Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 04:07:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những nhà khoa học quân sự nổi tiếng thế giới  (Đọc 12311 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huuthanh81
Thành viên
*
Bài viết: 32


« vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:03:24 am »

Simon Lake (1867 - 1945) Simon Lake , nhà phát minh tàu ngầm

    Vào năm 1915, con tầu biển Lusitania của nước Anh bị tầu ngầm Đức đánh đắm bằng thủy lôi, đã mang theo 1,198 sinh mạng xuống đáy biển. Trong số nạn nhân kể trên, có 124 người Mỹ. Thảm cảnh này đã khiến Tổng Thống Woodrow Wilson từ bỏ chính sách trung lập và Hoa Kỳ tuyên chiến với nước Đức. Sự tham chiến của Hoa Kỳ đã là yếu tố quyết định cho cuộc Đại Chiến Thế Giới 1914 -18.
        
         Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, nếu tầu ngầm được người Nga xử dụng sớm hơn vài năm thì chưa chắc Hạm Đội của Nga Hoàng đã chìm sâu trong lòng biển và dân tộc Phù Tang cũng khó lòng đoạt được các chiến công vẻ vang khiến cho cả thế giới phải ngạc nhiên, khâm phục.

         Tầu ngầm, tên sát nhân của biển khơi, đã được Simon Lake sáng tạo ra, căn cứ vào các gợi ý của nhà văn người Pháp Jules Verne. Simon Lake được đọc cuốn truyện "20 Ngàn Dậm Dưới Đáy Biển" (Twenty Thousand Leagues under the Sea) của Jules Verne vào năm lên 10 tuổi. Lake đã mơ tưởng một ngày kia, sẽ chế tạo một chiếc tầu ngầm hoàn hảo hơn chiếc tầu giả tưởng Nautilus.


1/ Suy nghĩ về tầu ngầm.

      Simon Lake sinh trưởng trong một gia đình có tài về cơ khí. Gia đình này chưa hề mua một thứ máy móc nào mà họ có thể chế tạo ra được. Ông nội của Simon đã làm ra một máy gieo hạt giống và cha của Simon cũng phát minh được một thứ mành cửa sổ (cuốn sáo), còn các người khác trong gia đình đều có óc sáng tạo và đã cải tiến về máy đánh chữ, về máy điện thoại, về dụng cụ in màu.

      Do đọc cuốn truyện giả tưởng của Jules Verne, Simon Lake thường mơ mộng về một chiếc tầu ngầm, cậu ngỏ ý tưởng này với cha. Simon đã được cha khuyên bảo nên học hành trước đã. Do sở thích, Simon theo học nghề thợ máy rồi trong các thời giờ nhàn rỗi, cậu tham dự các lớp kỹ thuật của Viện Franklin trong thành phố Philadelphia.

      Vào năm 15 tuổi, Simon được đọc một cuốn sách chỉ dẫn cách chế tạo tầu thủy. Cậu đã suy từ đó ra cách làm một tầu ngầm và đã hoàn thành được một chiếc nhỏ. Nhưng điều làm Simon thắc mắc là cách dự trữ không khí cần thiết cho người thủy thủ. Simon làm thêm một dụng cụ cho phép cậu tìm hiểu thời gian ở dưới nước. Cậu đã ấn đầu dưới nước để thở nhưng cậu không làm thí nghiệm này được lâu vì một người hàng xóm tưởng cậu bị chết đuối, đã lôi đầu cậu lên. Mặc dù với các dụng cụ sơ sài, Simon tìm thấy cách làm dụng cụ cho phép cậu có thể thở dưới nước trong nửa giờ đồng hồ, rồi do nhiều thí nghiệm khác nhau, cậu tìm ra được thể tích không khí thở cần thiết trong một đơn vị thời gian.

      Năm 1893, Simon Lake đã phác họa hình ảnh một chiếc tầu ngầm phóng thủy lôi vào một tầu chiến nhưng rồi ý tưởng xử dụng tầu ngầm vào phạm vi quân sự không hấp dẫn cậu được lâu dài. Simon cũng ý thức được công dụng của tầu ngầm trong các công tác mò ngọc trai, khai thác các mỏ dầu, các quặng mỏ và vớt các hàng hóa bị chìm dưới đáy biển.

      Trong khi Simon Lake đang trù liệu về chiếc tầu ngầm của mình thì John Philip Holland cũng theo đuổi cùng một mục đích. Khi Simon 11 tuổi, Holland đã đóng chiếc tầu ngầm Fenian Ram cho các đồng chí người Ái Nhĩ Lan để đánh đắm các tầu chiến của nước Anh, nhưng rồi Holland đã gặp thất bại nhiều lần nên đành tạm bỏ dở công trình nghiên cứu.

      Vào thời bấy giờ, Simon Lake thấy rằng các tầu ngầm đã được đóng theo một nguyên tắc sai lầm. Tầu đã chúi mũi lặn xuống như một con cá heo, điều này làm cho việc điều khiến trở nên khó khăn và tầu dễ bị cắm đầu xuống đáy biển. Simon liền nghĩ ra cách dùng các cánh nhỏ lắp tại mũi và đuôi, cho phép tầu lặn xuống mà vẫn giữ vị thế nằm ngang, phương pháp này ngày nay còn được mọi tầu ngầm trên thế giới xử dụng.

      Simon Lake còn tìm ra một phương pháp cho phép thủy thủ trong tầu ngầm ra ngoài để vớt các đồ vật dưới đáy biển. Tầu ngầm của ông có một căn phòng gồm hai cửa thật kín nước, một cửa mở vào trong và một cửa mở ra biển. Khi người thủy thủ bước vào phòng, người đó đóng chặt chiếc cửa mở vào thân tầu rồi bơm không khí vào căn phòng cho đến khi áp suất không khí khá cao, đủ để giữ nước ở ngoài, rồi người đó mới mở chiếc cửa ăn thông ra biển. Ông còn phát minh ra một bộ phận an toàn, gắn vào cần trục, khiến cho bánh xe ở bộ máy trục không quay ngược chiều. Bộ phận này về sau được dùng tại tất cả các con tầu có cần trục.


2/ Tầu ngầm Argonaut.

      Vào một ngày trong năm 1892, Simon Lake được đọc một tờ báo trong đó Bộ Hải Quân Hoa Kỳ gọi đấu thầu việc chế tạo một chiếc tầu ngầm. Lake liền mang tất cả sơ đồ về chiếc tầu ngầm của mình tới Thủ Đô Washington, được các nhân vật có thẩm quyền hỏi han trong chốc lát rồi kế hoạch của ông không được quan tâm tới. Có thể vì Simon Lake chỉ là một người thợ máy bình thường, ăn mặc soàng sĩnh, không tiền bạc, không bạn bè giới thiệu, vì thế chiếc tầu ngầm của ông không được cơ xưởng đóng tầu chấp nhận và giao kèo đóng tầu 150 ngàn mỹ kim về tay địch thủ của ông là John Philip Holland. Thời bấy giờ, Holland đã trù tính đóng chiếc tầu ngầm Plunger có hình dáng giống như một điếu xì gà. Bực mình vì dự án chế tạo hoàn hảo hơn lại không được chấp nhận, Simon Lake tuyên bố rằng ông sẽ không trở lại Thủ Đô Washington cho đến khi nào Bộ Hải Quân phải mời ông tới.

      Simon Lake bèn quyết định tự đóng một chiếc tầu ngầm. Ông tới Wall Street để tìm người ủng hộ công trình chế tạo nhưng thất bại. Lake đành quay về với gia đình và nhờ bà con trợ giúp. Vì thế, chiếc tầu ngầm Argonaut Jr. dài 4 thước được thực hiện. Tầu có các bể chứa để hút nước vào, lại có 3 bánh xe, bánh trước dùng để lái và hai bánh sau được chuyển vận bằng một tay quay do sức của người ngồi trong tầu. Lake đã để căn phòng mở ra biển ở dưới bụng tầu. Tầu được dẫn không khí xuống bằng một ống nối vào một chiếc phao nổi trên mặt nước.

       Ngày hạ thủy con tầu ngầm Argonaut Jr. trên sông Shrewsbury được thực hiện một cách âm thầm. Lake và một người em họ đã dùng tầu ngầm này chạy qua lòng sông và trở về an toàn. Lake cũng quan sát được các sinh vật sống dưới nước. Với chiếc tầu ngầm này, Lake cho chạy tại Vịnh New York và đã mặc bộ quần áo lặn do ông chế tạo rồi xuống đáy biển thám hiểm. Sự thành công về chiếc Argonaut Jr. khiến cho Simon Lake càng vững niềm tin tưởng. Ông trù tính đóng một chiếc tầu ngầm thứ hai lớn hơn với tên gọi là Argonaut I theo đúng dự án đã trình lên Bộ Hải Quân.

       Lúc bấy giờ, người chú của Simon Lake cũng mời được nhà tài chính người New York tên là Nathan Straus tới xem xét công dụng của tầu ngầm. Straus với gặp Lake vào một ngày nóng nực. Nhà phát minh Lake mang con tầu ngầm ra biểu diễn, nhưng chẳng may đúng vào lúc đó, có một chiếc tầu thủy rất lớn chạy qua, các làn sóng đã đập chiếc tầu ngầm vào cầu tầu khiến cho vài bộ phận trong con tầu bị hư hại. Straus bỏ ra về và Lake lại bị lỡ một dịp may mắn.

       Do không đủ tiền theo đuổi công cuộc chế tạo, Simon Lake đành mang biểu diễn chiếc tầu ngầm của mình trước công chúng. Nhiều người đã nghi ngờ về khả năng của tầu ngầm. Họ cho rằng các đồ vật mà nhà phát minh vớt từ đáy biển lên chỉ là một trò bịp bợm. Nhiều người đã thử tài Simon Lake bằng cách buộc một miếng gỗ có viết tên vào một vật nặng rồi ném xuống biển. Lake đã vớt được đầy đủ các đồ vật đó lên để đập tan mối hoài nghi của mọi người, nhờ vậy Simon Lake đã bán được các cổ phần và Công Ty Lake Torpedo Boat bắt đầu chế tạo một chiếc tầu ngầm có khích thước lớn. Tầu ngầm này được đóng hoàn toàn bằng kim loại, dài 12 thước, có động cơ chạy săng, đã di chuyển dưới nước mà không bị ảnh hưởng của bão táp. Vì thế nhiều người đã phải quan tâm tới nó.

       Simon Lake đã chở chiếc tầu ngầm lớn này tới thành phố Bridgeport thuộc tiểu bang Connecticut và mời viên thị trưởng, vài nhân vật danh tiếng cùng các nhà báo đi thử bằng tầu ngầm. Hai mươi tám quan khách này đã lần lượt cùng nhà phát minh lặn xuống đáy hải cảng và thăm căn phòng thợ lặn. Cuộc thăm viếng đã kéo dài quá lâu khiến cho một số đông dân chúng đứng trên bờ tưởng rằng tầu ngầm ngộ nạn nên đang lo lắng chờ xem chiếc tầu cấp cứu làm việc!

       Khi xẩy ra cuộc nổi dậy của người Cuba chống lại quân Tây Ban Nha, các phần tử Cuba lưu vong đề nghị mua chiếc tầu ngầm Argonaut của Simon Lake với giá 3 triệu mỹ kim nhưng với hai điều kiện : tiền sẽ trả khi cuộc cách mạng thành công và phải để cho một sĩ quan hải quân Cuba thử tầu trước khi mua. Với hai điều kiện này, Simon Lake đều đồng ý nhưng không may cho nhà phát minh, trong cuộc thử tầu viên sĩ quan Cuba không quen với áp suất không khí cao bên trong tầu nên cuộc thương lượng bị gián đoạn.

       Vào năm 1898, cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha bùng nổ. Simon Lake liền mang chiếc tầu ngầm của mình tới Hampton Roads thám hiểm lòng sông và ghi rõ vị trí của các quả thủy lôi. Rồi Lake trình bày cho các thẩm quyền Hải Quân Hoa Kỳ biết về khả năng của tầu ngầm trong việc cắt dây cáp, gỡ thủy lôi. Trước các chứng cớ hiển nhiên do Lake trưng ra, các sĩ quan Hải Quân đều phải kinh ngạc nhưng họ đã không ý thức được phát minh mới, lại cho rằng Lake là gián điệp và đe dọa nhà phát minh nếu còn làm các công việc tương tự.

       Trong khi Simon Lake gặp khó khăn thì Philip Holland lại được Công Ty Electric Storage Battery tại thành phố Philadelphia trợ cấp và đã thành công về một thứ tầu ngầm khá hoàn hảo nên được Bộ Hải Quân chấp nhận vào năm 1900. Bộ Hải Quân còn đặt Holland đóng tiếp 6 chiếc tầu ngầm khác.

       Mặc dù bị Holland bỏ xa, Simon Lake vẫn theo đuổi công cuộc nghiên cứu. Ông thấy rằng cần phải có một thứ dụng cụ cho phép thủy thủ ở dưới tầu ngầm quan sát được trên bờ khi tầu đang lặn. Lake nhờ các nhà quang cụ nhưng họ đều lắc đầu trước ý tưởng của nhà phát minh. Vì thế Lake đành phải tự mình nghiên cứu. Với sự trợ giúp của một nhà khoa học, Lake đã thành công trong việc chế tạo viễn kính toàn cảnh (periscope). Về sau này, Simon Lake được biết cũng có một nhà khoa học người Anh là Sir Howard Grubb đã phát minh ra được một dụng cụ tương tự.

       Những cải tiến về tầu ngầm của Simon Lake đã khiến cho các sĩ quan Hải Quân cao cấp phải chú ý. Lake liền đóng chiếc tầu ngầm thứ ba dài 20 thước có tên là Protector với ý định dùng vào việc tuần phòng duyên hải. Lake đã viếng thăm Bộ Trưởng Chiến Tranh William Howard Taft và trình bày sáng kiến của mình. Ba sĩ quan vì thế được phái đến dự kiến cuộc thử tầu. Chiếc tầu ngầm Protector được nhà phát minh cho lặn xuống nước trong 10 giờ rồi di chuyển dưới các lớp băng và thực tập cả việc thả thủy lôi. Trước khả năng của tầu ngầm này, các nhân viên giám định đã làm một tờ trình đầy đủ chi tiết với nhiều lời ca tụng và Thượng Viện Hoa Kỳ dự định bỏ phiếu mua phát minh đó nhưng rồi trong một cuộc bàn cãi, việc mua tầu ngầm Protector bị bác bỏ.


3/ Tầu ngầm được nhiều quốc gia xử dụng.

      Khi cuộc chiến tranh Nga-Nhật xẩy ra vào năm 1904, cả hai quốc gia này đều phái người đến hỏi mua chiếc tầu ngầm của Simon Lake. Nhà phát minh không muốn bán thứ võ khí này cho bất cứ quốc gia nào nhưng đứng trước mối đe dọa bị phá sản, Lake đành phải chọn lựa nước Nga. Chiếc tầu ngầm Protector được trục lên một con tầu chở hàng rồi được phủ kín và chở sang nước Nga. Simon Lake cũng theo sang Nga với tên giả là Elwood Simon.

      Tại nước Nga, chiếc tầu ngầm Protector được thử trong hồ Liepaja. Tầu phải bơi từ ngoài khơi, men theo con sông lượn khúc mà không để bị khám phá. Sau cuộc thử thách khó khăn, chiếc tầu ngầm Protector được chuyên chở bằng xe lửa tới hải cảng Vladivostock. Rồi Lake lại đóng cho nước Nga một chiếc tầu ngầm cùng kiểu. Rất tiếc là nước Nga đã dùng tới tầu ngầm quá chậm trễ, nên không thể làm thay đổi cục diện của chiến cuộc.

      Việc xử dụng tầu ngầm tại nước Nga làm cho Hãng Krupp phải chú ý. Đây là một xưởng lớn chuyên chế tạo võ khí chiến tranh của nước Đức. Krupp định ký với Simon Lake một giao kèo để chế tạo tầu ngầm nhưng rồi giao kèo bị xé bỏ vì bằng phát minh của Lake không được bảo đảm tại nước Đức. Sau này Hãng Krupp đã cải tiến tầu ngầm của Simon Lake thành loại tầu ngầm kiểu U lừng danh.

      Công dụng của tầu ngầm vào thời gian sau này mới được người Mỹ biết tới. Hải Quân Hoa Kỳ liền đặt mua chiếc tầu ngầm Seal của Simon Lake và đem xử dụng vào năm 1912. Simon Lake cũng được chính phủ Hoa Kỳ đặt đóng thêm 5 chiếc tầu ngầm nữa. Trong cuộc Đại Chiến Thứ Nhất, cơ xưởng của Simon Lake tại Bridgeport, Ct., và Long Beach, Ca., đã sản xuất hơn 40 tầu ngầm cho Hải Quân Hoa Kỳ.

      Vào năm 1932, Simon Lake đã bỏ ra một món tiền để đóng chiếc tầu ngầm Explorer với mục đích tìm hiểu đại dương, tìm kiếm các mỏ dầu lửa và vớt các kho tàng bị chìm trong lòng biển nhưng công trình này gặp thất bại vì thiếu vốn.

      Simon Lake luôn luôn mơ tưởng về các công dụng hòa bình của tầu ngầm. Ngay từ năm 1899, ông Lake đã bênh vực việc xử dụng tầu ngầm vào công cuộc thám hiểm Bắc Cực. Simon Lake tuyên bố rằng tầu ngầm là phương tiện cho phép các nhà thám hiểm đi luồn dưới các băng sơn để khám phá các vùng đất chưa được biết tới. Ý tưởng này của Simon Lake về sau được các tầu ngầm nguyên tử Hoa Kỳ thực hiện một cách hoàn hảo.

Nguồn: Bài viết được copy nguyên văn từ trang web VietScience http://vietsciences.free.fr trong mục "Tiểu sử"
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2010, 08:36:03 pm gửi bởi huuthanh81 » Logged
huuthanh81
Thành viên
*
Bài viết: 32


« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:10:31 am »

J. Robert Oppenheimer (1904 - 1967), cha đẻ bom A

Quả bom Nguyên Tử đầu tiên thả xuống đất Nhật năm 1945 đã làm cho mọi người kinh hoàng về thứ khí giới mới và cũng làm cho các nhà khoa học tin tưởng rằng Thuyết Tương Đối của nhà Đại Bác Học Albert Einstein là đúng. Tuy sức tàn phá của quả bom Nguyên Tử quá khủng khiếp, song người ta vẫn phải trầm trồ khen ngợi một nhà bác học trẻ tuổi, cha đẻ ra quả bom A này. Giáo Sư J. Robert Oppenheimer, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Lực tại Los Alamos thuộc tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ, trái lại rất chán nản về phát minh của mình. Và chính ông Julius Oppenheimer cũng không ngờ người con trai của mình lại trở nên một nhà bác học danh tiếng đến như thế, vì ông Julius chỉ ước mong con trai trở thành một công dân trên trung bình.
 
1/ Thuở trẻ của Robert Oppenheimer.


Ông Julius Oppenheimer gốc người Do Thái, từ nước Đức sang Hoa Kỳ lập nghiệp và hoạt động trong ngành xuất cảng vải sợi tại thành phố New York. Vốn là một đại thương gia, ông đã nhiều lần cùng con trai sang thăm châu Âu.

Ngay từ thuở nhỏ, Robert đã tỏ ra là một cậu bé thông minh và hiếu học. Cậu theo ban trung học trong thành phố New York. Các sách viết bằng tiếng La Tinh, Hy Lạp, đối với cậu không khó và môn Vật Lý được cậu ưa chuộng nhất. Trong các câu chuyện giữa chúng bạn, Robert bàn luận rõ ràng, cậu ghét tính ba hoa và ưa tư lự. Phải chăng tính ưa thích cô độc là một đặc tính của các nhà bác học?

Vào một dịp hè, ông Julius dẫn con trai đến phòng thí nghiệm của Giáo Sư Auguste Klock, xin cho con theo học thêm về môn Hóa Học. Robert tiến bộ đến nỗi cậu ngốn hết cả chương trình một niên học trong 6 tuần lễ. Ông Klock đã phải ngạc nhiên về trí thông minh của cậu học trò mới này và đã nói : "Cậu Robert học khá đến nỗi không vị Giáo Sư nào nỡ cấm cản không cho cậu học thêm bài mới".

Khi bước chân vào trường Đại Học Harvard, Robert đã say sưa với các sách báo của thư viện nhà trường. Các tác phẩm triết học Đông Phương cũng như Tây Phương đã làm chàng thanh niên này đam mê, suy nghĩ. Trong 3 năm trường, chàng đã theo 6 môn học chính và 2 môn học phụ, trong khi các sinh viên khác chỉ có thể học tối đa 5 môn học.

Rồi vào năm 1925, Robert Oppenheimer tốt nghiệp trường Đại Học Harvard với hạng ưu và lời khen ngợi của Hội Đồng Giáo Sư. Sau đó chàng sang nước Anh và ghi tên vào trường Đại Học Cambridge. Tại Cơ Sở Thí Nghiệm Cavendish, chàng được theo học Giáo Sư J. Thomson và Lord Rutherford là các nhà tiền phong về khảo cứu nguyên tử và cũng là các nhà bác học lừng danh thời bấy giờ. Chàng cũng được gặp gỡ các nhà bác học lỗi lạc Niels Bohr người Đan Mạch, Paul Dirac người Anh và Max Born người Đức. Ông Max Born mời chàng sang Đức theo học tại trường Đại Học Goettingen.

Từ xưa, nước Đức vẫn nổi tiếng về Khoa Học và Đại Học Đường Goettingen là một ngôi trường danh tiếng của châu Âu. Robert Oppenheimer sang Đức và sau 6 tuần lễ ghi tên, chàng đã đậu văn bằng Tiến Sĩ, năm đó chàng mới 23 tuổi. Các Giáo Sư đều khen ngợi bản luận án xuất sắc của chàng về Nền Cơ Học Lượng Tử (la Mécanique Quantique). Ít lâu sau, chàng lại sang Thụy Sĩ, theo học trường Bách Khoa Zurich là một trong các trường kỹ thuật danh tiếng nhất của châu Âu.

Khi Robert trở về Hoa Kỳ, ông Julius hết sức ngạc nhiên vì thấy con trai gầy còm chẳng khác gì một chiếc gậy. Thân hình cao lỏng khỏng, má hóp, ngực lép, chàng Robert lại húng hắng ho. Ông Julius liền tìm cách cho con trai đi nghỉ ngơi tại miền quê để dinh dưỡng cơ thể. Ông mua ngay cho con một nông trại trong tiểu bang New Mexico. Tại nơi đây, cả ngày ngồi trên yên ngựa, chàng Robert ngao du khắp các đồi núi. Cái nông trại miền New Mexico này không giống với các nông trại khác. Nơi đây vắng vẻ, hiu quạnh, khiến cho người ta có cảm tưởng một bãi sa mạc hơn là một miền đồng quê. Nhờ hít thở không khí trong lành và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, Robert Oppenheimer đã hoàn toàn bình phục.

Năm 1928, Viện Kỹ Thuật California (the California Institute of Technology = C.I.T.) là nơi tụ tập các nhà vật lý danh tiếng trên thế giới, đã gửi giấy mời ông Robert Oppenheimer giữ chức Giáo Sư của Viện. Trường Đại Học California tại Berkeley (the University of California at Berkeley) cũng đón mời. Ông Robert Oppenheimer nhận lời giảng dạy tại cả hai trường.

Trong hơn 10 năm giảng huấn, ông Robert Oppenheimer đã được cảm tình của hầu hết sinh viên. Họ đã gọi ông giáo sư trẻ 24 tuổi này là Oppie cho tiện và thân mật. Tuy giữ chức Giáo Sư Đại Học nhưng Giáo Sư Oppie lúc nào cũng bình dị và nội tâm của ông vẫn là một chàng sinh viên ưa hoạt động và hiếu học. Robert Oppenheimer không e ngại khi chính mình phải học thêm một môn học nào đó. Cũng vì vậy ông tìm tới Giáo Sư Arthur Ryder là nhà bác học chuyên về Triết Lý Ấn Độ và xin học chữ Phạn. Đây là sinh ngữ thứ tám của ông nhưng đối với ông cũng không khó và ít lâu sau, ông đã hiểu thấu nền triết học rất uyên thâm và phức tạp này.

2/ Thời kỳ khảo cứu Nguyên Tử.

Từ thập niên 1920, các lý thuyết mới về Quang Tử (Quantum) và Thuyết Tương Đối (Relativity Theories) đã gây chú ý trong giới Khoa Học nên các khảo cứu ban đầu của ông Robert Oppenheimer là về các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles), gồm cả các âm điện tử (electrons), dương điện tử (positrons) và các tia vũ trụ (cosmic rays). Ngoài ra, ông còn huấn luyện một thế hệ mới các nhà vật lý Hoa Kỳ và những khoa học gia này chịu ảnh hưởng của Robert Oppenheimer cả về tinh thần độc lập lẫn tài lãnh đạo.

Từ năm 1933, sự việc Adolf Hitler lên nắm quyền tại nước Đức đã khiến cho ông Robert Oppenheimer quan tâm tới chính trị. Vào năm 1936, ông Oppenheimer đứng về phe các người cộng hòa trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha đồng thời ông cũng có cơ hội làm quen với các người Cộng Sản. Nhưng các thảm cảnh mà Joseph Stalin gây ra đối với các nhà Khoa Học Nga đã khiến cho ông Oppenheimer không còn giao du với đảng Cộng Sản nữa mà chỉ là một người theo lý thuyết dân chủ cấp tiến (liberal democratic philosophy).

Năm 1943, Thế Chiến Thứ Hai đang ở vào thời kỳ khốc liệt. Các gián điệp của Hoa Kỳ báo tin rằng các nhà bác học Đức đã tìm ra Nguyên Tử và đang tìm cách áp dụng kỹ thuật này vào khí giới chiến tranh. Vì vậy Hoa Kỳ phải quyết định mở một cuộc chạy đua kỹ thuật nguyên tử và Lục Quân Hoa Kỳ được giao cho trách nhiệm tổ chức các nhà khoa học người Anh và người Mỹ để tìm ra một phương pháp chế ngự năng lượng nguyên tử dùng cho các mục đích quân sự. Theo đề nghị của Tướng Leslie Groves, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã mời ông Robert Oppenheimer giữ chức Giám Đốc Trung Tâm Khảo Cứu Nguyên Tử Lực của Hoa Kỳ và Trung Tâm này có mục đích chế tạo ra bom nguyên tử.

Thực ra, việc bổ nhiệm này cũng hơi lạ lùng. Tuy Robert Oppenheimer nổi tiếng về ngành chuyên môn của mình tức là ngành Vật Lý Nguyên Tử, nhưng ông chỉ giỏi về mặt lý thuyết, suốt ngày sống giữa tấm bảng đen và những con số mà chưa hề sáng chế về máy móc hay điều khiển một trung tâm khảo cứu nào. Vào thời kỳ đó, tại Hoa Kỳ không thiếu gì các nhà bác học lừng danh từ châu Âu chạy sang tị nạn như Albert Einstein, Niels Bohr, Enrico Fermi. . . và ngay cả trong ngành Nguyên Tử cũng không thiếu gì các Giáo Sư tài ba, nhiều tuổi hơn Robert Oppenheimer, uy tín cao hơn để xứng đáng giữ trọng trách điều khiển Trung Tâm. Việc chế tạo bom nguyên tử là một công trình vĩ đại, nó đòi hỏi ở người chỉ huy những đức tính mà chưa chắc gì một Giáo Sư Đại Học đã có đủ, và còn cần tới một tài năng không những thuộc về địa hạt Khoa Học mà còn thuộc cả về địa hạt Kỹ Nghệ và Quản Trị nữa. Dự Án Manhattan, tên riêng của dự án chế tạo bom nguyên tử, được Tướng Leslie Groves thi hành. Ông này đã tín nhiệm Robert Oppenheimer hơn là các nhà bác học đương thời danh tiếng khác.

Từ giã Đại Học Đường, Robert Oppenheimer với tuổi 38, đã tỏ ra là một nhân vật xứng đáng giữ trọng trách đó. Ông đã thu được cảm tình của hầu hết các nhà bác học tài ba dưới quyền cũng như đối với các chuyên viên. Trung tâm nghiên cứu nguyên tử lực đầu tiên của Hoa Kỳ được đặt tại Los Alamos, gần thành phố Santa Fe trong tiểu bang New Mexico, nơi mà trước kia, ông Oppenheimer đã từng lang thang trên yên ngựa, đã biết từng đồi cát tới các con đường mòn. Nhà máy nguyên tử này thật là lạ lùng: nó vừa là nhà máy vì gồm có các cơ xưởng lớn, vừa giống như một tu viện vì mọi người làm việc quần quật suốt ngày, lại giống một trại lính vì đóng ở giữa sa mạc, chung quanh có hàng rào kẽm gai bao bọc và được canh phòng cẩn mật.

Trung tâm nguyên tử này có số vốn ban đầu là 60 triệu mỹ kim, lúc đầu chỉ gồm 400 người nhưng chẳng bao lâu tăng lên tới 4,500 công nhân. Người ta cố gắng làm việc nhưng vào thời kỳ đó, chưa ai có thể tiên đoán được sức phá nổ của nguyên tử vì từ trước tới giờ, lý thuyết nguyên tử vẫn còn nằm trong vòng giả thuyết. Tại trung tâm nghiên cứu, ông Robert Oppenheimer bắt đầu tìm kiếm một phương pháp tách chất Uranium - 235 ra khỏi Uranium thiên nhiên và xác định khối lượng tới hạn (critical mass) của Uranium là chất để làm ra quả bom. Trong giai đoạn nghiên cứu này, ông Robert Oppenheimer đã làm việc hơn 20 giờ mỗi ngày, người gầy dộc đi đến nỗi chỉ còn nặng 52 kilô, trọng lượng này thật là quá ít đối với một người cao 1,82 mét.

Ngày 16 tháng 7 năm 1945 là ngày quả bom nguyên tử đầu tiên được cho phát nổ thử tại sa mạc Alamogordo trong tiểu bang New Mexico. Một làn chớp sáng lòa rồi tiếp sau là một tiếng nổ long trời, làm cho mọi người tưởng chừng như được chứng kiến một trận động đất dữ dội vậy. Sau đó, khói đen bốc lên cao ngất trời theo hình một chiếc nấm vĩ đại. Trước cảnh tàn phá của thứ khí giới mới khủng khiếp này, ông Robert Oppenheimer mới nhớ tới một câu trong quyển Kinh Ấn Độ Bhagavad-Ghita : "Ta đã trở nên Tử Thần và làm cho nhiều Thế Giới run sợ, hãi hùng".

Sau khi 2 quả bom nguyên tử A thả xuống đất Nhật và chấm dứt chiến tranh, mọi người đều gọi ông Robert Oppenheimer là cha đẻ ra thứ bom A đó. Nhưng riêng Giáo Sư Robert Oppenheimer lại bắt đầu ngờ vực thứ võ khí khủng khiếp mà ông đã dày công chế tạo. Võ khí nguyên tử không những ảnh hưởng đặc biệt tới quân sự mà còn trở nên vấn đề liên quan tới nền Đạo Đức nữa. Sự tàn phá của bom nguyên tử lúc phát nổ rồi ảnh hưởng của bụi phóng xạ khi chất này tỏa rộng, lẫn vào trong không khí mà rơi xuống đại dương, theo gió mà bay tới các lục địa xa xôi, khiến cho mọi người e ngại về sự tồn vong của Nhân Loại.

Trong khi ông Robert Oppenheimer hối hận vì phát minh của mình thì vài nhà bác học khác lại nghĩ tới việc chế tạo một thứ bom khủng khiếp gấp ngàn lần: bom khinh khí H. Người ủng hộ dự án này một cách nhiệt liệt nhất là nhà bác học Edward Teller, người Mỹ gốc Hungary. Vì vậy tại Hoa Kỳ vào thời bấy giờ, có hai phe, người ủng hộ dự án chế tạo bom H, kẻ phản đối thứ khí giới quá khốc liệt đó. Trong khi chính quyền Hoa Kỳ còn đang phân vân thì thình lình, người ta báo tin rằng Liên Xô đã cho nổ thử một trái bom nguyên tử. Tin sét đánh này làm cho nhiều người sửng sốt, phe ủng hộ dự án chế tạo bom H đã thắng và Tổng Thống Harry Truman hạ lệnh chế tạo bom H đó. Được biết tin như vậy, ông Robert Oppenheimer liền bước ra khỏi phòng khảo cứu và tuyên bố dứt khoát: "Tôi không phải là một lái súng, tôi chỉ là một nhà bác học". Ông Robert Oppenheimer từ chức Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử vào tháng 8 năm 1945.

Từ năm 1947 tới năm 1953, ông Robert Oppenheimer là Giám Đốc của Viện Nghiên Cứu Cao Cấp thuộc trường Đại Học Princeton (the Institute for Advanced Study at Princeton University) và cũng là Chủ Tịch của Ủy Ban Cố Vấn của Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa Kỳ (the U.S. Atomic Energy Commission = AEC). Ông cũng là vị cố vấn cho Bộ Quốc Phòng Mỹ và giúp công vào việc soạn thảo bản đề nghị đầu tiên của Hoa Kỳ về việc kiểm soát quốc tế năng lượng nguyên tử.

Năm 1953, một số tài liệu nguyên tử của Hoa Kỳ bị mất cắp. Phong trào chống Cộng Sản tại Mỹ đang lên bồng bột. Các nhà bác học nguyên tử là những người bị nghi ngờ. Ông Robert Oppenheimer cũng ở trong số đó. Hơn nữa, ông có giao du với một số phần tử Cộng Sản. Sở phản gián đã gom góp được nhiều tài liệu để kết tội ông. Các địch thủ của ông hùa nhau vào để hạ ông. Cũng có nhiều người đứng ra bào chữa cho ông như nhà Đại Bác Học Albert Einstein và Phó Tổng Thống Richard Nixon. Vào tháng 4 năm 1954, ông Robert Oppenheimer bị lôi ra trước một ủy ban điều tra của Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử nhưng Tổng Hội Các Nhà Khoa Học Mỹ (the Federation of American Scientists) đã lên tiếng bảo vệ ông Oppenheimer trước tòa án. Vụ xét xử về an ninh này đã công bố rằng ông Robert Oppenheimer không phạm tội phản bội nhưng ông không được phép tiếp xúc với các bí mật quân sự. Kết quả là chức vụ cố vấn cho Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ của ông bị hủy bỏ. Sự lên án này đã làm sôi nổi dư luận tại Hoa Kỳ và tại châu Âu. Ông Robert Oppenheimer là một biểu tượng quốc tế của các nhà Khoa Học cố gắng giải quyết các vấn đề đạo đức (moral problems) sinh ra trong công cuộc khám phá Khoa Học và ông cũng trở nên một nạn nhân của công cuộc săn tìm phù thủy (a witch-hunt). Tuy đã bị mất chức, nhưng từ năm 1947 tới năm 1966, ông Robert Oppenheimer vẫn còn là Giám Đốc của Viện Nghiên Cứu Khoa Học Cao Cấp tại Princeton thuộc tiểu bang New Jersey. Tại Viện Khảo Cứu của tư nhân này, các nhà bác học lỗi lạc được tự do tìm tòi, làm sao cho thiên tài của họ được phát triển tối đa.

Vào năm 1963, Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa Kỳ đã trao tặng ông Robert Oppenheimer phần thưởng Enrico Fermi. Đây là danh dự cao quý nhất để khen thưởng các đóng góp của ông vào nền Vật Lý Lý Thuyết. Nhiều người cho rằng công việc này là một cố gắng của Chính Phủ Hoa Kỳ để sửa chữa lỗi lầm khi trước. Ông Robert Oppenheimer về hưu năm 1966 và qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1967 tại thành phố Princeton vì bệnh ung thư cổ.

Khi còn sinh thời, ngoài việc nghiên cứu Khoa Học và viết sách, ông Robert Oppenheimer còn ham thích các môn Hội Họa và Âm Nhạc. Phải chăng hai Nghệ Thuật này là các món ăn phụ của các đầu óc Khoa Học phi thường?.

© http://vietsciences.free.fr  Phạm Văn Tuấn

« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2010, 05:16:20 am gửi bởi huuthanh81 » Logged
huuthanh81
Thành viên
*
Bài viết: 32


« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:14:35 am »

Edward Teller (1908 - 2003) cha đẻ bom nguyên tử  H

Edward Teller (1908 - 2003) cha đẻ bom nguyên tử  H

Theo nhà bác học Lewis Strauss, Chủ Tịch của Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ, thì các nhà bác học có thể được xếp thành ba loại: loại thứ nhất chỉ chuyên tâm vào môn Khoa Học thuần túy, những người thuộc loại thứ hai chú ý tới các áp dụng của Khoa Học, còn sau cùng là những nhà bác học quan tâm tới ảnh hưởng của Khoa Học trên phương diện chính trị. Tuy nhiên, cũng có nhà bác học thuộc về cả ba loại kể trên: đó là trường hợp của ông Edward Teller.

Edward Teller không phải là người chỉ biết sống trong tháp ngà. Ngoài những lúc đắm mình trong các bài toán vật lý nguyên tử, ông còn phụ trách việc giảng dạy môn Vật Lý Cao Cấp hoặc liên lạc với Bộ Quốc Phòng, vì ông vừa là hội viên của Tiểu Ban Tư Vấn thuộc Ủy Ban Nguyên Tử Lực, vừa là hội viên của Tiểu Ban Tư Vấn Khoa Học thuộc Bộ Không Lực Hoa Kỳ. Ngoài công việc khảo cứu Khoa Học, sở dĩ Edward Teller còn chú tâm tới chính trị cũng vì những ảnh hưởng do thời thơ ấu của ông.


1/ Thời niên thiếu.

Edward Teller chào đời vào ngày 15 tháng 1 năm 1908 tại thành phố Budapest, thuộc nước Hung Gia Lợi, trong một gia đình giàu có dòng dõi Do Thái. Sau cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, nước Hung bị chia cắt và nền kinh tế của đất nước này sụp đổ. Vì cảm thấy sự bại vong của đất nước và vì nhận ra các dấu hiệu bài Do Thái, người cha của Edward Teller đã in sâu vào tâm khảm của cậu con trai hai điều: thứ nhất, khi nào tới tuổi thanh niên đầy đủ khả năng, cậu phải di cư sang một xứ sở nào hiếu khách hơn, thứ hai, vì thuộc vào lớp người thiểu số bị ghét bỏ, cậu phải vượt lên những kẻ khác để có thể đồng đẳng với họ.

Vì thế ngay từ thuở nhỏ, Edward Teller đã lo sợ trước nỗi ám ảnh của những chính thể độc tài. Cậu đã hiểu rõ những kết quả tai hại do các cuộc thất bại mang đến. Chính những lời dặn của người cha, chính sự lo lắng cho tương lai đã khiến Edward Teller trở nên một người làm việc siêng năng. Thời còn theo ban trung học tại Budapest, cậu Edward đã tỏ ra là một học sinh có năng khiếu về Toán Học và đã vượt xa các bạn một cách dễ dàng. Ngoài thú vui làm toán, Edward còn ưa thích Âm Nhạc, Văn Thơ, ham đánh cờ hoặc đi tản bộ trong miền thôn dã. Edward Teller đã làm thơ và đã sáng tác khi rung động trước đôi mắt xanh của cô em gái một người bạn.

Sau khi học xong bậc trung học, Edward Teller ghi tên vào Viện Kỹ Thuật của thành phố Karlsruhe, nước Đức, tốt nghiệp kỹ sư Hóa Học rồi tới Munich và Leipzig, theo học ngành Hóa Lý (physical chemistry), lãnh văn bằng Tiến Sĩ vào năm 1930. Đề tài của luận án tốt nghiệp của Edward Teller gồm khảo cứu về ion của phân tử hydrogen (hydrogen molecular ion), sự nghiên cứu này đã đặt nền móng cho một lý thuyết về quỹ đạo phân tử (molecular orbital) mà ngày nay còn được giới Khoa Học chấp nhận rộng rãi.

Vào năm 1933 khi Hitler lên nắm chính quyền tại nước Đức thì Edward Teller đang nghiên cứu cách cấu tạo phân tử của vật chất và theo học môn vật lý lý thuyết dưới sự chỉ dẫn của nhà bác học Niels Bohr tại Copenhagen, nước Đan Mạch, rồi sau đó giảng dạy môn Vật Lý tại trường Đại Học Goettingen từ năm 1933 tới năm 1935. Thời bấy giờ, người Đức Quốc Xã bắt đầu bạc đãi giống dân Do Thái. Edward Teller liền lợi dụng cơ hội này, trốn sang nước Anh cùng bà vợ Augusta Harkanyi rồi hai năm sau, ông sang Hoa Kỳ, nhận chân Giáo Sư Vật Lý tại trường Đại Học George Washington. Trong thời gian giảng dạy này, Edward Teller đã khảo cứu về các phản ứng nhiệt lượng hạch tâm, tức là những điều cho phép nhà khoa học cắt nghĩa được nguyên nhân sự cháy sáng của các vì sao. Cùng với nhà vật lý George Gamow, Edward Teller thiết lập ra các quy luật mới để xếp hạng các cách theo đó các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) có thể thoát ra khỏi nhân nguyên tử trong thời kỳ phân rã phóng xạ (radioactive decay).

Bẩy tháng trước ngày Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, các nhà bác học Hoa Kỳ cảm thấy lo ngại khi hay tin tại nước Đức, các nhà vật lý đã thành công trong việc phá vỡ nhân nguyên tử. Khi Thế Chiến xẩy ra thì tại châu Mỹ, nhà bác học Léo Szilard cũng đạt được các kết quả khả quan trong các thí nghiệm về hạch tâm và chứng tỏ rằng nước Mỹ có thể chế tạo được một thứ bom cực kỳ mạnh. Léo Szilard cùng vài nhà bác học khác liền vận động để chính phủ Hoa Kỳ khởi sự công cuộc chế tạo thứ vũ khí đó.

Muốn cho Tổng Thống Franklin D. Roosevelt phải đặc biệt chú ý, các nhà bác học Mỹ đồng ý rằng cần có chữ ký của nhà Đại Bác Học Albert Einstein. Szilard liền nhờ Edward Teller đưa xe tới Peconic Bay, thuộc tiểu bang New York, để gặp Einstein và nhờ vậy, Dự Án Manhattan ra đời, cho phép các nhà khoa học thực hiện những điều hiểu biết mà từ trước, chúng vẫn còn ở trong lãnh vực lý thuyết. Như vậy cuộc viếng thăm Albert Einstein tại Peconic Bay đã đánh dấu một khúc quanh trong quãng đời của Edward Teller. Từ đây ông không còn có thể dửng dưng trước các vấn đề chính trị, chiến tranh và nhất là vấn đề võ trang quân đội.


2/ Nghiên cứu về Bom Khinh Khí.

Năm 1941, Edward Teller gia nhập quốc tịch Hoa Kỳ rồi tới năm 1946, tham gia vào nhóm các khoa học gia của Enrico Fermi tại Viện Khảo Cứu Nguyên Tử (the Institute for Nuclear Studies) thuộc trường Đại Học Chicago, tại nơi này, phản ứng hạt nhân dây chuyền (nuclear chain reaction) đã được thực hiện. Sau đó, Edward Teller nhận lời mời tới trường Đại Học U.C. Berkeley để khảo cứu lý thuyết về loại bom nguyên tử loại A cùng với J. Robert Oppenheimer rồi khi Oppenheimer thiết lập nên Cơ Sở Thí Nghiệm Khoa Học tại Los Alamos, thuộc tiểu bang New Mexico, vào năm 1943 thì Edward Teller là người đầu tiên được tuyển dụng.

Trong khi quả bom nguyên tử A còn đang ở trong thời kỳ chế tạo, Edward Teller lại tìm ra một phương pháp mới dùng nhiệt lượng hạch tâm để từ đó chế tạo ra một thứ bom cực kỳ mạnh. Edward Teller đã cùng nhà vật lý Stanislaw M. Ulam khám phá ra cấu hình Teller-Ulam (the Teller-Ulam configuration) dùng làm căn bản cho việc chế tạo vũ khí hỗn hợp hạt nhân (fusion weapons). Nhưng khi hai quả bom nguyên tử A nổ, san phẳng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki một cách quá khốc hại, thì phần lớn các nhà bác học trong chương trình Manhattan bị lương tâm cắn dứt, họ hối hận về thứ phát minh mới đó, không muốn tiếp tục công cuộc khảo cứu các vũ khí nguyên tử và không quan tâm đến dự định của Edward Teller.

Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt được vài năm. Mọi người quên lãng thứ khí giới khủng khiếp kể trên thì vào tháng 8 năm 1949, Liên Xô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của họ. Cuộc thí nghiệm này khiến cho tại Hoa Kỳ, nhiều người lo ngại. Edward Teller liền đưa ra dự án chế tạo bom H với sức tàn phá còn khốc liệt gấp ngàn lần thứ bom A thả xuống đất Nhật. Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng Liên Xô chế tạo được vũ khí nguyên tử sẽ làm quân bình thế giới trên phương diện chính trị. Trong khi mọi người đang xôn xao thì phần lớn các nhà bác học thuộc Tiểu Ban Tư Vấn của Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ, dưới quyền chủ tọa của Robert Oppenheimer, đã đồng thanh tuyên bố chống lại mọi dự án chế tạo bom H. Edward Teller phải đi ngược lại quyết định trên với một phần thắng rất mỏng manh. Ông cũng được Lewis Strauss giúp đỡ.

Cuộc tranh chấp với Oppenheimer đang dằng dai thì tới tháng 1 năm 1950, một vụ gián điệp nguyên tử bị phát giác và làm rung chuyển dư luận thời bấy giờ. Thủ phạm là Klaus Fuchs, một nhà bác học gốc Đức, quốc tịch Anh và làm việc tại nước Anh, đã thú nhận có trao các tài liệu nguyên tử cho các gián điệp của Liên Xô. Hơn nữa, Fuchs cũng giúp việc tại căn cứ Los Alamos và cũng đã biết các tài liệu về các phản ứng nhiệt lượng hạch tâm, điều này làm cho Hoa Kỳ lo ngại. Bốn ngày sau buổi nhận tội của Fuchs, Tổng Thống Harry Truman hạ lệnh cho Ủy Ban Nguyên Tử Lực bắt tay vào công cuộc chế tạo bom H.

Vào tháng 11 năm 1952, cuộc thử bom loại H thứ nhất đã làm biến mất hòn đảo san hô Elugelab tọa lạc tại phía nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên đây chưa hẳn là quả bom H. Theo một nhà bác học thì vào thời đó, nguyên tắc chế tạo bom H chỉ có hai người thấu triệt, đó là ông Edward Teller và nhà bác học Liên Xô Andrei Sakharov.

Cũng vào năm 1952, Edward Teller là nhà khoa học có công rất lớn trong việc thiết lập nên cơ sở thí nghiệm nguyên tử thứ hai của Hoa Kỳ, đó là Trung Tâm Thí Nghiệm Lawrence Livermore, đặt tại Livermore thuộc tiểu bang California, rồi trong 4 thập niên kế tiếp, đây là cơ xưởng chính của Hoa Kỳ đã chế tạo ra các vũ khí nhiệt tâm (thermonuclear weapons). Edward Teller đã là phụ tá giám đốc của Trung Tâm này từ năm 1954 tới năm 1958 và từ năm 1960 tới năm 1975, rồi nhận chức vụ giám đốc vào các năm 1958 - 60, đồng thời ông cũng là Giáo Sư Vật Lý tại Đại Học U.C. Berkeley từ năm 1953 tới năm 1970.

Edward Teller là nhà khoa học chống đối tích cực chế độ Cộng Sản. Trong thập niên 1960, ông đã giúp công vào tiến trình Hoa Kỳ vượt qua Liên Xô về vũ khí nguyên tử. Ông đã phản đối Hòa Ước Chống Thí Nghiệm Nguyên Tử Năm 1963 (the 1963 Nuclear Test-Ban Treaty) qua đó cấm cản việc thử vũ khí nguyên tử trên tầng không, đồng thời ông cũng là người tiền phong trong Dự Án Plowshare (Project Plowshare), một chương trình của chính phủ Liên Bang đi tìm kiếm các công dụng hòa bình của các vụ nổ nguyên tử.

Vào thập niên 1970, Edward Teller là cố vấn của chính sách vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ rồi tới các năm 1982 - 83, ông Teller cũng ảnh hưởng tới Tổng Thống Ronald Reagan trong Dự Án Bảo Vệ Chiến Lược (the Strategic Defense Initiative) và đây là một hệ thống phòng vệ các cuộc tấn công nguyên tử của Liên Xô.

Theo ông Edward Teller, Khoa Học ngày nay là Kỹ Thuật của ngày mai, vì thế ông cho rằng muốn thắng Liên Xô trên địa hạt Khoa Học, Hoa Kỳ phải đẩy mạnh phong trào khảo cứu Khoa Học thuần túy và gia tăng nền giáo dục Khoa Học tại các trường trung học. Vẫn theo ông Edward Teller, việc học hỏi Khoa Học không đòi hỏi một năng khiếu bẩm sinh mà cần phải chú tâm đến vấn đề. Ông cho rằng chỉ có Khoa Học mới giải quyết được các vấn đề gai góc mà chúng ta sẽ gặp phải, nhất là khi trái đất càng ngày càng trở nên chật hẹp trước sự bành trướng về nhân số và kỹ nghệ.

Ông mất hôm thứ Ba ngày 10 tháng 9  năm 2003
 

© http://vietsciences.free.fr Phạm Văn Tuấn

Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM