Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 10:19:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91508 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:34:52 pm »

Lúc Kim Nhật Thành ném 13 sư đoàn của ông vào trận đánh cuối cùng trên sông Naktong vào ngày 31 tháng Tám thì lực lượng của hai bên đã đột nhiên cân bằng, và những đơn vị ưu tú quân Mỹ vẫn đang tiếp tục đổ đến nước này. Ví dụ như phần còn lại của ba trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh số 2 đang đến, trung đoàn 38 tới Pusan vào ngày 19 tháng Tám. Điều này có nghĩa là với chừng 100,000 quân Bắc Triều Tiên sẵn sàng cho việc mà họ hi vọng sẽ là cuộc chiến cuối cùng và trận tấn công của họ sẽ đến tận cảng Pusan, thì cũng đã có tới 80,000 lính Mỹ thuộc tập đoàn quân Tám cũng đã sẵn sàng phòng thủ vòng cung Pusan.

Việc tập đoàn quân Tám có khả năng trụ được trong hai tháng trước đó thể hiện thành tích cá nhân to lớn của tướng Johnie Walker. Dù cả Tokyo và Washington đều thiếu tôn trọng ông, thì người lính tăng ở trên cái chiến trường không-phù-hợp-xe-tăng này, một tư lệnh đã chiến đấu cùng một lực lượng rõ ràng là yếu kém hơn những gì ông đã chỉ huy dạo ở Pháp và Đức, trong cả 6 hoặc 7 tuần từ cuối tháng Bảy đến giữa tháng Chín, cho thấy ông không gì khác hơn là một chỉ huy xuất sắc và không biết sợ, ông đã làm hầu như mọi điều đúng đắn. Nếu lịch sử quân sự Mỹ có lừa bịp bất cứ điều gì về các cuộc chiến của đất nước này trong thế kỷ trước, thì đó là cuộc chiến Triều Tiên, và nếu bất kỳ thể hiện nào của cuộc chiến đó bị bỏ sót, thì đó chính là chuỗi những trận đánh nhỏ dọc sông Naktong trong tháng Bảy, tháng Tám và tháng Chín năm 1950, và nếu có một vị tư lệnh nào đã không được nhận sự tán thưởng mà ông xứng đáng có, thì đó chắc chắn là Walton Walker với những trận đánh đó. Viên phi công Mike Lynch có lần nói: “Ông là một vị tư lệnh bị lãng quên trong một cuộc chiến bị lãng quên”.

Cuộc chiến Triều Tiên không bao giờ ghi được ấn tượng trong lòng công chúng Mỹ, các trận chiến trên mấu lồi sông Naktong và dọc vòng phòng thủ Pusan cũng hoàn toàn bị che mờ bởi các trận đánh lớn hơn sẽ đến; và trong thời kỳ kinh khủng đó, rõ ràng Walton Walker là một vị tư lệnh vĩ đại. Với sự chuẩn bị nghèo nàn, trang bị thiếu thốn, quân lính dưới sức, ông đã xoay sở để ngăn chặn đà tiến của một kẻ thù ghê gớm, tài ba ngay cả trong điều kiện cái quốc gia mà ông làm đại diện vẫn còn rất chậm chạm bắt đầu chấp nhận trách nhiệm của mình. Khi ông lệnh cho quân binh tử thủ, ông hiểu không còn gì để mất và ông cột chính mình vào trong sắc lệnh đó. Nếu cần thiết, ông sẽ là người Mỹ cuối cùng trụ lại một khi quân Bắc Triều Tiên tiến vào Pusan. Một ngày đầu tháng Chín, ông là Lynch – người bạn đồng hành thường xuyên của mình – ở Teagu, một thị trấn chẳng có chút nào quan trọng trên thế giới hồi trước chiến tranh, nhưng giờ đây với họ đó là một điểm đầu mối then chốt. Nếu Bắc Triều Tiên chiếm được Teagu, thì sẽ mở toang cánh cửa cho quân bắc tấn công vào Pusan, chỉ cách đó không đầy 45 dặm về phía nam. Walker quay lại nhìn Lynch và nói: “Anh và tôi có thể sẽ kết thúc trên những con phố Teagu chiến đấu cùng với những chàng trai đó. Kế hoạch của tôi là nếu địch đột phá được, anh sẽ ở đây cùng với tôi. Và chúng ta sẽ cùng ở đây đến giây phút cuối cùng”.

Walker là một người không biết chán nản và sợ hãi, bay trên chiếc phi tuần nhỏ xíu của mình, đôi khi chỉ cách mặt đất vài trăm thước, bất chấp đạn súng máy quân địch có thể quật ông xuống. Có lúc ông còn cúi mình qua cửa sổ, hét to với lính qua chiếc loa pin. Nếu ông cho rằng họ đang rút lui hay đang kinh hoảng, ông sẽ hét lên với họ để củng cố chiến tuyến và chiến đấu, chúa ơi! Họ bay thấp đến nỗi Lynch đôi khi phải tháo khỏi vỏ máy bay ba ngôi sao chỉ dấu rằng đây là máy bay riêng của một trung tướng. Khi lịch sử cuộc chiến Triều Tiên dần mở ra, như mọi vị tư lệnh khác, nhất là với Matt Ridgway, giữ địa vị lãnh đạo, thì Johnie Walker chìm dần vào hậu đài. Thứ có khuynh hướng được nhớ tới đó là việc ông là một trong những người bị khiển trách sau cuộc phục kích mang tính hủy diệt to lớn của quân Trung Hoa dọc tuyến sông Chongchon vào cuối tháng Mười Một đầu tháng Mười hai, một điều đáng nực cười đã làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của Walker, bởi về cơ bản sự kiện đó diễn ra mà không có sự đồng thuận của ông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:39:23 pm »

Thật không công bằng, bởi trong trận chiến Naktong ông đã điều khiển các đơn vị với một kỹ năng khéo léo, lấy một tiểu đoàn từ trung đoàn này rồi cho ghép vào một trung đoàn khác, dùng thủy quân lục chiến và trung đoàn Wolfhound số 27 như đoàn cứu hỏa để khống chế việc quân Bắc Triều Tiên chọc thủng phòng tuyến. Ông đã áp được những lợi thế hiện có lên quân thù khá ổn – hệ thống đường bộ, đường sắt đơn giản nhưng giá trị. Ở đây quân Bắc Triều Tiên bị hụt vốn – họ không thể di chuyển lực lượng đủ nhanh để khai thác được các điểm đột phá. Phần lớn những sai lầm của họ trong thời kỳ này phản ánh lại việc lập kế hoạch tác chiến yếu kém, sai lầm trong việc tập trung lực lượng và sai sót trong việc liên lạc hữu hiệu nhằm điều quân đủ nhanh theo yêu cầu chiến trường. Tốc độ chiến đấu với một quân đội có kỹ thuật vượt trội như Mỹ đã leo thang từng giờ – nhiều trang bị đưa đến đất nước này càng làm cho tốc độ đó còn nhanh hơn nữa. Người Mỹ nghĩ, sự hạn chế của quân Bắc không chỉ là phương tiện liên lạc yếu kém mà còn là sự yếu kém cơ bản do cấu trúc một quân đội quá tôn ti thứ bậc. Với nhiều chỉ huy trong tập đoàn quân 8, Walker dường như là một pháp sư hơn là một tư lệnh, bởi giác quan cực nhạy của ông về nơi tiếp theo quân Bắc Triều Tiên sẽ tấn công. Rõ ông không phải là pháp sư, nhưng  ông là người rất biết lắng nghe: quân Bắc Triều Tiên đang sử dụng hệ thống mã truyền tin rất thô sơ và họ không thay đổi tần số thường xuyên, nên quân Mỹ đã phá được mã. Và thường Walker biết được trước một cách chính xác nơi nào bộ đội miền Bắc lên kế hoạch tấn công. Đó là một nguồn thông tin rất có giá trị. Nguồn khác là do chính ông quan sát bằng mắt thường. Ông và Lynch bay trên các vị trí của bộ độ Bắc Triều Tiên rất thường xuyên và rất thấp đến nỗi ông có được những ý niệm rất chính xác về việc di chuyển vị trí của quân địch và mức độ thay đổi của họ hằng ngày.

Tuy vậy, nếu có một từ để miêu tả tình trạng của ông, Walker nghĩ rằng đó là từ “tuyệt vọng”. Ông luôn thiếu lính và bị đe dọa thường xuyên bởi việc quân Cộng sản đột phá. Hằng ngày ông bắt đầu với việc quay sang đại tá Eugene Landrum, tham mưu trưởng của ông, và hỏi: “Landrum, hôm nay cậu kiếm được cho tôi bao nhiêu quân dự bị nhỉ?” Đó là thứ họ cần – thêm quân; luôn luôn; gọi xin thêm quân. Bởi khả năng quân Bắc Triều Tiên thọc ra tới biển là một điều rất thật. Có một nơi cho thấy Walker đã đánh giá thấp khả năng bộ đội Bắc Triều Tiên là ở một khu vực có tên Mấu lồi Naktong, đó là nơi con sông uốn nhẹ sang phía tây trước khi ngoặc lại về phía đông. Nó tạo nên một mấu lồi nhỏ chạy dọc khoản năm dặm theo hướng bắc – nam và rộng bốn dặm theo hướng đông – tây. Lúc đó, nơi này là khung cảnh cho những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến. Bởi phía Mỹ biết sư đoàn 4 Bắc Triều Tiên ở đó và nhận được tin tình báo khá tốt từ tù binh rằng sư đoàn đó đã bị tổn thất nghiêm trọng, họ cũng nhận định khả năng tấn công của quân Bắc là hạn chế ở vùng này. Điều mà họ không được biết là lực lượng quân địch ở mấu lồi không chỉ là những đơn vị thuộc sư đoàn 4 mà còn của hai sư đoàn khác, sư đoàn 2 và sư đoàn 9.

Và thế là Walker bố trí hai trong số ba tiểu đoàn của trung đoàn 23 thuộc sư đoàn 2 bộ binh đến đó, tiểu đoàn thứ ba của trung đoàn đang được Sư kỵ binh 1 mượn. Nếu nói rằng họ đang bị dàn mỏng cực kỳ thì đó cũng là một cách nói giảm nhẹ. Thượng sỹ Harold Graham lúc đó đang là một trung đội trưởng tạm quyền trong đại đội Charley tiểu đoàn 1 trung đoàn 23 sư đoàn bộ binh số 2 Hoa Kỳ. Anh nhận được nhiệm vụ chiến đấu và đợi đến giờ thực hiện, nhưng nhiệm vụ đó đã bị kết thúc với thương vong rất nặng nề ngay trong đêm đầu bởi cuộc tấn công lớn của phía miền Bắc ở mấu lồi Naktong, về cơ bản binh nghiệp của anh xem như cũng kết thúc. Graham ước lượng rằng sư đoàn của anh, vốn bị mất sức chiến đấu do những trận đánh trước đó, giờ chỉ bằng một trung đoàn, tổng cộng với chừng 9000 quân thay vì 18,000 như thông thường. Sư đoàn này phải phòng thủ trên một mặt trận dài gần 40 dặm, tiểu đoàn 1 trung đoàn 23, với chừng 4-500 lính phải chịu trách nhiệm một khu vực 3-4 dặm. ”Tôi không chắc là chúng ta có thể dàn mỏng hơn nữa không trước khi một trận tấn công lớn xảy ra”, Joe Stryker, một trung đội trưởng thuộc đại đội Charley, anh vừa mới được điều về làm sỹ quan liên lạc trung đoàn chỉ vài ngày trước và bởi vậy nên là một trong số rất ít người hiểu rõ điều gì trong những ngày ấy (và biến anh thành một chuyên gia về điều đó). “Đó là một sợi dây thép, tôi đồ chừng, nhưng là một sợi dây mảnh nhứt, mỏng nhứt mà bạn có thể tưởng tượng ra” anh nói. Có những hình ảnh lạ lùng, những mô tả nghe như không phải chính xác cho một vị trí phòng thủ mà như là một cái sàn khổng lồ đầy lổ thủng. Nếu mỗi người lính trong tiểu đoàn có một chiếc trực thăng riêng, thì điều này có thể làm được – nhưng thực tế thì đây là một nhiệm vụ vô vọng. Stryker nhớ lại điều xảy ra ngay từ lúc họ vừa đặt chân lên đất nước này. Khi vừa đến nơi, anh nhận một vị trí chiến đấu đầu tiên cạnh chiến tuyến, anh đã làm một việc mà bạn luôn làm trong chiến đấu – xác minh những đơn vị bạn bên cạnh và đặt liên lạc với họ. Trong trường hợp này, anh nhảy lên chiếc Jeep của mình và phóng đi, phóng đi và phóng đi – tất cả phải chừng 5 dặm. Cuối cùng anh nhìn thấy 2 tay GI (lính Mỹ). Họ thuộc sư đoàn 24 bên cạnh và dường như hoảng sợ khi thấy anh – họ chào anh với tư cách đại diện của sư 2 vừa đến Triều Tiên. Anh chỉ có thể nói với họ rằng vị trí của anh cách đây 5 dặm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:42:20 pm »

Lúc lính của trung đoàn 23 nằm đợi cuộc tấn công, cảm giác bị cô lập thật sự sâu sắc hơn bình thường rất nhiều. Sau này đại tá Paul Freeman, trung đoàn trưởng, phản ánh rằng dù tin tình báo của Walker thường chính xác một cách kỳ lạ, nhưng tại địa phương này vào thời điểm này thì Walker đã sai hoàn toàn. Lúc tháng Tám trôi dần về cuối, lính trong tiểu đoàn 1 trung đoàn 23 đều hiểu rằng có điều gì đó to lớn đang đến. Họ chỉ tốn hai ngày bên bờ đông sông Naktong khi quân bắc triển khai trận công kích chính. Tiểu đoàn 2 cũng đã di chuyển lên ngay sau lưng họ, đầu tiên là đến làng Miryang, một cứ điểm tạm của tuyến phòng thủ Naktong, rồi sau đó đến một làng tên là Changnyong, gần con sông hơn. Đêm ngày 31, họ nhận được nhiều thông tin rằng quân Bắc Triều Tiên gia tăng vận động ở bờ kia con sông và cả tuyến phòng thủ chờ đợi một trận tấn công có lẽ ngay trong đêm hoặc trong ngày kế.

Đôi khi định mệnh của một đơn vị nằm trên đường đi của những điều rất lớn lao trong lịch sử. Đó là điều đã xảy ra với đại đội Charley trong đêm ấy. Họ đối mặt với một cuộc tấn công lớn cuối cùng của một lực lượng khổng lồ quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên. Nếu rằng nhiều đơn vị Mỹ được bố trí dọc khúc cong sông Naktong khá mỏng, thì không có đơn vị nào mỏng hơn và nguy hiểm hơn trung đoàn 23, và không đơn vị nào của trung đoàn 23 chịu nguy hiểm hơn lính đại đội Charley, nhúm người còn sống sót của đơn vị này sau những ngày ấy thích gọi đơn vị của họ là “đại đội C. cũ”. Dù đã từng ấy năm trôi qua, trung úy Joe Stryker vẫn không thể tin nỗi sự mất cân bằng giữa hai bên ở lần chạm trán đầu tiên trên mấu lồi sông Naktong. Anh nghĩ cả hai sư đoàn quân Bắc Triều Tiên, có lẽ có chừng 15 đến 20 ngàn lính đã đổ lên khắp khu vực mà đại đội Charley trấn giữ, và có đến 8 hay 10 ngàn quân đến đúng vị trí phòng thủ của họ. Stryker ghi chú rằng thông thường một đại đội với quân số khoản 200 lính sẽ chịu trách nhiệm cho một khu vực chừng 1200 thước. Nhưng tiểu đoàn 1, đơn vị cha của đại đội Charley, lại có một tuyến trận địa kéo dài đến 16 ngàn thước, điều này có nghĩa là mỗi đại đội trong số ba đại đội thuộc quyền, mà không có đại đội nào có đầy đủ quân số, phải chịu trách nhiệm cho một địa đoạn dài từ 5 đến 6 ngàn thước. Nó cũng có nghĩa là một trung đội trong tình trạng tốt nhất có khoản 70 lính sẽ phải phòng thủ cho 2000 thước, và một tiểu đội từ 20 đến 25 người sẽ chịu 700 thước, hay nói cách khác là 7 cái sân bóng đá.

Ước lượng của Stryker phù hợp với hồi ức của thượng sỹ Graham – trung đội trưởng trung đội 2 thuộc đại đội Charley, anh có trong tay một phân đội cối một phân đội súng không giật; và của thượng sỹ Erwin Ehler, trung đội trưởng trung đội 4, trung đội vũ khí hạng nặng. Trung đội của Graham nằm ở giữa đội hình đại đội Charley. Cánh trái là Ehler và trung đội 4; cánh phải là đại đội B của tiểu đoàn. Bên trái Ehler và trung đội của mình là con đường dẫn đến Chanyong , rồi đến quân của trung đoàn bộ binh 9, cũng thuộc sư đoàn 2. Khoảng trống trên tuyến phòng thủ thật kinh khủng. “Chúng tôi cách rất xa các đơn vị khác đến nỗi chúng tôi không biết những người khác ở cái xó nào cả” Ehler nhớ lại, anh đã bị thương nặng vào đêm đó. Còn trung đội của Graham thì nhô lên phía trước chừng 2000 thước. Sườn phải của Graham là một khoảng trống dài chừng 2000 thước , và sau đó là vị trí đại đội B cũng thuộc tiểu đoàn 1. Sau này thượng sỹ Graham viết lại “Chúng tôi có thể khép được khoảng trống [giữa chúng tôi] bằng hỏa lực suốt cả ngày, nhưng ban đêm thì không thể”.

Họ đã bị dàn mỏng một cách thảm hại trên toàn tuyến, không ai biết điều này hơn đại úy Cyril Bartholdi, đại đội trưởng đại đội Charley. Anh là một sỹ quan giàu kinh nghiệm và có họ xa với người anh hùng biểu tượng của Tự do; anh đã chỉ huy từ hồi thế chiến II và hiểu rất rõ những điểm yếu của quân mình ở đây, rằng không có cách nào để họ có thể ngăn được cuộc tấn công của quân Bắc Triều Tiên mà mọi người đang chờ. Anh hiểu họ là một phần của một sợi dây thép mỏng manh, chủ yếu là để giúp cảnh báo cho phần còn lại của tập đoàn quân 8. Nhiệm vụ của họ là đánh tín hiệu về cuộc tấn công của quân Bắc, làm chậm nó chút đỉnh bằng hết khả năng, báo cáo về độ lớn của chúng, và hi vọng rằng những người ở các sở chỉ huy phía xa rốt cuộc có thể đưa đến đủ quân, đủ súng để chống lại cuộc tấn công. Điểm tàn bạo của nhiệm vụ này, anh hiểu, mang nghĩa là tất cả họ có thể sẽ chết ở đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:45:40 pm »

Chiều ngày 31 tháng Tám, quân binh trong các đơn vị của trung đoàn 23, trong đó có đại đội Charley, đã chú ý đến sự tập hợp của quân địch bên bờ kia sông Naktong, vài chỗ còn đang kết bè nữa. Chắc chắn là trận tấn công đã gần xảy ra – trên thực tế, theo như cái cách đang thể hiện ra, họ nghĩ, việc đó rõ ràng đang triển khai. Sông Naktong có thể là một tuyến phòng thủ có giá trị, nhưng cũng là một tuyến không hoàn hảo. Phía Bắc Triều Tiên biết cách lẻn qua trong đêm và tạo dựng những cây cầu ngầm dưới nước bằng những bao cát, những cây cầu này vô hình dưới mắt thường bởi dòng nước đục ngầu. Và rồi khi trận đánh bắt đầu, lính và phương tiện của địch vượt sông dễ dàng, trong quân Mỹ có một số người sợ hãi khi họ chờ đợi trận tấn công.

Đòn đánh đầu tiên của bộ đội miền Bắc là nhằm vào đại đội Baker. Lúc 8h30 tối, trung úy William Glasgow của đại đội Baker báo cáo có một dấu hiệu lạ, có vẻ như có một số lượng quân địch không đếm được đang mang theo đuốc và di chuyển về phía sông, anh báo cáo rằng những ngọn đuốc đó được viết thành hai chữ V và O. Không ai diễn giải ra được những chữ đó nghĩa là gì (nếu chúng thực sự là những chữ cái) – có lẽ đó là những dấu hiệu chỉ đường cổ xưa nhằm hướng dẫn các đơn vị khác nhau đi đến đúng vị trí. Cả những tù binh Bắc Triều Tiên cũng được quân Mỹ dẫn ra để khai thác chút đỉnh về việc này. Rốt cuộc thì thứ người Mỹ đa số nhận được từ họ là quân Bắc, vẫn rất tin chắc, sẽ tới Pusan trong ba ngày.

Rồi pháo binh phía Cộng sản bắt đầu gầm vang. Đột nhiên, quân Mỹ nhận thấy một hình ảnh khủng khiếp, lính Bắc Triều Tiên trùng trùng điệp điệp vượt sông. Trong vòng 15 phút đầu, quan sát viên đại đội Charley ước lượng có ít nhất 1300 lính miền Bắc đã vượt được sông Naktong. Còn trong địa đoạn đại đội Baker, như các ước lượng sau này, có bốn đợt vượt sông, mỗi đợt chừng một tiểu đoàn, và tổng cộng là gần một sư đoàn.

Có một cuộc đột kích ghê gớm trong khu vực đại đội Charley. “Trông như hàng triệu con kiến vượt sông và hướng về phía chúng tôi khi chúng tôi nhìn thấy lần đầu”, Terry McDaniel, một hạ sỹ hậu cần đã có mặt trong đêm đó nói. Với người Mỹ, bị cô lập, bị biển người, họ chờ đợi định mệnh đến với họ, đó là một cảnh tượng kinh khủng, một lực lượng chiến đấu mà họ rất kính nể, đang tràn đến với số lượng khổng lồ. Đợt sóng đầu tiên quân Bắc Triều Tiên nhận những thương vong kinh hoàng. Rusty Davidson, một thư ký đại đội, anh cũng ra chiến hào bởi mọi người đều phải thế, nhớ lại: “Lúc đầu chúng là những mục tiêu ngắm bắn cực đã, và anh em trong trung đội tôi hét lên với nhau y như đang bắn gà tây, nhưng bọn chúng quá đông, và chúng tôi quá ít, nên nhanh sau đó chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi mới chính là gà tây”.

Với chỉ huy tiểu đoàn họ cũng đợi cuộc tấn công, nhưng không phải quá ghê gớm như thế này  hoặc ở một chiến địa mà không ai trong số họ muốn chọn. Bất hạnh thay, đó không phải là thứ có thể chọn lựa. Nếu có thứ gì để họ lựa chọn, thì họ muốn có thêm vài sư đoàn khác cùng phòng thủ chiến địa này; có máy bay của không quân lượn trên đầu để đón chào quân Bắc từ trên cao; và có sự phối hợp tốt với pháo binh Mỹ sẵn sàng nhắm bắn vào các hàng quân. Họ có quá ít pháo binh, và hầu như không có không quân hỗ trợ. Cơ bản là bộ binh tẩn nhau. Chiến thuật, ở mức gọi là có – hầu như đó là bản năng – là cố giữ được những con đường đi từ phía đông mấu lòi sông Naktong hướng về Pusan, cố mua lấy thời gian để các đơn vị Mỹ và LHQ tập hợp tới được. Nhưng gì thì gì, họ cũng tự thân mình ngoài đó. “Chúng tôi thực sự mỏng”, George Russell, ở sở chỉ huy tiểu đoàn nhớ lại, nhưng anh cười ngay cả khi anh dùng cái từ đó. Có một từ diễn tả tốt hơn, anh nói và rồi thêm vào “Mỏng ở như một dấu chấm không thấy được”. Đến nửa đêm đại đội Baker dưới quyền Glasgow rút lui, trong khi đại đội Charley hoàn toàn bị bao vây và bị đánh bầm dập, họ bị cô lập và yếu đến nỗi nhiều đơn vị Bắc Triều Tiên nhanh chóng bỏ vượt qua họ và thẳng tiến đến sở chỉ huy tiểu đoàn, nơi họ sẽ đến lúc sáng sớm ngày 1 tháng Chín. Chúng nhanh chóng ngoặc vào sau lưng họ, cắt rời họ; và họ còn bị cắt rời cả ba ngày kế tiếp
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:48:49 pm »

Ngay khi có báo cáo về cuộc đột kích với đuốc, đại tá Paul Freeman, trung đoàn trưởng trung đoàn 23 đã lịnh cho pháo binh bắn. Hỏa lực rất chính xác – chắc chắn là những ngọn đuốc đã giúp cho điều đó – và nó tức thời làm chậm bước tiến của bộ đội Bắc Triều Tiên, nhưng cuối cùng thì ngay cả hỏa lực pháo binh chính xác cũng không làm được gì nhiều. Trở lại với tiểu đoàn, họ bị giằng xé giữa hai yêu cầu xung đột nhau – là giữ các vị trí của các đại đội càng lâu càng tốt và đưa lính thoát ra càng nhiều càng tốt để mai kia còn quay lại chiến đấu. Hiểu rằng vị trí các tiểu đoàn và trung đoàn của ông đang bị đe dọa, và rằng con đường dẫn đến Pusan có giá trị rất lớn, nên Freeman đã ngay lập tức tổ chức một lực lượng khóa chặn, đồng thời ra tín hiệu cho các đơn vị đóng phía trước giữ vị trí lâu nhất có thể. Ông đưa lực lượng dự bị của trung đoàn ra ngay lập lực, đại đội Fox, và đặt nó dưới quyền thiếu tá Lloyd Jenson, sỹ quan chỉ huy tiểu đoàn 2. Nhiệm vụ của họ là cố đánh thông đến chỗ trung tá Claire Hutchin của tiểu đoàn 1 bằng tất cả khả năng. Nếu không được, và họ nhanh chóng thất bại thật, họ phải cố thiết lập một vị trí khóa chặt lối từ sông Naktong xuống con lộ Changnyong.

Freeman đang ở tình cảnh rõ ràng không ai muốn. Ông bắt đầu một trận đánh chống lại một lực lượng to lớn hơn rất nhiều mà trong tay chỉ có hai thay vì ba tiểu đoàn như thông thường. Một tiểu đoàn đã hoàn toàn bị cắt rời – thiệt hại rõ ràng là sẽ rất ghê gớm – và các bộ phận của tiểu đoàn còn lại thì không thể đánh thông tới được. Bởi thời tiết xấu, nên không quân không giúp được gì, còn pháo binh của Freeman thì thiếu đạn dược. Để cố khóa con đường chính xuống Changnyong, vị trí của Jenson ngay lập tức trở thành vị trí phòng thủ chính của trung đoàn, và một trận đánh dữ dội nổ ra quanh nó trong suốt hai tuần tiếp theo. George Russell, một chiến binh dữ dội, từng đánh nhau ác liệt trong thế chiến II với quân Nhật ở Thái Bình Dương, cho rằng ông chưa bao giờ thấy một trận đánh nào đau đớn, tàn nhẫn và thô bạo như vậy. Một hình thái chiến đấu nguyên thủy nhất. Quân Mỹ đã chiến đấu ác liệt bởi sợ họ có thể bị đẩy ra khỏi bán đảo, còn quân Bắc cũng không kém phần dữ dội bởi họ biết rằng nếu thất trận ở đây thì đó có thể là trận tấn công lớn sau cùng và họ có thể bị đuổi về phương bắc.

Paul Freeman chỉ định đại đội George thiết lập một vị trí chốt chặn ngõ hầu cho phép tiểu đoàn 1 lui về vào ngày 3 tháng Chín và tập hợp lại ở một nơi họ gọi là Switch (bởi nó gần trung tâm liên lạc tiểu đoàn cũ được biết dưới cái tên Switchboard). Như vậy là vị trí của quân Mỹ được yêu cầu phải trụ vững trong vòng 48 giờ sau trận tấn công đầu tiên. Đến ngày 3 tháng Chín, mọi thứ bắt đầu rõ là sư đoàn 2 Bắc Triều Tiên tập trung vào con lộ chính, và Freeman đang dùng hầu như tất cả binh lính của ông để khóa con đường thẳng về Pusan. Như sau này Freeman ghi lại, những quyết định mà ông đã ra tức thời trong vài giờ đầu trận đánh là những quyết định tàn nhẫn nhất mà ông từng làm dưới tư cách một tư lệnh. Ông hiểu là ông phải hi sinh những đơn vị đó nhằm mua thời gian, ngay cả sở chỉ huy trung đoàn của ông cũng bị tràn ngập hồi ngày 1 tháng Chín, và ông chỉ có thể di chuyển từ đó về phía sau chừng 600 thước.

Trở lại tuyến phòng thủ cạnh sông Naktong, kết cục đến rất nhanh. Quân Bắc nhanh chóng bao vây đại đội Charley và bắt đầu nghiền, ép họ. Với quân Mỹ phòng thủ ở những vị trí tiền tiêu bé tý trong đêm đầu tiên đó, giống như thấy dây thừng quân thù quành quanh cổ họ và nhanh chóng thít chặt. Đến nửa đêm gần như đại đội Charley không còn gì. Hạ sỹ Berry Rhoden chỉ huy một khẩu đội súng không giật 7 người trong đêm đó. Anh đâu đó 18 tuổi, một tiểu đội trưởng mới toanh đến từ vùng nông thôn Florida trước đó còn làm nghề nấu rượu lậu. Còn đêm ấy, anh ở vị trí để nhìn thấy một đại đội bộ binh bị hủy diệt. Bởi không có đủ dây tín hiệu nối thẳng từ sở chỉ huy tiểu đoàn 1 của trung tá Hutchin đến trạm chỉ huy đại đội Bartholdi, nên họ mắc tạm một tuyến dây đến vị trí của Rhoden, từ nơi nay vốn đã có một tuyến liên lạc về chỗ của Bartholdi, cách đó 700 thước. Và như vậy Rhoden cơ bản trở thành một trạm liên lạc trung gian và có thể nghe được những tiếng la hét đau khổ cuối cùng của binh lính đơn vị tiền tuyến đang bị tràn ngập, và câu trả lời cũng đau đớn từ sở chỉ huy bởi bất lực không thể làm gì để giúp. Thật là đau khổ, bởi chính vị trí của anh cũng sẽ chịu số phận không kém.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:53:33 pm »

Anh nghe đại úy Bartholdi xin tiểu đoàn cho phép lính của anh đào thoát: “Chúng tôi không thể trụ nổi! Xin nhắc lại chúng tôi không thể trụ nổi! Cơ hội duy nhất của chúng tôi là tan hàng và để mọi người tự đào thoát” Rhoden chuyển tiếp thông điệp Bartholdi, và tự hỏi rằng họ có thể làm điều gì, ví như gửi một tiểu đoàn khác đến cứu viện hoặc không quân có thể bay vài tác vụ phụ trội ở những phút sau cùng. Anh nhớ những kiểu đó có trên phim ảnh. Nhưng đêm đó thì không, ở bờ đông sông Naktong thì không. Anh và binh sỹ của mình đã chiến đấu rất quả cảm, nhưng họ bắt đầu cạn đạn dược chỉ sau 45 phút chiến đấu, và khi Bartholdi nói những lời cuối đó, xin được quyền đào thoát, thì anh cũng đã nói cho tiểu đội của Rhoden. Và thông điệp đáp từ tiểu đoàn là: “Hãy giữ vững vị trí của các anh bằng mọi giá! Không được tan hàng. Xin nhắc lại yêu cầu giữ vị trí của các anh bằng mọi giá! Không được tan hàng”. Rhoden đã chuyển thông điệp đó cho đại úy Bartholdi, và nhận được thông điệp cuối cùng từ Bartholdi yêu cầu hỏa lực pháo binh hoặc ít nhất là bắn pháo sáng. Nhưng cũng không có thứ gì. Rồi cả hai đầu dây câm bặt. Rõ ràng là quân Bắc Triều Tiên đã cắt dây. Rất nhanh Rhoden nghe thấy cả hai đầu dây bắt đầu sột soạt, anh biết quân Bắc đang kéo dây và cố tìm ra vị trí của Rhoden. Thế nên anh cắt đầu dây phía mình. Và để cho bọn chó đó kéo một sợi dây chẳng dẫn tới đâu cả. Đó cũng là lúc Rhoden quyết định đưa cả tiểu đội mình thoát ra.

Thượng sỹ Graham, trung đội trưởng trung đội 1 đại đội Charley, nghĩ điều tốt nhất phải làm là thu lính của mình về một vị trí càng chặt chẽ càng tốt và như vậy sẽ tối đa hóa được việc tập trung hỏa lực. Anh biết rằng cơ hội để thoát ra đã giảm từ mức mỏng manh tới mức nhỏ xíu. Graham được anh em binh lính nhìn nhận là một NCO (hạ sỹ quan) hạng cừ. Anh là một người chung thân không chịu lấy vợ, như thể phản ánh cho một lề lối cũ của đa số các NCO: nếu quân đội muốn bạn có một người vợ, thì họ sẽ phát cho anh một cô. Anh cũng được biết đến với biệt danh Bò Đực, một thứ biệt danh chung được gán cho các hạ sỹ quan cứng rắn. Trong quá khứ, anh luôn nén lại việc quan hệ cá nhân với lính tráng của mình. Anh không có ý định là một trong các NCO vừa cứng rắn nhưng cũng dễ mến – với anh cứng rắn là đủ. Nhiều năm sau, anh mới có thể nói với vài người trong số họ biết rằng anh đã phải luôn cố làm ra vẻ cứng rắn bởi anh sợ những cảm xúc song hành trong trường hợp anh mất họ trên chiến trường – điều này không giúp được một ai và còn có thể làm giới hạn sự tự do của trong việc ra quyết định của anh. Thật là tệ khi vài người lính của bạn bị giết – nhưng còn tệ hơn nếu bạn của bạn bị giết. Binh sỹ dưới quyền anh tin rằng, anh chính là dạng hạ sĩ quan nòng cốt cho sức mạnh của quân đội. Nếu có ai đó có thể đưa mọi người ra khỏi một điểm vô vọng, thì đó chính là anh. Graham Bò Đực là một quân nhân đủ giỏi mà họ muốn tìm thấy. anh luôn có khả năng bố trí hỏa lực vượt trội, không biết sợ hãi và không bao giờ đặt cá nhân anh lên hàng đầu.

Bản chất của trận đánh này, Graham nhanh chóng nhận ra, ít dựa vào lòng dũng cảm hơn là đạn được: đạn dược là thời gian. Graham đã luyện được giác quan cảm nhận âm thanh của trận đánh, đến một lúc anh có thể nhận ra, khi vị trí của trung đội trung úy Tom Wilson bên cạnh im lặng, rằng quân Bắc Triều Tiên đã tràn ngập bên đó. Điều đó có nghĩa là áp lực lên người của Graham sẽ tăng lên. Thế là anh quyết định cố gắng đưa quân thoát ra. Bất kể sở chỉ huy tiểu đoàn muốn gì, thì họ cũng không thể kìm chân quân địch được nữa; họ thiếu đạn dược để làm việc đó. Họ chỉ còn một băng đạn cho đại liên, vài khẩu súng trường tự động đã hoàn toàn cạn đạn, và một số lính thì đang hét xin vài viên đạn cho khẩu M-1 của mình. Chẳng còn lại gì nhiều trừ lưỡi lê. (Anh cũng có lưỡi lê nhưng nó vừa cùn hoặc vừa bị tháo khỏi súng, anh không chắc nữa). Lưỡi lê sẽ chẳng làm được điều gì, không thể dùng để chống lại những quân sỹ giỏi có súng tự động.

Thế là anh tập hợp binh sỹ. Anh mất chừng 12 người lúc ở trên đồi. Có lẽ 15, ai có thể nói chính xác được trong cơn điên loạn của trận đánh? Anh không bao giờ biết chính xác là bao nhiêu, bởi vài người cho là bị giết những rồi lại trở về sau vài ngày. Chỉ khi mọi thứ kết thúc, thì có một điều anh tự hào là chốt của họ đã không bị tràn ngập. Họ quay về chốt chỉ huy đại đội Charley, ở đó họ tìm thấy đại úy Bartholdi, trung úy Wilson, và có lẽ bảy binh sỹ thuộc trung đội của Wilson, và cố gắng củng cố lực lượng. Thứ họ cần nhất, nếu họ muốn đánh tháo ra, đó là đạn. Họ ráng moi đạn từ những người chết, nhưng cũng không có nhiều – có lẽ những ai đó đã làm trước rồi. Lúc bấy giờ, tại chốt chỉ huy đại đội, thời gian cạn dần. Họ tập hợp được một khẩu 50mm bốn nòng – đó là bốn khẩu đại liên nòng 50 ghép lại với nhau, gắn lên một chiếc half-track – và một khẩu 40 hai nòng, một vũ khí phòng không (khẩu 40mm hai nòng cũng được gắn lên một cơ cấu xe half-track). Nó sẽ kháng cự hữu hiệu với quân thù một thời gian, nhưng vấn đề chỉ mang tính thời đoạn. Kết cục đã hiển hiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:58:55 pm »

Hỏa lực quân thù mỗi lúc càng mạnh, họ chỉ có thể xoay sở để đưa vài thương binh thoát ra trên một chiếc jeep tiếp vận. Thế rồi trước khi trời sáng, quân Triều Tiên đã đoạt được khẩu 4 nòng, khẩu 2 nòng 40mm  và quay nó hướng vào vị trí quân Mỹ ở cự ly rất gần. Vậy nên khi họ cố đào thoát, đạn và pháo bắn tung bụi quanh người họ. Bằng cách nào đó Graham cùng vài người còn sống sót chạy sang được đỉnh quả đồi lân cận, và rồi chỉ để nhận ra quân Bắc Triều Tiên đã ở sẵn trên một ngọn cao hơn cạnh đó và bắn xuống họ. Đó là lúc Graham bị thương lần thứ nhất, ngay vào mông. Nhưng bằng cách nào đó họ xoay sở chạy tiếp được. Lúc này không còn mấy người trong nhóm, có lẽ 25 người kể cả đại úy Bartholdi, trung úy Wilson, trung sỹ Robert Agnew, hạ sỹ Jessie Wallace, binh nhất David Ormand và binh nhất Arnold Lobo, lính cứu thương. Ormand vừa chết hụt, nhiều người nghĩ. Anh là lính truyền tin của đại úy, và trước đó máy truyền tin của anh bị bắn bay khỏi lưng. Barthodi đã phải bò xuống vào kéo Ormand ra khỏi nguy hiểm, đưa anh tới chỗ an toàn.

Graham nhớ rằng họ ráng thoát khỏi quả đồi, rồi rốt cuộc xuống được một con mương trú ẩn, viên đại úy cố mò khắp túi để tìm vài băng đạn cuối cùng. Rồi Graham bị bắn trúng lần nữa – cùng chỗ nhưng từ hướng khác. Anh chảy máu nhiều như một con lợn bị cắt tiết, anh nghĩ vậy. Anh mất cảm giác chân mình ngay tức khắc. Anh lấy quần lót ra, Ormand gập lại và dùng chúng để cầm máu, nửa trong nửa ngoài thắt lưng – một kiểu băng dã chiến trên chiến trường, điều bạn có thế làm tốt nhất có thể trong tình trạng như thế này. Lúc đó hỏa lực quân thù rất ác liệt. Graham có thể nói, mọi người điều bị trúng đạn cả. Chỉ một số ít trong đó là vẫn còn khả năng vận động. Có lẽ 20 lính Mỹ đang nằm chết trong con mương cạnh anh – anh chỉ có thể nói chẳng có gì khác nhau giữa những người còn sống và đã chết. Vài người vẫn còn nhúc nhích được hỏi anh rằng họ nên là gì – chạy trốn, chiến đấu hay đầu hàng? Trong một cuộc chiến khác đầu hàng có lẽ là một giải pháp chấp nhận được, nhưng tất cả họ đều được nghe những câu chuyện – những câu chuyện có thể, rằng – tù binh Mỹ được tìm thấy với tay bị trói ra sau, bị bắn vào đầu và vùi trong các hố nông choèn. Nhưng họ chiến đấu thế nào đây, khi không còn một băng đạn nào, anh nghĩ?

Graham trả lời rằng anh đang chết à không thể nói cho họ biết phải làm gì. Họ nên tự quyết. Lần sau chót anh nhìn thấy họ là khi họ đi ra ngoài để đầu hàng. Anh lắng nghe cẩn thận và nhận ra không còn nhiều tiếng súng, không có âm thanh đạn rít, anh tin rằng ít nhất họ không bị tử  hình ngay lập tức. Sau này anh biết được Wilson và Lobo bị giết; Wallace, Ormand và Agnew rốt cuộc cũng được quân Mỹ cướp lại. Graham nằm đó, máy chảy nhiều, đợi chờ cái chết. Anh nghĩ, bọn mọi vàng bắt được mình. Hai nhóm lính Bắc Triều Tiên đầu tiên đến đã bỏ anh nằm đó chờ chết. Nhóm thứ 3 thì nhận ra anh vẫn còn sống và lột mọi thứ đồ của anh – giày, vớ, bật lửa, đồng hồ và cả sổ đen nhỏ mà anh ghi những thứ linh tinh trong đại đội, những người làm anh bực mình và những công kích tầm thường họ dành cho nhau. Mà cũng không cần lo gì; hầu hết những cái tên đó cũng đã chết rồi, và anh cũng sắp đi theo họ. Một tên lính miền Bắc hỏi: “Mày sỹ quan?”. Anh trả lời: “Không, tôi lính”. Nhưng rồi may mắn nhỏ nhoi của anh dường như cũng chạy mất. Trong nhóm có một tên mà anh gọi là Smart John, một sỹ quan coi bộ thông minh và bần tiện hơn đám còn lại. Hắn gõ vào giữa hai mắt anh bằng báng súng và cố bảo anh đứng dậy. Graham ráng ra hiệu rằng anh không thể bởi vì cái chân. Tên Triều Tiên rút lê ra và khinh bỉ dí vào hạ bộ Graham. Graham gật đầu – không thể đứng dậy, anh ra điệu bộ lần nữa. Quân phục của Graham ướt đẫm máu dưới hông. Tên sỹ quan để anh lại một lúc và kiểm tra những thi thể quân Mỹ khác. Vài tay lính Bắc Triều Tiên quấy rầy anh bằng những câu tiếng Anh thô sơ rằng anh bao tuổi và anh có khát không. Anh cố xin ít nước, nhưng chúng từ chối, dù rằng dường như chúng thân thiện hơn tên sỹ quan. Rồi Smart John quay trở lại. Graham nghĩ, thế đấy, đây là thời khắc vĩnh biệt. Nhưng tên Triều Tiên, rõ ràng cho rằng Graham chẳng còn gì để quấy quả, nên chỉ giật thẻ lính của anh và rời đi.

Kỳ diệu thay, chừng 12 giờ sau, Graham cảm thấy mình đủ sức để bắt đầu bò đi. Trong mười hai giờ đêm kế tiếp anh bò và khập khiểng hướng về nơi anh nghĩ là chốt quân Mỹ, ban ngày thì ẩn nấp, anh di chuyển một cách chậm chạm, đau đớn và thận trọng vào ban đêm. Trong 24 giờ đầu tiên, anh tính ra chỉ bò được chừng 100 thước. Rốt cuộc anh cũng tìm thấy được một cái que và dùng nó làm nạng chống. Anh uống nước ở những nơi có thể tìm thấy – ngay cả liếm sương trên cỏ. Lúc về được tới sở chỉ huy tiểu đoàn, anh có một bộ râu nặng nề, anh thề là ria của anh dài tới mức nó uốn cong ở đoạn cuối. Anh trông thê thảm cực kỳ, và ốm mất chừng 25 ký. Với nhóm nhỏ các sỹ quan ngồi đó khi anh bò vào, trong đó có cả trung tá Clare Hutchin, thì y như kiểu ma hiện hình. Thiếu tá Butch Barberis vừa mở một chai bia. Ông nhìn cái thây ma đó, lấy chai bia và đưa cho. “Thứ ngon nhất là tôi từng được nếm” Graham nói với Barberis. Chiến tranh Triều Tiên với anh thế là kết thúc. Dĩ nhiên, đại đội Charley bị xóa sổ. Có lẽ chừng 15 hay 20 người trong số họ trở về được sở chỉ huy. Một đại đội trong tình huống như vậy thông thường có 6 sỹ quan, nhưng đại đội Charley chỉ có 3, và 2 trong số họ chết trong 24 giờ đầu tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 03:04:13 pm »

Nhằm lập thành tích chào mừng 60 năm ngày Chiến Thắng Triều Tiên 27-7 Smiley , ráng post nhanh cho hết. Mời bà con ghé coi. Đã dịch xong toàn bộ.

Đại úy Bartholdi thì không được may như vậy. Cuối cùng, anh cùng với một nhóm quân cũng bị phía Bắc Triều Tiên bắt làm tù binh. Họ phải di chuyển vào ban đêm trong vòng hai tuần, tù binh bị trói lại với nhau bằng dây thép, và đi khoản đôi dặm một đêm. Phía Bắc Triều Tiên cố phân biệt cấp bậc tù binh Mỹ, dĩ nhiên là sẽ cứng rắn hơn với các sỹ quan, mà họ tin là những đại diện đích thực của giai cấp tư bản. Cả ban ngày, khi chờ đợi, chúng thường làm các cuộc thẩm vấn: Nhà mày giàu hay nghèo? Chúng hỏi như vậy. Nếu bạn trả lời là giàu, chúng sẽ bắn bạn, nên rất nhanh mọi người đều trả lời nhà nghèo. Mày có thích MacArthur không? Chúng hỏi. Không, cánh tù binh trả lời. Mày có thích Truman không? Không, họ cũng trả lời như thế. Quân lính thường gọi Bartholdi là Đại úy Bart, và giờ để bảo vệ anh, họ chỉ gọi anh là Bart, rốt cuộc sau chừng hai tuần bị bắt, lính Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ giết tất cả mọi người nếu sỹ quan của họ không chịu bước ra. Bartholdi đã làm điều đó, chúng đánh anh rất dữ trong những ngày kế tiếp, và rồi cuối cùng đã sát hại anh, thảy xác anh vào một ngôi mộ tập thể cùng với xác của rất nhiều người Triều Tiên địa phương. Đa số những tù binh Mỹ khác được giải cứu sau đó bởi một đơn vị xe tăng Mỹ. Bartholdi được truy tặng Huân chương Sao bạc.

Đại đội Charley đã hứng toàn bộ sức tấn công của phía Bắc Triều Tiên trong những ngày đó nên tất nhiên chịu thiệt hại nghiêm trọng. Dù đại đội đã được tái lập, nhưng dường như nó luôn có chút kém may mắn hơn những đại đội khác, và thương vong luôn cao hơn. Vậy nên rất nhanh sau đó, những sỹ quan trung đoàn muốn dọa ai thì sẽ nói: “Làm sai ở đây là đi xuống đại đội Charley nghen mậy”.

Tuy vậy, trong cuộc chiến dữ dội đó, họ cũng đã làm chậm được quân Bắc, phía địch đã đột phá qua được nhưng hoàn toàn thất bại trong việc khuyếch trương chiến quả. Cả một sư đoàn dự bị Bắc Triều Tiên đợi cạnh mấu lồi Naktong và, không thể giải thích nổi, tại sao nó không được đưa vào trận đánh. Thay vào đó, họ chỉ dừng lại, tập trung, và như thế có đủ thì giờ để cho quân của Walker có thêm một cơ hội. Trong đêm đó có rất nhiều đại đội như đại đội Charley dọc dòng sông Naktong. Không ai biết hơn Walker việc ông có rất ít viện binh, và phải mất bao lâu để ngay cả một đơn vị giỏi nhất vừa đến đất nước này phải tốn để thích nghi với điều kiện chiến đấu. Một đơn vị tinh nhuệ, sư đoàn 2, với một lịch sử cực kỳ tự hào, vẫn không là một đơn vị giỏi đã kinh-qua-chiến-đấu ở Triều Tiên, cho đến khi nó đã phục vụ nhiều lần trên chiến tuyến. Với các sỹ quan đến đất nước này làm trung đội trưởng hay đại đội trưởng, thật không thể biết trước được ai đủ thông minh hoặc có bản năng chiến đấu cho đến khi họ ở dưới làn đạn, và điều đó không thể dạy được, không thể với cả học viện West Point, VMI hoặc ROTC. Hầu như đó là bản năng, và đó là những thứ chỉ có thể học bằng thực tế.  Chỉ sớm hay muộn thì những sư đoàn mới cũng sẽ chiến đấu tốt, Walker không có lo, nhưng vấn đề là thời gian, mà thời gian là thứ ông có ít. Mike Lynch nói, ông ta như một người bận rộn luôn tay, và không bao giờ có đủ tay để làm.

Sau này, những nhà phê bình quân sự chỉ ra rằng các tư lệnh bộ đội Bắc Triều Tiên đã thất bại trong cuộc tấn công lớn sau chót vào vòng cung phòng thủ Pusan phần lớn bởi họ đã sử dụng các đơn vị một cách tệ hại. Nếu họ tập trung lực lượng và tấn công với quân số áp đảo ở vài vị trí thôi, có lẽ họ đã thành công hơn. (Dĩ nhiên, nếu làm thế, họ có thể thành những mục tiêu tốt hơn cho pháo binh và không lực Mỹ). Nhưng những phê bình đưa ra sau này chẳng làm Walker thỏa mãn mấy, tại thời điểm đó, ông cảm thấy vô vọng và bị áp đảo bởi cuộc tấn công của quân Bắc. Ngày 1 tháng Chín, Mike Lynch được triệu tập, một trong những ngày tồi tệ nhất.  Họ bay thấp trên những khu vực do trung đoàn 9 (thuộc sư đoàn 2) phụ trách, và nhìn thấy một đại đội quân Mỹ đang tháo lui dọc một con rạch, cho dù chẳng có địch quân nào gây áp lực. Theo ý Walker, thật tệ, bởi họ bỏ qua những vị trí phòng thủ hoàn hảo mà ở đó họ có thể kìm chân quân Bắc Triều Tiên. Thế là ông bảo Lynch hạ thấp độ cao hết cỡ. Lynch đưa phi cơ xuống tầm 300 thước, rồi cắt ga và lượn xuống mức 50 thước trên đầu quân Mỹ (và hi vọng động cơ luôn có thể khởi động lại). Và thế là vị tướng ba sao tư lệnh tập đoàn quân 8 chồm hẳn ra ngoài cửa, gần như ông không còn trong máy bay, hét toán lên qua chiếc loa tay. “Dừng lại, quay lại đi, bọn chó chết! Chúng mày không bị tấn công mà! Quay lại đi, có vị trí chốt tốt”. Nhưng quân binh không thèm để ý, để Walker lại trong cơn điên giận. Đó là một trong số những cuộc rút lui ở thời khắc cốt tử, và lại là quân của một sư đoàn được cho là tinh nhuệ vừa đến từ Hoa Kỳ. Ông bảo Lynch quay về lại sở chỉ huy của thiếu tướng Laurence (Dutch) Keiser, sư trưởng sư đoàn hai. Dựa trên quan sát của chính mình ở độ cao tầm ngọn cây và những mẩu tin tức tình báo rải rác, ông xác định rằng quân Cộng sản tấn công vào sư đoàn 2 và xuyên thủng một lỗ vào hay giữa đội hình của nó – chừng sáu dặm chiều ngang và tám dặm chiều sâu. Lúc đó, ông tin rằng sư đoàn 2 rất gần mới nguy cơ bị cắt làm đôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 03:10:24 pm »

Như những người đồng cấp khác, ông cũng có những lo ngại đáng kể về Dutch Keiser, lúc đó 55 tuổi, hơi già với vị trí chỉ huy sư đoàn. Những cảm nhận cuộc chiến này đến với ông ta khá muộn. Ông (Keiser) dường như khá miễn cưỡng khi rời sở chỉ huy sư đoàn, phụ thuộc nhiều vào các thuộc cấp của mình để nắm thông tin. Ông trong những giờ phút gay go đó lại, như Clay Blair sắc sảo nhận định: “điều binh khiển tướng từ sở chỉ huy được canh phòng cẩn mật”. Đôi khi một người cực kỳ dũng cảm trong chiến đấu hồi còn trẻ, lại không còn tố chất người lính khi có tuổi. Đó chính là trường hợp Keiser. Ông học West Point khóa 1917, chỉ huy một tiểu đoàn và được tặng một huân chương Sao bạc trong thế chiến I, ở đó mọi thứ tốt đẹp với ông và ông còn trẻ, dũng cảm. Nhưng rồi chắc chắn 33 năm đã làm thay đổi một sỹ quan. Ông đã không đứng trên chiến trường hơn ba thập kỷ – do không chỉ huy thực chiến trong thế chiến II. Mùa thu năm 1947, ông tham gia sư đoàn 2 ở cương vị sư đoàn phó, và đến tháng Hai năm 1948 ông nhận được ngôi sao cấp tướng thứ hai (thiếu tướng) và thăng tư lệnh sư đoàn, mọi người rõ rằng ông được giúp đỡ bởi người bạn thân và cũng là bạn học cùng lớp, Joe Collins, tham mưu trưởng Lục quân. Mike Lynch nói thẳng toẹt suy nghĩ riêng của Walker, rằng ông ta tin Keiser trở thành một thằng hèn khi có tuổi, rằng việc chỉ huy trong trận chiến này là quá cỡ cho ông ta. Buổi sáng đó Keiser gần như hoàn toàn bị rối loạn bởi các tình huống. Việc Walker hấp tấp đến sở chỉ huy của Keiser là một cảnh tượng cục súc, chỉ có thể diễn ra trong một thời khắc chiến tranh tệ hại, khi hai con người bị đặt bên vực thẳm, và không có chỗ cho thất bại. Walker đang giận bừng bừng khi ông bước vào sở chỉ huy, và rồi ông nhìn thấy bản đồ hiện trạng của Keiser – tấm bản đồ của một người hão huyền, một tấm bản đồ cho thấy không có việc gì để phải làm, với một mặt trận đang bị sụp đổ mà Walker vừa mới bay ngang qua.  Một vị tướng của một sư đoàn đang bị địch tràn ngập, mà ông ta dường như chẳng biết gì.

Câu đầu tiên Walker hỏi: “Dutch, sư đoàn của anh ở đâu? Lực lượng dự bị ở đâu? Anh đang tái bố trí lực lượng dự bị thế nào? Anh phải giữ cho được Yongsan! Nếu không làm được ta sẽ mất Miryang, mà mất Miryang là ta có thể mất Pusan. Anh đang ở trung tâm sự kiện mà anh chẳng biết gì cả” Keiser biểu lộ rằng ông vẫn đang đợi các sỹ quan liên lạc trở về và báo cho ông biết vị trí các đơn vị biến đổi ra sao, và phàn nàn rằng các con đường kẹt cứng binh lính, và như vậy làm người của ông về chậm. Dĩ nhiên, đường kẹt đầy lính, Lynch nghĩ. Vấn để ở chỗ lính đó là đám lính chó chết của ông đang tháo chạy.

Keiser cố báo cáo với Walker về vị trí của sư đoàn hiện tại, nhưng không điều gì ông nói giống với những gì Walker vừa tận mắt thấy. Walker ngắt lời ông ta “Điều này chẳng có đúng gì cả, tôi mới bay ngang trên mặt trận của anh”. Ngay lúc đó, một liên lạc viên của Keiser vừa về tới, xin lỗi về chậm bởi bị một viên đại tá nào đó đang đứng giữa các ngã đường và lịnh mọi người dừng việc rút lui. “Không một thằng chó chết nào có thể chiến đấu để vượt qua tuyến này”  vị đại tá nói. “Đúng rồi” Walker bảo “Tôi biết tay đại tá đó – đó là trợ lý G-3 của tôi”.

Thế là Walker hạ lịnh: “Anh phải điều khiển được sư đoàn, hoặc là tôi sẽ lấy quyền điều khiển nó, và tôi sẽ đưa anh ra khỏi tập đoàn quân! Tôi không thể thất bại trong trận này được”. Rồi ông giải thích cho Keiser chính xác nơi nào ông muốn binh sỹ sẽ trụ lại. Rồi, khi ông rời đi, Keiser cũng theo ông ra ngồi phía sau trên máy bay, nhưng Walker đuổi ông ta xuống: “Anh có nhiều việc ở đây. Tôi cũng không cần ai đi cùng tôi trên phi cơ của tôi”. Trong máy bay, thay vì bay về, Walker ngồi lặng một lúc, rõ ràng là để lấy lại bình tĩnh. Lynch cho rằng ông muốn có phút giây yên tĩnh cho đến khi Lynch liếc qua và thấy Walker đang chảy nước mắt. “Tôi không thể để tập đoàn quân này bị hủy diệt, nhưng tôi đang làm mất cả tập đoàn quân và tôi không biết làm thế nào để ngăn lại việc này” . Lynch nghĩ, ông đang hoàn toàn kiệt sức. Không nản chí, không thất chí, không sụp đổ, chỉ là kiệt sức, và hoàn toàn chấn động. Lynch tự hỏi liệu tập đoàn quân có thể đưa một người như thế này vượt qua được trước khi ông sụp đổ không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 03:16:19 pm »

Walker cần những đơn vị mới để nút lại lỗ hổng, nhưng ông đã mất họ cho trận tấn công Inchon sắp đến. Đa số lính mới từ Hoa Kỳ đến dường như được phân bổ vào sư đoàn Bảy, một bộ phận trong lực lượng đổ bộ lên Inchon của MacArthur. Thêm vào đó, ông cũng không còn thủy quân lục chiến, bởi đó sẽ là quân chủ lực của cuộc đổ bộ Inchon. Ông đã tranh luận nhiều ngày với Tokyo, cố giữ lại trung đoàn thủy quân lục chiến số Năm (thuộc sư Một TQLC). Ông đã đạt được một thỏa thuận hàng hai rằng ông giữ họ lại được – nhưng chỉ đến ngày 4 tháng Chín, và chỉ với điều kiện ông phải làm tất cả để không dùng họ vào việc phòng thủ Pusan. Và trên tất cả, trận đổ bộ Inchon, lên lịch vào ngày 15 tháng Chín, là một sự kiện chính và chỉ còn có hai tuần nữa thôi. MacArthur muốn các đơn vị phải khỏe khắn cho trận tấn công cực kỳ nguy hiểm đó. Và như thế, thỏa thuận với Walker mang tính lý thuyết hơn là thực tế. Nhưng nếu có lúc nào ông cảm thấy mình đứng ngay trên đỉnh của việc thất bại, thì đây là lúc đó. Sau khi xem xét tình huống của các đơn vị bị đánh bầm dập thuộc sư Hai, ông gọi cho chuẩn tướng Eddie Craig, tư lệnh thủy quân lục chiến, và bảo rằng ông cần TQLC bảo vệ tuyến đường đến Miryang, và họ phải bắt đầu di chuyển ngay từ bây giờ. Ông cũng gọi về sở chỉ huy của MacArthur và nói chuyện với thiếu tướng Doyle Hickey, phó tham mưu trưởng, phụ trách ban G-3 (sỹ quan hành quân), còn Almond thì đang bị hút vào chiến dịch Inchon. Walker đưa ra đề nghị hết sức động lòng về việc được quyền dùng TQLC – về bản chất đây cũng là một tối hậu thư cho MacArthur nổi danh. Ông nói với Hickey, ông này được người ngoài xem là có đầu óc rất công bằng  “Nếu tôi không có TQLC, tôi sẽ không chịu trách nhiệm về sự an toàn của mặt trận”.  Những câu từ này làm các sỹ quan ở bất kỳ cấp cao hơn nào cũng đều ớn lạnh. Thế là câu trả lời từ Hickey rằng MacArthur đã chấp thuận dùng họ (TQLC) ở Pusan và rằng Walker sẽ điều khiển họ, nếu cần thiết, thì cả sau ngày 4 tháng Chín.

Trong quân đội, bất kể nhỏ hay lớn, cán cân việc thắng hay thua phụ thuộc nhiều nhất là vào tài chỉ huy của các sỹ quan cấp thấp. Một trong nhiều sỹ quan cấp thấp đã cứu Walker và tập đoàn quân Tám trong những ngày tệ hại đó, là một trung úy thuộc tiểu đoàn Công binh số hai thuộc sư đoàn Hai tên Lee Beahler. Với lính công binh của mình, anh đã khéo léo thiết lập một lực lượng phòng thủ tuy nhỏ nhưng hiệu quả, và kỳ diệu thay, đã chặn được quân Bắc Triều Tiên ở Yongsan khi dường như đã bị chúng tràn qua được. Đến cuối ngày 1 tháng Chín, hầu như không còn cơ hội để giữ Yongsan. Nhưng Beahler và lính công binh, lúc đó có thêm những đơn vị Mỹ khác và TQLC cùng tham gia, đã cố làm được điều này. Cuộc chiến Yongsan kéo dài tới hai tuần, liên miên và ác liệt, những người đã chiến đấu ở đây không bao giờ quên được, Yongsan là một cuộc chiến trong một cuộc chiến, và một cuộc chiến không có kết thúc. Với lính bộ binh Mỹ và TQLC, họ nghe đi nghe lại rằng Yongsan quan trọng thế nào, thì ngôi làng, mỗi khi được tái chiếm, là một sự thất vọng não nề: chỉ có hai đường, một theo hướng đông – tây, một theo hướng bắc – nam, và chúng cắt với nhau. Chẳng có gì hơn. Giả mà đó là một thị trấn ở Hoa Kỳ, như một lính công binh nói, thì đều đầu tiên bạn muốn làm là kệ mẹ nó. Khi rốt cuộc họ cũng vượt qua được Yongsan, thì có một cảm giác hầu như là kinh ngạc – đã có quá nhiều máu, của người Triều Tiên, người Mỹ đã đổ xuống cho những thứ dường như là không có giá trị. Người ta đã chiến đấu và hi sinh vì Paris, vì Rome – hoặc như người Nga đã mất hơn 300,000 người trong trận chiến sau cùng chiếm Berlin – nhưng chiến đấu nhiều ngày cho một nơi nào đó hầu như trống rỗng làm người Mỹ kinh ngạc, và dường như nhấn mạnh thêm cho sự điên khùng đặc biệt của cuộc chiến này. Nhưng Yongsan thực sự quan trọng , vì con đường từ đó có thể dẫn đến Miryang, cách chừng 12 dặm, và từ Miryang lại dẫn đến Pusan, và sau Pusan là một cuộc chiến thất bại.

Bị Walker thúc nên Keiser đã dùng tiểu đoàn Công binh chiến đấu số Hai, đơn vị này xem ra thích hợp với nhiệm vụ, hầu như tất cả là bộ binh và điều họ đến phối thuộc vào trung đoàn Chín đang bị bầm dập. Lee Beahler chỉ huy đại đội Dog công binh. Cuộc phiêu lưu đã đưa anh lại Triều Tiên không tháng 7 năm 1950 không phải là một chuyến đi hạnh phúc. Anh đã phục vụ trong quân ngũ hồi Thế Chiến II, sau về trường Mỏ Texas. Và, trong sự ngạc nhiên của chính mình, anh thấy nhớ tình bạn và mục đích sống mà anh đã có trong quân đội, thế là năm 1946 anh quyết định trở lại quân ngũ. Và theo một cách bí ẩn nào đó trong hoạt động quân đội Mỹ, anh nhận cơ hội công tác ngoài nước, và anh nghĩ, có cơ hội chọn lựa địa điểm thích hợp. Anh phát biểu ý kiến rằng rất thích Châu Âu, nhưng dĩ nhiên là bị đưa đến Triều Tiên, một xứ sở anh nhanh chóng không ưa, một phần không nhỏ bởi cái mùi lan tràn khắp nơi – những gì con người thải ra được chuyển thành phân bón, một thứ mùi làm nhiều người Mỹ khác cũng không ưa. Anh cũng không chiến đấu vì sự đồng cảm đặc biệt với người Triều Tiên, họ căm giận vì nhiều năm dưới ách thực dân và không chắc người Mỹ sẽ  làm gì trong tương lai của họ. Trong khi những lính Mỹ khác nói với anh rất nhiều về sự dễ thương của nước Nhật và sự thân thiện của người Nhật, giờ người Nhật bị đánh bại và hăm hở bắt chước theo những người chinh phục họ. Rõ ràng là có sự thiếu công bằng ở đây: một dân tộc gây ra chế độ thực dân tàn ác lên đất nước kia giờ, sau khi thế chiến kết thúc, được yêu thích hơn nạn nhân của họ trong mắt nhiều người Mỹ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM