Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:31:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Căn cứ quân sự Cam Ranh  (Đọc 531835 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #180 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2011, 01:57:44 pm »

(tiếp)
Hệ thống căn cứ không quân tiêm kích
Trích định nghĩa " Истребительная авиация" (Không quân tiêm kích) từ Bách khoa toàn thư Xô viết (Большой Советской Энциклопедии Большой), theo nguồn : http://bse.sci-lib.com/article056937.html

Khu doanh trại trung đoàn 169 những năm đầu 8x, từ độ cao 3600m nhìn xuống.

9/1988. Từ doanh trại nhìn ra sân đỗ.

Hạ cánh hướng 18.

Sau 1 chuyến bay. Đại úy Sergey Skvortsov phi công phi đội 2, 1987.

BCH trung đoàn 169, trong những năm đầu tiên, 1984.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tư lệnh binh đoàn, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân đã xây dựng một hệ thống căn cứ cho không quân tiêm kích tại một hải cảng nước ngoài trong thành phần của trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập 169, và trên thực tế đã sử dụng các máy bay tiêm kích để bảo vệ căn cứ và tàu chiến của hạm đội trong vùng biển "Nam Trung Hoa". Mọi thứ đều mới mẻ: vận chuyển đến căn cứ các máy bay chiến đấu (sau khi tháo rời và dùng tàu đổ bộ cỡ lớn chở đến CR: qtdc), lắp ráp chúng lại, khởi động lần đầu động cơ (sau khi ráp: qtdc), chuyến bay đầu tiên, trực chiến máy bay tiêm kích, cất cánh theo còi lệnh báo động chiến đấu từ Đài chỉ huy bay (КПУНИА -командный  пункт управления  и  наведения  истребительной  авиации) khi máy bay của "đối thủ tiềm năng" tiếp cận và xâm nhập vào khu vực trách nhiệm của binh đoàn. Các khẩu đội phòng không trên các tàu chiến của binh đoàn được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với các mục tiêu tập luyện là mối khi có chuyến bay của máy bay tiêm kích. Đến lượt mình, các kíp bay MiG-23 luyện tập cách vượt qua hệ thống phòng không mà chúng tôi đang sở hữu.
 Việc chọn địa điểm bố trí các phi đội không phải là một vấn đề đơn giản: Bộ Tư lệnh Hải quân trao nhiệm vụ phải bố trí máy bay tiêm kích cạnh các máy bay mang tên lửa hành trình. Tình hình tại chỗ lại  yêu cầu máy bay tiêm kích phải bố trí trong một giãn cách nhất định so với vị trí của các phi đội khác. Một quyết định táo bạo như vậy, đã được Phó Đô đốc Kuzmin A.A. bảo vệ và. thực hiện thành công. Việc đó đòi hỏi trong thời gian ngắn nhất phải chọn xong điểm đỗ mới cho máy bay và xây dựng các module nhà để ở cho phi hành đoàn, các module nhà trực chiến cho các kíp bay trực ban tác chiến. Để làm được như vậy - không hề dễ dàng. Nhưng rồi tất cả những điều kiện cần thiết để các phi đội đóng căn cứ, và bước vào trực chiến đã được thực hiện xong. Phi đội tiêm kích MiG 23-MLD đã bước vào trực ban chiến đấu đúng kỳ hạn đề ra bởi Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô, đô đốc Hạm đội Liên bang Xô viết S.G. Gorshkov.
Thằn lằn trên bãi cát CR. Một vị thuốc của người lính.

Nghỉ ngơi trên bãi biển, 1986.

Khách sạn trong căn cứ không quân.

Đài kỷ niệm đầu tiên tại CR trong doanh trại trung đoàn 169, năm 1987.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Giêng, 2011, 12:19:15 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #181 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2011, 12:37:08 am »

(tiếp)
Ngày làm việc thường lệ tại binh đoàn và căn cứ

Binh đoàn 17 của Hạm đội Thái Bình Dương, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong vùng biển "Nam Trung Hoa", là một thành trì quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cung cấp mọi hình thức hậu cần và đảm bảo kỹ thuật cho các tàu của hạm đội tiến vào khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và trở ra theo chiều ngược lại. Trong 2-3 năm đầu tiên, ảnh hưởng của binh đoàn trong khu vực này là không đáng kể. Nhưng từ năm 1985, sự tích cực trong công tác huấn luyện chiến đấu và việc tập kết về đây các tàu mặt nước và tàu ngầm mới, cùng với việc hình thành đầy đủ các lực lượng của một trung đoàn hàng không hải quân, sự tồn tại của một căn cứ như vậy có một ý nghĩa chính trị và một giá trị tác chiến quan trọng. Vào thời gian đó nó là một đối trọng đáng kể đối với các căn cứ Mỹ tại Philippines - trong vịnh Subic và góp phần duy trì ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Điều đó được khẳng định lại trong các trường hợp sau đây.
 Thứ nhất, Bộ chỉ huy binh đoàn theo dõi sát thông tin đại chúng từ các phương tiện truyền thông nước ngoài đến từ Bộ chỉ huy Hải quân vùng 4 Việt Nam và từ báo, tạp chí nước ngoài, mua ở Sipgapore khi các tàu của chúng ta ghé qua. Các phiên dịch viên quân sự trong biên chế sẽ tiến hành dịch thuật và trình bày bản dịch các bài báo viết đề cập đến các hoạt động của binh đoàn trong báo cáo lên trên. Nhóm trinh sát vô tuyến cũng theo dõi sát sao các thông tin về chủ đề này. Rõ ràng là các lực lượng quân sự của "kẻ thù tiềm năng" trong khu vực đã bắt đầu phải tính đến chúng ta.
 Thứ hai, tình hình đã thay đổi cả trên không. Nếu trước đây các máy bay của "kẻ thù tiềm năng" thường "nghênh ngang" bay vào trinh sát ngoài khơi gần với bờ biển miền Nam Việt Nam, mà không vi phạm vùng trời của Việt Nam, thì nay với sự xuất hiện của các máy bay không quân tiêm kích, luôn luôn bay lên đánh chặn chúng, chúng đã phải vòng ra trở về căn cứ của mình.
 Thời kỳ cao trào và căng thẳng cao độ của công tác huấn luyện chiến đấu tại binh đoàn là giai đoạn 1985 - đầu 1989 - thời gian mà binh đoàn có số lượng các tàu ngầm và tàu mặt nước cỡ lớn trong biên chế là lớn nhất.
 Trên đôi vai của người chỉ huy binh đoàn Phó Đô đốc A.A. Kuzmin có một gánh nặng trách nhiệm rất lớn phải kết thúc quá trình xây dựng biên chế và chuyển sang công tác huấn luyện chiến đấu chiến dịch-chiến thuật theo kế hoạch cho các ban tham mưu, các đơn vị, các bộ phận của căn cứ đồn trú trên bờ. Từ một tờ giấy trắng cần soạn thảo tài liệu tác chiến nhằm chuyển bộ đội lên mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất và chức trách nhiệm vụ của sỹ quan ban tham mưu, cơ quan chính trị trong lúc chiến đấu cũng như trong lịch trình làm việc hàng ngày. Tất cả các tài liệu trên đã được các cá nhân có trách nhiệm soạn ra dưới dạng bản thảo. Tiếp theo đó là các bước thực tế để thực hiện chúng thông qua các bài tập huấn luyện các lực lượng của binh đoàn cả trong khi diễn tập cũng như trong công tác hàng ngày.
..............
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #182 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 03:49:55 am »

(tiếp: hệ thống căn cứ không quân tiêm kích, nguồn: crimso.ru)
Ảnh: Tháng 1 năm 1985. Sau chuyến bay thử thành công chiếc Mig-23MLD đầu tiên (sau khi lắp ráp lại) tại Cam Ranh. Các kỹ sư hàng không (nền trước ảnh, từ trái sang: thiếu tá Avenovitch, đại úy Grishin, thiếu tá Ugliarenko, thiếu tá Korobko. Nền sau ảnh, có thể thấy các conteiner vận tải chứa phần đầu máy bay. Tháng 12 năm 1984, mỗi chiếc Mig-23 được tháo rời chia ra đóng gói trong 3 thùng chứa, sau đó được bốc xuống tàu đổ bộ cỡ lớn "Ivan Rogov" cùng một số tàu khác nữa chở tới Cam Ranh từ Vladivostok.


Ảnh: Tháng 11 năm 1986, Cam Ranh. Vận hành thử và điều chỉnh sau khi lắp động cơ lên máy bay. Từ trái sang: các kỹ thuật viên nhóm động cơ binh nhì Starsev, hạ sỹ Jukov, trưởng nhóm-đại úy Mikhelevitch.


Có một bức ảnh do vệ tinh do thám chụp được (đã post ở trang 12), qua đó CIA xác định Mig-23 đã bước vào trực chiến tại Cam Ranh. Tài liệu giải mật của Mỹ có đoạn như sau (nguồn:http://www.globalsecurity.org/intell/library/imint/vn_crb2.htm):
"Cam Ranh Bay airfield, with Soviet TU-95 BEAR, TU-16 BADGER and MiG-23 FLOGGER aircraft – 09 Feb 87"

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2011, 12:35:47 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #183 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2011, 11:18:06 am »

(tiếp: Mig-23)
Ảnh (trái sang phải): Các kỹ thuật viên nhóm động cơ Lukianov, Lonsakov và thợ máy trưởng của nhóm Kasaev. Chú ý: Dưới giá treo dưới thân máy bay là bloc UB-16 (НАР УБ-16 tức khối phóng rocket hay tên lửa không điều khiển theo cách gọi của người Nga-неуправляемая авиационная ракета)

Mùa hè 1986. Kiểm tra kỹ thuật định kỳ. Trong buồng lái là phi đội phó (phi đội 3) phụ trách kỹ thuật hàng không (ИАС), thiếu tá V.Grishin, đứng cạnh ngoài buồng lái là người phụ trách bộ phận kỹ thuật khai thác sử dụng (ТЭЧ) đại úy V.Stasiuk.

Tháng 11 năm 1986, sân bay Cam Ranh. Trưởng nhóm động cơ đại úy Mikhelevitch trước khi hoàn tất việc cố định động cơ vào vị trí lắp đặt.

Thượng úy Yu.Likhin và V.Juk kiểm tra bệ tựa càng bánh trước một chiếc Mig-23MLD.


Ngày 7 tháng 11 năm 1986. Các kỹ sư của trung đoàn 169: E.M.Maksimov kỹ sư trưởng về vũ khí trên máy bay (ПО АВИАЦИОННОМУ ВООРУЖЕНИЮ); A.V.Koshenkov Phó chỉ huy trưởng phụ trách Ban Kỹ sư-kỹ thuật hàng không (ЗК по ИАС-инженерно-авиационной службы); S.V.Puchkov kỹ sư trưởng về thiết bị hàng không (ПО АВИАЦИОННОМУ ОБОРУДОВАНИЮ); A.P.Mironov kỹ sư thiết bị vô tuyến điện tử (РЭО-ПО РАДИОЭЛЕКТРОННОМУ ОБОРУДОВАНИЮ); Yu.M.Nibylitsa kỹ sư thiết bị hàng không (АО)-người ngồi phía trước.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2011, 10:43:04 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #184 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 02:51:40 am »

Những vụ tai nạn của Yak-38 trên tàu sân bay "Minsk" năm 1980 khi hoạt động ở vùng biển "Nam Trung Hoa" và gần Cam Ranh.

Yak-38 đang cất cánh thẳng đứng.

Sơ đồ nguyên lý cất hạ cánh thẳng đứng của Yak-38 với 2 động cơ nâng.


1. Ngày 30.9.1980. Vụ tai nạn Yak-38. Tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay "Minsk". Phi công là thiếu tá Ositnhianko V.G.
 (ДПМУ- дневные простые метеорологические условия)-Thời tiết trong ngày là bình thường. Phi công đang thực hiện bay theo vòng hạ cánh xuống boong tàu sân bay. Vào phút 16 của chuyến bay, khi bắt đầu vào hạ cánh, cách tàu sân bay 5km, phi công thông báo không mở máy được động cơ nâng thứ nhất, theo lệnh của người chỉ huy chuyến bay phi công thực hiện hạ cánh lại với việc khởi động khẩn cấp động cơ đổi hướng. Phi công chuyển hướng miệng phun động cơ nâng (ПМД) sang vị trí thẳng đứng trong khi đang giảm vận tốc, và sau đó đã xuất hiện mô men (gây) bổ nhào mà phi công không khắc phục được. Phi công thông báo điều này cho chỉ huy chuyến bay và chuyển lại miệng phun động cơ về phương ngang và bước sang vòng hai. Người chỉ huy bay, sau khi biết rằng không thể hạ cánh thẳng đứng được nữa, đã cho lệnh chuyển sang hạ cánh tại sân bay dự phòng.  
Sau 2 phút, phi công báo cáo cửa chớp hút khí của động cơ không đóng và dầu chỉ còn 500l.  Người chỉ huy bay xác nhận lại quyết định cho Yak-38 hạ cánh tại sân bay Cam Ranh., sau khi đội hình đã dàn trên một khoảng 4000m. Bay qua tàu 20-30km. nhiên liệu chỉ còn 300l, trong  khi tới sân bay dự phòng (CR) còn 47km. Tính đến việc dầu còn ít quá, người chỉ huy bay quyết định đưa máy bay quay lại khu vực nhóm tàu đang hoạt động và cho lệnh nhảy dù. Cuộc nhảy dù diễn ra ở độ cao H=300m, vận tốc (máy bay) V=520km/giờ. Sau khi phóng ghế nhảy dù, máy bay chuyển sang bổ nhào với góc 60độ, tiếp nước, bị phá hủy và chìm.
Nguyên nhân chắc chắn nhất có thể là do sự xuất hiện mô men bổ nhào khi hạ cánh sau lúc xoay hướng miệng phun động cơ nâng. Nguyên nhân sinh ra mô men này là sự phụ thuộc vòng quay động cơ nâng số 1 vào chế độ hoạt động ở mức ga nhỏ.

2. Ngày 8.9.1980. Vụ tai nạn Yak-38. Tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay "Minsk". Phi công-thử nghiệm Kononenko O.G.
Tiến hành thử nghiệm để hoàn thiện phương pháp cất cánh với bước chạy đà ngắn (hay thường gọi là cất cánh đường băng ngắn- взлета с коротким разбегом-ВКР) trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ cao của vùng biển "Nam Trung Hoa". Trong khi đang thực hiện theo trình tự cất cánh đường băng ngắn tại khu vực có tọa độ 8 độ Vĩ Bắc và 108 độ Kinh Đông, máy bay đã bốc lên khỏi mặt boong thì đột nhiên mất độ cao và sau chừng một phút thì mất hút trong lớp bụi nước mù mịt trên mặt biển. Thời gian để bung dù thoát hiểm có đủ, nhưng phi công đã hết sức cố gắng lấy lại độ cao cho đến giây cuối cùng và cứu máy bay, tuy nhiên máy bay vẫn tiếp tục mất cao độ và rất nhanh rơi xuống vệt rẽ nước của tàu "Minsk", đó chính là nguyên nhân khiến phi công tử nạn.

3. Ngày 18.3.1980. Vụ tai nạn Yak-38. Tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay "Minsk". Phi công là thượng úy biên đội trưởng Neudatshin V.G.
Thời tiết trong ngày bình thường. Phi công tiến hành chuyến bay luyện tập bổ nhào ném bom với góc tấn 20 độ.
Sau 10 phút bay, phi công bước vào vòng lượn thứ hai tấn công mục tiêu nhấp nhô trên lớp sóng bạc đầu và khi bước vào tư thế bổ nhào phi công đã tạo góc quá lớn. Độ cao bắt đầu bổ nhào của máy bay là H=1600m, tốc độ máy bay V=700km/giờ. Khi bổ nhào, phi công đã tăng độ nghiêng máy bay quá lớn đồng thời với việc tăng góc bổ nhào đến 80-90 độ. Không kiểm soát nổi độ nghiêng của máy bay, phi công cố điều khiển máy bay thôi bổ nhào thoát khỏi vòng nguy hiểm, nhưng sau khi hiểu rằng không có đủ độ cao để thoát hiểm, phi công quyết định bung dù.
Việc nhảy dù diễn ra trong điều kiện máy bay bổ nhào gần như thẳng đứng, góc bổ nhào lên đến 80-90 độ, đã không đảm bảo được cho hệ thống cứu nạn có thể hoạt động chuẩn xác theo tiêu chuẩn và phi công đã tử nạn.  
Kết luận về những nguyên nhân phi công tử nạn: sai lầm trong thuật lái đã đưa máy bay lâm vào vòng xoắn có góc dựng đứng. Trong chuyến bay (người ta) đã (mạo hiểm) khi cho phép phi công có kỹ năng bay yếu (tất nhiên bị nạn rồi mới bảo phi công kỹ năng bay yếu: qtdc) ném bom mục tiêu di động ẩn hiện theo lớp sóng bạc trên biển động.
Nguồn ảnh:  http://vtol.boom.ru/rus/Jak-38/index.html
Yak-38 bắt đầu hạ cánh.

Yak-38 trực chiến với tên lửa R-60M.


Bổ sung:
Trong quá trình thử nghiệm để hoàn thiện thiết kế cất cánh đường băng ngắn, tiến hành từ trên tàu sân bay "Minsk", ngày 27 tháng 12 năm 1979, tại khu vực mặt nước trong vịnh Ussuri, đã xảy ra tai nạn Yak-38U làm máy bay rơi xuống biển do hệ thống quay miệng phun động cơ không làm việc, máy bay do hai phi công thử nghiệm O.G.Kononenko và M.S.Deksbakh điều khiển, 2 phi công đã nhảy dù thành công khỏi chiếc máy bay bị chìm sau đó.
Tuy nhiên việc cất cánh đường băng ngắn đã kết thúc bằng một bi kịch trong trường hợp sau: ngày 8 tháng 9 năm 1980, tại biển "Nam Trung Hoa", Yak-38 của phi công thuật lái cao cấp O.G.Kononenko "tụt" cao độ đột ngột, bánh xe càng máy bay va phải dầm lan can bảo vệ boong tàu và làm máy bay lăn xuống biển. Máy bay bị chìm cùng với phi công. Nguyên nhân tai nạn được nghiên cứu kỹ lưỡng và trong quá trình hoàn thiện thiết kế Yak-38 vẫn tiếp tục thử nghiệm cất cánh đường băng ngắn. Phương pháp cất cánh này đã được áp dụng thành chế độ chính thức trên máy bay Yak-38M.
Ảnh: Yak-38M.


Việc làm chủ phương pháp cất hạ cánh mới đã cho phép thực hiện thành công các chuyến bay từ boong tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay "Novorossisk", trong chuyến đi từ vịnh Kolskii sang Vladivostok từ ngày 17.10.1983 đến 27.2.1984. Trong thời gian đó, các phi công của trung đoàn không quân hải quân trên tàu đã thực hiện hơn 600 chuyến bay với tổng thời gian (tập) công kích gần 300 giờ. Đã có 120 cuộc cất cánh đường băng ngắn được thực hiện thành công. Kết thúc chuyến đi, trung đoàn trưởng Yu.I.Tshurilov, người đầu tiên trong số các phi công của trung đoàn nắm vững kỹ thuật cất cánh đường băng ngắn (BKP), đã được tặng thưởng danh hiệu anh hùng Liên Xô.
Yak-38U đang bay phía trên tàu sân bay đề án 1143 thứ 3, "Novorossisk".
Yak-38 trên boong tàu sân bay "Minsk".
Và trên boong tàu sân bay "Kiev".



« Sửa lần cuối: 15 Tháng Giêng, 2011, 12:33:44 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #185 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2011, 02:19:05 am »

Ngày làm việc thường lệ tại binh đoàn và căn cứ
(tiếp theo)
Những năm 1980-1981, tàu ngầm và các loại tàu mặt nước, tàu căn cứ, tàu công bnh xưởng nổi trước bến quân cảng Cam Ranh.

 Do thành phần các lực lượng binh đoàn không cố định mà tồn tại dưới hình thức quay vòng các tàu mặt nước hạng 1 và 2, xoay vòng các tàu ngầm, vì vậy Bộ tham mưu binh đoàn mà nhất là phòng huấn luyện chiến đấu và tác chiến chiến dịch phải chủ động chuẩn bị sớm và có hệ thống, các phương án khả thi và phải có kiến nghị sử dụng các lực lượng phù hợp với tiến độ xuất hiện của các tàu chiến từ căn cứ chính, đưa các thay đổi tương ứng vào trong kế hoạch hàng năm. Các tính toán của Bộ tham mưu, các đề xuất, kiến nghị của họ sẽ cho phép chỉ huy binh đoàn quyết định đúng đắn và phù hợp.
 Không thể không nhắc tới lao động sáng tạo và cần mẫn của các sỹ quan phòng huấn luyện chiến đấu và tác chiến chiến dịch Varlamov E.L., Salikov N.A., Koshevyi O.N., Pristavka N.E., Bondarenko I.N., Chasovskikh V.I., Zelensky L.N., chỉ huy trưởng Sở chỉ huy (tiền phương), Phó tham mưu trưởng binh đoàn Pavlov V.V., và người phó cho ông, phụ trách hàng không Subkhangulov M., các chỉ huy trưởng đài chỉ huy bay (КПУНИА) Mansurov và Abrosimov, chỉ huy trưởng phòng không (ПВО) Yarosh N.G. và Kovalenko, trưởng phòng quân y binh đoàn Shchekin G.F. (1985-1987) và Tretiak NA. (1987-1991), Tham mưu trưởng binh đoàn Devyataykin V.V., Krasnikov A.G., Nikonov V.N. (trong các năm khác nhau). Tất cả các sỹ quan của Bộ tham mưu đều hằng ngày, đặc biệt là trong thời gian tập trận, trong thời gian kiểm tra bởi cơ quan tham mưu cấp trên, làm việc có trách nhiệm, bằng tất cả khả năng thể chất, cũng như tinh thần của mình. Chúng tôi có thể nói một cách chắc chắn: Bộ tham mưu binh đoàn, các bộ phận cơ điện, quân y, chính trị của binh đoàn tại thời điểm đó đã kết thành một khối thống nhất, đã làm việc rất tập thể và cần mẫn, làm chủ được các hình thức (hoạt động) khác nhau và đã giải quyết tốt các nhiệm vụ đặt ra trước binh đoàn.
 Kinh nghiệm dày dạn và kỹ năng ngoại giao của Anatoli Alekseevich Kuzmin cho phép thiết lập mối quan hệ công tác tốt và quan hệ hữu nghị chân thành với Bộ chỉ huy Hải quân Việt Nam và duy trì chúng trong nhiều năm.  Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Bộ chỉ huy binh đoàn đã hợp đồng làm việc chặt chẽ trên tất cả các vấn đề với Bộ chỉ huy vùng 4 Hải quân nước CHXHCN Việt Nam.
 Hàng tuần tại Nhà Khách, Bộ chỉ huy vùng 4 và binh đoàn 17 (tư lệnh binh đoàn và chủ nhiệm chính trị binh đoàn, tham mưu trưởng binh đoàn - khi vắng mặt tư lệnh binh đoàn) tiến hành giao ban kiểm điểm và bàn bạc tất cả các vấn đề hoạt động hiện tại của binh đoàn, các hoạt động hỗ trợ phía Việt Nam sửa chữa tàu biển, các chiến dịch cứu hộ trên biển, giúp đỡ y tế khi có một số lượng khá lớn quân nhân Việt Nam bị thương từ các đảo của quần đảo Trường Sa về nhập viện và những công việc khác. Do lực lượng tìm kiếm và cứu hộ tại chỗ trong nhiều trường hợp rõ ràng không đủ sức, bởi vậy binh đoàn luôn sẵn sàng trợ giúp những người anh em thủy thủ Việt Nam để cứu người, cứu tàu thuyền và phương tiện bị nạn ở vùng duyên hải biển Đông cũng như tại vùng biển kín nhiều đá ngầm và còn ít được nghiên cứu của quần đảo Trường Sa.
 Những kinh nghiệm trước kia A. Kuzmin đã tích lũy được khi chỉ huy binh đoàn tàu ngầm số 6 của Hạm đội Thái Bình Dương, nay ở đây, tại bán đảo Cam Ranh này, đã tỏ ra rất cần thiết.  Các tàu ngầm của binh đoàn 6 đã đến đây, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong thành phần của binh đoàn 17. Các thủy thủ đoàn, các ban chỉ huy chiến hạm không chỉ quen thuộc với ông. mà ông còn biết rất rõ mức độ sẵn sàng chiến đấu họ đạt được, tình trạng kỷ luật quân đội trên các tàu, cũng như mức độ sẵn sàng của các sĩ quan. Tất cả những điều này đã giúp ông duy trì và nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng chiến đấu hiện tại của thủy thủ đoàn các tàu ngầm.
 Lần đầu tiên hình thành tại lữ đoàn 119, nghi lễ đón chào (và tiễn đưa) các tàu chiến mặt nước. các tàu ngầm đến gia nhập và đi khỏi đội hình binh đoàn tác chiến chiến dịch-chiến thuật số 17 sau đó đã được áp dụng nghiêm ngặt tại toàn binh đoàn bởi các tham mưu trưởng binh đoàn - các đại tá hải quân Krasnikov A.G và Nikonov V.N.. Tàu đến sẽ được gặp trước hết là các tàu làm nhiệm vụ tuần tiễu và hoa tiêu trực (брандвахтенным  кораблём) - các tàu quét mìn trong căn cứ, rồi từ mũi Sopt đến trước bến tàu chính được hộ tống bởi các pháo hạm cao tốc (артиллерийскими  катерами) như sau: nếu là tàu nhỏ thì - các tàu đón tiếp sẽ xếp hàng chạy hai bên mạn tàu đến; nếu là tàu lớn - tàu đón tiếp sẽ chạy trước dẫn đường và trên đài chỉ huy sẽ đánh cao Cờ tín hiệu chúc mừng "Chào mừng bạn đã đến an toàn", và khi tiễn đưa sẽ là -" Chúc bạn một hải trình may mắn".
Các tàu ngầm và tàu mặt nước của hạm đội Thái Bình Dương đến thi hành nhiệm vụ quân sự trong thành phần binh đoàn đều được kiểm tra toàn diện về mức độ sẵn sàng trong tình trạng kỹ thuật và sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra kỷ luật quân sự, tình trạng đạo đức-chính trị của các thành viên bởi Bộ tham mưu binh đoàn và các đơn vị. Các vấn đề chưa được giải quyết được lên kế hoạch khắc phục, và được tư lệnh binh đoàn kiểm tra thường xuyên. Ban chỉ huy chiến hạm đặt ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm duy trì liên tục và nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu; với các cán bộ chính trị, các ban cán sự đảng và ban cán sự đoàn Komsomol là các nhiệm vụ đặt ra bởi cơ quan chính trị binh đoàn có tính đến đặc thù của việc các thủy thủ đoàn đang trú đóng tại một lãnh thổ nước ngoài và tập thể các thành viên cần phải tuân thủ các truyền thống và phong tục của nước chủ nhà.
 Trong công việc của các Bộ tham mưu binh đoàn và các đơn vị, cùng với độ chắc chắn và sự đòi hỏi cao nhất, người chỉ huy binh đoàn, Phó Đô đốc A. Kuzmin, còn tạo ra được một bầu không khí dành cho sự sáng tạo, tự chủ, hợp tác và đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi sỹ quan Bộ tham mưu để hướng hành động của mình sao cho đạt được kết quả mong muốn. Tư lệnh binh đoàn, truyền niềm tin cho cấp dưới vào hành động của họ, truyền cho họ mong muốn tìm hiểu và học tập các vấn đề quân sự, học để thành người chuyên nghiệp, học để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm quản lý bộ đội trong khu vực của mình phụ trách. Vì vậy, tất cả phục vụ với một mong muốn cống hiến, với trách nhiệm cao nhất. Phần thưởng cho mỗi người là mức độ chuyên nghiệp cao đã đạt được trong công việc thường xuyên và căng thẳng. Về các hạm trưởng, các sỹ quan Bộ tham mưu binh đoàn 17, ban tham mưu các đơn vị có thể nói như sau - đó là hàng chất lượng cao.
 Đó là những con người sau: hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử "K-108" đại tá hải quân Ratnikov V.L. hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử "K-557" đại tá hải quân Pishalnikov Yu.G., hạm trưởng tàu ngầm diesel "B 427" trung tá hải quân Lavrenov Yu.V, hạm trưởng các tàu săn ngầm và chống hạm "Đô đốc Zakharov" - đại tá hải quân Piskunov A.V., "Nguyên soái Voroshilov" - Trung tá hải quân Martynov V.V., "Vasily Chapayev" - trung tá hải quân Furlet J.N., chỉ huy tàu săn ngầm và chống hạm cỡ nhỏ MPK-155 đại úy hải quân A.N. Baranov, chỉ huy tàu hộ vệ tên lửa cõ nhỏ "Briz" - thiếu tá hải quân Grebennik Yu.S., trưởng phòng quân báo binh đoàn-trung tá hải quân Podkopaev S.V., các sỹ quan phòng huấn luyện chiến đấu và tác chiến chiến dịch: đại tá hải quân Shalikov N.A., các trung tá hải quân Koshevoi O.N., Pristavka N.E., chuyên gia trưởng ngành trung tá Zelenskii L.N., chuyên gia trưởng ngành tác chiến điện tử trung tá hải quân Shubin V.N., chỉ huy trưởng hệ thống phòng không trung tá Yarosh N.G., trưởng phòng an toàn phóng xạ thiếu tá hải quân Prishepa P.V., trưởng phòng quân y binh đoàn trung tá quân y Shekin G.F., trung tá quân y Tretchiak N.A., đội trưởng đội vệ sinh phòng dịch số 7 trung tá quân y Ephimov O.N., các sỹ quan trung tâm truyền tin : trung tá....đại úy...đại úy Larionov V.V., các sỹ quan phòng chính trị, các trung tá hải quân Shilivontchik A.P., Polyganov V.V., Dementchuk V.D., Klemiokhin S.N., chỉ huy tiểu đoàn cảnh vệ- Trung tá Zalivashenko S.A., và rất nhiều người khác nữa.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Giêng, 2011, 06:32:11 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #186 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2011, 10:31:06 am »

(tiếp)
Công tác đảm bảo y tế tại căn cứ Cam Ranh
 Công tác đảm bảo y tế cho các đơn vị quân đội đồn trú tại quân cảng Cam Ranh, trước tiên được thực hiện bởi bộ phận quân y biên chế trong các đơn vị này.
 Để cung cấp các dịch vụ y tế chuyên nghiệp và một số loại hình chăm sóc y tế chuyên khoa, người ta đã chuyển cứ từ Vladivostok đến Cam Ranh bệnh viện dã chiến lưu động của hải quân (ПВМГ) có 100 giường bệnh, sau này đơn vị trên trở thành bệnh viện hải quân số 1393.
 Đảm bảo y tế cho tập thể thành viên sẽ là đầy đủ giá trị, nếu như có sự tham gia của các chuyên gia bộ phận vệ sinh-dịch tễ học. Để đạt mục tiêu này, tại Hạm đội Thái Bình Dương đã thành lập đội vệ sinh-phòng dịch số 7 của các đơn vị tàu chiến được phái đến quân cảng Cam Ranh.
 Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình quân nhân đồn trú tại căn cứ Cam Ranh, trong biên chế phòng quân y của PMTO đã có các chuyên gia phù hợp.
 Tổ hợp xây lắp Xô viết để đảm bảo chăm sóc y tế cho người lao động của mình, có trong biên chế bộ phận y tế riêng - các nhân viên y tế điều dưỡng, đảm bảo khám chữa bệnh đa khoa ngoại trú cho người lao động thành viên - khi cần chăm sóc y tế nội trú người bệnh được gửi vào các bệnh viện hải quân.
 Đó là một tổ hợp duy nhất các lực lượng và phương tiện y tế có nhiệm vụ chăm sóc y tế cho các công dân Liên Xô trong cảng Cam Ranh.
 Tại bệnh viện hải quân đã tiến hành chăm sóc y tế cho các quân nhân vùng 4 hải quân Việt Nam đóng quân ở Cam Ranh. Việc giúp đỡ này là thường xuyên cả trong trường hợp điều trị cá nhân bệnh nhân hoặc tập thể quân nhân bị thương sau các sự kiện xảy ra ở quần đảo Trường Sa và các tai nạn giao thông thường hay xảy ra do hệ thống kỹ thuật xe máy đã quá hạn. Các chuyên gia y tế giao tiếp với nhân viên quân sự Việt Nam thông qua phiên dịch viên.
Việc tổ chức chăm sóc y tế tại cảng Kam Ranh đã được trao cho các trưởng phòng quân y binh đoàn 17, phòng này cho đến tháng 11 năm 1987 được lãnh đạo bởi Đại tá quân y Shchekin G.F., và từ tháng 11 1987 - Trung tá quân y Tretiak.
 Đến cuối những năm 198x-các lực lượng quân y trong quân cảng Kam Ranh được sắp xếp như sau:
 - Bệnh viện Hải quân số 1393;
 - Đội vệ sinh-phòng dịch số 7;
 - Ban quân y căn cứ bảo đảm hậu cần-kỹ thuật số 922;
 - Ban quân y căn cứ hàng không Cam Ranh;
 - Ban quân y trung đoàn không quân hải quân;
 - Ban quân y tiểu đoàn quân cảnh độc lập;
 - Tổ quân y trạm an toàn bức xạ;
 - Ban quân y trung tâm quan sát và truyền tin;
 - Ban quân y lữ đoàn tàu mặt nước;
 - Ban quân y sư đoàn tàu ngầm.
 Đây là một tập hợp rất đáng kể các lực lượng và phương tiện y tế cho phép có các giải pháp y tế chất lượng cao trước những thách thức đặt ra. Việc chuẩn bị các chuyên gia y tế tại tất cả các trình độ khác nhau, cho phép chúng ta giải quyết vấn đề sức khỏe hàng ngày cho con người. Khi cần thiết, các chuyên gia của bệnh viện hoặc của đội vệ sinh phòng dịch sẽ nhờ đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia thích hợp tại Hạm đội Thái Bình Dương hoặc Bộ Tư lệnh Hải quân Xô viết. Đó là chỉ đơn giản là trợ giúp về kế hoach tổ chức và kỹ thuật chuyên môn thuần túy, và không được xem là đáng xấu hổ khi nhờ tới những đồng nghiệp có chuyên môn cao cấp trong hội chẩn những trường hợp bệnh lý không sáng tỏ.  Trong một số trường hợp riêng, các bệnh nhân được sơ tán bằng máy bay đến Vladivostok để điều trị trong bệnh viện của hạm đội.
 Một số vấn đề về phòng chống dịch được giải quyết bởi nhà dịch tễ học hàng đầu của Hải quân Xô viết  Đại tá quân y Kozlov Yu.V., người ghé thăm quân cảng Cam Ranh năm 1988.
 Về tổ chức, trưởng phòng quân y binh đoàn 17, để làm rõ tình hình dịch tễ trên bán đảo Cam Ranh, hai lần một tháng, phải họp với trưởng phòng quân y vùng 4 Hải quân Việt Nam với sự có mặt của phiên dịch viên, tùy thuộc tình hình, nếu cần thiết, các cuộc họp này được tổ chức thường xuyên hơn.
 Tình hình dịch bệnh tại các khu vực xung quanh binh đoàn, các chuyên gia đội vệ sinh phòng dịch số 7 cũng nắm được từ các cuộc trò chuyện cá nhân với một chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang, ngườ đó đã tốt nghiệp y khoa ở Liên Xô, và biết tiếng Nga rất tốt. Người ta tổ chức các chuyến đi vào thành phố Nha Trang mỗi tháng 1-2 lần, chẳng ai gây trở ngại cho vấn đề này, bởi vì việc phòng ngừa dịch bệnh là phương hướng chính của công tác chăm sóc y tế. Sự hợp tác của các phòng quân y binh đoàn và phòng quân y vùng 4 Hải quân luôn luôn cho kết quả tích cực.
 Đặc biệt cần nhấn mạnh là Bộ chỉ huy binh đoàn 17 có thái độ rất nghiêm túc với chất lượng chăm sóc y tế cho các quân nhân và gia đình họ.  Điều này đã góp phần vào thực tế là trong các đơn vị quân đội các chỉ huy ở các cấp có thái độ hiểu biết với các khuyến nghị của trưởng phòng y tế và các chuyên gia đội vệ sinh phòng dịch số 7, áp dụng chúng vào cuộc sống thực tế.  Tất cả các vấn đề được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, công tác chăm sóc y tế diễn ra khá nhẹ nhàng.  Bây giờ chúng tôi có thể nói: "Thật may, khi đó ta có một Bộ chỉ huy thông minh".  Giữ gìn sức khỏe cho con người là tối thượng.
Công tác chăm sóc y tế tại căn cứ liên tục được nâng cao, bởi vì sự triển khai các đơn vị quân đội luôn thay đổi định kỳ, các công trình mới vẫn tiếp tục được xây dựng thêm. Trên cơ sở bệnh viện hải quân đã tổ chức ra các kíp trực của các bác sĩ quân y làm nhiệm vụ của bác sĩ trực ban tại doanh trại, trong quyền điều động của bác sỹ trực này có xe cứu thương trực chiến suốt ngày đêm với tủ thuốc cấp cứu.  Điều này đặc biệt cần thiết đối với các biên đội tàu chiến không có ô tô (trong biên chế). Trong các trạm quân y dã chiến của các đơn vị quân đội vẫn tiến hành điều trị cho các bệnh nhân đau ốm vì các nguyên nhân khác nhau nhưng không muốn được điều trị tại bệnh viện, mà muốn được ở lại điều trị trong đơn vị mình. Trong trường hợp này, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề là có phân biệt trường hợp cá nhân và dân chủ.  Hệ thống này làm việc đồng đều và tương đương.
 Dần dần, các bác sĩ - chuyên gia tại bệnh viện và các bác sĩ ở đơn vị đã phát triển được sự hiểu biết lẫn nhau về nhiều khía cạnh của chiến thuật y tế trong điều trị bệnh.  Thực hiện nguyên tắc - bệnh viện dành cho bệnh nhân và không phải bệnh nhân vì bệnh viện.
Trong năm 1988, đã phát triển xong hệ thống chăm sóc y tế trên toàn bán đảo Cam Ranh, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho các đơn vị quân đội cũng như nhân viên dân sự, và hệ thống này đã làm việc cho đến khi giải tán binh đoàn 17, các đơn vị hợp thành và các yếu tố cơ bản nhất của hệ thống còn tồn tại - cho đến ngày cuối cùng của PMTO trên đất Việt Nam, tức là đến ngày 2 Tháng 5 năm 2002.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Giêng, 2011, 05:11:32 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #187 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 12:23:30 am »

(tiếp)
Đội vệ sinh-phòng dịch quân đội số 7

Đội vệ sinh phòng dịch số 7 (VSPD) là một tổ chức dã chiến hình thành từ cơ quan vệ sinh phòng dịch 202 của hạm đội (đơn vị quân đội 60174) và có nhiệm vụ kiểm tra giám sát vệ sinh-dịch tễ học và thực hiện bảo đảm vệ sinh-phòng dịch cho tập thể các thành viên Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm cả binh đoàn tác chiến chiến dịch số 17 trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ chiến đấu (hành trình chiến đấu) trên không gian rộng lớn của các đại dương thế giới.
 Đội VSPD số 7 có các nhiệm vụ:
 - Nghiên cứu về tình hình dịch tễ học của người và bệnh dịch trên súc vật trong các căn cứ tạm thời,  các điểm neo đậu có thể và các hải cảng sẽ ghé vào, tiến hành khảo sát vệ sinh-dịch tễ học các căn cứ cho tàu chiến;
 - Thực hiện phân tích nghiệp vụ các căn bệnh truyền nhiễm mà thành viên các đơn vị tàu chiến mắc phải trong quá trình tàu thực hiện hải trình, phân tích truy nguyên các căn bệnh truyền nhiễm mắc phải ở cuối hải trình;
 - Hướng dẫn và thực hành trợ giúp cho các phòng ban quân y và ban chỉ huy các tàu chiến trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly, chẩn đoán-điều trị, tình trạng-hạn chế, giải trừ lây nhiễm, khử trùng, kiểm chứng và phòng chống khẩn cấp;
 - Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đặc biệt trên các tàu hoạt động xa căn cứ;
 - Giám sát việc tuân thủ các yêu cầu trong các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và kiểm dịch trên các tàu tại các căn cứ tạm thời;
 - Giám sát kiểm tra việc vệ sinh-phòng dịch các nguồn nước, thức ăn, nhà ở và điều kiện làm việc và điều kiện sống của tập thể các thành viên trên tàu;
 - Thực hiện các nghiên cứu vi trùng học, vệ sinh học, ký sinh vật học trong phòng thí nghiệm;
 - Chuẩn bị báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh trên các tàu chiến của các đơn vị, chuẩn bị các bản mô tả tình hình vệ sinh và dịch bệnh của khu vực hải trình, các báo cáo và tài liệu thuyết minh.
............
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #188 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2011, 11:27:58 pm »

(tiếp theo)
Đội vệ sinh-phòng dịch quân đội số 7
 Ngoài việc đảm bảo cho các thành viên trên chiến hạm, nhiệm vụ tương tự cũng đặt ra là phải đảm bảo cho thành viên các đơn vị trên bờ (PMTO, tiểu đoàn cảnh vệ độc lập, khu không quân và các bộ phận khác), và áp dụng các biện pháp có chọn lọc cho phù hợp với khối dân sự (thành viên gia đình quân nhân, đội ngũ các nhà xây dựng của Tổ hợp xây lắp Xô viết).
 Tổ chức và cơ cấu của đội vệ sinh-phòng dịch số 7: Đội trưởng (Bác sỹ-nhà dịch tễ học), phân đội trưởng phân đội vệ sinh y tế, phân đội trưởng phân đội các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, bác sỹ-chuyên khoa các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, thí nghiệm viên -2 (phục vụ ngắn hạn / dài hạn), hướng dẫn viên y tế - 2 (ngắn hạn/ dài hạn).
 Việc đảm bảo phòng dịch cho lực lượng binh đoàn 17 bao gồm biện pháp "trực phiên" trong thời hạn 6-8 tháng, gồm 2 bác sĩ, 1 thí nghiệm viên và một hướng dẫn viên y tế.  Phòng thí nghiệm của đội vệ sinh-phòng dịch số 7 triển khai tại một trong các tàu đảm bảo của binh đoàn (tàu căn cứ nổi cho tàu ngầm hoặc tàu công binh xưởng). Trong thời gian binh đoàn 17 đóng quân tại quân cảng Cam Ranh, trong phòng thí nghiệm của đội vệ sinh-phòng dịch quân đội số 7 đã có các bác sỹ-chuyên khoa biệt phái về các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm (особо опасных инфекций (ООИ)) từ các đơn vị vệ sinh-dịch tễ học của Hạm đội Thái Bình Dương - năm 1983 - Thiếu tá quân y Manelyuk của đơn vị 203 (Petropavlovsk-Kamchatsk), 1984 là thượng úy quân y  Chinenov A.N.  của đơn vị 201 (thành phố Shkotovo-17), năm 1985 thượng úy quân y Efimov O.N. của đơn vị 201 (thành phố Shkotovo-17).  Năm 1985, phòng thí nghiệm của đội vệ sinh-phòng dịch quân đội số 7 đã được di chuyển lên bờ, trong khu căn cứ PMTO của binh đoàn, nơi phòng thí nghiệm bố trí trong 3 phòng cuối cùng thuộc khu biệt lập của doanh trại.
 Năm 1986, đội VSPDQĐ số 7 được biên chế về PMTO và từ năm 1988 được bố trí trong 6 phòng khu doanh trại bỏ trống của tiểu đoàn cảnh vệ độc lập. Năm 1987, đội VSPDQĐ số 7 được bổ sung quân số và chuyển chế độ phục vụ thường trực, với thời hạn phục vụ của thành viên theo kỳ hạn tại quân cảng Cam Ranh là 3 năm. Với chế độ này, các sĩ quan có quyền đưa cả gia đình đến sống cùng. Tháng Tư năm 1988, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Hải quân và Bộ Tham mưu Hạm đội Thái Bình Dương, đội VSPDQĐ số 7 chuyển thuộc quyền chỉ huy của tư lệnh binh đoàn 17.  Năm 1990, đội VSPDQĐ số 7 được chuyển tới nơi trú đóng mới, được xây dựng theo một đồ án đặc biệt, trong khu PMTO, cạnh bệnh viện hải quân.  Đội VSPDQĐ số 7 và bệnh viện hải quân số 1393 được đảm bảo cung cấp nguồn điện dự phòng, nguồn này đã nhiều lần cung cấp cho các năng lượng điện cho các đơn vị trong trường hợp khẩn cấp. Tháng mười hai năm 1991, sau khi rút gọn binh đoàn 17, đội VSPDQĐ số 7 thuộc quyền chỉ huy của lữ đoàn trưởng lữ đoàn tác chiến chiến dịch-chiến thuật độc lập số 19.
Trong giai đoạn trước 1987, đảm trách vị trí các đội trưởng đội VSPDQĐ số 7 (sỹ quan cao cấp nhất của nhóm công tác lưu động có thời hạn), ngoại trừ các đội trưởng chính thức còn có: thiếu tá quân y Klimenko, thiếu tá quân y Druzhkov V.N., thượng úy quân y Efimov O.N.  Từ 1987-1989 chỉ huy đội VSPDQĐ số 7 là trung tá quân y Arkhireev S.Yu., từ năm 1989 đến năm 1992 - Trung tá quân y I.V. Ryazantsev. Tại phòng thí nghiệm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm: thiếu tá quân y Efimov O.N. (1987-1991), đại úy quân y Masiuk P.P (1987-1989), đại úy quân y Tsirkalyuk S.N. (1989-1992). Chỉ huy phân đội vệ sinh y tế là thiếu tá quân y Glushchenko S.N. (1988-1992).
 Mức độ căng thẳng của các loại dịch bệnh trong khu vực Đông Nam Á là rất cao. Khu vực này là một trung tâm đặc thù về cường độ các loại bệnh dịch của các bồn trũng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và lục địa Á-Âu.  Sự đa dạng về  điều kiện tự nhiên và sinh thái học chính là tiền đề của sự tồn tại và phổ biến trong khu vực một loạt các bệnh truyền nhiễm và có nguồn gôc ký sinh trùng (bao gồm cả những dịch bệnh phải cách ly) - bệnh dịch hạch, bệnh tả, nhiễm trùng đường ruột, sốt rét, sốt xuất huyết, Tsutsugamushi, Chukungunya, bệnh nhiễm khuẩn Whitmori, đau mắt hột, bệnh sốt phát ban lây nhiễm từ chuột, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun chui ống mật, và nhiều bệnh khác.  Đặc trưng khu vực là sự tồn tại các trung tâm tự nhiên các loại bệnh và dịch truyền nhiễm đồng thời.  Hầu như với tất cả các du khách châu Âu trước khi đạt được thích ứng, đều phát sinh rối loạn thần kinh nội sinh và các rối loạn cân bằng nước-muối của cơ thể, là những yếu tố cơ bản giảm thấp khả năng đề kháng của cơ thể và thúc đẩy sự lây lan của tụ cầu khuẩn và bệnh da do nấm, cũng như các bệnh lây nhiễm khác.
 Mức độ hiểu biết về địa lý dịch tễ học của khu vực là chưa đủ.  Bệnh sốt mà không rõ căn nguyên đã lan truyền rất phổ biến, căn bệnh học của nó, muốn xác minh được cần phải có sự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chuyên sâu.  Nguy cơ mắc các bệnh lây truyền trên thực tế là quanh năm. Điều kiện vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương đa phần không được đảm bảo (chỉ có 6% dân số nông thôn được cung cấp hệ thống cách ly rác thải, chỉ có 30% cư dân đô thị được cung cấp nước máy).  Sự ô nhiễm môi trường sống từ phân là rất đáng kể.  Đặc trưng ở đây là sự tồn tại một loạt mẫu địa phương chứa mầm bệnh và các mẫu vi trùng kháng thuốc và vật truyền bệnh của chúng.  Do đó, tất cả các công việc của bác sĩ gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở khu vực này được đặt lên hàng đầu, mục đích là giữ gìn sức khỏe đảm bảo khả năng công tác cho tập thể thành viên và sức chiến đấu trên các tàu chiến và tại các đơn vị.
 Tình hình vệ sinh-dịch tễ khu vực cảng Kam Ranh trong suốt thời gian vẫn còn khó khăn.  Xác suất lây truyền các bệnh truyền nhiễm trong các đơn vị quân đội Xô viết có nguyên nhân từ các yếu tố sau:
 - Triển khai các đơn vị và các tàu chiến trong một khu vực đặc trưng bởi một số lượng lớn các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới địa phương;
 - Sự hiện diện trên bán đảo, một số lượng đáng kể quân đội Việt Nam và tiếp xúc gần gũi của họ với cộng đồng địa phương ở khu vực đất liền cận kề bán đảo;
 - Sự qua lại tương đối tự do của đội ngũ xây dựng Việt Nam trong các thị tứ Xô viết và các tiếp xúc giữa họ với đội ngũ xây dựng và nhân viên quân sự Liên Xô;
 - Việc chuyên chở vào tận nơi trên bán đảo nhằm cung cấp cho đội ngũ các tập thể ở đây các loại hàng hóa Việt Nam (bao gồm cả rau và trái cây), có chất lượng vệ sinh-dịch tễ học không được bảo đảm;
 - Việc đi lại của quân đội Xô viết ra ngoài bán đảo để làm việc và du lịch tại đất liền, nơi có xác suất lây nhiễm từ con người tăng mạnh.
 Tính tới những điều này và các yếu tố khác, trong công tác của các chuyên gia đội VSPDQĐ số 7, có dành sự quan tâm đáng kể cho việc điều tra y tế và thu thập số liệu dịch tễ học về tỉ lệ người dân địa phương và binh lính Việt Nam mắc các bệnh truyền nhiễm.  Điều này cho phép tổ chức các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch trong đội ngũ quân đội Xô viết.  Thông tin về tỷ lệ người dân địa phương mắc bệnh nhận được một cách đều đặn và tích cực hàng tháng từ Viện Pasteur, từ trạm phòng chống sốt rét ở thành phố Nha Trang.  Trong cư dân địa phương đã phân biệt các mùa không thuận lợi về dịch tễ học như sau-bệnh dịch hạch: Tháng Mười Hai-tháng Tư; bệnh tả: tháng Năm-tháng Mười; bệnh sốt rét: tháng Hai-tháng Năm và Tháng Chín-Tháng Mười Một; sốt Dengue: Tháng Mười-tháng Giêng và tháng Sáu-tháng Chín và một số bệnh truyền nhiễm.  Các phân tích về mùa, bệnh tật, cơ chế lây truyền trong tập hợp các yếu tố khác sẽ quyết định tiên lượng bệnh tật của các quân nhân đồn trú, định hướng hoạt động của các phòng quân y để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm trong các đơn vị.
 Trong thời gian dễ mắc dịch hạch, trên bán đảo đã thực hành giám sát dịch tễ học hoạt tính các ổ bệnh tự nhiên - quan sát thị giác khu vực quân sự và doanh trại các đơn vị nhằm phát hiện các động vật gặm nhấm chết dịch, tiến hành đánh bẫy động vật gặm nhấm và tìm vi khuẩn bệnh dịch hạch, tổ chức liên tục các đợt diệt chuột trong doanh trại và tiêm chủng phòng bệnh cho các nhân viên quân sự các bộ phận có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
 Những hoạt động ngăn ngừa bệnh tả bao gồm xét nghiệm sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio cholerae- trong nước tại các điểm kiểm soát (nước uống và nước biển tại nơi tắm), rau quả khi tiếp tế thực phẩm cho căn cứ, kiểm tra vi sinh của tất cả, không có ngoại lệ, bệnh nhân có nhiễm trùng cấp tính đường ruột, tiêm phòng cho các thành viên, áp dụng các chế độ, biện pháp hạn chế theo chỉ định trong thời gian cô lập vi trùng Vibrio paracholerae khỏi nước biển.
 Sau khi phân tích tình hình dịch bệnh tại các khu vực Việt Nam lân cận, nhằm áp dụng các biện pháp phòng bệnh, Bộ chỉ huy binh đoàn 17 đã quyết định-việc tiêm chủng phòng bệnh trong các đơn vị quân sự và dân sự của PMTO - tiêm phòng dịch hạch (1 lần / năm) và bệnh tả (2 lần một năm) từ mùa xuân năm 1988 thực hiện theo chỉ định y tế về dịch tễ học.
 May mắn thay, những chỉ định bệnh dịch học đã không có, việc tiêm chủng không phải áp dụng cho bất kỳ ai (kể cả trẻ em, phụ nữ và quân nhân), đó là nhờ các biện pháp phòng ngừa và sự thực hiện trung thành của các công dân Xô viết các quy tắc vệ sinh y tế cơ bản, không có mắc phải các bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm trên. Nguồn dự trữ vắc xin cho toàn bộ quân đội Xô viết cho việc tiêm chủng một lần duy nhất vẫn được cất giữ ở đội VSPDQĐ số 7.
 Công tác phòng chống bệnh sốt rét được quan tâm rất đặc biệt, bởi lẽ tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là căn bệnh giữ vị trí hàng đầu trong tất cả các loại bệnh truyền nhiễm. Tỷ lệ tử vong vì bệnh này trong cả nước tại các thời điểm khác nhau đã đến mức 2 phần nghìn.  Mặc dù chính phủ Việt Nam đã sử dụng đến một lực lượng và phương tiện đáng kể để kìm hãm mức độ mắc bệnh, nhưng không hiệu quả.  Đâu đâu cũng thấy sự ổn định của tác nhân kháng lại các chế phẩm điều trị bệnh sốt rét và sự nhờn thuốc của loài muỗi truyền bệnh trước các phương pháp diệt trừ.  Trong các khu vực lân cận bán đảo Cam Ranh của tỉnh Phú Khánh có đến 20% dân số bị sốt rét và số liệu thống kê mới chỉ kể đến các ca bệnh nghiêm trọng, xảy ra với các triệu chứng lâm sàng rõ rệt.  Các ca nhẹ và không có triệu chứng rõ rệt, phía Việt Nam coi là "người mang mầm bệnh có đề kháng tốt" của bệnh sốt rét. Trong hầu hết trường hợp, việc điều trị sốt rét không đảm bảo chữa dứt hẳn bệnh, và bệnh nhân được ra viện khi mà vẫn còn có ký sinh trùng trong máu.  Cư dân không được chủng vắc xin ngừa bệnh theo liệu pháp hóa học, các chuyên gia Việt Nam xem đó là một biện pháp không kinh tế và không hiệu quả. Không có các hoạt động có tổ chức để chống các loại muỗi truyền bệnh trong cả nước.
 Cho đến năm 1988, việc phòng bệnh sốt rét đối với quân đội Xô viết trên bán đảo chưa được đúng mức và kịp thời. Các thông tin đáng tin cậy về tỷ lệ mắc bệnh sốt rét trong cư dân địa phương và quân nhân Việt Nam là không có, các phác đồ điều trị y tế về tổng thể là không đúng, sự cảnh giác đề phòng chống lại căn bệnh này cũng không có nốt. Kết quả là các bệnh nhân đã khiếu nại, rằng chủ yếu là họ không được kiểm tra kỹ, họ không được điều trị phòng ngừa, các biện pháp điều trị hóa liệu pháp đầy đủ đã không được thực hiện. Có thể thấy rằng, chất lượng chuyên môn thấp của các thầy thuốc-thí nghiệm viên trong chẩn đoán căn bệnh này về cơ bản không đáp ứng được những đòi hỏi hiện đại của các thiết bị thí nghiệm. Điều này dẫn đến một thực tế vào năm 1986 trong số các thành viên trên các tàu chiến đã có một trường hợp tử vong vì bệnh sốt rét, và 12 bệnh nhân nặng, số này kịp sơ tán về Liên Xô, còn vào năm 1987 ghi nhận được 25 ca bệnh, trong đó 72% số ca từ nặng đến trung bình, và có một ca tử vong.
 Sự hình thành các ổ bệnh sốt rét bắt đầu năm 1985 khi tại bán đảo triển khai công cuộc xây dựng quy mô lớn có sự tham gia của lực lượng quân đội Việt Nam từ lữ đoàn công binh công trình 394 (tư lệnh - Trung tá Nguyễn Tiến Long), có số lượng quân nhân vào cuối năm 1987 là 5000 người, hầu hết trong số họ đến từ phía nam của nước Việt Nam và từ Campuchia, nơi bệnh sốt rét và sự tồn tại ký sinh trùng sốt rét trong người là phổ biến.  Bệnh nhân là quân nhân Việt Nam bị sốt rét nặng được điều trị tại trạm xá dã chiến trong khu PMTO "cũ", trong vùng lân cận trực tiếp với quân đội Xô viết.  Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ hơn hoặc có ký sinh trùng trong người không được chữa trị. Các biện pháp chống muỗi truyền bệnh và triệt phá nơi sinh sản của chúng không được phía Việt Nam áp dụng.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2011, 10:59:14 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #189 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2011, 12:56:59 am »

Tàu ngầm nguyên tử "K-314" đề án 671-V, thuộc sư đoàn tàu ngầm số 38-binh đoàn 17, Hạm đội Thái Bình Dương.

"K-314" đề án 671-V, mùa hè 1985, nổi "phềnh" giữa vịnh Cam Ranh. Đây là tàu đã va chạm lúc nổi lên để quan sát với tàu sân bay "Kitty Hawk" tại biển Nhật Bản ngày 21 tháng 3 năm 1984, khi đó "K-314" đang theo dõi nhóm tàu chiến Mỹ tập trận "Tinh thần đồng đội-84" cùng quân đội Hàn quốc. Cả hai tàu bị thương nhẹ, một cánh quạt bánh lái "K-314" mắc vào thân tàu "Kitty Hawk". Tàu "K-314" không lặn được nữa và được tàu săn ngầm và chống hạm cỡ lớn "Vladivostok" kè về căn cứ cơ bản để sửa chữa. Ảnh trên chụp sau khi tàu sửa chữa xong và tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Ảnh dưới - USS "Kitty Hawk" CV-63, ảnh chụp ngày 8 tháng 3 năm 2006 (en.viki).Tại thời điểm xảy ra va chạm, USS CV-63 ước có vài chục vũ khí mang đầu đạn hạt nhân, "K-314" có thể mang theo 2 ngư lôi gắn đầu đạn hạt nhân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM