Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 12 Tháng Năm, 2024, 09:12:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34344 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 03:39:09 pm »

    

        - Tên sách: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3

        - Số hóa: quangcan

        Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập sư đoàn 3 Sao Vàng (02/9/1965 - 02/9/2010), được sự đồng ý và cho phép của Thường trực Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 3 Sao Vàng khu vực Hà Nội (bác Lê Anh Sáng, bác Nguyễn Văn Tích, bác Nguyễn Văn Tạo), cuốn Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3 sẽ được đưa lên trang nhà.

--------------------------

        VÀI DÒNG CẢM XÚC:

        Tháng 9 về, mùa thu lại đến, lại nhớ về những tháng năm đã qua, những dòng thác cách mạng ào ào cuốn phăng mọi vật cản trên con đường đưa đất nước đi lên; lại nhớ về sư đoàn 3 – sư đoàn Sao Vàng ấy. Nhớ về một sư đoàn mà tôi, một người ngoại đạo, một anh lính “dân sự” nhưng lại là người gắn bó, có nhiều “duyên nợ” với nó; không biết từ lúc nào, từ khi nào, phải chăng tôi đã trở thành một người lính của sư đoàn!

        Có lẽ, là lúc đứng ở đèo Nhông , núi Bà lộng gió, nhìn bốn bề sông núi mênh mông, bên tai vẫn vẳng nghe tiếng thét xung phong;

        Có lẽ, là lúc đứng trên đường “huyết lộ” 19, lần tìm dấu giầy của tiểu đoàn 6, đoàn Tây Sơn, những con người đã đứng vững, đứng chắc tiếp lửa cho chiến dịch đánh chiếm Kontum, khiến kẻ thù Nam Hàn run sợ.

        Phải chăng, là lúc dừng chân bên đồi 9, đồi 10, bên dòng sông Kim Sơn hiền hòa để quan sát, để thẩm thấu “đất và người Hoài Ân, Hoài Nhơn”.

        Hay có khi là lúc lặng người trước giờ chiến thắng 30/4, từ cầu Cỏ May vào tới Vũng Tàu có mấy cây mà còn biết bao người con Việt đã ngã xuống.

        Có lẽ cũng vì bài thơ viết vội trên bước đường vào chiến dịch :

RA TRẬN HÔM NAY

Kính tặng Trung đoàn 2 (Quyết Chiến)        

                                    Cùng đội ngũ hôm nay tôi ra trận
                                    Có chim về, có nắng rọi xôn xao
                                    Có hoa rừng chen lá thắm vẫy chào
                                    Có bạn, có ta và trời xanh biếc!
                                    Ôi! Kiêu hãnh trên tay ta nòng súng thép
                                    Hãy nghĩ gì? Anh Giải Phóng thân yêu…?

                                    ***

                                    Miền Nam ơi! Mỗi sớm sớm chiều chiều
                                    Nhức nhối tim gan tiếng rú gầm quạ sắt
                                    Quặn thắt lòng ta khi tăng cày xéo đất
                                    Lúa đương thì rũ gối dưới bùn đen.
                                    Một xóm nhỏ yên lành cũng hoen ố Na-pan
                                    Một mảnh trời trong cũng đặc mù hóa học
                                    Quả dừa ngọt cũng lìa cành đại bác
                                    Con chim non cũng lạc tổ xa đàn
                                    Nào mẹ, nào cha, nào chị, nào em.
                                    Trong giấc ngủ đã bao lần trở giấc
                                    Năm tháng ấy bao vành tang trắng tóc
                                    Bao mái nhà xám xịt một màu tro
                                    Hỡi chiếc cầu tre, bụi chuối, con đò
                                    Mỗi một ta yêu còn chăng nguyên vẹn?...
                                    …Chúng ta đi trong tiếng súng đợi chờ
                                    Ấp ủ vai ta sáng ngời ánh thép
                                    Có nước mắt, máu xương người đi trước
                                    Lon gạo chia tư, hạt muối chân tình
                                    Có anh Bính , anh Tòng , anh Võ , anh Canh
                                    Cùng đồng đội anh Cao  đập nát đầu bọc thép
                                    Hoa dũng sỹ trên ngực hồng gan góc
                                    Nổi bật ra quân mang chiến thắng lẫy lừng
                                    Những con người tựa tên núi, tên sông
                                    An Lão, Đèo Nhông đứng ngang tầm lịch sử
                                    Mỹ Trinh đó Truông Sỏi dài nắng đỏ
                                    Sấm sét xung phong chấn động xứ dừa xanh…
                                    Nắng hối hả gọi hè vào trận chiến
                                    Hãy cùng ta mang bão lửa lên đường
                                    Hãy quyện tim ta bao tiếng thét căm hờn
                                    Một đoạn nôi xơ của Bình An – Tân Giảng
                                    Chiếc khăn máu Ba Làng An, Khánh Giang thê thảm
                                    Đạn lên nòng cháy bỏng trái tim ta

                                    ****

                                    Cùng đội ngũ hôm nay tôi ra trận
                                    Vòng ngụy trang chải chuốt lá lao xao
                                    Bầy chim rừng chao cánh giữa trời cao
                                    Mấp máy bảo nhau “Mùa đang chiến dịch”
                                    Bác Hồ gọi: Con đường đi thẳng đích
                                    Thơ mùa Xuân – đánh Mỹ cút, Ngụy nhào.
                                    Bừng sáng Miền Nam – Tổ quốc xôn xao
                                    Mừng thọ Bác bằng chiến công đẹp nhất
                                    Chuyến thần tốc xin hẹn cùng Đất nước
                                    Trung đoàn II rầm rập lên đường
                                    Từng đại đội Thành Đông hoa đẹp hương thơm

        TRUNG-DŨNG-KIÊN-CƯỜNG, RA QUÂN LÀ CHIẾN THẮNG !

        Đại tá Như Cảnh
        14h30 ngày 28-4-1969
        Rừng Ba Lương (huyện Ba Tơ – Quảng Ngãi)
        Viết và đọc thơ tại C3/D1/E2/F3 (Sao Vàng) - lên đường vào chiến dịch.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Ba, 2020, 01:17:13 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 03:43:01 pm »


        Hào hùng và bi tráng thay, đã có hàng lớp lớp cán bộ chiến sỹ gia nhập sư đoàn và cũng có đến hai vạn người đã ngã xuống; mảnh đất Bình Định nuôi nấng các anh các chị và cũng lặng lẽ đón anh, chị về. Ôi, đã 45 năm ấy, người còn người mất; 45 năm anh chưa có tên, 45 năm anh vẫn nằm đâu quanh đâu: bờ mương, góc núi, ven sông. Hôm nay đây, vài dòng tâm sự,  thắp nén hương tưởng nhớ các anh.

        
LỜI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

                                    Hòa bình đã mấy mươi năm
                                    Mà tôi vẫn ở trong hầm chữ A
                                    Bạn gần cho tới bạn xa
                                    Buồn vui vẫn đến giao hòa cùng nhau
                                    Vẫn nghe ai đó nhắc nhau
                                    Ơn người ngã xuống cho bầu trời xanh
                                    Hòa bình chấm dứt chiến tranh
                                    Bao người nay đã trở thành chỉ huy
                                    Lớp sau đến, lớp trước đi
                                    Bao nhiêu thế hệ nhắn gì mai sau?
                                    Những trang truyền thống nặng sâu,
                                    Bây giờ nối tiếp nhịp cầu nữa không!
                                    Tôi thường vẫn nhớ vẫn mong
                                    Được ghi tên thật cho lòng thảnh thơi
                                    Nỗi mong không của riêng tôi
                                    Còn bao đồng đội cùng thời chiến tranh
                                    Nhà chúng tôi, giữa đồng xanh
                                    Hay trong hang đá, bên ghềnh biển reo
                                    Chúng tôi vẫn sống đói nghèo
                                    Tấm tranh không có che chiều mưa giông
                                    Nói ra mà thấy chạnh lòng
                                    Để hồn Tử sĩ long đong giữa đời
                                    Hòa bình đất nước niềm vui
                                    Bạn bè trang lứa lên ngôi, lên hàng
                                    Họ tên quê quán đàng hoàng
                                    Còn tôi vẫn sống lanh thang không nhà
                                    Những khi trời nổi phong ba
                                    Mênh mông Tổ quốc đâu nhà của tôi
                                    Chỉ mong một chút nghĩa đời
                                    Chỉ mong Tổ quốc sáng ngời vinh quang.
                                    Xây dựng Đất nước đàng hoàng
                                    Cho con cháu, đến muôn ngàn năm sau
                                    Chúng tôi vĩnh viễn nằm đây,
                                    Chỉ mong một nén nhang chay người đời.

Hà Nội, tháng 5/2009        

        Đại tá Lê Anh Sáng,
        Trưởng Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 3-Sao Vàng, Khu vực Hà Nội
        Nguyên Phó Sư đoàn trưởng về Hậu cần Sư đoàn 3- Sao Vàng,
        Nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 14.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 03:57:29 pm »


BÌNH ĐỊNH : CHIẾC NÔI CỦA SƯ ĐOÀN 3 – SAO VÀNG

Nguyễn Thanh Quang
Ban quản lý Di tích lịch sử và danh thắng Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bình Định

        Sau những thất bại từ nửa cuối năm 1964 và đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ về cơ bản đã bị đánh bại. Đứng trước tình thế bất lợi đó, Chính quyền Mỹ quyết định mở rộng và leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng Không quân và Hải quân. Đồng thời ồ ạt đưa bộ binh vào miền Nam, tập trung vào 3 chiến trường chính là: Đồng bằng duyên hải Trung Bộ (từ Quảng Nam đến bắc Phú Yên), Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Bình Định trở thành địa bàn trọng điểm của chiến trường trọng điểm. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu 5 cố gắng xây dựng lực lượng vũ trang, tập trung xây dựng lực lượng chủ lực. Ngày 2 tháng 9 năm 1965, kỷ niệm lần thứ 20 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại khu rừng Bà Bơi (xã Bok Tơih, huyện Hoài Ân) Sư đoàn 3 - Sao vàng được thành lập.

        * Địa bàn trọng điểm:

        Rừng Bà Bơi là khu rừng đầu nguồn sông Kim Sơn, nằm trong hệ thống rừng Trường Sơn chạy từ Bắc tới Nam, là nơi xuất phát của con sông Kim Sơn, một trong hai con sông lớn hợp thành sông Lại Giang đổ về cửa An Dũ. Địa điểm thành lập Sư đoàn 3 là dốc Bà Bơi, trên tỉnh lộ 630, một con đường tư ích có từ thời Pháp, xuất phát từ Quốc lộ 1 tại cầu Dợi (Hoài Đức, Hoài Nhơn) lên Kim Sơn (Ân Nghĩa) qua rừng Bà Bơi, vượt dốc Đót (Bok Tơih) xuống vực Bà, qua Vĩnh Sơn lên huyện KBang (Gia Lai) và nối với tỉnh lộ 637 qua huyện Vĩnh Thạnh xuống Vườn Xoài (Tây Thuận, Tây Sơn) gặp quốc lộ 19. Địa phận rừng Bà Bơi trước đây thuộc làng Nghĩa Nhơn, xã Ân Nghĩa, ngày nay thuộc làng T2, xã Bok Tơih, huyện Hoài Ân.

        Theo đồng bào Ba Na ở nguồn Kim Sơn kể lại: Ngày xưa nơi đây rừng núi cây cối um tùm, nhiều chim thú. Ở một làng nọ có Bá Bơi là một người chuyên săn bắn thú rừng, quanh năm suốt tháng lặn lội trong rừng sâu núi thẳm đặt bẫy săn bắn. Một hôm ông gặp cọp và bị cọp ăn thịt. Từ đó dân làng gọi rừng này là rừng Bá Bơi. Sau này, từ “Bá Bơi” bị đọc trệch thành “Bà Bơi”.

        Từ năm 1959, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trung ương Đảng đã xác định: Khu 5 không phải là vùng kinh tế, chính trị của địch. Trọng điểm kinh tế của chúng là vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm chính trị của chúng là Sài Gòn – Gia Định. Khu 5 là tiền tuyến của địch, là đầu cầu chiến lược để bảo vệ chế độ độc tài của chúng, không giữ được Khu 5, Sài Gòn sẽ bị uy hiếp…

        Đối với Đảng bộ Khu 5, nhận thức được địa bàn xung yếu như vậy nên đã sớm chú ý đến việc xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 20 tháng 7 năm 1961, sau 2 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được thành lập. Tháng 5 năm 1964, Mặt trận Tây Nguyên ra đời. Tháng 8 năm 1965, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị Khu 5 tập trung xây dựng lực lượng chủ lực là chính.

        Ở Khu 5, Bình Định là tỉnh có địa hình khá hiểm trở, là địa bàn quân sự trọng yếu xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đến địa phận Bình Định hình thành một vòng cung lớn, ôm cả 3 mặt Bắc, Tây, Nam với những vùng rừng núi bạt ngàn, có nhiều dãy núi nhô ra sát biển. Bình Định còn là nơi tiếp giáp giữa Quân khu 1 và Quân khu 2 ngụy, là ngã ba của 2 con đường chiến lược lớn: Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19, nối cảng Quy Nhơn với Pleiku – trung tâm của Tây Nguyên. Tướng Mỹ Oét-mo-len đã từng nói: Mất Bình Định, miền trung sẽ bị cắt đôi ở quãng giữa và sẽ mất một đầu cầu chiến lược quan trọng nuôi sống các tỉnh Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 04:04:02 pm »


       * Chiến trường trọng điểm:

        Cuối năm 1964 đầu năm 1965, tuyến vận tải chiến lược ở Khu 5 đã được củng cố và mở rộng. Các đường mòn chiến lược xuyên rừng, xuyên biển đã lần lượt đến các chiến trường. Tháng 12 năm 1964, chuyến tàu không số vận chuyển 35 tấn vũ khí từ miền Bắc vào cập bến Lộ Diêu (Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) an toàn. Đây là con tàu không số đầu tiên cập bến Khu 5. Tiếp đó, năm 1965, các trung đoàn bộ binh 12, 22 và một số tiểu đoàn hỏa lực được bổ sung cho Khu 5. Gần 5 ngàn thanh niên nam nữ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai...hăng hái xung phong nhập ngũ. Hàng vạn tấn gạo, thực phẩm cung cấp cho các đơn vị chủ lực được dân công chuyển đến các kho trạm dự trữ trên căn cứ...

        Những điều kiện để hình thành các sư đoàn chủ lực đã chín mùi. Ngày 9 tháng 8 năm 1965, Thường vụ Đảng ủy Quân khu ra nghị quyết thành lập các sư đoàn chủ lực. Và đúng ngày kỷ niệm lần thứ 20 Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Sư đoàn bộ binh 3, mang tên Đoàn Sao Vàng đã được thành lập. Sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh : 2, 12 và 22, các đơn vị trực thuộc gồm: 1 tiểu đoàn pháo cối mang vác, 1 tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7 ly, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn vận tải, 1 tiểu đoàn quân y, 1 đại đội trinh sát...hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Định, nam Quảng Ngãi, đông Gia Lai...

        Sau hơn 10 năm (1954 - 1965) đấu tranh quyết liệt đầy hy sinh, gian khổ, niềm mong mỏi của Đảng bộ và nhân Khu 5 đã được thực hiện. Việc ra đời Sư đoàn 3 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt không những của lực lượng vũ trang mà còn đánh dấu sự phát triển cao của phong trào cách mạng tỉnh Bình Định nói riêng và Khu 5 nói chung.

        Theo “ Ký sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng”, trong 10 năm đánh Mỹ trên chiến trường Bình Định (1965 - 1975), Sư đoàn đã đánh 5.500 trận lớn nhỏ, bình quân 2 ngày 3 trận. Một số trận tiêu biểu như: Thuận Ninh, Truông Ổi, đường 19, chốt Cây Rui, Vườn Xoài (huyện Bình Khê), Gò Đình, Gò Trạm, Núi Một, Núi Bà (huyện Phù Cát), Dương Liễu, Đèo Nhông, Phủ Cũ, An Bảo, Mỹ Trinh, Trà Lương, Núi Lá (huyện Phú Mỹ), Chợ Cát, Quy Thuận, Đồi Mười, Tam Quan, Đệ Đức, Bồng Sơn, Diên Khánh (huyện Hoài Nhơn), Núi Một, An Hòa, Vạn Trung, Đường 5 (huyện An Lão), Long Giang, Lộc Giang, Đèo Mọi, Xuân Sơn, Nhơn Tịnh, Gò Loi, Hòn Bồ, Truông Sỏi, Du Tự (huyện Hoài Ân), Định Quang, Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh), Phương Danh, Đập Đá, Lai Nghi (huyện An Nhơn), Phước Sơn, Phước Thuận, Gò Bồi, Tân Giảng (huyện Tuy Phước)...

        Mười năm hoạt động trên địa bàn trọng yếu của Khu 5, Sư đoàn được Đất và Người Bình Định đùm bọc, nuôi dưỡng với tất cả tấm lòng vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân dân Bình Định đã không tiếc công sức và xương máu để cho Sư đoàn trưởng thành và chiến thắng. Đúng như “Ký sự lịch sử Sư đoàn” đã khẳng định: Không có phong trào cách mạng của quần chúng ở Bình Định, sẽ không có sự ra đời của Sư đoàn 3. Trong lịch sử của quân đội ta, không có sư đoàn chủ lực nào không được hình thành từ phong trào cách mạng của nhân dân. Nhân dân tác thành, nhân dân nuôi dưỡng... Nhân dân tỉnh Bình Định thật sự là người mẹ đẻ và nuôi dưỡng Sư đoàn 3 từ lúc ra đời cho đến khi trưởng thành, lớn mạnh.

        Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, ngụy và chư hầu, quân dân Bình Định luôn được sự phối hợp, hỗ trợ mạnh mẽ, đắc lực của Sư đoàn 3. Những chiến công của quân dân Bình Định luôn luôn có sự đóng góp xương máu to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3. Ngược lại, những chiến công của Sư đoàn 3 đều có sức người, sức của và sự đùm bọc, chở che của đồng bào Bình Định; nhờ có thế trận chiến tranh nhân dân to lớn và vững mạnh của tỉnh Bình Định. Mối quan hệ giữa Sư đoàn 3 – Sao Vàng và quân dân Bình Định là sự gắn kết máu thịt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mối quan hệ đó đã và sẽ trường tồn cùng lịch sử, trở thành bài học trong sáng cho mọi thế hệ về tình đoàn kết Quân – Dân.

Qui Nhơn, tháng 7 năm 2009        
N.T.Q.                      
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 04:08:41 pm »


        Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh,
        Nguyên Chính ủy Sư đoàn 3 – Sao Vàng,
        Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
        Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã nghỉ hưu.


        Ông đã gắn bó với Sư đoàn trong những năm tháng gian khổ nhất (1967 - 1970). Từ khi xa Sư đoàn, ông vẫn luôn quan tâm tới Sư đoàn với tất cả tấm lòng quý mến và tự hào. Xin trích đăng một số hồi ức của ông khi viết về Sư đoàn 3-Sao Vàng:

MỘT CUỘC PHÁ VÂY.

        Tháng 11 năm 1967, Bộ tư lệnh Sư đoàn đang triển khai kế hoạch hoạt động Thu Đông 1967 đã được thống nhất giữa Sư đoàn 3- Sao Vàng và Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bình Định thì nhận được điện Quân khu 5 do đồng chí Giáp Văn Cương – Tham mưu trưởng Quân khu ký. Nội dung chỉ mấy chữ: “Sư đoàn triển khai gấp phương án tiến công lớn vào thị xã Quy Nhơn”.

        Rõ ràng đây là mệnh lệnh, khỏi phải bàn. Điều cần bàn là tiến công Quy Nhơn theo hướng nào? Hướng Bắc và Tây Bắc là đánh vào chỗ mạnh, chỗ rắn của địch, còn hướng Nam và Đông Nam, địch bố phòng yếu nhưng hướng này chưa ai nắm được tình hình thuận lợi, khó khăn gì.

        Sau cuộc hội ý nhanh, Bộ tư lệnh Sư đoàn quyết định tổ chức đoàn đi khảo sát vùng Đông Nam Phù Mỹ. Đoàn gồm có tôi - chính uỷ; Huỳnh Hữu Anh (tức Quang) - phó Sư đoàn trưởng; Trần Trọng Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Nguyễn Văn Chước - Chính uỷ Trung đoàn 2 và bộ phận nhẹ cơ quan Sư bộ Sư 3, và trung đoàn bộ Trung đoàn 2. Đi sau chúng tôi là Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 2.

        Lộ trình: ngày thứ nhất (11 tháng 11-1967) từ núi Cát Sơn ngược ra Mỹ Trinh, tới Mỹ Lộc, nghỉ đợi 12 giờ đêm vượt đường số I đoạn bắc đèo Nhông, tạm dừng tại hang đá Mỹ Phong. Đêm thứ 2 (đêm ngày 12-11-1967) trời vừa tối, chúng tôi rời Mỹ Phong xuống Mỹ Thọ, vào Tân Phụng thì trời sáng. Bộ phận chỉ huy Sư đoàn, Trung đoàn phải tạt vào khu vực suối đá có nhiều hang hốc để tạm trú. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 từ Mỹ Phong xuống thẳng xã Mỹ Thành, đào hầm chuẩn bị chiến đấu nếu địch càn quét.

        Trời sáng dần, không gian tĩnh lặng, nước suối trong vắt róc rách chảy qua các kẽ đá. Ai cũng thèm được tắm gội sau mấy ngày đêm hành quân lấm láp, người dính bụi, mồ hôi bốc mùi chua chua. Nhưng do yêu cầu bí mật nơi đóng quân nên những sinh hoạt đời thường nhỏ nhoi ấy đành phải cho qua. Sự mệt nhọc đã tan nhanh bởi không gian trong lành của con suối. Chúng tôi đang bàn công việc của đêm nay, ngày mai, ngày mốt thì có tiếng máy bay trực thăng từ phía Tây Bắc vọng lại mỗi lúc một gần. Không hề bắn phá mà lập tức đổ xuống một Đại đội lính Mỹ thuộc Lữ đoàn không vận 173 ngay trước cửa suối, vít chặt lối ra của chúng tôi. Phía đỉnh núi (đầu suối ) chúng cũng đổ quân. Đã rõ, chúng hình thành thế vây. Lúc đó là 15 giờ ngày 3 tháng 11. Có lẽ chúng tôi để lộ dấu vết trong hành quân nên giờ đây phải trả giá.

        Mỹ đổ quân nhưng không xáp vô, không tiến công. Chúng định giở trò gì đây? Từ trong nhìn ra, tôi và anh Huỳnh Hữu Anh thấy rất rõ địch đang triển khai thành nhiều vòng vây. Lớp gần nhất ở cửa suối đá cứ 5 mét có 1 lính Mỹ. Lớp thứ 2 khoảng 50 đến 100 mét có 1 Tiểu đội Mỹ. Lớp thứ 3 khoảng 200 mét có một tốp lính Mỹ. Ngoài đường cái chúng đặt một chốt chặn có hoả lực đại liên, súng cối. Trời bắt đầu tối, cũng là lúc chúng bắn pháo sáng và cứ 5 phút lại ném lựu đạn xuống lòng suối. Rõ ràng, địch đang khép chặt vòng vây để ngày mai “cất vó” chúng tôi.

        Một cuộc hội ý được triệu tập, gồm có tôi, Huỳnh Hữu Anh, Trần Trọng Sơn, Nguyễn Văn Chước và các cán bộ tác chiến, trinh sát, thông tin... bàn cách thoát khỏi vòng vây địch trong đêm. Đánh địch mà ra, không ai đồng ý, cho đây là hành động phiêu lưu, thương vong không nhỏ, về quân số ta ít lại toàn “lính văn phòng”, súng “cùi chỏ” (súng ngắn) là chủ yếu. Chỉ còn cách bí mật vượt khỏi vòng vây. Nhưng lại nảy sinh vấn đề là ra tất cả hay ra một số. Ra một số thì yếu tố thành công lớn. Ra tất cả một lúc dễ lộ. Ra một số thì chọn ai? Thấy mọi người đùn đẩy đi, ở mãi, tôi hội ý với anh Quang (tức Huỳnh Hữu Anh) và kết luận: Những người ra trước có trưởng ban trinh sát Sư đoàn và 2 chiến sỹ liên lạc. Tiếp đó là tôi, anh Quang, anh Chước. Sau khi vượt khỏi vòng vây địch, nhanh chóng điều Tiểu đoàn 1 đến giải vây cho số còn lại. Nếu có tình huống bất trắc, ngày hôm sau phải nổ súng với địch thì đồng chí Sơn sẽ chỉ huy anh em chiến đấu đến cùng. Tư tưởng xuyên suốt là giữ bí mật để không phải nổ súng với địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 04:13:04 pm »


        Để bảo đảm lách khỏi 3 lớp vây của địch, đồng chí Phó Sư đoàn trưởng phải trực tiếp quán triệt cho mọi người kỷ luật và kỹ thuật di chuyển:

        1. Vũ khí cá nhân phải đảm bảo không để va chạm, không để bị rơi, không bị cướp nổ

        2. Vừa bò vừa quan sát địch, chờ khi lựu đạn chúng ném nổ xong lập tức bò ngay, khoảng mười mét nằm lại chờ quả lựu đạn khác nổ mới bò tiếp.

        3. Đến trạm cuối cùng của địch, địa hình trống, phải thực hành bò thấp, bò trườn như thằn lằn. Người ra trước phải chờ người phía sau, khi đủ mới đi. Riêng trưởng ban trinh sát, khi ra khỏi vọng gác địch, nhanh chóng tới thôn Dương Liễu đưa lệnh của Sư đoàn và Trung đoàn cho D1 giải vây cho anh em còn lại.

        Quả thật là khó hình dung nổi thời khắc giữa sự sống và cái chết cách nhau chỉ một chớp mắt. Thần kinh căng như dây đàn. Tim đập nhanh như muốn văng ra khỏi lồng ngực, có những khi tưởng như tim không đập nữa. Sau này, những lúc nghĩ lại, tôi thấy rằng, sự an toàn của chúng tôi hôm đó là sự hoà nhập của 2 yếu tố tất nhiên và ngẫu nhiên. Tất nhiên là do ý chí nghị lực và thái độ chấp hành nghiêm mệnh lệnh trên, là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện để đạt tới trình độ kỹ thuật khiến kẻ thù không thể phát hiện được. Còn cái ngẫu nhiên chính là việc kẻ thù cứ lặp đi lặp lại quy luật ném lựu đạn đã tạo nên những khoảng không an toàn cho ta bò ra. Đồng thời chính tiếng nổ của lựu đạn địch đã góp phần xoá tiếng động của ta (nếu có) khi vượt qua trận địa chúng.

        Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi ra khỏi vòng vây địch. Trưởng ban trinh sát cắt đường đi xuống Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2. Chúng tôi đi về Mỹ Thành nhưng trời sáng rõ phải tạt vào khu gò ở nam Mỹ Thọ ẩn mình trong bụi rậm bên đường, cách bốt gác của địch khoảng 400m. Lại một tình thế hiểm nghèo khác ập tới. Đến giờ đi làm, con đường trước mặt, bà con đi lại tấp nập. Qua kẽ lá chúng tôi nhìn thấy cả lính Mỹ, lính Nguỵ, tay xách súng, mắt đảo qua đảo lại như cú vọ. Hàng quán hai bên đường phát ra tiếng nhạc giật cục và tiếng hát rỉ rên, sướt mướt. Tôi vẫn còn nhớ lõm bõm: Tình chết không đợi chờ, Tình cũ ai nào ngờ, tình yêu! Lại còn có loa phát thanh phát tin của bọn tâm lý chiến: “Tin mới đây! Tin mới đây. Quân đồng minh Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hoà vừa bắt được 2 đại tá Việt Cộng”. Chúng không nói tên sợ lộ tẩy sự lừa bịp vì nhân dân trong vùng hầu hết đều biết tên cán bộ ta. Còn tôi, tôi thầm bảo: Hai đại tá còn đang ngồi trước mặt chúng mày đây.

        Nắng lên. Nắng ven biển không đau nhức vì có gió nhưng vẫn là nắng nóng. Chúng tôi không còn giọt nước nào. Cơm cũng không. Cổ khô cháy, ruột cồn cào, nhưng phải ráng chịu. Chỉ lo anh Chước-chính uỷ Trung đoàn 2 rất dễ ngủ, đã ngủ là ngáy, đã ngáy là ngáy rất to. Con người ấy có bộ máy điều hoà giữa hưng phấn và ức chế thật tuyệt. Ngủ thức sòng phẳng phân minh. Nhưng lúc này và ở vị trí này, điều đó làm cho mọi người lo lắng, căng thẳng. Thỉnh thoảng tôi lại phải đập vào người để anh tỉnh dậy, dứt ngáy, khẽ nói vào tai: “Mỹ đang đi ở đường cái”, anh dửng dưng đáp: “Biết rồi, cứ kệ chúng nó”.

        Ở vùng này, ngày địch đêm ta. Đến 20 giờ chúng tôi xuống đường tạt vào nhà hàng. Những ông chủ vừa mới tiếp bọn địch ban chiều, bây giờ lại niềm nở nấu mỳ Ông Phật cho chúng tôi, luôn miệng kể hết mọi thông tin mà bà con thu lượm được. Biết chúng tôi là cán bộ Giải phóng, chủ quán không chịu nhận tiền, tôi phải nằn nì mãi bác mới nhận và vẻ tự hào nói: “Bà con ở đây đa số là người đàng mình, các chú cứ yên tâm”. Ông chủ còn cho biết “ngày nào bộ đội ở thôn Dương Liễu cũng tới đây nhờ tôi mua gạo, cá, mắm”. Tôi cảm ơn và giật mình nghĩ “bộ đội để lộ nơi cư trú là điều cần phải kịp thời chấn chỉnh”.

        Tạm biệt chủ quán, chúng tôi đi về hướng Đông theo bờ ruộng muối rồi quặt vào thôn Dương Liễu. Các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 1 báo cáo trận đánh giải vây buổi sáng táo bạo, đưa lực lượng vào sau lưng địch bất ngờ nổ súng khiến bọn Mỹ không kịp trở tay. Chúng đưa trực thăng tới bị ta bắn trọng thương cố lết về Quận lỵ Phù Mỹ. Anh em ta rút ra an toàn, chỉ có 2 đồng chí bị thương nhẹ vào tay. Tôi thở phào nhẹ nhõm, triệu tập cán bộ Trung đoàn, Tiểu đoàn tới quán triệt yêu cầu bảo đảm bí mật để bảo toàn lực lượng cho nhiệm vụ sắp tới nặng nề và to lớn hơn.

Hà Nội, tháng 5-2000       
N.N.K               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2017, 04:22:13 pm »


ĐÁNH ĐỊCH VÙNG SÂU

        Tháng 12 năm 1969, Sư đoàn 3 được lệnh của Quân khu trở lại Bình Định (sau hơn một năm hoạt động ở tỉnh Quảng Ngãi).

        Thế là phải tạm xa vùng đất và con người đã cùng chia sẻ ngọt bùi trong những ngày tháng đánh giặc khốc liệt. Cũng vẫn con đường hơn một năm trước ra đi, nay theo nó trở về, nhưng cảnh sắc thì thật đổi thay. Cây rừng ngả nghiêng, đổ gãy, héo úa. Mặt đường bị băm bổ, cày xới. Đó là vết tích của các chiến dịch tàn phá hành lang, vít cửa khẩu của địch bằng tối đa bom đạn và chất độc hoá học. Con đường trở nên đau quằn, nhức nhối. Thời gian trở về như dài ra, mệt nhọc và xót xa hơn.

        Bộ Tư lệnh Sư đoàn vừa đến khu vực dốc An Toàn thì đã thấy anh Đặng Thành Chơn, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Định và một số cán bộ cơ quan tỉnh đứng đón ở đỉnh dốc như đón chào người thân đi chiến đấu xa trở về. Mừng mừng, tủi tủi, anh Chơn nắm tay tôi, mắt chớp chớp để ngăn dòng lệ rơi, nói:

        - Được Quân khu thông báo, tụi này ngày nào cũng nhắc đến Sư đoàn Sao Vàng.

        - Nhận lệnh là chúng tôi lên đường ngay, nhưng đường khó đi quá! – Tôi đáp.

        Ngay chiều hôm đó, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn cùng Thường vụ Đảng uỷ tỉnh Bình Định họp liên tịch để bàn chủ trương và kế hoạch phối hợp thực hiện chống phá “bình định” của địch...

        Các đồng chí Tỉnh uỷ cho biết, sau khi Sư đoàn ra Quảng Ngãi (sau hè 1968), chiến trường Bình Định chỉ còn Trung đoàn 12 hoạt động ở một địa bàn quá rộng, không thể kiềm chế được những thủ đoạn của địch trong thời điểm chúng tập trung sức “bình định cấp tốc”, “bình định bổ sung”. Tháng 4 năm 1969, chúng làm thí điểm ở một số khu vực như An Thái, Hoài Mỹ, Chánh Khoan, Tân Phụng, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh. Thực tế trên đã gây cho địa phương vô vàn khó khăn, tổn thất. Hầu hết những vùng giải phóng trong năm 1967, 1968 đều bị địch chiếm lại. Chúng còn lấn sâu lên vùng giáp ranh, đóng chốt các núi cao tiến hành càn quét, đánh phá dai dẳng các khu căn cứ, cắt đứt các tuyến đường vận chuyển xuống đồng bằng. Tuy vậy, dù bị tổn thất khá nhiều cán bộ trung kiên trong và sau Mậu Thân (1968) nhưng những cơ sở còn lại của tỉnh vẫn vững vàng. Hiện nay, tỉnh đang rất cần một lực lượng vũ trang đủ sức làm nòng cốt cho phong trào địa phương đánh phá “bình định” của địch.

        Đến lúc ấy, chúng tôi mới hiểu rõ hơn vì sao Quân khu lại điều gấp Sư đoàn trở lại Bình Định. Tôi xúc động muốn khóc khi được nghe những tin tức không vui này. Trong tâm tưởng tôi lại hiện về những kỷ niệm của những chuyến đi xuống vùng Đông Phù Mỹ cuối năm 1967. Ngày ấy, cả một tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn1, Trung đoàn 2) hai lần đứng chân ở thôn Dương Liễu, xã Mỹ Thành, bốn bề nước biển, nước đầm mà địch vẫn không hề hay biết, mặc dù đồn quân Nam Triều Tiên nằm cuối thôn Dương Liễu, bắc cửa biển Đề Dy. Cả cơ quan nhẹ của Sư đoàn 3 và một Đại đội bảo vệ, hai lần đi về ở thôn Tân Phụng đều được bà con cô bác đùm bọc, che chở. Bọn Mỹ càn vào làng, chị Hoà, anh Bình, cán bộ thôn đã dành những căn hầm bí mật tốt nhất, nhờ đó mà thoát hiểm. Giờ đây, vùng đất đó đang bị chúng đè nén, áp bức hòng “tát nước” để “bắt cá”. Việc Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương “diệt kẹp”, “phá kìm” để giành dân ở đồng bằng là phù hợp với lòng người, cả bộ đội và nhân dân. Đối tượng tác chiến chủ yếu là bọn bảo an, dân vệ đóng chốt kìm kẹp đồng bào.

        Theo phương án hoạt động chiến dịch Xuân Hè năm 1970, Sư đoàn bộ binh 3 dùng Trung đoàn 2 đánh ở quận Phú Mỹ, Trung đoàn 22 kìm và tiêu hao Lữ đoàn 173 Mỹ ở Hoài Nhơn, Trung đoàn 12 đánh ở quận Phù Cát và An Nhơn. Vấn đề nổi cộm lúc này của Sư đoàn là quân số, vũ khí thiếu hụt nghiêm trọng. Mỗi đơn vị chỉ còn 50% cơ số đạn và khoảng 36% quân số (Mỗi Đại đội khoảng 35 tay súng), gạo, thực phẩm, ăn từng ngày, từng bữa. Suy nghĩ mãi,cân nhắc mãi, câu trả lời cuối cùng và duy nhất là bám dân, bám đất. Phải dựa vào dân, bám chắc địa bàn, quyết không lùi lên núi. Trước hết là phải giành lấy dân từ trong tay địch để làm chỗ dựa. Không cho chúng “tát mất nước”. Dân mãi mãi là nguồn sống vô tận của Sư đoàn.

        Quyết tâm ấy đã được quán triệt tới mọi cán bộ, chiến sỹ và tất cả đều hứa, sẵn sàng hi sinh để đánh địch, giải phóng dân, giành lại đất. Sau một số trận tập kích vừa và nhỏ vào quân địch đóng chốt trên núi, buộc chúng co lại, Sư đoàn đã đưa được Trung đoàn 2 và 22 xuống, tạo thế đứng ở đồng bằng hai huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã hi sinh nhưng sợi dây liên lạc giữa Sư đoàn và quân dân địa phương được thiết lập. Một thực tế mới xảy ra là lực lượng vũ trang địa phương, sau tổn thất Tổng tiến công Mậu Thân 1968 chưa phục hồi được, cán bộ xã đội và dân quân, du kích thiếu hụt, phải xin Sư đoàn 3 chi viện. Trước tình hình đó, tháng 2/1970, Quân khu chấp nhận ý kiến đề nghị của tôi cho phân tán Trung đoàn 22 bổ sung cho các tỉnh. Cụ thể: Tiểu đoàn 7 đưa về tỉnh Quảng Ngãi, Tiểu đoàn 8 đưa về tỉnh Bình Định, Tiểu đoàn 9 đưa vào Phú Yên, số còn lại bổ sung cho Trung đoàn 2, Trung đoàn 12 và Sư đoàn bộ. Sư đoàn hoạt động xem như một sư đoàn thiếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2017, 04:39:02 am »


        Mở đầu là chiến dịch Xuân Hè năm 1970, khôi phục cho được phong trào Cách mạng ở hai huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và nam Phù Cát, tây An Nhơn. Cụ thể:

        -   Trung đoàn 2 và Tiểu đoàn Đặc công của Sư đoàn tập trung tiêu diệt Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 41 Nguỵ đang tham gia “bình định” ở Phù Mỹ. Đồng thời kìm, kéo, tiêu hao quân cơ động của Lữ đoàn 173 và Lữ đoàn 2, Sư đoàn 4 Mỹ ở vùng núi phía tây Bình Định.

        -   Trung đoàn 12, vừa đánh quân nam Triều Tiên, cắt giao thông trên đường 19, vừa phân tán từng Đại đội luồn sâu vào vùng địch ở Bình Khê, An Nhơn, ngày nằm hầm bí mật, đêm bật lên đánh Nguỵ quân, Nguỵ quyền, xây dựng cơ sở Cách mạng.

        Tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến thời gian này là “Kìm Mỹ, diệt Nguỵ, phá kẹp, giành dân”.

        Nửa đêm 31 tháng 3 năm 1970, Tiểu đoàn 40 đặc công Sư đoàn tiến công căn cứ Núi Lá (tây Phù Mỹ). Chỉ sau 20 phút, toàn bộ Tiểu đoàn 3 Nguỵ (thiếu một đại đội) đã bị tiêu diệt và bắt sống. Lửa bốc cháy dữ dội tới sáng. Đây là trận đánh tập trung đầu tiên của Tiểu đoàn đặc công đạt hiệu suất chiến đấu rất cao.

        Cùng với trận Núi Lá, một loạt 15 chốt điểm, trận địa pháo từ bắc tới nam tỉnh bị Sư đoàn và bộ đội địa phương tiêu diệt. Địch phản ứng mạnh ở phía tây Núi Lá. Ngày 5 tháng 4 năm 1970, một Tiểu đoàn thuộc Lữ dù 173 Mỹ đổ xuống khu vực rừng dầu Cát Sơn và đồi tranh Mỹ Hiệp, nơi chúng nghi ngờ là hậu cứ của ta. Đúng phương án tác chiến của Sư đoàn, bọn Mỹ vừa đổ quân xuống, lập tức bị Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 quây đánh liên tục, kìm chân chúng, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 của ta thọc xuống vùng đồng bằng Phù Mỹ, tiến công một loạt “Ấp chiến lược” ở các xã Mỹ Đức, Mỹ Chánh, Mỹ Thọ ... diệt và bắt hàng trăm tên bảo an, dân vệ và cán bộ “bình định”. Ngày 8 tháng 4, Trung đoàn 41 chủ lực Nguỵ cho một Tiểu đoàn có 11 xe bọc thép dẫn đầu đi cứu viện, nhưng vừa tới đoạn giáp giới hai xã Mỹ Chánh và Mỹ Thọ đã bị Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 phục kích tiêu diệt. Địch ở vùng đông Phú Mỹ hoảng loạn. Bọn Nguỵ quyền xã, ấp nhiều nơi ban đêm phải trốn vào quận lỵ, thị trấn, ban ngày mới dám về trụ sở. Không khí vùng quê dịu dần, đồng bào đã bàn tán công khai: Bộ đội miền Bắc vẫn ở lại (sau Mậu Thân 1968 địch tuyên truyền “lính Bắc Việt” đã ra Bắc, Việt Cộng đã tập kết lần thứ 2). Ở những vùng “ngày địch đêm ta”, chiều chiều đã thấy xuất hiện những nam nữ du kích đội mũ tai bèo, tay súng đi tuần tra, hoặc bảo vệ các cuộc mít tinh (trong những “du kích” đó có cả chiến sỹ Sư đoàn 3, trong những cán bộ xã đội cũng có chiến sỹ Sư đoàn 3 biệt phái tăng cường).

        Tuy nhiên, ở đồng bằng, do lực lượng địa phương mỏng, lực lượng chủ lực của ta, đánh được nơi này, phá bung dân ra, khi bộ đội vừa rút đi, địch đã líp lại, gom dân vào ấp như cũ. Đúng là cuộc chiến tranh giữa ta và địch trên lĩnh vực “bình định” và “chống bình định” diễn ra thật gay go quyết liệt, giành đi giật lại.

        Qua thực tế trên, thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định: muốn hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy vững chắc, phải quét sạch bọn bảo an, dân vệ và bọn ác ôn Nguỵ quyền thôn xã. Đó là bọn kẹp dân trực tiếp nhất. Không diệt được bọn này, dân không dám nổi dậy. Do đó, đối tượng tác chiến trước mắt của Sư đoàn 3 không phải là quân chủ lực ngụy hay quân Nam Triều Tiên mà là bọn bảo an, dân vệ và bọn Nguỵ quyền ác ôn. Đây là một quyết định đầy khó khăn, bởi nó trái với chức năng, nhiệm vụ của một Sư đoàn chủ lực. Bộ đội chủ lực mà phân tán đánh như bộ đội địa phương và dân quân du kích thì có làm “hư hỏng” tư tưởng và cách đánh của chủ lực không. Và liệu bộ đội chủ lực có dám phân tán nhỏ lẻ, luồn sâu, lót sát trong vùng địch như du kích địa phương không? Bởi vì, quanh các chốt điểm kẹp dân công khai, địch còn tổ chức dày đặc những loại “quân chìm” cài cắm trong dân dưới nhiều hình thức nham hiểm khác nhau. Bọn này thường được nhân dân ta ví là “kẹp” của “kẹp”. Cơ sở địa phương bị tổn thất khá nhiều chính bởi bọn này.

        Rất may là quyết định trên của Sư đoàn đã được Quân khu nhìn thấy và đồng ý, Quân khu nhắc thêm: phải giáo dục cho bộ đổi hiểu đây chỉ là tạm thời phân tán, phải sẵn sàng đánh tập trung bất cứ lúc nào. Khi đánh phân tán phải có phương thức thích hợp và dùng lực lượng thích hợp. Tóm lại, để thực hiện được nhiệm vụ trước mắt trên đây, mỗi cán bộ, chiến sỹ, phải làm tốt hai chức năng: vừa là người lính chủ lực có kỹ năng chiến đấu cao, vừa là người cán bộ phong trào giỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2017, 04:44:08 am »


        Sau khi nghiên cứu tình hình, Bộ tư lệnh Sư đoàn chủ trương lấy đại đội làm đơn vị tổ chức thực hiện, phối hợp với địa phương và du kích luồn sâu hơn nữa vào vùng địch kiểm soát. Khi cần, đại đội có thể phân tán thành từng tổ làm công tác vận động quần chúng. Để đối phó với quân chủ lực địch có thể đi càn quét, giải toả, Sư đoàn dành một phần lực lượng cơ động, sẵn sàng đánh tập trung cỡ Tiểu đoàn hoặc Tiểu đoàn tăng cường.

        Được chuẩn bị kỹ cả về nhận thức, tư tưởng và kỹ năng chiến thuật, các đơn vị đã vận dụng ngày một tốt hơn phương thức hoạt động mới. Đêm ngày 4 tháng 6 năm1970, Đại đội trưởng Võ Thành Khuê, phụ trách một tổ 3 người lọt vào trụ sở Hội đồng xã Mỹ Hoà, huyện Phú Mỹ, một xã điển hình về “bình định nông thôn” của Nguỵ quyền tỉnh Bình Định. Tám giờ sáng, theo lệ thường, bọn cán bộ Hội đồng từ quận lỵ phóng xe hon đa tới, chờ cho cả bọn 11 tên ngồi vào làm việc, Khuê và 3 chiến sỹ từ vị trí ẩn nấp bất ngờ xuất hiện, chỉ trong giây lát, cả một “mâm” tề xã bị diệt gọn. Mấy ngày sau, Võ Thành Khuê chỉ huy 5 chiến sỹ lọt vào ấp Gò Dưa, xã Mỹ Hiệp “lót” quanh nhà cụ Ba Hiền diệt gọn một Trung đội dân vệ 20 tên. Tiểu đội trưởng trinh sát Đỗ Văn Đạo cùng với 2 du kích xã Mỹ Đức đã đột nhập vào “ấp chiến lược” bắt sống tên Thượng sỹ ác ôn, lập phiên toà công khai, phát động quần chúng vạch tội rồi tuyên án tử hình tại chỗ v.v... Cách đánh của Võ Thành Khuê và Đỗ Văn Đạo nhanh chóng trở thành phổ biến trong Sư đoàn. Phong trào diệt ác phá kèm ở các địa phương phát triển chưa từng thấy. Các xã đều thành lập đội diệt ác. Du kích diệt ác, thanh niên diệt ác, cụ già diệt ác và các em nhỏ cũng tham gia diệt ác. Tôi nhớ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, kề sát thị trấn Bồng Sơn, các em thiếu nhi thành lập đội diệt ác lấy tên là “Đội chim Én”. Trong Hội đồng xã Hoài Thanh có tên Huân khét tiếng gian ác, “Đội chim Én” giao cho em Đào trừ khử.

        Một buổi sáng, Đào lững thững đi trên đường từ quận đến xã. Tên Huân đi làm việc ở quận về, hắn không để ý tới Đào. Chờ nó đến cự ly đã tập luyện, Đào rút chốt lựu đạn, chờ mấy giây mới ném vào mặt tên Huân, lựu đạn nổ ngay khiến tên Huân chết tại chỗ. Đường trống, bọn dân vệ đổ xô đến, Đào không kịp chạy thoát, bị chúng bắt. Suốt một ngày, hết tra tấn đến dụ dỗ, Đào quyết không khai đồng đội “chim Én” của mình. Bất lực và giận dữ, một tên ác ôn gầm lên:

        -   Mày muốn sống hay muốn chết?

        Đào thản nhiên trả lời:

        -   Tao muốn sống để giết hết tất cả chúng mày cho cô bác đỡ khổ.

        -   Mày không khai thì đừng hòng sống. Tao sẽ cho mày chết. Một là gìm đầu mày xuống nước, hai là buộc chân mày cho ô tô kéo lê trên đường. Mày chọn cách nào?

        Đào lại thản nhiên trả lời:

        -   Bọn mày muốn làm cách nào thì làm, tao không sợ.

        Và bọn ác ôn đã làm theo cách thứ 2. Những tưởng kéo thân thể xác xơ của Đào đi khắp xóm, phố để răn đe, nhưng chúng đã chuốc lấy hậu quả là bộ mặt tàn bạo của chúng càng phơi bày, thổi bùng ngọn lửa căm thù trong nhân dân cao ngút, không chỉ ở vùng ta mà cả trong vùng chúng kiểm soát. Phong trào diệt ác càng mạnh mẽ hơn.

        Mùa Xuân và mùa Hè năm 1970, từ thế bất lợi ban đầu, Sư đoàn đã biết kết hợp có hiệu quả giữa chủ lực và địa phương, giữa tập trung và phân tán, linh hoạt, hợp lý, vận dụng chiến thuật có hiệu quả, bước đầu đánh vỡ mắt xích chủ yếu trong hệ thống kìm kẹp của địch. Ta đã tạo được thế đứng khá vững chắc giữa đồng bằng, giữa lòng dân để thực hiện vai trò một đội quân chiến đấu và đội quân công tác. Xét đơn thuần về quân sự, một Sư đoàn chủ lực lại phân tán hoạt động nhỏ lẻ theo chiến thuật du kích. Đối tượng chiến đấu là quân địa phương, là điều không thể chấp nhận. Nhưng xét tình hình thực tế tương quan lực lượng địch ta và yêu cầu nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ của địa bàn hoạt động thì việc Sư đoàn chuyển đối tượng tác chiến trong một thời gian nhất định, chuyển hình thức và quy mô tác chiến nhỏ lẻ trong một thời gian nhất định là hoàn toàn đúng đắn. Sự linh hoạt, sự sáng tạo của Sư đoàn chính là chỗ đó. Chung quy, mọi hoạt động quân sự, cuối cùng là để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Sư đoàn Sao Vàng đã làm tốt điều đó, ở thời điểm lịch sử đó. Và nhờ đó, Sư đoàn đã tạo được nét đặc trưng của một Sư đoàn chủ lực hoạt động ở vùng sâu, bám trụ đồng bằng và độc lập tác chiến.

Hà Nội, tháng 5 năm 2000.       
N.N.K                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2017, 04:50:45 am »


BỨC RÚT GÒ CỚ - MỘT MÔ HÌNH VỀ KẾT HỢP “3 MŨI GIÁP CÔNG”

        Hai năm 1969-1970, trong chiến dịch “Diệt kẹp, giành dân, giành quyền làm chủ”, Sư đoàn 3 đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh, bức rút hàng trăm đồn bốt địch. Nhưng hệ thống chốt điểm của chúng vẫn còn nhiều. Dùng biện pháp quân sự đơn thuần bằng chiến thuật đặc công, ta đã và vẫn làm, nhưng đánh xong, rút lui thì đâu vẫn vào đấy. Đã đến lúc phải dùng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) thì mới giải quyết được cơ bản việc phá ấp, giành dân.

        Đầu năm 1971, tôi trình bày ý nghĩ của mình với Thường vụ Tỉnh ủy của Bình Định. Thật may là ý nghĩ của tôi trùng hợp với suy tính của các anh trong Thường vụ Tỉnh ủy. Chúng tôi bàn bạc và quyết định lấy chốt điểm Gò Cớ làm thí điểm, sau đó nhân rộng ra. Gò Cớ là một điểm chốt kiên cố nằm giữa 5 lớp rào kẽm gai và hệ thống hầm hào liên hoàn do một Đại đội bảo an đóng giữ. Nó được coi là “Lá bùa hộ mệnh” để bọn địch kìm kẹp, khống chế nhân dân dọc ven biển Phú Thứ, Hà Ra, Phú Hòa đến Châu Trúc, Vạn An (huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định).

        Nhá nhem tối một ngày đầu tháng 2 năm 1971, tôi và anh Đinh Bá Lộc, chính trị viên Tỉnh đội Bình Định vượt đường số 1 xuống khu căn cứ của ta ở núi Chóp Chài, gặp huyện ủy và huyện đội Phú Mỹ để bàn kế hoạch tổ chức thực hiện. Về chủ trương thì ai cũng thông suốt nhưng vẫn còn một vài ý kiến thấy địch còn mạnh, quần chúng chưa có kinh nghiệm trong đấu tranh bức rút đồn địch và mũi quân sự của huyện chưa đủ mạnh. Tôi trình bày hết suy nghĩ của mình về những thuận lợi mà ta có. Đó là quần chúng huyện Phú Mỹ, cán bộ cơ sở xã thôn dày dạn và sáng tạo. Tôi khẳng định rõ Sư đoàn 3 vừa qua tồn tại và hoạt động được chủ yếu là nhờ nhân dân Phú Mỹ nuôi, che chở và hậu thuẫn. Điểm Gò Cớ là một căn cứ mạnh của địch nhưng nó nằm sâu trong vùng ta. “Nhổ” được Gò Cớ không chỉ xóa một điểm kẹp dân lớn mà còn làm suy sụp lòng tin của địch vào chiến lược “bình định nông thôn”. Sư đoàn sẽ dùng đại đội đặc công của trung đoàn 2 hỗ trợ. Tỉnh cũng đưa 1 đại đội đặc công đến chi viện.

        Vậy là trên dưới thống nhất tin tưởng. Ngày 20-2-1971 mở đầu đợt đấu tranh, ta đưa 300 quần chúng 2 thôn Phú Thứ, Phú Hòa đấu tranh, bao vây đòi địch rút quân. Địch trong đồn bắn ra uy hiếp, quần chúng có nòng cốt dẫn dắt nên vẫn bình tĩnh, không ai bỏ chạy. Theo hướng dẫn của cán bộ cốt cán, 10 người là gia đình binh sỹ ngụy mang thư của chính quyền Cách mạng, truyền đơn và tin chiến thắng đưa cho binh lính địch. Địch nhận thư, bà con đe dọa nếu không rút quân thì sẽ không cho xuống gò lấy nước. Ngày 23-2, số người đấu tranh lên tới 1000, có cả người già, trẻ em, gia đình binh sỹ ngụy đi đông hơn, từng tốp, có cán bộ binh vận, cán bộ phụ nữ, cán bộ chính trị đi kèm. Đoàn người hình thành thế vây 4 phía Gò Cớ. Sau đó, phát loa, giải thích chính sách của Mặt trận đối với binh sỹ và sỹ quan tình nguyện trở về với dân.

        Địch phản ứng dữ dội bằng cách bắn các cỡ súng về phía loa. Ta cũng uy hiếp lại bằng mấy quả đạn B40, B41 (quân ngụy vốn rất sợ B40 của ta). Ngày 24-3, huyện Phú Mỹ điều động quần chúng lên tới 1500 người, vòng vây ép chặt hơn vào tận chân gò, gần cổng đồn. Địch tuyên bố: Nếu bà con không lui về thì chúng sẽ nổ súng vào thôn. Sau đó chúng bắn cối vào thôn, làm chết một đồng bào ta. Lập tức, súng cối 60, cối 82 và B41 của ta bắn gần chục quả vào đồn địch. Bọn lính hoảng sợ chui vào công sự. Chị Lang, vợ đồng chí Đinh Râu, tự đốt nhà mình. Nhà sát đồn, đồng bào lấy cớ kéo lên chữa cháy và xáp vào đồn địch đấu tranh lên án binh lính quốc gia giết dân lành và bắn cháy nhà dân. Hàng ngàn đồng bào thôn 11, xã Mỹ Thắng ở gần đó, được chuẩn bị trước, đã vượt bãi cát kéo sang hỗ trợ đấu tranh. Thấy quần chúng quá đông, bọn địch hứa sẽ không bắn vào dân nữa. Ta siết chặt vòng vây, không cho chúng đi lấy nước, không cho đi mua thực phẩm.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM