Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:18:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34349 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 09:22:58 am »


        Đại tá Đinh Vân Nam
        Nguyên Chủ nhiệm Pháo binh Sư đoàn 3 - Sao vàng


TRẬN NINH THUẬN – NIỀM TỰ HÀO TRONG TÔI

        Ngày 1 tháng 4 năm 1975, tỉnh Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn của Sư đoàn 3 - Sao Vàng đã được hoàn toàn giải phóng. Không thể nói hết nỗi vui mừng, sung sướng khi quê hương đã sạch bóng quân thù. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, toàn Sư đoàn đã phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Bởi vì lúc này thời gian là lực lượng, là sức mạnh của chúng ta.

        Trung đoàn Pháo binh 68 ngày đêm tích cực thu pháo, thu đạn, thu xe và mọi trang bị kỹ thuật quân sự để nhanh chóng chuyển đơn vị từ pháo mang vác, cơ động bằng chân thành đơn vị pháo binh xe kéo, cơ động hoàn toàn bằng cơ giới. Chưa đầy một tuần lễ, Trung đoàn đã có pháo 105mm, pháo 155mm, pháo 85mm và một tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm, nằm trong đội hình hành quân của Sư đoàn tiến về phía nam.

        Mới hôm qua, đơn vị còn hành quân chạy bộ, hôm nay ngồi trên xe ngây ngất nhìn đất trời Tổ quốc được giải phóng, lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Đoàn xe nối đuôi nhau lượn vòng uốn khúc vượt qua đèo Cù Mông đổ xuống Tuy Hòa (Phú Yên). Xe đi giữa rừng dừa xanh biếc, nhân dân hồ hởi phấn khởi reo mừng vì chưa bao giờ thấy Quân Giải phóng lại có xe pháo hùng hậu như thế. Tới địa phận tỉnh Khánh Hòa, Trung đoàn Pháo binh dừng lại ở huyện Ninh Hòa, bắc Nha Trang khoảng 40km.

        Ngày 11 tháng 4, Trung đoàn được lệnh hành quân vào vị trí tập kết ở Ba Ngòi, tây nam bán đảo Cam Ranh. Đội hình xe pháo triển khai sơ tán, ngụy trang kín đáo. Đánh hơi thấy lực lượng ta, bọn địch cho máy bay ném bom dọc trục Đường Số 1 và các khe suối chúng nghi ngờ bộ đội trú quân. Tiếng bom, tiếng pháo địch nổ suốt ngày đêm. Không khí chiến đấu lại bắt đầu.

        Tại Sở Chỉ huy Sư đoàn, đồng chí Tư lệnh truyền đạt nhiệm vụ đại ý: Sư đoàn 3 - Sao vàng được tăng cường Trung đoàn Bộ binh 25, tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận, thu hồi triệt để cơ sở trang bị, kỹ thuật, nhất là máy bay của Sư đoàn Không quân ngụy. Trước khi giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, Sư đoàn thông báo tình hình địch như sau:

        Ninh Thuận là một tỉnh ven biển cực nam Trung Bộ, cách Sài Gòn 300km theo Đường Số 1 về phía bắc, có sân bay, bến cảng, có địa thế hiểm yếu là cửa ải Du Long. Sau khi mất Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn... địch ra sức củng cố, xây dựng Ninh Thuận thành tuyến phòng ngự kiên cố nhằm chặn quân ta tiến công theo trục Đường Số 1 vào Sài Gòn. Lực lượng bộ binh địch gồm có: Sư đoàn bộ binh 2, liên đoàn biệt động 31, lữ đoàn dù số 2, lực lượng bảo an có bốn tiểu đoàn, Sư đoàn 6 không quân hơn 40 máy bay A37, có hỏa lực pháo binh và xe tăng yểm trợ, có 1 trung tướng làm tư lệnh mặt trận.

        Căn cứ vào tình hình, thế trận bố trí của địch, Sư đoàn lần lượt giao nhiệm vụ cho các Trung đoàn Bộ binh 2, 12, 141 và 25. Cuối cùng, Trung đoàn Pháo binh 68, hỏa lực chủ yếu của Sư đoàn có nhiệm vụ:

        Tập trung hỏa lực pháo 105mm, 155mm và pháo 85mm, trực tiếp chi viện cho Trung đoàn Bộ binh 2, tiến công thành 2 mũi: Một mũi đột phá vào mục tiêu chủ yếu là cụm quân địch ở ấp Bà Râu. Một mũi chính diện là cụm quân địch ở quận Du Long, trên trục Đường Số 1, tiêu diệt triệt để, làm chủ chiến trường, khai thông Đường Số 1, thọc sâu vào thị xã Phan Rang.

        Trên hướng quan trọng, Trung đoàn tập trung hỏa lực pháo 85mm và Đại đội Phòng không 37mm trực tiếp chi viện cho Trung đoàn 25 Bộ binh tiến công Sân bay Thành Sơn, chiếm giữ, làm chủ sân bay. Chi viện hỏa lực pháo binh cho Trung đoàn Bộ binh 141, thực hiện nhiệm vụ đánh vu hồi, vây cắt, ngăn chặn lực lượng quân địch rút quân chạy ra đường biển ở phía đông thị xã Phan Rang. Sẵn sàng chi viện Trung đoàn Bộ binh 12 là lực lượng dự bị mạnh của Sư đoàn, khi được lệnh Sư đoàn bước vào chiến đấu. Bố trí pháo chuyên trách kìm chế các trận địa pháo binh địch trong khu chiến. Pháo Phòng không 37mm có nhiệm vụ đánh máy bay địch, bảo vệ Sở Chỉ huy Sư đoàn, trận địa pháo binh và chi viện cho đội hình tiến công ban ngày của bộ binh.

        Khi có lệnh Sư đoàn, các trận địa hỏa lực của Sư đoàn nhanh chóng cơ động lên phía trước, đánh vào sân bay và thị xã.

        Thời gian nổ súng tiến công: Sáng ngày 14 tháng 4.

        Ngày 11 tháng 4, nhận nhiệm vụ của Sư đoàn xong, trên đường trở về Sở Chỉ huy Trung đoàn, tôi và Chính ủy Trung đoàn Lại Văn Sùng vừa đi vừa trao đổi phác họa kế hoạch để về hội nghị triển khai gấp nhiệm vụ cho cơ quan và chỉ huy trưởng các tiểu đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 09:30:14 am »


        Khác với các trận chiến đấu trước đây, lần chiến đấu này là trận tác chiến hợp đồng binh chủng (bộ - pháo) quy mô lớn. Thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp, địa hình khu chiến hoàn toàn mới lạ, không có thời gian đi trinh sát trước trận địa phòng thủ của địch. Cả Trung đoàn Pháo binh chỉ được cấp một bản đồ khu chiến tỉ lệ: 1/50.000. Việc hợp đồng chiến đấu Bộ binh – Pháo binh chủ yếu trên bản đồ gián tiếp qua thông tin hữu tuyến điện. Khó khăn nhất của trinh sát pháo binh là đo đạc xác định tọa độ đội hình chiến đấu, tọa độ các mục tiêu ta tiến công.

        Tối ngày 12 tháng 4, pháo binh chiếm lĩnh trận địa. Các cầu trên Đường Số 1 bị máy bay thả bom phá sập đã được lực lượng công binh khắc phục, xe pháo phải vượt đường ngầm qua suối. Đài quan sát chỉ huy của trung đoàn và tiểu đoàn chiếm lĩnh ở điểm cao 300 là vị trí quan sát tốt. Khi chiếm lĩnh đài quan sát chúng tôi phát hiện thấy một làng là người dân tộc, nhà nào cũng có một lá cờ cắm cao trên mái, cả làng thành một rừng cờ ngụy ba sọc. Có lẽ đây là cách phòng ngừa để quân ngụy không thả bom, bắn pháo vào ấp của họ. Tránh gặp dân, đường đi còn dài, ai cũng mệt đẫm mồ hôi, mặt trời đã ngả khuất xuống phía tây núi, bóng mát trải dài về phía đông làm dịu đi cái nóng bốc hơi mùi đất đá. Chúng tôi đi ven qua cánh đồng dưa hấu quả nằm la liệt, cơn khát nước cháy cổ, bi đông nước đã phải chia nhau từng giọt, nay gặp dưa hấu, mắt ai cũng bừng lên hướng nhìn về thủ trưởng. Tôi nghĩ bụng mình đâu dám ra lệnh vì “không được động đến cái kim, sợi chỉ của dân”. Mọi người ngầm hiểu ý vì thấy tôi lắc đầu. Đội hình đơn vị đi nhanh hơn để ngày mai bước vào cuộc chiến đấu.

        Ngày 13 tháng 4 là ngày phải hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng nổ súng. Nhất là hệ thống thông tin liên lạc, đo đạc chính xác tọa độ mục tiêu và xác định trận địa hỏa lực có phần tử bắn chính xác. Ngày 14 tháng 4, Sư đoàn nổ súng tiến công. Tất cả các khẩu pháo đã lấy phần tử thước tầm, góc bắn. Các khẩu pháo đã ngẩng cao nòng. Các máy thông tin luôn áp vào tai sẵn sàng chờ lệnh. Giây phút trọng đại đã đến. Hàng chục khẩu pháo đồng loạt nhả đạn vào mục tiêu. Quân địch bị bất ngờ. Quận lị Du Long, ấp Bà Râu, Kiền Kiền, Ba Tháp chìm trong khói đạn của pháo binh ta. Mọi người từ đài quan sát nhìn xuống, vô cùng phấn khởi về kết quả chuẩn bị chiến đấu của mình. Sau 30 phút, Pháo binh Sư đoàn cấp tập lần cuối cùng. Tiếp đó hỏa lực đi cùng như cối 82, ĐKZ của các đơn vị bắt đầu bắn chi viện cho bộ binh thực hành đột phá. 8 giờ sáng, quân ta đánh tan cụm quân địch ở ấp Bà Râu. Trên hướng chính diện, trung đoàn 2 tiến công quận lị Du Long, đánh chiếm Cao điểm 105, làm chủ quận lị.

        Ngày 15 tháng 4, địch tập trung pháo binh, máy bay với mật độ cao đánh chặn quân ta, đồng thời đẩy Liên đoàn Biệt động quân ra cố thủ ấp Kiền Kiền. Sư đoàn tổ chức lại thế trận, dùng pháo binh tập trung hỏa lực chế áp sinh lực địch cắt đứt bọn tăng viện từ phía sau. Bộ binh ta nhanh chóng xông lên lần lượt đánh chiếm ấp Kiền Kiền, Ba Tháp. Hàng chục cây số trên Đường Số 1 đã được khai thông.

        Trên hướng quan trọng, dưới sự chi viện của pháo binh, Trung đoàn 25 nhanh chóng triển khai đội hình, áp sát vào phía tây Sân bay Thành Sơn, đánh tan lực lượng địch phòng ngự ngoài sân bay. Trung đoàn Pháo binh 68 cơ động pháo lên tuyến 2 triển khai trận địa sẵn sàng chi viện cho bộ binh đánh vào sân bay và thị xã Phan Rang.

        Ngày 16 tháng 4, trận tiến công tổng lực của Sư đoàn bắt đầu. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tăng cường cho Sư đoàn 3 Trung đoàn 101 (f325) và một Tiểu đoàn Xe tăng của Lữ đoàn 203 cùng với Trung đoàn 2 đột kích thọc sâu vào trung tâm thị xã. Phát hiện xe tăng và bộ binh ta tiến vào, địch cho máy bay liên tục xuất kích ném bom ngăn chặn nhưng bị cao xạ 37mm của Trung đoàn 68 đánh trả. Nhờ đó tốc độ tiến công của các đơn vị phát triển nhanh hơn. Sư đoàn tung Trung đoàn Bộ binh 12 phối hợp với Trung đoàn 25 tiến công phía bắc Sân bay Thành Sơn dưới sự chi viện đắc lực của pháo tầm xa 155mm. Đạn pháo rơi trúng đường băng và Khu Trung tâm Chỉ huy Sư đoàn 6 Không quân Ngụy khiến chúng không dám sử dụng máy bay để rút chạy. Toàn bộ bọn chỉ huy và cơ quan tham mưu của chúng phải chạy bộ qua cửa phía nam sân bay để về cửa biển Cà Ná. Nhưng khi đến quận Bửu Sơn chúng đã lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 2. Tất cả đều bị tóm gọn, trong đó có trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và một tên đại tá cố vấn Mỹ.

        Ngày 16 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử Sư đoàn như một mốc son chói lọi. Sư đoàn đã cùng quân dân tỉnh Ninh Thuận đập tan tuyến phòng ngự từ xa của chế độ ngụy Sài Gòn, mở đường cho đại quân ta tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Trong trận này Bộ tư lệnh Sư đoàn đã nói về Trung đoàn 68 Pháo binh như sau: Không có pháo chiến dịch, Sư đoàn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ cắt đường 19 dài ngày, cũng không thể có trận tiêu diệt tuyến phòng ngự co cụm lớn của địch ở Phan Rang. Sức mạnh đột phá của bộ binh ta được tăng lên rất nhiều khi hỏa lực pháo binh chi viện kịp thời và chính xác vào những mục tiêu trọng yếu và những thời điểm trọng yếu của trận đánh...

        Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Pháo binh 68 vô cùng phấn khởi tự hào trước sự đánh giá ấy của Sư đoàn. Không phụ lòng tin của Đảng, của Bộ Tư lệnh Sư đoàn và các đơn vị bạn, Trung đoàn 68 Pháo binh càng nỗ lực vươn lên chuẩn bị mọi mặt để bước vào trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu.

Hà Nội, tháng 10 năm 2009       
Đ.V.N                       

        (Đ/c Đinh Vân Nam viết bài này khi trong mình đã mang bệnh hiểm nghèo, và anh đã từ trần sau đó 1 tháng)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 12:48:11 am »


        Đại tá NHƯ CẢNH
        Nguyên cán bộ Tuyên huấn Quân khu 5,
        Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 5, đã nghỉ hưu.

        Ông là một trong những phái viên của Cục Chính trị Quân khu 5, có nhiều kỷ niệm với Sư đoàn 3 - Sao Vàng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn, mặc dù bị tai biến mạch máu não nhưng ông đã gửi cho Ban Biên tập một số Ký ức của mình về Sư đoàn. Xin trân trọng trích đăng 2 bài.


ĐÊM SUỐI LA TINH

(Da diết nhớ thương đồng đội)       

                                    Bằng Lăng ơi! – Xin kết vòng hoa tím
                                    Cùng vàng oanh nghiêng cánh tỏa thân người
                                    Trung đội lên đường hai bảy quân thôi
                                    Ba chục vắt cơm thêm phần đứa khỏe ...


*
*  *

                                    ... Những thiên thần lưỡi lê ngời ánh lửa
                                    Trận xáp lá cà giặc Mỹ chạy cong đuôi1
                                    Mới hôm qua chung đắp tấm chăn sồi
                                    Còn đâu nữa nụ cười tươi roi rói!
                                    Nhớ miên man mùa lên hương cốm mới
                                    Chuyện hàn huyên tinh nghịch lũ trai làng
                                    Võng biếc nghiêng chao gió gợn lùa sang
                                    Nào tơ tưởng chút “hương thầm” thi vị
                                    Khắc đậm con tim những dáng hình tri kỷ
                                    Mười tám vắt cơm được xếp thẳng hàng
                                    Mười tám chén dư thành bát trầm nhang
                                    Cho một tên chung vẻ vang oanh liệt.
                                    Thương, Dũng, Trung ...Bình, Trị, Thiên mộc mạc.
                                    Yêu, Thành, Danh... hoa sữa quyện còn nguyên
                                    Lạ lùng chưa xứ “nẩu”  chỉ một miền
                                    Lại hội tụ đủ hồn thiêng tổ quốc
                                    Mời anh nuôi – vị “công thần đệ nhất”
                                    Vuốt mặt tiễn đưa trên từng vắt cơm thừa ...


*
*  *

                                    Đêm suối Latinh vào “Chiến dịch Mùa khô”
                                    Xin được khóc để lệ keo thành ngọc
                                    Én liệng – Hoa hồng – Vừng đông đã mọc
                                    Môi thắm nào đằm áo những em tôi!


--------------------       
        1.Trận diệt Mỹ “Chiến dịch Mùa khô” của E2 tại suối La Tinh (huyện Phù Cát) – 1969



RA TRẬN HÔM NAY

        Kính tặng Trung đoàn 2 (Quyết Chiến)

                                    Cùng đội ngũ hôm nay tôi ra trận
                                    Có chim về, có nắng rọi xôn xao
                                    Có hoa rừng chen lá thắm vẫy chào
                                    Có bạn, có ta và trời xanh biếc!
                                    Ôi! Kiêu hãnh trên tay ta nòng súng thép
                                    Hãy nghĩ gì? Anh Giải Phóng thân yêu...?

*
*  *

                                    Miền Nam ơi! Mỗi sớm sớm chiều chiều
                                    Nhức nhối tim gan tiếng rú gầm quạ sắt
                                    Quặn thắt lòng ta khi tăng cày xéo đất
                                    Lúa đương thì rũ gối dưới bùn đen.
                                    Một xóm nhỏ yên lành cũng hoen ố Na-pan
                                    Một mảnh trời trong cũng đặc mù hóa học
                                    Quả dừa ngọt cũng lìa cành đại bác
                                    Con chim non cũng lạc tổ xa đàn
                                    Nào mẹ, nào cha, nào chị, nào em.
                                    Trong giấc ngủ đã bao lần trở giấc
                                    Năm tháng ấy bao vành tang trắng tóc
                                    Bao mái nhà xám xịt một màu tro
                                    Hỡi chiếc cầu tre, bụi chuối, con đò
                                    Mỗi một ta yêu còn chăng nguyên vẹn?...
                                    ...Chúng ta đi trong tiếng súng đợi chờ
                                    Ấp ủ vai ta sáng ngời ánh thép
                                    Có nước mắt, máu xương người đi trước
                                    Lon gạo chia tư, hạt muối chân tình
                                    Có anh Bính , anh Tòng , anh Võ , anh Canh1
                                    Cùng đồng đội anh Cao  đập nát đầu bọc thép
                                    Hoa dũng sỹ trên ngực hồng gan góc
                                    Nổi bật ra quân mang chiến thắng lẫy lừng
                                    Những con người tựa tên núi, tên sông
                                    An Lão, Đèo Nhông đứng ngang tầm lịch sử
                                    Mỹ Trinh đó Truông Sỏi dài nắng đỏ
                                    Sấm sét xung phong chấn động xứ dừa xanh...
                                    Nắng hối hả gọi hè vào trận chiến
                                    Hãy cùng ta mang bão lửa lên đường
                                    Hãy quyện tim ta bao tiếng thét căm hờn
                                    Một đoạn nôi xơ của Bình An – Tân Giảng2
                                    Chiếc khăn máu Ba Làng An, Khánh Giang thê thảm
                                    Đạn lên nòng cháy bỏng trái tim ta

*
*  *

                                    Cùng đội ngũ hôm nay tôi ra trận
                                    Vòng ngụy trang chải chuốt lá lao xao
                                    Bầy chim rừng chao cánh giữa trời cao
                                    Mấp máy bảo nhau “Mùa đang chiến dịch”
                                    Bác Hồ gọi: Con đường đi thẳng đích
                                    Thơ mùa Xuân – đánh Mỹ cút, Ngụy nhào.
                                    Bừng sáng Miền Nam – Tổ quốc xôn xao
                                    Mừng thọ Bác bằng chiến công đẹp nhất
                                    Chuyến thần tốc xin hẹn cùng Đất nước
                                    Trung đoàn II rầm rập lên đường
                                    Từng đại đội Thành Đông hoa đẹp hương thơm
                                    TRUNG-DŨNG-KIÊN-CƯỜNG, RA QUÂN LÀ CHIẾN THẮNG !

        14h30 ngày 28-4-1969       
        Rừng Ba Lương (huyện Ba Tơ – Quảng Ngãi)       
        Viết và đọc thơ tại C3/D1/E2/F3 (Sao Vàng) lên đường vào chiến dịch.

---------------------
        1. -  Bùi Xuân Bính: chiến sỹ D3/E2, ngọn cờ đầu bắt sống xe tăng địch năm 1965
            -  Nguyễn Công Tòng: Cán bộ đại đội thuộc E2, anh hùng quân giải phóng miền Nam
            -  Trần Võ: dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú, CSTD của Trung đoàn 2
            -  Trần Canh: dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú, xạ thủ đại liên D1-E2
            -  Lê Văn Cao: đại đội trưởng, trung đoàn 2, dũng sỹ bắt sống xe tăng Mỹ tại An Bảo năm 1968, được phong danh hiệu anh hùng LLVTND.

            2.Hai vụ thảm sát ở Bình An (Tây Sơn – Bình Định) và Tân Giảng (Tuy Phước – Bình Định) do bọn lính Nam Triều Tiên gây ra. Nay còn ghi chứng tích tội ác của chúng tại Dốc Dài ( thôn An Vinh, xã Bình An).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 12:49:31 am »


        Vũ Hồng Luân,
        Phó Hiệu trưởng Trường PTTH dân lập Marie Cuire Hà Nội,
        Nguyên chiến sỹ c2, d30, f3 Sao Vàng.


EM GÁI QUÂN Y

        ( Mến tặng Nữ y tá Minh và những người lính Quân y, Tiểu đoàn 60, Bệnh xá Sư đoàn 3 – Sao Vàng)

                                    Tôi bị thương trên đất Hưng Nhơn 
                                    Đồng đội cõng tôi về Bệnh xá Sư đoàn
                                    Vội vã đón tôi dịu dàng, trìu mến
                                    Em nhẹ nhàng đưa tay đỡ ba lô
                                    Buổi đầu tiên tôi muốn gọi tên Minh
                                    Lưỡi đứt, hàm đau, không sao nói được
                                    Ba buổi bên tôi, Em ngồi bón bột
                                    Đớn đau : An ủi, khó tính : Em chiều...
                                    Suốt đêm dài cất tiếng hát thân yêu
                                    Như tiếng mẹ hiền ru tôi thuở trước
                                    Bữa cháo bột to, tôi ăn khó nuốt
                                    Mũ sắt Mỹ, Em dùng, giã lại bột tôi ăn.
                                    Kể chuyện tôi nghe, quê Em đất Phổ Vinh
                                    Chất độc, na – pan, dừa xanh trụi lá
                                    Giặc giết cha Em trên thuyền đánh cá
                                    Mười sáu tuổi đời, Em vào Giải Phóng quân.
                                    Một buổi chiều mưa, Bệnh xá bị ném bom
                                    Nhào đến bên tôi, hai tay ôm chặt,
                                    Dìu tôi đi, vượt suối, băng rừng
                                    Bám vai Em gầy, mắt tôi rưng rưng.
                                    Ba tháng trời, tôi sống lặng câm
                                    Nay nói được, Em mừng như đứa trẻ
                                    Giọng ríu rít như con chim sẻ
                                    Cầm tay tôi, hớn hở với mọi người
                                    Trên môi Em đọng mãi nụ cười
                                    Em như đóa mai vàng báo mùa xuân đến
                                    Ơi Em Gái Quân Y- tuổi vừa mười chín
                                    Tấm lòng Em ngọt tựa nước dừa xiêm.
                                    Dù xa Em, tôi không thể nào quên
                                    Đôi mắt đen tròn rưng rưng dòng lệ
                                    Buổi tiễn tôi ra Miền Ngoài điều trị
                                    Bàn tay Em còn ấm mãi tay tôi.
                                    Em lo đường xa, áo rách, lạc rừng
                                    Đã gửi tặng chỉ, kim và đá lửa
                                    Em Gái Quân Y ơi ! Đừng lo gì nữa
                                    Bởi trong tôi đã ấm lửa của em rồi !


Hà Nội, Mùa Đông năm 1971       
V.H.L                         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 12:59:40 am »


        Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân,
        Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ quân đội,
        Tổng biên tập Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam,
        người đã có nhiều năm gắn bó với Sư đoàn 3 – Sao Vàng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ biên giới Tổ quốc.

        Ông là người viết cuốn tiểu thuyết : "Năm 1975, họ đã sống như thế" - viết về những người lính Sao Vàng.


DẤU THỜI GIAN

        Anh Nguyễn Quốc Thì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoài Châu Bắc nói với chúng tôi rằng, phần mộ của liệt sĩ Phạm Trung Ổn, anh trai nhà văn Trung Trung Đỉnh, hiện đã qui tập về nghĩa trang liệt sĩ Đồi Mười. Việc di dời mộ ảnh về quê, xã có thể linh động giải quyết nhưng theo tôi, vẫn lời anh Thì, ông Đỉnh nên bàn thêm với chị em cô Đúng. Hơn ba mươi năm qua, phần mộ của anh Ổn đã là một phần đời sống tâm linh của chị em cổ!

        Anh Đỉnh quay sang giải thích với tôi: cô Đúng là em cô May. Cô May là người yêu anh Ổn, hiện đã lấy chồng trong Phù Cát. Việc di dời mộ anh Ổn, anh Đỉnh đã bàn kỹ với cô Đúng qua điện thoại: “ Tôi cũng cảm thấy có sự hẫng hụt của chị ấy. Nhưng chị ấy cũng yên lòng vì dầu sao, đưa được anh Ổn về quê nằm cạnh cha mẹ, ông bà vẫn hợp đạo hơn”.

        Tôi còn nhớ lúc ấy, khuôn mặt anh Thì thoắt trở nên trầm ngâm. Đây không phải là lần đầu anh giải quyết cho thân nhân các liệt sĩ ở ngoài Bắc vào xin di dời phần mộ của chồng con họ về quê. Đó là điều mà anh và các thành viên khác trong ủy ban xã không thể từ chối. Mặc dầu anh biết rằng, từ lâu, phần mộ của các liệt sĩ đã trở thành tài sản tinh thần quý giá của người và đất Hoài Châu. Anh bảo, mỗi lần một ngôi mộ được chuyển đi, anh lại cảm thấy trống vắng và thấy đất quê mình như nghèo đi. Còn nghèo cái gì, vì sao nghèo thì anh không thể giải thích cho rành rẽ được.

        -   Thôi vậy nè. Anh Thì đột ngột ngửng lên như đã tìm ra một giải pháp nào đó- Việc di dời mộ anh Ổn ta cứ tiến hành vào sớm ngày mai. Song, vẫn phải xây lại ngôi mộ như cũ để bà con và chị em cô May thờ cúng. Bây giờ ông Đỉnh xuống ngay nhà cô Đúng, còn ông – anh Thì quay sang tôi – Ông nên đến nhà má Hiệu. Tối, hai ông quay về nhà tôi họp mặt với đội du kích xã.

        Tôi ra cổng trụ sở ủy ban, kêu một cuốc xe ôm. Chiếc xe cũ kỹ chồm qua những ổ gà ngập nước, bám theo con lộ đất đỏ rồi rẽ vào một xóm nhỏ. Trời vừa qua một cơn mưa lớn, cây cối trong các khu vườn ướt đẫm. Vẫn là những khu vườn cũ thấp thoáng những ngôi mộ cổ và những bụi cây cúc vang cằn cỗi, nhưng đã khác xưa rất nhiều. Cây cối, nhà cửa và nhất là dừa, lá dừa ken dày đan nhau trên vòm trời xanh ngút ngát. Mươi năm trước tôi cũng đã có dịp trở lại Hoài Châu. Ngày đó, khi tôi vừa bước vào nhà, má Hiệu không nói gì chỉ cầm chiếc áo đang vắt trên vai quật vào người tôi rồi ngồi xuống bộ ghế ngựa lặng lẽ khóc. Chị Hiệu, con dâu má bảo: Mấy bữa nay, không hiểu sao má hay nhắc tới chú hoài. Hồi chiến tranh, tôi đã từng ở nhiều ngày tháng trong căn hầm của má. Lúc thường tôi mắc võng trên cửa hầm. Khi pháo địch bắn rát, tôi chui xuống hầm ngủ chung với mọi người. Má nằm giữa, tôi một bên và cô Hương con gái má một bên. Sáng ra, má đi mở bò, tôi cùng cô Hương đi san ruộng hoặc dặm lại vồng khoai, khóm mì đêm qua bị pháo địch bắn nát. Nhiều ngày tôi đã ăn cơm với má, trở thành một thành viên của gia đình má cũng như trở thành thành viên của đội du kích xã. Vậy mà đã có những tháng ngày tôi quên. Tôi đã quên trong khi má Hiệu và những người dân Hoài Châu vẫn nhớ.

            Lần gặp này tôi thấy má Hiệu trầm tĩnh hơn. Từ má không còn tỏa ra cái mùi trầu nồng ấm, một thời gian dài đã trở nên hết sức thân thuộc đối với tôi. Hồi đó, mỗi đêm theo đội du kích hoạt động trở về, tôi đều tạt vào vườn má Di hái mấy lá trầu còi cọc, trở nên rất hiếm hoi mang về cho má. Chị Hiệu bảo năm nay má đã ngoài tám mươi, bắt đầu có dấu hiệu của sự lầm lẫn và đã thôi không còn ăn trầu nữa. “Cách đây một tuần, không hiểu ai xui khiến, má tôi lại nhắc tới chú!”. Chị Hiệu cười bảo tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 01:00:11 am »


        Tôi ngồi xuống bên cạnh má. Má chăm chú nhìn tôi, cặp mắt dừng lại hồi lâu trên mái tóc đã lốm đốm muối tiêu của tôi, bất giác má thở dài:

        -   Tụi bây thế là cũng có tuổi rồi. Bữa sau về chắc chi tao còn. Mà nè, con Hương nó đang sắm đồ đoàn, tuần sau cưới hỏi cho sắp nhỏ. Con ráng ở lại với nó.

        Cũng như má Hiệu, tôi hiểu mình đã già. Một thế hệ nữa lại sắp đi qua mà vẫn chưa làm được gì cho người sống và cả cho người chết. Hồi ở với má Hiệu, tôi mới hai mươi ba tuổi, cô Hương con gái má hai mươi. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác xao xuyến và yên tĩnh khi ngủ chung trong căn hầm có Hương nằm ở bên kia má Hiệu. Có một cái gì đó thật đẹp đẽ, quyến rũ của những năm tháng ấy khiến mỗi lần nhớ lại ta vừa thấy buồn se sắt vừa kiêu hãnh và hối tiếc.

        Tôi thưa với má những công việc phải làm. Cuộc gặp với đội du kích xã tối nay và sớm mai cùng với nhà văn Trung Trung Đỉnh dời phần mộ liệt sĩ từ nghĩa trang Đồi Mười về quê tận Hải Phòng.

        -   Có phải mộ thằng Ổn không? – Má Hiệu thoáng giật mình hỏi tôi – Thằng Ổn hay giả trang làm con gái đó. Nếu là thằng Ổn thì phải bàn với con May, con Đúng.

        Thì ra, không chỉ thành viên cũ của đội du kích mà cả xã Hoài Châu Bắc mọi người đều biết mối quan hệ đặc biệt giữa chị em cô Đúng với phần mộ của liệt sĩ Phạm Trung Ổn.

        *  *  *

        Cuộc họp mặt của những chiến sĩ du kích vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước đã diễn ra thật cảm động trong căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Quốc Thì. Chúng tôi ngồi quây quần trên ba chiếc chiếu nhựa trải trên nền nhà. Phần lớn các đội viên du kích ngày ấy còn sống đều có mặt. Đôi ba cặp đã trở thành vợ chồng, có cháu nội, cháu ngoại. Câu chuyện xoay quanh những trận đánh dữ dội trên đất Hoài Châu của sư đoàn Sao Vàng. Nhiều tên người được gọi lên, được nhắc tới. Những kỷ niệm của ba mươi năm trước chợt sống lại, xao động, nhức buốt như vừa mới xảy ra tuần lễ trước, tháng trước.

        Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, vào những năm sáu tám, sáu chín, chiến trường Bắc Bình Định là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của miền Trung. Sau Tết Mậu Thân, thế trận chiến lược da báo bị xóa, sư đoàn Sao Vàng, một sư đoàn chủ lực, từng là nỗi kinh hoàng của sư đoàn không vận số 1 Mỹ và sư đoàn 22 ngụy buộc phải xé nhỏ đội hình, thọc xuống đồng bằng bám đất, bám dân, sử dụng phương thức tác chiến của du kích biệt động. Anh Phạm Trung Ổn, một cán bộ trinh sát của trung đoàn 22 sư đoàn Sao Vàng trở thành cán bộ của huyện đội Hoài Nhơn cắm trên địa bàn Hoài Châu bắt đầu từ sự lựa chọn có tính chất sinh tử ấy.

        Những người dân ở Liễu An, An Quý, thường kể rằng, từ khi có cán bộ của sư đoàn Sao Vàng trở về, phong trào Hoài Châu bật dậy rất nhanh. Các đội du kích thôn, xã dần dần được khôi phục và theo đó là những trận đánh nhỏ lẻ nhưng ác liệt liên tiếp xẩy ra tại các nhà hàng, nơi ở và cả trụ sở, căn cứ của bọn tề điệp, chính quyền ngụy. Một tên xã trưởng đang nằm trên giường ngủ, bất chợt bị dựng dậy trước cặp mắt kinh hoàng của vợ con. Người chiến sĩ biệt động gí súng vào sườn anh ta, đẩy ra đầu ấp tuyên án và nổ súng. Một tên chỉ điểm đang trồng cây, bất ngờ một tiếng gọi, ngẩng lên, một họng súng lăm lăm đã chĩa vào ngực anh ta. Máu loang đỏ trên mặt đất đang đào dở...

        Những trận đánh như thế khiến bọn ác ôn, tề điệp co lại trong các căn cứ, trụ sở căng dày dây kẽm gai và những trận phục kích, càn quét có xe tăng, máy bay và đại bác yểm trợ liên tục xẩy ra dai dẳng biến Hoài Châu trở thành một vùng đất chết. Trong buổi gặp mặt tối ngày hôm ấy, người được nhắc đến nhiều nhất là Phạm Trung Ổn. Chị Nguyễn Thị Đúng kể rằng, anh Ổn được bố trí ở một căn hầm (mật) trong nhà chị. Căn hầm đào ngay dưới nền bếp. Ban ngày anh nằm ngủ. Đêm trở dậy đi hoạt động. Anh người nhỏ, trắng trẻo. Nhiều lần anh giả trang thành một cô gái, đội nón lá, bận áo bà ba đen, quần đen vào sát Tam Quan, có bữa vào hẳn trong chợ, đi lẫn với bọn bảo an, dân vệ mà không ai nhận ra anh là con trai chứ chưa nói tới chuyện phát hiện ra một chiến sĩ biệt động táo bạo và có phần liều lĩnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 01:00:59 am »


        Chị Đúng còn kể, Ổn có một hòm đại liên. Trong đó để một cuốn nhật ký và một vài kỷ vật khác. Mỗi lần đi hoạt động, anh đều giao cho chị May và chị Đúng giữ giùm. Một lần, khi anh vừa đi khỏi, hai chị em tò mò mở hòm đạn ra coi, lén đọc trộm nhật ký của Ổn. Trang đầu cuốn sổ là một dòng chữ to: “Nếu tôi phải vĩnh biệt thế giới này thì xin chuyển giùm cuốn nhật ký này cho mẹ tôi”...Cả hai cô gái đều không biết vĩnh biệt nghĩa là sao bèn đem hỏi một ông thầy tiểu học trong xóm. Ông thầy giải thích đơn giản: Vĩnh biệt có nghĩa là “Chết”. Nghe vậy, cả hai chị em khóc ầm lên, cùng bắt Ổn xóa bỏ những dòng chữ khủng khiếp đó. Đối với hai cô gái trẻ, một người đẹp trai, dũng cảm và tốt như anh Ổn không thể nào chết được. Hình như tình yêu của ba người bắt đầu được nhen nhóm từ trang nhật ký đó.

        Một đêm cuối năm. Trời mưa như trút nước. Ổn bật nắp hầm lên nhà ngồi với hai chị em một lát rồi khoác áo mưa. Cả May và Đúng đều cảm thấy bồn chồn. Một tiếng súng nổ trầm và đục. Hai chị em cùng chết lặng, ngực đau thắt. Lát sau họ đã đứng bên thi hài Ổn. Anh bị phục kích bất ngờ khi chạy ra khỏi ngôi nhà chưa đầy một trăm thước. May vội vàng chạy về nhà lấy chiếc tăng và hai chị em vừa khóc vừa che mưa cho Ổn đến khi những đội viên du kích khác nghe tiếng súng nổ tìm đến. “Chúng em chôn anh ấy bằng chính chiếc tăng của ảnh ngay trong vườn nhà. Không hiểu sao đêm đó mưa chi, mưa dữ”.

        Chị Đúng ngừng kể. Mọi người ngồi yên lặng. Một cái chết được nhắc lại như hàng trăm cái chết vẫn thường được nhắc lại để sống, để nhớ trên mảnh đất này nhưng vẫn khiến người nghe bàng hoàng. Các thành viên trong đội du kích xã và người dân Hoài Châu đều biết rằng, bắt đầu từ đêm hôm đó, liệt sĩ Phạm Trung Ổn đã trở thành thành viên chính thức trong gia đình hai chị em. Chị May để tang anh Ổn đủ ba năm mới đi lấy chồng, còn chị Đúng thì ở vậy. Ngôi mộ được hai chị em chăm sóc, thắp hương vào những dịp giỗ chạp, lễ tết cho đến ngày đội quy tập đưa anh về nghĩa trang của xã.

        -   Chị May có hay về quê không? Tôi hỏi chị Đúng.

        -      Năm nào vào ngày giỗ anh Ổn chị ấy cũng về. Có năm đưa cả chồng và các cháu cùng về. Nhà em chỉ có ba cái giỗ mỗi năm: Ba, mẹ em và anh Ổn.

            * * *

        Người đến sớm nhất ở nghĩa trang Đồi Mười sáng hôm ấy là chị Đúng. Chiều qua, anh Thì đã cho người căng phông bạt phòng trời mưa. Chúng tôi vào nhà thờ bên kia đường bày hoa quả thắp nhang để báo cáo với Thần công, Thổ địa theo phong tục. Đồ lễ, chị Đúng đã đi chợ chuẩn bị từ hôm trước. Chị còn hái lá, nấu nột nồi nước thơm để tắm rửa cho hài cốt anh Ổn. Trước phần mộ anh kê một chiếc bàn nhỏ đặt đồ cúng. Việc này cũng do chị Đúng đứng ra lo liệu.

        Chúng tôi đứng trước bàn thờ. Anh Đỉnh run run thắp nhang, hai tay chắp lại, giọng anh nhỏ nghèn nghẹn: “ Anh Ổn ơi, em vào xin phép xã, xin phép chị Đúng, chị May đưa anh về quê theo lời giặn của mẹ. Mẹ mất rồi. Ngày ốm nặng, mẹ chỉ nôn nóng mong đi sớm để được gặp anh”...Tuy không nhìn qua bên cạnh, nhưng tôi biết chị Đúng đang khóc. Mùi khói nhang, mùi thơm từ nồi nước lá nấu chín thoảng lên trong bóng tối nhờ nhợt của buổi đêm sắp tàn.

        Khi lưỡi xẻng đầu tiên vừa được người quản trang ấn sâu vào lòng đất, mọi người đều giật mình ngẩng lên khi chợt nghe một tiếng chim kêu thảng thốt trên đỉnh Đồi Mười. Ngọn đồi không cao nhưng đứng ngạo nghễ giữa một vùng đất bằng phẳng xanh ngợp cây trái. Ba mươi năm trước, nó là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch bởi ai làm chủ ngọn đồi sẽ khống chế được một vùng đất rộng lớn, kể cả mạn Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và con đường số 1, đường xe lửa đều có thể nhìn thấy.

        Lưỡi xẻng vẫn được người quản trang ấn sâu vào lòng đất, ba mươi phân, bốn mươi phân rồi nửa mét. “Nhè nhẹ thôi anh. Sắp tới rồi đó”. Chị Đúng nhắc khẽ trong một hơi thở cố nén. Bên cạnh chị, nhà văn Trung Trung Đỉnh luống cuống mở rộng chiếc túi da lót vải đỏ, dịch nó tới gần nồi nước thơm. Lưỡi xẻng vẫn từ từ ấn xuống gượng nhẹ. Sáu mươi phân. Vẫn không thấy gì ngoài cát. Đất Hoài Châu là đất cát. Cát miên man bỏng rát vào mùa hè, trôi dạt vào mùa mưa. Vậy mà không hiểu sao, cây vẫn lên trái, lúa vẫn trổ bông. Trước đây, mỗi lần nhảy xuống một đoạn hào, một căn hầm tránh pháo, nhìn những rễ cây ứa nhựa đâm tua tủa bên vách hào, tôi không sao cắt nghĩa được cái gì trong cát đã làm nên một sức sống bền bỉ đến như vậy. Ở Hoài Châu, người như cát, cát như người, dai dẳng và kiên gan đi đến cùng trong một cuộc chiến tranh tàn khốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2017, 01:01:24 am »


        Lưỡi xẻng trong tay người quản trang đột nhiên dừng lại. Lòng mộ đã hiện ra một màu cát đen. “Đến rồi!”. Anh cắm chiếc xẻng lên thành mộ, rút trong túi quần ra một mảnh tre nhỏ nhẵn bóng. Anh thận trọng ngồi xuống gạt nhẹ từng lớp cát mỏng. Vẫn không có gì ngoài cát, nhưng đã thấy một ít thớ gỗ và một vài mảnh xương vàng khô nằm lẫn trong màu đen của cát.

        Đến lúc ấy, không ai nói ra, nhưng mọi người đều hiểu rằng, thời gian và cát đã phân hủy toàn bộ hài cốt của anh Ổn.

        -   Nhưng tại sao các phần mộ khác không như vậy? – Anh Thì kêu lên ngạc nhiên. Còn chị Đúng thì kể rằng, ngày quy tập mộ anh Ổn vào nghĩa trang, hài cốt của anh còn nguyên vẹn, cả chiếc tăng bọc ảnh cũng như vậy. “Bây giờ mình tính sao?”. Anh Thì ngẩng lên nhìn anh Đỉnh, không dấu được sự bối rối.

        Im lặng. Tôi nhìn xuống lòng huyệt rồi nhìn những hàng bia trắng xóa trong nghĩa trang, chợt nhớ cách đây mấy năm, các cháu tôi đã lặn lội vào Điện Bàn, Quảng Nam đưa phần mộ của anh trai tôi về quê trước sự mong đợi quặn thắt của mẹ và chị dâu tôi. Ngôi mộ cũng chỉ còn lại cát và vài mẩu xương nhỏ. Đó là tất cả những gì anh tôi cũng như những người liệt sĩ khác đã để lại cho người thân của mình. Tôi cố giấu nhưng cả mẹ và chị dâu tôi đều biết điều đó. Hình như mẹ và chị dâu tôi, cũng như rất nhiều những người mẹ, người vợ khác đều hiểu rằng, cái còn lại của những người đã khuất không chỉ ở hài cốt mà còn là một cái gì đó linh thiêng không nhìn thấy được, không nắm bắt được nhưng vẫn hiện hữu bên cạnh đời sống của con người.

        - Thôi đành như vầy – Tiếng của anh Đỉnh – Cứ hốt toàn bộ số cát đen có lẫn hài cốt mang về. Dẫu sao mẹ tôi cũng cần được ở cạnh anh ấy.

        Vậy là nồi nước thơm gồm lá sả, lá bưởi, lá chanh, lá cây hương nhu và vỏ quế mà chị Đúng nấu suốt chiều qua không được dùng đến.

        Nửa giờ sau, công việc được hoàn tất. Anh Đỉnh ôm chiếc túi da chứa đầy cát và những vụn xương còn lại với một vẻ mặt bần thần. Không biết nghĩ thế nào anh lại đặt nó xuống bờ huyệt hấp tấp mở khóa. Anh đưa mắt nhìn tôi có ý dò hỏi rồi thận trọng vốc một nắm cát trong túi thả xuống lòng huyệt. Đoạn, múc một gáo nước thơm, vẩy một nửa vào trong túi, nửa còn lại tưới đều xuống lòng huyệt. “Để anh ấy được ở cả hai nơi. Nơi anh ấy sinh ra và nơi anh ấy nằm lại”.

        Tôi nhận thấy khuôn mặt anh chủ tịch xã hơi rạng lên còn khuôn mặt chị Đúng thì giàn giụa nước mắt.

        - Mình làm như vầy thật không phải với chị ấy – Lúc đã ôm gọn cái túi cát – hài cốt ngồi trên xe, nhìn khuôn mặt hốt hoảng, bàn tay tội nghiệp bám níu mãi vào cửa xe của chị Đúng, anh Đỉnh ngậm ngùi bảo tôi – Người ta nói cha sinh không bằng mẹ dưỡng. Nhưng biết làm thế nào. Tôi phải làm trọn phần việc đã hứa với bà cụ.

        *  *  *

        Bốn năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi và nhà văn Trung Trung Đỉnh trở lại Hoài Châu đưa hài cốt của anh Ổn về quê. Bây giờ thì anh Ổn đã nằm xuống bên mảnh đất anh đã sinh ra, lớn lên bên cạnh người mẹ mà ngày nào anh vẫn hằng nhắc đến với chị May, chị Đúng. Cũng có thể anh vẫn còn ở Hoài Châu, nơi anh đã gắn bó, đã biến thành cát, hòa tan vào trong cát. Với những người như anh, cát không còn là cát nữa.

        Năm trước, điện thoại cho tôi, anh Thì báo tin, phần mộ của liệt sĩ Phạm Trung Ổn ở nghĩa trang Đồi Mười đã được xây lại như trước khi nó được di dời. Hàng năm, vào ngày giỗ ảnh, các thành viên của đội du kích xã vẫn tụ tập ở nhà cô Đúng. Khi sống, ảnh đa đoan quá mà!

        Tôi còn nhớ, một ai đó đã nói rất hay rằng, thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, nhưng thời gian cũng lưu giữ lại tất cả. Những gì mà thời gian lưu giữ sẽ trở nên bất tử, nó tồn tại bền vững trong thinh không, trong đất, trong nước, truyền từ đời này qua đời khác làm nên những giá trị thiêng liêng trong đời sống tâm linh của con người.

        Hoài Châu, Đất ấy, Người ấy sẽ còn lại mãi với thời gian.

Hà Nội, năm 2003       
N.T.H               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:29:41 pm »


        Đại tá Nguyễn VănTạo   
        Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 – Sao vàng


BÌNH ĐỊNH – TÌNH ĐẤT, TÌNH NGƯỜI

        Sau 10 năm chiến đấu ở Sư đoàn, đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), tôi theo Sư đoàn ra bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ Quốc, rồi về công tác tại cơ quan Bộ Quốc phòng, thỉnh thoảng có về làm việc ở Bình Định, nhưng chưa có chuyến đi nào gây ấn tượng sâu sắc như chuyến trở về Bình Định, tháng 7 năm 2009 vừa rồi.

        Để hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn 3- Sao Vàng, 35 năm giải phóng tỉnh Bình Định; Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn khu vực Hà Nội chúng tôi đã chủ trương đề xuất 2 công trình tình nghĩa: Một là, biên soạn Tập 3 cuốn sách “ Ký ức Sư đoàn”. Hai là, nghiên cứu để trình với các tỉnh phía Nam xây dựng một số Bia Tưởng niệm, ghi chiến công của Sư đoàn và quân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Việc biên soạn sách thì chúng tôi đã có kinh nghiệm. Song, việc thứ hai mới khó khăn, phải cân nhắc, bàn bạc kỹ. Vì vậy,Thường trực Ban Liên lạc cử 4 anh em chúng tôi: Lê Anh Sáng, Trưởng Ban; tôi, Phó Ban và các đồng chí Đặng Thanh Hiểu, Khuất Duy Khang trở về Bình Định và các tỉnh phía Nam, nơi Sư Đoàn đã từng chiến đấu, để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng ấy.

        Để bảo đảm cho chuyến đi, Thường trực Ban Liên lạc đã chuẩn bị cả năm trời, nghiên cứu quy trình thực hiện việc xây dựng bia di tích; tổ chức một nhóm cán bộ nghiên cứu lập hồ sơ di tích, bao gồm những đồng chí đã từng chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, am hiểu lịch sử Sư đoàn; các đồng chí đã tham gia viết lịch sử, làm phim truyền thống Sư đoàn, làm công tác Bảo tồn - Bảo tàng của Quân đội ...Sau đó tổ chức nhiều hội nghị để kiểm định thông tin, thống nhất nội dung các văn bản và bàn kế hoạch thực hiện. Hồ sơ gồm: Lịch sử chiến công các di tích, tóm tắt nội dung khắc bia, các bản vẽ thiết kế và tờ trình lãnh đạo các tỉnh.Về tài chính, chuẩn bị một số tiền khả dĩ có thể xây dựng một số bia với quy mô khiêm tốn...

        Với hành trang như vậy là khá chu tất, nhưng chúng tôi vẫn chưa dám chắc thuận lợi, bởi vì: xây dựng bia là phải do địa phương chủ trì, là đụng tới đất đai, kinh phí, v.v... Liệu tỉnh có đồng thuận không? Điều kiện kinh tế địa phương còn bao nhiêu việc phải làm, phải cần đến kinh phí. Và rồi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp hiện nay hầu hết là thế hệ trẻ, có chung nhận thức và đồng cảm với những ý tưởng của chúng tôi hay không, vv và vv...Tuy vậy, đã từng sống, chiến đấu ở chiến trường Bình Định suốt thời đánh Mỹ, chúng tôi có đức tin và dự cảm tốt đẹp vào TÌNH ĐẤT – TÌNH NGƯỜI của miền quê ấy.

        Quả không sai, ngay hôm chúng tôi đến Bình Định, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tiếp đón rất chu đáo. Hôm dự Hội nghị với các sở, ban, ngành của tỉnh, các đại biểu đã nhất trí rất cao và cho rằng: Với Sư đoàn Ba, dù có xây dựng bao nhiêu công trình lưu niệm cũng không đủ. Đồng chí Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp còn đề xuất: “Nên xây một Nhà Tưởng niệm tại Bình Định thật đàng hoàng, có khắc tên các liệt sỹ Sư đoàn 3 –Sao Vàng để mọi người đến thăm viếng, kiểu như ở Bến Dược, Thành Phố Hồ Chí Minh”...Qua nhiều ý kiến, chúng tôi phải nói rõ thêm: việc xây dựng Bia là để tưởng nhớ đồng bào, đồng chí, trong đó có chiến sĩ Sư đoàn 3, không phải xây riêng cho Sư đoàn . 

        Hôm làm việc với Ban Quản lý Di tích Tỉnh, Anh Thọ, Trưởng Ban hồ hởi tiếp chúng tôi như người thân từ trước (mặc dù đây là lần đầu tiên gặp mặt). Anh thông báo và đưa cho chúng tôi danh sách 10 Di tích có liên quan trực tiếp đến những chiến công của Sư đoàn . Anh say sưa kể: Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân quan tâm tới việc này lắm. Các bác vào đây là đúng dịp. Mới rồi, Bảo tàng Lịch sử Quân sự cử cán bộ vào khảo sát các địa bàn đánh quân Đại Hàn để xây dựng di tích. Có tài liệu lần này của các bác, chắc chắn lãnh đạo Tỉnh sẽ rất mừng ...

        Nhận những thông tin ấy, đúng là: “Được lời như cởi tấm lòng”. Mọi băn khoăn, dự đoán không thuận lợi của chúng tôi được giải tỏa. Tôi thấy ân hận với những nghi ngại của mình. Thì ra, Tỉnh đã nghĩ và làm việc này từ hàng chục năm nay. Đúng là một vùng quê cách mạng, một vùng quê ân tình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:30:03 pm »


        Khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh, mặc dù đang lúc triển khai rất nhiều việc, nhưng đồng chí Năm Hà, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh Uỷ; đồng chí Hai Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh đều dành cho đoàn chúng tôi sự tiếp đón ân cần, coi chúng tôi như những người thân ở xa mới về. Các anh tâm sự : Những ngày Sư đoàn 3 đánh Mỹ ở Bình Định, chúng tôi còn rất trẻ. Ấn tượng về các bác là dám đánh Mỹ ở Chợ Cát, Xuân Sơn, Thuận Ninh, Hoài Ân... Dần lớn lên, theo các cô, dì đi làm Cách mạng... Những chiến công của Sư đoàn Sao Vàng trên đất Bình Định không ai là không biết. Anh Năm Hà còn cho hay, chính anh, khi làm Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp chỉ đạo xây Ngôi Mộ tập thể 153 liêt sỹ tại thị trấn Đập Đá để tri ân các chiến sĩ của Sư đoàn và đồng bào đã hy sinh tại thôn Phương Danh Nam trong dịp Mậu Thân 1968. Các anh cho biết, dù đã xây được một số Bia ghi chiến công của Sư đoàn, nhưng chưa thỏa lòng mong muốn của bà con. Hôm nay các bác vào đặt vấn đề như vậy là tiếp sức thêm cho Tỉnh, là hợp với lòng người Bình Định. Các anh  đề nghị với chúng tôi: trước khi làm việc này các bác cần đi gặp các “Cụ” Lão thành cách mạng của Tỉnh, nói rõ ý định và xin ý kiến các “Cụ” để tạo sự đồng thuận của các thế hệ lãnh đạo. Với cử chỉ này, chúng tôi thấy rõ những nghĩa cử đầy chất nhân văn của các nhà lãnh đạo Tỉnh.

        Thống nhất cách làm của các anh, chúng tôi đã gặp và làm việc với bác Nguyễn Trung Tín, nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh Uỷ Bình Định, người đã từng “Đóng khố, xâu tai”  để “Ở lại với dòng sông”  mà không tập kết ra Bắc; người đã từng quyết định cho Trung đoàn 2 của Sư Đoàn những “rãy mỳ (sắn) cách mạng” của Tỉnh trong khi Tỉnh cũng đang rất thiếu lương thực, để cho Trung đoàn có thêm lương thực, huấn luyện bộ đội, chuẩn bị xuống đồng bằng “Diệt kẹp, giành dân” năm 1969; người đã từng làm Chính ủy Mặt trận Bình Định, cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn lãnh đạo quân và dân Tỉnh nhà lập nên chiến công vang dội Xuân Hè 1972 ở Bắc Bình Định...Năm nay Bác đã 86 tuổi, chân đi không vững, người nhà phải dìu Bác. Khi biết chúng tôi là cựu chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng. Bác vội vươn ra bắt tay chào đón, nhưng do sức yếu, Bác loạng choạng, tôi vội bước tới đỡ. Sức yếu nhưng trí tuệ Bác vẫn minh mẫn. Bác nghe chúng tôi báo cáo toàn bộ công việc một cách chăm chú. Nghe xong, Bác im lặng một lúc như suy ngẫm điều gì, rồì bỗng nhiên Bác nói to: “Phải làm như vậy, làm như vậy là rất tốt. Không thể lãng quên những người đã ngã xuống cho vùng đất này!” Rồi như một người trong cuộc, Bác điểm lại hầu hết các trận đánh lớn nhỏ của Sư đoàn từ Bắc đến Nam tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Cuối cùng, Bác nhờ qua chúng tôi nói lại với Tỉnh là Bác hoàn toàn nhất trí đặt bia “Chiến thắng Bắc Bình Định” ở Đệ Đức, bia “Chiến thắng Đường 19” ở ngả 3 Vườn Xoài. Phải chọn nơi đẹp nhất, trang trọng nhất, thuận tiện cho nhiều người qua lại viếng thăm mới có ý nghĩa giáo dục sâu rộng, lâu dài...Trước lúc chia tay, Bác tặng chúng tôi 2 tập Hồi ký của mình.

         Chúng tôi tiếp tục đến thăm và xin ý kiến bác Đinh Bá Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội; bác Phạm Chí Công (tức Diên An), nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Các bác đều ngoài 80 tuổi nhưng còn khỏe mạnh và nhiệt thành. Là những người đã gắn bó với Sư đoàn nhiều năm trong kháng chiến chống Mỹ, sát cánh với Sư đoàn trong nhiều chiến dịch. Các bác không những nhất trí với những đề xuất của chúng tôi lập 2 Bia, mà còn nhắc cho chúng tôi những chiến công khác của Sư đoàn trên chiến trường Bình Định. Với giọng sôi nổi, bác Đinh Bá Lộc say sưa kể về những kỷ niệm của mình với Trung đoàn 12 ở Khu Đông, Xuân Mậu Thân( 1968). Nhắc tên từng đồng chí cán bộ Trung đoàn, từ anh Lê Hoài Thanh, Nguyễn Văn Vợi đến anh Nguyễn văn Hồng, anh Khang... với lòng kính phục. Bác đề nghị Sư đoàn nên bàn với Tỉnh dựng một bia chiến tích ở Núi Bà để vinh danh những chiến sĩ Sư đoàn và đồng bào đã ngã xuống ở nơi đây. Bác Diên An thì kể về những kỷ niệm với Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3-Sao Vàng) trong những ngày đầu đánh Mỹ ở Chợ Cát, Bồng Sơn (lúc đó Bác làm Huyện Đội Trưởng huyện Hoài Nhơn), cũng nhắc tới những cán bộ của Trung đoàn thời đó, từ anh Hồ Sĩ Lộc, Nguyễn Duy Thương đến anh Luyện, anh Quang Tuyển, anh Trần Chinh... Cuối cùng, Bác đề nghị chúng tôi báo cáo với Tỉnh dựng một tượng đài tại Chợ Cát để ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân dân ta. Bác nói rằng, lúc bấy giờ (năm 1966), báo chí Mỹ, Nhật liên tục viết bài, đăng ảnh xác lính Mỹ chất đầy giao thông hào ở Chợ Cát, ảnh lính Mỹ dìu nhau chạy khỏi Bồng Sơn, làm chấn động Lầu Năm Góc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM