Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:25:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34349 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 05:46:57 am »


        Chúng tôi trở lại rừng khi trời đã khuya. Sau trận càn, rừng núi im ắng lạ thường. Chúng tôi ngồi nghỉ bên một gốc cây to, cạnh bờ suối, nói đủ thứ chuyện. Có lúc, cả hai đều im lặng, nhìn trời, nhìn trăng, nghe tiếng nước chảy róc rách, nghe lá rừng xào xạc. Một cảm giác yên bình lan tỏa trong tâm trí. Tôi ngồi xịch lại gần Liên... Liên vẫn ngồi yên. Tôi đưa tay quàng qua vai Liên. Liên khẽ nghiêng vào người tôi. Trống ngực tôi đập thình thịch, muốn nghẹn thở. Hình như Liên cũng trong tâm trạng đó. Cô run lên trong cánh tay tôi. Chúng tôi ngủ quên lúc nào không biết. Trời sắp sáng. Liên đánh thức tôi dậy. Liên ngậm ngùi nói:

        -   Mới quen nhau mà đã phải chia tay. Liệu chúng ta còn có dịp gặp lại nữa không anh?

        -   Có chứ. Tôi động viên. Nếu anh còn sống, anh sẽ trở lại tìm em ở xóm Nhà thờ Kim Sơn. Em chờ anh chứ! Liên im lặng, đưa 2 tay vòng ra sau cổ mình, lấy một vật gì đó. Cô khẽ nói như muốn khóc:

        -   Em xin tặng anh kỷ vật này để ghi nhớ những ngày ngắn ngủi chúng ta ở bên nhau.Tôi đỡ lấy tay Liên. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra, đó là một sợi dây chuyền bằng bạc có mang hình Thánh giá. “ Chúa sẽ phù hộ cho anh và cho chúng ta” – Liên nhẹ nhàng nói.

        Chúng tôi về tới lán thì trời sáng hẳn. Tôi bảo đồng chí Ba ra đón đoàn tải thương. Họ có 5 người, tất cả đều là thanh niên. Đây là những dân công từ vùng đồng bằng lên, được địa phương phân bổ cho đơn vị để phục vụ chiến đấu.

           Rời khỏi vị trí “An toàn khu”, tôi bịn rịn ngoái nhìn chị em Liên đang vẫy vẫy tay đưa tiễn, lòng vẫn thầm mong có ngày trở lại.

        Đi mất 3 ngày, chúng tôi mới tới được bệnh xá. Có lẽ là bệnh xá Sư đoàn, mang mật danh “Thôn An 48”, trên một triền dốc phía đông sông Côn.    Trở về đơn vị, chúng tôi được thủ trưởng khen ngợi là đã có tình đồng chí, đồng đội và tinh thần trách nhiệm cao. Tối, nằm trên võng, lấy món quà của Liên tặng, tôi thầm hứa, sẽ luôn đeo nó trên cổ để nhớ mãi tình em. Mối tình đầu hồn nhiên, trong trắng.

        Ba chục năm, tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa nhân chuyến đi tìm mộ đồng đội. Trên quốc lộ I, đến ngả ba Cầu Dợi, tôi đề nghị ô tô khách cho dừng lại, bước xuống hỏi thăm đường về Phú Hữu, Kim Sơn. Mấy chú xe ôm chạy tới chào mời “ Từ đây tới đó chừng hai chục cây số, bác cho cháu ba chục ngàn”. Tôi đồng ý ngay. Ngồi sau xe, ngó hai bên đường, vượt cầu Giáo Ba, tới quận lỵ Tăng Bạt Hổ, đến Gò Loi, Phú Khương là tới Phú Hữu. Tất cả đều khác xưa. Nhà cửa hai bên đường mọc lên san sát. Những mái ngói đỏ ẩn dưới những vườn dừa xanh tốt, trĩu quả. Trên đường, ô tô, xe máy xuôi ngược hối hả. Chú lái xe ôm hỏi tôi: “Bác về Kim Sơn thăm ai, cháu cũng ở gần đấy”

        -   Cháu có biết bà Liên ở xóm nhà thờ Kim Sơn không?

        -   Dạ, ở đấy không có ai tên Liên. Để dẫn câu chuyện tôi nói thêm: bà Liên trước năm 1966 ở dưới quận, ba chết, má đi lấy chồng khác, bả theo má ở với dượng, nhà ở trong xóm này. Xe đến cổng nhà thờ. Chú xe ôm dừng lại, tôi trả tiền. Thấy có một ông trong xóm đi ngang qua, tôi chạy tới hỏi:

        -   Chào ông, cho tôi hỏi thăm: ở đây có bà nào tên Liên không? Ông lắc đầu. Tôi lại dẫn câu chuyện như đã nói với chú xe ôm.

        Bỗng ông à một tiếng rồi trả lời: Đúng rồi! Ông Bốn Hòa. Bà Hòa có một người con riêng, không biết có phải tên Liên không. Cổ vào du kích và hi sinh năm 1972 tại Gò Loi. Do chiến tranh ác liệt quá, gia đình ổng chuyển vô sống ở Sài Gòn từ những năm 1969-1970 cơ. Tôi cảm ơn ông và vội quay lai Gò Loi.

        Gò Loi là một cứ điểm của Mỹ từ đầu năm 1966 đến năm 1972 thì bị quân dân Hoài Ân xóa sổ. Nhân dân đã dựng đài kỷ niệm “Chiến thắng Gò Loi”. Hiện giờ là trụ sở làm việc của Ủy ban Nhân dân xã Ân Tường. Nghĩa trang Liệt sỹ nằm ngay cạnh đó. Tới bàn thờ “Tổ quốc ghi công” tôi đốt một bó nhang thật to, mang đến từng mộ cắm mỗi mộ một nén. Trở đi, trở lại tìm mộ Liên mà không thấy tên em. Thế là hình em chỉ còn lại trong tâm tưởng.

        Trở lại phòng thương binh-xã hội huyện, tôi đưa giấy giới thiệu tìm mộ liệt sỹ, đề nghị phòng cho tôi đến tìm phần mộ đồng đội mà trước đây tôi đã chôn cất tại thôn Long Giang (còn gọi là xóm Ba Lăm). Nhưng tới nơi, chỗ ấy đã xây dựng thành hồ chứa nước Thạch Khê. Cũng đành vậy. Lại đốt một bó nhang, vái khắp bốn phương và cắm bó nhàng xuống mé hồ cho bạn. Dẫu sao cũng là nơi đồng đội yên nghỉ. Sáng hôm sau, tôi đi thăm những người thân hiện còn sống: mẹ Đốc ở Gò Loi, mẹ Việt Nam anh hùng. Thời chiến tranh ác liệt, mẹ từng cưu mang chúng tôi trong nhà mẹ, ăn bữa cơm trưa ở đấy, được mẹ nấu canh lá giang với nước cốt dừa như ngày xưa tôi thường thích. Sau ba chục năm mới có dịp gặp lại chị Trâm ở thôn Trí Tường, anh Thanh ở thôn Vĩnh Viễn. Hỏi thăm các anh, chị , kẻ mất người còn, nói sao hết nỗi vui mừng, cảm động.

        Tạm biệt Hoài Ân, bà con ra tận ô tô tiễn tôi. Ngồi trên xe mà lòng cứ nghèn nghẹn lâng lâng... Bao ánh mắt, tiếng cười vẫy theo: “Nhớ lần sau lại về thăm má nghe con!”. Quên sao được trên đất này có biết bao đồng bào, đồng chí, những người thân yêu của tôi đã ngã xuống để quê hương, đất nước mới có ngày hôm nay. Vâng! Tôi sẽ còn trở lại, bởi tình đất, tình người Hoài Ân còn thương còn nhớ....

           Qua bài viết này, tôi chỉ muốn gửi đến lớp trẻ hôm nay đang được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc một lời rằng: Đừng bao giờ lãng quên quá khứ, đừng bao giờ lãng quên những năm tháng hào hùng của cha anh.

Thị xã Hội An, năm 2006       
T.T                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 05:54:23 am »


        Nguyễn Xuân Tuynh,
        Nguyên chiến sĩ Thông tin Sư Đoàn 3-Sao Vàng.


NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

        Giáp Tết năm 2005, tôi ra huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) bàn về việc tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân đón xuân mới. Sau khi làm việc với Nhà Văn hóa trung tâm huyện, thấy thời gian còn sớm, tôi tranh thủ đi thăm chợ Tết Ninh Hòa. Dạo khắp lượt các gian hàng, tôi quay về quầy mỹ phẩm mua cho “bà xã” một vài thứ trang điểm. Bất giác tôi nhìn thấy gương mặt của người phụ nữ bán hàng ngồi bên phải sạp rất quen. Hình như tôi đã gặp chị ở đâu rồi...

        -   Dạ thưa, anh mua chi? Chị bán hàng hỏi tôi.

        -   Vâng...Vâng...Tôi...À, chị cho tôi mua một cây son và một hộp phấn loại tốt, của ngoại.

        Chị nhanh nhẩu lấy những thứ tôi yêu cầu, gói cẩn thận cho vào túi ni-lông đưa cho tôi. Trả tiền và nhận hàng nhưng trong đầu tôi vẫn cố nhớ xem người bán hàng kia là ai. “ Không có lẽ đó là Út Tư Ninh Quang. Cô ấy ngày đó là giáo viên cơ mà...”. Trả tiền xong, chần chừ một lát, tôi quyết định đánh liều.

        -   Thưa...xin hỏi, nếu không phải, chị thứ lỗi. Chị có phải là...Út Tư Ninh Quang không?

        Người phụ nữ ngước lên nhìn tôi, ngập ngừng một lát rồi trả lời với gương mặt rạng rỡ như vừa phát hiện ra điều bí mật gì.

        -   Đúng rồi. Tôi, tôi là...Út Tư Ninh Quang đây. Ủa...Sao anh biết...Út Tư Ninh Quang.

        Trời ơi, đúng Út Tư Ninh Quang rồi! Tôi phải trấn tĩnh để không reo to lên giữa chốn đông người. Lấy lại bình tĩnh, tôi nói.

        -   Vậy mà gần ba chục năm nay, anh đi tìm kiếm mãi, bây giờ mới gặp.

        Cô Út rời sạp hàng đến nắm lấy tay tôi, giọng xúc động:

        -   Anh là lính Sư 3- Sao Vàng phải không?

        -   Phải. Anh là lính Sư 3 đây. Sau giải phóng miền Nam 2 năm, anh về Ninh Quang tìm nhưng gia đình em chẳng còn ai ở đó. Hỏi tên em, cả làng chẳng ai biết. Họ bảo, ở đây không có ai tên là Út Tư cả.

        -   Sau giải phóng mấy tháng, ba má em dời lên Đăc-Lăc sống với ông bà nội. Còn anh hỏi tên Út Tư thì không ai biết đâu. Tên thiệt của em là Tâm. Lê Thị Thanh Tâm. Ngày đó, mới lần đầu gặp các anh, chưa quen biết nhiều, em nói đại cho xong. Định bụng sau đó, nếu được gặp các anh sẽ xin lỗi. Nhưng em nghe tin, sau giải phóng, Sư đoàn 3 đã chuyển ra Bắc.

        Chuyện của Tâm có thể tóm tắt thế này:

        Sáng ngày 8 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 3-Sao Vàng vừa hoàn thành nhiệm vụ ở tỉnh Bình Định, được lệnh của Quân khu 5, tăng cường cho Quân đoàn 2, hành quân cấp tốc vào giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Sau 3 ngày chuẩn bị, sáng 12 tháng 4, toàn Sư đoàn hành quân bằng xe cơ giới trên lộ số 1, tiến về phía nam. Khoảng 16 giờ, Sư đoàn tới huyện Ninh Hòa. Bộ Tư lệnh quyết định dừng lại nghỉ đêm, sáng hôm sau đi tiếp. Các trung đoàn, tiểu đoàn nghỉ rải rác ở các xã Ninh Thân, Ninh Đa, Ninh Diêm...Riêng Bộ Tư lệnh nghỉ ở xã Ninh Quang, cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 2 ki-lô-mét về phía Tây Nam. Lúc đó tôi trực thông tin tại Bộ Tư lệnh.

        Theo sự phân công của Ban Tác chiến, tôi ở cùng Sư đoàn trưởng Trần Lâm ( tên thật là Trần Bá Khuê) nghỉ trong một gia đình ở đầu xã. Một ngôi nhà gỗ cổ xưa thoáng mát. Chủ nhà là một cụ già ngoài 70 tuổi, râu tóc bạc phơ. Cụ niềm nở đón chúng tôi. Sư trưởng và tôi vừa đặt ba lô xuống góc nhà, chưa kịp ngồi thì một cô gái khoảng 20 tuổi, bận bộ đồ sơ mi trắng, mặt tái nhợt, từ ngoài chạy vào hổn hển: “ Các ông Giải phóng ơi ! Cứu...Cứu...!”. Tôi và Sư Trưởng vội chạy ra. Sư Trưởng cầm lấy tay cô gái hỏi:

        -   Bình tĩnh. Có chuyện gì, cháu nói cho các chú hay.

        Cô gái trấn tĩnh:

        -   Cháu ở Nha Trang ra. Trong đó, từ chiều tới giờ, quân ông Thiệu từ đâu tràn về, trút bỏ áo lính, bận thường phục đi cướp khắp nơi. Chúng như hổ dữ, đến từng nhà cướp bóc, dọa dẫm, bắn giết. Cháu may mắn thoát chết, nhờ chiếc xe lam của chú Hai mới về được đây. Mấy ông Giải phóng làm sao vô đó đánh bọn cướp cho bà con được nhờ.

        Từ tin cô gái cung cấp, Sư trưởng quay sang bảo tôi:

        -   Đồng chí đi mời Tham Mưu Trưởng và Trưởng Ban Tác chiến về  hội ý gấp.

        Nhận lệnh, tôi khoác súng đi ngay. Ít phút sau, Tham Mưu Trưởng Nguyễn Duy Thương và Trưởng Ban Tác chiến Nguyễn Đạt Thanh có mặt. Sư Trưởng mời 2 người ra góc vườn, dưới gốc cây xoài, hội ý. Khoảng 15 phút sau, Sư Trưởng đi vào nhà nói với cô gái:

        -   Các chú đồng ý đưa bộ đội vô Nha Trang. Nhưng cái khó bây giờ là trời sắp tối, không ai quen thuộc đường sá. Cháu có thể dẫn đường cho các chú được không?

        Không ngần ngại, cô gái nhận lời ngay.

        Lập tức, Sư Trưởng điều một đại đội bộ binh, trang bị vũ khí đầy đủ, do trợ lý tác chiến Sư đoàn Lã Vinh Dự chỉ huy, hành quân bằng 2 chiếc xe GMC tiến vào Nha Trang. Tôi được Sư Trưởng cử đi để giữ vững thông tin, liên lạc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 05:54:50 am »

   
        Đêm đó, Nha Trang nóng bức, mặc dù ban sáng có trận mưa rào. Hầu hết anh em chúng tôi chưa kịp ăn tối nhưng ai cũng hào hứng vì biết rằng mình sẽ được vào dẹp loạn, cứu dân ở một thị xã đã từng nổi danh qua sử sách là vô cùng đẹp đẽ.

        Mất khoảng 50 phút, chúng tôi đến đầu cầu Xóm Bóng. Cô gái đề nghị cho xe dừng lại để cô nói cụ thể từng con đường và đặc điểm trong thị xã. Tiếp đó đồng chí Dự phân công nhiệm vụ cho từng mũi, từng hướng. Tôi và cô gái đi với bộ phận đồng chí Dự chỉ huy, truy lùng bọn cướp ở đường Độc Lập ( nay là đường Thống Nhất). Các mũi khác truy lùng ở đường Trần Quý Cáp, Phước Hải (nay là đường Nguyễn Trãi), đường Gia Long (nay là đường Thái Nguyên), Lê Thánh Tôn....

        Nha trang những ngày đầu giải phóng đáng lẽ phải nhộn nhịp. Nhưng ngược lại, cả thị xã chìm ngập trong tiếng súng nổ hỗn loạn, tiếng bọn cướp la hét, chửi bới đòi chia của cướp được. Thấy xe của bộ đội ta xuất hiện, chúng dạt vào các ngõ hẻm, dựa vào các căn nhà, góc tối, bắn trả. Trước tình thế đó, bộ đội ta buộc phải nổ súng. Chiến đấu diễn ra dữ dội nhất là khu vực Ngả Sáu, trước cửa Nhà thờ Núi. Bọn cướp khoảng 200 tên, có súng AR15 và lựu đạn.Ta phải đánh nhau với chúng suốt 3 tiếng đồng hồ mới tiêu diệt và bắt sống hết bọn này. Điều đáng tiếc là có 2 chiến sĩ ta bị thương và cô gái dẫn đường bị một tốp địch trốn ở rạp hát Tân Quang (nay là siêu thị Ma-xi-mart) bắn lén. Cô bị thương ở bắp chân trái.

        Hoàn thành nhiệm vụ, cũng vừa lúc gặp bộ đội Sư đoàn 10 từ Diên Khánh đánh xuống. Chúng tôi bàn giao toàn bộ đám lính cướp và tang vật thu được cho đơn vị bạn rồi nhanh chóng về lại Ninh Hòa. Tại đây, cô gái được băng bó vết thương, tiêm thuốc. Sư trưởng phấn khởi tuyên dương cô gái trước toàn đơn vị. Ông bảo quân y cử một y tá ở lại chăm sóc vết thương cho cô gái đến khi ổn định mới đuổi theo đơn vị. Nhưng cô gái kiên quyết nói: “ Vết thương của cháu nhẹ thôi, khỏi phiền chú cử người ở lại”.

        Sáng hôm sau, trước lúc hành quân, tôi đến gặp cô gái: “Anh rất cảm phục em với những gì em đã giúp bọn anh tối hôm qua để hoàn thành nhiệm vụ. Rất tiếc, vì quá bận, chưa có dịp nói chuyện. Đến tên em cũng chưa biết. Em có thể giới thiệu cho anh, biết đâu, sau này còn có dịp gặp lại?”. Cô gái hồn nhiên trả lời, vẻ hóm hỉnh: “Em làm nghề dạy học. Dạy tiểu học trường Tàu Nha Trang. Còn tên em, các anh cứ kêu là Út. Út Tư Ninh Quang là được rồi”. Tôi lấy trong ba lô ra một chiếc ca do chính tay tôi gò bằng ống pháo sáng của địch, tặng Út Tư. “Bọn anh phải đi đây. Bộ đội Giải phóng chỉ có món quà nhỏ này, xin tặng em để làm kỷ niệm. Hẹn ngày chiến thắng gặp lại”.

*  

*       *

        Thanh Tâm lấy xe hon đa chở tôi về nhà. Một căn nhà nhỏ bé nằm bên Lộ Số I, cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 1 ki-lô-mét về phía Nam. Nhà tuy nhỏ nhưng thoáng mát. Trong nhà trang trí tranh ảnh đẹp mắt, rất văn hóa. Tâm mời tôi ngồi rồi nhanh nhẹn pha trà. “Trưa nay em sẽ thết đãi anh đặc sản Ninh Hòa. Anh biết thứ gì không? Nem chua Ninh Hòa, anh đã nghe nói bao giờ chưa?”. “Gặp được em là mừng rồi. Ăn chi chẳng được. Bây giờ em kể cho anh nghe, ngày đó vết thương của em bao lâu mới khỏi. Cuộc sống hiện nay ra sao?”. Tâm nâng ly trà mời tôi rồi chậm rãi tâm sự: “Bây giờ mọi chuyện qua rồi em mới nói. Ngày đó, vết thương của em tưởng đơn giản, ai ngờ đi viện điều trị mất 3 tháng. Viên đạn độc ác chui vào trong xương ống chân làm chân sưng tấy, nhức nhối. Ba má tưởng bị nhiễm trùng, mua kháng sinh thiệt nhiều cho em uống. Nhưng uống mãi cũng không khỏi, càng ngày càng sưng to. Cuối cùng vô viện, bác sĩ phải phẫu thuật lấy đầu đạn ra, sau đó bó bột mới lành. Bây giờ trở trời lại đau nhức”. “Em có khai báo với phòng thương binh-xã hội để làm chính sách không?”. “Em nghĩ chuyện thương tật của mình là chuyện nhỏ, đáng chi mà khai báo. Công lao của các anh, các chị chiến đấu gian khổ, hy sinh bao nhiêu năm mới đáng kể”. Tôi chuyển sang đề tài khác, hỏi: “Thế Tâm thôi dạy học từ khi nào?”. “Năm 1980, em xây dựng gia đình. Chồng em cũng là giáo viên. Sau khi sanh thằng con đầu lòng, em thấy cả hai vợ chồng đều ở ngành giáo dục, lương thấp, không bảo đảm cuộc sống nên em xin nghỉ, ra ngoài buôn bán. Bây giờ nghĩ lại mà tiếc. Đời sống giáo viên hiện nay đã khá, hơn nữa lại đúng nghề, đúng nghiệp. Ngoài thị trường hiện nay làm ăn buôn bán cạnh tranh phức tạp lắm”.

        Giữa lúc tôi và Tâm đang say sưa trò chuyện thì chồng và con trai của Tâm về. Tâm giới thiệu tôi với chồng, con. Sau đó cô xuống bếp làm cơm. Trước khi vô bữa cơm, Tâm mở tủ lấy chiếc ca, vật kỷ niệm của tôi cách đây 30 năm. Tâm rót bia đầy ca, giơ lên và nói:

        -   Chiếc ca này là vật kỷ niệm quý của em. Suốt 30 năm qua, em luôn đặt nó ở nơi trang trọng nhất, hôm nay mới mang ra dùng. Bây giờ em đề nghị tất cả cùng uống chung một ca để nhớ về một kỷ niệm đẹp và để nói rằng: tình quân dân không bao giờ nhạt phai!

Nha Trang, Xuân 2007        
N.X.T                  
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 06:01:15 am »


        Nguyễn Trọng Dưỡng
        Nguyên chiến sĩ Trinh Sát, E12 –F3- Sao Vàng.

“ÔNG THÙNG PHUY” Ở NHÀ TÙ PHÚ QUỐC

        Chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát do đế quốc Mỹ gây ra sau vụ ném bom oanh tạc miền Bắc lần đầu tiên vào ngày 5-8-1964, lòng tôi căm phẫn, muốn ra chiến trường ngay góp sức cùng với quân dân cả nước đánh Mỹ. Tôi nhập ngũ vào ngày 15-11-1964 tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, được biên chế vào Đại đội trinh sát 121, Trung đoàn 18 (E.18), Sư đoàn 325 (F325). Lúc đầu, đơn vị đóng quân tại Hà Tĩnh, sau một thời gian thì chuyển vào Bình Định.

        Tháng 4-1968, tổ trinh sát của tôi (ba người) có trách nhiệm dẫn Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh 12 đánh thành Đập Đá ( tỉnh Bình Định). Khi giao tranh, tôi bị thương nặng, được đơn vị đưa vào một gia đình cơ sở ẩn náu trong một hầm bí mật cùng anh Hoàng Công Lược (quê ở xã Hoàng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Khi chiến trường tạm yên, lực lượng ta rút về căn cứ, địch bắt đầu cho quân lùng sục. Phát hiện được nơi ẩn nấp của chúng tôi, địch cho quân đào đuôi hầm, sau đó xả đạn vào... Rất may, ba loạt đạn AR15 đầu tiên không ai bị gì. Bất lực, địch ném tiếp hai quả lựu đạn, quả thứ nhất, anh Lược hy sinh, tai tôi ù lên, quả thứ hai thì tôi không biết gì nữa. Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy xung quanh mình toàn người mặc áo xanh, đầu trọc... Sau này tôi mới biết, họ là chiến sỹ của ta bị bắt tại chiến trường, bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện ở Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để chờ hỏi cung.

        Vừa mở mắt ra có một người đến hỏi tôi tên gì, tôi không trả lời và nhìn ra cửa thấy có hai tên lính ôm súng đứng gác. Đêm hôm ấy, vết thương ở người sưng tấy lên, tôi không thấy đau mà tập trung suy nghĩ nhiều về việc bị bắt, cách đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch dựng lên, sợ có giữ vững được bản lĩnh người lính? Nếu lỡ không chịu nổi các đòn tra tấn của địch thì... Nghĩ đến đây người tôi toát mồ hôi, không tài nào chợp mắt được.

        Vì bị thương nặng, nên tôi được “lưu trú” tại đây ba tháng để điều trị, ít bị hỏi cung hoặc tra tấn như ở những nhà tù khác. Đến tháng 9-1968, địch đưa tôi sang giam tại nhà lao của sư bộ Sư doàn 22 Ngụy. Ngay chiều hôm ấy, một tên đại úy dẫn tôi đi qua 18 phòng “tham quan” các dụng cụ tra tấn để uy hiếp tinh thần, vừa dẫn tôi đi vừa “giải thích” thêm rằng, có 17 phòng với đầy đủ các dụng cụ tra tấn “ưu tiên” cho những người không chịu khai báo, cứng đầu, còn 1 phòng dành cho người đã “ngộ” ra lý tưởng, lẽ phải, hợp tác với chánh nghĩa quốc gia sẽ được trọng thưởng, đãi ngộ... Tôi im lặng. Sau một hồi dạo quanh, địch đưa tôi về nhốt cùng với số anh em tù chính trị hỏi cung ở trại tạm giam.

        Như thường lệ, mỗi ngày địch hỏi cung hai lần, sáng và chiều. Tại đây, tôi khai mình là Nguyễn Trọng Dương (chứ không phải là Dưỡng), quê ở Hà Tĩnh, đơn vị bộ binh, cấp bậc binh nhì, chức vụ chiến sỹ, không phải là Đảng viên (thật ra, tôi là Đảng viên, thượng sỹ, trung đội phó). Cứ mỗi lần trả lời xong một câu hỏi thì tôi bị tên lính đứng sau đánh hai cái vào người, nhưng phải gắng chịu đau, không muốn làm mất thể diện của người lính Cách mạng. Qua thẩm vấn, địch lưu ý đến nơi đóng quân của đơn vị. Biết bọn chúng không đủ gan hành quân đến nơi đóng quân của ta, nên tôi nói rằng: Nếu các ông để tôi dẫn bộ đưa về thì còn nhớ đường, nếu đi trên xe hay máy bay thì không được... Nghe vậy, thằng nào cũng “ớn”, không dám đi sợ bị mai phục. Cũng tại nhà giam này, đòn ấn tượng và cân não nhất đối với tôi là việc địch đưa hình Thiếu tá Đào Văn Khang, Trung đoàn phó đơn vị tôi ra và nói ông đã đầu hàng... Rất may, qua suy tính, tôi bảo rằng mình mới đi lính, không biết gì ... nên địch tin tôi không có chức vụ lớn gì trong hàng ngũ Cách mạng.

        Tháng 10-1968, địch đưa tôi qua nhà giam Phú Tài, Quy Nhơn, Bình Định chờ hoàn chỉnh hồ sơ để đưa ra đảo Phú Quốc. Tại đây, tôi được sinh hoạt chi bộ Đảng tại Chi bộ C3 do đồng chí Đào Văn Khang làm Bí thư.

        Ngày 19-11-1968, trên một chiếc C130, cùng với hơn 100 đồng chí khác, chúng tôi bị địch đưa ra đảo Phú Quốc. Đến Phú Quốc, chúng cho người trói các tù nhân lại, bọn cai ngục ở đây đánh trận phủ đầu, sau đó tôi bị đưa về giam tại khu D6. Phòng giam nền đất, không có mền, gối, tất cả là 10 phòng (1 phòng ba gian), mỗi gian khoảng 20 m2, có lúc cao điểm địch nhốt đến 120 người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2017, 06:01:42 am »


        Phải nói rằng, ở Nhà tù Phú Quốc, anh em đều rất đoàn kết, luôn bảo vệ nhau. Tôi còn nhớ, trong đợt đấu tranh tuyệt thực chống lại việc đàn áp tù nhân, có anh Bình (quê ở Thanh Hóa) dùng thìa tự mổ bụng trước cổng giám thị, anh Kinh (quê ở Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) khi tổ chức đào hầm bí mật, bị địch bắt và gim 10 cây kim vào đầu ngón tay, sau đó cùng cồn để đốt nhưng anh vẫn không khai báo điều gì làm tổn hại đến Cách mạng; anh Hiếu (quê ở Vĩnh Phúc) đã xung phong đi giết tên chỉ điểm, chiêu hồi trong trại để trừ hậu họa về sau...

        Những anh em tù trước đây thường bị địch bắt đi làm, lao động và cứ ba tù có hai lính gác. Có một số đồng chí của ta nhân cơ hội này trốn trại hoặc cố tình tạo ra trận “xô xát giả” để địch mất cảnh giác rồi lấy súng giết lại chúng. Do vậy, về sau, tù chính trị thường không phải làm gì, chỉ bị giam suốt ở phòng.

        Còn tôi, chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của các đồng chí đi trước, đã nung nấu ý định vượt ngục. Nhưng xung quanh nhà tù, bọn Mỹ - Ngụy dựng lên nhiều hàng rào kẽm gai dày đặc, chiếu điện sáng và có lính canh gác suốt đêm, nên phương án vượt rào là mạo hiểm, không thể thành công được. Mặt khác, chính bản thân tôi cùng với các tù nhân khác, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ trong nhà lao đã nhiều lần đào hầm bí mật trong phòng song đều thất bại, nguyên nhân là có bọn phản bội chỉ điểm trà trộn vào...

        Qua bao lần quan sát, tôi để ý thấy vào mỗi buổi chiều hàng ngày địch thường dẫn tù nhân khiêng rác ra đổ cách nhà lao khu A5 khoảng 500m, nên nắm rõ quy luật đi lại... Sau khi báo cáo với tổ chức, qua nhiều lần bố trí cho bốn đoàn viên ưu tú có sức khỏe và được tin tưởng làm nhiệm vụ “khiêng rác”, còn tôi và anh Nguyễn Văn Mai là “rác” nằm ở trong thùng.

        Vào lúc 16 giờ 30 một ngày giữa tháng 10-1969, sau ba tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ đổ rác đã đến, tôi và anh Mai ngồi vào trong bao tải đựng gạo, rồi được anh em cho vào thùng phuy, sau đó đổ rác lên trên người ngụy trang để khiêng đi. Thú thật, nhớ lại cảm giác ấy, bây giờ tôi thấy vui vui thế nào. Nằm chung với rác, chủ yếu là nước tiểu và phân của anh em thải ra, giữa không khí nóng bức, cùng với mùi hôi thối mà sao lúc đó tôi vẫn thấy bình thường... Lúc đầu, mọi việc diễn biến như kế hoạch, anh em khiêng rác vượt ra khỏi hàng rào nhà lao thuận lợi. Đến nơi, tôi được đổ ra hố rác an toàn, còn anh Nguyễn Văn Mai do sơ ý, khi nằm trong thùng phuy đã để lộ hai cái tay ra ngoài, nên bị lính canh gần đó phát hiện, báo động nên sáu anh em chúng tôi bị bắt giải về phòng đại đội lính quân cảnh.

        Bực tức trước việc làm của chúng tôi, bọn lính trả thù bằng cách tăng cường đánh đập, tra tấn dã man, làm cho chúng tôi chết đi sống lại nhiều lần. Mặc dù sự việc không thành, nhưng tôi vẫn xác định trước sau chung thủy với Đảng, với Cách mạng, không phản bội lại dân tộc, nên dù bị đánh thế nào tôi vẫn trả lời tự mình vượt ngục, không có ai chỉ đạo. Sau tôi, lần lượt năm anh em khác đều bị hành hạ... Cuối cùng, địch đưa tất cả nhốt vào cônét (Cônet là một cái lồng đan bằng sợi dây thép gai, mỗi chiều khoảng 1,5 mét, đặt ngoài trời nắng rồi nhốt tù nhân vào đó. Mỗi lồng nhốt ba, bốn người).

        Trong Cônét, chúng tôi tiếp tục động viên nhau, phải cố gắng chịu đựng, không được chiêu hồi và không vào trại chiêu hồi. Do bị thương quá nặng, cộng với việc bị khóa chân, tay, nên sáng ra tất cả mọi người đều mệt lả. Tôi nhớ lúc ấy, có một chiếc xe Jeep tiến lại đưa chúng tôi lên xe, sau đó chúng  chia từng người để khai thác. Tôi được bố trí vào một phòng, tại đó có hai tên lính đứng sẵn, chúng tiếp tục tra điện vào đầu ngón tay, vào miệng. Thằng trung úy ngụy hỏi tôi trong trại có hầm không, vì mệt quá nên tôi nói nhỏ “Không có”, không hiểu thế nào mà thằng trung sĩ đứng cạnh la ó lên rằng: “Trung úy ơi, nó nói là có hầm”. Lập tức, tôi phản kháng lại và cũng bị thêm một trận đòn chí tử.

        Sau nhiều lần thẩm vấn, địch không khai thác ở tôi được gì, chúng tiếp tục giam ở biệt giam và nhiều phòng khác nhau trong nhà tù Phú Quốc. Sau khi trở lại trại gặp anh em, đồng chí, do việc vượt ngục của tôi không thành, mọi người đặt cho tôi cái tên ngồ ngộ là “Ông thùng phuy”. Biệt danh ấy đến nay vẫn được anh em tù chào tôi khi gặp lại nhau, trở thành kỷ niệm đẹp trong cuộc đời hoạt động Cách Mạng của tôi.

        Còn tôi, sau những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, ngày 19-2-1973 thì được trao trả tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị theo Hiệp định Paris. Sau đó, tôi được biên chế vào đơn vị C11, D4, Đoàn 127, Quân khu Tả Ngạn. Song do bị thương nhiều lần, sức khỏe giảm sút, đến tháng 4-1974, tôi được phục viên trở về địa phương.

        Với tôi, dù bị giam cầm, tra tấn nhiều, nhưng với bản chất người lính, được Đảng và Quân đội tôi luyện, giáo dục nên vẫn vững vàng trong lúc khó khăn, trong mọi tình huống hiểm nguy, không run sợ trước kẻ thù, bảo vệ khí tiết của người chiến sỹ Cách Mạng.

Hà Xuân Nguyên ghi       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2017, 12:28:21 am »


        Lê Văn Cách,
        Nguyên cán bộ E2 - F3 – Sao Vàng


GIỮ TRỌN KHÍ TIẾT CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN

        Tôi mồ côi cha từ lúc bốn tuổi, là con thứ 5 trong gia đình có sáu anh chị em. Tuổi thơ chúng tôi trải qua trong sự đói nghèo, cơ cực. Quê tôi ở làng biển An Bàng, xã Cẩm An, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nhà tôi nghèo nên không mua sắm được các phương tiện làm nghề biển, hai anh lớn phải đi kéo lưới làm thuê với tiền công rẻ mạt chẳng đủ mua gạo qua ngày.

        Nhờ sự dạy dỗ của mẹ, hiểu được hoàn cảnh thân phận mình, anh chị em chúng tôi được mọi người trong làng khen là sớm khôn, nhất là anh cả tôi, tính ông hiền lành và chín chắn. Ông tham gia Cách Mạng lúc nào cả mẹ tôi cũng không biết, chỉ biết ngày quê tôi cướp chính quyền, ông lãnh đạo lực lượng ở địa phương đi biểu tình, cướp chính quyền ở thôn, xã, rồi lên huyện. Sau này tôi mới biết lúc bấy giờ ông đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là cán bộ Việt Minh.

        Cũng vào năm 1945 ấy, tôi được hướng dẫn làm công tác liên lạc, khi ấy tôi 16 tuổi. Anh cả tôi thường sai đưa giấy tờ của Việt Minh từ làng lên xã và ngược lại, có khi đi từ làng này sang làng khác. Năm 20 tuổi, tôi tham gia lực lượng du kích xã Cẩm An do anh Định phụ trách và được cử làm tổ trưởng du kích thôn. Ngày ấy, tổ du kích chúng tôi chưa có súng, chỉ có giáo mác, gậy gộc và thường tổ chức đi tuần, canh gác xóm làng, có khi tổ chức nghi binh, quấy rối địch ở đồn Phước Trạch. Nhiều lần được cấp trên phát lựu đạn, anh em chúng tôi phục kích địch ở Phước Trạch đi tuần, ném lựu đạn tiêu diệt được một số tên gây hoang mang cho địch.

        Tôi nhớ, ngày 6-7-1954, có cán bộ ở trên về xã tôi lấy quân, anh Địch tập hợp các tổ du kích lại lấy tinh thần xung phong. Tôi xung phong đầu tiên, sau đó nhiều anh em trong tổ cũng xung phong nhưng cuối cùng chỉ một mình tôi trúng tuyển.

        Tôi vào bộ đội được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 210, sau đó là Sư đoàn 305. Đơn vị đóng ở Duy Xuyên, mấy tháng đầu chúng tôi làm công tác huấn luyện và tuần tra bảo vệ dân, bảo vệ cơ quan huyện.

        Tháng 10-1954, đơn vị tôi hành quân vào Bình Định và được lệnh đi tập kết. Chúng tôi đi đợt 2, tàu thủy chở đi suốt hai đêm hai ngày đến ngày thứ ba thì cập bến Cửa Lò – Nghệ An. Sau khi nghỉ lấy sức, đơn vị tôi hành quân ra Thanh Hóa học tập Cải cách ruộng đất trong thời gian sáu tháng, sau đó được điều ra Thái Bình công tác giúp dân cải tạo ruộng đất, làm thủy lợi. Đơn vị chúng tôi vinh dự được tham gia xây dựng công trình thủy nông Bắc Hưng Hải. Sau thời gian ở Thái Bình, chúng tôi còn chuyển quân đến đóng ở nhiều nơi nhưng lâu nhất là đóng tại Mã Bằng, Phú Thọ.

        Suốt cuộc đời mình, tôi luôn luôn ơn Đảng, ơn dân đã giáo dục tôi, bồi dưỡng và bao bọc, giúp tôi trưởng thành. Từ một đứa trẻ nghèo được đi theo Cách Mạng, được ra miền Bắc công tác và học tập. Thời gian đó đã giúp tôi hiểu hơn về quê hương, Tổ quốc mình, tôi được bồi dưỡng thêm về tinh thần dân tộc, tăng thêm lòng căm thù giặc và chỉ mong được về lại miền Nam chiến đấu ... Những ngày ở miền Bắc, tôi cảm nhận được tình cảm thắm thiết mặn nồng của đồng bào hậu phương, chúng tôi đi đến đâu cũng được các mẹ, các chị chăm lo giúp đỡ.

        Năm 1960, chúng tôi được lệnh về Nam, anh em ai nấy đều háo hức, cái ngày mà chúng tôi mong đợi từ bấy lâu nay đã thành hiện thực. Ban đầu ai cũng nghĩ sẽ cõng ba lô hành quân thẳng vào Nam, nhưng tình hình chiến trường lúc đó rất gay go ác liệt, không chỉ ở ta mà cả nước bạn Lào cũng thường xuyên bị địch đánh phá. Chúng tôi di chuyển dọc theo biên giới Việt – Lào. Trên đường hành quân, đơn vị đã phối hợp với lực lượng bạn đánh nhiều trận, trong đó có những trận mà tôi không bao giờ quên là trận Mường Phú, trận cầu Xê Ta Mốt, trận Na Pha Lăng và đặc biệt là trận giải phóng sân bay Xê Pôn.... Đơn vị chúng tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường từ Bắc vào Nam và ngược lại.

        Hết mùa mưa năm 1960, anh em mới vào đến Quảng Nam. Tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 95, Trung đoàn 2 ( tứcTrung đoàn Quyết Chiến, Sư đoàn 3 - Sao Vàng).

        Mùa mưa năm 1962, đơn vị tôi thắng lớn tại Giá Vụt. Trong một đêm đã đánh tan cả căn cứ địch, bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều súng đạn cùng quân trang, quân dụng. Thừa thắng, toàn đơn vị hành quân đánh chặn viện tại đèo Trà Nô – Quảng Ngãi. Trận đánh Trà Nô này cũng thắng vang dội. Trong đêm liên hoan mừng chiến thắng, anh em đã sáng tác ca khúc Du Kích Trà Nô và cùng nhau hát vang

        Tôi bị địch bắt vào năm 1965. Đợt đó, được cấp trên điều đi làm công tác tuyển quân ở đồng bằng. Sau khi hoàn thành đợt 1 đưa lên cứ bàn giao cho chỉ huy, tôi xung phong đi tiếp đợt hai. Tôi đưa ra lý do là đã thông thuộc tình hình và có kinh nghiệm trong công tác tuyển quân, không ngờ đó lại là “chuyến đi định mệnh” và bị bắt trong một hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2017, 12:28:52 am »


        Trên đường quay lại đồng bằng, tôi lọt vào trận càn của mấy ngàn quân Đại Hàn, chúng càn lên căn cứ của ta ở vùng núi Bình Định. Bị lính Đại Hàn chặn đường không quay lại được, tôi một mình luồn lách nhắm hướng đồng bằng mà chạy. Đến vùng Mỹ Cát, huyện Phù Cát, Bình Định, tôi lại gặp trận càn lớn của lính dù Ngụy. Thấy một căn nhà nhỏ bỏ không chắc là của gia đình đã chạy giặc, tôi vội leo lên nóc nhà trốn. Vừa leo lên, tôi đã thấy một thanh niên khoảng 16, 17 tuổi trốn ở đó, em bảo là sợ chúng bắt đi. Khi biết tôi là bộ đội, em chủ động xuống trước khi tụi lính vào làng lùng sục, để khi bắt được em chúng lôi đi, may ra tôi có cơ hội thoát thân.

        Trong cơn nguy kịch, tôi rất cảm kích tấm lòng của em, chưa kịp nói gì thêm thì nghe tiếng bước chân lính chạy vào đến sân, cậu thiếu niên vội tụt xuống, ba tên lính xúm vào lôi em ra sân vừa đánh vừa hỏi. Em chỉ bảo là chạy trốn bắt lính chứ không còn ai trong nhà nữa. Lúc đó, một toán lính ở lại chạy vào và phát hiện ra tôi.

        Vì đang bận đồ quân phục nên tôi không thể chối cãi được với tụi lính. Tên thiếu ủy hỏi tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, tôi không khai, nó giơ súng định đánh, tôi nhìn thẳng vào mắt nó và cự lại. Tôi bảo, bây giờ tôi đã là tù binh của các ông, ông đánh tù binh là vi phạm hiệp ước Quốc tế. Tôi còn nói thêm cho chúng hiểu là chúng tôi đã bắt được nhiều tù binh Ngụy nhưng Cách mạng đối xử với người của các ông rất lịch sự và chu đáo. Không những thế, chúng tôi còn có chính sách khoan hồng, nhân đạo.

        Thấy tôi lý lẽ, bọn chúng coi bộ cũng chờn không đánh nữa. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, nếu mình im lặng hoặc chối cũng không được. Khi đó tôi đã lớn, mặt mũi chững chạc nếu khai là lính trơn chúng cũng không tin, tôi bèn khai là tiểu đội trưởng nuôi quân nghỉ phép về thăm nhà thì bị bắt. Suốt hai đêm một ngày chúng tra tấn tôi rất dã man: tra điện, tra nước, đánh bằng roi gân bò, có thằng bê cả cái ghế đang ngồi phang vào đầu tôi. Bọn chúng cứ thay phiên liên tục không cho tôi nghỉ, nhiều lần ngất đi, tỉnh lại chúng vẫn tiếp tục tra hỏi. Do không khai báo gì cả nên tôi không ký vào bất cứ biên bản hỏi cung nào. Cuối cùng, tôi bị đưa vào phòng 2 Quy Nhơn và nghĩ mình sẽ bị giết, vì đây khét tiếng là lò thủ tiêu. Tới nơi, thấy bọn chúng chạy đi chạy lại một hồi, sau đó tôi nghe tiếng trao đổi là dẫn tôi về Nhà lao Quy Nhơn vì ở đây không còn chỗ.

        Tại Nhà lao Quy Nhơn có một nhân vật không hiểu là do ta cài vào hay anh ta chỉ là người có cảm tình với Cách Mạng. Tôi được anh giúp đỡ nhiều. Tôi nhớ, đêm đầu tiên ở nhà lao, tôi bị còng số tám hai tay ra phía sau. Đã bình tĩnh lại rồi nhưng tôi vẫn chắc là mình sẽ bị thủ tiêu. Phòng giam chật chội, tối tăm, muỗi bay như trấu.

        Đã nửa đêm, tôi muốn chợp mắt một tí cho quên đi sự đau đớn và mệt mỏi nhưng không tài nào ngủ được, cứ đi lại trong phòng và tôi ngâm nga bài Ba mươi năm đời ta có Đảng. Người coi tù mà tôi nói trên cứ đứng ở cửa phòng giam, tôi cứ coi như không có, vẫn say sưa đọc hết bài thơ của Tố Hữu.

        Khi tôi đọc hết bài thơ, anh ta mở cửa và bảo với tôi rằng: “Ông bị ma ám hả?”. Tôi trả lời anh ta là tôi thấy buồn nên đọc bài thơ Cách mạng cho vui chứ chẳng mơ mang gì cả. Anh ta giới thiệu với tôi, tên anh ta là “Hùng trật tự”, rồi nói tiếp “Hùng trật tự này hay đánh tù nhưng chỉ đánh những kẻ ăn cắp, ăn trộm, cướp giật, đâm chém nhau, còn những người tù như chú là tốt, Hùng trật tự này không đánh đâu”. Nói chuyện bâng quơ với tôi một lúc, nó đứng lên gọi một thằng nữa lại và bảo với tên kia lấy cho nó chai rượu. Hùng trật tự chuyển sang gọi tôi bằng chú xưng cháu, nó mở còng cho tôi, rót ra một ly rượu mời tôi uống. Cảnh giác trước thái độ của nó, tôi tìm cách khước từ. Nó vẫn tử tế nói chuyện với tôi và ngồi uống rượu một mình thêm vài ly nữa. Hùng trật tự cho tôi biết nó rất cảm phục và tin ở tôi. Anh ta còn bảo cách đây mấy hôm còn làm ngơ cho “tù tốt” vượt ngục.

        Sáng hôm sau, Hùng trật tự gọi y tá đến tiêm cho tôi một liều thuốc khỏe. Nó hỏi: “Bây giờ chú muốn gì?”. Nghe nó hỏi, tôi suy nghĩ rất lung, rằng nếu có chết, có bị đem đi thủ tiêu thì cũng muốn đi một cách thanh thản. Tôi trả lời rằng: “Nếu anh cho tôi đi tắm giặt một lần sạch sẽ”. Nó bảo tôi cởi hết quần áo ra, khi nào thấy giám thị đến thì cứ nằm bẹp vào góc tường. Khoảng 8 giờ sáng, giám thị đến, tôi cũng làm như Hùng bảo và nghe nó báo cáo là người này cả đêm kêu đau bụng vật vã, ông ta ỉa ra hết cả quần áo, bây giờ phải cho ông ta đi tắm.

        Giám thị đồng ý, tôi được Hùng trật tự áp giải ra vòi nước trong “tư thế của A Đam”. Anh ta lấy xà phòng cho tôi, trong lúc tôi tắm gội, anh ta giặt quần áo cho tôi. Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu được hành động của Hùng trật tự, tuy thế trong lòng tôi vẫn luôn mang ơn anh ta với những nghĩa cử như vậy.

        Bị nhốt trong Nhà lao Quy Nhơn ba đêm, mặc dù chưa làm án nhưng chúng vẫn đưa tôi lên Plei Ku. Những ngày ở Nhà lao Plei Ku, chúng không tra tấn, đánh đập tôi nữa. Suốt bảy tháng ở đây, chúng tôi không phải lao động nặng nhọc như tù thường phạm, ăn cơm ngày hai bữa, chỉ làm vệ sinh và nhổ cỏ xung quanh khu trại giam cho đến ngày bị đưa đi Phú Quốc. Đó là vào một ngày tháng 2-1967, trên một chiếc máy bay C130, chúng chở tôi cùng khoảng hơn ba chục anh em nữa (ở nhà lao Plei Ku tôi thấy có nhiều tù binh là người dân tộc thiểu số nhưng chuyến đi này tất cả anh em chúng tôi đều là người Kinh).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2017, 12:29:34 am »


        Ra đến Phú Quốc, chúng tôi bị bọn trật tự đánh phủ đầu một trận ngay tại sân bay, sau đó dẫn về trại. Hàng ngày, chúng tôi chỉ dọn vệ sinh, nhổ cỏ xung quanh trại. Một thời gian sau, chúng tôi bị bắt đi lao động, đóng bao cát để đắp lô cốt. Tất cả đều phản đối, anh em đại diện yêu cầu bọn chúng thực hiện đúng hiệp ước Quốc tế, không được bắt tù binh đi lao động khổ sai. Sau sự kiện đánh dấu này, chúng tổ chức điều tra, một số anh em bị bọn chúng nghi là cầm đầu, có một số người tự đứng ra nhận mình là người cầm đầu. Anh em toàn trại đấu tranh, họ dùng cây, dùng tay đập vào vách tôn rầm rầm, miệng hô: “Đả đảo! Đả đảo!”, rừng núi xung quanh vang dội. Trong trận này, bọn địch dùng súng đàn áp, nhiều người bị thương nặng và chết sau đó.

        Tôi nhớ, khoảng sáu tháng kể từ ngày ra Phú Quốc, trong phòng tôi bí mật thành lập tổ Đảng. Tôi là tổ trưởng Đảng của trại B2. Chúng tôi đấu tranh có tổ chức, sau mỗi trận đấu tranh anh em lại bị chúng đàn áp, đánh đập và phạt. Hình thức phạt là bắt đội tôn phơi nắng hoặc nhốt vào chuồng cọp để ngoài trời, tôi từng bị nhốt chuồng cọp chín ngày chín đêm. Chuồng cọp ở đây là một cái hộp khung bằng sắt, hình khối chữ nhật dài khoảng 2m, cao, rộng. Bị nhốt vào đây là một cực hình vì cái hộp đó khung bằng sắt, xung quanh toàn dây thép gai cựa mình phía nào cũng bị chích. Lúc đầu còn có cảm giác đau rát nhưng sau đó thì toàn thân tê dại vì khắp nơi đều bị rách da tứa máu.

        Trại B2 của chúng tôi thường đấu tranh nên bọn địch gọi là trại sỹ quan. Một hôm, chúng bắt anh em B2 đi khuân củi cho nhà bếp, chúng tôi thủ mỗi người một cây to bằng cổ tay dài khoảng 50-60cm đem về phòng kê đít ngồi. Hôm đó, tên thiếu tá Huy cho lính xông vào đàn áp, chúng bắn chết một người và một người nữa bị thương. Anh em chúng tôi hô khẩu hiệu và ai nấy đều cầm lăm lăm trong tay sẵn sàng ẩu đả nếu chúng đến đàn áp tiếp. Ban đại diện và những người trẻ khỏe đứng chặn cửa không cho chúng vào đưa những người bị thương đi cứu chữa, người bị chết chúng tôi đào hố chôn tại trại chứ không cho địch khiêng đi chôn. Tình hình căng thẳng suốt cả ngày hôm sau, cuối cùng tên thiếu tá Huy phải xuống nước thương lượng. Chúng tôi đưa ra một số yêu sách, bọn chúng đều đáp ứng, sau đó tình hình dịu lại. Thường thường cứ gần đến các ngày lễ của mình là chúng tăng cường công tác trật tự và luôn luôn chuẩn bị để đàn áp. Những ngày đó, chúng thường gây khó dễ, vì vậy anh em chúng tôi càng có cớ để đấu tranh.

        Tùy tình hình và hoàn cảnh của từng thời điểm mà anh em chúng tôi tổ chức đấu tranh để tránh tổn thất. Tôi nhớ dịp 2-9-1970, toàn trại B2 chúng tôi đấu tranh tuyệt thực năm ngày đêm.

        Ngoài việc đàn áp bắn chết tù binh, địch còn nham hiểm cài bọn chiêu hồi vào các trại để nắm tình hình, sau vài lần bị anh em chúng tôi thử thách đều không qua mặt được Tổ chức. Đối với những tên này, một mặt chúng tôi tổ chức cho anh em kèm cặp, khống chế không cho ra ngoài, không cho tiếp xúc, một mặt chúng tôi giải thích giáo dục, nhiều tên ngoan cố đều bị anh em xử tội. Tôi nhớ không kỹ, trong khoảng thời gian ở trại B2 anh em chúng tôi xử khoảng 6-7 tên chiêu hồi ngoan cố.

        Về phía ta cũng bị tổn thất nhiều. Những anh em bị chúng nghi là cầm đầu trong các cuộc đấu tranh thường bị chúng gọi đi và bảo là chuyển trại, nhưng thực chất là chúng dẫn đi thủ tiêu.

        Trại An Thới ngoài tên thiếu tá Huy hung ác còn có tên trung sỹ Nhất Như cũng rất tàn bạo. Một ngày không đánh tù là ngày đó nó như ngồi trên tổ kiến, ăn không ngon, ngủ không yên, có khi nó kêu người đánh vô cớ để tiêu khiển. Tên này có hình thức đánh tù binh rất dã man là đục răng. Nó cho người giữ chặt anh em mình rồi dùng một ống sắt phi khoảng 25-30mm đặt vào răng cửa sau đó dùng búa đinh gõ mạnh một cái là hai răng cửa bị gãy ngay tức khắc. Bị đánh kiểu này anh em chúng tôi vô cùng đau đớn.

        Những ngày ở tù tại Phú Quốc là quãng thời gian anh em chúng tôi sống trong sự khổ ải cả về tinh thần lẫn thể xác, nhưng vẫn luôn giữ vững và nêu cao khí tiết của người Cộng Sản. Mặc dù cái chết, sự hy sinh luôn luôn cận kề nhưng chúng tôi vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của Cách Mạng. Bên cạnh công tác đấu tranh với địch, anh em chúng tôi còn thường xuyên tổ chức học tập chính trị và học tập văn hóa. Trại B2 chúng tôi có những anh em ngày đầu mới vào chưa đọc thông viết thạo nhưng đến ngày trao trả họ có trình độ tương đương với lớp 6, lớp 7.

        Tôi được về trong đợt trao trả tháng 3-1973 tại Thạch Hãn. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn bồi hồi xúc động trong giây phút gặp lại anh em đằng mình ngày ấy. Sau lễ trao trả tù binh, anh em chúng tôi được đón về Đoàn An dưỡng Quân khu Tả Ngạn. Sau ba tháng, tôi được tổ chức điều về công tác tại cơ quan Tỉnh đội Quảng Ninh cho đến ngày giải phóng miền Nam. Sau năm 1975, tôi chuyển về công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam đến năm 1977 thì nghỉ hưu.

Phan Thanh Bằng ghi         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2017, 12:32:40 am »


        Nguyễn Cảnh Lạc,
        Nguyên pháo thủ Đại đội Tên lửa vác vai Trung đoàn 68,
        Nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 3 – Sao Vàng.


NẾU LÀ CHÂN ĐỒNG VAI SẮT

        “Đây chỉ là một biểu tượng có ý nghĩa đặc trưng thôi, chứ nếu các pháo thủ có chân bằng đồng, vai bằng sắt thật thì cũng đã phải mòn lâu rồi”. Khi kể chuyện về những ngày khiêng pháo hành quân trong chiến dịch mùa xuân 75 của Sư đoàn 3 Sao Vàng – QK5, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn Pháo đã có nhận xét dí dỏm đó.

        Xin được ghi lại vài mẩu chuyện trong muôn ngàn chuyện kéo pháo lên cao, vào gần của đơn vị để chứng minh cho nhận xét trên.

        Đó là chuyện pháo thủ Bùi Xuân Khoát. Khẩu đội anh đang tác chiến thì có lệnh di chuyển trận địa gấp để chi viện cho một mũi khác. Đường đi khó khăn, pháo thủ thiếu. Nếu dùng bốn người khiênh nòng cối 120 li thì dềnh dàng khó đi, dễ lộ và chậm. Không chần chừ, Khoát xung phong một mình vác nòng pháo nặng 105 kg chạy đến trận địa kịp tác chiến.

        Đầu năm 1975, sau khi tham gia đêm mở màn, B của Khoát được lệnh hành quân cấp tốc phía Tây Nam đồi “Ông Bình” làm nhiệm vụ kìm pháo địch trên đồi “Cây Rui”. Hành quân đêm, kéo pháo luồn rừng, vượt dốc. Bàn đế cối 120 ly nặng 95 kg phải bốn người khiêng. Khi vào chiếm lĩnh, dốc cao, đường vừa đi vừa phát không thể khiêng bốn người được. Bùi Xuân Khoát đã tự mình gùi bàn đế vượt dốc đi lên, kịp thời gian chiếm lĩnh.

        Pháo vượt sông thì có gì đáng kể, nhất là hành quân trên đường Trường Sơn. Nhưng kéo pháo qua sông theo kiểu trẻ nhỏ kéo trâu qua rào thì cũng hiếm. Đó là một ngày cuối tháng 2-1975. Để thiết lập một trận địa thật gần, thật bất ngờ, Sư đoàn lệnh cho đơn vị kéo pháo 105 ly vượt sông Kôn. Sông rộng, bãi cát rộng, lún, nước không sâu nhưng lội cũng đến ngực. Làm sao để kéo pháo qua. Ban đầu dùng xe GMC. Nhưng bản thân xe đã không lội qua được nói gì đến kéo pháo. Cuối cùng các pháo thủ phải dùng dây để kéo. Vừa lót, vừa nâng, vừa đẩy, vừa lôi...lợi dụng sức đẩy, sức chảy của nước, anh em đã kéo pháo qua sông một cách dễ dàng như trẻ con dắt trâu qua rào.

        Lội sông xong lại phải lên cao điểm 211 – dốc dài 300m, độ dốc trên 450. Thôi thì trăm phương ngàn kế. Lắp bánh phụ vào càng pháo để kéo cho nhẹ. Dùng dây luồn quanh bánh kéo xoay tròn theo bánh. Nhích một tí là chèn ngay. Chèn bằng vai, chặn bằng chân, chèn bằng đá, chèn bằng đòn thọc vào bánh và pháo đã vào trận địa kịp thời tác chiến.

        Họ nhà pháo không thiếu gì Bùi Xuân Khoát. Nhưng anh em hay nhắc đến Khoát vì hình như Khoát cứ to lớn dần lên bởi nghề pháo thủ. Hồi Khoát mới vào đơn vị (1971) người cũng sàn sàn thôi, thế mà bây giờ thuộc cỡ anh chị trong Trung đội./.

Nhật ký chiến sĩ, năm 1975       
N.C.L                   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:27:40 am »


NGÀY CHÔN PHÁO XUỐNG ĐÊM ĐÀO PHÁO LÊN

“Say pháo hơn cả thuốc lào
Ngày chôn pháo xuống, đêm đào pháo lên”

        Câu “ca dao” này bắt nguồn từ một “sự tích”, nói rõ hơn là một trận đánh của Đại đội cối 120 ly vào sân bay Gò Quánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) Xuân 1975.

        Để tạo thuận lợi cho các Trung đoàn bộ binh tấn công vào các sào huyệt của địch ở Bình Định, Đại đội cối 120 ly được lệnh hành quân cấp tốc xuống đánh sân bay Gò Quánh. Cả Đại đội khiêng pháo ra đi, suốt 10 ngày đêm ròng rã khiêng pháo, vác đạn luồn rừng, lội suối, bám địch mà đi, lách địch mà tiến. Những lúc vượt trọng điểm, ngày phải thu pháo, dấu đạn, phân tán người theo đội hình chiến đấu, đêm tập hợp lại bám địch lại tiếp tục hành quân.

        Vị trí tập kết là suối Nước Đục, cách sân bay nửa ngày đường, phải đi qua một khu rừng, rồi đến một Ấp Chiến lược. Đi qua ấp phải vượt qua một bãi trống, chừng hai tiếng đồng hồ mới tiếp cận được sân bay.

        Sân bay rất rộng, từ hàng rào vào đến trung tâm khoảng 4km. Như vậy, với tầm xa của cối 120 ly, muốn bắn có hiệu quả phải đặt pháo ở vị trí tiếp cận hàng rào. Mặt khác, nhiệm vụ trên giao là phải kìm sân bay trong một tuần, nghĩa là phải đánh địch trong bảy ngày. Đó là một khó khăn rất lớn.

        Đưa pháo vượt qua ấp, qua sự lùng sục của địch để vào chiếm lĩnh là việc rất khó. Phơi trận địa giữa bãi trống ngay nách sân bay trong một tuần làm sao giữ bí mật được. Chỉ cần lộ một tý là “mất cả chì lẫn chài”. Đánh xong vác pháo chạy về hậu cứ thì không kịp. Hội nghị cán bộ, đại hội quân nhân suốt một ngày đã quyết định: phải đánh được và thắng.

        Đồng chí Diệu (quê Thanh Hóa), Chính trị viên Đại đội đã kể lại trận tập kích táo bạo đó:

        Đơn vị quyết định chỉ dùng một khẩu cối nhưng phải 30 người ra quân. 16 giờ từ vị trí tập kết ra đi, 3 đồng chí trinh sát đi đầu bám địch, mở đường, 15 đồng chí mang đạn có trang bị AK để đánh địch bảo vệ pháo, còn lại là khiêng pháo. 23 giờ thì lọt xuống được vị trí chiếm lĩnh. Một bộ phận triển khai đội hình bám địch, sẵn sàng đánh bọn bộ binh lùng sục, còn lại tập trung làm công sự chiến đấu. Đúng 3 giờ sáng nổ súng. Bị đánh bất ngờ nên bọn địch rất kinh hoàng. Còi báo động rú như điên dại trong sân bay. Các trận địa pháo bảo vệ sân bay của địch bắn ra rung chuyển cả khu rừng. Chúng không phát hiện được trận địa của chúng ta vì chúng không ngờ được chúng ta luồn sâu đến thế.

        Sau 45 phút tập kích, phải thu dọn “trận địa” ngay theo đúng phương án đã chuẩn bị. Các pháo thủ kéo pháo đi chôn. Bệ, chân pháo dầm xuống hồ sen. Nòng pháo đem chôn. Những bộ phận khác được giấu vào các bụi rậm. Còn bộ phận mang đạn, bám địch thì đến dọn trận địa, xóa mọi vết tích. Xong mọi thứ, chia thành từng nhóm vượt bãi trống, luồn ấp về vị trí tập kết.

        Tất nhiên, cả ngày hôm sau địch cho máy bay trinh sát, bộ binh lùng sục, bom pháo bắn loạn xạ xuống bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ.

        Cứ như thế, đơn vị đánh ba trận trong ba đêm, mỗi đêm một đường đi, một trận địa, một nơi thu dấu, một lần đào lên, chôn xuống, và dĩ nhiên là giờ nổ súng cũng khác nhau, bất ngờ. Bọn địch liên tiếp bị ăn đòn. Sau này, theo cơ sở báo ra, có đêm bắn cháy hàng chục máy bay, có trận hàng trăm lính ngụy chết.

        Đêm cuối cùng, sau khi tập kích xong, đơn vị được lệnh rút quân. Bọn địch phát hiện đuổi đánh, trên thì máy bay trinh sát L19, trực thăng vũ trang HU1A quần bắn - dưới thì pháo bắn chặn. Mọi tình huống đã tính trước, chỉ tội phải khiêng pháo chạy một bữa “tóe phở”, đúng hơn là “tóe môn dóc và quả sung”, vì suốt đợt tập kích, ngày chỉ có hai gói lương khô, còn phải tự túc bằng quả gắm, quả sung, môn dóc.

        Phải nói, sức chịu đựng và sự táo bạo của lính ta là vô tận – đó là nhận xét của đồng chí Chính Trị viên Đại đội khi kể chuyện này./.

Nhật ký chiến sỹ, 2-1975       
N.C.L                   
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM