và PTF2). Những lần đi biển thử nghiệm của 2 tàu này đều có nhiều trục trặc. Viên đại uý hải quân, người báo cáo Bộ trưởng Quốc phòng McNamara về những vấn đề kỹ thuật xảy ra trên biển của hai tàu này, nhận xét là cả hai chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Và chính vì vậy trước đó cả hai bị bỏ , không sử dụng.6 

Bất chấp những trục trặc, McNamara rất phấn kích về việc hai tàu được đưa ra sử dụng, tin tưởng đó là "một bước đi đúng hướng".7 Tuy nhiên cần làm nhiều hơn nếu muốn Hà Nội cảm nhận được bức thông điệp về cái giá phải trả cho việc tiến hành nổi dậy ở miền Nam. Để đạt được mục đích đó, ông yêu cầu "ưu tiên chú ý vào việc mua tàu do nước ngoài chế tạo" và chỉ đạo thứ trưởng phụ trách hải quân "có ngay hành động để mua hai tàu lớn Nasty của hải quân Nauy".8 nổi tiếng về tốc độ và khả năng lẩn tránh. Việc mua tàu hoàn thành năm 1963, đó là hai tàu thân gỗ cứng được đặt tên hiệu PTF3 và PTF4.

Mặc dù hai tàu Nasty sẽ được sử dụng trong các hoạt động ngầm tuyệt mật, hải quân quyết định thông báo công khai việc mua sắm chúng. Đô dốc Aderson đã đưa một chiếc đến Washington "để thao diễn khả năng hỗ trợ đổ bộ và hoạt động ven biển" do các "toán không-đất-biển (SEAL) của Hải quân sử dụng trong hoạt động bán quân sự và không quy ước".9 Ngày 15-5 theo lời mời của thứ trưởng hải quân John Connally, giới báo chí ở Washington tập hợp dọc sông Potomac để xem buổi trình diễn này, một việc làm khác thường để chuẩn bị cho hoạt động ngầm hết sức nhạy cảm.

Sau khi dừng tại San Diego, hai chiếc Nasty được chở đến Hawaii và sẵn sàng cho nhiệm vụ ở Đông Nam Á. Trong thời gian ở đây, "Chỉ huy trưởng hoạt động hải quân cho phép văn phòng thông tin đưa tin ảnh" về hai con tàu mới được bổ sung cho hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bắt đầu có lo ngại về việc đưa ra công khai những chiếc tàu được mua về phục vụ hoạt động bí mật. Hải quân đã dựng lên một câu chuyện ngụy trang, theo đó nhiệm vụ của Nasty là chống lại tàu phóng lôi của Liên Xô - Swatow. Rõ ràng đó là lý do rất dở vì tại Đông Nam Á, nơi Nasty nhận nhiệm vụ, chỉ có Bắc Việt Nam có Swatow. Cuối cùng, Anderson ra chỉ thị "hạn chế tối thiểu” việc đưa tin về Nasty.10 Bây giờ nhìn lại, việc tuyên truyền đó thật tệ hại; nó thể hiện khiếm khuyết nghiêm trọng trong hiểu biết của hải quân về hoạt động ngầm. Đó là sự khởi đầu mang điềm xấu của hải quân Mỹ trong lĩnh vực hoạt động ngầm.

CIA nhận các tàu Nasty vào cuối năm 1963. Để điều khiển con tàu xâm nhập hải phận miền Bắc, CIA thuê thuỷ thủ Đức và Nauy. Hải quân cử một nhóm SEAL đến giúp CIA huấn luyện biệt kích tiến hành phá hoại. Ngoài ra hải quân còn cung cấp hậu cần để bảo dưỡng con tàu.

Khi những công việc trên đang diễn ra, Kenedy chỉ thị thực hiện kế hoạch "Switchback", theo đó các hoạt động ngầm chống miền Bắc được chuyển từ CIA sang Lầu Năm Góc , trong đó có hoạt động ngầm trên biển của Gouglemann. Trong những ngày đầu của SOG, McNamara tin là hoạt động trên biển sẽ rất hiệu quả. Bạn không cần phải chờ đợi cho đến khi điệp viên xây dựng xong mạng lưới hoặc chiến tranh tâm lý bắt đầu có ảnh hưởng đến tư tưởng của đối phương. Hoạt động trên biển có tác động ngay lập tức McNamara lập luận như vậy.

Việc chuyển giao mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Maxwell Taylor trù trừ mãi và năm tháng sau mới giao trách nhiệm cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương lập kế hoạch triển khai vào tháng 5-1963. Đô đốc Felt giao cho ban tham mưu soạn thảo Kế hoạch hành động 34A (OPLAN34). Bản dự thảo này được chuyển cho Taylor ngày 17-6-1963, nhưng mãi đến ngày 9-9 ông mới phê duyệt và còn giữ lại thêm hai tháng nữa mới trình lên Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Kế hoạch 34A được đưa vào chương trình nghị sự của “cuộc họp đặc biệt về Việt nam" do McNamara triệu tập ngày 20-11-1963 tại Honolulu.

Tại Hội nghị, McNamara phê phán mạnh mẽ CIA về hoạt động ngầm chống miền Bắc và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bây giờ đến lượt quân đội. Ông tin tưởng rằng quân đội sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Đô đốc Felt đã từng tuyên bố như vậy một năm trước đó. Điều cần thiết là một nỗ lực rộng lớn hơn. McNamara coi hoạt động trên biển là một cách xâm nhập, gây thiệt hại và làm cho Hà Nội nhận ra là Hoa Kỳ bắt tay vào việc thực sự. Do vậy, lãnh đạo Hà Nội sẽ nhận được bức thông điệp mà Hoa Kỳ muốn nhắn gửi.

Trong hồi ký về Việt Nam, McNamara nhắc lại những sự kiện dẫn đến quyết định phê chuẩn kế hoạch 34A của chính quyền Johnson sau cuộc họp tại Honolulu. Hai tuần sau cuộc họp, McNamara gặp tổng thống để trao đổi về chính sách Việt Nam. Theo McNamara , tổng thống "cho là Hoa Kỳ không làm tất cả những gì cần phải làm". Trong cuộc gặp, "ông hỏi cụ thể là liệu kế hoạch hoạt động ngầm có thể mở rộng được không". Theo McNamara nhớ lại, "tổng thống Johnson muốn tăng cường hoạt động ngầm"11 và McNamara nhất trí. Trong số những điệp vụ ngầm được phê duyệt cho thực hiện, người ta cho rằng điệp vụ trên biển sẽ tạo ra tác động ngay tức khắc lớn nhất đối với giới lãnh đạo Hà Nội đồng thời có ít rủi ro nhất đối với Washington.

Để đạt được mục tiêu của Kế hoạch 34A- thuyết phục Hà Nội rằng việc chấm dứt chính sách xâm lược ở miền Nam là phục vụ lợi ích của chính họ-cần phải có thời gian. Nhưng các nhà vạch chính sách đang nóng vội. Bằng việc gia tăng quấy phá và huỷ hoại cơ sở vật chất, họ kỳ vọng hoạt động bán quân sự ngầm sẽ ngay lập tức làm suy yếu ý chí của Hà Nội. Do đó, khả năng tạo ra tác động nhanh là căn cứ chủ yếu để chọn ra 30 mục tiêu cho giai đoạn một. Hoạt động ngầm trên biển tập trung vào số mục tiêu này với hy vọng sẽ mang lại tác động ngay lập tức như Washington mong muốn với Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông, ít nhất đó là theo suy nghĩ của Hoa Kỳ.

Bộ phận hàng hải của kế hoạch 34A được quan tâm đặc biệt. Ngày 20-12, McNamara đến Sài Gòn thị sát tiến bộ công việc. Ông muốn đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị. Mọi việc diễn ra không nhanh chóng như yêu cầu. Hà Nội phải sớm nhận được thông điệp và hoạt động ngầm trên biển là người chuyển bức thông điệp đó. Theo một lời kể, trong chuyến thăm, McNamara "thể hiện rất quan tâm đến việc triển khai một số hoạt động".12 Đứng đầu danh sách là hoạt động trên biển. Đó là tính cách đặc trưng của McNamara, luôn luôn vội vã. Mọi việc phải được thực hiện nhanh chóng và phải có ngay kết quả.

Khi biết rằng chỉ có vài tàu Nasty và Swift được dành cho những điệp vụ trên biển, McNamara chỉ thị cho hải quân mua thêm tàu Nasty.13 Với tầm hoạt động 860 dặm và tốc độ 38 hải lý giờ, những chiếc Nasty được coi là sẽ "cải thiện lớn năng lực tiến hành hoạt động ngầm trên biển”. Sau những chuyện công khai mà hải quân đã tạo ra khi mua tàu, người ta quyết định đưa ra lý do ngụy trang để giải thích sự có mặt của chúng tại miền Nam. Loại con tàu này "được chuyển giao cho Cộng hoà Nam Việt Nam tiến hành hoạt động đơn phương bảo vệ vùng ven biển chống lại sự xâm nhập của các lực lượng thù địch từ Bắc Việt Nam".14

Nói tóm lại, các nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Washington coi bộ phận hoạt động trên biển của SOG là công cụ tốt nhất để ngay lập tức buộc Hà Nội phải chú ý và nhụt ý chí. Đầu năm 1964, bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc-NAD, mật danh của OP37, được thành lập ở Đà Nẵng. Lễ thành lập vừa diễn ra cũng là lúc Washington đòi hỏi kết quả.
________________________________________
1, 5, 12, 13. Marolda và Fitzgerald, "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr. 203.

2. Marolda và Fitzgerald, Sđd, tr. 201, 202.

3, 4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG” tháng 7-1970, phụ lục C, phần "hoạt động trên biển", tr. 1.

6. Phỏng vấn đại uý hải quân nghỉ hưu William Murray, ngày 5-10-1997.

7, 8, 9. Marolda và Fitzgerald, "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr. 203, 206.

10. Marolda và Fitzgerald, Sđd, tr. 206.

11. McNamara, "Hồi tưởng: Bi kịch và bài học của Việt Nam", tr. 103.

14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" , tháng 7-1970, phụ lục C, phần "hoạt động trên biển". tr. 1.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Tư, 2008, 10:52:16 am

BỘ PHẬN CỐ VẤN HẢI QUÂN PHỐI THUỘC-NAD


Những người được giao trách nhiệm thành lập NAD ngay lập tức đối mặt với khó khăn mà các bộ phận nghiệp vụ khác của SOG gặp phải: tìm ra và lựa chọn nhân sự phù hợp; đề ra biện pháp hoạt động và nguyên tắc khi can dự; lập ra mô hình tổ chức của OP37; thiết lập quan hệ phối hợp với đối tác Nam Việt Nam; và hình thành quy trình chỉ huy, giám sát. Các công việc trên càng khó thực hiện hơn khi phải chịu sức ép của các nhà vạch chính sách ở Washington. Những người đang ngóng đợi kết quả.


Lựa chọn nhân sự

NAD chính thức hoạt động tháng 9-1964. Đóng tại Đà Nẵng, NAD chịu trách nhiệm về hàng loạt hoạt động ngầm trên biển. Một năm sau, một bộ phận điều phối nhỏ-bộ phận hoạt động hàng hải (OP31) được hình thành tại trụ sở SOG ở Sài Gòn. OP31 có chức năng tham mưu, còn NAD tổ chức thực hiện.

Vấn đề cấp bách mà lãnh đạo SOG phải xử lý là tìm ra nhân viên có kinh nghiệm trong hải quân và thuỷ quân lục chiến để biên chế cho OP37. Việc này rất khó bởi vì các quân chủng, đặc biệt là hải quân, coi hoạt động ngầm là ít quan trọng và nằm ngoài nhiệm vụ của mình. Do vậy, khi SOG tiếp xúc với hải quân đề nghị tuyển người cho OP37, người ta có thể đoán biết trước kết quả.

Khó khăn trong việc lựa chọn chỉ huy đầu tiên của NAD minh chứng cho vấn đề này. Người đó phải từng giữ cương vị chỉ huy trong hải quân. Nếu chỉ có vậy thì rất dễ dàng vì hải quân rất sẵn sĩ quan chỉ huy. Tuy nhiên, vào năm 1964, không một ai trong số đó từng trải qua hoạt động chiến tranh không quy ước. Kết quả là trong 4 chỉ huy đầu tiên của NAD, chỉ có một người có kinh nghiệm gần tương tự. Trong hải quân, các chức vụ cao được dành cho người chỉ huy tàu chiến lớn trên đại dương chứ không dành cho hoạt động ngầm. Vì vậy, khi đến phụ trách NAD lúc còn sơ khai, Jack Owens phải chỉ huy một đơn vị mà mình không hiểu biết gì cả. Ông vừa kết thúc nhiệm vụ tại một tàu khu trục và cả cuộc đời ông gắn liền với hải quân.

Owens công tác một năm và được thay thế bằng Bob Fay. Quá trình công tác của Fay gần gụi hơn với nhiệm vụ của NAD, Fay là "một người nhái có kinh nghiệm, gia nhập hải quân từ chiến tranh thế giới thứ hai”. Ông khởi đầu sự nghiệp là người nhái năm 1951 và sau đó công tác tại nhiều đơn vị đặc biệt, trong đó có "Đội phá huỷ dưới nước" -UDT-số 2.1 Kinh nhiệm phá huỷ dưới nước của Fay là một căn cứ quan trọng để chọn ông. Nhưng không may, ông là sĩ quan chiến tranh đặc biệt đầu tiên của hải quân bị giết ở Việt Nam. Ngày 28-10-1965 sáu tháng sau khi nhận chức chỉ huy của NAD, chiếc xe Jeep của Fay bị trúng đạn cối của Việt Cộng.2 

Fay được thay thế bằng người phó, William Hawkins. Theo một nhân viên của NAD lúc bấy giờ, Hawkins là "người dự bị và tôi không hiểu tại sao người ta lại chọn ông ấy vì Hawkins là một sĩ quan hải quân đúng nghĩa: giầy đen và làm việc trên tầu nổi, không có bất kỳ kinh nghiệm nào, và trên thực tế, gần như đứng bên ngoài các hoạt động của NAD".3 Sau đó là Willard Olson, người cũng như Hawkins không được chuẩn bị cho chiến tranh đặc biệt. Phó của Olson là Robert Terry thì giống Fay, có kinh nghiệm phá huỷ dưới nước. Sau khi nhiệm kỳ của Olson kết thúc, Terry được tạm thời bổ nhiệm là chỉ huy trưởng. Terry sau đó được thay bằng Norman Olson.

Norman Olson là vị chỉ huy mà OP37 cần, nhưng lúc đó NAD đã hoạt động được 3 năm. Olson có kinh nghiệm chỉ đạo và thực hiện hoạt động phá huỷ dưới nước và từng là cán bộ tham mưu của một nhóm hỗ trợ hoạt động hải quân liên quan đến chiến tranh đặc biệt. Khi còn công tác ở nhóm này, Olson đã có quan hệ với NAD. ông nhớ lại rằng "lúc bấy giờ chúng tôi rất thất vọng về những gì đang diễn ra ở Đà Nẵng. Singlaub, chỉ huy của SOG muốn có ai đó để chấn chỉnh mọi thứ và tôi được đề cử".4

Olson gắn thái độ không hài lòng của Singlaub với việc thiếu kỷ luật trong nhân viên của NAD, rất nhiều người trong số đó không tuân thủ kỷ luật quân đội. Singlaub muốn chấm dứt tình trạng này và Olson đã làm đúng như vậy. Là một sĩ quan chuyên nghiệp, Olson hiểu rõ nhu cầu kỷ luật quân đội trong một tổ chức như NAD. Olson là người cứng rắn, đúng dạng chỉ huy mà OP37 cần đến.

Cứ ngỡ rằng một khi đã tìm được đúng mẫu chỉ huy cho NAD, hệ thống nhân sự hải quân sẽ đề cử người thay thế Olson theo đúng mẫu như vậy. Nhưng ngược lại, người thay thế là Andrew Merget không hề có kiến thức về hoạt động đặc biệt. Merget ghi nhận "kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi hoàn toàn ở hạm đội trên mặt biển, nhất là hoạt động của tàu khu trục. Vì thế tôi không liên quan gì đến hoạt động ngầm".5 Tiếp sau Merget là Charles Edson cũng từ hoạt động chính thống của hải quân.

Các viên phó của NAD thường là sĩ quan lính thuỷ đánh bộ có cấp hàm thiếu tá hoặc trung tá. Không một người nào được cử giữ chức vụ này từng trải qua hoạt động bán vũ trang bí mật. Đó không phải là công việc của lính thuỷ đánh bộ. Tuy nhiên đại đa số đã trải qua công tác có tính chất tương tự. Trung tá Mick Trainor là một ví dụ. Những năm sau này ông lên được cấp trung tướng và sau khi nghỉ hưu, trở thành phóng viên quân sự của tờ Thời báo New York và thành viên Ban giám hiệu Trường chính phủ Kenedy thuộc đại học Harvard. Trainor cho biết đã từng "chỉ huy Đại đội thám báo cuối những năm 1950 và đầu 1960 tham gia chuyến tham quan trao đối với biệt kích Anh. Tôi đoán là hai yếu tố trên giúp tôi đủ tiêu chuẩn cho hoạt động đặc biệt... nhưng tôi chưa từng làm công việc ngầm".6 

Những người tiếp theo Trainor, như trung tá Wesley Rice năm 1966, cũng có quá trình công tác tương tự. Rice "từng tham gia thám báo, đi tham quan trao đổi kinh nghiệm với lực lượng biệt kích của hải quân Anh. Tôi vừa rời cương vị chỉ huy đại đội thám báo. Tôi biết nhảy dù, sử dụng bộ đồ người nhái, biết kỹ thuật sơn cước tìm đường. Tôi đã từng trải qua các công việc đó. Có vẻ như chúng có những yếu tố tương tự như thám báo và kinh nghiệm hoạt động đặc biệt. Lúc bấy giờ chúng tôi không gọi nó là những hoạt động đặc biệt".7

Với thực tế là các chỉ huy trưởng của NAD nhìn chung đều là sĩ quan hải quân chính thống, điều thiết yếu là người phó chỉ huy nghiệp vụ phải có kinh nghiệm thám báo và hoạt động biệt kích trong lực lượng thuỷ quân lục chiến. Những hoạt động này gần tương tự như hoạt động chống phá các mục tiêu ven biển ở miền Bắc. Trainor và Rice huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ biệt kích Nam Việt Nam tiến hành các phi vụ đó. Để tiến hành huấn luyện, NAD có một đơn vị SEAL phối thuộc và nhân viên thám báo của lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Nếu được giao đúng người Trainor và Rice sẽ giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho các điệp vụ biệt kích.

OP37 còn tiếp nhận nhân viên hải quân để huấn luyện thuỷ thủ Nam Việt Nam và bảo dưỡng tàu. Các thuỷ thủ của PTF hướng dẫn đối tác "về chiến thuật, vũ khí, xác định phương hướng và các chức năng hoạt động của các tàu PTF".8  Một nhóm hải quân hướng dẫn công việc sửa chữa và bảo trì ba tàu Swift và bảy tàu Nasty.

Nói tóm lại, chất lượng nhân sự của bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc không đều. Tuy nhiên, một vấn đề nhân sự lớn hơn xuất hiện vào năm 1964 và tác động tiêu cực đến NAD trong suốt quá trình tồn tại: việc thiếu động cơ và kỷ luật của người Việt Nam được chọn thực hiện hoạt động ngầm trên biển chống lại miền Bắc. Như chúng ta sẽ thấy, điều này có tác động xấu đến hiệu quả hoạt động của NAD.
______________________________________
1, 2. T. L. Bosiljavac, “SEAL: Hoạt động của SEAL-UTD ở Việt Nam" (Buolder, Colo. Paladin Press, 1990) tr.40.

3, 6. Phỏng vấn lịch sử với trung tướng Mick Trainor, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37", tr.39.

4. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37", tr.127.

5. Phỏng vấn lịch sử với Andrews Marget trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37”, tr. 200.

7. Phỏng vấn lịch sử với tướng Weley Rice, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37", tr. 39.

8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" tháng 7-1970, phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển" tr. 24, 13.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Tư, 2008, 06:02:45 pm

Nhiệm vụ của hoạt động ngầm trên biển và quy định về can dự

NAD được trao một danh mục đầy tham vọng những hoạt động chống phá các mục tiêu ven biển ở miền Bắc. Khu vực hoạt động của NAD là từ “vĩ tuyến 17 đến 21 và trong phạm vi 30 dặm tính từ bờ biển ra ngoài khơi".1 Vùng này ở phía nam các cơ sở cảng chính ở Hải Phòng.2 Với những tàu hiện có, đó thường là chuyến đi vất vả.

Sáu nhiệm vụ cụ thể được giao là "phục kích và quấy rối", bao gồm "phục kích, bắt giữ, thẩm vấn và phá huỷ các tầu hậu cần và thuyền có vũ trang của miền Bắc”; và "rải các tài liệu tâm lý chiến như tờ rơi tuyên truyền, máy thu thanh và gói quà".3 

Tuy nhiên, những quy định về can dự ngay từ đầu đã kìm hãm việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Yếu tố ngăn cản chính là việc cấm không cho nhân viên Mỹ tham gia hoạt động ngầm trên biển chống lại miền Bắc. Trong khi nhân viên thám báo của thuỷ quân lục chiến và SEAL của hải quân huấn luyện các đơn vị biệt kích người Nam Việt Nam hoạt động tập kích ven bờ, họ không được lãnh đạo những người này trong hoạt động thực tế. Tương tự, nhân viên hải quân chịu trách nhiệm hướng dẫn thuỷ thủ vận hành tàu cũng không được cùng đi với họ. Điều này tác động nghiêm trọng đến hiệu quả của toàn bộ hoạt động, nhất là sau khi miền Bắc áp dụng các biện pháp đối phó với OP37. Thường là người Nam Việt Nam không ngang tầm với nhiệm vụ. Cần phải lãnh đạo họ bằng ví dụ cụ thể, nhưng quy định về can dự không cho phép làm như vậy. Trong nhiều yếu tố dẫn đến thành công ít ỏi của OP39, yếu tố có ý nghĩa nhất là sự vắng mặt của nhân viên Mỹ trong điệp vụ cụ thể.

Quy .định về can dự còn áp đặt hạn chế địa lý đối với địa bàn hoạt động của OP37. Theo hồ sơ, "do thiếu tàu hoạt động trên biển và khả năng hạn chế của PTF, ranh giới hoạt động thông thường ở miền Bắc là bên dưới vĩ tuyến 19o30’. Các điệp vụ phía trên vùng này chỉ được xem xét một cách ngoại lệ trên cơ sở tính hấp dẫn của mục tiêu”.4 Vượt qua ranh giới là một hành trình dài và gian khổ, nhưng đó là nơi có nhiều mục tiêu quan trọng.

Có sự giới hạn tương tự với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Các tàu của OP37 không được tiến gần quá "40 dặm để giảm nhẹ khả năng đụng độ với các tàu hoặc máy bay tuần tra của Trung Quốc".5 Cũng như các mặt hoạt động khác của chiến tranh Việt Nam, hoạt động trên biển của SOG bị ảnh hưởng bởi dư âm chiến tranh Triều Tiên. Nỗi sợ hãi Trung Quốc luôn luôn ám ảnh suy nghĩ của các nhà vạch chính sách. Việc hạn chế địa lý không những cản trở những gì mà OP37 có thể thực hiện mà còn làm cho các hoạt động đó dễ bị đoán trước và phát hiện.

Cuối cùng, trong phần lớn hoạt động, lực lượng trên biển rất đơn độc. Chỉ những "điệp vụ có tính nguy hiểm cao nhất định bên trên vĩ tuyến 19o30' ... (mới có) sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ". Tuy nhiên, nếu PTF bị lực lượng miền Bắc mạnh hơn tấn công, họ được phép liên hệ với tàu chiến hoặc máy bay Mỹ xin yểm trợ.6


Cấu trúc của OP37 và quan hệ phối hợp

Vào năm 1964, mô hình tổ chức của bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc-NAD - có bảy phòng, trong đó những thành tố chủ chốt là các phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn thuỷ thủ và huấn luyện biệt kích người Nam Việt Nam. Một bộ phận quan trọng nữa là Đội hỗ trợ cơ động-MST- có nhiệm vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu.7

Đầu tiên hoạt động trên biển của SOG được dự kiến đặt dưới sự chỉ huy hỗn hợp trong đó nhân viên Mỹ và Nam Việt Nam cùng làm việc. Tuy nhiên sau đó hai ban chỉ huy riêng với nhiệm vụ khác nhau được hình thành. NAD vạch kế hoạch điệp vụ, huấn luyện thuỷ thủ và biệt kích và cung cấp nguồn lực. Đối tác Nam Việt Nam, cơ quan an ninh bờ biển (CSS) thuộc Tổng nha kỹ thuật chiến lược - bao gồm bộ chỉ huy, các bộ phận hỗ trợ, 55 toán biệt kích biển, 10 tàu tuần tra và các bộ phận bảo dưỡng- phối họp với OP37. Vai trò chủ yếu của CSS là tuyển lựa thuỷ thủ và các toán biệt kích.

Thậm chí, sau khi hai ban chỉ huy được thành lập, người ta vẫn dự kiến hai bên tiếp tục cùng vạch kế hoạch: "chỉ huy trưởng, CSS... với sự cố vấn của sĩ quan phụ trách của NAD vạch kế hoạch và phối hợp thực hiện các điệp vụ và nhiệm vụ đặc biệt".8 Trong thực tế, điều này không được thực hiện cho đến khi Olson trở thành chỉ huy của NAD năm 1967. Trong 3 năm đầu tiên, CSS bị gạt ra khỏi quá trình đó. Theo Jim Munson, phó chỉ huy phụ trách hoạt động của NAD, việc vạch kế hoạch điệp vụ của OP37 trong năm 1964 được tiến hành như sau: "tôi lập danh sách mục tiêu và giải trình với Jack Owens, chỉ huy trưởng của NAD về mối liên hệ giữa mục tiêu trong danh sách với nhiệm vụ chung, sau đó bản danh sách được gửi tới Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn sang Washington và tại đó nó có thể được duyệt hoặc bác bỏ. Phần lớn mục tiêu được duyệt. Đôi khi chúng tôi được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể ngoài kế hoạch".9

Năm 1965, Trick Trainor thay Jim Munson. Khi được hỏi ông có cho CSS tham gia hoặc biết về thời gian thực hiện điệp vụ không, Trainor nói thẳng thừng. "tôi không làm như vậy". Tại sao? Trainor trả lời ngay: "tôi không tin ai khác ngoài người Mỹ và khi người Việt Nam chuẩn bị thực hiện công vụ, họ phải sống riêng biệt dưới sự giám sát của người Mỹ".10

Sự thiếu tin cậy với đối tác Nam Việt Nam mang tính phổ biến trong tất cả các bộ phận của SOG chứ không riêng gì với OP37. Lý do được đưa ra luôn là vấn đề an ninh- Rằng CSS bị cơ quan tình báo đối phương xâm nhập.

Không phải mọi sếp của NAD đồng tình với cách làm riêng rẽ trên, nhưng phần lớn làm như vậy. Norm Olson là một ngoại lệ. Mặc dù nhận thức được sự nguy hiểm, Olson điều chỉnh lại mối quan hệ. Olson nhận thấy rằng NAD nên hoạt động chung với CSS và cho biết trong thời gian ông chỉ huy "chúng tôi làm cho họ tham gia tích cực. Tôi quan hệ trực tiếp với đối tác tại CSS; tôi nói: xem này chúng ta có tổ chức song song, những gì anh và tôi cần làm là quản lý... vì thế tôi cố làm cho mọi quyết định đều được công khai. Dĩ nhiên, có một số điều nhất định bạn không muốn san sẻ và họ cũng vậy. Nhưng chúng tôi có quan hệ chặt chẽ và chúng tôi cố gắng đảm bảo đối tác cũng là người tham gia từ cấp trên xuống đến cấp thực hiện".11 Đó là ý tưởng tốt nhưng liều lĩnh. Mặc dù Olson điều chỉnh lại quan hệ, vấn đề thiếu tin cậy vẫn còn đó.

NAD còn có một số bận tâm khác ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa họ và CSS. Ví dụ: nhân viên của OP37 thường xuyên phê phán chất lượng thuỷ thủ cũng như số biệt kích người Việt được CSS tuyển lựa. Theo một báo cáo: "Trong giai đoạn triển khai và mở rộng chương trình hoạt động ngầm trên biển, lãnh đạo NAD thường xuyên nhắc đến vấn đề kỷ luật của người Việt" là không đáp ứng được theo tiêu chuẩn của Mỹ và cũng không được CSS khắc phục. Tỷ lệ trốn trại ở mức cao; có thái độ dửng dưng đối với việc mất mát hoặc hư hỏng tài sản. Việc đạt được mục tiêu quân sự chỉ là thứ yếu so với tiền thu nhập.12

Đối với nhân viên NAD, điểm cuối cùng này là trợ lực chủ yếu giúp việc tiến hành hoạt động trên biển chống miền Bắc có hiệu quả. Rất nhiều thuỷ thủ và biệt kích tham gia hoạt động chỉ vì tiền. Tiền lương ở đây được coi là cao so với tiêu chuẩn quân đội Nam Việt Nam. Tuy nhiên, các chỉ huy của OP37 chỉ coi đó là "một thứ kích thích không mong muốn" chứ không thể thay thế cho "động cơ yêu nước". Điều này gây tác hại cho thành công của nhiệm vụ, nhưng tiếc thay, như nêu trong báo cáo, SOG đã "không xây dựng được sự thay thế khả thi".13 Việc thiếu động cơ, trách nhiệm và kỷ luật liên tục gây tác hại cho hoạt động ngầm trên biển.


Chỉ huy và kiểm soát.

Việc phê duyệt điệp vụ của OP37 được Washington quản lý sát sao. Các quan chức cao cấp của chính quyền Johnson tin rằng trong tất cả các hoạt động ngầm trong Kế hoạch 34A, hoạt động trên biển có thể mang lại tác động ngay lớn nhất lên các nhà lãnh đạo miền Bắc và có ít rủi ro nhất đối với Hoa Kỳ. Đặc biệt trong năm 1964, tương tự như các hoạt động khác của SOG, Nhà Trắng muốn giám sát chặt chẽ hoạt động trên biển vì sự nhạy cảm chính trị gắn liền với các hoạt động đó. Ngày 8- 12-1964, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đề ra quy trình phê duyệt các hoạt động trên biển như sơ đồ ở trang bên. Những quy định phiền hà này sau đó được áp dụng đối với các hoạt động khác của SOG.

Khi đề nghị của SOG được gửi cho SACSA, nó được thể hiện dưới mẫu phù hợp để tiện xem xét và được một sĩ quan hành động trực tiếp chuyển lên tướng Earl Wheeler, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân từ 1964-1970, để xin ý kiến. Wheeler có thể phê duyệt hoặc bác bỏ, hoặc tuỳ theo loại hoạt động, chuyển cho các tham mưu trưởng xem xét. Sau đó bản đề nghị được chuyển bằng tay lên Bộ trưởng Quốc phòng McNamara hoặc thứ trưởng Cyrus Vance.

Sau khi được Lầu Năm Góc chấp thuận, bản đề nghị lại được chuyển trực tiếp sang Bộ Ngoại giao. Tại đó, ngoại trưởng Dan Rusk hoặc thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị cho ý kiến trực tiếp. Điểm tiếp theo là Cố vấn an ninh quốc gia Mcgeorge Bundy. Ngay cả khi Bundy đồng ý quá trình phê duyệt có thể chưa kết thúc. Một số vấn đề còn được Bundy trình lên Tổng thống Johnson. Trong những trường hợp này, sự đồng ý của Johnson mới kết thúc tiến trình phê duyệt.

Đó là quá trình rất tốn công và năm 1965, tướng Wheeler tìm cách thu gọn lại. Cần phải thay đổi thế nào đó để việc thực hiện từng điệp vụ hoạt động trên biển đã được phê duyệt không phải xin ý kiến của toàn bộ hệ thống chỉ huy nữa. Thay vào đó, Wheeler muốn SOG có thể "đệ trình cả gói 5 điệp vụ trong chương trình 30 ngày để xin phê chuẩn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và cấp cao hơn”. Sự "phê chuẩn cả gói đồng thời là sự cho phép thực hiện các điệp vự”.14 

Năm 1967, thủ tục xin phép thực hiện điệp vụ được đơn giản hoá thêm một bước và bộ tư lệnh Thái Bình Dương “được uỷ quyền phê duyệt cho thực hiện mọi điệp vụ mà trước đó nội dung đã được phê chuẩn ở cấp Washington". Mặc dù vậy, 12 giờ trước khi thực hiện một điệp vụ cụ thể, OP37 phải gửi điện báo cáo dự định thực hiện để "cho cơ quan cấp trên có cơ hội xem xét cuối cùng".15 Như vậy, việc rút gọn thủ tục mới chỉ là ngoài rìa. Cho đến khi có chỉ thị chấm dứt hoạt động tháng 11-1968, hoạt động trên biển vẫn được giám sát chặt chẽ theo trình tự trên. Điều này càng đúng hơn sau khi các nhà hoạch định chính sách mất dần sự quan tâm đối với việc sử dụng hoạt động ngầm trên biển chống miền Bắc.
______________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" tháng 7-1970, phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển" tr. 24, 13.

2, 3. Marolda và Fitzgerald, "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr. 439, 21.

4, 5. Marolda và Fitzgerald, Sđd, tr. 16.

6, 7. Marolda và Fitzgerald, Sđd, tr. 17, 22.

8. Marolda và Fitzgerald, Sđd, tr. 25.

9. Phỏng vấn lịch sử với trung tá James Munson, trong "MACVSOG- phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37” tr.89.

10. Phỏng vấn lịch sử với trung tướng Mick Trainor, trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37", tr. 48.

11. Phỏng vấn lịch sử với đại uý Olson , trong "MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ tại OP37” tr. 139.

12. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, tháng 7-1970, phụ lục C phần "Hoạt động trên biển”, tr.48.

13. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.27.

14, 15. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.8, 10.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Tư, 2008, 06:17:41 pm

HOẠT ĐỘNG VÀ TÁC ĐỘNG: 1964 - 1968

Năm 1964, Washington tin rằng hoạt động ngầm trên biển sẽ có tác động ngay đối với giới lãnh đạo Hà Nội và phát đi tín hiệu cho Hà Nội biết họ sẽ phải chịu thiệt hại thực sự nếu tiếp tục phát động cuộc chiến tranh ở miền Nam. Một khi Hà Nội hiểu được bức thông điệp, vấn đề còn lại chỉ là gia tăng sức ép đến độ lợi ích của việc hậu thuẫn Việt Cộng không còn tương xứng với phí tổn nữa. Đó là sự áp dụng phương pháp phân tích hiệu quả - chi phí vào tư duy chiến lược, một phương pháp tiếp cận trong các vấn đề quốc phòng đang thịnh hành trong các nhà chiến lược dân sự chiếm số đông tại các cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền Kenedy và Johnson. Đó là cách đánh giá hoàn toàn dựa trên kinh tế học về cách thức tác động lên hành vi của Hà Nội.


Khởi đầu: 1964

Chính quyền Johnson đang nóng lòng trông đợi kết quả từ hoạt động ngầm trên biển. Ngày 1-2-1964, chính quyền phát động giai đoạn một. Chỉ hai tháng sau, vào tháng Tư, chính quyền đã tỏ thái độ thất vọng về "việc thiếu thành công của chương trình hoạt động trên biển trong thời gian qua".1

Washington không hài lòng: không có dấu hiệu gì cho thấy miền Bắc đang bị đau đớn. Các quan chức cấp cao của Mỹ ở Sài Gòn cũng nhận thấy như vậy. Đại sứ Henry Cabot Lodge tuyên bố kế hoạch 34A "chắc chắn không có tác động đến Hà Nội". Đô đốc Ulyses S. Grant Sharp, tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nhất trí với Lodge.2 Những hoạt động phá hoại, phục kích, ngăn chặn và quấy rối đầu tiên do OP37 thực hiện có rất ít kết quả.

Có nhiều lý do dẫn đến việc khởi đầu chậm chạp. Trước hết, năng lực trên biển mà CIA chuyển giao cho NAD rất hạn chế. Ngoài ra, mặc dù đã cam kết, các thiết bị quân sự và tàu bổ sung chưa có được ngay. Số nhân viên người Việt cần thiết cho số tàu được bổ sung và các toán biệt kích chưa được CSS chuyển giao. Vì vậy, SOG phải dựa vào số người làm thuê. Thêm nữa, rối loạn chính trị trong chính phủ Nam Việt Nam làm ngưng trệ các hoạt động quân sự, trong đó có việc gia tăng hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. Cuối cùng, NAD không đủ tin tức tình báo về các mục tiêu ở miền Bắc. Ở đây có sự mất cân đối: các nguồn lực hiện có không đủ để hỗ trợ các mục tiêu chính sách.

Sự hiếm hoi thành công như nêu trên lẽ ra phải được lường trước. Nhưng Washington tiếp tục chỉ thị cho SOG đẩy mạnh các phi vụ phá hoại các cơ sở ven biển của miền Bắc. Washington muốn các hoạt động phải có sức phá hoại lớn hơn về quy mô và cường độ và nhằm vào các mục tiêu có ý nghĩa trọng yếu hơn giai đoạn một.3 Bộ trưởng Quốc phòng McNamara tin rằng: "Có lợi thế thu được từ việc quấy phá miền Bắc... Do đó, bất chấp kết quả nghèo nàn, hoạt động trên biển của 34A cần được tiếp tục".4 

Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12-1964, NAD thực hiện 32 điệp vụ - Các mục tiêu bao gồm trụ sở an ninh, cầu, doanh trại trên đảo, và trạm ra đa của miền Bắc. Đúng theo mong muốn của Washington, những điệp vụ này có "tính chất phá hoại" trong đó "có 12 vụ oanh kích", phá huỷ ba thuyền của đối phương. Nhiều vụ tập kích ven bờ được thực hiện nhằm vào "mục tiêu có tính thiết yếu cao hơn". Nhưng kết quả vẫn đáng thất vọng, khá nhất thì cũng chỉ có tác động bên ngoài.

Đó là quan điểm của trung tá Jim Munson, phó chỉ huy phụ trách hoạt động của NAD năm 1964. Munson chịu trách nhiệm vạch kế hoạch hoạt động trên biển và biết năng lực thực hiện của người Nam Việt Nam. Mặc dù đã thực hiện 32 điệp vụ, nhưng kết quả là không đáng kể, Munson giải thích "tôi thấy rằng phần lớn điệp vụ đó không được thực hiện đến cùng, họ bỏ dở giữa chừng rồi quay trở về. Những điệp vụ không bị bỏ dở thì có hiệu quả phá hoại nhưng cũng chỉ gây cảm giác khó chịu như kim châm mà thôi".5 

Thành công chẳng đáng kể gì. Ví dụ, ngày 12-6, một khu kho bị phá huỷ, vào cuối tháng một chiếc cầu nhỏ bị nổ tung. Trong tháng 7, một trạm bơm ở đập nước bị đánh phá. Vào cuối tháng, 3 chiếc tàu đánh cá bị bắn chìm. Liệu những vụ này có tác động gì đến ý chí của miền Bắc quyết tâm theo đuổi cuộc chiến ở miền Nam không? Munson không nghĩ như vậy: "Nó không đủ để làm cho người miền Bắc hiểu rằng họ không thể đưa bộ đội theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam mà không bị trừng phạt".6 

Ngoài "hoạt động phá hoại", NAD bắt đầu hỗ trợ chương trình chiến tranh tâm lý của SOG thông qua việc "thả truyền đơn và rải gói quà… và qua cải huấn tù binh miền Bắc, sau đó trả họ về miền Bắc".7 Munson cho hay ông không biết hoạt động tâm lý chiến này thu được kết quả gì NAD chỉ là người chuyển các tài liệu tâm lý chiến. Hoạt động này thuộc về bộ phận khác, nên SOG và họ có trách nhiệm đánh giá thành công hay thất bại.

Việc hoạt động trên biển được triển khai chậm chạp trong năm 1964 không ngăn được Washington đòi hỏi gia tăng hoạt động. Và yêu cầu này còn được nhắc lại sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8-1964. Sự kiện này xoay quanh câu chuyện mà ảnh hưởng của nó đối với sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam vốn là đối tượng của nhiều cuộc điều tra. Không nghi ngờ gì nữa, hoạt động của SOG đã dẫn đến việc người Bắc Việt Nam tấn công tàu Madox ngày 4-8-1964.

Tàu Madox là một phần của chiến dịch Desoto có mục đích sử dụng các biện pháp điện tử để đánh giá năng lực tuần tra ven biển, phòng không, ra đa của miền Bắc. Trước đó, các tàu tuần tra thuộc Desoto thu thập các thông tin tương tự từ Trung Quốc từ tháng 3-1962. Tháng 1-1964, tướng Westmoneland chỉ thị "các chuyến tàu dự kiến vào tháng Hai được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo cho chương trình 34A".8 Vì vậy, các tàu chiến được giao kế hoạch tiến vào Vịnh Bắc Bộ trước ngày 1-8-1964 với nhiệm vụ chủ yếu là xác định hoạt động tuần tra ven biển của miền Bắc".9

Vào cuối tháng 7-1964, Washington vẫn đang loay hoay với sự kém hiệu quả của hoạt động 34A. McNamara "phiền lòng thấy rằng các vụ tấn công không được tăng lên tương xứng với sự cải thiện về năng lực". Một phần nguyên nhân là do sự cải thiện các biện pháp phòng vệ và cảnh giới ven biển của miền Bắc. Ông yêu cầu xem xét phải chăng “pháo kích hoặc tấn công rốc két có thể là hoạt động lợi thế hơn".10 Vào mùa hè, rõ ràng là các vụ tập kích ven bờ của biệt kích"vừa không hiệu quả vừa nguy hiểm".11 

Ngày 30-7, bốn tàu PTF của 34A hướng về phía Bắc để pháo kích các mục tiêu ven biển. Theo lời kể của một nhân viên, "bốn chiếc tàu đến vị trí phía tây nam Hòn Mê ở toạ độ 19o vĩ bắc và 106o16' kinh đông. Tại đây các tàu tách rời nhau. PTF3 và PTF6 hướng tới Hòn Mê còn PTF5 và PTF2 hướng tới Hòn Niêu”.12 Cả hai toán nã pháo vào mục tiêu trận địa pháo, vị trí quân sự, và trạm liên lạc trước khi quay trở về Nam bỏ lại các tàu Swatows của miền Bắc đuổi phía sau.

Những cuộc tấn công này dường như có vai trò quan trọng trong quyết định tấn công tàu Madox của Hà Nội. Cũng có khả năng các tàu tuần tra Desoto dẫn đến quyết định đó. Vụ tấn công đã dẫn đến Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, mở màn cho sự leo thang can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, vụ tấn công không thực sự dẫn đến quyết định leo thang. Trước đó, chính quyền Johnson đã xác định đó là điều cần thiết. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chỉ là cái cớ để tổng thống có thể làm một việc đã được quyết định. Tương tự, vụ tấn công tàu Madox của Hà Nội nên hiểu trong bối cảnh miền Bắc đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam tháng 12-1963. Lá bài đã được Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông chọn lựa.
_______________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 45.

2, 4. Marolda và Fitzgerald "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr. 341, 342.

3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu về MACVSOG", phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển", tr. 36.

5, 6, 7. Phỏng vấn lịch sử với trung tá James Munson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACV SOG”, tr. 28.

8, 9. Marolda và Fitzgerald "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr.395, 398.

10, 12. Marolda và Fitzgerald "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr.407, 409.

11. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACV - SOG , (7-1970) Phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển” tr. 37.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Tư, 2008, 12:23:44 pm

Xây dựng và leo thang: 1965

Tháng 12-1964, SOG được chỉ thị tăng cường hoạt động ngầm trên biển.1 Trong năm 1965, "có 170 điệp vụ xuất phát từ Đà Nẵng, với khoảng 358 ngày hoạt động".2 Đó là sự gia tăng đáng kể so với năm 1964. Các tàu của SOG bắn chìm hoặc bị thương các tàu, thuyền của đối phương. Về hoạt động pháo kích của tàu Nasty và Swift, có 49 vụ được thực hiện nhằm vào các dạng mục tiêu tương tự như năm 1964. Có 16 vụ tập kích ven biển được thực hiện, và hoạt động trên biển đã "phá huỷ hơn 50 thuyền, làm bị thương 19 tàu đối phương, trong đó có 3 tàu tuần tra".3

NAD tiếp tục hỗ trợ chương trình chiến tranh tâm lý của SOG bằng việc bắt cóc ngư dân miền Bắc đưa đến đảo Thiên Đường - một phần trong hoạt động Gươm thiêng ái quốc. Trong năm 1965, 126 công dân miền Bắc được đưa đến đảo này. NAD còn thúc đẩy nhiệm vụ tâm lý chiến của SOG bằng biện pháp khác như phân phối gói quà, đài thu thanh cố định sóng, và truyền đơn. Trong năm 1965, "1.000 đài thu thanh, 28.742 gói quà được chuyển đi, và 1.124.600 truyền đơn được rải bằng đạn cối 81".4

Các hoạt động này có hiệu quả như thế nào? Theo một đánh giá năm 1965, "ngoài việc quấy phá sự đi lại của tàu  bè miền Bắc và gây tác động tâm lý như mong muốn đối với dân chúng sống dọc bờ biển, các hoạt động đã buộc chính phủ miền Bắc bổ sung thêm nguồn lực để bảo vệ bờ biển".5 MACV cho rằng chương trình hoạt động trên biển là "có hiệu quả nhất trong mọi chương trình của 34A... và xét về thành công thì cũng lớn nhất". Hoạt động này cũng được đánh giá là thành công về phương diện thu thập tin tức tình báo. Các hoạt động trên biển là "nguồn thông tin chủ yếu về hoạt động bên trong Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Cuối cùng, MACV nhìn thấy một tác động quan trọng kéo dài, đó là "gây ra tình trạng báo động kéo dài của lực lượng bảo vệ bảo vệ bờ biển miền Bắc và tạo ra mối lo lắng thường trực là các vụ tấn công có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào dọc theo bờ biển bên trên vĩ tuyến 20".6 Tuy nhiên việc tăng cường bảo vệ bờ biển của miền Bắc đã tác động đến các vụ tập kích ven bờ của OP37. Đến cuối năm 1965, rất khó thực hiện một cách có hiệu quả hoạt động đó và tỉ lệ thành công tụt xuống.

Mick Trainor, phó chỉ huy trưởng phụ trách hoạt động của NAD, cũng cho rằng hoạt động trên biển của SOG gây khó chịu cho miền Bắc, nhất là việc chặn đánh thuyền và tàu tuần tra của đối phương. "Chúng phải có hiệu quả, vì vào năm 1966, họ dùng những thuyền có chứa thuốc nổ lao vào tàu của SOG. Nếu họ làm như vậy, rõ ràng họ rất bực tức về các hoạt động này". Có một lần, miền Bắc thậm chí còn tấn công tàu của SOG bằng máy bay. Đó cũng là một dấu hiệu về tác động của NAD đối với Hà Nội trong năm 1966 mà Trainor cho rằng vì bị thiệt hại nên Hà Nội phải đưa các tàu tuần tra Swatow lên vùng biển an toàn ở phía Bắc. "Chúng tôi tốt hơn Swatow", Trainor nhận xét như vậy.7

Trainor ít lạc quan hơn về hoạt động pháo kích và nghi ngờ về trò lừa Gươm thiêng ái quốc. "Những người (ngư dân) được cho biết là họ được đưa lên bờ, đi đến vùng núi... tới căn cứ của SSPL... Nào, tôi là người ven biển và số ngư dân đó không tin vào điều đó. Bạn có thể ngửi thấy biển, bạn biết đấy, nếu bạn ở gần biển và số người đó là ngư dân. Họ làm gì? Họ cứ nghe theo nhưng không tin ... Tôi cho rằng việc này xói mòn một cách cơ bản trò chơi đó".8 Trainor khẳng định, vào cuối 1965, việc tập kích lên bờ mang lại thành công rất nhỏ nhoi. Về việc bắt giữ cán bộ miền Bắc, ông không nhớ có trường hợp nào các toán biệt kích bắt được "ai đó có ý nghĩa".9

Nói tóm lại, 1965 được coi là năm tốt lành với hoạt động trên biển của SOG. MACV tin là chúng đã tạo ra sự tác động đối với Hà Nội. Với những gì đã làm, điều này là đúng sự thật. Nhưng trong khi hoạt động trên biển đã buộc Hà Nội phải chia sẻ nguồn lực để củng cố an ninh ven biển, chiến tranh ở miền Nam không giảm cường độ.
_____________________________________
1. Marolda và Fitzgerald "Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", tr.38.

2, 3, 4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", (7-1970) Phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển”, tr.38, 39.

5, 6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", (7-1970) Phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển", tr.39, 42.

7, 8, 9. Phỏng vấn lịch sử với trung tướng Mick Trainor, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG”, tr.51-52, 57, 54. 56, 44.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Tư, 2008, 12:27:36 pm

Hà Nội phản công: 1966.

Trong năm 1966, NAD thực hiện "126 điệp vụ chính và 56 điệp vụ phụ", gần tương đương như 1965.1 Nhưng phạm vi hoạt động thu hẹp đáng kể. “Hoạt động có hiệu quả nhất được tiến hành trên biển theo Kế hoạch 34A là điệp vụ ngăn chặn trên biển của PTF - hoạt động chủ yếu chống tàu thuyền miền Bắc ở vùng biển ven bờ. Các điệp vụ này bắt giữ 353 người, tất cả đều được đưa đến đảo Thiên Đường trong đó 352 người được đưa trở về. Thêm vào đó "2.000.000 truyền đơn được rải bằng súng cối, 60.000 gói quà được phân phát" và "2.600 đài thu thanh được đưa ra miền Bắc". Cuối cùng "86 tàu thuyền bị phá huỷ và 16... bị hư hại".2

Các hoạt động trực tiếp đánh vào mục tiêu, pháo kích và tập kích, đều có kết quả nhỏ bé trong năm 1966, một phần vì Hà Nội tiếp tục tăng cường phòng thủ ven biển. Do vậy, khi các tàu của OP37 cố tiến hành pháo kích, chúng thường gặp phải sự phản kích bằng pháo đặt trên bờ và tàu nổi. Trong khi việc phòng thủ bờ biển được cải thiện gây khó khăn cho điệp vụ pháo kích, hoạt động tập kích của thám báo - biệt kích còn khó khăn hơn. Con số tự nó nói lên tất cả "trong 34 vụ tập kích thực hiện trong năm 1966, chỉ có 4 vụ được coi là thành công".3

Do những diễn biến này, OP37 giảm quy mô hoạt động trên biển. Điều này tạo ra khó khăn trong việc duy trì các toán biệt kích người Việt. Việc cắt giảm hoạt động "chống các mục tiêu ven biển miền Bắc tạo nên môi trường huấn luyện không phù hợp với nhân viên các toán hành động".4 Một nhân viên biệt kích không cần phải thực hiện thành công một vụ tập kích mà vẫn nhận được tiền thưởng. Thậm chí, anh ta còn không cần phải đặt chân lên lãnh thổ miền Bắc. Tiền thưởng được phát khi họ rời Đà Nẵng hướng về phía Bắc trong điệp vụ tập kích, khi con tàu dừng nửa chừng với toàn bộ toán biệt kích trên boong, tiền thưởng đã hết.

SOG đề nghị và được chấp thuận cho triển khai các toán thám báo thực hiện hoạt động ở miền Nam, chống "các cơ sở của- hoặc nghi ngờ của Việt Cộng cũng như các mục tiêu quân sự của quân đội miền Bắc và Việt Cộng dọc theo bờ biển của vùng 1 chiến thuật. Các toán này có cố vấn Mỹ đi kèm".5 Việc này cải thiện tỷ lệ thành công của các toán biệt kích vì nhân viên thám báo của thuỷ quân lục chiến hoặc SEAL có thể lãnh đạo và hỗ trợ cho họ. Tuy nhiên hoạt động này không mấy liên quan đến mục tiêu của Kế hoạch 34A.

Yếu tố thứ hai đóng góp vào hồ sơ ảm đạm của OP37 trong năm 1966 là sự miễn cưỡng của thuyền viên và biệt kích không muốn đụng độ với đối phương. Trainor nhớ lại: "Nếu tôi sẽ xuống âm phủ thì tại sao phải lên bờ?... Tôi hiểu tại sao không đưa nhân viên Mỹ ra miền Bắc, nhưng với những toán này, họ sẽ không làm gì cả trừ khi có mặt người Mỹ hoặc có sự lãnh đạo cứng rắn trong toán - và đây không phải là một phần của văn hoá của họ. Vì thế, nếu không có người Mỹ, khả năng lên bờ là cả một vấn đề... các toán sẽ không lên. Họ rất giỏi biện hộ khi không làm được việc gì đó".6

Trainor đã chỉ ra gót chân Asin của hoạt động trên biển. Không có sự lãnh đạo và yểm trợ chiến đấu của Mỹ, các toán Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tập kích và pháo kích gần bờ một cách miễn cưỡng. Tháng 8-1966, trung tá Pat Carothers thay Trainor. Carothers hiểu biết sâu sắc về hoạt động biệt kích và thám báo. Trước khi sang Việt Nam, Carathors cho biết mình "đã có 5 năm kinh nghiệm hoạt động thám báo. Tôi công tác ở lực lượng thám báo số 1, giữ cương vị trung đội trưởng - sau đó là sĩ quan hành động... tôi là sĩ quan chỉ huy lực lượng thám báo số hai trong hai năm rưỡi... tôi được cử đến trung đoàn dù số 1 của quân lê dương Pháp ở Corsica. Đó chính là trung đoàn bị De Ganlle giải thể hai tháng sau vì nổi loạn ở Algeria. Tôi cũng công tác một thời gian tại lực lượng biệt kích đổ bộ của hải quân Pháp ở Toulous".7 

Với quá khứ như vậy, tân phó chỉ huy trưởng không cần nhiều thời gian để hiểu được tại sao kết quả của các hoạt động chống mục tiêu ven biển miền Bắc lại ít ỏi như vậy. Carothers cho rằng "tôi không đổ lỗi cho các toán hành động... trước khi đến bờ biển, họ biết là điệp vụ sẽ không thành công và quay trở lại căn cứ. Thuỷ thủ và thuyền trưởng mới là người ra quyết định”.8 Góp phần vào sự trầm lắng này là việc trong năm 1966, năm chiếc PTF bị đối phương phá huỷ, làm cho thuyền trưởng và thuỷ thủ càng ngại ngần về các phi vụ này.

Tháng 3-1966, Bob Terry đến nhận chức sếp trưởng OP37. Phần lớn kinh nghiệm của ông là hoạt động phá huỷ dưới nước và các đơn vị SEAL. Ông cho biết "đã tham gia vào một số nhiệm vụ tương tự như hoạt động trên biển của SOG" nhưng dưới dạng không bí mật. Sự khác biệt duy nhất giữa công khai và bí mật là ở tính chất có thể phủ nhận được của hoạt động.9 Terry đánh giá thấp hoạt động của các toán biệt kích người Việt. "Chúng tôi đã thử nhiều cách nhưng không thành công. Hoạt động của các toán khả quan nhất cũng chỉ là quấy nhiễu. Các hoạt động tập kích lên bờ, đụng độ trực tiếp với lực lượng đối phương hoặc bắt cóc cũng không có nhiều thành công".10 Tại sao? Terry giải thích: Vì miền Bắc “có cơ quan an ninh liên thông rất hữu hiệu; một khuôn mặt lạ sẽ không tồn tại được lâu”. Các toán biệt kích người Việt biết việc này, do vậy "không hào hứng đi ra ngoài đó".11 

Bất kể lý do là tại thuỷ thủ đoàn hay các toán biệt kích hoặc kết hợp cả hai, kết quả là như nhau: hoạt động chống phá các mục tiêu ven biển ở miền Bắc thu rất ít thành công trong năm 1966.
_____________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tướng Mick Trainor, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG”, tr.51-52, 57, 54. 56, 44.

2. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1966", Phụ lục M, tr.32.

3, 4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", (7-1970) Phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển", tr.46, 44.

5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd. tr. 44.

6. Phỏng vấn lịch sử với trung tướng Mick Trainor, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr.47.

7, 8. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Pat Carothers, trong "MACVSOC: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACV SOG", tr. 104, 98.

9. Phỏng vấn lịch sử Bob Terry, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr. 104.

10, 11. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Pat Carothers, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr.106-107.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Tư, 2008, 12:48:56 pm

Thu hẹp hơn nữa nhiệm vụ hoạt động trên biển: 1967 -1968

Hoạt động trên biển trong năm 1967 tiếp tục bị thu hẹp, hầu như chỉ còn tập trung vào "ngăn chặn tàu thuyền, nhất là thuyền đánh cá và bắt giam một lượng lớn ngư dân để khai thác tin tình báo và chiến tranh tâm lý".1 Tổng số "174 điệp vụ được tiến hành, trong đó 125 được hoàn thành, 19 bị bỏ dở do thời tiết và 7 do thương vong hoặc hỏng phương tiện".2 Trong những vụ chặn bắt này, 328 người Bắc Việt Nam bị bắt giữ và chuyển đến đảo Thiên Đường. NAD vẫn tiếp tục rải tài liệu tâm lý chiến.

Mục tiêu chủ yếu trong năm 1967 của hoạt động trên biển là hỗ trợ chương trình chiến tranh tâm lý của SOG. Mục tiêu ban đầu: phá huỷ và quấy rối các cơ sở quan trọng dọc theo bờ biển miền Bắc để bắn tín hiệu cho Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông biết rằng việc thúc đẩy chiến tranh ở miền Nam sẽ phải trả giá cao - được coi là phi thực tế. Vào năm 1967, mục tiêu trên không khác gì một giấc mơ viển vông.

Ngoài việc hỗ trợ chiến tranh tâm lý, hoạt động ngăn chặn đã "phá huỷ 102 tàu thuyền đối phương", phần lớn trong số đó chỉ là tàu đánh cá. Tuy nhiên, quy định về can dự không có sự phân biệt đối với các tàu thuyền của miền Bắc. Bất kỳ tàu thuyền nào, kích thước ra sao, đều là mục tiêu bắn chìm của các tàu Nasty hoặc Swift. Điểu này thật phản tác dụng, khi mà số ngư dân trên tàu thuyền đó lại bị bắt giữ và cải huấn. Cơ hội tuyên truyền thành công số ngư dân này bị giảm sút nhanh chóng khi mà nguồn sống của họ - con thuyền đánh cá - bị bắn chìm.

Khi Nonam Olson nhận chức chỉ huy NAD mùa xuân 1967, mâu thuẫn này trở nên rõ ràng.3 Ngay lập tức, ông nghi ngờ các điệp vụ có nhiệm vụ bắn chìm thuyền của đối phương. Khi nhớ lại số tàu thuyền bị chìm năm 1967, ông nói “tôi tin tưởng chắc chắn là 100 trong số 102 tàu thuyền đó là thuyền đánh cá nhỏ. Tôi không nghĩ là có dân quân vũ trang trên đó để tấn công tàu (chúng tôi). Có một số tàu vũ trang nhỏ, nhưng tôi có thể nói rằng đại đa số thuyền bị bắn chìm chỉ là thuyền đánh cá”.4 Olson nhớ lại một loại thuyền có thể được coi là mục tiêu quân sự "khi tôi ở đó tôi nghĩ loại duy nhất mà chúng tôi tấn công là thuyền tương đối lớn trên đó có đủ loại vũ khí... ý tôi muốn nói là vũ khí nhỏ. Đó là loại duy nhất mà tôi còn nhớ được".5 

Pat Carothers, phó chỉ huy của NAD phụ trách hoạt động năm 1966 chỉ ra là thậm chí các thuyền có kích cỡ nhỏ hơn thuyền đánh cá cũng có thể là mục tiêu được phép tấn công bắn chìm. Đó là các thuyền thúng. Carothers mô tả một chiếc thuyền thúng như sau: "Người ngư dân đan một chiếc thúng sau đó trát nhựa để chống thấm nước và họ sẽ đứng trong thúng đường kính chỉ có 5 feet thôi (1,5m) để đánh cá. Họ để dụng cụ đánh cá dưới chân và sử dụng một mái chèo". Khi hỏi tại sao chiếc thuyền nhỏ như vậy cũng được tính vào số tàu, thuyền hàng năm bị chặn đánh và bắn chìm, Carothers trả lời các con thuyền đó là một phần của "thống kê".6

Đối với Norman Olson, những việc trên chẳng có ý nghĩa gì. Bắn vào thuyền đánh cá, chứ chưa nói đến thuyền thúng, rồi báo cáo là điệp vụ đã ngăn chặn thành công các tàu địch là điều vớ vẩn. Có nhiều khả năng việc này gây hậu quả tiêu cực vì ngư dân là đối tượng tâm lý chiến chủ yếu của SOG. Tuy nhiên, đối với thuỷ thủ Việt Nam, bắn chìm thuyền của miền Bắc, kể cả thuyền thúng, là cách để kiếm tiền thưởng. Khi hồi tưởng lại, dường như điều đó thật khó tin. Nhưng theo Olson; "vì họ được thưởng". Cựu chỉ huy trưởng của NAD chỉ ra điều tưởng như rất rõ ràng, "nếu bạn là một ngư dân bình thường và thuyền của bạn bị nổ tung, bạn sẽ không thích gì những kẻ từ miền Nam tới và làm điều đó với bạn". Olson nghĩ, đó là việc ngốc nghếch, "nhất là khi bạn đang cố tự hoạ mình là một phần của phong trào Gươm thiêng ái quốc.7 

Trên đây là một trong nhiều vấn đề Olson gặp phải. Năm 1968, Olson đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra quy định mới về can dự, điều chỉnh việc bắn thuyền đánh cá miền Bắc. "Đầu năm 1968, để hỗ trợ hoạt động tâm lý chiến, một số hạn chế được đưa ra cấm phá huỷ các thuyền có chiều dài dưới 10 mét, trừ khi xác định được trên thuyền có chở hàng quân sự hoặc một số lượng lớn hàng hoá hoặc thực phẩm, đồng thời không được tấn công số rõ ràng là thuyền cá".8 

Và thuyền thúng cũng thế. Do vậy, số thuyền của đối phương bị SOG phá huỷ trong năm 1968 tụt xuống còn 40. Việc xem xét lại quy định can dự đã tạo ra sự khác biệt - nhưng những khuyến khích bằng tiền vẫn giữ nguyên.9 

Olson cũng gặp phải vấn đề bên trong OP37. Sếp của SOG, Jack Singlaub nói với ông là NAD cần giữ kỷ luật và phải khắc phục điều đó ngay lập tức. Olson nhớ lại. "Một trong những vấn đề của các hoạt động này là có nhiều quyền hạn. Có cảm tưởng là không có sự kiểm soát".10 Olson nhận được "hướng dẫn rõ ràng từ Singlaub là phải trực tiếp chấn chỉnh. Có một số vấn đề về tinh thần của nhân viên Mỹ và rất nhiều vấn đề về kỷ luật. Do đó phải mất nhiều thời gian chấn chỉnh hơn là tôi nghĩ. Trong 6 tháng đầu tiên ở đó, tôi dành nhiều thời gian chấn chỉnh mọi thứ và tạo ra sự thay đổi đồng thời chuyển một số người gây phức tạp đi nơi khác".11 

Olson nhận thấy quan hệ với cơ quan an ninh bờ biển - CSS của Nam Việt Nam - đối tác của OP37 cũng cần phải sửa đổi. Khi đến Đà Nẵng, ông thấy rằng: "chúng tôi không có quan hệ tốt với đối tác - mối quan hệ, theo tôi là cực kỳ quan trọng và tôi dành rất nhiều thời gian để củng cố điều đó với tất cả khả năng của mình và thực sự biến tổ chức của đối tác thành cái bóng của chúng tôi... Nguyên tắc của tôi là quyết định sẽ do tôi và chỉ huy Việt Nam cùng đưa ra và tôi buộc anh ta phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện xảy ra trong tổ chức của mình".12 Olson muốn cho CSS cảm giác là họ được tin cậy. "Trách nhiệm của tôi là đảm bảo mối quan hệ với đối tác".13 Olson chấp nhận những khía cạnh tiêu cực về an ninh để thực hiện chính sách của mình.
____________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", (7-1970) Phụ lục C, phần "Hoạt động trên biển", tr. 47.

2. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1967", Phụ lục G, tr.III 1-2.

3. Như đã nói ở trên, Olson là dạng lãnh đạo mà NAD cần phải có từ lâu. Ông có kinh nghiệm phù hợp. Sau Việt Nam, Olson tiếp tục hoạt động trong chiến tranh đặc biệt và kết thúc sự nghiệp hải quân với chức vụ tham mưu trưởng Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt hỗn hợp (lực lượng Delta) được thành lập sau thất bại giải cứu con tin ở Iran 1980. Delta nhanh chóng trở thành lực lượng phản gián con cưng của Bộ Quốc phòng. Olson đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển này.

4, 5. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr.150, 133.

6. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Pat Carothers, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr. 97.

7. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG", tr. 156.

8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, (7-1970) Phụ lục C, phần “Hoạt động trên biển", tr. 52.

9. MACVSOG, “Lịch sử chỉ huy 1968", Phụ lục F, tr. F-III-A-1.

10. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACV SOG", tr.128.

11, 12, 13. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG",tr 128 - 129, 18.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Tư, 2008, 12:54:04 pm

Vào năm 1968, hoạt động tập kích ven bờ gần như ngừng lại hoàn toàn. Theo Olson, "đó là công việc khó khăn vì chúng tôi không đưa họ đến đó được".1 Ông quyết định xin phép sử dụng họ ở miền Nam. "Những gì tôi muốn là đưa các toán biệt kích ra thực địa và tìm hiểu họ có năng lực làm được gì. Qua Singlaub, chúng tôi thu xếp để cử một toán tới đồng bằng và phối hợp với lực lượng cơ động đường sông, một lực lượng hỗn hợp của lục quân và hải quân. Một trong những công việc mà trước đó họ chưa từng làm là đi tiền trạm, tức là đi trinh sát tìm hiểu những gì đang diễn ra. Vì vậy chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để tiến hành huấn luyện thực tế và có thể giám sát được họ".2 Theo báo cáo năm 1968 của SOG, "những hoạt động này rất có giá trị đối với lực lượng cơ động đường biển... cung cấp tin tình báo cho lực lượng này".3 

Ngoài hoạt động đường sông, các toán biệt kích được bố trí tại vùng I chiến thuật để "tiến hành hoạt động thực tế chủ yếu là nhằm vào cơ sở của Việt Cộng".4 Mục đích là quấy rối và bắt giữ các thành viên của chính phủ ngầm của Việt Cộng và phá huỷ mạng lưới hậu cần ở vùng ven biển thuộc vùng I - NAD triển khai những hoạt động tương tự ở vùng II (vùng Tây nguyên ở Nam Việt Nam) năm 1968. Trong năm đó, 25 điệp vụ được thực hiện thành công ở vùng I và 22 ở vùng II. Kết quả ở vùng I là "6 V.C. bị giết, 6 bị bắt làm tù binh, thu giữ số lượng lớn tài liệu, tiến hành 11 vụ phục kích và càn quét". Kết quả ở vùng II cũng tương tự.5 Những con số tuy nhỏ bé nhưng đánh dấu sự cải thiện so với các vụ tập kích ở miền Bắc.

Hoạt động chống cơ sở của Việt Cộng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch phản gián và bình định của Mỹ ở Việt Nam dưới sự giám sát của chương trình hỗ trợ phát triển cách mạng và hoạt động dân sự - CORDS. Lãnh đạo đầu tiên của CORDS là Robert Komer, phó của Westmoreland. CORDS được thành lập tháng 5-1967 để cải thiện việc bình định hoá nông thôn và an ninh ở nông thôn Nam Việt Nam. Nhân viên CORDS được lấy từ quân đội, Bộ Ngoại giao, Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, và CIA.

Một mục tiêu của CORDS là phá vỡ cơ sở hạ tầng của Việt Cộng. Hoạt động này được biết đến với các tên "chiến dịch Phượng Hoàng". Việc chỉ đào Phượng Hoàng được giao cho Colby, phó của Komer, người được tái phân công đến Việt Nam sau khi nhận công tác tại Tổng hành dinh CIA. Khi Komer ra đi, Colby thay ông là giám đốc của CORDS. Với nhiệm vụ vô hiệu hóa cán bộ Việt Cộng, Phượng Hoàng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Những lời tố cáo về việc sử dụng nhục hình và ám sát đã dẫn đến nhiều cuộc điều tra của quốc hội. Tại các cuộc điều trần, Colby khăng khăng cho rằng phần lớn trong số 20.000 người Việt Nam bị giết trong chiến dịch Phượng Hoàng là trong giao tranh chứ không phải bị ám sát.6 Những người khác không đồng ý và cuộc tranh luận về chiến dịch này còn kéo dài đến tận ngày nay.

Các toán biệt kích trên biển của SOG hoạt động ở miền Nam hiệu quả hơn nhiều so với miền Bắc vì nhiều lý do. Thứ nhất, các địa bàn do Việt Cộng kiểm soát dễ tiếp cận hơn những nơi mà các toán biệt kích phải đối mặt ở miền Bắc. Ngoài ra, số biệt kích người Việt còn được hưởng lợi từ việc giám sát và lãnh đạo của Mỹ. Cuối cùng, nếu các toán gặp phải trục trặc sẽ có lực lượng hỗ trợ đến ứng cứu. Nhưng hoạt động ở miền Nam không liên quan gì đến các nhiệm vụ ban đầu của OP34A. Thực ra, hoạt động biệt kích của SOG được thực hiện ở Nam Việt Nam phần lớn là do thất bại ở miền Bắc.

Nói tóm lại, vào mùa thu năm 1968, Norman Olson đưa NAD quay lại mục tiêu chính. Từ khía cạnh hoạt động, "157 điệp vụ được thực hiện trong 10 tháng đầu năm 1968. Trong đó, 140 vụ kết thúc thành công, 11 bị huỷ do thời tiết xấu và 6 do tàu trục trặc".7 Tuy nhiên, ông không thể tái tập trung NAD vào các nhiệm vụ trên biển ban đầu - điều đó là không thể được. NAD bị cuốn vào hoạt động hỗ trợ chương trình chiến tranh tâm lý của SOG. Trong khi việc hỗ trợ chiến tranh tâm lý là quan trọng, nó chỉ là một phần của những gì các nhà vạch chính sách đầu tiên hy vọng hoạt động trên biển có thể làm được.


Chấm dứt hoạt dộng trên biển chống miền Bắc

Trong khi Norman Olson đang khắc phục nhiều vấn đề của OP37 và đưa OP37 trở lại hoạt động bình thường, thành tích của ông bị che khuất bởi quyết định của Washington ghi trong bức điện ngày 1-11-1968 yêu cầu SOG chấm dứt mọi hoạt động dính dáng đến việc đưa người qua biên giới. Đối với bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc - NAD, chỉ thị này đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ chương trình hoạt động. "Ngày 1-11-1968 mọi hoạt động trên biển bên trên vĩ tuyến 17 bị ngừng lại".8 

Sang 1969, tình hình vẫn giữ nguyên như vậy. Các thuyền viên và toán biệt kích vẫn được duy trì, nhưng hoạt động của họ hạn chế ở dưới vĩ tuyến 17. Nhiệm vụ của họ là "tiến hành ngăn chặn ngầm trên biển, thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, hoạt động tập kích như phục kích, bắt giữ và quấy rối các địa bàn ven biển do quân đội miền Bắc và Việt Cộng kiểm soát".9 Các hoạt động này "giết 116 VC- bộ đội miền Bắc, bắt giữ 34 VC-Bộ đội, bắt giam 165 đối  tượng nghi Việt Cộng, phá huỷ 20 thuyền tam bản, 71 hầm, thu giữ 37 vũ khí, 29 lựu đạn và 8.500 pound (4.000KG) gạo. Ngoài ra, một số lượng lớn tài liệu được thu giữ qua các cuộc tập kích".10 Những con số này đánh dấu sự gia tăng hoạt động, nhưng chỉ là nỗ lực nhỏ bé, chống lại cơ sở hạ tầng của Việt Cộng.

Năm 1970, hoạt động trên biển ở miền Nam duy trì ở mức 1969. Yêu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng cho các điệp vụ ra Bắc bất kỳ lúc nào vẫn còn nguyên hiệu lực, nhưng không một thuỷ thủ đoàn hoặc toán biệt kích nào nhận được lệnh lên đường. Tiêu điểm của OP37 là Việt Nam hoá hoạt động trên biển. Một bản kế hoạch được vạch ra, theo đó vào cuối năm, CSS "có năng lực vạch kế hoạch, phối hợp và thực hiện điệp vự” cũng như "sửa chữa và bảo trì tàu và cơ sở vật chất". Việc chuyển giao hoạt động trên biển cho CSS và giải thể NAD được dự kiến vào ngày 1-1-1971 với "6 tháng gia hạn để đảm bảo sự huấn luyện đầy đủ cho số hải quân Nam Việt Nam đến thay thế".11 Tháng 7-1971, CSS tiếp nhận trách nhiệm vạch kế hoạch và thực hiện mọi hoạt động trên biển.
________________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACVSOG”, tr.5.

2. Phỏng vấn lịch sử với đại úy Norman Olson, trong "MACVSOG: phỏng vấn các sĩ quan đã từng phục vụ trong OP37 của MACV SOG”, tr.6.

3, 4, 5. MACVSOG, “Lịch sử chỉ huy 1968”, Phụ lục F, tr.F-III-1-5, F-III-E-1.

6. Xem Willam Colby: "Chiến thắng bị đánh mất" (NewYork, Contemporary Books, 1968.).

7, 8. MACVSOG, “Lịch sử chỉ huy 1968”, Phụ lục, tr.F.III-1-2, F.III-1-3.

9. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1969”, Phụ lục, tr.F.III-1-2.

10. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1969”, Phụ lục, tr.F-III-1-A/B/C-1.

11. MACVSOG, "Lịch sử chỉ huy 1970”, Phụ lục B tr.B.III-7.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Tư, 2008, 12:54:25 pm

TÁC ĐỘNG CHIẾN LUỢC CỦA HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN:
HY VỌNG CAO - KẾT QUẢ THẤP

Năm 1964, các nhà vạch chính sách của Washington đặt nhiều hy vọng vào hoạt động ngầm trên biển. Họ tin là hoạt động này sẽ nhanh chóng tác động đến Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông. Các hoạt động tấn công, quấy phá từ ngoài biển được coi là công cụ bí mật chủ yếu để làm Hà Nội chú ý và thuyết phục họ ngừng thúc đẩy chiến tranh ở miền Nam. Thông qua các hoạt động nhằm vào mục tiêu thiết yếu dọc theo bờ biển, Hồ Chí Mình sẽ nhanh chóng hiểu ra là phải trả giá cho hoạt động lật đổ ở miền Nam. Nếu hoạt động đó không chấm dứt, chiến tranh bí mật sẽ được tăng cường. Nhưng Hà Nội không lùi bước.

Những gì mà McNamara và các nhà vạch chính sách trông chờ ở hoạt động ngầm trên biển là hoàn toàn phi thực tiễn. Toàn bộ ý tưởng không là cái gì khác ngoài sự ảo tưởng, nhất là trong bối cảnh OP37 vấp phải nhiều vấn đề mà phần lớn những trở lực đó không được tháo gỡ. Sự lãnh đạo và kiến thức của các chỉ huy của NAD là một ví dụ. Chỉ có Norman Olson đúng là người chỉ huy, còn lại cơ quan nhân sự không tìm được một vị chỉ huy nào khác như ông.

Tương tự, chất lượng và động cơ của thuỷ thủ và toán biệt kích người Việt luôn là điều nghi ngại. Đây là vấn đề tồn đọng kéo dài vì phần lớn số này chỉ vì tiền. Chế độ tiền thưởng khuyến khích tư tưởng làm thuê và không thể thay thế cho động cơ yêu nước.

Từ khi khởi đầu, quy định về can dự đã ngáng trở việc thực hiện thành công điệp vụ. Sự cản trở lớn nhất, chứ không phải duy nhất, là nhân viên của SOG không được đi kèm theo tàu và các toán biệt kích lên phía Bắc. Điều này gây tác hại chủ yếu đến hiệu quả của toàn bộ hoạt động, nhất là sau khi miền Bắc đã triển khai biện pháp đối phó. Trong khi đó câu trả lời của SOG lại là thu hẹp phạm vi, chỉ còn hoạt động trên biển.

Cuối cùng, có vấn đề lòng tin và hợp tác giữa NAD và CSS. Quan điểm cho rằng đối tác Việt Nam chứa đầy gián điệp ngấm sâu vào mọi bộ phận nghiệp vụ của SOG, kể cả OP37. Theo dự kiến ban đầu hoạt động trên biển của SOG dự kiến là nỗ lực phối hợp chung giữa các nhân viên Mỹ và Nam Việt Nam. Tuy nhiên, mối lo ngại về an ninh và sự thiếu tin cậy làm cho nó nhanh chóng biến thành hai chế độ chỉ huy riêng biệt, trong đó Hoa Kỳ giữ vai trò chính. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực gây tác hại đến các hoạt động.

Bổ sung vào những cản trở trên là sự kỳ vọng của các nhà vạch chính sách. Họ hoàn toàn thoát ly thực tế khi đánh giá quá cao tác động của các hoạt động “gãi ghẻ" đối với giới lãnh đạo miền Bắc. Washington không hiểu đối thủ của mình ở Hà Nội. Phải làm nhiều hơn là một số hoạt động trên biển mới có thể ảnh hưởng đến tính toán của Hồ Chí Minh.

Ngay cả khi NAD không gặp những cản trở trên, Washington vẫn trông chờ quá nhiều và quá nhanh từ hoạt động trên biển. Chương trình hoạt động trên biển năm 1964 một lần nữa cho thấy các nhân vật cao cấp trong chính quyền Johnson và Kenedy có hiểu biết ít ỏi như thế nào về hoạt động ngầm. 


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Tư, 2008, 07:04:47 pm

CHƯƠNG SÁU
VƯỢT QUA GIỚI TUYẾN


Washington và Hà Nội bình thường hoá quan hệ đầu 1990. Người Mỹ với các quan điểm khác nhau về chiến tranh bắt đầu đến Việt Nam. Các nhà kinh doanh, những người nhìn Việt Nam như là một thần kỳ kinh tế mới ở châu Á và muốn nhảy vào có chỗ đứng chân, là những người đến đầu tiên. Đối với họ, chiến tranh đã thành lịch sử cổ xưa. Mối quan tâm của họ là kiếm tiền và Việt Nam có vẻ là một triển vọng khả quan.

Các cựu chiến binh cũng quay lại thăm chiến trường xưa, nhớ lại những chiến hữu đã bị chết và gặp những người đã từng giao chiến. Trung tướng nghỉ hưu Hal Moore có một chuyến đi như vậy năm 1990. 25 năm trước, năm 1965, trung tá Moore chỉ huy trung đoàn 1, sư đoàn con cưng số 7 của lục quân Hoa Kỳ. Ngày 23-10 năm đó, đơn vị của ông được trực thăng vận đến thung lũng Ia Drang, nơi có căn cứ và tuyến đường xâm nhập vào Tây Nguyên của cộng sản. Khi hạ cánh, lực lượng gồm 450 người của Moore bị bao vây và tập kích bởi 2.000 quân chủ lực. Vài ngày sau, một trung đoàn khác của sư 7 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các cuộc giao tranh ác liệt kéo dài hàng tuần.

Trận chiến ở Ia Drang có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chiến tranh. Theo lời Moore: "Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng và cả hai rút ra những bài học, một số trong đó dối trá một cách nguy hiểm, được lan truyền lặp lại trong suốt một thập kỷ chiến tranh đẫm máu và hy sinh đau đớn đến sau đó"1. Quyết định viết sách về những người lính đã chết tại Ia Drang, Hal Moore quay trở lại Việt Nam năm 1990. ông gặp lại tư lệnh quân đội miền Bắc từng đối mặt năm 1965. Họ cùng nhau đi trên bãi chiến trường Ia Drang và nhớ lại các cuộc đụng độ khốc liệt.
 


KHI HÀ NỘI TIẾN, WASHINGTON LÙI

Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh. Quyết định năm 1959 xây dựng con đường này có tầm chiến lược to lớn. Tương tự, bước đi dũng cảm của Hà Nội năm 1963 mở rộng con đường, đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam cũng có tầm ý nghĩa như vậy. Con đường đầu tiên chỉ là mạng lưới các lối mòn, đường nhỏ xuyên qua dốc núi dựng đứng và rừng rậm, đóng vai trò làm mạng lưới tiếp tế hậu cần. Từ nơi trú quân này, quân đội miền Bắc có thể xâm nhập vào miền Nam một cách dễ dàng để tấn công các mục tiêu sau đó trở về Lào một cách an toàn. Sau chiến tranh, Hà Nội gọi con đường là "một câu chuyện thần kỳ của thế kỷ"2.

Lào là một vấn đề chính trị nóng bỏng trong những ngày đầu của chính quyền Kenedy. Hiệp định Giơnevơ năm 1962, mà Hoa Kỳ đóng vai trò trung tâm, tuyên bố Lào trung lập. Mọi quân đội nước ngoài phải rút ra khỏi Lào, kể cả các đơnvị quân đội Việt Nam. Washington muốn tin vào khả năng trung lập đó, nhưng hoạt động của Hà Nội ở Lào tiếp tục được mở rộng. Ở Sài Gòn, tướng Harkin, tư lệnh MACV, giảm nhẹ sự có mặt của Bắc Việt Nam là "sự đồn đoán".

Trong khi Harkin cho rằng không có chứng cứ đáng tin nào về việc mở rộng sử dụng con đường để vũ trang cho Việt Cộng và đưa quân đội chủ lực miền Bắc vào Nam, các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ hoạt động dọc theo biên giới Lào không gặp mấy khó khăn để khẳng định điều đó. Từ 1961, nhân viên lực lượng đặc biệt đã hỗ trợ nhiều đề án của CIA được triển khai theo chỉ thị của tổng thống Kenedy, bao gồm: toán thu thập tình báo, biệt đội sơn cước và thám báo biên giới, và biệt đội không vận dân sự. Các đề án này triển khai các toán nhỏ để trinh sát hoặc tập kích các toán quân đối phương vượt qua biên giới hoặc thu thập tình báo ở Lào3.

Bill Colby bắt đầu các hoạt động trên vào mùa hè 1961. Địa bàn hoạt động, theo một tài liệu được giải mật, "là từ Attopeu phía bắc Tchepone vào đường 9 phía bên kia của vùng I và II", một dải đất dài hơn 50 dặm. Attopeu nằm ở góc đông nam của Lào, gần biên giới Campuchia và ngay phía tây của Tây Nguyên. "Trong giai đoạn đó (1961-1963) 41 điệp vụ được thực hiện"4 .

Đại uý lực lượng đặc nhiệm Jerry Kinh đã thực hiện nhiều điệp vụ ban đêm cùng với các toán người địa phương do CIA hỗ trợ đi tuần tra ở Lào. Toán của King, bao gồm hai cố vấn Mỹ, một nhân viên đặc biệt của Thái Lan và ba người Lào, hoạt động ở Tchepone tháng 7-1962. Một lần, toán của Kinh gần như chạm trán với một trung đoàn bộ đội Bắc Việt Nam. May mắn và họ kịp tránh đi. Nhưng King đã nhìn thấy quân phục, phù hiệu và vũ khí. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một trung đoàn chủ lực của miền Bắc5.

Bất chấp những gì Harkin tin tưởng, những gì King nhìn thấy chỉ cách Tchepone có 10km không phải là điều khác thường. Đây là chứng cứ rõ ràng cho sự đánh giá của CIA năm 1962 là Hà Nội có thể xâm nhập 1.500 bộ đội dọc theo đường mòn vào miền Nam trong vòng một tháng. Vào năm 1963, sự có mặt ngày càng nhiều của Bắc Việt Nam ở Lào là nguyên nhân dẫn đến tình hình xấu đi và các cuộc khủng khoảng ở miền Nam. Giá trị của Hiệp định Giơnevơ 1962 là việc Hà Nội thoải mái sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh.
____________________________________
1. Trung tướng Harold G. More và Soseph L. Galloway, "Một thời chúng ta là chiến sĩ ... và thanh niên", (New York: Ramdom House, 1992), tr. XVII.

2. Võ Bẩm, "Mở đường mòn". tr. 15.

3. Bowman biên tập, "Alamac về chiến tranh Việt Nam”, tr. 454.

4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào”, tr. 2.

5. Newman, "JFK và Việt Nam", tr. 275-76.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Tư, 2008, 07:14:08 pm

Tranh đấu với "Cá sấu” về Lào

Đội công tác CIA-MACV, người dự thảo Kế hoạch 34A cảm nhận mạnh mẽ là cần phải làm một việc gì đó đối với con đường mòn, và muốn bổ sung hoạt động bán vũ trang ở Lào vào 34A. Bản đề xuất được chuyển tới cho McNamara và giám đốc CIA John McCone ở Sài Gòn, tháng 12-1963. Rõ ràng cả hai đều bị thuyết phục và "chỉ thị trình việc này lên cấp cao hơn để Washington xem xét"1.

Các quan chức chủ chốt trong chính quyền cũng lo ngại về Lào. Micheal Forrestal, nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia vừa trở về sau chuyến thị sát Việt Nam, báo cáo với tổng thống rằng ông "thấy có sự quan tâm đáng kể đối với việc thiết lập hoạt động qua biên giới Lào... chống đường mòn Hồ Chí Minh". Ông kiến nghị rằng "nên xem xét những hoạt động tình báo quy mô nhỏ có sự kiểm soát chặt chẽ". Chí ít, Hoa Kỳ cần biết là Hà Nội đang ở Lào. Tuy nhiên Forrestal tỏ ra thận trọng đối với hoạt động có quy mô lớn hơn và khẩn thiết đề nghị Johnson cân nhắc kỹ việc mở rộng hoạt động vì có "nguy cơ bị phát hiện và khi đó sẽ làm đảo lộn sự cân bằng lực lượng mong manh ở Lào"2. Sự "cân bằng lực lượng" là cụm từ trong Hiệp định Giơnevơ 1962 mà Avarrell Harriman, đại sứ lưu động của chính quyền Kenedy, làm trung gian.

Ở Washington, dấu ấn của Harriman xuất hiện trong toàn bộ chính sách Việt Nam. Tháng 8-1963, ông giúp thảo bức điện, giờ đây bị coi là tệ bạc, phát đi tín hiệu chấp thuận âm mưu đảo chính Diệm của các tướng lĩnh miền Nam. "Cá sấu” biệt danh của Harriman, cùng với Roger Hilsman, George Ball, và Micheal Forrestal kết luận rằng tổng thống Việt Nam cộng hoà cần phải ra đi. Rõ ràng, Kenedy đã chấp thuận. Diệm và em trai bị ám sát ngày 1-11-1963, với sự đồng loã của Hoa Kỳ.

Harriman còn khôn khéo vô hiệu hoá bất kỳ ai đề nghị MACV thực hiện hoạt động ngầm bán vũ trang chống con đường mòn. Trong một tờ trình gửi Hội đồng an ninh quốc gia, Harriman nhắc đến cuộc trao đổi qua điện thoại giữa mình và Forrestal về vấn đề này, và dội gáo nước lạnh vào "hoạt động tình báo được kiểm soát chặt chẽ" mà Forrestal đề nghị. Harriman quyết tâm không cho MACV dính dáng vào Lào. Ông chụp mũ Forrestal, mô tả đề nghị rất khiêm tốn của Forrestal là bước đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của Hiệp định 19623.

Cuối tháng 12, Harriman lại xuất hiện, lần này là qua trợ lý của mình. Trong một tờ trình do Harriman gợi ý, William Jorden tuyên bố đã xem xét mọi "chứng cứ hiện có về việc miền Bắc tiếp tục hỗ trợ người và của cho Việt Cộng" và thấy hoạt động đó giảm xuống. "Tỷ lệ (năm 1963) tỏ ra thấp hơn (1962) và thấp hơn 1961". Jorden nhận xét: "MACV ước tính có 7.600 người đã vào miền Nam kể từ tháng Giêng 1961"4, với hàm ý mọi lời báo động về Lào chẳng khác gì một cơn bão trong ấm pha trà mà thôi.

Dường như Jorden đã bỏ qua các ước tính tình báo của MACV rằng 35.000 người đã trở vào Nam, tỉ lệ xâm nhập lớn hơn 5 lần so với tỉ lệ nêu trong báo cáo của Jorden gửi Harriman. Bản "Nghiên cứu thâm nhập" công bố mùa thu 1964 kết luận "tổng số có đến 45.000 kể từ 1959 đến nay”5.

Theo chỉ thị của Harriman, một bản thường trình tương tự như của Jorden được soạn thảo, bởi một trợ lý khác, William Sulivan, ngày 31-12. Mục đích cũng tương tự: vô hiệu hoá những người đang làm ầm ỹ về Lào. Cũng như Jorden, Sulivan tìm cách dội nước lạnh vào vấn đề quân đội miền Bắc xâm nhập vào Nam.

Harriman được gọi là "Cá sấu" bởi vì ông là người đấu tranh nội bộ lạnh lùng. Thực ra Harriman mới chỉ đánh tiếng, nếu có việc gì đó dính dáng đến Harriman, thì đó là MACV không được vi phạm Hiệp định về Lào của ông.

Theo nội dung kế hoạch Switchback, nhiệm vụ hoạt động qua giới tuyến ở Lào được chuyển cho quân đội6. Tuy nhiên, tại thời điểm đó người ta còn chưa biết giao cho ai trong MACV thực hiện nhiệm vụ này.

Tháng 1-1964, Westmoreland nhận được một cú sốc từ Washington. MACV không được tiếp tục các hoạt động ngầm của CIA chống lại đường Hồ Chí Minh do "không đạt được sự nhất trí về khái niệm hoạt động và những hạn chế cần thiết để kiểm soát hoạt động đó vì Hiệp định Giơnevơ 1962 cấm đưa quân đội nước ngoài vào Lào". Vì quy định này, không một nhân viên Mỹ nào "được phép đi kèm các hoạt động ngầm do Nam Việt Nam thực hiện ở Lào"7. Harriman là kiến trúc sư của chỉ thị này. Ông đang cố gắng để đảm bảo "sự cân bằng mong manh" ở Lào được giữ nguyên vẹn.

Đầu 1964, báo cáo về hoạt động của miền Bắc tại Lào nhận được sự chú ý ở cấp cao tại Washington. Tại một cuộc họp tháng 4 của Hội đồng an ninh quốc gia, Giám đốc CIA John McCone báo cáo: tin tức tình báo cho hay "việc sử dụng Lào để chuyển quân và hàng tiếp tế từ Bắc vào Nam đang gia tăng". Trong cuộc họp, "tổng thống được xem nhiều bức ảnh chụp từ trên không cho thấy sự cải thiện to lớn của tuyến đường". Sự nhất trí về nhu cầu phải làm một việc gì đó ở Lào được lan rộng. Đúng lúc này, Harriman lại xuất hiện. Ông đề nghị cách để xử lý vấn đề là thúc đẩy uỷ ban giám sát quốc tế, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát Hiệp định, "cử thanh tra đến". Sự có mặt của họ sẽ làm cho tình hình lắng dịu đi. Nếu không, Harriman sẽ "ủng hộ quân đội". Harriman không nhượng bộ việc cho cố vấn quân sự Mỹ tham gia các hoạt động tuần tra tại Lào. Đó là việc đánh lạc hướng rất thông minh. Leonard, lúc bấy giờ là Đại sứ ở Lào, cũng tham gia. Ông thông báo cho Hội đồng an ninh quốc gia ý muốn không để MACV vào Lào8. Bộ Ngoại giao xiết chặt đội ngũ của mình.

Các tham mưu trưởng kêu gọi McNamara bãi bỏ lệnh cấm vì “việc hạn chế qua biên giới đã làm giảm hiệu quả hoạt động quân sự ở Việt Nam". Tháng 3-1964, theo đề nghị của các tham mưu trưởng, McNamara xin phép được "truy đuổi nóng qua biên giới trong hoạt động tuần tra của lực lượng Nam Việt Nam"9.

Việc này lại đụng chạm đến Harriman, nhưng khả năng ngăn chặn sự thay đổi chính sách của Harriman càng ngày càng trở nên mong manh. Tham mưu trưởng liên quân đang vận động cho "hoạt động qua giới tuyến" và McNamara cũng như McBundy - trợ lý đặc biệt về an ninh quốc gia của tổng thống - cảm thấy bị thuyết phục.

Dẫu sao cũng phải xử lý quan hệ với Harriman, như Forrestal nói với Bundy hồi tháng 4. Johnson đã ngả theo việc ủng hộ "truy đuổi nóng" và Bundy sẽ điện báo cho Sài Gòn biết việc này. Micheal Forrestal, nhân viên thuộc Hội đồng an ninh quốc gia đề nghị Bundy thận trọng "nếu gửi bức điện mà không có ý kiến của Harriman thì chẳng khác nào mang vạ vào người". Bức điện đã được tổng thống duyệt, nhưng thế chưa đủ. Nó cần sự ủng hộ của Harriman. Qua Sullivan, Forrestal biết rằng Harriman "không phản đối nội dung của bức điện, nhưng nếu cứ làm tới mà không có sự đồng thuận của ông thì chẳng khác nào vuốt mặt không nể mũi10. Không ai muốn như thế, Forrestal nói với Bundy, và Bundy cũng biết điều đó từ kinh nghiệm riêng của mình. Harriman được xoa dịu và miễn cưỡng tán thành "truy đuổi nóng".

Báo cáo tình báo tháng 5-1964 đưa ra nhiều bằng chứng hơn về "các hoạt động rộng lớn của đối phương tại Lào". Vì vậy, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đề nghị "cho phép MACV... tiến hành vạch kế hoạch chung về các hoạt động qua biên giới tại Lào với chính phủ Cộng hoà Việt Nam và thực hiện một số điệp vụ tình báo hạn chế ở Lào". Cuối cùng các tham mưu trưởng có được cái họ muốn. Tuy nhiên những hạn chế do Washington áp đặt trong các hoạt động thu thập tình báo này cho thấy rõ rằng Bộ Ngoại giao vẫn là người trong cuộc. Hoạt động qua biên giới chỉ giới hạn trong "các khu vực ở Lào nằm giữa đường 9 và vĩ tuyến 17 giáp với biên giới, và vùng phía đông của Tchepone". Vùng này chỉ là một phần nhỏ của tuyến đường Hồ Chí Minh nhưng được coi là lối vào thiết yếu11. "Không có cố vấn Mỹ đi kèm" và những người Việt Nam thực hiện nhiệm vụ qua biên giới "không được mặc quân phục của Việt Nam cộng hoà" và chỉ đụng độ với đối phương khi "tự vệ”12.

Ở MACV ai sẽ huấn luyện các toán này? Đó là thời điểm Russell được triệu tập đến cuộc họp tháng 4-1964 với tướng Westmoreland. Khi sếp của SOG bước vào văn phòng của Westmoreland, McNamara, tướng Westmoreland, Đại sứ Lodge, và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Taylor đã có mặt. Họ muốn biết "vào lúc nào SOG có thể thực hiện hoạt động tại Lào". Russell biết rằng họ muốn "có hoạt động dưới mặt đất để quan sát trực tiếp việc đối phương sử dụng con đường". Các toán phải sẵn sàng hoạt động trong vòng một tháng. Russell không thông, theo ông, cố vấn Hoa Kỳ có vai trò quan trọng để lãnh đạo các đơn vị Việt Nam. McNamara đồng ý, nhưng giải. thích là Ngoại trưởng Rusk "cho rằng vào lúc này chúng ta không nên để xảy ra nguy cơ lực lượng Mỹ bị lộ ở Lào"13. Harriman vẫn có cách của mình.

Trong khoảng 30 ngày, SOG đã chuẩn bị được một số toán sẵn sàng "qua giới tuyến" trong chiến dịch mang mật danh "Leaping Lena". Kết quả thật thảm hại, khẳng định nỗi lo sợ nhất của Russell. Cuối tháng sáu, 5 toán, mỗi toán gồm 8 người thuộc lực lượng đặc biệt Nam Việt Nam, được tung vào Lào dọc theo đường 9 phía đông Tchepone. Nhiệm vụ của họ là tìm ra hoạt động của đối phương, đặc biệt là sự di chuyển của quân đội và hàng tiếp tế của miền Bắc. Họ đã gặp cả hai. Nhưng chỉ có 5 trong tổng số 40 người trở về. Rõ ràng Hà Nội đang tăng cường sự có mặt quân sự tại Lào. Trong năm 1964, không một toán "Leaping Lena" nào nữa được tung đi.
_____________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu MACV SOG", phần "Nhóm nghiên cứu và quan sát bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: ra đời, tổ chức và phát triển", tr. 146.

2. "Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ", 1961 - 1963: Việt Nam (Nhà in chính phủ, Washington DC, 1991) tập 4, tr. 699 - 700.

3, 4. “Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ", 1961-1963: Việt Nam (Nhà in Chính phủ. Washington DC, 1991), tr. 699-700, tr. 701.

5. FRUS. 1964 - l968: Việt Nam, tập 1, trang 867.

6, 7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân “Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần “Hoạt động quan biên giới tại Lào", tr. 4.

8. FRUS: 1964 - 1968: Việt Nam, tập 1 tr. 276.

9. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 6.

10. FRUS: 1964 - 1968: Việt Nam, tập 1, tr. 872.

11. Plaster, "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam", tr.13.

12, 13. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 6-7, 8.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Tư, 2008, 11:53:06 am

Mọi chuyện là ở chi tiết

Trong vòng 15 tháng sau, SOG không được vào Lào do các cuộc cãi cọ nội bộ vẫn tiếp diễn. Trong lúc đó, Hà Nội tăng cường sử dụng con đường. Hà Nội coi cuộc khủng khoảng 1963 ở miền Nam là một cơ hội vàng và khẩn trương tranh thủ cơ hội đó. Báo cáo tình báo khẳng định thực tế này, mô tả chiến lược xâm nhập miền Nam như "một nỗ lực được phối hợp và có kế hoạch chu đáo... biến miền Nam thành cuộc xâm lược quân sự ngầm". Báo cáo tình báo dự đoán: Hà Nội "sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quân chủ lực của Việt Cộng thông qua việc đưa cán bộ, chuyên gia quân sự, chính trị và nhân lực"1.

Tình hình xấu ở việt Nam năm 1964 đặt ra cho Johnson một câu hỏi hắc búa. Đó là năm bầu cử tổng thống và ông đã cam kết "không đưa thanh niên Mỹ đến một nơi xa 9 -10 ngàn dặm làm những việc mà thanh niên châu Á phải tự làm lấy"2. Sau khi đã khắc hoạ bản thân là có thái độ cứng rắn nhưng linh hoạt trong vấn đề quân sự để trội hơn so với Barry Goldwater, người được ông mô tả là cực đoan, Johnson gạt Lào sang một bên. Binh sĩ Hoa Kỳ sẽ không vi phạm Hiệp định Giơnevơ 1962 - SOG không được đụng chạm đến đường mòn Hồ Chí Minh.

Lệnh ngăn cấm nhân viên quân sự Mỹ hoạt động bên kia giới tuyến tại Lào và Campuchia được truyền đạt một cách rõ ràng khi trung tá Ray Call, cố vấn lực lượng đặc biệt, đến nhận nhiệm vụ tại Nhóm dân vệ (CIDG) - một hoạt động do CIA khởi xướng để ngăn chặn Việt Cộng thâm nhập khu vực biên giới Việt Nam, nơi cư trú của các nhóm người thiểu số. MACV tiếp nhận hoạt động này năm 1963. Sau này Call kể lại rằng vào năm 1964, "biên giới là nơi bất khả xâm phạm. Một lần tôi phải cho máy bay trực thăng hạ xuống và yêu cầu nhân viên của tôi ngừng việc truy đuổi theo đối phương vượt qua biên giới". Vì sau một lần đổ bộ xuống bên kia chiến tuyến, Call được triệu đến gặp Westmoreland để tường trình. Sau đó Call chỉ thị cho quân lính dưới quyền "tôi không muốn máy bay trực thăng hay bất cứ cái gì khác sang Lào hoặc Campuchia"3. Chiến tranh phải nhường bước cho chính trị của năm bầu cử.

Năm 1965, sau khi đánh bại Goldwater, Johnson tập trung vào Việt Nam và nhận thấy tình hình còn ảm đạm và tồi tệ hơn. Chính quyền Nam Việt Nam ở trong tình trạng hỗn loạn, các vị tướng tiếp tục gây đảo chính và Việt Cộng giải phóng thêm nhiều đất đai ở nông thôn. Ngày 7-2, Hà Nội khiêu khích Mỹ bằng cuộc tấn công lớn vào căn cứ không quân Mỹ Lai, Plâycu - 9 quân nhân Mỹ bị giết và 128 bị thương. Johnson rất ngạc nhiên. McBundy, cố vấn an ninh của tổng thống, đang ở miền Nam và bay ra ngay Plâycu để thị sát tình hình thực tế. David Halberstam kể lại rằng Bundy "thăm hỏi số bị thương và khung cảnh đó gây ấn tượng mạnh cho ông". Chiến tranh không còn là vấn đề địa chiến lược trừu tượng. Nhiều tuần sau, khi được hỏi, Bundy "nói hàng tràng: thanh niên đang bị giết tại doanh trại, chúng ta phải làm điều gì đó, chúng ta không thể bỏ qua; chúng ta phải bảo vệ người của chúng ta"4.

Lầu Năm Góc nhất trí, và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân kêu gọi dỡ bỏ ngăn cấm đối với hoạt động chống đường mòn Hồ Chí Minh. Cuối cùng họ được toại nguyện. Tháng 3-1965, chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu với mục đích ngăn chặn miền Bắc vận chuyển bộ đội và hàng hoá vào miền Nam bằng một chiến dịch ném bom. Các cuộc không kích nhằm vào đoạn đầu tiên của tuyến đường. Các tham mưu trưởng còn muốn làm gì đó với đoạn đường chạy ở lãnh thổ Lào.

Nhà Trắng chấp thuận, vào tháng Ba, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân được phép bắt đầu tiến hành hoạt động ngầm vượt qua giới tuyến sang Lào. SOG được giao nhiệm vụ đó. Khác với chiến dịch Leaping Lena, lần này nhân viên Mỹ sẽ lãnh đạo các toán thám báo. Kế hoạch của SOG "vạch ra 3 giai đoạn hoạt động từ các điệp vụ thu thập tình báo ngắn ngày đến dài ngày hơn và phát triển thành đợt công tác lâu dài với nhiệm vụ tạo dựng nguồn chống đối"5.

Đó là kế hoạch quá tham vọng và vấp phải sự phản đối của Bộ Ngoại giao. Mặc dù Lầu Năm Góc đã thuyết phục được Nhà Trắng dỡ bỏ lệnh cấm các hoạt động ở Lào, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và CIA vẫn phải thảo luận với nhau về những chi tiết cụ thể. Các cuộc tranh luận kéo dài về các toán thám báo, cách thức xâm nhập họ, họ được đi bao xa, và được thực hiện nhiệm vụ nào.

Vào lúc này, William Sulivan là đại sứ Mỹ tại Viêng Chăn, Lào. Tổng thống Kenedy đã có những bước củng cố quyền lực các đại sứ để đảm bảo họ phụ trách mọi vấn đề tại đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài. Tổng thống muốn thắng cương cho CIA và Lầu Năm Góc, buộc họ phụ thuộc vào đại sứ. Năm 1962, tất cả mọi đại sứ đều nhận được thông báo này6.

Dưới những chỉ dẫn trên, đại sứ có thể thực hiện quyền lực một cách thực sự. Sullivan, có biệt danh là một người "thích chi tiết" vì sự quan tâm tỷ mỷ ở hoạt động của SOG ở Lào. Sullivan là người thành thạo đấu tranh nội bộ và đã có thời gian "thực tập" dưới sự hướng dẫn của "sư phụ” Harriman. Nếu như Sullivan cảm thấy có điều gì đó liên quan, hoạt động của SOG tại Lào sẽ bị hạn chế: Hoa Kỳ phải tuân thủ theo Hiệp định Giơnevơ 1962.

Đầu năm 1965, tổng thống Johnson bổ nhiệm Harriman làm đại sứ lưu động phụ trách Đông Nam Á. Nhiệm vụ của ông gồm hai mặt: tạo ra sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Nam Việt Nam và thăm dò khả năng thúc đẩy đàm phán hoà bình với Hà Nội. Cả hai việc này đều bất thành dẫn đến việc Harriman mất lòng tin vào cuộc chiến tranh. Harriman ủng hộ Sullivan phản đối hoạt động của SOG tại Lào. Dẫu sao, đó là Hiệp định của ông và vị tân đại sứ lưu động phụ trách Đông Nam Á không muốn chiến tranh leo thang.

Cuối mùa xuân 1965, Don Blackburn thay Russell giữ chức vụ chỉ huy trưởng của SOG và ngay lập tức bị kẹt vào giữa cuộc chiến tranh trên. Ông nghĩ phải làm điều gì đó để "ngăn chặn dòng vận chuyển xuống phía Nam". Mặc dù có sự đồng ý của Westmoreland nhưng Blackburn nhận thấy công việc không được thúc đẩy đủ mạnh. Rõ ràng Westmoreland muốn ném bom con đường, nhưng ai là người chỉ ra mục tiêu? Phần lớn tuyến đường không thể nhìn thấy từ trên không- Blackburn quyết định đi Washington để vận động nới lỏng những quy định trong hoạt động của SOG, nhưng thất bại.

Những giới hạn áp đặt cho "Shining Brass" - mật danh của hoạt động chống đường mòn - cơ bản vẫn giữ nguyên. Sullivan nắm vai trò quyết định những gì các toán thám báo của SOG được hoặc không được làm ở Lào- Mối lo ngại của Sullivan vẫn vậy, "nhân viên quân sự Mỹ sẽ bị bắt trong các hoạt động này và được trưng bày như là những người vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơnevơ 1962"7. Các toán thám báo chỉ được xâm nhập vào Lào bằng đường bộ, việc xâm nhập bằng đường không bị cấm ngặt. Địa bàn hoạt động là khu vực sâu 5km và chỉ là một phần trong đường biên giới dài 200 dặm của Lào. Đó là địa bàn không rộng lớn gì khoảng chừng 50 dặm. Không quân Nam Việt Nam có thể đến tiếp tế hoặc sơ tán toán thám báo. Các mục tiêu do SOG xác định và được đại sứ quán ở Viêng Chăn duyệt cho ném bom nhưng chỉ các máy bay của Mỹ ở Thái Lan mới được thực hiện phi vụ8. Không có giới hạn chính thức về số lượng phi vụ thực hiện trong một tháng, nhưng mọi đề nghị phải qua Viêng Chăn. Do đó "Nguyên soái chiến trường", biệt danh của Sullivan, có quyền phủ quyết trên thực tế.

Những quy định nói trên được hoàn chỉnh vào tháng Chín và chúng chẳng dễ dàng gì cho Bull Simon, người được Blackburn chọn để tổ chức một phòng mới của SOG - OP35. Đầu mùa hè 1965, Simon nhận được một cú điện thoại của Blackburn. Ông muốn có ai đó điều hành hoạt động ngầm ở Lào. Simon được biết mục đích của các hoạt động này là ngăn chặn luồng giao thông trên đường mòn Hồ Chí Minh- Simon phải bắt tay làm mọi việc từ đầu. Tuy nhiên đó mới chỉ là nửa công việc, Simon không biết Sullivan cho tới sau khi đã ở Sài Gòn.
________________________________
1. FRUS, 1964 - 1968: Việt Nam, tập 1, tr. 872.

2. Trích trong Karnow, "Việt Nam: một lịch sử", tr. 395.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 8-9.

4. Hallberstam, "Những người xuất sắc và thông minh nhất", tr. 512.

5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào": tr. 10.

6. Trích trong Newman, "JFK và Việt Nam", tr. 95.

7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG” phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 12.

8. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1966, Phụ lục M, tr. 97.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Tư, 2008, 12:04:32 pm

BULL SIMON BẮT TAY VÀO VIỆC:
TỔ CHỨC VUỢT QUA GIỚI TUYẾN

Mỗi khi Lầu Năm Góc có nhiệm vụ bất khả thi đòi hỏi những biện pháp khác thường, đại tá Arthur D.Simon lại được triệu tập. Một số hoạt động "không thể tin được" cho đến ngày nay vẫn còn giữ bí mật. Tuy nhiên có một hoạt động nổi tiếng cho thấy ông được giao loại công việc nào trong sự nghiệp của mình. Năm 1970, ông lựa chọn và huấn luyện 56 người bay 400 dặm từ Thái Lan đến một vị trí cách Hà Nội 20 dặm về phía Tây Bắc để cứu tù binh chiến tranh của Mỹ. Khi những người tập kích đến nơi lúc hai giờ sáng ngày 21-11, họ phát hiện tù binh ở trại Sơn Tây đã bị di chuyển. Tuy nhiên đây là một điệp vụ đặc biệt và được thực hiện gần như hoàn hảo. Những người tập kích khống chế tình hình, rút lui có trật tự và chỉ bị thương hai người. Nếu tù binh còn ở đó, Simon đã đưa được họ về nhà. Sơn Tây là dạng công việc dành cho ông. Simon tin rằng "công việc càng bất khả thi bao nhiêu, bạn càng có thể chắc chắn thực hiện được bấy nhiêu”1.

Blackburn biết rằng Simon là người hoàn hảo cho công việc mới. Đây không phải là lần đầu tiên Blackburn cần sự giúp đỡ của Simon. Theo lời Ray Call: Mỗi khi có một công việc khó khăn và "muốn hoàn thành công việc khó khăn đó, người đầu tiên mà Blackburn gọi đến là Bull Simon". Những người biết Simon đều thấy ông “thông minh, biết cách chỉ huy và được tôn trọng. Ông không biết sợ, không hèn nhát... Ông không có bất kỳ bận tâm gì, rất cương quyết và thẳng thắn bất kể với lính mới hay cấp trên. Ông nói đúng sự vật như nó vốn có và giành được sự kính trọng. Cấp trên của ông, nếu muốn thực hiện công việc nào đó, thường yêu cầu Simon tham gia công việc lãnh đạo"2.

Bull Simon là sự lựa chọn rõ ràng, nhưng khi Blackburn gửi yêu cầu lên cấp trên câu trả lời là "không". Quân đội không nghĩ rằng Simon đủ tiêu chuẩn. Tướng Westmoreland đã quy định rằng tất cả đại tá công tác tại sở chỉ huy của MACV đều phải tốt nghiệp một trường quân sự nào đó và có thể xem xét phong lên cấp tướng.

Simon chưa qua học viện quân sự; ông quá bận bịu thực hiện các nhiệm vụ khác thường và tuyệt mật. Ngay cả nếu có thời gian ông cũng không được trường tuyển chọn. Mặc dầu ông đủ năng lực làm chỉ huy, Simon chỉ là sĩ quan dự bị, người lựa chọn sự nghiệp tách rời quá xa khỏi dòng quân đội chính thống. Ông có kinh nghiệm chiến đấu đặc biệt trong chiến tranh thế giới thứ hai, hoạt động lâu năm trong lực lượng đặc biệt và có kiến thức thực tế về Lào qua việc khi huấn luyện bộ tộc thiểu số chống lại quân đội miền Bắc đầu những năm 1960. Nhưng ông chưa qua trường lớp, vì vậy không phù hợp với công việc. Blackburn giận dữ, điều đó thật nực cười. Nhưng cá nhân ông thừa hiểu quân đội nghĩ gì về nhân viên chiến tranh đặc biệt. Bản thân Blackburn không được nâng cấp hàm trong 20 năm. Vốn là đại tá trẻ nhất sau thế chiến thứ hai, nhưng vào năm 1965, không ai trong lứa của ông còn giữ cấp hàm đó nữa.

Trên thực tế, không ai trong quân đội có tiêu chuẩn tốt hơn để tổ chức và chỉ huy hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh so với Simon. Blackburn làm mọi việc để kéo Simon về với mình, kể cả "tờ trình đặc biệt về trường hợp ngoại lệ trái với chính sách của Westmoreland”3.

Một khi ở Việt Nam, Simon không cần nhiều thời gian để hình dung rằng công việc của mình rất khó khăn. Đối phương đã đi trước mở đường cách đó hai năm. Ray Call, phó của Simon, cho rằng Hà Nội đã tranh thủ sự lưỡng lự của Hoa Kỳ. "Trong thời gian sau khi tôi về nước, từ 1964 -1965, con đường được xây dựng khá nhanh... Họ bắt đầu sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh ráo riết hơn. Bạn có thể nhìn thấy những đoạn họ dùng máy húc để mở đường vượt đèo và xây cầu. Phần lớn con đường nằm dưới rừng rậm, nhưng một số đoạn thì không. Con đường lấn khá sâu sang Lào”4.

Việc miền Bắc mở rộng con đường tạo ra vô số mục tiêu cho các toán OP35 chỉ điểm để không kích. Hơn nữa, vì miền Bắc đã sử dụng tự do trong thời gian gần hai năm, trên nhiều quãng đường họ hoạt động công khai. Điều đó làm cho họ dễ bị tổn thương. Nhưng việc có nhiều mục tiêu không hoàn toàn là điều hay, Ray Call nhận xét: "Họ chở quá nhiều thứ trên tuyến đường, vượt quá khả năng phá huỷ của các vụ không kích do các toán thám báo chỉ điểm. Chúng tôi càng phá, họ càng vận chuyển nhiều hơn. Có lẽ những gì chúng tôi cần phá huỷ là nguồn cung cấp viện trợ như Trung Quốc hoặc Liên Xô chẳng hạn. Một khi họ đã dỡ hàng, chúng tôi có một số lượng không hạn chế những mục tiêu không kích. Vấn đề là ở chỗ bạn muốn để bao nhiêu toán chấp nhận rủi ro"5.



Thành lập các toán All Star - các ngôi sao

Chỉ thị đầu tiên của Simon là chọn ra một nhóm chuyên gia để vạch kế hoạch và thực hiện điệp vụ chống phá đường mòn. Lúc này, ông có thể lấy được những nhân viên chất lượng hơn so với thời điểm hình thành SOG. Simon bắt đầu từ trung tá Ray Call, một chuyên gia về chiến tranh không quy ước. Simon cần ai đó vạch kế hoạch, thành lập trung tâm chỉ huy kiểm soát ở Đà Nẵng và cùng đi với các toán Shining Brass đến thực địa. Ray Call có quá trình công tác đúng như yêu cầu công việc. Ông.tham gia nhóm lực lượng đặc biệt 77 năm 1959 và được điều sang Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và hai năm chiến đấu ở Triều Tiên... "vì vậy, với hai cuộc chiến đằng sau, tôi nghĩ đã đến lúc phải làm điều gì đó thú vị hơn các đơn vị bộ binh”. Câu trả lời là lực lượng đặc biệt. Năm 1960, Call đưa một đội từ nhóm 77 đến Việt Nam để huấn luyện các đội đặc nhiệm người Việt Nam. Sau đó ông đến trường ngoại ngữ để "học tiếng Lào". Call dự kiến sẽ tham gia một trong những "toán White star ở Lào” của Simon. Với việc ký kết hiệp định Giơnevơ 1962, Call không bao giờ phải dùng tiếng Lào nữa6.

Năm 1964, Call quay lại Việt Nam làm việc "an ninh biên giới... người Bắc Việt Nam đang tiến xuống qua biên giới Lào... rồi vào Việt Nam ở một số vị trí chiến lược. Phần lớn các vị trí này thuộc vùng III (nằm bên dưới cao nguyên, ngay phía nam Sài Gòn) nơi tôi đang làm việc. Tôi có 12 hoặc 13 đồn biên giới". Các đơn vị của Call là một phần của chương trình Dân vệ. Binh lính của các nhóm này là "tạp pí lù từ người Thượng, người Nùng đến người ở đồng bằng"7. Call có được kinh nghiệm làm việc với người dân tộc Việt Nam từ các hoạt động thám báo này.

Call đến làm việc cho Blackburn tại Chi nhánh chiến tranh đặc biệt của Bộ chỉ huy phát triển chiến đấu của lục quân. Đây chính là nơi mà Call được chọn cử đến SOG. Call nhận được thư của tướng Westmoreland cám ơn "đã tình nguyện quay trở lại Việt Nam". Call "không biết gì về việc này" - Blackburn đề cử ông cho OP358. Ông là sự lựa chọn đúng đắn cho việc vạch kế hoạch hoạt động thám báo và thành lập trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở Đà Nẵng.

Đà Nẵng cách biên giới Lào khoảng 50 dặm. Chỉ thị thứ hai vào mùa thu 1965 là thiết lập địa điểm tập kết hoặc căn cứ hoạt động tiền tiêu (FOB) cho các toán thám báo. Simon và Call chọn một trại giám sát biên giới của lực lượng đặc biệt ở Khâm Đức, chỉ cách Lào có 10 dặm. Để chỉ huy trại, họ chọn thiếu tá Charlie Norton, một "nguyên mẫu” của lực lượng đặc biệt từ những năm 1950 mà sự nghiệp đầy những công việc đặc biệt ở châu Âu, châu Á và ở Fort Bragg. Blackburn lôi Norton vào công việc này. Norton giải thích: "khi tôi đến (Việt Nam), tôi mới công tác được một ngày tại bộ phận huấn luyện của MACV. Khi Blackburn phát hiện ra điều này, ông đảo lộn mọi thứ và đưa tôi về SOG"9. Simon cũng biết Norton vì cùng làm việc với nhau ở Trung tâm chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg.

_____________________________________
1. Trích trong Schemer, “Cuộc tập kích", tr. 80.

2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymalld Call, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 26, 28.

3. Schemer, "Cuộc tập kích", tr. 48.

4. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Rayman Call, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 9- 10.

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Rayman Call, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 25.

6, 7, 8. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Rayman Call, Sđd, tr. 6.

9. (Phỏng vấn lịch sử với trung tá Rayman Call, Sđd, tr.36.)


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Tư, 2008, 12:13:06 pm

Simon đã có người chỉ huy FOB - căn cứ hoạt động tiền tiêu và bắt đầu tìm kiếm một nhân viên điều hành tại Khâm Đức. Ông cần những người biết cách hoạt động sau lưng đối phương - một tay có kinh nghiệm đã từng làm thực tiễn, hiểu những gì liên quan và có thể chuẩn bị cho các toán thâm nhập vào Lào và hoạt động chống đường mòn. Họ chọn đại uý Larry Thorne.

Quá trình công tác của Thorne như một cuốn tiểu thuyết. Sinh ở Phần Lan năm 1919, ông gia nhập quân đội Phần Lan năm 1938 và, trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, tiến hành hoạt động không quy ước chống quân đội Xô viết. Sau khi phát xít chiếm đóng Ba Lan năm 1939, Stalin bắt đầu giải quyết mối lo ngại về an ninh ở vùng Ban tích. Các Hiệp ước phòng thủ được ký với Latvia, Estonia, Litva và ngay sau đó Hồng quân được bố trí tại các nước này. Stalin muốn ký một hiệp ước tương tự với Phần Lan và có kế hoạch chiếm đóng vùng phía Nam Phần Lan. Người Phần Lan không chịu, từ chối ký hiệp ước và huy động lực lượng bảo vệ biên giới.

Ngày 30-11-1939, một triệu Hồng quân tấn công. Phần Lan cố thủ với 300.000 quân, một nửa trong số đó là lực lượng dự bị. Người Phần Lan đã thực hiện xuất sắc việc phòng thủ. Phải cần đến 54 trung đoàn đè bẹp họ và ngày 12-3-1940, Phần Lan thất thủ. 25.000 người Phần Lan bị chết và thương vong, của Hồng quân gấp khoảng 10-20 lần số đó.

Larry Thorne chiến đấu trong cuộc chiến tranh 1939 - 1940 và tiếp tục chiến đấu du kích sau khi chiến tranh kết thúc. Đức xâm lược Liên Xô tháng 6-1941 và Phần Lan liên minh với Béclin. Thorne tiếp tục chiến đấu và thành tích của ông trở nên huyền thoại. Ví dụ, năm 1940 ông đưa một đội biệt kích thọc sâu vào hậu phương thiêu huỷ đoàn vận tải 300 người của Hồng quân mà không mất một người. Còn có nhiều vụ tấn công tương tự trong vùng hậu phương của Hồng quân. Tháng 9-1944, Phần Lan đầu hàng Liên Xô nhưng Thorne thì không - Thorne đi theo người Đức, theo học tại trường chiến tranh du kích và cùng chiến đấu với lính thuỷ cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Người Liên Xô muốn xử lý Thorne và buộc chính phủ Phần Lan phải giao nộp Thorne với tư cách là kẻ đồng loã với Đức trong thời gian chiến tranh. Họ có kế hoạch đưa Thorne về Moscow và xét xử về tội phạm chiến tranh. Thorne có kế hoạch khác: chạy trốn sang Hoa Kỳ và, với sự giúp đỡ của Bill Donovan, trở thành công dân Mỹ. Người đứng đầu OSS - Donovan - biết chiến tích của Thorne và hình dung chiến tranh cũng không khác gì việc kinh doanh ở Wall Street. Bạn sẵn sàng cho hai khả năng bằng việc đầu tư cho tương lai. Nước Mỹ cần những người "tài năng” như Larry Thorne trong những năm tới.

Donavan giúp Thorne gia nhập quân đội Mỹ. Không mấy ngạc nhiên khi Thorne được cử đến nhóm lực lượng đặc nhiệm 77 và 1956 được thăng cấp trung uý. Với số lượng cố vấn gia tăng ở Việt Nam, Thorne được cử chỉ huy một đội lực lượng đặc biệt. Thorne đúng là mẫu người mà Bull Simon hình dungn trong đầu khi chọn sĩ quan điều hành tại Khâm Đức.

Cuối cùng là nhân viên khác thuộc lực lượng đặc biệt - những người sẽ lãnh đạo các toán thám báo "vượt qua giới tuyến". Từ cuối 1965 cho đến khi chấm dứt dính líu vào chiến tranh Việt Nam, họ cùng chiến đấu với người Nam Việt Nam tại Lào và Cam pu chia. Khó có thể tìm ra một nhóm người chịu đựng và dũng cảm hơn họ. Nhiều người được tặng huy chương danh dự. Thời gian trôi đi và điệp vụ thám báo càng trở nên nguy hiểm. Trong các toán thám báo của OP35, "Huân chương trái tim hồng (được tặng cho người bị thương trong chiến đấu) được trao tặng với tỉ lệ cao nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia trong thế kỷ này"1. Đó là giá phải trả khi phải đương đầu với quân đội miền Bắc.

Người nổi bật nhất trong số đó là trung sĩ Dick Meadows. Ngày 6-6-1997, một tượng đài được dựng lên tại Ford Bragg để ghi nhận công lao của Meadows. Buổi lễ có sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng nhất trong lực lượng đặc biệt của chiến tranh lạnh, trong đó có những người cùng công tác với Meadows tại SOG.

Meadows sinh ra trong một căn hộ bụi bặm ở Virginia và đã khai tăng tuổi để gia nhập quân đội năm 1947. Là một lính dù, Meadows có những thành tích xuất sắc trong chiến tranh Triều Tiên. Năm 1953, công tác tại nhóm đặc biệt số 10 và ở lại với lực lượng đặc biệt cho đến cuối đời.

Đầu những năm 1960, Meadows tham gia đề án White Star của Simon ở Lào huấn luyện bộ tộc Kha chống lại bộ đội Bắc Việt Nam và Pathet Lào. Năm 1966, Meadows được chọn cử đến nhận nhiệm vụ mới tại SOG. Meadows đúng là loại lãnh đạo toán thám báo mà Simon đang tìm kiếm. Hai năm sau đó, Meadows lãnh đạo các toán thám báo người Nùng gốc Trung Quốc luồn sâu qua biên giới tại Lào và miền Bắc. Những thành tích của Meadows thật đáng nể. Ví dụ, Meadows quay phim cảnh bộ đội chủ lực miền Bắc hành quân dọc tuyến đường, cung cấp chứng cứ rõ ràng về sự dính líu của miền Bắc tại Lào. Meadows trực tiếp báo cáo tướng Westmoreland và cho ông "xem phim". Meadows cũng chứng minh được Liên Xô trang bị pháo cho quân đội miền Bắc khi đang chỉ huy một toán thám báo tại vùng trú chân của bộ đội miền Bắc. Họ đã chụp ảnh và mang về những bức ảnh của pháo Liên Xô. Meadows cũng là người giữ kỷ lục về số lượng tù binh bắt giữ và đưa về căn cứ.

Trong khi Meadows là trường hợp đáng chú ý nhất, SOG thu hút được nhiều nhân viên xuất sắc và dày dạn của lực lượng đặc biệt. Simon lôi kéo họ đến SOG. Trong vòng năm năm, những con người này gây cho Hà Nội nhiều tổn thất.

Các toán thám báo của SOG thường bao gồm 3 nhân viên Mỹ, 9 lính người dân tộc. Ở giai đoạn đầu số người này là người Nùng gốc Hoa, những người di cư từ Trung Quốc xuống Việt Nam vài thập kỷ trước. Đầu tiên họ định cư ở dọc theo vùng núi đông bắc và biên giới Việt - Trung cách Hà Nội khoảng 120 dặm2. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, người Pháp đã tuyển mộ họ và một số người dân tộc khác. Số này ở trong các đơn vị chống du kích do Pháp lãnh đạo. Phần lớn số dân tộc ít người không có thiện cảm đối với số người đa số. Những người dân tộc thiểu số ở miền Bắc cũng vậy. Họ có thái độ thù địch với người Kinh3.

Sau khi Pháp thất bại năm 1954, rất nhiều người Nùng di cư vào Nam. Họ là đối tượng lý tưởng cho các toán thám báo của SOG và sẵn sàng làm việc đó. Điều nực cười là chính phủ miền Nam lại coi họ không đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội Việt Nam cộng hoà. Ray Call có cách nhìn khác. Ông tin là số người Nùng gốc Hoa này "là những chiến binh tốt hơn nhiều so với một người lính người Việt trung bình... Họ là chiến binh tốt". Khi đến SOG, Call tuyển lựa số này và họ chiếm "đa số trong các toán thám báo"4.

Khi Shining Brass được mở rộng, người Thượng được tuyển lựa cho các toán thám báo mới. Họ là dân tộc thiểu số lớn nhất ở miền Nam, sống chủ yếu ở vùng Tây Nguyên5. Cũng như người Nùng, người Pháp đã lợi dụng sự nghi ngại của người Thượng đối với người Kinh. Đây chính là chiến thuật chia để trị cổ điển. Pháp đã tìm cách khoét sâu ngăn cách giữa người Thượng và người Kinh.

Khi chính quyền Kenedy mở rộng sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam, Tây Nguyên trở nên khu vực cực kỳ quan trọng. Đó là vùng thiết yếu của Việt Cộng, qua đó họ có thể chuyển quân và hàng tiếp tế. Việt Cộng đã rất cố gắng thuyết phục người Thượng đi theo sự nghiệp của mình nhưng không mấy thành công6. Hoa Kỳ đầu tiên tuyển mộ người Thượng cho chương trình chống bạo loạn 1961. CIA sử dụng họ để thu tin tình báo và phòng vệ chống việc cộng sản khống chế Tây Nguyên, hoạt động sau này trở thành chương trình phòng vệ dân sự.

Không có gì ngạc nhiên khi sếp của SOG Jack Singlaub được MACV chỉ thị gia tăng hoạt động ngầm chống lại đường mòn, ông tìm đến người Thượng.


Tổ chức của OP35

OP35 chủ yếu là một tổ chức gắn thực địa với một sở chỉ huy nhỏ ở Sài Gòn. Bộ phận phối thuộc chỉ huy - kiểm soát được đặt tại Đà Nẵng có nhiệm vụ "giám sát các căn cứ hoạt động tiền tiêu - FOB - chuẩn bị thực hiện các điệp vụ phối hợp với các bộ phận hỗ trợ, phối hợp thông tin, hành chính và hỗ trợ hậu cần cho FOB”7. Để thực thi điệp vụ các toán biệt kích được xuất phát từ FOB - căn cứ hoạt động tiền tiêu gần biên giới Lào đầu tiên là ở Khâm Đức. Vào cuối 1965, năm toán thám báo: Iowa, Alaska, Idaho, Kansas và Dakota, được giao cho căn cứ này.

Các toán thám báo chỉ được xâm nhập vào Lào bằng đường bộ và bị hạn chế trong việc có được vượt qua giới tuyến hay không. Biên với Lào - Việt từ khu phi quân sự đến biên giới Campuchia dài khoảng 200 dặm. Nhưng vào năm 1965, các toán thám báo chỉ được phép vượt qua giới tuyến ở một đoạn của đường biên giới cách khu phi quân sự 50 dặm về phía nam. Điều này cho thấy rõ ràng mức độ Bill Sullivan có thể tác động đến hoạt động ngầm chống lại đường mòn. Những giới hạn của Sullivan trở nên quá mức đối với Simon, nhất là sau khi Sullivan thành công trong việc ngăn cản không cho các toán thám báo vào sâu quá 5km sang đất Lào năm 1966.

Do những kết quả của OP35 năm 1966, Washingrton chỉ thị SOG tăng số điệp vụ và mở rộng hoạt động trên toàn tuyến biên giới 200 dặm. Nhưng hạn chế chiều sâu vẫn được duy trì. Simon phải tăng số toán thám báo từ 5 đến 20 và bổ sung một số đại đội phản ứng nhanh cho OP35. Nhiệm vụ của các đại đội này là tấn công các mục tiêu được các toán thám báo chỉ điểm. Căn cứ hoạt động tiền tiêu thứ hai được lập tại Kontum, còn căn cứ Khâm Đức được chuyển về Phú Bài, ngay cạnh Huế. Từ đây, các toán thám báo của SOG có thể xâm nhập mục tiêu ở Lào từ vĩ tuyến 17 đến thung lũng Asầu, tức là khoảng một nửa chiều dài biên giới. Nửa còn lại sẽ do căn cứ mới tại Kontum, Tây Nguyên đảm nhiệm 8.

Hai bộ phận phối thuộc nữa là Trung tâm chỉ huy và kiểm soát miền Trung - CCC - ở Kontum và Trung tâm chỉ huy kiểm soát phía Nam - CCS - ở Ban-mê-thuật được bổ sung cho OP35 năm 1967 phản ánh yêu cầu gia tăng hoạt động ngầm chống lại đường mòn Hồ Chí Minh của MACV. Mỗi một bộ phận phối thuộc phụ trách hai căn cứ hoạt động tiền tiêu. Trung tâm phía Bắc - CCN phụ trách khu vực từ vĩ tuyến 17 đến thung lũng Asầu, còn Trung tâm miền Trung - CCC - phụ trách phần còn lại của Lào. Trung tâm phía Nam, được chuyển giao cho OP35 năm 1967, phụ trách Campuchia9.

Trong vòng hai năm, tổ chức manh nha do Bull Simon thành lập đã phát triển nhanh chóng. Ba bộ phận phối thuộc có đến 110 sĩ quan và 615 nhân viên nghĩa vụ10. Hồ sơ không nói đến số lượng người địa phương phục vụ trong từng bộ phận phối thuộc, nhưng con số cũng khá lớn. Vì để đảm bảo cho mỗi bộ phận phối thuộc có được 30 toán, phải cần đến 800 người Nùng, Thượng và dân tộc thiểu số khác. Cộng với 6 đại đội phản ứng nhanh và 3 đại đội an ninh, số nhân viên người địa phương chắc chắn đạt đến hàng nghìn. Số lượng đông đảo này đặt ra yêu cầu phải xây dựng một cơ sở đào tạo hoàn chỉnh để chuẩn bị cho họ tham gia hoạt động ngầm11.
_________________________________________
1. Plaster, "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam”. tr. 339.

2. Người Nùng mang đặc trưng cấu trúc xã hội truyền thống của bộ tộc miền núi. Họ có cấu trúc gia đình dòng tộc rất chặt chẽ và cùng sinh sống trong một phạm vi địa lý nhất định.

3. Kevin, "Lực lượng dân sự ở Việt Nam , tr. 445.

4. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 20.

5. Người Thượng bao gồm nhiều bộ tộc khác nhau như Sarai, Rhade, Sedang... Mỗi một tộc có lãnh địa sinh sống riêng.

6. Trích trong Damial S.Roger, "Người Thượng và người H'mông, những'chiến binh ở Đông Dương", luận văn thạc sĩ của trường Fletcher, 1997.

7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG” phụ lục D, phần "Nhóm nghiên cứu và quan sát hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 213.

8. Các FOB được giao nhiệm vụ hỗ trợ hành chính, tiến hành huấn luyện, chuẩn bị, xâm nhập, đưa về các toán thám báo và đơn vị hỗ trợ.

9. Theo tài liệu của SOG, các đơn vị phối thuộc được tổ chức theo mô hình tiểu đoàn bao gồm sở chỉ huy, một đại đội thám báo, hai đại đội hỗ trợ, và một đại đội an ninh (bảo vệ). Sau đội thám báo có 30 toán, mỗi toán có 3 cố vấn Mỹ và 9 toán viên người địa phương. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 311, 211, 212.

10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 211 - 212.

11. OP35 thành lập chương trình huấn luyện thám báo ở Long Thành. Theo hồ sơ, "Khi kiến nghị hoạt động qua biên giới được thông qua, kỹ thuật huấn luyện được vạch ra và trại Long Thành được sửa đổi cho phù họp với tính chất huấn luyện thám báo và lực lượng hỗ trợ”, khóa học hai tháng bao gồm: hành tiến trong vùng hậu phương đối phương, qua vùng rậm, sử dụng máy vô tuyến. Như trên, tr. 112.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Tư, 2008, 12:19:35 pm

Các điệp vụ chống phá đường mòn

Một khi nhận được sự chấp thuận cho bắt đầu các hoạt động qua giới tuyến, nhiệm vụ mới này của SOG phản ánh những kế hoạch mà Blackburn có trong đầu. Blackburn muốn tạo ra bản sao của đề án White Star rất thành công của Simon.

Bản kế hoạch đầu tiên của Blackburn đề ra một chương trình ba giai đoạn. Thứ nhất các toán thám báo được đưa vào Lào để tìm kiếm căn cứ, doanh trại, và kho hàng của quân đội Bắc Việt Nam. Khi đã phát hiện, các mục tiêu này sẽ bị không kích. Giai đoạn hai liên quan đến việc triển khai lực lượng quy mô đại đội qua biên giới để tập kích các cơ sở của quân đội Bắc Việt Nam do các đơn vị thám báo phát hiện. Cuối cùng, người thiểu số ở địa bàn xung quanh đường mòn sẽ được tuyển lựa và trở thành hạt nhân chống đối cho các hoạt động dài hơi chống quân đội miền Bắc1. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng.

Giai đoạn ba là sự lặp lại của đề án White Star có mục đích chính là huấn luyện dân tộc Kha chống lại Pathet Lào bằng chiến thuật du kích. White Star có kết quả. Theo Blackburn "Chúng tôi chiếm cao nguyên Bolovens cho đến Hiệp định Giơnevơ 1962. Trong đề án White Star chúng tôi đã nhét cái nút vào cổ chai và đó là lợi thế của chúng ta”2. Cao nguyên Bolovens là "vùng cổ chai của tuyến đường di chuyển Bắc - Nam ở Lào", Blackburn giải thích. "Lúc bấy giờ Pathet Lào kiểm soát Bolovens. Bull Simon triển khai một chiến dịch đẩy Pathet Lào ra khỏi cao nguyên"3. Nếu đã một lần mang lại kết quả, tại sao không thử lần nữa?

Blackburn dự định "nhét nút chai vào cổ chai" và cắt đứt bộ đội Bắc Việt Nam tại Lào. Kế hoạch của Blackburn là "chuyển xuống phía sông Sê Công - cao nguyên Bolovens ở phía tây sông Sê Công. Khi bàn việc mở rộng đến sông Sê Công, chúng tôi phải làm việc với người Kha ở đó để ngăn cản việc Bắc Việt Nam ép buộc họ lao động hoặc làm việc khác trên đường mòn. Như vậy, đó là cách ngăn không cho đối phương kiểm soát họ. Khi làm được điều đó, sẽ là lúc chuyển hoá họ thành phần tử du kích"4. SOG sẽ quay ngược kim đồng hồ để trở về với thời hoàng kim của White Star.

Kế hoạch tổng thể của Blackburn chỉ còn một vấn đề: Sự chấp thuận của đại sứ Sullivan. Bản kế hoạch ba giai đoạn của Blackburn chết ngay tại Viêng Chăn. Sullivan phản đối bất kỳ vai trò nào của SOG tại Lào. Sau khi Blackburn nhận được sự chuẩn y cho hoạt động chống phá đường mòn, vị đại sứ đã thực hiện thành công cuộc chiến phòng ngự bằng việc đề ra càng nhiều hạn chế đối với hoạt động của SOG càng tốt. Ông không thể chấp thuận chương trình ba giai đoạn. Theo Blackburn "đại sứ Sullivan không ngả theo bản kế hoạch" và ngăn chặn nó5. Đây không phải là lần cuối cùng Sullivan có hành động như vậy với SOG.

Trách nhiệm của Ray Call, sếp phó của OP35, là thực hiện giai đoạn một của Blackburn "chúng tôi không đi chiến đấu… chúng tôi có mặt ở đó để tìm kiếm mục tiêu và gọi máy bay đến không kích"6. Khi Call đến SOG mùa thu 1965, phần còn lại của kế hoạch tổng thể của Blackburn đã trở thành dĩ vãng. Call nhớ lại "trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi không được giao cho tiến hành bất cứ nội dung gì (của kế hoạch Blacburn)... không có mục tiêu dài hạn mà chúng tôi phải đạt tới. Những gì chúng tôi được chỉ thị là ngăn chặn con đường Hồ Chí Minh bằng biện pháp thám báo và xác định mục tiêu cho không kích. Không có bất kỳ ý định nào cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tổ chức chống đối"7.

Việc xem xét chiến dịch Shining Brass cho thấy nhiệm vụ chủ yếu vẫn là ngăn chặn đường mòn bằng các toán thám báo xác định mục tiêu cho không kích. Tuy có thêm một số nhiệm vụ khác: bắt cóc bộ đội đối phương - được gọi là "chộp" trong ngôn ngữ của SOG. Mặc dù việc bắt giữ là rất khó, các tù binh có thể cung cấp tin tức tình báo cập nhật quý giá, ví dụ như ý đồ của một đơn vị cụ thể.

Các toán thám báo còn tiến hành đánh giá thiệt hại sau các vụ B52 rải bom ở Lào. Họ chụp ảnh và đếm số binh sĩ của đối phương bị chết. Các toán còn nghe trộm điện thoại, ghi âm các cuộc điện đàm, chủ yếu là từ trung tâm chỉ huy tới các đơn vị chiến đấu.

Đến tháng 6-1967, theo chỉ thị của McNamara, một đề án mang tên Mussel Shoals được khởi xướng. Đề án này liên quan tới việc sử dụng các thiết bị cảm ứng để giám sát sự di chuyển của đối phương ở vùng rừng rậm. Ở Lào, việc ứng dụng biện pháp kỹ thuật điện tử này là nhằm cắt đứt luồng giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Đề án này triển khai hàng nghìn đầu cảm ứng điện tử và trung tâm điều hành được vi tính hoá ở Nakhon Phanom, Thái Lan. Khi phát hiện được sự di chuyển, thông tin đó được chuyển cho không quân để tiến hành oanh tạc. Các đầu cảm ứng được triển khai chủ yếu bằng máy bay, một số ít do các toán thám báo của SOG trực tiếp mang đi.

Các toán biệt kích cũng được sử dụng để cứu nhân viên Mỹ đang chạy trốn hoặc đã bị bắt làm tù binh. Tháng 9-1966, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành lập Trung tâm giải cứu nhân viên hỗn hợp (JPRC) tại SOG. Hoạt động này có hai dạng "dạng tập kích vào các vị trí trại giam hoặc nghi có trại giam giữ tù binh chiến tranh"; và "tìm kiếm khu vực đã biết hoặc nghi là nơi nhân viên Mỹ đang trốn chạy hoặc trốn trại8.  Những hoạt động này có tên "Bright Light".

Ngoài các toán thám báo, OP35 thành lập các đại đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ chặn phá đường, phục kích và tập kích, ứng cứu các toán thám báo, phá huỷ kho bãi.
______________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Nhóm nghiên cứu và quan sát hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 11.

2, 3. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, "MACVSOG, phỏng vấn lịch sử với chỉ huy của SOG", tr.16 - 17, 35.

4, 5. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, Sđd, tr. 17, 18.

6, 7. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr.10, 13, 21.

8.  MACV SOG, "Lịch sử chỉ huy 1966", phụ lục M, tr.104 - 105.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 12:16:02 pm
Hệ thống chỉ huy và "Nguyên soái chiến trường"

Các thủ tục và quy trình phê chuẩn điệp vụ của OP35 cũng tương tự như các bộ phận khác của SOG. Vì thế, hàng tháng OP35 chuẩn bị danh mục điệp vụ cho 30 ngày. Bản danh mục được gửi đến Westmoreland và sau đó là Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Sau đó, nó được gửi tới văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt (SACSA) ở Lầu Năm Góc, nơi trình tiếp danh mục lên Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, CIA và Nhà Trắng. Ngay sau khi danh mục điệp vụ được phê chuẩn, quá trình giám sát chưa chấm dứt. Một quá trình tương tự được lặp lại khi thực hiện từng điệp vụ. Ngoài quy trình đã hết sức rối rắm này, đề án Shining Brass còn gặp phải một trở ngại nữa: phải có ý kiến nhất trí của đại sứ Mỹ ở Viêng Chăn, điều hoá ra là bước khó khăn nhất trong tiến trình phê duyệt. Ví dụ, Blackburn phải mất gần một năm đấu tranh để có thể mở rộng Shining Brass ra toàn bộ đường biên giới của Lào.

Nếu cái khó nằm ở chi tiết thì Sullivan là bậc thầy của trò chơi này, như đánh giá của ba sếp của SOG. Những gì "Sullivan muốn làm để hạn chế chúng tôi là giam các toán thám báo vào hai ô nhỏ", Don Blackburn, sếp của SOG 1965, nhớ lại. "Tôi không hiểu tại sao ông ta chỉ cho chúng tôi chỗ này một ô 20 dặm x 5 dặm chỗ kia một ô 25 dặm x 5 dặm, tôi không bao giờ hiểu điều đó"1.

Jack Singlauh, người thay thế Blackburn 1966, cũng phàn nàn về Sullivan. "ông ta khăng khăng cho rằng mình kiểm soát mọi thứ ở phía bên kia biên giới, kể cả hoạt động Shining Brass. Dĩ nhiên, đường biên giới vẫn chưa được phân định rõ ràng". Tuy nhiên, nếu Sullivan cảm thấy hoạt động của SOG vi phạm các hạn chế, "ông ta sẽ làm ầm lên là tôi đang hoạt động ngoài sự kiểm soát, và xâm nhập vào vùng lãnh thổ không được phép. Ông ta thổi phồng vấn đề và buộc tội chúng tôi cố tình vi phạm quy định". Singlauh gặp "đại sứ Sullivan ít nhất một tháng một lần. Đôi khi có vấn đề nào đó, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Thường là, tướng Westmoreland cùng dự". Singlaub nhớ lại sau một buổi gặp căng thẳng "Tướng Westmoreland nhận xét" là Sullivan "làm cứ như là chúa đất"2.

Sullivan vẫn ở đó khi Steve Cavanaugh đến chỉ huy SOG năm 1968. Mọi điệp vụ vẫn phải thông qua Viêng Chăn. Một lần, Cavanaugh nhớ lại, ông đang xin phép để đưa các toán thám báo sâu hơn vào Lào "vượt qua giới hạn... Mỗi lần như vậy, tôi lại phải có sự đồng ý của Sullivan. Đôi khi tôi được phép, đôi khi không"3. Cavanaugh "đến Viêng Chăn nhiều lần" và thấy đại sứ quán "rất rắn trong vấn đề cho phép. Nếu anh muốn đi sâu hơn, hãy cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ đồng ý, nhưng theo nguyên tắc từng điệp vụ một". Sau đó, Cavanaugh đề nghị SACSA giúp đỡ cho phép "tiến sâu hơn vào Lào". Nhưng "chẳng có hồi âm gì hết"4.

Vào năm 1966, tình hình có vẻ quá mức mà Bull Simon có thể tiêu hoá được. Sullivan thường xuyên kêu ca về các vụ vi phạm của các toán thám báo. Sullivan thường gửi "khiếu nại" đến MACV. Theo Ray Call, "MACV phát sợ ông ta"5. Mặc dù không thể thắng được Sullivan trong cuộc tranh luận về hạn chế cấm đoán, Simon có cách khác để đưa các toán thám báo vào sâu hơn ở Lào. Đơn giản bằng cách kẻ lại đường biên giới Lào - Nam Việt Nam.

Theo Call, "chúng tôi gặp Bull ở một khách sạn tại Sài Gòn. Bull treo bản đồ lên bảng rồi nói "chúng ta sẽ thay đổi biên giới vì hiện nay nó cũng chỉ là tương đối". Bull lấy thước kẻ và dịch đường biên giới về phía tây khoảng 20km bằng cách "chấm những chấm đó dọc theo biên giới rồi nối chúng lại với nhau. Sau khi làm xong, Bull nói: "Tôi sẽ yêu cầu vẽ lại bản đồ này cho các anh trong vòng ba ngày". Bull đưa bản đồ đến cho chuyên gia đồ hoạ và họ vẽ ra bản đồ mới trong đó biên giới cũ biến mất thay vào đó là đường biên mới, lấn vào Lào 20km"6.

Simon thoát khỏi giới hạn. Khi hỏi liệu đại sứ quán ở Viêng Chăn có biết điều đó không, Call trả lời: "Họ không bao giờ nói với tôi việc ấy cả... Nếu có thì tôi phải biết. Vì vấn đề khá nghiêm trọng do vậy họ sẽ yêu cầu chúng tôi chấm dứt"7.
____________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với chuẩn tướng Donald Blackburn, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy của SOG", tr .31.

2. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Jonh K. Singlaub, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy của SOG", tr.48.

3, 4. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Stephen E. Cavanaugh, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy của SOG", tr.88, 101.

5, 6, 7. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG" tr. 14, 17, 18.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 12:27:32 pm

ĐỤNG ĐỘ VỚI QUÂN ĐỘI MIỀN BẮC TRÊN ĐƯỜNG MÒN

Vào mùa thu 1965, mọi chi tiết đã được thống nhất và năm toán thám báo sẵn sàng "vượt qua giới tuyến". Nhiệm vụ hoàn toàn bí mật, các toán xâm nhập được "vệ sinh" sạch sẽ. Họ không mặc quân phục hoặc đeo phù hiệu và quần áo được đặt may riêng cho SOG. Vũ khí mang theo không do Hoa Kỳ sản xuất, chúng được lấy từ nguồn bí mật để không thể truy ra xuất xứ. Các toán không có bất cứ một thứ gì để từ đó xác định được họ là ai.

Giới lãnh đạo MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thúc giục tiến hành hoạt động càng sớm càng tốt. Họ đang chờ kết quả. Từ tháng mười cho đến hết năm, bảy điệp vụ thám báo được thực hiện. Những hoạt động đầu tiên này, theo Ray Call, đúng vào lúc đối phương không phòng bị, do đó SOG có được yếu tố bất ngờ1. Kết quả là đáng khích lệ Các toán thám báo đã phát hiện và chỉ điểm nhiều mục tiêu cho máy bay ném bom. Một trong những điệp vụ đầu tiên, toán thám báo đã phát hiện một kho hàng lớn của quân đội miền Bắc. Trong một điệp vụ khác, một toán thám báo đã phát hiện ra bãi đỗ xe vận tải và một cơ sở cấp phát xăng. Sau khi máy bay A37 đến ném bom, hàng loạt vụ nổ vẫn tiếp tục xảy ra. Các điệp vụ khác phát hiện được cầu, bãi đỗ xe phụ, kho xăng, địa điểm lưu trữ hàng và các cơ sở khác của quân đội miền Bắc. Báo cáo kết quả ném bom tỏ ra rất hứa hẹn, thông thường là "phá huỷ 80-100%"2 mục tiêu. Bull Simon đã khởi động Shining Brass một cách nhanh chóng. Tuy nhiên thành công không phải là không có giá. Trong một điệp vụ đầu tiên vào tháng mười, một toán thám báo được đưa đi trinh sát địa điểm nghi là nơi cất giấu hàng hoá. Hai chiếc trực thăng H-34 chở họ đến khu vực hạ cánh dọc theo biên giới, sau đó họ xâm nhập vào Lào bằng đường bộ. Tin tức tình báo cho biết có đối phương đang hoạt động mạnh trong vùng. Cộng với thơì tiết xấu một chiếc trực thăng H-34 nữa được cử đến để phòng tình huống xấu. Larry Thorne ở trên chiếc thứ ba này.

Bất chấp sương mù, với sự trợ giúp của nhân viên không lưu trên chiếc máy bay OV10, toán biệt kích đổ bộ thành công xuống địa điểm định trước. Khi trời dần tối và sương mù phủ kín, hai chiếc trực thăng quay về căn cứ Khâm Đức Thorne ở lại trên chiếc thứ ba chờ đợi tín hiệu an toàn của toán thám báo. Khi nhận được tín hiệu cho biết cả toán vẫn an toàn, Thorne ra lệnh cho phi công quay về căn cứ. Lúc đó sương mù gần như bịt kín tầm nhìn. Chiếc H-84 và Thorne biến mất vào bóng đêm và từ đó không ai biết được tin tức gì về Thorne.

Việc lục soát kỹ lưỡng hiện trường không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào về Thorne, viên phi công và chiếc máy bay trực thăng. Hoạt động qua biên ải có giá đắt. Một con người huyền thoại đã ra đi. Có nhiều lời đồn đoán về những gì xảy ra với Thorne, dựa trên cơ sở quá khứ chống quân đội Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai. Một sĩ quan của SOG đoán rằng "quá khứ của Thorne vẫn là sự quan tâm đặc biệt của người Nga. Rất có thể là thiếu tá Thorne bị phục kích hoặc buộc phải hạ cánh và bị bắt sống đưa về Liên Xô"3. Không có bằng chứng nào chứng minh cho nhận định này. Tuy nhiên, có một sự thật là SOG không tìm thấy gì về vết tích của Thorne.


Thành công và mở rộng hoạt động : 1966 - 1967

Những thành tích ban đầu của SOG rất gây ấn tượng cho giới lãnh đạo quân sự. Vì vậy, họ đã mở rộng địa bàn hoạt động của Simon ở Lào và giao cho ông nhiệm vụ tăng số điệp vụ trong năm 1966. Giới lãnh đạo cao cấp của MACV muốn tấn công "hệ thống hậu cần và đường liên lạc của đối phương ở Bắc Lào"4. Tác động quân sự của việc Hà Nội mở rộng con đường cuối cùng đã trở nên rõ ràng. Con đường cho phép bộ đội miền Bắc đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam.

Các toán thám báo mang về những chứng cứ hiển nhiên về hoạt động của Bắc Việt Nam mà ảnh chụp từ máy bay khó có thể phát hiện được. Westmoreland muốn dỡ bỏ những hạn chế đang áp đặt lên hoạt động của Simon. Ông "đề nghị sử dụng trực thăng để xâm nhập" các toán biệt kích. "Mặc dù những điệp vụ ban đầu dường như là thành công, việc xâm nhập lại rất nông. Với sự hỗ trợ của trực thăng... hiệu quả hoạt động sẽ được nâng lên đáng kể"5. Đô đốc Grant Sharp, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương cũng muốn thả lỏng SOG. Tương tự Westmoreland, Grant Sharp rất ấn tượng với thành quả của các toán biệt kích. Theo Ray Call, Sharp gửi nhiều bức điện "biểu dương" sau khi đọc báo cáo hoạt động 6.

Đại sứ Sullivan lại có ý kiến khác. Ông sẽ không từ bỏ những cấm đoán do ông đề ra đối với hoạt động chống phá đường mòn. Trong các cuộc đàm phán sau đó, có một số hạn chế ban đầu được nới lỏng. Vào tháng Tư, Bộ Quốc phòng và Ngoại giao nhất trí sữa đổi như sau: "Phê chuẩn việc sử dụng trực thăng để xâm nhập". Tuy nhiên "máy bay trực thăng không được vào Lào sâu quá 5km". Các toán thám báo được phép vào sâu thêm 5km nữa bằng đường bộ. Như vậy, địa bàn hoạt động giờ đây là 10km bên trong Lào dọc theo toàn bộ đường biên giới 200 dặm7. Sullivan phải nhượng bộ 5km.

Giới chỉ huy quân sự còn muốn "thành lập ba tiểu đoàn người Nùng mỗi tiểu đoàn gồm 540 người có nhiệm vụ hỗ trợ cho Shining Brass... Bộ tư lệnh Thái Bình Dương kiến nghị: nên đồng ý"8. Lực lượng này có hai mục đích. Một là họ sẽ bảo vệ an ninh cho các địa điểm tập kết - FOB - chống lại việc đối phương tấn công. Hai là: tiến hành tấn công mục tiêu ở Lào đã được thám báo chỉ điểm. Họ còn có thể giúp ứng cứu các toán biệt kích gặp trục trặc9. Sự phê chuẩn của Nhà Trắng Westmoreland nói với Sharp, phụ thuộc vào "Đại sứ quán ở Viêng Chăn"10.

Sullivan nhân nhượng nhưng với điều kiện "hoạt động của lực lượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô trung đội và tối đa là 3 cố vấn Mỹ. Phạm vi xâm nhập là 10km, thời gian hoạt động giới hạn trong 5 ngày; 48 giờ trước khi thực hiện điệp vụ, SOG phải thông báo trước cho đại sứ Mỹ tại Viêng Chăn"11.

Bất chấp những giới hạn trên, Bull Simon có một năm 1966 tốt lành. Tất cả có 111 điệp vụ thám báo được thực hiện, và đạt "15 điệp vụ một tháng vào tháng Chín" 12. Các toán thám báo dưới sự chỉ huy của Charles Norton, người điều hành căn cứ hoạt động tiền tiêu Khâm Đức, phát hiện một số lượng đáng kể kho tàng và cơ sở của đối phương bên kia biên giới: "Chúng tôi phát hiện được rất nhiều, gây cho họ nhiều thiệt hại và khó khăn". Norton tin là "nếu hoạt động này được tiến hành dọc theo toàn tuyến đường chúng ta đã có thể cắt đứt nó"13.

Đó là sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng với những giới hạn cấm đoán, Norton cảm thấy hoạt động thám báo "chỉ là sự khó chịu qua loa đối với Hà Nội"14.
_____________________________________
1. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, Sđd tr. 25.

2. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG” phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 16.

3. Trích trong “Chiến tranh trong bóng tối”, (Boston: Boston Publishing Company, 1988), tr. 87.

4, 5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 17.

6. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 15.

7, 8. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, Sđd, tr. 18.

9, 10, 11, 12. MACV SOG, "Lịch sử chỉ huy 1966", phụ lục M, tr.97, 18.

13, 14. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tá Charles Norton, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr.56.)


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 12:36:44 pm

Ngoài việc xác định mục tiêu cho không kích, các toán thám báo còn thực hiện các nhiệm vụ khác. Ví dụ, trong năm 1966, các toán này đã 'bắt được 15 tù binh"1. Nhiều tù binh trong số này là do Mick Meadows bắt được, thậm chí có một lần Meadows bắt được hai người2. OP35 còn thực hiện nhiệm vụ giải cứu phi công bị bắn rơi hoặc tù binh Mỹ. Chuyến giải cứu đầu tiên được thực hiện ở miền Bắc ngày 1- 10 và do Mick Meadows chỉ huy. Họ đã không kịp. Viên phi công bị bắt trước đó và chỉ cách toán của Meadows không đến một dặm. Trong năm 1966, tất cả có bốn cuộc giải cứu phi công: một ở miền Nam, hai ở miền Bắc và một ở Lào. Vụ cuối cùng đã cứu được phi công3. Cuối cùng, lực lượng hỗ trợ thực hiện 13 điệp vụ, tất cả đều ở quy mô trung đội đúng theo điều kiện của đại sứ Sullivan4.

Phần lớn điệp vụ của các toán thám báo kéo dài khoảng 3-5 ngày: Nếu "gặp đối phương hoặc phát hiện được mục tiêu họ sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của máy bay chiến thuật thông qua nhân viên kiểm soát không lưu - FAC" toán trưởng sẽ “hướng dẫn không kích thông qua FAC". Đến thời điểm rút về "có các toán hỗ trợ việc rút lui". Các toán hỗ trợ có thể là một trung đội người Nùng, nhất là khi có sự đụng độ với đối phương tại thời điểm rút ra5. Nếu có giao tranh ác liệt, máy bay chiến thuật được gọi đến để đẩy lùi quân đội Bắc Việt. Mặc dầu mỗi toán chỉ có 12 người, một điệp vụ có sự hỗ trợ rộng rãi của nhiều lực lượng.

Bổ sung vào thành công của hoạt động trong năm 1966 là tỷ lệ thương vong thấp, mặc dù công việc rất nguy hiểm, tuy nhiên điều này thay đổi trong những năm sau. Theo hồ sơ, số "thương vong gồm 3 người Mỹ và 16 người Việt Nam bị chết; 5 người Mỹ và 25 người Việt Nam mất tích"6. Ray Call cho rằng tỷ lệ thấp là do yếu tố bất ngờ. "Người Bắc Việt Nam không hề biết rằng có ai đó có mặt và gọi máy bay đến ném bom”7, Charlie tán thành “Tôi thật sự nghĩ rằng họ không phát hiện ra chúng tôi ở những nơi chúng tôi đi qua"8. Đó thực sự là một lợi thế. Tất nhiên, phải tranh thủ lợi thế và đó là khi Bull Simon phát huy tốt nhất sở trường của mình.

Thành công trong năm 1966 làm cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương hối thúc việc "mở rộng địa bàn hoạt động thám báo tại Lào" trong năm 1967. MACV cũng muốn vậy, và vào tháng Hai đã kiến nghị một số thay đổi về giới hạn hoạt động của Shining Brass. Thứ nhất, chiều sâu hoạt động tăng lên 20km cho các toán biệt kích và máy bay trực thăng chuyên chở họ. Hai là, quy mô của lực lượng hỗ trợ trong các điệp vụ không còn giới hạn ở cấp trung đội, MACV muốn triển khai nhiều trung đội "để tấn công mục tiêu phù hợp, các tuyến đường hiểm yếu, và ngăn chặn mặt đất"9. Cuối cùng, tăng số lượng các toán thám báo để có thể "thực hiện 42 điệp vụ một tháng. Những thay đổi này được ban hành tháng Ba, thời điểm Shining Brass được đổi tên thành Prairie Five. Những thành tích của OP35 đã làm suy yếu khả năng khống chế của Sullivan.

Những thay đổi trên đã tạo ra sự khác biệt. Theo báo cáo cuối năm của SOG, những hoạt động trong năm 1967 "đánh dấu bởi sự mở rộng về quy mô và nhịp độ, việc đưa ra những biện pháp mới và việc xoá bỏ những giới hạn ngăn cản việc khai thác tối đa tiềm năng trước đây"10. Bản báo cáo kết luận tỉ lệ thương vong cao hơn là giá phải trả để có được sự phát triển.

Các toán thám báo thực hiện 187 điệp vụ. Việc xác định mục tiêu cho không kích vẫn là nhiệm vụ chủ yếu của OP35. Ngoài ra, 68 điệp vụ hỗ trợ được thực hiện11. Trung tá Jonathan Carney, sếp phó của OP35 năm 1967, tin là "chúng tôi gây thiệt hại cho miền Bắc... chúng tôi giết được nhiều người và buộc họ tiêu tốn nhiều năng lực để ngăn cản hoạt động của chúng tôi. Điều đó làm tổn hại đáng kể cho nỗ lực hậu cần của họ"12. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV cũng thấy như vậy và hối thúc có nhiều hoạt động hơn. Hà Nội cũng đã nhận ra và bắt đầu triển khai nhiều biện pháp đối phó để bảo vệ khoản đầu tư vào Lào của mình.

OP35 mở rộng hoạt động vượt ra những gì đã thực hiện trong năm 1966 và trở thành một phần của hệ thống chống xâm nhập của Bộ trưởng McNamara. "Vào tháng 12-1966, Bộ trưởng Quốc phòng chỉ thị triển khai một hệ thống điện tử để ngăn chặn sự xâm nhập của người và phương tiện từ miền Bắc và Lào xuống miền Nam. Hệ thống này mang tên: Hệ thống chống xâm nhập Mussel Shoalss. Còn được biết đến với tên "Hàng rào McNamara", hệ thống này gồm các thiết bị cảm ứng địa chấn và âm thanh để phát hiện sự di chuyển của đối phương. Khi những "chiếc mũi" này đánh hơi thấy mục tiêu, máy bay sẽ được gọi đến để ném bom tiêu diệt. Các toán của SOG mang các thiết bị cảm ứng này cài cắm ở Lào. Họ không thích gì nhiệm vụ này vì thiết bị cảm ứng nặng và cồng kềnh. Thông thường họ phải di chuyển thật nhanh vì đối phương truy đuổi sát đằng sau. Loại thiết bị này làm giảm tốc độ của họ.

Sự thay đổi lớn nhất trong năm 1967 là việc bổ sung Campuchia vào địa bàn hoạt động của SOG. Hoạt động của miền Bắc ở Campuchia bắt đầu gây lo ngại cho MACV từ 1965. Các tư lệnh chiến trường của Westmoreland cảm nhận rõ ràng là Bắc Việt Nam đã triển khai các tuyến xâm nhập, sở chỉ huy, căn cứ vào cơ sở tiếp tế ở đó. Thực chất của vấn đề là đường mòn Hồ Chí Minh không dừng lại tại biên giới. Bộ đội và hàng hoá Bắc Việt Nam tiếp tục thẳng tiến. Các toán thám báo chứng kiến điều này, nhưng một khi đối phương đã qua biên giới họ không thể yêu cầu không kích. Campuchia ở ngoài tới hạn hoạt động và trở nên nơi cư trú an toàn hơn ở Lào.

Dĩ nhiên, Hà Nội không coi trọng đường biên giới địa lý như Washington. Toàn bộ Đông Dương là khu vực chiến tranh chứ không phải chỉ ở miền Nam. Hơn nữa, việc mở rộng đường mòn sang Campuchia chỉ là một nửa vấn đề, miền Bắc mua một số lượng lớn gạo của chính quyền Sihanouk và chở vũ khí qua cảng Shihanoukville tới các đơn vị bộ đội đang chiến đấu tại miền Nam.
__________________________________________
1. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1966. Phụ lục M, tr. 98.

2. Câu chuyện này được kể trong các cuộc trao đổi giũa tác giả và Plaster trong quá trình nghiên cứu viết cuốn sách này.

3. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1966. Phụ lục M, tr. 24.

4. Theo Ray Call, phần lớn những hoạt động lớn này "hình thành phạm vi phòng ngự xung quanh mục tiêu trong khi người chúng tôi có nhiệm vụ phá hủy mục tiêu đó" hoặc "bảo đảm khu vực đổ bộ để rút toán thám báo ra". Khác với các toán thám báo có thể ở Lào đến 5 ngày, lực lượng hỗ trợ không bao giờ ở đâu quá 3 giờ. Họ được đưa đến, làm xong công việc rồi về", phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 30.

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, Sđd, tr. 24.

6, 7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 26, 34.

8. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tá Charles Norton, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 50.

9. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tá Charles Norton, Sđd, tr. 28.

10, 11. MACVSOG: "Lịch sử chỉ huy 1967 , phụ lục G, tr.G-IV-1.

12. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Jonathan Carney trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 85, 86.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 06:46:38 pm

Ngay từ đầu 1965, MACV đã yêu cầu được phép tiến hành biện pháp quân sự "mỗi khi quân đội Hoa Kỳ hoạt động ở vùng giáp biên giới Campuchia". Phải làm điều gì đó đối với nơi cư trú và địa bàn tập kết của đối phương. Westmoreland muốn được sử dụng pháo và máy bay tấn công các trận địa vũ khí đặt ở Campuchia vẫn bắn vào các đơn vị Hoa Kỳ, cử quân đội vượt qua biên giới tiến hành truy kích, sử dụng máy bay để "làm nhiệm vụ trinh sát theo dải đất 10km dọc biên giới phía Campuchia"1. MACV lý luận rằng "họ cần tiến hành các biện pháp trên vì chúng cần thiết cho việc bảo vệ miền Nam"2. Đối với giới chỉ huy quân sự ở Sài Gòn, đó là một yêu cầu thoả đáng.

Washington bác bỏ. Bộ Ngoại giao không nhất trí. Mặc dù Thái tử Sihanouk chơi với Hà Nội, các nhà tư duy địa chính trị ở Bộ Ngoại giao tin rằng có thể lôi kéo được ông qua đàm phán khéo léo. Ngay cả khi chứng cứ hoạt động của miền Bắc tại Campuchia ngày càng nhiều trong năm 1966, Bộ Ngoại giao vẫn đề nghị Johnson giữ Campuchia ngoài vùng hoạt động. Họ nói đang đạt được tiến bộ với Thái tử. Hơn nữa, Bộ Ngoại giao lập luận, chứng cứ về sự dính líu của Hà Nội tại Campuchia còn sơ sài. Johnson bị thuyết phục. Ông cũng e ngại những bất lợi chính trị trong nước nếu mở rộng chiến tranh sang Campuchia.

Năm 1967, tướng Westmoreland một lần nữa gây sức ép yêu cầu cho phép SOG cử các toán thám báo sang Campuchia làm nhiệm vụ trinh sát. Ít nhất, theo Westmoreland, họ có thể "cảnh báo trước về sự di chuyển của đối phương", cho phép "triển khai lực lượng kịp thời để đối phó". Bộ Ngoại giao không chịu, nhưng lần này phần thua về họ. Tháng Năm, SOG nhận được chỉ thị tiến hành hoạt động qua giới tuyến ở Campuchia. Nhiệm vụ này có mật danh Dannial Boong với mục đích "thu thập tình báo, chủ yếu là vùng ngã ba biên giới" Lào, Việt Nam và Campuchia3.

Đó là chiến thắng lớn đối với SOG, nhưng cần phải vạch ra chi tiết cụ thể. Các nhà địa chính trị ở Bộ Ngoại giao không lùi bước và tỏ ra cứng rắn không kém Sullivan khi thảo luận các chi tiết nhỏ. Theo một tài liệu được giải mật, "có nhiều giới hạn"4 thậm chí còn chặt chẽ hơn những quy định được áp dụng tại Lào. Đầu tiên, địa bàn hoạt động chỉ giới hạn ở vùng đông bắc Campuchia, từ biên giới Lào, giáp với vùng Tây Nguyên kéo xuống vùng mỏ vẹt ở Campuchia. Khu vực này tập trung nhiều lực lượng của đối phương, trong đó có cơ sở chỉ huy chính của quân đội Bắc Việt, được biết đến dưới cái tên "Trung ương Cục miền Nam"- COSVN5. Phía nam của vùng lưỡi câu là ngoài địa bàn hoạt động của SOG. Một khi đã qua biên giới, các toán biệt kích không được đi sâu quá 5km.

Đó mới chỉ là một phần của những gì mà Bộ Ngoại giao đạt được. Các toán của SOG phải đi bộ vào hoặc ra khỏi Campuchia. Trực thăng chỉ được sử dụng "để kéo ra trong trường hợp khẩn cấp”. Các vụ không kích bằng máy bay chiến thuật hoặc sử dụng lực lượng hỗ trợ đều không được phép. Một khi đã qua biên giới, các toán thám báo tự lo liệu cho mình bất kể tình huống nguy hiểm như thế nào. Thời gian hoạt động "giữ" ở mức tối thiểu cần thiết cho việc trinh sát. Các toán "tránh va chạm" và chỉ "đụng độ khi không còn cách nào khác để tránh bị bắt giữ". Cuối cùng, số lượng điệp vụ "không vượt quá 10 trong thời gian 30 ngày”6.

Những giới hạn trên làm cho những gì Sullivan đã áp đặt trở nên khiêm tốn và hạn chế rất nhiều thành quả của Dannial Boone. Vào mùa hè, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV thúc giục tháo bỏ chúng. Họ cho rằng nhiều mục tiêu thiết yếu của đối phương bị bỏ lỡ. Đối với các toán của SOG, tiến hành chiến tranh theo kiểu đó thật ngớ ngẩn, nhưng họ đâu phải người theo trường phái địa chính trị. Những giới hạn áp dụng đối với hoạt động của SOG ở Campuchia thật khó hiểu nếu xét đến cách thức tiến hành chiến tranh của Hà Nội.

Vào tháng Tám, Lầu Năm Góc ép Bộ Ngoại giao phải có một số nhượng bộ. "Việc triển khai các toán biệt kích bằng trực thằng sâu vào 20km dọc theo toàn tuyến biên giới Campuchia" được phê chuẩn. Nhưng "các giới hạn hoạt động khác vẫn được duy trì”7. Vào cuối năm, các nhân viên không lưu - FAC - được phép "trinh sát khu vực mục tiêu, lựa chọn điểm đổ quân, trung chuyển thông tin và kiểm soát các máy bay trực thăng trong quá trình xâm nhập và rút ra"8

Dannial Boone mang lại lợi nhuận bất chấp những trở ngại trên. Các toán thám báo phát hiện sự có mặt thực sự của quân đội Bắc Việt tại Campuchia. Hà Nội đã kéo dài đường mòn Hồ Chí Minh xuống phía Nam Lào và bố trí bộ đội, căn cứ, kho cung cấp, kho vũ khí, sở chỉ huy và Trung ương cục miền Nam (COSVN) dọc theo đường mòn. Các toán của SOG cung cấp tin tình báo về hoạt động của đối phương mà các nguồn khác không thể thu thập được. Từ 1-7 đến 31-12, "99 toán thám báo đã được đưa vào vùng ngã ba biên giới... 63 toán xâm nhập thành công vào Campuchia"9.

Nhìn chung, 1967 là một năm tốt lành nữa với OP35. Số lượng điệp vụ thành công tăng lên gấp đôi. Ở Lào, các toán của SOG phát hiện mục tiêu; còn ở Campuchia, họ cung cấp tin tình báo cho phép MACV hình dung ra bức tranh về hoạt động của Hà Nội. Tuy nhiên, thành công tăng lên kèm theo sự gia tăng của mất mát. Số lượng người Mỹ chết trong những điệp vụ này tăng từ 3 người năm 1966 lên 43 vào cuối 1967, 14 người khác bị mất tích10. Nhân viên của SOG thấy mình rơi vào cuộc hỗn chiến trên đường mòn. với đối phương đông hơn nhiều lần. Đó là những gì mà trung uý George Sislers đối mặt trong một điệp vụ đánh giá kết quả không kích tháng 1-1967. Vừa đổ bộ xuống Lào, toán của Sisler bị một đại đội tấn công. Tình thế nhanh chóng trở nên tuyệt vọng. Sisler vừa đẩy lùi các cuộc tấn công vừa hoa tiêu cho trực thăng đến cứu hộ. Cuối cùng trung uý Sisler đã chết trong trận chiến”11.

Các báo cáo chính thức của Prairie Fire và Dannial Boone chứa đầy những chi tiết và số liệu rất ấn tượng. OP35 đã mở rộng quy mô và nhịp độ, áp dụng những biện pháp mới. Tuy nhiên các bản báo cáo bỏ qua một câu hỏi lớn: OP35 có gây thiệt hại thực sự cho đối phương không? Không nghi ngờ gì nữa, OP35 đang có tác động và được trình bày một cách chi tiết trong một bản báo cáo của MACV: "Những hoạt động của Prairie Fire là có hiệu quả và thu được kết quả đáng kể trong việc quấy phá và làm chậm tốc độ của đối phương. Họ đã buộc đối phương phải thay đổi một số tuyến đường nằm xa miền Nam hơn, do đó phải mất thêm thời gian trung chuyển và tạo cơ hội cho không quân chiến thuật tấn công". Thêm nữa, đối phương trở nên "lo lắng về đường liên lạc và buộc phải giảm bớt nguồn lực lẽ ra được triển khai ở Nam Việt Nam"12.

Các biện pháp đối phó mà quân đội miền Bắc triển khai cho thấy hoạt động do Simon thực hiện đã làm Hà Nội lo ngại. Con đường mòn là trọng tâm chiến lược của Hà Nội, và do vậy câu hỏi thật sự không phải là liệu OP35 có gây thiệt hại cho Hà Nội không. Có đấy, nhưng vấn đề ở đây là ở mức độ nào? Có tác động cực mạnh không? Trước đây Charlie Norton mô tả tác động chỉ là "sự phiền toái qua loa đối với Hà Nội". Có lẽ Ray Call đã tóm tắt một cách chính xác nhất khi ông đề cập đến sự không cân sức giữa SOG và quân đội miền Bắc trên tuyến đường mòn. Hà Nội bắt đầu làm đường từ 1959 và đến 1964 công việc đó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Như Call nhận xét, sự thay đổi là rất đáng kể.

Bull Simon gây bất ngờ đối với quân đội miền Bắc tại Lào và phát đi tín hiệu rằng việc sử dụng tự do con đường đã kết thúc. Bức thông điệp là rõ ràng: lực lượng không quân Hoa Kỳ sẽ đến thăm bạn. Và đúng vậy, trong suốt hai năm 1966 và 1967, các máy bay chiến thuật liên tục tấn công các mục tiêu do SOG chỉ điểm. Tuy nhiên, khi Hà Nội đã biết thủ đoạn hoạt động của thám báo và triển khai hàng loạt biện pháp đối phó, cuộc chiến rõ ràng là không cân sức. SOG gặp những khó khăn lớn hơn trong hoạt động qua giới tuyến trong những năm 1968 và 1969.
__________________________________
1, 2. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MAEV SOG" phụ lục D phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào", tr. 3, 4.

3, 4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 1.

5. Harny Sommers, "Almanae về chiến tranh Việt Nam", tr. 105.

6, 7, 8. Harny Sommers: Sđd, tr.10,12,13.

9. MACV SOG "Lịch sử chỉ huy 1967”, Phụ lục C, tr. G-IV-4.

10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới tại Lào, tr. 39.

11. Về chi tiết của câu chuyện này xin xem Plaster: "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tài Việt Nam, tr. 78-79.

12. Báo cáo của MACV trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần "Hoạt động qua biên giới ở Lào", tr. 38-39.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 06:49:09 pm

Mở rộng nhiệm vụ và biện pháp đối phó của Hà Nội: 1968 - 1969

Ở Việt Nam, tuần đầu của Tết Nguyên đán là thời gian quan trọng của hội hè. Người Việt Nam tin rằng giai đoạn của sự tưởng nhớ, chào đón và tâm linh này sẽ quyết định sự may mắn cho cả năm. Giới lãnh đạo Hà Nội hy vọng có chiến thắng lớn trong năm 1968 và phát động cuộc tổng tấn công trong dịp đón Tết Nguyên đán. Những sự kiện của tuần Tết, bắt đầu từ 30-1 lan ra khắp miền Nam. Đó là điềm báo những gì sẽ tới. Đối với Washington, cuộc tấn công Tết Mậu Thân báo trước Mỹ sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng trong năm 1968 và những năm sau đó. 1968 đã trở thành năm chia rẽ của chính quyền Johnson.

Hai năm trước Mậu Thân, giới lãnh đạo quân, dân sự Hoa Kỳ lạc quan cho rằng chiến tranh đang tiến triển tốt. Chỉ mấy tháng trước Tết, tướng Westmoreland tuyên bố: tình thế quân sự ngày càng có lợi cho Hoa Kỳ và chỉ hai năm sau, việc rút quân đội sẽ bắt đầu. Westmoreland đã "nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Tết Mậu Thân xé toang sự lạc quan đó, mặc dù về mặt kỹ thuật đó là một thắng lợi quân sự lớn của Hoa Kỳ. Vào tháng Hai, kỳ vọng của Westmoreland rõ ràng đã trở thành ảo vọng. Tết Mậu Thân giáng một đòn chí tử vào Nhà Trắng và làm công luận Mỹ choáng váng. Thậm chí những người từng ủng hộ chiến tranh cũng khuyên Johnson rút lui khỏi Việt Nam. Ngày 27-2 Walter Knoukite, phát thanh viên nổi tiếng ở Mỹ kêu gọi chính quyền ngừng can thiệp. Tuyên bố đó là một đòn đau với Johnson, người đã từng nhận xét, "nếu tôi mất Knoukite, tôi mất cả miền trung nước Mỹ"1.

Vào tháng Ba, Mỹ bị một đòn mạnh nữa khi một nhóm các nhà ngoại giao dày dạn và cựu quan chức, nhóm "những người khôn ngoan" được chính quyền triệu tập để giúp Johnson quyết định sẽ làm gì với Việt Nam, kêu gọi Johnson rút lui. Thế là quá đủ với Johnson. Ngày 31-3, trước khán giả truyền hình toàn quốc, Johnson tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, tìm cách đàm phán với Hà Nội và không ra tái tranh cử tổng thống. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Johnson tìm mọi cách để thúc đẩy đàm phán hoà bình ở Paris. Đầu tháng 11, chính quyền chấp nhận điều kiện "giá cho hoà bình" của Hà Nội để bắt đầu cuộc đàm phán. Đó là sự thay đổi to lớn trong chiến lược và chính sách của Mỹ.

Năm 1968, cũng là bước đáng nhớ của SOG. Việc Johnson sẵn sàng chấp nhận điều kiện của Hà Nội có nghĩa hoạt động chống phá miền Bắc của SOG bị chấm dứt. Hoạt động ngầm chống phá đường mòn tại Lào và Campuchia cũng chịu tác động trong năm 1968. Trong sáu tháng đầu năm, các toán biệt kích và lực lượng hỗ trợ được triển khai chủ yếu bên trong biên giới của Nam Việt Nam để hỗ trợ lực lượng Mỹ đẩy lùi cuộc tấn công Mậu Thân. Sau khi đã yên ổn, OP35 tái tập trung vào bên kia biên giới và nhận thấy tình hình ở đó đã khác hẳn. Những lợi thế chiến thuật họ từng tận dụng không còn nữa do Hà Nội triển khai nhiều biện pháp đối phó. Trong hai năm, các toán của SOG đã sử dụng yếu tố bất ngờ, đánh lạc hướng, kỹ xảo hoạt động để chiến thắng quân đội miền Bắc trên đường mòn. Tuy nhiên, vào năm 1968, theo lời của một cựu toán trưởng, "sự phòng thủ của đối phương tại Lào" đã trở nên "dày đặc, nhiều tầng lớp và có chiều sâu”2. Hà Nội biết rằng họ không thể duy trì chiến tranh ở miền Nam nếu không được sử dụng liên tục con đường mòn và đã triển khai các biện pháp để bảo vệ.

Khi triển khai các biện pháp đối phó, miền Bắc không có công nghệ tinh vi mà McNamara bố trí ở Lào chống lại việc sử dụng đường mòn của Bắc Việt Nam. Các thiết bị cảm ứng địa chấn và âm thanh không nằm trong số quân cờ chiến tranh của Hà Nội. Những gì họ có chỉ là con người.

Bước đầu tiên của Hà Nội là bố trí một hoặc hai người tại vô số điểm dọc theo biên giới Lào để phát hiện máy bay trực thăng chở thám báo. Công việc này bắt đầu năm 1966, theo Ray Call, "đó là lúc Bắc Việt Nam tiến hành giám sát các tuyến đường vào ra. Họ biết chúng tôi từ đâu tới. Có những người báo tin nằm ngay trên đỉnh núi nơi trực thăng bay qua để vào Lào. Họ có hệ thống liên lạc bằng điện đài hoặc bằng trống. Các toán của chúng tôi còn có thể nghe thấy tiếng trống ở bên dưới"3.

Sau đó, Hà Nội bố trí người ở những địa điểm có khả năng là nơi đổ bộ của các toán thám báo. Theo Call, đối .phương đã sử dụng biện pháp thông thường. "Họ bố trí người ở những nơi trực thăng có thể hạ cánh... Họ biết các toán biệt kích không thể ở lâu và cũng không thể đi quá xa. Họ biết chúng tôi phải sử dụng những vị trí như vậy để giảm bớt quãng đường toán biệt kích phải đi bộ. Nếu đường mòn Hồ Chí Minh cách biên với Lào 10 hoặc 15km, họ biết rằng chúng tôi không đi bộ hết quãng đường đó mà sẽ được đổ bộ trong phạm vi 5km"4. Toán của Charlie Norton cho biết người thiểu số sống dọc theo đường mòn bị ép buộc làm người báo tin. Mặc dù không phải kỹ thuật cao nhưng đó là một hệ thống thông tin khá chắc chắn. Khi có toán xâm nhập, họ dùng mọi công cụ để báo tin, như chuông, cồng chiêng, trống"5.

Miền Bắc nghiên cứu quy luật hoạt động của SOG, vạch ra tuyến đường xâm nhập và có được sự hiểu biết về điều kiện thời tiết cần thiết để chở các toán đi xâm nhập. Sếp của SOG, Jack Singlaud chỉ ra là "họ không mất nhiều thời gian để nắm được giai đoạn nào của trăng là phù hợp nhất cho điệp vụ do vậy họ không cần phải cử người quan sát liên tục. Họ tìm cách nắm được biện pháp hoạt động của chúng tôi. Họ có hệ thống quan sát máy bay bằng mắt thường, bằng người ở trên cây hoặc từ các chòi đặt cao trên rừng để nghe tiếng động cơ máy bay"6.

Để bảo vệ tuyến đường, căn cứ chỉ huy, bãi đỗ xe, kho xăng, nơi cất trữ hàng và các cơ sở tiện nghi khác dọc theo đường mòn, Hà Nội cử một số đơn vị quân đội làm nhiệm vụ an ninh hậu phương7. Đây là một giải pháp công nghệ thấp cần rất nhiều bộ đội. Vào thời điểm tổng tấn công Mậu Thân, đối phương đã triển khai 25.000 quân để bảo vệ các khu căn cứ đóng quân trên đường mòn Hồ Chí Minh”8. Vào mùa thu 1968, sếp của SOG lúc bấy giờ là Cavanaugh nhận xét việc bảo vệ đường mòn được củng cố và trở nên "một hệ thống an ninh phức tạp mà chúng tôi không bao giờ hiểu nổi"9.

Đó là hệ thống bảo vệ nhiều tầng lớp dày đặc, nhưng Hà Nội không dừng ở đó. Họ đưa ra một số biện pháp phòng thủ tích cực. Họ bắt đầu săn lùng các toán biệt kích. Đầu tiên, Bắc Việt Nam dùng người thiểu số vì họ là những người đi săn có kinh nghiệm và thông thuộc địa hình. Họ phối hợp với các đơn vị quân đội có nhiệm vụ phục kích các toán thám báo. Sau đó, Bắc Việt Nam hình thành đội săn lùng riêng và bố trí họ tại các vị trí then chốt dọc theo đường mòn để có thể sử dụng ngay khi cần đến.

Bắc Việt Nam còn triển khai lực lượng hoạt động đặc biệt tấn công các toán thám báo. Lực lượng này tách ra từ đơn vị không vận đầu tiên của quân đội miền Bắc, lữ đoàn không vận 305, thành lập 1965. Theo Douglas Pike, tác giả cuốn: "Quân đội nhân dân Việt Nam", "vì không biết sử dụng vào việc gì, nên đơn vị này được chuyển thành lữ đoàn Công binh 305". Sau đó được sáp nhập vào Bộ tư lệnh Công binh, và trở thành một đơn vị nổi tiếng của Quân đội Việt Nam được biết đến với cái tên "Lực lượng đặc công". Để trở thành đặc công không dễ dàng gì: "tiêu chuẩn tuyển chọn rất chặt chẽ: được một đảng viên giới thiệu và hai đảng viên khác đồng ý; tư tưởng trong sạch; trẻ; và có một số tố chất nhất định (dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm)10. Khi Lữ đoàn 305 được giao cho Bộ tư lệnh Công binh, một số bộ phận được huấn luyện thành "đơn vị đặc nhiệm chống thám báo có nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các toán thám báo của SOG"11.

Các toán của SOG mà gặp các đơn vị đặc nhiệm này thường không có chỗ lùi và bị tiêu diệt không thương xót. Một toán thám báo đã rơi vào tình cảnh như vậy. Vừa đổ bộ xong cũng là lúc họ bị bao vây chặt bởi một lực lượng đối phương mạnh hơn nhiều lần, trong đó có đội chống thám báo. Charles Wilklow, người duy nhất sống sót đã chứng kiến “bộ đội miền Bắc mang đi nhiều xác lính Mỹ". Bị thương ở nhiều nơi, Wilklow cố bò ra một chỗ trống với hy vọng các máy bay trực thăng ứng cứu nhìn thấy. Nhưng máy bay không xuất hiện. Trong bốn ngày đêm, Wilklow lết được một quãng đường gần hai dặm đến một khoảng đất trống khác và được máy bay đưa về12. Wilklow sống sót nhưng sự kiện bi thảm này là sự báo trước những gì đang chờ đợi các toán thám báo tại Lào.

Các biện pháp đối phó khác bao gồm khuyến khích vật chất cho người tiêu diệt được thám báo. Theo Larry Trapp, người phục vụ hai nhiệm kỳ ở OP35, Hà Nội "treo phần thưởng” nếu ai giết hoặc bắt sống được trưởng toán thám báo13.

Biện pháp cuối cùng và không kém phần quan trọng là sử dụng gián điệp. Thông qua đó, Hà Nội tìm cách biết trước kế hoạch hoạt động của các toán thám báo. Để làm việc này miền Bắc tập trung vào người miền Nam để xâm nhập, tuyển mộ, cài cắm được điệp viên vào vị trí càng cao càng tốt. Như Singlaub nhận xét "chỉ cần một con cá to là đủ”. Khi còn chỉ huy SOG, Singlaub tin rằng OP35 "có vấn đề về an ninh" và là nguyên nhân làm cho khả năng Hà Nội phát hiện thời gian và địa điểm xâm nhập của các toán thám báo được cải thiện nhanh chóng. Các toán vừa chạm đất đã bị đối phương tấn công. Singlaub không biết Bắc Việt Nam có được thông tin bằng cách nào nhưng ông tin chắc rằng nó có liên quan đến vấn đề an ninh của SOG.

Vài năm sau chiến tranh, ông tìm ra câu trả lời, hoặc ít nhất là một phần của câu trả lời thực sự. Cuối những năm 80, Singlaub biết rằng, "miền Bắc khen thưởng cho một đại tá người đã thâm nhập thành công vào Phủ Thủ tướng”. Singlaub giải thích: “với vai trò là sếp của SOG, ông chỉ báo cáo tóm tắt cho tướng Cao Văn Viên về các hoạt động nhậy cảm này". Viên cam kết với Singlaub rằng sẽ trực tiếp chuyển thông tin đến cho Tổng thống Việt Nam cộng hoà. Đối với Singlaub, vấn đề an ninh là rất đảm bảo...

Nhưng sếp của SOG không biết rằng Viên còn chia sẻ thông tin với thủ tướng Nam Việt Nam. "Ông ta không muốn thủ tướng bị bất ngờ, do vậy đã tìm cách thông tin một cách không chính thức cho thủ tướng... Còn thủ tướng thì đem theo vị đại tá mà ông tin cậy?" Cuối cùng viên đại tá đó chính là người được Hà Nội khen thưởng cuối những năm 1980. Singlaub đã cho thấy hoạt động xâm nhập nội bộ của miền Bắc tinh vi như thế nào: "Họ có cách liên lạc cho phép báo động Hà Nội trong thời gian ngắn nhất. Tôi có thể hiểu được cách họ báo cho Hà Nội về một điệp vụ diễn ra một tuần sau đó. Nhưng, lạy Chúa, các hoạt động này chỉ được thông báo trước 48 giờ đồng hồ"14. Con cá lớn mang lại giá trị lớn.

Nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn con cá lớn như vậy. Bắc Việt Nam hiểu điều đó và tập trung hoạt động gián điệp cả hai phía, cấp cao và cấp thấp. Cá nhỏ cũng có thể gây thiệt hại đáng kể.
_______________________________________
1. Plaster "SOG cuộc chiến tranh "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG", tr. 80.

2. Trích trong Philip Davidson, "Việt Nam trong chiến tranh. Lịch sử 1946 - 1975", (Norato, Clif Residio Press, 1991), tr. 486.

3, 4. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Raymand Call, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 26.

5. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tá Cherles Norton, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 50.

6. Phỏng vấn lịch sử với Thiếu tướng John K. Singlauh, trong "MACV SOG: phỏng vẫn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG , tr. 69.

7, 8. Plaster "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam", tr. 81,83.

9. Phỏng vấn lịch sử với Đại tá Stephen E.Cavanaugh, trong "MACV SOG phỏng vấn lịch sử các chỉ huy của SOG", tr. 99.

10. Douglass Pike "Quân đội nhân dân Việt Nam" (Novato, Calif Presidio Press, 1968 ), tr. 108 - 109.

11, 12. Plaster "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam", tr. 95, 90-94.

13. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Lawren Trapp, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 30.

14. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K.Singlaub, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan trọng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 70.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 07:00:08 pm

Năm 1968, trung tá Lauren Overby là chỉ huy trưởng căn cứ hoạt động tiền tiêu số 4 – (FOB4), ở phía nam Đà Nẵng. Ngay sau khi ông rời khỏi đây, FOB4 bị tấn công dữ dội bởi lực lượng đặc công. 12 người bị chết và nhiều người khác bị thương. Lực lượng tấn công biết chính xác cách bố trí của căn cứ. Ngoài việc tiêu diệt lực lượng, họ còn phá huỷ hầm chỉ huy và các cơ sở kỹ thuật quan trọng khác. Đó là cuộc tấn công chuẩn xác như một ca phẫu thuật. Tại sao họ làm được như vậy?

Theo Overby, bộ đội Bắc Việt Nam đã "lập mô hình FOB4 trong rừng" mà sau này SOG phát hiện ra. Mô hình đó chỉ có thể lập được với sự hiểu biết nội bộ và tình báo do điệp viên cài cắm của Hà Nội cung cấp. "Đó là một phụ nữ, một trong những người lao công", sau vụ tấn công, người phụ nữ đó biến mất. Nhân viên lao công là người có thể quan sát mọi thứ bên trong FOB4. Người phụ nữ này đi lại trong căn cứ và ghi nhớ các lớp bảo vệ. Các chiến sĩ đặc công biết rõ mình phải làm gì1.

Ví dụ này chỉ ra tình trạng mất an ninh nghiêm trọng mà SOG không giải quyết được và bị đối phương lợi dụng. SOG biết người miền Bắc sẽ cài cắm điệp viên vào đối tác- Tổng nha kỹ thuật chiến lược -STD. Để đề phòng khả năng đó, lãnh đạo của SOG đã gạt STD ra khỏi quá trình vạch kế hoạch hành động và không cho tiếp cận với thông tin nhậy cảm. Mọi cựu nhân viên của SOG khi được phỏng vấn đều cho là STD đã bị đối phương xâm nhập. Khi được hỏi đối tác STD có được tham gia vạch kế hoạch hoạt động của FOB4 không, Overby khẳng định "không, họ không được tham gia vào đó". Overby tin là miền Bắc đã cài "một số điệp viên vào STD"2.

Vì SOG giữ khoảng cách với STD, Bắc Việt Nam tìm cách xâm nhập khác. Đó là số nhân viên lao công phù hợp với chiến lược gián điệp của Hà Nội. SOG cần một số người Việt làm các công việc hỗ trợ tại các căn cứ, sở chỉ huy, bộ phận phối thuộc. Người Việt Nam nấu cơm, làm vệ sinh, và giặt giũ, là nhân viên lái xe, thư ký, văn thư. Tuy nhiên Overby chỉ ra là SOG không "thẩm tra an ninh đối với những người địa phương làm tại các cơ sở (của "SOG")3. Công việc này là của đối tác Việt Nam. Đó là con đường hoàn hảo để xâm nhập vào các cơ sở của SOG mà Hà Nội đã triệt để khai thác. Có nhiều ví dụ cho thấy như vậy.

Thiếu tá Pat Lang đến công tác tại SOG năm 1972 khi SOG đang chuẩn bị bàn giao hoạt động cho STD và giải thể. Lang là một nhân viên tình báo. Một hôm, Lang nhận được một số lượng lớn hồ sơ điều tra phản gián. Năm 1971, nhiều người Việt Nam làm việc tại các cơ sở của SOG bị nghi ngờ. Khi lần đọc số hồ sơ, những thông tin trong đó làm Lang giật mình. Lang kể lại nhiều cá nhân bị điều tra rất phù hợp với hình mẫu gián điệp mà cơ quan tình báo đối phương hay cài cắm. Cuộc điều tra năm 1971 đã mang lại những sự thật đáng phiền lòng, chủ yếu là từ máy phát hiện nói dối. Ví dụ, một lái xe được cử đến làm việc tại sở chỉ huy của SOG. Anh ta đưa sếp của SOG đi xung quanh Sài Gòn. Kết quả kiểm tra nói dối cho thấy người lái xe này không trung thực. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục lái xe cho sếp. Lang tổ chức đưa người lái xe đi kiểm tra nói dối một lần nữa. Lần này kéo dài trong ba ngày và kết quả còn xấu hơn trước. Điều sửng sốt nhất là tiểu sử do anh ta khai có nhiều điểm khác với những gì đã khai với nhân viên điều tra năm 1971. Người lái xe đó là một gián điệp của miền Bắc có nhiệm vụ vừa lái xe và lắng nghe. SOG chuyển giao điệp viên đó cho Nam Việt Nam.

Một hồ sơ khác là của nhân viên quầy bar làm việc ở vị trí không bình thường. Anh ta làm ở một toà nhà ở Sài Gòn dưới sự giám sát của SOG. Được biết đến dưới cái tên "Nhà 10” House Ten - đây là nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho các toán biệt kích của SOG. Tương tự như người lái xe, nhiệm vụ của nhân viên quầy bar là lắng nghe. Cũng ở nhà 10, tại quầy bar còn có hai nhân viên nữ hấp dẫn khác. Kết quả kiểm tra bằng máy nói dối cả ba người cho thấy họ đều nói dối4. Rất dễ dàng hình dung ra các thông tin chiến thuật hữu ích họ có thể nghe được khi các nhân viên thám báo chuyện trò về những điệp vụ đã thực hiện. Ví dụ, các biện pháp xâm nhập mới, loại thiết bị mới dùng để đánh lạc hướng các đơn vị chống thám báo Bắc Việt Nam có thể được nói ra trong khi tán gẫu.

Trong khi tập trung vào đối tượng người miền Nam để tìm hiểu kế hoạch hoạt động của OP35, tình báo miền Bắc không quên tìm kiếm thông tin tương tự từ người Mỹ. Ít nhất trong một trường hợp, dường như họ đã dùng biện pháp tình báo được biết đến với cái tên "bẫy tình". Cách thực hiện thủ đoạn này khá đơn giản. Cơ quan tình báo đối phương cử một phụ nữ hoặc nam giới hấp dẫn làm mồi nhử đối tượng. Một khi dính bẫy, mục tiêu bị xúi giục hoạt động gián điệp.

Theo các nhân viên phục vụ tại SOG, một lính nghĩa vụ Mỹ làm văn thư của SOG bị mắc "bẫy tình". Pete Hayes biết nhân viên văn thư trẻ đó trong nhiệm kỳ hai tại SOG cuối thập kỷ 1960. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, Pete Hayes biết tin nhân viên văn thư đó bị phát hiện và xác nhận đã chuyển tài liệu cho đối phương. Hayes không biết chuyện gì xảy ra với anh ta sau đó5.

Trong năm 1968, những ngày tốt lành mà các toán thám báo được hưởng trong hai năm 1966 - 1967 đã chấm hết. Thứ nhất, Tết Mậu Thân làm cho một số hoạt động của các toán biệt kích tiến hành ở Lào phải chuyển vào trong nước. Trong số 546 điệp vụ do SOG tiến hành, có tới 236 điệp vụ (43%) là ở trong nước và chỉ có 310 điệp vụ (57%) là tiến hành ở Lào. So với 275 điệp vụ tại Lào trong năm 1967, con số này tăng lên không đáng kể. Giới lãnh đạo quân sự của MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương mong đợi nhiều hơn thế trong năm 19686.

Cũng do tác động của cuộc tấn công Mậu Thân, hoạt động của OP35 tại Campuchia - Dannial Boone - tập trung nhiều hơn vào bên trong giới tuyến. OP35 "tiến hành 726 điệp vụ trong đó 286 (39%) là qua giới tuyến, 439 (61%) là trong giới tuyến. Hơn nữa, phần làm điệp vụ qua giới tuyến chỉ diễn ra sau khi cuộc tổng tiến công Mậu Thân đã lắng xuống. Theo hồ sơ "Dannial Boone trở lại nhiệm vụ chủ yếu là vượt qua giới tuyến vào tháng 10 và 53 điệp vụ được thực hiện tại Campuchia. Trong ba tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng có 48 điệp vụ qua biên giới"7.

Cuộc tấn công Tết Mậu Thân không chỉ điều chỉnh trọng tâm hoạt động của OP34 vào trong nước, mà quân đội miền Bắc còn chiếm căn cứ hoạt động tiền tiêu ở Khe Sanh, chặn đứng hoạt động của SOG ở một phần năm địa bàn hoạt động ở phía Bắc từ tháng Một đến tháng Sáu và làm cho khoảng 600 nhân viên của SOG phải thực hiện vai trò tấn công. Sau đó “việc mất căn cứ hoạt động tiền tiêu Khâm Đức ngày 12-5-1968 làm suy giảm hơn nửa năng lực hoạt động của SOG tại Lào". Căn cứ Khâm Đức " phụ trách gần 1/3 địa bàn hoạt động tại Lào trong đó có những mục tiêu trọng yếu”8.

Không chỉ riêng cuộc tấn công Mậu Thân làm giảm hiệu quả của SOG tại Lào. Chúng ta hãy xem xét sự đánh giá về xu hướng hoạt động sau: "Trong năm, có sự gia tăng đáng kể các yếu tố an ninh của đối phương để bảo vệ các tuyến đường nằm trong địa bàn hoạt động. Các toán thám báo đối mặt sự đối phó ngày càng tăng... Tỉ lệ đụng độ với quân chính quy của miền Bắc gia tăng một cách đều đặn. Trong năm, có sự ghi nhận về việc tập trung pháo phòng không lớn hơn và sâu xuống phía Nam hơn trước đây"9.

Việc chấm dứt ném bom ở miền Bắc cũng giúp Bắc Việt Nam củng cố an ninh dọc trên đường mòn. Miền Bắc "sử dụng một số lượng lớn nhân viên để mở rộng và bảo vệ tuyến đường, căn cứ, và địa bàn tập kết ở Lào"10. Đối với nhân viên của SOG, việc này không khác gì xát muối vào vết thương chưa lành. Việc đối đầu với các biện pháp an ninh của đối phương trên đường mòn đã quá đủ đối với họ, và liệu Washington có cần thiết phải làm cho công việc của Hà Nội dễ dàng hơn bằng việc ngừng ném bom hay không? Hơn nữa, họ tự hỏi, việc chấp nhận những điều kiện của Hà Nội trước khi bắt đầu đàm phán hoà bình thật sự có ý nghĩa không? Các nhà tư duy địa chính trị ở Washington đang làm gì vậy?

Tác động thật sự của các biện pháp đối phó có thể nhận biết qua sự suy giảm hiệu quả hoạt động và sự gia tăng thương vong của các toán biệt kích. Xu hướng này là đáng báo động. Larry Trapp, cựu phó chỉ huy trưởng OP35, nhớ lại trong năm 1968, Bắc Việt Nam "triển khai một lực lượng lớn ở Lào để truy tìm các toán thám báo. Chúng tôi phải áp dụng hàng loạt biện pháp đánh lạc hướng, nhưng thời gian hoạt động cứ ngắn dần. Đồng thời chúng tôi nhận ra là khi phát hiện ra toán thám báo, họ bao vây xung quanh và chờ đợi... Họ biết rằng chúng tôi sẽ đến. Họ bố trí súng cao xạ vây xung quanh"11.

Tại FOB4, trung tá Lauren Overby gặp phải thời kỳ ác liệt nhất trong năm 1968. Trong khi các toán thám báo của Overby tìm kiếm mục tiêu cho không kích, họ thường bị tấn công ngay sau khi xâm nhập. Overby nhận xét "gần như không thể để thám báo hoạt động dưới mặt đất. Có thể ở Campuchia hiệu quả hơn... tôi không biết điều đó... Địa bàn hoạt động của tôi trở nên vô cùng khó khăn. Căn cứ tiền tiêu chỉ cách biên giới có 6km. Có lẽ họ thường xuyên có người giám sát căn cứ của chúng tôi"12.

Đối với các toán thực hiện điệp vụ tại Lào (Prairie Fire), 1968 là một năm tồi tệ về mặt thương vong. Con số liên tục tăng. Ở Lào 18 người bị chết, 101 bị thương, 23 mất tích. Vì SOG còn tham gia hoạt động trong nước, do có con số thương vong được bổ sung thêm như sau: 21 bị giết, 78 bị thương và 6 mất tích. Các toán thám báo thực hiện điệp vụ ở Campuchia (Dannial Boong) không bị thiệt hại nặng như vậy, nhưng cũng có 17 người chết, 56 bị thương và 3 mất tích. Điều làm cho con số thương vong cao như vậy là vào năm 1968, OP35 có đến 100 sĩ quan Mỹ và 600 lính nghĩa vụ13.
________________________________________
1, 2. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Lawren Trapp, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 110.

3. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Lawren Trapp, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 103.

4. Phỏng vấn đại tá Pat Lang (10-1997).

5. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Ernest (Pete) Hayes, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 189. 190.

6. MACSOG: Lịch sử chỉ huy 1968, phụ lục F, tr.IV-6.

7, 8, 9, 10. MACSOG: Lịch sử chỉ huy 1968, phụ lục F, tr.IV-7.

11. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Lawren Trapp, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG”, tr.128.

12. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Lauren Overby, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG" tr.110.

13. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1968, Sđd, tr. IV-A-1.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 07:12:26 pm

Năm 1969, mọi việc ở Lào cũng không khả quan gì hơn. Nhưng OP35 không lùi bước. Số lượng điệp vụ vượt qua hàng rào tăng lên gần 40%. Tổng số "452 điệp vụ được thực hiện, trong đó 404 ở quy mô toán thám báo và 44 là lực lượng hỗ trợ. Bình quân, Prairie Fire thực hiện 38 điệp vụ trong một tháng”1. Các sếp muốn nhiều hơn và SOG thực hiện đúng như vậy.

Hồ sơ của Prairie Fire năm 1969 cho biết "trong tất cả các chỉ số thống kê, kết quả hoạt động đều tăng so với 1968. Nhất là số binh lính của đối phương bị giết tăng lên gấp đôi và vũ khí thu được tăng gấp ba. Những điệp vụ thành công hơn cả là ngăn chặn đường ở vùng ngã ba biên giới". Các toán thám báo cũng phát hiện hoạt động sửa chữa đường mòn đáng kể tại Lào. Ví dụ, họ phát hiện ra đường ống dẫn dầu. Bắc Việt Nam không những có những xưởng sửa chữa ôtô dọc theo tuyến đường mà còn mở các trạm cấp phát xăng. Sau đó là gì? Ngay sau đó họ phát hiện quân đội Bắc Việt Nam lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc nhiều kênh dọc con đường.

Các toán thám báo cung cấp cho MACV những "phần lớn các tin tình báo xác thực về việc Bắc Việt Nam và Việt Cộng sử dụng đường mòn làm địa bàn tập kết và xâm nhập". Đặc biệt là, họ đã cung cấp chứng cứ có giá trị về việc đối phương mở rộng vùng ngã ba biên giới thành "tuyến đường chính để vận chuyển quân đội và phương tiện vào Cộng hoà miền Nam". Tại một số địa điểm thuộc địa bàn hoạt động của Prairie Fire, các toán thám báo "là nguồn tình báo duy nhất về hoạt động hậu cần của đối phương”2.

Đó không phải là tin tốt lành, và thật không may là có quá nhiều tin xấu đối với các toán thám báo hoạt động ở Lào năm 1969. Họ vẫn phải tuân theo các giới hạn mà Sullivan áp đặt. Mặc dầu đã được nới lỏng, các toán vẫn bị hạn chế về chiều sâu xâm nhập, còn đối phương thì không có bất kỳ giới hạn nào. Năm 1969, Bắc Việt Nam cải thiện các biện pháp đối phó, bao gồm "tăng khả năng phản ứng nhanh chóng đối với hoạt động trực thăng vận". Theo báo cáo năm 1969 của SOG, "điều đó gây ra mối đe doạ đáng kể đối với hoạt động qua giới tuyến”3. Các toán Prairie Fire "tiếp tục gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của đối phương". Dường như ngày càng có nhiều bộ đội được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đường mòn. Cuối cùng bản báo cáo nhận định: hoạt động bảo đảm an ninh đường mòn được hỗ trợ bởi “việc ngừng ném bom miền Bắc". Việc ngừng ném bom “giúp đối phương gia tăng xâm nhập và củng cố vị trí của lực lượng an ninh, bao gồm việc bổ sung thêm các trận địa pháo phòng không - trong địa bàn hoạt động của Prairie Fire". Vì miền Bắc không cần pháo phòng không nữa4

Đó là tình hình khi đại tá Jack Isler kế thừa chức chỉ huy trưởng của SOG năm 1969. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của Isler ở Việt Nam. Isler được chuyển từ đơn vị bộ binh sang lực lượng đặc biệt đầu những năm 60 và là phó của Cavanaugh khi ông này chỉ huy nhóm lực lượng đặc biệt số 10 ở châu Âu. Khi Cavanaugh chỉ huy SOG năm 1968, ông đề nghị Isler đến "cùng làm việc”5. Khi tiếp nhận công việc, Isler nhận ra "có quá nhiều trói buộc... chúng tôi không thể thực hiện những gì lẽ ra phải làm... không ai giải thích cho tôi các giới hạn đó nhằm mục đích gì và tại sao chúng tôi lại không thể vượt qua giới hạn nhất định tại Lào”6. Sau đó Isler được biết đó là thành quả của vị đại sứ mới rời khỏi Lào, Bill Sullivan.

Các toán của Isler rất khó vượt qua giới hạn đó. Thời gian trên mặt đất trong mỗi điệp vụ "cứ co ngắn lại... và càng khắc nghiệt hơn". Quân đội miền Bắc làm cho "việc tung các toán thám báo đi và để họ hoạt động trên mặt đất khó khăn hơn nhiều. Một số toán trụ lại được nhưng rất vất vả. Họ dường như ở ngay trên đất của chúng tôi”7. Khi bắt đầu hoạt động chống phá đường mòn, Bull Simon vạch kế hoạch cho các toán lưu lại ở Lào tứ năm đến sáu ngày. Vào năm 1969, các toán của Isler "không ở lại được quá hai ngày - Rất nhiều lần chỉ có sáu giờ. Vừa tung toán thám báo đi là phải quay ngay lại để đưa về. Có quá nhiều lực lượng an ninh của miền Bắc, các toán của chúng tôi luôn gặp phải họ”8. Việc ngừng ném bom chẳng giúp ích gì. "Mỗi khi chúng ta ngừng ném bom, họ lại huy động nhiều hơn. Ngừng ném bom chỉ gây hại cho chúng ta”9.

Khi hiệu quả của các biện pháp đối phó tăng lên, khả năng gây thiệt hại của quân đội miền Bắc cho các toán thám báo cũng tăng theo. Trong năm 1969 "con số thương vong của Mỹ là 50% trên số điệp vụ so với 44% năm 1968, và 39% năm 1967”10. Trung bình trong mỗi điệp vụ ở Lào, một thám báo viên bị chết, bị thương hoặc mất tích. Với 452 điệp vụ được thực hiện, số thương vong của Mỹ là 19 người chết, 199 bị thương, và 9 mất tích. Các hoạt động của Prairie Fire do Trung tâm chỉ huy Bắc (CCN) ở Đà Nẵng và Trung tâm chỉ huy miền Trung (CCC) ở Kontum chịu trách nhiệm. Vào năm 1969, mỗi trung tâm được biên chế 72 sĩ quan Mỹ và 409 lính nghĩa vụ11. Nếu tính đến thực tế là nhân viên Mỹ trong các toán thám báo phần lớn là sĩ quan điều hành - con số thương vong thật đáng sợ. Có quá nhiều huân chương "trái tim hồng” tặng cho người bị thương trong một đơn vị nhỏ như vậy.

Các toán SOG ở Campuchia dễ thở hơn vì sự có mặt của quân đội miền Bắc không lớn. Trong năm 1969, "tỉ lệ thương vong trên số điệp vụ là 13%", thấp hơn nhiều so với 50% của hoạt động tại Lào12. Tuy nhiên do giới hạn áp đặt cho hoạt động ở Campuchia, giờ đây được đổi sang mật danh "Salem House", hoạt động thám báo không mang lại kết quả đúng theo khả năng của họ.

Trong năm 1969, có 454 điệp vụ thám báo được thực hiện ở Campuchia, với mục đích chủ yếu là thu thập tin tình báo. Bộ Ngoại giao không cho phép làm gì hơn thế. MACV đã đề nghị "được sử dụng không quân chiến thuật ở Campuchia cùng với các đơn vị hỗ trợ" để tấn công mục tiêu "do các toán thám báo phát hiện". Đối với MACV làm như vậy mới có ý nghĩa về quân sự. Vì "việc Bắc Việt Nam tăng cường sử dụng Campuchia tạo ra nguy cơ tấn công thường trực đối với lực lượng đồng minh và các căn cứ của quân đội Cộng hoà Việt Nam. Mối đe dọa này là rõ ràng ở vùng ngã ba biên giới... Việc xe bọc thép của đối phương mới xuất hiện ở vùng này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Campuchia với vai trò là nơi cư trú an toàn của đối phương". MACV muốn tấn công quân đội miền Bắc ở Campuchia và buộc họ “phải tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ và giảm khả năng tấn công vào Cộng hoà Việt Nam”13. Dường như đó là một đề nghị hợp lý.

Bộ Ngoại giao lại không nghĩ như vậy. Họ đang cố "nối lại quan hệ ngoại giao... với Sihanouk” và lập luận rằng đề nghị của MACV sẽ làm rối tiến trình này. "Quyết định mở rộng hoạt động chiến đấu sang Campuchia... bằng quân đội Hoa Kỳ như trong đề nghị là không khôn ngoan". Vì thế, Bộ Ngoại giao không chấp thuận đề nghị của MACV, và Bộ trưởng Quốc phòng quyết định "không nên theo đuổi đề nghị đó”14.

Có ít nhất một ngoại lệ và SOG phải trả giá đắt. Một trong những trưởng toán thám báo dày dạn nhất, trung sĩ Jerry Shiver, bị giết. Năm 1969 là năm thứ ba Shiver hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 24-4, Shiver là một thành viên của lực lượng thám báo xâm nhập Campuchia để tập kích vào sở chỉ huy bí mật của Trung ương cục miền Nam.

Cuộc tấn công bi thảm đó bắt đầu bằng B52 rải bom, nhưng chẳng gây hề hấn gì cho lực lượng đối phương đang chờ sẵn. Không có đủ trực thăng để chở toàn bộ thám báo xâm nhập, hơn nữa một chiếc lại bị trục trặc không đi được. Ngay sau khi đổ bộ, họ bị giam tại chỗ bởi hoả lực của đối phương. Trong tình cảnh đó, một mình Shiver đánh thẳng vào lực lượng phục kích của đối phương để giải cứu cho số đang bị vây.

Không rõ những gì xảy ra với Shiver. Một số người tham gia trận đánh cho rằng Shiver bị giết tại chỗ. Người khác cho rằng Shiver bị bắt và đưa ra Hà Nội. Phải cần đến một lực lượng không kích lớn để đưa lực lượng tả tơi của SOG trở về15.

Năm 1969 kết thúc, và những ngày Hoa Kỳ còn ở Việt Nam không nhiều. Việc rút lui số lượng lớn quân đội sắp diễn ra khi Washington thực hiện chính sách Việt Nam hoá. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh trên đường mòn Hồ Chí Minh vẫn tiếp diễn và SOG vẫn đụng độ với quân đội miền Bắc.
____________________________________
1. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1968, Sđd, tr. IV-4-7.
2. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1969. Phụ lục F, tr. 8 - 9.
3, 4. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1969, Phụ lục F, tr. 8 - 9, 9.
5, 6. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Jack Isler, trong "MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP35 của SOG", tr. 144, 146.
7, 8, 9. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Jack Isler, Sđd, tr. 144, 150, 155, 156.
10. Như trên, Sđd, tr.111-4-8.
11. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG", phần "Nhóm nghiên cứu và quan sát của MACVSOG", tr. 211 – 212
12. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 10.
13. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần, "Hoạt động qua biên giới tại Campuchia", tr. 29.
14, 15. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG" phụ lục D, phần, "Hoạt động qua biên giới tại Campuchia", tr. 29, 30.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 08:51:25 pm

SOG tiếp tục chiến đấu trong khi Hoa Kỳ rút ra khỏi chiến tranh (1970 -1972)

Đầu năm 1969, tổng thống Ricchard Nixon nói với các trợ lý cao cấp của mình: "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh. Một cách rất nhanh chóng"1. Tất cả không chỉ có thế. Tổng thống muốn rút lui khỏi cuộc chiến trong danh dự mà không có biểu hiện gì của thất bại hoặc bán đứng đồng minh. Nixon cho rằng có thể thuyết phục Hà Nội chấp nhận kế hoạch chấm dứt thù địch của Mỹ. Dù sao thì trước đây Hà Nội quan hệ với một tổng thống phản đối việc sử dụng tối đa sức mạnh quân đội. Nhưng những ngày sử dụng lực lượng hạn chế đã qua đi. Nixon sẽ trực tiếp giáng đòn nếu Hà Nội không chấp nhận đề nghị của Mỹ.

Để đạt được mục đích này, Nixon gửi một thông điệp ra Bắc tuyên bố nguyện vọng chân thành của mình về hoà bình và đề nghị bước đầu tiên là hai bên cùng rút quân đội khỏi miền Nam. Để tạo ấn tượng là sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Hà Nội không nghe theo, tổng thống phát động đợt không kích bí mật tấn công nơi trú ẩn của quân đội Bắc Việt Nam ở Campuchia. Tốt hơn là chấp nhận điều kiện chấm dứt chiến tranh của Nixon, nếu không, Hà Nội sẽ phải trả giá đắt. Để giữ yên tình hình trong nước, chính quyền tuyên bố "một kế hoạch hoà bình toàn diện”, làm cho nhân dân Mỹ hiểu rõ mục đích chấm dứt sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh. Để làm dịu tình hình hơn nữa, Nixon tuyên bố rút 25.000 quân khỏi Việt Nam.

Những đề nghị trên không mấy ấn tượng đối với Hà Nội. Đã từng đương đầu với 500.000 quân Mỹ cùng với vũ khí hiện đại và chịu đựng nhiều mất mát tổn thất, Hà Nội thấy lời hăm doạ và pha trình diễn ở Campuchia của Nixon kém thuyết phục. Phái đoàn miền Bắc tại Hội nghị hoà bình ở Paris bác bỏ đề nghị của Mỹ và coi đó là một "trò hề". Để làm rõ hơn thái độ của mình, trưởng đoàn đàm phán miền Bắc tuyên bố họ sẵn sàng ngồi tại Paris "cho đến khi ghế bị mục" thì mới chấp nhận điều kiện như vậy2. Nixon giận dữ về cái ông gọi là "sự khước từ lạnh lùng"3 của Hà Nội. Tổng thống ra lệnh cho cố vấn an ninh Herry Kissinger triệu tập nhóm nghiên cứu đặc biệt đề ra một chiến dịch ném bom hàng loạt ở các thành phố lớn và phong toả các cảng quan trọng của miền Bắc. Nixon muốn cho miền Bắc một đòn "trừng phạt tàn bạo”4. Nếu họ không biết điều. Nixon sẵn sàng xắn tay áo.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt của Kissinger tập trung làm rõ tác động của chiến dịch ném bom "tàn bạo" đối với ý chí của Hà Nội. Kết luận của họ không phải là điều Nixon muốn nghe. Chiến dịch ném bom hàng loạt và phong toả sẽ không ép buộc được Hà Nội chấp nhận điều kiện của Nixon. Giới lãnh đạo Hà Nội đã chiến đấu rất lâu và không thể nhượng bộ dưới sức ép của một chiến dịch ném bom. Họ sẽ không khoan nhượng. Hơn nữa, chiến dịch ném bom chưa chắc làm suy giảm đáng kể khả năng tiếp tục chiến đấu ở miền Nam của Hà Nội. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống sắp hết mà Nixon vẫn chưa có thể "chấm dứt chiến tranh. Một cách nhanh chóng”.

Vào thời điểm này, Nixon và Kissinger quay lại coi "Việt Nam hoá" là lối thoát - Hoa Kỳ sẽ hồi sức và hiện đại hoá quân đội Việt Nam cộng hoà để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh. Đây chẳng phải ý tưởng mới mẻ gì. Từ những năm 1950, người Pháp đã từng áp dụng chính sách này mà họ gọi là "Jaunissement", hay nhuộm vàng, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Khi Hoa Kỳ tham gia chiến tranh năm 1965, mục đích chính lúc bấy giờ là giúp quân đội Việt Nam cộng hoà có thời gian phát triển lực lượng để có thể tự gánh vác chiến tranh. Nhưng từ 1965 - 1968, tiến bộ là không đáng kể.

Tại sao chính quyền nghĩ rằng chính sách này sẽ có kết quả? Vì Robert Thomson, chuyên gia chống bạo loạn của Anh, nói với họ rằng thời gian đã chín muồi cho Việt Nam hoá. Là một chuyên gia nổi tiếng trong chống chiến tranh du kích, Thompson đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh bại du kích quân ở Malaysia cuối những năm 1950. Chính quyền Kenedy đề nghị Thompson dẫn đầu một nhóm người Anh đến Sài Gòn năm 1961. Thompson ở lại Việt Nam đến năm 1965 nhưng ý tưởng "giành trái tim và khối óc" của dân chúng thông qua bình định không đi tới đâu. Khi Johnson quyết định tiếp nhận chiến tranh từ người Nam Việt Nam, Thompson lưu ý cần thận trọng với việc coi sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ là giải pháp duy nhất.

Tháng 10-1968, Thompson báo cáo với Nixon là Nam Việt Nam "sẽ mạnh hơn. Và nếu Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự kinh tế với quy mô lớn thì trong từ 1-2 năm họ sẽ đủ mạnh để chống lại cộng sản mà không cần sự giúp đỡ từ bên ngoài"5. Nixon háo hức chấp nhận đánh giá của Thompson. Những người ủng hộ Việt Nam hoá cho rằng cơ hội đã đến vì Hà Nội và Việt Cộng vừa phải chịu đựng tổn thất trong tổng tiến công Mậu Thân. Với việc đối phương chuyển sang chiến lược phòng thủ và hạn chế hoạt động quân sự, thời điểm cho Việt Nam hoá đã đến.

Chuyển hoá quân đội Việt Nam cộng hoà thành quân đội chuyên nghiệp và hiện đại trong hai năm để có thể đương đầu với quân đội Bắc Việt Nam là một nhiệm vụ quá khó, vượt ra ngoài trí tưởng tượng. Hoa Kỳ sẽ cung cấp một số lượng lớn vũ khí hiện đại nhất để trang bị cho đội quân một triệu người6. Chi phí cho việc đó không thành vấn đề, chỉ là một giọt nước trong biển cả mà thôi. Tổng phí tổn cho sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam tính từ thời chính quyền Truman là hơn 150 tỉ đô la. Ở vùng nông thôn, chính sách Việt Nam hoá tìm cách thúc đẩy bình định nhằm mở rộng sự kiểm soát của chính phủ, tăng cường an ninh ấp xóm thông qua lực lượng dân vệ và cải thiện đời sống. Quân đội Hoa Kỳ sẽ kiềm chế lực lượng của miền Bắc và Việt Cộng ở miền Nam. Cuối cùng là các nơi đồn trú của đối phương tại Lào và Campuchia. Đó là nơi SOG cần xuất hiện.

Với hạn định thời gian như vậy, Việt Nam hoá chỉ là giấc mơ viển vông. Thậm chí ngay trong điều kiện lý tưởng, hai năm cũng không đủ. Những nhược điểm của chiến lược này nhanh chóng bộc lộ khi Nixon quyết định rút 150.000 lính chiến đấu trong năm 1970. MACV cảnh báo việc đó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng Việt Nam hoá vì hạn chế khả năng duy trì cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ. Quả đúng vậy. Vào cuối năm 1970, năng lực tổ chức hoạt động tấn công của lực lượng Mỹ đã suy giảm nghiêm trọng. Ngay sau đó, MACV chuyển sang chiến lược bảo vệ các vùng đất gần căn cứ và thành phố lớn. Điều đó có nghĩa Hoa Kỳ phải dựa vào quân đội Nam Việt Nam để kiểm soát nông thôn.

Quyết định rút quân của Nixon năm 1970 không ảnh hưởng gì đến nhịp độ hoạt động của OP35. Các toán thám báo tiếp tục đụng độ với quân đội miền Bắc trên đường mòn. Họ thực hiện 441 điệp vụ, trong đó 95% là hoạt động thám báo. Việc sử dụng các đơn vị hỗ trợ trở nên phức tạp vì những khó khăn trong việc đưa một đơn vị lớn vào rồi rút ra khỏi lãnh thổ Lào dưới hoả lực của đối phương. Khi lực lượng quy ước của Hoa Kỳ tiếp tục cắt giảm hoạt động và rời Việt Nam, các toán Prairie Fire hầu như không giảm hoạt động.

Đại tá Dan Schungel đến chỉ huy OP35 tháng 2 năm 1970. Ông là cựu nhân viên của lực lượng đặc biệt đã từng đến Việt Nam giữ chức phó chỉ huy nhóm lực lượng đặc biệt số 5. Với cương vị đó, Schungel giúp chỉ đạo chương trình phòng vệ dân sự. Sau đó ông được chuyển về Fort Bragg chỉ huy nhóm lực lượng đặc biệt số 7 và ở cương vị này đến 1970.

Mặc dù các toán của Schungel thực hiện 441 điệp vụ chống phá đường mòn, số lượng điệp vụ được ông coi là có hiệu quả ngày càng ít đi. Theo ông "một toán thám báo được coi là thành công nếu có thể hoạt động trong toàn bộ thời gian của điệp vụ mà không trực tiếp đụng độ với đối phương. Tất nhiên quan sát bằng mắt thường là rất tốt... nếu bạn có thể nhìn thấy đội hình của đối phương mà không cần đụng độ, gọi máy bay đến không kích, gây rối loạn hoặc tiêu diệt hoàn toàn đội hình đối phương - đó là phần thưởng thực sự đối với một toán thám báo". Trong năm 1970, rất ít toán thám báo trực tiếp nhìn thấy đối phương, mà ngược lại quân đội miền Bắc trực tiếp đụng độ với họ. Chỉ huy trưởng OP35 nhớ lại "ngày càng có nhiều trực thăng của chúng tôi bị đối phương phục kích hoặc là các toán biệt kích vừa đổ bộ xong đã bị lực lượng an ninh của đối phương tấn công... thường là các toán thám báo phải chiến đấu ác liệt và cần rất nhiều lực lượng yểm trợ để đưa họ trở về. Đó là việc rất tốn kém"7.

Đối với Schungel, các biện pháp đối phó của đối phương rõ ràng trở nên khá hiệu quả. Ví dụ, vào năm 1970, Bắc Việt Nam thiết lập một "hệ thống thông tin phức tạp cho phép họ giám sát việc xâm nhập các toán biệt kích, hướng dẫn lực lượng săn lùng đến nơi và do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hoạt động của các toán thám báo, nhất là ở phía bắc địa bàn hoạt động". Để gia tăng hoạt động này, "các toán săn lùng cơ động của miền Bắc được bố trí ở các vị trí quan sát cao" dọc theo biên giới Lào8.

Năm 1970, Pete Hayes trở lại SOG, lần này với cương vị chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phía Bắc - CCN. Các toán thám báo nhận thấy hoạt động của họ bị vô hiệu hoá với tỉ lệ đáng báo động, thường là bị tấn công ngay khi vừa  chạm đất ở Lào. Một lần, Hayes nhớ lại, đơn vị phục kích của Bắc Việt Nam đã "gọi tên của toán và đặt tên cho từng toán viên". Trong một trường hợp khác, toán biệt kích bị "phục kích và họ nói quân phục của lực lượng phục kích vẫn khô nguyên mặc dù trời mưa. Như vậy họ đã biết trước và chờ sẵn"9. Những câu chuyện đáng sợ như vậy thường xuyên được lưu truyền trong các toán thám báo hoạt động ở Lào năm 1970.

Trước những diễn biến này, điều đáng ngạc nhiên là các toán Prairie Fire chịu ít tổn thất hơn so với 1969. Các toán của Schungel có 12 người Mỹ bị giết, 98 bị thương và 4 mất tích. Trong năm 1969, trung bình mỗi điệp vụ có một toán viên người Mỹ bị chết, bị thương hoặc mất tích. Năm 1970, tỉ lệ này giảm xuống còn một cho bốn điệp vụ.

Nếu các toán biệt kích bị đối phương phát hiện ít nhất vẫn ở tỉ lệ như năm 1969, tại sao số thương vong lại giảm xuống? Nguyên nhân của điều dường như là mâu thuẫn này chính là khả năng giải thoát các toán thám báo một cách an toàn của SOG, thậm chí khi đối phương đã tiến rất gần. Schungel đã nhận xét là các toán "chiến đấu ác liệt” và nhận được "yểm trợ mạnh mẽ" để đưa họ về. SOG có thể gọi không quân đến hỗ trợ để giải cứu các toán gặp khó khăn. Schungel ghi nhận “rất nhiều toán thám báo được đưa ra dưới làn đạn. Đó là khi phải trả giá đắt vì máy bay trực thăng và người giải cứu phải lượn vòng và trở thành mục tiêu tấn công hấp dẫn. Chúng tôi mất một số trực thăng. Nhiều người của chúng tôi bị giết hoặc bị thương khi thực hiện các vụ giải cứu nóng này"10.

Để bảo vệ trực thăng cứu hộ, SOG có sự yểm trợ của không quân chiến thuật đầy ấn tượng để chia cắt lực lượng đối phương đang áp sát các toán thám báo. Pete Hayes, chỉ huy trưởng CCN năm 1970, luôn luôn nhận được sự yểm trợ cần thiết cho hoạt động giải cứu: "tôi có Bộ chỉ huy không quân chiến thuật và nhân viên kiểm soát không lưu thật tuyệt vời, còn hoả lực từ trực thăng rất tốt"11. Khi nhiệm vụ quá khó khăn, Hayes có thể sử dụng "hơi cay trong địa bàn hoạt động” nhưng chỉ "trên cơ sở từng trường hợp cụ thể"... để giúp việc rút các toán ra"12.
_______________________________________
1. H.R. Haldeman, "Kết thúc của sức mạnh" (New york: Times books, 1978), tr.219.
2. Robert Shaplen, "Con đường tới chiến tranh", (New York: Happerand Row, 1970), tr.301.
3. Richard Nixon, "Hồi ký của Richard Nixon (New York, Wiley and sows, 1979), tr.223.
4. Creorge Herring "Cuộc chiến tranh dài nhất của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ và Việt Nam 1950 – 1975”, ( New York, Wiley & Sons, 1979), tr.223.
5. Creorge Herring, Sđd, tr.225.
6. Hoa Kỳ gửi "1 triệu súng M.16, 12.000 súng máy M60, 40.000 súng phóng lựu M79, 2.000 khẩu pháo các loại" Quân đội Nam Việt Nam còn được cung cấp "Tàu chiến, máy bay và trực thăng", các trường quân sự được mở rộng, hệ thống cấp bậc chuyên nghiệp hóa, mức lương tăng và chế độ cựu chiến binh tăng lên. Creorge Herring, Sđd, tr.226.
7. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Daniel Shungel, Sđd, tr. 208 -209.
8. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B, tr. B-III.36.
9. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Ernert “Pete" Hayes, trong "Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG", tr. 197.
10. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Daniel Schungel, Sđd, tr. 208.
11. Phỏng vấn lịch sử với trung tá Ernert “Pete" Hayes, Sđd, tr.195.
12. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B. tr. B-19.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 09:00:43 pm

Một cựu toán trưởng thám báo từng công tác tại SOG ba nhiệm kỳ tóm tắt các hoạt động tại Lào trong năm 1970 như sau: "đọ súng ác liệt với số đông quân đội miền Bắc"1. Mặc dù vậy, các toán thám báo "đóng góp phần lớn những chứng cứ cụ thể về việc Hà Nội và Việt Cộng sử dụng Lào làm căn cứ tập kết"2. Những tin tình báo như vậy ngày càng có giá trị nếu xét đến việc Nixon quyết định rút 150.000 lính chiến đấu trong năm 1970. Với một lực lượng ít hơn trong tay, việc biết trước đòn tấn công của đối phương có ý nghĩa sống còn. Các toán SOG cũng buộc một số lượng lớn bộ đội phải ở lại Lào làm nhiệm vụ bảo vệ đường mòn.

Trong khi các toán Frairie Fire vẫn giữ nguyên hoạt động chống quân đội miền Bắc trong năm 1970, có những diễn biến đáng lo ngại báo trước điều tồi tệ sắp xảy ra. Các toán thám báo và lực lượng hỗ trợ thực hiện 50 điệp vụ trong biên giới3. Đây là số lượng lớn vì nó báo hiệu đối phương đã tiến lại gần hơn khi quân Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến tranh.

Ở Campuchia, hoạt động thám báo có những thay đổi lớn trong năm 1970. Trong bốn tháng đầu năm, đối phương tiếp tục sử dụng Campuchia làm nơi trú quân để tấn công vào miền Nam. Các toán thám báo xác định được vị trí đóng quân, tuyến đường xâm nhập và cơ sở hậu cần của đối phương. Họ vẽ ra một bức tranh chi tiết về tình hình quân đội miền Bắc ở đó.

Nixon đã "bí mật" ném bom Campuchia từ đầu năm 1969 để giữ cân bằng khi ông rút quân. Việc ném bom không có tác động như mong muốn, trái lại, đã gây ra bất ổn trong nội bộ Campuchia. Ngày 18-3-1970, Thái tử Sihanouk bị truất ngôi, Lon Nol lên nắm quyền. Nixon quyết định phải có hành động đối với nơi trú quân của Hà Nội. Lực lượng hỗn hợp Mỹ và Nam Việt Nam vượt qua biên giới và phá huỷ các căn cứ đó. Mang mật danh Bình Tây, chiến dịch này không mang lại kết quả rõ ràng, mặc dù giúp kéo dài thời gian cho Việt Nam hoá chiến tranh và ít nhất là tạm thời các cơ sở trú chân của Việt Cộng không sử dụng được.

Cuộc tấn công còn gây ra hậu quả ngoài ý muốn khác. Thứ nhất, chính quyền Nixon phải gánh vác thêm một chính phủ bù nhìn yếu đuối ở Đông Nam Á. Chính phủ Lon Nol, người tổ chức vụ đảo chính tháng 1-1970 lật đổ Sihanouk không được ủng hộ ở Campuchia và không phải là đối thủ của Khơme đỏ. Washington duy trì sự sống cho chính phủ này nhưng một khi Hoa Kỳ rút lui, sự tồn tại của nó chỉ còn đếm từng ngày. Năm 1975, chính phủ Lon Nol sụp đổ và ông ta chạy đến Hawaii.

Thứ hai, ở trong nước, chiến dịch Campuchia đã gây ra sự phản ứng chính trị to lớn. Chính quyền Nixon không lường trước được phản ứng này. Sinh viên trong toàn quốc biểu tình phản đối việc leo thang chiến tranh. Ngày 1-5-1970, sinh viên ở Bang Ohio diễu hành chống chiến tranh và một số người có hành vi bạo lực. Tình hình tiến triển nhanh chóng dẫn đến việc lực lượng cảnh vệ quốc gia giết chết 4 sinh viên. Sự kiện này châm ngòi cho các cuộc biểu tình và diễu hành khổng lồ ở Washington. Do những diễn biến này, ngày 30-6, hoạt động quân sự trên mặt đất ở Campuchia bị huỷ bỏ và mọi nhân viên Mỹ được lệnh rút về. Đối với SOG, họ "không còn được phép triển khai các toán thám báo do Mỹ chỉ huy ở Campuchia". Chỉ có các toán người địa phương là được phép "vượt qua giới tuyến"4. Trong năm 1970, các toán xâm nhập Campuchia - thực hiện 557 điệp vụ, trừ 19 điệp vụ, còn lại là điệp vụ trinh sát. Đại đa số điệp vụ do các toán 100% người địa phương thực hiện. Sau tháng 5-1970, lực lượng không quân chiến thuật có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu do các toán này chỉ điểm.

Do cuộc tấn công qua biên giới của Nixon, "kết quả chung của hoạt động qua biên giới ở Campuchia ghi nhận sự gia tăng cả về số lượng điệp vụ và thời gian hoạt động của từng điệp vụ so với con số thống kê năm 1969". Đó là một năm tốt đẹp. Chiến dịch "Bình Tây" thành công trong việc buộc đối phương phải tái bố trí địa điểm tập kết lực lượng và hoạt động hậu cần. Các căn cứ biên giới của đối phương phần lớn không còn sử dụng được và đến cuối 1970 họ mới tái chiếm được. “Quân đội miền Bắc và Việt Cộng vẫn còn đó nhưng phải chuyển ra xa hơn" vào bên trong Campuchia. Tháng 12, họ bắt đầu "tái thiết lập nơi trú chân ở biên giới”5. Vì vậy năm 1971 không còn là năm thu hoạch của các toán Salem House bên trong Campuchia.

15 tháng cuối cùng của OP35 đánh dấu bằng mối nguy hiểm rình rập các toán thám báo. Khi Nixon đẩy nhanh lịch trình rút quân và giảm quân số xuống còn 75.000 người vào cuối năm 1971, SOG hầu như không bị ảnh hưởng bởi lệnh rút quân này. Quân số vẫn được duy trì và nhịp độ hoạt động vẫn như hai năm trước đó. Mặc dù những biện pháp đối phó của quân đội miền Bắc chưa biến Lào thành nơi bất khả xâm nhập, việc duy trì hoạt động dưới mặt đất là cực kỳ khó khăn. Vị sếp cuối cùng của SOG, đại tá Kip Sadler giải thích rằng vào cuối 1970 "chỉ có 40% toán của SOG ở Lào được quá 24 giờ... quân đội miền Bắc quá mạnh. Họ phục sẵn ở vị trí, họ biết chúng tôi đang đến... và đó là thực đơn của tử thần".

Vì vậy, SOG mất đi những người Mỹ tốt nhất, trong đó có trung sĩ David Mixter. Là con trai của một gia đình New England nổi tiếng, David Mixter có mọi cơ hội tốt nhất mà nước Mỹ có thể có. Mùa hè 1966, ở tuổi 17, Mixter tham gia một "khoá học về thách thức ngoài biên giới tại Main”. Khoá học 26 ngày này có "tác động sâu sắc đến chàng David Mixter trẻ tuổi". Kết thúc khoá học Mixter viết rằng "Chương trình đã giúp tôi có cảm giác tự tin mà tôi chưa từng có. Khi một nhiệm vụ dường như bất khả thi được thực hiện, trong tôi xuất hiện một cảm giác tuyệt vời không bút nào tả xiết. Tôi mong có được cảm giác ấy... từ mọi công việc tôi làm trong tương lai". Mixter kết thúc bằng việc nêu phương châm trong công việc: "Điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với tôi là danh dự”6.

Thay vì theo học trường đại học New England danh tiếng, David Mixter tham gia lực lượng đặc biệt của quân đội. Năm 1970, Mixter tình nguyện đến công tác tại SOG và nhận được huân chương sao bạc - Silver Star - vì lòng dũng cảm. Ngày 29-1-1971, khi đang thực hiện điệp vụ thám báo tại Lào, trung sĩ Mixter bị chết trong một cuộc đấu súng với bộ đội miền Bắc.

David Mixter là nhân viên thám báo cuối cùng bị chết tại Lào. Tại nghĩa trang quốc gia Arlington, một ngồi mộ đá được lập ra để tưởng nhớ sự hy sinh và lòng dũng cảm của David Mixter.

Bất chấp sự mất mát, các toán Prairie Fire tiếp tục mang về tin tức tình báo quý giá. Vào cuối 1970, họ phát hiện ra sự gia tăng nhanh chóng lực lượng quân đội miền Bắc tại Lào. Hà Nội có sự di chuyển một số lượng lớn người và vũ khí, tạo ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với các tỉnh phía bắc của Nam Việt Nam. Với việc lính Mỹ đã rút lui khỏi khu vực này, thời điểm tấn công là chín muồi.

Nixon quyết định phải có hành động tại Lào. Ông cho rằng Hà Nội đang chuẩn bị cuộc tấn công lớn vào chiến dịch tái bầu cử của Nixon năm 1972. Một cuộc tấn công qua biên giới vào những địa điểm trú quân sẽ vô hiệu hoá mọi điều bất ngờ mà Hà Nội có trong đầu và kéo dài thêm thời gian cho Việt Nam hoá bằng việc gây rối loạn địa bàn tập kết và hệ thống cung cấp ở hậu phương của quân đội miền Bắc. Nixon tin rằng một động thái tương tự đã thành công ở Campuchia và có thể sẽ lại thành công ở Lào. Chỉ có một vấn đề trong lập luận của Nixon: Tình hình ở Lào hoàn toàn khác. Sự hiện diện của quân đội miền Bắc lớn hơn rất nhiều và, như các toán thám báo đã chỉ ra, còn đang được tăng cường. Đồng thời, quân đội Việt Nam cộng hoà phải tự gánh vác sứ mạng chiến đấu. Tuy Hoa Kỳ có thể trợ giúp không quân, thông tin nhưng binh sĩ và cố vấn Mỹ không được đi kèm quân đội miền Nam. Quốc hội ngăn cấm điều đó - kết quả của phản ứng của quốc hội đối với việc xâm lược Campuchia và thái độ thù địch ngày càng tăng đối với chính sách Việt Nam của Nixon.

Khi công việc chuẩn bị đang diễn ra, mục tiêu của cuộc tấn công khá tham vọng, bao gồm việc cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào dọc theo đường 9 và phá huỷ cơ sở hạ tầng của quân đội Bắc Việt Nam trong khu vực này. Để làm điều đó, lực lượng Việt Nam cộng hoà phải khống chế được khu vực từ biên với Lào đến Tchepone. Cắt đứt đường Hồ Chí Minh từ lâu đã là mơ ước của các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ. Trên thực tế, tướng Reighton Abrams, Tư lệnh MACV, là người đề ra mục tiêu trên cho chiến dịch Lam Sơn 719, mật danh của cuộc tấn công. Đó là một kế hoạch táo bạo nhưng nguy hiểm. Quân lực Việt Nam cộng hoà cử những đơn vị tinh nhuệ nhất cho Lam Sơn 719.

Lãnh đạo SOG cho rằng Lam Sơn 719 là không thể thực hiện được. Theo Skip Sadler, kế hoạch đó chỉ mang lại thảm hoạ. Dựa trên sự quan sát trực tiếp bằng mắt thường của các toán biệt kích, Sadler đến báo cáo với tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh của quân đội Nam Việt Nam và trung tướng James Suthurland, người sẽ tiến hành yểm trợ bằng không kích và pháo kích từ lãnh thổ Việt Nam, về những thực tế xác đáng ở Lào. Trong buổi báo cáo, Sutherland cho rằng vấn đề lớn nhất của Lam Sơn 719 là đưa lực lượng Nam Việt Nam vào các vị trí ở Lào để cắt đứt đường mòn. Mặc dù thừa nhận đó là việc không dễ dàng, Sadler lưu ý tướng Lãm rằng mối "lo ngại nhất" lại là việc rút ra bằng cách nào"7. SOG tỏ ra rất chính xác.

Trong việc chuẩn bị cho chiến dịch, SOG thực hiện hàng loạt động thái đánh lạc hướng để thu hút sự chú ý của đối phương. Ở vùng phía tây của Khe Sanh, họ thả dù có gắn thuốc nổ và giả tạo ra các vụ xâm nhập biệt kích. Ngoài ra, SOG còn bố trí các toán thám báo và các đơn vị hỗ trợ vào khu vực này. Trong suốt chiến dịch Lam Sơn 719, các toán của SOG tiếp tục hoạt động nghi binh ờ thung lũng A Sầu để giam chân lực lượng miền Bắc và thu thập tình báo. Con đường 922 chạy qua A Sầu là một phần tuyến đường rút lui của quân đội Nam Việt Nam. Tướng Giáp, Tổng tư lệnh quân đội Bắc Việt Nam đã chuẩn bị kỹ để đón quân đội Nam Việt Nam. Ông biết rõ lực lượng của Sài Gòn đi đâu và không bị mắc lừa các hoạt động nghi binh của SOG.

Lam Sơn 719 bắt đầu ngày 8-2. Những lời cảnh báo của SOG không được ai để ý và chiến dịch là một thảm bại lớn. Lực lượng quân đội Nam Việt Nam bị lực lượng Bắc Việt Nam đón sẵn đánh tơi bời. Đối phương biết rõ địa hình và khai thác tối đa lợi thế đó. Các trinh sát pháo binh của Bắc Việt Nam, vì nắm rõ địa hình địa vật, hướng dẫn pháo bắn chính xác vào đội hình tấn công của Nam Việt Nam.

Tình hình trên cùng với thời tiết xấu đã hạn chế sự di chuyển của quân đội Nam Việt Nam và ngăn cản sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ. Trong sáu tuần giao tranh, quân đội chủ lực miền Bắc nghiền nát các đơn vị tinh nhuệ nhất của miền Nam, trong đó, một số đơn vị bị tổn thất tới 50%. Điều tệ hại hơn là thất bại này mở cửa cho Hà Nội khống chế phần phía tây quân khu I. Đường đã rộng mở đến Huế. Trong thời gian còn lại của 1971, quân đội miền Bắc tiếp tục được tăng cường để chuẩn bị cho cuộc tấn công 1972.

Ở Hoa Kỳ, thông tin đại chúng mô tả cuộc xâm lấn sang Lào là một thảm bại. Hình ảnh trên truyền hình về sự rút lui hoảng loạn của binh lính miền Nam chứng minh một cách sinh động rằng Việt Nam hoá chiến tranh không có hiệu quả. Thất bại này, được phản ánh bằng hình ảnh lính Việt Nam cộng hoà bám vào càng trực thăng một cách tuyệt vọng, là khó có thể chối bỏ. Tuy nhiên, chính quyền cố gắng bằng mọi cách để tuyên bố Lam Sơn 719 là thắng lợi. Trong buổi truyền hình trực tiếp toàn quốc ngày 7-4-1971, Tổng thống Nixon tuyên bố “hôm nay tôi nói với các bạn là Việt Nam hoá đã thành công"8. Cuối cùng, chỉ có SOG còn ở lại để đối mặt với tình hình ở Nam Việt Nam.
______________________________________
1. Plaster: "SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam", tr.318.
2. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B, tr.B-II - 32.
3. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B, tr. B-II – 33.
4. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B, tr. B-II – 4.
5. MACVSOG: Lịch sử chỉ huy 1970, phụ lục B, tr. B-II - 41.
6. Sarah Botton "Thách thức: Trường hướng ngoại Island Hurricane" (không có ngày in), tr.8.
7. Plaster, "SOG: Cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam", tr. 318.
8. Karnow, "Việt Nam một lịch sử”, tr.630.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Tư, 2008, 09:08:41 pm

Do Lam Sơn 719 thất bại, địa bàn hoạt động của Prairies Fire được mở rộng ra vùng phía bắc của Nam Việt Nam. Sài Gòn đã để mất vùng này vào tay đối phương. Ở miền Nam, các toán thám báo được triển khai để "xác định, ngăn chặn và tiêu diệt binh sĩ và phương tiện trên con đường xâm nhập và đường thông tin liên lạc giáp ranh với biên giới Lào"1. Ở Lào, nhiệm vụ của OP35 được giao cho các toán người địa phương. Một sản phẩm phụ của Lam Sơn 719 là các toán thám báo do Mỹ chỉ huy bị cấm không cho hoạt động bí mật qua giới tuyến. Chính quyền Nixon cảm thấy họ không thể để cho bất kỳ lính Mỹ nào bị bắt giữ ở Lào thêm nữa vì e ngại sự chống đối của quốc hội.

Từ 1-1-1971 đến 31-3-1972, OP35 thực hiện 474 điệp vụ trong địa bàn hoạt động. Việc phân loại các điệp vụ cho thấy ảnh hưởng của thất bại Lam Sơn. Trong số các điệp vụ thực hiện, 278 được thực hiện bên trong giới tuyến do nhân viên Mỹ chỉ huy. Tin tức cho biết Bắc Việt Nam đã chuyển dịch căn cứ hậu phương qua biên giới Lào vào Việt Nam. Như các toán thám báo đã khẳng định việc gia tăng lực lượng vẫn được tiếp tục trong thời gian còn lại của 1971

Thông thường, các toán hoạt động hai bên biên giới trong năm 1971 phải chiến đấu để bảo toàn sinh mạng. Họ như là con thú bị săn đuổi. Trong 15 tháng cuối cùng, rất nhiều toán thám báo bị đối phương vô hiệu hoá. Trên thực tế một toán trưởng thám báo báo cáo vào mùa thu 1971 là "bảy trên chín toán thực hiện điệp vụ phải chiến đấu bảo vệ tính mạng"2.

Đại tá Roger Pezzelle chỉ huy OP35 trong những tháng cuối cùng. Đó là công việc mà Pezzelle đã tìm kiếm năm 1969. Theo chính lời của Pezzelle, "ông là một trong những ngươì tình nguyện của lực lượng đặc biệt năm 1952". Ông đã là "toán trưởng của Nhóm lực lượng đặc biệt số 10" và từ đó "chuyển từ công việc đặc biệt này sang công việc đặc biệt khác"3. Tháng 1-1969, Pezzelle "được đề cử đến OP35 để thay thế Bill Johnson". Ông rất thích "công việc đó và vận động để được chọn... dự kiến tôi sẽ thay Bill Johnson vào ngày 22-6-1969 nhưng sau đó, kế hoạch bị đảo lộn". Jack Isler được sếp của SOG, Cavanaugh lựa chọn. Pezzelle "tức điên lên" vì cảm thấy mình xứng đáng với nhiệm vụ4

Pezzelle tiếp nhận chỉ huy từ mùa hè 1971. Ông điều hành việc giải thể OP35 trong khi các toán thám báo tiếp tục giao tranh với đối phương cho đến ngày cuối cùng. Vào lúc bấy giờ, "mọi người đang trở về nhà", Pezzell kể lại, "trừ SOG. SOG vẫn tiến hành công việc chăm chỉ như hoặc hơn trước đây vì chúng tôi phải bù vào số đã rút ra khỏi địa bàn". Việc cắt giảm lực lượng Mỹ có nghĩa "yểm trợ không quân bắt đầu giảm xuống". Pezzelle "gặp nhiều khó khăn trong yểm trợ, nhất là cho trung tâm chỉ huy phía Bắc - CCN. Đoàn không quân 101 được giao nhiệm vụ hỗ trợ trực thăng cho chúng tôi. Trong vài trường hợp, tôi phải đến tận nơi báo cáo với viên tướng tư lệnh rằng những máy bay mà chúng tôi yêu cầu đã được tướng Braham phê chuẩn bằng văn bản cho mỗi giai đoạn 30 ngày". Sự yểm trợ của không quân chiến thuật cũng "khó hơn" vào năm 19715.

Những tháng cuối cùng thật là cực hình đối với các toán thám báo do Mỹ chỉ đạo và của người địa phương hoạt động ở Lào và phần phía bắc của Nam Việt Nam. "Mọi thứ đều khắc nghiệt", theo lời của sếp cuối cùng của OP35. Sự đối phó của đối phương "là rất nhanh. Các toán có người Mỹ, mặc dù rất kinh nghiệm, cũng bị tấn công ngay lập tức. Ở khu phi quân sự - DMZ, hoặc ngay phía nam của MDZ, họ có khả năng ứng phó với xâm nhập trong thời gian vài phút với các đơn vị quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn. Tháng 8, tôi tung Kansas vào ngay phía nam của DMZ và, trong vòng ít phút, họ đã bị một trung đội tấn công và sau đó là cả một đại đội tiếp sau nữa là một tiểu đoàn". Những gì mà toán Kansas gặp phải là "sự ứng phó phổ biến của quân đội miền Bắc ở địa bàn này, vùng phía bắc của Nam Việt Nam và ở Lào"6.

Pezzelle "cảm giác rằng sự thiếu động cơ của các toán đã góp phần vào việc giảm sút hiệu quả hoạt động”. Còn có một số nguyên nhân khác, trong đó có việc "Bắc Việt Nam đang di chuyển một lượng quân đội lớn... hàng đoàn xe tải chạy xuống phía nam, để tiếp tế cho quân đội của họ”. Các căn cứ ở miền Nam đã được phát triển tốt đến mức các toán thám báo phát hiện ra xe tăng của đối phương ở đối diện với Kontum. Không ai tin chúng tôi, vì vậy chúng tôi phải chụp ảnh"7.

Dấu hiệu của việc tăng cường lực lượng bộ đội Bắc Việt Nam là việc gần đây các toán thám báo là "đối tượng chính của họ, vì những người Mỹ khác đã trở về nhà. Do vậy, "Bắc Việt Nam xây dựng được năng lực ứng phó với hoạt động của SOG rất tốt... Họ quan sát địa hình để tìm ra nơi chúng tôi có thể đổ bộ và lặng lẽ quan sát để tìm hiểu kỹ thuật hoạt động của chúng tôi. Họ có thể tấn công chúng tôi cả ở trên không cũng như trên mặt đất"8. Pezzelles cho rằng đó là do quy mô lực lượng được bố trí để đảm bảo an ninh cho con đường là "rất lớn. Toàn bộ con đường được phát triển trong tình trạng an ninh tốt. Tôi cho là lực lượng làm việc đó là rất lớn, cả phòng không lẫn trên mặt đất". Dĩ nhiên, Pezzelles bổ sung việc ngừng ném bom đã làm cho công tác bảo vệ an ninh đường Hồ Chí Minh trở nên dễ dàng hơn và "cho họ rất nhiều lợi thế"9.

Ngoài các biện pháp đối phó, Pezzelles chỉ ra vấn đề cố hữu là gián điệp của đối phương. Ông nhớ lại khi Sadler còn là sếp của SOG, "họ đã chứng minh chúng tôi có một tên nội gián. Tôi nghĩ họ đã phát hiện ra anh ta và cho anh ta đi nơi khác. Anh ta bị nghi ngờ vì họ liên tục mất các toán thám báo"10.

Góp Phần vào khó khăn trong hoạt động của các toán  này là giới hạn do Washington áp đặt, viên chỉ huy cuối cùng của SOG vẫn phải tuân theo những giới hạn trước đây. "Mỗi một điệp vụ thám báo ở Lào và Campuchia đều phải đệ trình. Chúng tôi trình kế hoạch hoạt động lên Tư lệnh Thái Bình Dương qua MACV và lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong vòng ba ngày nếu không có ý kiến gì, chúng tôi được phép thực hiện điệp vụ đó". Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc phải xin phép từng điệp vụ tới tận Nhà Trắng, Pezzelles mở to mắt: "thật là quá lố, anh có thấy thế không"11.

Khi năm 1971 dần kết thúc, OP35 có một đóng góp cuối cùng cho chiến tranh. Dựa trên các báo cáo tình báo, Pezzelles cung cấp cho MACV những dấu hiệu rõ ràng về cuộc tấn công mùa xuân 1972 sẽ diễn ra ở đâu. Theo quan điểm của Pezzelles, SOG đã nói rất đúng. Ngày 30-3-1972, Hà Nội tiến hành cuộc tấn công theo quy ước có quy mô lớn vào Nam Việt Nam. Cuộc tấn công, dẫn đầu bằng xe tăng của Liên Xô và theo đó là 120.000 bộ đội tràn qua khu phi quân sự, vào Tây Nguyên và qua biên giới Campuchia vào tây bắc Sài Gòn.

Tin tức cho thấy quân đội Bắc Việt đã "tạo ra bất ngờ", còn Hoa Kỳ thì "phán đoán sai lầm về thời gian, quy mô và nơi tấn công"12. Mặc dù SOG đã cung cấp nhiều căn cứ cho thấy một cuộc tấn công lớn đang được chuẩn bị, nhưng họ không chỉ ra được thời gian và địa điểm của cuộc tấn công đó. Tại sao? Vì MACV SOG ngừng hoạt động. Ngày 30-4-1972, SOG chính thức giải thể theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và các chương trình còn lại sẽ được chuyển giao cho Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình giải thể đã diễn ra trước đó sáu tháng. Vì vậy trong giai đoạn quan trọng từ tháng Một đến tháng Ba, tai mắt của MACV bên trong lãnh thổ đối phương không còn nữa. Hoạt động thám báo của SOG đã kết thúc.

Cái giá của thất bại tình báo này, ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công, là thắng lợi ngoạn mục của đối phương. Hà Nội tiến dần đến chiến thắng. Mặc dù không quân Mỹ đã cứu Nam Việt Nam khỏi sụp đổ vào mùa Xuân 1972, cuộc tấn công đó là cánh chim báo tin cho những sự kiện của 1975. Lúc đó, lực lượng quân đội Mỹ và cả SOG nữa đã ra đi từ lâu.
_____________________________________
1. MACVSOG, Lịch sử chỉ huy 1971 - 1972, phụ lục B, tr B - 3 - 21.
2. Karnow, Sđd, tr.318.
3. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Roger Pezzelle, Sđd, tr.222.
4, 5. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Roger Pezzelle, Sđd, tr.224, 232 - 234.
6, 7, 8, 9. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Roger Pezzelle, Sđd, tr.235, 237, 241.
10, 11. Phỏng vấn lịch sử với đại tá Roger Pezzelle, Sđd, tr.247, 239.
12. Herting "cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ: Hoa Kỳ và Việt Nam, 1950 - 1975", tr.240.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Tư, 2008, 12:42:07 pm

CHƯƠNG BẢY
KHOẢNG CÁCH LỚN:
SOG VÀ CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ CỦA MỸ


Ngày 13-6-1942, bất chấp sự phản đối của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cơ quan tình báo chiến lược (OSS) được thành lập. Các vị tham mưu trưởng không tin là một tổ chức như OSS có thể đóng góp điều gì đó cho chiến tranh. Họ cũng ngán William Donovan, giám đốc của OSS người được ví như khẩu đại bác, và đã thuyết phục tổng thống Roosevelt giao cho quyền hạn lớn trong hoạt động lật đổ trong chiến tranh. Là một người hoạt động chính trị khôn khéo, Donovan là một nhà hoạt động bí mật và tin rằng các thủ đoạn lừa bịp có thể tạo ra sự khác biệt1. Quan niệm trên đặt Donovan vào thế đối đầu với giới lãnh đạo quân sự cấp cao. Theo họ, Donovan chỉ là một thường dân dám xâm phạm vào lĩnh vực của người khác và cổ vũ cho hoạt động quân sự theo kiểu không chính thống, mà dưới con mắt của họ, chỉ là một ý tưởng bốc đồng. Nhưng Donovan được Roosevelt lắng nghe và thuyết phục được tổng thống về tầm quan trọng của lực lượng biệt kích bí mật và các đơn vị du kích trong thời chiến. Trong lúc đó các tham mưu trưởng dùng mọi cách để ngăn cản OSS.

Để giành ủng hộ của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Donovan đưa ra lý luận là tất cả mọi hoạt động của OSS đều đặt dưới sự giám sát của giới lãnh đạo quân sự cao cấp. Đây là một động thái chiến thuật khôn khéo và có sức hấp dẫn đối với các tham mưu trưởng. Nếu không ngăn cản được hoạt động của OSS, ít nhất họ cũng muốn có biện pháp kiểm soát nào đó. Nhưng đề nghị của Donovan không đơn thuần chỉ là một thủ đoạn chính trị, ông thực sự tin vào điều đó.

Trong chiến tranh, OSS tiến hành mọi thủ đoạn có trong hoạt động ngầm - lật đổ, phá hoại, tập kích, chiến tranh tâm lý và hợp tác với các lực lượng du kích. Các công việc này được thực hiện dưới sự giám sát của quân đội và nhằm hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh chung. Điều này mang lại kết quả, OSS đóng góp phần quan trọng vào chiến thắng của đồng minh. Bây giờ nhìn lại, luận điểm của ông là không thể bác bỏ. Trong thời chiến, OSS hoặc SOG cần được gắn kết với chiến lược chiến tranh chung. Donovan coi đây là nguyên tắc cơ bản.

Trong chiến tranh Việt Nam, giới lãnh đạo quân sự Mỹ không đếm xỉa gì đến luận điểm trên của Donovan và thậm chí còn chưa từng biết đến luận điểm ấy. Lầu Năm Góc không coi chiến tranh bán quân sự của SOG là một bộ phận của chiến lược giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam. Theo ba sếp đầu tiên của SOG, nguyên tắc cơ bản của Donovan còn lạ lẫm đối với tướng Westmoreland và các tướng lĩnh khác đang chiến đấu với Việt Cộng và quân đội miền Bắc”.

Sếp của SOG, Blackburn hiểu rất rõ thái độ trên. Đối với Westmoreland và các tư lệnh dưới quyền, “SOG rất nhỏ bé, là một bộ phận không đáng kể của bức tranh chung”. Họ (Lầu Năm Góc và MACV) “quá thiên về chiến tranh thông thường và SOG không mấy quan trọng đối với họ”. Blackburn nói tiếp, “không chỉ có Westmoreland, mà còn Taylor, Harkin, những người trước Westmoreland rồi Abram... Họ không biết SOG có thể đóng góp được gì”. Rồi Blackburn dẫn chứng: “Tôi sống cùng khu với viên phó của Westmoreland một năm trời nhưng anh ta không bao giờ hỏi tôi một câu nào về hoạt động của SOG”. Hơn nữa Blackburn giận dữ cho rằng anh ta đã “ngăn cản việc thăng hàm. Mặc dù chính con người đó đề nghị tôi đến Việt Nam, nhưng khi tôi xuất hiện trong danh sách thăng hàm, anh ta bỏ phiếu chống lại tôi”2.

Blackburn cho rằng với lãnh đạo quân sự cao cấp không có cái nhìn chiến lược về chiến tranh như đối thủ của họ ở Hà Nội. Đối với Westmoreland, chiến tranh là cuộc chiến theo quy ước ở miền Nam. Đối với tướng Giáp, đó là một cuộc đấu tranh vũ trang, trong đó mọi biện pháp quân sự đều được sử dụng trong toàn Đông Dương. Theo Blackburn, Westmoreland “đến đó để chỉ huy các lực lượng thông thường ở Nam Việt Nam. SOG trực thuộc sự chỉ huy của MACV nhưng các điệp vụ của nó không thuộc thẩm quyền chỉ đạo của ông”3. Việc không phải chịu trách nhiệm này càng làm cho Westmoreland bỏ qua những gì SOG có thể đóng góp. Blackburn nhận xét rằng, quan điểm trên của Westmoreland được phản ánh trong thái độ không nhiệt tình thúc đẩy các hoạt động ở Lào, ngoài phạm vi hoạt động của các đơn vị quân đội Mỹ. “Tôi nghĩ ông ta cho rằng Lào không phải là vấn đề của mình... ông ta không để tâm đến Lào vì chẳng làm gì được ở đó cả... ông ta không được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề đó”4. Mối quan tâm của Westmoreland nằm ở “lực lượng Mỹ đông đảo ở Nam Việt Nam, và thường xuyên yêu cầu tăng cường thêm quân. Vì thế, tôi rất khó xin được sự yểm trợ cần thiết để đưa người chúng tôi sang Lào... đó là cuộc đấu tranh”5.

Kinh nghiệm chỉ huy SOG của Jack Singlauh cũng tương tự. Mặc dù có mối quan hệ công tác tuyệt vời với tướng Westmoreland và các tư lệnh dưới quyền, điều đó cũng không giúp mấy vào việc làm cho họ có hiểu biết thêm về khả năng của SOG. Jack Singlauh mô tả như sau: “Thiếu sự hiểu biết về khả năng mà lực lượng đặc biệt có thể trợ giúp cho hoạt động thông thường. Khi lực lượng thông thường đã được triển khai, người ta cho rằng, họ có thể hoàn thành mọi mục tiêu. Mọi người đều lạc quan: điều cần thiết là một vài tiểu đoàn Mỹ, sau đó chúng ta sẽ chộp được đuôi của đối phương. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy”6

Singlauh là sếp của SOG khi tướng Creighton Abrams thay thế Westmoreland tháng 7-1968. So với người tiền nhiệm, Abrams có quan điểm còn nặng nề hơn về lực lượng đặc biệt và chiến tranh đặc biệt. Westmoreland tỏ ra khoan dung nhưng không đặt nhiều hy vọng vào SOG. Còn thái độ của Abrams thì khó có thể nói là khoan dung. Theo Singlauh, Abrams thực sự cho là “lực lượng đặc biệt đã lấy đi những nhân viên tốt nhất tập trung vào một nơi, tách rời họ khỏi đơn vị cũ”, và như vậy “làm suy yếu các đơn vị chủ lực”7

Hơn nữa, nếu so với các đơn vị thông thường, SOG có thể làm được gì? Theo Abrams, câu trả lời là không đáng kể. Theo lời của Jack Singlaub, ông là “người phản đối lực lượng đặc biệt, chống đối hoạt động ngầm... Đối với ông, hoạt động ngầm chỉ là các vụ tập kích mà ông đã chỉ huy trong thế chiến thứ hai khi đơn vị đặc nhiệm của ông tấn công trại giam tù binh... Đó là hành động dũng cảm, nhưng ông cho rằng một đơn vị xe bọc thép cũng có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ như vậy. Quan điểm này phản ánh cách Abrams nhìn nhận SOG”8

Steve Cavanaugh chỉ huy SOG hai năm, sau khi Singlaub ra đi tháng 9-1968. Khi được hỏi trong thời gian chỉ huy SOG, ông có nhận thấy giới chỉ huy của MACV có hiểu biết gì về quan điểm của Donovan hay không, câu trả lời của Cavanaugh là không, lý do là “họ coi đó là cuộc chiến tranh thông thường... không đánh giá hết giá trị của hoạt động đặc biệt... Lực lượng đặc biệt không được coi trọng”9. Ông cho rằng “riêng về MACV, họ không thể coi nhẹ SOG hơn được nữa và “họ không phải là người ủng hộ tôi”10.

Blackburn, Singlauh và Cavanaugh đều cho thấy chững điều dường như trái với ưu tiên của tổng thống Kenedy khi giao cho quân đội hoạt động đặc biệt chống lại miền Bắc năm 1961. Tại sao SOG không nhận được hỗ trợ của lãnh đạo quân đội? Tại sao Lầu Năm Góc và MACV không gắn kết SOG vào chiến lược quân sự trong chiến tranh Việt Nam? Câu trả lời nằm ở thái độ của giới quân sự cao cấp đối với chiến tranh đặc biệt và cho thấy kể từ khi Donovan đề ra nguyên tắc cơ bản cho hoạt động này, thái độ đó không mấy thay đổi.
_______________________________________
1. Là một anh hùng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Donovan nhận Huân chương Danh dự. Sau chiến tranh ông thành lập một hãng kinh doanh ở Wall-street và phát triển nó thành một doanh nghiệp đầy sức mạnh. Mặc dù việc kinh doanh giúp ông trở nên giàu có và đưa ông vào giới có ảnh hưởng lớn nhất, mối quan tâm chủ yếu của Donovan là vai trò của Mỹ trong thế giới ngày càng nguy hiểm của những năm 1930.
2, 3. Phỏng vấn lịch sử chuẩn tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG , tr. 36-37, 38.
4, 5. Phỏng vấn lịch sử chuẩn tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 37, 38-39.
6. Phỏng vấn lịch sử thiếu tướng John K. Singlauh, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 75.
7, 8. Phỏng vấn lịch sử thiếu tướng John K. Singlaub, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 75, 60.
9, 10. Phỏng vấn lịch sử đại tá Stephen E. Cavanaugh, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 114, 112.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Tư, 2008, 10:55:00 pm

LẦU NĂM GÓC PHẢN ĐỐI CÁCH NHÌN VỀ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA KENEDY

Thái độ miễn cưỡng của Lầu Năm Góc trong việc coi trọng giá trị có ý nghĩa của SOG là một phần của sự phản đối đối với chỉ thị xây dựng năng lực chiến tranh đặc biệt của Kenedy. Mệnh lệnh đó thách thức mọi thứ mà giới quân sự chính thống bảo vệ.

Lý do tồn tại của các quân binh chủng vũ trang Hoa Kỳ được hình thành trên kinh nghiệm của thế kỷ XX. Họ đã giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh thế giới và tiến hành thành công cuộc chiến tranh hạn chế ở Triều Tiên. Trong mỗi cuộc chiến tranh đó, lực lượng và chiến lược chiến tranh theo quy ước được sử dụng, và do vậy dần hình thành tư duy chiến tranh quy ước trong quân đội Hoa Kỳ. Sự phát triển công nghệ về khả năng cơ động và hoả lực đã củng cố thêm tư duy này.

Như Kenedy nhìn nhận, vấn đề là bản chất của chiến tranh đang thay đổi. Nếu quân đội Mỹ tiếp tục theo con đường thông thường thì họ sẽ rơi vào tình trạng được chuẩn bị kỹ cho cuộc chiến tranh ít có khả năng xảy ra nhất và, ngược lại ít được chuẩn bị cho cuộc xung đột dễ xảy ra và phải can dự nhất. Từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, John F. Kenedy đã rung hồi chuông cảnh báo trên. Mặc dù Lầu Năm Góc có thể đánh bại Liên Xô ở biên giới nước Đức, công việc thực sự của họ là chống các cuộc chiến tranh du kích ở thế giới thứ ba. Kenedy đã nói trước lớp sinh viên tốt nghiệp Westpoint năm 1962 như sau: “Đây là một loại chiến tranh khác, mới mẻ về cường độ, cổ xưa về nguồn gốc, cuộc chiến tranh của du kích, lật đổ, bạo loạn, ám sát; cuộc chiến tranh trong đó phục kích thay cho chiến đấu (trên chiến trường)... Nó đòi hỏi... một chiến lược... hoàn toàn mới, một lực lượng hoàn toàn mới, và vì vậy, một chương trình đào tạo hoàn toàn mới và khác biệt”1

Đó là bức thông điệp không lọt tai giới quân sự chính thống. Kenedy không nhân nhượng, và tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng lực lượng đặc biệt để đối phó với thách thức lật đổ bạo loạn. Người em của tổng thống, Robert Kenedy, còn đi xa tới mức hỏi Maxwell Taylor: “Tại sao chúng ta lại không biến toàn bộ quân đội thành lực lượng đặc biệt?” - một quan điểm mà giới quân sự thấy đáng báo động và thiếu thận trọng2.

Chính quyền Kenedy tiến hành nhiều biện pháp để đưa các quân chủng và nhất là lục quân, vào việc xây dựng năng lực chống bạo loạn lật đổ. Tổng thống còn đi xa tới mức triệu tập cuộc họp với các tư lệnh chủ yếu của lục quân tại Phòng bầu dục. Được biết tổng thống đã phát biểu: “Tôi muốn các anh làm điều đó. Tôi biết lục quân sẽ không phát triển lĩnh vực chống bạo loạn và làm những việc mà tôi cho là cần phải làm trừ khi chính bản thân lục quân muốn làm điều đó”3

Kenedy không thuyết phục được các tướng lĩnh. Sự chống đối chiến tranh đặc biệt là rất lớn. Bắt đầu từ Maxwell Taylor, người nghỉ công tác để trở thành đại diện quân sự đặc biệt của Kenedy. Năm 1962, Taylor trở lại giữ chức Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân. Taylor là người thiên về hoả lực và các hoạt động bằng lực lượng thông thường được trang bị đầy đủ. Ông cho rằng sự nhiệt tình của Nhà Trắng đối với chống bạo loạn “thực sự không cần thiết”4. Lực lượng thông thường với khả năng cơ động cao sẽ đủ sức đối phó với du kích quân. Người tiền nhiệm của Taylor, tướng Lyman Lemnitzer, cho rằng chính quyền Kenedy tuyên truyền “quá mức về chống bạo loạn. Tướng Earl Wheeler, tham mưu trưởng lục quân từ 1962-1964 và là người kế nhiệm của Taylor, cũng nhất trí như vậy5

Các tướng lĩnh lục quân xiết chặt đội ngũ chống lại chiến tranh đặc biệt. Họ làm mọi thứ để vô hiệu hoá các ý tưởng của tổng thống. Tham mưu trưởng lục quân, tướng George Decker, tuyên bố năm 1962: “bất kỳ một người lính tốt nào cũng có thể đối phó với du kích”6. Với một chút huấn luyện thêm, lính bộ binh thông thường có thể hoàn thành nhiệm vụ chống bạo loạn. Đó không phải là những điều mà tổng thống muốn nghe và cho thấy hạn chế trong tư duy chính thống.

Lầu Năm Góc cũng có quan điểm tương tự về chiến tranh đặc biệt bí mật. Trong khi Kenedy chỉ thị cho quân đội tiếp nhận và mở rộng hoạt động của CIA chống lại miền Bắc năm 1963, Lầu Năm Góc tỏ ra không hăng hái gì về nhiệm vụ mới này. Tương tự như cánh ứng phó với OSS trước đây, nếu như không thể trốn tránh được, ít nhất, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân muốn có sự kiểm soát nào đó, nhất là sau thảm bại vịnh Con lợn.

Sau thất bại ở Cu Ba, Kenedy yêu cầu Taylor lãnh đạo cuộc điều tra để xác định nguyên nhân. Vào lúc bấy giờ, Taylor đang là Chủ tịch Trung tâm Lilcon về nghệ thuật ở thành phố New York. Ông tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chỉ huy, kiểm soát so với các vấn đề hoạt động. Sự phê phán nặng nề nhất của Taylor nhằm đúng vào Nhà Trắng: “sự chỉ đạo ở cấp cao nhất được đưa ra tại các cuộc họp của một nhóm nhỏ các quan chức cao cấp... mà không hề cân nhắc đến kế hoạch hành động bằng văn bản và không có gì ghi nhận lại kết luận và quyết định đạt được trong cuộc họp đó”7. Dường như Nhà Trắng chỉ đạo hoạt động Cu Ba như là kẻ nghiệp dư. Quá trình giám sát của chính quyền, theo Taylor, là “không đầy đủ để có thể xem xét đúng mức tất cả mọi tác động quân sự”8. Điểm cuối cùng này thật sự bất ngờ. Nó đặt ra câu hỏi liệu các chuyên gia quân sự - Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - có được tham gia tiến trình đó không? Tại sao họ không có vai trò trung tâm?

Các tham mưu trưởng vắng mặt bởi vì họ bị gạt ra ngoài quá trình vạch kế hoạch của CIA. Điều này được phản ánh trong báo cáo về chiến dịch Cu Ba do Lyman Kirkpatrick, tổng thanh tra CIA, hoàn thành năm 1962. Lyman phê phán mạnh mẽ hoạt động của CIA. Trong nội bộ CIA, báo cáo này được coi là đòn phá huỷ do người trong cuộc tạo ra. Trên thực tế, bản báo cáo có tính nhạy cảm đến mức giám đốc CIA cất nó vào tủ riêng của mình cho đến khi được giải mật năm 1998.

Theo Kirpatrick, “CIA bị cuốn quá nhiều vào hoạt động quân sự đến mức không còn khả năng đánh giá được cơ hội thành công trên thực tế”. Trong tương lai, CIA phải “điều hành hoạt động với chính sách được xác định rõ ràng, kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng và tham gia phối hợp đầy đủ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng khi thích hợp... Theo quan điểm của chúng tôi, các cơ quan đặc biệt có xu hướng nhận nhiệm vụ vượt quá năng lực của chính mình và không xem xét đầy đủ khả năng các cơ quan khác của chính phủ cùng thực hiện hoặc tham gia vào những hoạt động này”9.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân không cần Kirpatrick nói cho họ những gì đã biết. Họ bị đẩy vào tình thế khó khăn. CIA sử dụng nguồn lực của Lầu Năm Góc, kể cả binh sĩ, nhưng không tham khảo ý kiến của họ về chiến dịch Cu Ba.

Để ngăn ngừa việc tái diễn, các tham mưu trưởng muốn kiểm soát mọi sự dính líu của quân đội vào hoạt động ngầm trong tương lai. Tuy nhiên, muốn kiểm soát không đồng nghĩa với việc các tham mưu trưởng ủng hộ một chương trình hoạt động ngầm mạnh mẽ. Họ phản đối ngay từ ý tưởng và đánh giá thấp sự đóng góp của hoạt động ngầm. Điều này thể hiện rõ ràng trong cách Lầu Năm Góc tiếp nhận sự bàn giao hoạt động ngầm chống miền Bắc từ CIA.

Quyết định chuyển giao này khởi nguồn từ cuộc họp do tướng McNamara chủ trì tháng 7-1962 tại trại Smith ở Hawai. Với sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, CIA và MACV, mục đích của cuộc họp là triển khai việc chuyển giao các chương trình bán quân sự mà CIA thực hiện ở Việt Nam sang Lầu Năm Góc. Dưới tác động của sự kiện vịnh Con lợn và chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia, rõ ràng là giới chức lãnh đạo dân sự muốn giao cho Bộ Quốc phòng vai trò lớn hơn trong các cuộc hoạt động “đen”.

Lầu Năm Góc đã cố thoái thác nhiệm vụ này vào mùa thu 1962. Viện cớ Nhà Trắng lại đang bận rộn với hoạt động ngầm, tân chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Maxwell Taylor đề nghị Uỷ ban 303 - cơ quan giám sát mọi hoạt động ngầm của Hội đổng an ninh quốc gia - rằng “cần đẩy mạnh việc mở rộng chương trình chống miền Bắc Việt Nam của CIA”. Tuy nhiên, ông không đề nghị việc leo thang này sẽ do quân đội thực hiện. Thay vào đó Taylor tham mưu: “cần chỉ đạo CIA xúc tiến nỗ lực ngầm có cường độ lớn hơn chống các mục tiêu ở Bắc Việt Nam”. Thậm chí Taylor còn chỉ ra những mục tiêu cụ thể. Đó là một trò khá trơ trẽn để đùn đẩy trách nhiệm. Nhà Trắng không nghe và “không chấp nhận kiến nghị đó”10.

Tháng 1-1963, Taylor cử một nhóm sĩ quan cao cấp do tham mưu trưởng Lục quân, tướng Earl Wheeler dẫn đầu sang Việt Nam thu thập thông tin làm căn cứ cho Hội đồng tham mưu trưởng đánh giá yêu cầu quân sự và bán quân sự ở Nam Việt Nam. Ngày 1-2, Wheeler đệ trình bản báo cáo. Taylor rất thích nội dung bản báo cáo và chỉ thị “báo cáo tổng thống”11.

Wheeler kêu gọi “mở rộng hoạt động tập kích và phá hoại chống rniền Bắc”. Kiến nghị này gãi đúng chỗ ngứa của Nhà Trắng nhưng tỏ ra mập mờ: “nỗ lực không theo quy tắc này cần được phối hợp với các hoạt động tình báo bí mật của CIA”12. Taylor và các tham mưu trưởng vẫn cố đùn đẩy nhiệm vụ.

Mọi việc bị níu kéo sang phần lớn năm 1963. Tháng 5-1963, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị Bộ tư lệnh Thái Bình Dương bắt đầu soạn thảo kế hoạch. Do vốn đã ủng hộ hoạt động tập kích vào các mục tiêu ven bờ miền Bắc, đô đốc Felt thực hiện rất nhanh chóng và gửi Kế hoạch 34A cho Taylor ngày 17-6.

Bản thảo kế hoạch này nằm ở văn phòng của Taylor ba tháng trước khi được ký gửi đi. Tại sao lại bị om lâu như vậy? Đô đốc Felt rất muốn thực hiện phần liên quan đến hải quân nêu trong kế hoạch nhưng không có ý kiến của Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân. Vì vậy, mùa hè qua đi mà không có động tĩnh gì. Taylor phê duyệt Kế hoạch 34A ngày 9-9 nhưng một lần nữa giữ lại bản kế hoạch để nghiên cứu thêm hai tháng rưỡi nữa mới trình lên Bộ trưởng Quốc phòng McNamara ngày 20-11. Tại sao Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân phải chờ lâu đến thế?

Có hai lý do. Lý do thứ nhất liên quan đến quan điểm của ông lúc bấy giờ là sáng kiến chiến tranh đặc biệt của Nhà Trắng là “không thật cần thiết”. Maxwell Taylor thuộc giới quân sự chính thống và tin ở phương pháp theo quy ước trong chiến tranh. Blackburn đã nói rất đúng: “không chỉ có Westmoreland, mà còn Maxwel Taylor... Harkins, Abrams... Họ đều thiên về chiến tranh quy ước”. Blackburn nói thêm: “Tôi cho rằng Taylor là một quân nhân xuất sắc”, nhưng băn khoăn khi nói đến Việt Nam và SOG: “Chẳng biết ông ta đóng góp được gì? Trong đầu ông ta có những gì?”13. Lý do thứ hai cho sự chậm trễ đó là Taylor muốn cố tránh trách nhiệm và sợ mang tiếng thất bại. Nếu không tiếp nhận hoạt động đặc biệt, quân đội sẽ không bị đổ lỗi khi có sai sót xảy ra như sự kiện Vịnh Con lợn.

Ngay cả khi Kế hoạch 34A được Nhà Trắng phê duyệt tháng 1-1964, giới lãnh đạo quân sự tiếp tục thể hiện sự ít quan tâm đến kế hoạch này. Điều đó đã làm giảm hiệu quả của SOG từ giai đoạn hình thành. Ví dụ, Hội đồng tham mưu trưởng không cử một sĩ quan cấp tướng chỉ huy SOG. Theo một tài liệu được giải mật về “Sự phát triển, tổ chức và hình thành” của SOG, các nhà soạn thảo kế hoạch 34A coi SOG “là Bộ tư lệnh hỗ trợ tương đương với một Bộ tư lệnh chiến trường và đặt dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh MACV tướng Westmoreland”14. Ở Việt Nam, MACV có bốn Bộ tư lệnh hỗ trợ hay lực lượng chiến trường mang ký hiệu vùng I, II, III và IV. Tư lệnh chiến trường có cấp hàm trung tướng và là người giúp Westmoreland chỉ đạo chiến tranh.

Nếu SOG có vai trò như một Bộ tư lệnh hỗ trợ của MACV, sếp của SOG phải được cả Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và tư lệnh MACV chấp nhận nhưng điều đó đã không xảy ra. Lầu Năm Góc không hề có ý định cử một sĩ quan cấp tướng đến chỉ huy một đơn vị như SOG. Để hoàn thành công việc, tư lệnh của SOG phải có khả năng giao thiệp với cấp cao và được chấp nhận là thành viên trong câu lạc bộ đó. Không thể phí phạm sĩ quan cấp tướng ở SOG. Vì vậy, chỉ huy trưởng của SOG thường rơi vào ví trí rất khó khăn. Với những khó khăn mà Blackburn gặp phải khi xin phép được tiến hành hoạt động chống đường mòn Hồ Chí Minh, rõ ràng ông không được coi là hội viên của câu lạc bộ chính thống.

Điệp vụ tại Lào không phải là ví dụ duy nhất về sự thiếu hỗ trợ của lãnh đạo Lầu Năm Góc dành cho SOG. Điều đó còn được thể hiện trong sự thua thiệt thường xuyên của SOG trong những lần đối đầu với Bộ Ngoại giao và CIA. Tại sao lại như vậy? Trước hết, hai vị Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, Taylor và sau đó là Wheeler, không muốn có cuộc tranh cãi chính trị về các đề nghị của SOG vì họ còn có những vấn đề liên quan đến chiến tranh Việt Nam quan trọng hơn. Đối với tham mưu trưởng liên quân, SOG nằm ở ngoài lề và không liên quan đến hoạt động chiến tranh chủ yếu. Nhà Trắng đã gán nó cho Lầu Năm Góc. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân bất đắc dĩ phải chấp nhận nhưng đó là tất cả những gì họ muốn làm. Quan niệm tương tự cũng tồn tại ở MACV, nơi tướng Westmoreland thấy SOG không mấy giá trị.
_____________________________________
1. “Tài liệu công khai của Tổng thống Hoa Kỳ, John. F. Kenedy” (Washington, DC: Nhà in Chính phủ, 1962). tr.453.
2, 3. Trích dẫn trong Krepinevich, “Lục quân và Việt Nam”, tr.35,31.
4, 5, 6. Trích dẫn trong Krepinevich, “Lục quân và Việt Nam”, tr. 37.
7, 8. Trích theo Ranelagh, “Cơ quan CIA”, tr. 379.
9. “Bản điều tra của Tổng thanh tra về hoạt động Cu Ba và các tài liệu kèm theo”, (Washington DC: Hồ sơ an ninh quốc gia, 1998), tr.143, 145- 146.
10, 11, 12. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 96, 96-97.
13. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng Donald Blackburn, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG”, tr. 36.
14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển , tr. 216.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Tư, 2008, 11:06:21 pm
TƯỚNG WESTMORELAND VÀ SOG

William C. Westmoreland mang đặc trưng của dòng Lục quân chính thống cả về kinh nghiệm công tác và quan điểm nghề nghiệp. Westmoreland nhập trường Westpoint năm 1932 và bốn năm sau tốt nghiệp với cấp hàm đại uý. Trong thế chiến thứ hai, Westmoreland công tác tại Bắc Phi trước khi trở thành tham mưu trưởng tiểu đoàn bộ binh số 9 và tham gia cuộc tấn công châu Âu năm 1944.

Ở Triều Tiên, đại tá Westmoreland chỉ huy trung đoàn bộ binh không vận 187. Kinh nghiệm công tác ở đây củng cố thêm sự tin tưởng của Westmoreland vào tính cơ động và hoả lực và coi đó là những phương tiện hữu hiệu nhất trong chiến tranh. Trong những năm 1950, Westmoreland chỉ huy trung đoàn không vận con cưng 101 và sau đó làm trưởng khoa tại trường Westpoint. Đầu những năm 1960, Westmoreland được cử đến chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của lục quân, sư đoàn không vận số 18. Trung đoàn không vận số 101 và sư đoàn không vận 18 là sự biểu hiện cụ thể của lý luận của lục quân về hoả lực và hoạt động trên cơ sở lực lượng thông thường áp đảo. Những tiến bộ công nghệ chỉ củng cố và làm sâu sắc hơn quan điểm này của giới lục quân chính thống.

Năm 1964, khi Westmoreland với tư cách là tư lệnh của MACV bắt đầu vạch ra phương cách tiến hành chiến tranh Việt Nam, không lấy gì ngạc nhiên khi hoả lực và sự áp đảo là hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược của ông. Westmoreland chỉ thị cho quân đội tiến hành hoạt động tìm và diệt ở khắp miền Nam nhằm tiêu diệt, làm bị thương hoặc bắt giữ một số lượng quân đội đối phương lớn hơn là số được thay thế.

SOG nằm ở vị trí nào trong kế hoạch chiến tranh của Westmoreland? Ông không tin SOG có thể làm được gì nhiều và vì vậy không mấy để ý đến SOG. Ông còn khẳng định lại quan điểm của mình khi được phỏng vấn cho cuốn sách này. Westmoreland nhớ lại là ông “biết khá rõ” về việc Washington đòi hỏi đẩy mạnh leo thang hoạt động ngầm chống miền Bắc Việt Nam. Nhưng ông nhận xét tại thời điểm đó làm như vậy không mang lại mấy lợi ích: “hoạt động ngầm không có mấy tác động sâu sắc. Nó là loại hành động cùng lắm cũng chỉ tạo ra sự khó chịu trong tư tưởng của đối phương. Nhưng nó quá nhỏ và trọng tâm lại quá hẹp. Những người tham gia công việc này cứ nghĩ là họ quan trọng và họ có thể chiến thắng trong chiến tranh. Họ hoàn toàn phóng đại về tầm quan trọng của họ”1.

Westmoreland không chỉ phê phán những người vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Ông cho rằng: “những người xuất sắc và thông minh nhất” ở Nhà Trắng đã đặt niềm tin quá lớn và không đúng chỗ vào những gì mà hoạt động ngầm có thể mang lại. Cụ thể, Westmoreland nêu đích danh McNamara. “Tôi nghĩ điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi cho là ông ta đã đánh giá quá mức (về hoạt động ngầm)”. Các “giáo sư - những người được đưa vào chính quyền Kenedy” và giữ nguyên vị trí trong chính quyền Johnsons - cũng đánh giá quá cao như vậy2. Lời nhận xét này là nhằm vào Mac Bundy, nguyên hiệu trưởng trường đại học Harvard và Walt Rostow, nguyên giáo sư kinh tế của Học viện kỹ nghệ Mattsachusetts, cả hai đều cổ vũ cho hoạt động ngầm. Nhưng Westmoreland có cái nhìn khác hẳn. “Tôi nghĩ, tầm quan trọng (của hoạt động ngầm) đã được phóng đại trong đầu óc của rất nhiều người ở Washington vào lúc đó”3.

Thế còn SOG thì sao? Ít nhất nó cũng đã cung cấp những tin tình báo quý giá về hoạt động của đối phương trên đường mòn Hồ Chí Minh - những thông tin không thể thu được từ các nguồn khác như chụp ảnh trên không và đột nhập vào mạng lưới thông tin của miền Bắc? Westmoreland phản đối và giảm bớt ý nghĩa của hoạt động thu tin tình báo của SOG bằng câu khen nhạt nhẽo: “À, nó có ích ở chỗ họ có thể tập hợp các nhóm lực lượng đặc biệt rồi đưa họ đến nơi có thể quan sát đường mòn Hồ Chí Minh. Họ có thể nhìn thấy những người vận chuyển hành quân dọc theo con đường... nhưng không biết đang vận chuyển gì... Ý tôi muốn nói là kế hoạch đó rất nghiêm túc và có cung cấp cho chúng tôi một số tin tình báo. Nhưng giá trị tình báo không lớn, không giúp cho việc giành thắng lợi hoặc thất bại trong chiến tranh”4.

Westmoreland cũng có nhận xét tương tự về các hoạt động khác mà SOG tiến hành chống con đường mòn. Nhiệm vụ chính của SOG là xâm nhập các toán thám báo nhỏ vào Lào tìm kiếm bộ đội, đoàn xe, căn cứ, kho trạm, bãi đỗ xe, kho vũ khí, hầm chỉ huy của đối phương và các mục tiêu khác cho các vụ không kích chiến thuật. cựu tư lệnh của MACV đánh giá tác động của những hoạt động này lên đối phương chỉ là “sự khó chịu” mà thôi. SOG làm nổ cầu, đúng thế, nhưng “đối phương dịch xuống phía hạ lưu một hoặc hai dặm và sử dụng cầu mới... vì vậy nếu đặt vào trong bối cảnh chung thì nó chỉ gây ra sự khó chịu5.

Thế còn các hoạt động ngầm ở miền Bắc thì sao? Westmoreland đáp thẳng thừng “về cơ bản đó là sự phí phạm”. Ông cho rằng việc tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc là vô dụng và “rơi vào điều khiển của đối phương”6. Khi hỏi tại sao không chuyển trọng tâm sang việc tổ chức phong trào chống đối, như Russell, Blackburn và Singlauh đã đề nghị, vị cựu tư lệnh của MACV giải thích: “đó là quyết định từ Washington. Lyndon Johnson không phải là người ủng hộ mở rộng chiến tranh. Mà đề nghị đó được coi là hành động mở rộng chiến tranh”7.

Theo nhận xét của Westmoreland, giới chức vạch kế hoạch ở Washington được cảnh báo rằng việc tạo ra tình trạng bất ổn ở Bắc Việt Nam có thể buộc Trung Quốc phải can thiệp. Họ không muốn có một Triều Tiên thứ hai. “Nếu chúng ta mở rộng chiến tranh... tới mức nào thì Trung Quốc mới can thiệp?”. Đó là một câu hỏi lớn đối với Nhà Trắng. Westmoreland tin rằng: “chúng ta chơi các con bài đến dưới mức để Trung Quốc dính líu vào cuộc chiến tranh”8.

Trong suy nghĩ của Westmoreland, SOG không có sự đóng góp chiến lược nào: “Xét từ giác độ quân sự, đó chỉ là màn phụ… sự đóng góp là, nhỏ nhoi”9. Thế có vai trò gì cho SOG không? Westmoreland không nghĩ vậy: “không, nếu bạn suy nghĩ ở tầm giành thắng lợi trong chiến tranh”10.

Westmoreland thừa nhận Washington đã áp đặt nhiều giới hạn trong hoạt động của SOG qua đó hạn chế những gì SOG có thể đóng góp. Giả sử như mọi chuyện khác đi, giả sử như ông có toàn quyền sử dụng SOG theo ý muốn, liệu sự đóng góp của SOG có lớn hơn không? Sau một hồi suy nghĩ, Westmoreland trả lời: “có thể, SOG có thể được sử dụng có hiệu quả hơn nhưng theo tỉ lệ khoảng 10%”. Westmoreland nhắc lại là SOG “không quan trọng lắm”. Ngừng một chút, Westmoreland thay đổi ý kiến “tôi đang nói đến khoảng gia tăng độ 5% (của sự đóng góp)”11.

Nếu được làm lại, liệu ông có gắn kết SOG vào chiến lược chiến tranh chung không? Westmoreland vẫn không dứt khoát “tối không nghĩ là nó có tác động gì lớn... lĩnh vực chiến tranh mà anh nói tới chỉ là màn phụ”12. Westmoreland nói thêm các hoạt động của SOG diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia - đều ở ngoài địa bàn phụ trách của ông. Trong hệ thống chỉ huy, các địa bàn này do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương phụ trách. Westmoreland nhận xét: “Tôi không bao giờ coi đó là vấn đề... như nói rằng nó thuộc phạm vi trách nhiệm của tôi chứ không phải của họ, bởi vì kết luận chung là SOG không làm được điều gì ghê gớm. Tác động của nó là hoàn toàn ngẫu nhiên”13.
_________________________________________
1. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 1.
2, 3. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 1, 2, 3.
4, 5, 6, 7. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 3-4, 5, 10-11, 10.
8, 9, 10, 11, 12. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr.20,3,19,15-16,17.
13. Phỏng vấn tướng William Westmoreland tại nhà riêng ở Charleston (3-10-1997), tr. 16.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Tư, 2008, 11:10:33 pm

CHIẾN LUỢC CHIẾN TRUỜNG VÀ SOG

Lời nhận xét của Westmoreland về giới hạn địa lý của phạm vi ông phụ trách đã chỉ ra một lý do quan trọng khác làm cho SOG không được gắn kết vào chiến lược của MACV. Cách thức Washington giao nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Á hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc thống nhất. Hoa Kỳ không có chiến lược quân sự để giành thắng lợi trong chiến tranh Việt Nam. Nếu có, đó sẽ bao gồm nhiều chiến dịch được phối hợp với nhau nhằm vào từng bộ phận của chiến trường trong đó Hà Nội tiến hành các hoạt động chiến tranh.

Các chiến dịch phải nhằm vào mục tiêu hay mục đích chiến lược và phải có sự gắn bó hữu cơ giữa chiến dịch và mục tiêu quân sự. Chiến lược đề ra trọng tâm cho chiến dịch và, ngược lại, mọi chiến dịch phải hướng tới mục đích chiến lược. Điều đó cho thấy có mối quan hệ qua lại giữa chính sách, do giới lãnh đạo dân sự vạch ra, và chiến lược quân sự và chiến dịch hoạt động, lĩnh vực của giới quân sự. Chính sách đặt ra mục tiêu mà chiến lược cần đạt tới. Chiến dịch chỉ có ý nghĩa khi được gắn kết vào chiến lược.

Chiến lược tiến hành chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ không theo một phương hướng nào ở trên. Trái lại, luôn có sự không hài hoà và thiếu phối hợp thống nhất. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do không có sự thống nhất về phạm vi chiến trường. Tướng Westmoreland chỉ là tư lệnh mọi lực lượng trên chiến trường miền Nam. Ông không có quyền hạn gì ở bên ngoài biên giới. Trong phạm vi chiến trường do mình phụ trách, Westmoreland vạch chiến lược tiến hành chiến tranh chống quân đội Bắc Việt Nam và Việt Cộng. Mặc dù chủ trương hoạt động phải được Washington và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thông qua, về cơ bản ông là người quyết định cách thức tiến hành chiến tranh trên bộ. Trong Lầu Năm Góc, các chủ trương của Westmoreland thường được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chấp nhận vì về bản chất đó là cách tiếp cận của trường phái chính thống. Còn Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, đứng đầu là một đô đốc hải quân, thường ít can thiệp. Liệu một vị đô đốc thì biết gì về việc chiến đấu trên mặt đất?

Về mặt kỹ thuật, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương có trách nhiệm quân sự về toàn bộ chiến trường Đông Nam Á. Tuy nhiên trên thực tế, trách nhiệm chủ yếu của ông là chỉ huy các đơn vị không quân và hải quân Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia.

Đô đốc Grant Sharp và Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương từ 1964 -1972, John McCain xin ý kiến Washington về mọi hoạt động ném bom. Mặc dù cũng phải làm tương tự, tư lệnh của MACV có khả năng linh hoạt hơn trong việc hình thành chủ trương hoạt động so với Grant và McCain, ít nhất là cho đến khi tình hình trở nên tồi tệ năm 1968. Các chiến dịch ném bom do Bộ tư lệnh Thái Bình Dương bị Washington kiểm tra gắt gao hơn so với chiến dịch trên bộ. Một phần là do chiến tranh trên không dễ hiểu và hình dung hơn. Gần như mọi buổi sáng, tại văn phòng của Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng đều treo một sơ đồ cỡ lớn cho thấy những mục tiêu bị tấn công đêm hôm trước và mục tiêu dự kiến sẽ không kích vào ngày hôm sau. Không có cách tương tự để thể hiện hàng chục cuộc đụng độ trên bộ xảy ra ở miền Nam trong cùng thời gian đó. Khía cạnh này của chiến tranh được kiểm soát chặt chẽ nhất bởi vì các chiến dịch không kích được thu gọn và dễ hiểu như một cuốn truyện tranh.

Ở Lào và Campuchia, Sharp và McCain phải tính đến vai trò của vị đại sứ đầy quyền lực. Để kiềm chế Lầu Năm Góc và CIA ở nước ngoài, tổng thống Kenedy đã có những bước đi tăng cường quyền lực cho các vị đại sứ của mình nhằm đảm bảo họ hoàn toàn phụ trách mọi hoạt động của Mỹ ở nước sở tại. Vì vậy, trong khi Lào có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược tiến hành chiến tranh của miền Bắc, đó là vùng cấm đối với MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Muốn làm gì ở đó đều phải qua đại sứ Sulivan. Ở Campuchia cũng tương tự: đại sứ Mỹ đầu tiên là Leonard Urger năm 1964 là một người đầy quyền lực trong việc cho phép các hoạt động quân sự công khai hoặc bí mật được tiến hành ở đó.

Tuy nhiên, trên đây không phải là những yếu tố duy nhất hạn chế việc sử dụng công cụ ngầm chống Hà Nội của giới lãnh đạo quân sự. Ngoại trừ đô đốc Felt, tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Thái Bình Dương trong thời kỳ 6 tháng đầu của SOG, không có chứng cứ gì cho thấy giới lãnh đạo quân sự ở Honolulu quan tâm nhiều đến hoạt động ngầm. Trong trường hợp của Felt, sự quan tâm của ông giới hạn trong các hoạt động ngầm trên biển chống phá miền Bắc. Vào lúc bấy giờ, đó là một trong số ít sự lựa chọn sẵn có cho tư lệnh chiến trường. Khi sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam lên đến đỉnh cao vào năm 1965, đô đốc Sharp người thay thế Felt không để ý đến hoạt động của SOG. Giờ đây, Việt Nam là cuộc chiến tranh theo kiểu Mỹ với lực lượng lớn và chiến lược theo quy ước. Hoạt động ngầm không còn hấp dẫn đối với giới lãnh đạo hải quân cao cấp và Sharp là dẫn chứng của quan điểm này. Tốt nghiệp học viện hải quân 1927, ông chỉ huy một tàu khu trục trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, con đường dẫn ông đến vị trí đô đốc bốn sao là công tác trong lực lượng hải quân chính thống.

Thái độ của Sharp đối với SOG được phản ánh trong nhận xét của William Murray, sĩ quan hành động của Phòng hoạt động đặc biệt thuộc Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt (SACSA). Murray chịu trách nhiệm đệ trình các yêu cầu điệp vụ trên biển của SOG lên với lãnh đạo dân sự và quân sự ở Washington sau khi đã có ý kiến của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Murray từng công tác với Sharp trước đó và biết ông rất rõ. Khi đô đốc đến Washington, họ thường gặp nhau vào bữa tối, và thảo luận về kế hoạch 34A và SOG. Từ những cuộc trao đổi này, Murray có được sự hiểu biết về quan điểm của Sharp về chiến tranh bí mật chống Hà Nội.

Murray nhớ lại, Sharp rất lo ngại về hoạt động đó vì nếu hoạt động của SOG phạm sai lầm và bị lật tẩy thì “ông ta sẽ bị phê phán”. Hoạt động ngầm có thể gây phiền toái, Murray nhớ lại “Sharp cảm thấy SOG được thả lỏng tự do. Tình trạng đó đã kéo dài và Sharp muốn đưa SOG vào trong vòng kiềm toả” khi được hỏi vị tư lệnh Thái Bình Dương có bao giờ nhắc đến sự đóng góp của SOG trong các bữa ăn tối không? Murray trả lời ngay không ngần ngừ: “không, tôi không nghĩ như vậy. Ít nhất là ông không bao giờ nói với tôi”1. Các tài liệu giải mật cũng cho thấy đô đốc Sharp không làm gì để thúc đẩy sáng kiến tăng cường hoạt động ngầm chống lại miền Bắc hoặc sử dụng nó theo cách có hiệu quả hơn. Murray cho biết rõ là Sharp không quan tâm và không muốn tiêu phí vốn liếng vào SOG2 .

Nói tóm lại, SOG không chỉ là người không được hoan nghênh trong giới lãnh đạo quân sự chính thống của MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, mà còn là đứa con mồ côi của hệ thống chỉ huy vì thái độ thờ ơ của lãnh đạo cấp cao. Không một viên tướng hoặc đô đốc ở chiến trường muốn có SOG vì họ thấy hoạt động đó ít có giá trị - “một kiểu màn phụ”. Các tướng lĩnh quan tâm đến SOG ít nhất nếu có thể được. Chính sự lãnh đạm này đã làm cho hoạt động của SOG không được hoà nhập vào chiến lược chiến tranh quân sự của Hoa Kỳ.
_____________________________________
1, 2. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr.1-2, 36.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Tư, 2008, 11:21:43 pm

BÊN TRONG LẦU NĂM GÓC: CUỘC CHIẾN ĐỂ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG NGẦM

Người ủng hộ nhiệt tình nhất chiến tranh đặc biệt của Tổng thống Kennedy ở Lầu Năm Góc là chuẩn tướng Edward Lansdale. Lansdale đã gây ấu tượng cho Kenedy từ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống khi báo cáo trước Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961. Từ nội dung trình bày, John F.Kenedy cảm nhận rõ ràng là viên tướng không quân khác người này có hiểu biết sâu sắc về Việt Nam và chiến tranh đặc biệt. Sau đó, theo Lansdale, Kenedy nói rằng: “Tôi muốn anh sang đó (Nam việt Nam) làm đại sứ”1.

Các nhà ngoại sao chuyên nghiệp tại Bộ Ngoại giao lặng đi vì sửng sốt và quyết liệt phản đối việc cử Lansdale làm đại sứ ở Nam Việt Nam. Chỉ riêng việc ông là quân nhân đã đủ tệ rồi, nhưng Lansdale còn là nhân viên CIA ở Phillipines và Nam Việt Nam; tệ hơn nữa là những thành tích của ông khi còn ở CIA đã được viết thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ có tên: “Người Mỹ xấu xí”2. Bên trong Bộ Ngoại giao, tất cả những yếu tố này củng cố cho nhận định là Lansdale không phù hợp với cương vị đại sứ ở bất kỳ nước nào chứ không riêng gì vị trí rất nhậy cảm như Sài Gòn. Các nhân viên chuyên nghiệp gây sức ép để ngăn cản việc bổ nhiệm và cuối cùng thuyết phục được Ngoại trưởng Rusk nói với tổng thống rằng nếu Lansdale được bổ nhiệm làm đại sứ, “tổng thống sẽ phải tự tìm vị Bộ trưởng Ngoại giao mới”3. Điều này đặt dấu chấm hết cho triển vọng ngoại giao của Lansdale.

Sau đó, Kenedy cho đô đốc Arleigh Burke ở Hội đồng tham mưu trưởng liên quân biết ông muốn cử Lansdale sang Việt Nam làm tham mưu trưởng nhóm cố vấn viện trợ quân sự Hoa Kỳ. Để đủ tiêu chuẩn cho chức vụ này, Lansdale phải được thăng cấp hàm từ tướng một sao lên tướng ba sao. Ý kiến này cũng không được thực hiện. Các tham mưu trưởng liên quân coi Lansdale đứng ngoài giới quân sự chính thống, mang đầy ý tưởng khó hiểu về chiến tranh đặc biệt và niềm tin vào chiến tranh tâm lý vốn bị giới quân sự coi là mất thời gian. Việc phong Lansdale từ chuẩn tướng lên trung tướng không thể đặt ra.

Lansdale làm các tham mưu trưởng lo ngại. Những ý tưởng về chiến tranh đặc biệt của ông phản ánh quan điểm của Nhà Trắng và ông đã giành được sự tin tưởng của Kenedy. Hơn nữa, Lansdale còn là người biết tận dụng sân khấu chính trị tại Washington. Lansdale nổi bật trong việc tuyên truyền ý tưởng của mình về Việt Nam và chiến tranh đặc biệt. Các tham mưu trưởng thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân lo sợ rằng sự ầm ỹ về biện pháp tiến hành chiến tranh mới có thể tuột ra ngoài tầm kiểm soát và quyết định làm cho Lansdale im lặng. Đô đốc Burke gửi một công văn cho Lansdale nêu ra những câu hỏi về các bài phát biểu và tuyên bố của Lansdale về Việt Nam. Bức thông điệp là rất rõ ràng, Lansdale được nhắc nhở phải giữ mồm miệng4.



Giành lợi thế so với Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.

Mặc dù Lansdale là người không được giới lãnh đạo quân sự cấp cao ở Lầu Năm Góc hoan nghênh, ông nhận được sự ủng hộ từ phía nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng trong đó có thứ trưởng Rosewell Gilpatric. Trong công thư ngày 24-2-1961 gửi Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, tướng Lemnitzer, Gilpatrick chỉ thị: chuẩn tướng Lansdale được giao nhiệm vụ thành lập và lãnh đạo Văn phòng trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (OATSD). Trên cương vị này, Lansdale phụ trách các vấn đề của ủy ban 5412; hoạt động quân sự đặc biệt được Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt, và quan hệ với CIA trong những vấn đề Bộ trưởng Quốc phòng quan tâm”5.

Trên thực tế, Lansdale sẽ là sĩ quan điều hành sự dính líu của quân đội vào hoạt động ngầm của McNamara. Cấp trên trực tiếp của Lansdale, thứ trưởng quốc phòng Gilpatric, là đại diện của McNamara tại Uỷ ban 5412 (sau này đổi tên thành Uỷ ban 303) - cơ quan giám sát mọi chương trình hoạt động ngầm của Mỹ. Điều này đã đặt Lansdale vào trung tâm của cuộc chơi.

Một tuần sau, Gilpatrre tìm cách củng cố vị trí của Lansdale: ông thông báo cho Lemnitzer rằng: “Tướng Lansdale, với tư cách là ATSD (trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng) sẽ hỗ trợ tham mưu cho mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của Uỷ ban 5412”.

Với cương vị này, tướng Lansdale sẽ “chuẩn bị những vấn đề cần phải thảo luận và giám sát các hoạt động tiếp theo sau khi đã có quyết định”6. Gilpatric chỉ đạo Lemnitzer cử “sĩ quan cấp tướng và thấp hơn từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sang làm cố vấn và hỗ trợ tướng Lansdale trong việc thi hành công vụ”7.

Các diễn biến trên không được Hỏi đồng tham mưu trưởng liên quân tiếp nhận một cách vui vẻ. Ngay sau đó một cuộc đấu căng thẳng để giành quyền kiểm soát hoạt động ngầm diễn ra. Lansdale nổ phát súng đầu tiên bằng việc gửi công văn cho giám đốc văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trung tướng Earl Wheeler, trong đó mô tả “những biện pháp hiệu quả nhất để có được sự hỗ trợ của Hội đồng đối với nhiệm vụ (của Lansdale)”. Với Lansdale, làm việc dưới sự chỉ đạo của Gilpatric và trên đó là Bộ trưởng McNamara, giọng điệu của công văn là rõ ràng - Wheeler và Văn phòng hội đồng phải làm việc cho Lansdale. Bản công văn viết: “một nhóm nhỏ được thành lập trong Văn phòng hội đồng dưới sự chỉ đạo của thiếu tướng David Ray, trưởng phòng hoạt động bổ trợ. Các thành viên của nhóm, trong khi vẫn chịu trách nhiệm trước cấp trên, sẽ làm việc trực tiếp và đầy đủ với văn phòng của tướng Lansdale”8. Đó là trò chơi quyền lực không úp mở của Lansdale.

Lansdale không phải là người duy nhất ra đòn nặng tay. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng, tướng Lemnitzer, trong bản phúc trình số 14 gửi Bộ trưởng McNamara giải thích lại những gì Lansdale cho là chỉ thị của Galpatric. “Hội đồng tham mưu trưởng, mong muốn và hoàn toàn khả thi, nhận trách nhiệm xử lý các yêu cầu của CIA về những hỗ trợ trong thời bình đối với các hoạt động ngầm nêu trong công văn của tướng Lansdale”9. Hay nói một cách khác, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sẽ không làm việc cho Lansdale. Hội đồng tham mưu trưởng sẽ trực tiếp tham mưu cho giới lãnh đạo dân sự của Lầu Năm Góc về mọi vấn đề liên quan đến sự tham gia của quân đội trong hoạt động ngầm.

Lansdale trả lời bằng công văn ngày 27-3 trong đó nêu cụ thể cách thức Hội đồng tham mưu trưởng cung cấp “hỗ trợ cho ông để thực hiện nhiệm vụ trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng”. Để làm điều đó, “một thành tố nhỏ trong văn phòng của Hội đồng tham mưu trưởng được thành lập để cung cấp sự hỗ trợ này. Bộ phận hoạt động đặc biệt đó phải nhanh chóng đáp ứng yêu cầu có liên quan đến trách nhiệm của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và những hoạt động mà Bộ trưởng Quốc phòng quan tâm”10.

Hội đồng tham mưu trưởng tăng tiền đặt cọc vào ván bài vào cuối tháng Bảy. Đưa Lansdale về đúng chỗ chỉ là một trong hai lý do dẫn đến lo ngại đang gia tăng của họ. Lý do thứ hai là sự kiện vịnh Con lợn. Các tham mưu trưởng rất bực tức về việc họ bị CIA gạt ra ngoài tiến trình vạch kế hoạch và quyết tâm không để tình trạng đó tái diễn. Hơn nữa, họ không muốn để Lansdale chịu trách nhiệm về mọi sự tham gia của quân đội vào chiến tranh bí mật đặc biệt, kể cả “quan hệ với CIA mà Bộ trưởng Quốc phòng đặc biệt quan tâm”11. Nếu không, các vị tham mưu trưởng chỉ còn biết tưởng tượng ra những gì mà Ed Lansdale và CIA soạn thảo đằng sau lưng mình.

Trong tờ trình ngày 29-7, gửi Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc CIA McCone, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố thành lập “một phòng hành động đặc biệt thuộc Cục 5 của Hội đồng tham mưu trưởng”12. Người phụ trách phòng này được thông báo về mọi hành động có liên quan tới quân đội mà Uỷ ban 5412 đang xem xét các tham mưu trưởng cho rằng bước đi này sẽ đưa họ trở lại tiến trình vạch kế hoạch, đẩy Lansdale về dưới sự kiểm soát của Hội đồng, đồng thời chấm đứt sự tự do hành động của Lansdale.

Ngày 7-8, McNamara cho ý kiến hoàn toàn khác: “Rõ ràng là có sự hiểu nhầm về vai trò của Phòng hành động đặc biệt trong việc hỗ trợ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng”.

McNamara không chấp thuận ý kiến của Hội đồng tham mưu trưởng về việc thông báo đầy đủ cho Trưởng phòng hoạt động đặc biệt mà Hội đồng tham mưu trưởng mới thành lập về mọi hành động đang được Uỷ ban 5412 xem xét. Hơn nữa, Bộ trưởng Quốc phòng không cần phải thông báo cho Hội đồng tham mưu trưởng thông qua Cục 5 về mọi vấn đề hoạt động ngầm mà Bộ trưởng Quốc phòng đang cân nhắc13. Như vậy, một lần nữa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân bị gạt ra rìa.

Ngày 12-9-1961, tiếp theo ý kiến của McNamara, Lansdale gửi một công văn nữa cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân xát thêm muối vào vết thương còn chưa lành. Lansdale tuyên bố: “Mọi vấn đề liên quan tới sự hỗ trợ trong hoà bình của Bộ Quốc phòng cho hoạt động của CIA sẽ do Văn phòng của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp giám sát”. Văn phòng của Lansđale sẽ quyết định việc Hội đồng tham mưu trưởng có được tham gia thảo luận về hoạt động ngầm cụ thể hay không “tuỳ thuộc vào bản chất của yêu cầu từ CIA”. Cuối cùng Lansdale yêu cầu “phải có biện pháp sửa đổi hoặc thu gọn những hướng dẫn thực hiện mà Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã ban hành cho phù hợp với ý kiến trên”14.

Trên thực tế, Lansdale muốn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân công khai vứt bỏ bản phúc trình ngày 29-7 lên McNamara và tuân thủ theo hướng dẫn nêu trong công văn tháng Chín của Lansdale. Khi năm 1961 dần kết thúc, Lansdale đang ở thế thượng phong.
_______________________________________
1. Currey “Edward Lansdale: Một người Mỹ không trầm lặng”, tr. 227.
2. William Ledever và Engene Burdik, “Người Mỹ xấu xí”, (New Yook: Norton, 1958).
3. Currey “Edward Lansdale: “Một người Mỹ không trầm lặng, tr. 228.
4. Trích trong công văn, sách đã dẫn, tr. 229.
5, 6, 7. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7/1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 49.
8, 9, 10, 11, 12. (Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” ( tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 50, 51.
13, 14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 50, 54-55.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 19 Tháng Tư, 2008, 02:37:00 pm

Hội đồng tham mưu trưởng rút ruột Lansdale

Lansdale có thể chiến thắng ở hiệp một, nhưng Hội đồng tham mưu trưởng chưa đầu hàng vì có quá nhiều quyền lợi sát sườn với họ. Họ lường trước việc cơn sốt chiến tranh đặc biệt từ Nhà Trắng lây lan vượt ra khỏi sự kiểm soát nếu họ không giám sát các hoạt động đó. Tuy nhiên ở thời điểm này, mặc dù sức ép chống lại Kenedy là rất lớn, các tham mưu trưởng có hành động chậm rãi. Họ giống như những kẻ phá ngang và John F. Kenedy đã cho họ biết thái độ không hài lòng của mình về sự chậm chạp của họ. Trong một công thư gửi McNamara, tổng thống tuyên bố ông “không hài lòng về Bộ Quốc phòng nhất là Lục quân vì, không dành sự chú ý và nỗ lực cần thiết cho mối đe doạ nổi loạn và chiến tranh du kích”1.

Đồng thời, chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia tác động mạnh mẽ đến Lầu Năm Góc. Bản chỉ thị quy định cụ thể “mọi hoạt động bán quân sự có quy mô lớn, bí mật một phần hoặc hoàn toàn, đòi hỏi phải có một số lượng đáng kể nhân viên được đào tạo về quân sự và vũ khí quân sự” sẽ là “trách nhiệm chủ yếu của Bộ Quốc phòng với CIA giữ vai trò hỗ trợ”2. Cho đến khi Kenedy nhận chức, Lầu Năm Góc đã tránh mọi dính líu có quy mô lớn vào hoạt động ngầm. Thảm bại vịnh Con lợn và chỉ thị 57 làm đảo lộn tất cả. Chiến lược thoái thác và lẩn tránh không còn tác dụng nữa. Khi năm 1962 bắt đầu, Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động nêu trong chỉ thị 57. Các tham mưu trưởng ghét cay ghét đắng điều này. Lansdale ở ngoài vòng kiểm soát và các nỗ lực tự tung tự tác của Lansdale đã chứng tỏ điều đó. Theo đánh giá của các tham mưu trưởng, Lansdale là một sự sai lạc lập dị. Tồi tệ hơn, các nhà vạch chính sách lại đang nghe anh ta. Để làm suy yếu xu thế phát triển này, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân sử dụng chiến lược mới: hợp tác để lôi kéo.

Các tham mưu trưởng phản ứng bằng cách lập ra một bộ máy tổ chức nhằm tạo ra ấn tượng Lầu Năm Góc có thái độ nghiêm túc đối với chiến tranh đặc biệt, đồng thời đảm bảo các hoạt động đó được đặt dưới sự giám sát của tướng lĩnh quân đội. Trong một động thái khôn ngoan, “Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân chỉ thị thành lập Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt - SACSA từ ngày 23-2-1962. Toàn bộ nhân viên và chức năng của Phòng hành động đặc biệt thuộc Cục 5 được chuyển cho SACSA”3.

Điều khôi hài là SACSA, như tên viết tắt được dùng tại Lầu Năm Góc, cuối cùng lại giữ vai trò hỗ trợ cho SOG ở cấp Washington. Mặc dù lý do để tạo ra SACSA là nhằm làm chậm chứ không phải ủng hộ hoặc thúc đẩy chính sách chiến tranh đặc biệt của chính quyền Kenedy.

Cơ quan mới này có hai nhiệm vụ: Ngăn ngừa các hoạt động tương tự như chiến dịch Cu Ba của CIA và làm suy yếu vai trò của Lansdale như là chuyên gia hàng đầu của Lầu Năm Góc về chống bạo loạn và chiến tranh không quy ước. Để lãnh đạo cơ quan mới, với sự phê chuẩn của Nhà Trắng, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã chọn thiếu tướng thuỷ quân lục chiến Victor Krulak. Sau này, Krulak trở thành “người thông thạo việc hành chính nhất của quân đội” và “một nhân vật có tầm quan trọng to lớn trong cuộc tranh cãi thường xuyên về Việt Nam”4. Nhìn lại giai đoạn 1962 - 1964, người ta chỉ còn biết thán phục sự tham gia của vị tướng hai sao này vào chính sách Việt Nam ở cấp cao. Vai trò của ông vượt xa phạm vi của một viên thiếu tướng và minh chứng cho sự nhạy bén chính trị của Krulak.

Vào thời điểm đó, Krulak có quan điểm theo trường phái chính thống về Việt Nam và không phải là người cổ động cho chiến tranh đặc biệt mà Lansdale đang thúc đẩy. Từ 1962 - 1964, Krulak liên minh với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Maxwell Taylor và người được Taylor che chở ở Nam Việt Nam, tướng Harkin tư lệnh MACV. Trong cuốn “Những người xuất sắc và thông minh nhất”, David Halberstam viết rằng “những gì mà ông ta (Krulak) đã làm chính là việc giữ vai trò là người đưa tin giữa Sài Gòn và Lầu Năm Góc và đại diện cho quân đội trong các cuộc họp liên ngành, tại đó nhiệm vụ đặc biệt của ông là xoá bỏ mọi thái độ bi quan về chiến tranh”5. Bức thông điệp của Harkin, đồng thời cũng là của Taylor, là Hoa Kỳ đang giành thắng lợi trong chiến tranh. Krulak bảo vệ lập trường này trong các cuộc chiến tranh luận với các cơ quan khác về Việt Nam.

Krulak còn leo lên vị trí là người thân cận của chính quyền Kenedy bằng cách sử dụng con bài đã từng chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai với Kenedy. Sau khi tái giới thiệu mình với Tổng thống, Krulak có quan hệ bạn bè với em trai tổng thống Bob Kenedy và cố vấn quân sự của họ, tướng Maxwell Taylor. Krulak còn giành được tín nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, người hay nhắc đến quan hệ đặc biệt của Krulak với tổng thống.

Vì những lý do này, Krulak được chọn là trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Việc lựa chọn này không dựa trên quá trình công tác và kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh đặc biệt mà Krulak chưa hề trải qua. Là SACSA, Krulak là người giữ cổng mà Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cần đến. Trong lĩnh vực chống bạo loạn, ông bác bỏ sự chỉ trích của các sĩ quan Mỹ trên chiến trường, những người ủng hộ việc sử dụng giải pháp chống bạo loạn cho cuộc chiến tranh. Thay vào đó, Krulak đi theo chính sách của Taylor và Harkin năm 1962 rằng Hoa Kỳ đang thành công vì đã tuân theo các biện pháp chiến tranh thông thường6.

Krulak bất đồng mạnh mẽ với Lansdale về hành động đặc biệt và hoạt động ngầm và đóng vai trò chủ yếu trong việc xoá bỏ Văn phòng Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cũng như việc nghỉ hưu sớm của Lansdale, người làm cho tổng thống Kenedy nhớ lại hình ảnh của nhân vật Jame Bone trong tiểu thuyết của Ian Fleming. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng chính Lansdale cũng góp phần vào việc tự huỷ hoại mình. Cách Lansdale khăng khăng buộc Hội đồng tham mưu trưởng phục tùng ý chí của mình là một ví dụ. Dần dần McNamara, Gilpatric và những người khác coi Lansdale là người thích được chú ý, một con sói đơn độc, và là người tự huyễn hoặc mình. Quan điểm của Lansdale, vốn trái với chính sách của chính quyền, cũng góp phần vào kết cục cuối cùng của ông.

Vì vậy, ảnh hưởng của Lansdale đối với chính sách Việt Nam giảm đi trông thấy. Một trong những sai lầm lớn nhất của Lansdale là cãi cọ với Macxwell Taylor. Vào mùa thu 1961, Lansdale được cử tham gia một đoàn tìm hiểu thực tế tại Nam Việt Nam do Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống làm trưởng đoàn. Taylor coi đó là chuyến thăm của mình, còn Lansdale cho rằng mình đã quay trở lại với giới vạch chính sách về Việt Nam. Tại cuộc họp chuẩn bị cho chuyến đi 13-10, Lansdale nhận được một lời nhắc nhở thô lỗ.

Tại cuộc họp, Lansdale đưa cho Taylor một danh sách những người Việt Nam, trong đó có tổng thống Diệm, mà Lansdale có quan hệ cá nhân và dự định qua họ để tìm hiểu những gì đang diễn ra. Taylor không đồng ý và cho biết mọi hoạt động của Lansdale ở Nam Việt Nam sẽ bị kiểm soát và không được phép gặp người bạn cũ - tổng thống Diệm. Ngược lại, Lansdale được giao nhiệm vụ xem xét khả năng lập một hàng rào điện tử dọc biên giới Nam Việt Nam để ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương, một ý tưởng mà Lansdale coi là ngu xuẩn.

Lansdale trình bày với Taylor rằng mình có thể phục vụ cho nhiệm vụ chung của đoàn tốt nhất bằng việc gặp gỡ với Diệm và một số người Việt Nam có ảnh hưởng khác mà ông biết từ chuyến thăm trước. Taylor phớt lờ. Khi đến Sài Gòn, Lansdale được thư ký riêng của Diệm lặng lẽ đưa đến dinh tổng thống dự cơm tối. Trong thời gian còn lại của chuyến thăm, Lansdale tiếp xúc với rất nhiều người trong bản danh sách đã đưa cho Taylor và bỏ mặc vấn đề hàng rào điện tử. Đó là kiểu hoạt động của con sói đơn độc mang đậm dấu ấn tính cách của Lansdale.

Những việc làm trên đến tai Taylor, người sau đó lại khoác lên mình bộ quân phục và giữ chức Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân, và đó là tất cả những gì Taylor cần biết. Trong Lầu Năm Góc, Taylor giữ vai trò chính trong việc chuyển Lansdale ra khỏi mảng chính sách Việt Nam và chuyển sang lĩnh vực hoạt động tại Cu Ba. Tại đây con người sắc sảo về hoạt động ngầm của Lầu Năm Góc được giao chỉ đạo “Chiến dịch Mongoose” - mật danh được Bob Kenedy đặt cho các hoạt động tiếp tục lật đổ Fidel Castro. Mongoose chiếm mất rất nhiều thời gian của Lansdale trong khi quyền hạn của SACSA liên tục mở rộng sang nhiều khía cạnh của chiến tranh đặc biệt mà trước đó được giao cho văn phòng của ông. Dĩ nhiên là Lầu Năm Góc rất vui sướng.

Ví dụ, chính SACSA và Krulak là người tham gia vào việc soạn thảo Kế hoạch 34A dẫn đến việc hình thành SOG chứ không phải Lansdale. Hồi tưởng lại sự thất sủng của Lansdale, Krulak phác hoạ bức tranh về sự suy giảm uy tín của Lansdale trong chính quyền Kenedy: “Một số người đánh giá cao anh ta, số khác lại có ý kiến ngược lại. Anh ta giỏi lợi dụng những người đánh giá cao mình. Tôi không được biết McNamara cảm nhận về Lansdale như thế nào. Nếu cho tôi phỏng đoán, thì tôi nghĩ ông ấy trở nên nghi ngờ”. Krulak nhận xét: “đúng là trong thời gian đầu, Lansdale giành được tín nhiệm của chính quyền nhưng tín nhiệm đó không kéo dài. Tôi không nghĩ là giám đốc CIA tin tưởng vào Lansdale. Tôi nghe ông ta nói như vậy ở trên sân gôn”7.

Trong chuyến thăm tháng 5-1963 đến nhiều nước Mỹ Latinh, Lansdale bị giáng cú đòn cuối cùng. Lầu Năm Góc đã ra quyết định để ông nghỉ hưu. Lansdale chưa bao giờ nghĩ đến điều này và trước đó cũng không đề xuất xin nghỉ. Vào thời điểm quay về Mỹ ngày 1-6-1963, Lansdale không còn là một quân nhân nữa. Ngày 31-10, Lansdale được gọi trở lại làm việc tạm thời để kết thúc các công việc còn dang dở8.

Giới quân sự chính thống đã loại ra ngoài một trong những người có hiểu biết nhất về hoạt động đặc biệt với một thái độ cực kỳ ác cảm. Kể từ đó, SACSA chủ trì mọi công việc của văn phòng Lansdale. Trong công thư gửi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân 30-9-1963, Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric, một thời ủng hộ Lansdale, chính thức giao mọi nhiệm vụ của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho SACSA. Đặc biệt là SACSA sẽ “chịu trách nhiệm tham mưu cho việc vạch kế hoạch và chỉ đạo ở cấp Washington về các hoạt động đặc biệt mà Bộ Quốc phòng tham gia”. Ngoài ra, SACSA còn là người “Cung cấp trợ giúp tham mưu... trực tiếp cho Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các trách nhiệm của họ trong Uỷ ban 5412”9. Các tướng lĩnh đã thua một hoặc hai hiệp, nhưng cuối cùng đã hạ đo ván Lansdale.
_____________________________________
1. Trích theo Krepinevich, trong “Lục quân và Việt Nam”, tr. 31.
2. Các chỉ thị của Tổng thống về an ninh quốc gia từ Truman đến Clinton” NSDINDEX, hồ sơ số 185.
3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACV SOG” (tháng 7-1970), phụ lục A, phần “Tóm tắt nghiên cứu tài liệu của MACV”, tr. 49.
4.  Olson, “Từ điển về chiến tranh Việt Nam”, tr. 244.
5. Halberslam, “Những người xuất sắc và thông minh nhất”, tr. 276.
6. Có lẽ ví dụ tốt nhất về việc này là câu chuyện của John Paul Vann và kinh nghiệm của ông với Krulak. Xem Sheehan, “Lời nói dối tỏa sáng , quyển bốn.
7. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr.1, 2.
8. Currey, “Edward Lansdale: Người Mỹ không trầm lặng”, tr. 255.
9.  Hội đồng tham mưu trưởng liên quân “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 56.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 09:23:17 am


SACSA VÀ SOG

Khi Kế hoạch 34A đang được soạn thảo năm 1963, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân giao nhiệm vụ giám sát kế hoạch này cho SACSA và Krulak. Sau khi SOG được thành lập SACSA giám sát mọi hoạt động của SOG từ 1964 đến 1972. Nhân viên của SACSA đã phải chạy, theo đúng nghĩa đen của từ này, để đưa các đề nghị hoạt động của SOG qua các cấp chỉ huy đến tận Nhà Trắng. Theo ngôn ngữ của Lầu Năm Góc, thủ tục phê duyệt này được gọi là "ống khói lò sưởi". Các cấp trung gian hành chính thông thường bị bỏ qua để đảm bảo bí mật cho các hoạt động của SOG và sự kiểm soát chặt chẽ của giới chỉ huy quân sự.

Krulak trực tiếp tham gia vào những diễn biến này ngay từ ngày đầu và vào cuối năm 1963 tham gia cuộc họp của Uỷ ban 5412 quyết định phê chuẩn Kế hoạch 34A. Krulak nhớ lại "Boby Kenedy là người có cá tính mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến 34A. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng của Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric". Thế McGeorge Bundy thì sao? Krulak cho rằng Bundy có sự quan tâm "mạnh mẽ" đối với 34A và nói thêm một cách đầy ẩn ý là Bundy "không bao giờ để cho sự kém cỏi làm rối vấn đề"1. Như Krulak chỉ ra, quyết định leo thang chiến tranh bí mật chống Hà Nội khởi nguồn từ anh em Kenedy. Họ muốn làm suy yếu miền Bắc tương tự như cách Hà Nội đang thúc đẩy hoạt động du kích chống lại chính phủ Nam Việt Nam. Tổng thống Kenedy thể hiện quan điểm này tại cuộc họp của Hội đồng an ninh Quốc gia chỉ vài ngày sau khi bước vào Nhà Trắng. Krulak nhớ lại "Body cũng nói như vậy tại Uỷ ban 5412"2.

Khi hồi tưởng lại, Krulak phê phán sự say mê leo thang hoạt động ngầm chống Hà Nội của các nhà vạch chính sách cấp cao. Ông cho rằng họ không hiểu biết mấy về tác động có liên quan. "Càng xa rời thực tiễn bao nhiêu, họ càng nhiệt tình bấy nhiêu”, Krulak nhận xét và nói tiếp "Halberstam viết một cuốn sách trong đó những người mà chúng ta vừa nhắc đến được gọi là xuất sắc và thông minh nhất. Nhưng chẳng ai trong họ được như vậy"3.

Là người đầu tiên phụ trách SACSA, Krulak có nhiệm vụ thành lập tổ chức này. Vào thời điểm Kế hoạch 34A được hoàn chỉnh vào cuối 1963, SACSA có bốn phòng: kế hoạch, học thuyết và nguồn lực; chương trình và giám sát; kế hoạch đặc biệt; và hoạt động đặc biệt. Mặc dù có nhiều sự thay đổi về tổ chức, phòng hoạt động đặc biệt được giữ nguyên và đó là nơi chịu trách nhiệm về SOG.



Giám sát SOG

SACSA quản lý quá trình phê duyệt và thực hiện tất cả các đề xuất hoạt động của SOG. SACSA chỉ thông báo hoạt động của SOG cho một số ít quan chức dân sự và quân sự cao cấp ở Lầu Năm Góc. Theo lời của Krulak, "ý tưởng ở đây là chúng tôi chỉ cho một số ít người biết"4. Mô hình "ống khói lò sưởi" "không theo phong cách quản lý của quân đội nhưng đó là theo ý muốn của McNamara. Và Maxwell Taylor cũng muốn như vậy"5.

Tuân thủ theo yêu cầu này, số sĩ quan hành động của phòng hoạt động đặc biệt - SACSA - chính xác là 3 người, là những người duy nhất xử lý công việc hàng ngày của SOG. Các điệp vụ của SOG nhạy cảm đến mức họ phải.làm việc trong "hầm" kín tại tầng hầm của Lầu Năm Góc6. Họ phải ký vào bản tuyên thệ không được để lộ bất cứ một thông tin nào về những việc họ đang làm cho bất kỳ ai không cần biết về hoạt động đó.

Một sĩ quan lục quân công tác tại Phòng hoạt động đặc biệt mô tả môi trường làm việc như sau: "SACSA và nhất là Phòng hoạt động đặc biệt làm việc khép kín trong bộ phận. Bạn thật sự không biết những gì đang diễn ra ở buồng bên cạnh... Bạn chỉ biết những gì đang xảy ra trong phạm vi nhỏ bé của chính bạn. Và bộ phận chúng tôi có lẽ là bí mật nhất và khép kín hơn bất cứ ai ở SACSA"7. Đó là công việc của những bóng ma.

Trong hai năm 1964 - 1965, ba sĩ quan hành động là: chỉ huy trưởng William Murray, trung tá Harold Bentz và trung tá John Van Dyn. Công việc cho phép họ có mối quan hệ trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Wheeler, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara; Bộ trưởng Ngoại giao Dan Rusk; Cố vấn an ninh quốc gia Bundy và các viên phó của họ. Đối với sĩ quan có cấp hàm như các sĩ quan hành động, việc giao tiếp và báo cáo trực tiếp cho các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ là rất khác thường, đồng thời giúp họ có sự hiểu biết rộng rãi về một trong những sáng kiến chính sách bí mật nhất của chính quyền Johnson.

Bill Murray đến nhận nhiệm vụ tại SACSA tháng 6-1964 và trong suốt hai năm sau đó là trung tâm của mọi vấn đề liên quan tới SOG ở Washington. Murray chưa từng trải qua hoạt động ngẩm đặc biệt. Tất cả các công vụ Murray thực hiện đều ở trên tàu nổi. Tuy nhiên, trước đó, khi làm việc tại trung tâm nghiên cứu hải quân, Murray phụ trách "việc phát triển các thiết bị bơi ngầm dưới nước và các thiết bị điện tử sử dụng trong hoạt động ngầm"8. Có lẽ, điều đó đủ để Murray được chuyển tới SACSA.

Điều hành công việc của SOG là một vị trí đặc biệt đối với một sĩ quan hải quân. Murray nhớ lại “chúng tôi không liên quan gì tới Cục 1, 3, 5 Của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nơi xem xét các đề nghị hoạt động thông thường. Chúng tôi không theo cách đó. Các hoạt động của SOG không bao giờ thông qua bất kỳ ai ở Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ngoài SACSA và từ đó trực tiếp đến văn phòng của Chủ tịch Hội đồng”. Từ đó, theo Murray các đề nghị hoạt động được đưa trực tiếp đến Bộ trưởng Quốc phòng McNamara9.

Các thủ tục của quá trình phê duyệt được Thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance đề ra trong công thư ngày 30-9-1964 có sơ đồ kèm theo10. Sơ đồ này phản ánh trình tự phê duyệt cho các hoạt động ngầm trên biển nhưng dần được áp dụng cho cả bốn bộ phận nghiệp vụ của SOG (Sơ đồ 3, trang 284). Tuy nhiên, sơ đồ chưa hoàn toàn chính xác. Ví dụ CIA chỉ trở thành một phần của quá trình phê duyệt vào cuối 1965 khi SOG bắt đầu thực hiện điệp vụ chống đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. CIA không tham gia vào tiến trình phê duyệt hoạt động của các bộ phận nghiệp vụ khác của SOG.

Không thể hiểu được sự vận hành của tiến trình phê duyệt này nếu chỉ nhìn vào sơ đồ và biểu bảng, mà cần phải qua con mắt của các sĩ quan hành động, những người quản trị các vấn đề của SOG. Bill Murray nhớ lại, mọi đề nghị cho phép thực hiện “cả gói” điệp vụ của SOG “thường đi qua một hệ thống mật mã riêng đến thẳng SACSA”. SACSA sẽ thể hiện đề nghị đó “theo mẫu thông thường của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và gửi cho một số lượng hạn chế các quan chức... tất cả công việc này được hoàn thành trong một thời gian ngắn khó tin nếu so với thủ tục thông thường của Hội đồng tham mưu trung liên quân”. Vì vậy, khi thiếu tướng Ronald Anthis, người thay thế Krulak ở SACSA, duyệt ký tờ trình do Phòng hoạt động soạn thảo, tờ trình đó được gửi trực tiếp lên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Wheeler.

Sau khi xem xét tờ trình, Wheeler có thể ký duyệt ngay hoặc trao đổi với các tham mưu trưởng trước khi ký. Không rõ lý do tại sao Wheeler mặc dù có thể ký duyệt ngay nhưng lại chuyển cho các tham mưu trưởng xem xét.

Khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ký duyệt, sĩ quan hành động của SACSA trực tiếp mang tờ trình lên cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara hoặc Thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance. Trong năm 1964, phần lớn đề nghị của SOG được trình lên McNamara, và “thông thường ông ký duyệt ngay”11. Murray nhớ lại lúc bấy giờ McNamara còn hăng hái đối với SOG và không khi nào gây cản trở. Hồi tưởng những diễn biến của giai đoạn này, Murray cảm thấy McNamara cần kiềm chế hơn trong việc thúc đẩy hoạt động ngầm. Bản thân Murray cũng có nghi ngờ về SOG. “Những người được cử đến SOG lấy từ lực lượng đặc biệt nhìn chung là kỷ luật kém... họ là những người tin rằng chỉ cần một số ít đơn vị mũ nồi xanh là có thể chiếm đóng cả khu vực Đông Nam Á”. Murray thấy lạ lùng là “trong một thời gian dài, McNamara cũng tin vào điều này”12.

Cuối năm 1964, McNamara tỏ ra đã giảm bớt nhiệt tình đối với hoạt động ngầm và được thay thế bằng Vance trong quy trình phê duyệt - như thể hiện trong sơ đồ. Là đại diện của Bộ quốc phòng tại Uỷ ban 303 (Uỷ ban 5412 trước đây) Vance phải xử lý các vấn đề liên quan tới SOG ở đó. Vance có nhiệt tình đối với hoạt động ngầm chống lại miền Bắc như sếp của mình không? Murray không nghĩ như vậy: “không, Vance thường khó chịu về hoạt động đó... họ có làm được không? Có an toàn không? Chúng ta có đưa họ về được không? Điều gì xảy ra nếu họ bị bắt? Ông ấy rất lo lắng về sự an toàn về con người”13. Tuy nhiên, Vance ít khi ngăn cản đề nghị của SOG.

Sau khi có sự phê duyệt của Lầu Năm Gốc, chặng dừng chân thứ hai của sĩ quan hành động năm 1964 là Nhà Trắng chứ không phải CIA. Ngay sau khi McNamara hoặc Vance ký vào tờ trình, Murray “lên xe chờ sẵn ở cửa ra vào và đi qua sông Potomac sang Bộ Ngoại giao” và trình bản đề nghị lên cho Ngoại trưởng Rusk. Ông nhớ lại một lần “khi Ngoại trưởng Rusk đang rời văn phòng đến dự một hoạt động chính thức, tôi đuổi theo ông ta dọc hành lang. Tầm quan trọng của các điệp vụ này được thể hiện qua sự thật là Rusk dừng lại, xem xét những gì tôi mang theo và chúng tôi cùng vào một nơi thuận tiện để Rusk đọc và ký duyệt”14.

Khi Rusk đã bổ sung thêm chữ ký của mình, Murray quay lại xe tô vì chặng dừng chân tiếp theo là văn phòng của McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia. Nói chung Murray trực tiếp trình đề nghị cho Bundy, sau đó Bundy thường hỏi một vài câu đơn giản, đọc bản đề nghị và ký duyệt”. Tuy nhiên, mọi việc đến đây chưa hẳn đã xong. Trong nhiều trường hợp, Bundy nói với Murray hoặc sĩ quan hành động khác: “Anh hãy quay về văn phòng và khi lấy được ý kiến phê duyệt ở tầng trên, tôi sẽ gọi anh. Những chữ ký này chưa đủ để cho phép hành động cho đến khi nhận được điện thoại của tôi, điện thoại của tôi anh nghe rõ chưa?”15.

Murray quay về văn phòng và chờ tiếng chuông điện thoại. Khi được hỏi Bundy có đưa các đề nghị của SOG ra trong cuộc họp của Uỷ ban 303 hay không, Murray trả lời: “ồ không, bản đề nghị được trình lên cho tổng thống Johnson xem xét”16. Với những gì đã biết về sự quản lý vi mô cuộc chiến tranh của Johnson, việc tổng thống đích thân phê duyệt đề nghị của SOG là điều dễ hiểu. Chỉ đến khi đó, sĩ quan hành động “đưa bức điện đến trung tâm thông tin và điện khẩn sang cho SOG”17.

Việc quản lý vi mô còn được thể hiện trong tờ trình của Micheal Forrestal, nhân viên hội đồng an ninh quốc gia lên Ngoại trưởng Rusk ngày 8-8-1964 về việc nối lại hoạt động theo Kế hoạch 34A sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ... Trong tờ trình, Forrestal đề cập đến việc phê chuẩn hai điệp vụ cụ thể - việc tấn công vào trạm ra đa Vĩnh Sơn và một vụ tập kích ban đêm. Forrestal giải thích: hai điệp vụ chiến thuật nhỏ này đã được người đứng đầu cơ quan hành pháp phê duyệt “tôi cùng với Cyrus Vance và McBundy đã kiểm tra. Cả hai cho tôi biết hai điệp vụ này đã được Nhà Trắng phê duyệt vào ngày chủ nhật trước, ngày 2-8”.
_______________________________________
1, 2. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 3, 19.
3, 4, 5. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 10,11,14,18.
6. Bản nhận xét đại úy William Murray đưa cho tác giả trong khi phỏng vấn tại nhà riêng (13-10-1967).
7. Phỏng vấn trung tá Harold Bentz qua điện thoại (16-10-1997), tr.3.
8, 12, 14, 15, 17. Bản nhận xét của đại úy William Murray.
9. Phỏng vấn đại úy Murray, tr.7.
10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 280-281.
11. Phỏng vấn đại úy William Murray.
13. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr.10, 26.
16. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 17


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 09:52:45 am
Qua con mắt của sĩ quan hành động

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập SACSA để làm nhiệm vụ kiểm tra chặt chẽ những người tham gia vào các hoạt động ngầm do Lầu Năm Góc bảo trợ. Đó là chủ trương của giới lãnh đạo quân đội, đại tá Albert Brownfield, phó chỉ huy SACSA trong hai năm từ 1964 đã cho biết như vậy.

Trong nhiệm kỳ của mình, Brownfield thường xuyên tiếp xúc với tướng Wheeler, vị Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng này muốn có sự kiểm soát và theo Brownfield, “chúng tôi ngày nào cũng có mặt tại văn phòng Chủ tịch... ông ấy muốn biết những gì đang diễn ra... tôi có thể nói rằng khoảng 70% thời gian ở đó là báo cáo về những gì đã xảy ra và xem xét hoạt động của SOG... Nếu có điều gì mới mà trước đó chưa thực hiện, ông ấy muốn sớm có quyết định”. Brownfield không nhớ Wheeler có chuyển đề nghị hành động của SOG cho các tham mưu trưởng không. “Tôi không nhớ có trường hợp nào ông ấy yêu cầu có thêm thời gian để có thể trao đổi với ai đó. Tôi cho rằng Hội đồng tham mưu trưởng đã uỷ quyền cho ông toàn quyền xem xét hoạt động của SOG”1.

Trong khi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân muốn SACSA là người giám sát, đối với rất nhiều người công tác tại phòng hoạt động đặc biệt của SACSA, SOG trở thành sự say mê nghề nghiệp. Ba sếp sau Krulak, thiếu tướng Anthis, William Peers, và Wilham Depuy đều ủng hộ hoạt động của SOG. Đối với Peers đây là sự kế tiếp kinh nghiệm từ thời OSS. Peers đã từng tổ chức người thiểu số ở Miến Điện thành một lực lượng du kích lớn làm đau đầu quân Nhật. Murray khái quát Peers là “một trong những nhân viên hoạt động xịn... Peers nắm vững những gì có thể làm được”2.

Mùa xuân 1967, Depuy thay thế Peers. Trước khi nhận công việc mới, Depuy chỉ huy trung đoàn bộ binh số 1 ở Việt Nam. Đầu những năm 1960, Depuy là giám đốc chiến tranh đặc biệt tại Văn phòng Phó tham mưu trưởng lục quân về hoạt động và kế hoạch. Đầu tiên, Depuy ủng hộ SOG nhưng sau đó, theo một sĩ quan hành động dưới quyền, “ông ấy thay đổi, quay ra chống lại SOG”3.

Depuy có quan hệ đặc biệt với Wheeler và tự gọi mình là “Trợ lý cho Chủ tịch hội đồng về Việt Nam”4 với “trách nhiệm rộng lớn hơn việc chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt”. Trong cuộc phỏng vấn 1988, Depuy nói “tôi trở thành trợ lý mọi việc (cho Wheeler). Ví dụ, khi Wheeler thực hiện chuyến thăm nổi tiếng sang Việt Nam ngay sau Mậu Thân, tôi là người duy nhất của Hội đồng tham mưu trưởng đi cùng ông”5. Wheeler chưa từng ủng hộ SOG và trong năm 1968 ông có thái độ chỉ trích SOG mạnh hơn. Thái độ của Depuy cũng góp phần vào sự thay đổi trên của Wheeler.

Trên thực tế, Anthis, Peers và Depuy (cho đến khi thay đổi thái độ năm 1968), biến đổi SACSA từ cơ quan giám sát sang cơ quan ủng hộ SOG ở trong Lầu Năm Góc. Đây chính là cách đại tá Brownfield, phó cho cả Anthis và Peers, nhận thấy vai trò của mình: “Chúng tôi tự coi mình là người cố gắng thúc đẩy bất kỳ điệp vụ gì mà SOG đề nghị giúp đỡ. Chúng tôi cố tháo gỡ vật ngáng đường”6.

Đại uý Buke Dunning, sĩ quan hành động và là trưởng phòng hoạt động của SACSA từ 1966 đến 1969, chia sẻ quan điểm với Brownfield. “Nếu là người giám sát thì chúng tôi không phải là người giám sát dữ dằn. Chúng tôi theo dõi mọi chương trình của SOG và đảm bảo chúng nằm trong thẩm quyền được phép... và không đi quá xa. Đồng thời, từ giác độ của sĩ quan hành động, phần lớn công việc của chúng tôi là hỗ trợ. Chúng tôi cố gắng bảo vệ SOG và các chương trình hoạt động vì chúng tôi tin vào chúng”7.

Mặc dù những sĩ quan hành động trở thành người ủng hộ SOG, họ không gặp thái độ hỗ trợ tương ứng của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc. Thông qua kinh nghiệm và tiếp xúc trực tiếp, họ cho biết giới lãnh đạo quân đội duy trì hoạt động ngầm của SOG chủ yếu là do sức ép từ Nhà Trắng vì họ nghi ngờ về khả năng đóng góp của những hoạt động đó vào cuộc chiến tranh. Đó là tình hình mà trung tá Robert Rheault biết được không lâu sau khi đến SACSA tháng 7-1966. Sau đó, khi đến nhận nhiệm vụ chỉ huy nhóm lực lượng đặc biệt số 5 ở Việt Nam năm 1969, Rheault trực tiếp cảm nhận sự thù nghịch thực sự trong thái độ của các sĩ quan quân đội theo dòng chính thống đối với nhân viên đặc biệt. Rheault tốt nghiệp trường Westpoint năm 1946, sau đó rời bỏ dòng lục quân chính thống và chuyển sang lực lượng đặc biệt vào cuối năm 1950. Rheault nhanh chóng trở thành ngôi sao đang lên và dự kiến sẽ đưa lên cấp tướng. Khi đến công tác tại SACSA, Rheault được giao nhiệm vụ quan trọng: theo dõi hoạt động qua giới tuyến chống đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. Rheault nhớ lại: “ở đó chức năng của tôi là làm việc trực tiếp với Peers và Depuy... tôi điều hành chiến dịch Shining Brass và tôi trực tiếp làm việc với họ... tôi tiếp nhận đề nghị hành động từ SOG... sau đó thông qua Peers và Depuy. Rồi tôi liên hệ với các binh chủng, thường là gặp ở cấp chuẩn tướng để họ đồng ý”8.

Lý do của sự thay đổi trong tiến trình phê duyệt này là các đề nghị của OP35 được trình xin “phê duyệt ở trong hầm”- phòng bảo mật của Lầu Năm Góc nơi các tham mưu trưởng trao đổi công việc. Theo Rheault, “thường thì một trung tá không được trực tiếp mang gì đến đó mà phải thông qua sĩ quan cao cấp hơn. Nhưng để đẩy nhanh việc xử lý đề nghị của OP35, tôi thường trực tiếp mang đề nghị tới hầm. Các tham mưu trưởng xem qua rất nhanh, hỏi một vài câu và sau đó cho ý kiến đồng ý”. Chủ tịch hội đồng cũng cho ý kiến nhất trí9.

Sau đó Rheault đưa đề nghị đến văn phòng của Vance. “Vance là người lịch lãm. Ông thường chấp thuận. Sau đó tôi mang đến cho Colby... ông ta là người tốt và không bao giờ bác bỏ đề nghị”. Xong tôi đến “Bộ Ngoại giao và đó là nơi hay gặp rắc rối”. Rheault nhận thấy các nhà địa chiến lược ở Bộ Ngoại giao hay phản bác đề nghị của SOG. “Đó là nơi tiến trình bị cắt ngang vì có sự bất đồng giữa Bộ Quốc phòng - nơi Thứ trưởng Vance và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã đồng ý - với Bộ Ngoại giao - người trả lời: không”. Nếu điều đó xảy ra, Rheault cho biết: “Chúng tôi phải quay về, báo cáo cho Peers và Depuy và sau đó là Hội đồng tham mưu trưởng để xem họ có cách gì không”10. Sự bất đồng này đôi khi biến thành cuộc cãi vã thật sự và Bộ Ngoại giao thường thắng nhiều hơn thua.

Trong các chuyến đi đến căn hầm, Rheault không nhận thấy bất kỳ sự nhiệt tình nào của các tham mưu trưởng đối với SOG. Khi được hỏi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có coi SOG là một phần giá trị của hoạt động chiến tranh không, Rheault trả lời: “Tôi nghĩ là không... những người thuộc giới quân sự chính thống đang ở vị trí kiểm soát ở Washington và họ phản đối lực lượng đặc biệt... Tôi nghĩ do có quan hệ đặc biệt với Wheeler, Depuy có thể tranh thủ được sự hỗ trợ cho các hoạt động không quy ước của SOG. Nhưng tôi không nghĩ rằng Hội đồng tham mưu trưởng, với tư cách là một nhóm người, tin tưởng vào khả năng tác động đến chiến tranh của SOG”. Thái độ của các tham mưu trưởng là “hãy để SOG hoạt động nhưng phải kiểm soát nó”.

Theo Rheault và các sĩ quan hành động khác, hoạt động duy nhất mà các tham mưu trưởng quan tâm là của OP35. Tại sao vậy? Theo Rheault “vì với tư cách là sĩ quan quân đội họ thấy được tầm quan trọng của việc có người đi tuần tra, thu thập thông tin và có thể tiến hành một số hoạt động ngăn chặn. Còn giới không quân sẽ vui hơn nếu có người chỉ điểm mục tiêu không kích chứ không phải thả bom xuống rừng rậm”. Tuy nhiên, ngay cả với hoạt động này, các tham mưu trưởng cũng muốn có sự kiểm soát chặt chẽ.”. Cách diễn ra trên thực tế là mỗi tham mưu trưởng giao cho một người xem xét từng đề nghị một cách kỹ lưỡng. Hay nói một cách khác, ở mọi quân chủng có một thiếu tướng cân nhắc đề nghị do tôi thảo ra trên cơ sở các thông tin từ SOG”11.

Sau hai năm ở SACSA, Rheault được phong lên đại tá và cử sang chỉ huy Nhóm lực lượng đặc biệt số một ở Okinawa. Nhiệm vụ tiếp theo là chỉ huy đơn vị đặc biệt quan trọng nhất lúc bấy giờ, Nhóm lực lượng đặc biệt số năm ở Nam Việt Nam. Tại đây, Rheault biết được tướng Abram thực sự nghĩ gì về nhân viên đặc biệt.

Một trong những hoạt động của Nhóm lực lượng đặc biệt số năm lúc đó là Đề án Gamma nhằm thu tin tình báo bí mật về quân đội miền Bắc và Việt Cộng ở Campuchia. Các toán điệp viên gồm những người địa phương được đưa qua biên giới. Đầu năm 1969, những người phụ trách Gamma nhận thấy một số lượng đáng kể các điệp vụ bị vô hiệu hoá và điệp viên không trở về. Chẳng phải mất nhiều thời gian lắm để suy ra là có gián điệp nằm trong đề án. Mùa xuân 1969, một số tài liệu tuyệt mật của đối phương thu giữ được cho thấy có một điệp viên như vậy. Thông tin này cộng với việc rà soát lại các hoạt động bị vô hiệu hoá đã giúp xác định được đối tượng đó. Anh ta bị bắt và đưa đi kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối.

Rheault phân vân chưa biết xử lý điệp viên đó như thế nào. Trung tâm CIA gợi ý nên thủ tiêu12. Đó cũng không phải ý kiến đặc biệt gì vì trong thời chiến, gián điệp thường bị bắn chết. Điệp viên đó bị bắn và ném xác xuống Vịnh Nha Trang. Một câu chuyện ngụy trang được dựng lên để giải thích cho sự biến mất của người đó. Tuy nhiên, khi biết chuyện, tướng Abrram rất giận dữ. Sự vụ này khẳng định thêm định kiến của ông về lực lượng đặc biệt là nhóm người bất cẩn. Ông ra lệnh bắt giữ Rheault và một số sĩ quan chỉ huy khác của Nhóm lực lượng đặc biệt số năm và sau khi kết thúc điều tra, buộc tội họ đã giết một công dân Việt Nam không xét xử. Sự kiện này xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ và thế giới vào lúc đó.

Và một sự trùng hợp ngẫu nhiên đặc biệt xảy ra. Ngày 25-8, một toán thám báo của OP35, vượt biên giới vào phía đông bắc Campuchia. Thật không may, họ gặp phải một đơn vị săn lùng của đối phương có sử dụng chó. Trong khi trốn chạy, toán thám báo này gặp hai sĩ quan quân đội miền Bắc thuộc đơn vị khác. Cả hai bị giết tại chỗ, trong đó có một sĩ quan cấp cao, có thể là đại tá mang theo xà cột da. Ngay sau khi chạy thoát về Việt Nam, số tài liệu thu giữ được đưa về Sài Gòn. Đó quả là “của trời cho: chiếc xà cột da chứa một phần danh sách các điệp viên và gián điệp đang hoạt động ở miền Nam. Trong danh sách có tên điệp viên bị xử bắn theo lệnh của đại tá Rheault”13.

Ngày 29-9, Thứ trưởng lục quân Stanley Resor tuyên bố rút bỏ lời cáo buộc chống Rheault. Đối với Bob Rheault giá trị mà hoạt động của SOG mang lại là điều không thể phủ nhận. Chính hoạt động đó đã cứu thoát ông. Tuy nhiên sự kiện đó đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp quân ngũ của Rheault mặc dù đầu 1969 ông đã được chọn phong lên chuẩn tướng.

Trong khi nỗi khổ đau của Rheault mang hơi hướng của tiểu thuyết gián điệp của Le Carré, kinh nghiệm quan hệ với giới lãnh đạo quân đội trong khi còn làm ở SACSA của Rheault cũng giống như bất kỳ sĩ quan hành động nào trước đó như Murray chẳng hạn. Khi được hỏi trong thời gian hai năm chuyển các đề nghị của SOG lên cho các tham mưu trưởng, ông có nhận thấy thái độ nhiệt tình của họ không, Murray trả lời không chút ngập ngừng, “không, tôi không bao giờ thấy điều đó”. Họ cứ để mọi thứ diễn ra chừng nào họ “cảm thấy hoạt động đó không gây phiền toái cho quân đội”14.

Trung tá George Maloney được cử đến SACSA đầu năm 1967 và ở lại đó đến cuối 1969. Maloney không chỉ gặp phải sự lãnh đạm và thiếu nhiệt tình như Murray, Rheault và các sĩ quan hành động khác đã trải qua, mà còn cả thái độ thù địch rõ ràng của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đặc biệt là Phó tổng tham mưu trưởng hoạt động -J3. “Trong phần lớn thời gian tôi ở đó, J3 là trung tướng không quân J.C. Meyer được giới thuộc quyền gọi là chúa Jêsu Meyer15. Meyer cho chúng tôi biết rõ là ông không coi trọng hoạt động của SOG. Ông nói: tôi không muốn dội nước lạnh vào công việc của bạn nhưng tôi nghĩ công việc đó chẳng mấy giá trị. Ông ta là người có quan điểm rằng không lực có thể khuất phục Hà Nội”16.

Maloney cũng nhận thấy tướng Wheeler bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn về giá trị của SOG. Đầu năm 1968, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho Depuy tiến hành xem xét tổng thể SOG. “Ông ấy nói với Depuy là muốn có một sĩ quan xem xét kỹ SOG từ trên xuống dưới và tôi phải mất tám tuần để làm việc đó”. Bản đánh giá tập trung vào hoạt động gián điệp - biệt kích. Trước đó Wheeler đã biết kết quả đánh giá về phản gián của chương trình cũng như đánh giá tiêu cực của Bob Kingston. Bản đánh giá của Maloney cũng như vậy. Đó là tất cả những gì Wheeler muốn nghe. Maloney nhớ lại rằng đã xuất hiện “một sự không hài lòng chung” với SOG17

Sau đó, Wheeler ra lệnh cho MACV tiến hành đánh giá về SOG. Đoàn công tác do cựu phó trợ lý của SACSA, đại tá Albert Brownfield, lúc này là trợ lý của MACV dẫn đầu. Bản báo cáo cũng rất nặng nề. Cuối cùng, ngày 7-1-1969 Wheeler và các tham mưu trưởng liên quân giao cho SACSA nhiệm vụ tiến hành cuộc đánh giá SOG kéo dài một năm. Việc đánh giá này được coi là cuộc giải phẫu tử thi của SOG, vào lúc này đang hấp hối do quyết định của chính quyền Johnson ngừng các hoạt động qua biên giới vào Bắc Việt Nam tháng 11-1968, trừ các hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.
________________________________________
1. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield qua điện thoại (28-10-1997), tr.2-3.
2. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 17.
3, 4. Phỏng vấn đại úy Bruce Dunning tại Washington DC (19-9-1997), tr.20.
5. “Thay đổi lục quân, lịch sử bằng lời của tướng William E. Depuy” (Washington DC, Trung tâm lịch sử quân sự Lục quân Hoa Kỳ, 1988), tr. 169.
6. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield, tr. 11.
7. Phỏng vấn đại úy Bruce Dunning, tr.8.
8, 9. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr.4.
10. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr.6.
11. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault tại Rockland, Maine (11-9-1997), tr. 13.
12. Homer Bigort: “Công việc lính mũ nồi xanh tiến triển như thế nào”. Thời báo New York (6-10-1969).
13. Plaster, “SOG: cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Mỹ tại Việt Nam”, tr. 243.
14. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr. 19-20.
15. Ở đây có sự chơi chữ, J.C. đồng thời là chữ cái viết tắt của Jesus Chirst - tức chúa Jêsu - ND.
16, 17. Phỏng vấn trung tá George Maloney tại Washington, (19-9-1997), tr.5,7-8.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 10:25:32 am

Việc giám sát liên ngành đối với hoạt động của SOG: Không có sự hỗ trợ của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.

Việc SOG không được cưng chiều ở cấp cao hơn SACSA là một trở ngại nghiêm trọng. SACSA thường xuyên là kẻ bại trận trong các cuộc đấu tranh liên ngành ở Washington với Bộ Ngoại giao và CIA. SACSA chỉ là cấp tướng hai sao trong Lầu Năm Góc, mảnh đất của những vị tướng bốn sao đầy quyền lực. Sau khi thiếu tướng Depuy hết nhiệm kỳ ở SACSA, cương vị này bị hạ xuống thành nơi trú chân cho cấp chuẩn tướng. Sự lãnh đạm và thiếu quan tâm đối với SOG của Wheeler và các tham mưu trưởng chỉ làm tăng thêm sự bất lực của SACSA.

Quyết định lựa chọn hoạt động nào trong Kế hoạch 34A được thực hiện đầu tiên vào 1964 minh chứng cho điều đó. Cần nhắc lại rằng bản kế hoạch ban đầu rất tham vọng và có những khuyến nghị rất nhạy cảm và táo bạo, trong đó vấn đề gây tranh cãi nhất là việc phát triển phong trào chống đối trong lòng miền Bắc.

Những gì xảy ra với đề nghị này là ví dụ thấy rõ sự thiếu quan tâm và thiếu hiểu biết về chiến tranh không quy ước của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Tháng 12-1963, sau khi đồng ý với bản dự thảo Kế hoạch 34A, đô đốc Felt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nêu ra hai vấn đề. Thứ nhất, nếu “Bắc Việt Nam và Trung Quốc cộng sản gia tăng chiến tranh vượt quá khả năng của Nam Việt Nam” để đối phó với 34A, liệu các tham mưu trưởng có “sẵn sàng can thiệp quân sự không?”. Thứ hai, Felt “bày tỏ sự nghi ngờ liệu các hoạt động (của Kế hoạch 34A) có tác động lâu dài hoặc nghiêm trọng đối với giới lãnh đạo Hà Nội không”1. Hai vấn đề này định hướng cho việc xem xét của Lầu Năm Góc và ảnh hưởng lớn đến kết luận của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về 34A. Trung Quốc luôn làm cho các tham mưu trưởng lo lắng về khả năng tái diễn một cuộc chiến tranh Triều Tiên. Họ đồng ý về đánh giá của Felt về tác động của 34A. Các tham mưu trưởng không tin là các hoạt động đã đạt được nhiều kết quả.

Sau đó, ngày 19, 20-12-1963, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc CIA McCone cùng nghe báo cáo về kế hoạch và ý kiến đánh giá của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Cả hai chuyển quả bóng về cho Uỷ ban 5412 và nêu thêm câu hỏi: “Có nên tổ chức hoạt động qua biên giới từ Nam Việt Nam vào Lào không?”. Và việc gia tăng sức ép đối với miền Bắc bằng hoạt động ngầm (tức là phong trào chống đối) như trong đề xuất của dự thảo 34A nên được thực hiện đến mức nào? McNamara và McCone nêu hai vấn đề này khi báo cáo kế hoạch 34A cho tổng thống Johnson ngày 21-12. Tại cuộc họp này, Johnson giao cho McNamara và McCone nhiệm vụ thành lập “Uỷ ban liên bộ (Ngoại giao, Quốc phòng, CIA) để chọn từ kế hoạch ra những hoạt động có tính khả thi nhất, hứa hẹn mang lại kết quả lớn nhất với rủi ro thấp nhất”2. Johnson phát ra tín hiệu cho thấy tổng thống sẽ có bước đi thận trọng trong việc sử dụng hoạt động ngầm, nhất là trong bối cảnh 1964 là năm bầu cử.

Các yêu cầu trên của Nhà Trắng tạo ra khuôn khổ tham chiến mà hệ quả của nó là những hoạt động táo bạo, có tính chiến lược nhất của Kế hoạch 34A bị loại bỏ. Uỷ ban liên bộ do thiếu tướng Krulak làm Chủ tịch và có cả Bill Sulivan, người được Arevell Harriman bảo trợ ở Bộ Ngoại giao. Với thành phần này có thể thấy trước kết quả thảo luận của Uỷ ban, khi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đều muốn cắt bớt kế hoạch 34A.

Việc rà soát liên bộ đã loại bỏ khỏi 34A tất cả những nội dung liên quan đến phong trào chống đối, mặc dù các nhà soạn thảo coi đó là yếu tố chủ chốt trong kết cấu chung của bản kế hoạch. Tại sao lại bị gạt bỏ? Theo thiếu tướng Krulak, chính ông đã dội nước lạnh vào ý tưởng này tại cuộc thảo luận ở Uỷ ban, vì cảm thấy hoạt động đó “không tốt không mang lại kết quả”. Cựu Trợ lý SACSA tiếp tục “trước sau tôi không tin việc gây dựng sự chống đối trong nội bộ. Người dân phải muốn làm việc đó. Họ phải muốn làm điều đó đến độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, nhất là trong xã hội như miền Bắc. Tôi không tin chúng ta có những con người như vậy ở đó”3.

Khi được hỏi làm sao biết được điều đó, Krulak trả lời: “Tôi không biết. Dĩ nhiên, đó là một giả thiết”. Krulak nói thêm, ông “cũng có những ý kiến khác về tin tình báo cần phải có trước khi gây dựng phong trào chống đối. Tôi thật sự không tin là chúng ta đã có đủ tin tình báo. Và bây giờ cũng vậy”4.

Krulak và lãnh đạo Lầu Năm Góc không đơn độc trong việc đánh chìm ý tưởng về phong trào chống đối. Đại sứ Sullivan và Bộ Ngoại giao cũng chống lại ý tưởng này. Các nhà địa chiến lược ở Bộ Ngoại giao phản đối bởi vì mục đích của phong trào chống đối là gây mất ổn định ở miền Bắc, trái với chính sách công khai của Mỹ. Lập luận này được sử dụng để bác bỏ các đề nghị thành lập tổ chức chống đối trong các năm 1965, 1966 và 1968 của SOG. Ý kiến của Bộ Ngoại giao thường thắng thế, và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thừa nhận thất bại trong công văn trả lời đề nghị của SOG như sau: “kết luận cuối cùng, chính sách quốc gia của Mỹ loại trừ việc phát triển tổ chức đó... chính sách quốc gia không cho phép tiến hành chiến tranh du kích và chống đối”5.

Đó là đòn kết liễu ý tưởng về phong trào chống đối. Những kiến nghị của Uỷ ban Krulak trở thành nền tảng của chính sách của Hoa Kỳ. Ngày 16-1-1964, một bức điện liên ngành Bộ Quốc phòng - Ngoại giao - CIA tuyên bố “Các đề nghị của Uỷ ban liên bộ đã được Tổng thống phê chuẩn”. Trong một văn thư cũng vào thời điểm đó, Krulak thông báo cho Vance biết “Tổng thống đã phê chuẩn nó (báo cáo của Uỷ ban Krulak)”6. Wheeler và các tham mưu trưởng từ chối không đề nghị lên trên xem xét lại quyết định ban đầu đó, mặc dù SOG kiến nghị như vậy. Bản thân họ cũng thấy hoạt động tạo dựng phong trào chống đối không có giá trị gì. Quyết định đó là không thể đảo ngược.

Uỷ ban Krulak còn xử lý các vấn đề của Lào và Campuchia. Có nên tiến hành hoạt động qua giới tuyến chống đường mòn không? Đây cũng là vấn đề mà giới lãnh đạo cao cấp ở Lầu Năm Góc không thích thú gì. Với Sullivan là một thành viên của Uỷ ban liên bộ, và Harriman, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị, đứng sừng sững phía sau, kết quả là rõ ràng. Bản báo cáo của Krulak cảnh báo “sự cân bằng quân sự, chính trị mong manh ở Lào có thể bị đảo lộn” nếu lãnh thổ Lào bị sử dụng cho các hoạt động chống lại Bắc Việt Nam”7. Điều lạ lùng là bản báo cáo không đả động đến việc Bắc Việt Nam sử dụng Lào vào các hoạt động ở miền Nam Việt Nam.

Không có sự quan tâm của Lầu Năm Góc, Lào là vùng cấm đối với SOG trong gần hai năm. Trong suốt thời gian này, SACSA kiến nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đòi các nhà vạch chính sách đảo ngược quyết định này. Nguyên phó trợ lý SACSA, đại tá Brownfield nhớ lại, “tôi đã nhiều lần cố đưa chúng ta sang Lào để thu thập tình báo và tiến hành chống phá đường mòn Hồ Chí Minh... nhưng không bao giờ thành công”8.

Ngay cả sau khi SOG được phép vượt qua giới tuyến vào mùa thu 1965, Bob Rheault ghi nhận có sự đối đầu gay gắt với Bộ Ngoại giao, người chỉ muốn hạn chế các hoạt động này càng nhiều càng tốt. Peers như húc đầu vào đá, Rheault nhớ lại, “Tôi nhớ Peers dùng từ “Shove” sau khi có va chạm với Bộ Ngoại giao. Peers nói ở đó chỉ rặt một lũ “Shove”. Rheault hỏi lại “Shove là gì?” - “À, là một giống lai giữa chim bồ câu và rác rưởi”, Peers trả lời”9.

Mỗi lần mang đề nghị của SOG đến Bộ Ngoại giao, Rheault thường chứng kiến sự chống đối các hoạt động ở Lào. Rheault nhận thấy rằng Bộ Ngoại giao có quyền phủ quyết và thường hay sử dụng nó. Khi điều đó xảy ra, “mọi thứ quay trở về bàn soạn thảo... Chúng tôi phải nghĩ ra cái gì đấy để vừa tháo gỡ được sự phản đối của Sullivan vừa thúc đẩy bản đề nghị lọt qua họ”. Depuy có đề nghị Wheeler can thiệp không? Rheault ghi nhận “Có, nhưng liệu anh có thể đưa chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng xuất hiện thường xuyên không. Hơn nữa, nếu Bộ Ngoại giao không muốn một hoạt động nào đó, và cảm thấy là sắp phải nhượng bộ, họ sẽ điện báo cho Sullivan để đưa lý do phản đối”10.
_______________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 152.
2. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd tr.157.
3. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 17, 20.
4. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr. 21,23.
5, 6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 236, 169.
7. Sđd tr.158.
8. Phỏng vấn chuẩn tướng Albert Brownfield, tr. 7.
9, 10. Phỏng vấn đại tá Robert Rheault, tr. 2, 27.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 10:28:34 am


Theo George Maloney, sĩ quan hành động của SACSA phụ trách hoạt động của SOG tại Campuchia, kinh nghiệm quản lý thủ tục phê duyệt cũng giống như của Rheault. Maloney khái quát hoá: “đó là quá trình tương đối dài”1. Tiến trình đó liên quan tới “việc tranh đấu từng chi tiết với Bộ Ngoại giao” vì họ sợ “bị dính vào cuộc chiến tranh lớn hơn và muốn đủ mọi thứ hạn chế đối với hoạt động của SOG. Họ muốn coi Lào và Campuchia là những quốc gia trung lập”2. Mọi hạn chế mà SACSA tháo gỡ được chính là kết quả của các cuộc xung đột kéo dài này với Bộ Ngoại giao.

SACSA còn va chạm với CIA về SOG. Cũng như các cuộc cãi vã với Bộ Ngoại giao, chiến thắng là rất ít. Theo chỉ thị 57, CIA được giao việc hỗ trợ cho các hoạt động ngầm lớn đo Lầu Năm Góc thực hiện. SACSA và SOG cho rằng sự hỗ trợ đó bao gồm cả nhân sự của CIA. Bản đề nghị đầu tiên của SOG về nhân sự tháng 2-1964 là 31 nhân viên CIA. Đề nghị này “được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phê duyệt tháng 7-1964” và gửi sang CIA3.

CIA tỏ ra “chậm trễ trong việc cử nhân viên” vì tin rằng “CIA sẽ rút ra khỏi chương trình 34A trong vòng 6 tháng.”4. Đó là sự khởi đầu của cuộc tranh luận kéo dài hai năm giữa một bên là SACSA-SOG và bên kia là CIA về việc hỗ trợ nhân sự. Tháng 1-1965, số lượng 31 người ban đầu bị CIA giảm xuống còn 13. “Tháng 2-1966, CIA đề nghị giảm số lượng từ 13 xuống 9”. Sự cắt giảm này “là chủ đề của các cuộc thảo luận trước đó vào tháng 10 và 11-1965. Cả Tư lệnh Thái Bình Dương và MACV đều không nhất trí với sự thay đổi này”5. Sự không tán thành đó tỏ ra không có hiệu lực và số lượng nhân viên CIA cử đến SOG chỉ còn 9. CIA lập luận một cách thành công rằng “tình hình ở Nam Việt Nam và những nơi khác đã tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng số nhân viên đủ năng lực hiện vốn ít ỏi để đáp ứng cho các nhiệm vụ đó”6. Không có dấu hiệu gì cho thấy Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cân nhắc việc can thiệp vào cuộc cãi giữa hai bên.

Các nhân viên CIA được cử đến SOG hầu như là từ bộ phận hoạt động chiến tranh tâm lý của Cục hành động, đó là một bộ phận mà nhân viên không mấy khi được bổ nhiệm lên vị trí cao trong CIA. Trong các cuộc va chạm về vấn đề nhân sự SACSA-SOG yêu cầu cử những người “có năng lực chuyên môn” ở cấp cao “thuộc lĩnh vực hoạt động chung”. Người mà họ cần là một nhân viên thuộc hệ thăng tiến nhanh của Cục kế hoạch hành động, người có thể tham mưu và nắm bắt toàn bộ các chương trình hoạt động của SOG. CIA không chấp nhận và nhân viên được phân bổ cho SOG là “người có năng lực chuyên môn thuộc lĩnh vực hoạt động chiến tranh tâm lý”7. SACSA không thể làm gì để đảo ngược quyết định hỗ trợ nhân viên này.

Nhân sự không phải là vấn đề duy nhất có sự bất đồng giữa SACSA và CIA. Một vấn đề nữa là thẩm quyền tiến hành hoạt động gây dựng phong trào chống đối và du kích.

Giữa năm 1964, SACSA chuyển tiếp đề nghị của Russell cho phép SOG tiến hành các hoạt động này như đã nêu trong kế hoạch 34A. Bản đề nghị đã đi được chặng đường dài đến Uỷ ban 303. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Uỷ ban, Giám đốc CIA McCone lập luận một cách thuyết phục rằng “việc hình thành lực lượng du kích trong người H' Mông và dân tộc ít người khác ở Bắc Việt Nam là chức năng của CIA8. Ủy ban 303 hậu thuẫn ý kiến này.

Tương tự, CIA và SOG còn va chạm về việc khởi động chiến dịch “Shining Brass” ở Lào mùa thu 1965. CIA cho rằng việc đó đi quá xa ngoài nhiệm vụ ban đầu của 34A và nêu ý kiến phản đối. Cuối tháng 12-1965 SACSA báo cáo cho Cyrus Vance biết “CIA từ chối không tích cực hỗ trợ SOG vạch kế hoạch và xâm nhập các toán mới... vì họ cho là việc đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình của họ (tại Lào)”. Don Blackburn, sếp của SOG, cũng nói như vậy vào tháng 1-1966: “hoạt động của Shining Brass không được CIA hỗ trợ”9.

Tại Lào, hoạt động của CIA đặt dưới sự kiểm soát của “Nguyên soái chiến trường”, Đại sứ Bill Sullivan. Sullivan và CIA hình thành nên một liên minh đầy quyền lực để hạn chế hoạt động của SOG trong những năm sau đó. Trong cuộc chiến đấu liên ngành ở Washington, SACSA luôn bị qua mặt.

Nói tóm lại, tuy SACSA trở thành người ủng hộ SOG nhưng là kẻ yếu trong nền chính trị quyền lực của Washington. Trong các trận đấu, SACSA không thể với đến những nhân vật thật sự có quyền lực ở Lầu Năm Góc - Chủ tịch và các tham mưu trưởng - đến yểm trợ và cùng chiến đấu. Nhiều nhất, giới lãnh đạo quân sự cũng chỉ là người bảo trợ lưỡng lự. Chủ tịch và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân biết rõ cách chiến đấu trong nền chính trị Washington nhưng không làm như vậy. Hoạt động của SOG chưa đủ tầm quan trọng.
______________________________________
1, 2. Phỏng vấn trung tá George Maloney, tr.15, 16, 6.
3, 4, 5, 6. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 270, 271, 266.
7, 8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của SOG” (tháng 7-1970), phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr.271, 234.
9. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.264.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 06:51:42 pm


CHƯƠNC TÁM
VIỆC KIỂM SOÁT CỦA TỔNG THỐNG
ĐỐI VỚI CHIẾN TRANH BÍ MẬT:
THÁI ĐỘ HĂNG HÁI CỦA KENEDY VÀ SỰ BỐI RỐI CỦA JOHNSON


Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hồ sơ các điệp vụ bí mật của SOG và sự giám sát của Nhà Trắng đối với các điệp vụ đó bị vùi sâu trong hầm chứa của Lầu Năm Góc. Người ta không bao giờ định đưa chúng ra ánh sáng. Những con người dũng cảm vạch kế hoạch và thực hiện những hoạt động đó không được công chúng công nhận. SOG quá nhạy cảm về chính trị.

Rồi chiến tranh lạnh kết thúc. Dần dần, những câu chuyện về SOG xuất hiện. Một cựu nhân viên của SOG đã kể lại những hoạt động dũng cảm. John Plaster công tác ở SOG ba năm, trong đó có hai năm lãnh đạo các toán thám báo “vượt qua giới tuyến” sang Lào. Năm 1997, Plaster xuất bản một cuốn sách đáng chú ý về những con người đương đầu với quân đội miền Bắc trên đường mòn Hồ Chí Minh1. Cuối cùng, những thành tích của cựu chiến binh SOG, sự hy sinh và lòng dũng cảm của họ cũng như các chiến hữu đã nằm lại, được xuất hiện trước công chúng.

Sự ghi nhận này không bền lâu. Thậm chí SOG còn bị xuyên tạc trong một phóng sự của CNN về một điệp vụ tại Lào mang mật danh “Tailwind” - Đuôi gió. Phóng sự điều tra này được phát ngày 7-6-1998 và cáo buộc rằng trong một điệp vụ tuyệt mật của SOG nhằm tiêu diệt lính Mỹ đào ngũ ở Lào, hơi độc, chất Sarin, đã được thả xuống số nhân viên dân sự và quân sự của đối phương. Sau đó, bài phóng sự còn được hai tác giả April Oliver và Peter Arnett đăng trên tạp chí “Time”2.

CNN cho hay vào ngày 11-9-1970, một đơn vị của SOG gồm 16 lính Mỹ và 140 người Thượng đổ bộ xuống Lào để tấn công một “bản được coi là nơi trú ẩn của một nhóm binh sĩ Mỹ đào ngũ chạy sang đối phương”. Theo Oliver và Arnett, “nhiệm vụ của đơn vị này là tiêu diệt họ”. Trước khi tiến hành tấn công, một toán thám báo được cử đi trinh sát xem số đào ngũ có ở đó không. Toán này đã phát hiện “một số người Mỹ ở trong bản”3. Ngày hôm sau, cuộc tập kích bắt đầu và chỉ diễn ra “không quá mười phút”. Oliver và Arnett cho hay: “12, 15 hoặc có thể là 20” lính Mỹ đào ngũ bị giết, nhưng “không một xác chết nào được nhận dạng hoặc mang về” vì lực lượng của đối phương đang áp sát. Khi trận chiến trở nên ác liệt, “các toán thám báo được chỉ thị sử dụng mũ phòng độc. Sau đó là tiếng nổ của quả nổ chứa hơi độc”4. Theo CNN, “điều này mang lại kết quả ngay lập tức. Khi máy bay trực thăng cất cánh, một thành viên tham gia tập kích nhìn thấy “toàn là xác chết, ... họ không còn chiến đấu được nữa. Họ nằm la liệt, số nằm nghiêng, số nằm ngửa. Họ đã không còn là chiến binh nữa”5.

Sự cáo buộc, nếu đúng, sẽ biến những binh lính và phi công Mỹ, những người tham gia vào cuộc tập kích, trở thành tội phạm chiến tranh. Hơn nữa, như CNN lưu ý, hành động đặc biệt như vậy phải được Nhà Trắng cho phép trước khi thực hiện. “Mọi trường hợp sử dụng hơi độc phải có sự phê chuẩn của nhóm an ninh quốc gia của Nixơn”6. Điều đó có đúng sự thật không?

CNN tuyên bố bài phóng sự là quả bom tấn gây chấn động lớn và có những nhân vật tiếng tăm trong giới truyền thông Mỹ đứng đằng sau. Đối với nhiều người, câu chuyện thật đáng tin. Nhưng tin tức bắt đầu dần sáng tỏ. Các nhà báo khác bắt đầu phân tích kỹ bài phóng sự, đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của lời cáo buộc và chỉ ra những sai sót hiển nhiên trong bài báo.

Tạp chí Newsweek - Tuần tin tức - nổ phát súng đầu tiên bằng việc nêu ra những nghi ngờ về tính xác thực của nhân chứng chính mà CNN đưa ra - một thành viên của điệp vụ “Tailwind”, người cung cấp phần lớn nội dung câu chuyện. Sau đó, nhân chứng này trở cờ, công khai phủ nhận rằng mình là nguồn tin cho những lời cáo buộc của CNN. Uy tín của CNN bị suy giảm nghiêm trọng khi tính xác thực của hai trong số các nhân chứng khác bị lật tẩy. Họ không hề tham gia vào điệp vụ đó.

Một nhân chứng chủ yếu khác của Oliver và Arnett là cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đô đốc Thomas Moore. Tin tức cho biết: ông đã “khẳng định có việc sử dụng Sarin trong hoạt động ở Lào và các điệp vụ giải cứu phi công bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam”7. Tuy nhiên không có đoạn băng quay cảnh Moore đang nói như vậy. Arnett và Oliver giải thích rằng Moore “khẳng định có sử dụng Sarin nhưng không muốn bị ghi lại”8. Trong Newsweek và các báo chí khác, Moore kịch liệt bác bỏ tin trên. Các nguồn tin khác của CNN, kể cả viên đại uý lục quân chỉ huy cuộc tập kích, đều tố cáo bài phóng sự đã hiểu sai lệch lời nói của họ. Trong quá trình chuẩn bị, CNN cho biết đã phỏng vấn tất cả 200 nguồn tin. Sau chương trình phóng sự, một số người nói với phóng viên là họ chỉ khẳng định có sử dụng hơi cay chứ không phải hơi ngạt.

Sự mổ xẻ của báo chí đối với phóng sự gần như là cuộc giải phẫu pháp y. Sau đó, cuộc điều tra nội bộ của CNN do Floyd Abram, một luật sư được giới truyền thông rất tôn trọng, thực hiện đã bồi thêm đòn cuối cùng. Abram tuyên bố: “Luận điểm chính của phóng sự không đứng vững tại thời điểm phát sóng cũng như hiện nay”9.

Tuy nhiên, có một câu hỏi cần được nhấn mạnh nhưng đã bị bỏ qua trong quá trình xem xét trên, mà câu trả lời chỉ càng làm đậm thêm tính không tin cậy của toàn bộ phóng sự do CNN thực hiện. Liệu Nhà Trắng có chiều hướng cho phép SOG tiến hành điệp vụ ngầm nguy hiểm và dễ gây bùng nổ về chính trị như vậy không? Sự thật lịch sử chứa đựng trong các tài liệu giải mật của SOG cho thấy Nhà Trắng không có xu hướng đó. Sự giám sát của tổng thống đối với mọi hoạt động của SOG, bắt đầu từ 1964 và kéo dài trong suốt tám năm tồn tại của SOG, không phải đặc trưng bởi sự sẵn sàng chấp nhận mà là mong muốn tránh rủi ro. Phóng sự của CNN về điệp vụ “Tailwind” đã vẽ ra một bức tranh lộn ngược về thái độ của Nhà Trắng.



SỰ GIÁM SÁT CỦA NHÀ TRẮNG VỀ CHIẾN TRANH BÍ MẬT

SOG điều hành hoạt động bí mật lớn nhất của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh. Tổ chức này thực hiện hàng loạt điệp vụ bí mật trong lòng miền Bắc Việt Nam và chống lại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia. Mỗi một hoạt động đều cần sự phê chuẩn của Nhà Trắng. Chiến tranh bí mật không phải là một hoạt động đơn độc và độc lập của CIA hoặc Lầu Năm Góc. Tổng thống Kenedy và tổng thống Johnson đều giám sát một cách sát sao nhưng với nguyên nhân rất khác nhau. Kenedy tích cực tìm cách sử dụng hoạt động ngầm để làm suy yếu và buộc Hà Nội phải ngừng thúc đẩy chiến tranh ở Việt Nam. Johnson có cách tiếp cận thận trọng hơn. Ông hạn chế chiến tranh bí mật vì e ngại có thể gây ra những đổ vỡ về chính trị nếu các hoạt động này bị phơi bày trước quốc tế. Do đó, không một việc gì SOG thực hiện mà Nhà Trắng lại không biết và tán thành. Sau khi đã được đề cập qua trong các chương trước, chương này phân tích tỷ mỷ phương pháp tiếp cận của Kenedy và Johnson.


Sự hăng hái của “Giới tuyến mới”

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960, ứng cử viên John F. Kenedy tuyên bố: “giới tuyến của nước Mỹ là ở sông Ranh, sông Mê Công, sông Tigris và sông Amazon. Chúng ta có trách nhiệm duy trì tự do cho toàn thế giới”10. Khi đã vào Nhà Trắng, Kenedy lo ngại rằng những đường biên giới mới đó đang có nguy cơ bị đẩy lùi bởi sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản và nhất là thông qua lật đổ du kích. Ông nhanh chóng nhận ra tình hình ở Mê Công đang xấu và Nam Việt Nam đang gặp phiền phức. Kenedy sẵn sàng trụ lại ông không có ý định để mất Việt Nam. Thay vào đó như Bobby Kenedy tuyên bố, “chúng ta sẽ giành thắng lợi ở Việt Nam”11. Để làm điều đó, những con người của đường biên giới mới kết luận rằng cần phải có học thuyết mới và phương pháp tiếp cận mới để đánh bại phong trào cộng sản.

Nhằm phát triển những khái niệm này, Kenedy tuyển chọn những người mà Halberstam mô tả là “những nhà tư duy và hành động thế hệ mới”. Những người này tin rằng “chúng ta phải ngăn cản chủ nghĩa độc tài và do điều duy nhất mà các nhà độc tài hiểu được là vũ lực, chúng ta phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh”12. Tuy nhiên, họ bác bỏ phương pháp tiếp cận thông thường cũ kỹ vì cho đó không còn phù hợp với những mối đe doạ mới. Những gì cần thiết ở đây là tư duy sáng tạo và sức tưởng tượng, điều đó dẫn đến chiến lược chiến tranh đặc biệt và các biện pháp ngầm đặc biệt. Các quan chức cao cấp trong chính quyền mới, từ Kenedy trở đi, là những người ủng hộ mạnh mẽ những biện pháp mới này.

Walt Rostow, một trong số thuộc giới thân cận đó, nhớ lại trong những ngày đầu tiên của Kenedy ở Nhà Trắng, “bài phát biểu khuyến khích chiến tranh giải phóng dân tộc và cách mạng ở Đông Nam Á, châu Phi và Cu Ba của Khrushchev đã thu hút sự quan tâm của tổng thống về những thách thức mới này”. Rostow nhận xét những diễn biến trong chính sách của Kremlin “làm cho báo cáo của Lausdale trở nên rất quan trọng”. Khi được hỏi liệu Kenedy có ủng hộ mạnh mẽ việc khởi đầu hoạt động ngầm chống Hà Nội để đáp lại việc họ hỗ trợ Việt Cộng không, Rostow trả lời: “Có chứ. Vì cộng sản khuyến khích nổi dậy, tổng thống muốn làm tương tự để buộc Hà Nội vào thế phòng thủ”13.
_______________________________________
1. Plaster, “SOG cuộc chiến tranh biệt kích bí mật của Hoa Kỳ tại Việt Nam”
2, 3, 4. April Oliver và Peter Arnett “Hoa Kỳ có rải hơi ngạt không?”, Time, số ra ngày 15-6-1998, tr. 37-39, 38, 37, 39.
5, 6, 7. April Oliver và Peter Arnett, Sđd, tr. 38,37,39, 38-39
8. Robert Caldwell, “Câu chuyện đầy nghi ngờ của CNN về hơi ngạt và lính đào ngũ” Sandiego Times Union (ngày 21-6-1998), tr.G-1.
9. CNN đã mời luật sư Floyd Abrams tiến hành cuộc điều tra độc lập về phóng sự, kết luận của ông, được đưa lên mạng Internet, đã bác bỏ thẳng thừng nội dung phóng sự.
10. Lloyd C.Gardner “chịu bất kỳ giá nào: Lyndon Johnson và chiến tranh Việt Nam”, (Chicago: Ivan R.Dee, 1995), tr.32.
11. Lloyd C.Gardner “chịu bất kỳ giá nào: Lyndon Johnson và chiến tranh Việt Nam”, (Chicago: Van R.Dee, 1995), tr.66.
12. Halberstam, “Những người xuất sắc và thông minh nhất”, tr.43.
13. Phỏng vấn với Walt Rostow, ngày 2-4-1998, tr. 1.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 07:13:40 pm

Trong giới thân cận của Kenedy, người cổ vũ hoạt động ngầm mạnh mẽ nhất là Bộ trưởng Tư pháp Robert Kenedy. Ông là thành viên của cả Uỷ ban 5412 (sau này là 303) và Nhóm đặc biệt chống bạo loạn, hai cơ quan bí mật của Hội đồng an ninh quốc gia được thành lập để chỉ đạo chính sách của Nhà Trắng về hoạt động chiến tranh đặc biệt. Việc Bộ trưởng Tư pháp tham gia vào các vấn đề này là điều hết sức lạ lùng. Bởi vì, cơ quan của ông chủ yếu xử lý các vấn đề pháp lý trong nước chứ không có nhiệm vụ chống du kích quân cộng sản và lật đổ những chính phủ ủng hộ họ. Brute Krulak còn nhớ mối quan tâm của Robert Kenedy về hành động ngầm và vai trò của ông trong quyết tâm sử dụng hành động đó làm công cụ của chính sách ngoại giao. Theo Krulak, “ông có ảnh hưởng rất lớn”.

Ảnh hưởng của Robert Kenedy thể hiện rõ trong việc ông hối thúc CIA xoá bỏ chế độ Castro sau sự kiện Vịnh Con lợn. Sau thất bại đó, chính quyền thành lập một tổ chức bí mật khác trong Hội đồng an ninh quốc gia mang tên Nhóm đặc biệt - SGA. Nhiệm vụ của nhóm là chỉ đạo giai đoạn tiếp theo của hoạt động chống Cu Ba mang mật danh “Mongoose”. Tổng thống chỉ định em trai làm Chủ tịch SGA với mục đích nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động ngầm chống Castro. Khi kết quả không có gì khả quan, anh em Kenedy đều rất thất vọng.

Người phụ trách các hoạt động bí mật của CIA lúc bấy giờ là Richard Bissell bị triệu đến Nhà Trắng vào mùa thu 1961, và, theo Bissell, “bị khiển ngay trong phòng họp chính phủ bởi Tổng thống và Bộ trưởng Tư pháp vì lỗi ngồi ỳ và không chịu làm gì để gạt bỏ Castro”1. Trong hồi ký, Bissell tường thuật chi tiết cách thức anh em Kenedy yêu cầu CIA tăng cường hoạt động: “Anh em Kenedy muốn có hành động nhanh chóng. Robert Kenedy sẵn sàng tìm giải pháp ở mọi nơi... sự tham gia của ông vào việc tổ chức và chỉ đạo Mongoose sâu sát đến mức như ông là phó giám đốc chỉ đạo nghiệp vụ của CIA”2. Tương tự, Robert McNamara cũng xác nhận có “sức ép từ John Kenedy và Robert Kenedy đòi hỏi phải làm điều gì đó đối với Castro”3.

Theo Richard Helm, cựu giám đốc CIA, công cụ được chọn để loại bỏ Castro sau sự kiện Vịnh Con lợn là “hoạt động” ngầm4. Là đại diện của CIA tại Uỷ ban 5412 đầu những năm 1960. Helm thường gần gũi với anh em Kenedy. Ông nhớ lại “phải chịu áp lực hàng ngày từ Bobby Kenedy”5. Anh em nhà Kenedy “muốn có hoạt động ngầm chống Cu Ba, Việt Nam và những nơi khác và tìm cách nhanh chóng triển khai việc đó”6.

Trong những người thân cận của Kenedy, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara là người ít có khả năng ủng hộ hoạt động ngầm nhất vì vị cựu Chủ tịch công ty Ford Motor ít hiểu biết về vấn đề này. Tuy nhiên, từ mùa hè 1962, đến .cuối 1964, McNamara là chất xúc tác thúc đẩy Lầu Năm Góc tiếp nhận và leo thang chiến tranh ngầm chống Hà Nội của CIA. Đến 1965, sự ủng hộ của McNamara bị suy giảm nhanh chóng do ông chuyển trọng tâm sang việc áp dụng chiến lược theo quy ước cho chiến tranh Việt Nam.

William Colby, người trực tiếp chỉ đạo hoạt động ngầm chống Hà Nội khi còn là trưởng trạm CIA ở Sài Gòn, nhớ rằng McNamara là người quyết đoán. Theo Colby, McNamara tin rằng CIA chỉ “ham chơi chứ chưa thực sự có hoạt động lớn quan trọng trong lòng miền Bắc đến mức có tác động”. Colby không quan tâm đến quy mô của chương trình CIA mà coi trọng tính chất của mục tiêu. Ông cho rằng Hà Nội là hạt đỗ quá cứng không thể nghiền được. Quan điểm này bị Bộ trưởng Quốc phòng bác bỏ: “Ông phản bác lập luận đó bằng quan điểm cho rằng CIA làm không đủ lớn”. Bộ Quốc phòng “có thể cung cấp thêm sức lực và làm cho hoạt động ngầm hiệu quả hơn”7.

Khi đã có quyết định chuyển giao chiến tranh ngầm cho Lầu Năm Góc, thái độ trên của McNamara dẫn đến việc thực hiện sớm kế hoạch 34A. Đó là những gì đại uý Murray trải qua trong năm 1964 khi trình các đề nghị hoạt động của SOG lên cho Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt. Murray trực tiếp mang những đề nghị đó vào văn phòng của McNamara. Khi nhớ lại giai đoạn này, Murray nhận xét rằng trong toàn bộ hệ thống chỉ huy, McNamara là “động lực chủ yếu. Tôi không tìm được ai khác ở Lầu Năm Góc là động lực đằng sau hoạt động này”. Khi được hỏi McNamara có phản đối đề nghị nào của SOG không, Murray khẳng định “không, ít nhất là theo tôi biết”8.

Những người thân cận khác của Kenedy như McGeorge Bundy và Walt Rostow cũng cổ vũ việc sử dụng hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. Ngoài ra, theo William Sullivan, William Bundy cũng đóng vai trò quan trọng. Trong năm 1964, anh trai của George Bundy làm việc dưới trướng McNamara với chức vụ phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế. Sullivan khẳng định rằng Bill Bundy soạn thảo các công văn và điện về 34A cho McNamara. “Mặc dù các bức điện có chữ ký của McNamara”, Sullivan tin là “phần lớn số đó là do Bill Bundy khởi xướng và soạn thảo”9.

Với tất cả sức mạnh hỗ trợ việc đẩy mạnh hành động ngầm chống lại miền Bắc như trên, không có gì ngạc nhiên khi CIA tỏ ra bất lực, chính quyền Kenedy rất không hài lòng về công việc của cơ quan này. Các nhân viên CIA trực tiếp chỉ đạo hoạt động chống Hà Nội được Washington chỉ thị đẩy mạnh công việc. Ví dụ Tucker Gougelman, người phụ trách hoạt động ngầm trên biển trong chương trình hoạt động của CIA, được chỉ thị mở rộng tập kích phá hoại để “chuẩn bị cho việc thành lập hoạt động chống đối ở miền Bắc trong tương lai”10. Hay nói một cách khác, Gougelman được thông báo bước tiếp theo sẽ là gây dựng phong trào du kích bên trong miền Bắc. Bill Colby, lúc bấy giờ đang ở Sài Gòn, nhớ lại sức ép từ Nhà Trắng: “Họ hy vọng muốn làm điều gì đó một cách nhanh chóng để cân bằng với những   vấn đề chúng ta đang chịu đựng ở miền Nam”11.

Thất bại của CIA trong việc tạo ra hiệu quả dẫn đến việc chính quyền tìm phương tiện thực hiện khác thay thế. Lầu Năm Góc là ứng cử viên duy nhất. Theo hồ sơ, có ba yếu tố dẫn đến quyết định chuyển giao hoạt động ngầm cho quân đội. Yếu tố thứ nhất liên quan đến sự cam kết “ngăn chặn sự thống trị của cộng sản ở Nam Việt Nam và mở rộng cường độ các hành động liên minh” của Kenedy. Vào năm 1963, tình hình ở Nam Việt Nam đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc khủng khoảng. Cần phải áp dụng các biện pháp mới - dưới dạng hoạt động tăng cường - để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đó. Các biện pháp đó bao gồm “những hoạt động bán quân sự ngầm chống Bắc Việt Nam”12.

Lý do thứ hai dẫn đến việc giao nhiệm vụ trên cho Lầu Năm Góc là việc “cần có nỗ lực chung ăn khớp chống Hà Nội trong lĩnh vực hoạt động bán quân sự bí mật”13. Nhà Trắng kết luận rằng việc này nằm ngoài khả năng của CIA. Chỉ có quân đội, với hiểu biết về chiến tranh đặc biệt, có thể đẩy mạnh hoạt động đến mức có thể kiềm chế được Hà Nội.

Lý do thứ ba, liên quan trực tiếp đến lý do thứ hai, nhấn mạnh sự khó chịu ngày càng tăng của chính quyền đối với “tính tương đối kém hiệu quả của chương trình chống Hà Nội của CIA”14. Cơ quan tình báo đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngay trong việc thực hiện kém cỏi đó của CIA, có hy vọng le lói có thể thành hiện thực nếu hoạt động ngầm được mở rộng. Mặc dù chỉ trích CIA vì không làm được gì mấy, Nhà Trắng nhận thấy trong báo cáo hoạt động của CIA, “Bắc Việt Nam rất chú ý đến các hoạt động đó”. Vì vậy họ đã “thành lập hệ thống báo động quốc gia”. Rõ ràng, Hà Nội lo ngại các hoạt động vụn vặt của CIA có thể dẫn đến nguy cơ “hình thành nhóm du kích quân được dân chúng miền Bắc ủng hộ”. Điều này có thể dẫn đến việc “nổ ra cuộc nổi dậy”15. Đây là căn cứ để Nhà Trắng xác định hoạt động ngầm đã đi đúng hướng. Hà Nội đang lo lắng về các mối đe doạ đó, ngay cả khi nó còn rất yếu ớt. Theo quan điểm của chính quyền đây là điểm cần khai thác và đẩy mạnh việc thực hiện.
_______________________________________
1. Quốc hội Hoa Kỳ, Uỷ ban nghiên cứu hoạt động chính phủ trong hoạt động tình báo của Thượng viện, “Các âm mưu ám sát liên quan tới lãnh đạo nước ngoài”, (Washington DC, Nhà in chính phủ, 1975), tr 334.
2. Richard Bissell; Hồi tưởng về một chiến binh”, (New Haven, Conn. Yale Univvesity Press, 1996), tr.201.
3, 4, 5. “Các âm mưu ám sát liên quan tới lãnh đạo nước ngoài, tr.334.
6. Phỏng vấn Richard, ngày 6-6-1997.
7. Phỏng vấn lịch sử với William Colby trong “MACVSOG; Phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan phục vụ trong OP34 của SOG” tr.9 -11.
8. Phỏng vấn với đại úy William Murray, tr.21, 24.
9. Phỏng vấn với đại sứ William Sullivan ngày 27-9-1997, tr.5.
10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG” phụ lục C, phần hoạt động trên biển”, tr. 1.
11. Phỏng vấn lịch sử với William Colby, trong “MACV SOG: phỏng vấn lịch sử với sĩ quan từng phục vụ trong OP34 của SOG”.
12, 13, 14. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, Phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 88.
15. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.64 - 65


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 07:34:16 pm

Ảo tưởng của chính quyền Kenedy

Khi đã quyết định chuyển giao nhiệm vụ cho Lầu Năm Góc, chính quyền Kenedy không nhượng bộ bất kỳ một sức ép nào từ giới tướng lĩnh nhằm đá lại quả bóng cho CIA. Mỗi khi Maxell Taylor, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có ý định đó, mọi cố gắng của ông đều bị ngăn chặn. McNamara đã nhận nhiệm vụ và trù tính sẽ triển khai thực hiện. Nếu Nhà Trắng đang vội vã thúc đẩy chiến tranh bí mật, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cũng vậy.

Sự cam kết của McNamara đối với chương trình chiến tranh đặc biệt của Kenedy là lý do chủ đạo dẫn đến việc ông ủng hộ quyết định chuyển giao hoạt động ngầm cho Lầu Năm Góc, mặc dù phải đối mặt với sự phản kháng của Hội đồng tham mưu trưởng. Walt Rostow ghi nhận: McNamara “hậu thuẫn mạnh mẽ tổng thống, người muốn chuyển hoạt động ngầm chống Bắc Việt Nam ra khỏi CIA”1. Richard Helm cũng đưa ra lời giải thích tương tự: “Sự nhiệt tình của McNamara phản ánh thái độ của John và Bobby Kenedy. Nếu họ ủng hộ, Menamara cũng vậy”2.

McNamara xây dựng quan hệ cá nhân với anh em Kenedy, như ông đã kể lại trong cuốn sách về Việt Nam xuất bản năm 1995. Tuy nhiên, vào năm 1961, McNamara vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch công ty Ford Motor và không có quan hệ gì với tổng thống vừa đắc cử. Đột nhiên, một hôm Bobby Kenedy gọi điện thoại cho McNamara: “Tổng thống đắc cử rất vui nếu anh có thể gặp em rể chúng tôi Sargent Shriver”. McNamara nhận lời và cuộc gặp được thu xếp vào buổi chiều cùng ngày. McNamara sửng sốt khi nghe Shriver nói: “Tôi được uỷ quyền để nói với anh rằng Jack Kenedy muốn anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. McNamara đáp. “Điều này thật vô lý... Tôi không đủ năng lực”3. Hai tuần sau McNamara nhận lời.

Tại sao Kenedy lại chọn một người không có kinh nghiệm thực sự về các vấn đề an ninh quốc gia? Theo McNamara giải thích, ông được người khác giới thiệu: “Tôi biết có hai người có vai trò chủ yếu: Bob Lovett, người biết tiếng tăm của tôi tại Ford và công việc của tôi trong quân đội trong chiến tranh thế giới thứ hai và John Keneth Galbraith, một nhà kinh tế học theo trường phái tự do ở Harvard”. cả hai cho rằng tổng thống đắc cử cần một Bộ trưởng Quốc phòng là “doanh nghiệp với những tư tưởng sáng tạo”4. Hiển nhiên là, những người giới thiệu McNamara cho Kenedy tin là Lầu Năm Góc cần một vị giám đốc điều hành doanh nghiệp cao cấp chứ không phải là một nhà tư duy chiến lược sáng tạo. Mặc dù không phải người thuộc giới thân cận của Kenedy từ ban đầu, McNamara trở thành người được anh em nhà Kenedy ưa thích.

Theo Roger Hilman, người được Kenedy bổ nhiệm làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Viễn Đông năm 1963, lý do thứ hai dẫn đến việc Kenedy ủng hộ chiến tranh bí mật chính là phương pháp quản lý của ông. Hilsman giải thích: “McNamara muốn tự mình kiểm soát mọi thứ và cố gạt những người khác ở Washington ra”5.  Hilsman chỉ ra: “giới báo chí thường cáo buộc McNamara là khao khát quyền lực và độc đoán. Là Bộ trưởng Quốc phòng, ông có dịp bộc lộ những điều đó... McNamara sắc sảo, quyết đoán, và tự tin”6.

Nhận xét của Hilsman giúp làm sáng tỏ vai trò của McNamara trong quyết định năm 1963 chuyển giao hoạt động ngầm chống miền Bắc từ CIA sang Lầu Năm Góc. Phong thái quản lý của McNamara tại Lầu Năm Góc gần giống như chế độ một người lãnh đạo và điều này làm ông luôn bất hoà với Hội đồng tham mưu trưởng. Trong tám năm làm Bộ trưởng Quốc phòng, McNamara chưa bao giờ ngần ngại bác bỏ quan điểm của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các vấn đề quân sự thuần tuý. Những người bất đồng với ông mà tìm cách kêu lên Nhà Trắng hoặc Quốc hội thường thua khi tranh luận và buộc phải nghỉ hưu.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi McNamara qua mặt giới tướng lĩnh trong hoạt động ngầm chống Hà Nội. Ông nghĩ mình biết nhiều hơn là các tham mưu trưởng. Sự phản đối mãnh liệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đối với chương trình chiến tranh đặc biệt của Kenedy cũng chẳng ăn thua gì. McNamara đang lãnh đạo Lầu Năm Góc còn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thì ngày càng thấy bị gạt ra khỏi quyết định mà mình phản đối. Đối với chiến tranh bí mật, Rostow mô tả như sau: “Vào năm 1963, McNamara đã tăng cường quyền lực và cho rằng mình sẽ làm tốt hơn CIA”7.

Trên thực tế, hai lý do trên đây đã dẫn McNamara đến chỗ cổ vũ cho một chính sách mà mình ít hiểu biết. Ông chỉ đạo Lầu Năm Góc tiếp nhận và gia tăng chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam đồng thời phải làm ngay sau một đêm!

McNamara không phải là người duy nhất thiếu hiểu biết về hành động ngầm. Số người có thái độ nhiệt tình về chiến tranh đặc biệt trong chính quyền Kenedy nhìn chung không hiểu biết về tính phức tạp trong việc thực hiện hoạt động ngầm chống địa bàn bị từ chối. Krulak tin là “những người nhiệt tình đó... nhiệt tình bởi vì họ nghĩ đó là cách đơn giản và rẻ tiền để gây sức ép với Hà Nội”8. Mặc dù Bắc Việt Nam dễ bị tổn thương, khai thác những điểm yếu đó không phải chuyện dễ dàng và có thể làm được trong chốc lát. Không có căn cứ gì cho thấy những người thúc đẩy chính sách này trong chính quyền Kenedy hiểu được thực tế đó.

Hilsman nói thẳng: “Họ không hiểu. Họ không có lý do gì để tin là chúng ta có thể thực hiện ở Bắc Việt Nam những gì họ đang làm ở Nam Việt Nam. Tôi không tin là các thành viên của Uỷ ban 303 có hiểu biết sâu sắc về vấn đề này”9.

Helm còn thẳng thắn hơn: “có sự nhiệt tình lớn về hoạt động ngầm đồng thời cũng có sự thiếu hiểu biết lớn về việc các hoạt động đó và tính phức tạp khi thực hiện chúng”10.

Tương tự như vậy, Kenedy và các cố vấn thân cận dường như không nắm được sự thiếu năng lực của Lầu Năm Góc trong việc phát động hoạt động ngầm. Vì lực lượng đặc biệt đang được mở rộng, họ giả định là các phương tiện đề tăng cường hoạt động ngầm ra Bắc đã sẵn sàng. Tuy nhiên, sự thực lại không phải như vậy, nhất là năng lực thành lập và chỉ đạo mạng lưới gián điệp và tiến hành chiến tranh tâm lý. Ở cương vị của mình, Brute Krulak nhìn thấy rõ những khoảng cách này trong năng lực quân đội. Krulak tin rằng chỉ đạo mạng lưới gián điệp và điều phối những hoạt động chiến tranh tâm lý là nằm ngoài khả năng của Lầu Năm Góc. Thậm chí, kết luận này còn đúng với lực lượng đặc biệt, mà “chức năng chủ yếu... là nhảy dù vào một nước, nơi đã sẵn có tổ chức bạn bè, và giúp đỡ họ một chút... Hoạt động gián điệp tương thích với CIA nhiều hơn”11.

Vào cuối mùa thu 1963, động lực mà Nhà Trắng tạo ra đã đạt đỉnh cao và tạo đà cho việc duy trì hoạt động ngầm ngay cả sau khi Kenedy bị ám sát. Tuy nhiên, khi Johnson nghiên cứu kỹ nội dung kế hoạch 34A và khả năng tác động của kế hoạch này đối với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1964 và chương trình chính trị trong nước, ông nhanh chóng giảm bớt nỗ lực đẩy mạnh chiến tranh bí mật và chọn phương án thận trọng hơn.
___________________________________________
1. Phỏng vấn với W.W. Rostow, tr.2.
2. Ghi chép của tác giả trong buổi phỏng vấn Richard Helms (6-6-1997 ).
3, 4. McNamara. “Hồi tưởng- Bi kịch và bài học của Việt Nam”, tr.14.
5. Thư của Roger Hilsman (1-8-1997), tr. 1.
6. Roger Hilsman, “Để lay chuyển một dân tộc” (New York: Della Books, 1967), tr.44.
7. Phỏng vấn với W.W. Rostow, tr.2.
8. Phỏng vấn với thiếu tướng Victor Krulak, tr.1.
9. Thư từ của Hilsman, tr.2.
10. Ghi chép của tác giả trong buổi phỏng vấn Richard Helms. (6-6-1997).
11. Phỏng vấn tướng Victor Krulak, tr.5.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 07:46:43 pm
Tổng thống Johnson tiếp nhận: sự bối rối xuất hiện.

Ngày 22 tháng 11 năm 1963, vào khoảng 2h40 chiều, Lyndon Baines Johnson trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Trong hồi ký, Johnson nhắc lại sự choáng ngợp mà ông phải đối mặt ngày hôm đó: “tôi bị kéo vào một công việc khó khăn nhất mà một người phải đảm đương và không hề được chuẩn bị trước. Công việc không thể chờ đợi một tuần, hay một ngày, hoặc thậm chí một giờ”1. Điều này đúng với tình hình ở Nam Việt Nam hiện đang vật vã sau khi Diệm bị ám sát.

Hai ngày sau, ngày 24-11, Johnson được biết sự thật trần trụi về thất bại chiến tranh của Mỹ. Chính phủ Nam Việt Nam ở trong tình trạng hỗn loạn - gần như vô chính phủ - và Việt Cộng, với sự chỉ đạo và hậu thuẫn của Hà Nội - đang sáp lại gần. Đó là những điều Johnson nghe tại buổi báo cáo tình hình Việt Nam đầu tiên. Tin tức được McNamara, Rusk, Mac Bundy, McCone và Lodge trực tiếp trình bày. Sau buổi thuyết trình, Johnson nói với trợ lý riêng, Bill Moyers: “Lodge nói rằng mọi thứ ở đó đang đi xuống địa ngục... Nếu chúng ta không hành động... thì điều đó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào”2.

Trong vòng vài tuần, Johnson đối mặt với quyết định đầu tiên trong hàng loạt quyết định liên quan đến nhu cầu phải có hành động ở Việt Nam. Ông đang tiến đến ngã ba đường. Việc thực hiện kế hoạch 34A xuất hiện trong chương trình nghị sự. Với sự hậu thuẫn của McNamara, Mac Bundy và các cố vấn cao cấp khác, sau ba năm ấp ủ, 34A đã sẵn sàng hành động. Vấn đề đối với Johnson không phải có thực hiện hay không mà là đến mức độ nào. Ông biết đó là một kế hoạch tham vọng có nhiều hoạt động rủi ro cao và những quyết định  khó khăn. Nên lựa chọn hoạt động nào “trong số 72 loại hoạt động... với tổng số 2.062 điệp vụ riêng lẻ” của 34A?3.

Trong buổi thuyết trình ngày 24-11, có tin Johnson nói rằng “tôi sẽ không để mất Việt Nam... tôi sẽ không là tổng thống chứng kiến Đông Nam Á ra đi như từng xảy ra với Trung Quốc”4. Đó là thái độ cứng cỏi đặc trưng của các chính trị gia Texas. Tuy nhiên, mọi việc không phải đơn giản như vậy. Các quyết định của Johnson về Việt Nam không chỉ xuất phát từ quyết tâm giành chiến thắng mà còn trở thành con tin của chương trình nghị sự trong nước, đặc biệt là chương trình Đại xã hội - nhãn hiệu mà chính Johnson gắn cho ý tưởng của mình trong bài diễn văn của mình năm 1964. Kể từ khi được bầu vào quốc hội năm 1936, mối quan tâm chính trị của ông tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước chứ không phải vấn đề đối ngoại. Johnson tự cho mình có trách nhiệm tiếp tục thực hiện những ý tưởng của “thoả thuận mới” - “New Deal” vào nửa cuối thế kỷ hai mươi, tiếp bước thần tượng chính trị của ông, Flanklin Roosevelt. “Đại xã hội” của Johnson là sự mở rộng của những gì Roosevelt đã công bố: giảm đói nghèo, mở rộng giáo dục, y tế, nhà cửa và quyền bầu cử5. Nhưng ngay từ đầu, Johnson đã nhận ra rằng tham gia vào cuộc chiến tranh lớn có thể xói mòn tiến bộ của “Đại xã hội”, và việc bị đặt vào vị thế này đã hạn chế các giải pháp về Việt Nam mà ông có thể lựa chọn.

Johnson rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan - một mặt, nếu để mất Việt Nam ông sẽ bị chụp mũ quá nhượng bộ cộng sản - không một tổng thống của Đảng Dân chủ nào có thể tồn tại được với chiếc mũ đó. Ông nhớ lại lúc cộng sản giải phóng Trung Quốc, Herry Truman bị mất quyền lực và sau đó bị McCarthy săn đuổi. Mặt khác, nếu tỏ ra quá mạnh tay ở Việt Nam, những người thuộc phe bảo thủ trong quốc hội sẽ lợi dụng chi phí cho chiến tranh để cắt ngân sách dành cho chương trình “Đại xã hội”. Trước đây, cuộc chiến tranh thế giới lần hai đã làm đình trệ “Thoả thuận mới”6.

Johnson quyết định có bước đi thận trọng, không tiến quá xa và hạn chế sự can thiệp của Mỹ để không cho cuộc chiến tranh làm đổ vỡ chương trình nghị sự trong nước. Làm thế nào để vừa kiểm soát tình hình ở Việt Nam, đồng thời vừa thông qua được luật về “Đại xã hội” tại quốc hội? Giải pháp “Phản ứng tăng dần” được McNamara và các nhà chiến lược dân sự tại Lầu Năm Góc đề xuất. Họ có những tư tưởng mới về cách hạn chế chiến tranh nhưng vẫn thắng thế.

Vào cuối năm 1963, mâu thuẫn giữa Việt Nam và các ưu tiên chính sách trong nước bắt đầu nổi lên. Cuộc bầu cử tổng thống 1964 đã cận kề. Trong chiến dịch tranh cử, Johnson dành nhiều thời gian để khắc hoạ mình là người cứng rắn nhưng thận trọng trong các vấn đề quân sự, tương phản với Barry Goldwater, người ông mô tả là cuồng tín. Quyết định về 34A được đưa ra trong bối cảnh chính trị này.

McNamara nhớ lại, thoạt đầu tổng thống “mong muốn chương trình ngầm được tăng cường. Tương tự như Kenedy, Johnson cho rằng chương trình bé nhỏ của CIA là không hiệu quả và “tìm cách làm đau Hà Nội mà không dùng hành động quân sự trực tiếp”7. Mở rộng chiến tranh bí mật là câu trả lời, đúng như chính sách đã được vạch ra tại Hội nghị Honolulu ngày 20-11 được triệu tập để đánh giá tình hình Việt Nam và tìm ra giải pháp mới. Tại Honolulu, McNamara đã thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch 34A. Theo tài liệu đã giải mật, McNamara công khai chỉ trích hoạt động của cơ quan tình báo chống Hà Nội: “chương trình CIA cho đến nay và trong một tương lai gần tỏ ra không mang lại kết quả mong muốn... Một chương trình thực sự hiệu quả phải có sự tham gia của các nguồn lực quân đội”8. Nhìn lại cuộc họp này, McNamara thừa nhận có “ủng hộ việc Lầu Năm Góc tiếp nhận” hoạt động ngầm chống Hà Nội nhưng cho rằng ông “không phải là người cổ động nhiệt tình vào lúc bấy giờ. Hoạt động ngầm là một trong số ít lựa chọn để giúp Nam Việt Nam”9. Hồ sơ ở giai đoạn này cho thấy vai trò của McNamara trong vấn đề này không phải là sự phục tùng thuần túy.

Sau hội nghị Honolulu, McNamara tập trung vào ý định của Washington giao cho Lầu Năm Góc tiếp nhận và đẩy mạnh chiến tranh bí mật, thể hiện rõ qua các biện pháp mà ông đưa ra để đảm bảo mọi nguồn lực cho 34A. Đầu tháng 12, ông “chỉ thị thu xếp ngay lập tức phương tiện và nhân sự và Bộ Quốc phòng sẽ trả chi phí. McNamara muốn tạo ra trạng thái sẵn sàng chiến đấu tối đa bất kể kế hoạch 34A có được phê duyệt hay không và yêu cầu nhân sự và thiết bị được đưa đến Sài Gòn theo tuyến ưu tiên”10.

Những khuyến nghị của Hội nghị Honolulu được đưa vào chỉ thị 273 của Hội đồng an ninh quốc gia, vạch ra định hướng ban đầu về chính sách Việt Nam của chính quyền Johnson. Johnson ký chỉ thị ngày 26-11. Theo Mac Bundy, việc bổ sung những kết luận tại Honolulu vào chỉ thị 273 đã mở rộng hơn các động thái chính sách so với dự thảo ban đầu. Bundy nhớ lại đó là kết quả của “ý kiến chỉ thị của Johnson đưa ra ngày chủ nhật 24-11”11.

Chỉ thị 273 bật đèn xanh cho việc thực hiện đầy đủ 34A. Chỉ thị này làm gia tăng đáng kể chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam và đặt Johnson vào con đường mà Kenedy đã vạch ra. Nhưng không phải chỉ có vậy.

Chỉ thị 273 còn xem xét vấn đề Lào. Những người soạn thảo 34A khá quan tâm tới đường mòn Hồ Chí Minh. Họ tin là các hoạt động bán quân sự ở Lào cần được đưa vào kế hoạch. Điều tám của chỉ thị 273 phát tín hiệu đồng ý cho phép Lầu Năm Góc được tiến hành hoạt động ở Lào. Chỉ thị viết: “Cần xây dựng và đệ trình kế hoạch hoạt động quân sự trong phạm vi 50 km bên trong Lào lên cấp cao hơn phê duyệt”. Ngầm thừa nhận rằng hoạt động đó vi phạm Hiệp định Genevơ 1962, chỉ thị viết tiếp: “Ngoài ra, cần có kế hoạch chính trị để giảm thiểu tác động quốc tế tiêu cực có thể xảy ra. Trách nhiệm về các hoạt động đó cần được chuyển từ CIA cho MACV”12.

Như vậy, các khuyến nghị chính sách mà Johnson nhận được từ cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đều kêu gọi gia tăng chiến tranh bí mật. Những hạt giống mà Kenedy gieo từ năm 1961 đã nảy mầm, thể hiện ở việc Johnson nghiêng theo chiều hướng gia tăng sức ép đối với Hà Nội qua việc phê duyệt chỉ thị 273. Tuy nhiên, vào tháng 12, Johnson bắt đầu dao động. Ông nhận ra là việc đó có thể đi ngược lại chương trình nghị sự trong nước và nguyện vọng của tổng thống. McNamara cho là “sự dao động này phản ánh tính thận trọng chung về Việt Nam của Johnson. Johnson muốn tránh những điệp vụ quá mạo hiểm” và, khi tổng thống tập trung vào 34A, “thận trọng trở thành tư tưởng chủ đạo. Tránh rủi ro cao”13.
_____________________________________________
1. Lyndon Baines Johnson, “Điểm tiên phong”, (New York: Holt, Rinehart and Wrston, 1971), tr.12.
2. Bill Moyer, “Lời dẫn”, Tuần tin tức, số 10-2-1975.
3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu về MACVSOG”, Phụ lục B, phần “nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển tr.111.
4. Newman, “JFK và Việt Nam”, tr.442.
5. Deborah Shapley: “Lời hứa và Quyền lực”, (Boston: Lihle Brown, 1993), tr.281.
6. Về vấn đề này xin xem Doris Kearns, “Lyndon Johnson và giấc mơ Mỹ”, (New York Harper and Row, 1976), chương 8-9.
7. McNamara: “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học của Việt Nam”, tr.103.
8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, Phụ lục B, phần “nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr.111.
9. Ghi chép của tác giả trong buổi phỏng vấn McNamara qua điện thoại ngày 30-6-1998.
10. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG” phụ lục B, phần “nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 153.
11. Newman, JFK và Việt Nam, tr.448.
12. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, Phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr.21.
13. Ghi chép của tác giả trong cuộc phỏng vấn McNamara, 30-6-1998.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Tư, 2008, 07:57:57 pm


Ngày 21-12, McNamara và Giám đốc CIA John McCone gặp Johnson để xem xét 34A. Đó là cuộc họp cực kỳ quan trọng, trong đó sự bảo thủ và rụt rè chính trị của tổng thống về hoạt động ngầm bộc lộ rõ. Trong cuộc họp, tổng thống quyết định chỉ chọn những hoạt động “hứa hẹn mang lại kết quả lớn nhất với ít rủi ro nhất”1 từ 34A. Sau đó Johnson thành lập Uỷ ban Krulak để đánh giá lại 34A theo quan điểm này của tổng thống.

Uỷ ban Krulak làm đúng như vậy. Uỷ ban đã xem xét “toàn bộ các hoạt động có thể thực hiện chống Bắc Việt Nam... với tư tưởng chỉ đạo là đạt kết quả lớn nhất và rủi ro thấp nhất”. Rủi ro được đánh giá trên hai khía cạnh. Thứ nhất, uỷ ban xem xét mức độ “Bắc Việt Nam trả đũa thông qua việc đẩy mạnh hoạt động ở Nam Việt Nam”. Vì chế độ Sài Gòn đang rệu rã, việc đó có thể làm cho chế độ sụp đổ “trừ khi Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp” . Đó chính là khả năng mà Johnson không thể chấp nhận trong năm bầu cử 1964. Uỷ ban Krulak ý thức rõ điều này. Hai là, Uỷ ban đánh giá mức độ “phản ứng quốc tế” mà việc thực hiện các hoạt động trong 34A có thể gây ra2. Điều này cũng nên tránh trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới.

Uỷ ban Krulak đề xuất một phiên bản 34 mới được rút gọn rất nhiều. Trong đó, Uỷ ban khuyến nghị chỉ thực hiện 33 trong tổng số 72 dạng hoạt động nêu trong kế hoạch, đó là các dạng hoạt động thoả mãn tiêu chí “ít rủi ro” của Nhà Trắng. Uỷ ban không tán thành ý kiến liên quan đến hoạt động tại Lào nêu trong chỉ thị 273. Trong tháng 12, Harriman và người được ông bảo trợ ở Bộ Ngoại giao vận động ngăn cản không cho MACV được phép hoạt động chống phá đường mòn. Uỷ ban Krulak nhất trí với Harriman và lập luận “sự cân bằng quân sự và chính trị mong manh tại Lào có thể bị đảo lộn” nếu chỉ thị 273 được thực hiện3.

Tháng Giêng 1964, Johnson phê duyệt khuyến nghị của Uỷ ban Krulak. Đây là bước ngoặt cực kỳ quan trọng, sự hăng hái của chính quyền Kenedy đã nhường chỗ cho sự bối rối của chính quyền Johnson trong việc sử dụng hoạt động ngầm chống Hà Nội. Tuy nhiên, không hẳn nỗi lo sợ về năm bầu cử dẫn đến việc Johnson chấp nhận phương châm hành động thận trọng, mặc dù đó là một nguyên nhân cơ bản. Johnson còn bị tác động bởi những ý tưởng của các nhà chiến lược dân sự làm việc cho McNamara ở Lầu Năm Góc.

McNamara trở nên tin tưởng vào khái niệm tăng dần phản ứng - các nhà chiến lược dân sự, thường được giới quân sự gọi một cách nhạo báng là “lũ trẻ thần đồng” - thuyết phục McNamara rằng có những cách thức mới, khoa học hơn để sử dụng lực lượng. Theo đó, sức mạnh được sử dụng một cách hạn chế để buộc đối phương phải thay đổi cách cư xử cho phù hợp với lợi ích của Mỹ. Ý tưởng này được ca ngợi là tư duy sáng tạo cho phép sử dụng đầy đủ ưu thế quân sự của Mỹ. Nếu đối phương không nghe lời, sức ép sẽ gia tăng. Họ liên tưởng việc tăng dần vũ lực với các cuộc đàm phán và mặc cả chính trị.

Ý tưởng mới này được dựa trên tiền đề là nếu khởi đầu từ từ và sau đó tăng dần về quy mô và cường độ của sức ép quân sự đến mức cần thiết, đối phương sẽ sớm nhận ra bức thông điệp và nghe theo. Nếu không, sức ép tiếp tục gia tăng cho đến mức buộc đối phương phải tuân theo.

Johnson thích thú khái niệm trên vì giúp ông đạt được một lúc hai mục tiêu. Kìm giữ cộng sản ở Việt Nam và, thông qua tăng dần phản ứng, sẽ nung nóng Hà Nội đến mức chấp nhận đàm phán; và hay nhất là không để chiến tranh ngăn cản chương trình nghị sự - “Đại xã hội” - trong nước của tổng thống.

Tăng dần phản ứng thường được gắn với cách thức Johnson tiến hành chiến tranh Việt Nam sau khi trúng cử tổng thống. Tuy nhiên, khái niệm này cũng ảnh hưởng tới những quyết định liên quan đến việc thực hiện 34A và được phản ánh tại Uỷ ban Krulak, người khuyến nghị nên bắt đầu sự leo thang chiến tranh bí mật một cách hạn chế “để phát đi tín hiệu cho giới lãnh đạo Bắc Việt Nam về ý định tiếp tục thực hiện các hành động trả đũa gây tổn thất với quy mô tăng dần trừ phi và đến khi sự hỗ trợ của họ đối với chiến tranh ở miền Nam chấm đứt”4.

Johnson tìm thấy ở “giải pháp tăng dần” sự đảm bảo, nhưng liệu nó có thực tế không? McNamara có thực sự tin nó có hiệu quả không, khi ông coi đó là “một trong số ít sự lựa chọn để giúp Nam Việt Nam”?5 Hành động của McNamara phản bác những gì ông hồi tưởng về chiến tranh đặc biệt chống miền Bắc. Trong cuốn hồi ký 1995, ông viết một cách rõ ràng: “trước sự kiện tháng 8 (năm 1964) tại Vịnh Bắc Bộ rất lâu, nhiều người trong chúng tôi biết về hoạt động 34A đã kết luận về cơ bản chúng vô giá trị. Phần lớn số điệp viên miền Nam tung ra Bắc hoặc bị bắt hoặc bị tiêu diệt và các vụ tấn công trên biển cũng chỉ như kim châm mà thôi”6.

Nhưng còn quá sớm để rút ra kết luận có tính khẳng định như vậy. Dù sao sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra tháng 8-1964 khi 34A mới được thực hiện có sáu tháng. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn năm 1998, McNamara lặp lại 34A “chẳng giá trị gì. Đó là một việc ngu ngốc”7. Ông cho rằng lý do duy nhất để tiếp tục các hoạt động này là “chính phủ Nam Việt Nam coi đó là một phương tiện tương đối rẻ tiền để quấy rối miền Bắc, trả đũa sự hỗ trợ của Hà Nội cho Việt Cộng”8.

Bất kể McNamara có sự nghi ngờ như thế nào về 34A tại thời điểm năm 1964, việc làm của ông không phản ánh mối nghi ngờ đó. Ông trở thành người ủng hộ việc Lầu Năm Góc tiếp nhận chiến tranh bí mật từ CIA. Thậm chí, trước khi Johnson ký vào bản kế hoạch 34A thu gọn, cuối năm 1963, McNamara đã chỉ thị đảm bảo mọi nguồn lực cho 34A tại Việt Nam. Năm 1964, trong khi các giới chức cao cấp như Đại sứ Lodge và Đô đốc Sharp thể hiện sự thất vọng về kết quả của 34A, McNamara vẫn tiếp tục thúc đẩy. Sau này, các sĩ quan hành động của SACSA nhớ lại, vào năm 1964 McNamara luôn tỏ ra hậu thuẫn mạnh mẽ việc thực hiện 34A. Krulak, Hilsman, Colby và Rostow cũng nhớ về McNamara như là người ủng hộ chiến tranh bí mật tại thời điểm đó.

Phải đến năm 1965, sự quan tâm của McNamara vào 34A bắt đầu phai nhạt. Sĩ quan hành động SACSA Bill Murray là người chứng kiến sự thay đổi này. Sau khi chiến dịch không kích bắt đầu và lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ đã tham gia chiến tranh, McNamara không còn quan tâm đến 34A nữa. Murray không còn trình các đề nghị hành động của SOG lên cho McNamara, mà thay vào đó lên cho Cyrus Vance, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng9.

Tuy nhiên, McNamara có khẳng định: “một năm sau, tôi thôi 34A”10 vì nó đã không mang lại kết quả như mong muốn. Ông viết, “khi nhìn lại, đó là mục tiêu tham vọng một cách ngu xuẩn của một hoạt động nhỏ bé - nó hầu như chẳng đạt được gì”11. Ông có lý, những gì được thực hiện năm 1964 chỉ là phiên bản thu nhỏ của 34A - và đúng là “nhỏ bé”. McNamara cũng đúng khi thừa nhận mình đã trông chờ quá nhiều và theo cách quá gấp gáp.

Tuy nhiên, ngay cả khi 72 dạng hoạt động nêu trong bản kế hoạch 34A ban đầu được thực hiện, việc đòi hỏi có ngay kết quả tác động đối với Hà Nội cũng là không tưởng. Hoạt động ngầm không theo kiểu như vậy. Chúng cần thời gian để hình thành và khi đó mới có kết quả. McNamara không nắm được sự tinh tế này. Ông đang nóng lòng và khi không thấy kết quả ngay, ông mất hứng thú về chiến tranh bí mật và tìm cách khác để ép buộc Hà Nội. Nhà Trắng cũng vậy.
___________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, phụ lục B, phần “Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 157.
2, 3. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr.159,158.
4. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Sđd, tr. 159.
5, 10. Ghi chép của tác giả trong cuộc phỏng vấn McNamara, ngày 30-6-1998.
6, 8. McNamara “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học của Việt Nam”, tr.130.
7. Ghi chép của tác giả trong cuộc phỏng vấn với McNamara ngày 30-6- 1998.
9. Phỏng vấn đại úy William Murray, tr.24.
11. McNamara, “Hồi tưởng Bi kịch và bài học của Việt Nam”, tr. 105


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:39:32 pm

Tác động của sự bối rối đối với hoạt động của SOG

Cách tiếp cận thận trọng của Tổng thống Johnson trong việc thực thi kế hoạch 34A đầu năm 1964 có tác động sâu sắc và lâu dài đối với SOG. Thái độ thận trọng của Johnson đã định ra tiêu chí đánh giá và phạm vi quản lý tất cả hoạt động do lãnh đạo SOG đề nghị. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo trong việc ra quyết định hình thành tại thời điểm này được duy trì trong suốt thời gian tồn tại của SOG. Các đề nghị có nguy cơ bùng nổ chính trị hoặc rủi ro cao hoặc là bị bác bỏ hoặc bị điều chỉnh.

Tác động của chủ trương phê duyệt trên đối với bốn bộ phận nghiệp vụ của SOG: gián điệp - biệt kích, chiến tranh tâm lý, hoạt động trên biển, và hoạt động thám báo chống đường mòn - có thể tìm thấy rất nhiều trong các chương trước. Mỗi khi đề xuất hoạt động mới có tính leo thang và tăng cường độ cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội, SOG bị rơi vào cuộc đấu tranh giữa các cơ quan và trong cuộc chiến đó SOG thường thua trận. Tiến trình thẩm định cũng ngáng cản SOG. Sự thận trọng và kiềm chế mà Johnson áp đặt tháng 12-1963 có tác động cản trở lâu dài, hạn chế những gì SOG được và không được làm để chống Bắc Việt Nam.

Chẳng hạn, vấn đề gây dựng phong trào chống đối bên trong Bắc Việt Nam. Năm 1963 các tác giả của kế hoạch 34A tin rằng “việc hình thành các nhóm chống đối trong Bắc Việt Nam là yếu tố cơ bản cho thành công của toàn bộ chương trình”1. Vào lúc đó, McNamara hoàn toàn tán thành và thể hiện ý kiến của mình trong công thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Rusk: “người Bắc Việt Nam đã được tận hưởng khá lâu sự miễn trừ hình phạt về vai trò của họ trong hoạt động nổi loạn ở Nam Việt Nam”. Đã đến lúc làm cho họ “chịu sự trả đũa nghiêm khắc về sự duy trì hỗ trợ cho hoạt động nổi loạn”. McNamara gợi ý Rusk về sự cần thiết “gây dựng phong trào giải phóng dân tộc của người Việt Nam, một phong trào chịu trách nhiệm trên danh nghĩa về các hoạt động trả đũa này”2. Hay nói một cách khác, Bộ trưởng Quốc phòng tin là Hoa Kỳ nên gây dựng một tổ chức bạo loạn trong lòng miền Bắc, tương tự như Hà Nội đang thực hiện ở miền Nam.

Tuy nhiên, khi Uỷ ban Krulak cắt tỉa 34A cho phù hợp với chính sách của Johnson là chỉ thực hiện những hoạt động “hứa hẹn mang lại kết quả nhất với rủi ro ít nhất”, ý tưởng về phong trào chống đối bị cắt bỏ3. Tiếp sau sự xem xét của Uỷ ban 303, Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và CIA gửi một bức điện chung cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn vào ngày 16-1-1964 thông báo việc tổng thống Johnson đã phê duyệt các khuyến nghị của Uỷ ban Krulak. Không có một dòng nào trong bức điện đề cập đến gợi ý của McNamara về “gây dựng phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam” nêu trong công thư gửi Rusk. Cấp Washington từ chối chuẩn y đề nghị về phong trào chống đối”4.

Như đề cập ở phần trước, SOG đã ba lần đề nghị chính quyền Johnson thay đổi chính sách. Tháng 3-1965, SOG xin phép được “tuyển lựa và hỗ trợ các phần tử trong Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm mục đích chống đối, hoạt động du kích và thu thập tình báo”. Khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương xem xét đề nghị này, những đoạn đề cập đến “mục đích dài hạn là lật đổ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều bị gạch bỏ5. Những câu này đi ngược lại chính sách công khai của chính quyền là không tìm cách lật đổ chế độ Hà Nội.

Mặc dù đã làm rõ như vậy, Bộ Ngoại giao, CIA và Đại sứ quán Mỹ ở Lào cùng hợp sức chống lại đề nghị của SOG khi nó được trình lên Uỷ ban 303. Khả năng được thông qua thật mong manh. Rồi, đại diện của McNamara tại Uỷ ban, thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance, giáng đòn cuối cùng. Nếu ai đó ở Uỷ ban 303 phản bác đề nghị phát triển phong trào chống đối, người đó chính là Cyrus Vance.

Tuy nhiên, trong vấn đề hành động ngầm, quan điểm của Vance rất mâu thuẫn. Khi là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Carter, Vance là người chống đối quyết liệt hành động ngầm6. Nhưng vào năm 1965, Vance không phải là người chống đối hăng hái hoạt động ngầm mà ngược lại.

Tuy vậy, có những giới hạn ông không được vượt qua. Theo trung tá Bob Rheault, Vance hầu như ký duyệt mọi đề nghị của SOG có liên quan đến đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. “Thường là rất dễ dàng. Tôi vào văn phòng, giải thích đề nghị cho Vance. Vào lúc đó, tôi đã thu xếp xong xuôi mọi việc... Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cũng đã xem xét bản đề nghị. Vì vậy, tôi nhớ là mọi việc khá dễ dàng... Chắc chắn là không có sự phiền toái nào”7.

Tuy nhiên, theo trung tá George Maloney, sĩ quan hành động của SACSA, Vance vạch rõ giới hạn khi xử lý các đề nghị về phong trào chống đối. Khi được hỏi tại sao Uỷ ban 303 bác bỏ cả ba kiến nghị của SOG, ông đáp: “À, bản thân Cyrus Vance là một lý do... ông ấy không dám chấp nhận mạo hiểm. Ông nói lập trường công khai của Mỹ là chúng ta có mặt ở đó để giúp đỡ người Nam Việt Nam. Chúng ta không ở đó để lật đổ người Bắc Việt Nam. Chúng ta không muốn người Nga và người Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ lật đổ người Bắc Việt Nam, và chỉ vài phút sau khi chúng ta bắt đầu vũ trang hoặc gây vấn đề ở đó, họ sẽ biết ngay. Vì vậy ông ấy phản đối đến cùng mọi hình thức chống đối, mọi hình thức hoạt động vũ trang.”8. Khi đến được Uỷ ban 303, vào giữa năm 1965, bản đề nghị thường rơi vào tình trạng im lặng.

Những đề nghị hoạt động khác của SOG nhằm tăng cường chiến tranh bí mật cũng chịu số phận tương tự. Ví dụ như các đề nghị về hoạt động tâm lý chiến của SOG. Trong thời chiến, hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm vào nhiều mục đích. Một trong số đó là khuyến khích cá nhân trong lãnh thổ đối phương tiến hành các hoạt động bạo lực và phá hoại chống lại chế độ. Trong khi SOG bị cấm gieo trồng một phong trào chống đối có tổ chức ở miền Bắc, bộ phận tâm lý chiến của SOG cũng bị cấm không được kích động hành vi bạo lực.

Điều này thể hiện rõ trong những giới hạn mà Washington áp đặt cho chiến dịch tâm lý chiến của SOG năm 1964. Mục đích của hoạt động này là nhằm cung cấp thông tin cho dân chúng miền Bắc về chính phủ của họ và cuộc chiến tranh với hy vọng sẽ tạo ra sự mất tin tưởng, bất bình thậm chí chống đối ở dạng nhẹ nhàng nào đó. Nhưng đó là ranh giới cuối cùng mà chiến tranh tâm lý có thể tiến đến. Washington không cho phép SOG khai thác sự bất bình đó. Khuyến khích cá nhân có hành vi bạo lực chống chế độ - giết cán bộ miền Bắc hoặc phá hoại - là không được phép.

Đại tá Albert Brownfield, phó của SACSA từ 1964 - 1966, ghi nhận sự hạn chế này đối với hoạt động tâm lý chiến và nhận xét rằng từ những ngày đầu tiên, SOG không được phép khuyến khích dân chúng miền Bắc có những hành động như vậy chống chính phủ9. Trung tá George Maloney, công tác tại SASSA từ 1967 - 1969, khẳng định các chuyên gia tâm lý chiến của SOG “không được kích động phá hoại. Tôi nhớ rất rõ điều đó”. Hướng dẫn của Washington nói rõ sẽ “không có phá hoại, không có hành động bạo lực công khai của nhân dân miền Bắc chống chế độ Hà Nội.”10.

Không chỉ có các sĩ quan hành động ở SACSA nhận thấy hạn chế này là quá cứng nhắc, mà khi đánh giá hoạt động chiến tranh tâm lý của SOG, nhóm xem xét đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đề nghị nên xóa bỏ những giới hạn này nhưng không được chính quyền chấp nhận. Đề nghị đó nằm ngoài ranh giới mà chính quyền Johnson vạch ra. Đối với các chuyên gia tâm lý chiến của SOG, toàn bộ cách tiếp cận này thật mâu thuẫn. Nhưng đó là dạng mâu thuẫn mà Richard Helms - Giám đốc CIA từ 1966 - 1973, vẫn thường gặp khi quan hệ với Nhà Trắng. Ông nhớ các nhà vạch chính sách thường hăng hái trong việc sử dụng hành động ngầm. Tuy nhiên, “khi đưa cho họ những hoạt động cụ thể, họ sẽ nêu ra sự lo ngại, giơ tay lên trời và nói “anh muốn làm gì?”. Các nhà hoạch định chính sách thường tỏ ra cứng rắn cho đến khi họ đối mặt với chi tiết”11.

Cuối cùng, SOG gặp phải sự phản đối cứng rắn ở cấp cao trong chính quyền Johnson khi xin phép được thực hiện hoạt động thám báo bí mật chống đường mòn Hồ Chí Minh. Tại Washington, một liên minh đầy quyền lực hình thành để ngăn SOG vào Lào trong gần hai năm. Ngay cả sau khi được Nhà Trắng cho phép hoạt động qua giới tuyến sang Lào, cuộc đấu tranh giữa các cơ quan về quy mô hoạt động kéo dài cho đến khi SOG giải thể.

Không chỉ những đề nghị hoạt động lớn mới bị bác bỏ trong tiến trình thẩm định liên ngành. Washington còn ngăn cản nhiều hoạt động quy mô nhỏ mà SOG đề nghị, trong đó có nhiều hoạt động nêu trong kế hoạch 34A ban đầu. Ví dụ, các loại hình không kích do các máy bay không số thực hiện phá hoại các mục tiêu dễ dàng ở Bắc Việt Nam. Hoạt động này không được phê chuẩn. Kế hoạch 34A còn kiến nghị thả mìn không nhãn mác xuống tất cả các cảng chính của miền Bắc. Đề nghị này cũng bị bác bỏ - chúng quá mạo hiểm về chính trị đối với chính quyền Johnson.

SOG đề nghị sử dụng tiền giả. Tại sao không tràn ngập Bắc Việt Nam bằng tiền giả? Được thực hiện thích hợp, hành động này sẽ tạo ra cú sốc cho nền kinh tế. CIA đã sản xuất ra tiền giả nhưng chỉ có một số lượng nhỏ được tung ra miền Bắc. Washmgton luôn thận trọng không muốn đi quá xa. Như cựu sếp của SOG, Cavanaugh nhớ lại, đó là “không - không thể được về chính trị”. Tại sao? Theo William Rydell, cựu nhân viên CIA chỉ đạo hoạt động tâm lý chiến năm 1970, đó là vì các quy định quốc tế không cho phép làm điều đó. Chúng tôi không được làm vì sợ dư luận quốc tế làm ầm lên”12.

Một chiến thuật khác nhằm làm mòn mỏi nền kinh tế Bắc Việt Nam là quấy rối các đội thuyền đánh cá. Như Jack Singlaub nhớ lại, bằng việc gây khó khăn ngăn cản không cho ngư dân đi biển, chúng ta không chỉ cắt giảm nguồn cung cấp thực phẩm cho đối phương mà còn làm cho họ không còn khả năng ngụy trang các tàu vận tải bí mật”. Tuy nhiên Singlaub giải thích: ở Washington, người ta “phản đối việc ngăn chặn các đội thuyền đánh cá... họ quyết định như vậy vì họ không công nhận giá trị yếu tố kinh tế trong chiến tranh”13. Chiến tranh kinh tế cũng quá nhậy cảm về chính trị và có thể bị cáo buộc là hành vi vô đạo đức.

Singlaub còn kiến nghị các chiến thuật khác làm Washington hoảng loạn. Một trong số đó đã được nêu ở phần trước là việc làm nhiễm bẩn gạo. Các toán thám báo thường phát hiện ra các kho gạo lớn của quân đội miền Bắc ở Lào. Các toán của SOG không thể mang gạo đi vì số lượng quá lớn. Dùng thuốc nổ cũng chỉ rải gạo ra mà thôi và quân đội miền Bắc lại thu dọn lại. Vì vậy Singlaub đề nghị được sử  dụng một chất gây bẩn đặc biệt có tên “Bitrex, một cách làm hư hỏng gạo rất dễ dàng... chỉ việc rải chất này lên, gạo sẽ không sử dụng được nữa”14. Đề nghị này cũng bị bác bỏ, vì theo Singlaub, “Bộ Ngoại giao ngăn cản việc sử dụng Bitrex”. Họ coi hành vi đó sẽ biến Hoa Kỳ thành đối tượng bị Hà Nội tố cáo sử dụng vũ khí hoá học. Singlaub phản bác “số gạo đó chỉ dùng cho quân đội và nếu bị làm hư hỏng sẽ chất thêm gánh nặng cho hệ thống cung cấp”15. Cuối cùng thì SOG cũng được phép sử dụng Bitrex, nhưng đó là sau hàng tháng đấu tranh căng thẳng ở Washington.

Một đề nghị khác của Singlaub bị Bộ Ngoại giao phản đối là việc “sử dụng phi tiêu gây choáng trong các vụ phục kích bắt tù binh”. Một trong những nhiệm vụ của OP35 là bắt sống nhân viên đối phương. Việc sử dụng loại phi tiêu này sẽ giúp công việc đó trở nên đơn giản hơn. Bộ Ngoại giao lại lặp lại sự lo ngại vờ vịt về vũ khí hoá học vì theo cách gọi ngày nay, đó chỉ là loại vũ khí không độc hại. Mục đích của loại vũ khí này là bắt giữ chứ không phải tiêu diệt. Bộ Ngoại giao đã ngăn cản được đề nghị này trong nhiều tháng cho đến khi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân gây sức ép họ mới nhượng bộ.

Trong suốt quá trình tồn tại, SOG phải chiến đấu với hai đối thủ ghê gớm: giới lãnh đạo Bắc Việt Nam ở Hà Nội và giới lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Washington.
____________________________________
1. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, “Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tồng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, phụ lục C, phần “Hoạt động chiến tranh tâm lý, tr.7.
2. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, phụ lục C, phần “Hoạt dộng của SOG chống Bắc Việt Nam, tr.3.
3. Lo ngại về mức độ gia tăng chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam đã dẫn chính quyền đến việc giao cho ủy ban đánh giá tình báo quốc gia đánh giá lại 34A. Cụ thể là chính quyền giao cho ủy ban xem xét bản 34A đã được ủy ban Krulak rút gọn. Khi xem xét ủy ban kết luận “những hoạt động này ít khả năng dẫn tới sự gia tăng dính líu của Trung Quốc... hoặc làm cho Liên Xô tin rằng Mỹ đã thay đổi đáng kể chính sách”. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân - “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, phụ lục B, phần “nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Tổng nha kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, tr. 168.
4, 5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, phụ lục C, phần “Hoạt động chiến tranh tâm lý chiến”, tr.7.
6. Năm 1975, ông nói trước ủy ban điều tra các vấn đề tình báo của Quốc hội là hành động ngầm chỉ được sử dụng khi việc đó “tối cần thiết cho an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ và là biện pháp cuối cùng. “Theo tiêu chí này” Vance khẳng định, “số lượng hoạt động ngầm là rất nhỏ”. Quốc hội Hoa Kỳ, các cuộc điều trần trước ủy ban tình báo của Quốc hội. (Washington DC, nhà in chính phủ, 1975) tập 7, tr.54.
7.  Phỏng vấn đại tá Robert Rheault, tr.21-22.
8. Phỏng vấn trung tá Geoglge Maloney, tr. 9-10.
9.  Phỏng vấn chuẩn tướng Alebert Brownfleld, tr. 10.
10. Phỏng vấn trung tá George Maloney, tr.24, 25.
11. Ghi chép của tác giả trong buổi phỏng vấn Richard Helms, ngày 6-6-1997.
12. Phỏng vấn lịch sử với.Willram Rydel , trong MACVSOCR phỏng vấn lịch sử với các sĩ quan từng phục vụ trong OP39 của SOG”, tr.93.
13. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K.Singlaub, trong MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với chỉ huy trưởng của SOG, tr.77.
14, 15. Phỏng vấn lịch sử với thiếu tướng John K.Singlaub, Sđd, tr. 46.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:41:22 pm

SỰ LẠC QUAN KHÔNG ĐÚNG CHỖ HAY CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ? NHÌN LẠI KINH NGHIỆM CỦA SOG


Khi tổng thống Kenedy tuyên bố muốn có du kích quân hoạt động ở Bắc Việt Nam, đó là tính cách can đảm đặc trưng của người đề ra khái niệm “đường biên giới mới” - New Frontier. Nếu Hà Nội có thể tiến hành hoạt động lật đổ ở miền Nam, Kenedy sẽ cho họ nếm mùi như vậy ở miền Bắc. Những lời nói cường điệu như vậy là dấu ấn đặc trưng của chính quyền Kenedy đồng thời phản ánh sự lạc quan không đúng chỗ của tổng thống về những gì hoạt động ngầm có thể làm được.

Khi hồi tưởng lại, những gì xảy ra với SOG cho thấy có logic đằng sau đề nghị của Kenedy. Các quốc gia tham gia chiến tranh không thể để mất ổn định và cho phép hoạt động lật đổ diễn ra ở hậu phương của mình. Tình trạng đó không thể tha thứ được vì trong chiến tranh, sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo chính trị, chỉ huy quân sự và nhân dân là yếu tố không thể thiếu để chiến thắng. Những gì mà Kenedy nêu ra là có ý nghĩa về chiến lược. Dĩ nhiên, tự nó hoạt động ngầm không thể giành thắng lợi trong chiến tranh. Tuy nhiên nó có thể đóng vai trò quan trọng trong một chiến lược thống nhất. Không rõ Kenedy có nhận ra thực tế chiến lược lớn hơn này không.

Mặc dù ý tưởng rất có ý nghĩa, Kenedy gặp phải một trở lực lớn - chính bộ máy hành chính của ông - trong việc hiện thực hoá luận điểm của tổng thống. Phải cần đến ba năm bộ máy đó mới đưa ra được kế hoạch hoạt động ngầm phù hợp - Kế hoạch 34A. Cuối cùng vào cuối năm 1963, chiến tranh bí mật ở Bắc Việt Nam bắt đầu được mở rộng và Hà Nội bắt đầu cảm nhận được độ nóng. Giữa bối cảnh này, Kenedy bị ám sát.

Sau đó Johnson lên làm tổng thống và Việt Nam là vấn đề số một trong chương trình nghị sự. Xu hướng ban đầu của ông là ngả theo việc sử dụng sức mạnh với Hà Nội. Tuy nhiên gần như ngay lập tức, thực tế chính trị nội bộ bắt đầu chiếm chỗ ưu tiên và Johnson dao động. Ông không chỉ là tổng thống mà còn là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 1964.

Điều này làm phức tạp thêm tình hình. Nếu chiến tranh trở nên quá nổi trước mắt dân Mỹ, nó có thể trở thành món nợ chính trị nội bộ của Johnson. Thái độ tự tin nhường chỗ cho sự thận trọng. Quyết định này gây ra tác động ngắn hạn và dài hạn đối với SOG. Trong năm 1964, điều đó có nghĩa SOG không có nhiều việc để làm vì Nhà Trắng cắt giảm 34A. Sự kém thành công của SOG còn gây ra tác động ngoài mong muốn đối với các nhà vạch chính sách, mà quan trọng nhất là McNamara. Nếu SOG không mang lại kết quả, chính quyền tìm cách thức khác để gây sức ép đối với Hà Nội. Đến lượt nó, điều này lại có tác động lâu dài vì SOG không còn người đỡ đầu ở cấp cao nhất tại Washington. Khi tìm cách mở rộng hoạt động để chống Bắc Việt Nam, SOG thấy mình ở thế yếu và bị loại khỏi vòng chiến đấu trong các cuộc tranh cãi liên ngành.

Tuy nhiên, bất chấp bốn năm rụt rè của chính quyền Johnson, các hạn chế do Washington áp đặt, các thất bại của SOG,_và các biện pháp đối phó của đối phương, năm 1968 Hà Nội bắt đầu có biểu hiện lo lắng. Bắc Việt Nam phát động chiến lược phản gián lớn để đối phó. Báo chí, đài phát thanh, và các biện pháp an ninh của Bắc Việt Nam trong năm 1968 cho thấy có sự gia tăng báo động về gián điệp, biệt kích. Tương tự, hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của Bắc Việt Nam. Hà Nội biết rằng họ sẽ không thể duy trì chiến tranh ở miền Nam nếu không được sử dụng liên tục con đường ấy do đó Bắc Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh dọc tuyến đường.

Như vậy, Hà Nội không coi nhẹ SOG. Cuộc chiến tranh bí mật chống Bắc Việt Nam bắt đầu có tác động mà Kenedy hình dung năm 1961. Nhưng phải mất bảy năm mới đạt được đến điểm đó và vào đúng lúc chính trị nội bộ Mỹ có diễn biến mới. Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, cùng với sự tham mưu của nhiều cố vấn cấp cao, Johnson tìm lối thoát khỏi chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông thúc đẩy đàm phán hoà bình ở Paris. Để có cơ sở bắt đầu đàm phán, Hà Nội khăng khăng đòi hỏi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống lại Bắc Việt Nam, trong đó có hoạt động của SOG. Vào cuối tháng 10-1968, thấy rằng không còn có lựa chọn nào khác, Johnson chấp nhận điều kiện của Hà Nội.

Năm 1968 là cột mốc quan trọng của SOG. Việc Johnson nhượng bộ điều kiện của miền Bắc đã đặt dấu chấm hết cho các hoạt động của SOG ở miền Bắc. Các hoạt động ngầm bị chấm dứt đúng lúc chúng bắt đầu có tác động mong muốn. Đó là cái giá mà Johnson sẵn sàng trả để thuyết phục Hà Nội khởi động đàm phán. Hoạt động chống phá đường mòn cũng chịu tác động trong năm 1968 vì các biện pháp đối phó của Hà Nội bắt đầu gây tổn thất cho các toán thám báo. Vào cuối năm, công tác bảo vệ của quân đội miền Bắc, nhất là tại Lào, trở nên rất hiệu quả. Mặc dù bộ phận này, OP35, của SOG vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi bị giải thể, cơ hội sử dụng hoạt động ngầm một cách chiến lược đã qua đi cùng với sự thay đổi đột ngột trong chính sách Việt Nam của chính quyền Johnson.

Mặc dù Nixon tiếp tục các hoạt động của SOG chống phá đường mòn Hồ Chí Minh đến tận năm 1972, các tài liệu được giải mật cho thấy chính quyền Nixon không có ý định tái khởi động các hoạt động ngầm chống miền Bắc đã bị Johnson đóng cửa năm 1968. Hãy nhớ lại những gì Nixon nói với một trợ lý cao cấp năm 1969: “Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Một cách nhanh chóng”1. Hoạt động ngầm trong lòng Bắc Việt Nam không nằm trong tính toán đó của Nixon.
____________________________________
1. Haldeman, “Sự kết thúc của quyền lực”, tr.219.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:43:27 pm
PHẦN KẾT


Hoạt động ngầm không phải là chiếc đũa thần. Ngay cả chiến dịch ngầm lớn trong thời chiến cũng không thể quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, nó có thể góp phần vào chiến thắng nếu tuân thủ theo phương châm mà giám đốc OSS, Bill Donovan, đề ra: trong thời chiến, hoạt động ngầm phải được thực hiện dưới sự giám sát của giới lãnh đạo quân sự cao cấp và gắn kết với chiến lược chiến tranh chung.

Trong thời bình, nên coi hành động ngầm là một công cụ chứ không thay thế cho nghệ thuật quản lý nhà nước. Không nên coi hành động ngầm là biện pháp cuối cùng khi chỉ có hai khả năng lựa chọn là không làm gì và sử dụng lực lượng quân sự. Vì vậy, hành động ngầm nên được sử dụng kết hợp với ngoại giao và các công cụ khác của nhà nước để hỗ trợ mục tiêu của chính sách ngoại giao.

Có thể rút ra từ SOG nhiều bài học về năng lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc thực hiện các hoạt động ngầm lớn và phức tạp trong thời chiến cũng như trong thời bình. SOG đã gặp phải nhiều trở ngại và tác động làm hạn chế hiệu quả hoạt động trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam. Chơi theo luật chơi của Hà Nội tỏ ra nói dễ hơn làm.

Những ngáng trở làm yếu nỗ lực của SOG không chỉ riêng có ở Việt Nam. Ngược lại, có thể tìm thấy chúng trong vô số những ví dụ của thời chiến tranh lạnh trong đó Hoa Kỳ tìm cách sử dụng hành động ngầm. Hơn nữa, những ngáng trở này có xu hướng tác động đến khả năng sử dụng hành động ngầm của Nhà Trắng trong tương lai. Việc đánh giá lại lịch sử hoạt động ngầm của Hoa Kỳ kể từ sau chiến tranh thế gian thứ hai cho thấy có những lực cản có tính chất lặp đi lặp lại.

Thứ nhất, bản chất táo bạo của hoạt động ngầm luôn có sức hấp dẫn đối với Nhà Trắng. Tuy nhiên, mặc dù có xu hướng sử dụng hành động ngầm vì tin rằng nó có thể giải quyết những vấn đề khó trong chính sách ngoại giao một cách nhanh chóng, nhìn chung các tổng thống tỏ ra ít hiểu biết về khả năng thực sự của hoạt động ngầm.

Thứ hai, các tổng thống lo ngại việc áp dụng các biện pháp bí mật vì sợ những tác động chính trị tiềm ẩn sẽ xảy ra khi hoạt động ngầm bị phơi bày. Sự lo ngại này dẫn đến thái độ thiếu quyết đoán về mức độ hoạt động ngầm cần được thực hiện và việc giảm cường độ khi hoạt động ngầm không mang lại kết quả như ý muốn.

Thứ ba, việc sử dụng hữu hiệu hành động ngầm với tư cách là một công cụ của chính sách dường như vẫn là một thách thức khó vượt qua đối với Nhà Trắng trong thời chiến tranh lạnh. Các đời tổng thống và cố vấn của họ thường không có khả năng phối hợp và gắn kết hoạt động ngầm với năng lực chiến tranh thông tin, quân sự, kinh tế và chính trị để cùng đạt tới mục đích chính trị. Thường là hành động ngầm bị tách biệt khỏi những công cụ trên của chính sách.

Thứ tư, tổ chức và điều hành các chương trình bí mật và phức tạp là rất khó đối với Hoa Kỳ vì nó liên quan đến việc sử dụng đồng bộ nhiều chiến thuật khác nhau: điệp viên, đánh lạc hướng, tâm lý chiến, phá hoại, hoạt động bán quân sự... tập trung vào một mục đích chiến lược. Sự phối hợp các chiến thuật được áp dụng trong các chương trình hoạt động ngầm lớn của thời chiến tranh lạnh thường rất kém.

Thứ năm, khi có từ hai cơ quan trở lên cùng tham gia vào một hoạt động ngầm, những khó khăn về quản lý và tổ chức tăng lên gấp bội. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự tranh chấp, thay vì hợp tác, giữa các cơ quan có liên quan dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động. Quá trình phối hợp càng rắc rối hơn khi các cơ quan Hoa Kỳ phải thiết lập quan hệ liên lạc và làm việc với chính phủ hoặc nhóm người nước ngoài để thực hiện hoạt động ngầm.

Thứ sáu, việc áp dụng các kỹ thuật hoạt động ngầm khác nhau, nhất là để chống lại địa bàn bị từ chối và mục tiêu khó khăn, đặt ra những thách thức dai dẳng ở tầm thực hiện. Sử dụng các kỹ thuật này đòi hỏi phải có những người vạch kế hoạch có óc sáng tạo và hiểu biết về mục tiêu và những người thực hiện có khả năng phát triển và thực hiện đề án hoạt động cụ thể. Thường thì cả hai loại người này đều thiếu.

Cuối cùng, khó khăn trong việc tạo ra công cụ để đánh giá tác động của các chương trình hoạt động ngầm là một trở ngại trong mọi hoạt động ngầm của Mỹ ở thời kỳ chiến tranh lạnh.

Rất nhiều điều được biết về SOG minh chứng cho bảy trở ngại trên trong các hoạt động bí mật mà Washington thực hiện trong chiến tranh lạnh. So sánh lịch sử của SOG với các hoạt động ngầm khác mà Mỹ thực hiện cho thấy những trở ngại đó dường như là đặc điểm chung của việc sử dụng hoạt động ngầm của các đời tổng thống Hoa Kỳ.



KINH NGHIỆM CỦA SOG VÀ HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT TRONG THỜI CHIẾN TRANH LẠNH

Trong suốt thòi kỳ chiến tranh lạnh, gần như tất cả các tổng thống, bắt đầu từ Henry Truman, đều có xu hướng sử dụng hành động ngầm. Eisenhower coi đó là một công cụ quan trọng để chiến đấu với chiến tranh lạnh và thường xuyên sử dụng hoạt động ngầm để làm điều đó. Mặc dù giữa các tổng thống có sự khác biệt về mức độ hiểu biết về cách thức và thời điểm sử dụng các phương pháp bí mật, ai cũng muốn hành động trong bóng tối để đạt được mục tiêu của chính sách đối ngoại.

Sự hấp dẫn của hoạt động ngầm nổi rõ trong năm 1961. Từ những ngày đầu tiên trong chính quyền, Kenedy đã cổ vũ cho hoạt động ngầm vì nó hợp với tính cách ưa hoạt động của ông. Kenedy đã nói rõ tại Hội đồng an ninh quốc gia rằng nếu Hà Nội có thể xúi giục chiến tranh du kích ở miền Nam, ông cũng muốn làm như vậy ở miền Bắc. Mặc dù kế sách của Kenedy là có giá trị, tính cách ưa hoạt động của tổng thống đã không kết hợp được với sự hiểu biết về thời gian cần thiết để tổ chức một hoạt động ngầm phức tạp. Các tổng thống khác cũng có đặc điểm này. Kế hoạch chết yểu của Nixon nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 1970 ở Chilê là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Nixon đã sử dụng hoạt động ngầm là giải pháp cuối cùng nhằm cứu giúp một chính sách ngoại giao thất bại.

Một số cố vấn của Kenedy chia sẻ mối quan tâm của tổng thống trong việc gây bất ổn ở Bắc Việt Nam bằng hoạt động ngầm. Người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính là em trai của tổng thống, Robert Kenedy. Còn những người khác là Robert McNamara, McGeorge Bundy và Walt Rostow. Họđều phản ánh tư tưởng của Kenedy trong việc xử lý các vấn đề quốc tế. Hành động ngầm được coi là một công cụ quan trọng cần được khai thác sử dụng. Họ sẵn sàng chơi theo luật chơi của Hà Nội. Tuy nhiên, cũng như tổng thống, các vị cố vấn này, người khả dĩ nhất, cũng chỉ có hiểu biết đại khái về phương pháp áp dụng hành động ngầm mà thôi.

Các tổng thống khác chọn cho mình những cố vấn cao cấp, những người cũng sẵn sàng chấp nhận và khuyến nghị sử dụng hoạt động ngầm. Trong số đó, một số có hiểu biết sâu sắc về tính phức tạp liên quan đến hoạt động ngầm, số khác thì không.

Ví dụ, năm 1947, George Marshall đã thuyết phục được Truman giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động ngầm cho Cục tình báo trung ương, CIA, mới được thành lập. Đó là một công cụ của chính sách ngoại giao mà tổng thống cần đến. Sau đó Marshall đã thể hiện hiểu biết của mình về cách sử dụng công cụ đó trong các hoạt động thành công ở Tây Âu vào cuối những năm 1940. Trong chính quyền Eisenhower, anh em nhà Dulles là những cổ động viên nhiệt tình của hoạt động ngầm. Tổng thống cũng không bỏ ngoài tai lời tham mưu của họ và sẵn sàng chấp nhận nó là vũ khí để chiến đấu trong chiến tranh lạnh. Hoạt động ở Iran 1953 và Guatemala 1954 tỏ ra rất thành công. Tuy nhiên tại các địa bàn bị từ chối, hồ sơ hoạt động ngầm chỉ có thất bại nối tiếp thất bại. Tại các địa bàn này, chính quyền tỏ ra không nhận thức được bối cảnh chính trị nội bộ của các nước xã hội chủ nghĩa.

Có một mâu thuẫn là: trong khi chính quyền Johnson đang loay hoay với SOG, một hoạt động bán quân sự ngầm khác lại tỏ ra rất hữu hiệu dưới sự chỉ đạo của CIA ở bắc Lào. Hoạt động này cho phép Vàng Pao, một thủ lĩnh của người H'mông, mở rộng lực lượng và ngăn chặn không cho quân đội Bắc Việt Nam chiếm Lào, ít nhất là cho đến khi Mỹ rời bỏ Đông Dương.

Dưới thời tổng thống Nixon, mọi người đều biết rằng Henry Kissinger đã tham mưu cho tổng thống sử dụng hoạt động ngầm trong nhiều trường hợp. Nhưng ít nhất trong một vụ chủ yếu, Chilê, ông tỏ ra hiểu biết không đầy đủ về cách thức sử dụng công cụ đó. Cuối cùng, nhiều cố vấn cao cấp của tổng thống Reagan mà nổi nhất là giám đốc CIA William Casey, tìm cách sử dụng hoạt động ngầm như là một phần của chiến lược chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô trong Thế giới thứ ba. Hai hoạt động lớn nhất là ở Afganistan và Nicaragua. Mặc dù hồ sơ hoạt động của hai chiến dịch trên có đầy rẫy những sai sót, kết quả mang lại được đánh giá là thành công.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:46:39 pm

*
*   *

Trong trường hợp Việt Nam, ý kiến cho rằng hoạt động ngầm ở đó được tiến hành tự do như con ngựa bất kham là không có căn cứ. Kenedy đứng đằng sau toàn bộ hoạt động ngầm. Quan hệ của tổng thống với CIA không phải là việc quản lý con ngựa bất kham chạy rông mà là một con la ương bướng chống lại những gì ông muốn thực hiện. Những hoạt động ông đòi hỏi chỉ được thực hiện dưới sự giám sát của Nhà Trắng.

Johnson còn muốn giám sát chặt hơn và, vì vậy, SOG trở thành một tổ chức bị quản lý vi mô trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Mọi điệp vụ được cân nhắc và phê duyệt ở cấp cao nhất tại Washington. Việc đánh giá các hoạt động ngầm trong thời chiến tranh lạnh, nhất là các hoạt động lớn bác bỏ ý kiến cho rằng các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ chỉ đạo các hoạt động ngầm mà không báo cáo và chịu sự giám sát của Nhà Trắng. Điều ngược lại mới chính xác Các tổng thống chính là người phê duyệt và giám sát các hoạt động bí mật và làm việc đó với hai lý do trái ngược nhau.

Một mặt, phần lớn các tổng thống của thời chiến tranh lạnh tỏ ra sẵn sàng vận dụng các biện pháp ngầm để đạt tới những chính sách cụ thể. Mặt khác, họ đều ý thức được sự rắc rối mà hoạt động đó có thể gây ra. Tính chất mâu thuẫn này được thể hiện rõ nét trong trường hợp của SOG. Tiếp tục theo đuổi những gì Kenedy đã tạo đà, Johnson giao cho Lầu Năm Góc nhiệm vụ tăng cường chiến tranh bí mật trong lòng Hà Nội và sau đó lại lo sợ về những tác động quốc tế, quân sự, và chính trị của chính hoạt động đó. Chính quyền Johnson không chỉ lo ngại về thất bại và còn về cả thành công quá mức. Vì vậy, sự hăng hái biến thành cảm giác sai trái, dẫn đến hàng loạt cấm đoán và hạn chế trong hoạt động của SOG và làm giảm hiệu quả của SOG.

Kể từ SOG trở đi, sự giám sát của Nhà Trắng vẫn được duy trì nguyên vẹn với những lý do trái ngược nhau - hăng hái và thận trọng. Một số tổng thống tỏ ra hăng hái hơn, như Reagan, và số khác thì thận trọng hơn, như Bush. Nhưng tất cả đều muốn kiểm soát. Chỉ có một thay đổi là Nhà Trắng không còn là người duy nhất giám sát các hoạt động ngầm nữa. Kể từ cuối những năm 1970, quốc hội đã trở thành người tham gia tích cực trong quá trình phê duyệt và thực hiện hành động ngầm.

Để làm suy yếu Hà Nội, Kenedy đương nhiên phải dựa vào CIA. Dẫu sao thì một trong những nhiệm vụ của cơ quan này là hành động ngầm. Tuy nhiên, Kenedy nhanh chóng trở nên mất nhẫn nại về sự bất lực của CIA trong việc tiến hành hoạt động ngầm phức tạp. Thứ nhất, đó là vụ thảm bại Vịnh Con lợn. Sau đó, mặc dù đã giao nhiệm vụ chống phá Hà Nội, Kenedy thấy rằng CIA không tin rằng mình có thể làm được nhiệm vụ đó. Điều này làm Kenedy bị sốc. Ông cứ tưởng bóng ma, tiếng lóng chỉ nhân viên CIA, có thể trở thành những người lật đổ thật sự.

Kenedy không phải là tổng thống duy nhất nhận thấy tâm lý e dè chứ không phải tư tưởng táo bạo tại cơ quan tình báo. Điều này đặc biệt đúng sau hai diễn biến chính trị lớn vào nửa cuối những năm 1970. Thứ nhất là cuộc điều tra của quốc hội về những việc làm sai trái của CIA. Thứ hai là việc chính quyền Carter gạt những chuyên gia hoạt động ngầm ra khỏi cơ quan tình báo. Hai diễn biến này làm CIA chùn tay khi tiến hành các chương trình hoạt động ngầm lớn và làm cho một cựu nhân viên CIA ca thán rằng hành động ngầm là một loại hình nghệ thuật đang chết dần. Trên thực tế, những người phải ra khỏi bộ phận hoạt động ngầm của CIA không phải là những tên gây rối. Đó là những gì Reagan nhận ra đầu những năm 1980 khi ông tìm cách gia tăng hoạt động bán quân sự bí mật ở Afganistan và Nicaragua. Thái độ thận trọng và bảo thủ bao trùm lên trụ sở của CIA. Lôi cơ quan tình báo vào những hoạt động này thật không dễ chút nào.

Mặc dù đã thôi không trông cậy vào CIA, nhưng do vẫn muốn phá hoại Hà Nội, John F. Kenedy chỉ đạo Lầu Năm Góc tiếp nhận và đẩy mạnh chiến tranh bí mật. Nhà Trắng tin rằng quân đội sẽ đủ sức thực hiện nhiệm vụ. Nhưng hoá ra lại không phải như vậy, và lập luận trên đã làm cho Nhà Trắng trông mong quá sớm và quá nhiều từ SOG. Lực lượng đặc biệt không có những kỹ năng thiết yếu, mà quan trọng nhất là bí quyết thành lập và điều hành mạng lưới điệp viên và thực hiện chiến tranh tâm lý đen. Đây là một ví dụ nữa về sự thiếu hiểu biết của các quan chức hoạch định chính sách về tính phức tạp trong việc thực hiện hoạt động ngầm.

Trong những năm 1980, vai trò của quân đội trong hoạt động ngầm một lần nữa trở thành vấn đề chính sách quan trọng ở Washington. Tuy nhiên, lần này đến lượt quốc hội chứ không phải Nhà Trắng tìm cách lôi kéo Lầu Năm Góc vào hoạt động ngầm bằng việc thành lập Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt Hoa Kỳ- SOCOM. Một trong những nhiệm vụ của lực lượng mới này là thực hiện các điệp vụ ngầm cụ thể được cấp trên giao cho. Ngày nay, các điệp vụ ngầm của SOCOM bao gồm chống khủng bố và việc phổ biến vũ khí phá huỷ hàng loạt, chiến tranh không quy ước, trinh sát chiến lược và hành động trực tiếp. Kể từ ngày SOG được thành lập, nhiều thứ đã thay đổi. Lực lượng hoạt động đặc biệt ngày nay có năng lực mà SOG chưa hề có. Nhưng, trong một số lĩnh vực có tính bí truyền như gián điệp, biệt kích, thu thập tình báo bằng người và chiến tranh tâm lý, không rõ có sự thay đổi lớn nào không.

Việc thiếu kỹ năng không phải là vấn đề duy nhất mà Kenedy gặp phải khi chuyển giao chiến tranh bí mật cho quân đội. Sự phản đối của giới lãnh đạo quân sự cao cấp đối với việc chuyển giao này còn tạo ra vấn đề lớn hơn vì Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nhận nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Không tin hoạt động ngầm có thể đóng góp nhiều cho chiến tranh, giới chỉ huy quân sự không chịu gắn kết SOG vào các kế hoạch chiến tranh. Đó là một phần phản ứng của giới quân sự đối với việc Kenedy yêu cầu họ phát triển các năng lực chiến tranh đặc biệt. Thái độ này có tác động sâu sắc đến SOG. SOG nhanh chóng nhận ra mình là người không được hoan nghênh trong giới lãnh đạo quân sự chính thống ở MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và là đứa trẻ mồ côi trong hệ thống chỉ huy của Lầu Năm Góc.

Quan niệm quân sự chính thống này tiếp tục tồn tại và phát triển sau khi SOG giải thể năm 1972. Sau chiến tranh Việt Nam, quan niệm đó có vai trò quyết định trong việc cắt giảm nhanh chóng quy mô các lực lượng đặc biệt và loại bỏ mọi lý luận về chiến tranh đặc biệt ra khỏi học thuyết quân sự của quân đội Hoa Kỳ. Đó là thời điểm những thách thức về bạo loạn du kích, lật đổ khủng bố quốc tế và sự hỗ trợ nhà nước đối với các hoạt động này đang tăng trên thế giới.

Trong những năm 1980, khi quốc hội và một số quan chức trong chính quyền Reagan bắt đầu tuyên bố những đe doạ này đòi hỏi nhiều hơn, chứ không phải ít đi, các lực lượng và học thuyết hoạt động đặc biệt - lập luận mà Kenedy đã nêu ra hai thập kỷ trước- một lần nữa giới lãnh đạo quân sự cao cấp lại có thái độ chống đối. Đó gần như là sự tái diễn một cách chính xác những gì đã xảy ra đầu những năm 1960. Khi chính quyền Reagan sa lầy vào cuộc tranh luận về cách thức tiến hành, quốc hội ra tay hành động. Quốc hội ban hành luật khai sinh SOCOM với sự tin tưởng là Hoa Kỳ cần mở rộng năng lực để đối phó với các cuộc xung đột có cường độ thấp.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:48:51 pm

*
*   *

Có các yếu tố khác cản trở việc thực hiện các điệp vụ của SOG. Thứ nhất, khó khăn về tổ chức do phải phụ thuộc vào các cơ quan khác của chính phủ, mà chủ yếu là CIA, trong việc cung cấp những kỹ năng và các năng lực nhất định đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp giữa SOG và các cơ quan đó. Hai là, nhu cầu thiết lập mối quan hệ vững chắc với đối tác Việt Nam để thực hiện chương trình hoạt động ngầm đòi hỏi phải có sự tin cậy ở mức cao.

Khi SOG được thành lập tháng Giêng năm 1964, chỉ huy trưởng đầu tiên tưởng rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của CIA. Vì dầu sao, chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã quy định rằng khi quân đội tiếp nhận một hoạt động ngầm có quy mô lớn, CIA sẽ giữ vai trò hỗ trợ Tại trụ sở của CIA, lãnh đạo cơ quan này hầu như không thể hình dung họ lại đóng vai trò thứ yếu so với Lầu Năm Góc trong hoạt động ngầm. Do vậy, CIA từ chối không trợ giúp một cách đầy đủ, thậm chí còn tìm cách giảm thiểu sự dính líu của mình. Mặc dù CIA vui mừng được chấm dứt hoạt động chống lại miền Bắc, cơ quan này vẫn coi hoạt động ngầm thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và phản kháng lại ý tưởng cho rằng quân đội có thể thay thế họ. SOG là kẻ thọc mũi vào việc của người khác và cần phải bị tẩy chay.

Thái độ trên của CIA đối với sự tham gia của quân đội vào hoạt động ngầm không thay đổi sau khi SOG giải thể. CIA tiếp tục coi hoạt động bí mật, kể cả hoạt động ngầm, là lãnh địa của riêng mình. Trong khi sẵn sàng cộng tác với quân đội trong các hoạt động hỗn hợp, CIA tin rằng họ phải là người điều hành, còn vai trò của quân đội là cung cấp những hỗ trợ cần thiết. Lập luận này chẳng đáng đồng xu nào khi CIA không có nổi một điệp viên nằm vùng để giúp cho chiến dịch giải phóng con tin ở Iran năm 1980.

Trong một số trường hợp khác, phương pháp tiếp cận trên lại mang lại hiệu quả. Trong nửa cuối thập niên 80, Trung tâm chống khủng bố được thành lập ở CIA. Các cơ quan khác, trong đó có quốc phòng, có trách nhiệm giúp CIA giải quyết vấn đề khủng bố. Mối quan hệ này tỏ ra thành công và những trung tâm khác được thành lập để giải quyết các vấn đề của tội phạm có tổ chức và sự phổ biến vũ khí phá huỷ hàng loạt.

Bất chấp những diễn biến này, sự va chạm nghề nghiệp tiếp tục tồn tại giữa CIA và những cơ quan tham gia vào hoạt động ngầm đặc biệt. Điều này đặc biệt đúng trong kỷ nguyên sau chiến tranh lạnh khi mà các chuyên gia trong và ngoài chính phủ Hoa Kỳ lập luận rằng nên giao cho Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt, SOCOM, chịu trách nhiệm hàng đầu đối với một số thách thức an ninh mới đòi hỏi giải pháp bí mật. Tương tự như chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia số 57 trong những năm đầu 1960, những đề nghị này không giúp gì cho việc hợp tác liên cơ quan.

Thành lập mối quan hệ công tác vững chắc với chính phủ Nam Việt Nam cũng tỏ ra là một việc vô cùng khó vì SOG sợ rằng đối tác của mình bị tình báo đối phương xâm nhập. Giải pháp cho tình trạng này là gạt Tổng nha kỹ thuật chiến lược ra khỏi hoạt động càng nhiều càng tốt. SOG có thể làm như vậy nhưng phải trả giá. Với giải pháp này, SOG không thể khai thác được năng lực và kiến thức tại chỗ cần thiết cho hoạt động chống lại miền Bắc. Hơn nữa, giải pháp này đặt ra một vấn đề lớn hơn là chính phủ Hoa Kỳ có thể và nên thay thế cho chính phủ chủ nhà ở mức độ nào.

Mối quan hệ công tác đó là vấn đề tế nhị. Học tập người Bắc Việt Nam, các chính phủ khác đã sử dụng những biện pháp đối phó tương tự khi xảy ra mối đe doạ chống đối. Ví dụ, khi đảng Đại hội dân tộc Irắc hình thành chống lại chế độ Saddam Hussein sau chiến tranh vùng Vịnh, đảng này đã trở thành mục tiêu xâm nhập của tình báo Irắc. Để đạt được mục đích đó, người Irắc áp dụng một cách thành công các chiến thuật giống hệt như những gì người Việt Nam đã sử dụng để chống Tổng nha kỹ thuật chiến lược.

Hồ sơ chống Hà Nội của SOG có những mảng sáng tối lẫn lộn. SOG có một số sai lầm nghiêm trọng và thất bại, lớn nhất là hoạt động gián điệp, biệt kích. SOG và CIA tung ra miền Bắc xấp xỉ 500 gián điệp, biệt kích để hình thành mạng lưới gián điệp. Hà Nội bắt gọn từng người một và sử dụng một số để đánh lại trong nhiều năm. Một nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này là quyết định của Washington về những công việc họ được và không được làm. Họ không được phép gây mất ổn định hoặc lật đổ chính phủ Hà Nội. Nếu như được phép gây dựng một phong trào chống đối hoặc hoạt động du kích nhằm các mục tiêu trên, kết quả có thể đã khác đi. Tuy nhiên, Washington cho rằng việc đó quá rủi ro về chính trị.

Đây không phải là lần cuối cùng Hoa Kỳ trợ giúp các lực lượng chống đối nhưng sau đó từ chối giúp họ lật đổ chế độ. Một tình huống tương tự xảy ra vào năm 1981 khi chính quyền Reagan quyết định trợ giúp tài chính cho Contra Nicaragua, phong trào du kích chống lại chế độ Sandinista. Để làm việc đó, chính quyền phải trình kế hoạch sang quốc hội xem xét. Cơ quan hành pháp và lập pháp bất đồng ý kiến về Contra và mục tiêu của họ. Điều này dẫn đến giải pháp trung dung, theo đó Hoa Kỳ sẽ cung cấp một số trợ giúp nhất định, nhưng CIA không được chi tiền vào việc giúp Contra lật đổ chính quyền Sandinista.

Một ví dụ của thời hậu chiến tranh lạnh xảy ra sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi lực lượng chống Hussein tập hợp ở miền Bắc Irắc với âm mưu lật đổ chế độ. Giới lãnh đạo của phong trào chống đối sơ khai này đề nghị chính quyền Bush giúp đỡ. Đầu tiên Hoa Kỳ tỏ ra nhiệt tình nhưng sau đó nhanh chóng thay đổi lập trường. Lật đổ Hussein được coi là gây mất ổn định chính trị quá lớn đối với Irắc và khu vực. Washington chỉ duyệt một khoản tiền viện trợ nhỏ nhoi cho đảng Đại hội dân tộc Irắc. Mục đích của sự trợ giúp này không rõ ràng. Chính quyền Clinton kế thừa chương trình nhưng cũng không dám đi quá xa. Phong trào chống đối sụp đổ khi Saddam Hussein quyết định đóng cửa các căn cứ nhỏ lẻ ở miền Bắc năm 1966. Hoa Kỳ từ chối không hỗ trợ không quân để chặn đứng dòng xe bọc thép của Saddam và lực lượng chống đối bị đè bẹp.


*
*   *

Bất chấp sự e dè của Nhà Trắng và các giới hạn chính trị mà Washington áp đặt, trong năm 1968, SOG bắt đầu có tác động mà Kenedy hình dung năm 1961. Thành tích của SOG sẽ còn lớn hơn nếu hoạt động của nó không bị giới hạn bởi các nhà vạch chính sách ở Washington, những người luôn báo động về hệ quả của việc gây mất ổn định Hà Nội. Họ sợ rằng điều đó có thể đưa Trung Quốc dính líu vào chiến tranh hoặc làm cho Matxcơva có phản ứng. Đồng thời, họ còn e ngại về thất bại chính trị mà hoạt động ngầm có thể gây ra nếu như chúng bị phơi bày ra ánh sáng. Đối với Washington, những vấn đề này quan trọng hơn là những khó khăn mà hoạt động của SOG có thể gây ra cho Hà Nội.

Trong những năm 1980, chính quyền Reagan gặp một tình huống có những nét tương tự. Sau khi Liên Xô chiếm đóng Afganistan, phong trào Mujahideen được thành lập và bắt đầu làm đau đầu Matxcơva nhưng chưa đủ mạnh để buộc người Xôviết phải rút lui. Hoả lực không quân đã ngăn cản họ. Chính quyền cung cấp tài chính, nhưng Mujahideen cần vũ khí để vô hiệu hoá lực lượng không quân Liên Xô và câu trả lời là tên lửa phòng không Stinger. Tuy nhiên, nếu cung cấp vũ khí cho họ, chiến tranh sẽ leo thang. Những phản ứng tiềm tàng của Liên Xô đối với hành động này làm cho giới chuyên nghiệp ở CIA hoảng hốt và chống lại việc cung cấp vũ khí. Cuộc tranh luận về vấn đề này trong nội bộ chính quyền Reagan kéo dài nhiều tháng. Cuối cùng, Hoa Kỳ quyết định cung cấp Stinger và loại tên lửa vác vai này góp phần quan trọng vào việc đánh bại Liên Xô ở Afganistan.



*
*   *

Có những thành công của SOG chưa được đánh giá đúng mức vì SOG không chú ý đầy đủ đến việc đánh giá tác động mà các hoạt động của mình tạo ra. Cách đánh giá duy nhất là đếm số lượng điệp vụ đã được thực hiện. Sự thiếu chú ý vào vấn đề này là điều không ngạc nhiên vì SOG được thành lập từ những nhân viên có ít hiểu biết về biện pháp và tiêu chí đánh giá. Nhưng về lâu dài, việckhông đánh giá được tác động của hoạt động sẽ phải trả giá đắt. Khó khăn trong việc đánh giá những hoạt động không phải chỉ riêng có ở SOG. Việc thiếu sự đánh giá đúng đắn vẫn là vấn đề kinh niên của cơ quan tình báo và cộng đồng cơ quan hoạt động đặc biệt Mỹ.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:53:10 pm

HẬU QUẢ

Sau khi Hoa Kỳ đã rút quân ra khỏi Việt Nam, trong những năm tiếp theo, những bài học chính sách lớn nêu trên cũng như các bài học ở tầm hoạt động chưa được đúc rút ra từ kinh nghiệm của SOG. Hồ sơ của SOG được khóa kín trong hầm chứa và rơi vào quên lãng cho đến những năm 1990. Hoạt động bán quân sự lớn nhất mà Hoa Kỳ thực hiện kể từ chiến tranh thế giới thứ hai với tất cả những bài học có thể rút ra đã trở thành những bí mật bị chôn vùi của chiến tranh.

Còn có sự kiểm kê chưa đầy đủ về những nhân viên của SOG bị giết, bị mất tích hoặc bị bắt giữ trong các điệp vụ thám báo. Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra con số chính xác. Mặc dù nhìn chung các toán thám báo có số lượng và quy mô nhỏ, ước tính SOG mất 300 người, trong đó một phần tư là mất tích.

Những con số này là đáng kể nếu biết rằng tại thời kỳ có quy mô lớn nhất, ba đơn vị phối thuộc của OP35 có tổng số 110 sĩ quan và 615 lính nghĩa vụ. Nhưng không phải tất cả đều vượt qua giới tuyến. Mỗi một đơn vị phối thuộc có 30 toán thám báo và thực hiện 96% tổng số điệp vụ chống đường mòn Hồ Chí Minh. Mỗi toán thám báo có ba nhân viên Mỹ và tại bất kỳ năm nào trong giai đoạn 1966 đến cuối năm 1971 có khoảng 270 nhân viên chỉ huy thám báo, ít nhất là trên sổ sách. Trên thực tế, vì tỷ lệ thương vong cao, SOG không bao giờ có đủ biên chế. Ví dụ, trong giai đoạn 1968-1969 chỉ có không đầy một nửa số toán là còn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Giữa tháng Một và tháng Tư năm 1973, Hà Nội trao trả 591 tù binh Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc. Không có một nhân viên SOG nào trong số đó. Trong khi nhiều toán viên bị bỏ lại đã chết trong giao tranh với bộ đội miền Bắc, khoảng 20 người bị bắt giữ. Điều gì xảy ra với họ?

Những người lính chưa được kiểm kê đầy đủ và bài học kinh nghiệm cũng chưa được rút ra. Đó là dư âm của SOG. Hoa Kỳ muốn quên đi thất bại ở Việt Nam chứ không muốn học hỏi từ thất bại đó để chuẩn bị tốt hơn cho những cuộc xung đột trong tương lai. Thậm chí, chỉ có một bài học duy nhất được rút ra: không có thêm Việt Nam.


*
*   *



Điều này đặc biệt đúng với quân đội Hoa Kỳ đang bị rệu rã trong những năm 1970. Giới quân sự không chỉ muốn quên đi Việt Nam mà còn muốn tẩy rửa càng nhiều càng tốt mọi tàn tích của chiến tranh đặc biệt mà tổng thống Kenedy để lại. Vì vậy, các đơn vị lực lượng đặc biệt bị suy yếu dần. Từ đỉnh cao 10.000 người, quy mô của lực lượng đặc biệt giảm xuống còn 3.600 vào giữa thập kỷ 1970. Mặc dù vào cuối thập kỷ, lực lượng đặc biệt được tăng lên ba nhóm, mỗi nhóm 1.400 người, các vấn đề nghiêm trọng vẫn tồn tại.

Có những thiếu hụt lớn về nhân viên. Ngày càng khó thu hút được người và giữ họ ở lại lực lượng đặc biệt thêm hai ba niên hạn. Bức thông điệp của giới quân đội chính thống là rõ ràng: công việc ở lực lượng đặc biệt là sự chấm dứt phát triển. Đối với số nhân viên chuyên nghiệp, tình hình cũng không khá hơn. Vào cuối những năm 1970, những nhân viên nghĩa vụ được thay vào chỗ của họ và nhiều vị trí do những người dưới một hai cấp so với quy định nắm giữ. Trình độ kỹ năng và đào tạo dưới mức yêu cầu; thiết bị, hậu cần, và việc chỉ huy kiểm soát cũng ở trong tình hình tồi tệ như vậy.

Giới tướng lĩnh quân sự còn trả thù bằng những cách khác nữa. Các trường, học viện quân sự phớt lờ hoạt động chiến tranh đặc biệt và không một học thuyết mới nào được đưa ra về cái hiện nay được gọi là các cuộc xung đột ở cường độ thấp.

Vì vậy, những con người chỉ huy SOG và các bộ phận nghiệp vụ của nó, với tất cả kinh nghiệm nhọc nhằn phải tự vượt qua khó khăn. Không ai trong số lãnh đạo Lầu Năm Góc quan tâm đến sự hiểu biết về chiến tranh đặc biệt của họ. Một số nhân viên của SOG tiếp tục có những thành tựu to lớn trong quân đội chính thống và lĩnh vực dân sự. Số khác kết thúc đời binh nghiệp và lặng lẽ chuyển sang nghề nghiệp dân sự.

Sau nhiệm vụ chỉ huy SOG, Don Blackburn được phong lên chuẩn tướng vào cuối thập kỷ 60. Cương vị cuối cùng của ông là phụ trách SACSA, nơi ông vạch kế hoạch tập kích Sơn Tây để giải cứu tù binh Mỹ. Mặc dù trận tập kích rất hoàn hảo, nhưng trại giam trống không và phải có ai đó chịu trách nhiệm. Một tháng sau, Blackbum được chuyển sang công tác tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bộ tham mưu Lục quân. Sự nghiệp của Blackburn chấm dứt và tám tháng sau đó ông nghỉ hưu.

Jack Singlaub, vị chỉ huy giàu sáng tạo nhất của SOG, quay lại dòng quân đội chính thống. Năm 1976, với quân hàm thiếu tướng, ông được bổ nhiệm là tham mưu trưởng lực lượng Liên hợp quốc và Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên. Đó là lúc tổng thống đắc cử Jimy Carter quyết định thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử: rút quân ra khỏi Nam Triều Tiên. Singlaub bị kẹt giữa cuộc tranh đấu chính trị do quyết định đó gây ra. Những lời bình luận của ông về quyết định này bị xuyên tạc và Carter sa thải ông tháng 5-1977.

Singlaub lúc này là tham mưu trưởng Lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên. Carter đã định đưa ông ra toà án binh về những bình luận của ông về việc rút quân ra khỏi Nam Triều Tiên nhưng đã thay đổi ý định, có lẽ là vì cơn bão chính trị đó xảy ra là do chính sách Triều Tiên không rõ ràng của tổng thống và cách ông đối xử với Singlaub. Mặc dù Singlaub còn ở trong quân ngũ thêm một năm nữa, sự nghiệp của ông đã kết thúc khi Carter cho ông nghỉ.

Bob Kingston rời SOG vào cuối năm 1967 sau khi phát hiện hệ thống hai mang của Hà Nội và đặt nền móng cho chương trình đánh lạc hướng. Trong suốt 15 năm sau đó, ông tiếp tục thăng tiến bằng hai chân, một trong lực lượng Lục quân và một trong hoạt động đặc biệt.

Cuối những năm 1970, thiếu tướng Kingston chỉ huy Trung tâm Lực lượng đặc biệt ở Fort Bragg. Với những kinh nghiệm đã có, ông tin rằng Hoa Kỳ nên phục hồi lực lượng hoạt động đặc biệt. Kingston có vai trò quan trọng trong việc thành lập lực lượng Delta, đơn vị chống khủng bố chủ yếu của Hoa Kỳ. Sau khi nhận bông mai thứ tư trên quân hàm cấp tướng vào đầu những năm 1980, ông hoàn thành cuộc đời binh nghiệp với cương vị Tư lệnh Bộ tư lệnh miền trung Hoa Kỳ.


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 21 Tháng Tư, 2008, 04:57:43 pm
Mick Trainor trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ sau khi rời Bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc và nghỉ hưu năm 1985 với quân hàm trung tướng. Chức vụ cuối cùng của ông là Phó tham mưu trưởng về kế hoạch, chính sách và hoạt động của Bộ tư lệnh lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Sau đó Trainor tham gia giới báo chí và là phóng viên quân sự của tờ Thời báo New York.

Từ hoạt động báo chí, Trainor chuyển sang lĩnh vực học thuật và là giám đốc Chương trình an ninh quốc gia tại Trường chính phủ Kenedy thuộc Đại học Harvard. Sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, ông cùng với Micheal Gordon là tác giả của cuốn sách gây tranh luận về kết cục của cuộc chiến tranh nhan đề: Cuộc chiến tranh của các vị tướng1.

Cũng giống như Trainor, Wesley “Duff” Rice quay trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ phận phối thuộc cố vấn hải quân tại SOG. Khi được hỏi nhiệm kỳ đó có ảnh hưởng như thế nào đối với sự nghiệp của mình, Rice trả lời thẳng thừng: “ Với tư cách là một quân nhân lính thuỷ đánh bộ, tôi thấy nó chẳng giá trị gì... như giúp tôi thành một lính thuỷ đánh bộ tốt hơn hoặc chỉ huy tốt hơn... Tôi không nghĩ như vậy”2.

Điều mỉa mai là thiếu tướng Rice kết thúc sự nghiệp nhà binh của mình trong hoạt động đặc biệt với cương vị Giám đốc của Cơ quan hoạt động đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân – JSOA - năm 1984. Hội đồng tham mưu trưởng thành lập cơ quan này với mục đích tương tự như SACSA hai mươi năm trước. Các vị tham mưu trưởng muốn JSOA gạt những người kêu gọi làm sống lại lực lượng hoạt động đặc biệt ra rìa. Đối với Rice, đó là sự kết thúc trong thất vọng. Sau khi mọi việc đã qua đi, Rice tuyên bố: “Tôi có nhiều trách nhiệm, nhưng tôi chỉ có một chút quyền lực... Là một tướng hai sao, tôi chẳng có quyền lực gì ở nơi cư trú của các tướng ba và bốn sao”3.

Còn Ed Partain, việc làm chỉ huy trưởng của SOG là một sai lầm. Sau chiến tranh rất nhiều năm, ông vẫn khẳng định, “tôi không muốn đến SOG, tôi bị buộc phải đi”. Mặc dù thừa nhận vị trí của lực lượng đặc biệt, “họ là những chiến binh tuyệt vời... loại chiến binh mà bạn muốn làm đông lạnh sau trận chiến và làm tan băng trước khi trận chiến mới bắt đầu”, ông không muốn là một người trong số họ4. Partain trở lại dòng Lục quân chính thống cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng năm 1985.

Gần một năm sau khi chỉ huy cuộc tập kích Sơn Tây, Bull Simon nghỉ hưu. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird cố phong cho ông cấp hàm chuẩn tướng. Khi Simon không được phong, Laird kiến nghị “Tham mưu trưởng lục quân Westmoreland bổ sung Simon vào danh sách. Westmoreland giải thích rằng điều đó là không thể, vì Lục quân có những quy định phong hàm cứng nhắc”. Vậy hồ sơ của một trong những lãnh đạo xuất sắc và nhà hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt vĩ đại nhất của Lục quân còn thiếu điều gì? Đó chính là thứ vớ vần mà suýt nữa làm cho Simon không đến được với SOG năm 1965, Simon “chưa từng qua học viện quân sự”5.

Khi chuyển sang dân sự, Bull Simon còn chỉ huy một hoạt động táo bạo nữa. Ngày 31-12-1978, ông nhận được điện thoại của H. Ross Perot, chủ tịch tập đoàn điện tử Delta System. Hai nhân viên của Perot bị bắt giam ở Têhêran trong sự hỗn loạn xảy ra sau khi Shan bị lật đổ và ông không thể nào đưa họ về nước. Simon đến Iran và đưa được hai nhân viên đó về nước ngày 19-2-1979. Câu chuyện giải thoát con tin táo bạo này là cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ của Ken Follets năm 1983 có tựa đề “Trên đôi cánh đại bàng”6. Ba tháng sau, ông mất vì một cơn đau tim. Tháng 11-1999, một bức tượng của ông được dựng lên tại Memorial Plaza tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt Kenedy tại Fort Bragg để ghi nhớ tên tuổi của ông.

Mick Meadow là một trong những người linh xuất sắc trong Lục quân Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai. Những thành tích của ông trong hoạt động chống đường mòn Hồ Chí Minh giúp ông được thăng vượt cấp lên đại uý. Trong cuộc tập kích Sơn Tây, Mick Meadow là người hướng dẫn luyện tập chủ yếu và chỉ huy một đơn vị trong cuộc tập kích. Sau đó Mick Meadow là một trong bốn người được chọn cho lực lượng Delta.

Trong năm 1980, chính quyền Carter quyết định sử dụng lực lượng Delta để giải cứu con tin ở Iran. Meadow xâm nhập vào Iran bằng hộ chiếu giả và thăm dò đại sứ quán Mỹ để khảo sát tuyến đường xâm nhập và rút ra khỏi thành phố cho lực lượng Delta và kiểm tra an toàn kho giấu thiết bị và phương tiện cho hoạt động giải cứu. Sau khi hoạt động giải cứu bị bỏ dở, Mick Meadow chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm 1980, Meadow giúp chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ma tuý ở Mỹ Latinh. Vì những thành tích của mình, Meadow được tặng thưởng huân chương của Tổng thống Mỹ dành cho những người có thành tích xuất sắc. Tại Fort Bragg có một bức tượng được dựng lên để ghi nhận thành tích của Mick Meadow.

Bob Andrews, người công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, rời khỏi quân đội đầu những năm 1970 để theo đuổi công việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Andrews đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong các tập đoàn hàng không mà gần đây nhất là hãng Boing. Tuy vậy, ông cũng đã sử dụng tốt kinh nghiệm hoạt động tâm lý chiến bằng việc xuất bản nhiều tiểu thuyết trinh thám.

John Hada là phó chỉ huy dưới ba đời chỉ huy trưởng của SOG. Mặc dù còn tiếp tục ở trong quân đội thêm vài năm nữa, ông quyết định theo đuổi con đường học thuật. Hada có được học vị tiến sĩ về ngôn ngữ và văn hoá Nhật và được nhận học bổng Fullbright cho chương trình học sau tiến sĩ ở trường Đại học tổng hợp Tokyo. Sau đó ông giảng dạy ở trường Đại học San Francisco tại khoa Ngôn ngữ học cổ điển và hiện đại.

Sau khi giữ chức vụ phó chỉ huy phụ trách nghiệp vụ của NAD, Jame Munson quay trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ trong một thời gian ngắn. Ông rời quân ngũ đầu năm 1970 để tiếp tục đi học và trở thành nhà nghiên cứu lịch sử.

Brute Krulak, sếp đầu tiên của SACSA, rời lực lượng lính thuỷ đánh bộ năm 1968 với quân hàm trung tướng. Quan điểm của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến lược quân sự trong những năm 1962- 1964 tương tự như giớiquân đội chính thống. Trước khi rời quân đội ông là tư lệnh lực lượng thuỷ quân lục chiến ở Thái Bình Dương.

Sau khi nghỉ hưu, Krulak nhận bằng tiến sĩ ở trường đại học San Diego và làm việc rồi trở thành chủ tịch tập đoàn báo Copely. Năm 1984 Krulak xuất bản cuốn sách rất được tán thưởng : “Người đầu tiên chiến đấu: Cách nhìn nhận từ bên trong về lực lượng lính thuỷ đánh bộ”.

SOG đã cứu Bob Rheault khỏi bản án của tướng Abrams, nhưng sự nghiệp nhà binh của ông coi như đã chấm dứt từ 1969. Câu chuyện xảy ra với ông được viết lại và đăng trên tạp chí Life - Đời sống. Rheault tiếp tục ở lại quân đội nhưng không được giao nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị đặc biệt hoặc thăng tiến. Là người trọng danh dự, Bob Rheault quyết định ra đi sau 26 năm trong quân đội.

Cuối cùng, có những người còn sống sót trong các toán thám báo người Việt Nam. Vào năm 1968, có thể khẳng định rằng phần lớn trong số khoảng 500 biệt kích được tung ra miền Bắc đã bị chết. Chỉ còn lại một số ít sống sót trong nhà tù và được Hà Nội sử dụng để đánh lại SOG. Những con người này bị gạch tên vì được coi là mất tích tại hậu phương của đối phương. Vào lúc ký Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, các nhà đàm phán Hoa Kỳ không hề đả động gì đến họ.

Điều kỳ diệu là vẫn còn những người sống sót. Vào cuối những năm 1970, Hà Nội bắt đầu trả tự do dần cho số biệt kích bị bắt, có người bị bắt từ những năm 1961-1962. Vào cuối những năm 1980 , đại đa số đã trở về với gia đình ở miền Nam. Vào những năm 1990, họ được phép rời Việt Nam. Khoảng 150 người đã sang Mỹ tạo lập cuộc sống mới.

Năm 1995, những cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bí mật của Hoa Kỳ gửi đơn kiện lên toà án Liên bang ở Washington đòi tiền bồi thường, trả truy lĩnh theo hợp đồng với họ. Chính phủ liên bang quyết định theo đuổi vụ kiện. Các luật sư của Lầu Năm Góc lập luận là Mỹ không có trách nhiệm hợp đồng với họ: họ ký hợp đồng với đối tác Nam Việt Nam - Tổng nha kỹ thuật chiến lược.

Mặc dù đúng về mặt kỹ thuật, lập luận trên là vô đạo đức và trở thành một sự đáng xấu hổ về chính trị. Năm 1996, Tổng thống Clinton ký đạo luật duyệt chi 20 triệu đô la bồi thường, khoảng 40.000 đô la một người. Tuy nhiên cựu chiến binh biệt kích vẫn không được tiếp cận với phúc lợi y tế Năm 1998, họ tiếp tục kiện đòi được hưởng phúc lợi này. Hiển nhiên là họ xứng đáng được hưởng điều đó.
___________________________________
1. Micheal Gordon và Bernard Trainor, “ Cuộc chiến tranh của các vị tướng”, (Boston: Little Brown, 1994).
2. Phỏng vấn lịch sử với tướng Wesley Rice, trong “MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với nhân viên từng phục vụ trong OP37 của SOG”, tr. 173.
3. Richard Shultz, “Sự răn đe khác biệt và cuộc xung đột cường độ thấp”, tạp chí Conflic, số 1 năm 1989, tr. 30.
4. Phỏng vấn lịch sử với tướng Edward Partain. trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan từng phục vụ trong OP84 của SOG”, tr. 19.
5. Schemmer, “Cuộc tập kích” , tr. 287.
6. Ken Follets, “ Trên đôi cánh đại bàng , (New York: Morrow, 1983)


Tiêu đề: Re: Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội
Gửi bởi: chuongxedap trong 22 Tháng Tư, 2008, 07:49:44 pm

HỒI SINH

Sau thất bại giải cứu con tin ở Iran, rõ ràng là Hoa Kỳ cần nhiều hơn, chứ không phải ít đi, lực lượng đặc biệt để đối phó với các cuộc xung đột có cường độ thấp. Sự xuống cấp của các đơn vị chiến tranh đặc biệt sau Việt Nam là rất rõ.

Năm 1981, các cuộc xung đột có cường độ thấp là chủ đề chính của chính quyền của tổng thống đắc cử Reagan. Tổng thống cảnh báo chủ nghĩa khủng bố và hoạt động bạo loạn trong thế giới thứ ba đặt ra những vấn đề nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại hơn là sự hỗ trợ của Liên Xô, các nước trong Hiệp ước Vacxava và Cu Ba cho các hoạt động này. Các chế độ Iran, Libia, và Siry cũng có hành động tương tự.

Nhà Trắng tuyên bố sẽ vạch ra một chiến lược tổng hoà và phát triển năng lực hoạt động chiến tranh đặc biệt để đối phó. Tuy nhiên, cũng như những năm tháng dưới thời Kenedy, mục tiêu này tỏ ra khó đạt được. Một lần nữa, giới lãnh đạo quân sự đứng lên phản đối. Không cần thiết phải mở rộng lực lượng đặc biệt và thành lập trung tâm chỉ huy trung ương của lực lượng này. Một số nhân vật trong chính quyền cũng tán thành ý kiến đó.

Điều này dẫn đến một chính sách xung đột cường độ thấp rời rạc và sự vụ. Chính quyền không đưa ra một học thuyết quân sự, chính trị chặt chẽ. Mặc dù kinh phí cho lực lượng đặc biệt tăng lên, việc thiếu chỉ đạo từ Nhà Trắng làm suy yếu sự phát triển chặt chẽ về tổ chức, hiệu quả về chỉ huy kiểm soát và hợp tác chặt chẽ giữa các ngành có liên quan.

Trong năm 1984, chính quyền dự định tái cấu trúc lực lượng đặc biệt nhưng thực hiện việc đó theo điều kiện của Lầu Năm Góc. Một cơ quan hoạt động đặc biệt hỗn hợp- JSOA- được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập để giám sát toàn bộ công việc chuẩn bị của quân đội cho các cuộc xung đột có cường độ thấp. Các tướng lĩnh coi đây là một bước có tính xây dựng trong cấu trúc chỉ huy của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. JSOA bị cô lập và bị hạn chế quyền hạn. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã lặp lại trò lừa đã từng được sử dụng trước đó hai thập kỷ khi thành lập SACSA.

Sự phản đối của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đối với lực lượng đặc biệt không thể giải thích thuần tuý bằng vấn đề ngân sách. Số tiền có liên quan chỉ là phần bèo bọt trong ngân sách quốc phòng khổng lồ trong những năm dưới thời chính quyền Reagan. Năm 1987, Lực lượng đặc biệt nhận 1,6 tỷ đô la trong tổng số ngân sách 300 tỷ đô la cho quốc phòng. Câu trả lời nằm ở cách tư duy truyền thống của quân đội Hoa Kỳ đối với chiến tranh và kinh nghiệm ở Việt Nam. Giới quân đội chính thống vẫn phản đối quyết liệt các hoạt động đặc biệt.

Năm 1986, quốc hội can thiệp. Quốc hội cho rằng xung đột có cường độ thấp thực sự là vấn đề nghiêm trọng, rằng Hoa Kỳ không được chuẩn bị để đối phó với một dạng chiến tranh có nguy cơ xảy ra cao nhất trong tương lai, và rằng lực lượng đặc biệt là giải pháp tốt nhất. Thượng nghị sĩ William Cohen tuyên bố: “Chúng ta không được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột không quy ước”1. Chính quyền đã lúng túng mất năm năm. Đã đến lúc hành động. Tháng 11-1986, quốc hội đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Một kế hoạch hành động do thượng nghị sĩ Sam Nunn và Cohen khởi xướng được gắn với Luật ngân sách quốc phòng. Kế hoạch này yêu cầu thành lập Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ -SOCOM- dưới sự chỉ huy của một tướng bốn sao. Bộ chỉ huy chịu trách nhiệm về học thuyết, huấn luyện, kế hoạch, sẵn sàng chiến đấu và mua sắm trang thiết bị. Luật này còn lập ra chức danh trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và xung đột cường độ thấp để tập trung nghiên cứu các vấn đề quan trọng trong Lầu Năm Góc.

Tạo ra một Bộ chỉ huy mới là một chuyện, thuyết phục giới quân sự chính thống chấp nhận nó lại là chuyện khác. Có sự phản đối khá lớn từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh khu vực đối với SOCOM. Vào năm 1988, các sĩ quan cao cấp vẫn còn công khai bày tỏ quan điểm phản bác bộ phận mà họ coi là thừa trong cấu trúc của quân đội. Một thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố SOCOM không phải một ý kiến hay và không được sự ủng hộ của các tham mưu trưởng. Một quan chức cao cấp khác của Hội đồng tham mưu trưởng cho rằng một nhóm người nghỉ hưu cuồng nhiệt đã gây sức ép lên quốc hội để thông qua luật không cần thiết nói trên2.

Trên thực tế, nhiều cựu chiến binh của SOG đã lên tiếng tác động quốc hội khôi phục lại lực lượng hoạt động đặc biệt. Có hai người, Don Blackburn và Bob Kingston là thành viên của Nhóm cố vấn chính sách hoạt động đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng- gồm các tướng lĩnh nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các thành viên chủ chốt khác của nhóm là Sam Wilson, Dick Stilwell, Leroy Manor, Bill Yarborough và Shy Myer. Tất cả đều thúc giục quốc hội hành động.

Việc tạo ra chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và xung đột cường độ thấp cũng tạo ra thái độ ác cảm đáng kể. Một quan chức của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố rằng: ai đó hỗ trợ cương vị này là “phản bội lại Lầu Năm Góc”. Việc đề cử người vào cương vị trợ lý Bộ trưởng đầu tiên phản ánh rất rõ thái độ này. Bằng việc tiến cử một loạt những ứng cử viên yếu trong một thời gian mười tám tháng, một nhóm quan chức dân sự của Lầu Năm Góc cố tình cản trở quá trình tuyển chọn. Các ứng cử viên do họ chọn ra thường là quá yếu và thậm chí bị quốc hội phản đối trước khi được đề cử chính thức.

Việc hồi sinh của lực lượng đặc biệt biến thành cuộc tranh đấu nội bộ và lặp lại những gì đã xảy ra khi chính quyền Kenedy cố gắng phát triển năng lực hoạt động đặc biệt. Tuy nhiên, lần này đã khác trước. Giới quân sự đã cố gắng ngăn cản việc xây dựng năng lực cho lực lượng đặc biệt nhưng đã không thành công.

Vào năm 1990, việc hồi sinh đã trở thành hiện thực3. Có những đơn vị hoạt động đặc biệt nổi tiếng về quy mô và địa vị. Kỹ năng của các đơn vị này cũng được cải thiện nhanh chóng. Lực lượng đặc biệt không chỉ có một vị tướng tư lệnh bốn sao mà các tư lệnh chiến trường đều do một chuẩn tướng đảm nhiệm - một sự thay đổi to lớn so với địa vị của SOG trước đây trong hệ thống chỉ huy và một chỉ số rõ ràng cho thấy kỹ năng và năng lực của lực lượng đặc biệt được thừa nhận.



HÀNH ĐỘNG NGẦM VÀ THẾ GIỚI HẬU CHIẾN TRANH LẠNH

Vẫn còn một câu hỏi chưa được trả lời. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, những bài học kinh nghiệm của SOG và sự hồi sinh năng lực hoạt động đặc biệt có ý nghĩa như thế nào đối với các tổng thống nếu trong tương lai họ muốn sử dụng hành động ngầm làm công cụ đối phó với những đe doạ và thách thức an ninh mới?

Kể từ những năm 1970, hành động ngầm đã là chủ đề tranh luận gay gắt của công luận. Vấn đề giới hạn trong việc sử dụng hành động ngầm của chính phủ dân chủ được thảo luận rộng rãi. Nhiều người tin rằng hành động ngầm không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản cửa Mỹ và, trừ một số trường hợp hiếm hoi, không nên sử dụng. Với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, những người theo quan điểm này ngày càng có tiếng nói lớn hơn. Họ tin rằng hành động ngầm sử dụng những thủ đoạn đáng ngờ về đạo đức và luân lý, vi phạm các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ. Những người khác không đồng ý và cho rằng cần có cái nhìn công bằng hơn.

Những người cho rằng hoạt động ngầm là trái với đạo đức của Hoa Kỳ sẽ kinh hãi khi biết các hoạt động của SOG trình bày trong cuốn sách này: Trong rất nhiều trường hợp, SOG sử dụng những chiến thuật mà ngày nay sẽ đặt ra những câu hỏi về đạo đức. Tại sao? Vì những biện pháp đó có thể gây ra tác hại về thể chất, thậm chí gây ra cái chết, cho những người bị đưa vào tình huống nguy hiểm. SOG đã lợi dụng tù binh miền Bắc bằng việc đưa trả họ ra Bắc; bắt cóc và cải huấn công dân Bắc Việt Nam; sử dụng các bẫy nổ và một số chiến thuật tuyên truyền đen... Vào lúc đó các nhà vạch chính sách ở Washington không phản đối các biện pháp trên với lý do đạo đức vì họ đang ở trong cuộc chiến, cho dù là cuộc chiến tranh hạn chế và không tuyên bố.

Ngày nay, Hoa Kỳ có nên sử dụng các biện pháp đó không? Câu trả lời quả không dễ và tuỳ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Điểm khởi đầu có lẽ là xem xét bối cảnh thời chiến và thời bình. Tuy nhiên, ngay cả trong thời chiến, một nền dân chủ cần xem xét các khía cạnh đạo đức của các phương tiện sử dụng chống lại kẻ thủ. Nhưng khía cạnh nào? Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu trong chiến tranh vùng Vịnh, Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp nêu trên? Liệu chúng ta cảm thấy đó là điều xấu hổ về đạo lý hay người Mỹ sẽ chấp nhận nó như là một phần của chiến tranh? Đồng minh của Mỹ có tán thành không. Có nên sử dụng các biện pháp đó để chống lại các nhóm khủng bố có khả năng sử dụng vũ khí phá huỷ hàng loạt hoặc các quốc gia bất hảo tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân không?

Câu chuyện của SOG hé mở cho thấy hàng loạt các thủ đoạn bí mật sẵn có và có thể gây tác động. Liệu thế giới sau chiến tranh lạnh có tạo ra tình thế trong đó những thủ đoạn này cần được sử dụng để chống lại các mối đe doạ mới không? Với những thách thức an ninh đang nổi lên mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ XXI, câu trả lời là: có.

Đứng đầu danh sách là việc các quốc gia bất hảo tìm kiếm vũ khí phá huỷ hàng loạt. Tương tự, các chính sách gây rối loạn của các chế độ như Irắc, Libia, Iran và Bắc Triều Tiên vẫn sẽ là mối quan ngại. Sự ổn định trong các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây và trong chính nước Nga đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ.

Chủ nghĩa khủng bố cũng có trong danh sách. Sự kết thúc của chiến tranh lạnh không mang lại dấu chấm hết cho chủ nghĩa khủng bố. Các nhóm và chính phủ bị kích động bởi các lý tưởng tôn giáo và tình cảm sắc tộc và dân tộc sẵn sàng sử dụng bừa bãi nhưng biện pháp bí mật và thậm chí có thể leo thang sử dụng các vũ khí sinh học, hoá học và hạt nhân. Trên thực tế, các nhóm khủng bố thực hiện cuộc tấn công vào trung tâm thương mại ở New York cũng đã dự định sử dụng vũ khí hóa học. Ý đồ đó không thành vì họ thiếu hiểu biết về những nguyên lý khoa học cần thiết.

Sự bất ổn về sắc tộc, tôn giáo và tác động của chúng đối với ổn định khu vực cần được chú trọng mà cuộc nội chiến ở Kôsôvô là một ví dụ. Khi đã tham gia vào cuộc xung đột, Hoa Kỳ và NATO gặp phải vấn đề có nên vũ trang cho Quân đội giải phóng Kôsôvô (KLA) hay không. KLA là một ví dụ kinh điển của phong trào chống đối. Hoa Kỳ và NATO cuối cùng cũng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho KLA nhưng qua con đường bí mật. Sau chiến tranh, NATO không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận KLA là hợp pháp về chính trị trong cộng đồng Anbani ở Kôsôvô.

Sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo xuyên quốc gia ở Trung Đông, Tây Nam Á là một ví dụ khác. Những nhóm này có thể tranh giành quyền lực chính trị thông qua bạo lực và các biện pháp chính trị, xã hội khác. Các phong trào tôn giáo và giáo phái cực đoan ở Ấn Độ, Israel, và Nhật Bản cũng có khả năng gây ra hành động bạo lực tương tự. Trong trường hợp Nhật Bản, giáo phái Aum Shinri Kyo sử dụng hơi ngạt sarin tấn công ga tàu điện ngầm ở Tôkiô năm 1995. Cuộc điều tra sau đó cho thấy Aum có kế hoạch chở hơi độc sarin sang Hoa Kỳ để tấn công Nhà Trắng hoặc Lầu Năm Góc. Có tin giáo phái này đã thí nghiệm trên thực địa chất độc sinh học Botulinum tại doanh trại quân đội Mỹ ở Yokosuka năm 1993 nhưng không thành công.

Các nhóm tội phạm có tổ chức cũng góp phần vào việc suy yếu khả năng quản lý của các chính phủ trong nhiều khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh chính trị đó, các tổ chức tội phạm, trong đó có nhiều tổ chức dựa trên cơ sở sắc tộc, có cơ hội phát triển tràn lan. Chúng có thể đe doạ sự ổn định của quốc gia, gây đảo lộn nền kinh tế địa phương, làm cho quan chức biến chất và làm suy yếu các thể chế tài chính. Khu vực Andes của Nam Mỹ là một ví dụ điển hình. Các mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức, phong trào sắc tộc, tôn giáo và các nhóm khủng bố và nổi loạn làm tăng thêm tính chất nguy hiểm của thách thức này.

Hoa Kỳ phải đối mặt với tất cả các thách thức an ninh quốc tế đang nổi lên nói trên trong những năm tới và đó là những thách thức khó đối phó. Trong việc hình thành chính sách và chiến lược đối phó, cần xem xét đến mọi phương tiện sẵn có, kể cả việc sử dụng lực lượng hành động đặc biệt trong các hoạt động ngầm. Tuy nhiên, nếu tổng thống quyết định lựa chọn biện pháp mà SOG đã từng thực hiện, ông phải xử lý những trở ngại đã hạn chế hiệu quả của SOG trong chiến tranh Việt Nam. Với thực tế là những cản trở này không chỉ xảy ra với SOG mà còn làm nản lòng các tổng thống khi sử dụng hành động ngầm trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đây sẽ là một thách thức to lớn.
_____________________________________
1, 2. Richard Shultz “Cuộc xung.đột cường độ thấp: thách thức tương lai và bài học từ những năm thời Reagan”, tạp chí Survival, số tháng 7-8 năm 1989, tr. 367, 368.
3.  Susan Marquis, “Chiến tranh không quy ước: Tái xây dựng lực lượng hoạt động đặc biệt” (Washington DC, Brookings, 1997 ).



Het!