Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 09:03:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34353 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:11:01 am »


        Có tiếng máy bay sè sè, mỗi lúc một gần. Liền đó có tiếng gọi trên sóng chi khu Hoài Nhơn lúc được lúc mất. Tôi biết chắc chắn bọn chi khu Hoài Nhơn chưa bắt được sóng này. Còn máy tôi thì nghe rõ:

        -   Vĩ Long đâu? Ngân Hà gọi (Ngân Hà là mật danh không quân Phù Cát.)

        Tôn Việt vội bỏ máy của mình, cầm nhanh máy của tôi (đang đóng giả máy chi khu Hoài Nhơn) nói một tràng tiếng anh bảo chúng chuyển sóng và tần số theo chỉ dẫn của chúng tôi. Sau đó tôi đĩnh đạc hỏi:

        -   Cần đối chiếu “ Bùa hộ mệnh” không?

        Bọn phi công trả lời:

        -   Khỏi cần!

        Tôi mỉm cười nghĩ: chắc là nó nghe tràng tiếng anh của Tôn Việt nên tin tưởng không bị lừa

        Bỗng dưng Tôn Việt ra lệnh cho tôi và Phát đóng máy. Việt giải thích:

        -   Có lẽ phải “ stop”. Mình không ngờ lại to chuyện thế này. Cả bọn không quân của chúng cũng được điều động chi viện. Thật là một lũ điên. Nếu việc này ảnh hưởng đến trận đánh của Sư đoàn thì gay to.

        Sỹ Hùng từ nãy giờ ngồi im bỗng lên tiếng:

        -   Tôi lại cho rằng đây là cơ hội mới. Các anh cứ dụ cho bọn không quân và hải quân đánh nhau.

        Tôn Việt đồng ý theo hướng đó. Tôi và Phát lại vào cuộc

        Đóng giả máy hai tàu tuần tiễn, tôi hỏi:

        -   Anh đi đâu mà lạc vào số nhà của tôi?

        -   Được lệnh Phi đoàn Phù Cát, tôi cùng anh tiêu diệt tàu ngầm Trung cộng (tên phi công trả lời). Hiện tôi đang ở Phốt- pho cải cách (mã đèo Phú cũ).

        Tên phi công có vẻ ngạo mạn, đọc cả thơ nữa

        “ Biển ồn ào sóng dội

          Tàu Trung cộng tiến vào

          Không chịu nổi tên lửa

          Bom chùm ở trên cao. ”

        Tôi khen nó thơ hay và đọc tiếp một câu:

        “ Coi chừng Việt cộng nuốt cả sao.”

        Tôi cười và hắn cũng cười đáp:

        -   Hay! Hay lắm! Mà phản nghịch đó nghe!

        Chiếc máy bay lượn mấy vòng rồi nghiêng cánh sà sát xuống mặt biển và vọt lên cao. Nó thất vọng nói rè rè, liên lạc với Chi khu Hoài Nhơn. (sóng Hoài Nhơn vẫn do chúng tôi khống chế)

        -   Vĩ Long đâu? Ngân Hà gọi. Chẳng thấy gì cả. Chỉ có thuyền đánh cá.

        Dừng một lát nó nói tiếp:

        -   Hay đó là thuyền Việt cộng cụm lại để che dấu tàu ngầm?

        Tôi sợ chúng bắn vào thuyền chài của dân nên vội gọi:

        -   Ngân Hà đâu? Vĩ Long gọi. Không được bắn vào thuyền đánh cá. Họ kiện đấy. Ở đó, “ con cái” của tôi đang lùng sục, kiểm tra.

        Đột nhiên tên phi công nói:

        -   Thấy rồi! Thấy rồi! Có hai chấm đen nhỏ.

        Tôi đoán chắc đó là hai tàu tuần tiễn của bọn Quy Nhơn, liền bảo:

        -   Đúng! Chính nó! “ Nấu phở ngay kẻo nó chuồn mất”.

        Chỉ mấy phút sau, chiếc máy bay C130 bay tới và hai quả bom đầu tiên trút xuống hai tàu tuần tiễn địch.

        Tôi giục tên phi công lái máy bay trinh sát:

        -   Xi nhan tiếp. Đúng mục tiêu rồi đó.

        Thế là tên lửa, bom tạ, bom tấn thi nhau trút xuống hai tàu tuần tiễn của chúng.

        Lúc này, trên sóng của bọn tàu tuần tiễn liên lạc với sóng chi khu Hoài Nhơn la lối om sòm:

        -   Máy bay Việt cộng! Máy bay Việt cộng!

        Vậy là các cỡ súng cao xạ của chúng ở Hoài Nhơn thi nhau bắn lên. Chiếc C130 lồng lộn tức giận trút những quả bom cuối cùng rồi chuồn thẳng.

        Có tiếng đại tá Hoài- trưởng Tiểu khu Bình Định quát trên máy:

        -   Tất cả dừng lại. Không được bắn. Nhầm to rồi. Hai tàu tuần tiễn đi tiêu rồi. Đù mẹ! Tại sao lại chồng nhau vậy?

        Hắn ra lệnh cho bọn hiệu thính viên rà tìm vô tuyến của ta nhưng dù có xoay đến mòn tay cũng không thể tìm ra.

        Bọn tôi bỏ ống nghe cười vui. Lúc này gần 24 giờ. Một đêm thật tuyệt vời. Đầy căng thẳng và rất thú vị. Một món quà mừng sinh nhật Bác thật ý nghĩa.

        Bất chợt, một cơn mưa ập tới. Đồi 82 dịu mát dần. Lũ chúng tôi căng ni lông hứng nước mưa và cởi trần tắm gội.

        Đúng lúc đó, tiếng súng của ta ở Chóp Chài, Núi Chéo, Đồi 174... lần lượt rộ lên. Chiến dịch phản kích của Sư đoàn bắt đầu. Tôi hứng lên đọc luôn hai câu thơ:

        “ Đọc thơ Bác giữa chiến hào

        Bom rơi, bụi đỏ bay vào sổ thơ.”

        Trên trời, một chiếc trực thăng bay qua bay lại mấy vòng rồi có tiếng trên sóng của Tiểu khu Bình Định

        -   Bạch Long đâu? Chim Ưng gọi

        Đại tá Hoài nhanh nhẩu thưa:

        -   Chim Ưng đâu? Bạch Long trả lời.

        Nguyễn Văn Toàn- trung tướng, Tư lệnh Quân khu II ngụy nói giọng bắc pha nam:

        -   Tại sao “ moa” không báo cho “ toa” biết vụ đánh lộn?

        Hoài chưa kịp trả lời thì Toàn đã ra lệnh:

        -   Bravo, Cha- lie Hâu- theo qui bách Đen ta. (về Bộ chỉ huy Quân đoàn gấp).

        Tôi cười nói với anh em trong tổ:

        -   Cuộc chơi của chúng ta đã chấn động tới cấp Quân khu chúng nó rồi. Thật đã!

        Chiếc trực thăng vọt lên cao và mất hút về phía Nam. Vài quả pháo địch bắn vu vơ, lạc lõng nổ ùng oàng phía bắc Đồi 82.

        Chuyện có thật bây giờ mới nói, âu cũng là kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp, một nén nhang thắp cho Văn Phiêu - người Trưởng Ban trinh sát hiền hành và sâu sắc, một nén nhang tưởng nhớ Tôn Việt- Tổ trưởng tổ Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn và bao đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất Bình Định thân yêu.

Quảng Bình, ngày 20-8-2008.       
T. V .K                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:17:57 am »


                                    KÝ ỨC THÁNG BA

                                    Tháng Ba chia tay lần cuối
                                    Xa nhau ấm nụ hôn nồng
                                    Hoa xoan trắng ngần ngõ nhỏ
                                    Người đi nước mắt lưng tròng
                                    Tháng ba! Tháng ba mùa đói
                                    Đong máu đổi gạo lên ngàn
                                    Chia tay bạn về với đất
                                    Xót lòng măng trúc, măng giang.
                                    Tháng Ba! Tháng ba mưa dội
                                    Chẳng còn manh áo chắn che
                                    Hầm nghiêng, con đường lầy lội
                                    Đạn bom cày nát tứ bề
                                    Tháng Ba đi tìm đồng đội
                                    Bâng khuâng giữa chốn rừng già
                                    Mòn tay lật rừng tìm lối
                                    Đêm thâu, lưỡi xẻng sáng loà
                                    Tháng Ba! Tháng Ba chờ đợi
                                    Phương Nam vời vợi trời xa
                                    Người đi bao giờ trở lại
                                    Vẫn còn trắng một màu hoa.

                                                                           
Quảng Bình, năm 2008.       
T.V.K                     




                                    KHOẢNG TRỜI

                                            Bồi hồi thổn thức người ơi
                                    Nhớ thương cả một khoảng trời bơ vơ
                                            Chao ơi!chỉ mấy dòng thơ
                                    Mà nghe ngọt lịm nước dừa Tam Quan
                                            Trường Sơn lội suối băng ngàn
                                    Để ta ôm ấp đa mang một đời
                                            Tìm nhau góc bể chân trời
                                    Chờ nhau tóc đã bạc rồi còn đâu
                                            Bạn nằm giữa chốn rừng sâu
                                    Có nghe ai gọi đêm thâu cháy lòng
                                            Mãi còn Phù Cũ, Đèo Nhông
                                    Kim Sơn, An Lão, Hoài Ân... nghĩa tình.
                                            Mặn mòi nước biển Sa Huỳnh
                                    Thảo thơm như đất quê mình Hoài Nhơn
                                            Hòn Chè, Dốc Đót, Đá Giang
                                    Chia nhau giọt nước lòng hang núi Chùa
                                            Lại Giang cõng gạo đêm mưa
                                    Sông Kôn máu nhuộm bãi bờ đó em
                                            Tưởng rằng chuyện cũ người quên
                                    Ai ngờ khơi lại thêm niềm nhớ thương
                                            Mỗi tấc đất ở chiến trường
                                    Để ta nhớ mãi vấn vương tháng ngày
                                            Lung linh Đồng Hới chiều nay
                                    Ngả nghiêng Nhật Lệ như say men nồng.

Quảng Bình, năm 2008.       
T.V.K                   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:23:46 am »


        Thượng tá, nhà báo Ngô Quý Vân,
        Nguyên phóng viên báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ,
        Nguyên cán bộ Văn Phòng Tổng cục Chính trị, đã nghỉ hưu.

        Anh là một trong những người đã gắn bó với sư đoàn 3 – Sao Vàng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam.

        Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập sư đoàn, anh đã gửi cho ban biên tập nhiều bài viết về bộ đội sư đoàn. Xin trích đăng một số bài sau đây:

NHỮNG CHIẾN SĨ KIÊN CƯỜNG  TRÊN ĐỒI CHÈ

        Khác với các đợt càn quét trước đây lên vùng ven phía Tây huyện Phù Cát, lần này bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên, thuộc sư đoàn “Mãnh Hổ” không bỏ qua một điểm cao lợi hại: Đồi Chè. Sáng ngày 24 tháng 4 năm 1971, sau những loạt đạn pháo cấp tập dọn bãi, từng tốp máy bay lên thẳng bắt đầu đổ quân. Chiếm được mỏm cao của Đồi Chè, bọn địch đã không vấp phải một sự đánh trả nào đáng kể. Đến trưa, bộ binh chúng bắt đầu theo đường mòn đi xuống. Chưa biết quân ta bố trí ở đâu. Bất ngờ bị vài loạt AK ngắn, chúng đã toi mạng 3 thằng. Quen thói hung hăng, chúng tiếp tục tràn xuống. Lại thêm 4 tên nữa ngã gục. Bấy giờ chúng mới thận trọng. Dường như tên chỉ huy đã hiểu rằng, muốn xuống được mỏm đồi phía trước chẳng phải dễ dàng gì. Chúng tiếp tục ném bom, bắn pháo và mãi tới 4 giờ chiều mới dám lò dò đi xuống. Năm tên đi đầu tới chỗ ngã ba thì dừng lại, ngơ ngác một lúc rồi quay trở lên. Gặp hai tên từ trên đi xuống, tất cả chúng dừng lại nói xầm xì và nhìn ra xung quanh. Bất thần, một quả đạn B40 của chiến sĩ ta bắn tới. Một tiếng nổ xé tai. Cả 7 tên địch bị thiêu cháy. Trận địa trở lại yên tĩnh.

        Tối hôm đó, dưới một tảng đá lớn vững chắc làm công sự, ban chỉ huy phân đội 51 (đại đội 51, tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12 hiện nay) họp, nhận định tình hình: Qua 3 lần nổ súng trong ngày, có thể địch vẫn chủ quan coi thường. Phải chuẩn bị thật tốt cho ngày mai. Phải biến nơi này thành mảnh đất đẫm máu bọn lính Nam Triều Tiên gian ác. Đó là ý chí, là quyết tâm của 6 chiến sĩ được giao nhiệm vụ chặn đánh quân địch đổ xuống Đồi Chè. Phương án tác chiến được bổ sung. Một trái mìn Clây-mo và một quả đạn pháo cải tiến thành mìn được đặt vào những vị trí dự kiến địch sẽ đi tới. Khẩu B40 của Chiến còn khét mùi thuốc đạn ban chiều được lau chùi sạch sẽ...

        Bảy giờ sáng ngày 25 tháng 4 năm 1971, bọn địch lại bắt đầu mò xuống. Ba tên đi đầu đến ngả 3 liền rẽ ngang bên trái, núp vào bụi rậm ra hiệu cho bọn đi sau. Bốn tên nữa vọt lên nhập với bọn đi trước. Chúng đang dùng chiến thuật tiến sâu đo. Các chiến sĩ ta vẫn im lặng. Một lát sau, khoảng 40 tên từ trên Đồi Chè lúc nhúc dồn xuống. Ngồi trong công sự, phân đội phó Thanh cùng các chiến sĩ vẫn im lặng chờ thời cơ. Một số tên đã vượt qua quả mìn Clây-mo, chỉ cách công sự ta 15 mét. Bàn công tắc điện trong tay Hùng chập lại. Mìn nổ. Hơn 10 tên địch bị quét ngã gục. Bọn còn lại dồn về phía sau. Khẩu B40 của Chiến lập tức phát hỏa. Anh bắn liên tiếp 2 quả chính xác vào cụm quân địch. Xác chúng nằm la liệt trong khói bụi mù mịt. Ba bốn tên sống sót vội lăn xuống hố bom gần đó liền giẫm phải quả pháo cải tiến. Đạn pháo nổ quét sạch bọn địch trong hố bom. Đất đá văng rào rào. Các chiến sĩ ta bật khỏi công sự dùng AK, lựu đạn tiêu diệt nốt bọn còn lại. Chỉ sau mấy phút, cả toán địch hơn 40 tên đã bị tiêu diệt. Trên đồi, bọn địch dùng đại liên, M79, M72 và DKZ bắn xối xả xuống trận địa ta. Cây cối, đất đá rung lên. Bộ đội ta rút vào công sự ngồi ung dung chờ đánh trận nữa.

        Địch không dám gọi bom pháo vì xác đồng bọn đang nằm tại trận địa. Chúng chỉ dùng hỏa lực đi cùng bắn không tiếc đạn. Bắn hàng tiếng đồng hồ rồi liên tục mở 6 đợt tiến công để xuống kéo xác đồng bọn. Các chiến sĩ ta dùng chiến thuật bắn tỉa theo lối du kích. Bắn bằng đạn AK, đạn M79 và dùng lựu đạn ném ra khiến chúng không phát hiện được mục tiêu. Trong chiến thuật này, Nguyễn Văn Hùng tỏ ra là một xạ thủ M79 cừ khôi. Phát hiện một cụm quân địch, một khẩu đại liên hay M79 của chúng, Hùng bắn chính xác không sai phát nào. Địch cay cú dùng thủ đoạn dã man là bắn đạn hóa học. Được chuẩn bị trước, anh em ta lấy khăn dấp nước đắp lên mặt và vẫn không rời vị trí chiến đấu.

        Khoảng 3 giờ chiều, địch dùng trực thăng đổ thêm quân xuống Đồi Chè cùng với 1 khẩu DKZ và 1 khẩu cối 81 ly. Cánh quân địch ở Đồi 38 cũng kéo sang tăng viện.

        -   Được ! Chúng tăng quân, ta càng có dịp “làm ăn” to – Các chiến sĩ động viên nhau như vậy và tích cực củng cố công sự, lau chùi súng đạn, tranh thủ bò ra lật xác địch thu vũ khí. Quân số của ta vẫn còn nguyên 6 đồng chí.

            Cuộc chiến đấu của 6 cán bộ, chiến sĩ phân đội 51 trên Đồi Chè kéo dài suốt 8 ngày. Càng về sau càng ác liệt. Một điều lý thú là kẻ địch không phán đoán được thực lực ta bao nhiêu. Những ngày cuối, chúng không cần đến xác đồng bọn nữa nên tha hồ bắn pháo, ném bom. Cây cối nát vụn lẫn trong đất đá. Riêng tảng đá các chiến sĩ ta lập trận địa phòng thủ to lớn bằng một tòa nhà, giờ đây đã bị vỡ từng mảng, nhưng nó vẫn là chiếc “áo giáp” bất khả cháy của phân đội. Đúng là “rừng che bộ đội” không sai chút nào. Có tảng đá ấy, khi địch ném bom, bắn pháo, chiến sĩ ta lui vào ẩn nấp. Khi bộ binh chúng mò xuống, ta lại xông ra như từ dưới đất mọc lên, khiến chúng phải kinh hoàng. Ngày cuối cùng, để xóa dấu vết thất bại, bọn Nam Triều Tiên đã dùng bom xăng thiêu cháy toàn bộ xác đồng bọn.

        Sau 8 ngày kiên cường trụ bám đánh địch, phân đội 51 đã tiêu diệt hơn 90 tên địch, thu và phá nhiều vũ khí. Điều đáng nói nhất là 6 cán bộ, chiến sĩ ta không một ai bị thương vong, góp phần cùng các đơn vị bạn bẻ gãy đợt càn lớn dài ngày của bọn lính Nam Triều Tiên vào khu căn cứ của sư đoàn và của tỉnh Bình Định ở vùng núi phía Tây.

Bình Định, tháng 8 năm 1971.       
N.Q.V                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 10:34:30 pm »

       
TRẬN ĐỊA MẶT ĐƯỜNG

        “Cắt đứt giao thông địch trên đường 19!” Đó là mệnh lệnh chiến đấu của các chiến sĩ đoàn Trường Sơn (tức Trung đoàn 12 hiện nay), và cũng là yêu cầu hợp đồng tác chiến trên toàn chiến trường. Cùng với những trận chiến đấu quyết liệt chung quanh khu vực Cây Rui, tiếng súng tiến công của quân ta cũng nổ ròn dọc đường 19 từ triền đông đèo Thượng Giang đến phía tây Hòn Kiềng.

        Trên một đoạn đường nằm giữa hai vị trí Mâm Xôi và Hòn Kiềng do  bọn lính đánh thuê Păc-chung-hy đóng giữ, có một tổ chiến đấu của đại đội 63 (tiểu đoàn 6, trung đoàn 12) như một mũi dao sắc nhọn cắm ngang hông kẻ thù. Tại đây đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch suốt 14 ngày đêm.

        Vừa lên tiểu đoàn nhận lệnh về, trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải đã triệu tập anh em tới, gồm có Bảo, Hạnh và Khiêm để quán triệt nhiệm vụ và bàn cách đánh. Mấy phút sau mỗi người lại về vị trí của mình tiếp tục củng cố công sự.

        Sáng ngày 17 tháng 4 năm 1972, lúc sương mù còn đọng quanh chân núi, bầy chim le te đi ăn đêm đang rủ nhau về thì pháo địch từ Bình Tân, Đồng Phó, Vườn Mít đã nổ ầm ầm trên trục đường 19. Hai khẩu đội cối 81 ly ở cứ điểm Mâm Xôi và Hòn Kiềng mấy ngày trước bị pháo binh ta kìm đầu, hôm nay cũng kì cạch nã đạn ra liên tục. Khoảng 8 giờ sáng, một chiếc máy bay OV10 bay lên vè vè quần lượn trên trận địa, ngó nghiêng trinh sát. Ngồi trong công sự, chốc chốc Hạnh lại thò đầu ra xem lũ bộ binh địch đã mò lên chưa. Hết đợt pháo này đến đợt pháo khác vẫn không thấy bóng một thằng lính Păc-chung-hi nào cả. Bảo đang cảnh giới, nghe tiếng pháo nổ đều đều như thế làm cho anh cũng phát buồn ngủ. Trung đội trưởng Tải bò tới từng công sự nhắc nhở anh em cảnh giác vì theo kinh nghiệm, thế nào bọn địch cũng sẽ đi giải tỏa.

        Vừa về tới hầm, Tải đã nghe tiếng ì ầm của động cơ xe tăng. Bốn chiến sỹ nhắc nhau theo dõi địch và chuẩn bị chiến đấu. Từ phía Hòn Kiềng theo đường 19, sáu chiếc xe tăng lù lù dẫn xác ra, theo sau là lũ bộ binh lố nhố. Tới gần trận địa ta, đoàn xe địch dừng lại, 4 khẩu trọng liên trên xe bắn ra như vãi đạn. Sau khi bắn tung từng bụi cỏ, mô đất ở phía trước, bọn địch mới dò dẫm nhích dần lên. Đợi cho chúng tới gần, Nhâm Xuân Tải giương khẩu B40 nhằm vào chiếc xe thứ nhất bóp cò. Chiếc xe trúng đạn bốc cháy. Chiếc thứ 2 định chen sang bên phải leo lên nhưng liền bị phát đạn thứ 2 của Tải phá hủy. Lũ bộ binh và 4 chiếc còn lại chạy lùi về phía sau bắn trả loạn xạ.

        Ở hướng của Hạnh và Bảo cũng đánh quyết liệt với một Trung đội địch. Tiếng B40 xen lẫn tiếng AK nổ đanh và chắc. Những tên lính đánh thuê cứ nhổm lên lại rạp xuống giống hệt như con thú bị người ta lấy gậy đập vào đầu. Nhiều tên quá hoảng sợ chui cả xuống cống ngầm ở mặt đường. Hai cánh quân địch bị đánh lui. Chúng bỏ lại trận địa hai xác xe và hàng chục xác lính. Các chiến sỹ nhảy ra thu súng địch. Ba chiếc “cá lẹp” (một loại trực thăng vũ trang thân dài và thon) phành phạch dẫn xác tới phóng rốc-két vào trận địa ta.

        Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, xe tăng địch ta đã diệt được, đến lũ máy bay cũng phải cho chúng nó một trận. Vừa chỉ huy tổ, Tải vừa đưa trung liên lên bờ công sự, kịp thời quất một điểm xạ vào chiếc đi đầu.

        - Cháy rồi! Cháy rồi!

        Mấy chiến sỹ trong tổ reo lên, cũng là lúc chiếc máy bay đâm đầu xuống cách trận địa chỉ vài trăm mét. Hai chiếc còn lại vọt lên cao lượn mấy vòng rồi chuồn thẳng.

        Từ đó đến tối, địch không dám mò lên nữa. Trên trận địa mặt đường 19, bốn chiến sỹ Trung đội 2, Đại đội 63 đoàn Trường Sơn qua một ngày chiến đấu đã ghi một chiến công xuất sắc: đánh tan một đại đội địch, diệt gọn một trung đội lính Nam Triều Tiên, bắn cháy 2 xe tăng, bắn rơi một máy bay, thu 8 súng. Các chiến sỹ ta trong niềm vui thắng trận lại lau chùi súng đạn, sửa sang công sự chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới.

Bình Định, tháng 10 năm 1972       
N.Q.V                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 10:37:59 pm »


30 PHÚT,  DIỆT GỌN ĐỒN ĐẠI THẠNH

        Đợt hoạt động đã bước sang ngày thứ 10. Sau những trận liên tục công kích đánh nát căn cứ trung đoàn 41 ngụy ở Trà Quang, tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2) được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm địch ở Hội đồng Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp (quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) do một đại đội thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 41 quân chủ lực ngụy đóng giữ. Đây là một vị trí được xây dựng từ lâu, có 9 lô cốt với 8 lớp hàng rào kẽm gai, có hỏa lực mạnh lại nằm lọt giữa đường sắt và đường Quốc lộ Số 1, được sự chi viện trực tiếp của căn cứ trung đoàn 41 ngụy ở Trà Quang và Chi khu quận lỵ Phù Mỹ.

        Trong khi cán bộ đi chuẩn bị chiến trường, toàn đơn vị tranh thủ rút kinh ngiệm và sẵn sàng chiến đấu. Mọi công tác tổ chức được gấp rút hoàn thành. Sau khi báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến trong Đảng ủy, tiểu đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ và chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Nhĩ tiến hành giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Đại đội 3 có hỏa lực của trên tăng cường sẽ làm nhiệm vụ chủ công tiêu diệt căn cứ Hội đồng Đại Thạnh.

        19 giờ ngày 10 tháng 6 năm 1972, toàn đơn vị xuất phát chiếm lĩnh trận địa. Con đường mòn qua làng Đại Phước lạo xạo bước quân đi. Tổ trinh sát dẫn đầu bám địch từng bước, đưa đội hình nhích dần vào. Các chiến sĩ bộc phá thận trọng mang những ống thuốc nổ dài và nặng vào sát hàng rào. Những chiến sĩ thông tin nhanh chóng rải dây từ sở chỉ huy tiểu đoàn xuống các phân đội. Tiếng xẻng đào công sự từ đại đội hỏa lực đến các mũi bộ binh nghe ràn rạt.

        Hình như bọn địch trong cứ điểm đã đánh hơi được sự không lành nên bắn pháo sáng và khua nhau dậy. Đang đêm, dưới ánh sáng lập lòe khi tỏ, khi mờ, bọn ngụy gấp gáp xếp thêm bao cát lên các công sự, lô cốt. Chúng cho một bộ phận luồn ra ngoài hàng rào nằm. Vừa quan sát theo dõi địch, các chiến sĩ ta vừa khéo léo ngụy trang và thận trọng từng động tác nhỏ của mình trong đào công sự. Tới quá nửa đêm, các phân đội hoàn thành trận địa chuẩn bị tiến công.

        Ba giờ sáng ngày 11 tháng 6, không thấy động tĩnh gì, bọn địch thôi bắn đèn sáng và rút bọn địch ngoài hàng rào vào căn cứ.

        Chân trời phía Đông chuyển dần sang màu hồng phơn phớt. Sau khi kiểm tra lần cuối sự chuẩn bị của bộ đội, tiểu đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ ra lệnh tiến công. Các loại hỏa lực đi cùng như DKZ, trọng liên, đại liên, B40, B41, theo mục tiêu đã phân công liên tiếp bắn phá. Khói bụi mù mịt trùm lên căn cứ địch. Các tổ mở cửa, theo hợp đồng, lần lượt lên phá hàng rào kẽm gai. Những quả bộc phá đã liên kết qua 4 lớp rào lập tức điểm hỏa. Những chiến sĩ đánh bộc phá liên tục do Nguyễn Tiến Hạt chỉ huy nhanh chóng xông lên đánh tiếp những hàng rào còn lại, mở đường cho mũi thọc sâu của Lê Hồng An xông vào. Tiếp đó, đại đội trưởng Công dẫn bộ phận hỏa lực chiếm lĩnh đầu cầu, dùng DKZ chế áp các hỏa điểm địch cho các mũi đánh tỏa ra. Trận địa hỏa lực của tiểu đoàn đặt trên gò cao cách đó vài trăm mét vừa chi viện trực tiếp cho trận đánh vừa chế áp các vị trí địch ở chung quanh.

        Bị đánh phủ đầu quá mạnh, bọn địch không kịp đối phó. Mãi tới 10 phút sau, mấy hỏa điểm còn lại trong căn cứ mới phản ứng. Lập tức, DKZ của ta bắn sập ngay những hỏa điểm ấy. Các chiến sĩ đại đội 3 tràn vào trận địa địch, vừa tiêu diệt bọn ngoan cố vừa kêu gọi chúng đầu hàng. Từ trong những lô cốt và công sự sập lở, những tên ngụy sống sót run rẩy giơ tay xin tha tội chết. Một số tên liều mạng, mở cổng sau chạy ra Quốc lộ 1 định thoát về cầu Thạnh An. Phát hiện bọn này, đại đội phó Quý và chính trị viên Việt dẫn một bộ phận đuổi theo tiêu diệt và bắt sống toàn bộ.

        Mặt trời nhô lên khỏi mặt biển hắt những tia nắng đầu tiên xuống trận địa. Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm và quyết liệt, nhờ sự mưu trí, vận dụng tốt chiến thuật đã xác định, đại đội 3, tiểu đoàn 3, đoàn Trung Dũng (tức Trung đoàn 2) đã tiêu diệt và làm chủ cứ điểm Hội đồng Đại Thạnh, diệt gọn đại đội 4, tiểu đoàn 3, trung đoàn 41 chủ lực ngụy, bắt sống 22 tù binh, thu 63 súng các loại, 5 máy vô tuyến điện thoại PRC25, ghi thành tích xuất sắc về đánh tập kích hợp đồng bộ binh và pháo binh, diệt gọn đại đội địch trong công sự vững chắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Bình Định, tháng 9 năm 1972       
N.Q.V                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 10:42:41 pm »


        Trung tá Doãn Đức Xuân
        Nguyên trợ lý Cán bộ E12, F3-Sao Vàng


ĐÊM MƯA

        Hoàng hôn vùng núi miền tây Bình Định trùm xuống rất nhanh. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt. Tôi đi họp thống kê cán bộ Sư đoàn về. Đường ven sông vắng tanh. Cáu thời tiết, rồi lại tự trách mình. Giá như không có cơn sốt rét sáng nay thì giờ này tôi đã ung dung ở đơn vị rồi. Trú vào đâu bây giờ. Trời đã tối thực sự. Còn hơn 3 tiếng đồng hồ nữa mới tới nhà. Rừng đêm trùng điệp. Đầu suy nghĩ miên man, chân cứ bước đi mải miết.

        Bỗng đằng xa, trước mắt như có ánh lửa loé lên rồi lại tắt. Tôi bước vội đến! Một mái lán sơ sài được dựng tự bao giờ để trú tạm bên suối. Chẳng lẽ lại có người? Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ. Đang phân vân có nên vào hay không thì một viên đá dưới chân bị trượt rơi tõm xuống nước.

        -   Ai? Một tiếng kêu giật giọng

        Tôi cũng hoảng hốt không kém. Nhưng sau tiếng “Ai” thì tôi đã định thần vì nhận ra đó là tiếng người con gái.

        -   Tôi! Tôi đây mà.

        Cô gái nhìn ra, đôi mắt chưa hết sợ hãi, vẻ dò xét. Tôi nói tiếp:

        -   Tôi, tôi bị sốt, không đi được, trời lại mưa, chóng tối quá. Dừng một lát tôi hỏi

        -   Còn cô! Sao lại ở đây vào giờ này?

        -   Cơ quan em ở đây thôi, còn khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng sợ ướt thuốc, em phải vào đây trú, không ngờ trời cứ mưa hoài và mỗi lúc một to dần.

        “À, một cô dược tá” tôi nghĩ thầm. Cơn mưa lại ập tới. Tôi bước vào lán. Cô gái bảo:

        - Lạnh ướt vậy dễ cảm lắm đấy!

        -   Giờ mà có bếp lửa thì tuyệt. Tôi nói mà hai hàm răng cứ cầm cập va vào nhau, người lại ngây ngấy sốt. Cô gái đưa cho tôi cái mũ và bảo:

        -   Anh che, để em đánh diêm, ban nãy em định nhóm lửa nhưng gió quá, vả lại một mình em cũng sợ.

        Lửa bén qua tờ giấy vào mớ phên nứa ải. Tôi nhặt mấy que củi bỏ vào. Lửa mỗi lúc một cháy lớn. Ánh lửa đã đem lại sự ấm áp cho chúng tôi và xua tan bao nỗi sợ hãi.

        Thật kỳ ngộ! Tôi nhớ lại câu chuyện Rô-bin-xơn đọc hồi còn bé. Cô gái để cằm trên đầu gối, ngồi khêu tàn lửa. Tôi khen cô gan dạ, còn cô thì bảo:

        -   Chẳng biết làm thế nào em đành liều. Nói thật nhé, lúc nãy em cũng sợ lắm

        -   Sợ gì?

        -   Em tưởng thú giữ hay biệt kích cơ đấy!

        Chúng tôi bắt đầu kể chuyện cho nhau nghe: chuyện đơn vị, chuyện công tác và lân la đến chuyện quê hương, gia đình.

        -   Em là Thanh, Nguyễn Thị Thanh, còn anh?

        -   Anh là: Doãn “Thanh” Xuân.

        Tôi cố nhấn mạnh chữ “Thanh” do tôi vừa nghĩ ra, vừa nói vừa cười, với ý đùa cho vui, nhưng Thanh chẳng chút gì nghi ngờ

        -   Tên anh hay nhỉ! ...

        Đêm đã về khuya, trời vẫn mưa sầm sập, chiếc lều nhỏ bé như oằn xuống. May mà còn một góc không dột, khô và ấm. Chuyện mãi rồi cũng hết. Đến lúc hai chúng tôi trầm ngâm mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Thanh phá tan sự im lặng:

        -   Anh kể chuyện gì cho vui đi!

        -   Kể chuyện gì bây giờ nhỉ? Thanh đã đọc “Thép đã tôi thế đấy” chưa?

        -   Đọc rồi! Nhưng anh cứ kể đi! Em vẫn thích nghe lại.

        Tôi kể đoạn Pa-ven bị thương và được Ri-ta chăm sóc thì bỗng nhiên cơn sốt trong tôi lại nổi lên, giọng nói dần dần lạc đi, trong người nóng ran, đầu choáng váng. Làm nghề y nên Thanh rất nhạy cảm với triệu chứng của “bệnh nhân”. Với vẻ quan tâm, cô nói:

        -   Anh lại lên cơn sốt rồi! Anh nằm xuống đi, để em canh cho.

        Tôi bỗng thấy khó xử. Chỉ có một tấm ni-lông hẹp của tôi, vả lại để Thanh, con gái phải thức một mình tôi đành lòng nào? Chúng tôi cứ đùn đẩy nhường nhau, đến lúc những đốt sống của tôi như rã rời không ngồi được nữa, tôi đành phải nằm co quắp và run bần bật.

        Cơn sốt làm tôi thiếp đi lúc nào không biết. Có lúc chập chờn, tôi cảm giác như có một tấm chăn mềm mại phủ lên người ấm áp, dễ chịu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 10:43:08 pm »


        Tỉnh dậy thấy Thanh vẫn ngồi bó gối bên bếp lửa đã tàn từ lúc nào. Thanh vui mừng giọng như reo lên:

        -   A! Anh đã tỉnh. Anh sốt cao quá, xoa dầu cho anh mà cứ như đụng vào than đỏ vậy.

        Tôi định tìm câu cảm ơn thì Thanh đã nhỏ nhẹ:

        -   Anh khát nước không?

        -   Có.

        Thanh cầm ăng-gô đi ra mái lán hứng nước. Giá như không có mùi tanh mặn thì nước trong ăng-gô lúc này là thứ nước giải khát hảo hạng đối với tôi. Tôi uống ừng ực và tỉnh táo hẳn.

        -   Thôi, giờ thì ta phải đổi phiên gác nhé! Thanh ngủ đi, tôi canh cho. Vừa nói tôi vừa ngồi dậy. Thanh đây đẩy:

        -   Không! Không! Em không ngủ đâu, anh cứ nằm đi.

        Và Thanh cứ bắt tôi phải nằm xuống. Để tôi đỡ ái ngại, Thanh đến ngồi bên một góc tấm ni-lông hẹp đã được trải ra nằm. Lúc này có lẽ đã quá nửa đêm rồi, mưa vẫn triền miên dai dẳng. Thương Thanh quá. Thật là khó nói. Làm sao để Thanh yên tâm bây giờ.

        -   Thanh! Tôi gọi rất khẽ.

        -   Dạ!

        -   Hay là Thanh cứ nằm ghé một tý cho đỡ mỏi!

        Tôi khẽ kéo áo Thanh. Thanh lẳng lặng sẽ sàng nghiêng người nằm xuống. Tôi dịch ra đất ẩm, lưng hơi lành lạnh. Im lặng! Không hiểu Thanh đang nghĩ gì? Còn tôi, một cảm giác xúc động khó tả. Không! Thanh chỉ như một đứa em gái của mình thôi. Tôi tự bảo vậy. Tôi cố tìm đọc ý nghĩ của Thanh. Tôi biết Thanh vẫn còn thức. Lâu quá, mỏi quá, Thanh như muốn trở mình. Khoảng không “biên giới” trên tấm ni-lông không còn, lưng hai người áp sát vào nhau, hơi nóng lan toả vào nhau nhưng ranh giới nam nữ vẫn được cả hai tôn trọng. Một lúc sau tôi khẽ gọi:

        -   Thanh!

        -   Dạ! Anh gọi em.

        Thanh khẽ đáp trong hơi thở

        -   Thanh ngủ chưa?

        -   Em ngủ rồi!

        Tôi buồn cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của mình và câu trả lời chẳng lô- rích của Thanh (ngủ rồi mà lại trả lời được). Ướm độ rộng tấm ni-lông, tôi biết Thanh cũng nửa người nằm ra ngoài viền đất. Đánh bạo, tôi nắm vai Thanh kéo vào.

           - Thanh dịch vào kẻo bẩn áo và lạnh!

        Theo đà kéo của tôi, Thanh ngoan ngoãn áp vào. Giờ thì gần lắm rồi. Chúng tôi nghe rõ nhịp thở gấp và hồi hộp của nhau. Có lẽ cũng như tôi, lần đầu tiên, Thanh sống qua một đêm như thế này. Chúng tôi nằm ép sát nhau và im lặng.

        Trời sáng dần và đã tạnh mưa. Tôi trở dậy. Thanh vẫn ngủ. Có lẽ do căng thẳng kìm nén suốt đêm nên bây giờ cô mới ngủ. Tôi ngồi lặng ngắm Thanh, hơi thở nhẹ nhàng, đều đặn trông như một đứa trẻ.

        Tiếng chim rừng hót vang. Bất chợt một tốp máy bay phản lực Mỹ lao vút qua. Thanh vùng dậy:

        - Anh chẳng thức em! – Thanh trách.

        ... Chúng tôi sắp chia tay nhau mỗi người một ngã. Bịn rịn. Nghĩ gì mà Thanh cứ đăm đăm nhìn tôi, ánh mắt như níu kéo muốn nói một điều gì đó. Chẳng ai chịu bước đi trước. Như sực nhớ, Thanh dúi vào tay tôi gói thuốc và nói:

        - Đắng đấy! Nhưng anh phải chịu khó uống mới dứt được sốt rét. – Tôi cầm tay thanh rất lâu:

        - Cám ơn Thanh! Anh sẽ không bao giờ quên.

        - Em cũng vậy!

        Tôi chầm chậm bước đi. Thanh vẫn đứng nhìn theo. Giá như lúc này chúng tôi đi cùng chiều thì hay biết nhường nào! Hai lần ngoái đầu nhìn lại, Thanh vẫn đứng đó. Vai mang gùi thuốc, tay cầm mũ vẫy theo cho tới khi tôi khuất sau eo núi.

        Rừng núi Bình Định sau một đêm mưa, trời nắng lên sáng đẹp. Trên cây có đôi chim chuyền cành hót líu lo. Trong bước đi, tôi lại nghĩ về Thanh và một đêm mưa. Một đêm căng thẳng vượt qua mọi cám dỗ thông thường.

        Đời rộng mênh mông, tưởng chẳng bao giờ gặp lại. Thế mà sau 18 năm, trong một chuyến xe ra tham quan Hà Nội, vào Lăng viếng Bác năm 1988, tình cờ Thanh gặp lại tôi. Lúc đó tôi là cán bộ thuộc BTL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người đã có một gia đình riêng, nhưng kỷ niệm về “đêm mưa” ấy, khiến cả hai đều thấy tự hào về một thời đẹp đẽ, sáng trong.

        Năm 1995, tôi được tin Thanh qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, để lại trong tôi nỗi tiếc thương không thể nói được thành lời.

Hà Nội, ngày 30-05-2009       
D.Đ.X                     
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 10:48:56 pm »

        Đại tá Lê Văn Quýt
        Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 3 – Sao Vàng.


BỮA CƠM CHAY Ở CHÙA SƯ NỮ

        Quá trưa ngày 1-5-1975, tôi - lúc đó là Chính uỷ Trung đoàn Bộ binh 2, đang hướng dẫn tổ vô tuyến điện PRC25 tìm làn sóng tàu địch ở Bãi Trước, Vũng Tàu để kêu gọi chúng đầu hàng thì gặp một ni sư còn trẻ, vẻ sợ sệt, khép nép tránh chúng tôi để về chùa. Tôi bước tới chắp tay, ôn tồn hỏi:

        - Nam mô a di đà Phật. Xin hỏi ni cô có thấy lính Việt Nam Cộng Hoà đang lẩn trốn ở đâu không ạ?

        Thấy tôi nói năng khiêm tốn, ni cô có vẻ vững tâm hơn, tin tưởng, mạnh dạn trả lời:

        - A di đà Phật! Thí chủ đi theo tôi.

        Trên đường đi, qua trò chuyện, ni cô kể cho tôi rằng, cô quê ở Quảng Ngãi, bố tập kết ra Bắc. Cô là sinh viên trường Đại học Sài Gòn, tham gia phong trào Tự nguyện đấu tranh cho hoà bình, bị chính quyền Sài Gòn truy bắt. Cô bỏ học trốn xuống Vũng Tàu vào chùa Sư Nữ đi tu chờ ngày gia đình đoàn tụ.

        Đến chùa, cô bảo chúng tôi dừng chân ở sân rồi thoăn thoắt vào nhà trong. Tôi và các chiến sỹ thông tin đứng nép sang mấy gốc cây cạnh sân sẵn sàng chiến đấu, đề phòng bất trắc. Một lát, ni cô dẫn một người trạc tuổi 60, mặc áo vàng, cổ đeo 2 chuỗi tràng hat, một chuỗi dài tới đầu gối. Chúng tôi bước ra:

        - Nam mô a di đà Phật. Bạch Sư cụ, chúng tôi là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam... - Tôi đang định giải thích thêm thì Sư Cả đã ngắt lời:

        - A di đà Phật. Tôi biết rồi. Mời các thí chủ vào chùa.

        Tôi nháy mấy đồng chí thông tin đứng lại ngoài thềm để canh chừng. Mình tôi vào chính điện.

        Ngôi chùa không lớn nhưng trang nghiêm, tên gọi chính thức là “Tịnh xá Niết Bàn”, nhân dân thường gọi chùa Sư Nữ vì người trụ trì là nữ Sư tăng.

        Sư Cả ra hiệu cho một ni cô rót nước mời khách. Tay vẫn lần tràng hạt vẻ điềm tĩnh. Tôi nóng ruột mong được biết tin tức cụ thể về bọn địch lẩn trốn. Mãi sau, Sư Cả mới nói:

        - Chẳng dấu gì thí chủ, những người lính của phía bên kia đã về nhà hết rồi. Từ tối hôm qua đến sáng nay họ kéo tới tá túc tại chùa này hơn 300 người. Sỹ quan có, binh lính có. Họ bảo sẽ có tàu của Mỹ tới đón. Bổn Tăng và các Tăng ni trong chùa đã khuyên giải, không nên bỏ đất nước mà đi, hãy về nhà làm ăn. Trong chùa có một số Tăng ni là người nhà bên Cách Mạng nên đã nói cho họ biết chính sách của Mặt Trận rất nhân đạo, không lạm sát người ăn năn thực lòng hối cải. Lúc đầu là mấy ông lính – Sư thầy kể tiếp – Sau đó là cả những ông lớn. Tôi bảo mọi người hãy để súng lại đây. Khi nào Cách Mạng tới, Nhà chùa sẽ đem nộp cho nẫu.

        Kể xong, Sư Cả dẫn chúng tôi vào nhà dưới. Vừa mở cửa, trước mắt chúng tôi là một đống các loại vũ khí bộ binh: A R15, M79, các bin, có cả máy thông tin PRC25 (đã hết pin)... Tôi cám ơn Sư Cả và các ni cô, hẹn sẽ cử bộ đội tới nhận và sẽ ghi công Nhà chùa. Tôi định ra về thì Sư Cả bước ra trước mặt. Một tay đặt trước ngực theo kiểu hành lễ Nhà Phật, tay kia vẫn lần tràng hạt nói:

        - A di đà Phật. Nhà chùa muốn mời các thí chủ ăn một bữa cơm chay.

        Bất ngờ trước lời mời của Sư Cả, tôi thoáng chút lúng túng. Đúng là chúng tôi mải tìm địch nên chưa kịp ăn trưa. Nên nhận lời hay từ chối? Không nhận lời thì sợ Nhà chùa cho là mình làm khách, giữ kẽ, thiếu thiện chí. Trong chùa lúc đó có hàng chục Phật tử là những người dân Thành phố vẫn chăm chú theo dõi. Tôi quyết định nhận lời ở lại dùng bữa. Sư Cả và các ni cô rạng rỡ hẳn lên toả ra đi làm cơm. Không khí thân thiện hiện rõ qua từng nét mặt, cử chỉ và lời nói. Một lát sau, bàn cơm chay được bày ra. Rất nhiều món. Nhìn qua thấy đủ các món tôm, cá, giò, chả, rau, đậu, canh thập cẩm.

        Thấy chúng tôi ngỡ ngàng với những món ăn, Sư Cả giải thích:

        - Vẻ ngoài món ăn như thức ăn của người ăn mặn, nhưng tất cả đều làm bằng thực phẩm chay. Không biết các Thí chủ có ăn được không.

        Tôi hào hứng trả lời:

        - Đối với Quân Giải Phóng, ăn chay là một sở trường. Hàng chục năm nay, thậm chí mấy chục năm, thức ăn chủ yếu của chúng tôi là cơm rau rừng, củ mài, củ mì, thi thoảng mới có cá thịt. - Rồi tôi bình luận: Cơm của Nhà chùa và cơm của Quân Giải Phóng thật giống nhau. Quân Giải Phóng ăn cơm chay để đánh giặc giải phóng đất nước. Nhà chùa ăn cơm chay để cầu cho Quốc thái dân an. Tất cả chúng ta cùng chung một mục đích, có phải không nào.

        Tất cả mọi người cười vang. Không khí thân ái lan tỏa trên từng khuôn mặt.

        Tôi mời Sư Cả và các ni cô cùng ngồi vào bàn. Lúc đầu, các ni cô còn e ngại đùn đẩy nhau, nhưng thấy chúng tôi vui vẻ, bình dị, chân tình, tất cả cùng ngồi nhưng chỉ ăn nhỏ nhẹ, chủ yếu là nhìn chúng tôi ăn có thật tình không.

        Quả thật là món nào cũng ngon. Tôi tự hỏi, không biết có phải đồ chay thật không vì vẫn có hương vị của thịt, của cá. Sau này tôi mới biết đó là nghệ thuật chế biến thức ăn chay của Nhà chùa.

        Trong không khí thân mật vui vẻ, đồng chí Nguyễn Tiến Đích, trợ lý tuyên huấn đã chụp mấy kiểu ảnh, và chụp riêng cho tôi cùng Sư Cả một kiểu. Bức ảnh đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân tháng 6 năm 1975.

Đông Hà, tháng 5-2009        
L.V.Q                  
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 11:01:57 pm »


        Trung tá Phan Văn Bảy
        Nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, Sư đoàn 3- Sao Vàng.


NHỮNG NĂM THÁNG  Ở TRẠI TÙ QUÂN SỰ NGỤY SÀI GÒN

        Cả Trung đoàn 12 hồi đó thường gọi anh là Bảy Râu. Bởi anh là người nhiều râu nhất trong Trung đoàn, và cũng bởi anh là người dễ tính, vui vẻ. Đồng đội gọi như vậy, anh không hề tự ái, trái lại còn tự hào với dung mạo của mình. Anh là một sỹ quan khoẻ mạnh, đẹp trai, da trắng trẻo, càng làm nổi bật bộ râu đen. Tính thẳng thắn, phát biểu mạnh dạn, nói hết lòng mình, không nói dựa, nói theo bất cứ ai. Đối với chiến sỹ, anh cởi mở và thương yêu, độ lượng. Cánh vệ binh ngày đó ai cũng thích đi tháp tùng cho anh. Nhưng rồi trong một cuộc hành quân, địch phục kích, bị thương 2 chân và chúng đã bắt được anh. Bằng trí thông minh và lòng trung thành với Cách mạng, anh đã vượt qua mọi cửa ải do địch bày ra trong nhà tù. Anh giữ kín danh phận sỹ quan của mình, chỉ nhận là một nhân viên giao liên của địa phương trước bao cặp mắt nghi vấn và bất lực của kẻ thù, để cuối cùng anh chiến thắng trở về với đồng đội.

        Tôi phải khẩn thiết đề nghị mãi, anh mới kể cho nghe về những năm tháng ở trong nhà tù quân sự của chế độ Nguỵ Sài Gòn.

        Anh tên là Phan Văn Bảy, sinh năm 1935 tại xóm Bồng Sơn (nay là thị trấn Bồng Sơn), huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tham gia Cách mạng năm 1951, vào bộ đội năm 1954 và tập kết ra Bắc. Năm 1959 hoạt động ở Lào, năm 1962 đi học trường Sỹ quan Pháo Binh, tháng 1-1965 vào chiến trường miền Nam, làm trợ lý kế hoạch Ban Chi viện tiền phương Quân khu 5. Khi Sư đoàn 3 chính thức thành lập (9-1965), anh được bổ nhiệm trợ lý kế hoạch Phòng Hậu cần Sư đoàn. Sau trận Phủ Cũ (23-9-1965) về làm Đại đội trưởng Đại đội 4 (hoả lực) của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12. Năm 1969 làm Phó Ban Tác chiến Sư đoàn, tháng 8-1971 làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12, chỉ huy cánh phía Nam đường 19 (đoạn phía đông đèo Thượng Giang).

        Anh kể: Năm 1971, phía Nam đường 19 là vùng địch kiểm soát khắt khe. Bọn Nam Triều Tiên dùng một trung đoàn phòng ngự, kết hợp bọn bảo an, dân vệ thường xuyên lùng sục nên cán bộ dân chính và bộ đội ta (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12) gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Tôi đến cơ quan huyện Bình Khê ở núi Hữu Giang gặp đồng chí Kim Anh (Bí thư), đồng chí Đấu (Chủ tịch), đồng chí Phú (huyện đội trưởng) để nắm tình hình địch và xin lương thực.

        Đêm ngày 4 tháng 11 năm 1971, tôi chỉ huy Tiểu đoàn 19 Công Binh vượt Đường 19. Bảo đảm hành lang là Tiểu đội Trinh sát và Đại đội 62, do đồng chí Tứ, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6 chỉ huy.

        Tôi đi đầu tốp cán bộ. Phía trước là trinh sát, phía sau là vận tải. Qua đường 19 trót lọt, vượt mấy đám ruộng nữa là tới bìa rừng. Đúng lúc đó, khoảng 4 giờ sáng ngày 5-11, bọn địch từ hai phía nổ súng, trinh sát đánh trả nhưng ruộng trống, anh em lần lượt hi sinh. Chúng tôi dùng súng ngắn chiến đấu nhưng chẳng ăn thua. Đồng chí Giám, phó phòng Công binh Quân khu, đồng chí Nghề, trợ lý hoá học Quân khu hi sinh. Tôi bị thương vào mông phải và một viên vào đùi trái. Hai chân tê dại. Đồng chí liên lạc dìu tôi bò vào bờ ruộng. Biết mình không thể đi được, tôi đưa túi tài liệu và một triệu đồng (tiền Nguỵ Sài Gòn, để mua hàng) cho đồng chí liên lạc và ra lệnh phải tìm cách thoát khỏi trận địa địch. Vì tài liệu có liên quan đến kế hoạch tác chiến của đơn vị trong chiến dịch Xuân 1972.

        Đồng chí liên lạc đi rồi, tôi thấy người luội dần, vội cởi hết áo chỉ mặc quần đùi, súng hết đạn, vứt ra ruộng, cố lết một đoạn vào bụi cây gần đó thì lịm đi. Mờ sáng, bọn Nam Triều Tiên và bọn ngụy theo vết máu ập tới. Chúng khênh tôi lên xe Zép chở về quận lỵ Phú Phong.

        Tên Trung uý tâm lý chiến thẩm vấn ngay. Đã xác định không cho chúng biết mình là sỹ quan nên tôi khai họ tên là Ngô Văn Hiền, quê quán Xuân Thành, Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Có vợ là Trần Thị Chính và 1 con là Ngô Văn Quang. Nếu khai đúng quê tôi ở Bồng Sơn thì chúng sẽ đi thẩm tra được vì Bông Sơn còn trong vùng địch kiểm soát. Còn vùng quê Xuân Thành, Quảng Ngãi thuộc vùng giải phóng và những con người tôi khai đều đi hoạt động Cách mạng, chúng không thể điều tra được. Tôi lấy lý do vào Bình Định là để kiếm sống rồi đi làm giao liên. Tên trung uý nói: “Cỡ ông cũng phải là cán bộ tiểu đoàn”. Tôi bảo: “Cái mẽ bề ngoài như vậy nhưng tôi làm gì có phước để làm cán bộ Giải Phóng”. Nó đọc tên các Trung đoàn 2, 12, 22 của Sư đoàn 3, tôi đều nói không biết. Nó lại giở sổ đọc tên các cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn, trong đó có tên tôi. Tôi trả lời không biết. Nó hỏi: “Nhiệm vụ giao liên thì làm gì?”. Tôi thầm bảo “chúng nó đã lùi bước rồi”, liền nói: “Xã bảo lên huyện nhận tài liệu, tiện có bộ đội qua đường tôi theo về”. Nó hỏi: “Có biết cán bộ huyện không?”. Tôi trả lời vanh vách tên, quê quán từng người trong cơ quan huyện, thậm chí nói tên một số nhân viên thường. Tên các cán bộ của bộ đội chúng còn biết thì cán bộ huyện làm gì chúng không biết. Chúng còn biết cả khu vực đứng chân của huyện uỷ, có điều không làm gì được. Bởi vậy tôi thoải mái khai. Cũng thuận lợi là tôi đã nhiều lần qua huyện Bình Khê làm việc nên nói không vấp váp. Cuối cùng, tên nguỵ hỏi: “Ông thấy bộ đội như thế nào?”. “Bộ đội họ vui vẻ. Súng đeo chéo ngực, có băng đạn, lựu đạn đầy người”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2017, 11:02:32 pm »


        Đến Quy Nhơn, chúng đưa tôi vào quân y viện Vùng II chiến thuật để điều trị. Gặp anh em ta bị thương trước đó mách bảo: đã khai lúc đầu thế nào thì khi khai lại phải y hệt như thế. Khai chệch một chi tiết là chúng đánh chết bỏ.

        Những ngày tôi ở bệnh viện, nhiều tốp sỹ quan Mỹ, Hàn, Việt tới thẩm vấn. Vì chúng vẫn nghi tôi là cán bộ lớn của quân đội.

        Một tên Trung tá Mỹ hỏi:

        -   Động cơ nào ông đi theo Mặt trận?

        -   Nhà tôi cần ruộng, theo Mặt trận sẽ có ruộng.

        Tôi nêu thêm môt lý do có tính chất hận thù cá nhân để chúng tin là do thấy lính Mỹ hung ác, có lần đã nắm râu ông già giật đứt cả nắm, tôi hận lắm. Hôm sau nó dẫn tới một tên Mỹ, hỏi tôi:

        -   Có phải người này không?

        -   Giống, nhưng không phải.

        Chúng cười rồi bỏ đi. Bọn sỹ quan Hàn Quốc hỏi nhiệm vụ các đơn vị đang làm gì, ở đâu, trang bị thế nào? Tôi trả lời không biết. Chỉ nói họ đi về hướng Bức. Nó hỏi phiên dịch “hướng Bức là gì?”. Tên phiên dịch nói “Đó là hướng Bắc, tiếng địa phương nói trệch là hướng Bức”.

        Bọn tâm lý chiến ở tỉnh tỏ ra lễ phép. Nhận là tuổi con, hiểu biết chỉ như học trò của tôi, nịnh tôi cứ khai thật thì Quốc gia sẽ trọng dụng.

        Thủ đoạn đó tôi biết thừa và đúng là không đáng làm học trò tôi nên tôi bảo:

        -   Thưa các quý ông, quý ông đã đánh giá tôi quá cao. Nó cắt ngang: - Đừng gọi quý ông, chúng tôi là bậc con cháu. Tôi trả lời: - nhưng tôi là một thường dân. Tôi phải gọi các ông như thế. Đó là gia giáo nhà tôi. Ba tôi dạy, làm người phải biết trên dưới, phải trái. Tôi đi theo Mặt trận, đối với các ông là trái, nhưng đối với gia đình tôi và bà con cô bác là phải. Tôi nói vậy có đúng không. Bọn chúng tím mặt, bỏ đi.

        Ở viện, tôi gặp La Văn Hậu, người Hà Bắc, trợ lý Hoá học Trung đoàn 22, quen tôi hồi ở sư đoàn. Thấy tôi không khai, anh em đã quý, khi nghe Hậu cho biết tôi là cán bộ quân đội, anh em càng quý hơn và ngầm bảo vệ tôi.

        Khỏi vết thương, tôi được liệt vào tàn phế, chúng đưa về trại giam Phú Tài. Bây giờ là tù binh. Chụp ảnh, đeo số tù 6164146 (616 là số vùng, 4146 là số tù nhân). Phổ biến nội quy. Trong đó có việc: gặp gỡ sỹ quan Nguỵ phải chào và phải chào cờ Nguỵ. Tôi lấy lý do phải đi hai nạng nên chỉ gật đầu, chúng phải chịu. Biết tôi không chào cờ, mấy hôm sau tôi được tổ chức bí mật của ta ở trong tù mời tham gia sinh hoạt. Nội dung chủ yếu là phải giữ vững trận địa tư tưởng. Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của Cách mạng. Thông qua tổ chức đồng hương, tôi sinh hoạt với tổ Quảng Ngãi.

        Ngày 26 tháng 3 năm 1972, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh giằn mặt bọn chiêu hồi. Khoảng 19 giờ, anh em dùng song giường đập vỡ bóng điện và quây 17 tên chiêu hồi đánh nhừ tử. Quân cảnh can thiệp, anh em nhân thể đánh bị thương 4 tên quân cảnh. Bọn chúng ra lệnh phạt phơi nắng 5 ngày liền. Trong đó có tôi, La Văn Hậu, anh Thạnh, anh Mai (công binh Trung đoàn 4). Mọi người nằm trên đất sỏi, sau 1 giờ, dội một gáo nước lã. Bắt đầu nằm từ 7 giờ đến 17 giờ mới cho vào. Hết ngày thứ 2 thì anh em tù trong trại (khoảng 200 người) kéo ra phản đối. Nếu chúng không huỷ bỏ hình phạt độc ác đó thì tất cả cùng nằm. Bọn địch chịu thua. Chị em nữ tù ở trại bên cạnh đêm đêm ném dầu xoa cho chúng tôi. Bọn quân cảnh bắn doạ và ném mù cay vào các phòng giam chị em.

        Một hôm, có tên sỹ quan Nam Hàn định tới thẩm vấn tôi. Đi theo là tên Phấn, vốn là một cán bộ của đại đội thông tin Sư đoàn, được ta cử đi học tiếng Hàn để làm binh vận. Phấn bị bắt cùng đợt với tôi nhưng đã chiêu hồi, đã chỉ điểm cho địch khá nhiều. Nếu Phấn gặp tôi, chắc chắn tôi sẽ không giấu được thân phận vì Phấn biết khá rõ về tôi trong những ngày ở cơ quan Trung đoàn. Trước tình hình đó, tổ chức của ta trong tù đã lãnh đạo trại chị em la ó mắng nhiếc là đồ chó săn, đồ phản bội. Nếu vào đây thì chị em sẽ lấy quần trùm lên đầu, khiến tên Phấn không giám vào. Hắn nói gì với tên sỹ quan Hàn Quốc mà chúng bỏ cuộc thẩm vấn. Không có sự đồng lòng, đồng chí của anh chị em trong tù thì tôi khó thoát khỏi cửa ải này.

        Tháng 5 năm 1972, qua bọn quân cảnh, chúng tôi biết Sư đoàn ta đã thắng lớn ở Bắc Bình Định. Chúng vội vàng đưa tù quân sự rời khỏi Phú Tài. Nữ tù vào Cần Thơ, nam đưa ra Phú Quốc. Dưới 16 tuổi tới Biên Hoà.

        Chúng tôi được chở bằng máy bay từ Quy Nhơn tới Phú Quốc. Xuống sân bay đã thấy quân cảnh đứng xếp hàng 2 chờ sẵn bên đường. Tù binh 2 người một xiềng đi giữa. Chưa ai phán đoán ra điều gì thì roi, gậy tới tấp chúng quật xuống đầu, xuống lưng. Thì ra đây là tục lệ nhập đảo. Đường từ sân bay về trại khoảng 1 cây số, chúng tôi bị đánh liên tục. Ai đi nhanh thì bị đánh ít hơn, tôi bị thương đi chậm nên bị đánh nhiều.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM