Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 12 Tháng Năm, 2024, 11:50:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mẩu chuyện về đồng đội cùng sư đoàn  (Đọc 235665 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #490 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 08:27:18 am »

   Cháu chào chú Văn Thắng !

   Đọc những bài viết của những người CCB già cháu thấy thật hay và sâu sắc. Sự trải nghiệm trong chiến đấu và cuộc sống nhiều năm của các cô chú tạo nên cách viết mà thế hệ sau này bọn cháu chắc chắn phải học hỏi rất nhiều.

   Nhiều khi cũng muốn viết bài tham gia cùng các cô chú nhưng cháu lại thấy ngại vì quen kiểu ....tếu táo nhỡ chen ngang làm đứt mạch chuyện đang hay của cô chú.

   Bức tranh của chú Trần Phú đưa lên mọi người bình hay lắm. cháu cũng cố căng mắt ra xem tác giả của nó gửi gắm vào đó những ý gì nhưng ( hơi xấu hổ ) là cháu...chịu. Không tài nào luận ra được. Có lẽ vì mắt lâu nay chỉ quen soi....bóng hồng Việt nam.

   Cháu có mẩu chuyện nhỏ pots nhờ Toppic của anh Baoleo về buổi gặp mặt những đồng đội cùng thời chống Mỹ ngày 30/4 vừa qua. Viết theo cảm nhận của tuổi trẻ, chữ nghĩa, ý tứ hơi lủng cùng vì cháu viết lúc vừa mới tiếp rượu các chú bác về, nay cháu đưa sang đây cô chú đọc và góp ý cho cháu nhé !

CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NGÀY GẶP MẶT 30/4

Chả là ngày 30/4 này. Ông già vợ em tổ chức gặp mặt những người bạn lính và một số người không cùng đơn vị nhưng thuộc gia đình chính sách ( thương bệnh binh ) tại nhà.

Theo đúng hẹn thì đầu giờ chiều em mới vào vì cụ tổ chức vào buổi tối, nhưng vì có một số người ở xa nên lại đổi thành bữa trưa để ăn xong chiều họ còn về. Đâm ra em cứ ung dung ở nhà cho vợ vào chuẩn bị trước cùng đầu bếp. Đến 9h30 bà xã em réo " anh vào ngay không có bố đang cáu đây " làm em đang viết dở bài vội bỏ đấy xách xe chạy vào ngay.

Bố em làm cỗ khoảng 6 mâm, tất tần tật bạn lính rồi vợ lính đều đến chung vui đông đủ. Ngoài một số người cùng đơn vị đặc công của ông già em ra thì có các bác ở Sư 10, sư 341, sư 320 cùng tham gia ngày giải phóng Sài gòn, chuyện như pháo rang, ngày này giờ này tao đang đứng ở đâu, thằng này chạy chỗ này, thằng kia núp chỗ khác thành một mớ âm thanh mà em cố nghe nhưng không rõ nổi.

Những người bạn chiến đấu gặp nhau cảm xúc thể hiện cũng đa dạng lắm. Người thì rót đầy chén bắt nhau cạn, không biết uống cũng phải cạn, biết uống thì cạn đủ ba chén. có người ôm nhau cười ha hả, có người rơm rớm nước mắt ( chắc nghĩ tới đồng đội nào đó không may để có ngày gặp mặt kỷ niệm như này , cũng có thể vui quá ) . Các bác vợ lính cũng nhiệt tình chẳng kém, cũng rót cũng dô dô làm các quý ông giật mình. Em định sang chúc sức khỏe mọi người nhưng nhìn tình trạng này không dám vì nhỡ ...đi trước các cụ thì mất mặt lắm.

Đang nhom nhem cắm mặt ăn vì ngẩng lên sợ bị phát hiện thì cứ bộp bộp những cú vỗ vào vai đau điếng " con dê cụ đây hả ! nghe bố vợ mày nói mày cũng từng là ...lính nghĩa vụ phải không cháu. Lính tráng gì nhìn yếu thế, trông các bác các chú thế mà không sang . Thôi mày không sang thì ...tao sang " Thế là từ hỏi thăm sang tâm sự chú sư này chú sư kia, bốc lên mấy câu chuyện em đọc trên diễn đàn cũng mang ra chém gió tơi bời làm các bác ngạc nhiên tròn mắt " Mày...đi lính năm nào mà biết nhiều thế con " Nhất là bác sư 341 sau này tham gia biên giới Tây Nam và một bác ( không nhớ đơn vị nào ) sau chuyển làm chỉ huy một đơn vị BGPB . Lúc ấy em mới biết em lỡ miệng thành dại . các bác cứ sang bắt em uống túi bụi, có cô trước là Lính quân y làm liền ba chén với lý do đồng đội hai thế hệ. Tao già , nữ còn uống được nữa là mày.

Có ba người ngồi rất lầm lì, cứ tì tì rót uống với nhau không ồn ào, thi thoảng thấy bố vợ em sang bốn người lại rót một chén xong chuyền vòng tay nhau, em thấy hơi lạ hỏi bà già thì biết đây chính là ba người cùng lữ đoàn ĐC 367 ngày xưa nhập ngũ cùng, chiến đấu cùng mặt trận với ông già tại Tây Ninh và bên K thời chống Mỹ. chắc kiểu uống nọ là xa ma ki như các bác Tây nam hay kể đây. Em mới nhớ là vội quá không đón ông chú rể cũng là bộ đội đặc công chiến trường Đông nam bộ vào chơi như đã hứa với ông già.

Cuộc rượu tàn, không có gì đáng nói nếu không có một bác mặc bộ quân phục cũ cứ săm soi tờ báo, mới đầu em tưởng bác ấy đọc báo nhưng khi đến gần thì thấy bác ấy đang ...nói chuyện với báo. tờ báo Cựu chiến binh hay QDND gì đó có hình mấy người lính đang ôm súng miệng cười rất tươi . Bác lẩm bẩm " Báo cáo các đồng chí . tôi đã kiểm tra ( hay đã hoàn thành thì phải ) ......" và gọi tên ai đó. tự dưng em thấy trong lòng có gì đó trào nên thật khó tả. Người lính này không biết có phải là một thương binh sọ não mà bố em hay kể hay chỉ vì bác ấy quá say nhớ về đồng đội mới có hành động kỳ quặc như vậy.

 Khi ngồi cùng những người lính khác thế hệ em thấy rằng ngày này năm xưa ngoài nỗi mừng vui chiến thắng thì chắc trong lòng họ còn nhiều ẩn chứa điều gì . Cái đó em không hiểu và cũng không thể hiểu vì là thế hệ của những người lính thời bình không qua chiến tranh. Vĩ thanh này chắc các bác trên diến đàn, những người  lính cùng thế hệ trải qua chiến tranh cùng bậc cha chú gia đình em mới hiểu........
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #491 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 10:55:07 am »

        Chào CB, chào Linhquany.
Cảm ơn CB dã có lời khen, lời động viên cái lão già lụ khụ này. CB còn dùng những lời khen như những định nghĩa, triết lý cuộc sống: “ Kỹ năng sống, Kỹ năng giao tiếp là nét văn hóa đẹp, là một trong những tố chất quan trọng quyết định cho sự hoàn thiện của một con người.  Biết kìm chế là bố đẻ của Hòa Bình"...
       Cảm ơn CB nhiều.
       Linhquany nói: “Cuộc rượu tàn, không có gì đáng nói nếu không có một bác mặc bộ quân phục cũ cứ săm soi tờ báo, mới đầu em tưởng bác ấy đọc báo nhưng khi đến gần thì thấy bác ấy đang ...nói chuyện với báo. tờ báo Cựu chiến binh hay QDND gì đó có hình mấy người lính đang ôm súng miệng cười rất tươi . Bác lẩm bẩm " Báo cáo các đồng chí . tôi đã kiểm tra ( hay đã hoàn thành thì phải ) ......" và gọi tên ai đó. tự dưng em thấy trong lòng có gì đó trào nên thật khó tả. Người lính này không biết có phải là một thương binh sọ não mà bố em hay kể hay chỉ vì bác ấy quá say nhớ về đồng đội mới có hành động kỳ quặc như vậy".  
     ... Khi ngồi cùng những người lính khác thế hệ em thấy rằng ngày này năm xưa ngoài nỗi mừng vui chiến thắng thì chắc trong lòng họ còn nhiều ẩn chứa điều gì"...
      Đúng thế, những người lính già như chú với bố vợ cháu nói riêng và những đồng đội đã trải qua trận mạc còn được sống, mỗi khi gặp nhau ôn lại quá khứ, có chén rượu ngà ngà say thường hay mủi lòng khi nhớ về đồng đội một thời. Điều ấy chỉ có ở những người đã qua chiến đấu sống mái với kẻ thù, người còn, người mất. Hình như ở các đối tượng khác không có hiện tượng ấy. Nó gần giống với những người thân trong đại gia đình sau bao nhiêu năm thất lạc nay được gặp nhau nhưng không đủ mặt.
     Tâm trạng. Có lẽ thế, đã là tâm trạng không phải ai cũng bộc lộ giống nhau, không phải ai cũng hiểu được tâm trạng của nhau. Sự bộc lộ tâm trang mỗi người mỗi cách, nó tuỳ thuộc quá khứ của con người có tâm trạng đó trong hoàn cảnh nào, ở đâu, lúc nào, với ai, như thế nào…Vì vậy linhquany nói: "Cái đó em không hiểu và cũng không thể hiểu vì là thế hệ của những người lính thời bình không qua chiến tranh". Cháu nói vậy cũng dễ hiểu thôi.
     Ông ấy không phải có vấn đề về tâm thần bất định đâu cháu ạ.

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Năm, 2013, 02:10:31 pm gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #492 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 11:33:45 am »

       Chào bác vanthang! Chào các bác! Ngôi nhà của bác chủ vanthang lúc nào cũng đông vui. Đầy ắp tiếng cười tiếng nói và đầy ắp tình cảm của những người lính đã một thời "LIỆT OANH" hi hi.. Và những chuyện vui của các bạn trẻ yêu lính, thích nghe LÍNH kể chuyện.

        Chuyện kể của linhquany rất hay vui và nhiều ý nghĩa. ĐẤY CŨNG LÀ MỘT BỨC TRANH CỦA CUỘC ĐỜI. Khiến chúng ta phải trăn trở. Xin cảm ơn bạn nhiều.

        Xuanv338- bác vanthang à sao mà lại cứ nói đến già. hi hi Có ai giám nói là mình GIÀ. Bác Hồ xưa đã từng nói:" 70 tuổi đâu đã già. So với Ông Bành vẫn kén xa". mà !!!

        Tranphu341 chúc bác vanthang cùng các bạn luôn có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui cuộc sống!

         
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #493 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2013, 02:18:31 pm »

                                              (tiếp theo)
                  
    
KỶ NIỆM TRƯỜNG SƠN MỘT THỜI MÁU LỬA

        Tôi sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo tại xã Hương Trạch- Hương Khê - Hà Tĩnh. Nơi đây rất giàu lòng yêu nước, giàu tinh thần và truyền thống cách mạng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu năm 1964 và gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại từ năm 1965 đến mùa khô 1969.
   Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi qua cách đây hơn một phần ba thể kỷ nhưng để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên về chiến trường Tây Nguyên đầy chông gai ác liệt, về con đường Trường Sơn huyền thoại một thời.
   Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN 22/12-tôi tròn 64 tuổi, xin có đôi lời gọi là hồi ký bằng thơ về con đường Trường Sơn huyền thoại

Con đường đã cách đây hơn một phần ba thể kỷ
Đến hôm nay tôi nhìn lại chặng đường
Khi đất nước đã hoàn toàn độc lập
Bắc Nam sum họp một nhà
Cả đất nước rạo rực màu cờ hoa
Nhưng quên sao được một thời máu lửa
Đỉnh Trường Sơn gắn liền thời trai trẻ
In đậm trong tôi những kỷ niệm không quên
Thăm thẳm Trường Sơn tên một con đường
Hình tượng đó trải dài rùng rợn
Nhớ ngày nào theo tiếng gọi quê hương
Tạm biệt người thương lên đường đi chiến đấu
Từ giã xóm làng lũy tre yêu dấu
Một vùng quê Hà Tĩnh ra đi
Mang nặng trong tim với một lời thề.

Qua La Trọng vượt Cổng Trời phía trước
Sang bên kia đất bạn Lào thân thiết
Tà Khống, Bản Đông, Dốc Thơm, thác Bạc
Xê Ka Máng địch gây bao tội ác
Đỉnh Mô Phiên sừng sững chọc trời
Những địa danh mà ít người biết đến
Suối Hai Ông Bà cùng một thời chinh chiến
Để lại trong tôi một dấu ấn tình người
Bãi Lăn Tăn  mêng mông rộng ai ơi
Đã chứa chất những chuyến hàng của Việt Kiều đưa tới
Ông chủ Đức Phương là người làm cầu nối
Chi viện chiến trường giải phóng Tây Nguyên
Tới đỉnh Hai Trăm lại càng thêm huyền thoại
Chi chít những hố bom trong rừng cây chất độc
Dưới ánh trăng ngàn nằng nặc mùi đạn bom
Đan xen lẫn ánh đèn dù pháo sáng
Phà Xê Sụ vẫn vững vàng trên chiến tuyến
Mặc cho bom gầm đạn xé trời mây
Những chuyến hàng đầy vẫn vượt lên phía trước

Ngã ba Phi Hà giặc đổi thay bao chiến thuật
Lô cốt, bom bi, cây nhiệt đới từ trường
Cả đoạn đường hai cây số đau thương
Địch rải thảm bom bi dày đặc
Đoàn xe kẹt giữa lớp bom không qua được
Tình huống đó nào đâu ai có biết
Trung đội trưởng người chỉ huy cao nhất
Anh tên là Thanh quê ở Hải Phòng
Hạ lệnh thông đường cho đoàn xe chở đầy lương thực
Tôi vội vàng họp tổ Đảng trong đêm
Hạ quyết tâm thư và giao nhiệm vụ
Cả tiểu đội lặng im ngồi nản chí
Không có ai lên tiếng xung phong
Tôi lập tức hô vang: “Quyết thông đường”
Giữa Trường Sơn ngàn dặm
“Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”
Tất cả vì chiến trường phía trước
Nhận nhiệm vụ cản bom cho xe vượt
Với một người y tá đồng hương
Cùng nhâp ngũ một chiến trường quê xứ Nghệ
Bước lên xe trong tư thế oai hùng
Bầu máu nóng trong tim đầy nhiệt huyết
Người quấn đầy chăn trừ hai đôi mắt
Dưới sàn xe tôi phủ đầy lớp bạt
Số một cài vào cho xe vượt trên bom
Thẳng hướng con đường mà đi tới
Lòng dũng cảm trào dâng như sóng dội
Khí phách  ngoan cường của người cộng sản
Đã tô thêm màu đỏ lá Quốc kỳ
Như đưa đường chỉ lối tôi đi

Xe lăn bánh bom rền như sấm dội
Ảnh lửa bừng lên sáng cả đoạn đường
Làm rung chuyển cả góc trời biên giới
Khét lẹt khói bom cuộn vào trong buồng lái
Người quấn đầy chăn toát hết cả mồ hôi
Buồng Cabin nham nhở vết bom cày
Kính vở hết bỗng trong người lạnh toát
Máu chảy rồi, chân phải đã bị thương
Tôi bảo với người y tá đồng hương
“Băng bó cho tôi rồi tiếp tục lên đường”
Kiểm tra xe còn đi được nữa hay không
Nhưng tiếc thay bốn lốp đã tan tành
Chỉ còn lại bốn vành tang trống
Trong đêm tối của Trường Sơn lửa đạn
Máy bay địch vẫn đeo bám thường xuyên
Trút xuống con đường hàng vạn tấn bom
Hòng cắt đứt đoạn đường chi viện
Nhưng không thể nào làm lay chuyển
Người lái xe dạ ngọc gan vàng

Tôi quyết lên xe gì chặt Vô Lăng
Dùng toàn thân và sức lực của mình
Bám sát bạt ta luy phòng xe lao xuống vực
Chân phải nhấn ga, hàm răng nghiến chặt
Mắt chăm chăm nhìn lên phía trước
Trong màn đêm mù mịt giữa Trường Sơn
Hai con người đang vật lộn với đạn bom
Để giải phóng đoạn đường cho xe vượt
Tôi xác định chuyến đi này là một còn một mất
Để thông đường cho những chuyến xe qua
Trong lúc đó mùi trong xe khét lẹt
Tôi dừng lại dùng đèn mờ soi xuống đất
Đáy dầu thủng đã tràn ra sắp hết
Bởi mãnh bom không có gì ngăn được
Tôi vội vàng lấy đất sét trét vô
Trong đêm tối trời mùa khô nóng nực
Toát mồ hôi toàn thân như kiệt sức
Đoạn đường còn dăm chục mét nữa thôi
Bom đạn vẫn đầy đoàn xe chưa qua được
Tôi gượng dậy lên xe chạy tiếp
Mặc bom rền tiếng máy bay gầm thét
Vẫn vững vàng tay lái quyết xông lên
Để cán hết bom thông đường cho xe vượt

Trong lúc đó lương tâm tôi như thầm nhắc
Nơi quê nhà hậu tuyến xa xôi
Cha mẹ già đang ngày đêm mong đợi
Một đứa con ở nơi xa vời vợi
Chẳng biết giờ đây đã mất hay còn
Trong trận chiến ngày đêm ác liệt
Con xin lỗi mẹ già và người cha thân yêu nhất
Vì những chuyến hàng miền Nam ruột thịt
Mà con phải ra đi khi đồng đội đang chờ
Những con đường cần phải được thông xe
Mong cha mẹ vui lòng để con làm nhiệm vụ
Vì Tổ quốc con hiến dâng tất cả
Cuộc đời mình đang phơi phới tương lai
Cảm ơn Đảng và Tổ quốc hôm nay
Như đã tiếp thêm cho con sức mạnh
Trong cuộc chiến không có gì so sánh
Đường Trường Sơn bom đạn rải đầy
Xe lăn bánh bom rền trời rực lửa
Cản hết bom rồi xe chẳng còn đi được nữa
Hai chúng tôi nhìn nhau ngậm ngùi nức nở
Đến trạm barie điện về đơn vị
Hai cây số đường đã cản hết bom
Nhìn lại đoạn đường đầy bom đạn gian nan
Nhiệm vụ hoàn thành vẫn bảo toàn tính mạng
                (còn tiếp)

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2013, 01:56:09 pm gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #494 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2013, 01:54:57 pm »

                        (tiếp theo)
  Kỷ niệm Trường Sơn một thời máu lửa

Đường giải phóng rồi cho xe vượt khẩn trương
Để chi viện lương thực cho chiến trường phía trước
Chiến trận Buôn Mê, Pờ Lây Cu, Đắc lắc
Một dải Tây Nguyên mênh mông bát ngát
Tất cả đang chờ những chuyến hàng tiếp sức
Chi viện cho chiến trường giải phóng miền nam
Đại đội trưởng chở chúng tôi về đơn vị
Trong không khí mừng vui khôn tả
Thắng lợi trở về khi đường đã thông xe
Vẫn còn sống không ai ngờ tới
Để trở về gặp mặt hôm nay
Ngay sau đó đơn vị tổ chức học tập ba ngày
Gương dũng cảm lái xe cản bom trên cây số 32
Của tiểu đội trưởng lái xe Trần Huy Nghĩa
Làm nấc lòng anh em toàn đơn vị
Được đăng trên tờ báo Trường Sơn
Người lái xe dạ ngọc gan vàng
Đã cảm tử cản bom thông đường thắng lợi

Trong giấc mộng tôi luôn nghĩ về ký ức
Năm tháng Trường Sơn oanh liệt hào hùng
Ý tưởng của tôi muốn dựng lại con đường
Không thể nào quên của 40 năm về trước
Đã theo tôi đi suốt mấy năm qua
Hình bóng Trường Sơn tha thiết mặn mà
Tôi muốn để cho con đường sống lại
Với những địa danh mà tôi từng trải
In đậm trong tâm bao tháng ngày qua
Đến hôm nay tuy tuổi đã về già
Tôi lấy đó làm món quà vô giá
Năm một chín sáu tư cuộc đời từ đó
Tôi bước vào quân ngũ tuổi đôi mươi
Đến hôm nay đã gần cuối cuộc đời
Sáu mưới tư tuổi tuy không còn trẻ nữa
Nhưng vẫn không quên một thời máu lửa
Của Trường Sơn huyền thoại hào hùng
Kể lại chuyện này không mấy ai biết được
Chỉ nghe qua không cho là sự thật
Chỉ một người duy nhất bạn tôi
Anh Trịnh Mạnh Kha cùng quê nay ở xóm 10
Nhập ngũ một ngày và ở cùng đơn vị
Từ thuở chăn trâu đã trở thành tri kỷ
Tuy hai người hai nhiệm vụ khác nhau
Nhưng hôm nay vẫn chung một chiến hào
Cùng chiến đấu bên nhau quyết tử
Nói đến đây tôi rưng rưng hai dòng lệ
Xúc động nghẹn ngào về những kỷ niệm xưa./.

     Sau đó tôi vinh dự được đơn vị cho ra Bắc để gặp Bác Hồ báo cáo thành tích. Nhưng không may cho tôi khi ra đến nơi thì Bác Hồ kính yêu của chúng ta không còn nữa.
Ngậm ngùi thay Bác đã ra đi
Khi đất nước vẫn còn chia cắt
Chúng con mong được một ngày gặp Bác
Nhưng thôi rồi không gặp Bác nữa Bác ơi!

   Tôi tự hào đã đóng góp được một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Công trình đường Trường Sơn của tôi đã hoàn thành cũng vừa lúc tôi tròn 64 tuổi, phần nào đưa tôi sống lại những năm tháng hào hùng không thể nào quên trên chiến trường Tây Nguyên đầy chông gai ác liệt và con đường Trường Sơn huyền thoại một thời máu lửa./.
                                                                Hương Trạch ngày 22/12/2005
                                                                              Người lưu bút
                                                                           Trần Huy Nghĩa
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Năm, 2013, 08:28:50 am gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #495 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2013, 02:39:20 pm »

 CB chào bác vanthang341ht. Chào tất cả các bác. Đọc thơ của bác Trần Duy Nghĩa. Rất hay. Thơ không chau chuốt, mộc mạc nghe như lời người kể chuyện. Tâm sự về cuộc đời mình, cuộc đời của anh bộ đội lái xe Trường Sơn trong chiến tranh đánh Mỹ, chuyện bom đạn, chuyện của những chuyến hàng lên đường vào trận, Bao nhiêu những cam go giữa Đại Ngàn Trường Sơn mà được bác lái xe viết thành thơ. Những câu thơ bốc lửa, đầy nhiệt huyết. Đặc khệt tư tưởng và suy nghĩ hành động đại diện cho cả lớp người trung cổ thời đánh Mỹ.

  Một anh lính lái xe Trường Sơn thôi mà có những áng thơ thật tuyệt. Thật là tiếc cho bác Nghĩa giá hôm nay bác ấy còn thì biết đâu trên diễn đàn VMH. trên trang M&H lại chả có một cây viết chắc. CB chúc bác vanthang mạnh khỏe sưu tầm được nhiều thêm những câu chuyện thơ của người lính xưa vẫn còn chưa khai thác được. CB chào bác.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Năm, 2013, 11:30:26 am gửi bởi xuanv338 » Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #496 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2013, 06:13:12 am »

Em chào anh Vanthang341 và các anh chị tham gia topic. Âm thầm theo dõi bước hành quân cua các anh chị nhưng em không thể đủ hiểu biết và cũng không có thể bắt kịp mạch hành quân nên em cứ ngồi hóng chuyện cho vui. qua mấy bài thơ dài củ về Trương Sơn một thời máu lửa và lưu bút của người anh đồng đội đã hy sinh, thật sự xúc động và cũng thật sự tự hào. Vậy, anh nhé! em vẫn tiếp tục là hậu cần và theo dõi bước hành quân của các bác. Chúc anh và các anh chị mạnh giỏi.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #497 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2013, 08:57:36 pm »


      Xin phép Ban QT trang M&H tôi đưa bài viết này lên TOPIS "Những mẩu chuyện..." để các bạn cùng tham khảo:

          Cổ tích về một chiến sĩ Điện Biên

(LĐ) - Số 101 - Thứ ba 07/05/2013 09:01
Trang chủ | Phóng sự
85 tuổi và tròn 59 năm, kể từ ngày ông bị thương tại đồi Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ (13.3.1954), ông mới được nhận cho mình tấm “Giấy chứng nhận thương binh”.

Nhưng để có được sự chứng nhận này, ông và gia đình đã phải ròng rã 59 năm gõ cửa khắp nơi, mong có ngày, trước khi nhắm mắt lìa đời, ông sẽ được công nhận một phần máu thịt của ông đã đổ ra cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Và, ngày đó đã đến, dù có lúc đã ngỡ như hoang tưởng…

57 năm không được công nhận thương binh

Tháng 7.2011, chị Võ Thị Thanh (ngụ 209 Nguyễn Thượng Hiền, P.6, Q.Bình Thạnh, TPHCM) mang đến cho tôi một chồng hồ sơ. Trong nhạt nhòa nước mắt, chị kể lể không dứt về người cha thân yêu của mình – một chiến sĩ gan dạ bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng hiện vẫn chưa được công nhận là thương binh. Đó là ông Võ Đăng Nhàn (sinh năm 1928), hiện sinh sống tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Chị Thanh nói với tôi: “Bố tôi nay đã 83 tuổi, sống chẳng được bao năm. Nhưng ở đời, với những người trung chính như bố, danh dự và tinh thần quan trọng lắm. Bố tôi nói, còn sống ngày nào còn phải tiếp tục xin được công nhận rằng bố đã bị thương, đã đổ máu trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Không phải vì ít tiền trợ cấp thương binh mà là vì danh dự, vì sự thật”.

Theo hồ sơ, ông Nhàn đã tham gia bộ đội chống Pháp từ năm 1947 – 1954. Năm 1954, ông Nhàn là trung đội trưởng trinh sát, thuộc đại đội 225, tiểu đoàn 322, trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Ngày 13.3.1954, khi làm nhiệm vụ trinh sát đồi Độc Lập, ông Nhàn bị thương nặng ở ngực và chấn thương ở cổ và đầu, phải đưa về tuyến sau điều trị ở Bệnh viện 103 và 108. Sau đó, ông Nhàn phục viên về địa phương, tiếp tục tham gia trực chiến bắn máy bay Mỹ ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh...

Ông Nhàn từng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua 5 năm thắng Mỹ (1965-1969), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất... Năm 1977, ông Nhàn đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cấp giấy xác nhận thương tật. Và, hồ sơ được gửi về Ty LĐTBXH tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) để giải quyết chế độ thương binh cho ông Nhàn. Tuy nhiên, không rõ vì sao, hồ sơ bị thất lạc...

Năm 1996, ông Nhàn làm lại hồ sơ xin công nhận thương binh. Nhưng với tình trạng toàn bộ hồ sơ gốc bị thất lạc, ông đã không được nơi nào giải quyết. Năm 2006, ông Nhàn tiếp tục làm lại hồ sơ thương binh; song vẫn không có được sự công nhận. Đau lòng trước tình cảnh bi đát của người cha đã 83 tuổi, chị Thanh đích thân thay cha, chạy khắp nơi, thu thập hồ sơ, tìm nhân chứng, nhằm xác nhận sự thật để xin được công nhận chế độ thương binh cho cha.

Theo công văn trả lời của Ban CHQS huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) ngày 25.4.2011, căn cứ Thông tư 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25.11.1998 của liên Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và Thông tư 25/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15.12.2007 của Bộ LĐTBXH về việc xác nhận chế độ thương binh, đòi hỏi ông Nhàn phải có các loại giấy tờ gốc như: Lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, phiếu chuyển thương, chuyển viện khi bị thương... xác nhận ông Nhàn có bị thương...; mới có cơ sở công nhận thương binh cho ông. Tuy nhiên, ông cụ gần như không còn lưu giữ được một giấy tờ gốc nào thể hiện việc ông đã bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguyên nhân là do Ty LĐTBXH tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đã làm thất lạc toàn bộ hồ sơ gốc xin công nhận thương binh của ông. Hội Cựu chiến binh huyện Hương Khê, (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã thừa nhận có việc Ty LĐTBXH tỉnh Nghệ Tĩnh đã làm thất lạc hồ sơ của ông Nhàn, “việc này do tỉnh Nghệ Tĩnh cũ chịu trách nhiệm”.

Vào tháng 6.2011, Trung tướng Lê Nam Phong, Thiếu tướng Vũ Thược và đại tá Nguyễn Mạnh Quân - đều ngụ TPHCM - đã cùng ký giấy lần thứ ba chứng nhận cho người đồng đội xưa kia từng bị thương ngày 13.3.1954, tại đồi Độc Lập, trong lúc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung tướng Lê Nam Phong – nguyên thủ trưởng trực tiếp của ông Nhàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ - đã phải thốt lên: “Hồ sơ mà Ty LĐTBXH tỉnh Nghệ Tĩnh làm thất lạc từ năm 1977, không còn giấy xác nhận bị thương; nhưng những vết thương vẫn còn nằm nguyên trên thân thể đồng chí Nhàn, sau 57 năm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ... Với tư cách là người chỉ huy trực tiếp đồng chí Nhàn năm xưa, chứng kiến cảnh bị thương của đồng chí, tôi hết sức đau lòng. Biết đồng chí Nhàn chưa được giải quyết chế độ thương binh, chúng tôi đã nhiều lần chứng nhận cho đồng chí Nhàn là người thật, việc thật và cũng rất bức xúc về cách không giải quyết chế độ cho đồng chí Nhàn. Vậy, chúng tôi cần phải làm gì nữa đây, ngoài việc chứng thực để làm chế độ cho đồng chí Nhàn?”.

Cổ tích giữa đời thường

Trong sự sẻ chia với gia đình chị Thanh và trách nhiệm phải nói lên sự thật, tôi đã viết bài báo: “Sau 57 năm vẫn chưa được công nhận thương binh”, đăng trên báo Lao Động ngày 8.7.2011. Tôi không nghĩ bài báo của mình sẽ giúp ông Nhàn đòi được sự công bằng mau lẹ; bởi lẽ, trước đó mấy năm đã có vài bài báo phản ánh vụ việc này, mà có mang lại kết quả gì đâu.

Bất ngờ, một ngày cuối tháng 3 vừa qua – sau hơn một năm rưỡi báo Lao Động có bài về ông Nhàn – chị Thanh điện thoại báo cho tôi biết trong niềm vui sướng tột bậc: “Bố tôi đã được công nhận là thương binh rồi, nhà báo ơi ! Nhờ bài trên báo Lao Động đó”. Tôi vui lây niềm sung sướng của chị.

Sau khi bài báo đăng, Cục Chính sách (thuộc Tổng cục Chính trị) đã có văn bản gửi Bộ LĐTBXH, nêu rất rõ vụ việc mà báo Lao Động phản ánh và nhấn mạnh “đây là trường hợp rất cá biệt cần được quan tâm giải quyết chính sách”. Kế đó, Cục Chính sách cũng kết luận gần như 100% ông Nhàn “có cơ sở, đủ điều kiện xem xét giải quyết giám định thương tật”; cho dù “sau 58 năm không còn lưu giữ được giấy tờ gốc”; nhưng “là trường hợp đặc biệt, được 3 đồng chí cán bộ cấp tướng cùng công tác, chiến đấu xác nhận” và được báo Lao Động phản ánh...

Chị Thanh cho biết: “Kể từ ngày nhận kết luận sẽ được công nhận là thương binh, bố tôi như trẻ lại, dù cụ năm nay đã 85. Lúc nào bố cũng cười, cũng nói... Trong hồ sơ thủ tục công nhận thương binh, Cục Chính sách có yêu cầu phải kèm bài trên báo Lao Động đấy. Tội nghiệp cho mẹ tôi, vì con đều ở trong Nam, ngoài ấy chỉ có 2 ông bà. Mỗi lần bổ sung giấy tờ, thủ tục, bà cụ trên 80 tuổi lại lọ mọ, đón xe đò ra Hà Nội, với bao nhiêu vất vả...”.

Một ngày đầu tháng 4.2013, người dân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đã chứng kiến đoạn kết thật có hậu của một câu chuyện cổ tích trong thời hiện đại: Trong bữa tiệc gia đình, các cán bộ chính quyền địa phương đã tới chung vui, chúc mừng và công nhận một thương binh của chiến dịch Điện Biên Phủ, sau gần 59 năm. Ông Võ Đăng Nhàn đã được nhận “Giấy chứng nhận thương binh” loại A, với thương tật 4/4 (33%).  Ông Nhàn được nhận trợ cấp 1.175.000 đồng/tháng, kể từ ngày 21.11.2012.


Vợ chồng ông Võ Đăng Nhàn.

Cần phải kể thêm về người chiến sĩ Điện Biên này: Sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Nhàn rời quân ngũ trở về quê nhà. Tuy nhiên, trong những năm đế quốc Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, một lần nữa, ông Nhàn lại cầm súng, nhưng cầm súng trong đội dân quân xã Lộc Yên. Trong năm 1964, trung đội dân quân Lộc Yên do ông Nhàn chỉ huy đã cùng với tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân bắn rơi một máy bay Mỹ. Viên phi công nhảy dù xuống bị người dân bắt giữ và giao lại cho o du kích Nguyễn Thị Kim Lai dẫn giải về trại giam. Hình ảnh này đã được nhà nhiếp ảnh Phan Thoan ghi lại; sau đó, nhà thơ Tố Hữu đề từ bằng thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu...” rất nổi tiếng.

Ngót nghét 85 tuổi, ròng rã 59 năm mới đạt ý nguyện được công nhận là thương binh của chiến dịch Điện Biên Phủ, cái hạnh phúc mới mẻ thật quý giá biết bao nhiêu! Chị Thanh - con gái ông - nói: “Đó là liều thuốc tinh thần sẽ giúp bố tôi phấn chấn kéo dài cuộc sống của mình. Tôi từng chứng kiến, có những đêm trăn trở mãi không ngủ được, bố thức dậy lại mân mê tấm giấy chứng nhận thương binh và tấm huy hiệu chiến sĩ Điện Biên rồi nước mắt ứa ra. Nhưng tôi biết, đó là nước mắt hạnh phúc của bố, của người lính già...”.

                                                            Cao Hùng
                                                         Báo Lao Động
   Nguồn:
http://laodong.com.vn/Phong-su/Co-tich-ve-mot-chien-si-Dien-Bien/114328.bld
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #498 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2013, 07:11:05 am »

  CB chào bác vanthang341ht. Chào các bác tren diễn đàn. Đọc bài phóng sự do bác sưu tầm và đăng trên trang M&H hay quá. Đây cũng là một mẩu chuyện của đồng đội không cùng sư đoàn. Cứ mỗi ngày được cập nhật những thông tin , những câu chuyện nói về người lính thế này thì người được đọc lại càng hiểu sâu hơn cái giá trị của cuộc sống và cái danh dự cao sang có thật của họ.  Nó đã như hằn sâu vào trong tiềm thức của bao người lính trận vì họ đóng góp vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc không phải bằng vật chất. Mà bằng máu xương và cả tính mạng của họ.  Dù ở bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng thế!  Đó là lý do vì sao người lính xưa họ cứ vẫn đau đáu, vẫn không bao giờ quên đi quá khứ của chiến tranh, không quên đi những tình cảm đồng đội. Và cũng không quên đi sự cống hiến của mình.

   Trường hợp của cụ Nhàn. Đọc mà thấy thương cho Cụ ấy và cũng thật đáng trách cho những người có trách nhiệm đã quá vô cảm với sự sự hy sinh của những người đã góp xương máu của mình cho một Điện Biên lịch sử. Thôi hôm nay dẫu có muộn mằn còn hơn là không có. Cụ Nhàn sẽ rất vui và sống thọ thêm nhiều tuổi nữa.

  Cảm ơn bác vanthang341ht đã đăng bài này đúng vào ngày giải phóng Điện Biên. Rất tinh tế bác vanthang ạ. CB chúc bác mạnh khỏe sưu tầm nhiều hơn những mẩu chuyện hay nói về đồng đội thế này. CB kính bác

  
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Năm, 2013, 07:18:13 am gửi bởi xuanv338 » Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #499 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2013, 07:35:08 pm »

     Nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 tôi xin phép đưa lên TOPIS "Những mẩu chuyện..." bài viết sau đây từ báo Tuổi trẻ online ngày 05/5/2013.  
                                            
Cựu chiến binh tuổi 80 đạp xích lô

    TT - Một thời bom đạn đã qua/ Một thời trai trẻ xông pha chiến trường/ Nay về cuộc sống đời thường/ Soi gương, tóc đã điểm sương mái đầu/ Gia tài nào có gì đâu/ Xích lô, ba gác nhuốm màu thời gian... Ông già xích lô ngồi ở ngã tư Bà Triệu - Tố Hữu (TP Huế) mở đầu câu chuyện bằng những vần thơ lột tả cuộc đời nhọc nhằn của mình.


    Trưa. Huế đầu hè oi bức, mùi nhựa đường bốc lên khét lẹt. Ông Bùi Hữu Trân (80 tuổi, trú phường Phú Xuân, TP Huế) đẩy chiếc xích lô cũ rích cố tìm bóng mát để trốn cái nóng phả hừng hực. Đôi tai ông vẫn căng ra để ngóng xem may mắn có ai đó gọi mình chở hàng. Ở góc phố này, người qua đường dường như quá quen thuộc với hình ảnh của ông - một cụ già khắc khổ, mái tóc bạc trắng, ngày ngày phơi nắng phơi mưa đợi khách. Suốt 30 năm qua, hằng ngày ông vắt sức đạp xích lô kiếm từng đồng bạc lẻ nuôi vợ con. Cánh xích lô biết chuyện quý mến ông, thường nhường khách để ông kiếm thêm ít tiền. Mọi người thường gọi vui ông là “trung tá xích lô”.

Ông vốn là chiến sĩ trung đoàn Trần Cao Vân, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường với quân hàm trung tá. Ông được chuyển ngành làm thợ máy ở một công ty cơ khí, đến năm 1980 về hưu. “Cuộc sống bề bộn khó khăn, đồng lương hưu ít ỏi không trang trải đủ chi phí gia đình. Thế rồi tôi gắn đời mình với nghề xích lô” - ông tâm sự.

“Nhật ký” đời ông là một chuỗi tháng ngày cơ cực, từ khi sinh cho đến lúc “gần đất xa trời” này dường như ông vẫn chưa có được một ngày sống thảnh thơi! Ngày trước còn khỏe, khách thuê chở đông, giờ đã già sức giảm, mỗi ngày đạp xích lô chỉ kiếm được bốn năm chục ngàn đồng để trang trải chi phí sinh hoạt và tích cóp trả nợ. Nhiều người thương kêu ông chở ít vật liệu xây dựng hay đồ gia dụng để ông có ít tiền, có người biếu ông bộ quần áo, đôi giày...

Nhắc đến con, ông lại trào nước mắt: “Vợ chồng tui có ba mặt con. Hai đứa con trai bị mắc bệnh tâm thần, ngô nghê như đứa trẻ lên ba”. Bần thần một lúc, ông nói: “40 năm trước, cũng vì quá ngặt nghèo mà vợ chồng tôi buộc phải bấm bụng cho đứa con gái út đi làm con nuôi”.

Cuộc sống nghèo khó, gia đình ông phải ở ké nhà người chị ruột suốt mấy chục năm. Hằng ngày ông gò lưng đạp xích lô chở hàng thuê khắp ngõ ngách TP Huế, rồi tất bật trở về chăm vợ bệnh, bón từng thìa cơm cho đứa con tâm thần. Năm năm nay, tổ ấm của gia đình ông trở nên lạnh lẽo bởi vợ ông chết vì bạo bệnh. Nhiều đêm ông khóc nhìn đứa con lên cơn điên, quậy phá trong nhà. Mới đây, ông đau đớn nhìn con trai thứ hai mắc bệnh tâm thần trút hơi thở cuối cùng. Nhà ông càng trở nên quạnh quẽ, cuộc sống mưu sinh thêm đơn độc. Hằng đêm ông vẫn canh cánh nỗi lo số tiền nợ vay của người thân để lo chi phí đám tang cho vợ và con trai xấu số.

Dù tất bật trong cuộc mưu sinh nhưng ông vẫn có niềm tin và đam mê mãnh liệt với thơ. Những bài thơ - đứa con tinh thần - được ông đóng khung treo trang trọng khắp nhà, nhiều bài thơ được chọn đăng trên báo và tạp chí. Ông chia sẻ nhờ yêu thơ mà ông có thêm niềm tin để sống, không cảm thấy đơn độc. Nói rồi, ông ngâm bài thơ Tâm sự đời tôi của mình cho tôi nghe để giãi bày nỗi lòng:
 
Cơ cực vẫn còn, tuổi tám mươi
Hẩm hiu đeo đẳng mãi không rời
Chạy tiền từng bữa vàng đôi mắt
Kiếm gạo qua ngày đến hụt hơi
Mỏi gối đau lưng luôn gắng sức
Dầm mưa dãi nắng khó nên lời
Mong sao còn khỏe làm ăn được
Mơ ước đời tươi, chỉ thế thôi!

                                                                                  NGUYÊN LINH - VĂN THÔNG

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Năm, 2013, 06:07:29 pm gửi bởi vanthang341ht » Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM