Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 12 Tháng Năm, 2024, 08:56:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34344 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2017, 11:22:37 am »


        Có thể nói mảnh đất Hoài Nhơn này các chiến sỹ Trung đoàn 12 đã gắn bó bằng xương máu của mình. Mấy năm qua họ đã khắc sâu tình nghĩa của đồng bào trong những lúc khó khăn, gian khổ. Họ cũng cảm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào “thà chết chớ không để bọn chúng dồn vào các ấp chiến lược”, “thà chết nhất định không để địch chiếm nơi đây”, “thà chết quyết không rời bộ đội” v.v... Đó là bài học lớn, là nguồn sinh lực lớn tiếp sức cho các chiến sỹ Trung đoàn 12 nói riêng và Sư đoàn 3 nói chung. Giờ đây: Thế cách mạng đã vững, lực lượng cách mạng đã mạnh thì niềm tin của họ đối với đồng bào càng vững chắc, không có gì có thể lay chuyển được.

        Ban ngày trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bộ đội, ban đêm nhân dân, dân quân du kích ở các xã Hoài Châu, Tam Quan, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Hoài Hảo...lại cùng các chiến sỹ củng cố hầm hào mà bom đạn địch phá vỡ ban ngày, tiếp lương thực, vận chuyển đạn dược, thương binh... Ở xóm 2 Quy Thuận lúc nào cũng đông và nhộn nhịp vì đây là Sở chỉ huy của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12. Nhân dân ở đây rất nghèo về vật chất, chỉ một củ sắn, một củ khoai, một tấm bánh tráng...bà con cũng dành cho bộ đội, cho nên các chiến sỹ Trung đoàn 12 đã thề “Sống làm con đồng bào Hoài Châu, hy sinh cũng vùi trên đất Hoài Châu”.

        Thế là cái gì đến sẽ đến. Sư đoàn 22 ngụy công khai mở cuộc hành quân lấn chiếm các xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn. Rạng sáng ngày 7-9-1973, Trung đoàn 41 bộ binh và thiết đoàn 14 được chúng đẩy lên phía trước làm lực lượng xung kích. Mục tiêu của chúng là chiếm bằng được thôn Quy Thuận, Đồi 9, Đồi 10 để làm bàn đạp đánh bật lực lượng Trung đoàn 12 ra khỏi Bắc Hoài Nhơn, mở rộng vùng kiểm soát của chúng. Biết trước mưu đồ của địch, Bộ tư lệnh Sư đoàn Sao Vàng đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng Trung đoàn 12 sẵn sàng chiến đấu. Trước đó một tuần lễ, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2) cũng được lệnh hành quân, chiến đấu. Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn được triển khai sát sở chỉ huy Trung đoàn 12 tại Hoài Sơn. Các Đại đội tên lửa H12, cối 120 ly cũng gấp rút chiếm lĩnh trận địa để chi viện cho Trung đoàn 12 ở phía trước.

        Sáng hôm ấy, chúng huy động ba cánh quân có 18 xe tăng, xe bọc thép yểm trợ đánh vào khu vực chốt giữ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 ở xã Hoài Châu. Sau khi mấy trận địa pháo ngừng bắn, bộ binh và xe tăng địch dồn hàng ngang tiến vào. Thoạt đầu chúng dè dặt thăm dò, nhưng khi cách trận địa ta 100m mà vẫn thấy yên tĩnh, chúng vội vã hô quân tràn tới. Trận địa Tiểu đoàn 4 vẫn giữ bí mật để chúng vào thật gần mới bật dậy nổ súng. Ở thôn Quy Thuận, các chiến sỹ Đại đội 41 do Đại đội trưởng Oánh và chính trị viên Thêm chỉ huy, đồng loạt bắn B40, B41. Hai quả đạn B41 của chiến sỹ Trung đội 1 cùng một lúc trùm lên chiếc xe tăng M48 (loại xe tăng hiện đại nhất ở chiến trường) và chiếc M113 đi đầu, khẩu pháo 85 nòng dài trên tháp xe tăng M48 bị gục, hai chiếc xe bốc khói đen kịt, các chiếc khác còn lại vội vã quay đầu tháo lui. Các cánh quân khác của chúng cũng chung số phận phải tháo chạy cùng xe tăng. Tấn công không được, địch lùi ra, các trận pháo ở Đệ Đức, Tam Quan và ngoài tàu biển bắn phá vào thôn Quy Thuận. Lúc này không gian ở đây chỉ thấy khói pháo và cát bụi. Khi pháo ngừng, chúng dùng máy bay đến dội bom. Cứ như thế sau từng đợt pháo bom chúng lại cho bộ binh hò hét xung phong. Đánh suốt ngày mà không chiếm được mục tiêu, chúng phải lui quân về Đệ Đức. Trận địa của ta hoàn toàn được giữ vững.

        Cay cú, ngày hôm sau, mồng 8 tháng 8, chúng dùng hơn một Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 cộng với 11 xe tăng, xe bọc thép đánh chính diện vào thôn Quy Thuận, thu hút toàn bộ lực lượng của ta vào hướng này, đồng thời cho xe tăng và hai đại đội bộ binh đánh vòng về phía Gia An, toan thọc sườn sở chỉ huy Tiểu đoàn 4 ở Quy Thuận. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cánh quân vu hồi này đã bị Đại đội 63 Tiểu đoàn 6 và Đại đội 42 Tiểu đoàn 4 chặn đứng ở những ruộng mía và gò bãi dưới chân đồi 10. Đại đội trưởng Xoàng và chính trị viên đại đội 42 Nguyễn Hữu Ba, mỗi người dẫn một mũi đánh tạt sườn quân địch. Xạ thủ B41 Nguyễn Hồng Sánh vận động tiếp cận bắn cháy hai xe tăng. Những chiếc còn lại vội vã tháo chạy, bộ binh địch hoảng loạn tinh thần, mạnh thằng nào thằng ấy chạy ra đường số 1... Liên tục nhằm vào mục tiêu thôn Quy Thuận và Đồi 9, Đồi 10, ngày 15,16,17 tháng 8, chúng thay đổi thủ đoạn đột kích. Một mặt cho tăng cường mật độ phi pháo, một mặt chúng đổi hướng tấn công vào Tây Nam Quy Thuận. Nhưng tại đây chúng đã bị hai trận tập kích. Trên bãi cát thôn An Quý, hai đại đội địch chỉ còn 16 tên sống sót chạy về thị trấn Tam Quan.

        Cách Đồi 10 không xa, thôn Quy Thuận và nhà thờ vẫn sừng sững đứng đó, ở đây, địch đã bắn hàng ngàn quả pháo các loại, hàng trăm tấn bom. Nhà thờ và tháp chuông dù đã bị đổ vỡ từng mảnh nhưng vẫn ngạo nghễ hiên ngang trước mặt kẻ thù như tinh thần bất khuất của đồng bào Hoài Châu vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:34:19 am »


        Những trận chiến đấu của các chiến sỹ Trung đoàn 12 tại mảnh đất này kéo dài trong mấy tháng trời, làm thất bại mọi thủ đoạn tấn công của Sư đoàn 22 Ngụy. Ý chí lấn chiếm Quy Thuận bắt nguồn từ chính quyền Trung ương Ngụy Sài Gòn. Khoảng tháng 10-1973, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Ngụy Sài Gòn đã đến Bồng Sơn, Tam Quan ra lệnh cho sư đoàn 22 và liên đoàn biệt động số 4 phải chiếm cho đuợc nhà thờ Quy Thuận và Đồi 9, Đồi 10... Được Tổng thống tiếp sức, Sư đoàn Ngụy dồn toàn bộ lực lượng để chiến đấu với Trung đoàn 12 “Việt cộng”. Hơn bốn tuần lễ điều quân như “đèn cù”, hết thê đội này đến thê đội khác, được pháo binh và không quân chi viện tối đa, hết đánh từ An Quý lên, từ đèo Bình Đê xuống, hết thọc từ Chương Hòa, Đồi 9, Đồi 10 rồi vu hồi từ Gia An sang, cuối cùng, địch chỉ lấn thêm được rìa phía đông làng Quy Thuận. Sở chỉ huy Tiểu đoàn 4 vẫn trụ vững tại xóm 2 thôn này để chỉ huy chiến đấu. Kết quả là 860 tên địch chết và bị thương. Trung đoàn 41 và Trung đoàn 47 Ngụy bị tổn thất nặng nề, địch phải rút lực lượng này ra củng cố, đưa liên đoàn biệt động số 4 vào thay.

        Hai tiếng “Quy Thuận” đã thành nỗi ám ảnh của kẻ thù.

        Nắm chắc lực lượng địch, Trung đoàn 12 và Trung đội du kích tập trung của xã Hoài Châu do nữ đồng chí Bảy chỉ huy xốc lại đội hình, bổ sung vũ khí, củng cố lại hầm hào và nhanh chóng rút kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ chiến đấu. Huyện ủy Hoài Nhơn cũng chỉ đạo các xã bắc Hoài Nhơn rút kinh nghiệm việc đấu tranh chính trị với địch để phối hợp với bộ đội chiến đấu và huy động dân công phục vụ chiến trường... Đầu tháng 11-1973, Liên đoàn biệt động số 4 địch bắt đầu mở màn cuộc tiến công nhưng bị D4 và D6 phục kịch đánh phủ đầu ở đông Quy Thuận và Gia An buộc chúng phải co cụm lại. Cuối năm đó trời mưa nhiều, nước từ đầu nguồn tràn về mênh mông trên các cánh đồng, bộ đội du kích ngày đêm dầm mình trong nước, trong mưa, tát nước và sửa chữa lại hầm hào. Đồng bào mang cánh cửa và tre gỗ cho bộ đội sửa chữa hầm, hào chiến đấu.

        Những ngày cuối tháng 10 năm ấy là những ngày ảm đạm, nặng nề và hết sức căng thẳng đối với Liên đoàn biệt động số 4 Ngụy. Chúng đã ba lần thay đổi hướng đột phá, bắn hàng ngàn quả pháo cối. Mỗi ngày thường xuyên có từ 12 đến 18 chiếc xe tăng, xe bọc thép chi viện, dùng đủ các loại bom như bom đào, bom cháy, bom lân tinh...thế mà không chiếm được một tấc đất ở đây trước ý chí kiên cường bám trụ của quân và dân Hoài Nhơn mà điển hình là xã Hoài Châu. Trong các ngày đó, ngày nào cũng có hàng chục tên lính chết và bị thương vì kỹ thuật bắn tỉa của bộ đội ta, ngày nào cũng có lính bỏ ngũ hoặc chống lệnh hành quân. Rồi mưa lũ tràn về đã cuốn trôi hẳn một Đại đội của chúng ở Tân Thành. Đồng bào nói “tội ác của chúng Trời cũng không tha”. Gắn bó với mảnh đất Hoài Nhơn thân yêu và bất khuất, các chiến sỹ Trung đoàn 12 thấy mình có một nguồn sinh lực vô tận. Họ càng thấm sâu ý nghĩa câu nói “có dân là có tất cả”. Trong mấy tháng trời chiến đấu sau Hiệp định Paris là sự đối chọi giữa hai tư tưởng: địch quyết chiếm, ta quyết giữ. Cuối cùng thắng lợi đã thuộc về tay nhân dân và bộ đội ta. Trong chiến đấu xuất hiện nhiều gương tập thể và cá nhân chiến đấu dũng cảm như Đại đội trưởng Hoàng Văn Xoàng, chính trị viên Nguyễn Hữu Ba, chiến sỹ B41 Nguyễn Hồng Sánh, Trung đội 1, Đại đội 41, Trung đội du kích tập trung xã Hoài Châu. Đặc biệt tấm gương chiến đấu dũng cảm và chỉ huy gan dạ của chính trị viên Nguyễn Hữu Ba trên đường cầm quân chi viện cho chốt, anh bị mảnh đạn pháo địch cắm vào mắt không nhìn thấy gì, anh nhờ y tá băng bó và dìu ra trận địa, quyết không trở về trạm xá. Anh nói: “mắt không nhìn thấy nhưng tai còn nghe là còn chỉ huy được” và anh đã có mặt khi chốt của Đại đội gay go ác liệt nhất. Sự có mặt của Ba lúc đó thực sự là chỗ dựa tinh thần đối với chiến sỹ, truyền cho anh em sức mạnh đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của địch, cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc trận địa được phân công.

        Nếu như cuối năm 1972, ở Hoài Ân, Sư đoàn Sao vàng rút được kinh nghiệm trong chiến đấu phòng ngự ở vùng đồng bằng xen rừng núi thì ba tháng chiến đấu của Trung đoàn 12 và nhân dân bắc Hoài Nhơn đã thu được thắng lợi cả phòng ngự và tiến công, thắng lợi cả quân sự và chính trị ở vùng đồng bằng. Tại đây, bộ đội ta vận dụng khá linh hoạt chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt”, “tập kích hợp đồng binh chủng”. Điểm nổi bật ở đây là quân dân gắn bó mà biểu hiện là bộ đội du kích chiến đấu, nhân dân phục vụ chiến đấu rất nhịp nhàng. Có thể nói trên mảnh đất xã Hoài Châu này là một trong những điểm sáng của chiến tranh nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

        Năm tháng qua đi, những hình ảnh tuyệt vời về lòng dũng cảm, ý chí quật cường của một vùng đất quê dừa Bình Định – xã Hoài Châu vẫn mãi mãi chói sáng trong lòng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Thái Bình, tháng 4 năm 2009       
Đ.S.T                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:39:26 am »


TRƯA HÔM ẤY Ở VŨNG TÀU

        Khoảng 12 giờ ngày 30-4-1975, khi Tổng thống ngụy Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện lúc 11giờ30 thì ở Vũng Tàu, đơn vị chúng tôi (E12-F3) vẫn đang chiến đấu ở 2 khu vực khách sạn Pa-lát (khách sạn Hòa Bình hiện nay) và Trường Thiếu sinh quân (trụ sở Tổng công ty dầu khí Việt Nam hiện nay).

        Vũng Tàu lúc bấy giờ là cái túi khổng lồ đầy ắp tàn quân địch từ miền Trung Trung bộ và miền Đông Nam Bộ đổ dồn về, đủ các sắc lính và đủ các loại ác ôn trung thành với Mỹ, chúng hy vọng sẽ thoát ra biển nhờ tàu thủy của Mỹ ngụy hứng đón. Nhưng lúc bấy giờ pháo tầm xa của Sư đoàn đã được lệnh phong tỏa tất cả luồng lạch từ Cần Giờ đến Vũng Tàu. Chúng dồn cục tại trung tâm thành phố, biến mỗi cao ốc, nhà lầu là một trận địa phòng ngự, hy vọng sẽ được Mỹ cứu vớt. Nơi nào có nhiều bọn ác ôn, nhiều bọn sỹ quan thì ở đó cuộc chiến đấu của Trung đoàn tôi càng ác liệt. Trước khách sạn Pa-lát, lúc 11 giờ 30, chúng tôi được báo cáo, một Tiểu đội bộ binh của Tiểu đoàn 6 đã hy sinh tất cả khi đánh vào cổng chính.

        Sở Chỉ huy tiền phương của Trung đoàn do anh Sơn, Phó Trung đoàn trưởng và tôi, phó Chính ủy Trung đoàn chỉ huy, đặt tại căn nhà 2 tầng ở đường Nguyễn Tri Phương. Trong khi chúng tôi đang theo dõi các trận đánh ở Pa-lát và trường Thiếu sinh quân thì một số bà con tập trung ở tầng trệt, cử một cụ già chừng 60 tuổi lên gác hai, nơi chúng tôi đang làm việc. Cụ hớt hải, mừng rỡ nói trong hơi thở gấp: “Mấy chú ơi! Sài Gòn giải phóng rồi. Giải phóng thiệt rồi!” Tôi bực mình quát to: “Cụ không thấy bộ đội chúng tôi đang đổ máu ngoài kia mà nói lung tung gì vậy?” Một chị theo sau bà cụ chen vào: “Không tin, các anh mở radio mà coi. Tụi tôi hổng nói xạo đâu.” Tôi vội chạy lại chiếc ba lô để ở góc nhà lấy chiếc đài National lập cập dò sóng. Sóng rất yếu nhưng tôi nghe rõ không phải là tiếng của phát thanh viên mà là tiếng của người thay mặt Chính phủ Cách mạng và tiếp đó là lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa kêu gọi các binh sỹ và ngụy quyền hạ vũ khí đầu hàng quân Cách mạng. Cùng lúc ấy, chúng tôi nhận được điện của Chính ủy Sư đoàn Mai Tân. Ông thông báo Sài Gòn đã được giải phóng và ra lệnh cho đơn vị phải vững vàng tay súng, kiên quyết tiến công, kết hợp tiến công với kêu gọi chúng đầu hàng để bớt đổ máu. Tôi xem đồng hồ. Lúc đó là 12 giờ 05 phút. Từ hướng khách sạn Pa-lát, Tiểu đoàn 6, đồng chí Quế, Tiểu đoàn trưởng báo cáo đơn vị đã chiếm được tầng trệt. Địch ở các tầng trên (9 tầng) vẫn đang chống cự. Bộ đội đang tìm cách đánh ngược lên. Liền đó các đồng chí báo cáo đã bắt được nhiều tù, hàng binh, trong đó có một tên Thiếu tá. Ta đã giải thoát cho hàng trăm đồng bào bị địch bắt làm lá chắn. Đồng chí Sơn, phó Trung đoàn trưởng ra lệnh đưa ngay đồng bào ra khỏi trận địa và sử dụng tên Thiếu tá kêu gọi bọn còn lại đầu hàng. Lệnh cho các đơn vị phải kết hợp tiến công bằng hỏa lực với binh vận, không sử dụng bộ binh (sợ anh em thương vong). Tiểu đoàn 6 đưa ĐKZ và đại liên lên sườn đồi gần khách sạn bắn từ tầng 2 trở lên rồi kêu gọi địch đầu hàng. Khoảng 15 phút sau, tiểu đoàn 6 báo cáo, địch đang lần lượt đầu hàng. Chúng dùng khăn mặt trắng cắm vào đầu súng hoặc cầm tay đưa ra cửa sổ vẫy rối rít. Hướng khách sạn Palats im tiếng súng.

        Hướng trường Thiếu sinh quân, Tiểu đoàn 4 cùng với Tiểu đoàn 2 cũng dùng ĐKZ đặt trên tầng thượng các biệt thự xung quanh bắn áp đảo bọn địch ở các tầng lầu cho bộ đội ta vượt tường rào vào sân trường. Những bọn ngoan cố chống cự đều bị tiêu diệt. Ở hướng Núi Nhỏ, tiểu đoàn 5 báo cáo đã bắt được nhiều tàn binh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

        Phải đến 13 giờ, Trung đoàn 12 mới thực sự im tiếng súng. Theo chỉ thị của Sư đoàn, các đơn vị chuyển sang tảo trừ tàn quân và thu chiến lợi phẩm. Trong một hướng tảo trừ, đại đội hỏa lực ĐKZ do đồng chí Thời, phó đại đội trưởng chỉ huy đã gặp một tình huống hi hữu. Một phụ nữ trạc 30 tuổi nằm trên bãi cát kêu la thảm thiết. Các chiến sĩ ta đến hỏi, chị vừa sợ vừa mếu máo nói: “Tui đau sanh (sinh đẻ), nhờ các ông giúp...”. Luống cuống trong giây lát, các chiến sĩ bắt tay vào việc. Người lục tìm ni lông để làm chiếu, người bế chị vào bóng cây, người đi tìm nước, người xé vải dù ngụy trang để làm tã lót... Được chiến sĩ ta động viên, sau một cơn đau dữ dội, một cậu bé đỏ hoe đã cất tiếng chào đời. Có lẽ, đó là công dân đầu tiên của Thành phố Vũng Tàu được sinh ra dưới chế độ mới. Ôm đứa con bé bỏng nguyên lành, người phụ nữ cảm động trào nước mắt nhìn các chiến sĩ ta với lòng biết ơn thân thiện pha lẫn sự cảm phục, ngỡ ngàng. Thì ra, bộ đội Giải Phóng không những đánh giặc giỏi mà còn giỏi cả việc bà đỡ. Họ đã làm được một việc thiện, gây ấn tượng tốt đối với nhân dân ở vùng đất suốt mấy chục năm qua luôn bị địch tuyên truyền xuyên tạc về Quân Giải phóng. Vì mải mê thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ ta không kịp hỏi tên người mẹ ấy. Hy vọng giờ đây, người mẹ và người con ấy đã và đang sống xứng đáng với lòng nhân ái của chiến sĩ Sư đoàn 3 – Sao Vàng.

        Khoảng 13 giơ 30 phút, Sở chỉ huy cơ bản của trung đoàn, gồm anh Đới Ngọc Cầu, trung đoàn trưởng, anh Trần Hữu Biền, chính ủy trung đoàn cùng cán bộ các cơ quan chuyển tới trung tâm Thành phố. Chúng tôi họp chớp nhoáng bàn cách giải quyết những việc cần làm gấp. Trong đó, nổi cộm là tù, hàng binh. Tù, hàng binh lên tới hàng ngàn tên. Các đơn vị không còn người để áp giải. Anh Nguyễn Lư, chủ nhiệm chính trị trung đoàn phụ trách việc này phải xử trí, chỉ bố trí người áp giải tù binh, còn hàng binh tập trung từng khối,  phổ biến chính sách của Mặt trận, sau đó giao cho tên nào có cấp hàm cao nhất chỉ huy chung đi về thị xã Bà Rịa sẽ có người đón. Quy định: tên đi đầu cầm cờ Giải Phóng hoặc khăn trắng buộc vào que. Dọc đường không được quậy phá nhân dân...Vẫn biết, làm như vậy là quá lỏng lẻo, nhưng ở thời điểm đó – thời điểm ta ở thế áp đảo, và trong điều kiện cụ thể của đơn vị quân số không còn bao nhiêu, việc giữ gìn trật tự, an ninh Thành phố không thể lơ là thì cách tổ chức đưa tù, hàng binh về phía sau chỉ có thể làm như vậy.

        Thế là trong vòng 56 ngày đêm, từ ngày 4 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 12 chúng tôi đã liên tục chiến đấu, liên tục phát triển với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng” và “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...”, góp phần cùng Sư đoàn và quân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang. Trong chiến dịch này, trung đoàn chúng tôi đã có hàng trăm cán bộ và chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hàng trăm người khác bị thương. Khi viết những dòng này, lòng tôi không khỏi bồi hồi thương tiếc những chiến sĩ trẻ đã ngã xuống trên đường 19, trên đường băng sân bay Thành Sơn, giữa dòng Sông Dinh (cầu Cỏ May) và trên đường phố Vũng Tàu, trước khách sạn Palats v.v...xin các đồng chí hãy coi đây là nén tâm hương của tôi và gia đình tôi tri ân các đồng chí.

Thái Bình, tháng 4 năm 2009         
Đ.S.T                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:44:42 am »


MỘT THƯƠNG BINH CỦA SƯ ĐOÀN TRÊN MẶT TRẬN MỚI

        Đang học lớp 9 trường huyện, Nguyễn Văn Khoa xã Đông Thọ, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tình nguyện gia nhập quân đội lên đường đánh Mỹ. “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn, nhân dân ta cũng phải giành cho được tự do, độc lập...”. Câu nói đó của Bác Hồ thôi thúc hàng vạn thanh niên quê lúa Thái Bình tòng quân giết giặc, trong đó có Khoa.

        Vào chiến trường Khu 5, một chiến trường khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất. Được bổ sung vào Đại đội 61, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, hoạt động ở chiến trường Bình Định, Quảng Ngãi, Khoa bắt đầu bước vào cuộc thử thách mới. Thời gian trôi đi, anh cùng đơn vị tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được biểu dương khen thưởng.

        Đặc biệt, trận ngày 8-6-1969, tiểu đoàn 6 được giao nhiệm vụ đánh phá giao thông cắt đường 19 thuộc địa bàn xã Bình Giang, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định để phối hợp với chiến trường Tây Nguyên. Khoa cùng bốn đồng chí được giao nhiệm vụ chốt trên cao điểm Sô Đô để bảo vệ đơn vị đánh giao thông và cắt đường 19. Cả đêm ngày 7 tháng 6, năm người trên chốt thay nhau đào công sự, không ai đuợc chợp mắt. Sáng ngày 8 tháng 6, ngụy trang trận địa xong, mọi người đem cơm vắt muối vừng ra ăn. Cả đêm thức đào công sự mất ngủ, ai cũng mệt nhoài, họ phân công nhau người cảnh giới người tranh thủ đi ngủ.

        Khoảng 10 giờ, pháo địch ở các trận địa bắn phá vào các cao điểm ven đường 19. Trong số đó, Sô Đô là một trọng điểm. Sau khi bắn pháo xong, một đại đội lính Nam Triều Tiên chia thành nhiều hướng, nhiều mũi đánh lên chiếm điểm cao Sô Đô. Cuộc chiến đấu ở đây bắt đầu. Sau mỗi đợt dùng bộ binh tiến công không thành, địch lại lui ra dùng phi cơ và pháo binh đánh phá. Cứ như thế cho đến 14 giờ, năm chiến sỹ ở Sô Đô đánh lui nhiều đợt tấn công của đại đội Nam Triều Tiên và làm bị thương nhiều tên địch, riêng Khoa đã bắn rơi một máy bay lên thẳng HU1A. Vào lúc này đã có ba đồng chí hi sinh, chỉ còn lại hai người là Khoa và Ngô Hữu Xông. Địch lại hô hoán tấn công. Bỗng Khoa bị một viên đạn bắn thẳng xuyên qua bả vai phải từ phía trước về phía sau, máu chảy ướt đẫm áo, Xông vẫn chiến đấu bắn điểm xạ những tên đến gần. Địch bị thương vong, la ó lùi ra xa, Xông tranh thủ băng bó vết thương cho Khoa. Tình hình lúc này rất căng thẳng, lực lượng cơ động của Tiểu đoàn vận động lên chi viện nhưng đều bị chặn giữa. Tuy đau, Khoa động viên Xông: “mình đã bị thương không chiến đấu được, Xông cứ yên tâm đi, tớ sẽ nạp đạn cho cậu chiến đấu, quyết giữ cho được chốt...”. Thế là trên điểm cao Sô Đô chỉ còn hai chiến sỹ, trong đó có Khoa bị thương nặng, nhưng họ động viên nhau quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ...

        Cuối năm ấy, năm 1969, Xông được thay mặt cho năm chiến sỹ trên cao điểm Sô Đô đi báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua Quân khu 5. Nguyễn Văn Khoa được tuyên dương “Chiến đấu dũng cảm bị thương nặng vẫn cùng đồng đội giữ vững trận địa.”

        Do vết thương không thể ở lại chiến trường để điều trị, bệnh viện Quân khu 5 quyết định chuyển Khoa ra miền Bắc.

        Sau khi điều trị xong vết thương, xét thấy sức khỏe anh không đảm bảo, cấp trên ra quyết định cho anh rời khỏi quân ngũ trở về địa phương. Trên lĩnh vực mới, Khoa lại tiếp tục “dùi mài kinh sử” học hết lớp 10 phổ thông và thi đỗ vào Đại học Y Thái Bình. Năm, sáu năm trời đèn sách trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh thật là một thử thách lớn đối với người thương binh ấy. Nhưng nhờ có nghị lực, tất cả những khó khăn Khoa đều vượt qua. Kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa anh đạt điểm cao, xếp vào loại khá.

        Ra trường được phân công công tác tại Viện lao Thái Bình, Khoa luôn chứng tỏ là một bác sỹ tận tụy với danh hiệu “Người thầy thuốc”. Thế rồi trên xét cho Khoa đi học lớp chuyên khoa I ngành nhãn khoa. Năm 1982, học xong được phân công về Trung tâm mắt Thái Bình, và từ đó đến nay Khoa gắn bó với nghành “nhãn khoa” cùng đồng nghiệp làm “sáng con mắt cho đời”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:45:38 am »


        Gần 30 năm qua công tác tại trạm mắt rồi lên trung tâm mắt (nay là Bệnh viện mắt) tỉnh Thái Bình, từ một bác sỹ điều trị được bổ nhiệm làm trưởng khoa, phó giám đốc, rồi giám đốc, anh đã cùng tập thể trung tâm mắt xây dựng được một cơ sở chữa mắt có uy tín không những chỉ ở trong tỉnh mà còn đối với những tỉnh lân cận như: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên.... Từ một cơ sở vật chất kỹ thuật đơn sơ nay đã có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ những trang thiết bị hiện đại. Là một giám đốc, anh luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên trong trung tâm. Những năm gần đây, Trung tâm mắt Thái Bình đã đưa kỹ thuật mổ thủy tinh thể trong bao theo phương pháp Fa cô, trả lại ánh sáng cho hơn hai vạn người. Ngoài ra anh còn tham mưu cho tỉnh, cho ngành xây dựng chiến lược “Phòng chống mù lòa”, “Phòng bệnh mắt hột, lông quặm”, “Phấn đấu đến năm 2010 Thái Bình sẽ thanh toán bệnh đau mắt hột và lông quặm”. Ngoài ra anh còn kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Giáo dục, Văn hóa, Phụ nữ, Bảo hiểm y tế...để triển khai chương trình phòng chữa mắt hột học đường. Do có nhiều giải pháp hữu hiệu nên năm 2004, đã có 100% số trường học triển khai chương trình này với tổng số 367.360 học sinh được khám, gần 50.000 học sinh được điều trị mắt hột. Cùng với trung tâm mắt, bác sỹ Nguyễn Văn Khoa đã đạt được lòng tin với các tổ chức từ thiện nước ngoài và hàng năm đem về nguồn viện trợ đáng kể như máy móc và kỹ thuật hiện đại, giúp hàng vạn người dân nghèo thoát khỏi cảnh mù lòa.

        Là một cán bộ quản lý, với ý thức ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu, bác sỹ Khoa đã làm chủ nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở như “Hiện trạng các bệnh về mắt ở Thái Bình”, “Hiện trạng tật khúc xạ ở học sinh và giải pháp phòng ngừa”, trực tiếp chỉ đạo đưa phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Fa cô – một phương pháp tiên tiến nhất của ngành mắt thế giới hiện nay bằng cách chủ động cử cán bộ viên chức lên Viện mắt TW để học tập. Trong quá trình thực hiện chương trình này, trung tâm gặp nhiều khó khăn về vốn, giám đốc Nguyễn Văn Khoa trăn trở nhiều đêm nghĩ kế để thực hiện kế hoạch đầu tư mua máy móc, trong đó có một quyết định rất táo bạo là đem bất động sản nhà mình gần hai tỷ đồng để thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền mua máy móc thiết bị...

        Vốn sợ không thành công, “mất cả chì lẫn chài”, chị Rơi vợ anh lúc đầu cũng không đồng ý và không ký vào bản thế chấp, anh lại phải làm công tác tư tưởng động viên thuyết phục hàng tháng trời. Thấy chồng mình có quyết tâm cao và lòng tin vào việc làm mạo hiểm, chị cũng đồng ý cho chồng thực hiện. Số tiền vay ngân hàng được anh bàn với cấp ủy và anh em trung tâm mua máy Fa cô về triển khai mổ theo phương pháp tiên tiến với tư tưởng “đi tắt đón đầu” tiếp thu những kỹ thuật công nghệ hiện đại. Kết quả ban đầu, trung tâm đã phẫu thuật cho hơn 1112 ca theo phương pháp Fa cô chất lượng đảm bảo tốt, không có tai biến và nhiễm trùng, giảm được 2/3 số ngày nằm điều trị tại bệnh viện. Nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận được chữa mắt bằng kỹ thuật cao, giá viện phí rẻ...góp phần làm lợi cho nhân dân hàng tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí đi lại và lưu trú từ Thái Bình lên Hà Nội của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Chương trình chữa mắt theo phương pháp Fa cô đã sớm được nhân dân đón nhận và hoan nghênh nên ngày càng nhiều người đến khám và chữa bệnh tại Trung tâm mắt Thái Bình. Kết quả, từ năm 2004 đến 2007, Trung tâm mắt Thái Bình đã phẫu thuật thành công bằng phương pháp mới cho gần 8000 ca trong và ngoài tỉnh, rất nhiều ca thuộc diện chính sách, người già và người nghèo.

        Năm 2006, cùng đoàn cán bộ của Bộ Y tế đi nghiên cứu tại Mỹ, anh lại kéo về cho trung tâm một số ngân sách của các tổ chức phi chính phủ trị giá hàng tỷ đồng.

        Khi tiếp xúc với anh, anh phấn khởi thông báo: “Trung tâm mắt Thái Bình đã được chuẩn y thành Bệnh viện mắt Thái Bình vào tháng 3-2008”. Và anh được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện mắt Thái Bình. Nguyễn Văn Khoa bản chất là một người lính, là thương binh 2/4 giàu nghị lực, luôn có chí vươn lên, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên, phấn đấu 15 năm liền là chiến sỹ thi đua, năm 1999 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và hai bằng lao động sáng tạo, được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen. Nguyễn Văn Khoa đúng là một thương binh “tàn nhưng không phế”, dũng cảm trong chiến đấu, năng động, sáng tạo, thành đạt trong công tác.

        Tôi đến gặp Khoa, anh khiêm tốn nói: “công lao này là của mọi người trong Trung tâm, trong đó có một phần công sức của tôi, những năm qua còn muốn làm nhiều việc nữa nhưng sức lực con người thì có hạn mà thời gian thì nó cứ trôi.”

        Anh thực sự được mọi người yêu mến, xứng đáng là một thương binh trên mặt trận mới, vừa có tài vừa có tâm. Với kinh nghiệm 30 năm trong nghề, lại có một đội ngũ nhân viên có tay nghề vững, mọi người đồng tâm hiệp lực, nhất định Bệnh viện mắt Thái Bình sẽ còn phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh và nhân dân các tỉnh lân cận.

        Chia tay anh trong buổi sáng xuân - một mùa xuân hứa hẹn chồi xanh lộc biếc./.

Thái Bình, tháng 2 năm 2008       
Đ.S.T                     
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:52:34 am »


        Đại tá Lê Hữu Lộc,
        Nguyên Chính trị viên Đại đội 2 Cù Chính Lan (Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3- Sao Vàng),
        Nguyên Trưởng Ban biên tập Báo Quân giải phóng miền Trung Trung bộ,
        Nguyên Trưởng Ban Tổng kết và Viết sử Quân khu V, đã nghỉ hưu.

        Ông có nhiều kỷ niệm về Sư đoàn 3- Sao Vàng, đã gửi cho chúng tôi hàng chục bài nhân Kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn. Xin trích đăng một số bài sau đây.


NHỮNG CHIẾN CÔNG ĐẦU CỦA NGÔ HỒNG QUẢNG

        Tại Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua của Đoàn Trung Dũng (E2 hiện nay), Ngô Hồng Quảng là một bông hoa tiêu biểu của những chiến sĩ bộ đội đặc công trẻ tuổi, lần đầu xuất trận đã lập công xuất sắc. Học xong lớp 10 phổ thông (lớp 12 hiện nay), Ngô Hồng Quảng mới 17 tuổi. Anh tình nguyện vào bộ đội để được trực tiếp cầm súng đánh Mỹ, được giáp mặt với quân thù. Song, Quảng gặp một khó khăn khá lớn là sức khỏe anh kém quá. “ Mặc! sức khỏe rất quan trọng nhưng có thể khắc phục được”, Quảng nghĩ vậy nên đã quyết tâm rèn luyện thể lực, và chỉ một thời gian sau, anh đã rắn chắc hẳn lên.

        Quảng lao vào học tập quân sự say sưa với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ và niềm tự hào đối với binh chủng. Anh tập ngày, tập đêm, không kể mưa, nắng vất vả. Đặc biệt, anh rất chú trọng đối với những động tác kỹ thuật. Có hôm, nửa đêm, khi mọi người đang ngủ, anh lặng lẽ một mình ra bãi tập, tập chui qua hàng rào. Anh tâm sự: “Tập cho giỏi là để bảo vệ mình, để chiến thắng chứ bọn địch đâu phải là những thằng mù”.

        Và hôm nay, Ngô Hồng Quảng bước vào trận đánh đầu tiên, trận Mỹ Chánh. Lúc đầu anh rất hồi hộp với từng động tác nhỏ của chính anh, cứ lo bị sai, bị lộ. Quảng liếc nhìn tổ trưởng Bình rồi mũi trưởng Thành. Đươc các anh ấy khuyến khích, Quảng vững vàng hẳn lên. Lệnh nổ súng, theo hướng đã phân công, Quảng ôm bộc phá nhảy vào trận nội nhưng bị hàng rào phản xung phong hất nhào ra. Anh cố sức, bật cao hơn và đã vào được bên trong. Phút đầu tiên, Quảng diệt được 2 mục tiêu, phát triển tiếp, diệt thêm 2 mục tiêu nữa. Đánh hết lựu đạn, thủ pháo, anh quay ra gặp đội trưởng Chút, hỏi xin thêm. Chút bảo: “tìm lấy của địch mà đánh”. Quảng nhớ ra và vội quay vào tìm nhặt lựu đạn dịch, đánh thêm mấy nhà lính. Gặp 1 lô cốt đã bị ai tiêu diệt, anh chui vào, nhặt được 1 khẩu A15  nhưng bắn không nổ (súng hết đạn). Tuy vậy, anh vẫn dí súng vào cửa chiếc hầm ngầm gọi được 3 tên lính ra hàng. Anh dẫn chúng ra giao cho đồng đội rồi tiếp tục quay vào tảo trừ trận địa, bắt thêm 2 tên nữa. Đến lúc ấy, Quảng mới thấy ngực đau và người mệt luội. Thì ra, anh đã bị thương ngay từ lúc đầu nhưng không hề hay biết.

        Trận đánh kết thúc. Quảng được giao nhiệm vụ áp giải tù binh . Tuy rất mệt nhưng Quảng vẫn cố gắng hiên ngang trước kẻ thù. Anh đạp rào, gạt vật chướng ngại. Thấy anh nhỏ con, lợi dụng lúc qua rào, chúng định tháo chạy. Quảng thét lớn “ Đứa nào chạy, tao bắn!”. Mấy tên địch phải ngoan ngoãn làm theo anh. Quảng cười thầm vì thực ra, khẩu súng trên tay anh đâu có bắn được. Giao đầy đủ tù binh cho đơn vị xong, Quảng mới chịu về trạm phẫu xử lý vết thương.

        Vừa ra viện, Ngô Hồng Quảng đã lao ngay vào học tập để được tham gia trận đánh thứ 2. Đó là trận Gò Mang (huyện Phù Mỹ) đêm 28 tháng 4 năm 1971. Lần này vào trận, Quảng không còn hồi hộp như trước. Anh luôn bám sát tổ trưởng Cư và mũi trưởng Rỗi để vượt qua các lớp rào kẽm gai của địch. Khi Rỗi và Quảng vượt hào giao thông thì bị địch phát hiện. Lập tức, anh và Rỗi tống 2 quả thủ pháo vào lô cốt trước mặt rồi nhảy qua hàng rào phản xung phong, lao vào trong. Địch bắn ra dữ dội. Lợi dụng góc cấn lô cốt, Quảng nép mình, từ từ thò tay đút quả thủ pháo vào lỗ châu mai, nhưng ác thay, bị tấm lưới sắt ngăn lại. Lập tức, anh vòng ra phía sau, đạp mạnh vào tấm cửa ra vào lô cốt. Lần thứ nhất, cửa không nhúc nhích. Quảng lùi mấy bước lấy đà, đạp lần thứ 2. Cửa vừa bung ra, anh ném liên tiếp 2 quả thủ pháo vào trong. Một tên Mỹ và một tên ngụy mang chiếc máy PRC25 lao bật ra. Anh kết liễu chúng bằng 1 quả lựu đạn, thu máy thông tin đeo vào vai, tiếp tục chiến đấu. Tới một lô cốt khác, thấy 2 tên địch định chui ra khỏi cửa tháo chạy, Quảng lao tới ấn đầu chúng đẩy vào lô cốt. Hai tên địch vẫn cố nhào ra. Tức mình, Quảng giật nụ xòe quả thủ pháo rồi giơ trên tay mấy giây. Hai tên địch khiếp sợ chạy tọt vào lô cốt, cũng là lúc Quảng ném quả thủ pháo vào. Trận đánh sắp kết thúc thì Rỗi bị thương nặng và Quãng cũng bị thương vào đùi. Măc dù phải lê lết chân, nhưng Quảng vẫn cố mang chiếc máy 2W chiến lợi phẩm và dìu Rỗi trở về an toàn.

        Hai lần ra trận, hai lần lập công xuất sắc, Ngô Hồng Quảng đã diệt được 72 tên địch, bắt sống 5 tên, đánh sập 12 nhà lính, 2 lô cốt, thu 1 súng AR15, 1 máy PRC25, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt 2 căn cứ địch, hỗ trợ cho nhân dân phá ấp, trở về vùng giải phóng. Anh xứng đáng là một đảng viên lớp Hồ Chí Minh quang vinh và là ngọn cờ đầu thi đua của đoàn Trung Dũng.

Bình Bịnh, tháng 10 năm 1971         
L.H.L                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:58:19 am »


NGƯỜI ĐẢNG VIÊN LỚP HỒ CHÍ MINH

        Trong đại hội Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ Đoàn Chiến thắng Dương Liễu – Đèo Nhông ( E2 hiện nay), bản báo cáo của Vũ Đức Long rất ngắn nhưng thật cô đọng và hấp dẫn lạ thường. Anh đã đưa Đại hội trở lại những giờ phút chiến đấu quyết liệt và sôi nổi trong chiến dịch Xuân – Hè năm 1970.

        Về cuộc đời riêng của anh, Long nói rất ít, bởi mỗi lần nhắc đến là một lần gây cho anh cảm xúc xót xa vì cảnh nhà nghèo khổ mà phải tha phương cầu thực tận cái xứ xa xăm có cái tên rất mỹ miều “ Tân Thế Giới”. Long sinh ra và lớn lên ở nơi đất khách, quê người, trong một xã hội đầy rẫy những bất công, phân biệt đối xử nên luôn hướng về Tổ quốc. Và rồi, cũng như bao bà con Việt Kiều khác, Long đã được Đảng và Nhà nước đón về Tổ quốc. Từ đó, anh thực sự sống trong độc lập, tự do và trong sự yêu thương đùm bọc của nhân dân. Long quyết cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

        Mùa Xuân năm 1968, Long xung phong nhập ngũ và tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ. Về đến đơn vị, anh được giao nhiệm vụ làm liên lạc của một đại đội đặc công. Tuy là chiến sĩ mới nhưng bất cứ việc gì đơn vị giao cho, Long đều phấn đấu hoàn thành. Ngoài ra, anh còn tranh thủ học kỹ thuật chuyên môn của binh chủng. Bởi vây, Long được cán bộ và đồng đội rất yêu mến và tin tưởng. Tháng 2 năm 1970, giữa lúc đơn vị đang chuẩn bị làm nhiệm vụ thì bọn Nam Triều Tiên đổ quân càn quét gần vị trí đóng quân. Trong đơn vị có một số đồng chí chưa từng đánh bọn Nam Hàn, chỉ nghe những tin đồn về sự hung ác của chúng nên bàn ra, tán vào vẻ e ngại. Đơn vị phát động tinh thần “ Đánh phủ đầu, hạ uy thế quân Nam Triều Tiên”. Long xin đại đội cho đi đánh trận này và anh được phân công ở tổ đối diện.

        Suốt một ngày quần lộn với 1 Đại đội Nam Triều Tiên, cả tổ của Long đã diệt 25 tên địch, bảo đảm an toàn cho đơn vị, riêng Long đã diệt 5 tên. Trận đánh đó tuy không lớn nhưng đã thực hiện được ý định của lãnh đạo, cổ vũ và động viên đơn vị rất lớn trước khi bước vào nhiệm vụ.

        Trận đánh tiếp theo của Long là trận đánh tập kích tiêu diệt cứ điểm Núi Lá, đêm 31-3-1970, do một Tiểu đoàn Ngụy đóng giữ. Trong trận này, Long được giao nhiệm vụ ở tổ thọc sâu đánh vào khu trung tâm Sở chỉ huy địch. Tổ gồm 3 người: Vinh tổ trưởng, Thảo và Long. Phấn khởi vì được cấp trên và đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ đánh sâu vào lòng địch, Long hứa trước đại hội quân nhân: “ Dù khó khăn mấy tôi cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ...”

        Đêm hôm ấy, sau khi đã bí mật lách địch ở vòng ngoài, Vinh, Thảo, Long chỉ còn hai lớp rào mái nhà nữa là vào được khu trung tâm. Cả tổ đang tiếp tục tiến thì phía hướng đối diện bị lộ, đồng thời cũng được lệnh nổ súng. Chớp thời cơ, Long nhanh chóng diệt ngay mấy hỏa điểm và lô-cốt bên cạnh để mở đường tiến. Sau đó như một mũi tên, anh ôm quả bộc phá lao thẳng về hướng Sở chỉ huy địch. Trong lúc Long đang chạy thì một quả lựu đạn của địch ném ra nổ ngay trước mặt. Anh ngã xuống, quả bộc phá văng ra khỏi người. Lúc này toàn trận địa đang gặp khó khăn, địch bắn ra như vãi đạn, các mũi chưa vào được.

        - Không thể để mất quả bộc phá; Giờ quyết định này không thể một phút chậm trễ. Nghĩ vậy, Long nhanh chóng mò tìm quả bộc phá và nhảy lên đánh vào hàng rào cuối cùng sát Sở chỉ huy địch. Bộc phá nổ mạnh quá hất anh ra xa, anh ngất đi một hồi lâu, khi tỉnh dậy, Long nhớ đến nhiệm vụ của tổ, nhớ đến lời chính trị viên trước lúc lên đường: “Đảng rất tin tưởng ở Long, cả đơn vị cũng rất tin Long, nhiệm vụ của tổ Long sẽ góp phần quyết định thắng lợi của trận đánh, Long phải làm thế nào để xứng đáng với lòng tin đó, xứng đáng là một Đoàn viên Thanh niên được mang tên Bác...” Như được tiếp thêm  sức mạnh mới, Long bật hẳn dậy. Nhưng trước mặt khói đạn mịt mù, các mũi bạn vẫn chưa vào được, tổ trưởng Vinh đã bị thương, Thảo còn bị kẹt ở phía ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 06:58:50 am »


        Thế là ở đây chỉ có mình Long.

        - Một mình cũng đánh! Nhưng trời tối như mực thế này thì làm sao vào cho đúng cửa mở. Long bình tĩnh xác định lại hướng rồi lấy tay sở tìm chỗ đất nóng để xác định điểm nổ của bộc phá. Mò mẫm một lúc, Long tìm được cửa mở, và nhanh như sóc anh nhảy ngay vào khu trung tâm Sở chỉ huy của địch. Giữa lúc bọn địch đang tập trung đối phó ở phía ngoài, thì Vũ Đức Long đã tung hoành ngang dọc liên tiếp tiêu diệt hết nhà lính này đến nhà lính khác ngay sau lưng chúng. Bị đánh bất ngờ, một số tên địch vội rúc xuống hầm để mong thoát chết, Long kịp thời dùng thủ pháo tiêu diệt chúng ngay dưới hầm ngầm, nơi mà chúng cho là an toàn nhất.

        Giỏ lựu đạn, thủ pháo gồm 12 quả mang từ nhà đi đã đánh hết, nhưng trước mặt anh vẫn còn một số tên địch ngoan cố chống cự. Anh quay trở ra lấy lựu đạn thủ pháo đánh tiếp đợt 2. Đánh được một lúc lại hết lựu đạn, thủ pháo.  Long tiếp tục quay trở ra lấy thêm thủ pháo đánh tiếp đợt thứ 3, tảo trừ diệt toàn bộ quân địch trong Sở chỉ huy của chúng và bắt liên lạc với các mũi bạn.

        Trận chiến đấu kết thúc thắng lợi, một Tiểu đoàn địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Riêng Vũ Đức Long trong trận này, với 3 giỏ lựu đạn, thủ pháo đã diệt 43 tên địch, đánh sập 6 nhà lính, 2 lô-cốt, 3 hầm ngầm, phá hủy 1 DKZ 57 ly, góp phần quan trọng vào chiến công chung của đơn vị.

        Tháng 5-1970 Long được giao nhiệm vụ phụ trách mũi trưởng mũi chủ yếu đánh vào vị trí Dông Do (Phù Mỹ). Trong lúc đơn vị đang tiềm nhập còn 3 hàng rào thì bị lộ, địch bắn ra rất dữ. Các mũi bạn đang gặp khó khăn, Long lại bị thương ở tay nhưng với ý nghĩ: “Nếu do dự không kiên quyết xông vào trong lúc khó khăn này thì anh em sẽ đổ máu thêm”, Long củng cố ngay lại đội hình và nhanh chóng dẫn đầu toàn mũi vượt qua 3 hàng rào, vào trận nội tiêu diệt địch. Tay phải đã bị thương nên Long chỉ dùng tay trái và răng để rút dây lựu đạn, thủ pháo đánh địch; thấy hỏa điểm địch xuất hiện ở đâu là anh lao tới tiêu diệt, nên đã tạo điều kiện cho các mũi bạn xông lên. Cuộc chiến đang diễn ra sôi nổi và quyết liệt thì Long lại bị thương lần thứ 2 vào chân. Lần này vết thương nặng hơn lần trước, máu ra nhiều. Nhưng anh vẫn tiếp tục đánh địch và chỉ huy mũi chiến đấu cho đến lúc mệt lả, cũng là lúc đồng chí chính trị viên vào trận nội. Anh báo cáo và đề nghị chính trị viên tiếp tục chỉ huy đơn vị rồi mới chịu để đồng đội đưa ra. Thắng lợi trong trận tiêu diệt vị trí Dông Do là có sự đóng góp xứng đáng của Vũ Đức Long.

        Sau khi ra viện, Vũ Đức Long lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu. Là Trung đội trưởng, lại là một Đảng viên lớp Hồ Chí Minh, được vinh dự kết nạp giữa những ngày tháng 5 lịch sử, trong dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Bác Hồ, Long càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình đối với Đảng, đối với đơn vị. Anh ra sức xây dựng, giúp đỡ anh em trong Trung đội để bất cứ lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

        Một hôm, Long được cử đi chuẩn bị cho một trận đánh mới thì anh bị thương, mất một cánh tay. Long không chịu ra Bắc điều trị. Anh xin thủ trưởng đơn vị cho ở lại chiến trường để tiếp tục chiến đấu. Lúc tâm sự với anh em, Long rất ít nói về mình mà thường lo lắng đến nhiệm vụ của tập thể. Anh thường động viên đồng đội cố gắng giữ vững và phát huy truyền thống của đơn vị.

        Sau khi nghe bản báo cáo của Long trong đại hội thi đua, đồng chí thủ trưởng đơn vị đã kết luận:

        “Đồng chí Vũ Đức Long là một cán bộ trẻ, mới 19 tuổi đời, 2 năm tuổi quân, nhưng đã có chí căm thù giặc sâu sắc, tình thương yêu đồng bào, đồng chí thiết tha, luôn luôn có ý thức trách nhiệm chính trị đầy đủ với mọi nhiệm vụ Đảng giao. Trong chiến đấu luôn nêu cao tinh thần dũng cảm ngoan cường, mưu trí, linh hoạt, liên tục và triệt để tấn công địch, thực hiện đúng khẩu hiệu: “Một người là một mũi tiến công”, có đòn đánh quyết định trong những tình huống quyết định. Đồng chí xưng đáng là một chiến sỹ thi đua xuất sắc của Đoàn, xứng đáng là một Đảng viên lớp Hồ Chí Minh”. Rất vinh dự, Vũ Đức Long được Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Trung Trung bộ tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất.

Tháng 10-1971       
L.H.L             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:02:33 am »


ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG LÊ VĂN CAO BẮT SỐNG XE TĂNG MỸ

        Sau đòn trời giáng đêm 4-5-1968 của Sư đoàn 3-Sao Vàng vào một số vị trí quân Ngụy ở Mỹ Trinh, Mỹ Lộc (Phù Mỹ - Bình Định), bọn địch ở đây hốt hoảng kêu chủ Mỹ cấp cứu. Theo lược đồ phương án của tiểu đoàn, đại đội Lê Văn Cao và các đơn vị bạn đã dàn sẵn trận địa chờ chúng đến tiêu diệt.

        Đúng như dự đoán của ta, sáng ngày 5-5, sau nhiều đợt pháo cấp tập và máy bay trút bom dọn đường, 8 xe bọc thép và một đại đội bộ binh Mỹ từ đèo Nhông chậm chạp, ì ạch tiến vào trận địa Mỹ Lộc. Nhìn những con bọ hung Mỹ đã bao lần nghiền nát những thửa ruộng trĩu hạt, những luống khoai xanh mướt, xả súng bắn vào đồng bào ta mà lòng Cao và các chiến sỹ sôi sục căm thù, ý chí tiêu diệt địch trong mỗi người càng thêm nung nấu. 11 giờ 5 phút, lệnh đồng chí chỉ huy trưởng trận địa vang lên trong ống nghe:

        - Xuất kích!

        Cao dẫn bộ đội lao đi như những mũi tên, triển khai đội hình theo kế hoạch hiệp đồng giữa các mũi, nhanh chóng tiếp cận địch. Hỏa lực trên xe lúc này trở nên mất tác dụng vì toàn đơn vị của Cao đã tiến sát chúng. Cách chiếc xe đi đầu khoảng 10 mét, Cao vỗ vai Sơn, xạ thủ B40 rồi đưa tay chỉ chiếc xe thứ nhất. Biết ý đại đội trưởng, Sơn đứng thẳng người bình tĩnh bóp cò. Chiếc xe giật nẩy lên một cái rồi ngùn ngụt bốc cháy, khói tỏa mịt mù.

        - Cháy rồi! – Cao nói như muốn reo to. Chớp lấy thời cơ, Cao hạ lệnh xung phong. Các chiến sỹ của Cao theo anh lao thẳng vào đoàn xe tăng địch. Bị đánh một đòn phủ đầu choáng váng, bọn địch chống cự một cách bị động và tuyệt vọng. Phát hiện được chiếc xe thứ hai gần bên, Cao lệnh cho Kỳ dùng thủ pháo tiêu diệt. Kỳ xông lên địch ném thủ pháo vào thùng xe thì một viên đạn thẳng làm anh ngã xuống. Căm thù càng dâng cao, Lê Văn Cao quyết định trả thù cho đồng đội của mình. Anh lao đến nắm quả thủ pháo trong tay Kỳ, nhanh như sóc bám lấy chiếc xe đang nổ máy, trèo lên đầu xe, tống quả thủ pháo vào thùng xe. Bọn địch hoảng hốt bỏ xe vọt ra, nằm sóng soài trên mặt đất; tiếp theo là một loạt tiếng nổ của đạn các cỡ trong chiếc xe bị bốc cháy. Sức ép của thủ pháo cũng làm cho Cao lăn xuống đất choáng váng. Khi gượng ngồi dậy, anh thấy y tá Mùi, Trung đội phó Ngõa và một số chiến sỹ đang ngồi cạnh anh. Cao hạ lệnh:

        - Đồng chí Mùi đưa thương binh về phía sau còn tất cả theo tôi.

        Cao xách thêm khẩu súng trường, lượm một quả lựu đạn dẫn đầu phân đội nhằm hai chiếc xe bọc thép phía trước lao tới. Bọn địch trên xe chống cự điên loạn hòng chặn đứng mũi tiến công của Cao và tìm đường tháo chạy. Biết được khó khăn của phân đội Cao, đơn vị bạn đã kịp thời hiệp đồng bắn cháy luôn 1 chiếc. Bọn lính trên xe còn lại nhốn nháo tranh nhau tháo chạy. Bằng 3 loạt AK bắn điểm xạ, Cao diệt liền 3 tên Mỹ. Thừa thắng anh nhảy phốc lên chiếc xe vẫn còn đang nổ máy, Cao hiên ngang đứng thẳng cắm lá cờ đỏ lên chiếc xe mà anh vừa bắt sống, dùng trọng liên trên xe bắn truy đuổi bọn Mỹ đang tìm đường tháo chạy. Gương bắt sống xe bọc thép của Cao đã có sức khích lệ đối với toàn đơn vị đang thừa thắng xốc tới. Cao đứng trên xe vừa chỉ huy đơn vị diệt nốt số tàn quân đang tháo chạy vừa dùng súng bắn máy bay để yểm trợ cho bộ binh ta truy kích địch.

        Tin bắt sống xe tăng Mỹ đã nhanh chóng truyền đi khắp trận địa, gây thêm khí thế hào hùng của trận đánh. Chính ủy Trung đoàn 2- Lê Huẩn đã kịp thời thông báo qua máy điện thoại với các đơn vị: “Chúng ta đã phát huy truyền thống đèo Nhông, Trung đoàn đã có Bùi Xuân Bính mới, đó là đại đội trưởng Lê Văn Cao bắt sống xe tăng Mỹ”. Hiệp đầu ta đã phá hủy và bắt sống 5 xe bọc thép, diệt 10 tên Mỹ. Riêng Lê Văn Cao diệt 1 xe bọc thép, bắt sống 1 xe tăng và diệt 6 tên Mỹ.

        Đối với Lê Văn Cao thì thành tích trận đánh và cả cuộc đời chiến đấu của anh, anh thấy nó còn rất nhỏ bé đối với công lao Cách mạng đã giải phóng cho anh từ một cậu bé mồ côi cha mẹ đi ở cho nhà giàu và lang thang đi kiếm ăn dưới chế độ ngục tù của Mỹ - Diệm, và đến nay anh đã là một Đảng viên, một cán bộ chỉ huy hàng trăm chiến sĩ. Công lao ấy không bao giờ phai nhạt. Có lẽ chính vì vậy mà mỗi khi giáp chiến với quân thù, bao giờ Lê Văn Cao cũng là người chiến thắng.

        Trên đây là một trong 8 trận chiến đấu từ tháng 4/1967 đến cuối năm 1968 mà Lê Văn Cao đã chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, diệt gần 100 tên địch, diệt gọn 2 Trung đội, bắn cháy và bắt sống 5 xe bọc thép, thu 17 súng (có 4 trọng, đại liên). Năm 1968 tại Đại hội chiến sĩ thi đua Sư đoàn 3, đồng chí được nêu gương là một trong những ngọn cờ đầu của Sư đoàn và được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ. Ngày 20/12/1969 Lê Văn Cao được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng HCQC hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tháng 4-1970       
L.H.L             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:05:03 am »

       
NGƯỜI CÁN BỘ TOÀN DIỆN

        Tại hội nghị tổng kết chiến dịch của đoàn Trung Dũng (Trung đoàn Bộ binh 2 hiện nay), chúng tôi được nghe kể lại một tấm gương xuất sắc, toàn diện của một Đảng viên là cán bộ, một Bí thư Chi bộ. Đó là Chính trị viên Đại đội 1, Đặng Xuân Bá thuộc Tiểu đoàn Đặc công 40.

        Đặng Xuân Bá quê ở Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, năm nay vừa tròn 24 tuổi. Anh đã 7 năm lăn lộn trên chiến trường. Tính Bá thường ngày ít nói nhưng sống rất cởi mở thoải mái, cần cù, giản dị và khiêm tốn. Anh em trong đơn vị rất quý mến Bá, coi anh như một người anh trong gia đình, một người anh rất mực thước và hiền hòa. Đến địa phương nào Bá cũng tranh thủ được cảm tình và quý mến của bà con trong vùng đóng quân, bởi vậy, đơn vị Bá luôn được nhân dân tận tình giúp đỡ.

        Từ lúc còn là cán bộ tiểu đội, trung đội, đến nay là chính trị viên đại đội, anh đều nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bá nói với tôi: “Mình là Đảng viên, cán bộ, được Đảng tin tưởng giao cho trách nhiệm nặng nề, mình phải làm sao để xứng đáng với lòng tin đó của Đảng”. Từ sau ngày đơn vị triển khai cuộc vận động nâng cao chất lượng Đảng viên đến nay, Bá càng thấy rõ hơn trách nhiệm của người Đảng viên, cán bộ trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Anh thường nghĩ: Là một cán bộ chính trị, mình phải làm sao đây để góp phần chuyển biến tình hình đơn vị. Để làm được điều đó, Bá cho rằng bản thân mình phải làm gương trước hết. Bởi vậy Bá đã không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm tích cực học tập quân sự, chính trị, đi sâu nghiên cứu nâng cao trình độ chỉ huy và lãnh đạo. Hàng ngày anh luôn làm gương trước đơn vị từ những việc rất nhỏ trong sinh hoạt như ăn ở, tác phong, cách xưng hô... đều nghiêm túc và chuẩn mực. Đối với đồng chí, đồng đội anh thường đi sát tâm tình, gần gũi, giúp đỡ bày vẽ cho từng chiến sỹ. Nhất là đối với các đồng chí mới, các đồng chí ốm đau. Anh thường nhắc nhở cán bộ cấp dưới, y tá, quản lý, anh nuôi chú ý chăm sóc anh em. Đêm đêm Bá thường đi kiểm tra từng nhà một, xem anh em có ngủ yên không. Có đắp bọc võng để chống muỗi không. Anh thường lấy lời Bác Hồ dạy cán bộ để tự nhắc nhở mình: “... đội viên chưa no thì cán bộ chưa được kêu mình đói, đội viên chưa đủ áo ấm thì cán bộ chưa được kêu mình rét...”.

        Trong thời gian đơn vị tiến hành huấn luyện quân sự, bất cứ ngày, đêm, mưa, nắng, Bá luôn có mặt ở thao trường. Anh cũng chịu khó tập luyện từng động tác kỹ chiến thuật như anh em, qua đó đề xuất ý kiến lãnh đạo giải quyết thắc mắc, xây dựng và củng cố quyết tâm cho đơn vị.

        Bước vào nhiệm vụ, cấp trên giao cho đơn vị Bá tiêu diệt cứ điểm Gò Mang (huyện Phù Mỹ) để hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Mặc dù là cán bộ chính trị nhưng Bá xung phong trực tiếp đi với mũi thọc sâu đánh vào khu trung tâm của địch. Đêm hôm đó, giữa lúc mũi của Bá đang tiềm nhập còn 3 lớp rào nữa mới đến được lô cốt đầu cầu thì mũi bên cạnh đã nổ súng. Nhanh như chớp, Bá dẫn đầu đội hình tổ thọc sâu vượt qua 3 lớp rào xông thẳng vào trận nội. Lợi dụng những ánh chớp của lựu đạn, thủ pháo và ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn dù do địch thả, Bá kịp thời phát hiện mục tiêu, tiêu diệt từ lô cốt này đến nhà lính khác. Hành động của Bá đã làm cho cả mũi thọc sâu tiến công như một con dao nhọn cắm và giữa tim địch. Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi lúc một khẩn trương thì bất ngờ Bá bị một viên đạn của địch từ bên trái bắn sang. Anh ngã xuống bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, nhìn về phía lô cốt địch anh cố bò lên, bò lên từng thước đất một. Sau đó, với sức mạnh tiềm tàng, anh đứng thẳng người dậy rồi lao về phía trước, ném liên tiếp mấy quả lựu đạn, thủ pháo vào nhà bọn chỉ huy, nhà thông tin điện đài, diệt sạch bọn địch ở đây. Các chiến sỹ thấy vết thương của Bá ra nhiều máu, đề nghị anh ra ngoài để băng bó nhưng anh bình thản nói: “Tôi không sao. Tôi vẫn còn đánh tốt”. Nói xong anh dẫn đầu các chiến sỹ chạy về phía địch, cùng anh em diệt nốt những mục tiêu còn lại. Tiếp đó, Bá động viên anh em giải quyết triệt để chính sách thương binh, tử sỹ và thu dọn chiến lợi phẩm. Đặng Xuân Bá là người cuối cùng rời khỏi trận địa. Cứ điểm Gò Mang đã bị san bằng, 160 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống. Trong thắng lợi lớn đó của đơn vị có phần đóng góp xứng đáng của chính trị viên Đặng Xuân Bá.

        Trong năm qua đại đội 1 của Đặng Xuân Bá đã đánh 10 trận tiêu diệt 450 tên, bắt sống 5 tên, diệt gọn 1 ban chỉ huy liên đội, 1 đại đội và 8 trung đội bảo an, một đoàn bình định, 3 “mân” tề, thu 9 súng, phá hủy nhiều vũ khí đạn dược, lô cốt, hầm ngầm của địch. Đại đội anh được công nhận là ngọn cờ thi đua xuất sắc của đoàn Trung Dũng và được tặng danh hiệu: “Chỉ tiến không lùi, đã đánh là thắng, hiệu suất chiến đấu cao”. Riêng Đặng Xuân Bá đã được hội nghị tặng danh hiệu: “Người cán bộ toàn diện”.

Tháng 4 năm 1971        
L.H.L              
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM