Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 02:25:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Không thể chuộc lỗi  (Đọc 51774 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #60 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:47:15 pm »

Chương 14 (tiếp)

Rồi họ ra đi. Tôi đã không ý thức đầy đủ về những gì đã diễn ra vào thời điểm đó. Sau này nhìn lại, tôi đoan chắc là mình đã bị một đơn vị thuộc chiến dịch Phượng Hoàng của CIA theo dõi. Có lẽ họ nghe nói về cảnh tượng ở bệnh viện cùng phản ứng của tôi. Có lẽ tôi đã bị đánh giá là nguy hiểm, cho dù tôi từng là một quân nhân Thủy quân lục chiến và là một bác sĩ đang làm nhiệm vụ nhân đạo ở vùng chiến sự. Giờ đây, tôi tin là mình đã từng là mục tiêu của cái mà CIA gọi là “hoạt động phản gián”. Năm 1988, quyển Sổ tay CIA đã định nghĩa hoạt động phản gián là “dùng mánh khóe để điều khiển, lừa gạt và kiềm chế những cá nhân, nhóm người, những tổ chức hướng tới hoặc bị nghi ngờ hướng tới những hoạt động gián điệp, và họ phải bị triệt phá hoặc bị làm mất tác dụng những hoạt động như thế”.
     Dĩ nhiên là sự nghi ngờ trong tôi tăng lên. Sau cuộc viếng thăm của hai kẻ lạ mặt cùng với lời cảnh báo úp mở là “hãy giữ mồm giữ miệng”, tôi tin chắc là mình đang bị theo dõi. Tôi biết tổng hành dinh của CIA chỉ nằm cách bệnh viện mấy khu nhà nên tôi bắt đầu chắp nối tất cả sự việc lại với nhau và nhìn sự việc với cái nhìn tổng thể hơn.
     Như một hành động tự vệ nhằm bảo toàn tính mạng, tôi ngưng ngay việc kể về vụ thảm sát những em bé với bất cứ ai. Tôi không báo câu chuyện cho vị tu sĩ Thiên Chúa giáo thường viếng thăm bệnh viện, cũng không nói với những quân nhân Thủy quân lục chiến thân cận, với các y tá Hải quân luân phiên phục vụ tại bệnh viện và ngay cả với Nguyễn, người thông dịch viên trung thành của tôi.
     Phát biểu của cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam Christopher Kane, bệnh nhân PTSD của bác sĩ Hassan.
     “Ý nghĩ đầu tiên khi tỉnh dậy vào mỗi buổi sáng là mình đang ở Việt Nam. Trong thời gian phục vụ tại Tiểu đoàn quân báo 519, tôi đã từng lâm vào tình thế hiểm nguy của 4 vụ đánh bom khủng bố, 2 vụ pháo kích, 1 vụ tấn công bằng hỏa tiễn, 2 vụ quân nhân bắn lẫn nhau, một số tai nạn giao thông và 1 vụ nổi loạn nho nhỏ.
     Tôi nhận lệnh ‘xác định bất cứ văn kiện nào tiết lộ vị trí địa lý của tất cả cán bộ Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt Nam, các bệnh viện và các điểm phát thuốc’. Khi tôi phản đối lệnh này vì nó vi phạm công ước Geneve và điều lệnh quân đội, viên trung sĩ vẫn thản nhiên. Nhưng khi tôi nói: “Nếu chúng ta thi hành lệnh này thì chúng ta chẳng hơn gì lũ tội phạm chiến tranh Đức quốc xã”, anh ta đổi ngay thái độ rồi cùng tôi đi gặp viên thiếu tá. Vụ việc đã làm thay đổi thái độ của viên thiếu tá. Khi ông ta gọi điện cho vị tướng hai sao thì sự việc lại rơi vào những “lỗ tai điếc”. Câu trả lời của vị tướng là: ‘Tôi gửi lệnh này theo hệ thống quân giai và người đầu tiên từ chối thi hành lệnh sẽ được gửi đi nhà tù Long Bình".
     Buổi tối, khi đi ngủ và biết rằng một vài đồng loại của mình đang tìm cách sát hại mình trước khi trời sáng thì thật là kinh sợ. Biết rằng mình cùng đồng đội sẽ làm việc cật lực ngày hôm sau để “cung cấp” những người bị giết theo kiểu “hiệu quả nhất, năng suất cao nhất” cũng kinh tởm như thế. Tôi xử lý những tài liệu đoạt được từ đối phương như là một phần nhiệm vụ của mình (Phân tích tình báo 96B20A). Những tài liệu này thường thu thập được từ trong túi quần áo của các tử thi nên thường bị thấm đẫm máu. Khi tôi nhận tài liệu thì máu đã khô. Khi viết lại điều đó trong những dòng chữ này, cái mùi vị ấy như trở lại với tôi.
     Tôi cũng giúp những người trong chiến dịch Phượng Hoàng CIA tìm tòi tài liệu. Thỉnh thoảng họ lại huyênh hoang, khoác lác, biến cơ quan tình báo quân đội Mỹ thành một dàn đồng ca nam. Sự thật về việc họ thỉnh thoảng đã sát hại người Mỹ nay vẫn bị chính phủ chúng ta từ chối và xem là tài liệu mật. Lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên 19 tuổi, thật quá xuẩn ngốc khi nghĩ rằng mình có thể bảo họ hãy ngậm miệng lại. Sau này ở Đà Nẵng, tôi đã biết được tường tận về những gì người Mỹ làm và tại sao họ phải làm như thế. Khi tôi kể chuyện cho những thường dân Mỹ (ngày nay) về những gã này, họ nói là không tin tôi, và rồi họ xa lánh tôi như thể xa lánh dịch bệnh”.
     Bị ám ảnh nặng nề với cảm giác nhất cử nhất động của mình đều bị CIA theo dõi và sẵn sàng trừ khử, tôi trở nên kinh sợ và cảnh giác quá mức. Tôi e rằng nếu như mình nói về những hành động tàn nhẫn mà mình đã chứng kiến vài ngày trước đây thì tôi sẽ dễ dàng bị dẫn đến một nơi hẻo lánh nào đó và bị bắn vào sau sọ theo kiểu bị hành hình giống như trường hợp các cháu bé đã bị sát hại.
     Một trong những quân nhân có nhiều huy chương nhất trong lịch sử quân đội Mỹ là đại tá David Hackworth, người từng phục vụ 4 năm ở Việt Nam. Vì chán ngấy chiến lược cùng những tổn thất nặng nề của Mỹ nên đại tá David Hackworth đã chống đối và công khai trước các phương tiện truyền thông đại chúng về những thất vọng này. Sự kiện này khiến ông trở thành “người không được chấp thuận” (persona non grata) trong quân đội Mỹ.
     Trong tự truyện About Face, đại tá Hackworth kể lại một sự cố khiến ông giật thót mình trong ngày rời Việt Nam. Hôm ấy, khi kiểm tra xe cộ như thường lệ, ông phát hiện một quả lựu đạn đặt ngay bên dưới ghế ngồi phía trước của chiếc Jeep. Chốt cài lựu đạn đã được tháo ra. Quả lựu đạn được chêm và chỉ cần xe nhún lên nhún xuống ở mức nhẹ nhất là nó sẽ phát nổ ngay lập tức. Ông đã may mắn. Những sự cố kiểu này – người sĩ quan bị ngay chính “người của mình” sát hại như thế – không phải là điều hiếm thấy trong “thế giới ác mộng” ở Việt Nam. Và đại tá Hackworth đã viết là sự vượt quá giới hạn của CIA ở các nước thuộc thế giới thứ ba sau Thế chiến thứ II đã “cạnh tranh” được với những gì mà Đức quốc xã đã làm vào thời điểm cực thịnh của họ.
     Những lời hăm dọa, cảnh cáo đó ám ảnh tâm trí tôi hàng ngày. Cả ngày lẫn đêm, tâm trí tôi suy đoán liên tục về những tay sát thủ trẻ em một cách tàn bạo ấy. Ở Việt Nam, tôi đã có kinh nghiệm là mọi việc thường không giống như những gì ta trông thấy. Tôi tự hỏi, sự thật về những hành động tàn bạo này là gì? Ai thật sự dính líu vào những vụ này? Có phải đúng là một nhóm quân nhân Mỹ đã nổi điên với thú tính khát máu? Hay đó là một trò nham hiểm của Việt Cộng? Hoặc là do quân đội Nam Việt Nam đạo diễn? Hay đó là kết quả một âm mưu độc ác của CIA, phơi bày ra tại bệnh viện của tôi và bằng cách nào đó làm cho tôi dính líu vào?
     Tôi đã suy nghĩ về những biến cố đó trong nhiều năm trời. Tôi vẫn chưa biết được chắc chắn là ai đã tiến hành những hành động tàn bạo đáng tởm mà tôi đã chứng kiến hậu quả ở bệnh viện tỉnh Quảng Trị vào buổi chiều tháng Năm ấy. Những dòng chữ trên dải băng đính trên tay các cháu bé rõ ràng cung cấp chứng cứ rằng chính Thủy quân lục chiến đã trực tiếp liên quan đến vụ sát hại, và tôi đã từng nghi ngờ rằng, thủ phạm của các tội ác này là những kẻ giấu mặt, đứng đằng sau để chỉ đạo những vụ bạo loạn ở Quân đoàn I.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #61 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:18:36 am »

Chương 15

NHỮNG QUÂN NHÂN KHÔNG THỂ TRỞ VỀ


   Vài ngày sau cuộc “thẩm vấn” ma quỷ ở hầm trú ẩn, một trung sĩ Thủy quân lục chiến mà tôi quen biết đi vào bệnh viện và nói với tôi: “Này bác sĩ Hassan, ông có thích cùng tôi đi vài km về phía Bắc để khám bệnh cho lính Thủy quân lục chiến bị thương không? Tất cả đều trong tình trạng khá xấu. Họ có thể được nâng tinh thần lên với những người như ông”.
Đông Hà nằm cách vùng phi quân sự – biên giới giữa Bắc và Nam Việt Nam – chừng 12 km. Mặc dù biết đề nghị của viên trung sĩ là khá nguy hiểm nhưng tôi không từ chối. Vào thời điểm đó, chúng tôi không mấy bận rộn ở bệnh viện nên tôi bảo thông dịch viên Nguyễn cùng đi với mình. Tôi biết rằng những người lính Thủy quân lục chiến trẻ tuổi mà tôi sắp khám bệnh đã được chuyển khá xa ra khỏi vùng chiến sự.
Tôi leo lên xe khi Nguyễn dò đài phát thanh của Việt Cộng trên chiếc máy bộ đàm của anh ta. Chúng tôi đang hướng tới khu vựcnguy hiểm nhất ở Việt Nam: Đông Hà. Xe phải chạy mất nửa tiếng đồng hồ trên Quốc lộ 1, mà phải chạy hết tốc độ để tránh bị bắn tỉa. Các tay súng bắn tỉa làm cho con đường này nguy hiểm vào ban ngày và không thể sử dụng vào ban đêm, nhưng người tài xế cam đoan với tôi là sẽ chạy thật nhanh để Việt Cộng không thể bắn trúng được.
- Chúng ta không phải lo bị phục kích, bác sĩ à. - Nguyễn nói, đặt chiếc máy bộ đàm xuống. - Việt Cộng thông báo có một tu sĩ đi trên xe của chúng ta.
Hướng về phía Bắc, tôi trông thấy những vòm cây xinh đẹp, màu xanh cây rừng tươi tốt lướt qua hai bên đường. Thỉnh thoảng, xe chạy qua một cánh đồng lúa xanh tươi, nước ngập một ít dưới gốc lúa. Cảnh đồng quê thật thanh bình. Ngoài tiếng động cơ của chiếc Jeep, âm thanh duy nhất mà chúng tôi nghe chính là tiếng gió thổi qua tai khi xe chạy trong bầu không khí ẩm ướt.
Đó là một ngày nắng chói chang. Khi xe chạy gần đến Đông Hà, tôi thấy núi non trùng điệp và bị mây phủ ở phía xa xa. Tôi chú ý đến vài cụm khói xuất phát từ các vụ không kích, đạn pháo, hỏa tiễn.
Những thứ tôi thấy trước tiên ở trại lính là 3 chiếc lều bạt lớn và một bảng hiệu ghi “Tổng hành dinh Miền của quân đội Mỹ”. Tim tôi đập hơi mạnh khi bước xuống xe Jeep. Nếu theo học trường Thủy quân lục chiến ở Annapolis, tôi đã trở thành một sĩ quan chiến đấu. Tôi phải cam đoan phục vụ 8 năm sau khi tốt nghiệp ở Annapolis và có thể tôi dễ dàng bị thương ngay tại đây, như là một sĩ quan trực tiếp chiến đấu tại một khu vực nguy hiểm nhất Việt Nam.
Khi viên trung sĩ dẫn tôi vào căn lều trại thứ nhất, tôi thấy nhiều người bị thương nặng nằm bên trong. Ít nhất 200 lính Thủy quân lục chiến bị thương nặng nằm trên những dãy giường được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Đi xuyên qua trại, rồi từ trại này qua một trại kế tiếp, tôi thật sự kinh hoàng về quy mô to lớn của những cuộc tàn sát diễn ra quanh mình. Hầu hết thương binh đều bị cụt tay, cụt chân, và cũng giống như những công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, họ gồm nhiều chủng tộc, sắc dân. Họ có màu da từ đen thẫm đến vàng, đồng, đến nâu rồi trắng tái. Một số thương binh không kềm được tiếng rên rỉ, nhưng hầu hết vì bị thương quá nặng hoặc vì quá chán nản nên chẳng rên la gì cả.
Hầu hết thương binh ở đây không có tay mà cũng chẳng còn chân. Họ bị cưa hết tứ chi, dù một số người vẫn còn khúc tay hoặc khúc chân cụt. Những thân thể trẻ với bắp thịt nảy nở nay chỉ còn trơ ra đầu và thân mình.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #62 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:19:32 am »

Chương 15 (tiếp)

Tôi bước qua từng hàng thương binh bị cụt cả tay lẫn chân. Những ống dẫn nối liền đầu, ngực và bụng của họ - để rút mủ, máu hoặc dịch - chạy vào một hệ thống mê cung những ống và chai treo xung quanh và bên dưới những người lính Thủy quân lục chiến bị thương trầm trọng. Khi đi ngang qua những thương binh này, tôi không thể chú tâm nổi vào những ống dịch truyền đã cạn. Điều làm tôi chú ý nhất chính là những khuôn mặt và những đôi mắt đau đớn tuyệt vọng, mất hết thần khí của họ.
Tôi ở đấy với tư cách là một bác sĩ dân sự, cố nâng tinh thần của họ lên. Đi dọc những lều trại, cố gắng lên “dây cót” chia sẻ an ủi, và rồi tôi nhận thấy đây là một việc làm vô ích. Không ai trong số những thương binh trẻ này có thể trò chuyện hay lắng nghe hoặc ngay cả việc đủ sức nhìn thấy tôi rõ ràng.
Phục vụ số thương binh nặng này là những y tá quân y, những nhân viên cứu thương có khuôn mặt u sầu, hầu hết trong độ tuổi dưới 20. Nhìn vào tuổi tác của thương binh và nhân viên phục vụ, tôi cảm thấy họ giống như những thiếu niên tự chăm sóc cho nhau.
- Chúng ta có thể làm điều gì đó tốt hơn nhiều cho những thương binh này nếu như chúng ta nhanh chóng đưa họ về nước. -- Tôi khẩn thiết nói và cảm thấy rất cần một sự chăm sóc y tế khẩn cấp cho cảnh tượng kinh khủng mà tôi đang chứng kiến.
- Ít nhất một số thương binh này có thể hưởng những ngày cuối cùng của cuộc đời họ bên cạnh gia đình ở Mỹ. Có nhiều chuyến bay có thể đưa họ về nước mà. Họ cần được như vậy.
Những người y tá quân y im lặng lắng nghe.
- Một máy bay tải thương Medevac có thể chở tất cả ra khỏi nơi đây ngay lập tức. - Tôi nói. - Có vấn đề gì không? Họ sẽ được chăm sóc chu đáo khi trở về nước.
- Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước được, thưa bác sĩ. - Một nhân viên cứu thương trẻ nói. - Chúng ta không thể chở họ trở về Mỹ, trừ khi họ nằm trong túi đựng tử thi để không ai nhìn thấy họ.
- Cái gì? Tại sao?
- Tình trạng của họ quá phản cảm. - Một nhân viên cứu thương giải thích. - Người ta sẽ phải ngưng cuộc chiến này ngay giây phút trông thấy cận cảnh tấn thảm kịch thực tế này. Ngay khi chiếc Medevac hạ cánh xuống lãnh thổ Hoa Kỳ và mọi người nhìn thấy những thương binh như thế, họ sẽ bạo loạn và đòi cuộc chiến phải chấm dứt.
Đối với tôi vào thời điểm đó thì việc di tản những thương binh này là việc cần làm. Tôi biết là tất cả những thương binh cụt cả tay lẫn chân này đã được những bác sĩ giải phẫu quân y có khả năng chuyên môn cao hơn tôi chữa trị. Họ đã được di tản khỏi chiến trường và được chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện dã chiến gần đó. Nhưng tôi không thể tin rằng có một quyết định cố ý để cho toàn bộ những thương binh cụt cả tay chân này nằm lại trong những lều trại quân y ảm đạm cho đến khi họ chết trong rừng nhiệt đới ở Đông Hà – một kiểu chết cho khuất mắt – chỉ có dàn kèn đồng quân đội và những nhân viên y tế mới biết được những gì xảy ra. Tôi nhắc lại một lần nữa là tối thiểu, những thương binh nặng này cần được chết tại quê nhà.
Một y tá Hải quân khác nghe cuộc đối thoại của chúng tôi và tham gia:
- Bác sĩ nói đùa à? Chúng ta đã nhận lệnh. Chúng ta không thể đưa những thương binh này về nước. Chúng ta cần chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến tranh này, ông quên điều đó sao? Không thể để họ phơi bày sự thật với thế giới bên ngoài.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #63 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:20:07 am »

Chương 15 (tiếp)

Sau cuộc trao đổi này, tôi đi ngang qua các thương binh nặng trong lều trại cuối cùng, cố gắng nói chuyện và động viên họ. Tôi chỉ nhận được có tiếng lầm bầm hoặc vài ánh mắt động đậy như là câu trả lời của họ.
Một y tá trẻ với vẻ mặt khá phiền muộn đang dọn dẹp các bô trong lều trại khi tôi đi qua.
- Anh đã ở đây bao lâu rồi? - Tôi hỏi người y tá.
- Tôi ở Đông Hà đã gần một năm, thưa bác sĩ. - Anh ta đáp. -- Nhưng có lẽ tôi sẽ không thể trở về nhà, cũng giống như những bệnh nhân này thôi. Địch quân bao vây chúng tôi, cô lập chúng tôi trên những ngọn đồi. Chúng ta càng đánh dồn dập thì họ càng đưa thêm quân đội vào đường mòn Hồ Chí Minh. Vị trí đóng quân hiện nay của chúng tôi có thể bị họ tràn đến bất cứ lúc nào. Tôi cảm nhận điều đó qua ba, bốn cuộc hành quân tệ hại trong mấy tháng qua. Có lẽ đời tôi sắp kết thúc.
Nghe những lời bi quan của anh chàng này, tôi nhận ra anh ta đang ở trong tình trạng “sắp trở về”, tức là những quân nhân sắp đến hạn kỳ được xuất ngũ và trở về nước. Người y tá này đang trải qua cái gọi là “hội chứng 30 ngày”: Càng gần đến ngày được trở về nước bao nhiêu thì các chiến binh càng sợ chết bấy nhiêu. Được trở về nhà là một giấc mơ mà họ thiết tha mong đợi. Sau nhiều tuần, nhiều tháng cận kề chiến trận, chứng kiến quá nhiều cái chết của đồng đội, nhiều quân nhân đã không tin là mình nằm trong số những kẻ may mắn sống sót để trở về nhà. Và người y tá này không chỉ lâm vào “hội chứng 30 ngày” mà còn tệ hơn thế, anh ta phải làm việc trong môi trường của những thương binh hạng nặng, bị què cụt, luôn nhắc nhở anh từng giây từng phút về cuộc chiến thật sự ác liệt và tàn khốc đang diễn ra quanh mình.
Vào cuối chuyến đi, tôi tự hỏi phải chăng việc đưa tôi đến trại thương binh này là một sự sắp đặt của những kẻ lạ mặt đã đến căn hầm trú ẩn của tôi mấy ngày trước đó. Nếu đúng thế thì thông điệp đã khá rõ ràng: Ngay cả những anh hùng thương binh cũng không được phép làm gián đoạn cuộc chiến. Tôi nhận ra rằng không bao giờ chúng ta có thể biết được cái giá đích thực phải trả của cuộc chiến tranh tàn bạo đối với cả hai bên.
Sau khi chứng kiến tất cả, tôi cuốc bộ trên con lộ đất bụi để trở về nơi đậu chiếc xe Jeep mà Nguyễn đang chờ tôi. Tôi và viên trung sĩ thấy một gia đình trẻ đang dắt hai con trâu ngang qua một cánh đồng cỏ cách chúng tôi khoảng gần 100 mét. Họ gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Trong một trại quân dọc theo con lộ, một binh sĩ Hoa Kỳ trông thấy họ và vội nạp đạn vào khẩu súng cối. Hắn ta nã đạn hết viên này đến viên khác nhắm vào gia đình đó mà không có một lý do nào cả, như thể tất cả đang là một trò chơi - hắn ta đang chơi trò ru-lét Nga với các thường dân Việt Nam.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #64 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:20:40 am »

Chương 15 (tiếp)

Trong khi đó, trên cánh đồng cỏ, cả gia đình đã bỏ hai con trâu lại và hối hả chạy trốn. Những quả đạn cối nổ sát sau lưng họ.
- Đồ điên! - Tôi hét lên. - Mày đang làm cái trò quỷ quái gì thế?
Người lính nghênh mặt quay về phía tôi.
- Ngưng ngay hành động ngu xuẩn này đi! - Tôi la to.
- Chỉ là một mục tiêu thực hành thôi mà. – Tên lính lớn tiếng đáp trả.
- Mẹ kiếp! - Tôi thét lên. - Ngưng ngay! Họ là những dân thường chẳng hề có vũ khí!
Hắn ta ngưng lại một chốc trước khi bắn đi một mục tiêu khác. Rồi hắn nhún vai nhìn tôi, đốt một điếu thuốc như thể chẳng có gì xảy ra.
Lúc đó, cả gia đình nọ hầu như đã thoát khỏi tầm nhìn của chúng tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng gia đình nọ và hai con trâu đều an toàn. Họ may mắn không bị thương tích vì mấy quả đạn cối.
Khi bước đến chiếc xe Jeep vào thời khắc đó, đầu óc tôi tràn đầy những ý nghĩ. Đây là một cuộc chiến tranh tàn bạo, không chút danh dự, một cuộc chiến không vinh quang, thiếu cân nhắc, một cuộc chiến không kết thúc, một cuộc chiến mà trong đó thường dân bị tàn sát dã man như một trò tiêu khiển, còn những người lính thì không được phép trở về chết vinh quang trên quê nhà. Đó là một cuộc chiến mà chúng ta không thể tránh được thất bại. Mỗi một gia đình thường dân Việt Nam vô tội bị làm mục tiêu cho trò giải trí điên rồ hoặc bị bắn một cách vô tội vạ trong vùng oanh kích tự do sẽ được chuyển thành lời, thành chuyện kể, rồi từ đó truyền đi các nơi và cuối cùng, ngay cả đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta cũng sẽ biết hết và họ sẽ muốn chấm dứt sự hiện diện quân đội của chúng ta, sự bảo vệ của chúng ta.
Và giá như người dân Mỹ biết những gì đang xảy ra với con cái của họ. Những gia đình có con em bị thương nặng và bị từ chối đưa về nước chết trong vòng tay người thân sẽ nổi loạn chống lại chính quyền đã đưa con em họ đến vùng đất này. Giá mà họ biết đến phạm vi rộng lớn của các hành động tàn ác điên rồ diễn ra khắp mọi nơi thì tôi nghĩ, những gia đình người Mỹ sẽ từ chối đưa con em họ tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa và nhục nhã như thế.
Chiếc Jeep quân sự vẫn vội vã đưa tôi cùng Nguyễn xuôi Nam trên Quốc lộ 1, lăn bánh trên “Con đường khổ ải”.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #65 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:21:39 am »

Chương 16

Ở THUNG LŨNG A SAO

   Vài ngày sau cuộc “thẩm vấn” ma quỷ ở hầm trú ẩn, một trung sĩ Thủy quân lục chiến mà tôi quen biết đi vào bệnh viện và nói với tôi: “Này bác sĩ Hassan, ông có thích cùng tôi đi vài km về phía Bắc để khám bệnh cho lính Thủy quân lục chiến bị thương không? Tất cả đều trong tình trạng khá xấu. Họ có thể được nâng tinh thần lên với những người như ông”.
Trong một chuyến đi đến Đà Nẵng không lâu trước khi rời Việt Nam, tôi đã gặp một viên sĩ quan chỉ huy chiến trận. Ông ta mang quân hàm thiếu tá và chỉ huy một toán biệt kích ở Nam Quảng Trị.
Chúng tôi nhanh chóng kết thân nhưng trong lúc trò chuyện, ông ấy cũng có hàm ý thách thức. Có lẽ ông ấy muốn đánh giá xem viên bác sĩ trẻ tuổi và là cựu binh Thủy quân lục chiến đang đi cạnh mình can đảm đến mức nào.
- Vậy ra anh cũng là một người cứng cựa? - Ông nói với tôi. -- Nhưng anh đã thấy chiến sự kề cận chưa? Và anh nghĩ là mình có thể chịu đựng được chứ?
Viên thiếu tá chỉ huy một toán thám báo với 15 tay súng Nam Việt Nam và 8 biệt kích người Mỹ có nhiệm vụ theo dõi, dọ thám nhất cử nhất động của quân đội Bắc Việt Nam trong một chu vi nhỏ nằm sâu trong rừng già. Tôi cho ông ta biết là mình chỉ mới có mặt tại căn cứ quân sự An Khê, nơi đã diễn ra nhiều cuộc chạm súng. Ông ta gật đầu tỏ vẻ biết. Đột nhiên, viên thiếu tá mời tôi đi cùng ông ta đến một tiền đồn nhỏ nằm cheo leo, nguy hiểm bên rìa thung lũng A Sao, thuộc dãy núi A Sao - cách Quảng Trị chừng 60 km về phía Tây Nam.

- Nào! Chúng ta cùng đi. - Tôi háo hức.
Leo lên trực thăng quân sự, chúng tôi bay đến lều trại của viên thiếu tá. Bên dưới trực thăng là một màu xanh ngút ngàn của rừng già nhiệt đới, cung cấp một vỏ bọc chắc chắn cho bất cứ vật gì nằm bên dưới tàn cây. Màu xanh rậm rạp chạy dài xa tít theo hướng bay của trực thăng và viên thiếu tá nói rằng thật khó mà phát hiện được kẻ thù.
Viên thiếu tá cho tôi hay là quân đội Bắc Việt Nam ẩn nấp trong nhiều dặm đường hầm bên dưới mặt đất có thể chạy dài khắp Việt Nam. Những đường hầm này khiến quân đội Mỹ không thể phát hiện được cho đến thời điểm đối phương chui ra khỏi hầm và đánh trả. Kẻ địch nắm rõ địa thế trong ngoài và họ liên tục khiêu khích, bỡn cợt với cả quân đội Mỹ lẫn Nam Việt Nam như thể mèo vờn chuột. Trong chiến tranh, quân đội Bắc Việt Nam đã tận dụng tối đa những tình huống khách quan như mây mù, đêm tối và mưa gió. Với việc nắm vững địa thế cùng thời tiết, hầu như họ biết chính xác khi nào thì cần tấn công đối phương.
Quân đội Mỹ và Nam Việt Nam trú đóng trong những lều trại và hầm trú ẩn lầy lội, bẩn thỉu. Khi chúng tôi đến, trời ẩm ướt. Mùa mưa đã bắt đầu từ tháng Bảy và một cơn mưa đã đổ xuống khi máy bay hạ cánh.
Ngay trước khi chúng tôi đến đây, một binh sĩ Nam Việt Nam đào ngũ đã bị tra tấn và bị giết chết. Khi chúng tôi bước ra khỏi trực thăng, thi thể quắt queo của người lính này đang bị đặt nằm dưới một bao cát chẳng xa trung tâm trại lính là mấy. Viên thiếu tá chẳng tỏ chút quan tâm đến vụ việc này. Ông ta cho biết là người lính đã trốn chạy, muốn trở về làng của mình nhưng bị quân đội Nam Việt Nam bắt lại và trừng phạt như một người đào ngũ. Lính Nam Việt Nam đã đặt một bao cát thật nặng trên lưng người lính bị cáo buộc đào ngũ rồi bắt anh ta chạy quanh cột cờ nhiều tiếng đồng hồ mà không cho uống một giọt nước nào cho đến khi anh ta chết vì mất nước.
Những người lính Nam Việt Nam chỉ cho tôi xem cột cờ cùng thi thể người lính rồi giải thích: “Đây là những gì chúng tôi đã làm với những kẻ hèn nhát”.
Tôi đặt câu hỏi với viên thiếu tá về cách xử sự như thế. Ông trả lời:
- Quân đội Nam Việt Nam có quân luật của họ và chúng ta có quân luật của chúng ta. Nếu tôi can thiệp, họ sẽ cười tôi, sẽ nghĩ rằng tôi là một chỉ huy tồi và tôi sẽ mất mặt. Thế nên thây kệ họ muốn làm gì thì làm. Tôi nghĩ là nhờ vậy mà chúng ta sẽ không có người hèn nhát như thế nữa ở quanh đây.
Những quân nhân Nam Việt Nam để cho người lính nằm chết như thế, dưới bao cát nặng, với khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn cực độ. Họ không chôn cất và để cho thi thể thối rữa trong hai ngày, như để răn đe những binh lính khác. Chiến tranh đã mang lại sự tàn ác, nhẫn tâm cho cả hai phía.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #66 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:23:24 am »

Chương 16 (tiếp)

Trong thung lũng A Sao, quân đội Mỹ và Nam Việt Nam bị “dợt”, bị thử thách suốt ngày. Doanh trại liên tục bị pháo bằng hỏa tiễn hoặc đạn cối. Thỉnh thoảng, doanh trại lại bị kẻ thù đột nhập, thường là vào lúc sáng sớm hay chập choạng tối. Lúc đó, đạn nổ rền như mưa. Vào lúc sơ hở nhất, địch quân xuất hiện, thâm nhập vào dò xét, tìm kiếm các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của trại.
Vào một buổi chiều mưa nặng hạt, tôi quan sát kỹ những khuôn mặt khắc khổ và gan dạ. Và những gì tôi nhận thấy trên gương mặt họ là vẻ chán nản, tiều tụy. Chính những khuôn mặt này đã giúp tôi hiểu thêm về mối hiểm nguy rình rập khắp mọi nơi trong khuôn viên doanh trại này. Tôi biết có nhiều đơn vị trú đóng trong những vị trí phòng vệ yếu kém như thế đã bị tấn công, bị xóa sổ hoàn toàn; và tất cả những quân nhân đồn trú trong thung lũng A Sao đều biết là họ có thể chết bất cứ lúc nào.
Dù kỷ luật gắt gao, nhưng chỉ trong những trường hợp bất đắc dĩ thì lính Mỹ mới chịu đi vào rừng trong những chuyến tuần tra gọi là trinh sát tầm xa. Họ e ngại bị kẻ thù phục kích. Kẻ thù ngụy trang khéo léo, ẩn náu dưới hầm hố, lại nắm rõ địa thế rừng núi hơn họ nhiều. Ngay chính binh lính Nam Việt Nam còn miễn cưỡng đi tuần tra hơn cả binh lính Mỹ.
Thật dễ dàng lọt vào ổ phục kích của quân địch, nhưng ngược lại, thật khó có thể tấn công bất ngờ vào bất cứ lực lượng có tầm cỡ nào của đối phương. Những đơn vị giống như đơn vị này thỉnh thoảng bị cô lập và có thể bị tấn công như những tiền đồn xa xôi trong nhiều tháng trời. Họ tự thiết chế những kiểu cách riêng trong hoạt động của mình chứ không theo sách vở nào cả, cũng chẳng giống chút nào phương cách họ làm ở Đà Nẵng. Trại lính này giống như một khu trừng giới, một kiểu thuộc địa xa xôi hồi thế kỷ 18 để đưa tội phạm đến thụ hình. Tại đây, viên thiếu tá thiết lập luật lệ riêng cho “vương quốc” của mình.
Tôi đã chứng kiến việc viên thiếu tá giáo dục binh lính thuộc quyền bằng cách bắt họ lặp lại theo nhịp và theo giọng của ông.
- Giết những thằng mọi (da) vàng! Tàn sát Việt Cộng! Giết hết bọn Đông Nam Á! Giết những thằng chết tiệt! Giết hoặc là bị giết! - Viên thiếu tá hô lên từng câu và binh lính của ông lặp lại từng câu một.
- Đếm xác! Tướng Westmoreland và các chỉ huy cao cấp muốn có nhiều xác chết hơn! Nhiều vùng oanh kích tự do! Nhiều vùng bắn giết tự do! Nhiều cánh đồng chết bất tận: đó là chìa khóa của chiến thắng! - Viên thiếu tá nói như hét.
- Các chiến sĩ, các bạn có biết không, một số người sẽ chiến thắng cuộc chiến tranh này và các bạn phải là những người đó! - Ông ta tiếp tục thét lên.
- Vâng, đúng vậy thưa thiếu tá! - Binh lính của ông đồng thanh đáp lại.
Hôm đó, cơn mưa nhẹ rơi trên lều của viên thiếu tá và tôi cùng ông nói chuyện thâu đêm. Viên thiếu tá là một người tin tưởng hoàn toàn vào những nỗ lực cho cuộc chiến. Ông ta tin chắc là Mỹ và Nam Việt Nam sẽ chiến thắng dựa vào hỏa lực vượt trội. Ông ta tin là chúng ta sẽ làm cho người Việt Nam phải quy phục vì hoảng sợ. Triết lý của ông ấy là hễ ai nắm được cây gậy lớn nhất và làm cho đối phương khiếp đảm nhất thì người đó chiến thắng.
Tôi thắc mắc tự hỏi về viên thiếu tá, vì ông ấy có vẻ là người hiểu biết, am tường thời cuộc. Chắc chắn là ông ta phải biết là mình đang ở vào một vị trí không thể giữ nổi khi chỉ nắm trong tay một toán biệt kích vài chục lính nằm trong một thung lũng có đến hàng trăm tay súng của kẻ địch vây quanh.
Tôi và ông ta tranh luận về cuộc chiến. Tôi cảm thấy cuộc chiến này chỉ là phần kéo dài ra của thời kỳ thống trị của thực dân Pháp. Tôi nhắc nhở viên thiếu tá về sự sụp đổ của thực dân Pháp khi bị đánh bại ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Viên thiếu tá thích thú tranh luận. Ông ta viện dẫn thuyết domino là nếu Cộng Sản chiến thắng ở Việt Nam thì tất cả những quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ trở thành những nước theo chủ nghĩa Cộng Sản. Về cơ bản, ông ta xem đây là một cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của Cộng Sản.
Viên thiếu tá có bằng cấp về kinh tế. Ông ta khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng nếu chiến thắng và thiết lập hệ thống tư bản ở Việt Nam.
- Nên nhớ rằng, - ông nói, - tất cả các cuộc chiến tranh thật ra đều không vì hệ tư tưởng chính trị. Các cuộc chiến, trước hết, là vì những lý do kinh tế.
Ông ta giải thích một cách mạnh mẽ rằng cuộc chiến hiện nay là vì vonfam – một khoáng sản chiến lược dùng để tạo ra hợp kim làm dây tóc bóng đèn – được xuất khẩu từ nhiều địa phương ở Việt Nam.
- Chúng ta có mặt ở đây là vì chúng ta cần vonfam để chế tạo các bóng đèn. Chỉ một số người cần có thứ nguyên liệu đó để cho cả thế giới phải chịu ảnh hưởng! - Ông mỉm cười.
Viên thiếu tá khẳng định đó là sự thật, và vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ rằng có lẽ ông ta đúng. Nhưng về sau, tôi phát hiện là mặc dù Việt Nam có xuất khẩu một số kim loại nhưng đó không phải là khoáng sản chiến lược không thể thay thế như viên thiếu tá khẳng định.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #67 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:23:58 am »

Chương 16 (tiếp)

Tuy vậy, biết viên thiếu ta là một người quá tin vào lập luận của mình, tôi đã không tranh cãi thêm nữa về cuộc chiến. Nhiều năm sau này, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai, tôi lại nghĩ là viên thiếu tá này có lý. Dường như chúng ta đã theo đuổi cuộc chiến Iraq không phải vì sợ chế độ Saddam Hussein hay vũ khí hủy diệt hàng loạt mà vì một mặt hàng chiến lược. Đó là dầu mỏ!
Hai ngày sau, viên thiếu tá chở tôi bằng xe Jeep ra khỏi thung lũng A Sao vào lúc sáng sớm. Khi chiếc xe phóng nhanh ra khỏi trại lính nhỏ nhoi đó, tôi không biết là viên thiếu tá cùng các quân nhân thuộc quyền của ông tồn tại được bao lâu trong hoàn cảnh cô lập và đầy thử thách hiểm nguy như thế.
Khi đi qua nhiều vùng trên khắp đất nước Việt Nam, những tiếng nằm lòng mà tôi nghe được từ miệng các binh lính và sĩ quan của chúng ta là: Giết! Giết! Giết! Càng nhiều xác chết càng tốt! Phải chiến thắng! Chiến thắng bằng mọi giá! Và kế sách để làm mất tính người là sử dụng những tiếng miệt thị như “mọi da vàng” và “bọn Đông Nam Á”. Nhưng cũng vào thời điểm đó, nhiều quân nhân cũng đã nhận được thông điệp từ thế giới bên ngoài rằng việc sát hại như thế là sai lầm, và thực tế là đã dấy lên những xung khắc trong nội bộ quân đội, giữa việc tuân thủ mệnh lệnh cấp trên hay là làm theo lương tâm của mình.
Một năm sau, trận chiến trên “Đồi Thịt Băm” (Hamburger Hill), một ngọn đồi ở cao độ 900m bên hông thung lũng A Sao trở thành tin nóng, tin trên trang nhất các báo ở Mỹ. Trận chiến bắt đầu khi quân đội chúng ta tập trung gần 2.000 tay súng cùng với sự yểm trợ phi pháo mãnh liệt của không lực để tiến chiếm ngọn đồi do đối phương chiếm giữ. Theo Samuel Zaffiri, tác giả cuốn Hamburger Hill thì một tháng sau khi chiếm được ngọn đồi, quân đội Mỹ đã phải bỏ vị trí này - nơi mà để giành được, chúng ta vốn đã phải chiến đấu ròng rã 10 ngày trời với số thương vong lên tới 70 người chết, 372 bị thương. Guenter Lewy, tác giả cuốn America in Vietnam cho biết, chính những thiệt hại nặng nề này đã khiến Quốc hội Mỹ nghi ngờ, đặt lại vấn đề về chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
Từ thung lũng A Sao, tôi an toàn trở lại Quảng Trị. Chỉ 2 tuần nữa thì thời gian làm bác sĩ tình nguyện của tôi sẽ chấm dứt. Khoảng 10 ngày trước khi rời Việt Nam, người ta đã thu hồi chiếc xe Jeep trước đây cấp cho tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy mình là người thừa thãi. Tôi giữ im lặng đối với mọi việc mà mình đã mục kích cho đến khi rời Việt Nam, nhưng tôi rất muốn làm cách nào đó để chấm dứt cuộc chiến sau khi về nước. Và tôi đã không đơn độc trong việc này.
Tuy chỉ ở Việt Nam có 2 tháng, nhưng khoảng thời gian đó giống như cả một đời người. Tôi còn nhớ rõ ngày mà tin tức về cái chết của Robert Kennedy được truyền đi trên máy vô tuyến xách tay khi tôi đang ngồi trên xe Jeep đi Đà Nẵng. Đà Nẵng đã trở thành nơi không an toàn do đạn pháo của đối phương. Và vào thời điểm đó, tôi đã lo sợ rằng chiến cuộc sẽ kéo dài mãi mãi. Đó là bởi vì một người có mong muốn và có khả năng cho rút quân đội ra khỏi Việt Nam sau khi đắc cử tổng thống như Robert Kennedy đã bị giết chết. Tôi ứa nước mắt khi nghĩ rằng Robert Kennedy là niềm hy vọng cuối cùng của chúng tôi trong việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam.
Tôi rời bệnh viện tỉnh Quảng Trị vào ngày 4.7.1968 - Ngày Độc Lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trở lại miền Bắc California, tôi không có cảm giác trở về nhà bằng cảm giác đang dấn thân vào một trận chiến khác – trận chiến về vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Mọi việc ở bệnh viện Mendocino State không được thuận lợi. Không quan tâm đến điều đó, tôi cứ mãi suy nghĩ về những con người tàn ác, những ký ức khủng khiếp và những điều tàn khốc, vô nhân đạo mà mình đã chứng kiến ở Việt Nam. Vào thời điểm ấy, ở một mức độ nào đó, Việt Nam gần như là quê hương thật sự của tôi.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #68 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:25:25 am »

Chương 17

CHUYẾN ĐI VIỆT NAM LẦN THỨ HAI


     Về Mỹ, tôi trở lại công việc tẻ nhạt của mình: bác sĩ tâm thần nội trú ở Mendocino State Hospital, một bệnh viện đang chuẩn bị đóng cửa.
     Tôi đã có nhiều xung đột với những người giám sát trực tiếp của mình tại bệnh viện, và sau những kích động ở Việt Nam, tôi càng cảm thấy buồn chán với công việc của mình. Tôi đã hoàn tất bài tiểu luận về hệ thống điều trị bệnh tâm thần ở Việt Nam mà những giám sát chuyên môn chắc chắn là sẽ hài lòng nhờ chuyến đi Việt Nam của tôi vừa qua.
     Tại Việt Nam, tôi đã tiến hành các chuyến đi thực tế với bệnh viện đại học Huế và đã thực hiện vài cuộc phỏng vấn trực tiếp với những bệnh nhân tâm thần cũng như xem xét hồ sơ bệnh án của họ. Dù điều kiện chữa trị và trang bị thô sơ, dù không có điều kiện sử dụng các dược phẩm hiện đại, nhưng lòng nhân ái và lương tâm nghề nghiệp của các bác sĩ và nhân viên ngành y thuộc các bệnh viện tâm thần ở Việt Nam đã cho tôi ấn tượng mạnh.
     Khi trở về nước, tôi trở nên ít nói, ít tin tưởng vào người khác. Việt Nam đã thay đổi tính cách của tôi. Tôi không muốn bàn luận về những gì mình đã chứng kiến ở Việt Nam. Tôi cảm thấy việc cố mô tả hay giãi bày những điều đó sẽ khiến chúng trở nên tầm thường, đồng thời không thể hiện được hết những tác động to lớn của chúng đối với tôi.
     Một trong những nhân vật thú vị nhất tôi gặp trong chuyến đi lần đầu tiên đến Việt Nam là Richard Hughes, quản lý một tổ chức nhân đạo nhỏ mang tên Shoeshine Boys of Vietnam (Những đứa trẻ đánh giày Việt Nam). Một ngày nọ, cái gã tóc dài cao lênh khênh như cây sậy đó xuất hiện tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị trong bộ đồ lao động màu xanh lá cây, trong lúc tôi đang chữa trị cho một bà cụ 80 tuổi bị bắn vào đầu. Anh chàng trông có vẻ là một phóng viên chiến trường với mái tóc đen, dài và rậm cùng cái máy ảnh treo tòn ten trên cổ.
     Richard Hughes quan sát tôi chăm sóc bệnh nhân. Bà cụ bị một viên đạn vừa chạm tới khung sọ. Viên đạn nằm nhô ra dưới làn da đầu. Khi lấy viên đạn ra, tôi để trên tay rồi chìa cho Richard xem.
- Có phải tất cả những ca bệnh của ông đều dễ dàng như thế không bác sĩ? - Anh ta hỏi bằng giọng nhỏ nhẹ.
- Tôi mong là thế. Tôi mong tất cả mọi người đều may mắn như bà cụ này. - Tôi trả lời.
     Tôi xử lý vết thương bằng dung dịch sát trùng I-ốt và băng đầu lại cho bà cụ. Xong xuôi, bà đứng dậy, cúi đầu chào cảm ơn tôi và chầm chậm bước đi.
     Từ đó, tôi và Richard Hughes trở thành bạn và tình bằng hữu giữa chúng tôi bền chặt suốt đời, mặc dù vào lúc đó tôi không hề nghĩ đến.
     Nếu như Mẹ Teresa(1) là vị thánh ở Calcutta thì có thể xem Richard Hughes là vị thánh ở Sài Gòn. Là người từ chối lệnh nhập ngũ vì lương tâm cho là không đúng, Richard đến Sài Gòn vào khoảng đầu năm 1968. Anh giúp cung cấp thực phẩm, áo quần và chỗ ngủ cho trẻ em đường phố, những đứa trẻ nghèo bị mất cha mẹ trong chiến tranh. Tổ chức nhân đạo Shoeshine Boys of Vietnam của anh có trụ sở ở Sài Gòn nhưng cũng trợ giúp trẻ mồ côi ở nhiều thành phố khác.
     Trẻ mồ côi bị hư hỏng do sự hiện diện của người Mỹ cũng như do nhiều quan chức trong chính quyền Nam Việt Nam. Mặc dù những cậu bé này có thể bám theo khách trên đường phố, nài nỉ đánh giày cho họ để nhận một ít tiền, nhưng để sống còn trên đường phố mà không có sự bảo vệ của người lớn, những trẻ mồ côi tuổi 12, 13 nhanh chóng trở thành những tay trộm vặt, mua bán ma túy, cờ bạc, bán dâm hay dẫn mối, ma cô và thậm chí có thể bị người ta thuê mướn để giết người.
     Bạn cần một máy ảnh đẹp mà rẻ tiền ư? Cậu bé đánh giày sẽ ăn trộm một cái và bán cho bạn với giá chỉ 5 đô-la. Cần một cây thuốc lá 555 hoặc một ít cần sa? Cậu bé đánh giày sẽ đem ngay cho bạn với giá chừng 30 xu. Cần một ít bạch phiến? Những thằng nhóc sẽ mang lại trong chớp mắt. Bạn cần gái? Có ngay ở một góc đường nào đó, chỉ với 2 đô-la. Bạn sẽ được đứa trẻ dẫn đi qua nhiều khu phố phảng phất mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, đến một cái phòng trọ sơ sài, cửa sổ mở, không có nước máy và bạn sẽ được những gì mình muốn trong một phòng nhỏ với một cô gái, một chiếc giường và một cái khăn tắm bẩn thỉu. Và một nửa khoản tiền mà bạn trả sẽ được chia cho thằng bé đánh giày dẫn đường, dắt mối. Nếu bạn muốn sát hại một người nào? Cho thằng bé đánh giày một ít đô-la, “công việc” sẽ hoàn tất mà không ai hay biết. Sống trên đường phố không phải là một điều dễ dàng, và trong một đất nước bị chiếm cứ thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam, những đứa trẻ phải làm hàng loạt công việc khác nhau, xoay xở mọi cách để kiếm tiền, để tồn tại.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #69 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2009, 03:26:15 am »

Chương 17 (tiếp)

Richard Hughes giúp những trẻ mồ côi này có một nơi để ngủ, thực phẩm để ăn và áo quần để mặc. Một ngày nọ, tôi thấy một đám trẻ bu quanh Richard, nhảy cẫng lên đòi anh phải chia “paycheck” (tiền lương trả bằng séc) của mình.
- Xin lỗi các em, tôi chẳng có paycheck nào cả. - Anh nói.
- Tất cả lính Mỹ đều nhận paycheck mà! - Bọn trẻ đáp lại.
- Nhưng tôi chỉ là một thằng cù bơ cù bất như các em mà thôi.
     Tôi không có khoản tiền nào cả. Tôi cũng nghèo như các em.
Richard tìm nơi trú ngụ và việc làm cho những đứa trẻ mà người Việt Nam gọi là “trẻ bụi đời”. Những đứa bé đánh giày tìm thấy nơi Richard Hughes một người bạn thật sự và những nỗ lực nhân đạo của anh đã giúp chúng sống còn. Anh không bao giờ làm chúng thất vọng. Những đứa trẻ chai lì nhận ra rằng, dù là một người Mỹ, anh cũng có thể chăm sóc chúng như một người cha. Khi rời Việt Nam, tôi đã giúp cho tổ chức của Richard 50 đô-la và một bài viết về “Những đứa bé đánh giày” đăng trên báo San Francisco Chronicle, làm cầu nối để độc giả trợ giúp cho tổ chức của Richard trong những năm chiến tranh.
     Tháng 10.1968 ở California, trong lúc tôi cảm thấy không vui ở bệnh viện tâm thần thì nhận được một bức thư của Richard. Trong thư, Richard đặt vấn đề một cách đơn giản: “Allen, anh có thích trở lại Việt Nam và giúp chúng tôi không? Chúng tôi có một tổ chức mang tên Ủy ban Trách nhiệm (Committee of Responsibility), trực thuộc cơ quan USAID do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp ngân sách hoạt động. Chúng tôi cần một bác sĩ y khoa từng quen thuộc với Việt Nam để làm công việc đánh giá mức độ thương tích của trẻ em bị thương”.
     Mặc dù đã gần hoàn tất chương trình nội trú của mình, tôi lập tức bị cuốn hút với viễn cảnh trở lại Việt Nam và góp phần tích cực cứu chữa những nạn nhân trẻ em của cuộc chiến. Nhưng khi tôi xin phép các nhân vật quản lý trực tiếp ở bệnh viện Mendocino về việc này, họ nhất định cự tuyệt. Họ không cần biết là ai hỗ trợ cho chuyến đi và cũng không quan tâm đến lý do tôi đưa ra. Lúc đó, tôi đã có cảm giác rằng nghề bác sĩ tâm thần của mình sẽ không được suôn sẻ nếu như tôi đi Việt Nam lần này và tôi có thể bị loại ra khỏi chương trình nội trú bệnh viện. Đó là bởi vì nhiều nhân vật quản lý tôi thuộc loại thù địch với phong trào phản chiến. Tuy nhiên, tôi đã không nhận thức được hết những hậu quả chính trị mà mình phải đối mặt khi thực hiện đợt vắng mặt không phép lần thứ hai trong năm. Và khi chuẩn bị cho chuyến trở lại Việt Nam lần này, tôi cứ nghĩ là những người giám sát tôi sẽ hiểu ra sự việc khi tôi trở về và sẽ để cho tôi hoàn tất những tháng cuối cùng của thời gian nội trú tại bệnh viện Mendocino.
     Chuyến đi Việt Nam lần thứ hai của tôi có khác biệt so với lần đầu. Vì không được phân nhiệm cho một công việc y khoa cụ thể nên tôi không có cảm giác bị áp lực về trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân hàng ngày. Tôi không phải làm công việc cấp cứu mỗi ngày trong tình trạng thuốc men không đầy đủ và trang thiết bị lỗi thời, mặc dù tôi hiểu bằng kinh nghiệm cá nhân của mình rằng nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang rất cần những thứ như thế. Và bằng chính kinh nghiệm đó, tôi nghĩ mình có thể giúp ích phần nào cho các bác sĩ khác.
     Ủy ban Trách nhiệm bắt đầu hoạt động từ cuối năm 1966, tập hợp những bác sĩ, nhà khoa học, tu sĩ và những người quan tâm đến việc hỗ trợ thường dân bị thương trong chiến tranh Việt Nam. Bác sĩ Herbert Needleman, giáo sư tại Trường Y Đại học Temple là Chủ tịch Hội đồng quản trị trong suốt thời gian Ủy ban này tồn tại – từ 1966 đến 1974. Vào tháng 4.1967, trước khi tôi đến Việt Nam, các bác sĩ y khoa Mỹ Henry Mayer, Theodore Tapper và John Constable đã thực hiện chuyến khảo sát đầu tiên đối với 35 bệnh viện tỉnh ở Việt Nam. Họ cho biết 60% thường dân bị thương tích vì chiến tranh thuộc độ tuổi dưới 16.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM