Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 12:37:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91518 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 06:55:20 pm »

Lúc cập rập thiết lập tuyến phòng vệ cạnh sở chỉ huy tiểu đoàn, dù bị thương nặng nhưng trung úy Giroux, về mặt thực tế, là lãnh đạo của những người bị vây. Anh là một cựu binh thế chiến II, một sỹ quan bộ binh đầy kinh nghiệm, và dường như anh có giác quan để nhận biết khả năng hạn chế của họ – và cách hành động tốt nhất trong khi vẫn còn thời gian và chút cơ hội. Cùng cộng tác với anh là trung úy Peterson và người bạn chiến đấu Walt Mayo, anh vốn không phải là sỹ quan, nhưng đã trở thành như vậy trên chặng đường chiến đấu gian khổ lên phía bắc từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, một NCO rất nhiều kinh nghiệm. Ngay từ lần tấn công đầu, họ biết đó là quân Trung Quốc, và rằng trung đoàn của họ chính là đơn vị “điểm” mà cuộc chiến mới bắt đầu. Quân binh cùng nhau sát cánh trong tuyến phòng thủ, vượt qua đêm đầu tiên, nhưng trông rất trống trải. Lực lượng hỗ trợ đang đến, như lời cấp trên vẫn nói, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu gì. HÔm đó, có một chiếc trực thăng cố đáp để bốc một số thương binh, nhưng hỏa lực của quân Tàu quá rát, nên nó phải bay đi sau khi thả được chút đỉnh đồ y tế, hầu hết là băng gạc nhỏ.

Quân lính tuyệt vọng trong vòng phòng thủ giờ đối mặt với thế lưỡng nan: làm thế nào để thoát ra và làm thế nào với những thương binh hiện có. Họ cũng nguy ngập với tình hình cạn đạn dược. Thêm vào đó, vũ khí cũng không đủ, nhưng một ước đoán lạnh lùng làm họ biết rằng có khả năng đó là vấn đề nhỏ nhít nhất. Bởi số người bị giết sẽ làm cho vũ khí có đủ cho tất cả. Vòng phòng thủ bé xíu của họ cách chừng bảy mươi thước – bảy mươi thước địa hình bằng phẳng và rất trống trải – tính từ sở chỉ huy tiểu đoàn (CP), nơi hầu hết thương binh được đưa về đó. Trưa ngày 3 tháng Mười một, Peterson, Mayo, Richardson và Giroux đi về CP để họp cho ngày phán xét sau cùng. Vì Richardson không phải là sỹ quan nên anh không dự, nhưng anh biết đó là về việc gì. Tất cả các sỹ quan, phần lớn cũng bị thương, đang nói về một chủ đề cấm kị – cách giải quyết bài toán thương binh trong thời khắc kinh khủng cuối cùng, mà họ biết nó đang đến gần. Những sỹ quan bị thương đã phải quyết định về việc họ sẽ ở lại đó, chờ vào lòng khoan dung, nếu có, của quân thù. Bromser và Mayo đến chỗ trung úy Kies và báo rằng họ sẽ cố phá vây ra. Họ hỏi ông có thể tham gia không, và Kies trả lời không, họ phải quên ông đi, bởi ông không thể di chuyển được và không muốn mọi người bị chậm vì mình.

Cái quyết định xé lòng đó của những người lính trẻ, đã làm Richardson ray rứt từ lúc đó và mãi cho tới nửa thế kỷ sau. Anh tình nguyện lãnh vài người, ở lại, và bảo vệ boong-ke cùng thương binh đến phút chót, nhưng đề nghị đó bị các sỹ quan bị thương bác bỏ. Những ai còn di chuyển được, những ai có thể có khả năng lãnh đạo, không thể hi sinh lãng phí để bảo vệ thương binh. Tất cả họ đều hiểu thời gian còn rất ít và đợt tấn công sắp tới sẽ rất ác liệt. Họ có thể nghe thấy quân Trung quốc đang đào hào từ phía lòng sông thẳng vào vòng phòng thủ, để có thể tấn công vào ngay giữa quân Mỹ trước khi chúng thành đích ngắm. Richardson đi quanh để gom lựu đạn và đưa cho viên hạ sỹ, rồi bảo anh ta rằng nhiệm vụ là ngăn quân Trung Quốc đào hào. Viên hạ sỹ bò ra – đó là một màn trình diễn dũng cảm chết tiệt, Richardson nghĩ, một hành động trông chừng chỉ có trên phim ảnh hơn là trong cuộc sống – anh ta làm chậm tiến độ đào hào lại.

Nhưng chiếc thòng lọng vẫn đang thít chặt lại, và câu chuyện về lực lượng giải vây chết dần. Họ có được một cuộc không kích bằng những chiếc B-26 của quân Úc trong ngày hôm đó, nhưng thời gian đang chống lại họ. Và cũng có một nỗ lực tiếp vận; một chiếc phi tuần nhỏ thả xuống một đôi túi rơi cách vòng phòng thủ chừng 150 thước. Richardson  bò ra lấy được, nhưng bên trong không nhiều nhặn gì, và cũng không phải thứ mà họ đang cần: đạn và morphin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 06:58:06 pm »

Lực lượng giải vây sẽ không đến. Hap Gay, sư trưởng, người đã tranh luận cho việc rút lui của cả trung đoàn vài hôm trước, gửi quân lên phía bắc để giải vây, nhưng họ bị quân Trung quốc nghiền nát, vì phía đối phương đã chọn được những vị trí phục kích gần như hoàn hảo để chặn đánh các nỗ lực giải vây vốn thường thấy – đó là một bài cơ bản của quân Trung Quốc, đả viện. Các lực lượng giải tỏa không có nhiều pháo và không quân chi viện, đây là hai thứ có thể cho họ ưu thế để tấn công các vị trí quân Trung Quốc. Một trong các đơn vị cố đột kích lên là trung đoàn 5 kỵ binh của trung tá Johnny Johnson, và mỗi tiểu đoàn của ông hứng chịu tới 250 ca thương vong. Ngày 3 tháng Mười một, biết là vô vọng, Gay, theo lệnh từ Milburn ở quân đoàn, phải cho sư đoàn rút lui, đã ra một quyết định mà sau này ông nói là khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Ông dừng các nỗ lực giải vây và để quân mình ở đó, đơn độc.

Cuối ngày hôm đó, một chiếc máy bay trinh sát khác thả xuống một thông điệp báo cho những người bị vây nên cố đột phá ra. Đó thật sự là một thông điệp không dễ chịu gì, nhưng Richardson cùng đa phần anh em vốn đã hiểu họ phải tự thân vận động. Và khi đêm xuống, quân Trung Quốc tấn công lại với lực lượng mạnh. Quân Mỹ bị vây bắn đạn bazooka vào xe cộ của họ bị kẹt dọc theo con đường hướng nam và tây nam, chúng bốc cháy. Việc này như kiểu tự tạo ra một thứ hỏa châu cháy lâu của riêng họ, và giúp nhiều cho công cuộc phòng thủ. Mỗi khi một chiếc xe bốc cháy, nó cháy rất lâu. Tuy vậy, số người còn trụ được trong chốt giảm nhanh trong đêm. Bắt đầu với không quá một trăm người, và giờ chỉ còn vài mống cùng rất ít đạn. Qua ngày 4 tháng Mười một, Richardson ước tính rằng có tới một phần tư số lính Mỹ chiến đấu bằng vũ khí Trung Quốc lấy từ các xác chết. Đêm khổ chiến thứ hai là một sự kinh hoàng khác. Đêm ấy chiếc xe tăng cuối cùng rời đi – vài người bảo có lệnh điều ra, nhưng nhiều người khác tin rằng nó bỏ chạy – và cùng với chiếc tăng, mọi liên lạc vô tuyến với bên ngoài kết thúc. Và theo một nghĩa nào đó kinh khủng: đó biểu trưng cho việc họ bị bỏ rơi. Một điều khắc sâu Richardson vào trí nhớ của ông đến tận mãi hiện nay, đó là cảnh xác lính Mỹ chất đống quanh khẩu đại liên, nơi quân Trung Quốc tập trung hỏa lực của họ vào.

Sáng sớm ngày thứ tư, Richardson, Peterson, Mayo và một người lính khác được chọn đi trinh sát xem có lối thoát nào không. Cấp bậc không quá quan trọng. Mayo và Peterson là sỹ quan, nhưng họ thuộc pháo binh, trinh sát pháo, còn Richardson – như Giroux đã lưu ý – dù chỉ là một NCO, nhưng anh có lẽ có kinh nghiệm tác chiến bộ binh nhất và tin vào bản năng anh. Peterson nhớ mãi cái khoản khắc kinh khủng trước khi họ đi. Lúc anh bò qua máy truyền tin, có một người đang nằm đó, bị thương nặng, anh lính đó hỏi: “trung úy Peterson, ông thầy đi đâu đó?”. Peterson trả lời rằng anh đang tìm lối thoát, để có tiếp viện. Người lính bắt đầu nài nỉ: “Trung úy, đừng bỏ tôi lại đây! Xin đừng bỏ tôi ! Ông thầy đừng bỏ tôi đây cho chúng nó”. Liếc nhanh qua Peterson đã biết chỉ đôi giờ nữa là anh ta sẽ chết. “Tôi xin lỗi. Tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi phải đi để tìm trợ giúp” anh nói rồi bò ra nhập với tổ tìm kiếm.

Richardson tin chắc rằng có một lối thoát ở phía đông bởi các đợt tấn công của quân Trung Quốc đến từ ba hướng khác; và, chầm chậm di chuyển, họ tìm ra một lòng sông phủ đầy thương binh địch, và họ hiểu anh em mình, đặc biệt là thương binh, đã rất gần với việc bị bắt làm tù binh, Richard bảo anh em: đừng có chỉa vũ khí vào họ chứ đừng nói tới việc bắn hạ một ai. Đừng nghĩ về việc ấy. Họ dừng lại ở một ngôi nhà mà cánh hậu cần Mỹ đã dùng là kho chứa trong một thời gian ngắn. Giờ nó chứa đầy thương binh Trung Quốc. Thương binh địch trong nhà liên tục rên rỉ những âm thanh kỳ quái nghe như “shwee, shwee”. Sau này Richard được giải thích là tiếng shui, nghĩa là nước trong ngôn ngữ của họ. Cuối cùng họ cũng đến lòng sông, và chỉ thấy có nhiều lính Tàu hơn, có lẽ bốn hoặc năm trăm nạn nhân của pháo kích, hầu hết đã chết nhưng vẫn có một ít còn sống, ngắc ngoải, cầm ca và vang nài xin nước. Lúc đó, quân Mỹ đã khẳng định được rằng họ có thể thoát ra theo hướng đông, rồi họ trườn lui về trở lại với anh em trong vòng phòng thủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 07:00:44 pm »

Với Bill Richardson, cái quyết định được đưa ra sau khi họ quay về là thứ đau khổ nhất mà anh từng trải qua. Không có thứ gì trong vài ngày sau đó, hay trong cả cuộc đời còn lại của anh có thể so sánh được. Có chừng 150 thương binh ở đó, và không có cách nào họ chịu nổi một chuyến đi nguy hiểm trong đêm dưới làn đạn địch trong vùng đồi núi. Tất cả thương binh đều hiểu điều đó. Không ai muốn nằm lại trong tay quân Tàu. Ngay sau khi anh quay về, vài người còn nhúc nhắc đi lại được, đến gặp Richardson, khóc lóc, nói anh đừng bỏ rơi họ, làm ơn, chúa ơi, đừng bỏ rơi họ, đừng để cho bọn Tàu, mà hãy để Chúa dẫn dắt họ, đừng bỏ rơi họ ở đó đến chết. Anh tự hỏi, liệu có thể thực thi nhiệm vụ, theo thượng cấp, mệnh lệnh phải tuân thủ đến phút cuối, rằng đưa càng nhiều người thoát ra càng tốt, với việc tự vấn mình ở góc độ một con người? Có thể nào tự tha thứ cho bản thân vì những gì mình đã làm trong đời? Đó là câu hỏi mà anh dằn vặt mình suốt trong cả  nửa thế kỷ sau đó.

Giroux vẫn ổn trong vài ngày đầu tiên, anh điều hành, và chăm sóc những thương binh nặng, nhưng anh chết trong trại tù binh. Kies thì cùng với các thương binh khác đợi quân Tàu đến, chắc chắn rằng sẽ vậy. Và rốt cuộc quân Tàu cũng đến, một trong số chúng yêu cầu anh đứng dậy, anh cố và ngã gục xuống. Đôi chân anh bất khả dụng. Anh đã cắt bỏ đôi ủng trận bởi vết thương sưng phồng lên rất tệ. Anh nhớ rằng quân Tàu tách tù binh ra, những người như tiến sỹ Anderson và cha tuyên úy Kapaun, những ai tự di chuyển được, thành một nhóm và những người khác, như anh, không thể đi và cần được cáng – anh đoán khoản 30 người – đưa lên cáng. Năm người trong số họ chết vì vết thương trong đêm đầu tiên. Trong vài tuần kế tiếp họ đi theo nhóm từ nhà này sang nhà khác. Gần như không có gì để ăn và họ còn phải ăn trộm nước – nhờ một người còn đủ sức bò đi, rồi mang về một ít nước tanh tưởi chứa trong nón trận. Họ không được chăm sóc y tế, ngay cả băng gạc hay i-ốt cũng không. Điều đó kéo dài trong mười sáu ngày, Kies nhớ, cho dù tính cả những thứ chăm sóc cơ bản nhất. Họ di chuyển chậm chạm vào ban đêm. Anh nhớ rằng quân Trung Quốc đưa họ lên hướng bắc trong hai tuần, và anh tin đã nghe thấy tiếng chảy của một con sông sau thời gian đó, chắc là sông Áp Lục. Rồi đến một đêm, anh ngạc nhiên thấy họ quay về hướng nam thẳng đến tuyến quân Mỹ. Sau này anh cho rằng chắc là quân TQ mệt mỏi với việc phải mang theo tù binh. Đến cuối tháng Mười một, họ (quân TQ) bỏ lại tù binh vào một căn nhà cách các vị trí của quân Mỹ vài dặm về hướng bắc, một người trong nhóm của Kies, còn di chuyển được, cố xoay sở đi về hướng nam và liên lạc với quân Mỹ, sau cùng họ gửi xe đến để đón tù binh về. Như đã kể, Kies chỉ làm tù binh trong khoản dưới một tháng. Anh biết anh là một người may mắn. Với nhóm tự đi lại được (như kể trên) phải sống phần thời gian còn lại của mình ở Triều Tiên, hơn hai năm, trong điều kiện giam cầm tồi tệ và đa số họ đã chết. Kies cho rằng nhóm của anh nguyên có ba mươi người thì chỉ còn lại tám trước khi họ được cứu thoát. Chân anh bị gãy bốn chỗ và có tới 52 mảnh cối găm quanh eo. Một người lính trong đội giải cứu đã nói “Trông anh như một đống rác”. Nhưng rồi anh được gửi đi khắp các loại bệnh viện quân đội và hồi phục lại phần lớn sức lực, thậm chí anh còn đủ sức để có hai năm công tác với tư cách cố vấn (quân sự) ở Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 09:31:06 pm »

Trở lại với vòng phòng thủ bé tẹo của quân Mỹ, trước 5 giờ chiều họ cố phá vây và di chuyển được một chút. Có chừng cả thảy sáu mươi người, họ đến lòng sông trước khi cắt đường về phương nam, nhưng di chuyển thật khó khăn. Lúc này họ đang ở hậu tuyến quân Trung Quốc, và với kích cỡ của nhóm, họ rất dễ bị phát hiện. Khi đến được con lộ lớn, MSR, đường tiếp vận chính (Main Supply Route), họ phải băng qua nhanh chóng. Richardson dàn đội hình hàng ngang để tất cả vượt lộ cùng lúc. Tại một điểm nghỉ chân, một trung sỹ thuộc phòng tình báo trườn đến và thì thầm với Richardson, rằng nếu hai ta lẻn đi riêng thì chắc chắn sẽ thoát được đến tuyến quân mình, bởi cả hai là dân chuyên nghiệp và không bị chậm lại bởi tất cả những người khác, những tay mơ trong chuyện di chuyển lặng lẽ này. Anh ta nói đúng, và có lẽ một sỹ quan khác sẽ đồng ý, nhưng Richarson thì không, anh biết đã quá muộn và rằng anh không thể bỏ rơi đồng đội, tại lúc này, ngay cả phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Sáng ngày 5 tháng Mười một, họ vấp phải một trạm gác quân Tàu và hai bên nổ súng. Thế là quân địch đã biết họ ở đâu, sau cùng họ tan tác. Richradson là người duy nhất trong nhóm nhỏ của anh có một vũ khí, một khẩu burp gun (*). Anh bảo những người khác tháo ra, và khi anh nghĩ anh đã lẻn trốn được thì quân địch tìm thấy và bắt anh làm tù binh. Thay cho việc được về nhà  vào ngày Giáng sinh như Tokyo đã hứa, anh đã mất hai năm rưỡi lê la khắp các trại tù tồi tệ – Phil Peterson cũng có một số phận tương tự.

Trung đoàn 8 kỵ binh – khi điểm lại, có đến chừng 800 ca thương vong trong số khoản 2,400 quân trong đơn vị; riêng cái tiểu đoàn 3 bất hạnh, đầu trận chiến có 800 lính khỏe mạnh thì chỉ chừng 200 thoát ra được. Đến lúc đó, thì đây là thất bại tệ hại nhất trong cuộc chiến Triều Tiên, đau gấp bội là bởi nó diễn ra sau bốn tháng chiến đấu mà dường như chiến thắng đã trong tầm tay, và nhằm vào một đơn vị hạng nhất của quân đội Hoa Kỳ. Quân cộng sản Trung Quốc đột ngột xuất hiện khắp nơi với sức mạnh, và đập tan một trung đoàn thiện chiến hàng đầu trong một sư đoàn danh tiếng. Trung đoàn 8 kỵ binh mất phân nửa phương tiện cơ giới ở Unsan, cùng với các vũ khí đi kèm, gồm mười hai khẩu lựu pháo 105mm, 9 xe tăng, 125 xe tải và một tá súng không giật. Phát ngôn viên trung đoàn, trong lần trả lời báo chí sau cuộc tấn công hai ngày đã bàng hoàng nói: “Chúng tôi không biết đó có phải là biểu trưng của chính quyền Trung Cộng không” nhưng đó là “ một cuộc thảm sát kiểu dân da đỏ, như hệt như trận tướng Custer ở Little Big Horn” (**).

Pappy Miller thì bị thương, bị bắt rồi được cha tuyên úy vác đi, trong một nhóm nhỏ tù binh bị giải đi xa lên phía bắc hằng đêm. Trong chuyến đi vất vả đến trại tù, họ đến một căn cứ tạm của quân Trung quốc, ở đó, họ thấy hàng ngàn lính Tàu, có lẽ đến hai mươi hoặc ba mươi ngàn lính. Nó như một thành phố bí mật giữa lòng Bắc Triều Tiên và không chứa gì ngoài lính Tàu. Với cảnh tượng hoàng tráng này, anh biết cuộc chiến đã thay đổi hoàn toàn, nhưng không có ai hữu trách để anh có thể nói cho biết. Anh đang trên chặng đường dài hơn hai năm trong trại tù binh chiến tranh, nơi anh thường xuyên bị đánh đập, bị từ chối được chăm sóc y tế và với khẩu phần thức ăn ít ỏi.

(*) Burp gun có lẽ là tên lóng của khẩu PPSh-41 trong chiến tranh Triều Tiên

(**) Trận Little Big Horn là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh da đỏ, trong đó tướng Custer cùng trung đoàn 7 kỵ binh với 700 quân bị tàn sát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 09:39:54 pm »

Lực lượng LHQ, dù họ có muốn rút chạy hay không, cũng phải nhanh chóng lùi về các vị trí bên kia sông Thanh Xuyên (Chongchon). Ở đó họ chờ đón đòn tấn công kế tiếp của quân Trung Hoa. Nhưng quân Trung quốc biến mất, cũng bí ẩn như lúc xuất hiện. Không ai biết quân địch đi đâu. Chúng lặng lẽ rời chiến trường và một lần nữa vô tung vô ảnh. Nhưng rõ là chúng không rời đất nước này, dù vài người ở Tokyo muốn tin là vậy. Chỉ đơn giản là quân địch lui về các vị trí trú ẩn ở đâu đó xa trên hướng bắc. Ở đó chúng kiên nhẫn đợi quân Mỹ đi vào một cái bẫy lớn hơn, và xa hơn căn cứ chính. Sự kiện Unsan chỉ là sự khởi đầu. Cuộc tấn công thực sự đến từ điểm xa hơn ở hướng bắc trong tiết trời lạnh lẽo hơn, ba tuần sau đó.

Trận Unsan là một lời cảnh báo, nhưng nó không được chú ý. Ở Washington, tổng thống và các cố vấn của ngài, vốn đã băn khoăn hàng tuần liền về ý định của người Trung Hoa, càng trở nên lo lắng hơn. Tổng tham mưu trưởng liên quân, trước sự lo ngại của Tổng thống Harry Truman, đã đánh điện cho tướng MacArthur và yêu cầu trả lời về “ sự can thiệp công khai vào Triều Tiên của lực lượng Cộng sản Trung Quốc”. Những sự kiện diễn tiến trong vài ngày sau đó phản ánh sự khác biệt lớn lao giữa những gì MacArthur muốn làm – đó là tiến đến sông Áp Lục và thống nhất toàn bộ Triều Tiên – và điều mà Washington muốn – tránh một cuộc chiến tổng lực với Trung Hoa.

Vấn đề trọng tâm trong câu hỏi của Washington là người Trung Hoa muốn gì, và một lần nữa MacArthur quyết định điều khiển việc ra quyết sách bằng cách tác động vào hệ thống tình báo. Và một lần nữa, thiếu tướng Charles Willoughby là người chính yếu. Ông ta thận trọng giảm nhẹ cả số lượng và lẫn ý định của quân Trung quốc. Ngày 3 tháng Mười một, ông báo số lượng quân Trung quốc ở Triều Tiên là từ tối thiểu 16,500 đến tối đa 34,500. (Trong khi đã có chừng 2 vạn quân hoặc hai sư đoàn đầy đủ, tấn công quân Mỹ ở Unsan, và gần như cùng lúc một lượng quân tương đương đánh vào một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến ở bờ đông bán đảo và gây ra thương vong khá nặng). Sự thật là có đến 30 vạn quân, hay 30 sư đoàn, đã hiện hữu trên đất nước này. MacArthur, vốn từng bị trận tấn công gây chấn động, giờ lại làm giảm nhẹ việc đó, và câu trả lời qua điện văn JCS áp theo thông tin của Willoughby. Quân Trung quốc, ông ta điện, ở đó để giúp quân Bắc Triều “giữ chút địa vị danh nghĩa ở Bắc Triều Tiên” và để chúng “cứu được chút đỉnh từ sự sụp đổ”.

Nếu như ông ta có chao đảo vì trận tấn công vào lúc ban đầu, thì giờ dường như cảm giác đó đã biến sạch, và lần nữa MacArthur lại trở nên liều lĩnh hơn. Tướng Walton Walker, tư lệnh tập đoàn quân 8, trong thành phần có đơn vị bị tấn công ở Unsan, đã gửi điện về Tokyo sau khi bị đánh rằng: “BỊ PHỤC KÍCH VÀ TẤN CÔNG BẤT NGỜ BỞI CÁC LỰC LƯỢNG ĐƯỢC HUẤN LUYỆN VÀ TỔ CHỨC TỐT, MỘT SỐ LÀ QUÂN CỘNG SẢN TRUNG QUỐC”. Hoàn toàn bộc trực. Nhưng cái thông điệp thẳng thắn của Walker không làm sở chỉ huy của MacArthur hài lòng. Vị thống soái muốn Walker giảm nhẹ mối nguy từ người Trung Quốc và tiếp tục duỗi lên hướng bắc – như bình thường. MacArthur còn mắng Walker nặng hơn, khi ông này thêm lo ngại về việc bắc tiến và ông cũng như Tham mưu trưởng ở Washington, muốn thiết lập một tuyến phòng thủ ở eo bán đảo. MacArthur chất vấn Walker tại sao tập đoàn quân 8 mất dấu quân địch sau trận Unsan và lại rút lui về sau sông Thanh Xuyên trước áp lực của – cái mà ông ta gọi là một vài lính “tình nguyện” Trung Hoa? Rõ ràng là Walker phải tiếp tục tiến lên hướng bắc, áp lực lên ông còn tăng nhanh hơn quân Trung Hoa đang ẩn nấp và đợi.

Ngày 6 tháng Mười một, từ Tokyo, MacArthur ra một thông cáo rằng chiến cuộc Triều Tiên trên thực tế đã đi vào giai đoạn kết thúc bằng việc khép chặt vòng vây ở phía bắc Bình Nhưỡng. Không một ai khác có sự tự tin như vậy. Với đa số sỹ quan thuộc tập đoàn quân 8 – từ thực tế sự kiện Unsan – thì nhận ra rằng đó chỉ mới là một chút nóng từ lò lửa Trung Hoa.

Còn có nhiều lý do hơn nữa để Washington lo lắng. Như trung tướng Matthew B. Ridgway ghi nhận lại, khi trận tấn công đầu tiên của Trung Quốc diễn ra, MacArthur xem nó như là một tai họa và gửi điện về cho Washington phản đối việc giới hạn ném bom vào các cầu trên sông Áp Lục. Khả năng quân Trung Quốc vượt sông bằng cầu, như ông ta nói “sẽ đe dọa hủy diệt các lực lượng dưới quyền của tôi”. Điện văn trả lời từ Washington chỉ ra dấu hiệu can thiệp công khai của Trung Quốc, như theo cách hành văn của Ridgway “là một sự thật rõ ràng”, và mang ý nghĩa đánh giá lại một cách tiêu cực các hoạt động của LHQ ở hướng bắc. Thế là MacArthur gửi lại một bức điện khác, hoàn toàn trái ngược với cái trước trong nỗ lực làm Washington không lo lắng, rằng không lực có thể bảo vệ các lực lượng trên bộ và rằng quân địch sẽ bị quét sạch. Cuộc tiến quân lên phía bắc vẫn tiếp tục. Đó là thời khắc định mệnh của cuộc chiến Triều Tiên: giằng xé giữa giấc mơ “hoàng tráng” của mình về việc hoàn toàn chinh phục đất nước này với việc các đơn vị dưới quyền gặp nguy bởi một kẻ thù mới  mạnh mẽ, MacArthur đã chọn giấc mơ!!!

Tại Washington, những vị tai to mặt lớn vẫn lặng im. Quyền điều khiển cuộc chiến, như Dean Acheson – ngoại trưởng Hoa Kỳ sau này viết, đầu tiên thuộc về người Trung Quốc và sau đó là MacArthur – mà Washington không có chút ảnh hưởng nào với đối tượng đầu tiên và cũng chỉ có chút tác động ngoại vi tới đối tượng thứ hai. “Tướng MacArthur, trước mắt chúng tôi, cao cao tại thượng sau cuộc đổ bộ tuyệt vời” Acheson viết. Thời điểm đó thật nghiêm trọng: các lực lượng mạnh mẽ của một kẻ thù mới tinh vừa có màn ra mắt ấn tượng trên chiến trường, chiến đấu tốt và rồi dường như “biến mất khỏi trái đất”. Ông thêm vào “Cảnh báo sơ đẳng nhất là họ dường như có thể, và rõ ràng là hoàn toàn có thể: đột ngột xuất hiện lần nữa và gây tác hại như họ đã từng làm”.

Ở Sudong, bên kia bán đảo, lính Thủy quân lục chiến thuộc thành phần của quân đoàn 10 bị đánh dữ dội trong một trận chiến xảy ra cùng lúc từ  ngày 2 đến ngày 4 tháng 11, mất 44 người cùng với 162 thương binh. Họ xác quyết rằng trận tấn công đó đã được tính toán kỹ lưỡng, như thể quân Trung Quốc chăng sẵn một cái bẫy, và chúng không thể chờ họ duỗi xa hơn phía bắc, vào sâu hơn trong bẫy. Bằng chứng ở Sudong cùng những sự kiện ở Unsan là nghiêm trọng và không tách biệt. Đó là cơ hội cuối cùng cho việc dừng tiến sâu lên hướng bắc, quay lui và tránh một cuộc chiến lớn với Trung Hoa. Nhưng Washington không làm gì cả. Acheson ghi lại trong hồi ký “Chúng tôi ở đó, như những chú thỏ đờ đẫn trong khi MacArthur mang đến cơn ác mộng”.


Xác thủy quân lục chiến Mỹ sau trận Chosin 11/1950

(Hết chương 1)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 09:50:43 pm »

PHẦN II

NHỮNG THÁNG NGÀY ẢM ĐẠM: INMIN-GUN NAM TIẾN

(*)  Inmin-gun: Quân đội nhân dân Triều Tiên (Bộ đội Bắc Triều)

Chương 2

Không đầy năm tháng trước, khoản ngày 15 tháng Sáu năm 1950, chừng sáu sư đoàn Bắc Triều Tiên lặng lẽ chuyển quân đến các vị trí gần biên giới với Nam Triều Tiên, hội sư cùng vài đơn vị đã đóng ở đó. Họ huấn luyện nghiêm khắc, nhưng tất cả trạm truyền tin vô tuyến đều im tiếng. Phía công binh, lặng lẽ và bí mật, thiết lập thêm một số cầu đơn giản trên con đường huyết mạch xuống phía nam, và gia cố để đủ chịu đựng sức nặng của những chiếc xe tăng T-34 do Nga sản xuất. Cùng lúc, công nhân cộng sản cũng làm việc hết mình để sửa chữa đường xe lửa, vốn do chính người miền bắc đã phá hủy khi đất nước chia cắt sau thế chiến II, đó là tuyến đường chạy theo trục bắc-nam. Đêm 24, mưa đổ, và tiếp tục rơi trong sáng hôm sau, có chừng 9 vạn quân, hơn bảy sư đoàn bộ binh và một lữ đoàn thiết giáp quân đội Nhân dân Triều Tiên, hoặc được biết với tên Inmin-Gun, băng qua vĩ tuyến 38 và trực chỉ phương nam. Một trận tấn công đa hướng được lên kế hoạch hoàn hảo. Quân miền Bắc dùng xa lộ và hệ thống đường sắt để tiến hành chuyển quân,  rất nhiều minh chứng cho thấy họ đã di chuyển tuyệt đối nhanh, tuyệt đối thành công để hợp vây các đơn vị Nam Hàn đang hoang mang trước khi kịp nhận ra việc gì đang diễn ra. Sau ngày đầu tiên, một cố vấn Liên Xô đã khen: tốc độ tiến còn nhanh hơn quân Nga.

Ngay từ khi được đặt vào Bình Nhưỡng bởi Liên Xô vào năm 1945, Kim Nhật Thành, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, luôn ám ảnh với việc tấn công xuống phía nam và thống nhất tổ quốc. Ông chuyên tâm vào chủ đề đó, liên tục đạo đạt đến người có thể cho phép ông, nhà độc tài Soviet – Joseph Stalin. Ông muốn, ông trao đổi với Stalin trong cuộc gặp vào cuối năm 1949 rằng sẽ “đến phương Nam trên đầu mũi lê”.


Cụ Stalin

Kim Nhật Thành càng áp lực lên Stalin khi Mao Trạch Đông gần thống nhất được toàn bộ Trung Hoa dưới ngọn cờ cách mạng. Thành công của Mao Trạch Đông dường như làm Kim Nhật Thành thêm thất vọng. Mao nổi lên như một tay chơi có cỡ mới trên trường quốc tế còn Kim thì vẫn chết cứng ở Bình Nhưỡng, không thể đưa quân Nam tiến mà không có sự cho phép của Liên Xô. Ông là một nhà độc tài không hoàn chỉnh, chỉ làm chủ nửa nước. Nên ông ép và ép Stalin hơn. Những gì ông đưa ra rất đơn giản và dễ dàng: một cuộc tấn công của miền bắc xuống phương nam và một chiến thắng nhanh chóng. Kim tin rằng nếu ông tiến quân theo chiến thuật blitzkrieg với lực lượng thiết giáp, nhân dân miền nam sẽ nổi dậy, chào đón ông và cuộc chiến sẽ kết thúc trong vài ngày.

Trong quá khứ Stalin rất cẩn trọng khi hồi đáp những lời khẩn nài của Kim Nhật Thành. Quân Mỹ vẫn còn đang ở phía Nam, ngay cả khi nếu họ chỉ ở mức độ cố vấn, thì Stalin vẫn thận trọng trước việc trực tiếp thách thức họ. Trong khi đó, Kim Nhật Thành – ông này tin luôn vào hệ thống tuyên truyền của chính mình,  khinh bỉ chính quyền Lý Thừa Vãn được Mỹ ủng hộ ở phương Nam – tỏ ra không nao núng. Ông ta là một dạng người cực kỳ nguy hiểm, loại người hoàn toàn tin và sự đúng đắn của bản thân mình. Nếu Liên xô không cản đường ông nam tiến, thì ông có thể chiếm vùng đó không mấy tốn thời gian, ông tin vậy, cũng như Lý Thừa Vãn tin rằng chỉ cần người Mỹ, với sự kiềm chế đáng ghét, không chắn lối thì ông cũng dễ dàng chiếm được miền Bắc.

Stalin không hài lòng với mức độ hiện tại của vấn đề căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên, không gì quá lớn, nhưng đủ để mỗi bên cân bằng. Có lần ông đã khích lệ Kim Nhật Thành tiếp tục tấn công chế độ Lý Thừa Vãng. “Mọi việc thế nào hả đồng chí Kim?” ông hỏi trong một cuộc gặp mùa xuân năm 1949. Kim Nhật Thành giải thích rằng, phía miền Nam gây nhiều vấn đề khó khăn. Có nhiều trận đụng độ dọc giới tuyến. “Đồng chí đang nói gì vậy?” Stalin hỏi “Chẳng nhẽ đồng chí thiếu vũ khí? Đồng chí phải vả vào mặt bọn miền Nam”. Ông cân nhắc một lúc, rồi nói thêm “tấn công chúng, tấn công chúng”.


Cụ Kim và bác Kim Smiley
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 10:00:52 pm »

Nhưng việc “bật đèn xanh” cho cuộc xâm lăng còn có một vấn đề hoàn toàn khác. Nhà lãnh đạo Liên Xô không vội vàng trong việc mở ra một cuộc xung đột. Nhưng rồi một số sự kiện bên ngoài đã làm thay đổi quan điểm của Stalin, ít ra trong đó có bài phát biểu của Ngoại trưởng Dean Acheson vào ngày 12 tháng Giêng ở câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại Washington, trong đó dường như có đưa ra tín hiệu rằng Triều Tiên không nằm trong vành đai phòng thủ Mỹ ở châu Á và điều này được Moscow hiểu như một ngụ ý rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài bất kỳ cuộc xung đột nào ở Triều Tiên. Bài phát biểu đó là một sai lầm góp phần đáng kể trong một chính sách ngoại giao mệt mỏi nhất thế kỷ, bởi nó tác động tiêu cực lên các quyết định của phía cộng sản. Với việc Trung Hoa rơi vào tay những người cộng sản, Acheson cố giải thích chính sách của Hoa Kỳ ở Á Châu và ông kết thúc bằng việc đưa ra một tín hiệu rất nguy hiểm cho thế giới cộng sản. “Tôi e là chính Acheson đã thổi bùng nó lên”, Averell Harriman, bạn hữu của ông ta nói, sau đó vài năm.

Trong cuối năm 1949 và đầu năm 1950, Kim Nhật Thành thực hiện nhiều chuyến đi bí mật tới Moscow để xin được đồng ý, song song với việc tăng cường lực lượng quân đội của mình. Người Nga, trong những tháng đó lạnh lùng xem xét việc dính líu nếu Kim Nhật Thành nam tiến, và rồi họ nhận định người Mỹ sẽ không nhảy vào. Do vậy, theo yêu cầu của Stalin, Mao Trạch Đông hội đàm với Kim Nhật Thành, với câu hỏi rằng người Mỹ sẽ làm gì, tất cả đồng tình rằng Hoa kỳ sẽ không tham chiến chỉ để cứu “một mảnh đất bé tẹo”. Lúc đó chỉ có yêu cầu giúp đỡ chút đỉnh từ người Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp người Nhật, vẫn là một con ngáo ộp trong vùng, tham chiến, Mao Trạch Đông hứa sẽ hỗ trợ người và trang bị.

Những sự kiện ở Trung quốc cũng tác động lên Stalin trong quyết sách Triều Tiên. Bởi người Mỹ đã không can thiệp quân sự để cứu đồng minh to lớn của họ, nhà lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc – Tưởng Giới Thạch mà họ hình như đã có cam kết sắt đá với nhau – khi Trung Hoa đại lục lâm nguy. Nếu trong cuộc chiến của Mao Trạch Đông – phát triển nhanh lẹ nhờ nông dân ủng hộ – và đã rất thành công, thì lẽ nào nông dân Nam Triều Tiên lại không ủng hộ Kim Nhật Thành dưới cùng ngọn cờ? Không phải đã có tiền lệ à? Thế là kế hoạch của Kim Nhật Thành dần dần được gia tăng mức ủng hộ ở Moscow. Và khi Mao Trạch Đông gặp Stalin lần đầu tiên vào cuối năm 1949 tại Moscow, họ đã bàn thảo về kế hoạch chiến tranh của Kim Nhật Thành. Stalin khuyến nghị nên chuyển 14 ngàn lính người Triều Tiên đang phục vụ trong màu áo quân đội nhân dân Trung Hoa về lại cho Bắc Triều Tiên, Mao Trạch Đông đồng ý. Theo nhà sử học Sergei Goncharov, John Lewis và Litai Xue trong đề tài nghiên cứu “Cộng sự không kiên định: Stalin, Mao và cuộc chiến Triều Tiên”, đã cho thấy có yêu cầu là: “Stalin hỗ trợ cho sự nghiệp Triều Tiên nhưng giữ khoản cách để không có dính líu trực tiếp”. Stalin chơi một ván bài tinh vi, nửa bật đèn xanh, nửa ngần ngừ cho cuộc xâm lăng. Nhưng không chắn chắn rằng mọi việc triển khai tốt như Kim Nhật Thành tiên đoán, nên ông ta (Stalin) không muốn nhận lãnh phần hậu quả nào của một cuộc phiêu lưu đầy tốn kém và khó khăn đó; và cũng không muốn có thấy bàn tay của mình trên đó.

Thắng lợi chung cuộc của Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến vào tháng Mười năm 1949  chỉ làm cho ham muốn của Kim Nhật Thành tăng lên dữ dội. Ông ta cảm thấy đã đến lượt mình. Tháng Giêng năm 1950, trong một buổi tiệc trưa nhằm tiễn tân đại sứ Bắc Triều Tiên sang Bắc Kinh, Kim Nhật Thành một lần nữa lại ca “bài ca” của mình trước vài quan chức cao cấp của sứ quán Liên Xô. “Trung Hoa giờ đã hoàn toàn giải phóng” ông nói “giờ đến lúc phải giải phóng người dân Triều Tiên ở miền Nam”. Ông thêm vào rằng mình mất ngủ hằng đêm do ráng nghĩ phương án cho bài toán thống nhất tổ quốc. Rồi ông đến bên cạnh tướng Terenti Shtylov, trên thực tế là thái thú Nga ở Triều Tiên, đề nghị ông này sắp xếp cho một cuộc gặp khác với Stalin và sau đó là với Mao. Ngày 30 tháng Giêng, năm 1950, mười tám ngày sau bài diễn văn của Acheson, Stalin điện cho Shtylov để báo với Kim Nhật Thành rằng: “Tôi đã sẵn sàng giúp cho việc này”. Shtylov chuyển ngay thông điệp đó cho Kim Nhật Thành, ông này bảo đang sướng mê.


Tranh tuyên truyền của Triều Tiên: Bác Kim và các cháu nhi đồng,
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 10:06:03 pm »

Tháng Tư năm 1950, Kim Nhật Thành lại đến Moscow nhằm giải tỏa những lo ngại còn lại của Stalin. Ông đi cùng với Phác Hiến Vĩnh (Pak Hon Yong), bí thư xứ ủy miền Nam, ông này hứa với nhà độc tài rằng nhân dân miền Nam nhất tề vùng lên “ngay tín hiệu đầu tiên từ miền Bắc” (Rốt cuộc là ông Phác đã trả giá cho sự lạc quan về một cuộc đồng khởi không bao giờ có. Chừng ba năm sau khi chiến cuộc kết thúc, ông bị lặng lẽ hạ bệ và tử hình). Trong quảng thời gian 15 ngày từ ngày 10 đến ngày 25 tháng Tư, Kim Nhật Thành và Phác Hiến Vĩnh có ba phiên làm việc với Stalin. Kim hoàn toàn đoan chắc về chiến thắng. Nói cho cùng, ông ta (Kim Nhật Thành) bị những người chung quanh tung hô rằng ông rất được lòng dân còn Lý Thừa Vãn thì mất lòng, nhân dân miền Nam ước mong ông ta giải phóng v.v…– chỉ là chung quanh Lý Thừa Vãn cũng đầy người như vậy nhưng theo chiều ngược lại. Cả hai chế độ đều nắm chính quyền được năm năm, với dân miền Nam, bất kể họ có kêu ca về Lý Thừa Vãn thì cũng biết được sự ngột ngạt dưới chế độ Bình Nhưỡng. Đó là vài điều Kim không nghĩ tới, ông hoàn toàn tin tưởng như mọi người cộng sản rằng chế độ của mình không chút áp bức. Ông tin rằng một Triều Tiên mới, phát triển ở miền Bắc chính là một đất nước dân chủ, thật sự dân chủ.

Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, Kim Nhật Thành nói chắc với Stalin, bởi người Mỹ không muốn rủi ro có một cuộc chiến với cả Nga và Tàu. Còn với Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo Trung quốc sẽ luôn ủng hộ công cuộc giải phóng Triều Tiên, ngay cả việc góp quân, dù Kim Nhật Thành cho là sẽ không cần. Đúng lúc đó, Stalin nói: ông đứng về phía Kim Nhật Thành nhưng ông không thể giúp được nhiều, bởi ông có những ưu tiên khác – đặc biệt là ở Châu Âu. Nếu quân Mỹ vào, Kim Nhật Thành đừng mong người Nga sẽ gửi quân đến. “Nếu anh bị tán vào mặt, thì tôi cũng sẽ không thể nhấc cho dù chỉ một ngón tay. Anh phải nhờ Mao Trạch Đông giúp thôi”. Đó là phần việc của Kim Nhật Thành, Stalin nói và chuyển hướng sang Mao Trạch Đông, do ông này “có kiến thức sâu sắc các vấn đề phương Đông” để có các hỗ trợ hữu hình.

Đó là một nước cờ kinh điển của Stalin. Ông đổi vai, tối thiểu hóa mức đóng góp và chuyển vấn đề sang cho một chính phủ cộng sản mới (tức TQ), điều này làm ông tốn ít sức nhưng lại được mang ơn. Ông biết mình ở thế thượng phong so với Mao Trạch Đông, ông này thì muốn thống nhất cả nước, nhưng bị Mỹ chặn trước Đài Loan, và vì vậy Mao Trạch Đông cần Liên Xô giúp một khi phải đánh nơi đồn trú cuối cùng của những người theo Quốc gia. Trên thực tế thì Mao Trạch Đông hiện rất bận rộn với việc thương thảo cùng Nga về những thứ cần thiết cho không quân và hải quân. Kim Nhật Thành đến gặp Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh trong một chuyến đi bí mật vào ngày 13 tháng 5 năm 1950.  Sự càn rỡ của Kim làm nhà lãnh đạo Trung Quốc có phần bất ngờ dù rằng đã thấu rõ tính xấc láo của ông này. Ngày hôm sau, Mao Trạch Đông nhận được điện văn từ Stalin xác nhận rằng phía Nga chỉ hỗ trợ cuộc chiến của Kim Nhật Thành có mức độ. Căn cứ vào đó, Mao Trạch Đông hứa phần hỗ trợ của ông và bảo khi nào Kim Nhật Thành muốn thì Trung Quốc sẽ gửi quân đến biên giới Triều Tiên trong trường hợp quân Mỹ nhảy vào.  Nhưng Kim Nhật Thành khẳng định sẽ không cần. Ông ta trả lời “một cách ngạo mạn”, như Mao sau này nói với Shi Zhe, phiên dịch viên của mình. Phía Trung Hoa có chút phát cáu với cái thái độ của ông ta. Họ nghĩ ông ta phải đến với họ một cách khiêm tốn hơn – một người Triều Tiên, đại diện cho một quốc gia bé nhỏ đến làm việc với các lãnh đạo của một Trung Hoa hùng cường, những người vừa chiến thắng trong một cuộc chiến vĩ đại – và họ (người Trung Hoa) phải đứng ở vị trí cao trong một cuộc giao dịch rộng lượng với một đối tác cấp thấp. Thay vì vậy, Kim Nhật Thành lại cư xử, theo họ nghĩ, thiếu tôn kính, như thể ông ta chỉ đến đây cho đủ lễ như đã hứa với Stalin. Rõ là Kim Nhật Thành chỉ muốn người Trung Hoa nhúng tay vào cuộc phiêu lưu to tát của ông ta càng ít càng tốt. Ông ta tin chắc rằng mọi thứ sẽ kết thúc rất nhanh – không đầy một tháng – và người Mỹ sẽ không thể triển khai quân kịp, dù họ có muốn. Mao Trạch Đông khuyến nghị rằng: bởi người Mỹ đang chống lưng cho chế độ Lý Thừa Vãng và Nhật có ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ ở Bắc Á, nên vấn đề người Mỹ vào cuộc là không nên loại trừ. Nhưng Kim Nhật Thành bỏ qua lời khuyên đó. Còn với vấn đề trợ giúp, ông ta đã có đủ từ nguồn Liên Xô. Điều này thì đúng; dòng trang bị quân sự từ Nga đã trút qua các tuyến hậu cần ùn ùn vào  Bình Nhưỡng (vào thời điểm trước trận đánh, trang bị quân sự của phía Kim Nhật Thành tốt hơn nhiều không chỉ so với quân Lý Thừa Vãn mà còn hơn phần lớn các đơn vị quân đội nhân dân Trung Hoa – vốn vẫn còn dùng vũ khí cũ thu được từ quân Nhật hay quân Trung Hoa Dân quốc)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 10:09:52 pm »

Mao Trạch Đông cũng khuyên Kim nên đánh theo cách – mà nhà văn Shen Zhihua gọi là “đánh nhanh, thắng nhanh” – tạt sườn các thành phố, tránh các trận đánh nội thị mà thay vào đó công kích vào các vị trí quân sự mạnh của Lý Thừa Vãn. Tốc độ là điều cốt yếu. Và nếu quân Mỹ tham chiến, Mao Trạch Đông hứa lời hứa định mệnh: Trung Quốc sẽ gửi quân sang. Phía Triều Tiên thì không nghĩ điều này cần thiết. Khi kết thúc phiên họp với Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành nói với đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc N.V.Roshchin trước sự hiện diện của Mao Trạch Đông rằng hai bên đã hoàn toàn nhất trí chiến dịch sắp tới của ông ta. Điều này không hẳn chính xác, và Mao không chút hài lòng với cái gã trẻ con, quá tự tin, thành tích quân sự thì có hạn lại cư xử với ông theo kiểu cậy quyền, cậy thế và còn dám tuyên bố thay cho ông.

Thời kỳ đầu, Triều Tiên lệ thuộc nhiều vào Liên Xô, và người Nga triển khai các nỗ lực thận trọng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Hoa. Những cố vấn hàng đầu của Kim Nhật Thành trước ngày nổ súng toàn là tướng Nga, và họ dần dần tiếp quản kế hoạch chiến tranh. Họ cho rằng kế hoạch của Kim Nhật Thành là nghiệp dư, nên được vẽ lại theo các tiêu chí của họ. Những thành viên thân-Tàu trong chính quyền dân sự lẫn quân sự của Triều Tiên đều không tiếp cận được những phần kế hoạch quan trọng. Vài nhóm vũ khí hạng nặng còn được chuyển vận bằng đường biển thay vì đường sắt để không phải đi qua lãnh thổ Trung quốc. Hiển nhiên là cả Nga lẫn Triều Tiên đều muốn hạn chế vai trò của Trung Quốc. Kim Nhật Thành đề nghị cuộc chiến nên bắt đầu vào khoản nửa sau tháng Sáu trước khi mùa mưa đến. Rốt cuộc Stalin cũng đồng ý với thời điểm cuối tháng Sáu. Và chuyến hàng quân sự sau chót từ Liên Xô phải đến sớm hơn tháng đó. Càng đến gần ngày tấn công, càng hiện rõ bàn tay can dự của người Nga. Kim Nhật Thành thậm chí còn không buồn báo cho nhà cầm quyền Trung Quốc về cuộc xâm lăng mãi cho đến ngày 27 tháng Sáu, sau khi quân của ông ta vượt vĩ tuyến 38 hai ngày. Cho đến lúc đó, phía Trung Quốc chỉ biết tin tức qua đài. Rốt cuộc, lúc Kim Nhật Thành báo với đại sứ Trung Quốc, ông ta vẫn khăng khăng là do phía Nam Hàn tấn công trước, điều này thì Trung Quốc biết chắc là dối trá. Những điều thú vị trong tổng thể các vấn đề ở vài tuần trước cuộc chiến cùng với dự báo về một chiến thắng dễ dàng, là sự kèm cựa, ganh đua quyết liệt trong quan hệ giữa ba quốc gia cùng các nguồn gốc lịch sử sâu thẳm – và mức độ tin cậy trong quan hệ là mỏng manh một cách đáng ngạc nhiên.

Với Mỹ và các nước phương Tây, đó không phải là một cuộc nội chiến, mà là một cuộc vượt biên giới, xâm lăng một quốc gia khác và điều này làm nhớ lại việc phương Tây đã thất bại trong việc ngăn Hitler gây hấn và dẫn đến thế chiến II. Với Tàu, Nga và Triều Tiên đó chính là quan điểm gây ngạc nhiên. Theo quan điểm của họ thì vĩ tuyến 38, vốn được Nga và Mỹ vạch ra hồi năm 1945 làm giới tuyến phân đôi Triều Tiên, không phải là biên giới. (Nhưng rồi quan điểm này thay đổi sau đó vài tháng, lúc quân Mỹ và LHQ tiến qua giới tuyến và hướng lên phía bắc). Điều họ làm trong ngày 25 tháng Sáu, theo quan điểm của họ, chỉ là một hành động thêm nữa trong cuộc đấu tranh trường kỳ của nhân dân Triều Tiên, là một phần của cuộc nội chiến vốn chưa kết thúc cũng tương tự như thứ sắp diễn ra ở Đông Dương và vừa kết thúc ở Trung Quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 10:14:41 pm »

Có nhiều dấu hiệu của việc tăng cường lực lượng trong những tuần trước trận tấn công, nhưng trong các báo cáo tình báo hằng ngày của người Mỹ, các dấu hiệu này bị vỡ vụn, vùi lấp giữa hàng đống các sự kiện đụng độ, căng thẳng, phản đối …gây ra từ đường biên giới đầy tranh cãi giữa hai đối thủ hung hăng không đội trời chung. Nhưng, nếu họ chịu khó để tâm, thì nhà cầm quyền Mỹ vẫn có thể nhận ra những điểm đáng quan ngại đang bắt đầu diễn ra. Một sỹ quan tình báo Mỹ trẻ tên Jack Singlaub, đã từng phục vụ trong đội OSS ở Trung Quốc, và giờ thành CIA, huấn luyện cho một nhóm điệp viên Triều Tiên có nhiệm vụ tìm hiểu những dấu hiệu điều Bình Nhưỡng đang định làm hơn là các trận đột kích du kích kiểu đánh-và-chạy thông thường. Rồi anh ta sớm gửi họ qua bờ bắc biên giới. Họ hoàn toàn mới mẻ trong cái nhiệm vụ này, dù được huấn luyện nghiêm túc, nhưng họ được yêu cầu xác định những vấn đề cực kỳ đơn giản: thứ đầu tiên và quan trọng nhất: những gia đình dân Triều Tiên ở khu vực biên giới phải rời đi hoặc thay thế, một dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị đang diễn ra; thứ nhì tải trọng và độ rộng của những chiếc cầu nhỏ; thứ ba bất kỳ hoạt động nào có liên quan đến việc mở lại tuyến đường sắt bắc-nam.

Các điệp viên của Singlaub khá trẻ, nhưng anh cho là một số họ xuất sắc một cách đáng ngạc nhiên. Cuối mùa xuân, anh đã nhận được nhiều báo cáo rất có giá rằng Bắc Triều Tiên đang đưa các đơn vị chủ lực đến biên giới và dân thường rời đi. Thêm vào đó anh được cho biết nhiều hoạt động ở các cây cầu; và vài tuyến đường sắt gần biên giới đang được sửa chữa, thường vào ban đêm.  Singlaub chắc chắn rằng, giữa hàng đống tin tình báo vụn vặt về các đụng độ liên miên ở biên giới, thì đang có điều gì đó nghiêm trọng sắp diễn ra.

Singlaub làm việc trong một điều kiện giới hạn nghiệp vụ đáng kể. Bởi anh là một điệp viên CIA-cựu-OSS. Anh thậm chí không được hoạt động công khai ở Triều Tiên, bởi Douglas MacArthur cũng như chỉ huy tình báo của ông ta, tướng Charles Willoughby, ghét OSS. Họ loại đội đó ra khỏi các chiến dịch của mình trong Thế chiến II; và giờ họ cũng định làm như thế với CIA. Sự căm ghét ấy một số đến từ việc MacArthur nổi tiếng là người bài Anh, và ông ghét Eastern Establishment (*) có ảnh hưởng trong OSS mà trên thực tế là chi phối nó; nhưng thật ra cũng có lý do lớn khác. Nếu ban G-2 của ông ta khống chế được tin tình báo từ các sự kiện quân sự thì ông khống chế được việc ra quyết sách cho sự kiện đó. Ông và Willoughby muốn các hoạt động của tổng thống Truman và Lầu Năm góc phụ thuộc vào nguồn thông tin từ họ, bất kỳ loại tin tức gì đến từ địa bàn của họ ở Á Châu – và không có tin ngược chiều nào để giới hạn quyền của ông ta. Nắm được tình báo là nắm được quyết sách.

(*) Cụm từ này tôi không tìm ra được cách dịch rõ nghĩa, thường Eastern Establishment dùng để chỉ các trường đại học, học viện tài chính hàng đầu ở vùng đông bắc Mỹ (và dĩ nhiên là chỉ những người xuất thân từ đó). Những người này có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị Mỹ,có thể hiểu như  kiểu Ivy League. Theo tôi hiểu là vậy, bạn nào có kiến giải tốt hơn thì giúp mình
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM