Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:57:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo chân Anh, Tình Nguyện Quân Sư đoàn 7 BB (tt "Mũi chính diện..." - phần 5)  (Đọc 375163 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
yenthanh
Thành viên
*
Bài viết: 207


Bị giang hồ trục xuất vĩnh viễn!


WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 10:19:03 pm »

 
Đv tôi cũng xảy ra 2 trường hợp như thế đấy. Đang choảng nhau lúc chập tối thì 1 thằng lính Pốt không súng, khoác giá B.40 trên lưng có 4 trái đạn nó chạy lạc xồng xộc vào một b của c3.  Lính mình quát hỏi thì nó không trả lời, lại chạy ra thoát. Lần càn biển Hồ thì một thằng tự nhiên như ruồi ở đâu đi vào giữa đội hình đang mắc võng nghỉ trưa C1. Khẩu RPD đã mở khóa an toàn mà không dám bắn vì có thằng lính ta đang co con tôm trên võng,  khò khò trước họng súng. Của nợ thế đấy !

 Đúng là sống chết nó có số thiệt. Số chưa chết thì hình như đạn nó né mình ấy, còn tới số rồi thì....
Logged
VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 01:07:55 am »

 @chú Đức Thảo : hehe chú hiểu nhầm ý cháu rồi, ĐT ở đây là Đại Trưởng = BinhYen là Đại Trưởng của cháu. Cháu xin được làm chân Liên Lạc C yểm hộ và long tong cho ĐT cháu hành quân tác chiến Wink. Vì bàn phím của cháu có chút vấn đề, gõ rất khó nên dạo này cháu viết tắt cho nhanh thôi chú ạ chứ không phải cháu lầm lộn gì đâu. LL mà bảo vệ nhầm thủ trưởng lúc đang xung phong thì tai hại khôn lường hehe nên cháu không nhầm đâu chú ạ. Chúc chú khỏe và viết đều tay hướng D2 Mo Hon nhé, qua chú cháu mới biết được khu vực đó ác liệt như vậy vì trước đây cháu chỉ nghe loáng thoáng mọi người nói chuyện bị vây 11 ngày chứ chưa có ai là người trong cuộc vào kể chuyện cả.
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
ducthao
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 915


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:49:36 am »

VietPo'Lut'.
Vậy thì xin lổi cháu do hiểu nhầm,mà trong quân sử có nhiều nich lắm,cháu chịu khó thêm từ sẻ dể hiểu hơn(thí dụ như ĐTr).
Thân mến.
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 02:10:06 pm »

 Theo đội hình độc lập tác chiến D7 đã phân công nhiệm vụ thì C2 sẽ càn hướng sát trong núi Kimry và toàn đội hình D7 sẽ càn về hướng Đông của núi vậy là C2 bên phải đội  hình , nếu cứ 4km cho mỗi C thì chúng tôi sẽ có 16km hàng ngang vòng quanh núi và mỗi ngày D7 chúng tôi sẽ càn quét được 32km vuông , một con số đáng kể cho một tiểu đoàn thiếu hoàn thành nhiệm vụ , nếu chúng tôi cứ nhằng nhẵng cả D lướt thướt càn như mọi lần thì những chặng đường chúng tôi cần phải đi qua sẽ gấp 4 lần và đương nhiên thời gian cũng phải là 4 lần .
 Chưa hết , với cách phân chia này cũng khá khoa học , các đơn vị vẫn chi viện được cho nhau nếu cần thiết , giải rộng đội hình nên nắm bắt tình hình địch cũng rộng hơn luôn kiểm soát được những khu vực có nhiều nghi vấn . Thêm một điều nữa có lẽ tôi hiểu anh Hồng hơn cả , anh ấy muốn các cấp dưới của anh ấy ( C trưởng ) phải biết phát huy cái tài năng cầm quân của mình , chủ động trước những sự cố bất ngờ tránh ỷ lại và cố gắng hết mình trước mọi khó khăn phát huy thế mạnh , nói ngắn gọn là anh ấy trao cho các C trưởng quyền tự quyết và chủ động tìm địch đánh trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình .
 Theo tôi đó cũng là 1 cách giáo dục truyền đạt những kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ cấp dưới , nhiều lần anh Hồng cũng đã từng nói : Nếu ta không trao cho họ cái quyền đó thì đến bao giờ họ mới làm được cái việc mà chúng ta yêu cầu , chủ động giao trách nhiệm đó vào tay họ tức khắc họ sẽ phải cố gắng hết mình thực hiện tốt nhất nhiệm vụ , thực tế khắc nghiệt nhất sẽ đào tạo lên những cán bộ dày dạn kinh nghiệm chiến trường . Tôi cho ít nhất đó là đúng nếu như không muốn nói đó là rất đúng , sau này trước cuộc sống tôi cũng áp dụng cách quản lý công việc từ những kinh nghiệm của anh Hồng và thu được kết quả đáng kể .
 Trận càn đó bắt đầu từ buổi sáng sau khi vào vị trí , các B tản rộng lội ngang những cánh rừng thành một quệt hàng ngang , đạp tràn lên những ngọn trúc nhỏ để bước , lúc lên theo bình độ lúc xuống những rãnh khe của những bình độ tiếp giáp nhau , phía bắc núi Kimry rừng rất đẹp xanh tốt mượt mà , thế rồi những phát hiện mới bởi những bãi phân voi to cỡ cái nồi gang bé , từng cục từng cục đâu đó quanh một bãi đất phẳng , mấy bác lính con nhà nông chắc có kinh nghiệm chuyện này hơn nên xăm soi tìm hiểu từ những bãi phân voi này , cũng áp dụng từ kinh nghiệm hiểu biết về phân trâu để bình luận bãi phân voi này lâu rồi hay mới đây , phân voi để lại nhiều chất xơ của lá trúc từng búi rối tung vào nhau nước mưa hay sương đêm chưa làm nó giã ra nằm đó màu cỏ úa , vài cái bếp dã chiến với mấy cục than củi đun dở đã tắt từ bao giờ trơ chọi với 3 ông đầu rau lạc lõng giữa cánh rừng , cả buổi sáng hôm đó C2 chúng tôi chẳng gặp thêm bất kể chuyện gì nhưng trong đội hình D7 thì lác đác có tiếng súng xa xa vọng tới .
 Rồi cả những ngày tiếp theo hướng C2 chúng tôi đảm nhiệm sát vế trong núi gần như không gặp sự trở ngại nào hay phát hiện mới về tình hình địch , nhưng những đơn vị khác thì vẫn gặp địch lẻ tẻ ở vòng ngoài núi , vẫn nổ súng diệt địch , truy đuổi bắt sống tù binh , có những chuyện được anh em D7 chúng tôi kháo nhau chuyện bắt sống tù binh nghe như chuyện đùa , chẳng khác gì mèo vờn chuột , chẳng cần bắn hay làm gì khác cứ việc đuổi săn đầu này chặn đầu kia , các đơn vị thông tin cho nhau theo hướng địch chạy mà bắt sống , có những thằng lính Pốt chạy vài trăm mét là lăn ra đó mà thở chờ quân ta đến trói lại giải đi , địch quá yếu về thể lực cũng như sức chiến đấu , khi bị phát hiện là chúng chạy không bắn trả nổi 3 viên đạn , nhiều thằng lính Pốt bé con con chỉ 13 14 tuổi mặt mũi ngơ ngác đến thảm hại , hình như cái lứa tuổi này chúng chưa hiểu hết chiến tranh là cái gì chắc chúng nghĩ rằng chiến tranh chỉ là cái trò đùa giữa những thằng lính đuổi bắt nhau của những trò chơi trẻ con vậy , bắt sống rồi mà mặt chúng cứ ngây ngô chẳng thấy sợ là gì , có thằng mới bắt sống đó thì đúng bữa cơm ăn của chúng tôi , cái gì thừa thì cho chúng nó ăn vì chúng đói lắm rồi , cho miếng cơm nắm nó còn ra đòi xin cá khô kho ăn và chê mặn chê nhạt , ăn xong quẹt mỏ bằng tay áo ra xin nước uống cứ nhơn nhơn cái mặt mà không biết được rằng chúng tôi thích để cái mạng nó sống hay lấy đi lúc nào cũng được .
 Trong cái đám tù binh lần đó bị D7 chúng tôi bắt sống trong vài ngày đầu thỉnh thoảng cũng gặp vài thằng có mặt mũi già dặn hơn , thường những thằng lính đó to con hơn lính QTN VN chúng tôi nhưng chúng cũng cùng chung cảnh ngộ với cái lũ nhóc ôn con kia bởi chúng đang rất đói , hạ địch hay bắt sống tù binh thì luôn thấy trong bồng đồ của chúng những gói đựng cái loại củ quả đã phơi khô xắt lát mỏng như miếng xà phòng 72% hơi ngả vàng , có thằng có cả dúm vải nhỏ bằng cỡ quả táo hay quả ổi nhỏ mở ra trong có vài hạt gạo lép được chúng bóc lớp vỏ trấu bên ngoài cất đi làm lương thực dự trữ , đây là những hạt lúa ma trên những trảng ruộng quanh núi Kimry trổ bông lên hạt rất tự nhiên bọn này lần tìm từng hạt thóc lép bóc lấy cái hạt gạo răn rúm bên trong làm lương thực dự trữ . Vũ khí thu được của chúng cũng chẳng có gì ngoài súng AK , thằng nào nhiều nhất là 3 băng đạn và thường không có đạn rời và chẳng mấy khi thấy chúng có gì ngoài những thứ không đáng quan tâm , đám du kích K luôn kiểm soát khá kỹ bồng đồ của tù binh Pốt , tận thu tất cả những gì thu được nhét vào bồng đồ riêng của họ từ mảnh vải đến cái dao cạo râu dùng dở không bỏ xót bất kể cái gì .
 Cho đến một hôm C2 chúng tôi đụng 4 thằng lính Pốt vào tầm 8h sáng hôm đó , 4 thằng với 2 chiếc võng mắc toòng teeng bên bờ một con suối , từ xa thoáng thấy bóng 2 thằng đi lại chúng tôi bí mật tiến vào , khi vào sát chỉ còn 30m lúc đó lính C2 mới hò hét uy hiếp tinh thần địch , 2 thằng nằm chết lặng trên võng không dám nhúc nhích chịu thúc thủ giơ tay hàng trong cái thế không biết ở đâu bỗng chốc gần 30 con người xuất hiện trong nháy mắt đó , 2 thằng kia bỏ chạy thì bị anh em truy đuổi nổ súng hạ gục , một thằng chỉ bị bắn bị thương nhưng chắc khó sống lên lính C2 đã giúp nó ra đi thanh thản nhất , mấy du kích K hăng hái tra khảo tù binh và hình như có cả thượng cẳng chân hạ cẳng tay nữa và cũng từ đây chúng tôi có những thông tin khá chính xác từ những tù binh này . Tin khai thác nhanh đã được chuyển ngay về cấp trên :
 Trong 2 thằng Pốt bị bắt sống trên võng kia có 1 thằng là D trưởng lính Pốt cũ , đơn vị nó bị đánh tan tác từ đầu chiến dịch GP K rút chạy về đây và cầm cự cho đến hôm nay , nó nhận nhiệm vụ từ cấp trên bám giữ khu vực này xây dựng lại lực lượng và bắt liên lạc với nhóm Pốt mới ở Thái lan luồn về , cách đây không lâu Tà Mốc tư lệnh quân khu tây nam Pốt đã ở Kimry nhưng mỗi bước di chuyển đều có voi cùng khoảng 1C bảo vệ , từ đây về vị trí có dân K sinh sống khoảng 20km nên chúng lợi dụng địa hình này để đi lại giữa 2 vùng , bọn này có nhiệm vụ móc nối giữa khu có dân và nhóm địch chính quy với sự trang bị mới quay lại đất K kháng chiến lâu dài , đã có sự móc nối lên lính Pốt ở đây đã bắt đầu có gạo ăn nguồn gạo cung cấp lấy từ dân K vùng giáp ranh ra .
 Cũng bởi tin tức quan trọng này mà cả E209 chúng tôi đổ dồn về hết đây trong thời gian đó , những cánh quân ở các mũi đồng loạt  được điều động về bao vây khu vực núi Kimry với quyết tâm bắt sống hoặc tiêu diệt bằng được TL quân khu Tây nam Pốt Tà Mốc và đây là chiến dịch thứ 2 săn đuổi tên tướng Pốt nhiều mưu mẹo này . Những cuộc hành quân tác chiến liên miên luồn sâu trong đêm hết vị trí này đến vị trí khác trong vòng bán kính quanh khu vực núi Kimry trên 10km của nhiều đơn vị hàng tháng trời , nhưng Tà Mốc thì luôn là một ẩn số , cứ chúng tôi đến thì nghe tin nó mới bỏ đi khỏi đấy 1 2 ngày , nhiều bãi phân voi mới với thức ăn thừa của voi bỏ lại sau lưng và chẳng ai biết mặt Tà Mốc là thằng nào cả , những thằng lính Pốt trẻ có thể bỏ qua chứ thấy thằng nào mặt mũi già dặn chút ít thì kiểu gì cũng trói gập cánh khủy lại chưa cần biết nếp tẻ gì , cảnh giác cao độ với những thằng lính Pốt già vì có thể nó là kẻ chúng tôi đang mất công tìm kiếm , quanh núi Kimry hướng D7 không có lúc nào ngày nào không có tiếng súng nổ diệt địch gần như ngày nào cũng có chuyện bắt sống tù binh và cả ở những điều ngớ ngẩn nhất .
 Một chuyện cười ra nước mắt ở C5 chúng tôi :
 Thằng nào đó của C5 trưa hôm đó muốn đi vệ sinh , nó xách quần chạy xuống khe suối ngay dưới chân nó , đơn vị thì trưa đó càn đến đấy thì dừng lại ăn cơm trưa , anh em ngồi ngay mấy cây tre gai rậm trên bờ , anh em đấy , nó ngồi ị ở đây cách nhau vài mét chứ mấy đâu , khúc suối thì đã cạn chỉ còn cát vàng và lùm tre ngả về lòng suối , nếu ngồi giữa suối cạn mà ị thì phô quá khó coi nên nó chạy sát gần bờ chỗ gần anh em cho khó thấy vì vướng khóm tre gai , khi đi xuống nó cũng đâu mang theo súng ống làm gì , anh em thì toàn đực dựa cả với nhau ai mất công để ý chuyện thằng nào cởi quần chim cò thỗn thện và đang làm cái việc không mấy đẹp mắt ấy . Lúc đó nó đang thả hồn theo bước thứ 2 của Quận công , lúc đang thỏa thích xả bớt cặn bã năng lượng thì nó đưa mắt nhìn vào chỗ cái gốc của bụi tre gai dưới lòng suối , ở đó có một khoảng đen ngòm lõm vào trong do mùa mưa nước chảy trôi hết đất chỉ còn cái hàm ếch với rễ tre hóm vào trong , ở đó mới có cái gì động đậy , cũng chỉ là tò mò nó đưa tay vạch ra tìm xem cái gì trong đó thì phát hiện ra 2 thằng ôn con lính Pốt đang rúc đầu dưới gốc bụi tre , nó bật ngửa ra hét ầm lên cho anh em ở trên biết , cả C5 ở trên lao vội xuống xỉa súng vào lôi ra 2 thằng lính Pốt , vì đông người cùng nhảy xuống một lúc nên chẳng mấy ai để ý mà chỉ chăm chăm tìm địch nên dẫm đạp lung tung vào cái thứ mà thằng lính C5 mới thải ra , gần như ai cũng đạp dính và từ chuyện này chúng tôi hay lấy đó làm chuyện để trêu anh em bên C5 dẫm phải mìn tươi .
 Lính chiến đánh trận như vậy nhưng đôi khi cũng có những mẩu chuyện vui quanh đời sống lính cả khóc lẫn cả cười .
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2010, 02:21:49 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:40:06 pm »

 Bên D7E209 của bác BY hay bắt tù binh quá. Chứ bên D9E209, E174 các bác kể là chỉ "pọp" thôi. Chẳng mấy khi có ý định bắt chúng làm tù binh?

 Cựu 2w D9E209 kể: Cả tiểu đoàn hành quân đi truy quét, rừng cây lúp xúp, mây trắng lững lờ bay. Bỗng "Tằng...tằng...tằng...", lại bọn C13D9 nổ súng. Mình cố chạy lên xem, 7-8 cái xác áo đen nằm vật bên sườn núi. Hơi xa 1 chút, có 1 thiếu nữ đeo túi cứu thương-nó là y tá rồi, áo xanh "trứng sáo" nằm nghiêng bên đường mòn, nó chết...như ngủ, 1 viên AK đi đúng tim. Ôi chiến tranh nó "mất dậy" quá, cô bé chỉ 18 tuổi, da trắng như "bát sứ Hải dương"-có khi nó là người Tàu? Tiếc thay cho số phận của em, ai bảo cô đi theo cái bọn giết người kia, nếu phải tay tôi, sẽ bắn trượt em, dứt khoát là bắn trượt? Đoàn quân vẫn lặng lẽ đi!
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2010, 11:10:01 pm gửi bởi GiangNH » Logged
-QuảngNjnh-
Thành viên
*
Bài viết: 10



« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:18:16 pm »

Cháu thích đọc các bài viết của chú BinhYen1960 lắm,chưa bỏ xót bài nào.cảm ơn các chú và các bác CCB đã cho chúng cháu hiểu về những năm tháng khó khăn của Tổ Quốc VN.Chúc các chú các Bác luôn mạnh khỏe.
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:14:18 pm »

 Cả D7 chúng tôi đã càn quét xong khu vực hướng bắc núi Kimry và bắt đầu chuyển về hướng đông của núi , từ khu vực này về khu có dân cũng không xa lắm , nếu cứ căn theo núi mà đi về hướng đông thì khoảng gần 20km là bắt đầu có dân ở rồi , những nhóm dân ở những phum sóc này chẳng biết là dân ta hay dân địch nữa , cũng chẳng biết chính quyền bác Hênh đã về đây chưa tổ chức chính quyền của họ ra sao ?
 Thời đó phong trào du kích địa phương trong chính quyền bác Hênh phát triển mạnh , họ cũng tổ chức những nhóm du kích K giữ gìn bảo vệ phum sóc giữ chính quyền Cách mạng K non trẻ , chỉ có điều họ ăn mặc lôm nhôm quá , vẫn mấy khẩu AK vài ba băng đạn và quân trang cũng chẳng có , vẫn những bộ quần áo đen như thời Pốt mũ mềm chân đi dép cao su , họ chẳng khác gì những thằng lính Pốt từng bị hạ gục ở BGTN hay những thằng mới bị D7 chúng tôi hạ ngày hôm qua bên hướng Bắc núi Kimry này , để khẳng định một thằng lính Pốt hay du kích K lúc đó thì chẳng có cái căn cứ nào để nói được đó là chắc chắn . Ta địch lẫn lộn khó nhìn bằng hình thức và cả khó đoán bằng cảm tính cũng như linh cảm của người lính .
 Hướng đông Kimry lác đác có đồng ruộng , những bông lúa ma mọc lên giữa những trảng ruộng cũ đất đai có vẻ màu mỡ hơn và cây rừng cũng thưa hơn xong sự hoang sơ của suối cạn cùng những bụi tre gai nhằng nhịt bám quanh những trảng ruộng thì vẫn là nhiều hơn vùng khác , vùng này nhiều cây me chua cho quả lủng lẳng với xoài cây to đại thụ nhưng quả thì èo uột quắt keo chua loét , lính chúng tôi ăn chua giỏi lắm cứ gặp cây là hái quả mà ăn đôm đốp nhai rau ráu chấm với muối ớt giã nhiễn , ăn xong mặt mũi đỏ gay uống nước ừng ực vậy mà lần sau lại ăn chẳng thấy ghê răng gì cả .
 Thế rồi một sáng hôm đó khi đang càn ở hướng đông Kimry ngay gần một con đường mòn chúng tôi phát hiện từ xa một chiếc xe bò đang túc tắc đi trên đường vào hướng núi , chiếc xe khá đẹp và cầu kỳ theo phong cách xe bò Khmer với cái đầu càng cong vút bên trên buộc những túm len màu xanh đỏ , từng khấc của càng cong có những chiếc khuyên bịt kim loại trắng , cặp bò trắng khá đẹp khỏe mạnh lông trơn bóng với 2 cặp sừng đều tăm tắp của 2 con bò đực cường tráng , người Khmer họ chăm chút cho cái xe bò và cặp bò kéo rất kỹ , đó là phương tiện đi lại , là công cụ sản xuất , sức cày sức kéo , là cỗ xe chuyên chở là xe hoa đưa đón cô dâu trong ngày cưới và cả niềm tự hào của những gia đình dân tộc Khmer , với họ đó là tài sản lớn trong gia đình là thứ giúp họ đi qua cuộc sống khi không có một thứ văn minh phát triển nào khác , đó là cuộc sống đời thường của những người dân thuần nông Khmer từ nhiều đời nay và họ vẫn sống bằng cái truyền thống đó .
 Chiếc xe bò bị chúng tôi bất ngờ chặn lại , khi xe vào gần mới phát hiện ra bộ đội VN rồi bỗng chốc từ sau những gốc cây đồng loạt chúng tôi đứng dậy thì chủ xe mới biết đã đi lọt vào ổ phục kích của chúng tôi chờ sẵn , trên xe có 2 người một già cũng cỡ 60 tuổi rồi , nét già nua cằn cỗi thể hiện trên nét mặt với thằng cu con cũng cỡ 12 13 tuổi ( tuổi biết bắn súng rồi ) , họ chắc là 2 ông cháu chứ không phải cha con , ông lão người K sau khi hốt hoảng thấy sự đột ngột xuất hiện của chúng tôi trước mặt thì nhảy vội xuống xe nói gì đó với QTN VN , ông ấy móc trong túi ngực ra tờ giấy nhàu nhĩ với vài chữ tiếng VN , đọc mấy dòng chữ này thấy lộn hết cả con ngươi mắt bởi chữ ông bộ đội VN nào đó mà xấu thế không biết , hàng lối lộn xộn vừa đọc vừa phải luận chữ với câu cú lủng lẳng chẳng dấu má củ khoai con triện gì cả , tôi cũng chẳng nhớ cụ thể lắm ở câu chữ trong tờ giấy đó nhưng đại ý : QDVNVN - Đây là dân phum này sóc kia tỉnh KamPong chnang ( tỉnh cái niêu đất ) đi làm ruộng , đề nghị những đơn vị VN khác nếu gặp tạo điều kiện cho họ đi làm ruộng làm ăn . Chúng tôi kiểm tra xe nhưng không có bất kể cái gì nghi vấn ngoài vài dụng cụ sản xuất , khám người họ cũng chẳng có gì .
 Anh Phượng kiên quyết ra lệnh bắt quay trở lại không cho vào khu vực Kimry , gọi thằng Ánh là thằng biết tiếng K khá nhất C2 chúng tôi lúc đó vì thằng này hay trốn ra dân học tiếng nên biết nhiều , bảo nó dịch lại cho 2 ông cháu nhà kia nghe , lệnh ngay tức khắc rời khỏi vị trí này , nếu gặp thêm lần nữa sẽ " banh ngọp " không chậm chễ .
 Xe quay đi rồi chúng tôi vẫn thấy thắc mắc không hiểu vì sao họ đi vào đây làm gì , giữa cái chốn ta địch tùm lum thế này , đất ngoài kia thiếu gì mà phải lội vào đây mà trồng trọt , củ quả rừng ngoài kia có khi còn hơn trong này nhiều vì ở đây có gì đâu , vào đây nhỡ chúng tôi bắn chết nhầm thì sao ? Vừa khổ cho họ mà chúng tôi thì cũng chẳng xung sướng gì .
 Chiều hôm đó chúng tôi nhận được điện của D7 gọi lên D lấy thực phẩm , nhóm anh nuôi tổ chức mấy người đi lên D bộ , anh Phình lúc này là quản lý C2 muốn nhờ tôi đi cùng vì tôi thuộc đường hướng hơn những thằng khác trong C bộ , cực chẳng đã thì phải đi thôi chứ đi về cũng cả chục km đấy , tôi xách súng dẫn anh em anh nuôi đi , khi đến nơi tôi thấy anh em hậu cần D đang xả những tảng thịt bò lớn chia nhau nhìn kỹ thì nhận ra hình như đây là thịt con bò trắng mà sáng nay chúng tôi mới gặp 2 ông cháu kia trong rừng , thì ra 2 ông cháu nhà kia không quay ra ngay như lời cảnh báo của anh Phượng mà rẽ đường khác đi gặp lính D7 họ chẳng nói chẳng rằng phệt luôn một con bò ngã gục rồi cắt xẻo lấy phần ngon nhất mang về chia cho các C bộ binh cùng ăn , số còn lại bèo nhèo bùng nhùng đó họ bê ném hết lên cái xe bò của 2 ông cháu nhà kia và nghe đâu họ đang loay hoay mấy tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa đi được bao xa bởi xe bò kéo có cặp mà họ chỉ còn 1 con bò , sang ngày hôm sau lính C khác vẫn gặp họ trong cái cảnh bò 1 bên 2 ông cháu 1 bên đẩy xe bò loanh quanh trong rừng chưa đi được bao xa .
 Tôi thấy tội nghiệp cho họ nhưng rồi cũng cố đẩy cái ý nghĩ đó khỏi đầu mình bởi biết đâu tình thương cảm này của mình không đúng chỗ .
 Rồi những trận đánh nhỏ lẻ diễn ra chớp nhoáng với ít phút nổ súng là đi vào trật tự ngay , ta thắng địch thua là chuyện đương nhiên rồi , trong suốt thời gian đó chưa 1 lần địch chủ động tấn công vào đội hình càn quét của chúng tôi mặc dù chúng tôi đi khơi khơi giữa những con đường trong rừng hay trảng trống , chúng luôn bị truy đuổi và chạy tháo thân trước mũi súng lính D7 , diệt địch bên hướng Đông núi Kimry ít hơn và cũng ít ngày sau là chúng tôi càn quét xong hướng này , mũi D7 cũng đã chuyển dần về hướng nam Kimry , đoạn đường này chúng tôi đã đi qua 1 lần rồi và bộ nhớ của những thằng lính thì chưa thể quên nhanh như thế được về địa hình này . Lúc đó gần như thằng lính bộ binh nào của D7 chúng tôi cũng có cái địa bàn của TQ , chiến lợi phẩm thu được của địch nhiều người cũng chẳng biết dùng làm gì nhưng cũng cứ lấy nhét vào ba lô thỉnh thoảng lấy ra chơi , anh em xin những tấm bàn đồ cũ rồi những lúc nhàn dỗi lôi ra dạy nhau cách xem bản đồ hoặc tìm phương hướng , có lẽ lính dạy lính nhanh tiếp thu nên gần như lính C2 thằng nào cũng biết chút ít về bản đồ địa bàn chỉ có điều không mấy khi sử dụng đến , kể từ đây cả khu vực Kimry này chúng tôi thuộc từng hòn đá gốc cây trảng cỏ vạt rừng bờ suối cây cầu gỗ hay những mái nhà trong nhưng phum cũ chưa kịp đốt phá của lần tác chiến trước . C2 của chúng tôi có thằng Do lính đại liên chuyên vác cái tầm súng là loại ngơ ngơ nhất đơn vị , nó cứ như thằng thiểu năng trí tuệ vậy nhưng khỏe thì không ai bằng , ăn cũng khỏe , nó có thể làm bất kể cái gì miễn được ăn no và 2kg gạo cho 1 bữa nó đánh bay , với nó ăn no và đánh nhau là cái đáng quan tâm còn lại mặc xác chúng mày muốn dắt tao đi đâu cũng được , ấy vậy mà đôi khi nó cũng nói nhiều câu hay ra phết , đi đến đâu sẽ gặp cái gì ở đâu và ở đâu , chỗ đó nó được ăn cái gì , ai kiếm được cái gì cải thiện giữa cái chốn củ gì trái gì lính Pốt nó cũng hái hết cả rồi trừ mấy quả chua không thể ăn nhiều được . Lính đã thuộc nằm lòng vùng đất này tới từng con suối ngọn cây .
 Chiều hôm đó khi ánh chiều cũng đã tà tà rồi , quá trưa nắng gắt mệt mỏi vì đi trong rừng thưa đến giờ cũng đã thấy mát hơn rất nhiều , mặt trời đã xuống thấp hơn ngọn cây , lúc đó chúng tôi bắt đầu về đến hướng Nam Kimry , cứ đi một đoạn lại đụng xác chết của địch , một khúc lại gặp thêm vài xác nữa nằm lộ thiên giữa trời đất bao la , mùi ô uế nhức mũi chịu không nổi , chỉ cần cách khoảng 100m đã ngửi mùi và lại gần 50 thì phải nín thở , nhiều xác chỉ còn là bộ xương lùng bùng trong cái đống rẻ đen đó vài xác trương phềnh căng nứt ngả màu nâu đen dưới trời nắng gắt và ruồi nhặng luôn vi vu trên những cái tổ ô uế này , với ai tôi không biết nhưng với tôi thì cái này là tôi sợ nhất trên đời , tránh xa , đi nhanh khỏi đó là cái tôi luôn là thằng nhanh nhất đơn vị mỗi khi đụng cái của nợ này . Thế rồi lần đó đang càn thì thấy anh em đi đầu hô ầm lên đuổi đuổi , tôi đi phía sau cách người trước cũng cả 50m , trên tôi có vài du kích K gánh gồng đi trước và tôi cũng đã bắt đầu ngửi thấy cái mùi ô ếu kia phảng phất , thường thì những chỗ có mùi ô ếu đó là không có địch chắc lính Pốt nó cũng chẳng muốn ở gần đồng đội của nó lúc này nên tránh xa , mấy du kích K vứt cả đòn gánh bồng đồ mà xách đòn gánh đuổi , thôi thì nhốn nháo nhiều người hô tránh ra để bắn , người khác bảo đừng sợ đạn lạc , chúng tôi cũng nhao lên xem cái gì , giữa những cây trúc nhỏ ngang tầm bụng mà cứ thấy cái gì đó lao phía dưới rẽ hết cả cây ra mà chạy thành những vệt đường và cuối cùng thì những thằng chạy lên sau như tôi cũng biết được là con kỳ đà , vừa hay cái tay Dân du kích K to cao lừng lững kia phang 1 đòn gánh vào giữa lưng con kỳ đà làm nó lăn quay ra , thế rồi mọi người xúm vào đập , dùng những hòn đá to đập thẳng vào đầu nó đến nát bét sau đó buộc cổ vào cái đòn gánh của tay Dân kia mà gánh đi .
 Trời đất ! Chưa bao giờ tôi thấy con kỳ đà nào mà to đến như vậy , nó to như con rồng Komodo của Indonexia vậy khi Dân gánh trên vai mà cái đuôi nó còn quệt đất một khúc dài , nhóm du kích K và QTN VN đều lắc đầu lè lưỡi với loài bò sát này . Sau đó anh em đi đầu kể lại :
 Khi tới chỗ đó lão Thi B phó B3 đi đầu phát hiện ra con kỳ đà này đang rúc đầu vào bụng xác một thằng Pốt chết nằm đó ăn nội tạng , khiếp quá kẻ thu dọn chiến trường bằng cái quy luật rất tự nhiên khiến tôi thấy rùng mình .
 Chiều hôm đó đám du kích K rất hăng hái tả bổ xỉa con kỳ đà chẳng quan tâm gì đến tăng võng hay cơm nước như mọi khi , họ thay nhau lôi về những khúc cành cây củi lớn trong rừng về đốt một đống to gần mấy hòn đá thấp , rồi mổ con kỳ đà đó khan vậy thôi , chẳng nước nôi rửa ráy gì cả ,nào lột da phơi khô trơ ra lớp thịt , móc nội tạng vứt bỏ rồi cắt khúc mà nướng , từng khúc thịt kỳ đà dưới đống than hồng hay lửa nhỏ chúng  vàng dần bốc mùi thơm phức , hơn một chục người K cả du kích lẫn tù binh Pốt bị bắt theo đơn vị hăng hái vào cuộc và hình như họ đã quên mất hình ảnh con kỳ đà này nó mới chui đầu từ bụng thằng lính Pốt chết kia ra vậy , hình ảnh đó ám ảnh tâm trí tôi nhiều năm vì sau này chuyện đó chúng tôi gặp thường xuyên ở Kimry .
 Khi thịt đã chín họ mang từng khúc thịt được bày trên những tấm lá cây gỗ dầu to mang đến chia cho anh em QTN VN cùng ăn , nhưng lính C2 đã nháy nhau đừng ai ăn cả , chúng tôi không dám ăn thật , ngay đến thằng Do đại liên ham ăn là thế mà cũng lắc đầu quầy quậy từ chối .
 Nhóm du kích và tù binh K kia mỗi người mỗi khúc thịt kỳ đà to tổ bố nướng thơm phức ngồi vắt vẻo trên những hòn đá bóc rỡ thịt kỳ đà chấm với muối hạt nhồm nhoàm ăn nét mặt đầy thỏa mãn , bữa cơm chiều hôm đó họ đã thay thế bằng thịt kỳ đà rồi tối đó lăn ra ngủ vô tư giữa cánh rừng xanh ngắt , 6 du kích K và đâu 4 5 tù binh Pốt nằm lẫn lộn với nhau không ai biết họ là người thuộc bên nào nhưng họ biết tất cả số họ đều là người Khmer , giữa họ không có sự thù địch chỉ còn lại sự đồng cảm giữa những con người mặc dù họ đã từng mang đau khổ đến cho nhau .
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Chín, 2010, 11:00:09 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
NicolasCage
Thành viên
*
Bài viết: 213



« Trả lời #47 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 11:27:30 pm »

Trích dẫn
...Thế rồi cũng đi đến quyết định úp lên đầu mấy tay du kích K này cái mũ cối , bắt buộc phải đội trong mọi hoàn cảnh để tránh bắn nhầm phải nhau , vừa dễ nhận ra nhau vừa kinh tế...

Văn phong bác hài hước làm em liên tưởng đến đoạn M.Solokhov tả cảnh những người lính bộ binh đùa giỡn với nhau trong lúc chờ đối phương đến, sau loạt pháo phủ đầu, trong tác phẩm "Họ chiến đấu vì tổ quốc"  Grin
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:26:32 am »

  Hì ..Hì ! Cuộc sống tinh thần người lính trên chiến trường có lẽ chỉ là con số không tròn trĩnh , chẳng có bất kể cái gì thuộc về văn hóa văn nghệ ngoài những tiết mục " Chúng tôi hát cho nhau nghe " , từ cái Radio nghe tin tức của đài tiếng nói VN cũng là thứ mà có thời ai đó vin vào cái chính sách dân vận mà thu hết của lính và quả thật là lính ở K thời 1979 gần như mù tịt thông tin trong nước , tất cả những tin tức khác như TQ đánh VN hay tin chiến thắng bên BGPB cũng chỉ là thứ được nghe qua từ CTV đại đội , một bài hát trên đài cũng là thứ mà lính hằng mơ ước và cũng có lúc lòng thấy thổn thức trước những lời hát của những bài hát mà trước đây mình chẳng bao giờ để ý , lính đói văn hóa văn nghệ vô cùng .
 Báo Nhân dân và báo Quân đội thì luôn là đến muộn hàng 1 2 tháng và nó chỉ có giá trị duy nhất là dùng để quấn thuốc rê thay giấy quấn thuốc lá , những tin tức quá muộn đó cũng ít nhiều còn hơn không có mà đọc , những cuốn sách Văn nghệ quân đội thì một năm 2 lần may ra có và nếu không có thì lính cũng chẳng nhớ để mà hỏi , hành quân tác chiến liên miên ai hơi đâu mà nhớ quyển sách làm gì ?
 Những cánh thư hậu phương cũng nhiều nhưng cơ bản vẫn là thư của người thân ruột thịt còn bạn bè thì ai nó thèm nhớ để viết thư cho mấy thằng ngày đi thì có , ngày về còn mịt mù xa kia .
 
 Từ những chỗ khô cằn tình cảm đấy nó tự sinh ra những con người với những lối hành văn hay chất thơ chào phúng , những câu chuyện vui thời đại , vui kiểu lính , có người còn diễn lên những vở kịch giữa đời lính để tạo nên một cuộc sống lính thật đời thường nhất và gần như người lính nào cũng có dăm ba câu chuyện vui đó , có cả những câu chuyện vui trong chiến đấu lừa miếng thằng địch hạ nó xong lăn ra cười khanh khách , bắn lộn thằng Pốt trên cây xuống nhếch mép cười ruồi và cũng có cả bị thằng Pốt nó đặt bẫy mình trúng thương đồng đội thương quá nhưng vẫn mắng sao mày ngu thế dặn mãi rồi vẫn để bị nó lừa . Lính phải tự đi tìm cho mình niềm vui từ những chỗ chết chóc đó .
 Rồi những tiếng hát khản đặc giọng thuốc lào , thuốc lá , thuốc rê kia tối ngày ư ử ừ ư nghe như chó mửa vậy mà lính vẫn thấy hay vì thằng bạn mình nó là thằng hay hát , nó yêu đời và cuốn theo cả mình cũng thấy yêu cuộc sống . Lính là vậy đấy .
 Những chuyên vui , hài hước bôi bác lẫn nhau cũng nhiều , lấy cái vùng miền hay quê quán để tạo ra những câu chuyện vui chọc ghẹo nhau hàng ngày song chẳng mấy ai tự ái cả . Nào HN 1 mét vuông 4 thằng ăn cắp , Thái bình có chiếc cầu Bo , Hà Nam Ninh 9 củ thành 10 , Vĩnh phú mắt toét , Hải hưng bắn máy bay ta , Thanh hóa bắn rơi máy bay hết xăng , ăn rau má phá đường tàu ...vv cũng chỉ là những tiết mục văn nghệ cho vui châm chọc nhau cho đỡ buồn thế thôi chứ chẳng ai giận chẳng ai hờn nhau làm gì . Lính là vậy đấy .
 Những ngày đầu trút bỏ quân phục trở về cuộc sống đời thường xa rời chiến trận , vẫn mãi nhớ về những giây phút này , nhớ đến khắc khoải không nguôi vì đó cũng chính là một phần đời của thằng lính đã đi qua một thời ở cái tuổi đẹp nhất . Lính là vậy đấy .
 
 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #49 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 03:50:32 pm »

 Thế rồi chúng tôi cũng nhanh chóng càn quét chà đi sát lại khắp khu vực hướng nam núi Kimry xong , lùng sục khắp các bờ suối hang cùng ngõ hẻm của khu vực này cho đến 1 ngày về đến ngã 3 cây me ngọt trong núi Kimry . Đây là một cái phum cũ chắc có từ lâu đời rồi vì nhà cũ với sàn vách gỗ cầu thang lên nhà sàn khá chắc chắn 5 7 cái , chung quanh nhà mới cây và lá thốt nốt lợp che vách mái cũng nhiều , hàng dãy dài chạy khắp cái khu vực ngã 3 nhưng luôn là im lặng không một bóng người thường thấy ở đây , vườn tược cây cối sơ xác tiêu điều cây rừng mọc lấn cả vào phum , những cây rau ăn được mọc bò lan khắp bờ rào mái nhà hàng cọc cây và ngay gần cái ngã 3 đó có một cây me không to lắm đường lính cỡ trên 30cm là cùng mọc sâu bên trong vườn cách ngã 3 cỡ 30m , cái ngã 3 vuông vắn hình chữ T đi về 3 hướng của con đường đất cỏ cây mọc trùm cả ra đường .
 Nếu đứng ở giữa trung tâm ngã ba cây me này chúng tôi có 3 hướng khá chính xác ở sườn tây của núi Kimry , 1 đường hướng lên phiá bắc , 1 đường đi về phía nam và sẽ ra đường 136 và một đường sẽ đi về hướng đông chạy song song với sườn núi Kimry , từ ngã 3 cây me này đi về hướng đông khoảng gần 2km nữa sẽ có một sườn dốc với chiếc cầu gỗ khá chắc chắn bắc ngang , đường to rộng hơn và nhà lá bám dọc 2 bên đường , qua khỏi chiếc cầu gỗ lại là một cái phum khác cũng nhiều nhà gỗ mái ngói cũ cùng nhà lá bám quanh với những bãi đất quang đãng trước mặt và xa xa dốc đổ xuống là khe những dòng suối nhỏ quanh co hướng mặt về phía nam , cũng vẫn đi thẳng tiếp theo con đường đó 700m xuống cuối con dốc và xoay về hướng chính nam sẽ qua thêm chiếc cầu gỗ nữa khá chắc chắn có thể cho xe cơ giới đi lại với thành lan can cầu bằng gỗ , phía dưới lòng suối rộng trên 50m là những cây hoa súng nở bông tím đỏ cả một khúc suối , nước sâu trong vắt và bên kia bờ có một bãi phẳng ngay mép suối rất tiện cho lính tắm giặt , nước ăn cũng được lính chúng tôi đến đây lấy về ăn chỉ cần đứng trên cầu thả cái gầu như múc nước giếng sẽ có được những gầu nước sạch ( sau này sang cuối tháng 3.1980 căn cứ của E209 tiền phương của chúng tôi có chuyển về đây 1 thời gian khoảng gần 2 tháng nên địa hình khu vực này chúng tôi nắm càng rõ ) , qua khỏi cầu gỗ thứ 2 đi theo con lộ đất đỏ đấy thì cũng về đến đường 136 với mấy dãy nhà ngói ven đường là nơi E bộ đóng quân , nhưng từ đó ra đến nơi cũng trên 20km nữa đường rừng , có đoạn  đường rộng đang đắp dở thoáng rộng có đoạn đường cũ khó đi cây cối mọc tràn ra đường nhưng xe ô tô vẫn chạy được và thỉnh thoảng vẫn thấy vết bánh xe bò mới trên những đoạn đường in trên đất cát .
 Cũng từ ngã 3 cây me ngọt đó đi về hướng bắc sẽ qua một dãy nhà trong phum xen lẫn nhà cũ vách sàn gỗ với nhà lá là con đường cặp với sườn tây của núi Kimry , gần phum cây hoa cứt lợn mọc tràn cả xuống mặt đường chỉ còn là con đường mòn nhỏ tẹo , bên phải sát với rừng cùng cây lúp xúp vài ụ mối nhỏ gần mấy cây to cách đường 15m , bên trái thoáng hơn không có cây to nhưng lại nhiều cây hoa cứt lợn mọc um tùm , những thân cây bằng cỡ bắp đùi người có thể trèo lên mà đi được , chúng mọc cao đổ xuống rồi những mầm khác lại mọc lên từ thân đổ đó vươn cao lại đổ xuống cứ thế tạo thành một dãy của bùng nhùng cây cứt lợn giăng giăng trên khoảng rộng đó tạo thành phía dưới như những cái hang ngay sát con đường mòn nho nhỏ và dưới những rãnh thoát nước cỏ gà mọc dài trùm kín đan xen cây cứt lợn che kín chẳng nhìn thấy gì phía dưới mặc dù đang ở giữa ban ngày , ra khỏi đó một đoạn thì rừng bằng phẳng với cây táo dại rất nhiều mọc ngang lối đi , rừng gỗ dầu thưa hướng lên phía bắc và xa xa có vài thửa ruộng với mấy ngọn lúa ma phất phơ sau những cánh rừng trảng trống , chẳng đâu nhiều cây hà thủ ô bằng ở đây vừa to thân mập vừa dài ngọn cho nước xanh biếc như nước chè tươi .
 Một cái ngã 3 điêu tàn của chiến tranh đang ở đó và cả từ trước thời những người lính QTN VN chúng tôi có mặt ở đây cái ngã 3 này chắc cũng đã chứng kiến nhiều tàn tích của chiến tranh bởi nó không phải sự điêu tàn của cuộc chiến tranh ngày hôm nay mà nó đã điêu tàn từ những cuộc chiến tranh ngày hôm qua trên đất nước Chùa tháp này . Hình ảnh những cái phum kiểu này chúng tôi đã biết quá nhiều suốt những chặng đường hành quân 1 năm nay rồi , chẳng có gì khác lạ chẳng có gì là mới mẻ hết , đâu đâu cũng vậy hình ảnh này luôn là con số nhiều mà mắt những người lính thường thấy . Với tôi lúc đầu nó cũng vậy thôi nhưng sau này thì cái ngã 3 bình thường này gắn liền với 2 kỷ niệm không thể nào quên , một khoảng khắc nhỏ của cuộc đời người lính mang theo đến hết cuộc đời cùng sự suy ngẫm khiến nhiều đêm giật mình tỉnh giấc .
 Thời gian đó khoảng giữa tháng 12.1979 lúc đó D7 chúng tôi càn về đế ngã 3 cây me ngọt hướng núi Kimry , cũng khoảng tầm trưa rồi chúng tôi mới về đến đấy , lính chẳng có đồng hồ để biết rõ thời gian mà chỉ là ước đoán cũng khoảng 11h gì đó , lần đó do cắt đường thế nào đó mà chúng tôi đi lệch hướng vào ngã 3 cây me lên phải đi ngược từ dưới hướng nam lên khá xa khiến lính tráng mệt mỏi cáu chửi lầm bầm trong miệng với nhau , trời thì nắng nóng vai vác nặng cũng bởi mới được bổ sung thêm lương thực , nhìn thằng nào cũng mồ hôi mồ kê dòng dòng mặt mũi đỏ gay , mấy tay du kích K cũng phờ phạc đường đất với đi bộ gồng gánh , lúc này hội du kích K cũng đã khoác súng rồi lúc đầu chúng tôi còn tháo kim hỏa cất đi vì sợ họ 2 mặt nhưng sau một thời gian ở với nhau , hiểu nhau hơn có tình cảm với nhau nên tin tưởng dần và vũ khí thu được của Pốt đều giao cho họ giữ cả , đêm cũng đã bắt đầu phân công họ cùng gác , vài thằng tù binh Pốt sau một thời gian ở với QTN VN cũng dần quen , chúng nó luôn mồm khen ở với QTN VN sướng quá có thể xin đi theo mãi cũng được , những lúc dỗi hỏi đùa chúng bây giờ cho đi theo Pôn Pốt nữa thì có bỏ đi không ? Thằng nào cũng lắc đầu quầy quậy than khổ than nhục , có thằng không ngần ngại kể về gia cảnh của mình với những uất ức chế độ Pôn Pốt đến tận xương tủy mà vẫn phải cầm súng chiến đấu chống lại QTN VN mặc dù lòng nó không muốn , có thằng chỉ hiểu đơn giản đi lính Pốt là bởi Ăngka bắt phải như vậy , nếu không đi mẹ cha anh em nhà nó sẽ phải chết , thế thôi còn nó chẳng biết gì nữa , đánh nhau là điều nó không muốn nhưng nó cũng chẳng có đường để mà lùi dù là lùi vào bất kể cái só nào trên cái đất nước lắm đau thương này . Trong cái đội hình C2 chúng tôi khi đó trên 30 con người thì trên 10 thằng là du kích K và tù binh Pốt mới bị bắt sống gần đây và trong đội hình hành quân thì luôn có những thằng lính mặc đồ đen quấn khăn cà ma nhưng lại đội mũ cối AK khoác vai gành gồng cùng bước .
 Đã có những trận đánh nhỏ lẻ diễn ra và mấy tay du kích K cũng như tù binh Pốt xách súng truy đuổi địch hăng hái lắm , họ cũng rất trật tự giữ kỷ luật chiến đấu nghiêm , lăn xả vào trận đánh không hề có chút vụ lợi hay hèn nhát , trong số tù binh tôi có cảm tình nhất với một thằng , nó chăm chỉ lắm , chất bao nhiêu đồ nặng lên vai nó thì nó cũng mang chẳng hề kêu ca câu nào , thu súng tháo kim hỏa ấn cho nó thì nó cũng khoác lên người , tôi hay đùa gọi nó là cái xe cải tiến xe thồ hàng , thế rồi một lần đụng địch C2 hạ thằng Pốt ngay giữa trảng trống súng rơi ngang xác chết thì nó ném hết đồ nó đang mang vận động lên thu súng rồi cứ thế theo đội hình vận động của C2 đánh lên phía trước , lúc đầu tôi cảnh giác với nó sợ nó làm phản nên vận động sát nó trong tư thế cảnh giác mọi hành động và nếu nó có phản ứng bất thường gây hại cho đồng đội của tôi thì ngay tức khắc tôi sẽ là người kết thúc nó trong nháy mắt . Nhưng không , nó nổ súng về hướng địch xung phong truy đuổi rúc bờ chui bụi lùng sục khắp nơi như một chiến sỹ QTN VN trong trận đánh và có lần nổ 2 phát súng nó quay lại nhìn tôi nhoẻm miệng cười , nụ cười của người chiến thắng của kẻ có niềm tin trên gương mặt rạng ngời của nó , nụ cười để tôi hiểu rằng nó đã là đồng đội của chúng tôi .
 Chúng tôi đi về hướng bắc của ngã 3 cây me rồi dừng lại nghỉ trưa cơm nước , cũng là nghỉ tạm nhưng cũng có sự bố trí đội hình cẩn thận chứ không đến nỗi gặp chăng hay chớ , C bộ đóng ở cái nhà sàn gỗ cuối cùng phum bên phải đường , nhìn sang dãy nhà bên kia là bếp anh nuôi cùng nhóm du kích tù binh K ở đó , họ dừng chân là lo chuyện cơm nước cho lính ai vào việc nấy cho nhanh có cơm ăn rồi tranh thủ nghỉ trưa ít phút để có sức chiều càn tiếp , con đường to thì cỏ gà và cây cứt lợn mọc kín chỉ còn con đường mòn nhỏ từ phum đi ra bên phải đường cạnh cái rãnh thoát nước như cái mương nhỏ dưới chân , từ C bộ đi ra khoảng 70m bên phải đường 15 20m là B1 dừng chân quanh cái ụ mối , hơi chếch lên trên tý chút qua bên kia đường cách B1 khoảng 50m là B2 dừng chân quanh một gốc cây to khá mát , dưới C bộ là hỏa lực dừng chân qua bên kia đường là B3 đang ở , chúng tôi dưới sự bố trí đội hình của anh Phượng rồi nhanh chóng ổn định nằm chờ cơm , sau một buổi càn quét trong rừng lại còn đi lệch mất hướng chút ít làm lính thấy mệt mỏi nên cũng tranh thủ móc cái võng nghỉ ngơi , súng đạn dựng dựa quanh chỗ nằm sao cho tiện nhất , nhiều ngày nay tấn công địch trong tư thế áp đảo làm lính cũng chủ quan kinh địch ít để ý chuyện canh phòng cảnh giới . Trên C bộ chúng tôi thì trễm trệ leo lên nhà sàn ở móc võng nghỉ ngơi , đạp tung tấm vách cho có gió mát lùa qua , tầm nhìn rộng về hướng đông nam chứ nằm dưới sàn nhà vừa nóng vừa khuất tầm nhìn vì cây dại mọc sát cột nhà sàn .
 Khoảng gần 12h trưa anh nuôi đứng giữa khoảng sân rộng gần C bộ gọi to anh em lên lấy cơm về ăn , anh nuôi thuộc loại khá chuyên nghiệp chỉ chưa đầy 1h đã có cơm ăn cho trên 30 con người , bộ phận này khá chu đáo và toàn người rất có tâm cùng nhiệt tình với anh em , họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình và cả tham gia chiến đấu nếu cần thiết , anh nuôi của chúng tôi đánh nhau cũng chẳng kém gì lính bộ binh cả và phần lớn họ là lính từ thời chốt chặn BGTN cơ bản là lính 1977 và 2 thằng lính 1978 và họ lo chuyện bát cơm manh áo cho chũng tôi không chê vào đâu được , ngay chuyện cải thiện ăn uống cũng một tay họ lo cả , anh em kiếm thêm cái gì về cũng mang hết lên giao anh nuôi tự làm rồi chia đều cho anh em trong đơn vị cùng hưởng , ngay bữa trưa đó cũng có món rau cải thiện do anh em và anh nuôi hái được bên bờ rào về nấu canh cho đơn vị có chút chất rau giữa rừng .
 Các bộ phận lên bếp nhận cơm về ăn trên C bộ cũng vậy , mấy anh em quây quần bên chậu cơm canh trên cái nhà sàn đó , gắp thức ăn xong chan canh vào rồi lui ra một góc mà ăn cho đỡ nóng xúm nhau lại làm gì , tôi ra chỗ mới đạp vách đổ thành cửa sổ ngồi ăn nhìn ra xa , nắng trưa vàng gay gắt bốc nhiệt hoa hoa theo hướng mắt mình . Mùa khô Campuchia đã bắt đầu một mùa mới và theo kinh nghiệm thì cũng chính là mùa ra trận , thằng Pốt cũng đã nằm ngủ sau 1 mùa mưa giờ đây là lúc nó bắt đầu tỉnh dậy và thằng Pốt chắc chắn không bỏ qua cơ hội này để vực dậy một thây ma từng làm chấn động dư luận Thế giới .
 Giật mình tôi nhẩm tính tháng 12 rồi .
 À ! một năm qua rồi từ trận đánh đầu đời đã qua ngày đó , bao nhiêu thăng trầm bao nhiêu biến đổi kẻ mất người còn ở cái mốc 1 năm này ? Nhưng ít nhất cũng hiểu rằng giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến cũng đã đi qua và cái giá để người những lính C2 chúng tôi đã phải trả thì không hề rẻ chút nào .
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM