Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:56:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Theo chân Anh, Tình Nguyện Quân Sư đoàn 7 BB (tt "Mũi chính diện..." - phần 5)  (Đọc 375176 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #200 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2010, 07:36:08 pm »

Chúng tôi về đến căn cứ của đơn vị tại núi Novea chiều tối 27 tháng Chạp tức là trước Tết Nguyên đán 3 ngày , căn cứ doanh trại đơn vị tang hoang sau gần 3 tháng bỏ trống không người chăm nom , dân K ở phum quanh đó vào tháo dỡ đi một số tấm tôn dựng vách trong những nhà các B , hội trường C bộ và nhà anh nuôi mái lợp tranh thốt nốt bị tốc hàng mảng , mọt tre gỗ dụng lả tả sân thềm cỏ mọc um tùm cột cờ nghiêng ngả .
 Doanh trại đơn vị cần sửa sang lại nhưng ngay lúc này thì không thể nên đêm hôm đó chúng tôi tập trung hết trên hội trường móc võng nằm với nhau , lúc này lính cũng quá mệt mỏi rồi , cũng tưởng đi vắng thì ở nhà có người trông nom cơ sở vật chất của đơn vị để lính đi tác chiến về có cái dùng ngay hay có chỗ nghỉ ngơi sau nhiều ngày vất vả , ai ngờ anh em trông cứ co cụm hết về D bộ nên tất cả những doanh trại khác trong D7 bỏ hoang đó mặc sức cho dân vào phá hay thời tiết mưa gió hoành hành .
 Hiện tại sức khỏe của lính D7 suy sụp trầm trọng và cũng chính ngay đêm hôm đó , cái đêm đầu tiên chúng tôi mới từ Pousat trở về căn cứ thì gần như cả đêm lính vận tải D và anh em khác còn khỏe trong D7 liên tục phải chuyển đi lên viện phẫu C23 những ca cấp cứu do anh em lên cơn sốt rét ác tính , vài anh em đã tử vong trên đường khi đang khiêng cáng chuyển lên viện , súng đạn chưa hạ gục nổi họ nhưng siêu vi trùng sốt rét của cánh rừng Pousat đã hạ gục họ , số khác không chết thì phát điên phát dại gào thét ăn nói lảm nhảm không còn tự chủ được bản thân mình , anh em phải đè xuống lấy đũa ngáng ngang miệng không sợ cắn phải lưỡi , số khác đỡ hơn rét run từng cơn trên võng cố chịu đựng mà tiếng rên vẫn tự bật ra khỏi miệng .
  Người bình thường sốt 39 40 độ C là thấy người nóng như hòn than rồi nhưng đối với chúng tôi lúc đó có người sốt cao đến 41 độ cá biệt có người nhiệt độ cao hơn nữa , không ai có thể chịu nổi sốt ở nhiệt độ 42 độ C nhưng có vài trường hợp sốt ở nhiệt độ 41,5 độ C mà không chết , sức chịu đựng của những người lính chúng tôi phải gọi là phi thường , có thể do sốt nhiều rồi nên thân nhiệt quen bởi vậy khi cơn sốt ác tính đến thì với nhiệt độ đó chưa đủ để quật ngã những người lính .
 Thằng lính sau một đêm sốt rét ác tính nếu không chết thì tỉnh dần vì nó mới từ địa ngục trở về , Diêm vương chê không nhận nó thì nó tự khắc khỏe dần lên , thằng lính sốt rét ác tính khi lên cơn co giật đùng đùng và cái da mặt nó sau một đêm cháy đen như đít nồi rồi vài ngày sau bóc ra từng mảng da mặt đen xì cháy khô và đầu óc nó ngu ngu ngơ ngơ ăn nói lảm nhảm như người mất trí , vài ngày sau ăn uống đầy đủ nó sẽ tỉnh dần khôn ra dần .
 Còn những thằng lính chỉ sốt rét bình thường khác thì sau những cơn lạnh đông cứng tim gan phổi phèo của nó cái lạnh từ trong tận con tim lạnh ra từng cơn từng cơn khiến 2 hàm răng gõ vào nhau còng cọc , miệng nó mím chặt mà vẫn phải bật ra tiếng rên , tiếng rên nó làm cho thằng lính sốt rét thấy nhẹ người hơn , bao nhiều quần áo chăn màn nó quấn hết vào người rồi mê man trong cơn sốt cao cho đến khi sốt nóng , cả cơ thể nó nóng rừng rực nó cởi bằng hết nó đạp ra bằng hết cho đến khi toát mồ hôi , mồ hôi chảy như suối ướt đẫm cơ thể nó và nó tỉnh dần , nó khát nước nó uống ừng ực hàng lít nước vẫn chưa đã cơn khát , người nó dã rời rũ rượi như một bóng ma đầu nó đau như búa bổ cảm giác bộ óc của thằng lính sốt rét khô đến vón hòn vón cục nó long ra khỏi hộp sọ , hơi thở của nó nóng như bếp lò mắt nó đỏ rực , sau đó nó thấy đói và muốn được ăn , ăn để bù lại những gì nó đã mất trong cơn sốt rét , nhiều triệu hồng cầu trong máu của nó mới bị siêu vi trùng sốt rét phá hủy trong cơ thể mà thằng lính không biết và nhiều người lượng hồng cầu trong máu còn lại dưới mức báo động nguy hiểm đến sự sống .
 C2 của chúng tôi lúc đó mất sức chiến đấu gần hết , cả C chỉ có vài người chưa bị bệnh sốt rét quật ngã số còn lại người bị nặng người bị nhẹ hơn , cũng may có người bị nhẹ nên còn có người chăm sóc lẫn nhau khi người này ốm người kia lo hoặc ngược lại còn anh em khác nặng quá thì chuyển lên viện E chữa trị . Sau này chúng tôi mới được biết không phải chỉ có lính D7 bị sốt rét nặng như vậy mà cả E209 của chúng tôi đều chung cảnh ngộ của bệnh sốt rét rừng từ rừng F339 , viện E F đầy cứng lính sốt rét cho đến viện QD4 hỏi đâu cũng thấy lính E209 .
 Chúng tôi chuẩn bị đón Tết ta năm 1979 sang năm 1980 , ngày Tết cổ truyền cấp trên cũng lo cho lính khá đầy đủ , cũng măng khô miến dong , cũng nem cũng thịt , rồi thuốc lá chè khô rượu vài chai cho lính có cái chúc tụng nhau , lính chẳng dám đòi hỏi có từng đó là thấy tốt lắm rồi , anh nuôi cũng chế biến món này món kia cho anh em có cái cải thiện vui ngày Tết nhưng phần lớn anh em ốm đau sốt rét nặng quá không ăn nổi , cái Tết ta thứ 2 chúng tôi ăn Tết trên chiến trường K và mỗi cái Tết là 1 năm qua đi , mỗi năm đơn vị chúng tôi lại mỗi khác .
 Trên D đưa xuống Y tá cho C2 lo chuyện ốm đau của lính , ngoài mấy viên thuốc sốt rét với vài viên thuốc bổ B1 là chấm hết , cùng lắm thì tiêm Quinin cho những người sốt nặng quá và tiêm thì bắt buộc Y tá phải tự tay tiêm cho cho anh em song hình như thuốc Quinin tiêm không có nhiều cơ bản vẫn là thuốc viên dùng uống .
 Đêm giao thừa năm đó đơn vị cũng tổ chức liên hoan cho anh em đón năm mới trên D bộ nhưng C2 ở xa và anh em ốm đau gần hết nên xin tự tổ chức tại hội trường C2 , khoảng 7h tối chúng tôi tập trung về hội trường , anh em cố gắng động viên nhau lên chơi chung vui với nhau dù chỉ là ít phút rồi về nghỉ cũng được gọi là tý chút không khí ngày Tết , có người ốm quá chẳng muốn tham gia nhưng anh em khác thì muốn họ có mặt cho đỡ buồn nên đã mang theo cả võng móc lên giữa những dãy cột ở hội trường cho anh em ốm có chỗ nằm nghỉ mà vẫn tham gia sinh hoạt ngày Tết cùng anh em khác . C2 của chúng tôi là đơn vị rất kém về tiết mục văn hóa văn nghệ , chuyện hát hò thì nói thật là không thể ngửi nổi , chẳng có lấy nổi một giọng ca xuất sắc cấp C , tay đàn lởm khởm nhất thế giới Ban B phó cũng đi vắng khỏi đơn vị và lúc này không ai còn hơi sức đâu mà hát nữa nên sau màn nghiêm nghỉ chào cờ là anh Thao CTV phó chuyển qua tình hình nhiệm vụ rồi chuyển sang thành buổi rút kinh nghiệm chiến dịch tải gạo cho F339 lúc nào không hay , lính tráng chúng tôi ngồi dưới nghe ngán ngẩm lắc đầu với nhau cả , những chuyện chiến đấu với nhiệm vụ chúng tôi nghe mãi rồi , chán lắm rồi giờ đây một chút thời gian sinh hoạt chuyện trò cho bớt chút nặng nề cuộc sống lính thì lại bị ông CTV phó chuyển thể sang hướng nhiệm vụ công tác và cứ cái đà này có lẽ những thằng lính như chúng tôi sẽ thành người máy chiến đấu mất , cũng may anh Tập CTV đại đội mặc dù đang ốm thấy được sự lạc đề trong sinh hoạt đơn vị buổi tất niên lên đã chen vào hướng buổi sinh hoạt đơn vị về đúng vị trí của nó .
 Thôi thì không hát hò gì được thì kể chuyện vậy , anh Tập kể những câu chuyện vui trong đơn vị từ trước kia hay chuyện nhà chuyện gia đình , hướng buổi sinh hoạt như buổi anh em tâm sự chuyện riêng của mình và mọi người tham gia cùng kể chuyện , rồi bình luận nhận xét , có người mang chuyện tiếu lâm ra kể cho vui rồi cùng cười , chúng tôi đã tìm lại được nụ cười sau nhiều ngày vất vả gian khổ cùng ốm đau bệnh tật đó . Sau buổi sinh hoạt đại đội chúng tôi cũng tổ chức sang chúc Tết từng B , anh em chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và câu cuối cùng của lời chúc đầu năm bao giờ cũng là : Chúc mày giữ được cái gáo mà trở về , có lẽ điều đó đối với chúng tôi khi đó quan trọng hơn cả .
 Thời gian cứ thế qua đi chúng tôi lại trở về với cuộc sống lính , củng cố đơn vị học chính trị , sửa sang doanh trại đào thêm hầm hố chiến đấu , giao thông hào thông giữa các B , anh em ốm đau cũng khỏi dần và cùng tham gia công tác , chúng tôi có lệnh vừa củng cố đơn vị vừa huấn luyện đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới vừa sẵn sàng chiến đấu .
 Khoảng giữa tháng 3.1980 anh Phượng gọi tôi ra ngoài rồi không cần úp mở anh đi thẳng vào vấn đề cần nói :
- Đơn vị sắp nhận lệnh đi tác chiến , chỉ vài ngày nữa là có lệnh xuống thôi , ngay bây giờ có 2 xuất đi học băng bó cứu thương trên E em có muốn đi học không ? Nếu em đi thì lần này anh đi tác chiến sẽ có nhiều khó khăn hơn nhưng anh muốn cho em lựa chọn .
 Suy nghĩ giây lát tôi trả lời anh Phượng :
- Đi học gì với em cũng được nhưng em đi học mà anh đi tác chiến như vậy em cũng không yên tâm , thôi anh chọn người khác đi .
- Vậy thì trong C mình theo em thì nên chọn ai ? Trên C bộ chọn thằng Việt rồi còn thằng nữa nên chọn thằng nào ?
- Theo em nên chọn Vinh lùn anh ạ , nó vừa nhanh nhẹn vừa là thương binh chưa đủ loại để ra quân công việc băng bó cứu thương trong chiến đấu hợp với khả năng của nó .
 Thật sự là tôi hơi thiên vị Vinh lùn hơn mọi người khác , điều tôi muốn lúc đó không hề xa xôi quá chỉ vì muốn Vinh lùn tránh được chiến dịch truy quét sắp tới , bởi tôi không muốn Vinh lùn phải gian khổ như chuyến tải gạo vừa rồi điều gì tôi giúp được Vinh lùn là tôi làm không cần ai biết kể cả Vinh lùn nếu tôi không nói ra , anh Phượng đã đồng ý với ý kiến của tôi chọn thằng Việt và Vinh lùn đi học cứu thương đợt đó . Chính vì sự lựa chọn này mà tôi cũng không thể ngờ được rằng từ đây 2 chúng tôi không còn được ở gần nhau nữa , sau 3 tháng học cứu thương tại F bộ toàn bộ nhóm lính đi học đợt đó của E209 cùng một số cán bộ nòng cốt khác chuyển hết sang tiểu đoàn dân vận 429 chuyên lo chuyện đi phát gạo cho dân K , họ ăn cùng ở cùng dân K cho mãi đến năm 1982 chuyển về tỉnh đội tỉnh Bến tre QK9 rồi ra quân từ đó . Số anh em này làm công tác dân vận ở những huyện quanh thủ đô Phnom Penh có điều kiện tốt nên cuộc sống khá đầy đủ , Vinh lùn và thằng Việt sau này có vài lần về đơn vị cũ thăm lại chúng tôi .
 3 ngày sau chúng tôi nhận lệnh vào càn quét trong thung lũng Tha Ma băng hướng Am leeng bắt đầu chiến dịch càn quét cuối mùa khô năm 1980 , trước ngày đơn vị đi tác chiến anh Tập CTV C2 được đi nghỉ phép , đây là đợt nghỉ phép đầu tiên cho SQ sau khi có lệnh tổng động viên vào đầu năm 1979 ở sư đoàn 7 bộ binh . Anh Tập phấn khởi ra mặt chuẩn bị đi phép , ngoài nghỉ phép có thêm nhiệm vụ điều tra lý lịch của ai đó bên C3 nữa anh ấy từ ngày nhập ngũ chưa từng nghỉ phép hay bước chân về nhà bao giờ , 6 năm lăn lóc 2 cuộc chiến tranh từ người lính trưởng thành lên làm đến CTV đại đội hôm nay mới có cơ hội được về thăm lại gia đình lòng anh ấy chắc vui lắm , chúng tôi cũng vui lây cùng anh Tập mặc dù vẫn biết chẳng bao giờ những thằng lính như chúng tôi được về phép thăm gia đình cả , chúng tôi không có quyền để ước mơ điều đó bởi chúng tôi chỉ là những thằng lính , chiến tranh ở 2 đầu Đất nước và lệnh tổng động viên đã lấy đi cả cái quyền nhớ đến gia đình người thân của những thằng lính chúng tôi .
 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
SaigonGuider
Thành viên
*
Bài viết: 540


Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...


« Trả lời #201 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2010, 08:16:06 pm »

Úi dào! Đang tìm hỏi địa chỉ Bác BY để gửi một ít... thuốc đặc trị sốt rét
Hóa ra... không phải bị "sốt" à?
Thế thì cứ viết tiếp, còn em thì... xem tiếp nhá! Cheesy Cheesy
Logged

CHIẾN BINH ĐẤT NUNG - Một đời chinh chiến, đôi khi chỉ vì... một nụ hôn...!

Tôi có một niềm tin: Các ANH rồi sẽ về, dù có... muộn!
vinasoldier
Thành viên
*
Bài viết: 32


« Trả lời #202 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2010, 11:47:25 pm »

Không phải là siêu vi trùng sốt rét đâu lão BY ơi,gọi là ký sinh trùng sốt rét mới đúng(Siêu vi trùng=vi rút=virus,như là virus cúm A H1N1...)SR cơn đúng như BY mô tả,qua 3 giai đoạn:lạnh run,sốt nóng,vã mồ hôi,giữa 2 cơn hầu như là bình thường.Còn SR ác tính(SRAT) thì có thể sốt vô tội vạ,kèm các triệu chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng về thần kinh,thận,gan,phổi,tiểu huyết sắc tố...Chưa kể là KSTSR còn phá hủy hồng cầu gây thiếu máu trầm trọng(Lâu dài đưa đến suy tim...)Mà đâu chỉ có SR,còn bệnh sốt ve mò cũng khá nguy hiểm,bệnh cũng tương tự làm khó phân biệt,làm cho điều trị không đúng
Logged
bschung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 870


"Mùa sang khấp khểnh tôi về...! "


« Trả lời #203 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:54:27 am »

   Bác BY mô tả bệnh SR với đầy đủ triệu chứng còn hơn cả trong Y văn đã ghi,có khi còn cụ thể hơn như trong trường hợp "bộ óc khô vón cục muốn long khỏi hộp sọ-lúc lắc đầu ),chỉ có người từng bị SR hành hạ mới có thể mô tả một cách chính xác ,sống động đến như vậy  Grin ,hehe thế nên lão đừng buồn nữa nhé ,về cái chuyện ngày mới ra quân về lại HN,mấy cô gái Hà thành da trắng,chân dài tóc Demi garson chê anh lính k : nào là nó lính k về giết người nhu ngóe lấy nó nó vận vào người,nó SR như vậy hỏng hết các thứ rồi không có khả năng làm chồng đâu..!..được cô thông cảm bỏ qua mấy truyện kia thì lại thủ thỉ -Nghe nói các anh ở bên ấy kiếm được nhiều Vàng lắm phải không anh ..Huh thôi cũng...mấy chục năm rồi,bỏ qua cho các "chị" ấy, họ cũng có lý đấy chứ,sao bác thù dai thế  Grin
  Ngày em vào sư 7 ,gần như 100% cán bộ C trở lên đều có nước da tái mét,môi thâm,mắt trắng rất đặc trưng của sốt rét (sau này em mới biết thế).
Logged

Nhân sinh bất như ý sự thường bát-cửu
chiencsb
Thành viên
*
Bài viết: 16


« Trả lời #204 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 06:42:48 pm »

Cách đây chuc năm em đươc điều môt thời gian vào TN chống tin lành đề ga, cũng phát cho thuốc chống sốt rét, nhưng vào không thấy ai bi cả, chắc hết rồi nhưng dư âm vẫn còn lớn nên người ta phát cho đống thuốc, nhưng dù sao vãn hổt bon em chỉ cố ăn nhiều ớt và tỏi để phòng.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2010, 10:41:52 pm gửi bởi chiencsb » Logged
Đình-Hải
Thành viên
*
Bài viết: 11


« Trả lời #205 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 08:08:50 pm »

Thành viên đã sửa bài nên xóa.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2010, 09:49:06 pm gửi bởi vaxiliep » Logged
bachdanggiang
Thành viên
*
Bài viết: 12


... HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH CA


« Trả lời #206 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 10:20:36 pm »

Thành viên đã sửa bài nên xóa.

Các bài đã sửa trên sẽ xóa sau 12h.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2010, 09:49:55 pm gửi bởi vaxiliep » Logged

...Giang thuỷ đình hàm tàng nhật ảnh
Tích nghi chiến huyết vị tằng can.
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #207 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2010, 11:30:44 pm »

Lần truy quét đợt này của D7 chúng tôi trong Amleeng cuối mùa khô 1980 thuộc loại truy quét định kỳ thì phải , các tiểu đoàn bộ binh trong E209 thay nhau vào càn quét , trước khi chúng tôi vào thì D8 cũng mới đi ra khỏi khu vực đó . Đợt truy quét lần này không kéo dài như mọi lần mà chỉ diễn ra chưa đến một tháng , không vất vả luồn sâu như trước kia mà chỉ là càn quét trong rừng Amleeng ngày đi đêm nghỉ , thời kỳ đó khu vực Amleeng gần như không có địch , hãn hữu lắm mới gặp địch lẻ tẻ 1 2 thằng , từ xa chúng phát hiện ra lính mình là lủi mất dạng suốt cả thời gian truy quét đó gần như không mấy khi chúng tôi phải nổ súng .
 Chúng tôi cũng chẳng biết tại sao địa danh có cái tên thung lũng Tha Ma Băng , tôi thì vẫn nhớ rằng trên tấm bản đồ chữ rắn giun đó có thêm chữ viết hệ La tinh và nó ghi như vậy ở điểm giữa dãy núi bên trong Âmleeng và núi Kimry , anh em khác thì nói rằng suốt cả chiến dịch GP Amleeng dân K và lính Pốt chết ở đây nhiều quá nên khu vực này nhiều ma , cả khu vực này là bãi Tha ma và băng là băng giá là sự lạnh lùng , bãi tha ma lạnh lùng cứ hiểu thế lính hay có cách đặt tên cho những địa danh từng đi qua và cũng chỉ có lính mới hiểu được cái chỗ đó tại sao nó tên như vậy . Thôi thì gọi là gì cũng được chỉ biết rằng nó là cái thung lũng khá là rộng nếu đi từ ngã 3 trong của Âmleeng cắt hướng bắc ghé đông khoảng 25 độ đi sâu vào khoảng 30km nữa sẽ tới Thung lũng Tha Ma Băng này , chúng tôi nghe nói sau khi lính F9 và E141 của F7 giải phóng Âmleeng xong thì E141 ở lại xây dựng căn cứ tại đó một thời gian nhưng sau này không còn ở đó nữa .
 Khoảng giữa tháng 4.1980 chúng tôi hành quân từ thung lũng Tha Ma Băng đi ra lúc này bắt đầu mùa mưa rồi , những trận mưa đầu màu lắc rắc rơi trên đầu nhưng không khí vẫn còn nóng và oi bức lắm , ngày thì trời nắng nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa nhỏ trong cái ánh nắng đó , suốt mùa khô lính chúng tôi đã quá quen thuộc vùng rừng núi này nên chuyện nước uống không có gì đáng ngại nữa , chuyện ăn uống của lính chúng tôi vẫn là không thay đổi và cái chúng tôi thấy thèm được ăn không phải là thịt cá mà lại là rau xanh , nhiều thằng lính chỉ ước mơ được ăn một bữa rau luộc thoải mái , rau gì cũng được miễn là rau xanh .
 Hôm đó chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra gấp sẽ có xe chờ đón chúng tôi tại ngã 3 Amleeng ngoài và lúc đó D7 chúng tôi đang ở cách ngã 3 Amleeng trong khoảng trên 10km , 1 ngày để hành quân ra trên 20km thì quá đơn giản đối với lính D7 chúng tôi chẳng có điều gì để phải bàn bạc nữa , sáng sớm chúng tôi bắt đầu hành quân ra lính tráng chúng tôi khá gọn nhẹ nên đi rào rào đi ầm ầm , ai cũng thấy phấn khởi khi biết tin được quay ra kết thúc những ngày càn quét trong rừng buồn như châu chấu cắn , cứ nghĩ đến được về căn cứ là chúng tôi thấy hăng hái hành quân dồn bước không biết mỏi mệt , mưa mặc mưa , nắng mặc nắng , có lúc trời nắng nhìn thằng nào đó đi trước mặt mình vẫn khoác áo mưa trùm kín trong nắng đến là buồn cười , chẳng biết do trời hành hay sao mà hôm đó tôi lại hơi ngây ngấy sốt khi đi ra , có thể do thời tiết nắng mưa thất thường và cơ thể tôi đang yếu không thích nghi kịp nên phát sốt thế này , không nóng lắm nhưng uể oải mệt mỏi của người ốm .
 Khoảng trưa thì có lệnh nghỉ cơm nước rồi hành quân ra , lúc này chúng tôi đã đi qua khỏi ngã 3 Amleeng trong khoảng 3km rồi , từ đây ra đến ngã 3 ngoài còn khoảng 8 9km nữa chẳng đáng là bao nhiêu , khu vực này bên phải đường có một cánh rừng gỗ dầu lớn cây chết khô trơ trụi cành với thân cây trắng pốp dưới những thửa đất khô nứt nẻ chúng tôi biết từ lâu rồi về khu vực này , trước đây chỗ đó là rừng cây nhưng nằm ở chỗ thấp nên sau này Pôn Pốt cho đắp một con đập cắt ngang giữ nước cho màu khô bởi vậy cây rừng chỗ đất thấp bị đọng nước mới chết khô như vậy , nhiều vùng quanh khu vực này chúng tôi vẫn thấy những cảnh đó trên dọc đường hành quân , hôm nay tới đây chúng tôi có lệnh cho nghỉ nấu cơm ăn uống xong mới đi ra tiếp anh em nhanh chóng lao vào đi tìm nước nấu cơm , lúc đó tôi thấy mệt và sốt nên móc võng nằm nghỉ chẳng tham gia những chuyện đơn vị được . 2 hôm trước mùa mưa bắt đầu nên nước mưa cũng bắt đầu dồn về cái hồ cạn kia nằm cách đường vài trăm mét , lần trước chúng tôi đi qua thì cái hồ nước nằm tít xa kia mới có nước lần này sau 2 trận mưa lòng hồ thêm rộng nên mép nước cũng gần , khi ra đến mép nước anh em gọi nhau ầm ỹ cả :
- Rau muống chúng mày ơi .
 Đúng thế thật , rau muống trắng nõn nà với thân cây dài ít lá đang ngoi lên trên mặt nước , hàng bãi rau muống rộng xanh non mơn mởn dài cả 50 60cm thế là lính D7 ào xuống hái hàng ôm rau muống mang về , lính đang háo rau thèm vitamin C gặp rau muống non ngon nõn nà thế này thì quá là đại hạn gặp mưa rào , à mà đúng mưa rào thật , mới mưa đây thôi , mưa xuống nước ở lòng hồ dâng lên và rau muống ở mép hồ sau những ngày nắng nóng mùa khô cây rau chỉ thấp 3 5cm nhỏ tý ti , vậy mà khi mưa xuống nước dâng đến đâu ngọn rau muống mọc dài ra đến đó xanh non mơn mởn .
 Thế rồi trưa hôm đó món rau muống được lính D7 chế biến nào rau muống luộc chấm nước muối bỏ chút bột ngọt cho đậm đà , nước rau luộc thật nhiều để còn đổ vào bình tông cho lính mang theo uống thay nước , món này thì lính quê miền Bắc thằng nào chẳng mê rồi rau muống xào dầu lạc , canh rau muống , nhiều anh em còn hái lấy hàng ôm rau buộc ngang nắp ba lô mang về dùng dần , khi ăn ai cũng khen rau muống non và ngon và hình như có vài người kêu rau muống hơi đăng đắng nhưng vì quá thèm rau xanh nên lính tráng cho qua hết , có mà ăn lúc này là nhất rồi đắng cái gì ? Kêu cái gì ? Lính D7 chúng tôi hôm đó được ăn một bữa rau xanh thoải mái và mỹ mãn chưa từng thấy .
 Tôi lúc đó thì cứ ngây ngấy sốt khó chịu trong người chẳng thiết tha gì chuyện ăn uống , thấy anh em xì xụp chuyện rau muống luộc đấy , thằng đi ra đi vào bốc hàng nắm rau luộc còn bốc khói nghi ngút ăn ngấu nghiến có thấy đấy nhưng cũng dửng dưng thế mới lạ , đúng là khi ốm đau chẳng thiết tha gì chuyện ăn uống lúc khỏe tôi cũng thuộc loại ăn uống vớ vẩn rồi huống hồ lúc đang ốm dở này .
 Ăn uống xong xuôi nghỉ ngơi ít phút thì chúng tôi bắt đầu hành quân tiếp , mới đi khoảng một lúc thì bắt đầu có người kêu chóng mặt buồn nôn , lúc sau nữa có vài người cùng kêu ca như vậy , choáng váng nhức đầu khó chịu mặt hoa , rồi có người lăn quay ra trên đường hành quân mặt mũi tái nhợt , rồi cả D7 báo động ngược xuôi đội hình hành quân tình hình sức khỏe binh lính không biết tại sao lăn đùng ra với nhau cả đám thế này , Y tá các C lúng túng trước tình thế không rõ nguyên nhân này , lúc đầu còn bán tính bán nghi lính bị cảm gió nhưng sau có anh nào đó lính cũ từ thời KCCM trên D bộ chợt nhớ ra rồi kêu trời :
- Thôi chết rồi , rau muống rừng , ăn phải rau muống rừng nên ngộ độc cả rồi .
 Thế là bài thuốc chữa ngộ độc rau muống rừng được một lần nữa phát huy trong đội hình D7 chúng tôi ngày hôm đó , nước đường , cứ đổ nước đường cho những thằng lính ngộ độc rau muống rừng uống , chẳng có thuốc men gì hết chỉ có nước đường là hết cách vậy thôi , cả D7 chúng tôi say rau muống đến 70 80% quân số thì thuốc đâu ra cho đủ , mà thuốc gì , làm gì có thuốc gì lúc này cho từng đó thằng lính say nôn thốc nôn tháo do rau muống rừng .Rau muống rừng nếu muốn ăn phải hái rồi ngắt bỏ hết lá chỉ để lại cọng rồi bẻ ngắn lại bóp dập ngâm nước ít nhất 3h đồng hồ cho nhựa rau muống ra hết rồi đem luộc hay xào nấu vẫn ăn được , có điều không nên ăn nhiều .
 Thế là lệnh của D cho lính D7 dừng lại móc võng nghỉ chờ hết say rau muống rừng thì đi ra , người không say lo chuyện canh gác cho những thằng say nằm đó móc họng nôn , thằng nào nôn ra được thì còn đỡ chứ không nôn ra được mới là khốn nạn cho thân nó . Tôi may mắn thoát nạn vì bị ốm không ăn được cơm hôm đó , cái may giống như hôm D7 ăn cá say khi ở giáp BG Thái lan năm trước .
 Đêm đó D7 chúng tôi phải nằm lại do say rau muống , báo hại mấy ông lái xe chờ bên ngoài ngã 3 Amleeng ngoài được một phen sợ bị địch tấn công , sáng hôm sau D7 chúng tôi mới ra đến ngã 3 ngoài trở về căn cứ kết thúc chuyến truy quét thứ 4 ra vào rừng Amleeng .
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
dksaigon
Thành viên
*
Bài viết: 1027


« Trả lời #208 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2010, 09:45:33 am »

Chúng tôi cũng chẳng biết tại sao địa danh có cái tên thung lũng Tha Ma Băng , tôi thì vẫn nhớ rằng trên tấm bản đồ chữ rắn giun đó có thêm chữ viết hệ La tinh và nó ghi như vậy ở điểm giữa dãy núi bên trong Âmleeng và núi Kimry , anh em khác thì nói rằng suốt cả chiến dịch GP Amleeng dân K và lính Pốt chết ở đây nhiều quá nên khu vực này nhiều ma , cả khu vực này là bãi Tha ma và băng là băng giá là sự lạnh lùng , bãi tha ma lạnh lùng

Ở khu vực " Tha ma băng " đó có hồ nước thì xác định được tên chính xác của địa danh đó phải là Thơ mo bâng nghĩa là Hồ đá ( thơ mo ( th'ma )= đá; bâng ( baeng )= hồ ), binhyen ạ! không phải " bãi tha ma băng giá " đâu! Cheesy
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #209 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2010, 06:22:06 pm »

Một mảnh bản đồ có độ nét cao về khu vực Amleang ngoài (ở phía Tây Nam núi Kim-ri), có dòng sông Stưng Krang Ponley (Stoeng Krăng Pônley) chảy dọc theo đường 132, xin gởi lên đây để góp thêm tư liệu.


Còn đây là tấm bản đồ chi tiết hơn thể hiện toàn bộ khu vực quanh núi Kim-ri nơi bác BY đang hành quân. Xin quí vị truy cập vào cái link này http://ufdc.uflib.ufl.edu/UF00075733/00001/1X?vo=31&vp=1222,492
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM