Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 10:42:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34354 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:34:31 am »


ĐIỀU TRỊ 150 CA SUY KIỆT NẶNG

        Khi số lượng lớn bệnh binh suy kiệt nặng vừa cáng tới, vừa dìu tới bệnh xá, ai cũng xúc động thương xót. Tôi như vừa nhìn thấy đồng bào ta chết đói năm 1945. Mọi người gầy dễ sợ, như thể da bọc xương, nổi rõ xương sườn. Cẳng tay, chân không nhìn thấy cơ, mặt như nhìn thấy một sọ người, chỉ còn đôi mắt và giọng nói thều thào. Nhiều đồng chí lính trẻ cứng khớp trong mọi tư thế: co quắp chân tay, ngồi bó gối, da xám xịt. Biết họ là những ca nặng, tôi xuống kiểm tra và thông báo không được tự động cho ăn uống, có thể chết đột tử. Huyết áp thật dễ sợ, còn 60, mạch 40-50, tim yếu, người luôn rét. Trong các trường đại học chưa ai giảng và nói tới loại này, thời kỳ học kinh nghiệm Liên Xô về, bệnh này cũng nói quá sơ sài, sách khác chưa nói tới. Chúng tôi họp chớp nhoáng đơn vị, hạ quyết tâm cứu sống các anh, lãnh đạo chặt chẽ không để chết no sau đói kéo dài. Năm 1945 cũng có cảnh này, hồi đó tôi còn là thiếu niên đã tham gia cứu đói, thấy cảnh người ăn cháo no xong lăn đùng ra chết. Kế hoạch chữa chạy gồm: phân loại ca nặng, vừa, nhẹ. Số nặng là những ca rối loạn tiêu hóa, ăn cháo loãng vẫn đi lỏng không cầm, không hấp thụ được, huyết áp thấp dưới 60, bị co quắp cứng khớp, tư tưởng bi quan quá, mất trí khôn, phải truyền dịch nuôi hàng tháng với đủ loại sinh tố, ăn nước thịt hầm. Theo dõi chặt chẽ những ca cấp cứu nặng, kiểm soát theo dõi từng ca, tránh vì đói để họ ăn không kiểm soát được. Có một điều rất khó là Glucô trên cấp chỉ ít ngày là hết mà ta phải truyền dịch 40-50 người hàng tháng. Tôi phải tìm cách khắc phục, vì số này uống vào không hấp thụ, lại còn ỉa lỏng, phải truyền dịch nuôi dưỡng lâu dài. Tôi xin trên được 10kg Glucô cũng chẳng được bao ngày.

        Tôi nhớ hôm họp Quân y Quân khu thông báo ở miền Bắc có nơi dùng đường khử Lơvôđếch, nhưng chưa dùng rộng. Ở Quân khu V mới thử nghiệm. Tôi bàn với Dược cao Trần Dũng Sỹ thử pha chế đường khử. Tôi báo cáo với lãnh đạo phòng Hậu cần và Sư đoàn, được trên nhất trí cho làm nhưng yêu cầu đảm bảo an toàn. Đơn vị cử cán bộ dược đi xuống vùng địch mua đường Ôxtrơlia hạt to sạch sẽ, từng túi 5kg. Dược sỹ Sỹ dùng a xít Clohydric đun khử theo quy trình đã phổ biến. Khi thử nghiệm lần đầu tiên cho 5 người khỏe, trong đó có tôi. Chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu đề phòng phản thuốc. Đợt đầu tiêm tĩnh mạch tăng dần 50, 100, 200, 500ml, rồi một lít truyền đẳng trương. Ban đầu mạch hơi chậm lại một ít, huyết áp bình thường, không thấy phản ứng khác. Sau dùng dung dịch ngọt ưu trương 30% tiêm 5-10, 20, 30, 50, 100, 200ml cũng không bị phản ứng. Kết luận thuốc pha chế đảm bảo chất lượng, nhưng pha dùng trong 24 giờ, có thể dùng cho người khỏe. Lần thứ 2 thử cho người sốt rét, dạ dày, suy dinh dưỡng, ca sốt nặng, sốt rét ác tính cũng không thấy phản ứng. Lần thứ 3 dùng cho ca suy kiệt ăn kém, thể trạng gầy yếu cũng không có phản ứng nên bắt đầu truyền dịch đó cho ít ca nặng, vừa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa rối loạn) với liều tăng dần, rồi dùng cả loại ngọt ưu trương tới 100ml/lần. Như vậy đã giải quyết xong việc cung cấp dịch truyền. Đối với những ca vừa và nhẹ, tổ chức ăn từng mâm có một nhân viên duy trì tốc độ nhai kỹ, uống từ từ ít một và chia khẩu phần từng người để tránh tâm lý bị thua thiệt khi ăn mà ăn nhanh. Kết quả 150 ca, có 70 ca khỏi hẳn về đơn vị, chết 20 ca do quá nặng, 60 ca phải điều trị hàng năm, ngoài dinh dưỡng còn phải điều trị phục hồi chức năng co gân, cứng khớp gối, khuỷu vai do thế ngồi nằm quá lâu ngày.

        Thành công cũng nhiều trong giải quyết điều trị, nuôi dưỡng, song vẫn thấy phương tiện, kiến thức hạn chế nên chỉ cứu được 130 người, có 60 người tàn phế. Việc pha chế Lơvôđếch thành công mở ra khả năng giúp hồi sức các ca cấp cứu trước đây phải hạn chế về Glucô do chưa đủ cung cấp cho bệnh xá trong những năm 1972-1975. Tuy nhiên vẫn phải nhấn mạnh đảm bảo tốt nguyên liệu pha chế, chú ý khâu vô trùng và dùng trong 24 giờ. Khi truyền dịch phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.

        Những năm 1971-1975 chúng tôi vẫn phải dùng Lơvôđếch khi thiếu Glucô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:40:37 am »


CHUYẾN THĂM TIỂU ĐOÀN QUÂN Y CỦA TƯ LỆNH QUÂN KHU 5

        Tháng 10 năm 1973, phòng Hậu cần Sư đoàn báo cho Tiểu đoàn Quân y biết: Tư lệnh Quân khu, đồng chí Hai Mạnh (tức Chu Huy Mân) sẽ xuống thăm đơn vị. Trong chuyến đi này, Tư lệnh Quân khu xuống thăm đơn vị lập công xuất sắc trong năm 1972-1973: Trung đoàn 2, Phòng hậu cần và Tiểu đoàn Quân y. Chúng tôi rất mừng vì đó là một vinh dự lớn, song cũng rất lo vì đơn vị vừa bị địch ném bom phá sơ sở phải chuyển vào vị trí dự bị đóng cạnh con suối nhỏ gần dốc Bà Bơi. Địa hình hẹp không bằng phẳng, vừa xây dựng vừa phục vụ nên cơ sở chưa hoàn chỉnh. Chuyến xuống thăm lần này, Tư lệnh dành một buổi chiều, khoảng 5 giờ để kiểm tra công tác điều trị và nuôi dưỡng thương bệnh binh, nghe chỉ huy đơn vị báo cáo, và Tư lệnh sẽ nói chuyện với cán bộ, nhân viên, thương bệnh binh đồng thời thưởng khao cho đơn vị mỗi người 300 đồng tiền Ngụy (mức ăn cao như thương binh) cho 300 người. Trong đơn vị ai cũng phấn khởi, tấp nập chuẩn bị vệ sinh, trật tự gọn gàng nhưng vẫn bí mật việc Tư lệnh xuống thăm. Hậu cần hối hả, tất bật lo cung cấp đủ thực phẩm, phân công nhau tổ chức bữa ăn khao quân phải ngon, sạch, an toàn, để niềm vui tinh thần vật chất trọn vẹn, nhất là khi nghe Tư lệnh sẽ ăn cơm cùng đơn vị nên hậu cần đã chú ý thăm dò món ăn nào Tư lệnh thường dùng.

        Trước đó một tuần, đồng chí Phó phòng Quân lực cùng một số cán bộ Cục Chính trị đã xuống kiểm tra việc điều trị, ăn uống của thương bệnh binh, khó khăn thuận lợi thế nào để báo cáo Quân khu trước.

        Khoảng 1 giờ chiều, đồng chí Tư lệnh xuống, có một đoàn cán bộ đi theo. Tư lệnh mặc quân phục vải Liên Xô màu cỏ úa, tư thế đĩnh đạc, vào đơn vị theo đường phụ thẳng xuống bếp (lúc này chỉ huy Tiểu đoàn lại tập trung đón ở cổng chính). Anh em hỏa tốc lên báo cho chúng tôi, xuống bếp đã thấy Tư lệnh đang thăm anh em nuôi quân, nơi chế biến thực phẩm. Tư lệnh hỏi anh em có biết đồng chí là ai, anh em nói đồng chí là thủ trưởng trên Quân khu xuống. Xem xong nhà bếp, nguồn nước, kho, đồng chí khen bếp sạch, tổ chức nấu một chiều. đồng chí tới thăm thương binh, đầu tiên là buồng thương binh nặng. Tư lệnh tới từng giường bệnh, hỏi thăm thương binh bị thương trận nào, quê quán ở đâu, có được chăm sóc, ăn uống và điều trị tốt không? Các thương binh báo cáo bệnh xá đã chú ý chăm sóc tận tình ngay từ lúc vào, đến nay tình trạng vết thương khá hơn nhiều. Tư lệnh nói vui: “Có thật không, hay là động viên cấp trên”. Tới các công trình vệ sinh, đồng chí nói rất vui vì thấy thương binh được điều trị nuôi dưỡng tốt, đi khắp mà không thấy mùi hôi thối, mùi vết thương, nhà cửa, đường sá gọn gàng trật tự. Đồng chí hỏi tôi, đơn vị có giữ được nề nếp này thường xuyên hay không? Tôi báo cáo đơn vị luôn giữ gìn vệ sinh và tổng vệ sinh hàng tuần. Qua hết các buồng bệnh, Tư lệnh bảo tôi đưa tới các cơ sở điều trị. Phòng mổ khang trang có 2 bàn mổ, một bàn inox thu được của địch năm 1972 có thể gấp lên hạ xuống, một bàn mổ do thợ đơn vị đóng cũng gấp được để mổ các vết thương chuyên khoa, nhiều bàn gỗ và inox để thuốc men dụng cụ, các nơi rửa tay (như Viện 105), sàn mổ cao, lót cây gỗ nhỏ, phủ nilông bạt nhựa cao su chiến lợi phẩm, xung quanh buồng mổ quây nilông trong suốt, có 2 máy phát điện nhỏ quay tay (máy15 oát của thông tin cho). Đồng chí vào tận bên trong để xem xét, buồng mổ rất sạch không có mùi khó chịu. Tư lệnh xem xong khen: “Buồng mổ này sạch, đủ dụng cụ không kém cơ sở điều trị ở miền Bắc là mấy, tôi yên tâm nơi này sẽ đảm bảo điều trị tốt cho thương binh”.

        Tư lệnh còn hỏi tôi có cần gì Quân khu cho thêm. Tôi báo cáo, Sư đoàn đã cố gắng tạo điều kiện tốt để điều trị cho thương binh nên không dám phiền cấp trên. Qua buồng thay băng, buồng tiêm, buồng nào cũng như một buồng mổ nhỏ, có bàn nhỏ inox chiến lợi phẩm, bàn trải bạt nhựa cao su chiến lợi phẩm. Các đồng chí nhân viên từng nơi đón chào, giới thiệu việc làm, quần áo trắng sạch, mũ, khẩu trang rất chính quy ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:41:00 am »


        Trở về nhà chỉ huy đơn vị, Tư lệnh cho phép tôi báo cáo trong 1 giờ. Tôi nói bằng những con số cụ thể: Năm 1972, đã thu dung 3.689 thương bệnh binh, chữa khỏi và trả về đơn vị 2.540 (bằng 70%), khối lượng thu dung này gấp 3 lần rưỡi của Tiểu đoàn Quân y và Đội điều trị thu dung năm 1965, gấp 2 lần rưỡi năm 1968. Năm 1973, thu dung 2854 thương bệnh binh, chữa khỏi và trả về đơn vị 2.293 (bằng 80%), tử vong 1% ( chỉ tiêu quy định là 1.5%). Tiến bộ kỹ thuật chữa viết thương chuyên khoa (là vết thương làm ở tuyến trên) như: vết thương thấu não năm 1972, có 106ca, tử vong giảm từ 18% xuống còn 10%, năm 1973 có 58 ca. Vết thương thấu bụng có 37 ca, tử vong giảm từ 30% xuống còn 17%. Kết quả đó là do thường xuyên học tập chuyên môn, rút kinh nghiệm điều trị, thao diễn luyện tập, rèn luyện quan điểm lập trường, khắc phục khó khăn và được cấp trên giúp đỡ. Đơn vị cũng đã tổ chức tập huấn cho 30 bác sỹ toàn Sư đoàn về kỹ thuật chữa vết thương, cấp cứu nội, ngoại khoa, đào tạo xét nghiệm viên, kèm cặp bác sỹ mới về đơn vị bổ sung cho tuyến quân y trung đoàn. Đồng chí khen, trong điều kiện Quân khu ở xa, đơn vị đã xử trí có hiệu quả, đã có cơ sở điều trị dã chiến khá tốt, không thua kém các đơn vị ở miền Bắc bao nhiêu. Đồng chí yên tâm khi thấy có một cơ sở điều trị đảm bảo cho chiến sỹ khi bị thương, đau ốm, cần phát huy hơn nữa để đảm bảo phục vụ các trận chiến đấu lớn hơn.

        Sau đó, đồng chí thông báo, tôi đã được Bộ gọi ra cho đi học, khóa năm học 1971-1972 (ở Quân khu, số bác sỹ vào Nam năm 1965 cũng được ra Bắc học tập như bác sỹ Tùng, Mạo, Liêm, Thành, Nghi v.v...). Quân khu đã cử 1 bác sỹ xuống thay. Song đơn vị chưa nhất trí, Sư đoàn để nghị: để chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh lớn sau này, xin giữ tôi lại vì tôi có kinh nghiệm, nên Tư lệnh đồng ý và động viên tôi yên tâm phục vụ cho Sư đoàn. Tôi nói rất vinh dự được Sư đoàn tín nhiệm giao cho trọng trách này, học cũng để phục vụ nên tôi không thắc mắc gì, sau này sẽ học... Tư lệnh nói vậy là tốt, mong tôi phát huy thêm để phục vụ cho nhiệm vụ mới.

        Sau 1 giờ kiểm tra và hơn 30 phút nghe tôi báo cáo, đồng chí Tư lệnh xuống hội trường để nói chuyện. Hội trường lúc này đã chật ních người, ngoài thương bệnh binh và nhân viên, còn có cán bộ của Sư đoàn đến dự. Đồng chí nhận xét tốt đẹp về Tiểu đoàn Quân y, tỏ thái độ rất vui khi thấy thương bệnh binh được tổ chức điều trị nuôi dưỡng chu đáo, nhà cửa sạch sẽ, tinh thần thương bệnh binh luôn hướng về đơn vị chiến đấu, cán bộ nhân viên quân y tận tụy. Trong buổi nói chuyện đó, Tư lệnh khen tiểu đoàn quân y tới 5 lần và sau đó gợi ý cho Sư đoàn có thể làm thành tích xét duyệt đề nghị tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang cho Tiểu đoàn với thành tích phục vụ 8 năm qua. Sư đoàn trưởng hứa sẽ thực hiện chỉ thị đó. Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Dương Minh Ngọ hứa sẽ giúp đỡ Tiểu đoàn quân y phấn đấu để trở thành đơn vị anh hùng ( vì trước đó có phát hiện quản lý ăn cắp 3kg bột ngọt của thương binh).

        Gần 5 giờ chiều, tôi mời đoàn ở lại ăn cơm cùng bộ đội và thương bệnh binh. Đơn vị bố trí ở nhà chỉ huy 2 mâm để cán bộ cùng đại diện nhân viên, thương bệnh binh đủ thành phần ăn cơm với Tư lệnh. Tôi báo cáo hôm nay toàn đơn vị ăn một chế độ, ở nhà ăn cũng giống như ở đây, Tư lệnh có thể ăn ở bất cứ mâm nào, song anh em có nguyện vọng để đại diện các thành phần lên ăn cơm với cấp trên, đồng chí vui vẻ đồng ý. Rút kinh nghiệm, hôm Tư lệnh ăn cơm ở phòng Hậu cần, anh em làm đủ thứ: giò, chả, thịt, cá nên thừa nhiều, đồng chí không vui, chúng tôi chú ý tới món ăn đồng chí ưa thích là: mắm cái, rau sống, bánh tráng v.v... Ăn xong, đồng chí nói, hôm nay tôi ăn rất ngon và hợp khẩu vị. Cả đơn vị vui mừng vì đã tổ chức đón Tư lệnh Quân khu đến thăm thành công. Các cán bộ chỉ huy và cơ quan Sư đoàn bộ đều khen đơn vị tổ chức tốt. Về phần mình, chúng tôi nghĩ buổi đón tiếp Tư lệnh thật nghiêm trang đúng lễ tiết nhưng vẫn thân mật và an toàn .

        Những ngày sau đó, phòng Chính trị báo cáo cho đơn vị viết bản thành tích Tiểu đoàn và cá nhân tôi để xét Anh hùng (trước năm 1972 được Huân chương Chiến công hạng Ba). Một thời gian sau đó, có cán bộ quân y Trung đoàn nhặt được bản lý lịch và thành tích của tôi ở dọc đường. Tôi sững sờ, không lẽ cán bộ nào vô ý để rơi lý lịch cán bộ hay là có sự đố kỵ, nhưng rồi tôi cũng quên đi vì bao công việc. Còn về phần đơn vị, thời gian sau cũng không thấy nói gì, rồi chúng tôi cũng quên vì mải tập trung vào nhiệm vụ. Năm 1974-1975, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, chỉ nửa năm 1975 đã thu dung 3.818 thương bệnh binh trong chiến dịch Xuân 1975, chiến đấu tấn công vận động xa, chiến đấu liên tục. Ngày thắng lợi, các cán bộ cũ, người đi học, người thuyên chuyển, người mới đến nên hầu như quên lãng, vì nhiều người còn chưa hiểu gì về Tiểu đoàn Quân y. Tới 10/9/1975 tôi rời khỏi đơn vị cũng chưa kịp xét khen thưởng, nhưng cũng may ở Quân khu còn có người biết, nên Quân khu đã xét thăng quân hàm Thiếu Tá và tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho bản thân tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:46:11 am »


THAM GIA CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH - GIẢI PHÓNG BÀ RỊA – VŨNG TÀU

        Ngày 22 tháng 4, Sư đoàn3 nhận lệnh: Khẩn trương bổ sung quân số, vũ khí nằm trong đội hình Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tấn công trên hướng quan trọng của Quân đoàn, giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Sư đoàn được tăng cường một chi đội xe tăng, 3 pháo 130, một Tiểu đoàn cao xạ 37-57. Sư đoàn chiến đấu làm 2 bước: Bước 1, Trung đoàn 141 đánh chiếm thị xã Bà Rịa, Trung đoàn 12 chiếm quận lỵ Đức Thạnh; Bước 2, Trung đoàn 2 là mũi chủ yếu tấn công giải phóng Vũng Tàu, Trung đoàn 12 là mũi vu hồi đánh qua Chí Linh xuống Vũng Tàu.

         Tỉnh Phước Tuy, Bà Rịa cách Sài Gòn 100km, có 5 huyện: Long Điền, Long Lễ, Đức Thạnh, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Giao thông bộ có Đường số 1, Đường số 2, ngã ba Tân Phong (nam Xuân Lộc), Đường 15 Long Bình - Bà Rịa – Vũng Tàu, Đường 23 Bà Rịa - Đất Đỏ - Xuyên Mộc – Hàm Tân; Đường 2 Long Lễ - Long Điền - Đất Đỏ - Phước Hải và nhiều đường trong đồn điền. Đường số 1, Đường số 2 và Đường 15 là đường trục tiến quân, nên địch đã phá cầu, gây trở ngại giao thông. Cầu Cỏ May bị phá, Trung đoàn 2 bị địch kìm chân ở đây. Các đường, trừ Đường 15 tốt, còn lại đều xấu. Hàng năm, khu vực này có dịch sốt xuất huyết. Ở đây còn 2 vạn tên địch, máy bay hoạt động ít hơn. Sư đoàn sau chiến đấu ở Ninh Thuận, thương vong ít, được bổ sung quân số và vũ khí, mỗi Đại đội có 60-70 tay súng, được trang bị thêm hỏa lực pháo lớn và nhiều xe cơ giới thu được của địch nhưng phải chiến đấu theo mệnh lệnh, không có thời gian chuẩn bị, không quen địa hình, nắm địch chưa chắc. Phòng Hậu cần chưa có kinh nghiệm nên không thấy hết khó khăn, lúng túng, bị động, xử trí tình huống chưa kịp thời, ít liên lạc với Tiểu đoàn Quân y, nên chỉ đạo sử dụng lực lượng chưa kịp thời.

        * Nhật ký ghi diễn biến hàng ngày như sau:

        - Ngày 22/4: Sư đoàn 3 hành quân từ Phan Rang vào Phước Tuy, đội phẫu thuật cùng hành quân theo Sư đoàn bộ.

        - Ngày 22/4: Tiểu đoàn Quân y theo Phòng Hậu cần vào Phước Tuy, tới đồn điền Cẩm Mỹ triển khai phục vụ (cách Bà Rịa 30km, cách Đức Thạnh gần 10km) nhận 37 thương bệnh binh tại chỗ do đội phẫu thuật Sư đoàn giao lại. Đội phẫu thuật theo Sư đoàn bộ và Trung đoàn 141 hành quân đường rừng tới khu chiến. Bệnh xá 2 triển khai nhận thương bệnh binh, Bệnh xá 1 là lực lượng dự bị cho đợt sau, nhưng vẫn tăng cường giúp Bệnh xá 2 giải quyết nhanh công việc hàng ngày. Tại đồn điền Cẩm Mỹ có nhiều đơn vị cùng đóng quân, Bệnh xá triển khai vào một xóm nhỏ, nhiều nhà gạch, có nhiều nhà vắng chủ. Bệnh xá bố trí đội hình hàng dọc, đầu ngõ là trạm thu dung, phân loại, tiếp theo là các buồng chuyên môn, khu cấp cứu bất động, phía trong là khu thương bệnh binh đi lại được. Khả năng thu dung khu này từ 200-250 ca. Khu vực ngoài có giếng và gần 1 con suối, có thể tắm giặt được, ngoài ra còn có cả máy nước... Đường ôtô vào tận cửa nhà. Nhân dân khu này đông, có thể mượn các phương tiện như bàn ghế để phục vụ cho nhiệm vụ, thực phẩm mua dễ dàng. Đơn vị có 2 ôtô (1 xe nhỏ của chuyên môn, 1 xe ôtô vận tải lớn). Thương bệnh binh không nhiều, công việc chuyên môn tiến hành thuận lợi, chất lượng tốt hơn.

        - Ngày 26/4: Trung đoàn 141 cùng xe tăng tấn công thị xã Bà Rịa, Trung đoàn 12 đánh huyện lỵ Đức Thạnh.

        - Ngày 27/4: Trung đoàn 141 làm chủ Bà Rịa, địch phá cầu Cỏ May, Trung đoàn 2 bị địch chặn lại, Trung đoàn 12 đánh Bình Giã, Ngãi Giao, Long Lễ, vây huyện Xuyên Mộc, truy kích tới Long Hải. Ngày này Bệnh xá 2 có 138 thương bệnh binh.

        - Ngày 28/4: Trung đoàn 12 đánh trung tâm huấn luyện Sư đoàn 18 ngụy ở Long Hải, Phước Lâm, Phước Tĩnh; Trung đoàn 2 vượt cầu Cỏ May bị địch chặn lại. Đội phẫu thuật Sư đoàn hành quân xuống An Ngãi.

        - Ngày 29/4: Trung đoàn 12 chuyển thành hướng chủ yếu vượt sông Phước Tĩnh đánh Vũng Tàu. Bệnh xá 2 chuyển xuống Long Hoa, Ấp Bắc, huyện Long Lễ mang theo 114 thương bệnh binh. Ấp này có nhiều xóm, có nhiều đơn vị đóng quân. Bệnh xá triển khai vào 1 xóm có mấy ngõ, cách đường cái 500m. Triểu khai thành 3 khu: khu nhân viên phía ngoài, tiếp theo là trạm thu dung phân loại, bãi xe ô tô, khu cấp cứu bất động, rồi đến các buồng chuyên môn, khu thương bệnh binh đi được ở trong cùng. Làng này nhiều cây, có bóng mát, có nhiều giếng, nhiều nhà ở rộng rãi, nhiều phương tiện có thể mượn của nhân dân, lại gần chợ nên điều trị và nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi ở cùng Bệnh xá 2, vừa tham gia mổ và chỉ đạo công tác hàng ngày, vừa liên lạc với phòng Hậu cần. Vì dự kiến đánh Sài Gòn, nên tình hình có thể ác liệt kéo dài, Sư 3 cũng chắc chắn được tham gia, nên bố trí Bệnh xá 1 làm dự bị tham gia nhiệm vụ sắp tới, trước mắt Bệnh xá 1 vẫn cử người tham gia công tác chuyên môn để cùng Bệnh xá 2 giải quyết nhanh chóng công việc, sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp theo.

        - Ngày 30/4/1975: Trung đoàn 12 và Trung đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Vũng Tàu, Trung đoàn 141 vượt sông tấn công Núi Nưa. Đội phẫu thuật tiếp quản bệnh viện Nguyễn Văn Nhân ở Vũng Tàu. Ngày này bệnh xá 2 có 147 thương bệnh binh;

        - Ngày 1/5 Bệnh xá 2 có 149 thương bệnh binh.

        - Ngày 6/5: Bệnh xá 2 về Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp ở Bà Rịa, tiếp tục thu dung thương bệnh binh, tập trung lại thành 2 ban (Nội và Ngoại). Thu dung đợt này là 317 thương bệnh binh, thương binh 256 (chiếm 86% số thương bệnh binh của Sư đoàn), chữa khỏi về đơn vị 22 ca (8,6%), chuyển viện 145 ca (56,6%), tử vong 1 ca (0,39%); bệnh binh 61 ca, khỏi trong chiến dịch 22 ca (36%). Lượng thương bệnh binh trung bình hàng ngày 112 ca, cao là 149 ca, mổ 50,8% số thương binh. Thời gian mổ kể từ khi bị thương trong 12 giờ đầu 20%, trong 24 giờ là 44%, trong 36 giờ là 25,8%, 48 giờ là 10%. 36% mổ muộn là do thương binh ở bước 2 từ Vũng Tàu về qua cầu bị hỏng. Bệnh xá 2 mổ 2 ca thấu bụng, thời gian mổ kể từ lúc bị thương là 8 và 18 giờ, mổ thấu não 2 ca sau 24 giờ, 2 ca sau 36 giờ và 2 ca sau 48 giờ. Gửi về Đội điều trị 84, Quân đoàn 2 là 105 ca, gửi bệnh viện Khu vực 40 ca, chuyển thương do Sư đoàn cho ô tô chở tới. Đội phẫu thuật trong đợt này di chuyển 4 lần, thu dung 54 thương bệnh binh (47 thương binh, 7 bệnh binh), mổ 25 ca có 1 ca thấu bụng, 1 ca thấu ngực.

        Qua tổng kết sau đợt phục vụ thấy rằng:

        - Đơn vị đã thu dung 475 thương bệnh binh, thương binh có 393 ca (chiếm 83%), chữa khỏi về đơn vị 13,2%, chuyển viện 66%, chết 0,7%, còn lại tới lúc kết thúc chiến tranh 88 ca (22%); Bệnh binh 82 ca, chữa khỏi về đơn vị 52% ca, còn lại 39 ca. Nếu tính cả số thương bệnh binh đọng lại trong đợt Ninh Thuận của Bệnh xá 2 thì thương bệnh binh 621 ca (thương binh 463 ca, bệnh binh 158 ca), khỏi về đơn vị 19,6%, chuyển viện 59,4%, chết 0,48%. Thành công là: Tổ chức và sử dụng lực lượng phù hợp, chất lượng điều trị nuôi dưỡng được nâng cao hơn trước, nguyên nhân là thương bệnh binh không nhiều, cơ sở phương tiện đầy đủ, thực phẩm dồi dào hơn và ít bị máy bay đánh phá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:47:52 am »


KẾT QUẢ THU DUNG CỨU CHỮA TOÀN CHIẾN DỊCH XUÂN 1975

        Đã thu dung 1697 thương bệnh binh, chữa khỏi về đơn vị 47%, chuyển viện 44,6%, chết 0,62%. Trong số này thương binh là 1131 ca, chữa khỏi về đơn vị 33%, chuyển viện 66,7%, chết 0,95%; Bệnh binh 566 ca, chữa khỏi về đơn vị 73%, chuyển viện 20%, không có tử vong.

        Đây là khối lượng thu dung lớn nhất, so với cùng một thời gian, vượt xa dự kiến ban đầu của Sư đoàn. Lần đầu tiên, Tiểu đoàn Quân y làm đúng chức năng của Tiểu đoàn Quân y trong chiến đấu, số thương bệnh binh chữa khỏi về đơn vị giảm so với các đợt khác vì số chuyển viện cao nhất từ trước đến nay, tử vong thấp nhất, chứng tỏ chất lượng điều trị tốt, cách tổ chức hoạt động phù hợp. Ngày điều trị khỏi trung bình: khinh thương 7 ngày, trung thương 14 ngày, trọng thương 16 ngày, trung bình 1 thương binh là 13 ngày (Quân khu quy định 22 ngày), ngày điều trị bệnh binh 17 ngày, tỷ lệ sử dụng giường quy định là 90%, thực tế đã thu dung 200-230%. Như vậy, Tiểu đoàn Quân y đã vượt các chỉ tiêu về khối lượng, sử dụng giường, ngày điều trị rút ngắn, giảm tỷ lệ tử vong.
        Về kỹ thuật, do đầy đủ phương tiện và thuốc men, công tác tổ chức chu đáo nên kỹ thuật xử trí đảm bảo chất lượng, các Bệnh viện C13-C15 và Đội điều trị C18 đều xác nhận là xử trí tốt vết thương. Các vết thương nặng như thấu bụng tử vong thấp 2/30 ca (6,6%), thấu ngực không có tử vong, thấu não 7/47 ca. Sư đoàn nhận xét: Tiểu đoàn Quân y hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hoàn cảnh nhiều khó khăn. Đơn vị trưởng thành về mặt tổ chức và hoạt động phục vụ trong các loại hình chiến thuật, tấn công tại chỗ và vận động tấn công liên tục...

        * Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu với quân số trang bị rất hạn chế, Sư đoàn đã đánh hơn 200 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 vạn địch, bắt và gọi hàng 1 vạn rưỡi tên, có 1 trung tướng, 1 chuẩn tướng, 3 đại tá, 9 trung tá, 32 thiếu tá... Xóa sổ ngụy quyền 2 tỉnh: Bình Định, Ninh Thuận và Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Sư đoàn 3 đã được tặng thưởng 3 Huân chương Quân công từ hạng Ba đến hạng Nhất, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tặng 2 cờ “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, toàn thắng” và “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Tiểu đoàn Quân y được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, tôi cũng được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và được phong hàm Thiếu tá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 08:58:42 am »


NGÀY TOÀN THẮNG

        Ai đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Xuân 1975 sẽ không bao giờ quên những giây phút lịch sử trong ngày tháng Tư 1975 ấy. Hàng ngày qua chiếc đài thu thanh nhỏ, tôi nghe Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam thông báo tin chiến thắng. Mỗi lần nghe là thêm xúc động, phấn chấn trong lòng. Mỗi ngày chúng tôi càng tiến gần Sài Gòn hơn, mỗi ngày chúng tôi thấy thêm bao nhiêu cảnh đẹp của Tổ quốc ta. Trời xanh bao la, ít tiếng máy bay, không còn tiếng súng, những vườn dừa xanh bát ngát, những bãi biển sóng vỗ trắng xóa, những con thuyền đánh cá tấp nập ra khơi vào lộng như một bức tranh vậy.

        Qua những vùng giải phóng, những là cờ đỏ xanh, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió khắp mọi nơi. Mọi người đi lại hớn hở, vui cười mặc áo đẹp như một vườn hoa nhiều màu rực rỡ. Thấy bộ đội đi trên ôtô ngụy trang, nhân dân lại đổ ra hai bên đường cầm cờ hoa vẫy chào, trẻ nhỏ thì hò reo, phấn chấn lâng lâng. Những ngày tháng này, trên đường số 1 nhiều đoàn xe ầm ầm tiến vào Nam cả ngày và đêm. Đặc biệt là những đoàn xe tăng thiết giáp dài hàng cây số ầm ầm chạy qua, không khác gì một cuộc biểu dương lực lượng. Nhân dân nói với nhau: quân ta lớn mạnh, có đủ vũ khí hiện đại chắc chắn sẽ chiến đấu toàn thắng. Hành quân ôtô trên đường số 1, tôi thấy những xác xe thiết giáp, xe tăng địch bị cháy dọc bên đường. Tới ngã ba Xuân Lộc thì càng thấy rõ hơn sự thất bại thảm hại của quân địch, các quần áo, mũ sắt, súng ống, dụng cụ vứt la liệt trên một đoạn dài. Một số cầu bị phá hủy, bộ đội công binh phải làm “ngầm” cho xe vượt qua. Mỗi ngày qua, mỗi bước tiến vào phía Nam, tôi cảm thấy bộ đội ta đang lớn mạnh như Phù Đổng, quân ta đang hình thành những binh đoàn mạnh để diệt địch trong trận cuối cùng. Ngay ở Sư đoàn, tôi cũng thấy rõ điều này. Sư đoàn được tăng thêm pháo lớn, xe cộ, đạn dược, Tiểu đoàn Quân y đã được bổ sung trang bị thuốc men, chiến lợi phẩm cùng dụng cụ làm việc tốt hơn xưa rất nhiều. Tôi rất sung sướng vì đơn vị đã vượt qua những thử thách rất nặng nề để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao.

        Mỗi ngày đi ra phía trước như là ngày đi đến hòa bình, tôi sẽ có cơ hội rất gần về thăm gia đình, vì đã 11 năm xa cách. Càng nghĩ, tôi càng thương nhớ vợ con gia đình. Những ngày cuối tháng 4, theo dõi chiến thắng ở khắp nơi của Sư đoàn làm tôi thấy vui sướng quá. Trưa ngày 30/4, nhận được tin Sư đoàn đã giải phóng Vũng Tàu, hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời được nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam, người phát thanh viên giọng rắn rỏi, đĩnh đạc báo tin ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, dinh lũy cuối cùng của bọn ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30/4/1975 trở thành mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, nó đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn; kết thúc mấy chục năm chiến đấu dũng cảm gian khổ hy sinh đầy vẻ vang của dân tộc, một trang sử mới, hòa bình, độc lập, thống nhất bắt đầu. Tôi báo tin này cho đơn vị biết, anh em hò reo: “Chiến thắng rồi! Hòa bình rồi!” Mọi người đều xúc động phấn khởi, ngay cả những thương binh nặng cũng tươi cười vui vẻ quên hết sự đau đớn của vết thương. Mọi người đều tụm năm, tụm ba với nhau giãi bày nỗi vui sướng và nói chuyện tới ngày về thăm gia đình sắp tới. Tôi xúc động ứa nước mắt vì vui sướng và tự hào. Thế là mình đã vượt qua 11 năm ác liệt gian khổ đi tới ngày toàn thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và khi trở về với thân hình nguyên vẹn. Với những cống hiến của mình, tôi đã làm tròn lời hứa trước lúc ra đi, chắc giờ này gia đình tôi: Mẹ tôi, mẹ vợ, vợ con, anh chị em đều phấn khởi và mong tôi trở về. Tôi theo dõi, thấy được không khí ngày toàn thắng ở Thủ đô qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Mọi người đổ ra đường hò reo vui sướng, hẳn có nhiều giọt nước mắt mừng vui và nhiều người ngong ngóng người thân chiến đấu trở về. Từ giờ phút này trở đi, trời đẹp hơn, không khí trong lành hơn, những khuôn mặt khói sạm sáng bừng lên những nụ cười và nghĩ tới tương lai, nghĩ tới giây phút về thăm gia đình và bước đường sắp tới.

        Nhưng lòng tôi cũng rưng rưng nhớ các bạn chiến đấu đã bị thương hoặc hy sinh nằm lại ở các nẻo đường, ở các cánh rừng. Tôi hiểu gia đình đồng đội tôi chịu biết bao nhiêu sự thiệt thòi khi thiếu người chồng giúp vợ, thiếu người cha dạy dỗ con cái. Và rất mừng khi những cặp yêu nhau chân chính trong chiến tranh, giờ đã đến lúc xây dựng hạnh phúc gia đình...

Đà Nẵng, ngày 9 tháng 5 năm 2006       
V.Q.D                           
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2017, 09:16:00 am »


        Đại tá Lê Anh Sáng,
        Trưởng Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 3-Sao Vàng, Khu vực Hà Nội
        Nguyên Phó Sư đoàn trưởng về Hậu cần Sư đoàn 3- Sao Vàng,
        Nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 14.

        Ông là một trong những người có mặt từ ngày đầu thành lập Sư đoàn, gắn bó với Sư đoàn suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Ông  là một trong những người hết sức tâm huyết với lịch sử và truyền thống Sư đoàn, xin trích đăng một số bài thơ phản ánh tấm lòng ấy của ông:


                   DẤU CHÂN SƯ ĐOÀN


                                    Rừng Bà Bơi có tự bao giờ
                             Năm sáu lăm  ấy rực cờ đỏ bay
                                    Chúng tôi đứng dưới ngàn cây
                             Lời thề “Quyết Tử”, đất này quyết sinh!
                                    “Sao Vàng”(2) như ánh bình minh
                             Đi vào chiến dịch mang tình hai quê
                                    Nghĩa Bình một chốn đi về
                             Chiến tranh ác liệt, không hề nhạt phai
                                    Mười năm chiến đấu chông gai
                             Tình Dân nghĩa Đảng dặm dài trường chinh
                                    Mùa vui chiến dịch quê mình
                             Đói cơm nhạt muối nghĩa tình bền lâu.
                                    Nhớ ngày đánh giặc vùng sâu
                             Mưa bom, bão đạn đỏ bầu trời xanh
                                    Hòa bình chấm dứt chiến tranh
                             Rừng Bà Bơi, lại tươi xanh ngút ngàn
                                    Quân dân chung khúc khải hoàn
                             Chiến tranh biên giới, Sư đoàn hành quân
                                    Đường xa đâu ngại gian nan,
                             Hai miền Tổ quốc dấu chân Sư đoàn.


Hà Nội, tháng 5 năm 2007        





                            XỨ LẠNG

                                    Anh lên xứ Lạng cuối đông
                             Rừng đào e ấp, vườn hồng thắm hoa
                                    Hội làng giã bạn hôm qua
                             Lời Then vọng mãi cho ta nhớ mình
                                    Lạng Sơn đất nghĩa đất tình
                             Một miền biên ải chúng mình gặp nhau
                                    Trận địa xây giữa rừng sâu
                             Đường mòn em dẫn, bắc cầu anh qua.
                                    Đất này- Đất của Ông, Cha,
                             Ngàn năm chiến thắng, nở hoa cho đời
                                    Thâm Mô, Chậu Cảnh mình ơi
                             Đồng Đăng lũy thép rạng ngời núi sông
                                    Sử này viết tiếp cha ông
                             Nước non bờ cõi Lạc Hồng vẹn nguyên
                                    Sư Ba chung một lời nguyền
                             Cháu con giữ lấy Tổ Tiên, cõi bờ.


Hà Nội, tháng 10 năm 2007              
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2017, 02:55:06 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 02:34:01 am »

         
TẶNG NHỮNG NGƯỜI MẸ CÓ CON LÀ LIỆT SỸ CHƯA TÌM ĐƯỢC MỘ

                                    Hai bảy tháng bảy hàng năm
                             Tâm nhang trần thế cho âm dương hòa
                                    Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà
                             Vòng hoa ngũ sắc nhạt nhòa khói hương
                                    Vẫn là ngôi mộ thân thương
                             Vẫn là một cõi vô thường trần gian
                                    Giơ tay vái vọng gió ngàn
                             Vái hồn đồng đội, vái hồn con xa
                                    Nhớ ngày đánh giặc Sông Ba
                             Con Đường 19 máu hòa núi sông
                                    Ngày vui có nén hương lòng
                             Nhớ con nằm ở cánh đồng phương xa.
                                    Mong sao về với quê nhà
                             Để con tôi, được Vòng hoa cùng người
                                    Mẹ già sang tuổi chín mươi
                             Nhớ thương thằng Út đi thời chiến tranh
                                    Dẫu rằng nỗi nhớ mong manh
                             Chắt chiu đời mẹ vẫn dành cho con.


Hà Nội, 5/2008        



MỘT THỜI ANH YÊU
(Thân tặng chị em cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng xã Hoài Châu, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)

                                    Hoài Châu ngày ấy anh về
                             Xóm làng nhộn nhịp bốn bề dừa xanh
                                    Từ khi khói lửa chiến tranh
                             Cỏ cây vàng úa, dừa xanh lụi tàn
                                    Chuyện tình em chịu dở dang
                             Em vào bộ đội Sao Vàng – Sư Ba
                                    Mười năm chiến đấu xa nhà
                             Mười năm sống giữa đậm đà tình thương
                                    Anh gặp em, giữa chiến trường
                             Trong này, ngoài ấy đã vương tơ tình
                                    Xứ dừa em đẹp, em xinh
                             Sông Hồng ngoài ấy cũng tình chân quê.
                                    Ra đi son sắt lời thề
                             Đánh tan Mỹ, Ngụy, mới về quê hương.
                                    Hoài Châu chói lọi sử xanh
                             Vì đời ta phải để Danh cho đời
                                    Sáu trăm phần mộ Đồi Mười
                             Bạn bè, đồng đội, bao người vô danh!
                                    Hôm nay em nắm tay anh
                             Nhớ người lớp trước nhớ tình lớp sau
                                    Hòa bình hạnh phúc bền lâu
                             Ánh dương chói lọi là mầu anh yêu
                                    Dù cho sóng gió trăm chiều
                             Bài thơ anh tặng em yêu, một thời.

Tháng 8/2008       




                           LỜI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT


                                    Hòa bình đã mấy mươi năm
                             Mà tôi vẫn ở trong hầm chữ A
                                    Bạn gần cho tới bạn xa
                             Buồn vui vẫn đến giao hòa cùng nhau
                                    Vẫn nghe ai đó nhắc nhau
                             Ơn người ngã xuống cho bầu trời xanh
                                    Hòa bình chấm dứt chiến tranh
                             Bao người nay đã trở thành chỉ huy
                                    Lớp sau đến, lớp trước đi
                             Bao nhiêu thế hệ nhắn gì mai sau?
                                    Những trang truyền thống nặng sâu,
                             Bây giờ nối tiếp nhịp cầu nữa không!
                                    Tôi thường vẫn nhớ vẫn mong
                             Được ghi tên thật cho lòng thảnh thơi
                                    Nỗi mong không của riêng tôi
                             Còn bao đồng đội cùng thời chiến tranh
                                    Nhà chúng tôi, giữa đồng xanh
                             Hay trong hang đá, bên ghềnh biển reo
                                    Chúng tôi vẫn sống đói nghèo
                             Tấm tranh không có che chiều mưa giông
                                    Nói ra mà thấy chạnh lòng
                             Để hồn Tử sĩ long đong giữa đời
                                    Hòa bình đất nước niềm vui
                             Bạn bè trang lứa lên ngôi, lên hàng
                                    Họ tên quê quán đàng hoàng
                             Còn tôi vẫn sống lanh thang không nhà
                                    Những khi trời nổi phong ba
                             Mênh mông Tổ quốc đâu nhà của tôi
                                    Chỉ mong một chút nghĩa đời
                             Chỉ mong Tổ quốc sáng ngời vinh quang.
                                    Xây dựng Đất nước đàng hoàng
                             Cho con cháu, đến muôn ngàn năm sau
                                    Chúng tôi vĩnh viễn nằm đây,
                             Chỉ mong một nén nhang chay người đời.[/i]

Hà Nội, tháng 5/2009        
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2017, 02:54:15 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:09:24 am »


        Chùm bài của Trần Văn Khởi
        Nguyên chiến sĩ Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn 3- Sao Vàng.


ĐÊM SINH NHẬT BÁC TRÊN ĐỒI 82

        Trong sổ nhật ký tác chiến của Ban Trinh sát F3 năm 1973 có đoạn: “ đêm 19-5-1973, ta tập kích Chóp Chài, Núi Chéo, Đồi 10, Điểm cao 174. Địch bắn rất nhiều pháo ra biển. Máy bay C130 ném bom vùng biển Hoài Mỹ. Pháo phòng không của chi khu Hoài Nhơn bắn dữ dội...Nhưng trinh sát kỹ thuật không nắm được thực hư như thế nào...”.

        Thực tế chúng tôi nắm được tất cả nhưng không dám báo cáo, bởi chính chúng tôi đã tự động bày ra vụ bắn phá đó mà không xin phép Sư đoàn. Bí mật ấy, lúc bấy giờ nói ra có thể bị kỷ luật. Giờ đây, sau 36 năm, nó trở thành một kỷ niệm sâu sắc của chúng tôi trong những năm tháng sống và chiến đấu ở Sư đoàn 3 Sao Vàng. Xin được kể lại với các bạn.

        Không biết hiện nay cấp sư đoàn có còn bộ phận trinh sát kỹ thuật nữa không. Đó là bộ phận tựa như quân báo, biên chế khoảng bảy hoặc tám người, trực thuộc trưởng ban trinh sát và Bộ Tư lệnh sư đoàn, chuyên sử dụng vô tuyến điện theo dõi đài địch, thường xuyên cung cấp tình hình đối phương cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn (qua Trưởng Ban trinh sát, không qua Đại đội Trinh sát).

        Chuyện xảy ra đại khái như sau: Đêm 19-5-1973, chúng tôi đang trực máy theo dõi địch để phục vụ cho Sư đoàn đánh phản kích chống lấn chiếm thì ở Chi khu Hòai Nhơn, bọn chúng bắn lộn nhau. Bị cấp trên ở Quy Nhơn vặn hỏi, tên Chi khu trưởng nói dối là có tàu ngầm của Trung Quốc vào vùng biển Hoài Nhơn nên cho lính nổ súng. Thấy đây là cơ hội tốt để lừa địch, tổ đài chúng tôi đóng giả tàu Trung Quốc liên lạc với nhau để công kích Chi khu Hoài Nhơn. Bọn địch ở Hoài Nhơn tưởng rằng có tàu Trung Quốc thật nên ra lệnh bắn pháo ra biển và yêu cầu Tiểu khu Bình Định đưa tàu tuần tiễu ra chi viện. Tiếp đó, Tiểu khu Bình Định còn yêu cầu cả máy bay đến trinh sát. Chúng tôi lại đóng giả chi khu Hoài Nhơn chỉ điểm cho máy bay đánh vào tàu tuần tiễu của chúng. Kết quả, hai tàu tuần tiễu của hải quân ngụy bị máy bay của chúng ở Phù Cát đánh tan tành. Diễn biến cụ thể như sau:

        Khoảng trung tuần tháng 5 năm 1973, Sở chi huy Sư đoàn 3 Sao Vàng chuyển về xã Ân Tường, huyện Hoài Ân để chỉ huy đợt tiến công đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, lập công dâng Bác nhân ngày 19-5.

        Tổ trinh sát kỹ thuật chúng tôi chia làm hai mũi. Mũi 1 gồm Tôn Việt ( tổ trưởng), Phát, Sỹ Hùng và tôi. Tổ 2 có Văn Đài, Quang Thắng và Văn Diêm ( đi hướng Nam). Tổ tôi chọn Đồi 82 tại Ân Tín, Hoài Ân làm điểm đặt máy. Bốn chúng tôi bận bịu suốt ngày đêm. Mỗi người sử dụng hết khả năng mình theo dõi mọi động thái địch, ghi chép, phân tích, sàng lọc thông tin, kịp thời báo cáo cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Thời tiết oi nồng, chúng tôi như bị rang trong chảo lửa trên đồi 82. Những bụi lau phờ phạc, khô quắt đến tội nghiệp. Quần áo mặc trong người khô cong vì trộn lẫn bụi cát, đất, mồ hôi. Trong khi đó, tai, mắt không được rời máy. Mỗi người theo dõi hai máy. Một tay dò sóng, tay kia ghi chép đến rã rời.

        Khoảng 18 giờ ngày 19-5, sau khi toàn tổ đã tìm được sóng vô tuyến của địch và nắm chắc phiên hiệu các đơn vị của chúng, chúng tôi nhận điểm đứng và báo cáo tình hình trong ngày vừa xong thì đột nhiên ở sóng tần số chi khu Hoài Nhơn có tiếng súng nổ chát chúa vọng ra từ tai nghe. Tiếp đó là tiếng gọi gấp gáp của Đại tá Hoài – tiểu khu trưởng tiểu khu Bình Định

        -   Vĩ Long đâu? Bạch Long gọi! ( Vĩ Long là mật danh của chi khu Hoài Nhơn. Bạch Long là tên mật của tiểu khu Bình Định. Chế độ ngụy thời đó, cấp tỉnh gọi là Tiểu khu, cấp huyện gọi là Chi khu. Tỉnh trưởng (như chủ tịch tỉnh) kiêm cả quân sự).

        Tên thiếu tá Long, chi khu trưởng Hoài Nhơn đáp lại:

        -   Bạch Long đâu? Vĩ Long trả lời. Tiếng Hoài gắt:

        -   Tại sao chỗ “ Moa” có tiếng súng dữ vậy?

        Thiếu tá Long nói ấp úng:

        -   Bẩm “Đại Bàng”, lúc 18 giờ, “con cái” tôi, thằng “hai đầu, bảy chóp” (mật danh liên đoàn 207 Bảo An) phát hiện hai tàu ngầm Trung Cộng nên nó nổ súng.

        -   Bây giờ nó còn ở đó không? – vẫn giọng của Hoài.

        -   Bẩm! Nó lặn mất tiêu.

        Lặng một lúc, Hoài ra lệnh:

        -   “ Moa” cho “ Toa” điểm đứng của tàu ngầm. Nhanh lên.

        Lại im lặng một lúc, thiếu tá Long báo cáo:

        -   Metro.T:03 – F:05 (tọa độ trên bản đồ của chúng).

        Tiếng của đại tá Hoài:

        -   Được rồi! “ Moa” cho “con cái” và các đơn vị lân cận rút khỏi khu vực trên...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2017, 03:10:25 am »


        Anh em chúng tôi nhận định: làm gì có tàu ngầm Trung Quốc ở đây? Chắc bọn chi khu Hoài Nhơn có sự cố bắn lộn nhau, sợ bị tội nên nói dối cấp trên để lấp liếm. Tôi bàn với Tôn Việt: bọn này đem tàu ngầm Trung Quốc ra hù dọa cấp trên thì ta chơi cho nó một mẻ. Vì tôi và Phát đều biết tiếng Trung nên hai người dùng máy của mình liên lạc bằng tiếng Trung như có hai tàu ngầm của Trung Quốc vậy. Tôn Việt hơi phân vân có nên báo cáo xin ý kiến anh Phiêu (trưởng ban trinh sát) hay không? Tôi gạt đi mà rằng: “ ta lừa cho chúng bắn ra biển để tiêu phí đạn chứ can hệ gì mà báo cáo.” Tôn Việt nghe lời, và tôi cùng Phát vào cuộc. Mở đầu là tiếng gọi lơ lớ của tôi:

        -   Ủa sư. Sứ lưu. Sứ san khuấy tá. (16 đây, 13 trả lời)

        -   Sứ san thing xin sử. Sử lưu khuấy tá ( 13 nghe rõ, 16 trả lời) - giọng Phát run run nhưng cũng tạm được.

        -   Tả cha truẩn pây tran tâu (chuẩn bị chiến đấu)

        Lập tức trên tần số chi khu Hoài Nhơn đang nhốn nháo liên lạc với nhau bỗng im phăng phắc. Rồi có tiếng thiếu tá Long ra lệnh.

        -   Tất cả “con cái”  sang số nhà “màu tím” mà ở (mã sóng của chúng).

        Lại xuất hiện tiếng thiếu tá Long ở sóng tiểu khu Bình Định:

        -   Báo cáo “Delta”, tàu ngầm Trung cộng lại làm việc ngay trên sóng của chi khu tôi. Chúng liên lạc với nhau bằng tiếng Tàu.

        Có tiếng đại tá Hoài ra lệnh:

        -   Đuổi hết “ con cái” anh ra khỏi nhà. Không được động tĩnh gì.Theo dõi chúng. Tôi sẽ qua đó ngay. Lát nữa có thông dịch Trung Hoa tới giúp.

        Nghe chúng nói có phiên dịch tiếng Trung, tôi sởn tóc gáy, định bỏ cuộc, nhưng rồi lại nghĩ “ chắc chúng trấn an cấp dưới,chứ tìm đâu ra thông dịch Trung Hoa lúc này.”  Bỗng lại xuất hiện tiếng đại tá Hoài trên sóng tiểu khu Bình Định khẩn thiết yêu cầu ba đơn vị pháo binh:

        -   Giro-se-vần- xích nai. Giro tori – Bạch Long gọi.

        Có tiếng gọi như ngái ngủ:

        -   Cái gì đấy?...Cái gì?

        -   Nấu phở ( Tioti). Cấp tập vào tòa độ T:03- F:05

        -   Tính chất mục tiêu?

        -   Tàu ngầm đối phương.

        Mấy phút sau, vùng biển Hoài Nhơn chìm trong đạn pháo. Pháo các cỡ của địch thi nhau nổ như ngô rang.

        Chuông điện thoại hối hả reo. Tiếng của trưởng ban trinh sát ở đầu dây bên kia.

        -   Tại sao địch bắn nhiều vậy? Ta đang chuẩn bị tập kích núi Chóp Chài đó, xem có lộ không?

        Tôn Việt run run đáp:

        -   Không có gì đâu ạ. Chúng chỉ bắn ra biển. Có lẽ nó nghi ngờ tàu thuyền ta chở vũ khí vào nên bắn chặn.

        Trưởng ban Phạm Văn Phiêu động viên:

        -   Nhớ trực 24/24 nhé. Đêm nay sinh nhật Bác Hồ. Mình đã cho người mang ảnh Bác và tiếp tế lương thực lên cho các cậu. Cử người xuống chân đồi mà nhận.

        Tôn Việt bỏ máy, nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “ các ông mà biết việc này thì bọn mình chỉ có đi tù.” Tôi cười bảo: “ các ông đánh núi Chóp Chài là diệt sinh lực địch. Tụi mình làm cuộc chơi này là phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng, chẳng phải tốt lắm sao!” Phát nói thêm: “ đã vào trận không được run, phải chơi hết mình.”

        Tôn Việt im lặng . Tôi và Phát tiếp tục vào máy:

        -   Sử lưu chai nả? Sử san chai khu? ( 16 ở đâu? 13 gọi).

        -   Sử san chai. Sử lưu khuấy tả. (13 đây, 16 trả lời).

        -   Sử san bị thương nặng! Tôi nói cả tiếng Việt để xem chúng đã có phiên dịch chưa, cũng ngầm để cho bọn chi khu Hoài Nhơn biết.

        -   Nỉ xen chai nả? ( hiện nay anh ở đâu?)

        -   Hướng y, cách tọa độ cũ 3 hải lý. Tôi nói lung tung chứ chẳng biết hướng y là hướng nào.

        Một lát, trên sóng tiểu khu Bình Định có tiếng báo cáo của thiếu tá Long:

        -   Bẩm “ đại bàng”, tàu của chúng bị hỏng nặng. Hiện chúng vẫn quanh quẩn tọa độ cũ.

        Đại tá Hoài cười:

        -   Ô- kê. Cho “nấu phở” tiếp.

        Lại một đợt bắn pháo cấp tập. Đợt này dài hơn đợt trước. Biển Hoài Nhơn ồn ào như giông tố.

        Chuông điện thoại lại vang lên. Lần này là giọng trầm trầm của Tư lệnh Sư đoàn, Huỳnh Hữu Anh:

        -   Tại sao địch bắn dữ vậy mà các cậu đếch báo cáo gì? Bộ đội đã vào hàng rào thứ 3 rồi đó.

        Tôn Việt trả lời rằng các mục tiêu ta chuẩn bị tấn công không có dấu hiệu bị lộ. Thủ trưởng cứ yên tâm.

        Bất ngờ tôi bắt được hai mật danh lạ trên sóng chi khu Hoài Nhơn. Biết bọn dưới chi khu chưa nhận được sóng này vì chúng ở thấp, tôi liền đóng giả máy của chi khu trả lời:

        -   Các anh hãy “ vặn cổ gà ” đi ( sang băng khác).

        Hai mật danh đó gặp tôi tại tần số do tôi chỉ định:

        -   Vĩ Long đâu “ mắt chột”, “ mắt đui”? Hãy cho đối chứng “ lá bùa”

        Nó đang thử có phải ta lừa nó không. Tôi nghĩ vậy và mạnh dạn bảo:

        -   Cho đi- Vi to- xích xê- vần ( 17).

        Nó hỏi lại:

        -   Ông Delta, tôi tên gì?

        Qua khẩu ngữ của chúng tôi biết bọn này là Hải quân, liền đọc cả họ và tên chỉ huy trưởng của hải đội của nó là Huỳnh Tấn Đạt. Hai thằng vui vẻ trả lời “ Ô-kê”. Giọng thằng “ mắt chột” ồm ồm trong máy:

        - Tôi, hai tàu tuần tiễn của Hải đội Giê-rô phai (05) từ Quy Nhơn ra hỗ trợ cho anh đây. Nghe nói có tàu Trung cộng, tôi sợ lắm. Tôi đang men theo bờ biển. Liệu chúng có ngoi lên như con cá voi khổng lồ nuốt chửng chúng tôi không?

        Tôi thầm nghĩ: “ một lũ hèn nhát, thì ra thằng nào cũng sợ Hải quân Trung quốc.”
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM