Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:16:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34354 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:32:12 am »


TRẬN TẬP KÍCH “PHÁO LỦI”

        “Tại sao gọi là pháo lủi”. Đồng chí Chính Trị viên Đại đội Hai tên lửa thuộc F3 Quân khu V đã giải thích cho tôi về cái tổ hợp từ dí dỏm, giàu tính hình tượng đó.

        ĐKB vốn là một loại tên lửa có nòng liên hoàn theo giàn. Nhưng vào chiến trường, nhất là những nơi gay go ác liệt, không phải lúc nào cũng có thể đàng hoàng đánh theo kiểu chính quy hiện đại của nó. Quân số ít, lội suối, luồn rừng, mang đủ đạn đã chết, nói chi đến nòng với bệ. Đánh xong lại phải cơ động ngay, nếu không thì pháo, cối, bom bi, bom phạt, có lúc cả bộ binh địch nữa tức khắc bu đến như lũ ruồi nhặng thấy mồi. Đạn ít, đánh nhỏ lẻ nhưng phải ăn to, do đó phải bí mật, bất ngờ, vào thật gần, sờ được “gáy tóc” của địch mới bắn theo kiểu đánh du kích. Đáp ứng được bấy nhiêu nhu cầu là cả một vấn đề nan giải.

        Thói thường cái khó bó cái khôn. Nhưng với những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam thì lại khác. Với lòng căm thù giặc, với ý chí kiên quyết tiêu diệt Mỹ, Ngụy thì càng khó khăn càng đẻ ra sáng kiến, càng tìm cách phát huy cao độ sở trường, sở đoản.

        Thay cho bệ pháo, nòng pháo cồng kềnh là những cọc tre. Của này thì rất sẵn - đối với anh giải phóng thì không phải tìm kiếm vất vả. Trước lúc vào chiễm lĩnh trận địa, tạt sâu vào khoảng dăm phút là xong. Thiết kế trận địa cũng đơn giản, nhanh chóng. Cắm nạng tre hoặc gỗ xuống đất. Gối đầu quả đạn lên nạng – cắm cọc chuẩn rồi điều chỉnh quả đạn theo tầm hướng đã được tính toán trước. Một giàn muốn đánh bao nhiêu quả cũng được, tùy theo cơ số đạn và số lần định đánh. Đến giờ nổ súng, chỉ cần một người điểm hỏa là cả giàn nhất loạt xé rừng bay đi. Thế là trận chiến đấu xong. Các pháo thủ nhanh chóng lủi đi, nhẹ tênh.

        Tầm bắn của ĐKB là 8.000m đến 10.000m. Nhưng để dáng những đòn bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao, anh em thường đến thật gần giá đạn trên điểm cao bắn tà âm với cự ly 3.000m hoặc 2.000m, có lúc chỉ có 300m đến 500m. Vì thế quả đạn không bay cầu vồng mà cứ lủi xuống. Đấy cũng là một lý do sản sinh ra từ “pháo lủi”.

        Trong lịch sử tác chiến của mình, Đại hội Hai tên lửa của Tiểu đoàn 12 đã đánh nhiều trận “pháo lủi” làm cho bọn địch tức đến “hộc máu mồm” ra mà kềnh. Trận tập kích vào sân bay Gò Quánh mùa hè 1972 là một thí dụ. Với 40 quả đạn ĐKB, sau mấy tích tắc điểm hỏa, 99 tên Mỹ gồm toàn kỹ thuật và giặc lái tan xác, 17 máy bay các loại bị thiêu hủy, 1 kho đạn nổ cháy suốt ba tiếng đồng hồ. Sân bay chìm trong khói lửa. Bọn địch tối tăm mày mặt. Bao nhiêu trận địa pháo bảo vệ sân bay ngơ ngác chịu ngậm miệng vì không phát hiện ra ta. Còn các chiến sỹ của ta, chỉ có ba đồng chí trực tiếp đó thôi, sau cái tích tắc kỳ diệu đó, ung dung trở về.

        Nhưng xin nhớ cho rằng: có được những tích tắc kỳ diệu đó, hoàn toàn không phải dễ dãi, giản đơn. Đại đội trưởng cùng tổ trinh sát phải luồn sâu trong lòng địch suốt hàng tháng trời để trinh sát địa hình, xác định mục tiêu, đo đạc cự ly, tính toán hướng, tầm, để cho quả đạn khi được phóng đi là chụp đúng đầu thù. Có lúc suốt ba ngày không cơm, không nước vì địch lùng sục bủa vây. Đưa một quả đạn từ hậu cứ đến trận địa phải lầm lũi bao ngày đêm trong rừng rậm, núi cao, suối sâu, có người ngã xuống không đi đến đích. Riêng các khoản tưởng nhỏ nhặt như Pin để điểm hỏa cũng không phải muốn là có ngay. Có những chị em hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình luồn sâu vào trong lòng địch ra vào hợp pháp với bọn đầu trâu mặt ngựa để móc từng tá pin phục vụ tác chiến.

        Mỗi chiến công ở chiến trường không bao giờ là kết quả của một sự ngẫu nhiên./.

Hoài Ân, 6-1974       
N.C.L               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:44:53 am »


        Nguyễn Văn Định, nguyên Đại đội trưởng
        Đại đội Thông Tin, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng


        (Kính tặng các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 Anh hùng
        Kính tặng các bà mẹ xã Phổ Thạnh,huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

GẶP LẠI NGƯỜI ĐÃ MẤT

        Thật không ngờ, chuyến tàu Thống Nhất hôm ấy, tôi găp lại Minh, người chiến sĩ thông tin mà đơn vị tưởng đã hy sinh năm 1973. Chúng tôi trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm, những trận đánh...

        Thượng tuần tháng 6 năm 1972, tôi được điều động về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 141 (nay là Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 -Sao Vàng) phụ trách trung đội thông tin. Đơn vị vừa dự Chiến dịch Kon Tum về, nay đang tiến hành củng cố. Anh em trong trung đội phần lớn là chiến sĩ mới. Số chiến sĩ cũ, người đã hy sinh, người bị thương, người chuyển đơn vị khác...Tôi đang lo lắng làm sao huấn luyện cho số chiến sĩ mới thông thạo nghiệp vụ để bước vào chiến dịch tới thì nhân được tin đau đớn, anh trai tôi, cũng ở tiểu đoàn này đã hy sinh tại mặt trận Nam Lào. Mọi người kể, tại một khu rừng phía nam Bản Đông, Trạm Thông tin Sư đoàn do tôi phụ trách, cách Tiểu đoàn 4 chừng một ki-lô-mét, Tiểu đoàn bộ bị bom B52, đường dây điện thoại bị đứt, chỗ dây đứt có một chiến sĩ hy sinh. Tôi chạy tới nối dây mà không nhìn kỹ người chiến sĩ ấy vì lo tập trung cho nhiệm vụ thông liên lạc. Nào ngờ, liệt sĩ ấy lại chính là anh ruột tôi. Tôi đau đớn và ân hận vô cùng. Để vơi bớt nỗi đau ấy, tôi lao vào công tác, dốc hết tâm trí cho huấn luyện bộ đội.

        Ngày 01 tháng 8 năm 1972, đơn vị được lệnh xuống Quảng Ngãi, tiêu diệt các căn cứ địch, mở rộng vùng giải phóng.

        Ngày 15 tháng 8 năm 1972, đơn vị đang chờ lệnh vào chiếm lĩnh thì cơn bão số 6 ập đến. Bầu trời đen kịt, gió giật từng cơn, mưa như trút nước.

        19 giờ. Lệnh xuất phát! 3 trinh sát viên lao vút trong mưa bão. Mười phút sau, đơn vị lặng lẽ chia làm 2 hướng nhằm ấp Thạch Trụ tiến vào. Hướng chủ yếu do tiểu đoàn trưởng Phức chỉ huy vòng qua Quốc lộ 1, từ phía Đông đánh tới. Hướng thứ yếu do đại đội trưởng Tân chỉ huy vượt qua đường sắt từ phía Bắc đánh vào. Tôi đi theo hướng này.

        Mưa to, bão lớn nên mọi người ướt như chuột. Các chiến sĩ thông tin dành áo mưa che máy, mặc cho nước quất vào mặt, vào người. Lúc này, máy là quý hơn tất cả. Máy khô hay ướt, liên quan đến thắng lợi của trận đánh, đến xương máu của đồng đội.

        Mưa bão làm cho địch chủ quan, chui vào lô cốt. Bộ đội tiếp cận ít bị lộ. Nhưng thật oái oăm, nước lũ tràn về, cuốn phăng mọi lộ tiêu do anh em thông tin cắm chỉ đường. Cả cánh đồng ban chiều chỉ xăm xắp nước, bây giờ là biển nước mênh mông. Không còn lộ tiêu, bộ đội đi lạc lung tung. Đại đội trưởng Tân liên tục truyền lệnh “bám sát”, nhưng làm sao bám được khi không còn lộ tiêu. Tôi nhanh chóng phân tán các chiến sĩ thông tin đi tìm từng phân đội một để gom về. Nhưng toàn đại đội cũng chỉ được vài chục tay súng vào đúng vị trí chiếm lĩnh. Hỏa lực được 2 khẩu B41, bộc phá có 5 quả, tiểu liên AK gần 20 khẩu. Ai nấy đều rét run cầm cập. Theo quân số hiện có , Đại đội trưởng Tân điều chỉnh lực lượng, đánh theo phương án đã định để bảo đảm hợp đồng chung. Đại đội chia làm 2 mũi. Đại đội trưởng Tân và 10 tay súng đánh vào phía phải. Tôi và Phó Đại đội trưởng đảm nhiệm mũi bên trái. Hai mũi yểm trợ nhau phát triển, hợp điểm với Đại đội 3 tại trung tâm. Nước lớn quá, không rải được đường dây điện thoại, tôi chuyển Minh vào đội mở hàng rào. Minh bò lên, bò xuống chuyển mìn định hướng và bộc phá vào hàng rào. Tôi hồi hộp theo dõi địch. Đột nhiên tên lính gác la lớn

        -   Việt Cộng. Việt Cộng dô !

        Nó bắn một loạt đạn. Dưới ánh đèn pháo sáng, tôi thấy Minh nằm yên bất động. Pháo sáng tắt. Minh cắt nốt hàng rào thứ 4. Đặt xong bộc phá, Minh trườn ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm, trong lòng tự nhủ: Minh không chỉ là chiến sĩ thông tin giỏi mà còn là một chiến sĩ bộ binh cừ khôi. Một con người toàn năng.

        -   Mìn và bộc phá đã đặt xong. Sẵn sàng nhận lệnh! Minh báo cáo.

        Chiếc máy vô tuyến 2W vẫn chạy xè xè sẵn sàng đón nhận tín hiệu tiến công.

        Giờ G đã đến nhưng không thấy pháo hiệu đỏ, cũng không có tín hiệu qua máy vô tuyến.

        5 giờ 20 phút. Máy 2W vẫn sôi rào rào, không có tín hiệu chúng tôi mong đợi. (sau này mới biết, hướng chủ yếu cũng trong tình trạng như chúng tôi nên giờ nổ súng phải lui lại).

        5 giờ 30 phút. Trời bắt đầu sáng. Bọn địch đã thức dậy. Chúng cho rằng, hồi hôm mưa bão, Quân Giải phóng không thể vào được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:45:51 am »


        6 giờ. Trong tiếng lào xào của máy 2W, một tín hiệu vang lên:

        - 333! 333!

        Đây chính là tín hiệu nổ súng. Đại đội trưởng Tân liền ra lệnh tiến công.

        Minh chập mạch điện. Hàng rào kẽm gai bị cuốn phăng sau những tiếng nổ long trời của mìn định hướng và bộc phá. Khói bụi mịt mù. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay. Chúng đang ăn cơm, vứt bát đũa chạy tứ tung. Đức, xạ thủ B41 bắn 1 quả đạn tiêu diệt ngay lô cốt đầu cầu. Bộ đội ta tràn lên. Tiếng súng thi nhau nổ như bù đắp sự chờ đợi suốt đêm qua. Tôi vọt qua một bờ rào kẽm gai. Theo sát tôi là Minh. Một tên địch vai đeo máy PRC25 chạy ngang qua. Tôi nâng súng. Minh gạt đi “ Để đó cho em chiếm máy”. Nói xong, Minh vòng qua tường nhà đón đầu. Tên địch vừa tới góc tường, anh nhảy vọt ra thét lớn: “ Giơ tay lên!”. Tên địch há miệng ú ớ. Tôi chạy tới giật ngay cái máy, thay sóng liên lạc...Ôi ! Thật sung sướng. Tiếng nói của tôi, của hướng tôi đã hòa vào mạng vô tuyến điện của tiểu đoàn, tiếp nhận sự chỉ huy của cấp trên.

        Chúng tôi lần lượt tiêu diệt các lô cốt, các ổ đề kháng của địch, phát triển vào Trụ sở Hội đồng ấp, hợp điểm với đại đội 3. Tại đây, tôi gặp Việt, chiến sĩ thông tin, tay trái quấn đầy băng, tay phải vẫn đang rải dây điện thoại theo bộ binh. Minh chạy tới bảo “ Việt. Để anh rải cho. Em quay về phẫu đi. Địch còn ẩn nấp, em hãy cẩn thận”. Minh quàng súng qua vai, đỡ cuộn dây từ tay Việt rồi lao nhanh về phía trước. Các bộ phận bị lạc trong đêm, nhằm hướng súng nổ kéo tới nên lực lượng ta mỗi lúc một đông thêm.

        Trận đánh thắng lợi. Một đại đội Bảo An, 5 trung đội Dân Vệ bị ta tiêu diệt và bắt sống. Nhân dân mừng vui đón chào bộ đội và lập tức phá Ấp Chiến lược trở về vùng giải phóng.

        Minh khệ nệ khuân về sở chỉ huy 5 máy điện thoại TA312 của địch. Sau đó lại tiếp tục cùng anh em đi thu dây. Một loạt AR15 bắn lén làm Minh bị thương. Chúng tôi băng bó cho anh và tiếp tục tảo trừ.

*

*      *

        Những ngày cuối tháng 10 năm 1972, chúng tôi được lênh đi chiến dịch. Bản tin 12 giờ ngày 25 tháng 10 năm 1972 của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo, Mỹ đã lật lọng không ký Hiệp định Pa-ri vào ngày 26-10 như đã thỏa thuận. Lúc này chúng tôi mới biết, chiến dịch này có liên quan đến bàn đàm phán ở Pa-ri.. Đơn vị dừng lại để huấn luyện quân sự và học chính trị. Một hôm, giữa lúc mọi người đang thảo luận sôi nổi thì một loạt bom tọa độ của máy bay B57 trút xuống khu vực Trung đoàn bộ. Ở đó có lớp thông tin 2W đang học tập, ngày mai kết thúc.

        Chuông điện thoại reo lên. Tôi chụp vội ống nghe. Một giọng nói run run đứt quãng:

        -   Anh Kim đấy à? Bom trúng lớp học. Anh em 2W trung đội mình hy sinh hết, chỉ còn em và Mạnh.

        Mắt tôi hoa lên. Tai ù đặc. Chao ôi, chiến dịch sắp bắt đầu. 12 chiến sĩ 2W đã được thử thách dày dạn trong chiến đấu. Thế mà nay...

        Đau xót không cho phép than vãn. Tôi và Minh vội xuống các đại đội bộ binh tuyển lựa gấp người về thay thế. Vấn đề lúc này là thời gian. Chúng tôi huấn luyện suốt ngày đêm, chỉ mong chiến dịch đừng mở vội. Chậm ngày nào hay ngày đó. Nhưng thời gian đâu có chiều ý mình..

        Ngày 23 tháng 01 năm 1973, lệnh xuất phát hành quân.

        Cả trung đoàn lặng lẽ rời khỏi khu rừng Đá Lửa, để lại 10 chiến sĩ 2W vĩnh viễn canh giữ hậu cứ này. Không khí ra quân tràn ngập phấn khởi và lạc quan. Ai cũng thầm nghĩ, đây là chiến dịch cuối cùng để chấm dứt chiến tranh, chuyển sang con đường đấu tranh bằng nghị viện...

        Đến Đồng Văn, cách Sa Huỳnh 2 km , đơn vị tạm dừng, nhận lệnh bổ sung. Nhiệm vụ khá nặng nề. Địch đã tăng cường thêm tiểu đoàn Biệt động quân số 39 và 1 đại đội công binh. Như vậy, Tiểu đoàn 4 của ta phải đánh với 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo binh, 1 đại đội công binh và 5 trung đội dân vệ, chiếm cảng Sa Huỳnh trước giờ Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, giữ vững cảng biển này làm nơi tiếp tế, chi viện lâu dài trong cuộc đấu tranh mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:46:28 am »


        Đêm 25 tháng 01 năm 1973, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Pháo địch bắn chặn các ngả đường. Trời tối đen như mực. Đồn Hải Thuyền, đồn Đá Heo chốc chốc lại bắn pháo sáng. Biệt kích địch tăng cường hoạt động. Chúng tôi phải luồn lách mãi đến 24 giờ mới vào được vị trí chiếm lĩnh. Chỉ huy sở tiểu đoàn đặt dưới một vườn dừa. Tôi nhanh chóng triển khai các mạng thông tin vô tuyến và hữu tuyến xuống tận các đại đội. Một tình huống bất ngờ xẩy ra: Việt, chiến sĩ hữu tuyến điện đang rải dây thì gặp địch phục kích ở đồi Đất Đỏ , hy sinh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh, bất cứ giá nào cũng phải nối thông liên lạc với Đại đội 1 trước 3 giờ sáng. Tôi trải bản đồ để xác định vị trí của Đại đội 1. Thật khó khăn vì muốn tới đó phải vượt qua đồi Đất Đỏ, địch đã cảnh giác. Chỉ còn cách đi vòng ra phía bắc, nhưng chưa ai biết đường. Tôi đang lúng túng suy nghĩ thì bà má chủ nhà lên tiếng: “Để má dẫn đường cho”. Tôi đang chần chừ thì má giục: “lẹ đi, gần 3 giờ rồi đó”.

        Tôi cùng 2 chiến sĩ vác dây, máy theo má. Trời đầy sao. Bóng má thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc đi nhanh, lúc bước chậm nghe ngóng, quan sát, trông như chiến sĩ trinh sát dày dạn. Sau này tôi mới biết, đó là má Hồng, bí thư chi bộ bí mật thôn La Văn.

        4 giờ 30 phút. Mạng thông tin thông suốt. Pháo địch bắn loạt xa, loạt gần. Giờ G sắp tới. Đây là những giây phút căng thẳng nhất đối với anh em thông tin. Chẳng may một quả pháo địch bắn vu vơ làm đứt dây điện thoại là khốn to...

        Đúng 5 giờ sáng. Hai phát pháo hiệu màu đỏ vọt lên. Lệnh nổ súng. Tiếng mìn, tiếng bộc phá phá rào nổ inh tai. Các loại pháo vác vai của ta thi nhau bắn vào đồn địch. Chỉ huy sở nhộn nhịp hẳn lên. Các loại máy thông tin liên tiếp nhận điện rồi truyền lệnh của chỉ huy:

        - Đã mở xong hàng rào.

        - Đã chiếm được lô cốt đầu cầu.

        - Yêu cầu pháo ngừng bắn.

        - Cho bộ đội xung phong! v.v...

        5 giờ 30 phút, đồn Đá Heo bị san bằng. Một đại đội bảo an bị tiêu diệt. Đồn Hải Thuyền bị hỏa tiễn B72 của ta khống chế...Hướng ấp Thạch Bi, tiểu đoàn Biệt Động 39 chống trả quyết liệt. Ta và địch giành nhau từng góc nhà, ngõ xóm. Một khẩu đại liên địch ở chuồng cu xả ra từng loạt ngắn. Đại đội 3 không tài nào vượt qua được cầu cảng. Đã có 4 chiến sĩ ngã gục trên cầu. Đối diện với chuồng cu là một căn nhà lầu. Mấy chiến sĩ đang loay hoay tìm cách trèo lên. Vừa lúc ấy, Minh kiếm đâu được một cái thang vác tới. Xạ thủ B41 thoăn thoắt trèo lên.

        - Ùng ! Oàng ! Một vầng lửa màu da cam ôm trùm lấy chuồng cu. Khẩu đại liên địch câm họng. Bộ binh tràn lên chiếm cảng.

        Ở phía nam ấp Thạch Bi, bọn Biệt động quân co cụm trong trường học ngoan cố chống cự. Tên thiếu tá , tiểu đoàn trưởng hò hét lính cố thủ chờ viện binh. Bên ta, quân số hao hụt nhiều cũng không đủ sức tiến công.

        Khoảng 15 giờ, tại Sở Chỉ huy Tiểu đoàn, một cuộc hội nghị liên tịch giữa bộ đội với cán bộ địa phương diễn ra sôi nổi. Vấn đề đặt ra là phải dứt điểm được bọn địch còn lại trước thời điểm Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, trong khi sức tiến công của ta đã suy giảm. Chính trị viên tiểu đoàn Lê Đỏ đề nghị địa phương huy động lực lương đấu tranh chính trị phối hợp. Tôi thấy má Hồng phát biểu ngay, đại ý: Viêc tổ chức đấu tranh chính trị để chúng tôi lo liệu. Nhưng bộ đội chủ lực phải chuẩn bị sẵn một bộ phận, không cần nhiều song phải được trang bị hỏa lực kha khá để có thể bắn đe dọa được bọn ngoan cố. Mọi người vỗ tay tán thành.

        Hình như đã được chuẩn bị từ trước nên khoảng một tiếng đồng hồ sau, má Hồng đã dẫn đầu đoàn người dọc theo Quốc lộ I tiến vào khu trường tiểu học. Má Hồng đứng trên một mô đất cao nói dõng dạc:

        - Hỡi anh em binh sỹ! Hiệp định Pari sẽ được ký kết, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là hòa bình. Anh em sẽ được về với vợ con. Hãy vứt súng quay về với Cách mạng.

        Bọn địch ở trong trường nhốn nháo. Má nói tiếp: “Thưa quý anh em, Quân Giải phóng họ đông lắm, đã vây chặt cả rồi. Họ chưa muốn tấn công vì không muốn tính mạng của anh em bị chết oan uổng. Hãy bắn vào bọn sỹ quan ngoan cố, về với bà con”. Ngay sau đó, một số binh lính vứt súng chạy ào ra. Má vẫn tiếp tục kêu gọi. Tên chỉ huy gào lên:

        - Đ. Mạ! Bắn bỏ hết trọi.

        Một loạt trung liên nổ. Má Hồng gục xuống, vết thương vào mông, máu ra nhiều, thấm đỏ cả chiếc quần dài của má. Tôi luống cuống, mặc dù có băng cá nhân trong tay nhưng do mắc cỡ nên chần chừ. Má mở mắt giục tôi:

        - Băng cho má đi con, mắc cỡ chi lúc này...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:47:24 am »


        Đợt đấu tranh chính trị kết thúc. Kết quả 20 tên địch ra hàng. Trời tối dần, những tia nắng vàng hắt lên, báo hiệu một ngày sắp qua. Bọn địch còn lại tăng cường đào công sự cố thủ. Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 4 phải tiêu diệt hết bọn địch trước 24 giờ đêm nay.

        Chính trị viên Tiểu đoàn Lê Đỏ tập trung số anh em còn lại kêu gọi, đại ý: “Các đồng chí thân mến! Bọn địch còn ngoan cố nhưng chỉ là bọn chỉ huy. Chúng ta phải quyết chiến đấu để giành thắng lợi trong trận quyết định này”.

        Khoảng 8 giờ tối, Tiểu đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Khi tổ đầu tiên chạm địch nổ súng, cũng là lúc Tiểu đoàn trưởng Phức ra lệnh xung phong. Tiếng B40, B41, tiếng lựu đạn, AK vang lên.

        Bám sát bộ binh, Minh vọt lên từng đoạn, sợi dây vòng vèo như đánh dấu đường đi của anh. Hôm nay Minh vừa đánh địch vừa nối dây. 17 lần mạch máu thông tin bị đứt, rồi thông suốt nhờ bàn tay của anh.

        19 giờ 30 phút, trận đánh kết thúc. Tên thiếu tá chỉ huy phải đền tội. Xác hắn nằm đè sấp lên khẩu trung liên. Xung quanh hắn, xác địch nằm là liệt, máu lênh láng đen kịt, tôi khẽ rùng mình.

        Minh và tôi sục sạo khắp nơi thu được 5 máy vô tuyến PRC25 và 30 bình pin, một số cái còn mới nguyên, nét sơn trắng ghi dòng chữ B.C.H.B.Đ.Q.39 (Bộ chỉ huy biệt động quân 39).

        Trăng đã lên cao. Biển reo vui hiền hòa, chứng kiến một ngày đại thắng của Tiểu đoàn 4.

        Tiểu đoàn Biệt động quân 39, Đại đội Công Binh Sư đoàn 52, một Đại đội Bảo An và 5 Trung đội Dân Vệ bị tiêu diệt gọn. Ta bắt sống hơn 100 tên, có 2 tên trung úy.

        Ấp Thạch Bi, cảng Sa Huỳnh được giải phóng. Hàng loạt cờ ba que của địch bị hạ xuống, xé nát. Một rừng cờ Cách Mạng mọc lên. Nhân dân hát vang những bài ca Giải Phóng.

        Hiệp định Pari không được bọn địch thi hành nghiêm chỉnh. Chúng phá hoại toàn tuyến, trong đó có cảng biển Sa Huỳnh. Đại đội 1 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 141 được lệnh lên phía đông Cao điểm 415 chặn địch, không cho chúng từ hướng Tây đánh xuống. Trong đoàn quân ấy có Minh, người Tiểu đội trưởng Thông Tin vừa được để bạt Trung đội trưởng Bộ Binh. Trời tối đen như mực, lúc lúc lại lòe lên một ánh chớp và một tiếng nổ đinh tai do pháo từ tàu biển bắn vào. Bộ đội vẫn lặng lẽ hành quân, đến 24 giờ thì tới vị trí chiếm lĩnh triển khai đào công sự.

        7 giờ sáng ngày 20-3-1973, địch mò vào trận địa.

        - 100! 100! Đã nổ súng tấn công.

        - Phượng Hoàng. Địch đã trộm vào khe cạn.

        - Cho bắn pháo hiệu đánh dấu khu vực. Gà sẽ gáy ngay.

        - Đẹp quá. Đạn rất chụm. Gáy tiếp đi.

        - Địch đã bỏ chạy.

        - Truy kích.

        ...

        Bỗng tín hiệu vô tuyến im bặt. Tôi sững sờ. Linh tính báo cho tôi một tin chẳng lành. Tôi gào to trên máy:

        - Sông Cầu! Sông Cầu đâu?

        Trong tiếng gào của máy, len lỏi một tín hiệu quen thuộc nhưng không phải của Mạnh mà là của Minh.

        Sông Cầu 13.

        Tôi không bình tĩnh được nữa, gọi to.

        - Nhắc lại.

        - Sông... Cầu...13...!

        Tôi buông tổ hợp máy. Đau xót trước cái tin Minh vừa báo: Mạnh, người chiến sỹ vô tuyến điện ưu tú đã hy sinh.

        Minh đảm nhiệm luôn chiếc máy vừa chỉ huy đánh địch, vừa liên lạc về Sở Chỉ huy. Nhưng tiếng nói của Minh nghe hổn hển, cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn. Lệnh trên thu quân...

        Các chiến sỹ tìm mãi vẫn không thấy Minh. Các tổ lùng sục suốt 3 ngày 3 đêm mà vẫn không thấy Minh và tổ của anh. Qua theo dõi đài địch thì chưa có dấu hiệu chứng tỏ tổ của Minh sa vào tay giặc.

        Về phía Minh, như con chim được sổ lồng, anh mải mê đánh địch, quá ham say truy kích, bỏ lại đội hình của mình phía sau. Thế là tổ của anh lọt vào phục kích của địch. Cả ba đều bị thương. Họ dìu nhau vào một bụi rậm bên bở suối. Bốn phía là địch.

        Ngày thứ 5, những hạt gạo rang cuối cùng đã hết, Minh nói với đồng đội: Anh em ta thương nhau như ruột thịt nhưng cứ dùng dằng với nhau thế này thì chết hết. Các đồng chí cố gắng bò về đơn vị và mang theo chiếc máy này. Tôi tin tưởng đơn vị đang mong chờ và tìm kiếm chúng ta... Ba anh em ôm nhau cảm động, không ai nỡ xa Minh. Cuối cùng Minh ra lệnh: Thắng về! Kiên tạm thời ở lại với Minh. Màn đêm buông xuống. Thắng chậm chạp bò đi, khoảng 3 giờ sáng, khi vượt qua bãi lầy, Thắng lại rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắn loạn xạ. Thắng tung quả lựu đạn và hô: “Xung phong!”

        Nghe tiếng nổ, Kiên và Minh lo lắng cho Thắng nhưng lực bất tòng tâm. Họ nhìn nhau đau xót.

        Đội tìm kiếm của ta nghe tiếng súng liền lao tới. Anh em thấy Thắng nằm đè lên chiếc vô tuyến điện. Mọi người phán đoán, Minh sẽ ở gần đâu đây nhưng trời đã sáng nên đành mang thi thể Thắng về.

        Ngày thứ 6. Trước thái độ kiên quyết của Minh, đêm nay Kiên lại bò đi. Gần sáng, tổ lùng sục của ta tìm thấy Kiên đã kiệt sức nằm gần một tảng đá lớn. Kiên được khênh gấp về cấp cứu.

        Một cuộc họp khẩn cấp, bàn cách mang Minh ra. Ai cũng muốn dùng toàn lực lượng của đội nhưng Tiểu đoàn trưởng Phức nói: “Chúng ta còn phải đánh lâu dài. Quân sự không thể dốc túi. Mục đích chính của ta là bảo vệ cảng Sa Huỳnh. Đêm nay ta dùng một tổ đánh nghi binh thu hút địch. Một tổ bí mật luồn vào, mang Minh ra”. Tôi xin đi trực tiếp với tổ này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:47:56 am »

   
        Khi tôi bò vào chỗ Minh nằm, anh không còn nói được nữa. Đôi mắt mở to, hai hàng nước mắt chảy xuống. Tiêm thuốc trợ lực xong, chúng tôi lặng lẽ cáng Minh đi. Về tới đơn vị, ai nhìn Minh cũng phải khóc. Trước kia Minh khỏe mạnh, vạm vỡ, nay chỉ còn da bọc xương, hốc mắt sâu hoắm. Đôi môi khô cứng, nứt nẻ. Minh bị gãy chân trái cùng 12 vết thương khác. Bảy ngày không ăn, nằm đất. Thế mà anh vẫn sống về với chúng ta. Thật là một sức mạnh kỳ diệu. Đồng chí y sĩ rửa vết thương cho Minh. Vết thương đã thối, ròi bọ lúc nhúc. Chúng tôi bón từng muỗng sữa nhỏ cho anh rồi cáng anh đi Bệnh xá Sư đoàn.

        Hôm sau anh em trở về báo cáo: Minh đã hy sinh. Họ đã khênh anh ra nhà xác...

        Những ngày sau đó địch tập trung một lực lượng rất lớn gồm 4 Sư đoàn bộ binh có hàng trăm khẩu pháo chi viện để tái chiếm cảng Sa Huỳnh và giải tỏa Quốc lộ 1 từ Đức Phổ đến đèo Bình Đê. Cả vùng đất cực nam Quảng Ngãi suốt ngày ầm ầm tiếng bom tiếng pháo. Mặt đất rung lên như động đất.

        Hướng bắc Sa Huỳnh một Tiểu đoàn Xe Tăng địch đã chọc thủng phòng tuyến Đá Ngựa của ta. Lực lượng của trung đoàn quá mỏng, đạn dược thiếu, lương thực đã cạn nên trận địa bị mất (sau này kiểm điểm thì thấy lúc bấy giờ do nhận thức lệch lạc, ảo tưởng hòa bình, trông chờ Hiệp định nên sự chuẩn bị thiếu tích cực).

        Được lệnh rút gấp. Anh em thông tin thu hồi khí tài, tôi đang tháo tổng đài thì một quả bom nổ gần đó. Máu mồm, máu mũi trào ra. Cửa hầm bị sập. Khi nghe tiếng xe tăng địch gầm rú, tôi mới bừng tỉnh. Không kịp nữa rồi. Đành phải ở lại sẵn sàng chờ địch tới và sẽ liều chết với chúng nếu chúng phát hiện ra. Đang chờ đợi như vậy thì nghe tiếng Má Hồng căm giận nói với bọn lính đi càn: “Quốc gia không thương dân. Việt Cộng đánh vô thì lính Quốc gia bỏ chạy. Quốc gia dùng bom pháo bắn cháy nhà dân, bây giờ chỉ còn căn hầm để ẩn nấp, các ông lại định dùng xe tăng chà lên phá hầm. Muốn chà thì chà tôi luôn”, rồi nghe chân má chạy lên nắp hầm. Tôi hình dung hình ảnh má lúc đó hai tay chống ngang hông, mắt nhìn về phía trước như hôm nào má kêu gọi bọn chúng đầu hàng. Bọn lính trên xe tăng chửi đổng rồi cho xe chạy sang hướng khác. Nằm trong hầm, nghe rõ từng câu của má Hồng, tôi càng hiểu sâu sắc giá trị của hình thức đấu tranh chính trị, sức mạnh của đội quân tóc dài.

        Mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng nghe tiếng động ngoài cửa, tôi bật dậy, tay vơ khẩu súng AK chĩa nòng ra phía cửa hầm. Tiếng Má Hồng gọi khẽ:

        - Kim ơi! Con còn sống không?

        - Má ơi, con đây, anh em đâu cả rồi? Bọn địch ở đâu?

        - Trời tối, không nhìn rõ mặt má, chỉ thấy những giọt nước mắt của má nhỏ vào vai tôi âm ấm.

        - Anh em rút hết rồi. Bộ binh địch ở ngoài vườn dừa. - Má nói giọng buồn buồn: “Tội nghiệp cho thằng Tám. Nó đang thu dây thì bị xe tăng bắn. Bây giờ chúng nó mang xác xuống Sa Huỳnh chụp hình rồi. Để sớm mai, má cùng bà con xuống đấu tranh đem xác nó đem về chôn cất. Con cứ nằm ở đây, lát nữa má quay lại đưa con xuống hầm bí mật.”

*

*       *

        Minh rít một hơi thuốc dài. Anh hỏi tôi:

        - Lâu nay anh có về Sa Huỳnh không? Có gặp Má Hồng không?

        - Có. Sau giải phóng anh có về thăm. Má vẫn khỏe. Ai cũng tưởng cậu đã chết. Cậu tệ quá, không viết thư thăm má, thăm đơn vị.

        - Minh mân mê điếu thuốc, đầu cúi xuống như xin lỗi. Anh nhẹ nhàng nói:

        - Mai về đến nhà em sẽ viết thư ngay. Bây giờ anh kể nốt câu chuyện của anh cho em nghe đi.

        - Đêm ấy, má đưa anh xuống hầm bí mật. Mười ngày sau, địch cụm lại, má cho giao liên hướng dẫn anh và một số đồng chí khác vượt phòng tuyến địch trở về vùng giải phóng... Còn cậu? Cậu phải trả lời anh. Ai cho cậu mượn xẻng để đào đất chui lên!

        Minh cười: “đúng là người ta đã khiêng em ra nhà xác, nhưng em chưa muốn chết. Đời còn trẻ quá mà. Sáng hôm sau, trước khi đưa em đi mai táng, thấy em lại thoi thóp thở thế là mọi người vội đưa vào nhà cấp cứu”...

        Đoàn tàu vẫn hun hút lao đi trong đêm. Trên tầng toa chỉ còn một vài bóng điện lờ mờ. Hầu hết các hành khách đã ngủ. Bà mẹ vẫn nằm trên chiếc ghế đối diện. Minh xoay người ngoảnh mặt về phía tôi và nhìn mẹ nói.

        - Anh Kim à. Theo tiếng gọi của Đảng, năm ngoái em đưa gia đình vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới. Năm nay kinh tế tạm ổn, em ra đón nốt mẹ vào ở với vợ chồng em.

        Tôi ngắm nhìn bà mẹ. Bà mẹ Việt Nam anh hùng phúc hậu. Mẹ đã sản sinh ra những người con anh hùng dũng cảm. Tôi lại ngắm nhìn Minh, một con người bình dị nhưng thật thông minh dũng cảm và có một sức sống mãnh liệt phi thường. Anh là một con người kỳ diệu. Thần chết cũng phải kính nể anh.

Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa, ngày 1-1-2005        
N.V.Đ                                      
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:56:04 am »


        Đại tá Nguyễn Chí Vị,
        Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16, pháo Cao xạ 12,7 ly, Sư đoàn 3 – Sao Vàng.

TIỂU ĐOÀN 20 – SÚNG MÁY CAO XẠ 12,7 LY

        Hơn một vạn, sáu ngàn ngày trôi qua, từ một cán bộ trung đội đến cán bộ Sư đoàn rồi cán bộ cơ quan Quân khu; hoạt động từ chiến trường Khu 5 đến Quân khu 1 rồi Quân khu 4, nhưng trong tôi, không bao giờ quên được những kỷ niệm đầy máu lửa trong 9 năm sống và chiến đấu ở Tiểu đoàn 20 súng máy cao xạ (tức Tiểu đoàn 16, súng 12,7 ly, Sư đoàn 3 – Sao Vàng).

        Năm 1965, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đánh mạnh, thắng lớn trên cả 3 vùng chiến lược: miền núi, đồng bằng và đô thị. Lực lượng vũ trang phát triển, có khả năng đánh tập trung, đánh lớn. Để đáp ứng nhu cầu đó, theo chỉ thị của trên, ngày 8 tháng 4 năm 1965, Tiểu đoàn 20 Súng máy Cao Xạ được thành lập tại Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Thái Phụ làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lý Trần Dậu làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Biên chế của tiểu đoàn có 3 đại đội, 18 khẩu 12,7 ly và một số trung đội trực thuộc, có nhiệm vụ hành quân cấp tốc vào chiến trường Khu 5 tham gia chiến đấu.

        Sau hơn 3 tháng hành quân bộ với tinh thần “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tiểu đoàn đã có mặt ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tại đây, ngày 2 tháng 9 năm 1965, theo quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 3 – Sao Vàng được thành lập. Tiểu đoàn 20 của chúng tôi được bổ sung thêm 1 đại đội, thành 4 đại đội với 24 khẩu, trực thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Tôi nhớ, nhiệm vụ cơ bản của tiểu đoàn lúc đó được xác định như sau:

        -   Là đơn vị hỏa lực đi cùng bộ binh, hợp đồng chi viện cho bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng thủ.

        -   Độc lập tác chiến bắn máy bay địch trên không, khi cần, hạ nòng bắn thẳng, tiêu diệt sinh, hỏa lực địch ở mặt đất, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ căn cứ Sư đoàn...

        Mười năm chiến đấu trong đội hình Sư đoàn trên chiến trường miền Trung khốc liệt, tiểu đoàn đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Mất mát, hy sinh không kể hết nhưng cuối cùng là thắng lợi vẻ vang. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn, tôi xin kể một số trận ghi dấu ấn sâu sắc trong đời binh nghiệp của mình.

TRẬN ĐẦU ĐÁNH MỸ ĐỔ BỘ ĐƯỜNG KHÔNG

        Mùa khô năm 1966, Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ mở cuộc hành quân càn quét ở Bắc Bình Định. Mục tiêu chủ yếu là “Tìm diệt” Sư đoàn 3 – Sao Vàng mà chúng coi là “Quân chủ lực Bắc Việt”.

        Sau khi bị thiệt hại nặng nề ở Hoài Nhơn, An Lão, bọn Mỹ dồn lực lượng đánh vào phía Tây Nam huyện Hoài Ân, vùng hậu cứ của Sư đoàn 3. Nắm được âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn sử dụng 2 Trung đoàn Bộ Binh (2 và 12) đón đánh địch từ xã Ân Tường đến xã Ân Hữu. Đồng thời dùng toàn bộ tiểu đoàn cao xạ 12,7 ly bố trí tại thung lũng Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, sẵn sàng đánh quân Mỹ đổ bộ đường không. Quyết tâm của Sư đoàn và của đơn vị là tổ chức trận đánh tập trung, đánh lớn để hạ uy thế Sư đoàn Không vận Mỹ.

        Theo kế hoạch tác chiến, đội hình của tiểu đoàn được bố trí như sau:

        -   Đại đội 1 ở thôn Hội Văn.

        -   Đại đội 2 ở xóm Đèo, xóm Trại.

        -   Đại đội 3 ở Bình Sơn, Kim Sơn, Nghĩa Điền.

        -   Đại đội 4 ở Nhơn Tịnh, Nhơn Sơn.

        Trong Mệnh lệnh chiến đấu, Sư đoàn nêu rõ: Độc lập tác chiến. Đánh quân đổ bộ đường không. Diệt cả máy bay và bộ binh địch. Để thực hiện được yêu cầu đó, các trận địa phải để cho địch đổ quân xuống đất 20 chiếc trực thăng mới nổ súng!

        Hôm đó, trời vừa sáng rõ, địch dùng máy bay phản lực, trực thăng vũ trang, trực thăng trinh sát (rọ heo), các loại pháo tầm xa, tầm gần bắn phá ác liệt vào khu chiến, trong đó có các trận địa pháo cao xạ của ta. Lần đầu tiên hứng chịu những trận có thể nói là “mưa bom, bão đạn” suốt hàng tiếng đồng hồ như vậy, nhiều cán bộ, chiến sĩ tỏ ra lo lắng, bồn chồn, căng thẳng. Nhưng sau trận bom pháo dữ dội ấy, số thương vong không đáng kể, các trận địa pháo vẫn nguyên vẹn, cán bộ tiểu đoàn, đại đội kịp thời tới các khẩu đội động viên, anh em ổn định ngay tinh thần và sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 08:56:29 am »


        Khoảng 9 giờ ngày 14 tháng 2 năm 1966, sau khi vừa dứt bom, pháo, từng đàn máy bay trực thăng ào ạt đổ quân xuống thôn Nhơn Tịnh, cách trận địa đại đội 4 khoảng 200 mét. Trên bầu trời thung lũng Kim Sơn đen đặc máy bay trực thăng. Có nơi chúng đổ một lúc 60 chiếc. Bọn bộ binh Mỹ, tay áo xắn tới khuỷu, mặt đỏ lừ, đầu đội mũ sắt sùm sụp nối nhau nhảy khỏi máy bay, nhanh chóng tỏa ra xung quanh. Mọi người nín thở chờ mệnh lệnh của tiểu đoàn. Không ai dám nổ súng trước khi có lệnh, mặc dù bọn bộ binh Mỹ đã tới rất gần. Chúng như đàn “gà mờ”, cứ khư khư ôm súng xông tới như không có ai trước mặt. Có nơi chỉ cách bờ thành trận địa pháo khoảng 5 mét. Lúc đó, tiểu đoàn mới ra lệnh nổ súng. Hỏa lực ta vừa bắn máy bay trên không vừa hạ nòng bắn quét bọn bộ binh. Có khẩu đội phải bạt bớt bờ đất đắp quanh pháo mới bắn được, vì lính Mỹ đã vào quá gần. Uy lực của đạn 12,7 ly làm cho bọn bộ binh khiếp đảm. Hàng loạt tên Mỹ đổ gục ngay bờ công sự. Chúng bỏ xác đồng bọn lùi ra gọi máy bay tới chi viện. Đến lúc này, cuộc đọ sức của súng phòng không tiểu đoàn với không quân Mỹ mới thực sự bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực thay nhau tới ném bom. Từng đàn trực thăng vũ trang thi nhau phóng rốc-két. Trong khói lửa của bom, đạn; trong bụi đất mù mịt, các pháo thủ được khích lệ của đợt đầu diệt bọn bộ binh đã ngửng cao nòng pháo bắn trả quyết liệt máy bay địch. Nhờ thế bố trí trận địa liên hoàn nên các đại đội có thể chia lửa cho nhau. Bầu trời thung lũng Kim Sơn như sôi lên trong muôn ngàn tiếng nổ hỗn loạn. Một số máy bay Mỹ đã bị bắn rơi tại chỗ, nhiều chiếc bị thương kéo theo khói lửa trườn qua dãy núi Dốc Đót, Hòn Chè để về sân bay Gò Quánh, Núi Một. Địch liên tiếp thay từng tốp máy bay, ta càng ngay càng hết đạn. Bộ đội vẫn kiên cường bám trụ trận địa nhưng lần lượt bị thương vong. Ác liệt nhất là trận địa Đại đội 4, bố trí giữa cánh đồng Nhơn Tịnh. Địa hình trống trải, địch tha hồ ném bom, phóng rốc-két. Đại đội đã bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay nhưng cán bộ, chiến sĩ thương vong gần hết, súng hỏng, đạn cạn kiệt không tiếp viện được. Khi có lệnh lui quân, bộ đội phải vượt qua sông Kim Sơn trống trải. Hàng chục người nữa tiếp tục thương vong, 2 đồng chí bị địch bắt, toàn bộ súng pháo bị hỏng và bị địch chiếm...Đại đội 2 ở xóm Đèo, xóm Trại lại rơi vào tình huống khác. Do chấp hành máy móc mệnh lệnh “ chờ cho địch đổ xuống 20 chiếc trực thăng mới được nổ súng...” nên đã bỏ lỡ thời cơ khi bọn địch đổ quân ngay trên trận địa, anh em vẫn không nổ súng. Chờ khi có lệnh thì địch đã phát hiện được trận địa và nổ súng trước rồi nhanh chóng rút bộ binh ra cho bom pháo dội vào. Bộ đội thương vong gần hết và pháo cũng bị phá hỏng...

        Sau hơn hai tiếng đồng hồ chiến đấu, tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ 8 máy bay (có 1 máy ném bom, 1 máy bay cần cẩu), bắn bị thương nhiều chiếc khác, tiêu diệt hàng trăm tên lính bộ binh Mỹ.

        Tiểu đoàn bị thương vong gần nửa quân số, 11 khẩu pháo bị phá hủy, phá hỏng và bị địch chiếm. 2 đồng chí bị địch bắt, một số tử sĩ không đem về được...

        Trước tình hình đó, Sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn lui quân về vị trí mới để củng cố.

        Lần đầu đụng độ với không quân và bộ binh Mỹ, dù đã xác định được quyết tâm nhưng đối với chúng tôi, bài học lớn nhất, sâu sắc nhất là việc sử dụng chiến thuật và phương thức tác chiến chưa hợp lý. Mang tư tưởng đánh lớn, đánh tập trung nên đã dùng chiến thuật “ Trận địa chiến”. Đó là hình thức chiến thuật mà đội quân chính quy Mỹ mong đợi để phát huy thế mạnh về vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng. Về phía ta, do bị tổn thất người và vũ khí, Tiểu đoàn trưởng Thái Phụ bị cách chức, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy thương cho đồng chí đó. Bởi vì, thời kỳ ấy, một Tiểu đoàn Súng Cao xạ 12,7 ly đương đầu với cả một Sư đoàn bộ binh và một trung đoàn không quân Mỹ lại dùng chiến thuật “trận địa chiến” thì sự tổn thất là tất yếu. Đồng chí Phụ là một cán bộ thông minh, dũng cảm. Anh chấp hành kỷ luật hạ xuống 1 cấp, qua làm Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ Binh 12. Sau một vài trận chỉ huy, anh lại được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng.

        Bài học thứ hai rút ra là việc bố trí trận địa tác chiến. Hầu hết các trận địa đều đặt giữa đồng trống. Hướng xạ kích của ta lớn, có thể đánh địch từ 4 phía, nhưng địch cũng rộng hướng công kích. Chúng có thể thay nhau đánh phá, còn ta, khi hết đạn, cần chi viện hoặc rút lui đều khó khăn do địạ hình trống trải, địch dùng trực thăng chặn đánh. Bộ đội thương vong nhiều là những lúc đó.

        Từ những bài học đau đớn này mà các chiến dịch tiếp theo, tiểu đoàn đã phân tán từng đại đội, đánh phục kích, đón lỏng với phương thức tác chiến “Đánh nhanh, rút nhanh”, đạt hiệu quả chiến đấu cao mà trận Gò Đình là một minh chứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 09:00:35 am »


GÒ ĐÌNH - TRẬN PHỤC KÍCH ĐƯỜNG KHÔNG TÁO BẠO

        Gò Đình là khu đồi nằm giữa thung lũng xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Đây là vùng đất Cách Mạng, bọn ngụy liệt vào vùng tự do đánh phá. Mùa khô năm 1966, địch càn quét, dồn hầu hết dân xuống vùng chúng kiểm soát. Một số bà con ở lại phải trốn lên núi. Xung quanh Gò Đình có nhiều ngọn núi cao, là hậu cứ vững chắc của cơ quan tỉnh Bình Định và của Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Mỗi lần mở chiến dịch càn quét vào hậu cứ ta, các loại máy bay địch đều phải bay qua Gò Đình, đó là một quy luật.

        Đầu tháng Tư năm 1967, Tỉnh Ủy tỉnh Bình Định và Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho biết, Sư đoàn Không vận Mỹ chuẩn bị càn quét khu vực các điểm cao 500, đồi tranh Cát Sơn, Dốc Đót...ra lệnh cho Tiểu đoàn Pháo Cao xạ 12,7 ly cơ động phục kích tại Gò Đình để đánh phủ đầu quân Mỹ.

        Tiểu đoàn sử dụng Đại đội 1 do tôi chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trên. Để bảo đảm chắc thắng, tôi tranh thủ dẫn 6 đồng chí khẩu đội trưởng đi nghiên cứu chiến trường (thời đó, mỗi đại đội biên chế 6 khẩu 12,7 ly). Chúng tôi thống nhất lấy Gò Đình làm trận địa phục kích. Ba trung đội bố trí 3 hướng thành hình chân kiềng. Mỗi trung đội 2 khẩu, mỗi khẩu cách nhau khoảng 40 mét, tạo thành hình lục giác. Vị trí chỉ huy của đại đội đặt chính giữa. Đường rút lui được xác định có cây cối che khuất tới tận cửa rừng.

        Mặc dù sử dụng 1 đại đội nhưng vẫn do tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy (qua điện thoại và vô tuyến điện). Chúng tôi ra quân hào hứng. Bộ đội đào hầm xây dựng trận địa suốt đêm. Tất cả đều được ngụy trang kín đáo. Tôi đi kiểm tra thấy anh em đang tranh thủ ăn cơm sáng (anh nuôi nấu cơm nắm cả ngày cho bộ đội, mỗi bữa 1 nắm).

        Hôm đó, khoảng 8 giờ sáng, máy bay và pháo binh địch bắt đầu oanh tạc vào các điểm cao 800, 500 và khu vực rừng già Cát Sơn, suối Đáp Ma...

        Từ Sở Chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Tiểu đoàn trưởng, nhắc lại mệnh lệnh chỉ đánh máy bay địch ở cữ ly một nghìn mét trở xuống. Đồng chí Hồ Nhơn, Chính trị viên Tiểu đoàn thì nhắc nhở phải kiên định tư tưởng chỉ đạo tác chiến: Đánh trúng, đánh nhanh, rút nhanh, thực hiện triệt để chính sách thương binh, tử sĩ.

        Sau 30 phút ném bom, bắn pháo dọn bãi, 3 tốp trực thăng 15 chiếc phành phạch trườn qua Đèo Ngụy, Đèo Bồng đáp vào khu vực Gò Đình, cách trận địa chúng tôi khoảng 800 mét. Lệnh nổ súng do tôi phát ra đúng vào lúc máy bay địch vừa tiếp đất. Bắn lúc đó, xác suất đường đạn chính xác cao, lại vừa diệt được bộ binh và máy bay địch. Loạt đạn đầu tiên, một trực thăng địch nổ tung. Bọn còn lại nhanh chóng đổ quân rồi vụt lên, bay qua trận địa pháo cao xạ. Tôi ra lệnh bắn tiếp. Bắn ngay khi máy bay bay tới đỉnh đầu, bởi vị trí đó, bọn phi công không phát hiện được mục tiêu hỏa lực ta. Lại 1 máy bay nữa trúng đạn, đâm đầu vào núi. Máy bay trinh sát địch được gọi đến quần đảo tìm trận địa ta nhưng không phát hiện được. Bọn chỉ huy Mỹ ra lệnh tiếp tục đổ quân. Hàng chục chiếc trực thăng bay tới. Lần này tôi sử dụng cả 6 khẩu cùng bắn. Thêm 2 trực thăng chở đầy quân bị bắn cháy. Bấy giờ bọn địch mới phát hiện ra trận địa ta, gọi máy bay phản lực và trực thăng vũ trang tới đánh phá. Nhờ bố trí thế trận hình lục giác, địch tấn công hướng nào cũng bị ta bắn trả. Thêm 1 máy bay nữa bốc cháy.

        Sau một tiếng đồng hồ chiến đấu, Đại đội tôi đã bắn rơi 5 máy bay lên thẳng, diệt nhiều lính bộ binh Mỹ. Nếu một máy bay chúng chở một tiểu đội, 15 tên (biên chế của Sư đoàn không vận Mỹ là 15 ngàn tên, 500 máy bay lên thẳng, mỗi tiểu đội có 15 tên) thì chúng đã thiệt hại 5 tiểu đội, 75 tên.

        Theo tư tưởng chỉ đạo: đánh trúng, bất ngờ, đánh nhanh, rút nhanh, tôi ra lệnh cho đơn vị lui quân. Đại đội chỉ một đồng chí bị thương nhẹ.Trận đánh nhỏ nhưng hiệu suất chiến đấu cao. Đặc biệt mở ra một phương thức tác chiến linh hoạt cho Bộ đội Cao xạ Sư đoàn. Từ trận đánh này và tiếp theo một số trận khác thắng lợi, Đại đội 1 được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Năm 1970, Sư đoàn 3 giải thể, Đại đội được điều động biên chế cho Trung đoàn Bộ Binh 2. Tại đây, đơn vị tiếp tục phát huy tốt truyền thống của mình và lại được Đảng, Nhà nước tuyên dương lần thứ hai, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2017, 09:06:28 am »


PHÒNG NGỰ TRẬN ĐỊA , - ĐỐI MẶT TÁC CHIẾN VỚI KẺ THÙ.

        Cuối năm 1972, chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, địch ra sức dồn lực lượng chiếm lại các vùng đã mất trong chiến dịch Xuân – Hè 1972. Trọng điểm đánh chiếm của chúng là quận lỵ Hoài Ân, một đầu cầu chiến lược ăn sâu vào vùng giải phóng của ta.

        Về phía ta, nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian này là phải giữ cho được quận lỵ Hoài Ân – mảnh đất Thánh của phong trào Cách mạng tỉnh Bình Định, là một đầu cầu chiến lược của Quân khu 5. Đối với chúng tôi, nó còn thiêng liêng hơn bởi đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ thương vong trong chiến dịch Xuân – Hè 1972 để giải phóng hoàn toàn quận lỵ này.

        Lực lượng địch có Sư đoàn 22 Ngụy, Liên đoàn Biệt Động 4, Biệt Động 6, Thiết đoàn Xe Tăng 14, một trung đoàn không quân ở sân bay Phù Cát và hàng chục trận địa pháo mặt đất, pháo tàu biển sẵn sàng chi viện.

        Về phía ta, bảo vệ Hoài Ân có Trung đoàn Bộ Binh 21, Trung đoàn Bộ Binh 2. Các đơn vị binh chủng hợp thành có Tiểu đoàn 17 Pháo Mặt đất và Tiểu đoàn 16 Súng máy 12,7 ly.

        Trong quân sự, để giải phóng đất đai, ta thường dùng các hình thức chiến thuật tiến công như tập kích, phục kích... Để bảo vệ đất, bảo vệ vùng giải phóng, ta phải dùng chiến thuật phòng ngự. Nhưng, lúc đó ta chưa được học nhiều về chiến thuật này, chỉ mới có chiến thuật “Chốt kết hợp vận động bao vây tiến công liên tục”: Dùng một bộ phận nhỏ đóng chốt ở những vị trí quan trọng nhử địch vào, sau đó dùng lực lượng bộ binh vận động từ xa tới bao vây tiến công liên tục cho đến khi diệt hết quân địch.

        Tiểu đoàn 16 Súng máy Cao Xạ được Sư đoàn giao nhiệm vụ bố trí trận địa chốt vững chắc trên các điểm cao xung quanh quận lỵ Hoài Ân, như: núi Một, núi Chéo, Du Tự, Điểm cao 500, Điểm cao 174 v.v... bắn hạ tất cả các loại máy bay địch ném bom hoặc đổ bộ đường không. Khi cần, hạ nòng đánh bọn bộ binh địch lên chiếm chốt. Khác với cách đánh trước đây là đánh nhanh, di chuyển trận địa nhanh, bây giờ trận địa không được di chuyển, mà phải trụ lại đương đầu với không quân địch với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời”, dù phải đánh tới người cuối cùng.

        Thời gian này tôi là Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Môn là Chính trị viên Tiểu đoàn. Anh em chúng tôi phân nhau đảm nhiệm hai phần việc cơ bản: tôi lo nghiên cứu xây dựng trận địa bảo đảm vững chắc, hạn chế tổn thất người và pháo. Đồng chí Môn nghiên cứu giáo dục, xây dựng quyết tâm, ý chí chiến đấu cho bộ đội.

        Vẫn biết, không quân Ngụy lúc này không như không quân Mỹ mùa khô năm 1966, nhưng với súng 12,7 ly đối chọi với một Trung đoàn máy bay phản lực, trực thăng vũ trang của chúng là một thử thách không dễ dàng. Rút kinh nghiệm những năm trước, chúng tôi xây dựng trận địa cho các khẩu đội, phải để trụ đất chính giữa công sự pháo. Các pháo thủ có thể xoay quanh trụ đất để bắn. Trụ đất vừa thay chân súng, vừa làm vật che đỡ cho pháo thủ. Xung quanh hầm pháo là những hầm kèo (hầm chữ A). Nối với hầm chữ A là địa đạo. Trận địa chọn những ngọn núi có độ dốc cao, như vậy khi địch ném bom dễ rơi xuống vực, không sát thương được bộ đội. Hầm chữ A vừa là nơi trú ẩn, vừa là nơi sửa súng hỏng, nơi sinh hoạt cho chiến sỹ.

        Chốt ở núi cao, công tác bảo đảm ăn uống cho bộ đội khá vất vả. Anh em thường xuyên ăn cơm nắm, nước uống tính từng bi đông, thỉnh thoảng mới có bữa canh chua lá bứa, quần áo đẫm mồ hôi và đất đá, hàng tuần lễ mới được gửi về phía sau giặt giũ.

        Bộ đội không sợ địch ném bom, vì đối mặt với súng cao xạ, bọn chúng thường ném chệch ra ngoài. Ác liệt nhất là pháo. Pháo đủ các cỡ và đủ các loại đạn: nổ trên không, nổ tức thì và nổ chậm (anh em thường gọi là pháo khoan) để phá công sự. Máy bay trinh sát L19 bay ngoài tầm đạn 12,7 ly căn chỉnh tọa độ cho bọn pháo binh. Có khi chúng bắn hàng tiếng đồng hồ. Mùa khô đất đá trên trận địa bị nghiền thành bột, mùa mưa thành bùn chảy từng vệt dài xuống núi, từ xa trông tới như nham thạch núi lửa.

        Suốt 6 tháng trời phòng ngự bảo vệ Hoài Ân, bảo vệ thành quả Cách mạng, Sư đoàn 3 nói chung, Tiểu đoàn Cao xạ nói riêng phải vượt qua muôn vàn gian khổ hi sinh để giữ vững quận lỵ Hòa Ân cho đến ngày ký Hiệp định Paris. Nếu như trước đây, khi mở đầu đánh Mỹ, Tiểu đoàn đã thất bại trong hình thức “Trận địa chiến” thì giờ đây, chúng tôi đã thực hiện thắng lợi “Trận địa chiến” với quân Ngụy Sài Gòn, mở ra khả năng phòng ngự trận địa để bảo vệ vùng giải phóng sau năm 1973, đánh địch lấn chiếm. Xa hơn nữa, đã đóng góp những kinh nghiệm thiết thực cho Sư đoàn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới Tổ quốc năm 1979. Thiết nghĩ, nếu chịu khó nghiên cứu và phát triển thì sẽ còn có tác dụng tốt đối với chúng ta trong nhiệm vụ chiến lược bảo vệ lãnh thổ hiện nay và mai sau, cả trong phòng ngự và tiến công.

        Chiến tranh đã lùi xa. Nay tôi đã ngoài 70 tuổi, trí nhớ hạn chế, nhưng với tình yêu Sư đoàn, thương nhớ những đồng đội đã mất, tôi kể một số chuyện mà tôi đã trực tiếp chứng kiến, có thất bại, có thành công, hi vọng góp được chút gì đó cho các thế hệ trẻ của Sư đoàn. Tôi luôn luôn mong Sư đoàn tỏa sáng với danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.

Vinh, Nghệ An, tháng 12-2009       
N.C.V                                       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM