Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:28:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh Hùng Lĩnh Nam - Quyển 1  (Đọc 125639 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #350 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:06:25 am »

– Đào hiền đệ cho Lữ bộ mai phục trên đường từ Hoa-bình về Độ-khẩu. Khi đánh Độ-khẩu tất quân Hoa-bình đổ về cứu. Ta cứ để cho chúng đi, chỉ cho một phần phục binh đánh cầm chân, phần kia tiến chiếm Hoa-bình. Để một số quân Hoa-bình chạy thoát và mở vòng vây để toán quân giặc tiếp cứu Độ-khẩu chạy được về Độ-khẩu, chúng sẽ làm binh lính ở đây rối lọan mất tinh thần.

– Cho hai Lữ bộ và kỵ tiến đánh Mễ-dịch, nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa chỉ huy cánh quân này. Khi bắt đầu đánh Mễ-dịch, nhớ bắn tên lửa làm hiệu để Đô-đốc Giao-long nữ thúc quân vượt sông đánh vào Hải đội địch. Giặc bị công phá bốn phía, thua chạy. Đào hiền đệ phải chuẩn bị trước phục binh chặn bắt hết, không để một tên tẩu thoát báo tin.

– Sau khi chiếm được Độ-khẩu, Hoa-bình và Mễ-dịch, Minh Giang sẽ đóng tại Độ-khẩu, Vĩnh-nhân. Còn Đào đệ thúc quân tiến đánh Đức-xương, Tây-xương, Việt-tây và Hán-nguyên. Đến Hán-nguyên, phải án binh tại chỗ, chờ bắt tay với đạo Kim-sơn rồi cùng đánh Thành-đô.

 Từ hồi xuất binh tới giờ, chư tướng chỉ thấy ba vị quân sư điều binh khiển tướng. Bây giờ mới thấy Nghiêm Son đích thân ban lệnh, kế hoạch chính xác, ngồi trong trướng mà định việc trăm dặm, Vương quả không hổ danh tướng trăm trận, trăm thắng, không phụ lòng Hán đế cho chỉ huy cả Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị và Mã Viện.

 Đợi các tướng được phân công ghi nhớ kỹ lệnh, đoạn Vương tiếp :

– Đạo thứ nhì do sư thúc Triệu Anh-Vũ và Đinh Công-Thắng chỉ huy tiến đánh Long-xương. Đường tiến quân của nhị vị sư thúc rất khó khăn, nhưng nếu đem được quân tới Long-xương là giặc kinh hồn, táng đởm rồi. Vậy hai vị ưu tiên chọn một Lữ bộ toàn quân khỏe mạnh, can đảm và kỷ luật. Dùng đoàn quân Thần-hầu của Hồ Đề leo núi, chăng dây trước hai vị lên theo dùng dây kéo người. Đầu tiên kéo hai, sau thành bốn rồi thành tám, cứ thế khi có 200 quân thì kéo xuống chân núi bố phòng, để quân còn lại tiếp tục vượt núi. Khi cả Lữ qua rồi thì để đội Thần-hầu thủ bên này Kim-sơn bảo đảm tiếp tế lương thực. Đợi đêm hãy vượt rừng đánh chiếm đồn nhỏ của địch trấn giữ chân núi Kim-sơn không cho một người chạy thoát, bắt chúng giao binh phù, hướng dẫn đường bất thần đánh Long-xương. Chiếm được Long-xương thì không còn gì đáng sợ nữa. Lúc đó nhị vị sư thúc cần liên hệ với Đào hiền đệ. Kể từ đây, mọi tiếp tế, bổ sung đều từ Hán-nguyên đưa đến.

– Sau khi hai đạo quân chiếm Hán-nguyên và Long-xương bắt tay được với nhau, chúng ta sẽ dồn hết 16 quân Bộ, 16 sư Kỵ Lĩnh-nam vào Ích-châu. Bấy giờ Chinh-viễn tướng quân cho binh tiến chiếm Thành-đô. Nhớ răn dặn tướng sĩ, không được giết hại người, không được cướp bóc. Cần phải đánh thật mau, trước khi Đặng Vũ tới.

 Sau cùng thông lệ chàng hỏi:

– Có ai thắc mắc gì không ?

 Giao-long nữ nói :

– Sau khi đánh Độ-khẩu, tiểu muội với đội Giao-long và đội của trang Cối-giang sẽ làm gì ?

 Nhờ nàng nhắc Nghiêm Sơn mới chợt nhớ ra :

– Trần đô-đốc điều khiển hai lực lượng này theo tướng quân Đào Kỳ đánh chiếm các đội thủy quân địch ở Hán-nguyên. Rồi góp thủy quân dọc sông Dân-giang lên đánh Thành-đô. Tiểu muội tổng chỉ huy thủy quân Lĩnh-nam.

 Giao-long nữ nghe vậy thích quá, gật gật đầu cười.

 Nghiêm Sơn đứng dậy, cung kính đưa ấn kiếm cho Nam-hải nữ hiệp :

– Thưa sư bá, sau đây cháu phải đi Kinh-châu cùng sư muội Phương-Dung xem xét tình hình. Việc điều khiển tất cả bá quan văn võ từ Lĩnh-nam cho tới Kinh-châu đều do sư bá thay cháu. Nhất là việc bảo đảm việc trấn thủ hậu quân cho Đào hiền đệ. Phụ giúp sư bá, có sư thúc Lương Hồng-Châu và sư muội Lê Ngọc-Trinh.

 Nam-hải nữ hiệp khảng khái nhận lời :

– Tôi xin nhận trách nhiệm này. Tôi có thắc mắc, khi Hồ Đề đi giúp Đặng Vũ có mang theo đội Thần-phong, Thần-ưng. Còn Vĩnh-Hoa mang theo đội Thần-báo, Thần-hổ. Ở đây đội Thần-hầu theo Triệu Anh-Vũ. Còn đội Thần-xà và Thần-ngao để làm gì ?

 Giao-long nữ khúc khích :

– Xin sư bá cho cháu đội Thần-xà để đánh hải đội của địch !

 Nghiêm Sơn đồng ý giao đội Thần-xà cho Giao-long nữ và tiếp :

– Đội Thần-ngao sẽ được chia đều cho ba đạo, để canh phòng, thám thính.

 Phương-Dung tiếp lời Nghiêm Sơn :

– Sau khi chiếm được Độ-khẩu, sư bá có thể cho dời tổng hành dinh đến đó theo Đào lang. Lúc trở về Lĩnh-Nam, chúng ta sẽ dùng sông Trường giang đổ ra Kinh-châu, rồi từ Kinh-châu về Giao-chỉ bằng đường biển. Nhất thiết các đồn trại của giặc chiếm được dọc đường, xin sư bá tự quyết đề cử tướng sĩ trấn nhậm. Các chức huyện lệnh, huyện úy vùng mới chiếm, Đào lang sẽ trình sư bá để quyết định. Chúng ta cần người tài đức để an dân. Biết và dùng người trên thế gian này khó ai bằng sư bá. Có điều bên Hán trọng nam khinh nữ, không như bên Lĩnh-nam ta. Vì vậy xin sư bá hiển lộng thần uy nếu cần để tướng sĩ phục tùng. Bởi họ chỉ phục sức vũ dũng mà thôi.

 Nam-hải nữ hiệp tủm tỉm cười :

– Nguyễn Trát sinh ra cháu quả là viên ngọc quí hiếm trên thế gian.

 Nghiêm Sơn thấy Lê Ngọc-Trinh mặt buồn rười rượi, chàng hỏi :

– Lê sư muội dường như có diều gì không được vui lòng ?

 Lê Ngọc-Trinh trả lời :

– Ai cũng ra trận được cả, chỉ mình tôi ngồi gác lương thực, chán quá !

 Nghiêm Sơn nói :

– Sư muội lầm rồi. Đại phàm đạo dùng binh, quan trọng ngất là bảo vệ lấy căn bản. Căn bản là hậu quân. Vì vậy ta phải nhờ hai vị có uy tín nhất là Nam-hải nữ hiệp và sư thúc của ta trấn giữ. Nếu để giặc chiếm mất hậu quân, chặn đường về, chúng ta chết hết. Sư muội là đệ tử Khất đại phu, giỏi trị bệnh, võ công cao cường, ta để ở với Nam-hải nữ hiệp bảo vệ sau lưng toàn quân, đó chức vụ quan trọng nhất.
Vốn tính hiền hòa, Lê Ngọc-Trinh đổi buồn làm vui, gật đầu mỉm cười.

 Sau đó mọi người giải tán, ai về lo nhiệm vụ nấy, chuẩn bị thi hành lệnh được giao phó.

 Bộ Anh hùng Lĩnh-Nam

 đến đây đã chấm dứt, xin xem tiếp bộ

 ĐỘNG ĐÌNH HỒ NGOẠI SỬ
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #351 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:07:28 am »

Hướng dẫn

 Các bộ lịch sử tiểu thuyết của Yên-tử cư sĩ được chia ra làm năm thời đại:

 1. Thời đại Lĩnh-Nam (39-43 sau Tây-lịch)
Thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 anh hùng, lập thành triều đại Lĩnh-Nam. Thời đại này chia làm ba giai đoạn.

 Giai đoạn 1. Anh-hùng Lĩnh-Nam

 v Về phương diện sử
Hình thành tinh thần, tức chủ đạo của người Việt sau một thời gian dài bị Bắc thuộc, hai bà Trưng cùng các anh hùng chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, 4 quyển, mang tên Anh-hùng Lĩnh-Nam. Gồm 40 hồi, mỗi quyển 10 hồi. Ôn lại tích xưa: Thuật lại sự tích thánh Gióng. Cuộc chiến giữa vua An-Dương và Triệu Đà, tích nẫy nỏ thần. Sự tích thánh Tản, thánh Chèm

 v Về phương diện văn hoá
Cách làm ám cá, luộc gà. Sự nghiệp âm nhạc của Trương Chi. Cách chữa bệnh suyễn, cảm, cúm bằng dược học.

 Giai đoạn 2. Động-đình hồ ngoại sử

 v Về phương diện sử

 Nối tiếp giai đoạn 1, Anh-hùng Lĩnh-Nam có hai khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ chiến, muốn khởi nghĩa quét giặc Hán khỏi đất nước gồm hai bà Trưng và ông Đặng Thi Sách. Một khuynh hương muốn hòa giải, hợp tác với Hán, gồm Trần Tự Sơn, Đào Kỳ, Hoàng Thiều Hoa, giúp Hán đánh Thục, rồi xin được trả độc lập. Khuynh hướng chủ hòa thắng thế. Anh-hùng Lĩnh-Nam kéo quân giúp Hán diệt Thục. Thục sắp bị diệt thì Hán trở mặt bắt giam thủ lĩnh người Việt. Anh-hùng Lĩnh-Nam bèn hợp tác với Thục, đánh chiếm Trung-quốc, chia ba thiên hạ thành thế chân vạc Hán, Thục, Lĩnh-Nam. Lãnh thổ Lĩnh-Nam Bắc tới hồ Động-đình. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi từ hồi 41 tới hồi 70, mang tên Động-đình hồ ngoại sử.

 v Về phương diện văn hoá

 Nghệ thuật làm chả cá, nghệ thuật làm thuốc Lào.

 Giai đoạn 3. Cẩm-khê di hận

 v Về phương diện sử

 Anh-hùng Lĩnh-Nam khởi nghĩa thành công, tôn Trưng Trắc lên làm vua. Vua Trưng cùng chư vị anh hùng kiến tạo thành triều đại Lĩnh-Nam. Triều đình Đông Hán Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí thống lĩnh 14 đại tướng, đem quân nghiêng nước quyết diệt Lĩnh-Nam. Cuộc ra quân từ tháng 7 năm 39 sau Tây-lịch. Cuộc kháng chiến vĩ đại kéo dài đến tháng 2 năm 43. Tổng cộng 43 tháng. Cuối cùng vì dân Lĩnh-Nam ít, bị Hán dùng số đông đè bẹp, vua Trưng bị nội phản, tuẫn quốc tại Cẩm-khê. Giai đoạn này gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 61 tới hồi 100, mang tên Cẩm-khê di hận.

 v Về phương diện văn hoá

 Rất phong phú: người Việt có văn tự là chữ Khoa-đẩu. Biết đúc trống đồng. Biết làm lịch không khác với lịch hiện đại (2001) làm bao. Triều đình soạn luật, soạn các sách v sử

 Lời khuyên của viện Pháp-á

 Quý độc giả nên đọc theo thứ tự: Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận. Có như vậy mới thấu hiểu hết chi tiết về thời đại này.

 2.Thời đại Tiêu-sơn (1010-1225)

 Thuật giai đoạn thịnh trị bậc nhất của tộc Việt. Tiêu-sơn là tên ngọn núi nhỏ, nơi kết phát ngôi mộ của tổ tiên họ Lý, do đó Lý Công-Uẩn được lên ngôi vua. Tiêu-sơn cũng là tên ngôi chùa mà thủa thơ ấu, vua Lý Thái-tổ đã tu học. Vì vậy cổ văn học còn gọi thời gian triều Lý cai trị là thời đại Tiêu-sơn. Thời đại Tiêu-sơn là thời đại thịnh trị của tộc Việt: Nam bình Chiêm mở mang bờ cõi. Bắc đánh Tống.

 Thời đại này chia làm 5 giai đoạn chính:

 Giai đoạn 1. Anh hùng Tiêu-sơn

 v Về phương diện sử

 Thuật, bằng cách nào mà các Thiền-sư đã giáo huấn, rồi đưa một đệ tử tên Lý Công-Uẩn lên làm vua, tức vua Lý Thái-tổ. Hào kiệt hồi đó làm cách nào để có thể giảng hòa những tranh chấp quyền lực trong nước. Những người này là Anh-hùng Tiêu-sơn. Mặc dù phía Bắc, Tống luôn tìm cách tạo ra nhửng mâu thuẫn trong nội bộ Đại-Việt. Giai đoạn này gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi 1 đến hồi 30, mang tên Anh-hùng Tiêu-sơn. Anh-hùng Tiêu-sơn thiết lập kế hoạch đòi lại lãnh thổ tộc Việt cũ lên tới hồ Động-đình. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhất, nhưng có tính cách cục bộ. Đánh Chiêm lần thứ nhất (1020). Mượn lời các nhân vật, tác giả thuật lại cuộc khởi binh của bà Triệu, của Bố-cái đại vương.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #352 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:08:32 am »

 v Về phương diện văn hoá

Lịch sử Thiền-tông Đại-Việt. Biện biệt sự khác nhau của Thiền-Hoa, ThiềnViệt. Thuật xuất hồn. Hành trạng các Thiền-sư đắc pháp thành Bồ-tát yêu nước chủ trương đem đạo pháp giúp dân tộc như La Quý-An, Vô-Ngại, Bố-Đại, Sùng-Phạm, Vạn-Hạnh, Minh-Không. Giải thích về Sấm ký. Giải thích thuật đoán giải mộng. Phương cách tế thời Lý. Thập đại danh hoa, thập đại danh hồng. Thuật nấu bún riêu. Phương thuốc kịch độc dùng luyện Chu-sa ngũ độc chưởng.

 Giai đoạn 2. Thuận-thiên di sử.

 v Về phương diện sử
Nối tiếp giai đoạn 1. Lý Công-Uẩn lên làm vua lấy hiệu là Thuận-thiên. Thuận-thiên hoàng đế (sau khi băng được tôn là Thái-tổ, sử gọi là vua Lý Thái-tổ). Bộ thứ nhì của thời đại Tiêu-sơn này mang tên Thuận-thiên di sử, gồm 3 quyển, 30 hồi, từ hồi thứ 31 đến hồi thứ 60. Các Anh-hùng Tiêu-sơn giúp Thuận-thiên hoàng đế chống với cuộc chiến tranh lạnh của Tống, tiêu diệt một tôn giáo ngoại nhập, đã gây ra những cuộc chém giết khủng khiếp, nhất là mưu dâng nước cho Tống. Quân Việt vượt biên đánh Tống lần thứ nhì. Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết với những nước thuộc tộc Việt cũ: Xiêm, Đại-lý, Lưỡng-quảng... trong mưu đồ đòi lại cố thổ.

 v Về phương diện văn hoá

 Ý nghĩa thập đại phong lan. Phong thủy Thăng-long. Cách làm chả cá. Giải thích Thập mục ngưu đồ trong Thiền-tông. Lịch sử Sex, Nga-sơn khoái lạc. Dùng phụ nữ trẻ làm Cây-thuốc để trường thọ. Hành trạng Đào Hà-Thanh, tổ sư Hát-nói hay Ca-trù hay hát Ả-đào.

 Giai đoạn 3. Anh hùng Bắc-cương

 v Về phương diện sử

 Nối tiếp giai đoạn 2, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi thứ 61 đến hồi thứ 100, mang tên Anh-hùng Bắc-cương. Bắt đầu đi vào giai đoạn hùng tráng. Nguyên giữa biên giới Hoa-Việt có 207 bộ tộc ít người, gồm các giống Thái, Nùng, Mèo, Lô-lô v.v. đó là di tích của chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng còn sót lại, sử gọi họ là Anh-hùng Bắc-cương. Vì theo chế độ cha truyền con nối, nên các động trưởng, trang trưởng có nhiều quyền hành. Các trang động này như hàng rào bảo vệ Đại-Việt. Khi quân Trung-quốc muốn đánh Đại-Việt, thì phải chiếm được các trang động này trước. Khi chiếm được các trang động này, thì dễ dàng chiếm vùng đồng bằng, đe dọa thủ đô Thăng-long. Vì triều Tống, khi thì đe dọa, khi thì lôi kéo, đem chức tước ra dụ dỗ các động trưởng, châu trưởng về với họ. Nhưng các trang động này cùng Anh-hùng Tiêu-sơn liên kết, lúc nào cũng trung thành với Đại-Việt. Cuộc chiến tranh lạnh diễn ra như thế nào?

 v Về phương diện văn hoá

 Phương pháp nấu rượu cúc, rượu tăm, rượu tắc kè.

 Giai đoạn 4. Anh linh thần võ tộc Việt

 v Về phương diện sử

 Nối tiếp giai đoạn 3, gồm 4 quyển, 40 hồi từ hồi 101 đến hồi 140, mang tên Anh-linh thần võ tộc Việt. Đây là giai đoạn hùng tráng của tộc Việt. Tám vùng tộc Việt liên kết nhau đánh Tống lần thứ 3, giúp Nùng Trí Cao khởi binh, chiếm lại vùng Lưỡng-Quảng, lên tới Trường-sa, hồ Động-đình. Nùng Trí Cao xưng là Nhân-huệ hoàng đế, lập ra nước Đai-Nam.

 v Về phương diện văn hoá

 Tổ chức binh bị hồi đó khiến Tống phải học theo. Y học tiến tới chỗ cực thịnh.

 Lời khuyên của viện Pháp-á,

 Quý độc giả nên đọc theo thứ tự từ hồi thứ 1 đến hồi thứ 140, tức đọc Anh-hùng Tiêu-sơn rồi tới Thuận-thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương. Cuối cùng là Anh-linh thần võ tộc Việt.

 Giai đoạn 5: Nam-quốc sơn hà

 v Về phương diện sử

 Đây là giai đoạn cực kỳ hùng tráng của tộc Việt. Bấy giờ vua Tống Thần-tông dùng những cải cách về thuế khóa, canh nông, binh bị của Vương An-Thạch. Trung-quốc trở thành giầu có súc tích. Vua Tống chuẩn bị đem quân đánh chiếm Đại-Việt, đặt thành quận, huyện. Bên Việt bấy giờ vua Lý Nhân-tông mới 9 tuổi, Linh-Nhân hoàng thái hậu phụ chính. Ngài thấy rằng ngồi yên đợi giặc sao bằng tìm giặc mà đánh. Ngài sai Trung-thành vương Lý Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Lý Chiêu-Văn, cùng Lý Thường-Kiệt, Tôn Đản đem quân đánh phá các kho tàng của Tống ở Hoa-Nam và chiếm các châu Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch rồi rút về. Tống đem quân nghiênh nước sang trả thù, nhưng bị quân Việt đánh bại. Bộ này mang tên Nam-quốc sơn hà, dài 50 hồi, 5 quyển, 2260 trang. Bộ này có thể đọc độc lập, không cần phải đọc trước 4 bộ trên.

 v Về phương diện văn hoá

 Rất đa dạng.

 Trong trận đánh Ung-châu các anh hùng đã biến chế nỏ thần, pháo thăng thiên thành Lôi-tiễn, giống như đại bác ngày nay. Đây là tiền thân của thần công. Sau này người Trung-quốc học được của người Việt, rồi chế thành pháo binh cho Mông-cổ. Mông-cổ đánh châu Âu mang Lôi-tiễn sang, sau này người Đức chế thành hỏa tiễn V1-V2, và ngày nay thành phi đạn, thành phi thuyền.
Cải cách về nông nghiệp, thuế khóa, y học rực rỡ vô cùng.

 3. Thời đại Đông-A.

 Trong Hán tự, chữ Đông với chữ A ghép lại thành chữ Trần. Vì vậy sử gọi thời gian Trần triều cai trị là thời
kỳ Đông-a. Thời đại Đông-a chia làm 2 giai đoạn.

 Giai đoạn 1. Anh hùng Đông-a dựng cờ bình Mông,

 Việc thành lập Triều Trần, đánh Mông-cổ lần thứ nhất, mang tên Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình Mông.

 Gồm 5 quyển, 50 hồi, 2566 trang.

 Giai đoạn 2. Anh hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử

 Đánh Mông-cổ lần thứ 2 và 3. Mang tên Anh-hùng Đông-a gươm thiêng Hàm-tử, gồm 5 quyển, khoảng 2500 trang, chưa xuất bản.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #353 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:10:32 am »

PHỤ BẢN
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #354 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:11:46 am »

 Những di tích lịch sử về vùng Mê-Linh hiện còn

 I. Vị trí thủ đô Mê-linh,

 Vị trí của thủ đô Mê-linh thời Lĩnh Nam, ngày nay bao gồm khu tam giác ba huyện Lương-sơn, Quốc -oai, Thạch-thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Hay nằm trong khu vực bao gồm bởi :

– Phía Tây là sông Đà, bao bọc hai hòn núi Ba Vì (1281 m), Vua Bà (1031 m)

– Phía Bắc do sông Thao, sông Lô đổ vào sông Hát.

– Phía Đông bao bọc bởi sông Đáy.

– Phía Nam thuộc vùng Chương-mỹ.
 
 II. Di tích thờ kính anh hùng thời Lĩnh Nam quanh Mê linh.

 Di tích mà chúng tôi tìm được quanh vùng Mê-linh, cho đến nay (1988), còn tất cả 45 đền thờ anh hùng thời Lĩnh-Nam. Đa số thờ các vị tuẫn tiết trong trận đánh Cẩm Khê. Dưới đây liệt kê những đền thờ, miếu chính, theo số thứ tự. Con số trong ngoặc cuối dòng để chỉ số anh hùng :

 1. Phạm Thông, Phạm Như. Tướng thuộc quyền Tương-liệt đại vương Nguyễn Thành-Công, tử chiến thành Mê-Linh. (2 vị)

 2. Vũ Trinh-Thục, Công-chúa Bát-Nàn, phụ trách toàn bộ hệ thống Tế-tác ngày nay là Tình-báo quốc gia. Nếu vào thời Việt-Nam Cộng-hòa thì bao gồm Tổng-nha Cảnh-sát, Phòng-nhì bộ Tổng-tham-mưu, Phủ đặc ủy Trung-ương tình-báo. Nếu ở Hoa-kỳ thì bao gồm cả CIA lẫn FBI. Nếu tại Việt-Nam hiện thời thì gồm bộ Công-an, Cục Quân-báo. (3)

 3. Chu Chiêu-Trung, Chu Đỗâ-Lý. Đệ tử anh hùng Chu Bá, tuẫn quốc sau vua Trưng, khi Mã Viện tiến đánh Cửu-chân .(5)

 4. Ba chị em Chiêu Nương: Chiêu Anh Nương, Chiêu Hoa Nương, Chiêu Tiên Nương. Trong đội hộ giá vua Trưng. Tử chiến trận Mê-linh. (Cool

 5. Ba anh em họ Cao. Cao Chiêu Hựu, Cao Đà, Cao Nguyệt Nương, trong đội quân Tây Vu . Tuẫn quốc trận Nam-hải. (11)

 6. Nguyễn Nga. Tuẫn quốc trận Hành Sơn. (12)

 7. Phùng Vĩnh-Hoa. Một trong 12 nữ đại công thần thời Lĩnh-Nam. Đại bác học thời Lĩnh-Nam. Ngài được phong tước Công-chúa Nguyệt Đức, lĩnh Tư-đồ triều đình Lĩnh Nam). (13)

 8. Chu Tước. Tướng chỉ huy đội Thị-vệ. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (14)

 9. Sáu mẹ con Ngọc Ba. Không rõ họ. Mẹ tên Ngọc Ba. Năm con gồm hai gái Ngọc Bích, Ngọc Hồng. Ba trai Minh Thiên, Minh Nhân, Minh Đức. Tất cả tuẫn quốc trận Cẩm-khê. (20)

 10. Ba tướng họ Đặng: Đại, Trung, Thiếu. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. Cả ba đều là tướng chỉ huy đội tiễn thủ. (23)

 11. Ông Cai, không rõ họ, chức tước. Tuẫn quốc trận Lãng-bạc. (24)

 12. Nhất Trung A, Nhị Trung A. Thuộc đạo quân Tây-vu. Tuẫn quốc trận Hành Sơn. (26)

 13. Lý Minh. Tướng kị binh. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (27)

 14. Đao Khang. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (28)

 15. Ả-Lã. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (29)

 16. Sa-Lãng. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê.(30)

 17. Chu Hải-Diệu. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Nam Hải . (31)

 18. Lôi-Chân. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn-quốc trận Hành-sơn. (32)

 19. Nguyễn An, Ngự-trù của vua Trưng. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (33)

 20. Hoàng Đào, Tướng chỉ huy đội Thi-vệ. Tuẫn quốc trận Lãng Bạc. (34)

 21. Ả Tự, Ả-Huyền, Thương-Cát. Tướng thuộc đạo binh Tây-vu. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (37)

 22. Đỗ Năng Tế, Tạ Thị Cẩn, Không giữ chức vụ gì, được tôn là Quốc-sư. Đền thờ hai ngài tại thôn Mỹ– giang, xã Tam-hiệp, huyện Quốc-oai ngoại thành Hà Nội. Hai ông bà được thờ chung. Ông bà là thầy dạy của vua Trưng và Trưng Nhị. Tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (39).

 23. Phùng Thị Chính. Tướng phó thống lĩnh Tế-tác (Tình báo quốc gia)). Tuẫn quốc trận Nam Hải. (40)

 24. Man-Thiên, Man-Đà. Người phụ trách giữ đền nói Man-Thiên là sinh mẫu vua Trưng. Man Đà là cậu vua Trưng. Cả hai cùng tuẫn quốc trận Cẩm Khê. (42)).

 III. Những hiện vật thời Lĩnh Nam quanh vùng Mê Linh.

 Quanh Mê-linh, cho đến năm 1980 còn tìm được rất nhiều di vật thời Lĩnh-Nam. Một trong những loại di
vật chính là trống đồng. Các nhà khảo cổ Việt Nam thường nhắc đến trống Đồng.

 1. Trống đồng,

 Nhiều giả thuyết cho rằng trống đồng được chế vào thời Hùng-vương. Giả thiết này tương đối vững, tin
được. Vì khi dùng quang tuyến xác định niên đại đã chứng minh rõ ràng điều đó.

 Trong khi tìm kiếm tài liệu về Anh Hùng Lĩnh Nam, chúng tôi đã thấy nói đến trống Đồng rải rác ở khắp các
cuốn phổ.

 Huyền thoại nói rằng phò mã Sơn Tinh dâng nhiều lễ vật lên vua Hùng, cầu hôn với công chúa Mỵ Nương. Trống đồng đó trước 1945 còn để tại hang Địch-lộng, vùng Ninh-bình. Hồi 1945, thuật gia đã viếng thăm, được thấy trống này. Không biết nay có còn không ?

 Huyền thoại nói rằng trong trận đánh giữa Phù Đổng Thiên vương với giặc Ân, " trống đồng hơn trăm
chiếc, đánh rung động cả Sài Sơn".

 An Tiêm từ đảo trở về, vua Hùng truyền đánh trống đồng đón rước. Đấy là trống được nhắc đến trong thời vua Hùng. Thời vua An Dương vương trống đồng cũng xuất hiện : Trận đánh giữa Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung với Đồ Thư tại vùng núi Đông-triều ngày nay : " rống đồng đánh vang dội, quân Tần khiếp vía".
Đến thời Lĩnh Nam, sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng bàn với Công-chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh Hoa về việc đúc trống đồng. Công chúa hội ý với Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, rồi truyền đúc 6 loại trống khác nhau, tướng trấn thủ sáu vùng là Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Tượng Quận, Quế Lâm, Nam Hải. Tây-vu lục tướng được đề cử đúc trống. Các ông đề nghị khắc hình chim. Công chúa Gia-hưng (Trần Quốc) đề nghị thêm hình thuyền với người chèo đò, cuối cùng hoa văn trên trống được đưa ra triều nghị. Trống đồng được dùng trong quân, trong lễ nghi thời ấy.

 Năm 1923 tìm thấy trống đồng trong vùng Mê linh, gọi là trống Sơn Tây.

 Năm 1932 tìm thấy gần chùa Tùng-lâm, thuộc xã Mỹ -lương, huyện Chương-mỹ, 5 cây số Bắc Miếu-môn một trống đặt tên là Tùng-lâm (I). Gần đây, năm 1959 tìm thấy một trống nữa đặt tên là trống Tùng-lâm (II).
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #355 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 01:13:13 am »

 Năm 1959, tìm thấy trống lớn ở xã An-tiên huyện Mỹ -đức gần chùa Hương-tích.

 Năm 1961 tìm thấy ở Thượng-lâm một trống, đặt tên là trống Miếu-môn (I).

 Năm 1966 đã tìm thấy một trống ở đồi Ro, xã Long– sơn, huyện Lương-sơn, phía Tây Nam chợ Bến 5 cây số. Đặt tên là trống đồi Ro.

 Năm 1973, tìm thấy ở cánh đồng Vọng-châu, xã Phú– lương, huyện Quảng-oai, nay là huyện Ba-vì, gần đê sông Hồng, 2 trống đặt tên là Phú-lương (I-II).

 Năm 1975 tìm thấy trống Đồng bên bờ trái sông Côn (3 cây số tây bắc huyện lỵ Thạch Thất) một trống nữa, mang tên trống Thạch Thất.

 Năm 1976 lại tìm thấy một trống lớn cạnh đền thờ công chúa Nguyệt Đức Phùng Vĩnh Hoa gọi là trống Miếu Môn (II). Tương truyền đây là trống lệnh của vua Trưng ban cho Công chúa Nguyệt Đức, khi bà lĩnh chức tổng trấn Tượng-quận, đem quân đánh nhau với Ngô Hán, Vương Bá.

 Chúng tôi hiện giữ hai trống đồng tại Paris. Một do vua Trưng ban cho Công chúa Gia Hưng Trần Quốc, khi bà nhận lệnh đem thủy quân đánh lên vùng Bắc Nam Hải (Ngày nay ngang với Hương Cảng). Trận này bà giết chết đại đô đốc Hán là Đoàn Chí. Một do vua Trưng ban cho Bình Ngô đại tướng quân, Công chúa Thánh Thiên, làm trống lệnh, tổng trấn Nam Hải (Quảng Đông ngày nay).

 2. Hiện vật, chiến cụ,

 Thời Pháp thuộc cũng như sau này, trong vùng Mê-linh và phụ cận, các toán khảo cổ đã đào được rất nhiều búa, rìu, lao, mác, là vũ khí chế tạo thời vua Trưng, chôn cất, còn lại.

– Năm 1924, toán nghiên cứu địa dư Đông Dương đào được tại Quảng-oai một hố. Trong hố có 43 cái rìu,
12 cây giáo, 2 cây kiếm. Hiện vật này được đem về Pháp.

– Năm 1925, toán tìm kiếm mỏ của người Pháp, đào được một hầm chứa 5 cây đao, 7 cây búa, 12 cây giáo. Hầu hết đều mục nát. Nơi tìm thấy là xã Hà-hiệp, huyện Quốc-oai.

– Tháng 6 năm 1979, tại xã Hà-bằng, đã đào được một hầm ở độ sâu 0,50-0,70 cm 44 chiếc rìu, một chiếc giáo.

 Việc tìm thấy trống đồng, vũ khí quanh Mê-Linh là truyện rất thường. Song các tỷ dụ trên, cho thấy đó là nơi chôn cất tập thể, có tính chất cất giấu, chứng tỏ xưa kia, đây là bãi chiến trường thời vua Trưng.

 IV. Vị trí của đất Mê Linh trong sách sử cổ.

 Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc-sử quan triều Nguyễn, khi chú thích về địa danh Cẩm-khê đã dẫn sách Thủy kinh chú của Dịch Đạo Nguyên như sau :

 "Theo sách Việt Chí, Cẩm-khê là Kim-khê ở phía Tây Nam huyện lỵ Mê-linh".

 Vị trí của thành Mê linh ở trung tâm Cổ-lỗi trang. Về thành Mê-linh Cao Hùng Trưng ghi trong An Nam chí vào giữa thế kỷ 17. Sách Đại nam nhất thống chí của Quốc-sử quán triều Nguyễn dẫn sách Cao Hùng
Trưng như sau :

 "Thành cổ Mê Linh, theo An Nam chí thì Mê Linh ở phía tây phủ Giao Châu. Thời thuộc Hán là huyện của quận Giao Chỉ. Nhà hậu Hán vẫn theo như trước. Giữa thời Kiến Vũ, hai bà Trưng đóng đô ở đây".

 "Thành cổ Phong Châu, theo An Nam chí chép : Ở phía tây bắc phủ Giao Chỉ, tức đất Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ đời Hán".

 "Thành cổ Bình Đào, theo An Nam chí thì thành cổ Bình Đào ở phía tây bắc phủ Giao Châu, tức thuộc huyện Yên Lãng bây giờ..."

 Sau khi thành đại nghiệp, vua Trưng cho xây thành Mê Linh , cùng cung điện. Các cung điện mà lịch sử còn ghi được gồm :

– Điện Kinh Dương, nơi vua thiết đãi triều, tiếp các Lạc vương, Lạc công. Trong điện có vẽ hình nguồn gốc phát tích của Quốc Tổ Hùng Vương : Vua Đế Minh kết hôn với Tiên nữ ở hồ Động Đình. vua Đế Minh tế cáo trời đất, phong cho con thứ là Lộc Tục làm vua Lĩnh Nam. Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ đẻ ra trăm trứng. Sự tích An Tiêm làm lịch. Sự tích Phù Đổng Thiên Vương. Sự tích vua An Dương. Sự tích Vạn tín hầu Lý Thân xây thành Cổ Loa. Sự tích Trung tín hầu Vũ bảo Trung giết Đồ Thư. Sự tích Cao cảnh hầu chế nãy nỏ thần.

– Cung Âu Cơ, nơi vua Trưng ở.

– Điện Minh Đức, nơi vua Trưng làm việc hàng ngày cùng với Tam công, Tể tướng và Lục bộ.

– Phủ Lạc Long, nơi vua thiết tiêu triều.

– Phủ Thiên Vương, nơi vua Trưng luyện võ cùng với triều thần.

– Phủ An Tiêm, nơi nghiên cứu Thiên văn, Lịch số, chép sử.

 Tục lệ do Quốc Tổ Hùng Vương để lại, là tổ chức lễ tế trời đất gọi là lễ Nam Giao. Ý nghĩa rằng : nhà vua thay trời đất cai trị muôn dân. Lễ Nam Giao trên một nền đất gọi là đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành. Di tích của thời Lĩnh Nam là chỗ dân Nam Giao xưa, nay thành xã Nam Giao thuộc tổng Hòa Lạc, tức xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.

 V. Kết luận,

 Kết lại, thủ đô Mê Linh thời Lĩnh Nam hiện vẫn còn đầy đủ di tích. Nào đền thờ các anh hùng tuẫn quốc, nào các hố chôn vũ khí, nào trống đồng, nào dàn Nam Giao. Hồi 1952, thuật gia đã được viếng cố đô Mê Linh, lặn lội khắp vùng. Bấy giờ mới 13 tuổi. Mãi tới năm 1990 mới được trở lại nghiên cứu chi tiết.
Đến nay (1990) sau 1948 năm, trải không biết bao nhiêu lớp sóng phế hưng, mưa nắng, nhưng cố đô vẫn không bị mai một. Dân chúng vẫn thờ kính, tưởng nhớ công đức chư vị anh hùng.

 Tôi đã tổ chức một cuộc du lịch Việt-Nam cho những người yêu văn hóa lịch sử tộc Việt. Đoàn gồm 36 người, chia ra: Việt 9, Pháp 20, Đức 3, Anh 2, Hòa-lan 1, Bỉ 1. Chi phí rất rẻ, vì chúng tôi chia phí tổn đồng đều. Tôi làm hướng dẫn viên (Nhưng cũng trả tiền như mọi người). Đoàn đã viếng thăm 10 kinh đô tộc Việt:

 1. Phong-châu thời vua Hùng.

 2. Cổ-loa thời vua An-Dương.

 3. Mê-linh thời Lĩnh-Nam.

 4. Vạn-xuân thời Tiền Lý.

 5. Trường-yên thời Đinh, Tiền Lê.

 6. Thăng-long thời Lý, Trần, Lê.

 7. Tây-đô (Thanh-hóa) thời nhuận Hồ.

 8. Đồ-bàn, Chiêm-quốc.

 9. Thần-kinh (Huế) thời Nguyễn.

 10. Sài-gòn, thời Việt-Nam Cộng-Hòa.

 Không biết do tôi thuyết trình hay do hoàn cảnh lịch sử, mà thính giả tỏ ra cực kỳ xúc động khi viếng Mê-linh và Cổ-loa. Chính tôi cũng cực kỳ rung động khi thuyết trình. Nếu các cơ sở du lịch của người Việt tại hải ngoại đọc được những dòng này, mà tổ chức hành hương 10 cố đô của tộc Việt, thực là vừa nhắc nhở du khách nhớ đến những thời oanh liệt của tổ tiên ta, vừa thu được nhiều... tiền. Mong lắm.

 Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

 HẾT QUYỂN 1 - Anh Hùng Lĩnh Nam!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM