Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 03:23:27 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sự lừa dối hào nhoáng  (Đọc 147641 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #140 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 10:12:16 am »

VI
TRỞ LẠI CUỘC CHIẾN


Khi Vann trở lại Việt Nam vào cuối tháng Ba năm 1965, đất nước này đang sắp bước vào cuộc chiến tranh dữ dội nhất trong lịch sử. Đầu tháng, Lyndon Johnson phát động cuộc hành quân “ Thần sấm “ ném bom Bắc Việt Nam. Hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng để bảo vệ căn cứ không quân sẽ sử dụng làm điểm xuất phát của nhiều cuộc oanh kích. Ở Sài Gòn, từ tổng hành dinh chỉ huy Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ, tướng William DePuy, thiếu tướng phụ trách những cuộc hành quân của Westmoreland, đã bắt đầu giai đoạn một của kế hoạch sẽ đưa hàng trăm nghìn lính Mỹ đến miền Nam. Trọng pháo, xe bọc thép và một hạm đội máy bay tiêm kích ném bom của cuộc chiến tranh Mỹ mới này đã lên đường để tiêu diệt những người cộng sản Việt Nam và đồng minh của họ.

DePuy đã nói “ Chúng ta sẽ tiêu diệt họ “.

Sáng chủ nhật ngày 21 tháng Ba 1965, ngày đầu tiên Vann trở lại Sài Gòn, chuông điện thoại phòng khách sạn anh ở vang lên rất sớm. Cao gọi. Theo cách của mình và mặc dù đã có những cuộc cãi nhau tồi tệ, Vann vẫn giữ quan hệ thân mật với những người Việt Nam anh quen biết. Cao cũng không ngoại lệ và ông ta hàm ơn Vann đã đề nghị từ Denver một sự giúp đỡ tài chính cho ông sau khi Diệm bị lật đổ. Cao có nguy cơ bị gạch tên khỏi danh sách sĩ qaun quân đội Nam Việt Nam và như vậy là mất mọi cách đảm bảo cuộc sống của vợ và đàn con đông. Vann biết số tiết kiệm của ông ta ít vì một trong những đức tính nghề nghiệp hiếm hoi của ông là tương đối trung thực trong việc quản lý quỷ, anh đã đề nghị trợ lý của Lodge và Bob York cố gắng giúp đỡ Cao và tin cho ông có thể dựa vào anh cho đến khi tìm được những nguồn lợi khác. Nhưng Cao không cần một sự cứu giúp nào vì ông ta đã thu xếp để các đồng nghiệp tướng tá Sài Gòn nhìn đến ông trong cơn lốc chính trị sau khi lật đổ Diệm. Chán nản vì sự bất lực của nhóm nổi dậy, Lodge đã để cho đại tướng Nguyễn Khánh, một quân nhân tham vọng tốt nghiệp trường dù Pháp, đến lượt mình làm một cuộc đảo chính. Rồi Nguyễn Khánh cũng bị đẩy ra khỏi quyền lực. Máy bay của ông bị thiếu xăng trên bầu trời Nha Trang khi ông từ chối hạ cánh để buôc phải từ chức. Ông đi lưu vong chỉ một tháng trước khi Vann trở lại Việt Nam. Một nhóm phiến loạn các “ tướng lĩnh trẻ “ do Nguyễn Cao Kỳ, tổng chỉ huy Không quân lãnh đạo chiếm lấy chính quyền.

Huỳnh Văn Cao có lợi thế không là mối đe dọa của một ai. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu, người thứ hai trong nhóm tướng lĩnh trẻ, cũng là một giáo dân miền Trung. Cao trước đây là lãnh đạo ban chiến tranh tâm lý đã phấn khích tuyên bố với Vann ông đã chọn ngày hôm trước để chiếm lấy vị trí thứ hai trong ban tham mưu hỗn hợp. Tối hôm đó, ông mời Vann đến ăn tối ở chỗ đóng quân của tổng hành dinh gần sân bay. Vann vui vẻ nhận lời.

Hầu như suốt bữa ăn, Cao giải thích cho Vann về tình hình quân sự và chính trị trong lúc này. Các tướng và đồng minh chính trị dân sự của họ không ngừng âm mưu chống lại nhau. Những người Phật giáo và Thiên chúa giáo, hai năm sau này chiếm giữ thủ đô xúi giục những cuộc nổi dậy và Việt cộng ngày càng khẳng định sự chi phối của họ ở nông thôn. Tuy hôm trước được đề bạt, Cao vẫn ở nguyên vị trí. Ông sợ chức vụ cao ở ban tham mưu sẽ lôi cuốn ông vào một âm mưu mà ông không muốn. Một thời gian tạm thời xa nhau không cản trở Vann nhận xét đúng về ông bạn đồng nghiệp cũ. Ngay tối hôm đó, Vann đã viết trong nhật ký riêng “ Dĩ nhiên Cao chưa tham gia một vụ nào và ông ta sẽ không bao giờ làm. Ông sợ vô cùng và cố gắng đảm bảo thân phận mình “. Cao nhẹ người khi phái quân sự sau đó ít lâu thay đổi ý kiến và cho phép ông trở lại vị trí giám đốc chiến tranh tâm lý.

Sáng thứ hai, Vann được tiếp đón rất dè dặt ở văn phòng Phái đoàn viện trợ Mỹ, danh hiệu người ta đặt cho cơ quan AID ở Việt Nam. Tổng hành dinh AID ở Washington ra sức tuyển mộ những quân nhân về hưu cho những chương trình bình đĩnh. Nhưng những nhà bàn giấy dân sự đang làm việc ở Việt Nam sợ cơ quan mình rơi vào sự kiểm soát của quân đội và Vann, một trung tá cũ đang cố gắng xâm nhập. Đại tá Sam Wilson, do quân đội biệt phái điều hành chương trình, là người duy nhất vui vẻ tiếp đón Vann. Chính ông đã thuyết phục Taylor để Vann trở lại Việt Nam. Văn phòng AID ở Washington đã đưa Vann trở lại biên chế như một sĩ quan dự bị cho công việc ở nước ngoài với cấp bậc dân sự tương đương trung hoặc đại tá, cho phép anh đảm nhiệm chức vụ giám đốc hoạt động của phái đoàn ở một trong bốn vùng chiến thuật. Wilson báo cho Vann biết Taylor giao cho anh một vị trí đại diện ở tỉnh nhưng nói rõ James Killen, trưởng phái đoàn AID ở Việt Nam đã dành những chức vụ giám đốc vùng cho những người dân sự như anh. Nếu anh muốn lên trong hệ thống và được bổ nhiệm phó giám đốc một vùng nào vào mùa hè tới, Vann phải chứng tỏ giá trị của mình trên thực tế. Mùa thu trước, Westmorelan đã chỉ định sáu tỉnh quanh vùng Sài Gòn  ưu tiên về công tác bình định. Biết khả năng của Vann, Wilson nghĩ giao cho anh Hậu Nghĩa, nơi có an ninh ít đảm bảo nhất trong sáu tỉnh.

Hậu Nghĩa ở giữa Sài Gòn và biên giới Campuchia, bao gồm 1.300 cây số vuông lau sậy, đồng ruộng và đất trồng mía với 250.000 dân. Một trong những hoạt động chính quyền của Diệm vừa rồi là tập trung vào đây bốn huyện khuấy động nhất của ba tỉnh giáp biên giới nhau. Ông ta hy vọng hợp nhất các huyện ấy sẽ loại bỏ được những phiền phức. Kết quả đối với những người kế nhiệm ông là cả một tỉnh quay lại chế diễu tên do Diệm đặt. Hậu Nghĩa tiếng Việt có nghĩa là “ Tình nghĩa về sau “. Vùng này được xem là chiến lược vì qua đó “ mỏ vẹt “ của Campuchia thâm nhập Nam Việt Nam và từ Sài Gòn theo đường chim bay đến biên giới không đầy 55 cây số. Hơn thế, đây là con đường di chuyển hợp lý của Việt cộng theo hướng bắc – nam, giữa đồng ruộng, lau sậy đồng bằng sông Cửu Long và bên kia là những đồn điền cao su bên rìa cánh rừng nhiệt đới của dãy Trường Sơn phía bắc Sài Gòn.

Khi đã có bổ nhiệm một tuần lễ sau khi gặp Wilson lần đầu, Vann đến Đại sứ quán để nắm tình hình chính trị trong tỉnh. Không ai tìm được hồ sơ tài liệu. Mười phút sau khi Vann ra đi, hai chiến sĩ Việt cộng, để trả đũa việc ném bom miền Bắc, đến đặt dưới cửa sổ của CIA ở tầng hai, một chiếc Peugeot cũ màu xám trong đó có 160 ki lô thuốc nổ. Từ hai năm nay, người ta đã nhiều lần cảnh báo với quan chức Đại sứ quán phải cấm đi lại trên những con đường bao quanh tòa nhà. Người ta cũng khuyên cần có những phòng vệ sơ đẳng, đặc biệt thay cửa kính bằng kính chống đạn. Nhưng cả Lodge và Taylor đều không có một biện pháp nghiêm chỉnh nào, sợ rằng sự sợ hãi sẽ làm mất mặt Hoa Kỳ. Thuốc nổ là loại sản xuất tốt nhất của Mỹ, có lẽ đánh cắp hoặc mua được ở Sài Gòn , ngòi nổ cũng là loại cực nhanh. Chiếc xe cũ trở thành một quả bom khổng lồ, bắn những mảnh kim khí đi mọi phía cùng những mảng xi măng khổng lồ từ hố sâu một mét ở tầng trệt. Cửa số của tòa nhà 5 tầng nát vụn cũng như vữa tường, gỗ và sắt thép tường mặt trước.

Khi nghe tiếng nổ, Vann trở lại ngay để giúp di tản những người bị thương. Có 20 người chết, 126 người bị thương trong vùng đó. Hai người đặt bom chết cùng nhiều cảnh sát Sài Gòn gác trước Đại sứ quán. Hai người Mỹ chết ,một hạ sĩ Hải quân, người kia là nữ thư ký của trưởng phòng CIA; ông này cũng bị thương nặng gần như mù cả hai mắt. Hai trong những người phó của ông mù hoàn toàn. Nhiều người trong số 51 người bị thương bên trong sứ quán khuôn mặt bị xé nát đáng sợ. Vann nhận thấy một mảnh xi măng hoặc kim loại bắn lên đến tầng cuối làm thủng một lỗ lớn ở lá cờ Mỹ phất phới trên mái nhà.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #141 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 11:00:14 am »

 John Vann đi tỉnh Hậu Nghĩa hôm sau ngày tấn công Đại sứ quán. Anh đi qua thị trấn Bàu Trại rồi mới biết đã đi quá bèn quay trở lại. Anh ghi trong nhật ký “ Tỉnh lỵ khó chấp nhận nhất trong toàn Việt Nam “. Lần cuối cùng anh thấy chỗ này, trong một cuộc hành quân đầu năm 1963, là một làng khoảng 1000 dân do Việt cộng kiểm soát. Diệm chọn chỗ này vì nó ở chỗ giao nhau của nhiều đường bay nối liền ba trung tâm huyện khác. Dân số tăng gấp đôi do có một pháo đài, quân lính đến cùng vợ con  theo đó là những cơ quan dịch vụ kèm theo. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng làm văn phòng hoặc chỗ ở cho các sĩ quan và cố vấn Mỹ của họ. Mặc dù dân số tăng, Bầu Trại rộng không quá 200 mét mỗi bên đường. Nhìn gần hơn, Vann nhận ra ngôi làng hai năm trước.

Những gì anh thấy làm anh nản lòng. Trong một khoảng đất nhỏ rào kín giữa trung tâm thị trấn, nơi ở của các cố vấn quân sự, Vann hỏi thăm văn phòng Phái đoàn viện trợ. Người ta dẫn anh đến một nhà kho dài lợp tôn uốn. Bên trong là “ một cảnh hoàn toàn chán nản “. Ngôi nhà đầy ắp sự lộn xộn “ những túi mì, ngô , xẻng, những hộp sơn, quần áo, thuốc bệnh, hộp dầu ăn, sữa bột lẫn lộn cùng với đệm giường, ghế , tủ, ống thép, cưa, máy xát lúa và những đồ dùng khác mà sau đó mới biết là chuyển đến từ một kho dụng cụ “. William Pye, người Vann đến thay thế, một trung tá dự bị 52 tuổi tình nguyện làm việc cho chương trình AID, là một người trung thực, dũng cảm nhưng rất nóng tính và cẩu thả. Ông đứng giữa “ cái hầm lộn xộn này”, sổ ghi và bút chì cầm tay “ làm như đang lên bảng thống kê”. Văn phòng Phái đoàn chỉ là mấy cái bàn để ở góc kho hàng và trên là giấy tờ để lung tung, phủ đầy bụi như mọi vật ở quanh đó.

Vann hỏi nhà ở đâu, người ta chỉ một ngôi nhà mới xây bằng đá và vôi vữa. Trừ mấy hàng dây thép gai bao quanh một cách vô ích, bên ngoài nhìn thô sơ với cửa chớp gỗ. Bên trong cũng lộn xộn, bần thỉu như ở nhà kho. Không có điện thắp sáng và dùng quạt, chỉ những ngọn đèn dầu làm ngôi nhà ban đêm thêm ngột ngạt. Cũng không có vấn đề thư giãn trong các bữa ăn : vì tế nhị, Vann thực ra đã quyết định sống với người Việt Nam , không lui tới các ông sĩ quan và những cố vấn quân sự. Nhưng nhà hàng duy nhất ở Bầu Trại, anh viết thư cho một người bạn ở Denver, là “ rất khỏ bỏ một miếng ăn vào miệng mà không có ruồi bâu trên đó”.

Muỗi không phải mối đe dọa chính cho sức khỏe một viên chức Mỹ hoặc Sài Gòn ở Hậu Nghĩa. Người chịu trách nhiệm về xe máy của Phái đoàn ở Sài Gòn đã thoái thác trước khi cho phép Vann mượn một chiếc xe để đi Bầu Trại. Ông sợ không thu hồi được xe : Vann là sĩ quan Việt Nam hoặc Mỹ đầu tiên ra khỏi Sài Gòn không có hộ tống đã nhiều tháng nay. Tất cả những người khác đi trên đường với từng đoàn trang bị vũ khí. Nhưng thường là nạn nhân của các vụ phục kích hoặc mìn; mỗi khi có thể họ đều mượn trực thăng. Phần lớn các vùng trong tỉnh dù sao cũng không còn tiếp xúc với Sài Gòn . Bốn huyện rút xuống còn ba vào giữa năm 1964 khi huyện thứ tư, ở góc đông bắc đồng Tháp Mười, hoàn toàn bị bỏ rơi cho quân du kích. Khi Vann đến vào đầu năm 1965,  những con đường đến ba huyện kia cũng bị cắt đứt. Không thể đi thẳng từ Bầu Trại đến Sài Gòn tuy khoảng cách chỉ khoảng 30 cây số. Vann phải đi vòng, theo đường số 1 đi về phía tây bắc, xa lộ chính nối Sài Gòn với Campuchia rồi trở xuống phía nam theo một con đường thứ hai từ thị trấn Củ Chi, trung tâm huyện thứ ba của tỉnh.

Quản lý hành chính tỉnh Hậu Nghĩa là một “ nhiệm vụ ở Siberi “ như Vann nói, chế độ Sài Gòn không tìm ra tỉnh trưởng. Người cuối cùng ở vị trí ấy bị cầm tù vì tham gia một cuộc đảo chính không thành trong tháng Hai. Từ đó hai sĩ quan khác của Quân lực Cộng hòa đã khước từ trách nhiệm này. Toàn tỉnh Hậu Nghĩa ở dưới sự kiểm soát của Việt cộng, trừ Bầu Trại, các huyện lỵ, khoảng nửa tá thôn ấp và vài đồn tiền tiêu còn tồn tại vì sự độ lượng của những người cộng sản.

Tuy nhiệm vụ của Vann là kiểm tra việc xây dựng các trường học, chăn nuôi lợn, giúp đỡ những người tị nạn và những chương trình bình định dân sự khác, việc hoàn toàn vắng mặt chính quyền là khung cảnh lý tưởng trong đó anh cho mình là người có trách nhiệm cao nhất. Anh bắt đầu ngay bằng việc xây dựng một kế hoạch chinh phục lại Hậu Nghĩa trong tay Việt cộng . Đêm đầu tiên, anh tổ chức một cuộc họp với người thay thế tỉnh trưởng, một người dân Sài Gòn , phó điều hành, để xác định kinh phí cần thiết cho năm thuế khóa tới. Sáng hôm sau, anh đi một vòng đến các huyện lỵ gặ các huyện trưởng và các cố vấn Mỹ của họ để xác định tình hình. Anh cũng đến tổng hành dinh Sư đoàn 25 và một vị trí chỉ huy của trung đoàn. Tuy Westmoreland tuyên bố ưu tiên bình định Hậu Nghĩa, Vann phát hiện thấy không ai làm kế hoạch cho tỉnh này, tuyên bố phải có một kế hoạch và tiến hành làm. Anh thúc đẩy nhóm người Việt Nam trong phái đoàn Bầu Trại sắp xếp trật tự kho hàng và báo với tỉnh trưởng phải có một văn phòng tử tế cho ông ta trong tổng hành dinh với hành lang rộng lớn, là ngôi nhà chỉnh tề độc nhất trong làng.

Trợ lý của anh, Douglas Ramsey, chở anh ở Bầu Trại. Nhân viên công tác nước ngoài này, 30 tuổi, đến Hậu Nghĩa một tháng trước đây. Một người nhã nhặn, dáng đi õng ẹo cao một mét chín mươi, mái tóc đen và bộ râu luôn để hai ngày. Anh ta có nét đặc biệt trong số những người Mỹ vào năm 1965 là viết và nói thông thạo tiếng Việt. Vann tuyên bố ngay với anh những chuyến đi bằng máy bay sẽ bỏ đất cho Việt cộng và di chuyển bằng xe cộ không cho phép họ hoạt động như họ cần. Anh nghĩ thực ra đi một mình ít nguy hiểm hơn. Việt cộng can thiệp vào mọi công việc của chính quyền, dựng rào ngăn đánh thuế xe chở hàng, cầm tù binh lính di chuyển trên những phương tiện chung. Nhưng ngoài những việc đó, họ để xe dân sự đi lại tự do trên đường.

Tất cả xe của Phái đoàn đều là loại dân sự. Ngoài vài chiếc xe lớn chở tiếp phẩm do người Việt alí còn hai xe nhỏ hơn dành cho Ramsey và Vann. Họ có thể đi lúc nào hoặc đến đâu tùy ý, với cơ may sống sót nếu họ thay đổi biển hiệu luôn và thăm dò cảnh sát vì tình hình trước khi đi. Công việc chính của Ramsey cho đến lúc ấy không có gì nguy hiểm nhưng anh cũng đã tham gia vài cuộc hành quân ở nông thôn và cũng tỏ ra khá gan dạ.

Hơn một tuần lễ, Vann không cần vật lộn với ruồi ở nhà hàng Bàu Trại nữa. Nhân viên trong tỉnh và các sĩ quan Việt Nam mời anh cùng Ramsey đến ăn ở phòng ăn chung của các sĩ quan họ lập ra để bù đắp vào chỗ thiếu nhà ở tử tế và mối nguy hiểm đưa gia đình họ đến Bầu Trại. Các vị khách mới cùng tham gia, có nghĩa họ ăn tốt hơn nhờ Ramsey và Vann có thể mua thực phẩm ở cửa hàng quân đội ở Sài Gòn. Nhưng những người Mỹ sẽ không được mời nếu họ không thích Vann. Về phần mình, anh rất hân hoan về những bữa ăn đó tạo cơ hội cho anh giải quyết những vấn đề và trao đổi những chương trình mới. Vann cũng không dự kiến một sự tranh chấp nào với trưởng cố vấn quân sự của tỉnh, anh trung tá trẻ Lloyd Webb, vốn đã biết tiếng Vann và coi trọng kinh nghiệm của anh.

Cuối tháng Tư có một tỉnh trưởng mới đến, thiếu tá Nguyễn Trí Hạnh, một giáo dân miền Nam trước đây đã là phó trong vùng đồn điền cao su. Người ta hứa với ông cấp bậc trung tá để thuyết phục ông về lãnh đạo Hậu Nghĩa. Một người to khỏe 45 tuổi, thái độ rất tự tin. Ông làm cho người ta kinh ngạc vì sự thẳng thắn, có vẻ trung thực và thực sự muốn cai trị tốt địa phương này. Vann nói trước với Ramsey “ Trong một tháng, tôi sẽ nắm chắc được ông ta “.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #142 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 02:07:26 pm »

 Hai đêm sau đó, Việt cộng đến nhắc nhở Van chỉ lòng quyết tâm và công việc không đủ để cứu Hậu Nghĩa hay chiến thắng cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam . Vann hiểu điều đó nhưng tính tích cực thái quá cản trở anh làm những gì liên quan đến điều anh thấy quanh mình. Ngày 28 tháng Tư năm 1965, lúc hai giờ rưỡi sáng, quân du kích làm anh ý thức được sự thật. Quân địch bắn một loạt đạn súng cối vào Bầu Trại để làm nản lòng binh sĩ đang bắn trọng pháo yểm hộ một đại đội biệt kịch của Quân lực Cộng hòa mà Việt cộng đang tấn công lúc đó trong một ấp cách đấy 3 cây số. Liên lạc điện đài bị cắt ngay.

Sáng sớm hôm sau, Vann đến ấp kia, thấy rõ đại đội ấy đã thực sự bị tiêu diệt : 35 biệt kích bị giết, 16 bị địch bắt mang đi mất tích và 11 còn sống sót, số bị thương được quân tấn công để lại tại chỗ. Đơn vị tấn công làm sống lại cơn ác mộng cũ của Vann đã trải qua ở Sư đoàn 7 vì nhờ Harkins, nó được trang bị vũ khí Mỹ. Tiểu đoàn du kích có thừa thãi súng máy Hoa Kỳ và những vũ khí tự động, bán tự động, còn đại bác không giật và súng cối được vận chuyển từ miền Bắc theo đường biển. Việt cộng năm 1962 may mắn lắm mới có hai súng máy cho mỗi tiểu đoàn thì nay có 3 khẩu cho mỗi trung đội như trong quân đội Mỹ.

Quân du kích thậm chí không cần sử dụng vũ khí hạng nặng. Trong tháng trước, một đại đội biệt kích khác bị tiêu diệt trong ấp, nhưng các sĩ quan và hạ sĩ quan trong đại đội không có sự phòng vệ nào. Không bố trí trạm điện đài, dự kiến pháo sáng báo động, không đào hố cá nhân thiết lập vành đai bảo vệ. Đại đội chỉ nằm  ngủ đêm quanh một ngôi nhà gần trường tiểu học ở đầu ấp. Nông dân kể lại quân biệt kích đang ngủ lúc bị tấn công. Vann đã dự đoán thế vì phần lớn xác chết chỉ bận quần áo lót. Anh đếm được 11 người trúng đạn vào mặt trong khi có vẻ đang nằm dài vô thức. Anh được biết đàn bà, trẻ con trong ấp đốt đuốc tới ngay khi cuộc tấn công chấm dứt, thu nhặt vũ khí của biệt kích đưa cho quân du kích. Họ cũng giúp chuyển đi những Việt cộng bị thương và hai người chết vì một số biệt kích tỉnh dậy kịp thời. Nhân dân căm ghét biệt kích vì quá lạm dụng còn quân du kích thì giữ gìn không làm hư hỏng nhà cửa trong ấp khi đang tấn công. Chỉ trường học và ngôi nhà cạnh đấy bị thiệt hại.

Sự sa sút của phía Sài Gòn nghiêm trọng hơn Vann hình dung nhiều. Việt cộng không phải chỉ là mối nguy hiểm duy nhất ở Bầu Trại. Tinh thần của các toán quân Sài Gòn là một tai họa cấp bách hơn. Bốn người lính đại đội M-116 của Sư đoàn 25 say rượu, đánh nhau trong một nhà hàng thị trấn. Đêm đến, cảnh sát cố gắng làm cho họ dịu lại. Bốn người lính bắn súng máy Thompson và các loại súng họ có xua đuổi cảnh sát. Rồi họ thấy làm như cảnh sát và viên chức cấp cao của chính quyền cũng thích thú. Trong ba giờ rưỡi cho đến lúc mệt mỏi phải nằm ngủ, bốn người lính đi loanh quanh trong Bầu Trại bắn về mọi phía. Họ hét lên và thách đố mọi người đến bắt họ : cả Hạnh, tỉnh trưởng mới, thiếu tá phó tỉnh trưởng và tất cả những sĩ quan trong tỉnh.

Ngôi nhà của Phái đoàn cách nhà hàng không đến 30 mét. Ramsey đêm ấy ở Sài Gòn , viên cố vấn cảnh sát trong vùng ở lại với Vann. Họ không có quyền gì để làm chấm dứt sự điên rồ ấy, chỉ có thể nằm trên đất và chửi rủa những người lính mỗi khi họ bắn về phía mình. Sáng hôm sau, Vann đếm được 20 vết đạn trên những bức tường phía ngoài ngôi nhà. Anh không tin được không có một sĩ quan Sài Gòn nào làm gì đối với bốn người say rượu bắn súng đe dọa cả thị trấn. Trong bữa ăn sáng ngồi trước mặt Hạnh, anh không dấu thái độ khinh bỉ. Anh rất ngạc nhiên, Hạnh và phó của ông có vẻ như không có gì xảy ra. Thực ra, họ cho là mình bất lực. Binh lính hoàn toàn sa sút tinh thần, mất hết lòng tôn trọng cấp trên đến mức nổi loạn nếu bị đưa trở lại trật tự.

Ở Sư đoàn 7, Sandy Faust tự hỏi Cao có phải là một nhân viên ăn lương của Việt cộng không. Sĩ quan tình báo Mỹ của tỉnh trưởng cũng như người tiền nhiệm, tin chắc rằng chỉ huy trưởng Sư đoàn 25 ở Hậu Nghĩa, đại tá Phan Trường Chinh, là một cán bộ cộng sản. Có vẻ ông ta thường xuyên làm lợi cho địch không chỉ vì bất tài hoặc hèn nhát bởi Chinh thông minh, thậm chí nổi tiếng là một nhà thơ không chuyên. Ông ngăn cấm phục kích, không những làm mọi cách để tránh tự mình tấn công quân du kích mà còn ngăn cản người khác tấn công. Ông can thiệp thường xuyên vào những cuộc hành quân của tỉnh, điều chỉnh kế hoạch, buộc Hạnh đưa quân đến những nơi không có địch, khiến Hạnh cũng bắt đầu nghi ngờ Chinh làm việc cho phía bên kia. Khi ông ta ra lệnh một đợt bắn trọng pháo, làn đạn được điều chỉnh để nổ cao trên bầu trời làm mảnh đạn không thể gây tác hại.

Chắc chắn Chinh không phải là một cán bộ cộng sản, cũng như Cao. Mười năm sau suy nghĩ về điều đó, Ramsey hiểu ra chắc Chinh bị Việt cộng cảnh cáo và sợ các đội quân của mình sẽ bị tan tành từng mảnh nếu nghiêm túc lao vào trận chiến. Chỉ điểm những thôn ấp cho không quân tập kích, làm nổ tung nhà cửa, tàn sát nhân dân, Chinh tỏ ra quá độc ác đối với  nông dân, không thể là một người cảm tình với cộng sản đúng đắn được. Năm 1965 ở Hậu Nghĩa, dù không xác định chắc chắn như viên sĩ quan tình báo, Vann và Ramsey cũng không kém phần nghi ngờ động cơ của Chinh. Câu nói đùa quen thuộc của họ là Chinh mỗi đêm đều gửi báo cáo ra Hà Nội.

Nếu mục đích của Chinh là bảo toàn mạng sống cho người của mình thì ông ta rất khéo léo che đậy điều đó. Ông và các chỉ huy trung đoàn thường cho các toán quân đi trên đường có trinh sát đi trước hoặc hai bên sườn để đảm bảo an toàn. Kết quả là đều đặn hàng loạt cuộc tàn sát. Giữa những cuộc phục kích và tấn công của quân du kích, trung bình mỗi tháng ông mất một đại đội. Việt cộng không cần tiêu diệt hết sư đoàn : ông tự làm lấy việc ấy.

Vấn đề để biết lúc nào chấm dứt sự bất tài và ngu ngốc , lúc nào sự phản bộ và phá hoại thực tế bắt đầu được đặt ra. Việc Việt cộng thâm nhập vào trận địa quân Sài Gòn là một vấn đề lớn và ngày nghiêm trọng hơn khi số phận chế độ hiện hành xuống dốc và đàn ông, đàn bà thay đổi áo mặc phòng cho tương lai. Sự ngờ vực về những cuộc lật đổ còn tàn hại hơn nhiều. Không ai tin vào ai. Trong một làng phía bắc Bầu Trại, chỗ có trung tâm huấn luyện biệt kích, trưởng ấp, chỉ huy cảnh sát địa phương và người phụ trách trung tâm kết tội nhau là Việt cộng . Một đặc công của quân du kích , cải trang thành lính biệt kích, vào làng và giết luôn bảy biệt kích thực. Ngay sau đó, trưởng ấp ra ở chỗ khác để bảo toàn mạng sống.

Không có gì lạ khi thấy các toán quân chán nản trong một môi trường như vậy. Năm đầu tiên Vann ở Việt Nam, binh lính Cộng hòa ít uống rượu ngoài các thành phố hoặc trước chỗ nguy hiểm. Bây giờ họ say suốt đêm trong các trại đóng quân ở nông thôn. Họ cũng bắt đầu dùng ma túy; điều đó giải thích vì sao họ vẫn ngủ khi Việt cộng tấn công. Nỗi thất vọng của họ hình như tô đậm những thói xấu họ tự giam hãm mình vào và đào sâu hố ngăn cách với dân chúng. Xu hướng đốt phá càng trầm trọng, tạo điều kiện cho dân chúng và Việt cộng liên kết với nhau để trừ bỏ họ như đối với quân biệt kích. Trong thất vọng, binh lính hầu như muốn tự kết liễu đời mình dù chỉ để chấm dứt sự bấp bênh. Không đầy hai tuần lễ sau cuộc tàn sát quân biệt kích, trong khi ngủ gần Bàu Trại một đại đội khác bị tiêu diệt đúng theo cách ấy; lần này trong một ấp cách thành phố 6 cây số về phía Nam. Xu hướng ngủ không phòng vệ trước đây chỉ thấy một số ít ở quân bảo an tại các đồn tiền tiêu giờ đây trở thành tình trạng chung cho hầu hết các lực lượng Sài Gòn.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #143 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2008, 04:11:26 pm »

 Trong hoàn cảnh ấy, Việt cộng có thể hoạt động hầu như không bị trừng phạt. Một đêm có toán đặc công khoảng 20 người vào Củ Chi để bắt cóc hoặc ám sát hai nhân viên mật vụ trong vùng tỏ ra mẫn cán làm du kích tức giận. Họ may mắn chạy được ra khỏi nhà khi toán kia vào. Giận dữ, Việt cộng đuổi theo họ suốt cả thị trấn, leo mái nhà, chạy trên đường vừa hô vừa bắn. Hai mật vụ trốn thoát được nhưng Việt cộng không vì thế mà đi khỏi đó. Họ lục lọi khắp nơi trong hai tiếng đồng hồ. Quân bảo an, từ nay được gọi là lực lượng vùng có nhiệm vụ bảo vệ Củ Chi, không một ai hành động. Huyện trưởng không bị du kích quấy rầy, trả lễ bằng cách không động một ngón tay giúp đỡ hai mật vụ của mình. Tổng hành dinh một trung đoàn trong sư đoàn của Chinh đóng trong đồn điền cao su cách Củ Chi không đầy một cây số, im lặng như chết. Không sĩ quan nào đưa quân ra. Thế nhưng ít lậu sau, Vann và Ramsey phát hiện thấy mọi người lúc đó biết rõ việc gì đang xảy ra.

Một buổi tối khác, Việt cộng quyết định tổ chức giải trí cho nhân dân một làng lớn gần xa lộ chính đi Sài Gòn , cách Củ Chi vài cây số về phía tây. Họ bố trí trong rạp chiếu phim, phía bên kia đường ở trường học có một đại đội quân lực Cộng hòa đang đóng quân dã ngoại. Việt cộng có vũ khí và được đoàn tùy tùng bảo vệ. Trung úy chỉ huy đại đội ra lệnh cho quân lính tấn công. Họ từ chối. Viên trung úy lấy xe jeep đến Củ Chi hỏi huyện trưởng phải làm thế nào. Hai người tranh luận một lúc rồi cùng đi uống rượu.

Sau cuộc tàn sát đại đội biệt kích đầu tiên cách Bầu Trại ba cây số, Vann viết the cho một anh bạn ở Denver rằng không nên có ảo tưởng và hy vọng việc ném bom miền Bắc có thể thay đổi điều gì đó ở miền Nam.

“ Không may, ( anh viết ) chúng ta thất bại trong cuộc chiến tranh này trước hết do sự thoái hóa về tinh thần của miền Nam Việt Nam trong khi đối mạt với tính kỷ luật đặc biệt của Việt cộng . Miền Nam vứt đi mọi sự may mắn quá lâu nên đã thành thói quen và xem ra chẳng có dấu hiệu thay đổi nào.

Tôi cay đắng … không vì những anh lính chì nhỏ bé buồn cười ấy của châu Á – mà vì những đĩ bợm thiên tài quân sự và chính trị của chúng ta từ chối công nhận điều hiển nhiên phải kiểm soát toàn bộ mớ lộn xộn ấy. Thay vì điều đó, họ giữ lại  những con rối Việt Nam . Tình hình vô vọng đến nỗi sẽ chẳng có gì bước lên được. Tên tướng bần tiện Kỳ hôm nay đọc một bài diễn văn đề nghị chúng ta tiến lên giải phóng miền Bắc – tay ngu dốt buồn cười nhỏ bé này không thể ra khỏi Sài Gòn quá một cây số mà không có đoàn vũ trang hộ tống, muốn giải phóng miền Bắc ! Lạy Chúa , tất cả những điều đó thật kỳ cục ! “.

Trong năm đầu ở Việt Nam , Vann đã nhận thấy giải pháp của cuộc chiến tranh này nhất thiết phải bằng quân sự. Phải tiêu diệt các tiểu đoàn thường trực Việt cộng nhằm thiết lập một nền an ninh đủ để bình định nông thôn có hiệu quả. Công cụ để tiêu diệt là một quân đội Nam Việt Nam thật mạnh. Xây dựng một quân đội như thế phải có một nhóm hoặc một người có bản lĩnh chấp nhận được người Mỹ chỉ đạo hoặc buộc phải chấp nhận vì sợ mất sự giúp đỡ kinh tế, quân sự đang đảm bảo cuộc sống cho đất nước. Ở Hậu Nghĩa, Vann phát hiện ra nhiệm vụ Hoa Kỳ phức tạp hơn nhiều so với anh tưởng. Anh thấy phía Sài Gòn sống bám và đang hấp hối đến mức nào và cũng thấy rõ nguyên nhân của tình trạng ấy. Anh nhận thức được xã hội Sài Gòn phải biến đổi thật sâu sắc nếu muốn đương đầu với đối thủ cộng sản.

Căn bệnh nghiêm trọng nhất, nguồn gốc sự sa sút tinh thần và tính vô kỷ luật là sự tha hóa, thói tham nhũng. Cho đến nay anh chưa nắm được mức độ. Ở Hậu Nghĩa, anh thấy nó đầu độc xã hội Sài Gòn ở mọi cấp : từ Kỳ và hầu hết những tướng lĩnh trẻ, các chỉ huy Quân đoàn, Sư đoàn các tỉnh, huyện trưởng và bộ máy hành chính của họ, cho đến anh cảnh sát trong làng đều có thể tống tiền một người làm trang trại để không tố cáo ông này tình nghi là Việt cộng.

Về qui mô và tính chất, sự tha hóa ở miền Nam căn bản khác với sự tha hóa thường gặp ở cấp có thẩm quyền cao nhất Hoa Kỳ, ở chỗ, khi thoát khỏi mọi sự kiểm soát nó có khả năng phá hủy nhưng cũng có thể là một chất bôi trơn tởm lợm trong bộ máy chính trị đưa đến việc thành lập những trung tâm thương mại, xa lộ và nhà ở. Sự tha hóa ở Sài Gòn ngược lại, bị tê liệt và lan rộng như một khối u ác tính đầu độc cả hệ thống chính quyền. Việc quan tâm lớn nhất của những người Sài Gòn là tiền đút lót; họ dành hết thời gian và suy nghĩ vào việc đó hơn bất cứ hoạt động nào khác, đòi hỏi những người bất tài phải có một sự ranh mãnh khôn khéo. Đáng lẽ những người Nam Việt Nam phải tập hợp nhau lại trong hy sinh lợi ích cá nhân và đơn vị để cứu vớt sự hủy hoại thì họ lại đẩy nó nhanh hơn. Mối nguy đe dọa xã hội càng lớn thì họ càng đánh cắp tệ hại lẫn nhau. Hình như họ lao vào phá hoại, cho rằng đến phút cuối cùng sẽ thoát khỏi tai họa chung bằng một cách nào đó hoặc người Mỹ sẽ đến cứu họ. Nhưng thông thường do lòng tham lam quá mức họ đã thậm chí không hình dung được hậu quả.

Hạnh châm ngọn đèn của Vann. Là tỉnh trưởng, ông ăn uống trong những khu phố của ông. Cuối tháng Tư từ khi đến đây, Vann và Ramsey thường ăn tối với ông ta thay vì với những sĩ quan khác. Hạnh mời một hoặc hai cấp dưới cùng ăn với họ. Thường chỉ ba người. Một cố vấn dân sự Mỹ cùng ăn với tỉnh trưởng là bình thường. Điều này cũng phù hợp với ý muốn của Vann là nắm chặt Hạnh để đưa ra một cố gắng chống Việt cộng ở Hậu Nghĩa. Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh , phần lớn cố vấn dân sự hoặc quân sự Mỹ biết tương đối ít về sự đồi trụy ở Nam Việt Nam vì họ tránh vấn đề đó, chính thức xem là phiền phức. Tẩt cả những báo cáo về đề tài này được Đại sứ quán và tổng hành dinh của Westmoreland đánh giá sai. Các đồng nghiệp Sài Gòn của họ nói với  nhau nhưng không bộc bạch với người Mỹ. Bản thân Hạnh là một ngoại lệ trong hệ thống chế độ của mình, xem Vann như một trường hợp đặc biệt trong số người Mỹ. Đúng là Vann cho cảm giác có những quan hệ với cấp cao và có thể làm thay đổi tình hình.

Một trong những bài học đầu tiên Hạnh dạy cho Vann là số người chết trận, việc đào ngũ và khó tuyển mộ, không đủ để giải thích việc thiếu quân số kinh niên ở các đơn vị quân lực Cộng hòa. Theo gợi ý của Vann, Hạnh đồng ý để các lực lượng trong vùng của ông lần lượt theo một chu trình tập luyện. Để khuyến khích củng cố vững chắc các đơn vị chiến đấu, người Mỹ được ban tham mưu Sài Gòn cho lấy một quân số tối thiểu bổ sung vào các trung tâm. Hạnh nghĩ đơn vị chọn lọc đầu tiên không có vấn đề gì vì danh sách số quân tính đến gần 140 người mà quân số tối thiểu qui định khoảng 100. Khi tập hợp đơn vị, ông chỉ thấy có 50. 90 tên khác trong danh sách là những người lính mà người Việt Nam gọi là “ lính ma “ và những “ cây cảnh “. “ Lính ma”  là nững người đã bị giết hoặc đào ngũ. Những người gọi là “ cây cảnh “ đã đút lót để có giấy chứng nhận giả hoặc giấy phép trở về gia đình tiếp tục công việc dân sự, hàm ý nói về một cây cảnh được che chắn trong chậu. Các chỉ huy đơn vị bỏ túi lương tháng và phụ cấp của những “ lính ma “ và “ cây cảnh “ rồi san sẻ những nguồn lợi với các sĩ quan cấp trên bảo vệ họ. Thay vì tìm kiếm một yếu tố kích thích cho việc tuyển mộ, các sĩ quan Quân lực Cộng hòa đã tạo ra một hệ thống kìm hãm nó.

Dĩ nhiên Hạnh biết được cách làm đó nhưng ông ta nghĩ ít nhất cũng tập hợp được 100 người trong danh sách 140. Ông giao cho phó của mình phụ trách quân sự mở một cuộc điều tra để xác định lực lượng vùng yếu đến mức nào. Viên thiếu tá đưa về một bản báo cáo thật rối ren. Mọi điều cho thấy chỉ huy lực lượng vùng ở Hậu Nghĩa “ bỏ đầy túi “, nhóm từ áp dụng cho một người tham lam quá đáng, kể cả theo mức tiêu chuẩn Sài Gòn và ông ta khuyến khích những người dưới quyền thổi phồng quân số. Viên thiếu tá gợi ý Hanh và ông ta phải can thiệp để chấm dứt lối mua bán ấy. Hạnh không có ai trong nhóm tin tưởng được. Ông bèn kể chuyện ấy với Vann và Ramsey và đề nghị chụp ảnh những đơn vị lực lượng vùng và lực lượng của dân chúng họ gặp khi đến thăm. Ông muốn so sánh những bức ảnh và danh sách các đơn vị để có quân số chính xác mình có trong tay.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #144 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2008, 01:31:27 pm »

 Nguyễn Trí Hạnh là một ngoại lệ đơn giản. Ông ta không mua vị trí của mình và vì thế không buộc phải vơ vét để trả nợ. Phần lớn các tỉnh trưởng, huyện trưởng ở miền Nam Việt Nam phải bỏ tiền mua chức vụ. Người tiền nhiệm của ông, bị bắt trong tháng Hai vì tham gia đảo chính hụt, được trả tự do vào cuối mùa xuân nhưng phiền phức không phải đã hết. Ông ta đã mua vị trí này năm 1964, lúc Hậu Nghĩa còn là một vùng tương đối yên ổn. Trong lúc bị bắt, ông chưa trả hết nợ cho viên tướng bán tỉnh này cho ông và chủ nợ đòi số tiền còn thiếu. Ngược lại, Hạnh không phải trả tiền vì không ai muốn nắm quyền ở Hậu Nghĩa vào mùa xuân năm 1965.

Sự tha hóa gây ra tình trạng kém cỏi ở tất cả các cấp trong hệ thống. Giá trị nghề nghiệp không có ý nghĩa trong việc chọn những người như Chinh, chỉ huy hoặc không chỉ huy một sư đoàn như Sư đoàn 25. Họ giữ vị trí của họ với khả năng quan hệ dựa trên sự tha hóa của cấp trên cũng như cấp dưới. Như vậy, đồng tiền mới có vai trò cao nhất. Cơ chế ấy đã có giá trị dưới chế độ Diệm, chỉ khác là lúc đó người ta có vị trí nếu trung thành với họ Ngô Đình. Việc tôn trọng quyền lực cấp trên, cần thiết để điều hành đúng đắn một nước đã suy yếu đi vì những phe nhóm và quan hệ gia đình, tôn giáo , càng bị hủy hoại vì những đường dây đồi bại nội bộ. Ví dụ Hạnh khó kiểm soát được ba huyện trưởng của tỉnh mình. Họ chạy chọt để được tướng Chinh bảo vệ. Thậm chí Chinh cố vận động thải hồi huyện trưởng thứ tư vì ông này độc lập và có khả năng, không hợp tác đầy đủ trong điệu nhảy đút lót.

Chế độ Sài Gòn phát triển thành một hệ thống trong đó không ai có thể cho phép mình giữ đôi bàn tay sạch sẽ. Để tự bảo vệ được mình, mọi người phải mắc vào tròng. Lạm phát làm giảm tiền lương trong những năm của Diệm và sự tha hóa xóa bỏ mọi lý do điều chỉnh. Lương thấp kỳ lạ ( Hạnh mỗi tháng chính thức nhận được không đến 200 đô la ) nên một người muốn nuôi sống gia đình và giữ vững vị trí mình thì phải ăn cắp. Cách duy nhất để một người Mỹ phân biệt một sĩ quan lương thiện và bất lương là một đằng bớt xén công quỹ chỉ để sống và đằng kia nhằm làm giàu. Theo tiêu chuẩn ấy, Hạnh là người lương thiện, cũng như Vann nhận xét Cao ở Sư đoàn 7. Nhưng một  người Mỹ phân tích để sống và làm giàu dễ hơn một người Việt Nam đã bỏ tay vào guồng quay. Sự tha hóa tự nuôi sống mình. Hiếm có những người đã mua chức quyền sẵn sàng từ chối kiếm lợi từ nguồn mình đã đầu tư cộng thêm tiền lãi về mối nguy chuốc lấy. Cũng có xu hướng tổ chức bè cánh bao quanh mình. Những tỉnh trưởng, huyện trưởng sát thuộc hạ nhất là những người chia phần cho mỗi người một ít.

Cơ chế kéo theo muôn vàn lệch lạc khác khuyến khích sự tha hóa. Một trong những yếu tố ấy là vai trò các bà vợ. Bà tướng hoặc bà đại tá Y thường là đại diện của chồng giao dịch thẳng với những bà tướng, tá khác. Các bà thích làm vai trò đó vì có được một quyền lực nào đấy. Một người đàn bà dùng bình phong quyền lực của chồng để chỉ đạo một đường dây tha hóa cũng có một phần quyền lực ấy. Những người đàn ông tạo điều kiện cho việc dàn xếp đó vì họ không phải lo nghĩ về những vấn đề tiền nong và có thể cho rằng vợ họ chỉ là những người đàn bà kinh doanh và bản thân họ không phải là những kẻ lừa gạt. Không thể vừa là một người thực sự lương thiện vừa chiếm được một chức vụ cao. Cho dù ông ta chỉ ăn cắp những gì cần thiết và kiểm soát những hoạt động của vợ thì cũng không thể chống lại những tiêu cực quanh mình. Để được lòng cấp trên, thường ông buộc phải bớt xén công quỹ. Nếu ông không tham gia cuộc chơi, ông sẽ là người ngoài lề và sẽ mất chức vụ. Cho đến nay, Hạnh chỉ tham nhũng để trả những món tiền khiêm tốn cho tướng Chinh. Nhưng việc đó kéo dài được bao lâu ?

Trước khi Hạnh đến Vann đã phát hiện thấy sự tha hóa phương hại cả đến những chương trình bình định và những người Mỹ không nằm ngoài xu hướng đó. Ví dụ một viên chức của AID ( không phải người tiền nhiệm William Pye ) đã cho phép người thầu Việt Nam của tỉnh lấy cắp xi măng và những vật liệu khác của Phái đoàn để đổi đàn bà. Vật liệu xây dựng bán ở chợ đen Sài Gòn với giá cao quá thể vì thợ xây Việt Nam và Trung Hoa đổ xô vào xây dựng nhà ở cho hàng nghìn người Mỹ đến trong vùng. Đặc biệt, xi măng có giá trị như vàng. Người thầu đưa cả vợ vào trong số đàn bà cung ứng cho viên chức Mỹ. Người ta khó tưởng tượng Vann từ chối một cuộc phiêu lưu tình ái; anh vẫn không lẫn lộn tình ái và sự tha hoa. Vả lại nếu ở Hậu  Nghĩa, Vann không từ bỏ những hoạt động giấu giếm như đã làm ở Sư đoàn 7. Anh giới hạn những cuộc phiêu lưu của mình ở những chuyến đi Sài Gòn và tỏ ra gương mẫu về đạo đức trong tỉnh. Đối với anh, một người Mỹ nhận đút lót để cho phép lấy cắp tài sản của Nhà nước thời chiến thì thật ghê tởm. Anh bực tức về hành động của người đồng hương và của người thầu đã lợi dụng sự yếu hèn của anh này.

Lòng tham lam phá hoại những chương trùnh bình định ghê gớm hơn việc lấy cắp đơn thuần. Những trường tiểu học của các ấp do Phái đoàn tài trợ làm hài lòng những người nông dân vốn mong con cái được đi học. Khi người thầu ở Hậu Nghĩa xây dựng một trường học, anh ta bớt xén mọi thứ. Bàn ghế cung cấp chất lượng kém đến mức không dùng được một năm. Viên chức của AID nhắm mắt trước những vấn đề ấy, các tỉnh trưởng, huyện trưởng không để tâm đến sự gian dối vì người thầu tất nhiên đã mua chuộc họ. Các viên chức ở tỉnh không ít đòi hỏi những công trình ấy vì mỗi lần xây dựng là mỗi lần nâng cao được mức thuế. Vann muốn áp dụng những mục đích ban đầu của chương trình và để cho nông dân chọn lựa những việc mong muốn, hẳn phải là một trường học hoặc bệnh viện. Rồi người ta cung cấp vật liệu để họ tự xây dựng. Như vậy, họ sẽ giữ gìn tài sản của mình và ngăn ngừa du kích phá hủy. Các viên chức tỉnh chống đối quan điểm ấy vì họ không được lợi lộc gì.

Việt cộng là khách hàng lớn nhất của sự tha hóa vì đưa lại cho họ nhiều lợi nhuận. Người Mỹ đã đưa ra một chương trình “ Kiểm soát các nguồn lợi và dân chúng “ để hạn chế phong trào của những người cảm tình với du kích và cản trở Việt cộng kiếm được thuốc men và những vật dụng cần thiết khác. Những người Mỹ mới đến miền Nam Việt Nam chấp nhận sự phức tạp kỳ lạ về những luật, những qui định của Sài Gòn do ảnh hưởng của nền thuộc địa Pháp. Họ không hiểu mỗi khoản cho phép và mỗi khoản cấm chỉ là căn cứ thêm vào sự tha hóa. Những qui định trong khuôn khổ chương trình càng kích thích nâng giá hàng lậu. Quân du kích không chỉ mua những sản phẩm bị cấm như thuốc kháng sinh, dụng cụ phẫu thuật hoặc pin cho ngòi nổ mìn. Họ mua lậu những mặt hàng người Mỹ quên đưa vào danh sách như chứng minh thư giả, giấy thông hành cho những điệp viên muốn để các cơ quan Mỹ thu nhận mình. Tóm lại, họ nhận được những gì họ muốn bằng tiền, rượu cho các trung gian.

Sự tha hóa cũng làm giàu cho Việt cộng . Như ở tây bắc Bầu Trại trong tỉnh Hậu Nghĩa có một xưởng đường quan trọng tại Hiệp Hòa, chuyên ép mía của nông dân trồng. Nó thuộc về người Pháp và chính quyền Sài Gòn . giao cho người Hoa Chợ Lớn quản lý và kinh doanh, sẽ chia lợi nhuận với những người cầm quyền. Tuy ở trong vùng du kích kiểm soát, nhà máy đường không bao giờ bị đe dọa. Vann nhận thấy giám đốc và cán bộ ở đấy cảm thấy không bị bom đạn nên cửa sổ vẫn sơn màu xanh bình thường. Xe chở hàng của xưởng chở sản phẩm về Sài Gòn không bao giờ bị chặn lại. Vann được  biết Việt cộng thu một khoản thuế hàng năm là 1.700.000 đồng Đông Dương. Đây không phải một trường hợp độc nhất. Khắp miền Nam các cơ sở kinh doanh trả tiền cho các quan chức Sài Gòn và ngoài ra còn nộp thuế cho Việt cộng . Nhân viên thu thuế cộng sản giao biên nhận ký và đóng dấu Mặt trận giải phóng dân tộc, chính phủ bí mật của Việt cộng . Việc mua bán với du kích hoạt động ngầm vì ít nhất về mặt chính quyền đó là một trọng tội có thể bị phạt tử hình. Vì vậy, khi một người Sài Gòn nhúng tay vào đường dây, những người cộng sản có thể đòi hỏi anh ta nhiều hơn bằng việc đe dọa gây ra những bê bối. Các sĩ quan tình báo Mỹ thường tự hỏi vì sao những Việt cộng có trách nhiệm ở hội đồng tỉnh, huyện không hay bị bắt dù là tình cờ. Khi bị bắt, họ ra khỏi nhà tù ngay trước khi người Mỹ phát hiện được cuộc đánh tháo quan trọng.

Dĩ nhiên, sự tha hóa cũng ảnh hưởng đến chế độ miền Bắc. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam không thuận lợi. Vươn tới một vị trí có trách nhiệm trong tổ chức Việt cộng và sau đó trở thành đảng viên sẽ có nhiều nguy hiểm cho những người bị lôi kéo chỉ vì mối lợi. Các nhà lãnh đạo cộng sản đề ra những biện pháp tôn trọng đạo đức trong hàng ngũ du kích. Họ đưa ra những sai trái vấy bẩn của chế độ Sài Gòn làm ví dụ và trừng phạt từ lỗi lầm nhỏ, đưa người có tội ra trước tòa án để rồi đưa đi “ cải tạo” lâu dài ở trại lao động giữa rừng hoặc bắn vào gáy.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #145 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2008, 11:38:46 am »

 Vann cũng bắt đầu thấy rõ rằng những người cộng sản đang thắng trong cuộc chiến tranh này không phải chỉ do sự tha hóa tàn phá và nhiều tật khác của chế độ Sài Gòn . Việt cộng tiến hành một cuộc cách mạng xã hội ở nông thôn miền Nam Việt Nam và dồn vào đó tất cả sức lực. Vann hiểu rõ việc làm đó vì tuổi thơ và thời thanh niên cho phép anh xác nhận được nỗi căm giận và lòng mong muốn của những người nghèo. Trên đường đi, anh có dịp thấy cuộc cách mạng của họ đang tiến triển. Phần lớn thời gian Ramsey và Vann lăn lộn với nông dân, áp tải những xe hàng chở lúa mì Mỹ, dầu ăn, sữa bột và những thực phẩm khác cho những người tị nạn. Họ cũng đến tại chỗ , cố gắng đẩy nhanh chương trùnh đã được chấp nhận để tranh thủ tình cảm của dân chúng.

Việc phổ cập chương trình xây dựng trường tiểu họ trong các ấp cảnh báo Vann về cuộc cách mạng xã hội của Việt cộng . Vì ở Hậu Nghĩa chỉ có 6 ấp dưới quyền kiểm soát của Sài Gòn , để đạt mục tiêu Ramsey và Vann phải xây dựng trường ở các làng khác do du kích khống chế. Qua đó, anh hiểu cụ thể vì sao Việt cộng được tầng lớp nông dân ủng hộ trong tình trạng nước đôi này, du kích có quyền hành trên phần đông dân chúng cảm tình nhưng không có thì giờ tổ chức kiểm soát cũng không xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ Sài Gòn và Hoa Kỳ. Trong những vùng họ đã củng cố chính quyền, Việt cộng xây dựng hệ thống học đường của họ. Nhưng ở những nơi khác, họ để cho chương trình xây dựng trường học của Mỹ tiến hành vì nông dân khao khát thấy con cái được họ và họ muốn tự mình học đọc, viết ,tính toán ở các lớp ban đêm. Mọi thành viên du kích và gia đình đều có lợi. Các giáo viên là viên chức chính quyền Sài Gòn cũng không bị đe dọa vì việc dạy học của họ là trung lập.

Ở Việt Nam , các trường tiểu học trong ấp chỉ có một giáo viên cho năm lớp trình độ khác nhau và thường mỗi trường có 300 học sinh. Đông học sinh không thực sự thành vấn đề vì trường học không có tường, chỉ là mái tôn đặt trên một bộ khung, thủng nhiều chỗ vì đạn pháo. Một thầy giáo dạy liên tiếp ở lớp mỗi ngày ba ca.

Vann kết thân rất chóng với cô giáo của ấp So Đo, cách Bầu Trại ba cây số, nơi đại đội biệt kích bị tiêu diệt. Đấy là một phụ nữ giản dị, đã đứng tuổi, tính tình dễ mến. Cô cũng là trợ lý y tế cho những người cộng sản trong ấp nhưng có vẻ không phương hại đến thái độ đối với Vann và Ramsey. Vann được cô hàm ơn khi sửa chữa mái trường nhỏ của cô bị hư hỏng vì một đợt tấn công. Anh cũng làm những thủ tục cần thiết để một số trẻ em sứt môi được qua phẫu thuật. Anh gửi tất cả các trẻ em đến mổ ở các nhóm bác sĩ người Philippine và Hàn Quốc làm việc cho AID. Mấy tháng sau, Vann được biết cô giáo đã ba lần cứu sống anh và Ramsey bằng cách thuyết phục quân du kích không nổ quả mìn họ đã đặt trên con đường các anh định đi qua.

John Vann cũng kết bạn với trẻ em. Khuôn mặt cúng rạng rỡ và cởi mở làm anh cảm động. Đặc biệt ở vùng đồng bằng, thức ăn cả, rau quả giàu chất đạm tạo nên những đứa trẻ mạnh khỏe. Chúng cười nhiều, đầy nghị lực. Chân trần, mặc quần ngắn và áo sơ mi rộng thùng thình, chúng chăn trâu của gia đình hoặc chơi đá bóng trên sân trang trại với chiếc vỏ đồ hộp thay thế quả bóng; chúng không có một đồ chơi nào và tự mình phải sáng tạo ra. Vann và các em mình trước đây ở Norfolk cũng giống như chúng. Vann mau chóng phát hiện ra bọn trẻ có thể bảo vệ anh. Do muốn ông người Mỹ trở lại với bánh kẹo, kẹo cao su, chúng báo với anh khi có Việt cộng ở trong ấp hoặc vùng lân cận.

Thời kỳ ấy Ramsey là phó và trợ thủ lý tưởng của Vann, có một ảnh hưởng chủ yếu trong nhìn nhận vấn đề của  anh. Cũng như Halberstam, Ramsey là một trong những người tin vào Chúa cứu thế của thế hệ những năm 50. Là con một, Ramsey lớn lên dưới những rừng thông to trong ốc đảo Boulder City giữa sa mạc Nevada. Bố anh là một viên chức nhỏ của ban quản lý công viên; mẹ anh bị bệnh kinh niên vào thời kỳ sự trợ cấp xã hội rất ít ỏi cho vợ và gia đình những người làm việc cho Nhà nước. Nhờ học bổng và vay mượn, Ramsey có thể theo học một trường đại học ở Los Angeles. Tốt nghiệp năm 1956, anh là một trong những sinh viên hiếm hoi đạt kết quả tốt trong từng môn học bốn năm liên tiếp. Sau một năm học ở Havard, Bộ Ngoại giao muốn tạo cho thanh niên cơ hội đi xa và trách nhiệm làm anh quay lưng lại với môi trường đại học. Nhưng trước khi nhận một chức vụ, Ramsey phải hoàn thành hai năm phục vụ ở Không quân, làm chuyên gia về thông tin liên lạc. Sau đó, anh được bổ nhiệm vào Trung tâm đón tiếp người nước ngoài ở Honolulu, trước mặt khách sạn Hoàng gia Hawaii tại Vaikiki.

Để tránh một vị trí ổn đinh, Ramsey tự nguyện đăng ký học tiếng Việt và được cử sang làm việc ở miền Nam Việt Nam . Anh sang đây vào tháng Năm năm 1963, lúc cuộc khủng hoảng Phật giáo vừa nổ ra. Người ta bố trí anh vào một vị trí nhàn hạ ở cơ quan thông tin ở Đà Lạt, trung tâm nghỉ mát vùng đồi núi , chỗ Diệm và gia đình Nhu có biệt thự nghỉ cuối tuần. Nơi này vừa màu mè vừa đầy màu sắc chính trị. Ramsey tò mò và thạo tiếng Việt nên có thể nghiên cứu sâu về xã hội Sài Gòn . Những quan hệ trong cơ quan thông tin đưa anh tới làm việc trong những lĩnh vực gần với sở thích hơn, đặc  biệt về những cuộc điều tra trong nông dân ở các ấp dọc bờ biển miền Trung và phía bắc vùng đồng bằng để xác định những bất mãn chính kiến khiến nông dân ủng hộ Việt cộng . Sau hai năm kiên trì và làm việc tự nguyện, Bộ ngoại giao bổ nhiệm anh trong tháng Hai 1965 vào vị trí anh chờ đợi : biệt phái vào cơ quan AID làm phụ tá ở tỉnh Hậu Nghĩa.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #146 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2008, 03:35:44 pm »

 Ramsey chưa biết gì về thủ trưởng mới của mình thì một tháng sau đó Vann đến. Vann tự giới thiệu mình, đưa cho anh bài báo trong tạp chí Esquire ký tên Halberstam, người Ramsey rất thán phục bở những bài phóng sự của ông về Việt Nam năm 1962 và 1963. Anh rất xúc động biết cấp trên mới của mình đã gợi cảm hứng cho bài báo và đã là nhân vật chính trong câu chuyện thảm hại này. Một người trẻ tuổi có khát vọng như Ramsey khó mà không thán phục anh được. Vann luôn ở tầm cao hình ảnh anh hùng mà Halberstam tô vẽ cho anh. Hai người cùng có xu hướng trong niềm say mê cuộc chiến tranh này và cùng thực sự mến đất nước họ đang bảo vệ. Sau đó, Ramsey kể lại nhiều khi họ mất cả lý trí trong hoàng hôn trên những con đường không được bảo vệ để ngắm mặt trời lặn sau đồng ruộng “ nhuốm màu đồng trong ánh sáng cuối cùng của ban ngày “. Họ dừng lại một lúc “ trong một thôn ấp mái nhà ngói đỏ hoặc lợp rạ dân chúng đang chuyển về ban đêm như từ nhiều thế kỷ nay “. Họ tận hưởng những hình ảnh và mùi vị của đất nước này “ như những người thành thị lần đầu tiên đi cắm trại “.

Sau bữa ăn tối cùng với Hạnh, Vann và Ramsey ngồi trong văn phòng tổng hành dinh của tỉnh, có điện và quạt máy, trao đổi hàng giờ về cuộc chiến tranh và bình luận về những sự kiện trong ngày. Ramsey nhận xét với Vann rằng dưới chế độ Sài Gòn , việc khao khát học hành của con em nông dân cuối cùng bị những người thông minh , nhiều sáng kiến nhất tước đoạt. Anh biết xã hội miền Nam để hiểu rõ hệ thống giáo dục người Pháp đặt ra và được Sài Gòn duy trì dành cho cấp trung đại học – và do đó, những vị trí lãnh đạo xã hội không cộng sản đều dành cho tầng lớp thành thị trung và thượng lưu cũng như cho tầng lớp điền chủ ngày nay vào ở thành phố. Thậm chí một đứa con nông dân cố học xong 5 năm tiểu học cũng sẽ đứng trước ngõ cụt. Những trường trung học gần nhất cũng ở trung tâm huyện. Thường gia đình nông dân quá nghèo, không gửi con đến học ở đấy được và dù sao những trường huyện không đi quá bốn năm đầu của hệ trung học.

Chỉ còn một con đường có thể vươn tới vị trí cao : gia nhập Việt cộng và Mặt trận giải phóng dân tộc, dĩ nhiên phải là những thanh thiếu niên có khả năng nhất. Vì phải đào tạo người lãnh đạo trong tầng lớp nông dân, những người cộng sản không đòi hỏi trình độ học vấn cứng nhắc lúc ban đầu và cố gắng nâng dần trình độ học vấn của những cán bộ hứa hẹn qua hệ thống giáo dục của họ. Tiểu đoàn trưởng Việt cộng đáng sợ nhất ở Hậu Nghĩa, 45 tuổi, quê ở một huyện xa xôi phía tây bắc Đồng Tháp Mười. Được mọi người kính trọng, ông có cấp bậc tương đương thiếu tá của quân đội miền Nam. Tăng cường quân số tiểu đoàn để xây dựng thành một trung đoàn, ông sẽ là trung tá. Từ cơ sỏ ông lên dần, nghĩa là chỉ qua mấy năm tiểu học dưới hệ thống giáo dục của Sài Gòn , chế độ ông tiến tới lật đổ.

Thời kỳ ấy, mối quan hệ của Ramsey có ảnh hưởng nhiều đến Vann và họ trở thành bạn thân, bạn chiến đấu. Ev Bumgardner, chuyên gia chiến tranh tâm lý, 10 năm trước đã nghe diễn văn của Diệm ở Tuy Hòa trở lại Việt Nam chỉ đạo tại chỗ những hoạt đông thông tin của Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có Frank Scotton là cánh tay phải của anh. Vann đã gặp hai người trong năm đầu đến Việt Nam nhưng chưa có dịp làm quen với họ. Ramsey giới thiệu. Cả hai có tâm tính độc đáo hấp dẫn Vann.

To khỏe, 27 tuổi, mái tóc nâu, Frank Scotton lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản vùng ngoại ô Boston. Bố anh, thợ chữa cháy, đăng lính và tử trận trong Thế chiến thứ hai. Scotton gan dạ, thân mật nhưng đôi khi tàn ác và đa nghi. Vũ khí anh thích nhất là khẩu tiểu liên K-9 của lực lượng đặc biệt. Trí óc không bảo thủ, anh cảm thấy thán phục những trận đánh du kích, được củng cố bằng sự nghiên cứu sâu những bài viết của Mao Trạch Đông và Võ Nguyên Giáp.

Scotton và Bumgardner cố gắng đánh những người cộng sản Việt Nam bằng chính phương pháp của họ, theo hình thức của họ nhưng lý tưởng là chống cộng. Một chương trình mới về thuyết giáo chính trị và động viên cảnh sát Nam Việt Nam do Vann nhiệt tình hướng dẫn được gợi lên từ kinh nghiệm của Scotton làm năm trước ở bờ biển miền Trung. Với sự khuyến khích của Bumgardner, sự giúp đỡ của một thiếu tá trong quân đội, Robert Kelly và sự đồng mưu của nhiều nhân viên CIA, Scotton tổ chức đội xung kích 45 người, lặp lại đúng những toán tuyên truyền vũ trang Việt cộng thuở ban đầu. Đội xung kích của Scotton không ngăn cản quân du kích chiếm hầu hết toàn tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động  như không một đơn vị Nam Việt Nam nào làm trước đây. Các đội viên giúp đỡ các chủ trang trại, phát tán tài liệu tuyên truyền trong những vùng du kích khống chế, tổ chức phục kích bất ngờ ban đêm và lẻn vào các ấp để ám sát những người lãnh đạo Việt cộng địa phương.

Thoạt nhìn, Bumgardner là đầu mà Scotton là đôi chân cần phải có. Con người nhỏ thó này, đầu hói, 40 tuổi, trịnh trọng và kín đáo, có thái độ bình tĩnh, cũng không bảo thủ như Scotton. Niềm say mê của ông thể hiện ở việc theo đuổi dứt khoát cuộc chiến tranh và ở lòng nhiệt tình đến các vùng nguy hiểm dưới làn đạn.

Mỗi lần Vann và Ramsey đi Sài Gòn ở lại qua đêm, họ đến các bạn để nói chuyện về chiến tranh. Nếu Bumgardner và Scotton tỏ ra cũng không hiểu như những người Mỹ khác về các yếu tố cơ bản của chủ nghĩa dân tộc cộng sản Việt Nam thì họ lại nắm vững những phong trào xã hội và chính trị khuấy động miền Nam. Cả hai người nói thạo tiếng Việt và Bumgardner lấy một người vợ Hoa kiều đã ở Việt Nam nhiều thế hệ. Cũng như Ramsey, họ chắc chắn Việt cộng tranh thủ cốt lõi sức mạnh từ những điều kiện thuận lợi của một cuộc cách mạng xã hội. Họ nghĩ ở miền Nam vẫn có thể hình thành một chủ nghĩa dân tộc chống cộng sản nhưng điều cấp thiết là cải biến chế độ Sài Gòn . Hoa Kỳ không thể chỉ cầm cương như Vann đã mong muốn và lãnh đạo đất nước qua những con người rơm. Chế độ phải được cải tổ trở thành một chính phủ hoàn toàn khác, đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng nông thôn. Nếu không có điều đó, Bumgardner và Scotton cho là chiến tranh không thể thắng được. Dù quân đội Mỹ chiếm cả đất nước, tiêu diệt được quân du kích, cuộc nổi dậy sẽ lại bùng lên sau khi lính Mỹ rút đi.

Quan điểm của Ramsey, Bumgardner và Scotton có vẻ xác đáng theo con mắt Vann, dựa vào những quan sát của anh ở Hậu Nghĩa. Cuối tháng Năm, anh đã được thấy và nghe nhiều đủ để trình bày trong một bức thư gửi tướng York sự phân tích mới và đáng ngạc nhiên của anh về cuộc chiến tranh này.

“ Nếu Việt Nam chỉ là một con cờ trong cuộc đối đầu Đông – Tây và sự hiện diện của chúng ta là cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc cộng sản chiếm tài nguyên của đất nước này thì thật khó xác minh sự nâng đỡ của chúng ta đối với chính quyền hiện hành. Một cuộc cách mạng đang khuấy động cả nước và những lý tưởng của nhân dân Mỹ gần gũi rất nhiều với những nguyên tắc, mục tiêu và nguyện vọng của phía bên kia hơn là của chính quyền Sài Gòn . Tôi hiểu, cuối cùng khi chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc lên nắm quyền, những “nhà cách mạng” này sẽ khá thất vọng nhưng đã là quá chậm đối với họ và đối với chúng ta cũng thế. Tôi vẫn tin chắc rằng dù Mặt trận dân tộc giải phóng do những người cộng sản lãnh đạo thì đại đa số dân chúng sẽ ủng hộ Mặt trận ấy vì đây là hy vọng duy nhất để thay đổi , cải thiện điều kiện sống và tương lai của họ. Nếu tôi là một thanh niên 18 tuổi, đứng trước sự lựa chọn ủng hộ chính quyền Sài Gòn hay Mặt trận dân tộc giải phóng – chắc chắn tôi sẽ chọn Mặt trận dân tộc giải phóng “.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #147 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2008, 04:38:59 pm »

 Vann nghĩ rằng 11 năm nay, Hoa Kỳ đã lãng phí vô ích những mạng sống Việt Nam và Mỹ cùng hàng trăm triệu đô la để giữ trật tự cũ cho miền Nam. Nhiệm vụ của anh lớn hơn nhiều điều anh đã tưởng tượng ở Denver trước khi quyết định lại đi vào cuộc chiến này. Anh phải xác định một chiến lược xây dựng thay vì phá hủy để xây dựng ở miền Nam một quốc gia có khả năng hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh thế giới vì những nước chưa phát triển. Khi chiến lược ấy hình thành, phải thể hiện ra một chương trình rồi đưa ra thực hiện sau khi đã làm cho cấp trên chấp nhận. Lý tưởng Garland Hopkins và Ferrum đã thấm nhuần vào anh biến thành một ý muốn Mỹ hóa thế giới. Quan sát những thanh niên nông dân Việt Nam, anh thấy họ cũng như những người Phillipine của Lansdale, những nhà chức trách địa phương cũng công nhận giá trị của Mỹ như thế và hàm ơn sự giúp đỡ đối với nước họ, họ sẽ hành động vì quyền lợi Hoa Kỳ.

Trong một đợt nghỉ phép vào mùa thu, Vann tuyên bố trong một hội nghị ở Denver “ Nếu chúng ta làm công việc này 11 năm trước đây, chúng ta đã có những nhà lãnh đạo kiểu mẫu mà chúng ta cần. Tôi nghĩ chúng ta còn có thể làm được điều ấy nhờ lớp trẻ “.

Cuộc chiến tranh đi tới bước ngoặt khi mà Vann nghĩ đã đến lúc thực thi một chiến lược mới. Đầu tháng Sáu năm 1965, Westmoreland có hơn 50.000 người ở miền Nam Việt Nam trong đó có 9 tiều đoàn Hải quân và lính dù. Tuy chính quyền Johnson vẫn không chính thức đưa ra quyết đinh rõ rệt, những tiểu đoàn mới vẫn lên đường sang Việt Nam . Lực lượng đó đến thật đúng lúc. Chính phủ Sài Gòn chuẩn bị rút khỏi năm tỉnh phía bắc dọc theo bờ biển miền Trung, nghĩa là vùng Quân đoàn 1 mà Hải quân kiếm soát sân bay Phú Bài, gần kinh đô hoàng gia cũ ở Huế cùng hải cảng và căn cứ không quân Đà Nẵng phía Nam. Các tướng lĩnh Sài Gòn đưa ra một kế hoạch mật di chuyển ban tham mưu hỗn hợp cho đến lúc đó vẫn đóng ở nơi trú quân lịch sự của De Lattre de Tassigny xây dựng gần Tân Sơn Nhất; họ chuyển đến trường quân sự Pháp cũ ở Vũng tàu, cách thành phố 160 cây số về đông nam. Bán đảo này dễ bảo vệ và các tướng chỉ mất mấy phút đã lên tàu ra biển. Họ không chắc chắn giữ được những gì còn lại trên cao nguyên cho đến khi người Mỹ đến. Các tỉnh miền núi như Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột bây giờ là những vị trí đơn độc mỏng manh, chỉ vào được bằng máy bay.

Mọi điều ở Hậu Nghĩa chỉ rõ chế độ Sài Gòn không đứng vững đến năm 1966 nếu không có người Mỹ cứu. Những vụ nổ mìn, những cuộc phục kích thường xuyên trên đường Sài Gòn đến nỗi chính Vann và Ramsey chứng kiến khi đi qua những chiếc xe Jeep và ô tô bị phá hủy mà không ai lấy đi những xác chết, những mảng thân thể gần xác xe cộ. Một số buổi sáng quân du kích đánh đổ những chiếc xe quân sự cách các đồn kiểm soát hai cửa ngõ vào Bầu Trại không tới 200 mét. Cảnh sát gác đêm trong đồn hắn có nghe Việt cộng chôn mìn dưới lòng đường hoặc nhìn thấy họ giăng dây ngòi nổ dưới ánh sáng trăng nhưng họ chẳng nói gì. Việc bỏ trốn cũng thường xuyên hơn. Các trưởng ấp trong số sáu ấp được cho là “ bình định “ ở gần Bàu Trại không còn hài lòng về sự bảo đảm mà họ mua được bằng cách bí mật giúp Việt cộng nữa. Họ công khai đào ngũ. Một trong bọn họ kéo theo người phó và hầu hết cảnh sát trong ấp. Phần lớn thành viên của đơn vị này là những thanh niên vừa trưởng thành, công khai hân hoan mỗi lần Vann và Ramsey vốn mến họ, đưa tới cho dầu ăn hoặc lúa mì bù vào đồng lương rẻ mạt. Những chàng trai trẻ vô tư ấy trước khi đào ngũ, đã nổi dậy giết một bộ phận trong nhóm bình định địa phương.

Những người trung thành với chế độ Sài Gòn thì hết sức lo sợ một tia lửa nhỏ có thể làm bùng thùng thuốc súng. Trong những tháng cuối, làng Đức Lập cách Bầu Trại ba cây số cố gắng có nhiều đợt tấn công. Một buổi sáng, người ta đồn rằng có một trung đội Việt cộng đang đến. Chỉ một trung đội ! Cảnh sát thường trực rồi Lực lượng đặc biệt, cuối cùng cả tổng hành dinh một tiểu đoàn biệt kích hoảng loạn bỏ chạy. Sau khi biết tiếng đồn không đúng, họ trở về theo từng toán nhỏ. Vann và Ramsey sẽ không chú ý nhiều nếu nỗi sợ hãi ấy diễn ra trong đêm tối. Nhưng lúc ấy là 10 giờ sáng !

Vann không thay đổi quan điểm từ năm 1962, vẫn cho rằng thật điên rồ nếu tiến hành cuộc chiến tranh bằng quân đội Mỹ. Mùa xuân năm 1964 anh viết thư cho trợ lý của Lodge “ Nếu cuộc chiến tranh này phải thắng thì phải do người Việt Nam . Không có gì thiếu khôn ngoan hơn việc đưa hàng loạt quân đội Mỹ hoặc nước ngoài vào. Chúng ta sẽ sa lầy cả vào đó mà chẳng làm được việc gì có giá trị cả “. Một năm sau, khi Hải quân và quân đội bắt đầu vào, Vann vẫn nghĩ như thế.

Không phải Vann nuối tiếc khi thấy họ đổ quân vào. Không có họ, miền Nam sẽ “ đổ nhào “, anh nhận thấy vậy. Người ta sợ hình thành lên ở đây một chính phủ trung lập hoặc thân cộng sản sẽ đề nghị Hoa Kỳ rút đi. Kỳ và tướng tá của hắn có thể đứng vững chừng nào họ được súng đạn của Hoa Kỳ bảo vệ. Những người cộng sản Việt Nam dĩ nhiên không thể làm gì đáng kể đối với sức mạnh lớn lao của người Mỹ dựa vào Không quân và Hải quân. Nhưng Việt cộng và những người Bắc Việt Nam trong đội quân thường trực của Hà Nội đã theo con đường mòn Hồ Chí Minh vào tăng cường cho quân du kích. Vann sợ rằng nếu lính Mỹ gửi sang đánh nhau với họ, sẽ không phân biệt được đồng minh của quân địch và nguy cơ thảm sát mù quáng sẽ rất lớn.

Anh nghĩ kế hoạch hợp lý nhất là sử dụng lính Mỹ bảo vệ Sài Gòn , hải cảng, sân bay cùng những thành phố và các làng trong nội địa không nên để rơi vào tay cộng sản vì vấn đề uy tín. Các lực lượng Mỹ là quân phòng vệ và dự phòng khẩn cấp. Nếu biết được chắc chắn có một đơn vị Việt cộng hoặc Bắc Việt Nam, nếu hoàn cảnh thuận lợi cho người Mỹ, ít bị mất mát, thì lính Mỹ có thể can thiệp , nhiệm vụ chính và ngầm ẩn của Hoa Kỳ phải là về mặt chính trị. Họ cần phải cứng rắn để chấm dứt những cuộc đảo chính, mưu mô vô độ và đưa các tướng lĩnh Sài Gòn đi vào qui tắc. Sau tấm chắn của quân đội Mỹ và Hải quân, Hoa Kỳ sẽ chỉ đạo chế độ, biến nó tiến lên thành một chính phủ gồm các nhà lãnh đạo liêm khiết. Binh lính Quân lực Cộng hòa và các lực lượng địa phương chịu trách nhiệm chiến đấu ở nông thôn chứ không phải người Mỹ. Các lực lượng Sài Gòn phải được tổ chức lại vì họ phải chiến thắng Việt cộng và giữ vững an ninh thôn ấp. Mục tiêu ấy , Vann nghĩ rằng, có thể đạt được bằng sự hình thành một “ sự chỉ huy hỗn hợp” theo lệnh của người Mỹ. Anh nghĩ hiện nay người trong các lực lượng Sài Gòn ghê tởm chính mình cũng như các chỉ huy ghê tởm họ. Anh chắc chắn, họ sẽ xử sự đúng với những cấp trên có tài, có kỷ luật đưa họ đến thắng lợi. Được gợi ra từ những cuộc trò chuyện ban đêm với Ramsey, Bumgardner và Scotton, Vann bắt đầu đưa ra một chiến lược mới để lôi kéo nông dân và biến đổi tính chất của xã hội Sài Gòn .
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #148 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2008, 03:16:37 pm »

 Vann hiểu phải bắt đầu những thay đổi từ Hậu Nghĩa. Anh tấn công vào những sự tha hóa anh có thể tác động, sự tha hóa của người thầu những công trình công cộng bất lương, nhất là từ khi anh phát hiện ra anh này tha hóa một viên chức của AID bằng cung cấp đàn bà. Vann nắm lấy vũ khí anh có thể sử dụng. Nguyên tắc hành chính qui định phải có chữ ký của anh trên hóa đơn thì người thầu mới được trả tiền sau khi làm xong công trình. Anh quyết định tóm người thầu về việc ăn cắp tôn lợp nhà, bèn tới một nhà trẻ và một trường học vừa xây dựng, trèo lên mái đếm số tấm lợp . Rồi anh kiểm tra lại số lượng được phân phối và từ chối ký vào hóa đơn cho đến lúc người thầu chấp nhận trả lại tiền cho Chính phủ về những tấm tôn thiếu.

Đến cuối tháng, cuộc tranh chấp trở nên trầm trọng thêm khi người thầu đề nghị với Hạnh dàn xếp như anh ta đã làm với tỉnh trưởng trước, nghĩa là 10 % giá trị hợp đồng. Không nên xem việc người Mỹ làm là nghiêm chỉnh, anh ta nói thêm , vì nhân viên AID tha hóa bây giờ chiếm một vị trí có trách nhiệm ở tổng hành dinh Sài Gòn , nói với anh ta Vann là một kẻ làm trở ngại công việc và sẽ bị thay thế. Hạnh không phản ứng gì nhưng ngay tối hôm đó anh thổ lộ đầu đuôi sự việc với Vann; anh này đề nghị hủy bỏ tất cả những hợp đồng của người thầu trong vùng. Hạnh không hình dung đến mức ấy nhưng ông đồng tình về nguyên tắc với điều kiện người thầu có thể đã bị mất tín nhiệm.

Tuần sau, người thầu trở lại gặp Hạnh với một đề nghị hấp dẫn hơn. Chương trình “ kiểm soát các tài nguyên và dân số “ nhằm ngăn chặn Việt cộng mua hàng hóa, đòi hỏi phải có giấy xuất – nhập khẩu đối với sản phẩm và nguyên liệu như đường ngọt khi đưa ra vào trong tỉnh. Những giấy chứng nhận ấy thường được đổi chác bằng việc đút lót. Người thầu đã làm việc này với tỉnh trưởng cũ. Anh ta đề nghị Hạnh giúp anh ta, dĩ nhiên với một tỷ lệ hoa hồng. Hạnh thẳng tay từ chối và kể lại chuyện trên với Vann.

Thời gian ấy người thầu biết Vann tìm cách đuổi anh ta ra khỏi Hậu Nghĩa và hiểu Hạnh sẽ không có thái độ kỳ cục  như vậy nếu không có Vann khuyến khích. Qua nhiều năm , người Sài Gòn rất giỏi chơi trò vô tư và tự hào dân tộc mỗi khi người Mỹ đe dọa quyền lợi của họ. Người thầu xuất thân từ một gia đình Thiên chúa giáo có tiếng ở miền Nam, rất thạo trò chơi đó. Anh ta viết một bức thư cho Vann, trách anh có thái độ như “ những tên thực dân Pháp thời kỳ chúng đô hộ chúng tôi “.

Rồi anh ta gửi một bản sao cho ông bạn ở tổng hành dinh Sài Gòn chuyển lên cấp trên để người Mỹ gây phiền phức điều động Vann đi khỏi Hậu Nghĩa. Vann đã đoán trước anh ta sẽ hành động như vậy. Anh trả lời người thầu, nêu chi tiết những phần bị đánh cắp nhưng giữ bản sao bức the thay vì gửi lên tổng hành dinh của Phái đoàn như đáng lẽ anh phải làm. Anh sợ viên chức tha hóa của AID hủy nó đi. Như đã chờ đợi, anh nhanh chóng bị gọi lên Sài Gòn . Phó của Wilson, một viên chức dân sự của AID cho anh ngay một bài học về thái độ cư xử với người Việt Nam . Vann bắt đầu sốt ruột, hỏi anh có thể trình bày việc này được không. Viên chức từ chối, giải thích ông ta muốn giúp đỡ anh thôi. Vann tuyên bố nếu vậy anh buộc phải chấm dứt cuộc hội kiến này. Người phó đành miễn cưỡng đồng ý nghe anh nói, Vann bèn tả lại những quan hệ của người thầu với viên chức tha hóa và nêu chi tiết việc đút lót với tỉnh trưởng cũ. Anh đưa ra bản sao bức thư trả lời người thầu cùng những thư trao đổi trước đây về những vật liệu xây dựng bị mất. Người phó của Wilson rất khó chịu; rõ ràng ông ta sợ một vụ bê bối. Nhưng ông công nhận câu chuyện của Vann và những tình tiết về thư từ là một chứng minh vụ việc căn bản khác hẳn việc ông đã nghe.

Trưa ngày 22 tháng Sáu, Vann đi Củ Chi trên đường số 1. Anh hài lòng về kết quả chống đối đầu tiên của anh về sự tha hóa ở Hậu Nghĩa. Viên chức bất lương của AID tự bào chữa vụng về trong cuộc điều tra. Người ta đề nghị Vann viết một bản tường trình mật về quan hệ mau bán giữa người thầu và người Mỹ, phức tạp đến nỗi anh ta bị chuyển ngay sang một nước khác. Người phó phụ trách dân sự của Wilson thay đổi cách nhìn đối với Vann và trở thành một trong những chỗ dựa chắc chắn nhất của anh. Hạnh chưa hủy bản hợp đồng cuối của người thầu, người có vẻ sắp làm điều đó. Tuần trước, Vann chắc chắn sẽ thắng nên tuyên bố với Hạnh dù kết quả điều tra ra sao, chừng nào anh còn ở Hậu Nghĩa, anh không cho người thầu một bao xi măng, một tấm tôn nhỏ nào.

Vann đi một mình trên chiếc xe nhỏ màu vàng. Ngay sáng nay trước khi đến Củ Chi để gặp Hạnh, anh đã trao đổi với huyện trưởng Trảng Bảng một số kế hoạch về chương trình của AID. Mặc dù rất ghét tháp tùng quân sự, anh sẽ đi theo đoàn xe của Hạnh để cùng ông ta đến Bầu Trại ăn trưa. Vann đi qua cầu Suối Sâu nổi tiếng rất nguy hiểm.

Anh thấy một toán người cách mấy mét trên bờ đường nhựa. Ba người trong bọn họ vũ trang bận áo thường khác với  nông dân, Việt cộng và cảnh sát Sài Gòn thường mặc rất khác nhau. Họ đi trước sáu thanh niên cởi trần đến thắt lưng, ra hiệu cho Vann dừng xe. Nghĩ là cảnh sát nhờ giúp đỡ, anh cho xe chậm lại. Trong lúc đớ, một người giơ súng nhắm vào anh. Biết mình nhầm, anh đột ngột tăng tốc độ và mỉm cười giơ tay vẫy qua cửa kính mở. Anh hy vọng nếu những người ấy là Việt cộng đi cùng tù binh, họ sẽ ngần ngừ khá lâu đủ cho anh chạy thoát. Người đề nghị dừng xe hạ thấp đầu súng của bạn, mỉm cười chào lại.

Một lúc sau, Vann đã ra khỏi tầm bắn, chạy 100 cây số/ giờ trên con đường sụt lở. Trước đây, du kích chưa bao giờ dừng xe anh và xử sự lạ như vậy. Vann đang tự hỏi những người kia có phải là Việt cộng không bỗng nghe tiếng súng nổ và tiếng đạn rít quanh xe. Anh cúi xuống theo bản năng, đúng lúc để không bị mảnh kính vỡ bắn vào mắt. Chiếc xe con nghiêng về bên trái, phía nghĩa địa dọc hai bên đường. Vann chồm lên nắm vững tay lái và phát hiện ra những người phục kích, một tá Việt cộng bố trí khoảng 100 mét dọc theo con đường về bên trái. Chiếc xe lao thẳng về phía trước.

Vann dẫm chặt bàn tăng tốc để không giảm tốc độ. Xe nghiêng hẳn rất nguy hiểm và anh cố bám chặt tay lái đưa xe trở lại con đường. Việt cộng vội tản nhanh để khỏi bị xe chẹt. Hai người cầm tiểu liên Thompson bình tĩnh hơn, không nhảy tránh và tiếp tục bắn. Khi xe đã lên đường, anh lao thẳng vào những kẻ tấn công và nhìn vào người thứ hai. Anh này không bắn vào máy hoặc lốp xe mà nhắm vào mặt Vann cố giết chết anh.

Khi xe chạy qua trước mặt anh ta, những viên đạn cuối cùng bắn vào trong buồng lái, cách mặt Vann mấy phân. Một viên đạn trúng vào góc kính chắn gió. Chiếc xe lao vào nghĩa địa bên phải đường khi bị một viên đạn đâm thủng lốp. Vann chồm lên đưa xe trở lại trên đường, đã nghĩ thoát khỏi phục kích thì bỗng lại nghe tiếng súng bắn phía sau. Ngoảnh lại, anh thấy ba Việt cộng khác bắn vào anh, chắc thuộc một toán phục kích khác, sơ ý để anh lướt qua chưa kịp bắn.

Anh lái xe nhanh đến nỗi phải phanh đột ngột trước một trạm kiểm soát cách đấy một cây số. Một trong những cảnh sát viên vội chạy tới đưa túi thuốc cấp cúi. Nhưng Vann chỉ bị một số mảnh kính cắt vào cánh tay, bàn tay trái để trên tay lái, trên mặt và ngực. Anh giơ ngón tay cho cảnh sát biết có 15 Việt cộng . Họ gật đầu vì từ trạm gác họ đã chứng kiến cuộc phục kích.

Vann vượt luôn 6 cây số đến Củ Chi với chiếc lốp xe nổ, hy vọng gặp được hai chiếc máy bay lên thẳng lượn trong vùng sáng nay. Cố vấn huyện phải nửa giờ mới báo động được với phi công lái; họ chẳng tìm thấy gì ở những chỗ phục kích. Vann kể lại cuộc phục kích với Hạnh và huyện trưởng rồi thay lốp đi cùng đoàn xe của họ về Bàu Trại. Bác sĩ của Quân lực Cộng hòa ở tổng hành dinh của tỉnh lấy ra hàng chục mảnh kính vỡ và bôi thuốc sát trùng cho Vann tiếp tục đi

Cuộc phục kích dĩ nhiên chẳng phải tình cờ. Ở Hậu Nghĩa, chỉ có một chiếc xe nhỏ màu vàng. Nụ cười và cách vẫy chào của người trước cuộc phục kích và việc những người khác bắn khi thấy chiếc xe chứng tỏ anh hoặc Ramsey là đích bắn. Anh nghĩ vì nhiệm vụ của anh và do ở Hậu Nghĩa đầy người đưa tin, du kích không khó khăn gì để biết những cuộc hẹn và con đường anh đi. Tuy không chứng minh được , anh nghi ngờ người thầu xây dựng hoặc huyện trưởng Củ Chi đã tổ chức cuộc phục kích vì anh làm ảnh hưởng đến nguồn lợi bất chính của họ. Vann chắc họ bán lậu những vật cần thiết cho Việt cộng hoặc nộp một tỷ lệ phần trăm để bảo đảm được họ che chở hoặc làm cả hai việc trên. Như vậy, họ dễ dàng đề nghị giết chết anh. Thực tế yêu cầu ấy là của người thầu. Vả lại sau này , anh ta chơi trò hai mang , làm chủ một tờ báo ở Sài Gòn và là nhà chính trị, năm 1965 anh ta có những tiếp xúc với Việt cộng ở Hậu Nghĩa tốt hơn huyện trưởng và dù sao cũng có nhiều lý do để muốn thủ tiêu anh. Hôm sau ngày có cuộc phục kích, Hạnh hủy bỏ hợp đồng cuối cùng với người thầu.

Vann không thay đổi thói quen đi lại nhưng anh cho sơn lại chiếc xe con chuyển sang màu xanh. Từ nay anh lái xe với một khẩu các bin đặt trên đùi và nhiều quả lựu đạn để ở ghế bên cạnh.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #149 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2008, 04:48:02 pm »

 Thắng lợi nhỏ trước cuộc phục kích của Việt cộng và đối với người thầu thúc đẩy Vann đưa ra chiến lược đã trao đổi với Ramsey, Bumgardner và Scotton , để phần lớn thời gian viết những báo cáo chính thức. Anh cũng được kích thích vì Henry Cabot Lodge sẽ sang lại làm đại sứ thay Maxwell Taylor, được Nhà Trắng thông báo ngày mồng 8 tháng Bảy. Anh rất mong Lodge, người anh có những đồng cảm cá nhân và chính trị.

Vann và ba người đồng chí hướng kia mong tìm được một giải pháp tốt hơn trong hoàn cảnh bạo lực ngày càng leo thang, không hy vọng có một lối thoát xây dựng. Phải mù quáng mới cho rằng tiếp tục không hạn định cuộc chiến tranh này là vì lợi ích của người Việt Nam . Một nước Việt Nam cộng sản thật đáng ghét nhưng triển vọng ấy còn ít tai hại hơn một cuộc chiến tranh kéo dài hành hạ những người nông dân.

Vann và Ramsey đặc biệt bị tác động vì một tai nạn xảy ra cuối tháng Tư, buổi chiều ngày đại đội biệt kích bị tiêu diệt ở So Đo. Một phụ nữ trẻ với hai đứa con và hai chị bạn cùng con họ, tất cả tám người chặt mía ở một cánh đồng cách So Đo một cây số rưỡi. Máy bay ném bom của Không lực Việt Nam và Mỹ bay trên vùng quanh đó cùng máy bay thám thính tìm kiếm Việt cộng biến đi từ lâu, thường là trường hợp sau một trận chiến thất bại của quân đội Sài Gòn . Hai chiếc bay trên cánh đồng mía. Để tỏ ra mình không phải Việt cộng , những người phụ nữ và con họ không bỏ chạy, tiếp tục chặt mía hy vọng chứng tỏ mình vô can. Bay vòng tiếp theo, những chiếc máy bay thả bom napalm; chỉ có người phụ nữ trẻ sống sót. Vann và Ramsey biết sự việc xảy ra khi hỏi chị này đang điều trị ở bệnh xá Bầu Trại. Đôi cánh tay cháy nghiêm trọng đến nỗi người ta phải cắt bỏ. Chị không bao giờ nhắm mắt được nữa vì không còn mí. Chị mang thai đã 8 tháng nhưng sẽ không bao giờ cho con bú được vì đầu vú đã bị cháy đen.

Dù nếu Vann và Ramsey cũng như Bumgardner va Scotton đi đến kết luận vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam thì cuộc chiến tranh cũng cần nhanh chóng chấm dứt. Và mặc dù chứng kiến hàng ngày những cảnh đổ máu, họ cũng không muốn Hoa Kỳ thôi theo đuổi cuộc chiến và bỏ mặc đất nước này cho số phận. Vừa quan tâm đến sự cần thiết làm giảm đau đớn, họ vừa tin chắc không có sự lựa chọn nào khác là hy sinh nông dân Việt Nam cho những chiến lược cấp thiết của Hoa Kỳ . Về điểm này, ít nhất họ cũng đồng tình với ý kiến của cấp trên của họ ở Washington. John McNaughton, nguyên giáo sư luật trường Havard, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách an ninh quốc tế và chuyên gia đối ngoại bên cạnh McNamara, đã tóm tắt quan điểm của Chính phủ trong tháng Ba. Giọng văn của nhà kỹ thuật cầm quyền này rất hợp mốt thời đại nêu lên những lý do xác minh việc gửi quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam “

70% - vì tránh một sự thất bại nhục nhã cho Hoa Kỳ ( để đảm bảo danh tiếng của chúng ta )

20% - để giữ lại đất đai miền Nam Việt Nam ( và những nước lân cận ) khỏi rơi vào tay đế quốc Trung Hoa.

10% - để nhân dân miền Nam Việt Nam sống tốt hơn và tự do hơn.

Hy sinh một dân tộc vì những lý do chiến lược thật đáng sợ khi người ta đứng trước những nạn nhân. Vann và các bạn anh nghĩ việc hiến sinh ấy thật vô sỉ nếu không đổi lại cho người Việt Nam một sự bù đắp tích cực. Họ cũng tin thật lòng rằng nếu nông dân Việt Nam thấy rõ người ta không kể gì đến lợi ích của họ, họ sẽ vĩnh viễn chẳng quan tâm đến lợi ích của những người Mỹ.

Tuần lễ thứ hai của tháng Tám, Vann viết báo cáo về dự án đầu tiên của anh. Ramsey, Bumgardner và Scotton tán thành, anh phân phối tài liệu cho những người khác để họ tham gia ý kiến. Những kết luận của nhiều đêm tranh cãi ở Bầu Trại và Sài Gòn được bổ sung vào bản viết cuối cùng 18 trang mà Vann đánh máy, ký tên một tháng sau đó, ngày 10 tháng Chín năm 1965. Tuy Vann không ghi tên các bạn anh là đồng tác giả, anh cũng không tìm cách gán cho mình việc làm này. Trong lời mở đầu , anh công bố đề nghị này của anh là kết quả góp sức của nhiều người có “ tầm rộng lớn về kinh nghiệm trong quá khứ và hiểu biết hiện tại “ cùng vì “ điểm chung là sự phối hợp với kinh nghiệm trên đất Việt Nam và niềm tin vào một chính phủ lãnh đạo tốt, không cộng sản và dân chủ còn có thể xây dựng ở đất nước này “.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM