Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:35:56 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mật danh AZET  (Đọc 21019 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 01:37:32 pm »

Người đời sống trên cạn là thế. Mảnh đất chết luôn níu kéo con người ta về. Có tấc đất căm dùi, có mảnh đất để chôn khi nhắm mắt là con người đã bằng lòng với cuộc sống. Còn người làng chài, ông không hiểu được. Ông chỉ biết rằng, với họ, nay đây mai đó. Thích thì ở, không thích thì chỉ cần cầm cái sào lên, đẩy đi là coi như xong. Người làng chài, cái ăn từ sông, cái uống từ sông và ngay khi chết cũng lại về sông. Sống ngâm xương, chết ngâm da nhưng xem ra, với họ, họ chấp nhận tất cả. Hình như với họ, vui ở, dở đi, buồn tránh. Nhưng mà, ở đời đâu chỉ có đơn giản, thích tránh là tránh được. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Phúc đến rồi đi không quay trở lại, còn họa, không chỉ một lần mà đến mà còn đến nữa. Cái chuyện ở đời, giậu đổ bìm leo. Phù thịnh chứ có ai phù suy.

Ấy thế mà, sau ba bốn chục năm, tự nhiên Trịnh Toàn lại gặp lại Trần Kiên. Trời xui đất khiến hay cái duyên của đời mà Trịnh Toàn và Trần Kiên có được. Trịnh Toàn không biết đây là điều hay hay là điều không hay. Lòng Trịnh Toàn bề bộn bao nỗi nghĩ suy. Cái bơi chèo lạ mà Trịnh Toàn nhìn thấy trong lòng thuyền của Trần Kiên là như thế nào? Liệu nó có liên quan đến những gì mà ông đang phải đau đầu vì nó không? Con người Trần Kiên có còn là Trần Kiên của những năm tháng xa xưa? Và ông, những suy nghĩ của mình, những phán đoán có là sự phũ phàng của những người bạn xưa với nhau?

Trịnh Toàn thấy nóng bừng bên tai. Ông tự thấy hổ  thẹn với chính những suy nghĩ của mình về bạn. Với ông, sự xấu xa và hèn hạ không phải cứ làm điều ác cho người mà chỉ  có suy nghĩ, gieo rắc thậm chí đổ tiếng ác cho người thì đã là một tội lỗi và là điều đáng xấu hổ. Liêm sỉ của con người không cho phép làm những điều đó. Một ai, không biết liêm sỉ trong suy nghĩ thì cũng là kẻ không biết liêm sỉ trong hành động. Không biết liêm sỉ trong hành động đã là điều tối kỵ. Vô liêm sỉ trong tâm tưởng thì là điều xấu xa, không thể chấp nhận được. Ở đời, Trịnh Toàn sợ nhất đó chính là sự khuyết tật của tâm hồn.

Nghĩ là thế nhưng bản thân Trịnh Toàn cũng không thể  dám chắc rằng những năm tháng qua, những điều ngang trái đã xảy ra với gia đình Trần Kiên không có tác động hay ảnh hưởng gì đến tâm tư, tình cảm của Trần Kiên. Người Trung Hoa có câu: Bạn xa một ngày còn tin, bạn xa hai ngày phải hỏi, bạn xa ba ngày phải xem xét lại. Con người trong cuộc sống xã hội là một chuỗi phức tạp. Tình người có khi một chuyến đò nên ngãi nhưng cũng có khi, sống cả đời bên nhau đâu có nhận ra thù. Trong mỗi con người, cái thiện, cái ác luôn tồn tại. Cái thiện không biết làm điều ác. Nhưng ngược lại, cái ác lại luôn tìm cách để thực hiện. Thậm chí, cái ác còn tạo điều kiện, hoàn cảnh để cho cái ác thực hiện được nhanh hơn. Chính vì thế mà cái ác luôn đạt được mục đích, còn cái thiện để đạt được mục đích, lúc nào cũng phải có thời gian dài hơn, lâu hơn và vất vả hơn. Các cụ xưa còn dậy, nhân chi sơ tính bản thiện. Khi sinh ra, mọi người đều như nhau, có ai mặc quần, mặc áo chui ra khỏi lòng mẹ đâu. Ấy thế mà, năm tháng làm đổi thay, cuộc sống mưu sinh làm đổi thay, cái ác cứ lặng lẽ thấm vào mỗi con người để rồi sâu gốc bền rễ trong tâm tưởng. Khi cỏ độc đã có đất mọc, có mấy người nhổ được nó ra khỏi đầu. Và thế là cái ác có cơ hội mà phát triển.

Càng nghĩ Trịnh Toàn càng thấy rối. Ông thấy trong người bí bách khó chịu. Trịnh Toàn cảm thấy như có cái gì đang nặng trĩu đè lên ông. Ông nằm vật lên giường.

Ngước mặt nhìn lên trần. Những tia nắng sáng yếu ớt lọt qua hàng ngói rọi xuống. Trong tia sáng những hạt bụi nhỏ li ti bay bay. Những hạt bụi rất nhỏ, nếu không có chút ánh sáng nhỏ nhoi ấy thì làm sao mắt thường ông có thể nhìn ra được. Những điều đang lẩn khuất trong bóng đêm, nếu không có ánh sáng chúng cũng được màn đêm đồng lõa. Chính bóng đêm và chỉ có bóng đêm mới có thể làm mảnh đất dung thân của cái ác. Bóng đêm là đồng minh, là kẻ cùng hội cùng thuyền của cái ác. Muốn đưa được cái ác ra trước mặt, chỉ có ánh sáng. Kẻ mang mật danh AZET kia cũng thế. Nó là ai, nó là người thế nào? Trong bóng đêm, khuôn mặt nó bị chìm lấp nhưng Trịnh Toàn tin, sớm muộn ông cũng sẽ tìm ra. Ông tin điều đó như ông tin vào chính ông vậy.

Bật người dậy khỏi giường, Trịnh Toàn đi nhanh ra cửa. Nhìn sang cửa nhà chính trị viên Song Hoa. Cửa phòng chính trị viên Song Hoa vẫn mở.

Phải có nghị quyết chuyên đề. Phải bàn bạc kỹ với chính trị  viên để xây dựng quyết tâm. Phải tập trung cao độ lực lượng làm rõ tất cả. Trịnh Toàn biết. Cuộc chiến đã thực sự bắt đầu chứ không còn là sự đón bắt hay phỏng đoán nữa. Cuộc chiến đã rõ trước mắt nhưng Trịnh Toàn chỉ chưa nhìn thấy mặt nó như thế nào, chưa hình dung được nó ra làm sao. Nhưng Trịnh Toàn tin. Rất tin. Cuộc chiến đã thực sự lôi Trịnh Toàn vào cuộc. Trịnh Toàn chỉ chưa biết nói với chính trị viên Song Hoa ra làm sao để Song Hoa hiểu được sự việc. Trịnh Toàn rất hiểu tâm tư cũng như phong cách làm việc của Song Hoa. Ở Song Hoa, chu đáo, tận tình, cụ thể, tỷ mỷ nhưng lại rất cầu toàn. Trịnh Toàn bây giờ cần biết bao sự ủng hộ và sự hỗ trợ từ Song Hoa. Chỉ có sự ủng hộ và hỗ trợ cao độ từ Song Hoa thì công việc mới có thể thành công. Chỉ cần Trịnh Toàn và Song Hoa vênh nhau là chắc chắn mọi sự sẽ đổ bể.

Không cần cả gõ cửa, cũng chẳng cần chào, Trịnh Toàn đi vào phòng chính trị viên Song Hoa, tự kéo ghế ngồi. Vừa ngồi, Trịnh Toàn vừa nói.
- Tôi có việc quan trọng cần bàn với anh. Và tôi rất mong được sự ủng hộ và hỗ trợ từ anh.

Vốn không lạ gì tính cách Trịnh Toàn. Chính trị viên Song Hoa với tay lấy ấm trà. Chính trị viên Song Hoa biết. Khi nào mà Trịnh Toàn có thái độ ứng xử như thế này là thế nào cũng có chuyện. Chính trị viên Song Hoa nhìn Trịnh Toàn cười, nhỏ nhẹ.

- Chuyện gì thì chuyện. Anh em mình cũng làm ấm nước đã. Trà Thái Nguyên mẹ thằng cò mới gửi ra cho. Ngon lắm.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 01:41:33 pm »

15/ĐỊNH MỆNH
Phan Lềnh cố quên đi những gì đã trải qua. Những cái Phan Lềnh đã trải qua không thể là vất vả và khổ sở. Chuyến rời nhà ra đi phải nói là nỗi nhục. Bây giờ, sau khi đã thực hiện chuyến xâm nhập, đổ bộ thành công, một mình trên hang ma, Phan Lềnh cũng không thể hiểu được Phan Lềnh đã vượt qua được những năm tháng như thế.

Phan Lềnh cũng không nghĩ  chuyến đi của Phan Lềnh trở thành định mệnh của số phận. Những điều Phan Lềnh được nghe, được học, được quán triệt cứ mờ nhạt dần. Ngay cả những điều mà Phan Lềnh ngày nào ra rả nói trước mọi người cũng nhạt dần. Ngay bây giờ, trong Phan Lềnh chỉ có sự căm thù. Hình ảnh bố Phan Lềnh quỳ dưới sân van lạy, thưa gửi với những kẻ ăn người ở bằng ông, bằng bà là Phan Lềnh lại thấy máu trong người như sôi lên.

Cái hang ma này với Phan Lềnh không có gì là xa lạ. Nó gắn bó với Phan Lềnh như xương thịt. Cái hôm dân làng kéo nhau ra hang ma để nhìn cái xác cô Lù chảy nước bong bóc xuống đất. Phan Lềnh hôm đó không dám đến gần, chỉ ngồi nấp trên ngọn cây để nghe ngóng. Phan Lềnh nghe được hết, nhìn được hết, biết hết. Những điều dân bản nói đó, với Phan Lềnh không là cái gì. Có muốn kết tội Phan Lềnh cũng không được. Không có bằng chứng, không có dấu vết. Tất cả chỉ là phán đoán, lời đồn thổi. Phan Lềnh ngồi ôm lấy ngọn cây. Bất giác, Phan Lềnh nhìn xuống chân rồi nhìn tay. Phan Lềnh như thấy da Phan Lềnh cũng mang màu da của cây.

Phan Lềnh không thể tin được  có lúc cuộc đời Phan Lềnh lại chuyển qua những bước thăng trầm như thế này. Phan Lềnh không thể nào quên được những năm tháng còn nhỏ được bố cưng chiều nhất là được lão Tảng bảo cho cách săn bắn cái nỏ, mũi tên. Ngày đó Phan Lềnh là nhất nhà. Có đôi lúc bố Phan Lềnh đi làng trên, bản dưới về có thế này thế khác với Phan Lềnh. Thậm chí có hôm lôi Phan Lềnh ra quất cho vài ba roi nhưng ông vẫn là người cưng chiều Phan Lềnh nhất. Ai mà dám ho he, cọ cựa với Phan Lềnh thì chết với ông.

Rồi Phan Lềnh đi tham gia thanh niên cứu quốc. Phan Lềnh nghĩ. Những ngày đó quả là điên cuồng và rồ dại. Mặc áo nhà, đi dầy cỏ, súng gỗ đeo vai, cả ngày lăn lộn, lang thang trong các bản, các xóm trong núi, trong rừng chui lủi để tuyên truyền lôi kéo mọi người tham gia. Phan Lềnh nhớ. Hôm Phan Lềnh đi gặp ông Thi. Ông Thi họ gì Phan Lềnh không biết, chỉ nghe nói ông là người của mặt trận. Ông Thi nói sao dân tin thế. Ông như một vị chủ soái có cả một đội quân trùng trùng dưới quyền. Ông Thi nói sao là mọi người làm theo răm rắp. Phan Lềnh thấy ông Thi oai quá. Phan Lềnh cũng chỉ muốn được như ông Thi, có kẻ hầu người hạ, mọi việc có người làm theo mà không kêu ca phàn nàn hay có ý kiến gì khác. Phan Lềnh muốn cầm đầu thiên hạ. Phan Lềnh không muốn chỉ như bố. Cả đời có tiền, có bạc, có kẻ ăn người ở, có người phục dịch nhưng cũng chỉ là đám người ăn mày ở đợ, chứ không có lấy người tử tế theo như ông Thi. Phan Lềnh nghĩ. Bố Lềnh có sướng thật đấy nhưng không có oai. Ông Thi nói là tham gia vào đây là để đánh đuổi quân xâm lược Pháp.

Quân xâm lược là gì, tại sao nó lại là quân xâm lược và nó có  làm hại gì đến mảnh đất, cỏ cây này không thì Lềnh cũng không hiểu hết. Lềnh chỉ biết rằng, đất này là của người Việt Nam, không phải của người Pháp. Vì đất nước Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, có nhiều tài nguyên lắm, như vùng Yên Hưng của Lềnh đó. Chúng đưa quân sang chiếm, bắt dân ta lao động là để lấy than, để chở bán đi lấy tiền hoặc đưa tàu chở về bên nước nó. Đương nhiên như thế thì không được rồi. Nhưng mà tại sao lại phải cần đông người đi theo mặt trận như thế. Ông Thi đưa hai tay lên vỗ bồm bộp rồi nói.
- Đấy cậu có thấy gì  không?

Ôi giời. Tưởng gì. Ông Thi vỗ hai tay vào nhau làm gì mà Lềnh không biết.
- Ông đang vỗ tay.

Nghe Lềnh nói thế, ông Thi nhìn Lềnh rồi nhẹ nhàng.
- Đúng rồi. Tôi vừa vỗ hai tay vào nhau. Nhưng cậu có thấy không? Để có tiếng kêu bồm bộp mà cậu nghe thấy đó cần phải có hai tay và có mười ngón tay. Vỗ tay cần nhiều ngón, làm việc lớn thì phải nhiều người.

Ông Thi nói đúng rồi. Khi sướng, Lềnh vẫn lấy hai tay vỗ vào nhau. Chuyện nhỏ, Lềnh làm suốt. Lềnh không thể nghĩ và biết được rằng chỉ có cái vỗ tay mà nó lại có nhiều ý nghĩa đến thế. Nhiều cách nói đến thế. Khi nhà có việc nặng, bố Lềnh vẫn phải bắt nhiều người khênh, vác, lôi, kéo, lăn, bẩy, kẻ hô người ứng thì mới thành. Nhưng Lềnh chưa bao giờ lại nghĩ được như thế này.

Thấy Lềnh có vẻ ngạc nhiên về cách lý giải của mình, ông Thi lại lấy tay, cầm tay Lềnh kéo vào sát tay mình. Ông đẩy ngược ống tay áo của hai người lên đến tận nách. Ông Thi hỏi Lềnh.
- Cậu có thấy tay tôi với tay cậu có cái gì giống và khác nhau không?

Lềnh nhìn kỹ lên cả  hai tay của mình và của ông Thi. Lềnh chả  thấy gì, chỉ thấy tay của ông Thi và của Lềnh khà khẳng, khà kheo, trông như que củi khô trên cây hay bên chân rào, gốc cây trong vườn. Lềnh mạnh dạn.
 - Tôi chả thấy gì. Tay ông cũng như tay tôi.

Nghe Lềnh nói thế, ông Thi ngửa mặt lên trời cười ầm ầm. Ông vỗ vỗ  tay lên vai Lềnh giải thích.
- Tay tôi và tay cậu  đúng là như nhau. Gầy nhẳng như que củi. Chỉ có khác nhau là da tay cậu trắng hơn da tay tôi. Đấy là cậu nhìn được thế thôi. Còn nhiều điểm giống nhau lắm.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 01:43:33 pm »

Lềnh nghe ông Thi nói mà  giật mình. Lềnh chỉ nghĩ trong đầu là tay của ông Thi và tay mình khà khẳng khà kheo chứ không nói ra thế mà ông Thi nói trúng phóc. Ông Thi quả là giỏi quá. Lát nữa, Lềnh sẽ hỏi ông Thi xem làm sao ông có thể đọc được điều Lềnh nghĩ trong đầu. Ông Thi có lẽ phải giỏi hơn cả mấy ông thầy cúng bắt ma, mấy thầy địa lý, kính đen tròn như cái đít chén, lúc nào cũng trễ xuống đến gần miệng, tay lúc nào cũng nhăm nhăm cái bàn xoay trên tay. Càng nghe Lềnh càng thấy ông Thi giỏi. Giỏi quá. Không để đâu hết giỏi. Lềnh nghe ông Thi giải thích cái tay mà cứng hết họng. Ông Thi nói rằng. Tay ông Thi và tay Lềnh giống nhau bởi có cùng gốc gác người Việt Nam. Có cùng màu da, có cùng máu đỏ. Dài như nhau, ngón tay cũng dài như nhau. Nhất là lòng bàn tay, người nào cũng rộp dày da. Ông Thi nói, lớp da rộp dầy đó gọi là chai tay. Do người mình phải làm lụng vất vả quá nên cái da tay nó sù ra để cho đỡ đau.

Ông Thi giải thích cái tay thì đúng quá đi rồi. Nhưng sau đó ông còn nói với Lềnh là cái thằng tây, nó sang xâm lược đất nước mình, nó sang vơ vét của cải tài nguyên về đất nước nó, nó bắt đàn bà con gái Việt Nam phải lấy nó làm chồng. Vì nó không phải là người cùng dòng tộc, cùng máu đỏ da vàng như ông Thi và Lềnh. Tay nó dài như vượn, lông lá đầy tay. Da tay nó trắng chứ không nâu nâu vàng vàng hay đen đen như người Việt Nam ta. Phàm những kẻ tay dài, lông lá dầy trên tay, quyết không phải là người thương dân ta. Kẻ đó là quân xâm lược, kẻ ăn cướp bằng sức mạnh. Để giành lại đất nước, để cho người dân thoát khỏi lầm than, nhất định phải nhất thể đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập. Nghe ông Thi nói, Lềnh thấy hởi lòng hởi dạ.

Nghe ông Thi nói, Lềnh thích rồi nhưng trong lòng Lềnh cứ áy náy. Thằng Tây súng ống đầy người, còn mình, toàn tay không thì biết đánh làm sao. Lềnh lấy hết can đảm hỏi ông Thi.
- Nếu tôi đi tham gia cùng ông thì súng ống đâu mà đánh nó?

Ông Thi lại nhìn Lềnh ngửa mặt lên trời cười ầm ầm. Ông chỉ tay vào người Lềnh.
- Quần áo thì cậu  đang mặc đó thôi. Có không quần không áo  đâu mà lo. Nếu không có, vào dân xin. Dân chưa có  thì lấy vỏ cây, lá cây mà che mà đậy. Ngày xưa cha ông ta cũng có vải đâu, có quần áo đâu mà vẫn dựng được nước đấy thôi. Súng thì…

Lềnh nhìn theo tay ông Thi chỉ. Nơi ấy chính là đồn giặc đang đóng . Nơi mà thằng quan hai vẫn thỉnh thoảng vào nhà Lềnh xin bố Lềnh thuốc phiện để hút. Lũ lính mỗi lần vào là khi ra khỏi cổng lại xách theo dăm ba đôi gà.
- Súng ở đấy chứ  đâu. Vào đấy ta cướp lấy súng về mà dùng. Chúng nó có mươi mười lăm thằng. Còn ta, có cả hàng trăm, hàng nghìn người. Mỗi người nếu đồng lòng, chỉ cần cầm viên đá ném vào chúng đã chết không sót một mống.

Và chính những điều này, sau này Lềnh cũng nói với rất nhiều người như thế. Và thế là người người đi theo, nhà nhà đi theo. Từ một hai người rồi đến khi số người đi theo dòng dòng như nước lũ.     
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 03:33:49 pm »

16/NHỮNG KẺ ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG
Lão Tảng thập thững bước thấp bước cao đi, tay xách con chồn vừa bắn được. Con chồn này nếu lão đưa cho mụ Đoác mang đi bán kiếm cũng được ối tiền. Ờ, mà mấy bữa nay con mụ Đoác đi đâu lão không gặp. Trông mụ chả khác gì con lợn sề, vú chảy nhễu ra, da nhăn như tàu lá gấp nếp. Nhưng mà. Lão nghĩ. Mụ Đoác tuy thế nhưng mỗi lần được nằm ấp bên mụ lão thấy còn ngọt nước đáo để. Mà mụ khỏe quá. Chả lần nào mà mụ không làm lão mệt đến bở hơi tai. Bố tổ nhà nó. Lão lẩm bẩm. Mụ thấy hơi đàn ông quá bằng con hổ thấy mùi thịt lợn non. Mụ cào cấu, cắn xé, ghì lão đến ngạt thở. Tổ sư nhà nó. Đi chết mất mặt ở đâu mà không nói với lão một câu. Lần này mà gặp, lão phải xé xác mụ ra cho hả, cho bõ giận. Lão bỗng dưng thấy nhớ mùi của mụ Đoác. Cái mùi từ da mụ Đoác toát ra. Nó có vị ngai ngái của cỏ mục. Nó lại có chút hôi hôi của vỏ cây mốc. Nó cũng có chút ẩm ướt của đất ếm nắng. Mềm mềm và quyến rũ. Lão còn thấy từ cơ thể của mụ có cả mùi tanh tanh của xác thịt lũ cầy, lũ cáo mà mỗi khi lão bắn được. Nghĩ đến mụ Đoác, lão Tảng đã thấy rạo rực khắp người. Lão cảm thấy rõ những đường máu chảy trong cơ thể. Lão thấy cồm cộm dưới quần. Lão đưa tay, búng nhẹ vào chỗ quần nhô cao. Lão chửi với giọng đầy âu yếm.
- Tiên sư nhà đồ chó. Có nằm yên đấy không để bố mày còn đi.

Lão rẽ đám cỏ lau cao lúp xúp đầu người. Cả cánh rừng dãy núi Bái lão có thể đọc được từng hang, từng hốc. Thỉnh thoảng lão lấy tay, gạt cành cây sim chắn trên lối đi. Hang ma lâu không có người vào chắc chồn cáo rắn rết tìm về đây trú ngụ. Lão phải lên để xem. Bị mấy cành dây leo ngáng mặt, lão lẩm bẩm chửi. Lão chửi không rõ tiếng, không rõ người. Tiếng lão chửi nghe lục bục như giọt nước rơi trên lá. Bước phăm phăm về phía trước. Cái đầu lão nghĩ. Hôm nay lão về mà gặp được con mụ Đoác, lão phải xé xác thịt mụ ra. Lão phải cho mụ Đoác biết lão thế nào. Mụ gần đây cứ nói kháy nói khỉa lão rằng lão làm mụ không bõ công cởi quần. Lần này lão quyết cho mụ biết thế nào là thằng Tảng, cho mụ hết nói kháy nói khỉa rằng bõ với chả không bõ. Lão như cảm thấy tiếng thở của mụ Đoác hổn hà hổn hển bên tai. Lão cũng cảm thấy cả hơi thở khăm khăm từ cái miệng ngoác ra như con cá ngão của mụ bên má. Lão sẽ cho mụ chết trong cánh tay lão mới được.

Lão ngước mắt nhìn lên hang ma. Lão nghĩ. Cái hang này từ ngày cô Lù chết không biết cái hang ấy ra sao? Chỉ nghĩ đến hang ma là mọi người đã chết mất vía. Lão mà sợ à. Lão đã biết sợ ai. Từ ngày lão theo cụ Chu cho đến nay chỉ có thiên hạ sợ lão. Chỉ từ ngày cụ Chu thắt cổ chết thì mọi người mới coi lão chả ra cái gì. Trước mà xem. Chỉ nghe tiếng cụ Chu là đã mất vía. Lũ con gái mà nghe tin cụ xuống bản có mà, rủ nhau chạy vào rừng mất mặt. Đời rõ là khốn nạn. Đúng là vắng chủ nhà chó cũng lên mặt. Lão thấy cụ Chu cũng chẳng ra cái chó gì. Chúng nó có đấu vậy đấu nữa thì đã làm sao. Mới bị lôi ra đấu, kể tội mà đã tự thắt cổ mà chết. Rõ là chả ra cái gì. Cụ chết làm lão khổ lây.

Tự nhiên lão lại nghĩ. Chả lẽ lũ chồn cáo cũng ngửi được mùi sát khí từ lão. Lũ xúc sinh ấy cũng biết dựa vào hồn ma của cô Lù để tránh cái chết sao? Đời lão mà khốn nạn thì lão cũng còn lâu mới cho lũ xúc sinh được sống yên ổn. Có chạy đằng trời. Lũ chồn cáo gặp lão chạy trốn cái chết tìm về đây mà thoát được tay lão sao? Gần đây, lão như cảm thấy trên người có cái mùi yếm khí thoát ra từ sự chết chóc mà làm cho đi săn không còn được như trước. Cái mùi ấy đã làm cho lũ chồn cáo, rắn rết biết lão đến thì phải.
- Mả mẹ chúng nó  - Lão buột miệng chửi - Có chạy đằng trời. Bố mày không thích thì thôi chứ bố mày mà thích thì chúng mày còn lâu mới thoát được.

Miệng chửi chân bước, lão nhằm hướng hang ma đi tới. Đúng lúc lão vừa bước rẽ về hướng hang ma, có một cái gì đó bật đánh víu một cái. Lão chỉ kịp nghe thấy tiếng víu rất mảnh, rất nhanh thì lão đã ngã đổ vật xuống đất hai tay ôm lấy háng. Lão cảm thấy cái chỗ con giống của lão như vừa có ai xẻo. Lão cứ ôm chặt lấy háng quằn quại. Con chồn lão vừa săn được cũng bị bắn văng đi đâu mất.

Lão ôm háng rồi cứ  để cái thân lão lăn lóc trườn dài xuống dốc. Lăn  được một đoạn, lão chợt giật mình. Cứ lăn thế này có khi lão rơi xuống vực chết mất xác. Lăn xuống dưới kia, lão chết đi còn không được như cô Lù để cho mọi người nhìn thấy những bọc giòi rơi lịch bịch xuống vũng nước vàng vàng từ cơ thể cô rơi xuống. Chết ở đó, lão chỉ làm mồi cho lũ chuột rừng. Cái lũ chuột mà khi nào thích, lão chỉ cần đưa cây nỏ trên vai. Tạch. Thế là con chuột xong đời. Lúc ấy, lão chỉ cần đi đến, cầm lấy cái mũi tên xách lên là xong. Lão giết nó nhưng quyết không để nó ăn thịt lão. Thịt lão có hôi thối đến đâu thì cũng quyết không làm mồi cho lũ xúc vật mà lão đã từng làm thịt.

Lão sợ quá, vội dạng te hai chân ra như cái chạng cây lũ trẻ hay chặt làm cái chạc bắn súng cao su. Lão trượt được một đoạn thì gốc khóm cây sim giữ lại. Ối giời ơi. Lão kêu lên. Cái chỗ con giống của lão vừa như bị ai đó cầm viên đá hay cành cây choảng thẳng vào chưa kịp hết đau thì cái gốc khóm sim lại dằn cho nó một lần nữa. Lần này thì lão không thể chịu được. Lão thấy hai con mắt nảy hoa cà hoa cải, mọi thứ quay cuồng đảo lộn tất cả. Lão chỉ kịp nghĩ, có phải cô Lù trên hang ma biết lão báng bổ định leo lên đó hay không mà trừng trị. Hay linh hồn của lũ chồn lũ cáo mà đã bị giết bao nhiêu năm nay hiện hồn trở lại bắt lão phải đền tội. Lão chỉ kịp nghĩ được vậy rồi lịm đi. Hai tay lão cũng không còn ôm khư khư lấy háng. Cái cành cây của gốc cây sim bị lão lao vào mạnh quá, chọc thẳng vào đũng quần. Cành sim bêu  đũng quần lão lên.

Lão cứ nằm như thế  chả biết đến khi nào. Cái đầu lão vẫn nghĩ. Chắc phen này thì linh hồn của bầy thú mà bao năm nay đã bị lão bắn chết, làm thịt sẽ tha lão về chầu ông bà ông vải. Thế là lão toi đời. Thế là trên thế gian không còn lão Tảng nghiện rượu, nghiện thuốc phiện và thích đàn bà nữa. Lão thấy tiếc cho chính lão không được hưởng hết cái sung sướng của đời. Mặc dù, đời lão đã được nếm, được ngửi rất nhiều mùi đàn bà. Tổ sư nó. Mùi đàn bà lão cứ tưởng ai cũng như ai. Hóa ra, lão thấy không giống nhau. Cái mùi chết tiệt ấy nó như mùi thuốc phiện cứ cuốn lấy lão. Nhiều lúc lão cũng thấy sức khỏe yếu đi nhiều nhưng rồi cái mùi đầy quyến rũ và hấp dẫn ấy lại dẫn dụ lão đi. Lão như kẻ mụ mị vì mùi đàn bà.

Có một lần, cái ngày cụ chủ Chu còn sống. Cụ thấy lão nhìn thấy gái mắt cứ hau háu quá bằng quạ nhìn bầy gà nhiếp, con sói thấy bầy thỏ, con hổ thấy con lợn. Cụ chỉ tay vào mặt lão.
- Làm cái thằng đàn ông. Thấy con đàn bà mà cứ hau háu như ăn sống nuốt tươi thế rồi cũng sớm về chầu ông bà ông vải đấy. Nó sướng vậy thôi nhưng nó là cái cưa, cắt đời thằng đàn ông. Cứ hám ăn lắm vào rồi mà chết bất đắc kỳ tử.

Kệ. Cụ nói là phận cụ. Nghe hay không là chuyện của lão. Mà lão cũng thấy cụ có chê con đàn bà nào đâu. Cụ gặp con đàn bà nào, từ trẻ đến già, từ nhũ hoa cho đến đã rữa. Cụ đã thích là cụ bắt về nuôi trong nhà đấy thôi. Thế mà cụ vẫn khỏe, da dẻ vẫn hồng hào. Ngay bà Năm của cụ mà lão được hưởng chút xái như xái thuốc phiện cũng là nhờ ơn cụ có mấy con trẻ hơn. Chứ nếu không. Đời lão cũng chả sờ được cái gấu váy, cạp quần của bà chứ nói gì đến được bà gọi vào, vuốt ve, âu yếm rồi cho ngủ cùng. Có mà cụ sợ lão khỏe hơn cụ rồi ra tước hết những con đàn bà của cụ thì có. Hì hì. Thằng đàn ông nào mà chả thế. Lão cứ suy từ bụng lão ra thôi.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 03:54:50 pm »

Lão tỉnh lại đã thấy nằm ở trên giường của mụ Đoác. Quân khốn nạn. Cái con giống của lão đã bị cái chó chết nào quật cho một nhát làm đau điếng muốn chết cho được. Rồi lại bị cả cái gốc cây sim nó choảng thẳng vào làm lão chết giấc thế mà mụ còn sờ mó nó được. Vừa nhìn thấy lão mở mắt. Mụ Đoác đã suýt xoa.
- Đau lắm không? Lại lủi  đi chơi con nào chứ gì. Bỏ mụ, chê mụ  già cho giời quả báo.

Rõ dơ. Ấy là lão nghĩ thế thôi chứ lão còn thấy đau lắm. Lão cảm thấy cái đau nó dồn lên đến cổ, tắc ở cuống họng. Thảo nào. Các cụ vẫn thường bảo, tức như bị bóp giái thọt lên cổ.

Lim dim mắt, lão mặc kệ mụ. Bây giờ mụ có làm gì thì lão cũng phải chịu. Tay mụ Đoác vừa sờ soạng miệng mụ vừa nói lẩm nhẩm.
- Phí của giời quá.  Đang nần nẫn thế mà bây giờ chỉ nhũn như con chi chi. Thế này còn làm ăn được cái nỗi gì.

Nhắm mắt giả ngủ  mà lão nghe mụ nói thấy lộn ruột. Phí làm sao được. Giời đã cho lão thì còn lâu mới phí. Lão đang nghĩ thế thì mụ Đoác đang lấy tay vuốt ve bên bắp đùi của lão. Bất ngờ mụ bẹo cho bắp non của lão một nhát.
- Ối giời ơi.

Lão đau quá không chịu  được. Mụ Đoác lấy tay xoa xoa chỗ vừa bẹo. Mụ toét cái mồm ra cười.
- Đồ phải gió. Thấy người ta làm cho lại giả ngủ. Sướng lắm đấy.

Giả đâu mà giả. Đau đến tưởng chết đi được lại còn nói giả. Lão vừa định mở mồm ra cãi thì đã bị mụ Đoác lấy tay bịt lấy miệng.
- Nằm im. Ai cho lão đi lên hang ma hả?

Lão cố gắng gượng người ngồi dậy. Nhìn xoáy vào mặt mụ Đoác, lão nói nhỏ.
- Ai nói mụ ta lên hang ma?

- Thôi. Đừng có giỡn mụ  đây. Lão đi săn về rồi định lên hang ma đúng không? Nếu không thì làm sao lão bị cái bẫy nó bật cho đúng cái con giống hả?

Đúng là con mụ Đoác, mũi thính hơn mũi chó. Nhưng mà mụ ở đâu, làm gì trên đó mà biết được lão như thế.
- Thì nghĩ lên đó làm mấy con chồn, con cáo nữa rồi về nhân thể đưa mụ đi chợ. Cái hang ấy lâu nay không có người lên, rừng lại bị động nên chắc chúng trốn hết vào đó.

Mụ Đoác lấy tay vỗ  như tát nhẹ vào mặt lão. Lão nheo nheo mắt tránh nhưng không được. Mụ Đoác đặt lão nằm lọt thỏm vào cái chỗ vũm sâu của cái đệm bông gòn mà mụ đã ngủ trên đó và lão cũng đã bao lần ngủ trên đó với mụ có từ đời tám hoánh nào rồi.
- Ta nói cho lão biết. Lão  đừng có léng phéng. Lão mà léng phéng là lão chết mất mạng đó. Không đùa được đâu?

- Thế ai nói mà mụ biết ta lên đó?

- Thì cậu cho người báo chứ ai?

- Thế ai mang ta về đây?

- Nếu ta không mang xác lão về  đây thì chó nó tha lão về chắc. Người gì mà nặng như cối lỗ. Làm người ta phải vất vả mãi mới đưa được lên lưng con bò  để đưa về. Đúng là đồ to xác mà nhỏ dé.

Lão ngước mắt nhìn mụ. Ôi sao bây giờ lão thấy mụ đáng yêu đến thế. Lão quàng tay định kéo mụ nằm xuống. Mụ gạt tay lão ra, đôi mắt nhìn lão sao mà đắm đuối.
- Đồ nỡm. Còn đang sưng to như cái bát tô mà đã…

Mụ nhoẻn cười. Trong đôi mắt của mụ long lanh như sương. Kệ. Lão cười khùng khục rồi vít cổ mụ xuống, vật mụ nằm bên cạnh. Mụ Đoác lấy tay, xoa nhẹ lên má lão âu yếm. Như vô tình, bàn tay mụ trượt xuống phía dưới. Lão Tảng đưa tay đặt lên hai mông mụ Đoác. Bàn tay lão giật giật theo mỗi lần nẩy của mông. Mụ Đoác nhắm nghiền hai mắt. Hơi thở của mụ nóng rừng rực.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 03:59:13 pm »

17/LỆNH TRIỆU HỒI
Sau khi bàn bạc xong với chính trị viên Song Hoa, Trịnh Toàn quyết định triệu tập cuộc họp gấp ngay vào chiều ngày hôm sau. Trịnh Toàn cho triệu tập thành phần gồm, đồn trưởng các đồn, trưởng ban trinh sát, trưởng ban hậu cần, trưởng ban chính trị, nhân viên kỹ thuật điện tín.

Nhận được lệnh, đang ở bản La Khê, ngay từ sáng sớm, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân đã vội vã gọi chiến sĩ giám mã chuẩn bị ngựa để lên được. Trưởng ban trinh sát yêu cầu A Lò và Tự Kim cũng chuẩn bị lên đường ngay. Trước khi đi, đồng chí anh nuôi gói cho mỗi người một nắm cơm, nhét vào trong ba lô cùng ít muối vừng. Thấy cậu anh nuôi xách bình tông nước đi ra treo vào bên dây ba lô, Tô Hồng Dân ngoắc tay lại bảo.
- Cậu chuẩn bị cơm nắm và muối thôi. Nước thiếu gì. Khát xuống suối. Uống có mà no căng bụng. Tỉnh gọi về gấp. Càng gọn nhẹ càng tốt.

Nhìn chiến sĩ anh nuôi có  vẻ chưa yên tâm, Tô Hồng Dân nói vui.
- Người chỉ cần thế  thôi. Đồng chí nếu lo được thì phải lo luôn ba suất cỏ nữa mới đủ. Cậu chỉ lo cho người mà không lo cho ngựa thì để chúng tôi chạy bộ về chắc.

Nói đoạn, trưởng ban trinh sát giơ tay lên chào, giọng tếu táo.
- Báo cáo đồng chí  anh nuôi. Cắt cho ba suất ăn. Báo lại chế độ ăn vào ngày mai cùng ba suất cỏ.

Nói xong, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân vỗ vỗ vào mông chú ngựa tía, quàng dây cương sang bên kia, rồi đặt chân lên bàn đạp, nắm lấy cọc yên, nhún người nhảy lên. Tô Hồng Dân thúc nhẹ hai gót chân vào bên thân chú ngựa. Nhận được tín hiệu xuất phát, chú ngựa hơi nhún mình xuống rồi lao đi. Theo sau là bước chân gõ móng lọc cọc, lọc cọc của bốn nhịp móng từ đôi ngựa của A Lò và Tự Kim.

Ba người ba ngựa cứ theo hướng biển lao về. Những chú ngựa cũng đã quen với con đường nên chúng chạy rất nhanh. Cứ cắt rừng mà đi. Gặp được khu đất trống, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân cùng A Lò và Tự Kim thỉnh thoảng lại sóng hàng ngang bên nhau. Mỗi khi ba chú ngựa sánh hàng ngang nhau là chúng lại khục khặc đầu lắc lư sang hai bên.
- Này. Hôm trước thủ trưởng Trịnh Toàn cho gọi hai cậu về báo cáo hang ma. Hai cậu báo cáo thủ trưởng đến đâu rồi?

Trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân quay qua bên A Lò và Tự Kim hỏi.
-Thì chúng tôi báo cáo  đầy đủ với thủ trưởng đúng như những gì chúng tôi đã thấy, đã biết và đã nghe.

- Thế thủ trưởng có  chỉ đạo ý kiến gì không?

- Thủ trưởng nghe chúng tôi báo cáo. Vừa nghe vừa ghi chép gì đấy. Nghe xong, thủ trưởng chỉ dặn là tiếp tục bám vấn đề hang ma. Thủ trưởng nói là có vấn đề đấy. Khi nào cần thì thủ trưởng sẽ gọi.

Nghe hai chiến sĩ báo cáo, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân thấy mình thật có lỗi. Từ ngày về nhận nhiệm vụ ở đây nhưng anh chưa có thời gian để đi hết địa bàn. Anh không dám đổ lỗi cho công việc nhưng rõ ràng là anh chưa biết sắp xếp như thế nào để có thể lăn lóc xuống các bản, các xóm nắm tình hình. Mọi thông tin có được chủ yếu anh đều thông qua báo cáo. Anh vẫn biết. Trong công việc cần phải có niềm tin vào cấp dưới nhưng chỉ có niềm tin không thì chưa đủ. Trong công tác lãnh đạo của Đảng cũng đã nói rất rõ. Không có kiểm tra là không có lãnh đạo. Trong lần xuống thăm và làm việc với ban công an nhân dân vũ trang của tỉnh, đồng chí Tư lệnh kiêm Chính ủy cũng có ý nhắc nhở việc triển khai kế hoạch hoạt động của các đơn vị. Đồng chí nói rõ rằng, nếu kế hoạch chỉ viết ra trên giấy thì nó mãi mãi chỉ là tờ giấy lộn. Phải triển khai cụ thể thậm chí đến từng người. Chỉ có như thế thì kế hoạch mới thực sự có kết quả và chất lượng.

Tô Hồng Dân nhớ mãi câu nói khi tư lệnh kết luận buổi nói chuyện. Tư lệnh kiêm chính ủy dặn tất cả cán bộ chỉ cần làm tốt tám từ: quán, giáo, xây, chống, thái, tác, cụ, tỷ. Theo tư lệnh kiêm chính ủy, chỉ cần làm tốt tám từ này thì đã là người cán bộ tốt, đơn vị đã thành một khối thống nhất, vững vàng hơn núi, không có thế lực hay trở ngại nào ngăn nổi. Rồi tư lệnh kiêm chính ủy phân tích. Quán ở đây là quán triệt. Khi nào được quán triệt đầy đủ và sâu sắc thì khi đó mới có được nhận thức đầy đủ. Nhận thức có đầy đủ thì mới có thể có tư tưởng thông suốt và hành động chính xác. Còn giáo ở đây là giáo dục. Quán triệt sâu sắc rồi, nhận thức sâu sắc rồi thì phải giáo dục cho chiến sĩ cũng có nhận thức như mình. Nhận thức được như thế thì sẽ có sự đồng tâm hiệp lực trong công việc. Đồng tâm trong nhận thức, trong công việc chính là cái để tạo nên sức mạnh tổng hợp để có thể vượt qua được mọi khó khăn thử thách. Quán triệt xong, giáo dục tốt thì phải biết xây dựng. Xây dựng một ý chí, một quyết tâm. Xây dựng cho lòng mình thành chính trụ vững để làm cho mọi người nhìn vào đó, trông vào đó mà làm theo. Còn chống chính là để biết loại bỏ những vấn đề không cần thiết, trái chiều trong suy nghĩ và trong tư tưởng. làm cho tư tưởng trong sạch, thông suốt, có niềm tin vững chắc.

Nói rồi, tư lệnh kiêm chính ủy ngừng ngắn. Ông đưa mắt nhìn khắp lượt hội trường. Ánh mắt bao dung và chia sẻ song cũng nghiêm khắc và quyết đoán. Ông như muốn để mọi cán bộ chiến sĩ dưới quyền có thời gian đủ hiểu và thông tỏ được những điều ông vừa nói. Trong cuộc đời binh ngũ của mình, Tô Hồng Dân không ngờ được rằng, một vị tướng, một vị tư lệnh, một cán bộ cấp cao của Đảng, của cả ngành mà dân dã và gần gũi, thông hiểu người lính đến thế. Tô Hồng Dân đưa mắt nhìn nhanh xung quanh. Anh cảm nhận thấy mọi người quanh anh ai ai cũng hướng ánh mắt lên phía đồng chí tư lệnh kiêm chính ủy để sẵn sàng chờ mệnh lệnh. Và có lẽ, chỉ cần một mệnh lệnh từ đồng chí tư lệnh kiêm chính ủy đưa ra, tất cả sẽ xung trận. Mười người như một, trăm người như một, nghìn người như một. Sức mạnh của lòng đồng tâm nhất trí.

Nhắc cốc nước đun sôi  để nguội lên nhấp nhấp, tư lệnh kiêm chính ủy nói tiếp. Giọng ông vẫn hào sảng và đầy sức quyến rũ.
- Những ý trên là tôi muốn nói đến cách làm, bước đi của một công việc. Nếu các đồng chí thực hiện tốt được như thế, làm suôn sẻ những điều đó thì mới chỉ đạt được năm mươi phần trăm kết quả. Và nếu chỉ đạt được như thế, tôi dám chắc là khó lòng mà giành được thắng lợi. Mà thất bại đang chực chờ phía trước.

Dưới hội trường rộ lên tiếng xì xào. Ngay Tô Hồng Dân lúc đầu cũng nghĩ, nếu một ai đó, làm tốt các nội dung trên thì đã là trên cả tuyệt vời. Và anh cũng nghĩ, khó có ai có thể làm được, hiểu được, thực hiện được một cách cặn cẽ, thấu đáo những điều tư lệnh kiêm chỉnh ủy gửi gắm, trao đổi qua cách ông nói chuyện.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2017, 04:12:52 pm »

Như đoán được lòng mọi người, như thông tỏ được nỗi niềm vướng mắc đang cộn lên trong lòng mọi người. Ông cười.
- Nếu làm được như  thế mới chỉ là người lính tuân lệnh chứ  chưa phải là người chỉ huy sắc sảo và toàn diện. Và như thế cũng mới chỉ đạt được lý thuyết mà chưa có thực hành.

Tư lệnh kiêm chính ủy lại dừng ngắn. Ông nói giọng rất vui nhưng lại rất rành rõ và kiên quyết. Ông nhắc từng tiếng một.
- Làm như thế người ta gọi là lý thuyết suông. Như ăn cháo không hành, ăn cơm không muối. Ấy là nói theo cách nói nhẹ. Còn nói theo cách nói của dân gian là: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

Ông hướng về phía dưới hội trường hỏi.
- Có đúng thế không các đồng chí?

Cả hội trường cười ồ  lên khi tư lệnh kiêm chính ủy vui giọng và trêu  đùa với mọi người. Đoạn ông đợi cho cả hội trường im lặng trở lại. Ông nói.
- Lúc trước tôi mới nói năm mươi phần trăm tiêu chuẩn của người cán bộ. Bây giờ  tôi sẽ nói năm mươi phần trăm phẩm chất còn lại. Nếu một ai hợp đủ bốn từ này nữa thì  mới có thể …

Nói đến đây, tư lệnh kiêm chính ủy dừng lại. Ông nhấn mạnh.
- Tôi nhấn mạnh thêm này. Nếu ai hợp đủ bốn từ này nữa thì mới có  thể. Mới chỉ có thể thôi đó nhé, đạt được tương đối đầy đủ năng lực, phẩm chất của người chỉ huy. Bốn từ đó là: Thái, tác, cụ, tỷ.

Như để cho mọi người đủ thời gian nhớ được bốn từ trên, tư lệnh kiêm chính ủy phân tích. Thái ở đây được hiểu là thái độ. Làm người cán bộ luôn đòi hỏi có một thái độ chân thành, trung thực, thẳng thắn và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Tác ở đây là tác phong. Tác phong của người cán bộ phải sâu sát. Nếu không sâu sát sẽ quan liêu, làm việc sẽ như chuồn chuồn đạp nước. Và chỉ có sâu sát mới đưa ra được những quyết định đúng đắn, chính xác nhất. Cụ ở đây phải được hiểu là cụ thể. Cái gì cũng phải cụ thể. Cụ thể đến từng chi tiết một, từng tình huống một. Khi lựa chọn tình huống để xử lý, người cán bộ phải lựa chọn tình huống xấu nhất. Khi anh đã chọn tình huống xấu nhất để xử lý rồi thì khi các tình huống khác kém xấu hơn xảy ra, anh sẽ đủ bình tĩnh để giải quyết. Nếu ngay cả khi tình huống xấu nhất xảy ra thì bản thân anh cũng đã biết trước, đón trước, không bị bất ngờ. Còn tỷ ở đây là tỷ mỉ. Khi ra quyết định nào đó, bản thân người cán bộ phải cảm nhận được như mình có thể nắm được, sờ được, ngửi được trong lòng tay. Và như thế, các quyết định khi anh đưa ra, có khác gì anh thò tay vào túi của mình lấy ra vật mà anh đã để.

Sau khi phân tích và làm rõ  từng từ ngữ, tư lệnh kiêm chính ủy cười. Ông hỏi mọi người.
- Lấy vật trong túi của mình có khó không các đồng chí?

- Không khó tư lệnh ạ.

Tiếng cười, tiếng đáp lời lao xao cả hội trường.

Lại đợi cho tiếng cười, lời bàn tán, câu trả lời lặng xuống tư lệnh kiêm chính ủy đưa hai tay lên xua xua, dập dập có  ý nhắc mọi người im lặng để ông nói tiếp.
- Có ai nhớ được tám từ tôi vừa nói không?

Cả hội trường lại xôn xao.
- Có thủ trưởng ạ.

- Nhớ hết và thuộc rồi thủ trưởng ạ.

Có tiếng ai nói rất to ở  phía sau.
- Quán, giáo, xây, chống. Thái, tác, cụ, tỷ ạ.

Tiếng vỗ tay rầm rầm.

Tư lệnh kiêm chính ủy lại đưa tay lên dập dập phía trước mặt trên bục nói chuyện. Ông tươi cười, nói vui.
- Thế là tôi đã  đưa các đồng chí tất cả túi gấm rồi  đấy nhé. Khi nào khó khăn hay vướng mắc gì, các  đồng chí cứ giở túi gấm ra xem, làm cho đúng những điều ghi trong đó. Chắc chắn thắng lợi một trăm phần trăm.

Dứt lời, tư lệnh kiêm chính ủy đưa tay lên vẫy vẫy chào mọi người.
- Chúc các đồng chí  thắng lợi!

Ông đi ra cửa. Bị bất ngờ, mọi người đang vỗ tay vội đứng cả dậy nhất loạt đồng thanh hô khẩu hiệu.
- Chúc tư lệnh khỏe! Chúc tư lệnh khỏe!

Tư lệnh kiêm chính ủy vừa đi vừa đưa tay vẫy. Chiếc xe con đã chờ sẵn bên lối cửa ra vào. Ông bước lên xe, tiếp tục đưa tay vẫy. Chiếc xe nhẹ nhàng lăn bánh. 

Mỗi khi nhớ lại cái hôm  được nghe tư lệnh kiêm chính ủy trò chuyện, Tô Hồng Dân luôn cố gắng.  Dù anh cố  gắng đã rất nhiều nhưng anh vẫn luôn thấy mình chưa xứng đáng với những gì tư lệnh kiêm chính ủy gửi gắm trao đổi. Thì đó thôi. Từ ngày anh về nhận cương vị trưởng ban trinh sát, anh mới chỉ tập trung xây dựng đơn vị huấn luyện nghiệp vụ, kỹ chiến thuật mà anh vẫn chưa nắm được tình hình địa bàn. Anh chưa thật cụ thể trong quản lý địa bàn, chưa thật tỷ mỷ trong điều hành, nắm bắt công việc. Trong đầu Tô Hồng Dân nghĩ. Chắc lần này chỉ huy trưởng cho gọi anh và A Lò, Tự Kim về là để nhắc nhở, kiểm điểm những chuyện trên. Quay qua bên A Lò, Tự Kim, trưởng ban trinh sát Tô Hồng Dân thân mật hỏi.
- Này. Hai cậu cho tớ hỏi thật nhé.

- Dạ.

- Hai cậu thấy tớ thế  nào?

- Tốt ạ.

- Không. Ý tớ là  hỏi các cậu thấy tớ có làm được không cơ?

- Thì cũng rất tốt  ạ.

- Thế thì tốt là tốt như thế nào?

- Thì tốt…là tốt thôi ạ.

- Ôi giời. Nói như hai cậu tớ đấm thèm vào hỏi cho mất việc. Hai cậu phải nói cho rõ ra nữa cơ. Tỷ dụ như: Tác phong thế nào? Thái độ ra làm sao? Có thực sự sâu sát công việc không? Điều hành, quản lý, chỉ huy đơn vị có được không? Anh em có kêu ca, phàn nàn gì không? Có nghĩa là tất cả ấy.

Thấy trưởng ban trinh sát hỏi chuyện đánh giá mà cứ như truy xét, A Lò và Tự Kim đưa mắt nhìn nhau. A Lò và Tự Kim không biết nói thế nào. Thực tình mà nói, cả hai đều thấy trưởng ban trinh sát là người rất tốt. Với anh em thì gần gũi, chân thành, chu đáo. Với công việc thì hăng say và nhiệt tình, quyết đoán. Nếu soi vào theo tiêu chuẩn sáu điều Bác Hồ dặn cán bộ chiến sĩ toàn ngành công an thì trưởng ban không có khiếm khuyết gì. Nhìn nhau, A Lò và Tự Kim nháy mắt, lắc đầu ra hiệu không nói gì. Mà trưởng ban cũng chẳng có cái gì sai sót lớn đáng phải nói. A Lò và Tự Kim biết tính trưởng ban. Cái gì cũng lo xa, cái gì cũng muốn chu toàn.

Để phá vỡ sự im lặng, A Lò lên tiếng.
- Trưởng ban hỏi nhiều quá, em chả nhớ được phải nói cái gì trước cái gì sau. Em chỉ biết mỗi việc. Trưởng ban rất tốt. Thế thôi. Trưởng ban có quát em, mắng em, chửi em thì em vẫn cứ nói thế. Thật đấy.

Biết có vặn vẹo hỏi  thêm cũng không được, Tô Hồng Dân thúc hai bàn đạp vào bên sườn, chú ngựa lao lên. Thấy Tô Hồng Dân phóng đi, A Lò và Tự Kim cũng vội thúc ngựa lao theo. A Lò đưa mắt nháy Tự Kim. Cả hai cũng cười mỉm.

Ép mình trên thân con ngựa có bộ lông màu tía, Tô Hồng Dân trong lòng vừa vui mà cũng vừa lo. Anh em nói là rất thực bụng mình. Sự đánh giá của anh em cán bộ dưới quyền làm anh vui. Làm người cán bộ quản lý, không gì vui hơn được anh em cấp dưới tin tưởng. Dẫu A Lò và Tự Kim không nói gì cụ thể và luôn có ý tránh trả lời thẳng vào câu anh hỏi, nhưng Tô Hồng Dân biết. A Lò và Tự Kim cũng như anh em cán bộ trong đơn vị đều là những cán bộ trung thành, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng chung của Đảng. Họ đều là những người xuất thân từ mảnh ruộng, dòng sông, làm thuê làm mướn, cuộc đời gắn với cây lúa củ khoai. Vì sự nghiệp cách mạng, họ có thể xả thân bất cứ lúc nào mà không hề có sự so đo tính toán. Ở những người lính này, Tổ quốc là trên hết, cách mạng là trên hết, không có gì sánh bằng. Và anh cũng tin rằng, trong đội ngũ của Đảng, với những người trung kiên như thế này, không có khó khăn nào của cách mạng mà không thể vượt qua.

Vui là vui thế song trong lòng Tô Hồng Dân vẫn lo lắng. Cái lo của trách nhiệm. Cái lo của người chỉ huy. Anh biết trong thời gian qua, vì công việc những ngày đầu xây dựng đơn vị còn gặp quá nhiều khó khăn, vất vả, có quá nhiều vấn đề cần giải quyết nên anh chưa có thời gian để xuống cơ sở, nắm bắt thực tế cơ sở địa bàn. Anh vẫn nhớ đinh ninh lời Bác dậy. Muốn làm cách mạng thành công, phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Bác cũng dạy: Các chú chỉ có hai tay hai mắt, còn nhân dân có nghìn tay, nghìn mắt. Nếu các chú làm tốt công tác dân vận, thì mọi hoạt động của kẻ địch, các chú sẽ được nhân dân báo cho biết. Vẫn biết vạn sự khởi đầu nan, song anh thấy trách nhiệm của cương vị mà anh được Đảng, nhà nước, lực lượng giao phó trao trọng trách vẫn chưa thực sự toàn tâm toàn ý. Sai đâu sửa đấy. Lần này trực tiếp ban chỉ huy tỉnh gọi về, anh sẽ thẳng thắn mạnh dạn nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm. Ban chỉ huy đánh giá hay nhận xét sử dụng thế nào anh cũng  chấp nhận. Thấy sai mà nhận mà sửa với anh không có gì là xấu hổ. Chỉ sợ thấy sai mà không dám nhận, không kiên quyết sửa chữa mới là điều hổ thẹn và đáng xấu hổ. Làm việc thì thế nào cũng phải có sai. Có sai và biết sai để sửa chữa thì mới có thể trưởng thành được. Mỗi lần vấp ngã là một lần cho ta sự trưởng thành. Có sự thành công nào không trả giá bằng mồ hôi và nước mắt, thậm chí bằng cả máu. Có con đường nào ta đi mà chỉ có thảm hồng nếu không nói có rất nhiều chông gai và bão táp.

Chỉ nghĩ thế, lòng Tô Hồng Dân thấy thanh thản. Thúc hai gót vào bên sườn chú ngựa tía, ghì chặt dây cương, ép sát mình xuống thân ngựa. Tô Hồng Dân cảm thấy cả tiếng gió quét nhẹ bên tai, bên má. Anh không nghe thấy cả tiếng ngựa gõ móng xuống mặt đất. Chỉ còn tiếng gió mơn man. Tô Hồng Dân thấy lòng mình nhẹ nhõm. Anh như thấy mình bay trên cánh rừng, bay trong màu xanh của lá, bay trong niềm tin, bay trong lòng trung nghĩa.

Phía trên đầu, trên những màu xanh ấy, líu ríu tiếng chim.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #27 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2017, 12:39:18 am »

18/CON ĐƯỜNG XÂM NHẬP
Cả đêm qua, Thiếu tá  Trịnh Toàn không tài nào ngủ được. Ông gần như thức cả đêm để tính toán các phương án và bố trí lực lượng. Nhưng điều làm ông vui nhất là có được sự nhất trí nhanh chóng của chính trị viên Song Hoa.

Thiếu tá Trịnh Toàn không nghĩ việc ông quyết định tập trung toàn lực lượng để mở chuyên án lại được sự nhất trí cao độ của chính trị viên Song Hoa nhanh như thế. Đến khi bước chân vào phòng chính trị viên rồi, Trịnh Toàn lúc đó cũng không biết sẽ nói như thế nào về việc nhận định đánh giá của mình. Thật may là chính trị viên Song Hoa lại pha ấm trà. Chính nhờ có chút thời gian ngắn đợi chính trị viên xúc ấm, pha trà mà Trịnh Toàn đã tìm ra được cách trao đổi ngắn gọn nhất về những suy nghĩ của mình. Ngay bản thân Trịnh Toàn, ông cũng không nghĩ rằng ông lại có thể nói với chính trị viên một vấn đề rất quan trọng, nó có tác động rất lớn đến sự thành bại của cả đơn vị chỉ trong một vài trao đổi ngắn gọn và cụ thể đến vậy. Chính nhờ có sự nhất trí cao, nhất trí đến tuyệt đối của chính trị viên Song Hoa làm Trịnh Toàn càng tin vào sự phán đoán và quyết định của mình là chính xác, càng làm ông tin tưởng vào khả năng thắng lợi.

Mặc dù trong lòng Trịnh Toàn chưa thực sự tin vào khả năng trên địa bàn của tỉnh có sự xâm nhập của địch. Ông tin vào khả năng quản lý và nắm bắt địa bàn của các đơn vị thuộc quyền. Nếu dựa trên tính toán và thực tế của địa bàn tỉnh, khả năng kẻ địch xâm nhập vào theo đường bộ là vô cùng khó khăn và gặp rất nhiều phức tạp. Thất bại sẽ nhiều mà thành công sẽ rất ít. Bởi, muốn hay không, khi xâm nhập đường bộ vào địa bàn tỉnh thì đối tượng sẽ phải đi qua rất nhiều địa bàn và các tỉnh khác. Mà mỗi lần đi qua được các địa bàn đó, đối tượng sẽ khó mà thoát được tai mắt của các lực lượng quản lý cũng như người dân. Trong khi đó, địa bàn tỉnh Trịnh Toàn quản lý lại là nơi cánh cung vùng Đông Bắc. Việc ra vào cũng không thuận lợi như các tỉnh miền Trung, nơi giáp ranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Còn khả năng xâm nhập qua nước thứ ba để vào địa bàn của lực lượng tỉnh ông quản lý lại càng khó khăn hơn. Mặc dù, nơi đây có địa bàn hiểm trở song việc qua lại là vô cũng phức tạp và cực kỳ nguy hiểm.

Cũng theo tính toán của Trịnh Toàn, việc đối tượng xâm nhập vào địa bàn bằng đường không là cũng khó lòng có thể  xảy ra. Hiện tại, tuy các lực lượng phòng không của địa bàn trong tỉnh còn mỏng, ấy là chưa nói là gần như bằng không thì khả năng này cũng ít xảy ra. Nếu xâm nhập vào đường không, máy bay khi bay vào nhất định sẽ có nhiều người biết. Không những thế, khu vực địa bàn của tỉnh lại chủ yếu là rừng già nguyên sinh nên việc đỗ hay đáp xuống sẽ không thể xảy ra được. Nếu nhảy dù, cũng là xác suất rất thấp vì dễ gây nguy hiểm cho chính kẻ xâm nhập.

Nếu đối tượng xâm nhập lại đi theo con đường ngoại giao thì khả  năng này càng ít xảy ra. Tất cả các đoàn đi theo con đường ngoại giao đã được quản lý và giám sát chặt chẽ. Nếu đối tượng đi cùng đoàn, tách đoàn ra để hoạt động thì chả khác nào “lậy ông tôi ở bụi này”. Sẽ bị phát hiện và ngăn chặn ngay. Không những thế, nó còn ảnh hưởng và để lại sự mất niềm tin trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dẫu gì thì gì, dù Việt Nam mới giành được độc lập, chưa được nhiều nước trên thế giới công nhận nhưng vẫn là quốc gia có chủ quyền. Hoạt động theo con đường này thì chỉ là nhất thời và thời gian ngắn, không hiệu quả và mức độ không cao.

Con đường xâm nhập có  thể thực hiện để vào địa bàn của tỉnh có chăng chỉ có thể là theo đường biển. Mặc dù các lực lượng trên tuyến biển  đã được bố trí nhưng còn mỏng. Chỉ  riêng việc trên địa bàn biển của tỉnh quản lý đã có tới hàng nghìn điểm đảo khác nhau. Phạm vi rộng, địa bàn cũng phức tạp, lực lượng quản lý mỏng là cơ hội để cho đối tượng xâm nhập có thể thành công. Mặc dù trên biển ngoài các điểm đảo ra, chủ yếu là sóng nước. Song hạn chế lớn nhất này lại chính là điểm yếu cốt tử của người quản lý và là lợi thế rất thuận cho kẻ xâm nhập. Tuy khả năng quan sát được rộng hơn nhưng lượng tàu thuyền hoạt động lại khó quản lý. Tàu thuyền hoạt động trong khu vực không chỉ có người trên địa bàn, địa phương mà còn có rất nhiều tàu thuyền của địa phương khác cũng làm ăn mưu sinh trên đó. Trong khi đó, khả năng vươn xa để kiểm tra kiểm soát của ta lại còn nhỏ và chưa đủ sức. Ban ngày còn khó quản lý chứ nói gì đến về đêm. Đêm chính là kẻ thù của người quản lý nhưng lại là bạn, là đồng minh cho kẻ xâm nhập.

Trịnh Toàn cũng nhận định, số lượng đối tượng xâm nhập, kẻ xâm nhập sẽ không nhiều. Nếu xâm nhập nhiều thì sẽ  bất lợi. Chúng ta vừa giành được thắng lợi nên khí  thế trong quần chúng còn rất cao. Đi xâm nhập  đông là sẽ để lại dấu vết, khó lòng mà xóa cho được. Và đi đông như thế thì cũng sẽ khó mà giấu được tung tích. Rất dễ bị phát hiện. Muốn giấu được kín thì chỉ có thể đi đơn lẻ hoặc cùng lắm là một toán từ hai đến ba tên là cùng.

Từ những phân tích trên của mình, Trịnh Toàn cũng tin rằng, nếu đối tượng xâm nhập cũng khó lòng có thể là người ngoài địa bàn tỉnh. Nếu xâm nhập được phải là người thông thạo địa hình, thông thạo phong tục tập quán, thông thạo ngôn ngữ địa phương. Thông thạo được những yếu tố trên thì chỉ có thể là người nội tỉnh. Người này phải là người gốc ở địa bàn. Nếu không, đối tượng này cũng phải là người lớn lên ở đây, ăn gạo ở đây, uống nước ở đây và làm việc sinh hoạt ở trên địa bàn thời gian đủ dài mới có thể có được.

Nghĩ là thế, tính toán là thế nhưng Trịnh Toàn vẫn chưa lý giải và trả lời được việc cái mái chèo mà  Trịnh Toàn nhìn thấy và thu được từ thuyền nhà Trần Kiên với hiện tượng xuất hiện có  ma ở hang ma. Chúng có mối quan hệ như  thế nào? Giữa chúng có vấn đề gì có liên quan? Một cái xảy ra ở biển. Còn sự xuất hiện của ma ở hang ma lại trên rừng, khe núi. Khoảng cách của hai vấn đề xảy ra là rất xa. Có phải chăng đây là sự trùng lặp ngẫu nhiên hay chỉ là một. Nếu quả đúng là ngẫu nhiên thì không chỉ có một toán, một đối tượng đã xâm nhập mà sẽ phải là hai toán. Nếu là một thì đối tượng này phải là người như thế nào mới có khả năng di chuyển địa điểm nhanh chóng đến như vậy. Nghĩ đến đau đầu nhưng Trịnh Toàn vẫn chưa tìm ra được lời lý giải cho thỏa đáng hai sự việc xảy ra trên địa bàn.

Việc gì đang xảy ra? Xảy ra ở đâu và như thế nào? Bởi tại làm sao lại thế? Mục đích của nó? Thời gian xảy ra ra làm sao? Một đối tượng hay nhiều đối tượng. Một toán hay hai toán đã xâm nhập? Chúng đã thật sự xâm nhập chưa hay mới chỉ là trò rung cây dọa khỉ, tung hỏa mù, đánh lạc hướng, tạo dư luận? Rất nhiều câu hỏi cứ xoáy trong đầu Trịnh Toàn bắt ông có câu trả lời.

Đi đi lại lại trong phòng một mình để tìm câu trả lời. Càng nghĩ Trịnh Toàn càng thấy mù mịt và lo lắng. Mặc dù đã được chính trị viên nhất trí nhưng nếu nhận định sai, phán đoán chệch hướng, không đúng khả năng thì uy tín và trách nhiệm sẽ không còn gì. Nhưng nếu không triển khai, cứ chờ đợi thì khi sự việc xảy ra rồi mới triển khai thì quá chậm, và uy tín cũng bằng không. Đảng đã cho chủ trương. Đây là cái thuận lợi. Song người chỉ huy lại là người quyết định. Cái đúng và cái sai, cái được và cái mất chỉ chông chênh cách nhau không được bằng sợi tóc.

Bất giác, Trịnh Toàn đưa chân đá mạnh về phía trước. Uỳnh. Chiếc cánh cửa đã cũ, mấy cái bản lề đã hoen gỉ, lung lay như răng ông lão được cơ bung ra. Cánh cửa đổ vật xuống bậc thềm.

Trịnh Toàn thấy bóng người nhoáng qua. Ông chạy vội ra cửa. Đứng ngay bên cạnh chiếc cánh cửa vừa đổ xuống là chính trị viên Song Hoa. Cánh cửa đổ sập xuống làm bụi đất tung lên. Chính trị viên Song Hoa đang lấy tay che ngang mặt tránh bụi.
- Ôi. Anh Song Hoa. Anh có bị  làm sao không?

Đợi cho bụi tan, chính trị viên Song Hoa buông tay xuống, rũ rũ tay áo rồi phẩy phẩy bụi trên người.
- Tôi không sao? Mà cánh cửa anh làm sao lại đổ sập xuống thế?

Đi đến bên, cầm tay chính trị viên, Trịnh Toàn kéo Song Hoa vào phòng.
- Chắc bí cái gì, nghĩ chưa ra lại đá vào cánh cửa chứ gì?

Chính trị viên Song Hoa nhìn Trịnh Toàn. Nói rồi ông mỉm cười.
- Tội cái anh cánh cửa này lớn lắm. Nhất là mấy cậu bên hậu cần. Biết tính thủ  trưởng mà làm mộng mẹo không chắc chắn. Thật là  chán mớ đời cho mấy cậu này quá.

Nghe chính trị viên nói vui, Trịnh Toàn cười theo.
- Có mấy cái mà tôi tính chưa ra. Thói quen cứ tiện chân tiện tay. Thôi. Anh vào đây đã tôi cũng đang muốn bàn thêm với anh.

Vừa với tay lấy ấm nước, cậu chiến sĩ thập thò ngoài cửa. Vừa rót nước mời chính trị viên, Trịnh Toàn vừa nói vọng ra.
- Vào đi. Có việc gì  đấy.

Cậu chiến sĩ rụt rè đi vào. Đứng nép vào bên khung cửa vừa bị bung ra. Cậu chiến sĩ giơ tay chào.
- Dưới đồn Mũi Ngọc vừa  điện báo về thu được chiếc thuyền thúng trôi dạt. Thuyền kiểu của ngư dân miền Nam.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2017, 12:46:08 am »

Không kịp cả lấy chén nước đưa cho chính trị viên, Trịnh Toàn gần như nhoai người qua bàn để nhận lấy tờ giấy điện từ tay cậu chiến sĩ. Rồi cứ thế, vừa đứng vừa đọc. Đọc xong bức điện, Trịnh Toàn đấm mạnh hai tay xuống bàn. Chiếc bàn rung lên. Mấy cái chén bật lên khỏi chiếc khay lạch cạch. Chiếc ấm tích ủ nước chè xanh cũng nảy lên rồi đổ tràn xuống bàn. Chính trị viên nhìn Trịnh Toàn mỉm cười.
- Có thế chứ.

Trịnh Toàn đưa bức  điện cho chính trị viên xem. Ông ngồi xuống ghế. Nét mặt tươi roi rói. Mấy nếp nhăn trên trán giãn ra. Trên đôi mắt của Trịnh Toàn sáng lấp lánh. Cậu chiến sĩ chạy vội lại đặt chiếc ấm tích cho ngay ngắn. Cậu ngơ ngác nhìn Trịnh Toàn rồi chính trị viên Song Hoa. Cậu không biết chuyện gì đang xảy ra.

Xong việc, cậu lặng lẽ  rời phòng Trịnh Toàn. Trước khi rời, cậu nhẹ nhàng kéo chiếc cửa đổ dựng sang bên. Gió từ cửa ùa vào. Hơi nước biển cũng mang vào theo sự  mát mẻ của biển.

Đợi cho cậu chiến sĩ đi khuất, Trịnh Toàn đứng lên, đi đến bên cạnh ghế của chính trị viên Song Hoa. Buông tờ giấy điện trên tay, chính trị viên Song Hoa đặt trên mặt bàn, xoay người nhìn Trịnh Toàn.
- Lúc nãy có việc gì  mà bức xúc thế?

- Cũng là cái chuyện này  đây anh.

Đưa tay chỉ vào tờ giấy, Trịnh Toàn trả lời chính trị viên Song Hoa mà mắt vẫn như dán vào bức mật điện của đồn Mũi Ngọc báo cáo.
- Có chuyện gì đâu? Đúng như anh đánh giá nhận định thôi mà.

Trịnh Toàn nhìn chính trị  viên Song Hoa cười cười. Giọng thật thà.
- Chiều qua, khi tôi trao đổi với anh về chuyện có rất nhiều khả năng kẻ mang mật danh AZET đã xâm nhập vào địa bàn của chúng ta quản lý. Anh có biết lúc đó trong đầu tôi không có lấy nổi một bằng chứng nào để chứng minh rằng chuyện đó đã xảy ra chưa? Bức mật điện của Ban công an Trung ương gửi cũng mới chỉ là ý nhắc nhở, phòng xa khả năng địch xâm nhập thôi. Chứ nào đã lấy cái gì làm cơ sở kết luận đâu.

Nhìn lên khuôn mặt đồng đội, chính trị viên Song Hoa vẫn còn nhận ra nét  vui, thoải mái của Trịnh Toàn. Ông nhỏ nhẹ.
- Biết chứ. Tôi biết rất rõ  nữa là khác.

- Biết sao anh lại nhất trí  nhanh với tôi như vậy?

- Thì tôi tin vào khả  năng nhận định của anh. Tin vào con mắt nghề nghiệp của anh.

Chính trị viên Song Hoa định nói rõ thêm nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, thôi. Bản thân Trịnh Toàn chắc cũng quá thấu hiểu hoàn cảnh của đất nước hiện tại. Tình hình địa bàn còn nhiều khó khăn. Các lực lượng triển khai bảo vệ chế độ xã hội của mình cũng còn manh nha, chưa hoàn thiện. Trong khi đó, phía miền Nam, Mĩ cũng đã đưa cả chục ngàn quân đổ vào trong này. Đây cũng chính là cơ sở hoàn cảnh thuận lợi cho kẻ địch đưa lực lượng xâm nhập. Với lại, vì chính quyền của miền Bắc cũng chưa thật vững chắc. Tuy công tác tư tưởng đã được các cấp các ngành tập trung nhưng nếu nhìn thực lực vào đời sống thì quả là đất nước còn gặp biết bao khó khăn. Chính sự khó khăn đó cũng là cơ hội để các loại tội phạm khác có điều kiện hoạt động, chống phá. Điều đáng mừng nhất và có lẽ sức mạnh duy nhất mà đất nước có lúc này chính là niềm tin. Một niềm tin sắt son vô bờ bến vào cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ. Chính niềm tin và chỉ có niềm tin đã tạo nên sức mạnh tổng hợp mà không có thế lực thù địch nào ngăn nổi.

Chính trị viên Song Hoa cũng biết rằng. Với cương vị và trọng trách được giao, Trịnh Toàn hiểu hơn ai hết thực lực của đất nước, của lực lượng và của ngành. Nếu chỉ  nghe thấy Thái Bình đã đưa năng suất lúa lên  được năm tấn trên héc ta mà mừng thì đâu đã biết được những khó khăn còn rình rập trước mắt. Nếu cứ tính, tất cả các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, ở đâu, nơi nào cũng đạt được năng suất lúa như Thái Bình thì với một đòi hỏi của phía chiến trường, liệu có đủ cung cấp cho các lực lượng cán bộ chiến sĩ trong miền Nam. Một đất nước nông nghiệp, sản xuất chủ yếu là phương thức canh tác tiểu nông nhỏ lẻ, nay vào hợp tác xã, sản xuất lớn đâu đã có thể một sớm một chiều mọi việc được suôn sẻ. Phục vụ cho chiến trường, đâu chỉ có lương thực. Còn biết bao nhu cầu khác. Từ vũ khí đến đạn dược, thuốc men, quần áo, trang thiết bị khác. Tất cả chỉ trông vào hạt lúa củ khoai, tất cả chỉ trông vào giọt mồ hôi của người dân một nắng hai sương với cái cuốc cái cày mà làm nên thắng lợi.

Chính trị viên Song Hoa còn nhớ dấu ấn lần ông cùng một đoàn cán bộ về tham quan Thái Bình. Ông không thể ngờ. Mọi người trong đoàn cũng không thể ngờ. Chính những người trên mảnh đất làm nên năm tấn thóc ấy cũng còn đói, rách. Hạt lúa làm ra chia hai chia ba. Củ khoai làm ra chia năm chia bẩy.

Trưa hôm ấy, ông cùng mấy người trong đoàn ghé thăm một gia đình làm nông. Đúng lúc gia đình ăn cơm. Trên mâm cơm, ngoài đĩa rau muống luộc, bát canh rau muống luộc không còn món gì khác. Bát cơm nói là độn dong, độn khoai nhưng thực ra là gạo độn dong, độn khoai. Cả bát cơm chỉ thấy toàn củ dong riềng và khoai. Bám hờ trên những miếng dong, miếng khoai đó là dăm ba hạt cơm. Có một chị trong đoàn thấy nồi cơm gia đình quá đạm bạc như thế mới hỏi.

- Cháu nghe tỉnh ta năng suất lúa năm tấn một héc ta mà bữa cơm của gia đình ta vẫn thế này sao.

Bác chủ nhà buông bát, tay cầm đôi đũa vừa gắp mấy ngọn rau muống luộc vừa trả lời.
- Làm năng suất cao cũng phải  để tập trung cho miền Nam chứ. Bác Hồ đã nói rồi. Dù có phải đốt cả dãy…

Bác nông dân quay qua người con còn nhỏ, khoảng bẩy, tám tuổi đang gặm tước xơ  từ miếng dong riềng trong bát.
- Dãy gì cu Tý có  nhớ không nhỉ.

- Dãy Trường Sơn. Nhắc bố  mãi mà bố chả nhớ gì sất.

- Ờ ờ. Dãy Trường Sơn. Bố nhớ rồi. Bố nhớ dãy Trường Sơn rồi. Gớm. Anh nhắc cho bố anh tý mà ra dáng vênh quá.

- Chả thế à. Nhắc mãi mà bố chả nhớ. Ai cũng như bố  thì đất nước này nghèo lắm, khổ lắm. Bác còn nói. Chúng ta hiện nay phải tiết kiệm, còn ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm. Chúng ta đang phải dồn sức cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Cô giáo con cũng vẫn thường nói thế đấy.

Cu con của bác nông dân vục vặc lại bố. Miệng nó vẫn cố tước những xơ  của bìa củ dong riềng ra. Chắc khi làm ai đó đã không gọt kỹ còn để vướng xơ lại.

Đặt bát xuống bên cạnh mâm cơm, bác nông dân đọc tiếp. Giọng đọc nghe sang sảng và đầy khí thế. Cứ hừng hực hừng hực như người sắp xung ra trận.
- Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì chúng ta cũng phải giành cho được độc lập. Chúng tôi hiểu lắm. Lời của cụ Hồ Chủ tịch dặn chúng tôi là ai cũng hiểu cả. Nước mà không độc lập thì làm sao dân có tự do, làm sao có ấm no hạnh phúc. Nếu có phải đánh đổi tất cả chúng tôi cũng xin sẵn sàng.

Nói rồi bác nông dân hướng mắt sang phía mấy người trong đoàn vẻ mặt rất phấn khởi. Lúc đó, ông nghĩ, chắc bác nông dân phấn khởi lắm khi có đoàn thăm quan để bộc bạch lòng mình.

Một tỉnh giàu có về  năng suất như thế mà cuộc sống của người dân còn vất vả như vậy. Điều đáng mừng nhất là tất cả, từ nam phụ lão ấu, tư tưởng rất thông suốt. Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng thường nhắc nhở và đánh giá công tác tư tưởng. Chủ tịch Mao Trạch Đông luôn khẳng định rằng, tư tưởng là thống soái. Tư tưởng mà thông thì không chỉ đào sông mà nếu cần, lấp cả biển Đông cũng được.

Chính trị viên Song Hoa không muốn nhắc hay muốn nói điều đó với Trịnh Toàn. Bởi anh hiểu Trịnh Toàn.

Như để tin chắc vào  điều chính trị viên Song Hoa nói. Trịnh Toàn hỏi lại.
- Lúc đó chắc chắn anh tin vào điều tôi nói là thật chứ.

Chính trị viên Song Hoa đưa tay nắm lấy tay Trịnh Toàn thân mật.
- Đúng là cái bố này. Tôi với anh mà không còn tin nhau thì tin ai. Thế  anh nghi ngờ lòng tin của tôi sao?

Nghe chính trị viên hỏi lại như thế, Trịnh Toàn vội xua tay.
- Ấy chết. Ấy chết. Không đâu. Tôi đâu dám nghĩ là anh không tin tôi. Thực lòng nhé. Lúc đó tôi không đủ tin vào chính tôi sẽ thuyết phục được anh và nhận định đánh giá của tôi đâu.

Thấy thái độ Trịnh Toàn như thế, chính trị viên Song Hoa cười, xua xua tay.
- Thôi. Không nói chuyện này nữa. Tôi biết rồi.

Nói là thế thôi chứ thực ra, khi nghe Trịnh Toàn trao đổi về những nhận xét đánh giá khả năng đối tượng xâm nhập vào địa bàn thì ông cũng chưa tin. Mặc dù chưa tin những nhận định đó song trong kế hoạch và chỉ thị nghị quyết của trên đều đã dự báo khả năng địch sẽ tung lực lượng xâm nhập vào miền Bắc để thu thập thông tin, tin tức tình báo. Dù mới chỉ là những dự báo song tính dự báo khả năng ở đây là rất cao.

Lực lượng còn non trẻ, cán bộ chiến sĩ tuy có tinh thần song cũng chưa trải qua nhiều thực tiễn công tác, kinh nghiệm chiến đấu và kinh nghiệm công tác còn rất ít. Đây cũng chính là điều kiện và cơ hội mà đối phương có thể tính đến và tận dụng.

Chính vì thế, khi nghe chỉ  huy trưởng trao đổi về những nhận định đánh giá khả năng thời gian tới cũng như khả  năng địch xâm nhập, chính trị viên Song Hoa đã nhanh chóng đồng ý. Ông muốn tạo ra ý thức cảnh giác, muốn tạo sự nhất trí trong toàn đơn vị. Ông sợ nhất là, cách mạng mới giành thắng lợi. Sự lạc quan tếu sẽ dẫn đến mất cảnh giác trong tư tưởng và tâm lý của cán bộ chiến sĩ. Ngay chuyện, mỗi khi đi đâu, làm gì ông cũng nghe thấy cán bộ, chiến sĩ có vẻ rất tự hào về sự thành công của cách mạng. Tự hào là đúng, song chỉ biết tự hào mà không đề cao cảnh giác là dễ dẫn đến chủ quan khinh địch. Bất cứ một sự sơ xuất, chủ quan nào cũng đều phải trả giá đắt. Nhất là trong hoạt động bảo vệ chính quyền, giữ chính quyền, chủ quan, mất cảnh giác sẽ phải trả giá bằng máu và nước mắt. Lê - nin cũng đã từng dạy rằng: Giành chính quyền đã khó song bảo vệ được chính quyền, giữ cho được chính quyền còn khó hơn. Đất nước để có ngày hôm nay, đã có biết bao xương máu của các chiến sĩ cách mạng phải đổ xuống.

Chính trị viên Song Hoa đợi cho sự hưng phấn của Trịnh Toàn lắng xuống. Ông nhìn Trịnh Toàn thẳng thắn.
- Thế  anh có nghĩ lúc đó tôi cũng chưa thật tin không?

- Thật thế sao?   

Nhìn thẳng vào đôi mắt Trịnh Toàn, chính trị viên Song Hoa cười cười.
- Nói thật nhé. Khi nghe anh trao đổi tôi cũng lăn tăn lắm đấy. Lúc đó tôi chưa thật sự nhất trí lắm đâu. Chưa có căn cứ, chưa thấy đủ cơ sở. Tôi cũng lo. Nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên tuy có nhận định thế. Nhưng nếu cơ sở mà cứ theo đó tất tần tật thì chưa chắc đã tốt. Mất hẳn tính sáng tạo, tính làm chủ. Sự trung thành đấy là ngu trung.

Nói đến đây, chính trị viên Song Hoa ngừng lại.Ông muốn xem thái độ phản ứng của Trịnh Toàn như thế nào. Ông ngại nhất là tính tình Trịnh Toàn nóng nẩy. Không nên không phải là nói đến mất mặn mất nhạt, cứ tồ tồ nói ra mà không kìm hãm được. Nóng nảy cũng có mặt tốt song thường là bất lợi.
- Thế sao lúc đó tôi thấy anh đồng ý nhanh thế?

Chính trị viên Song Hoa cười cười.
- Dĩ bất biến, ứng vạn biến mà.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
bodoibienphong
Thành viên
*
Bài viết: 828



« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2017, 10:47:40 am »

19/BẮT MỐI
Trở mình thức giấc, lão Tảng thấy lão còn đang nằm trên chiếc sạp nứa của mụ Đoác. Lão lắng tai nghe. Vắng lặng. Chỉ có  tiếng ri ri của lũ dế rủ nhau đi kiếm ăn, thỉnh thoảng có tiếng con chim bắt cô trói cột vọng lại. Rừng đối với lão là nguồn sống. Với ai lão không biết nhưng với lão, còn rừng là còn cái ăn và như thế, còn rừng với lão là đồng nghĩa với còn cái sống. Những tiếng chim kêu, những tiếng vượn hót đã trở thành thứ máu thịt của đời lão. Lão dám đánh đổi cả cuộc đời này của lão với rừng. Cũng có đôi ba lần, cái đầu lão cũng đã nghĩ. Nếu không có rừng không biết đời lão sẽ ra sao? Nhưng cái ý nghĩ ấy của lão cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Thoáng qua như cơn gió rừng làm vậy. Mỗi khi cái đầu lão vừa nảy nòi ra điều đó, lão đã tự nhủ. Cuộc đời lão chả là cái chó gì, thậm chí còn chả bằng con chó. Sống ngày nào hay ngày đấy. Nghĩ lắm cho vạ đau đầu nhức óc. Và thế là lão quên béng ngay. Cũng vì cái thói chả cần nghĩ nó gắn với thói chả cần nhớ nên lão sống đúng như loài cỏ dại. Thì đấy. Cỏ dại vứt vào đâu cũng có thể mọc được. Nắng cũng sống, mà mưa cũng vẫn cứ sống. Hạt cỏ lăn lóc, rơi vãi vào bất cứ chỗ nào cũng có thể mọc lên được. Ngay cái lỗ nứt của khe đá, nhỏ tí tì ty như cái sợi chỉ, ấy vậy mà hạt cỏ vẫn bám vào, rồi nảy mầm và vẫn sống khỏe. Lão nghiệm ra rằng. Phàm những cái gì như cỏ dại, đều sống dai và dễ sống. Thậm chí sống còn hơn cả các loài khác.

Thức dậy, nghe tiếng con chim bắt cô trói cột vọng lại, chả biết sao, lão tự nhiên thấy bực, thấy cáu, thấy tức bởi tiếng con chim bắt cô trói cột mà có lẽ, lão đã nghe đến đầy tai từ cái ngày mở mắt nhìn đời. Lão lẩm bẩm chửi.
- Có mỗi cái mà bắt mãi còn đéo được. Thế mà cả đời cứ đòi bắt mãi. Kêu lắm, bố mày xách nỏ, cho cái tách là tiêu. Hết kêu. Sốt ruột.

Lão đưa mắt nhìn quanh. Không thấy bóng dáng mụ Đoác đâu. Lão thấy bụng cồn cào. Từ hôm qua thì phải, lão chưa có  cái gì đút vào bụng. Chắc đói bụng nên lão thấy thế. Lão lồm cồm bò dậy. Lão thấy người ngợm đau ê ẩm. Lão nghĩ. Chắc do lão nằm lâu quá. Mà mả mẹ nó. Cái con mụ Đoác cũng lười như hủi, làm như chó ỉa. Có mấy cái thân tre, chẻ ra, đập bẹp, róc cho nhẵn mấy cái vấu, đặt lên cái gạc tre để nằm mà cũng không làm. Mụ cứ để thế cho chỗ mụ nằm. Mụ ngu cho mụ chết. Nhưng mà lão cũng thấy lão chả kém gì mụ. Trên cái phản tre toàn vấu là vấu này, lão đã đè mụ bao lần mà đến nay mới biết. Bỗng nhiên lão cười. Cười ngất. Lão cười đến nỗi, dãi từ miệng lão chảy tràn ra cả hai bên mép. Bố tổ cha nó. Những lúc ấy lão chả biết nó nhẵn hay sần sùi. Cứ gặp mụ là cái của nợ của lão rối tinh rối mù lên. Nó căng cứng làm lão khó chịu.

Lão vừa cười về cái  ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu, lão vừa lấy tay sờ sờ trên mặt giát tre. Cái mặt giát tre cứ sù sà sù sì, quá bằng nằm trên gốc cây lau cây sậy. Có chỗ lão thấy chả khác gì cái búp cỏ gianh mới mọc. Lão đã có lần chết khú chết khiếp khi đi qua chỗ cỏ gianh bị ai đó đốt, gặp phải ngày mưa phùn, chúng đua nhau đâm lên. Cái bàn chân lão, lớp da dưới gan bàn chân dày như cái vỏ cây mà còn bị mấy ngọn cỏ gianh đâm cho vãi máu. Cái sạp của mụ thế này làm gì mà chả đau.

À. Lão nghĩ ra rồi. Mụ chỉ  được thấy hơi đàn ông là giỏi. Thấy hơi đàn ông, mụ đúng là quá bằng chuột thấy mèo, cứ cuống quýt cả lên rồi nhũn ra như con giun bị đổ nước quả găng, quả bồ kết. Chắc mụ cố ý làm không hết vấu để những khi cái cơn động đực của mụ nó phát, nó ngứa ngáy, mụ có chỗ mà cọ, mà kỳ. Đúng là đồ chó cái động đực.

Lão đi ra cái bếp. Lão  đưa tay sờ sờ trên đám tro. Bếp lạnh ngắt.
- Tiên sư nhà con chó. Không để gì cho bố mày ăn mà lại bỏ  đi đâu thế này.

Lão vừa sờ soạng mặt bếp vừa chửi. Lão ngoái cổ nhìn lên phía gác. Lão thấy mấy cái bắp ngô treo lủng lẳng bị khói ám đen sì sì. Lão với tay, giật luôn xuống. Cả chùm bắp ngô bị đứt dây, rơi xuống theo, lớp muội bếp phủ lên mặt. Lão buông túm ngô, đưa vội tay lên che mặt. Lão giơ tay định túm cái nắm bắp ngô lẳng ra ngoài nhưng không biết nghĩ thế nào, lão thôi.

Lão lấy củi chất vào bếp rồi hì hụi thổi lửa. Lão tống luôn cả túm bắp ngô vào bếp. Lúc này tự nhiên lão thấy đói kinh khủng. Cái bụng chết tiệt của lão cứ réo lên ùng ục chả khác gì con suối sau cơn mưa.

Lão thu hai chân vào sát người. Lão giấu cái đầu lởm chởm như bộ lông nhím vào giữa hai đầu gối. Mắt lão cứ đăm đắm nhìn vào ngọn lửa trong bếp. Lão đợi cho túm ngô vừa ném vào trong bếp chín. Nghe những ngọn lửa nổ tí tách, nhìn ngọn lửa thỉnh thoảng lại nhảy cơn lên, võng vẹo trên bếp mà lão thấy lộn ruột. Ngày trước, lão dù có phải làm thân con trâu con ngựa, làm thằng đầy tớ, kẻ giữ chân cho cụ chủ chơi gái lão cũng thấy sướng hơn bây giờ bao nhiêu lần. Những lúc cụ Chu bắt lão giữ chân, lột quần, xé áo của mấy đứa con gái cụ bắt được để cho cụ được sung sướng lão thấy lão không bằng con chó. Những lúc như thế, lão thấy khổ ơi là khổ. Cái của nợ của lão nó làm lão khổ. Nhưng bây giờ, lão thấy, dù những lúc như thế, lão có thèm, có nhục thật đấy lão vẫn còn thấy sung sướng chán. Lão không được làm nhưng lão được nhìn. Lão nghe tiếng của mấy đứa con gái ấy kêu thét, quằn quại mà sướng. Lão cũng chả biết vì sao khi nghe những tiếng kêu như con thú bị trúng bẫy ấy lão sướng. Chắc lão thích nghe vì mỗi khi đi thăm bẫy, thấy con thú bị trúng bẫy, giẫy giụa kêu là mắt lão sáng lên. Có lẽ vì những lúc mấy đứa con gái bị cụ Chu làm nhục cũng giống như con thú bị trúng bẫy của lão nên lão thích, lão sướng.

Đang nghĩ đến chuyện ngày đi hầu cụ Chu, chả biết làm sao, cái đầu lão lại nhớ  đến cậu chủ.

Ờ. Cậu chủ tự nhiên bỏ  đi đâu mất tăm mất tích. Lão đã tưởng cậu chủ chết ở đẩu ở đâu, có khi mục xương rồi thì tự nhiên lại thấy cậu lù lù trở về. Hôm lão vào rừng, đang nhắm nhắm con dũi thập thò cửa lỗ thì lão tự dưng nhìn thấy bóng cậu chủ đứng lù lù trước mặt. Lão sợ quá, há hốc mồm, cứng lưỡi lại, không kêu lên được một tiếng. Thế là lão chết rồi. Lão nghĩ thế. Bóng ma cậu chủ trở về, bắt lão đi theo hầu. Lão chả dám nhìn cho kỹ, chỉ kịp phủ phục xuống, hai tay chắp trên đầu vái lấy vái để. Vừa vái lão vừa cầu khấn xin cậu chủ đừng bắt lão chết để theo hầu. Lão vái đến vã cả mồ  hôi. Vái chán vái chê, lão cứ nằm phủ phục, cắm đầu xuống đất, chổng mông chổng tỹ lên trời, he hé mắt nhìn. Trước mắt lão, cái bóng cậu chủ cứ chập chờn, chập chờn, lúc đứng nghiêng, lúc lại cúi rạp xuống. Hình như bóng ma cậu chủ ngó nghiêng nhìn cho rõ mặt lão thì phải. Lão nghĩ. Chắc cậu chủ đi lâu ngày, không còn nhận ra bản mặt lão nữa. Cậu sợ nhầm người nên bóng ma của cậu phải thế. Cậu quen được lão chiều rồi mà. Cậu không thích người khác hầu chăng?

Lão lấy tay bẹo má. Má lão vẫn thấy đau. Lão đưa răng cắn vào bắp tay. Tay lão cũng thấy đau. Lão sợ quá, không dám he hé mắt nhìn nữa. Lão đưa mắt nhìn qua kẽ háng của lão. Lão nhìn xem phía sau mông lão có vướng víu gì không? Nếu đúng cậu chủ mà về bắt lão thật lão sẽ chạy. Lão đã là con cú con cáo ở rừng rồi, cậu chủ đã là con lợn, con chim nhốt trong lồng làm cảnh bao năm. Lão mà chạy, còn lâu cậu chủ mới có thế bắt lão được. Ơ. Có cơn gió tự nhiên luồn qua hai  bắp chân, lùa lên mũi lão. Lão thấy khai khai. Hai ống quần bên bắp đùi của lão như bị ướt. Lão thấy hai bắp đùi âm ấm. Lão sợ quá. Sợ đến nỗi đái cả ra quần mà không biết. Sợ thì sợ. Lão cứ phải chạy. Chạy cho thoát hồn ma cậu chủ về bắt lão đã.
- Không chạy được  đâu. Nếu muốn chết thì cứ chạy. Sau lưng lão là vực đấy. Có giỏi thì cứ chạy đi.

Ối giời ơi. Bóng ma cậu chủ mà biết nói thành tiếng người. Lão quỵ hai chân xuống, nằm co như con cuốn chiếu bị lũ trẻ lấy que chọc chọc làm vậy.
- Ngồi dậy đi. Lão tưởng ta chết rồi chứ gì. Ta đây. Cậu chủ của lão  đây.
Logged

Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM