Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 02:28:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91510 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 04:37:53 pm »

Cuối cùng, ông tin rằng trận đánh bên sông Naktong là xứng đáng với những khó khăn và những thiệt hại họ đã phải chịu. Họ cũng đã may mắn một cách lạ lùng. Quân Bắc Triều Tiên không cảm giác được rằng những vị trí quân Mỹ rất mỏng mảnh. Họ cũng không có máy bay trinh sát để biết rằng còn rất ít lực lượng chặn giữa họ và Pusan. Tuy vậy, thiệt hại phía Mỹ cũng rất kinh khủng. Chỉ tính riêng tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 của trung đoàn 23, theo ghi nhận trên trung đoàn bộ, đã có hơn 50% thương vong. Trong hai tuần này tất cả đại đội trưởng bộ binh của hai tiểu đoàn kể trên đều hi sinh. Với một số đại đội, theo các báo cáo chính thức, đã phải thay chỉ huy ba đến năm lần. Paul Freeman sẽ không bao giờ quên được những ngày tháng kinh hoàng ở bờ sông Naktong và những lựa chọn tàn nhẫn mà ông buộc phải làm, hi sinh một số thanh niên để những người khác có thể sống sót. Chừng 17 năm sau, lúc này đã là đại tướng (bốn sao), khi thực hiện chuyến thăm cuối cùng đến Fort Benning trước khi về hưu, ông nhận ra hạ sỹ Berry Rhoden, cựu binh sỹ đại đội Charley, lúc này là một thượng sỹ tóc đã hoa râm, vẫn còn trong quân ngũ ở đây. Freeman luôn giữ lại sự gần gũi với những binh sỹ đã từng phục vụ dưới quyền trong trung đoàn 23 ở Triều Tiên, và ông vẫn tìm đến Rhoden vài lần, chỉ để nói chuyện. Giờ đây, trong ngày nghi lễ cuối cùng này, ông bảo Rhoden tháp tùng chuyến đi của mình. Có một vị tướng nữa đi cùng đó trong ngày đó, một thiếu tướng hai sao, Rhoden hứng thú đóng vai phụ giữa họ, một đại tướng và một thiếu tướng, làm nhân chứng cho cuộc nói chuyện tinh tế. Tại một thời điểm Freeman quay sang người đồng nghiệp “Tôi muốn giới thiệu với anh một quân nhân dưới quyền của anh, thượng sỹ Berry Rhoden. Cậu này là một đồng đội cũ của tôi. Berry đã sống sót trong một thời điểm kinh hoàng, khi tôi phải đưa ra quyết định khó khăn nhất mà tôi từng ra trong cuộc đời làm sỹ quan quân đội. Tôi phải hi sinh đại đội của cậu ấy để trung đoàn và những đơn vị khác ở vòng phòng thủ Pusan có điều kiện tốt hơn. Tôi phải mua thời gian để những đơn vị khác tập trung thành một lực lượng khóa chặn. Và họ đã mang lại thời gian chúng tôi cần. Thật là khủng khiếp, một thời điểm khủng khiếp và một quyết định nhẫn tâm. Đó là quyết định khó khăn nhất tôi từng ra. Gần như không có ai trong đơn vị cậu ấy sống sót. Nghe này, anh phải chăm sóc tốt cậu ấy”. Điều này một lần nữa nhắc cho Rhoden rằng không ai trong số họ có thể quên được thời điểm đó.

Việc tiểu đoàn công binh số 2 trụ vững được và rồi TQLC đã kịp đến giúp khóa những con đường đi đến Miryang không làm trận đánh Naktong-Pusan chấm dứt. Nó chỉ dịu bớt đi khi trận Inchon nổ ra – và ngay khi đối diện với nguy cơ bị hợp vây hoàn toàn, nhiều đơn vị Bắc Triều Tiên vẫn chiến đấu với sự ngoan cường hiếm thấy, điều này gợi lại ký ức các cựu binh những trận đánh chiếm đảo với quân Nhật lúc gần kết thúc Thế Chiến 2. Những cụm kháng cự đơn độc của quân Bắc Triều Tiên bám chặt vào những ngọn đồi hiểm trở hoặc các ngọn núi trụ được trong nhiều ngày. “Chúng tôi tấn công đồi 610 rất khó, đó là trận sau trận đánh chiếm được đồi 609” Lee Beahler nói.

Walton Walker là một trong những người đầu tiên cảm nhận được sự đổi thay trong trận chiến Naktong. Trong những ngày tệ hại nhất hồi đầu tháng Chín, ông thường xuyên lo lắng nghĩ đến thời điểm nào phải hoàn toàn rút bỏ phòng tuyến Naktong và lui về một nơi được sở chỉ huy gọi là tuyến Davidson, một tuyến phòng thủ được vạch ra ba tuần trước theo yêu cầu của tướng MacArthur dành cho trường hợp tập đoàn quân 8 không trụ nổi được. Tuyến này nhỏ hơn, chặt chẽ hơn và dễ phòng thủ hơn tuyến Naktong, và cũng gần Pusan hơn. Đêm ngày 4 tháng Chín, Walker và Gene Landrum, tham mưu trưởng của ông, đã chuẩn bị nhật lệnh cho tất cả các đơn vị lui về tuyến Davidson. Ngày hôm sau, ông bảo Mike Lynch chở ông bay trên chiến trường, và mọi nơi, khi thấy ba ngôi sao sơn trên chiếc phi cơ, đều vẫy tay chào. Walker rất ấn tượng, tinh thần quân của ông vẫn còn cao và trên cơ sở cảm nhận đó, ông cho rằng họ vẫn có thể cố trụ lại Naktong.

Quân Bắc Triều Tiên không sụp đổ. Nhưng trận đại công kích đã thất bại, lực lượng của họ giờ trải rộng quá mức, tạo ra những lổ hổng chiến thuật, tuyến tiếp vận của họ quá dài và các đơn vị giỏi của họ cũng bị đã mất sức trầm trọng sau hai tháng chiến đấu rất gian khổ với một địch thủ dần dần gia tăng sự vượt trội về trang bị, xe tăng, pháo binh, không quân; đồng thời cũng bổ sung thêm quân số theo từng ngày, đưa lính, quân bị đến tiền tuyến. Giấc mơ chiếm Pusan sau ba tuần đã hoàn toàn chết đi cùng với giấc mơ hai trăm ngàn người Cộng sản miền Nam đứng lên tham gia chiến đấu. Phía cộng sản đã chơi ván bài cuối vào ngày 31 tháng Tám để dành chiến thắng cuối cùng nhưng không đạt. Và dù chậm chạp, họ bị đổi chiều – điều là lúc đầu không ai tin được – sang trạng thái phòng thủ. Đột nhiên, họ trở thành phía chỉ phòng thủ trong cuộc chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 04:42:57 pm »

Murphy cho rằng trận Naktong là một trận đánh ác liệt nhất, kiểu chết bất đắc kỳ tử trong một trận đánh giằng co. Với các chiến sỹ, mỗi ngày đều có thể là chiến thắng – hoặc thảm họa – bởi dường như lối nào cũng có thể: binh lính mỏi mệt của cả hai bên loạng choạng xông vào nhau và thường kết thúc với lưỡi lê làm quan tòa cho bên chiến thắng. Chiến thắng gì đi nữa thì cũng rõ ràng và quan trọng. Và sống sót là quan trọng nhất. Vấn đề khi chiếm xong một ngọn đồi nhỏ là, sớm hay muộn, sỹ quan các cấp sẽ tìm ra một ngọn đồi nhỏ khác để bạn chiếm tiếp. Mà ngọn đồi mới đó cũng chẳng ai thèm quan tâm ngoại trừ việc nó nhìn xuống con đường nhỏ bé dơ bẩn nào đó mà cũng chẳng ai muốn biết, nhưng nó có thể dẫn phía cộng sản, một khi không được bảo vệ hoặc khống chế, đến một thành phố cảng nhỏ bé tên là Pusan, một thành phố không ai ở ngoài Triều Tiên nghe thấy tên cho đến ngày 25 tháng 6 năm 1950, và thành phố này hầu hết người Mỹ cũng không thèm quan tâm – nếu, dĩ nhiên, không vì để quân cộng sản tiến vào.


Bản đồ trận mấu lồi Naktong

Trận Naktong bao gồm cả ngàn trận đánh nhỏ, nhiều trong số đó rất ác liệt, như theo cách nói của George Russell là có rất nhiều trận Bulge thu nhỏ, chứa trong đó đầy đủ các chất liệu chính của trận đánh nổi danh kia, mọi thứ, chỉ trừ kích cỡ, tầm cỡ và vị trí trong lịch sử. Mà cho dù những trận đánh này thiếu tầm cỡ có giá trị với một sử gia vĩ đại thì nó cũng có đủ yếu tố lịch sử cho phần còn lại cuộc đời của người lính và ám ảnh họ thường xuyên với những ký ức dữ dội.

Murphy ở tiền tuyến được chừng 2 tuần rồi anh chuyển từ một trung đội thuộc đại đội George sang chỉ huy đại đội Fox, đại đội này đã mất hết các sỹ quan của nó. Đó không là một bước thăng tiến anh nóng lòng muốn có. Anh thích lính của mình, những cậu trai của anh, trong hai tuần khó khăn dài dằng dặc đó. Quan hệ từ chỗ không có gì đã được vun đắp mỗi ngày qua từng trận đánh, và trở nên cực kỳ bền chặt, như thể họ sinh ra cùng ngày cùng bệnh viện, cùng quê quán, và đã biết nhau cả đời, như chưa từng có bạn bè nào khác. Nhưng Murphy không có lựa chọn khác – thượng cấp muốn anh chỉ huy đại đội Fox, và anh phải chỉ huy. Theo cách nào đó anh cảm nhận được có điều gì to lớn đang đến bên phía quân LHQ. Chẳng ai ở cùng cấp với anh, đang chiến đấu trên chiến trường, có thể biết chút gì về chiến dịch Inchon sắp diễn ra, nhưng đã có tin chắc chắn rằng sẽ có gì đó rất lớn sẽ xảy ra. Đâu đó quanh ngày 13, 14 tháng Chín, không chắc, Murphy được lệnh trở lại Naktong và chiếm một ngọn đồi lớn cách con sông 2 dặm, nơi quân Bắc Triều Tiên đặt súng. Bất cứ khi nào quân Mỹ đến gần ngọn đồi, thì sẽ có một cơn mưa hỏa lực cối trút xuống. Đại đội Fox đã sớm mất chỉ huy khi đánh nhau ở đây, và vì vậy mà Murphy, 24 tuổi, trở thành đại đội trưởng. Đó không phải là một trận tấn công mà anh mong có – ngọn đồi đầy những chỗ lởm chởm đá hiểm trở, quân Bắc Triều Tiên có thể chốt và bắn.

Murphy lo lắng ngay từ khi bắt đầu tấn công, anh tin chắc rằng cối địch sẽ xé nát đại đội. Nhưng họ tiến lên, băng qua một vùng khá trống mà không có gì xảy ra. Sao cái chiến trường ác liệt lại im lặng thế. Anh tự hỏi phải chăng quân Bắc Triều Tiên chờ lính anh đến đủ gần hơn mới khai hỏa. Nhưng không có sự kháng cự nào khi quân của anh bắt đầu leo lên đồi. Họ lên được tới đỉnh vô sự, Murphy nhìn xuống cái hướng mà anh vừa đi và nhận ra nó cực kỳ nguy hiểm với anh và người của mình, khi anh nhìn xuống hướng kia và nhận ra nguyên nhân của sự tĩnh lặng: quân Bắc Triều Tiên tháo lui, hướng đại bác theo góc khác, xoay chúng đi. Vốn chờ đợi một trận đánh tệ hại trong binh nghiệp non trẻ của mình – xông lên một ngọn đồi dưới hỏa lực vũ khí hạng nặng – với Murphy thì đây như là một phép màu, không gì khác hơn là quà tặng cuộc đời. Thế rồi anh gọi cho cấp trên báo bởi đang có điều gì đó xảy ra. Điều gì đó, anh nhanh chóng biết được, chính là trận Inchon.


Bản đồ toàn cảnh lần Nam chinh của bộ đội Bắc Triều Tiên từ 25/06/1950 – 15/09/1950

Khi bộ đội Bắc Triều Tiên vỡ trận, họ chiến đấu khá tệ, như mọi quân đội thông thường khác. Họ dường như không lão luyện như Việt Minh trong tình huống tương tự lúc chiến đấu với người Pháp ở Đông Dương, Việt Minh cũng phải chiến đấu lâu dài với quân thù phương Tây vượt trội về không lực và hỏa lực. Như Murphy hiểu, quân Việt Minh là bậc thầy trong việc biến mất khỏi chiến trường mà họ không còn hứng thú, nếu là họ thì họ có thể ngay lập tức phân rã thành nhiều đơn vị siêu nhỏ ở sông Naktong và trườn ra khỏi các ngọn đồi, di chuyển đi đa số trong đêm. Nhưng bộ đội Bắc Triều Tiên thì đầu tiên là dũi ra đường và trong một hoặc hai ngày đó tha hồ cho không quân Mỹ bắn phá. Khi đại đội Fox bắt đầu di xuống, Murphy nhìn thấy một cảnh tượng chưa bao giờ được thấy – những thi thể đen thui cùng những xe cộ cháy xám dọc con đường.

(Hết chương 18- hết phần Năm)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 04:48:05 pm »

PHẦN 6: MACARTHUR THAY ĐỔI NGỌN TRIỀU – CHIẾN DỊCH ĐỔ BỘ NHÂN XUYÊN (INCHON)

Chương 19


Trận Inchon là thắng lợi vĩ đại sau cùng của Douglas MacArthur, của riêng ông. Đó là một ván bài thông minh và liều lĩnh. Rõ ràng hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ đã được cứu như ông tiên đoán. Gần như ông đã một mình chiến đấu chống lại những nhà kế hoạch hàng đầu của Hải quân, cũng như chống lại những mong muốn của hội đồng liên quân. Chiến dịch Inchon là đỉnh cao của Douglas MacArthur: táo bạo, độc đáo, không lường trước được, suy nghĩ vượt khỏi lối thường, và dĩ nhiên nó cũng cho thấy khá là may mắn. Bởi vậy nên cả hai đời tổng thống phải chịu đựng ông. “Có một ngày trong đời của MacArthur, ngày ông là một thiên tài quân sự: ngày 15 tháng Chín năm 1950” nhà viết tiểu sử của ông Geoffrey Perret viết “Trong đời của mỗi thiên tài quân sự đều có một trận đánh đứng trên mọi trận còn lại, một bài kiểm tra tối cao cho khả năng lãnh đạo để đưa người đó vào hàng ngũ những nhà quân sự bất hủ. Với MacArthur đó chính là trận Inchon

Ngay từ đầu ông đã nhận ra giá trị của Inchon, đó là phương thức tốt nhất để tận dụng khả năng kỹ thuật vượt trội của Mỹ, khi quân của ông vẫn còn rất thiếu và bị đe dọa đánh bật ra khỏi bán đảo. Cũng ngay từ đầu ông đã xác định tránh dùng chiến thuật bộ binh truyền thống để đánh nhau với một quân địch vượt trội về số lượng trên một địa hình phức tạp. Rốt cuộc rồi ông cũng thành công, và lúc kết thúc mọi thứ đều đã thực hiện như ông đã hứa. Bởi ông rất muốn chiếm Seoul – một chiến thắng có thể làm PR ầm ĩ – nên ông và các sỹ quan dưới quyền đã không bung ra tấm lưới cực tốt để chặn đường các đơn vị Bắc Triều Tiên đang tháo lui, phần nào làm giảm bớt giá trị của trận tấn công của ông. Nếu có một sai sót nào đó nghiêm trọng trong kế hoạch của ông, thì đó chính là sự thành công to lớn của ông, điều này làm ông bẩy Washington và hội đồng tham mưu liên quân mạnh hơn. Bởi ông đã phải bảo vệ chiến dịch này chống lại mọi người khác, nên những vấn đề về sau khó chống lại được ông.  Ông đã đúng với chiến dịch Inchon và những ai nghi ngại về ông đã sai, nên giờ những ủng hộ viên của ông tranh cãi ngay khi những người hồ nghi kia lại lên tiếng lúc ông đưa quân đến gần sông Áp Lục. Ông chơi liều lần nữa với lợi thế lớn, và khó để ngăn ông lại khi ông đã đẩy thành một thứ còn lớn hơn nữa.

Douglas MacArthur đã sai trong việc ước lượng thấp khả năng của quân Bắc Triều Tiên trong những ngày đầu cuộc chiến (Ông đã từng phát biểu về điều gì sẽ sảy ra nếu ông có thể đưa chỉ một sư đoàn, sư kỵ binh Một, vào Triều tiên – “Rồi bạn sẽ thấy chúng bị quét sạch đến tận biên giới Mãn Châu rất nhanh, bạn sẽ không còn thấy chúng đâu nữa”) . Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng ông đang phải chiến đấu với một quân đội hung tợn, kiên cường, được chỉ huy tốt và dũng cảm “có khả năng chiến đấu và mạnh mẽ”  như ông đã nói với Averell Harriman trong một cuộc họp ở Tokyo, cũng như với mọi người lính mà ông bắt gặp. Cách đánh giá tức thì đó ảnh hưởng lên cảm nhận chiến lược của ông. Bởi vậy nên ngay cả trước khi quân Mỹ bị ép lùi về vòng cung Pusan (trong tình trạng hiểm nghèo “như một miếng thịt bò trong lò mổ”, MacArthur sau này nói), ông đã hướng tới một trận đổ bộ đường thủy, điều có thể đưa những kỹ thuật vượt trội của Mỹ có hiệu quả trong một phương thức có thể xoay chuyển cục diện chiến tranh chỉ với một trận tấn công mang tính quyết định.

Những bài học trong Thế Chiến I luôn ghi nhớ trong ông. Ông tin các tướng Anh, Pháp và Đức đã phản bội lính của họ nhiều lần bởi việc đưa lính vào những trận đánh vô vọng trước họng súng máy và đại bác của quân thù. Đó là cuộc chiến của những người lính có trái tim quả cảm, nhưng bị chỉ huy bởi những viên tướng có óc heo. Bất kể những thương vong ghê gớm được ghi nhận, hầu như không thể nói được ai là người thắng, người thua trong những trận đánh riêng lẻ trên chiến trường Tây Âu. Việc MacArthur tin rằng châu Âu là nơi suy đồi, không quan trọng bằng châu Á trong tương lai người Mỹ, có nguồn gốc từ những gì ông đã nhìn thấy trong Thế chiến I. Những tướng tá bên phía thắng trận cũng không mấy để tâm tới lính họ, điều này làm ông tin rằng họ đại diện cho một thời đại cũ kỹ. Thế chiến I đã dạy ông những hiểm nguy thách thức nơi tiền tuyến. Trong chiến dịch khéo léo của ông trên Thái Bình Dương, nhảy cóc qua vô số đảo cách biệt nhau với thương vong tối thiểu, ông thường tấn công ở những đảo không có quân Nhật phòng thủ mạnh, một chiến lược có tiền đề từ những gì ông học được trong thế Chiến I. Đây là phần rất phức tạp trong con người ông, theo kiểu những vần thơ của Kipling mà ông nằm lòng, giống như một chiến binh khát máu luôn yêu thích cảm xúc chiến tranh đến tận cùng, nhưng khi lên kế hoạch cho một trận đánh thực thụ lại thận trọng một cách đáng ngạc nhiên với sinh mạng của lính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 12:54:01 am »

Ông đã dùng hải quân và không quân tấn công những điểm quân Nhật ít mong đợi nhất, cô lập và thít chặng vòng vây ngăn cách địch với dân và những cứ điểm mạnh nhất hơn là giao tranh trực tiếp với địch, và nay ông cũng định làm y hệt như vậy ở Triều Tiên. Từ ngày 4 tháng Bảy, ông đã suy nghĩ về trận đổ bộ lên sau tuyến bộ đội Triều Tiên. Ông không có cảm giác nhiều về việc đợt quân đầu tiên ông phái đến Triều Tiên được huấn luyện rất kém, trang bị tệ và lãnh đạo tồi. Họ không cách nào sẵn sàng cho một chiến dịch đổ bộ đường thủy phức tạp. Lúc đầu, chiến dịch mang tên là Trái tim xanh và dự kiến triển khai vào ngày 22 tháng bảy. Nhưng đó là một lịch trình không tưởng. Thế là chiến dịch Trái Tim xanh bị vứt đi, nhưng ý tưởng về cuộc đổ bộ đường thủy thì không. Ngày 10 tháng Bảy, trung tướng Lem Shepherd, tư lệnh thủy quân lục chiến ở Thái Bình Dương, đến thăm Tokyo, MacArthur buồn bã nói rằng ông ước chi có một sư TQLC trong tay, và nếu ông có, ông sẽ đổ nó lên sau tuyến quân Bắc. Tay ông dịch chuyển trên bản đồ Triều Tiên. “Tôi sẽ đổ bộ lên đây … lên Inchon”. Thời điểm Shepherd ám chỉ rằng MacArthur hỏi xin một sư TQLC – nói cho cùng, phục vụ cho mục đích của cả hai người. MacArthur cần quân, còn TQLC thì cực kỳ cần có vai trò và nhiệm vụ. Áp lực cắt giảm ngân sách quốc phòng đã làm tương lai của TQLC lung lay, và giờ đây họ dường như không có sự ủng hộ chính trị thích đáng nào cả. Cả lục quân lẫn không quân đều hăm hở cho thấy muốn chiếm vai trò truyền thống của TQLC. MacArthur tất nhiên là hiểu rất rõ điểm yếu của TQLC: ông chắc chắn rằng Shepherd sẽ nhảy ngay vào đề nghị của ông, và ông ta đã làm như thế. Shepherd hứa với MacArthur rằng TQLC có thể cho một sư đoàn đó vào ngày 1 tháng Chín.

MacArthur càng nghĩ về trận đổ bộ đường thủy, thì ông càng chọn Inchon. Cách Pusan 150 dặm về phía tây bắc, bên bờ biển phía tây, và ngay sau tuyến quân Bắc Triều Tiên. Đó là một cảng chính của Seoul, cách thành phố chừng 20 dặm tùy theo hướng đường, và còn gần Kimpo hơn, phi trường chính của nước này. Inchon cũng có thể là một thảm họa khi chọn là điểm hành động. Bất kỳ cuộc đổ bộ đường thủy nào cũng đầy nguy hiểm, nhưng Inchon dường như còn tệ hơn bất kỳ nơi nào khác. “Chúng tôi vạch ra danh sách tất cả những điểm bất lợi về tự nhiên và địa hình – và Inchon có đủ tất cả những điểm đó” thiếu tá hải quân Arlie Capps, một thành viên trong tổ của đô đốc James Doyle, nhà kế hoạch đổ bộ đầu ngành của Hải quân.  Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Inchon là một nơi do những ác quỷ ghét giới Hải quân tạo ra. Inchon không có bãi biển chỉ có đập chắn sóng và cầu tàu. Có một đảo nhỏ tên là Wolmi-do, nằm ngay giữa cảng, bảo vệ cảng hữu hiệu và chia vùng đổ bộ làm đôi. Luồng nước thì nhanh khét tiếng và khó định hướng – nhưng không điều nào kể được tính là nguy hiểm nhất, ở Inchon, nguy hiểm thực thụ chính là thủy triều. Một vịnh Fundy khác, có thể là nơi cao nhất trên thế giới, đỉnh thủy triều lên đến 32 feet (10m). Và lúc triều xuống, như Robert Heinl viết trong Chiến thắng với triều cường (Victory at High Tide), bất kỳ ai cố đổ bộ xuống phải vượt qua ít nhất 1000 thước, và có nơi còn lên đến 4500 thước, trên bãi bùn dính nhớp nháp “như kẹo sô cô la mềm”. Đó không giống như một bãi biển mà trông như một chiến trường giết chóc. Nếu ai đó nghĩ đến việc cài mìn lên cảng này, và vài cảng ở Triều Tiên đã thực sự được cài mìn dưới sự trợ giúp của Liên Xô, thì đây có thể là một thảm họa tuyệt đối. “Inchon chính là nơi lý tưởng cho việc cài mìn” đô đốc Arthur Struble – một sỹ quan hải quân cao cấp ở Thái Bình Dương – nói. Như thế chưa đủ tồi tệ, bởi cơ hội cho chiến dịch này thực hiện là một khe cực kỳ hẹp. Chỉ có hai ngày trong khoản thời gian sắp tới có triều cường đủ cao để tàu đổ bộ có thể tiếp cận đập chắn sóng và cầu tàu: ngày 15 tháng Chín khi đỉnh triều cường đạt 31,2 feet và ngày 11 tháng Mười, khi đỉnh triều cường là 30 feet. Còn thêm một vấn đề nữa – đỉnh triều cường buổi sáng ngày 15 tháng Chín là vào lúc 6:59, chỉ 45 phút sau khi mặt trời mọc; đỉnh triều thứ hai là vào 7:19 tối, 37 phút sau khi trời lặn. Chẳng có thời điểm nào là lý tưởng cho một cuộc đổ bộ đường thủy phức tạp. Cái điểm tháng Mười không hấp dẫn: MacArthur không có tâm trạng để đợi thêm một tháng nữa với quân của ông bị nhốt ở vòng cung Pusan, trong khi lại có thêm thời gian cho cánh Cộng sản cài mìn Inchon. Sáng ngày 15 tháng Chín, phải là thời điểm đó. Với MacArthur, được tất hoặc mất tất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:00:15 am »

Hầu hết mọi người đều thất kinh, đặc biệt là cánh Hải quân được chỉ định tham gia vào chiến dịch và thực thi công tác đổ bộ. Washington và hội đồng tham mưu liên quân cũng thận trọng, MacArthur hiểu rất rõ điều này. Về mặt kỹ thuật, họ là cấp trên, nhưng ông xem họ là những tay quan chức bàn giấy dái nhỏ, những tay kiếm được quyền lực bằng cách thỏa mãn cho những chính trị gia mà ông khinh miệt. Ông biết, nếu ông muốn thành công với kế hoạch Inchon, thì có đến hai trận đánh phải làm, trận đầu là với họ. Ông luôn mong hội đồng tham mưu liên quân chống đối lại cuộc đổ bộ. Phần thì do tính đa nghi hoang tưởng của ông, nhưng cũng có phần là sự thật. Ông không ưa và cũng không đánh giá cao Omar Bradley, chủ tịch hội đồng, bởi Bradley xem ra là bạn thân của Eisenhower (một khuyết điểm), một người được Marshall bảo trợ (một khuyết điểm nữa), một người theo cách nhìn của ông, đã chiến đâu không có giỏi giang hay táo bạo ở châu Âu (khuyết điểm thứ ba) và có nhiều quân hơn xa so với MacArthur ở Thái Bình Dương (khuyết điểm thứ tư) và giờ lại gần gụi với Truman (khuyết điểm tối thượng).

Nếu quan hệ của họ là khủng khiếp thì đa phần tình trạng thù địch, như thường lệ, xuất phát từ phía MacArthur. Mỗi người đều đã chọn hành trang cho mình qua từng đó năm. MacArthur chắc chắn rằng Bradley ghét ông bởi ông đã phủ quyết quyền chỉ huy của Bradley trong kế hoạch chiếm đóng Nhật. Không có chứng cứ cho việc này, nhưng lại có bằng cớ rõ ràng rằng Bradley, cũng như các nhân vật lớn khác trong thế giới an ninh quốc gia thời hậu chiến, đã không mấy thoải mái với việc có một người quan trọng tới mức ngoài tầm kiểm soát của mình. MacArthur tin (với lý do đúng đắn) rằng từ năm 1949 Bradley đã đồng mưu Dean Acheson nhằm giảm quyền và phân bớt quyền lực của ông ở Nhật Bản. MacArthur đánh hơi được việc này và rất giận. Sau này, đô đốc James Doyle, người đóng góp nhiều nhất cho kế hoạch đổ bộ Inchon, đã ghi nhận rằng MacArthur và Bradley đã không mấy nồng ấm khi họ gặp nhau ở Tokyo. “Bradley là một thằng nông dân”, MacArthur nói với Doyle.

Hội đồng tham mưu liên quân khá lo lắng, phần không nhỏ bởi tính rủi ro trong phương án           , và quá  nguy hiểm của một việc dùng quá nhiều lính hiện dịch. (Chính MacArthur cũng nói rằng chiến dịch Inchon cần 5000 lính cho một lần đổ bộ). Nhưng cũng có nhiều phần lo lắng của họ có nguồn gốc từ sự kình địch nội bộ.  Với rất nhiều lý do đa dạng, nhiều lý do cao quý và cũng nhiều lý do tầm thường, hầu như mọi người đều chống lại kế hoạch chiến dịch. Trong số những ngoại lệ có Averell Hariman, Matt Ridgway, và trong thời điểm này, lại có chính Truman. Lãnh đạo của đội lập kế hoạch chiến dịch, đô đốc Doyle, cá nhân ông cũng có sự hồ nghi đáng kể; và cũng như đa số những người khác, ông phải làm việc với Ned Almond, chỉ huy MacArthur chọn cho trận Inchon, và Doyle nhanh chóng không ưa Ned vì cái tính võ đoán, ép buộc người khác cùng với khuynh hướng ngăn không cho MacArthur những điều ông cần biết. Doyle thì tin rằng nếu họ muốn đi tiếp thì phải cho MacArthur biết tất cả những rủi ro kinh khủng có thể xảy ra, và ông nói với Almond như thế. “Tướng quân không quan tâm nhiều đến chi tiết” Almond trả lời, nhưng Doyle cáu kỉnh không chịu bỏ qua. “Ông ấy phải biết được những chi tiết”, vị đô đốc khăng khăng. Và ông thắng trong trường hợp này, chắc chắn MacArthur phải biết những chi tiết đó, những chi tiết về các mối nguy.

Trông như thể Almond cố ngăn Doyle làm việc của mình, bởi MacArthur luôn là MacArthur vĩ đại, một người đứng trên mọi chi tiết trần tục. Những chi tiết ít quan trọng – bất kể là kế hoạch có thực hiện không – phải được làm bởi những tư lệnh cấp dưới, những người ít quan trọng hơn. Sự cao quý đó ẩn trong cái cách MacArthur làm việc với mọi người, trong mọi điều. Và giờ đây ông chuẩn bị cho cuộc trình diễn lớn nhất đời ông – làm cho phía Hải quân và những ai lo ngại khác bị thuyết phục bởi kế hoạch Inchon. Một cuộc trình diễn vĩ đại cần thiết được những đại diện của Hải quân và hội đồng tham mưu liên quân, một cuộc trình diễn vĩ đại mà ông có thể làm.

MacArthur  vẫn là một người phô trương nhất hạng. Trong Thế chiến I, ông mặc quần túm kỵ binh với áo lót chui đầu cổ cao và quàng khăn trận – “chiến binh ăn diện”, lính ông gọi ông như thế. Ông không chỉ tìm kiếm vẻ hào nhoáng kiểu sân khấu, mà ông còn nghiện nó. Ông biết rõ các vị trí camera, và luôn chắc chắn rằng cái cằm nổi danh của mình rơi đúng góc tốt của bức ảnh. Thực vậy, khi ông già hơn, lính của ông không chỉ kiểm duyệt mọi bức ảnh mới để chắc ăn rằng không có thứ gì thiếu tính anh hùng bị lọt ra, mà còn cố áp đặt những luật lệ riêng về góc máy ảnh.  Không chỉ để ông ta được chụp đúng góc độ, mà các nhiếp ảnh gia của tờ Sao và gạch (Stars and stripes) được lệnh khi chụp vị tướng phải khụy chân, nhằm làm ông ta trông có vẻ đường bệ hơn. Ông luôn đội chiếc nón trận cũ. Đó là thương hiệu của ông, và không nhiếp ảnh gia được phép cho thấy ông hói. Ông phải đeo kính trong văn phòng nhưng không thích bị thấy là đeo kính, và tất nhiên là sẽ không được phép chụp ảnh. Mọi điều luôn là dành cho việc trình diễn. “Tôi chưa từng bao giờ gặp một người nào quá quyến rũ, quá sống động như vậy” nhà văn nổi tiếng đến từ Emporia, tiểu bang Kansas, William Allen White viết sau khi gặp MacArthur trong thế chiến I, ông nói thêm MacArthur “là tất cả những gì Barrymore và John Drew có thể mong được vậy”. Còn Bob Eichelberger, một sỹ quan cao cấp của MacArthur trong thế chiến II, bởi lý do kiểm duyệt trong thời chiến, đã phải mã cái tên của MacArthur trong thư gửi về cho vợ. Và trong các thư đó, MacArthur luôn được gọi là Sarah – tức là Sarah Bernhardt, nữ siêu sao thời đó. Có lần một phụ nữ hỏi Eisenhower: “Ngài có biết tướng quân MacArthur chứ?” Eisenhower trả lời: “Tôi học được kịch nghệ dưới quyền ông ấy trong năm năm tại Washington và bốn năm ở Philippine”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:05:12 am »

MacArthur tin rằng: thần thoại – dù là thần thoại thời hiện đại và không có tính bất tử – là sức mạnh, nên ông rất cẩn thận với nó. Không người ngoài nào có thể tiếp cận được ông nhiều; chắn chắn, cho đến khi ông sẵn sàng trình diễn. Những gì ông muốn thể hiện ra trước công chúng được tính toán kỹ. Mỗi từ mô tả về ông, nếu có thể, sẽ được lựa chọn cẩn thận. Hồi thế chiến II, có một tiểu sử sơ lược của ông được viết, trong đó mô tả ông là một người xa cách, ông đã cố thông qua kiểm duyệt để đổi nó thành khắc khổ. Cấp dưới không được phép thân mật. Ông đứng trên mọi tướng lĩnh khác. Khi là một trợ tá cao cấp của ông ta trong những năm 1930, Eisenhower đã giật mình khi thấy đôi lúc MacArthur tự nói về mình ở ngôi thứ ba, đại loại như: “Thế là MacArthur đến trước thượng nghị sỹ…”. Trong những năm đó, ông nhìn chính mình – và tự đóng vai chính mình – như là hiện thân lịch sử sống của đất nước, một con người lịch sử. Thật là vinh dự nếu được ông nhận, và nếu bạn đến, đó chính là ngưỡng mộ ông ta như một biểu tượng, một tượng đài sống. Có những lễ nghi hằng ngày và được tuân thủ; ví dụ như trong các bữa trưa ở Tokyo, vốn được tổ chức đều đặn cho các VIP đến thăm, bà MacArthur chào đón khách đến, dĩ nhiên là khách đến trước MacArthur, thế rồi cuối cùng ông mới đến và lúc đó bà ta nói với cung cách khá tôn kính rằng: “Và giờ, tướng quân đã đến”. Thế rồi ông ta chào mừng lại bà, mà như một người từng chứng kiến nói: “như thể ổng không gặp bả đã mấy năm rồi”.

Và chính vị tư lệnh thông thái, cực kỳ độc đáo và cũng thất thường này, đã chi phối  những chỉ dẫn quan trọng nhất cho chiến dịch Inchon vào ngày 23 tháng Tám, gần hai tháng sau khi quân Bắc Triều Tiên tấn công. Việc này diễn ra ở sở chỉ huy MacArthur tại Tokyo. Joe Collins, tham mưu trưởng Lục quân, Forrest Sherman, chỉ huy hành quân Hải quân, và trung tướng Idwal Edward, phó tư lệnh Không quân bay đến từ Washington. Hoyt Vandenberg, tư lệnh Không quân không có mặt. Có tin rằng do những vấn đề tế nhị về vai trò của từng bên trong chiến dịch nên ông ta không muốn hợp pháp hóa một chiến dịch mà về bản chất thuộc TQLC và Hải quân. Còn TQLC, lãnh nhiệm vụ dẫn đầu cuộc đổ bộ Inchon thì lại không được mời họp, những câu hỏi của quân chủng đó cùng với những lo lắng của họ không bao giờ được đưa ra, việc sau này sẽ trở thành một điểm nhức nhối. Trong cuộc họp, đô đốc Doyle và người của ông đã trình bày chi tiết trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Lần lượt các sỹ quan trong ban tham mưu của Doyle đứng lên và nói về từng vấn đề kỹ thuật, quân sự riêng lẽ của trận đổ bộ. Và rồi đến lượt chính Doyle cũng đứng lên. Ông nói: “ Thưa tướng quân, tôi không được hỏi, và tôi cũng không tình nguyện đưa ý kiến về chiến dịch đổ bộ này. Nhưng nếu tôi có được hỏi, thì điều tốt nhất tôi có thể nói là chiến dịch Inchon không phải là không thể”. Thế rồi ông ngồi xuống.

Joe Collins đề nghị lại lần nữa rằng họ nghĩ Kunsan hoặc Posung-Myon, nằm ở phía nam Inchon, cả hai nơi đó sẽ là những địa điểm đổ bộ ít rủi ro hơn. Sự thận trọng của ông ta không làm MacArthur ngạc nhiên – ông đã dự đoán trước được. Thế rồi MacArthur nói. Ông đã chuẩn bị đi, chuẩn bị lại cho giây phút này trong đầu. Ông biết sự dè dặt của mọi người trong phòng họp, và mục tiêu chính của ông là Sherman, lãnh đạo Hải quân, ông này thì không tỏ ra dấu hiệu rằng ông ta cảm nhận thế nào. Mà nếu không có sự chuẩn thuận của Sherman, không có sự hợp tác của Hải quân, thì sẽ không có chiến dịch Inchon. Joe Collins có thể rất dè dặt, nhưng Lục quân ở Washington không thể bác bỏ tư lệnh lục quân tại chiến trường. MacArthur đã làm tốt nhất trong ngày hôm ấy, ông đã làm cả phòng họp đầy sỹ quan cao cấp vốn chống lại ông, đã phải tin ông. Sau này ông viết lại, rằng khi ông bắt đầu ông như nghe thấy giọng nói của cha mình “Doug, các hội đồng chiến tranh gây ra sự nhút nhát và chủ nghĩa thất bại”. Thế là MacArthur phát biểu, ông nói không hứng thú một trận đổ bộ sâu về phía nam. Vì chẳng có lợi ích gì lớn cả. “Đổ bộ đường thủy là công cụ mạnh mẽ nhất chúng ta có. Để triển khai nó hợp lý, chúng ta phải tấn công mạnh và sâu!”. Những khó khăn ở Inchon là có thật nhưng không phải là không thể khắc phục được. Chính những lý lẽ được nghe thấy về việc  chống lại cuộc đổ bộ, ông nói, cũng chính là những lý do thực tế nhất cho thành công của chiến dịch. Đó là một cơ hội lớn thực thụ bởi quân thù sẽ hoàn toàn bất ngờ. “Chỉ huy phía địch có lý do để tin rằng không có ai quá láo để có thể triển khai một nỗ lực như vậy”. MacArthur nói mình giống như James Wolfe ở Quebec năm 1759. Bởi bờ của con sông St. Lawrence ở mặt nam Quebec quá dốc, nên hầu tước De Montcalm, chỉ huy phòng thủ thành phố, đã đưa hầu hết lính của mình qua mặt bắc. Tuy nhiên, Wolfe cùng một lực lượng nhỏ, và trèo lên từ hướng nam, vượt qua các điểm cao và làm quân của Montcalm hoàn toàn bất giờ. Đó là một chiến thắng vĩ đại, một chiến thắng gần như kết thúc cuộc chiến thực dân Anh – Pháp ở Bắc Mỹ. “Như Montcalm, Bắc Triều Tiên có thể cho rằng một cuộc đổ bộ vào Inchon là vô vọng. Và như Wolfe, tôi có thể làm chúng bất ngờ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:10:28 am »

Ông nói ông có niềm tin mãnh liệt vào Hải quân, ngay lập tức bỏ qua quá khứ xung đột ý chí trong thời chiến dịch Thái bình Dương. Ông nhấn mạnh “Ông có lẽ tin tưởng vào Hải quân hơn chính Hải quân”. Và Hải quân – điều này được nói như thể chỉ có mình Sherman trong phòng họp – “đã không bỏ rơi tôi trong quá khứ, và sẽ không bỏ tôi trong thời điểm này”. Ông bình luận về Kunsan, được biết như là địa điểm đổ bộ được Joe Collin và Johnie Walker ủng hộ “ có thể là một nỗ lực được dấu nhưng nó không được bí mật”. Bởi có thể dễ dàng liên hệ tới tập đoàn quân 8 – và nó có thể chỉ làm tốn thêm lính trong một thứ vòng cung Pusan lớn hơn thôi, nơi ông tin là cực kỳ yếu. “Và ai sẽ chịu trách nhiệm cho bi kịch như vậy? Tất nhiên không phải là tôi”. Ông thề là ông sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ cho chiến dịch Inchon nếu bị thất bại. (“Tôi không cho rằng đây là một lời hứa nghiêm trọng mấy”, Bill McCaffrey, một thành viên trong ban tham mưu của Almond sau này ghi lại “Và trên hết, ông ấy nói người Trung Hoa sẽ không tham chiến, rồi khi họ nhảy vào, cho thấy ông ấy đã sai nặng, chúng ta đang bị đánh bầm dập, ông ấy vẫn không bị trách nhiệm gì cả, mà ông còn quy trách nhiệm cho mọi người, trừ ông”). MacArthur nói với những thính giả trong phòng, rằng nếu ông sai về chiến dịch đổ bộ, ông sẽ ra trận và chỉ huy tại chỗ. “Nếu chúng tôi nhận thấy rằng không thể thực hiện được, chúng tôi sẽ rút lui”. Lúc này thì Doyle phản đối: “Không, thưa tướng quân. Chúng ta không biết cách làm như vậy. Một khi chúng ta đã lên bờ, chúng ta sẽ tiếp tục”

Thế rồi MacArthur hướng ánh nhìn về Sherman và nói về tình cảm của ông với Hải quân. Ông nói, hồi trước, trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc chiến kia,  Hải quân đã đến Corregidor và đưa ông thoát ra an toàn và từ đó ông có thể tiếp tục điều khiển các lực lượng Đồng Minh chiến đấu với Nhật. Rồi từng bước, Hải quân đã mang ông đến chiến thắng trong cuộc chiến Thái Bình Dương. “Giờ đây, khi binh nghiệp tôi sắp về chiều, lẽ nào Hải quân lại bảo tôi rằng sẽ không đưa tôi đến Inchon và điều này sẽ hạ gục tôi?”. Trong góc tối của phòng họp, một sỹ quan lục quân trẻ, trợ tá của Ned Almond, tên là Fred Ladd. Anh cười với mình khi MacArthur tung ra cú đòn chót – Ladd nghĩ, giờ ông ấy thuyết được họ rồi. Không một sỹ quan cao cấp nào có thể kháng cự nổi một thách thức cá nhân lớn như vậy. Lúc này đô đốc Sherman mới mở miệng lần đầu: “Tướng quân, Hải quân sẽ đưa ngài vào”. MacArthur đã thắng. Ông đáp lời “Ngài nói y như Farragut (*)”, và hiểu rằng ông đã tác động được. (Khi ông ta nói thế, đô đốc Doyle giận dữ với cái cách gạt sang một bên những phản đối nghiêm trọng của ông, đã lầm bầm một mình: “Nói như John Wayne **thì có”). Và rồi vẫn kịch như mọi khi, MacArthur thấp giọng, khiến mọi người phải căng thẳng nghe từng từ: “Tôi có thể gần như nghe thấy được tiếng tíc tắc của kim giây chiếc đồng hồ số phận. Chúng ta sẽ hành động ngay bây giờ hoặc chúng ta sẽ chết…. Inchon sẽ thành công. Và chiến dịch này sẽ cứu sống hàng trăm nghìn sinh mạng.” . Ông đã thắng trong ngày hôm nay, ông hiểu điều đó. Sherman nói:  “Xin cảm ơn. Một tiếng nói vĩ đại trong một tình huống vĩ đại.

(*)Farragut là một sỹ quan hải quân giỏi trong nội chiến Hoa Kỳ, câu nói nổi danh của ông là: Kệ mẹ ngư lôi, cứ phóng hết ga – “Damn the torpedoes, full speed ahead!”  (ND)

(**) John Wayne: một diễn viên phim cao bồi nổi tiếng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:15:34 am »

Sau này đô đốc Doyle nói: “Giả mà MacArthur tham gia vào giới diễn viên, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết tới tên Barrymorre”. Sherman thì lên thớt rồi, dù qua ngày hôm sau, sau khi thoát được ảnh hưởng phần thuyết trình của MacArthur và những thách thức một-một, ông thấy những lo ngại của mình trở lại. “Tôi ước gì tôi là con người lạc quan đó” , ông nói với một người bạn. Collins cũng vẫn còn cảm thấy không dễ chịu, mà cho dù không dễ chịu hay không, thì hội đồng tham mưu liên quân cũng đã chịu rồi, và năm ngày sau họ đánh điện chấp thuận cho MacArthur. (Sau này Mike Lynch hỏi Walker, rằng tại sao MacArthur chiến thắng được những lo ngại của hội đồng tham mưu liên quân? “Vì MacArthur đã khiến mọi người nghĩ rằng Triều Tiên là một hòn đảo, và Seoul là mục tiêu quyết định. MỘt khi Seoul bị chiếm thì chiến tranh kết thúc”, Walker trả lời). Dù sao đi nữa, thì ngày 28 tháng Tám, Hội đồng tham mưu Liên quân ở Washington vẫn tiếp tục lo lắng – nguồn lực hữu hạn của họ đã phải tiêu tốn rất nhiều cho một kế hoạch mà có quá nhiều điểm có thể dẫn tới sai lầm – và họ gửi một thông điệp chót đến MacArthur, đề nghị chọn Kunsan. Cái cách cư xử với thông điệp đó là một chiêu MacArthur cổ điển. Ông xem như không có nhận được hoặc từng có thông điệp đó tồn tại. Ông tiếp tục triển khai, dù có kín đáo hơn, và đảm bảo rằng kế hoạch chính xác của chiến dịch Inchon không đến được Washington cho tới khi nó đã thực sự diễn ra. Ông cân nhắc việc này rất kỹ, không nói cho Washington biết cho đến khi đã quá trễ để bắt ông dừng. Những gì ông làm, như theo cách nói của Clay Blair là “một ca mánh khóe, mưu mẹo lạ thường”. Ông đợi và đợi, mãi đến ngày 8 tháng Chín mới gửi vài tập tài liệu khổng lồ trong đó chứa kế hoạch sau rốt của ông về Washington, một trung tá tham mưu trẻ chịu trách nhiệm, trung tá Lynn Smith, và bảo Smith không cần làm gì quá nhanh.. Smith tuân lệnh: Hội đồng tham mưu Liên quân mong gặp một sỹ quan cao cấp nhưng thay vào đó chỉ là một trung tá nhỏ bé mà gần như là vào phút chót nữa chứ. Smith ngay lập tức được đưa vào phòng với Hội đồng tham mưu Liên quân và bắt đầu phần báo cáo. “Đây là ngày D-day phải không trung tá?”, Joe Collins hỏi. Smith trả lời xác nhận. Collins lại hỏi khi nào trận tấn công bắt đầu. “Cuộc đổ bộ vào đảo Wolmi-do sẽ bắt đầu vào 6h20 phút – tức vào 17:30 ở đây” anh trả lời. “Cảm ơn” Joe Collins nói “tốt nhất là anh tiếp tục báo cáo”. Xét về dài hạn, những gì MacArthur làm ở thời điểm đó đã tổn hại đến quan hệ giữa ông là Hội đồng tham mưu Liên quân. Ông không phải chơi trò với nhà cầm quyền dân sự (với những giới hạn nào đó) là chấp nhận được, nhưng đây là với người cùng địa vị, những tướng bốn sao, những người có cảm giác về trách nhiệm với sinh mạng thanh niên dưới quyền như ông và cũng mong chiến dịch thành công. Với văn hóa trong quân đội, thì điều này không thể tha thứ được. Tám tháng sau, khi Truman sa thải MacArthur, thì, như Joseph Goulden chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính là tổng thống có được sự đồng lòng hỗ trợ từ Hội đồng tham mưu Liên quân. Đó là cái cách họ đáp trả việc MacArthur đã qua mặt họ trong chiến dịch Inchon.

Thông thường, trong một trận đổ bộ đường thủy, yếu tố bất ngờ là quan trọng, nhưng lạ kỳ thay với trường hợp này, điều này dường như bị bỏ mất. Mọi người ở Tokyo cho thấy đều biết về việc gì sắp xảy ra và nơi nào sẽ diễn ra điều đó. Trong câu lạc bộ báo chí Tokyo, trung tâm tin đồn chính của cuộc chiến, chiến dịch này còn được mang nhãn là Chiến dịch ai-cũng-biết. Câu hỏi rằng ai sẽ chỉ huy chiến dịch Inchon cũng có đáp án gần như ngay từ lúc có chuẩn thuận của Washington về chiến dịch. Hầu hết các sỹ quan cao cấp ở Washington và một số ở Tokyo đều mong rằng quyền chỉ huy – ở đây là cả một quân đoàn – về tay trung tướng Lem Shepherd, một tư lệnh TQLC có kinh nghiệm. Dù gì thì MacArthur cũng mang ơn Shepherd vì đã hỗ trợ rất nhiều trong việc cho ông một sư đoàn TQLC, và Shepherd là một tay TQLC sành sỏi việc đổ bộ đường thủy. Nhưng rồi mọi người té ngửa. Tư lệnh là thiếu tướng Ned Almond, ông này kể từ đây mang hai chức. Lúc mới nghe tin này, Joe Collins, tham mưu trưởng lục quân choáng và giận: ông nhỏm người khỏi ghế và la lên: “Cái gì?”, theo như lời John Chiles, một thành viên trong ban tham mưu của Almond. Collins không ưa Almond, và ông cũng không thích cái ý tưởng rằng MacArthur không chỉ cắt quyền chỉ huy trận Inchon ra khỏi tập đoàn quân 8, mà còn trao quyền đó cho Almond, một người của ông ta, mà không thèm tham khảo với Hội đồng tham mưu Liên quân. (Trong những sỹ quan ở Triều Tiên lẫn ở Washington, sau này gọi đó là chiến dịch Ba-sao, bởi nó cho thấy bên cạnh những việc khác, thì đó là một nỗ lực rành rành để lấy cho Almond ngôi sao tướng thứ ba).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:20:10 am »

MacArthur thực tế là không chỉ đang đánh giá thấp Johnie Walker, Hội đồng tham mưu Liên quân dần dần nhận ra rằng, ông còn đang đánh giá thấp cả họ  nữa. Không một viên tướng nào khác dám làm vậy mà không có ý kiến từ họ; đó là một ví dụ cổ điển về việc MacArthur là MacArthur, hành động ngoài tầm với cũng như chấp thuận của thượng cấp, hứng thú với việc chọc tay ông vào mắt họ. Đó cũng là một chiêu hết sức chính trị, vì điều đó sẽ đặt hầu hết quyền chỉ huy ở Triều Tiên vào tay những người hoàn toàn trung thành với ông, và ngoài tầm với của hội đồng tham mưu liên quân. Shepherd là một tướng lĩnh tốt, một quân nhân kiểu cũ với lòng trung thành kiểu cũ; đó là vấn đề; ông ta có thể trung thành với MacArthur, nhưng ông cũng trung thành với Hội đồng tham mưu Liên quân và TQLC nữa. Điều này khiến ông trong góc nhìn của MacArthur là có lòng trung bị chia sẽ, như vậy thì không chấp nhận được trong trường hợp này.

Không ai ở Lầu Năm góc vui vẻ với bước đi này, còn TQLC xem đó là một thảm họa. Họ vốn lo ngại về Almond, bởi ông đã khóa được cả Shepherd, tư lệnh chiến trường của TQLC, lẫn thiếu tướng O.P. Smith, sư trưởng sư đoàn TQLC số Một, đơn vị được lệnh đổ bộ sau cuộc họp kế hoạch quan trọng hồi cuối tháng Tám. Thêm vào đó, có sự giận dữ cá nhân trong TQLC vì cái cách Almond đối xử với Smith, một tướng lĩnh rất được kính trọng trong buổi họp đầu tiên. Khi đó Smith nghĩ rằng ông sẽ tự báo cáo với MacArthur, nhưng khi ông đến tòa nhà Dai Ichi, ông nhận ra mình chủ yếu là gặp Almond, và phải chờ tới một tiếng rưỡi. Rõ ràng đây là bài học đầu tiên cho Smith để hiểu cấu trúc chỉ huy thực thụ. Tệ hơn, lúc đó Almond còn chọc tức vị sỹ quan TQLC kỳ cựu bằng cách gọi ông là  “con trai”, một kiểu kẻ cả lạ kỳ, đặc biệt với một tướng TQLC 56 tuổi, mà ông còn dường như chiến đấu nhiều hơn Almond và chỉ thua tám tháng tuổi. Lúc Smith cố đưa ra tình huống về những khó khăn lúc đổ bộ có thể xảy ra, Almond vẩy ra – cái việc này, Almond trả lời, là “ hoàn toàn mang tính máy móc thôi mà”. Bên cạnh đó, theo như nhật ký của Smith, Almond còn bảo không có tổ chức địch trong vùng. Một tay khinh khỉnh, Smith nghĩ, và dù ông rất giận Almond nhưng ông cố giữ trong lòng, vì lo nếu ông nói ra, thì có thể sẽ làm chia rẽ công tác chỉ huy giữa Lục quân và TQLC. Nhiều sỹ quan khác dưới quyền Smith nổi giận. Người kết án nhẹ nhàng nhất là đại tá Alpha Bowser, sỹ quan hành quân của Smith, anh gọi Almond là: “đồ đồng bóng điếm đàng”. 

Inchon là một canh bạc lớn: quân thù phải là mơ ngủ khi nó diễn ra, bởi lối vào cảng rất hẹp. Nhưng MacArthur tin, tướng lớn là chơi bạc bự. Ngay trước ngày D-day, ông triệu tập vài phóng viên chiến trường ở Tokyo và mời họ đi cùng trận tấn công, đi trên chiến hạm Mount McKinley, soái hạm của ông. (Tất nhiên là phần giới thiệu bài báo của họ sẽ ghi tên ông vào đó kiểu “Từ sở chỉ huy của MacArthur…”). Và ngay trước lúc chiến hạm rời cảng Sasebo trực chỉ Inchon, có một buổi họp khác, với sự góp mặt của đô đốc Doyle. MacArthur đang trong trạng thái tâm lý khá cởi mở. Ông dự định sẽ cắt đứt tuyến hậu cần của Bắc Triều Tiên. Ông nói, trong chín phần mười các cuộc chiến trong lịch sử chiến tranh, một bên thất bại bởi vì đường tiếp vận bị cắt. Một phóng viên hỏi ông có sợ người Trung Hoa can thiệp vào không. Ý kiến này dường như chẳng làm ông bận tâm mấy, và câu trả lời của ông cũng như câu ông nói với Harry Truman lúc gặp ở đảo Wake một tháng sau: ông nói ông hiểu rất rõ về sự khác biệt to lớn trong vấn đề nhân khẩu, rằng nếu “chúng ta đưa vào150 triệu người Mỹ thì họ vẫn có thể đưa ra bốn người châu Á cho một người Mỹ”. Bởi vậy nên ông sẽ không thách thức họ ở nơi họ mạnh. Nhưng dù sao ông cũng có một kế hoạch dùng không quân để cân bằng với họ, phải dựa vào thế mạnh của chúng ta và tránh xa nơi họ mạnh để vô hiệu lợi thế số lượng của họ. “Nếu người Trung Hoa can thiệp, không lực của chúng ta sẽ biến sông Áp Lục thành dòng nước đẫm máu nhất trong tất cả lịch sử”. Giá mà MacArthur hoặc những người quanh ông, những người đã xây dựng kế hoạch của ông, hiểu được cách người Trung Hoa chiến đấu và chiến thuật của họ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của không lực. Khi người Trung Hoa rốt cuộc rồi cũng tấn công, họ đã làm MacArthur bất ngờ; không quân của ông có tác dụng trực tiếp khá nhỏ, và hầu như chẳng có máu người Trung Quốc đổ trên sông Áp Lục, bởi, họ đã vượt sông từ trước, và, không bị phát hiện ra.

(hết chương 19)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:23:57 am »

Chương 20

Ở Inchon, MacArthur gặp may, có phần không nhỏ bởi Kim Nhật Thành là một đối thủ không quá linh lợi. Chẳng biết vì sao mà Kim Nhật Thành không chịu thừa nhận khả năng có một cuộc đổ bộ đường thủy vào sau chiến tuyến quân của ông. Trong khi đó, người Trung Hoa biết rất rõ rằng có một lực lượng quân Mỹ lớn đang được tổ chức ở Tokyo vài tuần trước khi xảy ra trận Inchon. Nước Nhật trong những năm cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950 do thám rất dễ lọt vào, bởi an ninh ở các cảng Nhật Bản không được chú trọng nhiều, và bởi nhiều người Nhật làm ở cảng là những đảng viên Cộng sản trung kiên, người Hoa rất biết đa phần các thiết bị được mang vào là những thứ được dùng cho một cuộc đổ bộ đường thủy. Đầu tháng Tám, Mao Trạch Đông cực kỳ quan ngại khi nghe về đợt tấn công mới của Bắc Triều Tiên. Một chiến thắng chóng vánh ở miền nam mà Kim Nhật Thành hứa đã không thành hiện thực. Người  Mỹ, Mao hiểu, đang củng cố việc phòng thủ ở Pusan vào cuối tháng Tám và đầu tháng Chín, nhưng họ đồng thời lại giữ hai sư đoàn mạnh nhất của họ ở Nhật Bản. Trận đổ bộ đường thủy đang được triển khai. Rõ ràng mọi thứ như vậy. Mao Trạch Đông đã có cả đời chinh chiến với các địch thủ không chỉ mạnh hơn về người mà còn vượt trội về vũ khí, và tình báo quân sự luôn quan trọng trong thành công của ông – người Trung Hoa học được cách tránh kẻ thù khi chúng mạnh, chỉ tấn công khi chúng yếu, một khi yếu thế trên chiến trường họ cũng luôn sẵn sàng thoát ra để còn mai kia còn chiến đấu. Mao Trạch Đông thấy được những gì đang diễn ra – và ông cảm giác được những gì diễn ra đó – là cực kỳ nghiêm trọng.

Vậy nên đầu tháng Tám, ông đã chỉ đạo Lei Yingfu, một trong những sỹ quan tham mưu có nghề nhất của mình, thư ký quân sự của Chu Ân Lai, xác định xem người Mỹ sẽ làm gì và nơi nào họ có thể tấn công. Đó là một nhiệm vụ tình báo rõ ràng nhất. Mọi thứ hiện hữu rất rõ với quân báo Trung Hoa. Thêm vào đó, có nhiều đơn vị Mỹ đang tập luyện đổ bộ đường thủy, các hải cảng Nhật thì ken đầy tàu đủ các kích cỡ của quân Mỹ và đồng minh trên khắp thế giới. Hơn nữa, tư lệnh Mỹ, MacArthur, vốn trong cuộc chiến Thái Bình Dương, rất thiện nghệ đổ bộ đường thủy. Lei nghiên cứu tất cả các nguồn tin tinh bào và khẳng định rằng quân Mỹ đang chuẩn bị một cái bẫy lớn dành cho Bắc Triều Tiên, và họ sẽ bất ngờ đổ bộ vào một khu vực cách tuyến bộ đội Bắc Triều khá xa. Ông tin rằng người Mỹ không chỉ có ý định chọc thủng vòng vây quanh Pusan, mà với trận đổ bộ họ mong sẽ bắt được nhiều quân Bắc Triều Tiên hơn cùng lúc. Lei nghiên cứu bản đồ, cố suy nghĩ như một người Mỹ, và xác định rằng cuộc tấn công đổ bộ có thể diễn ra ở một trong sáu hải cảng, và bởi đó là MacArthur, với bản năng hùng hổ của cá nhân ông ta, có lẽ sẽ thích chọn nhất là cảng Inchon. Ngày 23 tháng Tám, một tuần trước cuộc tấn công cuối cùng của phía Cộng sản dọc phòng tuyến Naktong bắt đầu (và cũng là ngày mà MacArthur đã diễn kịch trước Hội đồng tham mưu Liên quân trong phòng họp chiến tranh ở tòa nhà Dai Ichi), Lei mang kết quả nghiên cứu lên báo Chu Ân Lai, ông này cực kỳ ấn tượng và chuyển ngay nó cho Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông triệu tập Lei lên, ông này đã báo cáo rất hay, đồng thời cũng gửi ba trang ghi nhớ về MacArthur và các chiến thuật của ông ta, cách suy nghĩ và các thói quen của cá nhân MacArthur. Mao Trạch Đông bảo Chu Ân Lai gửi ngay các đánh giá đó cho Kim Nhật Thành. Những cố vấn Nga của Kim Nhật Thành cũng đưa ra các đề xuất tương tự, nhưng dường như không có gì lay chuyển được Kim Nhật Thành. Điều này thật khó mà bất ngờ. Bởi, trên hết, ông ta không đến với quyền lực bằng sự thông minh trên chiến trường, mà bằng vào sự xoay sở để sống sót trong một thời kỳ chính trị tàn khốc, và rồi về cơ bản là bởi sự dễ bảo về mặt ý thức hệ. Kim Nhật Thành nắm được quyền lực to nhờ vào sự bố thí của Hồng quân. Ông không có những bài học kinh nghiệm trên con đường đi đến quyền lực như cách Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh đã có.

Dựa trên những dự đoán của mình, Mao Trạch Đông khẳng định rằng vai trò của Trung Hoa trong cuộc chiến này đã bắt đầu thay đổi. Lúc giữa tháng Tám, ông tin rằng quân Bắc Triều Tiên đã tới giới hạn thành công ở miền Nam. Vào ngày 19 và ngày 23 tháng Tám, ông gặp Pavel Yudin, một cố vấn cao cấp Liên Xô. Trong các cuộc gặp này, ông nói với Yudin rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục đưa quân đến Triều Tiên, thì bộ đội miền bắc sẽ không thể trụ nổi và cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ Trung Hoa. Trong tháng Tám và đầu tháng Chín, Mao Trạch Đông gặp Lee Sang Cho, đại diện của Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc. Trong những cuộc gặp này, ông tự cho phép mình – một cơ hội nhỏ để đáp trả người Bắc Triều Tiên vốn đã đối xử với ông một cách hạ cố lúc bắt đầu cuộc chiến – chỉ ra những sai lầm quân sự của Bắc Triều Tiên: những sai lầm của họ, về cơ bản, nhằm tìm kiếm thêm nhiều lời khuyên từ ông. Họ đã không chuẩn bị đầy đủ cho quân dự bị, ngay cả khi họ tấn công trên một chiến trường quá rộng. Họ đã nỗ lực quá nhiều vào việc chiếm đất hơn là việc tiêu diệt địch. Rồi ông lưu ý những điểm yếu hiện nay như phi trường Kimpo và đề nghị rằng Bắc Triều Tiên nên xem xét việc rút lui và củng cố phòng thủ những nơi đặc biệt dễ tổn thương. Ông thậm chí chỉ trên bản đồ và đặc biệt đề cập đến Inchon như là một mục tiêu rõ nhất. Nhưng Kim Nhật Thành, trong sự ngạc nhiên của người Trung Hoa, đã không làm gì cả, ngay cả việc cài mìn cảng Inchon.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM