Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:13:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật danh AZET  (Đọc 21022 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 01:54:44 am »

25/NHIỆM VỤ MẬT
Trịnh Toàn rời khỏi phòng của chính trị viên Song Hoa về phòng. Bây giờ đã gần 5 giờ sáng. Công việc cộng thêm mấy chén trà của chính trị viên, Trịnh Toàn lên giường nằm nhưng không thể ngủ được. Ông trằn trọc kiểm tra công việc bằng trí nhớ.

Việc đồn Mũi Ngọc thu giữ được chiếc mủng trôi dạt liệu có liên quan gì đến bức mật điện của Ban chỉ huy Công an Trung ương? Từ khu vực cửa biển đồn Mũi Ngọc đến khu vực làng chài của Trần Kiên phải trải qua rất nhiều núi đá, eo, vụng? Liệu nó có quan hệ với nhau không? Có thể trôi dạt hàng trăm ki lô mét thế không? Hay chiếc xuồng kia là của một nhóm xâm nhập khác? Nếu có, chúng xâm nhập bằng đường nào? Ở đâu? Số lượng kẻ xâm là bao nhiêu? Liệu có thể xảy ra tình huống chúng tạo hiện trường giả, tung hỏa mù để đánh lạc hướng điều tra và gây rối trong quá trình điều động lực lượng hay không? Ngay bây giờ, bản thân ông cũng chưa dám khẳng định việc xâm nhập là bao nhiêu? Đi theo đường nào? Phương thức hoạt động? Mục tiêu hoạt động? Địa điểm hoạt động? Nếu thực sự có sự xâm nhập của hai ba toán vào dịa bàn như thế này thì chúng có quan hệ với nhau không? Quan hệ liên lạc bằng con đường nào? Hoạt động đơn tuyến hay đa tuyến? Rất nhiều, rất nhiều vấn đề mà bắt ông phải ra quyết định.

Ngồi chắp nối các sự kiện, tâm trạng Trịnh Toàn không vui. Việc quản lý bảo vệ biên giới biển như vậy là còn bộc lộ nhiều sơ hở, nếu không nói là thủng. Tất nhiên Trịnh Toàn cũng hiểu rằng, trong thời kỳ đầu, tất cả đều mới, anh em cán bộ chiến sĩ cơ bản chỉ có lòng nhiệt tình mà chưa được đào tạo, chưa trải nghiệm qua tháng năm thực tế. Không những thế, quân số mỏng, cả một phạm vi biển rộng như hàng trăm ki lô mét vuông, nếu có giăng tay cũng không thể che kín. Trong khi đó, đối phương lại tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để xâm nhập hoạt động. Kẻ địch trong bóng tối, anh em cán bộ chiến sĩ công an lại ở ngoài sáng. Kẻ địch chủ động trong các phương thức hoạt động, còn anh em cán bộ chiến sĩ, dù chủ động trong phòng ngừa nhưng vẫn bị động khi đối phương xâm nhập. Trang thiết bị theo dõi giám sát hoạt động quản lý còn nghèo nàn, nếu không nói là con số không. Chủ yếu là người trần mắt thịt. Bàn tay đâu có thể che kín bầu trời. Hiểu và chia sẻ những khó khăn nhưng Trịnh Toàn vẫn cho rằng, nếu kẻ địch xâm nhập vào được địa bàn, trách nhiệm chính vẫn thuộc về ông, thuộc về trách nhiệm của người quản lý điều hành, bố trí lực lượng.

Công việc cần làm lúc này nhiều vô kể. Phải bắt đầu từ đâu. Trong cả mớ công việc rối như bòng bòng phải tìm ra được đầu mối cốt tử, quyết định. Từ đầu mối này mà lần, ra gỡ ra những đường dây, mắt xích được giấu trong mớ bòng bong ấy. Đối phương chủ động thì ta cũng phải chủ động. Chỉ có chủ động thì mới tạo ra được tính đột phá, đưa kẻ địch từ thế chủ động sang bị động bị đánh trả. Chính khi kẻ địch bị động, sẽ buộc phải tìm cách tránh, đây cũng là điều kiện, cơ hội làm cho kẻ địch bộc lộ, lộ diện. Từ chỗ chủ động xâm nhập sẽ thành bị động phòng tránh, lẩn trốn.

Có tiếng gõ cửa ngập ngừng. Không nhìn ra ngoài, Trịnh Toàn đánh tiếng.
- Vào đi.

Trần Minh Hồng nhẹ nhàng mở cửa rồi cũng nhẹ nhàng khép cánh cửa lại.
- Không cần khép nữa đâu. Để thế cho mát. Đến giờ báo thức rồi còn gì?

Trần Minh Hồng với tay, mở lại cửa. Gió từ phía biển thổi vào mang theo làn hơi nước mát rượi. Gió làm tóc trên đầu Trịnh Toàn lật ngược ra một bên. Lấy tay vắt lại đám tóc, Trịnh Toàn chỉ tay xuống chiếc ghế.
- Ngồi đi. Có chuyện gì sao? Chắc đêm qua không ngủ à?

- Vâng. Thủ trưởng bảo ngủ sao được.

- Sao không ngủ được. Phòng ngủ nhà khách kém quá, không bằng đồn chứ gì?

- Không phải đâu ạ.

- Thế vì sao? Chắc lạ giường chứ gì?

- Dạ. Chắc thế.

Trịnh Toàn với tay lấy tích nước định đứng lên. Trần Minh Hồng vội vàng.
- Thủ trưởng để em.

- Thôi. Cậu để tớ. Cậu cứ ngồi đấy. Để tớ pha chè cho cậu uống xem có được như đồng chí công vụ của đồn không nhé?

Trần Minh Hồng cười.
- Chết. Thủ trưởng nói thế em tổn thọ mất.

- Vớ vẩn. Có gì mà tổn thọ.

Trịnh Toàn vừa xúc tích pha chè vừa nhìn Trần Minh Hồng.

- Tớ nói thật nhá. Các cậu pha chè vạ phí chè đi. Tớ pha mới ngon. Các cậu quen thói được người ta hầu hạ rồi. Thói xấu nhất của đời là chỉ thích có người hầu kẻ hạ. Cứ thấy mình to mà không thấy người khác.

Nhấc ấm nước đang sôi, đổ vào chiếc tích, Trịnh Toàn quan sát nét mặt của Trần Minh Hồng.
- Tớ ghét lắm đấy. Cái thói ghé đầu mình vào gần đèn, rồi nhìn vào tường. Tự mình hô toáng lên: Ôi. Tôi vĩ đại quá.

Trịnh Toàn cười.
- Ở đời mắc bệnh gì cũng có thể chữa được. Sợ nhất bệnh cuồng đấy. Mắc bệnh này là hết thuốc chữa.

Trần Minh Hồng ngồi nghe thủ trưởng nói chuyện, chỉ cười. Trần Minh Hồng biết tính thủ trưởng. Nói thì nói thế, vui thì vui thế. Nhưng công việc léng phéng là sẽ ủng tai nghe quát.
- Có chuyện gì nên mới lên phòng chỉ huy sớm thế này. Đúng không? Nói tớ nghe xem nào? Đợi chè ngấm rồi ta uống. Chè mà chưa ngấm, uống tanh lắm. Nhạt toẹt.

Trước khi bước vào phòng chỉ huy trưởng, Trần Minh Hồng có biết bao nhiêu cái muốn nói, muốn trình bày. Ấy thế mà, đến bây giờ, tự nhiên không biết nói thế nào. Thủ trưởng có biết bao nhiêu việc, mà toàn việc quan trọng cả. Nói ra liệu thủ trưởng có đánh giá hay hiểu khác đi không? Hôm qua ở phòng của chính trị viên, Trần Minh Hồng cũng đã định nói rồi thôi.
- Có gì thì cứ nói đi. Lại chưa biết bắt đầu từ đâu hả?

- Dạ. Em định nói với chỉ huy trưởng điều này nhưng em nghĩ lại rồi. Nó chả đáng gì với những việc thủ trưởng phải lo nghĩ. Nói ra vạ làm các thủ trưởng thêm mệt, nhức đầu.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 01:59:50 am »

Nhìn Trần Minh Hồng, Trịnh Toàn cười cười.
- Các cậu nghĩ được thế là mừng rồi. À. Mà xem ra từ ngày làm đồn trưởng cậu cũng biết nịnh rồi đấy nhỉ? Khéo ăn khéo nói quá. Có phẩm chất làm chính trị đấy chứ.

- Ấy ấy. Em xin thủ trưởng. Em chỉ nghĩ sao nói thế. Em đâu biết nịnh và biết nói khéo. Em chỉ quen với hô hét đánh đấm thôi.

Rót chén nước, đẩy về phía Trần Minh Hồng. Trịnh Toàn làm mặt nghiêm.
- Cậu này ăn nói hay thật. Thế việc cậu làm không có chính trị à. Làm cán bộ có nghĩa là làm chính trị. Chúng ta đang làm chính trị cả đấy chứ. Đi làm cách mạng mà lại có cán bộ này cán bộ nọ là sao? Thế cậu tưởng tôi ở đây không đánh đấm chắc. Cứ phải ra mặt đối mặt với thằng địch mới là làm cách mạng chắc, mới xứng là cán bộ chắc. Đấy mới đáng mặt anh hùng, hảo hán chắc. Các cậu chỉ được cái nghĩ tầm bậy, tầm bạ.

Trần Minh Hồng tưởng Trịnh Toàn nói thật, anh tái mặt. Bụng Trần Minh Hồng nghĩ. Cũng may, chưa nói. Nói ra có khi bị quy cho tư tưởng chết toi.
- Thủ trưởng nói thế chứ em đâu dám nghĩ thế.

Nhìn nét mặt Trần Minh Hồng, Trịnh Toàn biết, Trần Minh Hồng lo lắng, sợ bị đánh giá này khác. Trịnh Toàn đứng lên, đến sau, ông đặt tay lên vai. Vỗ vỗ nhẹ. Trịnh Toàn vui vẻ.
- Tôi thử bản lĩnh của cậu chút thôi. Lính tráng gì mà bản lĩnh yếu quá. Nào. Có chuyện gì nói cho nghe đi.

Lúc này thì mọi suy nghĩ trong đầu Trần Minh Hồng đều tan biến. Trần Minh Hồng biết. Nếu có nói bây giờ thì cũng không ngại ngần gì nhưng tự nhiên Trần Minh Hồng thấy những suy nghĩ trong đầu đêm qua thật không đáng nói.
- Cậu lên chỗ tớ định xin vào trong chiến trường chứ gì? Đúng không?

Trần Minh Hồng bị bắt đúng thóp, cười trừ.
- Vâng. Em định xin thủ trưởng cho em vào trong chiến trường để đánh nhau thực sự. Chứ ở ngoài này, không được đánh nhau, người em nó bứt rứt lắm.

Trịnh Toàn cười.
- Tớ nói thật nhá. Khi thấy cậu lên sớm thế này là tớ đoán ra ngay. Khi nào trong chiến trường có yêu cầu, tổ chức sẽ điều động các cậu. Còn bây giờ. Vui vẻ mà làm đi. Đừng có này nọ vớ vẩn nữa. Chưa có chuyện đi hay không đi đâu. Ngoài này cũng cần lắm chứ.

- Thì em mới định đề đạt ý kiến, nguyện vọng với các thủ trưởng chứ em đã có gì đâu. Mà em cũng chưa nói. Toàn các thủ trưởng nói trước em đấy chứ.

- Giỏi. Cậu cũng bẻm mép nhỉ. Được. Dám đổ lỗi cho thủ trưởng. Các cậu hãy đợi đấy.

Trịnh Toàn lại ghế ngồi. Ông chỉnh lại thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh như đang điều hành cuộc hội họp nào đấy chứ không phải nói chuyện với cán bộ dưới quyền.
- Này. Tớ hỏi cậu cái này nhé?

- Dạ.

- Cậu là con nhà chài phải không nhỉ?

- Vâng. Em con nhà chài. Thủ trưởng biết rồi mà.

- Tớ biết rồi nhưng hỏi lại cho chắc. Nhà cậu chài sông hay chài biển?

- Ối giời ơi - Tô Hồng Dân cười - Chỉ có chài sông chứ còn biển ai gọi là chài.

- Thì thế tớ mới hỏi cậu. Nhưng mà…

Trịnh Toàn nói đến đây bỗng dừng không nói nữa. Cái giọng ông ngập ngừng như có ý đắn đo điều gì đó. Ông nhìn Trần Minh Hồng với cái nhìn như thăm dò. Trần Minh Hồng đoán, nghĩ thủ trưởng có việc gì khó nói nên chủ động hỏi.
- Nhưng mà sao thủ trưởng?

- Giả sử như bây giờ, cho cậu đi biển. Cậu có thể đi biển được không?

- Em đi ngon chứ thủ trưởng.

- Tốt. Có thể làm nghề đúng như dân biển chứ?

- Vâng. Em đi được. Mà có chuyện gì thế ạ?

- Tớ định giao cho cậu làm việc này. Tớ cũng đã xem lý lịch, nghề nghiệp của gia đình. Song tớ còn đắn đo chút. Nhưng thấy cậu cam đoan thế tớ yên tâm rồi.

Bây giờ thì Trần Minh Hồng lo lắng thực sự. Anh không biết thủ trưởng nói thế là làm sao? Định giao cho anh việc gì? Nếu là nhiệm vụ không quan trọng, chắc thủ trưởng không đến mức phải đắn đo tính toán thế. Nhưng nếu là nhiệm vụ quan trọng thì là nhiệm vụ gì? Là người lính, Trần Minh Hồng biết. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng nhưng không phải nhiệm vụ nào cũng có thể giao cho bất cứ ai.
- Nhiệm vụ gì đấy thủ trưởng? Em có thể biết được không ạ?

- Nhiệm vụ giao cho cậu thì cậu chả biết thì là sao? Nhưng thôi. Sáng rồi. Đến giờ báo thức rồi đấy. Ăn sáng xong. Bao giờ họp tôi sẽ cho cậu biết. Cậu cứ xác định là vất vả trước đi là vừa.

- Nhưng mà…

- Đúng là cái cậu này. Chưa gì đã rối lên.

Lấy tay vỗ nhẹ vào vai Trần Minh Hồng. Đoạn, Trịnh Toàn đặt tay sau lưng, đẩy nhẹ Trần Minh Hồng ra ý về nhà nghỉ. Trịnh Toàn vui vẻ.
- Yên trí. Phần cậu việc không nhẹ đâu.

Trần Minh Hồng bước đi, lấy hai tay gãi hai bên đầu. Trịnh Toàn nhìn theo. Ông tủm tỉm cười.

Tiếng kẻng báo thức cũng bắt đầu vang lên phía ngoài cổng trực ban.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 02:12:06 am »

26/CUỘC TÌNH MỘT ĐÊM VÀ KẺ GIẤU MẶT
Phan Lềnh nhìn theo bóng lão Tảng đi khuất rồi mới trở lại vào trong hang. Trời mấy hôm nay có sương nên hơi nước bốc lên làm Phan Lềnh khó chịu. Mùi ẩm mốc, mùi lá cây hoang oải, ngai ngái đến khó chịu. Phan Lềnh cầm cái đèn pin nhỏ tin hin dò dẫm từng bước chui vào hốc đá định nằm. Phan Lềnh tung túi dù thò chân vào trong. Khi cái mép túi vừa chạm đến cổ thì Phan Lềnh tự nâng hai chân lên cao, lấy tay túm lớp trong của chiếc túi, kéo cho sát chân. Nằm thế được một lúc, Phan Lềnh không chịu nổi mùi lá cây mục, mũi cứ định hắt hơi. Phan Lềnh đành phải kéo cái miệng túi trùm qua đầu…

Phan Lềnh thấy mình đang ở trong ngôi nhà nằm trong con hẻm. Phan Lềnh cũng không biết được đây là con phố có tên là gì? Con hẻm có ngôi nhà này có tên hẻm gì? Từ hôm chuyển từ trại tập trung về đây, Phan Lềnh không được phép ra khỏi cửa. Hằng ngày Phan Lềnh chỉ có mỗi việc chuyển các chữ viết thành các kí hiệu theo bảng quy định mà chỉ có Phan Lềnh biết. Các bảng ký hiệu này có rất nhiều loại mà Phan Lềnh chỉ biết người có tên gọi là Bình đưa cho.

Người duy nhất Phan Lềnh được gặp trong suốt thời gian ở con hẻm có tên là Bình, ấy cũng là cái tên do ông ta bảo với Phan Lềnh như thế. Với Phan Lềnh, cái tên để gọi, để phân biệt người này với người khác chứ nó chẳng có quan trọng gì. Bảo tên là Bình. Ừ thì gọi là Bình.

Bình có dáng người to, đậm, trắng trẻo, mái tóc luôn chải mượt về sau. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, Bình không khác gì một công chức nhỏ. Quần áo là lượt, lúc nào cũng thẳng ly. Ban đầu, mới gặp, Phan Lềnh cũng cứ nghĩ Bình là người làm công chức bình thường được trung tâm đưa đến để tiếp tế lương thực, thực phẩm. Bình nói năng nhẹ nhàng, khúc chiết, miệng nói chuyện rất có duyên, hay cười. Nụ cười của Bình không có tiếng, cứ âm âm trong miệng. Còn tiếng nói thì dù rất nhẹ nhưng đầy quyền uy và kiên quyết. Phan Lềnh có cảm giác trong tiếng nói của Bình có hàng trăm hàng nghìn mũi dao lách từng tý một tý một vào trong cơ thể người. Cái đau không quằn quại mà nhức buốt. Thậm chí chỉ thấy rát thì máu đã trào ra như con lợn bị chọc tiết. Lúc nào đến gặp Phan Lềnh, Bình cũng đeo đôi kính đen, có đôi gọng to bản. Đôi mắt kính gần như trùm kín hết nửa khuôn mặt. Có một lần, không biết thế nào, khi đang ngồi nói chuyện với Phan Lềnh, Bình kéo đôi mắt kính trễ xuống. Giấu sau đôi mắt kính đen là đôi lông mày to rậm. Mỗi khi Bình đến thường nói rất ít mà chỉ hỏi và nghe. Sau nghe là yêu cầu việc cần làm tới là gì, làm như thế nào. Tuy miệng Bình như cười nhưng Phan Lềnh biết, đó chính là mệnh lệnh. Nếu như chỉ trái ý thì sự đánh đổi chính là tính mạng, là cái chết.

Sau khi Phan Lềnh nhắm mắt có thể chuyển các chữ viết thành các kí hiệu không sai một nét, Bình đến. Sau khi tự kéo cái ghế ngồi sát bên Phan Lềnh. Bình tự tay với chai rượu rót ra hai ly rồi tự tay đưa Phan Lềnh một ly.
- Hôm nay chắc anh nắm hết được các kí hiệu rồi nhỉ?

- Vâng.

- Anh thấy có khó lắm không?

- Cũng bình thường.

- Tốt.

Bình đưa mắt nhìn khắp căn phòng như người mới đặt chân đến lần đầu.
- Mấy tháng qua chắc anh buồn lắm hả?

- Dạ. Cũng bình thường.

Bình nhếch mép cười. Cái cười không ra ngụ ý coi thường mà cũng không có ý đánh giá cao. Bình nhìn xoáy vào mặt Phan Lềnh. Phan Lềnh có cảm giác Bình đang đo đếm từng mụn nốt ruồi trên mặt mình.
- Anh người quê Quảng Ninh phải không?

- Dạ. Phải. Tôi đã ghi khai rõ trong bản tường trình rồi mà.

- Tôi đọc rồi. Tôi hỏi lại anh chút vậy thôi.

Ngừng đoạn, Bình nói rất nhỏ. Phan Lềnh có cảm giác tiếng nói chỉ kịp phát ra khỏi miệng Bình thì nó đã bay biến đi mất.
- Tôi cũng người ngoài đó. Quê gốc tôi Kim Sơn, Ninh Bình.

- Thế ạ. Thế mà nay tôi mới được biết.

- Ừ. Tôi vào từ một chín năm tư. Nay biết cũng được chứ sao. Sớm hay muộn thì có gì quan trọng.

Mặc dù Bình vừa nói, miệng vừa cười vui vẻ, thân thiện nhưng Phan Lềnh vẫn có cảm giác lành lạnh nơi sống lưng. Phan Lềnh thấy làm ngạc nhiên. Không biết làm sao tự nhiên nay Bình lại nói nhiều và bộc lộ nhiều đến thế. Phan Lềnh đang nghĩ những lúc như thế này im lặng là tốt nhất. Sự im lặng cũng là sự khích lệ người đang nói sẽ nói tiếp. Nhưng không. Cái ý nghĩ ấy Phan Lềnh chưa kịp hết thì Bình đã chủ động ngắt, chuyển sang chuyện khác.
- Thôi. Nếu anh nắm chắc hết rồi thì bữa nay nghỉ ngơi đi chút. Hôm nay tôi nói cũng nhiều với anh rồi.

Dứt lời, Bình đưa hai tay lên vỗ vào nhau. Khi Bình vừa dứt tiếng vỗ, ở cửa đã có người đàn bà đi vào. Người đàn bà hai tay buông theo chiều đứng, hai bàn tay đan vào nhau.
- Dạ. Thiếu tá cho gọi em.

- Nhớ chăm sóc cho chu đáo nghe.

- Dạ. Em biết.

Bình chỉ tay vào Phan Lềnh, mắt nháy nháy cười ra hiệu. Phan Lềnh chưa kịp hiểu chuyện gì thì Bình đã bước ra khỏi cửa. Cánh cửa phòng đã khép lại.

Với tay rót rượu ra ly, Phan Lềnh ngửa cổ dốc một hơi hết luôn. Ngồi thừ người ra một lúc Phan Lềnh vẫn chưa tin vào tai mình. Phan Lềnh thật sự không thể tưởng tượng được người mà mấy tháng nay tiếp xúc trông chỉ như một công chức quèn mà là một thiếu tá. Một con người mà có thể dám làm những việc cho người ta sống thì được sống, bắt chết là phải chết.

Người đàn bà đến sát bên người Phan Lềnh, lấy hai tay quàng qua cổ, cúi sát mặt bên má. Phan Lềnh thấy cả hơi ấm phả ra từ hơi thở của người đàn bà. Mái tóc mềm, đen, dày xòa xuống, phủ kín bên ngực Phan Lềnh. Người đàn bà ép hai bầu vú vào sau lưng, chỗ vai của Phan Lềnh. Người đàn bà cố tình đưa hai bầu vú chà qua chà lại trên người Phan Lềnh.
- Anh hai có chuyện chi mà buồn dữ vậy?

Phan Lềnh không nói gì. Người đàn bà luồn tay vào trong người Phan Lềnh. Hai bàn tay xoa nhẹ lên ngực, lên hai vú của Phan Lềnh. Thỉnh thoảng người đàn bà lại lấy ngón tay, vê vê nhè nhẹ hai đầu vú, miệng cắn cắn nhấm nhấm nhẹ nhẹ vào vành tai của Phan Lềnh.
- Anh hai không thích em sao? Em mà không làm cho anh hai thích là ngài thiếu tá lại quở trách em đó.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 02:20:05 am »

Nghe thấy người đàn bà nhắc lại hai từ thiếu tá, Phan Lềnh chợt tỉnh. Cái nháy nháy mắt của Bình ra hiệu cho Phan Lềnh trước khi bước ra cửa là ý nói điều gì? Phan Lềnh thấy chột dạ. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, Phan Lềnh đưa tay xoa xoa, vuốt vuốt lên hai cánh tay trần của người đàn bà. Cái cảm giác mát, mịn từ xác thịt của người đàn bà truyền sang Phan Lềnh. Người đàn bà nhẹ nhàng xoay người, trườn nghiêng hẳn người về phía trước Phan Lềnh. Hai tay người đàn bà ghì chặt lấy cổ Phan Lềnh. Hai bầu vú của người đàn bà lúc này như ép chặt vào ngực Phan Lềnh. Người đàn bà ưỡn người, nâng bầu vú lên như cố ý đưa bai bầu vú vào sát khuôn mặt của Phan Lềnh. Lúc này thì Phan Lềnh thấy nóng bừng bừng, các cơ trong cơ thể của Phan Lềnh căng cứng.

Người đàn bà nhẹ nhàng xoay người trong lòng Phan Lềnh. Khi hai khuôn mặt đã gần như áp sát vào nhau thì bất ngờ người đàn bà đứng lên, cài hai chân vào giữa hai chân của Phan Lềnh. Người đàn bà ép hai bầu vú vào mặt, chà hai núm vú lên mũi rồi từ từ trượt xuống miệng Phan Lềnh. Phan Lềnh lấy hai tay, ghì chặt lấy thân người đàn bà. Cả tấm thân người đàn bà dính chặt vào người của Phan Lềnh. Tiếng thở, tiếng rên nhè nhẹ của người đàn bà làm Phan Lềnh thấy ngạt thở, rạo rực.   
- Anh hai bế em lên giường đi?

Phan Lềnh bế bổng người đàn bà trên tay. Người đàn bà cũng lấy tay ôm chặt cổ, rồi hôn nhẹ lên cổ, lên má Phan Lềnh. Cái cảm giác xác thịt của loài đực và loài cái trỗi dậy. Phan Lềnh nhẹ nhàng đặt người đàn bà lên giường. Tiếng thở gấp gáp của loài đực, tiếng rên rỉ sung sướng của loài cái, tiếng không khí nén hơi phả ra nhè nhẹ như gió từ chiếc đệm lò so. Tất cả các âm thanh của niềm giao hoan cuộn vào nhau theo nhịp nhún của chiếc đệm lò so khi lên khi xuống.

Phan Lềnh lật người nằm kề bên người đàn bà. Người đàn bà nghiêng người, một tay vắt qua người Phan Lềnh, truồi đầu lên hôn nhẹ lên ngực, lên vú, tay kia xoa xoa trên người Phan Lềnh. Phan Lềnh nhắm nghiền hai mắt, lim dim. Phan Lềnh lấy tay, nâng nhẹ đầu người đàn bà lên, luồn tay xuống dưới gáy. Người đàn bà lật người, giấu mặt vào bên nách Phan Lềnh.
- Lúc trước, em gọi ông Bình là thiếu tá phải không?

- Dạ. Ổng là thiếu tá đó anh hai. Ủa. Anh hai không biết ổng là thiếu tá sao?

Phan Lềnh không trả lời câu hỏi của người đàn bà. Trong đầu Phan Lềnh lúc này như trống rỗng, không nghĩ ra được điều gì.
- Em có biết ông Bình là thiếu tá gì không?

- Ổng là thiếu tá chi em hổng biết. Mà biết là chết liền à. Em chỉ thấy mấy đứa nhỏ bạn em kháo nhỏ với nhau thế thôi.

Người đàn bà vẫn lấy hai tay vê vê đầu vú Phan Lềnh. Phan Lềnh nhận rõ hơi thở từ người đàn bà phả vào bên má man mát.
- Nghĩ làm chi cho già người anh hai. Anh hai cứ thấy vui bên em là được à. Mà anh hai có điều chi lo lắng sao?

- Đâu có. Bên em là anh thấy vui rồi mà.

- Anh hai nói thiệt đó nghen?

- Thật chứ sao. Thế em tên là gì?

- Dạ. Em tên Thơm. Anh hai hỏi làm chi?

- Tên là Thơm. Thảo nào em thơm quá.

- Xạo dữ quá ta.

Người đàn bà nói rồi lấy miệng ngậm hai vú Phan Lềnh nhấm nhấm.
- Em có biết đây là chỗ nào không?

- Dạ.

- Em không biết sao?

- Dạ. Em biết.

- Thế đây là chỗ nào?

- Dạ. Anh hai hỏi khó em quá. Em biết nhưng ổng thiếu tá không cho em nói.

- Sao lại không cho em nói?

- Dạ. Em đâu biết. Ổng chỉ nói em chiều anh hai thôi. Anh hai thấy vui là em vui rồi. Anh hai mà không vui thì em mới sợ. Mà anh hai lâu nay không có ai phải không?

- Sao em biết?

- Thì em thấy anh hai làm dữ quá. Suýt nữa em ngạt thở luôn à.

- Thế hả. Thế em không thích sao?

- Dạ. Thích. Có mấy người được như anh hai.

- Thế em chiều anh hết đêm nay nghe?

- Dạ. Anh hai thích em lúc nào em cũng chiều mà. Đêm nay là đêm em của riêng anh hai mà.

Phan Lềnh hơi xoay người, nằm nghiêng về phía người đàn bà. Phan Lềnh quàng tay qua người rồi lật người đàn bà nằm nghiêng, úp mặt về phía Phan Lềnh. Mùi thơm từ thân thể người đàn bà toát ra. Phan Lềnh ôm chặt lấy người đàn bà. Tiếng rên nhẹ của người đàn bà đầy quyến rũ và hấp dẫn. Nó như mùi hoa dẫn dụ loài ong tìm đến để hút nhụy. Thứ nhụy thơm làm cho loài ong hút mãi mà không biết chán, vỗ cánh bay mãi mà không biết mệt. Đã lâu lắm rồi, từ khi Phan Lềnh khoác chiếc tay nải cắt rừng, rẽ sương mà đi cho đến hôm nay mới được gặp lại thân xác của đàn bà. Cái hương của con cái mà không mấy người đã một lần hưởng rồi có thể quên được. Phan Lềnh ghì chặt, ôm chặt người đàn bà trong tay. Phan Lềnh nghe thấy rõ cả tiếng kêu khe khẽ trong ngực. Người đàn bà cũng ghì siết Phan Lềnh trong tay. Phan Lềnh mệt, thở dốc, người bễ bã, bủn rủn. Phan Lềnh buông tay, cố giẫy ra khỏi vòng tay của người đàn bà đang siết chặt lấy mình…

Phan Lềnh vung tay thoát ra. Phan Lềnh thấy hai tay như có vật gì níu giữ, khóa chặt lại. Vùng mạnh. Bàn tay Phan Lềnh đập vào trần hốc đá đau điếng. Phan Lềnh nhoài người, lấy hai tay đẩy vật đang trùm kín mặt xuống ngang ngực. Gỡ miệng chiếc túi ra khỏi đầu, Phan Lềnh hít một hơi thật sâu rồi thở mạnh ra. Phan Lềnh lấy tay sờ sờ lên mu bàn tay đau vừa bị đập lên trần hốc đá. Phan Lềnh giật mình, nhận ra. Phan Lềnh đang nằm trong chiếc túi dù, trong cái hốc đá ở núi Bái. Phan Lềnh thấy người đau ê ẩm. Trở mình, Phan Lềnh đưa tay tìm chiếc đèn pin nhỏ tin hin đặt trong khe đá phía đầu chiếc túi dù. Phan Lềnh nghe thấy tiếng khìn khịt như người bị xoang mũi phía bên dưới. Chiếu đèn xuống. Phía dưới hốc, ngay trên nền hang, đôi rắn sọc xanh, sọc vàng đang cuốn lấy nhau trong mùa động tình.

Phan Lềnh định chui ra lấy hòn đá nhưng rồi thôi. Phan Lềnh đưa tay xem đồng hồ. Bây giờ mới nửa đêm. Phan Lềnh bỗng nhớ đến lão Tảng nói sáng mai hai thằng Đô, thằng Đồ sẽ lên trên này gặp. Phan Lềnh bỗng giật mình. Hai thằng Đô, thằng Đồ mà vào đây thì có khi bất lợi. Chúng mà cứ đi ra đi vào mãi trong chỗ này thì thế nào cũng có người biết. Không thể cho chúng vào đây được. Ngày mai Phan Lềnh phải đón gặp chúng trong rừng, trên con đường vào hang. Như chợt nhớ ra điều gì, Phan Lềnh xoay người, soi đèn pin lấy ra một vật có hình tròn, dài cỡ một cánh tay rồi như con rắn, trườn xuống, ra ngoài cửa hang. Phan Lềnh chọn một mô đá làm điểm đứng rồi giật nút. Ống tròn vuột khỏi tay, lao vút đi lên trên các lùm cây.

Xong việc, Phan Lềnh quay vào hang, trườn người lên hốc đá, chui mình vào trong chiếc túi dù.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 11:19:15 am »

27/XẾP THẾ CỜ
Đợi cho mọi người ngồi yên vị, Trịnh Toàn mới nhìn khắp lượt như có ý điểm danh từng người. Trịnh Toàn đứng lên chậm rãi nói từng tiếng.
- Hôm nay, ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh cho triệu tập các đồng chí về đây để triển khai một nhiệm vụ gấp. Trước khi triển khai nhiệm vụ, tôi xin giới thiệu, chính trị viên Song Hoa sẽ thay mặt cho Đảng ủy quán triệt trước đến các đồng chí chỉ thị của Ban chỉ huy công an vũ trang Trung ương. Sau khi đồng chí chính trị viên quan triệt xong chỉ thị của Ban chỉ huy công an vũ trang Trung ương, tôi sẽ phổ biến kế hoạch cụ thể đến từng đơn vị, từng đồng chí.

Quay qua chính trị viên Song Hoa, Trịnh Toàn đưa tay về phía trước.
- Xin mời anh Song Hoa có ý kiến trước các đồng chí.

Chính trị viên Song Hoa đứng lên. Ông đưa mắt khắp lượt. Mọi người mở sổ đặt ngay ngắn trước mặt.
- Hôm nay, tôi thay mặt cho Thường vụ, Đảng ủy sẽ quán triệt, phổ biến trước các đồng chí về chỉ thị của Ban chỉ huy công an vũ trang Trung ương. Nội dung ngắn nhưng lại rất quan trọng. Nó yêu cầu mỗi cá nhân phải xác định rõ trách nhiệm, phải cố gắng hết sức mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Chính trị viên đánh giá nhanh đặc điểm tình hình của toàn đơn vị trong thời gian qua. Sau đó ông đánh giá kết quả thắng lợi thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, những mặt làm được những mặt còn tồn tại yếu kém. Ông chỉ rõ nguyên nhân của kết quả thắng lợi cũng như nguyên nhân của từng tồn tại, hạn chế, yếu kém. Chính trị viên Song Hoa nhấn mạnh.
- Những hạn chế cơ bản của các đơn vị là biểu hiện chủ quan. Chủ quan không chỉ biểu hiện bên ngoài mà đã ở trong ý thức của một vài cá nhân. Chúng ta đã giành được thắn lợi. Chúng ta đã có chính quyền. Nhưng kẻ thù vẫn còn đó. Một nửa nước còn nằm trong ách áp bức của thực dân, nằm trong sự kìm kẹp, bóc lột, đàn áp của kẻ thù. Lạc quan là cần thiết. Nhưng lạc quan quá thành lạc quan tếu thì trở thành sự nguy hiểm. Khi trong tư tưởng chỉ thấy thắng lợi, chỉ thấy thuận lợi thì nhất định khi triển khai hay tiến hành các hoạt động sẽ sơ hở. Điểm sơ hở đó sẽ là nơi để kẻ địch khoét sâu vào khai thác phá chúng ta từ trong.

Chính trị viên Song Hoa phân tích từng yếu tố mà kẻ địch có thể lợi dụng để chống phá. Ông đưa mắt quan sát từng người rồi ông nhấn mạnh sang nội dung khác. Sau mỗi nội dung ông lại quay hỏi mọi người
- Có đúng thế không các đồng chí?

Ngồi nghe chính trị viên quán triệt mọi người giật mình. Quả thật là trong giai đoạn qua, trong đơn vị ai cũng có lúc này lúc khác có biểu hiện mất cảnh giác. Ngay yếu tố nắm tình hình địa bàn của các đơn vị còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi còn chưa thật sự quan tâm và đánh giá đúng mức độ cần thiết trong công tác nắm địa bàn. Không những chỉ nắm địa bàn mà ngay công tác quản lý các đối tượng sưu tra, hiềm nghi cũng còn chưa được chú trọng. Trên tất cả các mặt công tác đều có những sơ hở nhất định. Tất nhiên, có cái các đơn vị biết nhưng do lực lượng quá mỏng, con người quá ít nên chưa đủ sức để vươn ra nắm chắc các nội dung hoạt động. Yếu tố khách quan là thế song xét cho đến cùng thì vai trò chủ quan của cấp ủy chỉ huy mỗi đơn vị cũng chưa thật sự phát huy hết trách nhiệm.

Chính trị viên Song Hoa phân tích, mổ xẻ tiếp. Giọng chính trị viên vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm, mềm dẻo, không có biểu hiện gì của sự nóng nảy hay bực tức.
- Tôi biết, cả Thường vụ, Đảng ủy biết. Hiện tại, các đồng chí còn gặp rất nhiều khó khăn. Song dù khó khăn như thế nào, dù tác động của đời sống ra làm sao thì tất cả những yếu tố đó chỉ là khách quan. Còn cơ bản đều do yếu tố chủ quan quyết định. Mác cũng chỉ ra rằng. Yếu tố khách quan chỉ đóng vai trò quan trọng. Còn yếu tố chủ quan mới đóng vai trò quyết định. Vai trò chủ quan là từ chính chúng ta đang ngồi đây.

Đưa tay lấy chén nước, chính trị viên nhấp nhấp rồi ông tiếp.
- Tôi dám nói rằng, trong thời gian qua, biên giới của chúng ta thủng. Công tác quản lý của chúng ta hở.

Chính trị viên quay sang phía chỉ huy trưởng Trịnh Toàn.
- Lát nữa đồng chí chỉ huy trưởng ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh sẽ nói cụ thể với các đồng chí. Nhưng có lẽ, các đồng chí ngồi đây, không ai nghĩ trên địa bàn của chúng ta đã có kẻ xâm nhập. Kẻ xâm nhập đã xâm nhập được vào địa bàn, dù có xâm nhập vào bằng đường nào thì mỗi người ngồi đây cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Chúng ta đã làm không tròn bổn phận và trách nhiệm được giao. Xét rộng ra, đây không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tin. Niềm tin của Đảng, của nhân dân gửi gắm vào mỗi chúng ta. Các đồng chí nghe nói thế, có thể cho là tôi thích nói lên như thế. Nhưng không phải đâu. Các đồng chí khi nào cứ ngồi rồi ngẫm nghĩ xem tôi nói thế có quá không nhé.

Trần Minh Hồng ngồi nghe mà lòng như có lửa đốt. Anh không biết khi tối, chỉ huy trưởng nói với anh để sáng nay sẽ nói. Không biết chuyện chỉ huy trưởng định nói có liên quan gì đến chuyện này không? Bản thân anh, rồi đơn vị anh có liên quan gì không? Trần Minh Hồng đưa mắt nhìn chỉ huy trưởng. Anh thấy nét mặt ông vẫn thế. Không có biểu hiện gì là lo lắng cả. Cứ bình thản như không. Trần Minh Hồng đưa mắt quan sát mọi người. Trên nét mặt của ai cũng lộ rõ sự lo lắng của trách nhiệm.

Trong khi ngồi nghe chính trị viên quán triệt nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo của đơn vị và cấp trên, Trịnh Toàn vẫn biết rằng, Song Hoa rất có tài hùng biện. Vẫn biết tài của chính trị viên Song Hoa như thế nhưng ông không nghĩ, chỉ mới có chút trao đổi của ông với Song Hoa mà Song Hoa có thể lý giải mọi vấn đề cụ thể đến mức như thế được. Những vấn đề Song Hoa đưa ra, Trịnh Toàn có cảm giác nắm được, sờ được, chứ không chỉ là câu chữ nghị quyết đơn thuần. Có ai đó đã nói. Sức mạnh của nghị quyết chính là tính cụ thể và sức thuyết phục trong từng câu chữ mà người nghe không chỉ hiểu được mà còn có thể làm được và làm một cách chính xác. Còn nội dung, câu chữ nghị quyết chung chung thì bản thân nghị quyết đó sẽ làm cho sức mạnh và khả năng lãnh đạo của chính nghị quyết đó rơi vào quên lãng và không thuyết phục, dẫn con người đến cái vô định. Chả khác gì người mù đi trong rừng. Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết. Nhưng đường lối, nghị quyết đó không chỉ được hướng đi, không chỉ được đường đi thì có khác gì dắt người mù vào rừng rồi bỏ đó. Nghe chính trị viên nói, Trịnh Toàn thỉnh thoảng lại gật gật đầu thán phục. Trịnh Toàn nghĩ. Riêng cái khả năng vận dụng thực tiễn vào trong lý luận để làm rõ cho những luận điểm đưa ra thì Trịnh Toàn còn phải học nhiều nữa mới có thể làm được.

Nghĩ thế rồi Trịnh Toàn lại nghĩ. Làm công tác Đảng, công tác chính trị mới cần thế. Bản thân ông, lính chiến, chỉ cần đánh đấm. Cứ đánh cho tốt, cứ nện cho thắng lợi là được. Đánh giỏi, giành thắng lợi cũng là thực hiện thắng lợi nghị quyết rồi. Bất giác Trịnh Toàn cười mỉm. Trịnh Toàn nhận ra, ông đang tự biện hộ cho nhược điểm của chính mình. Tự khen mình. Cái điều mà ông hay nói với cán bộ dưới quyền, mèo khen mèo dài đuôi, mẹ hát con khen hay, cái lối tự mình kêu toáng lên: Ối giời ơi. Tôi giỏi quá. Mình khen mình quá.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 12:30:51 pm »

Trịnh Toàn ngồi nghe nhưng đầu óc cứ nghĩ đi những đẩu những đâu. Trong số bạn bè, đồng chí, Trịnh Toàn vẫn biết khả năng của họ và luôn trân trọng những suy nghĩ của mỗi cá nhân. Trịnh Toàn biết, trong cuộc đời không phải ai, lúc nào nói cũng đúng. Khi họ nói ra, đó là nhận thức của họ ở giai đoạn đó, lúc đó. Nhận thức là cả quá trình. Nhưng quá trình đó nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào khả năng của chính người đó. Khả năng ấy nó được tích lũy đúc rút từ những trải nghiệm, từ những lý luận, từ tư duy phân tích đánh giá. Con người tốt hay xấu, thiện hay ác, hiền lành hay hung dữ, tử tế hay bất nhân đều phải bộc lộ qua hành động. Và cũng chỉ qua hành động mới có thể đánh giá nhận xét được. Hiện tượng nào phản ánh bản chất đó. Ấy là lý luận dạy thế, nói thế. Song có nhiều khi hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài lại đánh lừa bản chất. Cái xấu nó như bóng đêm, thay hình đổi dạng thường xuyên và liên tục. Nó có tài ẩn nấp, trú tránh mà nếu không tỉnh táo, không khách quan sẽ dễ nhầm lẫn. Và khi đó, chính cái nhìn nhận thiếu khách quan, thiếu chính xác đó đã trở thành thứ tiếp tay cho cái xấu.

Rồi bất ưng Trịnh Toàn lại nhớ đến Trần Kiên. Nói rằng Trịnh Toàn không đủ niềm tin với Trần Kiên cũng không đúng. Nhưng nói rằng không còn tin Trần Kiên cũng không phải. Trịnh Toàn thật sự lúng lúng không biết làm thế nào để có thể khẳng định được Trần Kiên, cái thằng bạn một thời của ông vẫn như xưa. Bao ngày nay lúc nào trong đầu Trịnh Toàn cũng cứ lởn vởn hình ảnh Trần Kiên. Thái độ không ra thân mà cũng chẳng ra sơ ấy của Trần Kiên nói điều gì?
- Xin mời đồng chí chỉ huy trưởng thay mặt Thường vụ Đảng ủy phổ biến triển khai kế hoạch tác chiến tới.

Giật mình nghe tiếng chính trị viên giới thiệu, Trịnh Toàn dứt khỏi những suy nghĩ còn lởn vởn trong đầu. Đứng lên, nhìn lướt qua cuốn sổ vẫn mở đặt trước mặt, Trịnh Toàn nhìn lại toàn cảnh hội nghị rồi chậm rãi.
- Các đồng chí đã nghe đồng chí chính trị viên phổ biến, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của trên và của Đảng ủy. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một số nội dung công việc trước mắt để tập trung thực hiện những vấn đề trong nghị quyết đã đưa ra. Để các đồng chí có cái nhìn thật đầy đủ về tình hình thực tế công tác quản lý địa bàn và khả năng xảy ra, tôi xin đọc bức điện mật của Ban chỉ huy công an vũ trang Trung ương gửi các đơn vị trên toàn tuyến. Tôi cũng sẽ cho các đồng chí biết chuyện gì, việc gì đang xảy ra ở trên địa bàn của chính mình.

Tất cả cán bộ ngồi bên dưới nghe chỉ huy trưởng chỉ ra từng vấn đề, từng yếu tố căn cứ để đánh giá, nhận định ai cũng bồn chồn lo lắng, nét mặt người nào người nấy căng thẳng. Từ bức điện mật của ban chỉ huy công an vũ trang trung ương đến chuyện chiếc bơi chèo ở khu vực bãi làng Vàng mà ngư dân có được. Rồi chiếc thuyền anh em ở đồn Mũi Ngọc thu được khi đi tuần trên biển. Hiện tượng hang ma có ma trở lại. Những bức điện tín bí mật phát trùng vào bản tin thời sự của đài tiếng nói mà bộ phận trinh sát thu được. Bản chất của các hiện tượng trên là gì? Có cái gì đằng sau những hiện tượng trên? Bức màn bí mật của chúng nằm ở đâu? Những vấn đề được Trịnh Toàn đưa ra ngắn gọn song thực sự là vấn đề nhức nhối mà mọi người phải tìm lời giải đáp.
- Tôi yêu cầu trong thời gian ngắn nhất, các đơn vị phải làm ngay mấy nội dung sau…

Trịnh Toàn ngừng nói, như để cho số cán bộ có mặt có đủ thời gian ghi chép lại từng việc.
- Thứ nhất, ngày mai, ngày kia. Tất cả các đơn vị phải có báo cáo đầy đủ danh sách các đối tượng nằm trong diện sưu tra về ban trinh sát. Sau khi nhận được báo cáo, ban trinh sát phải tổng hợp ngay, sàng lọc các đối tượng báo cáo chỉ huy. Đặc biệt, các đơn vị chú ý đến các đối tượng thành phần có nợ máu với cách mạng, bất mãn, bản thân có thâm thù giai cấp nhất là những đối tượng gia đình có vấn đề trong cải cách. Thứ hai, các đơn vị đồn Mũi Ngọc, đồn Bãi Vàng, đồn Yên Hồng phải kết luận làm rõ nguyên nhân các vật, hiện tượng xảy ra trên địa bàn. Phải trả lời cho ban chỉ huy biết chính xác, cụ thể. Những vật đó ở đâu? Địa phương nào? Người thu giữ được có liên quan gì đến không? Quan hệ, thân nhân, gia đình của người đó? Các mối quan hệ của họ ra làm sao? Với những ai?

Nói đến đây, Trịnh Toàn đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc đang bay phơ phất trước mặt. Trịnh Toàn cũng có ý nghe phản ứng từ bên dưới về những vấn đề vừa nêu.
- Đây chính là ba mũi tập trung chính. Yêu cầu các đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng có trong tay để giải quyết dứt điểm.

Quay sang bên phía trưởng ban trinh sát, Trịnh Toàn nhắc.
- Ban trinh sát, tập trung mọi khả năng, bằng mọi giá giải mã cho được tín hiệu sóng lạ thu được. Nếu không tự giải quyết được, điện yêu cầu Ban chỉ huy công an Trung ương giúp đỡ. Càng nhanh càng tốt. Đồng thời, tập trung theo dõi, giám sát hai bốn trên hai bốn giờ tần số trên. Kiểm soát các tần số gần tần số đã thu được tín hiệu.

Có tiếng suýt xoa xầm xì bên dưới. Trịnh Toàn đưa mắt quan sát một lượt.
- Thế nào? Công việc nặng nề quá à? Khó khăn quá không làm được sao?

- Không đâu ạ. Làm được ạ.

- Thế sao cứ xầm xầm xì xì thế? Hay là nói chuyện riêng khi họp đấy?

Nghe chỉ huy trưởng nói thế, mọi người đưa mắt nhìn nhau, im lặng.
- Các đơn vị có ý kiến gì không? Tôi nói thế các đồng chí đã rõ chưa?

Trịnh Toàn hỏi lại. Ông vẫn quen tác phong sau mỗi khi giao nhiệm vụ hỏi lại như thế.
- Không có ý kiến gì ạ. Rõ lắm rồi.

- Rõ thì cứ thế mà làm. Vướng đâu, điện hỏi lại ban chỉ huy ngay.

Trịnh Toàn nhìn sang chỗ Trần Minh Hồng ngồi.
- Đồng chí Trần Minh Hồng và trưởng ban trinh sát ở lại gặp riêng tôi có nhiệm vụ.

Mọi người lục tục ra ngoài. Trần Minh Hồng nhìn sang phía trưởng ban trinh sát có ý dò hỏi chuyện gì. Trưởng ban trinh sát lắc đầu ra hiệu. Đợi mọi người ra khỏi phòng, Trịnh Toàn vẫy vẫy tay bảo Trần Minh Hồng và trưởng ban trinh sát lên ngồi gần bên mình. Khi Trần Minh Hồng đã ngồi vào vị trí, Trịnh Toàn nói nhỏ, giọng tin tưởng.
- Tôi gọi hai đồng chí lại có nhiệm vụ này muốn giao phó.

Ngoái đầu nhìn ra, Trịnh Toàn thấy đồng chí cán bộ cơ yếu thập thò ngoài cửa.
- Vào đi. Có việc gì thế?

Thấy đồng chí cán bộ thông tin có vẻ không muốn nói vì có người lạ. Trịnh Toàn bảo.
- Có gì cứ báo cáo đi xem nào? Đồng chí trưởng ban trinh sát thì đồng chí biết rồi. Còn đây là đồng chí Trần Minh Hồng, đồn trưởng đồn Yên Hồng.

- Dạ. Báo cáo thủ trưởng. Bộ phận thông tin vừa nhận được một tín hiệu lạ nữa trùng với tín hiệu đã phát hiện được.

- Phát hiện vào lúc mấy giờ?

- Lúc mười tám giờ ba mươi. Trùng với thời gian của thời gian phát hiện được tín hiệu hôm trước.

- Thời gian liên lạc có dài không?

- Khoảng 10 phút.

- Còn gì nữa không?

- Báo cáo hết. Không còn gì nữa ạ.

- Cám ơn đồng chí. Tôi biết rồi.

Đợi cho đồng chí cán bộ thông tin ra khỏi phòng. Trịnh Toàn đưa mắt nhìn trưởng ban trinh sát và Trần Minh Hồng. Nếp nhăn trên trán Trịnh Toàn hằn rõ từng đường chạy ngang trán.
- Tôi gọi hai đồng chí ở lại cũng là việc này đấy.

Trịnh Toàn đứng lên lấy chiếc xắc cốt treo trên tường. Trịnh Toàn lấy từ bên trong ra tấm bản đồ, trải ra mặt bàn. Tay vừa chỉ, Trịnh Toàn vừa trao đổi với trưởng ban trinh sát và Trần Minh Hồng. Nghe chỉ huy trưởng trao đổi, cả hai cứ gật gật đầu.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 12:38:01 pm »

28/ĐỘT NHẬP
Trời vừa tang tảng sáng, A Lò và Tự Kim đã vội vã lên đường. Khi cả hai vừa bước ra đến cửa, già làng La Khê đã thức. Thấy hai người có vẻ vội vã, già làng đánh tiếng.
- Con gà còn chưa đánh tiếng. Con chim chửa kịp gọi. Sương còn nhiều như khói bếp. Đường trơn. Đi làm sao được.

- Nhưng con ngựa dưới sàn đã gõ móng rồi già ạ.

- Con ngựa nó quen cái chân đi rồi. Nó ngửi thấy mùi con ngựa cái nên dậm móng nhiều thế đấy.

- Không đi sớm, chúng con sợ tối ngày chưa về được với già thôi.

- Khắc đi khắc đến mà. Lo gì.

- Vâng. Chúng con cũng biết già nói đúng nhưng công việc gấp lắm già à.

- Đường đi lên đó khó lắm đấy. Hai đứa mày có cần già đưa đi không?

- Được già đi cùng dẫn đường còn gì bằng. Nhưng già ơi. Ngoài trời lạnh lắm. Sương còn nhiều. Đường trơn. Già cứ nghỉ đi. Chúng con cũng biết đường lên đó rồi.

- Không cần già thì thôi. Nhưng mấy đứa đi cho cẩn thận. Rừng cho cái ăn nhưng rừng cũng sẽ giết người đấy.

- Dạ. Chúng con cám ơn già. Già nghỉ đi. Chúng con đi đây.

Ngồi xổm bên chân cầu thang, A Lò và Tự Kim thắt lại dây giầy, kiểm tra lại quân tư trang, khoác súng rồi túm lấy chiếc yên, vắt lên vai, lần từng bậc cầu thang đi xuống. Ngửi thấy mùi chủ, cả hai chú ngựa ngúc ngoắc đầu, gõ móng xuống nền, nghểnh cổ hí. Tiếng hí nhỏ chỉ đủ để mừng chủ. Chúng đã quen với những chuyến đi, đã quen với những sinh hoạt của người lính biên giới nên tiếng hí không bao giờ to. Những con ngựa chiến chúng biết tuân thủ những nguyên tắc. Tiếng hí mừng chủ vẫn không làm thức giấc của mọi người.

Tháo dây cương khỏi thanh gióng ngang buộc gác lên hai chiếc cọc, A Lò và Tự Kim nhẹ nhàng dắt ngựa ra khỏi chuồng. Ra đến lối ngõ, bắt lên con đường vào rừng, A Lò, Tự Kim bám lấy cọc trên yên, vắt mình nhảy lên.

Sương còn đậm, vương trên cành, trên lá. A Lò và Tự Kim cho ngựa đi bước nhỏ. Tiếng gõ móng lặn vào trong sương sớm, lặn vào trong tiếng rì rào của gió, lặn vào muôn âm thanh của rừng tạo cho A Lò và Tự Kim cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát. Một không gian thanh bình và trong trẻo như trùm lên cả cánh rừng bạt ngàn xanh, bạt ngàn cây, bạt ngàn gió và mênh mông sương.

Khi bắt vào con đường mòn dẫn lên hang ma, cây cối ngày một rậm hơn. Thỉnh thoảng văng vẳng tiếng con chim bắt cô trói cột vọng lại. Tiếng chim bắt cô trói cột đập vào hang đá, vướng vào thân cây, dội ra, nghe khắc khoải và nghèn nghẹn đến nao lòng. Tiếng mang tác gọi bạn tình bên bờ con suối bồng bềnh, bồng bềnh như xao xuyến. Tiếng rào rào lướt qua của bầy thú thấy động trốn chạy. Những chùm hoa lan rủ xuống, sương đọng trên cành hoa cuống lá, tí tách rơi xuống lớp lá mục. Mùi thơm của hoa, mùi ngai ngái của lớp lá rụng lâu ngày, mùi sương lảng vảng bay làm thành một thứ hương sắc đặc trưng của rừng huyền ảo và quyến rũ.

Vì đường trơn, A Lò và Tự Kim không dám thúc ngựa đi nhanh hơn. Hai anh cứ thả lỏng dây cương để ngựa bước từng bước một. Thi thoảng, bước vào mặt phiến đá, bị lớp lá che phủ, chú ngựa lại trượt chân, hơi nhún mình xuống rồi lại bước tiếp. Con đường lên hang ma ngày một nhỏ dần. Có nhiều chỗ, những khóm lau mọc cao hơn đầu người, lá xòa che kín lối. A Lò và Tự Kim thu gọn người, gần như ép sát vào thân ngựa để tránh. Sương vương vào  trên cổ, theo đường chân lông thấm dần vào da làm cả hai chú ngựa chốc chốc lại lắc lắc đầu rũ sương. Mỗi nhịp thở, từ hai cánh mũi của chúng, hơi nước phả ra mờ mờ.

Đường càng vào sâu càng vắng, hơi ẩm mốc, ngai ngái của lá cây mục càng nặng, sương càng đậm. Có nhiều đoạn, dây leo chằng chịt, thân cây đan ken giáp vào nhau không có lối. A Lò và Tự Kim phải xuống ngựa, tay cầm cương dắt ngựa đi.

Ra khỏi được khu rừng già, A Lò và Tự Kim gặp cánh rừng lau. Những khóm lau đan kín vào nhau trông như một thảm của thiên tạo. Những hạt sương đọng trên đầu lá trong veo. A Lò và Tự Kim lấy ngón tay búng nhẹ vào những hạt nước. Mỗi khi như thế, hạt nước vỡ, bắn ra những hạt nước nhỏ li ti, gặp gió, bay tạt vào mặt hơi nước man mát dịu nhẹ.

Gặp được bãi đất trống, xung quanh có vài ba cây me. Những chùm me lúc lỉu, sà xuống ngang mặt người. A Lò và Tự Kim dừng chân để nghỉ và cũng là cho ngựa lấy lại sức. Ngước mắt nhìn lên dãy núi Bái. Màu xanh ngằn ngặt. Thi thoảng chen vào một thảm xanh là những màu vàng vàng . Đó chính là một vài bãi lau mọc chen, bám chân vào lưng núi. Những con chim chập chờn bay, sà cánh xuống màu xanh xanh điểm vàng vàng rồi lấp bóng vào trong màu xanh của núi.

Ngồi nhấm nhấm mấy trái me còn chưa chín, màu vỏ mới chỉ vàng vàng như rám của quả bưởi bị nắng phía tây rọi vào. A Lò nhìn Tự Kim.
- Tôi với ông có khi xác định tối nay mình phải ở lại trong hang mất.

- Ừ.

Nhìn lên đỉnh núi Bái, Tự Kim thư thả trả lời. Việc Tự Kim và A Lò được trưởng ban trinh sát rồi trực tiếp chỉ huy trưởng ban công an vũ trang tỉnh giao nhiệm vụ lên xem thực hư chắc là chuyện không đơn giản. Trước khi đi, trưởng ban trinh sát và chỉ huy trưởng chỉ dặn là xem xét thật kỹ. Xác định cho rõ, có thật là có ma ở hang ma không? Những đám lửa cháy bay được đó là cái gì? Ngoài việc xác định làm rõ ra thì đến bây giờ, Tự Kim cũng chưa biết được sẽ phải làm gì tiếp theo. Chỉ có điều, không phải Tự Kim mà mọi người cũng biết rõ rằng, ma xuất hiện ở hang ma là điều không thể có được. Nhưng ở đây là vấn đề gì thì không chỉ ngồi nhà mà phán đoán, nhận định. Làm công tác trinh sát, tất cả phải sờ được bằng tay, nhìn thấy bằng mắt. Trọng chứng hơn trọng cung. Khó nhất là phải kết luận và xác minh xem những đốm lửa đêm đêm bay từ hang ma ra là cái gì? Dư luận cho rằng ma. Nhưng có thật hay không thì không ai có thể bảo đảm chắc chắn. Để có thể cháy được, nhất định phải có sự tác động của con người hoặc tự nhiên.

Sau khi nhận nhiệm vụ từ trưởng ban trinh sát và chỉ huy trưởng, Tự Kim cũng đã tranh thủ hỏi một số người có học vấn. Việc cháy có thể do con người. Trên này, có thể do người dân đi nương đốt tránh rét. Đám cháy ban ngày, đến đêm tàn lửa theo gió bay đi mà thành. Cũng có thể đám cháy do trong khu vực có hiện tượng lá cây, thân cây chết, mục rồi do thời gian tích tụ lâu ngày mà tạo ra lượng khí mê tan. Lượng khí này khi bốc lên, gặp nhiệt độ nóng bắt cháy thành lửa. Mà trong khu vực núi Bái, rừng cây nhiều, lá cây đã qua biết bao nhiêu năm, việc tạo thành những ổ chứa khí mê tan là có thể xảy ra.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 01:07:58 pm »

Ngước mắt nhìn trời. Sương đã loãng, gió lúc này cũng có chiều hướng nhẹ hơn. Phía bìa rừng, đường chân trời đã ánh lên những vệt vàng vàng. A Lò lẩm nhẩm.
- Bây giờ phải chín mười giờ sáng rồi đấy.

Tự Kim đứng lên, xốc lại trang phục rồi đi lại chỗ hai chú ngựa bên gốc cây me. Thấy thế, A Lò cũng đứng lên, giọng lo lắng.
- Hôm nay sương nhiều quá. Đường trơn. Cứ thế này, đến trưa may ra mới lên được đến hang.

- Nghĩ làm gì. Nếu chiều chưa xong thì ở lại hang. Sáng mai về sớm. Đi đã có ngựa đưa. Lo nghĩ làm gì cho già người.

Cả hai lại lên ngựa. Đường lúc này cũng đã sáng hơn. A Lò và Tự Kim cứ điều khiển hai chú ngựa tự đi theo những đường nước chảy thành rãnh. Đường dốc, làm A Lò và Tự Kim phải lấy tay bám chặt vào lông mao. Có một vài chỗ, A Lò và Tự Kim phải ép người vào sát cổ ngựa để dồn trọng lực về phía trước.

Vượt qua cánh rừng lau, A Lò và Tự Kim đi vào cánh rừng dẻ. Những cây dẻ vỏ trắng, thẳng tắp, cao hai ba chục mét. Tiếng sóc chuyền cành rào rào trên đầu. Có nhiều con sóc mải ăn, thấy động, đánh rơi hạt dẻ lộp bộp trên lá. Trên đường đi, một vài đoạn A Lò và Tự Kim lại gặp những bộ xương trâu trắng xốp nằm trên đường. Những cặp ngà cũng trắng, vểnh lên trên bộ xương đầu trâu ngập trong lớp lá rụng. Có những chỗ, bộ xương đã bị lá phủ lên gần hết chỉ còn đôi ngà ngoi lên trên lớp lá. Những bộ xương trâu rừng A Lò và Tự Kim gặp trên đường, có con do già yếu chết đi, cũng có con bị sét đánh chết. Vì trong rừng sâu, khi chết đi, những xác chết đó bị chim, mối, và các loài thú ăn xác thối rỉa còn trơ bộ xương trắng. Hết rừng dẻ, A Lò và Tự Kim vào rừng già. Những thân cây mốc thếch, rêu bám xanh rì ngoài vỏ. Những đụn mối nổi lên như những đống rạ. Tiếng bầy ong đi tìm phấn hoa lao xao. Có những chú ong, thấy hơi lạ, bậu vào vai, vào tay áo ngó nghiêng rồi vù bay. Thỉnh thoảng lại có con chim bìm bịp, xòe đôi cánh có màu nâu nâu bay vù qua trước mặt. Chúng sà vội xuống một lùm cây rồi lẩn nhanh vào trong bụi dây gai, dây leo.

Phựt!

Đang đi, bỗng A Lò và Tự Kim giật mình. Theo phản xạ, A Lò và Tự Kim ép sát người xuống mình ngựa, thân người hơi sa, nghiêng về một phía. Hai chú ngựa khựng lại, bốn chân dồn lại chụm dưới bụng. A Lò và Tự Kim kéo dây cương điều khiển mỗi con đi về một hướng. Khi đã tách đội hình, A Lò và Tự Kim rất nhanh rời khỏi yên ngựa, người nào cũng nằm ép sát bên dưới gốc cây làm vật che đỡ. Hai chú ngựa vẫn hướng về phía trước bước. Những chú ngựa chiến đã quen thuộc với những tình huống như thế này. Mỗi khi chuyển từ đội hình đi tuần sang đội hình chiến đấu, người điểu khiển rời khỏi yên ngựa, chúng đều biết vẫn phải đi để thu hút sự chú ý của đối phương, đánh lạc hướng quan sát để các chiến sĩ có thời cơ tấn công, giành lại thế chủ động.

Nằm im quan sát phía trước, nơi có tiếng động lạ phát ra. A Lò ra hiệu cho Tự Kim lợi dụng các gốc cây, vận động tiến về phía trước. A Lò nhẹ nhàng nâng súng, tỳ lên vào vai, sẵn sàng nổ súng để yểm trợ cho Tự Kim khi bị tấn công. Như con rắn, Tự Kim trườn từ gốc cây này qua gốc cây khác, mắt quan sát phía trước. Bỗng Tự Kim đứng dậy, vỗ tay vào báng súng cười. Tiếng cười của Tự Kim dội vào núi đá, vọng lại. Bầy sóc, bầy chim thấy động xáo xác bay. Những con thú xé rừng, lao vào các bụi cây rào rào.

A Lò từ từ đứng lên quan sát bốn hướng rồi chậm chạp tiến dần về chỗ Tự Kim. Tự Kim đưa tay chỉ về phía trước. Trước mặt A Lò và Tự Kim là con chồn vừa bị chiếc bẫy thòng lọng giật treo cổ lủng lẳng trên cao. Bốn chân giãy đạp chới với trong không khí. Con chồn cố gắng trong tuyệt vọng. Nó càng giãy, làm cho chiếc cần bật treo nó nhún lên nhún xuống. Mỗi khi chiếc cần đó dập dình như thế, càng làm cho chiếc dây thòng lọng siết chặt hơn vào cổ nó. Chính sức nặng của nó, sự giãy giụa cố thoát khỏi cái chết càng làm nó đến gần cái chết hơn. Đợi cho con chồn không còn giãy, bốn chiếc chân không còn chới với bới đạp vào không gian được nữa, Tự Kim bước lên, rút con dao khỏi bao giơ lên định cắt dây thòng lọng. Khi Tự Kim giơ lên, A Lò bước vội đến, nắm lấy tay.
- Ấy chớ. Đừng cắt nó xuống. Cứ để đấy.

Tự Kim nhìn A Lò với ánh mắt dò hỏi.
- Ông cứ để đấy. Để nguyên như thế. Coi như không có chuyện gì xảy ra - A Lò nắm tay Tự Kim kéo ra xa.

- Tôi hỏi ông nhé. Trong tít tận rừng sâu như thế này, liệu ai có thể vào đây để đặt bẫy được. Tôi giả thử có người vào đây đặt bẫy đi. Vậy họ đi vào đây bằng đường nào? Bây giờ mà ông cắt xuống, vô hình chung ông báo cho người đặt bẫy là có người đã vào đây. Đã đặt bẫy, tất sẽ phải đi kiểm tra bẫy. Đúng không?

- Nhưng mà …

- Không nhưng mà gì. Ông để tôi nói tiếp đã. Ông nghĩ là khi ông và tôi vào đến hang thì đúng lúc người đặt bẫy này đi kiểm tra chứ gì. Đừng lo. Ông và tôi đi ngựa mà bây giờ gần trưa mới đến đây. Nếu họ cũng đi ngựa thì, vào đến đây cũng không thể quay kịp về bản. Còn nếu đi bộ thì càng không thể làm được. Bản gần nhất là bản La Khê đúng không? Nếu đúng là người bản La Khê thì ngày mai ông và tôi quay về, không cần hỏi cũng biết là bẫy của ai.

Vỗ vỗ tay lên vai Tự Kim, A Lò cười cười.
- Tiếc phải không? Không tiếc được đâu. Ông mà lấy con chồn này thì ông và tôi sẽ không bao giờ có thể vào bản nào được nữa. Người dân tộc tối kỵ là lấy trộm thú săn và bẫy của nhau. Họ có thể sẵn sàng cho ông cả con thú săn được, nhưng cũng sẵn sàng cho ông nếm đủ cả đạn ghém, mũi tên khi ông lấy trộm của họ.

Đưa tay lên miệng, A Lò huýt một tiếng dài. Hai chú ngựa nghe tiếng huýt tìm về. Mặc dù nghe A Lò giải thích nhưng Tự Kim vẫn thấy tiếc. Tự Kim mắt cứ nhìn như dán vào con chồn đang treo lủng lẳng trên bẫy. Kéo tay Tự Kim ra xa cái bẫy đi về hướng hai chú ngựa đang rẽ mấy lùm cây lúp xúp chạy về.
- Đừng tiếc. Nếu ông thích ăn thịt chồn. Tối nay ở trong hang, tôi sẽ chiêu đãi ông. Rừng này á, chồn nhiều lắm. Dưới đất đầy chân chồn đây này.

Dứt lời, A Lò đặt chân trái lên bàn đạp, tung chân, vắt mình lên yên ngựa. Tự Kim cũng lặng lẽ làm theo. Mặc dù Tự Kim vẫn còn chút nuối tiếc nhưng nghe A Lò nói thế, Tự Kim lặng lẽ nắm dây cương, thúc nhẹ bàn đạp vào bên sườn ngựa. Con ngựa gại gại móng vào đám lá khô rồi bước đi.

Gần trưa, A Lò và Tự Kim mới đến được cửa hang ma. Cây si, nơi cô Lù treo cổ chết rễ đã phủ che kín trước cửa. Những chiếc rễ rủ xuống đã có cái thành cây, to bằng bắp tay. Dựa vào những chiếc rễ đó, đám dây leo bám vào rậm thành từng búi, nhằng nhịt.

Buộc ngựa vào cành cây gần cửa hang, A Lò và Tự Kim lấy từ trong túi vải buộc bên cọc yên ngựa ra bọc xôi. Nắm xôi đêm qua, khi A Lò và Tự Kim vào ăn nghỉ nhờ ở nhà già làng được vợ già làng gói lại, để dành cho hôm nay. Xôi gạo nếp nương vừa thơm, vừa dẻo. Nếu có để cả ngày cũng không sợ khô, sợ cứng hay lại gạo. Bẻ miếng xôi làm đôi, A Lò và Tự Kim thấy ở giữa có mấy miếng thịt nai. Chắc đêm qua, khi nắm xôi cho A Lò và Tự Kim, vợ già làng đã đặt nó vào đó. Chắc vợ già không muốn A Lò và Tự Kim đi đường vất vả lại không có gì bồi dưỡng lấy lại sức.

Mỗi người ăn hết một nửa nắm xôi. Số còn lại, A Lò và Tự Kim đều gói lại, treo vào cọc yên ngựa. Nhấc chiếc bình tông có màu sơn xam xám, mỗi người cũng chỉ làm một ngụm rồi đóng nắp treo vào bên sườn yên ngựa. Trên phía đỉnh núi Bái, những tia nắng đã chiếu xuống, phủ lên trên cả một màu xanh của rừng một lớp vàng vàng màu mỡ gà.

Quan sát một lượt khu rừng bên chân núi, A Lò và Tự Kim kiểm tra lại bao xe, khẩu CKC rồi lấy tay, rẽ đám dây rừng nhằng nhịt ngoài cửa hang, dò dẫm bước vào. Từ trong hang phả ra một luồng hơi lạnh. A Lò và Tự Kim khẽ rùng mình rồi bước tiếp.

Bước vào sâu trong cửa hang được khoảng chừng chục mét thì cả A Lò và Tự Kim nghe tiếng ngựa hí dài. Giật mình, A Lò và Tự Kim cùng ngoái đầu nhìn ra phía cửa hang. Tiếng ngựa hí như thế này là báo hiệu khi chúng gặp nguy hiểm. Không lẽ chúng gặp hổ hay con thú ăn thịt lớn nào đó. Sau tiếng hí dài là tiếng cào chân xuống nền đất đá. Tiếng lạo xạo của lớp lá bị lật. A Lò và Tự Kim quay người, hướng mũi súng ra phía cửa hang. Mỗi người một bên vách đá, A Lò và Tự Kim lặng lẽ nép sát mình vào vách, trở ra cửa hang. Qua khe hở của lùm dây leo, A Lò và Tự Kim thấy cả hai chú ngựa hướng đầu vào cửa hang, dướn mình đá chân sau về phía rừng. Mỗi khi chúng tung hai chân sau lên cao lại kèm theo tiếng hí dài. Hình như chúng đang sợ một cái gì đấy.

Khi A Lò và Tự Kim lách người khỏi lùm cây, ra khỏi cửa hang những chú ngựa nhận ra chủ, hai đầu nâng lên cúi xuống liên tục, rồi chúng lúc lắc sang hai phía, hai chân sau vẫn tung vó đá lên cao. Dường như chúng đang cố gắng tháo chiếc dây cương buộc vào cành cây để chạy trốn. Lao vội ra giữ lấy dây cương, A Lò và Tự Kim vỗ vỗ nhẹ vào bên má chúng. Thấy có chủ đến bên, chúng không tung chân đá lên cao nhưng hơi thở từ hai bên cánh mũi rất nặng. Hơi thở nặng nhọc và sợ sệt.

Khi đã làm cho hai chú ngựa không còn sợ sệt nữa, chúng đã chịu đứng yên, rúc rúc đầu vào bên nách để được che chở. A Lò và Tự Kim đưa mắt quan sát bốn xung quanh. Cả hai đều nghe thấy tiếng nổ lách tách rất nhỏ phía trên cao. Hướng mắt về phía đó, cả A Lò và Tự Kim giật mình, nổi da gà khắp người, bước lùi lại, tựa hẳn người vào đám dây leo ở cửa hang. A Lò và Tự Kim đều không tin vào mắt mình. Trên những lá cây có ánh lửa cháy nhấp nhem. Ánh sáng cháy màu xanh xanh vàng vàng dập dờn, dập dờn.

Chỉ một thoáng giật mình, rồi rất nhanh, A Lò và Tự Kim lật người, mỗi người sang một bên cửa hang, khẩu CKC ép chặt bên nách.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 10:48:07 pm »

29/KẺ TRỞ LẠI
Đang ngồi trên phía đỉnh Con Cóc, Phan Lềnh giật mình thấy những con chim bay vội, táo tác, tiếng kêu chíu chít phía cánh rừng vào hang ma. Linh tính báo cho Phan Lềnh biết, khu rừng đang có người đi vào. Những cánh chim bay vội, những tiếng kêu xao xác, táo tác đã ngầm thông báo cho Phan Lềnh biết. Phan Lềnh lẩn nhanh vào bên hốc quan sát. Phan Lềnh đưa tay về phía sau rút khẩu súng giắt sau lưng. Nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, Phan Lềnh đưa tay trái, ép khẩu độ tay vào thân súng, bóp chặt lấy nắp quy lát kéo về sau. Khi quy lát đã về hết phía sau, đầu búa đập của kim hỏa nằm ở tư thế sẵn sàng phát hỏa, Phan Lềnh nhẹ nhàng, từ từ lấy tay giữ cho nắp quy lát khẩu súng trở về vị trí sẵn sàng, không để tiếng động của quy lát phát ra do va đập của vỏ thép. Lưng tựa vào vách đá bên hốc Con Cóc, Phan Lềnh nghiêng người, thò đầu quan sát phía dưới.

Từ trên đỉnh Con Cóc, Phan Lềnh nhìn xuống phía dưới tán cây rừng. Phan Lềnh không thấy gì. Chỉ thấy một màu xanh xanh, vàng vàng của lá rừng và vài đám lau mọc đơn lẻ, đan xen trong những khoảng trống của khu rừng bên chân núi. Phan Lềnh tự mỉm cười với chính mình. Chắc con thú nào đó đến giờ vẫn còn đi săn làm động bầy chim sợ bay lên. Phan Lềnh tự nhủ, thần hồn nát thần tính, tự mình làm mình sợ. Thở dài, Phan Lềnh chửi thể
- Mẹ nó chứ. Làm ông hết cả hồn. Tưởng gì.

Phan Lềnh lại lặng lẽ lấy ngón tay cái, đặt lên đầu búa đập nối với kim hỏa, nhấn về sau một chút để tháo lẫy giữ búa, rồi cứ giữ như thế, thả đầu búa đập thanh kim hỏa từ từ trượt về vị trí an toàn. Giắt lại khẩu súng sau lưng, Phan Lềnh ngồi bệt xuống tảng đá, mắt vẫn dõi nhìn về phía dưới.

Tựa lưng vào vách núi, ngước mặt nhìn trời, Phan Lềnh tự nhiên thấy tủi hổ. Bản thân Phan Lềnh, là một đấng nam nhi, đấng quân tử mà không được bằng cánh chim bay giữa trời. Rồi Phan Lềnh lại nghĩ, lại nhớ đến hình ảnh bố treo cổ chết ngay trên xà nhà lối ra vào cửa. Phan Lềnh hận. Phan Lềnh hận cuộc đời đã cay nghiệt với mình. Nếu không vì đám người kia thì Phan Lềnh đâu đến nông nỗi này. Lòng Phan Lềnh nóng như có lửa đốt. Không. Phan Lềnh muốn đốt hết, phá hết. Phan Lềnh lại đưa tay ra sau, rút khẩu súng, ngắm mấy con chim đang bay. Nâng súng lên. Ngón tay từ từ siết cò.

Không. Bây giờ mà nổ súng, Phan Lềnh có khác gì mách ông tôi ở bụi này. Tiếng súng nổ sẽ đưa cánh công an biên phòng đến đây thì việc lớn sẽ hỏng. Phan Lềnh nhả tay cò. Phan Lềnh nhớ và rất nhớ câu thiếu tá Bình khi đưa Phan Lềnh xuống con thuyền trở lại miền Bắc…

Trước khi Phan Lềnh bước chân xuống con thuyền, thiếu tá Bình và một ông cố vấn Mỹ ở trung tâm tập trung đã căn dặn. 
- Anh ra Bắc lần này. Tình hình hiện tại chưa có lợi. Anh chỉ có một mình. Làm gì cũng phải cân nhắc. Mọi sự nóng nảy đều có thể dẫn đến sự thất bại.

Khi nghe thiếu tá Bình căn dặn thế, Phan Lềnh trong bụng nghĩ thầm.
- Mẹ bố mày. Dạy đĩ vén váy. Bố mày còn biết hơn mày nhiều. Nếu bố mày không sa cơ lỡ vận thì hãy đợi đấy. Loại mày xách dép cho bố mày đây chưa xong. Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Sao cũng có ngày bố mày dạy cho mày bài học.

Tất nhiên là Phan Lềnh chỉ nghĩ trong bụng thế thôi. Phan Lềnh hiểu hơn ai hết thân phận làm kẻ tôi tớ của mình. Chúng nó nuôi ăn, cho tiền chơi, trả tiền công đâu phải chỉ để Phan Lềnh suốt ngày đọc sách, đọc báo và chơi gái. Tất cả chẳng qua là chúng nó trả tiền để mua mạng sống của Phan Lềnh.

Khi Phan Lềnh bước xuống tàu cá để quay trở lại miền Bắc. Phan Lềnh lúc đó đã coi như đánh bạc cuộc đời với chúng. Không. Nhất quyết không phải là đánh bạc mà Phan Lềnh đã tự trói cuộc đời của chính mình vào một cuộc gá nợ. Phan Lềnh phải trả nợ cho những gì chúng đã nuôi ăn, cho chơi thời gian qua khi ở trong ngõ hẻm của thành phố.

Phan Lềnh rất khó chịu khi thấy thiếu tá Bình cứ khúm núm vâng vâng dạ dạ trước người mà thiếu tá Bình gọi là cố vấn. Nghe giọng nói, nhìn thái độ, xét cử chỉ của thiếu tá Bình thì Phan Lềnh cũng đoán được người đó có vị thế quan trọng thế nào. Nhìn dáng khệnh khạng, bề trên của viên cố vấn, Phan Lềnh lẩm bẩm.
- Đồ rậm râu sâu mắt. Mặt mũi người ngợm đầy lông lá, chả khác gì khỉ. Người đâu mà lông chân, lông tay nhiều quá bằng lông chó. Tóc lại vàng vàng, hoe heo như râu ngô. Chả khác gì lông dái của người.

Theo chân Phan Lềnh xuống tàu cùng có thiếu tá Bình và viên cố vấn. Khi bước xuống các bậc cầu thang chui vào lòng khoang, thiếu tá Bình vỗ vỗ vai ra chiều thân thiện, nói nhỏ.
- Anh có biết con tàu nào đây không? Không biết phải không? Đây là con tàu sẽ đưa anh về lại quê hương. Ở đấy anh sẽ có cơ hội để làm nên sự nghiệp lớn. Đường vinh quang ngày trở về đang đón đợi anh.

Nhìn con tàu Phan Lềnh nhếch mép cười. Thiếu tá Bình không nói thì Phan Lềnh cũng biết. Bên ngoài dáng vẻ của chiếc tàu đánh cá nhưng thực ra là con tàu của trung tâm tập trung dùng để đưa những người đã được đào tạo đánh trở lại để thu thập tin tức cung cấp cho các cơ quan nghiên cứu phân tích phản gián.

- Anh còn nhớ vùng biển quê anh chứ? Viên cố vấn người Mỹ bất ngờ hỏi Phan Lềnh bằng tiếng Việt. Phan Lềnh thoáng một chút ngỡ ngàng. Thế mà. Lúc trước, Phan Lềnh cứ nghĩ viên cố vấn không nghe được tiếng Việt. Đang có ấn tượng không hay về viên cố vấn. Phan Lềnh trả lời trống không.
- Nhớ chứ. Quên sao được.

- Tốt. Đêm anh vẫn có thể xác định được phương hướng và địa điểm đấy chứ?

Phan Lềnh nghĩ thầm. Sao thằng này nó ngu đến thế. Nó hỏi thế chả khác nào nó hỏi bố nó. Con có phải là con bố không? Với Phan Lềnh, cả cái vùng biển phía Đông Bắc này thuộc hơn lòng bàn tay. Phan Lềnh đã phải lặn lội bao nhiêu ngày sống trên các đảo để tránh mấy thằng cũng mũi khoằm, dài như mỏ con diều hâu, mắt xanh, tóc râu ngô như bọn mày rồi đấy.
- Được.

- Tốt.

Viên cố vấn lại khen. Càng nghe viên cố vấn nói, Phan Lềnh càng thấy ghét cái mặt hắn. Phan Lềnh làm việc này là tự nguyện chứ có phải vì nó chó đâu mà khen tốt với chả xấu.
- Có vẻ anh không được vui lắm phải không?

Viên cố vấn nhìn thẳng vào mặt Phan Lềnh hỏi.
- Tốt. Anh vui là tốt lắm.

Chắc đoán được tâm tư suy nghĩ của Phan Lềnh. Thiếu tá Bình nhìn Phan Lềnh cười vui vẻ.
- Đây là toàn bộ những gì anh cần.

Thiếu tá Bình chỉ tay vào đống trang thiết bị đã được đóng gói cẩn thận đặt ở góc phòng trong lòng thuyền. Nói rồi, thiếu tá Bình đưa tay ra hướng cửa vẫy vẫy. Một người đàn ông để trần, mặc chiếc quần cộc bước vào.
- Bây giờ anh thay đồ đi.

Thiếu tá Bình ra hiệu cho người đàn ông. Ông ta đưa cho Phan Lềnh một bộ quần áo may kiểu ngoài Bắc, vùng dân chài ở vùng Đông Bắc.

Cầm bộ quần áo trên tay, Phan Lềnh nghĩ. Chắc chúng nó sợ mình mang theo cái gì trong này đây. Đúng là đồ chó. Đã cộng tác làm ăn, cùng hội cùng thuyền mà còn nghi ngờ. Dẫu bực là thế nhưng Phan Lềnh vẫn phải lặng lẽ làm theo. Phan Lềnh biết. Qua sông thì phải lụy đò, nếu không muốn chết trôi chết nổi trên sông.

Đợi cho Phan Lềnh thay xong. Thiếu tá Bình nhẹ nhàng.
- Anh thấy khó chịu lắm à?

Nghe hỏi thế, Phan Lềnh giật mình. Tối hôm người đàn bà ở lại cùng Phan Lềnh. Khi hỏi về thiếu tá Bình. Người đàn bà chỉ nói ngắn gọn.
- Ổng trông hiền lành thế đó. Nhưng không có chuyện gì qua được mắt ổng đâu. Ổng mà không thích ai, mấy ngày sau là không thấy đâu nữa à.

Nhớ lại lời người đàn bà, Phan Lềnh vội vàng.
- Không. Thưa ông.

Thiếu tá Bình cười cười, lấy tay đập đập nhẹ vào lưng Phan Lềnh. Phan Lềnh chửi thầm. Đúng là đồ chó. Mũi thính hơn cả mũi chó.

Nhớ lại lần thiếu tá Bình và viên cố vấn đưa xuống tàu, Phan Lềnh thấy phận mình thật nhỏ, chả bằng con sâu cái kiến. Nhưng Phan Lềnh biết làm sao bây giờ. Trót tay đã nhúng chàm, Phan Lềnh còn biết làm gì hơn là phải tuân lệnh, ngoan ngoãn như con chó đối với chủ…

Đang nhớ lại đêm xuống tàu trở lại miền Bắc, Phan Lềnh giật mình nghe thấy có tiếng ngựa hí dài. Tiếng ngựa hí ngay trên sườn núi Bái, ở ngay cửa hang ma. Không lẽ, mấy thằng công an biên phòng đánh hơi được hay sao mà lên đây? Phan Lềnh nằm bẹp xuống, trườn nhanh ra phía mấy lùm cây rậm cạnh đỉnh Con Cóc. Tay lăm lăm khẩu súng.

Nằm yên nghe ngóng một lúc lâu, thấy yên tĩnh, Phan Lềnh vẫn không dám đứng lên, vẫn ở thế nằm, cứ thế lùi dần, lùi dần vào hang. Phan Lềnh vừa bò giật lùi vừa lấy tay khua khua đám lá trước mặt. Phan Lềnh cứ thế bò thụt lùi rồi chui vào trong hốc đá, phía trên đỉnh Con Cóc.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2017, 11:10:10 pm »

Nép người bên cửa hang, A Lò và Tự Kim lặng lẽ quan sát mọi diễn biến. Đợi khoảng hơn mười phút thì đám cháy tự nhiên tắt. Lật người một vòng, Tự Kim chuyển sang nằm sát bên A Lò. Tự Kim đưa mắt như dò hỏi A Lò có chuyện gì đang xảy ra. A Lò không nói gì, mắt vẫn nhìn đăm đắm vào nơi vừa phát ra những ánh lửa nhỏ màu xanh xanh, vàng vàng dập dờn trên ngọn cây. Cả cánh rừng như chìm vào trong yên lặng. Chỉ còn tiếng gió thổi lao xao trên cao. Trên những chiếc lá vừa phát cháy, A Lò vẫn chỉ nhìn thấy xanh xanh mà dường như không hề có việc gì vừa xảy ra.

Huých tay vào bên sườn A Lò, Tự Kim phá tan sự yên tĩnh.
- Này.

- Cái gì?

- Ông có biết cái gì đang xảy ra không?

- Không.

- Cái gì vừa cháy trên tán cây đấy?

- Không biết.

- Để tôi bắn cho nó mấy phát.

- Đừng bắn. Cứ nằm yên quan sát. Biết đâu…

- Biết đâu cái gì?

- Ma xuất hiện chẳng hạn.

- Vớ vẩn. Làm chó gì có ma.

- Thế không phải ma thì làm sao lá cây xanh thế kia lại tự nhiên cháy được?

- Ông còn không biết lại đi hỏi tôi.

- Vậy thì cứ nằm yên đó đi.

Nằm yên tại chỗ, Tự Kim thấy trong người bồn chồn như có con gì đang bò trên da. Tỳ khẩu CKC vào vai, tay đặt sẵn trên cò súng, Tự Kim cố gắng căng mắt ra nhìn. Từ bé đến giờ, chưa bao giờ Tự Kim thấy hiện tượng lạ như thế này. Ừ. Nếu không ma thì là cái gì? Lóe lên rồi tắt. Cháy cứ dập dà dập dờn. Màu lửa xanh xanh, vàng vàng như sợi dây đồng bị cháy thế. Trên tít ngọn cây đó, làm gì có dây đồng mà cháy. Mà cũng có cái gì để đốt đâu? Khéo có ma thật. Người dân dưới bản La Khê chả đang đồn ầm lên là ma lại xuất hiện trên hang ma là gì đấy.

Ngày bé, khi còn ở nhà, vào những đêm trăng sáng, tối tối mấy cụ ông nhà bên vẫn sang nhà Tự Kim chơi. Những tối như thế, bên ấm chè xanh mẹ nấu, các cụ vẫn thỉnh thoảng lại kể cho đám Tự Kim và mấy đứa trong xóm nghe chuyện ma. Nghe chuyện ma, đứa nào cũng thích nhưng đều sợ. Chỉ có điều, Tự Kim mới chỉ được nghe kể chứ chưa bao giờ nhìn thấy ma. Tự Kim còn nhớ, có một lần, cụ Hào sang ngồi chơi uống nước. Thấy Tự Kim và mấy đứa cứ tối tối hay rủ nhau ra ngoài chỗ gốc cây dừa của nhà ông Nhuế chơi trò trốn tìm. Có mấy lần, mải chơi, cả lũ ngã xuống con ngòi bên gốc dừa. May cái ngòi lâu ngày đã bị sa kéo về nên nông. Ngã xuống đó chỉ ướt chứ không đứa nào bị làm sao.

Cụ Hào kể. Ở gốc dừa nhà ông Nhuế có con ma trơi. Vào những đêm mưa thâm tối trời là con ma trơi này thường xuất hiện. Con ma trơi có hình người đàn bà xõa tóc. Mái tóc của bà trắng lắm. Trắng như mây. Bà cũng mặc bộ quần áo trắng. Người bà trắng như tuyết. Tay bà cầm cái đuốc cháy rần rật mà mọi người nhìn thấy đấy. Ngọn đuốc này cháy nó mang màu đỏ như máu. Nếu ai mà nhìn vào đó, về nhà thế nào cũng mù mắt. Rồi nó bay. Tay cứ cầm cái đuốc ấy bay khắp vườn nhà ông Nhuế. Phía sau có một vệt dài màu đỏ bay bay theo. Cái lưỡi của con ma đấy.

Cụ Hào còn kể. Có nhiều khi con ma đó lại biến thành người con gái. Cô gái này có khuôn mặt đẹp lắm. Mặt hoa, da phấn, mũi dọc dừa, lông mày lá liễu. Con ma có đôi môi đỏ tươi. Mỗi khi con ma xuất hiện, nó thường leo tít lên tận ngọn cây dừa rồi ngồi trên những cành lá dừa khóc. Nó khóc vì nhớ con. Khóc chán, con ma buông mình rơi từ trên ngọn cây dừa xuống con ngòi. Lúc đó, cả con ngòi nước cứ cuồn cuộn, dâng cao hơn cả đầu người. Có nhiều khi, ngọn nước đó còn cao lên tới cả ngọn cây dừa. Ngồi trong nhà còn nghe thấy tiếng nước ở khúc ngòi đó ầm ầm. Người nào mà lai vãng ra khúc ngòi lúc đó. Ngọn sóng sẽ cuốn phăng đi, dìm xuống đáy. Ngày hôm sau, người ta có đi tìm thì phải ra tận ngoài biển. Sóng đã lôi người đó ra ngoài biển rồi. Cũng có một lần, khi con ma nó như thế. Có một đứa bé, chả biết ở đâu, không biết, thấy động chạy ra xem. Thế là sóng cuốn trôi ra mãi tít ngoài hòn đảo xa lắm ở ngoài biển. Khi người nhà đi tìm. Đứa bé ấy đã chết, chỉ còn hình người bao lấy những khúc xương nổi lập lờ trên mặt nước. Cụ Hào bảo. Con ma nó nghĩ là con nó nên nó đưa ra ngoài biển giấu vì lại sợ bị con ma khác bắt mất con nó.

Cụ Hào còn kể. Ngày xửa ngày xưa, cũng có một người ở làng bên không biết sợ ma là gì. Nghe nói ở gốc dừa có ma nên mang vó ra kéo. Ông ta cứ kéo mãi vó ở chỗ đó. Đến nửa đêm, khi ông ấy kéo vó lên. Ông thấy trong vó nặng lắm, có tiếng quẫy nước thùm thũm. Nghĩ kéo được con cá to. Ông cố gắng kéo vó lên ngang mặt nước. Lấy đèn soi. Ai ngờ. Ông nhìn thấy trong lòng vó là một người đàn bà, quần áo trắng toát, nằm thẳng đuồn đuỗn dưới đáy. Khi ông vừa soi đèn vào gần, người đàn bà bỗng cất tiếng cười khành khạch rồi trở người, rơi tõm xuống ngòi.

Sợ quá, ông ấy quăng cả đèn vào vó rồi cứ thế chạy. Chạy về được đến nhà, ông ấy nằm vật ra giường, ốm lên ốm xuống. Không thuốc thang nào chữa được. Ngủ đi thì thôi, chứ cứ mở mắt ra là lại cười. Tiếng cười như tiếng dao mài vào đá. Hơn tháng sau thì chết. Hôm đưa tang, người ta còn nhìn thấy, trên cỗ linh xa, cái có hình vuông vuông, phía trên bên ngoài có những đường uốn lượn rồng phượng, được sơn son thếp vàng, bên trong có mâm hoa quả, ảnh người chết ấy, bóng người đàn bà mặc áo trắng lúc thì ngồi, lúc thì bay bên trên. Vừa bay bà ta vừa cười. Từ miệng bà ấy nhỏ những giọt máu đỏ lắm rơi xuống nóc chiếc linh xa. Khi những giọt máu đó, rơi xuống chạm vào linh xa tự nhiên bốc cháy. Mọi người đi đưa tang ông ấy sợ lắm. Khênh ông vội vàng cho xuống huyệt. Khi vừa đặt quan tài ông ấy vào huyệt thì cái bóng ấy cũng chui tọt vào theo. Từ đó, đêm nào cũng thế. Trên mộ ông ấy có đám cháy. Người ta còn nhìn thấy rõ trong đám cháy ấy có người đàn bà ngồi cười.

Tất nhiên là từ ngày đó trở đi, Tự Kim và đám bạn chả đứa nào dám ra chơi ở chỗ gốc dừa nhà ông Nhuế nữa. Cũng chả đứa nào dám đi đâu khi trời mưa, đêm tối. Mặc dù được nghe kể thế những Tự Kim cũng chưa lần nào nhìn thấy ma. Nhưng những câu chuyện ma vẫn có rất nhiều người muốn nghe. Ngay bây giờ, khi được về nghỉ thăm nhà, có việc đi qua gốc cây dừa nhà ông Nhuế. Tự Kim vẫn thấy sợ. Da chân da tay nổi như da gà run run. 

Bỗng, Tự Kim nghe thấy có tiếng luỵch uỵch phía sau lưng. Chưa kịp định thần, Tự Kim đã thấy cả một đàn chuột, con nào con nấy cứ như cắn đuôi nhau, chui từ búi cây chặn cửa hang rầm rầm chạy ra, lao vào trong rừng. Hết chuột là đến cáo. Chúng chạy ra khỏi hang cứ như có con gì đuổi phía sau. Sau cùng là con gì, Tự Kim nhìn không rõ, tròn, to như cái cối đá lăn ào ào ra. Chúng chạy suýt nữa dẫm qua cả người Tự Kim. Ôm súng vào lòng, Tự Kim lăn một vòng vào sát chân hốc đá cạnh cửa hang. Tự Kim nhắm tịt mắt lại. Đợi cho yên ắng, từ từ mở mắt ra, Tự Kim cũng thấy A Lò ôm súng nằm bẹp gí vào một gờ đá.

Thấy lành lạnh bắp chân. Cúi xuống. Tự Kim thấy dưới đũng ướt sũng.

Nhoài người về phía A Lò, Tự Kim lay lay.
- Này.

Như không nghe thấy gì, A Lò vẫn nằm yên, ép tai xuống nền đất, không động cựa.
- Này.

Tự Kim quát to vào tai A Lò.
- Cái gì?
- Có làm sao không? Tại sao tôi gọi mà không nói thế? Không biết cái gì vừa xảy ra à?

Cầm tay Tự Kim, A Lò ra hiệu nằm xuống. Áp tai xuống đất. Tự Kim trợn tròn mắt, ngạc nhiên. Có tiếng chân ngựa nện xuống nền đất đang đến rất gần.
- Hình như có người đang đến?

- Ừ. Có người đang đến.

A Lò vẫy tay ra hiệu. Mỗi người nép sau mô đá, súng hướng về phía trước.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM