Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Văn học chiến tranh => Tác giả chủ đề:: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:20:23 pm



Tiêu đề: Chiến tranh và hòa bình
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:20:23 pm
Phần I
Chương 1


- Đấy công tước thấy chưa: Genes và Lucque nay chỉ còn là những thái ấp, những điền trang của dòng họ Buônapáctê(1) mà thôi. Này, tôi xin báo trước: hễ công tước còn cho rằng hiện nay chúng ta chưa ở trong tình trạng chiến tranh, hễ công tước còn dám bào chữa cho những hành động nhơ nhuốc và tàn bạo của tên Ma vương phản Cơ đốc ấy (quả tình tôi cũng tin rằng hắn chính là Ma vương - thì tôi không có quen biết, không có bạn bè gì với công tước nữa đâu, công tước không còn là "kẻ nô lệ trung thành" của tôi như công tước vẫn nói. Nào, thôi, phải hỏi thăm sức khoẻ công tước đã chứ! Tôi làm cho công tước đâm hoảng sợ thì phải, công tước ngồi xuống đi, rồi kể chuyện cho tôi nghe.

Anna Pavlovna Serer, ngự tiền phu nhân có tiếng, rất thân cận với hoàng hậu Maria Feodorovna, nói như vậy khi phu nhân ra đón công tước Vaxili, một nhân vật quan trọng và có chức vị cao, và là người đầu tiên tối hôm nay đến dự buổi tiếp tân của phu nhân. Bấy giờ là vào tháng bảy năm 1805. Anna Pavlovna ho đã mấy hôm nay, phu nhân bị bệnh cúm - phu nhân nói thế (hồi ấy cúm là một danh từ mới, rất ít người dùng). Buổi sáng một gia nhân mặc áo dấu đỏ đi phân phát những tấm thiếp mời nhất loạt viết:

"Thưa bá tước hay (thưa công tước), nếu bá tước không có việc gì hay hơn và không có ý quá lo sợ phải ngồi suốt cả buổi tối với một ngưòi đàn bà đau ốm tội nghiệp, thì tôi sẽ rất vui sướng được tiếp bá tước tại nhà từ 7 đến 10 giờ. Annette Scherer".

Lúc này công tước vừa bước vào phòng, mình mặc phẩm phục thêu kim tuyến, chân đi giày có bít tất cao, ngực đeo huân chương, khuôn mặt phẳng đẹp trông rất tươi tỉnh. Công tước đáp, không hề mảy may lúng túng trước cách tiếp đón của nữ chủ nhân:

- Trời, nhiếc móc độc địa thế!

Công tước nói một thứ tiếng Pháp cầu kỳ, thứ tiếng mà cha ông chúng ta không nhũng dùng để nói chuyện, mà còn để suy nghĩ nữa; công tước lại có một gióng nói dìu dịu và khoan dung đặc biệt của một người quyền quí đã lõi đời trong xã hội thượng lưu và trong cung đình. Công tước lại gần Anna Pavlovna, cúi cái đầu hói bóng nhoáng, xức nước hoa thơm phức xuống hôn tay phu nhân rồi thoải mãi buông người xuống đi-văng.

- Trước hết, xin bà bạn cho biết sức khoẻ ra sao? - công tước lại nói - Xin phu nhân nói rõ cho tôi được yên lòng?

Công tước cũng vẫn nói với giọng như trước nhưng trong cái giọng nhã nhặn và đượm vẻ ái ngại vẫn để lộ sự thờ ơ, thậm chí cả sự mỉa mai.

Anna Pavlova nói:

- Tinh thần đã đau khổ thì người còn mạnh khoẻ sao được? Thời buổi này, là người có tâm huyết ai có thể bình thản được? Công tước ở lại chơi cả buổi tối nhé!

- Thế còn buổi dạ hội của đại sứ Anh thì sao? Hôm nay là thứ tư. Tôi cần phải đi đến đấy cho có mặt.
Con gái tôi nó sẽ ghé lại đây đưa tôi đi.

- Tôi vẫn tưởng buổi dạ hội đã hoãn rồi kia đấy. Tôi xin thú thật những trò hội hè và bắn pháo hoa ấy đã bắt đầu trở thành nhạt thếch.

- Họ mà biết phu nhân muốn thế, thì họ đã hoãn buổi dạ hội rồi - công tước nói theo thói quen, như một chiếc đồng hồ đã lên dây sẵn, nói những điều mà mình cũng không muốn người ta tin là thật.
    
- Thôi xin ông đừng làm khổ tôi nữa… Này, về cái tin cấp báo của Novoxilxov người ta quyết định gì? Việc gì ngài cũng biết kia mà.

Công tước nói, giọng lạnh nhạt và chán chường:
    
- Tôi biết nói thế nào đây? - Người ta quyết định gì ư? Người ta cho rằng Buônapáctê đã đi nước liều, và tôi tin ta cũng làm như thế.

Công tước Vaxili bao giờ cũng nói giọng uể oải như một diễn viên đọc một vai tuồng đã quá cũ. Anna Pavlovna Serer thì trái lại, tuy đã tròn bốn mươi tuổi, nhưng văn hăng hái sôi nổi. Tỏ ra hăng hái đã thành một chức vụ xã hội của phu nhân, và đôi khi, mặc dầu không muốn, phu nhân cũng vẫn làm ra vẻ hăng hái để khỏi phụ lòng mong đợi của những người quen biết. Nụ cười nửa miệng luôn luôn phảng phất trên gương mặt Anna Pavlovna tuy không ăn khớp với những nét mặt đã tàn phai, nhưng cũng nói lên rằng phu nhân chẳng khác gì đứa trẻ được nuông chiều, vẫn có ý thức về cái tật đáng yêu của mình, một cái tật mà phu nhân không muốn, không thể và không thấy cần phải sửa chữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:21:21 pm
Giữa chừng câu chuyện về lình hình chính trị, Anna Pavlovna bỗng hăng lên:
   
- Ồ, thôi đừng nói tới cái nước Áo ấy với tôi nữa! Có thể là tôi chẳng hiểu tí gì, nhưng nước Áo xưa nay không hề muốn có chiến tranh. Nó phản bội chúng ta. Một mình nước Nga sẽ phải cứu châu âu. Đấng ân chủ của chúng ta biết rõ sứ mệnh cao cả của người và sẽ trung thành với sứ mệnh đó. Tôi chỉ tin có thế mà thôi. Đức vua nhân từ và kỳ diệu của ta sẽ phải lĩnh lấy cái trách nhiệm trọng đại nhất trên thế giới; người nhân từ và quí hoá như vậy nên Thượng đế sẽ không bỏ người đâu, và Người sẽ làm tròn sự phó thác của Trời là bóp chết con quái xà cách mạng nay đã trở nên ghê tởm hơn bao giờ hết vì hiện thân của nó là cái tên sát nhân kiêm đạo tặc kia. Chúng ta sẽ phải một mình trả thù cho máu của chính nghĩa đã đổ. Còn biết hy vọng vào ai nữa, thưa ngài? Nước Anh với cái đầu óc con buôn của nó sẽ không bao giờ hiểu nổi cái độ lượng như trời bể của hoàng đế Alecxandr. Nó đã từ chối không chịu rút khỏi đảo Malta. Nó muốn tìm xem phía sau các hành động của chúng ta có thâm ý gì. Người Anh đã nói gì với Novoxilxov?… Chẳng nói gì cả. Họ không hiểu, mà cũng không thể hiểu nổi cái lòng vị tha cao cả của Đức hoàng thượng, là người không bao giờ làm gì cho bản thân mình, mà sẵn lòng làm tất cả cho hạnh phúc của thiên hạ. Họ hứa những gì nào? Không hứa gì cả. Mà dù có hứa thì họ cũng chẳng làm gì đâu! Nước Phổ đã tuyên bố rằng Bonaparte là vô địch và toàn thể châu Âu không còn có cách gì chống lại hắn nữa… Tôi không tin một lời nào của Hardenberg hay của Haugevits. Cái nền trung lập trứ danh của nước Phổ chẳng qua là một cái bẫy. Tôi chỉ tin ở Thượng đế và tin vào sự thụ mệnh thiêng liêng của vị hoàng đế kính yêu của chúng ta. Người ta sẽ cứu được châu Âu…

Anna Pavlovna bỗng dừng lại, mỉm cười như để tự chế giễu cái thái độ bồng bột của mình.

Công tước mỉm cười nói:

   
- Tôi trộm nghĩ giá phu nhân được cử làm sứ giả thay ông Vin Vintxengherod thân mến của chúng ta thì
phu nhân đã bắt vua Phổ ưng thuận đứt đi rồi. Phu nhân hùng biện thế kia mà. Phu nhân cho tôi chén đí chứ?

- Sắp có đấy ạ- Anna Pavlovna bấy giờ đã bình tĩnh lại. Phu nhân nói thêm:
   
- À này, trong các vị tân khách của tôi hôm nay sẽ có hai nhân vật rất thú vị; đó là tử tước Mortenmar, ông ta là thông gia với họ Montmorency qua họ Rohans, một trong những dòng dõi quý phái bậc nhất ở Pháp. Đó là một người Pháp lưu vong hạng chân chính đấy(2). Sau nữa là giáo sĩ Moriot, chắc ngài cũng có biết con người trí tuệ uyên thâm ấy chứ? Moriot đã được hoàng thượng tiếp, chắc ngài có biết?
   
- Ô tôi sẽ rất lấy làm hân hạnh. - Rồi công tước nói thêm, giọng đặc biệt lơ đễnh như vừa sực nhớ ra điều gì, nhưng thực ra công tước đến đây hôm nay mục đích chính cũng chỉ là để hỏi việc ấy. - Có phải Hoàng thái hậu muốn bổ nhiệm nam tước Funke làm bí thư thứ nhất ở Viên không? Hình như cái ông nam tước ấy đục lắm thì phải.

Số là công tước Vaxili muốn tiến cử con mình nhưng lúc bấy giờ trong triều người ta lại đang xin Hoàng thái hậu lo chức ấy cho nam tước.

Anna Pavlovna lim dim đôi mắt, ý muốn nói phu nhân hay ai cũng đều có quyền phê phán những điều mà đủc Hoàng thái hậu đã thích làm hay muốn làm. Phu nhân chỉ nói gọn một câu, giọng buồn và xẵng:
   
- Nam tước Funke là do bà chị của Hoàng thái hậu gửi gắm đấy!

Khi Anna Pavlovna nói đến Hoàng thái hậu, gương mặt của phu nhân chợt lộ vẻ sùng kính và ngưỡng mộ chân thành, pha lẫn với vẻ buồn rầu: cứ mỗi lần nhắc đến Hoàng thái hậu là phu nhân như vậy.

Phu nhân nói rằng đức Hoàng thái hậu có lòng trọng nể nam tước Funke lắm, - rồi khoé mắt của phu nhân lại đượm vẻ buồn rầu như cũ.

Công tước lặng thinh, vẻ thản nhiên, Anna Pavlovna vốn có đủ cái khéo léo tế nhị và nhạy bén của một người đàn bà và một nữ quan quen ra vào chốn cung đình; phu nhân muốn châm chích công tước một tí, vì ông ta đã dám nghĩ như vậy về một nhân vật được tiến cử với Hoàng thái hậu, nhưng đồng thời phu nhân cũng muốn an ủi công tước. Phu nhân nói:
   
- À này, để nói đến việc cửa nhà công tước một thể, chắc công tước cũng biết là quý tiểu thư, từ khi bước chân vào cuộc đời giao tế, được mọi người rất yêu chuộng. Ai cũng bảo là tiểu thư đẹp như ánh thái dương.

Công tước nghiêm mình để tỏ ý kích cẩn và cảm kích.

Sau một phút yên lặng, Anna Pavlovna nhích đến gần công tước và dịu dàng mỉm cười, dường như để tỏ rằng câu chuyện về chính trị và xã giao đã chấm dứt, và bây giờ đến lượt những mẩu chuyện tâm tình:
   
- Tôi thường nghĩ rằng đôi khi hạnh phúc trên đời được phân phối thật bất công. Tại sao số phận lại cho ngài hai người con đáng yêu như vậy. Trừ Anatol, cậu con út của ngài, mà tôi không ưa - phu nhân nói thêm, lông mày nhướn cao lên, giọng quyền hành và dứt khoát - Mà công tước lại là người ít biết giá trị của con mình hơn cả, vì vậy công tước quả không đáng được hai người con như thế.

Và phu nhân mỉm cười, nụ cười phấn khởi.

Công tước nói:

   
- Phu nhân bảo tôi làm thế nào được? Nếu có Lavater ở đây thì ông ta sẽ bảo tôi không có cái u làm cha(3).

- Thôi đừng đùa nữa. Tôi đang nói chuyện đứng đắn kia mà. Công tước ạ, tôi không vừa lòng về cậu con trai út của ngài cho lắm. Cái này ta cũng nói riêng với nhau thôi (gương mặt của phu nhân lại lộ vẻ buồn rầu), trong cung đức hoàng thái hậu họ có nói đến cậu ta đấy, và lấy làm ái ngại cho công tước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:23:10 pm
Công tước không đáp lại, nhưng phu nhân vẫn lặng thinh nhìn công tước, vẻ tư lự, chờ đợi công tước trả lời. Công tước Vaxili cau mày. Cuối cùng, công tước nói:
   
- Tôi còn biết làm thế nào được? Phu nhân biết đấy, tôi đã làm tất cả những gì mà một người cha có thể làm để dạy dỗ chúng nó, thế mà rốt cục cả hai đứa lớn lên vẫn thành hai thằng ngốc như thường. Thằng Ippolit thì ít nhất cũng còn là một thằng ngốc hiền lành, chứ thằng Anatol thì thật là một thừng ngốc ngỗ ngược. Đấy chỉ là khác nhau có thế.

Trong khi nói, công tước mỉm cười không được tự nhiên như thường ngày, nhưng lại có vẻ phấn khởi hơn, rồi đột nhiên hai bên mép nhăn lại để lộ cái gì thô bỉ và khả ố.
   
- Những ngưởi như công tước thì có con làm gì? Giá công tước không làm cha, thì tôi thật không thể có điều gì chê bai công tước được nữa, - Anna Pavlovna nói, mắt ngước nhìn lên có vẻ đăm chiêu suy nghĩ.
   
- Tôi là kẻ nô lệ trung thành của phu nhân, và chỉ với phu nhân tôi mới có thế thú nhận điều này, con tôi - nó là mối luỵ của đời tôi - nó quả là cây thập tự mà tôi phải vác lên vai. Tôi tự cắt nghĩa cho mình như vậy đấy. Biết làm thế nào được?

Công tước ngừng nói và khoát tay một cái, ngụ ý là mình đành cam chịu phục tùng số mệnh ác nghiệt.
Anna Pavlovna trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Ngài chắc chưa bao giờ nghĩ đến việc cưới vợ cho cậu Anatol phá gia chi tử của ngài nhỉ. Người ta thường bảo là gái quá thời thì hay có cái thói làm mai mối. Tôi chưa cảm thấy mình có cái thói ấy, nhưng tôi có biết một tiểu thư phải chịu khổ sở nhiều vì ông bố, đó là một người họ hàng của chúng tôi, một công tước tiểu thư họ Bonkonxki.

Công tước Vaxili không đáp, nhưng với cái trí xét đoán và cái ký ức rất nhạy của những người thuộc giới xã giao, công tước liền khẽ nghiêng đầu để chứng tỏ mình đã lãnh hội và đã quan tâm đến những điều mách bảo của phu nhân.
   
- Phu nhân có hiết không, cái thằng Anatol ấy tiêu của tôi mỗi năm đến bốn vạn rúp, - công tước nói, hẳn là ông ta không đủ sức kìm hãm dòng tâm tư buồn bã của mình. Công tước im lặng một lúc:
   
- Cứ như thế này, rồi năm năm nữa không biết sẽ ra sao đây?
   
- À làm cha thì hơn người ta ở chỗ đấy.
   
- Thế công tước tiểu thư của phu nhân có giàu không?
   
- Ông bố cô ta rất giàu nhưng rất hà tiện. Ông cụ hiện nay ở thôn quê. Đó chính là công tước Bolkonxki nổi tiếng, đã về hưu từ thời tiên đế, mà người ta thường gọi đùa là ông vua nước Phổ. Ông ta là người rất thông minh, nhưng có nhiều cái gàn dở rất kỳ quặc, lại rất khó tính. Tội nghiệp cho con bé, nó thật đến khổ, công tước tiểu thư có một người anh cách đây ít lâu vừa kết hôn với cô Liza Mainen, và làm sĩ quan phụ tá cho Kutuzov. Hôm nay người anh cũng đến đây.

Công tước bỗng dưng cầm lấy tay Anna Pavlovna và không hiểu tại sao kéo phu nhân cúi thấp xuống, rồi nói:
   
- Này, bạn Annet thân mến, bạn dàn xếp hộ tôi việc ấy, tôi sẽ suốt đời là kẻ nô lệ trung thành của bạn, là kẻ nô lệ, như lão trưởng thôn của tôi thường viết trong báo cáo, cô ấy con nhà thế gia, cô ấy giàu: tôi chỉ cần có thế.

Với những cử chỉ thoải mái, thân mật và đẹp mắt mà ông vẫn có, công tước cầm bàn tay của ngự tiền phu nhân đưa lên môi hôn, và lắc lắc, rồi ngồi người trên ghế bành, đưa mắt nhìn phía khác.

Anna Pavlovna nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Được, để tôi sẽ nói chuyện với Liza (vợ công tước Bolkonxki trẻ tuổi) ngay hôm nay. Có lẽ rồi việc này sẽ thành. Gia đình nhà ông sẽ là nơi tôi tập sự làm gái già.

=============================

Chú thích:

(1) Họ của Napoleon Bonaparte phát âm theo giọng Corse để tỏ ý khinh miệt.

(2) Sau cuộc cách mạng Pháp 1789, một số quí tộc phản cách mạng trốn hoặc bị trục xuất ra nước ngoài. Số người đó gọi là những người lưu vong (emigré)

(3) Lavater (1741-1801) Nhà văn và giáo sĩ Thuỵ Sỹ đã lập ra một thuyết cho rằng năng khiếu của con người là do hình dáng và đặc biệt là cái u ở trên đầu quy định. Thành ngữ, có nghĩa là "đó là một tai ách mà số phải chịu".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:24:26 pm
Phần I
Chương - 2

Trong phòng khách của Anna Pavlovna, tân khách đã bắt đầu đến mỗi lúc một đông. Họ là những người thuộc lớp quí tộc tai mắt nhất ở Petersburg, nhưng lại giống nhau ở chỗ cùng chung một xã hội. Có người con gái của công tước Vaxili là nàng Elen diễm lệ, ghé lại đây để cùng cha đến dự buổi dạ hội của đại sứ Anh. Nàng mặc y phục khiêu vũ, có đeo phù hiệu của Hoàng hậu trên ngực.
     
Lại có công tước phu nhân Bolkonkaya nhỏ nhắn, một thiếu phụ rất trẻ tuổi nổi tiếng là người đàn bà có duyên nhất Petersburg, vừa mới lấy chồng mùa đông năm ngoái và bây giờ không đến dự buổi dạ hội lớn vì đang có mang, nhưng vẫn có thể đến dự những buổi kế tiếp tân nho nhỏ như thế này. Có cả công tước Ippolit con trai của công tước Vaxili, cùng đến với Montmorency để giới thiệu ông này: lại còn có giáo sĩ Moriot và nhiều người khác nữa.
     
Hễ có vị khách nào mới gặp Anna Pavlovna lại nói:
     
- Ngài chưa chắc gặp - hoặc là - ngài chắc chưa có dịp quen với "dì tôi" - rồi trịnh trọng dẫn họ đến gần một bà già bé loắt choắt đầu tóc thắt nơ cao ngồn ngộn, vừa từ phòng bên lững thững hiện ra.
Khi các tân khách bắt đầu tụ tập, Anna Pavlovna lần lượt giới thiệu tên từng người một mới chậm rãi đưa từng vị khách đến chỗ "dì tôi", rồi lui ra chỗ khác.
     
Tất cả các tân khách đều làm tròn lễ nghi thăm hỏi các bà dì mà chẳng ai biết, chẳng ai thích, và chẳng ai cần đến. Anna Pavlovna vẻ thông cảm trịnh trọng và buồn rầu, chăm chú theo dõi những lời chào hỏi của họ lặng lẽ tán thưởng. Vị tân khách nào cũng được nghe "dì tôi" dùng những lời lẽ giống nhau để nói về sức khoẻ của khách, sức khoẻ của mình và sức khoẻ của Đức Hoàng thái hậu - nhờ trời Người này đã khoẻ hơn trước. Vị khách nào đến chào hỏi xong cũng lui ra với một cảm giác nhẹ nhõm như vừa làm tròn một nhiệm vụ nặng nề, nhưng vì xã giao nên ai cũng cố sao không lộ vẻ hấp tấp khi bỏ đi, để rồi suốt buổi tối không đến với bà già ấy lần nào nữa.
     
Công tước phu nhân Bolkonxkaya có mang theo một mẫu đồ thêu đang làm dở đựng trong một cái túi nhỏ bằng nhung thêu kim tuyến. Phía trên đôi môi xinh xắn của nàng phơn phớt một lớp lông tơ óng mịn, môi trên của nàng hơi ngắn nên không che kín hết hàm răng cửa, nhưng cái đó chỉ làm cho nàng thêm duyên dáng và dễ thương khi nàng hé miệng hoặc khi nàng ngậm miệng lại, thỉnh thoảng môi trên lại hơi nhô ra và trông nàng lại càng thêm duyên dáng. ở những người thiếu phụ thật có duyên bao giờ cũng thế: khuyết điểm của nàng- cái môi trên hơi ngắn và cái miệng luôn hé mở - hình như làm thành một vẻ đẹp đặc biệt, chỉ riêng nàng mới có.
     
Ai nhìn thấy người thiếu phụ xinh xắn sắp làm mẹ này cũng phải thích mắt; trông nàng thật linh hoạt, tràn đầy sức khoẻ, tuy có mang mà vẫn ung dung nhẹ nhõm như không. Những người già cả hay những thanh niên cau có, buồn bực, chỉ cần đứng gần nàng và nói chuyện với nàng một lúc là có cảm giác như chính mình cũng đâm ra giống nàng. Ai đã từrng nói chuyện với nàng, đã được thấy nụ cười tươi sáng và hàm răng trắng bóng của nàng luôn luôn lộ rõ mỗi khi nàng nói, cũng đều nghĩ rằng mình hôm nay chắc phải nhã nhặn đáng yêu hơn mọi bận nhiều. Mà ai cũng nghĩ như thế.
     
Công tước phu nhân nhỏ nhắn chân hơi nhún nhẩy bước từng bước ngắn nhanh nhẹn đi vòng qua chiếc bàn, tay cầm túi nữ công, rồi vén tà áo ngồi xuống đi-văng bên cạnh chiếc ấm xamova bằng bạc, vẻ tươi vui, tưởng chừng tất cả những gì mà nàng làm cũng đều là một cuộc vui cho mình và cho tất cả người xung quanh.
     
Nàng giở túi thêu ra và nhìn mọi người, nói:
     
- Tôi mang cả đồ nữ công của tôi đến đây này - rồi quay sang nữ chủ nhân, nàng tiếp - Chị Annet, chị xem đừng có chơi khăm em đấy nhé! Trong giấy chị có viết rằng đây là một buổi tiếp tân rất nhỏ, thành thử chị xem, em ăn mặc thế này có chán không?
     
Và nàng dang hai tay ra cho AnnaPavlovna. Pavlovna thấy rõ chiếc áo dài xám trang nhã thêu đăng ten, phía dưới ngực có thắt một giải lụa rộng khổ. Anna Pavlovna đáp:
     
- Cứ yên tâm, Liza ạ, cô bao giờ chả là người xinh nhất! - Vẫn một giọng như cũ, công tước phu nhân quay sang một vị tướng nói tiếp - Ngài xem, chồng tôi bỏ tôi để đi tìm cái chết ngoài chiến trường đấy! - Đoạn nàng lại quay sang công tước Vaxili nói luôn - Xin ngài cho biết, tại sao lại sinh ra cái trò chiến tranh đáng ghét ấy làm gì? - Rồi, không đợi câu trả lời, nàng lại quay sang nói với tiểu thư Elen diễm lệ, con gái công tước Vaxili.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:25:45 pm
- Công tước phu nhân có duyên quá nhỉ? - công tước Vaxili nói nhỏ với Anna Pavlovna.
     
Công tước phu nhân nhỏ nhắn đến được một lúc thì thấy một chàng thanh niên to béo đẫy đà, mắt đeo kính, bước vào phòng. Tóc chàng húi ngắn, mình mặc lễ phục màu nâu, sơ mi cổ cao quần màu nhạt theo thời trang bấy giờ. Chàng thanh niên to béo ấy là con riêng của bá tước Bazukhov một đại thần nổi tiếng thời hoàng hậu Ekaterina và hiện nay đang đau ốm ngắc ngoải ở Moskva. Chàng đi du học ở nước ngoài mới về, chưa nhận chức gì, và đây là lần đầu tiên chàng dự một buổi dạ hội của giới xã giao, Anna Pavlovna tiếp chàng bằng một cái gật đầu dành cho những người ở bậc thấp nhất trong cái thang phẩm trật của phòng khách này. Nhưng tuy dùng lối chào hạng thấp như vậy, khi thấy Piotr vào, gương mặt của phu nhân vẫn lộ vẻ lo sợ, giống như khi người ta thấy một cái gì đó quá lớn và không đúng chỗ. Kể ra thì so với các tân khách nam giới khác trong phòng Piotr, cũng có to lớn hơn ít nhiều, nhưng sở dĩ phu nhân lo sợ lại chính là vì cái nhìn thông minh rụt rè, đôi mắt tinh tế mà tự nhiên đã làm cho chàng khác hẳn tất cả các tân khách khác có mặt trong phòng.
     
- Ông Piotr, ông có lòng tốt đến thăm một người đàn bà đau ốm, tội nghiệp, thật là quí hoá quá! - Anna Pavlovna nói, mắt lo lắng liếc nhìn bà dì trong khi dẫn Piotr đến gần bà ta. Piotr nói lúng túng mấy tiếng gì chẳng ai hiểu, mắt vẫn nhìn xung quanh như đang tìm kiếm một cái gì. Chàng cúi chào công tước phu nhân, miệng mỉm cười vui sướng, mừng rỡ như khi gặp được một người quen thân, rồi đến chào bà dì. Những điều lo sợ của Anna Pavlovna không phải là không có lý do, bởi vì Piotr không đợi bà già nói về sức khoẻ của Đức Hoàng thái hậu cho xong đã quay gót toan bỏ đi. Anna Pavlovna hoảng hốt kiếm lời ngăn chàng lại. Phu nhân nói:
     
- Ông chắc chưa quen giáo sĩ Moriot chứ? Ông ta là một người rất thú vị.
     
- Có, tôi có nghe nói đến cái kế hoạch hoà bình vĩnh viễn của ông ta, kế hoạch ấy rất hay, nhưng khó lòng mà thực hiện được.
     
- Ông thấy thế à? - Anna Pavlovna nói một câu lấy lệ, để rồi trở về với những công việc của bà chủ nhà, nhưng Piotr lại phạm lỗi xã giao ngược lại. Lúc nãy, chưa nghe hết lời bà dì, chàng đã vội bỏ đi; bây giờ thì chàng lại chuyện quá nhiều làm cho người tiếp chuyện phải dừng lại nghe trong khi đang muốn đi chỗ khác. Piotr đầu nghiêng về phía trước, hai chân chạng ra, bắt đầu chứng minh cho Anna Pavlovna hiểu rõ tại sao chàng ta cho rằng cái kế hoạch của ông giáo sĩ kia là một ảo tưởng.
     
- Ta sẽ bàn chuyện này sau. - Anna Pavlovna mỉm cười nói.
     
Và sau khi đã thoát khỏi chàng thanh niên kém xã giao kia, phu nhân liền trở về với nhiệm vụ bà chủ nhà, tiếp tục lắng tai nghe ngóng và đưa mắt nhìn quanh, xem chỗ nào câu chuyện hơi tẻ thì lập tức đến tiếp ứng. Như một ông chủ xưởng dệt, sau khi đã cắt đặt thợ thuyền đâu vào đấy, bắt đầu đi đi lại lại trong xưởng, và hễ chỗ nào máy ngừng chạy hay chỗ nào có thoi đưa quá to, có tiếng cót két bất thường là vội vã đến tận nơi để hãm máy lại hay chữa cho nó chạy đều. Anna Pavlovna cũng đi đi lại lại trong phòng khách, thỉnh thoảng lại gần một nhóm nào đó im hơi lặng tiếng hoặc nói chuyện quá nhiều và nói một câu hay chuyển một người nào đó sang nhóm khác, để điều chỉnh cho bộ máy nói chuyện chạy đều đúng mực. Nhưng trong tất cả những mối lo ấy vẫn thấy phu nhân e ngại nhất về Piotr. Phu nhân lo lắng nhìn theo Piotr khi chàng lại gần một nhóm tân khách đứng quanh Montmorency để nghe xem họ nói những gì, rồi lại quay sang một nhóm khác đang lắng nghe giáo sĩ Moriot nói chuyện. Piotr từ trước tới nay ăn học ở nước ngoài nên buổi tiếp tân của Anna Pavlovna hôm nay là buổi đầu tiên chàng được dự từ khi trở về Nga. Piotr biết rằng đây là nơi tụ họp của toàn thể giới trí thức ở Petersburg, cho nên mắt chàng cứ đưa nhìn khắp bốn phía, háo hức như mất một đứa trẻ con trong một gian hàng bán đồ chơi. Chàng luôn sợ bỏ lỡ mất một câu chuyện lý thú mà chàng có thể nghe được. Nhìn vào những vẻ mặt trang nhã và đầy tự tin tập hợp nơi đây, chàng luôn luôn chờ nghe một cái gì đặc biệt lý thú. Cuối cùng Piotr lại gần giáo sĩ Moriot. Chàng nghe loáng thoáng câu chuyện có vẻ thú vị bèn đứng lại lắng nghe, chờ dịp để nói ý mình ra, như những người trẻ tuổi thường thích làm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:29:48 pm
Phần I
Chương - 3

Tối tiếp tân của Anna Pavlovna đã có đà. Tiếng thoi đưa ở khắp nơi nghe đều đều và liên tục. Ngoài dì tôi bên cạnh chỉ có một phu nhân già có mặt gầy gò tiều tuỵ như đã khóc nhiều, phần nào xa lạ ở nơi giao tế quan trọng này, tân khách đã phân ra làm ba nhóm.
   
Một nhóm quây quần chung quanh giáo sĩ, nhóm này gồm nhiều khách nam giới hơn là nữ giới. Trong nhóm thứ hai, nhóm của thanh niên, thì trung tâm là công tước tiểu thư Elen diễm lệ con gái công tước Vaxili, và công tước phu nhân Bolkonxkaya, người nhỏ nhắn, hồng hào, hơi đẫy so với tuổi trẻ của nàng. Trong nhóm thứ ba, trung tâm là Montmorency và Anna Pavlovna.
   
Tử tước là một thanh niên đẹp trai, dung mạo dịu dàng, phong cách nhã nhặn. Hẳn trong thâm tâm ông vẫn tự phụ mình là bậc danh sĩ, nhưng bề ngoài thì cũng theo giáo dục thượng lưu mà làm ra vẻ một con người nhún nhường đem trí tuệ của mình hiến cho tân khách ở đây thưởng thức. Hẳn tử tước là một món cỗ trọng yếu của Anna Pavlovna trong buổi chiêu đãi hôm nay. Chẳng khác nào một người đầu bếp giỏi biết đem một món thịt bò mà người ta sẽ không muốn ăn nếu trong thấy nó ở nơi bếp núc bẩn thỉu, dọn lên thành một món ăn sang trọng tuyệt vời, trong buổi tối nay Anna Pavlovna lần lượt đem tử tước ra mời khách trước rồi đến lượt giáo sĩ, coi họ như những món ăn thanh nhã tuyệt vời vậy. Trong nhóm Montmorency người ta bàn ngay đến vụ ám sát công tước D Anghiên. Tử tước cho rằng sở dĩ công tước D Anghiên bị ám sát là vì có lòng khoan dung độ lượng và Buônnapactê thù công tước vì những lý do riêng.
   
- Hay đấy! Tử tước kể cho chúng tôi nghe với! - Anna Pavlovna nói, cảm thấy vui vì câu nói này phảng phất cái phong vị thời Luis - Tử tước kể chuyện cho chúng tôi nghe đi!
   
Tử tước nghiêng mình lĩnh ý và nhã nhặn mỉm cười, Anna Pavlovna mời khách đến ngồi quanh tử tước để nghe chuyện. Phu nhân nói thầm với người ngồi cạnh: "Tử tước có quen riêng Đức ông đấy!", rồi quay sang một người thứ hai, phu nhân nói "Tử tước kể chuyện thú lắm kia!"- xong lại nói thêm với một người thứ ba: "Người thượng lưu thoạt nhìn biết ngay!", và tử tước được đem ra đãi khách, tựa như một miếng thịt bò rán trên một cái đĩa nóng hổi có cả rau thơm, dưới hình thức trang nhã nhất và có lợi nhất cho tử tước. Tử tước cũng muốn bắt đầu câu chuyện, bèn mỉm cười một nụ cười tế nhị.
   
- Tiểu thư Elen, mời tiểu thư đến đây! - Anna Pavlovna nói với vị công tước tiểu thư xinh đẹp đang ngồi hơi xa một tí, làm thành trung tâm của một nhóm khác.
   
Công tước tiểu thư Elen mỉm cười, nàng đứng dậy với cái nụ cười không thay đổi của một giai nhân tuyệt sắc nở trên môi từ khi nàng mới bước vào phòng khách. Trong tiếng sột soạt khe khẽ của chiếc áo khiêu vũ trắng tinh viền đăng-ten và nhiễu bồng, và rực rỡ với đôi vai trắng ngần, mớ tóc óng mượt và những hạt kim cương lấp lánh, nàng đi qua giữa những người đàn ông đang rẽ ra hai bên, cứ bước thẳng không nhìn ai, nhưng mỉm cười với mọi người, dường như đang thân ái ban cho họ cái quyền chiêm ngường vẻ đẹp của vóc người, của đôi vai đầy đặn, của bộ ngực và khoảng lưng để hở rất rộng theo lỗi phục sức thời bấy giờ. Và dường như mang trên người tất cả vẻ hào hoa của đêm tiếp tân, Elen đến cạnh Anna Pavlovna. Nàng đẹp đến nỗi không những người ta không thấy nàng có chút vẻ nào làm dáng, mà trái lại nàng hình như có vẻ ngượng ngùng về cái sắc đẹp hiển nhiên và có sức chinh phục quá mãnh liệt của mình. Hình như nàng cũng muốn giảm nhẹ sức thu hút của cái sắc đẹp ấy nhưng không sao được.
   
"Người đâu mà đẹp thế!" - Ai trông thấy nàng cũng đều nói như vậy. Như bị choáng váng trước một cái gì phi thường, tử tước so vai và cúi mặt trong khi nàng ngồi xuống trước mặt và nụ cười bất tuyệt của nàng như dọi ánh quang lên ông ta.
   
"Thưa phu nhân, quả tình đứng trước một cử toạ như thế này, tôi thấy lo ngại cho bản lĩnh của mình quá!"
- Tử tước nói và cúi đầu, miệng cười chúm chím.
   
Công tước tiểu thư đặt cánh tay trần dầy đặn lên chiếc bàn con và không thấy cần phải nói gì cả. Nàng mỉm cười, chờ đợi. Trong suốt thời gian nghe kể chuyện, nàng ngồi thẳng, thỉnh thoảng lại nhìn cánh tay xinh đẹp và đầy đặn đặt nhẹ lên bàn hay nhìn bộ ngực của mình, còn xinh đẹp hơn cánh tay kia nữa, sửa lại ngay ngắn chuỗi kim cương trên ngực, sửa lại vài lần trên nếp áo, và khi nào câu chuyện đến chỗ lôi cuốn, lại liếc nhìn Anna Pavlovna và bắt chước ngay vẻ mặt vị ngự tiền phu nhân, rồi sau đó gương mặt của nàng lại ngưng lại trong một nụ cười rạng rỡ. Công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng theo Elen rời chiếc bàn trà nhỏ. Nàng nói:
   
- Khoan đã, đợi cho tôi cầm cái túi thêu với! - rồi quay sang công tước Ippolit, nàng hỏi- Kìa ông mải nghĩ gì thế? Ông đem hộ cái túi con lại đây cho tôi!

Công tước phu nhân mỉm cười và nói chuyện với tất cả mọi người, rồi đột nhiên đổi chỗ ngồi, và trong khi ngồi xuống lại sửa tà áo dáng rát vui vẻ.
   
- Tôi ngồi thế này được rồi! - nàng nói, và yêu cầu tử tước bắt đầu kể, đoạn bắt tay vào thêu.
   
Công tước Ippolit đưa túi con cho nàng, đổi chỗ theo nàng và kéo cái ghế dựa lại gần rồi ngồi bên cạnh.
   
Chàng Ippolit "khả ái" có một đặc điểm khiến cho người ta chú ý là chàng rất giống với người em gái diễm lệ, nhưng điều đập mạnh vào mắt người ta hơn nữa là tuy giống em như vậy, chàng vẫn xấu xí lạ thường. Những đường nét trên khuôn mặt người em gái, nhưng ở nàng thì tất cả đều rạng rỡ lên vì cái nụ cười bất tuyệt tươi vui, tự mãn và trẻ trung, và vì vẻ đẹp của cái thân hình chẳng kém những mỹ nhân cổ Hy Lạp; trái lại ở chàng ta thì cái khuôn mặt ấy lại bị cái vẻ đần độn làm mờ tối đi, và bao giờ cũng biểu lộ tính cau có tự thi, còn thân hình thì yếu đuối và gầy gò, cặp mắt, cái mũi, cái miệng, tất cả đều dúm dó làm thành một vẻ mặt nhăn nhó bực bội khó tả, và tay chân thì không bao giờ tỏ ra tự nhiên.
   
- Không phải chuyện ma đấy chứ? - Ippolit nói, sau khi đến ngồi gần công tước phu nhân và vội vã đưa cái kính cầm tay lên mặt, tưởng chùng như không có dụng cụ này thì không thể nào bắt đầu nói được:


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:30:50 pm
- Không, làm gì có!- Người kể chuyện ngạc nhiên, nhún vai đáp - Số là tôi chúa ghét chuyện ma! - Công tước Ippolit nói. Giọng của công tước làm cho người ta thấy rõ rằng chàng ta nói xong rồi mới hiểu câu mình nói nghĩa là gì.
   
Chàng ta nói với vẻ tự tin đến nỗi không ai có thể hiểu điều đã nói ra là rất thông minh hay rất đần độn. Công tước Ippolit mặc áo lễ phục thường màu lục sẫm, quần chật màu đùi tiên nữ hoảng sợ, như chàng ta thường nói, đi tất cao và đi giầy khiêu vũ.
   
Tử tước kể lại một cách rất có duyên một giai thoại lúc bấy giờ đang lưu hành, nói rằng công tước D Anghiên có lần bí mật lẻn về Paris để gặp cô George và ở đấy công tước đã gặp Buônapáctê lúc bấy giờ cũng đang được nữ nghệ sĩ trứ danh "chiếu cố". Tình cờ Napoleon ngất đi - đó là một chứng bệnh mà y thường có - và thế là lọt vào tay công tước; nhưng công tước không lợi dụng cơ hội đó để hại y. Về sau Buônapáctê đã trả thù cái lòng khoan dung đại độ của công tước bằng cách ám sát kẻ tình địch cũ của mình.

Câu chuyện rất hấp dẫn và lý thú, đặc biệt lúc hai kẻ tình địch đột nhiên nhận ra mặt nhau: chỗ ấy các phu nhân tỏ ra rất xúc động.
   
- Tuyệt! - Anna Pavlovna nói, mắt liếc nhìn công tước phu nhân nhỏ nhắn như để hỏi ý kiến.
   
- Tuyệt! - Công tước phu nhân nhỏ nhắn nói khẽ, tay cắm chiếc kim vào mẫu thêu như muốn tỏ ra rằng câu chuyện lý thú và hấp dẫn quá khiến nàng không thể nào tiếp tục công việc thêu thùa được.
   
Tử tước đánh giá rất cao cách ngợi khen lặng lẽ ấy, liền mỉm cười tỏ vẻ biết ơn, và lại tiếp tục kể. Nhưng trong lúc đó Anna Pavlovna nãy giờ cứ liếc nhìn người thanh niên đang làm cho phu nhân lo sợ, thấy anh ta đang nói chuyện với giáo sĩ hơi quá hăng và quá to bèn vội vã đến tiếp viện cho vị trí đang lâm nguy. Quả nhiên, Piotr đang bàn luận với giáo sĩ về thế quân bình chính trị, và giáo sĩ, hình như được cái nhiệt tình ngây thơ của chàng thanh niên kích thích nên đang trình bầy với chàng những quan niệm mà mình vẫn thích thú. Cả hai người nghe và nói một cách hăng hái, quá tự nhiên, và điều đó không làm cho Anna Pavlovna vừa lòng.

Giáo sĩ nói:

- Chỉ có một cách là thế quân bình của châu Âu và dân quyền. Chỉ cần một nước hùng mạnh như nước Nga, xưa nay vốn mang tiếng là bán khai, đứng ra cầm đầu liên minh một cách chí công vô tư nhằm thủc hiện thế quân bình của châu Âu, là cứu được thiên hạ.
   
- Ông tìm đâu ra cái thế quân bình ấy? - Piotr bắt đầu nói!
   
Nhưng lúc ấy Anna Pavlovna đã đến bên cạnh và đưa mắt nhìn Piotr một cách nghiêm nghị, rồi phu nhân hỏi vị giáo sĩ người Ý xem ông thấy khí hậu ở đây như thế nào. Sắc mặt của người Ý đột nhiên chuyển sang một vẻ dịu ngọt giả dối đến khó chịu. Hẳn là điều này đã thành thói quen của ông ta mỗi khi nói chuyện với đàn bà. Ông ta nói:
   
- Tôi đang ngây ngất vì được thưởng thức trí tuệ và học vấn của giới thượng lưu ở đây, nhất là của những bậc nữ lưu mà tôi đã được hân hạnh hầu tiếp nên chưa có thì giờ nghĩ đến khí hậu.
   
Vừa lúc ấy, một nhân vật mới bước vào phòng. Nhân vật mới đó là công tước Andrey Bolkonxki trẻ tuổi, chồng của công tước phu nhân nhỏ nhắn. Công tước Bolkonxki là một thanh mên vóc người tầm thước, rất đẹp trai, khuôn mặt xương xương, với những đường nét gẫy gọn. Toàn thân chàng, kể từ cái nhìn uể oải và ủ dột đến dáng đi chậm rãi và đĩnh đạc, đều làm thành một sự tương phản nổi bật với người vợ nhỏ nhắn và linh lợi của chàng. Người ta thấy rõ rằng không những chàng đã quen hết các nhân vật phòng khách, mà họ còn làm cho chàng chán ngấy đến nỗi nhìn mặt họ hay nghe họ nói chàng đều bực mình. Mà trong số tất cả những người ở đây thì hình như người vợ xinh xắn của chàng lại làm cho chàng chán ngấy hơn cả. Chàng cau mày khó chịu, làm xấu khuôn mặt tuấn tú, và quay lưng về phía nàng. Chàng hôn tay Anna Pavlovna mà nheo nheo đôi mắt nhìn lướt qua các tân khách một lượt.

Anna Pavlovna hỏi:
   
- Có phải công tước nhập ngũ để ra trận không?
   
- Đại tướng Kutuzov - Bolkonxki nói, nhấn mạnh vào âm tiết "zov" ở cuối như người Pháp - đã có lòng chiếu cố cho tôi làm sĩ quan phụ tá của ngài!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:36:43 pm
- Thế còn phu nhân thì sao?
   
- Nhà tôi sẽ về quê.
   
- Công tước nỡ nào làm cho chúng tôi thiếu mất quý phu nhân xinh đẹp?
   
Công tước phu nhân nói:
   
- Anh Andrey! - khi nói với chồng, nàng cũng dùng cái giọng làm duyên làm giáng như nói với một người lạ,- tử tước vừa kể một chuyện thật thú vị về cô George và Bônapactê.
   
Công tước Andrey cau mày và quay mặt đi. Từ khi công tước Andrey vào, Piotr vẫn nhìn theo chàng với cặp mắt mừng rỡ và trìu mến, bấy giờ anh ta liền đến gần và kéo tay chàng. Công tước Andrey không ngoảnh lại, cau mặt tỏ vẻ bực bội đối với người nào đã kéo tay mình, nhưng khi trông thấy khuôn mặt tươi cười của Piotr, chàng mỉm một nụ cười hiền lành và thân mật rất bất ngờ.
   
- Ô kìa cậu, cậu cũng đến nơi giao tế này ư?
   
- Tôi biết anh tới đây - Piotr đáp, rồi hạ thấp giọng nói tiếp, để khỏi cản trở tử tước bấy giờ đang kể tiếp câu chuyện - Tôi định đến ăn tối ở nhà anh, được chứ?
   
- Không, không được- công tước Andrey nói và mỉm cười siết chặt tay Piotr để cho chàng biết rằng cái đó không cần phải hỏi nữa.
     
Chàng còn muốn nói thêm điều gì nữa nhưng ngay lúc ấy công tước Vaxili cùng tiểu thư đứng dậy, và các viên khách nam giới cũng đứng lên để nhường lối cho họ ra.
   
Công tước Vaxili khẽ kéo ống tay áo vị khách người Pháp xuống ghế để ông ta đừng đứng lên, và nói:
     
- Xin tử tước thứ lỗi. Buổi dạ hội tai hại ở nhà quan đại sứ làm tôi mất cái thú được nghe ngài và phải ngắt quãng câu chuyện của ngài, - rồi công tước nói với Anna Pavlovna - tôi rất buồn vì phải rời buổi tiếp tân thú vị của phu nhân.
   
Công tước tiểu thư Elen, con gái của công tước Vaxili, khẽ nâng những nếp áo dài lên, đi qua giữa hàng ghế và nụ cười lại càng hừng sáng hơn trên khuôn mặt diễm lệ của nàng. Piotr nhìn người đẹp với đôi mắt sững sờ, gần như kinh hãi khi nàng đi qua trước mặt. Công tước Andre nói:
   
- Đẹp thật!
   
- Đẹp thật. - Piotr nói theo.
   
Khi đi ngang qua chỗ Piotr, công tước Vaxili nắm lấy tay chàng và quay về phía Anna Pavlovna nói:
   
- Xin phu nhân huấn luyện con gấu này hộ tôi. Anh ta ở nhà tôi đã được một tháng nay và đây là lần đầu liên tôi thấy anh ta có mặt ở một buổi tiếp tân quan trọng. Không có gì cần thiết cho thanh niên hơn là việc giao tiếp với những người đàn bà thông tụê.

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/Kutuzov_by_Volkov.jpg)
Thống chế Mikhail Illarionovich Golenishchev-Kutuzov ( Михаил Илларионович Кутузов (Голенищев-Кутузов)) (1745-1813)


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:37:44 pm
Phần I
Chương - 4

Anna Pavlovna mỉm cười, hứa sẽ săn sóc đến Piotr mà phu nhân biết là có họ với công tước Vaxili. Người đàn bà có tuổi nãy giờ ngồi cạnh dì tôi vội vàng đứng dậy đi theo công tước Vaxili ra phòng áo. Trên mặt bà đã mất hẳn cái vẻ vờ vĩnh trước kia. Trên gương mãt hiền hậu, tiều tuỵ vì đã khóc nhiều chỉ thấy vẻ lo lắng và sợ hãi. Theo kịp công tước ra phòng áo, bà ta nói:
   
- Thưa công tước, ngài có thể cho biết gì về việc cháu Boris không? (Bà ta đọc chữ Boris nhấn mạnh đặc biệt vào âm ô). Tôi không thể ở lại Peterburg lâu hơn nữa. Xin ngài cho biết liệu tôi có thể đem tin tức gì về cho thãng bé tội nghiệp không?
   
Tuy công tước Vaxili nghe đàn bà có tuổi một cách miễn cưỡng và gần như vô lễ, thậm chí còn để lộ cả vẻ sốt ruột nữa, nhưng bà ta vẫn mỉm cười với một vẻ dụi dàng dễ làm người ta cảm động, và để giữ công tước lại, bà nắm lấy cánh tay ông ta. Bà nói tiếp:
   
- Ngài chỉ tâu giúp một lời với hoàng thượng, có mất gì đâu, là con tôi chuyển được ngay về đạo quân cận vệ:
   
- Xin công tước phu nhân biết cho rằng có thể giúp được đến đâu tôi sẽ hết sức giúp đến đấy. - Công tước Vaxili đáp - nhưng thỉnh cầu hoàng thượng thì đối với tôi thật khó quá; tôi mách phu nhân là nên nhờ Rumiantxez qua công tước Golixyn: như thế chu đáo hơn.
   
Người đàn bà có tuổi này là công tước phu nhân Drubeskaya vốn vào hàng thế gia, vọng tộc bậc nhất nước Nga; nhưng bà rất nghèo, từ lâu không đi lại nơi quyền quí và để mất hết những quan hệ giao thiệp cũ. Bà đến đây để chạy chọt cho cậu con một được thuyên chuyển về quân cận vệ. Vì muốn gặp công tước Vaxili cho nên bà ta đã cố kiếm cho được tấm thiếp mời đến buổi tiếp tân của Anna Pavlovna. Bà đã đến, và chỉ vì mục đích ấy mà phải ngồi nghe câu chuyện của ông tử tước. Câu trả lời của công tước Vaxili làm bà hoảng hốt, bộ mặt đã có một thời xinh đẹp của bà không gỉấu nổi vẻ căm giận, nhưng chỉ có trong phút chốc. Bà lại mỉm cười và nắm chặt hơn nữa cánh tay của công tước Vaxili, rồi nói:
   
- Công tước biết cho điều này; tôi chưa bao giờ xin gì công tước cả, sau này tôi cũng sẽ không bao giờ xin gì thêm nữa; tôi cũng chưa bao giờ nhắc công tước nhớ lại tình bạn của cha tôi đối với ngài, vì chúa, ngài giúp cho con tôi việc này, và tôi sẽ xin coi ngài như đấng ân nhân. Không, ngài đừng giận, ngài hứa với tôi một tiếng đi. Tôi đã nói với Golixyn rồi và ông ta đã từ chối. Công tước xưa nay là người hiền lành tốt bụng, mong rằng lần này nữa ngài cũng vẫn thế! - Và bà cố mỉm cười, tuy đã rơm rớm nước mắt.
   
Elen đứng chờ gần cửa, ngoảnh mặt về phía bố, cái khuôn mặt tuyệt trần trên đôi vai không kém gì các pho tượng cổ Hy lạp.

Nàng nói:
   
- Ba ạ, chúng ta đến muộn mất.

Nhưng ảnh hưởng trong xã hội là một cái gì vốn cần phải biết dè xẻn, đừng để cho cạn di. Công tước Vaxili biết vậy và đã hiểu rằng nếu ai nhờ gì mà cũng cứ can thiệp giúp, thì chẳng bao lâu không còn có thể xin gì cho bản thân nữa; nên ông ta rất ít khi dùng đến thế lực của mình. Nhưng trong trường hợp này, sau khi nghe công tước phu nhân Drubeskaya cầu khẩn lại lần nữa, thì công tước cảm thấy một cái gì như lời trách móc của lương tâm. Bà vừa nhắc cho công tước nhớ lại sự thật, trong những bước đầu tiên trên đường công danh, công tước đã chịu ơn bố bà ta. Vả lại, cứ nhìn cung cách của công tước phu nhân cũng có ý định gì, thì không bao giờ chịu lùi bước khi được việc; còn nếu không được thì sẵn sàng quấy rầy từng ngày, từng giờ và còn có thể sinh chuyện làm toáng lên nữa là khác. Ý nghĩ này làm công tước xiêu lòng.
   
Ông ta trả lời với vẻ thân mật và chán chường xưa nay trong giọng nói:
   
- Bà Anna Mikhailovna, điều mà bà muốn nhờ đối với tôi thật gần như không thể làm được; nhưng để bà biết là tôi rất mến bà và rất tôn trọng bà và rất tôn kính hương hồn cụ cố nhà, tôi sẽ làm cái việc không làm nổi; cậu con bà sẽ đổi về quân đội cận vệ, tôi xin hứa với bà như vậy. Bà bằng lòng rồi chứ?
   
- Công tước thân mến, công tước thật là ân nhân của tôi! Tôi đã biết chắc thế nào ngài cũng giúp tôi. Tôi biết ngài nhân hậu vô cùng.
   
Công tước đã toan bỏ đi.
   
- Cho tôi nói thêm một điều này nữa. Sau khi nó đã được chuyển sang đội quân ngự lâm… -  Nói đến đây, bà ta ngập ngừng- ngài quen thân Mikhail Ilarionovich Kutuzov, mong ngài giới thiệu cho Boris vào làm sĩ quan phụ tá cho ông ta. Được thế tôi rất yên tâm và bấy giờ…
   
Công tước Vaxili mỉm cười…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:42:00 pm
- Việc này thì tôi không dám hứa với bà đâu.  Bà không biết là khi được cử làm tổng tư lệnh, Kutuzov đã bị vây hãm đến như thế nào ư? Chính ông ta có nói với tôi là tất cả các phu nhân ở Moskva đều bảo nhau đến bắt ông ta phải thu nhận hết con cái của họ làm sĩ quan phụ tá.
   
- Không, ân nhân phải hứa với tôi đi, tôi không buông ngài ra đâu!
   
- Ba ạ! Chúng ta muộn mất - Elen nhắc lại, cũng giọng như lúc nãy.
   
- Thôi, tạm biệt, tạm biệt nhé? Đấy bà xem.
   
- Thế đến mai, ngài tâu với hoàng thượng chứ?
   
- Chắc chắn thế, nhưng tôi không hứa gì về việc nói với Kutuzov đâu.
   
- Không, hứa đi, Bazil(1) ạ.
   
Anna Mikhailovna với theo, miệng mỉm cười, cái nụ cười của một thiếu nữ làm đỏm xưa kia rất hợp với bà, nhưng bây giờ trên cái bộ mặt đã cằn cỗi trông thật lạc điệu.
   
Có thể thấy rõ rằng là bà ta đã quên cả tuổi tác, và theo thói quen, bà đã vận dụng hết thủ đoạn nữ giới của bà ngày xưa. Nhưng công tước vừa đi khỏi nét mặt của bà trơ lại lạnh lùng, vờ vĩnh như ban nãy. Bà lại đến ngồi với cái nhóm người đang nghe tử tước kể chuyện và lại làm ra vẻ chú ý nghe, chờ đến lúc ra về, vì công việc của bà đã làm xong.
   
- Nhưng các ngài nghĩ gì về tấn hài kịch vừa rồi, cái lễ đăng quang ở Milan ấy mà?- Anna Pavlovna nói - Và về tấn hài kịch mới của dân chúng Genes và Lucques đến chúc tụng ông Buonapactê. Ông Buonapactê ngồi trên ngai vàng và nhận những lời chúc tụng của các dân tộc. Tuyệt! Thế này thì đến phát điên lên mất. Cả thế giới đã mất trí rồi!
   
Công tước Andrey mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Anna Pavlovna và nói, lặp lại những lời của bà Buônapáctê trong lễ gia miện ấy:
   
- Thượng đế đã ban cho ta, những ai phạm đến hãy coi chừng. - Chàng lại nói thêm - Người ta kể lại khi nói những lời ấy Buônapáctê đẹp lắm! - Chàng nhắc lại lần nữa những lời của Buônapáctê bằng tiếng Ý: Dio mi la dona, guai a chi la tocca.
   
- Tôi hy vọng - Anna Pavlovna lại nói tiếp - đó là cái giọt nước sẽ làm tràn cốc nước. Các vua chúa không còn có thể chịu đựng được cái con người đang uy hiếp tất cả cái ấy nữa.
   
- Các vua chúa ấy à? Đây tôi không nói đến nước Nga - Tử tước nói một cách lịch sự, nghe như tuyệt vọng - Thưa phu nhân, các vua chúa ấy à! Họ đã làm gì cho Louis XVII, cho hoàng hậu, cho đức Bà Elizabet? Không có gì cả - Ông la lại nói tiếp, giọng sôi nổt lên - Xin quí vị tin lời tôi, họ sẽ bị trừng phạt vì họ đã phản bội quyền lợi của vương triều Buôcbông. Các vua chúa ấy à? Họ đã cử sứ giả đến chúc tụng kẻ cướp ngôi.
   
Rồi thở dài khinh bỉ, ông tra trở mình trên ghế. Công tước Ippolit nãy giờ mải ngắm tử tước qua cái kính cầm tay, bỗng quay phắt lại phía công tước phu nhân nhỏ nhắn và mượn cái kim của nàng, vừa nói vừa vẽ lên mặt bàn để chỉ dẫn cho nàng về tộc huy của họ Condé, Ippolit cắt nghĩa một cách quan trọng, cứ như là chính nàng đã nhờ chàng ta cắt nghĩa vậy. Ippolit nói:
   
- Vạch đỏ tươi viền xanh có ren trơn: họ Condé đấy?
   
Công tước phu nhân vừa nghe vừa cười nụ.
   
Tử tước lại tiếp tục câu chuyện đang nói dở, với cái vẻ của một người không chú ý nghe người nào khác nói, mà chỉ theo dòng tư tưởng của riêng mình, vì đang nói đến một vấn đề mà mình hiểu hơn ai hết. Ông ta nói:
   
- Nếu Buônapáctê còn làm vua nước Pháp một năm nữa thì tình thế không biết sẽ đi đến đâu. âm mưu, bạo lực, những án lưu đồ, những cuộc hành hình sẽ làm cho xã hội Pháp - tôi muốn nói cái xã hội Pháp chân chính, - vĩnh viễn bị tiêu diệt và đến lúc ấy thì…
   
Ông ta nhún vai và dang hai tay ra chiều ngán ngẩm. Piotr muốn nói một câu gì đấy, vì chàng bị câu chuyện lôi cuốn rất mạnh, nhưng Anna Pavlovna nãy giờ vẫn để ý theo dõi chàng liền nói chặn ngay:
   
- Hoàng thượng Alechxandr đã tuyên bố là Người sẽ để người Pháp tự ý chọn lấy chính thể của họ - Phu nhân nói với cái vẻ buồn rầu mà phu nhân vẫn thường có mỗi khi nhắc đến hoàng gia. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn sau khi được giải phóng khỏi ách kẻ cướp ngôi thì toàn thể nhân dân Pháp sẽ tự lao mình vào đôi cánh tay của vị quốc vương chính thống của họ. - Phu nhân kết luận như vậy, mong lấy lòng con người bảo hoàng lưu vong ấy.
   
- Chưa chắc, - Công tước Andrey nói - ngài tử tước cho rằng tình hình đã đi quá xa là rất đúng. Tôi thiết tưởng đã thế thì khó mà quay trở lại được.
   
Piotr xen vào câu chuyện, chàng đỏ mặt nói:
   
- Theo những điều tôi được nghe thì hầu hết quý tộc đã quy phục Buônapáctê rồi.
   
- Đấy là bọn theo Buônapáctê chúng nó bảo thế. Tử tước cãi lại mắt không nhìn Piotr - Hiện thời khó lòng mà biết rõ đích xác công luận ở Pháp.
   
Chính Buônapáctê cũng nói thế - Công tước Andrey cười nhạt. Người ta thấy rõ là công tước không ưa ông Montmorency và tuy chàng không nhìn vào ông này, câu nói ấy chính là để bẻ lại ông ta.
   
Sau một phút im lặng, công tước Andrey nói tiếp, lần này cũng lại dẫn lời của Napoleon.
   
"Ta chỉ cho họ con đường vinh qulang thì họ không buồn đi theo, nhưng khi ta mở cửa phòng chở của ta cho họ, họ đổ xô vào hàng đàn"… Tôi không biết ông ta có quyền nói như thế đến đâu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:43:13 pm
- Không có quyền gì hết - Tử tước cãi lại - Sau vụ ám sát công tước D Anghien chính là những kẻ ủng hộ nhiệt liệt nhất cũng thôi không xem y là một vị anh hùng nữa - Ông ta lại quay về phía Anna Pavlovna nói thêm - Dù đối với một số người, trước kia y có là một vị anh hùng đi nữa thì kể từ vụ ám sát công tước, trên thiên đường đã thêm một vị tử đạo và dưới dương thế đã bớt một người anh hùng.
   
Anna Pavlovna và những người khác chưa kịp mỉm cười tán thưởng câu nói của tử tước thì Piotr đã đâm ngang vào câu chuyện, và tuy đã đoán trước là chàng sắp nói một điều khiếm nhã, Anna Pavlovna vẫn không thể ngăn lại được. Piotr nói:
   
- Hành hình công tước D Anghien là một việc tất yếu của quốc gia, và tôi thấy Napoleon có một tâm hồn cao cả ở chỗ không sợ một mình gánh lấy tất cả trách nhiệm trong việc này.
   
- Trời ơi! Trời ơi! - Anna Pavlovna phát ra mấy tiếng thì thào nghe đến phát sợ. Công tước phu nhân nhỏ nhắn mỉm cười với lấy túi nữ công, nói:
   
- Thế nào, ông Piotr, ông cho rằng ám sát người ta là có tâm hồn cao cả à?
   
- À! Ô? Trong cử toạ có những tiếng kêu lên.
   
- Capital! (2) - Công tước Ippolit vỗ đùi một cái, thốt lên bằng tiếng Anh.
   
Tử tước chỉ nhún vai.
     
Piotr nhìn cử toạ qua vành mắt kính, vẻ đắc thắng.
   
- Sở dĩ tôi nói như vậy - Piotr nói tiếp, giọng liều lĩnh - là vì họ Buôcbông đã chạy trốn trước cuộc cách mạng và bỏ dân chúng trong cảnh, loạn lạc; chỉ có một mình Napoleon là đã hiểu được cách mạng, thắng cách mạng, và do đó, vì lợi ích chung, ông ta không thể lùi bước trước việc hy sinh tính mạng một cá nhân.
   
- Hay là mời ông sang bàn bên kia? - Anna Pavlovna nói.
   
Nhưng Piotr không đáp lại, cứ nói tiếp, càng nói càng hăng:
   
- Vâng. Napoléon vĩ đại vì đã vươn lên cao hơn cách mạng, đã trấn áp những phần quá khích của nó và giữ lại tất cả những cái tốt lành của nó, quyền bình đẳng giữa các công dân, cũng như tự do ngôn luận, tự do báo chí, và chính vì thế mà ông ta đã nắm được chính quyền.
   
- Vâng - Tử tước nói - Nếu nắm được chính quyền rồi, ông ta không lợi dụng nó để giết người mà đem trao trả cho quốc vương hợp pháp thì tôi mới cho là vĩ nhân.
   
- Ông ta không thể làm như vậy được. Sở dĩ quốc dân trao chính quyền cho ông ta chỉ là cốt để ông trừ khử bọn Buôcbông đi cho họ và vì họ đã thấy ông là một bậc vĩ nhân. Cách mạng đã là một sự nghiệp vĩ đại - Piotr lại nói tiếp; đâm ngang một câu quyết liệt và đầy vẻ khiêu khích như vậy, Piotr đã tỏ ra mình còn rất non trẻ và hễ suy nghĩ điều gì là cứ muốn nói phăng ra tức khắc.
   
- Cách mạng và giết vua là sự nghiệp vĩ đại? Thế thì còn… Hay là mời ông sang bàn bên kia? - Anna Pavlovna nhắc lại.
   
- Sách "Khế ước xã hội" (3) đấy- Tử tước mỉm cười dịu dàng nói.
   
- Tôi không nói việc giết vua. Tôi nói đến tư tưởng kia - Một giọng mỉa mai chen vào.
   
- Vâng, tư tưởng cướp bóc, giết người và giết vua.
   
- Dĩ nhiên đó là những việc làm quá khích, nhưng cái chính không phải là ở đấy, mà ở trong nhân quyền, trong việc giải phóng con người ra khỏi các thành kiến, và trong quyền bình đẳng giữa mọi người công dân, tất cả tư tưởng ấy Napoleon đều đã giữ lại với tất cả sức mạnh của nó.
   
- Tự do và bình đẳng - Tử tước nói một cách khinh bỉ, dường như mãi đến bây giờ tử tước mới quyết định chứng minh một cách nghiêm túc cho chàng thanh niên này thấy rõ hết cái ngu ngốc trong lời nói của anh ta - đó là những danh từ rất kêu, nhưng đã bị bôi nhọ từ lâu rồi. Ai mà chẳng thích tự do và bình đẳng? Chúa cứu thế của chúng ta cũng đã thuyết giáo về tự do và bình đẳng. Thử hỏi sau cách mạng người ta có sung sướng hơn không? Trái lại thì có. Chính chúng ta mới muốn tự do, còn Buônapáctê đã thủ tiêu tự do.
   
Công tước Andrey cười tủm tỉm khi thì nhìn Piotr, khi thì nhìn tử tước, khi thì nhìn nữ chủ nhân. Tuy đã thành thạo trong nghề xã giao, Anna Pavlovna cũng thấy hoảng hốt vì những lời táo bạo của Piotr. Nhưng khi thấy rằng lời lẽ của chàng ta dù có báng bổ đến đâu, tử tước cũng không hề mất bình tĩnh và lại tin chắc rằng cuộc nói chuyện đến đây không thể nào dập tắt được nữa, phu nhân liền tập trung hết sức mình trợ lực cho tử tước, tấn công lại nhà hùng biện kia:

- Nhưng này, ông Piotr ơi! - phu nhân nói, - Ông làm sao mà cắt nghĩa được rằng một vĩ nhân có thể hành hình công tước D Anghien như vậy, hay chỉ là hành hình một con người thôi cũng thế, không cần xét xử gì hết, mặc dù người ta không có tội?
   
- Tôi xin hỏi - Tử tước nói- Ông cắt nghĩa thế nào cái ngày 18 tháng Sương mù (4)? Đó chẳng phải là một vụ lừa bịp hay sao? Đó là một trò quỷ thuật chẳng giống gì cách hành động của một vĩ nhân cả?
   
- Còn những tù binh ở châu Phi mà y đã tàn sát thì sao? Thật là khủng khiếp - Công tước phu nhân nói đoạn nhún vai một cái.
   
- Quí vị nói gì thì nói, nó cũng chỉ là một đứa tiện dân mà thôi! - Công tước Ippolit nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:44:13 pm
Piotr không còn biết trả lời ai nữa, chàng nhìn khắp mọi người một lượt rồi mỉm cười. Nụ cười của chàng không giống như của một số người khác: nụ cười của họ thường pha lẫn với một cái gì chẳng giống chút nào với một nụ cười. Chàng thì trái lại, khi đã bắt đầu mỉm cười thì cái vẻ mặt nghiêm trang và hơi lầm lì bỗng biến đâu mất, nhường chỗ cho vẻ trẻ con, hiền hậu, thậm chí ngây ngô trông như muốn xin lỗi.
   
Tử tước, tuy mới gặp chàng lần đầu, cũng đã thấy rõ rằng anh chàng Jacôbanh này tuyệt nhiên không đáng sợ như những lời lẽ của anh chàng.   Mọi người im lặng một lát.
Công tước Andrey lên tiếng.
   
- Anh ấy làm thế nào mà trả lời mọi người cùng một lúc được? Vả lại, trong những hành động của một nhà chính trị còn phải phân biệt những hành động của một cá nhân, của một vị tướng soái, của bậc hoàng đế.
Tôi nghĩ có lẽ phải như vậy.
   
- Vâng vâng, đúng thế - Piotr tiếp luôn, mừng rỡ đón lấy sự viện trợ.
   
- Không thể không thừa nhận điều đó. - Công tước Andrey nói tiếp - là người thì Napoleon đã vĩ đại ở cầu Accôn, ở nhà thương Jaffa khi ông ta đưa tay ra bắt lấy những người bị bệnh dịch hạch; nhưng mà… nhưng mà cũng có những hành động khác khó lòng biện hộ được.

Công tước Andrey hình như muốn xoa nhạt bớt cái vụng về trong những lời nói của Piotr. Chàng đứng dậy ra về, và ra hiệu cho vợ.

Bỗng công tước Ippolit nhổm dậy, giờ tay yêu cầu mọi người ngồi, rồi bắt đầu nói:
   
- A? Hôm nay người ta có kể cho tôi nghe một giai thoại Moskva thú tuyệt; tôi phải đem ra thết quí vị mới được! Quý tử tước thứ lỗi nhé, tôi phải kể lại bằng tiếng Nga. Nếu không, các ngài đây không thưởng thức hết ý vị của câu chuyện.

Rồi công tước Ippolit bắt đầu nói tiếng Nga, với cái giọng những người Pháp nói tiếng Nga sau khi ở đất Nga được một năm.

Ai nấy đều quay lại nhìn: vì chàng ta hăng hái và khẩn khoản yêu cầu cử toạ chú ý đến câu chuyện của mình.
   
- Ở Moscu(5) có một vị phu nhân. Bà ta rất hà tiện. Bà ta cần hai tên hành bộc để đứng sau xe song mã. Mà phải là những tên thật cao lớn. Bà ta thích thế. Và bà ta có một con nữ tỳ còn lớn hơn nữa. Bà ta nói…
Ippolit ngừng lại, suy nghĩ một lát tỏ vẻ vất vả rõ rệt.
   
- Bà ta nói… phải, bà ta nói: "Con ạ (nói với con nữ tỳ) con mặc lấy bộ áo dấu và theo ta đằng sau xe, đi thăm hỏi các nơi".

Đến đây công tước Ippolit bắt đầu phì cười, rồi cười lên ha hả trước những người nghe khá lâu, gây một ấn tượng bất lợi cho người kể chuyện. Nhưng cũng có nhiều người mỉm cười theo, trong số đó có bà phu nhân có tuổi và Anna Pavlovna.
   
- Bà ta đi. Bỗng một cơn gió lớn nổi lên. Con thị tỳ bị bay mất mũ và mớ tóc dài xổ tung ra.
Đến đây chàng ta không thể nhịn được nữa, cười nấc lên từng tràng, vừa cười vừa nói:
   
- Thế là mọi người đều biết…
     
Câu chuyện chỉ có thế. Tuy người ta không hiểu tại sao chàng lại đem chuyện ấy ra kể và tại sao lại nhất thiết phải kể bằng tiếng Nga mới được, nhưng Anna Pavlovna và những người khác cũng tán thưởng cái lịch thiệp xã giao của công tước Ippolit, người đã chấm dứt cuộc đột kích khó chịu và bất nhã của Piotr một cách nhã nhặn như vậy. Sau mẩu giai thoại ấy, cuộc nói chuyện tản mạn ra thành những mẩu chuyện lặt vặt vô nghĩa về cuộc khiêu vũ vừa qua và cuộc khiêu vũ sắp tới, về những buổi kịch, về vấn đề sẽ lặp lại gặp nhau vào lúc nào ở đâu.

=====================================

Chú thích:

(1) Basile (tên Pháp tương ứng với Vaxili)

(2) Được đấy!

(3) "Contrat social" Một tác phẩm của J. Rouseau (1712-1788) rất có ảnh hưởng trong thời Cách mạng Pháp.

(4) Tức tháng 11 (theo lịch của thời cách mạng Pháp). Ngày 18 tháng Sương mù Napoleon đã làm đảo chính cướp chính quyền và lên làm Đệ nhất tổng tài.

(5) Moscou


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:45:14 pm
Phần I
Chương - 5

Sau khi cảm ơn Anna Pavlovna về buổi dạ hội nhã thú của bà ta, các tân khách bắt đầu ra về.
   
Piotr rất vụng. To vóc rộng vai, người cao quá khổ, hai bàn tay to lớn và đỏ ối, chàng không biết cách bước vào một phòng khách, như người ta thường nói, lại càng không biết cách đi ra, nghĩa là phải nói một vài lời thật nhã nhặn để lấy lòng chủ nhân trước khi ra về. Đã thế, Piotr còn đãng trí. Khi đứng dậy, chàng không cầm lấy mũ của mình mà lại vớ lấy cái mũ tam giác có ngù của một vị tướng, rồi cứ giật giật cái ngù, mãi cho đến khi vị tướng đến xin lại chàng mới đưa. Nhưng tính đãng trí, sự vụng về của chàng khi vào phòng khách và khi nói năng đều được bù lại bằng vẻ mặt thật thà, giản dị và khiêm tốn của chàng. Anna Pavlovna quay lại nhìn Piotr, khẽ gật đầu một cái để tỏ lòng bao dung Cơ đốc đối với sự thất thố của chàng, rồi nói:
   
- Tôi mong được gặp lại ông ở đây, nhưng tôi cũng mong rằng ông sẽ thay đổi ý kiến, ông Piotr ạ.
   
Piotr không đáp, chỉ nghiêng mình một tí và nhoẻn miệng cười, một nụ cười không nói lên một cái gì cả, hoặc có chăng nữa, thì cũng chỉ là: "Ý kiến khác nhau là chuyện nhỏ các ngươi cũng thấy đấy, tôi là một anh chàng rất trung hậu, hiền lành!". Và mọi người, kể cả Anna Pavlovna nữa, cũng vô hình chung cảm thấy như thế.
   
Công tước Andrey ngoài phòng áo vào giơ vai cho người nô bộc(1) khoác áo choàng, lãnh đạm lắng tai nghe câu chuyện gẫu giữa vợ chàng với công tước Ippolit lúc bấy giờ cũng đã vào phòng áo.
   
Ippolit đứng gần công tước phu nhân nhỏ nhắn và dùng kính tay nhìn chòng chọc vào mặt người thiếu phụ có mang.
   
- Thôi trở vào đi. Annet, kẻo cảm lạnh bây giờ - Công tước phu nhân nói để từ biệt Anna Pavlovna - nhất định cứ thế nhé!- nàng nói thêm khe khẽ.
   
Số là Anna Pavlovna đã kiếm được một lúc thuận tiện để nói với công tước phu nhân về việc hôn nhân dự định giữa Anatol và em chồng nàng.
   
- Tôi trông cậy vào chị đấy, - Anna Pavlovna cũng nói khẽ, chị sẽ viết thư cho cô ta và sẽ cho biết ông bố nhận định việc ấy như thế nào. Thôi tạm biệt nhé! - Nói xong, phu nhân quay mình đi vào nhà trong.
   
Ippolit xích lại gần công tước phu nhân nhỏ nhắn và ghé sát mặt nàng nói nhỏ mấy tiếng.
   
Hai người hành bộc, một của công tước phu nhân, một của Ippolit, đang đứng chờ hai người nói chuyện, người này cầm cái khăn choàng, người kia cầm chiếc áo khoác đuôi tôm. Nghe hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, họ chẳng hiểu gì. Công tước phu nhân, vẫn theo thói quen thường ngày, khi nói thì cười nụ, khi nghe thì cười thành tiếng.
   
- Không đến nhà ông Đại sứ, thật là một việc hay cho tôi quá, Ippolit- vì bên ấy tẻ lẳm… Buổi tiếp tân thú vị quá nhỉ, thật là thú vị.
   
Nghe nói cuộc khiêu vũ ở bên ấy sẽ rất vui, -  Công tước phu nhân đáp, cái môi trên có phủ lông măng hơi cong lên. Tất cả những người đẹp đều sẽ có mặt ở đấy cả.
   
- Không phải tất cả đâu! Vì không có phu nhân ở đấy: không thể nói tất cả được- Ippolit vừa nói vừa cười vui vẻ, đoạn giật mạnh cái khăn choàng trong tay người hành bộc khiến cho anh ta lảo đảo, rồi choàng lên vai công tước phu nhân. Hoặc vì vụng về, hoặc vì hữu ý (không ai có thể phân biệt cho rõ được), chàng ta đã đặt khăn choàng xong rồi mà cứ để tay mãi, không rút đi, trông như chàng ta đang ôm choàng lấy người thiếu phụ.
   
Nàng né mình một cách duyên dáng, nhưng vẫn mỉm cười và ngoảnh lại nhìn chồng. Mắt công tước Andrey bị nhắm lại, trông chàng có vẻ uể oải và buồn ngủ.
   
- Đã xong chưa? - Công tước hỏi, mắt nhìn qua vợ mình một lượt Công tước Ippolit lật đật mặc chiếc áo đuôi tôm may theo kiểu mới nhất, dài đến tận gót, và vướng víu chạy llen bậc thềm để đuổi theo phu nhân tròng khi người hành bộc đỡ phu nhân lên xe.
   
- Thôi xin chào công tước phu nhân - Ippolit chào rõ to, cái lưỡi cũng vướng víu chẳng kém gì đôi chân.
   
Công tước phu nhân vén áo ngồi vào chỗ trong bóng tối của cỗ xe. Chồng nàng đang xốc lại thanh gươm đeo cạnh sườn. Ippolit làm ra vẻ muốn giúp đỡ người khác lên xe, nhưng chàng ta chỉ làm cho mọi người thêm vướng. Công tước Andrey nói với Ippolit bằng tiếng Nga, giọng lạnh nhạt khó chịu, vì chàng đang lăng xăng làm cho công tước không lên được:
   
- Xin ông cho phép.
   
Rồi cũng tiếng nói của công tước Andrey nhưng nghe dịu dàng trìu mến:
   
- Piotr, mình chờ cậu đấy!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:46:15 pm
Người đánh xe giật cương cho ngựa đi, và chiếc xe bắt đầu lăn bánh ầm ầm trên mặt đường, Ippolit đứng trên bậc thềm, cười khúc khích, đang chờ tử tước để cùng lên xe, vì đã hứa sẽ đưa tử tước về đến tận nhà.
   
- Này, bạn ạ, công tước phu nhân bé nhỏ của bạn khá thật, khá thật đấy! - Tử tước nói, khi đã ổn định chỗ ngồi trong xe bên cạnh Ippolit. Mà khá thật! - Tử tước để ngoan tay lên môi hôn một cái rồi gửi đi - Mà lại Pháp đặc.
   
- Mà bạn có biết không, bạn thật đáo để với cái điệu mặt ngây thơ của bạn - Tử tước nói tiếp.- Tội nghiệp cho anh chồng, chỉ là một sĩ quan quèn mà cứ làm ra dáng ta đây là đức kim thượng.
     
Ippolit cười sặc sụa và nói qua tiếng cười:
     
- Thế mà ông lại cứ bảo đàn bà Nga không sánh kịp đàn bà Pháp. Vấn đề là phái biết cách chứ lại!
   
Piotr về đến nơi trước công tước Andrey và lấy tư cách là người quen thân trong nhà, chàng đi thẳng vào thư phòng của công tước, rồi theo thói quen, ngả mình trên đi-văng, tiện tay với lấy một quyển sách (đó là quyển "Viễn chinh ký" của Cezdar) rồi chống khuỷu giở xem lan man.
     
- Cậu làm ăn thế nào bên nhà bà Serer thế? Bà ta rồi cũng đến ốm mất thôi - Công tước Andrey vừa nói vừa bước vào, hai bàn tay nhỏ và trắng xoa xoa và nhau.
     
Piotr quay hẳn mình trở lại, làm cho chiếc đi-văng két lên một tiếng, gương mặt phấn chấn ngoảnh về phía công tước Andrey, mỉm cười, rồi khoát tay một cái.
     
- Kể ra, cái ông giáo sĩ ấy cũng hay hay, nhưng ông ta quan niệm vấn đề không đúng. Theo ý tôi, nền hoà bình vĩnh viễn là một điều có thể thực hiện được, nhưng… tôi không biết nói như thế nào… Dù sao thì cũng không phải là nhờ thế quân bình, chính trị…
     
Những đề tài nói chuyện trừu tượng ấy rõ ràng là không có hứng thú gì đối với công tước Andrey.
   
- Anh bạn ơi! Không thể bất cứ chỗ nào cũng nói thẳng ý nghĩ của mình ra. - Thế cậu đã nhất định chưa? Cậu sẽ là kỵ binh ngự lâm hay sẽ là ngoại giao? - Chàng hỏi sau một lát im lặng.
Piotr nhổm dậy ngồi xếp chân trên đi-văng.
   
- Anh xem, chính tôi cũng vẫn chưa biết nên thế nào. Chưa bên nào tôi thấy vừa ý cả.
   
- Nhưng thế nào thì cũng phải quyết định chứ! Ông cụ đang chờ đấy
     
Từ mười tuổi, Piotr đã đi học ở nước ngoài, có một giáo sĩ đi theo phụ đạo. Ở nước ngoài đến hai mươi tuổi thì trở về Moskva ông bố bãi hồi vị giáo sĩ và bảo chàng: "Bây giờ thì con hãy đi Peterburg, con hãy tự xem xét và lựa chọn lấy. Ý con như thế nào, thì cha cũng thuận tình. Đây là một bức thư viết cho công tước Vaxili và đây là tiền để con tiêu. Con hãy viết thư cho cha biết sự thể như thế nào, và cha sẽ giúp con mọi việc".

Cho đến nay đã được ba tháng rồi mà Piotr vẫn đang chọn nghề và chưa làm gì cả. Đó chính là sự lựa chọn mà công tước Andrey vừa nhắc đến. Piotr vò trán.
     
- Nhưng chắc thằng cha ấy là người hội Tam điểm (2)- Piotr nói, ý muốn nhắc đến ông giáo sĩ vừa gặp trong buổi tiếp tân.
   
- Toàn là những chuyện vớ vẩn! - Công tước Andrey lại ngắt lời Piotr một lần nữa - Tốt hơn là hẵng bàn đến công việc. Cậu đã đi xem kỵ binh cận vệ chưa?
   
- Chưa, tôi chưa đi, nhưng tôi có nghĩ một điều, và tôi cứ muốn hỏi anh. Chúng ta đang đánh nhau với Napoleon. Nếu đây là một cuộc Chiến tranh cho tự do, thì tôi đã hiểu được và đã xin nhập ngũ trước ai hết rồi. Đằng này lại giúp nước Anh và nước Áo chống lại một nhân vật vĩ đại nhất thế giới… đó là một việc không tốt.
     
Công tước Andrey chỉ nhún vai một cái trước những lời lẽ thơ ngây của Piotr như để tỏ ra rằng không thể nào trả lời những điều vớ vẩn như vậy, nhưng nói cho đúng thì cũng khó lòng mà giải đáp câu hỏi ngây thơ ấy bằng cách nào khác hơn là một cái nhún vai.
     
- Nếu ai cũng chỉ muốn tham gia chiến tranh theo lý tưởng của mình, thì sẽ không làm gì có chiến tranh nữa, - Công tước nói. - Như thế thì lại càng tuyệt, nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra.
   
- Thế tại sao anh tham gia chiến tranh? - Piotr hỏi.
   
- Tại sao à? Tôi cũng không biết. Phải thế thôi. Và lại cũng vì - Công tước ngừng lại một lát… - Tôi đi cũng vì cuộc sống của tôi ở đây chẳng hợp với tôi tí nào.

==========================================

Chú thích:

(1) Gia nhân chuyên hầu hạ trong nhà.

(2) Một hội có tính chất tôn giáo, còn gọi là hội "Thợ nề tự do".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:49:04 pm
Phần I
Chương - 6

Ở phòng bên có tiếng áo dài đàn bà sột soạt. Công tước Andrey giật mình như người đang mơ sực tỉnh, và gương mặt chàng lại có cái sắc thái như ban nãy, khi chàng ở trong phòng khách của Anna Pavlovna, Piotr bỏ chân xuống.  Công tước phu nhân bước vào. Nàng đã thay đổi trang phục. Bây giờ nàng chỉ mặc một chiếc áo dài thường mặc trong nhà, nhưng cũng trang nhã và tươi mát như chiếc áo hồi nãy. Công tước Andrey đứng lên, lễ phép đẩy ghế bành về phía nàng. Nàng vội vàng ngồi xuống ghế bành vẻ bận rộn, và vẫn dùng tiếng Pháp như mọi ngày, nàng nói:
   
- Tôi thường tự hỏi, tại sao Annet không lấy chồng? Đàn ông các anh không lấy chị ấy là dại. Xin lỗi các anh chứ thực ra các anh không hiểu tý gì về đàn bà hết. Còn cái cậu Piotr này nữa, cậu thì chỉ ham cãi lộn thôi.
   
- Thì tôi cũng vừa tranh luận với ông anh đấy. Tôi không hiểu tại sao ông anh cứ muốn ra trận, - Piotr nói với công tước phu nhân, không hề có vẻ ngượng nghịu thường thấy trong những mối quan hệ giao thiệp giữa một người đàn ông và một người đàn bà cùng trẻ tuổi như nhau.

Công tước phu nhân lộ vẻ bứt rứt. Hình như câu hỏi của Piotr đã chạm vào chỗ đau nhói của nàng. Nàng nói:
   
- Thì tôi cũng bảo thế. Tôi không hiểu, thực tôi không tài nào hiểu tại sao đàn ông không có chiến tranh thì không sống nổi? Tại sao đàn bà chúng tôi lại không muốn gì hết, không cần gì hết? Bây giờ có cậu ở đây, cậu làm trọng tài đi. Tôi vẫn cứ nói mãi với nhà tôi. Ở đây nhà tôi làm sĩ quan phụ tá của ông chú, tức là giữ một địa vị rạng rỡ nhất. Ai cũng biết, ai cũng tôn trọng nhà tôi. Hôm vừa rồi, ở nhà Apraksin tôi nghe một vị phu nhân hỏi: "Có phải công tước Andrey nổi tiếng đấy không?". Tôi nói thực đấy mà!
   
Nàng cười:
   
- Ở đâu nhà tôi cũng được hoanh nghênh. Nhà tôi có muốn làm sĩ quan phụ tá hoàng thượng thì cũng rất dễ thôi. Cậu cũng biết hoàng thượng đã mấy lần nói chuyện với nhà tôi rất ân cần. Tôi với Annet thấy rằng thu xếp việc đó có lẽ rất dễ. Cậu thấy thế nào?
   
Piotr nhìn công tước Andrey không đáp, vì nhận thấy câu chuyện này làm cho bạn khó chịu. Chàng hỏi:
   
- Bao giờ thì anh đi?
   
- Ôi chao! Cậu đừng có đem cái chuyện đi đứng ấy ra nói với tôi, tôi không muốn nghe đâu- công tước phu nhân nói, giọng nói bông đùa và nũng nịu như khi nàng với Ippolit trong phòng khách, và như vậy rõ ràng là không thích hợp với khung cảnh ở gia đình ở đây, vì Piotr có thể xem là người nhà - Hôm nay khi em phải từ bỏ tất cả những quan hệ thân thiết kia, với lại…, anh Andrey, anh có biết không? - Nàng liếc mắt đưa về phía chồng một cái đầy ý nghĩa, và rùng mình nói thì thào - Em sợ, em sợ lắm!

Chồng nàng nhìn nàng có vẻ ngạc nhiên như thế chợt nhận thấy ngoài mình và Piotr lại còn một người nào nữa đang ở trong phòng. Tuy vậy, chàng cũng vẫn hỏi vợ, giọng lãnh đạm và khách khí:
   
- Liza, mình sợ cái gì chứ? Anh chẳng hiểu sao cả.
   
- Đàn ông đều ích kỷ như thế cả. Ai cũng vậy, ai cũng ích kỷ hết. Chỉ vì sở thích riêng, anh ấy tự dưng bỏ tôi, giam tôi ở thôn quê một mình.
   
- Với cha anh và em gái anh nữa chứ, em đừng quên điều đó!- Công tước Andrey nói khẽ.
   
- Sống mà không có các bạn bè của tôi thì cũng chẳng khác gì sống một mình… ấy thế mà anh ấy còn muốn tôi đừng sợ.
   
Giọng nàng đã có vẻ giận dỗi, môi nàng nhếch lên, khiến cho gương mặt nàng kém vui và nom như một con thú rừng, một con sóc. Nàng im bặt, hình như nhận thấy không tiện nói đến việc mình đang có mang trước mặt Piotr, mặc dầu then chốt câu chuyện là ở chỗ ấy.
   
- Dù sao anh cũng không hiểu, em sợ cái gì mới được chứ? - công tước Andrey nói chậm rãi, mắt vẫn không rời khỏi vợ.
   
Công tước phu nhân đỏ mặt, khoát tay ra dáng tuyệt vọng:
   
- Anh Andrey, em phải nói rằng anh thay đổi quá nhiều, nhiều quá đi mất!
   
- Bác sĩ bảo mình phải đi ngủ sớm - Công tước Andrey nói - Mình nên đi ngủ đi.
     
Công tước phu nhân không nói gì, cái môi trên hơi ngắn và có lông tơ bỗng run lên. Công tước Andrey đứng dậy nhún vai, đi đi lại lại trong phòng.
   
Piotr nhìn qua cặp kính một cách ngỡ ngàng và ngây thơ, hết nhìn công tước lại nhìn phu nhân và nhổm người như muốn đứng dậy, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
   
- Có ông Piotr ở đây cũng chẳng hề gì. - Công tước phu nhân nói, và khuôn mặt xinh xắn của nàng đột nhiên cau lại như muốn khóc, - Đã lâu em muốn hỏi anh; anh Andrey ạ, tại sao đối với em anh thay đổi tính tình đến thế? Nào em có làm gì anh đâu? Anh đi tòng quân, anh chẳng thương hại gì em cả. Tại sao thế?
   
- Lise! - công tước Andrey chỉ nói thế, song trong lời nói này có đủ ý khẩn cầu, nhưng nhất là có ý tin tưởng rằng nàng sẽ hối tiếc vì những câu vừa nói, nhưng nàng đã vội vàng nói tiếp:
   
- Anh xem em như người ốm hay như đứa trẻ con. Em thấy hết. Nửa năm trước đây anh có thế đâu?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:49:49 pm
- Lise, tôi van mình, mình đừng nói nữa - công tước Andrey nói, giọng càng khuẩn khoản hơn. Trong lúc hai vợ chồng Andrey lời qua tiếng lại như thế, Piotr mỗi lúc một thêm xúc động. Chàng đứng dậy và đến cạnh công tước phu nhân. Hình như trông thấy nước mắt chàng không sao cầm lòng và bản thân chàng cũng sẵn sàng khóc theo.
     
- Xin phu nhân hãy bình tâm. Phu nhân tưởng như thế đấy thôi, bởi vì, tôi cam đoan với phu nhân rằng bản thân tôi cũng đã biết… vì sao…bởi vì. không, xin lỗi phu nhân, một người ngoài ở đây là thừa… Không, xin phu nhân hãy bình tâm, xin chào…
   
Công tước Andrey giữ lấy tay chàng, cản lại.
   
- Khoan đã, Piotr. Nhà tôi rất tốt nên không muốn làm tôi mất cái thú được ngồi cùng với cậu một buổi tối.
   
- Anh ấy chỉ nghĩ đến mình mà thôi- Công tước phu nhân lẩm bẩm, không sao cầm được những giọt nước mắt hờn giận.
   
- Lise!- công tước Andrey nói rất xẵng, giọng nói đã lên cao đến cái mức chứng tỏ chàng không thể nhịn được nữa.
Đột nhiên, vẻ giận dỗi của con sóc trên khuôn mặt xinh xắn của công tước phu nhân nhỏ nhắn nhường chỗ cho một vẻ sợ hãi đáng yêu, khiến người ta dễ mủi lòng, nàng liếc đôi mắt xinh đẹp nhìn chồng, trên gương mặt hiện ra cái vẻ rụt rè và như muốn thú tội của một con chó đang khẽ vẩy nhanh cái đuôi cụp xuống.
   
- Trời! Trời ơi! - phu nhân nói và lấy tay vuốt lại các nếp áo rồi bước đến cạnh chồng và hôn lên trán chồng.
   
- Thôi mình đi nghỉ nhé! - công tước nói trong khi đứng dậy hôn tay nàng một cách khách khí như hôn tay một người xa lạ.
     
Hai người bạn im lặng, chẳng ai mở miệng nói một câu, Piotr nhìn công tước Andrey. Công tước Andrey đưa bàn tay nhỏ nhắn lên vuốt trán.
   
- Đi ăn đi. - Chàng thở dài nói trong khi đứng dậy đi ra cửa sổ.
   
Hai người bước vào căn phòng sang trọng mới bày biện lại. Từ khăn ăn đến đồ dùng bằng bạc, đồ sứ và đồ thuỷ tinh, tất cả đều có cái vẻ mới tinh khôi đặc biệt của một cặp vợ chồng son. Giữa bữa ăn, công tước Andrey chống khuỷu tay lên bàn, và giống như một người lâu năm ấp ủ một điều gì trong lòng và bây giờ đột nhiên quyết thổ lộ ra, chàng bắt đầu nói với một vẻ khích động bứt rứt mà chưa bao giờ Piotr nhận thấy ở bạn.
   
- Cậu ạ, cậu đừng bao giờ lấy vợ, đừng bao giờ hết. Đó là lời tôi khuyên cậu đấy, cậu đừng lấy vợ, trước khi cậu có thể tự nhủ rằng cậu đã làm tất cả những điều có thể làm, và thôi không yêu người đàn bà cậu lựa chọn nữa, trước khi cậu đã hiểu cô ta đến nơi đến chốn, nếu không, cậu sẽ phạm một sai lầm đau đớn không có cách gì cứu vãn. Khi nào cậu đã thành một ông già, không dùng được vào việc gì nữa, thì hẵng lấy vợ. Nếu không, tất cả những cái gì tốt đẹp và cao quý của cậu cũng đều sẽ tiêu ma hết. Tất cả sẽ bị tiêu phí trong những chuyện vặt vãnh. Phải, đúng thế đấy! Cậu đừng có nhìn mình với vẻ mặt kinh ngạc như thế chứ? Nếu cậu còn ôm ấp một hoài bão gì cho tương lai thì lúc nào cậu cũng sẽ thấy rằng đời mình đến thế là hết, mọi con đường đều đóng lại, chỉ trừ cái phòng khách, ở đấy cậu sẽ đứng ngang hàng với một tên thị vệ trong cung đình và một thằng ngốc… lấy vợ làm gì mới được chứ!…
     
Công tước Andrey khoát mạnh tay.
     
Piotr bỏ kính xuống, khiến cho vẻ mặt chàng thay đổi hẳn và càng thêm hiền hậu. Chàng liếc nhìn bạn, vẻ kinh ngạc. Công tước Andrey nói tiếp:
   
- Nhà tôi là một người đàn bà rất tốt. Đó là một trong những người đàn bà hiếm có mà ngưởi ta có thể an tâm về vấn đề danh dự, nhưng, trời ơi, bây giờ nếu mình được làm người chưa vợ, thì bắt chịu gì mình cũng sẵn sàng! Cậu là người đầu tiên và là người duy nhất mà mình nói điều đó, bởi vì mình mến cậu.
   
Khi nói điều đó, công tước Andrey lại càng ít giống anh chàng Bolkonxki mới đây ngồi uể oải trên ghế bành nhà Anna Pavlovna nheo nheo đôi mắt nói tiếng Pháp qua hai hàm răng dính chặt. Các thớ thịt trên khuôn mặt lạnh lùng rung động vì bị kích thích, cặp mắt ở đấy ngọn lửa sống hình như đã tắt ngấm trước đây, nay lại lấp lánh một ánh sáng chói lọi, rực rỡ. Rõ ràng những lúc bình thường chàng càng tỏ ra không có sinh khí thì những giây phút bị kịch thích chàng lại cảm thấy càng có nghị lực. Chàng nói tiếp:
   
- Cậu không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Vì đây là câu chuyện của cả một đời người. Cậu nói đến Buônapáctê và sự nghiệp của ông ta. - Chàng nói, mặc dù Piotr không hề nói gì đến Buônapáctê - nhưng khi Buônapáctê làm việc thì ông ta lần lượt đi từng bước đến mục đích của mình.  Ông ta tự do, không thấy gì ngoài mục đích của mình, và ông ta đã đạt đến mục đích. Nhưng cậu cứ thử dính vào một người đàn bà mà xem, cậu sẽ chỉ là một thằng tù bị xích, cậu sẽ mất hết tự do. Thế rồi, tất cả những gì gọi là hy sinh và sinh lực của cậu, đều chỉ làm cho cậu khổ sở, đau xót, hối hận. Những phòng tiếp tân, những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những buổi khiêu vũ, thói hư vinh, cuộc sống rỗng tuếch, đó là cái vòng luẩn quẩn mà mình không thể thoát ra được. Nay mình ra trận, tham dự cuộc chiến tranh lớn nhất từ xưa đến nay, ấy thế mà mình không biết gì, không dùng được vào việc gì cả. - Tình tình rất hoà nhã và rất chua chát! - Công tước Andrey nói tiếp - và ở nhà Anna Pavlovna người ta nghe tôi. Còn cái giới xã giao ngu xuẩn kia, mà Nếu không có nó thì vợ mình không sống được, và tất cả những người đàn bà kia nữa… Giá cậu biết tất cả các bà thanh lịch kia và đàn bà nói chung là cái gì? Ông cụ mình nói đúng. Ích kỷ, chuộng hư vinh, ngu xuẩn và rỗng tuếch, đàn bà là thế đấy, khi họ lộ rõ chân tướng. Ngắm họ ở nơi giao tế cậu cứ tưởng đâu họ có một cái gì, nhưng thực ra họ không có gì hết, không có gì hết - Và công tước Andrey kết thúc - Chớ lấy vợ cậu ạ, chớ lấy.
   
- Tôi lấy làm buồn cười là, - Piotr nói, - anh mà lại tự cho mình là người vô dụng, cho rằng đời anh đã hỏng bét. Trước mắt anh có cả một tương lai vô hạn, một tương lai vô hạn. Thế mà anh…
   
Chàng không nói anh như thế nào nhưng giọng nói của chàng cũng chứng tỏ chàng đánh giá bạn rất cao và hy vọng rất nhiều vào tương lai của bạn.

Piotr nghĩ bụng: "Tại sao anh ấy có thể nói như thế được nhỉ?"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:50:45 pm
Piotr cho rằng công tước Andrey là một người mẫu mực, hoàn mỹ về mọi mặt, chính vì Andrey đã kết thúc ở một trình độ cao nhất tất cả những phẩm chất mà Piotr không có và có thể gọi một cách gần đúng nhất bằng danh từ "nghị lực". Piotr bao giờ cũng thán phục cái tài của công tước Andrey biết giữ bình tĩnh trong khi giao thiệp với mọi hạng người, cái trí nhớ phi thường, trình độ học vấn uyên bác của chàng (cái gì chàng cũng đọc, cái gì chàng cũng biết, về vấn đề gì chàng cũng có ý kiến riêng) và đặc biệt về năng lực làm việc và học hỏi của chàng. Nếu như Piotr thường ngạc nhiên về chỗ Andrey thiếu cái khả năng triết lý vẩn vơ (Piotr lại có thiên hướng đặc biệt là về mặt này), thì Piotr không thấy đó là một thiếu sót mà lại cho đó là chỗ mạnh.
   
Trong những quan hệ tốt nhất, thân mật nhất và giản dị nhất, nịnh hót hay tán dương cũng vẫn cần thiết, như chất mỡ cần thiết cho bánh xe chạy.
   
- Tôi là một người bỏ đi rồi! - Công tước Andrey nói - Nói đến tôi làm gì? Hẵng nói đến cậu! - Chàng nói sau một phút im lặng và mỉm cười với những ý nghĩ đang an ủi mình.

Ngay trong giây phút ấy, nụ cười của chàng cũng được phản chiếu lại trên gương mặt của Piotr.
   
- Nói đến tôi làm gì bây giờ? - Piotr nói nhoẻn rộng miệng ra trong một nụ cười vui vẻ vô tư - Tôi là cái thứ gì? Tôi là một đứa con hoang - và đột nhiên mặt chàng đỏ bừng. Có thể thấy rõ là chàng đã cố gắng nhiều mới nói được mấy chữ đó - Tên họ chẳng có, tài sản cũng không… và thực ra… Nhưng chàng cũng không nói thực ra như thế nào - Hiện nay tôi tự do và tôi thấy thế là tốt. Chỉ có một điều, tôi hoàn toàn không biết nên bắt đầu làm gì. Tôi muốn hỏi ý kiến anh một cách đứng đắn về việc đó.
Công tước Andrey nhìn chàng với cặp mắt hiền từ. Nhưng trong cái nhìn thân mật và dịu dàng ấy vẫn có thể thấy rõ chàng có ý thức rằng mình hơn hẳn bạn:
   
- Tôi quý cậu nhất vì trong giới thượng lưu của ta, cậu là người duy nhất còn sống. Cậu thật là sung sướng. Cậu muốn làm thì cứ làm; cái đó không có gì quan trọng. Cậu ở đâu cũng tốt, duy chỉ có một điều: cậu phải thôi không được đến nhà bọn Kuraghin và sống cái lối sống ấy nữa. Cái đó không thích hơp với cậu đâu! Tất cả những trò chè chén, những lối sinh hoạt kỵ binh ấy, tất cả…
   
- Biết làm sao hở anh? Piotr nhún vai nói - Đàn bà anh ạ, phải có đàn bà.
   
- Tôi không hiểu được - Công tước Andrey đáp - Đàn bà đứng đắn lại là việc khác; chứ cái thứ đàn bà ở nhà Kuraghin, cái thứ gái gẩm rượu chè ấy… thì tôi không hiểu được!
   
Piotr ở nhà công tước Vaxili Kuraghin và tham dự vào lối sinh hoạt phóng đãng của cậu con trai công tước là Anatol, người mà người ta định xếp đặt cho lấy em gái công tước Andrey để tu sửa tính nết.
   
- À, anh bạn ạ - Piotr nói như vừa chợt nảy ra một ý hay- quả thật tôi đã nghĩ đến điều đó từ lâu. Cứ sống cái lối ấy thì không thể quyết định được gì hết, cũng không suy nghĩ được gì hết. Đầu thì nhức, tiền không có. Anh ta có bảo tôi tối nay đến nhưng tôi không đến.
   
Cậu hãy lấy danh dự mà hứa với tôi rằng cậu sẽ không đến!
   
- Xin hứa…
   
Khi Piotr ra khỏi nhà bạn thì đã hơn một giờ khuya. Đêm ấy là một đêm trăng tháng sáu của trời Peterburg. Trong khi ngồi trên chiếc xe ngựa chở khách, Piotr đã có ý định về nhà. Nhưng càng gần về đến nhà chàng lại càng cảm thấy mình sẽ không sao ngủ được trong một đêm như thế này, nó giống như buổi chiều hay buổi sáng hơn là ban đêm. Tầm mắt có thể rõi suốt những đường phố vắng tanh. Dọc đường đi, Piotr sực nhở rằng tối nay cái bọn đánh bạc quen thuộc thế nào cũng tụ tập ở nhà Anatol Kuraghin, và cũng như mọi ngày, sau khi tàn canh bạc họ lại ngồi uống rượu say tuý luý rồi kết thúc bằng một trò giải trí mà Piotr vẫn thích. Chàng nghĩ bụng:
   
"Bây giờ mà về nhà Kuraghin thì thú lắm đấy!" Nhưng rồi chàng sực nhớ chàng đã hứa với công tước Andrey là sẽ không đến nhà Kuraghin.
   
Song lúc ấy, cũng như tất cả những người thường gọi là nhu nhược, chàng lại háo hức muốn hưởng một lần nữa cái cuộc sống phóng túng mà mình đã quen, bèn quyết định đến đấy. Và ngay lúc ấy chàng nẩy ra cái ý cho rằng một lời hứa chẳng có giá trị gì bởi vì trước khi hứa với công tước Andrey chàng cũng đã hứa với công tước Anatol là sẽ đến nhà cậu ta. Cuối cùng chàng cho rằng tất cả những lời hứa danh dự kia dều là những quy ước chẳng có ý nghĩa gì cho lắm, nhất là khi nghĩ rằng mai đây người ta có thể chết, hay là sẽ xảy ra một biến cố phi thường đến nỗi chẳng có cái chuyện có danh dự hay không nữa. Piotr thường có cái lối lập luận để thủ tiêu mọi quyết tâm và dự định của mình như thế. Chàng đến nhà Kuraghin.
   
Xe đỗ trước toàn nhà lớn của Anatol bên cạnh doanh trại kỵ binh cận vệ. Piotr bước lên mấy bậc thềm sáng rực ánh đèn, đi lên cầu thang rồi vào một cái cửa mở. Trong phòng áo không có ai.
   
Những cái chai không, những chiếc áo khoác những đôi giầy bọc vất bừa bãi; mùi rượu vang xông lên, có tiếng chuyện trò huyên náo và tiếng hò hét xa xa.
   
Canh bạc đã tàn và bữa ăn đã xong, nhưng khách khứa vẫn chưa ra về. Piotr cởi áo khoác và bước vào gian phòng thứ nhất. Ở đấy còn lại những thức ăn thừa của bữa tiệc vừa tàn, và một người đầy tớ tưởng không có ai thấy mình nên đang bốc trộm những cốc rượu chưa uống hết. Từ gian phòng thứ ba vẳng ra những tiếng cười, tiếng reo, giọng nghe quen thuộc, và tiếng gầm của một con gấu.
   
Tám, chín chàng thanh niên đang bận rộn xúm xít cạnh một cái cửa sổ mở toang. Ba người đang đùa với một con gấu con. Một người giữ dây xích dứ cho người kia sợ.
   
- Tớ cuộc Xtiven một trăm rúp đấy. - Một người nói oang oang.
   
- Chú ý, đừng có đỡ nó đấy nhé. - Một người khác quát.
   
- Tớ cuộc Dolokhov đấy(1)! Kuraghin! Cậu tách tay chúng tớ ra nào - một người thứ ba nói:
   
- Thôi để con Misa(2) đấy đã, đánh cuộc đây này.
   
- Một hơi đấy nhé, nếu không là thua cuộc đấy - một người thứ tư nói - Yakob! Đem chai rượu lại đây, Yakob! - Chủ nhà kêu lên.
Hắn là một người cao lớn, đẹp trai chỉ mặc một cái áo sơ mi mỏng phanh ngực, đứng ở giữa đám này:
   
- Các vị hãy đợi một lát, Petrusa, anh bạn thân mến của chúng ta đến đây rồi! - Hắn quay về phía Piotr nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:51:42 pm
Từ phía cửa sổ vang lên một giọng nói khác của một người đáng vóc tầm thước có cặp mắt sáng xanh biếc, một giọng nói tỉnh táo nghe rất lạ kỳ ở giữa những giọng say rượu này.
   
- Cậu lại đây mà tách tay chúng tớ.

Đó là Dolokhov, một võ quan của trung đoàn Xemenovxki nổi tiếng cờ bạc và hay gây sự đánh nhau. Ở cùng nhà với Anatol, Piotr mỉm cười, vui vẻ nhìn quanh và hỏi.
   
- Tôi chẳng hiểu gì cả. Có việc gì thế?
   
- Khoan đã! Nó chưa say! Đem chai rượu lại đây - Anatol nói và cầm một cái cốc ở trên bàn, chàng bước đến trước mặt Piotr.
   
- Trước hết, cậu phải uống đi đã.
   
Piotr bắt đầu uống hết cốc này đến cốc khác, liếc nhìn những người khách say lúc bấy giờ lại đang xúm xít quanh cửa sổ, và lắng nghe họ nói. Anatol rót rượu cho chàng và nói rằng Dolokhov đã đánh cuộc với một gã người Anh là Xtiven, một sĩ quan hải quân hiện có mặt ở đây, rằng hắn, Dolokhov, sẽ nốc cạn chai rượu "rhum" trong khi ngồi ở bờ cửa sổ tầng gác thứ ba, hai chân buông thõng ra ngoài. Anatol rót cốc cuối cùng cho Piotr và nói:
   
- Này cậu nốc hết đi, Nếu không tớ không buông tha đâu.
   
- Không, không uống nữa đâu. - Piotr đẩy Anatol ra và đến cạnh cửa sổ.
   
Dolokhov đang nắm tay người Anh và nhắc lại những điều khoản đánh cuộc, giọng rõ ràng, phát âm rành mạch, chú ý cốt nói cho Anatol và Piotr nghe.

Dolokhov vóc người tầm thước, tóc quăn, mắt xanh và sáng. Hắn trạc hai mươi lăm tuổi… Cũng như tất cả các võ quan bộ binh, hắn không để râu nên có thể trông rất rõ cái miệng là bộ phận đặc sắc nhất trên khuôn mặt. Đường nét của cái miệng uốn cong một cách thanh tú lạ lùng. Vành môi trên hằn góc ở phía giữa khép chặt xuống môi dưới, và ở hai bên mép luôn luôn có một cái gì như là hai nụ cười, và cả khuôn mặt, đãc biệt là nhờ cái nhìn cương nghị, ngạo mạn và thông minh, gây nên một ấn tượng làm người ta không thể nào không chú ý. Dolokhov là một người không có của cải, thần thế gì. Và mặc dầu Anatol tiêu hàng vạn rúp, Dolokhov cũng đã có đủ thì giờ cao uy tín của mình khiến cho Anatol và tất cả những người quen biết họ đều kính trọng hắn hơn Anatol. Dolokhov chơi bất cứ loại cờ bạc gì mà hầu như bao giờ cũng được bạc. Hắn có uống đến bao nhiêu rượu, đầu óc cũng không bao giờ mất sáng suốt. Anatol và Dolokhov bấy giờ là những nhân vật trứ danh trong cái thế giới du đãng và truỵ lạc ở Peterburg.
   
Chai rượu rhum đã đem đến. Hai người đầy tớ, hẳn là hoảng sợ vì những lời sai bảo và những tiếng hò hét của các ông chủ ở xung quanh, vội vàng phá cái khung cửa đi, vì nếu để nguyên thì không thể ngồi ở phía ngoài thành cửa sổ được.
   
Anatol dương đương tự đắc, đến cạnh cửa sổ. Hắn muốn đập phá một cái gì. Hắn ẩy bọn đầy tớ ra và nắm lấy khung cửa mà lôi, nhưng khung cửa không nhúc nhíc. Hắn đập vỡ một miếng kính:
   
- Này cậu lực sĩ, cậu thử tí xem! - Hắn nói với Piotr.

Piotr nắm lấy cái then cửa giật mạnh, thế là khung cửa bằng gỗ sồi gãy bật ra nghe đánh rắc một tiếng.
Dolokhov nói:
   
- Phá hết đi không người ta lại tưởng tớ bám vào đấy.
   
- Anh chàng người Anh kia nói khoác có phải không? - Anatol nói - Được chưa?
   
- Được rồi! - Piotr nói, mắt vẫn nhìn Dolokhov tay đang cầm một chai rhum liến đến gần cửa sổ. Qua cửa sổ người ta thấy trên nền trời ánh rạng đông và ánh hoàng hôn đang hoà lẫn vào nhau.

Dolokhov nhảy lên thành cửa sổ, tay cầm chai rhum. Hắn đứng trong khung cửa sổ, mặt quay vào phòng quát lên.
   
- Hãy nghe đây!

Mọi người im lặng.
   
- Tớ đánh cuộc (hắn nói tiếng Pháp để cho gã người Anh hiểu, tuy hắn nói thứ tiếng này cũng không sõi gì cho lắm). Tớ đánh cuộc năm mươi rúp vàng. Hay một trăm rúp nhé? Hăn nói thêm với gã người Anh.
   
- Không, năm chục thôi! - Gã người Anh nói.
   
- Được, tớ đánh cuộc năm mươi rúp vàng rằng tớ sẽ uống cạn hết chaỉ rhum, không cất chai ra khỏi miệng, trong khi vẫn ngồi trên cửa sổ, đúng ở chỗ này (hắn cúi xuống chỉ vào chỗ nhô nghiêng ra ngoài) mà không cần vịn vào cái gì hết… Được chứ?
   
- Tốt lắm - gã người Anh nói.

Anatol quay về phía gã người Anh, nắm lấy cúc áo lễ phục của hắn nhìn hắn từ trên xuống (gã người anh vóc người nhỏ bé) bắt đầu nhắc lại điều kiện đánh cuộc bằng tiếng Anh cho hắn nghe.
   
- Khoan đã - Dolokhov gõ chai vào cửa sổ để mọi người chú ý và nói - các cậu nghe đây. Nếu có người nào cũng làm được như vậy, tớ sẽ trả một trăm rúp vàng. Rõ chưa?

Gã người Anh gật đầu; chẳng ai hiểu hắn có ý định nhận lởi đánh cuộc mới này hay không. Anatol không buông tha gã người Anh. Mặc dầu hắn đã gật đầu để tỏ ra rằng mình hiểu hết, Anatol vẫn dịch lời của Dolokhov ra tiếng Anh cho hắn nghe. Một viên sĩ quan kỵ binh cận vệ trẻ tuổi gày gò, chiều tối hôm ấy vừa thua bạc, trèo lên cửa sổ thò đầu ra ngoài nhìn xuống lề đường lát đá và lẩm bẩm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:52:47 pm
- Chà! Chà!
   
- Yên! - Dolokhov quát, kéo viên sĩ quan ra; viên sĩ quan bị cái cựa giầy làm vướng chân, loạng choạng nhảy vào trong phòng. Sau khi đã đặt cái chai ở thành cửa sổ để lát nữa cầm lấy cho thõng ra ngoài, hai tay bám lấy thành cửa sổ, hắn ngồi thử, rồi buông hai tay, dịch sang phải rồi dịch sang trái, đoạn với lấy chai rượu.
   
Mặc dầu bấy giờ trời đã sáng rõ, Anatol cũng đem hai ngọn nến đến đặt lên thành cửa sổ. Lưng Dolokhov mặc áo sơ mi trắng và cái đầu tóc quăn của hắn được chiếu sáng từ cả hai phía. Mọi người đều xúm xít ở cửa sổ. Gã người Anh đứng trước Piotr mỉm cười không nói gì. Một người trong bọn, nhiều tuổi hơn cả, vẻ mặt sợ hãi và giận dữ đột nhiên xông ra muốn túm lấy áo sơ mi của Dolokhov.
   
- Các vị? Thật là dại dột! Anh ta sẽ ngã chết mất!

Anatol cản anh ta lại:
   
- Đừng đụng đến hắn! Mày sẽ làm hắn sợ ngã chết đấy. Hả? Bấy giờ thì sao? Hả?

Dolokhov quay người chống hai tay sửa lại tư thế ngồi cho chắc chắn.
   
- Thằng nào mà còn quấy rầy tao - hắn nói dõng dạc qua hàm răng nghiến chặt vào đội môi mỏng - thì tao quẳng nó xuống dưới này. Nào!
   
Sau khi nói "nào" hắn lại quay ra ngoài buông hai tay, nắm lấy chai rượu đưa lên miệng, đầu hất ngược ra phía sau cánh tay rảnh giơ cao lên để giữ thăng bằng. Một người đầy tớ đang lúi húi lượm mảnh kính vỡ bỗng dừng lại, người vẫn cúi lom khom, mắt nhìn đăm đăm vào khung cửa sổ và vào lưng Dolokhov. Anatol đứng ngây người, hai mắt thao láo. Gã người Anh chẩu môi ra, nhìn nghiêng sang. Người vừa cản trở Dolokhov bỏ chạy ra một góc phòng và nằm xuống đi-văng, mặt quay vào tường. Piotr lấy tay che mặt, và một nụ cười yếu ớl còn sót lại thấp thoáng trên gương mặt, bây giờ lộ ra vẻ lo sợ và khủng khiếp. Ai nấy đều im lặng.  Piotr bỏ bàn tay che mặt ra. Dolokhov vẫn ngồi y nguyên như cũ, chỉ có cái đầu ngả về phía sau đến nỗi những mớ tóc quăn ở gáy chạm vào cổ áo sơ mi và cánh tay cầm chai cứ giơ cao, giơ cao mãi trong khi vẫn run vì cố lên gây lấy sức. Cái chai cạn đi trông thấy và mỗi lúc một dốc lên, ẩy cái đầu ngả về phía sau. Piotr nghĩ bụng: "Sao mà lâu thế!". Chàng ngỡ chừng như hơn một nửa giờ đã qua. Đột nhiên, Dolokhov hơi ngả lưng về phía sau một cái, cánh tay hắn hơi run bắn lên. Chỉ run như vậy cũng đủ cho thân hình hắn đang ngồi trên bờ cửa số dốc thoai thoải phải tụt xuống. Trong lúc ấy cánh tay và cái đầu lại càng run mạnh hơn vì phải lấy sức nhiều. Một cánh tay giơ lên định bíu lấy khung cửa nhưng rồi lại bỏ xuống ngay. Piotr lại nhắm nghiền mắt lại và tự nhủ rằng sẽ không mở ra nữa. Bỗng chàng cảm thấy xung quanh náo động. Chàng mở mắt ra nhìn:

Dolokhovđang đứng trên thành cửa sổ, mặt tái nhợt nhưng vui vẻ:
   
- Hết rồi!
   
Chàng ném cái chai cho gã người Anh, gã này bắt gợn lấy.
     
Dolokhov nhảy từ cửa sổ xuống. Người hắn nồng nặc mùi rượu rhum.
   
- Tuyệt! Cừ lắm! Thế mới là đánh cuộc chứ. Quỉ sứ bắt các anh đi - Bốn phía có tiếng trầm trồ.
   
Gã người Anh rút ví ra đếm tiền. Dolokhov cau mày, im lặng Piotr tiến về phía cửa sổ và đột nhiên kêu lên:
 
- Này các vị. Có ai muốn đánh cuộc với tôi không? Tôi cũng làm được cho mà xem. Thôi chẳng cần đánh cuộc nữa. Hãy xem đây! Nào đem chai rượu lại đây. Tôi sẽ làm… bảo đem lại đây.
   
- Cứ để hắn làm, để hắn làm - Dolokhov mỉm cười nói.
   
- Ô kìa! Cậu điên rồi sao? Cậu làm gì thế? Ai cho cậu làm kia chứ. Đứng trên thang gác cậu đã chóng mặt rồi kia mà? - Mọi người nhao nhao nói.
   
- Tôi sẽ uống cạn, đem chai rượu rhum lại đây? - Piotr thét lên và đạp vào bàn với cái cử chỉ liều lĩnh của một người say rượu, đoạn trèo lên cửa sổ.

Người ta túm lấy tay anh chàng như chàng khoẻ quá nên cứ gạt bắn tất cả những người đến gần. Anatol nói:
   
- Không được! Làm cái lối ấy thì hắn chẳng nghe đâu. Khoan, để tôi lừa hắn cho. Này cậu, tớ sẽ đánh cuộc với cậu nhưng đến mai kia, còn bây giờ thì chúng ta đến nhà con… đi?
   
- Đi nào! - Piotr kêu lên- Đi nào! Mang theo cả con Misa nữa.

Rồi chàng ôm lấy con gấu, bế xốc nó lên và bắt đầu quay tít trong phòng.

=================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, khi đánh cuộc hai người nắm tay nhau người thứ ba làm chứng tách tay hai người ra.

(2) Tên thường dùng để gọi con gấu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:30:03 pm
Phần I
Chương - 6

Ở phòng bên có tiếng áo dài đàn bà sột soạt. Công tước Andrey giật mình như người đang mơ sực tỉnh, và gương mặt chàng lại có cái sắc thái như ban nãy, khi chàng ở trong phòng khách của Anna Pavlovna, Piotr bỏ chân xuống.  Công tước phu nhân bước vào. Nàng đã thay đổi trang phục. Bây giờ nàng chỉ mặc một chiếc áo dài thường mặc trong nhà, nhưng cũng trang nhã và tươi mát như chiếc áo hồi nãy. Công tước Andrey đứng lên, lễ phép đẩy ghế bành về phía nàng. Nàng vội vàng ngồi xuống ghế bành vẻ bận rộn, và vẫn dùng tiếng Pháp như mọi ngày, nàng nói:
   
- Tôi thường tự hỏi, tại sao Annet không lấy chồng? Đàn ông các anh không lấy chị ấy là dại. Xin lỗi các anh chứ thực ra các anh không hiểu tý gì về đàn bà hết. Còn cái cậu Piotr này nữa, cậu thì chỉ ham cãi lộn thôi.
   
- Thì tôi cũng vừa tranh luận với ông anh đấy. Tôi không hiểu tại sao ông anh cứ muốn ra trận, - Piotr nói với công tước phu nhân, không hề có vẻ ngượng nghịu thường thấy trong những mối quan hệ giao thiệp giữa một người đàn ông và một người đàn bà cùng trẻ tuổi như nhau.
Công tước phu nhân lộ vẻ bứt rứt. Hình như câu hỏi của Piotr đã chạm vào chỗ đau nhói của nàng. Nàng nói:
   
- Thì tôi cũng bảo thế. Tôi không hiểu, thực tôi không tài nào hiểu tại sao đàn ông không có chiến tranh thì không sống nổi? Tại sao đàn bà chúng tôi lại không muốn gì hết, không cần gì hết? Bây giờ có cậu ở đây, cậu làm trọng tài đi. Tôi vẫn cứ nói mãi với nhà tôi. Ở đây nhà tôi làm sĩ quan phụ tá của ông chú, tức là giữ một địa vị rạng rỡ nhất. Ai cũng biết, ai cũng tôn trọng nhà tôi. Hôm vừa rồi, ở nhà Apraksin tôi nghe một vị phu nhân hỏi: "Có phải công tước Andrey nổi tiếng đấy không?". Tôi nói thực đấy mà!
   
Nàng cười:
   
- Ở đâu nhà tôi cũng được hoanh nghênh. Nhà tôi có muốn làm sĩ quan phụ tá hoàng thượng thì cũng rất dễ thôi. Cậu cũng biết hoàng thượng đã mấy lần nói chuyện với nhà tôi rất ân cần. Tôi với Annet thấy rằng thu xếp việc đó có lẽ rất dễ. Cậu thấy thế nào?
   
Piotr nhìn công tước Andrey không đáp, vì nhận thấy câu chuyện này làm cho bạn khó chịu. Chàng hỏi:
   
- Bao giờ thì anh đi?
   
- Ôi chao! Cậu đừng có đem cái chuyện đi đứng ấy ra nói với tôi, tôi không muốn nghe đâu- công tước phu nhân nói, giọng nói bông đùa và nũng nịu như khi nàng với Ippolit trong phòng khách, và như vậy rõ ràng là không thích hợp với khung cảnh ở gia đình ở đây, vì Piotr có thể xem là người nhà - Hôm nay khi em phải từ bỏ tất cả những quan hệ thân thiết kia, với lại…, anh Andrey, anh có biết không? - Nàng liếc mắt đưa về phía chồng một cái đầy ý nghĩa, và rùng mình nói thì thào - Em sợ, em sợ lắm!

Chồng nàng nhìn nàng có vẻ ngạc nhiên như thế chợt nhận thấy ngoài mình và Piotr lại còn một người nào nữa đang ở trong phòng. Tuy vậy, chàng cũng vẫn hỏi vợ, giọng lãnh đạm và khách khí:
   
- Liza, mình sợ cái gì chứ? Anh chẳng hiểu sao cả.
   
- Đàn ông đều ích kỷ như thế cả. Ai cũng vậy, ai cũng ích kỷ hết. Chỉ vì sở thích riêng, anh ấy tự dưng bỏ tôi, giam tôi ở thôn quê một mình.
   
- Với cha anh và em gái anh nữa chứ, em đừng quên điều đó!- Công tước Andrey nói khẽ.
   
- Sống mà không có các bạn bè của tôi thì cũng chẳng khác gì sống một mình… ấy thế mà anh ấy còn muốn tôi đừng sợ.
   
Giọng nàng đã có vẻ giận dỗi, môi nàng nhếch lên, khiến cho gương mặt nàng kém vui và nom như một con thú rừng, một con sóc. Nàng im bặt, hình như nhận thấy không tiện nói đến việc mình đang có mang trước mặt Piotr, mặc dầu then chốt câu chuyện là ở chỗ ấy.
   
- Dù sao anh cũng không hiểu, em sợ cái gì mới được chứ? - công tước Andrey nói chậm rãi, mắt vẫn không rời khỏi vợ.
   
Công tước phu nhân đỏ mặt, khoát tay ra dáng tuyệt vọng:
   
- Anh Andrey, em phải nói rằng anh thay đổi quá nhiều, nhiều quá đi mất!
   
- Bác sĩ bảo mình phải đi ngủ sớm - Công tước Andrey nói - Mình nên đi ngủ đi.
     
Công tước phu nhân không nói gì, cái môi trên hơi ngắn và có lông tơ bỗng run lên. Công tước Andrey đứng dậy nhún vai, đi đi lại lại trong phòng.
   
Piotr nhìn qua cặp kính một cách ngỡ ngàng và ngây thơ, hết nhìn công tước lại nhìn phu nhân và nhổm người như muốn đứng dậy, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
   
- Có ông Piotr ở đây cũng chẳng hề gì. - Công tước phu nhân nói, và khuôn mặt xinh xắn của nàng đột nhiên cau lại như muốn khóc, - Đã lâu em muốn hỏi anh; anh Andrey ạ, tại sao đối với em anh thay đổi tính tình đến thế? Nào em có làm gì anh đâu? Anh đi tòng quân, anh chẳng thương hại gì em cả. Tại sao thế?
   
- Lise! - công tước Andrey chỉ nói thế, song trong lời nói này có đủ ý khẩn cầu, nhưng nhất là có ý tin tưởng rằng nàng sẽ hối tiếc vì những câu vừa nói, nhưng nàng đã vội vàng nói tiếp:
   
- Anh xem em như người ốm hay như đứa trẻ con. Em thấy hết. Nửa năm trước đây anh có thế đâu?
   
- Lise, tôi van mình, mình đừng nói nữa - công tước Andrey nói, giọng càng khuẩn khoản hơn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:31:33 pm
Trong lúc hai vợ chồng Andrey lời qua tiếng lại như thế, Piotr mỗi lúc một thêm xúc động. Chàng đứng dậy và đến cạnh công tước phu nhân. Hình như trông thấy nước mắt chàng không sao cầm lòng và bản thân chàng cũng sẵn sàng khóc theo.
     
- Xin phu nhân hãy bình tâm. Phu nhân tưởng như thế đấy thôi, bởi vì, tôi cam đoan với phu nhân rằng bản thân tôi cũng đã biết… vì sao…bởi vì. không, xin lỗi phu nhân, một người ngoài ở đây là thừa… Không, xin phu nhân hãy bình tâm, xin chào…
   
Công tước Andrey giữ lấy tay chàng, cản lại.
   
- Khoan đã, Piotr. Nhà tôi rất tốt nên không muốn làm tôi mất cái thú được ngồi cùng với cậu một buổi tối.
   
- Anh ấy chỉ nghĩ đến mình mà thôi- Công tước phu nhân lẩm bẩm, không sao cầm được những giọt nước mắt hờn giận.
   
- Lise!- công tước Andrey nói rất xẵng, giọng nói đã lên cao đến cái mức chứng tỏ chàng không thể nhịn được nữa.

Đột nhiên, vẻ giận dỗi của con sóc trên khuôn mặt xinh xắn của công tước phu nhân nhỏ nhắn nhường chỗ cho một vẻ sợ hãi đáng yêu, khiến người ta dễ mủi lòng, nàng liếc đôi mắt xinh đẹp nhìn chồng, trên gương mặt hiện ra cái vẻ rụt rè và như muốn thú tội của một con chó đang khẽ vẩy nhanh cái đuôi cụp xuống.
   
- Trời! Trời ơi! - phu nhân nói và lấy tay vuốt lại các nếp áo rồi bước đến cạnh chồng và hôn lên trán chồng.
   
- Thôi mình đi nghỉ nhé! - công tước nói trong khi đứng dậy hôn tay nàng một cách khách khí như hôn tay một người xa lạ.
     
Hai người bạn im lặng, chẳng ai mở miệng nói một câu, Piotr nhìn công tước Andrey. Công tước Andrey đưa bàn tay nhỏ nhắn lên vuốt trán.
   
- Đi ăn đi. - Chàng thở dài nói trong khi đứng dậy đi ra cửa sổ.
   
Hai người bước vào căn phòng sang trọng mới bày biện lại. Từ khăn ăn đến đồ dùng bằng bạc, đồ sứ và đồ thuỷ tinh, tất cả đều có cái vẻ mới tinh khôi đặc biệt của một cặp vợ chồng son. Giữa bữa ăn, công tước Andrey chống khuỷu tay lên bàn, và giống như một người lâu năm ấp ủ một điều gì trong lòng và bây giờ đột nhiên quyết thổ lộ ra, chàng bắt đầu nói với một vẻ khích động bứt rứt mà chưa bao giờ Piotr nhận thấy ở bạn.
   
- Cậu ạ, cậu đừng bao giờ lấy vợ, đừng bao giờ hết. Đó là lời tôi khuyên cậu đấy, cậu đừng lấy vợ, trước khi cậu có thể tự nhủ rằng cậu đã làm tất cả những điều có thể làm, và thôi không yêu người đàn bà cậu lựa chọn nữa, trước khi cậu đã hiểu cô ta đến nơi đến chốn, nếu không, cậu sẽ phạm một sai lầm đau đớn không có cách gì cứu vãn. Khi nào cậu đã thành một ông già, không dùng được vào việc gì nữa, thì hẵng lấy vợ. Nếu không, tất cả những cái gì tốt đẹp và cao quý của cậu cũng đều sẽ tiêu ma hết. Tất cả sẽ bị tiêu phí trong những chuyện vặt vãnh. Phải, đúng thế đấy! Cậu đừng có nhìn mình với vẻ mặt kinh ngạc như thế chứ? Nếu cậu còn ôm ấp một hoài bão gì cho tương lai thì lúc nào cậu cũng sẽ thấy rằng đời mình đến thế là hết, mọi con đường đều đóng lại, chỉ trừ cái phòng khách, ở đấy cậu sẽ đứng ngang hàng với một tên thị vệ trong cung đình và một thằng ngốc… lấy vợ làm gì mới được chứ!…
     
Công tước Andrey khoát mạnh tay.
     
Piotr bỏ kính xuống, khiến cho vẻ mặt chàng thay đổi hẳn và càng thêm hiền hậu. Chàng liếc nhìn bạn, vẻ kinh ngạc. Công tước Andrey nói tiếp:
   
- Nhà tôi là một người đàn bà rất tốt. Đó là một trong những người đàn bà hiếm có mà ngưởi ta có thể an tâm về vấn đề danh dự, nhưng, trời ơi, bây giờ nếu mình được làm người chưa vợ, thì bắt chịu gì mình cũng sẵn sàng! Cậu là người đầu tiên và là người duy nhất mà mình nói điều đó, bởi vì mình mến cậu.
   
Khi nói điều đó, công tước Andrey lại càng ít giống anh chàng Bolkonxki mới đây ngồi uể oải trên ghế bành nhà Anna Pavlovna nheo nheo đôi mắt nói tiếng Pháp qua hai hàm răng dính chặt. Các thớ thịt trên khuôn mặt lạnh lùng rung động vì bị kích thích, cặp mắt ở đấy ngọn lửa sống hình như đã tắt ngấm trước đây, nay lại lấp lánh một ánh sáng chói lọi, rực rỡ. Rõ ràng những lúc bình thường chàng càng tỏ ra không có sinh khí thì những giây phút bị kịch thích chàng lại cảm thấy càng có nghị lực. Chàng nói tiếp:
   
- Cậu không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Vì đây là câu chuyện của cả một đời người. Cậu nói đến Buônapáctê và sự nghiệp của ông ta. - Chàng nói, mặc dù Piotr không hề nói gì đến Buônapáctê - nhưng khi Buônapáctê làm việc thì ông ta lần lượt đi từng bước đến mục đích của mình.  Ông ta tự do, không thấy gì ngoài mục đích của mình, và ông ta đã đạt đến mục đích. Nhưng cậu cứ thử dính vào một người đàn bà mà xem, cậu sẽ chỉ là một thằng tù bị xích, cậu sẽ mất hết tự do. Thế rồi, tất cả những gì gọi là hy sinh và sinh lực của cậu, đều chỉ làm cho cậu khổ sở, đau xót, hối hận. Những phòng tiếp tân, những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những buổi khiêu vũ, thói hư vinh, cuộc sống rỗng tuếch, đó là cái vòng luẩn quẩn mà mình không thể thoát ra được. Nay mình ra trận, tham dự cuộc chiến tranh lớn nhất từ xưa đến nay, ấy thế mà mình không biết gì, không dùng được vào việc gì cả. - Tình tình rất hoà nhã và rất chua chát! - Công tước Andrey nói tiếp - và ở nhà Anna Pavlovna người ta nghe tôi. Còn cái giới xã giao ngu xuẩn kia, mà Nếu không có nó thì vợ mình không sống được, và tất cả những người đàn bà kia nữa… Giá cậu biết tất cả các bà thanh lịch kia và đàn bà nói chung là cái gì? Ông cụ mình nói đúng. Ích kỷ, chuộng hư vinh, ngu xuẩn và rỗng tuếch, đàn bà là thế đấy, khi họ lộ rõ chân tướng. Ngắm họ ở nơi giao tế cậu cứ tưởng đâu họ có một cái gì, nhưng thực ra họ không có gì hết, không có gì hết - Và công tước Andrey kết thúc - Chớ lấy vợ cậu ạ, chớ lấy.
   
- Tôi lấy làm buồn cười là, - Piotr nói, - anh mà lại tự cho mình là người vô dụng, cho rằng đời anh đã hỏng bét. Trước mắt anh có cả một tương lai vô hạn, một tương lai vô hạn. Thế mà anh…
   
Chàng không nói anh như thế nào nhưng giọng nói của chàng cũng chứng tỏ chàng đánh giá bạn rất cao và hy vọng rất nhiều vào tương lai của bạn.

Piotr nghĩ bụng: "Tại sao anh ấy có thể nói như thế được nhỉ?"
   
Piotr cho rằng công tước Andrey là một người mẫu mực, hoàn mỹ về mọi mặt, chính vì Andrey đã kết thúc ở một trình độ cao nhất tất cả những phẩm chất mà Piotr không có và có thể gọi một cách gần đúng nhất bằng danh từ "nghị lực". Piotr bao giờ cũng thán phục cái tài của công tước Andrey biết giữ bình tĩnh trong khi giao thiệp với mọi hạng người, cái trí nhớ phi thường, trình độ học vấn uyên bác của chàng (cái gì chàng cũng đọc, cái gì chàng cũng biết, về vấn đề gì chàng cũng có ý kiến riêng) và đặc biệt về năng lực làm việc và học hỏi của chàng. Nếu như Piotr thường ngạc nhiên về chỗ Andrey thiếu cái khả năng triết lý vẩn vơ (Piotr lại có thiên hướng đặc biệt là về mặt này), thì Piotr không thấy đó là một thiếu sót mà lại cho đó là chỗ mạnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:32:32 pm
Trong những quan hệ tốt nhất, thân mật nhất và giản dị nhất, nịnh hót hay tán dương cũng vẫn cần thiết, như chất mỡ cần thiết cho bánh xe chạy.
   
- Tôi là một người bỏ đi rồi! - Công tước Andrey nói - Nói đến tôi làm gì? Hẵng nói đến cậu! - Chàng nói sau một phút im lặng và mỉm cười với những ý nghĩ đang an ủi mình.
Ngay trong giây phút ấy, nụ cười của chàng cũng được phản chiếu lại trên gương mặt của Piotr.
   
- Nói đến tôi làm gì bây giờ? - Piotr nói nhoẻn rộng miệng ra trong một nụ cười vui vẻ vô tư - Tôi là cái thứ gì? Tôi là một đứa con hoang - và đột nhiên mặt chàng đỏ bừng. Có thể thấy rõ là chàng đã cố gắng nhiều mới nói được mấy chữ đó - Tên họ chẳng có, tài sản cũng không… và thực ra… Nhưng chàng cũng không nói thực ra như thế nào - Hiện nay tôi tự do và tôi thấy thế là tốt. Chỉ có một điều, tôi hoàn toàn không biết nên bắt đầu làm gì. Tôi muốn hỏi ý kiến anh một cách đứng đắn về việc đó.

Công tước Andrey nhìn chàng với cặp mắt hiền từ. Nhưng trong cái nhìn thân mật và dịu dàng ấy vẫn có thể thấy rõ chàng có ý thức rằng mình hơn hẳn bạn:
   
- Tôi quý cậu nhất vì trong giới thượng lưu của ta, cậu là người duy nhất còn sống. Cậu thật là sung sướng. Cậu muốn làm thì cứ làm; cái đó không có gì quan trọng. Cậu ở đâu cũng tốt, duy chỉ có một điều: cậu phải thôi không được đến nhà bọn Kuraghin và sống cái lối sống ấy nữa. Cái đó không thích hơp với cậu đâu! Tất cả những trò chè chén, những lối sinh hoạt kỵ binh ấy, tất cả…
   
- Biết làm sao hở anh? Piotr nhún vai nói - Đàn bà anh ạ, phải có đàn bà.
   
- Tôi không hiểu được - Công tước Andrey đáp - Đàn bà đứng đắn lại là việc khác; chứ cái thứ đàn bà ở nhà Kuraghin, cái thứ gái gẩm rượu chè ấy… thì tôi không hiểu được!
   
Piotr ở nhà công tước Vaxili Kuraghin và tham dự vào lối sinh hoạt phóng đãng của cậu con trai công tước là Anatol, người mà người ta định xếp đặt cho lấy em gái công tước Andrey để tu sửa tính nết.
   
- À, anh bạn ạ - Piotr nói như vừa chợt nảy ra một ý hay- quả thật tôi đã nghĩ đến điều đó từ lâu. Cứ sống cái lối ấy thì không thể quyết định được gì hết, cũng không suy nghĩ được gì hết. Đầu thì nhức, tiền không có. Anh ta có bảo tôi tối nay đến nhưng tôi không đến.
   
Cậu hãy lấy danh dự mà hứa với tôi rằng cậu sẽ không đến!
   
- Xin hứa…
   
hi Piotr ra khỏi nhà bạn thì đã hơn một giờ khuya. Đêm ấy là một đêm trăng tháng sáu của trời Peterburg. Trong khi ngồi trên chiếc xe ngựa chở khách, Piotr đã có ý định về nhà. Nhưng càng gần về đến nhà chàng lại càng cảm thấy mình sẽ không sao ngủ được trong một đêm như thế này, nó giống như buổi chiều hay buổi sáng hơn là ban đêm. Tầm mắt có thể rõi suốt những đường phố vắng tanh. Dọc đường đi, Piotr sực nhở rằng tối nay cái bọn đánh bạc quen thuộc thế nào cũng tụ tập ở nhà Anatol Kuraghin, và cũng như mọi ngày, sau khi tàn canh bạc họ lại ngồi uống rượu say tuý luý rồi kết thúc bằng một trò giải trí mà Piotr vẫn thích. Chàng nghĩ bụng:
   
"Bây giờ mà về nhà Kuraghin thì thú lắm đấy!" Nhưng rồi chàng sực nhớ chàng đã hứa với công tước Andrey là sẽ không đến nhà Kuraghin.
   
Song lúc ấy, cũng như tất cả những người thường gọi là nhu nhược, chàng lại háo hức muốn hưởng một lần nữa cái cuộc sống phóng túng mà mình đã quen, bèn quyết định đến đấy. Và ngay lúc ấy chàng nẩy ra cái ý cho rằng một lời hứa chẳng có giá trị gì bởi vì trước khi hứa với công tước Andrey chàng cũng đã hứa với công tước Anatol là sẽ đến nhà cậu ta. Cuối cùng chàng cho rằng tất cả những lời hứa danh dự kia dều là những quy ước chẳng có ý nghĩa gì cho lắm, nhất là khi nghĩ rằng mai đây người ta có thể chết, hay là sẽ xảy ra một biến cố phi thường đến nỗi chẳng có cái chuyện có danh dự hay không nữa. Piotr thường có cái lối lập luận để thủ tiêu mọi quyết tâm và dự định của mình như thế. Chàng đến nhà Kuraghin.
   
Xe đỗ trước toàn nhà lớn của Anatol bên cạnh doanh trại kỵ binh cận vệ. Piotr bước lên mấy bậc thềm sáng rực ánh đèn, đi lên cầu thang rồi vào một cái cửa mở. Trong phòng áo không có ai.
   
Những cái chai không, những chiếc áo khoác những đôi giầy bọc vất bừa bãi; mùi rượu vang xông lên, có tiếng chuyện trò huyên náo và tiếng hò hét xa xa.
   
Canh bạc đã tàn và bữa ăn đã xong, nhưng khách khứa vẫn chưa ra về. Piotr cởi áo khoác và bước vào gian phòng thứ nhất. Ở đấy còn lại những thức ăn thừa của bữa tiệc vừa tàn, và một người đầy tớ tưởng không có ai thấy mình nên đang bốc trộm những cốc rượu chưa uống hết. Từ gian phòng thứ ba vẳng ra những tiếng cười, tiếng reo, giọng nghe quen thuộc, và tiếng gầm của một con gấu.
   
Tám, chín chàng thanh niên đang bận rộn xúm xít cạnh một cái cửa sổ mở toang. Ba người đang đùa với một con gấu con. Một người giữ dây xích dứ cho người kia sợ.
   
- Tớ cuộc Xtiven một trăm rúp đấy. - Một người nói oang oang.
   
- Chú ý, đừng có đỡ nó đấy nhé. - Một người khác quát.
   
- Tớ cuộc Dolokhov đấy(1)! Kuraghin! Cậu tách tay chúng tớ ra nào - một người thứ ba nói:
   
- Thôi để con Misa(2) đấy đã, đánh cuộc đây này.
   
- Một hơi đấy nhé, nếu không là thua cuộc đấy - một người thứ tư nói - Yakob! Đem chai rượu lại đây, Yakob! - Chủ nhà kêu lên.

Hắn là một người cao lớn, đẹp trai chỉ mặc một cái áo sơ mi mỏng phanh ngực, đứng ở giữa đám này:
   
- Các vị hãy đợi một lát, Petrusa, anh bạn thân mến của chúng ta đến đây rồi! - Hắn quay về phía Piotr nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:34:32 pm
Từ phía cửa sổ vang lên một giọng nói khác của một người đáng vóc tầm thước có cặp mắt sáng xanh biếc, một giọng nói tỉnh táo nghe rất lạ kỳ ở giữa những giọng say rượu này.
   
- Cậu lại đây mà tách tay chúng tớ.

Đó là Dolokhov, một võ quan của trung đoàn Xemenovxki nổi tiếng cờ bạc và hay gây sự đánh nhau. Ở cùng nhà với Anatol, Piotr mỉm cười, vui vẻ nhìn quanh và hỏi.
   
- Tôi chẳng hiểu gì cả. Có việc gì thế?
   
- Khoan đã! Nó chưa say! Đem chai rượu lại đây - Anatol nói và cầm một cái cốc ở trên bàn, chàng bước đến trước mặt Piotr.
   
- Trước hết, cậu phải uống đi đã.
   
Piotr bắt đầu uống hết cốc này đến cốc khác, liếc nhìn những người khách say lúc bấy giờ lại đang xúm xít quanh cửa sổ, và lắng nghe họ nói. Anatol rót rượu cho chàng và nói rằng Dolokhov đã đánh cuộc với một gã người Anh là Xtiven, một sĩ quan hải quân hiện có mặt ở đây, rằng hắn, Dolokhov, sẽ nốc cạn chai rượu "rhum" trong khi ngồi ở bờ cửa sổ tầng gác thứ ba, hai chân buông thõng ra ngoài. Anatol rót cốc cuối cùng cho Piotr và nói:
   
- Này cậu nốc hết đi, Nếu không tớ không buông tha đâu.
   
- Không, không uống nữa đâu. - Piotr đẩy Anatol ra và đến cạnh cửa sổ.
   
Dolokhov đang nắm tay người Anh và nhắc lại những điều khoản đánh cuộc, giọng rõ ràng, phát âm rành mạch, chú ý cốt nói cho Anatol và Piotr nghe.

Dolokhov vóc người tầm thước, tóc quăn, mắt xanh và sáng. Hắn trạc hai mươi lăm tuổi… Cũng như tất cả các võ quan bộ binh, hắn không để râu nên có thể trông rất rõ cái miệng là bộ phận đặc sắc nhất trên khuôn mặt. Đường nét của cái miệng uốn cong một cách thanh tú lạ lùng. Vành môi trên hằn góc ở phía giữa khép chặt xuống môi dưới, và ở hai bên mép luôn luôn có một cái gì như là hai nụ cười, và cả khuôn mặt, đãc biệt là nhờ cái nhìn cương nghị, ngạo mạn và thông minh, gây nên một ấn tượng làm người ta không thể nào không chú ý. Dolokhov là một người không có của cải, thần thế gì. Và mặc dầu Anatol tiêu hàng vạn rúp, Dolokhov cũng đã có đủ thì giờ cao uy tín của mình khiến cho Anatol và tất cả những người quen biết họ đều kính trọng hắn hơn Anatol. Dolokhov chơi bất cứ loại cờ bạc gì mà hầu như bao giờ cũng được bạc. Hắn có uống đến bao nhiêu rượu, đầu óc cũng không bao giờ mất sáng suốt. Anatol và Dolokhov bấy giờ là những nhân vật trứ danh trong cái thế giới du đãng và truỵ lạc ở Peterburg.
   
Chai rượu rhum đã đem đến. Hai người đầy tớ, hẳn là hoảng sợ vì những lời sai bảo và những tiếng hò hét của các ông chủ ở xung quanh, vội vàng phá cái khung cửa đi, vì nếu để nguyên thì không thể ngồi ở phía ngoài thành cửa sổ được.
   
Anatol dương đương tự đắc, đến cạnh cửa sổ. Hắn muốn đập phá một cái gì. Hắn ẩy bọn đầy tớ ra và nắm lấy khung cửa mà lôi, nhưng khung cửa không nhúc nhíc. Hắn đập vỡ một miếng kính:
   
- Này cậu lực sĩ, cậu thử tí xem! - Hắn nói với Piotr.

Piotr nắm lấy cái then cửa giật mạnh, thế là khung cửa bằng gỗ sồi gãy bật ra nghe đánh rắc một tiếng. Dolokhov nói:
   
- Phá hết đi không người ta lại tưởng tớ bám vào đấy.
   
- Anh chàng người Anh kia nói khoác có phải không? - Anatol nói - Được chưa?
   
- Được rồi! - Piotr nói, mắt vẫn nhìn Dolokhov tay đang cầm một chai rhum liến đến gần cửa sổ. Qua cửa sổ người ta thấy trên nền trời ánh rạng đông và ánh hoàng hôn đang hoà lẫn vào nhau.

Dolokhov nhảy lên thành cửa sổ, tay cầm chai rhum. Hắn đứng trong khung cửa sổ, mặt quay vào phòng quát lên.
   
- Hãy nghe đây!

Mọi người im lặng.
   
- Tớ đánh cuộc (hắn nói tiếng Pháp để cho gã người Anh hiểu, tuy hắn nói thứ tiếng này cũng không sõi gì cho lắm). Tớ đánh cuộc năm mươi rúp vàng. Hay một trăm rúp nhé? Hăn nói thêm với gã người Anh.
   
- Không, năm chục thôi! - Gã người Anh nói.
   
- Được, tớ đánh cuộc năm mươi rúp vàng rằng tớ sẽ uống cạn hết chaỉ rhum, không cất chai ra khỏi miệng, trong khi vẫn ngồi trên cửa sổ, đúng ở chỗ này (hắn cúi xuống chỉ vào chỗ nhô nghiêng ra ngoài) mà không cần vịn vào cái gì hết… Được chứ?
   
- Tốt lắm - gã người Anh nói.

Anatol quay về phía gã người Anh, nắm lấy cúc áo lễ phục của hắn nhìn hắn từ trên xuống (gã người anh vóc người nhỏ bé) bắt đầu nhắc lại điều kiện đánh cuộc bằng tiếng Anh cho hắn nghe.
   
- Khoan đã - Dolokhov gõ chai vào cửa sổ để mọi người chú ý và nói - các cậu nghe đây. Nếu có người nào cũng làm được như vậy, tớ sẽ trả một trăm rúp vàng. Rõ chưa?

Gã người Anh gật đầu; chẳng ai hiểu hắn có ý định nhận lởi đánh cuộc mới này hay không. Anatol không buông tha gã người Anh. Mặc dầu hắn đã gật đầu để tỏ ra rằng mình hiểu hết, Anatol vẫn dịch lời của Dolokhov ra tiếng Anh cho hắn nghe. Một viên sĩ quan kỵ binh cận vệ trẻ tuổi gày gò, chiều tối hôm ấy vừa thua bạc, trèo lên cửa sổ thò đầu ra ngoài nhìn xuống lề đường lát đá và lẩm bẩm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:36:05 pm
- Chà! Chà!
   
- Yên! - Dolokhov quát, kéo viên sĩ quan ra; viên sĩ quan bị cái cựa giầy làm vướng chân, loạng choạng nhảy vào trong phòng. Sau khi đã đặt cái chai ở thành cửa sổ để lát nữa cầm lấy cho thõng ra ngoài, hai tay bám lấy thành cửa sổ, hắn ngồi thử, rồi buông hai tay, dịch sang phải rồi dịch sang trái, đoạn với lấy chai rượu.
   
Mặc dầu bấy giờ trời đã sáng rõ, Anatol cũng đem hai ngọn nến đến đặt lên thành cửa sổ. Lưng Dolokhov mặc áo sơ mi trắng và cái đầu tóc quăn của hắn được chiếu sáng từ cả hai phía. Mọi người đều xúm xít ở cửa sổ. Gã người Anh đứng trước Piotr mỉm cười không nói gì. Một người trong bọn, nhiều tuổi hơn cả, vẻ mặt sợ hãi và giận dữ đột nhiên xông ra muốn túm lấy áo sơ mi của Dolokhov.
   
- Các vị? Thật là dại dột! Anh ta sẽ ngã chết mất!

Anatol cản anh ta lại:

- Đừng đụng đến hắn! Mày sẽ làm hắn sợ ngã chết đấy. Hả? Bấy giờ thì sao? Hả?

Dolokhov quay người chống hai tay sửa lại tư thế ngồi cho chắc chắn.
   
- Thằng nào mà còn quấy rầy tao - hắn nói dõng dạc qua hàm răng nghiến chặt vào đội môi mỏng - thì tao quẳng nó xuống dưới này. Nào!
   
Sau khi nói "nào" hắn lại quay ra ngoài buông hai tay, nắm lấy chai rượu đưa lên miệng, đầu hất ngược ra phía sau cánh tay rảnh giơ cao lên để giữ thăng bằng. Một người đầy tớ đang lúi húi lượm mảnh kính vỡ bỗng dừng lại, người vẫn cúi lom khom, mắt nhìn đăm đăm vào khung cửa sổ và vào lưng Dolokhov. Anatol đứng ngây người, hai mắt thao láo. Gã người Anh chẩu môi ra, nhìn nghiêng sang. Người vừa cản trở Dolokhov bỏ chạy ra một góc phòng và nằm xuống đi-văng, mặt quay vào tường. Piotr lấy tay che mặt, và một nụ cười yếu ớl còn sót lại thấp thoáng trên gương mặt, bây giờ lộ ra vẻ lo sợ và khủng khiếp. Ai nấy đều im lặng.  Piotr bỏ bàn tay che mặt ra. Dolokhov vẫn ngồi y nguyên như cũ, chỉ có cái đầu ngả về phía sau đến nỗi những mớ tóc quăn ở gáy chạm vào cổ áo sơ mi và cánh tay cầm chai cứ giơ cao, giơ cao mãi trong khi vẫn run vì cố lên gây lấy sức. Cái chai cạn đi trông thấy và mỗi lúc một dốc lên, ẩy cái đầu ngả về phía sau. Piotr nghĩ bụng: "Sao mà lâu thế!". Chàng ngỡ chừng như hơn một nửa giờ đã qua. Đột nhiên, Dolokhov hơi ngả lưng về phía sau một cái, cánh tay hắn hơi run bắn lên. Chỉ run như vậy cũng đủ cho thân hình hắn đang ngồi trên bờ cửa số dốc thoai thoải phải tụt xuống. Trong lúc ấy cánh tay và cái đầu lại càng run mạnh hơn vì phải lấy sức nhiều. Một cánh tay giơ lên định bíu lấy khung cửa nhưng rồi lại bỏ xuống ngay. Piotr lại nhắm nghiền mắt lại và tự nhủ rằng sẽ không mở ra nữa. Bỗng chàng cảm thấy xung quanh náo động. Chàng mở mắt ra nhìn:

Dolokhovđang đứng trên thành cửa sổ, mặt tái nhợt nhưng vui vẻ:
   
- Hết rồi!
   
Chàng ném cái chai cho gã người Anh, gã này bắt gợn lấy.
     
Dolokhov nhảy từ cửa sổ xuống. Người hắn nồng nặc mùi rượu rhum.
   
- Tuyệt! Cừ lắm! Thế mới là đánh cuộc chứ. Quỉ sứ bắt các anh đi - Bốn phía có tiếng trầm trồ.
   
Gã người Anh rút ví ra đếm tiền. Dolokhov cau mày, im lặng Piotr tiến về phía cửa sổ và đột nhiên kêu lên:
   
- Này các vị. Có ai muốn đánh cuộc với tôi không? Tôi cũng làm được cho mà xem. Thôi chẳng cần đánh cuộc nữa. Hãy xem đây! Nào đem chai rượu lại đây. Tôi sẽ làm… bảo đem lại đây.
   
- Cứ để hắn làm, để hắn làm - Dolokhov mỉm cười nói.
   
- Ô kìa! Cậu điên rồi sao? Cậu làm gì thế? Ai cho cậu làm kia chứ. Đứng trên thang gác cậu đã chóng mặt rồi kia mà? - Mọi người nhao nhao nói.
   
- Tôi sẽ uống cạn, đem chai rượu rhum lại đây? - Piotr thét lên và đạp vào bàn với cái cử chỉ liều lĩnh của một người say rượu, đoạn trèo lên cửa sổ.
Người ta túm lấy tay anh chàng như chàng khoẻ quá nên cứ gạt bắn tất cả những người đến gần. Anatol nói:
   
- Không được! Làm cái lối ấy thì hắn chẳng nghe đâu. Khoan, để tôi lừa hắn cho. Này cậu, tớ sẽ đánh cuộc với cậu nhưng đến mai kia, còn bây giờ thì chúng ta đến nhà con… đi?
   
- Đi nào! - Piotr kêu lên- Đi nào! Mang theo cả con Misa nữa.

Rồi chàng ôm lấy con gấu, bế xốc nó lên và bắt đầu quay tít trong phòng.

======================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, khi đánh cuộc hai người nắm tay nhau người thứ ba làm chứng tách tay hai người ra.

(2) Tên thường dùng để gọi con gấu.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:38:26 pm
Phần I
Chương - 7

Công tước Vaxili đã làm tròn lời hứa với công tước phu nhân Drubeskaya trong buổi tối tiếp tân ở nhà Anna Pavlovna là sẽ xin giúp cho Boris, cậu con một của một phu nhân. Công tước đã thỉnh cầu nhà vua, và Boris, được đặc cách điều động sang làm thiếu uý trung đoàn cận vệ Xemenovxki. Nhưng anh ta vẫn không được bổ nhiệm làm sĩ quan phụ tá hay làm sĩ quan phụ tá của Kutuzov mặc dầu Anna Mikhailovna đã tìm mọi cách chạy chọt xin xỏ. Ít lâu sau buổi tiếp tân ở nhà Anna Pavlovna, Anna Mikhailovna về Moskva ở nhà một người thân thích giàu có là Roxtov, tuy vừa mới nhập ngũ nhưng đã được đề bạt ngay làm thiếu uý cũng được nuôi ở đấy từ lúc còn nhỏ và đã sống mấy năm trời ở đấy.  Quân cận vệ đã rời Peterburg ngày 10 tháng 8, còn cậu con của bà vẫn ở lại Moskva để sắm trang phục rồi sẽ đuổi theo đơn vị trên đường đi Ratzivilov.
   
Ở nhà Roxtov đang mừng ngày lễ thánh của phu nhân và của cô gái út, đều tên là Natalia(1)Từ buổi sáng, những chiếc xe lục mã thắng ngựa hàng dọc(2) đi về không ngớt, đưa khách đến toàn nhà đồ sộ của bá tước phu nhân Roxtov nổi tiếng khắp nước Moskva, ở phố Povarxkaya. Bá tước phu nhân và cô con gái lớn xinh đẹp ngồi trong phòng đón tiếp những người khách bấy giờ đang kế tiếp nhau đến rồi về, không lúc nào ngớt.
   
Bá tước phu nhân là một người đàn bà khoảng bốn mươi lăm tuổi, có khuôn mặt xương xương kiểu phương Đông, rõ ràng đã kiệt sức vì phải nuôi con vất vả - phu nhân sinh cả thảy đến mười hai lần - cử chỉ và ngôn ngữ của phu nhân chậm chạp vì thể lực suy nhược, càng tăng cái vẻ trang nghiêm khiến người ta phải kính trọng.
   
Công tước phu nhân, Anna Mikhailovna Drubeskaya với tư cách một người nhà, cùng ngồi ở đấy để giúp bá tước phu nhân tiếp đón và nói chuyện với khách. Thanh niên thì ở trong các phòng sau và cảm thấy không cần phải tham dự vào việc tiếp khách. Bá tước Roxtov đón khách đến và tiễn khách ra về, mời mọi người dự bữa ăn chiều:
   
- Tôi cảm ơn ông bạn, hay bà bạn (ông ta nói (ông) bạn hay (bà bạn) với tất cả mọi người không trừ một ai, giọng không mảy may thay đổi, không kể địa vị họ cao hơn hay thấp hơn mình) về tấm thịnh tình đối với tôi và đối với hai người mà chúng ta ăn mừng lễ thánh hôm nay. Thế nào cũng xin nhớ đến dùng bữa chiều cho. Nếu không thì ông bạn sẽ làm cho tôi giận đấy. Thay mặt cả gia đình, tôi tha thiết mời bà bạn.
Ông nói những câu này với hết thảy mọi người không kể họ là ai, luôn luôn tỏ vẻ niềm nở trên khuôn mặt đầy đặn, vui vẻ, cạo nhẵn bóng, và khi bắt tay bao giờ cũng bắt tay rất chặt và cúi mình ngay ngắn khi chào khách. Sau khi đã tiễn một vị khách ra cửa, bá tước lại quay vào tiếp một ông bạn hay một bà bạn khác còn đang ở trong phòng khách. Bá tước dịch ghế bành lại cho khách ngồi với dáng vẻ một con người yêu đời và biết hưởng các lạc thú trên đời; rồi, chạng chân ra một cách ngang tàng, đặt hai tay lên đầu gối, người lắc lư ra vẻ quan trọng, bá tước bắt đầu dự đoán về thời tiết, hỏi thăm về sức khoẻ, khi thì nói tiếng Nga, khi thì nói một thứ tiếng Pháp rất tồi nhưng rất bạo miệng, thế rồi với cái vẻ của một con người mệt mỏi nhưng vẫn cố sức làm tròn bổn phận, ông ta lại tiễn khách ra về, vừa đi vừa vuốt lại mớ tóc hoa râm lơ thơ trên cái trán đã gần hói và nhắc lại lời mời dự tiệc.

Thỉnh thoảng khi ở trong phòng áo trở về, ông lại đi ra phòng ủ hoa và qua nhà bếp, bước vào căn phòng lớn bằng cẩm thạch nơi đã bày biện tám mươi bộ dao đĩa. Ông nhìn đầy tớ mang những đồ đạc và đồ sứ, sắp đặt bàn ghế và trải những tấm khăn bàn bằng đoạn.
   
Ông gọi Dmitri Vaxilievich một người con nhà quý tộc hiện nay quản lý mọi công việc trong nhà ông, và nói:
   
- Này Mitinka, anh phải chú ý làm sao cho tất cả đều chu đáo đấy nhé. Thế được đấy, được đấy, - Ông ta vừa nói vừa liếc nhìn cái bàn ăn một cách mãn nguyện - Điều quan trọng nhất là cách dọn bàn ăn. Chính thế đấy.
   
Và ông đi ra, thở dài khoan khoái rồi lại bước vào phòng khách.
   
Phu nhân Maria Lvona Karaghina và tiểu thư đến! - Một người hành bộc cao lớn thường đi theo bá tước phu nhân bước đến cửa phòng khách cất tiếng trầm trầm loan báo với chủ nhân.
Bá tước phu nhân suy nghĩ một lát, lấy cái hộp thuốc lá bằng vàng có khảm chân dung chồng ra hít một hơi (3) rồi nói:
   
- Những cuộc thăm hỏi này đã làm tôi mệt lả người ra rồi. Thôi tôi tiếp người này là người cuối cùng. Bà ấy câu nệ lắm. Anh mời phu nhân vào - phu nhân bảo người hành bộc, giọng buồn rầu, tưởng chừng như muốn nói: "Đấy các người cứ giết chết tôi đi!"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:39:31 pm
Một bà cao lớn đẫy đà, vẻ mặt kiêu hãnh, và một cô gái mặt tròn trĩnh tươi cười bước vào phòng khách, áo dài kêu sột soạt.
   
- Thưa bá tước phu nhân, đã lâu… Cô bé mắc bệnh rõ khổ thân. Buổi khiêu vũ ở nhà Razumovxki và bá tước phu nhân Apraksin… hôm ấy tôi sướng quá…
   
Nghe lao xao những giọng đàn bà vồn vã, người này bắt lời người kia, hoà lẫn với tiếng áo sột soạt và tiếng kéo ghế. Câu chuyện bắt đầu… nhưng người ta chỉ nói chuyện lấy lệ thế thôi để khi có người ngắt lời là có thể đứng dậy làm chiếc áo dài kêu sột soạt và nói: "Tôi rất lấy làm vui sướng; sức khoẻ bà cụ thân sinh… và bá tước phu nhân Apraksin", rồi lại làm chiếc áo dài kêu sột soạt bước ra phòng áo, mặc áo choàng hay áo khoác và lên xe đi. Câu chuyện xoay quanh cái tin quan trọng của thành phố lúc bấy giờ, là bệnh tình của lão bá tước Bazukhov, ông già nổi tiếng giàu có và đẹp trai thời Ekaterina và xoay quanh người con rơi của bá tước là cậu Piotr, con người đã tỏ ra khiếm nhã trong buổi tiếp tân ở nhà Anna Pavlovna Serer. Một bà khách nói:
   
- Thương hại cho bá tước tội nghiệp. Sức khoẻ ông đã kém như thế. bây giờ lại thêm buồn bực về cậu con trai nữa thì e ông ta chết mất.
   
- Có việc gì thế - bá tước phu nhân hỏi, làm như chưa biết gì, mặc dầu phu nhân đã nghe người ta nói ít nhất là mươi lăm lần về nguyên nhân nỗi buồn bực của bá tước Bazukhov. Bà khách nói:
   
- Giáo dục bây giờ là thế đấy! Ngay ở nước ngoài cậu này cũng chẳng có ai kiềm chế và đến bây giờ ở Petersburg lại nghe nói cậu ta làm những việc kinh khủng đến nỗi cảnh sát phải trục xuất ra khỏi thành phố.
   
- Thế nào? Phu nhân kể cho tôi nghe với! - bá tước phu nhân nói.
   
- Anh ta chọn bạn không nên thân, - công tước phu nhân Anna Mikhailovna nói xen vào - Người ta nói cậu con công tước Vaxili, anh ta, và một anh Dolokhov nào đó nữa, đã làm những việc thật quá quắt. Và cả ba đều bị phạt.   Dolokhov bị giáng chức xuống làm lính, cậu con trai bá tước Bazukhov bị trục xuất về Moskva, còn cậu - Anatol Kuraghin thì ông bố đã tìm cách thu xếp cho êm chuyện nhưng cũng vẫn bị đuổi ra khỏi Peterburg.
   
- Thế họ làm cái gì mới được chứ? - Bá tước phu nhân hỏi.
   
- Họ thật là những tay kẻ cướp chứ chẳng phải vừa, nhất là anh Dolokhov - Bà khách nói. Anh ta là con bà Maria Ivanovna một bà thật đáng kính, ấy thế mà họ làm gì các vị có tưởng tượng được không? Cả ba người đã tìm đâu ra được một con gấu, đem nó lên xe ngựa đến nhà bọn đào hát. Cảnh sát đến giải tán họ; họ liền túm lấy ông quận trưởng cảnh binh trói ngửa lưng lên một con gấu và thả con gấu xuống sông Moika. Con gấu bơi, mang cả người quận trưởng trên lưng.
   
- Bộ tịch anh quận trưởng chắc là buồn cười lắm - bà bạn nhỉ? - Bá tước vừa nói vừa cười lăn ra.
   
- Ồ! Thật khiếp quá có gì đáng cười đâu thưa bá tước?
   
- Nhưng chính các bà cũng không sao nhịn được cười. Bà khách nói tiếp:
   
Người ta phải khó khăn lắm mới cứu được anh chàng khổ sở kia. Đấy con trai bá tước Kiril  Vladimirovich Bezukhov chơi khôn ngoan thế đấy! - Bà ta nói thêm, - Nghe nói cậu ấy là người thông minh, lại được giáo dục cẩn thận. Đấy, kết quả của cái giáo dục ở ngoại quốc là như vậy đấy. Tôi hy vọng rằng không ai tiếp anh ta ở đây mặc dầu anh ta giàu có. Có người muốn giới thiệu anh ta với tôi. Tôi kiên quyết từ chối: nhà tôi có con gái.
   
- Tại sao bà lại nói chàng thanh niên kia giàu có? - Bá tước phu nhân hỏi, người quay sang một bên để cho các tiểu thư khỏi nghe thấy, và các tiểu thư cũng lập tủc làm ra vẻ như mình không nghe - Bá tước chỉ có con rơi mà thôi. Hình như cậu Piotr này cũng là con rơi thì phải.

Bà khách khoát tay.
   
- Tôi chắc ông ta có đến hai chục đứa con rơi, - Công tước phu nhân Anna Mikhailovna nói xen vào câu chuyện. Rõ ràng phu nhân muốn tỏ ra mình giao thiệp rộng và hiểu hết thảy mọi việc trong các giới xã giao.
   
- Số là thế này- Phu nhân cũng hạ thấp giọng, nói một cách ý nhị - Mọi người đều biết thanh danh lừng lẫy của bá tước Kiril Vladimirovich. Ông ta không biết số con rơi của mình là bao nhiêu nữa… Nhưng cậu Piotr này vẫn là người ông ta quý nhất.
   
- Ông ta đẹp lão quá - Công tước phu nhân nói - Vừa mới năm ngoái đây thôi… tôi chưa bao giờ thấy người đàn ông nào đẹp hơn.
   
- Bây giờ ông ta đã thay đổi rất nhiều - Anna Mikhailovna nói - Tôi muốn nói như thế này: người thừa kế trực tiếp tất cả gia sản theo quan hệ họ hàng với bên nhà vợ ông ta là bá tước Vaxili.
   
Nhưng bá tước Bazukhov rất yêu quí Piotr, săn sóc đến giáo dục của anh ta và đã viết thư lên hoàng thượng… thành ra không ai hiểu là nếu bá tước qua đời (ông ta hiện nay đang ốm nặng đến nỗi người ta chờ đợi việc ấy từng phút một và bác sĩ Lorrain đã từ Petersburg đến) thì Vaxili hay Piotr sẽ thừa hưởng cái gia tài đồ sộ ấy: bốn vạn nông nô và hàng triệu rúp. Tôi biết rất rõ việc đó bởi vì chính công tước Vaxili đã nói với tôi. Ngoài ra, Kiril Vladimirovich là cậu họ của tôi; ông là cha đỡ đầu của Boris - phu nhân nói thêm, nhưng giả vờ không xem chi tiết này là quan trọng.
   
Hôm qua, công tước Vaxili đã đến Moskva. Nghe nói ông ta đi kinh lý thì phải? - Bà khách nói.
     
- Vâng, nhưng cái này ta nói riêng với nhau - Công tước phu nhân nói - Đó chỉ là một cách nói thôi. Thực ra ông ta đến là vì nghe tin ông Kiril Vladimirovich ốm nặng.
   
- Dẫu sao, thưa bà bạn, đó vẫn là một trò đùa rất lý thú - Bá tước nói, rồi nhận thấy bà khách không nghe mình nói, bà bá tước quay về phía các tiểu thư - Tôi chắc mặt này anh chàng quận trưởng cảnh sát trông phải bưồn cười lắm.
   
Và sau khi bắt chước cách hoa tay của ông quận trưởng cảnh sát, ông cất giọng ồ ồ cười vang nhà, cả thân hình béo đẫy của ông run lên bần bật, như lối cười của những con người vốn quen ăn ngon và nhất là uống nhiều rượu, rồi nói:
   
- Thế nhé! Xin các vị nhớ đến đúng bữa chiều với chúng tôi nhé!

=================================

Chú thích:

(1) Tức là ăn mừng ngày Thánh Natalia. Bá tước phu nhân và cô con gái út đều tên là Natalia (gọi thân mật là Natasa) nên đến ngày này thì ăn mừng.

(2) Cách thắng ngựa đặc biệt dành riêng cho xe các đại thần.

(3) Loại thuốc lá nghiền thành bột mịn hít thẳng vào mũi chứ không đốt cháy để hút khói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:41:20 pm
Phần I
Chương - 8
     
Khách và chủ im lặng một lúc. Bá tước phu nhân nhìn bà khách, mỉm cười nhã nhặn, song nụ cười của phu nhân cũng không giấu diếm rằng nếu bà khách có đứng dậy ra về, thì phu nhân cũng không hề mảy may luyến tiếc. Cô con gái của bà khách đã kéo tà áo lên, mắt nhìn mẹ có ý dò hỏi, thì bỗng từ phòng bên nghe có tiếng chân chạy về phía cửa ra vào, tiếng giày nam giới xen với tiếng giày của phụ nữ, tiếng một chiếc ghế bị vướng vào áo đổ kềnh ra sàn nhà, rồi một cô gái mười ba tuổi vụt chạy vào phòng khách, tay thu thu một vật gì dưới chiếc váy sa ngắn. Cô bé chạy đến giữa phòng thì dừng phắt lại. Hẳn là cô bé chạy quá đà mà tình cờ đâm bổ vào phòng khách. Ngay lúc ấy ở khung cửa hiện ra một chàng sinh viên mặc áo có ve cổ màu gụ, một sĩ quan cận vệ, một cô gái mười lăm tuổi và một cậu bé hồng hào mặc áo chẽn trẻ con.

Bá tước vụt đứng dậy và dang rộng hai tay, nhún nhảy bước đến ôm lấy cô bé vừa chạy vào, cười lớn nói:
   
- A! Đây rồi, cô bé được ăn mừng ngày lễ thánh đây rồi! Con gái yêu của tôi đây rồi!
Bá tước phu nhân làm ra vẻ nghiêm nghị nói:
   
- Con ơi, chơi đùa cũng phải tuỳ lúc chứ con? - Rồi phu nhân quay sang phía chồng - Eli (1) mình thì lúc nào cũng nuông nó quá.
   
- Chào cô bé, - bà khách nói, - tôi xin có lời mừng cô! - đoạn quay về phía bá tước phu nhân nói thêm - Cô bé kháu quá nhỉ!
   
Cô bé không đẹp, nhưng rất lanh lợi, có đôi mắt đen, cái miệng hơi rộng, đôi vai xinh xinh để hở hơi trật ra khỏi lồng áo vì vừa chạy nhanh, mớ tóc đen lượn sóng hất ngược ra phía sau, hai cánh tay mảnh dẻ để trần; phía đưới chiếc quần đăng-ten, đôi chân thon thon đi giầy hở mu; cô gái đang ở vào cái tuổi đáng yêu khi người thiếu nữ không còn là đứa trẻ nữa, nhưng đứa trẻ cũng chưa thành người thiếu nữ.
   
Cô bé gỡ hai tay bá tước ra rồi chạy lại bên mẹ, và không hề để ý đến lời quở trách nghiêm nghị của bá tước phu nhân, cô bé úp cái mặt đỏ ửng vào chiếc áo choàng thêu đăng ten của mẹ và cười rúc rích. Không biết cô ta thú cái gì mà cứ cười mãi, vừa cười vừa nói líu ríu những câu đứng quãng về con búp bê mà cô ta vừa kéo ở dưới váy ra.
- Đấy? Con búp bê… Mi mi… Đấy!
   
Rồi Natasa buồn cười quá không nói được nữa (cái gì cô ta cũng thấy buồn cười). Cô ta ngả người vào lòng mẹ và phá lên cười, cô cười to và giòn đến nỗi mọi người, ngay cả bà khách kiểu cách kia, cũng bất giác cười theo.
   
Bá tước phu nhân vờ giận dữ ẩy con gái ra nói:

- Thôi đi đi, mang con búp bê quái quỉ ấy đi đi cho rảnh? - Rồi phu nhân quay sang bà khách nói tiếp- Cháu gái út đấy.

Natasa cất đầu lên khỏi chiếc áo choàng đăng ten của mẹ một lát, ngước nhìn lên mẹ, đôi mắt còn ướt vì những giọt nước mắt ứa ra trong trận cươi hồi nãy, rồi lại dúi đầu vào áo mẹ.
Bà khách buộc phải chứng kiến cái cảnh nội bộ gia đình này.
   
Tự thấy mình cần phải tham dự phần nào đấy, bà nói với Natasa:
   
- Này cô bé, cái cô Mini ấy với cô là thế nào nhỉ? Con gái của cô đấy phải không?
Natasa không ưa cái giọng bề trên cố hạ mình xuống lấy giọng trẻ con nói chuyện với cô như vậy. Cô bé không đáp, nghiêm trang đưa mắt nhìn bà khách.
   
Trong khi đó cả bọn trẻ: chàng sĩ quan Boris, con công tước phu nhân Anna Pavlovna  Mikhailovna; chàng sinh viên Nikolai, con trai đầu của bá tước, Sonya, cháu gái của bá tước, năm nay mới năm tuổi; và cậu bé Petrusa - con út của bá tước, đã ngồi trong phòng khách. Trên từng nét mặt lộ rõ vẻ phấn chấn và hớn hở, và có thể thấy rõ họ đang cố gắng kìm hãm bớt những niềm vui bồng bột để khỏi mất khỏi vẻ lịch sự. Hẳn là trước khi chạy vào đây, họ đang nói với nhau một câu chuyện gì thú lắm, vui hơn câu chuyện vu vơ về những việc lặt vặt trong thành phố, về thời tiết và về bá tước phu nhân Apraksin nhiều. Thỉnh thoảng họ lại đưa mắt nhìn nhau, và có vẻ như khó nhọc lắm mới nhịn được cười.
   
Hai chàng thiếu niên, mọt người là sinh viên còn người kia là sĩ quan, kết bạn với nhau từ thửa nhỏ. Họ cùng một lứa tuổi với nhau, cả hai đều rất khôi ngô, nhưng mỗi người một vẻ. Boris là một chàng trai cao dong dỏng, tóc vàng, với những đường nét thanh tú đều đặn trên một gương mặt điềm đạm và tuấn tú. Nikolai là một thanh niên người tầm thước, tóc quăn, nét mặt cởi mở thẳng thắn. Môi trên chàng đã có một lớp lông măng đen, và nhìn chung gương mặt chàng biểu lộ một tâm tính nhiệt thành và bồng bột.
Nikolai vừa vào phòng khách đã đỏ rừ mặt lên. Hẳn là chàng ta muốn tìm một câu gì để nói nhưng tìm mãi chẳng ra; Boris thì trái lại, tự chủ được ngay và cất giọng bình tĩnh hài hước kể cho mọi người nghe chuyện cô bé Mimi, chàng ta quen cô Mimi ấy từ khi cô ta hãy còn trẻ và mũi chưa bị sứt kia, nhưng nếu chàng ta nhớ không lầm thì từ bấy đến nay đã năm năm, cô Mimi đã già đi rồi, đầu óc nứt nẻ ra cả. Nói đoạn, Boris nhìn Natasa. Natasa quay mặt đi, nhìn vào cậu em trai đang đứng run cả người lên cười không thành tiếng, mắt híp lại. Rốt cuộc, Natasa cũng không sao nhịn được bèn vùng aậy thả hết tốc lực của đôi chân thon nhỏ chạy vụt ra khỏi phòng. Boris vẫn không cười.

Chàng quay sang phía mẹ, mỉm cười nói:

Hình như mẹ cũng muốn về phải không ạ? Có cần bảo thắng xe không?
   
- Ừ, có, đi đi, đi bảo nó sửa soạn cho mẹ, - Công tước phu nhân mỉm cười đáp.
Boris bước nhẹ ra cửa và đi theo Natasa; cậu bé béo mũm mĩm liền chạy theo, vẻ giận dữ như vừa bị người ta quấy rầy trong khi đang bận.

===============================================

Chú thích:

(1) Elie (tức Ilya) gọi theo lối Pháp.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:43:50 pm
Phần I
Chương - 9

Nếu không kể cô con gái lớn của bá tước phu nhân (cô ta hơn em gái bốn tuổi và dáng điệu đã như người lớn) và cô con gái của bà khách, thì trong đám thanh mên chỉ còn Nikolai và cô cháu gái Sonya ngồi lại trong phòng khách. Sonya là một cô gái nhỏ bé, mảnh khảnh, có đôi mắt dịu hiền rợp bóng hai hàng mi dài, làn tóc đen rậm tết lại thành bím quấn hai vòng quanh đầu, nước da hơi phơn phớt vàng, nhất là trên cổ và trên đôi tay để trần hơi gầy nhưng rắn chãc và xinh xắn, với những cử động khoan thai, với đôi tay và đôi chân mềm dẻo, với dáng điệu dè dặt và hơi kiểu cách, Sonya trông giống một con mèo con chưa trưởng thành nhưng đã hữa hẹn sẽ trở nên một ả mèo cái tuyệt đẹp. Hình như cô ta thấy rằng mình cần phải cười để tỏ ra có chú ý đến câu chuyện của mọi người; nhưng dưới đôi hàng mi dài và rậm, đôi mắt cô ta cứ bất giác nhìn vào cậu anh họ sắp tòng ngũ, vẻ tha thiết, say mê đến nỗi nụ cười của cô không có phút nào lừa được ai hết, và người ta có thể thấy rằng con mèo ấy bây giờ có ngồi yên cũng chỉ để chốc nữa lại chơi đùa nhảy nhót hăng hơn nữa với cậu anh họ, khi hai người đã thoát ra khỏi phòng khách như Boris và Natasa.
   
- Đấy bà xem. Bạn nó được đăng vào sĩ quan, thế là vì tình bạn, nó cũng không muốn rời thằng Boris, nó bỏ trường đại học, cả tôi nữa già nua thế này nó cũng bỏ lại để đi tòng ngũ đấy, bà ạ.
   
- Thế là việc bổ dụng nó vào sở lưu trữ đã xong xuôi cả rồi chứ có phải… Tình bạn là như vậy đấy hẳn? - Bá tước nói thêm, giọng có ý dò hỏi.
   
Bà khách nói:
   
- Tôi nghe nói là tuyên chiến rồi.
   
- Nghe nói từ lâu rồi, - Bá tước nói - rồi người ta sẽ còn nói nữa, nhưng nói đấy rồi bỏ đấy cho mà xem. Bà ạ, tình bạn là thế đấy!- Bá tước lặp lại- Thằng Nikolai nó đăng vào quân phiêu kỵ(1) đấy!
   
Bà khách không biết nên nói gì, nên chỉ lắc đầu.
   
- Hoàn toàn không phải vì tình bạn - Nikolai đáp, mặt đỏ bừng, vẻ mặt như muốn chống đỡ một lời thoá mạ nhục nhã - hoàn toàn không phải vì tình bạn. Mà chỉ vì con cảm thấy mình có khiếu quân sự.
   
Nikolai quay lại nhìn cô em họ và con gái bà khách: cả hai đều nhìn anh, miệng cười tủm tỉm tỏ ý đồng tình.
   
- Hôm nay đại tá Subert, chỉ huy trung đoàn phiêu kỵ - Pavlograd dùng bữa chiều ở nhà chúng tôi. Ông ta hiện đang nghỉ phép ở đây và khi đi sẽ đem cháu đi luôn. Biết làm thế nào được?
   
Bà bá tước nhún vai nói:
   
- Việc này chắc đã làm cho bá tước buồn phiền rất nhiều, nhưng ông vẫn nói đến nó với một giọng bỡn cợt.
   
- Kìa ba, - cậu con trai nói - con đã thưa với ba rằng nếu ba không muốn cho con đi, thì con xin ở lại.
Nhưng con biết rằng ngoài việc quân ra, con không còn có thể làm được trò trống gì nữa; con không phải là nhà ngoại giao, không phải là quan lại, con không biết che giấu những cảm nghĩ.
   
Nikolai vừa nói vừa nhìn Sonya và con gái bà khách, với cái vẻ làm duyên mà những người thiếu niên đẹp trai thường có.
   
Con mèo Sonya mắt dán chặt vào cậu anh họ, tưởng chừng như lúc nào cũng nhấp nhổm chực nhào ra nô giỡn và lộ rõ rất căn bản chất mèo của mình.
   
- Thôi được rồi, được rồi!- Bá tước nói. - Anh chàng này bao giờ cũng nóng nảy…, cái thằng cha Bonaparte nó làm cho bọn chúng phát cuồng cả lên rồi đấy; anh nào cũng cứ tưởng có thể từ thiếu uý nhảy lên làm hoàng đế như hắn cả. Thôi thì cũng phó mặc ý trời, - bá tước nói thêm, không để ý thấy nụ cười chế nhạo của bà khách.

Nhóm người lớn quay sang nói chuyện về Bonaparte. Julya(2) con gái Karaghin, nói với chàng thanh niên Nikolai Roxtov:
   
- Hôm thứ năm anh không đến nhà họ Arkharov rõ tiếc. - Rồi cô ta mỉm cười âu yếu nói thêm - không có anh tôi thấy chán quá.

Chàng thanh niên thích chí nở một nụ cười đỏm dáng, ngồi nhích lại gần và bắt đầu nói chuyện riêng với cô khách đang cười tủm tỉm, không hề nhận thấy nụ cười hồn nhiên của mình đã đâm một phát dao đau nhói vào lòng ghen tuông của Sonya, bấy giờ đang đỏ mặt lên và cố gượng cười. Giữa chừng câu chuyện Nikolai nhìn cô em họ. Sonya đưa mắt hờn giận và nụ cười gượng gạo, đứng dậy bước ra khỏi phòng. Vẻ linh hoạt của Nikolai vụt biến mất.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:45:13 pm
Chàng đợi đến chỗ câu chuyện hơi ngừng một tí liền ra khỏi phòng, ve mặt nhớn nhác bổ đi tìm Sonya.
   
Anna Mikhailova nhìn theo Nikolai nói:
   
- Chà, những chuyện bí ẩn của các cô các cậu này thật như vải đen may chỉ trắng. - Rồi bà nói thêm -
Anh em họ ở với nhau cũng như lửa gần rơm ấy mà.
   
- Phải - bá tước phu nhân nói, khi ánh nắng xuân lúc nãy cùng lũ thanh niên kia lùa vào phòng khách đã dập tắt hẳn, như muốn đáp lại một câu hỏi mà không ai đặt ra, nhưng vẫn luôn luôn khiến mình bận tâm. - Khổ sở lo lắng bao nhiêu, ngày nay mới được trông thấy chúng nó khôn lớn mà mừng! Mà đến bây giờ nữa quả thật cũng vẫn lo sợ nhiều hơn là vui sướng. Thật không lúc nào khỏi lo sợ? Chính cái tuổi này là tuổi nguy hiểm nhất cho chúng nó, con gái hay con trai cũng vậy.
   
- Cũng tuỳ cách giáo dục cả - bà khách nói.
   
- Phải, bà nói đúng đấy - bá tước phu nhân nói tiếp. - Từ trước tới nay nhờ trời các cháu nó xem tôi như bạn và hoàn toàn tin cậy ở tôi, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, phu nhân cứ tưởng rằng đối với mình các con không hề có điều gì giấu giếm. Tôi biết rằng tôi bao giờ cũng là người bạn tâm sự của hai cháu gái, còn thằng Nikolai nhà tôi tuy tính tình bồng bột, nhưng nó có nghịch ngợm (con trai thì bao giờ chả thế) thì cũng không phải như các ông tướng ở Peterburg.

- Phải, bọn chúng khá lắm, khá lắm, - bá tước xác nhận, ông ta bao giờ cũng giải quyết những vấn đề khiến mình bối rối bằng cách cho rằng tất cả đều "khá" như vậy. - Đấy bà xem, nó muốn vào quân phiêu kỵ binh cơ đấy! Bà muốn thể nào nữa hở bà bạn?
   
- Cô con gái út của ông bà hay quá! Thật như thuốc súng vậy! - Bà khách nói:

- Phải, thuốc súng đấy. Giống tính tôi lạ lùng! Mà giọng hát của nó thì thật là… tuy là con tôi, không tôi cũng phải nói thật: thế nào cháu cũng sẽ trở thành một nữ danh ca cho mà xem, cháu sẽ thành một Salamoni(3) mới! Chúng tôi đã thuê một người ý về dạy cho cháu.

- Như vậy có sớm quá chăng? Họ bảo là vào tuổi này mà học hát thì hại giọng.

- Ồ không đâu, còn sớm gì nữa! - Bá tước đáp - Thì các bà lớp trước cứ đến mười hai, mười ba tuổi là đi lấy chồng cả đấy thôi.

- Cái con ấy chưa chi mà đã cảm cậu Boris rồi đấy? Bà thấy nó thế nào? - Bá tước phu nhân nói, miệng hơi mỉm cười mắt nhìn sang bà mẹ Boris, và hình như để đáp lại một câu hỏi lâu nay vẫn khiến mình bận tâm, phu nhân nói tiếp - Đấy, bà xem, tôi mà nghiêm khắc với nó, cấm đoán này nọ… thì rồi có trời biết chúng nó còn vụng trộm những gì với nhau (ý phu nhân muốn nói rằng nếu thế chắc chúng sẽ hôn hít nhau), nhưng có lẽ như vậy mà hơn đấy. Còn con chị thì tôi xử nghiêm hơn.

- Vâng, cháu thì được giáo dục khác hẳn, - cô con gái lớn, bá tước tiểu thư Vera xinh đẹp, mỉm cười nói.
Nhưng nụ cười không làm khuôn mặt của Vera đẹp thêm như ở những người con gái khác; trái lại, nó làm cho khuôn mặt có vẻ thiếu tự nhiên hơi khó chịu. Vera đẹp, cô cũng không đến nỗi khờ khạo, cô học rất giỏi, có nền nếp, giọng dễ ưa, câu nói vừa rồi của cô cũng phải lễ và đúng chỗ; nhưng lạ thay, là khách cũng như bá tước phu nhân nghe nói đều ngoảnh lại nhìn Vera dường như ngạc nhiên không hiểu tại sao cô lại nói điều đó, và hai người đều thấy ngượng nghịu. Bà khách nói:

- Với đứa con đầu lòng bao giờ cũng vậy: người ta bao giờ cũng làm khôn khéo, ai cũng muốn làm một cái gì cho thật phi thường.

Bá tước nói:

- Chả giấu gì bà bạn, nhà tôi làm khôn làm khéo với con Vera thật đấy - Rồi bá tước nhìn sang Vera nháy mắt có vẻ đồng tình nói thêm - Mà kể ra thì kết quả cũng khá đấy chứ.

Mẹ con bà khách đứng dậy ra về, hứa sẽ trở lại dự bữa tiệc chiều nay. Bá tước phu nhân tiễn khách ra xe.
Khi khách đã đi, phu nhân nói:

- Cái lối ở đầu mà ngồi dai thế không biết?

===================================================

Chú thích:

(1) Loại kỵ binh hạng nhẹ, vũ trang bằng gươm và súng ngắn, quân phục rất sáng trọng và sặc sỡ gồm áo đôm-man có cúc thêu kim tuyến chạy ngang ngực, áo khoác ngắn lót bông-cô có ngù.

(2) Juli, tức Julie (là cách gọi theo lối Pháp).

(3) Salamoni nữ danh ca Ý, biểu diễn trong đoàn kịch Đức ở Moskva vào đầu thế kỷ 19.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:48:13 pm
Phần I
Chương - 10

Ra khỏi phòng khách, Natasa chỉ chạy ra đến phòng ủ hoa thì dừng lại, lắng nghe tiếng nói chuyện từ phòng khách vẳng đến và chờ Boris ra. Natasa đã bắt đầu sốt ruột, giẫm chân và đã toan khóc vì Boris không chịu ra ngay, thì vừa lúc ấy có tiếng chân bước đĩnh đạc, không nhanh, không chậm của chàng thanh niên từ phòng khách đi lại. Natasa nhanh nhẹn chạy ra nấp sau cái thùng trồng hoa.
   
Boris dừng lại ở giữa phòng nhìn quanh một lúc, lấy tay phủi mấy hạt bụi bám trên ông tay áo quân phục rồi lại gần lấm gương ngắm nghía khuôn mặt tuấn tú của mình. Natasa nín lặng thu mình sau thùng cây nhìn ra, chờ xem anh ta sẽ làm gì. Boris đứng trước gương mặt một lát, mỉm cười rồi bước ra cửa. Natasa đã toan gọi, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
   
-  Để cậu ta tìm một lúc cho vui! - Natasa tự nhủ.

Boris vừa ra ngoài thì Sonya từ phía phòng khách bước lại mặt đỏ bừng, vừa khóc vừa lẩm bẩm những gì trong miệng, ra vẻ giận lắm. Natasa thoạt tiên muốn chạy ra với Sonya nhưng rồi lại kìm mình ngồi yên trong chỗ nấp, như người đội mũ tàng hình trong chuyện cổ tích, xem xét những việc xảy ra trên thế gian. Natasa thấy có một cảm giác thích thú rất mới lạ, Sonya miệng vẫn lẩm bẩm đưa mắt nhìn về phía phòng khách: Nikolai từ trong cửa bước ra.
   
- Sonya. Em làm sao thế? Lạ quá! - Nikolai chạy lại gần Sonya nói.
   
- Chẳng sao cả, chẳng sao cả, mãc xác tôi! - Sonya nói đoạn khóc nức nở.
   
- Không, anh biết tại sao rồi.
   
- Anh biết à, thế thì tốt lắm, đi vào với cô ấy đi.

Nikolai nắm tay Sonya nói:
   
- So - o - onya? Nghe anh nói tí nào! Sao em cứ làm khổ anh và làm khổ cả mình nữa vì những chuyện vớ vẩn không đâu ấy thế?

Sonya không rút tay lại và thôi khóc.

Natasa nín thở ngồi im sau thùng cây, hai mắt sáng long lanh nhìn ra hau háu "Rồi sẽ thế nào nữa đây?", Natasa tự hỏi.

- Sonya? - Nikolai nói. - Cả vũ trụ đối với anh có nghĩ gì đâu! Đối với anh em là tất cả. Anh sẽ chúng minh cho em thấy rõ điều đó
   
- Em không thích anh nói thế đâu.
   
- Thế thì thôi anh không nói nữa, thôi, xin lỗi em nhé, Sonya? - Nikolai kéo Sonya.

Natasa nghĩ thầm: "Chà! Thích quá!" và khi Sonya cùng Nikolai ra khỏi phòng. Natasa liền ra theo và gọi
Boris lại.
   
- Boris lại đây, - Natasa nói, vẻ quan trọng và ranh mãnh. Em cần nói với anh một điều. Lại đây, lại đây.
Natasa dẫn Boris vào phòng hoa, đến chỗ mấy thùng cô ta nấp lúc nãy. Boris mỉm cười đi theo.
   
- Một điều… là điều gì thế?

Natasa luống cuống nhìn quanh và chợt trông thấy con búp bê vừa vứt bên thùng cây, liền ẵm nó lên.
   
- Anh hôn con búp bê đi, - Natasa nói.

Boris chăm chú và dịu dàng nhìn gương mặt hân hoan của Natasa và im lặng không đáp.
   
- Không thích à? Thế thì lại đây, - Natasa nói, rồi đi sâu thêm vào mấy thùng cây và vút con búp bê xuống đất. - Lại gần đây, lại gần đây - Natasa thì thào. Cô gái nắm lấy tay áo chàng sĩ quan và gương mặt xúc động của cô ta lộ rõ vẻ trang trọng sợ hãi - Còn tôi thì anh có thích hôn không nào? - Natasa thì thào nói rất khẽ, mắt ngước nhìn lên Boris, miệng mỉm cười và suýt bật khóc vì xúc động.
Boris đỏ mặt. Chàng cúi xuống phía Natasa nói:
   
- Cô buồn cười quá đi mất!

Boris nói đoạn, mặt lại càng đỏ thêm, nhưng vẫn không dám làm gì, ngập ngừng chờ đợi.

Natasa bỗng nhảy lên một chiếc thùng trồng hoa, thành thử bây giờ cô ta cao hơn hẳn Boris, rồi dang hai cách tay trần mảnh dẻ ôm lấy cổ chàng trai, hất đầu một cái cho mãi tóc xoà về phía sau và hôn lên môi Boris.

Đoạn cô ta lẩn ra sau khóm hoa và cúi đầu đứng im. Boris nói:

- Natasa, cô cũng biết đây, tôi yêu cô, nhưng…
   
- Thế anh mê em chứ? - Natasa ngắt lời.
   
- Vâng, tôi mê cô, nhưng mong cô hiểu cho, ta không nên làm những việc mà hiện nay chưa… Bốn năm nữa… Đến lúc ấy tôi sẽ đến xin hỏi cô…

Natasa ngẫm nghĩ một lúc.

- Mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu… - Cô ta vừa nói vừa xoè mấy ngón tay thon thon ra đếm - Được? Thế nghĩa là thoả thuận xong xuôi rồi đấy nhé.

Và một nụ cười vui sướng và hể hả sáng bừng trên gương mặt linh hoạt của Natasa.

Thoả thuận rồi - Boris nói.
   
- Vĩnh viễn chứ? - Cô bé hỏi. - Suốt đời chứ?

Rồi khoác tay chàng sĩ quan trẻ tuổi, Natasa cùng sánh vai chàng thong thả bước vào phòng đi văng(1), gương mặt tràn đầy hạnh phúc.

==============================================

Chú thích:

(1) Loại phòng khách đạt nhiều đi-văng thường dùng để tiếp tân.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:49:55 pm
Phần I
Chương - 11

Bá tước phu nhân đã quá mệt vì những cuộc thăm hỏi, cho nên đã ra lệnh không tiếp ai nữa, và dặn người đầy tớ đứng chực ở cửa là hễ có ai đến mừng thì cứ mời đến dự tiệc tất. Bá tước phu nhân muốn nói chuyện riêng với những người bạn cũ từ thời thơ ấu là công tước phu nhân Anna Mikhailovna mà từ ngày bà ta rời Peterburg cho đến nay phu nhân chưa có một lần nào được gặp.

Anna Mikhailovna với vẻ mặt tiều tuỵ và dễ có thiện cảm của một người đã khóc quá nhiều, ngồi nhích lại gần ghế bành của bà bá tước phu nhân.
   
- Với chị tôi xin nói thật - Anna Pavlovna Mikhailovna nói - Ngày nay bạn cũ có còn được mấy người nữa đâu! Cho nên tôi càng quý tình bạn của chị.
Anna Mikhailovna đưa mắt nhìn Vera và ngừng lại. Bá tước phu nhân nắm chặt tay bạn.
   
- Vera, - bá tước phu nhân quay sang nói với cô con gái lớn (người ta có thể thấy rõ là phu nhân không quý Vera cho lắm) - Con không có ý tứ gì sao? Con không thấy ngồi đây là thừa ư? Con ra ngoài kia với các em, nếu không…

Cô Vera xinh đẹp nở một nụ cười khinh khỉnh, hình như cô ta không thấy bẽ mặt tí nào.
   
- Giá mẹ bảo con sớm hơn có phải con đã đi ngay rồi không - Vera nói đoạn bỏ về phòng mình.

Nhưng khi đi ngang qua phòng đi-văng, cô ta thấy hai cặp thanh niên ngồi cạnh hai cửa sổ đối diện nhau. Vera dừng lại và mỉm cười khinh bỉ. Sonya đang ngồi nép vào người Nikolai xem anh ta chép cho mình bài thơ đầu tiên của anh ta sáng tác. Boris và Natasa đang ngồi nói chuyện cạnh cửa sổ trước mặt, thấy Vera vào thì im bặt. Sonya và Natasa đưa mắt nhìn Vera, vẻ mặt ngượng ngùng và sung sướng.

Ai trông thấy hai cô gái mới biết yêu đương này chắc chắn cũng phải thấy vui và cảm động, nhưng Vera thì tỏ ra không vừa lòng. Cô nói:
   
- Đã bao lần tôi xin các cô chú đừng có lấy đồ đạc của tôi ra dùng. Sao không về phòng mình mà lấy. - Nói đoạn Vera giằng lấy bình mực Nikolai đang cầm.
   
- Tí nữa thôi, tí nữa thôi mà, - Nikolai vừa nói vừa chấm thêm một ngòi mực.
   
- Cái gì cũng tìm cách làm không đúng lúc - Vera nói. - Ai lại tự dưng chạy ùa vào phòng khách, làm cho mọi người phát ngượng lên.

Những điều Vera nói hoàn toàn có lý. Tuy vậy - hay chính vì vậy - mà không ai đáp lại cả; bốn người chỉ đưa mặt nhìn nhau.

Vera, tay cầm lọ mực, vẫn đứng chần chừ ở trong phòng. Cô ta nói:
   
- Giữa Natasa với Boris lại còn chuyện gì bí mật nữa thế? Cả Sonya với Nikolai nữa. Vào tuổi các cô các chú thì có những chuyện bí mật gì? Toàn là chuyện vớ vẩn cả!

- Kìa, Vera việc gì đến chị nào? - Natasa nói khẽ như muốn giảng hoà. Hẳn là hôm nay đối với mọi người cô ta còn hiền hoà và thân mật hơn bao giờ hết.
   
- Thật là vớ vẩn - Vera nói tiếp - Tôi thấy ngượng cho các cô quá Những chuyện gì bí mật thế hả?

Natasa phát cáu lên nói:
   
- Mỗi người đều có những chuyện riêng. Chúng tôi có động chạm gì đến chuyện chị với Berg đâu nào?
   
- Tôi nghĩ các cô các chú không đả động là vì trong những việc tôi làm không bao giờ có điều gì xấu cả.
Rồi tôi sẽ nói cho mẹ biết cô đối với Boris như thế nào.
   
- Natalia Ilynisna đối với tôi rất tốt. - Boris nói - Tôi không có gì phải than phiền cả.

Natasa nói giọng run lên vì tức giận:
   
- Thôi đừng nói nữa Boris, anh thì cứ ngoại giao) thôi (thiếu niên rất thích dùng chữ "ngoại giao" theo cái nghĩa riêng của họ gán cho chữ này). Thật phát chán lên được! Tại sao chị ấy cứ ám lấy tôi? Natasa nói tiếp với Vera - Chị chẳng bao giờ hiểu được cái đó đâu, vì chị không bao giờ biết yêu ai hết: Chị không có tim, chị chỉ là mađam đờ Giănglix(1) thôi (biệt hiệu này là do Nikolai đặt cho Vera, và được xem như là một biệt hiệu rất nhục nhã), và chị chỉ thích làm cho người khác khó chịu. Chị cứ đi mà làm duyên làm dáng với Berg đi, muốn lả lơi bao nhiêu cũng được kia mà, - câu này Natasa nói rất nhanh.
   
- Dù sao thì trước mặt khách khứa tôi cũng không xoắn lấy một người con trai nào…
   
- Thôi thế là chị đạt được mục đích rồi đấy, chị ạ - Nikolai nói xen - chị kiếm chuyện phá đám như vậy cũng đủ làm cho mọi người khó chịu lắm rồi. Thôi ta sang phòng trẻ đi.
   
Và cả bốn người, như một bầy chim hoảng sợ, đứng dậy ra khỏi phòng.
   
Vera nói:
   
 - Người ta kiếm chuyện nói những câu khó chịu với tôi, chứ nào tôi có kiếm chuyện với ai đâu.

"Madam đờ Giănglix. Madam đờ Giănglix?" - những câu chuyện nói chen lẫn tiếng cười từ sau cánh cửa đưa ra.

Cô Vera xinh đẹp, sau khi đã làm cho mọi người khó chịu và bực bội như vậy, liền mỉm cười có vẻ như không hề mảy may động lòng vì những điều người ta nói về mình, đến đứng trước gương sửa lại chiếc khăn choàng và mái tóc. Ngắm khuôn mặt xinh đẹp của mình trong gương, Vera hình như càng trở nên lãnh đạm và điềm tĩnh hơn.

Trong phòng khách, những câu trò chuyện vẫn tiếp tục. Bá tước phu nhân nói:
   
- Chà, bà chị ạ, trong đời tôi có phải cái gì cũng màu hồng cả đâu. Tôi cũng thấy cứ cái đà này, tài sản chúng tôi cũng chẳng kéo dài được bao lâu nữa! Cơ sự chẳng qua cũng vì cái câu lạc bộ và lòng tốt của nhà tôi. Chúng tôi ở nông thôn, mà có được nghỉ ngơi gì đâu? Hết diễn kịch lại đến săn bắn, và còn bao nhiêu thứ nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:50:45 pm
- Thôi nói chuyện tôi làm gì!… Nào, thế chị dàn xếp công việc ra sao? Annet ạ, tôi thường phục chị không hiểu tại sao chị ngần ấy tuổi mà còn đi đi về về được một mình hết Moskva lại đến Petersburg, ông thượng thư nào chị cũng đến yết kiến, khắp cả giới quyền quý chị đều đến thăm hỏi, với ai chị cũng biết lấy lòng, thật tôi cũng lấy làm lạ? Thế công việc sao rồi? Như tôi thì cũng đến chịu, không sao làm được như chị.
   
Công tước phu nhân Anna Mikhailovna nói:
   
- Ối dào? Chỉ mong sao chị đừng bao giờ phải nếm cái cảnh goá bụa không có nơi nương tựa, một thân một mình với một đứa con mà mình yêu như điên như dại. Cái gì rồi cũng quen đi cả, - phu nhân nói tiếp, giọng không khỏi có phần kiêu hãnh, - cái vụ kiện ấy đã dạy khôn cho tôi nhiều. Cứ mỗi khi cần gặp một ông to nào là tôi lại viết: "Công tước phu nhân mỗ" mong được gặp vị nọ vị kia" - rồi thân hành đi xe đến, hai lần, ba lần hay bốn lần cũng không từ - cho đến khi nào được việc mới thôi. Họ muốn nghĩ gì, họ cho tôi là người thế nào cũng mặc, tôi có cần gì đâu.
   
- Thế việc cháu Boris thì chị xin ai? - bá tước phu nhân hỏi - Con chị thế là đã được làm sĩ quan ngự lâm, còn thằng Nikolai nhà tôi thì chỉ được làm hạ sĩ quan thôi. Chả biết xin xỏ ai. Chị xin ai thế?
   
- Xin công tước Vaxili. Ông ấy tốt lắm, bằng lòng ngay; công tước đã trình việc này lên hoàng thượng rồi.
- Anna Mikhailova nói giọng hân hoan, quên hẳn những nỗi tủi nhục mà mình đã phải trải qua để đạt được mục đích.
   
- Thế công tước Vaxili độ này có già đi không? - Bá tước phu nhân hỏi. - Từ dạo tổ chức diễn kịch ở nhà ông Rumiantxev lôi không gặp công tước lần nào. Tôi chắc bây giờ ông ta quên tôi rồi. Dạo trước ông ta theo tán tỉnh tôi mãi đấy! - bá tước phu nhân mỉm cười nhớ lại thời xưa.
   
- Vẫn thế thôi, vẫn lịch sự, hoà nhã - Anna Mikhailova đáp - Quyền cao chức trọng không hề cho ông ta choáng váng, ông ấy nói với tôi thế này: "Tiếc rằng tôi giúp phu nhân được ít quá, công tước phu nhân ạ, xin cứ truyền bảo". Quả công tước là một người rất tốt, một người bà con rất có tình. Nhưng Natalia, chắc chị cũng biết tôi quý con thế nào. Vì hạnh phúc của nó thật tôi không từ một việc gì. Mà gia cảnh của tôi thì nay thật chẳng ra gì, - Anna Mikhailova hạ thấp giọng, buồn rầu nói tiếp - đề tôi đang lâm vào một tình cảnh hết sức khốn đốn. Cái vụ kiện tai hại của tôi đã ngốn hết cả số tài sản tôi còn để dành lại, mà vẫn không nhích thêm được một bước nào. Chị thử tưởng tượng, nay tôi không còn lấy một đồng nào, thật thế đấy, thật tôi không còn biết lấy đâu ra tiền mà may quân phục cho thằng Boris nữa - Anna Mikhailovna rút chiếc khăn tay và khóc. - Tôi cần năm trăm rup, mà trong túi tôi vẻn vẹn chỉ có một tờ giấy hai mươi lăm. Tình cảnh của tôi thật… Tôi chỉ còn biết hy vọng vào bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov nữa thôi. Nếu bá tước không muốn giúp đứa con đỡ đầu - vì chính bá tước đã đỡ đầu cho thằng Boris - và trợ cấp cho nó ít nhiều, thì bao nhiêu công sức của tôi đều hoá ra công cốc cả: Tôi sẽ không còn biết lấy gì mà may mặc cho nó nữa.
   
Công tước phu nhân khóc và im lặng ngẫm nghĩ một lát rồi nói.
   
- Tôi thường nghĩ, có lẽ nghĩ như thế là có tội, nhưng nhiều khi tôi vẫn nghĩ: bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov sống một mình, với một gia tài kếch xù, như vậy thì sống để làm gì? Đối với bá tước sống đã thành một cái nợ, còn thằng Boris thì lại đang bước vào cuộc sống.
   
- Chắc bá tước sẽ để lại ít nhiều cho cháu Boris, - bá tước phu nhân nói.
   
- Có trời mới biết được bạn ạ! Các ông lớn nhà giàu ấy thường ích kỷ lắm kia. Tuy vậy tôi cũng sẽ đưa thằng Boris đến nhà bá tước và sẽ nói thẳng việc này ra với bá tước. Người ta muốn nghĩ tôi là người thế nào thì nghĩ, quả tình một khi cả vận mệnh của con tôi đã phụ thuộc vào đấy thì tôi có ngại gì đâu. - Công tước phu nhân đứng dậy - Bây giờ là hai giờ, đến bốn giờ chị mới dùng bữa chiều.
   
- Tôi sẽ có đủ thì giờ trở lại.

Và với những cách thức của một người đàn bà quý tộc bận rộn ở Petersburg luôn luôn biết tận dụng thời gian, Anna Mikhailovna cho người đi gọi Boris, rồi cùng cậu con trai đi ra phòng ngoài.

Bà nói với bá tước phu nhân bấy giờ đang tiễn bạn ra cửa:
     
- Thôi chào chị nhé, Natalia thân mến, - và nói thêm, giọng thì thào rất khẽ để con khỏi nghe thấy - Chị cầu mong cho tôi may mắn nhé.

Bá tước Roxtov đứng ở trong phòng ăn cũng vừa đi ra phòng ngoài vừa nói:
   
- Bà sang nhà bá tước Kiril Vladimirovich đấy à? Nếu bá tước đỡ rồi thì bảo cậu Piotr sang tôi ăn bữa chiều nhé. Cậu ấy trước đây thỉnh thoảng vẫn đến chỗ tôi chơi khiêu vũ với các cháu luôn đấy mà. Thế nào bà cũng bảo cậu ấy sang đây nhé. Nào, để rồi xem chú Tarax hôm nay có những cao lương mỹ vị gì. Chú ta bảo là ở nhà bá tước Orlov(2) cũng chưa có bữa tiệc nào như bữa tiệc chiều nay ở nhà tôi đấy.

================================

Chú thích:

(1) Bà Đờ Gianglix, nữ văn sĩ Pháp, viết những tiểu thuyết giáo dục.

(2) Bá tước Orlov tham dự cuộc chinh biến trong cung đình năm 1762 đưa Ekaterina lên ngôi đầu thế kỷ
XlX. Ông nổi tiếng là người hào phóng quảng giao, hiếu khách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:53:54 pm
Phần I
Chương - 1
2

Khi chiếc xe song mã của bá tước phu nhân Roxtova đưa hai mẹ con Anna Mikhailovna qua một con đường rải rơm và tiến vào cái sân rộng của bá tước Kiril Vladimirovich Bezukhov, công tước phu nhân rút bàn tay ra khỏi cái áo khoác cũ kỹ rồi với một cử chỉ dịu dàng và rụt rè đặt nó lên cánh tay con trai, nói:
   
- Boris con ạ, con phải ngoan ngoãn, ân cần nhé: dù sao bá tước Kiril Vladimirovich cũng là cha đỡ đầu của con, tương lai của con là tuỳ ở bá tước cả. Con đừng quên đấy, phải cố sao cho thật hoà nhã đấy, con thường vẫn là người biết cư xử.

Boris đáp, giọng lạnh lùng.
   
- Không biết rồi có được gì không, hay chỉ chuốc lấy cái nhục… Nhưng thôi, vì con đã hứa với mẹ con, con sẽ làm mẹ vui lòng.

Mặc dầu lúc bấy giờ có một chiếc xe ngựa khác không rõ của ai, vừa đỗ ở bên thềm, người giữ cửa vẫn đưa mắt nhìn hai mẹ con Boris.

Hai người bước thẳng vào dãy hành lang bằng kính, giữa hai dãy tượng đặt trong những chiếc hốc tường, không báo cho người giữ cửa biết mình là ai. Người giữ cửa nhìn cái áo khoác cũ kỹ một cách đầy ý nghĩa và hỏi họ muốn đến thăm ai, đến thăm các công tước tiểu thư hay đến thăm bá tước. Khi biết rằng họ muổn đến thăm bá tước, anh ta nói bá tước đại nhân hiện đang ốm nặng hơn trước và không muốn tiếp ai cả. Boris nói bằng tiếng Pháp.
   
- Ta có thể đi về được rồi đấy.
   
- Này con - bà mẹ nói, giọng cầu khẩn, bàn tay lại chạm lên cánh tay con, tưởng chừng sờ như vậy có thể an ủi và khích lệ Boris

Boris không nói gì nữa, chàng nhìn mẹ như muốn dò hỏi, nhưng vẫn không cởi áo khoác. Anna Mikhailovna nói với người giữ cửa, giọng dịu dàng.
   
- Này anh, tôi biết bá tước Kiril Vladimirovich ốm rất nặng… Chính vì vậy tôi mới đến đây… vì tôi là bà con.
Tôi sẽ không làm phiền bá tước đâu anh ạ… Tôi muốn gặp công tước Vaxili Xergeyevich. Ông ta hiện đang ở đây. Nhờ anh báo giúp.

Người giữ cửa hầm hầm giật dây chuông và quay lưng vào. Anh ta gọi to người hầu đi giày có bít tất cao, mặc lễ phục bấy giờ đang chạy từ trên lầu xuống, nhìn qua hàng tay vịn của cầu thang gác:
   
- Công tước phu nhân Drubeskaya muốn gặp công tước Vaxili Xergeyevich.

Người mẹ sửa lại các nếp áo trên chiếc áo dài bằng lụa nhuộm, nhìn vào tấm gương Vênêxi ở trên tường rồi chân đi đôi giầy đã mòn, nhanh nhẹn bước lên những bậc cầu thang gác lót thảm.
   
- Này con, con đã hứa với mẹ rồi đấy nhé! - bà nói với con một lần nữa và lấy bàn tay sờ lên tay con để thúc giục. Boris cúi mặt, điềm nhiên bước theo mẹ. Hai người bước vào cãn phòng dành cho công tước Vaxili. Đến giữa phòng, họ đang định hỏi một người hầu già chạy đến khi nghe có tiếng chân người, xem phải đi dường nào, thì quả đấm bằng đồng ở cánh cửa quay một vòng và công tước Vaxili bước ra, mình mặc một cái áo choàng bằng nhung theo lối ăn mặc thường trong nhà, chỉ đeo một huy chương ngôi sao, theo sau là một người đàn ông tóc đen rất đẹp. Người này là Lorrain, thầy thuốc nổi tiếng Peterburg. Công tước hỏi:
   
- Đúng thế đấy chứ?
   
- Thưa công tước "errare humanum est" (1) nhưng mà… - người thầy thuốc trả lời: ông phát những chữ r la-tinh bằng gốc lưỡi như trong tiếng Pháp. - Được, được!

Nhận thấy hai mẹ con Anna Mikhailovna, công tước Vaxili cúi chào tiễn thầy thuốc ra rồi im lặng đến gần họ, có ý dò hỏi. Boris nhận thấy trong khoé mắt của mẹ mình đột nhiên hiện ra một vẻ đau xót ủ ê. Chàng khẽ nhếch môi mỉm cười.
   
- Thưa công tước, chúng ta lại gặp nhau trong một tình cảnh thực thương tâm… Người bệnh yêu quý của chúng ta như thế nào rồi? - Bà nói, giả vờ không nhận thấy cái nhìn lãnh đạm và xấc xược đang dán chặt vào mình.

Công tước Vaxili nhìn bà rồi lại nhìn Boris có ý dò hỏi, gản như sửng sốt. Boris lễ phép cúi chào. Công tước Vaxili không đáp lễ quay sang nhìn Anna Mikhailovna và trả lời câu hỏi cùa bà bằng cách lắc đầu mấp máy đôi môi, ý muốn nói rằng tình trạng đã cơ hồ tuyệt vọng. Anna Mikhailovna kêu lên:
   
- Thế kia ư? Ô thật là kinh khủng, nghĩ mà rợn cả người. Con trai tôi đấy - bà nói thêm đưa tay chỉ Boris - nó muốn thân hành đến cảm ơn ông đấy.

Boris lại cung kính nghiêng mình một lần nữa.
   
- Xin công tước hãy tin rằng lòng người mẹ quyết không bao giờ quên những điều mà công tước đã giúp cho chúng tỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:54:57 pm
- Tôi rất lấy làm sung sướng là đã giúp ích được phần nào cho bà Anna Mikhailovna thân mến - công tước Vaxili vừa nói vừng sửa lại cổ áo, giọng nói và cử chỉ biểu lộ cho người đã chịu ơn ông biết rằng, ở đây, tại Moskva, ông lại còn quan trọng hơn nhiều so với khi ở Peterburg trong tối tiếp tân tại nhà Annet Serer.
   
- Anh hãy nỗ lực làm tròn bổn phận và tỏ ra là một người đứng đắn - Ông quay về phía Boris nói thêm, giọng nghiêm khắc. - Tôi rất hài lòng… Anh được nghỉ phép đấy chứ? - Ông hỏi, lãnh đạm và dõng dạc.
   
- Thưa ngài tôi đang đợi lệnh để đi nhận chức vụ mới - Boris đáp, không tỏ ra bực tức về cái giọng khó chịu của công tước Vaxili, cũng không tỏ ra muốn tham dự vào câu chuyện, giọng chàng điềm nhiên và lễ độ đến nỗi công tước phải chăm chú nhìn chàng.
   
- Anh ở với phu nhân phải không?
   
- Tôi ở nhà bá tước Roxtov - Boris đáp, rồi nói thêm - Thưa ngài.
   
- Tức là cái ông Ilya Roxtov - đã lấy Natali(2) Sinxina ấy - Anna Mikhailovna nói.
   
- Tôi biết, tôi biết. - Công tước Vaxili nói, giọng đều đều. - Tôi không tài nào hiểu được tại sao Natali lại chịu lấy anh chàng thô lậu ấy. Một con người hoàn toàn ngốc nghếch và lố bịch. Lại là tay cờ bạc nữa thì phải.
   
- Nhưng, thưa công tước, cũng là người rất trung hậu! - Anna Mikhailovna nói và mỉm một nụ cười cảm động, làm như bà biết rằng tay bá tước Roxtov quả xứng đáng với lời đánh giá kia, nhưng bà xin công tước thương hại cho cái ông già tội nghiệp ấy một chút.

Công tước phu nhân im lặng một lát rồi hỏi.
   
- Các bác sĩ nói thế nào? - Và trên khuôn mặt tiều tuỵ lại lộ cái vẻ xót xa thương cảm.
   
- Ít hy vọng lắm - Công tước đáp.
   
- Tôi rất muốn cảm ơn cậu tôi một lần nữa về những ân huệ của cậu đối với tôi và cháu Boris. Đây là con đỡ đầu của cậu tôi đấy - Bà nói thêm, với cái giọng làm như điều này lẽ ra phải làm cho công tước Vaxili sung sướng mới phải.

Công tướcVaxili suy nghĩ một lát và cau mày, Anna Mikhailovna hiểu ngay ông ta sợ gặp ở bà một tay kình địch trong việc thừa hưởng gia tài bá tước Bezukhov. Bà vội vàng nói cho công tước yên tâm.
   
- Chỉ vì tôi yêu mến chân thành và ăn ở hết lòng với cậu tôi - bà tiếp, nói chữ "cậu" một các đặc biệt có hiệu quả và lơ đễnh. - Chứ tôi vẫn biết tính nết bá tước như thế nào. Tôi biết bá tước là người cao thượng và thẳng thắn, nhưng bên cạnh bá tước chỉ có ba công tước tiểu thư… Họ còn trẻ… - Bà cúi đầu và nói thêm, giọng thì thào - Thưa công tước, bá tước đã làm xong những nhiệm vụ cuối cùng chưa? Những giây phút cuối cùng quả là vàng ngọc. Tình hình nghe như nguy kịch lắm rồi, - thế nào cũng phải sửa soạn cho bá tước, nếu quả bá tước ốm nặng như vậy. Thưa công tước, đàn bà chúng tôi, - bà mỉm cười dịu dàng - bao giờ cũng biết cách nói những điều ấy. Thế nào tôi cũng phải gặp cậu tôi; dù điều đó có làm cho tôi não lòng đến đâu; tôi vốn đã quen chịu đau khổ.
   
Chắc hẳn công tước đã hiểu, hiểu lắm. Cũng như trong buổi tối ở nhà Annet Serer, ông ta đã hiểu rằng rất khó lòng mà rút khỏi cái mụ Anna Mikhailovna. Ông ta nói:
   
- Bà Anna Mikhailovna ạ, việc gặp mặt này có thể làm cho bá tước mệt thêm. Chúng ta hãy đợi đến chiều, các bác sĩ dự đoán thế nào bệnh cũng sẽ lên một cơn nữa.
   
- Nhưng thưa công tước, trong những giờ phút như thế này không thể nào chờ đợi được! Công tước thử nghĩ xem: đây là việc cứu vớt linh hồn bá tước(3). Ô, bổn phận một người Cơ đốc giáo thật là nặng nề.
   
Cánh cửa dẫn vào phòng trong mở ra, và một công tước tiểu thư, cháu gái của bá tước, hiện ra, vẻ mặt ảo não và lạnh lùng, thân hình quá dài so với đôi chân.
   
Công tước Vaxili quay về phía tiểu thư hỏi:
   
- Thế nào, bá tước thế nào?
   
- Vẫn cứ thế, ồn, như thế này thì biết làm sao được… - Công tước tiểu thư nói mắt nhìn Anna Mikhailovna từ đầu đến chân như nhìn một người lạ. Anna Mikhailovna:
   
- Chị đấy à? Thế mad tôi không nhận ra! - Bà nói, miệng mỉm cười sung sướng và bước lại gần người cháu gái của bá tước - Tôi vừa đến đây. Tôi đến để giúp chị săn sóc cậu lôi. Tôi biết chị đau khổ rất nhiều - Bà nói thêm, mắt ngước nhìn lên tỏ vẻ ái ngại.
   
Công tước tiểu thư không đáp, cũng không mỉm cười, lập tức rời khỏi phòng. Bà Anna Mikhailovna tháo găng tay và ngồi xuống ghế bành như một người thắng trận, mời công tước Vaxili ngồi xuống cạnh mình. Bà mỉm cười nói với con:
   
- Boris! Mẹ vào thăm bá tước, thăm cậu, còn con thì đến thăm anh Piotr và nhớ nói với anh Piotr rằng gia đình Roxtov mời anh đến đấy nhé. Họ mời anh ấy đến ăn bữa chiều - Rồi bà nói tiếp với bá tước Vaxili. -
Nhưng tôi chắc anh ấy sẽ không đến, có phải không công tước?

Công tước đáp lại, có vẻ bực mình rõ rệt:
   
- Trái lại, tôi rất bằng lòng nếu bà giúp tôi thoát khỏi cái anh chàng ấy. Anh ta cứ ở lì đây…

Bá tước không hề nhắc gì đến anh ta cả. Ông nhún vai. Một người đầy tớ đưa chàng thanh niên xuống thang gác rồi cùng chàng đi lên cái thang gác đến phòng Piôtr Kirilovich.

==================================================

Chú thích:

(1) Con người ta vốn dĩ hay lầm (ngạn ngữ la-tinh)

(2) Nathalie

(3) Đây là nói lễ bôi dầu lên mặt của người Cơ đốc giáo để rửa tội trước khi chết.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:55:58 pm
Phần I
Chương - 13

Pie (1) chưa kịp chọn nghề nghiệp trong thời gian ở Peterburg thì đã bị trục xuất về Moskva vì hành động liều lĩnh. Câu chuyện kể lại ở nhà bá tước Roxtov là có thực. Piotr can dự vào vụ trói viên quận trưởng cảnh sát vào con gấu. Chàng đã trở về nhà trước mấy ngày và ở lại nhà cha chàng như thường lệ. Mặc dầu chàng đoán biết rằng Moskva người ta đã biết câu chuyện của mình, và các bà các cô ở xung quanh cha chàng xưa nay vốn không ưa gì chàng, thế nào cũng lợi dụng dịp này để làm cho bá tước ghét mình, nhưng ngay hôm về chàng liến đến ngay căn nhà của cha. Bước vào phòng khách, nơi các công tước tiểu thư vẫn thường ngồi, chàng chào các tiểu thư đang đọc sách. Có ba chị em tất cả. Người đang đọc sách là bà chị cả, một người đàn bà lưng dài, vẻ mặt nghiêm khắc, ăn mặc chỉnh tề. Đó chính là người đã ra gặp bà Anna Mikhailovna. Hai cô em thì hồng hào, xinh xắn, họ chỉ khác nhau ở chỗ một trong hai người có cái nốt ruồi ở môi trên làm cho cô ta đẹp hơn rất nhiều.
   
Piotr được đón liếp như một người chết hiện về hay một người mắc bệnh ôn dịch. Công tước tiểu thư lớn tuổi nhất ngừng đọc sách và ngây người ra nhìn chàng với đôi mắt sợ hãi. Cô trẻ hơn không có nốt ruồi, cũng liền có cái vẻ mặt y như thế. Người em út có nốt ruồi, tính tình vui vẻ: và hay cười cúi đầu trên miếng vải thêu để cho một nụ cười có lẽ nghĩ đến cái cảnh sắp diễn ra mà nàng đoán là rất ngộ nghĩnh. Nàng kéo sợi len xuống, cúi đầu làm như muốn nhìn thật kỹ các hình vẽ và chật vật lắm mới nhịn được cười. Piotr hỏi:
   
- Chào chị. Chị không nhận ra tôi sao?
   
- Tôi nhận ra anh rõ quá, rõ quá đi chứ.
   
- Bá tước ra sao? Tôi có thể vào thăm được không? - Piotr hỏi vụng về như thường ngày nhưng không hề lúng túng.
   
- Bá tước ốm cả thể xác lấn tinh thần, và tôi thấy hình như anh cố tìm cách làm cho bá tước khổ thêm về tinh thần thì phải.
   
- Tôi có thể gặp bá tước được không. - Piotr hỏi lại.
   
- Hừ! Nếu anh muốn làm cho bá tước chết, nếu anh muốn giết ngay ông cụ thì ông cứ vào thăm. Olga, em hãy xem thử xúp của cậu đã được chưa; đã đến giờ rồi đấy - Cô ta nói thêm để cho Piotr biết rằng họ rất bận, đặc biệt rất bận an ủi và chăm sóc cha chàng trong lúc chàng rõ ràng là chỉ nghĩ cách làm cho cha mình đau khổ.

Olga đi ra. Piotr đứng lại một lát nhìn hai người chị họ rồi cúi chào nói:
   
- Vậy thì tôi đi lên phòng tôi, khi nào có thể thăm thì xin các chị cho tôi biết.

Chàng đi ra, và tiếng cười ròn rã nhưng không lo tiếng của người con gái có cái nốt ruồi vẫn còn vang lên sau lưng.

Ngày thứ hai, công tước Vaxili đến ở tại nhà bá tước. Ông gọi Piotr lại và nói với chàng:
   
- Này anh bạn, nếu ở đây mà anh bạn vẫn cứ xử sự như ở Peterburg thì rốt cục sẽ hỏng bét cả đấy. Tôi chỉ bảo anh thế thôi. Bá tước đau nặng, rất nặng. Anh nhất định không nên vào thăm.

Từ đấy người ta không đả động gì đến Piotr nữa, và chàng ngồi cả ngày trong phòng riêng của chàng ở trên gác.

Lúc Boris bước vào thì Piotr đang đi đi lại lại trong phòng, thỉnh thoảng lại dừng lại ở góc phòng quay về phía tường làm những cử chỉ hăm doạ tưởng chừng như đang cầm kiếm đâm một kẻ thù vô hình nào. Chàng nhìn vượt lên trên cặp kính một cách nghiêm nghị rồi lại bắt đầu đi, nhún vai, hoa tay và nói những lời không ai hiểu được:
   
- Nước Anh đã tận số, - chàng cau mày nói và lấy ngón tay chỉ vào một người khác - Ông Pit là kẻ phản bội quốc gia và quyền lợi nhân dân, bị kết án…
   
Trong giây phút ấy, chàng đang tưởng tượng mình là Napoleon và đang cùng vị anh hùng của mình hoàn thành cuộc viễn chinh nguy hiểm vượt qua eo biển Cale và đánh chiếm London. Chàng chưa kịp tuyên bố tội trạng của Pit thì thấy một viên võ quan trẻ tuổi, tuấn tú, người dong dỏng cao, đang bước đến phía mình. Chàng đứng lại. Piotr từ biệt Boris từ hồi Boris còn là cậu bé mười bốn tuổi và hoàn toàn không nhớ mặt Boris. Tuy vậy, vì bản tính hồn nhiên và thân mật, chàng nắm lấy tay Boris và mỉm cười vồn vã. Boris mỉm cười một nụ cười dễ ưa, nhìn thẳng vào Piotr và bình tĩnh nói:
   
- Anh có nhớ tôi không? Tôi và mẹ tôi đến thăm bá tước, nhưng hình như bá tước đang mệt thì phải.
   
- Phải, hình như đang mệt. Họ cứ làm phiền ông cụ, - Piotr đáp trong khi cố nhớ xem người trẻ tuổi này là ai.

Boris thấy Piotr không nhận ra mình nhưng chàng cảm thấy không cần phải nói tên mình ra; chàng vẫn nhìn thẳng vào mặt Piotr không chút lúng túng. Sau một phút im lặng khá dài làm cho Piotr ngượng nghịu, chàng nói.
   
- Bá tước Roxtov hôm nay mời anh đến nhà ông ta dùng bữa chiều.
   
- À! Bá tước Roxtov - Piotr mừng rỡ reo lên - Thế ra cậu là Ilya con trai ông ta! Này cậu, cậu có biết không, thoạt mới nhìn cậu tôi không sao nhận ra đấy. Cậu có nhớ dạo chúng mình cùng đi chơi ở trên đỉnh núi chim sẻ với Mme Jacquot … đã lâu lắm rồi.
   
- Anh lầm rồi! - Boris nói thong thả, miệng nở một nụ cười mạnh dạn và hơi chế giễu. - Tôi là Boris, con công tước phu nhân Anna Mikhailovna Drubeskaya. Trong nhà bá tước Roxtov, ông bố tên là Ilya còn anh trai tên là Nikolai. Tôi không bao giờ biết bà Jacquot nào hết.

Piotr bắt đầu hoa tay và lắc đầu tưởng chừng như bị muỗi hay bị ong đốt:
   
- Thế à! Mình lẫn lộn hết cả. Ở Moskva mình có nhiều bà con quá. Cậu là Boris, phải rồi. Thôi thế bây giờ chúng mình biết nhau rồi. Cậu thấy kế hoạch Bulônhơ thế nào? Nếu như Napoleon vượt qua eo biển thì người Anh sẽ nguy to chứ chẳng chơi. Miễn là Vilnov(2) đừng sơ suất.

Boris không biết gì về cuộc viễn chinh ở Bulônhơ. Chàng không đọc báo và lần đầu tiên, nghe nói đến Vilnov. Chàng nói với cái giọng thản nhiên bỡn cợt thường có.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:56:59 pm
- Ở đây ở Moskva chúng tôi lo ăn uống và ngồi lê đôi mách hơn là quan tâm đến chính trị. Vì vậy tôi không biết gì hết và không lo nghĩ đến cái gì hết. Moskva chỉ lo đến những chuyện kháo vặt thôi. Hiện nay người ta đang nói về anh và về bá tước.

Piotr mỉm cười một nụ cười hồn hậu, tựa hồ như chàng lo hộ cho người nói chuyện với mình, sợ anh ta sẽ nói một điều mà sau này anh ta sẽ hối hận. Nhưng Boris nói rõ ràng, phân minh và lãnh đạm, mắt vẫn nhìn thẳng vào mặt Piotr. Chàng nói tiếp:
   
- Moskva không làm việc gì hơn là kháo vặt. Mọi người đều muốn biết bá tước để tài sản cho ai tuy có lẽ ông cụ sẽ sống lâu hơn tất cả chúng ta, và bản thân tôi rất mong điều đó…

- Phải đấy, thật là đau xót. - Piotr nói xen - thật là đau xót - Piotr vẫn sợ rằng người võ quan này vô ý khơi ra một câu chuyện sẽ làm cho chính bản thân anh ta ìúng túng.

Boris hơi đỏ mặt nhưng vẫn không thay đổi giọng nói và điệu bộ:
   
- Chắc thế nào anh cũng… thế nào anh cũng cho rằng tất cả mọi người chỉ lo làm sao có được một cái gì ông già giàu có này để lại. "Chính là như vậy" - Piotr nghĩ thầm.
   
- Nhưng riêng tôi, tôi muốn nói với anh để tránh mọi sự hiểu lầm, rằng anh sẽ lầm to nếu anh kể cả tôi và mẹ tôi vào số những người kia. Chúng tôi rất nghèo, nhưng ít nhất tôi có thể tự nói với mình rằng: Chính vì ông cụ anh giàu cho nên tôi không xem mình là bà con của ông cụ, cả tôi và cả mẹ tôi sẽ không bao giờ xin hay nhận của ông cụ một tí gì.

Piotr một hồi lâu không sao hiểu, nhưng đến khi đã hiểu, chàng liền nhảy ra khỏi ghế sofa nắm lấy tay Boris với một cử chỉ hấp tấp vụng về. Và mặt đỏ bừng, đỏ hơn cả mặt Boris, chàng bắt đầu nói với một cảm giác vừa xấu hổ vừa bực tức.
   
 - Thật là lạ lùng. Chả nhẽ tôi lại… Vâng ai lại có thể nghĩ rằng… Tôi rất biết.

Nhưng Boris lại ngắt lời:
   
- Tôi rất sung sướng là đã nói hết. Có lẽ anh không thích thế.
   
- Anh tha lỗi cho tôi - chàng nói, và an ủi Piotr chứ không để cho Piotr an ủi mình - Nhưng tôi hy vọng anh sẽ không giận tôi. Tôi có cái thói có gì nói thẳng. Bây giờ tôi phải nói lại với gia đình Roxtov thế nào đây? Anh đến ăn bữa chiều ở nhà Roxtov chứ?

Boris có vẻ như đã trút bỏ được một trách nhìệm nặng nề. Chàng đã ra khỏi một tình trạng lúng túng, và sau khi đặt người khác vào tình trạng ấy, chàng lại thành một người hết sức hoà nhã, Piotr điềm tĩnh lại, nói:
   
- Này cậu, cậu khá lắm, điều cậu vừa nói với tôi thật là hay, rất hay. Cố nhìên, cậu chưa biết tôi, chúng ta đã lâu không gặp nhau… từ thời còn nhỏ. Cậu có thể cho tôi là… Tôi hiểu cậu, tôi rất hiểu. Nếu là tôi thì tôi sẽ không nói như thế. Tôi rất sung sướng được làm quen với cậu. Thật là lạ, - chàng nói thêm, rồi lại im bặt và mỉm cười - Cậu cho tôi là người như thế nào? - Chàng cười - Nhưng thôi, chẳng hề gì. Chúng ta sẽ biết nhau hơn - Chàng nắm tay Boris - cậu có biết không? Tôi chưa vào thăm bá tước lần nào. Ông cụ không gọi tôi… Là một con người, tôi thấy thương ông cụ lắm… nhưng biết làm thế nào bây giờ?
   
- Thế theo anh thì liệu Napoleon có thể đem quân vượt biển được không? - Boris mỉm cười hỏi.
Piotr hiểu rằng Boris muốn nói lảng sang chuyện khác và cũng tán thành ý định ấy; chàng bắt đầu trình bày những điều hơn thiệt của kế hoạch Bulônhơ.

Người đầy tớ đến gọi Boris ra gặp công tước phu nhân để cùng ra về. Piotr hứa sẽ đến ăn, để có dịp gần gũi với Boris hơn nữa, rồi chàng siết chặt tay Boris, nhìn vào mặt Boris một cách trìu mến qua đôi kính trắng. Sau khi Boris ra về, chàng còn đi đi lại lại một hồi lâu trong phòng. Lúc này chàng không lấy kiếm đâm kẻ thù vô hình nữa, nhưng chàng mỉm cười khi nhớ đến con người trẻ tuổi, dễ thương, thông minh và cương nghị ấy.
   
Như người ta vẫn thường thấy khi hãy còn ít tuổi, và nhất là khi người ta sống trong cảnh cô độc một mình, chàng bỗng dưng cảm thấy mình yêu mến chàng thanh niên kia một cách vô cớ và tự hứa thế nào cũng phải chơi thân với anh ta hơn nữa.

Công tước Vaxili tiễn phu nhân ra cửa. Phu nhân khẽ đưa khăn lên mặt, nước mắt ràn rụa hai bên má. Phu nhân nói:
   
- Thật là kinh khủng, kinh khủng, nhưng dù sao tôi cũng làm nhiệm vụ của tôi. Tôi sẽ đến. Ở lại đêm ở đây. Không thể nào để bá tước một mình như thế được. Mỗi phút mỗi giây đều quý. Tôi không hiểu các công tước tiểu thư còn chờ đợi gì nữa. Có thể chúa giúp tôi tìm ra một cách để sửa soạn cho bá tước! Xin chào công tước, cầu Chúa phù hộ cho ngài!
   
- Chào phu nhân - Công tước Vaxili đáp, và quay mặt đi.
   
- Bá tước đang ở trong một tình trạng thật là khủng khiếp - Bà Anna Mikhailovna nói với con trai khi hai người ngồi lên xe ngựa - Ông ta hầu như không còn nhận ra ai nữa.

Người con hỏi:
   
- Thưa mẹ con không hiểu thái độ của ông ta đối với Piotr sẽ như thế nào.
   
- Tờ di chúc sẽ nói tất cả con ạ. Số phận chúng ta cũng lệ thuộc vào đó!
   
- Nhưng tại sao mẹ lại nghĩ ông ta sẽ để lại một cái gì đó cho chúng ta?
   
- Con ơi, ông ta thì giàu như thế mà chúng ta thì nghèo khổ thế này…
   
- Đó vẫn không phải là một lý do đầy đủ mẹ ạ.

Anna Mikhailovna than thở:
   
- Ồ, trời ơi! Trời ơi! Bệnh tình ông ta trầm trọng quá!

============================================

Chú thích:

(1) Tức Piotr (Pie là cách gọi lối Pháp)

(2) Năm 1805, Vilnov (Villeneuve) là tư lệnh hạm đội Pháp để đánh Anh. Bấy giờ Napoleon chuẩn bị tập trung quân ở Bulônhơ định vượt qua eo biển Cale để đánh Anh. Tháng 10, năm ấy hạm đội Pháp bị đánh bại và kế hoạch của Napoleon không thực hiện được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:58:33 pm
Phần I
Chương - 14

Khi hai mẹ con Anna Mikhailovna đã lên xe đến nhà bá tước Kuril Vladimirovich Bezukhov, một mình bá tước phu nhân Roxtova ngồi im lặng hồi lâu, thỉnh thoảng lại đưa khăn lên thấm nước mắt.

Cuối cùng phu nhân rung chuông gọi gia nhân. Mấy phút sau một người đầy tớ gái đến.
   
- Cô làm sao thế - phu nhân gắt người đầy tớ gái đã đến chậm. - Cô không muốn làm việc nữa sao? Nếu vậy tôi sẽ tìm cho cô một chỗ khác.

Bá tước phu nhân buồn bực vì cảnh nghèo túng tủi nhục của người bạn gái cho nên sinh ra gắt gỏng, mà hễ khi nào gắt gỏng thì phu nhân cũng gọi đầy tớ gái bằng "cô" như vậy.
   
- Con xin bà lớn tha lỗi - người đầy tớ gái nói.
   
- Cô mời bá tước đến đây cho tôi.

Bá tước đến gặp vợ, dáng đi nhún nhẩy và vẻ hơi rụt rè như người có lỗi - đó là một vẻ mặt mà bá tước vẫn thường có.
   
- Chà, bá tước phu nhân ơi! Món chim ri xào rượt Mađerơ chiều nay thật là tuyệt, mình ạ. Tôi có nếm thử; tôi mua thằng Tarax(1) một nghìn rúp thật cũng không uổng. Đáng tiền lắm.
Bá tước ngồi xuống cạnh vợ, khuỷu tay chống xuống đầu gối có vẻ hiên ngang, hai bàn tay vò đầu làm mớ tóc hoa râm rối xù lên.
   
- Bá tước phu nhân gọi tôi có việc gì thế?

- Thế này, mình ạ, kìa cái vết gì thế kia? - Bá tước phu nhân chỉ vào chiếc áo gi-lê của chồng - Chắc lại món chim xào chứ gì, - phu nhân mỉm cười nói thêm - Thế này nhé: tôi cần ít tiền.

Gương mặt phu nhân đượm buồn.
 
- Chà, bá tước phu nhân của tôi… - bá tước vừa nói vừa loay hoay móc túi tìm ví tiền.
 
 - Bá tước ạ, tôi cần nhiều tiền cơ, tôi cần năm trăm rúp - Nói đoạn phu nhân lấy chiếc khăn tay nhiễu lau áo gi-lê cho chồng.
   
- Có ngay, có ngay đây ạ. Này, có ai đấy không nhỉ? - Bá tước cất tiếng gọi to với cái giọng của những người có thể tin chắc rằng những người được mình gọi sẽ lập tức cắm đầu chạy đến - Gọi Mityenka lại cho ta nhé!

Mityenka, con của một người quý tộc đã được nuôi nấng trong gia đình bá tước và hiện nay trông coi tất cả công việc của bá tước, rón rén bước vào phòng.

Mityenka này, - Bá tước nói với chàng thanh niên vừa kính cẩn bước vào, - Anh lấy cho ta… - Bá tước ngẫm nghĩ một lúc - Phải, bảy trăm rúp, phải đấy. Mà phải xem đừng lấy tờ rách và bẩn như lần trước đấy, chọn lấy những tờ tươm tươm vào, tiền đưa cho bá tước phu nhân đấy.

Bá tước phu nhân buồn rầu thở dài nói:
   
- Đúng đấy, Mityenka ạ, cho sạch sẽ một tí nhé.
   
- Thưa bá tước, bao giờ thì ngài cần ạ? Xin thưa để ngài biết cho rằng… Vả chăng xin ngài chớ bận tâm -
Mityenka nói thêm, vì nhận thấy bá tước bắt đầu phì phì thở gấp: điều đó bao giờ cũng báo hiệu bá tước đang nổi giận. - Con suýt quên mất. Thưa bá tước cho đưa lại ngay bây giờ chứ ạ?
   
- Ừ, ừ, phải đấy đưa ngay lại đây cho phu nhân. - Khi chàng thanh niên đã ra ngoài bá tước mỉm cười nói thêm - Cái thằng Mityenka nhà tôi thật là vàng ngọc chứ không phải… Chẳng có cái gì là không làm nổi. Tôi ghét nhất là lối nói "không thể được". Cái gì cũng phải được chứ.
   
- Chao ôi, bá tước ạ, trên đời này tiền gây nên bao nhiêu nỗi buồn khổ? - Bá tước phu nhân nói   - Số tiền này tôi cần lắm đấy.
   
- Bá tước phu nhân thì tiêu tiền còn phải nói, - bá tước nói đoạn hôn vợ và trở về phòng làm việc.
    Khi Anna Mikhailovna ở nhà Bezukhov trở lại thì món tiền đã được trao cho bá tước phu nhân, toàn là những tờ giấy bạc còn mới.

Phu nhân để số tiền trên chiếc bàn con và phủ một chiếc khăn tay lên trên. Anna Mikhailovna vào thì nhận thấy bá tước như có điều gì đang bồn chồn lo lắng.

Thế nào, công việc ra sao hở chị? - Phu nhân hỏi.
   
- Chao ôi, bệnh tình bá tước nay thật là kinh khủng! Khó lòng nhận ra được bá tước nữa, nguy kịch lắm rồi, nguy kịch lắm? Tôi chỉ ngồi lại có một phút, chưa kịp nói lấy hai câu…
   
- Annet ạ, tôi xin chị, chị đừng từ chối nhé.

Bá tước phu nhân nói, và bỗng đỏ mặt, một điều rất tương phản với khuôn mặt đã luống tuổi, gầy và nghiêm trang của phu nhân, trong khi với tay lấy số tiền ở dưới chiếc khăn tay ra. Bà Anna Mikhailovna đã hiểu ngay sự tình và cúi xuống ôm gọn lấy bá tước phu nhân rất đúng lúc.
   
- Đây tôi có món tiền nhỏ cho cháu Boris để may quân phục…

Bà Anna Mikhailovna đã ôm lấy phu nhân mà khóc. Bá tước phu nhân cũng khóc. Họ khóc vì tình bạn khăng khít, vì họ là những người tốt bụng; vì thấy hai bạn cũ từ thiếu thời mà nay phải bận tâm đến chuyện tiền nong vặt vãnh: và cũng vì tuổi trẻ của họ đã qua. Những giọt nước mắt ấy cũng làm cho cả hai người thấy dễ chịu.

=======================================

Chú thích:

(1) Tara là tên một gia nô. Lúc bấy giờ gia nô cùng bán theo tài sản: chỉ những người nào có nghề nghiệp chuyên môn mới bán riêng: một ngàn rúp có thể mua sắm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 07:59:18 pm
Phần I
Chương - 15
     
Bá tước phu nhân Roxtova đang cùng các con gái và số tân khách đến đã khá đông ngồi trong phòng khách. Bá tước dẫn các khách nam giới vào phòng làm việc, mời họ hút thuốc bằng những chiếc tẩu Thổ Nhĩ kỳ do ông sưu tập. Chốc chốc lại ra phòng khách hỏi: Bà ấy đến chưa? Họ đang đợi bà Maria Dmitrievna Akhoxrimova đến. Trong giới thượng lưu bà được coi là con rồng hung dữ, bà nổi tiếng không phải vì của cải hay địa vị, mà vì tâm hồn thẳng thắn và phong độ giản dị, ăn nói thật thà. Bà Maria Dmitrievna được cả hoàng tộc và khắp hai thành phố Moskva và Peterburg biết tiếng, ai cũng lấy làm lạ về bà ta, họ thường cười thầm với nhau về tình hình lỗ mãng của bà, khác nhau những mẩu giai thoại quanh bà, tuy vậy ai cũng nể sợ bà Maria Dmitrievna.

Trong căn phòng làm việc mù mịt khói thuốc lá, câu chuyện đang xoay quanh bản tuyên chiến mới công bố, quanh việc tuyển quân. Chưa ai được đọc bản tuyên chiến, nhưng ai cũng biết rằng nó đã được công bố. Bá tước ngồi trên một chiếc trường kỷ, hai bên có người khách đang hút thuốc và nói chuyện với nhau. Bản thân bá tước không hút thuốc và không nói chuyện, nhưng khi nghiêng đầu sang phái, khi nghiên đầu sang trái, vẻ thích thú rõ rệt nhìn hai người hút thuốc và lắng nghe họ nói chuyện với nhau quanh một vấn đề mà ông ta đã nêu lên để cho hai người cãi vã.

Một trong hai người khách ngồi cạnh bá tước mặc thường phục mặt cạo nhẵn gầy và nhăn nheo, nước da mai mái, một người tuy đã luống tuổi, nhưng vẫn ăn mặc như một cậu công tử hợp thời trang nhất. Ông ta ngồi xếp bằng tròn trên trường kỷ, vẻ như người nhà, ống điếu đặt lệch một bên mép ngậm sâu vào miệng, rít khói thuốc từng đợt ngắn, mắt nheo lại. Đó là Sinsin, anh họ của bá tước phu nhân, đã luống tuổi nhưng vẫn sống độc thân, một người nổi tiếng ác khẩu trong các phòng khách Moskva, ông ta có vẻ như đang hạ mình xuống nói với người tiếp chuyện. Người kia là một sĩ quan cận vệ tươi tắn hồng hào, mặt mày, tóc tai và áo quần trau chuốt hết sức cẩn thận, ống điếu ngậm thẳng vào chính giữa đôi môi đỏ hồng và rít nhè nhẹ khói thuốc vào rồi lại nhả từ cái miệng xinh xắn ra thành từng vòng tròn. Đó chính là viên trung uý Berg, sĩ quan của trung đoàn Xemionovxk sẽ cùng với Boris lên đường đến trung đoàn, người mà Natasa gọi là vị hôn phu của Vera để trêu chị.
   
Bá tước ngồi giữa hai người lắng nghe rất chăm chú. Ngoài việc đánh bài Boston ra thì công việc mà bá tước thích nhất là ngồi nghe người khác nói chuyện, nhất là khi đã khích cho hai ông khách bẻm mép cãi nhau thì bá tước lại càng thú lắm.
   
- Thế nào đấy, Alphônx Kakryts tiên sinh - Sinsin vừa cười vừa nói, pha lẫn những thành ngữ Nga rất bình dân với những câu tiếng Pháp cầu kỳ, đó là một đặc điểm trong lối nói của ông ta - Cậu định hưởng lợi tức của nhà nước à? Cậu mới ăn lãi của đại đội hay sao đấy?
     
- Không đâu ông Piotr Nikolaievich, tôi chỉ muốn chứng minh rằng kỵ binh không có lợi bằng bộ binh thôi. Đấy ông thử hình dung cảnh tôi mà xem.
   
Berg bao giờ nói năng cũng rất chính xác, bình tĩnh và lễ độ. Bao giờ anh ta cũng nói những chuyện có dính dáng đến mình. Khi nào xung quanh nói đến những chuyện không liên quan trực tiếp tới anh, bao giờ Berg cũng im lặng. Và anh có thể im lặng như vậy đến mấy tiếng đồng hồ liền, không hề thấy khó chịu và cũng không làm cho ai khó chịu chút nào. Nhưng hễ câu chuyện động chạm tới bản thân là Berg bắt đầu nói thao thao và lộ vẻ thích thú rõ rệt.

- Ông Piotr Nilolaievich ạ, ông thử tưởng tượng tình cảnh của tôi mà xem: giá tôi ở trong kỵ binh thì dù làm chức trung uý, lương mỗi quý cũng không quá hai trăm rúp, còn bây giờ thì tôi được lĩnh tới hai trăm ba mươi rúp kia, - Berg nói, miệng nở một nụ cười hớn hở và dễ ưa, mắt nhìn Sinsin rồi lại nhìn sang bá tước, dường như anh ta nghĩ rằng dĩ nhiên mọi người đều chỉ mong sao cho anh ta thành công.
- Ông Piotr Nikolaievich ạ, - Berg nói tiếp, - ngoài ra chuyển sang quân cận vệ tôi lại được chú ý nhiều hơn, mà bộ binh cận vệ lại được thăng chức nhiều. Ngoài ra, ngài thử tưởng tượng xem với hai trăm ba mươi rúp tôi đã thu xếp như thế nào. Tôi để dành được kha khá và còn lại gửi cho cha tôi nữa. - Berg nói tiếp, mồm nhả ra một vòng tròn thuốc lá.

Sinsin chuyển ống điếu sang mép bên kia, nói:

- Quả đúng thật… Người Đức bao giờ cũng tài xoay xở như câu tục ngữ vẫn nói - rồi Sinsin nháy mắt với bá tước một cái.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 08:00:07 pm
Bá tước phá lên cười. Mấy người khách khác, thấy Sinsin đang cầm trịch câu chuyện, liền lại gần để nghe. Berg không để ý thấy vẻ chế giêu hoặc dửng dưng của những người xung quanh, tiếp tục kế lại nào là chuyển sang quân cận vệ là anh ta đã được lãi một cấp bậc so với các bạn cùng lứa ở trường võ bị ra, nào là trong thời chiến, đại đội trưởng có thể tử trận và anh ta sẽ thành người có cấp bậc cao nhất trong đại đội, do đó rất dễ được thăng lên chức đại uý, nào là trong trung đoàn ai cũng mến anh, nào là ông bố anh rất lấy làm hài lòng về anh. Trong khi kể lể như vậy, Berg xem ra rất khoái chí cho nên có vẻ không hề thoáng có ý nghĩ rằng những người khác cũng có thể thích thú riêng của họ. Nhưng tất cả những điều Berg nói ra đều dễ nghe, và cái vị kỷ trẻ trung của anh ta nó ngây thơ một cách hiển nhiên đến nỗi người nghe không nỡ nào có ác ý gì với anh.

- Cậu ạ, ở kỵ binh hay là ở bộ binh cậu cũng vẫn có cách làm ăn phát đạt như thường, cái đó thì tôi xin nói chắc với cậu - Sinsin vỗ vai Berg nói, và bỏ hai chân trên trường kỷ xuống. Berg sung sướng mỉm cười. Bá tước đứng dậy đi ra phòng khách, và các tân khách đều ra theo. Lúc bấy giờ, cũng như trước bất cứ một bữa tiệc lớn nào khác, các tân khách không bắt vào những câu chuyện dài vì còn đợi được mời vào dùng các món khai vị, nhưng đồng thời cũng thấy cần phải hoạt động đôi chút và nói dăm ba câu để tỏ rằng mình đây không hề có ý sốt ruột chờ đến lúc ngồi vào bàn ăn. Ông chủ, bà chủ chốc chốc lại nhìn về phía cửa và đưa mắt nhìn nhau. Các tân khách thì có gắng căn cứ vào những cái nhìn đó để đoán xem họ còn chờ ai hay đợi cái gì: một người họ hàng quan trọng nào đến muộn hay bữa ăn chưa dọn xong.
Piotr đến đúng vào lúc mọi người sắp ngồi vào bàn và lúng túng ngồi xuống một chiếc ghế bành ở chính giữa phòng khách làm vướng hết cả lối đi. Bá tước phu nhân muốn gợi chuyện cho Piotr nói nhưng chàng cứ giương mắt ngơ ngác nhìn quanh qua đôi kính trắng như muốn tìm ai, bá tước phu nhân hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời gióng một. Chàng làm cho mọi người thấy vướng, và chỉ mỗi mình chàng là không nhận thấy điều đó. Một số lớn khách khứa vốn đã biết chuyện Piotr với con gấu, tò mò nhìn cái chàng to béo hiền lành kia, băn khoăn không hiểu làm sao một con người vụng về và nhút nhát như vậy lại có thể chơi ông quận trưởng một vốn điếng người đến thế.

- Cậu vừa mới đến đấy à? - Bá tước phu nhân hỏi Piotr.

- Thưa bà vâng ạ! - Piotr vừa đáp vừa nhìn quanh.

- Cậu chưa gặp nhà tôi à?

- Thưa bà chưa ạ! - Piotr mỉm cười không đúng lúc một tí nào cả.

- Hình như cậu mới ở Paris về thì phải? Tôi chắc ở đấy thú vị lắm nhỉ?

- Vâng, thú lắm.

Bá tước phu nhân đưa mắt với bà Anna Mikhailovna, bà Anna Mikhailovna hiểu rằng người ta nhờ mình tiếp hộ chàng thanh niên kia liền nhích ghế lại gần và bắt đầu nói chuyện về bá tước Bezukhov, nhưng cũng như lúc nãy khi nói chuyện với bá tước phu nhân. Piotr chỉ trả lời gióng một. Các vị khách khác thì mải nói chuyện với nhau mỗi nhóm một khách, bốn phía đều nghe loáng thoáng:

Ông bà Razumovxki… Thật tuyệt quá, bà tốt quá… Nữ bá tước Apraksin…

Bá tước phu nhân đứng dậy và đi ra phòng ngoài. Giọng nói của phu nhân từ phòng ngoài vẳng lại:

- Có phải bà Maria Dmitrievna Đmitrevna không?

- Chính phải, - một giọng đàn bà thô thô đáp lại, và tiếp theo sau, bà Maria Dmitrievna bước vào phòng.

Tất cả các tiểu thư và cả các bà mệnh phụ nữa đều đứng dậy, chỉ trừ những người già nhất. Bà Maria Dmitrievna dừng lại ở ngưỡng cửa và cất cao mái đầu bạc của người đàn bà năm mươi tuổi trên tấm thân phốp pháp, đưa mắt nhìn qua khách khứa một lượt và thong thả sửa lại hai ống tay áo, dường như muốn xắn tay lên vậy.

Bà Maria Dmitrieva bao giờ cũng nói bằng tiếng Nga. Bà ta cất cái giọng sang sảng át hết cả mọi âm thanh khác, nói:

- Xin mừng lễ thánh bạn Natalia và các cháu - Đoạn bà ta quay về phía bá tước đang đến hôn tay bà, nói
- Còn cái ông trời đánh này, chắc ở Moskva ông thấy chán lắm hả ông tướng? Khi mấy con chim con kia lớn lên - bà giơ tay chỉ mấy cô con gái - thì dù muốn dù không cũng phải liệu mà kiếm chồng cho chúng nó.

Rồi bà nói tiếp, tay vuốt tóc Natasa lúc bấy giờ đang đến hôn tay bà, dáng vui vẻ và không chút sợ hãi:

- Thế nào đấy chú Cô-đắc của tôi? (bà Maria Dmitrievna vẫn thường gọi Natasa là Cô-đắc). Tôi biết con bé này tệ lắm, nhưng tôi vẫn thích.

Bà Maria Dmitrieva móc trong cái túi thêu to tướng lấy ra một đôi hoa tai bằng ngọc bích hình quả lê trao
cho Natasa lúc bấy giờ mặt ửng hồng và rạng rỡ như một cô bé được ăn mừng lễ thánh, rồi iập tức quay ngoắt sang phía Piotr nói:

- Ê, ê! Anh bạn! Lại gần đây nào, - bà Maria Dmitrievna vờ lấy giọng khe khẽ và thanh thanh nói - Lại đây anh bạn. Và bà ta xắn tay áo lên, vẻ dữ tợn.

Piotr lại gần, ngây ngô nhìn bà khách qua đôi kính trắng.

- Lại đây, lại gần đây anh bạn! Với cha anh thì những khi có dịp tôi cũng đã nói sự thật, còn với anh thì Đức Chúa Trời cũng ra lệnh cho tôi phải làm như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Mười Hai, 2010, 08:00:40 pm
Bà Maria Dmitrievna im lặng một lát. Mọi người cũng đều im lặng chờ đợi xem cơ sự sẽ ra sao, và cảm thấy đây chỉ là môt đoạn giáo đầu.

- Chả phải nói, con cái hiếu thảo nhỉ? Cha thì ốm liệt gường, mà con thì cứ chơi bời thả cửa, đi bắt một ông cảnh sát cưỡi gấu, có ghê không! Xấu hổ lắm cậu ạ, thật là xấu hổ! Đi ra trận mà đánh có phải hơn không?

Nói đoạn bà quay đi và đưa tay cho bá tước bấy giờ đang nhịn cười không được.

Thế nào đấy, chắc đã đến lúc ngồi vào ăn rồi đấy nhỉ - bà Maria Dmitrievna nói.
Bá tước và bà Maria Dmitrievna đi trước; rồi đến bá tước phu nhân khoác tay ông đại tá phiêu kỵ, một con người cần phải trọng nể vì sẽ cùng Nikolai về trung đoàn, sau đó đến bà Anna Mikhailovna đi cạnh Sinsin; Berg thì khoác tay Vera. Cô Juyly Karaghina tươi cười sóng đôi với Nikolai bước tới bàn ăn. Sau họ đến những đôi khác nối tiếp nhau thành một hàng dài từ đầu đến cuối phòng, và sau cùng là bọn trẻ đi riêng từng đứa, các nam nữ gia sư.

Nhưng người hầu bàn xắng xở bày dọn, có tiếng chân ghế kéo rầm rập trên sàn; trên bao lơn, đội nhạc riêng của nhà bá tước bắt đầu cử nhạc, và các tân khách ngồi vào chỗ. Tiếng nhạc nhường chỗ cho tiếng dao rĩa lách cách, tiếng nói chuyện của các khách dự tiệc, tiếng bước chân nhè nhẹ của những người hầu bàn. Bá tước phu nhân ngồi ở ghế danh dự cuối bàn ăn. Bên phải là bà Maria Dmitrievna, bên trái là bà Anna Mikhailovna và các bà khách khác.

Ngồi ở cuối bàn là bá tước Roxtov, bên trái bá tước là ông đại tá phiêu kỵ, bên phải là Sinsin và các khách nam giới khác. Ngồi ở chiếc bàn dài, một bên là lớp thanh niên lớn tuổi; Vera bên cạnh Berg; Piotr bên cạnh Boris; bên kia là các trẻ và các gia sư. Từ phía sau những chiếc cốc pha lê những chai rượu và những chiếc bình hoa đựng hoa quả, đầu đội cái mũ vải cao quấn giải lụa xanh da trời, bá tước đưa mắt nhìn phu nhân, và chăm chỉ rót rượu mời các tân khách ngồi bên cạnh, đồng thời cũng không quên rót cho mình;
Phía sau mấy quả dứa, bá tước phu nhân, trong khi không quên nghĩa vụ của nữ chủ nhân, cũng đưa mắt nhìn chồng một cách có ý nghĩa, và có cảm giác là cái đầu hói và cái mặt của bá tước đều đỏ gay, nổi bật hẳn lên giữa đám tóc bạc của mấy vị khách ngồì cạnh.

Về phía nhóm các bà câu chuyện tiếp diễn đều đều; phía các tân khách nam giới thì tiếng nói chuyện ngày càng to thêm, nhất là giọng nói của ông đại tá phiêu kỵ; ông này ăn rất nhiều và uống cũng rất nhiều, mặt mỗi lúc một đỏ thêm, nên bá tước đã có lần nêu ông ta làm gương cho các vị khách khác. Berg mỉm cười âu yếm nói với Vera rằng tình yêu không phải là tình cảm trần gian, mà là một tình cảm thượng giới. Boris nói cho anh bạn mới của mình là Piotr biết tên các tân khách có mặt ở bàn tiệc và chốc chốc lại đưa mắt nhìn Natasa đang ngồi trước mặt. Piotr nói rất ít, luôn luôn đưa mắt nhìn qua các khuôn mặt mới lạ, và ăn rất nhiều. Bắt đầu từ hai món xúp, trong đó Piotr đã chọn món xúp ba ba từ món chả cá cho đến món chim rán, chàng không bỏ qua một món nào và một tuần rượu nào. Cứ mỗi lần người hầu bàn cầm chai rượu bọc khăn bông từ sau vai của người ngồi cạnh chìa ra, vẻ bí mật, vừa đưa vừa nói: "Rượu Made thuần chất" hay "rượu Hung", hay rượu sông Ranh" là Piotr lại với lấy một trong bốn chiếc cốc pha lê có in tộc huy của bá tước đặt trước mỗi bộ đĩa, chìa ra hứng rượu và uống một cách thích thú, vừa uống vừa nhìn khách khứa với đôi mắt mỗi lúc một thêm ân cần. Natasa ngồi trước mặt chốc chốc lại nhìn Boris với đôi mắt của những cô gái mười ba tuổi nhìn người con trai mình yêu và mới hôn lần đầu. Thỉnh thoảng cũng đôi mắt ấy lại nhìn sang Piotr, và khi thấy người con gái ngộ nghĩnh và hoạt bát kia nhìn mình, Piotr tự dưng muốn cười, nhưng chẳng hiểu tại sao.
   
Nikolai ngồi xa Sonya, bên cạnh Juyly Karaghina, và lại bất giác mỉm cười như bận trước, nói chuyện với cô ta. Sonya bề ngoài mỉm cười tươi tắn, nhưng vẫn không giấu nổi sự ghen tuông đang giày vò tâm can: khi thì cô ta tái mặt đi, khi thì lại đỏ mặt lên, và hết sức bình sinh ra cố lắng nghe xem Nikolai và Juyly nới với nhau những gì. Bà gia sư lo lắng nhìn quanh, dường như hễ có ai dám trêu chọc gì bọn trẻ là lập tức đối phó. Ông gia sư người Đức cố gắng nhớ cho hết các món ăn, các món tráng miệng và các thứ rượu để viết thư về Đức kể lại cho người ta biết trong bức thư sau. Ông ta rất đỗi phật lòng khi người hầu bàn cầm chai rượu bọc khăn bông đi qua chỗ ông ngồi mà cứ lờ đi, không rót rượu. Ông gia sư người Đức cau mày, cố làm ra vẻ mình đây chẳng thiết uống thứ rượu kia làm gì, và có vẻ giận chẳng qua vì không ai chịu hiểu cho rằng sở dĩ ông ta muốn uống thứ rượu ấy không phải vì khát hay tham lam, mà chỉ vì thật bụng muốn mở mang kiến thức.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:11:08 pm
Phần I
Chương - 16
     
Ở đầu bàn dành cho khách nam giới câu chuyện mỗi lúc một rôm rả. Viên đại tá kể lại rằng bản tuyên chiến đã được công bố ở Petersburg và chính mắt ông ta đã được trông thấy một bản gửi cho quan tổng tư lệnh.

- Tại sao chúng la lại phải đi gây chiến với Buônapáctê nhỉ? - Sinsin nói - Hắn đã giáng cho nước Áo một đòn chí mạng, Tôi e rằng lần này lại đến lượt ta mất.
   
Viên đại tá là một người Đức cao lớn, đẫy đà và hồng hào, cứ trông cũng đủ rõ ông ta là một quân nhân cần mẫn và có lòng yêu nước. Câu nói của Sinsin làm ông ta phật lòng. Ông ta nói với cái giọng lơ lớ của người ngoại quốc:

- Ngài bảo tại sao ư? Thì hoàng thượng đã nói rồi đấy. Trong bản tuyên ngôn Người có dạy rằng: Người không thể thờ ơ ngồi nhìn những mối nguy cơ đang đe doạ nước Nga, rằng sự anh ninh của quốc gia, danh dự của quốc gia và tính chất thiêng liêng của những mối liên minh…, - không hiểu tại sao đại tá nhấn mạnh vào hai chữ liên minh này dường như thực chất của vấn đề là nằm trong hai chữ ấy.
   
Và với cái trí nhớ tinh tường không thể sai sót của một người quen giao thiệp với các giới chính trị, đại tá đọc lại đoạn mở đầu của bản tuyên ngôn… và ước nguyện, mục đích duy nhất và nhất quyết của hoàng đế là lập lại hoà bình ở châu Âu trên những nền tảng vững chắc - tất cả những điều đó đã khiến Người phải quyết định điều động một phần quân đội vượt biên giới và thi hành những biện pháp mới để cố gắng đạt đến ý định nói trên.

- Đấy, thưa ngài chính vì thế đấy, - đại tá kết luận, rồi nốc một cốc rượu bia và liếc nhìn bá tước có ý chờ đợi một lời tán đồng.
   
Sinsin vừa cau mày vừa mỉm cười, nói:

Ngài có biết câu tục ngữ: "Yerma, Yerma tại sao chẳng ngồi nhà mà quay xa" Làm như vậy mới thật là hợp với chúng ta chứ?
     
Kìa xem như Xuvorov tài giỏi thế mà còn bị đánh thua liểng xiểng nữa là, chứ như ngày nay chúng ta làm gì còn những người như Xuvorov? - Tôi xin hỏi ngài như vậy, làm gì còn? - Sinsin nói, luôn mồm nhảy từ tiếng Nga sang tiếng Pháp.
   
Viên đại tá vỗ bàn nói:

- Chúng ta phải chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng và ch…chết vì hoàng đế của chúng ta, được như vậy mọi việc sẽ đều tốt đẹp Còn lý sự thì cà… àng ít lại cà… àng tốt (ông ta kéo dài từ "càng" ra) phải, lý sự in ít ấy - đại tá kết luận rồi quay sang phía bá tước - Đấy bọn kỵ binh già chúng tôi quan niệm như vậy đấy, không còn gì hơn. Còn anh thì anh lập luận thế nào hả anh kia? Anh là một thanh niên, lại là một kỵ binh trẻ tuổi, anh quan niệm như thế nào? - Đại tá quay sang Nikolai nói thêm.
     
Bấy giờ Nikolai nghe nói tới chiến tranh đã bỏ rơi cô bạn gái ngồi đấy và bao nhiêu tâm trí đều đổ dồn về phía đại tá, hết sức chăm chú nhìn ông và lắng nghe ông nói chuyện.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài, - Nikolai đỏ mặt, vừa đáp vừa lấy tay quay quay chiếc đĩa ăn và đổi chỗ mấy chiếc cốc, vẻ cương quyết và quả cảm, tưởng chừng như ngay giờ phút này chàng đang trải qua một nguy cơ gì to lớn lắm, - Ti quả quyết cho rằng người Nga phải chiến thắng, nếu không chỉ còn một chết nữa mà thôi. - Nikolai vừa nói xong đã thấy ngay rằng lời lẽ của mình quá long trọng và hoa mỹ, không hơp với không khí lúc bấy giờ, và mọi người đều thay như vậy.

Juyly ngồi cạnh Nikolai thở dài nói:

- Hay quá, câu anh vừa nói hay quá!
   
Sonya bắt đầu run lên bần bật và đỏ mặt lên đến tận tai, rồi cả phía sau gáy, cổ và vai Sonya cũng ửng đỏ lên trong khi Nikolai nói. Piotr lắng nghe lời đại tá nói và gật đầu tỏ ý tán đồng.

- Đấy như thế mới hay chứ!
   
Viên đại tá lại vỗ bàn nói lớn:

- Anh thật là một tay phiêu kỵ chân chính, anh bạn trẻ ạ!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:12:08 pm
Chợt có tiếng nói trầm trầm của Maria Dmitrievna ở đầu bàn đằng kia nói với lại:

- Này các ông ở đằng kia nói chuyện gì mà ồn lên thế?- Bà nói tiếp với viên đại uý phiêu kỵ - Việc gì mà ông đập bàn đập ghế? Ông nổi cáu lên với ai đấy? Ông tưởng quân Pháp đang ở trước mặt ông hẳn?

- Tôi nói sự thật thôi mà, - đại tá mỉm cười nói.

- Vẫn là chuyện chiến tranh cả đấy, - bá tước nói vọng qua bàn ăn. - Chả là tôi có thằng con nó sắp đi mà, bà Maria Dmitrievna ạ, con tôi nó sắp đi đấy.

- Còn tôi thì có đến bốn đứa con ở trong quân đội, nhưng tôi có buồn phiền gì đâu: việc gì cũng do trời định cả, nằm nhà mà sưởi cũng có thể chết, và ra trận cũng cứ có thể được Chúa phù hộ - bà Maria Dmitrievna nói, giọng ồm ồm của bà vang từ đầu đến cuốt bàn một cách dễ dàng, không phải cố gắng chút nào hết.
   
Thằng em trai của Natasa nói:

- Ê, chị không dám hỏi đâu nhé, chả dám hỏi đâu!

- Tao hỏi cho mà xem - Natasa đáp:
   
Mặt Natasa bỗng nóng bừng lên, vẻ hớn hở và liều lĩnh như người sắp làm một việc gì rất tinh nghịch.
Natasa nhổm dậy, đưa mắt nhìn Piotr bấy giờ ngồi trước mặt như để mời anh ta nghe mình nói, rồi quay về phía mẹ hỏi:

- Mẹ ơi! - giọng nói trẻ con trầm trầm của Natasa vang lên từ đầu bàn bên này đến đầu bàn bên kia.

- Gì đấy con? - bá tước phu nhân hoảng sợ hỏi, nhưng nhìn qua vẻ mặt con, bá tước phu nhân thấy rõ rằng đây là một trò nghịch ngợm, liền nghiêm nghị vẫy tay bảo im và lắc đầu tỏ ý hăm doạ.
   
Các tân khách im lặng.

- Mẹ ơi! Chốc nữa ăn tráng miệng món gì thế hở mẹ? - giọng nói trẻ con của Natasa lại vang lên, quyết liệt hơn trước, không hề ngập ngừng.

Bá tước phu nhân muốn cau mày, nhưng không được. Bà Maria Dmitrievna giơ ngón tay lên doạ:

- Đồ cô-đắc! Bà nói, giọng nạt nộ.

- Phần đông các tân khách đều đưa mắt nhìn các bậc phụ huynh trong nhà, không biết nên có thái độ như thế nào đối với trò nghịch ngợm này.

- Mày liệu hồn đấy? - Bá tước phu nhân nói.

- Mẹ ơi, chốc nữa ăn tráng miệng món gì thế? - Natasa thét lần này giọng đã dạn dĩ hẳn lên và có vẻ nũng nịu vui vẻ. Bấy giờ Natasa đã dám chắc rằng trò đùa nghịch của mình sẽ được tiếp nhận vui vẻ.
   
Sonya và chú Petya béo tốt cười rũ ra.

- Đấy, mình hỏi rồi đấy - Natasa nói thầm với em trai và lại đưa Bà Maria Dmitrieva nói:

- Sẽ có kem đấy, nhưng mày không được ăn đâu.

Natasa thấy rõ rằng chẳng việc gì phái sợ hãi cả, cho nên cũng chẳng sợ bà Maria Dmitrievna nữa.

- Bác Maria Dmitrievna! Kem gì thế? Cháu không thích kem mận đâu?

- Kem cà rốt đấy!

- Không! Kem gì kia? Bác Maria Dmitrievna, kem gì thế hả bác, - Natasa nói to gần như thế lên - Cháu muốn biết rõ.
   
Bà Maria Dmitrievna và bá tước phu nhân cười phá lên, và tất cả các khách khứa đều cười theo. Họ cười không phải vì câu trả lời của bà Maria Dmitrievna mà vì cái khéo léo và cái cả gan lạ lùng của Natasa, là người biết cách và đã dám ăn nói với bà Maria Dmitrievna như vậy.
Đến khi đã biết được rằng sẽ có kem dứa, Natasa mới chịu ngồi yên.
   
Trước khi dọn kem, người ta rót sâm banh ra. Âm nhạc lại cử lên, bá tước và phu nhân ôm nhau hôn và các tân khách đứng dậy ehúc mừng bá tước phu nhân, chồm qua bàn tiệc chạm cốc với bá tước với các trẻ và chạm cốc lẫn nhau. Các giai nhân hầu tiệc lại chạy đi chạy lại dọn dẹp bàn ăn, lại có tiếng kéo ghế và các tân khách lại trở ra phòng khách hoặc vào phòng bá tước theo thứ tự như cũ, nhưng mặt đỏ hơn trước nhiều.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:16:49 pm
Phần I
Chương - 17

Người ta xếp bàn boston, những ván bài bắt đầu và khách khứa của bá tước chia nhau ngồi trong hai gian phòng khách, trong phòng đi-văng và trong thư viện.
   
Bá tước xoè bài thành hình chiếc quạt, chật vật lắm mới cưỡng lại được cái thói quen đi ngủ sau bữa ăn chiều và động một tí là phá lên cười. Giới thanh mên theo bá tước phu nhân xúm xít bên chiếc dương cầm(1) và chiếc thụ cầm(2) theo lời thỉnh cầu của mọi người.
   
Juyly chơi trước trên đàn thụ cầm một bản nhạc có biến tấu, rồi đồng thanh với tất cả các tiểu thư khác.
Juyly yêu cầu Nikolai, hai người rất có khiếu âm nhạc, hát cho cử toạ nghe một bài. Natasa được đối xử như người lớn lên rất hãnh diện, nhưng đồng thời cũng đâm ra rụt rè.

- Hát gì bây giờ? - Natasa hỏi.

- Bài "Dòng suối" - Nikolai đáp.

- Thế thì hát nhanh lên. Boris, anh lại đây. Còn Sonya đâu rồi nhỉ?

Natasa nhìn quanh không thấy cô bạn đâu liền chạy đi tìm. Vào phòng ngủ của Sonya, Natasa không thấy cô ta đâu liền chạy vào phòng trẻ. Nhưng ở đây cũng không thấy Sonya, Natasa hiểu ngay rằng Sonya đang ngồi trên chiếc rương đặt ở hành lang. Chiếc rương này là nơi các thiếu nữ nhà Roxtov vẫn thường đến ẩn náu mỗi khi có những chuyện buồn phiền. Quả nhiên Sonya, mình mặc chiếc áo dài nhẹ mỏng đang nằm phủ phục trên chiếc nệm vải sọc cáu bẩn của u già, làm cho chiếc áo nhầu nát đi, tay đang bưng mặt khóc nức nở, đôi vai trần nhỏ nhắn cứ rung lên từng đợt. Khuôn mặt phấn khởi của Natasa suốt ngày hôm nay tươi roi rói, vui như hội, bỗng biến sắc đi; mặt Natasa trở nên đờ đẫn, rồi cái cổ hơi rộng của cô rung lên, cô mếu máo hỏi bạn:

- Sonya! Chị làm sao thế? Có việc gì, có việc gì thế hở chị?

- Hu hu... u…
   
Cái miệng hơi rộng của Natasa mếu xệch trông xấu hẳn đi và Natasa oà lên khòc nức nở như đứa con nít, chẳng hiểu tại sao mình khóc, chẳng qua vì thấy Sonya khóc nên cũng khóc thôi. Sonya muốn ngẩng đầu lên, muốn đáp lại, nhưng không sao nói nên lời, đành lúc đầu vào đệm sâu hơn trước. Natasa ngồi lên chiếc đệm xanh, ôm choàng lấy bạn mà khóc. Sonya cố gượng nhổm dậy lau nước mắt và bắt đầu kể lể:

- Nikolai chỉ một tuần nữa là đi… giấy của anh ấy… đã gửi đến, chính anh ấy nói với mình như vậy… Nhưng dù có thế mình cũng chả khóc… (Sonya đưa cho Natasa xem một mảnh giấy nãy giờ nàng vẫn cầm trong tay: đó là mấy câu thơ Nikolai viết cho nàng)… mình chả khóc đâu. Nhưng Nikolai không thể. Không ai có thể hiểu nổi… tâm hồn của anh ấy. Và Sonya lại khóc, khóc vì tâm hồn của Nikolai cao thượng đến nhường ấy…

- Natasa sung sướng thật, mình không ganh tị đâu… mình mến Natasa lắm, mến cả Boris nữa - Sonya đã trấn tĩnh được ít nhiều nàng nói tiếp - anh ấy dễ thương lắm, hai người không có điều gì trở ngại cả. Chứ như Nikolai thì lại là anh họ mình… phải có phép, của chính đức giám mục… mà cũng chưa chắc đã được.
Với lại nếu mẹ (Sonya vẫn gọi bá tước phu nhân và vẫn xem bá tước phu nhân là mẹ) mẹ sẽ nói rằng mình làm hỏng sự nghiệp của Nikolai, rằng mình chẳng có nghĩa tình gì, mình là một kẻ vong ân, thế nhưng thật ra thì… đấy có Đức Chúa Trời chứng giám (Sonya làm dấu thánh giá), mình yêu mẹ lắm, yêu các cậu lắm chứ. Chỉ có Vera. Tại sao? Mình có làm gì cô ấy đâu? Mình biết ơn nhà Natasa lắm chứ, mình sẵn sàng hy sinh tất cả, nhưng mình có gì đâu mà hy sinh?

Sonya không nói được nữa, lại bưng mặt gục vào chiếc đệm.
   
Natasa đã hơi yên tâm, nhưng cứ trông sắc mặt của cô cũng thấy rằng cô ấy đã hiểu tầm quan trọng của nỗi buồn trong lòng bạn.

- Sonya! - Natasa nói, đột ngột như chợt đoán ra cái nguyên nhân làm cho Sonya buồn khổ. - Chắc sau bữa ăn Vera có nói gì với chị, phải không?

- Ừ, mấy câu thơ này chính Nikolai viết cho mình, nhưng mình có chép thêm nhiều câu nữa;  Vera bắt được mấy tờ giấy chép thư ở trên bàn, cô ấy bảo sẽ đưa cho mẹ xem, lại còn bảo mình không biết ơn, rằng mẹ không bao giờ cho anh ấy lấy mình, anh ấy lấy Juyly kia. Đấy Natasa thấy không, anh ấy suốt ngày chuyện trò với cô ta. Natasa, tại sao, mình có tội tình gì đấy?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:17:53 pm
Và Sonya lại khóc não ruột hơn trước. Natasa đỡ Sonya dậy, ôm lấy nàng và mỉm cười qua nước mắt, bắt đầu dỗ bạn:

- Sonya, chị đừng tin chị Vera, đừng tin chị ạ.   Chị có nhớ hôm có cả chị, cả anh Nikolai với em ngồi nói chuyện trong phòng đi-văng sau bữa ăn tối ấy mà, chị nhớ chứ? Chúng mình đã quyết định mọi việc sau này sẽ ra sao rồi kia mà. Em không nhớ rõ là ra sao, nhưng chắc chị cũng nhớ rằng hôm đó mọi việc đều được dàn xếp ổn thoả và đều có thể thực hiện được cả. Đấy như người anh em của chú Sinsin cũng lấy cô em con chú ấy, còn chị với em thì chỉ là chị em họ thôi mà. Chính anh Boris cũng bảo là có thể được lắm. Chị ạ, em nói cho anh ấy biết hết rồi. Anh ấy thông minh mà tốt lắm cơ. Thôi đừng khóc nữa chị Sonya, Chị Sonya yêu quý của em - Natasa cười, ôm hôn Sonya - Chị Vera ác lắm, kệ thây chị ấy! Rồi mọi việc sẽ ổn thoả hết cho mà xem, chị ấy không mách mẹ đâu; chính anh Nikolai bảo là anh ấy không thèm nghĩ đến Julya đâu.

Rồi Natasa hôn vào mái tóc bạn, Sonya nhổm dậy, con mèo con hoạt bát lên, đôi mắt sáng long lanh, tưởng chừng như nó sắp sửa vẫy đuôi một cái, nhảy chồm trên đôi chân mềm mại và lại chơi đùa với cuộn len như nó vẫn thường làm.

- Natasa, thật đấy chứ? Natasa dám thề với mình đó là sự thật đấy chứ? - Sonya nói, trong khi hai tay nhanh nhẹ sửa lại áo và mái tóc.

- Thật mà, em nói thật đấy mà! Natasa vừa đáp vừa sửa hộ bạn mớ tóc bướng bỉnh buột ra khỏi bím.
Và cả hai cùng cất tiếng cười.

- Thôi, đi ra hát bài "Dòng suối" đi.

- Nào, đi!
   
Này, chị có biết không, cái anh chàng Piotr to béo ngồi trước mặt em ấy mà, anh ta buồn cười quá đi mất! - Natasa đang đi bông dưng lại nói - Em thấy vui quá chị ạ?
     
Rồi Natasa chạy dọc theo hành lang.
     
Sonya phủi hết những mảnh lông tơ của chiếc đệm, bám trên áo và giấu bài thơ dưới lần áo lót ở phía dưới cổ, nơi có hai chiếc xương vai hơi nhô lên, rồi vui vẻ và nhẹ nhàng chạy theo Natasa qua hành lang vào phòng đi văng, sắc mặt ửng hồng. Theo lời yêu cầu của tân khách, anh em nhà Roxtov hát bài "Dòng suối" và được mọi người tán thưởng; sau đó Nikolai hát bài mới học được:

Khi vầng trăng chiếu lên trời,

Chàng buồn ngẫm nghĩ đến người chàng yêu.

Nàng còn nghĩ đến ta nhiều,

Lòng nàng đáp ứng bao điều ước mơ.

Thụ cầm run rẩy tiếng tơ,

Đôi tay huyền diệu thẫn thờ gọi ta,

Bao lời mong ước thiết tha,

Một hai ngày nữa, chẳng xa thiên đường"

Em ơi mong đợi thêm thương,

Chàng không còn sống nơi dương thế này.

   
Nikolai hát chưa dứt mấy câu cuối thì trong gian phòng lớn nam nữ thiếu niên đã sửa soạn khiêu vũ và trên bao lơn hoà nhạc đã nghe thấy tiếng chân đi lại của các nhạc công bấy giờ đang bắt đầu ho húng hắng.
     
Piotr ngồi trong phòng khách, miễn cưỡng tiếp chuyện Sinsin.
     
Muốn biết ý kiến của một người vừa ở ngoại quốc về, Sinsin nói với Piotr về một câu chuyện chính trị mà Piotr rất chán ngán. Mấy người khách khác cũng lại gần góp chuyện. Khi âm nhạc cử lên, Natasa đi vào phòng khách và đến cạnh Piotr, đỏ mặt vừa cười vừa nói:

- Mẹ tôi bảo cho mời ông ra khiêu vũ.

- Tôi sợ đi nhầm vũ hình(3) mất, - Piotr nói, -  Nhưng nếu cô vui lòng chỉ báo cho…

Và Piotr đưa bàn tay phốp pháp ra chìa thấp xuống cho cô con gái mảnh để cầm lấy.

Trong khi các đôi khách nhẩy dàn thành vũ hình và các nhạc công so dây đàn, Piotr ngồi xuống với cô bạn nhẩy bé nhỏ của mình.

Natasa thấy sung sướng toàn vẹn: cô được khiêu vũ với một người lớn, với một người ở ngoại quốc về. Cô ngồi một chỗ thật rõ cho mọi người đều thấy và nói chuyện với Piotr như một người lớn. Tay Natasa cầm một cái quạt mà một cô tiểu thư vừa trao cho cô. Cô chọn một kiểu ngồi thật đỏm dáng (chả biết cô học được kiểu ngồi này ở đâu và từ bao giờ), rồi phe phẩy chiếc quạt và cười tủm tỉm sau chiếc quạt, nói chuyện với ông bạn nhẩy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:18:51 pm
Bấy giờ bá tước phu nhân đi ngang thấy vậy liền trỏ Natasa nói:

- Xem con bé này hay chưa kìa, các ngài xem…

Natasa đỏ mặt cười phá lên.

- Ô hay! Sao mẹ lại cứ… Có gì là lạ đâu?
   
Giữa chừng điệu vũ Scotland thứ ba có tiếng kéo ghế trong phòng khách, là nơi bá tước và bà Maria Dmitrievna đang đánh bài với số lớn các thượng khách và các vị có tuổi. Ngồi lâu đã mỏi, họ đứng dậy vươn vay, bỏ ví tiến vào túi rồi đi ra phòng khiêu vũ.
   
Bà Maria Dmitrievna và bá tước đi trước; cả hai người sắc mặt đều vui tươi. Bá tước khuỳnh tròn cánh tay ra cho bà Maria Dmitrievna vịn, tư thế có vẻ kính cẩn và hài hước, trông như trong một điệu vũ ba lê vậy. Bá tước người rất thẳng, một nụ cười ranh mãnh và ngang ngạnh soi sáng gương mặt; và khi vũ hình cuối cùng của điệu Scotland vừa nhảy xong, ông liền đưa tay về phía các nhạc công vỗ mẫy cái rồi nói vọng lên bao lơn, bảo người chơi vĩ cầm đầu phường:

- Này Xemion! Anh biết điệu Đanilô Cupơ chứ?

Đó là điệu vũ ưa thích nhất của bá tước, ông nhảy điệu này từ thời còn trẻ. (Điệu Dannilô Cupơ thật ra là một vũ hình của điệu Anh Cát lợi)

- Kìa xem ba kìa? - Natasa thét vang cả phòng khiêu vũ (cô ta quên bẵng đi rằng mình đang khiêu vũ với người lớn). Rồi cúi mái tóc quăn xuống sát đầu gối. Natasa cười khanh khách, tiếng cười ròn rã vang dội khắp phòng.
   
Quả nhiên tất cả những người trong phòng khiêu vũ đều tươi cười nhìn về phía ông già vui tính đứng bên cạnh bà bạn nhảy oai nghiêm là bà Maria Dmitrievna, vốn cao hơn ông. Bá tước khuỳnh tròn hai cánh tay đung đưa theo nhịp đàn, nhích hai vai lên, cluay gót chân giẫm nhẹ xuống sàn, miệng mỉm một nụ cười mỗi lúc một thêm nở rộng trên khuôn mặt tròn trĩnh để chuẩn bị cho các khán giả xung quanh khỏi bị bỡ ngỡ trước những sự việc sắp diễn ra.
   
Những âm thanh vui tươi, rộn rã và đầy sức lôi cuốn của điệu Đanilô Cupơ, giống như một điệu Trepak(4) ngông cuồng rộn rã, vừa nổi lên, thì ở tất cả các khung cửa hiện ra những khuôn mặt tươi cười của các gia nhân, một bên là đàn ông bên kia là dàn bà, đến xem vị chủ nhân chơi. Từ một khung cửa vang lên giọng nói bô bô của u già:

- Ông nhà là một con phượng hoàng chứ không phải vừa.
   
Bá tước nhảy rất giỏi, nhưng bà bạn nhẩy của ông ta thì lại không biết và không hề có ý muốn nhẩy giỏi, cái thân hình đồ sộ của bà cứ thẳng đơ ra, hai cánh tay lực lưỡng buông thõng xuống (bà đã đưa túi thêu cho bá tước phu nhân cầm hộ); chỉ có khuôn mặt nghiêm nghị nhưng rất đẹp của bà là có vẻ đang khiêu vũ. Những cái gì mà cả tấm thân tròn trĩnh của bá tước biểu hiện ra trong khi nhảy, thì ở bà Maria Dmilrievna chỉ được biểu hiện trên khuôn mặt mỗi lúc một thêm tươi cười và cánh mũi phập phồng của bà. Nhưng nếu bá tước mỗi lúc một cao hứng khiến cho các khán giả phải say mê vì những bước quay bất ngờ và khéo léo và những bước chân nhún nhảy một cách mềm mại, thì bà Maria Dmitrieva chỉ cần ra sức rất ít trong khi nhích vai hay khuỳnh tay lúc chuyển mình, hay giẫm chân xuống sàn, cũng đủ gây nên một ấn lượng.
   
Không kém phần đặc sắc, được mọi người tán thưởng mãc dầu bà có mọt thân hình to lớn và tính tình bao giờ cũng ngtliêm khắc. Điệu vũ môi lúc một thêm rộn rã. Các đôi bạn nhảy đối diện không phút nào khiến đườc người ta chú ý đến và thậm chí cũng không hề cố gắng như vậy Mắt mọi người đều đổ dồn về phía bá tước và bà Maria Dmitrievna. Natasa kéo ống tay áo và vạt áo từng người bắt họ phải xem ba mình nhẩy tuy họ đã dán mắt vào đôi bạn nhẩy kia. Trong những khoảng hở giữa hai vũ hình, bá tước vừa thở hổn hển vừa vẫy tay ra hiệu quát bảo các nhạc công cử nhạc nhanh hơn. Bá tước quay cuồng xung quanh bà Maria Dmitrievna mỗi lúc một nhanh thêm, nhanh hơn nữa, nhanh lên mãi, mỗi lúc một thêm hùng hổ, hùng hổ thêm nữa, hùng hổ thêm mãi, khi thì bước trên đầu gót chân, khi thì quay gót, và cuối cùng dẫn bà bạn nhẩy về chỗ, bước một bước nhẩy cuối cùng, đưa chân sau lên, cúi mái tóc ướt đẫm mồ hôi và khuôn mặt tươi cười xuống và giang tay ra thành một đường vòng, giữa tiếng vỗ tay như sấm và tiếng cười huyên náo của mọi người, nhất là của Natasa. Hai người bạn nhẩy dừng lại, thở hổn hển và lấy khăn mùi soa ra lau mồ hôi.

- Thời chúng ta khiêu vũ như vậy đấy, bà bạn ạ! - bá tước nói.

- Hoan hô Đanilô Cupơ! - bà Maria Dmitrievna, vừa nói vừa thở nặng nhọc từng hơi dài vừa xắn tay áo lên.

============================================

Chú thích:

(1) Loại đàn có phím ở thế kỷ 17, 18 tiền thân của đàn dương cầm sau này (clavencin).

(2) Loại đàn có nhiều dây căng trên mặt một cái khung hình tam giác dựng đứng

(3) Điệu vũ dân tộc của Scodland đã trở thành một điệu vũ thời thượng ở thế kỷ 19.

(4) Điệu vũ cổ của nông dân Nga.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:19:53 pm
Phần I
Chương - 18

Trong khi ở nhà bá tước Roxtov người ta đang nhảy điệu Anh cát lợi thứ sáu, theo tiếng nhạc sai cung bậc vì các nhạc công đã quá mệt, và những người hầu bàn và đầu bếp đã mệt nhoài đang sửa soạn bữa ăn khuya, thì ở nhà mình, bá tước Bezukhov lại lên cơn lần thứ sáu. Các bác sĩ cho hay rằng không có hy vọng gì qua khỏi nữa; người ta thu xếp cho người bệnh xưng tội và chịu lễ trong khi đang mê man. Họ sửa soạn lễ xức dầu thánh, và trong nhà có cái không khí nhộn nhịp và lo lắng dợi chờ vốn thường thấy trong những giờ phút như vậy.

Ở bên ngoài, những ông chủ hiệu đám ma chen chúc bên cổng vào, hy vọng được món hời nhân dịp đám ma bá tước. Hễ thấy có chiếc xe nào lại gần, họ lại né sang một bên. Quan tư lệnh Moskva, mấy hôm trước đã phái mấy sĩ quan phụ tá đến hỏi thăm bệnh tình của bá tước, tối hôm nay thân đến từ biệt vị đại thần nổi tiếng của triều Ekaterina là bá tước Bezukhov.
   
Gian phòng tiếp khách lộng lẫy chật ních khách khứa. Mọi người đều kính cẩn đứng dậy khi quan tư lệnh, sau nửa giờ ngồi một mình với người bệnh, từ phòng ngủ của bá tước bước ra. Quan tư lệnh khẽ đáp lễ khi các tân khách cúi mình chào ông ta và cố đi thật nhanh qua đám bác sĩ, linh mục và bà con của bá tước đang đổ dồn mắt về phía ông ta. Công tước Vaxili, mấy hôm nay gầy và xanh đi ít nhiều, ra tiễn chân quan tư lệnh và khẽ nói đi nói lại mấy lần với ông ta một câu gì không rõ.
   
Sau khi tiễn chân quan tư lệnh ra về, công tước Vaxili đến ngồi một mình trên chiếc ghế dựa trong phòng tiếp tân, chân ghếch lên cao, khuỷu tay chống lên đầu gối, bàn tay đưa lên bưng mắt. Ngồi như vậy được một lúc, công tước đứng dậy vừa bước những bước đi vội vã và khác hẳn ngày thường vừa đưa mắt thảng thốt nhìn quanh, đi vào dãy hành lang về phía các phòng sau, đến phòng công tước tiểu thư Katerina Xemiôvna.   Mấy người ngồi trong căn phòng mờ mờ đang thì thầm nói chuyện chốc chốc lại đưa cặp mắt dò hỏi và chờ đợi về phía cánh cửa dẫn vào căn phòng của người đang hấp hối. Mỗi khi có ai đi vào phòng ngủ của bá tước hay đi ra khỏi phòng, cánh cửa lại buông ra một tiếng động khe khẽ.

Một ông linh mục già dáng người loắt choắt, đang nói với một bà mệnh phụ vừa nhích ghế ngồi cạnh và đang lắng tai nghe ông ta nói một vẻ thật ngờ ngệch. Linh mục nói:

- Đời người có hạn, khi đã đến hạn, không có ai có thể vượt qua được.

- Không biết bây giờ xức dầu thánh có quá muộn không? - bà mệnh phụ hỏi, cuối câu có thêm một tước vị tôn giáo để gọi vị linh mục. Nghe giọng bà ta khi hỏi câu hỏi vừa rồi thì hình như vấn đề này bà không có một ý kiến gì rõ ràng.

- Đó là một thánh lễ rất quan trọng, phu nhân ạ, - Ông cố đạo vừa đáp vừa đưa tay vuốt lên mái đầu hói tóc lơ thơ mấy món tóc hoa râm được chải chết rất cẩn thận.

Ở phía kia phòng có tiếng hỏi nhau:

- Ai thế nhỉ? Đích thân quan tư lệnh à? Trông trẻ quá?

- Thế chứ đã gần bảy mươi tuổi rồi đấy! Nghe nói bá tước không nhận ra nữa thì phải. Họ đang định làm lễ xức dầu thánh cho bá tước phải không?

- Tôi biết một người đã chịu lễ xức dầu thánh đến bảy lần kia đấy.
   
Công tước tiểu thư nhỏ tuổi nhất từ trong phòng người bệnh bước ra, đôi mắt đỏ hoe vì khóc nhiều và đến ngồi cạnh bác sĩ Lorrain bấy giờ đang ngồi đường hoàng dưới bức chân dung nữ hoàng Ekaterina hai khuỷu tay chống lên bàn.

- Đẹp lắm! - bác sĩ nói để đáp lại câu hỏi của nữ công tước về thời tiết - đẹp lắm công tước tiểu thư ạ, với lại ở Moskva người ta cứ tưởng đang ở thôn quê vậy.

- Còn phải nói! - công tước tiểu thư thở dài đáp. - Thế có thể cho bác tôi uống chứ?

Lorrain ngẫm nghĩ một lúc.

- Bá tước đã uống thuốc chưa?

- Uống rồi đấy ạ.

Bác sĩ xem đồng hồ.

- Lấy một cốc nước sôi rồi bỏ vào một dúm cremortartri…(bác sĩ chập hai ngón tay nhỏ nhắn lại cho thấy rõ thế nào là một dúm).

Ông bác sĩ người Đức nói với viên sĩ quan phụ tá:

- Tôi chưa thấy ai lên cơn lần thứ ba mà vẫn trụ nổi.

- Trông bá tước còn tươi tắn lắm đấy chứ… - viên sĩ quan nói đoạn hạ thấp giọng thì thầm nói thêm - Thế cái gia tài kếch sù ấy sẽ lọt vào tay ai?

- Sẽ không thiếu kẻ ham chuộng thứ đó. - Người Đức mỉm cười đáp.

Mọi người nhìn lại về phía cửa; cánh cửa kẹt mở và nữ công tước em, sau khi pha thuốc theo lời chỉ vẽ của bác sĩ Lorrain, mang thuốc lại cho người bệnh.
   
Ông thầy thuốc người Đức lại gần Lorrain hỏi bằng một thứ tiếng Pháp sai be bét:

- Có lẽ còn kéo nê được đến sáng mai chứ?

Lorrain mím môi, nghiêm nghị đưa ngón tay qua lại trước mũi.

- Đêm nay thôi, không thể hơn, - Lorrain nói, khẽ nở một nụ cười đắc ý nhưng vẫn lịch sự, tự mãn về chỗ mình đã hiểu và nói đúng tình trạng của người ốm. Đoạn ông đứng dậy bỏ ra nơi khác.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:21:40 pm
Trong khi đó công tước Vera mở cánh cửa dẫn vào phòng công tước tiểu thư Katerina.
     
Trong căn phòng mờ mờ chỉ có hai ngọn đèn thờ leo lét trước mấy chiếc ảnh thánh: không khí thoang thoảng mùi hương trầm và mùi hoa. Khắp gian phòng bày biện toàn đồ gỗ nhỏ nhắn, tủ ngăn, tủ treo áo, bàn con. Sau bức bình phong có thể thấy mấy chiếc khăn trắng phủ lên một chiếc giường rất cao lót đêm lông. Một chú chó nhỏ sủa lên gâu gâu.

- A! Bác đấy à? Công tước tiểu thư đứng dậy và sửa lại mái tóc xưa nay bao giờ cũng phẳng lì khác thường, tưởng chừng như mái tóc ấy là một mảng liền gắn chặt vào đầu và phủ sơn mài.

- Có việc gì ạ ? - Công tước tiểu thư hỏi - Bác làm cháu hoảng vía.

- Có gì đâu, vẫn thế thôi. Bác chỉ đến nói chuyện qua loa với cháu mà thôi, chuyện công việc thôi mà Katis ạ. - Công tước nói, uể oải ngồi xuống chiếc ghế bành lúc nãy nữ công tước vừa ngồi. - Phòng cháu đốt lò sởi nóng thực. Nào, cháu ngồi xuống đây, ta nói chuyện.

- Cháu cứ lưởng là có việc gì xảy ra? - công tước tiểu thư nói, vẫn với vẻ mặt không thay đổi, nghiêm trang như tượng đá, và ngồi xuống trước mặt công tước, sửa soạn lắng nghe. - Cháu muốn chợp một chút nhưng không được bác ạ.

- Thế nào cháu? - Công tước Vaxili nói đoạn cầm lấy tay cô cháu, và theo thói quen, kéo thấp tay xuống.
Mấy chữ "thế nào cháu" rõ ràng là ám chỉ nhiều chuyện mà cả hai người không cần nói rõ ra cả hai người đều hiểu.
   
Công tước tiểu thư, với cái thân hình khẳng khiu và thẳng đờ, tấm lưng quá dài so với đôi chân, nhìn thẳng vào mặt công tước Vaxili bằng đôi mắt nông cạn màu xám không có tinh thần. Cô ta lắc đầu thở dài và đưa mắt nhìn các bức tượng thánh. Cử chỉ này cũng có thể hiểu là biểu hiện nỗi buồn bã và lòng tận tuỵ vị tha, nhưng cũng có thể hiển là mệt nhọc chỉ mong sao chóng được nghỉ ngơi. Công tước Vaxili cho đó là một cử chỉ biểu lộ sự mệt mỏi.
   
Công tước nói:

- Thế còn bác đây thì sao, cháu tưởng bác không vất vả ư? Người bác mệt nhoài ra như con ngựa trạm, nhưng bác vẫn đến bàn với cháu một việc, Katis ạ, một việc rất quan trọng.

Công tước Vaxili im lặng, và đôi má của ông ta bắt đầu giật giật, khi co về bên này, khi co về bên kia, làm cho khuôn mặt của ông có cái vẻ khó chịu mà người ta không bao giờ thấy lộ ra khi ông ta nói chuyện trong các phòng khách. Cả đôi mắt của công tước cũng không giống như thường ngày: khi thì nó nhìn chăm chăm một cách bơn cọt trơ tráo, khi thì lại nhớn nhác nhìn quanh có vẻ thảng thốt sợ sệt.
Hai bàn tay khẳng khiu và khô đét ôm giữ con chó nhỏ đặt trên gối, công tước tiểu thư chăm chú nhìn vào mặt công tước Vaxili, nhưng có thể thấy rõ ràng cô ta sẽ không hỏi một câu hỏi nào phá tan sự im lặng, dù có phải ngồi im lặng suốt đêm.

- Thế này, Katerina Xemionovna ạ - công tước Vaxili nói tiếp, (hình như để tiếp tục nói như vậy, trong lòng công tước không khỏi giằng co), - trong những giờ phút như thế này, cần phải suy nghĩ mọi việc chín cho chín chắn. Phải nghĩ đến tương lai, đến cháu…Bác yêu cả ba chị em cháu như con bác đẻ ra vậy, cháu cũng biết đấy.

Công tước tiểu thư vẫn nhìn ông ta với đôi mắt đờ đẫn như cũ.

- Cuối cùng cũng phải nghĩ đến gia đình bác nữa, - công tước vừa nói tiếp vừa hằn học ẩy cái bàn con ra, trong khi nói không nhìn vào Katerina Xemionovna - này Katis, cháu cũng biết rằng ba chị em cháu, với bác gái nữa, chúng mình là những người duy nhất có quyền thừa hưởng gia tài của bá tước. Bác biết, bác biết rằng phải, nói và nghĩ đến những điều này là một điều rất khổ tâm cho chau. Bác đây cũng chẳng vui sướng gì; nhưng cháu ạ, bác đã gần sáu mươi tuổi rồi, cần phải trù tính hết mọi việc có thể xảy ra. Cháu có biết không, bác đã cho người đi tìm Piotr về, vì bá tước đã lấy tay chỉ vào chân dung của Piotr đòi hỏi phải gặp Piotr lại cho bá tước gọi đấy.

Công tước Vaxili nhìn cô cháu họ có vẻ dò hỏi, nhưng ông sao bìết được cô ta đang nghĩ gì về những điều mình vừa nói hay chỉ nhìn ông mà thôi.

- Bác ạ, có một điều cháu luôn luôn cầu xin Chúa, là Chúa hãy thương lấy bá tước, và để cho linh hồn cao thượng của người được yên ổn từ giã cõi…

- Phải rồi, chính thế - công tước Vaxili sốt ruột nói tiếp, tay xoa xoa lên mái đầu hói và bực dọc kéo chiếc bàn con trở lại chỗ cũ, - nhưng dù sao… dù sao thì vấn đề là ở chỗ… chính cháu cũng biết đấy… mùa đông năm ngoái bá tước có viết một tờ di chúc để lại tất cả gia tài cho Piotr, bất chấp tất cả những người có quyền trực tiếp thừa hưởng gia tài, bất chấp cả chúng ta.

- Di chúc thì bá tước đã viết bao nhiêu tờ rồi ấy chứ? - Công tước tiểu thư điềm tĩnh đáp, - nhưng ông ta không thể để gia tài cho Piotr được. Piotr là con hoang kia mà!
   
Công tước Vaxili kéo sát chiếc bàn con về phía mình, rồi bỗng sôi nổi hẳn lên, bắt đầu nói rất nhanh:

- Cháu ơi, thế nhưng nếu bá tước đã viết thư lên hoàng thượng xin nhận Piotr làm con chính thức thì sao? Cháu hiểu không, người có công lao như bá tước thì lời thỉnh cầu ấy thế nào cũng được chấp thuận.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:23:07 pm
Công tước tiểu thư mỉm cười, cái cười của những người nghĩ rằng mình biết rõ sự việc hơn kẻ đang nói chuyện với mình.

- Bác còn cho cháu biết thêm mấy điều nữa, - công tước Vaxili nắm lấy tay Katerina nói tiếp - bức thư ấy đã viết rồi, tuy chưa gửi đi, nhưng hoàng thượng cũng biết chuyện đó. Vấn đề là nó đã bị huỷ đi hay chưa. Nếu chưa, thì chờ khi nào xong cả rồi - công tước Vaxili thở dài, để cho biết rõ mấy chữ xong cả rồi ấy muốn ngụ ý việc gì, - người ta sẽ giở các tờ giấy của bá tước ra, tờ di chúc và bức thư sẽ được đem trình hoàng thượng và thế nào ngài cũng chuẩn y lời thỉnh cầu ấy. Piotr bấy giờ với tư cách là con trai chính thức sẽ hưởng cả gia tài.

- Thế còn phần của chúng ta thì sao? - Nữ công tước hỏi, miệng mỉm cười mỉa mai, như muốn nói rằng việc gì thì có thể xảy ra, chứ việc ấy thì không thể có được.

- Thế nhưng, Katerina ơi, việc đã như ban ngày rồi! Lúc ấy Piotr sẽ là người có quyền thừa hưởng tất cả, còn các cháu sẽ không được gì nữa. Cháu ạ, cháu phải biết rõ tờ di chúc với bức thư đã viết ra chưa, và nếu viết rồi thì huỷ đi chưa. Nhược bằng một vì một lý do gì người ta đã bỏ quên ở đâu, thì cháu phải biết hiện nay nó ở đâu và phải tìm cho ra, vì…

- Chỉ còn thiếu có thế nữa thôi đấy! - Công tước tiểu thư ngắt lời, miệng mỉm cười một nụ cười hiểm độc, mắt vẫn giữ vẻ đờ đẫn như cũ; - cháu là đàn bà, theo bác thì đàn bà đều ngu ngốc cả; nhưng cháu cũng đủ trí khôn để biết rằng một đứa con hoang thì không thể thừa hưởng gia tài được… Un bâtard - công tước tiểu thư nói thêm, tưởng chừng dịch ra như vậy là có thể chứng minh một cách chắc chắn rằng những lời bàn của công tước Vaxili đều vô căn cứ.

- Katis, thế mà cháu vẫn không hiểu ư? Thông minh như cháu, mà không hiểu rằng nếu bá tước đã viết thư cho hoàng thượng xin nhận hắn là con chính thức, thì Piotr không còn là Piotr nữa, mà là bá tước Bezukhov và lúc đó hắn sẽ được thừa hưởng tất cả đúng như trong di chúc. Và nếu tờ di chúc cùng với bức thư chưa bị huỷ, thì cháu còn một miền an ủi là tự nhủ rằng mình vốn người đức hạnh, và có những hậu quả tốt đẹp của cái đức hạnh ấy, còn thì chẳng có chút gì nữa. Chắc chắn như vậy.

- Cháu biết rằng tờ di chúc đã viết rồi; nhưng cháu cũng biết rằng nó không có hiệu lực, và hình như bác xem cháu như một con ngốc hoàn toàn rồi, bác ạ! - công tước tiểu thư nói, với cái giọng của người đàn bà thường dùng khi tự cho rằng mình đang nói một điều gì rất sắc sảo và hóm hỉnh, khiến cho người nghe phải chạnh lòng.

- Công tước tiểu thư Katerina Xemionovna ơi - công tước Vaxili sốt ruột nói, - Bác đến đây không phái để ngồi gây sự cãi nhau với cháu, mà là để nói chuyện về quyền lợi của bản thân cháu, như nói với một người con, một người bà con nết na, tốt bụng, một người bà con chân chính. Bác xin nói với cháu một lần thứ mười nữa, rằng bức thư viết cho hoàng thượng và tờ di chúc để lại gia tài cho Piotr mà còn ở trong các giấy tờ của bá tước, thì cháu với cả hai em cháu đều không còn được thừa hưởng gì đâu. Nếu cháu không tin lời bác, thì cũng phải tin những người hiểu biết: Bác vừa nói chuyện với Dmitri Onufryits (đó là người trạng sư của gia đình bá tước), ông ấy cũng nói như vậy đấy!

Hẳn có một cái gì đột ngột thay đổi trong ý nghĩ của công tước tiểu thư; đôi môi mỏng tái nhợt đi (đôi mắt thì vẫn như trước) và khi cất tiếng nói, giọng cô ta có những lúc cứ the thé lên, có lẽ chính cô ta cũng không ngờ mình có thể có một giọng nói như vậy:

- Nếu thế thì tốt lắm. Trước đây tôi chưa hề mong gì, mà nay cũng chẳng tơ màng gì hết.

Công tước tiểu thư hất con chó trên đầu gối xuống và sửa lại nếp áo.

- Đấy, tình nghĩa, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh tất cả cho mình là như vậy đấy, - công tước tiểu thư nói. - Tốt lắm! Được lắm! Tôi không còn gì đâu, công tước ạ.

- Phải, nhưng cháu không phải một mình, cháu còn các em nữa. - Công tước Vaxili đáp.

Nhưng cô ta không nghe công tước nói.

- Phải, tôi biết từ lâu rồi, nhưng tôi quên mất rằng ngoài sự đê hèn, lừa dối, thù hằn, thủ đoạn ra, ngoài sự vô ân, một sự vô ân hết sức bẩn thỉu, ngoài những thứ đó tôi không còn mong đợi được cái gì trong cái nhà này nữa…

- Cháu có biết tờ di chúc đó ở đâu không, hay là không biết? - công tước Vaxili hỏi, mấy thớ thịt trên má càng giật mạnh hơn trước.

- Phải cháu ngu ngốc quá, cháu còn tin người. Vì thương người mà hy sinh cả mình, nhưng ở đời chỉ có những kẻ gian ác mới thành công thôi. Cháu biết ai đã bày ra những mưu mô này rồi.

Công tước tiểu thư muốn đứng dậy, nhưng công tước Vaxili đã giữ lấy tay cô ta. Nữ công tước có vẻ như đột nhiên thấy tất cả nhân loại xấu xa quá mà thất vọng, cô ta hằn học nhìn công tước Vaxili.

- Hãy còn đủ thì giờ cháu ạ. Katis, cháu hãy nhớ rằng tất cả những việc đó được làm một cách ngẫu nhiên, trong một phút giận giữ, bệnh hoạn, rồi sau đó bá tước quên khấy đi ngay. Cháu ạ, bổn phận của chúng ta là phải sửa lại lôi lầm của bá tước, phải làm cho những phút sống cuối cùng của người nhẹ nhõm bớt, bằng cách làm cho người tắt nghỉ với ý nghĩ rằng mình đã làm khổ những người…

- Những người đã hy sinh tất cả cho bá tước, - công tước tiểu thư Katerina vừa tiếp lời vừa vùng đứng dậy, nhưng công tước Vaxili không buông cô ra, - mà bá tước thì chưa bao giờ biết quí trọng sự hy sinh đó. - Không, bác ạ, - Katerina thở dài nói thêm - cháu sẽ nhớ rằng trên đời này không thể chờ người ta đền ơn, trên đời này không hề có danh dự mà cũng không hề có công bằng. Trên đời này phải gian ngoan và độc ác mới được.

- Ô kìa, cháu bình tĩnh lại tí nào; bác biết rõ lòng cao thượng của cháu.

- Không phải, lòng cháu rất ác.

- Bác biết rõ lòng cháu, - công tước nhắc lại, - bác quí tình bạn của cháu và mong rằng cháu đối với bác cũng thế. Cháu hãy bình tĩnh lại, ta bàn cho phải lẽ, trong khi hãy còn chưa muộn… Có thể còn một ngày nữa, cũng có thể chỉ còn một giờ, cháu hãy nói cho bác nghe tất cả những gì cháu biết về tờ di chúc, và cái chính là hiên nó ở đâu; cháu tất phải biết. Chúng ta sẽ lấy tờ di chúc ra ngay bây giờ và đem cho bá tước xem. Chắc bá tước đã quên nó đi và sẽ có ý muốn huỷ nó. Cháu nên hiểu rằng bác chỉ có một ước vọng là trung thành làm tròn ý nguyện thiêng liêng của người sắp qua đời, bác đến chỉ vì mục đích đấy.
Bác đến là để giúp bá tước và giúp các cháu.

- Bây giờ tôi biết hết rồi. Tôi biết ai đã bày ra những mưu mô này. Tôi biết, - công tước tiểu thư nói.

- Vấn đề không phải ở chỗ đó. Katis ạ.

- Người đó chính là người được bác che chở, chính là cái mụ Anna Mikhailovna của bác, một con người không đáng là đứa con ở cho tôi, một con người đê hèn, bẩn thỉu hết sức.

- Ta đừng để mất thì giờ!

- Thôi bác đừng nói nữa? Mùa đông năm ngoái mụ cố luồn lọt vào vào đây nói với bá tước những chuyện bỉ ổi, xấu xa về tất cả bọn chúng cháu, nhất là Sôfia, cháu không tài nào nói lại được, đến nỗi bá tước phát ốm ra và suốt hai tuần không muốn nhìn thấy mặt chúng cháu. Hồi ấy, cháu biết, chính là lúc bá tước viết tờ giấy bỉ ổi này nhưng cháu cứ tưởng là tờ giấy đó chẳng có nghĩa lý gì.

- Đấy chính là ở chỗ đấy, tại sao cháu không nói cho bác biết từ trước?

Công tước tiểu thư không đáp lại câu hỏi, cứ nói:

- Nó nằm trong cái cặp da ghép mà bá tước để dưới gối ấy. Bây giờ cháu biết - rồi cô ta biến hẳn sắc mặt, nói như thét lên, - Phải, nếu có tội lỗi chăng, thì chính là cái tội thâm thù con mụ đàn bà bỉ ổi ấy. Nó luồn lọt đến đây làm gì thế kia chứ? Nhưng tôi sẽ nói hết ra cho nó nghe, nói hết. Sẽ có lúc nó biết tay tôi!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:24:20 pm
Phần I
Chương - 19
     
Trong khi những câu chuyện ấy điễn ra trong phòng khách và trong phòng riêng của công tước tiểu thư, thì chiếc xe song mã chở Piotr (mà người nhà vừa đi gọi về) và bà Anna Mikhailovna (bà ta tự thấy cần phải đi cùng với Piotr) tiến vào sân sau dinh thự bá tước Bezukhov. Khi bánh xe lăn lạo xạo trên lớp rạ trải quanh tường phía dưới các khung cửa của toà nhà, bà Anna Mikhailovna quay sang Piotr nói những lời an ủi, nhưng thấy Piotr ngủ gật trong góc xe, bà ta liền đánh thức anh dậy. Bừng tỉnh, Piotr theo bà Anna Mikhailovna ra khỏi xe và mãi đến giờ chàng mới nghĩ đến cuộc gặp mặt với người cha đang hấp hối sắp sửa diễn ra. Piotr để ý thấy xe không rẽ vào cửa chính mà lại vòng ra cửa sau. Trong khi chàng bước xuống bậc xe, có hai người ăn mặc như kiểu thị dân hấp tấp rời ngưỡng cửa lánh vào trong bóng bức tường, Piotr dừng lại thấy trong bóng tối của ngôi nhà, ở hai bên cũng có mấy người như vậy. Nhưng cả bà Anna Mikhailovna cả người hành bộc và người xà ích cũng vậy, tuy không thể nào trông thấy mấy người kia, song cũng không chú ý đến họ. Piotr tự nhủ chắc trong những trường hợp này thì phải như thế mới được, và đi theo bà Anna Mikhailovna vội vã bước lên bậc thang đá chật hẹp tối mò, quay lại gọi Piotr đang đi ở phía sau. Mặc dầu Piotr không hiểu rõ tại sao chàng phải đến phòng bá tước, nhưng cứ cái vẻ quả quyết của bà Anna Mikhailovna, anh tự giải thích với mình rằng sở dĩ như vậy vì nhất thiết phải như vậy mới được. Giữa chừng thang gác họ suýt vấp phải mấy người xách thùng lúc bấy giờ đang nện đế ủng vào tường để nhường lối cho Piotr và bà Anna Mikhailovna vào, và khi thấy hai người, họ không hề mảy may tỏ vê gì hết. Bà Anna Mikhailovna hỏi một người trong bọn họ.

- Lối này vào phòng riêng công tước tiểu thư phải không?

- Phải đấy ạ, - người đầy tớ đáp lại rất to tiếng, giọng dạn dĩ tưởng chừng như bây giờ như thế nào cũng được. - Thưa bà cứ vào cánh cửa bên trái là đến.

Lên đến thang cuối cùng Piotr nói:

- Có lẽ bá tước không gọi tôi đâu, có lẽ… hay là tôi về phòng tôi cũng được.

Bà Anna Mikhailovna dừng lại để Piotr lên ngang tầm.

- Ồ, anh Piotr ạ - bà vừa nói vừa lặp lại cái cử chỉ hồi sáng bà dùng với con trai, lấy tay chạm vào cánh áo Piotr - anh hãy tin rằng lôi cũng đau khổ không kém gì anh, nhưng anh phải tỏ ra là một đấng trượng phu mới được.

- Tôi có nên đến thật không? - Piotr hỏi, đôi mắt hiền hậu nhìn bà Anna Mikhailovna qua cặp kính trắng.

- Ồ anh hãy quên những điều sai trái mà người ta bắt anh phải chịu, anh hãy nghĩ rằng đó là cha ruột của anh có lẽ nay đang hấp hối. - Bà ta thở dài. - Mới gặp anh tôi đã quý anh như con tôi. Anh cử tin tôi, Piotr ạ. Tôi sẽ không quên quyền lợi của anh đâu.

Piotr không hiểu gì hết: chàng lại có cảm giác rõ rệt hơn rằng tất cả mọi việc đều như thế này mới được, bèn ngoan ngoãn đi theo Anna Mikhailovna bấy giờ đang mở cửa.

Cửa này dẫn vào căn phòng ở nhà sau. Trong góc có một người lão bộc của công tước tiểu thư đang ngồi đan tất. Piotr chưa bao giờ đến đây, thậm chí chàng không biết rằng trong dinh thự có mấy phòng này. Bà Anna Mikhailovna hỏi thăm một người con gái đang bưng khay có đặt một bình nước bằng thuỷ tinh vừa vượt qua mặt họ (bà gọi cô bé đáng yêu là con bồ câu nhỏ) về sức khoẻ của các tiểu thư và đưa Piotr đến thẳng hành lang lát đá. Từ hành lang, cánh cửa thứ nhất ở bên trái dẫn vào phòng ở của các công tước tiểu thư.

Người nữ tỳ bưng chiếc khay, trong khi hấp tấp (giờ phút này mọi việc trong nhà bá tước đều làm hấp tấp như vậy) quên không đóng cửa phòng lại, nên khi đi ngang, Piotr và bà Anna Mikhailovna vô tình nhìn vào căn phòng công tước tiểu thư Katerina và công tước Vaxili đang ngồi sát nhau nói chuyện. Trông thấy hai người đi qua.

Công tước Vaxili có một cử chỉ suốt ruột, vội vã ngồi lùi về phía sau; công tước tiểu thư giặt nảy người dậy và giận dữ lấy hết sức xô cánh cửa đóng đánh sầm một cái.

Cử chỉ này không phù hợp một chút nào với tính điềm tĩnh thường ngày của công tước tiểu thư và cái vẻ sợ hãi lộ ra trên khuôn mặt của công tước Vaxili cũng không hợp chút nào với vẻ bệ vệ thường ngày của ông ta, đến nỗi Piotr dừng lại đôi mắt ngơ ngác nhìn người hướng dẫn mình qua đôi kính trắng, có ý mỉm cười và thở dài, tựa hồ như để tỏ ra rằng mình đã tiên đoán trước được tất cả những việc đó.

- Anh Piotr ạ, anh phải xứng đáng là một người đàn ông, chính tôi sẽ trông nom cho quyền lợi của anh đấy!

- Anna Mikhailovna nói, để đáp lại cái nhìn của Piotr và rảo bước đi nhanh hơn nữa qua dãy hành lang.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:25:00 pm
Piotr chẳng hiểu dầu đuôi ra sao, mà càng không hiểu "trông nom cho quyền lợi của anh" là thế nào. Nhưng chàng hiểu rằng mọi việc tất cả đều như vậy mới được. Qua hành lang hai người tới một gian phòng lớn sáng mờ mờ sát cạnh phòng tiếp khách của bá tước. Đó là một trong những căn phòng lạnh lẽo và sang trọng mà Piotr đã biết những lần vào cửa chính. Nhưng ngay trong phòng này, ở chính giữa có một cái bồn tắm không có nước và trên thảm lót nền có những vết nước đổ ra loang lổ. Một người đầy tớ và một người giúp lễ xách chiếc bình đựng trầm rón rén di ngược lại phía hai người, không hề chú ý đến họ. Họ đi vào gian phong tiếp khách mà Piotr đã quen thuộc, có hai cửa sổ kiểu Ý và một cửa lớn dẫn ra vườn mùa. đông, một bức tượng bán thân lớn và một bức chân dung người con gáỉ ấy hầu như vẫn giữ nguyên tư thế ban nãy, đang ngồi nói chuyện thì thầm trong phòng tiếp khách. Khi hai người bước vào, mọi người im bặt nhìn bà Anna Mikhailovna với gương mặt tiều tuỵ xanh xao của bà và nhìn thân hình to béo của Piotr lúc bấy giờ đang ngoan ngoãn đi theo.

Trên gương mặt bà Anna Mikhailovna lộ rõ ý thức của một người hiểu rõ rằng cái phút quyết định đã đến; với những kiểu cách của một người đàn bà Peterburg thành thạo công việc, bá tước bước vào phòng, không để Piotr tụt lại sau, vẻ còn dạn dĩ hơn hồi sáng. Bà Anna Mikhailovna cảm thấy rằng một khi bà đã dẫn con người mà vị bá tước sắp qua đời đang muốn gặp tới như thế này, thế nào bà cũng được đón tiếp ân cần. Nhìn qua một lượt tất cả những người đang ngồi ở trong phòng này bà chợt thấy vị linh mục của bá tước. Không nghiêng mình, nhưng người bỗng dưng như thấp bé lại, bà Anna Mikhailovna bước lúp xúp xuống lại gần vị linh mục để nhận phép lành, rồi lại đến gần một vị linh mục khác để nhận phép lành một lần nữa.

- May mà chúng tôi đến kịp, - bà nói với vị linh mục, - những người thân thuộc như chúng tôi sợ quá đi mất. Đây người thanh niên này đây là con bá tước, - bà hạ giọng nói thêm - Thật là một giờ phút khủng khiếp!

Nói đoạn, bà Anna Mikhailovna lại gần thầy thuốc.

- Thưa bác sĩ, - bà nói - người trẻ tuổi này là con trai bá tước đây… có còn hy vọng gì không?
Bác sĩ lặng thinh ngước mắt lên trần nhà và nhún vai. Bà Anna Mikhailovna cũng lặp lại đúng cử chỉ ấy, nhún vai và ngước đôi mắt lim dim nhìn lên phía trên, thở dài, và rời viên thầy thuốc, lại gần Piotr. Bà nói với Piotr, giọng đặc biệt kính trọng, dịu dàng và buồn rầu:

- Anh hãy tin vào đức từ bi của Người.

Rồi chỉ cho Piotr một chiếc đi-văng nhỏ để ngồi đợi bà, Anna Mikhailovna tự mình rón rén đi về phía cánh cửa mà mọi người đều nhìn vào, mở cửa ra một tiếng động rất khẽ rồi khuất sau cánh cửa.
Piotr quyết định là sẽ nhất tuân theo những điều chỉ bảo của bà Anna Mikhailovna, bèn đi về phía chiếc đi-văng nhỏ mà bà ta vừa chỉ cho chàng. Bà Anna Mikhailovna vừa đi khuất, chàng đã nhận ra tất cả những người trong phòng điều nhìn chàng, và cái nhìn của họ không phải chỉ có vẻ tò mò hay ái ngại. Piotr nhận thấy mọi người đang thì thầm to nhỏ với nhau, đưa mắt chỉ về phía chàng, dường như có vẻ sợ hãi và thậm chí còn có vẻ khúm múm nữa là khác. Đối với chàng họ có những cử chỉ kính trọng mà trước kia chưa bao giờ chàng thấy họ làm trước mặt chàng: một bà mệnh phụ mà Piotr không quen biết đang nói chuyện với các vị linh mục đứng dậy mời ch ầng ngồi, viên sĩ quan vừa nhặt chiếc găng mà chàng vừa đánh rơi và đưa cho chàng; các bác sĩ kính cẩn khi chàng đi ngang cạnh họ và né sang một bên để nhường lối cho chàng. Lúc đầu Piotr muốn ngồi vào một chỗ khác để khỏi làm phiền bà mệnh phụ, muốn tự mình nhặt lấy chiếc găng và đi vòng sang một bên để tránh mấy ông thầy thuốc, vì thực ra lúc bấy giờ họ không đứng chắn lối đi của chàng. Nhưng bỗng dưng cảm thấy rằng làm như vậy e không tiện, chàng cảm thấy rằng đêm nay mình là một nhân vật có bổn phận làm tròn lễ nghi gì khủng khiếp mà mọi người đều chờ đợi, vì vậy chàng phải chấp nhận những cử chỉ vồn vã của mọi người.

Chàng lặng thinh cầm lấy chiếc tất lay của viên phụ tá đưa cho, ngồi vào chỗ của bà phụ mệnh, đặt hai bàn tay to béo trên hai đầu gối rất cân đối, với cái thế ngây ngô của một pho tượng Ai Cập và nhủ thầm rằng tối hôm nay nhất định phải như vậy, nên muốn, khỏi phải mất trí, khỏi làm những việc ngớ ngẩn, chàng không hành động theo chủ ý của mình mà phải nhất nhất làm theo ý muốn của mọi người xung quanh là những người có nhiệm vụ hướng dẫn chàng.

Chưa đầy hai phút đã thấy công tước Vaxili, mặc áo kaftan có đính ba ngôi sao, đầu cất cao, trịnh trọng bước vào phòng. Mới từ sáng tới giờ mà trông công tước có vẻ gầy đi, mắt ông to hơn thường ngày khi ông nhìn quanh phòng và trông thấy Piotr. Công tước Vaxili lai gần Piotr, cầm lay tay chàng (một việc mà trước đây ông không bao giờ làm) và kéo bàn tay chàng xuống thấp, dường như muốn thử bàn lay ấy có chắc không.

- Can đảm lên, cam đảm lên anh bạn, ngài đã yêu cầu được gặp cậu. Tối đấy…Nói đoạn công tước Vaxili toan bỏ đi nơi khác.

Nhưng Piotr tự thấy mình cần phải hỏi:

- Sức khoẻ của… - Piotr ngượng ngập không nói tiếp được. Chàng không biết gọi người sắp qua đời là bá tước có tiện không; còn gọi cha thì chàng thấy ngượng lắm.

- Cách đây nửa giờ ngài vừa bị một cơn. Thêm một cơn nữa đấy; can đảm lên anh bạn…

Piotr bàng hoàng đến nỗi khi nghe từ "cơn" chàng cứ tưởng một trận đòn gì đấy. Chàng ngơ ngác nhìn công tước Vaxili mãi một lúc sau mới hiểu rằng trận đây là cơn động kinh. Công tước Vaxili vừa đi vừa nói với Lorrain mấy câu và kiễng chân rón rén bước vào cửa phòng bá tước. Ông ta không biết cách đi rón rén nên cứ vụng về nhún nhảy cả người lên. Theo gót ông là nữ công tước Katerina, rồi đến các vị linh mục và mấy người hầu lễ, các gia nhân cũng vào theo. Sau cánh cửa có tiếng người qua lại, rồi cuối cùng vẫn với khuôn mặt xanh xao nhưng đầy vẻ quả quyết làm tròn nhiệm vụ, của bà Anna Mikhailovna chạy ra ngoài, khẽ chạm vào tay Piotr nói:

- Lòng nhân của chúa là vô cùng vô tận. Lễ xức dầu thánh sắp bắt đầu rồi đấy. Anh vào đây.

Piotr vào phòng, bước trên tấm thảm mềm, và nhận thấy cả viên sĩ quan phụ tá, cả bà mệnh phụ không quen biết và mấy người gia nô nữa - họ đều vào theo chàng, nhường như bây giờ chẳng cần xin phép cũng có thể vào phòng này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:25:47 pm
Phần I
Chương - 20
     
Piotr biết rất rõ cái gian phòng lớn có những dãy cột ngăn ra thành từng vòm. Trên tường chăng kín những tấm thảm Ba tư. Sau dãy cột, ở một bên có một chiếc giường gỗ đỏ cao chăng màn lụa, ở bên kia kê một chiếc tủ lớn mặt kính đựng tượng thánh. Tất cả phần này thắp đèn sáng rực như ở trong nhà thờ khi làm lễ chầu buổi tối.
   
Dưới các đường viền lấp lánh của chiếc tủ thờ có một chiếc ghế bành kiểu Volter rất lớn ở phía trên đặt những chiếc gối trắng tinh chưa có nếp nhăn, hẳn là vừa mới thay xong. Trên ghế bành một thân hình uy nghi rất quen thuộc đối với Piotr đang nằm yên, một chiếc chăn màu xanh lá cây đãp ngang bụng, và Piotr nhận ra cha chàng, bá tước Bezukhov, cũng vẫn mái tóc bạc loà xoà như bờm sư tử cũng vẫn vầng trán rộng và những nếp nhăn lớn có một vẻ gì cao quý và đặc biệt trên khuôn mặt đẹp đẽ phơn phớt màu gạch. Bá tước nằm sát dưới các tượng thánh. Hai bàn tay to phốp pháp đặt lên trên tấm chăn. Bàn tay phải úp xuống, giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ đặt một cây nến bằng sáp ong do một người đầy tớ đứng sau ghế bành cúi lưng giữ cho thẳng. Bên chiếc ghế bành có mấy vi linh mục mặc những bộ trang phục rực rỡ và uy nghi của nhà thờ, mái tóc đài buông xoã trên áo, tay cầm những ngọn nến thắp sáng, đang khoan thai trang trọng làm lễ. Cách họ một quãng ở phía sau có hai tiểu thư, em gái công tước tiểu thư Ekaterina tay cầm mùi xoa đưa lên gần mắt, và trước mặt họ là cô chị cả, vẻ hằn học và quả quyết, mắt không lúc nào rời khỏi tượng thánh, dường như muốn nói với mọi người rằng nếu cô ta nhìn đi chỗ khác thì không còn giời đất nào nữa. Bà Anna Mikhailovna gương mặt buồn rầu nhẫn nhục và đầy vẻ từ bi tưởng chừng như sẵn lòng dung tha tất cả, và bà mệnh phụ không quen biết, thì đứng cạnh cửa vào. Công tước Vaxili đứng ở bên kia cửa, sau một chiếc ghế chạm lót nhung đặt gần chiếc ghế bành, tay trái có cầm nến tựa khuỷu vào lưng ghế, tay phải làm dấu thánh giá, cứ mỗi lần đưa ngón tay lên trán lại ngước mắt lên phía trên. Gương mặt của công tước biểu hiện vẻ ngoan đạo diềm tĩnh và phục tùng ý chí của Thượng đế. "Nếu các người không hiểu được những tình cảm này thì chỉ thiệt thân các người thôi", - vẻ mặt của công tước như muốn nói.
     
Sau lưng công tước là viên sĩ quan phụ tá, hai ông thầy thuốc và một người đầy tớ trai; như ở trong nhà thờ, nam nữ đứng riêng ra hai nơi. Mọi người đều im lãng làm dấu thánh giá, chỉ nghe thấy tiếng đọc thánh kinh, tiếng hát trầm trầm dè dặt và trong một phút im lặng có thể nghe thấy tiếng chuyển chân đứng và tiếng thở dài.
   
Bà Anna Mikhailovna, với cái vẻ quan trọng tỏ ra rằng bá tước rõ việc mình đang làm, bước ngang qua gian phòng đến gần Piotr và trao cho chàng một cây nến. Piotr thắp nến và lên vì mải lơ đễnh quan sát những người xung quanh, chàng cứ lấy tay đang cầm nến mà làm dấu thánh giá.
   
Công tước tiểu thư Sofia, một cô gái hay cười, nước da đỏ hồng có cái nết ruồi bên má, đứng nhìn Piotr, lấy khăn tay che mặt hồi lâu mới giở ra, nhưng đưa mắt nhìn Piotr, cô ta lại phì cười. Hình như cô ta không tài nào nhịn được cười khi nhìn Piotr, nhưng cũng không thể nào không nhìn anh ta được, cho nên khỏi bị cám dỗ, cô lặng lẽ lẩn ra sau một chiếc cột. Giữa chừng buổi lễ giọng hát của các giáo sĩ bỗng ngừng bặt, các linh mục thì thầm nói với nhau mấy tiếng gì không rõ, người lão bộc đang giữ cây nến trong tay bá tước đứng dậy và quay sang phía các bà. Bà Anna Mikhailovna bước lên phía trước, cúi mình trên người ốm và đưa lay ra sau lưng vẫy ngón tay ra hiệu cho Lorrain lại gần. Ông thầy thuốc người Pháp bấy giờ đang đứng tựa vào một chiếc cột, tay không cầm nến với dáng điệu cung kính của một người ngoại quốc tỏ ra rằng tuy khác tín ngưỡng, ông ta cũng hiểu hết tầm quan trọng của nghi lễ đang diễn ra và còn đồng tình nữa là khác. Với những bước đi không tiếng động của một người đang tuổi cường tráng, ông lại gần người ốm, đưa bàn tay có những ngón thon và trắng cầm lấy bàn tay không cầm nến của bá tước, nhấc lên khỏi chăn xanh, rồi quay mặt đi và bắt đầu thăm mạch, vẻ mặt trầm ngâm. Họ cho người ốm uống thuốc, lăng xăng quanh chiếc ghế bành một lúc, rồi lại tản về chỗ cũ, và buổi lễ lại tiếp tục.

Trong khoảng thời gian gián đoạn và rồi Piotr thấy công tước Vaxili rời cái lưng ghế đang vịn và vẫn cái vẻ mặt muốn cho người ta thấy rằng ông biết rõ việc mình đang làm, và nếu những người khác không hiểu ông ta thì chỉ thiệt cho họ thôi, công tước Vaxili không lại gần người ốm mà lại đi ngang kề bên, đến chỗ công tước tiểu thư Katerina đứng, rồi cùng cô đi về phía trong phòng ngủ, phía chiếc giường cao chăng màn lụa. Rời khỏi giường, cả hai khuất sau một cánh cửa ngách, nhưng trước khi buổi lễ chấm dứt, họ đã lần lượt kẻ trước người sau trở về chỗ cũ. Việc này Piotr cũng không chú ý gì hơn tất cả những việc khác vì trong lòng chàng yên chí là tất cả những việc diễn ra trước ra trước mắt mình tối hôm nay tất nhiên đều là tối cần thiết.

Tiếng hát thánh đường đã dứt, và người ta nghe giọng nói của vị linh mục đang kính cẩn mừng người ốm nhận phép nhiệm mầu.

Bá tước nằm im lìm như cũ. Chung quanh ông mọi người đều nhốn nháo, có tiếng chân bước và tiếng nói thầm, trong đó tiếng thì thầm của bà Anna Mikhailovna nghe trội hơn cả.

Piotr nghe thấy bà ta nói:

- Nhất định phải chuyển lên giường thôi, để đây thì không thể nào…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 03:27:02 pm
Các bác sĩ, các nữ công tước và các gia nhân vây kín lấy người ốm đến nỗi Piotr không còn trông thấy mái đầu tóc bạc loà xoà với khuôn mặt màu gạch mà nãy giờ trong buổi lễ chưa có lần nào vượt ra khỏi tầm mắt Piotr, mặc dầu trong khi đó chàng cũng vẫn trông thấy những người khác. Nhìn những cử chỉ thận trọng của mấy người đứng sát quanh chiếc ghế bành, Piotr đoán ra rằng người ta đang nâng người hấp hối lên và khiêng ông sang chỗ khác.

Có tiếng thì thào hoảng hốt của một gia nhân:

- Nắm lấy tay tôi, không buột rơi bây giờ…

- Đỡ lấy ở bên dưới… thêm một người nữa vào đây, - họ lại nói, và tiếng thở nặng nhọc cùng tiếng bước chân của các gia nhân lại càng vội vã thêm, dường như cái thân hình mà họ đang khiêng là nặng quá sức họ.

Những người khiêng bá tước, trong số đó có cả bà Anna Mikhailovna, đã đi ngang tầm chàng thanh niên, và trong một nháy mắt, ở phía sau những tấm lưng và những cái gáy của các gia nhân Piotr thoáng thấy lông ngực nở nang để trần, đôi vai vạm vỡ của người ốm nâng cao lên phía trên mấy người đầy tớ đang đỡ lấy nách ông, và mái tóc quăn loà xoà như bờm sư tử. Mái đầu ấy với vầng trán rộng khác thường, đôi gò má cao, tuy cái chết đã gần đến mà không hề biến dạng. Vẫn là mái đầu, khuôn mặt mà Piotr đã trông thấy ba tháng trước đây, khi bá tước cho chàng đi Petersburg. Nhưng hôm nay mái tóc yếu lắc lư theo những bước chân không đều của các gia nhân, và đôi mát lạnh lùng, đờ đẫn của bá tước không biết nhìn vào chỗ nào.

Người ta nhớn nhác quanh chiếc giường một lúc, rồi những người vừa khiêng bá tước tản ra. Bà Anna Mikhailovna chạm vào tay Piotr và nói; "Anh lại đây", Piotr đi với bà ta đến cạnh giường.

Trên giường người ta đã đặt người ốm nằm trong một tư thế trang trọng có lẽ là để cho thích hợp với cái phép huyền diệu vừa diễn ra.

Người ốm nằm tựa cao lên chồng gối. Hai tay ông đặt cân đối trên tấm chăn xanh bằng lụa, lòng bàn tay úp xuống dưới. Khi Piotr lại gần, bá tước nhìn thẳng vào chàng nhưng cái nhìn của bá tước thì con người không thể nào hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng. Có thể cái nhìn này chẳng nói lên điều gì hết, chẳng qua là một khi còn có mắt thì tất phải nhìn vào một chỗ nào đấy; cũng có thể cái nhìn đấy bao hàm nhiều ý nghĩa. Piotr dừng lại, không biết mình nên làm gì, và đưa mắt nhìn sang bà Anna Mikhailovna, người hướng dẫn mình, có ý dờ hỏi. Bà Anna Mikhailovna ra hiệu hấp tấp đưa mắt ra hiệu hôn bàn tay. Piotr thân trọng vươn cổ dài ra để khỏi vướng vào tấm chăn, làm theo ý bà Anna Mikhailovna và áp môi vào bàn tay rộng và đầy đặn của bá tước. Bàn tay vẫn im lìm; trên mặt bá tước cũng không có một thớ thịt nào khẽ động. Piotr lại đưa mắt hỏi bà.

Anna Mikhailovna xem bây giờ cần phải làm gì nữa. Bà Anna Mikhailovna chỉ cho Piotr chiếc ghế bành đặt cạnh giường. Piotr ngoan ngoãn ngồi xuống ghế, mắt có ý dò hỏi xem mình làm như vậy đã được chưa. Bà Anna Mikhailovna gật đầu khen được, Piotr lại lấy cái dáng điệu cân đối và ngây ngô của một pho tượng Ai Cập, hình như chàng rất lấy làm tiếc cái thân hình to béo và vụng về chiếm quá nhiều chỗ trong không gian, nên chàng đem vận dụng hết sức lực tinh thần ra để làm cho nó nhỏ bớt đi được chừng nào hay chừng ấy.

Chàng nhìn bá tước. Bá tước nhìn vào chỗ lúc nãy vừa có cái mặt của Piotr khi chàng đang đứng. Gương mặt bà Anna Mikhailovna tỏ ra rằng bà hiểu rõ cái giây phút gặp gỡ cuối cùng này giữa cha và con là quan trọng và cảm động đến nhường nào. Hai phút trôi qua mà Piotr tưởng chừng như cả tiếng đồng hồ. Đột nhiên những thớ thịt và những nếp nhăn trên má bá tước bắt đầu run rẩy, rồi mỗi lúc di chuyển mạnh hơn. Đôi môi đẹp đẽ của ông co rúm lại (mãi đến giờ Piotr mới hiểu cha mình gần cõi chết đến nhường nào), từ cái miệng méo xệch của ông ta đưa ra một tiếng ú ớ khàn khàn. Anna Mikhailovna nhìn kỹ vào mặt người ốm, cố đoán xem ông muốn gì bà chỉ vào Piotr, rồi chỉ vào chén thuốc, xong lại thầm đọc tên công tước Vaxili có ý dò hỏi, đoạn lại chỉ vào tấm chăn. Đôi mắt và nét mặt tỏ vẻ suốt ruột. Bá tước cố sức đưa mắt về phía người gia nô đang ngồi im ở đầu giường.

- Ngài muốn trở mình sang bên kia đấy, - người gia nô nói khẽ và đứng dậy để vàn tấm thân nặng nề của bả tước cho quay mặt vào tường.

Piotr đứng dậy để giúp người gia nô một tay.

Trong khi họ trở mình cho bá tước, một cánh tay của ông buông thõng ra sau lưng, bá tước cố đưa tay về phía trước, nhưng không sao nhấc lên nổi. Không biết bá tước có nhìn thấy cái vẻ kinh hãi của Piotr khi nhìn vào cánh tay cứng đờ này không, hay là trong giây lát có đó có ý nghĩ nào thoáng hiện lên trong cái trí óc đang chết dần của ông, chỉ thấy ông nhìn vào bàn tay không chịu tuân theo ý mình, rồi nhìn vẻ mặt kinh hãi của Piotr, rồi lại nhìn bàn tay, và trên gương mặt ông hiên lên một nụ cười yếu ớt, đau đớn, không hợp tí nào với nét mặt của ông, tưởng chừng như có ý giễu cợt sự bất lực của chính mình. Khi trông thấy nụ cười này, đột nhiên Piotr lông ngực run bắn lên, mũi tự dưng thấy cay xè và nước mắt rưng rưng không còn trông thấy rõ mọi vật xung quanh nữa. Người ốm đã được quay mình trở lại, mắt hướng về phía tường.
Ông thở dài một cái.

- Cụ đã thiếp đi rổi! - Anna Mikhailovna nói khi nhìn thấy nữ công tước đến thay phiên. - Ta đi đi!

Piotr ra ngoài.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:08:02 pm
Phần I
Chương - 21
     
Trong phòng tiếp tân không còn ai, ngoài công tước Vaxili và công tước tiểu thư Katerina. Hai người đang ngồi dưới bức chân dung của nữ hoàng Ekaterina nói chuyện sôi nổi. Vừa trông thấy Piotr với bà Anna Mikhailovna, họ im bặt.

Piotr thấy hình như tay công tước tiểu thư thu một cái gì ấy. Cô ta nói thầm:

- Tôi không thể nhìn mặt bà ấy được.

- Katis đã sai dọn trà trong phong khách nhỏ - công tước Vaxili nói với bà Anna Mikhailovna. -  Khổ thân quá, bà vào trong đấy mà dùng cái gì cho lại sức, không thì quỵ mất đấy!

Với Piotr thì công tước không nói gì, chỉ nắm chặt lấy cánh tay chàng, ở phía dưới khuỷu tay một chút, ra vẻ ái ngại. Piotr cùng với bà Anna Mikhailovna đi vào một gian phòng khách nhỏ. Đó là một căn phòng nhỏ hình tròn ở giữa đặt một chiếc bàn trên có bày bộ đồ trà và mấy thức ăn nguội. Xung quanh bàn, tất cả các tân khách đến nhà bá tước Bezukhov đêm nay đều quây quần ăn lấy sức.

- Sau một đêm mất ngủ không có gì làm người ta lại sức bằng cách uống một tách nước chè Nga tuyệt diệu này - bác sĩ Lorrain nói, vẻ hoạt bát nhưng dè dặt, miệng nhấp ngụm nước trà pha trong chiếc chén tàu mỏng manh, không có quai.

Piotr nhớ rõ gian phòng khách nhỏ hình tròn này với những chiếc gương và những chiếc bàn con bày biện trong phòng. Trong những buổi vũ hội ở nhà bá tước, Piotr không biết khiêu vũ nên thích ngồi trong gian phòng này ngám các bà các cô mặc áo dài khiêu vũ, với những hạt kim cương và ngọc trai lấp lánh trên cổ và trên vai để trần, đi vượt qua phòng, ngắm mình trong những tấm gương rực sáng ánh đèn phản chiếu lại bóng họ thành ba hình. Bây giờ cũng gian phòng ấy chỉ thắp có hai cây nến sáng mờ mờ, và giữa đêm khuya trên chiếc bàn nhỏ lộn xộn một bộ đồ trà và mấy đĩa thức ăn, xung quanh có những người có dung mạo khác nhau, chẳng có vẻ gì là hội hè, đang thì thầm to nhỏ; môi cử động, mỗi lời nói của họ đều tỏ ra không có ai lãng quên cái sự việc hiện đang diễn ra và sắp diễn ra trong phòng ngủ. Piotr không ăn, tuy chàng rất muốn ăn.
   
Chàng đưa mắt nhìn người hướng dẫn mình có ý dò hỏi và thấy bà ta rón rén trở ra phòng tiếp tân, nơi công tước Vaxili ngồi lại một mình với nữ công tước Katerina. Piotr nghĩ bụng chắc phái như thế mới được; bèn chần chừ một lát rồi ra theo. Bà Anna Mikhailovna đứng bên nữ công tước và cả hai không ai nghe ai cùng tranh nhau nói một lúc, giọng thì thầm có vẻ xúc động mạnh.

- Xin công tước phu nhân tha lỗi tôi tự biết cái gì cần và cái gì không cần - công tước tiểu thư Katerina nói, hình như cô ta vẫn ở trong tâm trạng xúc động như lúc đóng sập cửa phòng riêng lại.

Anna Mikhailovna đứng chặn lối đi và phong ngủ, không để cho công tước tiểu thư đi. Bà nói giọng dịu dàng mà quả quyết:

- Nhưng thưa công tước tiểu thư, trong khi bác ấy đang cần nghỉ ngơi như thế này, e rằng như vậy sẽ làm bác phiền lòng, tội nghiệp. Trong những giờ phút như thế này lại đi nói chuyện thế tục, khi linh hồn bác đã sẵn sàng…

Công tước Vaxili ngồi trên ghế bành với cái dáng điệu quen thuộc của ông, một chân ghếch cao lên chân kia. Thớ thịt trên má công tước giật giật rất mạnh và trễ xuống, trông phía dưới mặt bạnh ra; nhưng ông vẫn có vẻ như không chú ý lắm tới câu chuyện của hai người đàn bà.

- Kìa bà Anna Mikhailovna, bà cứ để Kalis vào đi! Bà cũng biết bá tước quý mến tiểu thư như thế nào.

Công tước tiểu thư quay về phía công tước Vaxili và chỉ vào chiếc cặp da ghép mà cô đang cầm trong tay, nói:

- Tôi cũng không biết trong tờ giấy này có những gì nữa kia.

- Tôi chỉ biết ràng tờ di chúc thật hiện đang ở trong phòng giấy của bác ấy, còn đây chỉ là một tờ giấy bị bỏ quên…

Công tước tiểu thư định đi vòng qua bà Anna Mikhailovna, nhưng bà ta lại nhảy ra ngăn lại.

- Tôi biết lắm, công tước tiểu thư ạ, - bà Anna Mikhailovna nói, tay nắm lấy chiếc cặp, và nắm chặt đến nỗi có thể thấy rõ rằng bà ta không dễ gì buông nó ra đâu - Công tước tiểu thư ạ, tiểu thư là người tốt
bụng, đáng mến, tôi xin tiểu thư, tôi van tiểu thư hãy thương lấy bác ấy. Tôi xin cắn cỏ ngậm vành mà van tiểu thư như vậy.

Công tước tiểu thư lặng thinh. Chỉ còn nghe thấy tiếng hai ngưởi giằng co chiếc cặp da. Có thể thấy rõ lãng nếu công tước tiểu thư nói ra những lời lẽ của cô ta cũng chẳng có gì hay ho đối với bà Anna Mikhailovna cả. Bà Anna Mikhailovna giữ chiếc cặp rất chặt, nhưng tuy thế giọng của bà vẫn giữ được cái âm thanh trầm trầm và dịu ngọt như cũ.

- Piotr, anh lại đây một tí. Tôi nghĩ rằng trong hội đồng gia đình mà có anh ấy cũng chẳng thừa: có phải không, thưa công tước?

- Tại sao bác lại ngồi im thế hả bác? - công tước tiểu thư bỗng thét to lên, đến nỗi trong phòng bên kia khách khứa đều nghe thấy và có ý hoảng sợ. - Sao bác lại ngồi im, trong khi có kẻ không biết từ đâu đến dám tự xen vào công việc của người ta và gây chuyện ngay ở ngưỡng cửa phòng một người đang hấp hối? Đồ xảo quyệt! - Công tước tiểu thư hằn học rít lên và lấy hết sức lực giằng lấy chiếc cặp da, nhưng bà Anna Mikhailovna bước tới mấy bước để khỏi tuột và chuyển tay giữ lấy.

- Ô, - công tước Vaxili nói, giọng trách móc và ngạc nhiên - làm gì lố lăng thế kia? Hai bà buông chiếc cặp ra nào! Tôi xin hai bà!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:08:45 pm
Công tước tiểu thư buông ra.

- Cả bà nữa!

Bà Anna Mikhailovna không nghe.

- Bà buông ra cái nào. Tôi xin lĩnh lấy mọi phần trách nhiệm.

- Tôi sẽ vào hỏi bá tước. Tôi… thôi như thế đủ rồi bà ạ.

Nhưng thưa công tước - Bà Anna Mikhailovna nói, - sau một buổi lễ thiêng liêng như vậy công tước cũng nên để cho bác ấy được yên tĩnh một chút chứ. Đây này, anh Piotr, anh nghĩ thế nào hãy nói ra, - bà quay về phía Piotr bấy giờ vừa lại gần, ngạc nhiên trước vẻ mặt dữ tợn, mất hết vẻ lịch sự của công tước tiểu thư và cái mặt giật giật lên từng đợt của công tước Vaxili.

- Xin bà nhớ cho rằng bà sẽ chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả có thể xảy ra. - công tước Vaxili nói, giọng nghiêm nghị - bà không biết mình đang làm gì.

- Cái con mụ đê hèn này! - Công tước tiểu thư thét lên, rồi đột nhiên chồm lên người lên người bà Anna Mikhailovna và giật chiếc cặp da lại.

Công tước Vaxili cúi đầu và dang hai tay ra.

Vừa lúc ấy cánh cửa, cái cánh cửa khủng khiếp mà Piotr đã nhìn rất lâu và vừa lúc nãy mở ra rất khẽ,
bỗng mở toang ra đánh sầm vào tường một cái và cô công tước tiểu thư thứ hai chạy vụt ra, chắp tay trên ngực thốt lên, giọng tuyệt vọng:

- Các người làm sao thế? Bác ấy đang tắt nghỉ, thế mà các người để tôi ngồi một mình?

Nữ công tước tiểu thư Katerina thả rơi chiếc cặp da. Anna Mikhailovna cúi xuống lấy rất nhanh chộp lấy vật quý chạy vào phòng ngủ. Công tước tiểu thư Katerina công tước Vaxili và như sực tỉnh, liền chạy vào theo. Mấy phút sau công tước tiểu thư từ phòng ngủ bước ra trước tiên, gương mặt tái xanh và khô đét, răng cắn lấy môi dưới. Khi trông thấy Piotr, sắc mặt của cô ta lộ một vẻ hằn học không kìm giữ nổi. Công tước tiểu thư nói:

- Đấy bây giờ các người tha hồ mà ăn mừng, các người chỉ chờ có thế mà thôi!

Cô ta oà lên khóc nức nở, lấy khăn tay che mặt và bỏ chạy ra khỏi phòng.

Ra sau công tước tiểu thư là công tước Vaxili. Ông lảo đảo bước tới chiếc đi-văng Piotr đang ngồi gieo phịch người xuống, cánh tay đưa lên che mặt Piotr nhận thấy ông ta xanh nhợt đi, hàm dưới của ông rung rung như trong cơn sốt rét. Công tước nắm lấy khuỷu tay Piotr nói, giọng nghe thành thật và yếu ớt; Piotr chưa bao giờ nhận thấy công tước có một giọng nói như vậỵ:

- Trời, Piotr ạ. Chúng ta có tôi biết chừng nào, chúng ta dối trá biết chừng nào, và như thế để làm gì? Tôi đã hơn năm mươi tuổi đầu rồi… Rồi thì tôi cũng… Tất cả mọi sự đều kết thúc băng cái chết, tất cả, chết thật là khủng khiếp - Nói đến đây công tước khóc lên rưng rức.

Bà Anna Mikhailovna ra sau cùng. Bà ta rón rén bước chầm chậm lại gần Piotr.

- Piotr! - Bà nói.

Piotr nhìn bà có ý dò hỏi. Bà Anna Mikhailovna hôn lên trán Piotr, nước mắt ướt chảy cả mặt chàng. Bà im
lặng một lúc rồi nói:

- Cụ không còn nữa rồi!

Piotr nhìn bà Anna Mikhailovna qua đôi kính trắng.

- Thôi ta sẽ đưa anh về phòng. Anh cô khóc đi một chút. Không có gì có thể làm người ta khuây khoả cho bằng nước mắt.

Bà dẫn Piotr vào gian phòng khách tối mờ mờ, và Piotr lấy làm mừng rằng ở dây không ai trông thấy mặt mình. Anna Mikhailovna bỏ đi một lúc, và khi bà trở lại bà thấy chàng dang ngối đầu lên cánh tay ngủ rất say.

Sáng hôm sau Anna Mikhailovna bảo Piotr.

- Thật thế anh ạ, đây là một tổn thất lớn cho tất cả chúng ta, chứ chẳng phải mình anh. Anh thì Thượng đế sẽ phù hộ cho, anh còn trẻ thế mà nay đã nắm giữ cả một gia tài vô tận, tôi mong thế. Tờ di chúc chưa được mở ra. Tôi biết rõ anh, nên tin chắc rằng điều đó sẽ không làm anh loá mắt, nhưng người ta mà đã vào hoàn cảnh ấy tất phải có nhiều bổn phận, và phải cho xứng là người đàn ông?

Piotr im lặng.

- Có lẽ sau này tôi sẽ nói rõ cho anh rằng nếu không có tôi ở đây, thì cơ sự không biết sẽ ra sao. Anh có biết không, mới hôm kia đây cậu tôi vừa hứa với tôi là sẽ không quên thằng Boris. Nhưng cậu tôi không kịp trối trăng gì. Tôi hy vọng rằng anh sẽ làm tròn ý nghyện của cha anh!

Piotr không hiểu gì cả, chỉ im lặng nhìn công tước phu nhân Anna Mikhailovna, mặt đỏ ửng có vẻ e thẹn. Nói chuyện với Piotr xong, bà Anna Mikhailovna lên xe đến nhà bá tước Roxtov ngủ lại.

Đến sáng bà thức dậy, kể cho vợ chồng nhà Roxtov tất cả những người quen biết nghe những chi tiết về phút lâm chung của bá tước Bezukhov. Bà ta nói rằng bá tước đã từ trần đúng như chính bà ta muốn sau này mình sẽ từ trần, rằng phút lâm chung của bá tước rất cảm động, thậm chí còn có giá trị giáo dục; còn cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai cha con bá tước thì cảm động đến nỗi hồi tưởng lại bà không thể nào cầm được nước mắt; rằng bà không biết trong hai cha con ai là người tỏ ra cao thượng hơn trong những giây phút kinh hoàng đó: người cha thì đến phút cuối cùng vẫn nhớ mọi việc và mọi người và đã nói với con những lời hết sức cảm động, còn người con thì ai nhìn cũng phải mủi lòng, anh ta đau khổ đến nỗi có thể chết đi được, ấy thế mà vẫn cố gắng dấu nỗi buồn để cho cha mình nhắm mắt được êm thấm. "Nhìn cảnh ấy thật là thương tâm, nhưng cũng thật bổ ích. Được trông thấy những người như bá tước và người con trai rất xứng đáng của ông thật thấy tâm mình như cao cả hơn lên". Bà Anna Mikhailovna nói. Về những hành động công tước tiểu thư Katerina và công tước Vaxili thì bà cũng có kể lại và tỏ ý không hài lòng, nhưng khi kể bà nói thầm rất khẽ và dặn mọi người giữ thật kín.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:26:24 pm
Phần I
Chương - 22
     
Ở Lưxye Gorư, điền trang của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki, cả nhà đang ngày ngày chờ đợi người con trai của chủ nhân là công tước Andrey và phu nhân; nhưng sự chờ đợi đó không hề đảo lộn trật tự nghiêm ngặt trong sinh hoạt của gia đình công tước. Từ ngày bị trích biếm về điền trang, dưới chiều Pavel đệ nhất, không được tham gia chính sự, nguyên soái tổng tư lệnh công tước Nikolai Andreyevich mà giới thượng lưu thường gọi đùa là quốc vương nước Phổ, vẫn sống ở điền trang Lưxye Gôrư này cùng cô con gái là công tước tiểu thư Maria và người tỳ nữ của nàng là cô Burien(1).   Dưới triều hoàng đế mới, tuy đã được phép trở lại hai kinh đô(2) công tước vẫn cứ ở lỳ nông thôn, không hề di đâu cả, và thường nói rằng có ai cần gặp công tước thì cứ việc đi một trăm năm mươi dặm(3) từ Moskva đến Lưxye Gôrư mà gặp, chứ riêng công tước thì không cần gì mà cũng không cần đến ai. Công tước thưòng nói rằng tật xấu của con người thường do hai nguyên nhân là ngồi không và mê tín, và ở đời chỉ có hai đức tính mà thôi, là hoạt động và trí tuệ. Công tước thân hành đảm nhận việc giáo dục con cái, để phát triển ở nàng hai dức tính chủ yếu này, công tước vừa dạy nàng đại số và hình học cho đến tuổi hai mươi, lại bố trí thời gian sao cho nàng lúc nào cũng có việc làm liên tiếp.
   
Chính bản thân công tước lúc nào cũng làm việc, hoặc viết tập hồi ức của đời mình, hoặc giải những bài toán cao cấp, hoặc tiện những chiếc hộp đựng thuốc lá, hoặc làm vườn và trông nom những công trình xây dựng lúc nào cũng có trong điền trang. Cho rằng trật tự là điều kiện cần nhất cho mọi hoạt động, công tước sắp đặt trật tự trong sinh hoạt của mình cực kỳ chính xác. Bữa ăn của công tước bao giờ cũng đúng giờ giấc, không phải chỉ đúng từng giờ mà còn đúng từng phút, bất di bất dịch. Đối với người nhà, từ con gái đến tôi tớ, công tước đều rất nghiêm khắc và lúc nào cũng khó tính, cho nên không hề ác mà vẫn làm cho người ta phải kính nể và e sợ hơn kẻ ác nhất thiên hạ. Tuy công tước đã về hưu và không còn ảnh hưởng gì đến công việc quốc gia, nhưng mỗi một quan tỉnh trưởng mới đổi đến địa phương này đều tự xem có bổn phận phải đến trình diện công tước và khi đến đều phải đến phòng tiếp tân chờ đợi giờ công tước ra tiếp khách đã quy định sẵn, chẳng khác gì viên kiến trúc sư trong nhà, người làm vườn hay công tước tiểu thư Maria. Và khi đã vào phòng ấy, mỗi người đều thấy tôn kính và sợ sệt hơn nữa khi cánh cửa cao và dày của phòng làm việc lại xịch mở và cái dáng mảnh khảnh của ông cụ hiện ra với bộ tóc giả(4) rắc phấn với đôi bàn tay khẳng khiu và và đôi lông mày rậm bạc trắng mà những khi cau lại thì che mờ bớt ánh sáng long lanh của đôi mắt sáng, trẻ và thông minh.

Buổi sáng hôm hai vợ chồng trẻ đến, theo thường lệ, công tước tiểu thư Maria vẻ lo sợ bước vào phòng tiếp tân, đúng giờ chào buổi sáng, vừa làm dấu thánh giá vừa đọc nhẩm một bài kinh. Ngày nào nàng cũng vào đây và cứ mỗi lần vào nàng lại đọc kinh, cầu cho cuộc gặp mặt hàng ngày diễn ra êm thấm.
   
Người lão bộc tóc rắc phấn nãy giờ ngồi trong phòng tiếp tân. lẳng lặng đứng dậy và nói thì thầm: "Xin mời tiểu thư vào".
     
Sau cánh cửa vẳng ra tiếng quay đều của một chiếc bàn tiện. Nữ Công tước rụt rè đẩy cánh cửa mở ra từ từ và dừng lại trên ngưỡng cửa. Công tước đang làm việc ở bàn tiện, ngoái nhìn về phía sau một cái rồi lại tiếp tục làm.
   
Phòng làm việc rộng thênh thang đầy những đồ đạc, rõ ràng là được dùng đến thường xuyên. Cái bàn lớn bày la liệt những sách và đồ án, những tủ kính cao đựng sách, chìa khoá đút ở ổ khoá, cái bàn nghiêng để đứng mà viết, trên mặt bàn còn một cuốn vở để mở, cái bàn tiện với những dụng cụ đặt ở xung quanh và những miếng vỏ bào rải rác, mọi thứ đều chứng tỏ một hoạt động không ngừng, về nhiều mặt và có thứ tự, ngăn nắp. Động tác của cái chân nhỏ đi ủng tartar thêu ngân tuyến, sức ấn mạnh của bàn tay khô và gân guốc tỏ ra công tước còn giữ được sức khoẻ bền bỉ và giỏi chịu đựng của một ông già quắc thước. Sau khi đạp dấn thêm vài vòng bánh xe, công tước nhấc chân ra khỏi bàn đạp, lau con dao tiện, ném nó vào một cái túi da móc ở bàn tiện rồi đi đến cạnh bàn, gọi con gái lại.

Công tước không bao giờ làm dấu thánh cầu phước cho con cái, chỉ đưa cái má lởm chởm râu ria sáng hôm nay chưa cạo, cho con hôn, rồi đưa mắt nhìn con một cách nghiêm nghị nhưng đồng thời có vẻ ân cần âu yếm, và chỉ nói:

- Đây bài ngày mai, - vừa nói vừa mở nhanh trang vở và lấy móng tay đánh dấu từ đoạn này đến đoạn kia.
     
Công tước tiểu thư cúi nhìn trang vở trên bàn.

Bỗng công tước nói:

- Khoan đã, con có cái thư đây - vừa nói vừa rút từ một cái túi treo trên bàn ra một chiếc phong bì, nét chữ đàn bà và ném lên bàn.

Nhìn thấy phong thư, mặt công tước tiểu thư đỏ ửng lên từng đám. Nàng vội vàng cầm lấy và cúi xuống xem.

- Cô Eloyza (5) à? - công tước hỏi, miệng mỉm một nụ cười lạnh lùng để lộ hai hàm răng màu vàng ngà nhưng còn chắc.

- Vâng ạ, của Juyly - tiểu thư Maria rụt rè liếc nhìn phong thư và mỉm cười bẽn lẽn.

- Cha cho phép con nhận hai bức thư nữa. - công tước lại nói, giọng nghiêm nghị - nhưng đến cái thứ ba thì cha đọc đấy. Cha ngại rằng thư chỉ viết những chuyện nhảm nhí. Cha sẽ đọc cái thứ ba đấy.

- Thưa cha, cha cứ đọc cái này cũng được ạ - nữ công tước vừa nói vừa đưa thư cho cha, mặt càng đỏ bừng.

Công tước gạt bức thư ra, và chỉ thốt lên mấy tiếng ngắn gọn:

- Cái thứ ba, đã bảo là cái thứ ba kia, - rồi chống khuỷu tay xuống bàn, kéo về phía mình cuốn vở đầy những hình vẽ hình học.

- Này tiểu thư nhìn đây, hai hình tam giác này đồng dạng: góc a b c… - Ông già bắt đầu giảng bài, đầu cúi xuống cuốn vở, gần sát mặt con và một tay vòng ra sau lưng ghế bành của công tước tiểu thư làm cho nàng cảm thấy bị bao trùm tứ phía giữa mùi thuốc lá và cái mùi găn gắt của người già mà nàng đã quen từ lâu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:27:28 pm
Tiểu thư Maria khiếp sợ nhìn đôi mắt cha sáng long lạnh ngay bên cạnh; mặt nàng lại đỏ lên từng đám, rõ ràng là nàng chẳng hiểu gì nàng sợ quá, và càng sợ lại càng không hiểu nổi những lời giảng của cha, dù giảng rõ đến đâu. Không biết đây là lỗi ông giáo hay lỗi người học trò, nhưng cái cảnh ấy ngày nào cũng lại diễn ra: mắt tiểu thư cứ hoa lên, nàng chẳng nhìn mà cũng chẳng nghe gì hết, nàng chỉ cảm thấy ngay sát mặt mình cái mặt khô khan của ngùời cha nghiêm khắc, chỉ nghe hơi thở và ngửi thay cái mùi của cha và chỉ mong sao ra khỏi cái buồng này cho nhanh để về buồng mình và tha hồ suy nghĩ về bài toán. Ông đã sốt ruột, dịch lui dịch tới, chiếc ghế bành kêu ầm ầm, cố dằn lòng cho khỏi nổi nóng và nỗi lần không nhịn được lại buông ra một tiếng rủa, có khi ném cả cuốn vở đi.
   
Công tước tiểu thư trả lời sai.

- Nào, sao mà ngu thế! - công tước kêu lên, tay ẩy cuốn vở, và quay mặt đi rất nhanh. Nhưng ông lại lập tức đứng phắt dậy, đi vài bước, rổi lấy tay chạm khẽ lên tóc con và lại ngồi xuống.
     
Công tước kéo ghế lại gần và giảng bài tiếp.
Khi công tước tiểu thư cầm lấy vở với những bài toán mới ra, gấp lại và sửa soạn đi ra thì công tước nói:

- Thế chẳng được đâu, con ạ, chẳng được đâu. Toán học quan trọng lắm con ạ. Ta không muốn con giống các bà phu nhân ngu ngốc thời nay. Con kiên nhẫn rồi thế nào cũng thích học. - Công tước vuốt má con rồi nói thêm - Rồi cái ngu sẽ ra khỏi đầu con.
     
Nàng đã toan đi ra, nhưng công tước ra hiệu bảo đứng lại và lấy trên bàn một cuốn sách mới chưa đọc.

- Này, còn cái "chìa khoá của cõi bí mật" gì đấy mà chàng Eloyza của cô vừa gửi đến. Sách tôn giáo. Ta không can thiệp vào tín ngưỡng của ai hết… ta chỉ lật xem qua. Cầm lấy. Thôi đi đi!
Công tước vỗ nhẹ vai con rồi thân hành ra đóng cửa phòng.
   
Công tước tiểu thư Maria trở về phòng riêng với cái vẻ buồn rầu và hoảng sợ không mấy khi rời khỏi nàng và càng làm cho bộ mặt ốm yếu và không hấp dẫn của nàng thêm tẻ đi; nàng ngồi vào bàn viết để la liệt những sách, những vở và những bước chân dung thu nhỏ. Cha nàng ngăn nắp bao nhiêu thì nàng lại lộn xộn bấy nhiêu. Nàng để cuốn vở hình học xuống và sết ruột bóc phong thư.

Đó là thư của người bạn ấu thời thân nhất của nàng, và chính nàng Juyly Karaghina đã có mặt ở ngày lễ của gia đình Roxtov.

Juyly viết:

Bạn hiền yêu quý,

Sự vắng mặt thật là khủng khiếp và đáng sợ. Tôi đã hoài công tự nhủ rằng một nửa cuộc đời tôi và hạnh phúc của tôi là ở bạn, và tuy xa cách nhau, lòng chúng la vẫn gắn bó khăng khít với nhau bằng những mối dây không có gì cởi bỏ được. Ấy thế mà lòng tôi vẫn nổi dậy phản kháng số phận và dù quanh tôi có bao nhiêu cuộc chơi và trò tiêu khiển, tôi cũng không thể nào thắng được một nỗi buồn u uủan ở tận đáy lòng từ khi chúng ta xa nhau. Tại sao chúng ta không được cùng nhau đoàn tụ như trong mùa hè vừa qua, trong căn phòng lớn của bạn, trén chiếc trường kỷ xanh, chiếc trường kỷ dành riêng cho những lời tâm sự? Tại sao tôi lại không có thể, như cách đây mới ba tháng, tìm lấy những sức mạnh tinh thẩn mới trong cái nhìn dịu dàng trầm tĩnh mà sâu sắc làm sao của bạn, cái nhìn của tôi hằng yêu quý, mà tôi tưởng như nhìn thấy trước mắt khi viết thư này.
     
Đọc đến đây tiểu thư Maria thở dài và liếc nhìn sang tấm gương áo bên tay phải nàng. Mặt gương phản chiếu lại cho nàng hình ảnh tấm thân yếu duối xấu xí và bộ mặt gầy gò của nàng. Đôi mắt, lúc nào cũng buồn, bây giờ ngãm nhìn mình ở trong gương lại còn lộ vẻ thất vọng khác thường. Nàng liền quay mặt đi và đọc nốt, vừa đọc vừa nghĩ: "Chị ấy nịnh mình". Nhưng Juyly không nịnh bạn: quả thật đôi mắt của công tước tiểu thư to, sâu và sáng (từ đôi mắt ấy thỉnh thoảng lại toả ra từng luồng một) đẹp đến nỗi nhiều khi nó làm cho khuôn mặt vô vị có sức quyến rũ hơn là khuôn mặt đẹp. Nhưng nữ công tước không bao giờ thấy vẻ đẹp ấy của đôi mắt mình, vì vẻ ấy chỉ hiện ra những khi nàng không nghĩ đến mình. Cũng như mọi người hễ nàng nhìn vào gương và gương mặt nàng lại có một vẻ gò bó thiếu tự nhiên trông xấu hẳn đi.
Nàng đọc nốt bức thư.

Khắp Moskva chỉ toàn nói chuyện chiến tranh. Một trong hai anh tôi đã gặp ở nước ngoài, một anh đang theo quân quân cận vệ lên đường ra biên giới. Đức hoàng thượng kính mến của chúng ta đã từ giã Petersburg và theo nhiều người nói thì người định đem tấm thân vàng ngọc ra xông pha nơi mũi lên hòn đạn. Cầu Thượng đế cho con quái vật Corse bị tiêu diệt do bàn tay của thiên thần mà Đấng tối cao đã rủ lòng từ bi ban cho chúng ta làm chúa tể. Không nói đến hai anh tôi, cuộc chiến tranh này đã làm cho tôi mất một mối quan hệ thân thiết nhất đối với lòng tôi. Tôi muốn nói đến cậu: Nikolai Roxtov là người đã vì lòng nhiệt thành bồng bột mà không thể chịu nổi cảnh ngồi không và đã bỏ trường Đại học để tòng quân. Ấy Mari thân mến ạ, xin thú thật với bạn rằng, tuy tuổi cậu ta rất trẻ, nhưng cậu ta ra đi như vậy cũng là một nỗi buồn vô hạn cho tôi. Chàng thanh niên ấy mà tôi đã nói chuyện với bạn trong dịp hè từa qua, tâm hồn thật cao thượng, thật là trẻ trung, trong sáng, trong thế kỷ chúng ta đang sống đây thật khó mà gặp một người như thế giữa những ông lão hai mươi tuổi của chúng ta. Nhất là chàng thẳng thắn và có tình hết sức. Chàng trong trắng là nên thơ đến nỗi mối quan hệ của tôi với chàng, tuy ngắn ngủi, cũng là một trong những niềm vui sướng dịu dàng nhất cho quả tim đáng thương của tôi chưa chi đã phải trải qua biết bao đau khổ. Rồi tôi sẽ kể cho bạn nghe phút từ biệt giữa chúng tôi, những điều chúng tôi đã nói với nhau. Tất cả những việc ấy hãy còn quá mới mẻ. Ồ! Bạn thân mến, bạn thật sung sướng vì bạn không phải biết đến những niềm vui ấy và những nỗi khổ xót xa ấy. Bạn sung sướng vì những nỗi khổ thường vẫn mãnh liệt hơn những niềm vui! Tôi thừa biết rằng bá tước Nikolai trẻ quá nên đối với tôi chàng không bao giờ có thể là gì khác hơn là một người bạn, nhưng cái tình bạn dịu dàng ấy, những quan hệ thật là nên thơ, thật là trong trắng ấy quả là một nhu cầu của lòng tôi. Nhưng thôi đừng nói chuyện ấy nữa. Cái tin quan trọng nhất mấy hôm nay mà khắp Moskva đều bàn tán là tin bá tước Bezukhov chết và cái gia tài của bá tước để lại. Bạn hãy tưởng tượng là bà công tước tiểu thư chỉ được một phần rất nhỏ thôi, công tước Bazil(6) thì chẳng được chút gì còn chính ông Piotr thì lại được hưởng tất cả, đã thế lại còn được công nhận là con trai chính thức và vì vậy được lập tước của cha và trở thành bá tước Bezukhov chủ nhân của một trong những gia tài lớn nhất nước Nga.

Người ta còn kể lại công tước Bazil đã đóng góp một vai trò rất xấu xa trong tất cả câu chuyện ấy và ông ta đã phải tiu nghỉu mà trở về Petersburg.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:29:05 pm
Tôi xin thú thật là tôi chẳng hiểu gì về tất cả những chuyện chúc thư và gia tài ấy cả, tôi chỉ biết rằng từ cái ngày anh chàng thanh niên mà tất cả chúng ta đều hiểu chỉ biết với cái tên là ông Piotr cộc lốc ấy nay trở thành bá tước Bezukhov chủ nhân của một trong những tài sản lớn nhất nước Nga, thì tôi rất buồn cười nhận thấy những sự thay đổi trong lời ăn tiếng nói, trong cách đối xử của những bà mẹ có nhiều con gái đến tuổi gả chồng và cả các tiểu thư nữa đối với cái anh chàng ấy mà xin nói thêm là xưa nay tôi vẫn cho là một người khờ khạo. Cũng như từ hai năm nay, người ta vẫn gán đùa cho tôi những vị hôn phu mà thường chính tôi không hề biết đến, ngày nay thời sự hôn nhân ở Moskva đã gọi tôi là bá tước phu nhân Bezukhov. Nhưng bạn cũng thấy rằng tôi không hề có ý muốn trở thành các bà phu nhân ấy một chút nào cả. Nhân việc gả bán, bạn có biết là mới gán đây thôi "bà dì nói chung" là Anna Mikhailovna có nói riêng với tôi một việc tối mật là việc dự định hôn nhân cho bạn. Người ấy chính là con trai công tước Bazil, chàng Anatol không hơn không kém. Người ta muốn ổn định cuộc sống cho chàng ta bằng cách kiếm cho chàng một người vợ giàu có, quyền quý, và người được bố mẹ chàng chọn chính là bạn. Tôi không biết bạn sẽ có thái độ như thế nào đối với việc này, nhưng tôi tự thấy có bổn phận báo trước cho bạn biết. Người ta bảo chàng rất đẹp trai nhưng hạnh kiểm kém lắm; tôi chỉ biết về chàng có thế thôi!

"Nhưng nói chuyện phiếm như thế đã nhiều quá rồi. Tôi đã viết hết đến tờ giấy thứ hai rồi và bà cụ tôi dang cho gọi di ăn bữa chiều ở nhà gia đình Apraksin. Bạn hãy đọc cuốn sách thần bí mà tôi gửi cho bạn, ở đây người ta đang tranh nhau dọc dữ lắm. Mặc dù trong ấy có những điều khó hiểu thấu đối với trí thông minh hèn kém của loài người, đó cũng là một cuốn sách tuyệt; đọc nó linh hồn ta sẽ được yên tĩnh và thanh cao. Chào bạn. Bạn cho tôi gửi lời kính chào lệnh nghiêm và thăm sức khoẻ cô Burien? Hôn bạn thân tiết như lòng tôi hằng yêu bạn.

Juyly

T.B - Bạn cho biết tin tức lệnh huynh và bà vợ xinh xắn dễ thương của ông ta
".
                                   
***
   
Nữ công tước suy nghĩ, rồi mỉm cười, đôi mắt long lanh làm khuôn mặt sáng lên và khác hẳn đi. Bỗng nàng đứng dậy, nặng nề bước tới bàn viết. Nàng lấy giấy ra, bắt đầu viết lia lịa.
Và đây là bức thư trả lời.

"Bạn hiền yêu quý,

Thư của bạn ngày 13 làm cho tôi thi sướng vô cùng, Juyly nên thơ của tôi ơi, thế ra bạn vẫn yêu tôi đấy ư? Sự xa cách mà bạn nguyền rủa nhiều thế, vẫn không hề ảnh hưởng gì tới bạn ư? Bạn phàn nàn về nỗi xa cách - tôi biết nói làm sao; một thân một mình, thiếu hết những người thân thiết, không biết tôi có dám phàn nàn hay không? Ôi! Nếu chúng tôi không có tôn giáo để an ủi, thì cuộc đời này sẽ buồn biết mấy. Tại sao khi bạn kể cho tôi nghe lòng yêu mến của bạn đối với chàng thanh niên ấy bạn lại cho là tôi sẽ nhìn bạn với đôi mắt nghiêm khắc? Về phương diện ấy, tôi chỉ nghiêm khắc với bản thân tôi mà thôi. Tôi hiểu những tình cảm ấy ở người khác và nếu tôi không thể tán thành vì tôi chưa hề biết đến những tình cảm ấy, thì tôi cũng không hề lên án nó bao giờ cả. Tôi chỉ nghĩ rằng lòng thương yêu của Cơ đốc giáo, lòng thương yêu đồng loại lòng thương yêu cả kẻ thù còn quý hơn, dịu dàng hơn, tốt đẹp hơn những tình cảm mà đôi mắt đẹp của một chàng thanh niên có thể thức tỉnh trong một thiếu nữ mơ mộng và có tình như bạn.

Tin bá tước Bezukhov mất, chúng tôi nhận được trước thư bạn, tin ấy làm cho cha tôi rất xúc động. Cha tôi bảo bá tước người đại diện gần cuối cùng của thế kỷ vĩ đại trước và bây giờ là đến lượi cha tôi, nhưng cha tôi sẽ cố hết sức làm cho lượt mình đến thật chậm. Cầu thượng đế giữ cho chúng tôi khỏi phải cái tai hoạ ghê gớm ấy.

Còn ý kiến của bạn lề Piotr thì tôi không tán thành, vì tôi biết Piotr từ thuở bé. Tôi nghĩ rằng anh ta bao giờ cũng rất tốt bụng vì đó là đức tính mà tôi quý nhất ở những người khác. Còn về gia tài của anh ta và về vai trò của công tước Bazil trong việc ấy thì thạt cũng đáng buồn cho cả hai người. Ôi! Bạn thân mến ạ. Chúa cứu thế thiêng lirng của chúng ta đã nói một cách ghê gớm: tôi phàn nàn cho công tước Bazil, nhưng tôi chỉ tiếc cho Piotr hơn nữa. Trẻ tuổi như vậy mà mang lấy gánh nặng của bấy nhiêu tài sản, anh ta sẽ phải chịu biết bao nhiêu là cám dỗ! Nếu có ai hỏi tôi mong muốn cái gì hơn hết trên đời thì xin thưa là tôi chỉ muốn nghèo hơn người hành khất nghèo nhất.

"Bạn thân mến ạ, xin cám ơn bạn nghìn lần về việc bạn đã gửi cho chôn sách mà ở chỗ bạn người ta đang tranh nhau đọc và bàn tán dữ dội. Nhưng vì bạn bảo rằng giữa nhiều điều rất hay, còn có những điều mà sức nhận định hèn kém của người đời không thể hiểu được thì còn thu được kết quả gì, và như vậy chỉ mất công vô ích. Tôi không bao giờ hiểu được một số người cứ say mê những sách thần bí để làm cho lý trí của mình rối như mớ bòng bong; những sách ấy chỉ làm cho óc họ nảy ra những mối hoài nghi, trí tưởng tượng của họ bị kích thích quá độ và tính tình họ trở nên quá khích, hoàn toàn trái với tính giản dị Cơ đốc. Chúng ta cần nên đọc sách Sứ đồ và Sách phúc âm. Không nên tìm hiểu những điều bí ẩn trong những sách ấy, vì chúng ta chỉ là những kẻ lội lỗi khốn khổ, làm sao chúng ta dám có tham vọng thâm nhập cào những bí ẩn ghê gớm và thiêng liêng của Thượng đê trong khi chúng ta còn mang cái hình hài xác thịt nó dựng nên giữa Đấng Vĩnh cửu với chúng ta một bức màn không nhòm qua được vậy? Chúng ta chỉ nên học những nguyên lý cao cả mà Chúa Cứu thế thiêng hêng của chúng ta đã truyền lại để dạy cho chúng ta cách xử sự trên thế gian này; Chúng ta phải cố theo đúng lời dạy của Người và phải tự nhủ rằng càng ít đưa trí thệ hèn kém của loài người bay bổng lên cao, chúng ta càng làm cho Thượng đế hài lòng, vì Thượng đế không thừa nhận bất cứ hiểu biết nào không phải do người đưa đến cho ta: ta càng ít đi sâu vào những điều mà Người đã có lòng không muốn cho ta hiểu biết thì Người càng sớm cho ta nhìn thấy những hiểu biết ấy do linh trí thần thánh của Người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:31:01 pm
"Cha tôi không nói năng gì với tôi về người cầu hôn, nhưng cho tôi biết là có nhận được một bức thư của công tước đến thăm. Còn về việc dự định hôn nhân cho tôi thì xin nói với bạn yêu quý rằng tôi nghĩ hôn nhân là một thể chế thiêng liêng mà ta phải thân theo. Nếu có lúc nào Đấng Tối cao ràng buộc cho tôi những bổn phận làm vợ làm mẹ, thì dù có nặng nề, cực khổ đến đâu tôi cũng sẽ cố hết sức một lòng trung thành làm tròn các bổn phận ấy, không băn khoăn suy tính gì về những tình cảm của mình đối với người mang Thượng đế sẽ ban cho mình làm chồng.

Tôi có nhận được một bưc thư của anh tôi báo tin sẽ cùng vợ về Lưxye Gôrư. Nhưng đó chỉ là một niềm vui ngắn ngủi vì anh tôi sẽ từ giã chúng tôi để tham gia trận chiến tranh khốn khổ mà chúng ta đang bị tôi cuốn vào, vì lẽ gì và bằng cách nào thì chỉ có Thượng đế mới biết được mà thôi. Không phải chỉ có chỗ bạn là nơi trung tâm sự vụ và giao thế người ta mới mới nói toàn chuyện chiến tranh, mà ở đây, giữa những nỗi khó nhọc của đời sống thôn đã và cảnh tĩnh mịch của thiên nhiên, như người thành thị vẫn thường hình dung chốn thôn quê, những tin đồn về chiến tranh cũng lan tới và gây một ấn tượng rất nặng nề. Cha tôi suốt ngày chỉ nói đến tiến quân và lui quân là những việc mà tôi không hiểu gì hết; và ngày hôm kia theo thường lệ đi dạo trên con đường làng, tôi được chứng kiến một cảnh não lòng… Phải thấy tình cảnh những bà mẹ, những người vợ, những đứa con của người ra đi, phải nghe tiếng khóc nức nở của kẻ ở cũng như người đi! Tựa hồ nhân loại đã quên hết phép tắc của Đấng Cứu thế thiêng liêng, đã thuyết giáo cho mọi người phải có lòng thương, phải biết tha thứ những điều xúc phạm là nhân loại chỉ còn cho giá trị lớn lớn lao nhất của mình là ở trong cái thuật chém giết lẫn nhau.

Chào bạn hiền yêu quý. Cầu xin Đấng Cứu thế thiêng liêng và Đức Mẹ chí Thánh của Người đặt bạn dưới sự che chở thiêng liêng và mạnh mẽ của mình.

"Mary!"


***

- À, tiểu thư gửi thư đấy à, tôi cũng vừa gửi thư về cho người mẹ đáng thương của tôi. - Cô Burien tươi cười nói liến thoắng, giọng kim thanh thanh uốn lưỡi nghe rất dễ chịu. Trong bầu không khí trầm lặng, buồn rầu, ủ rũ bao quanh tiểu thư Maria, cô ta mang đến một thế giới khác hẳn, vui vẻ, phù phiếm và tự mãn.

Cô ta lại hạ thấp giọng nói tiếp:

- Tiểu thư ạ, tôi phải báo trước để tiểu thư biết là công tước vừa mới to tiếng với Misel Ivanov, cô ta uốn lưỡi đặc biệt khi nóì hai chữ to tiếng và lấy làm thích thú thưởng thức tiếng nói của mình. - Công tước đang bực mình, gắt tợn. Phải dè chừng đấy tiểu thư ạ?

Công tước tiểu thư Maria đáp:

- Ở tôi đã yêu cầu cô đừng bao giờ báo trước cho tôi về thái độ của cha tôi cả. Tôi không hề dám tự tiện xét đoán gì về cha tôi và tôi không muốn những người khác xét đoán về cha tôi.

Tiểu thư liếc nhìn đồng hồ treo và thấy đã quá giờ tập dánh dương cầm mất năm phút; vẻ hoảng hốt, nàng đi vào phòng khách.
   
Theo đúng thời gian biểu đã định, từ giữa trưa đến hai giờ chiều lão công tước nghỉ, còn nàng thì đánh dương cầm.

==========================================

Chú thích:

(1) M.elle Bourienne. Một thiếu nữ được nuôi trong các gia đình quý tộc đề làm bạn với các tiểu thư.

(2) Petersburg và Moskva.

(3) Trong danh sách này chúng tôi có từ "dặm" để chỉ dặm Nga (vetxta) bằng 1,060 km: đối với các đơn vị đo khoảng cách khác thường dịch là dặm (mille, lieu v.v…) Chúng tôi sẽ ghi rõ là dặm Anh, hải lý v.v…

(4) Ở thế kỷ 18 những người thượng lưu mang một bộ tóc giả ngắn chỉ xuống đến cổ, phía sau gáy có một
cái bím ngắn thắt nơ. Bộ tóc giả đó màu nhạt và rắc phấn rất dày. Ở thế kỷ 19 không có mấy ai dùng nữa.

(5) Héleise. Ý công tước châm biếm nhắc đến nhân vật lãng mạn của Rousseau trong tiểu thuyết "Nàng
Eloyza mới".

(6) Basile (tên Pháp) tức là Vaxili.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:32:28 pm
Phần I
Chương - 23

Người hầu buồng tóc bạc đang ngồi ngủ gật, tai lắng nghe tiếng ngáy của công tước ở trong phòng làm việc rộng thênh thang. Từ một căn phòng ở mãi phía bên kia nhà, qua mấy làn cửa đóng, vẳng đến những đoạn khó đánh của một bản sonata(1) của Dusek(2) tập đi tập lại đến hai mươi lần.
   
Đúng lúc ấy, một chiếc xe hòm song mã và một chiếc Britxka đỗ trước thềm; công tước Andrey từ trên xe hòm bước xuống, đỡ người vợ xinh xắn bước ra và nhường cho nàng bước lên trước.

Người lão bộc Tikhôn, đầu đội tóc giả, ló đầu qua cửa phòng đợi khe khẽ báo tin rằng công tước đang nghỉ trưa, rồi vội vàng đóng cửa lại. Tikhôn biết rằng con trai công tước đến hay bất cứ việc gì xảy ra, dù là việc phi thường đến đâu, cũng không thể sai lệch thời gian biểu hàng ngày. Hẳn công tước Andrey cũng biết như vậy, chàng nhìn đồng hồ như để kiểm nghiệm xem những thói quen của cha có thay đổi gì từ khi chàng vắng mặt không, và khi đã thấy rằng những thói quen ấy vẫn như cũ, chàng quay lại bảo vợ:

- Hai mươi phút nữa cha mới dậy. Ta vào phòng Maria đi.
   
Công tước phu nhân nhỏ nhắn dạo này có đẫy ra, nhưng khi nàng nói đôi mắt và cái môi ngắn có lông tơ vẫn cong lên vui vẻ và duyên dáng.

- Ồ thật là một cung điện. Thôi nhanh đi, nhanh đi. - Nàng vừa nói với chồng vừa nhìn sang quanh nhà, vẻ như đang khen vị chủ nhân của một buổi vũ hội. Nhìn quanh nàng, nàng mỉm cười với Tikhôn, với chồng, với người hầu đang dẫn họ vào.

- Maria đang tập đàn phải không? Đi khẽ chứ, làm cho cô ấy ngạc nhiên mới được!

Công tước Andrey đi theo nàng, vẻ lễ độ và buồn buồn. Đi qua mặt người lão bộc, chàng đưa tay cho ông lão hôn và nói:

- Lão rày già đi đấy, Tikhôn ạ.

Trước khi hai người đến căn phòng có tiếng dương cầm vẳng ra thì một cô gái người Pháp xinh xắn tóc bạch kim đã từ một cái cửa ngang nhanh nhẹn bước ra. Cô Burien tựa hồ phát điên lên vì vui sướng. Cô ta nói:

- A! đã về đây rồi. Công tước tiểu thư vẽ sung sướng biết chừng nào! Tôi phải vào báo với tiểu thư mới được!

Công tước phu nhân ôm hôn cô Burien và ngăn lại:

- Đừng, đừng, xin cô… Cô là Burien. Tôi đã biết cô vì tình bạn của cô em chồng tôi đối với cô.   Đừng báo, cô ấy không biết chúng tôi đến đâu.

Họ lại gần cánh cửa phòng khách, nơi vẫn vẳng ra cái đoạn nhạc đánh đi đánh lại mãi. Công tước Andrey dừng lại, cau mày như đang chờ đợi một điều gì khó chịu.

Công tước phu nhân bước vào. Tiếng nhạc ngừng bặt giữa chừng; người ta nghe một tiếng kêu, những bước chân nặng nề của tiểu thư Maria và tiếng hôn hít. Khi công tước Andrey vào thì hai người đang ôm nhau hôn lấy hôn để bạ chỗ nào thì hôn ngay vào chỗ ấy tuy hai người mới chỉ gặp nhau có một lần ngắn ngủi hôm lễ cưới của chàng. Cô Burien thì đứng bên cạnh, hai tay ép lên ngực và mỉm cười hể hả: rõ ràng lúc bấy giờ cô ta sẵn sàng khóc ngay hay cười ngay cũng được. Công tước Andrey nhún vai và cau mày, như người sành nhạc nghe phải một tiếng đàn sai cung bậc. Hai người buông nhau ra, rồi như sợ không còn có thì giờ nữa, lại nắm lấy tay nhau đưa lên môi hôn, giằng tay lại, rồi ôm lấy nhau và hôn hít, và thật là công tước không thể ngờ tí nào, cả hai oà lên khóc rồi lại ôm nhau hôn nữa. Cô Burien cũng khóc theo. Công tước Andrey thấy ngượng quá; nhưng hai người thì khóc rất tự nhiên, hình như họ không thể tưởng tượng cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra cách nào khác. Bỗng cả hai đều nói và đều bật lên tiếng cười.

- A! Chị… A! Maria… Đêm qua em nằm mê thấy… Cô không biết chúng tôi đến hôm nay chứ? Ô! Maria, nom cô gầy đi… Còn chị thì đẫy ra…

Cô Burien chêm vào:

- Tôi nhận ra công tước phu nhân ngay.

Nữ công tước Maria nói:

- Thế mà em không hề ngờ đấy! Ồ Andrey, lúc nãy em chưa trông thấy anh.

Công tước Andrey hôn em; và cầm tay em, công tước bảo rằng nàng cũng vẫn hay khóc như xưa. Công tước tiểu thư Maria quay về phía anh và qua hàng mi, đôi mắt to sáng bây giờ rất đẹp của nàng nhìn lên mặt anh, cái nhìn âu yếm, ấm áp và dịu dàng.

Công tước phu nhân nói không ngớt miệng. Cái môi trên hơi ngắn, phơn phớt lông tơ chốc chốc lại hạ xuống, chạm rất đúng vào chỗ cái môi dưới đỏ thắm như son, rồi lại cong lên trong khi một nụ cười rạng rỡ ánh lên từ hàng răng trắng bóng và từ đôi mắt long lanh. Nàng kể lại việc không may mắn xảy ra cho hai vợ chồng ở núi Xpatxkaya suýt nguy hiểm đến cái thai của nàng, rồi ngay sau đó nàng bảo là nàng để lại tất cả áo xống ở Peterburg và đến đây không biết lấy gì mà mặc nữa, nào là Andrey đã thay đổi hẳn, nào là Kitty Ozytxova đã lấy một ông lão, người ta đã chọn cho tiểu thư Maria một vị hôn phu thật sự, nhưng việc đó sau này sẽ nói chuyện. Công tước tiểu thư Maria vẫn lẳng lặng nhìn anh, đôi mắt đẹp đẽ chứa chan âu yếm và buồn rầu. Rõ ràng là ý nghĩ của nàng đã quay sang một hướng khác, không liên quan gì đến những chuyện mà chị dâu nàng đang kể. Giữa lúc công tước phu nhân đang kể lại buổi dạ hội vừa qua ở Peterburg thì nàng quay sang phía anh thở dài rồi hỏi:

- Anh quyết ra trận thật đấy à, anh Andrey?

Liza cũng thở dài:

- Ừ, mai đã đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:33:27 pm
Anh ấy bỏ tôi ở đây; có trời biết tại sao, trong khi anh ấy có thể được thăng chức…

Nữ công tước tiểu thư Maria không để nàng nói hết và cứ theo dòng tư tưởng riêng của mình âu yếm nhìn vào cái bụng chị dâu hỏi:

- Chắc đấy chứ?

Công tước phu nhân biến sắc đi. Nàng thở dài nói:

- Vâng, chắc chứ? Ôi thật đáng sợ

Cái môi xinh xắn của Liza hạ xuống. Nàng ghé sát mặt vào mặt cô em chồng rồi bỗng dưng khóc oà lên.
Công tước Andrey cau mày nói:

- Liza cần nghỉ ngơi. Phải không mình? Em đưa chị sang phòng em, để anh sang chào cha. Không biết cha
thế nào, vẵn như trước chứ?

- Vâng vẫn thế, còn anh thì không biết anh sẽ thấy thế nào? - Maria vui vẻ đáp.

- Vẫn theo giờ giấc như trước? Vẫn đi dạo trong vườn chứ? Vẫn cái bàn tiện chứ? Công tước Andrey hỏi, khẽ nhếch miệng cười tỏ ra rằng dù thương yêu và kính trọng cha, chàng cũng biết rõ nhược điểm của cha.

- Vẫn giờ giấc ấy, và vẫn cái bàn tiện, rồi những bài toán và những bài hình học dạy cho em - nữ công tước tiểu thư Maria trả lời vui vẻ làm như những bài hình học là một trong những tiêu khiển lý thú nhất của
đời nàng.

Khi cái thời hạn hai mươi phút cần thiết cho mỗi buổi thức giấc lão công tước đã qua. Tikhôn mời công tước Andrey đến gặp ông. Nhân con trai về, lão công tước bỏ một cái lệ thường ngày và cho chàng vào ngay buồng riêng trong khi đang thay áo để ra ăn bữa chiều. Công tước ăn mặc theo lối cổ: áo kaftan dài, tóc rãc phấn. Và khi công tước Andrey bước vào phòng rửa mặt thì ông lão đang khoác chiếc áo choàng lông ngồi trong một chiếc ghế bành da dê rộng, đưa đầu cho Tikhôn chải. Andrey vào đây không phải với vẻ mặt lầm lì và điệu bộ kiểu cách như ở trong các phòng khách, mà với vẻ mặt lầm lì và điệu bộ kiểu cách như ở trong các phòng khách, mà với vẻ mặt linh hoạt như khi nói chuyện với Piotr.

- A! Chàng chiến sĩ? Anh muốn đi đánh Buônapáctê đấy à?

Ông nói, đoạn lắc nhẹ mái tóc rắc phấn; bây giờ Tikhôn đang tết bím cho ông, nhưng đầu còn tự do ngần nào là ông lắc ngần ấy, và nói:

- Này là lo đối phó với hắn, kẻo hắn biến chúng ta thành thần dân của hắn hết cả bây giờ. Nào, chào anh.

- Rồi công tước chìa má cho con hôn.

Lão công tước đang lúc thư thái sau giấc ngủ trưa và trước bữa ăn chiều (ông thường nói là giấc ngủ sau bữa ăn chiều quý như bạc còn giấc ngủ trước bữa cơm chiều thì quý như vàng). Ông vui vẻ liếc nhìn con trai dưới hai hàng lông mày dậm nhô ra. Công tước Andrey đến hôn cha ở chỗ đã chỉ. Chàng không hưởng ứng đề tài nói chuyện mà cha chàng vẫn thích là nhạo báng các quân nhân thời nay và nhất là
Buônapáctê.

- Vâng, thưa cha con về đây, cả nhà con đang có mang cũng cùng về. Sức khoẻ của cha thế nào? - Công tước Andrey vừa nói vừa theo dõi từng nét mặt của cha trong một cái nhìn cung kính.

- Chỉ có bọn ngốc với bọn trác táng mới hay ốm đau. Còn ta thì anh vẫn biết: ta sống điều độ, làm việc từ sáng đến chìều nên ta vẫn mạnh.

- Đội ơn chúa! - Andrey mỉm cười nói.

- Chúa chẳng liên quan gì đến đấy cả - Rồi công tước lại quay về câu chuyện ưa thích - Thế nào kể cho ta nghe đi, người Đức họ dạy cho các anh đánh nhau với Buônnapactc như thế nào, theo cái khoa học mới của các anh mà người ta gọi là khoa chiến lược.

Công tước Andrey mỉm cười.

- Cha cho con thở đã chứ. Con mới về đã xếp đặt đồ đạc gì đâu? - Chàng vừa nói vừa mỉm cười tỏ rằng những nhược điểm của ông cụ không làm cho chàng bớt thương yêu và kính trọng cha.

Ông lão vẫy cái bím tóc xem tết có chắc không và nắm lấy cánh tay con trai nói lớn:

- Bậy nào, bậy nào, phòng của vợ anh đã dọn xong, sẵn sàng cả; Công tước tiểu thư Maria sẽ đưa vợ anh đến, chỉ cho chị ấy và sẽ kể hết chuyện này đến chuyện nọ, chẳng bao giờ xong được. Mặc họ, chuyện đàn bà. Ta cũng bằng lòng là vợ anh về đây với ta. Ngồi xuống đây, kể cho ta nghe đi. Đạo quân của Mikhelxon, ta hiểu, và đạo quân của Tolstoy nữa… đổ bộ cùng một lúc… Còn đạo quân phía nam sẽ làm gì? Nước Phổ, trung lập… ta biết. Còn nước Áo?(3) - Vừa nói công tước vừa đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Tikhôn phải lẽo đẽo theo sau đưa áo cho công tước mặc. - Còn nước Thuỵ Điển nữa? Thế cho quân tiến qua xứ Pomerani bằng cách nào?

Thấy cha thúc giục một cách thiết tha thật sự, công tước Andrey trình bày kế hoạch dự định của chiến dịch, mới đầu thì miễn cưỡng, nhưng càng nói càng hăng, và giữa chừng câu chuyện vô tình theo thói quen đang nói tiếng Nga lại chuyển sang tiếng Pháp. Chàng kể rằng một đạo quân chín vạn người sẽ uy hiếp nước Phổ buộc nó phải bỏ thái độ trung lập và tôi cuốn nó vào chiến tranh, rằng một bộ phận của đạo quân ấy phải tiến đến Strazund, họp với quân Thuỵ Điển, rằng hai mươi vạn quân Áo họp với mười vạn quân Nga sẽ mở mặt trận ở Ý và dọc sông Ranh, rằng năm vạn quân Nga và năm vạn quân Anh sẽ đổ bộ ở Naple và tất cả là năm mươi vạn quân sẽ tấn công quân Pháp khắp các mặt. Lão công tước không tỏ ra chú ý một chút nào trong khi con trình bày, tựa hồ không nghe gì hết, vừa đi đi lại lại vừa tiếp tục mặc áo và ngắt lời con ba lần một cách bất ngờ. Lần thứ nhất thì kêu lên:

- Cái trắng, cái trắng kia!

Như thế nghĩa là Tikhôn không đưa cho công tước đúng cái áo gi lê mà công tước muốn. Lần thứ hai công tước dừng lại để hỏi:

- Này, sắp đẻ đấy chứ? - rồi lắc đầu với vẻ trách móc, công tước nói thêm - Không tốt! Kể tiếp đi, kể tiểp đi.

Lần thứ ba, khi công tước Andrey kể gần xong, lão công tước cất tiếng hát với cái giọng ông già, sai cả điệu "Malbruk ra đi đánh trận. Có trời biết khi nào trở về".(4)

Andrey chỉ mỉm cười, chàng nói tiếp:

- Con không nói là con tán thành kế hoạch này, con chỉ kể lại cha nghe nó như thế nào. Chắc Napoléon cũng không có kế hoạch, không thua kém gì kế hoạch này đâu.

- Thật đấy mà, anh chẳng cho ta biết thêm điều gì mới cả. - Vẻ trầm ngâm, lão công tước nói một mình rất nhanh - "Có trời mới biết khi nào trở về". Thôi, đi ăn đi.

===========================================

Chú thích:

(1) Tấu khúc soạn cho nhạc cụ gồm ba hay bốn đoạn (sonata)

(2) Johan Vaixlievats Dusek nhà chơi dương cầm và soạn nhạc người Tiệp(1761-1821)

(3) Đây là ám chỉ kế hoạch của Vinixngerot nhàm tấn công vào Pháp từ cả ba mặt: quân Anh, Nga, Áo tấn
công vào mặt trung và liên quân Nga - Anh tấn công mặt nam.

(4) Malbrough s en va en guere. Dieu sait quand reviendra. (Dân ca Pháp có tính hài hước).



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:34:24 pm
Phần I
Chương - 24

Đến giờ đã quy định, công tước, tóc rắc phấn và râu cạo nhẵn, bước vào buồng ăn; ở đó đã có nàng dâu, cô con gái, cô Burien và người kiến trúc sư chờ sẵn. Người này hoàn cảnh xã hội thấp kém lẽ ra không thể mong được cái hân hạnh ấy, nhưng do một ý muốn kỳ quặc của công tước, đã được phép ăn cùng một bàn với gia đình.
   
Trong sinh hoạt công tước thường để ý nghiêm khắc đến sự phân biệt đẳng cấp và không mấy khi để ngồi cùng ăn với mình dù là những quan lại cao cấp trong tỉnh, nhưng đối với kiến trúc sư Mikhail Ivanovich - là người mà nếu có xỉ mũi cũng chỉ dám xỉ trộm vào một chiếc mùi soa bằng vải kẻ ô vuông, - thì công tước lại chứng minh một cách bất ngờ rằng mọi người đều bình đẳng và đã nhiều lần công tước cắt nghĩa cho con cái hiểu rằng Mikhail Ivanovich không hề kém hai bố con ông về mặt nào hết.
   
Trong khi ăn, công tước lại hay nói chuyện với con người lầm lì, rụt rè ấy hơn cả. Trong gian phòng ăn, cũng cao ngất như tất cả các phòng khác trong nhà, gia nhân, người hầu túc trực, mỗi người đứng sau một chiếc ghế tựa, đang chờ công tước đi ra; người chủ thiện(1), khăn vắt trên cánh tay, soát lại bàn ăn, ra hiệu cho mấy người hầu vẻ mặt lo ngại luôn luôn liếc nhìn từ cái đồng hồ treo đến cái cửa mà công tước sẽ bước vào. Công tước Andrey nhìn một cái nhìn khung to tướng mạ vàng ở giữa là bảng gia hệ của dòng dõi Bolkonxki, mà chàng mới trông thấy lần thứ nhất. Đối diện với cái bảng ấy là một cái khung khác cũng to tướng, ở giữa là bức chân dung nét vẽ vụng về (rõ ràng là tác phẩm của một tay thợ vẽ ở địa phương) của một công tước đã trị vì đầu đội mũ miện, được coi là cháu của Rurik và là người sáng lập ra dòng họ thế gia Bolkonxki. Công tước Andrey nhìn bảng gia hệ và lắc đầu, mỉm cười như khi người ta nhìn thấy một bức chân dung giống người mẫu đến mức buồn cười. Chàng bảo công tước tiểu thư   Maria đang bước lại gần chàng:

- Đúng là cung cách của ông cụ!
   
Tiểu thư Maria ngạc nhiên đưa mắt nhìn anh. Nàng không hiểu tại sao anh nàng lại cười. Tất cả những gì cha nàng đã làm đều nảy sinh trong lòng nàng một lòng sùng kính sâu xa, không ai được phép phê phán.
Công tước Andrey lại nói tiếp:

- Người nào cũng có một nhược điểm riêng. Thông minh tuyệt vời như cha mà lại có thể lẩn thẩn như thế này!

Công tước tiểu thư Maria không thể hiểu sao anh mình lại dám táo bạo như vậy, nàng đã toan cãi lại thì vừa nghe tiếng chân mà mọi người đang chờ đợi từ phía phòng làm việc vảng lại: công tước bước vào, dáng đi vội vàng, vui vẻ như thường lệ, tựa hồ công tước cố ý đi đứng, cử động nhanh nhẹn như vậy cho nó trái ngược cái trật tự nghiêm mật trong nhà. Đúng lúc ấy, chiếc đồng hồ treo lớn đánh hai tiếng, và có tiếng chuông nhỏ nhẹ thanh thanh của một chiếc khác hoạ lại trong phòng khách như một tiếng vang. Công tước dùng lại, dưới hai hàng lông mày rậm, đôi mắt linh hoạt, sáng và nghiêm, nhìn khắp mọi người một lượt rồi dừng lại trên nàng dâu. Bây giờ nàng có cái cảm giác của những kẻ triều thần đứng trước Sa hoàng, cái cảm giác sợ hãi và sùng kính ông già này vẫn gây nên trong lòng tất cả những người thân cận. Công tước vuốt tóc con dâu rồi vụng về lấy tay vỗ nhẹ vào gáy nàng.

- Cha rất mừng, cha rất mừng - Công tước nói đoạn lại nhìn nàng một lần nữa, nhìn thẳng vào mặt rồi bỗng đến ngồi vào bàn ăn và nói - Ngồi xuống, ngồi xuống.

Ông Mikhail Ivanovich ngồi xuống.

Công tước ra hiệu cho con dâu ngồi xuống cạnh mình. Một người hầu đưa cho nàng một cái ghế. Công tước nhìn thấy tấm thân tròn trĩnh của con dâu, kêu lên:

- Hô, hô! Vội quá, không tốt!

Công tước cười, tiếng cười khô khan, lạnh lùng, khó chịu như ông vẫn thường cười, chỉ cười bằng miệng, không cười bằng mắt.

Công tước nói tiếp:

- Phải đi bộ. đi bộ thật nhiều, thật nhiều.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn không nghe thấy, hoặc giả không muốn nghe thấy những lời nói của bố chồng. Nàng làm thinh và lộ vẻ bối rối. Công tước hỏi thăm ông cụ thân sinh của nàng, nàng mỉm cười và bắt đầu nói. Công tước hỏi thăm nàng về những người quen biết chung. Phu nhân càng trở nên linh hoạt rồi bắt đầu kể chuyện, chuyển đến công tước lời những người quen nhắn chào và thuật lại cả những chuyện kháo vặt ở chốn đô thị. Mỗi lúc một thêm vui nàng nói:

- Tội nghiệp công tước phu nhân Apraksin, chồng vừa mất, bà ta khóc ráo hết nước mắt.

Nàng càng vui vẻ, linh hoạt lên bao nhiêu thì công tước nhìn nàng lại càng nghiêm nghị bấy nhiêu và bỗng nhiên như đã nghiên cứu đủ tính nết của nàng và đã có một ý niệm khá rõ về nàng, công tước quay sang nói với Mikhail Ivanovich:

- Này, Mikhail Ivanovich, nguy đến nơi cho anh chàng Buônapáctê rồi đấy. Theo như công tước Andrey kể lại - lệ thường nói đến con trai bao giờ công tước cũng vẫn dùng ngôi thứ ba, - thì người ta đã tập trung không biết bao nhiêu là lực lượng để đánh lại hắn. Mà tôi và anh thì cứ tưởng hắn là tay xoàng.

Mikhail Ivanovich, tuy không hề biết hai cha con công tước nói chuyện với nhau về Buônapáctê từ lúc nào, nhưng hiểu rằng người ta đang cần đến mình để gợi một câu chuyện thích thú, liền nhìn công tước Andrey ra vẻ ngạc nhiên, không hiểu là câu chuyện sẽ đi tới đâu.

Lão công tước trỏ viên kiến trúc sư bảo con trai:

- Đây là một nhà chiến thuật đại tài!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:35:18 pm
Rồi câu chuyện lại chuyển sang chiến tranh, sang Buônapáctê, sang các tướng lĩnh và chính sách đương thời. Hình như công tước không những tin chắc rằng tất cả những người hiện đang cầm quân, đang trị nước đều là nhãi ranh không biết đến những điều sơ đẳng của thuật quân sự và chính trị, rằng Buônapáctê là một anh người Pháp bé nhỏ, tầm thường, sở dĩ thành công chỉ vì không có một Poyomkin, một Xuvorov làm đối thủ, mà còn tin chắc rằng ở châu Âu hiện không có một khó khăn chính trị nào cả, cũng chẳng hề có chiến tranh mà chỉ có một thứ trò hề múa rối trong đó những nhân vật đương thời làm ra vẻ đóng một vai trò thực sự. Trước những lời chế giễu của ông đối với các nhân vật mới, công tước Andrey chỉ cười, và càng khích cho cha nói để mà nghe, với một nỗi vui thích rõ rệt. Chàng nói:

- Cái gì đờỉ trước bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng chẳng phải chính ông Xuvorov ấy đã mắc mưu Moro không sao gỡ ra được là gì?

- Ai bảo anh thế? Ai bảo - Công tước quát lên và quẳng luôn cái đĩa đang ăn mà Tikhôn vội nhanh tay bắt lấy. - Xuvorov! Xuvorov à!… Này, công tước Andrey nghĩ cho kỹ đã hãy nói. Trên đời chỉ có hai người: Fridrich và Xuvorov mà thôi!… Moro lẽ ra đã bị bắt làm tù binh rồi; nhưng Xuvorov còn có cả một gánh nặng là cái viện ngự tiền quân sự(2) tham nghị của nước Áo trên vai. Đến quỉ sứ cũng phải bị vướng. Các anh có ở trong cuộc rồi thì mới rõ cái bọn trong viện ngự tiền quân sự tham nghị ấy. Xuvorov còn chịu không thể làm ãn gì với họ được, thế thì không biết Mikhail Kutuzov sẽ làm ăn thế nào? Không! Anh ạ, với hạng tướng tá của các anh, chẳng làm gì được Buônapáctê đâu; Các anh cần đến người Pháp kia, để cho họ từ bỏ người nước họ và đánh lẫn nhau. Người ta đã phái người Đức là Palen Moro đến New York ở Mỹ tìm anh chàng Pháp. - Công tước muốn nói đến việc năm ấy người ta đề nghị Moro sang giúp Nga - Tuyệt!… Thế các tướng Potyomkin Xuvorov, Orlov đều là người Đức cả đấy hẳn? Không, con ạ, hoặc là các anh đã hoá điên rồ cả rồi, hoặc là chính ta đã trở nên lẩm cẩm. Cầu Chúa giúp cho các anh, rồi chúng ta sẽ biết. Đối với họ, Buônapáctê mà cũng thành ra một danh tướng! Hừm!

- Con không hề nói là các kế hoạch ấy đều hay cả, con chỉ không hiểu nổi tại sao cha lại có thể coi khinh Buônapáctê đến thế. Cha muốn cười thì tuỳ ý chứ dù sao Buônapáctê cũng thành ra một danh tướng!
Hừm!…

- Ông Mikhail Ivanovich? - Công tước gọi giật ông kiến trúc sư đang bận ăn món thịt quay và hy vọng rằng mình đã được bỏ quên trong câu chuyện. - Có phải là ta vẫn bảo anh rằng Buônapáctê là một nhà chiến thuật lớn không? Bây giờ anh ta cũng nói thế đấy nhé.

- Thưa cụ lớn, chính thế đấy ạ.

Công tước lại cất tiếng cười lạnh lùng quen thuộc.

- Buônapáctê đẻ vào giờ tốt. Hắn ta có quân lính giỏi. Trước tiên là hắn ta đánh Đức mà xưa nay chỉ có
bọn lười biếng mới không thắng nổi quân Đức. Kể từ khi khai thiên lập địa ai cũng thắng quân Đức hết. Còn quân Đức thì chưa thắng ai lấy được một trận. Chúng chỉ thắng lẫn nhau mà thôi. Danh vọng Napoleon có được là nhờ đánh được những quân Đức ấy đấy.

Rồi lão công tước phân tích tất cả những sai lầm mà theo ý công tước, Buônapáctê đã phạm phải trong tất cả các chiến dịch và cả trong chính sự. Người con trai không hề cãi lại, nhưng có thể thấy rõ là dù có viện bao nhiêu lý lẽ cũng khó lòng có thể làm cho chàng thay đổi ý kiến, mà lão công tước thì cũng vậy. Công tước Andrey im lặng nghe, không hề phản đối, và cũng phải buộc lòng tự hỏi làm sao một ông lão đã bao nhiêu năm không hề ra khỏi chốn nông thôn, lại có thể am hiểu tường tận và biện luận tỉ mỉ và tinh vi như vậy về tình hình quân sự và chính trị ở châu âụ trong mấy năm gần đây. Lão công tước kết luận:

- Anh tưởng già cả như ta thì không hiểu rõ thời cuộc hay sao? Ta quan tâm đến thời cuộc lắm chứ. Đêm ta có ngủ được đâu. Vậy thì vị thiên tài quân sự của anh tàì giỏi ở chỗ nào, anh chứng minh ta xem.

Người con trai đáp:

- Nói ra thì dài lắm!

- Thế thì đi mà theo cái lão Buônapáctê của anh đi. - Rồi công tước nói to lên bằng một thứ tiếng Pháp rất hay - Cô Burien ạ, đây lại thêm một kẻ sùng bái vị hoàng đế mất dạy của cô đấy!

- Thưa công tước, công tước cũng biết con không thuộc phái Buônapáctê

"Có trời mới biết khi nào trở về… " - Công tước khẽ hát, lạc cả điệu rồi lại cười một cách lạc điệu hơn nữa và đứng dậy.

Công tước phu nhân nhỏ nhắn suốt thời gian tranh luận và suốt bữa ăn vẫn im thin thít, hết nhìn công tước tiểu thư Maria lại nhìn bộ chồng vẻ sợ hãi. Khi mọi người đứng dậy, nàng khoác tay em chồng kéo sang phòng bên và nói:

- Cha thật là một người thông tuệ, có lẽ vì thế mà tôi sợ quá!

- Ồ, cha tốt lắm chị ạ! - Công tước tiểu thư Maria đáp.

=========================================

Chú thích:

(1) Người gia nô chuyên trông nom việc bếp nước tiệc tùng trong các nhà quý tộc

(2) Cơ quan quân sự cao nhất của Áo: Nguyên văn chữ này - Hofskiregsrat - bị lão công tước nói trại ra thành Hofskriegswurtschnapsrat: nghiã là "Viện ngự tiền quân sự rượu chè xúc xích tham nghị".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:36:20 pm
Phần I
Chương - 25

Chiều hôm sau công tước Andrey lên đường. Sau bữa ăn, cũng như thường lệ, không mảy may thay đổi trật tự thời gian biểu, lão công tước trở về phòng riêng. Công tước phu nhân nhỏ nhắn ở buồng em chồng. Công tước Andrey mặc áo đuôi én đi đường không có tua vai đang soạn hành lý cùng người hầu buồng trong văn phòng dành riêng cho mình. Sau khi tự mình kiểm tra lại xe cộ và cách xếp đặt các va li, chàng cho thắng ngựa. Trong phòng chỉ còn lại những đồ dùng mà chàng thường mang luôn theo mình: một chiếc tráp nhỏ, một cái hộp lớn đựng bộ đồ ăn bằng bạc, hai khẩu súng tay Thổ Nhĩ Kỳ và một thanh kiếm của chàng mang từ Otsakov(1) về làm quà cho chàng. Tất cả các hành lý này đều được công tước xết đặt rất thứ tự, tất cả đều sạch sẽ, mới tinh: áo phủ băng nỉ và buộc dải cẩn thận.
   
Trong phút ra đi và thay đổi cuộc đời, những ai có thể suy nghĩ về hành động của mình đều thường có những ý nghĩ nghiêm trang;

Đó là lúc người ta kiểm định lại quá khứ và vạch những kế hoạch cho tương lai. Vẻ mặt của công tước Andrey vừa ưu tư vừa dịu dàng. Hai tay chắp sau lưng, chàng đi đi lại lại rất nhanh từ góc phòng này sang góc phòng kia, mắt đăm dăm nhìn phía trước, đầu gật gù có vẻ tư lự. Không biết chàng lo vì phải ra trận hay chàng buồn vì phải xa vợ - có thể là cả hai. Nhưng dù sao thì có lẽ chàng cũng không muốn người ta trông thấy mình đang ở trong tâm trạng ấy nên khi nghe tiếng chân đi ở phòng bên, chàng vội buông tay ra, dừng lại cạnh bàn, làm như đang bận buộc lại tấm vải phủ cái tráp con, với vẻ mặt lạnh lùng, khó hiểu như mọi khi. Đó là những bước đi nặng nề của công tước tiểu thư Maria.

Nàng vừa thở vừa nói (rõ ràng nàng vừa chạy đến đây):

- Em nghe nói anh đã cho thắng ngựa, nhưng em còn muốn nói chuyện riêng thêm với anh một chút. Không biết chúng ta còn phải xa nhau bao nhiêu lâu nữa? Em đường đột vào đây anh không bực mình chứ? Anh đã thay đổi nhiều, anh Andrey ạ. - Nàng nói tiếp, tựa hồ như để giải thích câu hỏi của mình.

Nàng mỉm cười khi gọi anh là "Anđrusa". Hẳn là nàng lấy làm lạ rằng người đàn ông khôi ngô và nghiêm nghị kia lại chính là cậu Anđrusa gầy gò và tinh nghịch, bạn thuở bé của nàng.

Chàng chỉ đáp lại câu hỏi của em bằng một nụ cười và hỏi lại:

- Liza đâu?

- Chị mệt quá đã ngủ thiếp đi trên đi-văng bên buồng em. À, anh Andrey ạ! Anh có một người vợ thật là quý? Hệt như một cô bé, một cô bé thật ngoan, thật vui. Em thích chị ấy quá.

Công tước Andrey làm thinh, nhưng công tước tiểu thư nhận thấy trên nét mặt chàng vẻ mỉa mai và khinh khỉnh.

- Phải biết lộng lượng đối với những nhược điểm nhỏ nhất của người khác, anh ạ, ai mà chẳng có ít nhiều nhược điểm. Anh Andrey ạ? Anh chớ quên rằng chị ấy được giáo dục và lớn lên trong giới xã giao. Vả lại, tình cảm của chị ấy lúc này không lấy gì làm vui vẻ. Ta phải đặt mình vào cảnh ngộ của người khác. Hiểu thấu hết là tha thứ được hết! Tội nghiệp. Anh hãy nghĩ xem chị ấy vừa qua sống như thế nào mà nay đã phải xa chồng, một mình ở chốn thôn quê, nhất là lại bụng mang dạ chửa. Khổ lắm anh ạ.

Công tước Andrey mỉm cười nhìn em như người ta thường mỉm cười khi nghe những người mà mình tự cho là đã hiểu rất rõ. Chàng nói:

- Em ở thôn quê đấy thôi, nhưng em có thấy lối sống này đáng sợ gì đâu.

- Em là khác. Nói đến em làm gì. Em không thích và không thể thích cách sống nào khác vì em có biết cách
sống nào khác đâu. Nhưng anh hãy nghe em mà xem, anh Andrey ạ, đối với một thiếu phụ trẻ trung sống ở thôn quê, trong những năm tươi đẹp nhất của đời mình, sống lẻ loi, cô độc, vì cha thì lúc nào cũng bận, còn em… anh còn lạ gì em… anh biết là em chẳng có tài ứng phó gì để khuây khoả một người đã từng sống trong xã hội lịch sự. Chỉ có cô Burien…

Công tước Andrey ngắt lời:

- Cái cô Burien của em, anh chả ưa tí nào.

- Sao thế? Cô ta là một thiếu nữ rất ngoan, rất tốt và nhất là đáng thương. Cô một thân một mình, không có ai thân thích cả. Nói thật ra không những em không cần gì cô ta mà cô ta lại còn làm cho em thêm vướng nữa. Xưa nay em vẫn thích sống một mình hơn bao giờ hết. Em chỉ thích sống một mình… Cha rất thương cô ấy. Cô ấy và Mikhail Ivanovich là hai người mà cha lúc nào cũng đối đãi tử tế và nhân hậu, vì cả hai đều chịu ơn cha; cũng như lời Stem nói: "Ta thương yêu người khác vì họ chịu ơn ta nhiều hơn là ta chịu ơn họ". Cô ấy mồ côi, không nhà không cửa, và cha đã đem cô ấy về nuôi. Cô ta rất tốt. Cha thích lối đọc sách của cô ấy; tối nào cô ấy cũng đọc cho cha nghe. Cô ấy đọc rất hay.

Công tước Andrey hỏi đột ngột:

- Này, anh hỏi thật Maria, anh chắc em nhiều khi cũng phải khổ sở vì tính tình của cha phải không?
   
Câu hỏi thoạt đầu làm cho nàng ngạc nhiên, rồi kế đến nàng lại sợ hãi. Nàng hỏi:

- Em ấy à? Em ấy à?… Em mà khổ sở à?

- Xưa nay tính cha bao giờ cũng nghiêm khắc và anh thấy độ này tính cha lại càng khó chịu. - Rõ ràng công tước Andrey có ý nói đến cha với một giọng khinh nhờn như vậy cốt để làm cho em gái lúng túng hay để thử lòng em.

Công tước tiểu thư thì cứ theo dòng tư tưởng của riêng mình hơn là theo dõi câu chuyện, nàng nói:

- Anh là người tốt về mọi mặt, anh Andrey ạ, nhưng tư tưởng anh có phần kiêu ngạo, và đó là một tội lỗi lớn. Có lẽ nào con cái lại phê phán cả cha mẹ đẻ ra mình? Mà nếu có thể như thế được nữa thì đối với một người cha, anh bảo không tôn kính sao được? Còn em thì rất bằng lòng, rất sung sướng được ở với cha! Em chỉ muốn rằng mọi người cũng đều sung sướng như em.

Công tước lắc đầu ngờ vực.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:37:04 pm
- Chỉ có một điều, em nói thực với anh, anh Andrey ạ, một điều làm em phiền lòng là cách suy nghĩ của cha về tôn giáo. Em không hiểu sao một người thông minh, uyên bác như thế lại có thể không thấy những điều rõ ràng như ban ngày, và có thể lầm lẫn đến thế. Đó là điều làm em khổ. Nhưng về mặt ấy em cũng nhận thấy độ này cha đã khá hơn trước. Ít lâu nay, những lời chế giễu của cha đã bớt cay độc, cha đã tiếp một tu sĩ và nói chuyện với ông ta rất lâu.

- Thôi cô ạ anh chỉ e rằng ông tu sĩ và cả cô nữa đều chỉ hao hơi tốn sức mà thôi. - Công tước Andrey nói giọng giễu cợt nhưng âu yếm.

- Anh ạ, em chỉ cầu Chúa và mong rằng Chúa nghe lời em. - Sau một phút im lặng, nàng lại rụt rè nói - Anh
Andrey, em có một lời thỉnh cầu mong anh thuận cho.

- Gì thế hở em?

- Anh hãy hứa với em là anh sẽ không từ chối. Việc này không làm cho anh phải tốn công sức gì và cũng không có gì không xứng đáng với anh cả. Anh chỉ làm em yên tâm mà thôi. Anh hứa đi, anh Anđrusa. - Nàng vừa nói vừa thò tay vào cái túi con nắm lấy một vật gì, nhưng chưa dám đưa ra, tựa hồ vật nàng nàng nắm chính là mục đích của điều nàng cầu khẩn, nhưng chưa được lời hứa của anh thì nàng không thể rút ra được.

Nàng nhìn anh với đôi mắt rụt rè, van lơn.

- Dù việc ấy có làm anh cho phải khó nhọc nhiều… - Công tước Andrey đáp lại, dường như đoán biết là việc gì rồi.

- Anh muốn nghĩ gì tuỳ anh! Em biết anh chẳng khác gì cha. Anh nghĩ gì tuỳ anh nhưng xin anh hãy vì em mà nhận lời. Anh nhận lời đi, em van anh! Ông nội ta trong trận nào cũng đeo nó cả… - Nàng nói nhưng vẫn không rút tay ra khỏi cái túi, - Vậy anh có hứa với em không?

- Hứa chứ, nhưng mà cái gì thế?

- Andrey, em sẽ cầu phước cho anh với bức tượng thánh này, anh hứa với em là sẽ không bao giờ bỏ nó ra
đi cả. Anh hứa đi nào!

- Vâng, nếu nó không nặng hàng chục cân và không kéo cổ anh xệ xuống… Để cho em, vui lòng… - Công tước Andrey nói đoạn lại xệ xuống… Để cho em, vui lòng… - Công tước Andrey nói đoạn lại hối hận ngay vì thấy câu đùa làm cho gương mặt em gái lộ vẻ phiền muộn. Chàng lại nói tiếp - anh rất sung sướng, thật rất sung sướng em ạ!

- Dù anh không muốn Người cũng sẽ cứu vớt anh, sẽ ban phước lành cho anh và đem anh về với Người, vì chỉ Người mới có chân lý và yên tĩnh. - Nàng nói giọng run run vì cảm động, hai tay trịnh trọng cầm một chiếc tượng thánh cũ bằng bạc có khảm hình Chúa Cứu thế mặt đã rỉ đen, hình bầu dục và đeo và một sợi dây chuyền nhỏ cũng bằng bạc chạm rất tinh vi. Nàng làm dấu thánh giá, hôn chiếc ảnh thánh rồi trao cho công tước Andrey.

- Andrey, em xin anh, anh hãy đeo nó vì em…

Đôi mắt nàng to, ánh ra những tia sáng rụt rè và nhân hậu. Đôi mắt rọi sáng cả bộ mặt ốm yếu, gầy gò và làm cho nó đẹp hẳn lên.

Andrey muốn cầm lấy bức tượng, nhưng nàng ngăn lại. Chàng hiểu ý đưa tay làm dấu thánh giá và hôn bức tượng. Vẻ mặt chàng vừa dịu dàng (vì, chàng cảm động) vừa giễu cợt.

- Cảm ơn anh!

Nàng hôn lên trán anh rồi ngồi xuống đi-văng. Cả hai đều im lặng.

- Anh Andrey ạ, em xin nhắc anh là nên nhân từ và độ lượng, như tính anh từ trước đến nay. Không nên
xét đoán Liz nghiêm khắc quá. Chị ấy ngoan thế kia, tốt bụng thế kia, mà hiện nay tình cảnh chị ấy rất khổ.

- Maria, anh nhớ rằng anh có thể nói với em là anh trách cứ vợ anh điều gì hay không băng lòng về vợ anh đâu? Tại sao em lại bảo như thế?

Mặt công tước tiểu thư Maria đỏ lên từng đám, và nàng làm thinh, tưởng chừng như cảm thấy mình có tôi.

- Anh chẳng hề nói gì với em cả, nhưng người ta đã nói với em rồi. Việc ấy làm cho anh rất buồn.

Những đám đỏ lại hiện lên trên trán, trên cổ và trên má nàng đậm màu hơn trước. Maria muốn nói nhưng không thốt ra được tiếng nào. Andrey đã đoán đúng: bữa ăn chiều, công tước phu nhân đã khóc và nói rằng nàng linh cảm thấy kỳ ở cữ sẽ khó khăn nên rất sợ; nàng than thân trách phận, phàn nàn về cả chồng lẫn bố chồng.

Ăn xong nàng ngủ thiếp đi. Công tước Andrey thấy thương hại em gái.

- Masa ạ, em nên biết rõ một điều là hiện anh không có gì phải trách vợ anh cả, anh chưa bao giờ trách móc vợ anh và sau này anh cũng không bao giờ trách móc, còn về phần anh thì anh cũng sẽ không phải tự trách mình một điều gì về cách đối xử với vợ, và sau này mãi mãi cũng sẽ như vậy, trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng nếu em muốn biết sự thật… em muốn biết là anh có được hạnh phúc không? Không. Vợ anh có được hạnh phúc không? Không. Tại sao? Anh cũng chẳng biết…

Nói đoạn chàng đứng dậy, lại gần em gái và cúi xuống hôn lên trán em. Đôi mắt chàng sáng lên một cách khác thường, thông minh và hiền hậu, nhưng chàng không nhìn Maria mà nhìn qua đầu nàng, và bóng tối của khung cửa để ngỏ.

- Thôi ta lại đằng ấy đi. Hay là em đến một mình, đánh thức chị dậy, anh sẽ đến sau. - Rồi chàng gọi người hầu buồng - Petruska! - Vào đây mang tất cả những cái này đi. Cái này để trên ghế xe, cái kia để bên phải.
Công tước tiểu thư Maria đứng lên và đi ra phía cửa. Nàng dừng lại nói:

- Andrey, nếu anh có lòng tin thì có lẽ anh nên cầu Chúa ban cho anh cái tình yêu mà anh không có được là có thể Chúa sẽ chuẩn theo lời cầu nguyện của anh…

- Phải, có lẽ đúng thế! Đi đi Masa, anh sẽ đến ngay.

Đi đến phòng em, công tước Andrey gặp cô Burien trong dãy hành lang nối liền hai dãy nhà dọc của toà dinh thự. Cô Burien cười rất có duyên, và trong ngày hôm ấy, lần này là lần thứ ba cô đã tình cờ xuất hiện trên đường đi của chàng, ở những chỗ vắng vẻ, lúc nào cũng nở một nụ cười phấn khởi và ngây thơ.

- A! Tôi tưởng công tước đang ở phòng riêng? - Cô vừa nói vừa đỏ mặt và cúi nhìn xuống đất, không hiểu tại sao.

Công tước Andrey nghiêm sắc mặt nhìn cô. Gương mặt chàng bỗng tỏ vẻ tức giận. Chàng không nói gì, cũng không nhìn thẳng vào mặt cô mà chỉ nhìn cái trán và cái đầu tóc cô một cách khinh bỉ làm cho cô gái Pháp đỏ mặt bỏ đi không nói thêm được một lời.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:37:46 pm
Khi chàng đến gần phòng em gái thì vợ chàng đã dậy, và qua cánh cửa mở chàng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ và vui tươi của nàng đang liến thoắng chuyện trò, tưởng chừng như sau một thời gian dài, phải nhịn đói, nàng muốn gỡ lại thời gian đã mất.

- Ấy cô hãy tưởng tượng, bà cụ bá tước phu nhân Zubov(2) đần đội tóc giả uốn xoắn miệng đầy răng giả như muốn thách thức cả năm tháng, không chịu già… Ha ha, ha, Maria ơi!

Lần này đã là lần thứ năm công tước Andrey nghe vợ nói đúng câu ấy cũng với lối cười ấy, với một người khác. Chàng lặng lẽ đi vào Công tước phu nhân hồng hào và hơi đẫy - ngồi trong một chiếc ghế bành, tay đan, miệng nói không ngớt, kể một tràng những chuyện cũ ở Peterburg và lặp lại cả những câu đã nói nhiều lần rồi.

Công tước Andrey đến cạnh vuốt tóc vợ và hỏi nàng đã hết mệt chưa. Nàng trả lời. Rồi lại tiếp tục câu chuyện.

Một chiếc xe mui trần thắng sáu ngựa đang chờ trước thềm.

Đêm mùa thu tối như mực. Cả đến càng xe người xà ích cũng chẳng trông thấy đâu. Trên thềm, người nhà
xách đèn lồng đi lại tíu tít.

Tất cả cửa sổ lớn của toà nhà đồ sộ đều thắp đèn sáng trưng. Gia nhân tôi tớ tấp nập trong phòng áo, để tiễn công tước lên đường; những kẻ thân thuộc đều tề tựu trong phòng lớn: Mikhail Ivanovich, cô Burien, công tước tiểu thư Maria và công tước phu nhân nhỏ nhắn. Công tước Andrey được gọi vào phòng làm việc vì lão công tước muốn cha con từ biệt nhau riêng không có ai chứng kiến, những người khác đều phải chờ ở ngoài.

Khi công tước Andrey bước vào phòng làm việc thì lão công tước với cái kính kiểu cổ to tướng không gọng kẹp trên sống mũi, đang ngồi viết ở bàn giấy, mình mặc áo đài ngủ màu trắng. Chỉ khi nào tiếp con trai công tước mới mặc chiếc áo này. Công tước quay lại, hỏi:

- Anh đi ấy à? - Rồi lại tiếp tục viết.

- Con vào chào cha.

Công tước chìa má ra cho con, nói:

- Thế thì hôn cha đi, cảm ơn, cảm ơn!

- Tại sao cha lại cảm ơn con?

- Tại anh không để lần chần, anh không bám lấy váy đàn bà. Nhiệm vụ trước đã. Tốt, tốt. Anh có điều gì
dặn lại thì nói đi. Ta có thể vừa nghe vừa viết. - Công tước vừa nói vừa viết, viết nhanh đến nỗi ngòi bút kêu lên xèn xẹt, bắn mực bẩn cả giấy.

- Con muốn nói về việc vợ con. Thật con lấy làm ngượng là đã đem vợ con về đây làm phiền cha.

- Anh tán cái gì đấy? Muốn gì thì cứ nói đi nào.

- Khi nào vợ con ở cữ, xin cha cho gọi một bác sĩ sản khoa ở Moskva về, cho có mặt.

Lão công tước dừng bút, và vẻ như không hiểu con nói gì. Ông nhìn chàng chòng chọc với đôi mắt nghiêm khắc.

Công tước Andrey lúng túng nói tiếp.

- Con cũng biết điều kiện tự nhiên mà không thuận thì chẳng ai có thể cứu giúp gì được. Con cũng công nhận rằng trong một triệu trường hợp, mới có một lần tai nạn, nhưng vợ con, và cả con nữa, đã trót lo nghĩ vẩn vơ như vậy. Nghe thiên hạ họ nói thế này thế nọ, vợ con sinh ra mộng mị rồi đâm hoảng sợ.

Lão công tước vừa viết nốt vừa hừm… hừm… một mình rồi nói:

- Được, ta sẽ làm như thế.

Ông ký một chữ to tướng rồi đột nhiên quay về phía con trai và phá lên cười:

- Thế nào, không tốt, hử?

- Cha bảo cái gì không tốt ạ?

- Vợ anh ấy! - Lão công tước nói vắn tắt, gỉọng như bao hàm nhiều ý nghĩa.

- Con chẳng hiểu sao cả - công tước Andrey nói.

- Chẳng biết làm thế nào được, anh ạ, đàn bà đều thế cả, anh chẳng trốn thoát được đâu. Anh đừng ngại, ta không nói lại với ai đâu; nhưng chính anh cũng biết đấy.

Ông cầm lấy tay con trong bàn tay bé nhỏ xương xẩu của mình, giật giật mấy cái, nhìn thẳng vào mặt con, đôi mắt linh lợi như thấu suốt trong lòng người ta, rồi lại cười, tiếng cười lạnh lùng thường lệ.

Chàng thở dài, như thú nhận rằng cha đã đoán biết hết lòng mình. Ông lão tiếp tục gấp lá thư, bỏ vào phong bì, gắn xi lại; tay cầm lấy cái ấn, phong thư và thỏi xi, xong rồi lại ném xuống, động tác nhanh nhẹn như mọi ngày. Vừa gắn phong bì công tước vừa nói nhát gừng:

- Làm thế nào được? Chị ta đẹp! Cha sẽ liệu mọi thứ cần thiết. Cứ yên tâm.

Andrey im lặng, thấy cha hiểu rõ mình, chàng thấy vừa dễ chịu vừa khó chịu. Ông lão đứng dậy đưa phong thư cho con và lại nói:

- Này, dừng lo ngại gì về vợ cả, cái gì có thể làm được, ta sẽ làm cho cả. Bây giờ thì nghe đây, đưa bức thư này cho Mikhail Ivanovich (3). Cha viết cho ông ta là nên dùng con vào những chỗ ứng đáng và không nên giữ mãi con làm sĩ quan phụ tá: đó là một công việc bần tiện! Nói với ông ta là cha vẫn nhớ và rất mến ông ta. Rồi biên thư cho cha biết ông ta đã biết con như thế nào. Nếu ông ta tốt thì hãy ở lại với ông ta. Con trai Nikolai Andreyevich Bolkonxki không đi hầu hạ ai để được chiếu cố hết. Bây giờ thì lại đây!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Mười Hai, 2010, 09:38:35 pm
Công tước nói rất nhanh đến nỗi không có tiếng nào ông nói hết được một nửa, nhưng Andrey nghe đã quen. Ông ta dắt con trai đến bên bàn giấy, mở cái nắp, rút ngăn kéo lấy ra một cuốn vở dày đặc, nét chữ to, dài và ép sít vào nhau.

- Cha chắc là sẽ chết trước con. Con nên biết đây là những điều cha ghi lại, sau khi chết phải gửi lên hoàng thượng. Còn đây, một ngân phiếu của Địa ốc ngân hàng và một bức thư: đó là giải thưởng cho ai viết lịch sử của Xuvorov, con chuyển cho Viện Hàn lâm. Và đây là ghi chép của cha: cha chết rồi thì lấy
mà đọc, nó có thể bổ ích cho con.

Andrey không nói với cha rằng ông còn sống lâu. Chàng biết là không cần nói như vậy, chàng trả lời.

- Con sẽ làm tất cả mọi việc cha dặn.

- Và bây giờ thì chào con! - Công tước đưa tay cho con hôn rồi ôm lấy con và bảo - Con phải nhớ một điều, công tước Andrey con mà tử trận thì người cha của con sẽ rất đau lòng… - công tước bỗng làm thinh rồi đột nhiên nói tiếp như thét lên, tiếng lanh lảnh - nhưng nếu cha được tin con không xứng đáng là con
trai Nikolai Bolkonxki thì cha… xấu hổ lắm?

- Đáng lẽ cha không cần dặn dò con điều đó - Công tước Andrey mỉm cười đáp.

Ông lão lặng thinh.

- Con lại xin cha một điều này nữa. - Công tước Andrey nói tiếp - Nếu con chết trận mà vợ con đẻ con trai
thì xin cha giữ lấy cháu mà nuôi như con đã thưa với cha hôm qua, để cho nó được lớn lên bên cạnh cha…
Con xin cha như thế.

- Chứ đừng để nó cho vợ anh nuôi phỏng? - Lão công tước nói đoạn cười lên mấy tiếng.

Hai bố con lại yên lặng đứng trước mặt nhau. Đôi mắt linh hoạt của ông lão nhìn sâu vào mắt con. Ở phần dưới mặt ông như có một cái gì khẽ rung lên. Bỗng nhiên, lão công tước quát:

- Từ biệt nhau thế là được rồi… Đi đi! Đi… - Công tước vừa mở cửa vừa quát tướng lên, giọng cáu kỉnh.

Trông thấy công tước Andrey bước ra và thoáng thấy bóng lão công tước mặc áo ngủ trắng dài, đầu không đội tóc giả, mắt đeo đôi kính kiểu cổ to tướng, đang quát tháo một cách giận giữ, tiểu thư Maria và công tước phu nhân hốt hoảng hỏi:

- Cái gì thế? Cái gì thế?)

Công tước Andrey thở dài không đáp. Rồi chàng bảo vợ:

- Nào.

Và trong tiếng "Nào" ấy có một giọng mỉa mai lạnh lùng, tựa hồ muốn nói: "Bây giờ muốn làm bộ làm lịch gì thì làm đi cho xong".

- Anh Andre, đã đi rồi đấy à! - Công tước phu nhân kêu lên, kinh hãi nhìn chồng, mặt tái nhợt.

Andrey ôm lấy vợ. Nàng kêu lên một tiếng rồi ngã ngất đi trên vai chồng.

Chàng thận trọng gỡ ra, nhìn kỹ mặt nàng rồi nhẹ nhàng đặt nàng xuống chiếc ghế bành.

Chàng nói nhỏ với em gái:

- Maria ở lại nhé!

Hai anh em hôn nhau tay nắm lấy tay, rồi chàng bước nhanh ra khỏi phòng.

Công tước phu nhân nằm trên ghế bành. Cô Burien xoa hai thái dương cho nàng. Maria đỡ chị dâu, đôi mắt đẹp đẫm lệ vẫn cứ nhìn mãì phía cánh cửa mà công tước Andrey vừa đi ra, tay làm mãi dấu thánh giá với theo. Từ phòng làm việc vẳng ra những tiếng liên tiếp nghe như những phát súng, cho biết lão công tước đang xỉ mũi một cách cáu kỉnh. Công tước Andrey vừa đi khỏi thì cánh cửa phòng làm việc vụt mở ra và bóng dáng nghiêm nghị của ông lão mặc áo ngủ trắng xuất hiện trong khung cửa.

- Đi rồi à? Thế thì tốt! - Công tước vừa nói vừa đưa mắt cáu kỉnh nhìn phu nhân nhỏ nhắn đang nằm bất tỉnh, lắc đầu có ý khiển trách, rồi đóng cửa đánh sầm một cái.

===========================================

Chú thích:

(1) Thành phố Thổ Nhĩ Kỳ bị Xuvorov đánh lấy năm 1788.

(2) Trong chữ Zubov có chữ "Zub" là răng

(3) Tên của Kutuzov



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:09:40 pm
Phần II - Chương -1
       
Tháng 10-1805, quân đội Nga đã đóng ở các làng lớn và các thị trấn của địa công quốc Áo; luôn luôn có những trung đoàn lục tục từ nước Nga kéo sang và hạ trại ở gần ải Braonao làm thành một gánh nặng cho dân cư vùng này. Braonao là nơi đóng đại bản doanh của Tổng tư lệnh Kutuzov.

Ngày 11-10-1805, một trong những binh đoàn bộ binh vừa mới đến Braonao đang trú quân ngoài thành một nửa dặm Anh để chờ Tổng tư lệnh đến điểm duyệt. Mặc dầu phong cảnh và cuộc sống ở đây không có gì giống như ở Nga, (những vườn cây ăn quả, những bức tường xây bằng đá, những mái nhà lợp ngói, những dãy núi ở chân trời, dân cư địa phương thì nhòm ngó binh sĩ một cách tò mò), nhưng trung đoàn này cũng bày ra một cảnh tượng giống hệt như bất cứ trung đoàn nào khác đang chuẩn bị một cuộc duyệt binh ở một nơi nào đó trong nội địa nước Nga.

Lúc chiều, trên chặng đường cuối cùng, trung đoàn đã nhận đựơc thông báo rằng Tổng tư lệnh sẽ đến điểm duyệt. Lời văn trong bản thông báo có những chỗ mà viên trung đoàn trưởng thấy là không được rõ nghĩa, thành thử ông không biết có nên cho binh sĩ mặc binh phục hành quân hay không: tuy vậy một cuộc họp các tiểu đoàn trưởng để giải quyết vấn đề này đã quyết định rằng bộ đội phải mặc đại quân phục. Vì vậy, sau khi đã đi một cung đường hai mươi dặm Nga, bộ đội phải thức suốt dêm để khâu vá quần áo và lau chùi súng ống; các sĩ quan phụ tá và các đại đội trưởng thì kiểm điểm quân số và tập hợp binh sĩ lại, và sáng hôm sau trung đoàn không còn là một đám người uể oải, lộn xộn như ở chặng hành quân cuối cùng ngày hôm qua nữa, mà đã trở thành một khối hai nghìn người được sắp đặt chỉnh tề, mỗi người đều biết ngôi thứ và nhiệm vụ của mình, mỗi cái khuy áo, mỗi cái dây da đều sạch sẽ láng bóng. Không phải chỉ có bên ngoài là các tươm tất: giả thử Tổng tư lệnh có nẩy ra ý muốn nhìn ở phía dưới các bộ đại quân phục thì sẽ thấy áo lót người nào cũng sạch sẽ cả và sẽ thấy trong mỗi cái bạc đà đủ đều có những vật dụng quy định, "cái dùi khâu dày và bánh xà phòng" như binh sĩ thường nói. Chỉ có một điều làm cho mọi người đều bối rối. Đó là giày. Hơn một nửa số binh sĩ đi giày rách bươm. Nhưng đó không phải là lỗi của trung đoàn trưởng, vì đã yêu cầu thúc giục nhiều lần mà Cục quân nhu Áo vẫn không cung cấp gì cả, mặc dầu binh sĩ đã đi bộ một nghìn dặm.

Người chỉ huy trung doàn là một viên tướng to béo đã có tuổi, lông mày và râu mép đã lốm đốm hoa râm, mặt đỏ gay, rộng ngực hơn là to vai. Ông mặc bộ quân phục mới tinh, có những hằn nếp rất sắc và có hai cái ngù to bự.

- Này, ông bạn Mikhail Dmitrich, quả đêm qua bọn mình phải vất vả khá nhiều đấy! Nhưng tôi xem ra trung đoàn này cũng không đến nỗi… nhỉ? - Ông ta nói với một tiểu đoàn trưởng, trong khi người này vừa cười nụ vừa bước tới. Có thể thấy rõ rằng cả hai người đều rất hồ hởi.

Tiểu doàn trưởng hiểu ý bỡn cợt trong câu nói, liền cười lớn:

- Dầu ở quảng trường Txaritxyn, họ cũng không đuổi kịp trung đoàn ta.

- Sao? - Viên trung đoàn trưởng hỏi.

Liền khi ấy, có hai người cưỡi ngựa xuất hiện ở trên con đường từ thành phố đến (trên con đương này đã có đặt người nghe ngóng từ trước). Đó là một sĩ quan phụ tá và một binh sĩ cô-dắc, viên sĩ quan phụ tá là do Đại bản doanh phái đến để giải thích cho trung đoàn trưởng những điểm không rõ ràng trong bản thông báo hôm qua, nghĩa là Tổng tư lệnh muốn rằng trong lúc hành quân, trung đoàn trang phục như thế nào thì bây giờ cũng phải như vậy: mặc áo ca-pốt, mang bạc đà, và không sửa soạn gì cả.

Số là ngày hôm trước Kutuzov có tiếp tục một nhân viên ở "Viện Ngự tiền quân sự tham nghị" từ Viên đến, mang theo một kiến nghị yêu cầu Kutuzov gấp rút hợp nhất với quân đội của đại công tước Ferdinand và của tướng Mack. Thế nhưng Kutuzov không cho rằng việc hợp nhất là có lợi và đã quyết định, đồng thời với những bằng chứng khác, cho viên tư lệnh áo biết cái tình trạng đáng buồn của quân đội Nga mới đến để chứng minh ý kiến của mình. Chính vì vậy ma Kutuzov muốn gặp trung đoàn, và tình trạng của trung đoàn càng kém cỏi bao nhiêu thì ông ta càng vừa ý bấy nhiêu. Viên sĩ quan phụ tá không biết những chi tiết ấy, nhưng cũng truyền đạt cho viên chỉ huy biết cái yêu cầu nhất quyết của Kutuzov là binh sĩ phải mặc áo ca-pốt và mang bạc đà, và nhấn mạnh rằng nếu không thế thì Kutuzov sẽ không bằng lòng.

Nghe xong, viên chỉ huy cúi đầu, lặng lẽ nhún vai, rồi dang hai tay ra một cách bực tức.

- Rõ thật phiền! Ông Mikhail Dmitrich này, tôi đã nói với ông rằng chúng ta hành quân thì phải mặc áo ca-pốt, - viên chỉ huy nói với bộ mặt kiên quyết - Các ông đại đội trưởng! - Ông ta hô lớn với cái giọng của một người đã quen ra lệnh… Các tào trưởng! Ngài đã đến gần chưa? - Ông ta hỏi viên sĩ quan phụ tá với một giọng tỏ rõ lòng cung kính của mình với nhân vật đang được nhắc đến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:10:26 pm
- Còn một giờ nữa, tôi chắc thế.

- Chúng ta có đủ thì giờ để thay đổi trang phục không?

- Thưa tướng quân, tôi cũng không rõ.

Viên chỉ huy đến bên hàng ngũ binh sĩ và ra lệnh cho mọi người phải mặc áo ca-pốt. Các đội trưởng, người nào người nấy chạy về đại đội của mình, các tào trưởng thì lăng xăng cuống quýt (áo ca-pốt không được tốt lành cho lắm) và trong khoảnh khắc, những cái hình vuông vốn chỉnh tề và nghiêm trang bỗng trở thành lộn xộn, ồn ào. Chỗ nào cũng có binh sĩ chạy đi chạy lại họ hất vai cởi bạc đà qua đầu, mở ra lấy ca-pốt rồi giơ tay lên, xỏ vào ống.

Sau nửa giờ lại có trật tự như trước, chỉ khác ở chỗ là những cái hình vuông trước kia đen htì nay đã trở thành xám. Viên chỉ huy tiến lên trước trung đoàn với dáng đi giật nảy như trước và từ xa đưa mắt nhìn qua trung đoàn một lượt.

- Lại còn cái gì thế? Thế là nghĩa lý gì? - Viên chỉ huy quát lên và dừng lại. - Gọi ngay viên đại đội trưởng đại hội trưởng đại hội ba đến đây!…

- Đại đội trưởng đại đội ba lên ngay, có lệnh của tướng quân!

- Đại đội trưởng có lệnh tướng quân! Đại đội ba lên ngay, có lệnh đại đội trưởng? - đó là những tiếng gọi
phát ra từ trong hàng ngũ, sau đó một sĩ quan phụ tá chạy đi tìm viên sĩ quan lề mề mãi bây giờ vẫn chưa thấy đến.

Khi những tiếng gọi sốt sắng nhưng sai lạc đến nỗi thành ra "tướng quân lên ngay, có lệnh đại đội ba", đã thấu tai người đương sự người ấy đã tách khỏi đại đội của mình và mặc dầu đã có tuổi, lại không quen chạy, cũng có chân chạy nước kiệu về phía chỉ huy, luống cuống đến nỗi mũi giày cứ vấp vào nhau. Bộ mặt của viên đại uý biểu hiện vẻ lo lắng của một cậu học trò không thuộc bài bị gọi lên bảng. Có nhiều vết hằn hiện ra trên khuôn mặt đỏ gay (chắc là vì uống rượu quá nhiều), còn cái miệng thì không sao ổn định vị trí được. Viên chỉ huy trung đoàn xem xét viên đạì đội từ đầu đến chân trong khi ông vừa thở hồng hộc, vừa chạy đến gần và dần dần chậm bước lại.

- Rồi đến lúc anh bắt binh sĩ phải mặc áo xarafan hẳn? Thế là nghĩa lý gì? - Viên chỉ huy vừa nói vừa trề hàm duới ra, vừa chỉ trong hàng ngũ của đại đội ba một người lính mặc áo ca-pốt màu da khác hẳn mọi người - Anh đi đâu, hả? Tổng tư lệnh sắp đến mà anh lại rời bỏ vị trí hả?

Rồi tôi cho anh biết tay, nếu quá thật anh muốn trang phục binh sĩ Áo bằng Karakin trong một cuộc điểm binh!… Hả?

Hai mắt nhìn chăm chăm vào cấp trên, viên đại uý mỗi lúc một ấn mạnh thêm ngón tay vào vành mũ lưỡi trai, tưởng chừng chỉ có làm như thế mới thoát nạn.

- Thế nào? Tại sao anh không nói gì cả? Con người cải trang thành người Hunggari trong đại đội của anh là ai đấy? - viên chỉ huy nói nửa khôi hài, nửa nghiêm khắc.

- Bẩm quan lớn…

- Sao, "Bẩm quan lớn" cái gì? Bẩm quan lớn! Bẩm quan lớn?

- Nhưng bẩm quan lớn là gì chẳng ai biết cả.

- Thế tôi hỏi anh nó được thăng chức thống chế hay là đã bị giáng xuống làm lính? Đã là lính phải phục như mọi người lính khác, theo đúng quy chế.

- Bẩm quan lớn, ngài đã cho phép nó trong lúc hành quân…

- Cho phép? Cho phép? Cánh trẻ các anh đều như thế cả - viên chỉ huy nói, giọng hơi dịu lại - Cho phép?
Nói với các anh cái gì thì các anh… - viên chỉ huy yên lặng một lúc - Nói với các anh cái gì thì các anh cứ… Thế nào? - Ông ta nói thêm giọng lại gắt gỏng như trước - Tôi xin ông bảo binh lính ăn mặc cho tử tế?
Sau khi liếc nhìn viên sĩ quan phụ tá, ông ta tiến về phía trung đoàn, với dáng đi giật nảy. Rõ rảng ông ta lấy làm thích thú về cơn phẫn nộ của mình, và trong khi đi qua trung đoàn ông ta lại muốn tìm cớ để nổi giận. Sau khi đã thét mắng một viên sĩ quan vì phù hiệu không lau chùi, một viên khác vì sắp hàng không thẳng hàng, ông ta đến trước đại đội ba.

- Mày đứng thế à? Chân mày ở đâu? Chân ở đâu? - Viên trung đoàn trưởng quát to, trong giọng nói có một âm hưởng đau đớn, trong khi Dolokhov mặc áo dài xanh nhạt còn cách ông ta một quãng năm người.
   
Dolokhov sửa lại cách đứng thẳng chân lên, và đưa đôi mắt trong sáng và xấc xược nhìn thẳng vào mặt viên chỉ huy.

- Sao lại mặc áo dài xanh? Cởi ra… Tào trưởng! Bắt nó thay trang phục ngay… đồ du c…

- Thưa tướng quân, tói phải vâng theo mệnh lệnh, nhưng tôi không bắt buộc phải chịu đựng… Dolokhov nói vội.

- Cấm nói trong hàng ngũ. Không được nói, không được nói!

- Tôi không bắt buộc phải chịu đựng những lời nhục mạ - Dolokhov dõng dạc nói tiếp, giọng sang sảng.
   
Mặt viên chỉ huy và mắt người lính gặp nhau.   Viên chỉ huy im lặng và nắm tấm đai chéo ngực kéo xuống một cách bực tức.

- Thôi tôi xin ông đổi trang phục cho - Ông ta vừa nói vừa bỏ đi.

- Đến rồi! - một người lính canh kêu to.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:16:01 pm
Phần II
Chương - 2

Viên chỉ huy trung đoàn bỗng đỏ mặt, chạy đến bên ngựa, tay run run nắm lấy dây bàn đạp, nhảy lên yên, ngồi lại cho ngay ngắn, rút gươm ra khỏi vỏ, rồi với bộ mặt hớn hở và quả quyết, mồm há chệch sang một bên chuẩn bị hô mệnh lệnh. Trung đoàn nhốn nháo như một con chim đang rỉa lông, rồi trở lại im lìm như cũ.

- Nghi…i…a…êm! - Viên trung đoàn trưởng hô lên một tiếng kinh thiên động địa, trong đó chứa chất cả ý vui mừng kín đáo trong lòng, cả sự nghiêm nghị đối với trung đoàn và cả lòng kính yêu đối với thủ trưởng sắp đến.

Trên con đường rộng không lát đá, có trồng cây hai bên, xuất hiện một cỗ xe lục mã màu thiên thanh kiểu Viên, đang chạy nước đại, cả ổ díp khẽ kêu cót két. Sau xe có những viên quan tuỳ tùng cưỡi ngựa vàng một đội hộ vệ người Kroat. Ngồi bên cạnh Kutuzov là một viên tướng Áo, mặc quân phục trắng, một điều lạ mắt đối với người Nga vốn mặc quân phục đen. Cỗ xe dừng lại khi gần đến trung đoàn. Kutuzov và viên tướng Áo nói chuyện nhỏ với nhau.

Trong khi nặng nề đặt chân xuống bậc xe, Kutuzov chỉ hơi mỉm cười làm như trước mắt mình không có hai nghìn con người đang nín thở nhìn vào ông và viên chỉ huy trung đoàn.

Một tiếng hô vang lên, trung đoàn lại lộn xộn với tiếng lách cách của vũ khí giơ lên chào. Trong bầu không khí im phắc, có thể nghe rõ tiếng yếu ớt của vị Tổng tư lệnh. Cả trung đoàn gầm lên một tiếng "Nguyên soái vạn tuế… ế… ế!" Rồi mọi vật trở lại im lìm.

Kutuzov đứng im trong khi trung đoàn kéo qua, rồi cùng với vị tướng quân áo trắng, ông ta đi qua các hàng ngũ, đi theo sau các sĩ quan tuỳ tùng.

Cứ xem cách viên đoàn trưởng giơ gươm lên chào, mắt dán vào vị Tổng tư lệnh, ngực ưỡn ra, mình thì cứng đờ, cứ xem cách ông theo sau hai vị đại tướng đi học hàng ngũ, mình nghiêng về phía trước, chật vật khắc phục cái điệu đi giật nảy, cứ xem cách ông ta giật nảy người trước mỗi tiếng nói hay mỗi cử động của Tổng tư lệnh, cũng đủ biết khi làm nhiệm vụ của một người bộ hạ, ông ta còn thích chí hơn là làm nhiệm vụ của một người chỉ huy nữa. Nhờ có sự nghiêm nghị và lòng tận tuỵ của ông ta, tình hình trung đoàn này rất tốt so với trung đoàn khác cũng mới đến Braonao. Nó chỉ có hai trăm mười bảy người kéo lê và đau ốm. Và mọi thứ đều tươm tất trừ giày ra.

Kutuzov đi lướt qua các hàng ngũ, thỉnh thoảng dừng lại để nói một vài lời uý lạo với những viên sĩ quan mà ông quen biết từ chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ, và đôi khi còn hỏi chuyện cả các binh sĩ nữa. Nhiều khi nhìn thấy những đôi giày, ông ta lại buồn bã lắc đầu và chỉ những đôi giày ấy cho viên tướng Áo xem có vẻ như muốn nói rằng ông ta không quy tội cho ai cả, nhưng cũng không thể không nhận thấy một điều đáng tiếc. Mỗi lần như thế, viên trung đoàn trưởng lại chạy rướn lên, sợ có nghe sót mất một chữ nào của vị Tổng tư lệnh nói về trung đoàn mình chăng. Những viên sĩ quan tuỳ tùng đi sau lưng Kutuzov, cách không xa mấy có thể nghe được từng tiếng nói nhỏ. Họ nói chuyện với nhau và thỉnh thoảng lại cười.

Người đi gần Tổng tư lệnh nhất là một viên sĩ quan hành chính tuấn tú. Đó là công tước Bolkonxki. Đi bên cạnh công tước là Nexvitxki, bạn đồng sự của công tước, một sĩ quan tham mưu to béo, vẻ mặt khôi ngô, tươi cười, nhân hậu, có đôi mắt ướt.

Nexvitxki cố gắng nhịn cười khi thấy dáng điệu của viên sĩ quan phiêu kỵ nước da ngăm ngăm đang đi bên cạnh chàng. Viên sĩ quan này, mặt tỉnh khô, mắt không nhấp nháy và không thay đổi thần sắc đang chú mục vào lưng viên trung đoàn trưởng và nhai lại từng cử động của ông ta. Mỗi khi ông ta giật nảy lên và nghiêng mình về phía trước, thì viên sĩ quan phiêu kỵ cũng giật nảy lên và cũng nghiêng mình về phía trước không sai một ly. Nexvitxki cười và đưa khuỷu tay huých vào những người cùng đi để mách cho họ chú ý đến anh chàng hài hước.

Kutuzov bước chậm rãi và uể oải, đi qua trước hàng nghing con mắt đang nhìn chòng chọc vào vị chủ tướng như muốn lồi khỏi hẳn ra khỏi tròng. Lúc đến trước đại đội ba, đột nhiên ông dừng lại. Đoàn tuỳ tùng không đoán trước được sự dừng lại ấy, nên đi lấn lên một tí.

- A, Timokhin! - Vị Tổng tư lệnh nói, khi nhận ra viên đại uý mũi đỏ vừa bị khốn khổ ví cái áo màu xanh.
Lúc nãy, khi Timokhin bị trung đoàn trưởng quở trách, ông ta đứng thẳng đuột, đã tưởng không còn cách nào đứng thẳng hơn nữa.

Nhưng khi được vị Tổng tư lệnh hỏi han đến, ông ta lại đứng thẳng đến nỗi vị Tổng tư lệnh còn đứng nhìn lão một lát nữa, thì lão sẽ không sao chịu nổi. Có lẽ Kutuzov cũng hiểu thấu cái nông nỗi này, cho nên, do thiện cảm với viên đại uý, ông vội vàng ngoảnh đi: Một nụ cười gần như không thể thấy thoáng qua trên mặt ông, một bộ mặt đầy đặn bị một vết thương làm hỏng.

- Lại một bạn đồng ngũ thuở Izmail, - Ông nói - Một viên sĩ quan can đảm. Ông có bằng lòng hắn không? - Ông hỏi viên trung đoàn trưởng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:16:49 pm
Và viên trung đoàn trưởng đang được viên sĩ quan phiêu kỵ phản chiếu như một tấm gương, lại giật nảy mình mợt cái, rồi tiến lên và đáp:

- Bẩm quan lớn, rất bằng lòng.

- Mỗi người chúng ta đều có một tật. Trước đây hắn ta là đồ đệ của Baccux (1) - Kutuzov mỉm cười nói rồi bỏ đi.

Viên trung đoàn trưởng sợ hãi, không biết trong việc này mình có trách nhiệm gì không và lặng thinh không đáp. Khi ấy anh chàng phiêu kỵ nhận thấy bộ mặt của viên đại uý với cái mũi đỏ, cả cái bụng lõm vào nữa, và anh ta nhại lại giống hệt, đến nỗi Nexvitxki phải bật cười. Kutuzov nghoảnh mặt lại. Viên sĩ quan quả thật làm chủ được bộ mặt của mình: trong lúc Kutuzov ngoảnh mặt lại thì anh ta đã làm trò xong, và đă lấy lại đựơc vẻ mặt rất nghiêm trang, kính cẩn và hiền lành vô tội.

Đại đội ba là đại đội cuối cùng. Kutuzov có vẻ lưỡng lự, hẳn ông ta đang cố nhớ một điều gì, Công tước Andrey tách ra khỏi nhóm tuỳ tùng và nói nhỏ bằng tiếng Pháp với ông ta:

- Ngài có dặn tôi nhắc ngài về trường hợp Dolokhov bị giáng xuống làm lính ở trung đoàn này.

- Người nào là Dolokhov? - Kutuzov hỏi.

Lúc bấy giờ Dolokhov đã mặc một cái áo ca-pốt màu xám đúng quy chế. Viên trung đoàn trưởng chưa kịp gọi, thân hình cao dong dỏng của anh lính tóc vàng mặt xanh đã tách ra khỏi hàng ngũ. Dolokhov lại gần vị
Tổng tư lệnh và bồng súng đứng nghiêm.

- Một việc khiếu nại à? - Kutuzov nói, đôi mày hơi cau lại.

- Đó là Dolokhov - Công tước Andrey nói.

- À, - Kutuzov nói - Tôi mong rằng bài học này sẽ bổ ích cho anh. Hãy làm nhiệm vụ cho tốt. Hoàng thượng rất khoan hồng. Tôi cũng sẽ không quên anh nếu anh xứng đáng.

Hai con mắt trong xanh nhìn vào vị Tổng tư lệnh cũng một cách xấc xược như lúc nãy khi nhìn viên trung đoàn trưởng, như thể muốn dùng cái khoé nhìn ấy để xé bỏ cái màn nghi thức đã làm cho một vị Tổng tư lệnh và một người lính cách xa nhau đến thế.

- Thưa tướng quân, tôi chỉ xin có một điều - Dolokhov nói với cái giọng sang sảng, dõng dạc và rắn rỏi của chàng - Tôi xin trên cho tôi có cơ hội chuộc lỗi và tỏ rõ lòng trung thành của tôi đối với Hoàng đế và nước Nga.

Kutuzov ngoảnh mặt đi. Một nụ cười giống như khi ông ta ngoảnh mặt để tránh nhìn Timokhin thoáng qua trong đôi mắt ông.

Ông ngoảnh đi cau mặt hình như để tỏ ra rằng những điều gì mà Dolokhov đã nói và có thể nói thì ông ta đã biết từ lâu, từ lâu lắm, rằng tất cả những điều đó làm cho ông bực mình, và tuyệt nhiên không phải là những điều nên nói. Ông quay gót trở về xe.

Trung đoàn giải tán thành từng đại đội đi về phía những chỗ trú quân đã định, không xa Braonao là mấy, ở đó có hy vọng được cung cấp giày dép, quần áo và được nghỉ ngơi cho bõ những cuộc hành quân mệt nhọc.

- Anh không giận tôi chứ, anh Prokhor Ignatyevich? - Viên Trung đoàn trưởng nói, trong khi dọc theo đại đội ba đang đi về chỗ nghỉ, và thúc ngựa về phía đại uý Timokhin đi đâu đại đội ấy.

Một nỗi vui mừng không thể kìm nổi lộ rõ trên gương mặt của viên chỉ huy sau cuộc duyệt binh thành công:

- Phụng sự Sa hoàng… người ta có thể, cũng có khi người ta quở trách trước hành quân. Tự tôi xin lỗi trước, ông biết tôi… Quan Tổng tư lệnh có lời khen rất mực. - Rồi ông ta chìa tay ra cho viên đại đội trưởng.

- Thưa tướng quân, xin ngài tha thứ, tôi đâu có dám! - viên đại uý đáp mũi càng đỏ thêm và mỉm cười để lộ ra một lỗ hổng thiếu hai cái răng bị báng súng tọng gãy dưới thành Izmail.

Ông nói lại với ông Dolokhov rằng tôi sẽ không quên anh ta, hãy cứ an tâm. À, ông làm ơn cho tôi biết, tôi vẫn muốn hỏi ông, anh ấy ra sao, hạnh kiểm như thế nào? Và ngoài ra…

- Trong công vụ thì anh ấy rất gương mẫu, xin thưa quan lớn, nhưng về tính nết… - Timokhin nói.

- Sao, có cái gì, có cái gì không ổn trong tính nết? - viên chỉ huy hỏi.

- Có những ngày anh ấy như thế, xin thưa quan lớn, - viên đại uý nói - Lúc thì anh ấy tỏ ra linh lợi, có học thức và hiền lành. Nhưng có lúc thì đó là một con thú dữ. Ở bên Ba Lan, suýt nữa thì anh ta giết chết một
người Do Thái, ngài xem…

- Phải rồi, phải rồi - viên trung đoàn trưởng nói, - nhưng cũng nên thương tình một thành viên trong cơn hoạn nạn. Số là anh ta quen biết nhiều người có thế lực… Cho nên, ông cũng phải…

- Vâng lệnh quan lớn, - Timokhin vừa nói vừa cười mỉm, tỏ ra rằng mình đã hiểu ý quan trên.

- Đúng thế! Đúng thế!

Viên trung đoàn trưởng thấy Dolokhov ở trong hàng ngũ liền dừng lại nói với chàng:

- Hễ có cơ hội, trên sẽ phục hồi cấp hiệu cho anh.

Dolokhov lặng lẽ đưa mắt nhìn ông ta, không nói gì, và nụ cười ngạo ngễ trên môi chàng cũng không suy xuyển.

- Thôi này, thế là xong - trung đoàn trưởng nói tiếp. Mỗi người một cốc vodka, của tôi thưởng đấy - Ông ta nói thêm, cố cho mọi người nghe thấy. - Tôi xin cảm ơn tất cả các anh em!

- Đội ơn Thượng đế! - Và vượt qua đại đội ấy, ông ta đến gần một đại đội khác.

- Cũng phải nhận rằng ông ta là một người tốt, chúng ta được làm thuộc hạ ông ta cũng là một điều hay -
Timokhin nói với một sĩ quan cấp dưới đang đi bên cạnh.

- Thì đã gọi "ông già Cơ" mà lại (đó là tên biệt hiệu của trung đoàn trưởng), - viên sĩ quan cấp dưới vừa cười vừa nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:17:31 pm
Cái tâm trạng hân hoan của các vị trưởng quan sau cuộc duyệt binh đã truyền sang các binh sĩ. Đại đội bước đi rất vui vẻ. Ba bề bốn bên đều có tiếng binh sĩ trao đổi chuyện trò.

- Thế sao họ bảo ông ấy chột, chỉ có một mắt?

- Chuyện? Thì chột thật chứ còn gì nữa.

- Không đâu, anh bạn già ơi! Ông ta còn thấy rõ hơn anh nữa kia. Nào giày, nào tất, ông ta đều xem xét
cẩn thận…

- Chú em à, khi ông ấy ngắm chân tôi… ôi thôi, tôi tự nhủ…

- Còn lão kia, cái lão người áo đi với ông ta ấy mà, trông cứ như là trát phấn vào cả người. Trắng toát như cục bột. Tớ chắc họ cũng lau chùi, đánh bóng cho lão chẳng khác gì khí giới.

- Ê! Fedexu? Thế ông có nói bao giờ sẽ bắt đầu đánh nhau không, mày đứng gần lắm mà? Người ta vẫn nói Buônapáctê đã thân hành đến đóng quân ở Brunov.

- Buônapáctê! Chỉ nói bậy, đồ ngu! Thế mà cũng biết! Bây giờ thì thằng Phổ nổi loạn. Thằng Áo nó nện cho. Khi nào thằng Phổ hàng phục thì sẽ khai chiến với Buônapáctê. Thế mà nó lại bảo rằng ở Brunov! Thật rõ là thằng ngốc! Cứ nghe nói thì…

- Cái tụi quân nhu khỉ thật! Đại đội năm bây giờ đã vào làng rồi, họ đã nấu canh từ bao giờ mà chúng ta vẫn chưa đến.

- Cho tao cái bánh, thằng quỷ kia!

- Thế dễ hôm qua mày cho tao thuốc lá hẳn? Mày thấy chưa, thằng già? Thôi được, đây, chúa cũng tha
tội cho mày.

- Cho nghỉ chân một lúc thì hay quá; còn phải đi thế này những năm dặm nữa, mà không có gì trong bụng cả.

- Độ nọ thật dễ chịu, bọn Đức nó cấp xe cho chúng mình. Cứ ỳ ra cho nó chở đi; oai thật!

- Này cậu, đây toàn là dân chân đất cả. Độ nọ ta ở Ba Lan, ở đó toàn là thần dân của vua Nga cả, nhưng bây giờ chỉ toàn Đức là Đức(2)!

Một hiệu lệnh của viên đại uý vang lên:

- Đội ca nhạc lên trước!

Khoảng hai chục người tách ra khỏi hàng ngũ và chạy lên đầu đại đội Người quản ca bắt giọng quay mặt lại phía họ, giơ tay lên rồi cất tiếng hát bài hành ca bắt đầu bằng câu: Phải chăng đó rạng đông, mặt trời giờ đã mọc… và kết thúc bằng câu: Anh em ơi, ta sẽ được vinh quang dưới lá cờ ông bố già Kmenxki… Bài hát này soạn thảo ra từ chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ, bây giờ được đem hát ở nước Áo, chỉ khác một điều là ông bố già Kamenxki thì đổi thành ông bố già Kutuzov.

Sau khi đã tung ra điệp khúc cuối cùng như người ta thường làm trong quân đội, đồng thời giơ hai tay làm điệu bộ như ném một cái gì xuống đất, người quản ca, một binh sĩ đẹp người, gân guốc, trạc bốn mươi tuổi, bao trùm những người ca sĩ trong một cái nhìn nghiêm nghị và nhắm mắt lại. Rồi khi đã nắm chắc mọi con mắt đã đổ dồn vào mình, anh ta làm cử chỉ đưa hai tay lên trên đầu, thận trọng nâng một vật gì vô hình, giữ nó ở đó mấy giây rồi đột nhiên lia nó ra thật mạnh:

- Ôi, ngôi nhà của tôi, ngôi nhà của tôi!

"Ngôi nhà mới của tôi" - hai mươi cái miệng láy lại câu ca, và người đánh sanh tam giác, bất chấp sức nặng của khí giới, bước dấn lên đầu và đi giật lùi trước mặt đại đội, nhấp nhỏm hai vai và làm như thể đe doạ người ta bằng thứ vũ khí của mình. Binh sĩ đung đưa cánh tay theo điệu hát và ung dung bước tới, chân bất giác đi đều theo nhịp. Đằng sau đại đội, nghe có tiếng xe lăn, tiếng díp xe cót két, tiếng vó ngựa nện xuống đường. Kutuzov và đoàn tuỳ tùng trở về thành. Tổng tư lệnh ra hiệu cho binh sĩ cứ việc đi tự do, trên gương mặt của ông và của các viên sĩ quan tuỳ tùng đều lộ rõ niềm vui thích được nghe bài hát, được xem người quản ca đang múa và các binh sĩ trong đại hội đang vui vẻ nhanh nhẹn bước đi. Ở hàng thứ hai của sườn quân bên phải, nơi đỗ xe vượt qua đại đội, ai nấy đều bất giác để ý đến một người mắt xanh là Dolokhov, đang dõng dạc bước đi theo điệu hát và nhìn mọi người đi qua như có ý thương hại cho họ không được cùng đi với đại đội. Viên thiếu uý phiêu kỵ trong đoàn tuỳ tùng của Kutuzov, anh chàng đã nhại viên trung đoàn trưởng trước đây, chờ cho xe lục mã đi qua rồi đến cạnh Dolokhov.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:18:21 pm
Viên thiếu uý phiêu kỵ Zerkov, dạo ở Peterburg cũng đã có lúc nhập vào cái bọn ngỗ nghịch mà Dolokhov làm trùm. Trên đất nước ngoài, Zerkov cũng có gặp Dolokhov khi chàng đã bị giáng xuống làm lính thường, nhưng không muốn nhận mặt. Bây giờ sau cuộc đối thoại giữa Kutuzov và viên cựu sĩ quan, Zerkov đến trước mặt anh ta với thái độ mừng rỡ của một người bạn cũ.

- Anh bạn ơi, anh dạo này thế nào? - Hắn ta nói chen vào giữa những tiếng hát của các ca sĩ, đồng thời hãm ngựa đi theo bước của đại đội.

- Tôi thế nào ấy à? - Dolokhov đáp, giọng lạnh nhạt - cứ trông thì biết.
   
Bài hát linh hoạt đem lại một ý nghĩa đặc biệt cho cái giọng vui vẻ trơ tráo của Zerkov và những câu trả lời cố ý lạnh nhạt của Dolokhov.

- Cậu ăn chịu với bọn quan trên như thế nào?

- Cũng khá, người tốt cả. Làm sao cậu lại lọt được vào bộ tham mưu?

- Mình được bổ nhiệm vào đấy; mình làm liên lạc.

Hai người im lặng một lát.
   
Nàng thả con chim ưng tư ống tay phải...

Câu hát ấy tự dưng gây được cảm giác vui vẻ và lôi cuốn. Có lẽ câu chuyện giữa hai người sẽ khác hẳn nếu không có những tiếng hát này đệm theo.

- Có thật là bọn Áo bị thua trận không? - Dolokhov hỏi.

- Có ma biết, chỉ nghe họ nói thế.

- Mình rất mừng - Dolokhov đáp, giọng gọn và rõ, đúng như bài hát yêu cầu.

- Này, hôm nào cậu đến chơi buổi tối đi, đánh bài pharaon (3) - Zerkov nói.

- Các cậu nhiều tiền lắm hả?

- Chịu thôi, mình đã có lời thề chưa hồi phục được cấp hiệu thì không uống rượu, không đánh bạc!

- Thì ra trận một cái là được ngay đấy mà…

- Khi ấy hẵng hay…

Hai người lại im lặng.

- Có việc gì cấn cậu cứ đến; ở bộ tham mưu mọi người đều sẵn lòng giúp cậu… - Zerkov nói.

Dolokhov cười nhạt:

- Cậu chả phải lo, cần gì mình không xin ai đâu, mình sẽ tự đi lấy lấy!

- À tớ nói là nói thế thôi.

- Mình cũng nói thế thôi.

- Thôi đi nhé!

- Chào cậu!

… Và bay bổng và bay xa,

Thẳng về quê nhà…
   
Zerkov dùng cựa giày thúc ngựa, con ngựa hăng lên, đổi chân hai ba lần mà không biết xuất phát bằng chân nào, rồi nó trấn tĩnh lại và cất vó phóng nước đại, vượt qua đại đội và đuổi kịp xe lục mã, vẫn theo nhịp điệu của bài hát.

======================================

Chú thích:

(1) Baccux: thần rượu trong thần thoại La mã.

(2) Người Nga thường gộp người Áo với người Đức làm một (hai dân tộc này đều nói tiếng Đức)
(3) Thứ bài cổ, hoàn toàn dựa vào sự đỏ đen.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:19:24 pm
Phần II
Chương - 3

Ở cuộc đi điểm binh về, Kutuzov cùng đi với viên tướng Áo vào phòng giấy của mình và gọi sĩ quan phụ tá bảo mang liền giấy tờ và tình hình các đơn vị mới đến, đồng thời với những văn thư mới nhận được của đại công tước Ferdinand, chỉ huy đạo tiền quân. Công tước Andrey Bolkonxki bước vào phòng làm việc với những giấy tờ mà chủ tướng yêu cầu. Kutuzov và viên Ngự tiền tham dự đang ngồi trước một bản đồ trải ra trên bàn.

- À! - Kutuzov ngoảnh về phía Andrey nói, như muốn bảo viên sĩ quan phụ tá hẵng chờ đã, đoạn nói tiếp câu chuyện bằng tiếng Pháp.

- Tôi chỉ có thể nói một điều, thưa lướng quân, - Kutuzov nói, lời lẽ cũng như giọng điệu đều trang nhã dễ ưa, làm cho người đối thoại phải lắng nghe, từng tiếng nói đủng dỉnh của ông buông ra. Rõ ràng Kutuzov cũng cảm thấy thú trong khi tự nghe mình nói:

- Thưa tướng quân tôi chỉ có thể nói một điều, là giả sử tôi được xử sự theo ý kiến của riêng tôi, thì ý muốn của Hoàng đế Franxt đã được thực hiện từ lâu rồi. Và xin ngài tin vào lời nói danh dự của tôi: đối với cá nhân tôi, nếu được trao lại quyền tư lệnh tối cao cho một trong những vị tướng có tài lược hơn tôi thật là một điều sở nguyện, vì tôi sẽ được thoát khỏi một trách nhiệm nặng nề. Nhưng thưa tướng quân, tình thế có thể vượt lên trên chúng ta.
   
Và Kutuzov cười mỉm tựa hồ như muốn nói: "Ông hoàn toàn có quyền không tin tôi, mà ông có tin hay không tôi cũng không cần, nhưng ông không có một cớ gì để nói thế. Và chính đó mới là điều quan trọng".
   
Viên tướng Áo có vẻ không bằng lòng nhưng cũng không thể không trả lời: Kutuzov, cũng một kiểu như ông ta.

- Trái lại, - viên tướng Áo nói, vẻ mặt cau có bực tức, không ăn nhập với cách dùng từ ngữ tôn kính trong lời nói - trái lại đức Hoàng đế rất coi trọng sự tham gia cao cả của ngài trong sự nghiệp chung của cả hai nước, nhưng chúng tôi nghĩ rằng sự trì hoãn này làm cho quân đội vinh quang của quý quốc và các vị tướng tá của quân đội ấy mất cơ hội để thu những chiến công rực rỡ mà họ vẫn thường thu đựơc ở trên các chiến trường, - câu kết thúc này hiển nhiên là đã sắp sẵn từ trước.

Kutuzov nghiêng mình, nhưng nụ cười của ông không thay đổi:

- Về phần tôi thì tôi tin chắc, và căn cứ vào bức thư mà tôi vừa có cái vinh dự được nhận của Đại công tước Ferdinand điện hạ, tôi lại được biết rằng quân đội của quý quốc, dưới sự chỉ huy tài cán như Mack, đã thu được một thắng lợi quyết định và không cần đến sự giúp sức của chúng tôi nữa - Kutuzov nói.
   
Viên tướng Áo cau mày, mặc dầu chưa có tin chính thức nào xác nhận rằng quân Áo đã bại trận, nhưng có rất nhiều dấu hiệu phù hợp với những tiếng đồn bất lợi đang lan đi khắp nơi, vì vậy nhận định của Kutuzov về thắng lợi của người Áo nghe hệt như lời mia mai. Nhưng Kutuzov vẫn mỉm cười điềm đạm, vẻ mặt vẫn tỏ ra rằng ông ta có lý do để nhận định như vậy. Là bức thư mới nhận được của đạo quân do Mack chỉ huy đã báo tin thắng trận và đã trình bày rằng tình thế chiến lược của đạo quân là rất thuận lợi.

- Này anh đưa bức thư ấy cho tôi, - Kutuzov quay về phía công tước Andrey nói - Xin ngài hãy xem, - Ông nói với nụ cười ngạo nghễ trên môi và đọc cho tướng Áo đoạn sau đây trong bức thư của đại công tước Ferdinand viết bằng tiếng Đức:

Chúng tôi hiện có trong tay những lực lượng tập trung ngót 70.000 người, do đó, nếu quân địch qua sông Lech chúng tôi có thể tấn công và đánh bại nó. Vì đã làm chủ được thành Ulm, chúng tôi giữ vững được ưu thế do việc làm chủ được hai bờ sông Đonao; như vậy, nếu quân địch không qua sông Lech chúng tôi có thể, bất cứ lúc nào, vượt qua sông Đonao, công kích những con đường giao thông của nó, rồi vượt lại sông Đonao ở phía dưới, và nếu địch định huy động hết lực lượng của nó đánh thẳng vào quân đội đồng minh trung thành của chúng tôi thì sẽ phá tan mưu đồ đó của địch. Vậy chúng tôi sẽ an tâm chờ đợi quân đội hoàng gia của quý quốc trang bị xong và khi ấy hai quân chúng ta dễ dàng cùng nhau tìm được cơ hội để dành cho quân địch cái số phận thích đáng".
   
Kutuzov thở dài sau khi đọc xong câu văn tràng giang đại hải ấy, rồi chãm chú và dịu dàng nhìn viên ngự liền tham nghị.

- Thế nhưng, thưa đại nhân, chắc ngài cũng biết câu cách ngôn chí lý "phải tiên liệu sự không may", - viên tướng Áo nói, rõ ràng muốn chấm dút sự đùa bỡn và đi thẳng vào vấn đề.

Nói xong, ông ngoảnh nhìn một cách bực bội về phía viên sĩ quan phụ tá.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:20:05 pm
- Xin tướng quân cho phép, - Kutuzov ngắt lời và cùng ngoảnh nhìn về phía công tước Andrey.

- A, anh bạn, đi ra hỏi Kozlovxki cho tôi tất cả bản tình báo của thám tử. Đây, hai bức thư của bá tước Noxtitx; đây, bức thư của Đại công tước Ferdinand điện hạ; đây còn nhiều thư khác nữa - Ông ta vừa nói vừa trao đổi những giấy tờ ấy - Anh sẽ dựa theo đó mà thảo ra cho thật rành mạch, bằng tiếng Pháp, một bảng memrandum(1), một bản bị vong lục nêu rõ những tin tức mà chúng ta đã nhận được về những cuộc hành quân của bộ đội áo Anh hiểu ý tôi chứ? Xong rồi anh sẽ trình bày lên đại nhân đây.
   
Công tước Andrey nghiêng đầu để tỏ ý mình đã hiểu ngay từ đầu, không những hiểu những điều Kutuzov đã diễn đạt ra thành lời nói mà hiểu cả những điều Kutuzov không tiện nói ra.
   
Chàng thu nhặt giấy tờ và, sau một cái chào chung, trở gót ra phòng khách, bước đi im lặng trên tấm thảm.
   
Tuy công tước Andrey rời nước Nga chưa được bao lâu, nhưng chàng đã thay đổi nhiều. Trong vẻ mặt, trong cử chỉ, trong dáng đi của chàng, không còn dấu vết gì của vẻ cầu kỳ, uể oải và lười biếng như trước kia nữa. Chàng khiến cho mọi người có ấn tượng chàng là một người không có thì giờ để nghĩ đến cảm tưởng của người khác đối với mình, là một người đang mải làm một công việc lý thú và đáng quan tâm. Vẻ mặt của chàng tỏ ra rằng, đối với mình cũng như đối với người khác, chàng thấy hài lòng hơn trước; nụ cười và khoé nhìn của chàng đã trở nên vui vẻ và hấp dẫn hơn.
   
Chàng đuổi kịp Kutuzov ở Ba Lan, ông ta tiếp chàng một cách niềm nở và hứa sẽ lưu ý đến chàng; ông ta có biệt nhãn với chàng trong bọn các sĩ quan phụ tá của ông; cho chàng đi đến Viên, và giao cho chàng những sự vụ quan trọng. Từ Viên, Kutuzov đã từng gửi thư cho người bạn đồng sự thuở xưa của mình là ông thân sinh của công tước Andrey, trong thư có viết: "Con bác có thể trở thành một sĩ quan xuất chúng vì sức làm việc, tính cương nghị và cần mẫn của cậu. Tôi lấy làm sung sướng được một viên thuộc hạ như thể".
   
Trong bộ tham mưu của Kutuzov, giữa bọn đồng liêu, hay là trong quân đội nói chung, cũng như trong xã hội thượng lưu ở Peterburg, đối với công tước Andrey, có hai dư luận hoàn toàn trái ngược nhau. Một số ít người thì xem chàng như một con người đặc biệt, khác hẳn họ và khác tất cả mọi người, họ kỳ vọng cho chàng những thành công rực rỡ, họ nghe lời chàng hâm mộ chàng và bắt chước chàng; khi đối xử với những người ấy chàng tỏ ra giản dị và nhã nhặn. Còn phần đông thì không ưa chàng, cho chàng là kênh kiệu lạnh lùng và khó chịu. Nhưng đối với những người ấy, chàng biết cách tự đặt mình vào một vị trí buộc họ phải kính nể chàng, thậm chí phải sợ chàng nữa.

Rời khỏi phòng của Kutuzov, công tước Andrey đã cầm giấy tờ trong tay, bước vào phòng đợi và đến gặp người đồng sự là Kozlovxki, sĩ quan phụ tá trực nhật, đang cầm cuốn sách ngồi bên cửa sổ.

- Thế nào, công tước? - Kozxlovxki hỏi.

- Tôi được sai thảo một bản vị vong lục về những lý do khiến cho chúng ta không tiến quân.

- Những lý do gì thế?

Công tước Andrey nhún vai.

- Không có tin gì về Mack à? - Kozxlovxki hỏi.

- Không.

- Nếu quả thực hắn thua trận thì đã có tin tức đưa về rồi.

- Chắc hẳn như thế - công tước Andrey nói, đoạn bước về phía cửa ra ngoài.

Nhưng cũng trong lúc ấy một viên tướng người Áo, cao vóc, mặc áo đuôi én, trên đâu quấn băng đen và đeo huân chương Mayra Therera ở cổ, rõ ràng là ở xa mới đến, bước vào và đóng cửa đánh sầm một cái.

- Tổng tư lệnh Kutuzov? - Viên tướng Áo hỏi rất nhanh với giọng nói rất nặng của người Đức, trong khi nhìn nhanh một lượt và đi thẳng đến cửa phòng làm việc.

- Tổng tư lệnh đang bận - Kozxlovxki vừa nói vừa đi nhanh đến cạnh viên tướng lạ mặt để ngăn lối đi - xin cho biết tên để tôi báo trước.

Viên tướng Áo khinh bỉ, đưa mắt nhìn Kozxlovxki từ đầu đến chân (Kozxlovxki vốn thấp người), có vẻ như lấy làm lạ không hiểu tại sao người ta lại không biết mình là ai.

- Tổng tư lệnh đang bận - Kozxlovxki điềm nhiên nhắc lại một lần nữa.

Viên tướng cau mày, hai môi mím chặt và rung rung. Ông ta rút ra một cuốn sổ tay, lấy bút chì quẹt mấy chữ, xé ra một tờ, đưa cho viên sĩ quan trực nhật rồi bước mau đến cửa sổ, ngồi phịch xuống ghế và nhìn những người ngồi xung quanh như muốn hỏi tại sao họ lại nhìn mình? Rồi ông ta ngẩng đầu lên, duỗi cổ ra như cách sắp nói gì, nhưng tức thời lại phát ra một âm thanh gì rất lạ, mới nghe có thể tưởng ông ta lơ đễnh, cất tiếng hát ư ử trong miệng một mình, nhưng vừa bắt đầu đã bị tắc giọng ngay. Vừa lúc ấy cửa phòng giấy mở ra và Kutuzov xuất hiện trong khung cửa. Cúi mình xuống để tránh một cái gì nguy hiểm, viên tướng đầu quấn băng đến trước mặt ông, với những bước rất dài và rất nhanh, bằng đôi chân gầy gò.

- Trước mặt ngài là tướng Mack bất hạnh! - viên tướng nói giọng lạc đi.
Kutuzov đứng trong khung cửa một lúc, bộ mặt hoàn toàn bất động. Rồi một nếp nhăn chạy nhanh trên khuôn mặt ấy như một làn sóng, vầng trán dãn ra; ông ta nghiêng mình cung kính, nhắm mắt lại lặng lẽ đứng nép mình cho Mack đi qua rồi đóng cửa cùng vào.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:21:13 pm
Cái tin đồn đã được truyền bá từ trước về sự bại trận của quân Áo và sự đầu hàng của toàn bộ quân đội dưới thành Ulm hoá ra là một tin xác thực. Nửa giờ sau, các viên sĩ quan phụ tá xuất phát về các ngả, mang theo những mệnh cho biết rằng bộ đội Nga, cho đến nay chưa hề tham chiến, không lâu nữa sẽ chạm trán với quân địch.
   
Công tước Andrey là một trong những sĩ quan hiếm có ở bộ tham mưu quan tâm chủ yếu đến đại thể của chiến cuộc. Sau khi thấy tướng Mack và được biết mọi chi tiết về trận đại bại của ông ta, công tước hiểu rằng chiến dịch này đã hỏng mất một nửa, hiểu hết cái tình thế khó khăn của các đạo quân Nga và hình dung được một cách nhanh chóng cái tình huống khó khăn sau này của quân đội và cái vai mà mình sẽ đóng trong tình cảnh đó. Mặc dù không muốn, công tước Andrey cũng cảm thấy một niềm vui khiến chàng xúc động mạnh khi nghĩ đến nỗi sỉ nhục giáng xuống đầu nước Áo kiêu căng kia, và khi nghĩ rằng, trong tám ngày nữa, mình có thể được mục kích và được tham gia cuộc giao chiến đầu tiên kể từ thời Xuvorov, giữa quân Nga và quân Pháp. Trong khi lo ngại rằng cái thiên tài của Buônapáctê có thể thắng được quân Nga anh dũng, đồng thời chàng cũng lại không thể chấp nhận rằng người anh hùng của mình lại phải thất bại.
Lòng bồi hồi xúc động vì những ý nghĩ ấy, công tước Andrey trở về phòng riêng để viết thư cho cha, như công tước hàng ngày vẫn làm. Trong hành lang, công tước bắt gặp Nexvitxki, người cùng ở một phòng với chàng, và Zerkov, anh chàng hay pha trò; cũng như thường lệ, hai người đang cười cợt với nhau.

- Sao cậu có vẻ ảm đạm thế? - Nexvitxki hỏi khi trông thấy bộ mặt xanh nhợt và đôi mắt sáng quắc của công tước Andrey.

- Có gì đáng mừng đâu! - Bolkonxki đáp.

Trong khi công tước Andrey bắt đầu gặp Nexvitxki và Zerkov thì thấy Straukh, một tướng Áo được biệt phái sang bộ tham mưu của Kutuzov để đôn đốc cho quân Nga, và một uỷ viên của viện Ngự tiền quân sự tham nghị, (cả hai đều vừa mới đến hôm trước) khách hàng đang từ phía cuối hành lang đi về phía họ. Bề rộng của dãy hành lang đủ cho hai viên tướng quân và ba viên sĩ quan gặp nhau trên một hàng; nhưng Zerkov lấy tay đẩy Nexvitxki và nói thều thào:

- Họ kia rồi… Họ kia rồi… tránh ra, để cho họ đi, tôi van các ngài, để cho họ đi!

Hai viên tướng tới gần, rõ ràng có ý muốn tránh những lễ nghi có thể làm họ ngượng ngùng. Trên gương mặt của chàng Zerkov hay bỡn cợt bỗng hiện lên một nụ cười hớn hở và ngờ nghệch mà hình như anh ta không chịu nổi.

- Kính thưa đại nhân, - anh ta lên tiếng và dùng tiếng Đức nói với viên tướng Áo. - Tôi hân hạnh chúc mừng ngài.

Anh ta cúi đầu chào hai viên tướng một cách vụng về, đập mạnh gót giầy hết chân này đến chân kia, giống như trẻ con mới học khiêu vũ.

Viên Ngự tiền tham nghị đưa mắt nhìn anh ta một cách nghiêm khắc, nhưng khi thấy vẻ thành tâm trong nụ cười ngờ nghệch của anh ta, ông thấy không thể không chú ý một phút. Ông nheo mắt lại để ra hiệu rằng mình sẵn sàng nghe chuyện.

- Tôi hân hạnh chúc mừng ngài, Mack tướng quân đã đến, tướng quân rất mạnh khoẻ, chỉ có một điều là tướng quân bị đau ở chỗ này một tí, - Zerkov nói thêm, miệng nở nụ cười tươi sáng, tay chỉ vào đầu mình.
Viên tướng cau mày, ngoảnh mặt ra phía khác rồi bỏ đi.

- Gott, wie naiv - Ông ta nói một cách cáu kỉnh sau khi đã đi xa mấy bước.

Nexvitxki ôm chầm lấy công tước Andrey và cười ha hả, nhưng Bolkonxki tái mặt đi, vẻ giận dữ hiện rõ trên mặt, chàng đẩy anh ta ra và nghoảnh về phía Zerkov. Thấy thảm trạng của Mack, nghe thấy tin bại trận của ông ta, lại nghĩ đến cái cảnh huống sau này của quân đội Nga, công tước lâm vào tình trạng thần kinh khích động rất khó chịu, lộ ra ngoài thành một nỗi căm giận đổ dồn vào trò đùa không đúng chỗ của Zerkov.

- Nếu ngài muốn làm thằng hề, thì tôi cũng không ngăn cấm được, chàng nói, giọng đanh và sắc, hàm dưới khẽ rung rung, - nhưng tôi cũng xin nói ngay với ngài rằng nếu một lần nữa ngài còn dám làm trò trước mặt tôi, tôi sẽ dạy cho ngài biết cách cư xử!

Nexvitxki và Zerkov kinh ngạc trước cơn giận dữ bất ngờ này đến nỗi cả hai cứ lặng người đi trợn tròn mắt nhìn Bolkonxki.

- Thì sao, tôi chúc mừng họ chứ sao? - Zerkov nói.

- Tôi không nói đùa, xin ông im ngay - Bolkonxki quát lên và khoác tay Nexvitxki đi ra, để mặc Zerkov đứng đực ra đấy, chẳng biết đối đáp ra làm sao nữa.

- Thôi cậu, cậu làm sao thế? - Nexvitxki nói cho công tước nguôi giận.

- Sao, tôi làm sao à? - Andrey nói đoạn dừng lại vì quá xúc động - Anh cũng lên hiểu rằng hoặc chúng ta là những viên sĩ quan để phụng sự Sa - hoàng, phụng sự Tổ quốc, thì chúng ta chỉ biết vui mừng vì những thắng lợi chung, buồn tủi vì những thất bại chung; hoặc chúng ta chỉ lam đứa gia nô chẳng biết đoái hoài gì đến công việc của chủ. Bốn vạn người bị sát ngại, quân đội của bạn đồng minh lan vỡ, thế mà anh cho đó là một câu chuyện để cười?

Chàng nói câu ấy bằng tiếng Pháp, như để làm tư tưởng của mình mạnh thêm:

- Đối với một thằng chẳng ra sao, như cái đưa mà anh ta kết làm bạn ấy, thì được, nhưng đối với anh thì không được, không thể được, chỉ có những đứa "nhãi ranh" mới chơi thế? Chàng nói thêm bằng tiếng Nga, phát âm chữ "nhãi ranh" bằng giọng Pháp, vì chàng nhận thấy Zerkov còn có thể nghe rõ tiếng chàng nói.
   
Chàng chờ xem viên thiếu uý có đáp lại không. Nhưng hắn quay ngoắt đi và ra khỏi hành lang

==============================

Chú thích:

(1) Bị vong lục



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:22:25 pm
Phần II
Chương - 4

Trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd cắm trại cách Braonao hai dặm. Đại đội kỵ binh trong đó Nikolai Roxtov sung chức chuẩn uý đóng tại một làng Đức tên là Zantxenek. Cái nhà đẹp nhất trong làng được cắt cho viên chỉ huy đại đội là đại uý Denixov, trong sư đoàn kỵ binh thường gọi là Vaxka Denixov. Chuẩn uý Roxtov ở chung với viên đại đội trưởng từ khi chàng bắt liên lạc với binh đoàn ở Ba Lan.

Ngày mười một tháng mười, ngày mà ở đại bản doanh mọi vật đều chấn động lên vì cái tin bại trận của Mack, thì ở bộ tham mưu của đại đội kỵ binh, sinh hoạt hành quân vẫn diễn ra bình thường như trước. Sáng sớm, lúc Roxtov cưỡi ngựa đi lấy lương thảo về thì Denixov đi đánh bài cả tối qua vẫn chưa thấy đâu. Mang quân phục chuẩn uý, chàng thúc ngựa đến trước thềm, vắt chân qua mình ngựa một cách mềm mại và trẻ trung, đứng một lúc trên bàn đạp tựa hồ như còn luyến tiếc, chưa muốn rời khỏi lưng ngựa, rồi cuối cùng nhảy xuống đất và gọi người lính hầu.

- À, Bondarenko, anh bạn, - chàng nói với người lính phiêu kỵ đang ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ con ngựa - Anh dắt nó đi vòng đi - chàng nói thêm giọng vui vẻ và thân ái như anh em mà những người thanh niên tốt bụng vẫn thường có khi họ vui sướng.

- Vâng mệnh quan lớn, - người lính khokhol đáp và lắc lắc cái đầu một cách vui vẻ.

- Anh nhớ dắt nó cẩn thận nhé!

Một người lính phiêu kỵ khác cũng chạy đến chỗ con ngựa đứng, nhưng Bondarenko đã xỏ cương lưới rồi.
Có thể thấy rõ là viên chuẩn uý cho tiền uống rượu rất hậu và ai được hầu hạ chàng ta hẳn là có lợi. Roxtov vuốt ve cổ và mông ngựa, rồi dừng lại trên bậc thềm.

"Tuyệt? Nó sẽ là con ngựa rất hay". Chàng tự nhủ và mỉm cười, rồi giơ tay xách cao gươm lên, chàng bước lên thêm từng bốn bậc một, cựa giày kêu lẻng xẻng. Lão chủ nhà người Đức mặc áo gi-lê đan và đội mũ chụp vải, xuất hiện trong khung cửa chuồng bò, vai mang cái nạng mà lão đang dùng để đẩy phân. Trông thấy Roxtov mặt lão lại rạng rỡ hẳn lên. Lão mỉm cười vui vẻ và nheo mắt lại.

"Xin chào ngài, xin chào ngài!", lão lại lặp đi lãp lại, rõ ràng là thấy thú vị khi chào chàng thanh niên.

- Đã bắt đầu làm việc kia à? - Roxtov nói với nụ cười vui vẻ và thân ái như anh em, vẫn nở tươi trên gương mặt phấn chấn - Người Áo muôn năm, người Nga muôn năm, hoàng đế Alekxandr muôn năm! - chàng nói với người Đức, lặp lại những lời nói mà người này thường hay nói.

Người Đức phá lên cười, ra khỏi chuồng bò, cất cái mũ trùm và khua nó lên đầu.

- Và tất cả thế giới muôn năm!

Roxtov cũng khua cái mũ lưỡi trai trên đầu rồi vừa cười vừa hô lớn: "Và cả thế giới muôn năm".

Người Đức thì đang dọn chuồng bò còn Roxtov thì vừa cùng trung đội đi lấy cỏ ngựa về; mặc dù cả hai người đều không có một lý do nào để vui sướng đặc biệt như vậy, nhưng hai người cũng nhìn nhau một cách vui vẻ phẩn khởi và thân ái như anh em, cũng lắc đầu để tỏ tình hữu nghị, rồi cùng mỉm cười bỏ đi:
người Đức trở lại chuồng bò, còn Roxtov thì bước vào ngôi nhà mà chàng ở chung với Denixov.

- Ông chủ mày đi đâu? - Chàng hỏi Laurutska, anh cần vụ láu cá của Denixov, mà cả binh đoàn đều biết.

- Ông ấy đi từ tối hôm qua chưa thấy về. Chắc là thua, - Laurutska đáp - Tôi biết lắm, hôm nào mà được thì về sớm, để khoe khoang, nhưng đến sáng sớm mà chưa về thì chắc là thua, chốc nữa về sẽ cáu cho mà xem. Đã phải bưng cà phê lên chưa?

- Được được cứ bưng lên.

Mười phút sau, Laurutska bưng cà phê lên.

- Về kia rồi - hắn nói - không xong rồi.

Roxtov nhìn qua của sổ thì thấy Denixov trở về. Denixov là một người bé nhỏ, mặt đỏ, mắt đen và sáng, râu mép và tóc đều đen và bù xù. Cái áo choàng bông của anh ta phanh ngực ra, cái quần thì chảy xuống thành những nếp hằn lớn, và cái mũ chụp đã nhàu đội hất ra sau gáy.

- Laurutska, - anh ta gọi rất to, giọng gắt gỏng, tiếng nói dấp dính - Kìa, đẹp đi, con khỉ!

- Thì tôi đang dọn đấy thôi - Tiếng Laurutska đáp.

- À đã dậy rồi đấy à, - Denixov nói khi bước vào.

- Dậy đã lâu kia, - Roxtov đáp - tôi vừa đi lấy cỏ về, và đã gặp Floilein(1) Mathilda.

- Thế à? Mình thì tối qua đen như con chó, cậu ạ? Ai đời thủa nào lại đen đến thế không biết? - Denixov nói to, lẫn lộn n với l - cậu đi một cái là nó bắt đầu… Ê, cho nước chè!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:23:09 pm
Denixov nhếch môi như cách cười mỉm, để lộ một hàng răng ngắn và chắc, đưa mấy ngón tay ngắn lên vò đầu, làm cho mớ tóc đen và rậm như rừng càng rối bù thêm.

- Ma quỷ xui mình đến nhà cái con chuột ấy (đó là tên gọi nhạo viên sĩ quan) - chàng vừa nói vừa lấy tay xát vào trán và mặt - Cậu xem, không được lấy một quân bài nào; không được lấy một quân, nó không cho
tôi được lấy một quân nào.

Denixov lấy cái tẩu thuốc châm sẵn mà người cần vụ đưa ra, cầm chặt lấy nó trong nắm tay và gõ mạnh lên sàn làm cho lửa rơi tung toé ra, trong khi vẫn tiếp tục nói to như quát:

- Con đơn được thì con kép thua; con kép được thì con đơn lại thua.

Chàng làm tàn lửa rơi tung toé, đập vỡ cái tẩu và vứt đi. Sau đó chàng lặng im một lúc rồi đột nhiên đưa ánh mắt đen và sáng vui vẻ nhìn Roxtov.

- Nếu có gái thì còn nói gì. Nhưng chả làm thế nào có được, chỉ có rượu. Thôi! Đánh nhau cho chóng đi thôi…

- Ề ai ngoài kia, - chàng nói vọng ra ngoài của vì có tiếng ủng nặng và tiếng cựa giầy lẻng xẻng, kèm theo những tiếng đằng hắng lễ phép.

- Tào trưởng đấy, - Laurutska nói.

Mặt Denixov càng sa sầm xuống.

- Việc không hay, - chàng vừa nói vừa ném ra một cái túi đựng mấy đồng vàng. - Roxtov, cậu thử đếm xem còn được bao nhiêu tiền, xong đút xuống dưới gối cho tôi, được rồi, anh ta ra gặp tào trưởng.
Roxtov cầm lấy túi tiền, lơ đễnh chia món tiền vàng ra làm hai dúm, một mới, một cũ, rồi bắt đầu đếm.

- A, Telyanin! Chào cậu! Hôm qua mình đen quá! - tiếng Denixov nói ở phòng bên.

- Ở đâu? ở nhà Bykov, ở nhà con chuột ấy à?

- Tôi đã biết mà, - một giọng nói mảnh dẻ, ỏn ẻn trả lời, rồi Telyanin viên trung uý bé nhỏ cùng đại đội
trưởng bước vào phòng.

Roxtov ném cái túi xuống dưới gối rồi nắm lấy bàn tay nhỏ nhám và ươn ướt của người mới đến. Trước chiến dịch này, Telyanin bị đuổi ra khỏi quan cận vệ, cũng không ai hay biết vì lẽ gì ở trung đoàn này thì hạnh kiểm của hắn rất tốt, nhưng hắn không được ai ưa; về phía Roxtov thì chàng không thể khắc phục và giấu giếm được cảm giác ghê tởm vô cớ mà hắn gây nên trong lòng chàng. Telyanin hỏi:

- Thế nào, anh kỵ binh trẻ, anh có bằng lòng con Gratsik của tôi không? (Gratsik là tên con ngựa cưỡi mà Telyanin mới bán cho Roxtov). - Không khi nào viên trung uý nhìn thẳng vào mặt người nói chuyện với mình; hai mắt hắn ta cứ lấm lét đưa từ vật này sang vật khác - Lúc nãy tôi có thấy anh đi qua…

- Phải, con ngựa hay lắm, - Roxtov đáp, chàng đã mua nó bảy trăm rúp, nhưng kỳ thực nó không đáng giá một nửa, - Có điều bây giờ nó đi kiễng chân bên trái trước, - chàng nói thêm.

- Đấy là cái móng sắt của nó bị nứt. Không hề gì đâu. Tôi sẽ bảo cho anh cách đóng đinh.

- Ừ anh chỉ hộ tôi, - Roxtov nói.

- Đồng ý chả có bí mật gì cả. Rồi anh sẽ cảm tạ tôi về con ngựa cho mà xem.

- Thế để tôi bảo dắt nó ra, - Roxtov nói, trong bụng chỉ ao ước thoát khỏi Telyanin cho rảnh, chàng ra ngoài để bảo dắt ngựa lại.

Trong hành lang, Denixov đang ngồi xổm giữa cửa, tay cầm tẩu thuốc và đang nghe viên tào trưởng nói. Thấy Roxtov ra, chàng nhăn mặt và chìa ngón tay cái trên vai về phía gian phóng lúc bấy giờ đang có
Telyanin, chàng nhún vai tỏ ý ghê tởm.

- Ồ sao tôi ngấy cái thằng ấy đến thế? - Chàng nói ngay trước mắt người tào trưởng, chẳng giữ ý tứ gì cả.
Roxtov nhún vai, như muốn nói: "Thì tôi cũng thế, nhưng biết làm thế nào!" - và khi đã sai bảo xong, chàng lại trở về nơi Telyanin ngồi.

Telyanin vẫn ngồi với dáng điệu ủ rũ như lúc Roxtov đi ra và đang xua hai bàn tay trắng trẻo vào nhau. "Làm sao lại có thể có những cái mặt khả ố đến thế!" - Roxtov nghĩ thầm khi bước vào.

- Thế anh bảo dắt ngựa ra rồi chứ? - Telyanin hỏi đoạn đứng đậy ung dung đưa mắt nhìn quanh.

- Đã.

- Thế ta đi ra đi. Tôi đến đây để hỏi Denixov những mệnh lệnh ngày hôm qua. Anh đã nhận được rồi chứ,
anh Denixov?

- Chưa nhận được. Thế anh đi đâu đấy?

- Tôi muốn bảo cho anh chàng này biết cách bịt móng ngựa - Telyanin nói.

Hai người cùng đi ra thềm và đi đến tàu ngựa. Viên trung uý bày cách đóng đinh vào móng sát, rồi ra về.
Khi Roxtov trở về phòng thì trên bàn có một chai rượu vodka và mấy miếng xúc xích. Denixov ngồi trước bàn đang viết, ngòi bút chạy sột soạt trên giấy. Anh ta nhìn Roxtov, gương mặt sa sầm xuống.

- Tôi viết thư cho nàng đây. - Denixov nói.

Denixov chống một tay trên bàn, tay kia cầm bút và có vẻ rất sung sướng vì đã tìm được một cơ hội để nói cho nhanh những cái mình muốn viết, anh ta thuật nội dung của bức thư cho Roxtov nghe.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:23:56 pm
- Cậu thấy không - chàng nói - Chúng ta chỉ là nhưng người đang ngủ, nếu chúng ta không có tình yêu. Chúng ta là cát bụi… nhưng khi ta có tình yêu thì ta là Thượng đế, ta lại trong sạch như ngày đầu tiên, khi mới khai thiên lập địa. Lại còn ai đấy nữa? Bảo cút đi cho rảnh? Không có thì giờ! - Denixov quát Lavruska, nhưng hắn cũng chẳng lấy điều và cứ lại gần.

- Thì ông bảo còn ai nữa? Chính ông bảo người ta đến. Đó là bác tào trưởng đến lấy tiền đấy.

Denixov nhăn mặt muốn quát thêm, nhưng nghĩ sao lại làm thinh.

- Không xong, - chàng nói một mình - Trong cái túi còn bao nhiêu tiền? - chàng hỏi Roxtov?

- Bảy đồng còn mới và ba đồng cũ.

- Chà không xong rồi? Ê, đứng làm gì đấy, cái thằng phỗng kia, đi ra bảo tào trưởng vào đây! - Denixov
quát Lavrutska.

- Denixov, tôi van anh, tôi có tiền; anh cứ lấy - Roxtov nói, mặt đỏ ửng.

- Tôi không thích vay tiền của anh em, tôi không thích - Denixov đáp.

- Chỗ anh em với nhau mà anh không lấy thì tôi giận đấy. Thật đấy tôi có tiền, - Roxtov nhắc lại.

- Đã bảo là không mà!

Và Denixov đến giường để lấy cái túi ở dưới gối.

- Cậu để đâu Roxtov?

- Dưới cái gối bên dưới ấy.

- Không có.

Denixov ném cái gối xuống đất. Cái túi không có ở đấy.

- Kỳ lạ thật!

Khoan đã, hay là anh đánh rơi? - Roxtov vừa nói vừa nhặt từng cái gối lên rũ.

Chàng kéo luôn cả tấm chăn ra rũ. Cái túi vẫn không thấy đâu.

- Hay là tôi quên? Không phải, rõ ràng tôi tự nhủ rằng anh để túi gối đầu như một kho của. Tôi để cái túi ở đây này. Nó ở đâu? - Chàng hỏi Lavrutska.

- Từ nãy tôi chưa vào đây. Ông để nó ở đâu thì chắc nó còn ở đấy Nhưng có thấy đâu?

- Ông thì bao giờ cũng thế, có cái gì bạ đâu vút đấy rồi quên khuấy đi Xem trong túi áo xem.

- Không, nếu tôi không nghĩ đến chuyện kho của thì còn có lý, - Roxtov nói, - đằng này tôi nhớ là tôi đã để nó ở đây.

Lavrutska xáo cả chăn dệm lên, nhìn dưới giường, đưới bàn, lục soát tất cả căn phòng và đừng lại ở chỗ chính giữa, Denixov lặng lẽ nhìn theo và khi Larutska giang hai tay ra, nói rằng chẳng thấy cái túi ở đâu cả, chàng bỗng nhìn sang Roxtov.

- Roxtov, hay là cậu đ… ùa…

Roxtov cảm thấy Denixov nhìn mình, ngước mắt lên rồi lại cụp xuống ngay. Máu chàng nãy giờ vẫn chặn ngang đâu ở dưới cổ họng chàng, bỗng dâng lên mặt và bừng lên mắt chàng. Chàng không sao thở lại bình thường được.

Chẳng có ai vào trong cái buồng này cả, chỉ có ông trung uý và hai ông. Nó vẫn ở đâu đây thôi. -
Lavrutska nói.

- Nào, thằng phỗng kia, cố tìm xem, - Denixov bỗng quát lên, mặt đỏ thẫm và giơ tay nhẩy chồm đến chỗ người lính hầu, vẻ dữ tợn - Phải tìm cho ra cái túi, nếu không tao sẽ quất mày chết. Thàng nào tao cũng
sẽ quất chết cho mà xem.

Roxtov lảng tránh không nhìn Denixov, cài khuy áo đôn-man lại đeo gươm vào và đội mũ lưỡi trai lên đầu.

- Tao bảo mày phải tìm cho ra, - Denixov vừa nắm vai người lính lắc mạnh và xô nó vào tường.

- Denixov, anh buông nó ra, tôi biết ai lấy rồi, - Roxtov vừa nói vừa đi ra cửa, không ngước mắt lên.

Denixov dừng lại, ngẫm nghĩ và khi đã biết Roxtov muốn ám chỉ cái gì, anh ta nắm tay chàng lại.

- Nói bậy! - Denixov quát lên, đến nỗi gân cổ và gân trán nổi lên như dây thừng - Tôi bảo này, cậu điên
rồi, tôi không cho phép thế đâu. Cái túi còn ở đây tôi sẽ lột da thằng súc sinh này và cái túi sẽ ra.

- Tôi biết ai lấy rồi - Roxtov nói lại, giọng run run, và đi thẳng ra cửa.

- Nhưng tôi cấm cậu đấy, cậu không được làm thế - Denixov vừa quát vừa lao mình về phía viên chuẩn uý
để giữ chàng lại.

Nhưng Roxtov giật mạnh tay ra và giương mắt nhìn thẳng vào Denixov, tưởng chừng như Denixov là kẻ thù ghê gớm nhất của chàng vậy.

- Anh có biết anh nói gì không? - Chàng hỏi, giọng run run - ngoài tôi ra không còn ai trong phòng này nữa. Vậy, nếu tôi không thế, thì tức là…

Chàng không nói trọn câu được, vội bỏ chạy ra ngoài.

- À, thôi? Ma quỷ nó bắt cậu đi, bắt tất cả lũ đi! - Đó là những tiếng nói sau cùng mà Roxtov nghe được.
Roxtov đến nhà Telyanin.

- Trung uý không có nhà, ông ấy đến bộ tham mưu - người lính cần vụ nói với chàng. Có việc gì thế ạ, - người lính nói thêm, ngạc nhiên trước bộ mặt bơ phờ của viên chuẩn uý.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:57 pm
- Không, chả có gì.

- Ông chỉ đến chậm có một tí - người lính nói.

Bộ tham mưu cách Daltxenek ba dặm. Roxtov không ghé về nhà, giục ngựa đến thẳng đấy. Trong cái làng bộ tham mưu đóng, có một ngôi quán mà các sĩ quan thường lui tới. Roxtov đến đó, trước thềm, chàng nhận ra con ngựa của Telyanin.

Trong gian thứ hai, viên trung uý đang ngồi trước một cái bàn bày một đã xúc xích và một chai rượu.

- À anh cũng đến đấy à, anh bạn trẻ? - Hắn mỉm cười nói và dướn đôi mày lên.

- Phải, Roxtov nói. - Hình như chàng phải cố gắng lắm mới nói được tiếng ấy; rồi chàng ngồi xuống cái bàn
bên cạnh.

Cả hai im lặng; trong gian phòng, có hai người Đức và một viên sĩ quan người Nga. Mọi người đều im lặng, chỉ nghe tiếng dao ãn chạm vào đĩa và tiếng nhai nhóp nhép của viên trung uý. Khi Telyanin đã ăn xong, hắn rút ở túi áo ra một cái ví tiền hai ngăn, đưa mấy ngón tay nhỏ nhắn và trắng cong lên ở đầu mút, gạt hai chiếc vòng ra lấy một đồng tiền vàng và dướn cao lông mày, đưa cho người hầu bàn.

- Nhanh lên chứ, hắn nói.

Đồng tiền vàng còn mới. Roxtov đứng dậy và đến cạnh Telyanin.

- Cho tôi xem cái túi tí. - Chàng nói rất khẽ, chỉ vừa để cho Telyanin nghe.

Mắt đảo qua đảo lại như lẩn tránh, nhưng lông mày vẫn gương cao. Telyanin đưa cái túi cho chàng.

- Phải, cái túi này xinh lắm… Phải… phải, - hắn nói, rồi bỗng nhiên tái mặt. - Cầm lấy mà xem. anh bạn trẻ ạ, - hắn nói thêm.

Roxtov cầm lấy túi và nhìn lại xem cái ấy lẫn số tiền đựng trong đấy, xong rồi nhìn lại Telyanin. Viên trung uý theo thói quen đưa mắt nhìn quanh và đột nhiên có vẻ vui hẳn lên.

- Nếu chúng ta đi Viên thì có bao nhiêu tiền tôi tiêu hết. Nhưng giờ thì chả biết làm gì trong những xó xỉnh như thế này. Thôi, anh bạn trẻ, giả lại tôi, tôi đi đây.

Roxtov im lặng.

- Thế cậu cũng đi ăn sáng à? Ăn cũng khá, - Telyanin nói tiếp, - đưa đây nào!

Hắn giơ tay với lấy cái túi. Roxtov thả ra. Telyanin nắm lấy và luồn nó vào túi quần, lông mày giương lên một cách ung dung, mồm hé mở như muốn nói: "Phải, tôi bỏ nó vào túi, đó là việc tự nhiên, không liên quan đến ai cả".

- Thế nào anh bạn trẻ? - Hắn vừa nói vừa thở dài và nhìn chòng chọc và Roxtov dưới đôi lông mày giương lên. Một luồng giao cảm nhanh như một tia chớp điện chạy từ mắt Trrlyanin sang mắt Roxtov rồi từ Roxtov sang Telyanin, rồi lại trở ngược lại, tất cả chỉ diễn ra trong một khoảng khắc.

- Anh lại đây, - Roxtov nói, và nắm lấy cánh tay của Telyanin, chàng kéo hắn về phía cửa sổ. - Đó là tiền của Denixov, anh đã lấy, chàng rỉ vào tai hắn.

- Sao? Sao? Sao anh dám? Làm sao… - Telyanin nói.

Nhưng tiếng hắn nói ra nghe như có tiếng kêu ai oán tuyệt vọng và một lời cầu xin của kẻ có tội. Nghe giọng nói ấy, tâm trí của chàng trút ngay được gánh nặng của ngờ vực. Chàng thấy vui mừng và cũng ngay lúc ấy, chàng thấy thương hại cho con người khốn nạn đang đứng trước mặt; nhưng đã trót làm thì phài làm cho đến nơi.

- Trời ơi, ở đây người ta sẽ nghĩ ra sao. - Telyanin vừa nói ấp úng vừa cầm lấy mũ lưỡi trai và đi về phía một gian phòng không có người, - phải giãi bày cho rõ…

Mỗi thớ thịt trên khuôn mặt tái mét, sợ hãi của Telyanin đều bắt đầu run lên, cái nhìn lẩn tránh vẫn chạy từ vật này sang vật khác, nhưng bây giờ nó hạ xuống một chỗ nào đó rất thấp, không ngước lên đến mặt Roxtov, và từ trong cổ hắn phát một tiếng nấc nghẹn ngào.

- Bá tước! Xin đừng hại một con người trẻ tuổi… đây, món tiền khốn nạn ấy, ông cầm lấy…

Hắn ném tiền lên trên bàn.

- Tôi có một cha già, một bà mẹ…

Roxtov cầm món tiền lên, tránh cái nhìn của Telyanin, và không nói một tiếng, đi ra cửa. Nhưng ra đến ngưỡng cửa, chàng dừng lại và quay gót trở vào.

- Trời ơi! Chàng ứa nước mắt nói, - sao anh lại có thể làm như vậy?

- Bá tước, - Telyanin vừa nói vừa đến gần Roxtov.

- Anh đừng mó đến tôi, - Roxtov vừa nói vừa tránh ra, - Nếu anh cần tiền, thì đây, anh cứ lấy chỗ tiền ấy.

- Chàng vứt cho hắn cái túi và chạy ra khỏi quán.

=========================================

Chú thích:

(1) Fraulein: tiểu thư (tiếng Đức)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:25:42 pm
Phần II
Chương - 5

Ngay tối hôm ấy, một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra ở nhà Denixov, giữa các sĩ quan trong quân kỵ đội.

- Roxtov này, tôi nói là anh phải xin lỗi trung đoàn trưởng, - một viên thượng uý kỵ binh cao lớn, tóc hoa râm, nét mặt như đẽo, đã có nhiều vết nhăn, điểm thêm một bộ ria to tướng, nói với Roxtov lúc bấy giờ đang run bắn lên vì xúc động, mặt đỏ dừ.

Thượng uý Kirxten trước đấy đã hai lần bị giáng xuống làm lính vì những trường hợp danh dự (1) và cũng đã hai lần được phục hồi cấp hiệu.

- Tôi không cho phép một ai được nói rằng tôi nói láo, - Roxtov quát lên. - Ông ta bảo tôi nói láo, thì tôi lại bảo ông ta nói láo. Việc ấy sẽ chỉ đến thế là cùng. Ông ta có thể bắt tôi ngày nào cũng phải túc trực hay là bỏ tôi vào nhà giam, nhưng không ai bắt được tôi xin lỗi, vì rằng nếu ông ta dựa vào cương vị trung đoàn trưởng mà không chịu thoả mãn yêu cầu của tôi…

- Nhưng khoan đã, anh bạn ơi, hẵng nghe tôi nói, - viên thượng uý cất giọng trầm trầm ngắt lời Roxtov, điềm tĩnh vân vê bộ ria. - Anh nói với trung đoàn trưởng, trước mặt nhiều sĩ quan - rằng một sĩ quan phạm tội ăn cắp…

- Nếu lúc đó câu chuyện đã diễn ra trước mặt nhiều vĩ quan, thì đó không phải là lỗi tại tôi. Có lẽ không nên nói đến việc ấy trước mặt họ thật, nhưng tôi không phải là một nhà ngoại giao. Sở dĩ tôi đã xin gia nhập quân phiêu kỵ, là vì tôi vẫn tin rằng ở đó không cần phải xảo trá, thế mà ông ta lại bảo rằng tôi nói láo, vậy ông ta phải nhận lỗi với tôi.

- Được tất chẳng ai bảo anh là một thằng dát, nhưng vấn đề không phải ở đó. Anh thử hỏi Denixov xem một viên chuẩn uý mà bắt trung đoàn trưởng của mình phải nhận lỗi thì có ra cái thể thống gì không?
Denixov lắng nghe cuộc thảo luận, gương mặt tối sầm lại, vừa nghe vừa cắn ria, hẳn là không muốn xen vào. Nghe câu hỏi của viên thượng uý, Denixov lắc đầu tỏ ý phủ định.

- Anh đem cái việc ô nhục ấy mà nói với đại tá trước mặt nhiều sĩ quan. - Viên thượng uý nói tiếp. - Bogdanyts (người ta thường gọi viên đại tá như thế) đã chỉnh cho anh đấy.

- Ông ta không chỉnh, ông ta bảo rằng tôi nói láo.

- Chính thế, anh đã nói bậy, bây giờ thì anh phải xin lỗi!

- Không đời nào? Roxtov quát lên.

- Tôi vẫn tưởng anh sẽ không xử sự như thế, - viên thượng uý nói một cách trang trọng và nghiêm khắc, -
Anh không muốn xin lỗi, ấy thế mà, anh bạn ơi, không những đối với đại tá, mà đối với cả trung đoàn, đối với tất cả chúng tôi nữa anh cũng hoàn toàn có lỗi. Đây này: đáng lẽ ít ra anh phải suy nghĩ và hỏi ý kiến chúng tôi xem nên xử trí ra sao, đằng này anh lại cứ thế đem tung ra một cách đột ngột, trước mặt nhiều sĩ quan. Thế thì đại tá còn làm thế nào nữa? Phải đưa một sĩ quan ra toà để cho cả trung đoàn bị bôi nhọ à? Chỉ vì một đứa vô lại mà làm ô nhục cả một trung đoàn à? Anh cho là phải như thế à? Nhưng chúng tôi thì lại cho rằng không thể như thế được. Và hoan hô Bogdanyts, ông ta bảo anh nói láo là phải lắm. Anh mếch lòng, nhưng làm thế nào được, anh bạn ơi, chính anh tự gây ra cả. Thế mà bây giờ người ta muốn dìm câu chuyện đi, thì anh lại khí khái hão, đã không chịu xin lỗi lại còn muốn kể hết ra. Phải trực nhật, anh lấy làm uất ức, nhưng xin lỗi một vị sĩ quan nhiều tuổi và đáng kính, thì anh mất gì? Vẫn biết Bogdanyts có nhiều nhược điểm, nhưng dù sao ông cũng là một vị chỉ huy già, trung thực và dũng cảm, thế mà anh cho là uất ức, nhưng làm dơ bẩn cả binh đoàn thì anh xem như không? - Tiếng nói của viên thượng uý đã bắt đầu run. - Anh bạn này, anh vào trung đoàn này mới từ hôm qua mà thôi, hôm nay anh còn ở đây, chứ ngày mai anh đã chuyển đi một nơi nào khác làm sĩ quan phụ tá; nếu người ta bảo "Trong bọn sĩ quan Pavlograd có những thằng ăn cắp" thì anh cũng mặc kệ. Nhưng chúng tôi thì không thể dửng dưng được. Phải không Denixov? Chúng ta không thể dửng dưng được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 06:26:35 pm
Denixov vẫn im lặng ngồi yên không nhúc nhích thỉnh thoảng lại nhìn Roxtov với đôi mắt đen và sáng.

- Anh coi trọng cái khí khái hão của anh, anh không muốn xin lỗi, - viên thượng uý nói tiếp, nhưng bọn già chúng tôi thì, lạy chúa, chúng tôi sẽ chết ở trung đoàn, cũng như chúng tôi đã lớn lên ở đây, cho nên chúng tôi rất quý danh dự của trung đoàn, và Bogdanyts cũng biết thế. Ồ, chúng tôi quý nó lắm, anh bạn ạ. Thế là không tốt, không tốt tí nào cả. Dù anh giận hay không giận, thì khi nào tôi cũng sẵn sàng nói hết sự thật. Thế là không tốt.

Rồi viên thượng uý đứng dậy và ngoảnh mặt đi, không nhìn Roxtov nữa.

- Đúng đấy, chứ còn quỉ gì nữa! - Denixov kêu to lên và nhảy xổm dậy - Kia, Roxtov, xem nào!

Mặt tái nhợt đi rồi lại đỏ ửng lên, Roxtov nhìn hết viên sĩ quan này lại nhìn đến viên sĩ quan khác.

- Không phải, các anh ạ, không phải, xin đừng tưởng rằng… tôi hiểu lắm, các anh tưởng tôi như thế là lầm… tôi… về phần tôi… tôi rất coi trọng danh dự của trung đoàn… Thì sao nào? Tôi sẽ chứng minh bằng hành động, và đối với tôi danh dự của ngọn cờ… thì đằng nào cũng thế, phải rồi, tôi có lỗi… - Chàng ứa nước mắt. - - Tôi có lỗi, tôi có lỗi hoàn toàn!… Các anh còn muốn gì nữa nào?

- Thế mới đúng, bá tước ạ, - viên thượng uý vừa nói vừa ngoảnh lại lấy bàn tay to tướng vỗ về lên vai chàng.

- Tôi đã bảo anh mà, - Denixov thốt lên, - cậu ấy là một chàng trai rất tốt.

- Như thế tốt hơn, bá tước ạ, - viên thượng uý nói lại một lần nữa, nêu rõ tước vị của chàng như để khen thưởng sự nhận lỗi. - Bá tước xin lỗi đi, phải đấy.

- Thưa các vị, việc gì tôi cũng xin làm, tôi sẽ không nói gì với ai hết, - Roxtov nói, giọng van lơn, - nhưng tôi không tài nào xin lỗi được, tôi xin thề như vậy, không tài nào xin lỗi được, các vị muốn làm gì thì làm? Làm sao tôi có thể xin lỗi, như một thằng bé con đi xin tha tội?

Denixov bật cười.

- Thế thì kệ anh, Bogdanyts là người giận lâu, anh cố chấp thì rồi anh sẽ biết - Kirxten nói.

- Tôi xin thề, không phải tôi cố chấp. Tôi không thể nói rõ tâm trạng của tôi, tôi không thể…

- Ừ thì mặc anh - viên thượng uý nói đoạn quay sang hỏi Denixov - Bây giờ thì coi thằng khốn khiếp ấy đâu rồi?

- Nó đã ghi tên vào sổ bệnh nhân, ngày mai sẽ có lệnh bãi hồi nó.

- Thật là một bệnh nhân, không thể cắt nghĩa cách nào khác, viên thượng uý nói.

- Bệnh nhân hay không bệnh nhân, nó đừng có bén mảng đến đây nữa, tôi sẽ giết nó, - Denixov gầm lên như một con thú dữ.

Zerkov bước vào.

Làm sao cậu lại ở dây? - các sĩ quan hỏi người mới đến.

- Có lệnh hành quân, thưa các vị. Tướng Mack cùng với toàn quân đoàn đã đầu hàng địch, tin thật đấy.

- Nói láo!

- Chính tôi đã trông thấy lão ta!

- Làm sao? Cậu đã thấy Mack bằng thịt bằng xương à? Có cả tay và chân nữa à? Lên đường! Lên đường! Thưởng cho hắn một chai rượu vì đã đem tin. Nhưng cậu, làm sao có mặt cậu ở đây được?

- Họ trả tôi về trung đoàn, cũng vì cái lão Mack thiên lôi ấy. Một viên tướng Áo đã kiện tôi. Số là tôi có chúc mừng hắn nhân dịp Mack tới… Roxtov, cậu sao thế? Cứ như mới ở thùng tắm ra ấy!

- Anh bạn ơi, tình hình ở đây nát bét như thế này đã hai ngày nay rồi.
   
Viên sĩ quan phụ tá của trung đoàn bước vào và chứng thực cái tin do Zerkov đem lại. Trên đã hạ lệnh ngày mai phải tiến quân.

- Thưa các vị chúng ta lên đường thôi!

- Đội ơn Chúa, sắp mọc rễ ra rồi còn gì!

======================================

Chú thích:

(1) Trường hợp danh dự nghĩa là đấu kiếm hay đấu súng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:28:26 pm
Phần II
Chương - 6

Kutuzov đã rút lui về phía Viên, phá cầu sông Inn (ở Braonao) và cầu sông Traon (ở Lintxe) sau lưng. Ngày hai mươi ba tháng mười, quân đội Nga vượt sông Enx. Xe cộ, pháo binh và các đoàn quân đi xuyên qua thành Enx giữa buổi trưa, dàn ra ở hai đầu cầu.

Hôm ấy là một ngày mùa thu trời ấm và hay đổ mưa. Từ trên một điểm cao nơi pháo binh Nga đóng để giữ cầu, có thể nhìn thấy một viễn cảnh khi thì thu hẹp lại bởi một màu mưa chênh chếch mịn như sa, khi thì vụt mở rộng ra ánh nắng, làm cho mọi vật hiện rõ từng nét, trông như phủ sơn mài. Ở phía dưới có thể trông thấy cái thị trấn bé nhỏ với những nếp nhà vách trắng, mái đỏ, với ngôi nhà thờ và cái cầu ở đây quân đội Nga đang đổ dồn lại ở hai đầu cầu từng đoàn như nước lũ. Ở một chỗ eo của sông Đonao, có thể trông thấy nhiêu thuyền bè, một hòn cù lao và một lâu đài trung cổ, với một thửa vườn đại thụ, có nước của hai sông Enx và Đonao hợp lại bao bọc xung quanh. Bờ bên tả sông Đonao dựng thành một vách đá chênh vênh, có rừng thông che kín, với những đỉnh cây xanh um cao ngút và những hẻm núi màu lam mất hút nơi xa thẳm mịt mù. Mấy ngọn tháp một tu viện nhô lên sau cánh rừng thông hoang vắng, xa hơn nữa về phía trước mặt, trên một ngọn núi ở bên kia sông Enx, có thể trông thấy những đội tuần tiễu của địch.
Trên cao điểm, trước hàng đại bác, viên lướng chỉ huy đạo quân và một sĩ quan tuỳ tùng của hoàng đế đang dùng viễn kính quan sát địa hình. Về phía sau một chú Nexvitxki do Tổng tư lệnh phái về đạo quân, đang ngồi trên một cái giá đại bác. Người lính cô-dắc theo hầu đang đưa cho chàng một cái bọc và một bình rượu, và chàng đang mời các sĩ quan những miếng chả nho nhỏ và thứ rượu nh ơm kiêm hồi chính hiệu. Các sĩ quan vui vẻ vây quanh anh ta, người quì, người ngồi xếp bằng trên cỏ ướt.

- Thật cái lão công tước áo nào dựng ra toà lâu thành ở đây chả ngốc tí nào. Cảnh đẹp quá. Sao các vị không ăn gì cả? - Nexvitxki nói.

- Đa tạ công tước - một viên sĩ quan đáp, rất khóái chí được nói chuyện với một yếu nhân trong bộ tham mưu. - Một cảnh đẹp lạ lùng. Khi đi qua trước khu vườn đại thụ, chúng tôi trông thấy hai con hươu, lại còn toà nhà nữa, thật là tráng lệ!

- Công tước nhìn xem, - một viên sĩ quan khác nói, có ý muốn lấy một miếng chả nữa nhưng thấy ngượng lên cứ giả vờ ngắm nghía phong cảnh - nhìn xem, bộ binh của chúng ta đã ở đây rồi.

- Kia kìa, đã có ba người trên bãi cỏ, phía sau làng; họ đang kéo cái gì ấy Bọn ấy sẽ cướp phá cái lâu đài này đến trụi mất - anh ta nói thêm, giọng có ý tán thành rõ rệt.

- Đúng đấy, đúng đấy - Nexvitxki nói - Nhưng có một điều tôi mong ước, là được lên trên kia - chàng vừa nói thêm vừa nhai miếng chả trong cái miệng thanh tú với cặp môi ướt.

Nexvitxki chỉ cái tu viện với những ngọn tháp nổi rõ nét trên đồi Chàng mỉm cười, đôi mắt lim dim lại, sáng long lanh.

- Nếu được thế thì thật là hay, các vị ạ!

Các sĩ quan đều cười phá lên.

- Ít ra cũng được trêu các tu nữ ấy hoảng sợ một chút. Nghe nói đó là những cô nàng người Ý, có những cô còn trẻ măng. Thật đấy, tôi sẽ bằng lòng giảm thọ năm tuổi…

- Vả lại chính họ cũng đang buồn lắm - một viên sĩ quan có vẻ mặt dạn dĩ hơn mấy người kia vừa cười vừa nói.

Trong lúc đó viên sĩ quan tuỳ tùng đứng ở phía dưới đang chỉ trỏ một cái gì cho viên tướng xem. Viên tướng đưa viễn vọng kính lên nhìn.

- Đúng thế thật, quá đúng như thế, - Ông ta vừa nói một cách bực tức vừa hạ viễn vọng kính xuống, rồi nhún vai, - chúng nó nã đại bác vào chỗ qua sông. Còn quân ta sao cứ lề mề thế không biết?

Ở phía bên kia mặt trận cũng có thể nhìn thấy quân địch và một tổ đại bác của nó, ở phía trên toả ra một làn khói trắng như sữa. Sau đó, có tiếng đại bác nổ ở xa xa, và thấy quân đội ta đang vội vã kéo đến chỗ qua sông. Nêxvixki vừa đứng dậy vừa thở và mỉm cười đến gần viên chỉ huy.

- Thưa Đại nhân, ngài không dùng thức gì sao?

- Không xong, - viên tướng nói, không trả lời chàng - quân ta chậm mất rồi.

- Có phải đến đấy không, thưa Đại nhân? - Nexvitxki hỏi nhờ anh đến đấy một tí - viên chỉ huy nói đoạn
nhắc lại những mệnh lệnh tỉ mỉ đã truyền xuống - và nhớ dặn quân phiêu kỵ qua sông sau cùng và phải châm lửa đốt cầu, lại còm kiểm tra vật liệu dẫn hoả nữa.

- Xin tuân lệnh, Nexvitxki đáp.

Chàng gọi người lính cô-dắc đang nắm cương ngựa, bảo hắn cất bọc thức ăn và bình rượu đi, rồi cất cái thân hinh nặng trịch của mình lên yên một cách nhẹ nhàng.

- Thật đấy tôi đi thăm các tu nữ đây, - Nexvitxki nói với các sĩ quan đang mỉm cười nhìn anh ta, rồi thúc ngựa đi vào con đường mòn quanh co xuống dốc.

- Nào đại uý, bây giờ ta thử làm mấy phát xem sao - viên tướng nói với viên sĩ quan pháo binh - Bắn chơi vài phát cho vui đi.

- Pháo thủ, ai về chỗ nấy! Viên sĩ quan ra lệnh, và một lúc sau các pháp thủ đang đốt lửa trại đều vui vẻ chạy đến nạp đại bác.

Tiếng hô vang lên: "Khẩu đội một bắn!"

Khẩu đội một hùng dũng chồm lên. Khẩu đại bác gầm một tiếng kim choáng tai và hòn đạn rít lên vù vù bay qua dầu binh sĩ ta dưới chân đồi, rồi chưa đến vị trí địch đã rơi xuống làm tung lên một làn khói và nổ toang ra. Tiếng đại bác ấy làm cho gương mặt của binh sĩ và quan quân đều vui hẳn lên; mọi người đứng dậy, mắt chăm chú nhìn xuống dưới để theo dõi cuộc tiến quân của quân ta bấy giờ có thể trông rõ như trên bàn tay, và của quân địch đang đến gần. Cũng trong lúc ấy mặt trời ló hẳn ra khỏi những đám mây.

Phát đại bác đơn độc mà hùng trang kia và ánh nắng rực rỡ vừa toả ra dung hợp lại với nhau thành một cảm giác hứng khởi phấn chấn



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:31:17 pm
Phần II
Chương - 7

Hai quả trái phá của địch đã bay qua, và trên cầu người ta đang xô dẩy nhau rất dữ. Ở giữa cầu, công tước Nexvitxki đã bỏ ngựa đi bộ và cái thân hình béo nặng của chàng đang bị ép vào lan can.
     
Chàng ngoảnh lại cười và người lính cô-dắc đang dừng lại cách mấy bước về phía sau, tay giữ cương hai con ngựa. Mỗi khi công tước Nexvitxki nhớm đi thì lại có những người lính và những cỗ xe đẩy chàng ta trở lui và ép chàng vào lan can, đến nỗi chàng không còn biết làm gì khác hơn là mỉm cười.

- Chà chú mày ghê thật! - người cô-dắc nói với một người lính pháo cụ đánh một cái xe tải đang gạt lia lịa những bộ binh chen nhau bên cạnh bánh xe và chăn ngựa - Chú mày ghê thật! Không chờ được à! Trông đây, phải để cho tướng quân tôi đi qua đã chứ!

Nhưng người lính pháo cụ chẳng để ý đến cái chức tướng quân, vẫn lớn tiếng quát những người cản đường:

- Ê, Hàng xứ, đẹp sang bên trái, khoan đã!

Nhưng "Hàng xứ" thì vẫn vai chen vai, lưỡi lê vướng vào nhau, lũ lượt tiến lên trên cầu thành một khối đen đặc. Đưa mắt nhìn qua lan can, Nexvitxki thấy những ngọn sóng của sông Enx réo ầm ầm, xô nhau chẩy nhanh, đến cột cầu thì lẫn vào nhau, nổi gợn lăn tăn và cong lại. Trở lại nhìn cầu, Nexvitxki thấy những làn sóng người cùng kế tiếp nhau đều đều như thế, những chiếc mũ sa-cô(1) có quai, những bạc đà, những lưỡi lê, những khẩu súng trường và dưới mũ sa-cô là những khuôn mặt có đôi lưỡng quyền rộng, hai má tóp, vẻ mệt nhọc nhưng vô tư lự, và những bàn chân giẫm đạp lên lớp bùn nhớp nháp phủ trên ván cầu. Một đôi khi, cũng như có những chỗ toé bọt trên mặt nước sông Enx, một viên sĩ quan mặc áo khoác dài, rẽ một con đường giữa những ngọn sóng người luôn luôn chảy đều vẻ mặt khác hẳn vẻ mặt của binh sĩ, lại đôi khi, như một phiến củi trôi theo dòng sông, có người lính phiêu kỵ đi bộ, một sĩ quan hậu cần hay một người thường dân cũng bị đợt sóng bộ binh cuốn đi; hoặc như một súc cây lềnh bềnh trên con nước, một chiếc xe tải của đại đội hay của sĩ quan, chất hàng cao và che tải bạt, diễu qua, bị vây bọc cả bốn phía.

- Xem kia, chẳng khác gì đê vỡ - người cô-dắc vừa nói vừa dừng lại, nản chí - Còn nhiều như thế nữa không?

- Một triệu kém một người - một người lính mặc áo ca-pôt rách vui vẻ nheo mắt đáp, rồi mất hút; tiếp theo là một người lính khác đã có tuổi.

- Khi nào nó (địch) bắt đầu rót lên cầu thì cậu sẽ quên cả gãi, - người lĩnh nói với người đi bên cạnh, vẻ mặt sa sầm.

Rồi người lính cũng hút qua. Một người khác, ngồi xe, tiếp theo.

- Mày nhét bít tất vào chỗ quái nào? - một người lính cần vụ nói, vừa chạy theo vừa sục sạo trong khoang sau của chiếc xe.

Rồi người và xe cũng hút qua. Tiếp theo là mấy người lính đang nói cười ầm ĩ, rõ ràng đã có chén.

- Chú em này, khi nó tọng cho thằng cha ấy một báng súng giữa hàm răng - một người lính mặc cái áo dài đã rách và xắn ao vui vẻ nói, tay vung mạnh lên để hình dung sự việc đáng kể.

- Chính thế, miếng giăm bông ngon quá, - một người khác đáp rồi cười ha hả.

Cả hai người đều qua, làm cho Nexvitxki không hiểu được ai bị tọng một báng súng giữa hàm răng và cái giăm bông dính líu với việc gì.

- Bọn ấy hấp tấp vội vã quá. Nó bắn một hòn đạn khổng lồ, thế mà bọn ấy đã tưởng đâu mọi người đều bị quét sạch rồi, - một hạ sĩ quan nói giọng bực tức chê bai.

- Chú mày ạ, khi nó đi qua trước mặt mình, hòn đạn đại bác ấy mà, mình cứ như bị đóng đinh tại chỗ. - một người lính trẻ miệng rất rộng, cố nhịn cười nói, - Thật đấy, nói có trời đất, khi ấy mình sợ quá đi mất, khốn nạn! - Người lính kết thúc, cỏ vẻ như đang lấy làm hãnh diện là mình đã sợ.

Rồi người này cũng qua nốt. Sau đó là một chiếc xe tải, không giống với một chiếc xe nào trước. Đó là một chiếc xe kiểu Đức, buộc hai ngựa, do một người Đức dắt, trong xe chồng chất lên cả một hộ khẩu, sau xe buộc một con bò cái lang vú căng sữa. Một người đàn bà ẵm một đứa bé còn đang bú ngồi trên một cái đệm kê chân độn cù-liền, cùng với một bà già và một thiếu nữ người Đức dáng người khoẻ mạnh, mặt đỏ ửng. Hản đó là người tản cư được phép qua cầu đặc cách. Mắt mọi người đều đỏ dồn vào mấy người phụ nữ, và trong khi cái xe chậm rãi đi bước một, những lời bàn tán của binh sĩ đều nhằm vào họ. Trên tất cả các gương mặt đều hiện lên một nụ cười hầu như nhất loạt, biểu lộ những ý nghĩ tinh nghịch, đối với họ.

- Xem cái xúc xích kia kìa, nó cũng đi tản cư đấy!

- Cậu bán con mẹ ấy cho tớ đi - một người lính khác nói với về phía người Đức đang dắt xe đi bước dài, mắt nhìn xuống đất, vé mặt lức tối và sợ hãi.

- Ăn mặc diện thật! Mẹ kiếp!

- Mày phải xin vào ở nhà ấy thôi, Fedotov ạ?

- Chả thiếu, chú em ạ.

- Các người đi dâu? - Một sĩ quan bộ binh đang gặm quả táo hỏi, mắt cũng nhìn người con gái, mỉm cười nửa miệng.

Người Đức nhắm mắt lại và ra hiệu là mình không hiểu.

- Muốn ăn không? Cầm lấy, - viên sĩ quan nói và giơ quả táo cho người con gái.

Người con gái mỉm cười cầm lấy quả táo. Nexvitxki, cũng như mọi người ở trên cầu, không rời mắt khỏi mấy người phụ nữ trong khi họ đi qua. Khi họ đã mất hút, những người lính khác, cũng chẳng khác gì những người trước, vừa đi qua vừa nói những câu chuyện y như trước, và cuối cùng mọi người đều dừng lại. Như vẫn thường xảy ra, khi ra đến cuối cầu những con ngựa kéo xe tải dùng dằng không chịu tiến, thành thử đám đông phải đứng chờ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:34:04 pm
Đây đó trong đám quân lính đang đứng nhìn nhau có những tiếng nói:

- Tại sao họ dừng lại? Chả có trật tự gì cả? Mày lao đi đâu? Đợi một chút không được à? Đến khi nó phóng lửa vào cầu thì còn tệ hơn nhiều. À, này có một viên sĩ quan vừa bị cà đấy!

Rồi mọi người xô lấn nhau về phía đầu cầu.

Nexvitxki đang nhìn dòng nước sông Enx chảy dưới cầu thì bỗng nghe một tiếng gì rất lạ đối với chàng đến gần rất nhanh… tiếng của một cái gì to khối đang rơi đánh bủm một cái xuống nước.

- Đấy, nó nhằm vào đây rồi đấy! Một người lính đứng gần chàng nói, giọng gay gắt, trong khi ngoái cổ nhìn về phía tiếng rơi.

- Để giục chúng ta đi nhanh hơn đấy, - một người lính khác nói giọng lo lắng.

- Đám đông lại chuyển động Nexvitxki hiểu ra rằng đó là một quả đạn đại bác.

- Ê, cô-dắc, đem ngựa lại đây! - Chàng quát lớn, - Này, các người xê ra, xê ra! Tránh cho người ta đi nào.
Phải cố gắng lắm, Nexvitxki mới len đến chỗ con ngựa được.

Vừa quát tháo chàng vừa cho ngựa tiến bước. Tốp lính nép lại cho chàng đi qua, nhưng rồỉ lại xô đẩy rất dữ, làm cho hai chân Nexvitxki đau điếng; đó không phải tại những người đứng gần, vì chính họ còn bị ép mạnh hơn.

- Nexvitxki? Nexvitxki? Ê, thằng mỡ lợn! - Một giọng khàn khàn đâu ở phía sau chàng gọi lớn.

Nexvitxki quay đầu lại và cách mười lăm bước, chàng trông thấy Vaxka Denixov, mặt đỏ gay, đầu bù, mũ lưởi trai hất ngược ra sau gáy, áo lông vắt trên vai một cách ngang tàng, đang bị một mảng bộ binh kéo quanh ngăn cách với chàng:

- Bảo những cái ma, những cái quỷ ấy tránh ra cho người ta đi - Denixov quát to, hẳn anh ta đang cơn thịnh nộ, hai con mắt đen láy như than long lên sáng quắc, lòng trắng bốc lên như lửa; bàn tay nhỏ bé không đeo găng cũng đỏ gay như cái mặt, đang hoa thanh gươm chưa rút ra khỏi vỏ.

- Ê, Vaxka! - Nexvitxki vui mừng đáp lại - Nhưng cậu làm gì ở đây thế!

- Kỵ đội không qua được - Vaxka Denixov vừa nói to, giọng giận dữ, để lộ hàm răng trắng, vừa dùng cựa giày thúc con ngựa ô Beduyn. Con tuấn mã cụp tai lại mỗi khi chạm phải lưỡi lê, mồm thở phì phì, nước bọt phun ra đầu hàm thiếc, móng sắt thì cứ gõ uống ván cầu, tưởng như nó sẵn sàng nhảy qua lan can, miễn là người cưỡi cho phép.

- Thế là nghĩa lý gì? Bầy cừu! Thật là bầy cừu! Lui!… Tránh ra! Ê thằng kia, đứng lại! Cái xe kia, ừ, mày ấy, đồ quỷ! Thanh gươm này sẽ chém đứt đôi mày ra! - Chàng vừa quát vừa rút gươm ra khỏi vỏ và hoa lên.

Tốp lính sợ hãi dồn nhau lại và Denixov đã đến sát Nexvitxki.

- Làm sao hôm nay cậu lại không say hả? - Nexvitxki nói, khi Denixov đã đến gần.

- Nào họ có để cho mình có thì giờ say sưa! - Vaxka Denixov đáp - suốt ngày chỉ lôi trung đoàn đi hết chỗ này đến chỗ khác. Đánh nhau thì cứ đánh nhau ngay đi. Không thì chả còn ra cái quái gì nữa.
- Hôm nay cậu điên thật! - Nexvitxki vừa nói vừa nhìn kỹ cái áo lông mới toanh và tấm khăn thêu phủ lưng ngựa.

Denixov mỉm cười, rút trong cái bao đai ra một chiếc khăn tay sực nức mùi nước hoa và dí nó vào mũi Nexvitxki.

- Không thế không được, tôi sắp đi đánh nhau. Tôi đã cạo râu, đánh răng và xức nước hoa.

Vóc người vạm vỡ của người kèm theo một người cô-dắc và cái mặt kiên quyết của Denixov đang vung gươm quát tháo om sòm có hiệu lực khá mạnh làm cho hai người mở được con đường về phía cầu và chặn bộ binh lại. Ở đầu cầu, Nexvitxki tìm được viên đại tá đang cần gặp để truyền đạt mênh lệnh và sau khi nhiệm vụ đã làm xong liền quay trở về. Mở được một con đường cho đơn vị mình, Denixov dừng lại ở cửa cầu. Ung dung nắm cương con ngựa đang cuốc chân trước xuống đất vì nóng nảy muốn tìm đồng loại, chàng nhìn về phía kỵ đội của mình đang đi tới.

Trên ván cầu vang lên những âm thanh trong suốt của móng ngựa nghe như có nhiều con ngựa đang phi, rồi cả kỵ đội, sắp hàng bốn, sĩ quan đi đầu, kéo dài ra trên cầu và bắt đầu đi sang bờ bên kia.

Đoàn bộ bấy giờ đã bị chặn lại và đang chen chúc trên khoảng đất bùn bị giẫm nhão nhoét ra ở đầu cầu, với cái tâm trạng đối địch và mỉa mai mà các binh chủng khác nhau thường có mỗi khi gặp nhau, nhìn quân phiêu kỵ sạch sẽ, bảnh bao, hàng ngũ chỉnh tề đang diễu qua trước mặt họ.

- Các cậu diện thật! Chỉ cho diễu qua quảng trường Potnovin là tốt.

- Làm gì cái của ấy? Họ chỉ cho chúng nó đi dạo để trưng bầy thôi mà - người khác nói.

- Bộ binh ơi, đừng tung bụi lên - một người lính phiêu kỵ nói đùa trong khi con ngựa hắn nhảy múa, làm toé bùn lên một người bộ binh.

- Bắt mày mang bạc đà, hành quân hai chặng là biết thân ngay, - người lính bộ binh vừa lấy ống tay áo quệt bùn trên mặt vừa nói, - chả phải người, thật là chim đậu tren lưng ngựa!

- Dikin ơi? Giá mày cưỡi ngựa thì đẹp lắm đấy, - một viên cai chế giễu một bộ binh gầy gò đang lom khom dưới cái bạc đà nặng trĩu.

- Cứ lấy một cái gậy để vào giữa hai chân, thế là mày được cưỡi ngựa rồi đấy, - một người lính phiêu kỵ chen vào.

============================================

Chú thích:

(1) Mũ lưỡi trai hình viên trụ cao, có ngù lông.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:36:10 pm
Phần II
Chương - 8

Số bộ binh còn lại vội vã qua cầu, đến đầu cầu thì tóp lại thành hình cái phễu. Bây giờ xe cộ đều đã qua hết, tình trạng chen lấn đã giảm bớt, và tiểu đoàn cuối cùng đã bước lên cầu. Chỉ có đội quân phiêu kỵ của Denixov là ở lại bên kia. Từ ngọn đồi cao nhất ở trước mặt cầu người ta có thể thấy quân địch ở đàng xa, nhưng đứng trên cầu thì không thấy được vì ở chỗ đất trũng, mà dòng sông chảy qua, chân trời bị một quả đồi chắn ngang cách đó không đầy nửa dặm. Ở phía trước có một khoảng đất trống, trên đó lác đác có những đội tuần tiễu cô-dắc của ta đang đi động. Đột nhiên trên dốc đường đối diện thấy hiện ra những đội quan mặc áo dài màu lam và những khẩu đại bác. Đó là quân Pháp. Một đội tuần tiễu cô-dắc phóng nước kiệu rút lui xuống chân dốc. Trong kỵ đội của Denixov, các sĩ quan và binh lính tuy cố nói chuyện khác và nhìn đi nơi khác, nhưng họ chỉ nghĩ đến sự việc đang xảy ra ở bên kia, và luôn luôn đưa mắt nhìn vào những cái vệt xuất hiện ở chân trời, mà họ nhận định là quân địch.

Vào buổi quá trưa, trời càng tạnh sáng, ánh nắng rực rỡ chiếu xuống dòng sông Đonao và những ngọn núi sẫm màu ở ung quanh. Mọi vật đều im lặng. Từ quả đồi bên kia, thỉnh thoảng có tiếng kèn đồng và tiếng quát tháo của quân địch vẳng lại. Giữa kỵ đội và quân địch, chỉ còn những đội tuần tiễu nhỏ. Một khoảng trống chừng sáu trăm thước ngăn cách hai bên. Quân địch không bắn nữa, và như thế lại càng làm cho người ta cảm thấy một cách rõ rệt cái giới tuyến nghiêm ngặt, đáng sợ, không đến gần được, không nắm giữ được, chia cách hai đạo quân đối địch.

"Quá một bước sang bên kia cái giới tuyến ấy - giống cái giới tuyến giữa dương thế và âm ti thì đã sang đến một cõi mịt mùng bí ẩn, bờ cõi của đau khổ và chết chóc. Và ở đó là những gì? Ở đó có những ai? Kia kìa, ở bên kia cánh đồng ấy, ở bên kia cái cây ấy, ở bên kia cái mái nhà nắng chiều ấy? Chẳng ai biết cả, nhưng mỗi người đều muốn biết; nghĩ đến khi vượt qua cái giới tuyến ấy thì sợ, nhưng đồng thời lại giục giã muốn vượt qua; mà ai cũng biết rằng trước sau rồi cũng pflải vượt qua cái tuyến ấy và sẽ biết ở bên kia như thế nào, chẳng khác gì trước sau rồi cũng sẽ biết bên kia cái chết như thế nào. Ấy thế mà mình vẫn mạnh khoẻ, vui vẻ, xốc xáo, và xung quanh cũng toàn những người mạnh khoẻ xốc xáo, phấn khởi như vậy". Trước mặt quân địch, mọi người đều nghĩ, hay ít ra cũng đều cảm giác như vậy, và cái cảm giác ấy làm cho mọi sự việc xảy ra lúc bấy giờ đều nổi bật lên, và các ấn tượng trở nên vui tươi và sắc nét.

Từ trên quả đồi bên phía địch, một làn khói phụt lên: kèm theo một tiếng đại bác nổ, rồi quả tạc đạn vừa rít vừa bay qua trên đầu đội phiêu kỵ. Các sĩ quan đang tụ tập đều trở về vị trí của mình. Các kỵ binh thì giục ngựa chỉnh đốn hàng ngũ. Trong kỵ đội, tất cả đều im lặng. Mọi người đều nhìn về phía trước, về phía quân địch, và nhìn vào bên chỉ huy kỵ đội, chờ mệnh lệnh. Một quả tạc đạn nữa bay qua, rồi một quả thứ ba. Rõ ràng quân địch nhằm vào đại đội phiêu kỵ, nhưng trái phá chỉ bay qua trên đấu họ với một tiếng nt đều và nhanh rồi rơi xuống một nơi nào ở phía sau. Các kỵ binh không ngoảnh lại, nhưng mỗi khi có tiếng nt của một quả tạc đạn, toàn đội với những bộ mặt khác nhau mà lại đồng nhất, đều nhớn người trên bàn đạp và nín thở trong khi quả tạc đạn bay qua, rồi lại buông người xuống yên ngựa, răm rắp như tuân theo một mệnh lệnh. Không hề quay đầu, các binh sĩ tò mò liếc mắt nhìn nhau để em bạn mình như thế nào. Trên mỗi gương mặt, từ Denixov đến người lính kèn, ở xung quanh môi và cằm đều hiện ra một nếp hằn lộ rõ tâm trạng căng thẳng, khích động và hồi hộp. Viên giám ngũ cau mày nhìn các binh sĩ, trông như đe doạ xử phạt. Viên chuẩn uý Mironov thì cúi mình xuống mỗi khi có một quả tạc đạn bay qua.

Bên sườn trái, Roxtov đang cưỡi con ngựa Gratsik đau chân nhưng hùng dũng; chàng sung sướng như một cậu học sinh đang qua một cuộc sát hạch trước mặt một công chúng đông đảo mà biết chắc rằng mình đang giải đáp xuất sắc. Chàng đưa đôi mắt trong trẻo và sáng sủa nhìn những người đứng xung quanh, tuồng như muốn cho mọi người đều chứng kiến cái thái độ bình tĩnh của mình dưới sự đe doạ của đạn đại bác. Tuy vậy, trên gương mặt chàng, nếp hằn mới lạ và nghiêm khắc kia cũng hiện ra xung quanh miệng.

- Ai đang cúi chào lom khom ở đằng kia thế hả? Chuẩn uý Mironov! Thế là không tốt, phải nhìn tôi đây này!

- Denixov quát to chàng đứng không yên cứ cưỡi ngựa đi qua lại trước mặt kỵ đội.

Bộ mặt của Vaxka - Denixov với cái mũ hếch lên, với món tóc đen nhánh và cái bóng dáng rút ngắn của anh, bàn tay gân guốc với những ngón tay ngắn và lông lá đang nắm chặt chuôi thanh kiếm tuốt trần, tất cả đều giống hệt như ngày thường, nhất là về chiều, khi anh ta đã uống hết hai chai; chỉ có điều là bây giờ mặt anh ta đỏ hơn. Ngẩng cao mái đầu bù xù lên như con chim đang uống nước, đôi chân nhỏ nhắn thúc riết cựa giày vào hông con ngựa Beduyn, Denixov phi về phía sườn bên kia kỵ đội, thân hình như ngã ngửa ra đằng sau, và cất giọng khàn khàn ra lệnh cho kỵ binh phải kiểm lại súng ngắn. Chàng đến cạnh Kirxten, viên thượng uý này là chỉ huy phó của kỵ đội, anh ta cưỡi một con ngựa cái rộng lưng và đằm tính, cho nó đi bước một đến trước mặt Denixov. Với bộ ria mép dài, gương mặt anh ta vẫn nghiêm trang như mọi khi, chỉ có đôi mắt sáng hơn ngày thường.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:36:50 pm
- Thế nào? - Anh ta nói với Denixov - Chắc cũng chả đánh nhau đâu. Rồi cậu xem, quân ta sẽ rút lui thôi.

- Có quỷ biết được chúng làm gì! - Denixov càu nhàu - Này Roxtov? - Anh ta ngoảnh về phía viên chuẩn uý gọi to, khi thấy bộ mặt vui vẻ của Roxtov. Bây giờ thì cậu mãn nguyện rồi chứ!

Rồi anh ta cười ra vẻ tán đồng, rõ ràng là rất bằng lòng về viên chuẩn uý. Roxtov cảm thấy sung sướng trọn vẹn. Vừa lúc ấy viên trung đoàn trưởng xuất hiện ở chân cầu. Denixov thúc ngựa tiến đến trước mặt vị chỉ huy.

- Thưa đại nhân! Xin ngài cho phép tôi tiến công. Tôi sẽ đánh lui bọn chúng.

- Tiến công gì mà tiến công! - Viên đại tá nói, giọng bực bội, và đồng thời nhăn mặt lại như để xua đuổi một con ruồi đang quấy rầy. - Anh còn ở đây làm gì? Anh thấy đó, lính cảnh giới đang rút. Cho kỵ đội rút về thôi!

Đại đội phiêu kỵ qua cầu và ra khỏi vùng đạn lửa, không tổn thương một người nào. Một kỵ đội khác đã lên tuyến cũng theo sau, và những người cô-dắc cuối cùng rời khỏi bờ bên kia.

Cả hai đại đội của trung đoàn Pavlograd, sau khi đã qua cầu, đều rút lên đồi. Đại tá trung đoàn trưởng Karl Bogdanovich Subert đi nhập vào với kỵ đội của Denixov và cho ngựa đi bước một, cách Roxtov không xa nhưng không để ý gì đến chàng cả, mặc dầu đây là lần đầu tiên họ gặp nhau từ cuộc xung đột giữa hai người về vụ Telyanin. Bây giờ ra trận, Roxtov thấy mình ở trong tay người ấy, mà mình lại có lỗi đối với người ta, nên hai mắt cứ đăm đăm nhìn vào tấm lưng lực sĩ, cái gáy tóc vàng và cái cổ đỏ gay của viên trung đoàn trưởng. Khi thì chàng cho rằng Bogdanyts chỉ giả vờ hờ hững đối với chàng và mục đích duy nhất của lão lúc bấy giờ là thử thách lòng can đảm của viên chuẩn uý. Chàng ưỡn ngực lên và vui vẻ đưa mắt nhìn quanh; khi thì chàng cho rằng Bogdanyts cố ý đi gần mình để phô trương lòng can đảm của lão. Khi thì chàng tự nhủ rằng đối phương của mình sẽ đưa kỵ đội vào một trận tập kích liều lĩnh để trừng phạt mình, Roxtov. Hay cũng có thể sau trận tấn công, viên đại tá sẽ tiến đến trước mặt mình và sẽ đưa ra một bàn tay hào hiệp để hoà giải với mình là người lúc bấy giờ đã bị thương.

Zerkov, với cái bóng dáng có đôi vai nhô lên mà quân phiêu kỵ Pavlograd rất quen thuộc (anh ta mới rời trung đoàn chưa được bao lâu) đến gặp viên đại tá. Sau khi bị trục khỏi Đại bản doanh, Zerkov không ở lâu trong trung đoàn, anh ta tự nhủ dại gì mà đày đoạ tấm thân trong hàng ngũ trong khi ở bộ tham mưu cũng chẳng làm gì cả cũng được thăng chức rất nhanh, và anh ta đã khéo chạy vạy để được bổ nhiệm chức sĩ quan phụ tá của công tước Bagration. Giờ đây anh ta mang lại cho quan thầy cũ một mệnh lệnh của quan
Tư lệnh đạo quân hậu vệ.

- Thưa đại tá - Anh ta nói với đối phương của Roxtov với bộ mặt nghiêm trang và ảm đạm mà anh ta thường có, đồng thời đưa mắt nhìn các bạn cũ - có lệnh phải dừng lại và phải châm lửa đốt cầu.

- Lệnh của ai? - Viên đại tá hỏi, giọng càu nhàu.

- Thật tôi cũng không biết đích xác là của ai, thưa đại tá - viên thiếu uý nghiêm trang đáp - nhưng công tước có dặn tôi: "Anh phải đi ngay và bảo đại tá phải lập tức cho quân phiêu kỵ quay lại châm lửa đốt cầu".
Sau Zerkov có một viên sĩ quan tuỳ tùng cũng mang đến một mệnh lệnh như thế cho viên đại tá phiêu kỵ.
Theo sau viên sĩ quan là Nexvitxki dáng người to béo, cưỡi con ngựa cô-dắc mệt lử vì phải mang chàng trên lưng mà phi.

- Kìa, đại tá, - chàng kêu lên ngay trước khi dừng ngựa - tôi đã bảo ông châm lửa vào cầu, thế mà người nào đã làm rối beng cả lên; Ở bên ấy phát điên cả rồi chắc, thật chẳng còn hiểu ra sao nữa.

Viên đại tá thong thả ra hiệu cho trung đoàn dừng lại, và nói với Nexvitxki.

- Ngài có nói với tôi về những chất liệu dẫn hoả - nhưng về chuyện châm lửa đốt cầu, thì ngài có nói gì với tôi đâu!

- Sao lại thế, ông bạn ơi, - Nexvitxki vừa nói vừa dừng lại và cất mũ lưỡi chai đưa bàn tay mập mạp lên vuốt mái tóc ướt đẫm mồ hôi - làm sao tôi lại không bảo ông châm lửa đốt cầu, khi đã nói đặt chất dẫn hoả vào đấy?

- Tôi không phải là "ông bạn thân" của ngài, thưa ngài sĩ quan tham mưu, và ngài không hề bảo tôi châm lửa đốt cầu! Tôi biết phần việc của tôi và tôi có thói quen chấp hành mệnh lệnh một cách tỉ mỉ. Ngài có nói là sẽ châm lửa, nhưng ai châm lửa, thì nào tôi có phép của đấng Thánh Linh(1) đâu mà biết?

- Thôi được, ông thì bao giờ cũng thế - Nexvitxki khoát tay nói - Cậu đến đây có việc gì? - Chàng hỏi Zerkov.

- Cũng như cậu. Nhưng cậu ướt hết rồi còn gì, để tôi vắt cho cậu.

- Thưa ngài sĩ quan tham mưu, ngài có nói… - Viên đại tá lại nói tiếp, giọng giận dỗi.

- Thưa đại tá - viên sĩ quan tuỳ tùng ngắt lời - phải làm gấp nếu không, quân địch sẽ tiến đại bác đến tầm bắn đạn ria.

Viên đại tá lặng lẽ hết nhìn viên sĩ quan tuỳ tùng lại nhìn viên sĩ quan tham mưu to béo, rồi nhìn sang Zerkov và cau mày.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:37:27 pm
- Tôi sẽ đi đốt cầu - Ông ta nói một cách long trọng, dường như để tỏ ra rằng dầu họ có quay nhiễu ông ta đến đâu, ông ta cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ.

Hai cẳng chân gân guốc thúc cựa giày vào hông con ngựa, làm như thể lỗi tại nó tất, viên đại tá tiến lên phía trước và ra lệnh cho kỵ đội thứ hai - tức là kỵ đội trong đó có Roxtov phục vụ dưới quyền Denixov - phải trở lại cầu. "Đích rồi, chính đúng như thế - Roxtov tự nhủ - lão ta muốn thử thách mình!" Lòng chàng se lại và bao nhiêu máu trong tim đều dồn lên mặt. "Rồi lão xem mình có phải là một thằng hèn không".
Một lần nữa, cái thần sắc nghiêm trang đã từng xuất hiện trong khi tạc đạn bay qua bây giờ hiện rõ trên những gương mặt vui vẻ của binh sĩ trong kỵ đội. Hai con mắt của Roxtov không rời khỏi đối phương là viên đại tá, vì chàng muốn tìm trên mặt lão một dấu hiệu gì xác thực cho những mối nghi ngờ của chàng; nhưng viên đại tá không hề nhìn chàng một lần nào, vẻ mặt anh ta nghiêm nghị và long trọng: khi ra trận bao giờ cũng vậy. Một tiếng hô vang lên.

- Mau lên! Mau lên! - Mấy người đứng gần Roxtov quát dồn.

Với những đôi cựa giày lách cách, những thanh gươm vướng vào cương ngựa, quân phiêu kỵ hấp tấp nhảy cả xuống đất, không biết phải làm gì. Mọi người đều làm dấu chữ thập. Roxtov không nhìn viên đại tá nữa, chàng không có thì giờ. Chàng cứ bồn chồn lo sợ rằng mình sẽ tụt lại đằng sau quân phiêu ky. Tay chàng run trong khi giao ngựa cho người kỵ binh quân mã và chàng cảm thấy một luồng máu nóng đang rừng rực dồn vào tim. Denixov, người ngả ra đằng sau, cưỡi ngựa đi qua trước mặt chàng, miệng hô lớn một hiệu lệnh gì không rõ. Roxtov không thấy vì cả ngoài những người kỵ binh chạy xung quanh chàng, cựa giày vướng vào nhau, gươm kêu lách cách trong vỏ.

- Cáng đâu? - Phía sau lưng chàng có tiếng kêu.

Roxtov không tự hỏi người ta gọi mang cáng lại để làm gì, càng cắm cổ chạy, chỉ cố sao đến trước mọi người, nhưng khi đến cầu, vì không nhìn xuống chân, chàng bị lún trong lớp bùn trơn dính đã bị giẫm nát nhão ra, vấp chân ngã chồm ra phía trước, hai tay chống xuống đất.

Những người khác vượt lên.

- Cho đi hai bên, đại uý - tiếng viên đại tá nói, ông đã đến từ trước và cưỡi ngựa đứng gần cầu, bộ mặt
đắc thắng và vui vẻ.

Roxtov chùi hai tay lấm bùn vào quần, ngoảnh đầu về phía đối phương, muốn tiếp tục chạy lên và tự nhủ rằng chạy càng xa chừng nào hay chừng ấy. Nhưng Bogdanyts không nhìn chàng và cũng không nhận ra chàng, mà chỉ quát bảo:

- Ai chạy giữa cầu thế kia? Đi bên phải? Chuẩn uý, lùi lại - lão quát to, bực tức, và quay về phía Denixov đang cưỡi ngựa đi trên ván cầu để khoe khoang lòng dũng cảm của mình, nói:

- Đại uý, mạo hiểm làm gì? Xuống ngựa đi bộ thôi!

- Chà, nó sẽ trúng vào ai đáng trúng! - Vaxka Denixov vừa đáp vừa trở mình trên yên ngựa.

Trong khi ấy Nexvitxki, Zerkov và viên sĩ quan tuỳ tùng đứng cạnh nhau ở ngoài tầm súng, khi thì nhìn dúm người đội mũ ca-sô vàng, khoác áo đôn-man màu lục thẫm có nẹp ngang và mặc quần màu lam, đang rộn rịp gẩn cầu, khi thì trông sang bên kia cầu, về phía những bộ quân phục màu thanh thiên và những nhóm người xen lẫn với ngựa ở tận đằng xa, đang tiến lại gần, mà người ta có thể dễ dàng nhận ra là những đơn
vị pháo binh.

"Họ có kịp châm lửa vào cầu hay không? Ai sẽ đến trước? Quân ta có đến được cầu và châm lửa không hay là quân Pháp sẽ tới vừa tầm đạn ria và sẽ quét sạch hết?". Dầu muốn hay không, ai nấy đều hồi hộp tự đặt cho mình những câu hỏi ấy, trong đám người đông đúc đứng ở phía trên đang nhìn xuống cái đầu và toán lính phiêu kỵ dưới ánh mặt trời lặn, nhìn những cái áo dài màu thanh thiên xen lẫn với những lưỡi lê và những khẩu đại bác đang tiến lại gần.

- Ồ, đội phiêu kỵ rồi sẽ ăn đạn mất - Nexvitxki nói. - Họ không còn xa tầm đạn ria bao nhiêu nữa.

- Đem nhiều người như vậy thật là thất sách - viên sĩ quan tuỳ tùng nói.

- Thật đấy - Nexvitxki nói - chỉ phái hai người là được rồi, cũng thế thôi mà.

- À, thưa Đại nhân - Zerkov nói chen vào câu chuyện, mắt không rời đội quân phiêu kỵ nhưng vẫn giữ bộ
mặt ngớ ngẩn, làm cho người ta không biết được anh ta nói thật hay đùa. - À, thưa Đại nhân! Ngài dạy thế nào ạ? Chỉ phái hai người đến thì làm thế nào cho mọi người đều được huân chương Vlađimir hạng ba? Còn làm như thế này thì tuy có ăn đạn thật, nhưng có thể đề nghị cho tất cả kỵ đội được khen thưởng mà chính mình cũng được chút băng đeo ngực. Lão Bogdanyts của chúng ta thật là biết xử sự.

- Ấy đấy - viên sĩ quan tuỳ tùng nói - nó bắn đạn ria kia kìa!

Anh ta chỉ những khẩu pháo của quân Pháp vừa tháo khỏi xe và đang gấp rút tiến lên.

Về phía quân Pháp, trong những nhóm có đại bác, một làn khói bay lên, rồi một lần nữa, rồi một làn thứ ba, hầu như đồng thời với nhau và đến khi nghe tiếng nổ thứ nhất thì thấy một làn khói thứ tư.

Có hai tiếng nổ kế tiếp nhau, rồi đến tiếng nổ thứ ba.

- Ồ… ồ - Nexvitxki rên rỉ như đang đau điếng người, và nắm lấy cánh tay của viên sĩ quan tuỳ tùng - Xem
kia, một người ngã, ngã rồi, ngã rồi!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:39:25 pm
- Hai người thì phải?

- Tôi mà là Sa hoàng thì không bao giờ tôi gây ra chiến tranh - Nexvitxki nói đoạn ngoảnh mặt đi.

Quân Pháp lại hối hả nạp đạn vào súng đại bác. Bộ binh mặc áo dài màu thanh thiên tiến nhanh về phía cầu. Lại như trước, nhưng cách quãng không đều, những làn khói bay lên rồi đạn ria nổ lách tách quất vào đầu. Nhưng lần này Nexvitxki không thể trông thấy những gì đang diễn ra ở đấy. Một làn khói dày đặc từ cầu bay lên.

Quân phiêu kỵ đã châm được lửa vào cầu và những tổ pháo của quân Pháp bấy giờ đang bắn vào họ, không phải là để ngăn cản họ đốt cầu nữa mà chỉ vì mấy khẩu pháo đã chót chĩa về hướng ấy rồi và đang có một cái bia để bắn.

Quân Pháp đã bắn được ba loạt đạn ria trước khi quân phiêu kỵ trở về chỗ ngựa đứng. Hai loạt trước bắn không chính xác, đạn ria chỉ bay qua đầu, nhưng loạt sau cùng thì trúng vào chính giữa một đám phiêu kỵ đánh ngã ba người.

Roxtov bấy giờ đang bận tâm về những quan hệ giữa mình và Bogdanyts, đứng lại bên cầu, không biết nên làm gì. Không ai để cho chàng chém cả (chàng vẫn hình dung chiến trận như vậy), chàng cũng không thể giúp đỡ người khác châm lửa đốt cầu, vì chàng không mang theo một mồi rơm như người khác. Chàng đang đưa mắt nhìn quanh, bỗng có cái gì kêu lách tách trên cầu, dường như có ai vãi một mớ hạt dẻ, rồi người ky binh đứng gần chàng nhất vừa rên rỉ vừa gục ngã vào lan can. Đồng thời với mọi người, Roxtov chạy đến chỗ người lính. Lại như lần trước, một người kêu lên "Cáng đây!" Bốn người túm lấy vực lên.

- Ô… ô… Cứ để mặc tôi, vì Chúa - người bị thương kêu lên nhưng họ vẫn nâng hắn lên và hắn duỗi ra.

Nikolai Roxtov ngoảnh mặt đi và, như muốn tìm kiếm cái gì, chàng thờ thẫn đưa mắt nhìn về phía xa; nhìn nước sông Đonao, nhìn vòm trời, nhìn vầng thái dương. Vòm trời hôm nay sao đẹp quá, xanh ngắt, yên lặng, sâu thẳm! Vầng thái dương đang từ từ lãn về phía chân trời sao mà rực rỡ và trang trọng quá. Xa xa, nước sông Đonao long lanh êm dịu quá! Và càng đẹp hơn nữa là những rặng núi biếc xa tít, ở bên kia sông Đonao, là tu viện là những hẻm núi huyền bí, là những cánh rừng thông chìm đến tận ngọn trong đám sương chiều… ở đó là thanh bình, là hạnh phúc. "Ta không còn muốn gì nữa, ta không còn cần gì nữa, miễn là ta còn được ở đó, - Roxtov tự nhủ chỉ riêng trong mình ta và trong vầng thái dương kia đã có biết bao nhiêu là hạnh phúc, mà ở đây thì… toàn những tiếng rên rỉ, những nỗi đau khổ, sợ hãi, hỗn độn tán loạn…

"Kìa họ lại quát tháo cái gì và lại như trước, mọi người đều chạy về phía sau, không biết đi đâu, và ta cũng sắp chạy với họ, và nó đây, cái chết đây rồi, ở trên đầu ta, ở xung quanh ta… Chỉ một lát nữa thôi, và sẽ không bao giờ ta còn thấy vầng thái dương này, mặt nước này, các hẻm núi này nữa…"

Lúc ấy mặt trời bắt đầu lấp sau những đám mây; mấy chiếc cáng khác đi qua trước mắt Roxtov. Nỗi khiếp sợ trước cái chết, trước những chiếc cáng ấy, và lòng quý chuộng vầng thái dương, quý chuộng cuộc sống, tất cả đều đúc lại thành một ấn tượng đau đớn và da diết. "Lạy Chúa? Lạy đấng thiêng liêng đang ở trên trời cao kia, xin hãy cứu con, hãy tha thứ và phù hộ cho con!" - Roxtov nhẩm một mình.

Quân phiêu kỵ đã về đến chỗ những người quản mã đứng đợi, tiếng nói của mọi người đều trở lại mạnh mẽ và bình tĩnh, mấy cái cáng đã mất hút.

"Ê chú mày, đã ngửi thấy mùi thuốc súng rồi chứ?" - Giọng nói của Denixov quát to bên tai chàng.

"Thế là mọi việc đã xong xuôi; nhưng mình là một thằng hèn, phải, mình là một thằng hèn".

Roxtov tự nhủ; và thở dài não ruột, chàng cầm lấy cương con ngựa Gratsik mà người quản mã trao cho chàng và nhảy lên mình nó.

- Lúc nãy là cái gì thế hả? Nó bắn đạn ria à? - Chàng hỏi Denixov.

- Hạng nặng ấy chứ lại? - Denixov nói to - Bọn mình làm ăn cừ lắm! Mà công việc thì chẳng hay hớm gì!
Xung kích nói sướng, cứ chặt vào đống người, nhưng đằng này thì có quỉ biết được, nó bắn mình như bắn bia.

Rồi Denixov đi sang một nhóm người đang đứng cách Roxtov không xa, trong đó có viên đại tá, Nexvitxki, Zerkov và viên sĩ quan tuỳ tùng.

"Thế nhưng hình như không có ai để ý cả", - Roxtov tự nhủ - Mà quả đúng như vậy, không ai để ý một tí nào cả, vì mỗi người đều đã trải qua cái tâm trạng mà viên chuẩn uý còn ít kinh nghiệm đã thể nghiệm lần đầu tiên.

- Thế cũng đủ để viết báo cáo rồi - Zerkov nói - biết đâu đấy, chính tôi cũng có thể thăng chức thiếu uý.

- Ông hãy báo cáo với công tước rằng "tôi" đã đốt cầu - viên đại tá nói giọng long trọng và vui vẻ.

- Thế nếu công tước hỏi tôi về tổn thất thì sao?

- Không đáng kể, - viên đại tá nói giọng trầm - hai kỵ binh bị thương và một kỵ binh nữa chết tại chỗ -
Ông ta nói thêm, vui vẻ rõ rệt và không nén được một nụ cười sung sướng trong khi nhấn mạnh hai chữ "tại chỗ".

=====================================================

Chú thích:

(1) Một trong "ba ngôi" của Đức Chúa trời (Sanutus Spirilus) sách công giáo ở nước ta thường dịch là Đức chúa Thánh Thần.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:43:27 pm
Phần II
Chương - 9
     
Bị mười vạn quân của Buônapáctê truy kích, đi đến đâu cũng bị dân coi như thù địch, không còn dám tin cậy vào đồng minh nữa, phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực và buộc lòng phải tác chiến ngoài tất cả những điều kiện chiến tranh có thể dự kiến được, ba vạn quân Nga do Kutuzov chỉ huy hối hả rút lui dọc theo sông Đonao về phía xuôi, nơi nào bị quân địch đuổi kịp thì dừng lại, dùng hậu quân chặn địch trong chừng mực vừa đủ để cho quân đi thoát mà không mất các đoàn xe tải nặng nề. Đã có những trận giao chiến diễn ra ở gần Lambakh, Amstette và Melk; nhưng bất chấp tinh thần dũng cảm và kiên cường của quân Nga, mà quân địch cũng phải công nhận, những chiến sự ấy chỉ có kết quả làm cho quân Nga rút lui mau chóng hơn. Những tốp quân Áo không bị bắt dưới thành Ulm và đã liên lạc được với quân của Kutuzov ở gần Braonao thì bây giờ đã tách ra khỏi quân đội Nga, và Kutuzov chỉ còn lại những lực lượng yếu ớt và mệt mỏi của mình. Không thể nói chuyện giữ thành Viên được nữa. Bây giờ không còn là một cuộc chiến tranh thế công, có chuẩn bị chu đáo, theo những quy luật của một khoa học mới, khoa chiến lược học, mà bộ tham mưu Áo đã trao kế hoạch cho ông ta lúc ông còn ở Viên. Bây giờ thì cái mục tiêu duy nhất, hầu như không thể đạt được của Kutuzov, là thực hiện việc liên lạc với những đạo quân từ nước Nga sang, chứ không thể cho quân mình bị tiêu diệt như Mack ở thành Ulm.

Ngày hai mươi tám, tháng mười, Kutuzov dem quân sang tả ngạn sông Đonao và nghỉ chân lần đầu tiên, dùng sông Đonao làm một chướng ngại ngăn cách quân mình với những lực lượng chính của quân Pháp. Ngày ba mươi, ông ta tiến công sư đoàn Morchie ở tản ngạn và đã thắng trận. Trong trận này đã thu được những chiến lợi phẩm đầu tiên: Một lá cờ, mấy khẩu đại bác và hai viên tướng địch. Lần đầu tiên, sau khi lui quân luôn mười lăm ngày, quân đội Nga đã dừng lại và, sau một trận đánh, không những đã giữ được trận địa, mà còn truy kích quân Pháp nữa. Mặc dầu quân sĩ đều rách rưới mệt nhọc, và quân số giảm mất một phần ba vì những người bị tụt lại phía sau, những người bị thương, những người chết và những người ốm; mặc dầu đã phải để thương binh và bệnh binh lại bên kia sông Đonao với một bức thư của Kutuzov uỷ thác họ cho lòng nhân đạo của quân địch; tuy ở Kremx những bệnh viện lớn và những nhà tu biến thành bệnh xá không còn dung nạp được hết bệnh binh và thương binh, mặc dầu tất cả những điều đó, việc nghỉ chân ở Kremx và trận đánh bại sư đoàn Morchie cũng đã nâng tinh thần quân đội lên một cách đáng kể. Trong toàn quân và ở Đại bản doanh lưu hành những tin đồn rất đáng phấn khởi tuy không xác thực về những đạo quân từ Nga sắp sang, về một trận thắng nào đấy của quân Áo, và về cuộc rút lui hoảng hốt của Buônapáctê.

Trong trận này, công tước Andrey tham chiến bên cạnh Smitch, viên tướng Áo đã tử trận trong chiến sự. Con ngựa của chàng đang cưỡi trúng đạn bị thương và chính chàng cũng bị một viên đạn làm xây xát cánh tay. Do đặc ân tổng tư lệnh, công tước Andrey được phái đi đưa tin chiến thắng về triều đình nước Áo bấy giờ không còn ở Viên là nơi đang bị quân Pháp uy hiếp, mà ở Bruyn. Trong đêm xảy ra chiến sự, công tước Andrey, tuy có xúc động nhưng không mệt mỏi (mặc dầu xem bề ngoài thể chất của chàng không được khoẻ lắm, nhưng chàng có sức chịu mệt nhiều hơn nhiều người rất khoẻ) đã đi ngựa đến Kremx mang theo một số bản báo cáo của Đokhturov trình lên Kutuzov và ngay đêm ấy được phái làm tín sứ đi Bruyn. Việc được cử làm tín sứ như vậy, chưa kể những sự khen thưởng thường lệ là một bước quan trọng trên con đường thăng quan tiến chức.

Đêm ấy trời tối nhưng nhiều sao; con đường nổi bật lên thành một dải đen sì giữa cánh đồng tuyết trắng mới rơi xuống hôm qua, ngày xảy ra chiến sự. Khi thì ôn lại những ấn tượng của mình trong trận đánh vừa qua, khi thì hình dung những niềm vui sướng của mọi người khi được biết cái tin chiến thắng mà mình sắp mang đến, khi thì hồi tưởng lại lời từ biệt của chủ tướng và của anh em đồng sự lúc mình ra đi, công tước Andrey lướt nhanh trên cỗ xe bưu trạm và thể nghiệm cái tâm trạng của một người phải chờ đợi từ lâu đến nay sắp hưởng được cái hạnh phúc mình hằng mong ước. Hễ chàng nhắm mắt lại thì tiếng súng trường, tiếng đại bác lại đì đùng bên tai, hoà lẫn với tiếng bánh xe và với tâm trạng chiến thắng. Có khi chàng mường tượng rằng quân Nga đã thua trận và chính mình đã tử trận nhưng chàng lại sực tỉnh và vui sướng thể nhận lại một lần nữa rằng sự thật hoàn toàn không phải thế, mà trái lại, chính là quân Pháp đã thua trận. Chàng nhớ lại từng chi tiết trong trận chiến thắng, nhớ lại thái độ dũng cảm ung dung của bản thân trong chiến trận, rồi chàng an tâm và ngủ thiếp đi.

Đêm tối đầy sao đã qua, một ngày sáng sủa và vui tươi đã đến. Tuyết đã bắt đầu tan dưới ánh sáng ngựa phi rất nhanh và ở bên phải, ở bên trái, những cảnh mới lạ, muôn mầu muôn vẻ, những cánh đồng, những khóm rừng, những làng mạc thi nhau diễu qua trước mắt chàng.

Đến một trạm, chàng gặp một đoàn xe chở thương binh Nga. Viên sĩ qua phụ trách đoàn xe, nằm kềnh ra trên cái xe tải đi đầu, đang chửi mắng thậm tệ một người lính. Trong mỗi cái xe dài kiểu Đức có sáu thương binh hay nhiều hơn, nhợt nhạt, bẩn thỉu, vải băng cuốn đầy mình, đang bị xe xóc lắc lư trên đường đá. Có người đang nói (chàng nghe rõ những âm hưởng những câu tiếng Nga), có người đang nhai bánh mỳ, những người bị thương nặng thì với cái vẻ mặt chăm chú, kiên nhẫn và đau đớn của con trẻ, đang lặng lẽ nhìn viên tín sứ vượt qua.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:44:18 pm
Công tước Andrey bảo xe dừng lại và hỏi một người lính xem họ đã bị thương trong chiến hào nào.

- Ngày hôm kia trên sông Đonao, - người lính đáp.

Công tước móc lấy túi tiền và đưa cho anh ta ba đồng tiền vàng.

- Bảo chia cho mọi người, - chàng nói thêm với viên sĩ quan vừa đến gặp chàng. - Thôi anh em cố gắng bình phục cho mau nhé, còn nhiều việc phải làm đấy - chàng nói với các binh sĩ.

- Thưa ngài sĩ quan phụ tá, tin tức ra sao ạ? - Viên sĩ quan hỏi rõ ràng muốn khơi chuyện.

- Tin lành cả! Ta đi thôi? - Chàng bảo người đánh xe và tiếp tục cuộc hành trình.

Khi công tước Andrey vào thành Bruyn thì trời đã tối hẳn, chàng thấy xung quanh mình san sát những ngôi nhà cao, những ánh đèn ở các hiệu buôn hắt ra, những khung cửa sổ và những chiếc cột đèn, những chiếc xe kiệu thanh lịch lăn trên đá lát đường, cả cái không khí của một thị trấn náo nhiệt thường có sự hấp dẫn rất mạnh đối với các quân nhân sau những ngày sống ở doanh trại. Mặc dầu cả ngày xe chạy rất nhanh, mặc dầu suốt một đêm không ngủ, khi gần đến cung điện, chàng vẫn cảm thấy mình còn hoạt bát hơn ngày hôm qua. Chỉ có điều là mắt chàng sáng long lanh như mắt của người đang lên cơn sốt và những ý nghĩ của chàng kế tiếp nhau với một tốc độ và một sự sáng suốt phi thường. Chàng thấy lại từng chi tiết trong trận hỗn chiến, không phải trong đám mây mù của kí ức mà lại dưới hình thức một bản thuyết trình gọn ghẽ mà trong tưởng tượng chàng đang báo cáo trước mặt hoàng đế Frantx. Chàng tưởng rằng mình sẽ được trình diện ngay trước hoàng đế. Nhưng đến trước cửa chính của Hoàng cung thì một viên thư lại chạy đến trước mặt chàng và khi biết chàng là một tín sứ liền dẫn chàng vào một lối khác.

- Cứ đi theo dãy hành lang bên tả, đại nhân sẽ gặp sĩ quan phụ tá trực nhật - viên thư lại bảo chàng - người ấy sẽ dẫn ngài vào ra mắt quan Tổng trưởng bộ chiến tranh.

Viên sĩ quan hành dinh trực nhật đón công tước Andrey, mời công tước ngồi chờ, rồi đi báo cáo với Tổng trưởng bộ chiến tranh.

Năm phút sau hắn trở về, cúi đầu một cách rất cung kính và nhường bước cho công tước Andrey, rồi theo chàng để chỉ dẫn cho chàng đi qua dãy hành lang mà vào phòng giấy của quan Tổng trưởng. Xem chừng như cái lễ độ kiểu cách quá đáng của viên sĩ quan phụ tá là để đề phòng mọi cử chỉ xuề xoà thân mật mà viên sĩ quan phụ tá Nga có thể có. Cảm giác vui mừng của công tước giảm đi rất nhiều trong khi chàng đi đến gần ngưỡng cửa phòng giấy ông Tổng trưởng chiến tranh. Chàng cảm thấy như bị làm nhục và cùng một lúc cái cảm giác sỉ nhục. Ấy lại biến thành một tâm trạng khinh bỉ vô căn cứ mà chính chàng cũng không tự giác.

Nhưng trí óc nhạy bén của công tước Andrey gợi ngay cho chàng một quan điểm cho phép chàng được khinh bỉ cả viên sĩ quan phụ tá lẫn viên Tổng trưởng chiến tranh. "Có lẽ bọn này cho rằng chiến tranh cũng dễ dàng thôi, vì chúng không ngửi thấy mùi súng đạn", chàng tự nhủ. Hai mắt chàng nheo nheo lại một cách khinh bỉ và khi vào phòng Tổng trưởng, chàng cố ý đi rất chậm rãi. Ấn tượng khó chịu của chàng càng tăng thêm khi chàng thấy viên đại thần, ngồi trước một cái bàn rộng, trong khoảng hai phút đầu không hề để ý đến người mới đến. Ông ta đang cúi mái đầu hói với hai mảng tóc hao râm bên tai, giữa hai cây sát vàng và đang đọc những tờ công văn, chốc chốc lại lấy cây bút chì phê duyệt.

Khi nghe cửa mở và có tiếng chân bước vào thì ông ta đã xem xong, nhưng cũng không ngẩng đầu lên.

- Đây, anh nhận lấy và chuyển đi - Ông ta nói với viên sĩ quan phụ tá trong khi đưa công văn cho hắn, nhưng ông ta vẫn chưa để ý đến người tín sứ.

Công tước Andrey cảm thấy rằng trong công việc của viên đại thần thì cuộc hành quân của Kutuzov là một công việc mà ông ta ít quan tâm hơn hết, hoặc giả ông ta thấy cần để cho viên tín sứ nước Nga nhận thấy như vậy. "Nhưng cái đó chẳng có chút gì quan trọng đối với ta cả" - chàng thầm nghĩ.

Viên đại thần xếp các giấy tờ khác và so lại cho cân rồi ngẩng đầu lên. Gương mặt ông ta thông minh và cương nghị. Nhưng chỉ trong một lát, khi ông ta ngoảnh đầu lại phía công tước Andrey thì cái thần sắc thông minh và cửơng nghị biến đâu mất, chắc là do một tập quán có dụng tâm trên gương mặt ông ta ngưng lại cái nụ cười khờ khạo giả dối của một người luôn luôn phải tiếp những kẻ đến xin xỏ.

- Người của đại nguyên soái Kutuzov thì phải? - Ông ta hỏi - chắc là tin mừng? Vừa giao chiến với Morchie? Thắng lợi à? Thật là đúng lúc!

Ông ta cầm lấy tờ khẩn cáo đề tên mình và giơ lên đọc với vẻ mặt buồn rầu.

- Ôi, lạy Chúa, lạy Chúa! Smitch? - Ông ta nói bằng tiếng Đức - rủi ro quá! Rủi ro quá!

Sau khi đọc lướt qua tờ khẩn cáo, ông ta đặt nó lên bàn và nhìn công tước Andrey với vẻ mặt tư lự như đang suy tính một điều gì.

- Chà, rủi ro làm sao! Ông có nói đây là một trận quyết định à? Thế nhưng Morchie có bị bắt đâu? - Ông ta suy nghĩ một lúc - Ông đem lại tin mừng, tôi rất lấy làm sung sướng, tuy cái chết của Smitch là một giá mua rất đắt đối với trận chiến thắng. Có lẽ hoàng đế sẽ vui lòng cho ông ta vào bệ kiến, nhưng hôm nay thì chưa. Thôi cảm ơn ông; ông hẵng nghỉ ngơi đã. Ngày mai sau cuộc diễu binh ông nên có mặt ở triều
yết. Và tôi cũng sẽ cho người vào báo cho ông biết trước.
   
Nụ cười ngốc nghếch đã biến mất trong khi nói chuyện giờ lại hiện lên trên khuôn mặt của viên Tổng trưởng chiến tranh.

- Xin chào ông, tôi xin cám ơn ông vạn bội. Chãc là đức hoàng thượng sẽ mời ông vào bệ kiến, - Ông ta nhắc lại trong khi nghiêng đầu chào.
   
Khi ra khỏi hoàng cung công tước Andrey cảm thấy mình đã để lại trong bàn tay hững hờ của viên sĩ quan phụ tá cung kính tất cả sự quan tâm của chàng đối với trận chiến thắng và niềm vui sướng mà nó đã đem lại cho chàng. Trong chốc lát, tất cả cách nhìn của chàng về việc ấy đã thay đổi, việc chiến sự hôm nọ chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi, cũ kỹ đối với chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:45:10 pm
Phần II
Chương - 10

Đến thành Bruyn, công tước Andrey ở lại nhà người quen cũ là nhà ngoại giao Nga Bilibin. Bilibin ra tiếp công tước Andrey và nói:

- Ồ công tước đấy à, còn gì quý hoá bằng? Frantx, mày đưa hành lý của công tước vào phòng ngủ của ta
- Bilibin bảo người đầy tớ đã đưa công tước Andrey vào.

- Thế nào? Anh là sứ giả của thắng lợi đấy chứ! Tuyệt quá. Còn tôi thì đang ốm dở đây, chắc anh cũng thấy.
   
Công tước Andrey tắm rửa, thay quần áo rồi vào gian phòng làm việc lộng lẫy của nhà ngoại giao và ngồi trước bữa ăn vừa dọn ra cho chàng. Bilibin ngồi thoải mái cạnh lò sưởi.

Công tước Andrey đã phải thiếu thốn mọi thứ tiện nghi của cuộc sống sạch sẽ và hoa lệ - không những trong lúc đi đường, mà còn suốt cả thời gian hành quân nữa, cho nên chàng cảm thấy thích thú khi nghỉ ngơi giữa cái khung cảnh sinh hoạt sang trọng mà chàng vẫn quen sống từ bé. Không những thế, sau khi được người Áo tiếp, chàng cảm thấy thú vị được nói chuyện, nếu không phải bằng tiếng Nga (hai người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp) thì ít nhất là với một người Nga, mà theo ý chàng, cũng có cái cảm giác chung của người Nga đối với người Áo (lúc bấy giờ ác cảm này là đặc biệt sâu sắc).

Bilibin là một người trạc ba mươi lăm, sống độc thân và cũng thuộc một tầng lớp xã hội như công tước Andrey! Hai người quen nhau từ hồi ở Petersburg nhưng họ càng thân nhau hơn trong thời gian gần đây, khi công tước Andrey đến Viên với Kutuzov. Nếu công tước Andrey là một người trẻ tuổi có nhiều hứa hẹn về quân sự, thì Bilibin lại có nhiều hứa hẹn chẳng kém và có lẽ hơn nữa về ngoại giao. Tuy còn trẻ, ông ta đã không còn là một nhà ngoại giao mới bước vào nghề nữa, bởi vì ông ta bắt đầu làm việc trong chính phủ từ năm mười sáu.

Ông ta ở Paris, Copenhagen và hiện nay đang giữ một chức vụ khá quan trọng ở Viên. Quan Quốc vụ đại thần Áo, cũng như đại sứ của ta đều biết Bilibin và quý trọng ông ta. Bilibin không như phần đông các bạn đồng nghiệp, chỉ cần có những đức tính tiêu cực, đừng làm một số việc nhất định và biết nói tiếng Pháp là đủ thành một nhà ngoại giao rất giỏi rồi. Ông ta thuộc hạng những nhà ngoại giao ham làm việc và biết làm việc, và tuy bản tính lười biếng, đôi khi ông vẫn ngồi ở bàn giấy suốt đêm. Bất luận tính chất công tác ra sao, bao giờ ông cũng làm việc chu đáo như nhau. Điều ông ta quan tâm không phải là vấn đề "để làm gì" mà vấn đề "làm như thế nào". Nội dung công tác ngoại giao là gì, ông thấy chẳng cần quan tâm đến. Trái lại việc thảo ra các thông cáo, các vị vong lục, các báo cáo thế nào cho hay, cho sắc sảo, cho trang nhã, là đem lại cho ông rất nhiều hứng thú. Người ta đánh giá cao thành lích của Bilibin không những vì ông còn có tài viết lách mà vì ông còn có nghệ thuật xã giao và nói chuyện ở trong xã hội thượng lưu.

Bilibin chỉ thích trò chuyện cũng như thích công việc khi nào trong câu chuyện có thể nói năng một cách trang nhã và hóm hỉnh.

Ở nơi xã giao, Bilibin luôn luôn chờ cơ hội nói một cái gì thật thú vị và chỉ có như thế ông mới dự vào câu chuyện. Lời nói của Bilibin bao giờ cũng đầy những câu độc đoán, hóm hỉnh, trau chuốt cố thể gây được hứng thú chung. Những câu nói đã được Bilibin chuẩn bị sẵn trong óc, hình như ông có chủ tâm làm cho nó dễ lưu hành, để cho những hạng bất tài trong những giới xã giao cũng có thể dễ dàng nhớ được rồi mang truyền đi hết phòng khách này đến phòng khách khác. Thật vậy, những câu nói của Bilibin được lưu hành trong các phòng khách ở Viên và nhiều khi có ảnh hưởng trong những công việc mà người ta gọi là trọng đại.

Khuôn mặt gầy gò, hốc hác võ vàng của ông ta đầy những nét nhăn sâu hoắm, những nét nhăn này hình như bao giờ cũng được lau chùi sạch sẽ, cẩn thận như người ta lau đầu ngón tay sau khi tắm. Cách chuyển động của những nét nhăn này là phương tiện chủ yếu để diễn đạt tình cảm trên gương mặt ông. Khi thì trán ông ta nhíu lại thành những nếp nhăn mới, đôi mày rướn lên cao, khi thì đợi mày lại hạ xuống và trên gò má hiện lên những nếp nhăn to tướng. Cặp mắt nhỏ, sâu hoắm bao giờ cũng nhìn thẳng và vui vẻ, Bilibin nói:

- Nào bây giờ anh kể cho tôi nghe những chiến công của anh đi.

Andrey kể lại chiến sự một cách hết sức khiêm tốn, không hề nhắc đến mình, và thuật lại cách đón tiếp của Tổng trưởng bộ chiến tranh, chàng kết thúc:

- Họ tiếp tôi và tin tức của tôi đã đưa đến như tiếp một con chó nhà có tang.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:45:50 pm
Bilibin mỉm cười và buông những nếp nhăn giãn ra.

- Tuy vậy anh ạ - Ông ta vừa nói vừa nhìn móng tay mình từ xa và cau da mặt ở trên mi mắt bên trái lại - Mặc dần tôi rất tôn trọng "đạo quân chính giáo" của ta, tôi cũng xin thú thực rằng thắng lợi của các anh không phải là một thắng lợi thuộc loại oanh liệt nhất!

Bilibin vẫn tiếp tục nói tiếng Pháp như vậy, chỉ những chữ nào ông ta muốn nhấn mạnh một cách khinh bỉ thì mới nói bằng tiếng Nga.

- Thế nào? Các anh đã dốc toàn lực đánh vào một sư đoàn độc nhất của anh chàng Morchie bất hạnh kia, thế mà Morchie vẫn cứ lọt qua tay các anh phải không? Thế thì thắng lợi ở chỗ nào?

Tuy vậy, nói cho công bình - công tước Andrey đáp - chúng tôi vẫn có thể nói không ngoa rằng như thế vẫn còn khá hơn ở Ulm.

- Tại sao các anh không tóm cổ một tên thống chế cho tôi, dù chỉ một tên nào thôi?

- Bởi vì mọi việc không bao giờ cũng xảy ra như người ta dự đoán, và cũng không đều đặn như trong một cuộc duyệt binh. Như tôi đã nói với anh, chúng tôi trù tính đến bảy giờ sáng là đã ở đằng sau lưng địch, ấy thế mà mãi năm giờ chiều vẫn chưa đến.

- Thế tại sao các anh không đến lúc bảy giờ sáng? Các anh phải đến lúc bảy giờ sáng chứ? - Bilibin nói, miệng tủm tỉm cười - phải đến lúc bảy giờ sáng chứ!

- Thế tại sao các anh không dùng đường lối ngoại giao để gợi ý cho ông Buônapáctê, bảo y có khôn hồn thì rời khỏi Viên đi - công tước cũng đáp lại với cái giọng như vậy.

- Tôi biết rồi - Bilibin ngắt lời - các anh cho rằng cứ ngồi trên ghế đi-văng trước lò sưởi mà đòi tóm lấy cổ một tên thống chế thì dễ lắm. Cái đó đúng. Thế nhưng tại sao các anh lại không tóm lấy một tên? Thế mà
các anh còn lấy làm lạ không hiểu tại sao không những Tổng trưởng bộ chiến tranh mà đến cả vị hoàng đế và quốc vương Frantx(1) chí tôn cũng đều không thấy hào hứng cho lắm về trận thắng của các anh. Đến ngay như tôi đây, một thằng bí thư quèn của sứ quán Nga, tôi cũng không hề cảm thấy có gì vui vẻ cho lắm.

Bilibin nhìn thẳng vào mặt công tước Andrey và đột nhiên buông lỏng lớp da nhăn nheo trên trán.

Công tước Andrey nói:

- Bây giờ đến lượt tôi hỏi anh "tại sao" đấy anh ạ. Tôi thú thật với anh rằng tôi không hiểu, có lẽ ở đây có những điều tế nhị về ngoại giao mà cái trí khôn thấp kém của tôi không với tới, nhưng quả tôi không hiểu. Tướng Mack mất cả toàn quân, đại công tước Ferdinand và đại công tước Charles không hề có dấu hiệu gì tỏ ra là họ còn sống, đã thế lại còn phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, cuối cùng chỉ riêng có Kutuzov là thu được một thắng lợi thực sự, tiêu diệt cái uy danh vô địch của quân Pháp, ấy thế mà Tổng trưởng bộ chiến tranh cũng không buồn hỏi đến chi tiết.

- Thì quả là vì thế đấy anh ạ. Anh thấy không? Ura? Vì hoàng thượng, vì nước Nga, vì chính giáo? Tất cả những cái đó đều hay ho cả. Nhưng tôi cho anh biết, thắng lợi của các anh thì liên quan gì đến chúng tôi chứ, đây là tôi muốn nói thay triều đình nước Áo. Anh hãy đem lại đây một tin tức tốt lành về thắng lợi của đại công tước Charles hay đại công tước Ferdinand - Đại công tước nào thì cũng như nhau? - điều đó anh thừa biết - và dù chỉ đánh thắng một đại đội cứu hoả của Buônapáctê thôi thì cũng khác hẳn, chúng tôi sẽ bắn súng thần công để chào anh. Nhưng hiện nay hình như anh cố tình trêu tức chúng tôi. Đại công tước Charles thì không làm gì, đại công tước Ferdinand thì chỉ đi chuốc lấy cái nhục. Các anh vất bỏ Viên, không hề bảo vệ nó, chẳng khác gì các anh nói thượng đế phù hộ chúng tôi, còn mặc kệ các ông và thủ đô Viên của các ông. Có viên tướng mà tất cả chúng tôi đều yêu mến là Smitch, ấy thế mà các anh để cho ông ta trúng đạn rồi các anh đến đây mừng chúng tôi thắng lợi anh phải thấy rằng không thể nghĩ ra một tin tức nào đáng bực mình hơn cái tin mà anh đưa đến. Cứ như là cố ý, cứ như là cố ý trêu ngươi vậy? Nhưng anh không phải chỉ có thế, dù anh có thắng được một trận oanh liệt đi nữa, dù kẻ thắng trận có là đại công tước Charles đi nữa thì tình hình chung của chiến sự có gì thay đổi đâu. Bây giờ đã quá muộn rồi, vì Viên
đã bị quân Pháp chiếm.

- Chiếm thế nào? Viên bị chiếm à?

- Không những bị chiếm, mà Buônapáctê nay đã tiến vào Sonbrun và hầu tước Vrbna thân mến của chúng
ta đã đến gặp hắn để nhận mệnh mệnh.

Sau những nỗi nhọc mệt trong cuộc hành trình và trong cuộc đón tiếp, mà nhất là sau bữa ăn vừa rồi, công tước Andrey cảm thấy mình không thể hiểu được tầm quan trọng của những lời vừa nghe.

Sáng hôm nay bá tước Lichtenfelx có đến đây - Bilibin nói tiếp ông ta có đưa tôi xem bức thư trong đó miêu tả tỉ mỉ cuộc duyệt binh của quân Pháp ở Viên. Thân vương Mura và tất cả hố sâu… Anh thấy chưa, thắng lợi của anh chẳng có gì đáng mừng cho lắm và người ta không thể nào tiếp anh như tiếp một vị cứu tinh được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 09:46:36 pm
- Phải đấy, đối với tôi thì thế nào cũng được. - Công tước Andrey nói, bây giờ chàng đã bắt đầu hiểu rằng tin tức của chàng về trận đánh ở Kremx thật ra chẳng quan trọng mấy đỗi trước những biến cố như việc thủ đô Áo thất thủ. Chàng nói - Làm sao để mất Viên được nhỉ? Thế còn cái cầu, cái pháo đài cầu trứ danh và công tước Auerxperg thì làm gì? Chúng tôi nghe nói công tước Auerxperg bảo vệ Viên kia mà. - Công tước Auerxperg đứng về phía bên này cầu, về phía chúng ta và bảo vệ chúng ta. Tôi nghĩ rằng ông ta bảo vệ rất tồi, nhưng dầu sao cũng vẫn là bảo vệ. Còn Viên thì ở bên kia cầu. Không, cái cầu vẫn chưa bị chiếm và tôi hy vọng rằng nó sẽ không bị chiếm vì nó đã được chôn mìn và đã có lệnh châm mìn. Nếu không thế thì chúng ta đã ở miền núi Bohemie từ lâu rồi và anh với quân đội của anh đã lâm vào cảnh hiểm nghèo ở giữa hai làn đạn.

- Nhưng dẫu sao như thế vẫn không có nghĩa là chiến dịch đã kết thúc - công tước Andrey nói.

- Riêng tôi tôi cho rằng chiến dịch đã kết thúc, và các bố to dầu ở đây cũng nghĩ thế, tuy họ không dám nói ra. Rồi sẽ xảy ra cái điều mà tôi đã nói ngay từ khi chiến dịch mới bắt đầu tức là không phải trận tao ngộ chiến Durenxtain của Anh quyết định, nói chung cái quyết định vấn đề không phải là cuộc sống mà là những người phát minh ra cuộc sống. - Bilibin nói, lặp lại một trong những câu dí dỏm của mình, giãn lớp da trên trán ra và ngừng lại một lúc. - Vấn đề chung quy là ở chỗ kết quả cuộc hội kiến ở Berlin giữa Hoàng đế Alekxandr với vua Phổ sẽ ra sao: nếu nước Phổ gia nhập liên minh thì người ta sẽ cưỡng bức nước Áo và chiến tranh sẽ xảy ra. Nếu như nó không gia nhập thì vấn đề chỉ còn là quy định địa điểm để ngồi thảo ra một hoà ước Campo-formio mới!

- Thế thì ông ta thật là một thiên tài trác việt - công tước Andrey tự nhiên thốt lên, nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn đập lên bàn - mà lại tốt số lạ lùng!

- Buônapáctê ấy à? - Bilibin nói có ý dò hỏi; ông ta nhíu trán lại như để báo trước một câu dí dỏm của mình. - Buônapáctê ấy à? - Bilibin nói đặc biệt nhấn mạnh âm u - tuy vậy tôi cho rằng bây giờ, một khi hắn ngồi chễm trệ ở Sonbrun truyền lệnh cho nước Áo thì ta phải làm phúc bớt cho hắn cái chữ "u" ấy đi. Tôi nhất định đưa ra một điều cải cách và chỉ gọi hắn là Buônapáctê thôi cho gọn.

- Thôi đừng bông đùa nữa - công tước Andrey nói - có lẽ nào anh cho rằng chiến dịch thế là kết thúc?

- Tôi nghĩ như thế này: nước Áo đã bị lừa và nó chưa quen chịu cảnh đói. Rồi nó sẽ trả miếng cho mà xem.
Nó bị lừa vì trước hết các tỉnh của nó đã bị cướp phá (người ta nói quân chính giáo rất hung tợn trong việc cướp bóc). Quân đội nó bị đánh tan, thủ đô bị chiếm và tất cả những điều đó chỉ vì đôi mắt đẹp(2) của nhà vua Xarzen, và vì thế cho nên - cái này tôi nói riêng với anh, anh ạ, tôi đánh hơi thấy họ đang lừa dối chúng ta, và đánh hơi thấy họ có những sự thông đồng với Pháp và có dự định riêng ký với Pháp một hoà ước bí mật.

- Điều đó không thể nào có được - công tước Andrey nói - Nếu thế thì bẩn thỉu quá.

- Cứ sống rồi mà xem! - Bilibin nói, buông lỏng lớp da trên mặt tỏ rằng câu chuyện đã kết thúc.

Khi công tước Andrey bước vào căn phòng đã chuẩn bị sẵn cho chàng và mặc quần áo sạch sẽ nằm trên cái giường độn lông, gối lên những chiếc gối ấm áp và thơm tho, chàng cảm thấy trận đánh này chàng đem tin tức đến đã lùi về xa, xa lắm. Chàng suy nghĩ miên man đến việc liên minh với nước Phổ, sự phản phúc của nước Áo thắng lợi mới của Buônapáctê, buổi lâm triều cùa hoàng đế Frantx, cuộc duyệt binh và cuộc tiếp kiến ngày mai.

Chàng nhắm mắt lại nhưng ngay giây phút ấy trong tai chàng vẫn văng vẳng tiếng đại bác, tiếng súng trường, tiếng bánh xe lăn, và mường tượng thấy những đoàn bộ binh cầm súng trường giăng hàng chạy xuống núi, dưới làn đạn của quân Pháp. Chàng cảm thấy tim mình rung động xốn xang và chàng đang cùng Smitch cưỡi ngựa tiến lên trong khi những viên đạn vui vẻ réo quanh hai người. Và chàng chợt thể nghiệm một niềm vui sướng mà từ thuở bé đến nay chàng chưa được biết bao giờ.

Chàng tỉnh giấc.

"Phải rồi, tất cả những điều đó đã xảy ra!" - Chàng nói một mình, nở một nụ cười sung sướng như con trẻ vừa ngủ một giấc say sưa và trẻ trung.

===================================================

Chú thích:

(1) Frantx, vua Áo có hai tước vị là hoàng đế và quốc vương.

(2) Trong hội nghị Berlin nước Phổ kiên quyết yêu cầu gửi tối hậu thư cho Napoleon đòi Napoleon bồi thường cho vua Xarzen. Napoleon cự tuyệt.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:04:31 pm
Phần II
Chương - 11

Hôm sau chàng dậy muộn. Hồi tưởng lại những ấn tượng hôm qua, chàng sực nhớ rằng hôm nay trước hết chàng phải yết kiến hoàng đế Frantx, chàng sực nhớ đến viên Tổng trưởng bộ chiến tranh, viên sĩ quan phụ tá người Áo khách khí, Bilibin và câu chuyện hôm qua. Chàng mặc y phục đại lễ để vào điện, bộ y phục mà lâu chàng không mặc, và với tư thế nhanh nhẹn, hoạt bát, vẻ người tuấn tú, bàn tay bị thương treo bãng, chàng bước vào, phòng làm việc của Bilibin. Trong phòng đã có bốn người trong đoàn ngoại giao. Bolkonxki vốn có quen công tước Ippolit Kuraghin bí thư của sứ quán, Bilibin giới thiệu những người khác với chàng.
   
Những nhân vật lui tới nhà Bilibin là những người ăn chơi, trẻ tuổi giàu sang và vui tính. Họ làm thành một nhóm riêng ở đây cũng như ở Viên - trong đó Bilibin là đầu não, được Bilibin gọi là bọn chúng mình? Nhóm này hầu hết gồm toàn những nhà ngoại giao, rõ rệt là có những quyển lợi riêng của nó, những quyền lợi của cái xã hội thượng lưu ăn chơi, không hề dính líu gì đến chiến tranh và chính trị, chỉ liên quan đến một vài người đàn bà và mặt quan trường của công việc. Những "vị" này rõ rệt là vui lòng tiếp công tước Andrey như một người "trong bọn chúng mình" (một vinh dự không mấy người được hưởng). Vì phép xã giao, và để mào đầu câu chuyện, họ hỏi chàng vài câu về quân đội và về trận vừa qua, rồi lại chuyển sang những lời bông đùa vui vẻ, những lời bàn tán lang bang chẳng có mạch lạc gì. Một người kể lại nỗi bất hạnh của ông bạn ngoại giao của mình:

- Có chỗ đặc biệt thú vị là thủ trưởng nói trắng ra với anh ta rằng anh ta được bổ nhiệm đi London như vậy là đã được thăng chức, và anh phải xem như là đã được thăng chức vậy. Các vị có thấy bộ tịch của anh ta bấy giờ như thế nào không.

- Nhưng điều này còn tai hại hơn, thưa các vị tôi phải tiết lộ bí mật của Kuraghin với các vị: người ta thì gặp lúc không may, thế mà cái chàng Don Juan (1) này lại lợi dụng cơ hội đó, người đâu mà kinh khủng thế.

Công tước Ippolit nằm thưỡn trong cái ghế bành gác chân lên hai tay vịn. Hắn cười phá lên.

- Nói tôi nghe nào? - Ippolit nói.

- Ô! Đồ Don Juan! Ô! Đồ trăn tinh. - Có tiếng nhao nhao.

- Anh chưa biết đấy, anh Bolkonxki ạ, - Bilibin nói với công tước Andrey - tất cả những hành động khủng khiếp của quân đội Pháp (tôi suýt nói của quân đội Nga) không thấm vào đâu so với những sự tàn phá mà cậu đã gây ra trong giới phụ nữ.

- "Người đàn bà là bạn của ngưòi đàn ông" chứ còn gì nữa. - Công tước Ippolit nói và bắt đầu cầm cái kính tay ngắm cặp chân của mình đang gấp cao lên.
   
Bilibin và "bọn chúng mình" cười phá lên trong khi nhìn thẳng vào mặt Ippolit. Công tước Andrey thấy rõ ràng cái gã Ippolit này mà trước kia (điều này chàng cũng phải thú nhận) chàng suýt đâm ghen khi hắn tán tỉnh vợ chàng, chính là anh hề của nhóm này.

- Tôi phải đem Kuraghin cho anh thưởng thức mới được - Bilibin nói khẽ với công tước Andrey. - khi hắn bàn luận về chính trị thì thú tuyệt, anh phải xem cái vẻ quan trọng của hắn - Bilibin ngồi cạnh Ippolit nhíu những nếp nhăn trên trán lại bắt đầu nói chuyện với hắn - công tước Andrey và những người khác ngồi vây quanh hai người.

- Nội các Berlin không thể nào nói rõ ý mình về vấn đề liên minh - Ippolit bắt đầu nhìn qua mọi người một lượt ra vẻ ngụ nhiều ý nghĩa - mà không biểu lộ… như trong bức công hàm gần đây nhất của nó… Các vị hiểu chứ, các vị hiểu chứ… Vả chăng nếu đức hoàng thượng không từ bỏ nguyên tắc liên minh của chúng ta.

- Hãy khoan tôi chưa nói hết… - hắn nói với công tước Andrey và nắm lấy cánh tay chàng - Tôi cho rằng can thiệp thì có thể hơn là không can thiệp… - Đoạn im lặng một lát - Không thể nào cho rằng công việc chấm dứt ở chỗ bức thông điệp ngày hai mươi tám tháng mười một của chúng ta bị cự tuyệt. Tât cả việc này sẽ chấm dứt như thế cho mà xem!

Rồi hắn buông tay Bolkonxki tỏ ra rằng lần này hắn đã nói hết.

"Demosthen(2), ta nhận ra người vì hòn sỏi giấu trong cái miệng vàng của người" - Bilibin nói, mớ tóc trên đầu rung rung lên vì đắc ý.

Cả bọn cười vang, Ippolit cười to hơn ai hết. Rõ ràng là cười như thế hắn khổ sở lắm, không thở được nữa, nhưng cũng không thể nào nén nổi tiếng cười điên cuồng đang kéo cả khuôn mặt thường vẫn im lìm của hắn dài thượt ra. Bilibin nói:

- Thưa các vị, bây giờ thế này nhé. Bolkonxki là khách của tôi, hiện ở Bruyn trong nhà tôi, nên tôi muốn tìm mọi cách chiêu đãi anh ấy, để anh ấy hưởng tất cả những lạc thú của cuộc sống ở đây. Nếu chúng mình được ở Viên thì cái đó dễ quá đi mất; nhưng ở đây, trong cái xứ Morava khỉ ho cò gáy này thì có khó hơn, vậy tôi yêu cầu các vị giúp đỡ một tay. Phải cho anh ta hưởng những cái thú của thành Bruyn, các vị sẽ đưa anh ta xem kịch, tôi sẽ đảm nhiệm việc giao tế, còn anh Ippolit cố nhiên, phải lo đến vấn đề đàn bà.

- Phải cho anh ấy xem Ameli! Tuyệt lắm. - Một người trong "bọn chúng mình" vừa nói vừa đưa đầu ngón
tay lên môi hôn.

Bilinbin nói:

- Tóm lại, phải đưa anh chàng quân nhân khát máu này trở về với những tình cảm nhân đạo hơn.

- Tôi sợ khó lòng nhận được sự khoản đãi của các vị, vì bây giờ tôi phải đi đây. - Bolkonxki đưa mắt nhìn đồng hồ nói.

- Đi đâu?

- Đi bệ kiến Hoàng đế.

- Ồ! Ồ! Ồ!

- Thôi chào Bolkonxki! Chào công tước. Về sớm mà ăn nhé - cả bọn nhao nhao. - Chúng tôi lo mọi việc cho
anh đấy.

- Khi nói chuyện với Hoàng đế thì hãy cố tán dương cho thật nhiều rằng việc cung cấp quân nhu và việc hành quân đều làm chu đáo thứ tự nhé - Bilibin nói khi tiễn công tước Andrey ra phòng ngoài.

- Tôi cũng muốn khen lắm nhlưng theo những điều tôi biết thì không sao làm như thế được - Bolkonxki mỉm cười đáp.

- Được, thế thì dù sao cũng cứ nói cho thật nhiều vào. Ngài rất ham mê những cuộc tiếp kiến; nhưng bản thân ngài không thích nói và không biết nói. Rồi anh xem.

=============================================

Chú thích:
(1) Don Juan là một nhân vật trong truyền thuyết Tây Ban Nha bảnh trai, phóng đãng hay quyến rũ đàn bà con gái.
(2) Demosthen - Nhà hùng biện nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại (384 -322 trước công nguyên) vốn có tật nói lắp. Ông đã bỏ sỏi vào miệng đứng trước bờ bể mà tập diễn thuyết.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:05:23 pm
Phần II
Chương - 12

Khi lâm triều, Hoàng đế Frantx chỉ nhìn chăm chú vào mặt công tước Andrey đang đứng ở chỗ đã quy định giữa các võ quan áo và cúi đầu dài quá cỡ xuống chào mừng. Nhưng sau buổi lâm triều; viên sĩ quan phụ tá hôm qua cung kính nói với Bolkonxki rằng Hoàng đế có ý muốn cho phép chàng được bệ kiến, Hoàng đế Frantx đứng ở chính giữa phòng tiếp chàng. Trước khi câu chuyện bắt đầu, công tước Andrey rất ngạc nhiên thấy Hoàng đế hình như lúng túng. Ngài không biết nói gì, đỏ mặt bừng lên và hỏi một cách vội vã:

- Ông cho biết trận đánh bắt đầu lúc nào?

Công tước Andrey trả lời. Sau đó tiếp theo những câu hỏi khác cũng đơn giản như vậy: "Kutuzov có mạnh khoẻ không?" "Ông ta rời khỏi Kremx bao lâu rồi" v.v… Hoàng đế nói với cái vẻ như tất cả mục đích của buổi tiếp kiến chung quy chỉ là một số câu hỏi nhất định. Còn về những câu trả lời thì điều đó đã quá rõ: nó không thể nào khiến ngài quan tâm được. Hoàng đế hỏi;

- Trận đánh bắt đầu giờ nào?

- Thần không thể nói rõ trận đánh bắt đầu vào giờ nào ở tiền tuyến, nhưng ở Đuyretain là nơi thần có mặt
thì quân đội bắt đầu tấn công lúc sáu giờ chiều. - Bolkonxki nói, linh hoạt hẳn lên vì chàng cho rằng lúc này có dịp miêu tả đúng đắn tất cả những điều mình đã trông thấy, đã biết rõ và đã chuẩn bị sẵn sàng trong óc.

Nhưng hoàng đế mỉm cười và ngắt lời chàng:

- Bao nhiêu dặm?

- Tâu Hoàng thượng từ đâu đến ạ?

- Từ Đuyrenstain đến Kremx.

- Tâu Hoàng thượng, ba dặm rưỡi.

- Quân Pháp đã rời khỏi tả ngạn rồi chứ?

- Theo báo cáo của trinh sát thì những toán quân cuối cùng đã đi bè qua sông ban đêm.

- Ở Kremx có nhiều cỏ cho ngựa ăn không?

- Cỏ không được cung cấp đầy đủ…
   
Hoàng đế liền ngắt lời:

- Tướng quân Smitch tử trận lúc nào?

- Hình như lúc bảy giờ.

- Bảy giờ à? Thật là đau xót! Thật là đau xót!

Hoàng đế nói rằng ngài có lời cảm ơn, rồi cúi đầu chào. Công tước Andrey bước ra và các triều thần lập tức xúm xít quanh chàng.

Từ bốn phía, người ta nhìn chàng với những con mắt rất dịu dàng và nói với chàng những lời lẽ rất ngọt ngào. Viên sĩ quan phụ tá hôm qua đến trách chàng tại sao không ở lại trong cung điện, và mời chàng về nhà mình. Viên Tổng trưởng bộ chiến tranh đến khen ngợi chàng về huân chương Maria Dmitrievna Thereda hạng ba mà hoàng đế đã ban tứ. Quan thị tùng của hoàng hậu mời chàng đến gặp hoàng hậu. Đại công tước phu nhân cũng muốn gặp chàng.

Chàng cũng không còn biết trả lời ai và phải mất mấy phút mới trấn tĩnh được. Đại sứ Nga nắm lấy vai chàng, kéo chàng về phía cửa sổ và bắt đầu hỏi chuyện.
   
Trái với những điều Bilibin đã nói, tin tức chàng đưa đến đã được đón tiếp niềm nở. Người ta quyết định làm lễ cầu kinh tạ ơn. Kutuzov được tặng thưởng huân chương Thập tự lớn của Maria Dmitrievna Thereda và tất cả quân đội đều được ban thưởng. Bolkonxki được khắp nơi mời mọc và suốt cả buổi sáng chàng buộc lòng phải đi thăm những vị quan tai mắt của Áo. Sau khi đã làm xong công việc thăm hỏi vào lúc bốn giờ chiều, công tước Andrey nghĩ sẵn trong trí óc bức thư kể lại trận đánh và chuyến đi Bruyn để rồi sẽ viết về cho cha, và trở về nhà Bilibin. Bên thềm nhà của Bilibin có một chiếc xe ngựa nhỏ, một nửa xe đấy hành lý, và Frantx người đầy tớ của Bilibin hiện ra cửa, hì hục kéo một chiếc va li (trước khi đến nhà Bilibin, công tước Andrey đã tạt qua một hiệu sách mua vài quyền sách để đọc trong lúc hành quân và đã nán lại đây một lát). Bolkonxki hỏi:

- Có việc gì thế?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:06:07 pm
- Ồ! Thưa ngài, - Frantx hì hục khuân chiếc va li lên xe ngựa nói - chúng tôi phải chạy xa hơn nữa. Cái tên giặc ấy đã lại đuổi sau lưng chúng tôi rồi!

- Cái gì, thế nào? - Công tước Andrey hỏi.

Bilibin ra đón công tước Andrey. Trên khuôn mặt bao giờ cũng bình thản của ông hiện rõ vẻ xúc động.

- Ồ, ồ câu chuyện pháo đài đâu cầu Thabor (một chiếc cầu ở Viên) phải nhận là thú vị hết sức. Chúng đã qua cầu không tốn một viên đạn.

Công tước Andrey không hiểu gì hết.

- Anh ở đâu đến mà không biết tin này? Tin này thì thằng xà ích nào trong thành phố mà chả biết rõ?

- Tôi ở nhà đại công tước phu nhân về. Ở đấy tôi không nghe nói gì cả.

- Thế anh không thấy ở đâu người ta cũng thu xếp hành lý cả sao?

- Tôi không thấy. Có việc gì thế? - Công tước Andrey sốt ruột hỏi.

- Việc gì nữa! Thì việc quân Pháp đã vượt qua cái cầu mà tướng Auexperg bảo vệ, và cái cầu đã không bị nổ mìn, thành thử Mura hiện nay đang rong ruổi trên con đường dẫn đến Bruyn và chỉ nay mai quân Pháp sẽ đến đây.

- Thế nào? Đến đây à? Tại sao đã đặt mìn vào cầu rồi mà lại không nổ đi?

- Thì tôi cũng hỏi anh điều đó. Điều đó chẳng ai hiểu và bản thân Buônapáctê cũng không hiểu.

Bolkonxki nhún vai.

- Nhưng nếu chúng vượt qua cầu thì quân đội cũng nguy mất; nó sẽ bị cắt đứt - chàng nói.

- Thì vấn đề là ở đấy - Bilibin đáp. - Anh nghe đây. Quân Pháp tiến vào Viên - như tôi đã nói với anh. Tất cả đều đâu vào đấy hết. Hôm sau, tức là hôm qua, các ông thống chế Mura, Lan và Belya ngồi trên mình ngựa và đi lên cầu (Anh để ý điều này: cả ba đều là dân Gaxcônnhơ(1) cả). Một người nói: "Thưa các ngài, các ngài biết rằng cái cầu Thabor đã được chôn mìn năm lần bẩy lượt và trước mắt các ngài là cái pháo đài đâu cầu đáng sợ với một đội quân một vạn rưởi người đã được lệnh phá nổ cầu không cho chúng ta qua. Nhưng đức vua chúng ta chiếm lấy một cái cầu ấy đi!". Hai người kia nói: "Nào đi đi! và họ cùng đến chiếm cầu, vượt qua cầu và bây giờ tất cả quân đội của họ đã ở bên này sông Đonao, họ đang tiến quân về phía chúng ta, về phía anh và những con đường giao thông của anh.

- Thôi anh đừng đùa nữa. - Công tước Andrey nói, giọng buồn rầu và nghiêm nghị.

Tin này làm cho công tước Andrey buồn nhưng đồng thời lại khiến cho chàng thích thú. Khi nhận thấy quân đội Nga đang ở trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, chàng liền nảy ra ý nghĩ mình chính là con người sinh ra để kéo quân đội Nga ra khỏi tình trạng ấy rằng đây, trước mắt chàng, chính là cái thành Tulon sẽ đưa chàng ra khỏi hàng ngũ những võ quan vô danh và mở cho chàng con đường đi tới vinh quang! Trong khi nghe Bilibin nói, chàng đã suy tính là khi về tới quân doanh, chàng sẽ trình bày với hội đồng quân sự ý kiến của mình. Ý kiến duy nhất có thể cứu vãn được quân đội, và chàng sẽ là con người duy nhất được giao mệnh lệnh thực hiện kế hoạch ấy.

- Đừng đùa nữa - chàng nói.

- Tôi không đùa đâu - Bilibin nói tiếp. - Không có gì đúng sự thực hơn và đáng buồn hơn. Các ngài ấy đi một mình đến đầu cầu và giơ khăn trắng lên; họ cam đoan rằng hai bên đã đình chiến và họ là những vị thống chế được cử đến để thương lượng với công tước Auerxperg. Sĩ quan trực nhật cho họ vào pháo đài đầu cầu. Họ kể cho anh ta nghe hàng ngàn câu chuyện nhảm nhí theo kiểu Gaxcônhơ, nào là chiến tranh đã chấm dứt, nào hoàng đế Frantx đã quyết định một cuộc hội kiến với Buônapáctê, nào họ mong được gặp công tước Auexperg và vân vân… Viên sĩ quan cho từn Auerxgerg các ngài này ôm lấy các sĩ quan bông đùa, ngồi chơi trên các khẩu đại bác, và trong lúc đó một tiểu đoàn Pháp bước lên cầu mà chẳng ai để ý đến, ném những túi đựng chất nổ xuống sông và đến gần cái pháo đài đầu cầu, cuối cùng viên trung tướng xuất hiện, đó là công tước Auerxperg Fon Mao tên đáng yêu của chúng ta. "Hỡi quân địch thân mến! Tinh hoa của quân đội Áo! Vị anh hùng của cuộc chiến tranh chống quân Thổ Nhĩ Kỳ! Chiến sự đã chấm dứt rồi! Chúng ta có thể bắt tay nhau… Hoàng đế Napoleon rất thiết tha muốn biết mặt công tước Auerxperg". Tóm lại, các ngài ấy không hổ danh là dân Gaxcônhơ, họ đưa ra những lời lẽ hoa mỹ làm Auerxperg mê mẩn đi. Ông ta rất khoái chí được kết thân với các thống chế Pháp một cách mau chóng như vậy. Và ngẩn người trước chiếc áo khoác và những chòm lông đà điểu của Mura, ông ta nổ đom đóm mắt lên và quên rằng chính mình có nhiệm vụ phải đánh cho địch nổ đom đóm mắt(2).

Mặc dầu chàng nói thao thao bất tuyệt, Bilibin vẫn không quên ngừng lại một phút sau khi nói được câu dí dỏm vừa rồi để cho người nghe có thì giờ thưởng thức nó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:07:06 pm
- Tiểu đoàn Pháp chạy ùa vào pháo đài đầu cầu bịt họng các khẩu súng lớn, và thế là cái cầu bị chiếm.
Nhưng điều hay hơn cả - Ông ta nói tiếp, bây giờ đã bớt xúc động vì thích thú với câu chuyện mình kể, - đó là câu chuyện của viên trung sĩ đứng cạnh khẩu súng lớn có nhiệm vụ ra hiệu châm mìn làm nổ cầu. Viên trung sĩ thấy quân đội Pháp chạy trên cầu đã muốn bắn, nhưng Lan giữ lấy tay anh ta. Viên trung sĩ này rõ ràng thông minh hơn chủ tướng của mình, anh ta đến gặp Auerxperg nói: "Thưa công tước, họ đánh lừa ngài đấy, quân Pháp đến kia kìa!". Mura thấy rằng nếu để cho viên trung sĩ nói thì cơ sự sẽ hỏng hết. Hắn liền vờ ra vẻ ngạc nhiên (quả là dân Gaxcônhơ chính cống) và nói với Auerxperg: "Tôi không thấy cái kỷ luật nổi tiếp khắp thế giới của quân đội Áo ở chỗ nào cả. Ông để cho một người cấp dưới nói với ông như thế à! Thật là thiên tài!". Thế rồi công tước Auerxperg nổi tự ái lên liền ra lệnh bắt giam viên trung sĩ.
Ồ! Anh phải công nhận rằng câu chuyện ở cầu Thabor thật là thú vị. Đây không phải ngu xuẩn, cũng không phải hèn nhát…

- Có lẽ đây là mộ sự phản trắc - công tước Andrey nói, đồng thời hình dung thấy rõ ràng những chiếc áo khoác xám, những vết thương, những đám khói thuốc súng, những tiếng đại bác và cái vinh quang đang chờ đợi mình.

Bilibin nói tiếp:

- Cũng không phải thế. Việc này đặt triều đình vào một tình thế quá bất lợi. Đây không phải là phản trắc, cũng không phải là hèn nhát, mà cũng không phải là ngu xuẩn. Đây cũng như ở Ulm vậy thôi - Ông ta có vẻ suy nghĩ để tìm một câu hay - Đây. Đây là cái lối Mack. Chúng mình bị "Mack hoá" rồi. - Ông ta kết luận và cảm thấy rằng mình vừa nói một câu dí dỏm, một câu dí dỏm rất mới mẻ, sẽ được người ta nhắc lại.
Những vết nhăn từ nãy đến giờ vẫn tụ lại trên trán bỗng giãn ra tỏ rõ ông ta hài lòng; ông ta nhoẻn miệng cười và bắt đầu ngắm móng tay mình.

- Anh đi đâu thế? - Bilibin đột nhiên hỏi vì thấy công tước Andrey đứng dậy đi về phòng mình.

- Tôi đi đây!

- Đi đâu?

- Trở về quân doanh.

- Nhưng anh đã định ở lại đây hai ngày nữa kia mà?

- Nhưng bây giờ thì tôi phải đi ngay.

Và công tước Andrey, sau khi ra lệnh chuẩn bị lên đường, liền trở về phòng mình.

- Này, anh có biết không? - Bilibin bước vào phòng chàng nói - Tôi đã nghĩ về trường hợp của anh rồi đấy. Tại sao anh lại đi?

Và để chứng minh rằng lý do này không thể bác bỏ được, những nét nhăn trên mặt ông ta bỗng biến đi đâu hết. Công tước Andrey nhìn Bilibin có ý dò hỏi, và không đáp.

- Tại sao anh lại đi? Tôi biết anh cho rằng nhiệm vụ của anh là phải về ngay với quân đội trong khi nó đang nguy khốn. Và tôi hiểu điều đó lắm anh ạ. Khí phách anh hùng đấy!

- Hoàn toàn không phải thế - công tước Andrey nói.

- Nhưng anh là một triết gia, vậy hãy là triết gia cho nó đến đầu đến đũa. Anh hãy nhìn sự vật theo một cạnh khía khác và sẽ thấy rằng nhiệm vụ của anh, trái lại là lo đến bản thân mình. Hãy để việc ấy cho những kẻ khác, cho những kẻ không còn làm được việc gì nữa… Anh chưa nhận được lệnh phải quay về và ở đây cũng chưa có quyết định để anh đi. Thành ra anh có thể ở lại và cùng đi với chúng tôi đến nơi nào mà số phận bất hạnh của chúng ta đưa chúng ta đến. Nghe nói người ta đi Olmuytx mà Olmuytx là một thành phố rất xinh. Chúng ta cứ việc bình yên lên xe ngựa của tôi mà đi.

- Thôi anh đừng đùa nữa Bilibin ạ - Andrey nói.

- Tôi lấy tình thân mà nói với anh thành thực như vậy. Anh hãy tính xem. Bây giờ anh đi đâu và để làm gì chứ, trong khi anh có thể ở đây? Anh về bây giờ thì (ông ta cau lớp da ở trên thái dương bên trái lại), một là anh chưa về đến đơn vị, hoà ước đã kỹ kết rồi, hai là anh sẽ bại trận và chịu sỉ nhục với tất cả quân đội của Kutuzov.

Rồi Bilibin cho lớp da giãn ra, cảm thấy rằng cái phép lưỡng đao luận của mình không còn có cách gì bác lại được.

- Điều đó tôi không thể xét đoán gì được - công tước Andrey nói một cách lạnh lùng và nghĩ thầm: "Ta đi là để cứu quân đội".

- Anh bạn ơi, anh thật là một tay anh hùng(l). - Bilibin nói.

=======================================

Chú thích:

(1) Một tỉnh ở miền Nam nước Pháp. Người Gaxcônnhơ thường mang tiếng là hay nói khoác.

(2) Ở đây có một lối "chơi chữ không dịch được, lối chơi chữ này dựa vào nghĩa đôi của chữ "feu" vừa là "lửa", vừa là "hoả lực".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:08:10 pm
Phần II
Chương - 13
   
Ngay đêm ấy, sau khi từ biệt viên Tổng trưởng bộ chiến tranh, công tước Andrey trở về quân doanh nhưng bản thân chàng cũng không biết tìm nó ở đâu và lo lắng trên đường đi đến Kremx chàng sẽ bị quân Pháp bắt.

Ở Bruyn bao nhiêu cư dân của cung đình đều đã chuẩn bị hành lý để ra đi và những hành lý nặng đã được gửi đến Olmuytx. Đến gần Etxelxdorf, công tước Andrey rẽ ra đường cái; trên con đường này quân đội Nga đang kéo đi hết sức vội vàng và hỗn độn. Con đường chật ních những xe chở hành lý đến nỗi không thể nào đi xe ngựa được. Công tước Andrey bảo một đội trưởng cô-dắc cấp cho mình một con ngựa và một người cô-dắc, rồi vừa đói vừa mệt, chàng đi tìm Tổng tư lệnh và xe hành lý của mình. Trên đường đi chàng nghe những tin dồn cực kỳ bi đát về tình hình quân đội và cánh quân bỏ chạy hỗn độn lại xác nhận những tin đồn ấy.

"Cái quân Nga kia mà vàng của nước Anh đã mang từ chân trời góc biển tới đây, chúng ta sẽ cho nó chịu chung một số phận ấy (số phận của đạo quân ở Ulm)". Chàng sực nhớ tới lời của Buônapáctê trong bản nhật lệnh ban bố cho quân đội trước khi mở chiến dịch; những lời này khiến chàng kinh ngạc trước thiên tài lỗi lạc của vị anh hùng mà chàng hâm mộ, đồng thời cũng nhen nhóm trong lòng chàng niềm hi vọng giành được vinh quang. "Nếu ta chẳng có cách nào khác ngoài cái chết ra? - Chàng nghĩ thầm - Được! Nếu cần thì được lắm! Ta sẽ làm cái việc đó chẳng kém một người nào hết".
   
Công tước Andrey khinh bỉ nhìn những toán quân hỗn loạn, những chiếc, xe chở hành lý, những chiếc xe chở lương thực, những khẩu đại bác kéo nhau đi, kìn kìn, rồi lại những chiếc xe chở hành lý đủ các kiểu, đuổi vượt nhau đi thành hàng ba hàng tư làm nghẽn cả con dường lầy lội từ khắp mọi phía, phía trước cũng như phía sau, xa gần đều có tiếng xe rầm rập, tiếng xe trạm, xe vận tải và xe con lăn lạch cạch, tiếng vó ngựa lóc cóc, tiếng roi da quất đen đét, thấy binh lính, quân hầu và sĩ quan thét inh ỏi, mắng nhiếc om sòm.
   
Dọc đường ta liệt những con ngựa chết gục, bị lột da rồi cũng có, chưa lột da cũng có, những chiếc xe ngựa thồ bị gẫy, bên cạnh xe có vài người lính ngồi thui thủi không biết đang chờ đợi cái gì; khi thì lại thấy những người lứnh lạc ngũ kéo nhau thành từng đoàn đi vào các làng lân cận hay mang ở các làng ra nào gà, nào cừu, nào cỏ khô, hay những bọc lớn đựng đầy những thứ gì không rõ. Ở những đoạn đường lên dốc hay xuống dốc người dồn lại đông nghịt, tiếng hò hét không ngớt hoà vào thành một tiếng rên dài.
Quân lính lội trong lớp bùn ngập đến dầu gối tay đẩy súng đại bác và xe thồ; roi da quất đen đét, ngựa thi nhau trượt chân, luôn luôn có những sợi dây da kéo xe bị đứt, và những lồng ngực mệt lả buông ra những lời chửi rủa tục tằn. Các sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân khi thì cưỡi ngựa đi về phía trước, khi thì lại đi về phía sau, len giữa các xe chở hành lý. Tiếng nói của họ nghe thật yếu ớt giữa tiếng ồn ào của đám đông hỗn dộn, và nét mặt của họ cho thấy rõ ràng họ đã tuyệt vọng không còn thấy có cách gì khắc phục tình trạng hỗn độn này nữa.

"Cái quân đội chính giáo đáng yêu đấy", Andrey nghĩ thầm, sực nhớ tới lời nói của Bilibin. Chàng cưỡi ngựa đến gần một đội xe chở đồ, hy vọng có thể hỏi những người ở trong đội xem Tổng tư lệnh ở đâu. Ngay trước mắt chàng là một chiếc xe ngựa ký quái, hình như binh sĩ đã tự túc về phương tiện và vật liệu để lắp nên nó, làm thành một thứ trung gian giữa cái xe dài, cái xe hòm nhỏ và cái xe chở khách. Một người lính ngồi đánh xe, và dưới cái diềm xe bằng da ở phía sau mui xe là một người đàn bà mình quấn đầy khăn.
     
Công tước Andrey cưỡi ngựa lại gần đang định hỏi người lính thì những tiếng kêu tuyệt vọng của người đàn bà ngồi ở dưới diềm xe khiến cho chàng chú ý. Viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe lấy roi đánh người lính đánh xe này vì anh ta muốn vượt lên trước xe khác.

Chiếc roi quật vào diềm xe. Người đàn bàn kêu ré lên. Nhìn thấy công tước Andrey bà ta thò đầu ra khỏi mui xe và giơ hai cánh gầy gò ra ngoài đơng khăn quấn quanh người, vấy vẫy cất tiếng kêu thất thanh.

- Ngài sĩ quan phụ tá ơi. Thưa ngài sĩ quan phụ tá! Ngài che chở cho chúng tôi với! Là thế này! Tôi là vợ y sĩ trung đoàn khinh binh thứ bảy, họ không cho tôi đi… Chúng tôi bị tụt lại sau, lạc mất đồng đội rồi.

- Tao băm xác mày ra, mày có lùi lại không! Viên vĩ quan nổi giận quát người lính, mày đưa con mẹ chết tiệt của mày quay lại ngay!

- Ngài sĩ quan phụ tá ơi, ngài cứu tôi với! Như thế này là thế nào, bà vợ y sĩ kêu lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:09:28 pm
- Ông làm ơn cho cái xe này đi trước. Ông không thấy đây là một người đàn bà sao? - Công tước Andrey tiến gần viên sĩ quan nói. Viên sĩ quan đưa mắt nhìn chàng không đáp, rồi quay về phía người lính.

- Rồi tao cho mày biết tay. Có lùi ngay không!

- Ông để cho họ đi, tôi bảo ông. - công tước Andrey nhắc lại một lần nữa, đôi môi mím chặt.

- Còn mày là cái thá gì mới được chứ! - Viên sĩ quan bỗng điên tiết lên nói với chàng, giọng hùng hổ - Mày là cái thá gì? Mày (Hắn nhấn mạnh đặc biệt chữ mày) là chỉ huy hẳn? Ở đây tao chỉ huy chứ không phải mày. Còn thằng kia thì quay lại ngay - hắn nhắc lại - không tao băm xác mày ra bây giờ.
     
Viên sĩ quan hình như rất thích thú với thành ngữ này.

Hắn sửa cho anh sĩ quan phụ tá oắt con kia một mẻ - đằng sau có tiếng nói.

Công tước Andrey thấy rằng viên sĩ quan đã lâm vào cái trạng thái phẫn nộ vô cớ khiến cho người ta như điên như dại, không còn nhớ mình nói gì nữa. Chàng thấy rằng trong việc can thiệp giúp bà vợ ông y sĩ có một điều mà chàng sợ nhất trên đời, tức là cái mà người ta gọi là "sự lố bịch" nhưng bản năng chàng lại nói khác. Viên sĩ quan chưa kịp nói hết mấy tiếng cuối thì công tước Andrey gương mặt biến sắc đi vì tức giận, đã tiến đến gần hắn và giơ roi lên.

- Ông - làm - ơn - cho - họ - đi!

Viên sĩ quan khoát tay một cái và vội vã thúc ngựa lảng đi nơi khác mồm càu nhàu:

- Hỗn độn như thế này đều là do những bọn ở bộ tham mưu hết. Ông muốn làm gì thì ông làm.
     
Công tước Andrey không ngước mắt lên, vội vã rời khỏi bà vợ ông y sĩ đang gọi chàng là cứu tinh. Chàng lợm giọng khi nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt của cái cảnh xấu hổ ấy và phi ngựa về phía trước mặt đến cái làng mà người ta nói với chàng là có Tổng tư lệnh ở đấy.

Sau khi vào làng, chàng xuống ngựa đi bộ đến ngôi nhà gần nhất với ý định nghỉ ở đấy một lát, dù chỉ một phút thôi, ăn uống qua loa và ổn định lại tất cả những ý nghĩ đau xót, nhục nhã đang dằn vặt chàng. "Đó là côn đồ chứ không còn là quân đội nữa", chàng nghĩ thầm trong khi bước về phía ngôi nhà gần nhất. Bỗng một giọng nói quen thuộc gọi tên chàng. Chàng quay lại. Khuôn mặt tuấn tú của Nexvitxki thò ra ngoài một cái cửa sổ nhỏ.

Nexvitxki đang nhai nhồm nhoàm một cái gì ở trong miệng, vẫy tay gọi chàng lại.

- Bolkonxki, Bolkonxki! Anh không nghe tôi gọi sao. Lại đây mau lên.

Bước vào nhà công tước Andrey thấy Nexvitxki và một viên sĩ quan phụ tá khác đang ăn. Họ tíu tít hỏi chàng xem có biết tin gì mới không. Trên khuôn mặt quen thuộc của họ chàng thấy biểu lộ vẻ lo lắng và sốt ruột. Vẻ này đặc biệt hiện rõ trên khuôn mặt của Nexvitxki.

- Tổng tư lệnh ở đâu? - Công tước Andrey hỏi.

- Ở đây, ở trong nhà kia kìa. - Viên sĩ quan phụ tá nói. Nghe nói là vừa kí hoà ước đầu hàng phải không? - Nexvitxki hỏi.

- Chính tôi định hỏi anh câu ấy đấy. Tôi chỉ biết một điều là tôi khó nhọc lắm mới đến được đây để gặp các anh.

- Thế anh có biết tình hình chúng tôi ra sao không? Thật là kinh khủng! Anh ạ, tôi xin nhận lỗi. Chúng mình đã cười Mack, nhưng bây giờ chúng mình lại còn gay hơn - Nexvitxki nói - Nhưng anh ngồi xuống đây uống cái gì đã chứ!

- Công tước ạ, bây giờ thì công tước đừng hòng tìm ra xe cộ gì của công tước nữa hết, còn cái anh chàng Piotr của công tước thì chẳng ai biết nó ở đâu rồi - Viên sĩ quan phụ tá kia nói.

- Thế bộ tư lệnh ở đâu?

- Chúng tôi nghỉ đêm ở Znaim.

- Riêng tôi thì tôi đã chất tất cả những thứ gì cần thiết lên lưng hai con ngựa - Nexvitxki nói - Chúng buộc hành lý cho tôi cừ lắm.

Dù có phải chạy qua miền núi ở Bohemie cũng không sao. Anh ốm phải không? Anh ốm thật rồi, nếu không tại sao anh lại rùng mình thế kia - Nexvitxki nói, vì nhận thấy công tước Andrey giật mình như chạm phải điện.

- Không sao đâu - công tước Andrey đáp.

Chính trong giây phút ấy chàng sực nhớ tới việc mình vừa chạm trán với viên sĩ quan coi việc vận tải và bà
vợ viên y sĩ.

- Tổng tư lệnh làm gì ở đây? - chàng hỏi.

- Tôi chẳng hiểu gì hết, - Nexvitxki nói.

- Còn tôi thì tôi chỉ biết một điều là tất cả đều ghê tởm, ghê tởm - Công tước Andrey nói, và đi về phía ngôi nhà dành cho Tổng tư lệnh.
     
Chàng đi qua cái xe ngựa của Kutuzov, qua mấy con ngựa đã mệt lả của các sĩ quan tuỳ tùng, qua mấy người cô-dắc đang nói chuyện oang oang với nhau và bước vào phòng ngoài.
     
Như người ta đã nói với chàng, Kutuzov ở trong ngôi nhà gỗ cùng với công tước Bagration và Vairother, viên tướng Áo thay thế Smitch vừa tử trận. Ở căn phòng ngoài Kozlovxki đang ngồi sổm trước mặt một người thư kí. Người này đã vén ống tay áo quân phục lên và đang hí hoáy viết trên một cái thùng lật sấp.
Mặt Kozlovxki phờ phạc, Có thể thấy rõ là đêm qua ông ta không ngủ. Ông ta ngước mắt nhìn công tước Andrey không buồn gật chào.

- Hàng thứ hai… anh biết chưa? Kozlovxki đọc tiếp cho viên thư ký - … trung đoàn pháo, thủ thành Kiev, trung đoàn Podolxki.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:10:23 pm
- Thưa ngài không sao viết kịp được! - Viên thư ký đáp lại, giọng vô lễ và giận dữ, và đưa mắt nhìn Kozlovxki.

Vừa lúc ấy từ sau cánh cửa đưa ra giọng nói sôi nổi và bực bội của Kutuzov xen vào một giọng nói khác nghe là lạ. Căn cứ vào giọng những câu nói này, vào thái độ lơ đễnh khi Kozlovxki nhìn chàng, vào cái giọng vô lễ của người thư ký mệt lả, vào việc viên thư ký và Kozlovxki ngồi dưới đất và bên cái thùng ở ngay sát cạnh Tổng tư lệnh, vào việc những người cô-dắc giữ ngựa cười oang oang ở ngoài cửa sổ, căn cứ vào tất cả những điều đó công tước Andrey có cảm giác là thế nào cũng sẽ xảy ra một việc gì quan trọng và không may.
     
Công tước Andrey khẩn khoản hỏi Kozlovxki.

- Công tước đợi một lát, Kozlovxki nói - đây là mệnh lệnh điều quan gửi Bagration.

- Thế việc đầu hàng?

- Làm gì có! Đã có lệnh chuần bị chiến đấu!

Công tước Andrey đi về phía cửa có tiếng nói đưa ra. Nhưng ngay lúc chàng toan đẩy cửa thì tiếng nói ở trong phòng im bặt, cánh cửa tự mở ra và Kutuzov với cái mũ diều hâu trên khuôn mặt béo phì, hiện ta ở ngưỡng cửa. Công tước Andrey đứng đối diện với Kutuzov. Nhưng cứ trông thần sắc con mắt đợc nhất của tổng tư lệnh người ta cũng thấy rõ ràng những nỗi lo âu suy nghĩ đã làm cho ông bận tâm đến nỗi dường như che mờ cả thị giác của ông. Ông nhìn thẳng vào mặt viên sĩ quan phụ tá của mình mà không nhận ra.

- Thế nào, xong chưa? - Ông nói với Kozlovxki.

- Xong ngay đây ạ.

Bagration bước theo sau Tổng tư lệnh. Ông người thấp bé, khô khan tuy chưa già, có một khuôn mặt im lìm và rắn rỏi kiểu phương Đông.

- Tôi rất hân hạnh được trình diện, - công tước Andrey nhắc lại khá to, tay đưa một phong thư.

- A, ở Viên lại đấy à? Được! Để lát nữa, lát nữa.

Kutuzov tiễn Bagration ra thềm và nói với ông:

- Chúc ngài lập chiến công oanh liệt.

Gương mặt Kutuzov đột nhiên dịu lại, mấy giọt lệ rưng rưng ở khoé mắt. Ông lấy tay trái kéo Bagration về phía mình, bàn tay phải đeo nhân làm dấu chữ thập cầu phúc cho Bagration với một cử chỉ hình như đã quen thuộc lắm và giơ cái má phúng phính ra cho Bogration hôn. Nhưng Bagration không hôn vào má mà lại hôn vào cổ ông.

- Cầu Chúa phù hộ cho ngài. - Kutuzov nhắc lại và đi đến gần xe ngựa. Ông nói với Bolkonxki - Anh lên xe với tôi.

- Thưa tướng quân, tôi muốn được làm người có ích ở đây. Xin ngài cho phép tôi được ở trong đạo quân của công tước Bagration.

- Anh lên đây ngồi - Kutuzov nói khi nhận thấy Andrey chần chừ, rồi tiếp - Chính tôi cũng đang cần đến những sĩ, quan giỏi, chính tôi đang cần.

Hai người ngồi trên xe ngựa, vài phút im lặng trôi qua.

- Trước mắt chúng ta còn nhiều việc, rất nhiều việc - Kutuzov nói với cái giọng của một người già nhìn xa thấy rộng. Hình như ông đã hiểu tất cả những điều diễn ra trong óc công tước Andrey - Nếu ngày mai trong đạo quân của ông ta có được một phần mười trở về được thì ta sẽ cảm ơn Thượng đế - Ông nói thêm, như thể tự an ủi mình.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn Kutuzov. Chàng bất giác nhìn vào những nếp sẹo đã được lau rửa sạch sẽ trên thái dương Kutuzov cách chừng mấy tấc: trong chiến dịch Izmail một viên đạn đã xuyên vào sọ vị nguyên soái ở chỗ ấy. Công tước Andrey nhìn con mắt của Kutuzov đã bị đạn xói bật và nghĩ thầm:

"Phải, ông ta có quyền nói đến cái chết của những người dưới quyền mình một cách điềm nhiên như vậy".
 
Chàng nói:

- Chính vì vậy mà tôi xin phép ngài phái tôi đến chi đội ấy.
   
Kutuzov không đáp. Hình như ông đã quên điều công tước Andrey vừa nói với ông, và ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Năm phút sau, mình khẽ lắc lư trên bộ díp êm của chiếc xe song mã, Kutuzov lại nói chuyện với công tước Andrey. Trên gương mặt của ông không còn dấu vết nào của sự xúc động. Giọng bỡn cợt và tế nhị, Kutuzov hỏi công tước Andrey về những chi tiết khi chàng bệ kiến hoàng đế, về những ý kiến của triều đình và về trận Kremx và về một vài người đàn bà mà hai người quen biết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:11:40 pm
Phần II
Chương - 14

Ngày mồng một tháng mười một Kutuzov được viên trinh sát của ông báo tin rằng đạo quân chỉ huy đã lâm vào một tình cảnh gần như không có lối thoát. Viên trinh sát báo rằng những lực lượng rất mạnh của quân Pháp sau khi vượt qua cầu ở Viên đang tiến về phía nhỡng con đường giao thông nối liền quân đội của Kutuzov với những đạo quân đang kéo từ Nga sang. Nếu Kutuzov quyết định dừng lại ở Kremx thì đạo quân của Napoléon gồm mười lăm vạn người sẽ chặn hết những đường giao thông của ông, sẽ lâm vào một tình thế tương tự như tình thế của Mack ở Ulm. Nếu Kutuzov quyết định bỏ con đường nối liền với các đạo quân từ Nga sang thì ông phải đi sâu vào vùng núi non miền Bohem xa lạ và không có đường sá ông phải đương đầu với các lực lượng quân địch mạnh hơn hẳn mình và từ bỏ mọi hy vọng liên lạc với Bulxhevden. Nếu Kutuzov quỳết định rút lui đi theo con đường Kremx đến Olmuytx để hợp với những đạo quân từ Nga sang thì có thể quân Pháp sẽ đến những con đường ấy trước mặt ông vì họ đã vượt qua cầu Viên, và như thế là ông buộc phải giao chiến trong lúc hành quân, trong khi quân đội phải mang theo đủ thứ xe cộ nặng nề; đã thế lại phải đương đầu với một kẻ địch mạnh gấp ba và bao vây cả hai phía.
Kutuzov đã chọn biện pháp sau cùng này.
     
Như lời viên trinh sát báo cáo, sau khi vượt qua cầu ở Viên - quân Pháp đang hành quân cấp tốc về phía Znaim nằm trên con đường rút lui của Kutuzov, ở trước mặt ông ta hơn một trăm dặm Nga. Nếu ông đến Zaim trước quân Pháp, ông sẽ có nhiều hy vọng cứu được quân đội, trái lại nếu ông để cho quân Pháp đến Zaim trước mình, ông sẽ để cho toàn quân phải chiụ một nỗi sĩ nhục tương tự như nỗi sỉ nhục ở Ulm hay là bị tiêu diệt toàn bộ. Nhưng đem cả đại quân vượt đến Zaim trước quân Pháp thì cũng không thể được. Đường của quân Pháp từ Viên đến Znaim ngắn và tốt hơn so với đường của quân Nga từ Kremx đến Znaim.
     
Ngay đêm nhận được tin này, Kutuzov phái đạo tiền quân của Bagration gồm bốn nghìn người đi qua miền núi non ở phía tay phải con đường từ Kremx đến Znaim để đến con đường từ Viên đến Znaim, mặt quay về phía Viên và lưng quay về phía Znaim. Nếu ông có thể đến đó trước quân Pháp thì ông phải hết sức tìm cách giữ chân quân Pháp thật lâu. Còn Kutuzov với tất cả xe cộ nặng nề thì lên đường tiến về Znaim.
     
Sau khi đã đi bốn mươi lăm dặm trong đêm bão táp, trên miền núi non, không đường sá với những người lính đói khát, không giày và đã lạc mất một phần ba quân số vì đi tụt lại sau, Bagration đã đến Hollabrun ở trên đường từ Viên đến Znaim mấy giờ trước khi quân đội Pháp xuất phát từ Viên cũng đến đấy.
     
Kutuzov với đội vận tải còn phải đi suốt một ngày đêm mới đến Znaim, thành ra để cứu đạo quân, Bagration với bốn nghìn quân vừa đói vừa mệt phải giữ chân trong hai mươi bốn tiếng ròng rã tất cả quân đội địch mà ông gặp ở Hollbru. Việc đó cố nhiên không thể làm được, nhưng một số phận kỳ lạ đã làm cho cái việc không thể làm được trở thành sự thực. Thấy rằng biện pháp lừa dối đã thành công và đã trao cầu Viên cho quân đội Pháp mà không phải đánh chác gì, Mura háo hức tìm cách lừa luôn cả Kutuzov nữa. Gặp đội quân ít ỏi của Bagration trên con đường đi Znaim, Mura tưởng mình đang đứng trước đại quân của Kutuzov. Để tiêu diệt chắc chắn đạo quân ấy, Mura có ý chờ đạo quân Pháp trên đường từ Viên đến, bèn đề nghị đình chiến ba ngày với điều kiện là cả hai đạo quân không thay đổi vị trí, cứ giữ nguyên trận địa cũ. Mura cam đoan rằng những cuộc thương thuyết hoà bình đã bắt đầu rồi, cho nên để tránh khỏi đổ máu vô ích, hắn đề nghị đình chiến. Viên tướng Áo là bá tước Noxtich ở tiền tiêu tin theo lời sứ giả của Mura, đã rút lui để hở chi đội của Baration. Quân Pháp lại phái thêm một sứ giả đến tiền tiêu của quân Nga và cũng đưa tin tức như thế về việc đàm phán hoà bình, và đề nghị với quân đội Nga đình chiến trong ba ngày. Bagration đáp lại rằng ông ta không thể chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị đình chiến, và phái sĩ quan phụ tá của mình mang báo cáo về đề nghị đình chiến của quân Pháp cho Kutuzov.
     
Đối với Kutuzov, đình chiến là biện pháp duy nhất để tranh thủ thời gian, cho chi đội Bagration đã mệt mỏi được nghỉ ngơi và cho đội vận tải và các xe hành lý tiến lên (quân Pháp không biết đến việc hành quân này) ít nhất là được thêm một trạm nữa tới gần Znaim.

Đề nghị đình chiến đã đem lại một cách bất ngờ cái khả năng duy nhất để cứu đại quân. Sau khi nhận tin ấy, Kutuzov lập tức phái tướng Vintxingherot làm sĩ quan phụ tá đến dinh luỹ quân địch.
     
Vintxingherot có nhiệm vụ không những chấp nhận đình chiến mà còn đề nghị những điều kiện đầu hàng nữa. Trong lúc đó, Kutuzov sai những sĩ quan phụ tá của mình quay trở lại xúc tiến đến mức tối đa sự đi chuyển của đoàn xe vận tải của đạo quân trên con đường từ Kremx đến Znaim. Chi đội của Bagration mệt mỏi và đói một mình có nhiệm vụ yểm hộ tất cả cuộc vận chuyển của đội vận tải và của toàn quân, bằng cách giữ nguyên trận địa, đương đầu với một kẻ địch mạnh gấp tám lần.
     
Những dự đoán của Kutuzov quả nhiên ứng nghiệm: Đề nghị đầu hàng không ràng buộc gì, trái lại nó khiến cho một bộ phận đội vận tải của ông có thì giờ đi qua, và lỗi lầm của Mura chẳng bao lâu bị phát hiện rất nhanh. Buônapáctê bấy giờ ở Sonbrun cách Hollabrun hai mươi dặm Nga vừa nhận được báo cáo của Mura cùng với kế hoạch đình chiến và đầu hàng đã biết ngay là Mura bị lừa liền viết cho Mura bức thư dưới đây:
   
"Gửi thân vương Mura, Sobrun ngày 25 tháng sương mù năm 1805, lúc 8 giờ sáng.

Ta không thể nào tìm được những lời lẽ nào đủ nặng để cho ngươi biết ta bất bình đến thế nào. Ngươi chỉ cầm đầu đội tiền quan của ta và không có quyền kí kết đình chiến nếu không có lệnh của ta. Ngươi làm ta mất thành quả của cả một chiến dịch. Phải huỷ ngay lệnh đình chiến và tấn công quân địch. Ngươi hãy tuyên bố với nó rằng viên tướng kí giấy đầu hàng ấy không có quyền làm việc đó, chỉ có Hoàng đế nước Nga mới có quyền ấy mà thôi.

Tuy nhiên, nếu Hoàng đế nước Nga chuẩn y điều ước nói trên thì ta cũng chuẩn y; nhưng đó sẽ chỉ là một mưu chước. Hãy tấn công! Tiêu diệt quân đội Nga, ngươi có khả năng cướp lấy hành lí và đại bác của họ.
Sĩ quan phụ tá của Hoàng đế Nga là một thằng… Bọn sĩ quan không có giá trị gì hết khi họ không có quyền. Tên này không hề có quyền gì… Bọn Áo đã để người ta lừa trong việc qua cầu Viên còn ngươi thì đã để cho một viên sĩ quan của Hoàng đế lừa.
   
Napoléon"

     
Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê phóng ngựa phi hết tốc lực, mang bức thư với lời lẽ giận dữ này cho Mura. Bản thân Buônapáctê, vốn không tin các tướng soái của mình, liền tiến tới chiến trường với tất cả vệ đội quân. Ông sợ bỏ lỡ một mồi ngon đã sẵn sàng. Trong khi đó chi đội bốn ngàn quân của Bagration đang vui vẻ chất củi đốt sưởi áo quần và nấu bữa xúp lần đầu tiên sau ba ngày nhịn đói. Trong bọn họ không có ai biết và nghĩ đến những sự kiện đang chờ đợi họ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:13:02 pm
Phần II
Chương - 15

Khoảng quá ba giờ chiều, công tước Andrey sau khi khẩn khoản xin được Kutuzov phái mình đến tiền quân, đã đến Grun trình diện Bagration. Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê vẫn chưa đến chi đội Mura, và trận đánh vẫn chưa bắt đầu. Trong đội quân của Baglation không ai biết gì về tình hình chung của chiến sự. Người ta nói đến trận địa, nhưng cũng không tin là chiến trận đến gần.

Bagration biết Bolkonxki là sĩ quan phụ tá thân tín của Kutuzov và được Kutuzov yêu quý nên tiếp đón chàng đặc biệt nồng hậu và nhã nhặn. Ông cho chàng biết có lẽ hôm nay hay ngày mai sẽ có trận giao chiến và cho phép chàng hoàn toàn tự do muốn ở cạnh mình trong thời gian giao chiến hay ở đội hậu vệ giám sát trật tự rút quân cũng được, vì "việc này cũng rất quan trọng".

- Vả lại hôm nay có lẽ cũng chưa có chiến sự đâu - Bagration nói, như muốn làm cho công tước Andrey yên tâm.

"Nếu hắn ta chỉ là một thằng công tử bột tầm thường ở bộ tham mưu phái đến đây để kiếm huân chương chữ thập thì hắn cứ ở đội hậu vệ cũng sẽ được huân chương, còn nếu hắn muốn đi với ta thì cứ để cho hắn đi… nếu hắn là một võ quan dũng cảm thì lại có ích lợi lắm" - Bagration nghĩ thầm.

Công tước Andrey không đáp, yêu cầu Bagration cho phép đi quan sát trận địa để biết rõ cách bố trí quân đội. Như vậy, khi nào nhận được nhiệm vụ chàng sẽ biết phải đi đâu. Sĩ quan trực ban của chi đội, một người đàn ông khôi ngô, ăn mặc bảnh bao, đeo viên kim cương ở ngón tay, nói tiếng Pháp tồi nhưng lại hay nói tiếng Pháp, tình nguyện dẫn công tước Andrey đi xem.

Đâu đâu cũng thấy những sĩ quan bị mưa thấm ướt, gương mặt buồn bã, như đang tìm một cái gì, và những người lính mang cánh cửa ghế dài, hàng rào ở trong làng ra. Vicn sĩ quan tham mưu chỉ họ nói:

- Thưa công tước, chúng tôi không làm sao ngăn cấm được bọn ấy. Các vị chỉ huy cho họ phóng túng quá.
Đấy kìa - anh ta chỉ cái lều của một người bán hàng rong đi theo quân đội, họ tụ tập lại ngồi lê ở đấy - Sáng hôm nay tôi đã đuổi hết đi, nhưng ông xem, bây giờ lại đầy cả người ra rồi đấy. Thưa công tước, tôi phải đến dây doạ cho họ một mẻ mới được. Chỉ một phút thôi.

Công tước Andrey chưa có thì giờ ăn một tí pho-mat và một chiếc bánh mì.

- Sao ban nãy công tước lại không nói? Biết vậy tôi đã mời công tước ăn rồi.

Hai người xuống ngựa đi vào lều… Một vài sĩ quan mặt đỏ bừng và phờ phạc đang ngồi ăn uống ở các bàn.

- Ồ? Thế này là thế nào, các vị! - Viên sĩ quan tham mưu quở trách với cái giọng của một người cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi có một việc - Các ông phải biết, bỏ đơn vị mà đi như thế này không được đâu ấy thế mà cái ông đại uý này - chàng nói với một võ quan pháo binh nhỏ nhắn, bẩn thỉu gầy gò, chân không có ủng (anh ta đã đưa ủng cho người bán hàng hơ cho khô) chỉ đi tất, thấy hai người bước vào thì đứng dậy và mỉm cười không lấy gì làm tự nhiên cho lắm.

- Kìa, đại uý Tusin, đại uý không xấu hổ sao? - viên võ quan tham mưu nói tiếp - Tôi thấy pháo binh như ông lẽ ra phải làm gương cho người ta chứ, đằng này ông lại không đi ủng. Nếu báo động thì ông đến đi chân không mất, trông ngộ nghĩnh lắm đấy - viên sĩ quan tham mưu mỉm cười, rồi nói thêm với cái giọng cấp trên - Mời các vị ai về chỗ nấy, tất cả, mời tất cả các vị.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn đại uý pháo binh Tusin, bất giác mỉm cười; Tusin im lặng cười chúm chím, cặp chân không lần lượt giấu xuống đất, chân này giẫm xuống thì chân kia lại co lên, mở cặp mắt to, thông minh và hiền hậu, hết nhìn công tước Andrey lại nhìn viên sĩ quan tham mưu có ý dò hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:21:49 pm
(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/Bagration_P_I.jpg)

Công tước Piotr Ivanovich Bagration (1769 – 1812) -  chỉ huy bộ binh Nga, anh hùng Chiến tranh Vệ quốc năm 1812. Hy sinh ngày 12 (24 - theo công lịch) tháng 9 năm 1812 tại Borodino.

Anh trai của trung tướng quân Nga – công tước Roman Ivanovich Bargation và là bác của trung tướng quân Nga, kỹ sư nhà, khoa học – luyện kim – công tước Piotr Romanovich Bagration (con của R.I.Bargation).


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:22:38 pm
- Lính họ bảo cởi giày ra dễ chịu hơn - đại uý Tusin nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu. Hẳn là anh đang muốn chuyển sang giọng bông đùa để thoát khỏi cái tình trạng lúng túng này. Nhưng anh ta chưa kịp nói xong đã cảm thấy câu nói đùa của mình không được hưởng ứng và cũng không đúng chỗ, nên rất bối rối.

- Ông làm ơn về đơn vị cho - viên sĩ quan tham mưu nói, cố gắng giữ vẻ nghiêm trang.

Công tước Andrey lại liếc mắt nhìn cái thân hình nhỏ bé của người pháo binh một lần nữa. Bóng dáng anh ta có một cái gì đặc biệt, chẳng có gì là tư thế nhà võ, hơi hài hước nhưng hết sức hấp dẫn.

Viên sĩ quan tham mưu và công tước Andrey lên ngựa tiếp tục đi. Họ ra khỏi làng, trên đường cứ luôn luôn gặp và vượt qua những người lính và những sĩ quan thuộc nhiều binh chủng. Họ nhìn thấy ở bên trái một dãy công sự đào, màu đất đỏ mới đào lên tươi rói: Một vài tiểu đoàn lính mặc phong phanh cái áo sơ mi mặc trông như một đàn kiến trắng. Đằng sau chiến hào có một người nào không ai thấy cứ liên tiếp hất lên những mảnh đất sét đỏ theo từng nhát thuổng. Ngay ở phía sau công sự họ vấp phải mấy chục người lính từ trên công sự chạy xuống, liên tiếp kế chân nhau đến ngồi xổm ở một nơi. Hai người phải bịt mũi và thúc ngựa chạy nước kiệu để ra khỏi bầu không khí xú uế này.

- Đấy lạc thú của doanh trại là thế, thưa ngài công tước! - viên sĩ quan tham mưu trực nhật nói.

Họ đi lên ngọn đồi trước mặt. Từ ngọn đồi này đã có thể trông thấy quân Pháp. Công tước Andrey đứng lại và bắt đầu quan sát.

- Đây đội pháo của ta đặt ở đây, - viên sĩ quan tham mưu nói, tay chỉ vào điểm cao nhất - Đó là vị trí của anh chàng chỉ huy kỳ quặc không đi ủng ấy. Đúng ở đấy thì nhìn đâu cũng thấy. Mời công tước chúng ta đi thôi.

- Tôi xin cảm ơn ông, bấy giờ tôi đi một mình cũng được - công tước Andrey nói, trong bụng chỉ mong thoát khỏi anh chàng sĩ quan tham mưu kia - Ông cứ dề mặc tôi.

Viên sĩ quan tham mưu ở lại, và công tước Andrey cưỡi ngựa đi một mình.

Chàng càng tiến đến phía quân địch thì dáng dấp quân sĩ càng chỉnh tề và vui vẻ. Mất trật tự và chán nản nhất là đội vận tải ở trước thành phố Znaim cách quân Pháp mười dặm Nga mà sáng nay chàng vừa đi qua. Ở Grum người ta cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi một cái gì không rõ. Nhưng càng đến gần những hàng tiền tiêu của quân Pháp, công tước Andrey càng thấy quân đội ta có tinh thần tự tin vững vàng. Quân lính mặc áo khoác đứng thành hàng và người tào trưởng hay đại uý điểm số bằng cách thức ngón tay trỏ vào ngực đứng ở ngoài cùng và ra lệnh cho anh ta giơ tay. Quân lính rải rác trên khắp trận địa vác củi súc và cành khô về đốt, hoặc đang dựng lều vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Cạnh đống lửa, người thì mặc áo, người thì cởi trần đang hơ áo sơ mi và giày, hay sửa lại đôi ủng, và chiếc áo khoác, xúm nhau bên cạnh mấy cái nồi và mấy người nấu bếp. Trong một đại đội, bữa ăn đã sẵn sàng. Quân lính nhìn mấy cái nồi bốc hơi thèm thuồng và đứng chờ người trung sĩ quân nhu mang một cái bàn bằng gỗ đựng thức ăn đến cho viên sĩ quan đang ngồi trên một súc gỗ, trước mặt lều của mình để anh ta nếm thử.

Trong một đại đội khác may mắn hơn - bởi vì không phải đơn vị nào cũng có rượu vodka binh sĩ đang chen nhau trước một viên tào trưởng mặt rỗ, vai rộng, đang nghiêng một cái thùng ton-nô nhỏ rót rượu vào những chiếc bi đông mà binh sĩ lần lượt giơ ra. Binh sĩ nâng bi đông lên môi một cách thành kính, ngửa cổ: dốc ngược bi đông lên rồi súc miệng, lấy tay áo khoác quệt mép và mặt mày hớn hở hẳn lên, họ rời khỏi chỗ viên tào trưởng. Ai nấy vẻ mặt đều điềm nhiên, tưởng chừng như tất cả việc này đều diễn ra không phải trước mặt quân dịch, trước một trận giao chiến trong đó ít nhất là một nửa chi đội chết, mà là ở một nơi nào đó bên tổ quốc, trong khi chờ đợt trú quân yên tĩnh.

Sau khi đã đi qua trung đoàn khinh binh và đi vào hàng ngũ của đội lính thủ pháo thành Kiev gồm những chàng trai trẻ cũng đang lo những công việc thanh bình như thế, công tước Andrey đến gần lều của một người chỉ huy trung đoàn, cao hơn những lều khác, và gặp một tiểu đội thủ pháo xếp thành đội ngũ đứng trước một người đang nằm dài dưới đất, mình bị lột trần như nhộng. Hai người lính giữ lấy anh ta và hai người nữa cứ lấy những nhánh cây dẻo đánh đều đặn lên cái lưng trần. Người bị đánh kêu lên những tiếng nghe như vờ vĩnh. Viên thiếu tá người đẫy đà bước ra trước hàng quân và không hề để ý đến tiếng kêu, nói.

- Đối với một quân nhân thì ăn cắp là một điều sỉ nhục, một quân nhân phải biết ngay thắng, cao thượng và dũng cảm. Nếu hắn ăn trộm của anh em thì hắn không có danh dự nữa, hắn là một thằng hèn hạ. Đánh nữa đi, đánh nữa đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Mười Hai, 2010, 10:23:26 pm
Rồi lại nghe những tiếng roi mềm vun vút và những tiếng gào thảm thiết nhưng vờ vĩnh.

Viên thiếu tá nói:

- Đánh nữa, đánh nữa nào.

Một viên sĩ quan trẻ tuổi, vẻ mặt ngơ ngác và đau đớn, đi khỏi chỗ người bị phạt, đưa mắt nhìn người phụ tá đang đến như muốn hỏi ý kiến.

Lên đến tiền tiêu, công tước Andrey cho ngựa đi dọc theo trận tuyến. Hàng tiền tiêu của quân ta và hàng tiền tiêu của quân địch ở cánh trái và cánh phải cách xa nhau, nhưng ở khoảng giữa, tức là nơi trông thấy mặt nhau và nói chuyện với nhau được.

Ngoài những người lính giữ vị trí tiền tiêu ở chỗ ấy, cả hai bên đều có những tay hiếu kỳ đứng đấy: vừa cười vừa nhìn những kẻ địch kỳ quái và xa lạ với họ.

Từ sáng sớm, mặc dầu có lệnh cấm quân sĩ đến gần tiền tiêu, những người chỉ huy vẫn không sao xua đuổi được những anh hiếu kỳ. Những người đứng gác ở tiền tiêu, như những kẻ chuyên trưng bày cho công chúng xem một cái gì hiếm có, không buồn nhìn quân Pháp nữa mà lại đứng bình phẩm những người đến xem và cảm thấy chán trong khi chờ đợi người ta đến thay phiên mình. Công tước Andrey đứng lại quan sát quân Pháp.

- Cậu xem kìa - một người lính Nga nói với bạn, tay chỉ một bộ binh Nga đã cùng với một sĩ quan đến gần
tiền tiêu, đang nói rất nhanh và rất sôi nổi với người lính pháo thủ Pháp - Cậu xem nó nói thạo chưa, nhanh như gió ấy, thằng Pháp theo không kịp. Xidorov, cậu lại đi - Hãy gượm, để nghe xem đã. Ồ, nói thạo lắm - Xidorov đáp (Anh ta vốn được xem là người rất thông thạo tiếng Pháp).

Người lính mà họ vừa cười vừa chỉ đó chính là Dolokhov. Công tước Andrey nhận ra hắn và lắng nghe xem hắn nói gì. Dolokhov cùng với viên đại đội trưởng của mình đến gần chỗ tiền tiêu ở cánh gà trái là nơi trung đoàn của họ bố trí.

- Được đấy cứ nói nữa đi - viên đại uý khích Dolokhov, người nhô ra phía trước và cố gắng không bỏ sót một chữ nào mặc dầu anh ta không hiểu hết gì - Anh nói cho thật nhanh nữa đi. Hắn nói gì thế?

Dolokhov không đáp, hắn đang bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi nổi với người lính thủ pháo Pháp. Cố nhiên là họ nói đến chiến dịch. Người Pháp, lẫn lộn người Áo với người Nga, đang chứng minh rằng người Nga đã bị đánh bại phải bỏ thành Ulm chạy dài, còn Dolokhov thì chứng minh rằng quân Nga không hề bị đánh bại, trái lại họ đã đánh bại quân Pháp.

Dolokhov nói:

- Ở đây chúng tao đã được lệnh đuổi chúng mày, và chúng tao sẽ đuổi chúng mày.

- Thôi chúng mày hãy cố gắng làm sao đừng bị bắt làm tù binh với tất cả bọn cô-dắc của chúng mày - người lính thủ pháo Pháp nói.

Những người lính Pháp đang đứng xem và lắng nghe đều cười rộ.

- Chúng tao sẽ cho chúng mày khiêu vũ một trận như chúng mày đã khiêu vũ thời Xuvorov - Dolokhov nói.

- Hắn tán cái gì thế? - một người Pháp hỏi.

- Lịch sử cổ đại ấy mà! - một người khác nói, đoán rằng Dolokhov muốn nói đến những chiến sự trước. Hoàng đế sẽ cho cái lão Xuvara của chúng mày biết tay cũng như mọi đứa khác.

- Buônapáctê… - Dolokhov bắt đầu nói nhưng người Pháp đã ngắt lời chàng:

- Buônapáctê cái gì? Đã bảo là Hoàng đế! Khốn kiếp! - Hắn giận dữ quát lên.

- Quỷ sứ bắt cái thứ hoàng đế của chúng mày đi.

Dolokhov chửi lên một tiếng Nga tục tằn của binh sĩ và khoác quai súng lên vai bỏ đi.

- Đi, chúng ta đi thôi, anh Ivan Lukits, - hắn nói với người đại đội trưởng.

- Đấy thế mới biết tiếng Pháp chứ - Người lính ở tiền tiêu nói - Xidorov, bây giờ cậu đến nói đi.

Xidorov nheo mắt một cái rồi quay về phía những người Pháp bắt đầu nói xì xồ những câu chẳng ai hiểu.

- Ca-ri, ma-ta, ta pha, sa phi, mu te, cat-sca - anh nói có vẻ liến thắng, cố làm cho giọng nói của mình bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

- Hô hô, hô! Ha - ha, ha! ú ù! - đám binh sĩ cười phá lên, tiếng cười lành mạnh và vui vẻ, bất giác vượt qua hàng tiền tiêu lan cả vào đám lính Pháp, đến nỗi người ta có cảm giác là lẽ ra sau đó chỉ còn có việc tháo đạn khỏi súng, phá hết tạc đạn và giải tán thật nhanh ai về nhà nấy.

Nhưng súng vẫn cứ nạp đạn, những lỗ châu mai trên các nhà và các công sự vẫn cứ nhìn về phía trước một cách dữ tợn và những khẩu pháo đã được tháo ra khỏi xe vẫn chĩa vào nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:27:53 pm
Thông tin thêm về trận Borodino

Bối cảnh lịch sử

Đầu năm 1812, nước Nga bí mật ký kết thoả ước thương mại với Anh Quốc, vi phạm Hệ thống Phong toả Lục địa đã ký với Pháp năm 1807.

Tháng 6 năm 1812 đại quân của Pháp gồm 60 vạn quân Pháp và chư hầu do Napoleon I chỉ huy xâm phạm lãnh thổ của nước Nga. Sa hoàng Alếchxăngđrơ I đã tuyên bố khởi xướng cuộc Chiến tranh Vệ quốc chống lại sự xâm lược của quân đội Pháp.

Quân Nga gồm có 2 đạo quân do hầu tước Mikhain Bácơlay đờ Tôli  và tướng Piotr Ivannovich Bagration chỉ huy, tổng cộng quân số 20 vạn người. Đạo đóng ở phía Bắc của Bácơlay sẽ chặn quân Pháp và rút lui về phòng tuyến sông Đơrixa, còn một đạo phía Nam của Bagratiôn sẽ đánh thọc sườn.

Theo so sánh về quân số, rõ ràng với 60 vạn quân, Napoleon hoàn toàn có thể đè bẹp sự kháng cự của quân Nga. Sự chuẩn bị chiến tranh của Nga rõ ràng vô cùng tệ hại khi mà Nga hoàng đã bác bỏ kế hoạch tấn công bảo vệ Tổ quốc của tướng Bagration, viên tướng được Napoleon đánh giá cao nhất.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến quân đội Pháp đã tiến rất nhanh vào sâu lãnh thổ nước Nga mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự đáng kể nào. Quân Nga sau khi rút đến Đơrítxa lại rút tiếp để bảo toàn lực lượng và chờ đợi quân Pháp suy yếu vì thiếu đói và giá lạnh để phản công. Tướng Baccơlay nhận thức rõ chạm trán với quân Pháp lúc này là chuốc lấy thất bại. Tuy nhiên binh sĩ Nga đều khao khát chiến đấu chống lại quân xâm lược. Người ta cho rằng ông phản bội nước Nga và ngay cả Nga hoàng cũng cảm thấy không hài lòng về viên tướng này.

Trong khi đó,  Mikhail Illarionovich Kutuzov đã nhanh chóng tự tổ chức lấy các đội dân binh Nga để chống lại quân xâm lược. Các hoạt động của Cutudốp và của các đội du kích tỏ ra rất hiệu quả. Uy tín của Kutuzov được nâng cao. Ông được ủng hộ để trở thành Tổng tư lệnh của quân Nga. Bácơlay được thay thế bởi Cutudốp.

Sau 2 thất bại ở trận Smolensk và trận Valutino, Cutudốp không muốn đối đầu trực diện với người Pháp nữa. Tuy không muốn giao chiến trực tiếp với quân Pháp nhưng dưới sự hối thúc của Sa hoàng, Cutudốp cũng phải thiết lập một phòng tuyến tại làng Borodino, cách Moskva khoảng 125 km và 12 km ở phía tây Mozhaysk. Sau đó, ông chấn chỉnh lại tinh thần binh sĩ Nga, dập tắt các tin đồn.  Việc này khá thuận lợi do uy tín vô cùng lớn của Cutudốp đối với nhân dân và binh sĩ. Việc thứ hai là xem xét kế hoạch rút quân của Bácơlay. Cutudốp đồng ý với Bácơlay, nhưng ông cũng hiểu là càng rút thì tinh thần binh sĩ, vũ khí tối thượng của quân Nga sẽ tiêu tan hết. Cần phải có một trận đánh kịp thời để củng cố lại tinh thần ấy. Khi quân Nga rút đến Bôrôđinô, lực lượng hai bên xem như cân bằng. Đây là nơi để quyết chiến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:28:55 pm
Lực lượng hai bên và diễn biến

Quân Nga: 145.200 binh sĩ, trong đó có 114.000 quân thường trực với khoảng 624 pháo, 9.500 quân Kỵ binh Kazak, 21.700 dân quân

Quân Pháp: 125.000 – 130000 binh sĩ với 587 pháo.

Về số lượng, quân Nga có vượt trội hơn nhưng tương đương về vũ khí và đại pháo do lực lượng dân quân được vũ trang rất thô sơ và chủ yếu chỉ thực hiện chức năng xây thành đắp lũy và hầu như không tham gia trực tiếp vào trận chiến.

5 giờ sáng ngay 7-9-1812, quân Pháp bắt đầu tiến công. Các đợt tấn công đầu tiên của quân Pháp nhằm vào cánh phải quân Nga, nhưng ít lâu sau đó, ý đồ của Napoleon đã lộ rõ: mục tiêu thật sự là các lực lượng cánh trái và trung tâm, cụ thể là trận địa pháo Raievsky. Sau khi chiếm lĩnh được nó rồi, quân Pháp sẽ ép quân Nga về dòng sông Co-lô-tra để tiêu diệt. Lúc đầu do có lực lượng ưu thế nên quân Pháp đã chiếm được thôn Bôrôđinô nhưng không phát triển tiếp theo được do quân Nga đánh trả dữ dội. Các cuộc đột kích đầu tiên của quân Pháp nhằm lôi kéo quân Nga di chuyển đội hình về hai cạnh sườn đều không đạt kết quả.

Đến 6 giờ, quân Pháp chuyển sang tiến công trận địa phòng ngự quân Nga ở thôn Semenovski nhưng cũng bị đẩy lùi. Ngay sau đó, Napoléon tập trung 8 sư đoàn bộ binh, 3 quân đoàn kị binh và 120 pháo mở cuộc đột kích lần thứ hai. Quân Pháp lúc đầu chiếm được phía Nam khu vực phòng ngự do tướng Bagratiôn chỉ huy, nhưng sau đó quân Nga phản kích chiếm lại.

 8 giờ, quân Pháp mở cuộc công kích lần thứ 3, nhưng lại bị thất bại. Trong khi đó 2 sư đoàn kỵ binh Pháp tiến công trận địa pháo do Raévski chỉ huy cũng không đạt kết quả.

Như vậy, cả 3 cuộc công kích của quân Pháp vào khu vực chủ yếu trận địa của quân Nga đã thất bại.

Ở cánh trái trận địa quân Nga, một quân đoàn Pháp sau 3 giờ công kích liên tục đã chiếm được thôn Utisa. Thắng lợi ở Utisa đã củng cố quyết tâm của Napoléon. Ông tiếp tục mở 8 cuộc công kích vào trận địa pháo của Raévski và khu vực phòng ngự ở Semenovski. Cuộc chiến tại đây diễn ra rất quyết liệt. Quân Pháp và Nga giành giật nhau các khu vực trận địa. Quân Nga đã liên tiếp đánh lui các đợt tấn công ác liệt của quân Pháp. Trong đợt công kích lần thứ 6, Napoléon tập trung trên một đoạn hẹp rộng 1.5 km tới 100 khẩu pháo, và 4.5 vạn quân. Quân Nga có khoảng 1.5 vạn quân và 200 khẩu pháo đã kháng cự lại một cách rất quyết liệt. Trong lần công kích này của quân Pháp, hơn một nửa số pháo Nga bị phá hủy, công sự bị san bằng nhưng quân Pháp không thể chiếm được trận địa. Bagration bị thương nặng, được đưa ra khỏi chiến trường và không lâu sau qua đời, nhưng tinh thần dũng cảm và ý chí của ông đã thôi thúc những người lính Nga tiếp tục chiến đấu. Lệnh của Kutuzov "giữ vững trận địa đến người cuối cùng" đã được thông báo cho toàn bộ các đơn vị quân Nga. Tuy nhiên, do lực lượng quân Pháp chiếm ưu thế nên Kutuzov quyết định cho quân rút lui theo khe núi ở thôn Semenovski để củng cố lực lượng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:29:23 pm
Sau khi chiếm được một số khu vực phòng ngự, quân Pháp tập trung lực lượng mở đợt tiến công và chiếm được khu vực phía Tây thôn Semenovski. Tại đây, trận địa pháo của Raevski đã ở trước mặt quân Pháp. Napoléon tung hầu hết lực lượng dự bị và đang cân nhắc liệu có tung đội cận vệ của mình vào chiến đấu hay không. Trước tình thế nguy hiểm đó, Kutuzốv đã quyết định kịp thời: ra lệnh cho kỵ binh Nga của tướng Platov tiến công đánh vào cánh trái quân Pháp, đồng thời sử dụng đội kỵ binh Kazak tiến công đoàn xe vận tải của đối phương. Kỵ binh Nga đã chọc thủng được đội hình quân Pháp và gây ra sự hoảng loạn ở hậu phương, buộc Napoléon phải điều lực lượng về cánh trái để duy trì cuộc tiến công vào trận địa pháo của Raevski và không tung đội cận vệ vào trận chiến. Trận tấn công bị hoãn lại. Kutuzốv tăng cường lực lượng ở trung tâm và cánh trái bằng cách điều lực lượng dự bị và lực lượng từ cánh phải dồn lại.

14 giờ, Napoléon tiếp tục cho lực lượng tiến công trận địa pháo quân Nga và đưa đội dự bị cuối cùng vào chiến đấu. Đội giáp binh của Cô-lanh-cua được tung vào trận. Về phía Nga, sư đoàn 24 của Likhatrov được điều đến bảo vệ. Trận chiến lại diễn ra quyết liệt. Quân Nga chiến đấu dũng cảm theo lời kêu gọi của Likhatrov: "Anh em ơi, phía sau là Mát-xcơ-va.". quân Pháp càng lúc càng áp đảo. Các khẩu pháo Nga lúc này không thể khai hỏa vì quân Pháp quá gần. Các pháo thủ phải dùng cả cây thông nòng để chiến đấu. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng đến 15 giờ 30 phút, quân Pháp đã chiếm được trận địa. Toàn bộ sư đoàn 24 Nga nằm lại trận địa. Likhatrov cũng phanh ngực xông thẳng vào lưỡi lê của quân địch. Trận địa pháo thất thủ. Bên cạnh xác các binh sĩ Nga là 1000 xác chết thuộc đội giáp binh của quân Pháp

Song việc chiếm trận địa pháo của Raevski không còn ý nghĩa. Quân Nga đã bỏ khu vực phòng ngự ở cánh trái và trung tâm lên chiếm lĩnh trận địa mới cách đó từ 1 đến 1.5 km. Như vậy, quân Nga mặc dù bị mất một số khu vực nhưng vẫn giữ được vững đội hình chiến đấu. Trong khi đó quân Pháp sau nhiều lần công kích, lực lượng bị tiêu hao quá lớn buộc Napoléon phải ngừng công kích, ra lệnh cho quân Pháp rút về vị trí xuất phát tiến công. Ngay sau đó quân Nga đã chiếm lại các vị trí tiền tiêu.

18 giờ, sau khi tổ chức củng cố lại trận địa, Kutuzốv tuyên bố quân Nga chiến thắng và ông vẫn động viên quân Nga sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công của quân Pháp đồng thời chuẩn bị cho cuộc tiến công quân địch vào sáng hôm sau. Quân Nga cũng bị tổn thất lớn qua các đợt công kích liên tục của quân Pháp Kutozov cho rằng dù đã đánh bại các cuộc công kích của quân Pháp, song cho đến thời điểm này, lực lượng chủ yếu của quân Nga vẫn cần phải được bảo toàn, chờ thời cơ dành chiến thắng quyết định. Vì vậy, Kutuzov quyết định cho quân Nga rút khỏi Borodino. Chiều tối, Kutuzov đã quyết định rút khỏi trận chiến và lệnh cho tướng Gortrakov bí mật rút quân ra sau thung lũng Semenovski. Trận chiến Borodino đã kết thúc giữa chừng. Cuộc chiến đã giằng co tới mức Napoleon đã không dám sử dụng 37.000 quân thuộc lực lượng Cận vệ Hoàng gia vì sợ rằng cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn vào ngày tiếp theo.

Thiệt hại:
Trong trận Borodino, quân Nga mất 44,000 người trong khi quân Pháp và đồng minh: trên 58,000. Sau trận Borodino, Kutuzov đã nhận hàm Thống chế và 100,000 rúp. Nga hoàng đã thưởng cho Bagratinon 50,000 rúp. Mỗi người lính tham chiến trong trận Borodino được thưởng 5 rúp bạc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:30:06 pm
Đánh giá kết quả trận đánh

Kết quả lớn nhất của trận Borodino là trận đánh đã không cho phép Napoleon chiến thắng người Nga trong trận đánh quan trọng. Quân Nga đã trụ vững trước các đợt tấn công của quân Pháp. Napoleon không đạt được một mục tiêu chiến lược rõ rệt mặc dù quân Pháp đã tổn thất rất nhiều. Đây là một sách lược mang tính bước ngoặt đối với toàn cuộc chiến tranh. Do bị tiêu hao binh lực sau trận Borodino quân Pháp không thể tiếp tục tiến sâu vào Nga hơn nữa, Napoleon quyết định dừng lại ở Moskva để chờ viện binh và lương thực, đồng thời củng cố lực lượng để tiếp tục chiến dịch quân sự vào mùa xuân năm sau. Nhưng dự định đó đã bị phá sản khi mọi nguồn lương thực và viện binh của Pháp đều bị các cánh quân du kích của Nga chặn đánh, tiêu diệt không tới được với đại quân của Napoleon. Tới mùa đông quân Pháp rơi vào tình trạng bệnh tật và tử vong cao do thời tiết lạnh khắc nghiệt của Nga và sự thiếu lương thực trầm trọng. Hoàng đế Napoleon buộc phải rút quân khỏi Nga. Chiến dịch tấn công nước Nga coi như đã thất bại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:32:21 pm
Một số hình ảnh (tranh vẽ) về trận Borodino

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/borodino.jpg)
Sơ đồ trận đánh

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/Kutuzovborodino.jpg)
Tướng Kutozov trên chiến trường

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/VereshaginNapoleon_near_Borodino.jpg)
Napoleon và các tướng lĩnh quân Pháp


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:35:39 pm
(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/tranhveborodino.jpg)
Hình vẽ trận Borodino

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/tanconglitovcanvequandoan5.jpg)
Cuộc tấn công của trung đoàn quân cận vệ (quân ngự lâm) Litov thuộc quân đoàn bộ binh số 5

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/Netrongbrodino.jpg)
Tướng Nê trong trận Borodino


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:37:48 pm
(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/trandiaphao.jpg)
Trận địa pháo quân Nga

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/phaothutrongtranborodino.jpg)
Pháo thủ

(http://i206.photobucket.com/albums/bb107/selene0802/__.jpg)
Kết thúc trận đánh


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:40:53 pm
Phần II
Chương - 15

Khoảng quá ba giờ chiều, công tước Andrey sau khi khẩn khoản xin được Kutuzov phái mình đến tiền quân, đã đến Grun trình diện Bagration. Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê vẫn chưa đến chi đội Mura, và trận đánh vẫn chưa bắt đầu. Trong đội quân của Baglation không ai biết gì về tình hình chung của chiến sự. Người ta nói đến trận địa, nhưng cũng không tin là chiến trận đến gần.

Bagration biết Bolkonxki là sĩ quan phụ tá thân tín của Kutuzov và được Kutuzov yêu quý nên tiếp đón chàng đặc biệt nồng hậu và nhã nhặn. Ông cho chàng biết có lẽ hôm nay hay ngày mai sẽ có trận giao chiến và cho phép chàng hoàn toàn tự do muốn ở cạnh mình trong thời gian giao chiến hay ở đội hậu vệ giám sát trật tự rút quân cũng được, vì "việc này cũng rất quan trọng".

- Vả lại hôm nay có lẽ cũng chưa có chiến sự đâu - Bagration nói, như muốn làm cho công tước Andrey yên tâm.

"Nếu hắn ta chỉ là một thằng công tử bột tầm thường ở bộ tham mưu phái đến đây để kiếm huân chương chữ thập thì hắn cứ ở đội hậu vệ cũng sẽ được huân chương, còn nếu hắn muốn đi với ta thì cứ để cho hắn đi… nếu hắn là một võ quan dũng cảm thì lại có ích lợi lắm" - Bagration nghĩ thầm.

Công tước Andrey không đáp, yêu cầu Bagration cho phép đi quan sát trận địa để biết rõ cách bố trí quân đội. Như vậy, khi nào nhận được nhiệm vụ chàng sẽ biết phải đi đâu. Sĩ quan trực ban của chi đội, một người đàn ông khôi ngô, ăn mặc bảnh bao, đeo viên kim cương ở ngón tay, nói tiếng Pháp tồi nhưng lại hay nói tiếng Pháp, tình nguyện dẫn công tước Andrey đi xem.

Đâu đâu cũng thấy những sĩ quan bị mưa thấm ướt, gương mặt buồn bã, như đang tìm một cái gì, và
những người lính mang cánh cửa ghế dài, hàng rào ở trong làng ra. Vicn sĩ quan tham mưu chỉ họ nói:

- Thưa công tước, chúng tôi không làm sao ngăn cấm được bọn ấy. Các vị chỉ huy cho họ phóng túng quá. Đấy kìa - anh ta chỉ cái lều của một người bán hàng rong đi theo quân đội, họ tụ tập lại ngồi lê ở đấy -
Sáng hôm nay tôi đã đuổi hết đi, nhưng ông xem, bây giờ lại đầy cả người ra rồi đấy. Thưa công tước, tôi phải đến dây doạ cho họ một mẻ mới được. Chỉ một phút thôi.

Công tước Andrey chưa có thì giờ ăn một tí pho-mat và một chiếc bánh mì.

- Sao ban nãy công tước lại không nói? Biết vậy tôi đã mời công tước ăn rồi.

Hai người xuống ngựa đi vào lều… Một vài sĩ quan mặt đỏ bừng và phờ phạc đang ngồi ăn uống ở các bàn.

- Ồ? Thế này là thế nào, các vị! - Viên sĩ quan tham mưu quở trách với cái giọng của một người cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi có một việc - Các ông phải biết, bỏ đơn vị mà đi như thế này không được đâu ấy thế mà cái ông đại uý này - chàng nói với một võ quan pháo binh nhỏ nhắn, bẩn thỉu gầy gò, chân không có ủng (anh ta đã đưa ủng cho người bán hàng hơ cho khô) chỉ đi tất, thấy hai người bước vào thì đứng dậy và mỉm cười không lấy gì làm tự nhiên cho lắm.

- Kìa, đại uý Tusin, đại uý không xấu hổ sao? - viên võ quan tham mưu nói tiếp - Tôi thấy pháo binh như ông lẽ ra phải làm gương cho người ta chứ, đằng này ông lại không đi ủng. Nếu báo động thì ông đến đi chân không mất, trông ngộ nghĩnh lắm đấy - viên sĩ quan tham mưu mỉm cười, rồi nói thêm với cái giọng cấp trên - Mời các vị ai về chỗ nấy, tất cả, mời tất cả các vị.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn đại uý pháo binh Tusin, bất giác mỉm cười; Tusin im lặng cười chúm chím, cặp chân không lần lượt giấu xuống đất, chân này giẫm xuống thì chân kia lại co lên, mở cặp mắt to, thông minh và hiền hậu, hết nhìn công tước Andrey lại nhìn viên sĩ quan tham mưu có ý dò hỏi.

- Lính họ bảo cởi giày ra dễ chịu hơn - đại uý Tusin nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu. Hẳn là anh đang muốn chuyển sang giọng bông đùa để thoát khỏi cái tình trạng lúng túng này. Nhưng anh ta chưa kịp nói xong đã cảm thấy câu nói đùa của mình không được hưởng ứng và cũng không đúng chỗ, nên rất bối rối.

- Ông làm ơn về đơn vị cho - viên sĩ quan tham mưu nói, cố gắng giữ vẻ nghiêm trang.

Công tước Andrey lại liếc mắt nhìn cái thân hình nhỏ bé của người pháo binh một lần nữa. Bóng dáng anh ta có một cái gì đặc biệt, chẳng có gì là tư thế nhà võ, hơi hài hước nhưng hết sức hấp dẫn.

Viên sĩ quan tham mưu và công tước Andrey lên ngựa tiếp tục đi. Họ ra khỏi làng, trên đường cứ luôn luôn gặp và vượt qua những người lính và những sĩ quan thuộc nhiều binh chủng. Họ nhìn thấy ở bên trái một dãy công sự đào, màu đất đỏ mới đào lên tươi rói: Một vài tiểu đoàn lính mặc phong phanh cái áo sơ mi mặc trông như một đàn kiến trắng. Đằng sau chiến hào có một người nào không ai thấy cứ liên tiếp hất lên những mảnh đất sét đỏ theo từng nhát thuổng. Ngay ở phía sau công sự họ vấp phải mấy chục người lính từ trên công sự chạy xuống, liên tiếp kế chân nhau đến ngồi xổm ở một nơi. Hai người phải bịt mũi và thúc ngựa chạy nước kiệu để ra khỏi bầu không khí xú uế này.

- Đấy lạc thú của doanh trại là thế, thưa ngài công tước! - viên sĩ quan tham mưu trực nhật nói.

Họ đi lên ngọn đồi trước mặt. Từ ngọn đồi này đã có thể trông thấy quân Pháp. Công tước Andrey đứng lại và bắt đầu quan sát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:41:43 pm
- Đây đội pháo của ta đặt ở đây, - viên sĩ quan tham mưu nói, tay chỉ vào điểm cao nhất - Đó là vị trí của anh chàng chỉ huy kỳ quặc không đi ủng ấy. Đúng ở đấy thì nhìn đâu cũng thấy. Mời công tước chúng ta đi thôi.

- Tôi xin cảm ơn ông, bấy giờ tôi đi một mình cũng được - công tước Andrey nói, trong bụng chỉ mong thoát khỏi anh chàng sĩ quan tham mưu kia - Ông cứ dề mặc tôi.

Viên sĩ quan tham mưu ở lại, và công tước Andrey cưỡi ngựa đi một mình.

Chàng càng tiến đến phía quân địch thì dáng dấp quân sĩ càng chỉnh tề và vui vẻ. Mất trật tự và chán nản nhất là đội vận tải ở trước thành phố Znaim cách quân Pháp mười dặm Nga mà sáng nay chàng vừa đi qua. Ở Grum người ta cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi một cái gì không rõ. Nhưng càng đến gần những hàng tiền tiêu của quân Pháp, công tước Andrey càng thấy quân đội ta có tinh thần tự tin vững vàng. Quân lính mặc áo khoác đứng thành hàng và người tào trưởng hay đại uý điểm số bằng cách thức ngón tay trỏ vào ngực đứng ở ngoài cùng và ra lệnh cho anh ta giơ tay. Quân lính rải rác trên khắp trận địa vác củi súc và cành khô về đốt, hoặc đang dựng lều vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Cạnh đống lửa, người thì mặc áo, người thì cởi trần đang hơ áo sơ mi và giày, hay sửa lại đôi ủng, và chiếc áo khoác, xúm nhau bên cạnh mấy cái nồi và mấy người nấu bếp. Trong một đại đội, bữa ăn đã sẵn sàng. Quân lính nhìn mấy cái nồi bốc hơi thèm thuồng và đứng chờ người trung sĩ quân nhu mang một cái bàn bằng gỗ đựng thức ăn đến cho viên sĩ quan đang ngồi trên một súc gỗ, trước mặt lều của mình để anh ta nếm thử.

Trong một đại đội khác may mắn hơn - bởi vì không phải đơn vị nào cũng có rượu vodka binh sĩ đang chen nhau trước một viên tào trưởng mặt rỗ, vai rộng, đang nghiêng một cái thùng ton-nô nhỏ rót rượu vào những chiếc bi đông mà binh sĩ lần lượt giơ ra. Binh sĩ nâng bi đông lên môi một cách thành kính, ngửa cổ: dốc ngược bi đông lên rồi súc miệng, lấy tay áo khoác quệt mép và mặt mày hớn hở hẳn lên, họ rời khỏi chỗ viên tào trưởng. Ai nấy vẻ mặt đều điềm nhiên, tưởng chừng như tất cả việc này đều diễn ra không phải trước mặt quân dịch, trước một trận giao chiến trong đó ít nhất là một nửa chi đội chết, mà là ở một nơi nào đó bên tổ quốc, trong khi chờ đợt trú quân yên tĩnh.

Sau khi đã đi qua trung đoàn khinh binh và đi vào hàng ngũ của đội lính thủ pháo thành Kiev gồm những chàng trai trẻ cũng đang lo những công việc thanh bình như thế, công tước Andrey đến gần lều của một người chỉ huy trung đoàn, cao hơn những lều khác, và gặp một tiểu đội thủ pháo xếp thành đội ngũ đứng trước một người đang nằm dài dưới đất, mình bị lột trần như nhộng. Hai người lính giữ lấy anh ta và hai người nữa cứ lấy những nhánh cây dẻo đánh đều đặn lên cái lưng trần. Người bị đánh kêu lên những tiếng nghe như vờ vĩnh. Viên thiếu tá người đẫy đà bước ra trước hàng quân và không hề để ý đến tiếng kêu, nói.

- Đối với một quân nhân thì ăn cắp là một điều sỉ nhục, một quân nhân phải biết ngay thắng, cao thượng và dũng cảm. Nếu hắn ăn trộm của anh em thì hắn không có danh dự nữa, hắn là một thằng hèn hạ. Đánh nữa đi, đánh nữa đi.

Rồi lại nghe những tiếng roi mềm vun vút và những tiếng gào thảm thiết nhưng vờ vĩnh.

Viên thiếu tá nói:

- Đánh nữa, đánh nữa nào.

Một viên sĩ quan trẻ tuổi, vẻ mặt ngơ ngác và đau đớn, đi khỏi chỗ người bị phạt, đưa mắt nhìn người phụ tá đang đến như muốn hỏi ý kiến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:42:45 pm
Lên đến tiền tiêu, công tước Andrey cho ngựa đi dọc theo trận tuyến. Hàng tiền tiêu của quân ta và hàng tiền tiêu của quân địch ở cánh trái và cánh phải cách xa nhau, nhưng ở khoảng giữa, tức là nơi trông thấy mặt nhau và nói chuyện với nhau được.

Ngoài những người lính giữ vị trí tiền tiêu ở chỗ ấy, cả hai bên đều có những tay hiếu kỳ đứng đấy: vừa cười vừa nhìn những kẻ địch kỳ quái và xa lạ với họ.

Từ sáng sớm, mặc dầu có lệnh cấm quân sĩ đến gần tiền tiêu, những người chỉ huy vẫn không sao xua đuổi được những anh hiếu kỳ. Những người đứng gác ở tiền tiêu, như những kẻ chuyên trưng bày cho công chúng xem một cái gì hiếm có, không buồn nhìn quân Pháp nữa mà lại đứng bình phẩm những người đến xem và cảm thấy chán trong khi chờ đợi người ta đến thay phiên mình. Công tước Andrey đứng lại quan sát quân Pháp.

- Cậu xem kìa - một người lính Nga nói với bạn, tay chỉ một bộ binh Nga đã cùng với một sĩ quan đến gần tiền tiêu, đang nói rất nhanh và rất sôi nổi với người lính pháo thủ Pháp - Cậu xem nó nói thạo chưa, nhanh như gió ấy, thằng Pháp theo không kịp. Xidorov, cậu lại đi - Hãy gượm, để nghe xem đã. Ồ, nói thạo lắm - Xidorov đáp (Anh ta vốn được xem là người rất thông thạo tiếng Pháp).

Người lính mà họ vừa cười vừa chỉ đó chính là Dolokhov. Công tước Andrey nhận ra hắn và lắng nghe xem hắn nói gì. Dolokhov cùng với viên đại đội trưởng của mình đến gần chỗ tiền tiêu ở cánh gà trái là nơi trung đoàn của họ bố trí.

- Được đấy cứ nói nữa đi - viên đại uý khích Dolokhov, người nhô ra phía trước và cố gắng không bỏ sót một chữ nào mặc dầu anh ta không hiểu hết gì - Anh nói cho thật nhanh nữa đi. Hắn nói gì thế?

Dolokhov không đáp, hắn đang bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi nổi với người lính thủ pháo Pháp. Cố nhiên là họ nói đến chiến dịch. Người Pháp, lẫn lộn người Áo với người Nga, đang chứng minh rằng người Nga đã bị đánh bại phải bỏ thành Ulm chạy dài, còn Dolokhov thì chứng minh rằng quân Nga không hề bị đánh bại, trái lại họ đã đánh bại quân Pháp.

Dolokhov nói:

- Ở đây chúng tao đã được lệnh đuổi chúng mày, và chúng tao sẽ đuổi chúng mày.

- Thôi chúng mày hãy cố gắng làm sao đừng bị bắt làm tù binh với tất cả bọn cô-dắc của chúng mày - người lính thủ pháo Pháp nói.

Những người lính Pháp đang đứng xem và lắng nghe đều cười rộ.

- Chúng tao sẽ cho chúng mày khiêu vũ một trận như chúng mày đã khiêu vũ thời Xuvorov - Dolokhov nói.

- Hắn tán cái gì thế? - một người Pháp hỏi.

- Lịch sử cổ đại ấy mà! - một người khác nói, đoán rằng Dolokhov muốn nói đến những chiến sự trước.
Hoàng đế sẽ cho cái lão Xuvara của chúng mày biết tay cũng như mọi đứa khác.

- Buônapáctê… - Dolokhov bắt đầu nói nhưng người Pháp đã ngắt lời chàng:

- Buônapáctê cái gì? Đã bảo là Hoàng đế! Khốn kiếp! - Hắn giận dữ quát lên.

- Quỷ sứ bắt cái thứ hoàng đế của chúng mày đi.

Dolokhov chửi lên một tiếng Nga tục tằn của binh sĩ và khoác quai súng lên vai bỏ đi.

- Đi, chúng ta đi thôi, anh Ivan Lukits, - hắn nói với người đại đội trưởng.

- Đấy thế mới biết tiếng Pháp chứ - Người lính ở tiền tiêu nói - Xidorov, bây giờ cậu đến nói đi.
Xidorov nheo mắt một cái rồi quay về phía những người Pháp bắt đầu nói xì xồ những câu chẳng ai hiểu.

- Ca-ri, ma-ta, ta pha, sa phi, mu te, cat-sca - anh nói có vẻ liến thắng, cố làm cho giọng nói của mình bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

- Hô hô, hô! Ha - ha, ha! ú ù! - đám binh sĩ cười phá lên, tiếng cười lành mạnh và vui vẻ, bất giác vượt qua hàng tiền tiêu lan cả vào đám lính Pháp, đến nỗi người ta có cảm giác là lẽ ra sau đó chỉ còn có việc tháo đạn khỏi súng, phá hết tạc đạn và giải tán thật nhanh ai về nhà nấy.

Nhưng súng vẫn cứ nạp đạn, những lỗ châu mai trên các nhà và các công sự vẫn cứ nhìn về phía trước một cách dữ tợn và những khẩu pháo đã được tháo ra khỏi xe vẫn chĩa vào nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:43:56 pm
Phần II
Chương - 16

Sau khi đã vượt qua trận tuyến từ cánh phải sang cánh trái, công tước Andrey lên vị trí đơn vị pháo binh đóng ở đấy nơi mà theo lời viên sĩ quan tham mưu có thể nhìn bao quát được khắp chiến trường. Đến đây, chàng xuống ngựa và dừng lại cạnh khẩu pháo cuối cùng trong số bốn khẩu đã tháo ra khỏi xe. Một người pháo binh đứng gác trước súng, thấy có một vị sĩ quan đến liền bồng súng chào, nhưng công tước Andrey ra hiệu bảo nghỉ, và anh ta lại bước đi theo lối bước đều đều, buồn buồn của mình. Đằng sau các khẩu pháo là những cỗ xe kéo pháo, đằng sau nữa có mấy người lính túc trực cưỡi ngựa và những đống lửa của pháo binh.
   
Bên trái, cách khẩu súng cuối cùng không xa là một cái lều mới dựng lên, từ trong lều vang ra những tiếng nói chuyện rôm rả của các sĩ quan.

Đúng như viên sĩ quan tham mưu đã nói, từ vị trí của đội pháo binh nhìn ra, có thể nhìn thấy hầu hết cách bố trí của quân đội Nga, và một phần lớn vị trí của dịch. Phía trước mặt đội pháo binh, trên ngọn đồi đối diện, làng Songraben in lên nền trời. Ở bên trái và bên phải làng Songraben, trong làn khói của các bếp lửa do họ đốt lên, ở ba chỗ có thể nhận ra những đám quân Pháp.  Hẳn là phần lớn các đơn vị ở ngay trong làng và ở đằng sau núi. Bên trái làng, ở trong làn khói, thấp thoáng một cái gì giống như một đội pháo, nhưng nếu chỉ nhìn bằng mắt trần thì không thể nào quan sát cho rõ được. Cánh phải của quân ta bố trí trên một cao điểm khá dốc khống chế vị trí của quân Pháp. Bộ binh của ta được bố trí cao điểm này, và ở phía ngoài cũng có thể trông thấy những đơn vị long kỵ binh. Ở trung tâm, nơi đội pháo binh của Tusin bố trí, và là nơi công tước Andrey đứng quan sát, sườn núi dốc thoai thoải xuống thẳng đến một ngọn suối ngăn cách quân ta với Songraben. Cánh trái quân ta ở sát khóm rừng, nơi có những đám khói bốc lên từ những đống lửa của các đơn vị bộ binh ta đang đẵn củi. Trận tuyến quân Pháp rộng hơn trận tuyến quân ta và rõ ràng là quân Pháp có thể dễ dàng bao vây quân ta từ cả hai phía. Đằng sau các vị trí của quân ta là một cái khe sâu và dốc đứng, kỵ binh và pháo binh rất khó rút lui theo phía đó.

Công tước Andrey chống khuỷu tay lên nòng đại bác lấy ra một quyển sổ tay phác hoạ sơ đồ cách bố trí quân đội để dùng riêng. Ở hai nơi chàng ghi lại những điều nhận xét bằng bút chì, định để báo cáo lại với Bagration. Chàng đề nghị là trước nhất nên tập trung tất cả các pháo binh vào giữa, thứ hai là chuyển kỵ binh lùi về phía bên này khe. Công tước Andrey luôn luôn ở bên cạnh Tổng tư lệnh đã từng chú ý theo dõi sự vận chuyển của một đại quân và những cách bố trí đại thể, chàng lại thường xuyên lo việc miêu tả lịch sử các trận đánh, vì vậy trong trận chiến đấu sắp tới, chàng vô tình chỉ nghĩ đến sự phát triển của chiến sự trên đại thể. Chàng chỉ hình dung ra những khả năng lớn sau đây: "Nếu quân địch tấn công vào cánh phải - chàng tự nhủ - thì lính thủ pháo thành Kiev và khinh binh Podolxki nhất định phải giữ vững trận địa của mình cho đến khi những đội quân dự bị ở trung tâm đến tiếp viện. Trong trường hợp này, đội long kỵ binh(1) có thể đánh vào sườn quân địch và đẩy lùi chúng. Trong trường hợp chúng đánh vào giữa - chàng nghĩ thầm - ta đặt ở trên cao điểm này một pháo đội pháo trung tâm và dưới sự yểm hộ của nó, quân ta sẽ dàn cánh trái ra rồi rút lui dần từng đợt về đến khe núi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:44:51 pm
Suốt cả thời gian đứng bên khẩu đại bác của đội pháo binh, chàng vẫn luôn luôn nghe rõ tiếng nói của các sĩ quan ở trong lều, nhưng đúng như ta vẫn thường gặp, chàng chỉ nghe thấy tiếng nói mà không hiểu một chữ nào. Đột nhiên một giọng nói từ trong văng vẳng ra, giọng nghe tha thiết đến nỗi chàng bất giác lắng tai nghe:

- Này cậu - một giọng nói dễ ưa mà công tước Andrey nghe có vẻ quen thuộc đang nói - tôi bảo là giả sử có thể biết được sau khi chết sẽ có cái gì thì thì bọn chúng mình chẳng ai sợ chết cả. Chính thế đấy cậu ạ.
   
Một giọng khác trẻ hơn ngắt lời:

- Nhưng mà sợ hay không sợ thì cũng thế thôi, chẳng có cách nào tránh khỏi chết.

- Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ đấy! Chà, các nhà thông thái! - một giọng thứ ba ồm ồm ngắt lời hai giọng kia - Con nhà pháo binh các cậu thông thái lắm vì lúc nào cũng có thể mang theo đủ thứ, cả rượu, lẫn thức nhắm.

Và người có cái giọng ồm ồm, hẳn là một sĩ quan bộ binh, cười phá lên.

- Ấy thế mà người ta vẫn cứ sợ - Giọng nói nghe quen thuộc lúc nãy tiếp - Cái gì người ta chưa biết thì người ra sợ, có thế thôi.

- Người ta cứ bảo là linh hồn sẽ lên thiên đường, nhưng chúng ta thừa biết rằng chẳng làm gì có thiên đường mà chỉ có khí quyển thôi. - Cái giọng ồm ồm lại ngắt lời người pháo binh.

- Được! Nếu thế thì cậu rót rượu cỏ thết bọn mình đi, Tusin.

- À đó chính là anh là chàng đại uý không đi ủng trong lều bán hàng ăn lúc nãy - công tước Andrey nghĩ thầm trong khi nhận ra cái giọng nói dễ ưa đang triết lý.

- Rượu cỏ thì cũng có thể được - Tusin nói - Nhưng còn hiểu được đời sống sau này… - anh ta không nói được hết câu.
     
Ngay lúc ấy, từ trong lều chàng Tusin nhỏ bé nhảy ra trước mọi người, mép còn ngậm tẩu thuốc, khuôn mặt hièn hậu, thông minh của anh hơi tái đi. Tiếp theo sau là người có giọng ồm ồm. Đó là một sĩ quan bộ binh còn trẻ. Hắn ta chạy vội về phía đại đội của mình, vừa chạy vừa cài lại cúc áo.

===============================================

Chú thích:

(1) Long kỵ binh: Kỵ binh võ trang bằng súng trờng có thể chiến đấu trên mình ngựa cũng như không có ngựa.




Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:46:07 pm
Phần II
Chương - 17
     
Công tước Andrey ngồi trên lưng ngựa cạnh đơn vị pháo binh, đưa mắt nhìn làn khói của khẩu pháo địch vừa bắn quả tạc đạn. Mắt chàng nhìn hết nơi này đến nơi khác trên khoảng rộng. Chàng chỉ thấy những đám quân Pháp trước đây vẫn im lìm thì bây giờ đang đi động và ở bên trái quả nhiên có một trận địa pháo binh. Làn khói trên đội pháo vừa bắn vẫn chưa tan. Hai người Pháp cưỡi ngựa, có lẽ là hai sĩ quan phụ tá, phi trên sườn núi, chắc là đang đến tăng cường cho tiền tiêu. Làn khói của phát đạn đầu tiên chưa tan, thì đã thấy một làn khói khác và sau đó nghe tiếng súng nổ. Trận giao chiến đã bắt đầu. Công tước Andrey quay ngựa và phi về phía Grun để tìm công tước Bagration. Ở sau lưng chàng tiếng đại bác nghe đã dồn dập hơn và mạnh hơn. Hình như quân ta đã bắt đầu trả lời. Ở dưới thấp, ngay cả ở nơi mà trước đây các sứ giả qua lại, đã nghe thấy tiếng súng trường.
   
Lemarrois vừa nói vừa mang đến cho Mura bức thư lời lẽ giận dữ của Buônaparte, và Mura xấu hổ muốn sửa chữa sai lầm liền cho quân tiến vào trung tâm và bọc qua hai cánh sườn quân ta, hy vọng rằng trước hoàng hôn và trước khi Hoàng đế đến sẽ tiêu diệt được cái chi đội không đáng kể đang ở trước mắt mình.

- Bắt đầu rồi! Nó đây rồi! - Công tước Andrey nghĩ thầm. Chàng cảm thấy máu chàng dồn về tim nhanh hơn - Nhưng ở đâu? - Trận Toulon của ta sẽ thể hiện ra như thế nào?

Trong khi đi ngựa qua trước mặt các đại đội cách đây mười lăm phút vừa ăn cháo vừa uống vodka, chàng nhìn thấy ở khắp nơi đâu đâu quân sĩ cũng đã cầm lấy súng và sắp thành hàng ngũ. Và trên tất cả các gương mặt chàng đều nhận ra cái cảm giác hăng hái sôi sục lòng mình. Gương mặt của mỗi người lính, mỗi người sĩ quan đều muốn nói

"Bắt đầu rồi! Nó đây rồi, khủng khiếp quá, mà vui quá!"

Chưa đi đến những công sự đang đắp, chàng đã thấy trong ánh hoàng hôn của buổi chiều thu ảm đạm hôm ấy có một nhóm người cưỡi ngựa tiến về phía chàng. Người đi dầu mặc "burka" đội mũ luỡi trai bằng da cừu, cưỡi một con ngựa trắng. Đó là công tước Bargration cũng đã dừng ngựa lại, và khi nhận ra công tước Andrey, ông gật đầu một cái rồi vẫn tiếp tục quan sát chiến trường trong khi nghe công tước Andrey báo cáo lại những điều đã thấy.

Ý nghĩa "Đấy! Bắt đầu rồi đấy!" Cũng hiện rõ trên gương mặt rắn rỏi, rám nắng của Bagration với cặp mắt đục mờ lim dim như còn ngái ngủ. Công tước Andrey tò mò và lo lắng nhìn vào cái gương mặt im lìm ấy và muốn biết trong giờ phút này con người ấy có những ý nghĩ gì, những cảm giác gì.

"Không biết đằng sau cái mặt im lìm kia có cái gì không?" - Công tước Andrey tự hỏi khi nhìn Bagration.
Bagration gật đầu, tỏ ý đồng tình với lời báo cáo của công tước Andrey nói "Tốt lắm!" với cái vẻ như tất cả những điều xảy ra; tất cả những điều mà người ta báo cáo với ông chính là những điều ông dự kiến từ trước. Vì phi ngựa quá nhanh, công tước Andrey thở gấp và nói vội vàng. Trái lại, công tước Bagration với cái giọng của người phương Đông, chậm rãi phát âm từng tiếng một như muốn cho người ta hiểu rằng chẳng việc gì phải vội vàng cả.
     
Tuy nhiên, ông vẫn thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đại đội pháo binh của Tusin. Công tước Andrey nhập vào đoàn tuỳ tùng và đi theo ông. Theo sau Bagration có viên sĩ quan tuỳ tùng, viên sĩ quan phụ tá của Bagration là Zerkov, viên sĩ quan tham mưu trực nhật cưỡi con ngựa lại rất đẹp và một viên công chức nhà nước, một viên phán quan đã xin đi theo để xem trận đánh. Ông ta là một người béo tốt, mặt mày phương phi, mắt cứ nhìn ngang nhìn ngửa, trên môi nở một nụ cười sung sướng ngây ngô, người nhún nhảy trên lưng ngựa.

- Cái áo khoác rộng bằng len cái yên của đội vận tải khiến cho ông có một bộ dạng kỳ quặc ở trong đám phiêu kỵ, lính cô-dắc và sĩ quan phụ tá Zerkov chỉ ông ta nói với công tước Andrey:

- Cái ông này muốn xem trận đánh, nhưng trong bụng đã thấy hốt rồi.

- Ồ không đâu, tôi xin ông - Ông kia đáp lại, miệng nhoẻn một nụ cười vừa ngây ngô vừa tinh quái, dường như lấy làm khoái chí khi thấy mình là đối tượng để cho Zerkov bông đùa; và dường như thể ông ta cố tình làm ra vẻ ngốc nghếch chứ thực ra không đến nỗi thế.
   
Viên sĩ quan tham mưu nói:

- Ngộ nghĩnh lắm, thưa ông công tước của tôi ạ - Ông ta nhớ rằng trong tiếng Pháp khi dùng những chữ công tước người ta phải nói theo một công thức đặc biệt nào đó nhưng không sao nói cho đúng được.
Khi họ đã đến gần đơn vị pháo binh của Tusin, một quả tạc đạn rơi ở trước mặt.

- Cái gì thế? - Viên phán quan hỏi và mỉm cười ngây ngô.

- Bánh đa của quân Pháp đấy - Zerkov đáp.

- Ồ! Thế ra họ bắn bằng bánh à? - viên phán quan hỏi - Lạ quá nhỉ?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:47:11 pm
Và mặt ông ta trông như nở nang và thích thú. Ông vừa nói dứt lời thì bỗng lại có một tiếng vèo vèo ghê sợ đột nhiên chấm dứt nghe đánh bẹt một cái vào một cái gì mềm mềm, và người cô-dắc đang đứng chênh chếch ở phía sau ông ta gục xuống đất cả người lẫn ngựa, Zerkov và viên sĩ quan tham mưu trực nhật cúi rạp mình trên lưng ngựa và quay ngựa đi chỗ khác. Viên phán quan dừng ngựa tò mò nhìn người cô-dắc. Người cô-dắc đã chết nhưng con ngựa vẫn còn giãy giụa.
   
Bagration ngoái cổ lại nheo mắt nhìn và sau khi nhận ra nguyên nhân của sự lộn xộn, liền thản nhiên quay mặt đi như muốn nói: "Hơi đâu bận tâm về những việc không đâu như thế. Ông dừng ngựa và với tư thế một tay kỵ mã lão luyện khẽ cúi mình gỡ thanh kiếm mắc vào tay áo "burka". Đó là một thanh kiếm cổ không giống những thanh kiếm người ta vẫn đeo hồi ấy. Công tước Andrey sực nhớ đã nghe người ta kể chuyện rằng hồi ở Ý, Xuvorov có tặng cho Bagration thanh kiếm của mình, và lúc này nhớ lại; công tước Andrey thấy thích thú lạ thưòng. Mấy người đã đến gần vị trí đại đội pháo binh, nơi mà công tước Andrey dừng lại để quan sát chiến trường.

- Đại đội pháo binh của ai đấy? - Bagration hỏi viên sĩ quan đứng cạnh mấy hòm đạn. Tuy hỏi vậy nhưng thực ra ông muốn nói: "Các anh ở đây có sợ không?" và các pháo thủ cũng hiểu như vậy.

- Thưa ngài, đại đội của đại uý Tusin ạ - người pháo thủ tóc hoe, mặt dầy tàn hương đứng thẳng người đáp, giọng vui vẻ.

- Được được!

Bagration nói, như đang suy nghĩ điều gì. Ông đi qua những cỗ xe kéo pháo và đến khẩu pháo ở ngoài cùng. Ngay trong lúc ông đến gần thì khẩu pháo này bắn ra mà ông và những người tuỳ tùng choáng cả tai, và trong làn khói đột nhiên bao quanh khẩu pháo người ta thấy mấy pháo thủ vội vàng ôm lấy khẩu pháo ra sức đẩy nó lại vị trí cũ. Người pháo thủ số một là một người cao lớn vai rộng, đang dang rộng hai chân cầm lấy chiếc gậy thông nòng nhảy một cái về phía bánh xe. Người pháo thủ số hai tay run run nạp đạn vào miệng súng. Người hơi gù là sĩ quan Tusin, nhảy ra phía trước, vấp chân vào giá súng. Anh giơ bàn tay nhỏ nhắn lên che mắt để nhìn cho rõ không để ý thấy vị thủ trưởng.

- Cứ thêm hai độ nữa là đúng khuýp - Giọng nói nhỏ nhẹ của anh gào lên, anh cố sức làm cho nó có được một âm sắc hiên ngang chẳng ăn khớp gì với con người của anh ta. Anh cất tiếng the thé hô: "Phát thứ hai, Medvedev, bắn!".

Bagration gọi viên sĩ quan lại. Tusin liền đến trước mặt vị tướng, giơ ba ngón tay lên lưỡi trai với một cử chỉ bẽn lẽn vụng về giống cử chỉ của ông cố đạo làm lễ ban phước chứ tuyệt nhiên không giống cái chào của một quân nhân.

Mặc dù bốn khẩu pháo của Tuisin đặt ở đây đã bắn vào khe núi, anh vẫn bắn vào đạn lửa của làng Songraben ở trước mặt, nơi có những toán quân Pháp đang tiến lại. Không ai ra lệnh cho Tusin bắn vào đích nào và bắn bằng đạn gì hết. Sau khi bàn bạc với Zakhartsenko, viên sĩ quan quản trị của đại đội mà anh kính trọng, cuối cùng anh đã quyết định rằng tốt nhất là bắn cho cháy cái làng kia. Sau khi nghc anh báo cáo, Bagration nói: "Được" đoạn lại bắt đầu nhìn qua một lượt toàn bộ chiến trường đang mở ra trước mắt có vẻ như đang bận tâm suy nghĩ điều gì đó.

Quân Pháp tiến gần đến trận địa hơn cả là ở phía bên phải, ở phía dưới cao điểm mà trung đoàn Kiev bố trí, trên con sông nhỏ chạy qua khe núi, tiếng súng trường bắn từng tràng liên tiếp khiến người ta nghe mà thấy tim như thắt lại. Viên sĩ quan tuỳ tùng chỉ cho Bagration thấy rằng ở phía cực hữu đằng sau đội long kỵ binh, có một đội quân Pháp đang đi vòng để để vây bọc sườn quân ta. Ở sát bên trái là một cánh rừng chắn ngang chân trời. Công tước Bagration ra lệnh cho hai tiểu đoàn ở trung tâm đến tăng viện cho cánh phải. Một sĩ quan tuỳ tùng đánh bạo nhắc công tước rằng nếu rút hai tiểu đoàn này thì đại đội pháo binh sẽ không có ai yểm hộ nữa, Bagration đưa cặp mắt đục lờ về phía viên sĩ quan tuỳ tùng và lặng là nhìn anh ta. Andrey cảm thấy ý kiến của viên sĩ quan tuỳ tùng đúng là không còn phải bàn bạc gì nữa. Nhưng ngay lúc ấy một viên chỉ huy trung đoàn phái sĩ quan phụ tá đến báo tin rằng trung đoàn của ông ở trong khe núi phải đương đầu với những lực lượng đông đảo của quân Pháp từ trên xuống nên đã rối loạn và phải rút lui về phía đại đội thủ pháo thành Kiev. Bagration gật đầu tỏ ý bằng lòng và vội vàng phái quân tuỳ tùng đến đội long kỵ binh để ra lệnh cho nó tấn công, trong khi bản thân ông thì cưỡi ngựa đi trước một bước về phía tay phải. Nửa giờ sau, viên sĩ quan trở lại báo tin rằng vì gặp phải hoả lực dữ dội, đại tá chỉ huy trung đoàn long kỵ binh đã rút lui về phía bên kia khe núi để khỏi tổn thất một cách vô ích, và do đó đại tá đã cho lính xạ kích rút vào rừng. Bagration nói:

- Được!
     
Ngay lúc ông rời khỏi đội pháo binh thì một loạt đạn lại nổ ở trong rừng về phía cạnh tả quân. Vì cánh ấy quá xa, Bagration không thể đến đấy kịp, bèn phái Zerkov đến báo cho viên tướng chỉ huy ở đây - viên tướng này chính là người đem trung đoàn duyệt binh trước mặt Kutuzov ở Braonao - rằng ông ta phải rút lui ngay ra phía sau khe núi cho thật nhanh vì chắc cánh trái không thể nào ngăn chặn quân địch được lâu. Còn đại đội pháo của Tusin và tiểu đoàn yểm hộ nó thì bị bỏ quên. Công tước Andrey lắng tai nghe những lời công tước Bagration nói với vị chỉ huy và thấy rằng thực ra công tước Bagration không hề nhận ra lệnh gì hết, mà chỉ cố gắng làm cho người ta tin rằng tất cả những điều xảy ra vì tất nhiên, vì ngẫu nhiên hay vì ý muốn của những người chỉ huy cấp dưới, tuy không phải do mệnh lệnh của ông, nhưng đều hợp vớỉ ý định của ông. Tuy nhiên, công tước Andrey cũng nhận thấy rằng mặc dầu những biến cố xảy ra đều là do ngẫu nhiên và hoàn toàn không liên quan đến ý chí của ông, chỉ riêng sự có mặt của Bagration với cái thái độ khôn khéo của ông đã gây nên những kết quả hết sức lớn. Các sĩ quan chỉ huy khi đến gặp Bagration thì mặt mày hốt hoảng nhưng khi ra đi thì đều đã trấn tĩnh lại, võ quan và binh sĩ đều chào ông một cách vui vẻ trở nên phấn khởi hơn, và hẳn là muốn biểu đương tinh thần anh dũng của mình trước mặt ông.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:48:20 pm
Phần II
Chương - 18

Khi đã lên đến điểm cao nhất của cánh quân bên phải, công tước Bagration bắt đầu cho ngựa đi xuống phía có tiếng súng trường dồn dập ròn rã, nhưng không thể trông thấy gì vì khói thuốc súng che lấp mọi vật. Càng ngồi xuống gần thung lũng thì càng khó nhìn rõ, nhưng càng cảm thấy mình đang tiến gần đến chiến trường. Họ bắt đầu gặp những người bị thương. Hai người lính đang xốc nách kéo một người dầu bê bết máu, mũ rơi đâu mất. Anh ta rên khừ khừ và khạc nhổ. Hẳn là viên đạn đã phạm vào miệng hay u cổ họng.
   
Họ gặp một người khác bước đi một mình, vẻ hiên ngang, tay không cầm súng, vừa đi vừa rên và vung tay cho đỡ đau, trong khi máu ở cánh tay anh ta chảy ra như suối, đỏ loang cả chiếc áo khoác. Mặt anh ta lộ vẻ sợ hãi nhiều hơn là đau đớn. Anh ta vừa bị thương cách đây một phút. Sau khi vượt qua đường, họ bắt đầu đi xuống sườn núi dốc đứng. Họ thấy rải rác có mấy người nằm trên sườn núi.
   
Họ gặp một toán lính trong đó có cả những người không bị thương. Lính trèo lên núi, thở hổn hển, và mặc dầu có chủ tướng của họ ở đấy họ vẫn nói chuyện bô bô và hoa tay múa chân. Đằng trước, trong đám khói thấy những hàng áo khoác xám. Trông thấy Bagration, một viên sĩ quan liền chạy theo đám lính đang đi, quát tháo inh ỏi bảo họ quay lại. Bagration tiến đến gần những hàng quân, nơi những tiếng súng trường nổ liên hồi khi đây khi đó, át cả tiếng nói chuyện và tiếng các viên chỉ huy quát tháo. Không khí sặc mùi thuốc súng. Mặt binh sĩ đen sạm khói thuốc nhưng rất hăng hái. Người thì đang thọc que thông vào nòng súng, người thì dốc đạn ra khỏi bao, người thì bắn. Nhưng vì bị khói thuốc dày đặc che phủ, lớp khói này lại không bị gió thổi bạt đi nên không thấy rõ họ bắn ai cả. Cứ chốc bên tai lại nghe những tiếng huýt vù vù và những tiếng êm tai "Cái gì thế này?" - Công tước Andrey tự hỏi trong khi đến gần toán lính này. Đây không thể là một đơn vị đang tấn công vì họ đứng yên, cũng không thể là một phương trận (1) vì họ không bố trí như thế.
     
Viên chỉ huy trung đoàn, một ông già nhỏ bé, vẻ người yếu ớt, với nụ cười dễ mến và đôi mi che quá nửa cặp mắt già nua làm cho ông có vẻ hiền lành, đang đi ngựa đến gần công tước Bagraltyôn và tiếp công tước như một vị chủ tiếp một ông khách quý. Ông báo cáo với công tước rằng trung đoàn của ông đã dương đầu với một cuộc tấn công của kỵ binh Pháp và cuộc tấn công này bị đánh lui, nhưng trung đoàn của ông cũng đã mất quá nửa quân số. Khi nói rằng cuộc tấn công đã bị đánh lui, viên trung đoàn trưởng chẳng qua chỉ dùng một danh từ quân sự để gọi cái sự việc xảy ra trong trung đoàn mình, chứ thực ra bản thân ông cũng không biết trong nửa giờ ấy trung đoàn ông chỉ huy đã gặp những việc gì, và ông không thể nói chắc là cuộc tấn công đã bị đánh lui hay là trung đoàn ông đã bị cuộc tấn công đánh tan. Ông chỉ biết rằng lúc khai hoả tạc đạn bắt đầu bay vào khắp cả trung đoàn và bắn chết nhiều người, rồi sau đó có một người nào kêu lên: "Quân kỵ binh!". Thế là quân ta bắt đầu bắn.
     
Lúc bấy giờ họ không bắn vào quân kỵ binh vì quân kỵ binh đã biến đi đàng nào không thấy đâu nữa, mà bắn vào bộ binh Pháp vừa xuất hiện ở dưới núi và đang nã súng vào quân ta. Công tước Bagration gật đầu, tỏ ra rằng tình hình đã xảy ra hoàn toàn theo ý muốn và dự định của ông. Rồi quay về phía viên sĩ quan phụ tá ông ra lệnh cho anh ta đem hai tiểu đoàn của trung đoàn khinh binh (2) thứ sáu ở trên đỉnh núi xuống. Đó là hai tiểu đoàn ông vừa đi qua.

Ngay lúc ấy, trên gương mặt Bagration hiện ra một sự thay đổi đột ngột làm cho công tước Andrey kinh ngạc. Gương mặt của ông biểu hiện một cái kiên quyết vui vẻ và chăm chú của một người gặp ngày nóng nực đang sẵn sàng lấy đà lần cuối để lao mình xuống nước.
   
Cái nhìn lờ đờ, ngái ngủ, cái vẻ thâm trầm vờ vĩnh đã mất; cặp mắt tròn, cương nghị của con chim ưng nhìn phấn khởi và hơi khinh bỉ về phía trước, nhưng rõ rệt là không chú ý vào cái gì cả, mặc dầu cử động của ông vẫn chậm chạp và khoan thai như trước.
   
Viên trung đoàn trưởng khẩn khoản yêu cầu Bagration lui về phía sau vì ở đây quá nguy hiểm. "Thưa ngài, xin ngài lui cho, tôi van ngài!" ông vừa nói vừa đưa mắt nhìn viên sĩ quan tuỳ tùng mong ông ta biểu thị sự đồng tình, nhưng viên sĩ quan tuỳ tùng cố tránh không nhìn mặt ông ta "Đấy ngài xem!". Ông xin Bagration chú ý đến những viên đạn cứ rít lên, réo lên, huýt lên ở bốn phía, không lúc nào ngớt. Ông nói với cái giọng cầu khẩn và trách móc của một anh thợ mộc khi thấy ông chủ cầm lấy búa: "Đây là việc chúng tôi quen làm, chứ ông làm thì chỉ tổ phồng da tay lên mà thôi!". Ông nói, tưởng chừng như những viên đạn kia không thể nào giết được ông, và cặp mắt lim dim lại càng làm cho lời nói của ông thêm sức thuyết phục. Viên sĩ quan tham mưu cũng tiếp lời viên trung đoàn trưởng khuyên Bagration, nhưng công tước không trả lời họ, chỉ ra lệnh ngừng bắn và tránh ra để lấy chỗ cho hai tiểu đoàn đang tiến đến. Trong lúc ông nói, một cơn gió nổi lên, và dường như thể có một bàn tay vô hình kéo màn khói từ bên phải sang bên trái để lộ sườn dồi đối diện đầy những lính Pháp đang tiến bước trước mặt quân ta. Bao nhiêu con mắt đều bất giác đổ dồn vào đội quân Pháp này đang đi quanh co trên sườn núi gập ghềnh. Đã có thể trông thấy những chiếc mũ lông xù xì của binh sĩ, đã có thể phân biệt sĩ quan với lính thường, đã có thể nhìn rõ lá quân kỳ của họ bay phần phật trên cán cờ.

- Đi đẹp thật - Một người ở trong đoàn tuỳ tùng của Bagration nói.
   
Phần đầu của đoàn quân đã đi vào thung lũng. Cuộc giao chiến sẽ xảy ra ở dưới chân sườn núi bên này.
   
Những binh sĩ của trung đoàn quân ta còn sót lại vội vàng xếp thành hàng ngũ rút lui về phía tay phải; hai tiểu đoàn của đoàn khinh binh thứ sáu ở đằng sau họ tiến lên hàng ngũ chỉnh tề, dồn những người tụt lại sau chạy tản ra. Họ chưa đến gần Bagration, nhưng đã có thể nghe thấy tiếng bước chân thình thịch nặng nề của cả khối người. Trong đại đội thuộc cánh trái, đi gần Bagration nhất là một người đàn ông thân hình cân đối; mắt tròn và có vẻ ngốc nghếch, hớn hở. Đó chính là người đã chạy trong lều của Tusin ra.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:49:35 pm
Hẳn là trong giờ phút này anh ta không nghĩ gì ngoài việc phải đi một cách hiên ngang trước mặt vị chỉ huy của mình. Cặp giò lực lưỡng của anh ta bước thoăn thoắt với cái vẻ đắc ý của một quân nhân chuyên nghiệp, anh bước không chút khó khăn, giống như đang bơi, và cái dáng đi nhanh nhẹn ấy khác hẳn bước chân nặng nề của những binh sĩ bước đều theo anh. Anh đeo cạnh sườn một thanh kiếm trần, mỏng và nhỏ (loại kiếm uốn cong, không có vẻ gì là một vũ khí) và khi thì liếc mắt nhìn các vị chỉ huy, khi thì nhìn lui phía sau, trong lúc vẫn bước không sai bước nào, chuyển động nhịp nhàng cả cái thân hình cường tráng. Hình như bao nhiêu sức lực tinh thần của anh đều tập trung vào một điểm là làm sao đi trước mặt vị chỉ huy cho thật đẹp, và khi cảm thấy mình làm được như vậy, anh rất sung sướng. "Trái… trái… trái!" hình như cứ hai bước một anh lại tự hô thầm với mình như vậy, và cái đoàn người với vẻ mặt nghiêm trang mỗi người một vẻ, lưng nặng trĩu nhưng túi đầy, súng ống, cũng bước theo nhịp bước ấy, hình như mấy trăm con người này cứ hai bước một lại nhẩm nói với mình: "Trái… trái… trái!" một viên thiếu tá to béo, thở hổn hển và bước sai nhịp, phải đi vòng một bụi rậm ở trên đường, một binh sĩ tụt lại sau, thở hồng hộc, vẻ hốt hoảng vì biết mình phạm lỗi, đang ra sức chạy theo đại đội. Một quả tạc đạn làm rung chuyển cả không khí, bay vù vù trên đầu công tước Bagration và những người tuỳ tùng rồi rơi xuống vừa đúng nhịp bước "Trái… trái!" vào giữa đoàn quân. "Siết chặt hàng ngũ lại!" - Giọng viên đại đội trưởng vang lên, oai vệ.
   
Binh sĩ đi thành vòng cung quanh chỗ tạc đạn rơi xuống; một kỵ binh hạ sĩ quan già đeo huân chương đứng ở mé ngoài, đứng một giây bên cạnh mấy người mới chết rồi lại rảo bước chạy vào hàng ngũ, nhảy một cái đổi chân cho đúng bước và quay lại nhìn phía sau, vẻ giận dữ. "Trái… trái… trái?" hình như người ta vẫn nghe tiếng hô trong cảnh im lặng đáng sợ và tiếng chân bước đều đều cùng giẫm lên mặt đất. Công tước Bagration nói;

- Hăng hái lên, anh em!

- Vì tổ qu… uốc... uốc… uốc! Khắp hàng ngũ tiếng hò vang dậy Một binh sĩ vẻ mặt cau có, đang đi ở bên trái, trong khi họ lại liếc mắt nhìn Bagration, vẻ mặt như muốn nói: "Chúng tôi biết thế lắm chứ!". Một người khác không quay đầu lại và hình như sợ phân tán tư tưởng, đang há hốc mồm vừa hô vừa đi.

Có lệnh bảo dừng lại và bỏ bạc đà xuống.

Bagration đi vòng quanh hàng ngũ vừa diễn qua trước mặt ông một lượt, và xuống ngựa giao cho một người cô-đắc giữ cương, cởi áo buốc-ca trao cho anh ta, duỗi chân cho khỏi mỏi rồi sửa cái mũ lưỡi trai trên đầu cho ngay ngắn. Những hàng trước của đội quân Pháp với các sĩ quan đi đầu đã hiện ra ở chân núi.

- Tiến lên! Cầu Chúa phù hộ!…

Bagration ra lệnh, giọng dõng dạc. Ông quay mặt về phía đội ngũ một lát, rồi khẽ vung vẩy hai tay, với những bước vụng về của người kỵ binh, có vẻ như đang lê chân một cách khó nhọc, ông tiến về phía trước mặt đất gồ ghề.

Công tước Andrey cảm thấy có một sức mạnh gì không thể cưỡng lại được lôi mình về phía trước và chàng cảm thấy lòng vui sướng lạ thường(3).

Quân Pháp đã tiến đến rất gần. Công tước Andrey đi cạnh Bagration đã thấy rõ mồn một nhưng chiếc đai chéo ngực, những đôi tua vai đỏ, thậm chí cả mặt người nữa. Chàng thấy rõ ràng một viên sĩ quan Pháp đã già có đôi chân vòng kiềng đi ghệt đang trèo lên núi một cách khó nhọc, luôn luôn phải níu lấy các bụi cây.
Công tước Bagration không ra lệnh gì mới. Ông vẫn cứ tiếp tục tiến lên, lẳng lặng đi trước hàng quân. Đột nhiên ở trong toán quân Pháp một phát súng nổ… rồi phát thứ hai… phát thứ ba… và tất cả hàng ngũ đã bắt đầu rối loạn của quân dịch ngập trong khói súng.
   
Tiếng súng nổ dồn dập trong hàng ngũ quân ta, có vài người gục xuống trong đó có viên vĩ quan mặt tròn vừa bước đều nhịp một cách vui vẻ và say sưa. Nhưng ngay khi tiếng súng đầu tiên vang lên, Bagration đã quay lại và thét lớn:

- Ura!

- Uraaaa! - Một tiếng kêu kéo dài vang lên khắp hàng ngũ quân ta, và đoàn quân vượt qua công tước Bagration, xô nhau lên trước, hăng hái và vui vẻ ào ào lao xuống núi, xông vào giữa toán quân Pháp hỗn loạn.

============================================

Chú thích:

(1) Phép bố trí một đơn vị bộ binh thành hình vuông quay súng ra bốn phía để chống lại những cuộc xung kích của kỵ binh.

(2) Bộ binh hạng nhẹ đi chuyển nhanh, có thể dùng trong những trận tập kích lẻ.

(3) Ở đây diễn ra cuộc tấn công mà Thiers có viết là: "Quân Nga đã chiến đấu anh dũng, và người ta thấy một điều ít có trong chiến tranh: hai đạo bộ binh kiên quyết tiến lên chiến đấu không có đạo bộ binh nào chịu nhường bước trước khi giao phong". Và Napoléon ở đảo Sainte-Helène viết: "Một vài tiểu đoàn Nga tỏ ra gan dạ" - chú thích cúa tác giả.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:51:53 pm
Phần II
Chương - 19
     
Cuộc tấn công của đoàn khinh binh thứ sáu đã yểm hộ được cho cánh phải của quân ta rút lui. Ở trung tâm, đơn vị pháo của Tusin bị bỏ quên đã bắn cháy Songraben, và nhờ đó, cản được đường tiến quân của Pháp. Quân Pháp đang lo chạy chữa các đám cháy gặp gió bùng lên rất to. Nhờ vậy, quân ta đã có đủ thì giờ rút lui. Đạo trung quân rút qua một cái khe, ồn ào, vội vã; gồm hai trung đoàn Kiev và Podolxki và trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đã bị những lực lượng của Pháp đông hơn do Lan chỉ huy tấn công và đồng thời bao vây nên bị tán loạn, Bagration phái Zerkov mang lệnh đến viên tướng chỉ huy cánh tả quân ta bảo phải rút lui ngay tức khắc.

Zerkov vẻ nhanh nhẩu, chưa kịp cất tay khỏi lưỡi trai đã thúc ngựa phi nước đại. Nhưng vừa mới rời khỏi Bagration anh ta đã không còn dũng khí nữa. Anh ta cảm thấy lo sợ cuống cuồng và không thể nào đi đến nơi nguy hìểm được.

Khi đã đến gần đạo quân bên cánh trái, Zerkov không tiến về phía trước là nơi đang bán nhau, mà lại bắt đầu tìm viên tướng và các vị chỉ huy ở một nơi không thể nào có họ được, cho nên rốt cục anh ta không truyền đạt được mệnh lệnh.
   
Căn cứ theo cấp bậc, quyền chỉ huy cánh trái được giao phó cho viên tướng chỉ huy trung đoàn đã được giới thiệu với Kutuzov và Braonao, trung đoàn trong đó Dolokhov làm lính. Quyền chỉ huy cánh quân cực tả thì lại giao cho viên trung đoàn trưởng trung đoàn Pavlograd trong đó có Roxtov, lình trạng này đã gây ra một sự hiểu lầm. Hai viên chỉ huy rất xung khắc với nhau. Chính trong lúc bắt đầu tấn công, thì hai viên chỉ huy vẫn đang mải đàm phán, mà mục đích của đàm phán này chỉ là để làm nhục nhau. Còn binh lính thì trong binh đoàn kỵ binh cũng như trong trung đoàn bộ binh, hoàn toàn chưa có gì sẵn sàng để đương đầu với chiến sự trước mắt. Trong hai trung đoàn, từ tướng tá đến binh sĩ đều không ngờ rằng hôm ấy đã phải chiến đấu. Họ đang điềm tĩnh lo đến những công việc rất thanh bình: kỵ binh thì bận cho ngựa ăn, bộ binh thì bận hái củi.

- Nếu ông ta cấp bậc cao hơn tôi - viên đại tá người Đức chỉ huy trung đoàn kỵ binh, mặt đỏ bừng, nói với viên phụ tá vừa đi ngựa đến - mặc cho ông ta muốn làm gì thì làm. Còn tôi, tôi không thể hy sinh quân phiêu kỵ của tôi được. Lính kèn đâu, thổi kèn lui quân ngay!
   
Nhưng tình hình đã khẩn cấp lắm rồi, tiếng đại bác và tiếng súng trường hoà lẫn vào nhau, nghe như mưa rào ở phía trái và phía giữa, và bóng những người lính xạ thủ của Lan mặc áo khoác đã vượt qua cái đê ở cửa nhà xay lúa và dàn ra bên này đê cách hai tầm súng trường. Viên đại tá bộ binh, với dáng đi giật nảy lên, đến cạnh con ngựa, và sau khi đã nhảy lên mình ngựa trông cao lớn và hiên ngang hẳn lên, ông đi đến gặp viên chỉ huy trung đoàn Pavlograd.

Haì viên chỉ huy gặp nhau liền kính cẩn cúi chào nhau, che giấu nỗi căm giận đang nung nấu trong lòng.

- Thưa ngài đại tá - viên tướng nói - xin thưa lại với ngài một lần nữa rằng dầu sao tôi cũng không thể nào bỏ lại một nửa số quân của tôi ở trong rừng. Tôi yêu cầu ngài, tôi yêu cầu ngài - Ông ta nhăc lại - chiếm lĩnh trận địa và chuẩn bị tấn công đi cho.

- Còn tôi thì tôi yêu cầu ngài đừng có xen vào những công việc không phải của ngài - viên đại tá nổi nóng đáp - Giá ngài là kỵ binh…

- Thưa ngài đại tá, tôi không phải là kỵ binh, nhưng tôi là tướng Nga, và nếu ngài không biết điều đó…

- Thưa ngài, tôi biết lắm chứ - viên đại tá bỗng quát lên mặt đỏ bừng, chân thúc ngựa vào hông ngựa - xin ngài chịu khó lên tiền tiêu mà xem một chút, rồi ngài sẽ thấy cái vị trí ấy chẳng ra gì hết. Tôi không muốn trung đoàn của tôi bị tiêu diệt để làm vừa ý ngài.

- Ngài mất tự chủ rồi đấy đại uý ạ - Tôi không hề làm theo ý thích của tôi, và tôi không cho phép ngài nói như vậy.
   
Viên tướng cho rằng lời đề nghị của viên đại tá là một lời thách thức tinh thần can đảm, liền nhận lời. Ông ưỡn ngực, cau mày và cùng viên đại tá đi về phía tiền tiêu, làm như thể sự bất hoà của họ sẽ được giải quyết ở đấy, nơi tiền tiêu, dưới làn mưa đạn: hai người đi ngựa đến vị trí tiền tiêu thì mấy viên đạn bay vèo qua đầu họ. Họ dừng lại, không nói nửa lời. Ở tiền tiêu chẳng có cái gì dáng để ý bởi vì từ chỗ hồi nãy họ đứng cũng đã có thể thấy rõ rằng kỵ binh không thể nào hoạt động ở giữa đám cây cối và khe suối, và thấy rõ quân Pháp đang tiến lên vây bọc cánh trái quân Nga. Giống như hai con gà trống sắp sửa chọi nhau, viên tướng và viên đại tá nhìn nhau, vẻ nghiêm trang và quan trọng, người nọ chờ đợi ở người kia những dấu hiệu của sự hèn nhát, nhưng chỉ uổng công. Cả hai đều chịu đựng cuộc thử thách không nao núng. Vì cả hai đều không thấy có gì phải nói, và không ai muốn để cho người kia có cớ cho rằng mình đã rời bỏ hoả tuyến trước. Đáng lẽ họ sẽ còn dừng lại đấy một hồi lâu để thử thách lòng can đảm của nhau, nếu lúc ấy, trong khu rừng gần sau lưng họ không có những tiếng súng nổ hàng loạt và những tiếng kêu nhao nhao lùa lẫn vào nhau. Quân Pháp tấn công vào những người lính đang hái củi trong rừng. Bấy giờ quân phiêu kỵ đã không thể nào cùng rút lui với bộ binh được nữa.

Đường rút lui của họ về phía trái đã bị tiền tiêu của quân Pháp chặn mất. Bây giờ dù địa thế bất lợi, họ cũng bắt buộc phải tấn công để mở một lối đi. Đại đội phiêu kỵ của Roxtov chỉ vừa kịp lên ngựa đã phải dừng lại đối diện với quân địch. Lần này lạì cũng như lần trên cầu Enx, giữa đại đội kỵ binh và quân địch không còn thấy một bóng người nào. Giữa hai bên là cái giới tuyến lạ lùng và ghê sợ không ai biết làm gì đang chắn ngang giống như cái giới tuyến ngăn cách người sống và người chết. Ai nấy đều cảm thấy cái giới tuyến ấy, và lo lắng tự hỏi không biết rồi mình có vượt qua nó hay không và làm cách nào để vượt qua.
   
Viên đại tá đi ngựa đến trước hàng quân, trả lời một cách giận dữ những câu hỏi của các sĩ quan, và giống như một con người đã nhất quyết làm theo ý mình cho kỳ được, ông ra một mệnh lệnh gì đó. Tuy không ai nói rõ rệt, nhưng ở trong đại đội có tin truyền đi nói rằng đơn vị sắp bị tấn công. Lệnh chỉnh đốn hàng ngũ đã ban ra, sau đó có tiếng những thanh gươm tuốt ra khỏi vỏ lách cách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:53:37 pm
- Nhưng vẫn không ai cử động. Quân sĩ ở cánh trái, phiêu kỵ cũng như bộ binh, đều cảm thấy rằng bản thân các viên chỉ huy cũng không biết nên làm gì và tâm trạng hoang mang của những người chỉ huy truyền vào binh sĩ.

"Chóng lên, thôi chóng lên chứ" - Roxtov nhhĩ bụng. Chàng cảm thấy rằng cuối cùng đã đến lúc thể nghiệm cái hào hứng của những trận tấn công mà chàng đã nhiều lần nghe các bạn phiêu kỵ của chàng kể lại.

- Anh em ơi, cầu Chúa phù hộ! - Giọng Denixov hô vang - Nước kiệu, tiến lên!

Mông những con ngựa ở các hàng đầu nhấp nhô. Con Gratsik kéo dây cương và tự ý lao về phía trước.
   
Ở bên phải, Roxtov nhìn thấy những hàng phiêu kỵ đầu tiên của chàng, và xa hơn, phía trước mắt, chàng thấy một cái dải gì màu nâu thâm thâm, chưa rõ là cái gì, nhưng chàng đoán là quân địch. Đã có thể nghe tiếng súng nổ, nhưng ở xa xa.

- Chuyển sang nước đại! - Một mệnh lệnh vang lên, và Roxtov cảm thấy con Gratsik của chàng hất cao mông lên chuyển sang phi nước đại.

Chàng đoán trước những cử động của con vật và mỗi lúc một thấy hào hứng. Chàng để ý đến một cái cây trơ trọi ở trước mặt. Cây này lúc dầu ở tít mãi phía trước, ở giữa con dường giới tuyến có vẻ đáng sợ kia.
Thế mà bây giờ họ đã vượt qua đường giới tuyến ấy, và chẳng có gì ghê sợ cả, trái lại chàng lại càng hào hứng, phấn khởi.

"Ô! Chuyến này ta chém chúng một mẻ", Roxtov nghĩ bụng, tay nắm chặt chuôi gươm.

- Ua - raaa! - những tiếng hô vang lên như sấm. "Nào, bây giờ bất kỳ thằng nào cứ lọt vào tầm tay ông xem!" - Roxtov nghĩ thầm, thúc cựa giày vào con Gratsik, và thả lỏng dây cương cho nó lao lên vượt qua các kỵ binh khác. Quân địch đã hiện ra trước mặt. Đột nhiên có một cái gì như là một cái chổi lớn quật vào đại đội phiêu kỵ. Roxtov vung kiếm lên, sẵn sàng chém xuống. Nhưng vừa lúc ấy, Nitisenko, một người phiêu kỵ đang phi trước mặt bỗng tách rời ra khỏi chàng và Roxtov cảm thấy như trong một giấc mơ rằng mình vẫn tiếp tục phi ngựa lên phía trước với một tốc độ phi thường nhưng đồng thời lại đứng nguyên một chỗ. Một người phiêu kỵ quen biết là Boldachuk đang phi ngựa ở phía sau suýt vấp phải chàng và tức giận nhìn chàng. Con ngựa của Boldachuk né ra một bên rồi vượt lên.
   
"Làm sao thế này? Ta không tiến lên là thế nào? Ta ngã rồi, ta bị bắn chết rồi…" - trong nháy mắt Roxtov tự hỏỉ mình và tự trả lời mình như vậy. Bây giờ chỉ còn lại mình chàng trơ trọi ở giữa cánh đồng. Thay cho những con ngựa đang phi và những lấm lưng của lính phiêu kỵ, bốn bề chỉ còn thấy mặt đất im lìm phủ đầy cỏ tranh.
   
Dưới người chàng máu ở đâu chảy ra nóng hâm hấp. "Không, ta chỉ bị thương mà thôi, con ngựa của ta bị bắn chết". Con Gratsik chống hai chân trước nhổm lên nhưng rồi lại gục xuống, đè lên chân người cưỡi nó. Máu ở đầu ngựa tuôn ra. Con ngựa giãy giụa mãi không sao đứng lên được. Roxtov muốn đứng dậy nhưng cũng khuỵu xuống: dải đeo gươm của chàng đã mắc vào yên ngựa. Quân ta đâu rồi? Quân Pháp đâu rồi? - chàng chẳng biết nữa. Xung quanh chàng không có lấy một bóng người.
   
Chàng rút chân ra và đứng lên: "Cái giới tuyến hồi nãy phân chia rõ rệt hai đạo quân bây giờ ở đâu, ở phía nào?" Chàng tự hỏi, nhưng không sao trả lời được. "Có phải mình vừa gặp chuyện gì rủi ro không? Tình trạng này thường có xảy ra không, và gặp trường hợp này phải làm gì?" - Chàng vừa đứng lên vừa tự hỏi.
Ngay lúc ấy chàng cảm thấy có một cái gì thừa thừa lủng lẳng ở cánh tay trái bị êm ẩm. Bàn tay của chàng cứ như bàn tay của người nào khác.
   
Chàng chăm chú nhìn cánh tay nhưng tìm mãi cũng không thấy có máu. "Ồ có người đến đây rồi - chàng nghĩ thầm, vui sướng khi thấy có mấy người chạy về phía mình - Họ đến cứu mình đây!".
   
Đi đầu là một người đội cái mũ sa-cô kỳ quái, mặc áo khoác màu lam, nước da rám nắng, mũi quặm. Hai người khác theo sau, rồi đến nhiều người khác nữa. Một người trong bọn nói một câu vì nghe rất lạ tai, không phải tiếng Nga. Ở phía sau bọn họ đứng giữa một tốp người cũng giống như họ, cũng đội mũ sa-cô như vậy, và có một người lính phiêu kỵ Nga. Những người kia giữ tay anh ta, và đằng sau, con ngựa của anh ta cũng đang bị họ giữ.
   
"Đúng rồi, nhất định đó là một người Nga bị bắt làm tù binh… Phải rồi! Chúng bắt cả ta nữa sao? Thế bọn này là ai? - Roxtov cứ băn khoăn tự hỏi, chàng không tin vào mắt mình nữa - Quân Pháp thật à?"
   
Chàng nhìn quân Pháp đang tiến đến gần, và mặc dầu mấy phút trước chàng phi ngựa cũng chỉ để đâm bổ vào quân Pháp kia và chém cho chúng một mẻ, nhưng nay đến gần thì chàng lại cảm thấy sợ hãi đến nỗi không dám tin vào mắt mình nữa. "Họ là ai? Tại sao họ lại chạy? Có phải họ đến ta không? Có lẽ nào họ lại chạy đến chỗ ta? Để làm gì chứ" Để giết ta à? Giết ta, một người mà ai cũng quý mến?".
   
Chàng sực nhớ đến tình thương của mẹ chàng, của gia đình chàng, của chàng. "Nhưng có thể là chúng giết!" Chàng đứng im hơn mười giây tại chỗ, không biết nên đối phó như thế nào. Tên Pháp đi đâu có cái mũi quắm đã đến gần đến nỗi Roxtov có thể thấy rõ từng nét mặt của hắn. Thấy hắn cầm ngang lưỡi lê, nín thở lao nhanh về phía chàng một cách hăm hở, Roxtov đâm hoảng. Chàng nắm lấy súng ngắn, nhưng không bắn, mà lại ném về phía tên lính Pháp và ba chân bốn cắng chạy về phía đám bụi rậm. Lần này chàng không thấy mình có cái cảm giác ngờ vực và day dứt như ở cầu Enx, trái lại chàng bỏ chạy với cảm giác của một con thỏ rừng bị chó săn đuổi. Nỗi lo sợ phải từ bỏ cuộc sống, cuộc sống trẻ trung, sung sướng của mình tràn ngập tâm hồn chàng.
   
Chàng chạy thục mạng, nhảy qua ngòi ranh nhanh vun vút như hồi còn nhỏ khi chơi đuổi bắt. Chàng băng qua cánh đồng, thỉnh thoảng quay mặt lại nhìn, gương mặt tuấn tú, trẻ trung bây giờ đã tái xanh, và thấy lạnh toát ở sống lưng. "Không! Đừng nhìn là hơn", chàng nghĩ bụng, nhưng vừa chạy qua bụi rậm thì chàng lại ngoái cổ một lần nữa. Bọn Pháp tụt lại đằng sau và ngay lúc ấy tên lính Pháp đi đầu không chạy nữa, đi chậm lại và quay về phía sau thét một tiếng gì thật to với đồng đội Roxtov dừng lại. "Không - chàng nghĩ thầm - không thể như thế được Không có lý do gì chúng lại muốn giết ta!"  Trong lúc ấy, bàn tay trái của chàng thấy nặng trĩu như có ai buộc một quả tạ ba mươi cân vào đấy. Chàng không thể nào tiếp được nữa. Tên lính Pháp cũng đứng lại giơ súng lên ngắm. Roxtov nhắm nghiền mắt lại và cúi xuống. Một viên đạn bay vù vù sát người chàng, rồi một viên nữa.
   
Chàng thu hút tàn lực lấy bàn tay phải lắm lấy cánh tay trái và chạy một mạch đến một khóm cây rậm rạp. Trong khóm cây đó là một vị xạ thủ Nga.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:54:36 pm
Phần II
Chương - 20
     
Những trung đoàn bộ binh bị tấn công đột ngột ở trong rừng bỏ chạy tán loạn ra ngoài, và các đại đội lẫn lộn hàng ngũ kéo nhau đi thành một đám người hỗn độn. Một binh sĩ kinh hoảng thốt lên cái câu chẳng có nghĩa gì mà rất ghê sợ trong chicn tranh: "Chúng mình bị cắt đường rồi". Và câu này cùng với cảm giác hoảng sợ truyền vào lòng mọi người.

- Chúng mình bị vây rồi! Bị cắt dường rồi! Nguy to rồi - Những người bỏ chạy kêu lên.
     
Viên tướng chỉ huy trung đoàn, ngay giây phút nghe tiếng súng và tiếng kêu ở đằng sau, đã hiểu rằng trung đoàn ông gặp một điều gì khủng khiếp. Khi nghĩ rằng một sĩ quan gương mẫu như ông đã bao năm phục vụ, chẳng hề phạm lỗi gì mà nay có thể để cho cấp trên thấy mình sơ suất và chậm chạp, ông sửng sốt đến nỗi ngay giây phút ấy ông quên cả viên đại tá kỵ binh bướng bỉnh, quên cả cái uy thế của một vị tướng quân như mình, và đặc biệt là quên hẳn cả nguy hiểm và bản năng tự vệ, ông bám chặt lấy yên ngựa, thúc ngựa phi đến trung đoàn mình dưới làn mưa đạn, và may sao không bị viên đạn nào bắn trúng. Ông chỉ muốn có một điều: xem cho biết tình thế bây giờ ra sao và có sai lầm gì thì dù có thế nào cũng tìm cách bổ cứu và sửa chữa cho kỳ được, nếu đó là lỗi của ông, làm thế nào để con người gương mẫu như ông suốt hai mươi hai năm trời phục vụ chưa hề bị khiển trách, lần này cũng không phạm lỗi.
     
Sau khi đã bình yên vô sự phi ngựa qua đám quân Pháp, ông đến cánh đồng ở phía sau rừng. Quân ta cũng chạy qua cánh rừng này và lao xuống núi, không chịu nghe mệnh lệnh. Bây giờ là cái phút dao động tinh thần vẫn quyết định sự thắng bại của trận đánh: đám binh sĩ rối loạn này có vâng lời vị chỉ huy của họ hay không, hay là sau khi quay đầu nhìn ông ta một cái, họ lại tiếp tục chạy dài. Mặc dầu tiếng nói của viên chỉ huy mà xưa nay binh sĩ vẫn sợ đang gào lên một cách tuyệt vọng, mặc dầu mặt viên chỉ huy trung đoàn đỏ gay, biến sắc đi tức giận điên cuồng, mặc dầu ông ta hoa kiếm lên, binh sĩ vẫn cắm cổ chạy, gọi nhau, bắn lên trời và không chịu nghe mệnh lệnh. Phút dao động tinh thần quyết định sự thắng bại của trận đánh rõ rệt nghiêng về tình trạng hốt hoảng.
   
Viên tướng phát ho lên vì kêu gào quá nhiều và vì khói thuốc súng. Ông ta dừng lại, tuyệt vọng. Cơ sự rõ ràng là vô phương cứu vãn. Đột nhiên, không rõ vì sao, quân Pháp đang đuổi theo quân ta bỗng chạy lùi lại, rút ra khỏi ven rừng, và quân xạ kích Nga ở trong rừng hiện ra. Đó là đại đội Timokhin, đại đội duy nhất vẫn giữ được kỷ luật, nãy giờ vẫn mai phục dưới cái rãnh bên rừng, bất ngờ tấn công quân Pháp. Timokhin trong tay chỉ có độc một thanh kiếm nhỏ, thét lên một tiếng kinh hồn lao vào quân Pháp một cách quả quyết điên cuồng và say sưa, đến nỗi quân Pháp không kịp định thần, quăng vũ khí ù té chạy. Dolokhov chạy bên cạnh Timokhin dí súng vào người bắn chết một tên Pháp đầu hàng. Những người đang bỏ chạy quay trở lui, các tiểu đoàn tập hợp lại, và quân Pháp sau khi cắt cánh quân bên trái của ta làm hai phần, lại bị đánh lui trong giây lát. Những đơn vị hậu bị của ta có thì giờ hợp lại với nhau và những người chạy dừng lại. Viên tướng chỉ huy rung đoàn đang đứng cạnh thiếu tá Ekonomov ở bên cầu điều khiển những đại đội rút lui trước mặt mình, thì chợt có một binh sĩ đến cạnh ông ta, nắm lấy dây bàn đạp và gần như nép sát vào ông ta. Người này mặc áo khoác xanh nhạt may bằng một thứ da hảo hạng, không mang bạc đà không đội mũ, đầu quấn băng, ngang vai khoác một cái túi đạn của Pháp và tay cầm một thanh kiếm sĩ quan. Mặt anh tái xanh, cặp mắt biếc nhìn một cách xấc xược vào mặt viên chỉ huy trung đoàn, miệng mỉm cười. Mặc dầu viên chỉ huy trung đoàn đang bận ra lệnh cho viên thiếu tá Ekonomov, ông ta vẫn không thể không chú ý đến người lính này.

- Thưa ngài, đây là hai chiến lợi phẩm - Dolokhov chỉ vào thanh gươm và túi đạn nói - Tôi bắt được một võ quan làm tù binh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:55:32 pm
- Tôi giữ đại đội lại - Dolokhov mệt quá thở hổn hển, nói đứt hơi từng quãng. Cả đại đội có thể làm chứng xác nhận điều đó. Xin ngài lưu ý cho!

- Tốt lắm, tốt lắm viên tướng đáp, đoạn quay lại nói chuyện với thiếu tá Ekonomov.
   
Nhưng Dolokhov không buông ông ta. Hắn tháo chiếc khăn quấn trên đầu ra và chỉ lớp máu dọng ở trong tóc nói:

- Tôi bị lưỡi lê dâm bị thương, nhưng vẫn không rời bỏ hàng ngũ. Xin ngài lưu lý cho.

Đại đội pháo binh của Tusin bị bỏ quên và mãi đến khi chiến sự kết thúc, nhận thấy đại bác của ta ở trung tâm vẫn còn bắn, công tước Bagration mới phái viên sĩ quan phụ tá với công tước Andrey đến để ra lệnh cho đại uý phải rút lui thật nhanh. Mặc dầu đơn vị yểm hộ bố trí gần các khẩu pháo của Tusin đã bỏ đi giữa chừng: theo mệnh lệnh của ai chẳng rõ, đại đội pháo binh vẫn tiếp tục bắn và sở dĩ quân Pháp chưa tóm được nó cũng chỉ vì họ không thể ngờ rằng bốn khẩu đại bác không có gì yểm hộ lại dám cả gan tiếp tục bắn một cách ngang nhiên như vậy. Trái lại, căn cứ vào hoả lực ác liệt của đại đội pháo binh này, quân địch cho rằng những lực lượng chính của Nga đều tập trung vào điểm này, tức là ở trung tâm. Đã hai lần họ tìm cách tấn công vào điểm này, nhưng lần nào cũng bị những loạt đạn ria của bốn khẩu súng đại bác đứng trơ trọi trên đồi cao bắn xả xuống nên phải rút lui.
   
Công tước Bagration vừa đi được một lát thì Tusin đã bắn cháy Songreben.

- Xem kìa, chúng rối loạn rồi! Cháy rồi! Khói bốc lên rồi! Bắn cừ lắm! Khá lắm! Khói! Khói! - toán lính pháo thủ phấn khời lên, nói nhao nhao.

Tất cả các khẩu pháo chẳng cần có lệnh gì, cứ nhằm phía đám cháy mà bắn. Còn các pháo thủ dường như muốn tiếp sức cho đám cháy cứ mỗi lần nổ súng lại gào lên: "Cừ lắm! Được đấy! Cứ cháy to lên!… Hay lắm!". Ngọn lửa được gió thổi lan ra rất nhanh.

Những đội quân Pháp tiến qua làng phải quay trở lại; nhưng rồi như thể để trả thù cho thất bại này, quân địch bố trí ở bên làng mười khẩu đại bác và bắt đầu nã vào đơn vị của Tusin.

Các pháo thủ của ta sung sướng như trẻ con khi thấy ngọn lửa bốc lên và súng mình bắn trúng quân Pháp, cho nên mãi đến khi hai phát đạn, và tiếp liền sau đó là bốn phát nữa rơi vào giữa máy khẩu pháo của họ, họ mới đế ý đến đơn vị pháo binh địch kia. Một phát đại bác địch bắn gục hai con ngựa, một phát khác bắn bay mất một chân của anh lính lái xe vận tải. Tuy nhiên, việc này không hề làm giảm sút tinh thần hăng hái của họ, nó chỉ làm cho thái độ của họ thay đổi. Những con ngựa chết được thay thế bằng những con khác lấy ở xe kéo dự trữ, những người bị thương được khiêng đi và bốn khẩu pháo quay về phía đội pháo binh của địch gồm mười khẩu mà bắn. Viên đại đội phó của Tusin, đã bị bắn chết khi trận giao chiến bắt đầu, và chỉ trong một tiếng đồng hồ, trong số bốn mươi pháo thủ đã thương vong mất mười bẩy người, nhưng những người còn lại cũng vẫn vui vẻ và hào hứng như trước. Đã hai lần, họ thấy quân Pháp xuất hiện ở dưới chân núi cách họ không xa, và hai lần họ xả đạn ria vào chúng.

Con người nhỏ bé kia với những cử chỉ yếu đuối và vụng về cứ luôn miệng bảo người lính cần vụ: "cho thêm một điếu nữa để mừng công" - như lời anh ta nói, rồi rít mạnh tẩu thuốc làm tán lửa bắn tung toé, anh ta chạy ra đằng trước và đưa bàn tay nhỏ nhắn lên che trên mắt để nhìn quân Pháp.

- Điều chỉnh lại, các cậu ơi! - anh ta vừa nói vừa tự mình nắm lấy bánh xe của cỗ pháo và vặn những đinh ốc điều chỉnh tầm pháo.

Trong khói súng mịt mù, giữa tiếng nổ inh tai không lúc nào ngớt, và mỗi lần nổ lại làm cho anh giật mình: Tusin không rời bỏ chiếc tẩu thuốc ngắn, vẫn chạy từ khẩu pháo này sang khẩu pháo khác, khi thì chỉ trỏ, khi thì tính lượng thuốc súng, khi thì sai thay những con ngựa chết và bị thương, luôn mồm quát với cái giọng yếu ớt thanh thanh và ngần ngại của mình. Mặt anh càng ngày càng phấn chấn lên. Chỉ khi nào thấy người của anh ta bị bắn chết hay bị thương, anh mới cau mày và quay đi để khỏi phải nhìn người bị đạn, rồi giận dữ quát mắng các đội viên chậm chạp chưa khiêng người bị thương hay người chết đi. Binh sĩ phần lớn là những thanh niên cường tráng (hình như có một cái lệ là trong đại đội pháo binh nào binh lính cũng cao hơn sĩ quan của họ hàng hai cái đầu và to gấp đôi) ai nấy đều nhìn viên chỉ huy như những đứa trẻ gặp lúc khó xử và vẻ mặt của Tusin bao giờ cũng được phản ánh y nguyên trên khuôn mặt họ.

Vì ở trong cảnh ồn ào náo động kinh khủng đó, lại phải chú ý và luôn luôn hoạt động. Tusin không hề cảm thấy sợ hãi khó chịu chút nào, thậm chí ý nghĩ mình có thể tử trận hay bị thương nặng cũng không hề nảy ra trong óc anh. Trái lại, mỗi lúc anh một vui thêm. Anh có cảm giác là cái phút anh trông thấy quân địch và bắn phát súng đầu tiên đã xa xôi lắm, có lẽ từ hôm qua thì phải, và cái mảnh đất trên đó anh đang đứng trở thành một nơi thân thiết quen thuộc từ lâu. Mặc đầu anh nhớ tất cả, nghĩ đến tất cả và làm tất cả những điều mà người sĩ quan ưu tú nhất gặp hoàn cảnh của ang có thể làm được, anh vẫn ở trong một tình trạng gần như mê sảng hay say rượu.

Tiếng nổ choáng tai của mấy khẩu đại bác của anh đặt ở bốn phía, tiếng đạn của địch bay vèo vèo và rơi xuống nổ ầm ầm, cạnh những người pháo thủ mặt đỏ gay mồ hôi nhễ nhại đang bận tíu tít bên mấy khẩu pháo, máu người và máu ngựa loạng lổ khắp nơi, quang cảnh những cột khói bốc lên từ trận địa quân địch (mỗi lần khói bốc lên như thế là một quả tạc đạn của địch bay đến và rơi xuống đất trúng vào một người, một khẩu pháo hay một con ngựa) - tất cả những cái đó đã tạo nên một thế giới huyền ảo trong óc Tusin làm cho anh ngây ngất. Đối với anh, pháo của địch không phải là pháo mà là những chiếc tẩu của một anh chàng hút thuốc vô hình nào, thỉnh thoảnh lại nhả ra một làn khói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Mười Hai, 2010, 07:56:35 pm
- Kìa, một hơi nữa! - Tusin nói lẩm bẩm một mình, trong khi một làn khói bốc lên khỏi núi và theo làn gió thổi, kéo thành một vết dài về phía trái. Bây giờ hãy đợi tạc đạn rơi xuống rồi ta sẽ trả lại.

- Trả lại cái gì thưa ngài? - viên pháo thủ đứng cạnh nghe anh ta nói lẩm bẩm nên hỏi.

- Có gì đâu, một quả tạc đạn thôi.

"Bây giờ đến lượt bà đấy, Bà Matvevna ạ" - Anh lẩm bẩm một mình, Matvevna tức là cái tên mà trí tưởng tượng của anh ta đặt cho khẩu pháo lớn kiểu cũ ở ngoài cùng. Quân Pháp ở bên cạnh những khẩu pháo được anh hình dung như là những con kiến. Còn anh pháo thủ số một phụ trách khẩu pháo thứ hai, một gã bảnh trai và bợm rượu, thì trong cái thế giới tưởng tượng của anh lại là "ông chứ". Tusin thường nhìn người này nhiều hơn những người khác và thích thú với những động tác của anh ta. Tiếng súng trường ở chân đồi cứ nổ ròn rồi lại dịu dần đối với anh là hơi thở của một sinh vật nào. Anh lắng tai nghe hơi thở kia, khi thì rốc lên, khi thì lại lắng xuống.

- Kìa nó lại thở rồi! - anh nói một mình.

Và anh tưởng tượng mình là một trang nam nhi dũng mãnh có vóc dáng khổng lồ đang dang hai tay ném tạc đạn vào quân Pháp.

- Nào, bà Matvevna đừng chịu lép vế đấy nhé - anh vừa nói vừa lùi ra khỏi khẩu pháo. Vừa lúc ấy, đâu từ phía trên đầu anh vang lên một tiếng nói lạ tai của một người không quen biết.

- Đại uý Tusin! Đại uý!

Tusin sợ hãi ngoái cổ lại. Đó chính là anh chàng sĩ quan tham mưu đã đuổi anh ở Grun và bây giờ đang hổn hển gọi anh.

- Anh làm cái gì thế, điên rồi à? Cấp trên đã hai lần ra lệnh cho anh phải rút lui, thế mà anh…

"Ô hay, tại sao họ cự mình thế này?" - Tusin nghĩ bụng về sợ hãi ngước mắt nhìn viên chỉ huy.

- Tôi… Có gì đâu… - anh lẩm bẩm và giơ hai ngón tay lên lưõi trai… - Tôi…

Nhưng viên đại tá không kịp nói hết những điều ông muốn nói. Một quả tạc đạn bay qua sát sàn sạt buộc ông ta cúi rạp trên lưng ngựa. Ông ta im bặt, và vừa mới định nói thêm điều gì nữa thì một quả tạc đạn thứ hai lại chặn ông ta lại. Ông ta quay ngựa bỏ chạy.

- Rút lui ngay! Tất cả rút lui! - Ông ta ra lệnh và có một sĩ quan phụ tá phi ngựa đến cùng với mệnh lệnh ấy.

Người này là công tước Andrey. Vật đầu tiên mà Andrey nhận thấy khi đến chỗ mấy khẩu pháo của Tusin chiếm lĩnh là một con ngựa bị bắn gẫy chân, yên và cương đã tháo ra, đang hí bên cạnh những con ngựa buộc vào xe chở pháo, xác người ngồn ngang. Đạn đại bác kế tiếp nhau bay vù vù ở trên đầu chàng, trong khi chàng cho ngựa đi vào trận pháo. Chàng rùng mình như thể có một luồng hơi lạnh luồn vào suốt xương sống. Nhưng chỉ riêng một ý nghĩ mình sợ cũng đủ cổ vũ chàng. "Ta không thể sợ được" - Chàng tự nhủ và khoan thai xuống ngựa ở giữa mấy khẩu pháo. Truyền đạt mệnh lệnh xong, chàng không rời đơn vị pháo. Chàng quyết định sẽ thân hành trông nom việc dỡ pháo ra khỏi vị trí và dẫn đội pháo binh rút lui. Dưới làn mưa đạn kinh khủng của địch, chàng cùng Tusin bước qua các xác chết, đốc thúc việc dỡ pháo.

- Ban nãy có một ông chỉ huy đến, ông ta tháo nhanh lắm - một pháo thủ nói với công tước Andrey - chứ không phải như ngài đâu.

Công tước Andrey không nói gì với Tusin. Cả hai đều bận bịu đến nỗi hình như chẳng trông thấy nhau nữa. Sau khi đã lắp được hai khẩu pháo nguyên vẹn vào trong xe trong số bốn khẩu (một khẩu pháo đã bị bắn vỡ và một khẩu độc giác bị bỏ lại) hai người xuống núi. Công tước Andrey đến trước mặt Tusin.

- Thôi, tạm biệt anh nhé! - Công tước Andrey vừa nói vừa bắt tay Tusin.

- Xin chào anh, anh bạn thân mến, anh bạn tốt của tôi.

- Thôi Andrey anh đí nhé, - Tusin nói, sao nước mắt rưng rưng, chẳng hiểu tại sao.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:19:42 pm
Phần II
Chương - 21

Gió đã lặng, những đám mây đen bay là là trên bãi chiến trường, và ở chân trời, màu mây đen hoà lẫn với màu khói súng.
     
Trời đã xâm xẩm tối, ánh lửa những đám cháy ở hai nơi càng thêm sáng rõ. Tiếng pháo đã yếu đi, nhưng ở đằng sau và ở bên phải tiếng súng trường nố đì đùng nghe càng gần và càng gấp. Tusin cùng với mấy khẩu pháo của anh rút ra khỏi chiến tuyến, tuy đã cố tránh mà vẫn vấp phải những người bị thương. Họ vừa đi xuống một khe núi thì gặp mấy chỉ huy và sĩ quan phụ tá, trong số đó có viên sĩ quan tham mưu và Zerkov, đã hai lần được phái đến tận nơi. Cả tốp người này cướp lời nhau, tranh nhau ra lệnh và truyền dạt mệnh lệnh cho Tusin phải đi đến đâu và đi như thế nào, hết phê bình rồi lại khiền trách Tusin. Tusin không ra lệnh gì hết, anh im lặng không dám hé răng, bởi vì anh cũng không hiểu vì sao cứ mỗi lần mở miệng ra nói là cảm thấy muốn bật khóc lên. Anh cưỡi con ngựa của đại đội pháo lẽo đẽo theo sau. Mặc dầu đã có lệnh bỏ những người bị thương ở lại khá nhiều người vẫn lê theo quân đội, xin ngồi nhờ trên những khẩu pháo. Anh chàng sĩ quan bộ binh hiên ngang, khi trận đánh mở màn đã nhảy ra khỏi lều của Tusin, nay đang nằm trên giá súng Matvevna với một viên đạn ở bụng. Dưới chân núi, một anh chuẩn uý phiêu kỵ mặt tái nhợt, tay phải đỡ tay trái bị thương đến cạnh Tusin van nài cho anh ta ngồi nhờ lên khẩu pháo.

- Đại uý hãy vì Chúa, tay tôi bị giập. - Anh nói, vẻ rụt rè - Tôi không thể nào đi được nữa. Vì Chúa!
   
Rõ ràng là người chuẩn uý này đã nhiều lần xin ngồi lên xe, ngồi chỗ nào cũng được, nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Anh van nài, giọng ngần ngại và thiểu não.

- Ông cho tôi ngồi với, vì Chúa!

- Cho anh ấy lên với, cho anh ấy lên! - Tusin nói - Chú ơi, chú trải áo khoác ra - Anh nói với người lính được anh yêu quý nhất - Còn viên sĩ quan bị thương lúc nãy đâu rồi?

- Bỏ xuống rồi, chết rồi - Một người nào đó đáp.

- Cho anh ấy ngồi lên đi, ngồi lên đi anh bạn, ngồi lên, trải áo khoác ra, Antônov!

Viên chuẩn uý này chính là Roxtov. Mặt tái nhợt, hàm dưới run cầm cập như lên cơn sốt rét, chàng lấy tay phải giữ lấy cánh tay bị sưng. Người ta đặt chàng ngồi trên khẩu pháo Matvevna, chính khẩu pháo vừa chở viên sĩ quan mới chết. Trên áo khoác đầy máu, máu thấm vào quần và dây bẩn tay Roxtov.

- Sao, anh bị thương à? - Tusin hỏi.

- Không, tôi bị bầm cánh tay thôi.

- Thế thì tại sao trên giá súng lại có máu? Tusin hỏi.

- Thưa đại uý, máu viên sĩ quan ban nãy để lại đấy! - Một pháo thủ vừa nói vừa lấy ống tay áo khoác lau vết máu như muốn xin lỗi về chỗ giá súng không được sạch.
   
Với sự giúp đỡ của bộ binh, họ khó nhọc lắm mới kéo được pháo lên dốc và đến làng Grun thì dừng lại. Trời tối mịt, đến nỗi cách mười bước đã không phân biệt được quân phục của binh sĩ.

Tiếng súng trường vừa ngớt dần. Đột nhiên ở bên phải cách đấy không xa, lại có tiếng quát và tiếng súng nổ, lửa đạn sáng bừng trong đêm tối. Đây là đợt tấn công cuối cùng của quân Pháp. Quân ta nấp trong các nhà ở trong làng bắn trả lại. Mọi người lại chạy ra khỏi làng, chỉ trừ đội pháo binh của Tusin và viên chuẩn uý im lặng đưa mắt nhìn nhau chờ đợi số phận của mình. Những tiếng súng lặng dần, vừa từ trên con dường ngang, binh sĩ lũ lượt kéo về, chuyện trò huyên náo.

- Lành lặn chứ Potrov - một người hỏi.

- Choảng khá đấy cậu ạ - một người khác nói - Bây giờ chúng không dám bén mảng đến nữa đâu.

- Chả trông thấy gì hết. Chúng bắn vào nhau một trận ra trò!

- Chẳng thấy gì hết, tối như bưng ấy. Này cậu có cái gì nốc không?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:20:29 pm
Quân Pháp đã bị đánh lui hẳn. Và trong dêm tối đen như mực, những cỗ pháo của Tusin, cùng với cả một đám bộ binh vây quanh lao xao như đàn ong, lại lên đường tiến về phía trước mặt. Trong đêm tối, nghe như có một con sông đen ngòm vô hình trôi về một hướng duy nhất mà tiếng nước chảy là những tiếng nói thì thào, tiếng vó ngựa và tiếng bánh xe lăn. Trong tất cả những tiếng ồn ào hỗn hợp ấy, tiếng rên và tiếng nói của những người bị thương trong đêm tối nghe rõ hơn cá. Những tiếng rên của họ như tràn ngập bóng đêm, bao lấy xung quanh và hoà lẫn với bóng dêm làm một. Một lát sau, đoàn người đang đi bỗng nhốn nháo lên. Có một đoàn tuỳ tùng, người ấy nói một câu gì không rõ.

- Ông ta nói gì thế? Bây giờ đi đâu? Có dừng lại ở đâu không? Ông ta cảm ơn chúng mình phải không?
   
Ở khắp bốn phía có tiếng hỏi xôn xao. Cả đoàn người đang đi bắt đầu xô đẩy nhau (hẳn là người đi đầu đã dừng hẳn). Tin truyền đi là đã có lệnh dừng chân.

- Thế là mọi người đứng lại ở ngay giữa con đường lầy lội.
   
Lửa được đốt lên và những tiếng nói nghe lại càng rõ. Đại uý Tusin sau khi đã nghe những mệnh lệnh cần thiết cho đại đội liền sai một người lính đi tìm một trạm cấp cứu hay một người thầy thuốc cho viên chuẩn uý, rồi đến ngồi cạnh đống lửa ở trên đường mà binh sĩ vừa đốt lên. Roxtov cũng lê đến cạnh đống lửa. Phần thì đau, phần thì bị lạnh và ướt, toàn thân chàng cứ run lên bần bật.
   
Chàng cảm thấy buồn ngủ vô cùng nhưng vẫn không ngủ được vì cánh tay nhức nhối không biết đặt thế nào cho đỡ đau. Khi thì chàng nhắm mắt lại, khi thì lại nhìn đăm đăm vào ngọn lửa mà chàng cảm thấy như đỏ rực lên, khi thì đưa mắt nhìn cái thân hình gù gù, yếu ớt của Tusin đang ngồi xếp bằng tròn cạnh chàng. Cặp mắt to, thông minh và hiền từ của Tusin đang nhìn chàng ái ngại. Chàng cảm thấy Tusin hết lòng muốn giúp đỡ chàng nhưng không biết làm thế nào.
   
Xung quanh đâu đâu cũng nghe thấy tiếng chân người, tiếng vó ngựa và tiếng nói của những bộ binh đang tìm chỗ ngồi xung quanh. Tiếng người nói, tiếng bước chân, tiếng vó ngựa giẫm xuống bùn, tiếng củi nổ lách tách gần xa hoà lẫn với nhau thành một tiếng ồn ào khi to khi nhỏ.
   
Bấy giờ không còn là con sóng vô hình chảy trong bóng tối như hồi nãy mà là một cái gì giống như mặt biển đen ngòm đang lặng dần và nhấp nhô sau cơn bão, Roxtov ngơ ngác nhìn và lắng nghe xem có những gì xảy ra ở phía trước và xung quanh chàng. Một người lính bộ binh đến gần đống lửa ngồi xổm xuống, giơ hai tay về phía ngọn lửa nhưng quay mặt đi.

- Thưa ngài, ngài cho phép chứ? - Anh ta nói với Tusin có ý dò hỏi - Tôi lạc mất đại đội rồi, ngài sĩ quan ạ. Tôi cũng không biết nó ở đâu nữa! Thật khổ!
   
Một sĩ quan bộ binh đến cạnh đống lửa với một người lính. Má anh ta quấn băng, anh ta đến nói với Tusin yêu cầu ra lệnh di chuyển các khẩu pháo một chút để cho xe vận tải đi qua. Sau viên chỉ huy đại đội có hai người lính chạy đến lấy lửa. Họ đang chửi mắng nhau thậm tệ và đánh đấm nhau, ra sức giằng lấy một chiếc ủng.

- Thế nào? Mày nhặt được đấy à? Chà ranh gớm nhỉ? - Một người kêu lên, giọng khản đặc.

Rồi một người lính gầy gò, mặt tái nhợt, cổ quấn một miếng giẻ bê bết máu, đến xin các pháo thủ cho nước uống, giọng gắt gỏng:

- Thế nào, chả nhẽ phải chết như chó hay sao? - Anh ta càu nhàu.

Tusin bảo đưa nước cho anh ta uống. Rồi lại một người lính vui vẻ chạy đến xin tý lửa cho bộ binh.

- Nào cho bộ binh xin tí lửa sưởi cho ấm nào! Thôi anh em hàng xứ ở lại may mắn nhé… Cảm ơn các anh cho lửa, chúng tôi sẽ trả lại cả vốn lẫn lãi - Anh ta vừa cười vừa mang thanh củi đỏ rực đi trong đêm tối.
   
Sau anh ta, đến bốn người lính mang trong áo khoác một cái gì nằng nặng đi qua trước đống lửa. Một người trong bọn vấp một cái, kêu lên:

- Đồ quỷ! Vất bừa bãi củi ra giữa đường.

- Chết rồi thì còn mang đi làm cái quái gì - Một người khác nói.

- Ô cái anh này!

Và họ lại biến mất trong bóng tối với vật họ mang theo.

- Thế nào? Đau phải không? - Tusin thì thầm hỏi Roxtov.

- Đau.

- Thưa ngài, có lệnh tướng quân gọi, tướng quân hiện ở đây, trong ngôi nhà gỗ - Một pháo binh đến gần Tusin nói.

- Tôi đi ngay đây, anh ạ.

Tusin đứng dậy, cài lại khuy áo khoác và rời khỏi đống lửa, vừa đi vừa sửa quân phục lại cho ngay ngắn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:21:16 pm
Cách đống lửa của pháo binh không xa, ở trong ngôi nhà gỗ dành cho mình, công tước Bagration đang ngồi ăn và nói chuyện với một vài viên chỉ huy đơn vị tụ tập cạnh ông. Ở đây có ông già mắt lim dim đang gặm cái sườn cừu một cách ngon lành, có viên tướng đã hai mươi năm không có điều gì đáng chê trách, mặt đỏ bừng vì cốc rượu vodka và vì bữa ăn, có viên sĩ quan tham mưu đeo nhẫn có phù hiệu hoàng tộc, có Zerkov đang liếc mắt nhìn mọi người có vẻ lo lắng, và công tước Andrey mặt tái nhợt đôi môi mím chặt và cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt.
   
Trong một góc nhà có dựng một lá cờ cướp được của quân Pháp. Viên pháp quan đang sờ mó vải cờ với vẻ mặt ngây thơ và lắc đầu có vẻ thắc mắc. Có thể ông ta thực tâm chú ý đến lá cờ này cũng nên, nhưng cũng có thể ông ta cảm thấy khó chịu vì đang đói bụng mà lại phải đứng nhìn một bữa ăn không có dao nĩa dành cho ông ta. Ở phòng bên có viên đại tá Pháp bị long kỵ bắt sống. Các sĩ quan của ta xúm xít xung quanh hắn mà ngắm nghía.
   
Công tước Bagration cảm ơn các sĩ quan chỉ huy và hỏi han họ về những chi tiết của trận đánh và những tổn thất. Viên chỉ huy trung đoàn đã duyệt binh ở Braonao báo cáo với công tước rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu ông đã rút ra khỏi rừng, tập hợp những người lính đang hái củi, sau khi để cho quân Pháp đi qua, ông đã mang hai tiểu đoàn dùng lưỡi lê đánh thọc vào quân Pháp và đuổi bật chúng ra ngoài.

- Thưa tướng quân, khi tôi thấy tiểu đoàn thứ nhất đã rối loạn, tôi đứng trên đường cái và nghĩ thầm "Hãy để cho chúng qua, ta sẽ dùng hoả lực của toàn thể tiểu đoàn thể nghênh chiến". Và tôi đã làm đúng như thế viên chỉ huy trung đoàn rất muốn làm như thế và tiếc rằng mình đã không làm được như thế, đến nỗi ông tưởng chừng sự thực đã xảy ra đúng như vậy cũng nên? Làm sao có thể phân biệt được chuyện gì đã xảy ra với chuyện gì không xảy ra, khi người ta ở trong một tình trạng hỗn loạn như vậy?

- Thưa tướng quân - Ông nói tiếp, sực nhớ đến những lời nói chuyện giữa Kutuzov với Dolokhov và cuộc gặp gỡ của ông ta hồi nãy với người sĩ quan bị cách chức, - Đồng thời tôi cũng xin ngài lưu ý đến Dolokhov, viên sĩ quan bị giáng chức xuống làm lính. Chính tôi đã thấy anh ta bắt được một sĩ quan Pháp và đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc.

- Thưa tướng quân, đúng vào lúc tôi đã chứng kiến cuộc tấn công của quân phiêu kỵ Pavlovgrad - Zerkov nói xen vào, đưa mắt lo lắng nhìn quanh; Anh ta suốt hôm ấy không hề trông thấy bóng dáng một người lính phiêu kỵ nào, chỉ nghe viên sĩ quan bộ binh nói chuyện lại - Thưa ngài họ đã đánh tan hai phương trận.
    Thấy Zerkov lên tiếng, một vài người mỉm cười chờ đợi anh ta sẽ bông đùa như mọi hôm, nhưng khi nhìn thấy anh ta lại góp phần vào cái việc tán dương những hành động quang vinh của quân đội ta ngày hôm sau thì họ liền làm ra vẻ nghiêm trang, mặc dầu nhiều người thừa biết rằng những điều Zerkov nói chỉ là bịa đặt, chẳng có căn cứ gì hết.

Công tước Bagration nói với viên đại tá già:

- Tôi cảm ơn tất cả các vị, tất cả các đơn vị đã chiến đấu anh dũng: bộ binh, kỵ binh cũng như pháo binh. Nhưng làm thế nào lại bỏ qua hai khẩu pháo ở trung tâm? Ông hỏi và đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm một người nào (công tước Bagration không đặt vấn đề những khẩu pháo ở cánh trái. Ông ta biết rằng ngay lúc chiến sự bắt đầu, bao nhiêu pháo ở đây đều đã bỏ lại cho quân địch chiếm hết). Hình như tôi đã phái ông đến đó thì phải? - Ông nói với viên sĩ quan trực nhật.

- Một khẩu bị bắn hỏng - Viên sĩ quan trực nhật đáp - và một khẩu khác thì tôi không hiểu tại sao. Tôi đã ở đấy từ đầu đến cuối và đã đôn dốc mọi việc, mãi sau mới bỏ đi… Quả là ác liệt - anh ta nói thêm một cách khiêm tốn.

Có người cho biết đại uý Tusin đang đóng ở đây, ở gần làng này, và đã phái người đến gọi anh ta.

- Còn ông, ông có đến đấy cơ mà? - công tước Bagration hỏi công tước Andrey.

- Cố nhiên, chúng tôi cùng đến không cách nhau bao nhiêu - viên sĩ quan trực nhật mỉm cười một nụ cười
khả ái với Bolkonxki.

- Tôi không được hân hạnh trông thấy ông - công tước Andrey đáp giọng lạnh lùng và ngắt quãng. Mọi người im lặng.
   
Tusin đã hiện ra ở ngưỡng cửa. Anh rụt rè đi luồn sau lưng các viên tướng. Trong khi đi vòng qua các viên tướng ở trong gian nhà chật chội, và cũng như mọi bận, bối rối khi trông thấy các vị chỉ huy, Tusin không nhìn thấy cái cán cờ và vấp phải nó. Có vài người cười.

- Tại sao lại bỏ lại một khẩu pháo? - Bagration cau mày hỏi, không phải cau mày với viên đại uý mà với những người đang cười, trong đó nghe to nhất là tiếng cười của Zerkov.
   
Đến lúc ấy, trước mặt vị chỉ huy đáng sợ, Tusin mới hình dung được lỗi của mình ghê gớm như thế nào, và thấy rõ nỗi sỉ nhục là mình còn sống mà lại bỏ mất hai khẩu pháo. Anh xúc động đến nỗi tới giây phút này anh mới nghĩ ra điều đó. Tiếng cười của các sĩ quan càng làm anh hốt hoảng. Anh đứng trước Bagration, hàm dưới run cầm cập và nói lắp bắp:

- Thưa ngài… tôi không biết… Thưa ngài… không có người.

- Anh có thể lấy người ở đội yểm hộ chứ sao?
   
Tusin không dám nói rằng làm gì có đội quân yểm hộ, mặc dầu đó là sự thực thuần tuý. Anh sợ nói thế là "chơi khăm" một vố cho một vị chỉ huy khác, và anh dành đứng yên, mắt nhìn thẳng vào mặt Bagration không chớp như một anh học trò lúng túng trước mặt ban giám khảo. lm lặng kéo dài một lúc khá lâu. Công tước Bagration rõ ràng là không muốn tỏ ra nghiêm khắc nhưng không biết nên nói như thế nào, còn những người khác thì không dám xen vào câu chuyện.
   
Công tước Andrey liếc mắt nhìn trộm Tusin, và mấy ngón tay của chàng run lên bần bật.

- Thưa ngài - giọng nói đanh và sắc của công tước Andrey phá tan bầu không khí yên lặng - Ngài có phái tôi đến đại đội pháo binh của đại uý Tusin. Tôi đã đến đấy và thấy hai phần ba người và ngựa bị bắn chết, hai khẩu súng bị hỏng nặng, và không được một đơn vị nào yểm hộ hết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:21:54 pm
Công tước Bagration và Tusin đều cùng chăm chú như nhau nhìn Andrey đang nói với một nỗi kích động mà chàng cố kìm nén lại. - Và thưa ngài, nếu ngài cho phép tôi bày tỏ ý kiến - chàng nói tiếp - thì thắng lợi hôm nay của chúng ta sở dĩ có được chủ yếu là do hoạt động của đội pháo binh này và tinh thần kiên cường anh dũng của đại uý Tusin với đơn vị của đại uý - công tước Andrey nói, đoạn không đợi ai trả lời, chàng đứng phắt dậy rời khỏi bàn.
   
Công tước Bagration đưa mắt nhìn Tusin. Hình như công tước không muốn tỏ ý không tin ý kiến dứt khoát của công tước Andrey và đồng thời cũng cảm thấy mình không thể hoàn toàn tin lời nói ấy. Bagration gật đầu một cái và bảo Tusin là anh có thể lui ta.

Công tước Andrey đi ra theo sau Tusin.

- Cảm ơn anh, anh đã cứu tôi, anh bạn thân mến ạ - Tusin nói với chàng công tước Andrey nhìn Tusin từ đầu đến chân không nói gì, rồi bỏ đi nơi khác. Chàng cảm thấy lòng buồn rầu và nặng trĩu. Tất cả những chuyện đó thực kỳ lạ quá, chẳng giống tý nào với những điều chàng mong mỏi.
   
"Họ là ai? Họ làm gì ở đây? Họ cần gì? Bao giờ tất cả những cái này chấm dứt?" - Roxtov nghĩ thầm trong khi nhìn những bóng đen chập chờn ẩn hiện trước mắt chàng. Chỗ đau ở cánh tay chàng mỗi lúc một thêm nhức nhối. Chàng thấy buồn ngủ không sao cưỡng nổi, trước mắt chàng những vòng đỏ rực nhảy múa, và những âm thanh kia, những bộ mặt kia cùng với cảm giác cô đơn hoà lại làm một với cảm giác đau nhức ở tay. Chính những người này, những người bị thương hay không bị thương này cứ đè lấy chàng, bóp cổ chàng, vặn các mạch máu của chàng, lấy lửa đốt thịt trên - Cánh tay dập của chàng, và trên vai chàng. Để xua đuổi những hình ảnh đó, chàng nhắm nghiền mắt lại.

Chàng chỉ thiếp đi trong một phút, nhưng trong cái phút mê man ngắn ngủi ấy, chàng đã thấy vô số hình ảnh hiện lên trong giấc mơ: Chàng đã thấy mẹ chàng với bàn tay trắng trẻo, thấy đôi vai mảnh khảnh của Sonya, cặp mắt và tiếng cười của Natasa và Denixov với giọng nói và bộ ria mép của anh ta. Thấy Telyanin, thấy lại câu chuyện giữa chàng với Telyanin và Bodanyts. Tất cả câu chuyện này với người lính có cái giọng the thé kia chỉ là một, và cả người lính lẫn câu chuyện kia cứ cùng nhau nắm riết lấy cánh tay chàng làm chàng đau điếng cả người, ra sức lôi cánh tay chàng, đè lên nó và cùng kéo mãi về một phía. Mặc dầu chàng đã cố hết sức giãy giụa để thoát khỏi tay họ nhưng họ không buông vai chàng ra một giây nào, một ly nào. Nếu họ không kéo như vậy thì vai chàng đã không đau và đã khỏi rồi, nhưng chàng không có cách nào xua đuổi họ đi được.
   
Chàng mở mắt nhìn lên trên. Màn đêm đen kịt kéo xuống chỉ cách ánh sáng đống lửa than không đầy một thước. Trong làn ánh sáng này, những bông tuyết bay lất phất. Tusin không thấy trở lại, viên thầy thuốc không thấy đến. Chàng ngồi một mình, trước mắt chàng bấy giờ chỉ có một người lính trần truồng ngồi bên kia đống lửa đang sưởi cái thân hình gầy gò vàng võ.

"Không ai quan tâm đến ai cả - Roxtov nghĩ thầm. Không ai giúp đỡ ta, không ai thương hại ta cả. Thế mà vừa mới đây thôi ta còn ở nhà, cường tráng, vui vẻ và được mọi người yêu mến". Chàng thở dài, và hơi thở dài bất giác chuyển thành tiếng rên rỉ.

- Anh đau ở đâu? - Người lính hỏi trong khi đang hơ cái áo sơ mi trên ngọn lửa, rồi không đợi trả lời, anh ta ho một tiếng và nói thêm - Hôm nay họ làm què khối người ra đấy, khiếp thật!

Roxtov không nghe lời người lính nói. Chàng nhìn những bông tuyết bay nhảy trên ngọn lửa và nhớ đến mùa đông ở Nga, với ngôi nhà ấm áp và sáng sủa; chiếc áo da mềm xốp, những chiếc xe trượt tuyết nhanh vun vút, và chàng, thân thể tráng kiện, được cả gia đình hết sức yêu quý và chiều chuộng. Chàng nghĩ thầm: "Thế tại sao lại đến đây?".

Hôm sau quân Pháp không tấn công nữa, và tàn quân của chi đội Bagration bắt liên lạc được với đại quân của Kutuzov.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:22:37 pm
PHẦN III - Chương -1
     
Công tước Vaxili không hề trù tính trước những kế hoạch của mình. Ông lại càng không nghĩ cách hại người để mưu lợi cho mình. Ông chỉ là một con người lịch duyệt ở đời, đã từng thành công trong giới xã giao và đã trót lấy việc thành công ấy làm một thói quen. Tuỳ theo từng hoàn cảnh và tuỳ theo những người ông tiếp xúc trong trí óc ông luôn luôn nảy ra những dự định, những điều suy tính mà chính ông cũng không có ý thức gì rõ rệt cho lắm, nhưng đó lại chính là tất cả hứng thú của dời ông. Trong đầu óc ông không phải chỉ có một kế hoạch hay một dự định, không phải chỉ có hai, mà có đến hàng chục, trong số đó có những kế hoạch đang bắt đầu có những kế hoạch đang hoàn thành, lại có những kế hoạch bị huỷ bỏ. Chẳng hạn ông không tự nhủ: "Tay này có thế lực đây, phải làm sao cho hắn tin ta, mến ta, để rồi nhờ hắn xin cho một khoản trợ cấp hoặc giả ông cũng không tự nhủ: "Bây giờ Piotr giàu rồi, ta phải dụ dỗ hắn lấy con gái ta và cho ta vay bốn vạn rúp mà ta đang cần". Nhưng hễ gặp một người có thế lực, là lập tức bản năng của ông mách bảo ông rằng tay ấy có thể có ích, rồi công tước Vaxili sẽ làm quen, và thừa dịp đầu tiên, không hề chuẩn bị trước, chỉ do bản năng, ông sẽ nịnh hót, làm thân, nói những điều cần nói. Piotr bấy giờ đang ở Moskva, ngay trong tầm tay của công tước Vaxili, nên công tước liền lo cho chàng một chức phó thị tùng, - hồi đó cũng ngang với chức tư vấn quốc gia, và một mực mời chàng thanh niên lên Peterburg ghé lại nhà ông. Vởi cái dáng dường như lơ dễnh, nhưng đồng thời lại tin chắc rằng sự việc tất nhiên phải như vậy công tước Vaxili thu xếp mọi việc sao cho Piotr phải lấy con gái mình. Ví thử công tước có suy tính công việc từ trước, thì ông đã không sao có được cái vẻ tự nhiên như vậy trong khi giao thiệp và cái vẻ giản dị, thân mật như vậy trong khi đối xử với mọi người, cấp trên cũng như cấp dưới. Có một cái gì cứ luôn luôn thu hút ông ta lại gần những người có thế lực hơn và giàu có hơn ông, và ông bẩm sinh có cái tài nghệ hiếm có là biết chộp đúng cái mà mình cần và có thể lợi dụng người khác.

Piotr đùng một cái đã nghiễm nhiên trở nên giàu có, và trở thành bá tước Bezukhov. Nếu trước đây ít lâu chàng hãy còn cô dộc và vô tư lự thì nay chàng lại cảm thấy mình được săn đón và bận rộn đến mức chỉ khi lên giường đi ngủ chàng mới thấy mình ngồi lại với riêng mình. Chàng phải ký giấy tờ, đi lại những công sở hành chính mà chàng chẳng hiểu là quan trọng như thế nào, hỏi han viên quản lý về việc này việc nọ, đạp xe đến điền trang ở ngoại thành Moskva và tiếp rất nhiều người, những người trước kia chẳng bao giờ thèm biết đến chàng, nhưng bây giờ nếu chàng không tiếp thì họ sẽ phiền lòng và tủi cực lắm. Tất cả những nhân vật thuộc đủ các hạng người ấy - những người thương nhân, họ hàng, quen thuộc - Tất cả đều có thái độ hoà nhã, dịu dàng như nhau đối với chàng bá tước trẻ tuổi vừa thừa hưởng gia tài, và hiền nhiên là tất cả những người đó đều tin là Piotr sẵn có những đức tính cao quý. Piotr luôn nghe họ nói: "Đã có lòng nhân từ hiếm có như ngài thì… Với tấm lòng vàng của ngài" hay "Thưa bá tước, ngài vốn có tấm lòng cao thượng như vậy…" hay "Giá ông ta cũng thông minh được như ngài thì…" v.v… Đến nỗi chàng bắt đầu thành thực tin rằng mình có một lòng tốt hiếm có và một trí tuệ phi thường, đã thế xưa nay trong thâm tâm chàng vẫn nghĩ mình là người rất tốt bụng và rất thông minh.  Ngay cả những người trước kia độc ác và thù ghét chàng ra mặt thì nay cũng tỏ ra dịu dàng âu yếm. Trong ba nữ công tước, có cô chị cả lưng dài quá cỡ và tóc nhẵn như tóc búp bê, mới hồi nào còn giận dữ hằn học là thế mà nay, sau tang lễ bá tước cũng thân hành đến phòng Piotr. Mắt nhìn xuống và mặt luôn đỏ bừng lên, cô ta nói với Piotr rằng cô rất lấy làm tiếc về những sự hiểu lầm trước đây giữa hai người và bây giờ cô biết mình không có quyền cầu xin điều gì hết, có chăng cũng chỉ là xin phép Piotr, sau cái tang đau đớn này, cho cô ở thêm vài tuần trong ngôi nhà mà cô đã từng tha thiết yêu quý nơi cô ta đã từng hy sinh nhiều như vậy. Nói đến dây, công tước tiểu thư không cầm lòng được nữa, liền oà lên khóc. Cảm động vì thấy con người lạnh lùng như pho tượng kia mà lại có thể thay đổi đến thế, Piotr nắm lấy tay công tước tiểu thư mà xin lỗi, tuy cũng chẳng biết xin lỗi cái gì. Kể từ hôm ấy công tước tiểu thư bắt đầu đan cho Piotr một cái khăn quàng sọc và thay đổi hẳn thái độ đối với chàng.
   
Một hôm công tước Vaxili đến nhờ Piotr ký giấy cấp một số tiền cho công tước tiểu thư và nói:

- Anh giúp cô ấy một chút anh bạn ạ, dù sao thì cô ta cũng đã đau khổ nhiều vì người quá cố.

Công tước Vaxili cho rằng dù sao cũng cần vứt mẩu xương thừa này - Một tờ ngân phiếu ba vạn rúp - Cho cô công tước tiểu thư khốn khổ kia, để cô ta dừng bao giờ bép xép về việc công tước Vaxili có dính líu đến vụ chiếc cặp da ghép nọ. Piotr ký tờ ngân phiếu, và từ dạo đó công tước tiểu thư lại càng hiền hậu hơn. Hai cô em cũng đối xử với Piotr dịu dàng hơn, nhất là cô em út, cái cô bé xinh xắn, có chiếc nốt ruồi, thường làm cho Piotr luống cuống vì những nụ cười và cái vẻ e thẹn của cô ta mỗi khi trông thấy chàng.
Piotr vẫn nghĩ rằng ai cũng quí mến mình là lẽ dĩ nhiên và nếu có ai không quí mến mình thì đó thật là một điều vô lý, cho nên chàng không thể không tin ở lòng thành thực của những người xung quanh. Vả lại, chàng cũng chẳng có thì giờ tự hỏi xem họ có thành thực hay không nữa.  Chàng luôn luôn bận bịu, luôn cảm thấy mình đang ở trong một trạng thái ngây ngất, nhẹ nhàng và vui vẻ. Chàng cảm thấy mình là trung tâm của một sự chuyển động rất quan trọng của mọi vật; chàng cảm thấy những người xung quanh luôn luôn mong đợi ở chàng một cái gì; rằng nếu chàng không làm việc gì đấy thì nhiều người sẽ buồn phiền và chàng sẽ phụ lòng mong đợi của họ, còn nếu chàng sẽ làm việc này việc kia, thì mọi việc sẽ êm đẹp - Cho nên họ đòi hỏi gì chàng cũng ưng thuận, nhưng sao mãi vẫn không thấy sự việc êm đẹp hơn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:23:18 pm
Trong thời gian đầu này, người bận tâm hơn cả về những công việc của Piotr cũng như về chính bản thân chàng chính là công tước Vaxili. Từ khi bá tước Bezukhov từ trần, ông chưa hề buông Piotr ra một phút. Công tước Vaxili có vẻ như một người tuy bận việc túi bụi, mệt nhọc, rã rời, nhưng vì ái ngại cho chàng quá, nên cuối cùng không nỡ bỏ mặc chàng thanh niên tội nghiệp kia cho số phận xoay vần và cho những kẻ bất lương lừa gạt, vì dù sao chàng cũng vẫn là con trai của bạn mình, và phải làm chủ một gia tài kếch xù như vậy. Trong mấy ngày còn ở Moskva sau khi bá tước Bezukhov chết, ông vẫn thường gọi Piotr lại gặp mình hay thân hành đến tìm Piotr, khuyên nhủ chàng làm những việc cần thiết, với một giọng nói mệt mỏi và quả quyết, có vẻ như cứ mỗi lần như vậy lại ngụ ý: "Anh cũng biết tôi bận trăm công nghìn việc và chẳng qua cũng vì thương tình mà tôi lo cho anh, vả chăng anh cũng thấy rõ ràng điều tôi bàn là cách duy nhất có thể làm được.

- Này, Piotr ạ, đến mai ta đi chơi nhé, - Một hôm công tước Vaxili nói với Piotr như vậy, hai mắt nhắm lại, mấy ngón tay xoa xoa lên khuỷu tay Piotr, giọng nghe có vẻ như điều ông vừa nói đã được thoả thuận từ đời nào giữa hai người, và không thể nào quyết định khác đi được. - Tôi rất mừng. Ở đây những việc quan trọng ta đã giải quyết xong xuôi cả rồi. Đáng lẽ tôi phải về từ lâu rồi kia. Đây, tôi vừa nhận được cái này của quan quốc vụ đại thần. Tôi có thỉnh cầu ông ta giúp anh, nên anh đã được sung vào ngoại giao đoàn và được bổ làm phó thị tùng. Bây giờ con đường ngoại giao đã mở ra trước mắt anh.

Mặc dầu khi nói mấy lời này công tước vẫn dùng cái giọng mệt mỏi quả quyết rất có tác dụng của ông, Piotr là người bấy lâu vẫn suy nghĩ về tương lai của mình, cũng đã toan cãi lại. Nhưng công tước Vaxili liền ngắt lời bằng cái giọng rất trầm như tiếng rùng rục trong cổ chim bồ câu, cái giọng khiến cho người nghe không thể nào ngắt lời mà công tước chỉ dùng khi cần phải thuyết phục người ta cho kỳ được.

- Nhưng anh bạn ạ, tôi làm việc này là làm cho tôi, cho lương tâm của tôi, chứ có gì đâu mà cảm ơn. Chưa bao giờ có ai đi than phiền rằng người ta quý mến mình quá; vả chăng anh vẫn tự do, ngày mai có muốn thôi chức cũng được kia mà. Rồi đến Peterburg tự anh sẽ thấy hết. Đáng lẽ anh phải đi cho xa những kỷ niệm khủng khiếp này từ lâu mới phải - Công tước Vaxili thở dài - Cứ thế nhé, Piotr nhé, xe của anh thì để cho tên hầu phòng của tôi đi cũng được. À phải! Tí nữa thì quên mất - công tước Vaxili lại nói thêm - Chắc anh biết rằng trước đây ông cụ thân sinh với tôi có giao dịch tiền nong, vì vậy tôi có thu mấy món ở đất Ryazan và sẽ giữ lại: nay anh không cần đến. Rồi ta sẽ thanh toán sau.

- Cái mà công tước Vaxili gọi là "mấy món ở đất Ryazan" tức là mấy nghìn rúp địa tô mà ông ta giữ lại cho mình.
   
Ở Peterburg, cũng giống như ở Maxkava, Piotr lại thấy cái không khí niềm nở của những con người vồ vập, thân thiện bao bọc quanh mình. Chàng không thể khước từ cái chức vụ, hay đúng hơn là cái tước vị (vì chàng chẳng làm gì cả) mà công tước Vaxili đã lo cho chàng, còn những người mới quen biết, những cuộc mời mọc, giao tiếp thì nhiều đến nỗi Piotr có cám giác rõ rệt hơn ở Moskva nữa, rằng xung quanh mình có một cái gì mơ hồ và vội vã, có một cái gì tốt lành đang sắp đến, nhưng mãi vẫn chưa thấy đâu cả.
     
Trong số những bạn bè cũ chưa vợ của Piotr, nhiều người không còn ở Peterburg nữa. Quân cận vệ đã đi chiến dịch, Dolokhov đã bị giáng chức, Anatol thì nay đang tại ngũ ở thôn quê, công tước Andrey thì đang ở nước ngoài, cho nên Piotr không được vui chơi suốt dêm như ngày trước chàng vẫn thích, cũng không được thỉnh thoảng bộc lộ tâm sự với người bạn hơn tuổi mà chàng vẫn kính trọng. Tất cả thì giờ của chàng đều dành cho những bữa tiệc, những buổi khiêu vũ và chủ yếu là nhà công tước Vaxili cùng với bà vợ béo tốt của công tước và con gái của ông, nàng Elen xinh đẹp.
   
Anna Pavlovna Serer, cũng như mọi người khác, cũng cho Piotr thấy rõ có sự thay đổi diễn ra trong cách nhìn của xã hội đối với chàng.

Trước kia khi có mặt Anna Pavlovna, Piotr luôn cảm thấy những điều mình nói ra đều khiếm nhã, không lịch sự, không đúng chỗ; chàng thấy những lời mình tưởng là thông minh trong khi đang chuẩn bị sẵn trong trí óc, thì lại hoá ra ngớ ngẩn khi nói to lên, và trái lại, những lời lẽ đần độn nhất của Ippolit đều tỏ ra ý nhị và đáng yêu. Đến bây giờ thì dù chàng nói gì cũng thành ra thú vị cả.
   
Dù Anna Pavlovna không nói ra như vậy đi nữa, thì chàng cũng thấy rằng phu nhân rất muốn nói điều đó ra, nhưng chẳng qua cũng vì tôn trọng tính khiêm tốn của chàng mà tránh nói đó thôi.
   
Vào đầu mùa đông năm 1805 tiếp sang 1806, Piotr nhận được một tấm thiếp quen thuộc của Anna Pavlovna, dưới có chú ý thêm: "Đến nhà tôi ông sẽ gặp nàng Elen xinh đẹp, ngắm không bao giờ chán mắt".
   
Khi đọc đến câu này, Piotr lần đầu tiên bỗng cảm thấy giữa chàng và Elen đã hình thành một mối liên hệ nào đó được những người khác thừa nhận, và ý nghĩ này đồng thời khiến cho chàng kinh hãi, dường như chàng bắt đầu phải lĩnh một trách nhiệm mà mình không thể làm tròn, nhưng đồng thời cũng làm cho chàng thấy vui thích như một điều phỏng đoán ngộ nghĩnh.
   
Buổi tiếp tân của Anna Pavlovna cũng giống như những buổi trước, chỉ có điều là món ăn mới lạ mà Anna Pavlovna đem thết tân khách hôm nay không phải là Montmorency nữa, mà là một nhà ngoại giao từ Berlin đến, mang theo những chi tiết mới nhất về việc vua Alekxandr ghé chân ở Potxdam và việc hai người bạn chí tôn đã thề sát cánh bên nhau bảo vệ chính nghĩa chống lại kẻ thù của nhân loại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:23:59 pm
Piotr được Anna Pavlovna ra đón tiếp với một vẻ buồn rầu, hẳn là vì nhớ đến sự tổn thất mà chàng thanh niên vừa phải chịu, vì cái chết của bá tước Bezukhov (mọi người đều một mực cho rằng mình có bổn phận phải giải quyết với Piotr là chàng rất đau buồn về cái chết của cha chàng, người mà chàng hầu như không biết), và cái vẻ buồn này cũng y hệt như cái vẻ buồn cao cả hiện lên mỗi khi nhắc đến đức hoàng thái hậu Maria Feodorovna. Điều này khiến Piotr cảm thấy hãnh diện.
   
Với cái khéo léo thường có, Anna Pavlovna sắp xếp các nhóm nói chuyện trong phòng khách của mình. Một nhóm khá đông, gồm công tước Vaxili và mấy vị tướng, được nói chuyện với nhà ngoại giao. Một nhóm khác quây quần bên chiếc bàn trà nhỏ. Piotr muốn gia nhập nhóm thứ nhất, nhưng Anna Pavlovna, bấy giờ đang ở trong cái trạng thái khích động của một tướng lĩnh trên chiến trường, khi hàng nghìn sáng kiến mới mẻ và trác việt thi nhau xô đến, khiến người ta không kịp đem ra thi hành nữa; Trông thấy Piotr, bà liền lấy ngón tay chạm vào ống tay áo chàng.

- Khoan, tối nay tôi đã nhắm trước cho ông rồi đấy! - Bà nhìn sang phía Elen và mỉm cười với nàng.

- Cô Elen tốt bụng của tôi ơi, cô cần phải đoái thương đến bà dì tội nghiệp của tôi, là người vẫn rất hâm mộ cô. Xin cô đến với bà dì tôi mười phút cho có bạn. Và để cho cô đỡ buồn, đây có vị bá tước đáng mến sẽ vui lòng đến với cô.

Mỹ nhân đi về phía bà dì, nhưng Piotr thì Anna Pavlovna vẫn giữ lại bên cạnh mình: phu nhân có vẻ như cần dặn dò chàng điều gì cần thiết một lần cuối cùng nữa. Anna Pavlovna chỉ người thiếu nữ trang trọng đang đi xa dần, bảo Piotr:

- Cô ấy mới đẹp mê hồn phải không nào? - Mà cái dáng điệu mới thuyệt chứ? Một thiếu nữ ít tuổi như vậy thật là trang nhã, đi đứng thật là có nghệ thuật! Phải có một tấm lòng thật tốt mới có thể như vậy! Người nào sau này lấy được nàng thật là một người diễm phúc. Lấy nàng thì một người, chồng có kém lịch duyệt đến đâu cũng tự dưng có được một địa vị xuất sắc trong xã hội. Có phải không bá tước? Tôi chỉ muốn biết ý kiến của ông thôi, - rồi Anna Pavlovna để cho Piotr đi.
   
Piotr thành thực gật đầu tán thành khi Anna Pavlovna hỏi chàng về cái nghệ thuật đi đứng của của Elen. Xưa nay nếu chàng có lúc nào nghĩ đến Elen thì cũng chính là nghĩ đến sắc đẹp của nàng và cái nghệ thuật đặc biệt giữ một phong thái trang trọng, ít nói, điềm tĩnh ở những nơi giao tiếp.
   
Bà dì ngồi trong xó của mình tiếp hai người khách trẻ tuổi, nhưng hình như ba muốn che dấu lòng hâm mộ của mình đối với Anna Pavlovna nhiều hơn. Bà đưa mắt nhìn người cháu, dường như muốn hỏi xem mình phải nói năng như thế nào với hai người khách kia. Khi rời ba người, Anna Pavlovna lại lấy ngón tay chạm vào ống tay áo của Piotr mà nói:

- Tôi hy lọng rằng ông sẽ không còn bảo là ở nhà tôi người ta phát chán nữa! - rồi phu nhân đưa mắt nhìn Elen.
   
Elen mỉm cười dường như muốn nói rằng nàng không thể nào thừa nhận là trên đời này có ai nhìn thấy nàng mà lại không ngây ngất. Bà dì đằng hắng mấy tiếng, nuốt nước bọt rồi nói bằng tiếng Pháp rằng được gặp Elen bà rất lấy làm mừng; sau đó bà quay sang phía Piotr cũng với bộ mặt ấy và cũng nói những lời chào đón ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:24:45 pm
Giữa chừng câu chuyện vô vị và lủng củng với bà dì, Elen liếc nhìn Piotr mỉm cười với chàng, một nụ cười sáng sủa, xinh đẹp như nàng vẫn cười với mọi người. Piotr đã quá quen với nụ cười ấy, đối với chàng nó chẳng có ý nghĩa là bao, nên chàng không hề chú ý đến.
   
Lúc đó bà dì đang nói về những chiếc hộp đựng thuốc lá mà tổ tiên cụ cố thân sinh của Piotr là bá tước Bezukhov đã sưu tập được, rồi đưa chiếc hộp của mình ra cho Piotr xem. Công tước tiểu thư Elen xin bà dì cho xem bức chân dung của chồng bà khắc vào nắp hộp.

- Cái này chắc do Binex làm, - Piotr nói (Binex là tên một người làm chân dung thu nhỏ có tiếng). Chàng cúi mình trên bàn để cầm lấy chiếc hộp dựng thuốc lá, tai lắng nghe câu chuyện ở bàn bên kia.
   
Chàng đứng dậy, định đi vòng đến lấy, nhưng bà dì đã đưa chiếc hộp vòng qua lưng Elen. Elen cúi mình về phía trước để cho rộng lối, và mỉm cười liếc nhìn ra sau. Cũng như trong mọi buổi dạ hội, Elen mặc một chiếc áo dài hở rất rộng ở phía trước ngực và phía lưng - theo thời trang hồi bấy giờ. Đôi vai của nàng mà trước nay Piotr vẫn có cảm giác là làm bằng cẩm thạch, bấy giờ ở gần sát mặt chàng đến nỗi đôi mắt cận thị của chàng bất giác trông thấy rõ cả làn da mơn mởn trên vai và cổ nàng, và gần kề môi chàng đến nỗi chàng chỉ cúi xuống một chút là sẽ chạm vào da nàng. Chàng cảm thấy hơi ấm của thân hình nàng, ngửi thấy mùi thơm của nước hoa và nghe thấy tiếng xát khẽ cúa chiếc coọc xê khi nàng cử động.

- Cái mà chàng trông thấy không phải là cái vẻ đẹp như cẩm thạch của nàng, vốn gộp lại thành một bộ áo của nàng, chàng trông thấy và cảm thấy tất cả cái mỹ miều quyến rũ của tấm thân nàng dưới làn áo. Và khi đã thấy như vậy rồi thì chàng không thể nào thấy khác được nữa, cũng như một khi bị lầm và sau đó đã được biết rõ rồi thì ta không thể nào lại lầm như trước nữa.
Cái nhìn của Elen như muốn nói: "Thế ra trước nay anh không thấy tôi đẹp sao? Anh không nhận thấy rằng tôi là một người đàn bà? Phải, tôi là một người đàn bà, có thể thuộc quyền sở hữu của một người đàn ông nào đấy, của anh cũng nên".
   
Và ngay phút ấy Piotr, chợt cảm thấy Elen không những có thể mà còn phải là vợ chàng, không thể nào khác thế được. Trong giây phút ấy chàng biết như vậy một cách chắc chắn không kém gì khi chàng sẽ đứng bên nàng trước bàn thờ hôn lễ. Bao giờ sẽ đến lúc ấy? Và lúc ấy sẽ ra sao? - Cái đó thì chàng không biết; chàng cũng không biết là như vậy có tốt hay không (thậm chí chàng còn cảm tưởng rằng như vậy không được tốt, chẳng hiểu tại sao), nhưng chàng biết rằng nhất định rồi sẽ đến lúc như vậy.
Piotr cụp mắt xuống không nhìn nữa, rồi lại ngước mắt lên, muốn trông thấy nàng cũng xa lạ đối với chàng như mọi lần trước, nhưng không được. Chàng không sao thấy nàng xa lạ như vậy được nữa, cũng như một người nhìn vào sương mù thấy một ngọn cỏ mà cứ tưởng là một cái cây, rồi đến lúc nhận ra đây là một ngọn cỏ rồi, thì không thể nào thấy lại cái cây như trước nữa. Nàng đã có một quyền lực nào đối với chàng rồi. Và bây giờ giữa hai người đã không còn gì trở ngại ngoài ý muốn của bản thân chàng.

Có tiếng của Anna Pavlovna nói:

- Được lắm, tôi xin anh chị ngồi với nhau trong cái góc âm cúng của anh chị. Ngồi đây hẳn anh chị thích lắm!
   
Và Piotr lo sợ ôn lại trong trí nhớ xem nãy giờ mình có làm điều gì đáng chê trách không, chàng đỏ mặt và bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh. Chàng có cái cảm giác là mọi người đều biết cái việc vừa xảy ra với chàng một cách tường tận chẳng kém gì mình.
     
Một lát sau, khi nghe Piotr lại gần nhóm đông khách khứa đang nói chuyện, Anna Pavlovna hỏi chàng.

- Nghe nói ông đang cho sửa sang lại toà nhà của ông ở Petersburg cho đẹp phải không?

(Đúng thế, viên kìến trúc sư có bảo rằng việc đó rất cần cho chàng, nên tuy chẳng hiểu đề làm gì, Piotr cũng cho tu sửa lại toà nhà đồ sộ của chàng ở Peterburg).

- Tốt đấy, nhưng ông cứ ở lại nhà công tước Bazil đã nhé. Có được một người bạn tốt như công tước thật là quý hoá lắm.

Anna Pavlovna vừa nói vừa nhìn công tước Vaxili tủm tỉm:

- Về mặt ấy tôi cũng có biết ít nhiều đấy phải không nào, vả lại ông còn trẻ quá. Ông cần có người khuyên bảo. Tôi sử dụng quyền hạn của một bà già như thế này ông đừng giận nhé - Anna Pavlovna im lặng một lát như đàn bà vẫn thường im lặng sau khi nói về tuổi tác của mình, để chờ đợi người nghe nói lại một cái gì
- Nếu ông cưới vợ thì lại khác. - Và bà ta lần lượt nhìn Piotr và Elen như muốn ghép họ lại thành một.
Piotr không nhìn sang Elen, và Elen cũng không nhìn chàng. Nhưng Piotr vẫn thấy nàng gần mình một cách đáng sợ. Chàng nói lúng búng một câu gì không rõ và đỏ mặt.
   
Về đến nhà, Piotr nằm giờ lâu không ngủ được, cứ suy nghĩ về điều vừa xảy ra với chàng. Việc gì xảy ra thế nhỉ? Chả có việc gì cả.
     
Chỉ có điều là chàng đã hiểu ra rằng người đàn bà mà chàng đã biết từ hồi chàng là một cậu bé, người mà mỗi khi nghe ai ca ngợi sắc đẹp chàng chỉ lơ đễnh trả lời: "Vâng, đẹp", thì nay chàng đã hiểu rằng người đàn bà đó có thể thuộc về mình.
   
"Nhưng cô ta đần, chính mình cũng vẫn nói rằng cô ta đần - Piotr nghĩ thầm - Trong cái cảm giác mà cô ta gây ra trong lòng mình, có một cái gì xấu xa, có một cái gì không phải ấy. Nghe nói em ruột cô ta là Anatol phải lòng cô ta, mà cô ta cũng cảm Anatol. Nghe đâu đây là cả một câu chuyện lôi thôi, và chính vì thế cho nên người ta mới phải cho Anatol đi nơi khác. Anh cô ta là Ippolit… Cha cô ta là công tước Vaxili… không tốt" - Chàng nghĩ: và trong khi suy luận như vậy (vả chăng những điều suy luận này cũng chỉ dở chừng) chàng bất chợt thấy mình đang mỉm cười và nhận ra rằng ở phía sau những suy luận này lại ló ra một loạt những suy luận khác, rằng mình đang cùng một lúc vừa nghĩ đến những cái xấu xa, vô vị của Elen, vừa mơ tưởng đến khi nàng là vợ mình, chàng mơ tưởng nàng có thể sẽ yêu mình, nàng có thể biến thành một người khác hẳn, rằng tất cả những điều mà chàng nghĩ và nghe nói về nàng đều có thể sai sự thật. Thế rồi chàng lại thấy nàng, không phải cô gái của công tước Vaxili, mà chàng thấy cả tấm thân của nàng chỉ che đậy sơ sài dưới làn áo màu xám. "Nhưng mà lạ, thế tại sao trước đây ta không hề thoáng có ý nghĩ này?" Và chàng lại tự nhủ rằng không thể như thế được, rằng có một cái gì xấu xa, trái tự nhiên, có một cái gì hình như không lương thiện trong cuộc hôn nhân này. Chàng sực nhớ đến những lời nói trước đây của nàng, và những lời lẽ, những cái nhìn của những người thấy họ đứng bên nhau. Chàng nhớ lại những lời lẽ, những cái nhìn của Anna Pavlovna khi bà ta nói với chàng về chuyện toà nhà, nhớ lại hàng nghìn câu nói bóng gió xa xôi của công tước Vaxili và của những người khác nữa, và chàng đâm hoảng, không biết mình đã nhỡ mắc chân vào chuyện này chưa, không biết vừa qua mình có làm gì để đến nỗi bị trói buộc vào cái bổn phận phải làm một việc xem ra không được tốt, một việc mà đáng lẽ mình không được làm. Nhưng đồng thời, trong khi chàng tự quả quyết nói với mình là không được làm như vậy thì từ một góc cạnh khác của tâm hồn chàng lại hiện lên hình ảnh nàng, với tất cả sắc đẹp lộng lẫy của một người đàn bà.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:25:44 pm
Phần III
Chương - 2

Đến tháng mười một năm 1805, công tước Vaxili sẽ đi kinh lý bốn tỉnh. Ông đã lo cho mình được cử đi kinh lý như vậy để nhân thể về các điển trang của ông đang lâm vào tình trạng bê trễ, sa sút.
   
Ông cũng định đến nơi trú quân của trung đoàn Anatol tòng ngũ rồi đem con trai cùng đi đến nhà công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki để hỏi con gái của ông già giàu có này cho con mình.

- Nhưng trước khi ra đi, và lo liệu những công việc mới này, công tước Vaxili cần phải giải quyết cho xong Piotr đã. Quả gần đây chàng ta ngồi cả ngày ở nhà - Tức là ở nhà công tước Vaxili, là nơi chàng trú ngụ, - Và những khi có mặt Elen thì chàng ta có vẻ xúc động, ngờ nghệch đến buồn cười (đúng như một kẻ si tình) nhưng vẫn chưa ngỏ ý cầu hôn gì cả. Một buổi sáng nọ công tước Vaxili tự nhủ.
   
"Những cái đó đều rất hay ho, nhưng cũng phải chấm dứt đi thì vừa" - Và công tước buồn rầu thở dài, vì nhận thấy Piotr tuy chịu ơn mình là thế (chà, thôi cũng xin Chúa phù hộ cho anh ta) nhưng trong vlệc này thì lại cư xử chẳng được tốt là mấy. "Tuổi trẻ… nhẹ dạ, thôi cũng xin Chúa phù hộ anh ta, - Công tước Vaxili ngẫm nghĩ, lòng vui thích vì thấy mình thật là tốt bụng - nhưng việc này cũng phải chấm dứt đi thì vừa. Ngày kia là ngày lễ thánh của con Elen, ta sẽ mời mấy người đến, và nếu chàng ta không hiểu mình phải làm gì, thì đó sẽ là việc của ta. Phải, đó là việc của ta. Ta là một người cha kia mà!".

Một tháng rưỡi sau tối tiếp tân của Anna Pavlovna và cả đêm trằn trọc thao thức sau buổi tối ấy, cái đêm mà chàng nghĩ ra rằng lấy Elen quả là một điều bất hạnh, rằng mình phải đi nơi khác để xa lánh nàng, Piotr tuy nghĩ như vậy vẫn không đi khỏi nhà công tước Vaxili và kinh hãi cảm thây rằng trước mặt mọi người, càng ngày mối quan hệ giữa mình và Elen càng thêm khăng khít, rằng mình không tài nào có lại được cái nhìn trước kia đối với nàng, rằng thậm chí mình cũng không thể rứt nàng ra được, rằng như thế này thì rồi sẽ hết sức khủng khiếp, nhưng thế nào mình cũng buộc phải gắn bó số phận mình với nàng. Đáng lẽ chàng còn có thể gỡ được, nhưng không có ngày nào nhà công tước Vaxili (trước đây vốn ít tiếp khách) lại không tồ chức một buổi tối tiếp tân mà Piotr nhất thiết phải dự, nếu chàng không muốn phá cuộc vui chung và phụ lòng mong đợi của mọi người. Trong những giờ phút hiếm hoi mà công tước Vaxili ở nhà, thì khi đi ngang qua Piotr, ông thường nắm lấy tay chàng kéo thấp xuống, lơ đãng giơ cái má nhăn nheo cạo nhẵn cho chàng hôn rồi nói "đến mai nhé" hoặc "tôi ở lại nhà vì anh đấy" v.v… Nhưng mặc dầu khi công tước Vaxili ở lại nhà vì Piotr (như ông vẫn nói) ông không nói với chàng lấy một lời nào, Piotr vẫn cảm thấy mình không đủ sức phụ lòng mong đợi của ông ta.
   
Ngày nào chàng cũng vẫn tự nói với mình có mỗi một điều rốt cuộc cũng phải hiểu nàng và nhận thức cho thật rõ: nàng là người như thế nào? Trước kia ta nhầm, hay là bây giờ ta nhầm? Không, nàng không phải là người đần độn; không, nàng là một người con gái rất tốt! - Thỉnh thoảng chàng lại nói với mình như vậy: 
   
"Chưa bao giờ thấy nàng nhầm lẫn điều gì, chưa bao giờ thấy nàng nói một câu khờ khạo. Nàng ít nói, nhưng những điều mà nàng nói ra đều giản dị và rõ ràng. Như vậy nàng không phải là người ngu ngốc. Chưa lần nào thấy nàng lúng túng, bao giờ cũng vậy. Thế nghĩa là nàng không phải người xấu!".
   
Nhiều khi trước mặt nàng, Piotr tự dưng suy nghĩ, nghĩ đến đâu nói ra đến đấy, mà cứ mỗi lần như vậy, nàng đều đáp lại hoặc bằng một lời nhận xét vắn tắt nhưng đúng chỗ, để tỏ ra rằng điều đó không liên quan gì đến nàng, hoặc im lặng mỉm cười và đưa mắt nhìn Piotr, và nụ cười, ánh mắt của nàng, hơn bất cứ cái gì khác, cho Piotr thấy rằng nàng hơn hẳn mình.
   
Nàng nghĩ rất đúng, khi cho rằng tất cả những suy luận đều là chuyện vớ vẩn nếu so với nụ cưòi này bao giờ nói với chàng. Elen cũng có một nụ cười tươi vui, tin cậy chỉ dành cho mỗi mình chàng, trong đó có một cái gì có ý nghĩa hơn là trong cái nụ cười chung với mọi người luôn luôn tô điểm khuôn mặt nàng. Piotr biết rằng ai cũng chờ đợi chàng vượt qua một giới hạn nào đó, và chàng biết rằng sớm hay muộn rồi chàng cũng sẽ bước qua giới hạn này; nhưng chỉ nghĩ đến cái bước kinh khủng này thôi chàng cũng bỗng dưng cảm thấy một nỗi lo sợ không sao hiểu nổi. Trong khoảng một tháng rưỡi này, chàng tự thấy mình càng ngày càng bị quấn vào cái vực thẳm đáng sợ này, và đã hàng ngìn lần Piotr tự nhủ: "Ô cái gì thế này? Phải cương quyết chứ! Chả nhẽ không có nghị lực sao?".
   
Chàng muốn quyết định cho dứt khoát, nhưng lại kinh hãi cảm thấy rằng trong trường hợp này mình không có cái nghị lực mà chàng tưởng mình đã từng có và trước kia quả thật chàng đã từng có. Piotr vốn thuộc hạng người chỉ có sức mạnh khi cảm thấy mình hoàn toàn trong sạch. Từ ngày có cái cảm giác thèm muốn xâm chiếm lấy chàng bên chiếc hộp thuốc lá ở nhà Anna Pavlovna, cái cảm giác vô thức rằng mình phạm tội đã làm tê liệt nghị lực của chàng.
   
Ngày lễ thánh của Elen chỉ có một nhóm nhỏ gồm những người bà con và bạn bè thân thiết nhất, như công tước phu nhân nói, đến ăn tối ở nhà công tước Vaxili. Người ta cho tất cả những người bà con và bạn bè này cảm thấy rằng ngày hôm đó sẽ định đoạt số phận của người được ăn mừng lễ thánh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:26:17 pm
Khách khứa ngồi vào bàn tiệc. Công tước phu nhân Kuraghina, một người béo phục phịch ngày xưa đã có thời nhan sắc, ngồi ở ghế chủ nhân. Hai bên là các vị thượng khách được trọng vọng nhất - một vị tướng già và phu nhân, Anna Pavlovna Serer, ở cuối bàn thì có các tân khách ít tuổi hơn và ít được trọng vọng hơn, cùng với những ngùòi trong nhà. Piotr và Elen ngồi cạnh nhau. Công tước Vaxili không ăn bữa tối; ông dạo quanh bàn tiệc vui vẻ xích ghế lại ngồi gần lại khi vị khách này, khi vị khách khác. Với mỗi người ông đều nói một lời bâng quơ nhã nhặn, chỉ trừ Piotr và Elen. Hình như ông không để ý rằng có hai người ngồi đây nữa. Công tước Vaxili làm cho mọi người thấy phấn chấn. Những ngọn nến sáp ong cháy sáng rực, những đồ dùng bằng bạc và bằng phalê, những món trang sức của phụ nữ, vàng và bạc trên tua vai các bộ quân phục sáng óng ánh. Các gia nhân mặc áo kaftan đỏ lăng xăng đi lại quanh bàn tiệc rộn ràng, những tiếng lách cách của dao, dĩa, cốc và tiếng nói chuyện rôm rả của mấy nhóm khách. Ở một phía bàn nghe rõ tiếng của một ông quan hầu cận già quả quyết thề với một bà nam tước già rằng mình yêu bà ta đắm đuối và tiếng cười của bà nam tước đáp lại; ở phía bên kia người ta đang kể một chuyện không may của một bà Maria Viktorovna nào đấy. Phía giữa bàn, công tước Vaxili tập hợp một số người nghe chuyện mình. Một nụ cười bỡn cợt trên môi công tước kể cho mấy bà khách nghe chuyện phiên họp vừa rồi - Hôm thứ tư - của hội đồng nội các. Trong phiên họp này viên tổng đốc quân sự mới bổ ở Peterburg là Xergey Kuzmits Vyazmitinov đã tiếp nhận và đem đọc một tờ chiếu rất nổi tiếng hồi bấy giờ của hoàng đế Alekxandr Pavlovich từ quân đội gửi về. Trong tờ chiếu dụ nhà vua viết cho Xergey Kuzmits có nói rằng từ khắp bốn phương người đã nhận được những kiến nghị của nhân dân tỏ lòng trung thành tận tuỵ, và riêng bản kiến nghị của thành Petersburg đã làm cho Người vui lòng nhất; Người lấy làm tự hào về cái vinh dự được đứng dầu một dân tộc như thế và sẽ cố gắng xứng đáng với vinh dự đó. Tờ chiếu bắt đầu bằng mấy chữ Xergey Kuzmits! Khắp bốn phương vẳng lại tin đồn rằng…
   
- Thế rồi ông ta đọc không quá mấy chữ Xergey Kuzmits phải không? - một bà khách hỏi.

- Phải, phải, không đọc quá lấy được một câu nào, - công tước Vaxili cười xoà đáp - "Xergey Kuzmits… khắp bốn phương. Khắp bốn phương Xergey Kuzmits… ", cái ông Vyazmitinov tội nghiệp ấy không tài nào đọc tiếp được nữa.

Mấy lần ông đã cố gắng bắt đầu đọc lại nhưng vừa mới đọc chữXergey… thì nấc lên… Kh… - … mits… rồi thút thít mà mấy chữ khắp bốn phương cứ nghẹn ngào đi thành tiếng khóc nức nở, thế là ông ta không sao đọc tiếp được. Lại lấy khăn mùi soa, lại "Xergey Kuzmits khắp bốn phương" rồi lại khóc… thành thử phải chuyển cho người khác đọc.

- Kuzmits… khắp bốn phương… rồi khóc - có tiếng ai vừa lặp lại vừa cười lớn.

- Công tước không được ác đấy, - Ana Pavlovna từ cuối bàn bên kia nói vọng sang, đưa ngón tay lên doạ
- Ông Vyazmitinov của chúng ta là người hiền lành mà tốt bụng lắm đấy.

Mọi người đều cười rất to. Ở đầu bàn đặt các ghế danh dự hình như ai nấy đều vui và đang sống qua những tâm trạng hân hoan bồng bột rất khác nhau: Chỉ có Piotr và Elen là im lặng ngồi cạnh nhau ở gần cuối bàn, trên gương mặt hai người đọng lại một nụ cười tươi roi rói không có liên quan gì đến Xergey Kuzmits - Nụ cười e thẹn trước những cảm xúc của mình. Dù những người khác có nói cười đùa bỡn thế nào chăng nữa, dù họ có ăn các món xào và món kem, uống rượu sông Ranh hết sức ngon lành, dù họ có tránh nhìn đôi trai gái, cố làm ra vẻ thản nhiên không chú ý tới hai người, không hicu tại sao, qua những cái nhìn mà tân khách thỉnh thoảng lại ném về phía họ, người ta vẫn cảm thấy rằng cả mẩu giai thoại về Xergey Kuzmits, cả tiếng cười, cả các món ăn - tất cả đều là vờ vĩnh và tất cả sức chú ý của đám người ấy chỉ dồn vào đôi trai gái này: Piotr và Elen. Công tước Vaxili nhại lại tiếng khóc thút thít của Xergey Kuzmits và trong khi đó lại liếc nhìn con gái một cái; và trong khi ông cười, vẻ mặt của ông lại nói: "Thế, thế, cứ thế là ồn cả đấy; hôm nay mọi việc sẽ được quyết định".
   
Anna Pavlovna giơ ngón tay lên doạ ra điều bênh vực ông Vyazmitinov tốt bụng của chúng ta, nhưng trong đôi mắt long lanh của bà ta bấy giờ đang liếc nhanh về phía Piotr: công tước Vaxili đọc thấy một lời mừng ông ta sắp có rể mới và mừng cho hạnh phúc của cô con gái. Trong khi lão công tước phu nhăn vừa buồn rầu thở dài vừa chuốc rượu cho bà khách ngồi bên cạnh và đưa mắt lườm con gái, thì tiếng thở dài của phu nhân như muốn nói: "Phải, như chúng mình thì bây giờ chẳng còn biết làm gì hơn là uống rượu ngọt nữa bà bạn ạ; bây giờ đã đến lúc bọn trẻ ấy nó hưởng hạnh phúc một cách ngang nhiên, tựa hồ như khiêu khích thế đấy". Và nhà ngoại giao nhìn khuôn mặt hớn, hở của đôi trai gái, cũng tự nhủ: "Những điều mình kể nó ngu xuẩn biết chừng nào; cứ như là mình thích thú những chuyện đó lắm ấy. Như thế kia mới là hạnh phúc!".
   
Ở giữa những hứng thú nhỏ nhen, ti tiện, giả tạo liên kết đám người này lại với nhau, nổi bật lên cái tình cảm đơn giản của đôi nam nữ trẻ đẹp và mạnh khoẻ vươn lại gần nhau. Và cái cảm xúc rất người này lấn át tất cả và trội hẳn lên trên những mẩu chuyện vặt vãnh gượng gạo của đám khách. Những câu bông đùa đều nhạt nhẽo, những tin tức thuật lại đều vô vị, vẻ hồ hởi thì chắc hẳn là giả tạo. Không phải chỉ có khách khứa, mà ngay cả những người đầy tớ hầu bàn hình như cũng cảm thấy điều đó và có lúc quên cả việc hầu hạ khi liếc nhìn vào nàng Elen xinh đẹp với gương mặt rạng rỡ của nàng, và vào khuôn mặt béo tốt, đỏ gay, vừa sung sướng vừa lo lắng của Piotr. Người ta tưởng chừng như cả ánh đèn nến nữa cũng chỉ quy tụ vào hai khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:27:11 pm
Piotr cảm thấy mình là trung tâm của mọi vật và tình cảm đó vừa làm cho chàng thấy vui sướng lại vừa làm cho chàng ngượng nghịu. Chàng đang ở vào tâm trạng của một người mải vùi dầu vào công việc gì. Chàng không thấy, không hiểu và không nghe gì rõ rệt cả.
   
Chỉ thỉnh thoảng đột nhiên mới có những ý nghĩ đứt quãng, những ấn tượng của thực tế loáng thoáng trong tâm hồn chàng.
   
"Thế là xong xuôi cả rồi đấy!" - Chàng nghĩ - Sự việc xảy ra thế nào nhỉ? Nhanh quá! Bấy giờ ta biết rằng không phải chỉ riêng đối với nàng, không phái chỉ riêng đối với ta, mà đối với tất cả mọi người việc đó tất nhiên thế nào cũng thành.  Tất cả bọn họ đều chờ mong việc đó, đều tin chắc sẽ là như vậy, đến nỗi ta không thể, không thể nào phụ lòng họ được nữa. Nhưng cơ sự sẽ diễn ra như thế nào? Ta không biết; chỉ biết là sẽ như thế, nhất định sẽ như thế!" - Piotr vừa nghĩ vừa nhìn đôi vai lộng lẫy ngay sát mặt chàng.
   
Có lúc chàng bỗng thấy hổ thẹn như thế nào ấy. Chàng thấy ngượng vì một mình mà khiến mọi người phải chú ý, vì trước mặt những người khác, mình là một anh chàng tốt số, vì mặt mũi mình xấu xí thế này mà mình lại đâm ra thành một chàng Parix(1), làm chủ được nàng Elen kiều diễm. "Nhưng chắc là xưa nay vẫn thế thôi, và cần phải như thế mới được. - chàng tự an ủi - Vả lại mình có làm gì để được như thế đâu? Sự thể bắt đầu từ lúc nào nhỉ? Mình cùng đi từ Moskva về đây với công tước Vaxili. Đến đây chưa hề có gì cả. Sau nữa việc mình ở lại nhà công tước Vaxili có gì là lạ? Rồi mình đánh bài với nàng, và nhặt chiếc túi thêu nàng đánh rơi, rồi ngồi xe đi dạo với nàng. Thế là cái đó bắt đầu từ lúc nào? Tất cả cơ sự này có lúc nào?" Và thế là tối nay chàng đã ngồi bên nàng với tư cách một người chồng chưa cưới, chàng nghe thấy, trông thấy, cảm thấy sự gần gũi của nàng, hơi thở, cử động, nhan sắc của nàng. Có khi chàng lại bỗng dưng có cảm giác là không phải vì nàng: chính vì chàng, vì chàng đẹp một cách phi thường, cho nên người ta mới nhìn chàng như thế và bỗng thấy sung sướng vì đã khiến mọi người thán phục, chàng ưỡn ngực, cất cao đầu lên và mừng rỡ hưởng lấy cái hạnh phúc của minh. Bỗng có tiếng nói, một giọng nói của ai nghe quen quen, nhắc lại lần nữa với chàng một câu gì đấy. Nhưng Piotr đang bận tâm đến nỗi không hiểu người ta nói gì với mình.

- Tôi muốn hỏi anh xem anh nhận được bức thư của Bolkonxki hôm nào, - Công tước Vaxili nhắc lại lần thứ ba - Anh đãng trí quá anh bạn ạ.

Công tước Vaxili mỉm cười và Piotr nhận thấy mọi người đang nhìn chàng và Elen mỉm cười,  "Thôi được, nếu các người biết cả rồi thì thôi cũng được" - Piotr nghĩ thầm - Vả chăng cũng đúng thế đấy và chàng mỉm cười, cái nụ cười hiền lành, trẻ con của chàng, và Elen cũng mỉm cười theo.

- Anh nhận được thư ấy bao giờ thế? Ở Olmuytx gửi về à? - công tước Vaxili hỏi lại làm như thể ông ta có biết việc này thì mới giải quyết được vấn đề.
   
"Sao có thể nghĩ và nói tới những chuyện vặt ấy nhỉ?" - Piotr nghĩ thầm.

- Phải từ Olmuytx gửi về - Chàng thở dài đáp.

Ở bàn tiệc đứng dậy, Piotr dẫn cô bạn theo mọi người vào phòng khách. Các tân khách bắt đầu ra về với mấy người không chào Elen.

Dường như vì không muốn phiền nàng trong khi nàng đang bận một việc quan trọng, một vài người khách chỉ đến gặp nàng một phút rồi bỏ đi ngay, nhất định không cho nàng ra tiễn chân. Nhà ngoại giao buồn rầu lặng lẽ ra khỏi phòng khách. Ông ta thấy hết cái vô nghĩa của sự nghiệp ngoại giao của mình so với hạnh phúc của Piotr. Vị tướng già gắt bà vợ của ông khi bà ta hỏi thăm xem cái chân của ông có đau không. "Chà, cái con mụ ngốc này nữa" - vị tướng nghĩ

- Như cô Elen Vaxilievna kia thì đến năm mươi tuổi vẫn cứ đẹp như thường.

- Hình như tôi có thể mừng phu nhân rồi thì phải, - Anna Pavlovna nói thầm với công tước phu nhân và ôm bà ta hôn thật mạnh - giá tôi không bị nhức đầu thì thế nào cũng xin ở lại.

Công tước phu nhân không đáp; bà ta đang mải ganh tị với hạnh phúc của con gái.

Trong khi hai vợ chồng công tước Vaxili tiễn khách ra về, Piotr ngồi một mình rất lâu với Elen trong gian phòng khách nhỏ, trong khoảng một tháng rưỡi nay Piotr cũng đã có nhiều lần ngồi một mình với Elen, nhưng chưa bao giờ nói chuyện yêu đương với nàng. Bây giờ chàng cảm thấy cần phải nói chuyện ấy mới xong, nhưng chàng không tài nào dám bước cái bước cuối cùng này. Chàng thấy xấu hổ quá; chàng có cảm giác là nơi đây, bên cạnh Elen mình đang chiếm chỗ của một người nào khác.

"Hạnh phúc này không phải giành cho anh - có một tiếng nói đâu từ bên trong bảo chàng như vậy - Hạnh phúc này là dành cho những người không có những điều có trong anh". Nhưng đằng nào thì cũng phải có một cái gì, và chàng bắt đầu nói. Chàng hỏi nàng có hài lòng về buổi tối hôm nay không. Cũng như thường lệ, nàng trả lời giản dị rằng ngày lễ thánh hôm nay là một trong những ngày lễ thánh làm cho nàng vui thích nhất.

Trong số những người bà con thân thuộc hãy còn một vài người ở lại. Họ ngồi trong gian phòng khách lớn. Công tước Vaxili uể oải bước lại gần Piotr. Piotr đứng dậy nói rằng bây giờ đã muộn. Công tước Vaxili nhìn Piotr một cách nghiêm nghị và có ý dò hỏi, dường như điều mà chàng vừa nói ra nó kỳ lạ đến nỗi khó lòng nghe ra được. Nhưng ngay sau đó vẻ nghiêm nghị biến mất, công tước Vaxili cầm tay Piotr kéo chàng ngồi xuống và dịu dàng mỉm cười.

- Thế nào đây Elen? - Ông lập tức quay sang con gái nói với cái giọng lơ đễnh, âu yếm một cách tự nhiên của những bậc cha mẹ đã quen âu yếm con từ thuở bé, nhưng công tước Vaxili có cái giọng này chỉ là nhờ bắt chước các bậc cha mẹ khác mà thôi.

Rồi công tước lại quay về phía Piotr.

- Xergey Kuzmits… khắp bốn phương - ông vừa nói vừa cởi khuy cổ áo gi-lê.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:28:14 pm
Piotr mỉm cười, nhưng cứ trông nụ cười của chàng cũng có thể biết chàng hiểu rằng lúc này mẩu giai thoại về Xergey Kuzmits không phải là kiểu mà công tước Vaxili chú ý; và công tước Vaxili cũng hiểu rằng Piotr đã hiểu rõ điều đó. Công tước bỗng lẩm bẩm mấy tiếng rồi đứng dậy bỏ ra ngoài. Thậm chí Piotr còn có cảm giác là công tước Vaxili luống cuống. Cái vẻ luống cuống ở một con người thông thạo già đời trên đường giao tế như công tước Vaxili khiến Piotr xúc động; chàng đưa mắt nhìn Elen - hình như nàng cũng luống cuống, mắt nàng như muốn nói: "Đấy, tại anh cả đấy".

"Thế nào cũng phải bước qua giới hạn, nhưng không sao bước được" - Piotr nghĩ, và chàng lại bắt đầu nói những chuyện ở đâu đâu về Xergey Kuzmits, chàng hỏi xem câu chuyện ấy đầu đuôi thế nào, vì lúc nãy chàng không nghe rõ. Elen mỉm cười đáp rằng mình cũng không biết nốt. Khi công tước Vaxili đi vào phòng khách, công tước phu nhân đang nói chuyện nhỏ nhẻ với một bà có tuồi về Piotr.

- Cố nhiên đây là một đám rất khá, nhưng bà ạ, hạnh phúc… !

- Các cuộc hôn nhân đều do trời định cả - Bà có tuổi đáp.
   
Công tước Vaxili làm ra vẻ như không nghe thấy câu chuyện của hai bà, tiếp tục đi quá đến một góc cách đấy khá xa rồi ngồi xuống một chiếc đi văng. Công tước nhắm mắt lại, tựa hồ như đang thiu thiu ngủ. Đầu công tước gật một cái, và công tước bừng tỉnh.

- Alin - Công tước bảo vợ, Bà vào xem hai đứa đó đang làm gì trong ấy?

Công tước phu nhân lại gần cửa phòng khách nhỏ, làm ra vẻ quan trọng và thản nhiên đi ngang qua cánh cửa và liếc nhìn vào phòng. Piotr và Elen vẫn ngồi như cũ và đang nói chuyện.

- Vẫn cứ thế, - công tước phu nhân bảo chồng.

Công tước Vaxili cau mày, một bên mép trễ xuống, má công tước giật giật khiến cho nét mặt ông ta lại có vẻ khó chịu, thô bỉ rất đặc biệt. Công tước xốc áo đứng dậy và bước quả quyết đi qua hai ngườì đàn bà, về phía phòng khách nhỏ. Công tước nhanh nhẹn, vui vẻ tiến đến gần Piotr. Gương mặt công tước có vẻ trang trọng khác thường đến nỗi trông thấy ông, Piotr sợ hãi vội vàng đứng dậy.

- Lạy Chúa! - Công tước Vaxili nói - Nhà tôi đã nói cho tôi biết cả rồi! - Một tay công tước ôm lấy Piotr, tay kia ôm lấy con gái. - Elen, con! Ba rất mừng, rất mừng. - Giọng nói công tước run run - Tôi ngày trước rất quý ba anh… Con tôi cũng sẽ là một người vợ hiền của anh… Cầu Chúa ban phúc cho hai con…
   
Công tước ôm hôn con gái, rồi lại ôm Piotr, chìa đôi môi cằn cỗi ra hôn chàng.

Những giọt nước mắt thật chảy ướt cả hai má công tước Vaxili.

- Mình ơi, vào đây - Công tước gọi to.

Công tước phu nhân vào, và cũng khóc oà lên. Bà khách có tuổi cũng lấy khăn tay chấm lên mắt. Họ ôm hôn Piotr, và chàng hôn tay nàng Elen xinh đẹp mấy lần. Một lát sau họ lại lui ra đề cho hai người ở lại một mình với nhau.

"Tất cả đều phải như thế, và không thể nào khác đi được - Piotr nghĩ thầm, - Vì vậy không việc gì phải hỏi xem việc này tốt hay không tốt. Tốt là vì nó đã rõ ràng và sự phân vân trước đây vẫn giày vò mình nay đã mất". Piotr im lặng cầm tay vị hôn thế của mình và ngắm bộ ngực đẹp đẽ của nàng đang phập phồng nâng lên hạ xuống.

Elen! - chàng nói to, rồi ngừng lại. Chàng nghĩ bụng: "Trong những trường hợp như thế này người ta thường nói một cái gì đặc biệt lắm đây"; nhưng chàng không tài nào nhớ được cụ thể người ta thường nói gì trong những trường hợp này. Chàng nhìn thẳng vào mặt nàng. Nàng dịch lại gần chàng hơn nữa. Mặt nàng đỏ ửng.

- Ồ anh cất cái đôi… đôi gì ấy đi… - nàng chỉ vào cặp kính.
   
Piotr cất kính, và đôi mắt chàng, ngoài cái vẻ lạ lùng thường thấy ở mặt những người vừa cất kính, còn có một vẻ gì hoảng sợ và băn khoăn, giương lên nhìn có ý dò hỏi. Chàng muốn cúi xuống hôn bàn tay nàng; nhưng nàng đã nhanh nhẹn và thô bạo đưa mặt ra phía trước đón lấy môi chàng và gắn môi mình vào.
   
Gương mặt của nàng biến sắc, có vẻ thảng thốt một cách khó chịu khiến chàng kinh ngạc.

"Bây giờ muộn rồi, mọi việc đều xong xuôi cả rồi; vả chăng ta cũng yêu nàng" - Piotr nghĩ.

- Tôi yêu cô! - Chàng nói, vừa sực nhớ ra cái câu cần phải nói trong những trường hợp như thế này, nhưng mấy tiếng ấy chàng nói nghe nó nhạt nhẽo đến nỗi chàng phải tự thấy xấu hổ.

====================================================

Chú thích:

(1) Con trai của vua thành Inion là Prian một người rất đẹp trai đã bắt cóc nàng Helena diễm lệ, vợ vua Hy Lạp là Menelax (thân thoại Hy Lạp). Ở dãy Piotr nghĩ đến Parix vì Elen trùng tên với nhân vật nữ trong thần thoại này.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:29:07 pm
Phần III
Chương - 3
     
Tháng chạp năm 1805 lão công tước Nikolai Andreyevich nhận được một bức thư của công tước Vaxili báo tin rằng mình sẽ cùng con trai ghé thăm ông. "Tôi đang đi kinh lý, và dĩ nhiên là không ngại dường xa trăm dặm đến thăm ngài: người ân nhân tôi rất mực tôn kính, - Công tước Vaxili viết, - Cháu Anatol cùng đi với tôi, rồi sau đó sẽ đến doanh trại; và tôi hy vọng rằng ngài sẽ cho phép cháu nó được bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc đối với ngài, lòng tôn kính mà nó đã học được ở tôi".
   
Nghe tin này, công tước phu nhân Liza buột miệng nói:

- Đấy thế là chẳng cần đem Maria đi đâu các chú rể tự dấn thân đến nhà ta đấy thôi.

Công tước Nikolai Andreyevich cau mày im lặng.

Hai tuần sau hôm nhận được bức thư, một buổi tối có người nhà của công tước Vaxili đến trước, và hôm sau đến lượt công tước Vaxili cùng đến với con trai.
   
Lão công tước Bolkonxki xưa nay vốn không bao giờ trọng nể cái nhân cách của công tước Vaxili, nhất là gần đây dưới hai triều Pavel và Alekxandr công tước đã được thăng trật và ngày càng tiến bước trên con đường quyền cao chức trọng, thì lão công tước Bolkonxki lại càng kém trọng nể ông ta. Nay, theo những lời ám chỉ trong bức thư và câu nói của công tước phu nhân nhỏ nhắn, lão công tước đã hiểu mục đích cuộc thăm hỏi này, và tâm hồn ông từ chỗ ít trọng nể đã chuyển sang thái độ khinh thị đầy ác cảm. Ông cứ thở phì phì mỗi khi nói đến công tước Vaxili.
   
Hôm công tước Vaxili đến, ông có vẻ bực mình và cáu gắt lạ thường. Không biết ông cáu gắt như vậy là vì sắp có công tước Vaxili đến, hay là vì ông đang cáu gắt, chỉ biết là ông đang cáu gắt thôi, và Tikhôn từ sáng đã khuyên ông kiến trúc sư đừng vào gặp lão công tước để báo cáo công việc nữa.

- Đấy ông có nghe thấy công tước đi không? - Tikhôn nói, nhắc viên kiến trúc sư lưu ý đến tiếng chân bước của công tước trong phòng làm việc. - Ngài đang nện gót chân xuống sàn đấy;   Chúng tôi biết ngay là có chuyện.
   
Song cũng như thường lệ, đến tám giờ công tước lại mặc áo khoác nhung cổ lông chồn và đội mũ lông chồn ra đi bách bộ ngoài vườn. Hôm qua có mưa tuyết. Con đường nhỏ công tước Nikolai Andreyevich vẫn thường dùng để đi ra vườn ủ cây đã được quét sạch, còn trông thấy vết chổi trên tuyết xốp ở bên đường. Lão công tước im lặng đi qua các lồng kính ủ cây, qua khoảng sân, qua các dãy nhà phụ đang xây dở, vẻ mặt lầm bầm.

- Xe trượt tuyết có qua chỗ này được không? - Công tước hỏi người quản lý già oai vệ, mặt mũi và dáng điệu hao hao giống ông chủ, bấy giờ đang đưa chân công tước về nhà.

- Bẩm công tước, tuyết sâu lắm. Con đã cho quét sạch tuyết trên đường.
    Công tước gật đầu và bước lại gần thêm. "Lạy Chúa, - viên quản lý nghĩ thầm - Cơn giông tố đã qua rồi".
- Bẩm công tước, trước khi quét khó đi xe lắm ạ - Viên quản lý nói thêm, - Bẩm công tước nghe nói có quan thượng thư đến thăm ngài phải không ạ?
   
Công tước quay lại phía viên quản lý và cau mày nhìn hắn:

- Cái gì? Quan thượng thư à? Thượng thư nào? Ai bảo quét? - Công tước nói với cái giọng đanh và sắc của ông. - Công tước tiểu thư con gái ta đi thì không quét, mà thượng thư đến thì lại quét! - Nhà tao không có thượng thư!

- Bẩm công tước con tưởng…

- Mày tưởng! - Công tước quát lên, rồi nói tiếp, mỗi lúc một thêm dồn dập và kém mạch lạc. - Mày tưởng à!… Đồ kẻ cướp! Đồ ăn mày! Rồi tao sẽ dạy cho mày tưởng. - Nói đoạn ông giơ gậy lên, định giáng lên đầu Alpatyts, và nếu viên quản lý không bất giác né sang một bên thì ông đã đánh thật rồi.

- Mày tưởng à? Đồ kẻ cắp! - Công tước quát thêm mấy tiếng vội vã.

Bấy giờ Alpatyts cũng sợ cuống lên vì mình đã dám hỗn xược tránh đòn nên đã nhích lại gần công tước, nhẫn nhục cúi mái đầu hói xuống cho công tước đánh; nhưng tuy vậy, hay có lẽ chính vì vậy, công tước vẫn tiếp tục quát:

- Đồ kẻ cắp? Cào tuyết lấp đường lại như cũ ngay! - Công tước không giơ gậy lên nữa, chạy vào nhà.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:29:59 pm
Trước bữa ăn trưa, công tước tiểu thư và cô Burien biết rằng công tước đang gắt nên khi công tước vào thì đứng dón chứ không dám ngồi; cô Burien có một vẻ mặt rạng rỡ như muốn nói: "Tôi không biết gì đâu ạ, tôi vẫn như mọi khi thôi"; công tước tiểu thư Maria thì nhợt nhạt, sợ hãi, mắt nhìn xuống. Điều khổ tâm nhất đối với công tước tiểu thư Maria là nàng biết rằng trong những trường hợp như thế này nên làm như cô Buria, nhưng nàng không thể nào làm nổi. Nàng nghĩ: "Nếu mình làm như không nhận thấy gì, thì cha sẽ nghĩ rằng mình không cảm thông vớì cha; Nếu mình làm như thế mình cũng bực và cáu bẳn thì cha sẽ nói (mà quả cũng đã có lần nói) rằng mình có bộ mặt đưa đám" v.v…

Công tước đưa mắt nhìn gương mặt sợ hãi của con gái và khịt mũi:

- Đồ rởm… đồ ngốc! - công tước nói!

"Còn con kia thì không thấy đâu cả! Chắc nó cũng nghe nói rồi đấy" - Công tước nghĩ thầm về công tước phu nhân Liza bấy giờ không có mặt trong phòng ăn.

- Thế công tước phu nhân đâu? - Lão công tước hỏi - Trốn à?

- Dạ phu nhân hơi khó ở ạ, - cô Burien mỉm cười vui vẻ đáp. - Phu nhân không ra được ạ. Đang có mang như phu nhân thì thường khó ở như thế đấy ạ.

- Hừm! Hừm! Khịt! Khịt! - công tước nói, rồi ngồi xuống trước bàn ăn.
   
Ông có cảm giác là cái đĩa ăn không được sạch; ông chỉ một cái vết trên đĩa và quẳng cái đĩa đi. Tikhôn chộp lấy và chuyển cho người dọn bát đĩa. Công tước phu nhân Liza không khó ở; nhưng nàng sợ lão công tước quá chừng, đến nỗi nghe lão công tước đang bực mình, nàng không dám ra nữa. Nàng bảo cô Burien:

- Tôi sợ là sợ cho đứa con trong bụng, có khi vì sợ quá mà sinh nguy cũng nên.
   
Nói chung thì công tước phu nhân từ ngày về Lưxye Gorư luôn luôn thấy sợ hãi và có ác cảm đối với lão công tước, một mối ác cảm mà nàng không ý thức được, và vì sợ quá cho nên nàng không thể cảm thấy. Về phía công tước thì ông cũng thấy có ác cảm, nhưng cái ác cảm đó đã bị lòng khinh miệt lấn át đi. Công tước phu nhân ở Lưxye Gorư được ít lâu thì đặc biệt thấy mến cô Burien, nàng thường ngồi suốt ngày với cô ta, mời cô ta ngủ chung buồng với mình, thường ngồi bàn bạc với cô ta về âm nhạc và phê phán ông ta.

- Bẩm công tước, ta sắp có khách đấy ạ! - Cô Burien nói, trong khi hai bàn tay hồng hào của cô giở chiếc khăn ăn trắng tinh - Nghe nói có công tước đại nhân Kuraghin với con trai của ngài thì phải! - Cô nói, có ý dò hỏi.

- Hừm… Công tước đại nhân ấy chỉ là một thằng nhãi… Ngày trước ta đưa hắn vào hoan lộ đấy - Lão công tước bực bộỉ nói. - Còn thằng con trai thì đến để làm cái gì, ta không hiểu được. Công tước phu nhân Lizaveta Karlovan và công tước tiểu thư Maria thì chắc có biết còn ta thì chịu, không biết tại sao hắn lại mang cái thằng con trai ấy đến đây làm gì. Ta không cần - Rồi công tước nhìn sang con gái, lúc bấy giờ đang đỏ mặt lên.

- Khó ở hay sao thế hả? Chắc là vì sợ quan thượng thư như cái thằng Alpatys nói chứ gì.

- Thưa cha, không ạ.
   
Mặc dầu cô Burien đã chọn phải một đề tài nói chuyện rất không đúng lúc cô ta vẫn không ngớt miệng nói về khu vườn ủ cây, về vẻ đẹp của một bông hoa mới nở, và sau khi ăn món xúp, lão công tước bắt đầu nguôi nguôi.
   
Ăn trưa xong, công tước đến phòng con dâu. Công tước phu nhân nhỏ nhắn đang ngồi bên chiếc bàn con nói chuyện suông với Masa, một cô hầu gái. Thấy ông nhạc vào, nàng tái mặt đi.
Công tước phu nhân nhỏ nhắn đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ trông nàng xấu nhiều hơn là xinh. Hai má hóp lại, môi cong lên, mắt thì có quầng thâm ở mi dưới.
   
Công tước hỏi nàng thấy trong mình ra sao.

- Vâng ạ, có cái gì nằng nặng ấy. Công tước phu nhân đáp.

- Có cần gì không?

- Không ạ, cảm ơn cha ạ.

- Thôi được, thôi được.
   
Lão công tước ra và đi đến phòng gia nhân Alpatyts đang đứng đấy, đầu cúi gầm.

- Đã cào tuyết lại rồi đấy chứ?

- Bẩm công tước cào lại rồi ạ. Xin công tước tha lỗi cho, chỉ vì ngu ngốc nên con trót dại…

Công tước ngắt lời viên quản lý và bật lên tiếng cười gượng gạo.

- Thôi được, thôi được.
    Công tước giơ tay cho Alpatys hôn và đi vào phòng làm việc.
    Đến tối công tước Vaxili đến. Bọn xà ích và gia nhân ra đón ông ta ngoài đường chính và vừa hò hét vừa dẫn các xe cộ của công tước về toà nhà dọc theo con đường đã cố ý phủ tuyết lại rất dày.
   
Công tước Vaxili và Anatol được đưa về hai phòng cách riêng.
   
Anatol cởi áo ngoài ngồi chống nạnh trước bàn, mỉm cười đưa đôi mắt lo rất đẹp nhìn trừng trừng và lơ đễnh về phía góc bàn. Chàng vốn coi cả cuộc đời mình như một cuộc vui không dứt mà không hiểu sao có người nào đã tự nguyện đứng ra tổ chức cho chàng hưởng. Bây giờ cũng thế, chàng xem cuộc đi thăm hỏi ông già bẳn tính với cô gái giàu có và xấu xí này cũng là một cuộc vui như vậy. Chàng dự đoán rằng chuyến này có thể sinh ra nhiều điều rất thú vị và ngộ nghĩnh. "Mà việc gì lại không lấy, nếu cô ta nhiều của? Tiền của bao giờ cũng hay" - Antol nghĩ.
   
Chàng cạo mặt, xức nước hoa một cách cẩn thận và cầu kỳ - việc này đã thành một thói quen của chàng - và với cải vẻ đắc thắng mà hiền lành bẩm sinh của chàng, Anatol cất cao cái đầu đẹp dẽ bước vào phòng cha. Hai tên hầu của công tước Vaxili đang xắng xở mặc áo cho chủ: Công tước linh lợi ngoái lại nhìn và vui vẻ gật đầu chào Anatol khi chàng bước vào dường như muốn nói: "Thế, chính là ba đang cần con phải như thế đấy!"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:30:35 pm
- Ba ạ, con hỏi thật nhé, cô ấy xấu lắm à? - Anatol nói bằng tiếng Pháp, dường như để tiếp tục câu chuyện đã nhiều lần bàn đến trong khi đi đường.

- Thôi đi toàn chuyện vơ vẩn! Cái chính là con phải cố tỏ ra lễ phép và biết điều trước mặt lão công tước.

- Nếu lão ấy gắt gỏng thì con đi thôi, - Anatol nói - Con không chịu nổi những lão già như thế đâu.

- Con phải nhớ rằng cả cuộc đời con là lệ thuộc vào việc này đấy.
     
Trong khi đó ở phòng gia nhân không những người ta đã biết có quan thượng thư và con trai của ngài vừa đến, mà ngay đến dung mạo của hai người cũng đã được miêu tà rất tỉ mỉ nữa. Nữ công tước Maria ngồi một mình trong phòng riêng, cố trấn áp nỗi xúc động trong tâm hồn nhưng không sao nổi.

"Sao họ lại viết thư nhỉ, sao Liza lại nói với mình việc này làm gì? Vì không thể như thế được kia mà? - nàng nhìn vào gương tự nhủ - Ta sẽ trang điểm thế nào để ra phòng khách đây? Dù mình có thích người ấy đi nữa, thì bản thân mình bây giờ cũng không thể tự nhiên trước mặt người ta được". - Chỉ nghĩ đến cái nhìn của cha thôi nàng cũng đã thấy khiếp sợ.
     
Công tước phu nhân Liza và cô Burien đã được cô hầu gái Masa cung cấp cho đủ mọi tài liệu cần thiết về hai cha con công tước Vaxili, nào là cậu con hồng hào, tuấn tú, có đôi lông mày đen rậm như thế nào, rồi nào là cha cậu ta chật vật lắm mới lê chân nổi lên thang gác, còn cậu ta thì như một con đại bàng, cứ như ba bậc một chạy theo cha. Sau khi biết được những điều này, công tước phu nhân nhỏ nhắn và cô Burien vào phòng công tước tiểu thư Maria (trước mặt khi họ vào đã nghe tiếng nói chuyện rôm rả của họ ngoài hành lang).

- Họ đến rồi đấy Maria ạ, cô có biết không? - công tước phu nhân nói, đung đưa cái bụng chửa và ngồi phịch xuống một chiếc ghế bành.
   
Nàng không còn mặc chiếc áo thụng ban sáng.  Trên người nàng bây giờ mặc một trong những chiếc áo dài nhất, đầu nàng chải chuốt rất cẩn thận, gương mặt nàng có vẻ phấn chấn nhưng vẫn không giấu được những đường nét nặng nề, mệt mỏi. Trong cách phục sức này mà nàng thường dùng khi xuất hiện trong các dạ hội ở Peterburg, người ta càng thấy rõ nàng xấu đi nhiều lắm. Cô Burien cũng diện một bộ áo khá cầu kỳ nhưng kín đáo, khiến cho khuôn mặt xinh tươi của cô càng thêm duyên dáng dễ yêu.

- Thế nào, công tước tiểu thư vẫn để thế mà ra sao? - cô Burien nói - Họ sắp đến báo là ông ấy đã ra phòng khách rồi đấy, lúc đó phải xuống thôi, tiểu thư không tô điểm đôi chút sao tiện?

Công tước phu nhân Liza rời ghế bành đứng dậy, rung chuông gọi cô hầu phòng và vui vẻ bắt đầu nghĩ cách trang điểm cho công tước tiểu thư và bắt tay vào thực hiện việc đó. Tiểu thư Maria thấy tủi cực cho lòng tự trọng của mình vì việc một người đến dạm hỏi nàng đã làm cho nàng xúc động, vả lại càng tủi cực hơn nữa vì hai người bạn gái của nàng không hề thoáng có ý nghĩ rằng có thể nào khác đi được. Nói với họ rằng nàng thấy xấu hổ cho mình và cho họ nữa, thì chỉ càng tỏ rõ mình xúc động; còn từ chối không chịu trang điểm theo ý họ thì chỉ làm cho họ đùa đai và nài ép mãi. Nàng đỏ mặt, đôi mắt đẹp đẽ đờ ra trên mặt nàng hiện lên những vết đo đỏ, và với cái vẻ nhẫn nhục rất khó coi thường thấy trên khuôn mặt nàng, công tước tiểu thư Maria phó mặc cho cô Burien và Liza muốn làm gì mình thì làm, hai người hoàn toàn thành thật cố gắng làm sao cho nàng đẹp lên. Nàng xấu đến nỗi trong hai người không có ai có thể thoáng có ý nghĩ ganh đua với nàng, vì vậy họ hoàn toàn thành tâm bắt tay sửa sang cho nàng, với cái ý nghĩ ngây thơ mà vững chắc của giới phụ nữ, vốn tin rằng trang sức có thể làm cho mặt mũi người ta đẹp lên được.

- Không, thật đấy Maria ạ, mặc áo này không được đâu, - Liza vừa nói vừa đứng né ra xa nghiêng đầu ngắm nghía: công tước tiểu thư, - cô bảo đem chiếc áo màu huyết dụ ra đây? - Phải đấy! Vì rất có thể là cả cuộc đời sẽ định đoạt lúc này đây! Chứ áo này thì màu tươi quá, không được đâu, thật đấy, không ổn đâu!

- Cái không ổn không phải là chiếc áo, mà chính là khuôn mặt và cả thân hình của công tước tiểu thư Maria, nhưng cô Burien và công tước phu nhân Liza không nhận thấy điều đó, họ cứ tưởng rằng nếu thắt một dải thanh thiên trên mái tóc chải ngược lên và vắt tấm khăn choàng thanh thiên trên chiếc áo dài nâu là sẽ ổn ngay. Họ quên mất rằng cái gương mặt sợ hãi và cái dáng người của Maria thì không thể nào thay đổi được, thành thử dù họ có thay đổi cái khung ngoài và những đồ trang sức cho khuôn mặt này đến thế nào đi nữa, khuôn mặt ấy văn thiểu não và xấu xí như thường. Sau hai ba lần thay đi đổi lại mà công tước tiểu thư Maria nhẫn nhục chịu dựng, đến lúc họ đã chải ngược mái tóc của nàng lên phía trên (cách chải này làm cho mặt nàng thay đổi hẳn và trông không còn ra thế nào nữa). Rồi mặc cho nàng chiếc áo màu huyết dụ và khoác cho nàng chiếc khăn choàng màu thanh thiên, công tước phu nhân Liza đi vòng quanh nàng hai lần, đưa bàn tay nhỏ nhắn sửa lại một nếp áo ở chỗ này, vuốt một múi khăn ở chỗ kia, nghiêng đầu bên này, rồi lại nghiêng bên kia đề ngắm nghía.
   
Không, thế này không được, - Liza chắp tay nói - Không được Maria ạ, mặc thế này không hợp với cô đâu! Cô mặc cái áo dài màu xám như mọi ngày trông xinh hơn nhiều. Thôi, tôi lạy Maria, mặc áo ấy cho tôi vui lòng đi! - Katya - nàng quay lại nói với người hầu gái - chị đem cho tiểu thư cái áo màu xam xám, rồi cô Burien thử xem tôi thu xếp nhé - Liza nói, miệng mỉm cười sung sướng như đang thưởng thức trước niềm vui nghệ thuật.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:31:05 pm
Nhưng khi Katya đã mang chiếc áo dài lại, thì công tước tiểu thư Maria vẫn ngồi thừ người ra trước tấm gương nhìn vào mặt mình, và trong gương, nàng thấy nước mắt đang rưng rưng trên mi và môi nàng run run chỉ chực bật ra tiếng khóc.

- Kìa, tiểu thư Mari - cô Burien nói - Cô lên một tý nữa thôi mà!

Công tước phu nhân Liza lấy chiếc áo người hầu gái đang cầm vào và bước lại gần tiểu thư Maria.

- Thôi bây giờ ta sẽ mặc cho thật giản dị, dễ thương - nàng nói.

Tiếng nói của nàng, của cô Burien và của Katya bấy giờ đang cười khúc khích hoà lẫn với nhau thành một tiếng ríu rít vui vẻ nghe như tiếng chim hót.

- Không, các chị để mặc tôi! - công tước tiểu thư nói.
   
Và giọng nói của nàng nghe nghiêm trang và đau đớn đến nỗi tiếng ríu rít như chim lập tức im bặt. Họ nhìn đôi mắt to trong trẻo và đẹp một cách huỵền diệu của tiểu thư Maria, tràn đầy nước mắt và tâm hồn đang nhìn họ như van lơn cầu khẩn, và họ hiểu ra rằng bây giờ mà nài thêm thì chẳng ích gì mà lại tàn nhẫn nữa là khác.

- Ít nhất cô cũng sửa cách chải đầu lại? - công tước phu nhân Liza nói đoạn quay sang phía cô Burien có ý trách móc - Tôi đã nói khuôn mặt như Mari không thể nào hợp với lối chải tóc này được, không hợp ít nào hết. Thôi chải lại đi Mari, tôi van cô!

- Thôi mặc tôi, mặc tôi, những thứ đó đối với tôi hoàn toàn không có nghĩa lý gì hết! - công tước tiểu thư Maria đáp, khó nhọc lắm mới cầm được nước mắt.
   
Cô Burien và công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng phải thừa nhận rằng tiểu thư Maria phục sức như thế này rất xấu, xấu hơn ngày thường rất nhiều; nhưng đã muộn quá rồi. Nàng nhìn họ với vẻ mặt mà họ đã từng biết, vẻ mặt đăm chiêu và buồn bã vô hạn. Vẻ này không làm cho họ sợ Maria (nàng không hề làm cho ai sợ mình cả). Nhưng họ biết rằng khi trên gương mặt nàng hiện lên cái vẻ buồn rầu và tư lự ấy thì nàng rất trầm lặng và không ai có thể lay chuyển được ý nàng đã quyết.

- Cô chải lại nhé? - Liza nói, nhưng không thấy công tước tiểu thư Maria đáp, Liza đành ra khỏi phòng. Tiểu thư Maria ngồi lại một mình. Nàng không chiều theo ý Liza, không những không chải lại mái tóc, mà thậm chí cũng không buồn nhìn vào gương nữa.
   
Nàng uể oải buông thõng hai tay, mắt nhìn xuống đất. im lặng ngồi suy nghĩ. Nàng hình dung ra một người chồng: một người đàn ông, một con người cường tráng, ưu việt và có một cái gì hâp dẫn một cách khó hiểu, đột nhiên đến đưa nàng về thế giới riêng của mình, một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới tràn đầy hạnh phúc. Nàng tưởng tượng thấy một đứa con của mình, giống như đứa cháu ngoại của u già mà nàng vừa trông thấy hôm qua, đang nằm trên lòng mình. Người chồng âu yếm đứng nhìn mẹ con nàng. Rồi nàng lại nghĩ: "Nhưng không, không thể như thế được, mình xấu quá".

- Xin mời tiểu thư xuống dùng trà. Công tước sắp ra ngay. - Tiếng người hầu gái từ sau cánh cửa nói vọng ra.
   
Nàng sực tỉnh và thấy hoảng sợ vì những ý nghĩ vừa rồi. Và trước khi xuống, nàng đứng dậy, bước vào phòng đọc kinh, mắt ngước lên nhìn đăm đăm vào khuôn mặt của Chúa Cứu thế tối mờ mờ dưới ánh đèn chong leo lét, và vòng tay đứng trước bức tượng một lát. Trong tâm hồn công tước tiểu thư Maria thấy ngờ vực day dứt. Nàng có thể nào hưởng được niềm vui của tình yêu, của tình yêu trần tục với một người đàn ông không? Những lúc nghĩ đến hôn nhân, tiểu thư Maria cũng có mơ ước đến hạnh phúc gia đình; đến con cái, những ước mơ mạnh nhất và thầm kín nhất của nàng là tình yêu trần tục. Nàng cố che giấu cảm giác này trước những người khác và ngay cả trước mình nữa, nhưng càng che giấu bao nhiêu thì nó lại càng mãnh liệt bấy nhiêu.

"Lạy Chúa - nàng nói - Con làm thế nào trấn áp được ý nghĩ ma quái này bây giờ. Làm thế nào từ bỏ vĩnh viễn được những ý nghĩ xấu xa để có thể yên tĩnh mà làm tròn ý Chúa?" Và nàng vừa mới hỏi như vậy thì tự trong lòng nàng Chúa đã đáp lại: "Đừng ước muốn điều gì cho bản thân mình cả, đừng tìm biết, đừng hoảng hốt, đừng ganh tị. Không thể biết được tương lai của con và số phận của mình rồi sẽ ra sao, nhưng hãy sống sao cho sẵn sàng đón lấy mọi sự. Nếu Thượng đế muốn thử thách mình trong những hốn phận của hôn nhân, hãy sẵn sàng làm trọn ý Người. Ý nghĩ này làm cho tâm hồn nàng yên tĩnh lại (đồng thời cả niềm hy vọng thực hiện được điều mơ ước trần tục bị cấm đoán), tiểu thư Maria thở dài, làm dấu thánh giá và xuống phòng khách. Nàng không nghĩ đến chiếc áo mình đang mặc, cũng không hề nghĩ đến mái tóc của mình, không hề nghĩ xem mình sẽ vào phòng khách như thế nào và sẽ nói những gì. Tất cả những thứ đó có ý nghĩ gì so với ý muốn của Thượng đế, Không có một sợi tóc nào trên dầu chúng sinh rơi xuống mà lại không do ý muốn của Người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:31:44 pm
Phần III
Chương - 4

Khi công tước tiểu thư Maria vào phòng khách, hai cha con công tước Vaxili đã ngồi nói chuyện với công tước phu nhân nhỏ nhắn và cô Burien. Khi nàng nặng nề bước trên gót chân tiến vào phòng, hai người đàn ông và cô Burien nhổm dậy; công tước phu nhân nhỏ nhắn giơ tay về phía nàng nói với hai người khách.

- Đây là Maria.
   
Công tước tiểu thư Maria trông thấy hết, và thấy khá tỷ mỉ. Nàng thấy gương mặt của công tước Vaxili bỗng nghiêm lại một lát khi thấy nàng vào, rồi lập tức tươi cười trở lại, và gương mặt của công tước phu nhân Liza đang tò mò theo dõi nét mặt của hai người khách, cố đoán biết cảm tưởng của họ khi trông thấy tiểu thư Maria. Nàng cũng trông thấy cô Burien với mẩu ruy-băng và khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt lính hoạt hơn bao giờ hết đang chăm chăm nhìn chàng; Nhưng tiểu thư Maria không thể trông thấy chàng, nàng chỉ thấy một cái gì to lớn, rực rỡ và đẹp tuyệt vời đang tiến lại phía nàng khi nàng bước vào. Trước tiên công tước Vaxili đến chào nàng. Nàng hôn lên mái đầu hói đang cúi xuống sát tay nàng, và đáp lại lời công tước rằng trái với điều ông tưởng, nàng còn nhớ rõ ông ta lắm. Rồi đến lượt Anatol đến gần nàng. Nàng vẫn không trông thấy chàng. Nàng chi cảm thấy bàn tay mềm mại đang cầm chắc tay mình, và nàng chỉ khẽ chạm môi vào vầng trán trắng trẻo dưới làn tóc hung rất đẹp xức dầu thơm. Khi nàng đưa mắt nhìn chàng, vẻ đẹp trai của chàng làm nàng sứng sốt. Anatol thọc ngón tay cái bên phải vào lô khuy để hở của chiếc quân phục, ngực ưỡn ra phía trước, lưng thóp lại, đu đưa một bên chân và khẽ nghiêng đầu im lặng và vui vẻ nhìn công tước tiểu thư, chắc hẳn là không mảy may nghĩ đến nàng. Anatol không phải là người sáng ý, nhanh miệng và hoạt bát trong khi nói chuyện, nhưng ngược lại có một khả năng rất quý báu trong khi giao thiệp là rất bình tĩnh và không có gì có thể làm chàng mất tự tin. Nếu một người thiếu tự tin trong buổi gặp gỡ đầu tiên lại im lặng và để lộ ra rằng mình thấy im lặng như vậy là khiếm nhã nên có ý muốn tìm một cái gì để nói, thì sẽ gây một ấn tượng không hay; nhưng Anatol thì cứ im lặng, đu đưa bàn chân, vui vẻ ngắm bộ tóc của công tước tiểu thư. Có thể thấy rõ rằng chàng có thể yên lặng như vậy rất lâu mà vẫn thản nhiên như không. Dáng điệu của chàng như muốn nói: "Nếu có ai thấy ngượng nghịu vì sự im lặng này thì cứ nói đi, chứ tôi đây thì chả muốn nói". Ngoài ra, trong khi tiếp xúc với phụ nữ, Anatol lại có cái phong thái gợi được trí tò mò của phụ nữ nhiều nhất, khiến họ cảm thấy sợ hãi và thậm chí yêu mình nữa là khác, - đó là cái phong thái khinh thường biết rõ ưu thế của mình. Với dáng điệu của chàng, Anatol như muốn nói với họ: "Tôi biết các cô lắm, tôi biết, nhưng việc gì tôi phải nhọc lòng vì các cô? Chắc được như thế các cô mừng lắm đấy nhỉ!". Có lẽ chàng không nghĩ như vậy khi gặp phụ nữ (có thể biết chắc chàng không nghĩ như thế thật, vì nói chung chàng rất ít suy nghĩ), nhưng dáng điệu phong thái của chàng nó như thế đấy.
   
Công tước tiểu thư cảm thấy điều đó, và dường như để tỏ cho chàng thấy rằng mình cũng không hề dám nghĩ đến chuyện làm chàng phải bận tâm, nàng quay sang nói chuyện với công tước Vaxili. Câu chuyện đi lan man nhưng rất rôm rả nhờ giọng nói và cái môi phủ lông măng hé mở trên hàm răng trắng của công tước phu nhân nhỏ nhắn. Nàng tiếp chuyện công tước Vaxili với cái lối bông lơn mà những người vui tính và hay chuyện thường dùng. Lối tiếp chuyện đó tức là giả thiết rằng mình với người nghe từ lâu đã có một số chuyện đùa và những kỷ mệm vui vẻ, ngộ nghĩnh mà nhiều người không biết, trong khi kỳ thực giữa công tước phu nhân Liza và công tước Vaxili sẵn lòng phụ hoạ theo giọng đùa này. Liza, tuy hầu như không biết Anatol cung cứ đưa luôn cả chàng vào câu chuyện, nhắc nhở lại những câu chuyện ngộ nghĩnh kỷ niệm chung và ngay cả công tước tiểu thư Maria cũng thích thú thấy mình bị lôi cuốn vào những kỷ niệm vui vẻ ấy.

- Lần này ít nhất chúng tôi cũng được lĩnh giáo công tước một cách trọn vẹn, - Công tước phu nhân Liza nói với công tước Vaxili, cố nhiên là bằng tiếng Pháp - Chứ không phải như trong cái buổi dạ hội của chúng ta ở nhà Annet những buổi đó ngài cứ bỏ trốn mãi. Công tước có nhớ chị Annet không?

- Ồ nhưng xin phu nhân dừng bắt tôi nghe chuyện chính trị như bà Annet đấy nhé!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:32:25 pm
- Thế còn cái bàn trà con con của chúng ta nữa, ngài còn nhớ không?

- Nhớ chứ!

- Tại sao ông không bao giờ đến nhà chị Annet, - công tước phu nhân hỏi Anatol - À phải! Tôi biết rồi, biết rồi, - nàng vừa nói vừa nháy mắt, - Ông Ippolit, anh ông có kể cho tôi nghe chuyện ông. Ồ! nàng đưa ngón tay lên doạ Anatol, - Ngay những chuyện ngỗ nghịch của ông ở Paris tôi cũng biết cơ!

- Thế Ippolit không nói gì với con à? - Công tước Vaxili nói (ông quay sang phía con trai và chộp lấy tay công tước phu nhân Liza, làm như nàng toan bỏ chạy, còn ông ta thì chỉ vừa kịp giữ nàng lại) - thế Ippolit không kể cho con nghe chuyện nó mất công theo đuổi công tước phu nhân và bị phu nhân tống cổ ra ngoài à? - rồi công tước Vaxili quay sang phía Maria nói

- Ồ, phu nhân là viên ngọc của giới phụ nữ ấy, tiểu thư ạ!
   
Về phía mình, cô Burien nghe đến chữ Paris cũng không bỏ lỡ dịp tốt và lập tức chen vào câu chuyện chung về các kỷ mệm chung.

Cô ta tự cho phép mình hỏi xem Anatol rời Paris đã lâu chưa và có thích thành phố này không. Anatol rất sẵn lòng trả lời cô thiếu nữ người Pháp. Chàng nhìn cô, mỉm cười và bắt đầu nói chuyện với cô về tổ quốc của cô. Khi trông thấy cô Burien xinh đẹp, Anatol đã tự nhủ rằng ở chốn Lưxye Gorư này sẽ không đến nỗi chán.  "Con bé kháu lắm - chàng nghĩ thầm khi nhìn cô Burien - Cái cô tì nữ này trông kháu lắm. Hy vọng rằng khi lấy mình, cô Maria kia sẽ đem cô bé này theo, con bé trông dễ thương quá!".

Trong phòng làm việc, lão công tước đang thong thả mặc áo, cau mày đang suy nghĩ xem mình sẽ làm gì. Cuộc thăm hỏi này làm cho ông rất bực. "Công tước Vaxili với thằng con lão ta thì dính dáng gì đến mình mới được chứ? Công tước Vaxili là một lão huênh hoang rỗng tuếch, thì chắc thằng con cũng chả hay hớm gì" - Lão công tước làu nhàu một mình. Công tước bực tức là vì cuộc thăm hỏi này gợi lại trong tâm hồn ông một vấn đề chưa được giải quyết và luôn luôn bị vùi dập đi; vấn đề này lão công tước lâu nay vẫn tự lừa dối mình mãi. Vấn đề ấy là: liệu có lúc nào ông chịu rời tiểu thư Maria ra và để cho nàng đi lấy chồng không? Lão công tước chưa bao giờ dám tự đặt thẳng vấn đề này ra cho mình cả, vì ông biết trước rằng mình sẽ giải quyết theo lẽ công bằng, mà lẽ công bằng thì lại mâu thuẫn với một cái gì lớn hơn cả tình cảm nữa: đó là cả ý nghĩa của đời ông. Tuy lão công tước có vẻ như ít quý con gái, nhưng đối với ông cuộc đời mà không có Maria thì không thể sống nổi. "Mà nó đi lấy chồng để làm gì kia chứ? - Ông nghĩ. - Chắc chắn rồi cũng chỉ khổ thôi. Kìa xem như con Liza lấy thằng Andrey đấy (thời buổi này hình như khó mà kiếm được một thằng chồng hơn thế), thế mà nó đã hài lòng đâu. Vả chăng, có ai lấy con Maria vì tình yêu? Nó vừa xấu lại vừa vụng. Có lấy là cũng vì thế lực, vì của cải. Cũng khối người ở vậy suốt đời đấy thôi! Càng sướng chứ sao?"
   
Công tước Nikolai Andreyevich vừa mặc áo vừa suy nghĩ như vậy nhưng đồng thời, cái vấn đề lâu nay lần lữa mãi lại đòi hỏi phải được giải quyết ngay. Công tước Vaxili đưa con trai đến rõ ràng là có ý định dạm hỏi và chắc chỉ hôm nay hay ngày mai thôi ông ta sẽ yêu cầu trả lời dứt khoát. Dòng họ, địa vị trong xã hội cũng khá.

"Thôi thì cũng được, ta không có ý ngăn cản, - lão công tước tự nhủ, - Nhưng thằng ấy phái xứng đáng với con Maria mới được. Cái ấy thì phải xem đã".

- Cái ấy thì còn phải xem đã, - công tước nói to lên, - Còn phải xem đã.
   
Và với dáng đi đường hoàng, nhanh nhẹn thường có, ông bước vào phòng khách đưa mắt nhìn mọi người một lượt, nhận thấy cái áo mới thay của công tước phu nhân Liza, cái dải lụa của cô Burien và mái tóc xấu xí của công tước Maria và cả những nụ cười của cô Burien và Anatol, cả cái vẻ cô độc của con gái mình trong lúc mọi người nói chuyện. Ông đưa mắt hằn học nhìn con, nghĩ thầm: "Trang điểm như một con ngốc! Rõ không biết thẹn! Còn thằng kia thì chẳng thèm để mắt đến nó nữa!".
   
Ông lại gần công tước Vaxili.

- Nào, chào ông, chào ông; rất mừng được gặp ông.

- Bạn hiền không quản đường xa, - công tước Vaxili đáp, vẫn cái giọng nhanh nhảu, tự tin và thân mật thường ngày. - Đây đứa con trai thứ hai của tôi, mong công tước chiếu cố.

- Khá lắm! Khá lắm! - Lão công tước nói - Nào lại đây - rồi giơ má ra cho Anatol.
   
Anatol hôn lên má ông già, nhìn ông ta một cách tò mò và hoàn toàn điềm tĩnh, chờ xem ông ta có sắp giở cái tính gàn dở kỳ quái như cha mình vẫn nói ra không.
   
Công tước Nikolai Andreyevich vẫn như lệ thường ngồi chỗ góc đi văng; kéo một chiếc ghế bành lại gần mình cho công tước Vaxili ngồi, đưa tay chỉ vào ghế và bắt đầu hỏi về các công việc và tin tức chính trị. Ông làm ra vẻ chăm chú nghe câu chuyện của công tước Vaxili, nhưng không ngừng đưa mắt về phía công tước tiểu thư Maria.

- Thế là có thư ở Potxđam gửi đến à - Ông lặp lại câu nói sau cùng của công tước Vaxili rồi bỗng đứng dậy lại gần con gái. - Con ăn mặc trang điểm như thế này là để tiếp khách đây phải không? - công tước nói - xinh lắm, xinh lắm.    Trước mặt khách thì con chải đầu theo kiểu mới, còn cha thì trước mặt khách cha xin nói với con rằng từ rày con không được thay đổi cách ăn mặc nếu không có lệnh của cha.

- Thưa cha, tại con đấy ạ, - công tước phu nhân đỏ mặt nói nhỏ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:33:20 pm
- Chị thì muốn làm gì xin cứ tuỳ ý, - công tước Nikolai Andreyevich nghiêng mình trước mặt con dâu nói, - còn con Maria thì không việc gì phải tìm cách làm cho nó xấu thêm, cứ để như thường cũng đủ xấu lắm rồi.
Rồi công tước lại trở về ngồi chỗ cũ, không để ý đến con gái bấy giờ đã rưng rưng nước mắt.
Công tước Vaxili nói:

- Không đâu, chải tóc như vậy rất hợp với tiểu thư.

- Thế nào, cậu công tước trẻ tuổi đây tên là gì nhỉ, - công tước Nikolai Andreyevich quay sang Anatol hỏi,

- Cậu lại đây nói chuyện, nào ta làm quen với nhau.
   
"Trò hề bắt đầu rồi đây" - Anatol nghĩ, và mỉm cười đến ngồi bên cạnh lão công tước. Ông già ghé sát lại nhìn chăm chăm vào Anatol nói:

- Ấy nghe nói cậu được ăn học ở ngoài thì phải. Không như cha cậu với tôi ngày trước, học chữ với một ông thầy dòng. Thế nào, bây giờ cậu tòng ngũ trong quân kỵ binh phải không?

- Không ạ, tôi đã chuyển sang bộ binh rồi ạ - Anatol đáp, chật vật lắm chàng mới nhịn được cười.

- Thế à hay lắm. Thế là cậu muốn phụng sự hoàng đế và quốc gia đấy phải không? Thời buổi chiến tranh này, trai tráng như cậu thì phải tòng ngũ, rất nên tòng ngũ. Thế nào, ra mặt trận chứ?

- Thưa công tước không ạ, trung đoàn chúng tôi xuất phát rồi. Còn tôi thì được xếp vào… Con được xếp vào cái gì thế ba nhỉ? - Anatol bật cười quay về phía cha hỏi.
   
Công tước Nikolai Andreyevich cười lớn:

- Thế mới là tòng ngũ đấy, thật là ra trò. "Con được xếp vào cái gì thế nhỉ!". Ha, ha, ha!

Và Anatol cũng cười phá lên, cười to hơn cả lão công tước nữa. Bỗng nhiên công tước Nikolai Andreyevich cau mày. Ông bảo Anatol:

- Thôi đi đi!
   
Anatol mỉm cười, trở lại ngồi cạnh ba người đàn bà.
   
Lão công tước quay sang công tước Vaxili hỏi:

- Thế là ông cho chúng nó ăn học ở nước ngoài đấy hả, công tước Vaxili? Hả?

- Tôi cũng cố gắng hết sức đấy thôi; tôi cũng xin nói rằng giáo dục ở ngoài hơn ở trong nước nhiều lắm.

- Phải, bây giờ cái gì cũng khác, cái gì cũng theo lối mới cả. Cậu con trai bảnh lắm, anh chàng giỏi trai lắm. Thôi về phòng tôi đi.

Ông cầm lấy cánh tay công tước Vaxili và dẫn ông ta vào phòng làm việc.

Công tước Vaxili ngồi một mình với lão công tước liền trình bày rõ ý muốn và hy vọng của mình cho ông ta nghe. Lão công tước gắt gỏng nói:

- Ông nghĩ thế nào thế hả, ông cho rằng tôi muốn giữ nó, không rời nó ra được à? Họ cứ tưởng tượng ra thế đấy chứ! Tôi ấy à? Mai cũng được chứ lại… Chỉ xin nói với ông rằng tôi cần phải biết con rể của tôi cho rõ hơn. Ông cũng biết cái thói của tôi rồi đấy: cái gì cũng phải cho minh bạch. Ngày mai trước mặt ông tôi sẽ hỏi con tôi: nếu nó bằng lòng thì hãy để con ông ở lại đây ít lâu. Để nó ở ít lâu để tôi xem xem - công tước khịt mũi một cái - cho nó đi lấy chồng! Tôi cần cái gì, - công tước nói như quát lên với cái giọng danh và sắc như khi chia tay với con trai.

- Tôi xin nói thẳng với công tước - công tước Vaxili với cái giọng của một người khôn ngoan mánh khoé khi biết rõ rằng không cần phải mánh khoé trước một người sâu sắc như người đang tiếp chuyện mình - Công tước là người có thể nhìn thấu vào bụng dạ người đời. Anatol chẳng phải tài ba gì, nhưng nó là một đứa trung thực, hiền hậu, rất biết đạo làm con.

- Thôi được thôi được, rồi sẽ xem.

Những người đàn bà sống cô đơn, lâu ngày không tiếp xúc với nam giới, bao giờ cũng vậy: khi Anatol xuất hiện ba người đà bà trẻ tuổi ở Lưxye Gorư đều cảm thấy rằng trước đây cuộc sống của họ chẳng phải là một cuộc sống nữa. Trong cả ba người, năng lực tư duy, cảm xúc, quan sát đều trong khoảnh khắc tăng lên gấp bội, và có thể tưởng chừng như cuộc sống của họ, bấy lâu văn trôi qua trong bóng tối nay bỗng bừng lên một ánh sáng mới mẻ, dầy ý nghĩa.

Công tước tiểu thư Maria hoàn toàn không nghĩ đến và không nhớ đến bộ tóc của mình. Khuôn mặt đẹp đẽ, cởi mở của con người có lẽ sắp trở thành chồng nàng đã thu hút sự chú ý của nàng. Nàng thấy người ấy tốt, gan dạ, quả quyết, can đảm và cao thượng. Nàng tin chắc như vậy. Hàng nghìn ước mơ về cuộc sống gia đình tương lai dồn dập hiện lên trong tưởng tượng của nàng. Nàng xua đuổi và cố che giấu nó đi.
   
"Mình có lạnh nhạt với người ta quá chăng? - công tước tiểu thư Maria nghĩ thầm. - Ta muốn kìm giữ mình lại, vì trong thâm tâm ta đã cảm thấy mình quá gần gũi với chàng; nhưng làm sao chàng biết tất cả những điều ta nghĩ về chàng, cho nên chàng có thể tưởng tượng ta có ác cảm với chàng".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 02:33:56 pm
Và tiểu thư Maria cố sao cho thật hoà nhã với người khách mới, nhưng nàng vụng về không biết cách làm thế nào cho phải cả.
   
"Tội nghiệp cô bé! Cô ta xấu tệ" - Anatol nghĩ thầm.
   
Anatol đến đây cũng làm cho cô Burien cảm thấy phấn chấn lên rất nhiều, nhưng ý nghĩ của cô ta đi theo một chiều hướng khác. Cô thiếu nữ xinh đẹp ấy không có địa vị rõ ràng trong xã hội, không có bạn bè thân thuộc, và cả tổ quốc cũng không. Dĩ nhiên cô ta không có ý hy sinh cả cuộc đời mình để hầu hạ công tước Nikolai Andreyevich để đọc sách cho ông ta nghe và làm bạn với tiểu thư Maria. Cô Burien đã từ lâu chờ đợi một chàng hoàng tử Nga nào đấy sẽ nhận rõ ngay được rằng cô hơn hẳn các tiểu thư Nga vụng về xấu người mà ăn mặc cũng xấu, chàng sẽ yêu ta và sẽ đem ta đi; và đây chàng hoàng tử Nga ấy nay đã đến. Cô Burien có một câu chuyện ngày trước cô đã nghe bà dì cô kể lại, rồi cô đã tự mình thêm thắt cho trọn đoạn cuối một câu chuyện mà cô rất thích nhắc nhở trong tưởng tượng. Đó là chuyện một người con gái bị quyến rũ; sau khi nàng bị sa ngã, mẹ nàng, người mẹ đáng thương của nàng, đến gặp nàng và trách móc nàng đã trao thân cho một người đàn ông mặc dầu chưa cưới xin. Cô Burien nhiều khi cảm động đến rơi nước mắt mỗi lần cô tưởng tượng mình kể lại cho chàng, người quyến rũ mình, nghe câu chuyện này. Cho đến nay, chàng ấy, một hoàng tử Nga thật(1), đã hiện đến. Chàng sẽ đem cô đi, rồi sau đó người mẹ đáng thương sẽ hiện ra, và chàng sẽ cưới cô làm vợ. Đó là câu chuyện tương lai đã hình thành trong trí óc của cô Burien ngay khi cô đang nói chuyện với Anatol về thành phố Paris. Cô Burien sở dĩ làm như vậy không phải vì tuân theo một sự tính toán nào (thậm chí cũng không có phút nào cô nghĩ mình sẽ phải làm gì), nhưng tất cả những điều đó đã từ lâu có sẵn trong trí cô ta và bây giờ chỉ có việc tụ lại xung quanh chàng Anatol vừa xuất hiện. người mà cô mong mỏi và cố sức lấy lòng.
   
Công tước phu nhân nhỏ nhắn, như một con chiến mã già của binh đoàn khi nghe tiếng kèn đồng vang lên, bỗng quên hết cảnh của mình và chuẩn bị sẵn sàng phi nước đại trên con đường làm duyên làm dáng, không hề có thâm ý gì và cũng không hề có đấu tranh, mà chỉ có một niềm vui ngây thơ và nhẹ dạ.
   
Mặc dầu trong khi tiếp xúc với phụ nữ, Anatol thường đóng vai một người được phụ nữ theo đuổi quá nhiều đâm ra phát chán, chàng vẫn thấy thích thú và hãnh diện khi thấy ảnh hưởng của mình đối với ba người đàn bà này. Hơn nữa đối với Burien xinh đẹp và lẳng lơ kia chàng còn thấy mình có cái cảm giác bồng bột, thú vật thường đến với chàng rất nhanh và thúc đẩy chàng làm những việc hết sức thô bạo và liều lĩnh.
   
Sau khi dùng trà, khách và chủ sang phòng đi văng. Họ yêu cầu nữ công tước ngồi vào dương cầm, Anatol đứng tựa khuỷu tay vào đàn ở phía trước mặt nàng, bên cạnh cô Burien và đôi mắt đùa cợt tươi vui của chàng nhìn vào công tước tiểu thư Maria. Tiểu thư Maria cảm thấy cái nhìn ấy bao phủ lên mình, lòng xúc động với một cảm gỉác vừa da diết vừa vui tươi. Bản sonata(2) thân yêu đưa nàng sang một thế giới sâu xa mà vô cùng thơ mộng và cái nhìn mà nàng cảm thấy đang đặt lên mình lại càng làm cho cái thế giới đó vô vị hơn. Còn cái nhìn của Anatol tuy hướng về phía nàng nhưng kỳ thật không liên quan gì đến nàng, mà lại có liên quan tới những cử động của đôi chân cô Burien mà chàng đang lấy chân mơn trớn ở phía dưới chiếc đàn. Cô Burien cũng nhìn công tước, và trong đôi mắt xinh đẹp của cô, tiểu thư Maria thấy ánh lên một niềm vui đầy hy vọng và lo âu mà nàng chưa hề thấy.

"Chị ấy yêu mình đến thế kia ư! - công tước tiểu thư Maria nghĩ. - Giờ này ta hạnh phúc quá, và sống bên một người bạn và một người chồng như thế thì hạnh phúc biết chừng nào! Chồng ta ư? - nàng nghĩ, không dám nhìn lên phía chàng nhưng vẫn cảm thấy cái nhìn của chàng bao phủ lên mình.

=================================================

Chú thích:

(1) Trong tiếng Pháp thứ tiếng duy nhất mà cô Burien biết chữ hoàng tử trùng với công tước (prince).

(2) Một tấu khúc soạn cho nhạc cụ gồm ba hay bốn đoạn (sonata).



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:43:02 pm
Phần III
Chương - 5
     
Sau bữa ăn tối, khi mọi người bắt đầu trở về phòng riêng, Anatol hôn tay công tước tiểu thư Maria. Chính nàng cũng không biết tại sao mình lại có đủ can đảm làm như vậy, nhưng nàng đã nhìn thẳng vào khuôn mặt tuấn tú đang nhích lại gần đôi mắt cận thị của nàng. Sau khi chàng công tước Anatol đến hôn tay cô Burien (như thế không đúng phép lịch sự, nhưng việc gì chàng cũng làm một cách đầy tự tin và hết sức giản dị).  Cô Burien đỏ mặt và sợ hãi đưa mắt nhìn công tước tiểu thư.
   
"Ameli thật là tế nhị! - Công tước tiểu thư nghĩ thầm (Ameli là tên riêng của cô Burien) - Chả nhẽ chị ấy nghĩ rằng mình có thể ghen với chị ấy và không biết quý trọng lòng trìu mến trong sạch và trung thành của chị ấy đối với mình sao?" - Nàng lại gần cô Burien và ôm hôn cô thật mạnh. Anatol đến gần công tước phu nhân Liza để hôn tay nàng.

- Không, không, không! Khi nào ba anh viết thư cho tôi biết là anh đã Turkestan tỉnh tôi cho anh hôn tay. Không thể trước được.
   
Rồi nàng mỉm cười giơ cao mấy ngón tay nhỏ nhắn lên và ra khỏi phòng.
   
Mọi người đều giải tán về phòng riêng, và chỉ trừ Anatol vừa đặt mình xuống giường đã ngủ ngay, còn thì đêm ấy ai cũng trằn trọc rất lâu không sao ngủ được.
   
Có thể nào chồng mình lại chính là người ấy? Người đàn ông lạ mặt, đẹp trai, tốt bụng ấy ư? Cái chính là chàng tốt bụng - công tước tiểu thư Maria nghĩ thầm, và một cảm giác sợ hãi mà nàng hầu như chưa bao giờ biết đến bỗng tràn ngập tâm hồn nàng. Nàng sợ không dám quay đầu lại nhìn, nàng có cảm giác như có ai đứng sau tấm bình phong, trong góc tường tối om. Và "ai" đây lại chính là quỉ Satan mà lại cũng chính là chàng - người đàn ông có vầng trán trắng trẻo, đôi lông mày đen, và đôi môi đỏ.

Nàng rung chuông gọi người hầu phòng và bảo chị ta ngủ lại trong phòng mình.
   
Cô Burien tối hôm ấy đi đi lại lại hồi lâu trong vườn ủ cây, bâng quơ chờ đợi một người nào không rõ, khi thì mỉm cười với một người vô hình, khi lại cảm động đến ứa nước mắt vì những lời nói tưởng tượng của người mẹ đáng thương trách móc cô sao đành sa ngã.
   
Công tước phu nhân nhỏ nhắn gắt người hầu gái dọn giường không kỹ, nằm nghiêng cũng không được, nắm sấp cũng chẳng xong. Nàng thấy năm thế nào cũng nặng nề, khó chịu. Cái bụng của nàng làm vướng víu. Chính hôm nay nó làm nàng thấy vướng víu hơn bất cứ lúc nào trước kia, vì sự có mặt của Anatol đã vụt đưa nàng trở về thời xưa cũ, khi nàng chưa như thế này, và cái gì cũng đều nhẹ nhàng vui vẻ. Nàng mặc áo dài thụng và đội mũ vải mềm ngồi ghế bành. Katya mắt ríu lại vì buồn ngủ, bím tóc rối bời bời, đang rũ và lật lại một lần thứ ba chiếc đệm độn lông chim nặng trĩu, mồm lẩm bẩm cái gì không rõ.

- Tôi đã bảo chị là chỗ nào cũng lổn nhổn, chỗ lồi, chỗ lõm, - Công tước phu nhân nhắc lại - Thật ra tôi cũng muốn ngủ lắm chứ; có phải tại tôi muốn gây ra đâu… - và giọng nói của nàng run run như giọng đứa trẻ sắp khóc như vậy, cho nên vẫn thản nhiên khi bắt gặp cái nhìn giận dữ có ý dò hỏi trên khuôn mặt vừa ló ra khỏi chiếc áo sơ mi.

- Họ ngủ rồi à? - Công tước hỏi.
   
Cũng như tất cả những người đầy tớ tốt, Tikhôn đoán biết được hướng tư tưởng của chủ. Lão biết rằng công tước đang hỏi về cha con công tước Vaxili.

- Dạ bẩm công tước, hai vị đã tắt đèn đi ngủ rồi ạ.

- Đến làm gì, đến làm gì kia chứ… - Công tước nói nhanh; rồi sau khi xỏ chân vào giày vải và khoác áo choàng, công tước bước về phía trước đi-văng ông vẫn thường nằm ngủ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:43:51 pm
Tuy giữa Anatol và cô Burien chưa ai nói gì với ai, họ đã hoàn toàn hiểu nhau về phần đầu của thiên tiểu thuyết, trước khi bà mẹ đáng thương xuất hiện; họ hiểu rằng họ cần nói riêng với nhau rất nhiều, cho nên từ sáng sớm họ đã tìm cơ hội gặp riêng nhau. Trong khi tiểu thư công tước Maria đến giờ thường lệ đang đi đến phòng cha thì cô Burien cùng đi với Anatol xuống vườn ủ cây.
   
Sáng hôm sau ấy, khi tiểu thư Maria đến cửa phòng làm việc của cha, nàng run rẩy khác thường. Nàng có cảm giác là mọi người không những đều biết là hôm nay số phận của nàng sẽ định đoạt, mà còn biết những ý nghĩ của nàng về việc đó. Nàng thấy rõ điều đó trên vẻ mặt của Tikhôn và của người hầu phòng công tước Vaxili đang bưng nước nóng đi trong hành lang và cúi chào rất thấp khi gặp nàng.
     
Sáng hôm nay, khi tiếp con gái, lão công tước có một thái độ hết sức ân cần và dịu dàng. Cái thái độ ân cần tiểu thư Maria biết rất rõ. Đó chính là cái thái độ thường thấy trên gương mặt của công tước những lúc hai bàn tay khẳng khiu của ông nắm lại thành quả đấm bực tức về chỗ tiểu thư Maria không hiểu được một bài tính số học và lão công tước đứng dậy bước ra cách nàng một quãng, khẽ nhắc lại vài lân những lời giảng giải, không thay đổi lấy một chữ.

Công tước lập tức đi thẳng vào việc và bắt đầu nói: gọi tiểu thư Maria bằng "cô".

Họ vừa có lời hỏi tôi về vấn đề hôn nhân của cô đấy. - Công tước vừa nói vừa mỉm cười gượng gạo. - Tôi chắc cô đã đoán biết rằng công tước Vaxili đến đây đem theo cả cậu môn sinh (không hiểu tại sao công tước Nikolai Andreyevich lại gọi Anatol là môn sinh) không phải vì đôi mắt đẹp của tôi. Hôm qua họ có lời dạm hỏi cô. Và vì cô cũng biết những nguyên tắc của tôi, tôi xin nói lại để cô rõ.

- Thưa cha, con không biết nên hiểu ý cha như thế nào ạ, - công tước tiểu thư nói, mặt tái nhợt đi rồi lại đỏ ửng lên.

- Hiểu như thế nào à? - Công tước giận dữ quát lớn - Công tước Vaxili cho rằng mày về làm dâu thì rất hợp ý ông ta, cho nên đến dạm hỏi mày cho thằng môn sinh. Đấy hiểu như thế đấy, hiểu như thế nào à? Tao hỏi mày đấy.

- Con không được biết ý cha, - Công tước tiểu thư khẽ đáp.

- Tao à? Tao à? Tao cái gì? Tao thì hẵng cứ gạt ra một bên. Không phải tao đi lấy chồng. Còn cô? Đấy cái ấy mới cần biết chứ.
   
Công tước tiểu thư thấy rằng cha mình có ý không tán đồng việc này nhưng cũng trong giây phút ấy nàng lại có ý rằng số phận của đời nàng định đoạt ra sao chính là ở lúc này. Nàng cúi mặt xuống để tránh cái nhìn vẫn khiến nàng cảm thấy không sao có sức suy nghĩ, mà chỉ có thể phục tòng, theo thói quen, và nói:

- Con chỉ mong muốn có một điều, là làm theo ý cha, nhưng nếu cần phải bày tỏ ý muốn riêng của con…
   
Nàng không kịp nói hết, công tước đã ngắt lời:

- Hay lắm? - Ông quát. - Nó mang mày về cùng với số của hồi môn và nhân thể mang luôn cả con Burien. Con ấy sẽ là vợ nó, còn mày…

Công tước ngừng lại. Ông đã nhận thấy cái ấn tượng mà mấy lời này gây ra trong lòng con gái. Nàng cúi đầu, nghẹn ngào chỉ chực khóc.

- Nào, thôi cha đùa đấy, cha đùa đấy. - Công tước nói. - Công tước tiểu thư phải nhớ lấy một điều: ta vẫn giữ nguyên tắc là người con gái có toàn quyền lựa chọn. Ta cho con tự do đấy. Chỉ cần con nhớ lấy một điều: quyết định của con định đoạt cả hạnh phúc của đời con đấy. Còn ta thì không việc gì phải nói đến.

- Nhưng thưa cha, con không biết…

- Chả có gì phải nói nữa! Họ bảo nó lấy thì nó lấy thôi, chẳng phải nó chỉ lấy có mình mày, nó thì lấy ai cũng được, còn mày thì tuỳ ý lựa chọn… Về phòng mà suy nghĩ đi rồi một giờ nữa đến đây mà trả lời.
Trước mặt nó mày chỉ việc nói: có hay không. Tao biết thế nào về buồng mày cũng cầu nguyện. Thôi được, cầu thì cứ cầu. Nhưng tốt hơn là nên suy nghĩ đi. Thôi đi đi.
   
"Có hay không, có hay không, có hay không!" - Công tước còn quát với theo khi tiểu thư Maria đã ra khỏi phòng, bước lảo đảo như đi trong sương mù.
   
Số phận nàng đã được định đoạt, mà định đoạt một cách may mắn. Những điều cha nàng nói về cô Burien, lời ám chỉ đó khủng khiếp quá. Chắc là không đúng đâu, nhưng nó vẫn khủng khiếp quá, nàng không thể không nghĩ đến chuyện đó được. Nàng cứ thẳng phía trước mặt mà đi qua khu vườn ủ cây, chẳng trông thấy gì, mà cũng chẳng nghe thấy gì hết. Bỗng tiếng nói thì thầm quen thuộc của cô Burien làm nàng sực tỉnh. Nàng nhìn lên và cách mình hai bước, nàng thấy Anatol đang ôm cô gái người Pháp và nói thầm với cô ta một câu gì không rõ. Anatol chợt trông thấy nàng và trên khuôn mặt tuấn tú của chàng hiện lên một vẻ rất dễ sợ. Trong giây phút bàng hoàng, chàng chưa kịp buông cô Burien ra còn cô ta thì lúc ấy vẫn chưa trông thấy tiểu thư Maria.
   
"Ai đấy? Tại sao? Khoan đã nào!" - Vẻ mặt của Anatol như muốn nói. Công tước tiểu thư Maria im lặng nhìn hai người. Nàng không hiểu nổi. Cuối cùng cô Burien kêu lên một tiếng và bỏ chạy, Anatol mỉm cười vui vẻ nghiêng mình chào công tước tiểu thư Maria tưởng chừng như chàng đang mời tiểu thư Maria cùng cười để chế nhạo cái việc kỳ quái vừa xảy ra, rồi Anatol nhún vai một cái, và đi vào khung cửa dẫn về phòng mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:44:47 pm
Một giờ sau, Tikhôn đến gọi công tước tiểu thư Maria đến gặp lão công tước và nói thêm rằng có cả công tước Vaxili Xergeyevich ở đấy nữa. Khi Tikhôn đến, công tước tiểu thư Maria đang ngồi trên chiếc đi-văng ở trong phòng riêng ôm cô Burien đang khóc sụt sùi công tước tiểu thư Maria vuốt nhẹ mái tóc của cô. Đôi mắt huyền diệu của nữ công tước, nay đã điềm đạm và sáng trong như cũ đang trìu mến và xót thương nhìn xuống gương mặt xinh xắn của cô Burien.

- Không thể được, tiểu thư ạ, tôi vĩnh viễn không còn được tiểu thư yêu thương nữa - cô Burien nói.

- Tại sao thế? Tôi càng yêu thương chị hơn bao giờ hết - công tước tiểu thư Maria nói - và tôi sẽ cố làm hết những việc thuộc quyền hạn của tôi để cho chị được hạnh phúc.

- Nhưng tiểu thư khinh tôi: tiểu thư là người trong trắng như vậy tiểu thư không bao giờ hiểu được phút lầm lạc của một tình yêu say đắm. Ôi, chỉ ái ngại cho ngưòi mẹ đáng thương của tôi…

Công tước tiểu thư Maria buồn rầu mỉm cười đáp:

- Tôi hiểu hết, chị cứ bình tâm lại, chị ạ. Tôi sang phòng cha một chút. - Nói đoạn, tiểu thư đi ra.
   
Khi nàng bước vào phòng cha, công tước Vaxili, chân ghếch cao lên, tay cầm hộp thuốc lá, đang mỉm cưòi hiền lành, có vẻ xúc động đến cực điểm, nhưng lại dường như tự lấy làm tiết và có ý chế giễu cái tính dễ xúc động đó. Ông hấp tấp đưa một dúm thuốc lá bột lên mũi hít, đoạn đứng dậy và giơ tay ra nắm lấy hai tay nàng, nói:

- Ồ, tiểu thư ơi. - Công tước thở dài nói tiếp - Số phận của con tôi đang nằm trong tay tiểu thư đấy. Xin tiểu thư quyết định cho, nếu tiểu thư là người hiền hậu, dịu dàng là xưa nay tôi vẫn yêu quý tiểu thư như con gái tôi vậy.

Công tước Vaxili bước lùi lại. Một giọt nước mắt thật long lanh trên mắt ông.

- Kh… kh… - công tước Nikolai Andreyevich khịt mũi rồi nói -Công tước thay mặt cho cậu môn sinh… À cậu con trai đến dạm hỏi con. Con có bằng lòng làm vợ công tước Anatol Kuraghin hay không? Con hãy nói: có hay không - Công tước quát lên, - rồi sau đó cha tự giành cho mình quyền nói ý kiến của cha. - Đoạn ông quay sang phía công tước Vaxili nói thêm để đáp lại cái vẻ van lơn của ông ta - Phải ý kiến của tôi, và chỉ là ý kiến của tôi thôi. Thế nào, có hay không?

- Thưa cha, ước nguyện của con là không bao giờ rời bỏ cha, không bao giờ tách lìa đời con ra khỏi cha.
Con không lấy chồng, - Nàng đáp, giọng quyết liệt, đôi mắt đẹp dẽ của nàng nhìn thẳng vào công tước Vaxili và cha nàng.

- Vớ vẩn nào! Chuyện vớ vẩn! Vớ vẩn! - Công tước Nikolai Andreyevich cau mày kêu lên, rồi cầm tay tiểu thư Maria kéo vào lòng nhưng không hôn mà chỉ khẽ đưa trán chạm nhẹ vào trán nàng, và bóp chặt tay nàng đến nỗi nàng nhăn mặt khẽ kêu lên một tiếng.
   
Công tước Vaxili đứng dậy.

- Tiểu thư thân mến ạ, tôi xin nói với tiểu thư rằng đây sẽ là một phút mà tôi sẽ không bao giờ quên. Không bao giờ; nhưng chả nhẽ tiểu thư lại không cho chúng tôi được chút hy vọng là sẽ có ngày làm siêu được tấm lòng trung hậu, bao dung của tiểu thư sao? Xin tiểu thư nói cho rằng có lẽ… Tương lai rộng lắm… Xin tiểu thư nói cho hai chữ, có lẽ…

- Thưa công tước, điều mà tôi đã thưa là tất cả những gì tôi cảm nghĩ trong lòng. Tôi xin cảm tạ tấm thịnh tình của ngài, nhưng không bao giờ tôi có thể trở thành người vợ của con ngài.

- Thôi, thế là xong rồi đấy ông bạn ạ. Rất mừng được gặp ông, rất mừng. Thôi về phòng đi con, về đi. Rất mừng, rất mừng được gặp ông - lão công tước vừa nhắc đi nhắc lại vừa ôm hôn công tước Vaxili.
   
"Chí hướng của ta khác, - Công tước tiểu thư Maria, tự nhủ, chí hướng của ta là hưởng một hạnh phúc khác, hạnh phúc của tình thương và của sự hy sinh. Và dù có phải thế nào chăng nữa, ta cũng sẽ cố đem lại hạnh phúc cho chị Ameli đáng thương ấy. Chị ấy yêu chàng tha thiết quá. Chị ấy hối hận chân thành quá. Ta sẽ làm tất cả để thu xếp cho Ameli lấy được chàng. Nếu chàng không giàu, ta sẽ cấp của hồi môn cho Ameli, ta sẽ xin cha, ta sẽ xin anh Andrey. Khi nào chị ấy thành vợ chàng rồi, ta sẽ sung sướng đến nhường nào! Chị ấy khổ quá, xa lạ, cô đơn, không nơi nương tựa! Trời ơi, chị ấy chắc phải yêu chàng tha thiết lắm mới có thể mất tự chủ đến như vậy. Có lẽ ở địa vị Ameli ta cũng thế thôi…".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:45:49 pm
Phần III
Chương - 6

Gia đình Roxtov đã từ lâu không được tin tức gì về Nikolai và mãi đến giữa mùa đông, bá tước mới nhận được một bức thư. Đọc mấy chữ đề trên phong bì, bá tước nhận ra nét chữ của con trai.
     
Cầm bức thư trong tay, bá tước hốt hoảng và hấp tấp rón rén chạy vào phòng riêng, cố không để cho ai trông thấy mình. Vào phòng, bá tước đóng kín cửa lại và bắt đầu giở thư ra đọc. Anna Mikhailovna biết tin có bức thư (trong nhà có chuyện gì phu nhân cũng biết hết), liền rón rén bước vào phòng bá tước và bắt gặp ông ta đang cầm bức thư trong tay, vừa cười vừa khóc nấc lên.
   
Tuy công việc của Anna Mikhailovna đã thu xếp ổn thoả, phu nhân vẫn ở lại nhà bá tước Roxtov như cũ.

- Ông bạn ơi - phu nhân nói, giọng buồn buồn, và sẵn sàng tỏ lòng thương cảm.
Bá tước càng nấc to hơn.

- Cháu Nikolai, có thư, bị, bị thương, bà ạ, nó được thăng sĩ quan… đội ơn Chúa… làm thế nào nói với nhà tôi bây giờ…
   
Anna Mikhailovna ngồi xuống cạnh bá tước, lấy khăn tay lau mấy giọt nước mắt trên má ông và trên bức thư, rồi lau nước mắt của mình, đọc bức thư, an ủi bá tước và quyết định rằng trước bữa ăn trưa và bữa dùng trà bà sẽ chuẩn bị tinh thần cho bá tước phu nhân, và sau bữa trà thì sẽ kể hết cho phu nhân nghe, nếu Chúa trời phù hộ.

Suốt buổi trưa bà Anna Mikhailovna nói về những tin đồn từ mặt trận về Nikolai, bà hai lần hỏi xem cái thư cuối cùng của Nikolai gửi nhận được từ hôm nào, tuy bà đã biết rõ từ trước và nói rằng có thể hôm nay lại nhận được thư. Cứ mỗi lần nghe những lời nói xa xôi bóng gió ấy, bá tước phu nhân lại bắt đầu lo lắng đưa mắt nhìn bá tước hay nhìn Anna Mikhailovna nhưng bà này lại khéo lái câu chuyện sang vấn đề linh tinh khác. Cả nhà chỉ có Nasata là tinh nhất, có cái khiếu rất nhạy có thể cảm thấy ngay những sắc thái tinh vi trong giọng nói, trong cách nhìn và vé mặt của người khác. Từ đầu bữa ăn, Nasata đã vểnh tai nghe ngóng và biết rằng có chuyện gì về anh mình đây cho nên bà Anna Mikhailovna đang nói rào trước. Nasata biết rằng mẹ mình rất dễ xúc động mỗi khi có chuyện gì liên quan đến tin tức của Nikolai nên tuy vốn rất liều lĩnh, trong suốt bữa ăn, cô cũng không dám hỏi gì nhưng sốt ruột quá nên chẳng ăn uống gì cả, cứ loay hoay trở mình trên ghế, bất chấp những lời quở trách của cô gia sư. Sau bữa ăn, Nasata hối hả chạy theo bà Anna Mikhailovna, và đến phòng đi-văng thì nhân đà nhảy lên ôm lấy cổ bà ta.

- Dì ơi, dì yêu của cháu ơi, dì nói đi, cái gì thế hở dì?

- Có gì đâu cháu.

- Không, dì yêu dấu của cháu, con bồ câu của cháu, quả đào của cháu, cháu không buông dì ra đâu. Cháu biết rằng dì đã biết chuyện ấy.

Bà Anna Mikhailovna lắc đầu nói:

- Mà thật là một con bé rất tinh đấy, con ạ.

- Có thư của anh Nikolai à? Đúng rồi! - Natasa kêu lên; cô đã đọc thấy một câu trả lời khẳng định trên vẻ mặt của bà Anna Mikhailovna.

- Nhưng dì van cháu, phải cho cẩn thận; cháu cũng biết rằng việc này có thể làm cho mẹ cháu xúc động mạnh lắm đấy.

- Vâng, vâng, nhưng dì kể đi. Không kể à? Được, thế thì cháu đi nói với mẹ cháu ngay bây giờ.
   
Bà Anna Mikhailovna liền vắn tắt thuật lại cho Natasa nghe nội dung bức thư, dặn là đừng nói với ai cả. Natasa làm dấu thánh giá nói:

- Nhất định, cháu xin thề với dì như vậy, cháu không nói với ai đâu rồi lập tức chạy đi tìm Sonya.

- Anh Nikolai, bị thương, có thư - Natasa nói, giọng long trọng và mừng rỡ.

Sonya biến sắc đi, chỉ nói được mấy tiếng:

- Nikolai!
     
Natasa, thấy cái ấn tượng mà tin anh mình bị thương gây nên trong Sonya, bấy giờ mới cảm thấy rõ cái khía cạnh đáng buồn của tin tức này. Cô chồm lại ôm lấy Sonya mà khóc:

- Chỉ bị thương một chút, nhưng lại được thăng chức sĩ quan rồi, bây giờ anh ấy rất khoẻ rồi, chính tay anh ấy viết - Natasa, vừa khóc vừa nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:46:42 pm
Bây giờ Petya(1) đang hùng dũng từng bước lớn đi qua căn phòng, thấy vậy liền nói:

- Đấy thấy chưa, đàn bà các chị toàn là đồ hay khóc cả, em thì em mừng lắm, đúng thế, rất mừng rằng anh Nikolai đã có thành tích như vậy. Các chị thì chỉ hay khóc thôi. Các chị chả hiểu gì cả.
   
Natasa mỉm cười qua làn nước mắt.

- Cô chưa đọc bức thư à? - Sonya hỏi.

- Chưa đọc, nhưng dì ấy bảo là khỏi hẳn rồi, anh ấy bây giờ là sĩ quan…

- Đội ơn Chúa, - Sonya làm dấu thánh giá, nói - Nhưng cũng có thể dì ấy lừa cô đấy? Ta đến gặp mẹ đi.
   
Petya im lặng đi đi lại lại trong phòng.

- Em được như anh Nikolai thì em sẽ giết nhiều giặc Pháp hơn nữa, bọn chúng nó tồi hết sức. Em sẽ giết nhiều đến nỗi chất thành một đống to tướng! - Petya nói.

- Im đi Petya, mày ngốc lắm!

- Em không ngốc đâu, những người nào náo động một tí cũng khóc mới là người ngốc, - Petya nói.
   
Natasa im lặng một lát rồi nói:

- Chị có nhớ rõ anh ấy không?

Sonya mỉm cười:

- Mình có nhớ Nikolai không ấy à?

- Không phải thế, chị Sonya, chị có nhớ anh ấy rõ như thế này này, rõ đến nỗi cái gì cũng nhớ cả cơ, -
Natasa vừa nói vừa làm một cử chỉ, có vẻ như muốn cho những lời nói của mình có thêm một ý nghĩa thật trang nghiêm. - Em cũng nhớ anh Nikolai, em nhớ lắm. Còn Boris thì không, chẳng nhớ tí nào cả…

- Sao? Cô không nhớ Boris à? - Sonya ngạc nhiên hỏi.

- Không phải là em không nhớ, em biết anh ấy thế nào, nhưng không nhớ rõ như Nikolai đâu. Anh Nikolai thì em nhắm mắt lại là có thể nhớ rõ ra còn Boris thì không (Natasa nhắm mắt lại), đúng, chẳng thấy gì cả!

- Ồ! Natasa ạ! - Sonya nói, hai mắt hân hoan và trang trọng nhìn bạn, dường như nàng cho rằng Natasa không xứng đáng nghe những điều mình đang định nói, và dường như nàng nói điều ấy với một người khác, một nguời mà không thể nào đùa bỡn với họ được. - Một khi tôi đã yêu anh cô, thì dù có việc gì ảy đến với anh ấy, hay với tôi, suốt đời tình yêu của tôi cũng sẽ không bao giờ phai nhạt.
   
Natasa ngạc nhiên và tò mò nhìn Sonya rồi lặng thinh. Cô ta cảm thấy điều Sonya vừa nói là đúng sự thật, rằng quả có một thứ tình yêu đúng như Sonya nói, nhưng Natasa chưa hề cảm thấy một cái gì tương tự như thế. Cô tin rằng cái đó có thể có, nhưng cô không hiểu được, Natasa hỏi:

- Chị viết thư cho anh ấy chưa?
   
Sonya ngẫm nghĩ. Nên viết thư cho Nikolai như thế nào, và có cần viết cho anh ấy không, đó là một vấn đề đã day dứt nàng nhiều.

Bây giờ, Nikolai đã là sĩ quan, và lại là một anh hùng bị thương, mà nàng lại nhắc cho Nikolai nhớ đến mình, và dường như cũng nhắc đến lời cam kết của chàng đối với mình, thì như vậy có nên không?

Nàng đỏ mặt nói:

- Không biết; mình cho rằng anh ấy đã viết thì mình cũng sẽ viết.

- Thế chị viết cho anh ấy như vậy có thấy thẹn không?

Sonya mỉm cưòi:

- Không.

- Còn em mà viết thư cho Boris thì em thẹn lắm, không viết đâu!

- Sao lại thẹn kia chứ?

- Thì thế thôi, em không viết. Ngượng lắm, thẹn lắm.

Petya nãy giờ giận Natasa vì bị chị gọi là ngốc, liền lên tiếng:

- Em biết tại sao chị ấy lại thẹn rồi; chính là vì chị ta mê cái anh chàng to béo đeo kính kia (Petya vẫn thường gọi người trùng tên với mình, bá tước Bezukhov, là "anh chàng to béo đeo kính", bây giờ chị ta lại mê cái ông danh ca kia nữa (Petya muốn nói đến ông thầy người Ý dạy hát cho Natasa, ấy vì thế cho nên chị ta mới thẹn).

- Petya, mày ngốc lắm, - Natasa nói.

- Chả ngốc hơn chị đâu, chị ạ - cậu bé Petya lên chín nói, giọng đúng như giọng một ông đội già vậy.
     
Trong bữa ăn trưa bá tước phu nhân đã được chuẩn bị tinh thần bằng những lời nói xa xôi của bà Anna Mikhailovna. Trở về phòng riêng, phu nhân ngồi trên chiếc ghế bành, mắt đăm đăm nhìn bức chân dung thu nhỏ con trai khảm vào một chiếc hộp thuốc lá, nước mắt rưng rưng trên mi, bà Anna Mikhailovna tay cầm bức thư rón rén đến trước cửa phòng bá tước phu nhân và dừng lại. Bà nói với bá tước đang đi theo sau:

- Đừng vào, chốc nữa hẵng hay, - rồi vào phòng đóng cửa lại.
   
Bá tước áp tai vào ồ khoá, bắt đầu nghe ngóng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:47:33 pm
Lúc đầu ông nghe thấy tiếng nói chuyện bình thản, rồi sau đó chỉ nghe tiếng bà Anna Mikhailovna đang nói một hơi dài, rồi một tiếng kêu, sau đó im lặng một lát, rồi tiếp đến cả hai người cùng nói một lúc, giọng vui mừng, rồi lại nghe có tiếng bước chân, và bà Anna Mikhailovna ra mở cửa cho bá tước vào. Trên gương mặt bà Anna Mikhailovna có cái vẻ kiêu hãnh của một nhà phẫu thuật sau khi đã hoàn thành một cuộc mổ xẻ khó khăn, đưa công chúng vào thưởng thức nghệ thuật của mình.

- Xong rồi! - Bà Anna Mikhailovna chỉ bá tước phu nhân nói, giọng long trọng. Bấy giờ phu nhân một tay cầm chiếc hộp thuốc lá có khắc bức chân dung, tay kia cầm bức thư, đang lần lượt áp môi vào chiếc hộp, rồi cầm bức thư.
   
Trông thấy bá tước, phu nhân đưa hai tay về phía chồng ôm hôn mái đầu hói của ông, rồi ngẩng nhìn bức chân dung và bức thư qua cái đầu hói ấy, rồi lại đẩy cái đầu hói ra một chút để áp hai vật ấy vào môi. Vera, Natasa, Sonya vào phòng, và cuộc tuyên đọc bức thư bắt đầu. Trong thư có tả lại vắn tắt cuộc hành quân và hai trận đánh mà Nikolai đã tham dự, kể lại việc chàng được thăng sĩ quan, và có nói rằng chàng xin hôn tay mẹ và ba, xin cha mẹ cầu phúc cho chàng, và hôn Vera, Natasa, Petya. Ngoài ra, chàng còn gửi lời chào ông Sêling và Sôt và u già, và ngoài ra, chàng xin mọi người thay chàng hôn em Sonya yêu quý, mà chàng vẫn yêu và nhớ như xưa.
   
Nghe đến đây, Sonya đỏ mặt đến ứa nước mắt ra. Và không đủ sức chịu đựng những đôi mắt đổ dồn về phía nàng. Sonya chạy ra phòng ngoài, nhảy nhót, quay tròn, rồi ngồi thụp xuống nền nhà, làm cho chiếc áo dài của nàng phồng lên như quả bóng lớn, khuôn mặt tươi cười ửng đỏ.  Bá tước phu nhân khóc.

- Sao mẹ lại khóc? - Vera nói - Cứ như anh ấy viết đây thì phải mừng, chứ sao lại khóc. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng cả bá tước bá tước phu nhân và Natara nữa - mọi người đều nhìn Vera có ý trách móc. "Nó giống tính ai thế không biết!" - bá tước phu nhân thầm nghĩ.
   
Bức thư của Nikolai được đọc lại hàng trăm lần, và hễ người nào được coi là xứng đáng được nghe thư đều phải đến gặp bá tước phu nhân, phu nhân không lúc nào rời bức thư.
   
Các gia sư, các bà vú em, cậu Mitynka một số người quen đều lần lượt đến và cứ mỗi lần như thế là bá tước phu nhân lại đọc bức thư lên với một cái thú mới mẻ, và mỗi lần như vậy phu nhân lại phát hiện thêm được những đức tính mới ở thằng Nikolai yêu quý của mình. Phu nhân thấy đây là một điều kỳ lạ, phi thường, đáng mừng hết sức: đứa con trai của phu nhân, chính đứa con bé bỏng hai mươi năm trước đây còn cựa quậy rất khẽ trong lòng bà, đứa con đã làm cho bà có lần cãi nhau với ông bố hay qua nuông chiều, đứa con đã học nói được chữ "grusa"(2) trước tiên, rồi đến chữ "ba ba", đứa con ấy ngày nay trên đất khách, trong một môi trường xa lạ, đã là một chiến sĩ dũng cảm, một mình, không ai giúp dỡ, hướng dẫn, đứa con ấy đang làm nhiệm vụ của một đấng trượng phu. Tất cả cái kinh nghiệm tích luỹ hàng bao nhiêu thế kỷ của loài người dạy rằng đứa trẻ nằm trong nôi một mai phải trở thành người đàn ông, cái kinh nghiệm đó đối với phu nhân hình như không có nữa.
   
Mỗi thời kỳ lớn lên của đứa con trai ấy phu nhân thấy là phi thường, tưởng chừng như xưa nay chưa từng có hàng triệu triệu người cũng lớn lên như vậy. Hai mươi năm trước đây, phu nhân thấy khó mà tin rằng cái sinh vật nhỏ bé đang sống đâu ở phía dưới trái tim mình, lại có thể có ngày khóc oa oa lên và bập vào vú mình, rồi lại có ngày bắt đầu nói: thì bây giờ cũng vậy phu nhân cũng khó tin rằng cái sinh vật ấy lại có thể là một người đàn ông cường tráng, can đảm, một đứa con và một người gương mẫu, như qua bức thư có thể đoán biết.
   
Văn mới hay làm sao, nó viết thư thật dễ thương quá! - Phu nhân nói khi đọc đoạn miêu tả trong thư. - Tâm hồn thật là cao thượng! Không nói về mình lấy một lời… không có lấy một lời! Chỉ thấy nói đến một anh Denixov nào đấy, nhưng nhất định nó mới là người dũng cảm nhất. Không hề viết lấy một lời về những nỗi khổ cực của mình. Thật là một tấm lòng vàng! Đúng tính nó quá! Ai nó cũng nhớ, không hề quên một người nào. Xưa nay tôi vẫn bảo mà, ngay từ khi nó hãy còn bằng ngần này này, tôi vẫn bảo là…

Hơn một tuần lễ họ chuẩn bị, viết nháp rồi chép sạch lại những bức thư của cả nhà gửi cho Nikolai: vợ chồng bá tước lo toan việc góp nhặt đồ đạc và tiền nong để sắm quân phục và đồ dùng cho chàng sĩ quan mới nhận chức. Bà Anna Mikhailovna là một người đàn bà rất đảm đang, bà đã tìm được người che chở cho bà và con trai bà trong quân đội ngay cả về phương diện thư từ nữa. Bà đã có dịp gửi thư cho đại công tước Konxtantin Pavlovich bấy giờ là tư lệnh vệ quân. Gia đình Roxtov đoán rằng cận vệ quân Nga ở ngoại quốc là một địa chỉ hoàn toàn minh xác, và nếu bức thư đến tay đại công tước tư lệnh vệ quân, thì không có lý do gì nó lại không đến được trung đoàn Pavlograd, vì đơn vị này tất nhiên phải đóng quân ở đâu gần đấy thôi; cho nên họ quyết định gửi thư và tiền cho Boris qua đường thư tín của đại công tước, và Boris sẽ chuyển lại cho Nikolai. Bá tước Roxtov, bá tước phu nhân, Petya, Vera, Natasa, Sonya đều có thư gửi cho Nikolai và sau cùng là lão bá tước cho con trai sáu nghìn rúp để sắm quân trang và các thứ đồ dùng.

===============================================

Chú thích:

(1) Petya là cách gọi âu yếm tên Piotr. Pie cũng là tên Piotr gọi theo kiểu Pháp (Piere).

(2) Quả lê.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:53:06 pm
Phần III
Chương - 7

Ngày mười hai tháng mười một đạo quân đã chiến của Kutuzov bấy giờ đã hạ trại ở gần Olmuytx, chuẩn bị hôm sau sẽ nghênh tiếp hai vị hoàng đế - Nga và Áo - tới duyệt binh. Quân cận vệ vừa mới ở Nga điều động sang, hạ trại nghỉ đêm ở cách Olmuytx mười lăm dặm và đến hôm sau kéo thẳng tới dự cuộc điểm binh. Vào khoảng chín giờ sáng quân cận vệ tiến vào cánh đồng Olmuytx.
   
Ngày hôm ấy Nikolai Roxtov nhận được một mảnh giấy của Boris báo tin trung đoàn Izmail sẽ nghỉ đêm cách Olmuytx mười lăm dặm, và Boris nhắn Nikolai đến để trao thư và tiền. Nikolai bấy giờ đang rất cần tiền, vì quân đội đi chiến dịch về đến đóng quân ở gần Olmuytx, những người bán hàng ăn và những người Do Thái ở Áo mang đủ các thứ hàng hấp dẫn đến bán, chật cả doanh trại. Binh sĩ trung đoàn Pavlograd mở tiệc liên tiếp mừng những cuộc khen thưởng vừa nhận được nhân chiến dịch vừa qua và rủ nhau đến Olmuytx để vào hàng bà Karolina, một người đàn bà Hung vừa đến mở quán rượu ở Olmuytx, toàn do phụ nữ hầu bàn. Roxtov vừa ăn mừng được thăng chức thiếu uý, chàng lại mua con ngựa Bezun của Denixov cho nên mắc nợ các bạn và các chủ quán rất nhiều.
   
Nhận được giấy của Boris, Roxtov rủ một người bạn đến Olmuytx, ăn chiều ở đấy, uống một chai rượu vang và một mình đến doanh trại quân cận vệ tìm người bạn cũ. Roxtov chưa kịp sắm quân phục mới. Chàng mặc một chiếc áo đôn-man của cấp chuẩn uý đã sờn cũ có đeo huân chương chữ thập của binh sĩ, một chiếc quần đũng da, đeo một thanh gươm sĩ quan ở chiếc thắt lưng to bản; con ngựa chàng cười là ngựa giống sông Đông, mua của một người cô-dắc trong chiến dịch; cái mũ phiêu kỵ dúm đó đội hất ra phía sau và lệch sang một bên trông rất ngang tàng. Khi đến gần doanh trại của trung đoàn Izmail chàng nghĩ đến lúc Boris và tất cả các bạn đồng ngũ của anh ta trong quân cận vệ phải trố mắt mà nhìn cái dáng dấp khinh kỵ thiện chiến và dạn dày lửa đạn của chàng.
   
Quân cận vệ đã trải qua chiến dịch như qua một cuộc du ngoạn, hãnh diện phô trương vẻ sạch sẽ và kỷ luật của mình. Hành quân thì ngắt quãng, bạc đà thì cho xe trở đi. Cứ mỗi lần trú quân, Bộ tư lệnh Áo lại thết các sĩ quan những bữa tiệc rất hậu. Các trung đoàn khi tiến vào các thành phố hoặc khi rút đi đều có kèn trống tưng bừng, và trong suốt chiến dịch (binh sĩ cận vệ rất hãnh diện về điều này) theo lệnh của đại công tước, các đội ngũ bao giờ cũng đi đều bước các sĩ quan đi bộ ở vị trí của mình bên cạnh đơn vị. Trong suốt thời gian hành quân, Boris đi với Berg, bấy giờ đã là đại đội trưởng.
   
Trong thời gian chiến dịch, Berg được cử lên chỉ huy một đại đội, nhờ tác phong cẩn thận, chu đáo chàng đã được cấp trên tin cậy và đã thu xếp được các công việc kinh tế của mình một cách rất có lợi;
   
Boris trong thời gian chiến dịch đã làm quen với nhiều người có thể có ích cho chàng, và nhờ một bức thư giới thiệu của Piotr mà chàng mang theo, Boris đã làm quen được với công tước Andrey Bolkonxki. Chàng hy vọng nhờ Andrey xin cho một chỗ làm trong bộ tham mưu của tướng Tổng tư lệnh.
   
Berg và Boris, y phục chỉnh tề và sạch sẽ, đã được nghỉ ngơi lại sức sau cuộc hành quân ban ngày vừa qua, đang ngồi trước một chiếc bàn tròn đánh cờ với nhau trong một gian phòng sạch sẽ giành riêng cho hai người. Berg hai bàn tay đặt giữa hai đầu gối cầm một tẩu thuốc bôc khói. Boris, với dáng điệu cẩn thận đặc biệt của chàng, đang lấy hai bàn tay trắng trẻ và thon nhỏ xếp các quân cờ đã ăn được thành hình cái tháp, đợi nước cờ của Berg, mắt nhìn vào mặt của đối thủ; có thể thấy rõ rằng chàng đang nghĩ đến ván cờ, cũng như thường lệ, chàng bao giờ cũng chỉ nghĩ đến việc mình đang làm.

- Thế nào, anh liệu đi cách nào để thoát ra khỏi các thế bí này đây? - Boris nói.

- Để cố nghĩ xem, - Berg đáp, tay đưa lên chạm vào quân cờ, rồi lại buông xuống.

Vừa lúc ấy cánh cửa mở toang.

- Đây rồi! - Roxtov reo lên. - Lại có cả Berg nữa! Chà Boris, pơti - zănfăng, alêcusê đormir!(1) - Chàng nói lớn, lặp lại câu nói của bà vú em mà hai người đã từng cười với nhau hồi trước.

- Trời ơi cậu thay đổi nhiều quá! - Boris đứng dậy đón Roxtov, nhưng khi đứng dậy cũng không quên dỡ mấy quân cờ rơi xuống đặt lại chỗ cũ, và toan ôm lấy bạn, nhưng Nikolai né người lùi lại.
   
Tuổi trẻ thường có một tình cảm dặc hiệt là sợ những con đường quá mòn, họ không bắt chước ai cả, muốn biểu hiện tình cảm theo một lối mới, theo lối riêng của họ, miễn sao đừng giống cái lối bày tỏ của các bậc cha anh, vốn thường giả dối. Nikolai muốn làm một điều gì thật đặc biệt khi gặp bạn, chàng muốn véo bạn, xô bạn thế nào đấy, nhưng làm sao đừng có ôm hôn như mọi người thường khác làm. Boris thì ngược lại chàng điềm tĩnh và thân mật ôm lấy Roxtov và hôn bạn ba lần.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:54:03 pm
Gần nửa năm nay họ không gặp nhau; vào cái tuổi mà những người thanh niên bước những bước đầu tiên trên đường đời, cả hai đều thấy ở bạn mình có những sự thay đổi thật lớn lao, những điểm hoàn toàn mới phản ánh cái môi trường trong đó họ đã bước những bước đầu tỉên. Cả hai đều thay đổi rất nhiều từ dạo gặp nhau lần cuối cùng, và cả hai đều muốn kể ngay cho nhau nghe những sự biến đổi đã diễn ra trong con người mình.

- Chà các anh thật là những tay công tử! Sạch sẽ bảnh bao như đi dạo mát ấy, không phải như bọn lính chiến đấu chúng tôi - Roxtov nói với một giọng ồ ồ và những lời nói cục cằn của con nhà lính rất mới lạ đối với Boris, vừa nói vừa chỉ ống quần ngựa lấm bùn của mình.

Cô chủ nhà người Đức nghe tiếng Roxtov nói oang oang liền thò đầu ra cửa nhìn.

- Thế nào, xinh đấy chứ ạ? - Nikolai nháy mắt nói.

- Cậu quát gì mà to thế? - Cậu làm họ phát hoảng lên đấy. - Boris nói. - Mình không ngờ cậu lại đến hôm nay. Mãi hôm nay mình mới trao bức thư cho một viên sĩ quan phụ tá của Kutuzov và Bolkonxki mà mình có quen, nhờ đưa lại cho cậu. Mình không ngờ anh ta lại trao cho cậu được sớm thế… thế nào, cậu ra sao? Đã xông pha lửa đạn rồi đấy à? - Boris hỏi.
   
Roxtov không đáp, chỉ đưa tay vỗ vỗ chiếc huân chương chữ thập Thánh George đeo trên dải áo và chỉ vào cánh tay băng bó, nhìn Berg mỉm cười.

- Cậu thấy đấy, - Roxtov nói.

- À ra thế! - Boris mỉm cười nói. - còn chúng mình cũng được một chiến dịch thật ra trò. Chắc cậu cũng biết rằng đại công tước hoàng đế luôn luôn cùng đi với trung đoàn chúng mình, cho nên bọn mình tha hồ hưởng đủ các thứ tiện nghi và phúc lợi. Ở Ba Lan chúng mình được những bữa tiệc chiêu dãi, tiệc tùng, khiêu vũ thật ra trò, mình không thể kể cho cậu nghe hết được? Hoàng đế dối xử với tất cả các sĩ quan chúng mình rất tử tế.
   
Và hai người bạn kể cho nhau nghe, người thì kể những trò ngô nghịch theo kiểu con nhà kỵ binh và cuộc đời chiến đấu của mình, người thì kể lại những cái thích thú và những món lợi lộc mà người ta được hưởng khi tòng ngũ dười quyền chỉ huy của những nhân vật cao cấp.

- Chà, quân cận vệ? - Roxtov nói. - À này, cậu bảo kiếm rượu về uống đi.

Boris cau mày:

- Nếu cậu nhất định muốn uống thì cũng được, - rồi Boris lại giường lấy dưới mấy chiếc gối trắng tinh ra một cái ví tiền và sai người đi mua rượu.

- Phải, để đưa tiền và thư cho cậu luôn, - chàng nói thêm.
   
Roxtov cầm lấy bức thư rồi vứt món tiền lên đi văng, chống hai khuỷu tay lên bàn và bắt đầu đọc. Chàng xem qua vài dòng vừa đưa mắt bực bội nhìn Berg. Bắt gặp mắt Berg bấy giờ cũng đang nhìn sang, Roxtov lấy thư che mặt lại.

Berg nhìn vào cái túi tiền nặng đè lún xuống đệm đi-văng nói:

- Họ gửi cho cậu nhiều tiền ra phết nhỉ. Còn như chúng mình chỉ biết trông vào đồng lương đấy thôi, bá tước ạ. Mình cũng xin nói rằng về phần mình…

Roxtov nói:

- Này, Berg, anh bạn ạ, khi anh được thư nhà và gặp được người quen, đang muốn hỏi đủ các thứ chuyện, mà tôi lại tình cờ ngồi đấy thì tôi sẽ bỏ đi chỗ khác ngay để khỏi làm phiền các anh. Thế thì anh cũng vậy, xin anh đi chỗ khác cho một chút đi đâu cũng được đi về nhà ma cũng được! - Roxtov quát, rồi lập tức nắm lấy vai Berg và dịu dàng nhìn vào mặt anh ta, có vẻ như muốn làm cho những lời lẽ cục cằn của mình bớt thô bạo. Chàng nói thêm - Anh ạ anh đừng giận nhé; anh bạn ạ, anh bạn rất quý ạ, đây là tôi thật bụng nói thẳng với anh như với một người quen biết đã lâu.

- À! Không sao đâu bá tước ạ, tôi hiểu lắm, - Berg đứng dậy, nói bằng giọng cổ.

- Anh vào nhà đi, gia đình chủ, mời anh vào đấy. - Boris nói thêm.
     
Berg mặc lên người một chiếc áo sạch bong, không dây lấy một hạt bụi, ra đứng trước tấm gương vén hai mớ tóc mai lên phía thái dương giống như vua Alekxandr Pavlovich và thấy Roxtov nhìn chiếc áo có vẻ chú ý, Berg nở nụ cười nhã nhặn bước ra khỏi phòng.
   
Roxtov đọc thư, miệng lẩm bẩm:

- Bậy quá, mình thật là đồ súc vật!

- Sao?

- Chà, mình thật là con lợn chứ không phải mình viết thư lần nào ở nhà lo quá thế này. Chà, mình thật là đồ con lợn! - Roxtov nhắc lại, mặt bỗng ửng đỏ. - Kìa, bảo Gavrlo đi kiếm rượu đi chứ! Ta nốc một chầu!
Trong các bức thư ở nhà gửi đến cho Roxtov có kèm thêm cả một bức thư này là do bá tước phu nhân theo, lời khuyên của bà Anna Mikhailovna nhờ người quen xin hộ, và gửi cho Nikolai, bảo chàng đưa tới công tước Bagration để ông ta che chở cho.

- Thật là vớ vẩn! Mình cần quái gì - Roxtov nói đoạn vứt bức thư xuống dưới bàn.

- Sao lại vứt đi thế? - Boris hỏi.

- Thư giới thiệu giới thiếc gì ấy mà, mình việc quái gì phải cần đến nó?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:55:05 pm
Boris nhặt bức thư lên dọc mấy chữ đề bì rồi nói:

- Sao lại việc quái gì? Bức thư này cậu cần lắm đấy?

- Mình chẳng cần gì cả: mình chả đi làm phụ tá cho ai hết!

- Tại sao thế? - Boris hỏi.

- Cái nghề đi làm đầy tớ cho người ta ấy mà!

Boris lắc đầu nói:

- Cậu vẫn cứ mơ mộng như xưa.

- Còn cậu thì vẫn là một nhà ngoại giao như trước. Nhưng thôi, không nói đến chuyện ấy. Nào, cậu ra sao?

- Roxtov hỏi.

- Cậu thấy rồi đấy thôi. Cho đến nay thì công việc đều ổn thoả cả nhưng thú thực là mình rất mong được làm sĩ quan phụ tá, chứ đừng ra trận.

- Tại sao thế?

- Tại vì một khi đã chọn con đường quân sự thì phải cố gắng làm sao gây dựng được sự nghiệp cho rạng rỡ.

- Phải, chính thế đấy! - Roxtov nói, nhưng hình như tâm trí đang nghĩ đến chuyện khác.

Chàng nhìn chăm chăm vào mặt bạn có ý dò hỏi, hình như đang tìm cách giải quyết một vấn đề gì tìm mãi không ra.

Lão Gavrilo mang rượu ra. Boris nói:

- Bây giờ thì cho đi gọi Alfonx Karlyts đến nhé? Cậu ta sẽ uống rượu với cậu, còn mình thì chịu thôi.

- Được được! Sao, cậu thấy cái thằng Đức ranh ấy thế nào?

Roxtov mỉm cười khinh bỉ nói:

- Cậu ấy rất tốt, rất tốt, một con người trung thực và rất dễ chịu.
   
Roxtov lại nhìn chăm chăm vào mặt Boris một lần nữa và thở dài. Berg trở lại, và bên chai rượu, câu chuyện giữa ba người sĩ quan trở nên rất rôm rả. Hai người sĩ quan cận vệ kể lại cho Roxtov nghe chuyện chiến dịch của mình, chuyện những cuộc chiêu đãi ở Nga, ở Ba Lan và nước ngoài. Họ kể những lời lẽ và hành động của thủ trưởng họ là đại công tước, những mẩu chuyện giai thoại về tính hiền hậu mà nóng nẩy của ông ta. Cũng như thường lệ, Berg im lặng khi câu chuyện không dính đến bản thân anh ta, nhưng những mẩu giai thoại về tính nóng nẩy của đại công tước, anh ta khoái trá kể rằng ở Galixi anh ta đã có dịp nói chuyện với đại công tước khi ngài đi kiểm tra các trung đoàn và nổi trận lôi đình vì các đơn vị chuyển quân không đúng. Với một nụ cười hoà nhã trên môi, Berg kể rằng đại công tước lúc đó giận lắm; ngài thúc ngựa lại gần anh ta và quát: "Arnaut (2)(là tiếng văng tục ưa thích của hoàng đế khi nổi giận) và đòi gặp đại đội trưởng ngay". Bá tước có tin được không hả, tôi chẳng sợ một tí nào, vì tôi biết mình phải. Chẳng phải tôi khoe khoang đâu bá tước ạ, nhưng tôi cũng có thể nói rằng tôi thuộc lòng các mệnh lệnh của trung đoàn, còn điều lệ thì tôi thuộc chẳng kém gì kinh Lạy cha chúng tôi ở trên trời, vì thế cho nên trong đại đội tôi không bao giờ có điều gì cẩu thả đâu bá tước ạ. Ấy thế là lương tâm tôi rất thanh thản. Tôi liền ra mắt đại công tước (Berg nhổm dậy và đưa tay lên ngang mày như khi đang ở trước mặt đại công tước. Quả thật khó lòng mà có được tư thế lễ phép và tự mãn hơn). Thế là ngài liền "xạc" tôi như người ta thường nói: nào "arnaut", nào là "đồ quỉ sứ", nào là "đáng đày đi Xibir cả" chẳng thiếu thứ gì - Berg nói, miệng mỉm cười thâm thuý - Tôi biết mình phải, nên tôi cứ làm thinh, thế có phải không bá tước? "Thế nào, anh câm rồi hả?" ngài quát. Tôi vẫn lắng thinh. Anh nghĩ thế nào, hả bá tước? Hôm sau trong bản nhật lệnh chẳng nhắc đến một câu nào; đấy, như thế mới gọi là tỉnh trí chứ! Thế đấy bá tước ạ. - Berg kết luận, hút một hơi thuốc và phì khói ra thành vòng tròn.

- Vâng, rất may. - Roxtov mỉm cười nói.

Nhưng Boris nhận thấy Roxtov đang sắp chế giễu Berg liền khéo léo lái câu chuyện sang hướng khác. Chàng bảo Roxtov thuật lại chuyện anh ta bị thương ra sao và ở chỗ nào, Roxtov thích lắm, liền bắt đầu kể, càng kể lại càng hăng. Anh ta thuật lại chuyện mình tham dự trận Songraben hoàn toàn giống như những người có tham gia một trận chiến đấu tường thuật lại, nghĩa là mình muốn cho trận đó diễn ra như thế nào thì thuật lại như thế, mình nghe người khác kể lại như thế nào thì kể lại như thế, kể thế nào cho thật hay thì kể, chứ tuyệt nhiên không theo đúng sự thật. Roxtov là một chàng thanh niên thành thực, chàng không đời nào đi nói dối một cách có chủ tâm. Khi bắt đầu kể, chàng có ý định là sẽ thuật lại đúng sự thật, nhưng dần dà chàng bỗng dưng chuyển sang kể khác hẳn từ lúc nào chàng cũng không biết. Những người nghe chàng kể cũng như bản thân chàng, đã nhiều lần nghe những câu chuyện thuật lại các trận xung kích và đã có một khái niệm nhất định về vấn đề thế nào là một trận xung kích và hễ khi nghe kể, thì nhất định họ chờ đợi nghe một câu chuyện đúng y như thế. Cho nên giả sử Roxtov thuật lại sự thật cho họ nghe, họ sẽ không tin chàng hay tệ hơn nữa, lại nghĩ rằng chính vì chàng kém cỏi thế nào cho nên mới không gặp những chuyện mà những người kể chuyện khác vẫn thường gặp trong những cuộc xung kích của kỵ binh. Không lẽ chàng lại kể một cách giản đơn rằng đơn vị chàng phóng nước kiệu, chàng bị ngã ngựa, bị sái tay và ba chân bốn cẳng chạy vào rừng để trốn quân Pháp, muốn kể đúng y như sự thật, thì phải cố kiềm giữ mình lại để chỉ kể những điều có xảy ra thật mà thôi. Kể đúng sự thật rất khó, thanh niên ít người làm được. Boris và Berg đợi nghe chàng kể rằng máu chàng sôi sục lên, chàng say sưa quên mình lao vào đội ngũ hình vuông của địch như một trận cuồng phong; chàng len vào giữa quân địch chém bên trái, phạt bên phải: gươm chàng đã nếm mùi thịt người và chàng mệt lả ra, vân vân, vân vân. Cho nên chàng kể lại cho họ nghe đúng như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Mười Hai, 2010, 09:56:08 pm
Giữa những câu chuyện, trong khi Roxtov đang nói: "Cậu không thể tưởng tượng cái cảm giác điên cuồng kỳ lạ mà người ta cảm thấy khi xung phong" thì công tước Andrey Bolkonxki bước vào phòng. Công tước Andrey vốn thích có những quan hệ bề trên với những người thanh niên, và lấy làm thích thú khi họ cầu xin mình che chở cho. Boris hôm trước đã khéo léo lấy lòng được công tước Andrey, cho nên chàng có thiện cảm với Boris và muốn chiều ý anh ta. Được Kutuzov phái đi đưa công văn cho hoàng đế, chàng ghé chỗ Boris hy vọng sẽ được gặp anh ta một mình. Khi bước vào phòng và trông thấy anh chàng phiêu kỵ đang kể lại chuyện đánh nhau (loại người này công tước Andrey không sao chịu nổi), chàng dịu dàng mỉm cười với Boris, cau mày, nheo nheo đôi mắt nhìn Berg và hơi nghiêng mình chào, rồi uể oải và lười biếng ngồi xuống đi văng. Chàng lấy làm khó chịu và tình cờ gặp phải cái anh phiêu kỵ ba hoa này, Roxtov hiểu ý đỏ mặt. Nhưng chàng cũng chẳng cần: đó chỉ là một người lạ. Tuy vậy khi nhìn sang Boris, chàng thấy anh ta hình như đang xấu hổ vì ông bạn phiêu kỵ đã chiến này.
   
Mặc dầu công tước Andrey vừa rồi có một giọng nói giễu cợt khó chịu, mặc dầu nói chung Roxtov theo cái nhìn của bộ đội chiến đấu rất coi thường bọn sĩ quan tham mưu - chàng đoán chắc người mới vào cũng thuộc hạng này - chàng vẫn thấy ngượng; chàng đỏ mặt và im bặt. Boris hỏi trong bộ tham mưu có tin gì mới không, và nếu hỏi như thế này không đến nỗi quá thất thố, thì công tước có nghe nói gì về những dự định của quân ta không.

- Có lẽ cũng định sẽ tiến quân thì phải, - Bolkonxki đáp. Hình như trước mặt người lạ, chàng không muốn nói gì nhiều hơn.

Berg thừa dịp liền hỏi với một giọng rất lễ độ xem có phải đúng như người ta nói là sẽ phát lương thảo cho đại đội trưởng bộ đội đã chiến nhiều gấp đôi lên không? Công tước Andrey mỉm cười đáp rằng mình không thể có ý kiến gì về những công việc quốc gia quan trọng như vậy được, và Berg liền vui vẻ cười xoà. Công tước Andrey lại quay sang Boris.

- Về việc của anh, ta sẽ nói chuyện - rồi đưa mắt nhìn Roxtov một cái, chàng nói tiếp với Boris - sau buổi duyệt binh, anh đến tôi nhé. Chúng ta sẽ liệu xem có thể làm được những gì.

Rồi nhìn quanh phòng, chàng quay về phía Roxtov và không thèm để ý đến cái vẻ ngượng nghịu trẻ con không sao trấn áp nổi của chàng kỵ binh bây giờ đã chuyển thành tức giận, chàng nói:

- Hình như ông đang kể lại trận Songraben thì phải, ông có dự trận ấy?

- Tôi có dự, - Roxtov nói, giọng bực tức, dường như để trêu gan viên sĩ quan phụ tá.

Bolkonxki chú ý đến thái độ của chàng kỵ binh và thấy vẻ giận dữ của chàng ta cũng hay hay. Chàng hơi nhếch mép, mỉm cười khinh khỉnh.

- Phải! Bây giờ người ta kể nhiều chuyện về trận này lắm.

- Phải, nhiều chuyện lắm! - Roxtov nói lớn, hai mắt bỗng quắc lên giận dữ, hết nhìn Boris, lại nhìn sang Bolkonxki.

- Phải, người ta kể nhiều chuyện lắm, nhưng chuyện của chúng tôi kể là chuyện của những người đã từng ở dưới làn đạn của quân địch, chuyện của chúng tôi có căn cứ hẳn hoi, chứ không phải như chuyện của những anh chàng ở bộ tham mưu chuyên ngồi không mà vẫn được khen thưởng.

- Chắc ông liệt tôi vào hàng ấy chứ gì? - công tước Andrey mỉm cười một nụ cười đặc biệt nhã nhặn, bình tĩnh nói.
   
Trong lòng Roxtov bấy giờ có một cảm xúc kỳ lạ, chàng thấy tức giận nhưng đồng thời lại thấy kính nể thái độ bình tĩnh lạ lùng của con người kia. Chàng nói:

- Đây là tôi không nói đến ông, tôi không quen biết ông và xin thú thật rằng tôi cũng chẳng có ý muốn quen biết ông. Tôi nói là nói chung về các sĩ quan tham mưu.
   
Công tước Andrey ngắt lời Roxtov. Chàng nói, giọng dõng dạc mà bình tĩnh:

- Còn tôi thì tôi xin thưa với ông như sau. Ông muốn lăng mạ tôi, và tôi sẵn sàng đồng ý với công việc đó rất để làm, nếu ông không cỏ đủ tự trọng; nhưng xin ông đồng ý cho rằng việc đó hiện nay thật không đúng chỗ và đúng lúc tý nào. Nay mai tất cả chúng ta sẽ dự một cuộc đọ sức rất lớn, quan trọng hơn nhiều, và hơn nữa, anh Drubeskoy đây có nói rằng anh ấy là bạn cũ của ông, anh ấy tuyệt nhiên không có lỗi gì nếu bộ mặt của tôi chẳng may có cái bất hạnh là không được vừa mắt ông. Vả chăng - chàng vừa nói, vừa đứng dậy - Ông cũng biết tên họ tôi và biết khi cần thiết phải tìm ở chỗ nào: nhưng xin ông dừng quên - chàng nói thêm - rằng tôi không hề có ý tự cho mình, hay cho ông là người bị xúc phạm, và tôi xin lấy tư cách một người nhiều tuổi hơn ông mà khuyên ông đừng làm cho việc này có thêm hậu quả gì. Thế thì đến thứ sáu sau buổi kiểm duyệt anh đến tôi anh Drubeskoy nhé; xin chào - công tước Andrey kết luận, và sau khi cúi chào cả hai người, chàng ra ngoài.

Mãi khi công tước Andrey đã đi khỏi phòng Roxtov mới nghĩ ra là trong trường hợp này cần phải trả lời như thế nào. Chàng lại càng tức mình là đã không nghĩ ra cho kịp thời. Roxtov lập tức sai đưa ngựa lại, và chào ông Boris một câu rất xẵng rồi ra về. Ngày mai chàng có nên đi đến đại bản doanh và thách cái thằng cha sĩ quan phụ tá làm bộ kia đấu súng không, hay cứ để yên như thế!
   
Câu hỏi này cứ giày vò chàng suốt dọc đường về. Có khi chàng tức giận nghĩ đến lúc sẽ được hưởng cái thú trông thấy con người mảnh khảnh và kiêu căng ấy run sợ trước mũi súng của mình, có khi chàng lại ngạc nhiên cảm thấy rằng trong số tất cả những người mà chàng biết, không có ai chàng muốn kết bạn bằng cái viên sĩ quan phụ tá mà chàng căm ghét ấy.

======================================

Chú thích:

(1) Các con ơi đi ngủ đi (tiếng Pháp bồi).

(2) Arnaut: danh từ của người Thổ Nhĩ Kỳ dùng để gọi người Albani. Ở Nga, chữ Arnaut dùng để gọi những người gốc Albani ở huyện Izmail tỉnh Bexarabi.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:14:47 pm
Phần III
Chương - 8

Sau buổi gặp gỡ giữa Boris và Roxtov một hôm, có cuộc điểm duyệt các đội quân Áo và Nga, kể cả những đội quân từ Nga mới điều sang chưa xuất trận lần nào, cả những đội vừa đi chiến dịch với Kutuzov trở về. Hoàng đế nước Nga cùng với hoàng thái tử và hoàng đế nước Áo cùng với đại công tước(1) sẽ đến điểm duyệt đội quân đồng minh gồm tám vạn người.
   
Từ sáng sớm, những đội quân quần áo chỉnh tề, súng chuốt gươm lau bóng nhoáng đã đứng thành đội ngũ trên cánh đồng ở trước một pháo đài. Có lúc hàng nghìn cặp chân và hàng nghìn lưỡi lê chuyển đi, quân kỳ bay phấp phới, và đến khi nghe lệnh của các sĩ quan thì dừng lại, đi chếch sang một bên, đứng vào vị trí ở những khoảng trống, giữa những khối lính cũng là bộ binh nhưng mặc quân phục khác; có lúc lại có tiếng vó ngựa nhịp nhàng và tiếng vũ khí lách cách của một đội kỵ binh ăn mặc sang trọng trong những bộ trang phục đỏ, xanh lam, xanh lá cây, có tốp quân nhạc mặc áo thêu kim tuyến đi trước, cưỡi những con ngựa ô, ngựa hồng, ngựa xám; có lúc lại là một đội pháo binh với những tiễng lăn vang vang như tiếng đồng của những cỗ pháo lau chùi bóng nhoáng lắc lư trên bánh xe và với mùi khen khét của những chiếc bùi nhùi trong lửa, đi thành dãy dài len vào giữa bộ binh và kỵ binh, vào đứng ở vị trí đã định. Không phải chỉ có các vị tướng mặc đại quân phục ngày lễ, đeo hết huân chương lên ngực, với những thân hình to béo hay mảnh dẻ nai chặt như đóng nêm, những cái cổ thắt khăn lụa đỏ ửng lên vì cổ áo cao lên quá chật; không phải chỉ có viên vĩ quan đầu xức sáp thơm và nai nịt hết sức gọn ghẽ, mà ngay cả mỗi người lính, mặt cạo nhẵn và rửa ráy cẩn thận trông rất tươi tắn, súng ống lau chùi bóng lộn, ngay cả mỗi con ngựa được tắm chải cẩn thận đến nỗi bộ lông óng lên như satanh và bờm chải chuốt kỹ lưỡng sợi này phủ lên sợi kia đều răm rắp tất cả đều cảm thấy có một việc gì nghiêm trang, trọng đại sắp diễn ra. Từ vị tướng đến người lính thường đều cảm thấy mình nhỏ bé, không thấm vào đâu, họ đều có những ý thức rằng mình chỉ là hạt cát trong cái bể người này, và đồng thời cũng cảm thấy cái sức mạnh của mình, có ý thức rằng mình là một bộ phận của cái toàn thể vô cùng to lớn này.
     
Từ sáng sớm đã bắt đầu những cuộc chuẩn bị rộn rịp, dồn dập và căng thẳng, và đến chín giờ tất cả đều đã sửa soạn xong xuôi. Trên cánh đồng rộng mênh mông các đội ngũ đã đứng chỉnh tề. Tất cả các đạo quân xếp thành ba hàng. Phía trước là kỵ binh, phía sau là pháo binh, sau nữa là bộ binh.
     
Giữa mỗi hàng quân dường như có một con dưòng dài thắng tắp Ba bộ phận của đoàn quân này tách biệt nhau rất rõ: đạo quân đã chiến của Kutuzov (trong đó trung đoàn Pavlograd đứng phía trước, sườn bên phải), các trung đoàn đã quân và cận vệ quân từ Nga mới sang, và quân đội Áo. Nhưng tất cả đều đứng thành một hàng, cùng chung một bộ chỉ huy và cùng theo một trật tự chung.
     
Như một ngọn gió thổi qua rặng cây, có tiếng thì thào hồi hộp chuyển qua các cánh quân: "Đến rồi! Đến rồi!" có những tiếng nói hoảng hốt, và trên khắp đoàn quân tràn quan làn sóng của những sự chuẩn bị cuối cùng.

Ở phía trước Olmuytx hiện ra một nhóm người đang tiến lại gần. Và ngay lúc đó, mặc dầu ngày hôm đó trời rất lặng, một luồng gió nhẹ thổi qua đoàn quân và khẽ lay động những ngọn cờ đuôi nheo trên giáo kỵ binh, và những ngọn quân kỳ rung lên chạm vào đốc cán. Tưởng chừng như đó là một cử động của chính đoàn quân rung lên vì vui mừng khi thấy hai vị hoàng đế đến. Một tiếng hô "Nghiêm!" vang lên. Kế đến có nhiều tiếng hô đáp lại từ bốn phía như tiếng gà thi nhau gáy sáng. Rồi tất cả trơ lại im lặng.
   
Trong bầu không khí im phăng phắc chỉ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc. Đó là đoàn tuỳ tùng của hai vị hoàng đế. Hai nhà vua lại gần sườn đoàn quân và tiếng kèn đồng của trung đoàn kỵ binh thứ nhất vang lên trong điệu nghênh giá. Nghe tiếng kèn, người ta tưởng chừng như không phải những người lính kèn cử điệu nhạc này, mà chính bản thân đoàn quân, thấy có hai vị vua đến, vui mừng quá tự nhiên thốt ra âm thanh đó. Qua tiếng kèn chợt nghe rõ tiếng nói trẻ trung, ôn tồn của hoàng đế Alekxandr. Người cất tiếng chào mừng, và trung đoàn thứ nhất liền hô to: "Vạn tuế!" tiếng hô vang dậy, kéo dài và vui mừng đến nỗi ngay cả những người hô cũng kinh hoảng vì số lượng và sức mạnh của cái khối to lớn mà mình là một thành phần.
     
Roxtov đứng ở những hàng đầu của bộ đội Kutuzov là đơn vị được hoàng đế đến gần trước tiên, cũng có cái cảm xúc như mọi người đứng trong hàng ngũ này - cái cảm giác tự quên mình tự hào về sức mạnh của mình, cái tình cảm bồng bột say mê con người đã gây nên những cảm xúc vui mừng mãnh liệt đó.
     
Chàng cảm thấy người đó chỉ cần nói một tiếng thôi cũng đủ cho tất cả cái khối to lớn này và cả chàng nữa, một hạt cát bé nhỏ gắn liền vào khối đó, vui lòng lao mình vào lửa đạn, vào tội ác, vào cái chết hay lao mình vào một hành động anh dũng phi thường, cho nên chàng không thể không rung động, không lịm người đi khi thấy lời nói đó đang đến dần.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:15:34 pm
- Ura! Ura! Ura! - tiếng hoan hô vang dậy bốn phương trời, và các trung đoàn lần lượt cử điệu kèn chào nghênh tiếp vị hoàng đế, rồi lại "Ura!", rồi lại tiếng kèn chào nghênh giá và tiếp đến lại những tiếng "Ura" ngày càng mạnh thêm mãi, hoà lẫn vào nhau làm thành một tiếng ầm ầm nhức tai choáng óc.
   
Trong khi hoàng đế chưa đến gần, mỗi trung đoàn đều im lìm, bất động như một cái xác không hồn, nhưng hoàng đế vừa đến ngang tầm thì mỗi trung đoàn đều sinh động hẳn lên và tung hô vang dậy, hoà với tiếng tung hô của tất cả các đơn vị mà nhà vua đã đi qua. Trong tiếng hô kinh thiên động địa của hàng vạn giọng người, giữa đám quân lính im lìm như đã hoà đá trong các đội ngũ vuông vức của họ, mấy trăm kỵ sĩ trong đoàn tuỳ giá diễn qua, dáng lơ đễnh nhưng hàng ngũ rất cân đối và nhất là phong thái rất ung dung, và phía trước đoàn kỵ binh mã là hai vị hoàng đế. Bao nhiêu tâm trí của toàn thể khối quân sĩ đều dồn hết vào hai người đó, với một lòng hâm mộ nhiệt tình mà họ cố kìm bớt lại.

Hoàng đế Alekxandr, trẻ và đẹp, trong bộ quân phục kỵ binh cận vệ, mũ ba góc đội hơi lệch về một bên tai, khuôn mặt tuấn tú hoà nhã và giọng nói không to, nhưng sang sảng của Người thu hút tất cả sự chú ý của mọi người. Roxtov đứng gần đội kèn trống, và từ xa đôi mắt tinh anh của chàng đã nhận ra nhà vua và theo dõi hướng tiến của ngài lại gần. Khi nhà vua chỉ còn cách vài mươi bước, Roxtov trông rõ mồn một khuôn mặt đẹp đẽ, trẻ trung và vui sướng của hoàng đế, chàng thấy lòng tràn ngập một tình cảm trìu mến và hân hoan mà xưa nay chàng chưa hề biết. Tất cả - Mỗi đường nét, mỗi cử động của nhà vua chàng đều thấy có sức quyến rũ diệu kỳ.
     
Khi đến trước mặt trung đoàn Pavlograd, nhà vua dừng ngựa lại quay sang nói một câu gì bằng tiếng Pháp với hoàng đế Áo và mỉm cười.

Trông thấy nụ cười ấy, Roxtov cũng bất giác mỉm cười theo, và lại càng thấy lòng dào dạt một tình yêu mãnh liệt đối với vị hoàng đế của mình. Chàng muốn có cách nào đó thổ lộ tình yêu ấy ra.
     
Chàng biết rằng việc đó không thể được, và chàng thấy muốn khóc.
     
Nhà vua gọi viên chỉ huy trung đoàn lại nói với ông ta mấy câu.

"Trời ơi! Giả sử hoàng thượng nói với mình, thì không biết mình sẽ ra sao đây! - Roxtov nghĩ thầm - Mình sẽ sung sướng đến chết mất".
     
Nhà vua quay ra nói với các sĩ quan:

- Thưa các vị (mỗi một lời của nhà vua, Roxtov nghe mà tưởng chừng như một tiếng nói trên trời truyền xuống) - Tôi xin chân thành cảm tạ tất cả các vị!
     
Giá Roxtov có thể chết ngay bây giờ vì hoàng đế của chàng, thì chàng sẽ sung sướng đến ngần nào!

- Các vị đã lập công đáng được thưởng cờ Thánh George và các vị sẽ tỏ ra xứng đáng với những lá cờ đó.

"Ước gì được chết, được chết vì Người!" - Roxtov nghĩ: Hoàng đế còn nói thêm một câu gì đấy mà Roxtov không nghe rõ, và quân lính hô vang đến vỡ cả lồng ngực: "Ura". Roxtov cũng khom người trên yên ngựa lấy hết sức bình sinh ra hô thật to, cố hô sao cho đau cả họng, miễn sao có thể biểu lộ hết được lòng hâm mộ của mình đối với hoàng đế.
     
Nhà vua dừng một lát trước mặt đội phiêu kỵ, có vẻ như ngập ngừng phân vân."Làm sao hoàng thượng mà lại có thể phân vân?" - Roxtov nghĩ thầm, rồi chàng lại thấy vẻ như phân vân ấy có một cái gì thật uy nghi và đáng yêu, cũng như tất cả những gì mà hoàng đế làm.
     
Hoàng đế phân vân chỉ trong khoảnh khắc. Người dùng mũi ủng nhọn theo thời trang bấy giờ chạm vào sườn con ngựa hồng lai Anh của ngài cưỡi, bàn tay đi găng trắng của nhà vua thu bộ dây cương lại và cho ngựa đi, theo sau là đoàn sĩ quan phụ tá lố nhố như một mặt nước gợn sóng. Nhà vua tiếp tục đi điểm binh, thỉnh thoảng dừng lại trước mấy trung đoàn khác và cuối cùng Roxtov chỉ còn trông thấy chùm lông trắng dính trên mũ Người, vượt lên trên đám người hầu cận đi theo hai vị hoàng đế.
     
Trong số nhân vật trong đoàn tuỳ tùng, Roxtov thấy có cả Bolkonxki uể oải và lười biếng ngồi thõng thượt trên mình ngựa.
     
Roxtov nhớ lại cuộc cãi cọ với Bolkonxki ngày hôm qua và trong trí chàng lại hiện ra vấn đề nên hay không nên thách anh ta đấu súng.   Nhưng bây giờ Roxtov lại nghĩ: "Dĩ nhiên là không nên. Vả chăng, trong giờ phút như thế này vấn đề đó sao đáng cho ta nghĩ ngợi hay bàn đến. Trong một giờ phút đầy tình yêu, đầy lòng hân hoan và quên mình như thế này, những vụ cãi cọ xích mích của chúng ta nào có nghĩa lý gì. Bây giờ ta yêu tất cả mọi người, bây giờ thì ta tha thứ hết". - Roxtov nghĩ.
     
Khi nhà vua đã đi gần khắp các trung đoàn, các đội quân bắt đầu diễu binh trước mặt ngài, và Roxtov cưỡi con ngựa Bezun mới mua của Denixov đi ở cuối kỵ đội, nghĩa là một mình một hàng và có thể được nhà vua trông thấy rõ. Trước khi đi ngang hoàng thượng, Roxtov vốn là một tay cưỡi ngựa rất giỏi, hai lần thúc cựa giày vào hông ngựa, khiến con Bezun chuyển sang cái bước kiệu hùng dũng mà nó thường có mỗi khi hăng tiết. Miệng sùi bọt mép, đầu cúi xuống sát ngực, đuôi vểnh lên cao, con tuấn mã dường như bay trên không trung, không chạm xuống đất; vó nó lần lượt rất cao, nhịp nhàng và uyển chuyển; con Bezun cũng cảm thấy mắt hoàng đế đang nhìn vào nó cho nên diễu qua một cách cực kỳ hùng dũng.
     
Còn chính Roxtov thì hai chân nghiêng ra sau, bụng thóp lại.
     
Chàng cảm thấy mình gắn liền vào với ngựa thành một khối, gương mặt cau có nhưng hể hả, cưỡi ngựa qua mặt hoàng đế "hệt một con quỷ" như Denixov thường nói.

- Lính Pavlograd khá lắm! - hoàng đế nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:16:12 pm
"Trời! Sung sướng biết bao, nếu Người ra lệnh cho ta lao vào lửa đạn ngay bây giờ" - Roxtov nghĩ.
     
Khi cuộc điểm binh đã kết thúc, các sĩ quan mới đến và các sĩ quan của Kuturov bắt đầu tụm năm tụm ba kháo chuyện về những cuộc khen thưởng, về người Áo, về mặt trận, về Buônapáctê và về chuyện hắn ta bây giờ sẽ điêu đứng đến thế nào, nhất là khi binh đoàn Exxen đã sắp đến và nước Phổ đứng về phía ta.
     
Nhưng trong tất cả các nhóm tụm lại kháo chuyện người ta nói nhiều nhất là đến hoàng đế Alekxandr. Họ truyền miệng nhau từng lời từng chữ, từng cử chỉ một của ngài và hết sức ca ngợi, thán phục ngài.
Mọi người chỉ mong có một việc: làm sao sớm được xuất quân đi đánh giặc dưới quyền chỉ huy của hoàng đế. Ngài mà thân chinh chỉ huy lấy quân đội thì không thể không chiến thắng bất kỳ kẻ địch nào, - đó là ý nghĩ của Roxtov và phần lớn các sĩ quan sau cuộc điểm binh. Sau cuộc điểm binh, mọi người tin tưởng vào thắng lợi còn chắc chắn hơn là sau khi đã chiến thắng hai trận.

Sau buổi duyệt binh một hôm, Boris mặc bộ quân phục đẹp nhất của mình vào, và sau khi nhận những lời chúc thành công của Berg bèn lên ngựa đi Olmuytx tìm gặp Bolkonxki và tìm cách thu xếp cho mình một địa vị thật tốt, đặc biệt là làm sĩ quan phụ tá cho một nhân vật quan trọng, địa vị mà chàng cho là béo bở nhất trong quân đội. "Như chàng Roxtov kia, được cha gửi cho hàng vạn rúp, một lần, thì gì mà chả có thể nói phét là mình không muốn luồn cúi ai, không muốn làm đầy tớ ai! Còn như mình, chẳng có tài sản vì ngoài cái óc cả thì phải gây dựng lấy một cơ đồ phải cố sao dừng bỏ qua những người tốt, phải nắm lấy mà lợi dụng"
     
Ở Olmuytx hôm đó chàng không tìm thấy công tước Andrey. Nhưng quang cảnh thành Olmuytx nơi đóng đại bản doanh, nơi ngụ cư của ngoại giao đoàn và của vị hoàng đế cùng với tất cả các quan chức hầu cận, các triều thần, lại càng khiến cho chàng thêm thiết tha mong mỏi được ở trong thế cái thế giới cao sang này.

Chàng không quen biết ai, và mặc dầu chàng mặc bộ quân phục sĩ quan cận vệ rất sang, tất cả những con người quyền cao chức trọng kia đang diễu qua các phố trong những cỗ xe ngựa sang trọng, lộng lẫy với những tua mũ lông, những dải lụa và những huân chương, những triều thần và tướng tá ấy có vẻ đứng cao hơn hẳn chàng, một anh sĩ quan cận vệ quèn, cao hơn nhiều quá, đến nỗi không những họ không muốn, mà còn không thể nào thừa nhận rằng có chàng tồn tại trên đời này nữa. Ở trụ sở của quan Tổng tư lệnh Kutuzov là nơi chàng đến tìm gặp   Bolkonxki, tất cả các sĩ quan phụ tá, và ngay cả mấy anh cần vụ nữa, cũng nhìn chàng với cái vẻ như muốn cho chàng hiểu rằng những hạng sĩ quan như chàng tò mò đến đây rất nhiều và làm phiền người ta quá đỗi rồi.
     
Tuy vậy, hay đúng hơn là vì vậy, ngày hôm sau, ngày mười lăm, sau bữa ăn trưa chàng lại đến Olmuytx và đi vào ngôi nhà dành cho Kutuzov để hỏi Bolkonxki. Công tước Andrey lần này có nhà và người ta đưa Boris vào một gian phòng lớn. Hồi trước, hình như đây là phòng khiêu vũ, nhưng bây giờ trong phòng có đặt năm chiếc giường và nhiều thứ đồ gỗ hỗn tạp: một chiếc bàn, mấy cái ghế, và một chiếc dương cầm. Một sĩ quan phụ tá mặc áo choàng ngủ bằng vóc Ba Tư đang ngồi viết ở chiếc bàn đặt gần cửa. Một sĩ quan khác là Nexvitxki mặt đỏ, béo dẫy, đang nằm trên giường gối đầu lên hai bàn tay, và đang cười cợt với một sĩ quan khác vừa đến ngồi cạnh giường. Người thứ ba đang chơi một bài Valse thành Viên trên chiếc dương cầm, người thứ tư thì nằm thưỡn người trên chiếc đàn và nhầm hát theo. Bolkonxki không có ở đây. Khi thấy Boris vào, những người đang ở trong phòng không có ai thay đổi tư thế. Boris lên tiếng hỏi viên sĩ quan đang ngồi viết. Hắn quay lại, vẻ bực bội, và trả lời rằng hôm nay Bolkonxki phải trực nhật, và nếu muốn gặp thì đi vào cánh cửa bên trái, đến phòng tiếp tân. Boris cảm ơn và đi sang phòng tiếp tân. Trong phòng có độ mười vị sĩ quan.
   
Khi Boris vào, công tước Andrey, mắt nheo nheo lại có vẻ khinh khỉnh (cái vẻ đặc biệt của một người đã mệt mỏi nhưng văn giữ lễ độ, cho người ta thấy rõ rằng giá thử đây không phải là nhiệm vụ của tôi, thì tôi đã không thèm nói chuyện với ngài lấy một phút), lắng nghe một vị tướng Nga già đeo đầy huân chương đang đứng nghiêm rướn thẳng người gần như kiễng chân lên, khuôn mặt đỏ tía lộ vẻ cung kính theo kiểu nhà binh, báo cáo với công tước Andrey một việc gì đấy.

- Được lắm, xin ngài đợi một lát, - Chàng nói với vị tướng bằng tiếng Nga với cái giọng Pháp mà chàng thường có khi muốn tỏ ý khinh thị, và khi trông thấy Boris, chàng không quay lại với vị tướng nữa (bấy giờ ông ta đang chạy theo van xin chàng nghe ông nói nốt). Công tước Andrey mỉm cười vui vẻ quay sang Boris gật đầu chào.

Lúc đó Boris hiểu rõ một điều mà chàng đã cảm thấy từ trước, - là trong quân đội, ngoài cái tôn ti và kỷ luật có ghi trong điều lệ mà trong trung đoàn ai cũng biết và chính chàng cũng biết, còn có một thứ tôn ti khác quan trọng hơn, đó là cái tôn ti đã buộc một vị tướng mặt đỏ tía kia phải kính cẩn chờ đợi, một khi đại uý công tước Andrey thích cho rằng nói chuyện với thiếu uý Drubeskoy bây giờ tiện hơn. Hơn bao giờ hết, Boris quyết chí từ nay sẽ không tuân theo cái tôn ti có ghi trong điều lệ quân đội nữa, mà sẽ tuân theo cái tôn ti không thấy ghi kia. Bây giờ chàng đã thấy rõ rằng chỉ vỉ mỗi một việc là chàng được giới thiệu với công tước Andrey thôi, thế mà chàng đã lập tức đứng cao hơn một vị tướng, một người mà trong những trường hợp khác, khi đứng ở trong hàng ngũ, có thể dễ dàng biến một viên thiếu uý cận vệ như chàng thành con số không.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:16:57 pm
Công tước Andrey lại nắm lấy tay chàng.

- Rất tiếc là hôm nay anh không gặp tôi. Suốt ngày tôi phải đi giải quyết công việc với người Đức. Tôi với Vairother đi thẩm tra lại cách bố trí quân. Một khi mà ngùời Đức họ đã quyết làm cho cẩn thận thì thật không cùng.

Boris mỉm cười, làm như mình hiểu những việc mà công tước Andrey nhắc đến, xem như đó là những việc mà mọi người đã biết.

- Nhưng thật ra, chàng nghe nói đến Vairother lần này là lần đầu và cái danh từ "bố trí quân" kia cũng vậy.

- Thế nào, bạn anh, anh vẫn thích làm sĩ quan phụ tá đấy à? Từ hôm nọ tôi cứ nghĩ đến viẹc của anh mãi đấy.

- Vâng, tôi có ý định - Boris nói, không hiểu tại sao bất giác đỏ mặt, - xin quan tổng tư lệnh; ngài đã tiếp được một bức thư của công tước Kuraghin nói về tôi, tôi muốn xin cũng chỉ vì, - Boris nói thêm như để xin lỗi, - chỉ vì tôi sợ rằng quân cận vệ sẽ không tham gia chiến sự.

- Được! Được! Chúng ta sẽ bàn tất cả những từ đó, - công tước Andrey nói, - Anh hãy để cho tôi vào báo cáo về vị tướng kia một chút, rồi ra với anh ngay.
     
Trong khi công tước Andrey vào báo cáo về vị tướng có bộ mặt đỏ tía thì ông này, hình như không đồng ý lắm với những quan niệm của Boris về những cái lợi của thứ tôn ti không ghi vào quy chế, đưa mắt trừng trừng nhìn anh thiếu uý hỗn xược đã làm cho ông không nói hết được câu chuyện với công tước Andrey đến nỗi Boris thấy ngượng. Chàng quay mặt đi và nóng lòng chờ công tước Andrey ở phòng quan tổng tư lệnh trở ra.
     
Khi hai người cùng nhau đi vào gian phòng lớn có chiếc dương cầm, công tước Andrey bảo Boris:

- Anh bạn à, tôi đã nghĩ về việc của anh rồi. Anh không nên đến gặp quan tổng tư lệnh làm gì, ông ta sẽ nói với anh một mớ lời rất nhã nhặn, sẽ bảo anh đến dự bữa trưa với ông ta ("Được như vậy thì cũng đã khá lắm nếu xét theo thứ tôn ti kia" - Boris nghĩ thầm), nhưng chỉ có thế thôi ngoài ra chẳng thêm được gì hết; sĩ quan phụ tá tuỳ tùng ở đây sắp đông đến một tiểu đoàn rồi. Nhưng chúng ta sẽ làm như thế này: tôi có một người bạn rất thân làm phó tướng. Đó là công tước Dolgorukov, một người rất tốt, anh có thể rất biết việc này, nhưng thực ra hiện nay Kutuzov cùng với bộ tham mưu của ông cũng như tất cả chúng tôi hầu như chẳng có nghĩa lý gì nữa: hiện nay tất cả đều tập trung vào tay hoàng thượng; cho nên chúng ta sẽ đến Dolgorukov. Tôi cũng đang cần gặp ông ấy tôi đã nói chuyện với ông ấy về việc anh rồi, rồi ta sẽ xem ông ấy có thể xếp cho anh một chỗ gần ông hay ở một nơi nào gần mặt trời không.

Công tước Andrey bao giờ cũng hồ hởi đặc biệt khi có dịp dìu dắt một người thanh niên xây dựng địa vị trong xã hội. Lấy cớ là để nâng đỡ người khác - một sự nâng đỡ mà vì kiêu hãnh chàng không đời nào nhận cho mình - công tước Andrey tìm đến gần những nơi quyền quý vốn có sức hấp dẫn chàng. Chàng rất sẵn lòng giúp đỡ Boris và cùng đi với anh ta đến nhà công tước Dolgorukov.
     
Trời đã khá khuya khi hai người bước vào cung điện Olmuytx, nơi trú ngụ của hoàng đế và các nhân vật thân cận với ngài.
   
Ngày hôm ấy có buổi hội đồng quân sự, trong đó có tất cả các thành viên của Viện ngự tiền quân sự tham nghị và hai vị hoàng đế cùng tham dự. Trong buổi hội đồng này, ngược lại với ý kiến của hai ông già là Kutuzov và công tước Svartxenberg, họ đã quyết định ngày tấn công ngay và đưa đoàn quân mở trạn đánh  Buônapáctê. Hội đồng mới kết thúc khi công tước Andrey cùng với Boris vào cung điện tìm công tước Dolgorukov. Tất cả các nhân vật trong đại bản doanh đều đang say sưa với buổi hội đồng quân sự hôm nay đã đưa lại thắng lợi cho phái trẻ. Tiếng nói của những người chủ trương trì hoãn, khuyên chưa nên tấn công để chờ đợi một cái gì ở đâu đâu, đều bị át đi một cách nhất trí và các luận cứ của họ bị những bằng chứng không thể nào chối cãi về những cái lợi của cuộc tấn công bác bỏ một cách chắc chắn đến nỗi những điều đã được bàn ở hội đồng: trận đánh sắp tới và thắng lợi hiển nhiên của trận đánh này, đều hình như không phải là chuyện tương lai nữa, mà là chuyện đã xảy ra rồi. Tất cả các thuận lợi đều ở phía ta. Những lực lượng rất lớn, nhất định là vượt hẳn các lực lượng của Napoléon, đã được điều động tập trung một chỗ: quân lính đều phấn khới vì sợ có mặt của hai vị hoàng đế và nức lòng tham chiến; Địa điểm chiến lược, nơi sẽ diễn ra trận đánh, đã được vị tướng Áo Vairother chỉ huy quân đội am hiểu tường tận đến từng chi tiết (dường như có một sự tình cờ may mắn đã xui quân đội Áo hồi năm ngoái tập trận ngay trên những khoảng đất mà quân ta sắp đánh nhau với quân Pháp); miền này đã được nghiên cứu rất tỷ mỷ và ghi lại kỹ lưỡng trên các bản đồ, còn Buônapáctê thì hình như đã suy yếu nên không thấy hành động gì cả. Dolgorukov, một trong những người hăng hái nhất phe tấn công, vừa mới ở phiên họp ra, mệt mỏi rã rời, nhưng phấn chấn và kiêu hãnh vì thắng lợi vừa đạt được trong hội đồng. Công tước Andrey giới thiệu người sĩ quan được mình che chở với ông ta, nhưng Dolgorukov chỉ bắt tay Boris rất chặt và lễ độ, mà không nói gì với anh ta cả. Hẳn ông ta không đủ sức kìm hãm được ý muốn nói ra những ý nghĩ đang khiến ông bận tâm nhất lúc này, cho nên công tước Dolgorukov quay sang phía Andrey và nói bằng tiếng Pháp:

- Chà anh bạn ạ, chúng tôi vừa tham dự một trận đánh thật ra trò! Chỉ mong sao kết quả của nó cũng đưa lại thắng lợi như thế.

- Nhưng bạn ạ, - Ông nói tiếp, giọng phấn chấn và dứt quãng - Tôi phải thừa nhận rằng trước đây mình có lỗi với người Áo, và nhất là đối với Vairother. Họ thật là chính xác, chí lý, am hiểu địa phương thật là tường tận, lại nhìn thấy trước được tất cả các hoàn cảnh, tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất! Không anh bạn ạ, không thể nào tưởng tượng được một hoàn cảnh nào thuận lợi hơn hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Sự chính xác của người Áo mà phối hợp với sự dũng cảm của người Nga thì anh bảo còn gì hơn nữa?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:17:48 pm
- Thế là dứt khoát quyết định tấn công rồi à? - Bolkonxki nói.

- Này anh có biết không, tôi thấy hình như Buônapáctê bây giờ đã bối rối lắm rồi. Anh ạ, hôm nay vừa nhận được một bức thư hắn gửi hoàng thượng đấy - Dolgorukov mỉm cười một nụ cười bao hàm nhiểu ý nghĩa.

- Thế à! Viết những gì thế? - Bolkonxki hỏi.

- Hắn còn có thể viết những gì? Chỉ lảm nhảm thế này thế nọ và vân vân, vân vân, chẳng qua chỉ để trì hoãn. Tôi xin nói với anh rằng nay hắn ở trong tay ta rồi chắc chắn như thế! Nhưng ngộ nghĩnh hơn cả là chuyện này, - công tước Dolgorukov bỗng phá lên cười khà khà, - Là chẳng ai biết nên phúc đáp Buônapáctê như thế nào cho phải? "Gửi ngài Tổng tài" thì không ổn, dĩ nhiên là không thể "gửi Hoàng để được, cho nên tôi cho rằng có lẽ nên đề là "Gửi tướng Buônapáctê".

- Nhưng từ chỗ không thừa nhận người ta là hoàng đế đến chỗ gọi người ta là tướng Buônapáctê cũng có sự khác nhau đấy? - Bolkonxki nói.

- Chính thế, - Dolgorukov cười và ngắt ngay lời chàng, - Anh biết Bilibin đấy, anh ta là một người rất thông minh, anh ta đề nghị viết: "Gửi tên tiếm ngôi và kẻ thù của nhân loại".

Nói đoạn Dolgorukov vui vẻ cười lớn.

- Chỉ có thế thôi à? - Bolkonxki nói.

- Nhưng rồi Bilibin cũng tìm được một cách xưng hô đứng đắn. Thật là một người vừa thông minh vừa hóm hỉnh…

- Như thế nào?

- Gửi người đứng đầu chính phủ Pháp au Chef du gouvernement français, - Dolgorukov nói, giọng nghiêm trang và thoả mãn. - Gọi như vậy rất ổn có phải không nào?

- Ổn đấy, nhưng chắc Napoléon sẽ tức lắm. - Bolkonxki nói.

- Còn phải nói! Em trai tôi có biết hắn ta: nó đã mấy lần ăn tiệc với hắn, với đương kim hoàng đế ấy, ở Paris và có nói với tôi rằng nó chưa thấy một nhà ngoại giao nào tinh vi khôn khéo hơn. Chắc anh cũng biết đấy, sự khéo léo của người Pháp phối hợp với tài đóng kịch của người Ý mà! Anh biết mẩu giai thoại giữa hắn ta với bá tước Markov chứ? Chỉ có mỗi một mình bá tước Markov là biết xử trí với hắn thôi. Anh biết chuyện chiếc khăn tay chứ. Tuyệt! Và ông Dolgorukov kể mau chuyện ấy, khi thì quay sang Boris khi thì quay sang công tước Andrey, kể lại chuyện Buônapáctê.

- Thật tuyệt! - Công tước Bolkonxki nói - Nhưng công tước ạ, tôi đến đây là để xin cho anh thanh niên này một việc… anh thấy đấy…

- Nhưng công tước Andrey chưa kịp nói hết thì một sĩ quan phụ tá đã gọi công tước Dolgorukov đến gặp hoàng thượng. Ông vội vã đứng dậy, bắt tay công tước Andrey và Boris nói:

- Chà, phiền quá. Anh ạ, tôi rất vui sướng được làm tất cả những gì thuộc về quyền tôi để giúp anh như giúp người thanh niên dễ mến này. - Ông ta bắt tay Boris một lần nữa, vẻ hiền hậu thành thật và vồn vã nhưng hời hợt. - Nhưng anh cũng thấy đấy… thôi để khi khác!

Boris cảm thấy xúc động cứ nghĩ rằng giây phút này mình đang được gần gũi những kẻ nắm quyền hành tối cao. Chàng có ý thức rằng ở đây mình đang tiếp xúc với những sợi dây cót chi phối tất cả những chuyển động lớn lao của những khối người đông đúc, trong đó chàng chỉ là một bộ phận nhỏ nhặt vô nghĩa và ngoan ngoãn ở trung đoàn của mình. Công tước Andrey và Boris theo công tước Dolgorukov đi ra hành lang. Ông ta đi vừa đến cửa phòng hoàng thượng thì cũng từ của ấy bước ra một người thấp bé mặc thường phục, vẻ thông minh, hàm dưới nhô ra phía trước vẽ thành một nét gẫy gọn, không làm cho vẻ mặt xấu đi, mà lại khiến cho nó thêm vẻ linh hoạt và tháo vát. Người đó gật đầu chào Dolgorukov như một người quen thân và nhìn chăm chăm vào công tước Andrey một cách lãnh đạm trong khi đi thẳng về phía chàng, hình như có ý chờ đợi chàng cúi chào hay nhường lối cho mình đi. Công tước Andrey chẳng chào mà cũng chẳng nhường lối; gương mặt kia lộ vẻ bực tức hắn quay mặt đi và bước ra phía hành lang.

- Ai đấy? - Boris hỏi.

Đó là một trong những người lỗi lạc nhất và cũng là một người mà tôi có ác cảm nhất. Đó là quan thượng thư bộ ngoại giao, công tước Adam Tsartorixki.

Khi hai người ra khỏi cung điện, công tước Andrey không nén được tiếng thở dài. Chàng nói:

- Chính những ngươi ấy đấy, chính những con người ấy quyết định vận mệnh của các dân tộc.

Hôm sau các đơn vị xuất quân, và mãi cho đến trận Austerlix, Boris không có thì giờ đến gặp Bolkonxki cũng như công tước Dolgorukov, và còn phải ở lại trung đoàn Izmail một thời gian nữa.

==========================================

Chú thích:

(1) Thái tử nước Áo.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:18:46 pm
Phần III
Chương - 9
     
Tảng sáng ngày mười sáu tháng mười một, đại đội kỵ binh của Denixov là đơn vị trong đó có Nikolai Roxtov và thuộc quân đoàn Bagration, rời trại để bắt đầu tham chiến.
     
Ấy là người ta nói thế thôi, chứ vừa đi chưa được một phần tư dặm sau các đội quân khác, thì nó đã được lệnh dừng lại trên dường cái. Roxtov thấy quân cô-dắc kéo qua trước mặt, rồi đại đội một và đại đội hai phiêu kỵ, rồi những tiểu đoàn bộ binh kèm theo vài khẩu đội pháo và sau cùng là hai tướng Bagration và Dolgorukov có sĩ quan phụ tá của họ đi theo. Lần này nữa, Roxtov lại thấy sợ, lại phải cố gắng ghê gớm để khắc phục nỗi khiếp sợ; lần này nữa chàng lại mơ ước hành động như một người phiêu kỵ chân chính; nhưng tất cả đều thành ra chuyện hão, vì đại đội của chàng phải giữ lại làm quân dự bị vì vậy suốt cả ngày chàng cứ chán nản ủ ê. Lúc chín giờ ở phía trước nghe một loạt súng ngắn dữ dội, rồi những tiếng "Ura" vọng lại, vài thương binh được đưa về hậu tuyến; sau cùng thấy một đội bách nhân cô-dắc (đơn vị chính quy của cô-dắc gồm một trăm người) kéo qua, dẫn theo cả một đội kỵ binh Pháp. Hẳn là trận đánh đã kết thúc, trận đánh có lẽ không quan trọng mấy nhưng mà may mắn. Những người dự trận về báo tin đại thắng, chiếm được Visao, bắt được cả một đại đội Pháp.
   
Sau cái đêm giá lạnh, ngày đã trở nên quang đãng, ngập ánh mặt trời và ánh nắng tươi vui chói lọi của ngày thu thật hợp với tin mừng ấy.

Không những các câu chuyện của những người dự trận về mà cả vẻ mặt hân hoan của quân lính, của sĩ quan, của tướng lĩnh, của các sĩ quan phụ tá mà Roxtov thấy đang qua lại tấp nập cũng đều xác nhận tin mừng ấy.
   
Nikolai đang bực mình vì đã trải qua những phút lo sợ trước trận đánh một cách vô ích và phải ngồi không, trong một ngày đẹp như hôm nay, cảm thấy tim mình càng thắt lại.

- Này Roxtov lại đây uống rượu tiêu sầu đi! - Có tiếng Denixov quát tướng lên gọi chàng. Bây giờ anh ta đang ngồi bên vệ đường trước một be rượu và mấy món nhắm.
   
Các sĩ quan của đại đội vây quanh cái căng tin của Denixov vừa điểm tâm vừa tán chuyện.

- Kìa, lại thêm một tên nữa bị dẫn về. - một người trong bọn vừa nói vừa chỉ một người lính long kỵ Pháp đi bộ, có hai người cô-dắc kèm hai bên. Ngựa của anh ta, một con ngựa giống Pháp cao, đẹp, thì một trong hai người cô-dắc cầm cương dắt đi. Denixov gọi với người cô-dắc.

- Này bán con ngựa cho tôi đi!

- Thưa đại nhân xin tuỳ ngài…
   
Bọn sĩ quan đứng dậy vây quanh lấy hai người cô-dắc và anh tù binh. Anh này là một thanh niên vùng Alzax mặt tái xám vì xúc động, nghe bọn sĩ quan nói tiếng Pháp, anh ta quay về phía họ và khi thì nói với người này, khi thì nói với người nọ, anh ta liến thoắng kể lể cho họ nghe bằng một giọng Đức khá nặng rằng lẽ ra anh ta không bị bắt làm tù binh; Anh ta bị bắt không phải lỗi tại anh ta mà là tại ông cai: ông ta cứ bắt anh ta đi lấy vải chùm mông ngựa bỏ quên ở ngoài phố, mặc dầu anh ta đã bảo là quân Nga đã vào thành. Nói một câu, anh ta lại vuốt con ngựa và nhắc lại luôn miệng: "Nhưng xin đừng hành hạ con ngựa bé bóng của tôi đấy!".

Hình như anh chàng hiểu rõ mình đang ở hoàn cảnh nào: Khi thì xin lỗi vì đã chót bị bắt, khi thì tưởng chừng như đang đứng trước mặt các cấp chỉ huy của mình, anh ta tự khoe tính tích cực và cần mẫn của mình trong công vụ. Nhờ người tù binh này, hậu quân của ta biết rõ ràng sốt dẻo cái không khí thật sự trong quân đội Pháp là điều rất xa lạ đối với họ.
   
Hai người cô-dắc bán con ngựa hai đồng tiền vàng; Roxtov lúc này là người giàu nhất trong dám sĩ quan liền bỏ tiền ra mua lấy.

Khi Roxtov nhận ngựa rồi, anh chàng người Alzax lại nói một cách chất phác:

- Nhưng xin đừng hành hạ con ngựa bé bóng của tôi!
   
Roxtov mỉm cười, bảo người lính long kỵ cứ yên tâm và cho anh ta ít tiền.

Một người cô-dắc nắm cánh tay anh tù binh đẩy đi, vừa đẩy vừa giục: A-lê, a-lê.

Bỗng có tiếng reo: "Hoàng thượng! Hoàng thượng!"
   
Mọi người đổ xô ra, cuống quít cả lên. Roxtov quay lại thấy mấy người cưỡi ngựa đi đến, những cái ngù lông trắng phất phơ trên chóp mũ. Chỉ một chốc là ai nấy đã hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sàng nghênh giá.
   
Roxtov cũng về chỗ; chàng leo lên lưng ngựa, lòng bàng hoàng không biết mình đang làm gì. Nỗi tiếc rẻ không được ra trận, nỗi chán chường về cảnh sống đơn điệu ngày nào cũng như ngày nào giữa những bộ mặt quá quen thuóc, tất cả bỗng chốc tiêu tan hết.
   
Chàng không hề nghĩ đến mình nữa: biết rằng nhà vua có mặt ở ngay cạnh, chàng đã thấy sướng điên lên rồi. Chỉ riêng việc nhà vua có mặt ở đây đã đủ đền bù cho chàng cả một ngày mất toi. Chàng sung sướng như một người yêu được một buổi hẹn hò hằng mong đợi Chàng văn đứng nghiêm trong hàng ngũ không hề dám trái kỷ luật mà nhìn ngang, nhìn ngửa, nhưng chẳng cần phải quay mặt lại chàng cũng cảm thấy với một lòng hân hoan vô hạn không tài nào tả xiết rằng "Người" đang đi đến gần. Và không những tiếng vó ngựa mỗi lúc một to, mà mọi vật ở quanh chàng cũng mỗi lúc một tươi sáng lên, một long trọng hơn lên làm cho chàng biết là dạo ngự sắp tới. Vầng thái dương toả ra cái ánh sáng dịu dàng mà rực rỡ ấy mỗi lúc một gần; và phút chốc những tia hào quang đã bao trùm lấy Roxtov; phút chốc đã nghe giọng nói của Người, - giọng nói ấm áp, điềm tĩnh, uy nghi mà đồng thời giản dị. Trực giác của Roxtov đoán quả quyết không sai: giữa cảnh im lặng như tờ, tiếng nói của hoàng thượng nghe lanh lảnh:

- Quân phiêu kỵ Pavlograd phải không?

- Tâu hoàng thượng, đây là đạo quân dự bị!
   
Cái giọng trả lời này nghe nó trần tục quá so với cái giọng siêu phàm đã nói mấy tiếng "Quân phiêu kỵ Pavlograd ". Đi qua mặt Roxtov, hoàng đế Alekxandr dừng lại. Vẻ mặt ngài lại càng đẹp hơn hôm duyệt binh ba ngày về trước. Bao nhiêu hân hoan, bao nhiêu thanh xuân rực rỡ trên khuôn mặt ngài, vẻ mười bốn tuổi, tuy vậy cũng không làm cho gương mặt của người bớt vẻ uy nghi dường bệ của các bậc hoàng đế. Điểm qua đại đội, đôi mắt người tình cờ gặp đôi mắt Roxtov và dừng lại một lát. Ngài có hiểu chăng những gì đang diễn ra trong tâm hồn của chàng? (Roxtov có cảm giác là Người đã hiểu hết nỗi lòng mình). Dù sao đôi mắt xanh của ngài, mà ánh sáng toả ra dịu dàng, cũng nhìn chàng trong vài giây. Rồi bỗng ngài giương đôi lông mày, lấy chân trái thúc ngựa phi nước đại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:19:33 pm
 Mặc dầu các triều thần đã hết sức can ngăn, vị hoàng đế trẻ tuổi cũng không thể cưỡng được ý muốn thân chinh ra trận, và vào khoảng giờ ngọ, người bỏ quân đoàn thứ ba mà Người vẫn đi theo, để phi ngựa ra với đại tiên phong. Nhưng Người chưa kịp đến chỗ quân phiêu kỵ dừng lại thì các sĩ quan phụ tá đã đến báo tin mừng tháng trận.
   
Trong trận này chẳng qua chỉ bắt được một đại đội kỵ binh Pháp, nhưng nó lại được người ta giới thiệu như một trận thắng rực rỡ; cho nên hoàng đế và toàn thể quân đội đều tưởng là quân Pháp đã bị đánh bại và bắt buộc phải rút lui, nhất là trong khi khói súng hãy còn bao phủ chiến trường.
   
Mấy phút sau khi hoàng đế đi qua, sư đoàn của trung đoàn Pavlograd được lệnh tiến quân. Và chính khi vào thành Visao, Roxtov lại được thấy lại hoàng thượng. Trên quảng trường của cái thành phố nhỏ ấy là nơi vừa nói có trận bắn nhau khá dữ, mấy người chiến sĩ còn nằm lại, chết hay bị thương, chưa kịp đưa đi. Hoàng đế cưỡi một con ngựa cái khác con ngựa hôm duyệt binh, nhưng cũng là ngựa hồng lai Anh. Đi theo người là một đoàn hộ giá rất đông. Nghiêng mình sang một bên, cầm cái kính tay bằng vàng với một cử chỉ đẹp mắt. Người nhìn một người lính nằm sấp đầu đẫm máu, không có mũ. Người thương binh nom khủng khiếp quá, đến nôi Roxtov rất phật ý khi thấy nó ở ngay cạnh vị hoàng đế. Roxtov thấy đôi vai hơi gù của Người bất giác thúc vào sườn ngựa nhưng con ngựa cái đã được tập rất thuần thục chỉ thản nhiên quay đầu lại nhìn, không dịch đi một bước. Cuối cùng một sĩ quan phụ tá xuống ngựa, xốc người lính lên và dặt vào một cái cáng vừa đem đến; anh ta rên lên một tiếng. Hoàng đế có vẻ đau xót hơn cả người sắp chết, kêu lên:

- Nhẹ tay, nhẹ tay chứ; không thể nhẹ tay hơn nữa sao?
   
Roxtov thấy Người rưng rưng nước mắt và nghe tiếng Người nói bằng tiếng Pháp với Tsartorixki khi thúc ngựa đi:

- Khủng khiếp!
   
Hậu quân đã đóng ở trước Visao dối diện với quân địch, suốt ngày hôm ấy hễ cứ bắn nhau một tí là quân địch lại rút lui. Hoàng đế ngỏ lời cảm tạ ba quân, người hứa sẽ thăng thưởng, quân sĩ được phát gấp đôi phần rượu mạnh. Tối đến, lửa trại nổ tí tách và giọng hát của binh sĩ càng vui hơn đêm trước. Đêm ấy Denixov ăn mừng nhân dịp được thăng thiếu tá. Cuối bữa tiệc nhỏ, Roxtov đã khá say, đề nghị nâng cốc chúc sức khoẻ của hoàng đế. Chàng phân trần:

- Xin các vị hiểu cho. Tôi không đề nghị chúc "sức khoẻ của hoàng thượng" như trong những yến hội chính thức, mà chúc sức khoẻ của vua Alekxandr, của con người nhân từ, hấp dẫn, vĩ đại ấy. Vậy xin chúc sức khoẻ của Người, mừng thắng trận quân Pháp!

- Thưa các vị thắng lợi đã chắc chắn cả mười phần. Nếu trước đây chúng ta đã đánh mạnh, nện cho quân Pháp một vố nên thân như ở Songraben thì ngày nay khi hoàng đế thân chinh cầm quân, chúng ta còn sẽ đánh hăng như thế nào! Tất cả chúng sẽ vui sướng mà chết vì Người, có phải không các vị? Có lẽ tôi diễn đạt không được hay, tôi uống có hơi nhiều; nhưng đó là tình cảm của tôi và cũng là của các vị nữa. Chúc sức khoẻ Alekxandr đệ nhất! Ura!

Tất cả sĩ quan đồng thanh hô theo: Ura! và ông đại uý Kirxten già cũng gửi vào tiếng hô lòng cuồng nhiệt ngây ngô không kém gì Roxtov, chàng thanh niên hai mươi tuổi.
   
Khi các sĩ quan đã uống cạn và đập vỡ hết cốc Kirxten lại rót một loạt cốc khác. Mặc chiếc áo sơ mi để hở bộ ngực trắng hếu, râu mép dài hoa râm, ông ta khoa tay vung cốc rượu của mình, đi về phía các đống lửa của binh lính rồi dừng lại trong vùng ánh sáng của một đống lửa trại với một tư thế cực kỳ trang trọng và cất cái giọng kỵ binh già trầm trầm và rắn rỏi quát lớn:

- Nào các chú, chúc sức khoẻ Đức Hoàng thượng, chúc trận thắng quân địch. Ura!

Lính phiêu kỵ vây kín lấy ông ta và cùng hoan hô ầm ĩ.
   
Đêm đã khuya; khi mọi người đã ra về, Denixov vỗ vai Roxtov anh bạn cưng chiều, và nói:

- Thế ra, đi chiến dịch không tìm được ai để phải lòng, cậu phải mê Sa hoàng phỏng?
   
Denixov dừng đùa thế; đó là tình cảm thật tốt đẹp, thật cao cả, thật…

- Phải, phải; mình cũng đồng tình, mình cũng tán thành…

- Không, anh không hiểu đâu!
   
Rồi Roxtov đứng dậy đi lang thang qua các trại quân, mơ tưởng đến hạnh phúc được chết, không phải chết để cứu mạng cho hoàng đế là điều mà chàng không dám mơ màng, mà chỉ được chết trước mặt hoàng đế thôi. Quả thật chàng ta si mê vị hoàng đế của mình và say sưa với vinh quang của quân đội Nga, với hy vọng ở một trận thắng nay mai. Vả lại, chẳng phải mình chàng cảm thấy thế trong những ngày đáng ghi nhớ trước trận Austerlix; chín phần mười quân sĩ cũng say mê hoàng đế của họ và say sưa với vinh quang của quân đội Nga tuy chưa phải đến mức cuồng si như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:20:39 pm
Phần III
Chương - 10

Hôm sau hoàng thượng ở lại Visao. Ngự y Villie được triệu đến mấy lần. Ở tổng hành dinh và trong các đạo quân đóng quanh Tổng hành dinh, có tin đồn thánh thể bất an. Theo lời của những người thân cận, thì Người không ăn uống gì và đêm ấy ngủ không yên giấc. Sở dĩ hoàng thượng xem mình như vậy là vì cái ấn tượng mà cảnh quân lính thương vong đã ghi sâu vào cái tâm hồn dễ xúc cảm của Người.
   
Tảng sáng ngày mười bảy, một sĩ quan Pháp, cầm cờ trắng là dấu hiệu của sứ giả đi điều đình, đến đồn tiền tiêu xin yết kiến Nga hoàng và được đưa đến Visao. Viên sĩ quan ấy là Xavary. Hoàng thượng vừa mới nghỉ được một lát và Xavary phải chờ. Vào giữa trưa, y được vào bệ kiến và một giờ sau lại trở về với dồn tiền tiêu của quân Pháp, cùng đi với công tước Dolgorukov.

Có tin đồn rằng mục đích cuộc công cán của Xavary là đề nghị một cuộc hội kiến giữa hoàng đế Alekxandr và Napoléon. Hoàng thượng đã từ chối cuộc hội kiến, và điều đó làm cho ba quân rất mừng rỡ và tự hào. Vì vậy Dolgorukov là tướng đã thắng trận Visao được cử đi theo Xavary, thay mặt hoàng đế thượng nghị với Napoléon, nếu trái với mọi sự mong đợi của mọi người, Napoléon, có ý muốn xin giảng hoà thật. Đến tối, Dolgorukov trở về vào thẳng ngự dinh và ở lại rất lâu với hoàng thượng.
   
Ngày mười tám và mười chín tháng mười một, các đạo quân tiến thêm hai đoạn đường và các đồn tiền tiêu của quân địch lại lùi, sau vài phát súng qua lại. Từ giữa trưa ngày mười chín, các giới chỉ huy cao cấp nhộn nhịp sôi nổi khác thường và tình hình ấy kéo dài đến sáng ngày hôm sau, hai mươi tháng mười một, là ngày diễn ra trận Austerlix đáng ghi nhớ.
   
Kể cho đến giữa trưa ngày mười chín, chỉ có giữa hai tổng hành dinh của vua Nga và vua Áo mới thấy có một tình hình khẩn trương nhộn nhịp, nào những cuộc bàn luận sôi nổi, nào những tin tức qua lại nào những chuyến đi công cán của các sĩ quan phụ tá. Bắt đầu từ giữa trưa ngày hôm ấy thì cảnh nhộn nhịp lan đến cả tổng hành dinh của Kutuzov và bộ tham mưu của các tướng chỉ huy quân đoàn. Đến chiều, do sĩ quan của các tướng truyền đi, tình hình nhộn nhịp đã lan khắp quân đội từ tiền quân đến hậu quân, và đêm mười chín rạng ngày hai mươi toàn thể quân đội đồng minh gồm tám vạn người rời bỏ trại, rầm rập tiến lên thành một trận tuyến khổng lồ rộng tới chín dặm Nga.
   
Sự chuyển động tập trung phát ra hồi sáng từ tổng hành dinh hai hoàng đế và thúc đẩy toàn thể quân đội, cũng chẳng khác nào sự chuyển động đầu tiên cửa chiếc bánh xe lớn trong một cái đồng hồ khổng lồ. Từ từ, một trong các bánh xe bắt đầu quay, rồi một cái thứ hai, rồi một cái thứ ba; rồi thì các bánh xe răng cưa to nhỏ và các trục nang dọc lần lượt chuyển theo, mỗi lúc một nhanh: rồi chuông đánh, những pho tượng nhỏ diễu qua, và, đôi khi chỉ chờ phút quay đều đều, cho thấy kết quả cuối cùng của toàn hoạt động.
   
Cũng như bộ máy đồng hồ, bộ máy quân sự cũng phải chạy đến cùng sự chuyển động đầu tiên phát ra, và bộ phận của nó cũng đều nằm yên cho đến khi được đẩy đi. Các bánh xe quay ken két trên trục, răng cưa khớp vào nhau, sức quay nhanh làm cho những bánh xe nhỏ rít lên, thế mà cái bánh xe bên cạnh vẫn nằm yên, tương chừng sẽ còn nằm nguyên như thế hàng trăm năm nữa. Nhưng khi đã đến lúc, một cái răng cưa cuốn nó đi, thế là theo đà chuyển động nó quay tít và kêu vù vù góp phần vào hoạt động chung mà nó không hề hay biết kết quả và mục đích.
   
Trong cái đồng hồ chuyển động phức tạp của vô số bộ máy rốt cục làm cho đôi kim chuyển chầm chậm và đều đều để chỉ thời giờ; và cũng hệt như vậy, những chuyển động phức tạp của mười sáu vạn quân vừa Nga, vừa Pháp này, những mối nhiệt tình, những dục vọng, ước mong, hối tiếc, tủi hổ, đau xót, những mềm kiêu hãnh bồng bột, những mối lo sợ bồn chồn, những nỗi hân hoan cuồng nhiệt của họ, tất cả những thứ đó va chạm nhau, trộn lẫn vào nhau, đều không đưa đến kết quả nào khác là sự thất bại trong trận Austerlix cũng gọi là trận Ba Hoàng đế(1), nghĩa là đưa đến một chuyển động rất chậm của cái kim lịch sử thế giới trên mặt đồng hồ lịch sử nhân loại.

Ngày hôm ấy, công tước Andrey thường trực và không rời khỏi tổng tư lệnh.

Vào khoảng hơn năm giờ chiều Kutuzov đến tổng hành dinh và, sau một cuộc hội kiến ngắn với hoàng đế, đến gặp đại nguyên soái ngự tiền là bá tước Tolstoy.
   
Bolkonxki liền thừa dịp đến hỏi Dolgorukov về tình hình chi tiết. Công tước Andrey cảm thấy Kutuzov đang cáu gắt và bất bình, mà ở tổng hành dinh người ta cũng đang bất bình về Kutuzov và mọi người đều nói với ông bằng cái giọng của kẻ biết được một điều gì mà người khác không biết; và chính vì vậy chàng muốn hỏi chuyện Dolgorukov xem sao. Dolgorukov bấy giờ đang uống trà với Bilibin nói:

- A. Chào các bạn. Mai là ngày hội lớn đấy. Còn các cụ nhà anh thì nghĩ thế nào?

- Ông ta đang cáu lắm phải không?

- Tôi không cho là ông cụ đang cáu, theo tôi thì chẳng qua ông cụ chỉ muốn người ta nghe ý kiến mình thôi.

- Nhưng mà người ta đã nghe ông ấy ở hội đồng quân sự và người ta còn nghe nữa khi nào ông ta nói có lý; còn đang lúc này, Buônapáctê không sợ gì hơn là một trận đại chiến, mà lại trì hoãn để chờ đợi, chẳng biết chờ đợi cái gì, thì không thể được.
   
Công tước Andrey nói:

- À thế anh đã gặp Buônapáctê? Buônapáctê như thế nào? Anh thấy hắn thế nào?

- Vâng, tôi đã gặp hắn và biết chắc rằng hắn không sợ gì cho bằng một trận đại chiến. - Dolgorukov nhắc lại và rõ ràng là rất thích thú với cái kết luận mà ông ta đã rút ra được từ cuộc hội kiến này - Tại sao lại chịu điều đình và nhất là lại lui quân, mà lui quân là một việc hết sức trái ngược với phương pháp tác chiến của hắn?

- Anh hãy tin tôi, hắn đang sợ, sợ một trận đại chiến, giờ tận số của hắn đã đến. Tôi cam đoan với anh là thế.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:21:33 pm
Công tước Andrey lại hỏi:

- Nhưng anh hãy kể lại cho chúng tôi nghe anh thấy Buônapáctê như thế nào?

Hắn ta là một người mặc áo đuôi én màu xám, rất thích tôi gọi là "Bệ hạ", nhưng đáng buồn cho hắn là tôi không gọi bằng tước hiệu gì cả. Hắn là như thế đấy, và không còn gì khác hơn nữa. - Dolgorukov vừa nói vừa liếc sang Bilibin mỉm cười. Ông nói tiếp:

- Tuy tôi rất kính trọng cụ Kutuzov, tôi cũng thấy rằng chúng ta mà còn chờ nữa và để cho hắn có dịp chuồn đi hay là lừa ta một vố trong lúc hắn đang chắc chắn nằm trong tay ta thì thật là đẹp mắt. Không được! Không nên quên Xuvorov và nguyên tắc của ông ta. Không bao giờ nên tự đặt mình vào cái thế bị tấn công mà phải tự mình tấn công trước. Các anh hãy tin tôi, ra trận thì tinh thần cương quyết hăng hái của phái trẻ thường chỉ đường chiến thắng chắc hơn tất cả kinh nghiệm của các lão tướng Cunctartor(2).

Công tước Andrey nói:

- Nhưng chúng ta tấn công địch ở vị trí nào? Hôm nay tôi đã lên các đồn tiền tiêu và chịu không thể biết được đích xác lực lượng chính của quân địch bố trí ở chỗ nào?
   
Chàng muốn nói với ông Dolgorukov về kế hoạch tấn công mà chàng đã nghĩ ra.
   
Dolgorukov đứng dậy, vừa trải lên bàn một tấm bản đồ vừa nói nhanh:

- À! Hắn ở đâu cũng thế thôi! Mọi trường hợp đã được dự kiến hết: nếu hắn là Bruyn…

Rồi Dolgorukov trình bày rất nhanh và lộn xộn kế hoạch tiến quân bên sườn do Vairother dự định.
   
Công tước Andrey phản đối mấy điểm và trình bày kế hoạch của mình, một kế hoạch cũng có thể hay không kém gì kế hoạch của Vairother, nhưng gặp trở ngại là đưa ra sau khi kế hoạch kia đã được chuẩn y. Khi chàng muốn chứng minh những khuyết điểm trong kế hoạch kia và những ưu điểm trong kế hoạch của mình, thì công tước Dolgorukov không nghe nữa và đáng lẽ nhìn vào bản đồ thì lại nhìn chàng một cách lơ đãng và nói:

- Vả lại hôm nay sẽ họp hội đồng quân sự ở hành dinh Kutuzov anh có thể đem trình bày tất cả các điểm này.

- Chính thế, hôm nay tôi sẽ nói. - Công tước  Andrey vừa nói vừa rời khỏi bản đồ.

Bilibin từ nãy đến giờ chỉ mỉm cười vui vẻ lắng nghe câu chuyện giữa hai người, giờ mới chêm vào với dụng ý rõ ràng là muốn bỡn cợt.

- Nhưng mà các ngài bận tâm vì cái gì mới được chứ? Dù mai chúng ta thắng hay bại, vinh quang của quân đội Nga cũng vẫn được vẹn toàn cơ mà. Ngoài Kutuzov của anh ra, có vị tư lệnh quân đoàn nào là người Nga nữa đâu. Này nhé: tướng quân Vimpfen, bá tước đơ Langeron, công vương Lichtenstein, công vương Hohenlohe và sau cùng là Prsch… Prsch… và vân vân, như mọi tên Ba Lan khác.
   
Dolgorukov nói:

- Im đi, đồ ác khẩu… Không đúng thế đâu, bây giờ đã có hai tướng là người Nga: Miloradovich và
Dolgorukov, lại có thêm một người thứ ba nữa: bá tước Arakseyev nhưng thần kinh ông ta yếu lắm.

- Chắc ông Mikhail Ilarionovich đã họp xong. Thôi, xin chúc các vị may mắn. - Công tước Andrey nói đoạn bắt tay Dolgorukov và Bilibin rồi đi ra.
     
Trên đường về, nhìn Kutuzov ngồi yên lặng bên cạnh mình, Công tước Andrey không thể không hỏi xem ông ta nghĩ thế nào đến trận đánh ngày mai.
   
Kutuzov nghiêm nghị nhìn người sĩ quan phụ tá của mình, yên lặng một lúc rồi đáp:

- Tôi nghĩ là trận này sẽ thua và đó là điều tôi đã nói với bá tước Tolstoy, nhờ bá tước tâu lên hoàng thượng. Và anh có biết là bá tước trả lời tôi thế nào không. "Ấy! Tướng quân thân mến ơi, tôi chỉ dự bàn việc gạo, thịt, còn việc đánh nhau thì ông bạn lo lấy". Vâng… Người ta trả lời cho tôi như thế đấy.

========================================

Chú thích:

(1) Đầu thế kỷ 19 ở châu Âu có ba hoàng đế thì đều dự trận này cả: một bên là Napoléon đệ nhất, Hoàng đế Pháp, một bên là Frantx đệ nhị. Hoàng đế Áo - Hung và Alekxandr đệ nhất, Hoàng đế Nga.

(2) Trong cuộc chiến tranh giữa Canhago và La Mã, thời cổ đại (218 - 202 trước công nguyên) danh tướng Canhago là Annibal tiến quân vào lãnh thổ La Mã như vũ bão, đánh tan hết các đạo quân thiện chiến của La Mã. Bấy giờ Fabiux được công cử làm nguyên soái. Chiến lược của Fabiux là tránh giáp trận, kéo dài cuộc cầm cự, dùng thời gian mà tiêu hao khí thế và lực lượng của đối phương. Nhờ chiến lược khôn ngoan ấy mà La Mã khỏi bị tiêu diệt. Nhưng người đương thời không hiểu, cho Fabiux là hèn nhát và phản bội và gọi ông là Cunctator nghĩa là "Người trì hoãn". Trong các ngôn ngữ Tây Phương Cunctator có nghĩa là người chỉ huy quân sự dè dặt, khôn ngoan, không hành động sôi nổi, để chờ thời cơ thuận tiện. Trong các cuộc chiến tranh chống Napoléon, chiến lược của Kutuzov chính là tranh những trận đánh vô ích để chờ thời cơ, dùng chiến tranh nhân dân mà đuổi địch.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:22:40 pm
Phần III
Chương - 11

Khoảng gần mười giờ đêm Vairother mang kế hoạch đến họp hội đồng quân sự ở hành dinh của Kutuzov. Tất cả các tướng tư lệnh quân đoàn đều được mời đến họp với tổng tư lệnh và mọi người đều đến đúng giờ, chỉ riêng công tước Bagration từ chối không đến.
   
Là người được giao toàn quyền xếp đặt kế hoạch tác chiến ngày mai, Vairother rất hăng hái, sôi nổi, trái hẳn với Kutuzov đang bực mình, buồn ngủ và miễn cưỡng đóng vai trò chủ toạ và chỉ đạo cuộc họp. Vairother thấy rõ ràng là mình đang cầm đầu một cuộc vận động đã trở thành không thể cưỡng lại được nữa. Ông ta như một con ngựa đã thắng vào càng một chiếc xe đang hăng xuống dốc. Chính mình đưa xe hay bị xe đẩy đi, ông ta cũng không rõ nữa; nhưng trong khi cắm đầu chạy hết tốc lực, ông không còn thì giờ nghĩ xem chạy như thế này rồi sẽ đến đâu. Tối hôm ấy, hai lần ông ta thân hành đi xem xét trận địa các đồn tiền tiêu của địch và hai lần về báo cáo và trình bày tình hình với hai vị hoàng đế Nga hoàng và Áo hoàng rồi lại trình bày với bộ chỉ huy của mình, đọc cho họ ghi lệnh bố trí quân đội bằng tiếng Đức. Khi đến nhà Kutuzov họp thì ông ta đã mệt phờ.
     
Rõ ràng ông ta rất bận rộn, đến nỗi quên cả lễ phép đối với vị tổng tư lệnh; ông ta ngắt lời Kutuzov, nói năng hấp tấp, lúng túng, không nhìn con người đang tiếp chuyện mình, có người hỏi cũng không đáp lại; người ông ta thì lấm bùn be bét, trông phờ phạc, thảng thốt đến thảm hại, nhưng đồng thời lại hết sức tự tin và tự hào.

Kutuzov ở trong một toà lâu đài nhỏ gần Oxtralex. Trong phòng khách lớn dùng làm văn phòng của tổng tư lệnh, đã đủ mặt Kutuzov, Vairother và các uỷ viên của hội đồng quân sự. Họ đang uống trà. Chỉ chờ công tước Bagration đến nữa là bắt đầu cuộc họp.
   
Khoảng tám giờ(1), một sĩ quan tuỳ tùng của công tước đến báo là ông ta không đến được. Công tước Andrey vào báo với tổng tư lệnh. Và đã được Kutuzov cho phép từ trước, chàng ở lại trong phòng dự cuộc họp.

- Công tước Bagration không đến, vậy chúng ta có thể bắt đầu.
   
Vairother vừa nói vừa hấp tấp đứng dậy, đi đến cạnh cái bàn có trải một bản đồ rộng tướng về những vùng xung quanh Bruyn.
   
Kutuzov ngồi trong một chiếc ghế bành kiểu Volter(2) đang lơ mơ ngủ, cái cổ mập mạp thò ra khỏi bộ quân phục cởi khuy như vừa thoát cũi sổ lồng, hai bàn tay múp mít đặt rất cân đối trên hai tay ghế. Nghe tiếng Vairother, ông ta cố gắng mở con mắt độc nhất nói:

- Vâng, vâng, xin mời ngài bắt đầu không muộn mất - Nói xong lại gục đầu xuống và nhắm mắt lại.
   
Lúc đầu thì các uỷ viên hội đồng có thể tưởng là Kutuzov vờ ngủ, nhưng về sau trong khi Vairother đọc thì những tiếng phì phò từ mũi ông ta phát ra chứng tỏ rằng đối với vị tổng tư lệnh giờ phút này có một việc quan trọng cần phải làm hơn là tỏ ý việc thoả mãn một nhu cầu cấp thiết của con người: nhu cầu ngủ. Và Kutuzov ngủ thật. Vairother liếc nhìn ông ta, vẻ như một người bận rộn quá không còn có một phút thừa nào để mất vào việc gì nữa, và khi đã chắc chắn rằng ông ta đã ngủ yên, liền cầm giấy cất giọng sang sảng và đều đều đọc kế hoạch bố quân trong trận đánh sắp tới, không quên đọc cả đề mục của bản văn kiện:
   
"Kế hoạch bố quân tấn công vị trí địch ở phía sau Kobelnitx và Kokolnitx ngày hai mươi tháng mười một 1805"(3)

Bản kế hoạch khá phức tạp và khó hiểu. Nguyên văn như sau:
   
"Vì địch đưa tả quân vào các đồi có cây cối rậm rạp và rải hữi quân dọc Kobelnitx và Kololnitx sau những ao đầm ở vùng ấy, còn trái lại tả quân ta vượt quá cánh hữu địch, lợi thế của ta là tấn công cánh quân ấy, nhất là nếu chúng ta chiếm các làng Xokalnitx và Kobelnitx thì có thể đánh bổ vào sườn địch và đuổi địch đến dải đất bằng ở khoảng giữa Slapanilx và rừng Thyraxa, tránh các hẻm núi Slapanitx và Bellovitx là những nơi bảo vệ cho mặt trận của địch.
   
Muốn đạt mục đích ấy, cần phải… Đạo quân thứ nhất tiến… Đạo quân thứ hai tiến… Đạo quân thứ ba tiến…

   
Các tướng hình như đều nghe đọc bản kế hoạch khó hiểu này một cách miễn cưỡng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:23:26 pm
Bulxhevzen một viên tướng cao lớn tóc hung, đứng dựa vào tường, mắt chăm chú nhìn một cây nến đang cháy, tựa hồ không nghe mà thậm chí cũng không muốn người ta tưởng là mình nghe nữa. Ngồi ngay trước mặt Vairother là Miloradovich sắc mặt hồng hào hiên ngang, đôi vai cũng nhô lên cao. Miloradovich cố làm thinh và chằm chằm nhìn Vairother mãi cho đến khi viên tổng tham mưu quân đội Áo ngừng đọc mới thôi nhìn. Bấy giờ Miloradovich quay lại nhìn các tướng kia một cách đầy ý nghĩa. Nhưng cứ theo ý nghĩa của cái nhìn đầy ý nghĩa ấy thì khó mà đoán được là ông ta đồng ý hay không, có tán thành bản kế hoạch hay không. Người ngồi gần Vairother nhất là bá tước Langeron. Trên khuôn mặt kiểu người Pháp miền Nam của ông ta, suốt thời gian Vairother đọc không lúc nào là không có một nụ cười mỉm rất tinh, đôi mắt thì mải ngắm mấy ngón tay dài, thon thon đang cầm lấy góc một cái hộp thuốc lá bằng vàng trên nắp có chạm một bức chân dung, búng cho nó quay tít. Giữa một câu văn tràng giang đại hải nhất, ông ta ngừng quay hộp thuốc lá, ngẩng đầu lên với một thứ lễ độ khó chịu cất một giọng hát nghe như phát ra từ đầu đôi môi thanh tú, ngắt lời Vairother, định nói một điều gì nhưng viên tướng Áo không ngừng đọc, cau mày tức giận, hất hất hai khuỷu tay như muốn ra hiệu: "chốc nữa, chốc nữa hãy nói, bây giờ hẵng theo dõi trên bản đồ và chú ý nghe". Langeron đôi mắt lưỡng lự ngước nhìn về phía Miloradovich như để nhờ giải thích thái độ của Vairother nhưng gặp phải cái nhìn có vẻ dầy ý nghĩa mà thực ra không có ý nghĩa gì hết, liền buồn rầu cúi nhìn xuống, và lại tiếp tục búng cái hộp thuốc lá.

- Một bài địa lý! - Ông ta nói, như thể mình tự nhủ mình nhưng đủ rõ để mọi người đều nghe.

Prjebysevxki, vẻ kính cẩn nhưng đường hoàng xòe bàn tay cạnh tai làm cái loa hướng về phía Vairother vẻ đang nghe rất chăm chú và mải mê. Trước mặt Vairother, tướng Dolgorukov người thấp bé, vẻ cần cù và khiêm tốn, cúi xuống bản đồ nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật mà ông ta chưa biết. Nhiều lần ông ta nhờ Vairother nhắc lại những đoạn nghe không rõ và những tên làng khó đọc, Vairother nhắc lại, và Dolgorukov ghi lấy.
     
Hơn một giờ sau, khi Vairother đọc xong, Langeron lại ngừng quay hộp thuốc lá và không nhìn Vairother cũng chẳng nhìn ai hết, ông trình bày những khó khăn trong việc thực hiện một kế hoạch như thế, vì kế hoạch ấy giả thiết rằng tình hình của địch đã được biết chính xác, nhưng thực ra thì tình hình ấy có lẽ không ai biết được vì địch đang chuyển quân. Lời phản đối của Langeron có căn cứ, nhưng rõ ràng là chỉ có mục đích làm cho Vairother hiểu rằng ông ta đã đọc bản kế hoạch của mình với một thái độ quá tự tin như đọc cho một đám học trò nghe, và trong những người ngồi nghe ở đây không phải chỉ có những kẻ ngu ngốc mà còn có những người có thể dạy ông ta về thuật cầm quân.
   
Khi cái giọng đơn điệu của Vairother ngừng lại. Kutuzov mở mắt ra, như một người giữ cối xay bột tỉnh giấc khi tiếng quay đều đều của cái bánh xe cối xay ngừng lại. Ông lắng nghe Langeron, vẻ như muốn nói: "Ra các ông vẫn còn bàn đến những chuyện ngu xuẩn ấy à!" rồi vội vàng nhắm mắt lại và càng gục đầu xuống thấp hơn trước nữa.
   
Cố ý làm cho lòng tự ái của các nhà tác giả quân sư Vairother tổn thương đau đớn nhất, Langeron chứng minh rằng Buônapáctê có thể tấn công rất dễ dàng chứ không phải là bị tấn công, và như vậy thì bản kế hoạch bố quân sẽ hoàn toàn vô dụng. Đáp lại tất cả mọi lời phê bình, Vairother chỉ dùng một nụ cười mỉm đã được chuẩn bị từ trước để đối phó với sự phản đối thế nào. Ông ta nói:

- Nếu có thể tấn công ta thì hắn đã tấn công hôm nay rồi.

- Vậy ra ngài cho là hắn bất lực ư? - Langeron lại bẻ.

- Hắn có tất cả bốn vạn quân là cùng. - Vairother đáp lại với cái mỉm cười của một vị danh y khi nghe một mụ lang vườn mách một phương thuốc.

- Nếu vậy mà hắn lại đợi cho chúng ta tấn công thì hắn đi đến chỗ tự sát rồi.
     
Langeron kết luận, môi nở một nụ cười mỉa mai tế nhị, nhìn người ngồi gần nhất là Miloradovich mong được ông ta tán thành.

Nhưng lúc bấy giờ Miloradovich hẳn không hề quan tâm chút nào đến cái vấn đề đang được các tướng lĩnh tranh luận, ông ta nói:

- Tình thật mà nói thì mọi việc sẽ quyết định trên chiến trường.
     
Vairother lại mỉm cười, để cho người ta thấy rõ ràng ông ta buồn cười và lấy làm lạ rằng các tướng Nga đã bắt bẻ ông ta, khiến cho ông ta phải chứng minh những điều không những ông ta hoàn toàn tin là đích xác mà lại đã từng làm cho cả hai hoàng đế đều phải tin theo nữa. Ông ta lại nói:

- Địch đã tắt hết lửa, và bên trại chúng có tiếng ồn ào không ngớt. Như vậy nghĩa là thế nào? Hoặc có thể chúng đang rút đi và đó là điều duy nhất có thể làm cho ta ngại, hoặc là chúng đang thay đổi trận địa. (ông ta cười khẩy) - Dù cho chúng có đổi trận địa, sang đóng ở Thuyraxa, chúng cũng chỉ làm cho ta đỡ những mối phiền lớn mà thôi; dù thế nào thì cả những việc đã dự định, cho đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cũng đều sẽ giữ nguyên.

- Sao thế nhỉ? - Công tước Andrey, từ lâu vẫn chờ cơ hội bày tỏ những nôi lo ngại của mình, hỏi ngay.

Vừa lúc ấy Kutuzov thức giấc, ho một tiếng nặng nề rồi nhìn quanh các tướng một lượt, nói:

- Thưa các ngài, kế hoạch bố trận ngày mai, hay nói cho đúng hơn là ngày hôm nay, vì bây giờ đã quá nửa đêm rồi, không thể nào thay đổi được. Các ngài đã nghe đọc bản kế hoạch và tất cả chúng ta sẽ làm tròn bổn phận. Nhưng trước một trận đánh, không có gì quan trọng bằng… - Ông ta ngừng một lát, rồi kết luận… - bằng ngủ một giấc cho đẫy.
   
Ông làm ra bộ sắp đứng dậy. Các tướng cúi chào, rồi lui ra.
   
Công tước Andrey cũng ra theo họ. Bấy giờ đã gần một giờ sáng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:24:15 pm
Ở hội đồng quân sự, công tước Andrey đã không bày tỏ được ý kiến của mình như chàng vẫn mong đợi, điều đó để lại cho chàng một ấn tượng bối rối và lo ngại. Ai có lý? Dolgorukov và Vairother những người đã đề ra kế hoạch tấn công, hay trái lại, là những người không tán thành kế hoạch ấy: Kutuzov, Langeron và những người khác? Chàng cũng không hiểu nữa. "Nhưng sao Kutuzov lại không thể trực tiếp đệ trình ý kiến của mình lên hoàng thượng? Phải chăng không có cách gì làm khác đi được? - chàng tự nghĩ - Chẳng lẽ vì ý riêng của vài kẻ triều thần mà hàng vạn sinh mệnh và cả tính mệnh của mình nữa lâm vào cảnh hiểm nghèo sao? Ừ cả tính mệnh của mình nữa, vì rất có thể ngày mai mình bị giết". Và đột nhiên, chàng vừa nghĩ đến cái chết thì những kỷ niệm xa xưa nhất, sâu kín nhất, đã tràn ngập trí tưởng tượng của chàng. Chàng nhớ lại phút từ biệt cha và vợ lần cuối cùng. Chàng nghĩ đến Liza đang có thai, nhớ lại những ngày đầu của cuộc tình duyên giữa hai người và thấy thương hại cả vợ lẫn mình. Cảm thấy mủi lòng và xúc động mạnh quá chàng ra khỏi, ngôi nhà chàng ở chung với Nexvitxki và bắt đầu đi bách bộ ở trước cửa.
     
Đêm hôm ấy có sương mù, và qua màn sương vầng trăng chiếu xuống cảnh vật một ánh sáng huyền ảo. "Phải ngày mai, ngày mai! - Chàng tự nhủ. - Ngày mai có lẽ mọi sự sẽ chấm dứt đối với ta, tất cả những kỷ niệm ấy sẽ không còn nữa, tất cả những kỷ niệm ấy đối với ta sẽ không còn ý nghĩa gì hết. Ngay ngày mai, có lẽ, và chắc chắn nữa là khác ta linh cảm thấy như vậy, lần đầu tiên ta có dịp tỏ hết khả năng". Rồi chàng tưởng tượng ra trận đánh, giờ phút nguy cấp trong đó cả chiến trường dồn hết vào một điểm duy nhất, tất cả các tướng lĩnh đều hoang mang. Và đây, cái phút may mắn đã đến với chàng, cái trận Toulon bấy lâu mong đợi. Giọng nói rõ ràng rắn rỏi chàng sẽ trình bày ý kiến với Kutuzov, với Vairother, với hai vị hoàng đế. Mọi người đều thấy những ý kiến đó đúng quá, nhưng không một ai dám một mình gánh lấy trách nhiệm đem thực hành…
   
Bấy giờ sau khi đã ra điều kiện thoả thuận là không ai được can thiệp vào cách điều quân của mình, chàng sẽ lấy một trung đoàn, một sư đoàn đưa đến nơi nguy cấp và một mình chàng chuyển bại thành thắng. Một tiếng nói khác cãi lại: "Thế còn chết chóc, thế còn đau thương?" Nhưng không thèm đáp lại, công tước Andrey tiếp tục những chiến thắng của mình. Một mình chàng lập kế hoạch bố quân cho trận đánh sau. Tuy không có chức vị nào khác ngoài chức phụ tá của Kutuzov, chính chàng đã làm tất cả. Rồi lại chính chàng, chỉ mình chàng thắng trận ấy. Lần này thì Kutuzov bị cách chức chỉ huy và chính chàng, Bolkonxki được cử lên thay Kutuzov. Tiếng nói kia lại cãi lại: "- Rồi sao nữa? Cứ cho là anh không bị thương đến chục lần, bị tử trận hay bị lừa phản - nhưng thế rồi sau đó sẽ ra sao?" - Công tước Andrey bác lại: "Ừ, rồi sao nữa? Mình không biết rồi sau sẽ ra sao nữa, mình không thể biết, mà cũng không muốn biết; nhưng nếu mình muốn vinh quang, muốn được mọi người biết đến, được mọi người hâm mộ, nếu mình muốn thế, và chỉ muốn có thế, chỉ sống vì thế thì thật cũng chẳng phải là lỗi tại mình. Ừ mình chỉ vì danh vọng mà thôi. Mình sẽ không bao giờ nói với ai cả; nhưng mà trời ơi! Nếu mình chẳng ham gì ngoài cha mình, em mình, vợ mình - Đó là những người thân yêu nhất của mình, nhưng dù việc ấy có vẻ ghê gớm đến đâu, trái tự nhiên đến đâu, mình cũng không do dự hy sinh hết mọi người thân thích cho một chút vinh quang, cho một lúc chiến thắng, cho lòng hâm mộ của những người mà mình không biết và cũng sẽ không bao giờ biết… như những người này".  Chàng vừa kết luận vừa lắng tai nghe tiếng người nói ngoài sân dinh thự tổng tư lệnh.
   
Đó là tiếng mấy người cần vụ đang sửa soạn đi ngủ. Một người chắc là anh đánh xe - đang trêu ông lão Tít, người nấu bếp của Kutuzov và công tước Andrey rất quen; anh ta gọi:

- Ông Tít, ê, ông Tít.

- Cái gì thế? - Ông lão hỏi.

Anh chàng bông lơn nói:

- Ông Tít, mắt ông nhắm tít.

Tiếng ông lão rủa:

- Xì! Quỉ bắt mày đi! - Rồi tiếng mọi người cười phá lên, lấp cả tiếng nói của ông ta.

Công tước Andrey kết luận: "Dù sao, mình cũng chỉ quý chuộng cái thế ưu việt cửa mình so với tất cả những con người đó, mình chỉ quý cái sức mạnh huyền bí, cái vinh quang đang bay lượn trên đầu mình, trong đám sương mù kia thôi!".

=========================================================

Chú thích:

(1) Ở đây có chỗ tiền hậu bất nhất. Trên kia thì nói 10 giờ lúc này lại nói là tám giờ.

(2) Ghế bành đệm ngồi thì thấp, lưng thì cao để tựa đầu vào, lấy tên nhà đại văn hào Pháp trong thế kỷ 18

(3) Bản đồ chiến trường Austerlix (2-11-1805) Napoléon cho hữu quân lùi, nhử cho cả quân Nga đuổi theo kế hoạch Vairother, rồi thừa thế cho trung quân tiến lên chiếm cao nguyên Pratxen là vị trí quyết định, đánh vòng ra sau lưng, cắt quân Nga ra từng đoạn, dồn xuống ao dầy đóng băng ở hẻm núi mà tiêu diệt. Hữu dực Nga do Bargartion chỉ huy thì bị đánh lui về Austerlix.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:25:11 pm
Phần III
Chương - 12
     
Đêm ấy, trung đội Roxtov làm nhiệm vụ cảnh giới ở mé trước quân đoàn Bagration, lính phiêu kỵ của chàng cứ hai người thì một người bố trí dọc tuyến tiền tiêu; Roxtov cố cưỡng lại cái cảm giác buồn ngủ đang làm cho chàng díu mắt lại bằng cách rảo ngựa suốt dọc tuyến. Trong khoảng không gian mênh mông ở phía sau lưng, Roxtov thấy lờ mờ ánh lửa của quân ta lấp loáng trong sương mù; ở phía trước mặt là bóng tối mịt mùng. Chàng cố sức nhìn sâu vào màn đêm dày đặc ấy nhưng vẫn chẳng trông thấy gì cả: khi thì tưởng chừng như thấy một cái gì đen den, xám xám, khi thì lại ngỡ như có những dốm lửa lập lòe trước mặt ở chỗ có lẽ có quân địch đóng; có khi chàng lại nghĩ rằng chỉ vì mắt chàng hoa lên mà thấy như vậy. Mắt chàng nhắm lại và trong trí tưởng tượng của chàng hiện lên hình ảnh của hoàng đế, của Denixov, hay những kỷ niệm ở Moskva: chàng vội mở mắt và nhận ra ngay trước mặt cái đầu và hai tai con ngựa đang cưỡi, và thỉnh thoảng lại thấy hằn lên cái bóng đen của những người lính phiêu kỵ mà chàng chỉ đi chừng sáu bước nữa thì sẽ xô phải, và ở đằng xa vẫn là cái màn sương mù dày đặc, tối om lúc nãy. Chàng nghĩ: "Rất có thể ta sẽ gặp hoàng thượng và Người sẽ giao cho ta một nhiệm vụ như bất cứ sĩ quan nào: Người sẽ bảo - "Đến xem cái gì đằng kia?" Nghe nói nhiều khi Người tình cờ nhận ra mặt một vị quan nào đó và cho đi theo. Ước gì mình mà được như thế: Ờ! Mình sẽ bảo vệ Người hết sức tận tình, mình sẽ thẳng tay vạch mặt bọn khi quân, mình sẽ tâu trình để Người biết rõ sự thật". - Và để hình dung cho thật rõ cho lòng kính yêu và trung thành của chàng đối với hoàng đế, chàng tưởng tượng mình đang đánh nhau với một kẻ thù hay một tên Đức phản bội, đang quật nó xuống, đang tát tai nó ngay trước mặt hoàng thượng. Chợt một tiếng reo từ xa vẳng lại làm chàng sực tỉnh. Roxtov giật mình mở mắt ra và hỏi:
   
"Mình ở đâu thế này? À! Đúng, ở tiền tiêu. Khẩu hiệu là: "Càng xe. Olmuyt"… Ngày mai mà đại đội mình còn làm quân dự bị nữa thì chán quá! Mình sẽ xin ra trận. Có lẽ chỉ có như thế thì may ra mới được gặp hoàng thượng. Giờ thay phiên gác sắp đến rồi. Đi tuần một lượt nữa rồi về là đến xin tướng quân". Chàng ngồi thẳng trên yên, thúc ngựa đi tuần lần chót. Bóng tối hình như đã bớt dày đặc. Chàng nhận ra ở bên trái một sườn dốc thoai thoải sáng mờ mờ và bên kia một quả gò đen ngòm hình như đang dốc đứng, chẳng khác một bức tường thành. Chàng nhận ra trên gò ấy một vệt trắng, không biết là cái gì: một cánh rừng thưa có ánh trăng soi xuống chăng? Một dải tuyết chăng, hay là một khóm nhà trắng?
   
Chàng mường tượng như ở đấy có một vật gì cử động. Chàng mơ màng: "Chắc là tuyết; đó là một cái vệt… une tache ( một vệt - tiếng Pháp), một cái vệt… À! Đúng, une tache, Natasa, em mình với đôi mắt đen… khi mình bảo cho nó biết là mình đã gặp hoàng thượng chắc nó ngạc nhiên lắm!… Natasa…"
   
Chợt có tiếng một người lính phiêu kỵ kêu lên:

- Quan lớn cẩn thận, bụi cây đấy! Rẽ sang bên phải.
   
Bấy giờ Roxtov đang đi qua mặt anh ta, vừa đi vừa ngủ gật, đầu lắc lư gục xuống gần sát bờm ngựa.
Chàng ngẩng lên và dừng lại cạnh người lính. Một cơn buồn ngủ không sao cưỡng nổi, như của trẻ con cứ dúi đầu chàng xuống.

"Nào, mình vừa nghĩ đến cái gì nhỉ? Đừng quên chứ. Nghĩ đến điều phải tâu với hoàng thượng à? Không phải, việc ấy là việc ngày mai… À, đúng rồi, nhớ ra rồi, mình nghĩ đến Natasa… Ngày mai là tấn công… Phải, tấn công. Ai là? Lính phiêu kỵ… À! Đúng, lính phiêu kỵ có ria mép. Không biết mình đã thấy ở đâu một tên lính phiêu kỵ có ria mép như vậy! À! Đúng, thấy ở phố Tverxkaya trước nhà ông lão Gurieg… Chà anh chàng Denixov cừ thật… Nhưng mà tất cả những chuyện ấy đều là nhảm nhí cả. Điều quan trọng là hoàng thượng hiện có mặt ở đây… Khi Người nhìn mình, mình tưởng là Người muốn nói gì với mình, nhưng Người lại không dám… Không phải, chính là mình không dám chứ… Lại nhảm nhí rồi. Điều chủ yếu là không nên quên… rằng mình vừa nghĩ đến việc quan trọng. Natasa, ta tấn công phải rồi, phải rồi, hay lắm".
   
Rồi đầu chàng lại gục xuống cổ con ngựa. Nhưng rồi chàng chợt có cảm giác như người ta đang bắn vào chàng. Roxtov giật nảy mình, kêu lên:

- Cái gì? Cái gì thế? Chém! Chém!
    V
ừa mở bừng mắt, Roxtov đã nghe ở phía trước mặt, nơi quân địch đóng, có những tiếng hò reo kéo dài của hàng nghìn người.
   
Hai con ngựa của chàng và của người lính phiêu kỵ đi bên cạnh vểnh tai nghe ngóng. Một ánh lửa sáng lên một chốc trên gò rồi một ánh nữa, rồi suốt trận tuyến quân Pháp trên đồi vô số ánh lửa sáng rực lên, và tiếng hò reo mỗi lúc một to. Roxtov nghe ra những âm thanh của tiếng Pháp nhưng vì nhiều tiếng cùng hét lên ầm ầm nên không thể phân biệt được chữ gì. Chỉ nghe rặt những "aaaa" và "rrrr". Chàng hỏi người lính ở bên cạnh:

- Cái gì thế nhỉ! Anh cho là cái gì? Tiếng reo bên quân địch phải không?

Người lính không đáp. Roxtov chờ một lúc khá lâu không thấy tra lời, hỏi lại:

- Thế nào, không nghe gì à?
- Thưa quan lớn, có trời biết là cái gì? - Người lính càu nhàu đáp.

- Theo vị trí đó là phía địch phải không? - Roxtov lại hỏi.

- Có thể là phải, có thể là không phải; ban đêm khó mà biết được - Người lính trả lời rồi quay ra quát con ngựa vì nó cứ lổm nhổm muốn lồng lên: "Này, có đứng yên không nào!".
   
Con ngựa của Roxtov cũng sốt ruột, giẫm chân trước xuống mặt đất đóng băng, vểnh tai nghe tiếng ồn và liếc nhìn về phía có ánh sáng. Những tiếng reo mỗi lúc một to hoà thành một tiếng ầm ầm như sấm dậy mà chỉ một đạo quân mấy nghìn người mới phát ra được ánh lửa mỗi lúc một lan rộng, chắc là trên suốt trận tuyến quân Pháp. Roxtov không thấy buồn ngủ nữa. Bây giờ chàng đã nghe rõ mấy tiếng "Hoàng đế vạn tuế! Hoàng đế!". Tiếng reo hò vui mừng và đắc thắng ấy khích động chàng rất mạnh làm cho chúng tỉnh táo hẳn ra.

- Này, gần đây thôi phải không? Có lẽ chỉ ở bên kia suối. - chàng nói với người lính phiêu kỵ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:26:22 pm
Người lính thở dài không đáp và khục khặc ho mấy tiếng bực dọc. Bỗng có tiếng vó ngựa tế nước kiệu dọc tuyến tiền tiêu của quân phiêu kỵ, và từ sương mù hiện ra bóng dáng nặng nề của một hạ sĩ quan phiêu kỵ, trông mặt như một con voi đồ sộ. Viên hạ sĩ quan thúc ngựa đến gần Roxtov nói:

- Thưa quan lớn, các tướng quân đã đến đấy. Vẫn để ý theo dõi ánh sáng và tiếng reo, Roxtov theo viên hạ sĩ quan tiến về phía những người cưỡi ngựa đang đến. Trong số đó có một người cưỡi ngựa bạch. Đó là hai công tước Bagration và Dolgorukov cung với các sĩ quan phụ tá đến quan sát ánh lửa và tiếng reo kỳ lạ bên phía quân địch. Roxtov báo cáo tình tình với Bagration rồi đứng về phía các sĩ quan phụ tá, háo hức chờ nghe những lời bàn luận của các tướng.
   
Dolgorukov nói với Bagration:

- Xin ngài hãy tin lời tôi đó chỉ là một cái mẹo thông thường thôi. Hắn đã rút lui, và ra lệnh cho hậu quân đốt lửa và làm ồn để đánh lừa ta.

- Tôi ngờ rằng không phải thế, - Bagration nói. Chiều nay tôi còn thấy chúng đóng trên gò này. Nếu đại quân của chúng đã rút lui thì bọn này cũng phải rút theo chứ… - Rồi ông ta nói với Roxtov - Ông sĩ quan cho biết là quân cảnh giới bên sườn của chúng có còn ở đấy không?

- Chiều hôm sau chúng còn ở đấy, nhưng bây giờ chúng tôi không dám nói chắc là có còn hay không. Nếu đại nhân ra lệnh, chúng tôi xin dẫn lính phiêu kỵ xem cho rõ.
   
Bagration kìm ngựa đứng lại, không đáp và cố nhìn rõ mặt Roxtov trong sương mù.

- Được thử đi xem đi! - Ông nói sau một lát im lặng.

- Xin tuân lệnh.
   
Roxtov thúc ngựa, gọi viên sĩ quan Fetsenko cùng với hai người lính ra lệnh cho họ theo mình rồi phóng ngựa xuống đồi, tế nước kiệu về phía có tiếng reo. Chàng vừa thấy lo sợ và vui mừng vì được đi một mình như thế này cùng với ba tay phiêu kỵ, tiến vào cõi xa xa mờ sương đầy bí ẩn và nguy hiểm, nơi mà trước chàng chưa có ai đến. Từ trên đồi Bagration dặn với theo bảo không được đi qua con suối, nhưng chàng làm ngơ, phóng bừa đi mặc dầu cứ lầm lân lung tung, bụi con thì tưởng là cây lớn, hầm hố thì ngỡ là người, và lần nào cũng tìm được cách cắt nghĩa những lầm lẫn của mình. Đến chân gò, chàng không thấy lửa trại ta, cũng không thấy lửa trại địch nữa; trái lại tiếng reo hò của quân Pháp thì nghe mỗi lúc một to hơn, rõ hơn. Ở đáy thung lũng chàng tưởng chừng trông thấy một con sông, nhưng đến gần thì té ra là một con đường. Chàng dừng ngựa lại, không biết nên đi theo con đường ấy hay vượt qua đường rồi ngược cánh đồng tối om kia đé phóng lên đồi. Đi theo đường cái thì ít nguy hiểm hơn, vì con đường sáng lờ mờ trong sương mù, gặp người là nhận ra ngay; chàng gọi ba người lính phiêu kỵ: "Đi theo tôi!" rồi vượt qua đường, chàng thúc ngựa phi tới chỗ mà mới chập tối chàng thấy có một tốp lính canh của quân Pháp.
   
Bỗng sau lưng chàng một người phiêu kỵ kêu lên:

- Thưa quan lớn! Nó đấy!
   
Roxtov chưa kịp định thần thì một bóng đen lù lù đã hiện ra trong màn sương; một ánh lửa thụt ra, một tiếng súng nổ, và một viên đạn bay rất cao, réo lên trong sương mù như một tiếng rên và mất hút trong yên lặng. Một ánh chớp nữa loé lên, nhưng viên đạn không nổ, Roxtov quay ngựa phi trở về. Bốn phát súng nổ theo cách quãng, và đạn réo thành những âm diệu cao thấp khác nhau mất hút trong sương mù. Roxtov kìm ngựa lại; vì con ngựa cũng bị tiếng súng kích động như chàng, và nó đi bước một chàng vui vẻ nói khẽ: "Nào, bắn nữa đi, bắn nữa đi!" Nhưng tiếng súng đã im bặt.
   
Khi chỉ cách Bagration mất bước, Roxtov mới cho ngựa phi và đưa tay lên lưỡi trai, đến gẩn vị tướng, Dolgorukov vẫn một mực cho rằng quân Pháp đang tháo lui và chỉ đốt lửa lên để đánh lừa ta. Ông ta nói: những phát súng ấy có nghĩa gì đâu? Chúng có thể rút lui mà vẫn để lại đấy vài tốp lính canh chứ?

- Chúng chưa đi đến đâu công tước ạ - Bagration nói - Thôi để sáng mai, sáng mai sẽ biết rõ.

Vừa lúc ấy Roxtov nghiêng mình về phía trước, tay đưa lên vành mũ báo cáo:

- Thưa đại nhân có một tốp lính canh trên gò, vẫn ở chỗ ban chiều, - đang vui sướng vì cuộc mạo hiểm và nhất là vì tiếng đạn réo, chàng không thể nén được một nụ cười hớn hở.

- Tốt, rất tốt; cám ơn ông sĩ quan - Bagration đáp.

- Thưa đại nhân, xin ngài cho phép chúng tôi đề đạt một lời thỉnh cầu - Roxtov lại nói.

- Việc gì thế?

- Đại đội của chúng tôi ngày mai phải ở dự bị chúng tôi mong được biệt phái sang đại đội một.

- Tên anh là gì?

- Bá tước Roxtov

- À! Tốt lắm. Ở đây làm sĩ quan tuỳ tòng cho tôi.

- Có phải anh là con trai Ilyan Andreyevich không? - Dolgorukov hỏi. Nhưng Roxtov không đáp, nói luôn với với Bagration:

- Vậy thưa Đại nhân chúng tôi có thể hy vọng chứ?

- Được, tôi sẽ ra lệnh.

Roxtov tự nhủ: "Ngày mai rất có thể mình đươc cử đi mang thông điệp lên Hoàng thượng. Lạy trời!"
   
Sở dĩ có những tiếng reo và những ánh lửa sáng bên trận tuyến địch là vì bấy giờ Napoléon ruổi ngựa đi thăm các trại quân trong khi người ta đang đọc nhật lệnh cho sĩ nghe. Trông thấy Napoléon, quân sĩ liền đốt đuốc rơm chay theo, vừa chạy vừa reo hò: "Hoàng đế vạn tuế!".
Nhật lệnh, của Napoléon như sau:
   
"Hỡi quân sĩ!
   
"Quân Nga đến trước mặt chúng ta để trả thù cho quân Áo bị đánh tan ở Ulm. Đó chính là những tiểu đoàn mà các người đã đánh bại ở Hollabrunm và từ đấy các người vẫn luôn luôn truy kích cho đến nay.
   
"Những vị trí chúng ta chiếm là rất mạnh, và trong khi chúng sẽ đi vòng bên phải để vây bọc ta thì chúng ta sẽ để hở sườn cho ta đánh: Hỡi quân sĩ, ta sẽ thân chinh chỉ huy các tiểu đoàn của các ngươi. Nếu quân sĩ dũng cảm như thường lệ làm cho hàng ngũ địch rối loạn tơi bời thì ta sẽ đứng xa nơi đạn lửa; Nhưng nếu thế trận có lúc chông chênh dù chỉ trong một phút, thì các ngươi sẽ thấy Hoàng đế của các ngươi dấn thân ra nơi nguy hiểm nhất, vì trận thắng cần phải chắc mười phần không chút lưỡng lự, nhất là trong một ngày mà vấn đề đặt ra là danh dự của bộ binh Pháp, điều vô cùng thiết yếu đối với danh dự của toàn dân tộc.
   
Không được lấy cớ chuyền thương binh về hậu tuyến để bỏ trống hàng ngũ và mỗi người phải thấm nhuần ý tưởng này, là phải đánh bại những kẻ đã bán mình cho đồng tiền của Anh quốc và căm thù dân tộc ta một cách thâm độc.
   
"Trận thắng này sẽ kết thúc chiến dịch cà chúng ta có thể quay về cho quân nghỉ ngơi vào mùa đông, những đạo quân mới thành lập ở Pháp sẽ đến hợp với chúng ta và bấy giờ ta sẽ ký một hoà ước xứng đáng với dân ta, với ba quân và với ta.
Napoléon".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:27:12 pm
Phần III
Chương - 13

Đã năm giờ mà trời vẫn còn tối mịt. Đạo trung quân, đạo hậu bị và cánh trái của đội bộ binh có nhiệm vụ lao xuống sườn núi để tấn công sườn phải của quân Pháp và theo kế hoạch đánh lùi chúng về miền núi xứ Bohemie, đều đã trở ngại và đang ráo riết chuẩn bị xuất quân. Người ta ném vào các đống lửa trại tất cả những thứ vô dụng, khói xông lên cay xè cả mắt. Trời lạnh lẽo và u ám. Các sĩ quan uống nước trà và ăn chút điểm tâm qua quýt, binh lính nhai bánh mì khô, giậm chân xuống đất cho nóng người lên và chen chúc nhau xung quanh các đống lửa đốt bằng ván lều, ghế, bàn, bánh xe, thùng gỗ tất cả những gì không thể mang đi được. Cứ trông những viên hướng đạo người Áo đi lại giữa các đội quân Nga cũng đủ biết là sắp xuất phát. Hễ có một sĩ quan Áo đến bộ chỉ huy của một viên chỉ huy trung đoàn nào là trung đoàn ấy tức khắc lên đường: binh lính vội vã bỏ bếp lửa, đút ống điếu vào cổ giày, chất túi rết lên xe, cầm súng và xếp thành hàng ngũ; các sĩ quan cài khuy áo quân phục đeo gươm vào thắt lưng, nịt các xà cột và duyệt qua hàng ngũ, luôn mồm quát tháo; lính hộ tống và tuỳ tòng buộc ngựa vào xe, xếp hành lý lên, thắt lại các dây thắng; các cấp chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn, các sĩ quan phụ tá lên ngựa làm dấu chữ thập, ra những mệnh lệnh và chỉ thị cuối cùng cho những người hộ tống ở lại dự bị. Rồi cái tiếng rầm rập đều đều vang lên. Các đoàn quân ra đi mà không biết là đi đâu và không thể nhận ra trận địa mình bỏ lại cũng như trận địa mình sắp dấn thân vào, vì chen chúc nhau đông quá, lại thêm khói và sương mù mỗi lúc một bốc dày đặc.
     
Người bộ binh đang hành quân cũng bị đóng khung, giam kín trong hàng ngũ, bị trung đoàn lôi cuốn đi, như người thuỷ binh trên tàu biển.  Dù đi xa đến đâu, dù dấn thân vào những miền xa lạ, nguy hiểm đến đâu đi nữa, anh ta cũng vẫn thấy trước mắt những cấp chỉ huy ấy, và con chó Jutsk vẫn đi theo đại đội cũng tựa hồ người lính thuỷ lúc nào cũng trông thấy cái boong tàu ấy, những cột buồm, những dây cáp ấy. Người lính không mấy khi muốn biết chiếc tàu của mình đang ở vĩ tuyến nào; nhưng khi đến ngày giao chiến thì toàn quân, không trừ một ai, đều nghe trong thâm tâm vang lên một âm điệu trầm hùng như một giếng gọi, thức tỉnh tính hiếu kỳ đã tê liệt của mỗi người và báo với họ rằng một cái gì trang nghiêm, quyết liệt đang tới gần. Bấy giờ họ mới cố chọc thủng cái chân trời hữu hạn của sinh hoạt binh đoàn, cố nghe ngóng, quan sát, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, háo hức tìm hiểu những việc xảy ra xung quanh.
     
Sương mù dày đặc đến nỗi trời đã sáng mà cách mười bước vẫn không nhìn thấy gì. Bụi cây con thì cứ tưởng là cây lớn, mặt đất phẳng thì tưởng là khe, hố. Ở khắp nơi, bên trái cũng như bên phải, không khéo là chạm chán với quân địch mà cách mười bước cũng không trông thấy được. Nhưng các đoàn quân vẫn đi rất lâu trong màn sương mù dai dẳng ấy, trong cái xứ sở lạ lùng ấy, xuống dốc rồi lại lên dốc, men mãi theo những hàng rào và vườn tược, mà không hề gặp một tên lính Pháp nào. Trái lại, khắp bốn phía, khi trước mặt, khi sau lưng, chỉ thấy ùn ùn những đoàn quân Nga cùng đi về một hướng. Và người lính thấy vững tâm khi nghĩ rằng ngoài mình ra còn có nhiều, rất nhiều quân lữ của ta cũng cùng đi đến địa điểm với mình, tuy chẳng rõ đến đâu.
   
Trong hàng ngũ, có tiếng bảo nhau:

- Kìa, có cả lính Kurxk nữa đấy.

- Ấy! Ghê thật đấy ông anh ạ, quân ta đông lắm! Tối qua khi đốt lửa lên, chẳng tài nào nhìn thấy hết được từ đầu đến cuối. Cứ y như là ở Moskva ấy!
     
Các vị tư lệnh các đạo quân đều đứng xa quân ngũ và không nói gì với binh sĩ: như ta đã thấy rõ cuộc hội nghị, các ngài đều đang bực mình; họ không tán thành trận đánh nên chỉ thừa hành mệnh lệnh mà không hề nghĩ đến việc khích lệ quân sĩ. Nhưng quân sĩ không phải vì thế mà không ra trận một cách vui vẻ như thường lệ khi người ta lên hoả tuyến và nhất là đi tấn, công quân địch. Nhưng hành quân được một giờ trong sương mù thì đại bộ phận các đạo quân phải dừng lại. Một cảm giác khó chịu, nặng nề truyền đi như thế nào thì khó lòng mà xác định được, nhưng điều chắc chắn là có truyền đi một cách chính xác và nhanh chóng lạ thường, không biết từ lúc nào, không sao ngăn nổi, như nước tràn xuống rãnh.
     
Nếu quân đội Nga chỉ có một mình, không có quân đồng minh, thì có lẽ ấn tượng ấy phải là hồi lâu mới có thể thành ra một điều chắc chắn, phổ biến được; Nhưng cơ sự đã như thế này thì người ta đổ tội một cách hết sức khoái trá và tự nhiên cho "bọn Đức ngu xuẩn", và mọi người đều thấy rõ là đang diễn ra một tình trạng rối ren bát nháo do bọn "ngốn xúc xích"(1) gây nên.

- Thế nào? Sao lại đứng há? Đường nghẽn à? Hay là vấp phải quân Pháp rồi?

- Không phải thế, nếu thế chúng đã bắn, đằng này mãi chẳng nghe thấy gì.

- Thế mà cứ giục cuống lên bắt xuất phát; xuất phát rồi thì lại vô cớ cố chôn chân giữa đồng! Chỉ tại những thằng Đức chết tiệt ấy làm rối hết cả lại. Rõ ngu như lợn ấy!

- Nếu phải tay tớ thì tớ bắt chúng nó đi lên trước, chứ đâu lại rúc cả ở đằng sau. Còn chúng mình thì đứng mốc ở đây trong bụng chẳng có hột nào.

- Này, thế nào đấy, sắp xong chưa thế hả? Nghe nói kỵ binh làm nghẽn mất đường phải không? - một sĩ quan nói.

- Chà cái bọn Đức chết tiệt! Đến đất nước của chúng, chúng cũng không biết nữa. - một người khác nói.
   
Một sĩ quan phụ tá cưỡi ngựa đến và kêu lên:

- Sư đoàn nào thế này?

- Sư đoàn mười tám.

- Thế các cậu làm gì ở đây? Đáng lẽ các cậu phải đi lên đầu từ lâu rồi; Bây giờ thì đến tối chưa chắc đã qua được!

- Lệnh với liếc như cứt ấy! Chính họ cũng không biết họ đang làm gì nữa. - viên sĩ quan lúc này vừa nói vừa thúc ngựa bỏ đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:27:51 pm
Một viên tướng tiếp tục đến và bực mình quát lên một câu nói gì bằng tiếng ngoại quốc rồi đi thẳng.
   
Một người lính nhại viên tướng nói:

- Ta - pha, ta - pha, hắn hót gì thế? Chẳng ai hiểu đếch gì cả Những đồ vô lại ấy, phải tay tớ thì tớ đem bắn hết!

- Phải bố trí xong trước chín giờ mà bây giờ thì chưa đi được hết nửa đường!… Mệnh với lệnh!

Và khí thế hăng hái của quân lính khi mới xuất phát bắt đầu chuyển thành lòng căm giận và thù oán đối với những cách điều quân ngu xuẩn và đối với quân Đức.
   
Sở dĩ tình hình rối loạn như vậy là vì trong khi kỵ binh Áo đang di chuyển ở cánh phải, bộ tư lệnh tối cao nhận thấy trung quân của ta xa hữu quân ta quá, bèn ra lệnh cho kỵ binh Áo phải chuyển sang cánh phải Vì vậy bộ binh phải chờ cho làn sóng mấy nghìn người ngựa đi qua hết mới tiến lên được.
   
Phía trước lại xảy ra một vụ xung đột giữa một viên tướng Nga với một viên hướng đạo Áo. Viên tướng quát tháo, bắt phải hãm kỵ binh lại; người Áo thì cãi rằng lỗi không phải ở y mà là ở bộ tư lệnh tối cao. Trong lúc ấy, quân sĩ phải đứng đợi mãi, đâm ra sốt ruột và ngã lòng. Một giờ sau, họ mới tiếp tục đi được và kéo xuống núi. Sương mù đã tản bớt trên núi lại dồn xuống càng dày đặc hơn ở những chỗ trũng nơi quân đội kéo xuống. Một hai tiếng súng vang lên ở phía trước, trong sương mù, vài tiếng nữa tiếp theo, trước còn không đều: "trat - ta… trát…" nhưng về sau nghe mỗi lúc một thêm đều đặn và dồn dập, và một trận đánh đã diễn ra trên bờ sông Grlobakh.
   
Vì không ngờ gặp địch ngay ở đây, phải chạm trán với chúng đột ngột trong sương mù mà không hề được nghe một lời khuyến khích của các vị tư lệnh, vì đinh ninh rằng mình đã quá muộn, và nhất là vì không thể trông thấy gì trước mắt và chung quanh, quân Nga chỉ bắn lại một cách chậm chạp, uể oải. Họ tiến lên, rồi dừng lại một lần nữa chẳng hề nhận được một mệnh lệnh nào của các tướng và sĩ quan phụ tá cho kịp thời vì những người này còn đang lang thang trong sương mù, trên trận địa lạ, tìm mãi không ra đơn vị của mình. Đạo quân thứ nhất, thứ nhì và thứ ba đã bắt đầu tác chiến như vậy, họ đều đã rời cao nguyên Pratxen xuống hết phía dưới chỉ còn có đạo quân thứ tư do chính Kutuzov chỉ huy còn đóng lại trên ấy.
   
Ở các thung lũng thấp, nơi mà chiến sự đã bắt đầu, sương mù còn dày đặc: còn trên cao thì trời đã quang dần, nhưng vẫn chưa thấy rõ phía trước mặt. Đại quân của địch còn ở cách đấy mười dặm như ta dự đoán, hay trái lại đang đợi ta sau màn sương mù này? Trước chín giờ chẳng ai biết đích xác là thế nào cả.
   
Đến chín giờ, một biển sương mù đặc sệt còn phủ kín những thung lũng thấp, nhưng ở làng Slapanitx trên cái cao điểm mà Napoléon đang đứng trước các nguyên soái thì sương đã tan hết. Trên đầu Napoléon là bầu trời xanh trong, và mặt trời như một cái phao khổng lồ, đỏ thắm, nổi lềnh bềnh nhìn ra một biển sữa. Không những toàn thể quân Pháp mà ngay cả đích thân Napoléon cùng bộ tham mưu đều không ở bên kia các khe suối và ao đầm Xokolniki là nơi quân ta định bố trí và giao chiến, mà chính là đang ở bên này, ngay cạnh quân ta, gần đến nỗi nhìn bằng mắt trần. Napoléon cũng phân biệt được bộ binh với một kỵ binh. Hoàng đế Pháp cưỡi một con ngựa A rập nhỏ, màu xám, một cái áo ca-pốt xanh thẫm vẫn mặc trong chiến tranh ở Ý và đứng ở phía trước hàng ngũ cách nguyên soái một quãng. Napoléon lặng lẽ ngắm các ngọn đồi như đang nổi dần lên trên biển sương. Trên các ngọn đồi ấy, xa xa có thể thấy các đoàn quân Nga đang chuyển đi, lắng tai nghe tiếng súng nổ dưới thung lũng. Trên khuôn mặt dạo ấy hãy còn gầy của Napoléon, không một thớ thịt nào cử động, đôi mắt sáng quắc đăm đăm nhìn về một điểm. Những dự đoán của Napoléon đều đúng; một phần quân Nga đã vào sâu trong hẻm núi, tiến về phía đầm lầy, phần còn lại đang chuẩn bị rời khỏi cao nguyên Pratxen mà Napoléon dự định tấn công và coi là điểm mấu chốt của trận địa. Qua sương mù, Napoléon thấy các đạo quân Nga ùn tới đi mãi về một phía, lưỡi lê tuốt trần lấp lánh ở đầu nòng súng, hết đạo này đến đạo khác mất hút trong biển sương mù tụ lại ở đáy các thung lũng giữa hai ngọn núi, gần làng Pratxen. Căn cứ vào những tin tức nhận được tối qua, vào tiếng chân ngựa kéo đi, vào tiếng bánh xe chuyển mà các điền đồn nghe được suốt đêm, và tình hình chuyển quân lộn xộn của bên địch, Napoléon biết rõ rằng đúng như ông đã dự đoán, quân đồng minh tưởng quân Pháp đã đi xa, rằng các đạo quân đang di chuyển gần Pratxen là trung quân của Nga, và đạo quân trung tâm ấy đã đủ suy yếu nhiều nên có thể đánh tan ngay được. Nhưng Napoléon vẫn chưa ra lệnh khởi chiến.
     
Ngày hôm sau là một ngày long trọng của Napoléon, ngày kỷ niệm lễ lên ngôi. Gần sáng ông ta đã ngủ được vài giờ nên rất khoẻ khoắn, tươi tỉnh. Với cái tinh thần sảng khoái vẫn khiến người ta tin rằng việc gì cũng có thể thực hiện được và làm gì cũng thành công. Napoléon cưỡi ngựa ra chiến trường.
   
Ông đứng yên, nhìn về phía các đỉnh núi đang hiện dần khỏi màn sương, khuôn mặt lạnh lùng phản chiếu một niềm tin và thích thú, niềm vui sướng của một cậu thiếu niên khi thấy tình yêu được đền đáp. Các nguyên soái đứng sau lưng không dám làm Hoàng đế sao nhãng mất sức chú ý. Napoléon hết nhìn về phía cao nguyên Pratxen lại nhìn vầng thái dương hiện rõ dần trên màn sương.
   
Khi mặt trời đã ló hẳn ra khỏi đám sương mù, chiếu ánh sáng chói lọi xuống cánh đồng và làn sương ở phía dưới, Napoléon tựa hồ như chỉ chờ có lúc ấy để khởi công, liền tháo chiếc găng trên bàn tay trắng đẹp vẫy chiếc găng một cái ra hiệu cho các nguyên soái, và hạ lệnh khởi chiến. Các nguyên soái và sĩ quan phụ tá của họ phi ngựa toả ra bốn phía, vài phút sau, quân chủ lực của Pháp xông nhanh lên cao nguyên Pratxen mà quân Nga đang rời bỏ dần để kéo xuống hẻm núi phía bên trái.

==================================================

Chú thích:

(1) Xúc xích thịt bò là một món ăn ưa thích của người Đức


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:29:08 pm
Phần III
Chương - 14
     
Lúc tám giờ, Kutuzov lên ngựa đến Pratxen, dẫn đầu đạo quân thứ tư do Miloradovich chỉ huy và Langeron lúc bấy giờ đã xuống núi. Kutuzov chào binh sĩ của trung đoàn đi đầu rồi ra lệnh tiến quân, và như thế là để tỏ cho quân sĩ biết rằng ông có ý định thân hành chỉ huy đạo quân này ra trận. Đến là Pratxen, Kutuzov dừng lại. Công tước Andrey cũng ở trong hàng tuỳ tòng đông đúc của Kutuzov, lúc bấy giờ đang đứng sau lưng ông. Chàng có cái cảm giác khích động hưng phấn, nhưng đồng thời bình tĩnh, dè dặt của một con người thấy cái phút bấy lâu nay chờ đợi nay đã đến. Chàng tin chắc rằng cái giờ chiến thắng Toulon ( Một tỉnh miền nam nước Pháp) hay cầu Arcole của chàng đã điểm.

Chàng không biết việc gì xảy ra như thế nào, nhưng không hề có chút hồ nghi rằng việc đó sẽ xảy ra. Chàng biết rõ địa thế và vị trí của các đạo quân của ta không kém người nào trong số tướng tá. Cái kế hoạch chiến lược riêng của chàng thì chàng đã quên khuấy đi rồi, bây giờ kế hoạch ấy dĩ nhiên không thể thực hiện được nữa.  Bây giờ chàng theo kế hoạch của Vairother mà suy nghĩ đến những trường hợp ngẫu nhiên có thể xảy ra trên chiến trường, tưởng tượng ra những hoàn cảnh đòi hỏi chàng vận dụng cái khả năng nhận định tình thế và quyết định hành động một cách nhanh chóng của chàng.
       
Ở dưới thung lũng, về phía bên trái, trong sương mù có tiếng súng bắn qua lại giữa những đạo quân mà chẳng ai trông thấy. Andrey tưởng tượng rằng trận đánh sẽ hiện ra và "người ta sẽ cử mình đem một đại đoàn hay một sư đoàn đến, mình giương cao lá cờ lao vào trận địa địch, đi đến đâu quét sạch đến đấy".
   
Công tước Andrey không thể không xúc động khi nhìn lá quân kỳ của các tiểu đoàn kéo qua trước mặt. Mỗi lần như vậy, chàng lại tự nhủ:
     
"Có thể đấy chính là lá cờ mà mình sẽ cầm trong tay khi dẫn đầu ba quân tiến lên".

Sương mù ban đêm chỉ còn để lại trên những chỗ cao một lớp sương giá loãng dần thành sương móc, nhưng các chỗ trũng vẫn bị sương mù bao phủ như một biển sữa trắng đục.

Trong hẻm núi phía tay trái, là nơi mà quân ta đang kéo xuống và có tiếng súng trường nổ đì đùng, tuyệt nhiên không nhìn thấy gì cả. Trên các cao điểm, bầu trời quang đãng nhưng xanh sẫm; phía tay phải, mặt trời đã ló ra như một quả cầu lớn. Xa xa về phía trước ở bờ bên kia của biển sương nổi lên những ngọn đồi có rừng cây rậm rạp; chắc đó là nơi quân địch đóng, và có thể thấy thấp thoáng những vật gì không rõ. Bên tay phải, đội cận vệ đang tiến vào vùng sương mù, trong tiếng bánh xe lăn, tiếng vó ngựa và trong ánh thép của lưỡi lê tuốt trần chốc chốc lại ánh lên loang loáng. Bên lay trái, phía sau làng, từng đoàn kỵ binh dày đặc đang tiến đến gần rồi mất hút trong màn sương mù. Trước mặt và sau lưng đều có những đạo bộ binh đang tiến đến. Viên tổng tư lệnh đứng gác ở cổng làng trông cho các đạo quân đi qua. Sáng hôm sau, Kutuzov có vẻ rất mệt và cáu kỉnh. Bộ binh đang đi bỗng dừng lại mặc dầu không có lệnh bảo dừng, hình như bị một trở ngại gì cản đường. Kutuzov liền tức giận bảo viên tướng chỉ huy lúc ấy đang phóng ngựa đến:
   
- Còn chờ gì mà không họp các tiểu đoàn lại thành hàng và cho đi vòng ra sau làng?
   
- Thưa ngài, ấy xin lỗi, thưa tướng quân, chẳng lẽ tướng quân lại không hiểu rằng đang tấn công địch mà lại kéo dài quân đội ra dọc con đường làng như thế này là thất sách hay sao?
   
- Bẩm, xin đại nhân tha lỗi, chúng tôi định tập hợp quân lại ở đầu kia làng - viên tướng đáp.
   
- Thật đấy à? Ngài muốn dàn quân ra ngay trước mặt quân địch à? Thế thì đẹp thật! - Kutuzov đáp với một tiếng cười gằn chua chát.

- Bẩm Đại nhân, quân địch còn xa, bản kế hoạch đã dịch…

- Bản kế hoạch! Kutuzov phát khùng gắt lên. - Ai bảo ngài thế? Xin ngài cứ làm theo mệnh lệnh.

- Xin tuân lệnh.

Nexvitxki liền rỉ tai công tước Andrey:

- Này anh. Ông lão đang gắt như chó ấy!

Lúc ấy một sĩ quan Áo, nhung phục trắng tinh, trên mũ phất phơ một cái ngù lông màu lục, tiến đến gần và truyền lời của hoàng đế hỏi Kutuzov xem đạo quân thứ tư đã chiếm lĩnh trận địa hay chưa.
   
Không đáp, Kutuzov ngoảnh mặt đi và tình cờ nhìn thấy công tước Andrey. Gương mặt của ông ta dịu lại và bớt vẻ chua chát, dường như ông không hiểu ra rằng viên sĩ quan phụ tá của mình không can dự gì đến những sự việc ngu xuẩn đang diễn ra cả. Vẫn không thèm để ý đến viên sĩ quan Áo, Kutuzov bảo Bolkonxki.

- Này, anh đi xem thử sư đoàn ba đã ra khỏi làng chưa. Bảo họ đưng lại, chờ lệnh ta.
   
Công tước Andrey vừa thúc ngựa đi thì Kutuzov ngắn lại dặn thêm:

- Và hỏi xem là quân xạ kích đã bố trí chưa? - Rồi ông ta lại lầu bầu: Họ làm ăn thế này! Làm ăn thế này! - và vẫn không hề để ý đến viên sỹ quan Áo.
   
Công tước Andrey phi ngựa đi làm nhiệm vụ. Khi đã vượt qua các tiểu đoàn đang tiến về phía trước, chàng ngăn sư đoàn ba lại và nhận thấy đúng là họ chưa bố trí một hàng xạ kích nào trước mặt quân ta cả. Viên đại tá chỉ huy trung đoàn đi đầu rất ngạc nhiên về cái lệnh do công tước Andrey mang đến: Ông ta vẫn đinh ninh rằng trước mặt còn có nhiều đơn vị khác và quân địch thì còn cách xa đến mười dặm là ít. Sự thật thì trước mặt chỉ thấy bao ta đồng không mông quạnh, mặt đất thấp dần xuống và mất hút trong sương mù dày đặc. Sau khi thay mặt tổng chỉ huy ra lệnh bổ khuyết ngay điều sơ suất đã mắc phải, công tước Andrey quay trở về. Kutuzov vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, cái thân hình già nua buông trĩu xuống lưng ngựa, nhắm mắt ngáp dài. Quân sĩ thì không tiến lên nữa mà đứng yên tại chỗ hạ súng xuống đất.

- Được được - Kutuzov nói với công tước Andrey đoạn quay sang một viên quay lại vừa ngáp vừa nói:

- Được được còn kịp chán. Quan lớn ạ, còn kịp chán.
   
Vừa lúc ấy thì đằng sau có tiếng hô chào văng vẳng từ xa rồi lan lại gần rất nhanh, tỏ ra rằng nhân vật được nghênh tiếp đó đi rất nhanh dọc các đạo quân đang tiến. Khi đến lượt trung đoàn lên Kutuzov đứng cũng hô lên thì viên tổng tư lệnh dịch sang bên cạnh một tí, cau mặt ngoái lại nhìn phía sau. Cả một đại đội người ngựa ăn mặc nhiều kiểu khác nhau từ Pratxent tiến lại. Đi đầu là hai người cưỡi ngựa sánh vai nhau phi nước đại. Một người nhung phục đen, ngù lông trắng, cưỡng ngựa hồng lai Anh; người kia nhung phục trắng, cưỡi ngựa ô đen nhánh. Đó là hai vị hoàng đế và đoàn hộ giá. Kutuzov lấy dáng diệu trịnh trọng của một người lính già đứng trong hàng ngũ hô: "Nghiêm!" rồi vừa chào vừa lại gần hoàng thượng. Dáng dấp và phong thái của ông ta phút chốc thay đổi hẳn: ông làm ra cái vẻ mình chỉ là một người thuộc hạ, không biết gì mà bàn cãi. Với một vẻ cung kính kiểu cách ông ta tiến đến hoàng đế.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:30:01 pm
Cái vẻ trịnh trọng thái quá ấy dường như làm cho hoàng đế khó chịu; nhưng ấn tượng khó chịu ấy chỉ thoáng qua trên gương mặt trẻ trung tươi sáng của hoàng đế như một tí sương mù còn sót lại trên bầu trời quang đãng. Vì hoàng đế vừa bị mệt, nên hôm ấy hơi gầy so với hôm duyệt binh ở Olmuytx mà Bolkonxki trông thấy lần đầu từ khi ở ngoại quốc về; nhưng đôi mắt xám đẹp vẫn là vẻ thanh xuân trong trắng và hiền hậu. Trong cuộc duyệt binh ở Olmuytx hoàng đế có vẻ oai nghiêm hơn, còn ở đây ngài lại có vẻ hân hoan và cương quyết hơn.
   
Sau mấy dặm đường phi ngựa, sắc mặt hoàng đế hồng hào hẳn lên. Ngài dừng ngựa và quay lại nhìn các nhân vật trong đám hộ giá mặt cũng đều trẻ trung và linh hoạt như ngài cả. Họ tươi cười nói chuyện với nhau; Tsartonxki và Xiroganov, và nhiều người nữa, đều trẻ trung, vui vẻ và ăn mặc sang trọng cưỡi những con ngựa đẹp và hăng, lông đánh bóng mượt chỉ hơi xâm xấp mồ hôi. Họ kìm ngựa lại cách hoàng đế mấy bước. Hoàng đế Frantx cũng trẻ tuổi, khuôn mặt dài, nước da đỏ dắn, ngồi rất thẳng trên mình con ngựa giống sắc ô đen nhánh, thong thả đưa mắt nhìn quanh, vẻ ưu tư. Hoàng đế gọi một sĩ quan phụ ta mặc toàn màu trắng đến hỏi. Công tước Andrey nhìn người quen dạo nọ tự nhủ: "Chắc là hoàng đế hỏi họ ra đi lúc mấy giờ" và nhớ lại cuộc bệ kiến ở Viên dạo trước, chàng không khỏi mỉm cười. Đoàn hộ giá của hai, vị hoàng đế gồm toàn những sĩ quan phụ tá ưu tú: Nga và Áo, chọn lựa trong các binh đoàn cận vệ và quân đã chiến. Các mã quan thì cầm cương dắt theo con ngựa nhà vua mình phủ những tấm chăn thêu lộng lẫy.
   
Tựa hồ như làn không khí mát mẻ từ nơi đồng nội tràn qua khung cửa sổ mở rộng lùa vào một căn buồng oi bức, đoàn thanh niên kỵ mã choáng lộn ấy thổi vào bộ tham mưu ảm đạm của Kutuzov một làn không khí trẻ trung, cương nghị, một lòng tin tưởng vững chắc thắng lợi.

- Thế nào, ông Mikhai Larionovich, ngài vẫn chưa xuất quân à? - Hoàng đế Alekxandr vội vàng hỏi Kutuzov đồng thời đưa mắt nhìn hoàng đế Frantx một cách lễ độ.
   
Kutuzov kính cẩn cúi đầu đáp:

- Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang chờ.

Alekxandr hơi cau mày, nghiêng tai một bên để tỏ ra rằng mình không nghe rõ.

- Tâu hoàng thượng, chúng tôi đang đợi. Các đạo quân tập trung chưa xong - Kutuzov nhắc lại. Công tước Andrey nhận thấy môi trên của ông run run một cách không bình thường trong khi nói mấy chữ "đang đợi".
Lần này, hoàng đế đã nghe ra, nhưng câu trả lời hình như không vừa ý ngài: nhún đôi vai hơi gù, hoàng đế liếc nhìn Novoxiltxev bấy giờ đang đứng cạnh như để phàn nàn về Kutuzov:

- Nhưng ông Mikhai Larionovich, có phải chúng ta đang ở trên quảng trường Txritxyn đâu mà chờ đợi cho các trung đoàn đến đủ mới bắt đầu diễn binh.

Alekxandr lại nhìn Frantx như để mời hoàng đế Áo nếu không dự vào câu chuyện thì cũng chú ý nghe; nhưng hoàng đế Frantx cứ đưa mắt nhìn quanh, không chú ý nghe gì cả.

- Tâu hoàng thượng, - Kutuzov đáp, giọng vang lên sang sảng như để đề phòng trường hợp không nghe rõ, và trên gương mặt lại có một cái gì rung lên, - Sở dĩ tôi chưa bắt đầu chính vì đây không phải là một cuộc duyệt binh, mà đây cũng không phải là quảng trường Txaritxyn. - Ông phát âm rõ ràng và tách bạch.

Các sĩ quan hộ giá liền đưa mắt nhìn nhau, tỏ vẻ bất bình và trách cứ, và vẻ mặt họ đều biểu lộ một ý nghĩ: "Già thì già, chứ ông ta không được nói như vậy, quyết không được ăn nói như vậy với hoàng thượng".

Alekxandr chăm chú nhìn vào mặt Kutuzov chờ xem ông ta có còn nói gì nữa không, nhưng Kutuzov vẫn cung kính cúi đầu hình như cũng chờ một câu đáp lại, im lặng kéo dài gần một phút.

Sau cùng Kutuzov ngẩng đầu lên và trở lại với cái giọng một quân nhân già u mê chỉ biết vâng lệnh không bàn cãi, ông ta nói:

- Nhưng, nếu hoàng thượng ra lệnh…

Rồi thúc ngựa. Ông ta cho gọi viên tướng chỉ huy đạo quân là Miloradovich đến và truyền lệnh tấn công. Quân sĩ lại chuyển đi: hai tiểu đoàn của trung đoàn Novgorod điều qua trước mặt hoàng đế, tiếp theo là một tiểu đoàn của trung đoàn Aptseron. Khi trung đoàn này đi qua thì Miloradovich, mặt đỏ bừng, không khoác áo dài phủ nhung phục lóng lánh những huân chương, cái mũ hai góc có ngù lông to tướng hiên ngang đội lệch bên mang tai, phóng như tên bay đến trước hoàng đế, kìm ngựa lại, đang rộng tay ra chào.

- Cầu trời phù hộ cho tướng quân! - Alekxandr nói.

- Thật tình, tâu hoàng thượng, chúng tôi sẽ làm những cái gì ở trong khả năng của chúng tôi, tâu hoàng thượng! - Câu trả lời rất vui vẻ hồn nhiên, nhưng cũng không khỏi làm cho các nhân vật trong đoàn hộ giá mỉm cười chế giễu cái tiếng Pháp quá tồi của ông ta.

Miloradovich thúc ngựa quay phắt lại và lùi về đứng sau Alekxandr mấy bước. Sự có mặt của hoàng đế làm cho tiểu đoàn Aptseron phấn chấn, họ hùng dũng bước đều diễu qua hai vị hoàng đế và đoàn tuỳ giá.
Tiếng súng bắn ở phía trước, giờ giáp trận sắp đến, vẻ hiên ngang cả đoàn quân đã từng do ông ta chỉ huy trong các chiến dịch của Xuvorov khích động đến nỗi quên mất là có hoàng đế lồng lên. Con ngựa ấy, Alekxandr trước đây vẫn thường cưỡi những khi duyệt binh ở Nga, nay lại cưỡi ngựa ra chiến trường, cũng như mọi khi, nó phải chịu những phát cựa giày của hoàng đế đứng đấy; ông ta thét lên:

- Tiến lên, anh em! Lần này chẳng phải là lần đầu chúng ta lập công!

- Xin hết lòng! - Quân sĩ hô to đáp lại.

Tiếng hò reo bất ngờ làm cho con ngựa của hoàng đế lồng lên. Nghe tiếng súng nó vểnh tai lên hệt như nó ở trên quảng trường Chiến thần, tuyệt nhiên không hiểu ý nghĩa của những tiếng súng ấy, cũng chẳng hiểu ý nghĩa của việc nó đang đứng cạnh con ngựa giống đen nhánh của hoàng đế Frantx, cũng như của tất cả những điều mà chủ nó nói năng và cảm nghĩ trong ngày hôm ấy.
     
Alekxandr quay về phía một cận thần, mỉm cười chỉ các dũng sĩ của tiểu đoàn Aptseron và nói với người ấy một câu gì không rõ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:13:32 pm
Phần III
Chương - 15
     
Kutuzov cùng các sĩ quan phụ tá cho ngựa đi bước một theo đội xạ thủ.
   
Đi được nửa dặm ở phía cuối đoàn quân, ông dừng ngựa lại cạnh một ngôi nhà trơ trọi bỏ hoang ở một ngã ba đường, có lẽ trước kia là một quán rượu. Cả hai nẻo đường đều dẫn xuống núi và trên cả hai đều có quân lính kéo đi.

Sương mù bắt đầu tan, và cách chừng hai dặm Nga đã thấy thấp thoáng những đội quân địch bố trí trên những ngọn đồi phía trước mặt. Ở phía dưới, về phía trái, tiếng súng nổ nghe đã rõ hơn.

Kutuzov dừng lại, nói chuyện với vị tướng Áo. Công tước Andrey đứng cách hai người một quãng ngắn ở phía sau đưa mắt nhìn hai người. Chàng hỏi mượn chiếc kính viễn vọng của viên quan phụ tá.

- Ông xem kìa, ông xem kìa - viên quan phụ tá nói. Bấy giờ mắt ông ta không nhìn về phía các đội quân Pháp ở xa mà lại nhìn xuống phía dưới núi ngay trước mặt - Quân Pháp kia rồi.
   
Hai vị tướng và các sĩ quan phụ tá bắt đầu chuyền tay nhau chiếc vọng kính. Gương mặt của họ đều đột nhiên biến sắc, lộ vẻ kinh hoảng. Người ta tưởng quân Pháp còn cách ta những hai dặm, thế mà đùng một cái chúng đã ở trước mặt. Chung quanh có tiếng xôn xao.

- Quân địch đấy à? Không phải… Đúng rồi mà, cứ nhìn kỹ mà xem đúng nó đấy… chắc chắn như thế… Làm sao thế nhỉ?
   
Chỉ bằng mắt thường công tước Andrey cũng trông thấy ở phía dưới, bên tay phải, một đội quân Pháp đông đặc đang leo núi, đón đầu tiểu đoàn Aptseron, cách chỗ Kutuzov đứng không quá trăm bước.
   
"Đây cái phút quyết liệt mà ta hằng mong đợi đã đến! Đã đến lúc ta hành động" - công tước Andrey nghĩ.
Rồi chàng quất ngựa lại gần Kutuzov nói to:

- Thưa, tướng quân, cần phải chặn tiểu đoàn Aptseron lại!

- Nhưng vừa lúc ấy mọi vật bỗng phủ khói mịt mù, một loạt súng trường nổ rất gần, và một giọng người hoảng hốt mà ngây dại cách công tước Andrey hai bước kêu to: "Thôi bỏ mẹ rồi, anh em ơi!"
   
Tiếng kêu đó dường như là một mệnh lệnh: Nghe thấy, mọi người đều ùa nhau bỏ chạy.
Những đám người hỗn độn mỗi lúc một đông chạy dật lùi về chỗ mà năm phút trước đây các quân đoàn vừa diễu qua trước mặt hai vị hoàng đế. Lúc này ngăn đám người này lại là một việc rất khó đã đành, nhưng hơn nữa cũng không thể nào không bị đám đông dồn về phía sau. Bolkonxki chỉ cố sao đừng bị tụt lại sau. Chàng ngơ ngác nhìn quanh, không tài nào hiểu nổi cái việc đang diễn ra trước mặt. Nexvitxki vẻ giận dữ đỏ mặt tía tai trông không còn nhận ra nữa, thét lớn bảo Kutuzov rằng nếu ông ta không lánh đi nơi khác ngay thì chắc chắn sẽ bị bắt làm tù binh. Kutuzov vẫn đứng nguyên chỗ cũ, lặng thinh không đáp, rút trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa. Trên má ông có một dòng máu rỉ xuống. Công tước Andrey cố len lại gần Kutuzov.

- Thưa Đại nhân, ngài bị thương ạ? - Mặc dầu công tước Andrey cố sức trấn ũnh, hàm dưới của chàng vẫn cứ run run.
   
Kutuzov áp chiếc mùi xoa lên má và trỏ đám quân đang bỏ chạy nói:

- Vết thương không phải ở đây mà ở đấy kia.
   
Ông quát:

- Ngăn chúng nó lại!
   
Và đồng thời là vì thấy rõ ràng không thể nào ngăn chặn họ lại được, ông thúc ngựa đi sang bên phải.
   
Một đám loạn quân vừa chạy vừa ùn đến bao quanh lấy Kutuzov và dồn ông về phía sau.

Quân lính chạy trốn thành một đám người dày dặc đến nỗi một khi đã lọt vào giữa đám này thì khó lòng mà len ra ngoài được nữa.


Có người quát: "Đi đi! Sao lại ỳ ra đấy hả!"; có người quay lại bắn chỉ thiên; có người thúc con ngựa của chính Kutuzov cưỡi. Kutuzov chật vật lắm mới len được qua dòng người mà thoát sang phía trái.
   
Cùng với toán sĩ quan tuỳ tùng bấy giờ chỉ còn bằng một nửa lúc nãy, ông giục ngựa tiến về phía có tiếng đại bác nổ gần. Lách ra khỏi toán quân lính đang chạy, công tước Andrey cố bám sát theo Kutuzov. Chàng thấy bên sườn núi, trong đám khói, có một đội pháo Nga hãy còn bắn và quân Pháp đang chạy lại phía ấy. Cao hơn một chút, bộ đội Nga cứ đứng yên, không tiến về phía trước - để tiếp viện cho đội pháo binh, mà cũng không lùi về phía sau - về phía những toán quân lính đang bỏ chạy. Viên tướng cưỡi ngựa tách ra khỏi đội bộ binh và tiến lại phía Kutuzov. Trong số sĩ quan đi theo Kutuzov chỉ còn lại có bốn người. Ai nấy sắc mặt đều tái xanh và im lặng đưa mắt nhìn nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:14:57 pm
- Ngăn bọn khốn kiếp ấy lại! - Kutuzov vừa thở hổn hển vừa chỉ những toán lính bỏ chạy nói với viên trung đoàn trưởng; nhưng ngay lúc ấy, dường như để trừng phạt Kutuzov về tội đã nói mấy tiếng này, một làn đạn nhắm thẳng vào trung đoàn và toán sĩ quan đi với Kutuzov, tiếng đạn líu rít như tiếng một đàn chim.
   
Quân Pháp bấy giờ đang tấn công đội pháo, trông thấy Kutuzov liền nã súng bắn vào ông. Vừa dứt loạt súng, viên trung đoàn trưởng liền giơ tay ôm lấy chân; mấy người lính ngã xuống, và viên chuẩn uý cầm cờ bỗng buông cán cờ ra: ngọn cờ lảo đảo rồi đổ xuống, vưởng vào súng trường của mây người lính đứng cạnh. Mặc dầu chưa có lệnh, quân lính cũng bắt đầu nổ súng bắn trả ồ ồ! Kutuzov rên rỉ, vẻ tuyệt vọng. Ông quay lại nói, giọng thì thào và run rẩy vì nhận rõ cánh già nua yếu duối của mình.

- Bolkonxki, - Kutuzov trỏ tiểu đoàn quân lính tán loạn và trỏ vào quân địch, - Bolkonxki làm sao thế kia?
   
Nhưng ông chưa nói hết câu, công tước Andrey bấy giờ đang cảm thấy những giọt nước mắt hổ thẹn và căm tức nghẹn ngào trong cổ đã nhảy phắt xuống ngựa và chạy về phía lá cờ.

- Anh em tiến lên! - chàng thét, giọng thé lên như trẻ con.
   
"Đã đến lúc rồi đây!" - Công tước Andrey nghĩ, trong khi nắm cán cờ, tai khoái trá nghe tiếng đạn bay líu ríu, hẳn là những viên đạn nhắm thẳng về phía chàng. Mấy người lính ngã xuống.

- Ura - công tước Andrey thét. Chàng chật vật lắm mới giữ được ngọn cờ nặng trĩu trong tay và chạy về phía trước, lòng tin chắc rằng cả tiểu đoàn sẽ chạy theo chàng.
   
Quả nhiên, chàng chỉ phải chạy một mình có mấy bước. Một người lính, một người nữa, rồi cả, tiểu đoàn vừa hô "Ura!" vừa chạy lên, vượt lên trước chàng. Một viên hạ sĩ quan của tiểu đoàn chạy lại cầm ngọn cờ đang lảo đảo trong tay công tước Andrey vì nặng quá, nhưng lập tức bị trúng đạn ngã xuống. Công tước Andrey lại cầm lấy cán cờ chạy theo tiểu đoàn. Phía trước mặt, chàng trông thấy đội pháo binh của ta, trong số đó có người đang chiến đấu, có người đã bỏ pháo chạy lại phía công tước Andrey, chàng thấy cả những toán bộ binh của Pháp đang bắt lấy mấy con ngựa kéo pháo và đang quay súng ngược trở lại. Công tước Andrey với tiểu đoàn chỉ còn cách mấy khẩu pháo có vài bước. Chàng nghe tiếng đạn vèo vèo không ngớt trên đầu. Bên phải, bên trái chàng, luôn luôn có tiếng kêu của những người lính bị trúng đạn ngã xuống. Nhưng chàng không nhìn họ, chàng chỉ chăm chú nhìn những sự việc xảy ra trước mắt chàng trên trận địa.
   
Chàng thấy rõ bóng dáng của người pháo binh tóc hoe mũ lưỡi trai đội lệch một bên đang giật cái gậy thông nòng về phía mình, trong khi một người lính Pháp cố gắng lấy cái gậy đó. Công tước Andrey đã trông rõ cả vẻ mặt hoảng hốt và giận dữ của hai người. Có lẽ họ cũng không hiểu mình đang làm gì nữa. Công tước Andrey nhìn họ nghĩ thầm: "Họ làm gì thế? Tại sao ông pháo binh tóc hoe kia không chạy đi, anh ta có còn vũ khí gì đâu? Tại sao tên lính Pháp không đâm anh ta? Rồi anh ta chưa kịp chạy tên lính Pháp đã sực nhớ đến khẩu súng và sẽ đâm anh ta chết mất".

Quả nhiên, một người lính Pháp khác, súng cầm ngang, chạy lại phía người đang giằng co. Số phận của người pháo binh tóc hoe sắp được định đoạt, - lúc bấy giờ anh ta chưa biết cái gì đang chờ đợi mình và đang hoa cái gậy thông nòng một cách đắc thắng.
   
Nhưng công tước Andrey không biết được đoạn kết. Chàng có cảm giác như một trong những người lính ở sát gần chàng và hết sức giáng gậy đánh vào đầu chàng. Chàng thấy hơi đau, nhưng cái chính là chàng bực mình vì cảm giác đau làm cho chàng mất chú ý và không xem tiếp được cái cảnh mà chàng đang nhìn.
   
"Cái gì thế này? Mình ngã à? Chân mình cứ khuỵu xuống" - chàng nghĩ thầm, rơi ngã ngửa ra. Chàng mở mắt, mong thấy được cuộc vật lộn giữa quân Pháp và đội pháo binh, chàng muốn biết người pháo binh tóc hoe có bị giết chết không, mấy khẩu pháo có cứu được không.

Nhưng chàng chẳng thấy gì cả. Ở phía trên chàng lúc bấy giờ không còn gì hết, ngoài bầu trời - bầu trời cao, không quang đãng lắm, nhưng vẫn cao vòi vọi, với những đám mây xám chầm chậm lững lờ trôi qua.
   
"Im lặng quá, yên tĩnh và trân trọng quá, hoàn toàn không giống những lúc ta đang chạy", công tước Andrey nghĩ - không giống như khi chúng ta chạy, ta hét và bắn giết nhau, hoàn toàn không giống như khi người pháo binh và tên lính Pháp giằng co nhau chiếc gậy thông nòng, mặt mày giận dữ và hoảng sợ, những đám mây trôi trên bầu trời cao lộng mênh mông kia hoàn toàn không giống như thế. Làm sao trước đây ta lại không trông thấy cái bầu trời cao vòi vọi ấy? Sung sướng quá: bây giờ thế là ta đã biết nó. Phải, ngoài bầu trời vô tận kia ra, tất cả đều là vô nghĩa, đều là lừa dối. Không có gì hết. Nhưng ngay cả bầu trời cũng không có nữa, không có gì hết, ngoài sự im lặng, ngoài sự yên tĩnh. Đội ơn Chúa…"



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:17:02 pm
Phần III
Chương - 16

Ở sườn phải, phía quân đoàn Bagration, đến chín giờ chiến sự vẫn chưa bắt đầu. Không muốn chấp nhận yêu sách của Dolgorukov đòi khởi chiến, và lại có ý muốn tránh trách nhiệm, công tước Bagration bàn với Dolgorukov cho người đi hỏi ý kiến quan tổng tư lệnh về việc này. Bagration biết rằng hai sườn quân cách nhau gần muời dặm Nga như thế này, nếu người được phái đi không bị thương vong (điều này rất có thể xẩy ra), và dù cho người đó có tìm được vị tổng tư lệnh đi chăng nữa - Việc này là rất khó, - Thì cũng không thể nào về trước khi trời tối.
   
Bagration đưa đôi mắt to không nói lên cái gì hết và có vẻ thiếu ngủ nhìn toán sĩ quan tuỳ tùng và để ý ngay đến vẻ mặt trẻ con của Roxtov đang ngây ra vì xúc động và hy vọng.
Bagration liền phái chàng đi.

- Còn nếu tôi gặp Hoàng thượng trước khi gặp quan tổng tư lệnh thì thế nào ạ? - Roxtov nói, tay đặt lên lưỡi trai.

- Anh có thể chuyển thư lên Hoàng thượng, -   Dolgorukov cướp lời Bagration hối hả nói.

Đêm qua, đến khi được đổi gác, Roxtov đã tranh thủ ngủ được mấy tiếng trước khi trời sáng. Chàng cảm thấy vui vẻ, gan dạ và quả cảm, thấy tay chân cử động rất dẻo dai, thấy lòng tin chắc vào vận may của mình, chàng đang ở trong cái tâm trạng khiến cho người ta thấy cái gì cũng nhẹ nhõm, vui tươi và dễ dàng.
   
Sáng hôm nay mọi nguyện vọng của chàng đều được thực hiện: trận đại chiến đã mở đầu, chàng được tham gia trận đó, hơn nữa chàng lại được làm sĩ quan tuỳ tùng cho một vị tướng quả cảm nhất, ngoài ra chàng lại được cử đi gặp Kutuzov và có gặp cả Hoàng thượng nữa. Sáng hôm ấy trời quang đãng, con ngựa chàng cưỡi là một con tuấn mã. Tâm hồn chàng thấy vui tươi, sung sướng. Sau khi nhận lệnh chàng thúc ngựa phóng dọc theo tiền tuyến. Lúc đầu chàng đi men theo trận tuyến của quân đoàn Bagration bấy giờ chưa xung trận và hãy còn đứng yên một chỗ, rồi chàng đi vào trận địa của đội kỵ binh Uvarov bố trí. Ở đây chàng đã nhận thấy có những đội quân đi lại di chuyển và những dấu hiệu của một cuộc chuẩn bị xung trận. Vượt qua đội kỵ binh của Uvarov, chàng nghe rõ tiếng đại bác và tiếng súng trường ở phía trước mặt. Tiếng súng nổ mỗi lúc một thêm dữ dội.
   
Trong không khí mát mẻ của buổi ban mai bấy giờ không phải chỉ có vài ba phát súng trường rồi một vài phát đại bác cách quãng như trước nữa; bấy giờ trên những sườn núi ở phía trước mặt Pratxen đã nghe tiếng súng trường nổ từng hồi chen với những tiếng đại bác liên tiếp, dồn dập đến nỗi đôi khi nó không tách rời ra từng tiếng một mà hoà lẫn với nhau thành một tiếng gầm vang dội.
   
Có thể trông thấy khói súng trường như đang đuổi theo nhau chạy trên sườn núi, còn khói đại bác thì ùn ùn đọng thành từng dám lớn, toả rộng ra và hoà lẫn vào nhau. Có thể trông thấy những đoàn bộ binh dày đặc tiến lên, lưỡi lê lấp lánh trong đám khói súng, và những dãy pháo binh dài với những hòm đạn sơn màu lá cây.
   
Roxtov cho ngựa dừng lại một lát trên một sườn đồi để xem xét sự việc đang xảy ra, nhưng tuy chàng cố sức chú ý mà vẫn không sao hiểu và phân biệt được những sự việc đang tiếp diễn:
Trong đám khói có những người đang chuyển động, có những toán quân nào không rõ đang tiến tiến lùi lùi, nhưng để làm gì? Ai? Đi đâu? - Chàng không sao hiểu nổi. Cái quang cảnh này, những âm thanh này không những không gây nên trong lòng chàng một cảm giác nhụt chí hay e sợ, mà trái lại, lại khiến chàng có thêm nhuệ khí và quả cảm.
   
"Nào, cứ nổ nữa đi! " - Chàng thầm nhắn nhủ tiếng súng, rồi lại thúc ngựa phóng dọc trận tuyến, mỗi lúc một tiến sâu vào khu vực của những đoàn quân đã bắt đầu xung trận. Chàng nghĩ: "Ở đây sẽ ra sao thì không biết, nhưng thế nào mọi việc cũng sẽ tốt đẹp".
   
Sau khi vượt qua mấy đơn vị nào của quân Áo không rõ, Roxtov nhận thấy phần trận tuyến kế đến - (đó là quân cận vệ) và bắt đầu xung trận.
   
"Càng tốt! Ta sẽ xem thật gần", - Chàng nghĩ.

Chàng đang cưỡi ngựa đi sát hoả tuyến. Mấy người cưỡi ngựa phóng về phía chàng. Đó là những kỵ binh Ulan(1) của quân ta vừa đi xuất kích trở về, hàng ngũ loạn xạ, Roxtov phóng ngựa qua tình cờ nhận thấy một người máu me đầm đìa. Chàng vẫn tiếp tục cho ngựa tiến lên.

"Điều đó không liên quan gì tới ta cả!" - chàng nghĩ. Roxtov vừa đi tiếp được vài trăm bước thì ở bên trái có đoàn kỵ binh cưỡi ngựa ô, mặc quân phục trắng sáng lấp lánh, hàng ngũ toả rộng che kín cả khoảng đồng đang phóng nước kiệu về phía chàng. Roxtov cho ngựa phi hết tốc lực để tránh đoàn kỵ binh và giá thử họ vẫn giữ tốc độ như cũ thì chàng đã tránh được rồi, nhưng họ tránh mỗi lúc một nhanh thêm, có mấy con ngựa đã bắt đầu chuyển sang nước đại Roxtov nghe tiếng vó ngựa và tiếng vũ khí lách cách mỗi lúc một gần và trông mỗi lúc một rõ bóng người ngựa và cả mặt mũi những kỵ binh nữa. Đó là đội kỵ mã cận vệ của ta tấn công đội kỵ mã của Pháp bấy giờ đang tiến về phía họ.
   
Đội kỵ mã cận vệ phi rất nhanh, nhưng vẫn còn kìm ngựa lại. Roxtov đã trông thấy rõ mặt họ và nghe tiếng hô: "Tiến! Tiến!" của một sĩ quan đang cho con ngựa giống của mình phi hết tốc lực.
   
Roxtov sợ bị xéo nát hoặc bị cuốn luôn vào cuộc tập kích quân Pháp nên cố phi ngang qua mặt đội kỵ mã cho thật nhanh, nhưng vẫn không vượt ra được ngoài tầm được.
   
Người kỵ binh cận vệ ở phía ngoài cùng, một người cao lớn mặt rỗ, giận dữ cau mày khi thấy Roxtov ở trước mặt đang sắp xô vào mình. Chắc chắn là người cận binh cận vệ này sẽ xô Roxtov và con Neduyn ngã lộn nào ra (bản thân Roxtov so với những người kỵ binh và những con ngựa to lớn này tỏ ra rất bé nhỏ và yếu ớt) nếu chàng không nghĩ ra cách khua chiếc roi trước mặt con ngựa của hắn. Con ngựa ô nặng nề, cao năm véc-sốc(2) cụp tai nhảy né sang một bên; nhưng người kỵ binh cận vệ đã dáng chân thúc đôi cựa to tướng vào sườn nó, và con ngựa vẫy đuôi, rướn cổ lao về phía trước nhanh hơn nữa. Đội kỵ mã cận vệ vừa vượt qua, Roxtov đã nghe thấy tiếng hô vang: "Ura!"; Roxtov quay lại nhìn, thấy mấy hàng đầu của họ đã trộn lẫn với những người kỵ binh lạ mặc quân phục có tua vai đỏ, chắc hẳn là kỵ binh pháp. Về sau không còn có thể trông thấy gì được nữa, vì ngay sau đó đại bác bỗng từ nơi nào bắt đầu bắn ra và mọi vật đều mờ đi trong khói súng.
     
Khi đoàn kỵ mã cận vệ vượt qua Roxtov và lấp lánh đi trong làn khói, chàng do dự không biết nên đi theo họ hay tiếp tục đi làm nhiệm vụ của mình. Đây chính là trận tiến công oanh liệt của đội kỵ binh cận vệ đã khiến chính quân Pháp cũng phải kinh ngạc. Về sau Roxtov rất kinh hoảng khi nghe nói trong số cả đoàn người đẹp đẽ cao lớn này, trong số những chàng thanh niên tuấn tú, sang trọng này cưỡi những con ngựa hàng nghìn rúp: sĩ quan cũng có, hạ sĩ quan cũng có đã phi ngựa qua chỗ chàng, sau trận tập kích chỉ còn 18 người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:18:25 pm
"Việc gì ta phải ganh tỵ rồi sẽ đến lượt ta, và có lẽ ngay bây giờ đây ta sẽ gặp hoàng thượng!" - Roxtov nghĩ, và lại thúc ngựa đi.
   
Khi đến ngang tầm đoàn bộ binh của quân cận vệ, chàng nhận thấy có những quả đạn đại bác đang bay qua họ và ở chung quanh họ, không hẳn vì chàng nghe thấy tiếng đạn nổ, mà chủ yếu là vì chàng trông thấy vẻ lo sợ trên nét mặt của quân lính và một vẻ trang trọng, hùng dũng không tư nhiên trên khuôn mặt các sĩ quan.

Đang cưỡi ngựa vòng phía sau trận tuyến của một trung đoàn cận vệ, chàng bỗng nghe có ai gọi tên chàng.

- Roxtov!

- Cái gì thế! - Roxtov đáp; bấy giờ chàng chưa nhận ra Boris.

- Cậu thấy thế nào, bọn mình ra tiền tuyến rồi đấy! Trung đoàn mình đã tấn công đấy! - Boris nói, trên môi
hiện rõ nụ cười sung sướng thường thấy ở những người trẻ tuổi lần đầu tiên được dự chiến.
Roxtov dừng lại.

- Thật à? Chàng nói. - Thế nào rồi đấy?

- Đánh lui được chúng rồi! - Boris phấn khởi nói, bấy giờ chàng đã trở thành rất mau miệng. - Cậu có tưởng tượng được không?
     
Và Boris bắt đầu kể chuyện lúc nãy quân cận vệ vừa đến chiếm lĩnh vị trí bỗng thấy có một đoàn quân ở trước mặt, họ cứ tưởng là quân Áo, khi đoàn quân đó đột nhiên bắn đại bác đến mới biết rằng mình đang ở tiền tiêu, và thế là đùng một cái phải xung trận, Roxtov chưa nghe Boris kể hết đã giật cương ngựa.

- Cậu đi đâu thế? - Boris hỏi.

- Đi gặp hoàng thượng, có công cán.

- Ngài kia kìa! - Boris nói, chàng tưởng Roxtov nói là đi gặp đại công tước chứ không phải hoàng thượng(3).
     
Boris chỉ cho Roxtov thấy đại công tước đứng cách hai người chừng một trăm bước, đầu đội mũ sắt, mình mặc quân phục kỵ binh cận vệ, hai vai so cao, lông mày cau lại, đang quát một câu gì với một sĩ quan Áo mặc đồ trắng, mặt tái nhợt.

- Nhưng đấy là đại công tước chứ, mình cần gặp tướng quân tổng tư lệnh hay hoàng thượng kia, - Roxtov nói đoạn toan thúc ngựa đi.

Bỗng Berg, vẻ cũng phấn chấn như Boris, từ phía bên kia chạy lại gọi.

- Bá tước, bá tước! Tôi bị thương ở tay phải đây này (anh ta vừa nói vừa giơ cổ tay đẫm máu buộc một chiếc khăn mùi soa) thế mà vẫn ở lại trận địa đấy. Bá tước ạ, tôi cầm kiếm bằng tay trái. Dòng họ Fon Berg chúng tôi đều là những trang mã thượng anh hùng cả.

Berg còn nói thêm mấy câu nữa, nhưng Roxtov chưa nghe hết đã phi ngựa đi.
   
Sau khi vượt qua đội cận vệ và băng qua một quãng trống, Roxtov không muốn lọt một lần nữa vào hoả tuyến, liền đi dọc theo trận tuyến của quân dự bị vòng ra xa chỗ có tiếng súng dữ dội nhất.
   
Bỗng trước mặt chàng và ở phía sau lưng quân ta, ở một nơi mà chàng không thể nào ngờ là có quân địch, Roxtov nghe tiếng súng trường nổ rất gần.
   
"Làm sao thế này nhỉ? - Roxtov nghĩ. - Quân địch ở lại sau lưng quân ta ư? Không có lẽ, - Roxtov bỗng thấy hoảng sợ, sợ cho mình và cho kết quả của trận đánh. - Dù sao thì bây giờ cũng không việc gì phải tránh nữa. Ta phải tìm cho ra tướng quân tổng tư lệnh ở đây, và nếu mọi việc đều hỏng, bổn phận của ta là cùng chết với mọi người".
     
Một linh cảm không hay tràn vào tâm hồn Roxtov; và càng đi sâu vào khoảng đất ở phía sau làng Pratxen nơi có từng đám quân lính đủ các binh chủng đang kéo qua, thì linh cảm này càng được xác nhận thêm.

- Cái gì thế? Cái gì thế? Họ bắn vào ai thế? Ai bắn? - Roxtov hỏi những người lính Nga và lính Áo đang kéo đoàn kéo lũ hỗn độn chạy ngang qua trước mặt chàng.

- Có quỷ sứ nó biết? Nó bắn chết hết rồi còn gì! Hỏng hết rồi! - Họ trả lời bằng tiếng Nga, tiếng Đức, và tiếng Pháp, những toán lính này cũng như chàng, không hiếu được việc gì đang xảy ra cả.
   
Bỗng có người quát:

- Đánh bỏ mẹ bọn Đức đi!

- Quỷ bắt chúng nó đi! Đồ phản bội.

- Zum Henker diese Russen…(4) - một người Đức càu nhàu.

Mấy người bị thương trên đường. Những tiếng chửi rủa, tiếng quát tháo, tiếng rên rỉ hoà lẫn với nhau thành một âm thanh hỗn độn. Tiếng súng trường đã im, và về sau Roxtov được biết rằng vừa rồi lính Nga và lính Áo đã bắn nhau.
   
"Trời ơi! Thế này nghĩa là thế nào? - Roxtov nghĩ. Mà lại là ở đây nơi mà bất cứ phút nào hoàng thượng cũng có thể trông thấy họ!… Nhưng không, chắc đó chỉ là một vài đứa vô lại. Rồi sẽ qua thôi; không thể như thế được, - chàng nghĩ, phải cố vượt qua bọn này cho thật nhanh!".
     
Roxtov không thể nào nghĩ rằng quân ta đã bại trận và đang bỏ chạy. Mặc dầu chàng đã trông thấy pháo và quân lính Pháp ngay trên núi Pratxen ngay trên ngọn núi mà chàng đã được lệnh đến để tìm tướng quân tổng tư lệnh, chàng vẫn không thể và không chịu tin như vậy.

=======================================================

Chú thích:

(1) Một loại kỵ binh hạng nhẹ vũ trang bằng giáo, gươm và súng ngắn, giáo của người kỵ binh Ulan có cờ đuôi nheo nhỏ nhiều mầu.
(2) Một véc-sốc tương đương với 0,44m.

(3) Trong tiếng Nga, hai từ này (jego vehsextvo và jego vixotsexvo phát âm hơi giống nhau)

(4) Cho bọn Nga ấy về nhà ma!



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:19:26 pm
Phần III
Chương - 17
       
Roxtov đã được lệnh tìm Kutuzov và hoàng thượng ở quanh làng Pratxen. Nhưng ở đây không những không thấy hai người đâu, mà cũng chẳng thấy một cấp chỉ huy nào, chỉ có những đám quân lính hỗn loạn thuộc đù các binh chủng. Chàng thúc con ngựa bấy giờ đã mỏi mệt để chóng vượt qua những dám người này, nhưng chàng càng đi thì lại càng gặp những đám người hỗn loạn hơn. Trên con đường cái lớn mà chàng đi theo, chen chúc những cỗ xe ngựa đủ các loại xe song mã, xe tải những tốp lính Nga và lính Áo đủ các binh chủng: bị thương cũng có, lành lặn cũng có. Tất cả xô nhau chuyển đi ầm ầm trong tiếng rú rùng rợn của đạn đại bác từ những pháo đội Pháp đặt trên các ngọn đồi Pratxen bắn xuống.
   
Hễ chặn được ai Roxtov cũng hỏi: "Hoàng thượng đâu? Ông Kutuzov đâu?". Nhưng không ai trả lời chàng cả. Cuối cùng chàng túm lấy cổ áo một người lính và bắt hắn ta phải trả lời bằng được.

- Ô! Anh bạn ạ, họ ở đây từ đời nào kia, còn bây giờ thì chuồn mất rồi! - Người lính nhăn nhó tìm cách thoát khỏi tay Roxtov.
   
Thấy hắn ta say rượu, Roxtov buông hắn ra và ra chặn một nhân vật quan trọng nào đấy. Viên sĩ quan bảo Roxtov là cách đây một giờ họ đã chở nhà vua trên xe ngựa phóng hết tốc lực trên chính con đường này, và nhà vua bị thương rất nặng.

- Không có lẽ! Roxtov nói, - Chắc là một người nào khác đấy.
   
Viên sĩ quan tuỳ tùng cười nhạt, vẻ rất tự tin, và đáp:

- Chính mắt tôi trông thấy. Tôi còn lạ gì hoàng thượng nữa, ở Petersburg tôi đã gặp nhiều lần rồi. Ngài ngồi trong xe, mặt tái xanh tái nhợt ra. Bốn con ngựa ô cứ phóng bạt mạng, lao ầm ầm sát qua chỗ chúng tôi: tôi còn lạ gì ngựa của hoàng thượng với ông xà ích Ilya Ivanyts nữa! Phải biết là ông Ilya không bao giờ đánh ngựa cho ai ngoài hoàng thượng cả.
   
Roxtov buông ngựa viên sĩ quan ra và toan bỏ đi. Một sĩ quan bị thương đi ngang nói với chàng:

- Ông cần gặp ai thế? Quan tổng tư lệnh à? Bị trúng đạn chết rồi trúng vào giữa ngực, ngay ở trung đoàn chúng tôi đấy.

- Không phải chết, bị thương thôi, - Một viên sĩ quan khác chữa.

- Nhưng ai mới được chứ? Ông Kutuzov à? - Roxtov hỏi.

- Không phải là ông Kutuzov mà là cái ông gì ấy, mình quên tên rồi, nhưng cũng thế thôi, chẳng mấy ai
sống sót. Ông đi lại đằng kia kìa, đằng cái làng ấy, các cấp chỉ huy đều tụ họp ở đấy cả. - Viên sĩ quan chỉ tay về phía làng Gôxtyeradêk rồi bỏ đi.

Roxtov cho ngựa đi bước một, không biết bây giờ mình đi tìm ai và để làm gì nữa. Hoàng thượng bị thương, quân đã bại trận. Bây giờ không thể nào không tin điều đó được, Roxtov cưỡi ngựa đi về phía người sĩ quan chỉ lúc nãy, nơi chàng thấy thấp thoáng ở xa xa ngọn tháp và một toà nhà thờ. Bây giờ thì đi đâu mà phải vội? Bây giờ thì còn gặp hoàng thượng hay Kutuzov để nói cái gì nữa. dù cứ cho là họ còn sống và không bị thương?
   
Một người lính cất tiếng gọi chàng:

- Thưa đại nhân, xin ngài đi theo đường kia, chứ đi lối này thì sẽ trúng đạn chết ngay.

- Ồ! Anh nói gì thế! - Một người khác nói.

- Anh bảo ông ấy đi đâu? Lối này gần hơn chứ.
   
Roxtov ngẫm nghĩ một lát và cho ngưạ đi thẳng vào con đường mà người lính vừa bảo là chàng sẽ bị trúng đạn chết ngay.
   
"Bây giờ thì chẳng cần gì nữa! Hoàng thượng đã bị thương, thì mình còn giữ thân làm gì nữa" - chàng tự nhủ.
   
Roxtov đi thẳng vào khoảng đất mà những toán quân từ Pratxen chạy về đã bị thương vong nhiều nhất. Quân Pháp chưa tiến vào nơi này, còn quân Nga - những người hãy còn sống sót hoặc bị thương đã rút khỏi từ lâu. Trên cánh đồng, cứ mỗi mẩu đất lại có chừng mười lăm người tử trận hay bị trọng thương nằm ngổn ngang, trông như những bó rạ trên một cánh đồng cày ải. Những người bị thương bò lê trên mặt đất thành từng tốp hai ba người, và Roxtov có thể nghe thấy tiếng kêu rên khó chịu của họ, đôi khi nghe như giả vờ. Roxtov cho ngựa phóng nước kiệu để khỏi phải trông thấy những con người đau đớn này, và bỗng thấy sợ. Không phải chàng sợ cho tính mệnh mà là sợ cho lòng can đảm. Bấy giờ rất cần cho chàng vì chàng biết rằng nó không thể chịu nổi cảnh tượng thương tâm ấy.
   
Quân Pháp bấy giờ không bắn vào khoảng đồng ngổn ngang những quân sĩ bị thương vong này nữa, vì ở đấy chẳng còn ai mà bắn; nhưng khi thấy viên thiếu uý, cưỡi ngựa qua, họ chĩa súng về phía chàng và bắn mấy phát đạn trái pháo. Những tiếng rít kinh khủng của đạn đại bác và cảnh những xác chết chung quanh hoà làm một trong tâm hồn Roxtov khiến chàng thấy sợ hãi và thương hại cho mình. Chàng nhớ lại bức thư sau cùng của mẹ chàng "Không biết mẹ sẽ nghĩ thế nào nếu thấy mình đang đi trên cánh đồng này, lại thêm những khẩu pháo chĩa nòng về phía mình?" - Roxtov nghĩ.
   
Trong làng Goxtyeradek có những quân Nga từ chiến trường rút về tuy lộn xộn nhưng đã có trật tự hơn. Đạn đại bác của Pháp không bắn được đến đây, và tiếng súng nổ nghe cũng khá xa. Ở đây mọi người đã được thấy rõ và đều nói rằng quân ta đã bại trận.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:20:25 pm
Trong số những người Roxtov hỏi không có ai biết hoàng thượng hay Kutuzov hiện nay ở đâu cả. Người thì bảo tin đồn hoàng thượng bị thương là đúng, người lại bảo không phải, và cho rằng sở dĩ có tin đồn như vậy là vì quả thật xe tứ mã của nhà vua có chở một vị đại thần của triều đình là bá tước Tolstoy, bấy giờ mặt mày tái xanh đi vì hoảng sợ. Bá tước là một người trong đám tuỳ tùng của hoàng thượng đã cùng người ra chiến trường. Một vĩ quan nói với Roxtov là ở phía sau lưng làng, về bên trái, ông ta có gặp một người trong số các vị chỉ huy cao cấp. Roxtov liền cho ngựa đi về phía ấy, bấy giờ không phải vì còn hi vọng gặp ai mà chỉ muốn cho lương tâm khỏi áy náy. Đi được ba dặm và vượt qua những đội quân Nga cuối cùng, Roxtov trông thấy bên cạnh một vườn rau có hào bao bọc, có hai người cưỡi ngựa đứng trước cái hào: một trong hai người đội chiếc mũ có ngù lông trắng, Roxtov trông quen quen; người kia là một người lạ mặt cưỡi một con ngựa hồng rất đẹp (Roxtov có cảm giác đã gặp con ngựa này ở đâu rồi), cho ngựa lại gần hào, dùng cựa giày thúc ngựa rồi buông lỏng cương cho ngựa nhảy một cách nhẹ nhàng qua cái hào của khu vườn rau. Hai chân sau của con ngựa chỉ làm rơi một ít đất xuống hào, người đó quay hẳn ngựa lại, cho ngựa nhảy qua hào trở lại chỗ cũ rồi kính cẩn nói câu gì với người đội mũ có ngù trắng, có lẽ là mời người đó làm theo mình như vừa rồi.
   
Người cưỡi ngựa mà Roxtov trông quen quen và bất giác chú ý nhìn, lắc đầu và khoát tay tỏ ý từ chối, và trông thấy cử chỉ đó Roxtov nhận ngay ra vị hoàng đế mà chàng vẫn tôn sùng và đã từng thương xót.
   
"Nhưng chả nhẽ ngài lại đi một mình ở giữa cánh đồng hoang vắng này" - Roxtov nghĩ. Vừa lúc ấy Alekxandr quay đầu lại, và Roxtov trông thấy những đường nét yêu mến đã khắc sâu vào ký ức chàng. Sắc mặt nhà vua xanh xao, hai má người hóp lại và mắt người sâu hoắm; nhưng những nét mặt của Người lại càng thêm dịu dàng dễ yêu. Roxtov rất vui sướng khi đã yên trí rằng tin đồn hoàng thượng bị thương là không đúng.  Được trông thấy ngài, chàng sung sướng quá. Chàng biết rằng lúc này mình có thể, và hơn nữa, cần phải đến gặp hoàng thượng và tâu lên ngài những điều mà Dolgorukov đã sai chàng chuyển lại.
   
Có những chàng trai mới biết yêu đã bao đêm trường mơ ước được gặp người yêu để thổ lộ những tình cảm mình hằng ấp ủ nhưng đến khi giây phút bấy lâu mong đợi đã đến, đến khi đứng trước mặt nàng thì lại run rẩy, xúc động bối rối không sao có đủ can đảm thổ lộ tâm tình, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn quanh, tìm một sự giúp dỡ nào, hoặc tìm cách trì hoãn hay chạy trốn, Roxtov bấy giờ cũng vậy; khi đã đạt được điều mà mình mong ước tha thiết nhất trên đời, chàng không biết mình nên đến yết kiến hoàng thượng như thế nào, và hàng nghìn lý do khác nhau dồn dập thoáng qua trí tưởng tượng của chàng, cho chàng thấy rằng làm như vậy thật không tiện, không nên và không thể được nữa là khác.
     
"Thế nào! Hình như ta lại mừng rỡ vì có dịp lợi dụng lúc người đang cô đơn, phiền muộn như thế này ư?
Người có thể thấy khó chịu và buồn bực khi gặp một ngườ lạ mặt trong giờ phút thế này không; vả lại bây giờ ta có thể nói gì với Người được một khi chỉ nhìn Người thôi cũng đã thấy tim ngừng đập và miệng khô lại?"
     
Trước đây chàng đã tưởng tượng ra bao nhiêu câu để nói với hoàng thượng, thế mà bây giờ chàng không nhớ ra lấy một câu nào cả.
     
Những lời nói kia phần lớn đều dành cho những trưòng hợp khác hẳn, phần lớn là để nói ra trong những giờ phút chiến thắng huy hoàng và chù yếu là khi đang hấp hối vì phải chịu những vết thương trên bãi chiến trường: khi hoàng thượng cảm tạ những hành động anh dũng của chàng, còn chàng thì trước khi tắt thở nói cho nhà vua biết lòng trung thành được xác minh bằng hành động.
     
Vả chăng, chả nhẽ ta lại hỏi hoàng thượng xem Người ra lệnh cho cánh hữu quân làm gì, một khi bây giờ đã hơn ba giờ chiều và quân ta đã bại trận? Không, ta quyết không được lại gần Người, ta không được quấy rầy hoàng thượng khi Người đang trầm tư mặc tưởng. Thà chết một nghìn lần, còn hơn để Người nhìn ta một cách ác cảm, để Người có một ý nghĩ không tốt về ta - Roxtov kết luận. Lòng buồn rầu và tuyệt vọng, chàng thúc ngựa đi, chốc chốc lại ngoái nhìn nhà vua bấy giờ cũng đang đứng yên với dáng điệu lưỡng lự.
   
Trong khi Roxtov suy nghĩ đi nghĩ lại như vậy và buồn rầu thúc ngựa bỏ đi, đại uý Fon Tol tình cờ cưỡi ngựa đi qua chỗ ấy, và trông thấy nhà vua liền đi thẳng tới tình nguyện giúp Người đi bộ qua hào. Nhà vua muốn nghỉ vì thấy trong mình khó ở, liền ngồi xuống bên gốc một cây táo, và Tol dừng lại bên cạnh Người. Từ xa Roxtov cảm thấy ghen tị và hối hận khi thấy Fon Tol nói với nhà vua hồi lâu, dáng rất nhiệt thành, và hình như nhà vua khóc, vì thấy Người đưa một bàn tay lên bưng mặt và tay kia xiết chặt tay Fon Tol.
   
"Thế mà lẽ ra chính ta có thể được ở địa vị hắn" - Roxtov nghĩ thầm. Và cố kìm những giọt nước mắt xót thương cho số phận của nhà vua, chàng hoàn toàn tuyệt vọng, cho ngựa đi, không biết bây giờ mình sẽ đi đâu, và để làm gì. Chàng càng tuyệt vọng hơn nữa khi nghĩ rằng chính sự yếu đuối của bản thân là nguyên nhân gây nên nỗi buồn bực. Lẽ ra chàng có thể… Không những có thế mà còn có bổn phận đến gặp hoàng thượng. Và đây là cơ hội duy nhất để chứng tỏ cho ngài thấy rõ lòng trung thành tận tuỵ của mình. Thế mà chàng lại khóng biết thừa dịp…" Mình đã làm gì thế này?" chàng nghĩ.
   
Roxtov quay ngựa phi trở lại chỗ chàng tìm thấy hoàng thượng lúc nãy; nhưng bên kia hào không còn ai cả. Chỉ có những chiếc xe tải và xe ngựa trẩy qua. Một người đánh xe báo cho Roxtov biết rằng các xe tải lương đã đến một làng gần đấy và bộ tham mưu của Kutuzov cũng cách đấy không xa, Roxtov lên ngựa theo họ.

Đi trước chàng là viên sĩ quan giám mã của Kutuzov, đang dắt mấy con ngựa có phủ chăn. Sau lưng viên giám mã là một chiếc xe tải và sau chiếc xe tải có một ông già khoẻ mạnh, đội mũ lưỡi trai, mặc áo khoác ngắn và đi chân vòng kiềng.

- Ông Tit, ông Tit ơi! - viên sĩ quan giám mã nói.

- Cái gì thế? - Ông già lơ đãng đáp.

- Ông Tit! Mắt ông nhắm tít!

- Đồ ngu, im đi! - Ông già giận dữ nhổ một bãi nước bọt nói. Họ đi một lát im lặng, rồi trò đùa ấy lại được diễn lại y như thế.

Đến bốn giờ chiều trên khắp các trận tuyến quân ta đều hoàn toàn bại trận. Đã có hơn một trăm khẩu pháo lọt vào tay quân Pháp.
   
Prjebysevxki và quân đoàn của ông hạ súng đầu hàng. Các quân đoàn khác thương vong mất gần một nửa dân số, đều rút lui thành những đám người lộn xộn và hỗn tạp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:21:04 pm
Tàn quân của Langeron và Dolgorukov trộn lẫn với nhau chen chúc ở các con đê và các bờ hồ cạnh làng Aoghext.
   
Khoảng năm giờ chiều chỉ ở phía đê Aoghext là còn nghe tiếng đại bác nổ dồn dập, toàn là tiếng súng của quân Pháp, bấy giờ đã bố trí rất nhiều pháo đội trên các sườn núi Moravi, bắn vào các đoàn quân của ta đang rút lui.
   
Trong đạo hậu quân, Dolgorukov và mấy tướng sĩ khác tập hợp được mấy tiểu đoàn, nổ súng kháng cự lại kỵ binh Pháp đang truy kích quân ta. Trời bắt đầu sẩm tối. Trên con đê hẹp ở Aoghext, nơi đã bao nhiêu năm nay cụ già giữ cối xay bột đội mũ chụp vẫn yên tĩnh ngồi câu cá trong khi thằng cháu nội xắn tay áo thò tay vào chiếc bình tưới trêu mấy con cá long lanh như bạc đang nhẩy tanh tách, trên con đê đã bao nãm nay những người Moravi hiền lành đội mũ lông xù và mặc áo xanh ngồi trên những chiếc xe tải hai ngựa chở thóc đến xay rồi lại trở về cũng trên con đê này, mình mẩy và xe cộ phủ bột trắng xoá, - chính trên con đê ấy, giờ đây, chen chúc nhau nhưng chiếc xe lương và những khẩu đại bác, xô đẩy nhau dưới mình ngựa và giữa các bánh xe, có những con người mặt biến dạng đi vì sợ chết, giẫm đạp lên nhau, hấp hối, bước qua những người hấp hối, giết lẫn nhau chỉ để rồi sau mấy bước cũng lại bị giết y như thế.
   
Cứ mười giây lại có một quả đại bác xé không khí rơi xuống hay một quả tạc đạn nổ tung giữa đám người dày đặc này, làm cho mấy người ngã xuống, máu bắn tung toé lên những người đứng gần.
   
Dolokhov, bị thương ở tay, đi bộ với người lính trong đại đội chàng (bấy giờ chàng đã được phục chức sĩ quan) còn viên trung đoàn trưởng của chàng thì cưỡi ngựa: cả trung đoàn nay chỉ còn có thế.
   
Bị cuốn theo đám đông, họ chen chúc ở đầu đê, và bị xô đẩy từ bốn phía, họ phải dừng lại vì ở phía trước có một con ngựa bị ngã xuống dưới một khẩu đại bác, và đám đông đang cố lôi nó ra. Một quả đạn đại bác rơi trúng mấy người ở phía sau lưng, một quả rơi trước mặt làm máu toé lên người Dolokhov. Đám đông hoảng hốt ùa về phía trước, xô vào nhau, đi mấy bước rồi lại dừng.
   
"Qua được trăm bước này thì chắc thoát; đứng đây hai phút nữa thì thế nào cũng chết" - mỗi người đều nghĩ như vậy.
   
Dolokhov đứng ở giữa đám đông cố len tới bờ đê, xô ngã hai người lính và chạy xuống mặt hồ đóng băng trơn bóng. Chàng nhảy nhảy trên băng khiến lớp băng kêu răng rắc, trỏ khẩu đại bác quát:

- Rẽ xuống! Rẽ xuống đây, băng chắc đấy!

Băng không sụt dưới sức nặng của Dolokhov nhưng trĩu xuống và nứt rạn ra. Có thể thấy rằng chẳng cần phải có một khẩu đại bác hay cả đám đông đi trên nó mới sụt, mà ngay chỉ Dolokhov thôi nó cũng sắp sụt ngay bây giờ. Đám quân lính nhìn Dolokhov và lấn về phía mép bờ, nhưng vẫn chưa dám bước xuống băng. Viên trung đoàn trưởng cưỡi ngựa ở đầu đê giơ tay lên và há miệng toan nói gì với Dolokhov. Bỗng một quả đạn đại bác bay vèo vèo trên đám đông, thấp đến nỗi ai nấy đều khom người xuống. Có tiếng đánh phịch một cái như vật gì rơi vào một chỗ ướt, và viên tướng ngã cả người lẫn ngựa trong một vũng máu. Không đi nhìn đến viên tướng: không ai nghĩ đến việc đỡ ông ta dậy.

- Xuống đi! Xuống băng đi! Xuống! Xuống đi! Mày điếc hẳn! Xuống!
   
Sau khi quả đại bác rơi trúng viên tướng, chợt nghe vô số người kêu lên như vậy. Hẳn người này cũng không biết mình nói gì và kêu lên như vậy để làm gì.
   
Một trong những khẩu đại bác đi sau đã lăn lên đê, bấy giờ được quay lại và đẩy xuống băng. Từ trên mặt đê, từng đám quân lính bắt đầu chạy xuống mặt hồ đông cứng. Mặt băng nứt vỡ dưới chân một người lính chạy trước, và người lính bị tụt chân xuống nước. Hắn muốn kéo chân lên nhưng lại tụt sâu xuống đến thắt lưng. Những người lính đứng gần nhất lưỡng lự, người đánh ngựa kéo sáng kìm ngựa lại nhưng ở phía sau lưng vẫn có tiếng quát tháo: "Đi xuống băng đi, sao lại đứng đực ra thế? Đi đi! Đi đi!" Và những tiếng thét kinh hãi nổi lên trong đám đông.  Nhũng người lính đứng quanh khẩu đại bác giơ tay doạ ngựa và đánh vào ngựa để cho nó quay lại và bước đi. Mấy con ngựa bước xuống băng. Tảng băng, trên đang có dám bộ binh, sụt một máng lớn, và chừng bốn mươi người đang đứng trên băng, người thì lao về phía trước, người thì chồm ra phía sau, xô nhau xuống nước.
   
Những quả tạc đạn vẫn cứ đều đều rú lên và rơi xuốn mặt băng, xuống nước và nhiều hơn cả là rơi vào đám đông đang chen chúc trên mặt đê, trên mặt hồ và trên mép hồ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:22:12 pm
Phần III
Chương - 18
     
Trên cao nguyên Pratxen, ngay ở chỗ chàng ngã xuống, tay cầm chiếc cán cờ, công tước  Andrey nằm yên, máu cứ chảy ra từ từ.
   
Chàng rên lên khe khẽ, một tiếng rên ai oán nghe như tiếng rên của trẻ con.
   
Đến chiều, chàng thôi rên và lặng hẳn đi. Chàng không biết mình lịm đi như thế bao lâu. Bỗng chàng lại cảm thấy mình còn sống và thấy trên đau nhói như có cái gì đau xé xương xé thịt ra.
   
"Bầu trời cao vòi vọi mà trước kia ta chưa từng biết và đến hôm nay mới trông thấy, bầu trời ấy bây giờ ở đâu? - Đó là ý nghĩ đầu tiên của chàng. - Cả cái cảm giác đau đớn này nữa trước kia ta cũng không biết. Phải rồi, từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì. Nhưng đây là ở đâu?"
   
Chàng bắt đầu lắng tai nghe ngóng. Có tiếng ngựa đang đi lại gần và tiếng cười nói bằng tiếng Pháp. Chàng mở mắt ra. Ở trên đầu, chàng thấy lại bầu trời cao, vẫn bầu trời ấy và những đám mây lơ lửng còn cao hơn sáng nay. Qua mấy đám mây ấy có thể thấy khoảng không vô tận màu xanh biếc. Chàng không quay đầu lại và không trông thấy người nhưng cứ nghe tiếng vó ngựa và tiếng nói có thể đoán biết là đang đi về phía chàng.
   
Những người ngựa ấy là Napoléon và hai sĩ quan phụ tá đi theo ông. Buônapáctê bấy giờ đang đi quanh chiến trường để tìm ra những mệnh lệnh cuối cùng, tăng cường các pháo đội bắn vào con đê Aoghext và xem xét những người tử trận hoặc bị thương còn sót lại trên chiến trường.

- Lính của họ khoẻ đẹp đấy - Napoléon nói trong khi ngắm nhìn một người pháo thủ Nga tử trận nằm sấp, mặt úp xuống đất, gáy đen sạm lại, một cánh tay đã cứng đang rộng một bên.
   
Vừa lúc ấy có một viên sĩ quan phụ tá từ các pháo đội đang bắn vào Aoghext cưỡi ngựa đến báo:

- Tâu hoàng thượng, đạn của các khẩu pháo của trận địa đã hết.

- Cho mang số đạn của đội dự bị lên.
   
Napoléon nói, rồi cho ngựa đi mấy bước nữa, đứng lại sát chỗ công tước Andrey đang nằm ngửa mặt lên, chiếc cán cờ vứt lên cạnh (lá cờ đã bị quân Pháp tháo cất làm chiến lợi phẩm).  Napoléon nhìn Bolkonxki nói:

- Một cái chết rất đẹp.
   
Công tước Andrey hiểu rằng những lời này nói về chàng và người nói chính là Napoléon. Chàng đã nghe họ gọi người nói câu vừa rồi là Hoàng thượng. Nhưng chàng nghe những lời đó dường như chỉ là tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng không những không lưu tâm đến câu nói đó, mà thậm chí cũng không buồn để ý tới nữa, và nghe xong là đã quên ngay. Đầu chàng nhói buốt; chàng cảm thấy máu mình đang chảy cạn dần và không thấy bầu trời ở phía trên, xa xăm, cao lồng lộng và vĩnh viễn vô tận.
   
Chàng biết rằng đây chính là Napoléon - Vị anh hùng của chàng - Nhưng vào giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái gì lúc bấy giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận với những đám mây bay lờ lững.
   
Trong phút ấy, ai đứng bên chàng, nói gì về chàng, đối với chàng nào còn ý nghĩa gì; chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng, và chỉ mong sao những người ấy giúp chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó một cách khác. Chàng thu hết tàn lực để động dậy một chút và kêu lên một tiếng. Chàng khẽ nhích chân lên và rên lên một tiếng yếu ớt, đau đớn làm cho bản thân chàng cũng thấy thương hại.

- À anh ta còn sống, - Napoléon nói. - Đỡ anh bạn trẻ này dậy và đem về trạm cứu thương!

Nói đoạn, Napoléon thúc ngựa đi về phía nguyên soái Lan bấy giờ đang tiến lại gần ông, cất mũ, mỉm cười ngỏ lời mừng Napoléon về trận đại thắng vừa rồi.
   
Công tước Andrey không nhớ gì thêm nữa: chàng đau quá ngất đi mấy lần khi họ vực chàng lên cáng, khi họ đưa chàng đi và khi họ xem xét các vết thương của chàng ở trạm cứu thương.  Mãi đến hết ngày ấy, khi họ mang chàng vào y xá cùng với các sĩ quan Nga khác cũng bị thương và bị bắt làm tù binh, chàng mới tỉnh dậy. Lần đi chuyền này chàng cảm thấy khoẻ hơn một chút, chàng đã có thể quay đầu hai bên, và còn có sức nói được nữa là khác.
   
Câu nói đầu tiên mà chàng nghe được khi tỉnh dậy là lời viên sĩ quan Pháp áp giải tù binh nói hấp tấp:

- Phải dừng lại đây với được: hoàng đế sắp đi qua đây, nếu để Người trông thấy các sĩ quan tù binh này, chắc Người sẽ vui lòng lắm.

- Bây giờ tù binh nhiều quá, gần hết cả đội Nga rồi còn gì, thành thử chắc hoàng thượng cũng đến phát chán, - một sĩ quan khác nói.

- Ô! Nhưng mà… nghe nói, vị này là tư lệnh của toàn thể quân cận vệ của hoàng đế Alekxandr đấy - người thứ nhất nói tay chỉ vào một sĩ quan Nga bị thương mặc quân phục kỵ binh cận vệ màu trắng.
   
Bolkonxki nhận ra công tước Repnin mà chàng đã từng gặp trong những buổi tiếp tân ở Petersburg. Bên cạnh Repnin có một người thiếu niên mười chín tuổi, cũng là vĩ quan kỵ binh cận vệ.
   
Buônapáctê phi ngựa đến, dừng lại. Trông thấy toán tù binh, ông nói:

- Ai là người cao chức nhất?

Họ đáp là đại tá công tước Repnin.

- Ông là vị chỉ huy quân đoàn kỵ binh cận vệ của hoàng đế Alekxandr phải không? - Napoléon hỏi.

- Tôi chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh - Repnin đáp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:23:01 pm
- Trung đoàn của ông đã làm tròn bổn phận một cách quang vinh - Napoléon nói.

- Lời khen ngợi của một danh tướng là phần thưởng đẹp đẽ nhất đối với một quân nhân, - Repnin nói.

- Ta rất vui lòng ban cho ông lời khen đó, - Napoléon nói. - Người trẻ tuổi nằm cạnh ông là ai?
     
Công tước Repnin đáp là trung uý Xukhtelen.

Napoléon nhìn người thiếu niên, mỉm cười nói:

- Còn trẻ thế mà đã đến đọ sức với chúng ta.

- Tuổi trẻ không hề làm người ta thiếu lòng dũng cảm, - Xukhteten đáp, giọng đứt quãng.

- Một câu trả lời hay. - Napoléon nói. - Anh bạn trẻ ạ, anh còn tiến xa đấy!
   
Công tước Andrey, bấy giờ cũng đã được đặt nằm ở phía trước ngay dưới hoàng đế để cho bộ chiến lợi phẩm tù binh được trọn vẹn, không thể không làm cho hoàng đế chú ý. Napoléon hình như nhớ ra rằng đã trông thấy chàng trên chiến trường, liền quay lại nói với chàng, dùng mấy chữ anh bạn trẻ - (jeune homme), là danh hiệu mà ông đã tặng chàng lần gặp gỡ đầu tiên và nay hãy còn nhớ lại.
   
Napoléon bảo công tước Andrey:

- Còn anh thì thế nào, anh bạn trẻ. Anh thấy trong người thế nào rồi, anh bạn dũng cảm)

Tuy trước đây năm phút, công tước Andrey có thể nói mấy câu với những người lính cáng chàng đi, nhưng bây giờ chàng chỉ đưa mắt nhìn thẳng vào Napoléon và lặng thinh… Giờ phút này chàng thấy tất cả những điều Napoléon quan tâm đều vô nghĩa quá, ngay bản thân con người mà chàng sùng bái trong khi huênh hoang mừng rỡ về trận thắng, cũng nhỏ bé quá so với bầu trời cao cả, công minh và hiền hậu mà chàng đã trông thấy và đã hiểu, đến nỗi chàng không thể trả lời Napoléon được.
   
Vả lại tất cả đều có vẻ vô ích và nhỏ nhặt so với những tư tưởng trang nghiêm và hùng vĩ trong khi chàng kiệt sức dần vì mất máu, trong khi chàng đau đớn chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhìn thẳng vào mặt Napoléon, công tước Andrey nghĩ đến cái hư vô của danh vọng, cái hư vô của cuộc sống, mà chẳng có ai hiểu được ý nghĩa, cái hư vô càng lớn lao hơn nữa của cái chết, mà không có người sống nào hiểu và giải thích được.
   
Hoàng đế đợi mãi không thấy chàng trả lời, liền quay đi và dặn một viên sĩ quan chỉ huy:

- Phải săn sóc chu đáo những người này và đưa họ về doanh trại của ta; bác sĩ Laley ngự y của ta sẽ xem xét vết thương cho họ. Thôi xin chào công tước Repnin.
   
Nói đoạn Napoléon giật cương ngựa phóng nước đại. Gương mặt của ông ta tươi rói lên vì tự mãn và vui sướng.
Những người lính khiêng công tước Andrey trước đây đã cởi lấy chiếc tượng thánh bằng vàng do công tước tiểu thư Maria đeo lên cổ chàng, nay thấy hoàng đế nói năng ôn tồn với tù binh liền vội vã trả lại chiếc tượng cho chàng.
   
Công tước Andrey không trông thấy người nào đã đeo lại bức tượng và đeo vào lúc nào, chỉ thấy bỗng dưng trên ngực mình choàng ra ngoài áo quân phục có chiếc tượng nhỏ treo trên sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Công tước Andrey ngắm bức tượng mà em gái chàng đã thiết tha và cung kính đeo vào cho chàng, lòng thầm nghĩ: "Giá mọi việc đều đơn giản và rõ ràng như công tước tiểu thư Maria nghĩ thì sẽ hay biết mấy. Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cùng cuộc sống sẽ có cái gì khi mình đã xuống mộ thì hay quá! Giá bây giờ ta có thể nói: lạy Chúa, xin Người xót thương con, thì ta sẽ sung sướng và thanh thản bịết bao… Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ? Phải chăng cái sức mạnh huyền bí mơ hô, mà ta không thể nào cầu xin được đã đành, nhưng thậm chí cũng không thể nào biểu hiện ra rằng lời nói được chính là cái mênh mông bao gồm tất cả hay là cái hư vô. Phải chăng đó là cái đấng Thượng đế mà công tước tiểu thư Maria cất giấu trong lá bùa này? Không, không có gì thật cả ngoài sự hư vô của tất cả những gì mà ta hiểu được, và sự lớn lao của một cái gì không thể hiểu nổi, nhưng lại vô cùng quan trọng!".
   
Họ lại khiêng cáng đi. Cứ mỗi cái lắc chàng lại thấy đau không sao chịu nổi; trạng thái sốt tăng lên, và chàng bắt đầu mê sảng.
   
Hình ảnh của cha, vợ, em gái và đứa con sắp ra đời của chàng, cùng cái cảm giác trìu mến và chàng đã sống qua trong đêm trước khi ra trận, bóng dáng của Napoléon nhỏ bé vô nghĩa, và bao trùm lên tất cả những thứ đó, là một bầu trời cao xanh - Đó là những điều chàng mơ thấy nhiều nhất trong cơn sốt mê man.
   
Chàng mơ thấy cuộc sống hình lặng và cái không khí hạnh phúc gia đình êm thấm ở Lưxye Gorư. Chàng đã bắt đầu được hưởng thụ cái hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thoả mãn trước những nỗi bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đâu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh. Đến sáng, tất cả những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ pha trộn với nhau, hoà thành một khối hỗn mang mịt mùng, chàng mê man không còn biết gì nữa, và theo ý kiến của chính Larey ngự y của Napoléon, thì cứ tình trạng này bệnh nhân rốt cục sẽ chết chứ khó lòng mà qua khỏi được.

- Đây là một tạng người yếu thần kinh và sung mật; anh ta không qua khỏi được đâu - Larey nói.
     
Công tước Andrey, cùng với mấy người bị thương cũng không có hy vọng gì sống sót như chàng, được giao phó lại cho dân sở tại trông nom.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:09 pm
Phần IV - Chương -1
       
Đầu năm 1806, Nikolai Roxtov về nhà nghỉ phép. Denixov cũng được phép về nhà ở Voronez cho nên Roxtov cố nài anh ta cùng đi với chàng  đến Moskva và ghé lại nhà mình. Đến trạm nghỉ trước trạm cuối cùng, Denixov gặp một bạn đồng ngũ và đã cùng người ấy nốc cạn ba chai rượu nho, cho nên tuy trên đường nhan nhản những ổ gà, khi xe đã gần về đến Moskva anh ta cũng vẫn nằm ngủ li bì trong cỗ xe trượt tuyết bưu trạm.
     
Ngồi bên cạnh bạn, Roxtov nóng lòng chỉ mong sao chóng về đến nhà, và xe càng về gần nhà bao nhiêu thì chàng lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
   
"Còn bao lâu nữa? Còn bao lâu nữa? Ồ, những phố xá, những cửa hàng, những chiếc biển treo trên các hiệu bánh mì, những cột đèn, những chiếc xe ngựa kia sao mà khó chịu quá!" - Roxtov nghĩ bụng, sau khi các hành khách đã dăng ký giấy phép ở trạm kiểm soát và xe đã tiến vào Moskva.

- Denixov ơi, đến nơi rồi! Cậu ấy vẫn ngủ! - chàng nói, cả người chồm ra phía trước, tưởng chừng làm như
vậy có thể tăng thêm tốc độ cho cỗ xe trượt tuyết, Denixov không đáp.

- Kìa cái ngã tư, nơi bác xà ích Zakhar thường đỗ xe, mà chính Zakhar kia kìa! Mà cũng vẫn con ngựa ấy!
Và kia, cả cái hiệu tạp hoá mà bọn mình thường mua bánh kẹp. Còn bao lâu nữa không biết? Chà!

- Đến nhà nào đây? - Người đánh xe hỏi.

- Ở đằng cuối, cái nhà lớn ấy. Thế mà không thấy à! Đấy là nhà ta - Roxtov nói - Nhà ta đấy.

- Denixov ơi! Denixov ơi! Đến nơi rồi.

Denixov ngẩng đầu lên, ho húng hắng và không đáp.

- Dmitri. - Roxtov nói với người đầy tớ ngồi cạnh người đánh xe - Đèn nhà ta đấy phải không?

- Vâng ạ, chỗ đèn sáng là phòng giấy của cụ nhà đấy.

- Trong nhà chưa đi ngủ hả? Mày bảo sao? Coi chừng, đừng quên giở cái áo đôn-man mới của ta ra đấy - Roxtov nói thêm, tay mân mê bộ ria mới nuôi được ít lâu nay.

- Nhanh nữa lên nào! - Chàng bảo người đánh xe. - Thôi tỉnh dậy thôi! - Chàng nói với Denixov bấy giờ đã lại gục đầu xuống ngực.

- Nào, mau lên nào! Ta cho ba rúp tiền uống rượu, mau lên nào! -
   
Roxtov quát to, mặc dầu chỉ còn cách ba nhà nữa là đến. Chàng có cảm giác là ngựa chẳng tiến lên được mấy tí. Nhưng rồi cỗ xe trượt tuyết cũng rẽ về bên phải, tiến vào cổng trước của toà nhà; trên đầu, Roxtov nhìn thấy cái mái hiên quen thuộc đã tróc vôi, chàng nhận ra bậc thềm, cái cột trụ trên vỉa hè. Xe chưa đỗ chàng đã nhảy xuống và chạy vào phòng ngoài. Ngôi nhà vẫn im lìm: chẳng có vẻ gì niềm nở, hình như chẳng đếm xỉa đến người mới về.
   
Không có ai trong phòng ngoài cả.
   
"Trời ơi, không biết có được bình an vô sự cả không?" - Roxtov nghĩ bụng và dừng lại một lát, tim như ngừng đập, rồi lao mình qua phòng ngoài chạỵ thẳng lại cái cầu thang với những bậc gỗ oằn oèo đã quá quen thuộc đối với chàng. Cái quả nắm xưa vẫn làm cho bá tước phu nhân bực mình vì thường cáu bẩn, nay vẫn xoay một cách dễ dàng. Một ngọn nến vẫn thắp sáng trong phòng đợi.
   
Lão Mikhailo đang ngủ trên chiếc rương. Prokofi, người hành bộc khoẻ đến mức có thể nắm phía sau một chiếc xe mà nhấc bổng lên đang ngồi tết những chiếc giày bằng vải vụn. Nghe cửa mở, anh ta ngước mắt lên nhìn, và sắc mặt đang thản nhiên, ngái ngủ bỗng chuyển hẳn thành phấn khởi và kinh ngạc.

- Trời ơi, cha mẹ ơi! Tiểu bá tước kìa! - Anh ta kêu lên khi nhận ra cậu cả. - Thật đấy à! Cậu ơi!

Rồi Prokofi run rẩy vì cảm động, đâm nhào về phía cánh cửa dẫn khách vào, chắc là để báo tin, nhưng nghĩ
thế nào lại quay gót trở lại và chạy đến hôn vai ông chủ trẻ.

- Cả nhà văn bình an đấy chứ? - Roxtov hỏi vừa rút cánh tay ra.

- Nhờ ơn Chúa! Bình an cả! Vừa dùng bữa tối xong! Bẩm cậu. Cậu cho con nhìn cậu một tí!

- Thật bình an cả chứ!

- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa!
   
Roxtov lúc ấy đã quên hẳn Denixov và không muốn để cho ai đi trước mình, chàng trút bỏ áo lông rồi nhón chân chạy vào gian phòng lớn tối om. Mọi vật đều y nguyên như cũ, cũng văn những chiếc bàn đánh bài ấy, cũng vẫn cái chùm chân nến thuỷ tinh phủ trong tấm vải bọc như ngày trước, nhưng có người đã thấy bóng vị chủ nhân trẻ tuổi, và chàng đi chưa đến phòng khách thì từ một khung cửa nách đã có một cái gì phụt ra như một trận cuồng phong. nhảy lên cổ chàng và hôn chàng túi bụi. Một người nữa, lại một người thứ ba nữa, từ những khung cửa khác ùa ra; lại ôm, lại hôn, lại những tiếng reo, lại những giọt nước mắt vui mừng. Chàng không còn có thể phân biệt ai là cha, ai là Natasa, ai là Petya nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:57 pm
Mọi người đều reo, đều nói, đều hôn chàng cùng một lúc. Nhưng chàng biết là trong đám người ấy không có mẹ chàng.

- Ai ngờ… Nikoluska, con ơi!

- Đã về đây rồi… anh Kolya của chúng em… Nom lạ hẳn đi!

- Nào, đem nến lại đây! Dọn trà lên đây!

- Hôn tôi với nào!

- Anh yêu quý ơi, cả em nữa nào!

Sonya, Natasa, Petya, bà Anna Mikhailovna, Vera, lão bá tước, ai nấy đều ôm chặt lấy chàng, cả các nam nữ gia nhân ai cũng đứng chật cả gian phòng, xuýt xoa trầm trồ nháo cả lên.

Petya thì ôm lấy chân chàng.

- Còn em nữa, - Cậu bé réo lên.

Natasa vít đầu chàng xuống và hôn lên khắp mặt chàng đoạn nhảy lùi ra rồi níu lấy tà áo đôn-man của chàng mà nhảy nhót tung tăng như một con dê non, miệng ta hét inh ỏi.

Bốn phía chỉ thấy những cặp mắt đầy tình thương yêu và long lanh như những giọt nước mắt vui mừng; bốn phía chỉ thấy những cặp môi đang mong mỏng một chiếc hôn lên chàng.

Sonya mặt đỏ như hoa vông, cũng níu lấy cánh tay chàng. Cả người nàng như rạng rỡ lên trong một cái hình hoa lạc hướng thẳng vào mặt chàng và đợi chàng nhìn lại. Sonya bây giờ đã mười sáu tuổi; nàng đẹp lắm, nhất là trong giây phút vui sướng, phấn khởi và say sưa này. Nàng nhìn chàng không chớp mắt, mỉm cười và nín thở. Chàng đưa mắt nhìn nàng tỏ vẻ cảm ơn; nhưng chàng vẫn chờ đợi tìm kiếm một người nào. Bá tước phu nhân vẫn chưa thấy ra.

Tiếng bước mau quá, e không phải tiếng bước của mẹ chàng.

Nhưng đó lại chính là bà cụ, mặc một chiếc áo dài mà chàng chưa hề thấy bao giờ vì mới may trong khi chàng đi vắng. Mọi người đều giãn ra, và chàng chạy đến với bà cụ. Bá tước phu nhân gục đầu xuống ngực chàng khóc nức nở. Bà cụ không ngẩng đầu lên được, chỉ áp má vào những dải nẹp ngang lạnh lẽo trên áo đôn-man của chàng. Denixov, vào đây lúc nào không ai biết, đang đứng một bên và dụi mắt nhìn mọi người.

- Tôi là Vaxili Denixov bạn thân của cậu nhà, - chàng tự giới thiệu với bá tước lúc ấy đang ngỡ ngàng nhìn chàng.

- Rất sung sướng được tiếp anh. Tôi có biết anh, tôi có được biết anh. - Bá tước ôm hôn Denixov - Nikolai viết thư về nhắc đến anh luôn… Natasa! Vera! Đây này, anh Denixov đây này!

Cũng những gương mặt sung sướng và hồ hởi ấy lại ngoảnh về phía cái bóng dáng xù xì của Denixov, và mọi người đều xúm xít vây quanh chàng.

- Anh Denixov thân yêu! - Natasa hét lên, mừng rỡ cuống quýt không còn biết gì nữa, nhảy xồ đến ôm chầm lấy chàng mà hôn.

Mọi người đều lấy làm ngượng vì cử chỉ của Natasa. Denixov cũng đỏ mặt, nhưng rồi chàng lại mỉm cười và cầm lấy tay nàng mà hôn.

Người nhà dẫn Denixov vào căn buồng đã dọn sẵn cho chàng, rồi cả nhà Roxtov tụ họp trong gian phòng khách nhỏ, chung quanh Nikolai.

Lão bá tước phu nhân ngồi sát cạnh chàng, cứ nắm lấy bàn tay chàng mà hôn hít mãi; những người khác thì xúm xít quanh chàng, rình từng cử chỉ, từng lời nói, từng khoé mắt của chàng, và chăm chăm nhìn chàng với cặp mắt mến yêu và sùng bái. Cậu em trai và hai cô em gái thì chen nhau giành cái chỗ gần chàng nhất và tranh phần rót nước, đưa khăn tay, đưa tẩu thuốc cho chàng.

Roxtov rất sung sướng được mọi người yêu quý chiều chuộng, nhưng phút sum họp đầu tiên đã đưa lại một mềm hoan lạc tuyệt vời đến nỗi chàng có cảm giác là cái hạnh phúc hiện thời vẫn còn chưa đủ và chàng còn chờ đợi nhiều phút hoan lạc nữa, sẽ kế tiếp nhau đến với chàng không bao giờ cạn.
Sáng hôm sau, hai người ngủ mãi đến mười giờ, cho bõ cuộc hành trình mệt nhọc.

Trong gian phòng kề sát buồng ngủ của họ vứt bừa bãi nào gươm, nào đẫy vải, nào túi da, nào va li mở nắp, nào ủng lấm bùn.

Hai đôi ủng có cựa, mới đánh xi xong, vừa được đem vào dựng bên tường. Mấy người đày tớ bưng chậu thau, nước nóng để cạo râu và mấy bộ quần áo đã chải. Trong phòng phảng phất mùi thuốc lá và mùi đàn ông.

- Ê, Griska, tẩu thuốc đâu? - Vaxka Denixov gọi với cái giọng khàn khàn của chàng. - Roxtov dậy đi thôi!
Roxtov dụi đôi mắt đang ríu lại, và ngẩng cái đầu bờm xờm lên khỏi chiếc gối lông êm ấm.

- Sao, trưa lắm rồi à?

- Phải, sắp mười giờ rồi đấy - tiếng Natasa đáp, và từ phòng bên vẳng sang tiếng sột soạt của những chiếc áo dài mới hồ, những tiếng nói thì thầm, tiếng cười khúc khích của mấy cô thiếu nữ, rồi một cái gì xanh xanh, loáng thoáng những dải lụa, những mái tóc đen và những bộ mặt vui vẻ hiện ra trong cánh cửa hé mở. Đó là Natasa và Petya đến xem chàng đã dậy chưa.

- Anh Nikolai, dậy đi thôi! - Lại nghe tiếng Natasa nói sau cánh cửa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:25:48 pm
- Dậy ngay đây!

Trong lúc ấy Petya đã trông thấy hai thanh gươm và cầm lên xem, lòng chan chứa niềm hâm mộ mà các cậu bé thường cảm thấy khi đứng trước một người anh đi đánh giặc, và quên hẳn rằng các chị mà trông thấy những người đàn ông chưa mặc áo là một điều mất lịch sự, cậu mở tung cửa ra.

- Gươm của anh đấy phải không? - Petya hỏi to.

Hai thiếu nữ vội chạy lùi lại. Denixov hoảng hốt giấu hai cổ chân lông lá vào trong chăn và đưa mắt nhìn bạn để cầu cứu.

Cánh cửa hé mở để Petya lọt vào, rồi đóng ngay lại. Phía sau cánh cửa có tiếng cười rúc rích.

- Anh Nikolai, anh cứ mặc áo ngủ mà ra cũng được.

- Gươm của anh đấy à? - Petya lại hỏi - Hay là của anh? - với một vẻ kính cẩn đến mức khúm núm, cậu bé quay lại hỏi chàng Denixov đen đủi và rậm râu.

Roxtov vội vàng đi ngay, mặc áo ngủ và đi sang phòng bên.

Natasa đã kịp xỏ một chiếc ủng có cựa, và đang xỏ chân vào chiếc kia. Sonya đang xoay người như chong chóng cho áo xoà ra và đang sắp ngồi xuống thì vừa đúng lúc chàng bước vào. Hai cô đều mặc áo dài thanh thiên, mới tinh và rất giống nhau - Cả hai đều tươi tắn, hồng hào, vui vẻ, Sonya bỏ chạy, còn Natasa thì nắm lấy cánh tay anh dắt vào phòng đi-văng, và hai người bắt đầu nói chuyện.

Hai anh em không sao có đủ thì giờ hỏi và trả lời cho hết những câu hỏi về hàng ngàn chuyện vụn vặt mà chỉ có hai người mới thấy thích thú. Bất cứ một câu nào Nikolai nói ra hay chính nàng nói ra Natasa cũng cười, nhưng vì nàng vui quá và không sao nén nổi niềm vui chí chực bật ra thành tiếng cười. Nàng cứ luôn mồm nói:

- Ồ thích quá, tuyệt quá!

Dưới những tia ấm áp của tình thương yêu, lần đầu tiên từ một năm rưỡi nay, Roxtov cảm thấy trong tâm hồn và trên gương mặt chàng nở ra một nụ cười con trẻ mà chàng chưu hề có được một lần nào kể từ khi lìa nhà ra đi.

- Anh Nikolai này, - Natasa nói - Bây giờ anh là người lớn thực sự rồi đấy nhỉ. Có được một ông anh như anh, em thích quá đi mất.

Nàng đưa tay sờ lên bộ ria mép của Nikolai.

- Em cứ muốn biết làm người lớn như các anh thì nó như thế nào? Cũng giống như chúng em à? Hay là không phải?

- Tại sao Sonya lại chạy trốn thế? - Roxtov hỏi.

- À. Đó là cả một câu chuyện. Anh sẽ xưng hô với Sonya như thế nào? Anh sẽ gọi Sonya là cô hay là em?

- Cũng tuỳ đấy - Roxtov nói.

- Gọi là cô, anh nhé, sau này em sẽ nói cho anh biết tại sao.

- Nhưng sao lại phải thế?

- Đã thế thì em nói cho anh biết ngay. Anh phải biết, Sonya là bạn chí thân của em đấy nhé, thân đến nỗi em có thể đốt cháy cánh tay em vì chị ấy. Này anh xem. - Nàng xắn ống tay áo soa lên và cho chàng xem một cái vệt đỏ gần vai, cách khuỷu tay khá xa (một chỗ mà áo khiêu vũ cũng che kín), trên cánh tay mảnh khảnh và mềm mại của nàng.

- Em tự đốt cháy để tỏ cho Sonya biết em yêu chị ấy đến nhường nào. Em nung một cái thước sắt cho đỏ lên rồi đặt vào chỗ ấy đấy.

Ngồi trong gian phòng học cũ của mình, trên chiếc ghế đi-văng với những chỗ dựa có đặt mấy chiếc gối nhỏ, nhìn sâu vào đôi mắt linh hoạt và liều lĩnh của Natasa, Roxtov lại thâm nhập vào thế giới gia đình mà chàng đã sống suốt thời thơ ấu, một thế giới không có nghĩa lí gì với một người khác nhưng đem lại cho chàng một trong những niềm vui. Lòng tốt đẹp nhất trên đời và cái việc lấy thước nung đốt cánh tay mình dé tỏ rõ tình yêu, chàng thấy không phải là một việc gì vô ích: chàng hiểu ý nghĩ của nó và không lấy làm lạ.

- Thế còn gì nữa? Chỉ có thế thôi à? - chàng hỏi.

- Ồ, hai chúng em yêu nhau, yêu nhau ghê lắm cơ… Chuyện cái thước chỉ là một trò dại dột; nhưng chúng em yêu nhau ngàn đời. Sonya mà đã yêu ai, là yêu trọn đời; em thì em không hiểu cái đó em sẽ quên ngay.

- Thế rồi sao nữa?

- Thế là Sonya yêu cả anh và em đấy - Natasa bỗng đỏ mặt - Anh còn nhớ, trước khi anh ra đi… Chị ấy bảo rằng anh cần phải quên hết… Chị ấy bảo: mình sẽ yêu anh ấy mãi mãi, nhưng anh ấy thì để cho anh ấy tự do. Thế có tuyệt không? Cao thượng quá nhỉ? Phải không nào? Có phải là cao thượng không nào? Cao thượng quá đi chứ! Nhỉ!

Natasa hỏi dồn, giọng nghiêm trang và cảm động, và nghe giọng nàng, có thể thấy rõ rằng điều này nàng đã từng nói nhiều lần, ứa nước mắt ra mà nói. Roxtov ngẫm nghĩ một lát.

Lời tỏ bày trước kia của anh, anh không hề thay đồi chút gì. Vả lại Sonya đáng yêu như vậy, anh dại gì lại từ bỏ hạnh phúc của mình?

- Không, không - Natasa kêu lên - hai đứa chúng em đã nói chuyện với nhau rồi. Chúng em cũng đã biết anh cũng nói như thế. Nhưng không nên thế, vì anh cũng biết đấy, nếu anh nói thế, nếu anh tự xem là bị lời hứa ràng buộc, thì sẽ hoá ra là chị ấy đã cố ý nói như vậy. Mà đã thế thì anh có lấy chị ấy cũng chỉ là miễn cưỡng, và thế là không tốt.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 06:26:33 pm
Roxtov thấy rõ rằng hai người đã bàn kỹ chuyện này với nhau. Hôm qua chàng cũng đã ngây ngất trước sắc đẹp của Sonya. Hôm nay, chàng chỉ mới thoáng thấy nàng, nhưng nàng lại còn có chiều đẹp hơn nữa. Cô thiếu nữ yêu kiều mới mười sáu tuổi ấy rõ ràng là đang yêu chàng đắm đuối (chàng không phút nào hồ nghi về điều này). Thế làm sao chàng lại có thể không yêu lại cô ta và không lấy cô ta làm vợ? - Roxtov nghĩ - Nhưng, bây giờ còn có bao nhiêu niềm vui khác, bao nhiêu công việc khác đang chờ đợi chàng. Phải, hai cô ấy nghĩ rất hay - chàng tự nhủ - "mình phải giữ tự do".

- Thôi thế cũng rất tốt - chàng nói - rồi chúng ta sẽ nói lại chuyện này. Ô, được gặp lại em, anh mừng quá
- chàng nói thêm. - Xem nào, còn em thì thế nào, em không thay lòng đổi dạ đối với Boris đấy chứ?

- Chỉ vớ vẩn! - Natasa nói to, rồi cất tiếng cười khanh khách.

- Em chả nghĩ đến anh ấy mà cũng chả nghĩ đến ai, em không muốn nghĩ đến chuyện đó.

- Thế cơ đấy! Thế em muốn gì nào?

- Em ấy à? - Natasa hỏi, và một nụ cười sung sướng toả sáng trên mặt nàng. Anh đã thấy Duport chưa?

- Chưa.

- Anh chưa thấy Duport, nhà vũ đạo trứ danh ấy à? Thế thì anh không hiểu được đâu. Đây này, thế này này…

Nàng uốn cong hai cánh tay lại như hiểu các vũ nữ và nắm lấy cái xiêm chạy xa ra mấy bước rồì quay lại chớm phác một bước Entrachat, chân này đập đập vào chân kia, rồi nhón chân lên, đi mấy bước bằng đầu ngón chân.

- Em đi nhón được đấy chứ? Anh thấy chưa? - Nàng nói, nhưng nàng không nhón được lâu. - Đấy, em muốn làm thế đấy. Em không muốn làm vợ ai cả, em sẽ làm vũ nữ nhưng anh đừng nói với ai đấy nhé.
Roxtov cười phá lên, tiếng cưới ầm ỹ và vui vẻ đến nỗi Denixov ở trong phòng cũng phải thấy thèm thuồng, và Natasa không nhịn được cũng cười theo.

- Như thế được chứ? - Nàng hỏi lại lần nữa.

- Được! Thế em không muốn lấy Boris nữa à?

Natasa đỏ mặt:

- Em chả muốn lấy ai cả. Khi nào gặp anh ấy, em cũng sẽ nói thế.

- Thế kia đấy! - Roxtov nói.

- Thật đấy, toàn chuyện nhám nhí tất! - Natasa vẫn nói huyên thuyên.

- À này, anh Denixov ấy mà, anh ấy có tốt không? - Nàng hỏi.

- Tốt lắm.

- Thôi anh vào mặc áo đi. Anh ấy dữ làm, phải không, anh Denixov ấy mà?

- Sao lại dữ? - Nikolai hỏi. - Không, Vaxka dễ chịu lắm.

- Anh gọi là Vaxka à? Buồn cười nhỉ. Thế anh ấy tốt lắm à?

- Rất tốt.

- Thôi, nhanh nhanh đi. Còn vào uống trà chứ. Cùng uống cả.

Và Natasa nhón chân đi theo kiểu vũ nữ, nhưng với một nụ cười mà chỉ những thiếu nữ vui sướng trạc tuổi mười lăm mới có thể có được.

Đứng trước mặt Sonya trong phòng bà, Roxtov đỏ mặt. Chàng không biết nên đối xử với nàng như thế nào. Hôm qua, hai người đã ôm hôn nhau trong phút đầu sum họp, nhưng hôm nay thì hai người cùng biết rằng không thể làm như vậy được nữa; Chàng cảm thấy mọi người, từ mẹ chàng đến các em đều nhìn chàng như muốn hỏi điều gì và mọi người đều chờ xem chàng đối xử với nàng ra sao. Chàng hôn tay nàng và gọi nàng là "cô", là "Sonya". Nhưng mắt hai người mỗi lần gặp nhau lại gọi nhau là "anh", là "em", và gửi cho nhau những chiếc hôn nồng thắm. Nàng đưa mắt nhìn Roxtov để xin lỗi chàng vì đã dám qua môi giới của Natasa nhắc lại lời hứa của chàng, và để cảm tạ tình yêu của chàng. Chàng cũng lấy mắt để cảm tạ nàng đã có lòng muốn trả lại tự do cho chàng và để nói rằng dù có thế nào đi nữa thì tình yêu của chàng đối với nàng vẫn không thay đổi, vì không thể nào không yêu nàng được.

- Kể cũng lạ - Vera nói, nhân một lúc mọi người đều im lặng - làm sao Sonya và Nikolai lại gọi nhau là "cô", là "cậu", như người dưng nước lã thế nhỉ?

Lời nhận xét của Vera vẫn đúng, cũng như lời nhận xét của nàng; nhưng cũng như khi nàng nói ra những ý kiến khác, ai nấy đều thấy ngượng ngùng và không những Sonya, Nikolai và Natasa đỏ mặt, mà cả đến lão bá tước phu nhân là người đang rất lo về mối tinh của Nikolai đối với Sonya: một tình yêu có thể làm cho chàng không kiếm được một đám cao sang, cũng phải đỏ mặt như một cô con gái.

Vừa lúc ấy Denixov bước vào phòng trà, và Roxtov kinh ngạc khi thấu chàng mặc một bộ quân phục mới tinh, tóc chải sáp thơm, xức nước hoa, bảnh bao như khi ra trận, và tỏ ra lịch thiệp, nhã nhặn đối với mọi người trong nhà, nữ giới cũng như nam giới, một điều mà Roxtov chưa bao giờ chờ đợi thấy ở bạn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:34:27 pm
Phần IV
Chương - 2

Từ khi tạm rời quân đội trở về Moskva, Nikolai Roxtov được cả nhà coi là một người con chí hiếu, một vị anh hùng, là "Nikolai yêu quý"; được thân thích họ hàng tiếp đãi như một người thanh niên đáng yêu, phong nhã và lễ độ; được những người quen biết coi là một viên trung uý phiêu kỵ đẹp trai, một người khiêu vũ giỏi và một trong những "đám" tốt nhất ở Moskva.

Gia đình Roxtov quen biết cả thành phố Moskva, năm ấy lão bá tước cũng khá sẵn tiền vì mới cầm cố lại được các điền trang, nhờ đó Nikolai nghiễm nhiên làm chủ một con ngựa tế, một chiếc quần cưỡi ngựa đặc biệt, kiểu mới nhất, mũi nhọn hoắt, đính cựa bằng bạc, tha hồ sống vui thú. Trở về nhà, chàng cảm thấy dễ chịu sau một thời gian thích nghi lại với những hoàn cảnh sinh hoạt cũ.
   
Chàng cảm thấy minh đã chín chắn và trưởng thành lên nhiều lắm.
   
Nỗi thất vọng sau khi thi giáo lý không đỗ, cái cảnh nhiều lần vay tiền Gavrilo để thuê xe ngựa, những chiếc hôn vụng trộm với Sonya, chàng nhớ lại những việc ấy như những trò trẻ con mà bây giờ chàng xa cách nó vô cùng. Bây giờ thì chàng là một trung uý phiêu kỵ mặc chiếc áo da viền bạc và đeo chiếc huân chương Thánh George của quân đội, tập dượt một con ngựa tế để ra trường đua, cùng với những tay thiện kỵ có tiếng đứng tuổi và đáng kính.
   
Chàng lại làm quen với một thiếu phụ ở ngoài phố, và cứ tối tối lại đến thăm cô nàng. Chàng điều khiển diệu nhảy Mazurka(1) trong buổi dạ hội khiêu vũ ở gia đình Arkharov. Chàng nói chuyện chiến tranh với nguyên soái Kamenxki, chàng lui tới câu lạc bộ Anh(2) và xưng hô cậu, tớ với viên đại tá tứ tuần mà Denixov đã giới thiệu với chàng.
     
Nhiệt tình của chàng đối với hoàng đế cũng phai nhạt đi ít nhiều trong khi chàng ở Moskva vì chàng không được thấy ngài nữa. Tuy vậy, chàng cũng hay nói đến Hoàng thượng, nói đến lòng trung quân của mình, nhưng một cách có ý tứ, ra vẻ mình không bộc lộ hết tình cảm vì trong đó có nhiều điều mà không phải ai ai cũng hiểu được; chàng toàn tâm chia sẻ lòng ái mộ của toàn thể Moskva đối với hoàng đế Alekxandr Pavlovich hồi ấy đang được gọi là "thiên thần sống".
   
Trong thời gian ngắn ngủi ở lại Moskva trước khi trở về quân đội, Roxtov không gần gũi Sonya thêm, mà lại có phần xa nàng hơn trước. Nàng thì rất xinh, rất ngoan và chắc chắn là yêu chàng say đắm; nhưng chàng đang ở vào cái tuổi mà người ta có cảm giác là cần phải hoạt động nhiều đến nỗi không có thì giờ đề tâm đến chuyện ấy; vả chăng chàng thanh niên ấy lại rất sợ bị ràng buộc, rất quý cuộc sống tự do của mình vì thấy cần dành nó cho nhiều việc khác. Lần này về Moskva, mỗi khi nghĩ đến Sonya chàng lại tự nhủ: "Chặc! Sau này còn có nhiều, nhiều người khác như nàng, và giờ đây cũng có những người ở đâu đâu mà mình chưa biết. Khi nào mình muốn, mình sẽ còn có chán thì giờ để lo đến tình yêu, nhưng giờ đây thì chẳng có thì giờ. Ngoài ra, chàng lại thấy mường tượng rằng luẩn quẩn với nữ giới là tổn thương đến tư cách trượng phu của mình.
     
Chàng cũng đi dự những dạ hội khiêu vũ, cũng giao thiệp với phụ nữ, nhưng chàng giả cách làm ra vẻ miễn cưỡng. Trường đua ngựa, câu lạc bộ Anh, những bữa chè chén với Denixov, những chuyện đến thăm "đằng ấy", thì lại là một chuyện khác: những việc đó hoàn toàn thích hợp với một quân nhân phiêu kỵ ngang tàng.
     
Vào khoảng đầu tháng ba, lão bá tước Ilya Andrevich Roxtov, rất bận rộn về việc tổ chức một bữa tiệc ở câu lạc bộ Anh để đón tiếp công tước Bagration.
     
Bá tước, mình khoác áo ngủ, đang đi đi lại lại trong gian phòng khiêu vũ để dặn dò người quản lý câu lạc bộ và Feoktixt, người đầu bếp nổi tiếng về các món măng tây, đưa chuột tươi, quả dâu, thịt bê, cá để chuẩn bị thết tiệc công tước Bagration. Bá tước là hội viên câu lạc bộ Anh, lại ở trong ban trị sự của câu lạc bộ từ khi nó mới thành lập. Sở dĩ bá tước được giao phó việc chuẩn bị bữa tiệc mời Bagration là vì rất ít người có thể dọn tiệc hào phóng và hiếu khách như ông, mà lại càng rất ít người có thể bỏ tiền túi mình ra khi cần thiết. Người đầu bếp và người quản lý khoái trá lắng nghe những chỉ thị của bá tước vì họ biết rằng với bá tước, hơn là với ai hết, họ có thể thu được một món tiền lãi đáng kể trong bữa tiệc trị giá mấy ngàn rúp này.

- Ấy cẩn thận nhé, phải có mào gà, phải nhớ cho nhiều mào gà vào món mai rùa, nghe chưa!

- Thế là phải có ba món khai vị nguội, có phải không ạ - người đầu bếp hỏi.

Bá tước ngẫm nghĩ một lát.

- Cũng không thể ít hơn được, phải đấy, ba món xốt Mayonez là một này - Ông cụ vừa nói vừa đếm đốt ngón tay.

- Thế còn cá chiên thì cứ mua đằng to chứ ạ? - người quản lý hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:35:18 pm
- Biết làm thế nào bây giờ; họ đã không chịu bán rẻ hơn, thì đành cứ thế mua thôi. Mà này, anh bạn, tôi suýt quên mất. Còn phải một món ăn cầu kỳ dọn trên một cái mai rùa hay một cái đĩa hình dáng như cái mai rùa thêm một món khai vị ntĩa. Ôi, ông bà ông vải ơi! - Bá tước giơ hai tay lên ôm đầu - Lại còn hoa nữa, ai sẽ đem hoa lại cho tôi. Mityenka? E, Mityenka, anh hãy chạy bay ra trại ngoại thành nhà tôi nhé, - Ông cụ nói với người quản gia, bấy giờ vừa nghe tiếng gọi chạy vào - hãy chạy bay đến đấy nói với bác làm vườn Macximka phải lập tức bắt phu để làm việc. Nhớ bảo là trong các lồng kính có bao nhiêu hoa thì phải lấy nỉ bọc cả lại, rồi đem đến đây tất. Đến thứ sáu phải có cho tôi hai trăm chậu hoa ở đây.
     
Sau khi ra nhiều chỉ thị khác, ông cụ đã muốn về phòng bá tước phu nhân nghỉ ngơi một lát thì lại sực nhớ đến một chi tiết mới, bèn quay lại gọi giật người đầu bếp và người quản lý, và ra thêm nhiều chỉ thị mới nữa. Ngoài cửa nghe có tiếng giày đàn ông bước nhẹ nhàng, tiếng cựa giày kêu lanh canh, và tiểu bá tước Nikolai bước vào hồng hào, tuấn tú với bộ ria đen tỉa rất nhỏ, rõ ràng là một con người đã được nghỉ ngơi khoẻ khoắn và đã được nâng niu chiều chuộng trong cuộc sống êm đềm ở Moskva.

- À anh bạn! Tôi đang cuống cà kê lên đây này! - Ông cụ vừa nói vừa mỉm cười với con như có ý ngượng.

- Được anh giúp một tay thì hay quá! Bởi vì ta còn phải có phường hát nữa. Tôi đã có giàn nhạc rồi, nhưng có lẽ cũng phải gọi cái đám Di-gan đến nữa chứ? Bọn quân nhân các anh thích cái món ấy lắm đấy.

- Cha ạ, quả thật khi công tước Bagration chuẩn bị trận Songraben chắc ngài cũng không đến nỗi vất vả như cha bây giờ, - cậu con trai nói.

Lão bá tước làm ra vẻ phật ý:

- Phải, nói như anh thì dễ lắm, nhưng anh cứ thử làm một tí mà xem.

Và ông cụ ngoảnh lại phía người đâu bếp vẻ mặt thông minh đang quan sát hai cha con một cách trìu mến và kính cẩn.

- Hừ, cái bọn thanh niên này! Feoktixt ạ - Ông cụ nói - Họ giễu cánh già chúng mình.

- Chính thế, bẩm cụ lớn; miễn các cậu ăn cho ngon là được, còn làm thế nào kiếm thức ăn và xào nấu cho ngon thì các cậu có biết đến đâu!

- Đúng đấy đúng đấy! - bá tước reo lên và vui vẻ nắm lấy hai tay cậu con trai. - Thế là tóm được anh rồi nhé. Anh lấy cái xe trượt tuỵết hai ngựa đến nhà Bezukhov, anh nói với cậu ấy là bá tước Ilya Andreyevich cho anh đến xin cậu ấy một ít quả dâu và mấy quả dứa thật tươi. Không còn biết kiếm ở nhà ai nữa: Nếu cậu ấy không có nhà, thì nói với ba công tước tiểu thư, xong rồi thì, xem nào, anh sẽ đi Razgulai - thằng đánh xe Ipatka nó biết chỗ đấy - tìm thằng Di-gan Ilyuska cái thằng hôm nọ mặc áo kazakin trắng khiêu vũ ở nhà bá tước Orlov ấy mà, rồi anh dẫn hắn lại đây.
     
Có cần đem cả cô Di-gan theo hắn nữa không ạ? - Roxtov vừa cười vừa hỏi.

- Ơ kìa!… Ơ kìa!
   
Vừa lúc đó, bà Anna Mikhailovna, vẻ mặt bận rộn lo lắng và đồng thời đượm cái nét từ bi Cơ đốc mà bà ta không bao giờ quên khoác lên dung mạo, lặng lẽ bước vào phòng. Tuy không ngày nào bà ta không gặp bá tước trong khi ông ta mặc áo ngủ, nhưng mỗi lần như thế bá tước vẫn ngượng nghịu và vẫn xin lỗi bà.

- Không hề gì bá tước ạ, ông bạn ạ - Bà ta nói, đôi mắt từ từ nhắm lại dịu dàng. - Còn như Bezukhov, thì để tôi đi cho. Cậu Bezukhov vừa mới về, bá tước ạ, bây giờ chúng ta cần đến cái gì trong nhà kính ủ cây của cậu ta cũng có cả. Vả lại tôi cũng đang cần gặp cậu ấy. Cậu ấy có chuyển cho tôi một bức thư của Boris. Đội ơn Chúa, Boris bây giờ đã được chuyền sang bộ tham mưu.
     
Bá tước lấy làm sung sướng được bà Mikhailovna nhận cho một phần sai phái, và truyền người nhà thắng cỗ xe nhỏ cho bà ta đi.

Phu nhân bảo cậu Bezukhov đến dự nhé. Tôi sẽ bảo ghi tên.

- Cô vợ có cùng về với cậu ấy không? - Ông cụ hỏi.
     
Bà Anna Mikhailovna ngước mắt lên trời và một nỗi âu sầu thấm thía hiện lên trên gương mặt.

- Ồ, ông ơi, anh ta thật đến khổ, - Bà nói. - Nếu quả đúng như lời người ta đồn: thì thật là kinh khúng quá. Xưa kia nào có ai ngờ chúng ta cứ mừng cho hạnh phúc của cậu ấy. Một tâm hồn thực cao quý! Thật là một tâm hồn thượng giới, cái cậu Bezukhov ấy. Phải, tôi thấy xót thương cho cậu ấy đến tận đáy lòng và tôi sẽ cố gắng hết sức để an ủi cậu.

- Nhưng có việc gì thế? - Cả hai cha con Roxtov cùng hỏi.
   
Bà Anna Mikhailovna thở dài não ruột, rồi nói thì thầm có vẻ bí mật.

- Nghe đâu Dolokhov, con trai bà Maria Ivanovna ấy mà, đã làm cô ta mang tiếng. Piotr giúp nó khỏi cảnh túng thiếu đã mời nó về Petersburg ở trong nhà mình, thế mà nó giả ơn như vậy đấy…  Cô ta vừa về đây là gã cuồng đãng kia về theo ngay - bà Anna Mikhailovna muốn tỏ ra mình thương hại Piotr không biết chừng nào mà kể, nhưng trong giọng nói vô tình, trong nụ cười nửa miệng của bà văn biểu lộ mối thiện cảm đối với "gã cuồng đãng" như bà ta gọi Dolokhov - Nghe đâu cậu Piotr buồn khổ tưởng chết đi được.

- Thôi dù sao phu nhân cũng cứ bảo anh ấy đến dự tiệc ở câu lạc bộ, cho nó khuây khoả. Bữa tiệc này linh đình lắm đấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:36:12 pm
Ngày hôm sau, mồng ba tháng ba, vào khoảng hơn một giờ trưa, hai trăm năm mươi hội viên của Câu lạc bộ Anh và năm mươi người được mời, đều tụ tập trong phòng tiệc chờ đợi vị thượng khách, vị anh hùng của chiến dịch nước Áo: công tước Bagration. Trước kia tin bại trận ở Austerlix thoạt tiên làm cho Moskva hết sức kinh hoàng. Vì người Nga hồi ấy đã quá quen với những trận thắng, cho nên khi nghe tin bại trận, có nhiều người nhất định không chịu tin, lại có nhiều người tìm những lý do kỳ quặc để giải thích cái biến cố lạ lùng ấy. Ở Câu lạc bộ Anh là nói hội họp của những nhân vật trọng yếu và am hiểu thời sự nhất, hồi tháng chạp khi tin bại trận mới đưa về, dường như ai nấy đều đã ngầm ước với nhau là không nói gì đến chiến tranh và trận đánh vừa rồi Những người vẫn thường cầm trịch cho các cuộc đàm thoại, như bá tước Raxtopsin, công tước Yuri Vladimirovich Dolgorukov,  Valuyev, bá tước Markov, công tước Vyazemxki thì không ra mặt ở Câu lạc bộ nữa mà chỉ hội họp với nhau ở nhà riêng: giữa đám bạn thân. Do đó những người Moskva nào chỉ biết lặp lại lời nói của kẻ khác (như ông Ilya Andreyevich Roxtov chẳng hạn) thì trong một thời gian ngắn bị thiếu mất người hướng dẫn và cũng không có chủ kiến gì rõ ràng về tình hình quân sự. Họ cảm thấy có một cái gì không ổn, mà bàn bạc về những tin chẳng lành ấy thì thật là khó khăn, cho nên cứ im lặng là hơn. Nhưng sau đó ít lâu, giống như những viên hội thẩm từ phòng nghị sự bước ra, những người tai to mặt lớn lãnh dạo dư luận ở Câu lạc bộ lại xuất hiện, mà mọi người lại trở lại ăn nói một cách rành mạch và phân minh. Người ta đã tìm ra những nguyên nhân của cái biến cố xưa nay chưa từng thấy, không thể tin được, không thể có được, là sự bại trận của nước Nga, và từ đó mọi việc đều trở thành minh bạch, và trong khắp các xó ngõ của Moskva, mọi người đều nói ý như nhau. Những nguyên nhân ấy là sự phản bội của người Áo, sự tiếp tế thiếu thốn cho quân đội, sự phản bội của một người Ba Lan tên là Psebysevxki, của một người Pháp tên là Langeron, sự bất lực của Kutuzov và (điều này người ta nói thêm rất khẽ) tình trạng tuổi trẻ, ít lịch duyệt của Hoàng đế đã khiến ngài tín nhiệm những con người tồi tàn và bất tài. Nhưng bản thân quân đội Nga thì mọi người đều nói là anh dũng phi thường và đã thực hiện những kỳ công về lòng dũng cảm. Binh sĩ, sĩ quan, tướng soái đều là những anh hùng. Nhưng người anh hùng bậc nhất trong những người anh hùng ấy là công tước Bagration, đã lừng danh trong trận   Songraben và cuộc thoái quân ở Austerlix trong đó chỉ có một mình công tước là đã được đưa đạo quân của mình rút lui hàng ngũ chỉnh tề và suốt một ngày cầm cự với một kẻ địch quân số gấp đôi. Ngoài ra Moskva còn đề cao Bagration là anh hùng vì ông ta không có thần thế gì ở đó, ông ta là người lạ. Họ ngưỡng mộ ông tức là ngưỡng mộ một quân nhân Nga giản dị, không thần thế đứng ngoài những mánh khoé bon chen, mà lại gắn liền với tên tuổi của Xuvorov do những kỷ niệm về Chiến dịch ở nước Ý. Ngoài ra, đề cao phẩm giá của ông ta lên như vậy là cách tốt nhất để bày tỏ ác cảm và chê trách Kutuzov.

Giá sử không có Bagration thì cũng phái bịa ra ông ta - Sinsin, con người hay khôi hài, phỏng theo câu cách ngôn của Volter mà nói như vậy.

Còn Kutuzov thì không ai nói đến, chỉ có những người thì thầm chê bai ông ta, bảo ông ta là cái chong chóng của cung đình, là một con nhân dương(3) già.
     
Khắp Moskva chỗ nào người ta cũng truyền tụng câu nói của công tước Dolgorukov "Thắng mãi rồi thì cũng phải có khi bại", mong an ủi cuộc bại trận của chúng ta bằng những kỷ niệm thắng lợi xưa kia, và người ta lặp đi lặp lại lời nói của Raxtopsin bảo rằng muốn thúc người Pháp ra trận thì phải nói những lời trịnh trọng huênh hoang; với người Đức thì phải dùng những phép suy luận lô-gích để chứng minh rằng bỏ chạy nguy hiểm hơn là tiến lên; Nhưng với người Nga thì chỉ cần ghìm họ lại và khuyên họ: Từ từ chứ! Khắp nơi, người ta nghe kể lại hết dẫn chứng này đến dẫn chứng khác về lòng dũng cảm của binh lính và sĩ quan ta ở Austerlix. Người này đã cứu được một lá cờ, người kia đã giết được năm tên lính Pháp, một người thứ ba một mình nạp đạn cho năm khẩu đại bác. Những người không quen Berg cũng nói lại rằng khi bị thương ở tay phải: chàng ta đã cầm gươm bằng tay trái xông lên. Còn về Bolkonxki thì người ta không nói gì, chỉ có những người bạn thân thương tiếc chàng chết quá sớm, để lại một người vợ đang bụng mang dạ chửa và một người cha gàn dở.

===================================================

Chú thích:

(1) Dân vũ Ba-ta động tác rất nhẹ nhàng

(2) Tên một câu lạc bộ lớn của giới quý tộc giàu có ở Moskva.

(3) Trong thần thoại Hy lạp, nhân dương là một á thần thuộc hạ của Baccus, mình người chân dê, có sừng dê, chỉ biết rượu chè dâm đãng.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:37:28 pm
Phần IV
Chương - 3

Ngày mồng ba tháng ba, tiếng các tân khách chuyện trò vang lên rộn rã khắp các văn phòng của Câu lạc bộ Anh, và như một đàn ong trong chuyến bay mùa xuân, các hội viên và tân khách, kẻ mặc quân phục, người mặc lễ phục, lại có người tóc rắc phấn và mặc áo kaftan(1), đang đi qua đi lại, người đứng kẻ ngồi, người tụ họp kẻ tản mác.
     
Bên cạnh các khung cửa đều có những người đầy tớ mặc áo dấu, đeo tóc giả rắc phấn, đi bít tất cao và giày vành(2), đang chăm chú theo dõi từng cử động của các tân khách và các hội viên để xem họ có cần sai bảo gì không. Những người có mặt phần lớn là những nhân vật đạo mạo đã có tuổi, mặt mày phương phi và đầy vẻ tự tin, ngón tay phốp pháp, cử chỉ và nói năng rất chững chạc. Họ ngồi ở những chỗ quen thuộc, và cũng theo nếp cũ mà tụ họp thành nhóm. Chỉ có một số ít là tân khách tình cờ được mời đến, hầu hết là những người trẻ tuồi, trong đó có Denixov, Roxtov và Dolokhov (bấy giờ đã được phục chức sĩ quan trong binh đoàn Xemenovxki).
     
Trên gương mặt bọn trẻ này, nhất là bọn quân nhân, đều lộ vẻ tôn kính và pha lẫn ngạo nghễ: hình như có ý nói với cánh già rằng: "Chúng tôi sẵn lòng kính trọng các cụ, nhưng cũng xin các cụ nhớ cho rằng dù sao tương lai cũng là của chúng tôi".
     
Nexvitxki cũng có mặt ở đó, với tư cách là hội viên cũ của Câu lạc bộ. Piotr bấy giờ đã chiều theo ý vợ để tóc dài, không đeo kính nữa và ăn mặc theo thời trang mới nhất, nhưng có vẻ buồn bã và u uất đang đi thơ thẩn từ phòng này sang phòng nọ. Cũng như ở bất cứ chỗ nào, chung quanh chàng có một bầu không khí đặc biệt tạo nên do những người quì gối trước sự giàu sang của chàng, và vì đã quen được tôn sùng, chàng ăn nói với họ một cách khinh rẻ và lơ dễnh.
   
Cứ theo tuổi tác thì đáng lý chàng phải thuộc vào hạng thanh niên, nhưng vì tài sản và thân thế, chàng lại được xếp vào nhóm những người có tuổi, cho nên chàng cứ chuyển từ nhóm này sang nhóm kia.
   
Các cụ già được trọng vọng nhất là trung tâm cho những nhóm mà ngay những người không quen biết cũng kính cẩn lại gần để được nghe các nhân vật trứ danh nói chuyện. Đông nhất là các nhóm vây quanh bá tước Raxtopsin, Baluyer và Narưskin. Raxtopsin đang kể chuyện rằng quân Nga bị loạn quân của Áo xô đẩy phải dùng lưỡi lê để mở một đường máu thoát ra ngoài.

Valuyev thì đang nói nhỏ cho các vị khách biết một tin mật, là Uvarov đã được sai phái từ Peterburg đến đây để dò ta dư luận ở Moskva về trận Austerlix!
   
Trong một nhóm thứ ba, Narưskin đang nhắc lại câu chuyện xảy ra trong phiên họp của hội đồng quân sự nước Áo, trong đó Kuturov đã bắt chước tiếng gà gáy để đáp lại những đề nghị ngu xuẩn của các tướng Áo. Sinsin lúc bấy giờ cũng ở đấy; ông ta cũng ngứa ngáy muốn khôi hài và nói rằng cho đến cả cái nghệ thuật dễ dàng ấy - Nghệ thuật làm tiếng gà gáy - hiển nhiên là Kutuzov cũng không học được ở Xuvorov, nhưng các cụ già đều nghiêm mặt nhìn kẻ khôi hài để cho ông ta hiểu rằng ở chỗ này và hôm nay, không nên nói đến Kutuzov như thế.
   
Vẻ bận rộn và vội vàng, Bá tước Ilya Andreyevich Roxtov chân đi ủng mềm đang đi đi lại lại từ phòng tiệc sang phòng khách, hấp tấp chào hỏi các nhân vật quan trọng cũng như các nhân vật không quan trọng mà ông đều quen biết, thỉnh thoảng lại đưa mắt tìm xem cậu con trai mình ở đâu, vui vẻ nhìn chàng một lát và nháy mắt với chàng. Nikolai Roxtov thì đang đứng bên cửa sổ chuyện trò với Dolokhov mà chàng muốn làm quen và rất muốn đi lại giao du. Lão bá tước lại gần hai người và bắt tay Dolokhov.

- Mời cậu đến nhà tôi chơi nhé, cậu đã quen biết thằng cháu dũng cảm nhà tôi… hai anh em đã cùng ở bên ấy với nhau, đều tỏ ra anh hùng… A, ông Vaxili Ignatits, chào ông bạn già - bá tước nói với một cụ già lúc này đang đi ngang qua, nhưng nói chưa dứt lời đã thấy trong phòng nhốn nháo cả lên và một người đầy tớ hớt hơ hớt hải chạy vào báo: "Ngài đến rồi!".
   
Chuông réo lên, các uỷ viên trị sự chạy bổ ra: các lẫn khách đang tản mát trong các gian phòng thì tập họp lại như những hạt lúa dồn thành một cụm trên chiếc sàng, rồi đứng tấp nập ở trong phòng khách, bên cái cửa dẫn vào phòng lớn.
   
Bagration hiện ra trong khung cửa đi vào phòng ngoài, không đội mũ, cũng không đeo gươm, vì hai vật ấy, theo đúng thường lệ của Câu lạc bộ, đều đã giao lại cho người giữ cửa. Ông không đội chiếc mũ lưỡi trai lót da dê, cũng không mang cái roi vắt chéo trên vai như Roxtov đã thấy đêm hôm trước trận Austerlix mà lại mặc bộ quân phục mang đúng kích thước và mới tinh, gắn đầy những huân chương Nga và nước ngoài, bên trái ngực thì đeo bội tinh George. Có thể thấy rõ rằng ngay trước khi đến dự tiệc, ông đã cắt tóc và tỉa râu, và điều đó làm cho bộ mặt của ông thay đổi một cách bất lợi. Vẻ mặt ông có một cái gì long trọng mà ngây ngô, trái ngược với những nét cương quyết và dũng cảm của ông, thậm chí còn làm cho mặt ông buồn cười nữa là khác. Beklesov và Fedor Petrovich cùng đi với công tước Bagration đến cửa thì dừng lại để nhường bước cho vị thượng khách vào trước.  Bagration ngượng ngùng không muốn nhận vinh dự ấy, vì vậy họ lúng túng một lúc ở cửa, nhưng cuối cùng Bagration cũng đi lên trước. Ông bước một cách bẽn lén và ngượng ngùng trên sàn gỗ của phòng tiếp tân, hai tay không biết để đâu cho ổn: đi dưới làn đạn, giữa một cánh đồng bị đạn cầy xới, như khi ông dẫn đầu binh đoàn Kurxk ở Songraben, Bagration thấy quen và dễ hơn nhiều. Các hội viên của Câu lạc bộ đứng đón ông ở ngoài cửa thứ nhất, nói mấy câu tỏ lòng vui mừng được nghênh tiếp một vị khách kính mến, và không đợi ông đáp lại, họ vây kín lấy Bagration như muốn chiếm lấy ông, rồi dẫn ông vào phòng khách. Bây giờ thật không tài nào bước qua các cửa dẫn vào phòng được, vì các hội viên và tân khách đang chen lẫn nhau, ai nấy đều cố gắng nhìn qua vai người khác để xem Bagration, như xem một con vật lạ. Bá tước Ilya Andreyevich là người cố gắng nhất, vừa cười vừa nói đi nói lại luôn mồm: "Cho đi tí. Ông bạn, cho đi tí, cho đi tí", cuối cùng ông ta mở được một con đường giữa đám người và rước khách vào phòng lớn, mời họ ngồi trên chiếc đi văng ở giữa phòng. Các vị tai to mặt lớn, hội viên danh vọng nhất của Câu lạc bộ, vây quanh các vị mới đến. Bá tước Ilya Andreyevich lại phải mở một con đường qua đám người để đi ra ngoài phòng và lát sau lại trở vào, kèm theo một hội viên khác bưng một cái khay bằng bạc và dâng lên cho Bagration. Trên cái khay để một vài bụng thi mới làm và mới in để ca tụng vị anh hùng. Trông thấy cái khay, Bagration hoảng hốt nhìn quanh như muốn cầu cứu. Nhưng khoé mắt của mọi người đều đòi hỏi ông ta phải khuất phục. Cảm thấy mình ở trong tay họ, ông ta bèn quả quyết giơ hai tay tiếp lấy cái khay và liếc mắt nhìn người bưng khay là bá tước Roxtov, có vẻ giận dỗi và oán trách. Một người nào đó có nhã ý giơ tay bưng hộ cái khay cho Bagration (không thế thì có lẽ ông ta cứ phải bưng mãi cho đến tối và cứ thế mà ngồi vào bàn tiệc) và xin ông ta lưu ý đến bài thơ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:38:46 pm
"Thôi được để tôi đọc" - Bagration có vẻ như muốn nói, và đưa đôi mắt mỏi mệt nhìn chăm chăm vào tờ giấy một cách tập trung và nghiêm túc, bắt đầu nhẩm đọc. Nhưng tác giả của bài thơ lại đến cầm lấy nó và cao giọng đọc to lên. Công tước Bagration nghiêng đầu lắng nghe.
   
Là vinh quang của thế kỷ Alekxandr
   
Kẻ bảo vệ quốc vương lên ngai vàng chí bảo.
   
Vị tướng lĩnh oai hùng, con người hiền quý bá
   
Bậc rường cột nước nhà, vị tướng lĩnh vô song.
   
Chính nhờ người mà cái gã Napoléon
   
Khi đã biết Bagration dũng mãnh
     
Không dám đụng đến nước Nga kiêu hãnh.

     
Nhưng bài thơ chưa được đọc hết thì người hầu tiệc đã dõng dạc hô lên: "Tiệc rượu đã dọn xong!" Cửa mở ra, bài nhạc Ba Lan "Sấm thắng lợi hãy vang lên, người Nga anh dũng hãy vui mừng" từ phòng tiệc vang lại, bá tước Ilya Andrevich lườm tác giá đang tiếp tục đọc bài thơ, và đến nghiêng mình trước mặt Bagration. Mọi người đều đứng dậy, cảm thấy bữa tiệc là quan trọng hơn bài thơ, và một lần nữa, Bagration lại dẫn đầu mọi người bước vào phòng tiệc.

Họ mời Bagration ngồi nghế danh dự, giữa hai người cùng mang tên Alekxanđre là Beklesov và Narưskin - ý muốn nhắc đến tên riêng của Hoàng đế - ba trăm người dự tiệc đều ngồi vào chỗ, tuỳ theo thứ bậc và địa vị, nhân vật càng trọng yếu thì càng ngồi gần vị thượng khách, một điều cũng tự nhiên như địa thế càng thấp thì nước càng sâu vậy.
   
Ngay trước khi tiệc bắt đầu, bá tước Ilya Andreyevich giới thiệu cậu con trai với công tước. Bagration nhận ra chàng và nói với chàng mấy câu rời rạc và lúng túng, cũng như những câu khác mà ông đã nói trong ngày hôm trước. Bá tước Ilya Andreyevich tự hào và sung sướng đưa mắt nhìn cử toạ trong khi Bagration nói chuyện với con mình.
   
Nikolai Roxtov, Dolokhov, người bạn mới của chàng, và Denixov cùng ngồi với nhau gần chỗ chính giữa bàn. Trước mặt họ là Piotr ngồi bên cạnh công tước Nexvitxki. Bá tước Ilya   Andreyevich cùng với các hội viên khác đều ngồi trước mặt Bagration. Ông ân cần khoản đãi công tước, dường như ông chính là hiện thân của lòng hiếu khách nổi tiếng thành Moskva vậy.

Công phu của ông thật đã không uổng: hai cái thực đơn của ông, một phì một đạm (3); đều tuyệt vời. Tuy vậy trong khi bữa tiệc chưa kết thúc, ông cũng vẫn chưa hoàn toàn an tâm. Ông đưa mắt ra hiệu cho người chủ thân thiện(4), thì thầm chỉ thị cho những người hầu tiệc và không khỏi hồi hộp chờ đợi từng món một - Những món ăn mà ông biết rất rõ. Mọi việc đều tốt đẹp. Ngay từ món thứ hai, một con cá chiên khổng lồ (khi trông thấy nó. Ilya Andreyevich đỏ mặt lên vì thích thú và thẹn thùng), những người hầu tiệc đã bắt đầu mở nút chai nổ bôm bốp và rót rượu sâm banh. Món cá gây được ấn tượng khả quan. Sau đó bá tước Ilya Andreyevich đưa mắt hội ý với các hội viên khác. "Sẽ có nhiều lời chúc tụng, ta phải làm ngay từ bây giờ" - bá tước nói thì thầm, và tay cầm cốc rượu, ông ta đứng dậy. Mọi người đều im lặng chờ đợi ông nói.
   
- Chúc sức khoẻ Hoàng đế! - Ông ta hô to, đôi mắt hiền hậu rưng rưng những giọt nước mắt vui mừng và phấn khởi. Cùng lúc ấy đội nhạc cử bài "Sấm thắng lợi hãy vang lên!", mọi người đều đứng dậy và hô to "Ura!". Và Bagration cũng hô to "Ura!" với cái giọng hệt như ở chiến trường Songraben. Giữa ba trăm giọng người đang hô, có thể nhận rõ giọng hân hoan của Nikolai. Chàng như suýt khóc. "Chúc sức khoẻ Hoàng đế, Ura!", chàng hô to. Uống cạn cốc rượu một hơi, chàng ném nó xuống đất. Nhiều người làm theo.
Những tiếng Ura còn kéo dài mãi. Khi tiếng hoan hô đã ngớt, bọn hầu tiệc lượm lặt các mảnh thuỷ tinh, mọi người lại ngồi, và cùng cười tùm tỉm về chỗ mình đã hò hét quá nhiều, họ bắt đầu trò chuyện với nhau. Bá tước Ilya Andreyevich lại đứng lên, mắt nhìn vào một mảnh giấy để ở bên đĩa, nâng cốc nói mấy câu chúc thọ vị anh hùng của chiến dịch vừa rồi là công tước Bagration và, một lần nữa, đôi mắt hiền hậu của ông lại rớm lệ. Ura! Tiếng của ba trăm người dự tiệc lại hô vang, và thay cho âm nhạc, đội hợp xướng hát vang lên một bài tụng thi do Pavel Ivanovich Kutuzov soạn:

Dân Nga ta có sợ gì trở ngại?

Lòng dũng cảm sẽ mở đường thắng lợi;

Bao Bagration ta đã có đây rồi

Quân dịch kia sẽ thất bại tơi bời!


Đội hợp xướng vừa hát xong thì người ta lại nâng cốc lên chúc tụng mấy lần nữa, và bá tước Ilya Andreyevich lại càng xúc động, số cốc bị ném vỡ càng nhiều hơn, tiếng hò hét càng to hơn. Họ cạn chén để chúc sức khoẻ Beklesov, Narưskin, Valuyev, chúc sức khoẻ các hội viên của Câu lạc bộ, các tân khách và cuối cùng họ nâng cốc chúc riêng bá tước Ilya Andreyevich là người đứng ra tổ chức bữa tiệc hôm nay. Đến lần chúc này thì bá tước rút khăn mùi soa ra, rồi lay nâng khãn lên che mặt, oà lên khóc.

============================================

Chú thích:

(1) Loại áo ngoài kiểu cổ của đàn ông có vạt dài.

(2) Một loại giày thấp gót, hở mu, tương tự như giày hạ.

(3) Thực đơn là giấy kê những món ăn. Ở đây dùng hoán dụ, tức là bản thân những món ăn. Phì là béo, nghĩa là những món thịt, cá… đạm là gầy, nghĩa là những món rau là đưa.

(4) Trông nom việc bếp nước, tiệc tùng v.v…



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:39:54 pm
Phần IV
Chương - 4

Piotr ngồi trước mặt Dolokhov và Nikolai Roxtov. Chàng uống nhiều và ăn ngốn ngấu, cũng như mọi khi. Nhưng ai quen thân chàng cũng có thể thấy rằng hôm ấy chàng có một sự thay đổi gì to lớn. Từ đầu đến cuối bữa tiệc, chàng chỉ làm thinh nheo mắt và cau mày nhìn quanh, vẻ mặt ngơ ngác, chàng lấy tay dụi dụi nơi chân mũi. Gương mặt chàng có vẻ phiền muộn và u uất. Hình như chàng không trông thấy mà cũng không nghe thấy những điều đang diễn ra xung quanh mình và chỉ đăm đăm nghĩ đến một vấn đề duy nhất, một vấn đề khổ tâm mà chàng chưa giải quyết được. Cái vấn đề làm cho chàng khổ não đó là những lời bóng gió của công tước tiểu thư khi chàng về đến Moskva, ám chỉ những quan hệ thân mật giữa Dolokhov với vợ chàng, và bức thư nặc danh chàng mới tiếp được ngay sáng hôm nay. Với cái giọng bỡn cợt bỉ ổi mà tất cả các bức thư nặc danh đều có, bức thư này nói rằng chàng đeo mục kính mà cũng chẳng thấy rõ tí nào, chứ việc vợ chàng tư thông với Dolokhov thì chỉ có một mình chàng là không biết nữa mà thôi. Piotr dứt khoát không tin những lời ám chỉ của công tước tiểu thư cũng như bức thư nặc danh, nhưng bây giờ chàng vẫn không dám nhìn Dolokhov đang ngồi trước mặt chàng. Mỗi lần chàng bắt gặp đôi mắt đẹp mà xấc của Dolokhov, chàng lại thấy có cái gì kinh khủng, xấu xa đang nổi dậy trong mình, và phải vội vàng ngoảnh mặt đi.
     
Chàng bất giác hồi tưởng lại quá khứ của vợ và những mối liên hệ giữa nàng với Dolokhov, chàng thấy rõ là nếu như không phải là việc của vợ chàng, thì câu chuyện trong thư có thể là chuyện thật, hay ít ra cũng có vẻ giống chuyện thật. Chàng bất giác nhớ lại dạo Dolokhov sau khi được khôi phục quân hàm sau chiến dịch, trở lại Peterburg và đến nhà chàng. Lợi dụng những quan hệ bạn bè do những cuộc chơi bời phóng đãng giữa hai người, hắn đã đến thẳng nhà chàng, và Piotr đã cho hắn ở đậu, lại cho hắn mượn tiền.
Chàng còn nhớ lại Êlen mỉm cười nói với chàng rằng nàng không hài lòng về việc Dolokhov trú ngụ trong nhà, còn Dolokhov thì ngợi khen nhan sắc vợ chàng một cách trâng tráo và từ đó cho đến lúc trở về Moskva, hắn chưa hề rời khỏi hai vợ chồng lấy một phút.

"Phải, hắn đẹp trai lắm - Piotr nghĩ - Còn ta thì biết hắn lắm. Chắc hắn phải khoái trá đặc biệt nếu làm ô nhục được tên họ ta, và đem ta ra làm trò cười, chính vì ta là người đã lo lắng chạy chọt cho hắn, đã bao cho hắn ở trong nhà, đã giúp đỡ hắn. Ta biết, ta hiểu cái đó sẽ đem lại cho sự phản bội của hắn một thi vị thêm đậm đà, thêm nồng đượm biết chừng nào, nếu việc ấy có thật. Phải, nếu việc ấy có thật, nhưng ta không tin như vậy, ta không có quyền tin mà cũng không thể tin được". Chàng nhớ lại sắc mặt của Dolokhov trong những phút tàn nhẫn của hắn, như khi hắn trói viên quận trưởng vào con gấu và ném xuống nước, hay khi hắn vô cớ khiêu khích người ta đấu súng, hay khi hắn bắn chết một con ngựa trạm bằng một phát súng ngắn. Sắc mặt của Dolokhov vẫn thường hay như thế khi hắn nhìn chàng.   "Phải, hắn là một thằng ưa gây sự đánh nhau. - Piotr nghĩ - Hắn giết người không biết ghê tay, chắc hắn tưởng ai cũng sợ hắn cả, và hắn lấy thế làm thú. Chắc hắn tưởng ta cũng sợ lắm - Mà quả tình ta có sợ hắn thật", - và khi nghĩ như vậy càng lại cảm thấy một cái gì ghê tởm và xấu xa đang đấy lên trong lòng.
     
Dolokhov, Denixov và Roxtov bấy giờ ngồi trước mặt Piotr đều có vẻ rất vui. Roxtov chuyện trò hoan hỷ với hai người bạn, một người là viên sĩ quan phiêu kỵ dũng cảm, một người là tên anh chị khét tiếng, chuyên gây sự đánh nhau, và thỉnh thoảng Nikolai lại đưa mắt giễu cợt nhìn về phía Piotr với dáng người to béo, vẻ mặt đăm chiêu tư lự, không quan tâm đến ai cả khác hắn mọi người trong hữa tiệc này. Roxtov nhìn chàng một cách thiếu thiện cảm, trước hết là vì dưới con mắt một sĩ quan phiêu kỵ, chàng chỉ là một anh nhà giàu không ở quân đội, làm chồng một người đàn bà đẹp, tóm lại chỉ là một hạng đàn bà mà thôi; sau nữa là vì Piotr đang đăm chiêu suy nghĩ và hờ hững với ngoại cảnh, không nhìn thấy Roxtov và không đáp lại cái chào của chàng. Khi mọi người nâng cốc chúc thọ Hoàng đế thì Piotr đang mải nghĩ ngợi, không đứng dậy và không nâng cốc.
   
- Ông làm sao thế? - Roxtov quát to, trong khi nhìn chàng với đôi mắt đang cảm kích lại có vẻ bực tức. - Ông không nghe à: người ta đang chúc thọ Hoàng đế đấy!
   
Piotr thở dài, ngoan ngoãn đứng dậy uống cạn cốc rượu, và trong khi đợi mọi người đều ngồi xuống, chàng ngoảnh mặt về phía Roxtov với nụ cười hiền hậu:
   
- Thế mà tôi không nhận ra anh - chàng nói. Nhưng tâm trí Roxtov còn ở chỗ khác, anh ta đang mải hô "Ura!".
     
- Tại sao cậu không làm quen với hắn ta? - Dolokhov hỏi Roxtov.
     
- Ai hoài công, đó là một thằng ngốc - Roxtov đáp.
     
- Cần phải chiều chuộng những ông chồng có vợ đẹp chứ - Dolokhov nói.
   
Piotr không nghe họ nói gì nhưng chàng biết họ đang nói chuyện về mình. Chàng đỏ mặt và ngoảnh đi.
     
- Và bây giờ thì xin chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp - Dolokhov nói, rồi vẻ nghiêm trang nhưng với một nụ cười bên khoé môi, hắn cầm cốc rượu ngoảnh mặt về phía Piotr, nói
 
- Chúc sức khoẻ những người đàn bà đẹp, Petrusa ạ, và cả tình nhân của họ nữa.
Piotr uống cạn chén rượu của chàng, mắt nhìn xuống đất. Chàng không nhìn Dolokhov mà cũng không đáp lại. Người hầu tiệc đang đi phân phát bài tụng thi của Kutuzov đến trước mặt Piotr đặt một bản, vì Piotr được liệt vào hàng quý khách. Chàng đang muốn cầm lấy bài thơ thì Dolokhov chồm ra phía trước, giật lấy tờ giấy và bắt đầu đọc. Piotr nhìn hắn, đôi con ngươi của chàng thắt lại: Cái vật gì rất ghê tởm và xấu xa đã khiến chàng khổ não trong suốt bữa tiệc, giờ đây lại đấy lên và tràn ngập lòng chàng. Chàng chồm tới, cả cái thân hình to lớn của chàng cúi sấp trên bàn tiệc.
   
- Ông không được lấy! - Chàng quát to.

Nexvitxki và người ngồi bên phải Piotr, nghe tiếng quát và biết là chàng đang quát Dolokhov, vội vàng ngoảnh lại nhìn chàng, vẻ sợ hãi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:40:58 pm
- Thôi! Thôi! Ông làm sao thế - Hai người nói nhỏ, vẻ hoảng hốt.

Dolokhov nhìn Piotr với đôi mắt trong sáng, vui vẻ mà tàn nhẫn, với một nụ cười như muốn nói: "À, chính là tao thích như thế đấy".

- Tôi không trả - Hắn nói rõ từng tiếng.

Mặt tái nhợt, đôi môi run lên, Piotr giật lại tờ giấy.
   
- Mày… mày là… một thằng khốn nạn… tao thách đấu súng với mày đấy - chàng nói, đoạn xô ghế đứng dậy, ra khỏi bàn ăn. Ngay trong giây phút ấy, chàng cảm thấy vấn đề tội trạng của vợ chàng, vấn đề làm chàng khổ não suốt hai hôm nay, đã được giải quyết xong xuôi, theo hướng khẳng định, không còn nghi ngờ gì nữa.

Chàng thù ghét con đàn bà ấy và cảm thấy lòng mình đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với nàng. Tuy Denixov đã hết lời can ngăn, không muốn cho Roxtov nhúng tay vào việc ấy, Roxtov cũng nhận làm nhân chứng cho Dolokhov và sau bữa tiệc, chàng thảo luận với Nexvitxki, nhân chứng của Bezukhov để ấn định các điều khoản của cuộc đấu súng. Piotr trở về nhà trong khi Roxtov, Dolokhov và Denixov còn ở lại Câu lạc bộ mãi đến khuya, ngồi nghe bọn Di-gan và bọn con hát.
     
- Cứ thế nhé, ngày mai ở Xokolniki - Dolokhov nói trong khi chia tay với Roxtov trên thềm câu lạc bộ.
   
- Thế cậu vẫn bình tĩnh à? - Roxtov hỏi.
   
- Đây này, tớ sẽ vắn tắt vạch rõ cho cậu thấy cái bí quyết của thuật đấu súng. Nếu đêm hôm trước cuộc đấu cậu viết di chúc hoặc viết những bức thư lâm ly để lại cho cha mẹ, nếu cậu nghĩ rằng mình có thể bị giết, thì cậu là một thằng ngốc và thế nào cậu cũng sẽ bỏ mạng, nhưng nếu đến đấu trường với cái quyết tâm giết chết đối phương cho thật mau lẹ và chắc chắn, nếu thế thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Anh bạn thợ săn gấu của chúng ta ở Koxtroma có nói với tôi: "Gấu thì ai mà chẳng sợ? Nhưng khi thấy nó thì cái sợ biến đi đâu hết, vì người ta chỉ lo con gấu sổng mất?". Ấy đấy, mình cũng thế. Đến mai, cậu nhé.

Tám giờ sáng hôm sau, Piotr cùng đi với Nexvitxki đến rừng Xokolniki. Dolokhov, Denixov và Roxtov đã đợi chàng ở đấy.
   
Chàng có vẻ như một người đang mải suy nghĩ những điều gì hoàn toàn không liên quan với sự việc trước mắt. Mặt chàng phờ phạc. Nước da vàng vọt. Hẳn là suốt đêm qua chàng không ngủ. Chàng lơ đễnh nhìn quanh và nheo mắt như bị chói nắng. Hai việc đang choán hết tâm trí chàng: Sau một đêm không ngủ, chàng thấy tội trạng của vợ chàng không còn gì phải nghi hoặc nữa; và Dolokhov không có tội vì hắn chẳng việc gì phải giữ gìn danh dự của một người dưng cả. "Có lẽ ở địa vị hắn, ta cũng sẽ làm như hắn; thế thì đấu súng làm gì? Ta sẽ bắn chết hắn, hay là hắn sẽ bắn trúng vào đầu, vào khuỷu tay, vào đầu gối ta. Thôi, đi quách, trốn biệt, kiếm một cái xó nào mà chui vào". Nhưng cũng trong khi những ý nghĩ ấy hiện ra trong óc, chàng hỏi lại, với một vẻ mặt đặc biệt bình tĩnh và thờ ơ, khiến cho những người nhìn chàng đều phải thấy kính trọng: "Còn lâu nữa không, mọi thứ đã sẵn sàng chưa?".
   
Khi mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, hai thanh kiếm đã được cắm vào tuyết để đánh dấu giới hạn không được vượt qua, và hai khẩu súng ngắn đã nạp đạn, Nexvitxki đến gặp Piotr.
   
- Bá tước ạ, - Anh ta nói, giọng rụt rè - Nếu trong một lúc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng như thế này, mà tôi không nói hết sự thực với ông, thì tôi sẽ không làm tròn nhiệm vụ của tôi, không xứng đáng với sự tín nhiệm và cái vinh dự mà ông đã ban cho tôi khi chọn tôi làm nhân chứng. Tôi cho rằng việc này không có đủ lý do, và nó không đáng gây ra một vụ đổ máu. Ông đã lầm, ông nóng nảy quá…
   
- À, phải, thật là ngu xuẩn hết sức… - Piotr nói.
     
- Đã thế thì xin ông cho phép tôi chuyển đạt những lời hối tiếc của ông và tôi chắc rằng dối phương sẽ tiếp nhận những lời ấy. - Nexvitxki nói (cũng như những người nhân chứng khác và nói chung tất cả những người dính líu đến việc như thế, anh ta vẫn không tin rằng sự tình có thể đưa đến một cuộc đấu súng thật sự). Bá tước cũng biết rằng thừa nhận lỗi lầm của mình vẫn cao quý hơn là đẩy sự việc đến chỗ không thể cứu vãn được. Quả thật không có bên nào lăng nhục bên nào. Ông cho phép tôi điều đình.

- Không, có gì mà phải điều đình? - Piotr nói - Chẳng sao cả…

- Thế đã sẵn sàng rồi chứ?

- Chỉ xin ông nói cho tôi biết tôi phải bước đến chỗ nào và bắn vào đâu - Chàng nói thêm, miệng mỉm một, nụ cười dịu dàng và gượng gạo. Chàng cầm lấy khẩu súng ngắn và hỏi cách bóp cò như thế nào, vì chàng chưa từng cầm súng trong tay bao giờ, nhưng chàng không muốn thú nhận điều đó. - À phải, bóp như thế, tôi biết rồi, thế mà quên mất.
     
Trong khi ấy, bên phía dối phương, Denixov cũng ướm thử mấy lời khuyên Dolokhov giảng hoà, nhưng hắn đáp:

- Tôi không nhận một lời xin lỗi nào cả, nhất định như thế - nói đoạn. Dolokhov cũng đứng lên ở chỗ đã ấn định.
     
Chỗ được chọn làm địa điểm đấu súng cách đường cái tám bước (xe trượt tuyết đều để lại ở ngoài đường), trên một khoảng đất trống trong cánh rừng thông phủ một lớp tuyết đang tan sau những ngày tan giá vừa qua. Hai đối thủ đứng cách nhau bốn mươi bước, ở đầu và cuối khoảng đất trống. Các nhân chứng khi do khoảng cách đã để lại dấu chân trên lớp tuyết dày và ẩm, từ chỗ hai người đối thủ đứng đến chỗ cắm hai thanh gươm của Nexvitxki và Denixov cách nhau mười bước để làm giới hạn cho đấu trường. Thời tiết tan giá và mù vẫn kéo dài; cách bốn mươi bước đã không trông thấy gì hết.

Chuẩn bị xong xuôi đã được hai ba phút rồi mà họ vẫn chần chừ chưa bắt đầu. Mọi người đều im lặng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:42:27 pm
Phần IV
Chương - 5
   
- Nào, bắt đầu đi thôi! - Dolokhov nói.
   
- Bắt đầu đi - Piotr nói theo, miệng vẫn giữ nguyên nụ cười ban nãy.
   
Tình hình đã trở thành dễ sợ. Hiển nhiên là việc này khi gây ra thì dễ dàng như vậy, mà nay đã đi đến chỗ không thể nào cứu vãn được; bây giờ nó tự động tiến hành, không tuỳ thuộc ý muốn của con người nữa, và phải đi đến cùng. Denixov là người đầu tiên bước lên, đến chỗ giới hạn và tuyên bố:

- Vì hai đối thủ đã không chịu hoà giải, vậy xin bắt đầu: mỗi người cầm lấy súng và khi nghe hô đến tiếng "ba" thì tiến lên.

- Một! Hai! Ba! - Denixov hô, giọng cáu kỉnh, và tránh ra một bên.
   
Hai đối thủ dần dần tiến lên trước mặt nhau trên con đường mòn do vết chân những người làm chứng vạch ra, trong khi bước lên chỗ giới hạn. Dolokhov bước chậm rãi, không giơ súng lên, đôi mắt xanh trong và sáng quắc nhìn thẳng vào mặt đối thủ. Một cái nhìn như một nụ cười vẫn thấp thoáng trên môi.
Khi nghe hô "Ba!", Piotr bước nhanh lên phía trước, đi chệch ra ngoài đường mòn, chân đạp lên trên lớp tuyết còn nguyên vẹn. Cánh tay chàng đang thẳng ra phía trước, giơ cao khẩu súng lên, ý chừng sợ bắn phải mình. Chàng chú ý ngoặt cánh tay trái về phía sau, vì chàng cứ thấy mình muốn đưa nó lên dỡ cánh tay phải, tuy biết làm như thế là không được. Khi đã bước năm, sáu bước và đi chệch ra ngoài tuyết, chàng nhìn xuống chân, rồi lại nhìn Dolokhov, và ngón tay luồn vào bóp cò theo cách thức người ta đã dặn, chàng nổ súng. Vì không ngờ tiếng súng lại mạnh đến thế, chàng giật nảy mình khi nghe tiếng nổ, rồi mỉm cười về cái ấn tượng ấy và đứng lại. Sương mù làm cho khói súng trở nên dày đặc, mới đầu chàng không trông thấy gì cả; chàng đón chờ phát súng bắn trả, nhưng mãi chẳng thấy gì. Chỉ nghe tiếng bước hấp tấp của Dolokhov, rồi bóng dáng của hắn hiện ra trong đám khói. Một tay hắn ôm lấy sườn bên trái, một tay xiết khẩu súng chúi xuống. Mặt hắn tái mét, Denixov chạy đến nói với hắn một câu gì không rõ.

- Khô… không, - Dolokhov nói qua hai hàng răng nghiến chặt - Không, chưa xong đâu, - Rồi loạng choạng tiến lên mấy bước, hắn ngã xuống mặt tuyết, bên cạnh thanh kiếm. Bàn tay trái hắn đầm đìa những máu, hắn chùi máu vào áo đuôi tôm rồi chống tay xuống đất. Khuôn mặt tái mét của hắn cau lại, và những thớ thịt trên mặt hắn rung lên từng đợt.

- Xin phép… - Hắn nói mấy tiếng đầu nhưng không đủ sức nói một hơi cho hết câu - Xin phép ông… - Hắn khó nhọc nói tiếp.

Piotr, không tránh được những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ, vội chạy đến chỗ Dolokhov và đã toan vượt khỏi cái giới hạn quy định thì hắn đã quát to:

- Lui về giới hạn!

Bây giờ Piotr mới chợt hiểu và dừng lại cạnh thanh kiếm của mình. Hai người chỉ cách nhau mươi bước. Dolokhov gục đầu xuống mặt tuyết, thèm khát cắn lấy một vốc, ngẩng đầu vươn mình lên, rồi co chân lại ngồi cho vững. Hắn nuốt và mút tuyết lạnh, môi run rẩy nhưng vẫn cười nụ, hai mắt sáng lên vì cố thu hết tàn lực và tức giận. Hắn giơ súng lên và nhắm bắn.

- Đứng nghiêng người đi, lấy súng mà che mình - Nexvitxki nói.

Ngay cả Denixov cũng không nén được mà phải kêu lên bảo đối phương:

- Che mình đi!

Piotr, với một nụ cười hiền hậu trên môi lộ rõ ý hối tiếc và ân hận, hai tay dang rộng, hai chân cũng choạng ra, cả bộ ngực rộng rãi giơ ra cho Dolokhov, và buồn rầu nhìn hắn. Denixov, Roxtov và Nexvitxki nhắm mắt lại. Cùng trong lúc nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng kêu tức giận của Dolokhov.

- Trượt mất rồi! - Hắn kêu to và kiệt sức ngã sâp xuống, mặt úp trên tuyết. Piotr, hai tay ôm đầu, quay gót vào rừng, bước thì thụp trong tuyết, nói to những câu không đầu không đuôi:

- Thật là ngu xuẩn… ngu xuẩn! Cái chết… dối trá - Chàng nhăn mặt nói đi nói lại.

Nexvitxki níu chàng đứng lại và đưa chàng về nhà. Roxtov và Denixov cũng chở người bị thương về.
Dolokhov nhắm mắt nằm im trong xe trượt tuyết, không hề đáp lại những câu người ta hỏi, nhưng khi về đến Moskva thì hắn hồi tỉnh, cố gượng nhấc đầu lên và nắm tay Roxtov đang ngồi bên cạnh. Vẻ mặt hắn hoàn toàn thay đổi và biểu lộ tình thương yêu nồng nhiệt rất bất ngờ làm cho Roxtov phải kinh ngạc.

- Thế nào, cậu thế nào? - Roxtov hỏi.

- Chẳng lành! Nhưng cái đó không thành vấn đề. Cậu ơi - Dolokhov nói giọng đứt quãng - Chúng ta đã đến đâu rồi? Đây là Moskva, tôi biết. Tôi thì không kể gì, nhưng bà cụ, thật tôi đã giết bà cụ… tôi đã giết… Thế này thì bà cụ không sống được nữa, không sống được…

- Ai cơ? - Roxtov hỏi.

- Mẹ tôi ấy, mẹ tôi, vị thiên thần của tôi, vị thiên thần mà tôi thờ phụng - Dolokhov bật khóc và xiết chặt tay Roxtov.

Lúc đã hơi trấn tĩnh lại chàng cắt nghĩa cho Roxtov biết rằng chàng hiện ở với mẹ và nếu mẹ chàng thấy chàng đang hấp hối, thì bà cụ không thể sống được nữa. Chàng van xin Roxtov đến tìm mẹ chàng và kiếm cách chuẩn bị tinh thần cho bà cụ.
   
Roxtov lập tức chạy đi làm tròn việc bạn giao phó và rất kinh ngạc khi được biết Dolokhov, cái anh chàng ngỗ nghịch, chuyên gây sự đánh nhau ấy, sống ở Moskva với bà mẹ già và một người em gái gù lưng, và anh ta lại là một người con hết sức hiếu thảo, một người anh chí tình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:43:46 pm
Phần IV
Chương - 6

Thời gian gần đây Piotr không mấy khi gặp vợ diện đối diện. Ở Petersburg cũng như ở Moskva, nhà chàng bao giờ cũng đông khách. Đêm hôm xảy ra cuộc đấu súng, Piotr không vào phòng ngủ, và như trước kia chàng vẫn hay làm, chàng ở lại trong căn phòng làm việc rộng thênh thang của cha chàng ngày xưa, trong căn phòng đó ông cụ đã qua dời.
   
Chàng ngả lưng xuống đi-văng và muốn ngủ để quên những việc vừa xảy ra, nhưng không sao ngủ được. Những tình cảm, những ý nghĩ, những kỷ niệm cuồn cuộn nổi lên như một trận bão trong lòng chàng đến nỗi không những chàng không ngủ được, mà thậm chí cũng không thể nằm yên một chỗ nùa, chàng phải rời đi-văng chồm dậy và rảo bước đi đi lại lại trong phòng.   Chàng nhớ lại hình ảnh vợ chàng trong mấy ngày đầu sau lễ cưới, hai vai để trần, đôi mắt mê mệt, đắm đuối. Ngay lúc đó, bên cạnh nàng lại hiện ra khuôn mặt tuấn tú của Dolokhov, cái mặt xấc xược, mỉa mai đúng như trong bữa tiệc, rồi cũng cái mặt ấy, nhưng tái mét, run rẩy và đau đớn, đúng như khi hắn ngoảnh lại và ngã sấp xuống mặt tuyết.
   
"Chuyện gì đã xảy ra thế! - Chàng tự hỏi, - Ta đã giết gã tình nhân, phải, ta đã giết tình nhân của vợ ta. Phải, việc đó đã xảy ra. Tại sao? Làm sao lại đến nông nỗi ấy?" - "Vì mày đã lấy nàng làm vợ" - Một tiếng nói đâu ở bên trong đáp lại chàng.
   
"Nhưng thế thì ta đã có lỗi gì?" -Chàng hỏi. - "Có lỗi ở chỗ không yêu mà vẫn lấy nàng làm vợ, ở chỗ đã lừa dối mày cũng như lừa dối nàng" - Và chàng nhớ lại rõ mồn một cái giây phút sau bữa cơm tối ở nhà công tước Vaxili, thì chàng đã nói với nàng mấy tiếng mà lúc bấy giờ chàng thấy rất khó nói: Tôi yêu cô mọi việc đều do đó mà ra cả. "Ta cảm thấy điều đó ngay từ lúc bấy giờ, - chàng nghĩ - Lúc đó ta đã cảm thấy điều đó là không đúng, ta không có quyền nói như vậy. Cơ sự là như thế đấy". Chàng hồi tưởng lại tuần trăng mật của hai người và kỷ niệm ấy làm cho chàng hổ thẹn đến đỏ mặt. Rõ nét nhất, nhục nhã nhất, xấu hổ nhất đối với chàng là một kỷ niệm gắn liền với những ngày tiếp theo lễ thành hôn. Một hôm, vào khoảng mười một giờ trưa, lúc chàng từ phòng ngủ đi sang phòng giấy, chàng gặp viên quản lý chính ở đấy, hắn cung kính cúi đầu chào chàng, nhìn vào mặt chàng rồi nhìn chiếc áo ngủ của chàng và tủm tỉm cười, dường như để tỏ rõ một cách cung kính lòng vui mừng của hắn đối với hạnh phúc của chủ.
   
"Và biết bao lần ta đã hãnh diện vì nó, hãnh diện vì cái nhan sắc tuyệt vời của nó vì cái khiếu xã giao tế nhị của nó - chàng thầm nghĩ, - Ta hãnh diện vì toà nhà của ta, nơi đó tiếp đón tất cả giới thượng lưu của thành Peterburg, hãnh diện vì thấy nó cách vời và diễm lệ. Thế ra ta hãnh diện vì các thứ đó? Thuở ấy ta tưởng đâu ta không hiểu nó. Biết bao lần, trong khi phân tích cá tinh của nó, ta đã tự nhủ rằng mình có lỗi vì không hiểu nó, không hiểu được cái vẻ luôn luôn điềm tĩnh, thoả mãn không say mê, không ham muốn gì, nhưng thật ra cái nhìn chìa khoá để mở tất cả mọi bí mật là ở trong một chữ cái, cái chữ ghê gớm, kinh khủng này: nó là một người đàn bà truỵ lạc. Cái chữ khủng khiếp ấy, đã tự nó nói lên mọi việc trở thành rõ ràng dễ hiểu! "Thằng Anatol đến vay tiền nó và hôn vào hai vai trần của nó. Nó không có tiền cho hắn vay tiền nhưng vẫn để cho hắn hôn. Cha nó trong khi nói đùa thường khích lòng ghen tuông của nó; Những lần ấy nó điềm nhiên mỉm cười nói rằng nó không dại gì mà đi ghen tuông: Anh ấy muốn gì thì cứ việc làm, nó nói thế. Một hôm ta hỏi nó có thấy triệu chứng thai nghén gì không. Nó cất tiếng cười khinh bỉ và nói rằng nó không dại gì mà muốn có con, và nó cũng không bao giờ có con với ta".
     
Rồi chàng lại nhớ đến những ý nghĩ thô bạo, trơ trẽn và cách ăn nói dung tục của nàng, mặc dầu nàng đã được giáo dục trong giới thượng lưu bậc nhất. "Tôi không phải là đồ ngốc … anh cứ việc đi mà xem thử… Anh cút đi! - Nó thường nói thế. Rất nhiều khi, thấy nàng được mọi người quý chuộng, đàn ông cũng như đàn bà, Piotr không thể hiểu tại sao mình không yêu. "Ta chưa hề yêu nó bao giờ, ta vẫn biết đó là một người đàn bà truỵ lạc - Chàng tự nhủ - Nhưng ta không dám tự thú với mình như vậy".
   
"Và bây giờ thì Dolokhov… kia hắn đang ngồi trên tuyết mỉm cười gượng gạo, và có lẽ hắn chết vì hắn đã đáp lại lòng hối hận của ta bằng một thái độ anh chị giả tạo!".
   
Tất cả, tất cả cơ sự này chỉ tại một mình nó gây ra hết - Chàng tự nhủ - Nhưng cái đó chẳng có gì quan trọng. Tại sao ta lại dính díu với nó, tại sao ta lại nói với nó cái câu "Tôi yêu cô ấy’’  , đó chỉ là một lời dối trá, mà còn tệ hơn là dối trá nữa. Chính ta là tội nhân và ta phải chịu mang lấy… mang lấy cái gì? Sự ô nhục làm nhơ bẩn tên họ ta, nỗi bất hạnh của đời ư? Nhưng tất cả những thứ đó đều là nhảm nhí cả, sự ô nhục và danh dự, tất cả đều là quy ước, tất cả đều không phải do ta quyết định.
   
"Louis XVI đã bị hành hình vì người ta nói ông ta là một kẻ vô sỉ và là một kẻ phạm tội; mà họ cũng có lý theo quan điểm của họ, cũng như những người đã vì ông ta tuẫn tiết, và coi ông ta như một vị thánh, đều có lý cả. Sau đó họ cũng đã xử tử Robexpie vì Robexpie là một kẻ độc tài. Ai phải, ai trái? Chẳng ai cả. Hễ còn sống thì tận hưởng cuộc sống, ngày mai ta sẽ chết, cũng như ta đã suýt chết cách đây một giờ, và việc gì lại tự mình làm lội mình, trong khi chỉ còn sống được một giây so với thiên cổ?" Nhưng chính khi chàng tưởng những lý lẽ ấy làm mình trấn tĩnh lại thì bỗng nhiên nàng lại hiện ra trước mắt hệt như trong những phút chàng bộc lộ cái tình yêu giả dối của mình ra với nàng một cách mãnh liệt nhất, và chàng cảm thấy máu nóng dồn vào tim, và phải đứng dậy đi đi lại lại, gặp vật gì dưới tầm tay cũng đập phá. "Tại sao ta lại nói với nó: "Tôi yêu cô" - chàng cứ tự hỏi lại. Và khi đã lặp đi lặp lại câu hỏi đó đến lần thứ mười, thì trong ký ức của chàng lại hiện ra cái câu hỏi của Molier: "Nhưng nó dính líu vào việc ấy làm cái quái gì mới được chứ " và chàng lại tự cười mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Mười Hai, 2010, 09:46:16 pm
Đêm ấy chàng gọi người hầu phòng, bảo sửa soạn hành lý để đi Peterburg. Chàng không thể ở chung một nhà với vợ được nữa. Chàng không thể hình dung bây giờ chàng sẽ ăn nói với nàng như thế nào. Chàng nhất định ngày mai sẽ ra đi và để lại một bức thư báo cho nàng biết chàng đã quyết định vĩnh viễn đoạn tuyệt với nàng.

Sáng hôm sau, khi người hầu phòng mang cà phê vào, Piotr đang nằm duỗi trên chiếc đi-văng Thổ Nhĩ Kỳ và đang ngủ, tay cầm quyển sách mở. Chàng sực tỉnh, đưa mắt bàng hoàng nhìn quanh hồi lâu, không sao nhớ ra được mình đang ở chỗ nào.

- Bá tước phu nhân cho tôi lên hỏi xem Đại nhân có nhà không, người hầu phòng nói.

Piotr chưa kịp quyết định nên đáp lại như thế nào, thì chính bá tước phu nhân, mình mặc voan phục bằng đoạn trắng thêu hoa bạc và vấn tóc sơ sài chải cái bím lớn quấn ba lượt thành mũ miện xung quanh cái đầu tuyệt đẹp - Đã điềm tĩnh và uy nghi bước vào, chỉ có vầng trán ngọc thạch hơi gồ là mang một nếp nhăn nhỏ tỏ ra nàng đang giận dữ. Với cái điềm tĩnh không gì lay chuyển được mà nàng vốn có, nàng không mở đầu câu chuyện khi người hầu phòng còn ở trong phòng. Nàng đã biết tin cuộc đấu súng và đến gặp Piotr để nói về việc đó. Nàng chờ cho người hầu phòng dọn cà phê xong và đi ra đã. Piotr rụt rè nhìn nàng qua đôi kính trắng, và như một con thỏ bị chó săn vây bọc cúp tai xuống ngồi nhìn kẻ thù, chàng cố gắng tiếp tục xem sách; Nhưng chàng thấy làm thế là vô lý và cũng vô ích, nên lại ngẩng lên nhìn nàng một cách rụt rè. Nàng vẫn không ngồi xuống, và nhìn chàng với một nụ cười khinh bỉ, chờ cho người hầu ra khỏi phòng.

- Lại còn chuyện gì nữa thế? Ông đã làm gì thế, tôi hỏi ông. - Nàng nghiêm nét mặt nói.

- Tôi ấy à? Tôi đã làm gì à? - Piotr nói.

- Anh hùng nhỉ! Nào, ông nói đi, tại sao lại đấu súng? Ông muốn chứng minh cái gì? Hở? Tôi hỏi ông đấy.
Piotr nặng nề cựa mình trên chiếc đi-văng, mở miệng, nhưng không trả lời được.

- Ông đã không trả lời thì tôi sẽ nói… - Elen tiếp - Ai nói gì ông cũng tin. Họ nói với ông… - Nàng bật cười - rằng Dolokhov là tình nhân của tôi, - Nàng nói bằng tiếng Pháp, với cách ăn nói dứt khoát, phũ phàng của mình, và phát âm chữ "tình nhân" cũng tự nhtên như bất cứ chữ nào khác - Thế mà ông cũng tin! Nhưng làm thế, ông đã chứng minh được cái gì? Cái chuyện ông là một thằng ngu thì mọi người đã biết rồi. Nhưng việc này sẽ dẫn đến đâu? Đến chỗ tôi thành trò cười của cả thành phố Moskva, đến chỗ mọi người đều bảo rằng trong khi say rượu, mất cả trí khôn, ông đã thách đấu một người mà ông ghen một cách vô căn cứ (Elen hăng lên và càng nói càng to tiếng), một người hơn ông về đủ cả mọi mặt.

- Hừ, hừ… - Piotr hầm hừ và nhăn mặt. Chàng không nhìn nàng, tay chân không nhúc nhích.

- Cái gì khiến ông tưởng anh ta là tình nhân của tôi? Cái gì? Hay là vì tôi thích chuyện trò với anh ta? Giả sử ông thông minh hơn và thú vị hơn anh ta, thì tôi đã thích chuyện trò với ông rồi.

- Đừng nói nữa… tôi van cô. - Piotr thều thào, khàn đặc.

- Việc gì tôi lại không nói? Tôi có quyền nói và tôi xin nói thẳng với ông rằng ít có người đàn bà nào lấy phải một người chồng như ông mà lại không có tình nhân (des amants), nhưng tôi không làm thế.
   
Piotr muốn nói một câu gì, chàng nhìn nàng với một đôi mặt rất kỳ quặc, nhưng nàng không hiểu ý nghĩa của cái nhìn ấy và chàng lại ngả người xuống đi văng. Lúc ấy chàng có một cảm giác đau đớn nhục thể, ngực chàng bị đè nén không sao thở được nữa. Chàng biết rằng mình cần phải làm một cái gì để chấm dứt cảm giác đau đớn ấy, nhưng việc chàng đang muốn làm nó ghê gớm quá.

- Chúng ta xa nhau đi thì tốt hơn - Chàng nói, giọng ngắc ngứ.

- Xa nhau à? Xin cứ việc, nhưng với điều kiện là ông phải cấp cho tôi một gia tài - Elen nói - … Xa nhau! Ông tưởng làm tôi sợ lắm hẳn.

Piotr vụt rời đi-văng nhảy chồm lên và loạng choạng đâm nhào về phía nàng;

- Tao sẽ giết mày? - Chàng quát, và với một sức mạnh mà chàng chưa bao giờ thấy mình có được, chàng nắm lấy cái mặt bàn tròn làm bằng cẩm thạch và bước tới, tay giơ tấm đá vung về phía nàng.
     
Bộ mặt Elen trở nên khủng khiếp; nàng hét lên một tiếng lanh lảnh và vụt nhảy lùi lại. Khí huyết của ông cha đã dấy lên mãnh liệt trong người Piotr. Chàng cảm thấy say sưa và khoái trá trong cơn thịnh nộ. Chàng ném tấm đá xuống sàn vỡ tan ra, và dang rộng hai cánh tay tiến về phía Elen, chàng quát to: "Xéo ngay!", tiếng quát khủng khiếp đến nỗi mọi người trong nhà đều nghe mà sởn gáy.
Giá Elen không chạy trốn, thì chưa biết lúc ấy chàng sẽ làm gì.
     
Một tuần sau, Piotr trao cho vợ một tờ giấy uỷ quyền quản trị tất cả các điền trang của chàng ở Đại Nga, nghĩa là hơn một nửa gia tài của chàng, rồi một mình lên đường đi Petersburg.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:26:36 pm
Phần IV
Chương - 7

Hai tháng đã trôi qua từ khi tin quân ta bại trận ở Austerlix và tin công tước Andrey tử nạn về đến Lưxye Gorư, và có nhiều bức thư nhờ đại sứ quán gửi đi, tuy người ta đã ra sức tìm kiếm dò hỏi khắp nơi, thi hài của công tước vẫn chưa tìm được, mà trong danh sách tù binh cũng không có tên chàng. Điều làm cho gia quyến khổ tâm nhất là người họ cũng vẫn có thể hy vọng rằng công tước đã được dân sở tại thu nhặt trên chiến trường và hiện nay đang ở một nơi nào đó, hoặc đang dưỡng bệnh hoặc đang hấp hối một thân một mình nơi quê người đất khách, không có cách gì báo tin về nhà.
     
Thoạt tiên, lão công tước biết quân ta đã thua trận Auxterlilx là vì các báo có đăng một tin rất lui hoàn toàn có trật tự. Đọc bản thông báo chính thức này, lão công tước hiểu rằng quân ta đã thua trận.
     
Tám ngày sau khi tờ báo đưa tin ấy, một bức thư của Kutuzov đến báo cho công tước biết số phận của con mình.
     
"Cháu, ông ta viết - Ngã xuống ngay trước mặt tôi, tay cầm cờ trong khi dẫn đầu cả binh đoàn tiến lên với tư thế một trang anh hùng xứng đáng với cha mình và Tổ quốc. Tôi và toàn quân rất lấy làm phiền lòng rằng mãi cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết cháu sống chết ra sao. Tôi tự an ủi và xin an ủi ngài với niềm hy vọng là cháu còn sống, vì nếu không thì cháu đã có tên trong danh sách những sĩ quan tìm được ở chiến trường, - danh sách ấy hiện ở trong tay tôi, do quyết định hiệp thương hai bên trao lại".

Lão công tước tiếp được tin này vào lúc đêm khuya, khi đang ngồi một mình trong phòng làm việc. Sáng hôm sau, lão công tước đi bách bộ đúng buổi như mọi khi; nhưng ông lặng thinh trước mặt người quản lý, người làm vườn, viên kiến trúc sư và tuy có vẻ tức giận, ông vẫn không nói gì với ai hết.
     
Khi công tước tiểu thư Maria cũng đúng giờ như mọi khi, bước vào thư phòng, lão công tước vẫn làm việc bên bàn tiện và theo lệ thường, ông không quay đầu lại.

- À công tước tiểu thư Maria! - công tước bỗng nói giọng gượng gạo, rồi vứt con dao tiện. (Bánh xe ở bàn tiện đang dở đà vẫn chạy thêm một lúc. Về sau công tước tiểu thư Maria còn nhớ rất lâu tiếng rít tắt dần của chiếc bánh xe, hoà làm một trong tâm trí nàng với việc xảy ra sau đó).

Công tước tiểu thư đến cạnh cha, nàng nhìn thấy mặt ông cụ, và bỗng nhiên cảm thấy một cái gì đổ vỡ. Nàng hoa mắt lên. Nhìn gương mặt ông cụ, không buồn rầu, không đau thương, mà lại có vẻ độc ác và như đang cố gắng gượng tự chủ, nàng biết rằng một tai hoạ ghê gớm đang treo trên đầu nàng, nó sẽ nghiền nát nàng, mối tai hoạ lớn nhất trong đời nàng, một tai hoạ mà nàng chưa trải qua bao giờ, một tai hoạ không thể cứu vãn được, không thể quan niệm được, cái chết của một người nàng yêu dấu.

- Cha ơi, anh Andrey!
   
Công tước tiểu thư vốn xấu xí và vụng về nhưng khi nàng nói mấy tiếng ấy, nỗi đau thương và sự quên mình của nàng có một sức quyến rũ không lời nào tả được, đến nỗi cha nàng không chống đỡ nổi cái nhìn của nàng mà phải ngoảnh mặt đi với một tiếng nấc nghẹn ngào.

- Ta đã nhận được tin. Trong số tù binh, trong số những người trận vong đều không có tên nó. Kutuzov có viết thư - Ông cụ quát lên, giọng the thé, tưởng chừng như muốn đuổi công tước tiểu thư ra - Anh mày đã tử trận rồi!
   
Công tước tiểu thư không ngã, cũng không ngất đi. Mặt nàng vốn đã xanh xao, nhưng khi nghe những lời ấy, nàng biến sắc hẳn đi và đôi mắt đẹp của nàng như chiếu rọi những hào quang. Tưởng chừng như có một niềm vui, một niềm vui tuyệt vời, không liên quan với những nỗi vui buồn của thời gian, tràn lẫn cả nỗi đau thương vô hạn trong lòng nàng. Nàng quên hết nôi khiếp sợ của nàng đối với cha bước tới cầm tay ông cụ, kéo về phía mình rồi đưa hai cánh tay ôm lấy cải cổ khô cằn và gân guốc của cha.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:27:35 pm
- Cha ơi! Cha đừng ngoảnh mặt đi nữa, Cha hãy cùng khóc.

- Quân đốn mạt, quân khốn nạn! - Ông cụ vừa quát lớn vừa né xa mặt nàng, - Thí quân đội, thí bao nhiêu mạng người? Tại sao? Đi đi con, nói cho Liza biết đi.
   
Công tước tiểu thư ngồi phịch xuống chiếc ghế bành bên cạnh cha và khóc oà lên. Bây giờ nàng nhớ lại anh nàng lúc chàng từ biệt nàng và Liza với cái dáng điệu vừa âu yếm vừa trịch thượng. Nàng hồi tưởng thấy lại hình ảnh Andrey khi vừa âu yếm vừa mỉa mai. Chàng đeo cái tượng thánh vào cổ. "Anh ấy có tin
Chúa không. Anh ấy đã mất đức tin, vậy nay anh đã tự hối chưa? Bây giờ anh có ở trên ấy không. Ở nơi tĩnh thổ muôn đời yên vui và hạnh phúc?" - nàng thầm nghĩ.

- Thưa cha, xin cha nói cho con biết sự việc đã xảy ra như thế nào? - nàng hỏi.

- Thôi, thôi, con đi đi, anh con đã bỏ mình trong cái trận mà người ta đã lùa bao nhiêu người Nga ưu tú nhất vào cõi chết, trong cái trận mà tất cả vinh quang của nước Nga đã tiêu vong. Thôi, công tước tiểu thư Maria, con hãy đi báo tin cho Liza đi. Rồi ta sẽ đến với các con.
   
Khi công tước tiểu thư Maria ở trong phòng ông cụ về, công tước phu nhân nhỏ nhắn đang ngồi thêu. Công tước phu nhân nhìn nàng với khoé mắt đặc biệt hướng vào nội tâm và đượm một niềm vui sướng thanh thản mà chỉ những người đàn bà có thai mới có được. Có thể thấy rõ đôi mắt phu nhân không trông thấy tiểu thư Maria mà lại nhìn vào bên trong bản thân - nhìn một cái gì diễm phúc và huyền bí đang diễn ra trong người nàng.

- Maria - công tước phu nhân vừa nói vừa rời khung thêu ngã người ra phía sau - cô đưa tay đây - Phu nhân nắm lấy tay công tước tiểu thư đặt lên bụng mình.
   
Mặt phu nhân mỉm cười, chờ đợi, cái môi thoáng phủ lông tơ cong lên và cứ giữ nguyên như thế, khiến phu nhân có một vẻ vui sướng trẻ thơ: Công tước tiểu thư Maria quỳ xuống trước phu nhân và úp mặt vào những nếp áo của chị dâu.

- Đấy đấy cô thấy không? Tôi thấy lạ quá: Và Maria ạ, thật đấy mĩnh sẽ yêu nó lắm cơ - Liza nói và nhìn cô em chồng, mắt sáng ngời vì hạnh phúc.
   
Công tước tiểu thư Maria không ngẩng đầu lên được, nàng khóc.

- Cô làm sao thế, Masa?

- Không, chỉ vì em thấy buồn, buồn về phần anh Andrey!
   
Nàng vừa nói vừa lau nước mắt trên áo chị dâu. Sáng hôm sau ấy đã nhiều lần nàng bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho phu nhân, nhưng mỗi lần như vậy nước mắt nàng lại cứ trào ra khiến nàng không sao nói được. Phu nhân không hiểu tại sao nàng khóc, nhưng cũng sinh lo, mặc dầu phu nhân không có khiếu quan sát cho lắm. Phu nhân lặng thinh không nói, nhưng lo lắng đưa mắt nhìn quanh như muốn tìm cái gì. Trước bữa ăn, lão công tước - xưa nay nàng vẫn sợ ông cụ, nhưng bây giờ ông cụ lại có vẻ ưu phiền và ác nghiệt khác thường - vào phòng nàng rồi lại đi ra, không nói một lời. Phu nhân nhìn công tước tiểu thư Maria rồi nghĩ ngợi, trong đôi mắt lại hiện ra cái vẻ chú ý hướng vào bên trong của những người đàn bà có thai, và bỗng bật lên tiếng khóc.

- Nhà đã nhận được tin của Andrey à?

- Không, chị biết đấy, chúng ta chưa có thể nhận được tin, nhưng cha em lo lắm, mà em cũng thấy sợ.

- Thật không có gì chứ?

- Không, không có gì đâu!
   
Công tước tiểu thư Maria vừa nói vừa mạnh dạn nhìn chị dâu với đôi mắt trong sáng. Nàng quyết định không nói gì với phu nhân và cũng đã xin được cha nàng cùng giấu kín cái tin ghê gớm ấy cho đến khi phu nhân ở cữ xong, nghĩa là chỉ trong vài ngày nữa. Công tước tiểu thư Maria và lão công tước, mỗi người một cách, đều mang nặng và giấu giếm nỗi đau thương của mình. Lão công tước không muốn hy vọng; ông tin chắc rằng công tước Andrey đã tử trận, và, tuy đã sai một người tín cẩn sang Áo để thăm dò tung tích con, ông cũng đặt làm ở Moskva một đài kỷ niệm để dựng lên ở trong vườn, và cũng báo cho mọi người biết tin con mình đã chết. Lão công tước cố gắng không thay đổi gì trong cách sinh hoạt của mình, nhưng sức lực của ông không khỏi phụ lòng ông: ông đi bộ kém, ăn kém, ngủ kém và mỗi ngày một yếu đi.

Công tước tiểu thư Maria thì vẫn còn hy vọng. Nàng cầu nguyện cho anh nàng như một người còn sống và từng phút một vẫn mong ngóng đợi tin anh về.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:28:22 pm
Phần IV
Chương - 8
   
- Maria ạ!
   
Công tước phu nhân nhỏ nhắn nói (lúc ấy là vào buổi sáng ngày mười chín tháng ba, sau bữa ăn sáng) và cái môi thoáng bóng lông tơ của nàng lại cong lên như thường lệ; nhưng vì từ khi cái tin ghê gớm kia đưa lại, mọi việc trong nhà, từ những nụ cười giọng nói cho chí cách đi đứng, đều đượm vẻ u buồn, cho nên công tước phu nhân nhỏ nhắn cũng nhiễm cái tâm trạng chung ấy mặc dầu không biết rõ nguyên nhân, nụ cười của phu nhân lại càng nhắc nhở nỗi thương tâm của mọi người.

- Cô Maria, tôi e rằng cái món fruschlique(1), như anh bếp Foka nhà ta thường gọi ấy, sáng nay đã làm tôi ốm rồi đấy!

- Chị làm sao thế hở chị? Chị xanh lắm. Ồ, chị xanh quá đi mất - Công tước tiểu thư Maria sợ hãi vừa nói vừa bước những bước chân nặng nề và mềm mại chạy đến cạnh nàng.

- Thưa tiểu thư, có cần đi gọi Maria Bogdanovna không ạ, - Một trong những người thị nữ có mặt ở đấy nói (Maria Bogdanovna là bà đỡ ở huyện lỵ lân cận đến Lưxye Gôrư từ tuần trước).

- Phải đấy - Công tước tiểu thư Maria đáp - Có lẽ cần đấy. Tôi đi đây. Can đảm lên, chị yêu dấu của em - Nàng ôm hôn Liza và toan ra ngoài.

- Ồ không, không! - Và thêm vào sắc da xanh nhợt trên gương mặt Liza lại lộ rõ một nỗi sợ hãi trẻ con trước cơn đau thể xác không sao tránh được.

- Không, đau dạ dày đấy!… Mình đau dạ dày đấy mà, nói thế đi Maria, nói thế đi! - Và công tước phu nhân khóc oà như đứa trẻ bị đau, vẻ nũng nịu, thậm chí hơi vờ vĩnh, hai bàn tay xinh xinh vặn vào nhau. Công tước tiểu thư Maria chạy ra khỏi phòng đi tìm bà Maria Bogdanovna. Phía sau lưng nàng vẫn nghe tiếng rên rỉ của Liza:

- Ôi Trời ơi, Trời ơi!

Hai bàn tay nhỏ bé trắng trẻo, xoa xoa vào nhau, bà đỡ ra đón nàng, vẻ bình tĩnh và quan trọng.

- Bà Maria Bogdanovna! Hình như đã bắt đầu rồi đấy - Công tước tiểu thư Maria nhìn bà đỡ nói, hai mắt giương to vì sợ hãi.

- Thôi cũng tạ ơn Chúa, công tước tiểu thư ạ - bà Maria Bogdanovna nói, chân vẫn không bước vội hơn. - Các tiểu thư không nên biết những chuyện này.

- Nhưng tại sao bác sĩ ở Moskva vẫn chưa đến? - Công tước tiểu thư nói. (Theo yêu cầu của Liza và công tước Andrey, người ta đã mời một bác sĩ sản khoa ở Moskva và cả nhà đang chờ đợi ông ta từng phút một).

- Không sao đâu, công tước tiểu thư ạ, tiểu thư chớ lo - Bà Maria Bogdanovna nói - Dù không có bác sĩ thì rồi đâu cũng vào đấy cả.

Năm phút sau, công tước tiểu thư ngồi trong phòng riêng nghe có tiếng người khiêng một cái vật gì rất nặng. Nàng nhìn ra: những người hầu đang bưng vào phòng ngủ một chiếc đi-văng đệm da vẫn để ở trong phòng làm việc của công tước Andrey - chẳng hiểu để làm gì. Gương mặt những người hầu có vẻ long trọng và trầm lặng.
   
Công tước tiểu thư Maria ngồi một mình trong phòng riêng, lắng nghe những tiếng động trong nhà, thỉnh thoảng lại mở cửa ra khi có tiếng người và nhìn xem những việc đang diễn ra trong hành lang. Có mấy người đàn bà đi qua rồi trở về, bước rón rén lặng lẽ, liếc mắt nhìn nàng và ngoảnh mặt đi ngay. Nàng không dám hỏi họ; nàng đóng cửa lại, quay vào phòng rồi khi ngồi vào ghế dựa, khi cầm lấy quyển kinh, khi lại đến quỳ trước tượng thánh. Nàng ngạc nhiên và đau đớn nhận thấy rằng cầu nguyện không đẹp yên được nỗi bồn chồn trong lòng nàng. Chợt cánh cửa phòng nhè nhẹ mở, và trên ngưỡng cửa hiện ra một bà già đầu trùm khăn. Đó là bà Praxkovya Xavisna, u già của nàng, lâu nay hầu như chưa lần nào vào phòng nàng, vì có lệnh cấm của công tước.

- U đến đây để ngồi với tiểu thư một lát cho có bạn đây, Masenka ạ - Bà già nói - Và vị thiên thần của u, u mang đến mấy cây bạch lạp thắp trong lễ cưới của công tước ngày xưa để thắp trước tượng thánh - bà ta thở dài nói thêm.

- Ồ ! U đến đây con mừng lắm.

- Thượng đế rất từ bi, con yêu dấu của u ạ - Người u già đứng trước bàn thờ, thắp những cây bạch lạp cẩn vàng và ngồi xuống cạnh cửa với cuộn len đan. Công tước tiểu thư Maria lấy một quyển sách ra xem. Chỉ khi nào nghe tiếng chân đi hay tiếng nói, hai người mới nhìn nhau, nàng thì có vẻ sợ hãi, dò hỏi, còn u già thì có vẻ muốn cho nàng trấn tĩnh lại. Cái cảm giác của công tước tiểu thư trong khi ngồi ở phòng mình đã lan ra khắp nhà và đã chi phối hết thảy mọi người. Theo sự mê tín trong dân gian, càng ít người biết đến cơn đau đẻ thì người đẻ càng ít đau, cho nên mọi người đều cố gắng giả vờ như không biết, không ai đả động đến việc ấy cả, nhưng cái vẻ trang trọng và cung kính thường ngày ngự trị trong nhà công tước, vẫn có thể thấy ai nấy đều có ý thức rằng một cái gì cao cả, thần bí đang diễn ra trong giờ phút này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:29:20 pm
Trong gian phòng lớn dành cho các đầy tớ gái, không có lấy một tiếng cười. Trong phòng gia nhân, mọi người đều im lặng, sẵn sàng làm mọi việc. Trong các gian nhà dưới, người ta đốt đuốc nhựa, tháp nến và không một ai đi ngủ. Lão công tước thì nện gót chân đi đi lại lại trong thư phòng và sai Tikhôn đến gặp bà
Maria Bogdanovna hỏi dò tin tức.

- Mày chỉ nói: Công tước sai tôi đến hỏi bây giờ ra sao, thế rồi trở về nói cho ta biết bà ta bảo thế nào.

- Bác thưa lại với công tước rằng phu nhân đã bắt đầu lâm sản - bà Maria Bogdanovna vừa nói vừa nhìn sai nhân một cách đầy ý nghĩa, Tikhôn trở về báo tin cho công tước.

- Được - Công tước vừa nói vừa đóng cửa lại.
   
Và Tikhôn không còn nghe tiếng gì trong thư phòng nữa. Một lát sau, Tikhôn trở về, lấy cớ là để gạt tàn nến. Thấy công tước nằm thượt trên đi-văng, lão nhìn vẻ mặt phờ phạc của ông cụ, lắc đầu, lặng lẽ đến gần, hôn vào vai ông cụ rồi lại trở ra, không gạt tàn nến, cũng không nói mình vào làm gì. Điều huyền bí trang nghiêm nhất thế gian vẫn tiếp diễn. Buổi chiều đã qua, đêm đến. Cái tâm trạng chờ đợi và mủi lòng trước một cái gì thần bí không những không giảm mà còn mỗi lúc một tăng. Trong nhà không một ai chớp mắt.
   
Đêm ấy là một đêm tháng ba, đúng vào cái tiết mà mùa đông như muốn khẳng định lại uy quyền của nó một lần nữa và đùng đùng nổi giận, tung ra những luồng bão táp và những trận mưa tuyết cuối cùng. Công tước đã phái người đem mấy con ngựa lên đường cái để đón tiếp ông bác sĩ người Đức và đã cắt đặt những người cưỡi ngựa cầm đèn lồng ở chỗ vào đường làng để dẫn ông ta qua các ổ gà và các vũng nước ngầm lấp dưới mặt tuyết. Người ta đang chờ đợi bác sĩ từng giây từng phút.
   
Công tước tiểu thư Maria đã bỏ sách xuống từ lâu; Nàng ngồi im lặng, cặp mắt trong sáng nhìn vào khuôn mặt nhăn nheo của người u già mà nàng quen thuộc từng chi tiết, nhìn vào món tóc bạc đâm ra ngoài khăn, nhìn vào cái lớp da bèo nhèo dưới cổ bà ta.
   
U già Xavisna, tay cầm chiếc tất đan, đang thì thầm kể lại (mà cũng không nghe và không hiểu mình nói gì) một câu chuyện mà u đã kể hàng trăm lần, là chuyện công tước tiểu thư Maria ra đời như thế nào; mồ ma công công tước phu nhân đã sinh nàng ở Kysinev, bà đỡ là một bà nông dân Moldavi.

- Chúa rất từ bi, không việc gì phải mời bác sĩ - Bà ta nói. Đột nhiên một trận gió đánh vào một cái cửa sổ đã cất khung ngoài (theo công tước, hễ cứ đến kỳ chim sơn ca trở lại thì mỗi phòng lại cất bớt khung ngoài trên cửa sổ)(2) làm bật cái chốt cài không khí, xô những bức màn lụa, lùa khí lạnh và tuyết vào trong phòng và thổi ngọn nến tắt phụt. Công tước tiểu thư Maria giật mình; U già đặt chiếc tất xuống, đến trước cửa sổ và chồm ra bên ngoài, gắng giữ lại khung kính bị mở tung. Gió lạnh thổi bay lất phất những đầu múi khăn của bà và những món tóc bạc đâm ra ngoài khăn.

- Công tước tiểu thư, con ơi, có ai đang đi trên con đường chính ở cổng trước kia kìa! - U già nói, tay vẫn nắm cái khung cửa không sao đóng lại được. - Có đèn lồng, chắc là ông bác sĩ rồi.

- Lạy Chúa, xin đội ơn Chúa! - Công tước tiểu thư Maria nói. - Phải ra đón ông ta mới được, ông ta không biết tiếng Nga.
   
Công tước tiểu thư Maria vắt chiếc khăn choàng lên vai rồi chạy mau ra đón những người mới đến. Khi chạy qua phòng ngoài, nàng nhìn qua cửa sổ thấy trước thềm có một cỗ xe đỗ và ánh sáng lập loè của những chiếc đèn lồng. Nàng chạy xuống cầu thang. Trên cái cột lan can có đặt một cây nến đang chảy giọt vì gió. Filip, một người hầu, bộ mặt hoảng hốt, tay cầm một ngọn nến khác đang đứng ở dưới, nơi chiếu nghỉ (3) thứ nhất. Dưới nữa, ở chỗ cầu thang bắt vòng nghe có tiếng ủng lót da lông đang bước lại gần. Và một cái giọng nói mà công tước tiểu thư  Maria nghe rất quen thuộc, đang nói một câu gì.

- Đội ơn Chúa! - Giọng nói ấy - Thế còn cha tôi?

- Công tước đã đi nghỉ - Giọng người đầu bếp  Demyan ở dưới chân cầu thang đáp lại.
   
Rồi giọng nói lúc nãy lại nói một câu gì nữa. Đêmyan lại đáp rồi vẫn những bước đi êm nhẹ kia tiến gần lại rất mau và bước lên chỗ bắt vòng của cầu thang mà tiểu thư Maria không trông thấy: "Chính Andrey rồi! Công tước tiểu thư Maria nghĩ. - Không, có lẽ nào, nếu thế thì kỳ lạ quá!" và trong khi nàng đang nghĩ như vậy, thì khuôn mặt, rồi đến cả hình dáng của công tước Andrey cổ áo lông lốm đốm tuyết, xuất hiện trên cái trạm bằng có người hầu cầm ngọn nến đứng soi. Phải, chính chàng, nhưng người xanh và gầy, vẻ mặt đổi khác, hiền hoà hơn trước một cách lạ lùng, mặc dầu có vẻ lo lắng. Chàng bước lên bậc thang và đang tay ra ôm lấy em.
   
- Số phận thật kỳ lạ! Masa em? - Chàng nói, và sau khi đã cởi áo lông và ủng, chàng bước vào phòng công tước phu nhân.
 
=====================================================

Chú thích:

(1) fruschlique - có lẽ là Frunhstuck (bữa ăn sáng - tiếng Đức).

(2) Ở Nga cửa cổ thường có hai khung để chống rét, mùa ấm thì cất bớt đi một khung.

(3) Khoảng bằng phẳng ở chỗ ngoặt giữa chừng thang gác.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:30:28 pm
Phần IV
Chương - 9

Công tước phu nhân nhỏ nhắn nằm dựa trên đống gối, đầu chụp một cái mũ vải trắng (nàng vừa trải qua một cơn đau). Mấy món tóc đen uốn cong trên hai má nóng bừng và ướt đẫm mồ hôi của nàng.
   
Đôi môi tươi thắm xinh đẹp, ở phía trên thoáng bóng lông tơ, đang hé mở: nàng mỉm cười vui vẻ. Công tước Andrey bước vào và dừng lại trước mặt nàng, dưới chân chiếc đi-văng mà nàng đang nằm. Đôi mắt sáng long lanh với cái nhìn xúc động và sợ hãi của trẻ con, nhìn chàng, không đổi thần sắc. Cái nhìn của nàng như muốn nói: "Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả, vậy thì tại sao tôi lại phải chịu đau đớn thế này? Hãy cứu giúp tôi với". Nàng trông thấy chồng, nhưng không hiểu ý nghĩa sự có mặt của chàng trong lúc này. Andrey đi vòng qua đi-văng và đặt một chiếc hôn lên trán nàng.

- Em yêu dấu - chàng dùng một chữ mà trước đó chàng chưa từng dùng bao giờ. - Chúa rất từ bi…

Nàng nhìn chàng có ý gạn hỏi đôi mắt đầy vẻ trách móc nũng nịu, trẻ con của nàng như muốn nói: "Em tưởng anh đến cứu em, thế mà chả thấy gì, chả thấy gì cả. anh cũng chỉ như người khác mà thôi!".
   
Chàng về không làm cho nàng ngạc nhiên; nàng không hiểu rằng chàng đã về. Sự có mặt của chàng không thể có quan hệ gì với cơn đau của nàng và không thể làm cho nàng bớt đau.  Cơn đau lại nổi lên và Maria, bà Bogdanovna khuyên công tước Andrey hãy tạm ra ngoài.
Bác sĩ bước vào phòng. Công tước Andrey ra và bắt gặp lại công tước tiểu thư Maria, chàng lại đến gần nàng. Hai người nói chuyện thì thầm với nhau nhưng mỗi lúc câu chuyện lại bị bỏ lửng, vì họ đang mải chờ đợi và lắng tai nghe ngóng.

- Anh vào đi, anh ạ! - Công tước tiểu thư Maria nói. Công tước Andrey lại trở về căn phòng của vợ và ngồi đợi ở phòng bên. Một người đàn bà từ trong phòng nàng đi ra, vẻ sợ hãi, và khi nhìn thấy công tước Andrey thì lộ vẻ luống cuống. Chàng đưa hai tay bưng mặt và cứ ngồi như thế một lát. Những tiếng rên thảm thiết, những tiếng rên của một con vật bất lực từ sau cánh cửa vẳng ra. Nhưng đã có ai đứng chặn lấp cánh cửa ở phía trong.

- Không được, không được! - Một giọng hoảng hốt từ sau cánh cửa đưa ra. Chàng bắt đầu đi đi lại lại trong gian phòng. Tiếng rên im bặt, mấy giây nữa trôi qua. Đột nhiên, một tiếng hét khủng khiếp - không phải tiếng kêu của nàng, nàng không thể kêu lên như vậy được - vang lên trong phòng bên. Chàng đến cửa; tiếng hét im bặt, và nghe có tiếng trẻ con khóc.

- Ai đem trẻ con đến đây làm gì nhỉ? - Thoạt tiên công tước Andrey tự hỏi - Một đứa trẻ à? Đứa trẻ nào thế? Tại sao lại có một đứa trẻ ở trong ấy? Hay là một đứa trẻ vừa mới sinh?
   
Khi chàng đột nhiên hiểu được ý nghĩa vui mừng của tiếng kêu ấy, nước mắt bỗng trào ra khiến chàng nghẹn ngào: chống hai khuỷu tay trên thành cửa sổ, chàng khóc thút thít như trẻ con. Cửa mở và người thầy thuốc không mặc áo đuôi tôm, hai ống sơ mi xắn lên, mặt tái xanh và hàm dưới run rẩy, bước ra khỏi phòng. Công tước Andrey muốn hỏi, nhưng ông ta ngơ ngác đưa mắt nhìn chàng và đi vượt qua không nói một tiếng. Một người đàn bà khác chạy ra, nhưng trông thấy công tước Andrey thì ngập ngừng trên ngưỡng cửa. Chàng bước vào phòng vợ. Công tước phu nhân Liza đã chết. Nàng vẫn nằm trong cái tư thế mà chàng vừa thấy năm phút trước đây, và tuy hai con mắt đã đứng tròng và hai má đã tái nhợt, nàng vẫn giữ cái thần sắc lúc nãy, trên gương mặt trẻ con kiều diễm, với cái môi thoáng bóng lông măng đen, gương mặt đáng yêu tuyệt vời, gương mặt tội nghiệp, gương mặt đã chết như muốn nói: "Tôi yêu thương tất cả các người, tôi không ác với ai cả; sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?" Trong một góc phòng, có cái gì nhỏ xíu, đỏ hỏn đang kêu lí nhí trong hai bàn tay trăng trẻo run lẩy bẩy của bà Maria Bogdanovna.
   
Hai giờ sau, công tước Andrey lặng lẽ vào phòng làm việc của cha. Ông cụ đã biết hết. Ông đang đứng ngay cạnh cửa, và khi cánh cửa mở ra, ông ôm chầm lấy cổ con trong hai cánh tay khô cứng, cằn cỗi, như trong đôi gọng kìm, và khóc oà lên như một đứa trẻ.
   
Ba ngày sau được, lễ an táng công tước phu nhân Liza được cử hành. Để từ biệt nàng, công tước Andrey lần từng bực bước lên nhà quàn. Trong quan tài cũng vậy, mặt nàng cũng vẫn như trước, tuy hai mắt đã nhắm nghiền. Gương mặt ấy vẫn như muốn nói: "Trời ơi sau các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?" và công tước Andrey cảm thấy có một cái gì bị xé rách trong lòng mình, chàng cảm thấy mình có lỗi, một lỗi mà chàng không thể nào chuộc lại được, và cũng không thể nào quên được. Chàng không khóc được.
   
Đến lượt ông cụ cũng hôn bàn tay trắng như sáp điềm tĩnh đặt trên bàn tay kia, và gương mặt ấy cũng lại nói với ông: "Ôi, sao các người nỡ đưa tôi đến nông nỗi này?". Và trông thấy vẻ mặt ấy, ông già ngoảnh đi nơi khác.
   
Sau đó năm ngày nữa, họ làm lễ rửa tội cho tiểu công tước Nikolai Andreyevich. Người vú em áp sát ngực giữ lấy tã lót trong khi giáo sĩ cầm lông ngỗng phết đầu vào lòng bàn tay và lòng bàn chân đỏ hỏn và nhăn nheo của đứa bé.

Ông nội nó làm cha đỡ đầu cho nó; ông cụ ẵm nó đi chung quanh chậu nước rửa tội bằng thiếc và có nhiều chỗ móp, tay run run vì sợ đánh rơi đứa bé, rồi trao nó cho mẹ đỡ đầu của nó, công tước tiểu thư Maria.
   
Công tước Andrey lòng thấp thỏm chỉ sợ người ta làm đứa bé chết đuối, đang ngồi trong phòng bên cạnh để chờ cho xong buổi lễ. Khi người vú ẵm đứa bé đến, chàng vui sướng nhìn con và gật đầu tán thành khi chị ta kể lại rằng trong chậu nước rửa tội, viên sáp quấn tóc của nó không chìm xuống mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt chậu(1).

==================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, lúc rửa tội người ta quấn một sợi tóc của đứa bé vào một viên sáp đem thả vào chậu, nếu sáp và tóc nổi lên mặt nước là điềm tốt.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:33:57 pm
Phần IV
Chương - 10
     
Việc Roxtov tham dự vào cuộc đấu súng của Dolokhov và Bezukhov đã được dìm đi, nhờ công chạy chọt của lão bá tước, và Roxtov đã không bị cách chức như chàng vẫn chờ đợi, mà lại được bổ làm sĩ quan phụ tá của viên tướng tổng đốc Moskva. Do đó: chàng không thể đi theo gia đình về nông thôn mà phải ở lại cả mùa hè ở Moskva để làm chức vụ mới của mình. Dolokhov đã bình phục, và Roxtov càng thêm khăng khít với hắn trong thời gian bình phục này. Khi vết thương còn nguy kịch, Dolokhov nằm ở nhà mẹ hắn, người mẹ yêu quý hắn yêu thiết tha. Bà Maria Ivanovna có lòng trìu mến Roxtov vì tình thân của chàng đối với Fedya(1) của bà và thường đem chuyện con ra nói với chàng.

- Phải, bá tước ạ, con tôi nó cao thượng quá, trong sạch quá, so với cái thời buổi thối nát này. Chả ai ưa người có đức. Đức hạnh làm cho người ta khó chịu. Đấy, bá tước xem, hành động của Bezukhov có phải lẽ không: có lương thiện không. Fedya cũng vì sẵn tấm lòng cao thượng nên quý anh ta, đến bây giờ nó cũng không hề nói xấu anh ta, ở Petersburg cái chuyện đùa nghịch viên quận trưởng cảnh sát (tôi chả biết rõ như thế nào), có phải cả hai người cùng dính vào nhau không nào? Thế nhưng Bezukhov thì chả việc gì, mà Fedya thì phải gánh lấy hết. Biết bao là khổ nhục! Bây giờ họ đã phục chức cho nó, vẫn biết thế, vì không phục chức sao được?   Những người dũng cảm, những người con của Tổ quốc như nó, tôi tưởng là phải nhiều. Thế rồi bây giờ lại đến cái việc đấu súng ấy. Bọn họ có biết tình nghĩa là gì, danh dự là gì không? Biết nó là con một, mà vẫn thách nó ra đấu súng rồi bắn thẳng tay vào nó! May sao Chúa rủ lòng thương chúng tôi. Mà nó có tội tình gì? Đời bây giờ, ai là người không dan díu? Hắn ghen, phải không? Tôi hiểu lắm, đáng lẽ hắn phải ngỏ ý từ trước, vì câu chuyện đã kéo dài một năm chứ có phải ít đâu. Thế mà hắn ta lại thách Fedya đấu súng, chắc cũng tưởng đâu nó sẽ không đấu, vì Fedya có mượn tiền của hắn ta. Hèn hạ quá! Ghê tởm quá! Tôi biết lắm, ông đã hiểu lòng của Fedya, bá tước thân yêu ạ, vì vậy tôi hết lòng quý một tâm hồn cao cả, một tâm hồn của thượng giới.
   
Chính Dolokhov, trong lúc dưỡng bệnh, cũng thường nói với Roxtov những lời mà người ta không ngờ hắn có thể nói được.

- Người ta cho tôi là một kẻ độc ác, tôi vẫn biết - Dolokhov nói. - Được, họ cứ nói. Tôi chỉ đếm xỉa đến những người mà tôi yêu quý nhưng tôi đã yêu quý người nào thì tôi yêu đến mức có thể dâng cả đời tôi cho họ; còn những kẻ khác thì tôi sẽ nghiến nát hết nếu họ cản đường tôi. Tôi có một bà mẹ mà tôi sùng bái, một bà mẹ vô giá, hai hay ba người bạn thân, trong đó có cậu, còn như những kẻ khác, tôi chỉ nghĩ đến họ trong chừng mực họ có ích hay có hại. Và hầu hết là có hại, nhất là bọn đàn bà.

- Phải, bạn à, - Hắn nói tiếp - Tôi đã từng gặp những người đàn ông có tâm huyết, có những tình cảm quý báu, cao cả; nhưng những người đàn bà mà không phải là đồ dĩ thoã - dù là những bá tước phu nhân hay là những con ở nấu bếp cũng thế thôi - thì tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi chưa hề được thấy cái lòng trinh bạch thần thánh và cái lòng tận tuỵ hy sinh mà tôi vẫn tìm ở người phụ nữ. Nếu quả tôi tìm được một người đàn bà như thế, thì tôi sẽ dâng cả dời tôi cho người ấy. Còn những bọn kia! - Hắn khoát tay khinh miệt - Và tôi nói thế này không biết cậu có tin không: sở dĩ tôi còn muốn sống ở đời chỉ vì là tôi chưa mất hết hy vọng được gặp một người thiên giới có thể đưa lại cho tôi sống lại về tinh thần, có thể làm cho tôi trong sạch và cao cả lên. Nhưng cậu không hiểu đâu!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:34:44 pm
- Có chứ, tôi hiểu lắm. - Roxtov đáp, lúc này đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người bạn mới.
   
Đến mùa thu, gia đình Roxtov lại trở về Moskva. Đầu mùa đông, Denixov cũng về đấy và đến nhà Roxtov. Mùa đông năm 1806 mùa đông đầu tiên mà Nikolai Roxtov sống ở Moskva, là một trong những thời kỳ hạnh phúc nhất và vui vẻ nhất đối với chàng và gia đình chàng. Nikolai đã thu hút được số đông thanh niên đến chơi nhà cha mẹ chàng. Vera bây giờ đã là một giai nhân hai mươi tuổi; Sonya là một cô gái mười sáu tuổi với tất cả vẻ yêu kiều của một đoá hoa chớm nở; Natasa thì nửa là thiếu nữ nửa là trẻ con, khi thì ngộ nghĩnh như một em bé, khi thì lại có sức làm đắm đuối lòng người của một nàng trinh nữ.

Hồi ấy nhà Roxtov đượm nhuần cái không khí yêu đương đặc biệt của những gia đình có những cô con gái rất trẻ và rất xinh. Khi thấy những khuôn mặt cởi mở và tươi cười (chắc hẳn là cười với hạnh phúc của mình, những chuyến ra vào qua lại rộn rịp, khi nghe tiếng cười nói thỏ thẻ, tuy chẳng có mạch lạc gì nhưng là hậu tình đối với mọi người và tràn đầy hy vọng, khi nghe những âm hưởng rời rạc, khi thì tiếng nhạc, khi thì tiếng can những người trẻ tuổi đến chơi nhà cũng nhiễm cái tâm trạng đón chờ tình yêu và hạnh phúc mà bọn thiếu niên nam nữ trong gia đình Roxtov đều đang cảm thấy.
   
Trong số các bạn trẻ mà Nikôlai đưa về nhà thì Dolokhov là một trong những người thân nhất, hắn dược lòng mọi người: trừ Natasa. Nàng đã suýt bất hoà với anh nàng vì Dolokhov. Nàng quá quyết rằng hắn là một người xấu, và trong một cuộc đấu súng với Bezukhov, Piotr là phải mà Dolokhov đã quấy, rằng Dolokhov khó chịu và không tự nhiên.

- Em chả cần biết cái gì hết! - Nàng nói to, giọng bướng bỉnh. Hắn là người ác, hắn không có tình. Này nhé cái anh Denixov ấy mà, em thích anh ấy lắm, anh ấy cũng chơi bời đủ cả, nhưng em cũng cứ thích anh ấy thế nghĩa là em cũng hiểu chứ có phải không đâu. Em không biết nói thế nào cho anh rõ bây giờ, còn cái anh Dolokhov thì cái gì cũng tính toán trước, mà đó là một điều em không thích. Denixov thì…

- À Denixov thì khác - Nikolai đáp, chàng muốn ngụ ý rằng so với Dolokhov thì Denixov chả thấm vào đâu - phải biết cái anh Dolokhov ấy, tâm tình anh ấy ra sao, phải biết anh ta ăn ở với em như thế nào, một tấm lòng vàng!

- Cái đó em không biết, nhưng tiếp xúc với anh ta em thấy khó chịu lắm. Thế anh có biết anh ta phải lòng Sonya rồi không?

- Chỉ nói bậy…

- Em biết chắc như thế, rồi anh xem.
   
Natasa nói đúng. Dolokhov vốn là người không thích giao du với phụ nữ, thì nay đã trở thành một người khách thường ngày của gia đình và chẳng bao lâu, mọi người đều biết chắc rằng chàng đến đây vì Sonya (tuy không nói ra), Sonya không dám nói nhưng cũng biết thế và mỗi khi thấy Dolokhov đến mặt nàng cứ đỏ lên như hoa mẫu đơn.
   
Dolokhov thường hay ăn bữa chiều ở nhà Roxtov, không vắng mặt ở một buổi diễn kịch nào có gia đình này dự, và cũng thường đến hội khiêu vũ nữ thiếu niên ở nhà Yôghel vì gia đình Roxtov cũng đến đây rất nhiều. Hắn tỏ ra đặc biệt ân cần đối với Sonya, và nhìn nàng một cách khác thường đến nỗi mỗi khi bắt gặp đôi mắt hắn, nàng không tài nào giữ được sắc mặt bình thường, không những thế, ngay cả bá tước phu nhân và Natasa trông thấy cũng phải đỏ mặt.
   
Mọi người đều thấy rằng con người cường tráng và lạ lùng ấy đang mê mẩn vì cô thiếu nữ tóc đen duyên đáng yêu kiều bấy giờ đang yêu một người khác.
   
Roxtov nhận thấy có cái gì khác trước giữa Dolokhov và Sonya, nhưng chàng không tìm cách xác minh xem mối quan hệ mới ấy là thế nào. "Các cô ấy khi nào cũng phải yêu một người nào đấy" - chàng tự nhủ khi nghĩ đến Sonya và Natasa. Nhưng chàng thấy có cảm giác gì lúng túng khó chịu khi ở trước mặt Sonya và  Dolokhov cho nên chàng ít ở nhà hơn trước.

Từ mùa thu năm 1806, người ta lại nói đến chiến tranh chống Napoléon một cách hăng hái hơn năm trước. Có sắc lệnh ban xuống là cứ một nghìn dân thì tuyển mộ mười người vào quân đội, ngoài ra, cứ một nghìn dân lại tuyển mộ chín người dân binh. Ở đâu đâu người ta cũng nguyền rủa Buônapáctê, ở Moskva không ai nói gì ngoài chuyện chiến tranh ấy, bao nhiêu sự quan tâm của gia đình Roxtov đều tập trung vào một việc ấy là Nikolai nhất định không chịu ở lại Moskva và chàng chỉ còn chờ Denixov hết hạn nghỉ để cùng anh lên đường trở lại binh đoàn, sau những ngày thánh tiết.
   
Ngày ra đi gần gũi ấy không những không ngăn cấm chàng vui chơi, mà lại còn khuyến khích chàng là khác. Phần lớn thời gian chàng sống ở ngoài gia đình, vào những cuộc yến tiệc, dạ hội và khiêu vũ.

===========================================

Chú thích:

(1) Cách gọi âu yếm Fiodor Dolokhov


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 30 Tháng Mười Hai, 2010, 08:36:00 pm
Phần IV
Chương - 11

Ngày thứ ba trong tết Noël, Nikolai ăn bữa chiều ở nhà, một việc rất ít có trong thơi gian gần đây. Bữa ăn chiều hôm ấy là một tiệc tiến hành chính thức, vì Denixov và chàng đều trở lại binh đoàn sau ngày Chúa hiển(1). Khách dự tiệc có vài chục người, trong đó có Dolokhov và Denixov.
   
Chưa bao giờ cái không khí ái ân tình tứ trong gia đình Roxtov lại nồng đượm như trong những ngày lễ này. Cái không khí như khuyên nhủ mọi người hãy bắt lấy những giây lát hạnh phúc đang trôi qua, hãy làm sao cho người khác yêu mình, mà lòng mình cũng phải yêu đi? Đó là điều duy nhất có giá trị trên thế gian: ngoài ra không có gì đáng kể. Và đó là điều duy nhất mà tất cả chúng ta đều quan tâm.
   
Nikolai cũng như thường lệ, đã làm cho hai đôi ngựa mệt lả mà không đi được hết những chỗ cần thiết, cũng không đến dự được hết những chỗ mời mình, chàng về vừa đúng lúc cả nhà sắp ngồi vào bữa ăn chiều. Thoạt mới bước vào chàng đã cảm thấy cái không khí yêu đương trở nên căng thẳng, nhưng thêm vào đó chàng còn nhận thấy một thái độ ngượng nghịu lạ lùng giữa một vài người cùng ngồi trước bàn ăn. Những người bị xúc động nhất là Sonya, Dolokhov, lão bá tước phu nhân và một phần nào cả Natasa nữa. Nikolai hiểu rằng trước bữa ăn đã có một việc gì xảy ra giữa Sonya và Dolokhov, và với cái tâm tình tế nhị và nhạy cảm sẵn có, trong bữa ăn, chàng đã tỏ ra đặc biệt âu yếm và nương nhẹ đối với cả hai người.
   
Cũng trong buổi tối ngày tết thứ ba ấy, Yoghel (ông thầy dạy khiêu vũ) có tổ chức một buổi vũ hội để mời tất cả những người học trò của mình.

Natasa nói với Nikolai:

- Nikôlenka, anh sẽ đến nhà Yoghel đấy chứ. Anh đến nhé! Em van anh. Ông ta đặc biệt khẩn khoán mời anh đến mãi đấy, mà Vaxili Dmitrich (tức là Denixov) cũng đã hứa đến đấy.

- Bá tước tiểu thư đã truyền lệnh thì chỗ nào mà tôi chẳng đến - Denixov nói đùa, tự đặt mình vào cương vị một kỵ sĩ phụng sự(2) Natasa, - Tôi xin sẵn sàng nhảy bước khăn san.

- Anh sẽ đi nếu có thì giờ. Anh đã hứa đến gia đình Ackharov, ở đấy có dạ hội. - Nikolai nói. - Còn cậu? - Chàng hỏi Dolokhov. - Nhưng hỏi xong chàng mới chợt thấy rằng đáng lẽ mình không nên hỏi như thế.

- Có lẽ sẽ đi cũng nên. - Dolokhov vừa đáp một cách lạnh nhạt và có vẻ phật ý, vừa đưa đưa mắt về phía Sonya, rồi cau mày nhìn Nikolai đúng như cách hắn đã nhìn vào mắt Piotr trong bữa tiệc ở câu lạc bộ.
   
"Có chuyện gì đây" - Nikolai thầm nghĩ, và khi thấy Dolokhov bỏ ra về ngay sau bữa cơm, chàng lại càng thấy điều phỏng đoán của mình là đúng. Chàng gọi Natasa lại hỏi xem có việc gì xảy ra.
   
"Chính em đang đi tìm anh, - Natasa vừa nói vừa chạy vào - thì em đã nói với anh mà không chịu tin, - nàng nói, vẻ đắc thắng - Hắn ta đã ngỏ lời cầu hôn Sonya.
   
Tuy Nikolai không quan tâm đến Sonya cho lắm, nhưng chàng vẫn cảm thấy như một cái gì bị xé rách trong lòng khi nghe tin ấy. Dolokhov là một đám rất khả quan và về một mặt nào đó còn có thể xem là xuất sắc nữa là khác, đối với một cô gái mồ côi và không có của hồi môn như Sonya. Theo quan điểm của lão bá tước phu nhân và của giới xã giao thì không có lý do gì mà cự tuyệt anh ta. Cho nên cái cảm giác đầu tiên trong lòng Nikolai là thấy hờn giận Sonya. Chàng sắp sửa nói: "Được lắm, dĩ nhiên cô ấy phải quên những lời hẹn ước thuở nhỏ và phải nhận lời", nhưng chàng chưa kịp nói, thì Natasa nói tiếp:

- Anh có tưởng tượng được không, chị ấy đã cự tuyệt: thẳng tay cự tuyệt! Chị ấy nói là đã yêu một người khác - Nàng nói thêm sau một giây im lặng.
   
"Mà Sonya của ta cũng không thể nào hành động khác được!" - Nikolai nghĩ

- Mẹ đã hết lời van xin chị ấy, mà chị ấy vẫn cự tuyệt, và em biết chị ấy mà đã nói gì thì không bao giờ thay đổi ý kiến đâu.

- Mẹ đã van xin à! - Nikolai nói, giọng trách móc.

- Phải, - Natasa nói - Này, anh Nikolai, em nói thế này anh đừng giận nhé, em biết là anh sẽ không lấy chị ấy đâu. Em biết. Còn tại sao em biết thì có mà trời biết, nhưng em biết chắc anh sẽ không lấy chị ấy đâu.

- Cái đó thì em không biết được đâu, - Nikolai nói - Nhưng anh phải nói chuyện với Sonya mới được. Cái cô Sonya ấy thật đáng yêu quá! - Chàng mỉm cười nói thêm.

- Đáng yêu! Còn phải nói! Để em gọi đến cho anh nhé - Natasa ôm hôn Nikolai rồi chạy đi.

Một lát sau, Sonya đi vào, vẻ bối rối, sợ hãi vì ngượng ngùng như người có lỗi. Nikolai đến hôn tay nàng. Đây là lần đầu tiên từ khi chàng về mà họ nói chuyện riêng với nhau về mối tình giữa hai người.

- Sophi, - chàng nói, trước còn rụt rè, nhưng rồi dần dần mạnh dạn hơn lên - không những cô định cự tuyệt một đám xuất sắc xứng đáng, mà đó lại là một người ưu tú, cao thượng… đó là bạn tôi…
Sonya ngắt lời chàng, nói vội:

- Em đã cự tuyệt rồi.

- Nếu cô cự tuyệt vì tôi, thì e rằng…
   
Sonya lại ngắt lời chàng một lần nữa. Nàng ngước mắt nhìn chàng, vẻ van lơn và sợ hãi.

- Nikolai, anh đừng nói thế.

- Không, tôi phải nói. Có lẽ về phần tôi thì nói như thế này là hợm mình, nhưng cứ nên nói thì hơn. Nếu cô cự tuyệt vì tôi, thì tôi có bổn phận phải nói hết chân tình để cô rõ. Tôi cho rằng tôi yêu cô hơn bất cứ người nào ở trên đời…

- Thế là đủ rồi - Sonya nói, mặt đỏ bừng.

- Nhưng tôi yêu đã hàng nghìn lần rồi, mà tôi sẽ còn yêu nữa, mặc dầu chưa có ai làm cho lòng tôi có được một mối tình đằm thắm, một tấm lòng tin cậy, một niềm trìu mến thiết tha như cô. Vả lại tôi còn ít tuổi. Mẹ không thuận lòng. Tóm lại, tôi không dám hứa gì. Và tôi xin cô nghĩ lại lời thỉnh cầu của Dolokhov.

- Chàng nói đến tên bạn một cách khó khăn.

- Anh đừng nói thế. Em không mong muốn gì hết. Em yêu anh như một người anh, và em sẽ yêu anh mãi mãi, ngoài ra em không cần gì nữa.

- Cô là một vị thiên thần, tôi không xứng đáng với cô, tôi chỉ sợ một điều, là phụ lòng cô.
Nói đoạn Nikolai hôn tay nàng một lần nữa.

==============================================

Chú thích:

(1) Lễ kỷ niệm ngày Chúa Cơ đốc được thánh Joan rửa tội bằng nước sông Jordan.

(2) Thời Trung cổ, các kỵ vĩ đều chọn một người thiếu nữ (hay thiếu phụ) quý tộc làm công nương, và tự xem mình là kẻ phụng sự vị công nương đó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 07:48:40 pm
Phần IV
Chương - 12
     
Những buổi dạ hội khiêu vũ ở nhà Yoghel là những buổi dạ hội vui nhất ở Moskva. Các bà mẹ thường nói thế khi nhìn những cô thiếu nữ mới lởn của họ tập thử những bước nhảy mới học được; chính các cô thiếu nữ và các cậu thiếu niên mới lớn cũng nói thế, họ nhảy cho kỳ mệt lả; những cô con gái lớn tuổi, những chàng thanh niên cũng nói thế: họ đến dự những cuộc khiêu vũ ấy để tỏ lòng chiếu cố, thế nhưng ở đó họ lại vui thích hơn ở đâu hết. Chính năm ấy, hai đám cưới đã được tổ chức nhờ những buổi vũ hội ở nhà này.
     
Hai công tước tiểu thư Gortsakova xinh đẹp đã tìm được lứa đôi ở đó, và điều này lại càng làm tôn thanh danh của những cuộc khiêu vũ ấy lên. Trong những cuộc khiêu vũ ấy có một điểm đặc biệt, là ở đó không có ông chủ hay bà chủ nhà: chỉ có Yoghel, con người chất phác hồn hậu; Yoghel bay múa nhẹ nhàng như một chiếc lông chim, cúi đầu nghiêng mình thi lễ theo đúng mọi phép tắc của nghệ thuật khiêu vũ và tất cả tân khách của ông đều trao cho ông những tấm phiếu đề đền công dạy dỗ. Những cuộc khiêu vũ ấy còn có một đặc điểm nữa là đến đó chỉ có những người thích khiêu vũ và thích vui chơi như những thỉếu nữ mười ba, mười bốn tuổi mới mặc áo dài lần đầu tiên. Tất cả các thiếu nữ ấy, trừ một vài trường hợp ngoại lệ rất hiếm đều xinh đẹp, hay có vẻ xinh đẹp, vì trong nụ cười của các cô có biết bao là phấn khởi, trong khoé mắt của các cô có biết bao là hào quang. Một đôi khi, những cô học trò giỏi nhất cũng còn nhảy cả bước khăn san nữa, mà giỏi nhất là Natasa, vì nàng rất uyển chuyển nhẹ nhàng; nhưng lần này thì người ta chỉ nhảy diệu Scotland, điệu Anh và điệu Mazurka hiện đang thịnh hành. Yoghel đã mượn được một gian phòng lớn ở nhà Bezukhov và mọi người đều nhận rằng cuộc khiêu vũ đã thành công mỹ mãn. Có rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp, mà hai chị em nhà Roxtov lại ở trong số những cô xinh đẹp nhất. Cả hai đều sung sướng và vui vẻ lạ thường. Rất hào hứng sau khi đã được Dolokhov cầu hôn và đã cự tuyệt, và sau khi đã giãi bày vớỉ Nikolai, ngay khi còn ở nhà Sonya đã nhảy nhót quay cuồng, làm cho những người đầy tớ gái không sao tết xong đôi bím tóc cho nàng được, và bây giờ thì khắp người nàng bừng sáng lên một niềm vui sướng bồng bột.
     
Natasa, cũng không kém phần kiêu hãnh vì lần đầu tiên được mặc áo dài trong một cuộc khiêu vũ thật sự, lại càng sung sướng hơn nữa. Cả hai chị em đều mặc áo dài bằng sa trắng có thắt đai hồng.
Natasa bắt đầu yêu ngay từ lúc nàng mới bước chân vào phòng khiêu vũ. Nàng không yêu riêng một người nào, nàng đồng thòi yêu tất cả mọi người. Nàng yêu người mà nàng đang nhìn, trong giây phút nàng nhìn người ấy, cứ mỗi khi chạy đến với Sonya nàng lại thốt lên:

- Ô thích quá!

Nikolai và Denixov vừa rảo bước trong phòng vừa nhìn những người khiêu vũ với con mắt trìu mến và bao dung.

- Cô ấy dễ thương quá, sau này sẽ là một cô gái đẹp - Denixov nói.

- Ai thế?

- Bá tước tiểu thư Natasa ấy - Denixov đáp, im lặng một lát, chàng lại nói - Mà cô nhẩy múa nhẹ nhàng và uyển chuyển quá chừng?

- Nhưng cậu nói ai thế?

- Nói em cậu, - Denixov nổi gắt đáp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 07:49:34 pm
Roxtov mỉm cười.

- Bá tước thân yêu của tôi, bá tước là một trong những người học trò giỏi nhất của tôi, bá tước phải nhảy mới được, - Ông Yoghel nhỏ bé vừa nói vừa lại gần Nikolai - Bá tước xem, bao nhiêu là tiểu thư xinh đẹp.
Ông ta cũng ngỏ lời yêu cầu Denixov khiêu vũ, vì Denixov cũng là học trò cũ của ông.

- Không, ông bạn thân ạ, tôi chỉ đến xem thôi! - Denixov nói - Ông đã quên là hồi trước tôi học kém đến thế nào rồi ư?

- Đâu có thế! - Yoghel vội vàng an ủi anh ta. Chỉ phải cái ông không chú ý, nhưng ông có tư chất, phải: ông có tư chất lắm.
   
Người ta lại cử điệu nhạc Mazurka đang thịnh hành lúc bấy giờ.
   
Nikolai không thể nào từ chối Yoghel, liền mời Sonya ra nhảy Denixov ngồi gần các bà già, và khuỷu tay chống trên thanh kiếm.
   
Chân giẫm lên theo nhịp đàn, chàng vừa vui vé kể lại một câu chuyện gì làm cho các bà cười. Vừa nhìn thanh niên nhảy, Yoghel mở đầu cuộc khiêu vũ với Natasa là một cô học trò giói nhất: là niềm kiêu hãnh của ông ta. Lướt nhẹ trên đôi giày điệu vũ, ông ta bay qua gian phòng lớn với Natasa e lệ nhưng chăm chỉ cố nhảy cho đúng cách. Denixov không rời mắt nhìn nàng và vỗ gươm đánh nhịp, tỏ rõ rằng sở dĩ chàng không nhảy chỉ là vì không muốn nhảy. Chứ không phải vì không biết nhảy. Giữa một vũ hình, chàng Roxtov bấy giờ đang đi qua.

- Hoàn toàn không phải thế - Denixov nói - Như vậy mà gọi là Mazurka Ba Lan được à. Nhưng cô em nhảy giỏi lắm.

Nikita biết rằng ngay ở Ba Lan. Denixov cũng nổi tiếng là một tay nhảy Mazurka cừ khôi. Chàng chạy đến gần Natasa.

- Em lại mời anh Denixov đi. Anh ấy mới thật là tay khiêu vũ giỏi. Giỏi tuyệt! - chàng nói.

Khi lại đến lượt Natasa nàng đứng dậy và lướt nhanh trên đôi giày nhỏ thắt dải lụa e lệ chạy ngang qua phòng bên đến chỗ Denixov ngồi, ở góc phòng. Nàng biết rằng mọi người đều chờ và đều nhìn nàng. Nikolai thấy Denixov và Natasa đang tươi cười tranh luận với nhau. Denixov từ chối nhưng vẫn không ngừng mỉm cười vui vẻ. Chàng chạy đến chỗ hai người.

- Tôi van anh. Vaxili Dmitrich, - Natasa nói - Xin mời anh lại, tôi van anh.

- Tôi nói thật, xin bá tước tiểu thư miễn cho. - Denixov đáp.

- Thôi ra đi Vaxia - Nikolai nói.

- Tuồng như người ta nhất định muốn dỗ ngọt con mèo Vaska thì phải - Denixov đùa.

- Tôi sẽ hát suốt một buổi tối cho anh nghe, - Natasa nằn nì.

- Đạo cô cao tay ấn như vậy, muốn bắt tôi làm vì mà tôi chả phải làm! - Denixov nói đoạn tháo gươm.
   
Từ đằng sau dãy ghế chàng bước ra, nắm tay người bạn nhảy, ngẩng đầu lên và đưa chân ra đợi nhịp. Chỉ khi nào chàng cưỡi ngựa và nhảy Mazurka trù người ta mới không thấy chàng thấp nữa, và chàng mới trở thành trai tráng hùng dũng đúng như chàng tự nghĩ. Nghe tiếng gọi của nhịp điệu, Denixov đưa mắt nhìn nghiêng sang người bạn nhảy một cách đắc thắng và cười cợt, rồi bỗng giẫm chân xuống sàn nhà, nháy bật lên một cách mềm dẻo như quả cầu và bay lượn từng vòng, kéo người bạn theo sau. Chàng nhảy một chân khắp nửa gian phòng rộng, lướt êm không tiếng động, tưởng chừng như không thấy những chiếc ghế trước mặt và cứ đâm thẳng vào đấy; rồi bỗng dưng, đánh cựa giày kêu lanh canh, hai chân chạng ra, chàng đứng yên trên gót giầy một lát, rồi giẫm chân tại chỗ một lúc làm cựa giày kêu lên loạng choạng, chàng xoay người, rồi chân trái đập vào chân phải, chàng lại bay đi theo hình vòng tròn. Natasa đoán được ý chàng muốn gì và bất giác tự phó thác vào tay chàng mà nhảy. Có khi chàng dùng tay phải hay tay trái đẩy nàng quay, có khi, một chân quỳ xuống, chàng lại đưa nàng bước thành một vòng tròn xung quanh mình rồi lại nhảy bật lên và lao về phía trước nhanh vun vút, đến nỗi người ta có thể tưởng chàng muốn chạy khắp các phòng một hơi; có khi chàng đứng lại một cách đột ngột rồi lại nhảy một vũ tiết mới, rất bất ngờ. Khi Denixov nhanh nhẹn đẩy Natasa quay một vòng trở về chỗ ngồi và nghiêng mình cảm ơn nàng trong khi cựa giày kêu lanh canh, Natasa quên cả nhún mình đáp lễ. Nàng mỉm cười nhìn Denixov nói với đôi mắt ngỡ ngàng tưởng chừng như không nhận ra chàng nữa.

- Cái gì thế nhỉ, làm sao thế? - Nàng nói.
     
Mặc dầu Yoghel cho rằng đó không phải là điệu Mazurka chân chính, nhưng kỹ thuật khiêu vũ tuyệt vời của Denixov cũng làm cho mọi người nô nức; người ta luôn luôn mời chàng nhảy, và các ông già mỉm cười bắt đầu tán chuyện Ba Lan, nhắc nhở thời xưa êm đẹp. Denixov, nước da đỏ ửng vì điệu vũ, lấy khăn tay thấm mồ hôi trên trán và ngồi bên cạnh Natasa suốt buổi không rời nàng nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:01:27 pm
Phần IV
Chương - 13
     
Hai ngày sau, Roxtov không thấy Dolokhov đến nhà mình, mà chàng đến nhà hắn cũng không gặp; ngày thứ ba chàng nhận được của hắn một mảnh giấy:

"Tôi không còn có ý định đến nhà cậu nữa - Vì những lý do gì thì cậu cũng biết - Và tôi lại sắp trở lại quân đội, cho nên tôi muốn mời các bạn tối nay đến dự một buổi tiệc tiễn biệt nho nhỏ; vậy cậu đến khách sạn Anh, khoảng mười giờ tối".
     
Ở nhà hát ra (Roxtov cùng đi xem kịch với gia đình Denixov), Roxtov đến thẳng khách sạn Anh. Người ta lập tức dẫn chàng đến gian phòng đẹp nhất mà Dolokhov đã giữ cho buổi tối hôm ấy.
     
Khoảng hai mươi người đang xúm quanh một cái bàn; Dolokhov ngồi trước bàn, giữa hai cây đèn nến. Trên bàn có những cọc tiền vàng và những xếp giấy bạc. Dolokhov đang cầm cái. Từ khi Dolokhov cầu hôn và bị Sonya từ chối, Nikolai chưa lần nào gặp lại hắn và cảm thấy ngượng mỗi khi nghĩ đến lúc gặp mặt hắn.
Khoé mắt sáng và lạnh của Dolokhov đón chàng ngay khi chàng mới bước qua ngưỡng cửa, như thể hắn cố ý chờ đợi chàng từ lâu.

- Lâu ngày quá - Dolokhov nói - Cảm ơn cậu đã đến dự. Cho tôi cầm cái nốt ván này đã, Ilyuska sắp đến với đoàn ca vũ đấy.

- Mình có ghé qua nhà cậu - Roxtov đỏ mặt nói.

Dolokhov không đáp.

- Cậu đặt cửa cũng được - Hắn nói.

Lúc đó, Roxtov sực nhớ đến một cuộc nói chuỵên kỳ lạ giữa chàng và Dolokhov dạo trước. Hôm ấy Dolokhov nói: "Chỉ có những thằng ngốc thì khi đánh bạc mới trông vào sự đỏ đen". Bây giờ hắn lại nói, dường như đã đoán được ý nghĩ của chàng:

- Hay là cậu sợ không dám đánh với mình? - Rồi hắn mỉm cười Qua nụ cười ấy, Roxtov nhận thấy hắn đang ở trong một tâm trạng giống như hôm dự tiệc ở Câu lạc bộ và nói chung là giống như những lúc hắn chán ngấy cảnh sinh hoạt hàng ngày, thấy cần phải tìm lối thoát bằng một hành vi quái gở, thường là tàn ác.
     
Roxtov thấy lúng túng khó chịu; chàng cố nghĩ một câu nói đùa gì để trả lời Dolokhov. Nhưng chưa tìm ra thì Dolokhov đã nhìn chòng chọc vào mặt chàng và nói với chàng một cách chậm rãi và tách rời từng tiếng khiến mọi người đều nghe thấy:

- Cậu còn nhớ đấy, một hôm chúng mình nói chuyện về cờ bạc… Chúng mình nói rằng ai đánh bạc theo đỏ đen là ngốc, đánh bạc thì phải ăn chắc, bây giờ tôi muốn làm thử.
     
"Thử đánh theo đỏ đen hay là ăn chắc", Roxtov nghĩ thầm.

- Nhưng thôi, cậu đừng đánh thì hơn - Dolokhov nói, rồi trang một bộ bài mới bóc để trên bàn, hắn nói thêm: "Mời các vị đặt tiền".
     
Đẩy đống tiền ra trước mặt. Dolokhov sắp sửa chia bài, Roxtov ngồi xuống bên cạnh hắn nhưng lúc đầu không đánh. Dolokhov chốc chốc lại liếc mắt nhìn chàng.

- Tại sao cậu không đánh? - hắn nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:02:43 pm
Và lạ sao! Nikolai tự thấy bắt buộc phải cầm lấy một quân bài đặt ra một số tiền nhỏ và bắt đầu đánh.

- Tôi không mang tiền theo - chàng nói.

- Tôi cho cậu đánh chịu!

Roxtov đặt năm rúp trên một lá bài. Chàng thua. Lại đặt nữa, và thua nữa. Dolokhov được luôn mười ván.

- Thưa các vị, - Hắn nói sau khi cầm cái được ít lâu, - Tôi xin các vị đặt tiền lên trên bài, nếu không có thể tôi tính nhầm.
     
Một người đánh bài ngỏ ý hy vọng rằng nhà cái sẽ tin hắn mà cho hắn đánh chịu.

- Đánh chịu cũng được, nhưng tôi chỉ sợ tính nhầm, xin cứ đặt tiền trên quân bài, - Dolokhov đáp - Riêng cậu thì cứ tự do, chúng ta sẽ tính sau, - hắn nói thêm với Roxtov.

Canh bạc tiếp tục: một người hầu luôn tay rót rượu sâm banh.
     
Bài của Roxtov ván nào cũng thua và số tiền thua của chàng đã lên đến tám trăm rúp. Chàng đã viết tiền ấy lên một quân bài, nhưng trong khi người hầu rót sâm banh cho chàng, chàng nghĩ lại và chỉ viết số tiền đặt bình thường là hai mươi rúp.

- Cứ để đã - Dolokhov nói, tuy làm ra vẻ không nhìn chàng - cậu sẽ gỡ lại mau hơn. Tôi toàn chung cho người khác và toàn thu của cậu cả. Hay là cậu sợ tôi? - Hắn nhắc lại.

Roxtov làm theo, cứ đế nguyên con số tám trăm rúp ghi trên tấm bài và đặt xuống một con bảy cơ gãy góc mà chàng mới nhặt ở dưới đất lên mãi về sau chàng vẫn còn nhỏ con cơ này. Chàng lấy phấn viết tám trăm rúp bằng chữ số tròn và thẳng lên trên con bảy cơ và đưa con bài ấy ra đánh, rồi nốc hết cốc sâm banh mà người hầu rót từ lúc nãy bây giờ đã hết lạnh. Nghe câu nói của Dolokhov, chàng mỉm cười, và lòng hồi hộp, chàng mong chờ một con bảy trong khi nhìn tay Dolokhov cầm bộ bài. Ăn hay thua con bảy cơ này cũng là một việc rất quan trọng đối với chàng. Hôm chủ nhật vừa rồi bá tước Ilya Andreyevich cho con hai nghìn rúp; ông cụ không hay nói đến những khó khăn về tiền nong, nhưng hôm ấy ông cụ lại phải báo trước cho chàng biết rằng đó là số tiền cuối cùng mà ông có thể cấp cho chàng trước tháng năm và dặn chàng lần này phải dè xẻn hơn trước. Nikolai đáp lại rằng số tiền ấy đã quá mức yêu cầu của chàng rồi, và lấy danh dự hứa rằng từ giờ cho đến tháng năm sẽ không xin thêm tiền của gia đình nữa. Thế mà trong cái số tiền ấy, nay chỉ còn lại một ngàn hai trăm rúp. Cho nên, con bảy cơ không những có thể làm cho chàng mất một ngàn sáu trăm rúp, mà còn có cơ khiến chàng, phải lỗi lời hứa hẹn. Lòng hồi hộp, chàng nhìn hai bàn tay của Dolokhov và nghĩ thầm: "Thôi, mau lên, chung cho tôi con bài ấy; để tôi lấy mũ về ăn bữa khuya với Denixov, Natasa và Sonya, và nhất định từ rày không bao giờ tôi còn mó đến quân bài nữa". Giờ phút này, cuộc sống gia đình của chàng - những trò đùa nghịch với Peyta, những câu chuyện với Sonya những bài song ca với Natasa, những ván Pich-kê với ông cụ và cả đến cái giường êm ái ở phố Povarxkaya nữa - tất cả những hình ảnh ấy hiện ra trong tâm trí chàng mạnh mẽ, rõ ràng và đầy sức quyến rũ, tựa hồ đó là một hạnh phúc đã đi qua đã mất đi từ lâu mà trước đây chàng đã không biết đánh giá cho đúng. Chàng không thể thừa nhận rằng một sự ngẫu nhiên ngu xuẩn làm cho con bảy chia sang bên phải chứ không chia sang bên trái mà lại có thế cướp mât của chàng cái hạnh phúc mà chàng mới hiểu rò giá trị, mà có thể ném chàng xuống cái vực sâu thăm thẳm của một nỗi bất hạnh mà chàng chưa trải qua bao giờ và hãy còn mịt mùng trong tương lai. Không thể nào như thế được, nhưng lòng chàng cũng hồi hộp theo dõi bàn tay của Dolokhov đang cử động. Hai bàn tay to rộng ấy da hơi đỏ, với dám lông thòi ra ngoài ống áo sơ mi đặt bộ bài xuống cầm lấy tẩu thuốc và cốc rượu mà người hầu vừa đưa đến.

- Này, đánh bạc với tôi mà cậu không sợ à? - Dolokhov nhắc lại và làm như sắp kể một câu chuyện vui, hắn ngả người tựa vào lưng ghế và mỉm cười thong thả buông từng tiếng - Vâng, thưa các vị nghe nói ở Moskva có tin đồn tôi là một tên cờ bạc bịp, vì vậy tôi khuyên các vị đối với tôi nên thận trọng hơn.

- Thôi chia đi! - Roxtov nói.

- Ồ mấy con mẹ ngồi lê đôi mách ở Moskva! - Dolokhov nói đoạn mỉm cười lấy bộ bài.

- À à à! - Roxtov bất giác thốt ra một tiếng, hai tay đưa lên nắm chặt mái tóc.
     
Con bảy mà chàng đang trông mong đã nằm ở trên cùng nó là con bài đầu của cỗ bài mới trang.  Chàng đã thua một số tiền nhiều hơn số tiền mà chàng có thể giả. Nhưng này, cậu đừng có liều đấy nhé - Dolokhov vừa nói vừa liếc nhìn chàng và tiếp tục tung bài.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:03:42 pm
Phần IV
Chương - 14
       
Một tiếng rưỡi sau, phần đông những người dự cuộc chỉ còn đánh lấy lệ.
     
Cả canh bạc dồn hẳn vào một mình Roxtov. Bây giờ số tiền chàng nợ không còn là một ngàn sáu trăm rúp nữa, mà là cả một cột dài những con số mà chàng đã đếm đến số vạn, và nhẩm đoán đại khái là đã lên đến mười lăm ngàn. Thật ra, tổng số đã lên đến hơn hai vạn rúp.  Dolokhov không còn nghe ai nói gì và cũng không kể chuyện gì nữa, hắn theo dõi từng cử động của hai hàn tay Roxtov và chốc chốc lại đưa mắt lướt nhanh qua hàng chữ số. Hắn đã quyết định cứ đánh mãi cho đến khi tổng số lên đến bốn mươi ba ngàn rúp. Hắn đã chọn con số ấy vì bốn mươi ba là số tuổi hắn và tuổi Sonya cộng lại. Roxtov hai tay ôm đầu, ngồi chống khuỷu tay vào cái bàn ghi đầy những chữ số, loang lổ những vết rượu đổ, ngổn ngang những quân bài. Một ấn tượng đau đớn cứ bám chặt lấy chàng: hai bàn tay đo đỏ kia, to xương và có lông thòi ra ngoài ống tay áo, hai bàn tay mà chàng quý mến và căm thù đang nắm cái quyền lực chi phối chàng.
     
"Sáu trăm rúp, át, tớ gấp đôi, chín… Không tài nào gỡ lại được nữa? Giá bây giờ ở nhà có phải vui bao nhiêu… Một con bồi đánh hoà… không thể như thế được… Mà tại sao hắn lại đối xử với mình như thế…" - Roxtov nghĩ. Một đôi khi chàng đặt cửa rất to; nhưng Dolokhov từ chối và quyết định cho chàng đặt bao nhiêu. Nikolai ngoan ngoãn tuân theo. Có khi chàng cầu nguyện Chúa như chàng đã từng cầu nguyện ở chiến trường, bên cầu Amstetten; Có khi chàng lại tự nhủ rằng nếu chàng lấy một con bài nào đó trong đống bài quăn góc ở dưới bàn mà đánh thì con bài ấy sẽ cứu được chàng; khi thì chàng đếm những dải khuy tết ngang trên áo đôn-man của chàng và lấy số dải khuy mà đánh theo con bài tương đương, mong rằng sẽ gỡ lại được chỗ mình đã thua; Khi thì chàng lại nhìn những người dự cuộc như để cầu cứu, khi thì chàng quan sát tỉ mỉ gương mặt của Dolokhov bấy giờ đã trở lại lạnh lùng, và chàng cố gắng hiểu xem cái gì đang diễn ra trong tâm trí hắn.
     
"Hắn cũng biết số tiền thua ấy đối với ta quan trọng đến như thế nào. Chả nhẽ hắn mong cho ta nguy khốn? Hắn vốn là bạn thân của ta. Ta quý hắn lắm cơ mà… Nhưng cũng không phải lỗi tại hắn, vận hắn cứ đỏ mãi thì bảo hắn làm thế nào? Mà cũng chẳng phải lỗi của ta nốt - Chàng tự nhủ - ta chẳng làm điều gì xấu xa. Ta có giết người đâu? Có nhục mạ ai đâu? Có nguyền rủa ai đâu? Thế sao vẫn đen ghê gớm như thế? Cơ sự này bắt đầu từ bao giờ? Mới đây thôi, ta đến cạnh cái bàn này với ý định ăn lấy một trăm rúp để mua một cái hộp biếu mẹ nhân lễ sinh nhật, rồi thì về. Lúc đó ta còn sung sướng, còn tự do, còn vui vẻ biết chừng nào. Vậy thì cái hạnh phúc ấy kết thúc từ bao giờ mà cái tình trạng mới này, cái tình trạng khủng khiếp này bắt đầu từ bao giờ? Có cái gì đánh dấu khủng khiếp sự thay đổi ấy? Lúc đó ta cũng vẫn ngồi chỗ này, ta cũng vẫn nhìn hai bàn tay to xương mà khéo léo kia. Vậy thì cái đó đã xảy ra lúc nào và cái gì đã xảy ra? Ta vẫn còn khoẻ mạnh, lực lưỡng và vẫn như trước, vẫn ngồi ở chỗ hồi nãy. Không đâu, không thể như thế được. Chắc chắn là việc này rồi chẳng có hậu quả gì đâu".
     
Mặt chàng đỏ bừng, mồ hôi như tắm, mặc dầu trong phòng không nóng. Khi ấy ai nhìn mặt chàng cũng phải thấy sợ hãi và thương tâm, nhất là vì chàng đang cố gắng hết sức để tỏ ra bình tĩnh mà không được.
     
Bản tính nợ đã lên đến con số tiền định là bốn mươi ba ngàn rúp, Roxtov đang chuẩn bị một con bài để tố gấp đôi số ba ngàn rúp chàng mới ăn, thì Dolokhov đặt mạnh cỗ bài xuống bàn, cầm lấy viên phấn và cộng số nợ của Roxtov với nét chữ rõ ràng, cứng cỏi của hắn, và đánh gãy viên phấn.

- Ăn bữa khuya thôi, đã đến giờ ăn khuya rồi! Bọn Di-gan đã đến kia kìa!
   
Quả nhiên, vừa lúc ấy có một tốp đàn ông và đàn bà tóc đen da ngăm vừa đi ngoài lạnh bước vào vừa nói chuyện với nhau bằng cái giọng Di-gan của họ. Nikolai biết rằng thế là hết, nhưng chàng cũng lấy giọng thản nhiên nói:

- Thế cậu không chia bài nữa à? Tôi đã sắp sẵn một con bài rất hay. - Làm như chàng chỉ quan tâm đến cái thú đánh bài.

"Thế là xong, thế là chết! - chàng nghĩ. - Bây giờ chỉ còn cách cho một viên đạn vào óc", - và đồng thời
chàng lại nói, giọng rất vui vẻ:

- Nào, hẵng đánh một ván nữa.

- Được Dolokhov đáp, khi đã cộng xong - được! Bằng lòng đánh hai mươi mốt rúp - hắn vừa nói vừa chỉ con số 21 ở trên sổ nợ, đó là con số lẻ, dôi ra ngoài tổng số bốn mươi ba ngàn, và tay cầm bài, hắn sắp sửa chia. Roxtov ngoan ngoãn vuốt góc con bài và nắn nót viết con số hai mươi mốt thay cho số sáu ngàn rúp đã chuẩn bị sẵn.

- Ừ thì thế nào cũng được. - chàng nói - Tôi chỉ muốn biết cậu sẽ cho con mười này được hay thua.
   
Dolokhov lại nghiêm chỉnh chia bài. Ồ, lúc này sao Roxtov thù ghét hai bàn tay kia lạ lùng, hai bàn tay đo đỏ, ngón ngắn, lông lá thòi ra ngoài ống sơ mi, hai bàn tay đang nắm quyền lực chi phối chàng. Con mười ăn.

- Bá tước nợ tôi bốn mươi ba ngàn rúp chẵn. - Dolokhov nói đoạn đứng đậy vươn vai. - Ngồi lâu mệt rồi đấy.

- Phải, tôi cũng mệt - Roxtov nói Dolokhov ngắt lời chàng, như để nhắc nhở cho chàng biết rằng lúc này chàng không nên nói đùa.

- Thưa bá tước, khi nào thì ngài cho phép tôi lĩnh số tiền.
   
Nikolai đỏ mặt, kéo hắn sang phòng bên cạnh.

- Tôi không thể trả hết ngay một lúc được, cậu sẽ nhận một phiếu hoàn ngân - chàng nói.

- Cậu nghe đây, Roxtov ạ - Dolokhov nói với một nụ cười tươitỉnh trong khi nhìn thẳng vào mặt Nikolai - cậu cũng biết câu ngạn ngữ "May mắn trong tình yêu thì rủi ro trong cờ bạc". Cô em họ của cậu yêu cậu. Tôi biết.
   
"Ồ! Cảm thấy mình đang ở trong tay một con người như vậy thật là đáng sợ, - Roxtov nghĩ. Chàng biết tin chàng thua bạc sẽ làm cho cha mẹ chàng choáng váng đến thế nào; chàng biết rằng nếu thoát được tình cảnh ấy thì sung sướng đến nhường nào, và hiểu rằng Dolokhov vẫn biết hắn ta có thể trừ miễn cho chàng nỗi sỉ nhục và phiền não ấy, nhưng hắn cứ muốn bỡn cợt chàng như mèo vờn chuột".

- Cô em họ cậu… - Dolokhov bắt đầu nói, nhưng Nikolai ngắt lời ngay. Chàng điên liết quát lên:

- Cô em họ tôi không liên quan gì đến việc này, xin đừng nói đến cô ấy làm gì.

- Thế thì bao giờ tôi nhận được tiền? - Dolokhov

- Mai! - Roxtov nói đoạn bước ra khỏi phòng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:05:22 pm
Phần IV
Chương - 15

Hẹn đến mai và giữ dáng diệu chững chạc không phải là việc khó, nhưng lủi thủi trở về nhà, trông thấy mặt các em và cha mẹ, thú nhận tội lỗi, rồi xin một món tiền mà mình không có quyền đòi hỏi sau khi đã lấy danh dự ra hứa hẹn - việc đó thật là khủng khiếp.

Người nhà vẫn chưa đi ngủ. Bọn trẻ nhà Roxtov sau khi đi xem hát về và đã ăn bữa khuya, đang quây quần xung quanh chiếc dương cầm. Nikolai vừa bước vào phòng khách đã thấy mình bao phủ trong bầu không khí ái ân và thi vị bàng bạc trong nhà suốt mùa đông năm ấy. Bây giờ, sau việc cầu hôn của Dolokhov và buổi khiêu vũ của Yoghel, bầu không khí ấy tựa hồ đã tụ lại dày hơn nữa xung quanh Sonya và Natasa, như khi trời trước cơn giông. Hai cô thiếu nữ trong bộ áo màu thanh thiên mặc đi xem hát, xinh đẹp và biết mình xinh đẹp, đang sung sướng, tươi cười đứng bên dương cầm. Vera và Sinsin đang đánh cờ ở phòng khách. Lão bá tước phu nhân thì trong khi chờ đợi ông chồng và cậu con, đang chơi bói bài với một bà già quý tộc lưu trú trong nhà. Denixov ngồi trước dương cầm, hai mắt sáng quắc, tóc rối bù, một chân co ra phía sau, đang đưa mười ngón tay ngắn ngủi đập từng hợp âm, và, mắt đảo qua đảo lại cất giọng khàn khàn nhưng đúng cung bậc bài hát "Đạo cô" - bài thơ anh ta mới làm và đang tìm cách phổ nhạc.

Đạo cô ơi! Mãnh lực nào thúc đẩy

Khiến tơ đồng yên ngủ bỗng vang lên.

Nàng nhen lên trong lòng ta, rực cháy

Ngón tay ta run rẩy, chẳng sao yên?


Chàng hát với một giọng thiết tha, đôi mắt đen nhánh long lanh như mã não bắn những tia chớp về phía
Natasa, khiến nàng sợ hãi nhưng sung sưởng.

- Hay quá! Tuyệt diệu! - nàng reo lên - Một khúc ca nữa đi anh! - nàng nói thêm, không để ý đến Nikolai.
"Đối với họ vẫn không có gì thay đổi". - Nikolai nghĩ ngợi trong khi đưa mắt nhìn qua phòng khách và trông thấy Vera, lão bá tước phu nhân và cụ già.

- À, anh Nikolai đã về! - Natasa chạy ra đón chàng.

- Cha có nhà không? - chàng nói.

- Anh về làm em mừng quá! - Natasa nói, không đáp lại câu hỏi của chàng - Chúng em ở nhà vui quá anh ạ. Anh Vaxili Dimitrich ở lại thêm một ngày vì em đấy.

- Không, cha chưa về - Sonya nói.

- Kolo, con đã về đấy ư, đi vào đây con, - tiếng bá tước phu nhân nói trong phòng khách.

Nikolai đi đến chỗ mẹ ngồi, hôn tay bà, và lặng lẽ ngồi xuống cạnh bàn, đưa mắt nhìn theo bàn tay bà đang xếp đặt mấy quân bài. Từ bên phòng lớn vẫn văng vẳng lại những tiếng cười và những giọng nói vùi vẻ đang van nài Natasa.

- Thôi được rồi, được rồi - Denixov nói to - Bây giờ từ chối cũng vô ích, tiểu thư còn nợ tôi bài "đò đưa"(1), tôi van tiểu thư.

Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn cậu con trai đang ngồi im lặng.

- Con làm sao thế? - bà hỏi chàng.

- À có sao đâu ạ - chàng nói, tựa hồ câu hỏi muôn lần như một ấy đã làm cho chàng bực mình. - Cha đã sắp về chưa?

- Có lẽ sắp về đấy.

"Ở nhà chẳng có gì thay đổi. Chưa ai hay biết gì cả. Bây giờ biết rúc vào đâu?" - Nikolai tự nhủ và trở về gian phòng khách lớn có cây dương cầm.

Sonya đang ngồi trước dương cầm đánh đoạn mở đầu bài "đò đưa" mà Denixov đặc biệt ưa thích. Natasa đang chuàn bị hát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:06:11 pm
Denixov thì đang nhìn nàng với đôi mắt hân hoan. Nikolai bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

"Tự dưng lại bảo nó hát làm gì thế? Nó thì hát được cái gì? Chả có gì là vui thú cả" - chàng nghĩ.

Sonya dạo hợp âm thứ nhất của đoạn mở đầu.

"Trời ơi, mình là một con người bỏ đi, một con người đã mất hết danh dự, chỉ còn việc cho một viên đạn vào óc, chứ hát với xướng gì nữa?" - chàng tự nhủ. - Hay là đi biệt? Nhưng đi đâu? Thôi, cứ để mặc cho họ hát!"

Nikolai vẫn tiếp tục đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt u uất, chốc chốc lại liếc nhìn Denixov và hai cô thiếu nữ, đồng thời lẩn tránh mắt họ.

"Nikolenka, anh làm sao thế?" Đôi mắt của Sonya như muốn hỏi. Nàng đoán ngay được rằng chàng đã gặp một chuyện chẳng lành.

Nikolai ngoảnh mặt đi, không nhìn nàng. Natasa với các trực giác nhạy bén của nàng cũng đã nhận thấy ngay tình trạng anh mình. Nàng có nhận thấy, nhưng trong giờ phút này bản thân nàng đang vui vẻ, xa cách mọi sự phiền não, mọi nỗi u buồn, mọi lời trách móc, cho nên nàng tự lừa dối mình một cách hữu ý (thanh niên thường như thế). "Bây giờ mình vui sướng quá, mình không muốn tiếp xúc với sự phiền não của người khác để làm hư hỏng mất niềm vui sướng cảu mình" - đó là chân tình của nàng, nhưng nàng lại nói với mình một cách khác - "Không đâu, chắc là mình lầm, nhất định anh ấy cũng vui sướng như mình".

- Nào, Sonya, - nàng nói và bước ra chính giữa phòng, nơi mà nàng cho là điều kiện âm hưởng tốt hơn cả. Nàng ngẩng đầu, buông thõng hai bàn tay như một vũ nữ và bước mạnh ra chính giữa phòng, mỗi bước đi đều nhấn mạnh chân chuyển từ gót giày sang mũi giày, rồi dừng lại.

Dáng vẻ của nàng như nói với hộ nàng: "Đây tôi như thế này đáy!" để đáp lại cái niềm hân hoan của Denixov đang theo dõi nàng.

"Nó vui thích cái nỗi gì thế không biết! - Nikolai nghĩ trong khi nhìn em. - Sao nó không thấy chán, không thấy ngượng nhỉ!"

Natasa đưa lên một nốt đầu tiên, cổ nàng dãn ra, ngực nàng nâng lên, hai mắt nàng trở nên nghiêm trang. Lúc đó nàng không nghĩ đến cái gì hết, cũng không nghĩ đến ai hết, từ đôi môi tươi cười của nàng, những âm thanh tuôn ra, những âm thanh mà mỗi người đều có thể xướng lên theo những âm trình như nhau, với một nhịp diệu như nhau, những âm thanh mà một ngàn lần ta đều cảm thấy nhạt nhẽo, nhưng đến lần thứ một ngàn linh một thì phải rung động và ứa nước mắt.

Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên Natasa đã bắt đầu hát một cách nghiêm túc, đặc biệt vì có Denixov say sưa thưởng thức tiếng hát của nàng. Bây giờ nàng không hát như một đứa trẻ nữa, trong tiếng hát của nàng không còn có sự cố gắng chăm chỉ buồn cười của trẻ con như ngày trước; Nhưng nàng hát chưa giỏi, theo ý kiến của tất cả những người sành hát đã nghe giọng nàng. "Giọng tốt nhưng chưa được luyện, cần phải luyện thêm", mọi người đều nói. Nhưng người ta nói thế thường là sau khi tiếng nàng đã im bặt từ lâu. Còn trong khi cái tiếng chưa luyện ấy đang đưa lên với những hơi thở không đúng lúc, với những chỗ chuyển giọng khó nhọc, thì chính những người sành hát cũng không nói gì, mà chỉ biết thưởng thức cái giọng chưa luyện ấy và cứ muốn nghe nó lại một lần nữa. Trong giọng hát của nàng có một cái gì trong trẻo, trinh bạch, một cái gì hồn nhiên, không tự biết giá trị của mình, một cái gì êm dịu như nhung, nhưng hãy còn mộc mạc, phối hợp khéo léo với những nhược điểm kỹ thuật đến nỗi hình như chỉ thay đổi một điểm nhỏ trong giọng hát ấy cũng đủ làm cho nó hư hỏng mất.

"Làm sao thế nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm khi nghe giọng hát của nàng, chàng mở to mắt - Nó có cái gì thay đổi? Hôm nay nó hát hay quá!" và đột nhiên đối với chàng cả vũ trụ đều quay tụ lại trong phút đợi chờ nốt nhạc theo sau, câu hát theo sau! Và mọi sự vật trong vũ trụ đều chia làm ba phách: o miv crudele afetto "Một, hai, ba… một, hai, ba… một… O miv crudele afetto… Một, hai, ba… một. Chà, cuộc đời chúng ta thật là ngu xuẩn! - Nikolai nghĩ - Tất cả, nào là vận đen, nào là tiền bạc, nào là Dolokhov, nào là oán hờn, nào là danh dự tất cả những cái đó đều là chuyện vô nghĩa… Đây, cái này mới đáng kể này. Xem nào, Natasa! Xem nào, em gái yêu của tôi; xem nào, cô bạn thân mến! Em tôi sẽ đưa cái nốt si ấy như thế nào? Nó đã được rồi! Trời ơi!" - và chàng bất giác hát bè đệm cách nốt cao một khoảng ba, để tăng cường cho cái nốt si ấy mà cũng không biết rằng mình đang hát nữa. "Trời ơi! Hay quá! Có thật là chính ta đã hát lên không? Sung sướng làm sao! - Chàng nghĩ. Ôi cái hợp âm quang đãng ba ấy nó réo rắt làm sao, và những gì tốt đẹp nhất trong lòng Roxtov đã rung động theo nó mãnh liệt đến nhường nào! Và cái đó không dính dáng gì đến mọi sự vật ở trên đời. Kể gì thua bạc, kể gì Dolokhov, kể gì lời hứa danh dự, và quả thật… Đó toàn là những chuyện nhảm nhí! Có thể giết người, ăn trộm mà vẫn hạnh phúc.

=================================================

Chú thích:

(1) Barcarolla (tiếng Ý).



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:07:06 pm
Phần IV
Chương - 16
     
Đã lâu lắm Roxtov chưa lần nào được khoái cảm như vậy trong khi nghe nhạc. Nhưng Natasa vừa hát xong bài hát đò đưa thì chàng lại sực nhớ đến thực tế. Chàng lẳng lặng bỏ ra ngoài và đi về phòng riêng.
Mười lăm phút sau, lão bá tước, vui vẻ và hả hê, ở câu lạc bộ về Nikolai nghe tiếng xe ông cụ về liền đến gặp.

- Thế nào, vui chứ? - Ilya Andreyevich vừa nói vừa vui vẻ và kiêu hãnh mỉm cười với con trai. Nikolai muốn nói "Vâng" nhưng không sao nói được: chỉ thiếu một tí nữa chàng đã khóc nấc lên. Bá tước đang mải châm tẩu thuốc, không nhận thđv tình trạng của con.
   
"Thôi, đằng nào cũng phải nói" - Nikolai suy nghĩ lần đầu tiên và cuối cùng. Rồi đột nhiên, với một giọng nói hết sức ung dung mà chàng cũng phải tự lấy làm xấu hổ, chàng nói với ông cụ, như khi chàng muốn xin phép dùng xe ngựa đi phố:

- Ba ạ, con đến đây để thưa chuyện. Tí nữa thì quên mất. Con cần tiền.

- Thật à? - ông cụ nói trong lúc đang vui - thì ba đã bảo con là số tiền kia không đủ tiêu đâu mà! Con cần có nhiều không?

- Có nhiều. - Nikolai đỏ mặt nói, với một nụ cười ung dung, ngu xuẩn, mà mãi về sau chàng vẫn không sao tha thứ cho mình được - Con có nhỡ thua bạc một ít… nghĩa là cũng khá nhiều, rất nhiều nữa là khác, bốn mươi ba ngàn rúp.

- Làm sao? Thua ai? Nói đùa đấy chứ - Bá tước kêu lên, cổ và gáy hốt nhiên đỏ gay vì chứng huyết áp cao của người có tuổi.

- Con đã hẹn trả nội ngày mai - Nikolai nói.

- Ấy thế - lão bá tước vừa nói vừa đang rộng hai cánh tay ra tỏ vẻ bất lực, rồi bủn rủn ngồi phịch xuống đi-văng.

- Biết làm thế nào? Ai mà chẳng trải qua một lần như thế? -
     
Nikolai nói với một giọng ung dung và chững chạc, nhưng trong lòng thì tự cho mình là một thằng vô lại, một thằng khốn nạn, dù chết cũng không thể chuộc hết tội ác. Chàng chỉ muốn đến hôn tay cha, quỳ xuống xin cha tha tội, nhưng chàng lại nói với một giọng ung dung, thậm chí còn thô lỗ nữa, rằng chuyện đó bắt cứ ai cũng có thể trải qua.
     
Bá tước Ilya Andreyevich, nghe câu trả lời của con thì cúi nhìn xuống đất rồi loay hoay một lúc như muốn tìm cái gì.

- Phải, phải, - Ông cụ nói, - Khó đấy, cha e rằng khó mà kiếm được số tiển ấy, chuyện ấy ai mà chẳng có lần trải qua! Phải, thật thế… - Và bá tước đưa mắt nhìn lướt qua mặt con rồi đi ra phía cửa… Nikolai vốn đã liệu trước là có thể bị cự tuyệt, nhưng không hề ngờ sự tình sẽ như vậy.

- Ba ơi! Ba, ba! - Chàng nghẹn ngào gọi với theo ép chặt môi lên đấy và khóc nức nở.
   
Trong khi bá tước và cậu con trai giãi bày với nhau như vậy thì một cuộc nói chuyện không kém phần quan trọng cũng diễn ra giữa bá tước phu nhân và cô gái. Natasa hớt hơ hớt hải chạy đến phòng mẹ.

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!… Anh ấy đã…

- Cái gì thế?

- Anh ấy đã… anh ấy đã ngỏ lời với con. Mẹ ơi! Mẹ ơi! - nàng kêu lên.

Bá tước phu nhân không dám tin ở tai mình nữa. Denixov đã ngỏ lời. Nhưng ngỏ lời với ai? Với cái con bé oắt Natasa kia, mới đây còn hơi búp bê, bây giờ còn phải học bài ư!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:08:03 pm
- Thôi đi Natasa, chỉ vớ vẩn! - bà cụ nói, trong lòng hy vọng rằng câu chuyện chỉ là một trò đùa.

- Vớ vẩn đâu! Con nói thật đấy, mẹ ạ - Natasa nói với một giọng hờn dỗi - Con vào hỏi mẹ xem nên như thế nào, mẹ lại bảo là vớ vẩn.

Bá tước phu nhân nhún vai.

- Nếu quả thật me-xừ Denixov xin kết hôn với mày, thì mày bảo cho ông ta biết rằng ông ta là một thằng ngốc.

- Không, không phải là thằng ngốc - Natasa nói, vẻ tức giận và nghiêm trang.

- Thế thì mày muốn cái gì? Bọn chúng mày bây giờ đứa nào cũng nghĩ đến chuyện yêu đương cả. Nếu mày phải lòng anh ta thì mày cứ lấy đi - bá tước phu nhân cười bực dọc - Lạy Chúa!

- Mẹ ơi, không phải, con không phải lòng anh ấy đâu! Chắc không phải đâu?

- Không, nhưng cô bạn của tôi muốn gì nào? Thôi để mẹ ra nói với anh ấy cho, - bá tước phu nhân mỉm cười nói.

- Không, mẹ để con đi, nhưng mẹ bảo con biết con phải làm như thế nào. Mẹ thì cái gì cũng tưởng dễ lắm - nàng nói thêm để đáp lại nụ cười của phu nhân. - Nhưng mẹ có biết đâu anh ấy nói với con như thế nào!
Con biết, anh ấy không muốn nói, nhưng không hiểu sao buột miệng mà nói ra đấy thôi.

- Thì đằng nào cũng vẫn phải từ chối.

- Không, không nên. Con thấy anh ấy tội nghiệp lắm. Anh ấy dễ thương lắm cơ.

- Thế thì nhận lời đi! Vả lại mày cũng đến lúc phải lấy chồng rồi đấy, - bà mẹ nói, giọng bực tức và mỉa mai.

- Mẹ ơi, con thấy anh ấy tội nghiệp quá. Con không biết nói với anh ấy thế nào.

- Nhưng mày không nói gì cả, để tao nói cho. - Bá tước phu nhân đáp, bực tức vì người ta dám coi con bé Natasa của mình như một người lớn.

- Không, muôn vàn xin mẹ đừng nói, để con nói lấy, còn mẹ cứ đứng ngoài cửa mà nghe. - Nói xong Natasa tạt qua phòng khách chạy vào phòng khiêu vũ: Denixov vẫn ngồi nguyên trên ghế như trước, cạnh chiếc giương cầm, hai tay ôm đầu. Chàng vụt đứng dậy khi nghe tiếng bước nhẹ nhàng của nàng.

- Cô Natali - chàng vừa nói vừa đi nhanh đến trước mặt nàng, - Xin cô định doạt số phận của tôi. Nó ở trong tay cô.

- Anh Vaxili Dmitrich, em ái ngại cho anh quá. Không, nhưng… Anh thật dễ thương… nhưng, có điều là không nên, cứ như thế này thì em sẽ yêu anh mãi mãi.

Denixov cúi nhìn xuống sát tay nàng và nàng nghe thấy những âm thanh lạ lùng mà nàng không hiểu. Nàng đặt một chiếc hôn trên mớ tóc quăn, đen nhánh và rối bù của chàng. Vừa lúc ấy, nghe có tiếng áo sột soạt vội vã của bá tước phu nhân. Phu nhân đến gần chỗ hai người.

- Anh Vaxili Dmitrich, tôi xin cảm ơn anh về điều vinh dự ấy - bà nói với một giọng ngượng nghịu, nhưng Denixov lại có cảm tưởng là nghiêm khắc - Nhưng con gái tôi còn non dại quá và tôi thiết tưởng với tư cách là bạn thân của con trai tôi thì lẽ ra anh nên nói với tôi trước. Giá được như thế, thì đã không đến nỗi bắt buộc tôi phải từ chối.

- Thưa bá tước phu nhân… - Denixov vừa đáp, hai mắt nhìn xuống đất, vẻ ân hận, chàng muốn nói thêm câu gì nữa nhưng lưỡi cứ líu lại. Natasa không thể không mủi lòng khi thấy chàng khổ sở như vậy Nàng bắt đầu khóc to lên.

- Thưa bá tước phu nhân, tôi thật có lỗi với phu nhân - Denixov nói tiếp, giọng đứt quãng, - Nhưng xin phu nhân biết cho rằng tôi sùng mộ tiểu thư và gia đình đến nỗi tôi có thể dâng đời sống của tôi hai lần… - Chàng ngước nhìn lên bá tước phu nhân và nhận thấy vẻ mặt nghiêm khắc của bà… - Thôi, xin từ biệt phu nhân - Chàng nói và hôn tay bá tước phu nhân, rồi không nhìn Natasa, chàng bước quả quyết ra khỏi phòng.

Hôm sau, Roxtov tiễn Denixov ra đi, vì Denixov đã quyết định không ở thêm một ngày nào ở Moskva nữa. Bạn bè của chàng đặt tiệc tiễn chàng ở nhà bọn Di-gan, sau đó chàng không còn biết họ đặt chàng vào xe trượt tuyết như thế nào mà không còn nhớ gì về ba trạm đầu tiên của cuộc hành trình.
     
Sau khi Denixov đi, Roxtov còn phải chờ số tiền trả nợ, vì lão bá tước không thể chạy được trong một lúc, và phải lưu lại mười lăm ngày ở Moskva, nhưng không ra khỏi nhà, và phần lớn thời gian chỉ lẩn quẩn trong phòng các cô thiếu nữ.
     
Sonya lại càng âu yếm và tận tuỵ với chàng hơn bao giờ hết. Nàng có vẻ muốn tỏ ra cho chàng biết rằng việc chàng thua bạc là một kỳ công, khiến nàng càng yêu chàng hơn trước. Nikolai thì tự cho mình là không xứng đáng với nàng nữa.
     
Chàng chép nào thơ nào nhạc dầy cả các tập an-bom của hai cô thiếu nữ, và sau khi đã gửi đủ số tiền bốn mươi ba ngàn rúp và đã nhận được biên lại của Dolokhov, không từ biệt một người nào, chàng khởi hành vào cuối tháng mười một để đuổi theo binh đoàn của mình bấy giờ đã ở Ba Lan.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:11:46 pm
PHẦN V - Chương - 1

Sau trận cãi nhau với vợ, Piotr lên đường đi Petersburg. Ở trạm Torzok không có ngựa, hoặc giả người trạm trưởng không muốn cấp ngựa cho chàng. Chàng đành phải nán đợi. Chàng giữ nguyên quần áo, nằm dài trên chiếc đi-văng da sau chiếc bàn tròn, ghếch đôi chân to tướng đi ủng lót nỉ lên bàn và bắt đầu suy nghĩ miên man.

- Thưa ngài, có phải đem va li vào không ạ? Có cần dọn giường, pha trà không ạ? - Người hầu phòng hỏi.
     
Piotr không đáp, vì bây giờ chàng chẳng nghe thấy gì và chẳng trông thấy gì hết. Ở trạm trước, chàng đã bắt đầu suy nghĩ và vẫn cứ suy đi nghĩ lại về một việc gì ấy - việc ấy quan trọng đến nỗi chàng chẳng buồn đề ý đến những điều xảy ra quanh mình. Không những chàng không hề quan tâm đến vấn đề mình đến Petersburg sớm hay muộn, ở trạm này có chỗ nghỉ hay không, mà hơn nữa so với những điều đang khiến chàng bắn khoăn suy nghĩ thì có ở đây một vài giờ hay sẽ ở suốt đời cũng chẳng có gì quan trọng.
   
Hai vợ chồng trạm trưởng, người hầu phòng, một bà bán đồ thêu Torzok bước vào phòng để đợi chàng sai bảo. Piotr chẳng buồn nhúc nhích, cứ để nguyên cặp chân trên bàn. Chàng nhìn họ qua đôi kính trắng, không hiểu họ cần gì và tại sao tất cả những người này không cần phải giải quyết những vấn đề đang bắt chàng bận tâm suy nghĩ mà cứ sống được như thường. Chung quy cũng vẫn là những vấn đề đã luôn luôn khiến chàng suy nghĩ kể từ ngày đi đấu súng ở Sokolniki về, và qua cái đêm trằn trọc mất ngủ đầu tiên; chỉ có điều là bây giờ, trong cảnh đi đường cô độc, chàng vẫn cứ phải quay trở lại những vấn đề ấy mà chàng không tài nào giải quyết được nhưng cũng không thể thôi không không đặt ra cho mình được. Hình như cái đinh ốc chính trong đầu chàng, cái đinh ốc trước đây vẫn giữ vững tất cả cuộc sống của chàng, nay đã mòn đi. Cái đinh ốc này không vào sâu hơn nữa, nó không bật ra ngoài, mà lại cứ quay tại chỗ, không khớp vào đâu cả, quay mãi ở một nấc, mà cũng không thể nào làm cho nó ngừng quay được.
   
Người trạm trưởng bước vào, kính cẩn:

- Xin đại nhân nán đợi lấy hai giờ đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, rồi sau đó thế nào hắn cũng sẽ cung cấp ngựa trạm cho đại nhân.

Hẳn là hắn nói dối và chỉ tìm cách bòn thêm tiền hành khách: "Hắn làm như vậy là tốt hay xấu? - Piotr tự hỏi. - Riêng đối với ta thì tốt, nhưng đối với một hành khách khác thì xấu, còn đối với bản thân hắn thì lại là tất yếu, vì hắn không có gì ăn: hắn có bảo là một sĩ quan đã đánh hắn vì chuyện này. Mà sở dĩ viên sĩ quan kia đánh hắn là vì đang cần đi gấp. Còn ta, ta đã bắn Dolokhov bởi vì ta cảm thấy mình bị sỉ nhục.  Louis XVI đã bị giết bởi vì người ta cho rằng ông ta phạm tội, rồi một năm sau, người ta lại giết kẻ đã giết ông ta, cũng lại vì một lý do đó. Cái gì là xấu? Cái gì là tốt? Nên yêu cái gì, nên ghét cái gì? Sống để làm gì, và ta là cái gì? Cuộc sống là gì? Cái chết là gì? Sức mạnh nào chi phối tất cả?" - Chàng tự hỏi. Và trong số những câu hỏi này không có lấy được một câu nào có lời giải đáp: nếu không phải là lời giải đáp sau đây, một lời giải đáp phi lý, hoàn toàn không trả lời vào câu hỏi: "Người sẽ chết và tất cả sẽ hết. Người sẽ chết và người sẽ biết tất cả hoặc người sẽ không còn phải hỏi han gì nữa". Nhưng cái chết cũng là một điều đáng sợ. Bà bán hàng ở Torzok lanh lảnh cất tiếng chào mời, đặc biệt mời mua những đôi giày da dê. "Ta hiện có mấy trăm rúp mà ta chẳng dùng làm gì, còn cái bà mặc áo khoác lách kia thì lại đang đứng nhìn ta một cách rụt rè - Piotr suy nghĩ. - Vả chăng bà ta cần tiền đế làm gì mới được chứ? Tiền có đem lại cho bà ta thêm một mảy may hạnh phúc nào đâu, có làm cho tâm hồn bà ta yên tĩnh thêm một chút nào đâu? Ở trên thế gian này có cái gì có thể làm cho ta và bà ấy bớt lệ thuộc vào tội ác, vào cái chết hay không? Cái chết sẽ là chấm dút tất cả và nhất định sẽ đến, hôm nay hay ngày mai cũng thế thôi, bởi vì so với vĩnh viễn thì cuộc đời cũng chỉ là một khoảnh khắc". Và chàng lại tìm cách vặn cái đinh ốc kia, cái đinh ốc đang quay tít mà chẳng khớp vào đâu cả mãi mãi vẫn cứ quay ở một nấc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:13:24 pm
Người đày tớ đưa cho chàng một quyển tiểu thuyết băng thư của bà Xuza đã rọc một nửa. Chàng bắt đầu theo dõi trong quyển truyện những nỗi đau khổ và cuộc dấu tranh để theo đức hạnh của một cô Amélie de Mansfeld (1) nào đó. Chàng tự hỏi: "Tại sao nàng lại phải cố cưỡng lại người quyến rũ mình một khi nàng yêu người ấy? Thượng đế không thể đặt vào lòng nàng những khao khát trái với ý muốn của Người. Người vợ trước đây của ta không hề cưỡng lại dục vọng và có lẽ nó làm như thế là phải. Người ta chẳng phát hiện được gì mà cũng chẳng nghĩ thêm được điều gì cả. - Piotr nói một mình - Chúng ta chỉ biết một điều là chúng ta không biết gì hết. Đó là trình độ trí tuệ cao nhất của nhân loại".
   
Chàng cảm thấy trong lòng chàng và chung quanh chàng tất cả đều hỗn loạn, vô nghĩa và đáng ghét.
Nhưng ngay trong sự chán ghét đối với mọi vật chung quanh, chàng vẫn thấy có một khoái cảm riêng có sức khích động.

- Xin đại nhân làm ơn ngồi nhích tí chút để dành chỗ cho vị này - người trạm trưởng bước vào giới thiệu với chàng một người hành khách khác, cũng phải dừng lại đây vì thiếu ngựa. Người khách này là ông già người thấp, vai rộng, nước da vàng võ, mặt nhăn nheo, có đôi lông mày bạc trắng nhô ra trên đôi mắt sáng màu xám nhờ nhờ.
   
Piotr bỏ chân ở trên bàn xuống, đứng dậy và đến nằm trên cái giường mà người ta đã dọn cho chàng, chốc chốc lại đưa mắt liếc nhìn người mới đến. Người này, vẻ mặt cau có và mỏi mệt, mắt không nhìn chàng, đang cởi áo ngoài một cách khó nhọc với sự giúp đỡ của người đầy tớ. Khi chỉ còn cái áo tu-lúp đã cũ, bên ngoài phủ lụa Nam kinh, phủ lên cặp chân xương xẩu đi ủng da, người khách ngồi xuống đi-văng, dựa cái đầu to tướng với đôi thái dương rộng, tóc cắt ngắn, vào lưng đi-văng, và đưa mắt nhìn Bezukhov. Vẻ khắc khổ, thông minh và sâu sắc trong cái nhìn này khiến Piotr chú ý. Chàng muốn nói chuyện với người khách, và đã toan hỏi ông ta về cuộc hành trình, thì ông già đã nhắm mắt và khoanh hai bàn tay nhăn nheo lại. Piotr nhận thấy trên một ngón tay ông ta có đeo một chiếc nhẫn bằng gang to tướng khắc hình sọ Adam(2). Ông ta ngồi yên không biết là đang nghĩ ngợi hay đang trầm tư mặc tưởng về một điều gì. Người đày tớ cũng là một ông già nhỏ nhắn, mặ vàng và nhăn nheo, râu ria chẳng thấy, chắc không phải vì ông ta cạo mà vì ông ta vốn không râu. Người đày tớ già nhanh nhẹn mở cái hộp đựng đồ đi đường lấy đồ trà ra sắp lên bàn và mang lên một chiếc xamova nước xôi sùng sục. Khi mọi việc đã xong xuôi đâu vào đấy, người hành khách mở mắt, lại gần bàn rót cho mình một cốc nước trà, rót một cốc nữa cho ông già thấp bé không râu kia rồi đưa cho ông ta. Piotr bắt đầu bứt rứt, cảm thấy cần nói chuyện và thậm chí nhất định phải nói chuyện với người khách kia. Người đày tớ uống xong đem cốc đặt úp trên đĩa trà(3) với miếng đường đã gặm dở, và hỏi xem ông chủ có cần gì không.

- Không, không cần gì hết, ông đưa cho tôi quyển sách - người khách nói. - Người đày tớ đem quyển sách lại. Piotr thấy hình như đó là một quyển sách tôn giáo. Người khách bắt đầu đọc say sưa. Piotr nhìn ông ta. Đột nhiên người khách đọc sách một bên đánh dấu trang sách, nhắm mắt lại rồi lại dựa vào lưng ghế, ngồi với tư thế như lúc nãy. Piotr vẫn cứ nhìn ông ta. Chàng chưa kịp ngoảnh mặt đi thì ông gì đã lại mở mắt ra và cái nhìn cương nghị và nghiêm khắc cua ông ta đã dán chặt vào chàng.
   
Piotr cảm thấy khó chịu muốn tránh cái nhìn ấy, nhưng đôi mắt sáng quắc kia vẫn cứ thu hút chàng không sao cưỡng lại được.

=========================================

Chú thích:

(1) Amélie de Mansfeld (1803) là tiểu thuyết của bà Cotin chứ không phải của bà Xuza - Ở đây tác giả nhớ lầm.

(2) Hình sọ người có hai cái xương chéo nhau ở dưới.

(3) Nông dân Nga thường úp chén lại để tỏ ràng mình không uống nữa. Người Nga khi uống trà thường không bỏ đường vào chén.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:14:20 pm
Phần V
Chương - 2

- Tôi được hân hạnh hầu chuyện bá tước Bezukhov thì phải? - Người khách nói thong thả giọng sang sảng.
   
Piotr im lặng, đưa mắt nhìn người khách qua cặp kính trắng có ý dò hỏi. Người khách nói tiếp:

- Tôi có nghe nói đến ngài và điều bất hạnh mà ngài đã gặp - Ông ta nhấn mạnh chữ "bất hạnh", dường như có ý nói: Đúng là bất hạnh rồi, ông muốn gọi nó như thế nào là tuỳ ông, nhưng tôi biết rằng việc xảy ra ở Moskva là một điều bất hạnh. - Thưa ngài, tôi rất thông cảm với ngài về việc ấy.
   
Piotr đỏ bừng mặt, vội vàng bỏ chân xuống, cúi nhìn về phía ông già, miệng mỉm cười bẽn lẽn, gượng gạo.

- Tôi nhắc đến việc ấy không phải vì tính tôi tò mò, mà vì có những lý do quan trọng hơn. - Ông ta im lặng một lát, mắt vẫn không rời khỏi Piotr và ngồi xích ra để một chỗ trống trên đi-văng ngụ ý muốn mời Piotr lại ngồi bên cạnh, Piotr thấy chẳng thích nói chuyện với ông già này chút nào, nhưng vẫn bất giác chiều theo ý ông ta đến ngồi bên cạnh.

- Ngài đang đau khổ - Ông già nói tiếp - Ngài còn trẻ, tôi thì đã già. Tôi muốn hết lòng giúp đỡ ngài.
   
Piotr mỉm cười gượng gạo, nói:

- Ồ cảm ơn ông… Cảm ơn ông lắm. Xin ông cho biết ông từ đâu qua đây?

Mặt người khách không có vé gì dịu dàng, thậm chí lại còn khắc khổ và lạnh lùng nữa là khác, những lời nói và vẻ mặt của người mới quen biết đối với Piotr vẫn có một sức hấp dẫn mãnh liệt.

- Nhưng nếu vì một lý lẽ gì, ngài không thích nói chuyện với tôi thì xin ngài cứ nói thật cho. - Và ông ta đột nhiên mỉm cười, nụ cười âu yếm của một người cha.

- Ồ hoàn toàn không phải thế, trái lại, tôi rất vui mừng được làm quen với ông. - Piotr nói và liếc mắt nhìn lại bàn tay của người mới quen một lần nữa. Chàng nhìn kỹ chiếc nhẫn; trên mặt nhẫn có chạm một hình sọ Adam. Đó là dấu hiệu của hội Tam điểm(1). Piotr hỏi:

- Ông cho phép tôi hỏi: ông là hội viên hội Tam điểm phải không ạ?

- Vâng, tôi thuộc hiệp hội những người thợ nghề tự do - người khách nói, mắt mỗi lúc một nhìn sâu hơn, chăm chú hơn vào mắt Piotr. Nhân danh tôi, cũng như nhân danh họ, tôi xin ngài vui lòng đón lấy bàn tay thân ái của một người anh em.

- Tôi e… - Piotr cười nói, phân vân giữa niềm tin cậy và nhân cách của người hội viên Tam điểm đã gây nên trong lòng chàng, và một ý chế nhạo mà xưa nay chàng vẫn quen có đối với những tín ngưỡng của các hội viên Tam điểm. - Tôi e rằng tôi khó lòng hiểu được biết nói thế nào đây, tôi e rằng quan niệm của tôi về thế giới quá trái ngược với quan niệm của các ông cho nên chúng ta khó lòng có thể hiểu nhau được.

- Tôi có biết quan niệm của ông - người "Thợ nề tự do" nói - cái lối quan niệm mà ông vừa nhắc đến, cái lối quan niệm mà ông cho là kết quả của công trình suy nghĩ của mình, chính là lối quan niệm của phần đông, và cũng là kết quả tất nhiên của tính kiêu ngạo, của thói lười biếng và tình trạng ngu dốt. Ông thứ lỗi cho, nếu tôi không biết rõ như vậy thì tôi đã không nói với ông. Quan niệm của ông là một sai lầm thảm hại.
   
Piotr khẽ nhếch mép mỉm cười:

- Tôi cũng có thể nói hệt như vậy và cũng có thể cho là chính ông đang sai lầm.

- Tôi không bao giờ dám nói rằng mình biết được chân lý, - người hội viên Tam điểm nói, lời lẽ minh xác và rắn rỏi của ông ta mỗi lúc một lôi cuốn Piotr mạnh mẽ hơn. - Không ai có thể một mình đạt tới chân lý. Chỉ có cách xây từng viên đá một, với sự góp sức của mọi người, qua hàng triệu thế hệ, từ thời thuỷ tổ Adam cho đến ngày naỳ mới có thể dựng lên ngôi đền xứng đáng để phụng thờ Thượng đế vĩ đại, Người Tam điểm nói đoạn nhắm mắt lại.

- Tôi phải thú thực với ông rằng tôi không tin… không tin Thượng đế - Piotr nói một cách khó nhọc và có ý hối tiếc, cảm thấy mình thế nào cũng phải nói hết sự thực ra.

Người Tam điểm chăm chú nhìn Piotr mỉm cười như một người giàu có, trong tay có bạc triệu, đang mỉm cười với một người nghèo khi người này nói với ông ta rằng mình đang thiếu năm rúp và chỉ cần số tiền đó cũng đủ đem lại hạnh phúc cho mình. Người Tam điểm nói:

- Phải, ông không biết Thượng đế. Ông không thể biết Người được ông không biết Người cho nên ông mới đau khổ như vậy.

- Phải, phải, tôi rất khổ - Piotr xác nhận - Nhưng tôi không biết làm thế nào bây giờ?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:15:17 pm
- Thưa ông, ông không biết Người cho nên ông rất khổ. Ông không biết Người, thế nhưng chình Người đang ở đây. Người đang ở trong tôi, trong những lời nói của tôi. Người ở trong lòng, cả trong những báng bổ mà ông vừa nói ra - người Tam điểm nói, giọng run run và nghiêm nghị.

Ông cụ im bặt và thở dài, có vẻ như đang cố trấn tĩnh.

- Nếu Người không tồn tại, - Ông nhẹ nhàng nói tiếp - thì tôi và ông đã chẳng nói đến Người, ông ạ. Chúng ta vừa nói về cái gì, về ai? Anh phủ nhận ai? - Ông ta nói, giọng bỗng trang nghiêm và oai vệ hẳn lên. Nếu Người không tồn tại thì ai đặt ra Người chứ? Tại sao anh có ý nghĩ rằng có sự tồn tại của một đấng không thể hiểu được như vậy? Tại sao anh và cả thiên hạ đều cho rằng một đấng không thể hiểu được, một dấng vạn năng, vĩnh viễn và vô hạn về tất cả mọi mặt? - Ông ta dừng lại và im lặng hồi lâu.

Piotr không thể và cũng không muốn phá vỡ sự im lặng ấy.

- Người tồn tại, nhưng muốn hiểu Người thì khó lắm - người hội viên Tam điểm nói tiếp, không nhìn vào mặt Piotr mà lại nhìn, thẳng về phía trước; vì trong lòng đang xúc động, nên hai bàn tay già nua không thể nào để yên được, cứ lật đi lật lại các trang sách - Nếu đây là một con người mà ông chưa tin là có tồn tại, thì tôi sẽ dắt tay người ấy đến trước mặt ông và chỉ cho ông thấy. Nhưng con người trần tục hèn kém như tôi thì làm sao có thể chỉ rõ tất cả cái toàn năng, cái vĩnh viễn, cái hoàn thiện của Người cho một kẻ đui mù hay một kẻ cứ nhắm nghiền mắt lại để đừng nhìn thấy Người, đừng hiểu Người và để đừng nhìn thấy, đừng hiểu tất cả sự hèn hạ và xấu xa của bản thân mình? - Ông ta im lặng một lát. - Anh là ai? Anh là cái gì? Anh tưởng mình là một người sáng suốt bởi vì anh dám thốt ra những lời báng bổ như thế, - người hội viên Tam điểm nói tiếp với một nụ cười khinh bỉ, - Anh còn ngu ngốc, còn dại dột hơn đứa trẻ chơi với những bộ phận tinh vi của chiếc đồng hồ, rồi lại không hiểu cái đồng hồ kia dùng để làm gì cho nên dám cả gan nói rằng mình không tin là có thợ đã làm ra nó. Hiểu Người rất khó. Đã bao thế kỷ nay, từ thuỷ tổ chúng ta là Adam cho đến ngày nay, chúng ta đã phí bao tâm lực để nhận thức về Người, mà vẫn còn cách xa mục đích vô cùng; nhưng việc chúng ta không hiểu biết được Người thì chứng tỏ chúng ta yếu đuối và Người vĩ đại biết chừng nào.
   
Piotr lòng hồi hộp, hai mắt sáng long lanh nhìn vào mắt người hội viên Tam điểm, lắng nghe ông ta nói, không ngắt lời, không hỏi, thành tâm tin vào những điều mà người lạ mặt này đang nói với chàng. Phải chăng chàng tin vì cách suy luận hợp lý trong lời nói của người Tam điểm, hay chàng tin như trẻ con vẫn thường tin vì giọng nói chân thành, quả quyết, cái giọng run run, thỉnh thoảng gần như ngắc ngứ ấy, hay là tin vì nhìn thấy cặp mắt già nua và sáng ngời kia đã bao năm nhìn cuộc sống với niềm tin tưởng này, hay là tin vì thấy cái vẻ điềm tĩnh, kiên quyết và biết rõ nhiệm vụ của mình toát ra từ tất cả con người ông cụ, nó khiến chàng đặc biệt kinh ngạc khi so sánh với tâm trạng sống buông xuôi và tuyệt vọng của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, chàng vẫn muốn tin với tất cả tâm hồn mình, và chàng tin thật sự, chàng vui mừng cảm thấy lòng mình yên tĩnh lại, thấy mình đang hồi sinh và quay trở về với cuộc sống. Người Tam điểm nói:

- Không thể hiểu được Người bằng lý trí, chỉ có thể hiểu được Người qua cuộc sống.

- Tôi không hiểu, - Piotr nói và sợ hãi cảm thấy nỗi ngờ vực nổi dậy trong lòng. Chàng sợ ông ta lý luận mơ hồ và lỏng lẻo, chàng sợ mình không tin ông ta. Chàng nhắc lại - Tôi không hiểu tại sao lý trí con người lại không thể đạt đến sự hiểu biết mà ông nói.
   
Người Tam điểm mỉm cười, nụ cười dịu dàng của một người cha, và nói:

- Trí tuệ tối cao và chân lý cũng như chất nước tinh khiết nhất, mà chúng ta muốn hấp thụ vào người. Tôi có thể hứng thứ nước tinh khiết kia vào cái bình dơ bẩn của tôi rồi phê phán về sự tinh khiết của nó không? Chỉ có cách làm cho bản thân tôi trong sạch, tôi mới có thể làm nước hứng được trong sạch tới một mức độ nào đó.

- Phải rồi, phải rồi, đúng như thế - Piotr vui vẻ nói.

- Trí tuệ tối cao không phải chỉ xây dựng trên lý trí mà thôi, nó không phải xây dựng trên những khoa học trần thế như vật lý học, sử học, hoá học, v.v… là những ngành nhận thức lý tính. Trí tuệ tối cao là duy nhất, trí tuệ tối cao chỉ có một khoa học, cái khoa học của toàn cục, cái khoa học cắt nghĩa tất cả vũ trụ và địa vị của con người trong vũ trụ. Muốn tự mình hấp thụ được cái khoa học ấy thì nhất thiết phải làm cho lòng mình trong sạch và đôỉ mới, cho nên trước khi biết cần phải tin và tu sửa mình. Và chính để đạt mục đích ấy nên trong tâm hồn chúng ta mới có cái ánh sáng thiêng liêng mà chúng ta gọi là lương tâm.

- Phải rồi, phải rồi - Piotr tán thành.

- Ta hãy dùng con mắt tinh thần nhìn vào nội tâm của ta và thử hỏi xem ta có bằng lòng mình không. Bấy lâu đi theo lý trí đơn thuần, ta đã đạt được những gì? Mình là người thế nào? Thưa ông, ông còn trẻ, ông giàu có, ông thông minh, ông có học thức. Với tất cả những thứ quý báu ấy mà Thượng đế đã ban cho ông, ông đã làm gì? Ông có thoả mãn về bản thân ông và về cuộc sống của ông không?

- Không, tôi căm ghét cuộc sống của tôi. - Piotr cau mày đáp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 08:16:15 pm
- Mình đã căm ghét nó, thì hãy thay đổi nó đi, hãy làm cho mình trong sạch thì mình càng có được sự thông tuệ. Thưa ông, ông hãy nhìn cuộc sống của ông mà xem. Ông đã sống nó như thế nào? Toàn là những cuộc truy hoan cuồng đãng, những cảnh truỵ lạc, ông nhận ở xã hội đủ mọi thứ nhưng không trả lại cho nó một tý gì. Ông đã được giàu có. Ông đã dùng của cải của ông như thế nào? Ông đã làm gì cho đồng loại? Ông có nghĩ đến hàng vạn nô lệ của ông, ông có giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần hay không? Không, ông đã lợi dụng sức lao động của họ để sống một cuộc đời phóng đãng. Đấy ông đã làm như thế đấy. Ông có chọn một công việc cố thể giúp ích cho đồng loại của mình không? Không, ông sống một cuộc đời nhàn rỗi. Rồi ông lấy vợ, thưa ông, ông đã đảm đương lấy trách nhiệm dìu dắt của một người thiếu phụ, thế rồi ông đã làm gì? Thưa ông, ông không giúp đỡ cho người ta tìm thấy con đường đi đến chân lý; trái lại ông đã đẩy người ta vào vực thẳm của dối trá và bất hạnh. Một người đã làm nhục ông và ông giết người ta, thế rồi ông bảo rằng ông không biết đến Thượng đế và ông căm ghét cuộc sống của ông. Thưa ông, điều đó chẳng có gì là lạ hết.

Nói đoạn, người Tam điểm tựa hồ như đã mệt vì phải nói một hơi dài, lại tựa khuỷu tay vào lưng đi-văng và nhắm mắt lại. Piotr nhìn khuôn mặt khắc khổ, im lìm, già nua, gần như chết cứng ấy, và mấp máy đôi môi nhưng không nói lên thành tiếng. Chàng muốn nói: Phải, đó là một cuộc sống đê tiện, nhàn rỗi, truỵ lạc; nhưng chàng vẫn không dám phá vỡ sự yên lặng.

Người Tam điểm ho lên mấy tiếng khàn khàn, tiếng ho của những người già cả, và gòi người đầy tớ:

- Thế nào? đã có ngựa chưa? - Ông ta hỏi, mắt không nhìn Piotr.

- Họ đã đưa ngựa trạm đến, - người đầy tớ đáp. - Ngài không nghỉ à?

- Không, bảo thắng ngựa đi.

Piotr đứng lên, đầu cúi gầm đi đi lại lại trong phòng, chốc chốc lại liếc mắt nhìn người Tam điểm. Chàng thầm nghĩ: "Lẽ nào ông ta ra đi và bỏ ta lại một mình, không nói cho ta biết tất cả những điều ông ta cần phải nói, cũng không hề hứa hẹn giúp đỡ ta? Ừ phải, ta chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, ta đã sống một cuộc đời truỵ lạc đáng khinh, nhưng ta có ưa thích gì nó đâu, ta có muốn thế đâu. - Piotr suy nghĩ. - Người này biết được chân lý, - Piotr muốn nói với người Tam điểm nhưng lại không dám. Người khách sắp xếp hành lý với đôi bàn tay già nua mà thành thạo cài lại cúc áo da lông, rồi quay sang nói với Bezukhov, giọng lãnh đạm và khách khí:

- Ngài làm ơn cho biết bây giờ ngài đi đâu?

- Tôi ư" Tôi đi Petersburg - Piotr đáp, giọng ngập ngừng như giọng trẻ con. - Cảm ơn ông. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng xin ông đừng nghĩ rằng tôi xấu xa đến thế. Tôi tha thiết mong trở thành con người như ông muốn, nhưng xưa nay chưa bao giờ tôi được ai giúp đỡ… Vả chăng, tất cả đều là lỗi của tôi trước tiên. Xin ông hãy giúp tôi, giáo dục tôi và may ra tôi sẽ… - Piotr không thể nói thêm nữa, chàng khịt mũi mấy cái rồi lại quay đi.
   
Người Tam điểm im lặng một hồi lâu, có vẻ như đang suy tính điều gì.

- Chỉ có Thượng đế mới có thể giúp đỡ được, nhưng Hội của chúng tôi sẽ giúp ông trong phạm vi nó có thế làm được. Ông đến Petersburg, vậy ông hãy đưa cái này cho bá tước Villarxki (ông ta rút ví lấy một tờ giấy lớn gấp tư lại và viết lên đấy mấy chữ). Ông cho phép tôi khuyên ông một câu. Khi về đến thủ đô, trong những ngày đầu, ông hãy rút vào cảnh cô độc, tự phản tỉnh và đừng đi theo con đường cũ nữa. Bây giờ xin chúc ông lên đường bình an - Ông ta kết luận khi thấy người đầy tớ bước vào - và chúc ông thành công.

Căn cứ vào quyển sổ của trạm trưởng, Piotr biết rằng người khách là Ioxif Alekxeyevich Bazdeyev là một người Tam điểm và một người Martimx(2) nổi tiếng vào bậc nhất ngay từ thời Novikov(3).

Ông ta đi đã được một hồi lâu mà Piotr vẫn không đi ngủ, cũng không bảo đem ngựa đến, cứ đi đi lại lại trong gian phòng của nhà trạm, trầm ngâm suy nghĩ đến cái dĩ vãng hư hỏng của mình, và với tâm trạng say sưa của một người vừa tái sinh, chàng hình dung cái tương lai hạnh phúc, lương thiện, hoàn hảo của mình mà chàng cảm thấy rất dễ thực hiện. Chàng có cảm tưởng rằng sở dĩ trước kia chàng hư hỏng chỉ là vì chàng đã ngẫu nhiên quên mất rằng làm con người có đạo đức thì sung sướng biết chừng nào. Trong lòng chàng chẳng còn dấu vết gì của những điều hoài nghi trước đây.
   
Chàng tin chắc rằng con người có thể thương yêu nhau, liên kết với nhau để giúp đỡ nhau trên con đường đạo đức, và chàng hình dung hội Tam điểm là như vậy.


===================================================

Chú thích:

(1) Một hội kín có tính chất vừa tôn giáo vừa chính trị. Cũng gọi là "Hội thợ nề tự do".

(2) Người Maninixt: Người Tam điểm theo lý thuyết của Claude Saint Martiniste. Trong những người Tam điểm Nga có nhiều người Martiniste.

(3) Novikov (1744 - 1818): Một nhà giáo dục Nga xuất sắc ở thế kỷ 18, hội viên Hội Tam điểm.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:13:51 pm
Phần V
Chương - 3

Về đến Petersburg, Piotr không báo tin cho ai biết mình đã về, chàng không đi đâu cả và luôn mấy ngày chỉ đọc quyển sách của Thomas a Kempit (1) mà không hiết ai đã gửi cho chàng. Chàng chỉ hiểu một điều, và một điều duy nhất khi đọc quyển sách này đó là một niềm vui xưa nay chưa hề biết: tin tưởng rằng người ta có thể đạt đến chỗ chí thiện, và có thể thực hiện tình hữu ái tích cực giữa người với người như Ioxif Alekxeyevich đã giác ngộ cho chàng.
     
Chàng về được một tuần thì một buổi chiều bá tước Villarxki, một người Ba Lan trẻ tuổi mà Piotr có quen biết qua loa trong giới giao tế ở Petersburg, đến phòng chàng, vẻ mặt trang trọng như người làm nhân chứng cho Dolokhov trước đây khi đến nhà chàng. Sau khi đóng cửa và yên chí rằng ngoài mình và Piotr ra trong phòng không còn ai nữa, ông ta nói với chàng:

- Thưa bá tước, tôi đến tìm bá tước để làm tròn một nhiệm vụ uỷ thác và bàn với bá tước một điều - Ông ta nói với chàng, không ngồi xuống ghế - Có một người ở địa vị rất cao ở trong hội chúng tôi yêu cầu cho phép ông được gia nhập hội sớm hơn thời hạn quy định và đề nghị tôi làm người bảo lãnh cho ông. Tôi xem việc thực hiện ý muốn của người ấy là một bổn phận thiêng liêng. Vậy ông có muốn gia nhập Hội Tam điểm với sự bảo lãnh của tôi không?
   
Giọng nói lạnh lùng và nghiêm nghị của con người mà hầu như bao giờ chàng cũng gặp trong những buổi khiêu vũ với vẻ mặt tươi tắn ân cần, giữa những người đàn bà kiều diễm và sang trọng nhất, làm Piotr ngạc nhiên. Chàng nói:

- Vâng, tôi muốn vào.

Villarxki gật đầu.

- Còn một câu hỏi nữa mà tôi yêu cầu bá tước trả lời tôi hết sức thành thực, không phải với tư cách một hội viên tương lai của hội Tam điểm mà là tư cách một chính nhân quân tử (galant homme): Ông đã từ bỏ những quan niệm trước đây của ông chưa? Ông có tin Thượng đế không?

Piotr trầm ngâm.

- Vâng… vâng… Tôi tin Thượng đế - chàng nói.

- Nếu vậy - Villarxki bắt đầu nói, nhưng Piotr đã ngắt lời ông ta, nhắc lại một lần nữa:

- Vâng, tôi tin Thượng đế.

- Nếu vậy thì chúng ta có thể ra đi, - Villarxki nói. Ông cứ dùng xe ngựa của tôi.
   
Trên suốt đoạn đường, Villarxki vẫn nằm im. Khi Piotr hỏi chàng sẽ phải làm gì và phải trả lời như thế nào thì Villarxki chỉ đáp lại rằng những hội hữu có tư cách hơn ông ta sẽ thử thách chàng và chàng chỉ cần nói thật là được.
   
Sau khi đã đi qua cổng lớn của ngôi nhà dùng làm hội hộ sở và bước lên một cầu thang gác tối om, họ vào một căn phòng ngoài nhỏ có thắp đèn sáng, và tự cởi áo khoác, không có người hầu nào cởi hộ. Họ rời khỏi phòng áo và bước vào một phòng khác. Một người phục sức kỳ dị xuất hiện ở cửa. Villarxki đến nói thầm thì bằng mấy câu bằng tiếng Pháp với người đó rồi đến gần một cái tủ nhỏ, Piotr nhận thấy trong tủ có những thứ quần áo mà chàng chưa bao giờ trông thấy. Villarxki lấy ở trong tủ ra một cái khăn tay, bịt mắt Piotr và thắt nút ở sau gáy, tóc của chàng cũng bị buộc vào trong nút khiến chàng thấy đau nhói. Rồi ông ta kéo chàng về phía mình, hôn chàng và nắm tay chàng dắt đi. Tóc chàng bị cái nút thắt lại rất đau, chàng nhăn mặt và đồng thời mỉm cười vì cảm thấy xấu hổ thế nào ấy. Thân hình to lớn, hai tay buông thõng, khuôn mặt nhăn nhó và tươi cười Piotr rụt rè lần bước theo Villarxki.
   
Sau khi đưa chàng đi được mươi bước, Villarxki dừng lại nói:

- Dù có gặp điều gì ông cũng phải dũng cảm chịu đựng, nếu quả ông đã quyết tâm vào hội chúng tôi.
Piotr gật đầu ưng thuận.

Villarxki nói thêm:

- Khi nghe có tiếng gõ ngoài cửa, ông hãy cất khăn bịt mặt đi. Tôi chúc ông can đảm và may mắn.
   
Rồi Villarxki bắt tay Piotr và đi ra.
   
Piotr ở lại một mình, vẫn mỉm cười như lúc nẫy. Đã hai lần chàng nhún vai, giơ tay lên sờ cái khăn như muốn cất nó đi, nhưng rồi lại buông tay xuống. Năm phút chàng trải qua trong khi bị bịt mắt đối với chàng dài như cả một tiếng đồng hồ. Tay chàng tê đi, chân chàng không đứng vững; Chàng có cảm tưởng như mình mệt mỏi lắm. Chàng có cảm giác hết sức phức tạp và khác nhau. Chàng sợ những việc sắp xảy ra, nhưng còn có một điều chàng sợ hơn nữa là để cho người ta thấy mình sợ hãi. Chàng tò mò muốn biết những việc mình sắp chứng kiến và những điều người ta sẽ cho chàng biết, nhưng điều làm cho chàng hào hứng hơn cả là giờ phút bước lên con đường hồi sinh, sống cuộc đời lương thiện, tích cực đã đến, điều mà chàng vẫn mơ ước từ khi gặp Ioxif Alekxeyevich. Có tiếng gõ mạnh ở ngoài cửa, Piotr cất khăn và đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng tối om, ở một góc phòng chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy trong một vật gì trăng trắng. Piotr đến gần hơn và thấy ngọn đèn đặt trên một cái bàn đen, trên bàn có một quyển sách mở rộng: đó là quyển Phúc âm, còn cái vật trăng trắng trong đó ngọn đèn cháy leo lét là một cái sọ người, hốc mắt sâu hoắm và răng nhe ra. Sau khi đọc dòng chữ đầu tiên trong quyển Phúc âm: "Thoạt kỳ thuỷ là Đạo và Đạo là Thượng đế", Piotr đi quanh cái bàn và thấy một cái hòm gỗ lớn mở nắp đựng đầy một thứ gì không rõ. Đó là một cỗ quan tài đựng xương người. Những thứ chàng trông thấy không làm cho chàng ngạc nhiên. Hy vọng bước vào một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác cuộc sống cũ, chàng sẵn sàng đón chờ những việc kỳ lạ, còn kỳ lạ hơn những cái chàng vừa trông thấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:14:43 pm
Chiếc sọ người, cỗ quan tài, quyển Phúc âm đối với chàng hầu như là những thứ chàng đã chờ đợi từ trước, và chàng còn chờ đợi những việc kỳ dị hơn nữa. Cố sức làm cho tình cảm sùng đạo nảy sinh trong lòng mình, chàng đưa mắt nhìn quanh, "Thượng đế, cái chết, tình yêu, tình hữu ái huynh đệ giữa người với người" - Chàng vừa tự nhủ vừa liên hệ những chữ này với những hình ảnh mơ hồ nhưng phấn khởi. Cánh cửa bỗng mở ra và một người bước vào.
   
Dưới ánh sáng leo lét mà Piotr đã quen nhìn, chàng trông thấy một người thâm thấp. Hình như người này vừa từ một nơi có ánh sáng bước vào chỗ tối nén phải dừng lại một lát; rồi người đó thận trọng bước tới cạnh bàn và đặt lên đó đôi bàn tay nhỏ đeo găng da.
   
Người thấp nhỏ này mặc một cái áo tạp dề bằng da trắng, che cả ngực và một phần chân, ở cổ đeo một thứ vòng, ở dưới chiếc vòng nổi bật lên một cái nềm viền cổ trắng, cao đóng khung khuôn mặt dài được chiếu sáng từ phía dưới lên. Nghe tiếng động khẽ của Piotr, người mới vào liền quay về phía chàng, hỏi:

- Anh đến đây làm gì? Tại sao một người không tin vào ánh sáng của chân lý và không nhìn thấy ánh sáng ấy như anh lại đến đây làm gì? Anh muốn gì ở chúng tôi? Có phải anh muốn sự thông tuệ đạo đức và ánh sáng không?
   
Ngay từ khi cánh cửa lớn mở ra và người lạ mặt kia bước vào, Piotr có một cảm giác sợ hãi và tôn kính giống như cảm giác hồi còn nhỏ mỗi lần đi xưng tội. Chàng cảm thấy mình đang mặt giáp mặt với một người hoàn toàn xa lạ trong đời sống hàng ngày, nhưng gần gũi vì tình hữu ái của nhân loại. Tim đập mạnh đến nỗi không thở được nữa, chàng đến gần thuyết sư (trong hội Tam điểm, người hội hữu chuẩn bị cho người đi tìm(2) gia nhập hội được gọi là thuyết sư).

Khi đến gần hơn, Piotr nhận ra người thuyết sư là một người chàng có quen, tên là Xmiliamkov, nhưng chàng cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng người vừa bước vào là một người quen: chàng chỉ muốn coi người ấy như một hội hữu và một thuyết sư có đạo đức. Piotr một hồi lâu không nói được một lời nào, khiến người thuyết sư phải nhắc lại câu hỏi hồi nãy. Chàng ấp úng:

- Vâng, tôi… tôi… tôi muốn tự đổi mới.

- Tốt lắm - Xmôlianikov nói.

- Tôi muốn quan niệm rằng hội "Tam điểm" là tình huynh đệ và bình đẳng giữa mọi người nhằm những mục đích đạo đức - Piotr nói và thấy xấu hổ vì cho rằng những lời nói của mình không ăn khớp với tính chất trang trọng của giờ phút này - tôi cho rằng…

- Tốt lắm - người thuyết sư vội vã nói, hẳn là ông ta hoàn toàn hài lòng về câu trả, lời, - trước đây anh có tìm ở trong tôn giáo những biện pháp để đạt đến mục đích của mình không?

- Không. Trước đây tôi cho rằng tôn giáo là một sai lầm, và tôi không theo, - Piotr nói khẽ đến nỗi người thuyết sư không nghe ra, phải hỏi lại xem chàng nói gì. Piotr đáp - Trước đây tôi là người vô thần…

- Anh tìm chân lý để sống theo những quy tắc của chân lý; cho nên anh tìm thông tuệ và đạo đức, có phải thế không? - Người thuyết sư nói sau một lát im lặng.

- Vâng, vâng. - Piotr xác nhận.
   
Người thuyết sư đằng hắng một tiếng, đặt hai bàn tay đeo găng lên ngực và bắt đầu nói:

- Bây giờ tôi phải tuyên bố cho anh biết mục đích chính của hội chúng tôi, và nếu mục đích ấy trùng với mục đích của anh thì anh vào hội chúng tôi là có lợi. Mục đích đầu tiên, chủ yếu nhất, đồng thời là cơ sở của hội chúng tôi, trên đó hội chúng tôi được xây dựng, và không một lực lượng nào của loài người có thể lật đổ được, đó là bảo vệ và lưu truyền cho hậu thế một điều bí mật quan trọng… được truyền tới ngày nay từ thời xa xăm nhất, mãi từ thời con người đầu tiên cho đến chúng ta, và có lẽ vận mệnh của nhân loại cũng lệ thuộc vào điều bí mật đó. Nhưng vì điều bí mật đó không ai có thể biết được và sử dụng được nếu như bản thân mình không được chuẩn bị từ trước bằng cách tu thân lâu dài và kiên nhẫn; cho nên không phải người nào cũng có thể hy vọng nắm được nó một cách nhanh chóng. Vì vậy, chúng tôi có một mục đích thứ hai là chuẩn bị các hội viên chúng tôi cho thật chu đáo để đổi mới tâm hồn họ, làm cho lòng họ trong sạch và soi sáng lý trí của họ bằng những biện pháp mà những con người đã nỗ lực tìm hiểu điều bí mật ấy đã truyền lại cho chúng tôi, và chính những biện pháp này sẽ khiến họ nám được điều bí mật mà tôi đã nói. Thứ ba, trong khi tu sửa và làm cho các hội viên chúng tôi được trong sạch, chúng tôi cố gắng cải tạo tất cả loài người bằng những tấm gương sùng tín và đạo đức trong các hội viên chúng tôi và cố hết sức dùng cách đó để chống lại cái ác đang thống trị thế giới. Anh hãy suy nghĩ kỹ về việc đó đi và tôi sẽ gặp lại anh - Ông ta nói đoạn bước ra khỏi phòng.

- Chống lại cái ác đang thống trì thế giới… - Piotr nhắc lại và hình dung hoạt động sau này của mình trong lĩnh vực này. Chàng hình dung những con người như chàng cách đây hai tuần lễ, và trong trí tưởng tượng chàng nói với họ những lời dạy dỗ khuyên răn. Chàng hình dung những con người hư hỏng và bất hạnh mà chàng sẽ giúp đỡ bằng lời nói và việc làm, chàng tưởng tượng mình đang cứu những người khốn khổ thoát khỏi bàn tay những kẻ áp bức họ. Trong ba mục đích mà người thuyết sư kể cho chàng nghe thì mục đích cuối cùng, mục đích cải tạo nhân loại là đặc biệt gần gũi với chàng. Điều bí mật quan trọng gì đấy mà người thuyết sư nhắc đến tuy có khêu gợi trí tò mò của chàng, nhưng đối với chàng không phải là điều chủ yếu; còn mục đích thứ hai là tu sửa mình và làm cho mình trong sạch thì chàng ít quan tâm đến, bởi vì trong giờ phút này chàng khoan khoái cảm thấy mình đã hoàn toàn từ bỏ được những tật xấu ngày trước và sẵn sàng chỉ làm điều thiện mà thôi.
   
Nửa giờ sau, người thuyết sư quay lại nói cho người tìm hiểu biết bảy đức tính tương ứng với bảy bậc thềm của thần miếu Salomon(3), mà mỗi người Tam điểm đều phải trau dồi cho mình.

Những đức tính ấy là:

1. Kín đáo, tôn trọng những bí mật của hội.

2. Phục tùng các hội viên thượng cấp của hội,

3. Sống đạo đức,

4. Yêu nhân loại,

5. Dũng cảm,

6. Đại lượng

7. Yêu cái chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:15:48 pm
Thứ bảy, - người thuyết sư nói - Anh phải cố gắng thường nghĩ đến cái chết để tiến tới chỗ không coi nó là một kẻ thù ghê sợ nữa, mà là một người bạn… giải thoát linh hồn đã mệt mỏi vì những việc hiện ra khỏi cuộc sống này và đưa nó lên nơi cực lạc, nghỉ ngơi.
   
"Phải rồi, phải như thế mới được - Piotr ngẫm nghĩ khi người thuyết sư lại lui ra sau những lời này và để chàng ngồi một mình trầm ngâm suy nghĩ. - Phải rồi, phải như vậy mới được, nhưng ta còn yếu đuối đến nỗi vẫn ham chuộng cuộc sống của ta mà mãi đến nay ý nghĩa mới dần dần hiện rõ trước mắt ta". Còn năm đức tính kia, - chàng tính đốt ngón tay nhớ lại, chàng cảm thấy mình đều có: (dũng cảm, đại lượng, sống đạo đức, tình yêu nhân loại, và đặc biệt là sự phục tùng), cái này đối với chàng thậm chí không phải là một đức tính mà là một nguồn hạnh phúc (chàng vui sướng làm sao khi được thoát khỏi cái tự do phán đoán của mình và ý chí mình phải phục tùng những người nắm được cái chân lý hiển nhiên). Còn về đức tính thứ bảy thì Piotr đã quên khuấy đi mất, không tài nào nhớ lại được.
   
Lần thứ ba người thuyết sư quay trở lại nhanh hơn những lần trước và hỏi Piotr xem chàng có giữ vững ý định không và có quyết tâm tuân theo tất cả những điều người ta đòi hỏi ở chàng không.

- Tôi sẵn sàng làm tất cả - Piotr nói.

- Tôi còn phải nói cho anh biết một điều - người thuyết sư nói - Hội chúng tôi truyền đạt giáo lý của mình không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng những biện pháp khác có tác dụng đến con người đi tìm sự thông tuệ và đạo đức có lẽ còn mạnh hơn những lời đã giải thích. Ngôi đền này, với cách trần thiết mà anh đã nhìn thấy, chắc đã nói được với lòng anh nhiều hơn là những lời nói, nếu lòng anh thành thực; và có lẽ trong nghi thức nhập hội sắp đến anh sẽ thấy một phương thức truyền đạt tương tự. Hội chúng tôi bắt chước những hội thời cổ đại, biểu hiện học thuyết của mình bằng những chữ tượng hình. Chữ tượng hình - người thuyết sư nói - là sự biểu hiện một cái gì không cảm giác được và cái này có những tính chất tương tự với vật được biểu hiện.
   
Piotr biết rất rõ chữ tượng hình là gì nhưng chàng không dám nói. Chàng im lặng lắng nghe người thuyết sư: Qua tất cả những điều đã thấy được, chàng cảm thấy cuộc thử thách sắp sửa bắt đầu.

- Nếu anh quyết tâm, thì tôi phải làm lễ nhập hội cho anh - người hướng dẫn nói trong khi đến gần Piotr hơn. - Để biểu lộ lòng đại lượng của anh, tôi xin anh đưa cho tôi tất cả những vật quý mà anh có.

- Nhưng tôi có mang gì trong người đâu - Piotr nói, vì chàng tưởng người ta bảo chàng trao lại tất cả của cải hiện có của chàng. Nghĩa là những thứ anh hiện có trên người: đồng hồ, tiền bạc, nhẫn…
   
Piotr vội vã đưa túi tiền, đồng hồ và một hồi lâu loay hoay mãi mới rút được chiếc nhẫn cưới ra khỏi ngón tay múp míp. Khi chàng đã làm xong, người thuyết sư nói:

- Để tỏ lòng phục tùng của anh, tôi yêu cầu anh cởi quần áo.
   
Piotr cởi áo gi-lê và tháo giày ở chân trái theo lời chỉ dẫn của người thuyết sư. Người Tam điểm cởi khuy áo sơ mi của chàng, phanh hở phía bên trái ngực và cúi xuống kéo ống quần bên trái của chàng lên quá đầu gối. Piotr vội vã toan tháo luôn cả chiếc giày bên chân phải và xắn ống quần bên phải lên để cho người lạ mặt đỡ mất công, nhưng người Tam điểm bảo chàng không cần phải làm như thế và đưa cho chàng một chiếc giày vải để xỏ vào chân trái. Với một nụ cười trẻ con thẹn thùng, ngờ vực và tư thế nhạo hiện rõ trên môi mặc dầu chàng không muốn, hai tay buông thõng, hai chân chạng ra, Piotr đứng trước mặt người hội hữu thuyết sư đợi những mệnh lệnh mới, và cuối cùng để biểu lộ lòng thành thực: tôi yêu cầu anh cho biết dục vọng chính của anh.

- Dục vọng của tôi ư! Trước kia tôi có nhiều lắm - Piotr nói.

- Dục vọng nào làm cho anh vấp ngã nhiều nhất trên con đường đạo đức? - người Tam điểm nói.
Piotr im lặng, bắn khoăn. "Rượu? Ăn phàm? Nhàn rỗi? Lười biếng? Nóng nảy? Thù hằn? Gái?" - Chàng nhẩm điểm lại trong tâm trí những tật xấu của mình cân nhắc mình không biết nên dành ưu tiên cho tật xấu nào.

- Gái - chàng nói rất khẽ, chỉ thoáng nghe được mà thôi. Sau câu trả lời ấy, người Tam điểm đứng yên không nói một hồi lâu.

Cuối cùng ông ta đến gần Piotr, lấy cái khăn tay ở trên bàn rồi lại bịt mắt chàng.

- Lần cuối cùng tôi nói với anh: Anh phải tập trung tất cả tâm trí vào bản thân mình, phải kiềm chế các cảm giác và tìm hạnh phúc không phải ở những dục vọng mà ở trong tim mình. Nguồn gốc của hạnh phúc không phải ở ngoài ta mà ở trong ta.
   
Piotr đã bắt đầu cảm thấy nguồn hạnh phúc mát mẻ kia tuôn chảy trong lòng chàng, làm cho tâm hồn chàng giờ đây tràn dầy một niềm vui và một nỗi xúc động êm dịu khác thường.

==============================================

Chú thích:

(1) Thomas Kempit (1379 - 1471): Tu sĩ Cơ đốc giáo, người Đức, nhà văn tôn giáo. Quyển sách nói đây là quyển bắt chước Giê - su Cơ đốc.

(2) Tức người muốn vào hội Tam điểm để đi tìm chân lý.

(3) Salomon, vua nước Israel và là người đã dựng lên ngôi đền Jerusalem. Salomon được các dân tộc Cận Đông cho là một bậc anh quân và là một nhà hiền triết.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:17:49 pm
Phần V
Chương - 4

Một lát sau có người đến tìm Piotr trong gian phòng tối. Lần này không phải người thuyết sư hồi nãy, mà là Villarxki, người bảo lãnh của chàng mà chàng nhận ra nhờ giọng nói. Khi Villarxki hỏi lại xem chàng có quyết tâm không thì chàng đáp:

- Vâng, vâng, tôi bằng lòng. - Rồi chàng nở một nụ cười rạng rỡ của trẻ con và cứ để hở cái ngực trần béo đẫy, một chân đi giày một chân không, chàng bước đi dè dặt, vụng về trong khi Villarxki dí một thanh kiếm vào giữa vào khoảng ngực để trần của chàng. Người ta đưa chàng ra khỏi phòng, đi qua những dãy hành lang quanh co và cuối cùng đến cửa hội sở. Villarxki đằng hắng một tiếng. Tức thì có tiếng dùi vồ gõ mấy cái đáp lại theo lối Tam điểm. Một giọng trầm mà chàng không biết là của ai - vì mắt chàng vẫn bị bịt kín - hỏi chàng là ai, ở nơi nào, sinh năm nào, v.v… sau đó, người ta lại đưa chàng đến một chỗ khác trong khi chàng vẫn bị bịt mắt, và trong lúc đi người ta dùng những hình ảnh phúng dụ để nói với chàng về những nỗi gian khổ của cuộc hành trình chàng sẽ đi, về tình hữu ái thiêng liêng, về đấng vĩnh viễn đã sáng tạo ra thế giới, về tinh thần dũng cảm mà chàng phải có trong khi chịu đựng những gian khổ hiểm nguy. Trong lúc đi như vậy, Piotr nhận thấy người ta gọi chàng khi thì là kẻ đi tìm, khi thì là kẻ đau khổ khi thì lại gọi là kẻ yêu cầu và trong khi gọi như vậy họ lại lấy dùi vồ và kiếm gõ mỗi lần một khác. Trong lúc họ đưa chàng đến gần một vật gì không rõ, chàng nhận thấy giữa những người dẫn đường có sự phân vân và lúng túng. Chàng nghe những người xung quanh chàng bàn tán thì thào, và có một người yêu cầu phải đưa chàng đặt lên một vật gì, đoạn ra lệnh cho chàng lấy tay trái dí một cái com-pa vào vú bên trái và bắt chàng nhắc lại những lời thề trung thành với các luật lệ của hội, do một người khác đọc lên. Sau đó, họ tắt nến, đốt rượu cồn lên - Piotr đoán như vậy vì ngửi thấy mùi cồn - và họ nói rằng chàng sẽ được thấy ánh sáng nhỏ. Họ cởi khăn bịt mắt và Piotr thấy như trong giấc mơ, trong ánh lửa leo lét của rượu cồn có một vài người cũng mặc thứ tạp dề như người thuyết sư, đứng trước mặt chàng và giơ kiếm chĩa vào ngực chàng. Trong số này, có một người mặc một chiếc áo sơ mi vấy máu.

Trông thấy thế, Piotr ưỡn ngực về phía những thanh kiếm, hy vọng rằng những thanh kiếm kia sẽ đâm suốt ngực mình. Nhưng người ta lập tức thu kiếm lại và bịt mắt chàng lại như cũ.

- Bây giờ anh đã được thấy ánh sáng nhỏ - một người nào đó nói với chàng. Đoạn người ta lại thắp nến lên, và bảo chàng cần phải nhìn thấy ánh sáng lớn. Người ta lại cất khăn bịt mắt đi và hơn mười người đồng thanh nói: Sic transit gioria Mundil(1).
     
Piotr dần dân định thân và đưa mắt nhìn gian phòng trong đó chàng đứng, cùng những người có mặt ở đấy. Có người ngôi xung quanh một cái bàn dài phủ vải đến, tất cả đều ăn mặc như những người chàng thấy từ lúc nãy. Chàng nhận ra một vài người mà chàng đã gặp trong giới xã giao Petersburg. Một người trẻ tuổi lạ mặt ngồi ghế chủ toạ, trên cổ đeo một cây thập tự đặc biệt. Ở bên trái ông ta, là vị giáo sư ý mà Piotr đã gặp cách đây hai năm ở nhà Anna Pavlovna. Ở đây lại có một viên đại thần rất trọng yếu và một gia sư người Thuỵ Sĩ trước đây đã sống ở nhà gia đình Kuraghin.

Tất cả đều im lặng trang nghiêm lắng nghe vị chủ toạ cầm dùi vồ.
   
Trên tường gắn một ngôi sao sáng rực. Ở một bên bàn là một cái thảm nhỏ có vẽ nhiều hình tượng trưng khác nhau; và ở bên kia bàn là một thứ bàn thờ với một quyển Phúc âm và một cái sọ người.
Xung quanh bàn có bảy cái cây đèn nến lớn như loại cây đèn nến ở trong nhà thờ. Hai người hội hữu dẫn Piotr đến bàn thờ, bắt chàng quỳ xuống, hai chân làm thành một góc vuông, và ra lệnh cho chàng phải nằm xuống đất, nói rằng chàng đang phục trước cửa thần miếu. Một người thì thào:

- Trước tiên phải cho anh ta nhận cái bay đã.

Một người khác nói:

- Ô thôi, xin im đi cho.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 10:18:30 pm
Piotr không phục xuống như người ta đã yêu cầu chàng đưa cặp mắt cận thị ngơ ngác nhìn quanh, và đột nhiên chàng đâm hoài nghi: "Ta ở nơi nào đây?" Ta đang làm gì thế này? Có phải họ đang chế nhạo ta không? Về sau khi nhớ đến điều này, ta có xấu hổ không?" Nhưng ngờ vực này chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc. Piotr đưa mắt nhìn gương mặt nghiêm trang của mấy người đứng xung quanh, sực nhớ lại tất cả những điều chàng đã trải qua, và hiểu ràng không thể nào dừng lại ở giữa chừng được. Chàng hoảng sợ vì mình đã hoài nghi, và cố gắng gây lại trong lòng mình niềm cảm kích hồi nãy, chàng phủ phục xuống trước cửa thần miếu. Và quả nhiên niềm cảm kích lại tràn vào tâm hồn chàng, lần này còn mãnh liệt hơn lần trước nữa. Chàng phù phục như vậy được một lúc thì họ ra lệnh cho chàng đứng dậy và mặc cho chàng một cái áo bay và ba đói găng, rồi vị đại sư quay về phía chàng. Ông ta nói với chàng rằng chàng phải cố gắng làm sao dừng làm bẩn màu trắng của cái tạp dề này vốn được tượng trưng cho sự trong sạch và vững chắc.
   
Đoạn ông ta nói đến cái bay mà chàng chưa hiểu ý nghĩa, giải thích rằng chàng phải cố gắng dùng cái bay này gạt bỏ những tật xấu, để làm cho con tim của mình được trong sạch và san phẳng một cách rộng lượng con tim của đồng loại. Còn về đoi găng thứ nhất, một đôi găng đàn ông, thì ông ta nói rằng chàng không thể hiểu được ý nghĩa của nó nhưng phải gìn giữ nó; về đôi găng thứ hai thì ông ta nói rằng chàng phải mang nó trong các buổi họp, và cuối cùng, về đôi găng tay thứ ba, một đôi găng phụ nữ, thì ông ta bảo: Hội hữu thân mến, đôi găng phụ nữ này được trang bị cho hội hữu. Hội hữu sẽ trao nó cho người đàn bà mà hội hữu kính trọng hơn hết. Cái quà tặng này sẽ chứng tỏ tấm lòng trong sạch của bạn và con người mà bạn chọn làm một nữ hội viên Tam điểm xứng đáng. Ông ta im lặng một lát rồi nói thêm: Nhưng hội hữu ạ, hội hữu phải cẩn thận chớ để cho đôi găng này tô điểm những bàn tay ô uế!
   
Trong lúc vị đại sư nói câu cuối cùng này Piotr có cảm tưởng rằng ông ta bối rối. Piotr còn bối rối hơn nữa, chàng đỏ bừng mặt đến nỗi nước mắt rưng rưng như khi trẻ con đỏ mặt, đưa mắt lo lắng nhìn quanh. Một phút im lặng ngượng ngùng trôi qua.
   
Phút im lặng này được một người hội hữu chấm dứt, người ấy đưa Piotr đến cái thảm và bắt đầu đọc ở trong một quyển vở những lời giải thích tất cả những ảnh hưởng trên thảm: Mặt trời, mặt trăng, cái dùi vồ, sợi dây dọì, cái bay, hòn đá hoang đã hình khối vuông, cái cột trụ ba cái cửa sổ, v.v… đoạn ông ta chỉ chỗ cho Piotr đứng, mách cho chàng biết những ám hiệu của hội, khẩu lệnh vào cửa và cuối cùng cho phép chàng ngồi xuống. Vị đại sư bắt đầu đọc điều lệ. Điều lệ rất dài, và Piotr vì quá sung sướng, xúc động và xấu hổ nên không sao hiểu được những điều ông ta đọc. Chàng chỉ nghe những lời cuối cùng và nhớ lấy những điều ấy.

- Trong hội chúng ta, chúng ta không biết đến những cấp bậc nào khác ngoài sự phân biệt giữa đạo đức và tội lỗi. Hãy tránh gây nên những sự phân biệt nào khác có thể vi phạm quyền bình đẳng.
Hãy lao mình đến cứu người hội hữu, bất cứ là ai, hãy soi sáng kẻ lạc đường, hãy đỡ người sa ngã trở dậy và đừng bao giờ đem lòng thù hằn hay chống đối hội hữu của mình. Hãy hiên hoà và niềm nở.
   
Hãy nhen lên trong lòng mọi người ngọn lửa của đạo đức, hãy chia sẻ hạnh phúc của mình với đồng loại và dừng bao giờ để lòng ghen ghét làm vẩn dục niềm lạc thú trong sạch này.
   
Hãy tha thứ cho kẻ thù, đừng trả thù họ trừ phi bằng cách làm điều thiện đối với họ. Thực hiện được các quy tắc tối cao như vậy người sẽ tìm thấy lại, những dấu vết của sự cao quý xưa kia của người nay đã mất…
     
Vị đại sư kết thúc và đứng dậy ôm hôn Piotr.
   
Piotr nhìn quanh, mắt rưng rưng những giọt lệ vui mừng, không biết nói gì đề đáp lại những người xung quanh đang đến chúc mừng chàng và muốn nối lại tình quen biết ngày xưa. Chàng không muốn nhận ra người quen nào hết, trong số tất cả những người này, chàng chỉ thấy những người hội hữu mà chàng nóng lòng mong muốn cùng nhau bắt tay vào cộng việc.
     
Vị đại sư gõ dùi vồ một cái, mọi người ngồi vào chỗ, và một hội hữu bắt đầu đọc lời giáo huấn về sự cần thiết của tính khiêm nhường.
   
Vị đại sư đề nghị làm nhiệm vụ cuối cùng, và viên đại thần đảm nhận việc quyên tiền bắt đầu đi vòng một lượt qua các hội hữu. Piotr muốn ghi vào tờ giấy quyên tiền tất cả số tiền chàng hiện có nhưng sợ làm như thế là tỏ ra kiêu ngạo, nên chỉ ghi một số tiền như những người khác.
     
Buổi họp đã xong, và khi trở về nhà, Piotr có cảm tưởng như mình vừa đi một cuộc du lịch xa xôi nào, kéo dài hàng chục năm, trong thời gian đó chàng đã hoàn toàn thay đổi đã đoạn tuyệt với lối sống cũng như những tập quán cũ của mình.

=================================

Chú thích:

(1) Vinh quang trần thế trôi qua như thế đấy! (tiếng La tinh)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:39:09 pm
Phần V
Chương - 5

Ngày hôm sau, Piotr ngồi ở nhà đọc và cố gắng đi sâu vào ý nghĩa của cái hình vuông trong đó một cạnh tượng trưng cho Thượng đế, cạnh thứ hai cho đạo đức, cạnh thứ ba cho vật chất và cạnh thứ tư cho sự hỗn hợp của vật chất và đạo đức. Chốc chốc, chàng lại rời quyển sách và cái hình vuông, và tự đặt ra cho mình trong trí tưởng tượng một kế hoạch sống mới. Hôm qua ở hội sở người ta đã mách chàng rằng những tin đồn về cuộc đấu súng đã đến tai nhà vua và tốt nhất là chàng nên đi xa Petersburg, Piotr dự định sẽ về các điền trang miền Nam và săn sóc tới nông dân của chàng ở đấy. Chàng đang sung sưởng nghĩ đến cuộc sống mới mẻ thì bỗng công tước Vaxili lù lù bước vào phòng.

- Này anh bạn, anh đã làm gì ở Moskva mà ghê thế? Anh bạn, tại sao anh lại xích mích với Lelya(1). Anh lầm rồi. - Vaxili vừa bước vào phòng vừa nói - Tôi biết hết rồi, tôi có thể cam doan với anh rằng Elen không có lỗi gì với anh như chúa Cơ đốc không có lỗi gì với người Do thái vậy.
     
Piotr muốn đáp lại, nhưng ông ta đã ngắt lời chàng:

- Tại sao anh không nói thẳng với tôi một cách tự nhiên như nói với một người bạn, thế chẳng hơn sao?

Tôi biết hết, tôi hiểu hết rồi - Ông ta nói - Anh đã hành động như một người đứng đắn biết tôn trọng danh dự, có lẽ anh quá hấp tấp, nhưng ta sẽ không bàn đến. Chỉ xin anh nhớ cho một điều là anh đã đặt tôi và Elen vào một tình trạng khó xử như thế nào trước mặt mọi người, và thậm chí trước mặt triều đình nữa - Ông ta hạ thấp giọng nói thêm - nó ở Moskva còn anh thì lại ở đây. Này anh bạn, anh nhớ cho. - Ông ta nắm lấy tay chàng và kéo thấp xuống - Đây chỉ là sự hiểu lầm mà thôi; tôi thiết tưởng chính bản thân anh cũng cảm thấy thế. Bây giờ anh viết ngay cho tôi một bức thư gửi cho nó đi. Nó sẽ đến đây và mọi việc sẽ được làm rõ ràng minh bạch, nếu không, tôi nói cho anh biết, anh có thể rất dễ dàng gặp phải những chuyện không hay đấy, anh ạ.

Công tước Vaxili nhìn Piotr một cách nhiều ý nghĩa.

- Tôi có những nguồn tin chắc chắn cho biết rằng hoàng thái hậu rất để tâm đến việc này. Chắc anh cũng biết Người rất quý Elen.

Đã mấy lần Piotr định nói nhưng một mặt công tước Vaxili không để cho chàng nói, mặt khác bản thân chàng cũng chưa dám dùng ngay từ đầu cái giọng cự tuyệt và chống đối quyết liệt mà chàng đã định dùng để trả lời bố vợ. Hơn nữa, chàng lại nhớ đến điều lệ hội Tam điểm: "Phải hiền hoà và niềm nở". Chàng nhăn nhó, đỏ bừng mặt, đứng lên rồi lại ngồi xuống, giằng co với bản thân trong cái việc khó khăn nhất trên đời đối với chàng, là nói thẳng vào mặt một người, bất kể người ấy là ai, những điều khó chịu khác hẳn những điều mà họ dự đoán. Chàng đã quen phục tùng cái giọng tự thị, lơ đễnh của công tước Vaxili đến nỗi ngay tới bây giờ chàng cũng cảm thấy mình không đủ sức chống lại, nhưng chàng cũng cảm thấy điều chàng sắp nói ra sẽ quyết định tất cả tương lai của chàng: chàng sẽ đi theo con đường cũ hay là bước vào con đường mới mà hội Tam điểm đã chỉ cho chàng với một sức hấp dăn mãnh liệt như vậy, con đường mà chàng đã tin tưởng chắc chắn là sẽ đưa chàng đến sự tái sinh trong một cuộc sống mới?
   
Công tước Vaxili nói, giọng bông đùa:

- Thôi anh ơi, anh cứ "ừ" với tôi một tiếng rồi tôi sẽ tự tay viết thư cho nó và chúng ta sẽ ăn mừng.
     
Nhưng công tước Vaxili chưa kịp nói hết câu bông đùa thì trên gương mặt của Piotr đã hiện lên một vẻ giận dữ khủng khiếp nhắc nhở một trận lôi đình của cha chàng.
     
Chàng nói khẽ, không nhìn vào mặt người tiếp chuyện:

- Thưa công tước, tôi không hề mời ông đến đây, ông đi đi, ông làm ơn đi đi cho. - Chàng đứng phắt dậy ra mở cửa cho ông ta, - Ông đi đi - chàng nhắc lại lòng không dám tin rằng mình có thể nói như vậy, và mừng rỡ khi thấy cái vẻ lúng túng và sợ hãi hiên lên trên gương mặt công tước Vaxili.

- Anh làm sao thế Anh ốm à?

- Ông đi đi! - Chàng nhắc lại một lần nữa, giọng run run.
   
Thế là công tước Vaxili đành phải ra về không lấy được một lời bày giải.

Một tuần sau Piotr từ biệt các bạn mới trong hội Tam điểm và sau khi đã để lại một số tiền lớn dành cho những việc từ thiện, chàng lên đường về các điền trang của mình. Các hội hữu đưa cho chàng những bức thư gửi các hội viên Tam điểm ở Kiev và Odessa và hứa sẽ viết thư hướng dẫn chàng trong hoạt động mới.

===============================================

Chú thích:

(1) Tức Elen.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:49:46 pm
Phần V
Chương - 6

Vụ Piotr đấu súng với Dolokhov đã được im đi và mặc dầu lúc bấy giờ nhà vua rất nghiêm khắc đối với các vụ đấu súng, cả hai đương sự cũng như những người làm chứng cho họ đều không bị trừng phạt. Nhưng việc Piotr đoạn tuyệt với vợ đã xác nhận là cuộc đấu súng có xảy ra, và tin này được truyền đi khắp giới xã giao. Piotr trước đây bị người ta nhìn trịch thượng và khoan dung khi còn là một đứa con rơi, rồi được vuốt ve chiều chuộng khi đã trở thành một "đám" xuất sắc nhất của đế quốc Nga, thì sau khi cưới vợ chàng đã xuống giá rất nhiều trong dư luận của giới xã giao vì bây giờ những cô con gái đến tuổi lấy chồng cũng như các bà mẹ không mong đợi gì ở chàng được nữa. Thêm vào đấy chàng lại không biết và không muốn tranh thủ thiện cảm của giới xã giao. Cho nên bây giờ người ta cho rằng chàng là người duy nhất chịu trách nhiệm về việc xảy ra. Người ta bảo chàng là một anh chồng ghen bóng ghen gió, cũng có những cơn giận diên cuồng khát máu như cha chàng.
     
Sau khi Piotr ra đi, Elen trở về Petersburg và được tất cả những người quen biết không những đón tiếp với một thái độ niềm nở mà còn ân cần xen lẫn với sự kính trọng nỗi bất hạnh của nàng. Khi người ta bàn tán đến chồng nàng, nàng lập tức phô ra một thái độ trang nghiêm đầy tự trọng mà tuy không hiểu ý nghĩa ra sao nàng cũng tập được nhờ cái trực giác nhạy bén sẵn có xưa nay. Thái độ nói lên rằng nàng đã quyết định chịu đựng nỗi bất hạnh của mình không một lời than thở, và đức ông chồng của nàng là cây thập tự mà Thượng đế đã bắt nàng phải vác trên vai. Công tước Vaxili bày tỏ ý mình một cách lộ liễu hơn. Mỗi khi nói đến Piotr ông ta lại nhún vai rồi chỉ lên trán mà nói:

- Thì tôi vẫn bảo là anh ấy hơi loạn óc mà.

- Tôi đã bảo từ trước kia. - Anna Pavlovna nói mỗi khi nhắc đến Piotr - Tôi đã nói ngay từ đầu, trước ai hết (phu nhân cố nhấn mạnh cái công đầu của mình), rằng anh ta là một chàng thanh niên điên rồ, đầu óc hư hỏng vì những tư tưởng vô luân của thời đại. Tôi đã bảo thế ngay từ khi tất cả mọi người còn tán dương anh ta, lúc anh ta mới ở ngoại quốc về, và chắc hẳn các vị còn nhớ đấy chứ, trong một buổi tiếp tân ở nhà tôi, anh ta đến, ăn như một Marat(1). Rốt cục là thế nào? Ngay từ đầu tôi đã không tán thành cuộc hôn nhân và tôi đã đoán trước được tất cả những điều sẽ xảy ra.
     
Cũng như trước, trong những ngày rảnh rang, Anna Pavlovna vẫn tổ chức những buổi tiếp tân ở nhà mình, những tối tiếp tân mà chỉ phu nhân mới có biệt tài tổ chức được, trong đó tập hợp trước hết, tất cả cái tinh hoa của xã hội thượng lưu chân chính, cái tinh hoa của giới trí thức trong xã hội Petersburg, như lời phu nhân vẫn thường nói. Ngoài việc chọn lọc tân khách tinh vi như vậy, những buổi tiếp tân của Anna Pavlovna lại còn có một điểm đặc sắc nữa là mỗi lần phu nhân đều đem một nhân vật mới thú vị ra để thết khách, và không có nơi nào có chỉ số của nhiệt kế chính trị trong những giới chính thống(2) của triều đình Petersburg lại được biểu lộ rõ rệt và chắc chắn bằng những lối tiếp tân này.
   
Cuối năm 1806, khi người ta đã biết rõ tất cả những chi tiết đau buồn về trận Napoléon tiêu diệt quân đội Phổ ở Jena và Auerstet và một phần lớn các pháo đài của Phổ đều đầu hàng, trong khi quân đội ta xâm nhập vào nước Phổ và cuộc chiến tranh chống Napoléon lần thứ hai của ta đã bắt đầu, thì Anna Pavlovna lại tổ chức một buổi tiếp tân ở nhà mình. Tinh hoa của xã hội thượng lưu chân chính gồm có nàng Elen mê hồn và bất hạnh, đã bị chồng ruồng bỏ, tử tước Mortemart, công tước Ippolit khả ái vừa mới ở Viên về, hai nhà ngoại giao, bà dì của phu nhân, một chàng thanh niên mà ở phòng khách này người ta gọi vắn tắt là "một con người rất có giá trị", một ngự tiền phu nhân vừa mới được bổ nhiệm cùng đến với mẹ, và một vài người khác ít nổi tiếng hơn.
     
Nhân vật tối hôm ấy Anna Pavlovna đem ra thết khách, xem như là một món ăn mới, là Boris Drubeskoy bấy giờ vừa mới ở quân đội Phổ về với tư cách tín sứ và hiện làm sĩ quan phụ tá cho một nhân vật rất quan trọng.

Nhiệt độ trên nhiệt kế chính trị buổi tiếp tân hôm ấy là như sau: dù tất cả các quốc vương và các tướng lĩnh ở châu Âu muốn nhân nhượng gì với Buônapáctê đề làm cho tôi, cho chúng ta nói chung, phải khó chịu và bực bội thì ý kiến của chúng ta về Buônapáctê vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn không ngừng nói thẳng cách suy nghĩ thật của chúng ta về con người này ra, và chúng ta chỉ có thể nói với vua Phổ và với những người khác: "Mặc kệ ông, ông George Dandin ạ đó là vì ông đã muốn thế đấy, chúng tôi chỉ có thể nói như vậy". Nhiệt độ chỉ trên nhiệt kế chính trị trong tối tiếp tân hôm ấy của Anna Pavlovna là như thế. Khi Boris, người được dùng để chiêu đãi tân khách bước vào phòng, thì hầu hết giới xã giao đã tề tựu đông đủ, và câu chuyện do Anna Pavlovna điều khiển đang bàn về những quan hệ ngoại giao của ta với nước Áo và về mối hy vọng liên minh với Áo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:50:34 pm
Boris chững chạc, hồng hào, tươi tắn trong bộ quân phục sĩ quan phụ tá bảnh bao, ung dung bước vào phòng khách, và theo thường lệ, chàng được đưa đến chào bà dì rồi lại nhập vào nhóm chung. Anna Pavlovna giơ bàn tay khô héo ra cho chàng hôn, giới thiệu cho chàng với một vài nhân vật mà chàng chưa quen biết và chỉ thầm xác định cho chàng rõ đặc tính của từng người.
     
Đây là công tước Ippoliy Khraghin, một thanh niên khả ái, ông Kroug đại diện ở Copenhagen, một trí thệ sâu sắc - và nói gọn thon lỏn - Ông Sitot một con người rất có giá trị.
     
Nhờ công chạy chọt của bà Anna Mikhailovna, nhờ những sở hiếu của thuộc tính riêng trong cái tính cách thận trọng của mình, Boris đã đưa mình vào một địa vị có lợi nhất ở trong quân đội. Bây giờ chàng là sĩ quan phụ tá của một nhân vật quan trọng được phái sang Phổ với một nhiệm vụ rất trọng yếu và vừa ở đấy về với tư cách tín sứ. Chàng hoàn toàn thông thạo cái thứ tôn ti trật tự không ghi vào quy chế đã cám dỗ chàng hồi ở Olmuytx, cái thứ tôn ti trật tự đã khiến cho một anh thiếu uý có thể có ưu thế hơn hẳn một viên tướng, và theo nó thì muốn thành công trong quân đội, chẳng cần phải cố gắng, chẳng cần gì phải làm việc, phải dũng cảm, phải kiên nhẫn, và chỉ cần biết khéo lấy lòng những người nắm quyền thăng thưởng. Ngay bản thân chàng thường cũng phải ngạc nhiên về những thành công nhanh chóng của mình và băn khoăn tự hỏi tại sao những người khác lại có thể không hiểu điều đó. Sự phát hiện này đã hoàn toàn thay đổi cả cách sống của chàng, tất cả những quan hệ của chàng với những người quen cũ, tất cả những dự định của chàng về tương lai. Chàng không giàu, nhưng chàng dùng hết số tiền chắt chịu được để ăn mặc lịch sự hơn những người khác. Chàng sẵn lòng thà chịu hy sinh nhiều sở thích còn hơn phải đi một chiếc xe ngựa tồi tàn hay xuất hiện trên đường phố Petersburg trong một bộ quân phục cũ kỹ. Chàng chỉ tìm cách gần gũi và kết thân với những người ở địa vị cao hơn mình, và do đó, có thể có ích cho mình. Chàng yêu Petersburg và khinh Moskva. Những kỷ niệm về gia đình Roxtov và mối tình thơ ấu của chàng với Natasa khiến chàng khó chịu, và từ khi nhập ngũ chưa có lần nào chàng bước chân đến gia đình Roxtov. Được mời đến phòng tiếp khách của Anna Pavlovna, điều mà chàng cho là một sự thăng trật quan trọng trên bước đường công danh, chàng hiểu ngay vai trò của mình ở đây và trong khi để cho Anna Pavlovna tận dùng mình để gây hứng thú cho buổi tiếp tân, chàng vẫn chăm chú quan sát từng vị khách có mặt, những lợi lộc mà việc giao du với họ có thể đem lại cho mình và trù tính xem mình có thể làm quen với những người nào! Chàng ngồi ở chỗ người ta chỉ cho chàng, bên cạnh nàng Elen kiều diễm, và lắng nghe chuyện mọi người.
     
Viên đại biện Đan mạch nói:

- Thành Viên thấy những cơ sở của hiệp ước ấy viển vông đến nỗi người ta không thể nào đạt được dù có những thắng lợi liên tiếp rực rỡ nhất, và nó hoài nghi những phương liện có thể cho phép chúng ta có được những thắng lợi ấy. Đó chính là nguyên văn câu nói của nội các thành Viên.

- Hoài nghi cũng là đáng mừng - "con người trí tuệ sâu sắc" nói, miệng mỉm nụ cười tế nhị.

- Cần phải phân biệt nội các Viên và hoàng đế Áo - tử tước Mortơmar nói - Hoàng đế Áo không bao giờ có thể có một ý nghĩ như thế, chỉ có nội các là nói như vậy thôi!

- Ấy, tử tước thân mến ạ! - Anna Pavlovna nói xen vào - l Urope(3) (không hiểu tại sao phu nhân lại nói lUrope, tưởng chừng như đó là một cách phát âm đặc biệt tế nhị của tiếng Pháp mà phu nhân có thể dùng khi nói với một người Pháp) sẽ không bao giờ là bạn đồng mình thành thực của chúng ta đâu!
     
Đoạn phu nhân lái câu chuyện sang tinh thần dũng cảm và kiên quyết của nhà vua Phổ, nhằm đưa Boris vào cuộc.

Boris lắng nghe mọi người nói, đợi đến lượt mình, nhưng trong đó vẫn không quên đưa mắt nhìn người ngồi bên cạnh là nàng Elen diễm lệ. Mỗi lần gặp đôi mắt của chàng sĩ quan phụ tá trẻ tuổi và đẹp trai, Elen lại mỉm cười.

Nhân nói đến tình hình nước Phổ, Anna Pavlovna quay sang Boris một cách rất tự nhiên, yêu cầu chàng kể lại cuộc hành trình của chàng đến Glogau và tình hình quân đội Phổ khi chàng đến.
     
Boris nói thong thả, dùng một thứ tiếng Pháp thuần tuý và rất đúng mẹo, kể lại rất nhiều chi tiết thi vị về quân đội, về triều đình, nhưng trong lúc kể chuyện chàng vẫn thận trọng tránh không bày tỏ ý kiến riêng của mình về những sự kiện mà chàng trình bày. Trong một khoảng thời gian khá dài, Boris làm cử toạ rất chú ý và Anna Pavlovna cảm thấy cái món đầu mùa mình đem ra chiêu đãi tối nay đã làm cho tất cả các tân khách hài lòng. Người chú ý nhiều nhất đến câu chuyện của Boris là Elen. Nàng mấy lần hỏi chàng về một vài chi tiết trong cuộc hành trình của chàng, và tỏ ra hết sức quan tâm đến tình hình quân đội Phổ.

Chàng vừa nói dứt, nàng đã quay về phía chàng với nụ cười quen thuộc và nói:

- Thế nào ông cũng phải lại chơi đằng nhà tôi đấy! - Cứ nghe giọng nàng nói, có thế tưởng chừng việc này là hết sức cần thiết vì một vài lý do mà chàng không thể nào biết được. - Ngày thứ ba từ 8 giờ đến 9 giờ. Được như vậy tôi rất vii lòng.
     
Boris hứa chiều theo ý muốn của nàng và đã toan bắt đầu nói chuyện với nàng nhưng Anna Pavlovna gọi chàng lại, mượn cớ là "bà dì" của phu nhân cũng muốn nghe chàng nói chuyện.

- Ông có quen chồng của phu nhân phải không? - Anna Pavlovna nói, nhắm mắt lại và chỉ Elen với một cử chỉ buồn rầu. - Ồ sao lại có người đàn bà bất hạnh và đáng yêu đến thế! Trước mặt phu nhân xin chớ nói gì đến ông ta, đừng nói thế! Nó khổ tâm quá.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:51:28 pm
Khi Boris và Anna Pavlovna quay trở lại nhóm tân khách, công tước Ippolit đang làm mọi người chú ý.
Chàng ta ngồi trong ghế bành, chồm người ra phía trước nói:

- Vua Phổ ấy à?- nói đoạn chàng cười phá lên. Mọi người đều quay về phía chàng. - Vua Phổ ấy à?
Ippolit nhắc lại, giọng như muốn hỏi điều gì, đoạn cười phá lên một lần nữa, rồi lại điềm nhiên và nghiêm trang ngồi tụt sâu vào ghế bành.
     
Anna Pavlovna đợi một lát, nhưng hình như Ippolit nhất định không chịu nói thêm gì nữa, nên phu nhân bắt đầu kể chuyện tên Bonaparte vô đạo đã lấy trộm thanh kiếm của Fridrich ở Potxdam.

- Đó là thanh kiếm của Fridrich đại đế mà tôi… - phu nhân mở đầu, nhưng Ippolit đã ngắt lời:

- Vua Phổ ấy à?- và cũng như lần trước, mọi người vừa quay về phía chàng, thì chàng lại xin lỗi và im bặt.
Anna Pavlovna cau mày. Montmorency, bạn của Ippolit: nói với chàng giọng cương quyết:

- Xem nào, cái ông vua Phổ nhà anh có chuyện gì nào?

Ippolit lại cười phá lên, nhưng hình như vừa cười vừa thấy hổ thẹn vì tiếng cười của mình.

- Nào có gì đâu, tôi chỉ muốn nói là… - chàng có ý muốn lặp lại một câu nói đùa mà chàng đã nghe được ở Viên và trong suốt buổi tiếp tân chàng vẫn tìm cách đưa vào câu chuyện. - Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta chiến đấu cho nhà vua nước Phổ là sai lầm.
     
Boris thận trọng mỉm cười như thế nào để người ta có thể xem đó là một nụ cười chế nhạo hay tán thành lời bông đùa cũng được, tuỳ ý cử toạ.

Mọi người cười rộ.

- Cái trò chơi chữ của công tước hỏng quá, nó rất dí dỏm đấy nhưng không công bình! - Anna Pavlovna vừa nói vừa giơ ngón tay nhăn nheo lên hăm doạ. - Chúng ta không chiến đấu cho vua Phổ mà chiến đấu cho chính nghĩa. Ô cái ông công tước Ippolit này ác thật!
     
Suốt buổi tối câu chuyện không lúc nào lắng xuống chủ yếu xoay quanh những tin tức chính trị. Vào cuối buổi tiếp tân, câu chuyện rôm rả hẳn lên khi nói đến những phần thưởng mà hoàng đế đã ban tứ.

- Ông N.N năm ngoái đã được thưởng một hộp thuốc lá có khảm chân dung của hoàng đế, - "Con người có trí tuệ sâu sắc" nói, - tại sao ông S.S lại không được phần thưởng ấy nhỉ?

Nhà ngoại giao đáp:

- Xin ngài thứ lỗi cho, một hộp thuốc lá có khảm chân dung của Hoàng đế là một phần thưởng chứ không phải là một huân chương, đúng hơn, đó là một món quà tặng.

- Nhưng trước đây đã thành lệ rồi đấy, kia như Svartxenberg chẳng hạn…

- Không thể như thế được! - một người khác đáp. - Tôi sẵn sàng đánh cuộc đấy. Huân chương danh dự ngoại hạng thì lại là việc khác…
     
Khi mọi người đứng dậy ra về. Elen, trong suốt buổi tiếp tân hôm ấy vẫn nói rất ít, một lần nữa lại mời Boris ra cho chàng một mệnh lệnh âu yếm mà ngụ nhiều ý nghĩa dặn đến ngày thứ ba phải có mặt ở nhà nàng.

- Tôi rất cần gặp ông!

Nàng nói và mỉm cười, đưa mắt nhìn Anna Pavlovna, và Anna Pavlovna cũng mỉm cười theo để xác nhận ý muốn của Elen, với cái nụ cười buồn buồn của phu nhân như mỗi khi nhắc đến vị ân nhân cao cả của mình(4). Có thể tưởng chừng tối hôm ấy Boris có nói những điều gì đó về quân đội Phổ khiến Elen đột nhiên cảm thấy thế nào cũng phải gặp chàng. Nàng có vẻ như hứa với chàng là đến ngày thứ ba khi chàng đến, nàng sẽ cho biết tại sao.
     
Sáng ngày thứ ba, khi Boris vào gian phòng khách tráng lệ của Elen, người ta chẳng giải thích gì rõ ràng cho chàng biết tại sao chàng cần phải đến như vậy. Ở đây có mấy người khách khác, bá tước phu nhân nói với chàng rất ít, và mãi đến khi chàng hôn tay nàng để cáo từ ra về, nàng mới nói một cách đột ngột, giọng thì thào, và có một điều kỳ dị là trên môi nàng không thấy bóng dáng nụ cười bất tuyệt thường ngày.

- Ngày mai anh đến ăn cơm nhé… vào buổi tối. Anh phải đếnv… Đến nhé…
     
Về Petersburg chuyến ấy, Boris đã trở thành một người thân trong nhà bá tước phu nhân Bezukhov.

========================================

Chú thích:

(1) Marat (1743-1773) một lãnh tụ của phái Jacchins (phái tả) trong cuộc cách mạng tư sản Pháp.

(2) Những người tán thành quyền lực vô hạn của nhà Vua.

(3) Urope: (đáng lý là Europe), châu Âu.

(4) Tức Hoàng thái hậu


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:54:29 pm
Phần V
Chương - 7
     
Chiến tranh đã đến kỳ ác liệt và chiến trường đã lan gần đến biên giới Nga. Đâu đâu cũng chỉ nghe những lời nguyền rủa Bonaparte, kẻ thù của nhân loại; trong các làng mạc người ta tuyền dân quân và tân binh, và từ chiến trường đưa về những tin tức trái ngược nhau bao giờ cũng sai lạc, thành thử được mỗi người thuyết minh lại một cách.
   
Từ năm 1805 đời sống của lão công tước Bolkonxki, của công tước Andrey và của công tước tiểu thư Maria đã thay đổi nhiều.

Năm 1806, lão công tước được bổ nhiệm làm một trong tám vị tổng tư lệnh dân quân trong toàn nước Nga lúc bấy giờ.
   
Tuy tuổi đã già và sức khoẻ đã suy yếu rất nhiều, nhất là trong thời gian ông tưởng con trai mình đã tử trận, lão công tước vẫn cho rằng mình không có quyền từ chối một nhiệm vụ mà chính hoàng đế đã giao phó. Hướng hoạt động mới mẻ này cổ vũ ông và làm cho ông khoẻ khoắn ra. Ông luôn luôn đi kinh lý trong ba tỉnh dưới quyền ông cai quản. Ông chấp hành những nhiệm vụ của mình một cách cẩn thận đến câu nệ, nghiêm khắc đến tàn nhẫn đối với các thuộc hạ, và thân hành kiểm tra, đôn đốc công việc cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Công tước tiểu thư Maria không học toán với ông cụ như trước nữa và chỉ vào phòng làm việc của cha vào buổi sáng cùng với người vú em và tiểu công tước Nikolai (như ông nội cậu vẫn gọi), những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú già, những khi lão công tước ở nhà. Tiểu công tước Nikolai ở với người vú của cậu và bảo mẫu Xavisna trong phần tư thất trước kia của công tước phu nhân, và ngày ngày tiểu thư Maria giành phần lớn thời giờ để ngồi trong gian phòng của đứa cháu nhỏ, cố hết sức thay thế người mẹ của đứa bé. Cô Burien cũng tỏ ra rất yêu quý đứa bé, và tiểu thư Maria nhiều khi phải hy sinh phần mình nhường cho người bạn gái hưởng cái thú được bế ẵm và chơi đùa với chú thiên thần tí hon (như nàng vẫn thường gọi đứa cháu nhỏ).
   
Trong ngôi nhà thờ Lưxye Gorư cạnh bàn thờ Chúa, người ta đã dựng lên một cái điện thờ ở trên ngôi mộ của công tước phu nhân nhỏ nhắn và đặt ở trong điện một pho tượng bằng cẩm thạch đem từ Ý về. Đó là tượng một vị thiên thần có cái môi trên hơi cong lên một chút tựa hồ như sắp mỉm cười, và có một hôm, khi công tước Andrey và công tước tiểu thư Maria ở điện thờ ra, hai người bảo nhau không hiểu tại sao dung mạo của vị thiên thần y có một cái gì gợi lại gương mặt của người đã khuất. Nhưng còn một điều kỳ lạ hơn mà công tước Andrey không nói với em gái, là trong vẻ mặt của vị thiên thần mà nhà nghệ sĩ đã vô tình thể hiện trên nét khắc, công tước Andrey nhìn thấy chính những lời trách móc dịu dàng mà trước đây chàng đã đọc trên gương mặt của vợ khi tắt nghỉ: "Tại sao anh nỡ để em đến nông nỗi này?"
   
Công tước Andrey về nhà được ít lâu thì lão công tước chia gia tài cho con trai và cắt cho chàng thôn Bogutsarovo, một điền trang lớn ở cách Lưxye Gorư bốn mươi dặm Nga. Một phần vì Lưxye Gorư gắn liền với những kỷ niệm đau buồn, một phần vì công tước Andrey đã nhân dịp ấy đến Bogutsarovo xây dựng nhà cửa và sống ở đây phần lớn thời gian.
   
Sau chiến dịch Austerlix, công tước Andrey đã quyết định dứt khoát từ nay sẽ không bao giờ trở về quân đội nữa; thế rồi khi chiến tranh bắt đầu và người nào cũng phải tòng quân, thì chàng lĩnh nhiệm vụ tập trung dân quân dưới quyền cha chàng để khỏi gia nhập quân thường trực. Vai trò của lão công tước và của con trai hâu như đã đảo ngược lại sau chiến dịch 1805. Được hoạt động của mình cổ vũ, lão công tước hy vọng rất nhiều ở chiến dịch sắp tới; trái lại, công tước Andrey không tham dự vào chiến tranh, và mặc dầu trong thâm tâm chàng rất tiếc điều đó, chàng vẫn chỉ thấy trước những kết quả không hay.

Ngày hai mươi sáu tháng hai năm 1807 lão công tước đi kinh lý trong vùng. Công tước Andrey ở lại Lưxye Gorư như thường lệ mỗi khi cha chàng vắng mặt. Cậu bé Nicôluska ốm đã ba ngày nay.

Những người đánh xe đưa lão công tước lên tỉnh đã trở về, mang giấy tờ và thư từ cho công tước Andrey. Người hầu phòng tay cầm những phong thư không tìm thấy công ở trong phòng làm việc của chàng liền vào phòng tiểu thư Maria, nhưng vẫn không thấy ở đấy. Người ta nói với y rằng công tước ở phòng chàng nuôi trẻ.

- Mời đại nhân ra cho, Petrusa đã mang công văn về - một người đầy tớ gái giúp việc u già nói với công tước Andrey trong khi chàng run run, đôi mày nhíu lại, đang nhỏ từng giọt thuốc vào trong cốc nước đầy đến một nửa.

- Có việc gì thế? - Chàng hỏi, giọng cáu kỉnh, và bàn tay vụng về vô ý rót quá một vài giọt thuốc vào trong cốc. Chàng hắt cốc nước xuống đất rồi gọi cốc khác. Người đầy tớ gái bưng nước đến cho chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:55:19 pm
Trong phòng chỉ kê một cái giường nhỏ của trẻ con, hai cái hòm, hai cái ghế bành, một cái bàn lớn, một cái bàn con và một cái ghế nhỏ của trẻ con mà công tước Andrey đang ngồi. Cửa sổ đều có rèm, và trên bàn, một ngọn nến đang cháy dở, bên cạnh có dựng một quyển sách nhạc để tránh ánh sáng khỏi hắt vào giường con.

- Anh ạ - công tước tiểu thư Maria đứng bên giường đứa bé nói với anh - Anh nên đợi một lát thì hơn, chốc nữa…

- Ờ! Thôi xin cô, cô thì chỉ vớ vẩn, lúc nào cũng cứ đợi với chờ, đấy kết quá là thế đấy, - công tước
Andrey nói, giọng thì thầm như có ý hằn học, hẳn là muốn làm cho em gái bực mình.

- Anh ạ, đừng đánh thức nó dậy thì hơn, thật đấy, nó mới thiếp đi được một lát - công tước tiểu thư nói, giọng van lơn.

Công tước Andrey đứng dậy và cầm cái cốc rón rén đến cạnh giường con.

- Hay thôi đừng thức nó nữa? - Chàng nói, ngần ngại.

- Tuỳ anh đấy, kể ra… em nghĩ rằng… thôi thì tuỳ anh… - tiểu thư Maria nói, hình như nàng đâm ra sợ sệt và hổ thẹn khi thấy ý kiến của mình đã thắng. Nàng chỉ cho anh nàng thấy người đầy tớ đang thì thầm gọi chàng.
   
Đêm nay là đêm thứ hai cả hai người đều không ngủ, lo săn sóc đứa bé đang lên cơn sốt, người nóng như sôi. Đã suốt hai ngày nay, vì không tin ông thầy thuốc ở trong nhà, trong khi chờ đợi một bác sĩ mời ở ngoài tỉnh về, họ đã thử dùng hết thuốc này đến thuốc khác. Mệt lả đi vì mất ngủ và lo lắng, cả hai đều trút nỗi buồn bực lên nhau, trách móc, cãi vã lẫn nhau.

- Petrusa đã mang giấy tờ của cụ về, - người đầy tớ gái nói thầm.

Công tước Andrey bước ra.

- Có việc gì thế? - Chàng hỏi gắt, và sau khi đã nghe những lời nhắn miệng của lão công tước, nhận bức
thư của ông và những phong thư khác, chàng quay trở lại phòng trẻ.

- Thế nào rồi? - Công tước Andrey hỏi.

- Vẫn thế, anh chịu khó đợi một chút. Karl Ivanits vẫn nói là chỉ có giấc ngủ là quý hơn cả. - Tiểu thư Maria thở dài nói thì thầm.

Công tước Andrey đến bên đứa bé và sờ vào người nó. Nó nóng như hòn than.

- Cô đem cái ông Karl Ivanits nhà cô đi đâu thì đi cho rảnh!
   
Chàng cầm cái cốc nhỏ thuốc và lại tiến đến bên giường.

- Đừng anh Andrey, - Tiểu thư Maria nói.

Nhưng chàng cau mày nhìn nàng, vẻ giận dữ lại vừa đau khổ, là cầm cái cốc cúi xuống sát đứa bé.

- Nhưng tôi muốn thế - Nào, tôi nhờ cô, cô cho nó uống đi.
   
Công tước tiểu thư Maria nhún vai, nhưng vẫn ngoan ngoãn cầm lấy cái cốc và sau khi gọi người vú em lại, nàng bắt đầu cho đứa bé uống thuốc. Đứa bé khóc thét lên và thở khò khè. Công tước Andrey cau mày, giơ tay lên ôm đầu, bước ra khỏi phòng rồi ngồi xuống chiếc đi-văng đặt ở phòng bên…
     
Tay chàng vẫn cầm tập thư. Như một cái máy, chàng bóc các phong thư ra đọc. Lão công tước viết thư trên giấy xanh, chữ viết rất to và nét chữ kéo dài, thỉnh thoảng lại dùng cổ tự để viết tắt. Bức thư như sau:
     
"Ta vừa nhận được qua liên lạc viên một tin rất đáng mừng đối với lúc này, nếu đó không phải là một tin sai lạc. Đâu như Benrigxen đã đại thắng Buônapáctê ở gần Ailau. Ở Petersburg mọi người đều ăn mừng và vô số phần thưởng đã được gửi đến cho quân đội. Mặc dù ông ấy là người Đức, ta cũng có lời mừng ông ấy. Còn cái thằng cha thủ lãnh ở Kortsevo một thằng Khandrilov nào ấy, thì thực ta không hiểu nó làm trò trống gì: mãi đến giờ mà số quân bổ sung cũng như lương thực vẫn chưa được gửi đi. Con phải phi ngựa đến đó ngay và nói với hắn rằng nếu trong tám ngày công việc không xong thì ta lấy đầu. Còn về trận Proixich Ailau thì ta cũng đã nhận được một bức thư của Petyenka - nó có dự trận ấy - Tất cả các tin tức đều xác thực. Khi những kẻ không nên can thiệp không can thiệp vào, thì ngay đến một người Đức cũng có thể đánh bại Buônapáctê. Nghe nói hắn bỏ chạy khá hốt hoảng. Con phải nhớ lập tức phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn".
   
Công tước Andrey thở dài và bóc phong bì kia ra. Đó là bức thư của Bilibin gồm hai tờ giấy viết chữ nhỏ. Chàng gấp bức thư lại không đọc, rồi giở ra đọc một lần nữa bức thư của cha với câu cuối:
"Phi ngựa đến Kortsevo và làm ngay điều ta đã dặn!"

"Không, xin lỗi, bây giờ tôi không đi đâu cả, phải chờ thằng bé khỏi đã" - Chàng tự nhủ rồi đến sát tiểu thư Maria vẫn ngồi bên giường và khe khẽ ru đứa bé.

"Nào, thử xem ông cụ con viết cho mình những điều gì khó chịu nữa?" - Công tước Andrey nhớ lại nội dung bức thư của cha. Ừ quân đội ta đã đánh thắng Bonaparte chính trong lúc ta không tại ngũ. Phải, số phận như chế nhạo mình… Thôi cứ mặc!" Và chàng bắt đầu đọc bức thư của Bilibin viết bằng tiếng Pháp. Chàng đọc nhưng không hiểu được một nửa, chàng đọc chỉ là để quên đi một phút đừng nghĩ đến cái điều đã bắt chàng suy nghĩ quá lâu, choán hết tâm trí chàng và làm cho chàng khổ sở.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:56:08 pm
Phần V
Chương - 8
     
Bây giờ Bilibin giữ một chức vụ ngoại giao bên cạnh Bộ tổng tư lệnh và tuy viết bằng tiếng Pháp với những câu bông đùa và những thành ngữ Pháp, ông ta vẫn miêu tả chiến dịch với một thái độ can đảm đặc biệt của người Nga, không sợ tự phê phán mình và tự chế nhạo mình.    Bilibin viết rằng bổn phận phải kín đáo của nhà ngoại giao làm cho ông ta khổ sở và ông ta cảm thấy sung sướng vì có một người bạn trao đổi thư từ đáng tin cậy là công tước Andrey mà ông ta có thể trút tất cả những điều bực tức đã tích luỹ bấy lâu vì phải chứng kiến những sự việc xảy ra trong quân đội. Bức thư này đã cũ viết từ trước khi xảy ra trận Proixich. Bilibin viết:

"Sau những thắng lợi của ta ở Austerlix, như anh đã biết, công tước thân mến, tôi không rời khỏi Bộ tổng tư lệnh nữa. Quả thực tôi đã bắt đầu thấy thích chiến tranh rồi, và như thế cũng hay. Những điều tôi được mục kính ba tháng nay thực là không thể nào tin được.

Tôi xin nó "từ đầu". Kẻ thù của nhân loại, như anh đã biết, xông vào đánh quân Phổ. Quân Phổ là ông bạn đồng minh trung thành của ta, suốt ba năm nay, chỉ lừa ta có ba lần. Ta đứng về phía họ và trợ thủ cho họ. Nhưng xem ra thì kẻ thù của nhân loại chẳng cần đếm xỉa gì đến những lời lẽ hay ho của chúng ta và với cái thói vô lễ và dã man của hắn, hắn đã xông vào đánh quân Phổ không để lại cho họ có thì giờ kết thúc cuộc duyệt binh đã bắt đầu và chỉ trong nháy mắt, hắn đã đánh cho quân Phổ một trận ê chề rồi đến ngự ở điện Potxdam. Vua Phổ viết cho Buônapáctê: "Tôi hết sức thiết tha mong mỏi rằng Hoàng đế sẽ hài lòng về cách nghênh tiếp và chiêu đãi. Bệ hạ trong cung điện của tôi, và tôi đã hết lòng lo lắng thi hành mọi biện pháp có thể thi hành được trong hoàn cảnh hiện nay. Mong sao những niềm mong mỏi của tôi được thực hiện như ý!"

Tóm lại, chúng ta hy vọng rằng chỉ riêng cái tư thế quân sự của ta thôi cũng đủ khiến họ phải kiêng dè, nhưng kết quả hoá ra là chúng ta đã bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh thực sự, hơn nữa lại là một cuộc chiến tranh ở ngay biên giới nước ta "Liên minh với vua Phổ". Lệ bộ đều hoàn toàn đày đủ chỉ thiếu một điều nhỏ nhặt thôi, đó là một vị Tổng tư lệnh. Vì nhận thấy rằng những thắng lợi ở Austerlix lẽ ra sẽ có giá trị quyết định hơn giá như vị Tổng tư lệnh không đến nỗi trẻ con như Kutuzov, nên người ta đã điểm duyệt tất cả những cụ già tám mươi và giữa Proxovxki và Kamenxki thì người ta đã chọn Kamenxki. Tổng tư lệnh đi xe kibitka… đến gặp chúng tôi theo kiểu Xuvorov là đã được nghênh tiếp bằng những tiếng hoan hô mừng rỡ và đắc thắng.

Ngày 4, chuyến thư đầu tiên từ Petersburg đến. Người ta đưa các hòm thư vào phòng làm việc của nguyên soái, vì ông ta vốn thích thân hành làm tất cả mọi tiệc. Người ta gọi tôi vào giúp một tay để phân loại các thư từ và nhận lấy những bức thư nào gửi cho chúng tôi. Nguyên soái nhìn chúng tôi làm và chờ đợi những gói thư gửi cho ngài. Chúng tôi tìm mãi chẳng thấy bức thư nào cả. Nguyên soái đâm sốt ruột, tự mình bắt tay vào tìm thì thấy toàn những thư của hoàng đế gửi cho bá tước T., cho công tước V… và cho những người khác. Thế là ông ta nổi giận lôi đình, một trong những trận lôi đình kinh khủng mà ông ta thường có. Ông ta nổi khùng thét lác chửi bới mọi người, vồ lấy những bức thư, bóc ra và đọc những bức Hoàng đế gửi cho người khác. Đấy, người ta đối xử với tôi như thế đấy! Người ta không tin tôi, cho người theo dõi tôi. Tốt lắm, thôi cút đi! Và ông ta viết bản nhật lệnh Trứ danh cho tướng Benrigxen: "Tôi bị thương không cưỡi ngựa được, cho nên không thể nào cầm quân. Ông đã đem bại quân ở Pultuxt về. Ở đấy nó phải ở giữa trời, không có củi đốt, không có cỏ cho ngựa ăn, vì vậy cần phải có biện pháp bổ cứu, và như hôm qua chính ông đã nói với bá tước Bukxhevden, bây giờ cần phải rút lui về phía biên giới nước ta, và việc ấy phải thực hiện ngay hôm nay".
   
Ông ta lại viết thư gửi hoàng thượng:

"Qua những cuộc hành quân vừa rồi, tôi đi ngựa nhiều nên bị yên ngựa cọ sớt ra, vết thương đó thêm vào những cuộc chuyển quân trước đây đã khiến cho tôi tuyệt nhiên không thể nào cưỡi ngựa và chỉ huy một đạo quân to lớn như thế này được nữa. Vì vậy tôi đã giao quyền chỉ huy cho viên tướng thâm niên nhất sau tôi là bá tước Bukxhevden. Tôi đã trao cho ông tất cả các cơ quan quản lý quân đội của tôi và tất cả các bộ phận tuỳ thuộc. Tôi đã khuyên ông ta nếu thiếu bánh mì thì phải rút lui về phía biên giới bằng cách thâm nhập vào nội địa nước Phổ bởi vì chỉ còn có đủ bánh mì cho một ngày và như các vị chỉ huy các sư đoàn Oxderman và Xedmoretxki đã báo cáo, thì trong một vài trung đoàn chẳng còn gì nữa, còn như lương thực của nông dân thì đều đã ăn hết. Về phần tôi, tôi sẽ ở lại bệnh viện Oxterman cho đến khi khỏi bệnh. Tôi xin kính cẩn dâng trình bản báo cáo này lên bệ hạ và xin báo thêm với bệ hạ rằng nếu quân đội ta còn đóng trại lộ thiên ở đây mươi lăm ngày nữa thì sang xuân sẽ không còn lấy một người nào khoẻ mạnh.
Xin bệ hạ cho phép một người già cả được về quê, với niềm sỉ nhục là đã không hoàn thành được cái sứ mệnh to lớn và quang vinh mà mình đã được chọn làm người thực hiện. Ở đây, trong bệnh viện, tôi sẽ chờ lượng hải hà của bệ hạ ban ơn cho tôi khỏi phải làm nhiệm vụ một viên thư lại ở trong quân đội chứ không phải nhiệm vụ của một người chỉ huy. Việc tôi ra khỏi quân đội sẽ không gây nên những lời bàn ra tán vào, chẳng qua cũng chỉ như một người mù ra khỏi quân đội. Ở nước Nga những người như tôi có đến hàng ngàn".
   
Nguyên soái giận hoàng đế và trừng phạt cả bọn chúng tôi; như thế chẳng phải là hợp lẽ lắm ru!
Đó là hồi thứ nhất, sang các hồi sau dĩ nhiên là càng thêm thú vị và buồn cười. Sau khi nguyên soái đi rồi, chúng tôi bỗng thấy quân địch đã với trước mặt và thế nào cũng phải giao chiến. Nếu tính thâm niên thì Bukxhevden phải là Tổng tư lệnh, nhưng Benntgxen không tán thành điều đó. Hơn nữa, chính ông ta và quân của ông ta đang đối diện với địch, là ông ta muốn nhân cơ hội này đánh một trận "Aux eigener Hand" (chính tay mình) như người Đức thường nói. Ông ta khai trận. Đó là trận Pultuxk mà người ta cho đây là một trận thắng lớn, nhưng theo ý tôi thì chẳng thắng chút nào. Như anh đã biết, bọn dân sự chúng tôi có một cái thói xấu khi nhận định sự thắng bại của một trận đánh. Chúng tôi nói như thế này, bên nào rút lui sau trận đánh là bên đó thua, và nếu căn cứ vào điều đó thì chúng ta đã thua trận Pultuxk. Tóm lại, chúng tôi rút lui sau khi đánh, nhưng chúng tôi lại phái người về Petersburg mang tin thắng trận, và tướng Benntgxen không nhường chức tổng tư lệnh cho Bukxehevden vì hy vọng rằng để thưởng công cho ông ta đã chiến thắng, sẽ có lệnh từ Petersburg đến phong ông ta làm tổng tư lệnh. Trong cái thời gian quá độ ấy, chúng tôi bắt đầu một kế hoạch hành binh hết sức thú vị và độc đáo. Mục đích của chúng tôi không phải là tránh hay tấn công quân địch như theo đúng lẽ thường mà chỉ là làm sao tránh tướng Bukxehevden là người mà về mặt thâm niên lẽ ra phải là tổng tư lệnh của chúng tôi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:56:39 pm
Chúng tôi đeo đuổi mục đích ấy một cách kiên quyết đến nỗi khi qua một con sông không thể lội qua được thì chúng tôi đốt cầu để chặn đường quân địch của chúng tôi - quân địch ở đây tạm thời không phải là Buônapáctê mà là Bukxehevden. Tướng Bukxehevden chỉ thiếu chút nữa thì bị lực lượng địch mạnh hơn tấn công và bắt sống, cũng là do cuộc hành binh hay ho của chúng tôi rôi để trốn tránh ông ta. Bukxehevden đuổi theo chúng tôi, chúng tôi bỏ chạy: Hễ ông ta sang bên này sông, về phía chúng tôi, là chúng tôi lập tức sang bên kia sông.

Cuối cùng, kẻ địch của chúng tôi đuổi kịp và tấn công chúng tôi Hai vị tướng nổi giận. Thậm chí Bukxhevden còn thách đấu súng và Benrigxen bị động kinh ngất đi. Nhưng vừaa đúng vào lúc tình hình đang nguy ngập như vậy thì người ta đã đưa tin chúng tôi thắng trận ở Pultuxk về kinh đô nay lại mang một mệnh lệnh từ Petersburg đến phong chúng tôi làm tổng tư lệnh, và thế là kẻ địch thứ nhất của Bukxhevden đã bị tiên diệt. Bấy giờ chúng tôi có thể nghĩ đến kẻ địch thứ hai là Buônapáctê. Nhưng ngay lúc ấy trước mắt chúng tôi lại xuất hiện một kẻ địch thứ ba, đó là quân đội chính giáo đang lớn tiếng đòi bánh mì, thịt, lương khô, cỏ ngựa những thứ gì nữa tôi nào biết được. Các kho lương thực thì trống không, còn đường xá thì không đi lại được. Đạo quân chính giáo bắt đầu cướp bóc, và cướp bóc một cách ghê gớm đến nỗi chiến dịch trước chằng thấm vào đâu. Một nửa quân số các binh đoàn trở thành những đội quân tự do đi lùng khắp làng, đốt sạch và phá sạch. Nhân dân khốn khổ điêu đứng, các bệnh viện đầy ắp những người bệnh, và nạn đói lan tràn khắp nơi. Bộ tổng tư lệnh cũng đã hai lần bị những đội quân ăn cướp tấn công và bản thân vị Tổng tư lệnh đã phải gọi một tiểu đoàn đến đuổi chúng. Trong một cuộc tấn công như vậy người ta đã đem cái hòm không và cái áo ngủ của tôi đi mất. Hoàng đế muốn cho tất cả các sư đoàn trưởng được quyền xử bắn bọn ăn cướp, nhưng tôi e rằng làm thế thì chẳng khác nào bắt buộc một nửa quân đội xử bắn nửa kia".
   
Lúc đầu công tước Andrey chỉ đọc bằng mắt nhưng dần dần, tuy chàng biết rõ nên tin Bilibin đến mức nào, những điều chàng đọc mỗi lúc một khiến chàng chú ý. Đọc đến chỗ này, chàng vò nát bức thư đi. Chàng bực tức không phải vì nội dung bức thư mà vì nhận thấy cái cuộc sống xa lạ ấy sao lại có thể làm cho chàng xúc động. Chàng nhắm mắt lại, lấy tay xoa lên trán như muốn xua đuổi hết mối quan tâm đối với những điều chàng vừa đọc và lắng nghe xem trong phòng trẻ động tĩnh ra sao. Đột nhiên chàng thấy như đằng sau cánh cửa có tiếng gì là lạ. Chàng chợt thấy sợ hãi, chàng sợ con chàng có mệnh hệ nào trong lúc chàng đang đọc thư. Chàng rón rén bước đến cửa phòng đứa bé và mở ra. Ngay lúc bước vào chàng thấy người vú em vẻ hoảng hốt đang che giấu chàng một vật gì và không thấy công tước tiểu thư Maria ở cạnh giường con nữa.

- Anh ơi - sau lưng chàng có tiếng thì thầm của tiểu thư Maria mà chàng có cảm giác là một tiếng thì thầm tuyệt vọng. Như người ta vẫn thường cảm thấy sau một thời gian dài mất ngủ và lo âu bứt rứt, một nỗi lo sợ vô cớ đột nhiên tràn vào lòng chàng: Chàng chợt nảy ra ý nghĩ là đứa bé đã chết. Tất cả những điều chàng nghe thấy và trông thấy xem chừng đều xác nhận điều chàng lo sợ.

"Thôi thế là hết" - chàng chợt nghĩ, và trên trán bỗng toát mồ hôi lạnh. Chàng bối rối đến gần giường con, chắc mẩm rằng sẽ thấy nó trống không, và người vú em lúc nãy vừa che giấu đứa bé đã chết. Chàng vén màn lên và hồi lâu, cặp mắt hốt hoảng của chàng cứ đưa từ vật này sang vật khác mà không tìm thấy đứa bé. Cuối cùng, chàng nhìn thấy nó: thằng bé hồng hào, hai tay dang ra nằm chéo góc trên giường, đầu tuột ra khỏi gối; nó đang bú suông trong giấc mơ màng, đôi môi mút mút, tiếng thở đều dặn.
     
Trông thấy đứa bé, công tước Andrey sung sướng quá, tưởng chừng như vừa rồi chàng đã mất hẳn nó. Chàng cúi xuống và làm như em gái chàng đã có lần bày cho chàng, đặt đôi môi lên trán nó để xem nó có nóng hay không. Vầng trán mịn màng của thằng bé ươn ướt. Chàng lấy tay sờ lên đầu: Cả tóc nó cũng ướt đẫm: đứa bé đổ mồ hôi nhiều. Không những nó không chết, mà bây giờ rõ ràng là cơn bệnh đã qua và nó bắt đầu bình phục. Công tước Andrey muốn ôm lấy cái sinh vật bé bỏng yếu ớt kia, giữ chặt lấy nó, ghì nó vào ngực, nhưng chàng không dám. Chàng đứng im đưa mắt nhìn cái đầu đôi tay, đôi chân bé nhỏ, hiện rõ dưới lần chăn. Bên cạnh chàng có tiếng sột soạt và một cái bóng in lên tấm màn của chiếc giường con. Chàng không ngoảnh lại, mắt vẫn nhìn vào mặt đứa bé và lắng nghe hơi thở đều đều của nó. Cái bóng đen ấy là công tước tiểu thư Maria. Nàng rón rén bước lại gần, vén màn lên rồi buông xuống sau lưng nàng. Công tước Andrey không nhìn lại nhưng vẫn nhận ra nàng, và đưa tay về phía nàng. Nàng siết chặt bàn tay anh.

- Nó đã đổ mồ hôi rồi - Công tước Andrey nói. - Em đến tìm anh để nói cho anh biết thế đấy.
   
Đứa bé hơi cựa mình trong giấc ngủ. Nó mỉm cười và cọ trán vào gối.
   
Công tước Andrey nhìn em gái, đôi mắt trong sáng của tiểu thư Maria trong vùng ánh sáng dìu dịu của cái màn con sáng hơn ngày thường vì đang long lanh những giọt nước mắt sung sướng. Công tước tiểu thư Maria nghiêng người về phía anh và hôn chàng, mình khẽ vướng vào cái màn phủ trên chiếc giường con. Hai người ra hiệu bảo nhau im lặng, đứng một lát nữa trong vùng ánh sáng dìu dịu của cái màn, như còn luyến tiếc chưa nỡ dời bỏ cái vũ trụ riêng của ba người tách biệt hẳn với tất cả thế giới bên ngoài. Công tước Andrey rời khỏi giường trước tiên, tóc vướng vào cái màn nhiễu.

"Bây giờ ta chỉ còn có thế thôi" - Chàng nói trong một tiếng thở dài.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:57:28 pm
Phần V
Chương - 9

Vào hội Tam điểm được ít lâu, Piotr mang theo một bản chỉ dẫn đầy đủ do chàng tự viết ra cho mình rồi, ghi rõ những điều phải làm trong các điền trang của chàng, lên đường đến tỉnh Kiev là nơi phần lớn nông dân của chàng sống.
     
Đến Kiev, Piotr triệu tất cả những người quản lý của chàng lại phòng giấy chính và nói rõ cho họ biết những ý định và mong muốn của chàng. Chàng bảo họ là phải lập tức thi hành những biện pháp nhằm hoàn toàn giải phóng nông dân khỏi chế độ nông nô phong kiến, và trong khi chờ đợi, không được bắt nông dân làm việc quá vất vả, không được bắt đàn bà có con mọn làm việc khổ dịch, phải giúp đỡ nông dân, khi cần trừng phạt chỉ được dùng lời răn đe, không được dùng roi vọt. Ở mỗi điền trang đều phải xây dựng nhà thương, nhà cứu tế và trường học.
   
Một vài viên quản lý (trong số này có những viên quản gia gần như mù chữ) nghe vậy rất hoảng sợ, cho rằng vị bá tước trẻ tuổi nói như vậy tức là không bằng lòng cách họ quản lý công việc và vì họ ăn mất tiền nong; có người lúc đầu còn sợ hãi nhưng dần dần cảm thấy những câu nói xì xồ và lảm nhảm của Piotr và những danh từ mới mẻ của họ mới được nghe lần này là lần đầu cũng hay hay; có những người chỉ cần được nghe ông chủ nói là đã thú rồi; cuối cùng những người thông minh nhất, trong số đó có viên tổng quản, qua lời nói này đã hiểu ra được mình cần phải đối phó với ông chủ như thế nào, để có thể đến mục đích riêng của mình.
   
Viên tổng quản tỏ ý rất tán thành những ý định của Piotr nhưng lại bàn rằng ngoài những cải cách kia, nói chung còn phải lo đến công việc làm ăn, mà công việc làm ăn thì hiện nay đang ở trong tình trạng bê trễ!
Mặc dầu gia tài bá tước Bezukhov hết sức to lớn, nhưng từ ngày Piotr nhận được cái gia tài ấy, và như người ta nói, thu được mỗi năm năm mươi vạn rúp, nhưng chàng cảm thấy mình còn nghèo hơn nhiều so với thời chàng nhận một vạn rúp của lão bá tước đã quá cố.
   
Đại khái chàng hình dung ngân sách của mình một cách mơ hồ như sau: chàng trả cho Hội đồng giám hộ(1) về tất cả các điền trang gần tám vạn, những khoản chi phí cùng với khoản trợ cấp cho ba công tước tiểu thư mất hết khoảng ba vạn, những khoản tiền trợ cấp cho người này người nọ hết gần một vạn rưởi; và tiền dùng vào công việc từ thiện cũng chừng ấy; mười lăm vạn gửi cho bá tước phu nhân để tiêu dùng; tiền lãi về các khoản nợ mỗi năm phải trả đến bảy vạn rúp, việc xây dựng một ngôi nhà thờ đã khởi công hai năm nay tốn mất gần một vạn rúp; mười vạn rúp còn lại thì tiêu hết nhẵn, chàng cũng chẳng hiểu tiêu vào những việc gì, và hầu như năm nào chàng cũng bắt buộc phải vay. Đã thế, năm nào viên tổng quản cũng viết thư cho chàng, khi thì báo tin có hoả hoạn, khi thì báo tin mất mùa, khi thì lại bảo là cần phải xây dựng lại xưởng máy và xưởng thủ công. Tóm lại, công việc đầu tiên mà Piotr phải lo lại chính là cái việc mà chàng ít có khả năng và ít thấy hứng thú nhất, đó là trông nom những công việc kinh tế.
   
Piotr ngày nào cũng làm việc với viên tổng quản. Nhưng chàng cảm thấy những buổi "làm việc" của mình không làm cho chuyện làm ăn tiến lên một chút nào. Chàng cảm thấy những buổi "làm việc" đó không dính líu gì với công việc kinh doanh, nó không bám sát vào công việc kinh doanh, và không thể thúc đẩy cho công việc tiến hành. Một mặt thì viên tổng quản trình bày công việc dưới một ánh sáng hết sức bi quan, vạch cho chàng thấy cần phải trả nợ và phải dùng sức của nông nô vào những công việc mới, nhưng Piotr không nghe; mặt khác thì Piotr đòi phải bắt tay vào việc giải phóng nông nô, nhưng viên tổng quản lại trả lời rằng trước hết cần trả nợ cho Hội đồng giám hộ và do đó không thể nào thực hiện kế hoạch này một cách nhanh chóng được.
     
Viên tổng quản không nói rằng điều đó hoàn toàn không thực hiện được; hắn chỉ nói rằng muốn thực hiện việc ấy phải bán những khu rừng ở tỉnh Koxtroma, bán những đất đai ở hạ Volga và điền trang ở Krym. Nhưng tất cả những công việc này, theo như lời viên tổng quản nói, lại đi đôi với những thủ tục phức tạp, nào là xin bãi miễn các lệnh cấm khiếu nại, xin phép v.v… đến nỗi Piotr đâm hoang mang và chỉ biết đáp lại: "Được, được, cứ làm như thế!".

Piotr không có cái tính kiên nhẫn thiết thực để có thể tự mình trực tiếp bắt tay vào công việc, vì vậy chàng không thích công việc này và chỉ cố giả vờ lo lắng đến công việc có mặt viên tổng quản.
     
Còn viên tổng quản thì trước mặt bá tước cứ cố làm như thể hắn cho rằng những buổi làm việc này rất có lợi cho ông chủ nhưng thực là rày rà cho hắn quá.

Ở trong thành phố lớn. Piotr đã gặp được những người quen; những người chưa quen thì vội vàng làm quen và niềm nở tiếp đón nhà triệu phú mới đến, nhà trang chủ lớn nhất trong tỉnh. Những điểm cám dỗ cái nhược điểm chính của Piotr, nhược điểm mà chàng đã thú nhận khi được nhận vào hội, cũng mạnh mẽ đến nỗi chàng không tài nào tự kiềm chế nổi. Rồi cũng như ở Petersburg chàng lại miệt mài suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng trong những tối tiếp tân, những bữa tiệc, những buổi khiêu vũ, đến nỗi không sao có thì giờ định thần lại nữa. Thế là cuộc đời mới mà chàng đã mong mỏi vẫn không sao thực hiện được; chàng vẫn sống cuộc đời trước kia, chỉ có điều là ở trong một khung cảnh khác mà thôi.
   
Trong số ba điều mà hội Tam điểm yêu cầu, Piotr nhận thấy mình không thực hiện được cái điều khoản yêu cầu mỗi đạo hữu phải là tấm gương đạo đức, và trong số bảy đức tính tốt, chàng hoàn toàn thiếu hẳn hai: đức hạnh và lòng yêu cái chết. Chàng tự an ủi rằng, trái lại chàng đã thực hiện được một nhiệm vụ khác - cải tạo nhân loại, chàng lại có những đức tính khác là tình yêu đồng loại và đặc biệt là đại lượng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:58:06 pm
Mùa xuân năm 1807, Piotr quyết định trở về Petersburg. Trên đường về, chàng có ý định tham quan các điền trang của mình một lượt và thân hành kiểm tra xem những mệnh lệnh của mình đã được chấp hành đến đâu, cũng như xem thử cái đám dân mà Thượng đế đã giao phó cho chàng, cái đám dân mà chàng đang tìm cách cải thlện cuộc sống, nay đang sống ra sao.
     
Mặc dầu viên tổng quản xem tất cả những dự định của vị bá tước trẻ tuổi gần như là điên rồ, bất lợi cho hắn, cho ông ta cũng như cho nông dân, nhưng hắn cũng nhượng bộ. Trong khi tiếp tục trình bày rằng giải phóng nông dân là một việc không thể thực hiện được hắn vẫn ra lệnh xây dựng trong tất cả các điền trang những ngôi nhà lớn dùng làm trường học, nhà thương và nhà cứu tế, hắn chuẩn bị ở khắp nơi những cuộc đón tiếp chủ nhân, không tổ chức linh đình vì hắn biết Piotr không thích, nhưng lại là những cuộc đón tiếp theo lối cảm ơn có tính chất tôn giáo, có rước tượng thánh, có dâng muối và bánh mỳ. Theo như hắn quan niệm về ông chủ thì cách này hẳn là có tác dụng đối với bá tước và sẽ lừa được ông ta.
   
Mùa xuân ở phương Nam, cuộc hành trình nhanh chóng và thoải mái trong một cái xe ngựa kiểu Viên cùng với cảnh tĩnh mịch ở trên đường, làm cho Piotr rất sảng khoái, những điền trang mà chàng chưa hề đến, mỗi nơi một vẻ: nơi nào trông cũng đẹp đẽ ngoạn mục, đâu đâu dân cư cũng có vẻ sung túc, và có một tấm lòng biết ơn rất cảm động đối với những ân huệ của chủ nhân. Đâu đâu cũng vậy, những cuộc đón tiếp của nông dân làm cho chàng ngượng ngùng lúng túng, nhưng trong thâm tâm chàng vẫn cảm thấy vui sướng. Ở một nơi nông dân mang bánh mỳ, muối và hai tượng thánh Piotr và Pavel đến xin phép chàng cho họ xuất tiền túi ra xây một điện thờ mới ở trong nhà thờ để tôn kính hai vị thiên thần của họ là Piotr và Pavel và để tỏ lòng biết ơn những công đức mà họ đã nhận được. Ở một nơi khác đàn bà bế con nhỏ ra đón tiếp và cảm ơn chàng đã ra lệnh miễn cho họ những công việc nặng nhọc. Ở một điền trang thứ ba, một tu sĩ cầm thập tự giá ra tiếp chàng, chung quanh là một đám trẻ con mà nhờ ơn đức của bá tước ông ta đã dạy dỗ cho biết chữ và biết giáo lý. Ở khắp các điền trang Piotr đều nhìn thấy rõ ràng những ngôi nhà bằng dá dựng lên theo một kiểu duy nhất và dùng để làm nhà thương, trường học, nhà cứu tế, chẳng bao lâu nữa sẽ được khánh thành. Đâu đâu xem báo cáo của những người quản gia chàng cũng thấy việc lao dịch đã giảm nhẹ hơn trước và đâu đâu chàng cũng được nghe những lời tạ ơn cảm động của những phái đoàn nông dân mặc kaftan xanh.
   
Chỉ có điều là Piotr không biết rằng nơi mà người ta đem bánh mỳ và muối ra dâng chàng và xây điện thờ hai vị thánh Piotr và Pavel chính là một thị trấn buôn bán và là nơi họp phiên chợ vào ngày thánh Piotr, còn cái điện thờ thì đã được xây từ lâu bằng tiền của phú nông: chính những người đó đã đón chàng, còn chín phần mười nông dân trong làng này thì hoàn toàn bị phá sản. Chàng không biết rằng theo lệnh chàng người ta đã miễn lao dịch cho những bà mẹ có con mọn, nhưng những bà này bây giờ ở nhà lại phải gánh lấy những phần việc nặng nhọc nhất. Chàng không biết rằng vị tu sĩ tay cầm thánh giá ra tiếp đón chàng đã bắt nông dân phải nai lưng ra nộp thuế thập phân và những đứa học trò đứng chung quanh là do cha mẹ chúng vừa khóc vừa giao cho ông ta, và phải trả những món tiên lớn cho ông ta mới được chuộc con về.
   
Chàng không biết rằng những ngôi nhà bằng đá xây theo một kiểu duy nhất là do chính tay nông dân của chàng dựng nên và do đó lao dịch của họ càng nặng thêm, có giảm bớt chăng chỉ là giảm trên giấy tờ mà thôi. Có nơi một người quản gia đưa sổ sách cho chàng xem và chỉ cho chàng thấy rằng theo lệnh của chàng tô đã được giảm một phần ba, nhưng chàng có biết đâu trong khi đó lao dịch lại được tăng gấp rưỡi. Vì vậy, Piotr rất hào hứng về cuộc hành trình qua các điền trang của mình và hoàn toàn trở về với cái tâm trạng say sưa với công việc từ thiện khi chàng rời khỏi Petersburg, chàng viết những bức thư hân hoan cho vị đạo huynh bậc thầy của chàng, như lời chàng dùng để gọi vị đại sư.
   
"Làm bao nhiêu việc tốt như vậy mà thật là dễ dàng, chẳng phải khó nhọc gì mấy, - chàng tự nhủ - Ấy thế mà chúng ta lại rất ít lo đến việc đó!".

Chàng thấy sung sướng vì nông dân đã tỏ lòng biết ơn mình, nhưng lại thấy xấu hổ khi tiếp nhận những lời cảm ơn của họ. Lòng biết ơn này nhắc nhở chàng rằng chàng lẽ ra còn có thể làm nhiều hơn nữa cho những con người giản dị, hiền lành kia. Viên tổng quản: một người rất ngu dốt nhưng lại rất giảo quyệt, đã hoàn toàn hiểu rõ ông bá tước thông minh và ngây thơ, nên hắn đùa bỡn ông ta, xem như một trò chơi. Khi thấy những buổi tiếp đón có chuẩn bị sẵn kia ảnh hưởng đến Piotr như vậy, hắn biện luận một cách quả quyết hơn nữa rằng việc giải phóng nông dân không thể thực hiện được và nhất là không cần thiết, bởi vì nông dân chẳng cần được giải phóng cũng đã được hoàn toàn sung sướng rồi.

Trong thâm tâm Piotr cũng đồng ý với viên tổng quản rằng thật khó lòng mà hình dung ra được những người sung sướng hơn, và có trời biết một khi họ được tự do thì họ có thể gặp những tai ương gì; nhưng mặc dầu miễn cưỡng, Piotr cũng nhấn mạnh việc thực hiện những điều mà chàng cho là công bình. Viên tổng quản hứa đem hết tâm lực thực hiện ý muốn của bá tước, mặc dù hắn vẫn thừa hiểu rằng bá tước không những không bao giờ có thể kiểm tra xem thử tất cả những biện pháp để bán rừng và điền trang, để trả nợ tiền cho Hội đồng giám hộ đã làm hay chưa, mà có lẽ sẽ không bao giờ hỏi và biết được rằng những ngôi nhà đâ xây dựng lên đấy vẫn bỏ không, còn nông dân vân phải tiếp tục cung cấp công sức và tiền bạc như nông dân của các trang chủ khác, nghĩa là tất cả những gì họ có thể cung cấp được.

=======================================

Chú thích:

(1) Tên gọi một cơ quan địa ốc ngân hàng ở Nga.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:58:52 pm
Phần V
Chương - 10

Tinh thần hết sức khoan khoái trong khi đi du lịch ở miền Nam trở về, Piotr thực hiện cái ý định đã ấp ủ từ lâu là đến thăm Bolkonxki, người bạn mà đã hai năm nay chàng chưa gặp lại.
     
Thôn Bogutsarovo ở vào một miền chẳng có gì là ngoạn mục. Đó là một nơi bằng phẳng, toàn những cánh đồng và những khu rừng tùng, rừng bạch dương, khu thì đã đẵn hết cây, khu thì hãy còn nguyên vẹn. Trang viên của chủ nhân ở cuối một cái làng chạy dài thành một đường thẳng dọc theo đường cái lớn, sau một cái hồ mới đào nước đầy ăm ắp, bờ vẫn chưa mọc cỏ, giữa một khóm rừng cây non chen lác đác vài cây thông lớn.
   
Trang viên gồm có cái sân gồm có cái sân đập lúa, mấy căn nhà phụ, mấy cái tàu ngựa, mấy gian buồng tắm, một dãy nhà dọc và một ngôi nhà lớn bằng đá, mi nhà hình vòng cung còn đang xây dở, chung quanh nhà là một thửa vườn mới trồng. Hàng rào và cổng đều mới và chắc chắn; dưới mái hiên có hai cái bơm cứu hoả và một cái thùng tôn - nô sơn màu xanh lá cây. Đường sá đều thẳng tắp, mấy cái cầu đều vững chắc và có tay vịn. Tất cả đều mang rõ dấu vết một sự xếp đặt ngăn nắp của một bàn tay biết cách làm ăn. Gặp mấy người đầy tớ, Piotr hỏi họ xem công tước Andrey ở đâu, thì họ giơ tay chỉ dãy nhà dọc nhỏ mới xây ở ngay bên hồ. Anton, người lão bộc của công tước Andrey đỡ Piotr xuống xe, nói rằng công tước hiện có nhà: và đưa chàng vào một gian tiền phòng nhỏ rất sạch sẽ.
   
Piotr ngạc nhiên khi thấy vẻ mộc mạc của ngôi nhà nhỏ bé nhưng sạch sẽ, bởi vì lần gần đây nhất chàng đã gặp bạn ở Petersburg trong một khung cảnh cực kỳ tráng lệ. Chàng vội vàng bước vào gian phòng nhỏ chưa trát thạch cao, còn thơm mùi gỗ thông, và toan đi vào nhưng Anton đã rón rén chạy vượt lên trước chàng và đến gõ cửa.

- Cái gì thế? - Một giọng nói đanh và khó chịu từ trong phòng vẳng ra.

- Bẩm có khách ạ - Anton đáp.

- Bảo đợi một chút, - tiếng nói ở trong nhà đáp, rồi kế theo sau có tiếng xô ghế.
   
Piotr bước nhanh về phía cửa và suýt xô vào công tước Andrey đang bước ra đón chàng, mặt mày cau có và trông già hẳn đi. Piotr ôm lấy bạn rồi cất kính, hôn lên hai má chàng và nhìn sát vào mặt chàng.

- Thật là không ngờ! May mắn quá! - Công tước Andrey nói.
   
Piotr không nói gì, chàng ngạc nhiên nhìn bạn không rời mắt. Sự thay đổi trên diện mạo công tước Andrey làm Piotr kinh ngạc. Lời nói của công tước Andrey vẫn rất dịu dàng và thân mật, đôi môi và cả gương mặt chàng vẫn tươi cười nhưng cái nhìn đã tắt, đã chết, và có thể thấy rõ rằng tuy rất muốn, chàng vẫn không sao làm cho nó ánh lên tia sáng mừng rỡ, tươi vui được.   Không phải vì chàng đã gầy đi, xanh đi, rắn rỏi hơn trước nhưng cái nhìn kia và nếp nhăn trên trán biểu lộ một tâm trí đã từ lâu đăm chiêu suy nghĩ một việc gì làm cho Piotr ngạc nhiên và thấy xa lạ, mãi về sau mới quen được.
   
Nhưng những người bạn đã lâu ngày xa cách nay mới được gặp lại họ nói chuyện hồi lâu mà vẫn chưa có chủ đề gì nhất định. Họ hỏi nhau rất vắn tắt và trả lời nhát gừng về những điều mà chính họ cũng biết là lẽ ra cần phải nói dài. Cuối cùng dần dần câu chuyện đi sâu vào những việc mà lúc đầu họ chỉ mới nói lướt qua một cách rời rạc; họ bắt đầu hỏi nhau về quãng đời đã qua, về những dự định cho tương lai, về cuộc hành trình của Piotr, về những công việc của chàng, về chiến tranh, v.v… Vẻ mặt đăm chiêu và chán nản mà Piotr đã nhận thấy trong khoé mắt của công tước Andrey bây giờ còn được phản ánh rõ rệt hơn nữa trong nụ cười của chàng khi chàng nghe Piotr nói, đặc biệt khi Piotr say sưa và phấn khởi nói về quá khứ và tương lai. Hình như công tước Andrey cũng muốn quan tâm đến những điều đang nói, nhưng không được, Piotr bắt đầu cảm thấy rằng, đứng trước công tước Andrey, nhiệt tình của mình, những mơ ước những hy vọng về hạnh phúc và về đạo đức của mình đều không đúng chỗ. Chàng thấy xấu hổ khi phải nói đến tất cả những tư tưởng Tam điểm mới mẻ của mình, nhất là những tư tưởng đã được củng cố và khích lệ, trong cuộc hành trình vừa qua. Chàng tự kiềm chế mình, sợ mình có vẻ ngây ngô; nhưng đồng thời chàng lại hết sức nóng lòng muốn biết rằng bây giờ chàng là một Piotr khác hẳn trước, tốt hơn nhiều so với chàng Piotr ở Peterburg xưa kia.

- Tôi không sao nói hết cho anh rõ từ dạo ấy đến nay tôi đã trải qua bao nhiêu thay đổi. Ngay bản thân tôi cũng không nhận ra mình nữa.

- Phải, từ bấy đến nay chúng ta đều thay đổi rất nhiều, rất nhiều công tước Andrey nói.

- Còn anh thì thế nào? - Piotr hỏi anh có những dự định gì?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 06:59:40 pm
- Dự định ư? - Công tước Andrey nói, giọng mỉa mai - Dự định của tôi ấy à. - Chàng nhắc lại, tựa hồ ý nghĩa của danh từ này làm chàng ngạc nhiên. - Đấy, cậu thấy đấy, tôi đang xây dựng, tôi định sang năm sẽ dọn đến ở hẳn nơi này.
   
Piotr im lặng, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt già trước tuổi của công tước Andrey.

- Không tôi muốn hỏi… - Piotr nói. Nhưng công tước Andrey đã ngắt lời chàng.

- Thôi nói về tôi làm gì… Cậu kể đi nào, cậu kể cho tôi nghe cuộc hành trình của cậu đi và tất cả những việc cậu đã làm ở cắc điền trang của cậu.

Piotr bắt đầu kể lại những việc chàng đã làm trong các điền trang của mình: đồng thời hết sức cố gắng che dấu phần mình đã đóng góp vào những việc cải thiện ấy. Công tước Andrey đã mấy lần nhắc trước cho Piotr những điều chàng sắp nói ra, tựa hồ như tất cả những việc Piotr đã làm chỉ là những chuyện cũ rích và không những chàng không để ý lắng nghe mà lại còn thấy xấu hổ về những điều Piotr kể nữa.
   
Piotr thấy ngượng và thậm chí khó chịu trong khi nói chuyện với bạn. Chàng im bặt.

- Này cậu, bây giờ thế này nhé - công tước Andrey nói hẳn là cũng cảm thấy lúng túng và ngượng nghịu trước mặt bạn. - Tôi hiện nay chỉ tạm "trú quân" ở đây, tôi chỉ mới về đây để nhìn qua một chút. Hôm nay tôi lại trở về nhà em gái. Tôi sẽ giới thiệu cậu với họ. Vả chăng cậu cũng biết cô ấy - chàng nói, như để thù tiếp người khách mà bây giờ chàng cảm thấy không có gì giống mình nữa. - Ăn chiều xong chúng ta sẽ đi. Còn bây giờ cậu có muốn đi xem điền trang của tôi không?
   
Hai người đi ra và dạo chơi cho đến bữa ăn chiều, nói chuyện về những tin tức chính trị và về những người quen chung, như hai người không thân thiết. Công tước Andrey chỉ hào hứng một chút khi nói đến cái trang viên mới mà chàng đang sửa sang và ngôi nhà đang xây dựng. Nhưng ngay ở đây ngay giữa chừng câu chuyện khi họ đang đứng trên dàn thợ ấy và công tước Andrey đang tả cho Piotr nghe cách bố trí ngôi nhà sau này, chàng bỗng ngừng bặt rồi nói:

- Vả lại việc này cũng chẳng có gì thú vị, thôi chúng ta về ăn chiều đi!
   
Trong bữa ăn, câu chuyện chuyển sang cuộc hôn nhân của Piotr, công tước Andrey nói:

- Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin ấy.

Piotr bừng mặt như thường lệ mỗi khi có ai nhắc tới việc này. Chàng nói vội vã:

- Tôi sẽ có dịp kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện. Nhưng anh cũng biết đấy, bây giờ tất cả những chuyện ấy đã chấm dứt rồi và chấm dứt vĩnh viễn.

- Vĩnh viễn à? - Công tước Andrey nói - Không có cái gì vĩnh viễn đâu.

- Nhưng anh đã biết câu chuyện kết thúc như thế nào chưa? Anh đã nghe đến việc đấu súng rồi chứ?

- Có, cậu cũng phải đi đến nước ấy?

- Một điều mà tôi cảm ơn Thượng đế là tôi đã không giết chết người ấy. - Piotr nói.

- Tại sao lại không giết? - Công tước Andrey hỏi - Giết một con chó dữ là một điều rất tốt chứ sao?

- Không, giết người là không tốt, là bất công.

- Tại sao lại bất công? - Công tước Andrey vặn lại - Con người không thể nào phán xét được cái gì là bất công, cái gì là công bình. Về mặt này, người ta bao giờ cũng sai lầm và vĩnh viễn sẽ còn sai lầm; và không có trường hợp nào con người lại sai lầm hơn là trong vấn đề phân biệt công bình hay bất công.

- Cái gì đã là một điều ác đối với một người khác thì cái ấy là bất công - Piotr nói, vui mừng nhận thấy lần đầu tiên từ khi đến thăm, công tước Andrey đã hoạt bát lên và bắt đầu nói, chàng muốn bộc lộ ra cho bạn rõ tất cả những gì đã khiến cho chàng thành con người như hiện nay.

- Thế ai đã cho cậu biết thế nao là điều ác đối với người khác? - công tước Andrey hỏi.

- Điều ác? Điều ác ấy à? - Piotr nói. - Tất cả chúng ta đều biết cái gì là ác đối với chúng ta.

- Đúng rồi, chúng ta đều biết cả, nhưng cái mà tôi biết là một điều ác đối với tôi thì tôi không biết là điều ác đối với người khác được - công tước Andrey càng nói càng hăng, hẳn là chàng muốn trình bày cho Piotr thấy quan niệm mới của chàng về sự việc. Chàng nói tiếng Pháp. - Tôi chỉ thấy trên đời có hai điều ác sự thực: đó là sự hối hận và bệnh tật. Và điều thiện chẳng qua chỉ là không có hai điều ác này. Sống cho riêng mình và tránh hai điều ác ấy, tất cả sự khôn ngoan của tôi hiện nay chỉ có thế.

- Thế còn tình yêu đồng loại, còn sự hy sinh thì sao. - Piotr nói. - Không, tôi không thể nào tán thành quan điểm của anh được! Chỉ sống thế nào để đừng làm điều ác, để đừng hối hận thì ít quá. Trước đây tôi đã từng sống như thế, tôi đã sống cho riêng tôi và đã tự làm hỏng đời mình. Và chỉ có bây giờ tôi mới sống, hay nói cho đúng ra cố gắng sống (Piotr khiêm tốn chữa lại) cho những người khác, chỉ có bây giờ tôi mới hiểu hết hạnh phúc của cuộc sống. Không, tôi không đồng ý với anh đâu mà cả anh nữa, anh cũng chẳng nghĩ như anh nói đâu.
   
Công tước Andrey im lặng nhìn Piotr và mỉm cười chế nhạo. Chàng nói:

- Cậu sẽ gặp cô em gái của mình, nữ công tước Maria, hai người sẽ ý hợp tâm đầu lắm đấy. Có lẽ cậu có lý về phần cậu, - chàng nói tiếp sau một lát im lặng - Nhưng mỗi người có một cách sống riêng: cậu đã sống cho riêng mình cậu và cậu nói rằng cái lối sống ấy đã làm cho cậu suýt hỏng cả cuộc đời, và cậu chỉ thấy hạnh phúc khi cậu bắt đầu sống cho những người khác. Còn tôi thì tôi lại trải qua một kinh nghiệm ngược lại. Tôi đã sống để tìm vinh quang (mà vinh quang là cái gì? Chẳng qua cũng vẫn là tình yêu người khác, muốn làm cho họ một cái gì, muốn được họ khen ngợi). Tóm lại tôi đã sống cho những người khác như thế và tôi không phải suýt làm hỏng mà chính là đã hoàn toàn làm hỏng cuộc đời của tôi. Và chỉ có từ khi tôi sống cho riêng mình thì tôi bắt đầu cảm thấy được yên tĩnh hơn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 07:00:11 pm
- Nhưng làm thế nào có thể sống cho riêng mình được? - Piotr bốc lên hỏi - Thế còn anh, em gái anh, cha anh?

- Nhưng họ cũng vẫn là tôi mà thôi chứ không phải là những người khác - Công tước Andrey nói - còn những người khác, những kẻ đồng loại, Le prochain(1), như cậu và nữ công tước Maria vẫn nói, thì lại là nguồn gốc chính của sai lầm và điều ác. Le prochain chính là những người nông dân của cậu ở Kiev mà cậu muốn cải thiện cuộc sống.
   
Và chàng nhìn vào mặt Piotr một cái nhìn chế nhạo, có vẻ khiêu khích. Hẳn là chàng muốn thách thức Piotr.

- Anh nói đùa đấy chứ. - Piotr nói, mỗi lúc một thêm sôi nổi. - Trong những việc tôi muốn làm (tôi mới làm được rất ít, và làm rất kém) nào có gì là sai lầm và độc ác đâu, tôi chỉ muốn làm điều thiện và dù sao cũng đã làm được ít nhiều. Làm cho những con người bất hạnh, những người nông dân của chúng ta, những con người như chúng ta, những người lớn lên rồi chết đi mà không có một khái niệm nào khác về Thượng đế và chân lý ngoài những lễ nghi và những bài cầu nguyện vô nghĩa, làm cho họ có được những niềm tin đầy sức an ủi về đời sống sau này, về sự trừng phạt, khen thưởng và an ủi thì có gì là ác? Dân nghèo đang chết vì bệnh tật, vì thiếu săn sóc, trong khi người ta có thể dễ dàng giúp đỡ họ về vật chất; tôi cung cấp cho họ thầy thuốc, nhà thương, nhà dưỡng lão, thì có gì là độc ác là sai lầm? Tôi để cho nông dân, cho đàn bà có con mọn được rỗi rãi nghỉ ngơi một chút vì họ đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm thì chẳng phải là một điều thiện rành rành ra đấy là gì còn nghi ngờ gì nữa? - Piotr nói lắp bắp, vội vàng - và tôi đã làm như thế, tuy tôi làm tồi, làm được ít, nhưng dẫu sao cũng đã có làm một cái gì về mặt ấy, còn anh nói thế nào thì nói, chứ tôi thì tôi vẫn tin rằng những việc tôi làm là vlệc tốt, hơn nữa, tôi vẫn tin rằng bản thân anh không nghĩ như những điều anh nói. Nhưng cái chính - Piotr nói tiếp - là tôi biết và tôi biết chắc rằng niềm vui sướng khi làm việc thiện chính là lạc thú duy nhất chân chính trong cuộc đời.

- Phải, nếu đặt vấn đề như vậy thì lại khác - công tước Andrey nói - Tôi xây một ngôi nhà, tôi trồng một khu vườn, còn cậu thì cậu làm nhà thương. Cả hai việc này đều có thể dùng để tiêu hao ngày tháng. Còn cái gì là đúng, cái gì là tốt thì hãy để cho người nào biết tất cả phê phán chứ đó không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Nhưng cậu đã muốn tranh luận - công tước Andrey nói thêm - thì ta cứ tranh luận.

Hai người rời khỏi bàn ăn đến ngồi ở trên cái thềm thay thế bao lơn. Công tước Andrey nói tiếp:

- Nào, ta thử tranh luận xem. Cậu nói đến trường học - Công tước Andrey vừa nói vừa gập đốt ngón tay, - giáo dục v.v… thế nghĩa là cậu muốn kéo anh chàng kia - Chàng chỉ một người nông dân đang cất mũ đi qua trước mặt hai người - ra khỏi tình trạng súc vật của hắn và làm cho hắn có được có được nhu cầu tinh thần, nhưng tôi cảm thấy cái hạnh phúc duy nhất có thể có được là hạnh phúc của súc vật, ấy thế mà cậu lại muốn tước mất của hắn cái hạnh phúc ấy. Tôi thèm muốn được như hắn, còn cậu thì muốn làm cho hắn giống như tôi nhưng lại không cho hắn những phương tiện của tôi. Cậu lại nói giảm nhẹ sức lao động của hắn. Nhưng theo ý tôi lao động thể lực đối với hắn là một điều cần thiết, cũng là một điều kiện tồn tại như lao động trí óc đối với tôi. Cậu không thể nào không suy nghĩ. Tôi đi ngủ lúc hai giờ sáng, bao nhiêu tư tưởng đến với tôi và tôi không tài nào ngủ được, trằn trọc và thao thức mãi cho đến sáng bởi vì tôi suy nghĩ và tôi không thể nào không suy nghĩ được; cũng như hắn không thể nào không cày, không cắt cỏ được; nếu không thì hắn sẽ vào quán rượu hay sẽ sinh bệnh. Cũng như tôi sẽ không thể nào chịu đựng được thứ lao động thể lực ghê sợ của họ và sau một tuần tôi sẽ chết, thì họ cũng không thể nào chịu đựng được sự nhàn rỗi về thể xác của tôi họ sẽ phát phì ra và sẽ chết. Còn về điểm thứ ba thì cậu nói thế nào nhỉ?
   
Công tước Andrey gập ngón tay thứ ba lại.

- À phải rồi, cậu nói đến nhà thương, nghĩ đến thuốc men. Hắn bị trúng phong, hắn sắp chết, cậu trích huyết cho hắn, cậu chữa cho hắn khỏi. Hắn sẽ thành một người tàn phế trong mười năm, làm thành một gánh nặng cho mọi người. Để cho hắn chết chẳng phải là êm thấm hơn và đơn giản hơn không? Sẽ có những người khác sinh ra, và cứ nguyên như thế này họ cũng đông lắm rồi. - Giá thử cậu tiếc vì mất thêm một người thợ thì còn nghe được - tôi quan niệm như thế đấy! Đằng này cậu lại cứu hắn chỉ vì thương hắn mà thôi. Nhưng hắn có cần cậu thương đâu? Lại còn cái ý nghĩ vớ vẩn tưởng thuốc trị được bệnh nữa. Thử hỏi y học đã có bao giờ cứu được ai chưa? Giết người thì có! - chàng cau mày hằn học và quay mặt đi.
   
Công tước Andrey trình bày những tư tưởng của mình một cách rõ ràng và chính xác đến nỗi có thể thấy rằng chàng đã nhiều lần nghĩ đến tất cả những điều đó, và chàng nói một cách thích thú và nói rất nhanh như một con người đã lâu không có dịp nói.
   
Những lý luận của chàng bi quan thì khoé mắt của chàng lại càng linh hoạt lên.

- Ồ như vậy thì thực là khủng khiếp, khủng khiếp! - Piotr nói. - Tôi không thể nào quan niệm được rằng người ta có thể sống với những tư tưởng như vậy. Riêng tôi, tôi cũng đã có những giây phút như vậy, gần đây thôi, khi ở Moskva và trong lúc đi đường. Nhưng lúc bấy giờ tôi đi đến tình trạng là tôi không sống nữa, cái gì tôi cũng thấy xấu xa quá… và nhất là cả bản thân tôi cũng thế. Thế rồi tôi không ăn, không tắm rửa, còn anh - anh thế nào?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 07:01:00 pm
- Tại sao lại không tắm rửa, không tắm thì bẩn - Công tước Andrey nói, - Trái lại phải cố gắng làm sao cho cuộc sống của mình thật thú vị chứ? Tôi sống, và đó không phải là lỗi của tôi, vậy thì phải tìm cách sống sao cho hết sức thoải mái, không làm phiền đến ai, sống mãi cho đến chết mới thôi…

- Nhưng đã có những tư tưởng như vậy thì cái gì làm cho anh thích sống kia chứ? Trong hoàn cảnh như thế người ta sẽ ngồi yên không cử động, không làm gì hết.

- Dẫu sao cuộc sống cũng không để cho anh ngồi yên. Tôi sẽ rất sung sướng nếu chẳng phải làm việc gì hết, nhưng một mặt giới quý tộc ở đây lại cho tôi cái vinh dự được chọn làm đại biểu của họ: tôi phải từ chối mãi mới được. Họ không muốn hiểu rằng tôi không muốn có những đức tính cần thiết, không có cái tính hiền lành và đon đả hơi dung tực, là cái cần thiết cho công việc ấy. Rồi lại còn cái nhà này nữa, tôi phải xây dựng nó lên để có một chỗ mà sống cho yên ổn. Bây giờ lại sinh ra việc tuyển mộ dân quân.

- Tại sao anh không vào quân đội?

- Sau trận Austerlix ấy à? - Công tước Andrey nói, vẻ mặt sa sầm. - Không ạ, xin đa tạ, tôi đã tự hứa với mình là không gia nhập quân đội chiến đấu của nước Nga nữa. Và tôi nhất định sẽ không gia nhập, dù cho Buônapartơ có đến đây, gần Smolensk, uy hiếp Lưxye Gôrư, tôi cũng sẽ không nhập ngũ. Này tôi nói thật với cậu - công tước Andrey nói tiếp, dần dần trấn tĩnh lại - Bây giờ người ta đang tuyển dân quân, cha tôi là tổng tư lệnh khu ba, và biện pháp duy nhất đối với tôi để tránh quân địch và làm việc dưới quyền cha tôi.

- Như thế tức là anh làm việc quân rồi chứ còn gì?

- Phải, - chàng im lặng một lát.

- Thế thì tại sao anh lại làm việc quân?

- Là vì thế này. Ông cụ tôi là một trong những người ưu tú nhất của thời đại trước. Ông cụ tôi đã già và tuy không phải là người tàn ác tính tình ông cụ quá hiếu động. Ông cụ đáng sợ vì đã quen nắm quyền lực vô hạn, và bây giờ thì hoàng đế lại giao cho những người tổng tư lệnh dân quân một quyền lực như thế.
Cách đây hai tuần, nếu tôi đến chậm hai giờ thì ông cụ đã sai treo cổ một lên thư lại ở Yukhnov - Công tước Andrey mỉm cười nói

- Cho nên tôi ra làm việc bởi vì ngoài tôi ra không có ai có uy tín đối với cha tôi, và thỉnh thoảng tôi có thể ngăn cản không để cha tôi làm những việc mà sau này ông cụ sẽ hối hận.

- Đấy anh đã thấy chưa.

- Phải, nhưng không phải như cậu quan niệm đâu! - công tước Andrey nói tiếp - Trước đây cũng như bây giờ tôi không hề có chút thiện cam nào với cái thằng thư lại khốn nạn ấy, một thằng đã ăn cắp giày của dân quân. Thậm chí nếu được trông thấy nó lủng lẳng trên giá treo cổ thì tôi sẽ rất lấy làm hài lòng là đằng khác, nhưng tôi thương hại cho ông cụ - tức cũng vẫn là thương hại cho tôi.

Công tước Andrey càng nói càng hăng. Mắt chàng sáng long lanh như đang lên cơn sốt trong khi chàng cố gắng chứng minh cho Piotr thấy rằng trong hoạt động, chàng không hề có ý muốn làm điều thiện cho đồng loại.

- Còn cậu thì cậu muốn giải phóng nông dân - chàng nói tiếp - hay lắm. Nhưng đối với cậu thì chẳng hay đâu (tôi chắc cậu chưa bao gìờ đánh đập ai hay đày ai đi Xibir cả). Còn đối với nông dân lại càng không hay hớm gì. Nếu người ta đánh đập họ, nếu người ta đày họ đi Xibiri thì tôi cho rằng tình cảnh của họ không phải vì thế mà khổ hơn chút nào. Ở Xibir họ cũng sẽ sống cái cuộc sống súc vật như vậy, những vết roi vọt trên người sẽ thành sẹo và họ cũng sẽ sung sướng như cũ. Việc đó có cần là cần cho những kẻ nào đang sa đoạ về đạo đức, sống trong hối hận tìm cách bóp nghẹt lòng hối hận ấy và trở nên bạo ngược vì họ có quyển trừng phạt người khác, thích đáng cũng được mà oan uổng cũng xong. Tôi thương hại là thương hại cho những con người như vậy, và sở dĩ tôi mong muốn giải phóng nông dân cũng là vì những người đó. Có lẽ cậu chưa thấy, nhưng tôi thì tôi đã thấy những người tốt được giáo dục theo cái truyền thống quyền lực vô hạn ấy, rồi dần dần trở thành bẳn tính, tàn nhẫn, bạo ngược. Họ biết như vậy nhưng không thể nào tự kiềm chế được, và càng ngày càng khổ sở.
   
Công tước Andrey nói những điều đó một cách say sưa đến nỗi Piotr bất giác nghĩ rằng chàng có những tư tưởng này là vì nghĩ đến cha chàng. Piotr không đáp.

- Đấy tôi thương hại những người như thế đấy. Tôi thương cho phẩm giá của con người, cho sự yên tĩnh của lương tâm, cho sự trong sạch, chứ không phải là thương hại cái đầu hay cái lưng của nông dân mà dù người ta có cạo trọc, có quất roi bao nhiêu đi nữa cũng vẫn sẽ là những cái đầu và những cái lưng ấy.

- Không, không: ngàn lần không! Tôi sẽ không bao giờ đồng ý với anh - Piotr nói.

====================================================

Chú thích:

(1)Kẻ đồng loại



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:02:29 pm
Phần V
Chương - 11

Đến chiều, công tước Andrey và Piotr lên xe song mã cùng về Lưxye Gôrư. Công tước Andrey chốc chốc lại đưa mắt nhìn Piotr thỉnh thoảng thốt ra những lởi chứng tỏ lòng chàng đang vui. Chàng chỉ cho Piotr xem những cánh đồng, nói cho Piotr nghe về những cuộc cải thiện của mình trong điền trang.
   
Piotr lầm lỳ yên lặng chỉ trả lời nhát gừng và có vẻ đang mải suy nghĩ đăm chiêu.
   
Piotr nghĩ rằng công tước Andrey đang đau khổ, rằng chàng đang lầm lạc không biết đến ánh sáng chân chính, và mình cần phải giúp chàng, soi sáng cho chàng và đỡ chàng dậy. Nhưng khi Piotr vừa thử nghĩ xem mình sẽ bắt đầu nói như thế nào và nói những gì thì chàng cảm thấy trước rằng công tước Andrey chỉ cần đưa ra một câu nói, một luận cứ thôi, cũng đủ bẻ gãy tất cả những lời thuyết giáo của mình. Chàng không dám nói, chàng sợ những điều thiêng liêng quý báu nhất của mình có thể bị đem ra làm trò cười.

- Này anh, tại sao anh lại nghĩ như vậy? - Piotr đột nhiên lên tiếng hỏi bạn và cúi đầu xuống như một con bò mộng đang chực húc người ta. - Tại sao anh lại nghĩ như vậy? Anh không nên nghĩ như vậy.

- Tôi nghĩ cái gì nhỉ? - công tước Andrey ngạc nhiên hỏi lại.

- Nghĩ đến cuộc đời, đến sứ mệnh của con người. Nghĩ như anh không thể được. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy và tôi đã được cứu thoát, anh có biết cái gì cứu tôi không? Hội Tam điểm. Không, anh đừng cười. Hội Tam điểm không phải là một giáo phái chỉ có những nghi thức suông như trước đây tôi vẫn tưởng, hội Tam điểm là biểu hiện đẹp nhất, là biểu hiện duy nhất của những khía cạnh tốt đẹp nhất, những khía cạnh vĩnh viễn của nhân loại.
   
Và chàng bắt đầu trình bày cho công tước Andrey nghe về hội Tam điểm theo như chàng quan niệm.
Chàng nói rằng hội Tam điểm là một học thuyết Cơ đốc thoát khỏi những ràng buộc của nhà nước và tôn giáo; học thuyết của bình đẳng, hữu ái và tình thương.

- Chỉ có đoàn thể thiêng liêng của chúng tôi là hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc sống, tất cả những cái khác đều chỉ là giấc mộng. - Piotr nói. - Anh ạ, anh nên biết rằng ngoài hội này ra thì tất cả chỉ là giả dối, lừa đảo, và tôi cũng đồng ý với anh rằng đối với một con người thông minh và nhân hậu thì chỉ còn một cách là sống cho trọn cuộc đời của mình, cố sao đừng làm phiền đến kẻ khác. Nhưng anh hãy tiếp thu những tín điều chủ yếu của chúng tôi, hãy vào hội cuả chúng tôi, hãy phó thác mình cho chúng tôi, hãy để cho chúng tôi chỉ dẫn anh, rồi anh sẽ thấy ngay như tôi đã thấy, rằng mình là một mắt xích của sợi dây chuyền to lớn và vô hình mà đầu dây mất hút trên trời cao - Piotr nói.
   
Công tước Andrey im lặng, mắt nhìn thẳng về phía trước, lắng nghe Piotr nói. Đã mấy lần chàng không nghe ra vì tiếng bánh xe lăn ầm ầm, phải hỏi lại những lời chàng chưa nghe rõ. Nhìn cái ánh sáng khác thường lấp lánh trong đôi mắt của công tước Andrey và thấy chàng im lặng, Piotr biết rằng những lời của mình không phải là vô ích, rằng công tước Andrey sẽ không ngắt lời chàng và sẽ không chế nhạo những điều chàng nói.
   
Họ đến một con sông ngập nước, phải dùng phà mới qua được. Trong khi người nhà xếp chỗ cho xe ngựa, họ cũng bước lên phà. Công tước Andrey chống khuỷu tay vào mạn phà im lặng nhìn mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời sắp tắt.

- Thế nào, anh nghĩ thế nào về những điều tôi vừa nói. Tất cả những điều cậu nói đều đúng. Nhưng cậu bảo: anh hãy vào hội của chúng tôi rồi tôi sẽ chỉ cho anh thấy mục đích của cuộc sống và sứ mạng của con người, cũng như quy luật chi phối vũ trụ. Nhưng chúng ta là ai? Là người. Tại sao các anh lại biết hết được. Tại sao một mình tôi không thấy được những điều các anh thấy. Các anh cho rằng trái đất là vương quốc của cái thiện, của chân lý, nhưng tôi không thấy thế.

Piotr ngắt lời chàng:

- Anh có tin vào cuộc sống sau này không?

- Cuộc sống sau này ư?
   
Công tước Andrey hỏi lại, nhưng Piotr không để cho chàng có thì giờ trả lời, chàng cho rằng công tước Andrey hỏi lại như thế tức là có ý phủ nhận, hơn nữa chàng đã từng biết những tư tưởng vô thần trước đây của công tước Andrey.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:03:32 pm
- Anh nói rằng anh không thể thấy vương quốc của cái thiện và chân lý trên trái đất. Tôi cũng vậy, trước kia tôi cũng không thấy vì không thể nào thấy nó được nếu cho rằng cuộc sống của ta là sự kết thúc của tất cả. Ở trên trái đất, chính ở trên trái đất này (Piotr đưa tay lên chỉ những cánh đồng xung quanh) không có chân lý - tất cả đều xấu xa và giả dối; nhưng trong vũ trụ, trong toàn thể vũ trụ thì chân lý ngự trị; chúng ta bây giờ là con của trái đất, nhưng trong vĩnh viễn thì chúng ta lại là con của toàn thể vũ trụ. Chẳng lẽ trong tâm hồn tôi không cảm thấy rằng tôi là một bộ phận của cái toàn thể lớn lao và hài hoà kia hay sao? Chẳng lẽ tôi không cảm thấy rằng tôi là một bộ phận trong con số to lớn không sao đếm xuể của những sinh vật trong đó Thượng đế - Hay là cái sức mạnh tối cao, anh muốn gọi là gì cũng được - Tự biểu hiện, rằng tôi là một mắt xích, một bậc trên cái thang đi từ những vật thấp nhất đến những vật cao nhất? Nếu tôi thấy và tôi thấy rõ ràng cái thang ấy đi từ cây cỏ đến con người thì tại sao tôi có thể giả thiết rằng cái thang ấy đến tôi là hết mà không đưa đi xa hơn nữa, xa hơn nữa? Tôi cảm thấy rằng không những tôi không thể mất đi cũng như không có cái gì ở trong vũ trụ có thể mất đi cả, mà tôi sẽ vĩnh viễn tồn tại, và đã vĩnh viễn tồn tại. Tôi cảm thấy rằng ngoài tôi ra và ở trên tôi có những linh hồn đang sống, và trong cái thế giới ấy chân lý đang tồn tại.

- Phải, đó là học thuyết của Herder (1) - công tước Andrey nói - Nhưng, cậu ạ, cái đó không thuyết phục được tôi đâu, mà chỉ có cuộc sống và cái chết mới thuyết phục được tôi thôi. Cái thuyết phục được tôi là thấy rằng một con người thân mến, gắn bó với mình mà đối với người ấy mình đã có lỗi và vẫn từng hy vọng chuộc lỗi (công tước Andrey nói giọng run run và quay mặt đi). Thế rồi đột nhiên con người ấy đau đớn khổ sở, và thôi tồn tại... Tại sao? Không lẽ nào lại không có câu trả lời! Và tôi tin rằng có câu trả lời. Chính cái đó mới có sức thuyết phục, và chính cái đó đã thuyết phục được tôi - công tước Andrey nói.

- Phải đấy, phải đấy - Piotr nói - Thì chính tôi cũng nói đến điều đó đấy thôi! Không phải. Tôi chỉ nói rằng không phải những lý luận thuyết phục được tôi về sự tất yếu của cuộc sống sau này, mà chính là việc ta đang đi trong cuộc đời, tay cầm con người ấy, thế mà đột nhiên con người ấy biến mất ở đâu đây trong cõi hư vô, thế rồi ta dừng lại trước cái vực thẳm ấy và nhìn vào đấy. Tôi đã nhìn vào cái vực thẳm ấy...

- Thế rồi thế nào! Anh biết rằng có nơi ấy, ở đấy có một cái gì đấy. Nơi ấy chính là cuộc sống sau này và cái ấy chính là Thượng đế.

Công tước Andrey không đáp. Chiếc xe và mấy con ngựa đã lên bờ từ lâu, xe đã thắng, mặt trời đã lặn một nửa và sương giá buổi chiều dã gieo lên những vũng nước ở bến sông những vì sao lấp lánh, nhưng Piotr và Andrey vẫn đứng trên phà nói chuyện, khiến cho những người đầy tớ những người đánh xe và người chở phà phải ngạc nhiên.

- Nếu có Thượng đế và có cuộc sống sau này, thì phải có chân lý và có đạo đức, và hạnh phúc cao nhất của con người chính là cố gắng đạt đến nó - Piotr nói, - Cần phải sống, cần phải yêu thương, cần phải tin rằng chúng ta không phải chỉ sống hôm nay trên mảnh đất này mà đã sống và sẽ sống vĩnh viễn ở nơi kia: trong vũ trụ (chàng chỉ tay lên bầu trời).
   
Công tước Andrey chống tay lên mạn phà, và lắng tai nghe, mắt nhìn đăm đăm vào cái vệt sáng đỏ ngầu mà mặt trời trải lên trên mặt nước xanh lam. Piotr im bặt. Chung quanh hoàn toàn yên tĩnh.
   
Phà đã cập bến từ lâu. Trong buổi chiều êm ả chỉ nghe tiếng sóng yếu ớt vỗ vào đáy phà. Công tước Andrey mường tượng như tiếng nước vỗ róc rách kia cùng hòa lời với tiếng nói của Piotr mà khuyên chàng: "Thật đấy, anh hãy im đi".
   
Công tước Andrey thở dài và đưa đôi mắt sáng long lanh và dịu dàng như mắt trẻ thơ nhìn vào mặt Piotr đang đỏ bừng, say sưa nhưng vẫn e ngại rụt rè vì thấy mình vẫn không bằng bạn.

- Phải, chỉ mong được như vậy! - chàng nói -   Nhưng kia, thôi chúng ta lên xe đi - công tước Andrey nói thêm và sau khi rời phà bước lên bờ, chàng nhìn lên bầu trời mà Piotr đã chỉ cho chàng, và kể từ trận Austerlix cho đến nay lần đầu tiên chàng lại nhìn thấy cái bầu trời cao lồng lộng, bầu trời vĩnh viễn mà chàng đã từng thấy khi chàng nằm trên chiến trường, và một cái gì lâu nay đã thiếp đi, một cái gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn chàng chợt bừng tỉnh, vui sướng và trẻ trung. Cái cảm giác ấy biến mất khi chàng lại bước vào những hoàn cảnh hàng ngày của cuộc sống, nhưng chàng biết rằng cái cảm giác ấy vẫn sống trong chàng mặc dầu chàng không phát huy nó được. Buổi gặp mặt Piotr hôm ấy đối với công tước Andrey là bước đầu của một cuộc sống mới mẻ trong nội tâm của chàng, tuy bên ngoài chẳng có gì thay đổi.

====================================

Chú thích:

(1) Johann Godfned Herder (1744-1803), văn sĩ lãng mạn, triết gia và sử gia Đức.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:04:42 pm
Phần V
Chương - 12

Khi cỗ xe chở công tước Andrey và Piotr dừng lại trước thềm chính của ngôi nhà ở Lưxye Gôrư thì trời đã xấm tối. Trong khi xe tiến vào cổng, công tước Andrey mỉm cười nhắc Piotr lưu ý đến cái cảnh hốt hoảng cuống quýt bấy giờ đang diễn ra ở thềm sau. Một người đàn bà lưng còng, vai mang bị, và một người đàn ông thấp, bé để tóc dài, mặc áo đen, nhìn thấy chiếc xe ngựa đi vào liền chạy vội ra cửa sau. Hai người đàn bà chạy theo họ và cả bốn người ngoái cổ nhớn nhác nhìn cái xe ngựa rồi hốt hoảng chạy lên bậc thềm cửa sau.

- Đấy là những "con người nhà Trời" của Masa đấy - công tước Andrey nói. - Thấy xe chúng mình đến họ tưởng là ông cụ. Đây là việc duy nhất mà Masa không nghe lời ông cụ; ông cụ ra lệnh đuổi những người hành hương, còn Masa thì lại tiếp họ.

- Nhưng "người nhà Trời" là thế nào? - Piotr hỏi.

Công tước Andrey chưa kịp trả lời, thì mấy người đầy tớ đã chạy ra đón tiếp. Chàng hỏi họ xem lão công tước đi đâu và đã sắp về chưa.

- Lão công tước hiện ở trên tỉnh, và có lẽ chỉ lát nữa là về đến nhà.
   
Công tước Andrey đưa Piotr vào căn phòng riêng của chàng trong nhà lão công tước, một căn phòng bao giờ cũng được dọn đẹp tươm tất sẵn sàng đón tiếp chàng, rồi bước sang phòng trẻ.

- Đến thăm em gái tôi - công tước Andrey nói với Piotr - Tôi chưa gặp cô ta; bây giờ cô ta đang lén lút ngồi với những "người nhà Trời" của cô ta. Thế nào cô ta cũng sẽ luống cuống, nhưng kệ cô ấy cậu sẽ được thấy những con người nhà Trời. Ngộ nghĩnh lắm kia, thật đấy!

- Những con người nhà Trời là thế nào? - Piotr hỏi.

- Rồi cậu sẽ thấy.
   
Quả nhiên công tước tiểu thư Maria rất luống cuống khi hai người bước vào. Mặt tiểu thư ửng lên từng đám đỏ. Trong gian phòng ấm cúng của nàng với những ngọn đèn chong leo lét trước cái tủ thờ đựng tượng thánh, một cậu thiếu niên còn ít tuổi, mũi dài, tóc dài, ăn mặc theo lối tu sĩ, đang ngồi bên cạnh nàng trên đi-văng trước chiếc xamovar.
   
Một bà già gầy gò, nhăn nheo, vẻ mặt hiền lành như mặt trẻ con, đang ngồi trên ghế bành, cạnh hai người.

- Anh Andrey ư? Sao không báo trước cho em biết? - Tiểu thư Maria nói với giọng trách móc dịu dàng.
Nàng đứng ra trước những người hành hương như một con gà mái mẹ che chở cho đàn gà con.

- Rất hân hạnh được gặp anh. Tôi rất sung sướng được gặp anh!
   
Nàng nói với Piotr khi chàng hôn tay nàng. Nàng biết chàng từ khi còn nhỏ và đến nay tình bạn của chàng với Andrey, nỗi bất hạnh của chàng trong hôn nhân và nhất là cái khuôn mặt hiền hậu và chất phác của chàng làm cho nàng có thiện cảm. Nàng nhìn chàng với cặp mắt trong sáng và đẹp đẽ của nàng, dường như muốn nói: "Tôi rất quý mến anh nhưng xin anh đừng chế nhạo những người bạn của tôi". Sau khi trao đổi những lời chào hỏi đầu tiên, họ ngồi xuống.

- À cả Ivanuska cũng ở đây à, - công tước Andrey nói, mỉm cười hất hàm về phía người hành hương trẻ tuổi.

- Andrey! - Công tước tiểu thư Maria nói, giọng van lơn.

- Cậu phải biết rằng đó là một người đàn bà - Công tước Andrey nói với Piotr.

- Anh Andrey, em van anh! - tiểu thư Maria nhắc lại.

Có thể thấy rõ rằng công tước Andrey chế nhạo những người hành hương và tiểu thư Maria bênh vực họ một cách vô hiệu như thế nào đã thành một thói quen giữa hai người.

- Nhưng em ạ - công tước Andrey nói - Lẽ ra, em phải biết ơn anh mới phải, vì anh đã cắt nghĩa cho anh Piotr hiểu rõ tình thân của em với người trẻ tuổi kia là như thế nào?

- Thật à? Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn vào mặt Ivanuska qua đôi kính trắng, vẻ tò mò và nghiêm trang, khiến tiểu thư Maria rất cảm ơn chàng. Trong khi đó Ivanuska cũng hiểu rằng người ta đang nói về mình, đôi mắt linh khôn nhìn hết người này đến người khác.

Công tước tiểu thư Maria lo sợ cho các bạn của mình như vậy cũng vô ích, vì họ chẳng hề mảy may sợ sệt. Bà già cúi mặt xuống nhưng vẫn liếc mắt nhìn hai người mới vào, bà ta úp chén trà đã uống cạn lên đĩa tách, đặt miếng đường cắn dở bên cạnh và điềm tĩnh ngồi yên không nhúc nhích trên ghế bành, chờ đợi người ta rót trà mời mình uống nữa, Ivanuska trong khi đưa đĩa tách lên miệng nhấp trà vẫn liếc nhìn hai người thanh niên với cặp mắt tinh ranh của đàn bà.

- Bà ở đâu, ở Kiev(1) phải không? - Công tước Andrey hỏi bà già.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:05:38 pm
- Thưa cậu tôi có ở đấy - bà già nhanh nhẩu đáp, - Ngày lễ Giáng sinh tôi đã may mắn được các vị Phúc lộc truyền cho những điều bí ẩn thiêng liêng của thiên đường và bây giờ thưa cậu tôi ở Kolyazin(2), ở đấy vừa có một thánh ân rất lớn.

- Thế Ivanuska đi với bà phải không?

- Không, thưa ngài, tôi đi một mình - Ivanuska cố lấy giọng trầm đáp. - Mãi đến Yukhov tôi và bà
Pelagheyuska mới gặp nhau.

Bà Pelagheyuska ngắt lời người bạn hành hương hẳn là bà ta muốn kể lại những điều bà đã được thấy.

- Thưa ngài ở Kolyazin vừa có một thánh ân lớn hiển hiện.

- Thế nào? Lại những thánh cốt mới chứ gì? - Công tước Andrey hỏi.

- Kìa anh Andrey, em van anh - tiểu thư Maria nói - Bà Pelagheyuska, bà đừng kê nữa.

- Ồ kìa tiểu thư, tại sao lại không kể. Tôi mến cậu nhà lắm, cậu tốt lắm. Cậu nhà được Chúa chọn lựa: cậu đã cho tôi mười rúp, tôi còn nhớ. Lúc tôi ở Kiev, ông Kolyazin là một người ngây dại(3) có nói với tôi (ông ta thực là người nhà trời, ông ta đi chân không mùa đông cũng như mùa hạ) ông ta nói với tôi thế này, bà đến đây làm gì đây không phải chỗ của bà, bà hãy đi Kolyazin đi, ở đấy có một pho tượng thánh đã hiển hiện. Nghe nói thế tôi liền từ biệt mộ các vị phúc lộc rồi ra đi…

Tất cả mọi người im lặng, chỉ có bà hành hương nói một mình giọng đều đều, chốc chốc lại xuýt xoa.

- Thưa ngài, tôi đến Kolyazin, dân ở đây nói với tôi: một thánh ân lớn đã hiển hiện, đầu thánh chảy trên má của Đức mẹ Chúa trời.

- Thôi được rồi, được rồi, sau hãy kể - tiểu thư Maria đỏ mặt nói.

- Cho phép tôi hỏi bà ta một câu - Piotr nói - chính mắt bà trông thấy à?

- Chứ sao nữa, thưa ngài, chính tôi đã được cái hân hạnh ấy, mặt Đức mẹ sáng rực lên như ánh sáng thiên đường và dấu thánh trên má của Đức mẹ cứ nhỏ giọt, nhỏ giọt xuống…

Piotr nãy giờ vẫn chăm chú lắng nghe bà hành hương, nói một cách ngây thơ:

- Ô thế thì đúng là lừa bịp rồi!

- Ồ thưa ngài, ngài nói gì lạ vậy! - Bà Pelagheyuska hoảng hốt kêu lên, đưa mắt nhìn tiểu thư Maria như muốn cầu cứu.

- Đấy là họ lừa dối nhân dân đấy - Piotr nhắc lại.

- Lạy Chúa tôi - bà hành hương vừa làm dấu thánh vừa nói - Ồ, ngài đừng nói thế. Đấy, có ông đại tướng không tin, ông ta nói là bọn tu sĩ lừa bịp, ông ta vừa dứt lời là mù mắt ngay. Thế rồi ông ta nằm mơ thấy Đức mẹ Peserxkaya đến gàp ông ta và nói: "Ngươi hãy tin ta, ta sẽ chữa cho ngươi khỏi". Thế rồi ông ta cầu khẩn: "Đưa tôi đến Đức mẹ, đưa tôi đến Đức mẹ". Tôi nói thực với ngài, chính mắt tôi trông thấy… họ đưa ông ta ra - cái ông bị mù ấy đến Đức mẹ. Ông ta đến trước tượng Đức mẹ quỳ xuống và nói: "Đức mẹ cứu con với, con xin dâng Đức mẹ tất cả những gì mà Sa hoàng đã ban tứ cho con". Chính mắt tôi trông thấy có một ngôi sao dính vào tượng Đức mẹ. Thế rồi mắt ông ta sáng lại! Nói như vậy là có tội đây. Đức chúa sẽ trừng phạt cho mà xem - bà ta lên giọng răn dạy nói với Piotr.

- Nhưng làm thế nào ngôi sao lại có thể ở trên tượng thánh được? - Piotr hỏi. - Đức mẹ mà người ta cũng
đề bạt lên chức tướng à? - công tước Andrey mỉm cười nói.

Pelagheyuska bỗng tái mặt đi và chắp hai tay lại:

- Ông ơi, sao ông lại ăn nói như vậy, xin Chúa tha tội cho ông, - bà ta làm dấu thánh, - Xin Chúa tha tội cho ông. Thưa tiểu thư, như vậy thế nghĩa là thế nào? - bà ta nói với công tước tiểu thư Maria, đoạn đứng dậy mếu máo nhặt cái bị, rõ ràng bà ta sợ hãi và xấu hổ vì đã nhận ơn huệ của một nhà trong đó người ta có thể nói những lời báng bổ như vậy, nhưng vẫn tiếc khi phải từ bỏ những ơn huệ đó.

- Ô hay, sao các anh lại thế? - Tiểu thư Maria nói - Các anh đừng đến chỗ tôi có hơn không?

- Nào có gì đâu, tôi chỉ nói đùa đấy thôi bà Pelagheyuska ạ - Piotr nói. - Thưa công tước tiểu thư, thực tình tôi không muốn làm phật ý bà ấy, tôi chỉ nói thế thôi. Bà dừng nghĩ gì, tôi chỉ nói đùa thế thôi - chàng vừa nói vừa mỉm cười bẽn lẽn như muốn chuộc lỗi.
   
Bà Pelagheyuska dừng lại có vẻ nghi ngờ, nhưng thấy gương mặt Piotr biểu lộ một lòng hối hận hết sức thành thật, và thấy công tước Andrey hết nhìn Piotr lại nhìn bà ta một cách dịu dàng nên cũng dần dần yên tâm.

=====================================================

Chú thích:

(1) Kiev là nơi đi hành hương trọng yếu nhất của Nga. Ở đấy có tu viện Petse và các ngôi mộ của 118 vị "phúc lộc" tức những người đã được tôn lên làm thánh sau khi chết (thường là tuẫn dạo).

(2) Kolyazin: một thành phố nhỏ ở tỉnh Tver ở đấy cũng có một tu viện nổi tiếng: khách hàng hương đến đấy đặc biệt vào ngày thứ sáu.

(3) Ngày trước có những người ngây dại hoặc giả cách ngây dại được tín đồ chính giáo xem là những "người nhà Trời" hay "người của thượng để" biết được những điều bí ẩn của thiên đường.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:19:54 pm
Phần V
Chương - 13

Bà hành hương yên tâm, và sau khi được gợi chuyện, lại thao thao bất tuyệt một hồi lâu về cha Amfilok, con người sống một cuộc đời thánh đức đến nỗi hai bàn tay sực nức mùi hương trầm.

Rồi bà lại kể rằng trong cuộc hành hương gần đây của bà đến Kiev, các tu sĩ mà bà quen biết đã cho bà mượn chìa khoá đi vào động thánh và bà đã đem lương khô đến đấy sống hai ngày hai đêm bên mộ các vị phúc lộc. "Tôi cầu nguyện trước một thánh cốt, tôi đọc kinh một lát rồi tôi lại đến một thánh cốt khác. Tôi ngủ thiếp đi một lát rồi lại đến hôn các thánh cốt; tiểu thư ạ, bấy giờ thật là tịch mịch, tôi cảm thấy sung sướng đến nỗi không còn muốn bước ra ngoài trời nữa".
   
Piotr chăm chú và nghiêm trang lắng nghe bà ta nói. Công tước Andrey đã ra khỏi phòng. Một lát sau, tiểu thư Maria cũng ra theo, đưa Piotr đến phòng khách, để những người nhà trời ngồi lại uống nốt chén trà.

- Anh tốt quá - nàng nói với chàng.

- Thật tôi không có ý muốn là bà ta phật lòng đâu, tôi rất hiểu và rất quý những tình cảm ấy.
   
Công tước tiểu thư Maria im lặng nhìn chàng và mỉm cười dịu dàng:

- Tôi đã biết anh từ lâu và yêu quý anh như một người anh ruột. Anh thấy anh Andrey thế nào? -  Nàng hỏi vội vàng, không để cho chàng có thì giờ nói một câu gì đáp lại những lời lẽ trìu mến của mình

- Tôi lo cho anh ấy lắm. Sức khoẻ của anh ấy mùa đông năm ngoái đã khá hơn, nhưng sang mùa xuân năm nay vết thương lại tấy lên, và bác sĩ bảo là anh ấy cần phải đi dưỡng bệnh. Về mặt tinh thần anh ấy cũng làm cho tôi rất lo ngại. Anh ấy không phải như đàn bà chúng tôi có thể than khóc để chịu đựng nỗi khổ của mình. Anh ấy giữ kín nỗi đau khổ trong lòng. Hôm nay anh ấy vui vẻ và phấn chấn, nhưng đó là vì có anh đến thăm, chứ ngày thường ít khi anh ấy như thế lắm. Nếu anh có thể khuyên anh ấy đi du lịch nước ngoài thì tốt quá! Anh ấy cần hoạt động: cuộc sống yên tĩnh và đều đều ở đây rất có hại cho anh ấy. Người khác thì không để ý nhưng tôi thì tôi thấy rất rõ.
   
Vào khoảng hơn chín giờ, gia nhân chạy ùa ra ngoài thềm khi nghe tiếng chuông xe ngựa của lão công tước. Andrey và Piotr cũng ra thềm đón.

- Đây là ai? - Lão công tước hỏi khi bước xuống xe và trông thấy Piotr. Khi đã biết chàng thanh niên lạ mặt kia là ai, ông nói:

- A! Rất vui mừng! Anh hôn tôi đi.
   
Lúc bấy giờ lão công tước đang vui, nên tiếp Piotr rất niềm nở thân ái.
   
Trước bữa ăn tối, công tước Andrey quay lại phòng làm việc của cha thì thấy lão công tước đang tranh luận rất hay với Piotr, lúc bấy giờ Piotr đang chứng minh rằng sẽ có lúc không còn chiến tranh nữa. Lão công tước bác lại, chế nhạo chàng nhưng vẫn không giận dữ.

- Lấy hết máu trong huyết mạch của họ ra, và đổ nước lã vào, lúc bấy giờ mới không có chuyện nhảm! - Lão công tước nói, nhưng vẫn thân mật vỗ vai Piotr rồi đến cạnh bàn công tước Andrey. Công tước Andrey, hẳn là không muốn dự vào câu chuyện, đang ngồi giở xem những giấy tờ mà cha chàng mới đem từ trên tỉnh về. Lão công tước đến cạnh chàng và bắt đầu nói chuyện công việc.

- Bá tước Roxtov, đô thống quý tộc, không cung cấp được một nửa số người ấn định. Ông ta lên tỉnh, bày chuyện mời ta đến dự tiệc ta mới cho lão ta một trận: cái lão này chỉ ăn với uống… này anh - lão công tước Nikolai Andreyevich nói với con trai trong khi vỗ vai Piotr, - Anh bạn của anh cừ đấy, ta rất mến. Nói chuyện với anh rất thú. Những người khác ăn nói thông minh nhưng người ta không buồn nghe, còn cái anh này thì chỉ nói nhảm nhưng lại làm cho già này hăng hái hẳn lên. Thôi đi ăn đi, đi ăn đi, có lẽ ta sẽ đến ngồi tiếp anh trong bữa ăn tối. Rồi chúng ta còn tranh luận nữa. - Lão công tước đã đến cửa phòng, còn ngoái cổ lại quát to với Piotr - Anh hãy thương yêu lấy nữ công tước Maria, con bé ngốc nghếch của tôi.
   
Mãi đến nay, khi đến Lưxye Gorư, Piotr mới thấy hết cái sức mạnh và sức thu hút trong tình bạn của chàng với công tước Andrey. Sức thu hút này không phải chỉ biểu hiện trong mối quan hệ đối với cả gia đình và tất cả những người ở trong nhà nữa. Với lão công tước khắc nghiệt, với công tước tiểu thư Maria dịu dàng và nhút nhát, tuy chàng hầu như chưa quen biết họ, Piotr cũng vẫn cảm thấy ngay rằng đối với họ mình là một người bạn cũ. Và tuy mới gặp, mọi người cũng đều đã yêu quý chàng hơn. Không phải chỉ có công tước tiểu thư Maria mến chàng vì cái thái độ hiền hoà của chàng đối với mấy người hành hương và mỗi khi nhìn chàng, đôi mắt trong sáng của nàng lại càng thêm trong sáng, mà ngay cả tiểu công tước Nikolai (như ông nội của cậu vẫn gọi) bấy giờ đã được một tuổi, cũng mỉm cười với Piotr và để cho chàng bế, Mikhail Ivanyts, cô Burien nhìn chàng với những nụ cười vui vẻ khi chàng nói chuyện với lão công tước.

Lão công tước ra dự bữa ăn tối gia đình: cái đó rõ là vì Piotr. Lão công tước tỏ ra đặc biệt thân mật với chàng trong hai ngày chàng ở lại Lưxye Gorư và bảo chàng thỉnh thoảng đến chơi.
   
Khi Piotr đã ra đi và tất cả những người trong gia đình hội họp lại bắt đầu bình phẩm về chàng, cũng như thói thường mỗi khi một người mới quen biết vừa ra về, và có một điều ít có là mọi người đều chỉ nói tốt cho chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:20:49 pm
Phần V
Chương - 14

Lần này đi nghỉ phép về, Roxtov lần đầu tiên cảm thấy và hiểu lo mối liên hệ giữa chàng với Denixov và tất cả trung đoàn là mãnh liệt như thế nào.
     
Khi gần về đến trung đoàn, Roxtov có một cảm xúc giống như cái cảm xúc chàng đã từng thể nghiệm khi gần về đến ngôi nhà của mình ở phố Povarxkaya. Khi chàng trông thấy người lính phiêu kỵ đầu tiên mặc quân phục phanh ngực, khi chàng nhận ra anh chàng Dementyev tóc hoe, nhìn thấy những cái cọc buộc mấy con ngựa hồng, khi chàng nghe Lavruska mừng rỡ reo lên với chủ: "Bá tước đã về!" và anh chàng Denixov tóc bờm xờm đang ngủ trên giường bỗng vùng dậy chạy ra khỏi lều đất(1) ôm lấy chàng mà hôn và các sĩ quan chạy đến xúm xít xung quanh con người mới đến, Roxtov có một cảm xúc giống như khi mẹ chàng, hay các em gái của chàng ôm hôn chàng, và những giọt nước mắt vui sướng trào lên cổ làm cho chàng nghẹn ngào không sao nói được nữa. Trung đoàn đối với chàng cũng là nhà của chàng, một cái nhà thứ hai, cũng thân mật và quý báu như ngôi nhà của cha mẹ chàng.
   
Sau khi đã lên trình diện với trung đoàn trưởng, và lại được bổ dụng vào tiểu đoàn cũ, sau khi đã làm xong công việc trực nhật và đi lấy cỏ ngựa, dự phần vào tất cả những điều lo lắng nhỏ nhặt của trung đoàn và cảm thấy mình đã mất tự do và bị gắn chặt vào cái khuôn khổ chật hẹp và không thay đổi, Roxtov cũng thấy mình yên tĩnh, có chỗ nương tựa vững vàng, và có ý thức rằng mình ở đây là ở nhà, ở nơi dành liêng cho mình, đúng như khi ở dưới mái nhà của cha mẹ. Ở đây không có những cảnh rối ren của cuộc sống bên ngoài quân đội, trong đó chàng không tìm thấy vị trí của mình và cứ phải lầm lẫn trong lúc lựa chọn; ở đây không có Sonya để chàng cứ phải băn khoăn không biết có nên thổ lộ tình yêu hay không. Ở đây không thể có khả năng đến "đàng ấy" hay không đến "đàng ấy", không có những ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà người ta có thể giải trí theo bao nhiêu cách khác nhau cũng được; không có cái đám người đông vô số trong đó chẳng có ai thân thiết hơn ai mà cũng chẳng có ai xa lạ hơn ai; không có những quan hệ tiền tài không rõ ràng và không xác định với cha chàng, không còn phải hồi tương lai canh bạc khủng khiếp chàng đã thua Dolokhov, ở đây, trong trung đoàn, mọi việc đều rõ ràng và đơn giản. Thế giới chia ra hai phần không đều nhau, một phần là "trung đoàn Pavlograd của chúng ta", còn cái phần kia là tất cả những gì còn lại. Và cái phần còn lại kia thì tuyệt nhiên chẳng cần đếm xỉa gì đến. Trong trung đoàn cái gì cũng rõ; ai là trung uý, ai là đại uý, ai tốt, ai xấu, và nhất là ai là bạn mình. Người bán hàng rong cho anh mua chịu, tiền lương thì lĩnh từng quý một; chẳng cần gì phải suy tính hay lựa chọn lôi thôi, chỉ cần đừng làm những việc mà trong trung đoàn Pavlograd người ta vẫn coi là xấu xa, và khi được giao nhiệm vụ thì chỉ có việc thi hành cho đúng những điều đã được chỉ thị một cách rõ ràng, minh xác, thế là mọi việc sẽ ổn thoả.

Quay trở về với hoàn cảnh sinh hoạt rõ ràng minh bạch của trung đoàn, Roxtov cảm thấy vui sướng và thư thái như một người mệt mỏi khi ngả lưng xuống nằm nghỉ. Cuộc sống ở trung đoàn trong chiến dịch này đối với chàng lại càng thú vị hơn nữa là vì từ khi chàng thua bạc (một việc chàng không thể nào tha thứ cho mình, mặc dầu cha mẹ chàng đã hết lời an ủi), chàng đã quyết định làm nghĩa vụ quân nhân không phải như trước kia nữa, mà lại để chuộc lại lỗi lầm của mình, chàng quyết tâm phục vụ tốt và trở thành một người bạn và một sĩ quan gương mẫu, nghĩa là một con người hoàn toàn, điều mà chàng cảm thấy thật khó lòng thực hiện nổi khi còn sống ở ngoài đời, nhưng ở trong trung đoàn thì lại rất dễ.

Từ dạo chàng thua bạc, Roxtov đã quyết định trong năm năm sẽ trả xong món nợ chàng đã mắc cha mẹ chàng. Trước kia gia đình gửi cho chàng một số tiền trợ cấp mỗi năm một vạn rúp, nhưng bây giờ chàng nhất quyết chỉ nhận hai nghìn thôi, còn bao nhiêu để lại cho cha mẹ mong trả dần số nợ. Sau nhiều lần thoái quân rồi lại tiến quân, và sau các trận Pultuxk, Proixich Ailau, quân ta kéo về tập trung ở gần Bartenstain. Quân sĩ đang chờ đợi hoàng đế đến và chờ một chiến dịch mới sắp mở đầu.

Trung đoàn Pavlograd là một bộ phận của đạo quân đã dự chiến dịch 1805. Vì còn phải bổ sung quân số ở Nga nên nó đã đến quá chậm không được dự những trận đầu tiên của chiến dịch và không có mặt ở Pultuxk cũng như ở Proixich Ailau. Đến cuối chiến dịch, nó được sáp nhập vào quân đội đã chiến và trở thành một đơn vị của chi đoàn Platov.

Chi đoàn Platov hoạt động độc lập đối với quân đội. Đã mấy lần lính phiêu kỵ Pavlograd đã tham dự vào những trận đánh nhỏ với quân địch, bắt được tù binh và có một lần đã cướp được đoàn xe vận tải của thống chế Udino. Vào tháng tư trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đã mấy tuần đóng quân cạnh một làng Đức bị đốt phá tan hoang và không còn ai ở nữa; họ cứ ở lì một chỗ, không đi đâu cả.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:21:38 pm
Tuyết đã bắt đầu tan và đâu đâu cũng ngập đầy những bùn. Trời lạnh, sông ngòi ngập nước đường sá không đi lại được; người và ngựa đã mấy ngày không có lương ăn. Vì việc vận tải không thể thực hiện được, binh sĩ tràn vào các làng hoang vắng tìm khoai tây, nhưng ngay cả thứ này bây giờ cũng rất hiếm.
Lương thực đã cạn và bao nhiêu dân cư đều đã chạy chốn hết; những người nào ở lại thì còn đói khổ hơn ăn mày và không còn gì để mà lấy của họ nữa, đến nỗi quân lính xưa nay vốn ít biết thương xót ai, đến nay không những không lấy gì của họ mà lại còn chia sẻ với họ những mẩu bánh cuối cùng.

Trung đoàn Pavlograd chỉ có hai người bị thương trong chiến đấu; nhưng nạn đói và bệnh tật đã cướp mất gần nửa quân số. Trong các bệnh xá người ta chết một cách chắc chắn đến nỗi mặc dầu phát sốt và bị phù thũng vì ăn uống tồi tàn, binh sĩ vẫn cứ một mực xin ở lại đơn vị thà cố sức lê chân trong hàng ngũ còn hơn là đến bệnh xá.

Đầu mùa xuân binh sĩ tìm thấy một thứ cây giống như cây măng tây ở dưới đất mọc lên và không hiểu tại sao họ đặt tên cho nó là rễ ngọt Maska. Họ phân tán ra các bãi cỏ và cánh đồng để tìm cái thứ rễ ngọt này (thực ra thì nó rất đắng) lấy gươm đào lên ăn, mặc dầu đã có lệnh cấm không được động đến thứ cây độc này. Vào mùa xuân, trong đám binh sĩ phát sinh một thứ bệnh mới; đó là bệnh phù thũng ở tay, chân và mặt; các bác sĩ cho rằng sở dĩ sinh bệnh phù thũng như vậy là vì ăn thứ rễ độc kia. Nhưng tuy đã có lệnh cấm, lính phiêu kỵ Pavlograd trong tiểu đoàn Denixov vẫn dùng cái rễ Maska là món ăn chính, bởi vì suất lương khô cuối cùng mỗi người nhận được là nửa bảng đã kéo dài hai tuần nay, còn chỗ khoai tây đưa đến lần cuối cùng thì đã đóng giá và mọc mầm hết.

Ngựa cũng vậy, đã mười lăm ngày nay chỉ ăn mái tranh thay cỏ gầy gò như những bộ xương, và vẫn còn giữ bộ lông mùa đông rối bết lại thành cục.

Mặc dầu tình cảnh bi đát như vậy, nếp sinh hoạt của binh lính và sĩ quan vẫn đúng như mọi khi. Bấy giờ, tuy mặt mày xanh xao và sưng phù lên quân phục rách rưới, lính phiêu kỵ vẫn cứ tập hợp điểm danh, đi tìm thức ăn, tắm rửa cho ngựa, lau chùi khí giới, lấy tranh trên mái cho ngựa ăn thay cỏ, đi lĩnh phần cháo ăn trở về đói lả nhưng vẫn bông đùa về cảnh ăn uống cơ cực và đói khổ của mình. Cũng như mọi ngày, mỗi khi rỗi rãi họ lại đốt lửa lên, đánh trần ra ngồi sưởi, hút thuốc, nướng những củ khoai tây đã mọc mầm hoặc đã thối và kể lại hay nghe kể lại các chiến dịch của Potyomkin và Xuvorov, những câu chuyện phiêu lưu của chàng Ayosa tinh ranh và của Mikolka, người cố nông của ông Pop.

Các sĩ quan cũng như thường ngày vẫn sống hai hay ba người một trong những ngôi nhà dột nát, tứ phía gió lùa vào thông thống.

Các sĩ quan cấp trên thì lo việc kiếm rơm và khoai tây và nói chung lo vấn đề lương thực của binh sĩ. Các sĩ quan cấp dưới thì vẫn như mọi ngày, người thì đánh bài (tiền thì họ vẫn có nhiều mặc dầu không có lương thực), người thì chơi những trò vô hại như chơi "gorodki" và chơi "xvaika". Người ta ít nói đến tình hình chung của chiến sự, một phần vì không biết gì đích xác, một phần vì cảm thấy mơ hồ rằng tình hình chiến sự điền biến không lấy gì làm tốt đẹp.

Roxtov vẫn ở chung với Denixov như trước, và từ ngày họ được nghỉ phép, tình bạn của hai người lại càng thêm khăng khít.

Denixov không bao giờ nhắc đến gia đình Roxtov nhưng mối tình bằng hữu đằm thắm của viên chỉ huy đối với sĩ quan dưới quyền mình khiến Roxtov cảm thấy rằng tình yêu tuyệt vọng của người lính phiêu kỵ dạn dày đối với Natasa đã góp phần xiết chặt tình bạn của họ. Hình như Denixov tìm mọi cách để cho Roxtov ít phải xông pha nơi nguy hiểm, nương nhẹ nhàng và sau mỗi lấn giao chiến, Denixov lại hết sức vui sướng khi thấy Roxtov trở về lành lặn.

Trong một chuyến đi công tác lương thực, Roxtov đã tìm thấy trong một cái làng vắng vẻ bị phá phách tan hoang một cụ già người Ba Lan với người con gái của cụ đang có con dại. Họ rách rưới đói khổ không đi được nữa và không có tiền để thuê một chiếc xe. Roxtov đem họ về nơi đóng quân, cho họ ở trong lều mình và suốt mấy tuần săn sóc họ cho đến khi cụ già bình phục. Một người bạn của chàng, một hôm nhân nói đến đàn bà, đã chế giễu Roxtov, nói rằng chàng tinh ranh nhất đời, và lẽ ra cũng nên giới thiệu với bạn bè cái cô Ba Lan xinh đẹp mà chàng đã cứu sống. Roxtov cho rằng bông đùa như thế là lăng nhục mình và nổi xung lên mắng nhiếc viên sĩ quan nặng lời đến nỗi Denixov phải khó nhọc lắm mới ngắn cản được một cuộc đấu súng. Chính bản thân Denixov cũng không hiểu rõ mối quan hệ giữa Roxtov với người đàn bà Ba Lan này; khi viên sĩ quan đã ra về, chàng trách Roxtov quá nóng nảy, thì Roxtov đáp:

- Anh nói thế nào cũng được… Tôi xem người ấy như chị ruột và tôi không thể nào nói cho anh rõ tôi tức giận đến chừng nào… Bởi vì… vì…

Denixov vỗ mạnh lên vai Roxtov và bắt đầu đi đi lại lại rất nhanh trong phòng, không nhìn Roxtov, như chàng vẫn thường làm những khi xúc động.

- Dòng họ Roxtov nhà cậu thật là gàn - chàng nói, và Roxtov nhận thấy mắt Denixov rưng rưng. 

=================================================

Chú thích:

(1) Một thứ hào có lợp mái



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:24:06 pm
Phần V
Chương - 15

Sang tháng Tư, quân sĩ phấn khới nghe tin hoàng đế đến thăm. Roxtov không được dự lễ hoàng đế duyệt binh ở Bartenstain vì lính phiêu kỵ Pavlograd bây giờ đang ở tiền tiêu, cách Barlenstain rất xa.
     
Họ đang đóng doanh trại tạm trú. Denixov và Roxtov sống trong một túp lều đất do binh sĩ đào lên, phủ bằng cành cây và cỏ.
     
Lều đất dựng lên theo một cách thức rất thịnh hành thời bấy giờ. Người ta đào một cái hào rộng một thước, sâu một thước rười và dài hai thước rưỡi. Ở một đầu người ta đào những bậc thềm làm chỗ ra vào lên xuống. Cái hào là phòng, và trong phòng những người may mắn nhất như phóng viên đại đội trưởng thì có một tấm ván đặt trên mấy cái cọc ở phía trong cùng, dùng làm bàn. Ở hai bên hầm moi đất sâu vào độ một ác-xin, và những chỗ lõm ấy được dùng làm giường và làm đi văng. Cái mái cho phép người ta đứng ở giữa nhà và có thể ngồi trên giường ở chỗ gần bàn. Denixov sống rất sang trọng bởi vì binh sĩ trong tiểu đoàn yêu quý chàng; trên mui nhà hầm của chàng có đặt một tấm ván và trên tấm ván này lại có một miếng kính vỡ nhưng đã được dán lại. Khi nào trời lạnh quá thì người ta đặt lên các bậc thềm (Denixov gọi phần này của gian hầm và khoảng cách) một miếng tôn uốn cong dầy những cục than hồng lấy ở những nơi binh sĩ đốt lửa, và lúc bấy giờ gian hầm ấm đến nỗi các sĩ quan (bao giờ cũng có nhiều sĩ quan ở nhà của Denixov và Roxtov) chỉ mặc sơ mi.
   
Vào tháng Tư, Roxtov phải trực nhật. Một hôm nào vào khoảng tám giờ sáng chàng trở về lều sau một đêm không ngủ, sai đem than đỏ đến, thay bộ quân phục đã ướt sũng nước mưa.
     
Chàng cầu nguyện, uống nước chè, sưởi cho ấm, xếp dọn đồ đạc trong góc của mình và ở trên bàn, rồi mặt nóng bừng vì vừa đi giữa gió, chàng mặc áo sơ mi nằm ngửa trên giường, đầu gối lên hai tay. Chàng sung sướng nghĩ rằng mình sẽ được thăng chức nhân chuyến đi trinh sát vừa rồi, và đang sốt ruột chờ đợi Denixov về. Vì lúc bấy giờ Denixov đi đâu vắng. Roxtov muốn nói chuyện với anh ta một lát.
   
Chợt phía sau lều nghe có tiếng Denixov quát tháo ầm ầm, giọng rất giữ. Roxtov nhỏm dậy ghé mắt ra cửa sổ xem Denixov đang to tiếng với ai thì trông thấy viên tào trưởng Topseyenko.

- Tôi đã ra lệnh cho anh là không được để cho họ ngốn cái rễ Mask ấy kia mà, - Denixov quát - Thế mà chính mắt tôi vừa thấy Lazartsuk lôi thứ của nợ ấy ở ngoài đồng về?

- Thưa ngài, tôi đã ra lệnh nhưng họ không chịu nghe, - viên tào trưởng nói.

Roxtov lại nằm xuống giường và đắc chí nghĩ thầm: "Bây giờ cứ mặc kệ anh ấy lo, mình đã làm xong công việc của mình rồi, mình cứ việc nằm, khoái thật".
     
Bên kia tường, ngoài tiếng nói của viên tào trưởng nghe thêm tiếng nói của Lavrutska anh cần vụ láu lỉnh, tinh ma của Denixov. Anh ta đang nói gì về những đoàn vận tải, những lương khô và những con bò mà anh ta vừa trông thấy trong nhà khi đi tìm lương thực.
   
Từ phía sau lều lại nghe tiếng quát xa dần của Denixov: "Trung đội hai! Đóng yên cương!".
Roxtov tự hỏi: "Họ chuẩn bị đi đâu thế nhỉ?"

Năm phút sau Denixov bước vào nhà hầm, để cả đôi ủng lấm bùn leo lên giường rít tẩu thuốc một cách giận dữ, xáo tung đồ đạc lên, với lấy roi ngựa, xách kiếm và chực ra khỏi lều. Khi Roxtov hỏi: "Anh đi đâu đấy" thì chàng càu nhàu trả lời bâng quơ là đi có việc Thượng đế và hoàng đế cứ xét xử tội!
   
Denixov nói đoạn bước ra ngoài. Rồi Roxtov nghe phía sau nhà có tiếng chân mấy con ngựa dẫm trên bùn. Roxtov chẳng hề tự hỏi xem Denixov đi đâu.
   
Nằm ấm áp ở trong góc của mình, chàng ngủ một mạch, và đến chiều mới ra khỏi lều. Denixov vẫn chưa thấy về. Chiều hôm ấy rất đẹp trời, gần cái lều đất bên cạnh, hai sĩ quan và một chuẩn uý đang chơi Xvaika vừa reo cười vừa cắm những cái cọc xuống lớp bùn mềm. Roxtov nhập bọn. Đang chơi dở chừng họ bỗng trông thấy mấy chiếc xe vận tải đang tiến lại gần.
   
Khoảng chừng mười lăm người lính phiêu kỵ cưỡi những con ngựa gầy gò đi theo. Đoàn xe bị đội phiêu kỵ áp giải đến gần các cọc gỗ buộc ngựa, và một đám đông lính phiêu kỵ xúm xít vây quanh họ.

- Xem kìa - Roxtov nói. - Denixov cứ phải lo lắng mãi. Lương thực đã đến đây kia.

- Đúng rồi! - Các sĩ quan nói - chuyến này thì binh sĩ khoái lắm đấy!

Denixov cưỡi ngựa đi sau toán lính phiêu kỵ một quãng cùng với hai sĩ quan bộ binh, và đang nói chuyện gì với họ. Roxtov ra đón bạn.

- Tôi báo trước cho ông biết, ông đại uý ạ… - Một viên sĩ quan người nhỏ nhắn và gầy gò nói, vẻ căm giận.

- Đã bảo là không trả. - Denixov đáp.

- Ông phải chịu trách nhiệm đấy ông đại đội trưởng kỵ binh ạ! Như thế là manh động! Ai lại đi cướp xe vận tải của quân đội bao giờ! Quân lính chúng tôi không ăn gì đã hai ngày nay.

- Còn quân chúng tôi thì đã hai tuần nay - Denixov nói.

- Như thế là ăn cướp! Thưa ngài, rồi ngài sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này! - Viên sĩ quan bộ binh to tiếng nhắc lại.

- Này, sao cứ quấy rầy người ta mãi thế? -   Denixov đột nhiên nổi giận quát lên. - Kẻ chịu trách nhiệm là tôi, chứ không phải anh, muốn tốt đừng có lải nhải mãi nữa. Đi đi! - Chàng thét vào mặt mấy viên sĩ quan.

- Được lắm! - Viên sĩ quan nhỏ nhắn đáp: hắn vẫn đứng nguyên, không có vẻ gì sợ hãi, - làm như thế là ăn cướp, rồi tôi cho anh…

- Xéo đi xéo nhanh đi, trong khi hãy còn lành lặn! - Rồi Denixov quay ngựa về phía viên sĩ quan.

- Được lắm được lắm - vièn sĩ quan hăm doạ rồi quay ngựa phóng nước kiệu đi, người lắc lư trên yên.

- Chó ngồi bờ rào, hệt chó ngồi bờ rào! - Denixov nói với theo; đó là lời chế nhạo khinh bỉ nhất của một kỵ binh đối với một bộ binh cưỡi ngựa. Đoạn chàng đến cạnh Roxtov và cười phá lên.

- Mình đã tước của bộ binh, mình đã dùng võ lực cướp của đoàn vận tải - Chàng nói - chả nhẽ để cho quân mình chết đói sao?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Giêng, 2011, 09:24:54 pm
Đoàn xe vận tải vừa rồi là giành cho một trung đoàn bộ binh, nhưng được Lavrutska báo tin rằng đoàn này đi một mình không được yểm hộ. Denixov và lính phiêu kỵ liền dùng võ lực cướp lấy.
   
Người ta phát lương khô cho lính ăn tha hồ, thậm chí còn chia bớt cho các đại biểu đoàn binh khác nữa.
   
Hôm sau viên trung đoàn trưởng gọi Denixov lên gặp. Ông ta xòe bàn tay ra che mắt(1) và nói với chàng: "Tôi nhìn việc vừa rồi như thế đấy; tôi không biết gì và không can thiệp, nhưng tôi khuyên anh đến bộ tư lệnh giải quyết việc này với phòng quân lương và nếu có thể thì ký một tờ giấy nói rằng anh đã nhận bao nhiêu lương thực (chỗ lương thực này có ghi vào sổ yêu cầu của trung đoàn bộ binh); Nếu không việc này sẽ thành to chuyện và có thể đưa đến những hậu quả rất tai hại".
   
Denixov từ giã trung đoàn trưởng và đi thẳng đến bộ tư lệnh, thực tâm muốn làm theo lời khuyên của ông ta. Đến chiều chàng trở về lều.
     
Chưa bao giờ Roxtov thấy chàng như vậy: Denixov thở hổn hển nói không nên lời. Khi Roxtov hỏi chàng có việc gì thì chàng cất cái giọng khản đặc phều phào tuôn ra một tràng toàn những lời chửi bới và hăm doạ không tài nào hiểu nổi.
   
Sợ hãi trước tình trạng của Denixov, Roxtov bảo chàng cởi áo quần, cho chàng uống nước và sai người đi mời thầy thuốc.

- Họ khép mình vào tội ăn cướp. Ô! Cho mình tý nước nữa!… Muốn xét xử gì thì xét xử, tao cũng nện cho cái bọn chó má ấy!… Rồi tao sẽ nói với cả hoàng thượng nữa, cho mình tý nước đã? - chàng nói.
   
Viên y sĩ của trung đoàn đến, ông ta bảo cần phải trích máu cho chàng. Người ta lấy ở cánh tay lông lá của Denixov ra một đĩa máu đen ngòm và bấy giờ Denixov mới kể lại được tất cả những điều đã xảy ra.

- Tôi đến, - Denixov - "Xem nào, ở đây ai là thủ trưởng của các anh?" Người ta chỉ cho tôi. "Ông làm ơn đợi một lát" - "Tôi có việc cần. Tôi đi ba mươi dặm đến đây, tôi không có thì giờ đợi, vào báo cáo ngay cho tôi". Thế rồi cái thằng ăn cướp thượng hạng ấy cũng muốn lên mặt dạy tôi. "Như thế là ăn cướp!" - Tôi nói: "Người ăn cướp không phải là người lấy lương thực để nuôi binh sĩ của mình mà là người lấy lương thực để nhét vào túi!" - "Hay lắm" - hắn nói. "Ông hãy đến ký giấy biên lại ở phòng ông phụ trách quân lương và việc của ông sẽ được đưa lên cấp trên". Tôi đến gặp thằng cha phụ trách quân lương. Tôi bước vào. Có biết ai ngồi ở phòng không? Cậu thử đoán xem, có đứa nào bắt chúng ta nhịn đói không - Denixov thét lên, giơ bàn tay bị thương đấm lên mặt bàn đến nỗi cái bàn xuýt lăn kềnh ra và cốc chén cứ nhảy lổng chổng, - thằng Telyanin "A, ra cái thằng bắt chúng tao chết đói chính là mày phải không?" Thế là tôi tống luôn mấy quả vào giữa mồm hắn, khoái thật! Tôi trút lên đầu hắn một tràng câu chửi và bắt đầu nện cho hắn một trận nên thân. Thật hả quá - Denixov quát lên, vẻ hả hê và hung ác, nhe hàm răng trắng dưới bộ râu mép đen nhánh. - Người ta không giằng nó ra khỏi tay tôi thì tôi đã đánh cho nó chết tươi rồi!

- Nhưng anh đừng có thét lên như thế chứ! Bình tĩnh lại tý nào! - Roxtov nói. Đấy, máu lại chảy ra rồi! Yên nào, phải băng lại.

Người ta băng bó lại cho Denixov và đặt chàng nằm ngủ. Sáng hôm sau chàng thức dậy, vui vẻ và bình tĩnh.
   
Nhưng đến giữa trưa thì viên sĩ quan phụ tá của trung đoàn vẻ mặt buồn rầu và nghiêm nghị, bước vào căn nhà hầm chung của Denixov và Roxtov và tỏ ý rất tiếc phải đưa cho thiếu tá Denixov một công văn của viên trung đoàn trướng chất vấn chàng việc đã xảy ra hôm qua. Viên sĩ quan phụ tá bảo cho chàng biết rằng việc này có thể có những hậu quả tai hại, một tiểu ban quân pháp đã được cử ra để xét việc này, và trong tình hình hiện nay người ta rất nghiêm khắc đối với những hành động ăn cướp và vô kỷ luật trong quân đội, cho nên ít nhất Denixov cũng bì giáng chức.
   
Theo như lời khiếu nại của bên nguyên thì sau khi đã cướp đoàn xe vận tải, thiếu tá Denixov say rượu đến gặp viên phụ trách quân lương, và mặc dầu không hề bị khiêu khích, đã gọi ông ta là đồ ăn cắp doạ đánh ông ta và khi bị lôi ra ngoài thì lại xông vào cơ quan đánh hai viên chức làm một trong hai người sái cả xương tay.

Khi Roxtov hỏi thêm thì Denixov cười phá lên, nói rằng quả thật hình như có một thằng cha nào khác ngẫu nhiên ăn đòn của chàng, nhưng việc đó chẳng có gì quan trọng, toàn là những chuyện vớ vẩn, rằng chàng chẳng sợ toà án nào hết và nếu cái bọn khốn kiếp còn dám gây sự với chàng thì chàng sẽ trị cho chúng một mẻ nhớ suốt đời.

Denixov nói đến tất cả những sự việc này với một giọng khinh thường, nhưng Roxtov biết chàng quá rõ nên không thể không nhận thấy rằng tuy chàng cố giấu, trong thâm tâm chàng vẫn sợ toà án và rất khổ tâm về việc này, mà chắc thế nào cũng có những hậu quả tai hại. Ngày nào cũng có những tờ trát gửi đến chất vấn Denixov hoặc đòi chàng đến toà án xét hỏi, và ngày mồng một tháng năm có lệnh bắt Denixov phải giao kỵ đội của mình lại cho người sĩ quan cao cấp nhất còn lại trong đơn vị chỉ huy, và phải đến trình diện ở bộ tư lệnh sư đoàn để trình bày về việc đã đến hành hung ở ban quân lương. Trước đấy một hôm, Platov đem hai trung đoàn cô-dắc và hai tiểu đoàn kỵ binh đi trinh sát địch tình. Cũng như mọi ngày, Denixov hiên ngang xông lên trước. Một viên đạn của lính xạ kích Pháp bắn trúng vào bắp đùi chàng. Vào những lúc khác chắc Denixov không đời nào chịu rời khỏi trng đoàn vì một vết thương nhẹ như vậy, nhưng bây giờ chàng nhân dịp này không chịu lên trình diện và đi luôn vào bệnh viện.

=============================================

Chú thích:

(1) Trong tiếng Nga: "nhìn qua mấy ngón tay" nghĩa là làm ngơ.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:15:45 pm
Phần V
Chương - 16
     
Đến tháng sáu diễn ra trận Frilland, nhưng lính phiêu kỵ Pavlograd không dự trận này, và sau đó có lệnh đình chiến.
     
Roxtov rất buồn vì vắng bạn, và từ ngày Denixov ra đi, chàng chẳng có tin tức gì về anh ta, nên lại thêm lo lắng về vụ án và vết thương của bạn, vì vậy nhân dịp đình chiến Roxtov liền xin vào bệnh viện thăm Denixov.
   
Bệnh viện ở trong một thị trấn nhỏ của Phổ đã hai lần bị quân đội Nga và quân đội Pháp tàn phá. Bấy giờ là vào mùa hè trong khi ở thôn quê trời đẹp như vậy, thì cái thị trấn nhỏ này với những mái nhà đổ nát, những hàng rào xiêu vẹo, những con đường đầy rác rưởi, những người dân áo quần rách rưới, những người lính say rượu và đau ốm đi lang thang trên đường càng làm thành một cảnh tượng đặc biệt ảm đạm.
     
Một ngôi nhà bằng đá, cửa sổ và kính một phần đã bị phá vỡ với một cái sân chung quanh chỉ còn lại những mảnh hàng rào đổ nát, được dùng làm nhà thương. Một vài binh sĩ xanh xao, bủng beo, người quấn đầy băng đang đi dạo hay ngồi sưởi nắng ngoài sân.
   
Roxtov vừa bước qua ngưỡng cửa thì mùi thịt thối và mùi nhà thương đã bao trùm lấy chàng. Ở cầu thang gác, chàng gặp một bác sĩ quân y Nga miệng ngậm xì gà. Một người y tá theo sau ông ta.

- Thì tôi cũng không thể xẻ mình thành làm đôi được kia mà - bác sĩ nói - Chiều nay anh đến nhà ông Alekxeyevich tôi sẽ ở đấy, - Người y tá còn hỏi ông ta một câu gì nữa. - Thôi! Anh cứ liệu mà làm. Chung quy cũng thế cả thôi.

Bác sĩ chợt trông thấy Roxtov đang bước lên cầu thang, liền hỏi chàng:

- Thưa đại nhân, ngài muốn gì ạ? Ngài đến đây có việc gì ạ? Hay là không có viên đạn nào đoái hoài đến ngài, cho nên ngài muốn kiếm tý bệnh thương hài? Thưa ngài đấy quả là một nhà hủi.

- Tại sao thế? - Roxtov hỏi.

- Có bệnh thương hàn ông bạn ạ. Ai bước vào đây thì chỉ có chết. Ở đây chỉ còn sót lại hai người, tôi và Makeyev (ông ta chỉ người y tá). Trong số bạn đồng nghiệp chúng tôi đã có năm người chết rồi. Có người nào mới đến thì chỉ sau một tuần lễ là đi đứt - bác sĩ nói, vẻ đắc ý rõ rệt. Người ta có yêu cầu cho y sĩ Phổ đến, nhưng mấy ông bạn đồng minh quý hoá của chúng ta không thích cái trò này.
   
Roxtov nói cho ông ta biết rằng chàng muốn gặp thiếu tá phiêu kỵ Denixov hiện nằm điều trị ở đây.

- Tôi không biết, ông bạn ạ. Ông thử nghĩ xem một mình tôi quản đốc ba bệnh viện, hơn bốn trăm bệnh nhân. Cũng may phúc là các phu nhân người Phổ có lòng từ thiện gửi cho chúng tôi cà phê và vải băng mỗi tháng hai bảng, nếu không thì chúng tôi đã bỏ mẹ cả rồi - Ông ta cười khà khà. - Bốn trăm bệnh nhân ông ạ, thế mà hôm nào họ cũng gửi thêm mấy người nữa, - rồi ông ta hỏi người y tá: Bốn trăm người phải không nào? Hả?
   
Người y tá có vẻ mệt lử, hình như anh đang bực bội chờ mong bác sĩ đi nhanh cho, nhưng bác sĩ thì lại nói dai.

- Thiếu tá Denixov - Roxtov nhắc lại - Ông ta bị thương ở Moliten.

- Hình như ông ta chết rồi thì phải, Makeyev nhỉ? - Bác sĩ hỏi người y tá, giọng lơ đãng. Nhưng người y tá không xác nhận điều bác sĩ vừa nói.

- Ông ta người thế nào, có phải người cao tóc hoe không? - bác sĩ hỏi.
   
Roxtov miêu tả diện mạo của Denixov.

- Có có trước đây có một người như thế. - Bác sĩ nói, giọng nghe như vẻ mừng rỡ - Nhưng hình như anh ta chết thật rồi; nhưng để tôi xem, tôi có danh sách. Anh có cầm danh sách đây không, anh Mekeyev?

- Danh sách ở nơi anh Makar Alekxeyevich - người y tá đáp. - Nhưng ông cứ vào phòng các sĩ quan thì sẽ gặp thôi - anh ta nói thêm với Roxtov.

- Thôi ông đừng vào là hơn! Ông bạn ạ - Bác sĩ nói - Ông mà vào thì tôi e ông sẽ nằm lại đây mất.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:16:33 pm
Nhưng Roxtov từ giã viên bác sĩ và yêu cầu người y tá đưa chàng đi.

- Nhưng đừng có trách tôi đấy nhé. - Bác sĩ đứng dưới chân cầu thang nói vọng lên.
   
Roxtov và người y tá bước vào hành lang. Mùi nhà thương ở trong dãy hành lang tối om này nồng nặc lên đến nỗi Roxtov phải bịt mũi và phải dừng lại lấy sức trước khi tiếp tục đi. Một cánh cửa mở ra ở bên tay phải và một người gầy gò vàng võ đi chân không, chỉ mặc đồ lót, chống nạng đi ra. Anh ta tựa vào khung cửa nhìn hai người mới đến với cặp mắt sáng long lanh và dầy vẻ ganh tị.
   
Roxtov nhìn vào phòng: thương binh và bệnh binh nằm ta liệt trên những ổ rơm và trên những chiếc áo khoác trải giữa nền nhà.

- Vào xem có được không? - Roxtov hỏi.

- Có gì đây mà xem - Người y tá nói.
   
Nhưng chính vì người y tá không muốn cho chàng vào nên Roxtov cứ bước vào phòng bệnh của binh sĩ. Cái mùi trong dãy hành lang mà chàng đã bắt đầu quen, ở đây còn nồng nặc hơn nữa. Ở đây nó có khác một chút gay gắt hơn, và có thể thấy rõ rằng nó xuất phát chính từ chỗ này.
   
Trong gian phòng dài được ánh mặt trời chiếu sáng rực qua những khung cửa sổ lớn, bệnh binh và thương binh nằm xếp thành hai dãy, đầu quay vào tường để một lối đi giữa. Phần lớn nằm mê man không để ý gì đến hai người mới vào.   Những người còn tỉnh đều nhỏm dậy hay ngẩng khuôn mặt gầy gò và vàng võ lên, và mới một vẻ hy vọng được cứu giúp pha lẫn với vẻ trách móc và ghen tị khi thấy người khác khoẻ mạnh, họ nhìn đăm đăm vào Roxtov, Roxtov tiến vào giữa phòng, liếc mắt nhìn sang phòng bên qua những khung cửa mở và cả hai bên chàng đều thấy một cành tượng như nhau. Chàng dừng lại, im lặng đưa mắt nhìn quanh. Chàng không ngờ có thể trông thấy một cảnh tượng như vậy: trước mắt chàng là một người bệnh, chắc là một người cô-dắc (vì tóc anh ta cắt thành vòng quanh đầu) đang nằm trên nền nhà gần như chắn ngang lối đi. Anh ta nằm ngửa, tay chân to tướng giang rộng ra. Mặt anh ta đỏ bầm, mắt trợn ngược chỉ thấy có lòng trắng, trên tay và trên cặp chân để trần, cũng đỏ bầm như khuôn mặt, mạch máu nổi lên như những sợi dây chão. Anh ta nện gáy xuống đất và cất giọng khàn khàn nhắc đi nhắc lại. Tiếng ấy là: "nước", "cho tôi xin tí nước!". Roxtov đưa mắt nhìn quanh mong tìm một người nào có thể vực người bệnh về chỗ cũ nằm và cho anh ta uống nước.

- Ai săn sóc bệnh nhân ở đây? - chàng hỏi người y tá.
   
Vừa lúc ấy một người lính quân nhu làm nhiệm vụ hộ lý từ phòng bên nện gót chân bước vào và đứng nghiêm chào Roxtov.
   
Hắn mở to mắt nhìn Roxtov nói:

- Kính chào đại nhân. - Chắc hẳn hắn ta tưởng chàng là một sĩ quan trong ban Giám đốc bệnh viện.

- Anh đỡ người này về chỗ cũ, cho người ta uống nước, - Roxtov chỉ người cô-dắc nói.

- Xin tuân lệnh! - Người lính vui vẻ đáp, mắt còn mở to hơn và người còn rướn thẳng hơn trước nhưng vẫn không rời khỏi chỗ.
   
"Quả thật ở đây chẳng còn biết làm thế nào nữa" - Roxtov nghĩ thầm. Chàng cúi mặt xuống và đã toan bước ra, thì đột nhiên chàng cảm thấy ở bên tay phải có ai đang chăm chú nhìn mình.

Chàng quay về phía ấy. Ở gần góc phòng, một người lính già, nước da vàng võ, gầy gò như bộ xương, vẻ mặt khắc khổ, bộ râu lốm đốm bạc đã lâu ngày không cạo, đang ngồi trên chiếc áo khoác, chăm chú nhìn Roxtov. Một người nằm cạnh ông ta vừa nói một câu gì với ông ta vừa chỉ vào Roxtov. Chàng hiểu ý rằng ông già kia muốn xin chàng điều gì. Chàng lại gần và thấy ông già chỉ có một chân co lại còn cái chân kia thì đã bị cưa cụt đến quá đầu gối. Một người khác ở bên cạnh cách ông ta khác xa đang nằm dài im lìm đầu hất ra phía sau, mắt trợn ngược. Đó là một người lính trẻ tuổi, mũi hếch, mặt tái nhạt màu sáp ong lốm đốm tàn hương: Roxtov nhìn người lính có cái mũi hếch và thấy lạnh buốt cả sống lưng:

- Nhưng mà… hình như người này… - chàng nói với người y tá.

- Thưa ngài chúng tôi đã yêu cầu mãi - người lính già nói, hàm dưới run run. - Anh ta chết từ hồi sáng. Dẫu sao chúng tôi cũng là người, chứ có phải là chó đâu…

- Tôi sẽ cho người đến ngay, sẽ đem đi, sẽ đem đi ngay - người y tá vội vã - Thưa ngài, xin ngài đi cho.
   
- Ta đi đi, ta đi đi - Roxtov nói vội vã, rồi mắt nhìn xuống đất, cố thu mình lại cho nhỏ bớt, chàng ra khỏi phòng, cố lẻn qua những luồng mắt đầy trách móc và ghen tị đang xỉa xói vào chàng.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:17:49 pm
Phần V
Chương - 17

Đi qua hành lang, người y tá đưa Roxtov vào khu vực sĩ quan, gồm ba gian phòng, các cửa đều mở rộng. Trong các phòng này có đặt giường; các sĩ quan bị thương và bị bệnh nằm hay ngồi trên những cái giường ấy. Một vài người mặc áo thụng của bệnh nhân đi đi lại lại trong phòng. Người thứ nhất Roxtov gặp trong khu sĩ quan là một người thấp bé gầy gò, cụt tay, đội mũ chụp và mặc áo thụng của bệnh viện, miệng ngậm tẩu thuốc, anh đi đi lại lại trong gian phòng thứ nhất. Roxtov chăm chú nhìn anh ta, cố sức nhớ lại xem mình đã gặp anh ta ở đâu.

- Trời ơi, chúng mình lại gặp nhau ở đây à? - người sĩ quan thấp bé nói. - Tôi là Tusin, Tusin đây mà, anh có nhớ không! Tôi đã chở anh trên giá súng ở Songraben đây mà. Còn tôi thì đã bị người ta chặt mất một khúc… anh xem đây… - anh ta mỉm cười chỉ ống tay áo thụng lép kẹp. Khi đã biết Roxtov muốn tìm ai, Tusin nói - Anh tìm Vaxili Dmitrievich Denixov phải không? Chúng tôi là bạn cùng phòng đấy! Anh ấy ở đây, ở đây. - Rồi Tusin đưa chàng sang phòng bên, từ trong phòng vang ra tiếng ha hả của mấy người cùng cười một lúc.
   
"Ở đây sống còn chẳng được, thế mà họ lại cười được nữa thì lạ thật" - Roxtov nghĩ thầm: mũi vẫn còn ngửi thấy cái mùi xác chết trong phòng của binh sĩ và vẫn còn mường tượng thấy quanh mình hai dãy mắt ganh tị từ bốn phía xỉa xói vào mình và khuôn mặt của người lính trẻ tuổi kia với cặp mắt trợn ngược.
   
Denixov đang ngủ trên giường, đầu chùm kín trong chăn, mặc dầu bấy giờ đã hơn mười giờ trưa.

- A, Roxtov đấy à, chào cậu, chào cậu! - Denixov reo lên, cũng vẫn cái giọng thường ngày của chàng khi còn ở trung đoàn. Nhưng Roxtov buồn bã nhận thấy rằng trong cái vẻ xuề xoà và phấn chấn thường ngày kia có một cái gì mới, một cái gì chua chát, âm thầm, lộ ra trên vẻ mặt, trong giọng nói và trong những lời lẽ cuả Denixov.

Vết thương của chàng tuy rất nhẹ nhưng đến nay vẫn chưa khỏi, mặc dầu chàng bị thương đã được sáu tuần lễ. Mặt chàng cũng xanh xao và bủng beo như mặt tất cả những người ở trong bệnh viện, nhưng điều đó không làm cho Roxtov ngạc nhiên. Điều làm cho chàng ngạc nhiên là Denixov không có vẻ vui mừng khi thấy chàng vào và mỉm cười với chàng một cách gượng gạo. Denixov không hỏi thăm chàng về trung đoàn, cũng không hỏi về tình hình chung của chiến sự. Khi Roxtov nói về những chuyện đó thì Denixov không nghe. Thậm chí Roxtov còn nhận thấy Denixov lộ vẻ khó chịu khi chàng nhắc đến trung đoàn, và nói chung nhắc đến cuộc sống khác, cuộc sống tự do ở bên ngoài bệnh viện. Hình như Denixov cố gắng quên cuộc sống trước kia và chỉ để tâm đến việc đã xảy ra giữa mình và bọn nhân viên quân lương. Khi Roxtov hỏi xem việc ấy nay đã đến đâu rồi, thì Denixov lập tức lấy ở dưới gối ra một tờ công văn do tiểu ban đưa đến và bức thư trả lời của chàng vừa viết nháp. Chàng hăng lên, bắt đầu đọc bức thư trả lời và đặc biệt nhắc Roxtov lưu ý đến những chỗ chàng châm chọc kẻ thù ở trong thư.
   
Những người bạn cùng bệnh viện của Denixov lúc đầu xúm xít quanh Roxtov vì chàng là một người ở thế giới tự do bên ngoài mới đến, nhưng rồi lại dần dần lảng ra khi Denixov bắt đầu đọc bức thư của mình. Nhìn mặt họ. Roxtov hiểu rằng ai nấy đều đã nghe câu chuyện này nhiều lần đến nỗi bây giờ họ đã phát ngấy ra rồi. Chỉ còn lại người ở trên giường bên cạnh, một chàng U-lan(1) mập mạp ngồi trên giường vẻ mặt lầm lì cau có, hút tẩu thuốc, và anh chàng Tusin nhỏ nhắn cụt tay đang tiếp tục nghe và lăc đầu tỏ ý không tán thành. Denixov đang đọc thì người U-lan ngắt lời:

- Theo ý tôi, - anh ta nói với Roxtov - Chỉ cần trực tiếp xin hoàng thượng ân xá. Nghe nói bây giờ sắp có nhiều cuộc khen thưởng, nếu xin chắc sẽ được ân xá…

- Tôi mà lại đi xin hoàng đế ân xá à - Denixov nói, có thể thấy rõ rằng chàng muốn làm cho cái giọng nói của mình rắn rỏi và hăng hái như ngày trước, nhưng lúc này giọng nói của chàng chỉ để lộ một tâm trạng cáu kỉnh vô ích. - Để làm gì kia chứ? Nếu tôi là một thằng kẻ cướp thì tôi sẽ xin ân xá, nhưng đằng này người ta lại xử án tôi chính vì tôi đã vạch mặt bọn kẻ cướp. Họ muốn xử thế nào thì ử tôi đếch sợ thằng nào. Tôi đã trung thành phục vụ Sa hoàng và tổ quốc tôi không sợ ăn cắp!… Cứ giáng chức tôi đi, cứ… Này cậu, cậu thử nghe nhé… Tôi nói thẳng ra với họ… tôi viết thư như thế này đây: "Nếu tôi là một thằng ăn cắp của công…".

- Viết thế hay đấy, chả phải nói nữa - Tusin nói.  Nhưng vấn đề không phải ở đấy anh Vaxili Dmitrievich - anh ta đồng thời nói với Roxtov - Bây giờ phải khuất phục thôi, mà Vaxili Dmitrievich thì lại không muốn. Viên phán quan đã nói với anh rằng việc này rất gay go.

- Tớ đếch cần! - Denixov nói.

- Viên phán quan đã viết hộ anh một lá đơn thỉnh cầu - Tusin nói tiếp - Bây giờ anh nên ký vào đấy, rồi nhờ anh này đưa lên.

Anh này (Tusin chỉ Roxtov) thế nào chả có người quen ở Bộ tư lệnh. Anh không có dịp nào tốt hơn nữa đâu!

- Tôi đã bào là tôi không luồn cúi xin xỏ được! - Denixov ngắt lời Tusin và lại tiếp tục đọc tờ giấy.
Roxtov không dám tìm cách thuyết phục Denixov, mặc dầu tự bản năng chàng cảm thấy rằng con đường mà Tusin và các sĩ quan khác vạch ra là đúng đắn nhất và mặc dầu chàng sẽ rất sung sướng nếu được giúp đỡ Denixov. Chàng vốn biết tính gan lỳ và cương trực cuả bạn.
     
Sau khi Denixov đã đọc xong những bức thư đầy những lời lẽ châm chọc kéo dài hơn một giờ, Roxtov không nói gì, và với một tâm trạng hết sức buồn bực, chiều hôm ấy còn lại bao nhiêu thì giờ chàng ngồi nói chuyện với những người bạn cùng bệnh viện của Denixov. Những người này tụ họp xung quanh chàng, chàng kể lại những điều mình biết, và nghe những người khác kể chuyện. Suốt buổi chiều hôm ấy Denixov vẫn cứ ngồi yên lặng lầm lỳ.
   
Đến tối, Roxtov sửa soạn ra đi và hỏi Denixov xem có uỷ thác cho mình việc gì không.

- Có cậu đợi tôi một lát - Denixov nói, đưa mắt nhìn các sĩ quan rồi lấy tập giấy của mình ở dưới gối, đến ngồi bên cửa sổ, nơi chàng đặt bình mực, và bắt đầu viết.

- Thôi, chả lấy trứng mà chọi với đá được - Denixov nói đoạn rời khỏi cửa sổ và trao cho Roxtov một phong bì lớn. Đây là đơn thỉnh cầu hoàng đế do viên phán quan viết hộ, trong lá đơn này Denixov không nhắc gì đến tội lỗi của bọn nhân viên quân lương mà chỉ xin ân xá thôi.
   
 - Cậu đệ trình cái này, hẳn là… - Chàng không nói hết, chỉ mỉm cười đau đớn và gượng gạo.

=============================================

Chú thích:

(1) U-lan: quân chủng kỵ binh, vũ trang bằng giáo gươm hay súng ngắn.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:18:44 pm
Phần V
Chương - 18
   
Sau khi trở về trung đoàn báo cáo lại cho trung đoàn trưởng biết tình hình vụ Denixov hiện ra sao, Roxtov mang bức thư thỉnh cầu hoàng đế đến Tilzit.
   
Ngày mười ba tháng sáu, hoàng đế Pháp và hoàng đế Nga gặp nhau ở Tilzit. Boris Drubeskoy xin nhân vật trọng yếu mà chàng làm thuộc hạ cho chàng gia nhập đoàn hộ giá được cử đến họp ở đấy.

- Tôi muốn được gặp bậc sĩ nhân, - chàng dùng danh từ này để chỉ Napoléon, người mà từ trước đến nay, cũng như mọi người, bao giờ chàng cũng gọi là Buônapáctê.

- Anh muốn nói đến Buônapáctê phải không? - viên tướng mỉm cười nói với chàng.
     
Boris nhìn viên tướng của mình có ý dò hỏi, và hiểu ngay rằng đó chỉ là một lời bông đùa để thử mình mà thôi. Chàng đáp:

- Thưa công tước, tôi muốn nói đến hoàng đế Napoléon, viên tướng mỉm cười vỗ vai chàng:

- Anh sẽ tiến xa đấy, - và ông ta đem chàng đi theo.
   
Thế là Boris được thu nạp vào cái số ít người có mặt ở trên sông Neman trong ngày hai vị hoàng đế hội kiến. Chàng được trông thấy những chiếc bè mang phù hiệu của hai vị hoàng đế, thấy Napoléon ở bên kia sông đang duyệt quân cận vệ Pháp, thấy bộ mặt tư lự của hoàng đế Alekxandr khi ngồi im lặng trong một quán trọ bên bờ sông Neman đợi Napoléon đến. Chàng trông thấy hai vị hoàng đế bước xuống hai chiếc thuyền riêng, thấy thuyền của Napoléon đến chỗ bè đậu trước tiên. Napoléon nhanh nhẹn bước ra đón Alekxandr và giơ tay ra bắt, rồi hai người cùng nhau đi khuất vào trong trướng. Từ khi lọt được vào các giới cao cấp, Boris đã có thói quen quan sát cẩn thận và ghi nhớ tất cả những điều gì xảy ra quanh mình. Trong cuộc hội kiến ở Tilzit, chàng tìm cách biết tên những người đi theo Napoléon hỏi han về những y phục họ mặc, và chú ý lắng nghe xem các nhân vật quan trọng nói gì. Ngay khi hai vị hoàng đế bước vào trong trường, chàng lấy đồng hồ ra xem và không quên xem lại lần nữa khi Alekxandr từ trong trướng bước ra. Cuộc hội kiến kéo dài một giờ năm mươi ba phút. Ngay chiều hôm ấy, chàng đã ghi chép sự kiện vừa rồi cùng với những sự kiện khác mà chàng cho là có ý nghĩa lịch sử. Vì đoàn hộ giá rất ít người cho nên việc có mặt ở Tilzit có một tầm quan trọng rất lớn đối với một kẻ muốn thành công trên bước đường công danh. Một khi đã được dự vào đoàn hộ giá này, Boris cảm thấy từ nay địa vị của mình đã hoàn toàn vững chắc. Bây giờ không những người ta biết chàng, mà vì cứ trông thấy chàng luôn cho nên người ta còn đâm ra quen chàng nữa. Đã hai lần chàng được giao nhiệm vụ đến gặp hoàng đế, nên hoàng đế bây giờ đã biết mặt chàng, và các chiêu thần không những không tránh mặt chàng như trước kia khi họ còn cho chàng là một người mới đến, mà nếu không thấy chàng họ sẽ còn ngạc nhiên nữa là khác.
   
Boris ở chung nhà với một sĩ quan phụ tá khác: bá tước Zilinxki. Zilinxki là một người Ba Lan giàu có được ăn học ở Paris, rất mê người Pháp, và trong thời gian họp ở Tilzt hầu như ngày nào bọn sĩ quan Pháp ở trong đội cận vệ và trong bộ tổng tham mưu cũng đến ăn trưa hay ăn sáng ở nhà Zilinxki và Boris.
   
Chiều ngày hai mươi bốn tháng Sáu, bá tước Zilinxki, người cùng ở một nhà với Boris, tổ chức một bữa ăn tối để thiết đãi những người Pháp quen biết ông ta. Thượng khách bữa tiệc này là một viên quan phụ tá của Napoléon, ngoài ra có mấy viên sĩ quan cận vệ Pháp và một cậu thiếu niên thuộc cựu quý tộc Pháp làm thị đồng cho Napoléon. Chính chiều hôm ấy Roxtov lợi dụng bóng tối để không ai nhận ra mình, mặc thường phục đến Tilzit tìm chỗ của Zilinxki và Boris.

Sự biến chuyển trong thái độ đối với Napoléon và đối với người Pháp - những kẻ địch hôm qua nay đã thành bạn, sự biến chuyển đã diễn ra trong Tổng hành dinh và trong lòng Boris hãy còn xa lắm mới được thực hiện trong tư tưởng của Roxtov cũng như của toàn thể quân đội mà chàng vừa rời khỏi để đến đây. Trong quân đội người ta vẫn còn cái cảm giác lẫn lộn trước đây gồm cả sự căm giận, khinh bỉ đối với Buônapáctê và quân Pháp. Ngay vừa mới đây thôi, trong khi tranh luận với một sĩ quan cô-dắc trong quân đoàn Platov, Roxtov có nói rằng nếu Napoléon bị bắt làm tù binh thì sẽ bị đối xử như một lên tội phạm chứ không phải như một vị hoàng đế. Cũng vừa mới đây, khi gặp một đại tá Pháp bị thương, chàng đã hăng hái chứng minh với ông ta rằng không thể nói đến chuyện hoà ước giữa một vị hoàng đế hợp pháp với một tên tội phạm như Buônapáctê được. Cho nên Roxtov rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ở nhà Boris có những sĩ quan Pháp trong những bộ quân phục mà chàng đã quen nhìn ở tiền tiêu trong những hoàn cảnh khác hẳn. Vừa mới thấy một viên sĩ quan Pháp ló mặt ra cửa là cái cảm giác chiến tranh, thù địch mà chàng bao giờ cũng cảm thấy khi đứng trước quân địch, bỗng tràn ngập tâm hồn chàng.  Chàng dừng lại ở ngưỡng của và hỏi bằng tiếng Nga xem đây có phải là nơi của Boris Drubeskoy không. Boris nghe ở phòng áo có giọng nói là lạ, liền ra gặp chàng. Khi nhận ra Roxtov, nét mặt của Boris thoạt tiên lộ vẻ khó chịu. Tuy vậy chẳng vẫn tiến về phía Roxtov, mỉm cười nói:

- À cậu đấy à! Rất mừng, rất mừng được gặp cậu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:19:32 pm
Nhưng Roxtov đã nhận thấy cái thái độ ban đầu của Boris.

- Hình như tôi đến không đúng lúc thì phải.   Đáng lẽ tôi không đến đây nhưng vì tôi có việc cần. - Chàng nói, giọng lạnh lùng.

- Không, mình chỉ ngạc nhiên tại sao cậu lại rời trung đoàn đến đây?
     
Lúc bấy giờ trong nhà có tiếng ai gọi Boris. Chàng đáp bằng tiếng Pháp:

- Chỉ một lát nữa thôi tôi sẽ quay lại với các anh ngay!

- Tôi thấy rõ là tôi đến không phải lúc - Roxtov nhắc lại.
   
Vẻ chịu khó đã biến mất trên gương mặt Boris. Chắc là chàng đã kỉp nghĩ lại và đã quyết định phải làm gì; Boris nắm hai tay Roxtov một cách rất điềm nhiên và kéo chàng vào một gian phòng bên cạnh. Boris nhìn thẳng vào Roxtov một cách bình tĩnh và quả quyết, đôi mắt chàng như bị che lấp sau một tấm bình phong: tấm bình phong đó chính là cặp kính xanh của xã giao, - Roxtov cảm thấy như vậy.

- Thôi đi có gì đâu mà không phải lúc?
     
Boris nói đoạn đưa chàng vào phòng ăn giới thiệu chàng với tân khách, nói rõ tên họ của chàng và giảng giải rằng chàng không phải là một người dân sự mà là một sĩ quan phiêu kỵ, vốn là một bạn cũ của mình. Đoạn Boris giới thiệu các tên khách: bá tước Zilinxki, bá tước N.N., đại uý S.S… Roxtov cau mày nhìn các tân khách người Pháp, miễn cưỡng cúi chào và lặng thinh không nói.
   
Zilinxki hình như chẳng lấy gì làm vui vẻ khi phải đón tiếp cái anh chàng người Nga mới đến kia trong nhóm bạn bè của mình, không nên nói gì với Roxtov cả. Boris có vẻ như không để ý đến tình trạng lúng túng do người mới đến gây nên trong bữa tiệc và tìm cách làm cho câu chuyện rôm rả lên, với thái độ bình tĩnh nhã nhặn của mình, và cái nhìn che kín sau tấm bình phong như khi chàng gặp Roxtov. Một người Pháp, với thái độ lịch thiệp mà những người đồng bang của hắn vốn có, quay về phía Roxtov bấy giờ vẫn một mực làm thinh và nói rằng chắc chàng đến Tilzit là để xem một hoàng đế.

- Không tôi đến có việc - Roxtov đáp gọn.

Roxtov đã thấy bực mình ngay từ khi chàng nhận thấy vẻ khó chịu của Boris và cũng như thói thường khi người ta đang bực mình, chàng có cảm giác làm mọi người nhìn mình một cách khó chịu và mình đang làm mọi người lúng túng. Quả nhiên chàng làm cho mọi người khó chịu, và chỉ có một mình chàng tách ra ngoài câu chuyện chung mới bắt đầu. Các tân khách chốc chốc lại đưa mắt về phía chàng như muốn nói: "Hắn ngồi đây làm cái gì nhỉ?" - Chàng đứng dậy và đến bên cạnh Boris.

- Mình nhìn thấy rõ rằng mình làm phiền cậu - chàng khẽ nói với Boris. Ta đi chỗ khác bàn công việc một chút, rồi mình đi ngay.

- Nào có gì đâu… - Boris nói nhưng nếu cậu mệt thì vào phòng riêng của tôi nằm nghỉ một lát.

- Phải đấy…
     
Hai người bước vào gian phòng ngủ nhỏ của Boris. Roxtov không ngồi xuống. Chàng lập tức kể lại cho Boris nghe vụ Denixov một cách bực tức tưởng chừng như Boris có lỗi gì với chàng, và hỏi Boris có muốn hay có thể nhờ vị tướng của chàng can thiệp giúp với hoàng đế và nhờ ông ta đưa hộ bức thư không. Khi chỉ còn hai người với nhau, Roxtov lần đầu tiên mới nhận thấy rằng mình ngượng nghịu khi phải nhìn thẳng vào mặt Boris, Boris ngồi vắt chéo chân, lấy bàn tay trái vuốt ve mấy ngón tay thon thon của bàn tay phải và nghe chàng nói như một viên tướng nghe thuộc hạ của mình báo cáo, khi thì liếc nhìn sang một bên, khi thì lại nhìn thẳng vào mặt Roxtov, vẫn với cái nhìn bị che lấp sau một tấm bình phong như lúc nãy. Cứ mỗi lần như vậy Roxtov lại cảm thấy lúng túng và cụp mắt xuống.

- Tôi đã nghe nói đến những việc đại loại như vậy và tôi biết rằng hoàng đế rất nghiêm khắc trong những trường hợp đó. Tôi nghĩ rằng không nên đệ trình việc này lên hoàng thượng. Theo ý tôi, tốt hơn là xin thẳng tư lệnh quân đoàn…, nhưng nói chung tôi nghĩ rằng…

- Nếu cậu không muốn giúp thì cậu cứ nói thẳng - Roxtov nói to gần như quát lên, không nhìn vào mắt Boris.

Boris mỉm cười:

- Trái lại, tôi sẽ cố hết sức làm những việc tôi có thể làm, có điều tôi nghĩ rằng…

Vừa lúc đó có tiếng Zilinxki gọi Boris.

- Thôi cậu đi đi, ra đi… - Roxtov nói, và không dự bữa ăn tối.
   
Roxtov ở lại một mình trong căn phòng nhỏ đi đi lại lại hồi lâu trong phòng lắng nghe tiếng nói chuyện vui vẻ bằng tiếng Pháp từ gian phòng bên vọng lại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:20:35 pm
Phần V
Chương - 19
   
Roxtov đến Tilzit đúng vào một ngày ít thuận tiện nhất để can thiệp giúp Denixov. Chàng không thể thân hành đến tìm viên tướng trực nhật bởi vì chàng mặc thường phục và đến Tilzit không có phép của thủ trưởng, còn Boris thì dù có muốn đi nữa cũng không thể làm việc ấy ngay hôm sau khi gặp Roxtov. Hôm ấy ngày hai mươi bẩy tháng sáu, những điều khoản đầu tiên của bản hoà ước đã được ký kết. Hai vị hoàng đế tặng huân chương cho nhau: Alekxandr nhận huân chương "Đoàn danh dự", Napoléon nhận huân chương "Andrey đệ nhất cấp", và cũng trong ngày hôm ấy sẽ có một bữa tiệc do một tiểu đoàn Pháp tổ chức để thiết đãi một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki. Hai vị hoàng đế sẽ dự bữa tiệc này. Sau bữa ăn tối hôm ấy, Roxtov cảm thấy lúng túng trước mặt Boris, nên khi Boris ăn xong ghé vào phòng chàng thì chàng giả vờ ngủ, và hôm sau, từ sáng sớm, chàng đã ra đi, cố ý tránh mặt Boris. Nikolai mặc thường phục, đội chiếc mũ dạ tròn đi thơ thẩn ngoài phố nhìn bọn lính Pháp và quân phục của họ, nhìn những đường phố và những toà nhà dành cho hoàng đế Nga và hoàng đế Pháp ở trên quảng trường chàng thấy người ta kê bàn chuẩn bị dọn tiệc, ở ngoài phố chăng những lá cờ Nga và cờ Pháp có chữ A hoa và N hoa to tướng, ở cửa sổ cũng có treo cờ và dính những chữ hoa như vậy.
    
"Boris không muốn giúp ta, vả lại ta cũng không muốn nhờ hắn nữa. Đó là một vấn đề đã giải quyết xong xuôi. - Roxtov nghĩ thầm - Giữa hắn và ta thế là hết, nhưng ta sẽ không ra khỏi nơi này nếu chưa làm được tất cả những việc có thể làm để giúp Denixov và nhất là nếu ta chưa trao được bức thư cho hoàng đế. Trao cho hoàng đế? Người hiện ở đây?" - và bất giác chàng lại quay gót trở lại toà nhà dành cho vua Alekxandr ở.

- Con ngựa cưỡi đang đứng đợi, trước thềm của toà nhà có mấy sĩ quan hộ giá lục tục kéo đến, chắc là để chuẩn bị đón hoàng đế từ trong nhà ra.
  
"Chốc nữa mình có thể gặp người, - Roxtov tự nhủ. - ước gì mình trao được bức thư này tận tay Người và nói hết… Không khéo người ta bắt giam mình vì mình mặc thường phục. Không thể như thế được. Người sẽ biết rõ ai phải ai trái. Người hiểu hết, việc gì người cũng biết. Còn ai có thể công bằng hơn và đại lượng hơn Người nữa…? Vả chăng dù họ có bắt ta vì ta ở đây thì cũng có sao đâu" - Chàng nghĩ thầm khi thấy một sĩ quan bước vào nhà hoàng đế ở… - Đấy, người ta vẫn vào đấy! Chà! Toàn là những ý nghĩ vớ vẩn! Mình phải thân hành mang bức thư đến trình hoàng đế! Thây kệ cái anh chàng Drubeskoy đã buộc mình đi đến nước này". Và đột nhiên, với một sự quyết tâm mà chàng tưởng mình không thể nào có được, Roxtov thò tay nắn lại bức thư ở trong túi áo rồi tiến thẳng về phía toà nhà.
    
"Lần này mình sẽ không bỏ lỡ cơ hội như lần sau trận Austerlix!" - Chàng tự nhủ, lòng khấp khởi hy vọng sẽ gặp hoàng đế ngay bây giờ, và khi nghĩ như vậy chàng lại thấy máu dồn mạnh lên tim "Ta sẽ phục xuống chân Người và cầu khẩn Người. Người sẽ đỡ ta dậy, nghe ta nói và thậm chí còn cảm ơn ta nữa". "Ta rất sung sướng khi có dịp làm việc tốt, nhưng trừ bỏ một điều bất công mới thật là hạnh phúc lơn lao nhất". - Roxtov tưởng tượng hoàng đế sẽ nói với mình như vậy. Và chàng bước lên thềm, dưới những cặp mắt tò mò của những người đứng cạnh đấy.

Từ bậc thềm, một cầu thang gác rộng rãi đưa thẳng lên tầng trên; ở bên phải có một cái cửa đóng kín. Ở dưới cầu thang có một cánh cửa khác dẫn xuống tầng dưới.

- Ngài cần tìm ai? - Có người hỏi.

- Tôi cần đưa một bức thư, một bức thư thỉnh cầu hoàng thượng - Nikolai nói, giọng run run.

- Đơn thỉnh cầu à? Phải đưa cho sĩ quan trực nhật, ngài làm ơn đi về phía này (người ta chỉ cho chàng cái cửa dưới). Nhưng họ không tiếp ngài đâu.
    
Nghe giọng nói thờ ơ ấy, Roxtov thấy hoảng sợ về việc mình vừa làm: ý nghĩ sẽ được gặp hoàng đế dù hấp dẫn đến đâu cũng làm chàng hoảng sợ đến nỗi chàng suýt bỏ chạy, nhưng người hầu phòng vừa tiếp chàng đã mở cửa phòng viên sĩ quan trực nhật, và chàng bước vào.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:21:20 pm
Một người thấp và béo chạc ba mươi tuổi và đi ủng cao quá gối phía trên chỉ mặc một chiếc áo sơ mi bằng vải mịn, chắc là vừa mới mặc vào xong, đang đứng trong phòng; người hầu phòng ông ta đang cài những chiếc dải đeo quần mới tinh bằng lụa rất đẹp ở sau lưng, không hiểu sao cứ thu hút sự chú ý của Roxtov. Lúc bấy giờ ông ta đang nói chuyện với một người nào ở phòng bên.

- Người cân đối và đẹp mê hồn! - Ông ta nói, nhưng nhìn thấy Roxtov, ông ta im bặt và cau mày:

- Ông muốn gì? Đơn thỉnh cầu à?

- Cái gì thế - tiếng người ở phòng bên hỏi.

- Lại một anh đến thỉnh cầu. - người đeo dải quần đáp.

- Bảo anh ta là để sau hẵng lại. Ngài ngự sắp ra bây giờ, phải đi ngay. Sau hẵng đến, ngày mai hẵng đến. Bây giờ muộn quá rồi.

Roxtov quay gót toan đi ra nhưng người mang dải quần đã cản lại.

- Thư thỉnh cầu của ai? Anh là ai?

Thư của thiếu tá Denixov - Roxtov đáp.

- Còn anh là ai? Sĩ quan à?

- Trung uý bá tước Roxtov.

- Thật là to gan! Hãy nộp lên cấp trên của anh theo đúng quy chế. Còn anh thì đi đi đi đi - nói đoạn ông ta xỏ tay vào bộ quần áo quân phục mà người hầu phòng vừa đưa lại.

Roxtov quay ra phòng áo và thấy nhiều sĩ quan và nhiều vị tướng mặc đại quân phục ngày lễ đang đứng ở trên thềm, muốn ra ngoài chàng phải đi qua trước mặt họ.
   
Lòng thầm nguyền rủa sự to gan của mình, tim như ngừng đập khi nghĩ rằng ngay bây giờ mình có thể gặp hoàng đế không biết chừng, ngay trước mặt Người có thể bị mắng một cách nhục nhã, có thể bị bắt nữa là khác và thấy rõ tất cả sự thất thố trong hành động của mình và hối hận về hành động đó, Roxtov cúi mặt xuống lẻn ra khỏi toà nhà chật ních những người hộ giá sang trọng. Bỗng một giọng nói quen quen gọi chàng và một bàn tay giữ chàng lại.

- Anh làm gì ở đây mà mặc thường phục như thế? - Một giọng trầm trầm hỏi chàng.

Đó là viên tướng kỵ binh trước đây chỉ huy sư đoàn của chàng và nhờ những thành tích trong chiến dịch vừa qua đã được hoàng đế đặc biệt yêu quý.
   
Roxtov hoảng hốt toan thanh minh, nhưng thấy vẻ mặt vui vẻ hiền hậu của viên tướng, chàng kéo ông ta ra một nơi, và với một giọng xúc động chàng kể lại tất cả những việc đã xảy ra, yêu cầu ông ta can thiệp giúp Denixov mà ông ta có biết. Nghe xong viên tướng lắc đầu, vẻ nghiêm nghị.

- Thật ái ngại, thật ái ngại cho chàng trai gan dạ này! Anh đưa thư cho tôi.
     
Roxtov vừa kịp trao bức thư và kể lại đầu đuôi câu chuyện của Denixov thì những tiếng chân bước mau kèm theo tiếng cựa giày lách cách vang lên ở cầu thang. Viên tướng rời Roxtov đến đứng ở sát thềm. Những người trong đoàn tuỳ tùng của hoàng đế chạy xuống thềm và đến đứng cạnh máy con ngựa của họ. Viên sĩ quan giám mã Ene, chính viên sĩ quan trước đây đã có mặt ở Austerlix, dắt ngựa đến cho hoàng đế và trên cầu thang có tiếng giày nhè nhẹ mà Roxtov nhận ra ngay. Quên cả nỗi lo sợ bị người ta nhận mặt, Roxtov tiên đến sát thềm với mấy người hiếu kỳ khác và sau hai năm cách biệt chàng thấy lại cũng những nét mặt tôn quý ấy, cũng cái nhìn ấy, cũng cái dáng đi ấy, cũng cái phong dộ uy nghi mà hiền hậu ấy, và lòng sùng mộ say sưa đối với hoàng đế lại sống lại trong lòng chàng mãnh liệt như xưa. Hoàng đế mặc quân phục của trung đoàn Preobrazenxki, mặc quần dạ trắng đi đôi ủng cưỡi ngựa cao, ngực đeo một tấm huân chương mà Roxtov không biết là huân chương gì (đó là huân chương "Đoàn danh dự") xuất hiện trên thềm, tay cắp mũ và đang đi găng. Người dừng lại đưa mắt nhìn quanh một lượt khiến mọi vật sáng bừng lên. Ngài nói mấy lời với một vị tướng. Ngài nhận ngay ra viên cựu sư đoàn trưởng của Roxtov, mỉm cười với ông ta và gọi ông ta lại.
   
Tất cả đoàn tuỳ tùng rẽ ra và Roxtov thấy viên tướng này nói chuyện khá lâu với hoàng đế.

Hoàng đế đáp lại mấy tiếng rồi bước một bước về phía có ngựa đang đợi sẵn. Đoàn tuỳ tùng và đám người hiếu kỳ trong đó có Roxtov lại nhích tới gần. Hoàng đế dừng lại bên cạnh ngựa và tay đặt lên yên, hoàng đế quay về phía viên tướng kỵ binh và nói to với ông ta, hẳn là muốn cho mọi người đều nghe thấy.

- Ta không thể làm như vậy được, tướng quân ạ, và sở dĩ ta không thể làm được là vì luật pháp còn mạnh hơn ta.
   
Hoàng đế nói đoạn đặt chân lên bàn dạp. Viên tướng cung kính cúi đầu xuống. Hoàng đế lên yên và thúc ngựa phi nước đại trên đường phố. Roxtov phấn khởi hân hoan như cuồng dại cùng với đám đông chạy theo nhà vua.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:22:55 pm
Phần V
Chương - 20

Ở quảng trường, nơi hoàng đế cưỡi ngựa đến, một tiểu đoàn của trung đoàn Preobrazenxki đứng bên phải và bên trái là một tiểu đoàn cận vệ Pháp đội mũ lông đang đứng sắp hàng đối diện nhau.
     
Trong khi hoàng đế đi về phía bên sườn các tiểu đoàn đang bồng súng chào, thì một nhóm kỵ binh khác đi về phía sườn bên kia là Roxtov nhận ra người đi đầu. Đó là Napoléon không thể là người nào khác. Ông ta đội chiếc mũ nhỏ(1), dây thao huân chương Andrey thắt chéo qua ngực, mình mặc quân phục xanh để lộ chiếc áo gi-lê trắng, phi nước đại trên mình con ngựa Ả Rập thuần giống màu xám rất quý, lưng phủ tấm chăn ngựa màu huyết dụ thêu kim tuyến. Đến trước mặt Alekxandr ông ta cất mũ chào. Nhìn động tác này con mắt kỵ binh sành sỏi của Roxtov không thể không nhận thấy Napoléon cưỡi ngựa rất kém và ngồi trên yên không vững.

Các tiểu đoàn hô to: "Ua-ra" và "Hoàng đế vạn tuế".
   
Napoléon nói mấy tiếng với Alekxandr. Hai vị hoàng đế uống ngựa và bắt tay nhau. Một nụ cười vờ vĩnh khó chịu hiện lên gương mặt Napoléon, Alekxandr thân mật nói chuyện với ông ta.
   
Bất chấp vó ngựa của hiến binh Pháp đang đứng giữa đám đông, Roxtov vẫn theo dõi từng cử chỉ của Alekxandr và Buônapáctê. Roxtov ngạc nhiên, không ngờ vua Alekxandr lại đối xử ngang hàng với Buônapáctê, và Buônapáctê có vẻ ung dung thoải mái… Trong khi đối xử ngang hàng với hoàng đế Nga tựa hồ như sự thân mật này là lẽ tự nhiên và đã từ lâu trở thành một điều quen thuộc đối với ông ta. Napoléon và  Alekxandr cùng với đoàn tuỳ tùng rất dài của họ đi về phía sườn bên phải của tiểu đoàn Preobrazenxki, tiến thẳng đến gần đám đông đang đứng ở đấy gần đến nỗi Roxtov đứng ở hàng đầu chợt có ý sợ rằng họ sẽ nhận ra mình.

- Thưa ngài, tôi xin phép Ngài cho tôi tặng huân chương Đoàn danh dự cho người dũng cảm nhất trong số các quân nhân của ngài! - Ông ta nói giọng sắc sảo, rành rọt, phát âm rõ đến từng chữ.
   
Đó là lời của Buônapáctê thấp bé vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt Alekxandr từ dưới lên. Alekxandr chăm chú nghe những lời Napoléon nói với mình, gật đầu tán thành và mỉm cười thân mật.

- Tặng người đã chiến đấu anh dũng nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua! - Napoléon nói thêm, nhấn mạnh từng tiếng một.

Với một thái độ tự tin và bình tĩnh khiến Roxtov tức lộn ruột, ông ta đưa mắt nhìn những hàng quân Nga đang bồng súng chào, mắt dán chặt vào vị hoàng đế của họ.

- Hoàng thượng cho phép tôi hỏi qua ý kiến của đại tá đã chứ?
   
Alekxandr nói đoạn bước nhanh đến gần công tước Kozlovxki, người chỉ huy tiểu đoàn. Trong lúc đó Buônapanê đang tháo găng ra khỏi bàn tay nhỏ nhắn và trắng trẻo. Tình cờ chiếc găng bị rách, ông ta liền vất nó đi. Một sĩ quan phụ tá vội vàng chạy đến nhặt chiếc găng lên.

- Chọn ai bây giờ? - Hoàng đế Alekxandr hỏi thầm Kozlovxki bằng tiếng Nga.

- Xin tuỳ ý bệ hạ.

Hoàng đế cau mày có vẻ không bằng lòng và đưa mắt nhìn quanh, rồi nói.

- Nhưng cũng phải trả lời ông ta chứ.

Kozlovxki đưa mắt nhìn hàng quân một cách quả quyết. Cái nhìn của ông ta bao gồm cả Roxtov.

"Biết đâu là mình cũng nên" - Roxtov nghĩ thầm.

- Lazarev! - Viên đại tá cau mày hô to, và người đứng đầu hàng quân hiên ngang bước ra.

- Anh đi đâu. Đứng yên đấy! - Những tiếng nói thì thào bảo Lazarev, lúc bấy giờ chẳng biết mình phải đi đâu. Lazarev dừng lại liếc nhìn viên đại tá có vẻ lo sợ, và mặt anh ta run run như các binh sĩ vẫn thường run khi được gọi ra trước hàng quân.

Napoléon khẽ ngoái đầu lại và giơ bàn tay nhỏ nhắn béo múp míp ra đằng sau như muốn với lấy một vật gì. Các nhân vật trong đoàn tuỳ tùng hiểu ý ngay. Họ nhốn nháo lên, nói thì thầm, với nhau và trao tay nhau một vật gì không rõ, rồi một người thị đồng (chính người thiếu niên mà Roxtov đã gặp ở nhà Boris tối hôm qua) chạy đến và kính cẩn cúi đầu trên bàn tay của Napoléon đang giơ ra, và không để cho nó đợi một giây, đặt ngay vào lòng bàn tay một chiếc huân chương dải đỏ.

Napoléon không nhìn xuống, lấy hai ngón tay cầm gọn lấy chiếc huân chương rồi lại gần Lazarev trong khi anh ta mở mắt to cứ bướng bỉnh một mực chỉ nhìn hoàng đế của mình và đưa mắt cho hoàng đế Alekxandr như muốn nói rằng việc ông ta làm hiện nay chẳng qua cũng vì ngài muốn mà thôi. Bàn tay trắng trẻo nhỏ nhắn cầm tấm huân chương chỉ khẽ chạm vào khuy áo của Lazarev. Hình như Napoléon đinh ninh rằng muốn làm cho người lính kia sung sướng suốt đời, muốn làm cho anh ta được đề cao hẳn hơn mọi người khác trên thế gian thì chỉ cần bàn tay của ông ta, của Napoléon, khẽ chạm vào ngực anh ta một cái. Napoléon chỉ ấn cái huân chương vào ngực Lazarev và bỏ tay ra, đoạn quay về phía hoàng đế Alekxandr, tựa hồ như tin rằng tấm huân chương phải dính vào ngực. Quả nhiên tấm huân chương dính vào ngực Lazare thật.
   
Những bàn tay sốt sắng, Nga có Pháp có, lập tức vồ lấy chiếc huân chương mà gắn nó vào quân phục Lazarev, Lazarev hầm hầm đưa mắt nhìn con người thấp bé và có bàn tay trắng trẻo đã chạm vào người anh ta, và vẫn bồng súng chào không cử động, mắt cứ nhìn thẳng vào mắt Alekxandr như muốn hỏi xem mình có nên đứng như vậy hay phải đi, hay có lẽ làm một việc gì khác nữa chăng. Nhưng người ta không ra lệnh gì cho anh ta cả, nên anh ta đành đứng im như vậy một hồi khá lâu.
   
Hai vị hoàng đế phi ngựa đi. Binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki giải tán hàng ngũ, xen lẫn vào quân cận vệ Pháp và ngồi cạnh những bàn tiệc đã dọn sẵn cho họ.
   
Lazarev ngồi vào ghế danh dự. Các sĩ quan Nga và Pháp ôm hôn anh ta, ngỏ lời mừng và bắt tay anh ta. Binh sĩ và thường dân kéo đến từng đoàn để nhìn anh ta. Tiếng cười, tiếng nói bằng tiếng Nga và tiếng Pháp vang dậy trên quảng trường xung quanh các bàn ăn.
   
Hai sĩ quan, mặt đỏ bừng, vui vẻ và sung sướng đi qua trước mặt Roxtov.

- Tiệc thật ra tiệc! Bát đĩa toàn bằng bạc hết - Một người nói - Anh có thấy Lazarev không?

- Có

- Nghe nói ngày mai quân Preobrazenxki lại thết họ đấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:23:58 pm
- Chà, thằng cha Lazarev thật là tốt số. Một ngàn hai trăm francs trợ cấp hàng năm, lĩnh cho đến trọn đời!
Một người lính trong trung đoàn Preobrazenxki đội một chiếc mũ lông của lính Pháp lên đầu, reo to:

- Anh em ơi, xem cái mũ bảnh chưa này!

- Đẹp quá! Tuyệt thật đấy!

- Cậu có biết khẩu lệnh mấy hôm nay thế nào không? - Một viên sĩ quan cận vệ nói với một người bạn.
Ngày hôm kia là Napoléon, nước Pháp, dũng cảm; hôm qua là Alekxandr, nước Nga, vĩ đại, hoàng đế ta ra khẩu lệnh một hôm, hôm sau lại đến lượt Napoléon. Ngày mai nhà vua sẽ trao huân chương George cho người lính cận vệ anh dũng nhất của Pháp. Không thể khác được, phải đáp lễ chứ!
   
Boris và bạn là Zilinxki cũng đến xem bữa tiệc của binh sĩ trung đoàn Preobrazenxki. Lúc trở về Boris trông thấy Roxtov đứng ở góc một toà nhà.

- Roxtov! Chào cậu! Thế là tối hôm kia chúng mình chẳng gặp lại nhau lần nào - chàng nói với Roxtov, và không thể nén mình không hỏi xem Roxtov có việc gì, vì bộ mặt của Roxtov thật ủ dột và thiểu não lạ lùng.

- Không, có gì đâu - Roxtov đáp.

- Cậu đến nhà mình chứ?

- Được.
     
Roxtov đứng một hồi lâu trong góc, từ xa nhìn về phía đám người đang ăn tiệc. Trong tâm trí chàng diễn ra một cuộc giằng co đau đớn mà chàng không làm sao kết thúc được. Trong lòng chàng nổi lên những mối ngờ vực kỳ lạ. Khi thì chàng nhớ đến Denixov với vẻ mặt biến đổi hẳn đi, đến thái độ phục tùng và tất cả cái nhà thương với những bệnh nhân chân tay bị cưa cụt, đến cảnh bẩn thỉu và bệnh hoạn của nó, chàng có cảm giác là ngay bây giờ mình đang ngửi thấy cái mùi thịt thối trong bệnh viện. Cảm giác ấy mạnh đến nỗi chàng bất giác ngoái nhìn về phía sau để tìm xem nó có thể từ đâu đưa đến. Khi thì chàng sực nhớ đến cái anh chàng Bonaparte tự mãn với bàn tay trắng trẻo, con người hiện nay đã được xem là một vị hoàng đế và được hoàng đế Alekxandr yêu quý và kính trọng. Những cánh tay, những cái chân bị cưa cụt kia, những con người bị giết kia, tất cả những thứ đó phỏng có ích gì? Khi thì chàng sực nhớ đến Lazarev được thưởng, nhớ đến Denixov bị phạt và không được ân xá. Chàng chợt thấy mình có những ý nghĩ kỳ quặc đến nỗi nó làm chàng phát sợ.
     
Mùi thức ăn của binh sĩ trong trung đoàn Preobrazenxki và cơn đói kéo chàng ra khỏi tình trạng ấy: Phải ăn dăm ba miếng trước khi ra đi. Chàng đến một khách sạn mà chàng đã đi qua hồi sáng.
     
Trong khách sạn, chàng thấy có nhiều sĩ quan mặc thường phục như chàng. Khách ăn đông đến nỗi chàng phải khó khăn lắm mới gọi được thức ăn. Hai sĩ quan cũng thuộc sư đoàn chàng đến ngồi với chàng. Lẽ dĩ nhiên là câu chuyện xoay quanh việc ký hoà ước. Các sĩ quan bạn của Roxtov cũng như phần lớn quân sĩ đều bất bình về bản hoà ước được ký kết sau trận Fritland. Họ nói đáng lý phải cầm cự nữa mới phải. Napoléon sẽ gục, vì quân đội của y không còn lương khô và ngay cả đạn cũng đã hết. Nikolai lặng ngồi ăn và nhất là uống rượu rất nhiều. Chàng uống một mình hai chai rượu vang.

Cuộc giằng co đã nổi dậy trong lòng chàng vẫn không kết thúc được và vẫn cứ dằn vặt chàng. Chàng sợ buông mình theo những tư tưởng của mình nhưng vẫn không sao gạt những tư tưởng ấy đi được. Đột nhiên, nghe một viên sĩ quan nói rằng nhìn vào mặt bọn Pháp thật tức lộn ruột, Roxtov bỗng giận dữ quát tháo ầm ĩ. Chẳng ai hiểu tại sao chàng lại nổi xung lên như vậy, cho nên các sĩ quan rất ngạc nhiên.

- Anh làm sao dám xét đoán cái gì hơn, cái gì là kém? - Chàng quát to máu dồn lên mặt bừng bừng - làm sao chúng ta có thể phê phán về những hoạt động của nhà vua, chúng ta có quyền gì bàn bạc! Chúng ta
không thể nào hìểu được mục đích và hoạt động của nhà vua.

- Nhưng tôi có nói gì đến nhà vua đâu - viên sĩ quan phân trần.
     
Ông ta không còn biết cắt nghĩa cơn thịnh nộ của Roxtov bằng cách nào khác hơn là cho rằng Roxtov say.
     
Nhưng Roxtov không nghe viên sĩ quan, chàng cứ nói tiếp:

- Chúng ta không phải là những nhà ngoại giao, chúng ta chỉ là những quân nhân mà thôi. Họ ra lệnh cho chúng ta chết thì chúng ta chết. Họ phạt chúng ta, thế tức là chúng ta có vui lòng công nhận Bonaparte là hoàng đế và ký liên minh với ông ta thì tức là cần phải làm như thế mới được. Còn nếu việc gì chúng ta cũng phê phán và bàn luận vào thì sẽ không còn gì thiêng liêng nữa, cứ theo cái đà ấy chúng ta sẽ nói rằng không có Thượng đế, không có gì hết!

Nikolai đập bàn quát to lên, một tháỉ độ chẳng hợp cảnh tý nào theo quan niệm của những người đang nói chuyện với chàng, nhưng lại hết sức ăn khớp với dòng tư tưởng của chàng.

Việc của chúng ta là làm tròn bổn phận choảng cho mạnh và không suy nghĩ, có thế thôi! - Chàng kết luận.

- Và uống rượu nữa chứ - một sĩ quan chêm vào, chừng không muôn cãi cọ.

- Phải rồi uống rượu nữa! - Nikolai tán thành. - Ê này! một chai nữa đây! - chàng lớn tiếng gọi.

======================================================

Chú thích:

(1) Vào thời bấy giờ võ quan thường đội "mũ hai sừng" rất to, riêng Napoléon đội chiếc mũ đặc biệt, kích thước nhỏ hơn bình thường.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:32:39 pm
Phần VI - Chương - 1
     
Năm 1808 hoàng đế Alekxandr đến Erfurt để hội kiến với hoàng đế Napoléon một lần nữa, và trong giới thượng lưu tai mắt ở Petersburg người ta bàn tán rất nhiều về cuộc gặp gỡ long trọng và vĩ đại này.
     
Năm 1809 hai vị chúa tể của thế giới - như hồi ấy người ta thường gọi Napoléon và Alekxandr - đã thân thiết với nhau đến nỗi vào năm ấy, khi Napoléon tuyên chiến với Áo, thì một quân đoàn Nga liền được diễu qua biên giới để phối hợp tác chiến với kẻ thù cũ là Bonaparte nhằm chống lại kẻ đồng minh cũ là Áo hoàng; đến nỗi trong giới thượng lưu người ta bàn tán rằng có lẽ Napoléon sẽ kết hôn với một người em gái của Hoàng đế Alekxandr. Nhưng ngoài các vấn đề đối ngoại ra thì hồi ấy công chúa Nga đặc biệt tha thiết quan tâm đến những cuộc cải cách chính trị bấy giờ đang được tiến hành trong khắp các lĩnh vực của bộ máy cai trị trong nước.
       
Trong khi đó cuộc sống, cuộc sống thật của con người với những điều thiết thân về sức khoẻ, bệnh tật, công việc, nghỉ ngơi, với những vấn đề tư tưởng, khoa học, thi ca, âm nhạc, tình yêu, bạn bè, tình bạn, thù hằn, dục vọng, vẫn trôi qua như thường lệ, bất chấp và vượt qua mọi sự thân thiện hay hiềm khích về chính trị với Napoléon Bonaparte, vượt qua mọi cuộc cải cách ở trên đời, công tước Andrey đã hai năm nay không rời khỏi chốn thôn quê.
   
Tất cả những biện pháp mà Piotr đã nghĩ ra để cái cách điền trang nhưng không thu được lấy một kết quả gì, vì chàng cứ luôn luôn nhảy từ việc này sang việc khác, tất cả những biện pháp đó công tước Andrey đều đã thực hiện, tuy không cho ai biết và cũng không phải hao hơi tốn sức cho lắm.
     
Chàng là người có được đến một mức rất cao cái tính kiên trì thực tiễn mà Piotr vốn thiếu, cho nên tuy chẳng phải ra sức gì mấy chàng vẫn làm cho công việc tiến hành có kết quả.

Ba trăm nông nô thuộc một điền trang của chàng được chuyển thành nông dân tự do (đó là một trong những tấm gương đầu tiên ở Nga), còn ở các điền trang khác thì lực dịch được thay thế bàng địa tô ở Bogutsarovo công tước Andrey xuất tiền thuê một bà đỡ để trông nom các sản phụ và trả lương cho một ông linh mục để dạy cho con cái nông dân và gia nô biết đọc biết viết.
     
Công tước Andrey dành một nửa thời giờ để về Lưxyê Gorư sống bên cạnh cha già và đứa con trai nhỏ bây giờ đang giao cho các bà vú em coi sóc, còn một nửa thời giờ thì chàng ở "tu viện Bogutsarovo" - như cha chàng vẫn gọi điền trang của chàng. Tuy có nói với Piotr rằng rất hờ hững đối với các biến cố bên ngoài trên thế giới, chàng vẫn kiên tâm theo dõi các biến cố đó, chàng gửi mua về rất nhiều sách và khi có những người mới ở Petersburg về thăm chàng hay cha chàng, chính chàng cũng lấy làm lạ rằng những con người sống ngay giữa luồng nước xoáy của cuộc đời ấy về mặt hiểu biết những sự kiện ngoại giao và nội trị đang diễn ra lại kém xa một người nằm lỳ ở thôn quê như chàng.
   
Ngoài những công việc điền trang, ngoài việc đọc đủ các loại sách ra, công tước Andrey bây giờ còn chủ tâm phân tích và phê phán hai chiến dịch thất bại vừa rồi của quân ta và soạn ra một dự án cải cách quy chế và luật lệ của quân đội.

Mùa xuân năm 1809 công tước Andrey đi đến các điền trang của con trai ở Ryazan do chàng đảm dương việc trông coi.
     
Dưới ánh nắng xuân ấm áp, chàng ngồi trên xe ngựa, đưa mắt ngắm những ngọn cỏ mới mọc, những nhánh lộc bạch dương mới nhú và những làn mây trắng đầu tiên của mùa xuân lơ lửng trên nền trời xanh trong sáng. Chàng không nghĩ gì hết, chỉ vui vẻ và vô tư lự ngắm cảnh bên dường.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:33:17 pm
Cỗ xe kiệu đi qua chỗ bến phà, nơi mà cách đây một năm chàng đã nói chuyện với Piotr, rồi đi qua một cái làng lầy lội, những khoảng sân đập lúa, những cánh đồng lúa mì mùa đông đang lên. Xe lăn theo con đường thoai thoải đi xuống một chiếc cầu còn đọng lại ít tuyết, rồi lại leo lên một cái dốc đất sét trơn lầy đi qua những dải đất đầy những gốc rạ và những bụi cây lác đác đâm chồi xanh, rồi tiến vào một khu rừng bạch dương chạy dài hai bên đường. Trong rừng rất ấm, phần nào, nóng bức nữa là khác; không có lấy một hơi gió thoảng qua. Những cây bạch dương lốm đốm những khóm lá xanh mọng đứng im lìm không lay động, và những ngọn cỏ non, những bông hoa tím nhạt đã nhú lên trên lớp lá vàng rụng từ năm ngoái. Mấy cây thông nhỏ mọc lác đác trong khóm bạch dương, màu lá ngàn đời xanh thẳm của nó khiến người ta nhớ lại mùa đông mà bực mình. Chạy vào đến rừng, mấy con ngựa kéo xe thở phì phò, mình càng toát mồ hôi nhiều hơn trước.
   
Anh hành bộc Piotr nói với người xà ích một câu gì đó không rõ và người xà ích khen phải. Nhưng hình như Piotr chưa thoả mãn với sự đồng tình của người xà ích: anh ta xoay người trên ghế đánh xe, ngoảnh về phía chủ mỉm cười lễ phép nói:

- Thưa đại nhân, thật là khoan khoái.

- Cái gì?

- Bẩm thật là khoan khoái ạ.
   
"Anh ta nói gì thế nhỉ? - Công tước Andrey nghĩ thầm - Phải chắc là nói về mùa xuân, - chàng nghĩ, mắt nhìn sang hai bên đường. - Ừ cảnh vật mới đó mà đã xanh rờn, chóng quá! Bạch dương, điêu lê và cả xích dương nữa, đều đã bắt đầu, còn cây sồi thì vẫn chưa thấy gì. Phải đây, đúng là một cây sồi rồi".
     
Bên vệ đường sừng sững một cây sồi. Có lẽ nó già gấp mười lần những cây bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy cây bạch dương ấy. Đó là một cây sồi rất lớn hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết sứt sẹo. Với những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười. Chỉ có một cây sồi là không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng.
     
Mùa xuân, tình yêu, hạnh phúc! - Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ cũng như thế, và ta không tin vào những mềm hi vọng và những sự dối trá của các người.
     
Công tước Andrey ngoái cổ lại cây sồi mấy, lần trong khi xe đi qua khóm rừng, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ, nhưng nó vẫn thế, cau có, lầm lỳ, què quặt và kiên gan đứng im lìm giữa đám hoa cỏ ấy.
     
"Phải, cây sồi nó nói phải, một ngàn lần phải, - công tước Andrey nghĩ, - Để cho người khác, những người còn trẻ, họ lao vào sự dối trá ấy, còn chúng mình thì đã biết đời rồi, - cuộc đời của chúng mình hết rồi"! Và một loạt những ý tưởng mới mẻ. Vô hi vọng nhưng buồn buồn dìu dịu do cây sồi gợn lên nảy sinh trong tâm hồn công tước Andrey. Trong chuyến hành trình này, chàng như đã suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình và một lần nữa chàng lại đi đến cái kết luận trước kia, một cái kết luận đượm màu bi quan nhưng cũng làm cho lòng chàng dịu lại, là bây giờ chàng không nên mưu đồ một cái gì nữa hết, rằng chàng phải sống nốt cho hết cuộc đời mình, không làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:36:30 pm
Phần VI
Chương - 2

Vì những công việc trông coi điền trang Ryazan, công tước Andrey phải tiếp xúc với viên đô thống(1) quý tộc là bá tước Ilya Andreyevich Roxtov, và vào trung tuần tháng năm công tước Andrey đến nhà ông ta.
     
Mùa xuân bấy giờ đã chuyển sang tiết oi bức. Rừng đã khoác bộ áo xanh um tùm, không khí đầy bụi và khí trời nóng nực đến nỗi hễ đi ngang chỗ có nước là thấy thèm tắm.
     
Công tước Andrey lòng không vui và tư lự vì nghĩ đến việc phải đến thỉnh cầu viên đô thống quý tộc về công việc. Xe chàng tiến vào khu vườn lớn của gia đình Roxtov ở Otradnyi. Về bên phải, sau mấy khóm cây chàng bông nghe một giọng con gái vui vẻ reo lên, rồi thấy một tốp thiếu nữ chạy ùa về phía lối xe đi. Người chạy trước đến gần xe nhất là một cô thiếu nữ mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ lạ lùng, mặc chiếc áo dài bằng vải hoa vàng, đầu chít một tấm khăn mùi soa trắng để tuột ra ngoài mấy món tóc rối. Cô thiếu nữ vừa chạy vừa cất tiếng reo to, nhưng chợt nhận ra người lạ cô nhìn lảng đi nơi khác rồi phì cười bỏ chạy trở lại.
     
Công tước Andrey chợt thấy lòng se lại chẳng hiểu vì sao. Ngày hôm nay trời đẹp quá, ánh nắng rực rỡ quá, chung quanh tươi vui quá; và cô gái mảnh dẻ, xinh xắn kia không hề biết và không muốn biết rằng có chàng tồn tại trên đời này, cô bằng lòng và vui sướng với cuộc sống riêng của mình - Chắc là một cuộc sống vô nghĩa, nhưng vui tươi và hạnh phúc.
   
"Cô ta có chuyện gì mà vui thế? Cô nghĩ đến cái gì? Hẳn không phải đến quy chế quân sự hay việc tổ chức nông dân ở điền trang Ryazan. Cô ta nghĩ gì thế" Cái gì làm cho cô ta sung sướng?" - công tước Andrey bất giác băn khoăn tự hỏi.

Bá tước Ilya Andrêyevich năm 1809 cũng sống ở Otradnyoe như mọi năm trước, nghĩa là tiếp đãi hầu hết cả tỉnh, suốt ngày săn bắn, tiệc tùng, diễn kịch, đàn sáo. Cũng như đối với bất cứ người khách nào mới đến, bá tước Roxtov mừng rỡ tiếp đãi công tước Andrey và khăng khăng một mực nài ép chàng nghỉ lại nhà.
   
Suốt một ngày dài dằng dặc công tước Andrey phải trò chuyện với hai ông bà Roxtov và các vị thượng khách đến chật cả nhà để dự mấy ngày lễ thánh sắp đến. Bolkonxki mấy lần nhìn Natasa vui đùa giữa đám thanh niên, trong lòng cứ băn khoăn tự hỏi: "Không biết cô ta nghĩ gì? Cái gì làm cô ta sung sướng thế"
   
Đến tối, nằm một mình trong phòng riêng, chàng lạ nhà không sao ngủ được. Chàng lấy sách đọc, rồi tắt nến đi, rồi lại thắp lên. Căn phòng đóng cửa sổ kín mít, rất nóng bức. Chàng thấy bực cái lão già ngốc nghếch kia (chàng gọi bá tước Roxtov như vậy) đã giữ chàng lại, bảo là các giấy tờ cần thiết đang ở trên tỉnh, còn phải cho người lên lấy. Chàng nghĩ bực mình sao mình lại ở lại đây làm gì.
   
Công tước Andrey đứng dậy, ra mở cửa sổ. Chàng vừa mở cánh cửa chớp ra thì ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ như nãy giờ đã trực sẵn ngoài cửa sổ từ lâu. Chàng mở rộng cửa. Đêm hôm ấy mát mẻ, trong sáng và yên tĩnh. Ngay trước cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một phía thì tối đen, phía kia thì lóng lánh như bạc. Ở phía dưới hàng cây cao có những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng loang loáng. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một cái nhà sương đọng lấp lánh, về phía phải có một cây to um tùm, thân đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao. Công tước Andrey chống khuỷu tay lên khung cửa sổ, mắt chàng đăm đăm nhìn lên bầu trời.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:37:19 pm
Phòng của công tước Andrey ở tầng giữa; ở các phòng tầng trên cũng có người, họ cũng chưa ngủ. Chàng nghe có tiếng nói của một người con gái ở phía trên vẳng xuống.

- Một lần nữa thôi mà, - công tước Andrey nhận ngay ra giọng người con gái vừa nói câu này.

- Thế thì bao giờ cô mới chịu đi ngủ? - Một giọng khác đáp lại.

- Em không ngủ, em không thể ngủ được đâu, biết làm thế nào được!

- Nào, lần cuối cùng thôi mà…
   
Hai giọng phụ nữ hoà nhau hát một câu, có lẽ là câu cuối của một bài nhạc nào đấy.

- Chà tuyệt quá! Thôi, bây giờ thì ngủ nhé.

- Chị đi ngủ đi, còn em thì chịu, - giọng người ban nãy đáp, nghe như đang đi ra phía cửa sổ. Có lẽ cô thiếu nữ nhô hẳn người ra ngoài cửa sổ vì có thể nghe rõ cả tiếng áo sột soạt và tiếng thở. Mọi vật đều im bặt và lắng lại như vấng trăng, như ánh trăng và những bóng tối trong vườn. Công tước Andrey cũng không dám cử động, sợ mấy cô gái ở tầng trên biết mình đang thức. Giọng nói ban đầu lại vẳng xuống:

- Sonya! Sonya! Ngủ làm sao được kia chứ! Xem này, tuyệt quá! Ôi! đẹp quá đi mất! Kia dậy đi chị Sonya,
- giọng nói nghe gần như muốn khóc - Thật chưa bao giờ có một đêm huyền diệu như thế này.
     
Sonya cằn nhằn đáp lại một câu gì không rõ.

- Không, chị phải ra đây xem cơ, trăng đẹp quá… Ôi! Tuyệt quá! Chị ra đây. Sonya ơi, Sonya yêu quý của em, chị ra đây! Đấy chị thấy không? Đây này, cứ ngồi xổm như thế này nhé, vòng tay xuống dưới hai đầu gối thế này - Ôm thật chặt, thật chặt vào, phải cố lấy sức, - thì thế nào cũng bay bổng lên cho mà xem.
Đây này!

- Thôi thôi, lại ngã bây giờ.

Có tiếng hai người giằng co nhau, rồi giọng trách móc của Sonya.

- Hơn một giờ sáng rồi còn gì.

- Ồ chị thì chỉ làm hỏng hết cái thú của em thôi.

- Chị đi đi đi đi…

Mọi vật lại im lặng, nhưng công tước Andrey biết rằng nàng vẫn ngồi đấy. Thỉnh thoảng chàng lại nghe tiếng cử động khe khẽ, thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài.

- Ồ trời ơi! Trời ơi! Làm sao thế này! - Nàng bỗng kêu lên. - Thôi đi ngủ thì đi ngủ vậy! - Rồi nàng đóng cửa lại.
   
"Vẫn không hay biết gì đến ta!" - Công tước Andrey nghĩ trong khi lắng tai nghe tiếng nói của nàng và không hiểu tại sao, chàng cứ chờ đợi và sợ rằng nàng sẽ nói một điều gì về mình, "Lại cô ấy, cứ như là cố tình vậy" - chàng nghĩ. Trong tâm hồn chàng bỗng trào lên một mớ ý nghĩ rối ren bất ngờ cùng với bao nhiêu hy vọng trẻ trung không ăn nhập gì với cuộc đời chàng. Cảm thấy mình không đủ sức hiểu nổi tâm trạng mới mẻ của mình, công tước Andrey ngủ thiếp đi.

=======================================================

Chú thích:

(1) Một người do các gia đình quý tộc trong một tỉnh hay một huyện bầu ra để lo các công việc riêng của đẳng cấp và giữ một chức vụ tương ứng trong các cơ quan tự quản của địa phương


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:38:17 pm
Phần VI
Chương - 3
     
Sáng hôm sau công tước Andrey từ biệt mỗi một mình lão bá tước và ra về trước khi các tiểu thư xuống phòng khách.
   
Bấy giờ đã là đầu tháng Sáu. Trên đường về nhà, công tước Andrey lại đi ngang khóm rừng bạch dương có cây sồi già đã từng gợi cho chàng những ấn tượng kỳ lạ khó quên. Tiếng lục lạc trong rừng nghe còn mơ hồ xa xăm hơn một tháng rưỡi trước đây; cánh rừng trông non rải rác trong rừng không còn tương phản với cảnh đẹp xung quanh; bây giờ chúng đã hoà mình vào khung cảnh chung, đã trổ những ngọn chồi non xanh mịn.
   
Suốt hôm trời oi bức. Đâu đây một trận giông đang sửa soạn kéo đến, nhưng chỉ có một đám mây đen nhỏ hắt mấy giọt mưa trên bụi đường và trên khóm lá xanh mọng. Phía bên trái, cánh rừng tối sẫm với những bóng cây rợp mát; phía bên phải, thì ẩm ướt, bóng lộn, lá cây óng ánh dưới nắng, chỉ khẽ đung đưa trong gió nhẹ. Cảnh vật đều nở hoa; có tiếng hoạ mi thánh thót khi xa khi gần.
   
"Phải, ở đây, trong khóm rừng này có cây sồi mà dạo nọ ta đã từng đồng tình, - công tước Andrey nghĩ thầm. - Nó đâu rồi nhỉ?".
   
Chàng nhìn sang bên trái đường và bất giác đưa mắt ngắm phía một cây sồi lớn không nhận ra rằng đây chính là cây sồi mà chàng đang tìm kiếm. Cây sồi già bây giờ đã đổi mới hẳn, toả rộng thành một vòm lá xum xuê thẫm màu, đang như say sưa ngất ngây, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sứt sẹo, vẻ ngờ vực và buồn rấu trước kia cũng không còn dấu vết. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỷ, những đám lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được rằng chính cây sồi cằn cỗi kia đã sinh ra những chòm lá xanh mơn mởn ấy.
   
"Phải chính cây sồi dạo trước" - Công tước Andrey nghĩ, và chàng bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái, tưởng chừng như mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại. Và trong cùng một lúc chàng nhớ lại tất cả những giờ phút tốt đẹp nhất của đời mình. Chiến trường Austerlix với bầu trời cao lồng lộng, khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi đã tắt thở, Piotr trên chuyến phà, người con gái bồi hồi rung động trước cảnh đẹp đêm ấy, và cả cái đêm hôm ấy, vầng trăng - tất cả những cái đó đều cùng hiện lên trong ký ức của chàng.
   
"Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt, công tước Andrey đột nhiên nghĩ thầm, và ý nghĩ này có cái sức mạnh của một điều quyết định, không thể nào thay đổi được nữa". Ta biết rõ những gì ở trong ta ư? Không đủ. Phải làm thế nào cho mọi người cùng đều biết cơ: cả Piotr, cả người con gái đêm nào muốn bay lên trời. Phải làm sao cho mọi người đều biết rõ ta, sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta, sao cho họ đừng sống cách biệt với cuộc sống của ta, như vậy, sao cho cuộc đời của ta phản chiếu lên tất cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta!".

Về đến nhà, công tước Andrey định đến mùa thu sẽ đi Petersburg và ngồi nghĩ ra nhiều lý do này nọ để biện hộ cho ý định này. Cả một loạt lý luận phải chăng, hợp lý sẵn sàng hiện ra để giúp chàng cắt nghĩa tại sao chàng lại cần phải đi Petersburg và hơn nữa phải nhận một chức vụ của Nhà nước.
     
Ngay đến giờ chàng cũng chưa hiểu vì sao đã có lúc chàng có thể nghĩ về sự cần thiết phải sống một cuộc sống hăng hái, cũng đúng như một tháng trước đây ý nghĩ đi ra khỏi làng đối với chàng sẽ là phi lý. Chàng thấy rất rõ ràng tất cả những kinh nghiệm của chàng về cuộc sống tất sẽ phí và trở thành một điều vô nghĩa nếu chàng không đem nó ra sử dụng và không trở lại hoạt động với đời. Thậm chí chàng không hiểu nổi tại sao trước đây cũng dựa trên những lập luận thảm hại ấy chàng đã yên trí là sau nhưng bài học đường đời ấy mà còn tin rằng mình có thể hữu ích, còn tin vào hạnh phúc và tình yêu, thì thật là tủỉ nhục.
   
Bây giờ lý trí nói với chàng những điều khác hẳn. Sau chuyến đi, công tước Andrey thấy chán cảnh sống ở thôn quê, chàng không còn thấy thú vị trong những công việc trước kia nữa, và nhiều khi đang ngồi một, mình trong phòng làm việc, chàng đứng dậy, đến trước tấm gương và nhìn mặt mình một hồi lâu.
   
Rồi chàng quay lại nhìn bức chân dung của nàng Lyza quá cố, tóc uốn quăn theo kiểu Hi Lạp, đang âu yếm và vui vẻ nhìn chàng trong chiếc khung thiếp vàng. Nàng không còn nói với chàng những lời lẽ khủng khiếp trước kia nữa, nàng chỉ vui vẻ nhìn chàng, vẻ giản dị và tò mò. Và công tước Andrey chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng, khi cau mày, khi mỉm cười ôn lại những ý nghĩ điên rồ, không thể nói ra được bằng lời, bí ẩn như một tội ác, những ý nghĩ có liên quan đến Piotr, đến danh vọng, đến cô gái ở cửa sổ, đến cây sồi, đến nhan sắc đàn bà và tình yêu, những ý nghĩ đã biến đổi cả cuộc đời của chàng. Và trong những giờ phút như vậy nếu có ai đến gặp chàng, chàng thường lỏ ra đặc biệt kiên nghị, nghiêm khắc và lạnh lùng, và nhất là chàng lý sự một cách khó chịu.
   
Trong những phút như vậy có khi công tước tiểu thư Maria vào phòng chàng và nói: "Anh ạ, cháu Nikolai hôm nay không cho đi chơi được đâu lạnh lắm".

Và những lúc ấy, công tước Andrey thường trả lời em rất xẵng:

- Nếu trời ấm thì nó sẽ mặc áo sơ mi mà đi chơi nhưng trời rét thế này thì phải mặc thêm áo ấm cho nó, sinh ra áo ấm là để dùng vào những việc như thế. Đấy, nếu trời rét thì phải làm như vậy chứ không phải là lại ở nhà trong khi trẻ nó cần không khí. - chàng nói với một giọng lý sự đặc biệt, như muốn trừng phạt một người nào về sự chuyển biến bí ẩn, phi lý đang diễn ra trong tâm hồn chàng.
   
Trong những trường hợp như vậy, nữ công tước Maria thường nghĩ rằng công việc trí óc làm cho đàn ông khô cằn đi nhiều quá.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:39:05 pm
Phần VI
Chương - 4

Công tước Andrey đến Petersburg vào tháng Tám năm 1809.
   
Đó là lúc mà danh vọng của Xperanxki lên đến cực điểm, và cũng là lúc viên đại thần trẻ tuổi ấy thực hiện những cuộc cải cách của mình một cách kiên quyết nhất. Cũng vào tháng tám năm ấy, hoàng thượng bị đổ xe, bị thương ở chân và phải ở lại Petersburg ba tuần, hàng ngày chỉ gặp một mình Xperanxki. Vào thời ấy, ngoài hai đạo dụ nổi tiếng cho dư luận xôn xao, bãi bỏ các chức tước trong triều đình và lập các kỳ thi vào các quan chức chưởng giáp trợ tá(1) và cố vấn quốc gia(2), người ta còn soạn ra cả một hiến pháp nhà nước nhằm thay đổi chế độ tư pháp, hành chính và tài chính hiện hành ở Nga, kể từ hội đồng quốc gia cho chí ban quản trị xã. Bây giờ là lúc những mong ước khoáng đạt mơ hồ của Alekxandr đang được thực hiện và thành hình, những mong ước mà nhà vua đã ấp ủ từ hồi mới lên ngôi và hy vọng thực hiện với sự giúp đỡ của những người giúp việc của ngài Txartorixki, Novoxinsov, Kochubey và Xtrovanov mà chính ngài thường gọi đùa là "Tiểu ban cứu quốc" của mình.
   
Bấy giờ Xperanxki đã thế chân cho những người ấy về mọi quan chức bên nội chính, còn Arakseyev thì thế chân cho họ về quân sự. Công tước Andrey đến Petersburg được mấy hôm đã phải đến trình diện ở triều đình với tư cách là thị thần(3) và trong những buổi triều hội, Hoàng đế Alekxandr đã hai lần gặp chàng mà chẳng nói với chàng lấy một lời. Từ trước công tước Andrey đã luôn luôn có cảm tưởng là nhà vua không ưa mình, không ưa cái diện mạo và cả con người mình. Trong cái nhìn lạnh lùng và cao xa của nhà vua đối với chàng, bấy giờ Andrey càng thấy điều mình ước đoán là đúng. Mấy vị triều thần cắt nghĩa cho công tước Andrey hiểu rằng hoàng thượng lạnh nhạt với chàng như vậy là vì chàng đã thoát ly mọi hoạt động từ năm 1805.

Công tước Andrey nghĩ:
   
"Bản thân ta vẫn biết rằng con người không làm chủ được lòng yêu ghét của mình, cho nên tốt hơn là đừng nghĩ đến việc thân hành đem bản bút ký về quy chế quân đội trình lên nhà vua làm gì, rồi sự thực tự nó sẽ nói thôi".

Chàng đem chuyện này nói với một vị thống soái già vốn là bạn của cha chàng. Ông thống soái ấn định cho chàng một buổi hội kiến, tiếp chàng rất niềm nở và hứa sẽ tâu lại với hoàng thượng. Vài hôm sau công tước Andrey nhận được một bản thông báo cho hay rằng chàng phải ra mắt quan tổng trưởng Chiến tranh là bá tước Arakseyev.

Đến ngày đã định, đúng chín giờ sáng công tước Andrey bước vào phòng khách của bá tước Arakseyev.
     
Công tước Andrey vốn không quen riêng Arakseyev và chưa bao giờ gặp ông ta, nhưng những điều chàng được biết về Arakseyev ít làm cho chàng kính nể con người này.
   
"Ông ta là tổng trưởng Bộ chiến tranh, là một nhân vật thân tín của hoàng thượng: không ai có quyền động đến những phẩm chất cá nhân của ông ta cả; họ đã giao cho ông ta xem xét bản bút ký của ta, - như vậy nghĩa là chỉ có một mình ông có quyền đem nó ra thực hiện." - công tước Andrey nghĩ trong khi cùng ngồi đợi với nhiều nhân vật quan trọng và không quan trọng trong phòng tiếp tân của bá tước Arakseyev.

Công tước Andrey hồi còn làm việc nhà nước, phần lớn là làm sĩ quan phụ tá, đã trông thấy rất nhiều phòng khách của các nhân vật quan trọng và hiểu rất rõ tính chất của từng loại phòng khách như vậy. Phòng khách của bá tước Arakseyev có một tính chất hoàn toàn đặc biệt. Trên gương mặt của những nhân vật không quan trọng ngồi đợi đến lượt mình được tiếp kiến trong phòng khách của bá tước Arakseyev hiện rõ vẻ e thẹn và khúm núm. Trong gương mặt của những nhân vật có chức vụ cao hơn đều thấy rõ một vẻ lúng túng giống nhau, được che đậy dưới một vẻ ung dung bề ngoài và như có ý tự giễu cợt mình, giễu cợt cái địa vị của mình, và giễu cợt người mình đang đợi. Người thì đi đi lại lại ra dáng tư lự, người thì nói chuyện thì thầm và cười với nhau, và công tước Andrey nghe rõ tên gọi đùa " Sila Andreyevich"(4) và mấy tiếng "ông bác sẽ cho cậu một chầu" ám chỉ bá tước Arakseyev. Một vị tướng (nhân vật quan trọng) có lẽ mếch lòng vì phải chờ đợi quá lâu, ngồi chéo chân lên ghế và cười nụ một mình ra dáng khinh khỉnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:40:09 pm
Nhưng cánh cửa vừa mở ra, thì trong khoảnh khắc tất cả mọi gương mặt đều đồng loạt phản chiếu một cảm xúc duy nhất: sợ hãi.

Công tước Andrey một lần nữa yêu cầu viên trực nhật vào báo tên mình, nhưng người ta nhìn chàng một cách ngạo nghễ và cho chàng biết là lúc nào đến lượt chàng hẵng hay. Sau mấy người được viên sĩ quan phụ tá đưa vào phòng làm việc của tổng trưởng rồi lại đưa ra, đến lượt một sĩ quan dáng dấp sợ sệt và khúm núm khiến công tước Andrey phải kinh ngạc, được đưa vào cái cửa khủng khiếp kia.
 
Cuộc tiếp kiến viên sĩ quan kéo dài một hồi lâu. Chợt từ phía sau cánh cửa vẳng ra những tiếng nói khó chịu, và viên sĩ quan, mặt tái xanh, môi run lẩy bẩy, bước ra khỏi phòng và ôm đầu đi qua phòng khách.
     
Sau đó công tước Andrey bước vào một căn phòng sạch sẽ không có gì sang trọng và bên chiếc bàn chàng thấy một người trạc bốn mươi tuổi, lưng dài, tóc húi ngắn, mặt có những nếp nhăn dày, đôi lông mày nhíu lại phía trên đôi mắt đục màu xanh nhờ nhờ như có pha màu nâu, cái mũi đỏ khoặm xuống,
Arakseyev, quay đầu về phía công tước Andrey, nhưng không nhìn chàng.

- Ông xin việc gì? - Arktseye hỏi.

- Thưa ngài, tôi không xin gì cả!

- Công tước Bolkonxki phải không?

- Tôi không xin gì cả; hoàng thượng có lòng chuyển cho quan lớn tập bút ký của tôi…

- Ông bạn rất quý ạ, xin ông biết cho rằng bản bút ký của ông tôi đã có đọc - Arakseyev ngắt lời. Ông ta nói mấy tiếng đầu với một giọng ôn tồn, rồi không muốn nhìn vào mặt công tước Andrey nữa và giọng nói ngày càng chuyển thành cáu kỉnh và khinh bỉ. - Ông đề nghị những đạo luật quân sự mới à? Luật thì nhiều lắm, luật cũ đấy cũng chưa có ai thi hành cho. Bây giờ thì ai cũng soạn luật cả, viết vốn dễ làm hơn mà?

- Tôi lĩnh ý hoàng thượng đến đây mong ngài cho biết ngài định sử dụng tập bút ký của tôi như thế nào. - công tước Andrey lễ phép nói.

- Tôi đã có quyết định về bút ký của ông và đã chuyển sang Uỷ ban rồi. Tôi không tán thành, - Arakseyev vừa nói vừa đứng dậy và lấy ở bàn viết ra một tờ giấy đưa cho công tước Andrey nói. - Đây!
   
Trên tờ giấy có viết ngang mấy dòng chữ bằng bút chì, không có chữ hoa, sai hết chính tả, không có dấu chấm câu: "Soạn không chu đáo, bắt chước quy chế quân sự Pháp và khác với điều lệ quân đội một cách không cần thiết".

Công tước Andrey hỏi:

- Bản bút ký của tôi được chuyển cho Uỷ ban nào?

- Uỷ ban quy chế quân sự; và tôi có giới thiệu ngài vào làm uỷ viên trong Uỷ ban đó. Nhưng không có lương.

Công tước Andrey mỉm cười.

- Tôi cũng không mong thế.

- Uỷ viên không lương. - Arakseyev nhắc lại…

- Tôi đã được hân hạnh. Ê! Cho vào! Còn ai nữa? - Ông ta vừa quát vừa cúi đầu chào công tước Andrey.

===============================================

Chú thích:

(1) Chức quan văn đệ bát phẩm

(2) Chức quan văn đệ ngũ phẩm

(3) Phẩm hàm danh dự trong cung đình; nguyên là chức của các triều thần lo các công việc nội bộ của cung điện (tiếng Đức Kanmerberr)

(4) Sila có nghĩa là "sức mạnh"



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:41:45 pm
Phần VI
Chương - 5
     
Trong khi chờ đợi thông báo về việc bổ nhiệm uỷ viên, công tước Andrey gặp những người quen cũ, nhất là những người mà chàng biết là có thế lực và chàng có thể sẽ cần đến. Bấy giờ ở Petersburg chàng có một cảm giác giống như đệm trước khi ra trận khi chàng cảm thấy tò mò và bồn chồn lo lắng, và có một cái gì thu hút chàng mãnh liệt đến các giới quyền cao chức trọng, nơi đang quyết định tương lai, nơi nắm giữ vận mệnh của hàng triệu người.
   
Xem cái vẻ hằn học của các quan chức cao tuổi, cái vẻ tò mò của những kẻ không am hiểu, cái vẻ dè dặt của những người am hiểu, cái vẻ vội vàng lo lắng của mọi người, cái tình trạng số tiểụ ban này tiểu ban nọ không sao kể xiết. - mỗi ngày lại càng được biết thêm mấy tiểu ban như thế - công tước Andrey cảm thấy rằng hiện nay, năm 1809, ở thành phố Petersburg này đang sắp diễn ra một trận thi đấu lớn trong chính giới, và người tổng chỉ huy trận này là một nhân vật mà chàng chưa hề biết, một nhân vật bí ẩn mà chàng đoán chắc phải là một thiên tài: người đó là Xperanxki. Cái công cuộc cải cách mà chàng chỉ biết lờ mờ. Và Xperanxki, con người chủ chốt trong công cuộc này, bắt đầu khiến chàng quan tâm hết sức đến nỗi trong trí óc chàng việc cải cách quy chế quân đội chẳng bao lâu đã tụt xuống hàng thứ yếu…
   
Công tước Andrey đang ở một cương vị thuận lợi bậc nhất đế được tiếp đãi ân cần trong tất cả các giới tai mắt hồi ấy ở Petersburg.

Phái cải cách mềm nở tiếp đón và mời mọc chàng, trước hết vì chàng vốn được tiếng là thông minh và học vấn sâu rộng, thứ hai việc giải phóng nông nô đã khiến chàng nổi tiếng là người có tư tưởng tự do. Phái những người già bất mãn thấy chàng là con trai lão công tước Bolkonxki, nên chờ mong chàng sẽ đồng tình với họ mà lên án những cuộc cải cách. Giới phụ nữ, giới giao tế thượng lưu niềm nở tiếp chàng, vì chàng là một đám giàu có và quyền quý.
     
Chàng như đã trở thành một nhân vật mới, chung quanh bao bọc một ánh hào quang đậm màu thơ mộng do câu chuyện chàng tử trận và cái chết bi thảm của vợ chàng tạo nên. Ngoài ra, tất cả những ai biết chàng từ trước đều đồng thanh nhận rằng năm năm nay chàng đã khá hơn trước nhiều và đã nhũn nhặn, chín chắn hơn xưa, rằng chàng không còn cái vẻ vờ vĩnh, kiêu căng, ngạo mạn như trước nữa, rằng nay chàng đã có cái thái độ trầm tĩnh của một người đã sống nhiều. Họ bàn tán về chàng, chú ý đến chàng và mong được gặp chàng.
   
Sau buổi đến yết kiến bá tước Arakseyev một hôm, công tước Andrey đến thăm bá tước Kochubey vào buổi tối. Chàng kể cho bá tước nghe chuyện chàng tiếp xúc với Sila Andreyevich (Kochubey cũng gọi Arakseyev như vậy với cái vẻ giễu cợt bâng quơ, không biết nhằm vào cái gì, mà công tước Andrey đã nhận thấy trong phòng khách của quan tổng trưởng Bộ chiến tranh).

- Anh bạn ạ, ngay cả việc này nữa, cũng không thế không qua tay Mikhail Mikhailovich. Đó chính là người làm ra mọi chuyện. Tôi sẽ nói với ông ấy. Ông ấy có hứa tối nay sẽ đến.

- Ông Xperanxki thì liên quan gì đến các quy chế quân sự? - công tước Andrey hỏi.

Kochubey mỉm cười, lắc đầu như có ý ngạc nhiên về sự ngây thơ của Bolkonxki, rồi nói tiếp:

- Cách đây mấy năm hôm tôi với Xperanxki có nói chuyện về anh, về mấy chú nông dân tự do của anh đấy…

Một ông già sống từ thời Ekaterina bấy giờ đang ngồi trong phòng khách nghe nói liền quay đầu lại nhìn Bolkonxki ra vẻ khinh khỉnh và nói:

- A thế ra công tước chính là cái người đã giải phóng bọn mu-gich của ông đấy phỏng?

- Điền trang nhỏ quá thu nhập chẳng được bao nhiêu cả - Bolkonxki đáp cố làm cho hành động của mình bớt ý nghĩa để khỏi khiêu khích ông già một cách vô ích.

- Công tước sợ lạc hậu chắc? - Ông già đưa mắt nhìn Kochubey nói.

- Có một điều làm cho tôi thắc mắc, - Ông già nói tiếp - là nếu cho chúng nó tự do thì ai sẽ cày bừa cho? Soạn luật thì dễ, cai trị thì khó. Cũng như bây giờ đây, tôi xin hỏi bá tước nếu mọi người đều phải thi cả thì ai sẽ đứng đầu các nghị viện?

- Tôi thiết tưởng những người đã thi họ đứng đầu chứ? - Kochubey đáp, vừa tréo chân lại vừa đưa mắt nhìn quanh.

- Đấy như ở chỗ tôi có ông Pryanitsnikov, một người rất tốt, một con người vàng ngọc chứ không phải, năm nay ông ta sáu mươi tuổi rồi, chả nhẽ ông ta cũng phải thi sao?

- Phải, cũng khó thật. Vì nay học vẫn ít được truyền bá quá nhưng…
     
Bá tước Kochubey không nói hết. Ông ta đứng dậy nắm lấy tay công tước Andrey và ra đón một người vừa mới bước vào, thân hình cao lớn, trán rộng và hói, tóc vàng, trạc bốn mươi tuổi, khuôn mặt dài dài, nước da trắng lạ thường. Người mới vào mặc lễ phục màu xanh, cổ đeo huân chương chữ thập và ngực đính một ngôi sao ở bên trái. Người đó là Xperanxki. Công tước Andrey nhận ra ông ta ngay và lòng chàng như có cái gì thắt lại, như ta vẫn thường thấy trong những giờ phút quan trọng của cuộc đời. Đó là vì kính trọng, vì ganh tị hay là vì chờ đợi, - chàng cũng không rõ. Cả con người Xperanxki có một cái gì đặc biệt khiến người ta có thể nhận ra ngay. Trong cái xã hội chàng đã từng sống, công tước Andrey chưa thấy người nào có những cử chỉ chậm chạp, vụng về mà lại đầy vẻ trầm tĩnh và tự tin như vậy, chàng chưa thấy người nào có đôi mắt lim dim và hơi ướt với cái nhìn vừa kiên quyết vừa dịu dàng, một nụ cười không có ý nghĩa gì nhưng lại rắn rỏi, một giọng nói nhỏ nhẹ, đều đều và đặc biệt là một nước da trắng mịn lạ lùng trên khuôn mặt và nhất là trên hai bàn tay hơi to nhưng mềm, múp, và trắng lạ lùng như vậy. Công tước Andrey chỉ thấy cái nước da trắng và cái vẻ mặt dịu dàng ấy ở những người lính đã nằm nhà thương rất lâu.
     
Đó chính là Xperanxki, quốc vụ khanh và báo cáo viên của hoàng đế, đã từng đi theo nhà vua đến Erfurt và đã gặp gỡ, nói chuyện với Napoléon mấy lần ở đấy.
     
Xperanxki không đưa mắt nhìn lướt từ người này sang người khác như người ta thường làm một cách không tự giác khi bước vào một nơi đông người, và không nói vội. Ông ta nói khe khẽ, tin chắc rằng người ta sẽ nghe mình, và nói với ai thì chỉ nhìn vào người ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 08:42:34 pm
Công tước Andrey đặc biệt chăm chú theo dõi từng lời, từng cử chỉ của Xperanxki. Cũng như mọi người, nhất là những ai thường xét đoán đồng loại một cách nghiêm khắc, khi gặp một nhân vật mới, nhất là một nhân vật như Xperanxki: một người mà chàng đã biết tiếng, công tước Andrey bao giờ cũng chắc mẩm sẽ tìm thấy ở người đó những phẩm chất hoàn mỹ nhất của loài người.
     
Xperanxki nói với Kochubey ông ta lấy làm tiếc à không đến sớm hơn được vì có việc phải nán lại ở hoàng cung. Ông ta không nói rõ là chính hoàng thượng đã giữ ông lại. Công tước Andrey cũng để ý tới sự khiêm tốn đáng chú ý này. Khi Kochubey giới thiệu công tước Andrey Bolkonxki, Xperanxki chậm rãi đưa mắt sang phía chàng và vẫn giữ nụ cười như cũ, bắt đầu im lặng nhìn chàng.

- Tôi rất làm mừng được làm quen với công tước; cũng như mọi người, tôi đã được nghe nói về công tước
- Xperanxki nói.

Kochubey nói qua mấy lời về việc Arakseyev tiếp Bolkonxki.

Xperanxki mỉm cười rộng miệng hơn nữa.

- Ông giám đốc ban quy chế quân sự - ông Maritxki là bạn thân của tôi - Xperanxki nói, phát âm rõ ràng từng chữ từng vần, - và nếu ngài muốn, tôi có thể giới thiệu ngài với ông ta. (Xperanxki đứng lại) Tôi hy vọng rằng ngài sẽ thấy ông ta đồng tình với ngài và sẵn lòng ủng hộ tất cả những gì hợp lý.
     
Xung quanh Xperanxki các tân khách đã quây lại thành một vòng, và ông già lúc nãy nói chuyện về người viên chức Pryanitsnikov của mình cũng đến xin hỏi Xperanxki một câu.

Công tước Andrey không tham gia vào câu chuyện. Chàng để ý quan sát mọi cử động của Xperanxki, con người mới đây còn là một anh học trò trường dòng vô danh mà nay đã nắm trong tay - trong đôi tay trắng trẻo và múp míp ấy - cả vận mệnh của nước Nga, như Bolkonxki tự nhủ. Công tước Andrey không khỏi kinh ngạc về cái phong thái điềm tĩnh và xem thường của Xperanxki khi trả lời ông già. Ông ta có vẻ như đứng ở một cao điểm chót vót mà hạ cố nói với ông già kia. Khi ông già nói hơi to quá thì Xperanxki mỉm cười và đáp rằng ông ta không có quyền được phán đoán thiệt hơn về những việc hoàng thượng có ý muốn làm.
Ngồi nói chuyện được một lúc giữa dám tân khách, Xperanxki đứng dậy và đến gần công tước Andrey mời chàng theo mình đi đến đầu kia phòng. Có thể thấy rõ rằng ông ta thấy cần phải lưu ý đến Bolkonxki.

- Vừa rồi chuyện trò với cụ già ấy hăng quá nên tôi chưa kịp nói xong chuyện với công tước, - Xperanxki nói, miệng mỉm cười dịu dàng và khinh khỉnh, cái nụ cười dường như thừa nhận rằng ông ta cũng như công tước Andrey đều hiểu rõ cái kém cỏi của những người vừa nói chuyện với ông. Điều đó làm cho công tước Andrey rất hài lòng. - Tôi biết công tước từ lâu: trước hết là nhân việc ngài giải phóng nông dân, đó là tấm gương đầu tiên ở nước ta và mong sao tấm gương ấy ngày càng có nhiều người theo hơn; sau nữa là vì ngài là một trong những vị thị thần không bực mình vì cái đạo dụ mới ra về các quan chức trong triều đình, một đạo dụ đã gây rất nhiều lời bàn ra tán vào.

Công tước Andrey nói:

- Vâng, cha tôi không muốn rằng tôi lợi dụng cái quyền ấy; tôi bắt đầu làm việc nhà nước ở những cấp bậc thấp.

- Cụ thân sinh công tước tuy là một người của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng là cụ hơn những người ở thời đại ta rất nhiều, những người công kích biện pháp ấy, tuy thật ra nó chỉ phục hồi lại một sự công bằng tự nhiên mà thôi.

- Nhưng tôi thiết tưởng những lời công kích đó cũng có cơ sở. - Công tước Andrey muốn cưỡng lại ảnh hưởng của Xperanxki mà chàng đã bắt đầu thấy tác động đến mình. Chàng cảm thấy khó chịu nếu việc gì cũng đồng ý với ông ta: chàng muốn nói ngược lại. Thường ngày chàng vẫn nói năng dễ dàng và lưu loát, nay lại thấy khó diễn đạt khi nói chuyện với Xperanxki. Tâm trí chàng đang mải dồn vào việc quan sát nhân cách của con người nổi tiếng này.

- Có lẽ vì dựa trên lòng hiếu danh cá nhân - Xperanxki nói nhẹ.

- Một phần cũng vì quốc gia nữa, - công tước Andrey nói.

- Ý công tước muốn nói thế nào? - Xperanxki hỏi, mắt hơi nhìn xuống.

- Tôi là một người khâm phục Mongtexkiơ - công tước Andrey nói. - và tư tưởng của Mongtexkiơ cho rằng nguyên lý của các chế dộ quân chủ là danh dự thì tôi thấy là không thể chối cãi được. Có những quyền hạn và đặc quyền của giới quý tộc theo tôi là những phương tiện để củng cố danh dưh.
Nụ cười vụt tắt trên khuôn mặt Xperanxki và điều đó tôn diện mạo của ông ta lên rất nhiều. Có lẽ ông ta thấy ý nghĩ của công tước Andrey rất đáng quan tâm.

- Nếu ông nhìn vấn đề theo quan điểm ấy - Xperanxki mở đầu ông ta nói tiếng Pháp một cách khó khăn rõ rệt và nói còn chậm hơn khi nói tiếng Nga, nhưng giọng nói vẫn hoàn toàn điềm tĩnh. Xperanxki nói rằng không thể củng cố danh dự L honnuer, bằng những ưu thế có hại cho quá trình phục vụ nhà nước, rằng danh dự L honnuer, có thể hoặc là một khái niệm tiêu cực răn người ta dừng làm những chuyện đáng trách, hoặc là một cội nguồn nào thúc đẩy người ta đua nhau giành những phần thưởng khích lệ để biểu hiện danh dự.

Lý luận của ông ta ngắn gọn, đơn giản và rành mạch.

- Cái thể chế dùng để củng cố danh dự ấy, cái cội nguồn của sự ganh đua, là một thể chế giống Legion d honnuer (Đoàn danh dự) của đại đế Napoléon, nó không có hại mà còn thuận lợi cho việc nước, chứ không phải là một đặc quyền của đẳng cấp nào hay của triều đình.
   
Công tước Andrey nói:

- Tôi không cãi điều đó, nhưng không thể phủ nhận rằng những đặc quyền của triều đình cũng đạt đến mục đích ấy: mỗi người triều thần đều thấy mình phải xứng đáng với địa vị của mình.

- Nhưng bản thân công tước cũng đã từng không muốn hưởng đặc quyền đó. - Xperanxki nói đoạn mỉm cười lỏ ra rằng mình muốn dùng một lời nhã nhặn để chấm dứt câu chuyện đang làm cho công tước Andrey lúng túng. - Nếu ông vui lòng cho tôi được cái hân hạnh tiếp ông hôm thứ tư tới thì sau khi nói chuyện với Marnitxki tôi sẽ báo cho ông rõ về việc ông đang lưu ý và ngoài ra tôi sẽ được hưởng cái thú được nói chuyện kỹ với ông.
   
Xperanxki nhắm mắt lại, cúi mình chào và, theo lối Pháp, không từ giã các tân khách, cố gắng không làm cho ai chú ý đến mình, bước ra khỏi phòng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:23:24 pm
Phần VI
Chương - 6

Trong thời gian đầu ở Petersburg công tước Andrey đều cảm thấy tất cả những ý tưởng chàng đã hun đúc nên trong thời gian sống cô độc đã hoàn toàn bị lu mờ đi trước những lo âu vụn vặt của cuộc sống ở kinh đô.
   
Tối tối khi trở về nhà, chàng ghi vào sổ tay bốn năm cuộc gặp gỡ hay thăm viếng cần thiết đúng vào giờ này giờ nọ. Phải theo cho đúng nhịp sống, phải bố trí thời gian thế nào cho kịp đi đây đi đó đúng giờ đã định: việc ấy đã chiếm một phần lớn tinh lực của chàng. Chàng không làm gì, thậm chí cũng chẳng nghĩ gì, chàng không có thì giờ để nghĩ, mà chỉ nói, và chàng đã nói có kết quả tốt những điều mà chàng đã suy nghĩ khi còn ở thôn quê.
   
Thỉnh thoảng chàng lại khó chịu nhận thấy rằng cùng trong một ngày chàng đã nói đi nói lại y nguyên một câu ở hai ba nơi khác nhau. Nhưng suốt ngày chàng bận rộn đến nỗi không có thì giờ nghĩ đến chỗ mình chẳng nghĩ gì cả.

Xperanxki hôm gặp chàng lần đầu ở nhà Kochubey, cũng như hôm thứ tư sau tiếp riêng chàng ở nhà và nói chuyện lâu với chàng một cách tin cậy, đã gây cho công tước Andrey một ấn tượng mạnh mẽ.
     
Công tước Andrey vốn đã cho rằng quá nhiều người là những kẻ vô tài bất lực đáng khinh, nên muốn tìm một con người xứng đáng là hiện thân của cái lý tương hoàn hảo mà chàng vươn tới, vì vậy chàng dễ dàng tin rằng Xperanxki chính là cái lý tưởng của một con người thông tụê và có đạo đức. Giả sử Xperanxki cũng xuất thân từ cái xã hội của công tước Andrey, cũng cùng chịu một lối giáò dục và cũng có những tập quán đạo đức như chàng, thì Bolkonxki sẽ chóng thấy ông ta có những khía cạnh yếu đuối, thường tình, không có gì siêu việt. Nhưng bây giờ thì cái đầu óc logic kia, rất xa lạ đối với chàng, lại càng khiến chàng thêm kính nể.

Hoặc vì quý trọng năng lực của công tước Andrey, hoặc cần thấy phải lôi kéo chàng theo mình, Xperanxki đã đem cái lý trí vô tư và bình thản của mình, và đem dùng lối nịnh tinh vi thu hút công tước Andrey, đồng thời kết hợp với thái độ tự tin tự hào là mặc nhiện khẳng định rằng người tiếp chuyện mình cùng với mình nữa là hai người duy nhất có năng lực thấy hết được sự ngu ngốc của tất cả những người khác, cũng như sự sáng suốt và sâu sắc trong những ý nghĩ của mình.

Tối hôm thứ tư, trong buổi hội kiến với công tước Andrey, Xperanxki đã mấy lần nói: "Còn như chúng ta thì chúng ta chú ý đến tất cả những cái gì vượt ra khỏi khuôn khổ của những tập quán đã ăn sâu", hay vừa mỉm cười vừa nói: "Nhưng chúng ta thì lại muốn rằng sói cũng no mà cừu cũng nguyên vẹn", hay " Họ không hiểu được điều đó đâu…" - và tất cả những điều đó, Xperanxki đều nói với cái vẻ như muốn ngụ ý: "Ông với tôi, chỉ có hai người. Chúng ta hiểu được họ là những người như thế nào và chúng ta là những người như thế nào".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:24:31 pm
Lần nói chuyện lâu đầu tiên với Xperanxki hôm ấy chỉ làm cho công tước Andrey càng củng cố thêm cái cảm giác mà chàng đã thế nghiệm khi trông thấy Xpcranxki lần đầu. Chàng thấy ông ta là một người có trí tuệ phi thường, lý luận sắc bén, biết tư duy chặt chẽ, đã nhờ nghị lực và kiên nhẫn mà đạt đến quyền lực và chỉ vận dụng quyền lực để phục vụ nước Nga. Dưới mắt công tước Andrey, Xperanxki chính là con người biết giảí thích một cách hợp lý mọi hiện tượng trong cuộc sống, chỉ có cái gì hợp lý mới thừa nhận là hiện thực, và trong mọi việc gì đều biết dùng lý trí làm cái thước đo: chính chàng vẫn ước ao làm một con người như thế. Khi Xperanxki trình bày sự việc, tất cả đều có vẻ đơn giản và minh bạch đến nỗi công tước Andrey việc gì cũng bất giác đồng tình với ông ta. Chàng có phản bác và tranh cãi chăng cũng là vì cố ý muốn giữ độc lập tư tưởng và cố sao dừng khuất phục hẳn trước những ý kiến của Xperanxki. Mọi việc đều ổn thoả như thế cả, nhưng chỉ có một điều khiến công tước Andrey bối rối: đó là cái nhìn lạnh lùng, lãnh đạm của Xperanxki, cái nhìn không cho người ta đi vào tâm hồn mình, và bàn tay trắng, mềm của ông ta mà công tước Andrey thường bất giác đưa mắt nhìn, như người ia vẫn thường nhìn tay những người có quyền lực. Cái nhìn lãnh đạm và bàn tay mềm nhũn ấy không biết tại sao cứ làm cho công tước Andrey bứt rứt khó chịu. Còn một điều nữa khiến chàng khó chịu, là nhận thấy Xperanxki khinh người quá sức, và trong khi đưa luận chứng ra để xác minh cho ý kiến của mình, ông ta sử dụng quá nhiều thủ đoạn khác nhau. Xperanxki dùng phương pháp suy luận, trừ lối tỷ dụ ra, và công tước Andrey có cảm tưởng là ông ta chuyển từ phương pháp này sang phương pháp khác một cách quá táo bạo. Khi thì ông ta đứng trên lập trường của một người hành động thực tiễn mà công kích những người mơ ước viển vông, khi thì ông ta lại đứng trên quan điểm châm biếm và mỉa mai giễu cợt những người đối lập với mình, khi thì ông ta lý luận một cách chặt chẽ, khi thì ông ta lại đột nhiên bay bổng lên lĩnh vực siêu hình. (Đó là phương tiện chứng minh mà ông đặc biệt hay dùng). Ông chuyển vấn đề lên những đỉnh cao chót vót của siêu hình học, quay ra định nghĩa không gian, thời gian, tư tưởng, và rút ra những điều phản bác: rồi lại hước xuống lĩnh vực tranh luận như cũ.

Nói chung, nét chủ yếu trong trí tuệ của Xperanxki khiến công tước Andrey kinh ngạc là lòng tin chắc chắn không gì lay chuyển nổi vào sức mạnh và quyền hạn của lý trí. Có thể thấy rõ rằng không bao giờ Xperanxki thoảng có cái ý nghĩ mà công tước Andrey vẫn thường có là dù sao cũng không thể diễn đạt được tất cả những điều mình nghĩ, và không bao giờ

Xperanxki có ý nghi ngờ tự hỏi xem phải chăng tất cả những gì mà mình tin tưởng có thể là những điều nhảm nhí không đâu? Và chính cái phong thái trí tuệ đặc biệt này của Xperanxki đã hấp dẫn công tước Andrey nhiều nhất.

Trong khoảng thời gian đầu làm quen với Xperanxki, công tước Andrey thấy khâm phục ông ta một cách nhiệt thành say sưa, giống như cảm giác khâm phục trước đây của chàng đối với Bonaparte. Xperanxki là con một ông linh mục: những người ngu ngốc có thể vì thế mà khinh miệt những người thầy tu và con thầy tu như vậy, - và điều này khiến công tước Andrey càng thêm trân trọng cái cảm giác khâm phục của mình đối với Xperanxki và vô hình trung tăng cường thêm cái cảm giác đó trong lòng chàng.
Trong buổi tối đầu tiên mà công tước Andrey ngồi tiếp chuyện Xperanxki, trong khi nói về Uỷ ban soạn luật, Xperanxki đã mỉa mai kể lại cho công tước Andrey nghe rằng Uỷ ban soạn luật này tồn tại đã năm mươi năm nay, tốn của công quỹ hàng triệu bạc nhưng chẳng làm gì cả, rằng Rozenkampf đã dán nhãn hiệu lên tất cả các điều khoản của khoa lập pháp so sánh. Xperanxki nói:

- Nhà nước trả cho họ hàng triệu bạc chỉ để họ làm công việc ấy thôi đấy. Chúng ta muốn cấp cho Thượng viện một quyền tư pháp mới, nhưng chúng ta không có luật. Cho nên ngày nay những người như công tước mà không ra cáng đáng việc nước thì thật là có lỗi.

Công tước Andrey nói rằng muốn thế phải qua một quá trình học đào tạo về tư pháp, mà chàng thì không được đào tạo như vậy nhưng có ai được đào tạo gì về tư pháp đâu, cho nên còn biết làm thế nào được? Đó là một cái circulus viciosus (1) mà chúng ta phải cố sức vùng ra khỏi.

Một tuần sau công tước Andrey được cử làm uỷ viên trong Uỷ ban soạn thảo quy chế quân đội, ngoài ra - một điều mà chàng không thể nào ngờ được - còn làm trưởng ban soạn luật trong Uỷ ban nữa. Theo lời yêu cầu của Xperanxki, chàng nhận trách nhiệm nghiên cứu phần đầu của bộ luật hộ và tham khảo bộ luật Napoléon(2), và bộ luật Justiniani để soạn ra chương "Nhân quyền".

========================================================

Chú thích:

(1) Vòng luẩn quẩn (tiếng La-tinh trong nguyên văn)

(2) Code Napoléon



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:26:14 pm
Phần VI
Chương - 7

Hai năm trước đây, năm 1808, trở về Petersburg sau khi đi thăm các điền trang, Piotr bất giác trở thành người đứng đầu hội Tam điếm ở Petersburg. Chàng tổ chức những hội quán tụ xan(1), kết nạp những hội viên mới, lo việc hợp nhất các chi hội và sưu tầm những hiến chương nguyên bản cho nó. Chàng xuất tiền ra xây dựng các đền thờ của hội và bù vào số tiền quyên cho hội, vì các hội viên phần nhiều đều rất bủn xỉn và nộp tiền chẳng mấy khi đúng hạn. Hầu như chỉ có một mình chàng bỏ tiền ra cung cấp cho nhà tế bần do hội lập ra ở Petersburg. Trong khi đó cuộc sống của chàng vẫn như cũ, chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt say sưa và phóng túng ngày trước. Chàng thích ăn ngon, uống rượu, và tuy cho rằng như vậy là vô luân và nhục nhã, chàng vẫn không tránh khỏi những cuộc truy hoan của những nhóm thanh niên chưa vợ mà chàng thường lui tới.
   
Song trong khi say mê với công việc và những cuộc vui chơi, sau một năm Piotr đã bắt đầu cảm thấy rằng cái nền tảng Tam điểm trên đó chàng càng củng cố đứng vững bao nhiêu thì lại càng sụt xuống bấy nhiêu. Đồng thời chàng cảm thấy rằng nó càng sụt xuống bao nhiêu thì vô hình trung chàng lại càng gắn bó với nó bấy nhiêu.   Khi Piotr vào hội Tam điểm, chàng cảm thấy mình như một người yên trí đặt chân lên bề mặt phẳng của một khoảng đồng lầy. Đặt được một chân xuống thì thấy lún. Muốn biết cho thật chắc khoảng đất mình đứng có vững hay không, người đó đặt chân kia xuống và lại càng lún sâu hơn, và thế là bây giờ người đó lội trong vũng lầy, bùn ngập đến đầu gối. Ioxif Alekxeyevich bấy giờ không ở Petersburg (gần đây ông ta không tham dự vào công việc của các hội ở Petersburg nữa và ở hẳn Moskva không đi đâu cả). Tất cả các "Anh em" hội viên trong chi hội đều là những người mà Piotr quen biết trong sinh hoạt thường ngày, và chàng thấy khó lòng quan niệm được rằng họ chỉ là những người anh em trong hội Tam điểm, chứ không phải là công tước B hay Ivan Vaxilievich D, là những người mà trong sinh hoạt thường ngày chàng biết là rất kém cỏi và yếu đuối. Dưới những tấm tạp đề che ngực và nhừng dấu hiệu của hội, chàng hình dung thấy họ mặc phẩm phục và đeo những chiếc huân chương mà họ đã kiếm chác được trong cuộc sống. Nhiều khi đi thu tiền quyên về chàng tính được cả thẩy hai ba mươi rúp về khoản thu chi trong số quyên, phần lớn là ghi chịu, ấy thế mà một nửa số hội viên đó lại giàu có chẳng kém gì chàng. Những lúc ấy Piotr nhớ lại lời thề của hội Tam điểm: mỗi người anh em trong hội đều thề sẽ hiến tất của cải của mình cho đồng loại; và trong thâm tâm chàng thấy nổi lên những mối ngờ vực mà chàng cố gạt đi.
   
Chàng chia tất cả các anh em hội viên mà chàng biết ra làm bốn loại. Loại thứ nhất là những người không tham gia các hoạt động của chi hội, cũng không tham gia vào các công việc thế tục, mà chỉ chuyên tâm nghiên cứu những điều bí ẩn của khoa học Tam điểm, chuyên chú các vấn đề như ba cách gọi Thượng đế, hay ba nguyên lý của mọi vật: diêm sinh, thuỷ ngân và muối, hay ý nghĩ của hình vuông và của các hình tượng trong đền Salomon. Piotr kính trọng loại hội viên này, phần lớn gồm các hội viên cũ trong đó có cả Ioxif Alekxeyevich, nhưng chàng không quan tâm đến những điều họ nghiên cứu. Lòng chàng vốn không thiên về mặt thần bí của hội Tam điểm.
     
Piotr liệt vào loại thứ hai chính bản thân chàng và những anh em hội viên giống như chàng, là những người đang tìm kiếm, đang do dự chưa tìm thấy trong hội Tam điểm một con đường thẳng thắn và sáng sủa, nhưng hy vọng là sẽ tìm thấy.
   
Trong loại thứ ba chàng xếp những hội viên (họ chiếm số đông nhất) chỉ thấy hình thức bề ngoài của hội Tam điểm, không biết gì ngoài những lễ nghi của hội, và trân trọng làm theo cho thật đúng cái hình thức bề ngoài đó, không hề nghĩ đến nội dung và ý nghĩa của nó. Vilarxki và ngay cả vị đại sư của tổng hội chính là thuộc loại này.
     
Cuối cùng loại thứ tư cũng gồm một số đông hội viên, đặc biệt là những người, mới gia nhập gần đây theo sự quan sát của Piotr thì đó là những người chẳng tin tưởng gì hết, chẳng ước mong gì hết, họ vào hội Tam điểm chẳng qua chỉ là để tìm cách gần gũi những hội viên trẻ, giàu có và có thế lực nhờ các quan hệ giao thiệp và dòng dõi quyền quý, vì trong chi hội số hội viên này rất đông.
   
Piotr bắt đầu cảm thấy không thoả mãn về hoạt động của mình. Nhiều khi chàng có cảm tưởng là hội Tam điểm ít nhất là cái hội Tam điểm mà chàng được biết ở đây chỉ có hình thức bề ngoài.
     
Chàng không có ý hoài nghi bản thân hội Tam điểm nhưng chàng ngờ rằng hội Tam điểm Nga đi theo một con đường lầm lạc và đã tách ra khỏi cỏi nguồn của nó. Vì vậy đến cuối năm Piotr ra nước ngoài để học hỏi những điều bí mật cao đẳng của hội.
     
Mùa hè năm 1809 Piotr đã trở về Petersburg. Qua những thư từ đi lại giữa các hội viên Tam điểm ở trong nước với các hội viên ở nước ngoài, người ta biết rằng trong thời gian ra ngoại quốc Piotr đã chiếm được lòng tin cậy của nhiều nhân vật cao cấp trong hội, đã hiểu thấu được nhiều điều bí ẩn, được thăng lên trật cao nhất và có đem về nước nhiều điều có lợi cho sự nghiệp của hội Tam điểm Nga.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:26:55 pm
Các hội viên ở Petersburg không ngớt đến gặp Piotr, họ đều tìm cách lấy lòng chàng và ai cũng có cảm giác là chàng đang có điều gì che giấu và đang sửa soạn một việc gì không rõ.
     
Hôm ấy là phiên họp trọng thể của chi hội đệ nhị cấp. Piotr có hứa trong phiên họp này sẽ truyền đạt lại những điều mà các vị lãnh đạo cao cấp của hội đã giao phó cho chàng chuyển về các anh em hội viên ở Petersburg. Cử toạ đã đông đủ. Sau các nghi thức thường lệ Piotr đứng dậy và bắt đầu nói.

- Thưa các dạo huynh thân mến, - Piotr nói lắp bắp, mặt đỏ ửng lên, tay cầm bài diễn từ viết sẵn. - Gìn giữ những bí mật của chúng ta trong cảnh im lặng của hội sở chưa đủ, cần phải hành động… hành động. Chúng ta đang ở trong trạng thái mê ngủ, thế mà nhiệm vụ của chúng ta là phải hành động. - Nói đến đây Piotr cầm quyển vở lên và bắt đầu đọc:
   
"Để truyền bá cái chân lý thuần tuý và góp phần làm cho đạo đức toàn thắng, ta phải làm sao cho con người thoát khỏi các thành kiến, truyền bá những quy tắc phù hợp với tinh thần thời đại, lãnh lấy trách nhiệm giáo dục thanh niên, liên hệ chặt chẽ với những người thông tuệ nhất, mạnh dạn và đồng thời khôn khéo khắc phục tình trạng mê tín, hoài nghi và ngu dốt, dào tạo những người tận tuỵ với chúng ta thành những con người gắn bó với nhau vì mục đích duy nhất và có quyền lực, có sức mạnh.

Để đạt đến mục đích nói trên phải làm sao cho đạo đức thắng thói xấu, phải cố làm sao cho người tốt được nhận trên thế gian này một phần thưởng vĩnh cửu về đạo đức của mình. Nhưng các chế độ chính trị hiện hành cản trở rất nhiều cho việc thực hiện những ý định lớn lao này. Trong tình hình như vậy phải làm gì? Có nên giúp sức cho cách mạng, lật đổ tất cả, dùng bạo lực để tiêu diệt bạo lực không? Không, việc đó rất xa lạ đối với chúng ta. Bất cứ một cuộc cải cách nào thực hiện bằng bạo lực cũng đều đáng chê trách bởi vì cái ác sẽ không được sửa chữa chút nào một khi mà con người vẫn như cũ, và bởi vì sự thông tuệ không cần đến bạo lực. Toàn bộ chương trình của hội phải nhằm làm sao đào tạo ra những con người cứng rắn, có đạo đức và gắn bó khăng khít với nhau vì một lòng tin duy nhất, một chí hướng duy nhất, đó là làm sao truy nã thói xấu và sự ngu dốt, nâng đỡ tài năng và đạo đức ở khắp mọi nơi và bằng đủ mọi cách: đưa những người xứng đáng ra khỏi tro bụi kết nạp họ với khối huynh đệ của chúng ta. Chỉ có như vậy thì hội ta mới có đủ quyền lực dần dần trói tay những kẻ gây sự rối loạn và chi phối mà họ không hề hay biết. Nói tóm lại, cần phải thiết lập một hình thức quản trị chỉ huy tôan thế giới, nhưng vẫn không phá vỡ các mối liên hệ công dân, và trong khi đó tất cả các hình thức cai trị khác đều có thể tiếp tục tồn tại và tiến hành như cũ, và có thể làm đủ mọi việc, trừ những điều ngăn trở mục đích cao cả của hội ta, là làm sao cho đạo đức thắng thói xấu. Mục đích này chính Cơ đốc giáo cũng đã đặt ra. Cơ đốc giáo dạy rằng con người phải thông tuệ và nhân hậu. Và để mưu đồ lợi ích cho chính bản thân mình phải noi gương và theo lời dạy bảo của những người thông tuệ và đạo đức nhất.
     
Vào thời mọi vật đang chìm đắm trong cõi tối tăm thì cố nhiên chỉ cần lời truyền giáo là đủ; sự mới mẻ của chân lý khiến cho nó có một sức mạnh đặc biệt; nhưng ngày nay thì ta lại cần có những phương tiện mạnh hơn thế rất nhiều. Ngày nay cần phải làm sao cho con người là kẻ đi theo tình cảm của mình, lại tìm thấy trong đạo đức những khoái lạc cảm quan. Không thể tiêu diệt dục vọng được, mà phải cố gắng hướng dục vọng đến một mục đích cao cả; cho nên cần làm sao cho mỗi người đều có thể thoả mãn dục vọng của mình trong khuôn khổ của đạo đức, và Hội của chúng ta phải làm sao cung cấp phương tiện nhằm thực hiện việc đó.
   
Hễ khi nào trong khắp các nước đều có một số người xứng đáng của hội ta, mỗi người như vậy lại dào tạo thêm hai người khác, và tất cả những người đó lại sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, - đến lúc ấy hội có thể làm được tất cả, tuy trước kia trong bóng tối hội cũng đã làm được nhiều cho hạnh phúc của nhân loại".
   
Bài diễn từ này không những đã gây nên một ấn tượng mạnh trong chi hội mà còn làm cho chi hội xôn xao lên. Phần đông các hội viên thấy trong bài diễn từ này có những tư tưởng của chủ nghĩa khải phát nguy hiểm nên ngồi nghe với một thái độ lạnh nhạt khiến Piotr phải ngạc nhiên. Vị đại sư lên tiếng bác lại Piotr. Piotr liền phát triển ý kiến của mình, mỗi lúc một hăng. Đã từ lâu chưa có một buổi họp nào sôi nổi như thế này. Cử toạ chia ra làm nhiều phe: phe thì lên án Piotr, buộc tội chàng là ảo tưởng, phe thì lại bênh vực Piotr. Trong phiên họp này lần đầu tiên Piotr kinh ngạc nhận thấy trí tuệ của con người khác nhau vô cùng tận, đến nỗi không có một chân lý nào có thể được hai người nhìn nhận giống nhau. Ngay cả những hội viên tưởng đâu đứng về phía chàng, cũng hiểu ý chàng theo lối của họ, với những sự hạn chế, với những sự thay đổi mà chàng không thể chấp nhận được, vì yêu cầu chủ yếu của Piotr chính là làm sao truyền đạt tư tưởng mình cho người khác đúng y như chính mình quan niệm.
   
Đến khi buổi họp kết thúc, vị đại sư nhận xét một cách mỉa mai và không có thiện ý rằng Piotr đã quá nóng, và nói rằng trong khi tranh luận không phải chàng chỉ luân theo lòng yêu đạo đức mà còn tuân theo lòng hiếu thắng nữa. Piotr không đáp lại chỉ hỏi một câu vắn tắt là đề nghị của chàng có được chấp nhận hay không. Họ trả lời là không, và Piotr không đợi xong các nghi thức thường lệ đã bỏ chi hội ra về.

=========================================

Chú thích:

(1) Những hội quán dùng để tiến hành nhưng buổi lễ có những hình thức ăn uống và chôn cất tượng trưng.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:28:18 pm
Phần VI
Chương - 8

Piotr lại lâm vào cái tâm trạng chán chường mà chàng vẫn rất sợ. Ba ngày sau buổi đọc diễn từ ở chi hội Tam điểm, chàng nằm trên đi văng, không tiếp ai và không đi đâu hết. Vừa lúc ấy chàng nhận được một bức thư của vợ van xin chàng cho gặp mặt. Elen viết trong thư rằng vắng Piotr nàng rất buồn, và nàng chỉ muốn hiến dâng cả cuộc đời cho chàng. Cuối bức thư nàng báo tin nay mai nàng sẽ từ nước ngoài trở về Petersburg.
     
Tiếp theo bức thư lại có một hội viên Tam điểm trong số những người chàng coi thường nhất đến quấy rối chàng trong cảnh cô tịch. Hắn lái câu chuyện sang mối quan hệ giữa vợ chồng Piotr và lấy tư cách đạo huynh mà khuyên nhủ Piotr, nói rằng chàng đối xử nghiêm khắc với vợ như vậy là không phải, và không chịu tha thứ cho một người đã biết hối hận như vậy là đã vi phạm những quy tắc quan trọng nhất của hội.
     
Cũng vào hồi ấy bà nhạc của Piotr, vợ chồng công tước Vaxili, cho người đến mời chàng, van nài chàng đến thăm bà dù chỉ vài phút để thương lượng một việc hết sức quan trọng. Piotr thấy rõ ràng người ta đang âm mưu một chuyện gì đây, người ta đang tìm cách làm cho chàng tái hợp với vợ, và trong hoàn cảnh chàng hiện nay, điều đó không hẳn làm chàng khó chịu. Bây giờ Piotr cũng chẳng thiết gì nữa: trên đời này chàng chẳng thấy có việc gì là quan trọng, và trong tâm trạng buồn chán hiện nay. Chàng chẳng thấy quý sự tự do của mình nữa mà cũng chẳng muốn khăng khăng ý định trừng phạt vợ.
   
"Chẳng có ai phải, cũng chẳng có ai trái, thế nghĩa là nàng cũng chẳng có lỗi". - Chàng nghĩ thầm. Sở dĩ Piotr không tỏ ý tái hợp với Elen ngay cũng chỉ vì trong cái tâm trạng chán nản của chàng hiện nay chàng không đủ sức mưu toan một việc gì hết. Giá Elen đến với chàng lúc bấy giờ, chàng cũng sẽ không đuổi nàng đi. So với những điều đang làm cho Piotr bận tâm, thì chung sống hay không chung sống với vợ có nghĩa lý gì?
   
Không trả lời vợ, cũng không trả lời bà nhạc, một hôm đêm đã khuya Piotr sửa soạn hành lý để lên đường đi Moskva để gặp Ioxif Alekxeyevich. Đây là những điều chàng ghi trong nhật ký:
   
 "Moskva mười bảy tháng Mười một.

Tôi vừa đi gặp ân nhân về và vội vàng ghi lại những điều tôi đã thể nghiệm trong cuộc gặp gỡ đó, Ioxif Alekxeyevich sống thanh bần và đã ba năm nay mắc một chứng bệnh ở bàng quang rất đau đớn. Chưa có ai nghe ông thốt ra một tiếng rên hay một lời than phiền bao giờ. Từ sáng sớm cho đến khuya, trừ những bữa ăn hết sức đạm bạc, ông làm việc khoa học, Ioxif Alekxeyevich tiếp tôi rất ân cần và bảo tôi ngồi xuống chiếc giường ông đang nằm; tôi làm dấu các hiệp sĩ Phương Đông và Jerusalem, ông cũng làm dấu đáp lại và dịu dàng mỉm cười hỏi tôi đã học hỏi thêm được những gì trong các chi hội Phổ vàScotland. Tôi cố kể lại thật rành rọt cho ông nghe tất cả mọi điều, trình bày cả những nguyên tắc của tôi đề nghị ở chi hội Petersburg và kể lại cách tiếp đón thiếu thiện ý của cử toạ và sự đoạn tuyệt xảy ra giữa tôi và các anh em.

Ioxif Alekxeyevich im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi trình bày cho tôi nghe quan điểm của ông về tất cả những việc trên, và quan điểm này phút chốc đã rọi sáng cả thời dĩ vãng và cả con đường tôi sẽ đi. Ioxif khiến tôi phải ngạc nhiên khi hỏi tôi còn nhớ ba mục đích của hội là gì không:
 
1. Là giữ gìn và tìm hiểu điều bí mật,

2. Gội sạch và tu thân để hấp thụ điều bí mật ấy, và

3. Sửa đổi nhân loại thông qua việc cố gắng gột sạch mình.

Trong ba mục đích ấy thì mục đích nào là quan trọng và chủ yếu nhất? Dĩ nhiên là gội sạch và tu thân. Chỉ có mục đích này là lúc nào ta cũng có thể vươn tới trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời chính mục đích này đòi hỏi ta phải khổ công nhiều nhất, cho nên ta sẽ phạm vào tội kiêu căng mà buông lơi mục đích ấy, rồi hoặc quay vào điều bí ẩn mà chúng ta không xứng đáng được hấp thụ vì không trong sạch, hoặc quay ra sửa đổi nhân loại trong khi bản thân ta là một con người đê hèn và truỵ lạc. Chủ nghĩa khải phát không phải là một học thuyết trong sạch vì nó quá say mê hoạt động xã hội và đầy kiêu căng. Trên cơ sở đó Ioxif Alekxeyevich lên án bài diễn từ của tôi và toàn bộ hoạt động của tôi.

Tôi chân thành đồng tình với ông. Nhân nói chuyện về việc gia đình tôi Ioxif nói: "Bổn phận chủ yếu của một người Tam điểm chân chính, như tôi đã nói là tu thân, nhưng nhiều khi người tả cho rằng nếu gạt bỏ được tất cả những khó khăn của cuộc sống thì sẽ sớm đạt được mục đích này. Nhưng trái lại, ông ơi thật ra thì chỉ trong cảnh náo nhiệt của thế gian ta mới có thể đạt được ba mục đích chính: 1. tìm hiểu bản thân, vì con người chỉ có thể hiểu được mình qua sự so sánh, 2. tu thân: chỉ có đấu tranh mới đạt đến điều đó được, và 3. đạt đến cái đạo đức chính là yêu cái chết. Chỉ có những biến cố của cuộc sống mới cho ta thấy rõ cái vô nghĩa của nó và có thể giúp ta có được một tình yêu bẩm sinh đối với cái chết hay là yêu sự tái sinh để bước vào cuộc đời mới". Những lời này càng thêm quý giá vì Ioxif Alekxeyevich tuy đau đớn rất nhiều về thể xác nhưng vẫn không bao giờ tham sống mà lại yêu cái chết, mà người ta chưa thấy mình đủ sẵn sàng để đón lấy, mặc dù cuộc sống bên trong của người đã trong sạch và cao quý vô cùng. Sau đó ân nhân giảng giải cho tôi rõ hết ý nghĩa của hình vuông cao cả của vũ trụ và chỉ rõ rảng số ba và số bảy là cơ sở vạn vật.
 
Người khuyên tôi không nên cắt đứt quan hệ với các anh em ở Petersburg và trong chi hội chỉ nên giữ chức vụ đệ nhị cấp cố gắng làm sao cho anh em bớt khuynh hướng kiêu căng, hướng họ về con đường chân chính là tự tìm hiểu và tu thân. Ngoài ra, đối với bản thân thì người khuyên tôi trước hết phải theo dõi mình, và với mục đích ấy, người cho tôi một quyển vở, chính quyển vở tôi đang viết mấy dòng này và từ raỷ trở đi tôi sẽ dùng để ghi tất cả mọi hành động của tôi".

"Petersburg, hai mươi ba tháng Mười một.

Tôi lại chung sống với vợ tôi. Bà nhạc tôi đến khóc lóc bảo tôi là Elen hiện ở đây và cô ta van xin tôi nghe cô, rằng cô không có tội tình gì, cô rất đau khổ vì bị tôi ruồng bỏ, và còn nói nhiều nữa, tôi biết rằng chỉ cần thuận gặp cô thôi, tôi sẽ không còn đủ sức từ chối ý muốn của cô ta nữa. Trong khi đang phân vân tôi không biết nhờ ai giúp đỡ và khuyên răn. Giá có ân nhân ở đây thì Người đã bảo ban cho tôi. Tôi về phòng riêng đọc lại thư từ của Ioxif Alekxeyevich, nhớ lại những buổi tối nói chuyện với Người, và sau đó đi đến kết luận rằng mình không nên từ chối người đang van xin mình và đang tay ra nâng đỡ bất cứ ai, huống hồ đây lại là con người liên hệ gần gũi với mình như thế, cho nên dành phải vác lấy cây thập tự giá của mình vậy. Nhưng nếu vì nghĩ đến đạo đức mà tôi tha thứ cho cô, thì cuộc tái hợp này chỉ nên có một mục đích tinh thần mà thôi. Tôi đã quyết định như vậy và đã viết thư cho Ioxif Alekxeyevich như thế. Tôi nói với vợ tôi là tôi xin cố quên tất cả những điều qua, xin cô tha thứ những (cách cư xử không phải của tôi đối với cô còn cô thì không làm nên tội gì mà tôi phải tha thứ).

Tôi rất vui mừng khi nói với nàng như vậy. Thôi cô ta cũng không nên biết là phải thấy lại mặt cô ta tôi khổ tâm đến nhường nào. Tôi dọn lên ở trên các phòng trên của căn nhà lớn và sung sướng cảm thấy mình đã đổi mới".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:28:59 pm
Phần VI
Chương - 9
     
Cũng như thường lệ, bấy giờ giới thượng lưu quý tộc thường họp mặt ở cung đình và ở các buổi vũ hội lớn, phân chia ra làm mấy nhóm, mỗi nhóm có một bản sắc riêng. Trong số đó thì rộng rãi, nhất là nhóm Pháp, nhóm của liên minh Napoléon - Tức của bá tước Rumiansev và Colanhcu. Một trong những người có địa vị tai mắt ở nhóm này là Elen, bấy giờ vừa mới về với chồng ở Petersburg. Ở nhà mình nàng thường tiếp các quan chức trong sứ quán Pháp và một số đông những người nổi tiếng thông minh lịch thiệp thuộc khuynh hướng này.
     
Elen đã từng ở Erfurt trong thời gian điễn ra cuộc hội kiến lừng lẫy giữa hai vị hoàng đế và ở đấy nàng đã kết thân với tất cả các nhân vật tiếng tăm của Napoléon ở châu Âu. Ở Erturt nàng rất được hâm mộ. Chính Napoléon có lần trông thấy nàng trong nhà hát liền hỏi xem nàng là ai và có khen ngợi sắc đẹp của nàng. Việc nàng được ca tụng là một người đàn bà đẹp và trang nhã không làm cho Piotr ngạc nhiên, bởi vì mỗi năm nàng lại đẹp thêm ra. Nhưng có một điều khiến chàng phải ngạc nhiên là trong vòng hai năm nay vợ chàng không biết làm thế nào mà lại được tiếng là "Một người đàn bà rất có duyên, vừa đẹp lại vừa thông minh. Công tước Đơlinnhơ - Nổi tiếng viết cho nàng những bức thư dài hàng tám trang. Bilibin thì để dành những câu dí dỏm của mình đến khi nào có mặt bá tước phu nhân Bezukhov mới đem ra nói lần đầu. Được tiếp nhận trong phòng khách của bá tước phu nhân Bezukhov tức là đã có một văn bằng về trí tụê; bọn thanh niên đều đọc sách trước khi đến dự những tối tiếp tân ở nhà Elen để khi ngồi trong phòng khách có chuyện mà nói, và các thư ký đại sứ quán, hay ngay cả các quan đại sứ nữa, cũng cho nàng biết những điều bí mật ngoại giao. Thành thử ra Elen cũng trở thành một thứ lực lượng nào đó. Piotr vốn biết rằng nàng rất ngốc nên đôi khi dự với cảm giác băn khoăn và kinh hãi lạ lùng trong những tối tiếp tân và những bữa tiệc của nàng, trong đó người ta nói về chính trị, thi ca và triết học. Những lúc ấy chàng có cảm giác giống như một người làm trò ảo thuật luôn luôn tự nhủ rằng lần này thế nào cái trò bịp bợm của mình cũng bị bại lộ.

- Nhưng phải chăng chính vì cái sự ngu ngốc lại cần thiết cho việc điều khiển một phòng khách như thế này, hoặc vì chính những người bị lừa cũng lấy làm thú vị rằng mình bị lừa như vậy, cho nên trò lừa bịp không bao giờ bị lộ, và cái thanh danh một người đàn bà có duyên và thông minh của Elen Vaxilievna Bezukhov đã quá ư vững chắc, đến nỗi nàng có thể nói ra những điều nhảm nhí và khờ khạo hết sức mà mọi người vẫn lấy làm khâm phục môi lời mỗi chữ của nàng, và thế nào họ cũng tìm thấy trong đó một ý nghĩ sâu xa mà chính nàng không hề ngờ đến.
   
Piotr chính là ông chồng cần thiết cho người đàn bà hào hoa phong nhã đó. Chàng đúng là anh chồng gàn dở và đãng trí, vị vương bá chẳng làm phiền ai và không những không làm hỏng cái ấn tượng trang nhã chung của phòng khách mà còn được làm cái nền tương phản để tôn vẻ lộng lẫy và thanh lịch của vợ mình lên. Hai năm nay Piotr chỉ chú tâm đến những công việc không dính dáng đến cuộc sống vật chất và hoàn toàn coi thường tất cả những chuyện khác, cho nên trong giới giao thiệp của vợ, chàng có được cái vẻ dửng dưng lơ đãng và hiền lành hoà nhã với mọi người một cách rất tự nhiên, không chút giả tạo, và vì vậy người ta bất giác thấy kính nể chàng. Chàng vào phòng khách của vợ như vào nhà hát, ai cũng quen, đối với ai chàng cũng vồn vã như nhau và đối với ai chàng cũng lãnh đạm như nhau. Đôi khi nếu câu chuyện làm cho chàng chú ý, chàng cũng tham gia góp chuyện vào, và những lúc ấy, chẳng cần biết các vị ở đại sứ quán có mặt ở đấy hay không, chàng lúng búng nói ra những ý kiến nhiều khi chẳng hợp một tí nào với không khí lúc bấy giờ.
   
Nhưng cái định kiến cho rằng chàng là ông chồng gàn của người đàn bà thanh lịch nhất Petersburg đã kiên cố đến nỗi chẳng ai lấy làm điều những lời đường đột của chàng.

Trong số những chàng thanh niên hàng, ngày đến nhà Elen có Boris Drubeskoy bây giờ đã tiến khá xá trên con đường công danh, sau khi Elen ở Erfurt về, và là người khách thân nhất của gia đình Bezukhov, Elen gọi chàng là thị đồng của tôi và nói năng cư xử với chàng như với một thằng bé. Nàng cũng cười nụ với Boris như cười nụ với mọi người: nhưng đôi khi trông thấy nụ cười này Piotr thấy khó chịu. Đối với Piotr, Boris có một thái độ kính nể đặc biệt, nghiêm trang mà lại buồn buồn. Cái sắc thái lễ dộ này cũng khiến Piotr lo lắng. Ba năm trước Piotr đã khổ tâm quá nhiều vì hành động sỉ nhục của vợ cho nên bấy giờ chàng cố tránh một sự sỉ nhục lương tự, trước hết là bằng cách tự xem mình không phải là chồng của Elen nữa, và thứ đến là không cho phép mình nghi ngờ vợ.
   
"Không, bây giờ đã là nữ sĩ rồi thì tất cô đã từ bỏ những thói ham mê trước kia, - Chàng tự nhủ, - Chưa bao giờ nghe nói một nữ sĩ lại có những chuyện yêu đương cả", - chẳng biết chàng rút ở đâu ra cái quy luật này, nhưng rõ ràng chàng tin nó lắm. Song, lạ thay, việc Boris có mặt trong phòng khách của vợ (và Boris hầu như lúc nào cũng có mặt) vẫn có tác động đến chàng ngay cả về cơ thể: nó trói chân trói tay chàng, chàng thấy cử động của mình chẳng tự nhiên và thoải mái chút nào nữa.
   
"Lạ thật, sao mình thấy có ác cảm với hắn quá - Piotr nghĩ thầm, - Trước kia mình còn có cảm tình với hắn nữa kia mà".
     
Dưới mắt giới thượng lưu Piotr là một vị vương công, là anh chồng hơi mù quáng và buồn cười của một thiếu phụ trứ danh, một anh gàn thông minh, chẳng làm gì cả, nhưng cũng chẳng làm hại ai, một anh chàng rất hiền lành và rất tốt. Còn trong tâm hồn Piotr thì suốt thời gian ấy diễn ra một quá trình phát triển nội tâm phức tạp và khó nhọc mở ra cho chàng thấy nhiều điều và đưa lại cho chàng nhiều tâm trạng, ngờ vực cũng có mà vui sướng về tinh thần cũng có.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:29:46 pm
Phần VI
Chương - 10

Chàng tiếp tục viết nhật ký, và đây là những điều chàng viết trong khoảng thời gian này:
         
"24 tháng mười một.

Ngủ dậy lúc tám giờ, đọc Kinh thánh, rồi đi làm (bây giờ theo lời khuyên của vị ân nhân, Piotr đã vào làm trong một tiểu ban) trở về nhà ăn bữa trưa một mình (bá tước phu nhân đang tiếp nhiều người khách mà tôi không ưa), ăn uống có điều độ, và sau bữa ăn ngồi chép mấy văn bản cho các anh em hội viên. Đến tối xuống nhà với bá tước phu nhân và kể một câu chuyện buồn cười về B, và mãi đến khi mọi người đã cười phá lên, mới sực nhớ ra rằng mình không nên kể câu chuyện này.

Đi ngủ tinh thần sảng khoái, yên tĩnh. Xin đấng Thượng đế cao cả hãy giúp con đi theo bước Người: 1. Thắng sự giận dữ bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn, 2. Thắng sự tà dâm bằng sự kiêng kỵ và lòng kinh tởm, 3. Xa lánh hư danh, nhưng không rời bỏ: a) công việc phụng sự nhà nước, b) công việc gia đình, c) quan hệ bạn bè và d) công việc kinh tế.
           
"27 tháng mười một.

Dậy muộn và khi tỉnh dậy nằm lười trong giường rất lâu. Xin thượng đế hãy giúp đỡ cho con thêm nghị lực để con có thể đi theo con đường của Người. Đọc Kinh thánh nhưng không có được cái cảm xúc lẽ ra phải có. Hội viên Uruxov nói đến những dự án mới của hoàng đế. Tôi toan công kích, nhưng sực nhớ đến những quy tắc của mình và lời ân nhân dạy rằng một hội viên Tam điểm chân chính phải là một người hoạt động hăng hái cho nhà nước khi quốc gia cần đến, và phải là người biết bình tĩnh nhìn những công việc mà mình không có bổn phận làm. Cái lưỡi là kẻ thù của tôi. Hai đạo hữu G.V và O đến thăm tôi, hôm ấy có buổi nói chuyện chuẩn bị kết nạp một người anh em mới. Họ giao cho tôi làm thuyết sư. Tự cảm thấy mình yếu đuối và không xứng đáng. Sau đó nói chuyện về cách giải thích bảy cột trụ và bảy bậc cấp của đèn, 7 khoa học, 7 đức tính, 7 thói xấu, 7 bản năng của đức thánh linh. Hội viên O, hôm đó rất hùng biện. Đến tối, làm lễ kết nạp. Cách xếp đặt mới của hội quán đã góp phần làm cho cảnh tượng của buổi lễ thêm phần tráng lệ. Boris Drubeskoy là người mới được kết nạp. Tôi là người giới thiệu, đồng thời cũng là thuyết sư. Một cảm xúc kỳ dị tràn ngập lòng tôi khi tôi cùng đứng với Boris trong thần miếu tối om. Tôi bất chợt nhìn thấy mình có lòng căm ghét Boris, tôi cố nén đi mà không sao nén nổi. Và chính vì vậy tôi ước ao thật sự cứu Boris ra khỏi sự xấu xa và đưa anh ta lên con đường chân lý, nhưng những ý nghĩ xấu về Boris vẫn không rời tôi. Tôi có ý nghĩ rằng Boris vào hội chẳng qua là muốn tìm cách gần gũi một số người, lấy lòng những kẻ có thế lực trong chi hội chúng tôi. Anh ta mấy lần hỏi xem trong chi hội chúng tôi có N, và S, không (tôi không thể trả lời cho anh ta biết điều này được), và theo những điều tôi quan sát thì Boris không thể có lòng tôn kính cần thiết đối với hội thánh của chúng ta, và anh ta lại quá chú tâm và hài lòng với con người thể xác nên không thể mong muốn trau đồi về đạo đức được.

Nhưng ngoài những điều này ra thì tôi không có cơ sở gì để nghi ngờ anh ta nữa. Nhưng tôi vẫn thấy hình như anh ta không thành thật, và suốt thời gian Boris với tôi đứng sát mặt nhau trong căn phòng tối. Tôi có cảm giác là anh ta mỉm cười ngạo nghễ khi nghe những lời tôi nói, và tôi muốn đâm thẳng thanh gươm mà tôi đang cầm sát ngực Boris vào người anh ta. Hôm ấy tôi không thể hùng biện và cũng không thể thành thật nói cho các anh em và vị đại sứ biết những mối ngờ vực của tôi. Hỡi đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên, hãy giúp tôi tìm ra những con đường chân chính đưa tôi qua các ngõ ngách khúc khuỷu của sự dối trá"

Kế theo đó trong nhật ký thấy có ba tờ để trắng, rồi đến đoạn sau đây:
     
"Đã nói chuyện riêng dài và bổ ích với hội viên B. Anh ấy đã khuyên tôi nên gần gũi hội viên A. Tôi được biết thêm nhiều điều, mặc dù tôi không xứng đáng, Ađonai là tên của đấng đã sáng tạo ra vũ trụ. Elohim là tên đấng trị vì muôn vật. Tên thứ ba, cái tên không thể nói ra được, có nghĩa là TẤT CẢ. Những câu chuyện của B đã đem thêm nghị lực, thêm chí kiên quyết và soi sáng cho tôi trên con đường đi tới đạo đức. Bên cạnh anh ấy không thể nào hoài nghi được. Tôi đã thấy rõ sự khác nhau giữa các khoa học thấp kém của thế gian với cái khoa học thiêng liêng của chúng ta, là học thuyết bao trùm tất cả, các khoa học của loài người gặp cái gì cũng chặt khúc ra để mà hiểu, gặp cái gì cũng giết chết đi để mà xem xét.
Trong nền khoa học thiêng liêng của hội thì cái gì cũng thống nhất, mọi vật đều được nhận thức một cách toàn vẹn và sinh động. Ba nguyên tố của vạn vật là diêm sinh, thuỷ ngân và muối. Diêm sinh có thuộc tính của đầu và lửa; hợp nhất với muối, nó nhờ linh chất lửa mà gây ra sức hút đối với thuỷ ngân, hút được thuỷ ngân, giữ nó lại và cả ba chất đó kết hợp lại mà sinh ra các vật thể riêng biệt.
Thuỷ ngân là cái bản chất lỏng và bay bổng của tinh thần - là Cơ đốc là thánh linh, là Người.
           
"Ngày 3 tháng 12.

Dậy muộn, đọc Thánh kinh, nhưng không có cảm xúc gì. Sau đó ra ngoài, và đi đi lại lại trong gian phòng lớn. Muốn suy nghĩ, nhưng trí tưởng tượng chỉ hình dung ra một sự kiện đã xảy ra bốn năm trước đây. Ông Dolokhov sau trận đấu súng có gặp tôi ở Moskva. Ông ta nói với tôi là ông ta hy vọng rằng bây giờ tinh thần tôi đã yên tĩnh hoàn toàn, mặc dầu vắng mặt vợ tôi. Lúc đó tôi im lặng không đáp. Sáng nay tôi nhớ lại mọi chi tiết của lần gặp gỡ này và thầm nói với Dolokhov những lời hết sức hằn học và những câu trả lời hết sức chua chát. Mãi đến khi nhận thấy mình điên cuồng trong cơn giận, tôi mới sực tỉnh và vứt bỏ ý nghĩ này; nhưng tôi hối hận chưa đúng mức. Sau đó Boris Drubeskoy đến và bắt đầu kể chuyện này chuyện khác, còn tôi thì nghe nói anh ta mới đến đã thấy bực mình, và nói với anh ta một câu rất khó chịu. Boris cãi lại.

Tôi đỏ bừng mặt và nói với anh ta nhiều điều khó chịu và thậm chí còn thô bỉ nữa. Boris lặng thinh, còn tôi thì chỉ ghìm mình lại được khi đã muộn rồi. Trời ơi, tôi hoàn toàn không biết đối xử với Boris cho phải. Nguyên nhân gây ra điều đó là tôi tự ái. Tôi tự đặt mình cao hơn anh ta, và vì thế tôi đã thành ra kém cỏi hơn anh ta, và vì anh ta khoan dung đối với những lời lẽ thô lỗ của tôi, còn tôi thì lại khinh bỉ anh ta. Xin Chúa hãy giúp cho tôi khi có mặt Boris thấy rõ được sự hèn hạ của mình và hành động có lợi cho cả anh ta nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Giêng, 2011, 10:30:32 pm
Sau bữa ăn chiều tôi ngủ thiếp đi, và trong khi ngủ bỗng nghe rõ mồn một tiếng ai nói vào tai bên trái:
"Mày đã đến ngày tận số".
     
Tôi chiêm bao thấy mình đi trong bóng tối, đột nhiên xung quanh chó xổ ra vây lấy tôi, nhưng tôi cứ đi không chút sợ hãi; bỗng một con chó nhỏ cắn vào bắp chân bên trái tôi và không buông ra nữa. Tôi lấy tay bóp cổ nó. Nhưng vừa đẩy được nó ra thì một con khác to hơn bắt đầu vào cắn người tôi. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, và càng nâng lên cao thì nó lại càng to thêm và nặng thêm. Chợt thấy đạo huynh A đến khoác tay tôi, dẫn tôi vào một toà nhà.
     
Muốn vào đến nhà này phải đi qua một lấm ván hẹp. Tôi bước lện tấm ván. Tấm ván oằn xuống và sụt. Tôi khó nhọc lắm mới với tay lên một dãy hàng rào và bắt đầu leo lên. Chật vật mãi một lúc tôi mới trườn được lên trên hàng rào, mình vắt sang một bên, chân thì buông thõng ở bên kia. Tôi nhìn trở lại thì thấy đạo huynh A đang đứng trên hàng rào và đưa tay chỉ cho tôi xem một con đường rộng rãi dẫn vào vườn, chỉ khu vườn và toà nhà nguy nga ở phía trong.
       
Tôi tỉnh dậy. Lạy Chúa, đấng Kiến trúc sư vĩ đại của thiên nhiên.
     
Hãy giúp tôi thoát khỏi lũ chó, tức là những dục vọng của tôi và cái dục vọng cuối cùng gom góp sức mạnh của tất cả các dục vọng trước và hãy giúp tôi bước vào ngôi đền đạo đức mà tôi đã được trông thấy trong giấc chiêm bao".
           
"Ngày 7 tháng mười hai.

Tôi chiêm bao thấy Ioxif Alekxeyevich ngồi trong nhà tôi. Tôi mừng lắm muốn lấy thức ăn ra thết đãi ông ta. Tôi nói chuyện huyên thuyên với mấy người khác và chợt nhớ ra rằng điều đó có thể làm ông ta phật ý, tôi muốn lại gần và ôm ông ta. Nhưng ông nói nhỏ với tôi mấy lời về giáo lý của hội, nói khẽ đến nỗi tôi nghe không rõ. Sau đó tất cả chúng tôi đều ra khỏi phòng, và đến đây xảy ra một việc thật kỳ lạ. Chúng tôi người ngồi kẻ nằm trên nền nhà.
   
Ioxif Alekxeyevich nói với tôi một điều gì đấy. Nhưng tôi lại muốn tỏ ra cho ông thấy tôi đa cảm, và không lắng nghe lời ông nói, tôi bắt đầu tưởng tượng cái trạng thái của con người bên trong của mình và ơn Chúa đang chiều sáng tâm hồn tôi. Tôi ứa nước mắt và lấy làm hài lòng rằng ông đã để ý thấy thế. Nhưng ông nhìn tôi ra dáng bực tức và vụt đứng dậy, không nói chuyện nữa. Tôi đâm luống cuống và hỏi ông xem những điều vừa rồi có phải nói về tôi không; nhưng ông không đáp, chỉ nhìn tôi một cách dịu dàng, và sau đó bỗng thấy cả hai đều ở trong phòng ngủ của tôi ở đấy có một chiếc giường đôi, Ioxif Alekxeyevich nằm ở bên giường, tôi tha thiết muốn đến vuốt ve ông và nằm bên cạnh ông. Ioxif hỏi tôi: "Anh hãy nói cho thật, anh ham mê cái gì nhiều nhất? Anh có biết rõ không? Tôi chắc là anh đã rõ". Câu hỏi này làm cho tôi lúng túng. Tôi trả lời rằng lười biếng là dục vọng lớn nhất của tôi. Ông lắc đầu ra vẻ không tin. Tôi càng thêm lúng túng và trả lời rằng tuy ở chung với vợ theo lời khuyên của ông nhưng không phải ăn ở như hai vợ chồng. Nghe nói thế, Ioxif đáp lại rằng không được tước phần ái ân của mình đối với vợ, và cho tôi hiểu rằng đó là bổn phận của tôi. Nhưng tôi đáp lại rằng tôi lấy làm hổ thẹn về việc đó; rồi bỗng nhiên mọi việc điều biến mất.   Tôi tỉnh dậy và trong đầu óc hiện ra một câu thánh kinh: "Sự sống là ánh sáng của con người, và ánh sáng soi rọi trong bóng tối và bóng tối không tiếp nhận ánh sáng".
   
Khuôn mặt của Ioxif Alekxeyevich bây giờ trẻ trung và sáng sủa.
     
Hôm ấy, tôi nhận được một bức thư của ân nhân trong đó nói về bổn phận vợ chồng."

"Ngày 9 tháng mười hai.

Tôi vừa nằm chiêm bao thấy những điều mà khi sực tỉnh đã khiến tim tôi đập rất mạnh. Tôi thấy tôi đang ở Moskva, ở nhà tôi, đang ngồi trong phòng lớn. Từ trong phòng khách tôi chợt thấy Ioxif Alekxeyevich bước ra. Tự dưng thấy ngay ràng ông đã trải qua quá trình tái sinh, tôi liền chạy ra đón ông. Tôi ôm hôn ông, hôn cả bàn tay ông, và Ioxif nói: "Anh có nhận thấy rằng bây giờ mặt tôi khác không?". Tôi nhìn ông, vẫn ôm ông trong lòng và thấy rằng, mặt ông rát trẻ, nhưng trên đầu không có tóc, và nét mặt khác hẳn.
Tôi bảo Ioxif Alekxeyevich: "Nếu tình cờ gặp ông, tôi cũng vẫn nhận ra" và trong khi đó tôi nghĩ thầm: "Có thật như thế không?" bỗng tôi thấy Ioxif năm xoài ra như một xác chết: sau đó ông dần dần tỉnh lại và cùng tôi đi vào căn phòng lớn, tay cầm một quyển sách to, khổ giấy lớn gấp đôi. Tôi nói: "Chính tôi viết đấy". Ông nghiêng đầu đáp lại. Tôi giở sách ra, trong sách trang nào cũng có một hình rất đẹp. Và tôi biết rằng những bức tranh này mô tả những cuộc ái ân của linh hồn với người yêu của nó. Và trên các trang giấy tôi trông thấy hình ảnh một cô gái đồng trinh rất đẹp mặc áo trong suốt, thân hình cũng trong suốt, đang bay lên các tầng mây.

Tôi biết rằng nàng trinh nữ chẳng phải cái gì khác hơn là hình ảnh của thiên "Thánh ca trong các Thánh ca"(1). Nhìn vào những bức tranh này tôi thấy đang làm một việc xấu xa, nhưng tôi không thể nào rời mắt ra được. Lạy Chúa! Hãy cứu giúp con! Nếu tình trạng con bị ruồng bỏ là do ý chí của Người, thì con cúi xin vâng mệnh Người, nhưng chính con gây nên sự đó, thì xin Người hãy chỉ bảo cho con phải làm gì. Con sẽ chết ngập trong vòng tay truỵ lạc nếu Người rời bỏ con hoàn toàn".

========================================================

Chú thích:

(1) Một thiên hay trong Cựu ước gồm những lời dân ca trữ tình miêu tả và ca ngợi tình yêu nam nữ, nhưng lại được Giáo hội giải thích thành những hình ảnh tượng trưng cho khát vọng của lính hồn mãnh liệt vươn tới Thượng đế.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 08:58:10 pm
Phần VI
Chương - 11

Tuy đã ở nông thôn tình hình tiền nong của nhà Roxtov trong vòng hai năm vẫn không khả quan hơn.
     
Mặc dầu Nikolai Roxtov giữ vững ý định của mình, vẫn tiếp tục phục vụ trong một binh đoàn đã chiến tối tăm, tiêu liền tương đối ít, lối sinh hoạt ở Otradnoye và nhất là cách quản lý công việc của Mitenka đã làm cho công nợ của nhà  Roxtov mỗi năm một tăng.
   
Lão bá tước cho rằng chỉ còn một cách cứu vãn duy nhất nữa là đi làm việc nhà nước, cho nên ông đã lên Petersburg xin một chức quan; đi xin một chức quan và đồng thời như ông nói, cũng để cho các tiểu thư tiêu khiển một lần cuối cùng nữa.
   
Ít lâu sau khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Berg đến dạm hỏi Vera và được chấp thuận.
Hồi ở Moskva, họ Roxtov vốn thuộc giới xã giao cao nhất, tuy họ cũng không biết và không hề nghĩ xem mình thuộc vào giới nào. Nhưng khi đến ở Petersburg thì môi trường giao thiệp của họ trở nên phức tạp và không rõ ràng. Ở Petersburg họ được coi là người "các tỉnh" và ngay cả những người trước đây đến ăn uống trong nhà Roxtov ở Moskva, mà gia đình Roxtov không hề hỏi xem thuộc giới nào, bây giờ cũng không thèm hạ mình xuống giao du với họ.
   
Ở Petersburg gia đình Roxtov cũng giống như ở Moskva, nghĩa là họ rất sẵn lòng đãi khách, và khách khứa đến ăn tối ở nhà họ thuộc đủ các hạng người: những người láng giềng của họ Otradnoye, những lão trang chủ nghèo cùng đến với mấy cô con gái của họ và ngự tiền phu nhân Peronxkaya, Piotr Bezukhov và con trai ông trưởng trạm bưu vụ huyện bây giờ lên làm việc ở Petersburg. Trong các tân khách nam giới chẳng bao lâu có một số trở thành người nhà của họ Roxtov: Boris, Piotr (một hôm lão bá tước gặp anh ta ở giữa phố liền kéo về nhà) và Berg. Berg suốt ngày ngồi chơi ở nhà gia đình Roxtov và có những cử chỉ săn sóc ân cần đối với bá tước tiểu thư Vera đúng như một chàng thanh niên có ý định cầu hôn.
     
Berg đã không uổng công khi cho mọi người xem cánh tay phải bị thương trong trận Austerlix và cầm gươm bằng tay trái, tuy chẳng để làm gì cả. Giọng kiên trì và quan trọng chàng đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện chàng bị thương đến nỗi mọi người đều tin rằng hành động của chàng là hợp lý và đáng khen, - và cuối cùng Berg đã được thưởng hai huân chương về trận Austerlix.
   
Trong cuộc chiến Phần Lan Berg cũng đã tìm được cách tỏ ra xuất sắc. Chàng nhặt một mảnh tạc đạn đã giết chết một viên sĩ quan phụ tá đứng cạnh quan tổng tư lệnh và đem về cho thủ trưởng.
     
Cũng như sau trận Austerlix, chàng kể cho mọi người nghe một cách kiên trì và dai dẳng đến nỗi mọi người đều tin rằng làm như thế là rất phải; - và nhân chiến dịch Phần Lan, Berg lại được thưởng hai huân chương nữa. Năm 1808, chàng đã là đại uý cận vệ, có nhiều huân chương và được giữ những chức vụ rất thuận lợi ở Petersburg.
     
Mặc dầu một số người có tính hoài nghi thường cười mỉm khi nghe nói đến những đức tính cửa Berg, nhưng người ra không thể không thừa nhận rằng Berg là một sĩ quan cần mẫn, can đảm được cấp trên rất tín nhiệm và là một thanh niên có tư cách, có một tương lai tốt đẹp và ngay bây giờ cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội.
     
Bốn năm về trước, gặp một anh bạn người Đức trong một kịch viện ở Moskva, Berg đã chỉ Vera Roxtov cho người ấy và nói bằng tiếng Đức: "Das son mein Weib werden"(1) và từ phút đó Berg đã quyết định là sẽ lấy nàng. Bây giờ, ở Petersburg sau khi đã suy xét gia cảnh của họ Roxtov và địa vị của mình chàng cho rằng đã đến lúc ngỏ lời bèn đến dạm hỏi Vera.

Lời dạm hỏi của Berg lúc đầu được tiếp nhận với một vẻ ngạc nhiên không lấy gì làm vinh dự cho anh ta. Lúc đầu người ta còn lấy làm lạ rằng con của một anh quý tộc vô danh ở Liiland(2) lại dám đi hỏi bá tước tiểu thư Roxtov; nhưng Berg vốn có một nét đặc biệt là vị kỷ một cách ngây thơ và thật thà đến nỗi cuối cùng ông bà Roxtov cũng nghĩ rằng nếu anh ta đã tin chắc rằng như thế là tốt, thậm chí rất tốt nữa là khác, thì chắc sẽ tốt thật. Hơn nữa gia cảnh họ Roxtov bây giờ đã sa sút lắm, và chú rể không phải không cần biết điều đó, nhất là vì Vera đã hai mươi bốn tuổi đầu, đi đã khắp nơi, thế mà mặc dầu chắc chắn là nàng đẹp, lại đứng đắn song cho đến nay vẫn chưa có ai đến hỏi nàng. Gia đình Roxtov bèn ưng thuận.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 08:58:59 pm
- Đấy anh thấy không. - Berg nói với một sĩ quan cùng đơn vị mà chàng gọi là bạn chẳng qua cũng chỉ vì chàng biết rằng người ta ai cũng có bạn. - Đấy anh thấy không, tôi đã cân nhắc đã suy tính cặn kẽ đâu đấy, và nếu tôi chưa nghĩ hết mọi lẽ hoặc thấy có chỗ chưa có lợi thì tôi chưa lấy vợ đâu. Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi, cha mẹ tôi thế là từ nay yên chí rồi, tôi đã thu xếp cho ông cụ bà cụ một cái ấp ở vùng Oxtzai(3), còn tôi thì có thể sống ở Petersburg với số lương của tôi. Với của hồi môn của cô ta và với cái tính ngăn nắp của tôi, có thể sống khá giả. Tôi lấy vợ không phải vì tiền, tôi cho rằng như thế là cao thượng; nhưng vợ cũng đóng góp plần mình, chồng cũng đóng góp phần mình, như thế mới phải. Tôi có công việc nhà nước, cô ta thì có những người quen có thế lực và một ít của cải. Thời buổi này cái đó phần nào cũng đáng kể đấy chứ, phải không nào? Và cái chính là cô ta xinh đẹp, đứng đắn lại yêu tôi…
     
Berg đỏ mặt và mỉm cười:

- Tôi cũng yêu cô ấy thật vì tính cô ấy rất đứng đắn và rất tốt. Còn như em gái cô ta thì khác hẳn - Cũng cùng một nhà, sao lại khác tính đến thế… tính nết thật khó chịu, chẳng khôn ngoan tý nào, không thể sánh với chị được, lại thế này thế khác… anh biết đấy chứ… Thật khó chịu… Còn như vị hôn thế của tôi thì… Anh đến nhà tôi… - chàng định nói: đến nhà tôi ăn bữa trưa, nhưng liền nghĩ lại và nói tiếp:" Uống nước chè" rồi uốn lưỡi rất nhanh phun ra một đám khói thuốc lá hình vòng tròn thể hiện một cách trọn vẹn những ước mơ hạnh phúc của chàng.
     
Sau cảm giác ngạc nhiên lúc ban đầu do lời cầu hôn của Berg gây nên, trong gia đình bấy giờ lại có cái không khí vui vẻ tưng bừng thường thấy trong những trường hợp như thế, nhưng đó chỉ là không khí vui vẻ bề ngoài, không thật. Đối với cuộc hôn nhân này những người trong nhà không khỏi cảm thấy ngượng ngùng và hổ thẹn. Dường như bây giờ họ thấy xấu hổ vì họ không quý Vera lắm nên mới sẵn lòng tống khứ nàng đi như vậy. Người cảm thấy bối rối nhất là lão bá tước. Có lẽ nếu hỏi vì sao ông bối rối thì ông không biết trả lời sao, nhưng sự thật thì chính vì tình cảnh tiền nong của ông hiện nay. Lão bá tước tuyệt nhiên không thể biết mình còn được bao nhiêu, nợ bao nhlêu và có thể cho Vera những gì làm của hồi môn. Mỗi lần sinh con gái, bá tước đều cắt ra một thôn ba trăm nông nô làm của hồi môn; nhưng một thôn đã bán đi rồi còn một thôn nữa thì đã đem cầm cố, đến nay đã quá hạn chuộc nên cũng phải bán nốt, vì vậy không thể cho con gái một điền trang nào. Mà tiền thì không có.
   
Berg đã đính hôn được hơn một tháng, và chỉ còn một tuần nữa là đã đến ngày cưới, thế mà bá tước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề của hồi môn và chưa có lần nào tự mình bàn việc này với vợ. Khi thì bá tước định cắt cho Vera điền trang Ryazan khi thì muốn bán rừng, khi lại muốn vay tiền bằng ngân phiếu.
   
Vài ngày trước lễ cưới, một buổi sáng sớm Berg vào phòng làm việc của bá tước và mỉm cười rất nhã nhặn kính cẩn xin ông nhạc tương lai cho biết bá tước tiểu thư sẽ được nhận những gì làm của hồi môn. Nghe câu hỏi này, một câu hỏi mà ông đã đoán trước từ lâu, bá tước luống cuống đến nỗi không kịp suy nghĩ gì nữa nói bâng quơ:

- Tôi rất thích, cậu biết lo như thế là tôi thích lắm, cậu sẽ được hài lòng.
     
Rồi bá tước vỗ vai Berg và đứng dậy, định chấm dứt câu chuyện. Nhưng Berg nở một nụ cười rất dễ ưa và phân trần rằng nếu chàng không được biết chắc chắn số hồi môn của Vera và không được nhận trước, ít nhất một phần, trong số của cải dành cho nàng chàng sẽ buộc lòng phải từ bỏ cuộc hôn nhân này.

- Vì rằng, xin bá tước xét cho, nếu bây giờ tôi dám cưới vợ mặc dầu không có những phương tiện chắc chắn để chu cấp cho vợ, thì như vậy là tôi đã xử sự một cách đê hèn.
Cuối cùng bá tước muốn tỏ ra mình hào phóng và để khỏi nghe những lời đòi hỏi khác, bèn nói rằng ông sẽ trao cho chàng một ngân phiếu tám vạn rúp. Berg dịu dàng mỉm cười, cúi xuống hôn vào vai bá tước và nói rằng anh ta rất biết ơn, nhưng hiện nay anh không thể nào xếp đặt cuộc sống gia đình cho ổn thoả nếu chưa nhận được ba vạn tiền mặt.

- Ít ra là hai vạn, thưa bá tước, Berg nói thêm, - và nếu được thế thì về sau chỉ cần một ngân phiếu sáu vạn nữa.

- Ừ được rồi bá tước nói thật nhanh, - Chỉ xin anh bỏ qua, anh bạn nhé, tôi sẽ đưa hai vạn tiền mặt, ngoài ra sẽ thêm một ngân phiếu tám vạn nữa. Thế đấy, thôi anh hôn ông nhạc đi nào!

==========================================

Chú thích:

(1) "Đấy sẽ là vợ tôi"

(2) Ladvia và Estoni ngày nay.

(3) Vùng duyên hải Baltic (theo cách gọi cũ của người Đức).



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 08:59:50 pm
Phần VI
Chương - 12
     
Natasa đã mười sáu tuổi; bấy giờ là vào năm 1809 đúng cái thời gian mà bốn năm về trước nàng bấm đốt ngón tay ước hẹn với Boris sau khi hôn chàng. Từ dạo ấy nàng không lần nào gặp lạị Boris. Trước mặt Sonya và mẹ, mỗi khi câu chuyện đả động đến Boris, Natasa nói một cách rất ung dung như nói về mọi việc đã xong xuôi, rằng tất cả những việc trước kia đều là những chuyện trẻ con đã quên từ lâu, không việc gì phải nói đến nữa. Nhưng trong thâm tâm, Natasa vẫn băn khoăn tự hỏi không biết lời ước hẹn của nàng với Boris chỉ là một trò đùa hay là một lời hứa quan trọng có thể ràng buộc đời nàng.
   
Từ năm 1805, kể từ ngày Boris rời khỏi Moskva lên đường đến đơn vị chàng không có lần nào gặp lại gia đình Roxtov nữa. Chàng có trở lại Moskva mấy lần, có đi qua vùng Otradnoye nhưng chưa có lần nào ghé lại nhà Roxtov.
   
Natasa đôi khi có ý nghĩ rằng chàng không muốn gặp nàng, và cái giọng buồn buồn của người lớn trong nhà mỗi khi nói đến Boris càng xác nhận thêm những điều phỏng đoán này.

- Thời bây giờ người ta không mấy khi nhớ tới bạn cũ, - bá tước phu nhân nói khi có người nhắc đến Boris.
   
Anna Mikhailovna gần đây ít đến nhà Roxtov bà cũng có một thái độ đặc biệt đạo mạo, và hễ nhắc đến Boris bà lại nói một cách hân hoan và cảm kích đến những đức tính của con trai và đến con đường công danh vẻ vang mà chàng đang theo đuổi. Khi gia đình Roxtov lên Petersburg, Boris đến thăm.
     
Chàng đến nhà Roxtov, lòng không khỏi bồi hồi xúc động.
   
Natasa là kỷ niệm nên thơ nhất của Boris. Nhưng đồng thời chàng cũng đến với một ý định quả quyết là sẽ cho nàng cũng như cho cha mẹ nàng hiểu rõ rằng những quan hệ thời trẻ giữa chàng và Natasa không có gì có thể ràng buộc gì nàng cũng như mình. Nay chàng đã có một nhiệm vụ xuất sắc trong xã hội, nhờ có liên hệ thân mật với phu nhân Bezukhov, một địa vị xuất sắc trên bước đường công danh, nhờ sự nâng đỡ của một nhân vật quan trọng hoàn toàn tin cậy chàng, cho nên chàng đã bắt đầu thoáng có ý định là sẽ kết hôn với một trong những đám giàu có nhất ở Petersburg, một ý định rất dễ thực hiện đối với chàng.
     
Khi Boris bước vào phòng khách nhà Roxtov, Natasa đang ở phòng mình. Nghe nói có Boris đến, nàng đỏ mặt lên và bước vội vã gần như chạy vào phòng khách, gương mặt sáng bừng lên một nụ cười trong đó có một cái gì còn hơn là lòng trìu mến.
     
Boris vẫn còn nhớ rõ cô bé Natasa mặc váy ngắn, có đôi mắt đen long lanh dưới mớ tóc quăn và tiếng cười giòn giã, ngây thơ và liều lĩnh mà bốn năm trước đây chàng đã từng quen thuộc, cho nên khi thấy một cô Natasa khác hẳn bước vào, chàng luống cuống, và gương mặt chàng lộ vẻ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Vẻ mặt ấy của Boris làm cho Natasa vui mừng.

- Thế nào, anh có nhận ra cô bạn nhỏ tinh nghịch của anh ngày trước không? - bá tước phu nhân nói.
     
Boris hôn tay Natasa và nói rằng chàng rất ngạc nhiên thấy Natasa đã thay đổi nhiều như vậy.

- Cô xinh lên nhiều quá!

- Còn phải nói! - đôi mắt tươi cười của Natasa đáp. - Thế ba tôi có già đi nhiều không - nàng hỏi.
     
Natasa ngồi xuống và im lặng, không chen vào câu chuyện giữa Boris với bá tước phu nhân, chỉ ngồi nhìn chàng vị hôn phu thời trẻ thơ của mình đến từng chi tiết một. Chàng cảm thấy sức nặng của khoé nhìn chăm chú và âu yếm phủ lên người mình, và thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn nàng.
     
Quân phục, cựa giầy, khăn quấn cổ và kiểu chải tóc của Boris - tất cả đều hợp thời trang và rất chĩữg chạc. Natasa nhận thấy điều đó ngay. Chàng ngồi hơi nghiêng người trên chiếc ghế bành cạnh bá tước phu nhân, dùng tay phải sửa lại ngay ngắn chiếc găng tay trắng muốt bó sát bàn tay trái, môi mím lại đặc biệt tế nhị trong khi nói chuyện về những cuộc vui chơi của giới thượng lưu Petersburg và giọng bỡn cợt nhẹ nhàng chàng nhắc lại thời cũ và những người quen cũ ở Moskva. Natasa cảm thấy rằng không phải tình cờ mà trong câu chuyện về giới quý tộc thượng lưu, chàng thuật lại buổi vũ hội của đại sứ quán mà chàng có dự và nhắc đến N.N và S.S đã có nhã ý mời chàng.
       
Suốt buổi Natasa ngồi im lặng đưa mắt nhìn trộm chàng. Cái nhìn đó mỗi lúc một làm cho Boris bối rối và lo lắng. Chàng quay sang nhìn Natasa nhiều hơn và đôi khi đang kể chuyện bỗng ngừng bặt. Ngồi chưa được mười phút chàng đã đứng dậy cáo từ ra về. Vẫn đôi mắt tò mò, có vẻ thách thức và hơi chế giễu ấy nhìn chàng.
     
Sau buổi đến thăm đầu tiên này Boris tự nhủ rằng Natasa vẫn có sức quyến rũ mình như xưa, nhưng chàng không được chiều theo cảm xúc này, vì nếu lấy Natasa - một cô gái hầu như chẳng có tí của cải gì - thì sự nghiệp của chàng ắt sẽ tiêu ma, còn nếu đi lại như cũ mà không có ý định cầu hôn thì đó là một hành vi không cao thượng. Boris quyết định tự mình sẽ tránh gặp Natasa, nhưng mặc dầu đã quyết định như thế, ít hôm sau chàng lại đến và từ đó bắt đầu đi lại luôn, có khi chơi cả ngày ở nhà Roxtov. Chàng thấy mình nhất thiết phải bày giải với Natasa, nói cho nàng biết rằng tất cả những chuyện cũ nay phải quên đi, rằng dù sao… nàng cũng không thể trở thành vợ chàng được rằng chàng chẳng có tài sản gì và không đời nào cha mẹ nàng lại gả nàng cho một người như chàng. Nhưng Boris vẫn thấy ngại ngùng không sao nói được. Càng ngày chàng lại cảm thấy khó xử. Mẹ Natasa và Sonya nhận thấy nàng vẫn có vẻ yêu Boris như xưa. Nàng hát cho chàng nghe những bài hát chàng ưa thích, cho chàng xem tập tranh của mình; bắt chàng viết vào đấy không cho chàng nhắc đến quá khứ, ngụ ý là hiện tại cũng đẹp lắm rồi; và mỗi khi ra về chàng cứ như trong mây mù, chưa nói ra được những điều chàng đã định nói, bản thân cũng chẳng biết mình đang làm gì, mình đến làm gì và sự tình sẽ kết thúc ra sao.
     
Boris thôi đến nhà Elen. Ngày nào chàng cũng nhận được những dòng chữ trách móc của Elen, nhưng ngày nào chàng cũng ngồi suốt buổi ở gia đình Roxtov.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:00:48 pm
Phần VI
Chương - 13
   
Một buổi tối, khi lão bá tước phu nhân, mình mặc áo ngủ, đầu đã tháo hết các mớ tóc giả chỉ còn lại một chùm tóc lơ thơ thòi ra ngoài chiếc mũ chụp bằng vải trúc bâu trắng, đang thở dài và thì thụt trên tấm thảm lẩm rầm đọc bài kinh buổi tối, thì cánh cửa buồng xịch mở và Natasa, mình cũng mặc áo ngủ, tóc đầy những cặp chạy vào buồng.
   
Bá tước phu nhân quay lại và cau mày. Bà đang đọc nốt bài kinh cuối cùng: "Phải chăng chăn nệm đêm nay sẽ là ván liệm của con?".  Tâm trạng say sưa của phu nhân bị phá tan. Natasa mắt đỏ ửng lòng hồi hộp, vừa chạy vào thấy mẹ đang cầu kinh liền đứng phắt lại, hơi nhún người xuống và bất giác thè lưỡi ra như tự hăm doạ mình. Thấy mẹ vẫn tiếp tục cầu kinh, nàng rón rén chạy đến giường, nhanh nhẹn lấy hai bàn chân thon nhỏ xát vào nhau cho giày vải tụt ra rồi nhảy tót lên chiếc nệm mà bá tước phu nhân đang lo là sẽ trở thành cỗ ván liệm mình. Chiếc nệm rất cao và êm, trên đầu có đặt một chồng gối năm chiếc to nhỏ suýt soát nhau, chiếc nhỏ đặt lên chiếc to. Natasa nhảy tót trên giường, cho người lún sâu xuống nệm, lăn đến sát vách và bắt đầu trăn trở loay hoay ở dưới chăn để tìm cách nằm lại cho thoải mái, co hai gối lên tận cằm rồi vẫy chân lia lịa và cười rúc rích, khi thì chùm chăn kín đầu khi thì ló mặt ra nhìn mẹ. Bá tước phu nhân đọc kinh đã xong liền đi lại phía giường, vẻ mặt nghiêm nghị: nhưng thấy Natasa chùm chăn kín mít, phu nhân mỉm cười, cái cười hiền lành yếu ớt mà phu nhân thường có.

- Kìa, kìa, cái gì thế con, - phu nhân nói.

- Mẹ ơi, nói chuyện một chút được chứ mẹ? - Natasa nói.

- Nào cho hôn ở cổ một cái, một cái nữa thôi nhé.
   
Và nàng ôm choàng lấy cổ mẹ, hôn vào phía dưới cằm. Đối với mẹ, Natasa có những cử chỉ bên ngoài thô lỗ, nhưng nàng tế nhị và khéo léo đến nỗi dù có ôm, có quàng tay thế nào đi nữa nàng cũng biết làm thế nào cho mẹ không thấy đau, không thấy khó chịu hay vướng víu chút nào.

- Nào, hôm nay nói chuyện gì? - mẹ nàng nói sau khi kê đầu cho ngay ngắn và thoải mái trên mấy chiếc gối và đợi Natasa lăn hai vòng từ cạnh giường và nằm sát người bà dưới cùng một tấm chăn. Natasa đặt hai cánh tay lên trên chăn và làm ra cái vẻ nghiêm trang.
   
Những cuộc đến thăm ban đêm của Natasa như thế này trước khi ở câu lạc bộ về là một trong những cái thú ưa chuộng nhất của hai mẹ con.

- Hôm nay nói chuyện gì nào? Mẹ cũng đang cần nói với con.

Natasa đưa tay bịt miệng mẹ lại.

- Chuyện Boris…

- Con biết rồi, - Natasa nghiêm nghị, - con đến cũng vì chuyện ấy. Mẹ đừng nói con biết rồi. Không, mẹ nói đi cơ? - Nàng cất tay, - Mẹ ơi, mẹ nói đi, anh ấy dễ thương đây chứ?

- Natasa ạ, con đã mười sáu tuổi rồi, hồi trước bằng tuổi con mẹ đã đi lấy chồng rồi. Con bảo Boris dễ thương. Nó dễ thương lắm, mẹ quý nó như con mẹ, nhưng con muốn gì nào?

- Con nghĩ sao? Con làm cho nó ngẩn cả người ra rồi đấy, mẹ thấy rõ như thế…

Trong khi nói mấy câu này, bá tước phu nhân đưa mắt nhìn sang con gái. Natasa nằm im mắt nhìn trân trân vào một trong mấy con sư tử đầu người bằng gỗ đào hoa tâm chạm ở góc giường, phu nhân nhìn sang chỉ thấy chiều nghiêng mặt nàng.
   
Gương mặt của Natasa làm cho phu nhân kinh ngạc vì có vẻ nghiêm nghị và đăm chiêu khác thường.

- Vâng, rồi sao hở mẹ? - Natasa lắng nghe và suy nghĩ.

- Con làm cho nó ngẩn ngơ ra như vậy để làm gì? Con muốn gì ở Boris? Con cũng thừa biết con không thể lấy nó được kia mà.

- Tại sao? - Natasa hỏi, vẫn nằm im như cũ.

- Tại vì nó còn trẻ, tại vì nó nghèo, tại vì nó họ với con, tại vì chính con cũng chẳng yêu gì nó.

- Sao mẹ biết?

- Mẹ biết. Như thế không tốt đâu, cô bạn nhỏ của mẹ ạ.

- Nhưng nếu con muốn… - Natasa nói.

- Thôi con đừng nói những chuyện vớ vẩn nữa, - phu nhân nói.

- Nhưng nếu con muốn…

- Natasa, mẹ nói chuyện đứng đắn…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:01:42 pm
Natasa không để cho mẹ nói hết, cầm lấy bàn tay to xương của phu nhân và hôn lên phía trên, rồi hôn vào lòng bàn tay, rồi lại lật bàn tay lại và hôn lên khớp xương lồi lên ở chỗ mu bàn tay giáp ngón, rồi hôn vào chỗ lõm giữa hai khớp xương, rồi lại hôn lên khớp xương, vừa hôn vừa thì thầm: "Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, tháng năm".

- Mẹ nói đi mẹ, sao mẹ lại làm thinh? Mẹ nói đi! - Natasa nói, mắt ngước nhìn mẹ. Bấy giờ bá tước đang âu yếm nhìn con, và hình như mải nhìn như vậy nên quên cả những điều định nói.

- Như thế không được đâu con ạ. Không phải ai rồi cũng hiểu được tình bạn ấu thơ giữa con với Boris đâu; thấy Boris gần gũi con nhiều quá như thế những người thanh niên thường đến nhà ta sẽ có ý nghĩ không hay về con, nhưng cái chính là làm như vậy chỉ khổ nó vô ích. Có lẽ nó đã tìm được đám khác hợp ý hơn, giàu có hơn; bây giờ nó như điên như dại rồi đấy.

- Điên rồi hở mẹ? - Natasa lặp lại.

- Để mẹ kể chuyện của mẹ cho mà nghe. Mẹ có một người anh họ.

- Con biết rồi - bác Kirila Matveyich chứ gì, nhưng bác ấy già rồi còn gì?

Không phải bao giờ cũng già như thế đâu. Nhưng bây giờ thế này Natasa ạ, mẹ sẽ nói chuyện với Boris. Nó không nên đến đây nhiều như thế nữa…

- Tại sao lại không nên, nếu anh ấy thích?

- Tại vì mẹ biết rằng rồi chẳng đi đâu hết.

- Sao mẹ biết? Không, mẹ ạ, mẹ dừng nói với anh ấy. Thật vớ vẩn! - Natasa nói với cái giọng của một người đang sắp bị người ta tước đoạt tài sản. - Thôi, con sẽ không lấy anh ấy nữa! Nhưng cứ để cho anh ấy đến, nếu anh ấy thấy vui và con cũng vui! - Natasa mỉm cười nhìn mẹ. - Con sẽ không lấy anh ấy, nhưng cứ như thế - nàng nhắc lại.

- Sao lại thế, cô bạn nhỏ?

- Thì như thế mà lại. Thôi, không lấy anh ấy thì đã làm sao… nhưng cứ như thế.

- Như thế, như thế, - bá tước phu nhân nhắc lại và rung cả người lên cười, tiếng cười hồn hậu và bất ngờ của những người già cả.

- Thôi mẹ đừng cười nữa, cười mãi, - Natasa hét lên - Cười mãi thế! - nàng nắm lấy cả hai bàn tay của bá tước phu nhân, hôn vào khớp xương ngón tay út - tháng sáu - rồi tiếp tục tháng bảy, tháng tám ở bàn tay kia. - Mẹ ơi, thế anh ấy có yêu con lắm không? Mẹ thấy thế nào? Trước kia người ta có yêu mẹ đến thế không? Mà anh ấy lại dễ thương, dễ thương lắm cơ! Chỉ có điều là không hợp khẩu vị của con lắm - Anh ta hẹp như cái đồng hồ quả lắc ở ngoài phòng ăn ấy… Mẹ không hiểu à? Hẹp thế này, lại xám, nhạt…

- Mày nói lảm nhảm gì thế! - bá tước phu nhân nói.

Natasa nói tiếp:

- Mẹ không hiểu thật à? Giá có anh Nikolai thì anh ấy hiểu ngay… Còn Bezukhov thì xanh, xanh thẫm thêm cả màu đỏ, và anh ta hình chữ nhật.

- Mày làm dáng cả với anh chàng này nữa đấy, - bá tước phu nhân vừa cười vừa nói.

- Không, anh ta vào hội Tam điểm, người ta bảo con thế. Anh ta tốt lắm, xanh thẫm và đỏ, không biết làm thế nào cho mẹ hiểu bây giờ

- Bá tước tiểu thư - có tiếng nói của lão bá tước ở ngoài cửa phòng. - Con chưa ngủ à?

Natasa chân không nhảy xuống đất, cầm giày vải trên tay bỏ chạy về phòng mình.

Nàng nằm hồi lâu không ngủ được. Nàng cứ nghĩ mãi không biết làm sao mà không ai hiểu được những điều nàng hiểu và những điều đang ở trong óc nàng.

Sonya? - Nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn Sonya trông như con mèo cái đang ngủ say, mình cuộn tròn, bím tóc to dầy buông thõng một bên. - Không, chị ấy không hiểu được đâu! Chị ấy đức hạnh lắm. Chị ấy yêu Nikolai và ngoài ra không muốn biết gì nữa. Còn mẹ, cả mẹ nữa cũng chẳng hiểu mình. Lạ thật, mình thông minh thế, mà lại, cô ấy dễ thương…", - nàng nghĩ tiếp, nói về mình như về một người thứ ba và tưởng tượng rằng người đang nói về nàng là một người đàn ông nào đó rất thông minh, thông minh nhất, và tốt hơn hết thảy mọi người… "Cô ta có đủ mọi cái hay cái tốt. - người đàn ông nói tiếp, - cô ta thông minh đặc biệt, dễ thương, có duyên mà lại xinh, xinh lạ lùng, lại nhanh nhẹn - bơi khá, cưỡi ngựa rất cừ, lại còn giọng hát nữa! Có thể nói là một giọng hát phi thường!".

Natasa hát một câu nhạc ưa thích của nàng rút trong vở kịch của Kerubini(1), gieo mình trên giường, cười khanh khách với một ý nghĩ tươi vui là bây giờ nằm xuống nàng sẽ ngủ ngay lập tức cho mà xem. Nàng gọi Dunyasa chưa ra khỏi phòng thì nàng đã đi vào một thế giới khác, một thế giới hạnh phúc hơn, thế giới của những giấc mộng; ở đấy cái gì cũng nhẹ nhõm và tốt đẹp như trong thực tế, nhưng lại còn tốt đẹp hơn nữa, bởi vì cái gì cũng khác hẳn.

Ngày hôm sau bá tước phu nhân mời Boris đến gặp mình nói chuyện, và từ hôm ấy trở đi chàng không đến nhà Roxtov nữa.

=====================================================

Chú thích:

(1) Luigi Cherubini (1760 - 1842). Nhà soạn nhạc người Ý, tác giả nhiều ca kịch có tinh thần cách mạng.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:02:26 pm
Phần VI
Chương - 14
     
Tối hôm ba mươi mốt tháng Chạp, tối Giao thừa (Le éeveillon) - Bước sang năm 1810, có vũ hội ở nhà một vị vương công ở thời Ekaterina. Trong buổi vũ hội sẽ có ngoại giao đoàn và cả hoàng đế đến dự.
     
Phía tả ngạn sông Nêva, toà nhà của vị vương công sáng rực lên vì hàng trăm hàng nghìn ngọn đèn thắp lên nhân tối vui trọng thể. Trước cái cổng đèn thắp sáng trưng và trải dạ đỏ, cảnh binh đã đến túc trực; và không phải chỉ có cảnh binh thường, mà còn có cả ông cảnh sát trưởng và mấy chục viên sĩ quan cảnh binh đứng quanh. Xe cộ tấp nập, chiếc đi, chiếc đến, với những người hành bộc mặc áo đỏ hoặc những người hầu đội mũ có cắm lông gà. Từ các xe song mã bước xuống những người đàn ông mặc phẩm phục, đeo dây thao và huân chương; các phu nhân và các tiểu thư mặc áo sa tanh và khoác áo lông chồn bạc thận trọng bước xuống các bậc xe buông xuống ầm ầm, rồi im lặng vội vã đi trên tấm dạ đỏ trải trên thềm.
Hầu như mỗi lần có một cỗ xe mới đến, trong đám đông lại có tiếng lao xao và mọi người đều cất mũ.

- Hoàng thượng à? Không, quan đại thần… hoàng thân… đại sứ Anh không thấy chùm lông à?

Có tiếng nói trong đám đông. Trong đám đông có một người ăn mặc sang hơn những người khác, hình như ai hắn ta cũng biết, những vị đại thần tai mắt nhất thời ấy hắn đều có thể gọi tên.

Trong một phần ba số tân khách đã đến dự vũ hội, thì ở nhà Roxtov - gia đình này cũng đi dự hội - người ta đang hối hả sửa soạn trang phục.

Trong gia đình Roxtov người ta đã bàn tán và chuẩn bị rất nhiều cho buổi vũ hội. Trước đây họ cứ lo sẽ không nhận được giấy mời, lo áo mới chưa xong hoặc có điều gì không ổn chăng?
     
Cùng đi dự vũ hội với gia đình Roxtov có Maria Ignatyena Peronxkaya bạn gái và là người có họ với bá tước phu nhân. Đó là một ngự tiền phu nhân của triều đại trước, người gầy gò và vàng vọt và là người hướng dẫn cho gia đình Roxtov, vốn những dân "các tỉnh", trong việc giao thiệp với giới thượng lưu ở Petersburg.
Đến mười giờ tối, họ sẽ ghé ở vườn Taorich đón ngự tiền phu nhân Peronxkaya; thế nhưng bây giờ đã mười giờ kém năm rồi mà các tiểu thư nhà Roxtov vẫn chưa mặc áo xong.
     
Lần này Natasa đi dự buổi vũ hội lớn đầu tiên trong đời mình.
     
Hôm ấy nàng dậy từ tám giờ sáng và cả ngày lo lắng bồn chồn, sửa soạn luôn tay. Từ sáng sớm nàng đã tập trung tất cả sức lực vào việc chuẩn bị thế nào cho mọi người trong nhà: nàng, mẹ nàng và Sonya, đều ăn mặc cho thật đẹp. Sonya và bá tước phu nhân sẽ mặc áo nhung màu huyết dụ, còn hai chị em nàng sẽ mặc hai chiếc áo voan trắng trong suốt trên nền lụa hồng, có giắt thêm hoa hồng trên ngực. Đầu tóc họ sẽ chải kiểu Hy Lạp.
     
Những việc trọng yếu nhất đều đã làm xong; chân, tay, tai, cổ đều được lau rửa; xức nước hoa và thoa phấn đặc biệt cẩn thận để ứng với buổi hội lớn. Họ đã đi vào chân những đôi bít tất lụa thêu rua và những đôi giày sa tanh trắng thắt nơ; các bộ tóc đã chải gần xong. Sonya đã phục sức xong xuôi, bá tước phu nhân cũng vậy; nhưng Natasa vì mải lo cho hai người nên bị tụt lại đằng sau. Nàng còn ngồi trước tấm gương, một chiếc áo choàng nhẹ phủ lên đôi vai mảnh dẻ. Sonya bây giờ đã phục sức đầy đủ, đứng ở chính giữa phòng và đang ghim một dải lụa cuối cùng. Dải lụa kêu kin kít dưới mũi kim găm mà nàng lấy ngón tay nhỏ nhắn ra sức ấn mạnh đến đau cả tay.

- Không phải thế, không phải thế đâu Sonya - Natasa nói. Nàng quay đầu lại và giơ hai tay chụp lấy mớ
tóc của nàng mà người hầu gái chưa kịp buông ra.

- Cái nơ hỏng rồi, chị lại đây, - Sonya ngồi thụp xuống. Natasa ghim lại chiếc dải lụa khác


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:03:25 pm
Người hầu gái đang cầm mái tóc của Natasa nói:

- Xin tiểu thư cho phép, như thế này không thể chải được.

- Ồ! Trời ơi, để rồi chải sau! Đây, thế này mới được Sonya ạ.

Có tiếng bá tước phu nhân giục:

- Các con sắp xong chưa? Sắp mười giờ rồi đấy.

- Xong ngay, xong ngay bây giờ đây mẹ ạ. Thế mẹ xong rồi à?

- Chỉ còn ghim cái mũ nữa thôi.

- Để con ghim cho, - Natasa hét lên, - mẹ không biết ghim đâu!

- Nhưng mà mười giờ rồi còn gì!

Họ đã định là đến mười rưỡi sẽ có mặt ở vũ hội, mà Natasa lại còn phải mặc áo cho xong và ghé vườn Taorich.
   
Chải đầu xong, Natasa bây giờ đang mặc váy ngắn để lộ đôi giày khiêu vũ và chiếc áo chùng mặc ngủ của mẹ, chạy lại gần Sonya, ngắm qua một lượt rồi lại chạy sang phòng mẹ. Nàng xoay đầu bá tước phu nhân sang một bên rồi ghim cái mũ và chỉ vừa kịp hôn mái tóc bạc của mẹ một cái đã vụt chạy về chỗ các cô hầu gái đang lo viền lại gấu váy cho nàng.
     
Còn có mỗi một việc nữa là chiếc váy của Natasa dài quá; hai người hầu gái đang lên gấu, hấp tấp cắn những mũi chỉ thừa. Một người thứ ba; môi và răng ngậm đầy những kim găm, chạy đi chạy lại từ bá tước phu nhân sang Sonya. Một người thứ tư giơ tay nâng cao chiếc voan đứng đợi.

- Mavruska ơi, nhanh lên tí nhé!

- Tiểu thư đưa hộ cái đê.

- Sắp xong chưa nào? - bá tước từ ngoài cửa bước vào hỏi. - Đây nước hoa đây này, bà Peronxkaya chắc đã đợi lâu lắm rồi đấy.

- Thưa tiểu thư xong ạ. - người hầu gái cầm áo nói. Cô ta dùng hai đầu ngón tay nâng chiếc voan lên, khẽ rũ rũ và ghé môi thổi thổi, một cử chỉ tỏ ra rằng cô ta hiểu rõ vật mình đang cầm nó nhẹ nhàng, mỏng manh và tinh khiết đến nhường nào.
     
Natasa bắt đầu mặc áo.

- Tí nữa, tí nữa thôi, ba đừng vào ba ạ - nàng nói to với bá tước bây giờ đang mở hé cánh cửa, trong khi tấm váy mỏng đang chùm kín đầu nàng, Sonya đóng sập cửa lại. Một phút sau họ mở cửa cho bá tước vào. Ông mặc lễ phục màu xanh, đi giày có bít tất cao ống, tóc xức sáp thơm, người sực nức mùi nước hoa.

- Ôi ba ơi, ba đẹp quá, thật là tuyệt! - Natasa nói. Bây giờ nàng đang đứng giữa phòng nắn lại nếp áo.
       
Một người hầu gái quỳ gối giữa sân, vừa kéo lại tà áo voan cho Natasa, vừa lấy lưỡi đẩy nhanh mấy chiếc kim găm từ mép bên này sang mép bên kia, nói:

- Xin tiểu thư cho phép, xin tiểu thư cho phép…
     
Sonya ngắm áo của Natasa rồi kêu lên, giọng tuyệt vọng:

- Tuỳ ý cô đấy, chứ nó vẫn dài quá mất rồi.

Natasa lùi ra một tí để nhìn vào tấm gương.   Chiếc áo dài thật.

- Thưa tiểu thư, quả tình không dài một chút nào đâu ạ. - Mavruska bây giờ đang bò lổm ngổm theo Natasa trên nền nhà vội nói.

- À, dài thì ta lại lên gấu, một phút là xong thôi mà, - cô hầu gái Dunyasa quả quyết vừa nói vừa rút một cây kim ra khỏi chiếc khăn trùm đeo trên ngực và lại bắt đầu lúi húì sửa sửa; khâu khâu trên sàn.
     
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân mặc áo nhung và đội mũ cao rụt rè bước khe khẽ vào phòng.

- Ứ ừ! Người đẹp của tôi? - bá tước kêu lên. - Đẹp hơn hết thảy các cô! Ông toan ôm lấy phu nhân nhưng phu nhân đỏ mặt vội né đi sợ nhầu nát áo.

- Mẹ ơi, cho cái mũ lệch sang bên một tí nữa. - Natasa nói, - để con ghim lại cho. - rồi vụt chạy lại.
     
Cô hầu gái bấy giờ đang khâu gấu không kịp chồm theo nên chiếc áo dứt mất một miếng voan nhỏ.

- Trời ơi! Cái gì thế này? Quả tình không phải tại tôi…

- Không sao, để tôi khâu lại, không trông thấy đâu, - Dunyasa nói.

- Đẹp quá bé Natasa của tôi đẹp tuyệt trần! - U già từ ngoài cửa bước vào nói. - Lại còn Sonya nữa toàn là tuyệt thế giai nhân cả!…

Cuối cùng mãi đến mười giờ mười lăm họ mới lên xe ra đi.

- Nhưng còn phải ghé vườn Taorich.
     
Bà Peronxkaya đã sẵn sàng. Tuy đã già và xấu xí bà vẫn soạn sửa đúng như ở nhà Roxtov, chỉ có điều là không vội vã đến như thế (đối với bà thì đây là một việc thường ngày rồi), nhưng tấm thân già cỗi và xấu xí của bà cũng được tắm rửa, xức nước hoa, thoa phấn như thế, tai gáy cũng được rửa ráy cẩn thận như thế và thậm chí bà hầu gái già cũng trầm trồ khen ngợi sức phục của bà chủ hệt như ở nhà Roxtov vậy, khi bà mặc chiếc áo dài màu áo vàng có phù hiệu của hoàng gia bước ra phòng khách.
     
Bà Peronxkaya khen ngợi cách phục sức của gia đình Roxtov. Gia đình Roxtov khen ngợi cách phục sức của bà Peronxkaya, và đúng mười một giờ họ chia nhau bước lên các xe song mã một cách thận trọng để khỏi hỏng tóc và nhầu áo, và lên đường.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:04:30 pm
Phần VI
Chương - 15
     
Từ sáng đến giờ Natasa không rỗi lấy được phút nào và không có lúc nào kịp suy nghĩ đến những sự việc đang chờ đợi nàng tối nay.
     
Trong làn không khí lạnh lẽo và ẩm ướt, trong khoảng không gian chật chội và tối mờ của chiếc xe ngựa lắc lư, lần đầu tiên nàng hình dung rõ ràng tất cả những gì đang chờ đón nàng trong buổi vũ hội, trong những gian phòng sáng rực ánh đèn - âm nhạc, hoa, khiêu vũ, hoàng thượng, toàn thể lớp thanh niên thượng lưu ở Petersburg. Những điều đang đợi nàng nó đẹp đẽ quá đến nỗi nàng không dám tin rằng những điều đó sẽ có thật; những cảnh ấy quá trái ngược với cảm giác rét mướt, chật chội và tối tăm trong xe song mã. Nàng chỉ hiểu rõ được tất cả những gì đang đợi nàng khi đi qua tấm dạ đỏ trên bậc thềm; bước vào phòng áo, cởi áo khoác ngoài và sát cánh với Sonya đi trước mặt mẹ với những chùm hoa đỏ cắm hai bên cầu thang gác sáng rực ánh đèn. Mãi đến lúc ấy nàng mới nhớ là trong buổi vũ hội phải đi đứng như thế nào, liền cố giữ cái phong thái trang trọng mà nàng nghĩ là cần thiết cho một người thiếu nữ đi dự vũ hội. Nhưng may thay cho nàng, nàng cảm thấy mắt mình loà đi: nàng không trông rõ được gì nữa, mạch nàng đập mỗi phút một trăm lần, và máu bắt đầu dồn lên trái tim đang đập mạnh. Nàng không thể có cái phong thái kia được, một phong thái sẽ làm cho nàng thành ra lố bịch, và nàng bước vào, tim lịm đi vì xúc động, chỉ mong sao che giấu được nỗi xúc động đó, và đó chính là phong thái hợp với nàng hơn cả. Phía trước và sau lưng họ, những tân khách khác đang bước vào, cũng mặc áo dài khiêu vũ và cũng đang to nhỏ nói chuyện với nhau.

Những tấm gương dọc thang gác phản chiếu hình ảnh những vị khách nữ giới mặc áo trắng, áo hồng, áo thiên thanh, châu ngọc và kim cương lóng lánh trên cổ và trên những cánh tay để trần.
Natasa nhìn vào gương, và trong những hình ảnh phản chiếu lại nàng không phân biệt được mình trong đám những người khác.
   
Tất cả đều hoà lẫn với nhau thành một chuỗi người sáng rực. Khi bước vào gian phòng thứ nhất tiếng nói chuyện, tiếng chào hỏi, tiếng chân bước pha trộn với nhau thành một tiếng ồn ào đều làm cho Natasa choáng váng; ánh sáng đèn rực rỡ trong phòng chiếu sáng những bộ áo lụa là óng ả và những vật trang trí lóng lánh càng làm cho nàng loá mắt.
   
Hai vợ chồng chủ nhân đã đứng đến nửa giờ ở cửa vào cũng chào đón gia đình Roxtov với bà Peronxkaya bằng câu "Rất sung sướng được đón tiếp các vị!" mà nãy giờ họ vẫn nói với mọi người.
   
Hai cô thiếu nữ mặc áo dài trắng, cùng cài những đoá hoa hồng giống nhau trên mái tóc huyền, cùng nhún mình xuống chào như nhau, nhưng nữ chủ nhân bất giác dừng mắt lâu hơn nhìn cô Natasa mảnh dẻ. Bà nhìn Natasa, và kèm theo nụ cười nhất loạt của bà chủ nhà còn có một nụ cười riêng dành cho nàng nữa. Nhìn cô bé có lẽ nữ chủ nhân nhớ lại cái thời con gái êm đẹp của bà đã qua không bao giờ còn trở lại. Nhớ lại cả buổi vũ hội đầu tiên của đời mình. Chủ nhân ông cũng nhìn theo Natasa và hỏi bá tước xem cô nào là con gái của bá tước.

- Kháu quá! - Ông vừa nói vừa hôn lên đầu ngón tay mình.
   
Trong gian phòng lớn, tân khách đứng dồn lại cạnh cửa ra vào, chờ hoàng thượng đến. Bá tước phu nhân tìm một chỗ ở những hàng đầu của đám đông này. Natasa nghe thấy và cảm thấy có mấy người, hỏi nhau xem nàng là ai và nhìn nàng. Nàng hiểu rằng những người đã để ý đến nàng đều có thiện cảm với nàng, và điều đó làm cho nàng yên tâm một phần.
   
"Có những cô chỉ như chúng mình thôi lại có những cô kém hơn nữa" - nàng nghĩ thầm.
Bà Peronxkaya nói cho bá tước phu nhân biết tên những nhân vật quan trọng nhất có mặt trong buổi vũ hội.
   
- Đây là sứ thần Hà Lan, bà có nhìn thấy không, ông tóc bạc ấy! - bà Peronxkaya vừa nói vừa chỉ một ông già thấp bé có bộ tóc bạc rậm và quăn đứng giữa một đám phụ nữ, đang nói một chuyện gì khiến họ cười ồ lên.

- Và đây hoa hậu thành Petersburg: bá tước phu nhân Bezukhov, - Bà vừa nói thêm vừa chỉ về phía Elen đang bước, vào phòng.

- Đẹp thật! Không thua gì Maria Antonovna. Đấy bà xem, cả già lẫn trẻ đều xúm xít chung quanh. Vừa đẹp lại vừa thông minh… nghe nói hoàng thân X, mê tít cô ta. Còn đấy hai mẹ con cô này tuy xấu nhưng còn được nhiều người xúm quanh hơn nữa.
 
Bà Peronxkaya chỉ một bà đang đi qua gian phòng cùng với một cô con gái rất xấu.

- Đó là một "đám" triệu phú, - Bà nói - Và đây là những người cầu hôn.

- Đây là em trai của Bezukhov phu nhân - Anatol Kuraghin, - bà vừa nói tiếp vừa chỉ một sĩ quan kỵ mã cận vệ rất tuấn tú đang đi qua cạnh họ, đầu cất cao, mắt đưa qua đầu các cô các bà nhìn vào một chỗ nào không rõ.

- Đẹp trai thật, có phải không nào? Nghe nói họ xếp đặt cho anh ta lấy cái cô giàu sụ kia. Cả cái cậu cháu họ của bà nữa, Boris Drubeskoy ấy mà, cũng cố sống chết lao vào. Nghe nói cô ta giàu bạc triệu còn ai nữa, chính sứ thần Pháp đấy mà - bà nói với bá tước phu nhân vì bây giờ phu nhân vừa chỉ Colanhour hỏi xem ông ta là ai. - Bà xem, trông cứ như một vị hoàng đế. Nói chứ người Pháp họ dễ ưa thật, rất dễ ưa.
Trên trường giao tế, không ai đáng yêu hơn họ. À, đây rồi!

- Không, Maria Antonovna của chúng ta vẫn đẹp hơn cả! Mà ăn mặc giản dị quá! Tuyệt thật!

- Còn cái anh chàng kia, to béo, đeo kính ấy, - bà Peronxkaya chỉ Piotr nói tiếp - Một anh hội viên Tam điểm toàn thế giới đấy. Thử đặt anh ta bên cạnh vợ mà xem: đúng là một anh hề chính cống.
   
Piotr đung đưa cái thân hình to béo của mình đi giữa đám đông, vừa gật đầu chào bên này một cái, bên kia một cái, cũng hiền lành lơ đễnh như đi ở giữa chợ. Chàng rẽ đám đông ra mà đi, có vẻ như đang tìm kiếm người nào.
   
Natasa vui mừng nhìn khuôn mặt quen thuộc của Piotr, cái anh hề chính cống như bà  Peronxkaya vừa nói. Nàng biết rằng Piotr đang tìm gia đình Roxtov, và đặc biệt là tìm nàng, vì Piotr có hứa với nàng sẽ đến dự vũ hội và sẽ giới thiệu bạn nhảy cho nàng.
     
Nhưng chưa đi đến gia đình Roxtov đứng, Piotr đã dừng lại cạnh một người trẻ tuổi rất đẹp trai, tóc đen, vóc người tầm thước, mình mặc quân phục trắng. Bấy giờ người ấy đang đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với một người đàn ông rất cao lớn đeo dây thao và ngực đầy huân chương. Natasa nhận ra ngay người trẻ tuổi, mặc quân phục trắng ấy: đó là Andrey Bolkonxki.

- Lại một người quen nữa kìa, mẹ thấy không? Ông Bolkonxki đấy mà? - Natasa chỉ công tước Andrey nói. - Mẹ có nhớ không, ông ấy có bận ở lại nhà ta ở Otradnoye đấy.

- À gia đình bà cũng có quen? - bà Peronxkaya nói. - Tôi thì tôi ghét cay ghét đắng. Hiện nay anh ta đang làm mưa làm gió đấy!

Người đâu mà kiêu đến thế. Kiêu thật không lấy đâu chứa cho hết?

- Thật giống bố. Anh ta vừa liên kết Xperanxki, hai người cùng viết những bản dự thảo dự thiếc gì đấy. Bà xem anh ta đối xứ với nữ giới kìa! Cô ấy đang nói với anh ta, thế mà anh ta lại quay mặt đi. Với tôi mà như thế thì tôi sửa cho một trận ấy chứ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:05:45 pm
Phần VI
Chương - 16
     
Bỗng trong phòng nhốn nháo hẳn lên, đám đông bắt đầu xôn xao, ùa tới rồi lại giãn ra, và giữa hai dãy người đứng dạt ra hai bên, nhà vua bước vào phòng trong tiếc nhạc mới cử lên. Tiếp theo sau là hai vợ chồng chủ nhân. Nhà vua đi rất nhanh, gật đầu chào bên phải, bên trái, có vẻ như muốn sao cho chóng thoát khỏi cái phút gặp gỡ chào đón lúc đầu này. Các nhạc công cử một vũ khúc Ba Lan có tiếng hồi bấy giờ soạn ra để tặng hoàng thượng. Lời của bài vũ khúc bắt đầu như sau: "Alekxandr. Elizaveta, chúng tôi ngưỡng mộ hai Ngài". Nhà vua bước vào phòng khách, đám đông chen chúc ở các cửa lớn; mấy nhân vật vội vã ra vào, vẻ mặt luôn luôn thay đổi cho hợp thức. Được một lúc đám đông lại giãn ra xa cửa phòng khách, vì bấy giờ nhà vua vừa hiện ra trên khung cửa, đang nói chuyện với nữ chủ nhân. Một thanh niên có vẻ mặt hoảng hốt tiến lên phía các mệnh phụ và các tiểu thư yêu cầu họ lùi về một bên.
   
Có mấy bà khách với vẻ mặt tỏ ra đã quên hết những quy ước xã giao, cố sức chen ra phía trước, làm hỏng cả áo, rối cả tóc. Khách nam giới bắt đầu tiến lại gần các khách nữ giới xếp thành đôi để nhảy vũ điệu Ba Lan.
   
Mọi người đều giãn ra, và nhà vua, vẻ mặt tươi cười, chân đi không theo nhịp, cầm tay nữ chù nhân từ cửa phòng khách bước ra. Tiếp theo là chủ nhân ông với phu nhân M.A Naryskina, rồi đến các sứ thần, các quan thượng thư, các vị tướng tá. Bà Peronxkaya không ngớt miệng kể tên họ ra cho vợ chồng Roxtov nghe. Hơn một nửa các tân khách nữ giới đã có bạn nhảy nam và bắt đầu đi hay đang sửa soạn đi theo nhịp Ba Lan vũ. Natasa cảm thấy mình cùng với mẹ và Sonya bị rớt lại trong các thiểu số các cô các bà bị ép vào sát tường và không được mời vào nhảy vũ điệu Ba Lan. Nàng đứng yên, hai cánh tay mảnh dẻ buông thõng xuống bộ ngực mới nhú phập phồng lên xuống đều đặn. Natasa nín thở, đôi mắt hoảng sợ sáng long lanh nhìn thẳng ra trước mặt, vẻ như sẵn sàng đón lấy tất cả những gì sắp đến, dù là nỗi vui sướng tuyệt trần hay nỗi buồn ghê gớm nhất. Hoàng thượng cũng như các nhân vật quan trọng mà bà Peronxkaya đã chỉ tên, nàng đều không để tâm đến, trong tâm trí nàng chỉ có một ý nghĩ: "Chả nhẽ không có ai đến mời mình, chả nhẽ mình không được khiêu vũ cùng với những người khiêu vũ trước tiên. Chả nhẽ tất cả những người đàn ông ấy không có ai để ý đến mình ư? Phải, bây giờ họ hình như không trông thấy mình nữa, và nếu có nhìn mình, thì cũng nhìn với cái vẻ như muốn nói: À? Không phải nàng, nhìn làm gì? Không, không thể như thế được! - Nàng nghĩ thầm - Họ phải biết rằng mình muốn nhảy lắm, mình khiêu vũ rất khá và nhảy với mình vui lắm chứ có phải không đâu".
   
Những âm điệu của vũ khúc Ba Lan đã kéo dài khá lâu, và bây giờ Natasa nghe nó buồn buồn như một kỷ niệm. Nàng muốn khóc.
     
Bà Peronxkaya đã đi chỗ khác. Bá tước Roxtov bấy giờ đang ở cuối phòng đằng kia, còn bá tước phu nhân, Sonya và nàng thì đứng một mình trong đám người xa lạ, như giữa một cánh rừng, chẳng ai quan tâm; chẳng ai cần đến.    Công tước Andrey cùng với một tiểu thư nào đấy lướt qua trước mặt họ. Hình như chàng không nhận ra mẹ con nàng. Chàng Anatol tuấn tú tươi cười nói một câu gì với cô tiểu thư mà chàng dẫn theo bước nhảy, và đưa mắt nhìn Natasa như nhìn một bức tường. Boris hai lần đi ngang qua mặt họ mà lần nào cũng quay mặt sang phía khác. Berg cùng với vợ bấy giờ không khiêu vũ, đi lại gần chỗ họ đứng.
   
Natasa thấy cái cảnh vợ chồng gần gũi như vậy trong một buổi vũ hội là rất chướng; làm như không có chỗ nào để cho hai vợ chồng nói chuyện, phải đến vũ hội mà nói! Nàng không nghe và không nhìn Vera bây giờ đang nói gì với nàng về cái áo xanh lá mạ của mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:06:18 pm
Cuối cùng nhà vua dừng lại bên cạnh bà bạn nhảy sau cùng của ngài (ngài khiêu vũ với ba người), âm nhạc ngừng; một viên sĩ quan phụ tá có vẻ lo lắng cuống quýt chạy đến chỗ gia đình Roxtov đứng yêu cầu họ lùi cho tí nữa, chả biết lùi đến đâu: bây giờ họ đã đứng sát tường. Và từ trên bao lơn vọng xuống những âm thanh tách bạch, nhịp nhàng, khoan thai và lôi cuốn của điệu vaxơ. Nhà vua mỉm cười đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt. Một phút trôi qua vẫn chưa có ai bắt đầu. Viên sĩ quan phụ tá có nhiệm vụ điều khiển vũ hội đến gần bá tước phu nhân Bezukhova và mời nhảy.
     
Nàng mỉm cười đưa tay đặt lên vai viên sĩ quan phụ tá, mắt không nhìn vào người bạn nhảy. Viên sĩ quan điều khiển của hội, vốn đã điêu luyện trong nghề của mình, ôm chặt người bạn nhảy trong tay, bước những bước chắc chắn, ung dung và nhịp nhàng bắt đầu đi một vũ hình lượn vòng quanh. Đến góc phòng viên sĩ quan nắm lấy tay trái của nàng, quay ngược lại, và qua tiếng nhạc ngày càng dồn dập chỉ nghe tiếng cựa giày trên đôi chân nhanh nhẹn và khéo léo của viên sĩ quan lách cách theo điệu đàn, và cứ ba nhịp một tà áo nhung của cô bạn nhảy lại theo đà quay mà bùng lên như ngọn lửa, toả rộng ra, Natasa nhìn họ nhảy và chỉ chực khóc vì không được nhảy vòng vanxơ đầu tiên này.

Công tước Andrey trong bộ quân phục trắng của đại tá kỵ binh, chân đi giày rất cao, tươi cười và phấn chấn, đang đứng ở những hàng đầu của vòng người đang chờ nhảy, cách chỗ nhóm Roxtov đứng không xa. Nam tước Firhof đang nói chuyện với chàng về phiên họp Hội đồng Quốc gia lần thứ nhất sẽ họp vào ngày mai.
     
Công tước Andrey với tư cách người thân cận với Xperanxki và lại có tham dự vào công việc của Uỷ ban soạn luật, có thể cung cấp những thông tin chính xác về phiên họp sắp đến mà nay người ta đang xôn xao bàn tán. Nhưng chàng không nghe Firhof nói gì cả, chàng hết nhìn vua lại nhìn các tân khách đang sửa soạn ra nhảy nhưng chưa dám đi vào vòng.
     
Công tước Andrey để ý quan sát các khách nhảy nam giới đã trở nên rụt rè vì có mặt hoàng thượng và các tiểu thư đang hồi hộp mong có người đến mời mình nhảy.

Piotr đến cạnh công tước Andrey và nắm lấy tay chàng nói:

- Anh xưa nay vẫn sẵn lòng khiêu vũ. Ở đây có cô bạn nhỏ của tôi là tiểu thư Roxtov, anh mời cô ấy nhảy đi.

- Đâu? - Bolkonxki hỏi, rồi quay sang phía nam tước Firhof, chàng nói - Xin lỗi ngài nhé, câu chuyện này có dịp khác ta sẽ nói cho hết, chứ trong một buổi vũ hội thì phải khiêu vũ.
Chàng đi thẳng về phía Piotr vừa chỉ cho chàng. Vẻ mặt hồi hộp, tuyệt vọng của Natasa đập ngay vào mắt chàng. Chàng nhận ra cô bé Otradnoye và đoán được cảm xúc của nàng, hiểu rằng nàng đang dự buổi vũ hội đầu tiên, nhớ lại câu chuyện của nàng bên cửa sổ.
   
Vẻ mặt tươi cười, chàng lại gần bá tước phu nhân Roxtov.

- Xin phép giới thiệu với ngài đứa con gái nhỏ của tôi - bá tước phu nhân đỏ mặt nói.

- Tôi đã có hân hạnh được quen bá tước tiểu thư nếu tiểu thư còn nhớ tôi, - công tước Andrey vừa nói vừa lễ phép cúi mình rất thấp chào nàng, một cử chỉ hoàn toàn trái ngược với lời bình phẩm của bà Peronxkaya về thói thô lỗ của chàng. Công tước Andrey lại gần Natasa và chưa nói xong câu mời nhảy đã đưa tay ra ôm lấy thân nàng. Chàng mời Natasa nhảy một vòng Valse. Vẻ mặt thẫn thờ của Natasa, vẻ mặt như sẵn sàng đón lấy tất cả dù là hân hoan hay tuyệt vọng, vụt sáng lên với một nụ cười sung sướng, đầy lòng biết ơn, ngây thơ như nụ cười của con trẻ.
     
Và trong khi vừa hoảng sợ vừa sung sướng đưa tay đặt lên vai công tước Andrey, nụ cười của nàng nở qua những giọt nước mắt sắp trào ra dường như muốn nói: "Em đợi anh từ lâu lắm rồi".
   
Họ là cặp thứ hai bước vào vòng. Công tước Andrey là một trong những người khiêu vũ giỏi nhất thời ấy. Natasa cũng nhảy rất đẹp. Đôi chân bé nhỏ đi giày xa tanh trắng của nàng nhẹ nhàng thoăn thoắt tưởng như nàng không phải điều khiển một tí nào, còn gương mặt nàng thì sáng bừng lên vì mừng rỡ và sung sướng. Cổ và đôi tay để trần của nàng gày và không đẹp. So với đôi vai của Elen, vai nàng mỏng, ngực nàng chưa thành hình, tay nàng mảnh khảnh; nhưng trên người Elen như đã có một lớp sơn của hàng nghìn cái nhìn mơn trớn phủ lên thân hình, còn Natasa thì như một cô bé lần đầu tiên phải mặc áo hở vai, và giả sử người ta không quả quyết nói với cô ta rằng nhất thiết phải như thế mới được thì cô ta sẽ xấu hổ lắm.
   
Công tước Andrey vốn thích khiêu vũ; muốn thoát cho nhanh ra khỏi những câu chuyện về chính trị và những câu chuyện nghiêm túc mà ai cũng muốn nói với chàng, và muốn phá tan cái không khí ngượng ngập trước mặt hoàng thượng đang làm cho chàng rất bực mình, chàng đã ra nhảy, và chàng chọn Natasa là vì Piotr đã giới thiệu với chàng, và vì nàng là người đầu tiên trong số các thiếu nữ xinh xinh mà chàng tình cờ trông thấy. Nhưng công tước Andrey vừa ôm lấy tấm thân mảnh dẻ, linh hoạt của Natasa và trông thấy nàng cử động sát người chàng, mỉm cười với chàng, thì chất men nồng đượm của Natasa đã làm cho chàng ngây ngất: chàng thấy mình trẻ lại và tràn đầy một sinh khí mới mẻ sau khi chàng dừng lại nghỉ sức, dẫn nàng về chỗ cũ và đứng nhìn những người đang khiêu vũ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:07:37 pm
Phần VI
Chương - 17

Sau công tước Andrey, Boris đến mời Natasa nhảy sau đó lại có viên sĩ quan phụ tá đã mở đầu vũ hội, rồi đến mấy người thanh niên nữa. Thỉnh thoảng Natasa lại phải chuyển bớt bạn nhảy của mình cho Sonya. Mặt đỏ ửng và tươi cười sung sướng, nàng khiêu vũ không ngừng suốt cả buối tối. Nàng không hề để ý và không hề trông thấy những điều mà mọi người chăm chú theo dõi trong buổi vũ hội này. Nàng không những không nhận thấy rằng nhà vua nói chuyện rất lâu với sứ thần Pháp, không thấy Người đặc biệt ân cần hỏi chuyện một vị mệnh phụ nào đó, không nhận thấy vị hoàng thân này, vị hoàng thân kia làm những gì, và nói những gì, không nhận thấy Elen được mọi người trầm trồ ca ngợi và được vị này vị nọ đặc biệt chú ý; tất cả những cái đó, nàng không nhận thấy đã đành, nhưng có điều lạ hơn nữa là nàng tuyệt nhiên không nhìn thấy cả hoàng thượng nữa, và sở dĩ đến một lúc nào đó nàng nhận thấy nhà vua đã ra về thì cũng chỉ vì sau đó vũ hội tưng bừng hẳn lên.
   
Trước bữa ăn khuya trong một điệu Cotillon(1) rộn rã tươi vui, công tước Andrey lại nhảy với Natasa. Chàng nhắc cho Natasa nhớ lại buổi gặp đầu tiên trên lối đi vào khu vườn dinh thự Otradnoye và cái đêm sáng trăng mà nàng không ngủ được và chàng đã vô tình nghe lỏm những câu nói của nàng. Nghe nhắc đến chuyện ấy Natasa đỏ mặt và cố thanh minh, tưởng chừng như trong những cảm xúc của nàng đêm hôm ấy có một cái gì đáng cho nàng hổ thẹn.
   
Công tước Andrey, cũng như tất cả những người đã lớn lên trong giới xã giao, vẫn thích gặp ở những nơi giao tế một cái gì không mang khuôn sáo chung của môi trường này. Và Natasa chính là con người như vậy, với vẻ ngơ ngác, mừng rỡ và rụt rè của nàng, và ngay cả những chỗ nhầm của nàng trong khi nói tiếng Pháp.

Chàng đặc biệt dịu dàng và trân trọng trong khì tiếp xúc và nói chuyện với nàng về những điều hết sức giản dị và nhỏ nhặt, công tước Andrey ngắm ánh mắt long lanh và nụ cười vui sướng của nàng, nụ cười không dính dáng đến những điều đang nói, mà toát ra từ niềm vui sướng trong tâm hồn nàng. Mỗi khi Natasa được mời, mỉm cười đứng dậy, và bắt đầu khiêu vũ quanh phòng, công tước Andrey đặc biệt chú ý đến dáng người uyển chuyển mà rụt rè của nàng. Giữa điệu Cotillon. Natasa vừa nhảy xong một vũ hình liền trở về chỗ, nàng đang thở hổn hển thì một khách nhảy nam giới đã đến mời nàng. Natasa mệt lắm và hình như toan từ chối, nhưng chợt lại vui vẻ đưa tay để lên vai người khách nhảy và quay lại mỉm cười với công tước Andrey.

"Tôi cũng muốn nghỉ và ngồi với anh một lát, tôi mệt rồi; nhưng anh cũng thấy đấy, họ mời tôi nhảy, và tôi cũng mừng, tôi cũng sung sướng thấy họ chọn mình, và tôi quý hết thảy mọi người, và cũng như tôi, chúng mình đều hiểu tất cả những điều đó" - nụ cười của Natasa còn nói nhiều, nhiều điều khác nữa. Khi người bạn nhảy rời Natasa, nàng chạy qua gian phòng để rủ hai người con gái khác cùng ghép thành bộ cho các vũ hình sắp tới.
   
"Nếu nàng đến rủ cô chị họ trước, rồi đến một cô khác, thì nàng sẽ là vợ ta" - bỗng dưng công tước Andrey tự nhủ như vậy trong khi nhìn nàng, và chính chàng cũng không ngờ mình lại có một ý nghĩ đột ngột như vậy, Natasa đến rủ Sonya trước.
     
"Đôi khi người ta có những ý nghĩ thật nhảm nhí! - Công tước Andrey nghĩ thầm, - Nhưng có một điều chắc chắn là cô bé này rất đáng yêu và đặc biệt như thế, thì chỉ khiêu vũ ở đây một tháng là có người hỏi ngay… Người như cô ấy ở đây hiếm lắm" - chàng nghĩ thầm khi Natasa vừa sửa lại đoá hoa hồng cài trên ngực vừa ngồi xuống cạnh chàng.
   
Cuối điệu Cotillon, lão bá tước Roxtov với bộ lễ phục màu xanh của ông đến gần hai người đang nhảy. Ông mời công tước Andrey ghé nhà chơi và hỏi con gái xem nàng có vui không. Natasa không đáp chỉ mỉm cười, một nụ cười nũng nịu như có ý trách: "Điều đó mà ba còn phải hỏi sao?".

- Chưa bao giờ con thấy vui như thế này! - Natasa nói và công tước Andrey để ý thấy đôi tay mảnh dẻ của nàng đưa lên rất nhanh để ôm hôn cha rồi buông xuông ngay. Natasa sung sướng lắm, chưa bao giờ nàng thấy sung sướng như hôm nay.
   
Nàng đang sống trong cái tâm trạng hạnh phúc đến tột độ nó làm người ta tốt hẳn lên và không tin ràng trên đời lại có thể có điều ác có buồn khổ được.
   
Trong buổi vũ hội này Piotr lần đầu tiên cảm thấy nhục vì cái địa vị của vợ chàng trong giới thượng lưu tai mắt. Chàng lầm lì và lơ đễnh.  Trên trán chàng một nếp hằn rộng vắt ngang, và chàng đứng bên một khung cửa sổ nhìn qua cặp kính trắng, nhưng chẳng trông thấy gì cả.

Trong khi đi sang phòng ăn dùng bữa khuya. Natasa đi ngang trước mặt chàng.
   
Vẻ mặt sa sầm, khổ sở của Piotr khiến nàng kinh ngạc. Nàng dừng lại trước mặt chàng. Nàng muốn giúp đỡ Piotr trút bớt sang cho chàng một phần sung sướng thừa thãi của mình.

- Vui quá bá tước nhỉ, - nàng nói, - Có phải không nào?

Piotr ngơ ngác mỉm cười, hẳn là không hiểu người ta vừa nói gì với mình.

- Vâng, rất hân hạnh, - chàng đáp.
   
"Làm sao họ còn có thể có điều gì buồn bực được nhỉ, - Natasa nghĩ thầm, - Nhất là một người tốt như Bezukhov". Dưới mắt Natasa, tất cả những người dự buổi vũ hội đều hiền lành, đều đáng yêu như nhau, đều là những người rất tốt biết yêu quý nhau, cho nên tất cả lẽ ra phải sung sướng mới phải.

===================================================

Chú thích:

(1) Một điệu vũ nhảy bốn người một, gồm có nhiều điệu khúc khác nhau chen với những trò chơi: thường kết thúc một vũ hội lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:08:26 pm
Phần VI
Chương - 18
   
Ngày hôm sau công tước Andrey nhớ lại buổi vũ hội tối qua, nhưng chàng không nghĩ nhiều đến nó: "Phải, buổi vũ hội rất lịch sự. Và lại còn… phải, cô Roxtov rất dễ thương. Ở cô ta có một cái gì tươi mát, đặc biệt, không Petersburg một tí nào, làm cho cô ta khác hẳn những người khác". Về buổi vũ hội hôm qua chàng chỉ nghĩ có thế, và sau khi uống trà, chàng ngồi vào bàn làm việc.
     
Nhưng không biết vì mệt hay mất ngủ, ngày hôm đó công tước Andrey thấy khó lòng có thể làm việc được. Quả nhiên chàng không làm được việc gì cả; chàng chỉ ngồi tự phê phán công việc của mình như thỉnh thoảng vẫn làm, và rất mừng khi nghe người nhà báo có khách đến.

Người khách đó là Bitxki, hiện đang làm việc trong nhiều tiểu ban khác nhau, giao thiệp với đủ các giới ở Petersburg, một người say mê theo đuổi các tư tưởng mới, rất mực thán phục Xperanxki và là một người truyền tin rất sốt sắng ở Petersburg. Bitxki thuộc hạng người chọn khuynh hướng chính trị như chọn áo - chọn theo thời trang, nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ là người hăng hái nhất trong khi bênh vực các khuynh hướng. Vừa kịp bỏ mũ, Bitxki đã xun xoe chạy vào trong phòng công tước Andrey và lập tức bắt đầu nói. Ông ta vừa biết được những chi tiết về phiên họp của Hội đồng Quốc gia sáng nay do hoàng thượng khai mạc, nên vội đem ra kể say sưa. Bài diễn văn của hoàng thượng thật phi thường. Đó là bài diễn văn mà chỉ có các vị vua lập hiến mới có được. "Hoàng thượng nói thẳng ra rằng Hội đồng quốc gia và nguyên lão viện là những đẳng cấp của Nhà nước, rằng việc cai trị không thể dựa trên cơ sở chuyên quyền, mà phải dựa trên những nguyên lý cứng rắn. Hoàng thượng nói rằng tài chính phải được cải cách lại và những bản báo cáo tàì chính phải được đưa ra trước công chúng". - Bitxki kể lại, cố ý nhấn mạnh một số từ ngữ và giương mắt lên có vẻ bao hàm nhiều ý nghĩa.

- Phải, sự kiện hôm nay là cả một kỷ nguyên, kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, - Bitxki kết luận.
     
Công tước Andrey nghe Bitxki kể lại buổi khai mạc Hội đồng Quốc gia mà lâu nay chàng đã nóng lòng chờ đợi và vẫn xem như một việc hết sức quan trọng, nhưng lấy làm lạ rằng bây giờ, sau khi nó đã diễn ra rồi, không những chàng không thấy xúc động gì cả, mà lại còn thấy sự việc đó càng vô nghĩa hơn. Chàng nghe Bitxki say sưa kể, lòng thầm chế giễu ông ta. Một ý nghĩ hết sức đơn giản hiện ra trong tâm trí chàng:
"Nhà vua thích nói thế này hay thế khác ở Hội đồng thì việc đó có gì dính dáng đến ta hay đến Bitxki? Tất cả những thứ đó có làm cho ta sung sướng hơn hay tốt hơn lên đâu?".
   
Và lập luận đơn giản đó trong một nhoáng đã thủ tiêu hết sự quan tâm trước kia của công tước Andrey đối với những cuộc cải cách đang diễn ra. Cũng ngày hôm ấy công tước Andrey sẽ phải dự ở nhà Xperanxki một bữa tiệc thân mật như chủ nhân có nói khi mời chàng. Trước đây công tước Andrey rất quan tâm đến bữa tiệc này: đó là một bữa tiệc ăn thân mật trong phạm vi gia đình và bằng hữu của một con người mà chàng rất khâm phục, đã thế cho đến nay chàng chưa hề được thấy Xperanxki trong cảnh sinh hoạt ở nhà; Nhưng bây giờ chàng không muốn đi.
     
Tuy vậy đến giờ đã định, công tước Andrey cũng bước vào ngôi nhà riêng nho nhỏ của Xperanxki ở cạnh vườn Taorich. Công tước Andrey đến gian phòng ăn lát sàn gỗ bóng của ngôi nhà sạch sẽ lạ thường (nhắc nhở nếp sống sạch sẽ ở tu viện) hơi muộn, nên khi vào đã thấy tất cả cái nhóm thân mật của những người quen thân Xperanxki đã tề tựu đông đủ. Phía phụ nữ không có ai ngoài đứa con nhỏ của Xperanxki khuôn mặt dài dài giống bố, và người nữ gia sư trông nom cô bé. Tân khách thì có Zerve, Marnitxki và Xtolypin.
     
Ngay từ phòng ngoài công tước Andrey đã nghe những giọng nói rất to và một tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng - tiếng cười của các diễn viên trên sân khấu. Một giọng cười giống của Xperanxki buông ra từng tiếng tách bạch: ha… ha… ha… công tước Andrey chưa lần nào nghe Xperanxki cười, nên tiếng cười giòn giã, thanh thanh của nhà chính trị gây cho chàng một ấn tượng kỳ quặc.
   
Công tước Andrey bước vào phòng ăn. Khách và chủ đang đứng ở khoảng giữa hai cửa sổ, bên cạnh một chiếc bàn con bày mấy thức khai vị. Xperanxki ngoài mặc lễ phục xám, đeo một ngôi sao, trong mặc gi-lê trắng và thắt khăn trắng, chắc hẳn vẫn là để treo cổ như thường lệ, chiếc gi-lê và chiếc khăn ông dã mang trong phiên họp trứ danh của Hội đồng Quốc gia, đang đứng cạnh bàn, sắc mặt vui vẻ. Các tân khách đứng quây quần quanh ông.
     
Marnitxki đang kể một mẩu giai thoạn cho Mikhail Mikhailovich. Xperanxki lắng nghe, cười trước để tán thưởng những điều mà Marnitxki sắp nói ra. Khi công tước Andrey bước vào phòng, tiếng của Marnitxki lại bị lấp dưới một trận cười. Xtolypin cười rất to, giọng ồ ồ, trong khi nhai miếng bánh mì cặp phó-mát; Zerve thì cười khì khì, giọng khe khẽ, còn Xperanxki thì cười thanh thanh, giòn giã nghe rõ từng tiếng.
   
Xperanxki trong khi vẫn còn cười chưa dứt, giơ bàn tay trắng, mềm ra cho công tước Andrey, nói:

- Rất sung sướng được gặp công tước. Xin phép một chút… - Ông quay sang Marnitxki, ngắt quãng câu chuyện của ông ta - Hôm nay chúng ta giao hẹn với nhau như thế này nhé: đây là một bữa tiệc vui thôi, không ai được nói một câu nào về công việc đấy. - Nói đoạn lại quay sang người kể chuyện và lại cất tiếng cười ha hả.

Công tước Andrey ngạc nhiên và thất vọng nghe tiếng cười của Xperanxki. Chàng có cảm giác như đó là một người khác chứ không phải Xperanxki nữa. Tất cả những gì ở Xperanxki mà trước đây công tước Andrey thấy là bí ẩn và đầy sức hấp dẫn thì nay chàng bỗng thấy nó rõ ràng giản dị và chẳng có gì hấp dẫn nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:09:16 pm
Bên bàn tiệc, câu chuyện không phút nào ngớt và dường như là một cuộc lượm lặt những mẩu giai thoại buồn cười. Marnitxki chưa kịp câu chuyện đang kể thì đã có một người khác tỏ ý sẵn sàng kể một chuyện gì còn buồn cười hơn. Phần lớn các giai thoại nếu không đả động ngay đến cái thế giới quan trường, thì cũng dính dáng đến các nhân vật trong quan trường. Hình như đối với nhóm người này sự vô nghĩa của các nhân vật ấy đã là một điều quá hiển nhiên, cho nên đối với họ chỉ có thể là thái độ duy nhất là giễu cợt một cách hiền lành nữa mà thôi. Xperanxki kể rằng trong phiên họp Hội đồng sáng nay có lần người ta hỏi một ông quan đại thần đại điếc xem ý kiến của ông ta thế nào, thì ông ta trả lời là: "Vâng, tôi đồng ý với ngài".  Zerve kể lại cả một vụ thẩm tra rất đáng chú ý vì sự ngu xuẩn của tất cả những người tham dự. Xtolypin vừa nói đáp, vừa xen vào câu chuyện và bắt đầu nói rất hăng về những lối lộng hành dưới trật tự cũ. Ông ta làm cho câu chuyện có cơ xoay sang hướng nghiêm túc. Marnitxki bắt đầu chế giễu các lối bốc đồng của Xtolypin. Zerve chêm một câu nói đùa, và câu chuyện lại quay về hướng bông đùa như cũ.
   
Hẳn là Xperanxki sau khi làm việc mệt nhọc thích nghỉ ngơi và vui chơi với bạn bè, và tất cả các tân khách của ông vốn hiểu điều đó nên cố sức làm cho ông vui và cũng tự mua vui cho mình.
     
Nhưng công tước Andrey cảm thấy cái vui này có một cái gì nặng nề khó nhọc và chẳng vui tí nào cả. Giọng nói thanh thanh của Xperanxki gây cho chàng một cảm giác khó chịu và tiếng cười không ngớt có một âm sắc lạc lõng không hiểu tại sao khiến cho chàng thấy chạnh lòng như bị xúc phạm. Công tước Andrey không cười và cứ lo rằng chủ và khách sẽ thấy khó chịu vì chàng. Nhưng không có ai để ý thấy chàng không ăn ý với không khí vui chung.
     
Mọi người đều có vẻ rất vui. Mấy lần chàng định góp chuyện, nhưng mỗi lần như thế lời của chàng lại bị gạt ra ngoài, như một cái nút chai bật lên trên mặt nước; Và chàng không thể nào cùng đùa bỡn với họ được.
   
Trong những điều họ nói không có gì nhảm nhí hoặc không đúng chỗ, tất cả những lời lẽ của họ đều ý nhị và lẽ ra phải rất buồn cười; nhưng có một cái gì làm thành ý vị của niềm vui thì không những họ thiếu hẳn, mà thậm chí họ cũng không hề biết là có một cái gì như vậy.
   
Sau bữa tiệc, đứa con gái của Xperanxki và người nữ gia sư đứng dậy. Xperanxki đưa bàn tay trắng trẻo ra vuốt má con gái và hôn nó. Cả cử chỉ này nữa, công tước Andrey cũng có cảm tưởng là không tự nhiên.
   
Theo lối Anh, nam giới vẫn ngồi lại bàn tiệc ăn uống rượu Porto. Họ bắt đầu nói chuyện về những cuộc hành quân của Napoléon ở Tây Ban Nha; ai nấy đều đồng ý với nhau tán thành những cuộc chinh phạt đó, trừ công tước Andrey: giữa chừng câu chuyện, chàng bắt đầu phản bác lại ý họ. Xperanxki mỉm cười và hẳn là muốn lái câu chuyện sang hướng khác, kể một mẩu giai thoại không liên quan gì đến câu chuyện đang bàn. Mọi người đều im lặng một lát.
     
Ngồi được một lúc, Xperanxki đậy nút chai rượu lại nói: "Dạo này rượu hiếm lắm" rồi trao chai rượu cho người đầy tớ và đứng dậy. Mọi người đều đứng dậy theo và vẫn trò chuyện rôm rả, đi sang phòng khách. Người nhà vào đưa cho Xperanxki phong thư mà người liên lạc vừa mang lại. Ông cầm lấy và đi vào phòng làm việc.

Xperanxki vừa đi khỏi thì mọi người đều im bặt và các tân khách bắt đầu thì thầm bàn bạc với nhau.
     
Xperanxki trong phòng làm việc bước ra nói:

- Nào, bây giờ đến lúc ngâm thơ! - Ông quay sang công tước Andrey nói tiếp - Ông Marnitxki đây thật là một tài năng phi thường.
   
Marnitxki lập tức đứng lên lấy dáng diệu và bắt đầu ngâm một bài thơ khôi hài bằng tiếng Pháp do ông ta soạn ra để châm biếm một số nhân vật tai mắt ở Petersburg, cử toạ mấy lần vỗ tạy ở giữa chừng bài thơ. Marnitxki ngâm xong, công tước Andrey lại gần Xperanxki để cáo từ.

- Hãy còn sớm, công tước đi đâu bây giờ? - Xperanxki hỏi.

- Tôi có hứa sẽ đến dự buổi tiếp tân của…
   
Hai người im lặng một lúc. Công tước Andrey nhìn thẳng vào cặp mắt lạnh lùng, kín như bưng của Xperanxki và tự dưng thấy buồn cười không hiểu sao mình lại có thể đi chờ mong một điều gì

Ở Xperanxki và ở tất cả những công việc của mình cùng làm với ông ta. Chàng cười thầm thấy lấy làm lạ mình có thể coi trọng những việc Xperanxki làm.
   
Công tước Andrey ra khỏi nhà Xperanxki rồi, mà tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng và tẻ nhạt ấy vẫn văng vẳng mãi bên tai chàng.
     
Về đến nhà, công tước Andrey ngồi ôn lại cuộc sống của mình ở Petersburg trong bốn tháng gần đây như nhớ đến một cái gì mới mẻ.

Chàng nhớ lại những công việc lo toan, chạy vạy của chàng, câu chuyện bản dự án quy chế quân sự của chàng đã được nhận xét duyệt nhưng rồi lại bị người ta cố dìm đi chỉ vì đã có một bản khác, rất tồi, thảo xong và trình lên hoàng thượng; chàng nhớ lại những phiên họp của tiểu ban, trong đó có Berg dự; chàng nhớ rằng trong những phiên họp ấy người ta đã bàn rất kỹ và rất lâu về tất cả những vấn đề liên quan đến hình thức và cách tiến hành các buổi họp của tiểu ban, và đã cẩn thận tránh và bỏ qua nhanh tất cả những vấn đề liên quan đến thực chất của công việc. Chàng nhớ lại bản dự thảo luật pháp của chàng, nhớ đến việc chàng đã sốt sắng dịch các điểu khoản trong hai bộ luật La Mã và của Pháp ra tiếng Nga, và chợt thấy xấu hổ cho mình… Rồi chàng hình dung rõ ràng thấy thôn Bogutsarovo, những công việc của chàng ở thôn quê, chuyến đi Ryazan, chàng nhớ lại những người nông dân, viên thôn trưởng Dron, nhớ mình đã thử áp dụng từng khoản một trong chương Nhân quyền đối với họ, và thấy ngạc nhiên không hiểu tại sao trong bấy nhiêu lâu nay mình lại có thể cặm cụi làm một công việc vô bổ như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:09:58 pm
Phần VI
Chương - 19
     
Ngày hôm sau công tước Andrey đi thăm mấy nhà quen mà chàng chưa lần nào đến, trong số đó có gia đình Roxtov mà chàng vừa gặp lại trong buổi vũ hội vừa rồi. Ngoài những quy tắc xã giao buộc chàng đến nhà Roxtov, công tước Andrey còn muốn gặp lại trong không khí gia đình người con gái đặc biệt hoạt bát đã để lại cho chàng một kỷ niệm thú vị như thế.
     
Natasa là một trong những người đầu tiên ra đón chàng. Nàng mặc chiếc áo dài xanh thường mặc trong nhà: khi mặc chiếc áo này, công tước Andrey thấy nàng còn xinh hơn cả khi mặc chiếc áo khiêu vũ nữa:
     
Natasa và cả gia đình Roxtov tiếp công tước Andrey như một người bạn cũ niềm nở và giản dị. Trước kia công tước Andrey phê phán gia đình này rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ chàng thấy cả nhà là những người rất tốt, giản dị và hiền lành. Lão bá tước có một thái độ rất mến khách, niềm nở và hồn hậu, một thái độ thật đặc biệt và đáng quý giữa chốn kinh đô này, đến nỗi công tước Andrey không sao từ chối được khi ông mời chàng ở lại ăn bữa cơm chiều. "Phải đây là những con người hiền hậu, rất tốt - công tước Andrey tự nhủ, - Dĩ nhiên họ không thể biết Natasa của họ quý giá đến nhường nào; nhưng họ là những người tốt, họ là một cái nền rất tốt trên đó nổi bật lên người con gái đáng yêu, nên thơ và tràn đầy sức sống".
   
Công tước Andrey cảm thấy đối với chàng, Natasa là một thế giới đặc biệt, hoàn toàn mới lạ đầy những niềm vui mà chàng chưa hề biết, cái thế giới xa lạ mà hồi nào, trên con đường vào vườn Otradnoye và trong đêm sáng trăng dạo ấy đã từng làm cho chàng xao xuyến, không còn là một thế giới xa lạ nữa; bây giờ chính chàng đang bước vào thế giới đó và tìm thấy ở đó một khoái cảm rất mới mẻ đối với chàng.
     
Sau bữa ăn chiều, theo lời yêu cầu của công tước Andrey, Natasa ngồi bên dương cầm và cất tiếng hát. Công tước Andrey đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với nữ chủ nhân và nghe Natasa hát.

Đang nói dở một câu công tước Andrey bỗng im bặt và đột nhiên cảm thấy nước mắt dâng lên nghẹn ngào ở cổ, một cảm giác mà chàng không thể ngờ là mình lại có thể có được. Chàng nhìn Natasa hát, và trong tâm hồn chàng diễn ra một cái gì đó mới mẻ và vui sướng. Chàng thấy vui sướng, nhưng đồng thời cũng thấy buồn rười rượi. Tuyệt nhiên không có gì đề cho chàng khóc cả, nhưng chàng thấy mình sẵn sàng có thể khóc. Khóc vì cái gì? Vì mối tình trước kia chăng? Vì công tước phu nhân Liza nhỏ nhắn chăng? Vì những nỗi thất vọng của chàng hay vì những niềm hy vọng của chàng về tương lai? Cũng có, mà cũng không. Cái chính cho chàng thấy muốn khóc là chàng chợt nhận ra sự tương phản khủng khiếp giữa một cái gì vô cùng to lớn và không thể hình dung bằng lời nói được đã từng có ở trong chàng, với một cái gì chật hẹp và có thể xác, và cái đó chính là chàng trước kia, mà cũng chính là nàng trước kia nữa. Sự tương phản này vừa khiến chàng khổ tâm, vừa làm chàng vui trong khi nghe nàng hát.
   
Vừa hát xong, Natasa lại gần công tước Andrey và hỏi chàng có thích giọng hát của nàng không. Nàng hỏi chàng như vậy, và sau khi hỏi nàng thấy ngượng ngùng vì đã hiểu ra rằng đó là một điều lẽ ra không nên hỏi. Chàng mỉm cười nhìn nàng và nói rằng chàng thích giọng hát của nàng, cũng như tất cả những gì nàng làm.

Đêm đã khuya, công tước Andrey từ giã gia đình Roxtov ra về.
     
Chàng theo thói quen lên giường nằm nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra rằng mình không thể nào ngủ được. Khi thì chàng đốt nến lên và ngồi trên giường, khi thì đứng dậy, rồi lại đặt lưng nằm xuống giường, tuy không ngủ được mà không hề thấy khó chịu; tâm hồn chàng tươi vui và mới mẻ quá, dường như chàng vừa từ căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng. Chàng cũng không hề nghĩ rằng mình yêu cô Roxtov; chàng không nghĩ đến nàng; chàng chỉ tưởng tượng thấy nàng và do đó cả cuộc đời chàng hiện ra trước mắt chàng dưới một ánh sáng mới.
     
"Tại sao ta lại sống quằn quại như thế, tại sao ta lại vật vã khổ sở trong cái khung chật chội này, khi mà cuộc đời, tất cả những niềm vui của cuộc đời đã mở rộng trước mắt ta?" - Chàng tự nhủ. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng vui sướng bắt tay vào dự tính chuyện tương lai. Chàng tự quyết định là sẽ lo việc giáo dục cho con trai, thuê một người gia sư và giao con cho người đó dạy dỗ. Sau đó phải từ chức và đi du lịch nước ngoài, sang ý, Thuỵ Sĩ, Anh.
     
Ta phải tận hưởng sự tự do của mình, trong khi còn cảm thấy mình còn nhiều sinh lực trẻ trung như thế này, - chàng tự nhủ - Piotr nói đúng: cần phải tin rằng hạnh phúc có thể có được thì mới có thể hướng hạnh phúc, bây giờ ta cũng tin điều đó. Hãy để cho người chết chôn người chết, còn trong khi còn sống thì phải sống và phải sống cho có hạnh phúc".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:10:43 pm
Phần VI
Chương - 20

Một buổi sáng đại tá Alekxandr Berg, mà Piotr có quen như chàng vẫn quen tất cả mọi người ở Petersburg và Moskva, mặc một bộ quân phục sạch sẽ choáng lộn, hai chòm tóc mai xức đầu thơm chải ra phía trước như tóc mai của Hoàng đế Alekxandr Pavlovich, lên xe đến nhà chàng.

Berg mỉm cười nói với Piotr:

- Tôi vừa gặp bá tước phu nhân, quý phu nhân, nhưng rủi ro quá lời thỉnh cầu của tôi đã không được chấp nhận, tôi hy vọng rằng với ngài, thưa bá tước, tôi sẽ được may mắn hơn.

- Thưa đại tá ngài cần việc gì? Tôi xin sẵn sàng hầu ngài.

- Thưa bá tước, nay tôi đã thu xếp xong xuôi gian nhà mới của tôi, - Berg nói, có vẻ như chắc rằng người ta không thể không lấy làm mừng khi được biết điều đó, - cho nên tôi muốn tổ chức gọi là một tối tiếp tân nho nhỏ mời các bạn của tôi và cả nhà tôi (chàng mỉm cười càng tươi tắn hơn). Tôi muốn xin bá tước phu nhân và xin bá tước cho chúng tôi được hân hạnh tiếp ngài ở tệ xá, dùng chén trà và… dùng bữa tối.
   
Chỉ có bá tước phu nhân Elena Vaxilievna, vì cho rằng giao thiệp với hai vợ chồng một anh Berg phất phơ nào đó là quá hạ mình, mới có thể nhẫn tâm từ chối một lời mời như vậy. Berg phân trần cho Piotr hiểu là tại sao chàng lại muốn mời một số ít người quý phái ưu tú đến chơi nhà, tại sao được như thế thì chàng rất hài lòng.
   
Tại sao đối với cờ bạc và những trò chơi nhảm nhí thì chàng tiếc tiền, nhưng đối với việc chiêu đãi các khách quý thì dù có tốn tiền chàng cũng sẵn sàng. Berg giảng giải cặn kẽ đến nỗi Piotr không nỡ từ chối và hứa là sẽ lại.

- Nói vô phép, chỉ xin bá tước đừng đến muộn cho: thế là đúng tám giờ kém mười, xin bá tước nhớ cho. Ta sẽ ngồi dăm ván bài, sẽ có cả vị tướng ở đơn vị chúng tôi đến dự. Ông ta đối với tôi rất tốt. Thưa bá tước chúng ta vẽ dùng bữa tối. Xin bá tước vui lòng quá bộ…
   
Trái thói quen của, chàng là bao giờ cũng đến muộn, hôm đó Piotr đến nhà Berg không phải lúc tám giờ kém mười, mà là lúc tám giờ kém mười lăm.
   
Hai vợ chồng Berg đã sửa soạn những thứ cần thiết cho tối tiếp tân và đã sẵn sàng tiếp khách.

Họ ngồi trong căn phòng khách mới tinh, sạch sẽ, sáng sủa, bày toàn bàn ghế mới, trang hoàng bằng những bức tượng bán thân nho nhỏ và những bức tranh. Berg mặc bộ quân phục mới bó sát vào người ngồi bên cạnh vợ, giảng giải cho vợ nghe rằng bao giờ cũng cần và có cách làm quen với người có địa vị cao hơn mình, vì chỉ có như thế thì việc giao du mới lý thú.
   
"Có thể bắt chước người ta, lại có thể nhờ vả này nọ. Đấy mình xem từ các cấp bậc thấp trở lên tôi sống như thế nào (Berg tính cuộc đời của mình không phải theo tuổi, mà là theo cấp bậc). Bạn bè tôi bây giờ chưa thành cái gì cả, thế mà tôi lại có diễm phúc được làm chồng mình (chàng đứng dậy và lại hôn tay vợ, nhưng trên đường đi cũng nhớ sửa lại cho ngay ngắn cái góc thảm bị gập). Sở dĩ được như vậy là nhờ đâu? Cái chính là nhờ biết chọn người mà giao du. Dĩ nhiên là cũng phải có đức độ và làm việc cho chu đáo".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Giêng, 2011, 09:11:28 pm
Berg mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với người phụ nữ yếu đuối và trầm ngâm nghĩ rằng dù sao người vợ đáng yêu này cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối không thể hiểu nổi tất cả những cái gì làm thành cái phẩm chất của người đàn ông, - ein Mannzusein(1). Vera trong lúc đó mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với chồng, một người đức độ, tốt nết nhưng theo Vera thì hiểu sai lạc về cuộc sống, như tất cả đàn ông nói chung. Berg bằng vào vợ mình để cho rằng phụ nữ đều là yếu đuối và ngu ngốc. Vera bằng vào con người độc nhất chồng mình để suy rộng ra rằng đàn ông tự gán cho mình cái độc quyền về trí tuệ, nhưng thực ra thì họ chẳng hiểu gì, họ kiêu căng và ích kỷ.
   
Berg đứng dậy ôm lấy vợ, ôm thận trọng để khỏi làm nhàu chiếc áo choàng vai thêu đăng ten mà chàng đã phải trả tiền rất đắt, và hôn vào giữa môi nàng.

- Miễn sao đừng có con sớm quá, chàng nói theo một dòng tư tưởng vô ý thức.

- Phải, Vera đáp, - Tôi cũng chẳng muốn thế tí nào. Phải sống cho xã hội chứ?

- Công tước phu nhân Yuxipova cũng có một chiếc đúng y như thế này, - Berg chỉ vào chiếc áo choàng vai viền đăng ten nói, miệng mỉm cười sung sướng và hồn hậu.
   
Vừa lúc ấy người nhà báo có bá tước Bezukhov đến. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười hể hả, mỗi người đều cho rằng sở dĩ được cái hân hạnh này chính là nhờ mình.

"Đấy như thế mới gọi là biết giao du chứ, - Berg nghĩ thầm, - Như thế mới gọi là biết xở sự chứ!"
Vera nói:

- Chỉ xin anh một điều là khi tôi tiếp chuyện với khách anh đừng ngắt lời tôi - bởi vì tôi biết cách nói chuyện với từng người một và trong giới này nên nói chuyện gì, trong giới kia nên nói chuyện gì.
     
Berg cũng mỉm cười nói:

- Không xong đâu; đôi khi nam giới họ cũng cần nói những chuyện giữa đàn ông với nhau chứ?

Piotr được đưa vào gian phòng mới tinh khôi. Trong phòng bày thật không biết ngồi vào chỗ nào cho khỏi phá hỏng sự cân đối, sạch sẽ và ngăn nắp trong phòng, cho nên ta chẳng lấy làm lạ rằng trong khi hào phóng mời người khách quý phá vỡ sự cân đối của một chiếc ghế bành hay một chiếc đi-văng, chính Berg hình như cũng phân vân bứt rứt không biết có nên dành để cho khách tự ý chọn lấy cách giải quyết vấn đề này. Piotr phá tan sự cân đối băng cách kéo một chiếc ghế lại ngồi, và hai vợ chồng Berg lập tức khai mạc tối tiếp tân, tranh nhau tiếp chuyện vị khách.
   
Vera đã định sẵn trong trí là với Piotr thì phải nói chuyện về đại sứ quán Pháp, liền bắt đầu vào chuyện này. Berg thì cho rằng cũng cần có một câu chuyện đàn ông, bèn ngắt lời vợ mào đầu một câu chuyện chiến tranh với nước Áo, và đang nói chuyện chung bỗng bất giác nhảy sang những chuyện trù tính riêng của mình: Berg kể lể là hiện nay họ đang đề nghị chàng tham gia vào chiến dịch nước Áo và cắt nghĩa tại sao chàng lại không ưng thuận lời đề nghị đó. Mặc dù câu chuyện chẳng có mạch lạc gì cả và Vera phát cáu lên vì sự can thiệp của một phần tử nam giới, cả hai vợ chồng đều hài lòng cảm thấy lằng tuy chỉ có một vị khách mà tối tiếp tân đã bắt đầu một cách hay ho, và buổi tiếp tân này cũng giống như bất kỳ buổi tiếp tân nào khác, có nói chuyện, có nước trà và có nến thắp sáng trưng.
     
Được một lát có Boris, bạn cũ của Berg, đến dự. Boris hơi thoáng có cái vẻ bề trên khi nói năng với Berg và Vera. Sau Boris thì đến một phu nhân đi với một ông đại tá, rồi đến vị tướng, rồi đến gia đình Roxtov, và bây giờ tối tiếp tân đã hoàn toàn giống như tất cả mọi tối tiếp tân khác. Berg và Vera không kìm nổi một nụ cười vui sướng khi nhìn thấy tân khách đi lại trong phòng, lắng nghe tiếng nói chuyện linh tinh và tiếng áo quần sột soạt. Tất cả đều giống như trong mọi phòng tiếp tân, và giống nhất là vị tướng của Berg. Ông ta khen ngợi gian phòng, vỗ vai Berg và với cái vẻ tự tiện chẳng khác nào một ông bố trong nhà, ông lăng xăng chỉ bảo cho người dọn bàn đánh bài boston. Vị tướng đến gần bá tước Ilya Andreyevich là vị khách quan trọng nhất sau ông ta. Người già thì ngồi với người già, người trẻ thì ngồi với người trẻ, nữ chủ nhân thì ngồi bên chiếc bàn trà có bày những chiếc bánh ngọt đựng trong một cái giỏ bằng bạc, giống đúc như những chiếc bánh ở buổi tiếp tân của nhà Panin; tất cả đều hoàn toàn giống như ở các nhà khác.

=====================================================

Chú thích:

(1) Làm một đấng nam nhi (tiếng Đức)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:43:54 pm
Phần VI
Chương - 21

Piotr với tư cách là một trong những người khách được trọng vọng nhất, phải ngồi vào bàn boston với Ilya Andreyevich, viên tướng và viên đại tá. Piotr ngồi bên bàn boston có thể trông thấy Natasa ở trước mặt, và sự thay đổi kỳ lạ của nàng từ tối vũ hội hôm trước khiến chàng kinh ngạc. Hôm nay Natasa có vẻ trầm ngâm, ít nói, và không những không xinh bằng hôm đi dự vũ hội, mà có lẽ lại còn xấu đi nữa là khác, nếu nàng không có cái vẻ hiền lành và hờ hững đối với tất cả những gì đang ở quanh nàng như bây giờ.
   
"Cô ta làm sao thế nhỉ?" - Piotr nhìn nàng nghĩ thầm. Nàng ngồi bên cạnh chị ở chiếc bàn trà và miễn cưỡng trả lời Boris bấy giờ đã đến ngồi cạnh. Mắt Natasa không nhìn vào chàng. Piotr đánh cả một loạt bài đồng hoa và năm lần phải cầm bài lên khiến cho đối thủ của chàng vô cùng khoái chí; chàng nghe có tiếng chào hỏi và tiếng một người bước vào phòng trong khi chàng đang nhặt bài. Piotr lại đưa mắt nhìn Natasa.
   
"Cô ta làm sao thế?" - Piotr càng kinh ngạc tự nhủ.
   
Công tước Andrey đang đứng trước mặt nàng, vẻ âu yếm và trân trọng, nói với nàng một câu gì không rõ. Nàng đỏ bừng hai má và hình như đang cố ghìm bớt hơi thở phập phồng ngẩng đầu lên nhìn chàng. Và ánh sáng rực rỡ của một ngọn lửa bên trong, trước đây âm ỷ ở tận đẩu đâu, bây giờ đã bùng lên trong ánh mắt nàng.

Nàng thay đổi hẳn đi. Đang xấu xí nàng bỗng trở lại y như trong đêm vũ hội.
     
Công tước Andrey lại gần Piotr, và Piotr nhận thấy một sắc thái mới mẻ, trẻ trung trên gương mặt bạn.
     
Trong thời gian đánh bài Piotr đổi chỗ mấy lần, khi thì quay mặt, khi thì quay lưng về phía Natasa, và suốt sáu lần mãn phân(1) chàng quan sát nàng và công tước Andrey.
     
"Có một cái gì rất quan trọng đang diễn ra giữa hai người" - Piotr nghĩ thầm, và một cảm xúc vừa vui mừng vừa chua chát khiến chàng bồi hồi quên cả ván bài đang chơi.

Sau sáu lần mãn phân vị tướng đứng dậy bảo là cứ như thế này thì không thể nào chơi được, thế là Piotr liền được miễn. Bây giờ Natasa đang nói chuyện với Sonya và Boris, Vera thì đang mỉm cười rất ý nhị nói một câu gì với công tước Andrey. Piotr đến gần bạn, và sau khi hỏi câu chuyện giữa hai người có gì bí mật không liền ngồi xuống bên cạnh. Vera nhận thấy công tước Andrey chú ý đến Natasa nên cho rằng trong một tối tiếp tân thật sự như tối hôm nay nhất thiết phải có những lời bóng gió tế nhị ám chỉ đến tình cảm, và thừa lúc công tước Andrey đang ngồi một mình liền bắt đầu nói chuyện với chàng về tình cảm nói chung và về em gái mình. Nàng thấy rằng với một vị khách thông minh như vậy (nàng vẫn cho công tước Andrey là một người rất thông minh) thế nào cũng đem cái tài xã giao của mình ra vận dụng mới được.
   
Khi Piotr lại gần hai người, chàng thấy Vera đang say sưa nói chuyện một cách hể hả, còn công tước Andrey thì có vẻ bối rối, một điều mà Piotr rất ít thấy ở chàng.

- Công tước thấy thế nào? - Vera mỉm cười ý nhị nói. - Công tước là người thâm thuý, nên hiểu ngay được tính cách của con người. Công tước thấy Natasa thế nào, cô ta có thể có một tình cảm chung thuỷ được không, cô ta liệu có thể như nhiều phụ nữ khác (ý Vera nói là như mình) đã yêu ai một lần thì trọn đời trung thành với người ấy không? Tôi nghĩ rằng như thế mới là tình yêu chân chính. Công tước nghĩ thế nào?

- Tôi mới biết được cô em bà quá ít, - công tước Andrey đáp với một nụ cười chế giễu mà chàng dùng để che đậy sự bối rối của mình, - nên không thể giải đáp một vấn đề tế nhị như vậy. Vả chăng tôi cũng nhận thấy rằng người đàn bà càng ít được yêu bao nhiêu thì lại càng chung thuỷ bấy nhiêu, - chàng nói thêm và nhìn sang Piotr bấy giờ đang lại gần chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:44:41 pm
- Phải, công tước nói đúng: ở thời đại ta - Vera nói tiếp (nàng nhắc đến thời đại ta như những người kiến thức hạn chế thường hay nhắc, và dinh ninh rằng mình đã tìm thấy và phê phán được những đặc trưng của thời đại và nghĩ rằng thuộc tính cũng thay đổi với thời gian). Ở thời đại ta các cô được tự do nhiều quá đến nỗi cái thú được người ta tán tỉnh thường lấn át mất tình cảm chân chính. Và phải thú nhận rằng Natasa rằng rất thích được ngườì ta tán tỉnh.
     
Thấy câu chuyện lại quay trở về Natasa, công tước Andrey cau mày khó chịu; chàng muốn đứng dậy nhưng Vera đã nói tiếp, mỉm cười còn ý nhị hơn trước nữa.

- Tôi nghĩ chẳng có ai được người ta tán tỉnh nhiều như cô ấy, Vera nói, - Nhưng mãi cho đến gần đây chưa hề có ai làm cho cô ấy thích thật sự. Đấy bá tước cũng biết đấy, - nàng nói với Piotr - ngay cả Boris cậu anh họ đáng yêu của chúng tôi, cũng thế… mà, cái này ta nói riêng với nhau, cậu ấy cũng là một người đi rất xa vào đất nước ái tình(2) đấy… - Vera nói ám chỉ cái bản đồ ái tình(3) được lưu hành rất rộng.

Công tước Andrey cau mày lặng thinh.

- Công tước có quen thân Boris thì phải? - Vera nói.

- Vâng, tôi có biết anh ấy…

- Chắc anh ấy có nói chuyện với công tước về mối tình thơ ấu của anh ấy đối với Natasa?

- Trước đây có một mối tình thơ ấu thật à? - công tước Andrey hỏi, mặt đột nhiên ửng đỏ.

- Vâng. Công tước cũng biết đấy, sự thân mật giữa hai anh em họ nhiền khi dẫn đến yêu đương: anh em họ cũng như như lửa gần rơm ấy mà. Phải không ạ?

- Ồ đúng thế, - công tước Andrey nói, và bỗng hoạt bát lên một cách thiếu tự nhiên, chàng bắt đầu nói đùa với Piotr rằng Piotr cũng nên thận trọng trong khi giao tiếp với mấy người chị em họ năm mươi tuổi của mình ở Moskva, thế rồi giữa những câu chuyện bông lơn chàng bỗng dưng đứng dậy cầm cánh tay Piotr dắt ra một bên.

- Cái gì thế anh? - Piotr nói, ngạc nhiên nhìn vẻ hoạt bát kỳ lạ của bạn và chú ý thấy cái nhìn của chàng ném về phía Natasa khi đứng dậy.

- Mình có việc cần nói với cậu, cần lắm, - công tước Andrey nói - Cậu cũng biết những chiếc găng phụ nữ của ta đấy (chàng muốn nói đến những chiếc găng của hội Tam điểm trao cho một người hội viên mới kết nạp để tặng người yêu). Tôi… nhưng thôi, sau tôi sẽ nói chuyện với cậu…
     
Và với đôi mắt sáng long lanh kỳ lạ với những cử chỉ thảng thốt, công tước Andrey đến gần Natasa và ngồi xuống cạnh nàng. Piotr trông thấy công tước hỏi nàng một câu gì không rõ và nàng đỏ bừng mặt đáp lại.
     
Nhưng vừa lúc ấy Berg lại gần Piotr, khẩn khoản mời chàng tham dự vào cuộc tranh luận giữa viên tướng và viên đại tá về chiến sự Tây Ban Nha.
   
Berg rất hài lòng sung sướng. Nụ cười mãn nguyện không lúc nào rời khỏi gương mặt chàng. Buổi tiếp tân tối nay rất thành công và hoàn toàn giống như các buổi tiếp tân khác mà chàng đã được dự. Cái gì cũng giống hệt. Những câu chuyện tế nhị của các cô các bà cũng có, những ván bài cũng có, trong phòng lại có một vị tướng nói bô bô, rồi thì ấm xamova, rồi thì bánh ngọt; chỉ còn thiếu một điều mà trong buổi tiếp tân nào chàng cũng thấy có, một điều mà chàng rất muốn bắt chước. Đó là những cuộc nói chuyện to tiếng giữa các tân khách nam giới, tranh luận về một vấn đề gì cho thật quan trọng và lý thú. Bây giờ vị tướng đã khơi đầu một câu chuyện như thế, nên Berg liền kéo vào tham gia.

=================================================

Chú thích:

(1) Hết một chầu gồm một số ván nhất định

(2) Một đất nước tượng trưng do các nhà tiểu thuyết Pháp ở thế kí 17 đặc biệt là Mme de Scudéry, tưởng tượng ra, trong xứ này ta chỉ lo đến việc yêu đương.

(3) Bản đồ của xứ sở nói trên, trong đó có các sông hồ: thị trấn và làng mạc đều mang tên có ý nghĩa liên quan đến tình ái.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:47:26 pm
Phần VI
Chương - 22

Ngày hôm sau công tước Andrey đến nhà gia đình Roxtov và bá tước Ilya Andreyevich có mời chàng lại dùng bữa chiều; rồi chàng ở lại đấy suốt ngày hôm ấy.
     
Trong nhà mọi người đều đoán biết công tước Andrey đến đây là vì ai, và chàng cũng không che giấu, suốt ngày luôn tìm cách nói chuyện với Natasa. Không phải một mình Natasa, sợ hãi nhưng sung sướng và hân hoan, mà cả nhà đều có một cảm giác hồi hộp trước một cái gì quan trọng đang sắp sửa diễn ra. Bá tước phu nhân đưa đôi mắt buồn buồn nghiêm nghị nhìn công tước Andrey khi chàng nói chuyện với Natasa và rụt rè, ngượng nghịu mào đầu một câu chuyện vu vơ mỗi khi chàng nhìn sang phu nhân. Sonya không dám để Natasa một mình, nhưng cũng sợ ngồi đấy sẽ làm phiền cho hai người. Mỗi khi công tước Andrey và Natasa ngồi lại một mình, Natasa tái mặt đi, hồi hộp chờ đợi. Công tước Andrey làm cho nàng ngạc nhiên vì vẻ rụt rè của chàng. Nàng cảm thấy chàng cần nói với nàng một việc gì đấy, nhưng chưa dám nói.

Đến tối khi công tước Andrey ra về, bá tước phu nhân lại gần Natasa và thì thầm hỏi nàng:

- Thế nào con?

- Mẹ ơi, con van mẹ, mẹ đừng hỏi gì con bây giờ hết. Con không thể nói được. - Natasa đáp.

Nhưng tuy vậy tối hôm ấy Natasa, khi thì xúc động, khi thì hoảng sợ, hai mắt đờ đẫn đi, đã nằm rất lâu trong giường mẹ, nhìn trân trân phía trước mặt. Nàng kể cho mẹ nghe công tước Andrey đã khen nàng như thế nào, chàng nói mình sẽ đi du lịch nước ngoài ra sao. Chàng có hỏi mùa hè năm nay gia đình nàng sẽ ở đâu, lại hỏi nàng về chuyện Boris nữa.

- Nhưng, con chưa bao giờ thấy như thế cả, chưa bao giờ! - nàng nói - Chỉ có điều là trước mặt anh ấy con sợ lắm, bao giờ con cũng thấy sợ. Như thế là thế nào? Như thế tức là… thực sự rồi đấy phải không mẹ? Mẹ ơi, mẹ ngủ đấy à?

- Không đâu con ạ, chính mẹ cũng thấy sợ - mẹ nàng đáp - Thôi con về đi ngủ đi.

- Dù sao con cũng không ngủ đâu. Sao lại ngủ! Mẹ ơi, mẹ ơi, chưa bao giờ con thấy như thế này cả - nàng nói, lòng ngạc nhiên và sợ hãi trước cái cảm xúc mà nàng vừa nhận ra trong lòng mình. - Ai ngờ…
     
Natasa có cảm tưởng là ngay từ khi trông thấy chàng lần đầu tiên ở Otradnoye, nàng đã yêu chàng rồi. Nàng như hoảng sợ trước cái hạnh phúc kỳ lạ, bất ngờ ấy: người mà lòng nàng đã chọn ngay từ dạo ấy (bây giờ nàng tin chắc như vậy), chính người ấy nay lại gặp nàng và hình như không phải là dửng dưng đối với nàng. "Và chàng đã tự dưng đến Petersburg trong khi nhà ta ở đây, dường như cố ý vậy Rồi ta lại gặp chàng trong buổi vũ hội ấy. Những điều đó đều là định mệnh. Rõ ràng định mệnh đã đưa mọi việc đến chỗ này. Ngay từ khi chỉ mới trông thấy chàng ta đã có một cảm giác gì rất đặc biệt".

- Công tước còn nói gì với con nữa không? Thơ gì thế này?

- Con đọc đi… - bá tước phu nhân trầm ngâm nói, ý muốn hỏi về mấy câu thơ mà công tước Andrey viết vào quyển an-bom cho Natasa.

- Mẹ ơi, anh ấy goá vợ như thế có làm sao không hở mẹ?

- Thôi con ạ, con đừng nói nữa. Con hãy cầu nguyện Chúa đi. Những cuộc hôn nhân đều do trời định cả!

- Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, con bồ câu nhỏ của con, con yêu mẹ quá, con sung sướng quá! - Natasa kêu lên. Nàng khóc những giọt nước mắt hạnh phúc và xúc động, và ôm chầm lấy mẹ.
Cũng trong lúc ấy công tước Andrey ngồi ở nhà Piotr và nói cho bạn biết mình yêu Natasa và đã nhất quyết lấy nàng.
     
Ngày hôm ấy ở nhà bá tước phu nhân Elena Vaxilievna có buổi dạ hội long trọng, đến dự có cả sứ thần Pháp, một vị hoàng thân gần đây đã trở thành một vị khách rất chuyên cần của nhà bá tước phu nhân, và nhiều nam nữ tân khách quyền quý khác. Piotr xuống nhà, đi qua các phòng và khiến cho các tân khách kinh ngạc về cái vẻ lầm lỳ, đăm chiêu và lơ đễnh của chàng.

Từ buổi vũ hội hôm trước Piotr bắt đầu thấy mình có chứng bệnh u uất và đã hết sức cố cưỡng lại. Từ khi vị hoàng thân nọ bắt đầu làm thân với vợ chàng, đùng một cái Piotr được thăng lên là thị thần và từ dạo ấy giữa những nơi xã giao thượng lưu chàng bắt đầu thấy buồn bực và hổ thẹn, và càng ngày chàng lại thấy hay có lại những tư tưởng yếm thế trước kia, nghĩ rằng tất cả những cái gì thuộc xã hội loài người đều là hư ảo phù phiếm. Bấy giờ chàng để ý thấy cái tình cảm giữa cô bé Natasa mà chàng che chở và công tước Andrey, và sự tương phản giữa tình cảnh của chàng với tình cảnh của bạn càng làm tăng thêm tâm trạng u uất của chàng. Chàng cố tránh không nghĩ đến vợ, cũng như không nghĩ đến Natasa và công tước Andrey. Chàng lại thấy tất cả đều vô nghĩa so với cái vĩnh cửu vô tận, vấn đề "để mà làm gì?" lại hiện lên trong tâm trí chàng. Và suốt ngày đêm chàng tự ép mình làm những công việc của hội Tam điểm, mong ngăn chặn được sự ám ảnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:48:50 pm
Khoảng hơn mười một giờ đêm chàng rời bỏ các căn phòng của bá tước phu nhân về căn phòng của mình trên gác, một căn phòng thấp, trần ám khói, chàng mặc chiếc áo thụng đã sờn cũ, ngồi vào bàn, và đang chép lại nguyên bản các văn kiện Scotland(1) thì có người bước vào phòng chàng.
     
Đó là công tước Andrey.

- À anh đấy ư, - Piotr nói, vẻ lơ đãng và như có ý không bằng lòng. - Tôi đang làm việc đây - chàng vừa nói vừa chỉ vào quyển vở với cái vẻ một người bất hạnh lấy công việc để khuây khoả những nỗi buồn khổ của cuộc sống.

Công tước Andrey, gương mặt rạng rỡ, hân hoan và đầy một sức sống mới mẻ, dừng lại trước mắt Piotr và không nhận thấy vẻ mặt buồn rười rượi của bạn, chàng mỉm cười nhìn Piotr với cái ích kỷ của những người đang sung sướng.

- Đây cậu ạ - chàng nói, - hôm qua mình định nói với cậu chuyện mà chưa nói được, nên hôm nay mình đến gặp cậu vì chuyện ấy đây. Chưa bao giờ mình thấy một cái gì tương tự cả. Bạn ạ, mình đã yêu.
     
Piotr bỗng thở dài não ruột và gieo cái thân hình nặng nề của mình xuống đi-văng, bên cạnh công tước Andrey.

- Natasa Roxtov, phải không? - chàng nói.

- Phải rồi, phải rồi, chứ còn ai nữa? Chính mình cũng không ngờ, nhưng cảm xúc ấy không sao cưỡng lại được. Hôm qua, mình dằn vặt đau khổ, nhưng dù đổi những phút đau khổ ấy lấy tất cả những gì quý giá nhất trên đời này mình cũng không đổi. Trước kia mình chưa hề biết sống là gì. Đến giờ mình mới sống, nhưng mình không thể sống không có cô ấy được. Nhưng cô ấy có thể yêu mình không? Mình hơn tuổi cô ấy nhiều quá… sao cậu chẳng nói gì cả thế?

- Tôi? Tôi ấy à? Tôi đã nói với anh mà, - Piotr bỗng đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa nói. - Tôi trước nay vẫn nghĩ thế. Cô ấy thật là hòn ngọc, thật là một người con gái hiếm có… Anh ạ tôi van anh, anh đừng nghĩ khôn nghĩ dại gì nữa, đừng hoài nghi gì nữa anh lấy cô ấy đi, lấy đi, lấy đi… Và tôi tin chắc rằng sẽ không có người nào hạnh phúc hơn anh đâu.

- Nhưng còn cô ấy?

- Cô ấy yêu anh.

- Đừng nói bậy… - công tước Andrey nói, mỉm cười nhìn vào mặt Piotr.

- Yêu! Tôi biết mà! - Piotr quát lên về giận dữ.

- Không cậu ạ, - công tước Andrey vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Piotr, - Cậu nghe đây, cậu có biết tôi đang ở trong tình trạng như thế nào không? Tôi đang cần nói hết với một người nào.

- Nào, anh nói đi, nói đi, tôi rất sung sướng, - Piotr nói, và quả nhiên vẻ mặt của chàng thay đổi hẳn. Cái hằn ngang trên trán biến mất, và chàng vui vẻ lắng nghe công tước Andrey nói. Công tước Andrey có vẻ là một người khác hẳn, và quả thật đã trở thành một người khác. Không còn lấy một dấu vết vẻ chua chát, khinh đời, thất vọng trước đây.
     
Piotr là người duy nhất mà chàng có thể thổ lộ tâm can, cho nên chàng đã nói hết tâm sự của mình, không trừ một điều gì. Khi thì chàng dễ dãi và mạnh dạn dự định chuyện tương lai dài, bảo chàng không thể hy sinh hạnh phúc của mình vì những mục đích gàn dở của cha chàng, rằng chàng sẽ làm cho ông cụ phải ưng thuận cuộc hôn nhân này và yêu mến Natasa, hoặc không cần cụ ưng thuận cũng được; khi thì chàng lại ngạc nhiên về cái tình cảm đang tràn ngập trong lòng chàng, giống như một cái gì kỳ dị, xa lạ, không lệ thuộc vào chàng.

Nếu trước đây có ai nói với tôi rằng tôi có thể yêu như vậy tôi sẽ không tin, - công tước Andrey nói. - Đây hoàn toàn không như cái tình cảm mà tôi đã từng có trước kia. Bây giờ đối với tôi tất cả vũ trụ chia ra làm hai phần, một phần là cô ấy, và cùng với cô ấy là hạnh phúc, hy vọng, ánh sáng; còn phần kia là tất cả những nơi nào không có cô ấy; ở đấy hoàn toàn là tiêu điều và tối tăm.

- Tối tăm và mù mịt, - Piotr nhắc lại, - Phải, phải tôi rất hiểu điều đó

- Tôi không thể không yêu ánh sáng, tôi không có lỗi gì trong việc đó Và tôi rất sung sướng. Cậu có hiểu tôi không? Tôi biết rằng cậu rất mừng cho tôi.

- Phải, phải, - Piotr xác nhận. Chàng đưa đôi mắt dịu dàng và buồn rầu nhìn bạn, chàng càng thấy số phận của công tước Andrey tươi sáng bao nhiêu, thì số phận bản thân chàng lại càng hiện ra tối đen bấy nhiêu.

===================================================

Chú thích:

(1) Một văn kiện về hiến chương của các chi hội Tam điểm đầu tiên.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:54:55 pm
Phần VI
Chương - 23
     
Muốn kết hôn công tước Andrey phải được cha ưng thuận, cho nên ngày hôm sau chàng lên đường về nhà.
     
Nghe con trai báo tin ấy, lão công tước bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng trong lòng thì rất căm giận. Ông không thể hiểu tại sao lại có người muốn thay đổi cuộc sống, đưa vào cuộc sống một cái gì mới, trong khi đối với ông cuộc sống đã kết thúc rồi: "Miễn là chúng nó để cho mình sống những ngày còn lại như mình thích ý, rồi sau đó chúng muốn làm gì thì làm" - Ông già tự nhủ. Tuy vậy, đối với con trai ông vẫn phải sử dụng cái thuật ngoại giao mà ông dành cho những trường hợp quan trọng. Ông lấy giọng bình tĩnh, bàn bạc với con trai về việc này.

- Trước hết, hôn nhân này không được tốt đẹp về mặt gia đình của cải và dòng dõi. Thứ hai là công tước Andrey không còn son trẻ gì nữa và lại kém sức khoẻ (ông cụ nhấn mạnh đặc biệt điểm này), còn cô ta thì lại rất trẻ. Thứ ba là công tước Andrey có một đứa con, mà giao cho một cô bé như vậy nuôi nấng thì thật chẳng đành lòng.   Và cuối cùng, thứ tư - lão công tước nhìn con một cách ngạo nghễ nói - Tôi xin anh hoãn việc này một năm, anh hãy đi du lịch đi đã, dưỡng sức đi, và tìm một anh thầy học người Đức cho công tước Nikolai như anh đã định, rồi sau đó, nếu cái luyến ái, cái nhiệt tình, cái lòng son dạ sắt ấy - anh muốn gọi là cái gì thì gọi - quả thật to lớn như vậy, thì lúc ấy hẵng cưới vợ. Và đó là ý kiến cuối cùng của tôi đấy anh biết chưa, ý kiến cuối cùng của tôi đấy… - công tước kết thúc với một giọng nói tỏ ra rằng không có gì có thể làm cho ông thay đổi ý kiến được nữa.

Công tước Andrey thấy rõ là ông cụ hy vọng tình cảm của chàng hay Natasa sẽ không qua nổi một năm thử thách, hoặc giả chính ông sẽ chết trong thời gian ấy, nên chàng quyết định làm theo ý cha: cầu hôn và xin khất một năm.

Ba tuần sau buổi tối cuối cùng ở nhà gia đình Roxtov, công tước Andrey lại trở về Petersburg.
Sau buổi tâm sự với mẹ một hôm, Natasa đợi Bolkonxki suốt ngày, nhưng chàng không đến, ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa cũng như vậy. Piotr cũng không thấy đến và Natasa không biết công tước Andrey đã về nhà cha nên không thể nào hiểu được tại sao chàng không đến.

Ba tuần trôi qua như vậy. Natasa chẳng buồn đi đâu cả và như một cái bóng, bơ phờ và uể oải nàng đi lang thang trong các phòng.

Đến tối nàng lần ra một chỗ kín ngồi khóc và tối tối không chạy sang phòng mẹ nữa. Nàng đâm ra hay đỏ mặt và dễ phát bẳn. Nàng có cảm giác là mọi người đều biết nàng thất vọng nên chế nhạo và thương hại nàng. Trong khi nỗi buồn trong lòng nàng đang mãnh liệt thì nỗi buồn về lòng tự ái bị tổn thương lại càng làm cho nàng thêm khổ.
     
Một hôm nàng đến phòng bá tước phu nhân, định nói với mẹ một điều gì nhưng giữa chừng bổng khóc oà lên. Nước mắt của nàng là những giọt nước mặt của một đứa trẻ tủi thân vì không hiểu mình đã làm gì mà bị phạt.
   
Bá tước phu nhân bắt đầu an ủi Natasa. Lúc đầu nàng còn nghe mẹ nói, nhưàg đột nhiên nàng ngắt lời mẹ.

- Thôi mẹ đừng nói nữa mẹ ạ, con cũng chẳng nghĩ gì đâu, con không muốn nghĩ ngợi gì hết! Thế đấy, đến chơi, rồi thôi không đến nữa, không đến nữa…
   
Giọng nàng nói run run, nàng suýt khóc oà lên, nhưng lại nín được và điềm tĩnh nói tiếp:

- Mà con cũng chẳng muốn lấy chồng tí nào hết. Con cũng sợ anh ấy, bây giờ con đã bình tĩnh lại rồi, bình tĩnh hẳn rồi.
   
Ngày hôm sau Natasa mặc chiếc áo cũ mà nàng tin rằng sáng sáng mặc vào vẫn thường đem lại cho nàng một ngày vui vẻ, và từ sáng nàng lại bắt đầu sinh hoạt như ưước kia, lối sinh hoạt mà nàng đã bỏ đi từ hôm đi dự hội. Uống nước trà xong, nàng đi vào gian phòng mà nàng văn ưu thích đặc biệt vì nó có tiếng vang rất mạnh, rồi nàng bắt đầu hát các bài luyện giọng. Tập xong bài thứ nhất, nàng ra đứng ở giữa phòng và hát lại một câu mà nàng rất thích.

Nàng vui vẻ lắng nghe những âm thanh của câu ca hoà lẫn vào nhau vang dội khắp khoảng trống của gian phòng rồi chậm rãi tan đi. Âm hưởng huyền diệu ấy nàng có cảm tưởng như bây giờ nàng mới chợt nghe thấy, và nàng bỗng vui hẳn lên. "Nghĩ nhiều đến chuyện ấy làm gì, như thế này cũng thích lắm rồi" - nàng tự nhủ và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, nhưng không bước như thường trên sàn gỗ, mà cứ mỗi bước đi lại đặt gót giày xuống trước (nàng đang đi đôi giày mới mà nàng rất thích) rồi lại ấn mũi giày xuống, và cũng vui mừng khi nghe tiếng hát của mình, nàng lắng nghe tiếng gót giày gõ cồm cộp đều đặn trên sàn gỗ và tiếng kin kít của mũi giày. Đi ngang tấm gương, nàng đưa mắt nhìn vào. "Mình đây! - vẻ mặt nàng hình như nói thế khi nàng trông thấy mình ở trong gương. - thế này là tốt lắm. Mình chẳng cần đến ai cả".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:55:47 pm
Một người đầy tớ muốn vào phòng để dọn đẹp, nhưng nàng không cho, đóng sập cửa và tiếp tục đi đi lại lại. Sáng hôm ấy nàng lại trở về với tâm trạng ưa thích của nàng là tự thấy yêu mình và thán phục mình.
   
"Cái cô Natasa ấy tuyệt thật! - nàng lại tự nói một mình, thay cho một nhân vật thứ ba nào đấy, một nhân vật chung chung bao gồm toàn bộ giới đàn ông. - Xinh này, có giọng hát, lại trẻ măng, và lại không làm phiền ai cả, miễn là để cho cô ta yên thôi". Nhưng dù người ta có để cho cô ta yên như thế nào thì Natasa không còn có thể yên tĩnh được nữa rồi, và cũng cảm thấy ngay như vậy.
     
Ngoài phòng áo có tiếng mở cửa và có ai hỏi: "có nhà không?". Rồi có tiếng chân người bước vào nhà. Natasa đang ngắm mình trong gương nhưng không trông thấy mình. Nàng mải lắng nghe những tiếng động ở phòng áo. Khi nàng trông thấy mình trong gương, da mặt nàng tái xanh. Chính là chàng. Nàng biết chắc như vậy tuy chỉ thoáng nghe tiếng chàng văng vẳng qua một lần cửa đóng kín.

Natasa, mặt tái mét và vẻ hốt hoảng, chạy vào phòng khách.

- Mẹ ơi, anh Bolkonxki đến! - nàng nói - Mẹ ơi, sợ quá, không thể chịu được nữa! Con không muốn khổ sở mãi thế này! Con biết làm thế nào bây giờ?
     
Bá tước phu nhân chưa kịp trả lời nàng thì công tước Andrey, vẻ mặt xúc động và nghiêm trang bước vào phòng khách. Trông thấy Natasa mặt chàng bừng sáng lên. Chàng hôn tay bá tước phu nhân và hôn tay
Natasa rồi ngồi xuống chiếc đi-văng.

- Đã lâu chúng tôi không được hân hạnh… - bá tước phu nhân mở đầu, nhưng công tước Andrey đã ngắt lời, đáp lại câu hỏi của bà và hình như muốn nói cho nhanh những điều chàng đang cần nói.

- Suốt thời gian vừa rồi tôi không lại nhà được vì tôi phải về gặp cha tôi: tôi có việc rất quan trọng cần bàn với cha tôi. Đêm hôm qua tôi mới lại trở về đây, - chàng nói và đưa mắt nhìn Natasa. - Tôi cần thưa chuyện với phu nhân, - chàng nói thêm sau một phút im lặng.

Bá tước phu nhân thở dài và cụp mi mắt xuống.

- Tôi xin sẵn sàng nghe ông, - phu nhân nói.

Natasa biết rằng mình cần phải đi chỗ khác, nhưng nàng không đi được: có một cái gì chẹn ở cổ, và không kể gì lễ tiết, nàng mở to hai mắt nhìn thẳng vào công tước Andrey.

"Bây giờ? Ngay phút này? Không, không thể như thế được!" Natasa nghĩ thầm.

Công tước Andrey lại nhìn nàng, và cái nhìn đó khiến nàng tin chắc rằng mình không nhầm. - Phải, ngay giờ phút này số phận của nàng đang được định đoạt.

- Con hãy ra ngoài đi đã Natasa ạ, mẹ sẽ gọi con, - bá tước phu nhân nói nhỏ.

Natasa đưa đôi mắt hoảng sợ, van lơn nhìn công tước, nhìn mẹ rồi ra ngoài.

Công tước Andrey nói:

- Thưa bá tước phu nhân, tôi đến đây để xin hỏi tiểu thư, ái nữ của phu nhân.

Mặt bá tước phu nhânđỏ bừng lên, nhưng bà không nói gì.

- Lời cầu hôn của anh… - bá tước, phu nhân mở đầu, giọng nghiêm trang.

Chàng im lặng, nhìn vào mặt phu nhân.

- Lời cầu hôn của anh… (phu nhân lúng túng một lát) đối với chúng tôi rất quý, và tôi xin nhận lời, tôi rất sung sướng. Và cả chồng tôi nữa… tôi hy vọng rằng chồng tôi cũng… nhưng tất cả đều tuỳ ở nó…

- Tôi sẽ xin nói với tiểu thư khi nào đã được phu nhân chấp thuận… Xin phu nhân cho biết phu nhân có vui lòng ban cho tôi lời chấp thuận đó không? - Công tước Andrey nói.

- Tôi xin nhận lời, - bá tước phu nhân nói đoạn đưa tay ra cho chàng, rồi với một cảm xúc lẫn lộn, vừa xa lạ vừa trìu mến, bà đặt môi lên trán chàng khi chàng cúi xuống hôn tay bà. Bá tước phu nhân muốn yêu chàng như con trai mình nhưng lại cảm thấy chàng là một người xa lạ, đáng sợ đối với mình.

- Tôi tin chắc rằng nhà tôi sẽ ưng thuận, - bá tước phu nhân nói, - Nhưng cụ thân sinh của anh…

- Tôi đã trình bày ý định của tôi cho cha tôi rõ, và ông cụ đã đưa ra một điều kiện nhất quyết là một năm nữa làm lễ cưới thì Người mới chấp thuận. Điều đó tôi cũng xin trình bày để phu nhân rõ

- Quả tình Natasa cũng còn trẻ lắm, nhưng… lâu thế kia ư?

- Không thể nào khác được, - công tước Andrey thở dài đáp.

- Để tôi gọi em nó ra, - bá tước phu nhân nói và ra khỏi phòng.

- Xin Chúa phù hộ chúng con! - phu nhân vừa lẩm bẩm vừa đi tìm con.
Sonya nói Natasa đang đứng trong buồng ngủ. Natasa ngồi trên giường của nàng, mặt tái xanh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào mấy bức tượng thánh và vừa làm dấu chữ thập rất nhanh vừa thì thào nói gì không rõ. Trông thấy mẹ, nàng chôm dậy và chạy ra đón.

- Thế nào hở mẹ? Sao?

- Con ra đi, con ra với anh ấy. Anh ấy xin lấy con đấy, - bá tước phu nhân nói với một giọng mà Natasa có cảm tưởng là lãnh đạm… - Ra đi… đi đi con, - phu nhân nói giọng buồn rầu trách móc, nhìn theo Natasa đang chạy ra ngoài, và thở dài.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:56:42 pm
Natasa không nhớ rõ mình đã vào phòng khách như thế nào. Bước qua ngưỡng cửa và trông thấy công tước Andrey, nàng dừng lại.

"Có thể nào con người xa lạ ấy bây giờ đối với ta đã trở thành tất cả?" - nàng tự hỏi và trong giây lát đã tự trả lời: "Phải, tất cả: chỉ mỗi mình người đó thôi bây giờ đối với ta còn quý hơn tất cả mọi vật trên đời".

Công tước Andrey lại gần nàng, hai mắt nhìn xuống.

- Tôi đã yêu cô từ phút đầu trông thấy cô. Tôi có thể hy vọng được chăng?

Chàng nhìn nàng, và vẻ mặt say đắm và nghiêm trang trên khuôn mặt nàng khiên chàng kinh ngạc. Vẻ mặt nàng như nói: "Anh còn hỏi làm gì? Tại sao lại còn hoài nghi về một điều mà anh không thể không biết được? Nói để làm gì, một khi lời nói không thể bày tỏ nổi những gì mình đang cảm xúc?"

Nàng lại gần chàng và dừng lại. Chàng cầm lấy tay nàng và hôn lên bàn tay.

- Cô có yêu tôi không?

- Có… có… - Natasa nói như có ý bực bội; nàng thở dài rất mạnh, rồi thở dài lần nữa, mỗi lúc một thở gấp, cất tiếng khóc nức nở.

- Tại sao cô khóc? Cô làm sao thế?

- Ôi em sung sướng quá, - Natasa đáp, mỉm cười qua nước mắt, nhích lại gần chàng, do dự một lát như để tự hỏi xem có thể làm như vậy được không và ôm hôn chàng.

Công tước Andrey cầm tay nàng, nhìn vào mặt nàng và thấy trong tâm hồn mình không còn cái tình yêu trước đây nữa. Trong tâm hồn chàng bỗng có một sự đảo lộn; niềm ước mong thơ mộng và huyền bí trước kia không còn nữa, thay vào đấy là lòng ái ngại cho sự yếu đuối của nàng, sự yếu đuối của một người đàn bà, của một đứa trẻ, là một mối lo âu trước lòng tận tuỵ và lòng tin cậy của nàng, là một ý thức nặng nề và đồng thời vui sướng về cái bổn phận đã vĩnh viễn gắn bó Natasa với chàng. Tình cảm của chàng hiện nay, tuy không tươi sáng và nên thơ như trước kia, nhưng lại thâm trầm hơn và mạnh mẽ hơn.

- Mẹ đã nói với cô là phải đợi một năm nữa chưa? - công tước Andrey nói, mắt vẫn nhìn vào mặt nàng.

"Thế ra mình, con bé con (như mọi người vẫn thường nói) - Natasa nghĩ thầm, - thế ra mình bây giờ, từ phút này đã là một người vợ, là người ngang hàng với con người xa lạ kia, người mà cả cha mình cũng kính trọng? Thế ra đây là chuyện thật ư? Thế ra bây giờ mình đã lớn, bây giờ mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm hay mình nói, thật thế ư? Nhưng anh ấy vừa hỏi mình cái gì thế nhỉ?"

- Chưa ạ. - nàng đáp, nhưng không hiểu câu chàng vừa hỏi.

- Cô tha lỗi cho, - công tước Andrey nói, - Nhưng cô còn trẻ lắm, còn tôi thì đã từng trải nhiều. Tôi sợ thay cho cô. Cô chưa biết rõ mình.

Natasa chăm chú nghe, cố gắng hiểu nghĩa những lời chàng nói, nhưng vẫn không hiểu.

Công tước Andrey nói tiếp:

- Tuy rất khổ tâm vì thời gian đó sẽ trì hoãn hạnh phúc của tôi nhưng dù sao trong một năm ấy cô cũng có thể hiểu rõ mình thêm. Một năm nữa xin cô đem lại hạnh phúc cho đời tôi; nhưng cô vẫn tự do: cuộc đính hôn của chúng ta sẽ được giữ kín, và nếu cô dần dần thấy rõ rằng cô không yêu tôi, hoặc nếu cô vẫn yêu tôi… - công tước Andrey nói với một nụ cười gượng gạo.

- Sao anh lại nói thế? - Natasa ngắt lời chàng. - Anh cũng biết rằng em yêu anh từ hôm anh đến
Otradnoye lần đầu, - nàng nói, trong lòng tin chắc rằng điều mình vừa nói là đúng sự thật.

"Trong một năm cô sẽ biết rõ mình…"

- Cả một năm trời! - Natasa bỗng thốt lên, mãi bây giờ nàng mới hiểu rằng cuộc hôn nhân đã bị hoãn lại một năm. - Nhưng tại sao lại một năm nữa? Tại sao lại một năm?

Công tước Andrey bắt đầu giảng giải cho nàng nghe những nguyên nhân của việc trì hoãn này.
Natasa không nghe chàng nói.

- Không thể nào khác được ư? - nàng nói.

Công tước Andrey im lặng không đáp, nhưng vẻ mặt của chàng tỏ rõ rằng không thể nào thay đổi điều đó
được.

Khủng khiếp quá! Không, như thế thì khủng khiếp quá! - Natasa bỗng thốt lên và khóc nức nở. - Phải đợi một năm thì em chết mất. Không thể như thế được, như thế thì khủng khiếp quá.

Nàng nhìn lên khuôn mặt của vị hôn phu và nhận thấy vẻ băn khoăn và thương xót trên gương mặt chàng.
Nàng bỗng gạt nước mắt nói:

- Không, không, em sẽ chịu hết, em sung sướng lắm.

Cha mẹ Natasa bước vào phòng và cầu phúc cho hai người đính hôn.
Từ hôm đó công tước Andrey bắt đầu đến nhà gia đình Roxtov với tư cách là chàng rể tương lai.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:57:32 pm
Phần VI
Chương - 24

Gia đình Roxtov không làm lễ ăn hỏi và không báo cho ai biết rằng Bolkonxki đã đính hôn với Natasa, công tước Andrey khẩn khoản yêu cầu như thế. Chàng nói rằng sở dĩ phải hoãn lại là do phía chàng, cho nên chàng phải chịu lấy tất cả gánh nặng của sự trì hoãn đó. Chàng nói rằng vĩnh viễn có bổn phận giữ lời, nhưng chàng không muốn bó buộc Natasa và để cho nàng hoàn toàn tự do.

Nếu sau nửa năm mà Natasa cảm thấy mình không yêu chàng, nàng sẽ hoàn toàn có quyền cự tuyệt. Lẽ dĩ nhiên là hai ông bà Roxtov cũng như Natasa đều một mực không nghe; nhưng công tước Andrey vẫn cương quyết giữ ý mình. Ngày nào chàng cũng đến nhà Roxtov, nhưng chàng cư xử với Natasa không phải như một người chồng chưa cưới: chàng gọi nàng bằng cô và chỉ hôn tay nàng. Từ hôm công tước Andrey cầu hôn, giữa chàng và Natasa có những mối quan hệ khác hẳn trước gần gũi hơn, giản dị hơn. Dường như hai người trước đây không biết nhau tí nào. Chàng cũng như nàng đều thích nhắc lại cách hai người phán đoán nhau khi họ chưa phải là gì đối với nhau cả; bây giờ họ thấy mình đã là những con người khác hẳn: trước kia thì kiểu cách, bây giờ thì giản dị và chân thành.

Lúc đầu trong gia đình còn thấy ngượng ngập trong khi tiếp xúc với công tước Andrey; chàng có vẻ như một người từ thế giới xa lạ nào lạc đến, và Natasa đã phải mất công tìm cách cho người nhà quen với công tước Andrey và kiêu hãnh nói quả quyết với mọi người rằng chàng chỉ có vẻ đặc biệt, chỉ có vẻ thôi, chứ thực ra chàng cũng giống hệt như mọi người, và nàng không hề sợ chàng, và không ai được sợ chàng hết. Được dăm hôm, trong gia đình đã quen với chàng và không giữ gìn nữa, khi có chàng vẫn giữ nếp sinh hoạt thường lệ trước kia, và chàng cũng tham dự vào nếp sinh hoạt đó.

Chàng biết nói chuyện điền trang với bá tước, nói chuyện phục sức với bá tước phu nhân và Natasa, nói chuyện an-bom và mẫu thêu với Sonya. Đôi khi có cả công tước Andrey ở đấy những người trong nhà Roxtov bàn tán với nhau lấy làm lạ về những việc đã xảy ra và không hiểu tại sao cứ như là đã có số trời định từ trước: cả việc công tước Andrey đến Otradnoye, cả việc họ đến Petersburg, cả sự giống nhau giữa Natasa với công tước Andrey mà bà u già đã nhận thấy từ dạo công tước Andrey đến lần đầu, cả cuộc chạm trán giữa Andrey và Nikolai năm 1805, và những người trong nhà còn nhận thấy nhiều dấu hiệu khác nữa.

Trong nhà họ phảng phất cái không khí trầm ngâm và uể oải nên thơ mà người ta vẫn thường thấy khi trong nhà có một cặp vợ chồng chưa cưới. Nhiều khi cùng ngồi với nhau, cả nhà im lặng.

Đôi lúc họ đứng dậy đi ra nơi khác, và hai người ngồi lại với nhau nhưng cũng vẫn im lặng như thế. Ít khi họ nói với nhau về cuộc sống tương lai của họ. Công tước Andrey thấy sợ và ngượng khi nói đến điều này. Natasa cũng chia sẻ tình cảm ấy, cũng như tất cả các tình cảm khác của công tước Andrey mà nàng luôn luôn đoán ra.

Có một lần nàng hỏi về đứa con trai của chàng. Công tước Andrey đỏ mặt - dạo này chàng hay đỏ mặt như thế, và Natasa rất thích trông thấy chàng đỏ mặt - và nói rằng con chàng sẽ không cùng sống với hai vợ chồng họ.

- Tại sao? - Natasa hốt hoảng nói.

- Anh không nỡ bắt ông nội nó phải xa nó, vả lại…

- Em sẽ yêu nó vô cùng! - Natasa nói nàng đã đoán ngay được ý nghĩ của chàng, - nhưng em biết rằng
anh muốn cho đừng ại có thể chê trách anh và em cả.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 08:58:11 pm
Lão bá tước đôi khi lại gần công tước Andrey ôm hôn chàng, hỏi ý kiến chàng về việc giáo dục Petya hay việc chức vụ của Nikolai. Lão bá tước phu nhân thở dài nhìn họ. Sonya lúc nào cũng cho mình là thừa và cố tình kiếm cớ đi nơi khác để cho hai người tự tình với nhau, trong khi thực ra họ cũng chẳng cần như thế. Khi công tước Andrey nói chuyện (chàng kể chuyện rất hay) Natasa hãnh diện lắng nghe chàng; khi chàng nói, nàng vừa sợ hãi vừa vui mừng nhận thấy chàng chăm chú nhìn nàng như muốn tìm hiểu điều gì. Nàng băn khoăn tự nhủ: "Chàng tìm cái gì ở ta? Cái nhìn của chàng muốn tìm tòi những gì? Nếu trong ta không có cái mà chàng cần tìm thì sao?". Đôi khi nàng lại đi vào tâm trạng vui vẻ bồng bột rất đặc biệt của nàng, và những khi đó nàng rất thích nghe và nhìn công tước Andrey cười. Chàng ít khi cười, nhưng mỗi khi cười thì chàng hồn nhiên thả cửa, và sau mỗi lần như thế Natasa lại thấy mình gần chàng hơn. Giả sử Natasa không nghĩ đến ngày chia ly sắp tới và mỗi ngày một đến gần làm nàng sợ hãi, thì nàng đã hoàn toàn hạnh phúc.

Trước khi rời Petersburg một hôm công tước Andrey rủ Piotr lại nhà Roxtov. Từ buổi vũ hội dạo trước tới nay. Piotr chưa đến lần nào.

Chàng có vẻ bàng hoàng và lúng túng. Chàng nói chuyện với bá tước phu nhân, Natasa ngồi với Sonya bên bàn cờ, ý muốn mời công tước Andrey lại. Công tước Andrey lại gần hai người.

- Cô quen anh Bezukhov lâu rồi chứ? - chàng hỏi, - Cô có mến anh ấy không?

- Có anh ấy tốt lắm, nhưng rất buồn cười.

Và cũng như thường lệ mỗi khi nói đến Piotr, nàng bắt đầu kể những mẩu giai thoại về tính đãng trí của chàng, những mẩu chuyện có thật cũng có, nhưng cũng có những chuyện người ta bịa ra để gán cho chàng.

- Cô biết không, tôi đã cho anh ấy biết chuyện bí mật của chúng ta rồi đấy. - Công tước Andrey nói. - Tôi biết Piotr từ hồi nhỏ.Anh ấy là một tấm lòng vàng. - Rồi giọng bỗng trở nên nghiêm nghị, chàng nói - Cô Natasa ạ, tôi sắp đi xa, và rồi đây không biết có thể xảy ra những việc gi, cô có thể không y… Tôi cũng không biết rằng lẽ ra không nên nói về việc ấy. Nhưng có một điều là dù có xảy ra việc gì trong khi không có tôi ở nhà đây…

- Cái gì xảy ra?

- Dù có xảy ra việc gì đáng buồn, - công tước Andrey nói tiếp - Tôi cũng xin cô, cô Sophie(1) ạ, xin cô chỉ nhờ một mình anh ấy giúp đỡ và khuyên răn mà thôi. Piotr là một người hết sức đãng trí và buồn cười, nhưng lại là một tấm lòng vàng.

Ông cụ, bà cụ, Sonya và cả công tước Andrey nữa không ai đoán trước được cái ảnh hưởng mà buổi chia tay với người yêu sẽ gây nên cho Natasa. Ngày hôm ấy nàng đi vật vờ trong nhà, mặt đỏ ửng mắt ráo hoảnh, bồi hồi xúc động, lúi húi làm những công việc rất nhỏ nhặt dường như không hiểu việc gì đang chờ đón mình.

Nàng cũng không khóc khi chàng hôn tay nàng lần cuối trước khi ra đi.

- Anh đừng đi! - nàng chỉ nói thế thôi, và giọng nói của nàng đã buộc chàng phải bất giác suy nghĩ lại xem có thật làm mình phải ở lại không: giọng nói ấy, về sau chàng nhớ mãi. Khi chàng đã đi khuất, Natasa cũng không khóc, nhưng suốt mấy ngày nàng ngồi trong buồng riêng, không khóc, chẳng buồn làm gì cả, thỉnh thoảng lại nói: "Ôi! Tại sao anh lại đi".

Nhưng hai tuần sau khi chàng đi thì, cũng một cách bất ngờ đối với người xung quanh. Natasa ra khỏi tình trạng rũ rượi của nàng. Nàng lại như trước, nhưng nay tính tình của nàng đã thay đổi hẳn, như những đứa trẻ thay đổi hẳn nét mặt khi rời khỏi bệnh sau một trận ốm lâu.

=================================================

Chú thích:

(1) tức Sonya



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 09:00:33 pm
Phần VI
Chương - 25

Sức khoẻ và tính khí của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki trong khoảng một năm gần đây, sau khi con trai ông ra đi đã suy nhược đi rất nhiều. Ông càng dễ cáu bẳn hơn trước, và những cơn giận vô cớ của ông phần lớn đều đổ lên đầu công tước tiểu thư Maria. Lão công tước như cố nhắm những chỗ dễ xúc phạm nhất của nàng để giày vò cho nàng đau đớn về tinh thần một cách thật tàn nhẫn. Có hai cái mà tiểu thư Maria say mê, và do đó cũng là hai niềm vui của nàng, là cháu Nikolai và tôn giáo; và cả hai đều bị lão công tước đưa ra làm đề tài để chế giễu. Đang nói chuyện gì ông cũng lái vào cái tính hay mê tín của các cô muộn chồng hay thói nuông chiều làm hư trẻ con. "Chị muốn làm cho nó, công tước Andrey cần một đứa con trai, chứ không cần con gái làm gì?" Công tước nói. Hoặc trước mặt tiểu thư Maria ông hỏi cô Burien có thích mấy ông Pop(1) không, có thích các tượng thánh của Nga không, rồi quay ra đùa cợt…
Ông làm cho công tước tiểu thư Maria rất tủi cực nhưng nàng không hề phải cố gắng tí nào để tha thứ cho cha. Chả nhẽ cha nàng lại có thể có lỗi đối với nàng, chả nhẽ người cha mà dù sao nàng cũng biết là yêu quý nàng, lại có thể bất công ư? Và công bằng là gì? Công tước tiểu thư không bao giờ nghĩ đến cái đanh từ đầy kiêu căng này: "công bằng". Đối với nàng tất cả những luật lệ phức tạp của loài người đều quy lại thành một luật lệ đơn giản và rõ ràng: luật lệ của tình thương và lòng hy sinh, luật lệ của Đấng đã từng vì tình thương mà đau khồ cho nhân loại mặc dù bản thân Người là Thượng đế. Sao nàng lại phải nghĩ đến sự công bằng hay không công bằng của những người khác? Bản thân nàng cần phải đau khổ và yêu thương, và nàng đã là như thế.

Vào mùa đông, công tước Andrey về Lưxye Gorư. Chàng hiền hoà, vui vẻ, và dịu dàng. Từ lâu công tước tiểu thư Maria biết về tình yêu của mình. Trước khi ra đi công tước nói chuyện rất lâu với cha về việc gì không rõ, tiểu thư Maria nhận thấy rằng trước khi chia tay hai người đều không bằng lòng nhau.
     
Công tước Andrey đi được ít lâu, công tước tiểu thư Maria từ Lưxye Gorư viết thư về Petersburg cho bạn là Juyly Karaghina, người mà nàng mơ ước ghép duyên với anh nàng, hiện nay đang có tang, vì anh cô ta vừa tử trận ở Thổ Nhĩ Kỳ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 04 Tháng Giêng, 2011, 09:01:24 pm
"Juyly, người bạn đáng yêu và dịu dàng của tôi.

Hẳn số phận chung của chúng mình là phải buồn khổ. Sự tổn thất của chị kinh khủng quá, đến nỗi tôi không biết tự cắt nghĩa bằng cách nào ngoài cách coi đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế vì yêu thương nên muốn thử thách chị và người mẹ rất đáng kính đáng yêu của chị. Ôi bạn ạ, tôn giáo, và chỉ có tôn giáo mới cắt nghĩa cho chúng ta hiểu những điều mà con người không thể hiểu được nếu không nhờ vào tôn giáo: vì đâu những con người trung hậu, cao thượng, biết tìm hạnh phúc trong cuộc sống, không những không làm hại cho ai mà lại còn cần cho hạnh phúc của người khác, những người như vậy đều về với Chúa, trong tư thế chàng. Nay không những chị ấy đã để lại cho chúng tôi và nhất là cho công tước Andrey một nỗi thương xót và nhớ nhung vô cùng trong sạch, mà có lẽ ở trên kia chị ấy còn được về nơi mà tôi cũng chẳng dám hy vọng là mình sẽ được. Nhưng dù không nói đến một mình Liza, thì cái chết quá sớm và khủng khiếp này, tuy vô cùng bi thảm, cũng đã có một ảnh hưởng hết sức tốt lành cho tôi và anh tôi.

Hồi ấy, trong giờ phút tổn thất, những ý nghĩ này không đến với tôi; hồi đó có chăng tôi cũng đã hoảng sợ xua đuổi đi, nhưng bây giờ điều đó đã rõ ràng, chắc chắn quá. Bạn ơỉ, sở dĩ tôi viết cho bạn tất cả những điều này chẳng qua cũng là để bạn tin tướng vào cái chân lý trong Phúc âm đối với tôi đã trở thành một quy tắc sống: không có một sợi tóc nào rơi xuống mà lại không do ý chí của Người. Mà ý chí của Người thì chỉ hướng theo lòng yêu thương không bờ bến của Người đối với chúng ta, cho nên dù việc xảy ra cho chúng ta đi nữa, thì việc đó cũng chỉ vì muốn tốt cho chúng ta mà thôi.

Chị hỏi mùa đông năm sau chúng tôi có ở Moskva không? Tuy rất mong mỏi được gặp chị, nhưng tôi chắc rằng không và cũng không muốn thế. Chị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng sở dĩ như vậy là vì Bonaparte cả. Số là thế này, chị ạ: sức khoẻ của cha tôi kém đi rõ rệt, ông cụ không thể chịu nổi những lời cãi lại, và trở nên cáu bẳn.

Sự cáu bẳn này, như chị cũng biết, phần lớn nhằm vào các vấn đề chính trị. Cha tôi không thể chịu nổi khi nghĩ rằng Bonaparte đang giao thiệp bình đẳng với tất cả các quốc vương châu Âu và nhất là với hoàng thượng của chúng ta, người hậu duệ của Ekaterina vĩ đại!

Như chị đã biết, tôi vốn hoàn toàn dửng dưng đối với các vấn đề chính trị, nhưng qua những lời nói của cha tôi và những câu chuyện giữa ông cụ với Mikhian Ivanovich tôi được rõ tất cả những sự việc đang diễn ra trên thế giới và nhất là tất cả những sự trọng vọng mà Bonaparte được hưởng, và hình như trên khắp địa cầu chỉ còn ở Lưxye Gorư không thừa nhận y là một vĩ nhân, cũng không thừa nhận là hoàng đế nước Pháp. Cha tôi không chịu được tình trạng này. Tôi có cảm tưởng rằng phần chính là do quan điểm của ông cụ đối với các vấn đề chính trị và vì thấy trước rằng cái tác phong nói thắng ý kiến của mình ra không e ngại gì cả sẽ dẫn đến những cuộc xung đột, cho nên cha tôi không ưa nói đến chuyện đi Moskva. Tất cả những kết quả tốt mà việc dưỡng bệnh đem lại cho cha tôi đều bị tiêu huỷ trong những cuộc tranh cãi về Bonaparte là những cuộc tranh cãi không sao tránh khỏi. Dù sao thì vấn đề này chẳng bao lâu nữa cũng sẽ được giải quyết. Cuộc sống gia đình của chúng tôi vẫn như cũ, duy chỉ có vắng anh Andrey mà thôi. Như tôi đã viết thư để chị rõ, anh ấy gần đây đã thay đổi rất nhiều. Sau nỗi đau buồn ấy, mãi cho đến năm nay anh ấy mới bình phục hẳn về tinh thần. Tính tình anh ấy trở lại giống như hồi còn nhỏ: hiền lành, dịu dàng, với tấm lòng vàng mà tôi chưa hề thấy ai có. Tôi thấy hình như anh ấy đã hiểu rằng cuộc đời đối với anh ấy chưa phải đã chấm dứt. Nhưng trong khi anh ấy thay đổi về tinh thần như thế thì về thể chất anh ấy yếu đi rất nhiều. Anh gầy hơn trước, thần kinh lại hay bị khích động hơn. Tôi lất lo cho anh ấy và lấy làm mừng rằng anh ấy đã chịu đi du lịch theo lời bác sĩ đã khuyên từ lâu. Tôi hy vọng rằng chuyến đi này sẽ làm cho anh ấy bình phục lại. Chị có viết cho tôi rằng ở Petersburg người ra cho anh ấy là một trong những người thanh niên, hoạt động, có học thức và thông minh nhất. Chị lượng thứ cho lòng tự hào của một người em gái nhé: chưa bao giờ tôi có ý hoài nghi điều đó. Không thể nào kể cho hết những công ơn của anh ấy: mọi người, bắt đầu từ nông nô của anh cho đến những người quý tộc. Ở Petersburg họ nghĩ như vậy là phải thôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao những tin đồn nói chung từ Petersburg đưa về Moskva lại như thế, và nhất là những tin đồn sai lạc như là tin anh tôi lấy cô bé Roxtov. Tôi không tin rằng Andrey lại có thể lấy ai, nhất là lại lấy cô ấy. Sở dĩ tôi không tin, thứ nhất là vì tôi biết rằng tuy anh ấy ít khi nhắc đến người vợ xấu số, nhưng nỗi buồn khổ của sự tổn thất ấy đã bắt rễ quá sâu vào lòng anh ấy, cho nên anh ấy không nỡ nào nghĩ đến chuyện tìm một người kế bước Liza và một người dì ghẻ cho chú thiên thần nhỏ của chúng tôi. Thứ hai là vì theo chỗ tôi biết thì cô thiếu nữ đó không phải thuộc hạng phụ nữ mà công tước Andrey có thể ưa thích. Tôi không tin rằng công tước Andrey lại chọn cô ta làm vợ và cũng xin nói thật là tôi không muốn thế. Nhưng tôi mải viết quá, đã hết tờ thứ hai rồi.     Chào chị nhé, cầu xin Chúa hãy phù hộ cho người bạn rất đáng quý của tôi.
   
Bạn tôi là cô Burien có gửi cho chị một cái hôn.

Maria"


==================================================

Chú thích:

(1) Linh mục chính giáo.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:53:47 pm
Phần VI
Chương - 26

Vào giữa mùa hạ công tước tiểu thư Maria nhận được một bức thư không ngờ của công tước Andrey từ Thuỵ Sĩ gửi về, trong đó công tước cho nàng biết một tin kỳ lạ và đột ngột. Công tước Andrey cho nàng biết rằng mình đã đính hôn với cô Roxtov. Từ đầu chí cuối bức thư đều toát lên một tình yêu bồng bột, tha thiết đối với người vợ chưa cưới và một lòng hữu ái tin cậy đối với em gái.
   
Chàng viết rằng chưa bao giờ chàng yêu như bây giờ, rằng chỉ đến bây giờ chàng mới hiểu và biết được cuộc sống; chàng xin em gái tha thứ cho chàng khi ghé về Lưxye Gorư đã không cho nàng biết việc này, tuy có nói với cha. Sở dĩ chàng không nói với em gái là vì nếu thế thì nữ công tước Maria sẽ xin cha ưng thuận, và tất sẽ không đạt được mục đích mà lại còn làm cho cha phát bẳn lên, và sẽ phải chịu đựng tất cả gánh nặng của sự cáu bẳn đó. Vả chăng dạo ấy công việc chưa quyết định hẳn hoi như bây giờ. "Hồi ấy cha định ra cho anh thời hạn là một năm, và đến nay đã được sáu tháng, tức một nửa thời hạn đã qua, và anh vẫn giữ vững ý định hơn bao giờ hết. Giá các bác sĩ đừng giữ anh lại đây để an dưỡng, thì anh đã trở về Nga rồi, nhưng bây giờ anh phải hoãn ngày về lại ba tháng nữa. Em biết rõ anh và biết anh đối với cha như thế nào. Anh không cần điều gì ở cha hết, xưa nay anh vẫn độc lập và bao giờ anh cũng sẽ độc lập nhưng làm một việc trái với ý cha, khiến cho cha phải tức giận trong khi có lẽ cha không còn ở với chúng ta được mấy lâu nữa, thì hạnh phúc của anh sẽ sụp đổ mất một nửa. Bây giờ anh cũng viết thư cho cha về việc này và xin em chọn một lúc thuận lợi để trao thư cho cha, rồi cho anh biết thái độ của cha đối với tất cả những điều này, và báo cho anh rõ có thể hy vọng cha giảm bớt thời hạn đi ba tháng không?"
   
Sau khi lưỡng lự, hoài nghi và cầu nguyện rất lâu công tước tiểu thư Maria trình bức thư cho cha. Ngày hôm sau lão công tước điềm tĩnh nói với nàng.

- Con hãy viết thư bảo anh con là hãy đợi khi nào ta chết rồi hẵng hay… không lâu nữa đâu, chỉ ít nữa là thoát thôi…
   
Công tước tiểu thư Maria muốn nói lại một câu gì đấy, nhưng cha nàng không cho nói và mỗi lúc một to tiếng:

- Cưới vợ đi, cưới vợ đi, anh bạn ạ… Dòng dõi quý phái nhỉ? Toàn là những người thông minh cả đấy nhỉ? Giàu có lắm đấy nhỉ? Phải. Thằng Nikolenka sẽ có được một mụ dì ghẻ thật ra hồn. Mày viết thư bảo nó là thôi, mai cưới đi cũng được. Con bé ấy sẽ làm dì ghẻ thằng Nikolenka, còn tao thì tao lấy con Burienka… Ha, ha, ha, để cho nó cũng có dì ghẻ với chứ! Chỉ có một điều là trong nhà tao không cần bọn đàn bà nữa; cứ lấy vợ đi, rồi ở riêng ra. Có lẽ hay là mày cũng đi với nó nốt? - Lão công tước nói với con gái. - Thế thì gửi Chúa, chúc các người lên thiên đường bình an… lên đường bình an!…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:54:47 pm
Sau trận lôi đình này công tước không lần nào nhắc đến việc ấy nữa. Ông cố đè nén nỗi bực tức đối với cái nhược điểm của thằng con trai, nhưng nó lại càng lộ rõ ra trong cách ông đối xử với con gái. Thêm vào những đề tài chế giễu trước kia bây giờ lại có một đề tài mới - câu chuyện dì ghẻ và những cử chỉ ân cần đối với cô Burien.

- Việc gì tao lại không lấy cô ta? - Ông nói với con gái - Cô ta sẽ làm một bá tước phu nhân xuất sắc.
     
Và trong thời gian gần đây công tước tiểu thư Maria bắt đầu ngạc nhiên và chẳng hiểu ra làm sao nữa khi nhận thấy rằng cha quả nhiên bắt đầu ngày càng gần gũi cô thiếu nữ Pháp. Tiểu thư viết thư cho anh nói rõ cha đã tiếp bức thư của chàng như thế nào, nhưng nàng cố an ủi anh và cho chàng hy vọng rằng nàng sẽ làm cho cha thuận lòng.
   
Nikolenka và việc dạy dỗ nó, Andrey và tôn giáo là những niềm an ủi và vui sướng của công tước tiểu thư Maria; nhưng ngoài ra, vì mỗi người vốn đều cần có những hy vọng riêng, trong đáy sâu của tâm hồn mình, tiểu thư Maria có một ước mơ và hy vọng thầm kín vốn là mềm an ủi lớn nhất trong đời nàng. Ước mơ và hy vọng đó là do những "con người của Chúa" đem lại cho nàng. Đó là những người ngây dại và những người hành hương vẫn bí mật đến gập nàng, không cho lão công tước biết. Tiểu thư Maria càng sống, nàng càng thể nghiệm và quan sát cuộc đời thì lại càng lấy làm lạ về sự thiển cận của con người đi tìm khoái lạc và hạnh phúc trên thế gian này: họ làm lụng vất vả, họ đau khổ, họ vật lộn và làm hại lẫn nhau để đạt đến cái hạnh phúc không thể nào có được, hư ảo và xấu xa đó. "Công tước Andrey yêu vợ, vợ chết anh ấy vẫn chưa thấy đủ, anh ấy muốn gắn bó hạnh phúc của mình vào một người đàn bà khác. Cha không ưng thuận vì cha muốn Andrey tìm đám nào quý phái và giàu có hơn. Và họ đều vất vả, đau khổ, dằn vặt và làm hư hỏng lính hồn mình, linh hồn bất diệt của mình để đạt đến một lạc thú chốc lát, không những chính chúng ta biết điều đó mà thôi, Đấng Cơ đốc, con của Đức chúa trời đã xuống cõi trần để nói với chúng ta rằng cuộc sống này là một cuộc sống phù du, là một thử thách, thế mà ta cứ bám vào nó và mong tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống này. Tại sao không có ai hiểu nổi điều đó? - tiểu thư Maria nghĩ - Không có ai cả, ngoài những con người của Chúa bị người ta khinh rẻ đó, những người vác bị trên vai đến với ta bằng cổng sau, sợ bị công tước trông thấy, nhưng không phải sợ bị người hành hạ mãng nhiếc mà là sợ khiến cho Người phạm tội lỗi. Rời bỏ gia đình, quê hương: từ bỏ mọi sự lo toan về lạc thú ở đời này, không bận bịu điều gì, và để rồi mình mặc chiếc áo rách tươm, mang một cái tên giả đi từ nơi này sang nơi khác, không làm hại ai và cầu nguyện cho người, cầu nguyện cả cho cả những người xua đuổi mình cũng như những người che chở mình: không có chân lý nào cao hơn chân lý này, không có cuộc sống nào cao hơn cuộc sống này nữa!"
   
Có một người hành hương tên là Fodoxyuska một bà già năm mươi tuổi, bé nhỏ, trầm lặng, mặt rỗ, đã ba mươi năm nay đi chân không và mang xiềng. Nữ công tước Maria đặc biệt yêu quý người này. Có một lần trong gian phòng tối mờ mờ dưới ánh sáng leo lét của mỗi một ngọn đèn thờ, khi Fodoxyuska kể lại đời mình, công tước tiểu thư bỗng có một ý nghĩ rằng chỉ một mình Fodoxyuska tìm được con đường sống đúng đắn, và ý nghĩ này đến với nàng mãnh liệt đến nỗi nàng đã quyết định chính mình cũng sẽ lang thang đi hành hương. Khi Fodoxyuska đã đi ngủ, nữ công tước Maria suy nghĩ hồi lâu về việc này, và cuối cùng quyết định rằng tuy điều đó có vẻ kỳ lạ thật, nhưng nàng cần phải đi hành hương.

Nàng chỉ thổ lộ ý định này với thầy sám hối(1) của nàng là cha Akinfi và linh mục này tán thành ý định của nàng. Lấy cớ là để làm quà cho các bà hành hương, công tước tiểu thư Maria tữ sẵn cho mình cả một bộ đồ hành hương: một chiếc áo thụng, một đôi thảo hài, một cái áo kaftan và một chiếc khăn đen. Nhiều khi, lại gần chiếc tủ bí mật đựng các thứ đó, nữ công tước tiểu thư Maria phân vân không biết đã đến lúc thực hiện ý định của nàng chưa.
   
Nhiều khi đang nghe những câu chuyện của các bà hành hương, nàng thấy lòng mình như bốc cháy trước những lời lẽ giản dị, đối với họ thì rất tự nhiên, nhưng đối với nàng thì bao hàm một ý nghĩ sâu sắc, đến nỗi đã mấy lần nàng đã sẵn sàng từ bỏ tất cả và trốn đi. Trong trí tưởng tượng làng đã thấy mình đi với Fodoxyuska, mình mặc áo vải thô, tay câm gậy và vai mang bị bước trên con đường cát bụi, không ganh tị, không có tình yêu trần tục, không có dục vọng, viếng hết vị phúc lộc này đến vị phúc lộc khác, và cuối cùng đi đến tận nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài, chỉ có một mềm hoan lạc vĩnh viễn.
   
"Ta sẽ đến một nơi nào đó, sẽ cầu nguyện, rồi chưa kịp quen người mến cảnh ta sẽ lại đi nơi khác. Và ta sẽ đi cho đến khi nào chân ta khuỵu xuống, ta sẽ nằm xuống và sẽ chết ở một nơi nào đó, rồi cuối cùng ta sẽ đến cái bến vĩnh viễn, sóng yên gió lặng, nơi không còn buồn khổ, không còn tiếng thở dài?"

- Nhưng sau đó, khi trông thấy cha và nhất là thằng Nikolenka bé bỏng, nàng lại mủi lòng, về phòng riêng khóc một mình và cảm thấy mình là kẻ có tội: nàng đã yêu cha và cháu nhỏ hơn cả Chúa!

======================================================

Chú thích:

(1) Người linh mục có trách nhiệm xưng tội.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:55:37 pm
Phần VII - Chương -1

Truyền thuyết Thánh kinh nói rằng cảnh sống nhàn hạ, không lao động, là điều kiện hạnh phúc của con người đầu tiên trước khi sa ngã. Sau khi đã sa ngã rồi, con người vẫn thích nhàn hạ, nhưng sự nguyền rủa của Thượng đế vẫn đè nặng trên con người, cho nên không những nó phải đổ mồ hôi trán mới kiếm được miếng ăn, mà hơn nữa những bản tính về đạo đức của ta cũng không cho phép ta an tâm mà nhàn hạ được. Một tiếng nói thầm kín nhắc nhở ta rằng sống nhàn hạ là có tội. Nếu có thể tìm được một cảnh sống trong đồ con người vẫn nhàn hạ mà lại cảm thấy mình hữu ích và đang làm tròn nhiệm vụ, thì như vậy là con người đã tìm thấy một mặt của hạnh phúc nguyên thuỷ. Và cảnh nhàn hạ bắt buộc không ai chê trách được ấy chính là cái cảnh mà cả một tầng lớp người được hưởng: tầng lớp quân nhân. Điều thú vị nhất của nghề nghiệp nhà binh chính là cảnh sống nhàn hạ vì nghĩa vụ và không ai chê trách được đó.

Nikolai Roxtov từ năm 1807 đến nay vẫn được hưởng cái lạc thú ấy một cách trọn vẹn, trong khi tiếp tục phục vụ ở trung đoàn Pavlograd: bây giờ chàng chỉ huy đại đội kỵ binh của Denixov trước đây.
   
Roxtov đã trở thành một anh chàng lỗ mãng và đôn hậu mà có lẽ những người quen biết ở Moskva cho là kiểu người không tốt nhưng được các bạn đồng ngũ kẻ dưới người trên đều mến trọng, và chàng rất hài lòng với cách sống của mình. Gần đây, trong những bức thư mà chàng nhận được trong năm 1809, mẹ chàng thường phàn nàn về nỗi cảnh nhà càng ngày càng sa sút, và nói rằng đã đến lúc chàng phải về để cha mẹ chàng được vui vẻ và yên lòng.
   
Đọc những bức thư ấy, Nikolai lo sợ rằng người ta muốn hất chàng ra khỏi cái môi trường trong đó chàng đang sống yên tĩnh phẳng lặng, cách biệt tất cả những phiền nhiễu của cuộc đời. Chàng cảm thấy sớm hay muộn gì chàng cũng phải lao mình vào luồng nước xoáy của cuộc đời, phải cứu vãn những tình thế khó khăn của gia đình, phải kiểm tra những tính toán và sổ sách của viên quản lý, phải tham dự những cuộc tranh chấp, những mưu mô, những quan hệ xã giao, phải giải quyết vấn đề tình yêu với Sonya và lời chàng đã hứa với nàng. Tất cả những điều đó thật là khó khăn, phiền phức ghê gớm, và chàng trả lời mẹ bằng những bức thư rập khuôn lạnh lùng, bắt đầu bằng "mẹ thân yêu" và kết thúc bằng "con trai hiếu kính của mẹ", mà không hề nói rõ mình định đến bao giờ thì sẽ về. Năm 1810, một bức thư nhà báo cho chàng biết là Natasa đã đính hôn với Bolkonxki và lễ cưới phải hoãn lại trong thời hạn là một nằm, vì lão công tước không thuận. Bức thư khiến chàng vừa buồn vừa giận.
     
Trước hết, chàng buồn vì thấy Natasa, em gái cưng của chàng, sắp rời khỏi nhà.
     
Sau nữa, theo quan điểm sĩ quan phiêu kỵ của chàng, chàng tiếc rằng đã không có mặt ở nhà để tỏ rõ cho Bolkonxki thấy rằng làm thông gia với nhà hắn ta tuyệt nhiên không phải là một vinh dự gì lớn lắm, và nếu quả thật hắn ta yêu Natasa, thì hắn có thể bất chấp cả sự phản đối của ông bố gàn dở của hắn. Có một lúc, chàng đã phân vân tự hỏi nên xin nghỉ để về thăm Natasa sau khi nàng đã đính hôn hay không, nhưng chính lúc ấy những cuộc tập trận lại diễn ra, chàng lại nghĩ đến Sonya, đến những nỗi phiên toái mà chàng sẽ gặp, và chàng lại trì hoãn. Nhưng đến mùa xuân năm ấy mẹ chàng lại viết thư cho chàng mà không cho lão bá tước biết, bức thư đó đã khiến chàng quyết định về nhà. Bà bảo nếu chàng không về để nắm lấy mọi việc thì bao nhiêu tài sản sẽ bị phát mại hết và cả nhà sẽ phải đi hành khất. Bá tước quá nhu nhược, hiền lành, hoàn toàn tin cậy Mityenka, lại bị mọi người lừa phỉnh, cho nên công việc càng ngày càng hỏng thêm. "Mẹ van xin con hãy vì Chúa mà về ngay nếu con không muốn làm cho mẹ và cho cả nhà phải khốn đốn" - bá tước phu nhân viết như vậy.
     
Bức thư ấy đã có tác dụng với Nikolai. Chàng vốn có cái trí xét đoán lành mạnh của những người tầm thường, là cái vẫn vạch cho họ thấy rõ nhiệm vụ phải làm.
     
Bây giờ thì chàng nhất định phải về, nếu không phải là xin giải ngũ, thì cũng phải xin nghỉ phép. Tại sao chàng lại phải về, chàng cũng không biết nữa, nhưng sau một giấc ngủ trưa, chàng bảo thắng con ngựa Marx, một con ngựa đực màu xám, tính rất dữ, đã lâu không ai cưỡi; và khi trở về phòng, trên con ngựa ướt đẫm bọt mồ hôi, chàng báo tin cho Larutska (người cần vụ của Denixov nay chuyển sang hầu hạ Roxtov) và cho các bạn bè đến chơi buổi tối ở nhà chàng biết rằng xin nghỉ phép để về thăm nhà. Mặc dù chàng thấy khó tin và lấy làm kỳ lạ khi nghĩ rằng mình ra đi trong khi Bộ tham mưu chưa cho biết (chàng đặc biệt quan tâm đến việc ấy) qua cuộc tập trận vừa rồi chàng có được thăng chức đại uý hoặc ít nhất có được thưởng huân chương Anna hay không; Mặc dù chàng lấy làm lạ rằng mình bỏ ra đi trong khi chưa bán lại xong xuôi cho bá tước Golukhovxki ba con ngựa lang mà ông ta đang mặc cả với chàng (chàng đã đánh cuộc với anh em là sẽ bán được hai ngàn rúp) mặc dù chàng thấy rõ rằng nếu mình không đến dự cuộc khiêu vũ mà bọn phiêu kỵ tổ chức mừng tiểu thư Ba Lan Psadexka đề chọc tức bọn kỵ binh U-lan cũng đang tổ chức một cuộc khiêu vũ cho tiểu thư Bôjodovxka của họ thì đó sẽ là một điều cực kỳ vô lý, nhưng chàng vẫn biết rằng thế nào mình cũng phải rời khỏi thế giới êm đềm dễ chịu này để đến một nơi ở đấy tất cả đều hỗn độn be bét.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:56:29 pm
Một tuần sau chàng nhận được giấy phép. Bè bạn của chàng là những sĩ quan trong trung đoàn và cả trong lữ đoàn nữa, tổ chức một bữa tiệc tiễn chàng mỗi người góp mười lăm rúp, có hai dàn nhạc, hai đội hợp ca; Roxtov nhảy bài trepak với thiếu tá Baxov; mấy viên sĩ quan say rượu công kênh chàng, hôn chàng và thả cho chàng rơi phịch xuống đất; Binh sĩ của đại đội ba lại công kênh chàng một lần nữa và hô: ura! Rồi họ đặt chàng lên xe trượt tuyết và hộ tống chàng đến trạm đường thứ nhất.
     
Trong phần thứ nhất của hành trình, từ Krementsng đến Kiev bao nhiêu tâm trí của Roxtov, như xưa nay vẫn thế, đều gửi lại nơi mình vừa từ giã, gửi lại kỵ đội của chàng; nhưng khi đã đi được quá nửa đường, chàng bắt đầu quên ba con ngựa lang, quên cả viên tào trưởng của kỵ đội là Dozoiveyka, và bắt đấu băn khoăn tự hỏi khi về đến Otradnoye mình sẽ thấy tình hình ra sao. Chàng càng gần về đến nhà thì những ý nghĩ của chàng về gia đình càng mạnh hơn trước nhiều (dường như tình cảm, cũng như trọng lực, phục tùng cái quy luật hấp dẫn theo tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách); đến trạm cuối cùng trước trang viên Otradnoye, chàng cho người đánh xe trạm ba rúp tiền uống rượu và thở hổn hển nhảy lên thềm từng bốn bậc một, như một đứa trẻ.
   
Sau những phút mừng rỡ của buổi mới về, và sau cái cảm giác thất vọng lạ lùng khi so sánh hiện thực với những điều trước đây chàng vẫn chờ đợi - chả có gi thay đổi cả, thế mà cũng hối hả làm gì Nikolai lại quen dần với cuộc sống gia đình. Ông cụ bà cụ vẫn như trước, chỉ có già đi ít nhiều. Điều mới ở hai ông bà là một nỗi lo lắng và đôi khi là sự bất đồng ý kiến trước kia không hề có, mà nguyên nhân như Nikolai ít lâu sau nhận thấy, chính là tình hình tài chính rối ren của gia đình. Sonya thì sắp đến tuổi hai mươi.

Nàng không thể đẹp thêm nữa, nhan sắc của nàng không hứa hẹn gì hơn nữa, song dù cứ thế này thôi cũng là đủ lắm rồi. Từ khi Nikolai về, cả con người nàng phơi phới hạnh phúc và tình yêu, và lòng chung thuỷ keo sơn của người thiếu nữ ấy khiến chàng vô cùng vui sướng. Petya và Natasa làm cho chàng kinh ngạc hơn cả Petya thì bây giờ là một cậu thiếu niên mười ba tuổi, cao lớn và đẹp trai, hóm hỉnh, vui tươi, tinh nghịch, tiếng nói đã vỡ. Còn Natasa thì trong một thời gian khá lâu chàng cũng lấy làm lạ và hễ nhìn cô em chàng lại bật cười.

- Không giống trước tí nào cả.

- Thế em xấu đi à?

- Trái lại, nhưng trông trang trọng thế nào ấy. Đúng là một công tước phu nhân! - Chàng nói thì thào.

- Phải, phải đấy, phải đấy. - Natasa vui vẻ đáp.

Natasa kể lại cho chàng nghe câu chuyện diễm tình của nàng với công tước Andrey, việc công tước đến
thăm Otradnoye, rồi đưa cho chàng xem bức thư mới nhận được của công tước.

- Thế anh có thích không? - Nàng hỏi - Bây giờ em thấy thanh thản và sung sướng quá.

- Thích lắm - Nikolai nói - Anh chàng ấy rất khá. Em yêu anh ta lắm à?

- Biết nói thế nào cho anh hiểu bây giờ nhỉ. - Natasa đáp - Trước kia, em đã từng cảm Boris, cảm ông thầy học của em, cảm Denixov, nhưng lần này thì không giống thế một tí nào. Em tự thấy bình tĩnh, vững vàng lắm. Em biết không ai tốt hơn anh ấy được, em thấy trong lòng bây giờ thanh thản, sung sướng quá. Thật không giống trước kia một tí nào…

Nikolai ngỏ cho Natasa biết rằng chàng không hài lòng về việc hoãn lễ cưới lại một năm; nhưng Natasa kịch liệt cãi lại chàng và chứng minh rằng không thể làm cách nào khác, rằng về nhà chồng mà không được ông bố chồng thuận tình thì không tốt, rằng chính nàng đã muốn làm như vậy.

- Anh chả hiểu gì cả, chả hiểu tí gì, - nàng nói.

Nikolai im lặng và cho là nàng nói phải.

Chàng thường thấy làm lạ môi khi nhìn em. Nàng hoàn toàn không có vẻ là một người vợ chưa cưới chung tình đang phải xa cách người chồng chưa cưới. Nàng bình thản, vui vẻ chẳng khác gì trước. Nikolai lấy điều đó làm lạ, thậm chí còn nảy ra ý nghi ngờ chủ ý của Bolkonxki trong việc cầu hôn này. Chàng không tin rằng số phận Natasa đã được định đoạt; hơn nữa là vì chàng chưa hề thấy nàng và Andrey bên cạnh nhau bao giờ. Chàng vẫn thấy có cái gì không ổn trong cuộc hôn nhân tự định này.
   
"Tại sao lại hoãn? Tại sao không làm lễ đính hôn?" - chàng băn khoăn tự hỏi.

Một hôm, trong khi nói chuyện với mẹ về Natasa, chàng lấy làm lạ, nhưng cũng có phần thích thú nhận thấy rằng mẹ chàng trong thâm tâm cũng có lúc nhìn cuộc hôn nhân ấy với con mắt hoài nghi như chàng.

- Đây thư của anh ấy viết đây - bà cụ vừa nói vừa đưa cho con trai bức thư của công tước Andrey, với cái ác cảm thầm kín của tất cả các bà mẹ đối với hạnh phúc vợ chồng tương lai của con gái mình - anh ta nói là không về được trước tháng Chạp. Chả biết bận công việc gì? Có lẽ là ốm! Sức khoẻ anh ta rất kém. Con đừng nói với Natasa nhé. Không nên thấy nó vui vẻ thế mà tưởng nhầm; nó đang sống những ngày cuối cùng trong quãng đời con gái của nó, ấy thế mà mẹ biết rõ trong lòng nó như thế nào mỗi khi nó nhận được thư anh ta. Vả chăng, nếu Chúa ban ơn, thì mọi việc có lẽ rồi sẽ tốt đẹp - và cũng như mọi lần khác, bà lại kết luận - Anh ấy rất tốt.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:57:42 pm
Phần VII
Chương - 2

Những ngày mới về nhà, Nikolai có vẻ nghiêm nghị, thậm chí còn cau có nữa. Chàng rất khổ tâm vì sắp phải bắt tay vào những công việc quản lý ngu xuẩn mà mẹ chàng đã gọi chàng về để lo liệu, để trút cho mau cái gánh nặng ấy. Ngày thứ ba sau khi về nhà, sắc mặt hằm hằm, không nói cho ai biết là mình đi đâu, chàng bước thẳng đến phòng Mityenka ở dãy nhà dọc, và đòi xem tất cả mọi khoản kế toán. "Mọi khoản kế toán ấy là gì", Nikolai còn biết ít hơn cả Mityenka, bấy giờ đang hoảng hốt và ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng. Những lời giải thích và tính toán của Mityenka không kéo dài được bao lâu. Mấy người thôn trưởng đang chờ ở phòng ngoài vừa sợ hãi vừa thích thú khi nghe tiếng quát mắng ầm ầm hình như mỗi lúc một to thêm của tiểu bá tước, rồi tuôn ra tới tấp thành một trận chửi rủa thậm tệ.

- Đồ kẻ cướp! Đồ súc sinh bạc nghĩa! Tao sẽ băm thây mày ra như một con chó… Ta không phải như ông cụ đâu… đồ ăn cắp, v.v…
   
Rồi những người ấy lại không kém phần thích thú nhưng sợ hãi khi thấy tiểu bá tước mắt đỏ gay, hai mắt nổi tia máu, nắm cổ áo Mityenka mà lôi và khéo chọn lúc thuận tiện giữa hai tiếng chửi mà đạp cho y một cái và thúc đầu gối vào phía dưới lưng y, quát lên:

- Cút! Đừng hòng đặt chân vào nhà này nữa, đồ chó!
   
Mityenka ba chân bốn cẳng lao xuống sáu bậc thềm rồi cắm cổ chạy vào một cái lùm cây. (Lùm cây này là nơi ẩn nấp có tiếng của những dân ở Otradnoye khi có lỗi. Chính Mityenka cũng lẩn quất ở đó mỗi khi ra thành phố uống rượu say rồi về, và có nhiều người dân Otradnoye, cần phải trốn tránh, Mityenka cũng biết rõ cái công dụng che chở của nó).
   
Vợ Mityenka và mấy cô em gái của mụ, vẻ mặt hốt hoảng, ló cổ ra ngoài cửa buồng, nơi đặt một chiếc xamova bóng nhoáng và cái giường cao của viên quản lý phủ một tấm chăn lát chả khâu bằng nhiều mảnh ghép lại.
   
Không để ý đến họ, tiểu bá tước vừa thở hồng hộc vừa nện gót đi qua mặt họ, trở về toà nhà chính.
   
Bá tước phu nhân, được thị tỳ bẩm báo về việc mới xảy ra bên nhà dọc, một mặt thấy an tâm vì cho rằng như thế chắc từ nay công việc nhà sẽ khá hơn, nhưng một mặt khác lại thấy lo lăng không biết con mình liệu có chịu đựng nổi những chuyện phiền toái ấy không. Có nhiều lần bà bước rón rén đến cửa phòng chàng lắng tai nghe chàng hút hết tẩu thuốc này sang tẩu thuốc khác.
   
Ngày hôm sau lão bá tước gọi con trai ra một chỗ và mỉm cười lúng túng bảo chàng:

- Con ạ, con nóng nảy như vậy cũng không phải! Mityenka đã nói hết cho ba biết.
   
"Mình đã biết mà - Nikolai thầm nghĩ - Mình sẽ không hiểu được cái gì trong cái thế giới ngu xuẩn này".

- Con nổi giận vì nó không ghi bảy trăm rúp(1) ấy vào trong sổ.

- Thật ra số tiền ấy có viết ở chỗ sang trang nhưng con không xem trang sau.

- Thưa cha, nó là đồ chó má, đồ ăn cắp, con biết chắc như vậy Dù sao thì con cũng đã trót làm như thế rồi. Nhưng nếu cha không muốn, thì thôi, con sẽ không nói gì với nó nữa.

- Không, anh bạn ạ (Chính bá tước cũng thấy ngượng. Ông cũng thừa biết mình quản lý tài sản của vợ đến nỗi hư hỏng như thế này là có lỗi đối với con cái nhưng không biết nên làm thế nào để cứu vãn tình thế). Không, cha xin con cứ nắm lấy việc nhà, cha già rồi cha…

- Không, cha ạ, cha tha thứ cho con nếu đã làm cha phiển lòng; con ít hiểu biết về công việc hơn cha nhiều.

"Cho về nhà ma hết, nào nông dân, nào tiền bạc, nào những món chuyển sang trang sau! Đặt cửa gấp sáu lần, cái đó thì trước kia đã có lúc ta hiểu được, nhưng chuyển sang trang sau thì chịu không hiểu gì hết".
     
Chàng tự nhủ và từ đó không nhúng tay vào việc gì nữa. Nhưng có một lần, lão bá tước phu nhân cho gọi chàng và nói rằng bà còn giữ một cái phiếu nợ hai ngàn rúp của bà Anna Mikhailovna và hỏi xem bây giờ chàng định xử lý cái phiếu ấy như thế nào.

- Thế này nhé - Nikolai đáp - Mẹ nói rằng con có quyền quyết định. Con chẳng ưa gì bà Anna Mikhailovna, mà con cũng chẳng ưa gì Boris, nhưng họ là chỗ quen thân với nhà tạ, và họ lại nghèo. Thì đây nên xử lý như thế này đây - nói đoạn chàng xé ngay tờ phiếu ra từng mảnh: điều đó khiến bà cụ khóc nấc lên vì sung sướng. Sau đó, chàng thanh niên Roxtov không nhúng tay vào việc gì nữa mà chỉ chuyên tâm miệt mài vào những cuộc đi săn đuổi(2) một thú tiêu khiền hãy còn mới mẻ đối với chàng, và vẫn được bá tước tiến hành theo quy mô lớn.

===================================================

Chú thích:

(1) Theo pháp luật thời ấy, của vợ của chồng đều để riêng, chồng không có quyền thừa kế tài sán của vợ, đó là sở hữu của con sau khi vợ chết

(2) Cuộc đi săn nhiều người cưỡi ngựa dùng chó săn để đuổi thú



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 05:59:00 pm
Phần VII
Chương - 3

Trời đã chớm sang đông, những cơn gió ban mai làm cho mặt đất ướt sũng vì những trận mưa thu đông cứng lại. Lúa mì mùa đông đã trổ đòng, một màu xanh tươi nổi bật trên những lớp rạ màu nâu sẫm của vụ lúa mì mùa thu bị đàn gia súc giẫm nát và những đám lúa mì màu vàng tươi, xen kẽ với những dải lúa kiều mạch màu đỏ Những ngọn cây và những khóm rừng, về cuối tháng tám còn là những hòn đảo xanh rờn nổi giữa những cánh đồng lúa mì và những ruộng rạ đen thì nay đã trở thành những cù lao vàng óng và đỏ rực giữa những đám lúa mì mùa đông xanh ngắt. Giống thỏ xám thay lông đã gần xong; những lứa chồn mới dẻ trong mùa bắt đầu chạy ra ngoài, và sói con đã lớn vóc hơn chó nhà. Đó là thời tiết thuận lợi nhất để đi săn. Roxtov vốn là một thanh niên rất ham mê săn bắn.

Bầy chó của chàng không những dùng sức nhiều trong cái buổi đi săn mà còn mệt mỏi đến nỗi một buổi họp những người săn bắn đã quyết định cho chó nghỉ ba ngày và đến ngày 16 tháng chín thì sẽ lùa chó đi săn, bắt đầu từ cánh rừng sồi nơi mới phát giác một lứa sói non còn nguyên.
   
Tình hình ngày mười bốn tháng Chín là như vậy. Cả ngày hôm ấy, đội săn không ra khỏi nhà; khí trời giá rét buốt đến tận xương, nhưng về chiều thì sương mù bắt đầu buông xuống, và khí trời có chiều dịu lại.
     
Sáng ngày mười lăm tháng Chín.

Roxtov mặc áo ngủ nhìn ra cửa sổ thấy rằng không thể nào ước ao một buổi sáng đẹp trời hơn nữa để đi săn: vòm trời tựa hồ như tan rữa và sa xuống sát đất. Không có lấy một hơi gió thoảng. Trong không khí chỉ có một sự vận động duy nhất là một thứ sương mù nhỏ li ti như bụi đang từ từ buông xuống. Những giọt sương trong suốt treo trên các cành cây trơ trụi trong vườn rồi rơi xuống lớp lá vàng mới rụng. Mặt đất trong vườn rau ướt sũng và đen nhánh như hạt phù dung và cách đó không xa hoà lẫn vào màn sương sẫm đục và ẩm thấp. Nikolai bước ra bậc thềm ướt át, đầy những dấu chân bùn lầy; không khí nồng nặc mùi lá ải và mùi chó săn. Mika, một con chó cái đen có đốm, mông rộng, hai mắt đen to và lồi, thấy chủ ra thì nhổm dậy, vươn dài mình dạp xuống như một con thỏ rồi bỗng nhẩy chồm lên liếm mũi, liếm ria mép chàng. Một con chó Borzoy(1) khác đang đứng bên bồn hoa, thoạt trông thấy chủ liền cong lưng chạy nhào đến bậc thềm dựng lông đuôi lên rồi đến cọ mình vào chân Nikolai.

Vừa lúc ấy vang lên tiếng hú ra hiệu của người đi săn, một thứ tiếng không thể bắt chước được, trong đó có một giọng trầm sâu thấp nhất hoà lẫn với giọng kim sắc nhọn nhất.
   
- O hô - Ô - Ôi! O hô - Ô - Ôi?
   
Và Danilo, người quản cẩu thứ nhất, từ góc nhà bước ra, tóc cắt theo kiểu Ukrain, da mặt nhăn nheo tay cầm một cái roi da tết(2) dài cuốn lại; hắn có cái dáng điệu độc lập tự chủ và xem khinh mọi sự ở dời, mà chỉ những người đi săn mới có.
     
Thấy chủ, hắn giơ tay cất cái mũ bịt kiểu Tserkex và nhìn chàng một cách khinh miệt. Vẻ khinh miệt ấy không làm Nikolai mếch lòng: chàng biết rằng tuy Danilo coi khinh tất cả và tự đặt mình cho lên trên mọi người nhưng hắn vẫn là người nhà và là người phu săn của chàng.
trong một thời tiết lý tưởng để đi săn như vậy, trước bầy chó săn và người quản cẩu thứ nhất, chàng thấy mình bị lôi cuốn theo niềm say mê không sao cưỡng lại được. Khiến cho người đi săn quên hết mọi điều dự định từ trước, như một kẻ si tình trước mặt người yêu.

- Danilo! - Nikolai gọi.

- Cậu truyền lệnh như thế nào ạ? - Danilo hỏi, giọng trầm trầm như giọng của một ông thầy dòng giúp lễ, cái giọng khàn, rè rè vì phải luôn mồm gào thét lũ chó, và hai con mắt đen sáng quắc của hắn liếc nhìn ông chủ đang im lặng, như muốn nói: "Thế nào? Hay là không cầm lòng được nữa?"

- Hôm nay tốt trời đấy nhỉ? Đi săn cũng tốt, mà phi ngựa cũng tốt nhỉ? - Nikolai vừa nói vừa gãi gãi phía sau tai con Milka.

Danilo không đáp, chỉ nháy mắt mấy cái.

- Tôi đã cho thằng Uvarka đi nghe ngóng từ lúc tảng sáng - sau một lát im lặng, hắn mới nói, vẫn với cái giọng trầm trầm ấy - Uvarka bảo là nó đã dời ổ sang cấm địa Otradnyoe, hắn đã nghe tiếng tru ở đó. (Thế nghĩa là con chó sói cái mà họ dò được đã đưa bầy con sang khu rừng cấm của điền trang Otradnyoe, một khoảng đất săn nhỏ, cách nhà hai dặm Nga).

- Thế thì phải đi chứ? - Nikolai nói - Anh gọi cả thằng Uvarka đến ta bảo.

- Xin tuỳ cậu.

- Thế thì hẵng khoan cho chó ăn đã nhé.

- Vâng ạ.

Năm phút sau. Danilo đã đứng trong gian phòng làm việc rộng rãi của Nikolai. Danilo không to lớn mấy, nhưng ai thấy hắn đứng trong một gian phòng cũng có ấn tượng như khi nhìn thấy một con ngựa hay một con gấu đứng trên sàn gỗ đánh xi. Ở giữa những bộ bàn ghế, trong khung cảnh sinh hoạt của con người. Chính hắn cũng cảm thấy thế, và cũng như thường lệ, hắn đứng ở cửa, cố gắng nói thật nhỏ, không cựa quậy, sợ nhỡ làm đổ vỡ cái gì trong nhà ông chủ chăng, hối hả nói cho xong những điều cần nói đến chóng được ra ngoài trời.

Khi chàng đã tra hỏi xong xuôi và đã đòi cho kỳ được Danilo công nhận rằng bầy chó vẫn khoẻ (chính Danilo cũng thèm đi lắm). Nikolai ra lệnh đóng yên cương. Nhưng khi Danilo sắp lui ra thì Natasa tóc chưa vấn, áo chưa mặc xong, bước nhanh vào phòng, mình quấn cái khăn choàng lớn của u già, Petya cũng chạy theo sau.

- Anh đi đấy à? - nàng hỏi - Em biết mà! Sonya cứ bảo là các anh không đi. Nhưng em biết, trời như thế này thì không đi không được.

- Phải - Nikolai miễn cưỡng đáp; hôm nay chàng muốn đi săn một chuyến cho thật ra trò nên không muốn đem Natasa và Petya đi Phải bọn ta đi đây, chỉ săn chó sói, em mà đi thì sẽ phát chán.

- Nhưng anh cũng biết là em thích nhất món đó - Natasa nói - Thế là không tốt. Đi săn, sai đóng yên, mà chẳng nói gì với chúng em cả.

- Đối với người Nga, mọi trở ngại đều vô nghĩa, chúng ta đi thôi! - Petya reo lên.

- Nhưng em không đi với bọn anh được, mẹ đã bảo là em không được đi. - Nikolai bảo Natasa.

- Không, em cứ đi, thế nào em cũng đi. - Natasa nói, giọng cương quyết. - Danilo, bảo đóng yên cho chúng tôi và bảo Mikhailo dắt mấy con chó Bordo của tôi ra nhé - nàng nói với người quản cẩu.
     
Chỉ đứng trong một gian phòng thôi Danilo cũng đã cảm thấy bất tiện và khó chịu, đã thế lại còn giao thiệp với một cô tiểu thư, bất cứ về việc gì, hắn càng không cho là một việc không sao làm nổi. Hắn nhìn xuống đất và vội vàng lui ra, tuồng như những lời nói ấy không liên quan gì tới hắn, và bước cẩn thận, tưởng chừng chỉ sợ nhỡ ra làm tổn thương gì đến cô chủ chăng.

========================================================

Chú thích:

(1) Loại chó săn mình thon và dài, bụng nhỏ, chàn cao, mõm dài, lông dài, chạy rất nhanh.

(2) Loại roi dùng đánh cho kêu để lùa thú săn



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 06:00:06 pm
Phần VII
Chương - 4

Trước đây, bao giờ lão bá tước cũng nuôi trong nhà một phường săn lớn, nhưng bây giờ ông đã giao hẳn cho con quản lý, hôm ấy ngày mười lăm tháng Chín, thấy tinh thần sảng khoái, ông quyết định nhập bọn với đám người đi săn.

Một giờ sau, tất cả đội săn đều tập hợp trước thềm. Gương mặt Nikolai nghiêm nghị và trang trọng, tỏ ra rằng bây giờ không còn là lúc lo đến những việc không đâu nữa; Natasa và Petya đang muốn kể một chuyện gì với chàng, nhưng chàng cứ bỏ mặc không thèm nghe. Chàng thân hành đi kiểm tra mọi việc, phái một bầy chó và tốp người lùa(1) đi trước rồi nhảy lên yên con ngựa tía sông Đông, huýt bầy chó của mình và qua sân đập lúa đi ra cánh đồng dẫn đến rừng cấm Otradnoye. Người mã phu của lão bá tước dắt con ngựa thiến nhỏ sắc tía của ông, tên là Viflianka; bản thân bá tước thì ngồi xe đi thẳng đến địa điểm đã dành cho ông ta.
     
Có tất cả năm mươi tư con chó săn đuổi giống Borzoy do sáu người quản cẩu và gia đình nuôi chó trông nom. Số gia đình nuôi chó Borzoy là tám người với bốn mươi con chó; thế là, những bầy chó của các chủ nhân trên dưới một trăm ba mươi con và hai chục người đi săn cưỡi ngựa đã tham dự.
     
Mỗi con chó đều biết chủ của mình và tên mình. Mỗi người đi săn đều biết nhiệm vụ và địa điểm của mình. Ra khỏi cổng trang viên, cả đoàn không một tiếng ồn, không một lời nói, yên lặng kéo thành hàng dài, cách quãng đều đặn, trên con đường và trên cánh đồng dẫn đến rừng Otradnoye.
   
Ngựa bước trên cánh đồng như trên một tấm thảm êm ái, thỉnh thoảng lại lội lõm bõm trong những vũng lầy khi vượt qua đường cái Vòm trời phủ hơi sương dần dần hạ thấp xuống đất; không khí yên lặng, ấm áp, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng lại nghe còi của một người đi săn, tiếng thở phì phì của một con ngựa, tiếng roi quất đen đét hay tiếng kêu ăng ẳng của một con chó bị đánh vì đi không đúng vị trí.
   
Đi được gần một dặm thì thấy từ trong sương mù hiện ra năm người cưỡi ngựa có chó theo sau, đi thẳng về phía đội săn của nhà Roxtov. Dẫn đầu là một ông già quắc thước, nhanh nhẹn, với bộ ria mép bạc rậm xum xuê.

- Chào chú! - Nikolai nói khi ông già đến gần.

- Khá đấy!… Chú đã biết mà - Ông già nói (ông ta là một người có họ xa với nhà Roxtov, không giàu lắm, nhà cũng ở gần đấy) Chú biết là thế nào anh cũng không nhịn được đâu, mà như thế là phải. Khá đấy! (Đó là một cầu đầu miệng mà ông chú rất thích nói). Anh hãy chiếm lĩnh ngay khu rừng cấm, thằng Ghirtrik nhà tôi vừa báo là bọn Ilaghin đã đem đội săn đến đóng ở Korniki; họ sẽ phỗng mất lứa sói của anh đấy. Khá đấy!

- Chính tôi muốn đi đến đây. Sao, bây giờ ta cho chó nhập bầy với nhau chứ? - Nikolai hỏi, - ta gộp lại…
   
Họ họp chó thành một bầy; Nikolai và ông chú sánh vai nhau cùng đi. Natasa, trùm kín trong mấy cái khăn choàng chỉ để lộ một khuôn mặt phấn khởi với hai con mắt sáng quắc, thúc ngựa chạy nước kiệu theo kịp hai người. Đi cạnh nàng có Petyat Mikhailo và một mã phu được u già phái theo hộ nàng; cả ba người hộ vệ này không rời khỏi nàng một bước. Petya vừa cười bâng quơ vừa thúc ngựa và giật dây cương. Natasa ngồi ung dung và chững chạc trên con ngựa ô Araptsik của nàng, ghìm ngựa lại với một bàn tay thành thạo, không cần ra sức chút nào.

Ông chú nhìn Petya và Natasa có ý không vừa lòng. Ông ta không thích kết hợp lẫn lộn việc chơi đùa với một việc trang nghiêm như việc đi săn.

- Chào chú ạ, chúng cháu cũng đi đấy - Petya reo to.

- Ô chào các cháu, chào cháu, nhưng đừng giẫm chết chó đấy ông chú nói, vẻ nghiêm khắc.

- Anh Nikolai ạ, Trunila thật là một con chó đáng yêu. Nó đã nhận được ra em đấy. Natasa nói, ý muốn chỉ có con chó săn đuổi được nàng yêu quý nhất.
   
"Trước hết, Trunila không phải là chó, nó là một con Vyzletx"(2) - Nikolai tự nhủ và đưa mắt nhìn em gái một cách nghiêm khắc để cho nàng hiểu rằng lúc này có một sự cách biệt giữa hai người, nàng hiểu ý.

- Chú ạ, chú đừng sợ chúng cháu làm vướng. Chúng cháu sẽ đứng yên ở địa điểm chỉ định không nhúc nhích.

- Càng tốt, càng tốt, bá tước tiểu thư ạ - Ông chú nói - nhưng đừng ngã ngựa đấy nhé - Ông ta nói thêm

- Khá đấy! Nếu không chẳng còn biết lấy gì mà cưỡi nữa đấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 06:00:48 pm
Khu rừng cấm Otradnoye đã hiện ra, trông như một hòn cù lao nhỏ chỉ còn cách hai trăm thước nữa, và chẳng bao lâu những người quản cẩu đã đến đó. Roxtov, sau khi bàn bạc với chú, đã chọn được nơi tốt nhất để thả chó. Chàng chỉ định cho Natasa một chỗ đứng không thể có con thú nào chạy được, rồi cho ngựa đi lên phía trên một cái rãnh.

- Này, cháu ạ, cháu sẽ gặp một con sói to đấy - Ông chú nói - Cẩn thận đừng để nó chuồn mất.

- Được xem nó chuồn đi đằng nào, - Nikolai đáp - Karai, lại đây! Chàng gọi to, như để trả lời câu nói của ông chú - Karai là một con chó nâu sẫm già và xấu, nhưng đã nổi tiếng vì nó dám một mình chọi nhau với một con sói lớn. Ai nấy đều đi về chỗ chỉ định.
   
Lão bá tước vốn biết con trai mình rất mê săn bắn nên cố gắng không đến chậm, vì vậy những người đi săn chưa bố trí xong đã thấy Ilya Andreyevich, vui vẻ, hồng hào, hai má rung rung, ngồi trên cỗ xe thắng mấy con ngựa ô chạy nước kiệu băng qua những ruộng lúa mạch mới lên, tiến đến vị trí đã dành cho mình. Sau khi đã xóc lại cái áo lông và đeo các đồ dùng đi săn vào người, ông nhảy lên lưng con Vifhanka, một con ngựa cái hiền lành, béo tốt, lông bóng mượt và cũng hoa râm như âu. Cỗ xe ngựa thì cho về. Tuy không phải là người ham mê săn bắn, bá tước cũng rất am hiểu những quy tắc của nghề săn; ông đến chỗ đứng của mình ở ven rừng, gộp yên ngựa vào một tay, ngồi lại cho thẳng người trên yên, và khi đã sẵn sàng rồi, ông mỉm cười đưa mắt nhìn quanh.
     
Đứng cạnh bá tước là người hầu phòng Xemion Tsekmar, một tay cưỡi ngựa lão luyện. Nhưng bây giờ đã thành ra chậm chạp nặng nề. Tsekmar nắm dây ba con chó cộc rất hăng, nhưng cũng đã phát phì như con ngựa và ông chủ. Hai con chó rất khôn không buộc, đang nằm giữa đất. Cách đấy chừng một trăm bước, ở ven rừng là chỗ đứng của Mitka, một người mã phu khác của bá tước, cưỡi ngựa rất táo gan và rất mê săn bắn. Theo một thói quen cũ của bá tước, trước khi ra đi bá tước đã có uống một ít rượu vodka ngâm hương liệu của người đi săn, rót trong một cái chén bằng bạc, và ăn điểm tâm với một nửa chai Bordo thứ rượu bá tước thích nhất.

Mặt Ilya Andreyevich hơi đỏ vì vừa uống rượu và ruổi xe, đôi mắt ươn ướt của ông sáng lên, và ngồi chễm chệ trên yên ngựa, người quấn kín trong chiếc áo bông, ông có vẻ như một đứa trẻ sắp được dắt đi chơi.
   
Khi đã chuẩn bị xong xuôi đâu đấy, lão Tsekmar gầy gò; má hóp, chốc chốc lại đưa mắt nhìn ông chủ mà lão đã hầu hạ suốt ba mươi năm ròng, thầy trò rất tương đắc, thấy ông chủ đang lúc vui tính, hắn chờ đợi thế nào cũng sẽ được một buổi nói chuyện thú vị với ông. Một nhân vật thứ ba từ phía rừng thận trọng lại gần (có thể thấy rõ rằng hắn rất am hiểu công việc) và ra đứng ở phía sau bá tước. Đó là một lão già râu bạc, mặc áo choàng rộng của đàn bà và đội mũ vai cao. Đó là lão hề(3), được người ta đặt cho một cái tên đàn bà là Naxtaxya Ivanova.

- Xem nào, Naxtaxya Ivanova - bá tước nháy mắt nói nhỏ với hắn - Chớ có làm thú rừng hoảng lên đấy, mày liệu hồn với thằng Danilo.

- Sợ gì, tôi cũng có râu chứ(4)… - Naxtaxya Ivanova nói.

- S...s... suỵt! bá tước ra hiệu bảo im, rồi ngoảnh mặt về phía Xemion hỏi:

- Mày có trông thấy cô Natasa Ilymsna không? Cô ấy ở đâu?

- Cô ấy đứng cùng với Piotr Ilyts gần đám bụi rậm - Zarov Xemion mỉm cười đáp - Tuy là phụ nữ nhưng tiểu
thư cũng ham lắm.

- Mày cho cô ấy cưỡi ngựa được như thế là lạ lắm, phải không Xemion? - Bá tước nói - Thật chẳng kém gì đàn ông!

- Không lấy làm lạ sao được? Bạo dạn và khéo lắm.

- Còn Nikolai thì ở đâu? Ở phía trên cái rãnh Lyadov thì phải? - bá tước hỏi khẽ.

- Bẩm đúng đấy ạ. Cậu ấy biết rõ phải đứng chỗ nào. Mà cậu ấy cưỡi ngựa giỏi đến nỗi thằng Danilo với tôi nhiều khi phải trợn mắt há mồm ra - Xemion nói, hắn vốn biết cách lấy lòng ông chủ.

- Nikolai cưỡi ngựa khá lắm, phải không nào? Còn khi nó ngồi trên yên thì đẹp thật!

- Đẹp đến nỗi phải vào tranh ấy chứ! Hôm nọ, cậu ấy đuổi một con chồn ra khỏi những bụi rậm ở
Zavarzino, cậu ấy cho ngựa lao mới ghê chứ! Ngựa đáng giá một ngàn rúp, nhưng người cưỡi ngựa thì vô giá. Vâng, một người như thế, chẳng mấy ai sánh kịp.

- Chẳng mấy ai… - bá tước nhắc lại, hẳn là còn lấy làm tiếc rằng Xemion không nói gì thêm nữa. - Chẳng mấy ai - ông lại nói, tay phanh hai vạt áo lông để móc túi lấy hộp thuốc lá.

- Hôm nọ, khi cậu ấy đi xem lễ ở nhà thờ ra, mặc bộ đại quân phục Mikhail Xidoryts đã… - Xemion chưa nói hết câu vì trong bầu không khí yên tĩnh đã nghe rõ mồn một tiếng chân chạy rầm rập của hai hay ba con chó, không hơn, vừa chạy vừa sủa. Nghiêng đầu về một bên, hắn chăm chú nghe, lặng lẽ ra hiệu cho chủ đừng làm ồn. - Họ đã tìm ra lứa sói rồi - hắn nói nhỏ - họ đang lùa nó chạy thẳng về phía khe Lyađov…
Bá tước, nụ cười vẫn ngưng đọng ở trên mặt, mắt đưa nhìn thẳng về phía xa, tay vẫn cầm hộp thuốc lá mà không đưa lên mũi hít. Sau những tiếng sủa, lại nghe tiếng tù và trầm trầm của Danilo báo hiệu có sói; bầy chó nhập bọn với ba con chó đầu, và đâ có thể nghe tiếng hú kéo dài như tiếng khóc của những con chó săn đuổi, với cái giọng ngân đặc biệt thường báo hiệu là đang rượt một con sói. Nhưng nhưng người quản cẩu không cần phải hò hét để kích thích lũ chó nữa mà chỉ hú: "U - lyu - lyu - lyu", và rõ hơn cả là tiếng Danilo dường như vang dội khắp rừng, vượt ra khỏi khu rừng và vọng đi rất xa trên cánh đồng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Giêng, 2011, 06:01:38 pm
Sau khi im lặng, lắng nghe một lát, bá tước và người mã phu của ông có thể thấy rằng chó đã chia làm hai tốp: một tốp đông hơn và sủa rất hăng, thì đang đi xa dần; một tốp thì chạy qua rất nhanh phía trước mặt bá tước, dọc theo rừng và chính trong tốp ấy vang lên những tiếng "U - lyu - lyu" của Danilo. Tiếng ồn ào của hai đội săn hoà lẫn vào nhau, đáp lại nhau, nhưng cả hai đều đi xa mãi.
   
Xemion thở dài và cúi xuống để gỡ một con chó choai đang bị mắc trong dây tròng; bá tước cũng thở dài và sực nhớ là mình đang cầm hộp thuốc lá bột trong tay, bèn mở ra lấy một dúm đưa lên mũi.

- Louis? - Xemion quát một con chó đang chạy lên ven rừng.
   
Bá tước giật mình đánh rơi hộp thuốc lá. Naxtaxya Ivanovna liền xuống ngựa nhặt lên.

Bá tước và Xemion nhìn hắn nhặt. Đột nhiên, như ta vẫn thường thấy, trong chốc lát tiếng săn đuổi rầm rập gần hẳn lại, tưởng chừng như mõm những con chó đang sủa và tiếng hú của Danilo đã ở ngay trước mặt.
     
Bá tước ngoảnh sang bên phải thì thấy Mitka đang trợn ngược hai mắt nhìn ông, và cất mũ chỉ cho ông xem một vật gì ở đằng trước, phía bên phải kia.

- Coi chừng! - hắn quát to, va ai nghe cũng hiểu rằng tiếng quát đó nãy giờ đã chực bật ra từ lâu. Rồi hắn lập tức thả chó và cho ngựa phi về phía bá tước.

Bá tước và Xemion thúc ngựa rời khỏi ven rừng, và chênh chếch về phía trái, họ thấy con chó sói đang mềm mại đung đưa thân hình nhảy từng đợt ngắn về phía ven rừng nơi họ mới rời khỏi được một lát Bầy chó sủa rất dữ, rồi giật dây chạy qua chân ngựa lao vun vút về phía con chó sói.
     
Con chó đang chạy bỗng dừng lại, vụng về, quay cái đầu rộng trán về phía đàn chó như một người bị bệnh viêm họng, rồi, vẫn với những bước nhảy chồm mềm mại, nó lao mình một cái, rồi một cái nữa và ngoắt đuôi vào rừng. Ngay lúc ấy, từ ven rừng bên kia, một rồi hai, rồi ba con chó săn vừa lao ra vừa tru lên như khóc và cả bầy phóng nhanh qua cánh đồng rượt theo con sói. Rồi lùm cây dẻ rẽ ra và con ngựa tía của Danilo vụt lao tới, lông đã ngả sang màu đen nhánh vì mồ hôi. Đầu để trần, mớ tóc hoa râm loà xoà trên khuôn mặt đỏ gay và ướt đâm, Danilo chồm ra phía trước, mình cuộn tròn như quả lăn trên cái lưng dài của con ngựa.

- U lyu lyu u lyu lyu! - Hắn rú lên. Trông thấy bá tước, mắt hắn ánh lên như một luồng chớp.

- Con khỉ... - hắn vừa thét vừa giơ roi doạ bá tước - Sẩy mất con chó sói rơi… thế mà cũng đòi đi săn!… -
Và, dường như không thèm nói gì thêm với bá tước lúc bấy giờ đang sượng sùng và sợ hãi, với tất cả lòng căm giận dành cho ông chủ, hắn thúc vào hai bên hông lõm sâu và ướt đẫm mồ hôi của con ngựa tía rồi rượt theo bầy chó. Bá tước như một người mới bị quở phạt, vừa nhìn quanh vừa mỉm cười mong làm cho Xemion động lòng thương hại. Nhưng Xemion không còn ở đấy nữa: hắn đã đi vòng ra phía sau lùm cây để chắn dường con sói; bầy chó Borzoy cũng đuổi đánh con vật từ hai phía. Nhưng con sói đã đâm sâu vào các bụi rậm và không một người đi săn nào chặn được nó.

=========================================================

Chú thích:

(1) Người có nhiệm vụ đi lùng và đuổi thú săn vào một chỗ nào đó.

(2) Chó săn đuổi.

(3) Ở các nhà quý tộc ngày trước có tục nuôi hề, đến cuộc giải phóng nông nô mới hết

(4) Thành ngữ, có nghĩa là "tôi cũng biết cách tự vệ chứ!"



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:27:59 pm
Phần VII
Chương - 5
     
Trong khi đó Nikolai Roxtov vẫn đứng ở vị trí của mình đợi con thú. Căn cứ theo tiếng săn đuổi khi gần khi xa, tiếng sủa của những con chó mà chàng quen thuộc, tiếng hú xa hay gần, mạnh hay yếu của những người đi lùa, chàng hình dung được những sự việc đang xảy ra trong rừng cấm. Chàng biết rằng trong khu rừng có sói con và sói lớn, chàng biết rằng chó đã chia làm hai tốp; rằng ở một nơi nào đó, người ta đã phát hiện ra con thú, và một việc không may đã xảy ra. Chàng cứ phỏng đoán đủ cách xem nó sẽ xuất hiện chỗ nào và chàng sẽ làm thế nào để chặn nó. Chàng cứ lần lượt hy vọng rồi lại thất vọng. Nhiều khi chàng cầu xin Thượng đế cho con chó sói chạy đến chỗ mình; chàng cầu nguyện nhiệt thành và có đôi chút thẹn thùng, như người ta vẫn thường cầu nguyện những khi xúc động mãnh liệt vì những nguyên nhân rất nhỏ mọn. Chàng cầu khẩn: "Ban cho tôi cái ơn ấy thì Chúa có mất gì! Tôi biết rằng Chúa cao xa vô cùng và xin Chúa cái ơn ấy là một tội lỗi, nhưng tôi van lạy Chúa, xin Chúa làm sao cho con sói đâm sầm vào chỗ tôi và con Karai nhảy lên cắn cổ nó, ngay trước mặt ông chú đang đứng nhìn ở đằng kia". Đã một ngàn lần trong khoảng nửa giờ đồng hồ ấy, Roxtov đưa đôi mắt đăm chiêu lo lắng nhìn mãi về phía ven rừng, với hai cây sồi xơ xác nhô cao lên khóm thuỳ dương, với cái rãnh đã mòn bờ và chiếc mũ chụp của ông chú thấp thoáng sau đám bụi rậm bên tay phải.
   
"Không, ta sẽ không được may mắn thế đâu! - chàng tự nhủ - Nhưng cho ta cái diễm phúc ấy thì có mất gì! Ta sẽ không được may đâu! Đến đâu cũng gặp vận đen cả, đánh bạc hay ra trận cũng đều thế". Austerlix và Dolokhov thay nhau hiện ra rất rõ nhưng rất nhanh trong trí tưởng tượng của chàng. "Trong đời tôi chỉ mong có một lần đánh được một con sói lớn, chứ không cầu mong gì hơn nữa!" - chàng vểnh tai, giương mắt hết nhìn bên trái lại sang bên phải và nghe ngóng những tiếng săn đuổi, cố phân tích từng âm sắc biến đổi nhỏ nhặt nhất. Chàng lại nhìn về bên phải một lần nữa và thấy trên cánh đồng trống trải có cái gì đang chạy về phía chàng.

"Không đâu, có lẽ nào! " - Chàng vừa nghĩ vừa thở dài như người được thấy điều mình chờ đợi từ lâu nay đang trở thành sự thật. Cái hạnh phúc lớn nhất của chàng đang được thực hiện, mà thực hiện sao mà đơn giản quá, không ầm ĩ, không chói lọi, không có dấu hiệu báo trước, Roxtov không dám tin ở mắt mình nữa, và tâm trạng ngờ vực ấy kéo dài hơn một giây. Con chó sói đang đâm đầu chạy thẳng trước mặt chàng, nó nặng nề nhảy qua một vũng lầy chắn ngang đường. Con vật đã già rồi, bụng đã to, lông ở trên lưng đã lốm đốm bạc. Nó chạy ung dung, hình như yên trí là chẳng có ai nhìn thấy mình. Roxtov nín thở đưa mắt nhìn bầy chó. Con thì nằm, con thì đứng, chúng chưa nhìn thấy con sói và chẳng hay biết gì cả. Con Karai già, đầu ngoảnh ra phía sau, đang nhè bộ răng đã vàng khè giận dữ tìm bắt một con bọ chét, cắn lốp cốp trên mông.

- U lyu lyu!
   
Roxtov chúm môi lại hú nho nhỏ. Bầy chó giật mạnh dây buộc và chồm lên, tai vểnh ngược.   Con Karai không tìm bọ chét nữa. Nó đứng dậy, vểnh tai lên rồi ngoắt nhè nhẹ cái đuôi có những chùm lông lòng thòng.
   
"Nên thả nó ra, hay chưa nên thả?" - Nikolai tự hỏi trong khi con sói tiến lên phía chàng, mỗi lúc một cách xa khóm rừng. Bỗng dáng điệu con sói thay đổi hẳn: nó đã trông thấy hai con mắt người, mà có lẽ chưa trông thấy bao giờ, đang nhìn thẳng vào nó; nó hơi quay đầu vè phía người đi săn và dừng lại như để tự hỏi nên tiến hay nên lùi. "Ô, mặc kệ, cứ tiến!…". Hình như nó tự nhủ như vậy, và xông thẳng lên, không ngoảnh lại nữa, lao mình nhảy từng đợt mềm mại, cách quãng, ung dung, nhưng quả quyết.

- U lyu lyu!
   
Roxtov hú một tiếng không còn ai nhận ra là tiếng chàng được nữa, và tự nó, con tuấn mã của chàng lao mình xuống dốc, nhảy ngang qua các vũng nước để chặn đường con sói, và còn nhanh qua hơn nữa đến lượt bầy chó cũng đâm bổ xuống và vượt qua con ngựa. Nikolai không nghe tiếng mình hú, không cảm thấy mình đang phi ngựa, cũng không trông thấy mặt đất mình đang băng qua; chàng chỉ thấy con sói cứ dấn bước chạy nhanh theo hướng cũ, dọc cái rãnh. Đầu tiên, Milka, con chó cái có đốm, to mông xuất hiện ở một chỗ không xa con thú mấy. Nó đến gần, đến gần hơn nữa… kìa, nó đã kịp theo sát con sói. Nhưng khi con sói lườm nó một cái thì Milka không dấn lên như nó vẫn thường làm, mà lại đột nhiên ngồi xuống, hai chân trước chống thẳng đuôi vểnh lên.

- U lyu lyu! - Nikolai hú vang.
   
Con chó già Lyubim từ đằng sau con Milka lao tới, nhảy chồm lên con sói và bám lấy mông nó, nhưng lại hoảng sợ nhảy ra một bên. Con sói co mình lại đớp, răng bập vào nhau đánh cốp một tiếng, rồi nhổm dậy, lao về phía trước; cả bầy chó đều theo sau nó cách một ác-sin không đuổi gần hơn nữa.
   
"Nó chạy thoát mất! Không, không thể như thế được!"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:28:41 pm
Nikolai tự nhủ trong khi vẫn tiếp tục hú bằng cái giọng đã khản đặc.

- Karai… U - lyu - lyu… - Chàng vừa hú vừa đưa mắt tìm con chó già, niềm hy vọng duy nhất của chàng.
Thân hình vươn thẳng đến cực độ hai mắt không rời con sói, Karai dốc hết cái sức già nua của nó ra, nặng nề chạy chếch sang một bên để chặn con thú. Nhưng cứ trông vẻ nhanh nhẹn của con sói và vẻ chậm chạp của con chó cũng có thể thấy rằng con Karai đã tính sai. Nikolai đã nhìn thấy khu rừng ngay trước mặt: nếu con sói chạy được đến đấy thì chắc chắn nó sẽ thoát. Một lốp chó và một người đi săn cưỡi ngựa xuất hiện ở phía trước mặt chàng. May ra còn có hy vọng. Một con chó lạ màu nâu, mình dài tuổi còn non, thuộc về một bầy khác mà Nikolai không quen, đâm sầm vào con sói và suýt làm cho nó ngã ngửa ra.
   
Con sói trỗi dậy mau lẹ không ngờ, rồi lao mình vào con chó nâu và đớp nghe đánh cốp một cái - con chó, mình đẫm máu, hông rách toác ra, đâm đầu xuống đất kêu inh ỏi.

- Kìa Karaiuska! Bố già ơi! - Nikolai kêu lên gần như rền rĩ.
   
Con chó già có những chùm lông dài thòng lòng trên vế bấy giờ đang tìm cách chắn đường con sói, đã thừa cơ đuổi gần kịp nó, chỉ còn cách năm bước nữa. Dường như đã thấy rõ nguy cơ, con sói liếc nhìn về phía Karai quặt chặt đuôi vào chân và cổ phóng nhanh hơn nữa. Nhưng vừa lúc ấy - bao nhiêu tâm trí của Nikolai chỉ đổ dồn vào Karai - loáng một cái con chó già đã nhảy xổ lên con sói, rồi cả hai cùng lăn lông lốc xuống một cái khe ở phía trước.
   
Cái giây phút mà Nikolai thấy bầy chó săn chen nhau xung quanh con sói ở dưới khe nước, thấy bộ lông xam xám của con thú, cái chân sau của nó dướn thẳng ra, và cái đầu sợ hãi thở hổn hển, hai tai cụp xuống (con Karai đã ngoạm lấy cổ nó), giây phút ấy thật là giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời chàng. Chàng đã nắm lấy đầu yên nhảy xuống đất định đến hoá kiếp cho con sói thì bỗng nhiên đầu con vật lại ngóc lên trên bầy chó rồi hai chân bước trước của nó bấu vào bờ khe. Con sói nghiến răng (bấy giờ Karai không còn ngoạm cổ nó nữa), dùng hai chân sau nhảy khỏi khe và lại cúp đuôi cắm cổ chạy về phía trước, bỏ xa bầy chó. Con Karai, lông lá lởm chởm, có lẽ bị bầm hay bị thương, mệt nhọc leo lên bờ khe nước.

Nikolai tuyệt vọng gào lên:

- Trời ơi! Tôi có tội tình gì?

Người quản cẩu của ông chú phi ngựa từ một phía khác chạy lại để cản đường con sói, và bầy chó của hắn lại bắt con sói phải dừng lại một lần nữa. Con sói lại bị vây hãm.
   
Nikolai, người mã phu của chàng. Ông chú của người quán cẩu của ông ta loay hoay xung quanh con thú, luôn mồm gào và hú, sẵn sàng xuống ngựa mỗi lần thấy con sói ngồi xuống, nhưng lại thúc ngựa lao về phía trước mỗi khi thấy nó rứt ra được và tiến về phía rừng cấm, hòng thoát nạn.
   
Ngay từ đầu cuộc săn đuổi, Danilo nghe tiếng hú đã phi ngựa ra ven rừng. Hắn đã trông thấy Karai chộp lấy con sói và đã dừng ngựa lại, tưởng công việc đã xong xuôi. Nhưng khi thấy bọn đi săn chưa nhẩy xuống đất và con sói lại bứt ra được và chạy trốn, hắn liền thúc con ngựa tía phi lên nhưng không phải về phía con vật, mà lại tiến thành một đường thẳng về phía rừng cấm để cản đường nó như con Karai đã làm. Nhờ cách di chuyển đó, hắn đuổi kịp con sói vừa đúng lúc bầy chó của ông chú bắt nó phải dừng lại lần thứ hai.
     
Danilo lặng lẽ phi ngựa, tay trái cầm một con dao găm tuốt trần và lấy roi nện vào hai hông lép kẹp của con ngựa tía, nom như nện bằng đòn đập lúa.
   
Nikolai không hề trông thấy mà cũng không hề nghe thấy Danilo đến nơi, mãi cho đến lúc con ngựa tía chạy qua trước chàng, hơi thở dồn dập, và chàng nghe tiếng một vật nặng rơi xuống; chàng thấy Danilo nằm sấp giữa đàn chó, người đè lên mông con sói cố nắm lấy hai tai nó. Đến đây thì bầy chó, những người đi săn cũng như con sói đều thấy rõ là mọi việc đã xong xuôi. Con vật kinh hãi cúp tai và kiếm cách trỗi dậy nhưng bọn chó đã bíu chặt lấy nó. Danilo nhổm lên, bước một bước, và với tất cả sức nặng như khi ngả lưng xuống giường, hắn gieo mình lên trên con sói và nắm lấy hai tai. Nikolai toan đến đâm chết con vật, nhưng Danilo nói khẽ: "Đừng, để trói nó lại", và chuyển mình một cái, hắn đặt chân lên cổ họng con sói. Họ cho một cái gậy vào trong mõm nó, lấy dây tròng chó buộc một vòng quanh mõm, trói chân nó lại và Danilo lật nó hai ba lần từ bên này sang bên kia.

Những người đi săn, mặt mày hả hê nhưng phờ phạc, đặt con sói lên lưng ngựa khiến con ngựa sợ hãi lồng lên thở phì phì - và người đi trước, chó theo sau, họ đưa con sói đến chỗ tập hợp. Lũ chó săn đuổi đã bắt được hai con sói non, chó Borzoy bắt được ba con. Những người đi săn đem những con đã săn được đến tập hợp, kể cho nhau nghe những việc đã xảy ra và mọi người đều đến gần để xem con sói lớn với cái trán to treo lủng lẳng đang gặm cái cây trong mõm và đang mở hai con mắt bạc trắng nhìn đám người đang bao quanh nó. Khi có người sờ vào nó, bốn chân bị trói nó rung lên: nó trừng mắt nhìn mọi người một cách vừa hung dữ vừa ngây thơ.

Bá tước Ilya Andreyevich cũng lại gần và sờ sờ vào con vật.

- Ồ con sói to thật. - Ông hỏi Danilo bấy giờ đang đứng bên cạnh.

- Thưa đại nhân sói lớn đấy ạ! - Hắn vừa đáp vừa vội vàng cất mũ.

Bá tước nhớ đến việc ông ta đánh sẩy con sói và cuộc chạm trán với Danilo. Ông nói:

- À này, chú mày ạ, chú mày bẳn tính thật đấy.

Danilo không nói gì, chỉ bẽn lẽn mỉm cười, một nụ cười hiền lành và dễ mến như trẻ con.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:29:33 pm
Phần VII
Chương - 6

Lão bá tước lên xe về nhà, Natasa và Petya cũng hứa sẽ về ngay. Cuộc đi săn vẫn tiếp tục vì trời hãy còn sớm. Vào khoảng giữa trưa, họ thả chó vào trong lòng một cái rãnh che lấp dưới lùm cây non rậm rạp. Đứng ở địa điểm của mình trong ruộng rạ, Nikolai nhìn thấy được tất cả bọn thợ săn của chàng.
   
Trước mặt chàng, có một vạt lúa mạch non, mà người quản cẩu của chàng đang đứng trông một mình, trong một cái hố, sau một cây dẻ. Ngay sau khi thả chó, Nikolai nghe thấy những tiếng sủa cắt quãng của một con chó săn mà chàng biết rõ tên là Voltoru; những con khác cũng cất tiếng theo, lúc thì im, lúc thì sủa dồn. Một lát sau, từ rừng cấm phát ra một tiếng hú báo hiệu có chồn, và cả bầy chó bỏ Nikolai đua nhau chạy về phía ruộng lúa mạch mới lên.

Chàng trông thấy những người quản cẩu đội mũ vải đỏ phi ngựa hai bên bờ rãnh, chàng trông thấy cả chó nữa và chắc mầm thế nào cũng sắp có một con chồn xuất hiện ở bờ bên kia trong đám lúa mạch.
   
Người thợ săn đứng trong cái hố đã đi và thả chó, và Nikolai trông thấy một con chồn kỳ dị lông đỏ, chân thấp, đang dựng đuôi lủi nhanh trong đám lúa non. Đàn chó dần dần theo kịp nó. Kìa chúng đã đến gần, con chó bắt đầu chạy giữa đám chó thành những vòng tròn mỗi lúc một thu hẹp lại, vừa chạy vừa ngoe nguẩy cái đuôi rậm lông, và một con chó trắng của ai không rõ, rồi lại một con đen, chạy xổ đến chỗ con chồn: quang cảnh hỗn loạn hẳn lên; bầy chó chụm đầu xúm xít vây quanh con chồn, hầu như không cở động, đuôi trở ra ngoài thành hình ngôi sao. Hai người đi săn phi ngựa đến, một người đội mũ vải đỏ, một người nữa thì lạ mặt, mặc áo kaftan màu lục.

- Cái gì thế - Nikolai tự hỏi - Người thợ săn này ở đâu ra?

- Không phải người của ông chứ.

Hai người thợ săn giật con chồn ra khỏi bầy chó và vẫn cứ đứng đấy hồi lâu, không trở lên con ngựa và cũng không buộc con vật. Cạnh họ, mấy con ngựa thắng những bộ yên đôi mỏ đứng đợi và mấy con chó nằm nghỉ dưới đất. Hai người thợ săn đang hoa tay múa chân hình như tranh nhau con chồn. Một tiếng tù vang lên: đó là tín hiệu ước định để báo tin một cuộc tranh cãi.

- Đó là người thợ săn của nhà Ilaghin đang cãi nhau với Ivan nhà ta - người mã phu của Nikolai nói.
Nikolai cho người đi gọi em gái và Petya lại và cho ngựa đi bước một về phía những quản cẩu đang tập hợp bầy chó. Mấy người thợ săn đã đến chỗ cãi nhau.

Nikolai xuống ngựa, cùng đi với Natasa và Petya bấy giờ vừa mới đến, và dừng lại ở chỗ gần bầy chó để chờ xem sự việc ngã ngũ ra sao. Một trong hai người thợ săn đã dự vào cuộc gây gổ xuất hiện ở ven rừng với con chồn buộc vào yên ngựa và đi thẳng đến hai vị chủ trẻ. Hắn cất mũ từ đằng xa và cố gắng thưa bẩm cho có lễ độ; nhưng mặt hắn tái mét, hắn thở hồn hển và có lẽ vô cùng căm giận. Một trong hai mắt của hắn sưng bầm, nhưng hình như hắn không biết.

- Hai người có việc gì thế? Nikolai hỏi.

- Có đời thuở nào nó muốn cướp mồi ăn của chó nhà mình có tức không chứ? Chính con chó cái màu chuột chù của tôi đã bắt được nó! Cậu thử nghĩ xem! Nó muốn cuỗm con chồn. Tôi mới vớ lấy con chồn giáng vào mặt nó. Kia kìa, treo ở yên tôi đấy. Còn cái này, mày có muốn không? - người quản chó vừa nói vừa chỉ con dao găm, chắn hắn tưởng tượng mình đang nói với đối thủ.
Nikolai không đáp, bảo em gái và Petya đứng chờ, rồi đi đến chỗ phường săn đối thủ, phường của Ilaghin.
   
Người thợ săn đắc thắng nhập bọn với những người thợ săn khác kể lại công trạng của mình giữa một đám thính giả ham nghe chuyện và đầy thiện cảm.
   
Số là Ilaghin, một người đang có việc xích mích mới và kiện tụng với nhà Roxtov, đi săn trên một địa hạt mà theo tục lệ vốn được xem như là thuộc về nhà Roxtov. Giờ đây, như thể cố ý, hắn ta chuyển gần đến rừng cấm, chỗ phường săn của nhà Roxtov đang hoạt động, và để cho người thợ săn của mình đuổi bắt con vật do bầy chó của họ phát hiện.
     
Nikolai trước kia chưa hề gặp Ilaghin, nhưng tính chàng vốn cực đoan trong cách phán đoán cũng như trong lòng yêu ghét, cho nên chỉ nghe những tiếng đồn về tính ngỗ ngược và võ đoán của hắn ta chàng cũng đã ghét cay ghét đắng và xem hắn như là kẻ thù, hung ác nhất của mình rồi. Giờ đây, chàng đi thẳng về phía hắn, lòng xốn xang và căm giận, tay nắm chặt cây roi da, sẵn sàng đối phó với kẻ thù bằng những hành vi quyết liệt và liều lính nhất.
   
Chàng mới đi đến chỗ góc rừng đã thấy một ông trang chủ già, to béo. đội mũ lưỡi trai bằng da rái cá, cưỡi một con ngựa ô rất đẹp. Có hai người mã phu theo sau, đang tiến về phía chàng.

Tưởng đâu sẽ gặp một kẻ thù, hoá ra Nikolai lại thấy Ilaghin là một người thượng lưu tư thế đĩnh đạc và phong nhã, rất nóng lòng làm quen với bá tước trẻ tuổi. Khi đến gần, ông ta giơ cao chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá và nói rằng sẽ trừng phạt anh thợ săn đã dám tự tiện chạy theo dấu chân của một đội săn khác, và sẽ lấy làm sung sướng được làm quen với tiểu bá tước, rồi ông ta mời chàng từ nay cứ đi săn trên địa phận của mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:30:23 pm
Natasa sợ anh mình sẽ quá nóng mà làm một việc gì khủng khiếp chăng; nên đã đi theo sát anh, lòng rất hồi hộp. Nhưng thấy hai đối thủ trao nhau những cử chỉ lịch sự và hữu nghị, nàng liền đến tận nơi. Ilaghin lại càng lễ phép cất chiếc mũ lưỡi trai bằng da rái cá chào nàng và mỉm cười một nụ cười hoà nhã nói rằng bá tước tiểu thư thật là hình ảnh của Diana(1), cả về mặt nhiệt tình săn bắn lẫn về mặt nhan sắc tuyệt vời, mà ông ta đã được nghe tán dương rất nhiều.

Để chuộc lỗi cho người quản cẩu của mình, Ilaghin khẩn khoản yêu cầu Roxtov đi theo ông ta đến một khoảng đất cấm cách đó một dặm, dành riêng cho mình làm nơi săn bắn: ông ta bảo ở đấy có rất nhiều thỏ. Nikolai nhận lời, và đội săn lại khởi hành, bây giờ đã đông lên gấp đôi.
   
Muốn đến khoảng đất ấy phải tạt qua cánh đồng. Bọn đi săn phân tán ra nhiều ngả. Các gia chủ đi riêng với nhau. Ông chú Roxtov và Ilaghin liếc mắt nhìn trộm bầy chó của người cùng đi và lo lắng tìm xem trong bầy đó có con nào có thể kình địch với chó mình không.
   
Trong bầy của Ilaghin có một con rất đẹp khiến Roxtov đặc biệt chú ý; đó là một con chó cái, thuần giống, không to lắm, lông có dốm đỏ, mõm thon, mắt đen và lồi, mình hơi thon nhưng bắp thịt rắn như thép. Chàng đã nghe đồn rằng những con khác trong bầy của Ilaghin rất linh lợi, và thấy con vật đẹp đẽ ấy là một kình địch đáng sợ cho con Milka của mình.

Giữa chừng câu chuyện do Ilaghin mở đầu về mùa gặt năm nay. Nikolai chỉ con chó đốm đỏ, lấy một giọng hững hờ nói:

- Ông có con chó đẹp nhỉ? Có nhanh không?

- Con kia ấy à? Phải, con ấy cũng khá, săn được - Ilaghin đáp với một giọng thờ ơ, mặc dù trước một năm ông ta đã phải đổi cho một thằng bạn láng giềng ba gia đình nông nô để lấy con Erza đốm đỏ ấy - Thế là ở bên bá tước cũng không được hài lòng về hiệu suất thóc phải không ạ? - Ông ta nói tiếp, và không muốn thua kém tiểu bá tước về phép lịch sự, ông ta cũng đưa mắt nhìn qua bầy chó của chàng một lượt và chú ý đến ngay con Milka, vì cái mông rộng của nó có sức hấp dẫn mạnh đối với ông ta.

- Con chó cái đen đốm lông của ông cũng đẹp lắm; phải, có dáng lắm - Ông ta nói.

- Vâng, cũng khá, chạy được - Nikolai đáp.
   
"Nếu có một con thỏ to chạy tạt ngang cánh đồng này thì ngươi sẽ thấy nó là loại chó gì!" chàng thầm nghĩ và ngoảnh mặt về phía người mã phu, chàng hẹn thưởng một rúp cho người nào tìm đuổi được một con thỏ ra khỏi hang.

- Tôi không hiểu - Ilaghin nói tiếp - Làm sao người đi săn lại có thể ghen tỵ với thú mồi và chó săn của người khác. Còn như tôi, thì xin thú thực với bá tước, chỉ thích nhất là được đi dạo cảnh, và nếu lại được gặp những người quen như thế này… thì còn gì hơn (ông ta lại giơ cao chiếc mũ da rái cá trước mặt Natasa) còn như tính xem được mấy bộ da đem về với tôi chẳng có nghĩa lý gì.

- Cố nhiên.

- Hay là bực tức vì con chó bắt được mồi săn là chó của người khác chứ không phải chó của mình cũng thế, thật đấy, miễn là tôi được thưởng thức cảnh đi săn, phải không bá tước?

- Vả lại tôi cho rằng…

Vừa lúc ấy, người ta nghe một tiếng hú kéo dài của một trong những người quản cẩu vừa dừng lại:

- Atunu!
   
Đứng trên một cái cồn giữa cánh đồng, tay giơ cao chiếc roi da, hắn lại cất tiếng hú kéo dài: Atunu! (tiếng hú này và cái roi giơ lên tỏ ra rằng hắn vừa trông thấy ở trước mặt một con thỏ đang nấp).

- A, dò ra được một con thì phải - Ilaghin nói, vẻ thờ ơ. - Thế nào, chúng ta săn đuổi nó chứ, bá tước nhỉ?

- Vâng, cũng nên đi… thế chúng ta cùng đi chứ? - Nikolai vừa đáp vừa nhìn con Erza và con Rugai (con chó màu hung của ông chú), hai đối thủ mà chàng chưa hề có cơ hội thử sức với bầy chó của mình. "Ngộ nhỡ nó thắng được con Milka của mình thì sao?" - chàng tự hỏi trong khi cho ngựa đi về phía có thỏ, bên cạnh ông chú và Ilaghin.

- Có to không? - Ilaghin hỏi khi đến gần người đi săn đã dò ra con thỏ, và ông ta không khỏi hồi hộp khi
ngoảnh lại huýt con Erza.

- Ông Mikhail Nikanorovich, còn ông thì sao? - Ilaghin hỏi ông chú.
   
Ông chú cau mày.

- Tôi chen vào làm gì! Vì chó của ông khá thật! - Là thứ chó mua bằng cả một làng, chó ông là chó bạc nghìn kia mà. Để cho chó của hai người thử sức với nhau, tôi chỉ đứng xem…

- Rugai! Chạy ra, chạy ra, chạy ra! - Ông ta gọi - Rugaiuska con ơi! - Ông ta nói thêm và gửi vào trong mấy tiếng ấy tất cả niềm âu yếm và hy vọng của mình đối với con chó. Natasa đoán biết nỗi xúc động thầm kín của hai ông già và của anh mình, và chính nàng cũng thấy xúc động.

Người thợ săn vẫn đứng trên cồn, tay giơ cao chiếc roi da. Các ông chủ ngựa đi bước một lại gần; ở tận chân trời bầy chó đang đi xa chỗ có con thỏ; những người đi săn cũng lảng ra xa. Mọi người đều bước đi chậm rãi và đĩnh đạc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:31:05 pm
- Đầu nó hướng về phía nào? - Nikolai vừa hỏi vừa lại gần chỗ người đã phát hiện ra con thỏ, chỉ cách một trăm bước. Nhưng hắn chưa kịp đáp thì con thỏ đã nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp, đánh hơi biết được tiết trời băng giá ngày mai. Bầy chó buộc dây vừa sủa vừa chạy xuống dốc đuổi theo nó; từ bốn phía, những con chó Borzoy không buộc dây rượt theo gót chúng để đuổi bắt con thỏ. Tất cả những người đi săn lúc bấy giờ đang tiến bước chậm rãi, những người quản cẩu đang quát "Đứng lại" để cho bầy chó bót hung hăng, những người gia đinh đang kêu "Atu!" để suỵt chó Borzoy đi tìm, bỗng tất cả đâm bổ chạy băng qua cánh đồng. Ilaghin, con người điềm tĩnh, cùng Nikolai, Natasa và ông chú đều phi ngựa tứ tung, chẳng theo phép tắc gì, chỉ trông thấy có bầy chó và con thỏ, và chỉ sợ không được mục kích một giai đoạn nào đó của cuộc săn.

Con thỏ rất lớn và nhanh nhẹn. Khi ra khỏi chỗ nấp, nó không chạy đi ngay, mà còn vẫy hai tai nghe tiếng người kêu, tiếng chân ngựa bước, cứ để cho lũ chó đến gần. Nhưng rồi cuối cùng, sau khi đã chọn hướng và biết rõ nguy cơ, nó cụp hai tai xuống và duỗi thẳng bốn chân lao như tên bắn. Nãy giờ nó nấp trong đám rạ, nhưng bây giờ trước mắt nó có những đám lúa mạch non mọc trên một vạt đất bùn lầy. Hai con chó của người quản cẩu đã phát hiện ra con thỏ đi gần nó nhất, chúng đánh hơi được nó trước tiên và chạy theo dấu chân nó, nhưng còn cách nó khá xa, thì đã thấy Erza, con chó cái đỏ của Ilaghin, từ đằng sau hai con kia hiện ra, chạy gần sát nó chỉ còn cách chiều dài của một con chó, nhanh như chớp, nó nhằm vào đuôi con thỏ chồm tới và đã tưởng vồ được thỏ, nó lộn nhào đi mấy vòng. Con thỏ cong lưng chạy nhanh thâm. Từ sau lưng con Erza, con Milka to mông nhảy lên và chỉ một lúc đã bám sát con thỏ.

- Milka, con ơi? - Nikolai reo lên, giọng đắc thắng. Có thể tưởng đâu Milka sắp theo kịp và tóm ngay được con thỏ, nhưng khi nó đuổi được đến nơi thì lại quá đà để con thỏ tránh mất. Lại một lần nữa, con Erza xinh đẹp theo sát gót con vật, như dính trết vào đuôi nó, và có vẻ như đang đo khoảng cách cho thật chính xác để chộp lấy chân sau của nó.

- Erzinka, em ơi! - Ilaghin thốt lên, giọng lạc hẳn đi, như muốn khóc. Nhưng con Erza chẳng đếm xỉa gì đến những lời van xin của ông ta. Đúng vào lúc người ta tưởng sắp tóm được con thỏ, thì con này né sang một bên, rồi lao đến chỗ đám lúa non và đám rạ giáp nhau. Lại một lần nữa, con Erza và con Milka, như hai con ngựa cùng được thắng vào một càng xe, chạy song song và đuổi riết con thỏ; trên chỗ đất giáp giới thỏ được ung dung hơn, vì lũ chỗ chưa dễ gì theo kịp được nó.

- Rugai, Rugai con ơi! Khá thật! - Lại một giọng nói khác chen vào.

Và Rugai, con chó màu hung gù lưng của ông chú, vươn mình, uốn lưng chạy theo kịp hai con chó trước, vượt qua rồi say sưa lao nhanh theo con thỏ, lùa nó từ chỗ giáp vào đám lúa rồi lại tăng tốc dữ dội hơn nữa trong những đám lúa lầy lội, lún đến tận khuỷu chân, và người ta chỉ thấy nó cùng lăn nhào vào một vòng với con thỏ, cái lưng lấm bết những bùn. Bầy chó tụ tập thành hình ngôi sao ở xung quanh nó. Một phút sau mọi người đã đến chỗ đàn chó đang quây quần. Chỉ có một mình ông chú sung sướng xuống ngựa cắt chân con thỏ. Trong khi xóc con vật cho máu chảy hết, ông ta lo lắng đưa mắt nhìn quanh, hết nhìn người này lại nhìn người khác, tay chân không biết giấu vào đâu cho đỡ ngượng, mồm thì nói mà không biết nói với ai và nói cái gì: "Thế mới rõ… Khá thật!… Thế mới gọi là chó săn… nó bỏ rơi tuốt tuột, những con nghìn rúp cũng như một rúp, thật là khá thật! " - Ông ta vừa nói vừa thở hổn hển và giận dữ đưa mắt nhìn quanh, vẻ như đang chửi mắng người nào tưởng chừng xung quanh mình bị sỉ nhục mà nay mới có dịp thanh minh. "Kìa đấy, những con chó một nghìn rúp của các ông đấy, rõ khá thật!".

- Rugai, lĩnh đầu đây! - Ông chú vừa nói vừa ném một cái chân thỏ lấm bùn vừa xẻ ra - nó được lĩnh phần là đúng lắm, rõ khá thật!

- Nó lả rồi, một mình nó mà đuổi đến ba chuyến - Nikolai nói chàng cũng không để ý nghe người ta nói gì và cũng không cần biết người ta có nghe chàng nói hay không nữa.

- Thế mà cũng nhắng lên, nó đã bắt ngang hông và ở đằng sau! - người mã phu của Ilaghin nói.
Bắt như thế, thì bất cứ một con chó nhà nào cũng bắt được! - Ilaghin nói cùng một lúc với người mã phu mặt đỏ gay, hơi thở hổn hển vì xúc động và vì cuộc ruổi ngựa vừa qua.

Trong lúc đó thì Natasa chưa kịp lấy lại hơi thở đã vui mừng và nô nức hét lên một tiếng inh ỏi nghe đến thủng màng tai.

Tiếng hét của nàng biểu lộ hết những điều mà những người kia đã để lộ ra trong khi cùng một lúc nói. Và tiếng hét ấy kỳ dị đến nỗi giá vào một lúc khác thì nàng đã phải lấy làm hổ thẹn và mọi người cũng phải lấy làm kinh ngạc. Ông chú tự tay buộc con thỏ vào yên, vắt mạnh nó qua mông con ngựa, tưởng như muốn dùng cái động tác gọn và nhanh ấy để trách móc mọi người, rồi như vẻ không thèm nói với ai cả, cưỡi lên lưng con ngựa tía nhạt và cứ thế bỏ đi. Những người khác, buồn bã và bẽ bàng, phân tán ra nhiều ngả và mãi hồi lâu mới lấy lại được một vẻ mặt bàng quan giả tạo. Họ còn đưa mắt nhìn mãi con Rugai màu hung với cái lưng gù lấm bùn, với cái dáng bình tĩnh của một kẻ chiến thắng đang chạy theo sau chân con ngựa của ông chú, chiếc vòng buộc cổ kêu leng keng.

Nikolai có cảm tưởng như dáng điệu của con chó muốn nói: "Ừ, phải đấy, hễ chưa nói đến chuyện đi săn, thì ta đây cũng như kẻ khác thôi. Nhưng đã đi săn thì phải biết!".
Sau đó một hồi lâu, khi ông chú đến gần Nikolai để nói chuyện, chàng lấy làm hân hạnh rằng sau những việc vừa xảy ra mà ông ta, còn hạ cố đến trò chuyện cùng chàng.

==================================================

Chú thích:

(1) Diana (hay Artmix) nữ thần săn bắn trong thần thoại Hy Lạp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:31:50 pm
Phần VII
Chương - 7

Đến chiều, khi ông Ilaghin từ giã Nikolai, chàng thấy đường về nhà còn xa quá nên nhận lời ghé lại nhà ông chú ở làng Mikhailovka nghỉ lại.

- Nếu các cháu về nhà chú thì thật là khá thực! - Ông chú nói - Về nhà chú hơn chứ. Đấy các cháu thấy không, thời tiết thì ẩm ướt, các cháu có thể nghỉ ngơi một tí, rồi sẽ cho xe Droiki đưa bá tước tiểu thư về.
   
Họ nhận lời ông chú, cho một người thợ săn về Otradnoye lấy xe; còn Nikolai, Natasa, và Petya thì về nhà ông chú.
   
Năm sáu người đầy tớ trai gái vừa nhớn vừa bé chạy ra thềm đón chủ. Mấy chục người đầy tớ trai gái, già có, trẻ có, nhớn có, bé có, từ thềm sau ùa ra xem tốp người đi săn đang tiến vào nhà. Thấy Natasa, một người con gái, một cô tiểu thư mà lại cưỡi ngựa, bụng tò mò của các gia nhân nhà ông chú lên đến cực độ, đến nỗi nhiều người không ngần ngại gì đến gần Natasa, nhìn chăm chăm vào mặt nàng và tha hồ bình phẩm ngay trước mặt nàng, như bình phẩm một vật lạ được trưng bày, tưởng như đồ vật đỗ chẳng phải là người cho nên không thể nghe hiểu những điều người ta bàn tán về mình được.

- Arinka, xem kìa, cô ấy ngồi vắt hai chân sang một bên nhỉ!

- Xem cái váy vẫn buông thõng xuống kìa… Mày thấy không, có cả cái sừng(1) nữa kìa!

- Ông bà ông vải ơi! Lại có cả một con dao nữa!

- Trông thật như một mụ Tatar ấy nhỉ!

- Cô làm thế nào mà không lộn tùng phèo xuống hả? - Người dạn dĩ nhất hỏi thẳng Natasa.

Ông chú xuống ngựa bên thềm ngôi nhà nhỏ bằng gỗ có vườn bao bọc, rồi đưa mắt nhìn các gia nhân một lượt, ông lên giọng hách dịch quát những người không có việc gì lui ra và sai làm những việc cần thiết để tiếp đón các tân khách và phường săn.
   
Mọi người đều chạy đi sửa soạn. Ông chú đỡ Natasa xuống ngựa và cầm tay nàng dắt lên mấy bậc thềm bằng ván ọp ẹp. Trong nhà không trét thạch cao, tường làm bằng những súc gỗ lớn, trông không lấy gì làm sạch lắm, - có thể thấy rằng những người ở nhà này cũng chẳng cố ý chăm chút cho ngôi nhà khỏi có vết bẩn, nhưng cũng không thấy vẻ bừa bộn cẩu thả. Trong phòng mặc áo phảng phất mùi táo tươi, trên tường treo ta liệt những tấm da sói và da chồn.

Ông chủ dẫn khách qua phòng ngoài, sang một gian phòng nhỏ có đặt chiếc bàn xếp và mấy chiếc ghế gỗ đỏ, rồi vào gian phòng khách bày một cái bàn tròn bằng gỗ bạch dương và một cái đi-văng, rồi lại dẫn họ vào gian phòng làm việc có chiếc ghế sofa thủng mặt, một tấm thảm đã sờn và mấy bức chân dung của Xuvorov, của hai cụ cố thân sinh của chủ nhân và bản thân chủ nhân mặc quân phục. Phòng làm việc sặc mùi thuốc lá và mùi chó săn.
   
Trong phòng làm việc ông chủ mời khách ngồi và xin họ cứ tự nhiên như ở nhà, rồi ông bỏ ra ngoài. Con Rugai, lưng hãy còn lấm bùn, chạy vào phòng, leo lên đi-văng, thè lưỡi hếm mình và lấy răng chuốt lông cho sạch. Từ phòng làm việc đi ra là một dãy hành lang, trong đó thấy có một tấm bình phong mặt vải đã rách. Từ phía sau tấm bình phong đưa ra những giọng phụ nữ cười khúc khích và nói thì thầm. Natasa, Nikolai và Petya cởi áo ngoài và ngồi xuống đi văng. Petya gối đầu lên khuỷu tay và lập tức ngủ thiếp đi; Natasa và Nikolai ngồi yên lặng. Mặt họ nóng bừng, bụng họ rất đói và lòng họ rất vui. Hai anh em nhìn nhau (sau buổi săn, ngồi trong phòng, Nikolai thấy không cần phải tỏ rõ ưu thế của đấng nam nhi trước mặt em gái nữa). Natasa đưa mắt nháy anh, và cả hai đều không nhịn được, phá lên cười giòn giã, tuy chưa kịp nghĩ ra một cớ gì để cười như vậy cả.
   
Một lát sau ông chú bước vào, mình mặc áo kazakin quần xanh, chân đi ủng ngắn. Dạo trước: khi ông ta mặc bộ quần áo này đến Otradnoye. Natasa rất ngạc nhiên và buồn cười, nhưng bây giờ nàng lại thấy đó là một bộ y phục chỉnh tề chẳng kém gì các thứ áo lễ phục. Ông chú lúc bấy giờ đang vui; nghe tiếng cười của hai anh em, không những ông không giận (ông không hề có ý nghĩ rằng hai cháu lại có thể cười cảnh sinh hoạt của mình), mà lại còn cất tiếng cười theo tiếng cười vô cớ của họ nữa.

- Chà cô bé bá tước tiểu thư này, thật khá thật! Chú chưa hề thấy cô nào như cô đấy! - Ông vừa nói vừa đưa cho Roxtov một cái tẩu thuốc dài ngoẵng, còn mình thì cầm một cái tẩu ngắn có trạm trổ giữa ba ngón tay với một cử chỉ quen thuộc.

- Cưỡi ngựa suốt một ngày, đàn ông như vậy cũng là giỏi rồi, thế mà cứ như không ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:32:31 pm
Ông chú vào được một lát thì người hầu gái - nghe tiếng bước chân ở bên ngoài có thể nhận ra là chị ta đi đất - mở cửa phòng và một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, béo đẹp, hồng hào, có hai lớp cằm và đôi môi mọng đỏ chót, hiện ra ở khung cửa, tay bưng một chiếc mâm lớn bầy đầy những thức ăn. Với một vẻ ân cần mến khách lộ rõ trong đôi mắt và trong từng cử chỉ, bà ta đưa mắt nhìn các tân khách và lễ phép cúi đầu chào, môi nở nụ cười trìu mến.
   
Tuy thân hình to béo quá cỡ, đến nỗi phải ưỡn ngực và bụng ra phía trước và hất đầu về phía sau, người đàn bà ấy (đó là bà quản gia của ông chủ) vẫn đi đứng hết sức nhẹ nhàng. Bà đến cạnh bàn, ghé chiếc mâm xuống và đôi bàn tay trắng trẻo, múp míp của bà nhanh nhẹn bày lên mặt bàn các chai đĩa và thức ăn thết khách. Bày xong, bà lui ra đứng ở cạnh cửa, vẻ mặt tươi cười. Cả dáng người của bà như muốn nói với Roxtov: "Đấy, tôi như thế đấy! Bây giờ cậu đã hiểu ông chú cậu chưa?". Làm sao lại không hiểu kia chứ! Không những Roxtov mà cả Natasa nữa cững đã hiểu ông chú - hiểu cả ý nghĩa của đôi mày chau lại và nụ cười sung sướng, tự mãn thoáng hiện trên môi ông ta khi bà Anixya   Fiodorovna bước vào. Trên mâm bày nào là rượu cỏ, rượu anh dào, nào là nấm, bánh đa bằng bột mì đem tẩm nước bơ, nào là mật ong tươi, mật ong ngào sủi bọt, táo hạnh nhân tươi, hạnh nhân rang và hạnh nhân ngào mật. Sau đó Amxya Fiodorovna lại bưng thêm mứt mật ong và mứt đường, một súc giăm-bông và một con gà mới quay xong.
   
Tất cả những món đó đều do bàn tay đảm đang của bà Anixya Fiodorovna làm ra. Tất cả những món đó đều đượm hương thơm và phong vị của Amxya Fiodorovna. Tất cả những món đó đều phảng phất cái tươi mát, sạch sẽ, cái nước da trắng trẻo và nụ cười niềm nở của bà.

- Cô ăn đi, bá tước tiểu thư ạ, - Anixya Fiodorovna vừa nói vừa tiếp cho Natasa hết món ăn này đến món ăn khác.
   
Natasa ăn tất và tưởng chừng như xưa nay nàng chưa bao giờ thấy ở đâu những chiếc bánh da tẩm nước bơ, những món mứt, những hạt hạnh nhân ngào mật và những miếng thịt gà quay thơm ngon như thế này. Amxya Fiodorovna lui ra. Roxtov và ông chú vừa ăn vừa uống rượu anh đào, chuyện trò về cuộc đi săn vừa qua và cuộc đi săn sắp tới, về con Rugai và đàn chó săn của Ilaghin. Natasa, đôi mắt sáng ngời, ngồi thẳng người trên đi-văng lắng tai nghe hai người nói chuyện. Đã mấy lần nàng cố lay chú Petya dậy ăn dăm ba miếng, nhưng chú bé chỉ làu nhàu mấy tiếng gì trong miệng rồi lại ngủ say. Natasa thấy lòng vui phơi phới, nàng thấy thích thú cái khung cảnh mới này đến nôi nàng chỉ sợ xe đến đón nàng về sớm quá.
   
Sau một lát im lặng ngẫu nhiên, như những phút im lặng thường thấy khi người ta tiếp chuyện người quen ở trong gia đình lần đầu, ông chú nói, như để đáp lại những ý nghĩ trong trí óc anh em Roxtov.

- Đấy tôi an hưởng tuổi già như thế đấy… Đến khi người ta chết đi thì - khá lắm! - chẳng có gì sất. Thế thì việc gì phải chịu thiếu thốn?

Gương mặt của ông chú có vẻ ngụ nhiều ý nghĩa, mà lại có vẻ đẹp lên nữa trong khi nói câu này. Roxtov bất giác nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp mà cha chàng và những người láng giềng thường nói về ông. Trong khắp tỉnh này ông chú nổi tiếng là một người gàn dở nhưng hết sức trung thực và vô tư. Người ta thường mời ông phân xử hộ những chuyện gia đình, giao cho ông làm người thừa hành di chúc, thổ lộ với ông những chuyện bí mật, bầu ông làm quan toà và mời ông giữ nhiều chức vụ khác, nhưng ra làm việc nhà nước thì ông cứ một mực khăng khăng không chịu, mùa thu và mùa xuân ông cưỡi con ngựa thiến màu hung nhạt đi chơi trên cánh đồng, mùa đông thì ngồi nhà, mùa hạ thì nằm trong khu vườn rậm rạp.

- Sao chú không ra làm việc nhà nước hả chú?

- Có ra làm, nhưng rồi lại thôi. Tôi mà làm việc nhà nước thì có ra gì, khá thật! - Tôi chẳng hiểu gì sất. Đó là việc của anh, chứ tôi thì chẳng đủ tài. Còn như săn bắn thì lại là chuyện khác, - - Cái này thì khác luật! Ê, mở cửa ra chứ, - Ông quát - Sao lại đóng cửa thế hả?

Cái cửa ở cuối hành lang (ông chú gọi là "hành nang") dẫn vào phòng săn - tức là phòng gia nhân dành cho phường săn. Lại nghe tiếng chân đi đất bước nhanh, và một bàn tay vô hình mở cánh cửa vào phòng săn. Từ hành lang vẳng lên những âm thanh nghe rất rõ của một cây đàn balalaika. Người đánh đàn chắc phải là một tay lão luyện nghề này. Từ nãy Natasa cố lắng tai nghe tiếng đàn; bây giờ nàng ra hẳn hành lang để nghe cho rõ.

Ông chú nói:

- Ấy chú đánh xe Mitka nhà tôi đấy… Tôi mua cho chú một cây đàn thật tốt, tôi thích nghe lắm.

Ở ông chú có cái lệ là hễ khi nào ông đi săn về thì Mitka phải ngồi trong phòng săn đánh đàn Balalaika. Ông chú rất thích nghe thứ nhạc này.

- Hay thật! Quả là rất hay, - Nikolai nói, chàng bất giác nói một giọng ít nhiều có vẻ khinh thường, tưởng chừng như chàng lấy làm ngượng khi phải thừa nhận rằng tiếng đàn này khiến chàng thích thú.

- Rất hay là thế nào? - Natasa nói, giọng đầy trách móc vì nàng đã cảm thấy vẻ khinh thường của anh, - Không phải là hay, mà là tuyệt diệu ấy chứ! - Cũng như món nấm, món mật ongvà rượu anh đào của ông chú mà Natasa thấy là ngon nhất thế gian, điệu đàn này đối với nàng dường như cũng là tuyệt đỉnh của nghệ thuật âm nhạc.

- Nữa đi, làm ơn đánh nữa đi, - Natasa nói vọng về phía cửa khi tiếng Balalaika vừa dứt. Mitka lên lại đây đàn và lại chơi điệu "Phu nhân" một cách phóng túng, có nhiều biến tấu và nhiều nét láy lại ông chú ngồi nghe, đầu nghiêng một bên, miệng hơi mỉm cười.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:33:15 pm
Nhạc đề bài "Phu nhân" được chơi đi chơi lại hàng trăm lần. Đã mấy lần người đánh đàn phải lên dây lại, rồi cũng lại điệu đàn ấy nổi lên, nhưng những người nghe không hề thấy chán tai, cứ muốn nghe mãi. Anixya Fiodorovna bước vào và tựa cái thân hình to béo vào khung cửa. Bà mỉm cười một nụ cười giống hệt nụ cười của ông chú hồi nãy, nói với Natasa:

- Tiểu thư cũng thích nghe à? Chú Mitka nhà chúng tôi đàn hay lắm đấy.

Bỗng ông chú hoa mạnh tay một cái rồi nói:

- Thôi đoạn này hắn chơi hỏng rồi. Chỗ này phải láy chứ, khá thật! Phải lấy mới được!

- Thế chú cũng biết chơi sao? - Natasa hỏi.

Ông chú mỉm cười không đáp.

- Này Amxyuska, bà thử vào xem cây đàn có còn đủ dây không nào, cây đàn ghi-ta ấy mà! Đã lâu không mó tới đàn, khá thật! Bỏ lâu rồi.

Anixya Fiodorovna vui vẻ bước nhẹ nhàng tuân lệnh ông chú vào lấy cây đàn ghi-ta đem ra.
   
Ông chú chẳng nhìn ai, ghé miệng thổi bụi, đưa mấy ngón tay xương xấu gõ gõ lên mặt đàn, lên đây và ngồi lại cho ngay ngắn trên ghế bành. Ông cầm lấy đàn (với một tư thế hơi tuồng, khuỷu tay phải trải khuỳnh rộng ra) ở phía trên chiếc cần một chút đưa mắt nháy Amxya Fiodorovna một cái, rồi không chơi diệu "Phu nhân" mà lại đánh một hợp âm trong trẻo ngân vang, rồi vẻ điềm tĩnh nhưng quả quyết, với một nhịp điệu rất khoan thai, ông bắt đầu chơi diệu ca khúc nổi tiếng "Dọc dường phố lát đá". Và dần dần, theo nhịp đàn, với niềm vui thanh thoát điềm đạm như niềm vui toát ra từ toàn thân Anixya Fiodorovna, điệu hát vui tươi vang dội trong tâm hồn Nikolai và Natasa. Anixya Fiodorovna đỏ mặt, lấy khăn che miệng cười khúc khích và bỏ ra ngoài. Ông chú tiếp tục đánh đàn một cách mạnh dạn và thận trọng, tiếng đàn rất thanh khiết đôi mắt long lanh sáng lên vì cảm hứng nhìn vào chỗ Anixya Fiodorovna vừa đi ra. Bóng dáng một nụ cười phảng phất một bên khuôn mặt ông, dưới bộ râu mép hoa râm, nhất là những khi điệu nhạc dồn dập rồi đột ngột ngừng lại ở những chỗ chuyển điệu.

- Tuyệt quá, tuyệt quá chú ạ! Nữa đi, đánh nữa đi! - Natasa reo lên khi thấy tiếng đàn vừa dứt. Nàng nhảy lên chạy lại ôm choàng lấy ông chú mà hôn. Rồi nàng ngoái lại nhìn anh nói:

- Nikolenka, Nikolenka! - vẻ như muốn hỏi chàng: làm sao thế nhỉ?

Nikolai cũng rất thích tiếng đàn của ông chú. Ông chú chơi lại bài hát một lần nữa. Gương mặt tươi cười của Anixya Fiodorovna lại hiện ra trong khung cửa, và phía sau lại có thêm nhiều khuôn mặt khác… "Sau dòng suối mát lạnh, cô gái kêu lên: Hãy khoan, đợi em với!" tiếng đàn của ông chú lại vang lên; rồi sau một đoạn biến tấu rất khéo, ông ngừng đàn và rùng vai một cái.

- Kìa, chú ơi, chú yêu quý của cháu, - Natasa rên rỉ, giọng khẩn khoản van lơn, như thể cả cuộc đời của nàng đều lệ thuộc vào đấy ông chú đứng dậy, và tựa hồ như trong ông ta có hai con người - một người nghiên trang mỉm cười chế nhạo anh chàng vui tính kia, còn anh chàng vui tính đang làm một động tác ngây ngô cẩn thận để mở đầu cho điệu nhảy.

- Nào, cháu! - Ông chú gọi to, bàn tay vừa đánh hợp âm cuối cùng trên đàn đưa lên vẫy Natasa.

Natasa cởi chiếc khăn quàng trên vai, chạy đến trước mặt ông chú, chống tay cạnh sườn và nhích hai vai lên rồi lấy điệu đứng đợi.

Không biết cái cô bá tước tiểu thư kia, vốn được một người đàn bà Pháp lưu vong dạy dỗ, làm thế nào mà hấp thụ được cái phong vị Nga ấy, không biết nàng lấy đâu ra những dáng điệu ấy, những dáng điệu mà những bước khăn san đáng lẽ lấn át từ đâu? Dù sao phong cách của nàng đúng là phong cách mà ông chú mong đợi, cái phong cách không sao bắt chước được, không sao phân tích nổi, cái phong cách thuần tuý của dân tộc Nga. Khi nàng vừa đứng dậy, miệng mở một nụ cười trang trọng và kiêu cãng, vui tươi và ranh mãnh, thì mối lo sợ lúc đầu của Nikolai và của cả cử toạ, sợ rằng nàng sẽ có những động tác không đúng
kiểu, vút biết mất, và họ bắt đầu say mê ngắm nàng.

Động tác, cử chỉ của nàng đúng quá, đúng hoàn toàn đến nỗi Anixya Fiodorovna, lúc bấy giờ đã trao ngay cho nàng chiếc khăn vuông cần cho điệu nhảy, phải vừa cười vừa ứa nước mắt trong khi cô bá tước tiểu thư mảnh dẻ, yêu kiều, lớn lên trong nhung lụa và xa lạ đối với bà, nhưng lại hiểu được tất cả những gì trong tâm hồn Anixya, trong tâm hồn của ông bố Anixya của bà dì và của mẹ bà ta, trong tâm hồn của mọi người Nga.

- Chà bá tước tiểu thư, tuyệt thật! - Ông chú vui sướng cười ha hả khi điệu nhảy kết thúc. - Chà, cô cháu tôi cừ quá! Chỉ cần chọn cho cô một anh chồng ra trò nữa thôi, khá thật.

Nikolai cười tủm tỉm nói:

- Chọn rồi đấy.

- Thế à? Ông chú ngạc nhiên nói, đưa mắt nhìn Natasa có ý hỏi.

Natasa mỉm cười vui sướng và gật đầu:

- Mà chồng cháu thì tuyệt lắm… - nàng vừa nói đến đây thì lại nghĩ sang chuyện khác. Cái nụ cười của Nikolai khi anh ấy nói: "Chọn rồi đấy" có ý nghĩa gì? Anh ấy bằng lòng hay không bằng lòng? Hình như anh ta nghĩ rằng giá có Bolkonxki của ta ở đây thì chàng sẽ không tán đồng và không hiểu được nỗi vui sướng của chúng ta thì phải. Không phải đâu chàng vẽ hiểu hết. "Bây giờ chàng đang ở đâu?" - Natasa nghĩ thầm, và gương mặt nàng bỗng nghiêm trang hẳn lại. Nhưng có vẻ đó chỉ thoáng qua trong một giây. "Đừng nghĩ, không nên nghĩ đến điều đó" - nàng tự nhủ và mỉm cười để ngồi cạnh ông chú như cũ, yêu cầu chú chơi thêm một bài gì nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:34:15 pm
Ông chú chơi một vài ca khúc và một diệu valse nữa; sau đó ông ta im lặng một lúc, đằng hẵng mấy cái rồi cất tiếng hát bài hát đi săn yêu thích của ông ta:

Đẹp thay, những bông tuyết đần mùa,

Trong bóng chiều nhẹ buông…


Ông chú hát đúng như nhân dân hát, với một lòng tin trọn vẹn và ngây thơ rằng bao nhiêu ý nghĩa của bài hát đều nằm cả trong lời ca, rằng điệu nhạc tự nó toát ra từ lời ca và không thể tồn tại riêng được: điệu nhạc chẳng qua là để hát cho có nhịp thôi. Chính vì vậy mà điệu hát không có ý thức như tiếng chim hót, nghe hay lạ lùng.

Natasa say sưa nghe ông chú hát. Nàng quyết định sẽ thôi học đàn thụ cầm. Mà chỉ chơi ghi-ta thôi. Nàng mượn cây đàn của ông chú và tìm ngay được những hợp âm đệm theo bài hát.

Khoảng gần mười giờ một chiếc xe ngựa, một chiếc droiki và ba người đầy tớ cưỡi ngựa đi tìm Natasa và Petya đã đến. Bá tước và phu nhân hiện không biết hai chị em ở đâu, và theo lời mấy người đầy tớ thì hai ông bà đang lo lắm.

Họ mang Petya đặt lên xe ngựa như đặt một cái xác chết; Natasa và Nikolai ngồi lên xe droiki. Ông chú khoác áo cẩn thận cho Natasa và từ biệt nàng một cách trìu mến hơn hẳn khi trước.

Ông đi bộ tiễn họ ta cái cầu mà họ đi vòng để lội qua ngòi, và sai bọn thợ săn cầm đèn đi trước. Giọng nói của ông chú vang lên trong bóng tối.

- Cháu thân yêu của chú, cháu về nhé! - đó không phải là giọng nói Natasa đã từng biết trước kia, mà là cái giọng lúc nãy vừa hát: "Chiều về, những bông tuyết đầu mùa". Cái làng họ đi qua có nhiều dốm lửa đỏ và phảng phất một mùi khói gợi lên những ý nghĩ vui vui.

Khi họ đã ra đường cái lớn Natasa nói:

- Chú ấy đáng yêu quá nhỉ?

- Ừ - Nikolai nói - Em có rét không?

- Không, em thấy dễ chịu lắm. Em thấy rất dễ chịu, - Natasa nói giọng hầu như ngạc nhiên. Hai người im lặng hồi lâu.

Đêm hôm ấy trời tối và ẩm. Nhìn ra phía trước không trông thấy ngựa, chỉ nghe tiếng chân ngựa giẫm lép bép trong bùn.

Những gì đang diễn ra trong cái tâm hồn ngây thơ và nhạy cảm ấy một tâm hồn khao khát đón tiếp và hấp thụ tất cả những ấn tượng muôn màu muôn vẻ của cuộc đời? Làm sao tâm hồn nàng có thể chứa đựng tất cả những thứ đó? Dù sao nàng cũng rất vui sướng.

Khi xe đã sắp về đến nhà, nàng bỗng cất tiếng hát nhạc đề của bài "Đẹp thay, những bông tuyết đầu mùa", mà suốt đoạn đường nàng cứ cố nhớ lại mà mãi bây giờ mới nhớ ra.

- Tìm ra được rồi đấy ạ? - Nikolai nói.

- Vừa rồi anh nghĩ gì thế hả anh Nikolai? - Natasa hỏi. Hai anh em thường vẫn thích hỏi nhau câu đó.

- Anh ấy à? - Nikolai vừa nghĩ vừa nói - Này nhé, lúc đầu anh nghĩ rằng Rugai, con chó hung ấy mà, trông nó giống như chú ấy, và giả thử nó là người thì nó sẽ nuôi mãi chú ấy trong nhà, nếu không phải để đi săn, thì cũng để cho vui vì chú ấy với nó hợp nhau lắm: Chà, chú ấy vui tính thật đấy! Đúng không nào? Thôi, thế còn em thì em nghĩ gì?

- Em ấy à? Yên nào, yên nào. À phải, lúc đầu em nghĩ rằng chúng ta cứ yên trí mình đang về nhà, nhưng thật ra chúng ta đi trong bóng tối thế này, có trời biết đi đâu, rồi bỗng nhiên chúng ta đến một nơi nào đấy không phải Otradnoye mà là một vương quốc thần kỳ. Sau đó, em còn nghĩ đến… Không, chả nghĩ gì nữa cả.

- Biết rồi, nghĩ đến anh ấy chứ gì. - Nikolai nói và nghe giọng nói của chàng trong bóng tối. Natasa cũng biết là chàng đang mỉm cười.

- Không. - Natasa đáp, mặc dầu quả thật nàng có nghĩ đến công tước Andrey và thử đoán xem chàng có thích ông chú của nàng không. - Thế rồi suốt đường em cứ nghĩ đi nghĩ lại: Anixyuska đi đứng đẹp thật đẹp thật… - Natasa nói.

Và Nikolai nghe thấy tiếng cười giòn giã hồn nhiên, vui tươi của nàng.

Rồi bỗng Natasa lại nói:

- Này, anh ạ, em biết rằng sau này chẳng bao giờ nữa em sung sướng, thanh thản được như bây giờ đâu.

- Chỉ nói dại vớ vẩn, - Nikolai nói rồi nghĩ thầm: "Cái con bé Natasa của mình đáng yêu quá! Mình không thể có một người bạn nào hơn thế, mà sau này cũng chẳng tìm đâu ra. Nó đi lấy chồng làm gì? Nếu không có phải cứ được đi chơi với nhau mãi không!"

"Cái anh Nikolai ấy đáng yêu quá! " - Natasa thầm nghĩ.

- À! Trong phòng khách hãy còn đèn - nàng nói, tay chỉ vào mấy ô cửa sổ của ngôi nhà, đang lấp lánh trong đêm tối ấm ướt và dịu như nhung.

============================================

Chú thích:

(1) Ý muốn chỉ cái tù và bằng sừng của người đi săn.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:35:03 pm
Phần VII
Chương - 8
   
Bá tước Ilya Andreyevich đã từ chức đô thống quý tộc vì chức vụ này đòi hỏi những khoản chi tiêu quá lớn. Nhưng sau đó tình hình kinh tế của ông vẫn không khả quan hơn. Nhiều lần Natasa và Nikolai bắt gặp cha mẹ đang bàn tán có vẻ bí mật lo lắng, và nghe nói chuyện bán toà nhà sang trọng của họ Roxtov và bán trang viên ở ngoại thành Moskva. Vì không giữ chức đại biểu quý tộc nên bá tước không phải tổ chức những cuộc tiếp tân linh đình như trước và cuộc sống ở Otradnoye trôi qua yên tĩnh hơn những năm trước; nhưng toà nhà chính đồ sộ cũng như các dãy nhà dọc vẫn cứ đầy người, và đến bữa ăn vẫn có hơn hai mười người ngồi vào bàn. Đó đều là những người quen thân đã ở mãi trong nhà và đã gần thành những người trong gia đình, hoặc giả là những người có vẻ như thân thiết cần phải ở nhà bá tước. Trong số những người như thế có vợ chồng ông Dimler - nhạc sĩ, và gia đình ông Foghel - giáo sư khiêu vũ bà già độc thân Bêlova và còn nhiều người khác nữa: ông thầy giáo của Petya, bà cựu gia sư của các tiểu thư, hoặc chẳng qua là những người thấy rằng sống ở nhà bá tước thì thú hơn và có lợi hơn ở nhà mình, thế thôi. Khách khứa không còn tấp nập như trước, nhưng cách sinh hoạt vẫn thế, vì bá tước và phu nhân không thể hình dung một cách sinh hoạt nào khác. Cũng vẫn những phường săn như trước, nay có Nikolai lại càng tăng thêm người, trong tàu vẫn có năm mươi con ngựa và mười lăm người đánh xe, cũng vẫn những món quà tặng đắt tiền nhân ngày lễ thánh, và những bữa tiệc lính đình mời khắp cả huyện, vẫn những ván bài "whist" và "boston", trong đó bá tước cầm bài hết sức hớ hênh ai cũng nhìn thấy mặt bài, đến nỗi mỗi ngày cứ mất hàng trăm rúp cho các ông bạn láng giềng vốn xem việc đánh bài với bá tước Ilya
Andreyevich là nguồn thu nhập béo bở nhất của họ.

Bá tước bị vướng mắc trong công việc, tiền nong như trong một cái lưới khổng lồ, cố gắng không tin rằng mình đang sa lầy, nhưng cứ càng bước tới lại càng sa lầy thêm, và cảm thấy không đủ sức xé rách những mảng lưới đang vây bọc lấy mình mà cũng không thể thận trọng kiên nhẫn gỡ lần từng mối được. Bá tước phu nhân xót xa cảm thấy rằng con cái mình đang dần dần khánh kiệt, rằng chồng mình cũng chẳng có lỗi gì, ông không thể tránh khỏi lâm vào tình trạng như bây giờ, rằng chính ông cũng khổ tâm (mặc dầu ông cố giấu) vì biết rõ mình và con mình đang đi đến chỗ phá sản; và phu nhân cố nghĩ cách cứu giúp chồng. Theo quan điểm phụ nữ của bà thì còn một cách là thu xếp cho Nikolai lấy một bà vợ giàu. Bà cảm thấy rằng đó là hy vọng cuối cùng, và nếu Nikolai lại không thích cái đám mà bà tìm cho chàng, thì đành phải chịu bó tay không mong gì cứu vãn tình thế được nữa. Đám ấy là Juyly Karaghina, là người con nhà rất tử tế, cha mẹ phúc hậu, từ hồi nhỏ đã quen gia đình Roxtov, và hiện nay vì người anh cuối cùng vừa chết nên đã trở thành một cô gái thừa kế rất giàu có.
 
Bá tước phu nhân viết thư thẳng cho bà Karaghina ở Moskva, bàn chuyện xin con gái bà ta cho Nikolai và đã nhận được một bức thư phúc đáp có ý thuận tình. Bà Karaghina trả lời rằng về phía bà thì bà ưng thuận, nhưng mọi việc đều tuỳ ở chỗ con gái nó có ưng hay không. Bà Karaghina mời Nikolai lên Moskva chơi.

Đã mấy lần, mắt rớm lệ, bá tước phu nhân nói với Nikolai là hiện nay hai đứa con gái của bà đều đã có nơi có chốn, bà chỉ còn một ước nguyện duy nhất nữa là thấy chàng lập gia đình. Bà nói rằng được như vậy thì có nằm xuống mồ bà cũng yên tâm. Rồi bà lại nói thêm là bà đã nhằm một đám rất khá, và dò hỏi ý kiến chàng về việc hôn nhân.

Vào những dịp khác bà lại khen ngợi Juyly và khuyên Nikolai đi Moskva dự các buổi hội hè để giải trí. Nikolai đã đoán ra ý mẹ qua những câu chuyện ấy và nhân một lần nói chuyện chàng xin mẹ cứ nói thẳng ra. Phu nhân bèn bảo chàng là chỉ còn cách chàng lấy cô Juyly Karaghina thì mới hy vọng cứu vãn được tình cảnh gia đình.

- Thế nếu con yêu một người con gái không có tiền của, mẹ sẽ bắt con phải hy sinh tình cảm và danh dự của con vì tiền hay sao? - chàng hỏi mẹ; lúc bấy giờ chàng không hiểu hết cái tàn nhẫn trong câu hỏi của mình và chỉ muốn tỏ rõ lòng mình cao thượng mà thôi.

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ. - phu nhân nói, trong bụng không biết làm thế nào để thanh minh cho mình. - Con chưa hiểu ý mẹ, Nikolai ạ. Mẹ chỉ mong cho con được sung sướng, - phu nhân nói thêm,
nhưng lại cảm thấy mình đang dối con và đâm ra lúng túng. Bà khóc oà.

- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, chỉ xin mẹ nói cho con biết mẹ muốn thế nào, mẹ cũng biết rằng con sẵn sàng hiến dâng đời con, hiến dâng tất cả để mẹ được yên lòng - Nikolai nói - Con sẽ hy sỉnh tất cả vì mẹ, dù là tình cảm của con cũng vậy.

Nhưng bá tước phu nhân không có ý muốn đặt vấn đề như vậy; bà không muốn con phải hy sinh vì mình, chính bà muốn hy sinh cho con thì có. Bá tước phu nhân lau nước mắt, nói:

- Không phải thế, con chưa hiểu ý mẹ, thôi ta đừng nói chuyện ấy nữa con ạ.
"Phải, có thể là ta yêu một người con gái nghèo - Nikolai tự nhủ - Vậy ta phải hy sinh tình yêu và danh dự vì tiền tài chăng? Cũng lạ, không hiểu sao mẹ lại có thể nói với mình như vậy. Vì Sonya nghèo, phải chăng ta không thể yêu nàng được, không thể đển đáp được mối tình chung thuỷ tận tuỵ của nàng? Chắc hẳn là lấy nàng ta còn sung sướng hơn lấy bất kỳ một con búp bê nào kiểu như Juyly. Ta không thể ra lệnh cho tình cảm của ta được. Ta đã yêu Sonya, thì đối với ta tình yêu này mãnh liệt và cao quý hơn tất cả".
Nikolai không đi Moskva, bá tước phu nhân không nói chuyện hôn nhân với chàng nữa, và lòng buồn rầu, đôi khi căm giận nữa, phu nhân nhận thấy rằng con trai mình ngày càng thêm gắn bó với con Sonya, mắng mỏ nàng, và nhiều lần gọi nàng là "cô", là "cô bạn thân mến", mặc dầu sau đó bà vẫn thường tự trách mình. Bá tước phu nhân vốn tốt bụng, nhưng bà vẫn căm giận Sonya, mà căm giận hơn cả là vì cái cô cháu gái mắt đen nghèo hèn ấy dịu hiền trung hậu, đầy lòng tận tuỵ biết ơn đối với các ân nhân, lại yêu Nikolai một cách trung thành, chung thuỷ quên mình đến nỗi không còn chỗ nào có thể chê trách nàng được.
   
Nikolai đã hết hạn nghỉ phép ở nhà. Gia đình Roxtov nhận được bức thư thứ tư của công tước Andrey từ La mã gửi về, trong thư viết rằng đáng lẽ chàng đã về Nga từ lâu, nhưng ở nơi khí hậu ấm áp vết thương chàng lại tái phát, cho nên phải hoãn đến đầu năm sau mới về được, Natasa vẫn say mê người chồng chưa cưới như trước vẫn được tình yêu làm cho thanh thản và vẫn dễ cảm xúc trước tất cả những niềm vui sướng của cuộc đời; nhưng xa cách người yêu được gần bốn tháng thì nàng hắt đầu có những lúc sầu não mà nàng không sao nén nổi. Nàng thấy thương hại mình, tiếc rằng đã để trôi qua một cách phí hoài, không có lợi gì cho ai, tất cả quãng thời gian ấy, mặc dầu trong những ngày tháng ấy lẽ ra nàng có thể yêu và được yêu không biết đến nhường nào.
Cảnh gia đình Roxtov thật là buồn tẻ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:35:49 pm
Phần VII
Chương - 9

Tiết Noël đã đến, và ngoài buổi xem lễ trọng thể, ngoài những lời chúc tụng long trọng và nhàm tai của những người láng giềng và của các gia nhân, ngoài những thứ đó ra không có gì đặc biệt đánh dấu ngày lễ Giáng sinh cả. Nhưng trong bầu không khí băng giá im phăng phắc, lạnh đến hai mươi độ dưới không, trong ánh nắng rực rỡ lúc ban ngày và trong ánh trăng lạnh lẽo lúc ban đêm, người ta lại cứ cảm thấy cần phải có một cái gì đánh dấu tiết Giáng sinh này.
   
Sang ngày lễ thứ ba, sau bữa ăn chiều, trong nhà ai nấy giải tán về phòng mình. Suốt ngày chỉ có lúc này là buồn tẻ nhất. Nikolai hồi sáng cưỡi ngựa đi thăm các nhà láng giềng, bây giờ đã nằm trong phòng đi-văng đánh một giấc. Lão bá tước thì nghỉ trong phòng làm việc. Trong phòng khách, Sonya ngồi trước bàn tròn, đồ lại một hình mẫu thêu. Bá tước phu nhân chơi bói bài. Naxraxya Ivanovna - lão hề, đang ngồi bên cửa sổ với hai bà già. Natasa bước vào phòng, lại gần Sonya nhìn xem nàng làm gì, rồi lặng lẽ đến đứng bên cạnh mẹ.

- Sao con cứ đi lại vật vờ như một oan hồn thế con? - bá tước phu nhân nói - Con cần gì nào?

- Con cần anh ấy… ngay bây giờ, ngay phút này này, - Natasa nói, mắt sáng long lanh và không mỉm cười.
     
Bá tước phu nhân ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn con không chớp mắt.

- Đừng nhìn con, mẹ ạ, mẹ đừng nhìn con, không con khóc ngay bây giờ cho mà xem.

- Con ngồi xuống đây với mẹ một lát đi con - phu nhân nói.

- Mẹ ạ, con cần anh ấy! Tại sao con lại phải chờ đợi héo hon thế này hở mẹ? - Giọng nàng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng trên khoé mắt, và để mẹ khỏi thấy, nàng quay mặt đi và bước ra khỏi phòng, nàng ra phòng đi-văng, dừng lại, suy nghĩ một lát rồi đi sang phòng các chị đầy tớ gái. Ở đây, một bà hầu phòng già đang mắng nhiếc một cô hầu gái vừa mới ngoài rét chạy vào thở hổn hển.

- Đừng chơi nữa, - bà già nói - Cái gì cũng phải có lúc chứ.

- Thôi để mặc cô ấy, bà Kondratyena ạ - Natasa nói - Đi đi, Mavrusa, đi đi.
     
Sau khi cho Mavrusa đi ra, Natasa đi qua gian phòng lớn và bước vào gian phòng ngoài. Một ông già với hai người đầy tớ trẻ tuổi đang đánh bài. Họ ngừng chơi và đứng dậy khi thấy bá tước tiểu thư vào. "Sai họ làm gì bây giờ nhỉ?" - Natasa nghĩ thầm. "À phải, Nikita, anh chịu khó đi… - "Bảo anh ta đi đâu bây giờ nhỉ?"

- À, phải, anh đi ra ngoài sân mang vào cho tôi một con gà trống; phải, còn anh, Misa lấy cho tôi ít thóc.

- Lấy một ít thóc thôi cô nhé? - Misa vui vẻ đáp.

- Thôi đi đi, nhanh lên, - Ông già giục thêm.

- Còn bác Fiodor kiếm cho tôi mấy viên phấn nhé.

- Rồi đi ngang qua phòng hầu trà, nàng lại sai bưng ấm lò lên, tuy lúc bấy giờ chẳng phải là lúc dùng trà.
   
Bác hầu trà Foka là người cục tính nhất trong nhà. Natasa thường thích dùng bác ta để thử quyền lực của mình xem sao. Nghe Natasa bảo mang ấm lò lên, bác ta không tin, liền lên nhà hỏi lại xem có thật không.

- Chà cái cô này! - Foka nói, mặt vờ làm ra vẻ cáu với Natasa.
   
Trong nhà không có ai sai phái nhiều người và bảo làm nhiều việc như Natasa. Hễ nàng trong thấy một người đầy tớ là thế nào cũng muốn sai họ đi làm việc này việc nọ. Nàng có vẻ như muốn xem họ có phát cáu lên với nàng hay không, nhưng không có ai sai bảo gì mà họ lại vui lòng làm cho bằng Natasa. "Biết làm gì bây giờ nhỉ? Biết đi đâu bây giờ?" Natasa thầm nghĩ trong khi lững thững trong dãy hành lang.

- Naxraxya Ivanovna này, tôi sẽ đẻ ra được cái gì? - nàng hỏi lão hề mặc áo thụng bây giờ đang đi ngược lại phía nàng.

- Cô thì đẻ ra bọ chó, chuồn chuồn, dế - lão hề đáp.
   
Trời ơi, trời ơi, vẫn chỉ có thế! Ôi, biết đi đâu bây giờ? Biết làm gì bây giờ". Và nàng nện gót chạy nhanh lên cầu thang đến phòng hai vợ chồng Foghel ở trên gác. Ở phòng Foghel đang có hai bà gia sư ngồi chơi, trên bàn có đặt mấy đĩa nho khô, hạnh nhân và hạt dẻ. Hai bà gia sư đang nói chuyện gẫu, bàn xem ở nơi nào sinh hoạt rẻ hơn ở Moskva hay ở Odessa. Natasa đến ngồi bên cạnh lắng nghe họ nói chuyện, vẻ mặt nghiêm trang và đăm chiêu, rồi đứng dậy.

- Đảo Madagasca, - nàng nói, - Ma - da - ga - sca, - nàng nhắc lại tách rời từng tiếng một, rồi không đáp lại câu hỏi của bà Schoss hỏi nàng đang nói gì, Natasa ra khỏi phòng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 06 Tháng Giêng, 2011, 07:37:42 pm
Petya lúc ấy cũng đang ở trên gác, đang ngồi làm pháo hoa với ông Diadke(1) định đến tối sẽ đem đốt.

- Petya ơi? Petya ơi - Nàng gọi em - Cõng chị xuống nhà tí nào.

Petya chạy lại giơ lưng ra. Nàng nhảy lên lưng em, hai tay quàng lấy cổ cậu bé. Petya nhảy tâng tâng cõng chị chạy.

- Thôi bỏ xuống… đảo Madagascar, - nàng nói đoạn nhảy xuống đất và bỏ xuống nhà.

Dường như sau khi đã đi quanh một lượt khắp vương quốc của mình và đã yên trí rằng mọi người đều răm rắp phục tùng mình, nhưng vẫn cứ thấy chán như thường, Natasa đi vào phòng lớn, lấy cây đàn ghi-ta đến ngồi ở góc tối sau chiếc tủ con và bắt đầu bấm các dây trầm, mò mẫm một câu nhạc nàng nhớ được trong một vở ca kịch mà nàng đã cùng đi nghe với công tước Andrey ở Petersburg.

Nếu có ai nghe tiếng đàn ấy, thì chẳng qua cũng chỉ là những âm thanh mơ hồ chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng trong trí tưởng tượng của nàng thì nó làm sống lại cả một chuỗi kỷ niệm. Nàng ngồi sau chiếc tủ, mắt nhìn trừng trừng vào cái vệt sáng từ khe cưa phòng hầu trà hắt ra. Lắng nghe tiếng đàn của mình và hồi nhớ lại những ngày qua.

Sonya cầm một cái cốc đi qua phòng lớn và vào phòng hầu trà. Natasa nhìn Sonya, nhìn cái khe hở trên cánh cửa vào phòng hầu trà, và nàng có cảm tưởng như đã có lần trông thấy cái vệt sáng từ cửa phòng hầu trà chiếu ra, và lần ấy Sonya cũng cầm chiếc cốc đi ngang phòng như thế này. "Thật đúng y như thế này". Natasa nghĩ.

Natasa gẩy mấy tiếng ở sợi dây to và cất tiếng gọi:

- Sonya, nghe xem cái gì đây?

- A, Natasa đấy à! - Sonya giật mình nói. Nàng lại gần và lắng nghe tiếng đàn. - Mình không biết. Bài "Cơn bão", có phải không nào? - nàng nói, giọng rụt rè, vì sợ mình nhầm.

"Đấy lần ấy Sonya cũng giật mình đúng như thế, cũng lại gần lắng nghe và mỉm cười rụt rè như thế -
Natasa thầm nghĩ, và cũng đúng như bây giờ, lần ấy mình nghĩ rằng ở Sonya còn thiếu một cái gì ấy".

- Không phải, đó là điệu hợp xướng trong vở "Người xách nước", chị nghe thấy không? - và Natasa hát hết điệu hợp xướng để cho Sonya hiểu. - Chị đang đi đâu thế - Natasa hỏi.

- Đi thay nước trong cốc. Mình sắp vẽ xong mẫu thêu.

- Chị bao giờ cũng có việc làm. Còn em thì chẳng biết tìm việc gì mà làm. - Natasa nói. - Thế anh Nikolai
đâu.

- Hình như đang ngủ.

- Sonya ạ, chị vào đánh thức anh ấy dậy đi - Natasa nói - Chị bảo là em gọi anh ấy ra đây hát nhé.

Nàng ngồi, nghĩ vơ nghĩ vẩn không hiểu tại sao, cả những điều đó đã xảy ra và tất cả những cái đó, nghĩa là thế nào. Nàng nghĩ mãi vẫn không ra, nhưng không hề mảy may phiền lòng về việc đó, và trí tưởng tượng lại đưa nàng trở lại hồi nào chàng còn ở bên nàng và nhìn nàng với đôi mắt đắm đuối.
"Ôi chỉ mong sao cho chàng sớm về. Mình sợ quá, nhỡ chàng không về thì sao! Và cái chính là mình sẽ già đi, thế mới chết chứ! Lúc ấy e mình sẽ không còn như bây giờ nữa. Nhưng có lẽ chàng sẽ về ngay hôm nay, ngay bây giờ. Cũng có thể chàng đã về từ tối hôm qua, nhưng ta quên mất". Nàng đứng dậy, đặt cây đàn xuống và đi ra phòng khách. Mọi người trong gia đình các nam nữ gia sư và khách khứa đều ngồi quanh chiếc bàn trà. Các gia nhân thì đứng quanh bàn, - nhưng không thấy công tước Andrey đâu cả, thế mà cuộc sống vẫn cứ như trước.

- A, nó đây rồi, - Ông Ilya Andreyevich nói khi thấy Natasa vào. - Nào ngồi đây với cha, - Nhưng Natasa đến đứng bên cạnh mẹ, mắt nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì.

- Mẹ ơi! - nàng nói. Mẹ đưa anh ấy lại đây cho con đi, kìa nhanh lên, nhanh lên, - nàng chật vật lắm mới nén được tiếng nấc.

Nàng lại ngồi cạnh bàn trà và lắng tai nghe tiếng nói chuyện của những người lớn và Nikolai bấy giờ đã ra bàn trà. "Trời ơi, trời ơi vẫn những khuôn mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy, ba vẫn cầm chén trà như thế, vẫn thổi thổi đúng như thế!" - Natasa nghĩ thầm, và kinh hãi thấy trong lòng mình bỗng nổi dậy một cảm giác chán ghét đối với mọi người ở trong nhà vì họ vẫn như cũ.

Sau bữa trà, Nikolai, Sonya và Natasa vào phòng đi-văng ngồi ở cái góc yêu thích của họ, nơi họ vẫn bắt đầu những câu chuyện tâm tình sâu kín nhất.

===============================================

Chú thích:

(1) Diadke người đầy tớ chuyên coi số, và đôi khi dạy dỗ trẻ em.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:06:40 pm
Phần VII
Chương - 10

- Anh có bao giờ thấy thế này không nhé, - Natasa nói với anh khi ba người đã ngồi vào chỗ quen thuộc trong phòng đi-văng - Anh có bao giờ cảm thấy rằng rồi đây sẽ chẳng còn gì nữa, chẳng có gì hết nữa, và tất cả nhưng gì tốt đẹp đều không còn nữa không. Những lúc ấy thì không thể nói là chán, mà quả là buồn anh nhỉ?

- Sao lại không? - Nikolai nói - Nhiều khi mọi người đang vui anh bỗng có ý nghĩ rằng tất cả đều tẻ ngắt và mọi người rồi cũng phải chết. Ở trung đoàn có một lần anh không đi chơi, mặc dầu ở đấy có âm nhạc… và bỗng dưng anh thấy chán quá…

- Ô cái ấy thì em biết. Em biết lắm, - Natasa phụ hoạ theo, - Hồi còn bé, em cũng đã có lần thấy như thế đấy. Anh nhớ không, lần em bị phạt vì chuyện mấy quả mận, trong lúc các anh các chị nhảy múa thì em phải ngồi trong phòng học khóc nức nở; chuyện ấy em không bao giờ quên được: em vừa buồn, vừa thấy thương hại hết mọi người, thương hại cả mình và tất cả mọi người. Và cái chính là em bị phạt oan, anh nhớ không nào?

- Nhớ chứ, - Nikolai nói - Anh nhớ là sau đó vào tìm em, anh muốn dỗ em, thế mà, em ạ, anh lại ngượng.
Dạo ấy chúng mình thật đến buồn cười. Hồi đó anh có một con lật đật, anh muốn đem cho em. Em có nhớ không?

- Thế anh có nhớ - Natasa nói, miệng nở một nụ cười mơ mộng, - Có một dạo, đã lâu lắm, lâu lắm rồi, chúng mình hãy còn bé tí, chú gọi chúng mình vào phòng làm việc - trong ngôi nhà cũ hồi xưa ấy mà - lúc bấy giờ trời tối, chúng mình vào và bỗng nhiên thấy trong ấy có…

- Một chú da đen, - Nikolai nói tiếp với một nụ cười vui sướng, - Sao lại không nhớ? Cho đến bây giờ anh vẫn không biết có phải là một chú da đen thật không, hay đó chính là vì chúng mình nằm mê thấy thế, hay là nghe ai kể chuyện lại. Chú ta xám xịt, anh có nhớ không, mà răng thì trắng nhởn ra, cứ đứng nhìn chúng mình…

- Cô có nhớ không, Sonya? - Nikolai hỏi…

- Có có em cũng có nhớ đôi chút, - Sonya bẽn lẽn đáp.

- Em có hỏi ba mẹ về chú da đen kia - Natasa nói. - Ba mẹ đều nói là chẳng có chú da đen nào cả. Thế nhưng anh cũng nhớ là có kia mà!

- Sao thế nhỉ, anh còn nhớ rõ mồn một hàm răng của chú ta. Lạ thật, cứ như trong giấc mơ ấy. Điều đó làm em rất thích.

- Thế em còn nhớ hồi chúng ta lăn mấy quả trứng trong gian phòng lớn, bỗng nhiên có hai bà già hiện ra và bắt đầu quay tít trên tấm thảm không? Cái đó có thật hay không? Em nhớ chứ, dạo ấy thích quá nhỉ!

- Ừ, thích thật. Thế anh có nhớ hôm ba mặc chiếc áo da lông màu xanh đứng trên thềm bắn súng không?
Họ mỉm cười sung sướng tranh nhau nhắc lại những chuyện xưa không phải với nỗi tiếc nhớ rầu rĩ của những người đã già, mà với cái thú ngọt ngào của một hồi ức trẻ trung và đầy thi vị; họ nhắc lại những ấn tượng của thời dĩ vãng xa xăm nhất, trong đó cõi mộng pha lẫn với thực tế, và họ vui thú cười rúc rích với nhau.

Như thường lệ, Sonya không tham dự vào câu chuyện mặc dù cả ba người đều có những kỷ niệm chung.
Trong số những kỷ niệm mà họ cùng nhắc nhở, có nhiều điều Sonya không nhớ được, và những điều mà nhớ cũng không gợi cho nàng những cảm giác nên thơ như họ. Nàng sung sướng chỉ vì thấy họ vui, và nàng cố gắng hoà mình vào niềm vui của họ.

Nàng chỉ góp chuyện khi họ nhắc lại cái dạo Sonya mới đến. Sonya kể lại rằng hồi ấy nàng rất sợ Nikolai vì áo anh ta có những sợi dây và bà vú em nói với nàng là người ta sẽ khâu nàng vào mấy sợi dây đó.

- Em còn nhớ: họ bảo là Sonya sinh ra dưới một cây bắp cải, - Natasa nói - Và em cũng nhớ rằng hồi ấy em không dám không tin, nhưng biết rằng không phải thế, thành thử cứ thấy ngượng nghịu thế nào ấy.
Họ đang nói chuyện thì từ sau cánh cửa phía sau của phòng đi-văng một cô đầy tớ gái ló đầu ra. Chị ta nói nhỏ:

- Thưa tiểu thư, con gà trống đã đem đến rồi đấy ạ.

- Thôi Polya ạ, bảo mang nó đi. - Natasa nói.

Đang giữa chừng câu chuyện thì Dimler vào phòng đi-văng đến cạnh cây thụ cầm đặt ở góc phòng. Ông ta lật vải bọc, và dây đàn bị chạm phát ra một âm thanh ngang tai.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:07:25 pm
Có tiếng của bá tước phu nhân từ bên phòng khách nói vọng sang:

- Eduard Karlyts, ông làm ơn chơi bài "Dạ khúc" của ông Phin cho tôi nghe với, tôi thích bài ấy lắm đấy.
Dimler dạo một hợp âm và ngoảnh về phía Natasa, Nikolai và Sonya nói:

- Thanh niên ngồi chơi hiền lành quá nhỉ!

- Thì chúng tôi đang triết lý mà lại, - Natasa ngoảnh lại nói, rồi câu chuyện lại tiếp tục.

Bây giờ họ nói chuyện về những giấc chiêm bao.

Dimler bắt đầu đánh đàn. Natasa rón rén bước đến chiếc bàn lấy cây nến đem ra ngoài phòng, chân bước không tiếng động, rồi lẳng lặng về chỗ ngồi. Gian phòng tối om, nhất là trên chiếc đi-văng mà họ ngồi, nhưng từ những khung cửa sổ lớn ánh trăng rằm hắt xuống nền nhà một vùng ánh sáng màu bạc.

Dimler đã đánh xong bản đàn và đang dạo khẽ mấy tiếng bâng quơ hình như lưỡng lự không biết có nên thôi hay bắt đầu chơi một bài khác. Natasa nhích lại gần Nikolai và Sonya, thì thầm:

- Này, em đang nghĩ rằng nếu cứ nhớ lại, cố nhớ lại, nhớ thật nhiều thì sẽ nhớ ra được những việc thời xưa từ khi mình chưa sinh ra.

- Thuyết luân hồi đấy, - Sonya nói; nàng vốn là một cô học trò giỏi, học gì cũng nhớ - Người Ai Cập cổ đại tin rằng trước kia hồn của ta ở trong loài vật và sau này trở về nhập vào xác loài vật.

- Không phải chị ạ, em không tin rằng chúng ta xưa kia là loài vật - Natasa vẫn nói thì thầm như trước, mặc dầu bây giờ tiếng đàn đã dứt, - Em biết chắc rằng chúng ta trước kia là những thiên thần sống ở một nơi nào trên đời và đã từng ở đây rồi, vì thế cho nên chúng ta mới nhớ được hết như vậy.

- Cho tôi góp chuyện với có được không? - Dimler rón rén lại gần nói đoạn ngồi xuống cạnh họ.
Nikolai nói:

- Nếu quả trước kia chúng ta là những vị thiên thần, thế tại sao chúng ta lại sa xuống thấp như thế này?
Không, không thể như thế được.

- Thấp đâu, ai bảo là thấp… Nếu thế thì tại sao em lại biết được trước kia em là gì, - Natasa cãi lại giọng quả quyết, - Linh hồn ta bất diệt… thế nghĩa là nếu ta phải sống mãi mãi, thì trước kia ta cũng đã sống rồi, sống từ đời nảo đời nào, qua tất cả cái thời vĩnh cửu.

- Đúng, nhưng chúng ta khó mà hình dung được cái vĩnh cửu. - Dimler nói.

Lúc nãy ông ta đến ngồi cạnh bọn trẻ với một nụ cười hiền hậu và có vẻ như hạ cố, nhưng bây giờ ông cũng nói khẽ, giọng trang nghiêm như họ.

- Sao lại khó, - Natasa nói, - Hôm nay này, rồi đến ngày mai, ngày kia, rồi cứ thế mãi; hôm qua này, rồi hôm kia, rồi cứ thế…

Có tiếng nói của bá tước phu nhân ở phòng bên:

- Natasa! Bây giờ đến lượt con, con hát một bài gì cho mẹ nghe đi. Sao cả bọn cứ ngồi n rầm như một hội kín thế?

- Mẹ ạ! Con chả muốn hát đâu, - Natasa nói, nhưng đồng thời vẫn đứng dậy.

Cả bọn, kể cả ông Dimler là người đã có tuổi, đều không muốn cắt đứt câu chuyện và rời cái phòng đi-văng ấy, nhưng Natasa đã đứng dậy, và Nikolai ngồi vào đàn dương cầm. Vẫn như thường lệ, Natasa ra đứng ở chính giữa phòng và chọn chỗ nào âm hưởng thuận lợi hơn cả, rồi bắt đầu hát bài hát mẹ nàng thích nhất.
Nàng bảo là không muốn hát, nhưng đã lâu nàng chưa bao giờ hát như tối hôm nay, và về sau cũng còn lâu nàng mới lại hát được như vậy. Bá tước Ilya Andrevich đang ngồi nói chuyện với Mityenka trong phòng làm việc chợt nghe tiếng nàng hát, và như cậu học trò sốt ruột muốn làm bài xong cho nhanh đề còn đi chơi, ông lúng túng nói lầm lẫn trong khi dặn dò viên quản lý, và cuối cùng lặng im; Mityenka cũng im lặng đứng trước mặt bá tước mỉm cười lắng nghe, Nikolai không rời mắt nhìn em gái và thở cùng một nhịp với nàng. Trong khi nghe, Sonya nghĩ đến sự khác nhau to lớn giữa nàng với bạn nàng: quả mình không thể nào có được một cái phần duyên dáng dầy sức quyến rũ của Natasa. Lão bá tước phu nhân ngồi nghe, mỉm cười buồn rầu và sung sướng, nước mắt rơm rớm trên mi, thỉnh thoảng lại khẽ lắc đầu. Phu nhân nghĩ đến Natasa, đến tuổi trẻ đã qua, đến cuộc hôn nhân sắp tới của Natasa với công tước Andrey và cảm thấy hình như có một cái gì không tự nhiên, một cái gì đáng sợ trong cuộc hôn nhân này.

Dimler đến ngồi cạnh bá tước phu nhân và nhắm mắt lại nghe tiếng hát. Được một lúc ông ta nói:

- Bá tước phu nhân ạ, quả là một tài nghệ của toàn châu Âu; tiểu thư chẳng còn gì phải học nữa, giọng hát thật là mềm mại, dịu dàng, có sức mạnh…

- Chao ôi! Tôi sợ cho nó quá, - bá tước phu nhân nói, quên bẵng mình đang nói với ai. Cái trực giác của một người mẹ mách bảo phu nhân rằng trong Natasa có một cái gì thái quá, và vì cái đó Natasa sẽ khổ.
Natasa hát chưa xong thì cậu bé Petya mười bốn tuổi mừng rỡ chạy vào phòng báo tin là các nhân vật cải trang đã đến.

Natasa ngừng bặt.

- Đồ ngốc! - nàng quát em, rồi chạy lại ngồi thụp xuống ghế và khóc nức nở, đến nỗi hồi lâu vẫn không sao nín được. - Không sao cả mẹ ạ, thật mà: em Petya chạy vào làm con sợ, thế thôi, - Natasa nói và cố mỉm cười, nhưng nước mắt nàng vẫn chảy và những tiếng nấc vẫn nghẹn ngào ở cổ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:08:13 pm
Một đám gia nhân cải trang thành những con gấu, những người Thổ Nhĩ Kỳ, những lão chủ quán rượu, những cô tiểu thư, trông vừa dễ sợ vừa ngộ nghĩnh, mang theo một luồng gió lạnh và một không khí vui vẻ tưng bừng, lúc đầu còn rụt rè lấp ló ở phòng ngoài, rồi người này nấp sau người kia, họ đẩy nhau tiến vào phòng lớn, và bắt đầu ca hát, nhảy múa, chơi những trò chơi Noel, thoạt tiên còn e dè, nhưng về sau mỗi lúc một thêm vui vẻ hồn nhiên. Bá tước phu nhân nhìn những người cải trang, nhận ra các gia nhân và cười vì cách cải trang của họ, rồi bỏ ra phòng khách. Bá tước Ilya Andreyevich ngồi trong phòng lớn mỉm cười vui vẻ khích lệ những người biểu diễn. Bọn trẻ đã lẻn đi đâu mất.

Nửa giờ sau có thêm một tốp người cải trang xuất hiện: một bà phu nhân già mặc váy xoè có khung - đó là Nikolai, một cô gái Thổ Nhĩ Kỳ đó là Petya, Dmiler thì cải trang thành chú hề rơm, Natasa thì lại là một gã phiêu kỵ, và Sonya là một chàng trai Tserkex(1) có ria mép và lông mày vẽ bằng than nút chai.

- Thôi thì những người không cải trang tha hồ giả vờ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, không nhận ra ai vào với ai, trầm trồ khen ngợi. Bọn trẻ cho rằng cải trang như thế này hay lắm cho nên thế nào cũng phải đi khoe mới được.

Nikolai rất muốn cho cả bọn lên xe tam mã vì thấy đường đi rất tốt, liền bàn lấy thêm mươi người gia đình cải trang và đánh xe đến nhà ông chú.

- Không được đâu, ai lại đến phá quấy một ông già! - bá tước phu nhân nói. - Mà ở nhà chú ấy thì có chỗ đâu mà cựa mình. Có đi thì đi đến nhà bà Melyukova ấy.

Bà Melyukova là một quả phụ sống với lũ con, nhớn có bé có, và mấy người nam nữ gia sư, cách nhà Roxtov bốn dặm.

Lão bá tước bấy giờ đã cao hứng lên, liền phụ hoạ theo:

- Phải đấy, ý ấy hay lắm bà nó ạ, nào, để tôi hoá trang ngay bây giờ và cùng đi với các cô các cậu. Tôi sẽ làm cho bà Paset trố mắt ra cho mà xem.

Nhưng bá tước phu nhân không chịu cho bá tước đi: suốt mấy ngày nay chân ông ta lại đau nhức. Họ quyết định là ông Ilya Andreyevich không nên đi, và nếu có bà Luyza Ivanovna (tức bà Schoss) cùng đi thì hai cô tiểu thư cũng có thể đến nhà bà Melyukova. Sonya vẫn rụt rè e lệ là thế mà bây giờ lại nằng nặc khẩn khoản bà Luyza Ivanovna đừng từ chối, nàng có vẻ hăng hái hơn ai hết.

Cách phục sức cải trang của Sonya trội hơn cả. Bộ ria mép và đôi lông mày đen hợp với nàng một cách lạ lùng. Mọi người đều bảo là trông nàng rất xinh, cho nên Sonya có một tâm trạng phấn chấn rất ít khi thấy ở nàng. Một giọng nói đâu ở bên trong nói với nàng rằng số phận nàng có định đoạt được hay không chính là trong ngày hôm nay, và trong bộ trang phục đàn ông nàng như có vẻ như đã thành một người khác hẳn. Bà Luyza Ivanovna ưng thuận, và nửa giờ sau bốn cỗ xe tam mã, trong tiếng chuông và tiếng nhạc ngựa, lướt kin kít trên lớp tuyết đóng băng, đến đỗ trước thềm.

Natasa là người đầu tiên tạo nên cái không khí vui tươi của ngày lễ Giáng sinh, và niềm vui của nàng lan từ người này sang người khác, mỗi lúc một tăng thêm và lên đến cực điểm khi mọi người đã ra ngoài không khí giá lạnh, cười nói rộn rã, gọi nhau ơi ới ngồi lên xe trượt tuyết.

Trong số xe tam mã có hai cỗ thường dùng để chạy những việc cần, cỗ thứ ba là cỗ của lão bá tước thắng một con ngựa tế giống Oriol ở giữa, cỗ thứ tư là xe riêng của Nikolai, ở giữa thắng một con ngựa ô lông xù dáng lùn thấp. Nikolai mặc bộ áo bà già, bên người khoác chiếc áo khoác dài của sĩ quan phiêu kỵ có thắt lưng, đứng cầm cương ở giữa xe tam mã.

Trời sáng đến nỗi chàng thấy lấp lánh dưới ánh trăng những miếng kim loại trên các dây thắng và mắt mấy con ngựa đang sợ hãi quay lại nhìn đám người huyên náo đứng dười mái hiên tối xẫm ở bậc thềm.
Natasa, bà Schoss và hai người đầy tớ gái ngồi lên cỗ xe của Nikolai. Hai vợ chồng ông Dimler và Petya thì ngồi lên cỗ xe của lão bá tước, hai cỗ còn lại thì các gia nhân cải trang ngồi.

- Đi lên trước đi Zakhar! - Nikolai quát to bảo bác xà ích của bá tước, để dọc đường sẽ có dịp vượt qua xe bác ta.

Cỗ xe tam mã của lão bá tước chở Dimler và mấy người cải trang khác, kêu rin rít trên giá trượt tuyết như đã bị dính chặt xuống mặt đường rồi lao về phía trước, tiếng nhạc ngựa kêu lanh tanh, hai con ngựa thắng hai bên ép mình vào càng xe giẫm lên lớp tuyết cứng và sáng lấp lánh như đường kính.

Nikolai giục ngựa phóng theo cỗ xe đi trước; ở phía sau, các cỗ xe còn lại cũng bắt đầu kêu kin kít phóng
đi trong tiếng nhạc ngựa.

Lúc đầu họ phóng nước kiệu trên con đường hẹp. Trong khi xe đi ngang khu vườn, thỉnh thoảng bóng những cây trụi lá vắt ngang qua đường và che lấp ánh trăng sáng tỏ, nhưng vừa ra khỏi trang viên, thì cánh đồng phủ tuyết im lìm tràn ngập ánh trăng, sáng óng ánh như kim cương và lấp lánh những tia phản chiếu xanh biếc, đã mở ra bát ngát mênh mông. Chiếc xe đi đầu nẩy lên y như thế, rồi táo bạo phá tan bầu không khí tĩnh mịch, bốn chiếc xe trượt tuyết nối đuôi kéo thành hàng dài trên đường cái.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:09:21 pm
- Có vết thỏ, nhiều vết lắm! - giọng Nikolai vang lên trong không khí giá lạnh.

- Trăng sáng quá Nikolan nhỉ - có tiếng Sonya nói, Nikolai ngoảnh lại cúi xuống nhìn tận mặt Sonya. Một khuôn mặt đáng yêu hoàn toàn mới mẻ, có bộ ria mép và đôi lông mày đen, nhô lên trên chiếc áo khoác lông chồn bạc, đang nhìn chàng dưới ánh trăng huyền ảo, trông chẳng rõ gần hay xa.

"Nàng Sonya trước kia ở đâu?" - Nikolai nghĩ thầm… Chàng nhìn nàng sát mặt và mỉm cười.

- Gì thế anh Nikolai.

- Không, - chàng nói, rồi lại quay về phía mấy con ngựa.

Trên đường cái chằng chịt những vết xe trượt tuyết và vết móng ngựa trông rõ mồn một dưới ánh trăng, mấy con ngựa tự ý kéo căng dây cương và chạy nhanh thêm. Con ngựa thắng bên trái cúi đầu sang một bên, nhảy lên từng đợt, giật giật mấy sợi dây thắng; con ngựa thắng ở chính giữa nhún mình chạy, vểnh tai lên như có ý hỏi: "Đã nên bắt đầu chưa, hay là hãy còn sớm?" ở phía trước có thể thấy nổi bật lên trên nền tuyết trắng bóng cỗ xe tam mã đen của Zakhar bây giờ đã cách khá xa, và nghe tiếng rung trầm trầm của chiếc chuông xe xa dần, tiếng hò reo và tiếng nói cười của những người cải trang.

- Nào, các chú! - Nikolai quát ngựa, một tay giật cương, tay kia cầm roi giơ cao lên. Thế là hai con ngựa thắng hai bên kéo căng dây cương và ngày càng đưa chân dồn dập hơn, luồng gió thổi ngược lại như mạnh hẳn lên, đủ biết xe đang lao nhanh đến nhường nào. Nikolai ngoảnh lại nhìn. Hai người đánh xe đi sau cùng đã hoa roi lên, hò hét giục ngựa phi nhanh theo. Con ngựa của Nikolai phi rất vững vàng dưới thanh gỗ vòng cung(2), không hề có ý giảm tốc độ và hứa hẹn khi cần sẽ còn phi nhanh hơn nữa.

Nikolai đã đuổi kịp chiếc xe tam mã đi đầu. Họ xuống một cái đốc và đi vào một con đường rộng chạy qua một cánh đồng cỏ ở ven sông.

"Chỗ này là chỗ nào nhỉ? - Nikolai nghĩ thầm, - Chắc là bãi cỏ Koxey. Nhưng không phải, trông lạ lắm, chỗ này ta chưa bao giờ đi qua. Chẳng phải là bãi cỏ Koxey mà cũng chẳng phải là đồi Diomkina, có trời biết là chỗ nào! Đây là một cảnh nào mới lạ và thần kỳ. Thôi cũng được cần gì" - Và chàng quát ngựa, bắt đầu cho xe vượt cỗ xe đi trước.

Zakhar kìm ngựa lại và ngoảnh khuôn mặt phủ đầy sương giá đến tận mày về phía Nikolai.

Nikolai cho ngựa phóng lên. Zakhar giang tay ra phía trước, tặc lưỡi một cái và cũng giục ngựa phóng lên.

- Nào, cậu giữ vững nhé! - lão nói.

Hai cỗ xe chạy sóng đôi càng phóng nhanh hơn nữa, chân ngựa phi càng thêm dồn dập.

Nikolai bắt đấu dấn lên trước. Zakhar, hai tay vẫn đưa thẳng ra phía trước, giơ cao tay cầm cương lên.

- Cậu đừng hòng, cậu ạ. - Zakhar quát to về phía Nikolai.

Nikolai cho cả ba con ngựa phóng nước đại và vượt qua xe Zakhar.

Vó ngựa làm những hạt tuyết khô và mịn bắn tung toá lên mặt mấy người đi xe. Bên cạnh họ, tiếng vó ngựa nện tuyết rầm rập, bóng chân ngựa phi nhanh và bóng cỗ xe họ đang vượt hoà lẫn vào nhau.

Tiếng kin kít của giá trượt tuyết và tiếng reo của mấy cô con gái vang lên tứ phía.

Nikolai lại dừng ngựa và đưa mắt nhìn quanh. Chung quanh vẫn là cánh đồng thần kỳ tràn ngập ánh trăng và óng ánh như giát đầy sao.

"Zakhar bảo ra rẽ sang trái, sao lại rẽ sang bên trái nhỉ? - Nikolai tự nhủ. - Thế ra ta đang đi về phía nhà bà Melyukova, và đây là địa phận bà Melyukova sao? Thật ra nào có ai biết ta đang đi đâu và cái gì đang diễn ra thế này - nhưng chắc cái đó thật ngộ nghĩnh và thú vị". - Chàng ngoảnh lại nhìn.

Trong xe mấy người lạ mặt trong rất kỳ dị mà xinh xắn, có những bộ ria mép và những đôi mày thanh tú.
Một người trong bọn họ nói:

- Xem kìa, râu và lông mi của anh ấy trắng cả ra.

Đó hình như là Natasa thì phải, - Nikolai nghĩ thầm, - còn kia là bà Schoss; mà cũng có thể là không phải cũng nên, còn anh chàng Tserkex có ria mép kia thì chẳng rõ là ai, nhưng mình yêu người đó lắm:

- Có rét không - Chàng hỏi. Họ không đáp chỉ cái tiếng cười khanh khách. Dimler ngồi ở xe sau quát to lên một câu gì đấy, chắc là buồn cười lắm, nhưng chẳng nghe rõ.

- Phải rồi, phải rồi, - có tiếng ai vừa đáp, nhưng đây, họ đã đến một khu rừng thần tiên nào với những bóng đen chập chờn, với những ánh kim cương lóng lánh, và một dãy bậc thềm cẩm thạch, những mái nhà thần tiên bằng bạc, những tiếng rú the thé của một loài thú nào không rõ. "Nếu quả thật đây là trang viên Melyukova, thì lại càng lạ hơn nữa: chúng ta đi chẳng hiểu đi đến đâu thế này, mà rốt cục lại đến Melyukova!" Nikolai thầm nghĩ.

Quả nhiên đây là trang viên Melyukova. Các nam nữ gia nhân ở trong nhà cầm nến chạy ra thềm, vẻ mặt mừng rỡ. Trên thềm có tiếng hỏi:

- Ai thế?

Có tiếng đáp:

- Người bên nhà bá tước cải trang sang chơi, trông ngựa cũng đủ biết.


===========================================================

Chú thích:

(1) Một dân tộc thiểu số vùng núi Kavkaz

(2) Trước càng xe tam mã có một thanh gỗ hình vòng cung vất ngang ở phía trên vai ngựa.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:14:34 pm
Phần VII
Chương - 11

Bà Pelagheya Danilovna Melyukova, một người đàn bà vạm vỡ linh hoạt, mắt đeo kính, mình mặc áo choàng rộng, đang ngồi trong phòng khách giữa mấy cô gái, và đang cố gắng bày trò giải trí cho họ. Mấy mẹ con đang im lặng đốt sáp cho chảy ra rồi xem hình các vũng sáp thì bỗng ở phòng áo có tiếng chân bước rầm rập và tiếng người huyên náo.
   
Những chàng phiêu kỵ, những cô tiểu thư, những mụ phù thuỷ, những chú hề rơm, những con gấu, vừa ho húng hắng vừa lau lớp sương giá đọng trên mặt, từ phòng ngoài kéo vào phòng lớn. Người nhà thắp nến. Anh hề rơm Dimler và bà mệnh phụ Nikolai mở đầu cuộc khiêu vũ. Giữa đám trẻ con đang xúm quanh hò hét ầm ỹ, bọn người cải trang, cố che mặt và đôi giọng cho khác đi đến cúi chào nữ chủ nhân rồi tản ra khắp phòng.

- Chà, không sao nhận ra được! Xem Natasa kìa! xem cô ấy giống ai thế kia. Đúng, trông giống ai ấy. Còn Eduard Karlyts nữa kìa, trông hay quá! Tôi không nhận ra được đấy. Mà nhảy giỏi quá!

- Cha mẹ ơi, lại có một chú Tserkex nữa kia kìa; thật hợp với Xônyauska. Lại còn ai nữa thế kia! Thật các cậu làm cho tôi vui quá! Nikolai, Vanya dẹp bàn đi nào. Thế mà lúc nãy chúng tôi cứ ngồi ru rú một chỗ!

Bốn bề có tiếng nói lao xao:

- Ha - ha - ha… Trông chàng phiêu kỵ kìa! Đúng như một cậu con giai, lại đôi chân kia nữa!… Tôi không thấy được…
   
Natasa, bạn quý của chị em nhà Melyuko, cùng đi với họ biến vào phòng trong. Họ đòi nào nút chai, nào áo choàng, áo khoác, nào quần áo đàn ông để cải trang, và từ cánh cửa hé mở, những cánh tay con gái để trần thò ra đón lấy những thứ đó, do một người nô bộc mang lại. Mười phút sau cả bọn thanh niên nhà Melyuko đều nhập bọn với đám người cải trang.

Pelagheya Danilovna sai người đẹp chỗ cho khách vui chơi và sai dọn thức ăn để thết họ, bà đi đi lại lại giữa đám người cải trang, rồi với nụ cười kín đáo, nhìn sát mặt từng người qua đôi kính trắng, nhưng chẳng nhận ra ai cả. Không những bà không nhận ra anh em nhà Roxtov và ông Dimler mà ngay cả mấy cô con gái của bà và những chiếc áo dài, những bộ quân phục của chồng bà mà họ mang ra mặc, bà cũng không nhận ra nốt. Bà nhìn tận mắt cô gát của bà bấy giờ cải trang thành một người Tatar miền Kazan rồi quay sang hỏi bà gia sư:

- Thế cô này con cái nhà ai nhỉ? Hình như cô nào ở bên nhà bá tước Roxtov thì phải. Thế còn ngài thưa ngài phiêu kỵ, ngài tòng ngũ ở trung đoàn nào ạ? - bà hỏi Natasa. - Còn cái ông Thổ Nhĩ Kỳ kia nữa, cho ông ấy ăn mứt với - bà nói với người hầu trà đang bưng kẹo bánh đi mời khách - Món này luật của đạo Hồi không cấm ăn đâu.
   
Đôi khi ngắm những bước nhảy kỳ quặc và ngộ nghĩnh của đám người khiêu vũ bấy giờ yên trí rằng mình đã cải trang như thế này thì chẳng còn ai nhận ra được nữa nên không chút thẹn thùng, bà Pelagheya Danilovna lấy khăn tay che mặt và cái thân hình đẫy đà của bà rung lên từng đợt một trận cười hồn hậu không sao nhịn được mà những người già cả thường có.

- Xem con Xasinet nhà tôi kìa! - bà nói.

Sau các điệu múa và các điệu nhảy vòng tròn của dân tộc Nga, Pelagheya Danilovna tập hợp mọi người lại, không phân biệt chủ tớ, thành một vòng tròn lớn họ đem ra một chiếc nhẫn, một sợi dây và một đồng rúp. Những trò chơi chung kết bắt đầu.
   
Một giờ sau bao nhiêu trang phục đều đã nhàu nát và xơ xác cả ra. Những bộ ria mép và những đôi lông mày kẻ bằng than nút chai đều chảy nhoe nhoét trên những khuôn mặt nóng bừng và vui vẻ, ướt đẫm mồ hôi. Bà Pelagheya Danilovna bắt đầu nhận được mặt những người hoá trang, trầm trồ khen ngợi các bộ trang phục sao mà khéo sắm thế, nhất là rất hợp với các tiểu thư, và cảm ơn mọi người đã làm cho bà vui như thế này. Các tân khách được mời ra phòng khách ăn bữa khuya, còn các gia nhân thì được thết đãi trong phòng lớn.

Trong bữa ăn khuya, một cô gái già ở nhà bà Melyukova nói:

- Chà, vào bói trong phòng tắm thì sợ lắm!

- Sao lại sợ? - Cô con gái nhớn của bà Melyukova hỏi. - Thì các cô chả dám đi đâu mà, phải là người can đảm…

- Tôi đi cho mà xem, - Sonya nói.

- Cô thử kể đầu đuôi chuyện cô tiểu thư ấy ra sao nào? - cô con gái thứ hai của bà Melyukova nói.

- Thế này nhé, trước đây có một cô tiểu thư, đem một con gà trống và hai bộ đĩa ăn vào buồng tắm ngồi,
- cô gái già nói, - Cô ta ngồi được một lúc thì chợt nghe có tiếng xe trượt tuyết đến, có cả tiếng chuông
xe, tiếng nhạc ngựa, nó đến thật, hiện hình thành một người y như người thật, mặc quân phục sĩ quan đến ngồi với cô ta trước bộ đĩa ăn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:15:22 pm
- Eo ôi! Eo ôi… - Natasa kêu lên, mắt hoáng sợ đảo tứ phía.

- Thế rồi sao, nó nói à?

- Ừ nói như người thật ấy, mọi việc đều đúng như thường lệ. Nó bắt đầu tán tỉnh cô gái ấy, và lẽ ra cô tiểu thư kia phải tiếp chuyện nó cho đến khi gà gáy, nhưng cô ta đâm hoảng, lấy tay che mặt. Thế là nó nắm lấy cô ta. May mà có mấy cô hầu gái chạy lại…

- Chà, kể làm gì cho chúng nó sợ! - bà Pelagheya Danilovna nói.

- Mẹ ơi, thế nhưng chính mẹ cũng có bói kia mà… - một cô con gái nói.

- Thế còn bói trong nhà kho thì sao nhỉ? - Sonya hỏi.

- Nào có gì đâu, bây giờ cũng bói được thôi; này nhé, cứ ra ngoài nhà kho rồi lắng nghe. Nếu có tiếng gõ như người đóng đinh là điềm xấu, còn nếu nghe tiếng thóc đổ xuống rào rào thì lại là điềm tốt; lại có nhiều khi…

- Mẹ ơi, mẹ vào nhà kho thì thế nào hở mẹ?

Bà Pelagheya Danilovna mỉm cười:

- À mẹ quên mất rồi… Các cô chắc không có ai đi chứ?

- Có chứ, cháu sẽ đi, bác Pelagheya Danilovna cho cháu đi nhé, - Sonya nói.

- Đấy không sợ thì cứ đi.

- Luyza Ivanovna, cho em đi nhé? - Sonya xin phép bà gia sư.
   
Từ nãy đến giờ, dù là khi chơi trò nhẫn, trò sợi dây hay đồng rúp, hay khi đang nói chuyện như thế này, Nikolai luôn luôn ở sát cạnh Sonya và nhìn nàng với đôi mắt khác hẳn trước. Chàng có cảm tưởng là bây giờ chàng mới thực sự biết nàng, nhờ bộ ria kẻ bằng than nút chai kia. Quả Nikolai chưa bao giờ thấy Sonya vui vẻ linh hoạt, và xinh đẹp như tối hôm nay.

"Đấy nàng như thế đấy, còn ta thì thật là một thằng ngốc!" - chàng nghĩ thầm trong khi nhìn đôi mắt sáng long lanh và nụ cười má lúm đồng tiền của nàng dưới bộ ria vẽ, nụ cười mà chàng chưa lần nào trông thấy.

- Tôi chả sợ gì hết. - Sonya nói. - Đi ngay bây giờ có được không? - Nói đoạn nàng đứng dậy.

Họ bảo cho Sonya biết nhà kho ở đâu, dặn nàng phải im lặng đứng nghe như thế nào, và đưa cho nàng một chiếc áo da lông.

Nàng trùm chiếc áo da lông lên đầu và đưa mắt nhìn Nikolai.
   
"Em tôi dễ thương quá! - Nikolai nghĩ thầm - Thế mà trước nay mình cứ nghĩ gì ở đâu đâu không biết!"
Sonya ra hành lang để đi ra nhà kho. Nikolai cũng hối hả đi ra cổng trước, kêu là trong phòng bức quá. Quả thật trong nhà nhiều người quá, rất ngột ngạt.
     
Bên ngoài vẫn bầu không khí giá băng và im lìm ấy, vẫn vầng trăng ấy, nhưng trời còn sáng hơn lúc nãy nhiều. ánh trăng chiếu sáng ngời, và trên mặt tuyết lấp lánh muôn nghìn ngôi sao, nhiều đến nỗi người ta chẳng buồn nhìn lên trời nữa, còn những ngôi sao thật thì chỉ thấy mờ mờ. Trên trời tối đen và tẻ nhạt, còn dưới đất thì lại rất tưng bừng.
   
"Ngốc thật! Mình ngốc thật! Trước nay mình chờ đợi cái gì thế không biết?" - Nikolai nghĩ thầm. Sau khi chạy xuống thềm, chàng đi vòng góc nhà theo con đường nhỏ dẫn ra cửa sau. Chàng biết là Sonya sẽ đi qua chỗ ấy. Ở giữa đường có một đống củi xếp cao phủ đầy tuyết hắt bóng xuống đất, bóng những cây bồ đề trụi lá mọc bên cạnh đan chéo vào nhau hắt qua đống củi in xuống mặt đường tuyết phủ. Con đường nhỏ dẫn tới nhà kho. Tường và mái nhà kho phủ tuyết lấp lánh dưới ánh trăng như đẽo bằng ngọc quý. Một cành cây trong vườn gãy đánh rắc một cái, lồi mọi vật trở lại im lặng như tờ Có cảm tưởng như lồng ngực không thở không khí nữa, mà thở một niềm vui và một sức mạnh ngàn đời trẻ mãi.
   
Từ thềm sau có tiếng giày bước xuống các bậc gỗ. Đến bậc cuối phủ tuyết có tiếng cót két rất to, loi tiếng cô gái già nói:

- Cứ thẳng con đường nhỏ này mà đi cô nhé. Nhưng không được quay lại nhìn phía sau đấy!

- Tôi chả sợ, - tiếng Sonya đáp lại, rồi đôi giày nhỏ nhắn của nàng bước lạo xạo trên mặt đường phủ đầy tuyết đi về phía Nikolai.
   
Sonya bước đi, mình trùm chiếc áo khoác. Chỉ còn cách Nikolai có hai bước nàng mới trông thấy chàng; nàng thấy không giống như mọi khi. Chàng bây giờ không phải là người như trước đây nàng vẫn sờ sợ. Bây giờ chàng mặc chiếc áo dài phụ nữ, tóc rối xù lên môi nở một nụ cười vui sướng mới lạ đối với Sonya. Sonya chạy nhanh về phía Nikolai.
   
"Nàng khác hẳn đi, nhưng vẫn là nàng" - Nikolai nghĩ, mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt chan hoà ánh trăng của Sonya. Chàng luồn tay vào trong chiếc áo khoác trùm trên đầu nàng, ôm chặt nàng vào lòng và hôn lên môi nàng, đôi môi có vẽ sâu thoang thoảng mùi nút chai đốt cháy. Sonya hôn chàng ở chính giữa môi rồi đang hai cánh tay nhỏ nhắn áp vào má chàng.
Sonya!… Nikolai!… Họ chỉ nói có thế.

Họ chạy đến nhà kho rồi trở vào nhà lớn, mỗi người vào theo lối mình vừa đi ra lúc nãy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:16:14 pm
Phần VII
Chương - 12
   
Khi mọi người rời ngôi nhà của Pelagheya Danilovna lên xe ra về, Natasa, xưa nay vốn rất tinh ý, xếp đặt cho bà Luyza và nàng cùng ngồi với Dimler, còn Sonya thì ngồi cùng xe với Nikolai và các nữ gia nhân.
   
Nikolai bây giờ không muốn ganh đua với các xe khác nữa.
   
Chàng cho xe chạy đều đều trên dường về, chốc chốc lại đưa mắt nhìn Sonya trong ánh trăng kỳ ảo đêm ấy. Chàng cố tìm trong làn ánh sáng luôn luôn biến đổi kia, dưới đôi lông mày và bộ ria ấy, nàng Sonya trước kia và nàng Sonya ngày nay của chàng, người mà chàng đã nhất quyết không bao giờ xa lìa nữa. Chàng nhìn nàng, và khi nhận ra con người vừa quen thuộc và vừa mới mẻ ấy và nhớ lại cái mùi nút chai đốt cháy pha lẫn với hương vị của chiếc hôn.

Chàng lại hít thở không khí giá lạnh cho căng lồng ngực, và nhìn mặt đất đang vùn vụt lùi lại phía sau và bầu trời chan hoà ánh sáng, chàng lại cảm thấy mình đang trong một xứ sở thần tiên nào.

- Sonya, em có thấy dễ chịu không? - thỉnh thoảng chàng lại hỏi.

- Có, - Sonya đáp. - Thế còn anh?

Giữa đường Nikolai giao cương cho người xà ích cầm, chạy sang xe Natasa và nhảy lên đứng trên giá trượt tuyết.

- Natasa, - chàng nói thầm với em bằng tiếng Pháp. - Em biết không anh đã quyết định về việc Sonya rồi đấy.

- Anh nói với chị ấy rồi à? - Natasa hỏi, gương mặt bừng sáng lên vì vui mừng.

- Chà, em có đôi lông mày và bộ ria trong lạ quá, Natasa ạ; em bằng lòng chứ?

- Em mừng lắm, mừng lắm anh ạ. Trước đây em đã giận anh đấy. Em không nói với anh nhưng em cho là anh đối xử với chị ấy tệ quá. Chị ấy tốt lắm Nikolai ạ, em mừng quá! Nhiều khi em cũng tệ nhưng nếu như em sung sướng một mình, không có Sonya thì em ngượng lắm, - Natasa nói tiếp - Bây giờ thì em mừng lắm rồi, thôi, anh sang với chị ấy đi.

- Khoan đã nào, chà, em trông ngộ nghĩnh quá! - Nikolai nói, mắt vẫn chăm chú nhìn Natasa và cũng tìm thấy ở nàng một cái gì mới mẻ, khác thường đầy tình trìu mến và đầy sức quyến rũ, mà trước đây chàng chưa bao giờ thấy ở em. - Natasa này, có cái gì thần tiên quá nhỉ?

- Ừ! - nàng đáp - anh làm như vậy là rất tốt.

"Giá trước đây ta cũng thấy nó như bây giờ, Nikolai thầm nghĩ, Thì ta đã hỏi nó từ lâu xem nên làm gì, và nó bảo gì ta cũng làm theo, như thế mọi việc chẳng phải tốt đẹp cả rồi không".

- Thế mà em cũng bằng lòng, và anh làm như vậy là tốt à?

- Ô tốt quá đi ấy chứ! Cách đây ít lâu em có cãi nhau với mẹ về việc này. Mẹ bảo là chị ấy ve vãn anh.
Sao lại có thể nói như thế được nhỉ! Suýt nữa em cự mẹ đấy. Và không đời nào em cho phép ai được nói hay nghĩ một điều gì xấu về chị ấy, vì chị ấy chỉ có những mặt tốt mà thôi.

- Vậy anh làm thế là tốt à? - Nikolai nhìn lại vẻ mặt em một lần nữa, xem có thật đúng như thế không, và nhảy xuống mặt tuyết, làm đôi ủng kêu cót két, rồi chạy về xe mình. Vẫn anh chàng Tsekex có râu tươi cười, vui sướng ấy ngồi trong xe, hai mắt long lanh nhìn chàng dưới cái mũ áo khoác lông chồn bạc, và anh chàng Tsekex ấy chính là Sonya và nàng Sonya ấy chắc chắn sẽ là người vợ tương lai dịu dàng sẽ yêu chàng đằm thắm và sẽ sống hạnh phúc bên chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:16:55 pm
Về đến nhà, hai cô thiếu nữ kể lại cho bá tước phu nhân nghe tối vui ở nhà Melyukova rồi trở về phòng riêng. Sau khi đã cởi áo, nhưng vẫn chưa chùi bộ râu kẻ bằng than nút chai, họ ngồi lâu nói chuyện về hạnh phúc của mình. Họ bàn chuyện sau này họ sẽ sống với chồng ra sao, chồng họ sẽ ăn ở hoà thuận với nhau và họ sẽ sung sướng như thế nào. Trên bàn Natasa hãy còn đặt mấy tấm gương mà Dunyasa đã sắp sẵn ở đó từ chặp tối.

- Chỉ có điều là không biết bao giờ sẽ được như thế? Em sợ là chẳng bao giờ… Vì nếu được như thế thì sung sướng quá! - Natasa vừa nói vừa đứng dậy đi về mấy tấm gương.

- Ngồi xuống Natasa ạ, có lẽ cậu sẽ thấy anh ấy cho mà xem - Sonya nói, Natasa thắp mấy ngọn nến và ngồi xuống.

- Tôi thấy một người nào có râu mép ấy. - Natasa nói khi trông thấy mặt mình trong gương.

- Đừng đùa, tiểu thư ạ. - Dunyasa nói.

Natasa, với sự giúp đỡ của Sonya và chị hầu phòng, sắp lại mấy tấm gương cho đúng chỗ, mặt nàng trở lên nghiêm trang, nàng lặng im. Nàng ngồi hồi lâu nhìn vào dãy nến xa dần trong tấm gương và tưởng tượng là nàng sẽ thấy (như trong những câu chuyện mà nàng đâ nghe kể) khi thì một cỗ quan tài, khi thì lại là chàng, công tước Andrey trong cái ô vuông ở tận cùng, mờ mịt và chập chờn kia. Nhưng mặc dù cái vết nhỏ nào nàng cũng sẵn sàng nhìn thành một hình người hay một chiếc quan tài, nàng vẫn chẳng nhìn thấy gì cả. Nàng bắt đầu chớp mắt lia lịa và bỏ tấm gương ra nơi khác.

- Tại sao người khác thấy mà tôi thì lại chẳng thấy gì cả? nàng nói. - Nào, chị thử ngồi xem, Sonya; hôm nay thế nào chị cũng phải nhìn. Chị hãy thử nhìn hộ em… Hôm nay em thấy sợ quá!

Sonya ngồi xuống, sửa lại vị trí mấy tấm gương và bắt đầu nhìn.

- Đấy, Sonya Alekxandrovna thế nào cũng thấy cho mà xem - Dunyasa thì thầm, còn cô thì lúc nào cũng đùa. Sonya nghe rõ mấy lời này, và nghe Natasa nói thầm:

- Tôi cũng biết là chị ấy sẽ thấy; năm ngoái chị ấy đã có lần thấy rồi đấy.

Cả ba im lặng vài phút. "Thế nào cũng thấy! " - Natasa thì thầm và không nói hết câu… Chợt Sonya ẩy tấm gương đang cầm ra và lấy tay bưng mặt.

- Ô, Natasa!

Natasa đưa tay ra đỡ tấm gương hỏi dồn.

- Thấy rồi à? Thấy rồi à? Chị thấy cái gì thế?

Sonya chẳng thấy cái gì cả, nàng đang muốn chớp mắt và đứng dậy thì vừa nghe tiếng Natasa nói "Thế nào cũng thấy". Nàng không muốn lừa dối Dunyasa và Natasa, và ngồi như vậy nàng thấy khó chịu quá. Chính nàng cũng không biết tại sao và làm thế nào mà nàng lại thốt ra tiếng kêu khi lấy tay bưng mặt.
Natasa nắm lấy tay Sonya hỏi:

- Thấy anh ấy à?

- Ừ. Khoan đã nào… mình… thấy anh ấy, - Sonya buột mồm nói; lúc bấy giờ nàng cũng chưa biết Natasa nói anh ấy ý là muốn chỉ ai: Nikolai hay là Andrey Nhưng việc gì lại không nói là ta có thấy? Thì những người họ thấy cả đấy thôi! Mà ai có thể kiểm tra xem mình có thấy hay không thấy?" - ý nghĩ đó thoáng qua trí óc Sonya. Nàng nói:

- Ừ mình thấy anh ấy.

- Thế nào, thế nào? Đứng hay là nằm?

- Không, mình thấy… Thoạt tiên chẳng có gì cả, rồi bỗng nhiên thấy anh ấy nằm.

- Andrey nằm à? Anh ấy ốm à? - Natasa hoảng hốt hỏi dồn, mắt nhìn trừng trừng vào bạn.

- Không, không phải đâu, không phải thế đâu, mặt anh ấy rất vui vẻ anh ấy ngoảnh mặt về phía mình, - và trong khi nói thế, chính nàng cũng có cảm tưởng là mình có thấy như vậy thật.

- Thế rồi sao nữa hả chị Sonya?

- Đến đây mình nhìn chẳng rõ nữa, cái gì xanh xanh đỏ đỏ ấy.

- Sonya! Bao giờ anh ấy sẽ về? Bao giờ em mới thấy lại anh ấy! Trời ơi! Em sợ cho anh ấy và sợ cho em quá, cái gì em cũng làm em sợ… - Natasa nói, rồi không đáp lại những lời an ủi của Sonya nàng ngả mình xuống giường và sau khi nến tắt một hồi lâu, nàng vẫn còn mở mắt thao láo nằm im trên giường nhìn ánh trăng giá lạnh qua khung cửa sổ phủ đầy băng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:17:41 pm
Phần VII
Chương - 13

Sau lễ Giáng sinh khá lâu, Nikolai thưa với mẹ là chàng yêu Sonya và đã nhất quyết lấy nàng. Bá tước phu nhân đã từ lâu nhận thấy tình hình giữa Sonya và Nikolai và chờ đợi lời thú nhận này. Phu nhân yên lặng nghe con nói, rồi bảo Nikolai rằng chàng muốn lấy ai thì cứ việc lấy, nhưng phu nhân cũng như bá tước không đời nào nào chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy. Lần đầu tiên, Nikolai cảm thấy mẹ chàng không bằng lòng chàng, và mặc dù rất thương con, bà sẽ không nhượng bộ. Bá tước phu nhân, vẻ lãnh đạm, chẳng buồn nhìn Nikolai, cho người đi mời chồng, khi bá tước đến, phu nhân muốn trình bày trước mặt Nikolai cho ông rõ sự việc một cách vắn tắt và thản nhiên, nhưng không cầm lòng nổi, bà bật lên tiếng khóc uất ức và ra khỏi phòng. Lão bá tước liền bắt đầu ấp úng khuyên răn Nikolai, yêu cầu chàng từ bỏ ý định ấy. Nikolai đáp rằng chàng không thể phản bội lời đã hứa; bá tước thở dài và có vẻ luống cuống, nói được mấy câu thì im bặt và bỏ vào phòng bá tước phu nhân. Cứ mỗi lần xung đột với con trai, ông lại không sao xua đuổi được ý nghĩ là mình có lỗi với con vì đã làm cho cảnh nhà sa sút vì vậy ông không thể giận con vì nó không chịu lấy một người vợ giàu mà lại đi chọn Sonya, cô gái nghèo không có chút của hồi môn. Lần này ông lại càng thấy rõ hơn nữa, rằng giá cảnh nhà không đến nỗi sa sút như thế này, thì không thể mong ước Nikolai có được một người vợ nào tốt hơn Sonya, mà sở dĩ gia cảnh suy sụp như thế này cũng chỉ tại mình ông với cái thằng Mityenka của ông và những thói quen mà ông không sao sửa đổi được.
   
Hai vợ chồng bá tước không nói tới việc này với Nikolai nữa, nhưng mấy hôm sau bá tước phu nhân cho gọi Sonya đến, và với một thái độ tàn nhẫn mà cả bà lẫn Sonya đều không ngờ, bà trách móc nàng đã quyến rũ con bà và đã vong ân bội nghĩa đối với bà.
   
Sonya nhìn xuống đất lẳng lặng nghe những lời lẽ cay nghiệt của bá tước phu nhân và không hiểu người ta đang đòi hỏi mình phải làm gì. Nàng vốn sẵn sàng hy sinh tất cả cho các ân nhân của nàng.
   
Ý nghĩ hy sinh là ý nghĩ nàng yêu thích nhất; nhưng trong trường hợp này nàng không thể hiểu nàng phải hy sinh vì ai và hy sinh vì cái gì. Nàng không thể không yêu bá tước phu nhân và gia đình Roxtov, nhưng nàng cũng không thể không yêu Nikolai và không thể không biết rằng hạnh phúc của chàng lệ thuộc vào tình yêu đó.

Nàng buồn rầu và trầm ngâm đứng yên không đáp. Nikolai thấy không thể nào chịu được tình trạng này nữa, liền đến gặp mẹ để giãi bày. Lúc thì chàng van xin mẹ tha thứ cho chàng và Sonya và ưng thuận cho hai người lấy nhau: lúc thì chàng hăm doạ là nếu người ta còn làm tình làm tội Sonya thì chàng sẽ lập tức bí mật làm lễ cưới với nàng.
   
Với một vẻ lãnh đạm mà Nikolai chưa bao giờ thấy ở mẹ, bá tước phu nhân đáp lại rằng chàng nay đã thành niên, rằng công tước Andrey cũng lấy vợ mà không cần thoả thuận của cha, và chàng cũng có thể làm như vậy, nhưng riêng phu nhân thì sẽ không bao giờ công nhận con người "thủ đoạn" kia làm con dâu mình.
   
Nghe chữ "thủ đoạn", Nikolai giận điên lên, chàng to tiếng nói với mẹ rằng chàng không ngờ mẹ chàng lại bắt chàng phải đem bán tình cảm của mình, và đã đến nước này thì chàng xin nói một lần cuối cùng rằng… Nhưng chàng chưa kịp nói ra câu quyết liệt mà cứ trông vẻ mặt của chàng phu nhân cũng đã đủ sợ hãi đợi chờ, cái câu mà nếu chàng nói ra có lẽ sẽ vĩnh viễn để lại một kỷ niệm đau xót giữa hai mẹ con, chàng chưa kịp nói thì vừa lúc ấy Natasa, nãy giờ đứng nghe ngoài cửa, đã bước vào phòng, gương mặt nhợt nhạt và nghiêm nghị.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:18:20 pm
- Nikolai, anh chỉ nói dại, anh im đi, anh im đi! Em van anh, anh im đi!… - Nàng nói to như thét lên để át giọng chàng. Mẹ à. Mẹ yêu dấu của con, không phải thế đâu… mẹ của con, tội nghiệp quá, - Nàng quay sang nói với mẹ.
     
Bấy giờ bá tước phu nhân cảm thấy chỉ còn một sợi tóc nữa là mẹ con đoạn tuyệt với nhau, và kinh hoàng nhìn Nikolai, nhưng vì tính cố chấp và vì cuộc tranh cãi đang gay go cho nên bà không thể nhượng bộ được.

- Nikolenka, em sẽ nói với anh sau, bây giờ anh đi ra đi… Mẹ ạ mẹ yêu dấu của con, xin mẹ nghe con…
     
Những lời nàng nói chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng nó vẫn đạt được kết quả mà nàng mong muốn.
     
Bá tước phu nhân khóc nấc lên từng cơn, gục đầu vào ngực con gái, còn Nikolai thì đứng dậy, hai tay ôm đầu, và bước ra khỏi phòng.

Natasa bắt tay vào công việc hoà giải và kết quả là bá tước phu nhân hứa với Nikolai sẽ không làm khổ Sonya nữa, còn chàng thì hứa sẽ không làm việc gì vụng trộm không cho cha mẹ biết.

Với ý định nhất quyết sẽ thu xếp công việc ở trung đoàn, xin giải ngũ và trở về cưới Sonya, vào đầu tháng Giêng, Nikolai buồn rầu và trầm ngâm lên đường về đơn vị.

Chàng đã bất hoà với cha mẹ, nhưng chàng có cảm tưởng là mình chưa bao giờ yêu tha thiết như thế này.
     
Sau khi Nikolai ra đi, gia đình Roxtov lại buồn tẻ hơn bao giờ hết. Bá tước phu nhân vì quá ưu phiền nên sinh bệnh.
     
Sonya đã buồn vì phải xa Nikolai, lại càng buồn hơn vì cái giọng đầy ác cảm mà bá tước phu nhân không thể nén mỗi khi nói với nàng.  Bá tước thì lại càng lo âu hơn bao giờ hết trước cảnh nhà điêu đứng, bây giờ đang dòi hỏi những biện pháp bổ cứu quyết liệt. Nhất thiết phải bán ngôi nhà ở Moskva và trang viên ở ngoại thành, mà muốn bán nhà thì phải lên Moskva mới xong. Nhưng bệnh tình của phu nhân buộc ông phải hoãn chuyến đi hết ngày này sang ngày khác.

Natasa trong thời gian đầu đã chịu đựng nỗi chia ly với người yếu một cách dễ dàng và thậm chí còn vui vẻ nữa, nhưng bây giờ mỗi ngày nàng thêm sốt ruột và bứt rứt. Nàng cứ nghĩ rằng quãng đời tốt đẹp nhất của nàng đang trôi qua một cách phí hoài, trống rỗng, quãng đời mà lẽ ra nàng có thể sống để yêu chàng, và ý nghĩ đó luôn luôn giày vò nàng.
   
Những bức thư của chàng phần lớn làm cho nàng tức giận. Nàng thấy tủi nhục mỗi khi nghĩ rằng trong khi nàng chỉ sống với hình ảnh chàng, thì chàng lại sống một cuộc sống thật sự, được thấy những quang cảnh mới, với con người mới và thích thú với những thứ đó. Còn những bức thư nàng viết cho chàng thì không những không an ủi được nàng, mà lại có ẻ như một nhiệm vụ buồn tẻ và giả dối. Nàng không biết viết thư, vì nàng không thể quan niệm rằng người ta có thể diễn đạt trong thư một cách trung thực dù chỉ là một phân nghĩa những điều mà nàng vốn quen diễn đạt băng tiếng nói, nụ cười và khoé mắt. Nàng viết thư cho chàng những bức thư rập khuôn khô khan và đơn điệu mà nàng cũng chẳng để tâm gì đến, và mỗi lẫn nháp xong, bá tước phu nhân lại chữa hộ những lỗi chính tả cho nàng.
   
Tình trạng sức khoẻ của bá tước phu nhân vẫn không có gì khác trước. Nhưng đến lúc này không thể nào trì hoãn việc đi Moskva được nữa. Cần phải sắm đồ cưới cho Natasa, cần phải bán nhà; vả chăng công tước Andrey cũng sẽ về Moskva trước, vì lão công tước Nikolai Andreyevich đang qua mùa đông ở đấy, và Natasa tin chắc rằng chàng đã về đến nơi rồi.
   
Bá tước phu nhân ở lại vùng quê, còn bá tước thì đến cuối tháng Giêng đem Sonya và Natasa cùng lên Moskva.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:19:05 pm
Phần VIII
Chương -1
   
Sau khi công tước Andrey đính hôn với Natasa, Piotr tuy không có duyên cớ gì rõ rệt vẫn đột nhiên cảm thấy mình không thể nào tiếp tục cuộc sống cũ được nữa. Dù chàng có tin tưởng quả quyết vào những chân lý mà vị ân nhân đã vạch ra cho chàng, dù chàng có tìm được những niềm vui sướng trong thời gian đầy say mê với việc tu thân mà chàng đã toàn tâm toàn ý thực hiện, sau khi công tước Andrey đính hôn với Natasa và sau khi Ioxif Andreyevich chết - Chàng nhận được hai tin này gần như cùng một lúc - Piotr bỗng thấy cuộc sống cũ của chàng đã mất hết hứng thú. Chỉ còn lại cái cơ sở của nó mà thôi: ngôi nhà của chàng với cô vợ lộng lẫy hiện nay đang hưởng thụ ân hụê của một nhân vật quan trọng, rồi thì những mối quan hệ giao thiệp với toàn thành Petersburg và công việc nhà nước với những thủ tục hình thức tẻ ngắt. Và Piotr đột nhiên thấy cuộc sống cũ ấy ghê tởm quá. Chàng không viết nhật ký nữa, tránh tiếp xúc với các hội hữu, chàng lại đến câu lạc bộ như cũ, lại uống rượu nhiều, lại giao du với những nhóm thanh niên độc thân và bắt đầu một cuộc sống phóng đãng đến nỗi bá tước phu nhân Elena Vaxilievna thấy cần phải nghiêm nghị răn bảo chàng.
     
Piotr cảm thấy vợ nói phải, nên để khỏi tổn hại đến danh giá của nàng, chàng bỏ về Moskva.
     
Đến Moskva khi bước vào toà nhà cao lớn của mình nơi có mấy cô nữ công tước đã khô đét hoặc đang khô héo dần, với lũ gia nhân đông đúc, khi trông thấy - Trong lúc xe đi ngang thành phố - ngôi nhà thờ Iverxkaya với vô số ngọn nến cháy sáng rực trước những khung tượng thánh thiếp vàng, khi trông thấy quảng trường Kreml, với lớp tuyết phẳng lỳ không một vết xe, những chiếc xe ngựa đưa khách vào những tốp nhà lụp xụp ở khu Xitxev Verazok, trông thấy những người dân Moskva già cả đang chậm rãi sống nốt quãng đời tàn không hề mong muốn gì trông thấy những bà già, những cô tiểu thư của Moskva, những cuộc khiêu vũ của Moskva và cái câu lạc bộ Anh của Moskva, chàng lập tức cảm thấy thư thái như đang ở nhà, như đã về đến bến cũ. Về đến Moskva chàng thấy êm thấm, ấm áp, quen thuộc như khi mặc một chiếc áo ngủ cũ kĩ đã hơi bẩn.
   
Toàn thể xã hội thượng lưu Moskva, từ bà cụ già cho chí trẻ em, đều đón tiếp Piotr như một người khách mong đợi từ lâu đã có chỗ ngồi luôn luôn dành sẵn chờ mình. Đối với giới xã giao Moskva, Piotr là một con người gàn dở nhưng thật hiền hậu, dễ thương, thông minh vui vẻ, một người quý phái lớp cũ của nước Nga, vô tâm và chân thành. Túi tiền của chàng bao giờ cũng rỗng tuếch, vì bao giờ cũng mở ra cho mọi người.
   
Những buổi diễn kịch quyên tiền, những bức tranh và những bức tượng tồi, những hội lạc thiện, những người Di-gan, những trường học, những bữa tiệc góp tiền, những buổi truy hoan, những hội viên Tam điểm, những nhà thờ, những cuốn sách - chưa có ai và chưa có cái gì bị chàng từ chối, và giả sử không có hai ông bạn đã vay của chàng rất nhiều tiền và lĩnh lấy trách nhiệm làm giám hộ cho chàng, thì bao nhiêu tiền của chàng đã phân phát hết từ lâu. Ở các câu lạc bộ không một bữa tiệc, một buổi dạ hội nào không có mặt chàng. Chàng vừa gieo mình xuống chiếc đi văng quen thuộc sau khi uống xong hai chai Margot, thì người ta đã quây quần quanh chàng và bắt đầu chuyện trò, tranh cãi, đùa cợt. Ở chỗ nào có đám gây gổ với nhau thì chỉ một nụ cười hiền hậu và một câu nói đùa đúng lúc của chàng cũng đủ hoà giải mọi chuyện xích mích. Những buổi sinh hoạt của chi hội Tam điểm đều tẻ nhạt, chán ngắt nếu không có chàng.
   
Những khi sau bữa ăn khuya với bọn thanh niên độc thân, chàng đứng dậy với nụ cười hiền lành phúc hậu để chiều theo yêu cầu của lũ quỷ sứ và cùng lên xe đi với họ, thì trong đám thanh niên vang lên những tiếng reo mừng rỡ và đắc thắng. Ở các buổi vũ hội, chàng khiêu vũ khi nào thiếu khách nhảy nam giới. Các tiểu thư và các thiếu phụ mến chàng vì chàng không tán tỉnh ai, mà hoà nhã với tất cả mọi người, nhất là sau bữa ăn tối. "Anh ấy dễ thương thật, anh ấy không có giới tính" - Người ta thường nói về Piotr như vậy.
Piotr là một trong số hàng trăm những ông thị thần về hưu ở Moskva đang hiền lành sống nốt quãng đời còn lại.
   
Nếu bảy năm trước đây khi chàng mới ở nước ngoài về, có người bảo rằng chàng không phải tìm tòi suy nghĩ gì hết, rằng đường đi của chàng đã được vạch sẵn từ lâu, đã vĩnh viễn được định đoạt rồi và dù chàng có giãy giụa thế nào đi chăng nữa chàng cũng sẽ chẳng khác gì những người cùng một cảnh ngộ với chàng thì chàng sẽ kinh hoàng đến nhường nào? Chàng sẽ không thể tin được! Chẳng phải chính chàng đã từng muốn khi thì lập nền cộng hoà ở Nga, khi thì tự mình làm ra Napoléon, hoặc làm nhà triết học, làm nhà chiến thuật, làm người chiến thắng Napoléon đó sao? Chẳng phải chính chàng đã thấy có thể thiết tha mong ước cải tạo loài người hư hỏng và tự bản thân đạt tới chỗ chí thiện đó sao?
   
Chẳng phải chính chàng đã lập nên nào nhà trường, nào bệnh viện, và đã cho nông dân được tự do đó sao? Ấy thế mà tất cả những cái đó đã dẫn đến gì? Chàng là một anh chồng giàu của một cô vợ không trung thành, một ông thị thần về hưu, thích ăn ngon uống say và sau khi nới cúc áo ra, ngồi bình phẩm chính phủ dăm câu nhè nhẹ, một hội viên câu lạc bộ
   
Anh ở Moskva, và là một thành viên của giới xã giao Moskva được mọi người quý mến. Trong một thời gian khá lâu chàng không sao quen được với ý nghĩ rằng mình chính là một viên thị thần Moskva về hưu, một hạng người mà bảy năm trước đây chàng khinh bỉ thậm tệ.
   
Đôi khi chàng tự an ủi rằng đấy chẳng qua là mình sống tạm thời như thế thôi; nhưng sau đó chàng lại hoảng sợ nghĩ rằng đã có bao người khi bước vào câu lạc bộ và vào cuộc sống tạm thời ấy thì có đủ răng đủ tóc mà khi đi ra khỏi thì không còn lấy một cái răng, một sợi tóc nào.

Trong những phút kiêu căng, khi chàng nghĩ đến địa vị của mình, chàng có cảm tưởng mình là một người khác hẳn, đứng riêng ra khỏi những hạng thị thần về hưu mà trước kia chàng khinh miệt; rằng những hạng người ấy đều phàm tục và ngu ngốc, an phận, thủ thường "còn ta thì đến bây giờ cũng vẫn không hề thoả mãn, muốn làm một cái gì cho nhân loại", - chàng tự nhủ như vậy. - "Mà có lẽ tất cả những người cùng cảnh ngộ như ta cũng giãy giụa, cũng đang tìm một con đường sống mới như ta, và cũng như ta, họ chẳng qua vì sự thúc đẩy của hoàn cảnh, của xã hội, của dòng giống, - cáí sức mạnh tự nhiên mà con ngừời không sao chống nổi ấy - nên mới bị bắt dẫn đến nông nỗi này". - chàng tự nhủ trong những phút khiêm tốn; và sau một thời gian, chàng đã không còn khinh miệt các bạn cùng cảnh ngộ nữa, mà lại bắt đầu yêu mến, kính trọng và thương xót họ như bản thân mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 06:19:34 pm
Piotr không còn những phút tuyệt vọng, u uất và chán đời như trước nữa; nhưng cũng vẫn cái bệnh ấy, trước khi biểu lộ ra thành những cơn ác liệt thì bây giờ bị dồn sâu trong xương tuỷ và không phút nào rời khỏi chàng. "Đi đến đâu? Để làm gì? Cái gì đang diễn ra trên thế gian?" - Mỗi ngày chàng băn khoăn tự hỏi mấy lần như vậy, bất giác bắt đầu nghĩ sâu vào ý nghĩa của các hiện tượng trong cuộc sống, nhưng vốn đã có kinh nghiệm rằng những vấn đều này không có cách gì giải đáp chàng vội cố xua đuổi nó đi, vớ lấy Nikolaievich chuyện trò về các tin kháo vặt trong thành phố.
   
Elena Vaxilievna xưa nay chưa hề yêu thích cái gì ngoài thân thể của mình ra - và là một trong những người đàn bà ngu xuẩn nhất thế giới. - Piotr nghĩ lại được người ta cho là sự tuyệt đỉnh của trí thông minh và sự tế nhị, và mọi người đều sùng bái nàng. Napoléon Bonaparte bị mọi người khinh miệt trong chừng mực ông ta còn là một vĩ nhân, thế mà từ khi ông ta trở thành một tay kép hát thảm hại thì hoàng đế Frantx cứ nằng nặc đòi gả con gái làm vợ lẽ cho ông ta.
   
Người Tây Ban Nha thì nhờ giáo hội chuyển đến Thượng đế những lời cầu nguyện tỏ lòng biết ơn. Người đã phù hộ cho họ thắng quân Tây Ban Nha, ngày mười bốn tháng sáu. Các đạo huynh của ta trong hội Tam điểm lấy máu thề rằng họ hy sinh tất cả cho đồng loại, nhưng khi quyên tiền giúp người nghèo thì họ lại không bỏ ra một rúp, họ âm mưu xúc xiểm phái Axtrey chống lại phái những người đi tìm Cam lồ và chỉ lo tìm cách kiếm cho được tấm thảm Scotland chính hiệu và một bức hiến chương mà chính kẻ viết ra cùng không hiểu ý nghĩa, một văn kiện mà chẳng có ai cần đến. Tất cả chúng ta đều ở trên ấy. Tất cả chúng ta đều theo đạo luật Cơ đốc giáo về sự nhẫn nhục và bác ái, theo đạo luật ấy chúng ta đã dựng lên bốn mươi lần bốn chục ngôi nhà thờ ở Moskva, thế mà hôm qua người ta đem một người lính đào ngũ ra dùng roi sắt quất cho đến chết, và một ông linh mục, chính kẻ phụng sự đạo yêu thương và tha thứ đó đã giơ cây thánh giá cho người lính kia hôn trước khi bị hành hình" - Piotr suy nghĩ như vậy, và tất cả sự dối trá được mọi người thừa nhận ấy, dù chàng có quen với nó đến đâu chăng nữa, cũng vẫn khiến chàng kinh ngạc như một điều gì mớỉ mẻ. "Ta hiểu sự dối trá và sự hỗn loạn này, - Piotr nghĩ, - nhưng ta làm thế nào nói ra với họ tất cả những điều ta hiểu? Ta đã từng thử nói và bao giờ cũng thấy rằng trong thâm tâm họ cũng hiểu như ta, chỉ có điều là họ cố tình không trông thấy nó. Như vậy nghĩa là cần phải như thế mới được! Nhưng còn ta, ta biết trốn đi đâu?". Piotr có cái khả năng bất hạnh của một số người, nhất là những người Nga, là có thể thấy và tin rằng có thể có cái chí thiện, có chân lý, nhưng lại cũng nhìn thấy quá rõ cái ác và sự giả dối của cuộc sống, nên không thể tham dự một cách đến nơi đến chốn vào cuộc sống được. Dưới mắt chàng bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng đều gắn liền với cái ác và sự dối trá. Dù chàng có muốn thử làm việc gì thì cái ác và sự dối trá cũng đẩy chàng và và chặn hết lối đi của chàng.  Nhưng chàng vẫn phải sống, vẫn phải làm một công việc gì. Cứ ở dưới cái ách nặng của những vấn đề không thể giải quyết được này thì ghê sợ quá cho nên chàng lao mình vào bất cứ thú vui gì miễn sao quên được các vấn đề đó. Chàng giao du với đủ các hạng người, uống rượu rất nhiều, sưu tập tranh, xây nhà và nhất là đọc sách.
   
Chàng đọc tất cả những gì có thể vớ được, và hăm hở đến nỗi vừa đến nhà, khi gia nhân đang cởi áo ngoài cho chàng, chàng đã cầm lấy sách đọc - và từ đọc sách chàng quay ra ngủ, từ ngủ quay ra nói chuyện phiếm trong các phòng khách ở câu lạc bộ, từ nói chuyện phiếm lại quay ra chè chén và chơi bời, từ chơi bời quay ra nói chuyện phiếm, đọc và uống rượu. Uống rượu đối với chàng ngày càng trở thành một nhu cầu của cơ thể và đồng thời cũng là của tinh thần. Mặc dầu thầy thuốc bảo chàng rằng người phì nộn như chàng mà uống rượu thì có thể nguy hiểm, nhưng chàng vẫn cứ uống nhiều.
   
Chàng chỉ thấy thực sự khoan khoái khi nào đã dốc vào cái miệng rộng của chàng mấy cốc rượu, từ lúc nào chính chàng cũng không biết, và cảm thấy một luồng hơi ấm dễ chịu tràn vào người, một lòng yêu thương đối với đồng loại và một thái độ tinh thần sẵn sàng đề cập hời hợt tới bất cứ vấn đề nào nhưng không đi sâu vào thực chất của nó. Chỉ khi nào đã uống một hai chai rượu, chàng mới nhận thấy mơ hồ rằng cái nút thắt rối ren, khủng khiếp của cuộc sống trước đây mà chàng đã ghê sợ, thật ra không đến nỗi khủng khiếp như chàng tưởng. Trong khi đầu váng, tai ù nói chuyện, nghe chuyện hoặc đóng sách sau bữa ăn chiều hay bữa ăn tối, chàng luôn luôn thấy cái nút dưới một khía cạnh này hay một khía cạnh khác. Nhưng chỉ khi nào đang say chàng mới tự nhủ: "Không sao đâu. Rồi ta sẽ gỡ ra - Đây, ta có cách giải quyết rồi đây, nhưng bây giờ ta không có thì giờ, - sau này ta sẽ nghĩ kỹ tất cả những điều đó!". Nhưng cái "sau này" ấy chẳng bao giờ đến cả.
   
Buổi sáng, khi chưa ăn uống gì, tất cả những vấn đề trước đây lại hiện ra, khô khan, và khủng khiếp như cũ, và Piotr vội vàng vớ lấy một quyển sách và rất mừng khi có ai đến chơi.
   
Đôi khi Piotr nhớ lại một câu chuyện mà chàng đã từng nghe, kể lại rằng trong chiến tranh, những người lính đang trú ẩn trong hầm dưới làn đạn của địch, khi không có gì làm, thường cố tìm cho ra một công việc gì để chịu đựng giờ phút hiểm nghèo một cách dễ dàng hơn, và Piotr thấy hình như người ta đều là những người lính như vậy, đang tìm cách trốn tránh cuộc sống: người thì tìm hư danh, người thì tìm bài bạc, người thì viết luật, người thì chơi gái, người thì bày những trò vui, người thì chơi ngựa, người thì làm chính trị, người thì đi săn, người thì uống rượu, người thì làm việc quốc gia. "Không có cái gì nhỏ nhặt, cũng chả có cái gì là quan trọng, cái gì cũng thế thôi, miễn sao thoát khỏi nó! - Piotr nghĩ - Miễn sao đừng phải thấy nó đừng phải thấy cuộc sống khủng khiếp ấy".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:01:07 pm
Phần VIII
Chương - 2
   
Vào đầu mùa đông công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki cùng với con gái lên Moskva. Vì quá khứ của ông, vì trí tuệ và tính tình khác người của ông, và nhất là vì bấy giờ lòng hâm mộ của các giới đối với triều đại của hoàng đế Alekxandr đã suy sụp, và vì cái khuynh hướng ái quốc bài Pháp bây giờ đang chiếm ưu thế ở Moskva, công tước Nikolai Andrey lập tức trở thành một nhân vật được dân Moskva đặc biệt kính trọng và là trung tâm của phái chống đối chính phủ ở Moskva.
   
Năm ấy công tước già đi nhiều lắm. Ông bắt đầu có những dấu hiệu rõ rệt của tuổi già: có khi ông đột nhiên buồn ngủ, ông thường quên những sự việc vừa mới xảy ra nhưng lại nhớ rất kỹ những sự việc đã xảy ra từ lâu, và ông có một lối hiếu danh như trẻ con khi nhận đứng đầu phái đối lập ở Moskva. Tuy vậy những khi lão công tước ra dùng trà, nhất là vào những buổi tối, mình mặc áo khoác lông, đầu đội bộ tóc giả rắc phấn, những khi ấy, nếu có ai gợi cho công tước kể lại những câu chuyện rời rạc đứt quãng về thời xưa và đưa ra những lời phê phán gay gắt và rời rạc hơn nữa về thời nay, thì ông vẫn gây nên trong lòng tất cả các tân khách một cảm giác trọng nể và sùng kính. Toà nhà cổ kính này, với những tấm gương lớn, những bộ bàn ghế kiểu tiền cách mạng, những người nô bộc mang tóc giả rắc phấn, và bản thân ông già, người của thế kỷ trước trực tính và thông minh, với cô con gái dịu hiền và cô thiếu nữ Pháp xinh đẹp.
   
Cả hai đều một lòng tôn kính ông ta, tất cả những cái đó bày ra một quang cảnh uy nghiêm và thú vị đối với những tân khách đến thăm. Nhưng tân khách không hề nghĩ rằng ngoài hai tiếng đồng hồ các chủ nhân tiếp họ mỗi ngày, còn có hai mươi tiếng nữa, và đó là lúc cuộc sống âm thầm và bí mật của ngôi nhà diễn ra.
   
Thời gian gần đây ở Moskva cuộc sống âm thầm này đã trở nên rất nặng nề đối với công tước tiểu thư Maria. Ở Moskva nàng đã phải thiếu những niềm vui quý nhất của nàng - Những cuộc trò chuyện với con người của Chúa, và cái cảnh cô tịch vẫn làm tươi mát tâm hồn nàng khi còn ở Lưxye Gor, còn có những thú vui của cuộc sống kinh đô thì nàng không hề được hưởng. Nàng không đi lại những nơi xã giao: mọi người đều biết rằng cha nàng không bao giờ chịu để cho nàng đi một mình, còn bản thân ông thì yếu không thể đi đâu được, nên chẳng ai mời nàng dự tiệc hay dạ hội gì hết. Tiểu thư Maria không còn hy vọng gì đến việc hôn nhân nữa. Nàng thấy rõ vẻ lạnh lùng và hằn học của lão công tước Nikolai Andrey khi ông tiếp và tìm cách xua đuổi những chàng thanh niên có thể cầu hôn nàng vẫn thỉnh thoảng lui tới nhà họ. Công tước tiểu thư Maria không có bạn bè; lần này đến Moskva nàng đã thất vọng về hai người thân thiết nhất đối với nàng: nếu trước đây nàng cũng đã không thể hoàn toàn cởi mở đối với cô Burien thì bây giờ nàng lại thấy khó chịu đối với cô ta, và vì một vài lý do nào đấy nàng bắt đầu xa lánh cô; Juyly, bấy giờ đang ở Moskva, người mà vẫn năm năm nay tiểu thư Maria vẫn thư từ đi lại thì nay gặp mặt cô thấy hoàn toàn xa lạ. Vì hai người anh của Juyly mới chết nên cô ta trở thành một trong những cô gái chưa chồng giàu nhất ở Moskva và hiện đang say sưa tận hưởng những thú vui ở chốn xã giao. Các chàng thanh niên cứ xúm xít quanh Juyly, và nàng nghĩ râng nay họ đã thấy được giá trị của nàng Juyly đang ở vào thời kỳ bắt đầu luống tuổi của một cô gái quý tộc cảm thấy rằng cơ hội cuối cùng đề lấy chồng đã đến và nếu không phải là bây giờ thì không còn lúc nào số phận của mình lại có thể được định đoạt nữa. Cứ đến thứ năm, công tước tiểu thư Maria lại buồn rầu mỉm cười nhớ ra rằng bây giờ nàng không còn biết viết thư cho ai nữa, vì Juyly, người mà sự có mặt không đem lại cho nàng được chút thú vui nào hết, Juyly hiện ở đây và tuần nào cũng gặp nàng. Giống như ông già quý tộc lưu vong nọ đã từ chối không chịu lấy bà mệnh phụ mà mấy năm nay không tối nào ông không đến chơi nhà, công tước tiểu thư Maria cũng lấy làm tiếc rằng Juyly bây giờ ở gần nàng và nàng không còn ai để viết thư nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:01:39 pm
Ở Moskva nàng không có ai để trò chuyện, không có ai để thổ lộ những nỗi buồn phiền, đã thế gần đây thì những nỗi buồn phiền của nàng lại tăng thêm nhiều lắm. Thời hạn công tước Andrey trở về và kết hôn đã sắp đến, và cái công việc mà công tước Andrey nhờ nàng là tìm cách làm cho cha nguôi giận, thì không những nàng không làm được, mà cơ sự lại còn có vẻ như đã hoàn toàn hỏng bét. Cứ mỗi lần nghe nhắc đến bá tước tiểu thư Roxtov là lão công tước lại nổi khùng lên; vả chăng thường ngày không có việc gì công tước cũng đã cáu bẳn lắm rồi. Gần đây công tước tiểu thư Maria lại thêm một nỗi buồn mới nữa, là những buổi nàng dạy cho đứa cháu trai lên sáu học. Trong khi tiếp xúc với Nikoluska nàng sợ hãi nhận thấy mình cũng có cái tính dễ cáu bẳn như cha. Đã bao lần nàng tự nhủ là không được để cho mình nổi nóng trong khi dạy cháu, ấy thế mà mỗi lần ngồi xuống dạy nó học vần chữ Pháp, nàng lại cứ muốn sao rót thật nhanh tất cả những điều hiểu biết vào đầu đứa trẻ vốn đã sợ cô mình sắp nổi giận đến nơi, cho nên hễ Nikoluska lơ đễnh một tí là nàng đã run lên, hấp tấp, nổi nóng, to tiếng đôi khi lại kéo tay nó bắt nó đứng vào góc tường. Sau khi bắt cháu đứng vào góc tường, nàng bắt đầu khóc vì bản chất của mình sao mà độc ác, xấu xa như vậy, và Nikoluska cũng khóc theo, không đợi xin phép đã rời góc tường lại gần nàng, kéo cái bàn tay ướt đẫm nước mắt của nàng ra khỏi mặt nàng và an ủi nàng. Nhưng đưa lại cho nàng nhiều nỗi khổ tâm hơn cả là tính cáu bẳn của cha nàng luôn trút lên đầu nàng và gần đây đã đi đến chỗ tàn nhẫn. Giả sử cha nàng bắt nàng lạy lục suốt đêm trước các tượng thánh, giả sử ông đánh đập nàng, bắt nàng vác củi và xách nước, thì nàng sẽ không hề thoáng có ý nghĩ rằng mình khổ; đằng này cha nàng lại rất thương nàng và như thế lại càng tàn nhẫn hơn; vì thương yêu nàng, lão công tước vừa làm khổ con vừa làm khổ mình, và không những ông biết cách làm cho nàng tủi nhục, mà còn biết cách chứng minh cho nàng thấy rằng bao giờ trong việc gì nàng cũng có lỗi. Thời gian gần đây lão công tước có thêm một nét mới, làm cho công tước tiểu thư Maria khổ tâm hơn cả: ông càng ngày càng thêm thân mật với cô Burien. Cái ý nghĩ bông đùa chợt nảy ra trong óc lão công tước khi biết ý định của con trai, là nếu Andrey cưới vợ thì bản thân ông cũng sẽ lấy cô Burien, ý nghĩ ấy hình như làm cho ông thích thú, và gần đây (như nữ công tước Maria nhận thấy) chỉ vì muốn làm khổ nàng, công tước một mực cố tình tỏ ra tử tế đặc biệt với cô Burien và dùng việc tỏ cảm tình với cô ta để biểu lộ nỗi bất bình của mình đối với con gái.
   
Có một lần ở Moskva trước mặt công tước tiểu thư Maria (nàng có cảm tưởng cha nàng cố ý làm như vậy trước mặt nàng) lão công tước hôn tay cô Burien và ôm cô ta vào lòng mà vuốt ve. Nữ công tước Maria đỏ bừng mặt chạy ra khỏi phòng. Mấy phút sau cô Burien vào phòng nàng, mỉm cười vui vẻ cất giọng nói dễ ưa của cô ta kể cho nàng nghe một chuyện gì đấy. Công tước tiểu thư Maria hối hả lau nước mắt, quả quyết bước lại gần cô ta và hình như cũng không biết mình làm gì, nàng bắt đầu thất thanh quát mắng cô thiếu nữ người Pháp, giọng hấp tấp và giận dữ.

- Thật là xấu xa, đê hèn, vô nhân đạo! Lợi dụng sự yếu đuối của… - Nàng không nói hết câu. - Cô ra khỏi phòng tôi ngay, - Nàng quát, và oà lên khóc nức nở.
     
Ngày hôm sau công tước không nói với con gái lấy một câu; nhưng nàng nhận thấy đến bữa ăn trưa ông ra lệnh cho người hầu bàn đưa thức ăn bắt đầu từ cô Burien. Đến cuối bữa ăn, khi người hầu bàn theo thói quen dọn cà phê cho công tước tiểu thư trước, lão công tước bỗng nổi khùng lên, ném chiếc gậy vào người Philip và lập tức ra lệnh cho đăng anh ta vào lính.

- Không nghe à… ta đã bảo hai lần rồi… mà không nghe hả! Cô ấy là người đáng quý nhất trong nhà này; cô ấy là người bạn tốt nhất của ta, lão công tước quát, rồi quay sang tiểu thư Maria (lần này là lần đầu tiên ông nói với con), lão công tước giận dữ quát:
- Và nếu mày còn dám như hôm qua… thất lễ với cô ấy một lần nữa, thì tao sẽ cho mày biết ai là người làm chủ trong nhà này. Cút ngay cho khuất mắt tao! Phải xin lỗi ngay!
   
Công tước tiểu thư Maria xin lỗi Amalya Yevghenievna và xin tha lỗi cho nàng và cho anh hầu bàn Philip, vì anh ta có đến xin nàng nói hộ.

Vào những phút như thế trong lòng tiểu thư Maria dậy lên một cảm xúc giống như niềm tự hào của kẻ hy sinh. Và cũng chính vào những phút như thế, cha nàng, người cha mà nàng oán trách, bỗng loay hoay tìm cặp kính, sờ soạng quanh mình mãi chẳng thấy, hoặc quên khuấy một việc vừa mới xảy ra, hoặc đôi chân yếu ớt của ông bước hụt một cái, rồi ông liếc mắt nhìn quanh xem có ai trông thấy không, hoặc thảm hơn cả là đang ăn bữa ăn chiều, những khi không có khách khứa đến kích thích ông lão công tước bỗng buông khăn ăn và gục xuống ngủ, mái đầu run run cúi sát đĩa ăn. "Cha già yếu thế, mà ta dám oán trách người!" - nàng nghĩ thầm, và những phút ấy nàng thấy ghê tởm mình lạ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:03:16 pm
Phần VIII
Chương - 3
   
Năm 1811 ở Moskva có một y sĩ người Pháp tên Metivie, nổi tiếng rất nhanh, một người cao lớn, đẹp trai, nhã nhặn như một người Pháp, và ở Moskva ai cũng nói ông ta là một nhà y thuật xuất chúng. Ông được đón tiếp trong các nhà thượng lưu không phải như một ông thầy thuốc, mà như một người ngang hàng.
   
Công tước Nikolai Andreyevich xưa nay vẫn thường chế nhạo y học, nhưng thời gian gần đây theo lời khuyên của cô Burien đã để cho ông ta lại nhà và đâm quen với ông ta. Mỗi tuần hai lần Metivie đến nhà công tước.
   
Vào ngày lễ thánh Nikolai, ngày lễ thánh của công tước, cả thành Moskva đều tấp nập ở thềm nhà ông, nhưng ông ra lệnh không tiếp ai cả; chỉ có một số ít người có tên trong một bản danh sách mà ông trao cho công tước tiểu thư Maria, là được mời đến dùng bữa chiều.
   
Sáng hôm ấy, Metivie đến để chúc mừng lão công tước, và lấy tư cách thầy thuốc, ông ta tưởng cũng nên bất chấp điều lệnh của chủ nhân một chút - Như lời ông ta nói với công tước tiểu thư Maria, và đến thẳng phòng công tước. Tình cờ sáng hôm lễ thánh ấy là một hôm lão công tước cáu bẳn dữ dội nhất. Suốt buổi sáng ông đi đi lại lại trong nhà, gặp ai cũng kiếm chuyện gắt mắng và làm ra vẻ như không hiểu những điều người ta nói với mình, và mình nói gì người ta cũng chẳng hiểu. Công tước tiểu thư Maria biết rất rõ tâm trạng buồn bực và cáu kỉnh thầm lặng này, vốn thường kết thúc bằng một trận lôi đình ghê gớm, cho nên suốt buổi sáng nàng như đứng trước một khẩu súng nạp đạn đã giương cò sẵn, chỉ đợi nó nổ nữa mà thôi. Trước khi thầy thuốc đến, buổi sáng trôi qua bình yên vô sự. Sau khi để cho ông ta vào, tiểu thư Maria ngồi trong phòng khách đọc sách bên cạnh cái cửa lớn dẫn vào phòng giấy. Ngồi đấy nàng có thể nghe rõ tất cả những việc xảy ra trong phòng cha.
   
Lúc đầu nàng chỉ nghe thấy tiếng nói của Metivie rồi sau đó có tiếng nói của lão công tước, rồi cả hai giọng cùng nói lên một lúc, cánh cửa mở toang ra và trên ngưỡng cửa hiện ra cái bóng dáng đẹp đẽ và vẻ mặt hoảng hốt của Metivie với chùm tóc đen nhánh và bóng công tước mặc áo ngủ, đầu đội mũ chụp, khuôn mặt biến dạng đi vì tức giận, hai tròng đen trợn ngược.

- Mày không hiểu à? - Công tước quát. - Tao thì tao hiểu lắm! Đồ gián điệp của Pháp! Đồ đầy tớ của Bonaparte, đồ mật thám, cút ra khỏi nhà tao ngay, tao bảo cút ngay - Và ông đóng sầm cửa lại.
     
Metivie nhún vai đến cạnh cô Burien lúc bấy giờ ở phòng bên nghe tiếng quát tháo vừa chạy sang.

- Công tước hơi khó ở, tì hư và máu dồn lên óc. Cô cứ yên tâm, mai tôi sẽ trở lại! - Metivie nói đoạn ra hiệu bảo giữ kín và lùi ra.
   
Sau cánh cửa nghe có tiếng chân đi giày vải bước và những tiếng quát: "Những tên mật thám, những quân gian đâu đâu cũng toàn là những quân gian! Ở trong nhà mình mà không yên lấy được một phút!".
   
Sau khi Metivie ra về lão công tước gọi con gái vào phòng và trút hết cơn giận dữ lên đầu nàng. Nàng đã có cái tội để cho người ta đưa một tên mật thám vào phòng ông. Ông đã bảo trước rồi kia mà. Ông đã bảo nữ công tước Maria lập danh sách và ai không có tên trong danh sách thì không cho vào. "Thế thì tại sao lại cho cái thằng đốn mạt ấy vào! Chính nàng gây ra tất cả. Với cái con này không sao có lấy được một phút yên tĩnh, chết cũng không được chết cho yên thân", lão công tước nói.

- Không, cô ạ, phải ở riêng ra thôi, ở riêng ra thôi, xin cô biết cho như vậy, xin cô biết cho? Tôi không chịu được nữa rồi, - Nói đoạn công tước bước ra khỏi phòng. Rồi như sợ rằng nàng có thể tìm ra cách gì để tự an ủi, ông lại trở vào và cố làm ra vẻ bình tĩnh, - và tôi đã nghĩ kỹ việc này rồi; phải như thế thôi, ở riêng ra, cô đi mà tìm lấy một nơi…

- Nhưng lão công tước không tự kìm mình được nữa, và với thái độ hằn học chỉ có thể có được ở một người rất thương con, và chắc hẳn chính ông cũng rất khổ tâm, ông vung quả đấm quát lớn:

- Giá mà có được một thằng ngu nào nó rước mày đi cho rảnh! - Ông đóng sập cửa lại, gọi cô Burien vào và ngồi yên trong phòng làm việc.

Đến hai giờ, sáu người may mắn được lựa chọn đến dự bữa ăn chiều - đó là bá tước Roxtopsin nổi tiếng, công tước Lopukhin cùng đi với người cháu trai, tướng Tsatro - một người bạn chiến đấu cũ của công tước, thanh niên thì có Piotr và Boris Drubeskhov, họ đợi lão công tước ở phòng khách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:04:13 pm
Về nghỉ phép ở Moskva được mấy ngày, Boris muốn được giới thiệu với công tước Nikolai Andreyevich và đã khéo léo lấy lòng công tước đến nỗi ông đã đặc cách cho chàng đến dự, trong khi tất cả những người thanh niên chưa vợ khác đều không được tiếp.
   
Nhà công tước không phải là một nơi mà người ta gọi là "nơi xã giao", nhưng đó là một nơi mà ai được tiếp cũng rất lấy làm hãnh diện, mặc dầu trong thành phố cũng không mấy ai nhắc đến. Điều này Boris đã được hiểu một tuần trước đây, hôm ấy trước mặt chàng khi quan tổng tư lệnh mời Roxtopsin đến dùng bữa chiều nhân ngày thánh Nikolai thì ông ta trả lời là mình không đến được.

- Đến ngày ấy bao giờ tôi cũng bận đến chiêm bái thành tích của công tước Nikolai Andreyevich.

- À phải, phải. - quan tổng tư lệnh đáp, - Thế ngài dạo này ra sao?
   
Trong gian phòng khách cao kiểu xưa bày những bàn ghế cổ kính, nhóm người nhỏ bé tụ tập trước bữa ăn có vẻ như một toà án đang họp hội đồng trọng thể. Mọi người đều im bặt và có nói chăng cũng nói rất khẽ. Công tước Nikolai Andreyevich bước ra, vẻ nghiêm nghị và trầm ngâm. Nữ công tước Maria còn có vẻ im lặng và rụt rè hơn cả ngày thường. Các tân khách miễn cưỡng nói chuyện với nàng, vì họ thấy rõ tâm trí nàng không hề để vào những câu chuyện của họ. Một mình bá tước Roxtopsin giữ cho cuộc nói chuyện được liên tục, kể lại những tin tức cuối cùng, khi thì về sinh hoạt trong thành phố, khi thì về những sự kiện chính trị.
   
Lopukhin và vị tướng già thỉnh thoảng mới góp vào dăm ba câu Công tước Nikolai Andreyevich ngồi nghe như một vị chánh án tối cao nghe cấp dưới báo cáo, lâu lâu mới gật đầu hoặc nói một vài tiếng để rỏ ra rằng mình có chú ý đến những điều mà họ báo cáo.
   
Theo giọng họ nói chuyện, có thể hiểu rằng không ai tán thành những việc đang diễn ra trong chính giới. Họ kể những việc tỏ rõ rằng tình hình mỗi ngày một tệ; nhưng trong câu chuyện hay lời phê phán nào cũng có thể thấy rõ một điều là người nói chuyện bao giờ cũng dừng lại hay bị chặn lại môi khi lời phê phán cổ đả động đến cá nhân Hoàng thượng.
     
Trong khi dùng tiệc họ nói chuyện về tin chính trị cuối cùng là việc Napoléon chiếm các thái ấp của quận công Oldenburg và bức thông điệp của nước Nga gửi tất cả các vương triều ở châu Âu, một bức thông điệp có thái độ thù địch đối với Napoléon.

Bá tước Roxtopsin nói:

- Bonaparte đối xử với châu Âu như một tên cướp biển trên một chiếc thuyền mới đoạt được. - Người ta chỉ có thể lấy làm lạ về thái độ của các nhà vua, hoặc quá nhẫn nại, hoặc quá mù quáng. Bấy giờ lại đến lượt giáo hoàng, Bonaparte không còn e dè gì nữa, y muốn lật đổ vị đứng đầu công giáo, thế mà ai nấy vẫn làm thinh! Chỉ có mỗi một mình hoàng thượng của chúng ta phản kháng việc chiếm đoạt các thái ấp của quận công Oldenburg. Tuy thế… - bá tước Roxtopsin im bặt, cảm thấy rằng mình đã đi đến biên giới của lĩnh vực không thể phê phán được.

- Người ta đề nghị quận công mấy thái ấp khác để thay cho công quốc Oldenburg, - công tước Nikolai Andreyevich nói. - Tôi đem nông nô ở Lưxye Gorư di chuyển sang Bogutsarovo và các điền trang Ryazan thế nào thì hắn ta cũng di chuyển các quận công y như thế.
Boris lễ phép góp chuyện:

- Quận công Oldenburg chịu đựng nỗi bất hạnh của ngài với một nghị lực và một thái độ nhẫn nhục đáng khâm phục!
   
Boris nói thế là vì khi ghé Petersburg chàng đã có cái hân hạnh ra mắt quận công. Công tước Nikolai Andreyevich nhìn chàng thanh niên với một vẻ mặt như định nói một điều gì về việc này, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, cho rằng chàng còn ít tuổi quá.

- Tôi có đọc bức thư phản kháng của ta về vụ Oldenburg và lấy làm lạ vì bức thư này hành văn rất kém, - bá tước Roxtopsin nói với cái giọng ung dung của một người đang phán đoán về một việc mà mình am hiểu tường tận.

Piotr nhìn Roxtopsin với một vẻ ngạc nhiên, ngây thơ, không hiểu tại sao ông ta lại lo lắng về cách hành văn kém cỏi của bức thông điệp. Chàng nói:

- Bức thông điệp hành văn hay hay dở thì có gì quan trọng thưa bá tước? Miễn là nội dung thật mạnh mẽ là được rồi.

- Anh bạn ơi, vư năm mươi vạn quânn của chúng ta thì cũng dễ có được một giọng văn hay ho! - bá tước
Roxtopsin nói.

Bấy giờ Piotr đã hiểu tại sao bá tước lại lo lắng về cách hành văn của bức thông điệp.

Lão công tước nói:

- Hình như bây giờ số người viết lách cũng đã khá nhiều rồi đấy chứ. Ở Petersburg, ai cũng viết lách cả, không phải chỉ viết thông điệp mà thôi đâu - lại còn viết cả luật mới nữa kia. Ở đấy thằng Andrusa nhà tôi đã viết cho nước Nga cả một quyển luật đấy. Bây giờ thì ai cũng viết lách cả! - nói đoạn ông cười phá lên một cách không tự nhiên.
   
Câu chuyện lắng đi một phút; vị tướng già đằng hắng một cái để mọi người chú ý.

- Các vị có nghe nói đến sự việc vừa rồi xảy ra trong cuộc duyệt binh ở Petersburg không ạ? Sứ thần Pháp mới sang đã tỏ rõ chân tướng của mình như thế nào.

- Sao ạ? À vâng, tôi có nghe phong thanh; ông ta đã nói một câu gì vụng về trước mặt hoàng thượng thì phải.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:04:51 pm
Viên tướng già nói tiếp:

- Hoàng thượng có mời sứ thần Pháp lưu ý sư đoàn thủ pháo và cuộc diễu binh theo nghi thức, nhưng hình như viên sứ thần không hề chú ý chút nào cả, lại dám nói rằng ở Pháp không ai quan tâm đến những chuyện vặt như vậy. Hoàng thượng im lặng không nói gì. Đến cuộc duyệt binh sau, nghe nói hoàng thượng không thèm nói với y một câu nào.

Ai nấy đều im lặng; việc này có dính dáng đến bản thân nhà vua, nên không thể phê phán gì được.
Công tước nói:

- Quân hỗn láo! các ông có biết Metivie không? Sáng hôm nay tôi vừa đuổi hắn ra khỏi nhà. Hắn có đến đây, người ta đã cho hắn đến phòng tôi: tuy tôi đã dặn là không được cho ai vào hết. - công tước vừa nói vừa giận dữ đưa mắt nhìn con gái. Rồi công tước kể lại câu chuyện giữa ông với viên thầy thuốc người Pháp và những lý do khiến ông tin chắc rằng Metivie là một tên do thám.

Mặc dù những lý do đó chẳng đầy đủ tí nào và lại không có gì rõ rệt, nhưng cũng không có ai cãi lại.
     
Đến món thịt quay người nhà dọn rượu sâm banh ra. Các tân khách đứng dậy chúc mừng lão công tước. Công tước tiểu thư Maria cũng đến gần ông.
   
Lão công tước đưa đôi mắt lạnh lùng, hằn học nhìn nàng và giơ cái má nhăn nheo cạo nhẵn ra cho nàng. Vẻ mặt của công tước nói với nàng rằng ông chưa quên câu chuyện ban sáng đâu, rằng ông vẫn giữ nguyên quyết định cũ và chỉ vì bây giờ đang có khách nên ông mới không nói ra đấy thôi.
Khi họ sang phòng khách dùng cà phê, mấy ông già ngồi lại với nhau.

Công tước Nikolai Andreyevich hoạt bát lên và phát biểu những quan điểm của mình về cuộc chiến tranh sắp tới.
   
Ông nói rằng trong những cuộc chiến tranh với Napoléon, ta sẽ thất bại nếu cứ tìm cách liên minh với người Đức và cứ bị hoà ước Tilzit lôi cuốn mà xen vào các công việc của châu Âu, ta không thể chiến đấu cho nước Áo, cũng không thể chiến đấu chống lại nước Áo. Tất cả chính sách của ta phải nhằm vào phương Đông, còn đối với Bonaparte thì chỉ có một cách thôi, là võ trang phòng thủ biên giới và áp dụng một chính sách cứng cỏi, như thế thì hắn sẽ không bao giờ dám bước chân qua biên giới Nga như năm 1807 nữa.

Bá tước Roxtopsin nói:

- Nhưng thưa công tước, ta làm sao mà chiến đấu với quân Pháp được! Chả nhẽ đánh nhau với các bậc thầy và các bậc thần thánh của mình sao? Xin công tước cứ thử xem giới thanh niên và giới phụ nữ của ta. Thần thánh của ta là người Pháp, thiên đường của ta là Paris.
   
Ông bắt đầu nói to hơn, chắc hẳn là để cho mọi người đều nghe thấy.

- Áo quần cũng của Pháp, tư tưởng cũng của Pháp, tình cảm cũng của Pháp! Đấy công tước vừa túm cổ Metivie đuổi ra ngoài vì hắn là một thằng Pháp và là một thằng vô lại, nhưng các tiểu thư của ta thì lại quỳ gối lê theo hắn. Hôm qua tôi có đi dự một tối tiếp tân trong năm cô tiểu thư thì đã có ba cô theo công giáo. Họ được giáo hoàng cho phép thêu thùa vào ngày chủ nhật. Các tiểu thư đó ăn mặc thế nào mà nói vô phép - Trông gần như trần truồng, giống cái biển treo ở các hiệu tắm ấy. Chao ôi, thưa công tước, cứ trông đám thanh niên lại muốn ra viện bảo tàng lấy cái gậy vồ của Piotr đại đế mà nện vào sườn họ theo kiểu của người Nga, để cho cái ngu muội của họ phải bật ra ngoài mới thôi.

Mọi người đều im lặng. Lão công tước mỉm cười nhìn Roxtopsin và gật đầu tỏ ý đồng tình.

- Thôi xin kính chào công tước, kính chúc ngài khoẻ mạnh, - Roxtopsin vừa nói vừa đứng dậy giơ tay ra cho công tước bắt, với những động tác nhanh nhẹn đặc biệt của ông.

- Chào ông bạn thân mến… Ông nói chuyện thật như nhả ngọc phun châu, nghe mãi không chán!
Công tước nói, giữ lấy bàn tay Roxtopsin một lát và giơ má ra cho ông ta hôn.

Các tân khách đều theo gương Roxtopsin đứng dậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:09:22 pm
Phần VIII
Chương - 4
     
Công tước tiểu thư Maria ngồi trong phòng khách nghe những câu chuyện bình phẩm bàn bạc của mấy cụ già, nhưng không hiểu gì cả; nàng chỉ lo không biết các tân khách có để ý nhận thấy thái độ thù hằn của cha nàng đối với nàng không. Thậm chí nàng cũng không để ý đến thái độ của Boris Drubeskoy đến nhà lần này là lần thứ ba: chàng có những cử chỉ rất nhã nhặn và có vẻ đặc biệt ân cần chăm sóc đối với nàng.
   
Công tước tiểu thư Maria đưa đôi mắt ngơ ngác và có ý dò hỏi nhìn Piotr là người khách cuối cùng, tay cầm mũ và gương mặt tươi cười đang lại gần nàng sau khi công tước đã đi ra, và chỉ còn hai người trong phòng khách.

- Tôi ngồi lại một lát có được không? - Piotr nói và gieo cái thân hình to béo của mình xuống chiếc ghế bành bên cạnh tiểu thư Maria.

- Được chứ, - nàng đáp, và đôi mắt nàng như muốn nói: "Anh không để ý thấy gì sao?".

Piotr đang ở trong cái tâm trạng dễ chịu thường thấy sau bữa ăn chiều. Chàng nhìn thẳng trước mặt và khẽ mỉm cười.

- Tiểu thư quen thanh niên ấy đã lâu chưa? - chàng nói.

- Người nào?

- Drubeskoy ấy.

- Không mới thôi…

- Thế nào, tiểu thư có cảm tình với anh ta chứ?

- Phải, anh ta là một người rất dễ chịu… Tại sao anh lại hỏi tôi như vậy? - tiểu thư Maria nói, trong khi vẫn
tiếp tục nghĩ đến câu chuyện hồi sáng với cha.

- Vì tôi đã quan sát thấy rằng: một chàng thanh niên Petersburg mà về nghỉ phép ở Moskva thì thường chỉ có mục đích là đi tìm một cô vợ giàu.

- Anh quan sát thấy như vậy à? - Nữ công tước Maria nói.

- Vâng, - Piotr mỉm cười nói tiếp, - và chàng thanh niên này thì bao giờ hễ chỗ nào có đám giàu sang là y như chỗ ấy có mặt anh ta. Tôi đọc được trong bụng anh ta như đọc một quyển sách ấy. Bây giờ anh ta đang phân vân không biết nên tấn công ai: tấn công tiểu thư hay Mademoiselle Juyly Karaghina. Anh ta theo cô ấy riết lắm!

- Anh ta hay lại đằng ấy à?

- Vâng, đến luôn đấy. Thế tiểu thư có biết cái lối tán tỉnh kiểu mới bây giờ thế nào không? - Piotr nói, miệng mỉm cười vui vẻ, hẳn chàng đang trong tâm trạng vui vẻ và tính bông lơn mà chàng vẫn hay tự trách mình trong quyển nhật ký.

- Không, - tiểu thư Maria nói.

- Bây giờ muốn lọt mắt xanh các thiếu nữ Moskva thì phải có vẻ u hoài. Mà bên cạnh cô Karaghina thì anh ta có vẻ u hoài lắm!

- Thật ư? - Công tước tiểu thư Maria nói, mắt nhìn vào gương mặt hiền hậu của Piotr và vẫn không thôi nghĩ đến nỗi buồn khổ của mình. Nàng nghĩ thầm: "Chắc mình sẽ nhẹ nhõm hơn nếu đem tất cả những nỗi buồn của mình thổ lộ với một người nào. Giá có thể nói hết với Piotr thì hay quá. Anh ấy tốt bụng và cao thượng. Mình sẽ đỡ khổ. Chắc anh ấy sẽ khuyên bảo mình!".

- Tiểu thư liệu có lấy anh ta được không?, Piotr hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:10:23 pm
- Trời ơi, bá tước ạ! Có những phút tôi sẵn sàng lấy bất cứ ai, tiểu thư Maria bỗng thốt lên, và chính nàng cũng không ngờ mình nói như thế. Giọng nói của nàng đầy nước mắt. - Ôi, nhiều khi thật khổ tâm vì mình yêu quý một người rất thân mà lại cảm thấy rằng… (nàng nói tiếp, giọng run run) mình không thể làm gì cho người ấy được, chỉ làm cho người ấy buồn khổ thôi, thật khổ tâm khi biết rằng mình không thể thay đổi tình trạng ấy. Nếu vậy chỉ còn một cách - là bỏ đi, nhưng tôi biết đi đâu bây giờ?

- Kìa tiểu thư, tiểu thư có chuyện gì thế?

Nhưng công tước tiểu thư Maria chưa nói hết đã khóc oà lên.

- Tôi không biết hôm nay tôi ra làm sao nữa. Anh đừng nghe tôi xin anh quên những điều tôi vừa nói đi.
Vẻ vui tươi của Piotr bỗng biến đi hết. Chàng ân cần hỏi công tước tiểu thư, xin nàng nói hết với mình, thổ lộ cho mình biết nỗi buồn của nàng, nhưng nàng chỉ nói lại rằng nàng xin Piotr quên những điều nàng vừa nói đi, và nàng không có gì buồn ngoài cái việc mà Piotr đã biết, - là nàng sợ cuộc hôn nhân của công tước Andrey sẽ làm hai cha con xích mích với nhau.

- Anh có nghe nói gì về gia đình Roxtov không? - nàng hỏi để lảng sang chuyện khác. - Tôi nghe họ nói là nay mai họ sắp đến đây, Andrey cũng sắp về rồi. Nếu họ gặp nhau ở đây thì hay lắm.

- Thế bây giờ thái độ của cụ đối với việc này ra sao? - Piotr hỏi, chàng dùng chữ "cụ" để chỉ lão công tước.
Công tước tiểu thư Maria lắc đầu:

- Nhưng biết làm thế nào? Chỉ vài tháng nữa là được một năm, mà việc đó thì không thể được. Tôi cũng chỉ
muốn sao tránh cho anh tôi những phút đầu. Giá họ đến sớm thì hay hơn. Tôi hy vọng sẽ hợp với cô ấy… - tiểu thư Maria nói tiếp - Anh biết gia đình ấy đã lâu xin anh hãy nói thật cho tôi được rõ, xin anh hết sức chân thành nói hết sự thật: cô con gái đó thế nào, và anh thấy cô ấy ra sao? Nhưng xin anh nói cho thật; vì anh cũng biết đấy, Andrey làm một việc trái với ý cha như thế này là rất mạo hiểm… cho nên tôi mong được biết…

Một bản năng mơ hồ nói với Piotr rằng sở dĩ tiểu thư Maria rào trước đón sau và nhiều lần xin chàng nói hết sự thật như vậy, chính vì nàng không có thiện cảm với người chị dâu tương lai, rằng nàng muốn Piotr đừng tán thành cách lựa chọn của công tước Andrey, nhưng Piotr nói ra những điều mà chàng cảm thấy nhiều hơn là nghĩ.

- Tôi không biết nên trả lời câu hỏi của tiểu thư như thế nào. - Piotr nói và đỏ mặt, chẳng biết tại sao. - Tôi quả thật không biết người con gái ấy là thế nào, tôi không tài nào phân tích cô ấy được. Cô ấy đáng yêu lắm. Còn tại sao thì tôi không biết: đấy về cô ấy thì tôi chỉ nói được có thế thôi.

Công tước tiểu thư Maria thở dài, và vẻ mặt nàng như muốn nói: "Phải, tôi cũng đoán thế, và đó chính là
điều tôi sợ". Nàng hỏi:

- Cô ấy có thông minh không?

Piotr ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Theo tôi thì không… nhưng thật ra thì có… Cô ấy chẳng chú ý đến chỗ là người thông minh… Nhưng không, cô ấy đáng yêu lắm, và chỉ có thế thôi.

Công tước tiểu thư Maria lại lắc đầu có vẻ không bằng lòng.

- Ô tôi muốn yêu cô ấy quá! Xin anh nói với cô ấy như thế, nếu anh gặp cô ấy trước tôi.

- Tôi có nghe nói là nay mai họ sẽ đến đây. - Piotr nói.
     
Công tước tiểu thư Maria cho Piotr biết dự định của nàng là hễ gia đình Roxtov đến, nàng sẽ làm thân với chị dâu tương lai và sẽ cố gắng làm cho lão công tước quen với nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:12:15 pm
Phần VIII
Chương - 5

Trù tính lấy một người vợ giàu ở Petersburg nhưng không xong, Boris bèn đến Moskva cũng với dự định ấy. Ở Moskva, Boris phân vân giữa hai đám giàu có nhất: Juyly và nữ công tước Maria.
   
Chàng thấy nữ công tước Maria tuy có xấu thật nhưng vẫn còn hấp dẫn hơn Juyly Karaghina, và không hiểu tại sao chàng cứ thấy ngượng ngùng khi tìm cách tán tỉnh nữ công tước. Lần gặp nàng vừa rồi, nhân ngày lễ thánh của lão công tước, chàng đã hết sức tìm cách nói chuyện tình cảm với nàng, nhưng nàng trả lời chẳng đâu vào đâu và chắc hẳn là không nghe chàng nói.
   
Juyly thì ngược lại, tuy đón nhận những lời tán tỉnh của chàng theo một lối đặc biệt chỉ riêng nàng có, nhưng dù sao cũng rất vui lòng đón nhận.
   
Lúc này Juyly đã hai mươi bảy tuổi. Sau khi hai anh nàng chết đi nàng đã trở nên giàu có. Bây giờ nàng không còn một chút nhan sắc nào; nhưng nàng lại tưởng đâu rằng không những mình vẫn đẹp như xưa, mà lại có sức hấp dẫn hơn trước nhiều. Có những điều góp phần làm cho nàng lầm tưởng như vậy, trước hết là nàng đã trở thành một "đám" rất giàu có, và thứ hai là nàng càng đứng tuổi thì bớt nguy hiểm cho đàn ông đàn ông càng có thể nói năng với nàng tự nhiên hơn và tha hồ dự những bữa tiệc, những tối tiếp tân, cho nên giới giao tế tấp nập lui tới nhà nàng mà không sợ bị ràng buộc gì. Một người đàn ông mười năm trước đây không dám hàng ngày đến chơi một nhà có cô con gái mười bảy tuổi vì sợ làm nàng mang tiếng và sợ mình bị ràng buộc, thì bây giờ ngày nào cũng mạnh dạn đến nhà nàng và ăn nói với nàng không phải như với một cô gái chưa chồng, mà như với một người quen không phân biệt nam nữ.
   
Mùa đông năm ấy ở Moskva nhà Karaghina là nhà thú vị nhất và mến khách nhất. Ngoài những tối tiếp tân và những bữa tiệc sang trọng, ngày nào ở nhà Juyly cũng rất đông khách khứa, đặc biệt là khách nam giới, dùng bữa ăn khuya lúc mười hai giờ đêm và ngồi ráng lại đến hơn hai giờ sáng. Không có lấy một buổi vũ hội, một buổi dạo chơi, một buổi diễn kịch nào mà Juyly lại bỏ qua. Cách phục sức của nàng bao giờ cũng đúng thời trang mới nhất. Tuy vậy Juyly vẫn làm ra vẻ chán ngán mọi sự đời, với ai nàng cũng nói là mình không còn tin vào tình bạn hay tình yêu gì nữa, không tin là cuộc sống có thể đưa lại một niềm vui nào, và chỉ chờ được yên tĩnh ở thế giới bên kia mà thôi.
   
Nàng bắt chước giọng nói của một người đã từng vỡ mộng đau đớn của một thiếu nữ đã mất người yêu hoặc bị người yêu phụ bạc tàn nhẫn. Tuy xưa nay nàng chưa hề gặp chuyện gì tương tự, người ta vẫn coi nàng là một người như vậy và chính nàng cũng đâm ra tin rằng mình đau khổ nhiều trong cuộc đời. Nỗi buồn u uẩn này không hề cản trở nàng vui chơi, cũng không ngăn trở các chàng thanh niên đến nhà nàng tiêu hao ngày giờ một cách dễ chịu. Mỗi tân khách đển nhà nàng đều chiểu theo cái tâm trạng u hoài của nữ chủ nhân một chút cho trọn đạo rồi sau đó lại nói chuyện, lại khiêu vũ, lại chơi những trò đấu trí, những trò ghép thơ, là những trò chơi rất được ưa chuộng ở nhà Juyly. Chỉ có vài chàng thanh niên, trong số đó có Boris, là đi sâu vào tâm trạng u uẩn của nữ chủ nhân, và với mấy chàng thanh niên đó nàng có những cuộc nói chuyện rất lâu về sự phù phiếm của mọi việc trên thế gian này, và mở cho họ xem những tập an-bom của nàng, đầy những hình vẽ, những câu cách ngôn và những câu thơ buồn.
   
Juyly đặc biệt dịu dàng đối với Boris: nàng thương xót cho tuổi thanh xuân của chàng đã quá sớm vỡ mộng, khuyên chàng hãy lấy tình bạn của nàng mà tự an ủi, nàng rất có thể đem lại cho chàng những niềm an ủi đó, vì chính đời nàng cũng đã từng đau khổ nhiều, và nàng mở tập an-bom cho chàng xem. Boris vẽ vào an-bom cho nàng hai cái cây và viết: "Hỡi những cổ thụ mộc mạc, những cành lá âm u của các người gieo vào lòng ta bóng tối và u sầu".

Ở một chỗ khác chàng vẽ một nấm mồ và viết:
         
Chết là thoát khổ bình yên.
       
Muốn tránh đau khổ đừng tìm ở đâu.


Juyly nói rằng những ý đó thật là tuyệt diệu.

- Có một cái gì thật là lôi cuốn trong nụ cười của u hoài - nàng nói với Boris đúng y từng chữ một câu lấy trong sách ra. - Đó là một tia sáng trong bóng tối, là một sắc thái xoa dịu giữa đau khổ và tuyệt vọng, nó cho ta thấy rằng có thể có được một niềm an ủi. Sau đó Boris lại viết cho nàng mấy câu thơ:
         
Là thuốc độc của tâm hồn đa cảm
         
Không có ngươi hạnh phúc chẳng còn chi
         
U hoài ơi, hãy an ủi ta đi
         
Làm dịu bớt cảnh âm u ẩn dật
         
Đem đến chút khổ đau sâu kín
         
Khi lệ ta đang lặng lẽ trào tuôn.

Juyly lấy thụ cầm ra gảy cho Boris nghe những dạ khúc u sầu nhất. Boris đọc cho nàng nghe truyện "Nàng Lise bất hạnh"(1) và trong khi đọc chàng phải dừng lại mấy lần vì xúc động nghẹn ngào.
     
Những khi gặp nhau giữa đám tân khách đông đúc Juyly Karaghina và Boris nhìn nhau như hai tâm hồn duy nhất có thể hiểu nhau giữa cái thế gian lãnh đạm vô tình.
   
Bà Anna Mikhailovna vốn thường hay đến nhà Juyly Karaghina đánh bài với bà mẹ và nhân thể thu lượm những tài liệu đích xác về món của hồi môn của Juyly (gồm có hai điền trang ở Penza và mấy khu rừng ở Niznyi Novgorod). Đây là lòng phục tòng ý chúa, bà Anna Mikhailovna nhìn nỗi buồn cao thượng gắn bó con trai bà với nàng Juyly Karaghina giàu có với lòng thương cảm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:12:58 pm
- Tiểu thư bao giờ cũng mơ mộng và thật đáng yêu, tiểu thư Juyly yêu quý ạ! - bà ta nói với cô con gái. - Boris nói rằng đến nhà tiểu thư tâm hồn cháu mới được thư thái. Cháu nó vốn đã chịu đựng nhiều nỗi thất vọng, và tâm hồn lại rất đa cảm, - bà ta nói với bà mẹ.

- Con ơi, gần đây mẹ thấy mến Juyly quá, - bà Anna Mikhailovna nói với con trai, - Mẹ không thể tả cảm xúc đó cho con nghe được? Vả lại ai mà có thể không yêu Juyly Karaghina?

- Thật là một con người thiên giới, Boris, Boris ơi! - Bà im lặng một lát. - Mẹ thấy thương bà mẹ của cô ấy quá. - Bà nói tiếp. - Hôm nay bà ta vừa cho mẹ xem những lô giấy tính tiền và những bức thư ở Penza gửi về (họ có những điền trang rộng mênh mông ở đấy) tội nghiệp một mình bà ta phải cáng đáng hết mọi việc!
     
Boris khẽ mỉm cười một nụ cười tế nhị trong khi nghe mẹ nói. Chàng nhẹ nhàng giễu cợt cái mưu mẹo ngây thơ của mẹ, nhưng cũng chú ý nghe và thỉnh thoảng có vẻ quan tâm hỏi han bà về các điền trang ở Penza và ở Niznyi Novgorod.

Juyly đã từ lâu chờ đợi lời cầu hôn của con người u sầu đang thờ phụng mình, và đã sẵn sàng tiếp nhận lời cầu hôn đó; nhưng Boris có một cảm giác ghê tởm thầm kín đối với nàng, đối với lòng thèm muốn lấy chồng cuồng nhiệt của nàng, đối với vẻ giả tạo của nàng; và một cảm giác sợ hãi nghĩ mình đã từ bỏ mối hy vọng sẽ tìm được một người yêu chân chính vẫn còn ngăn chặn Boris.  Thời hạn nghỉ phép của chàng đã sắp hết. Ngày nào cũng ngồi suốt ngày ở nhà gia đình Juyly, và ngày nào chàng cũng nghĩ đi nghĩ lại, rồi tự nhủ là ngày mai mình sẽ ngỏ lời cầu hôn. Nhưng khi đứng trước Juyly, trông thấy cái mặt đỏ và cái cằm hầu như bao giờ cũng trát bự phấn của nàng, đôi mắt ướt át và gương mặt lúc nào cũng như sẵn sàng từ vẻ u sầu chuyển ngay tức khắc sang vẻ hân hoan đường đột trước hạnh phúc lứa đôi, những khi ấy Boris không sao nói ra được những lời có tính chất quyết định, mặc dầu đã từ lâu trong trí tưởng tượng Boris đã hình dung mình làm chủ các điền trang Penza và Nizni Novgorod và đã trù tính cách sử dụng số hoa lợi của hai nơi này. Juyly Karaghina thấy rõ Boris lưỡng lự và thỉnh thoảng nàng thoáng có ý nghĩ rằng chàng ghét mình; nhưng lập tức lòng tự ái của phụ nữ lại an ủi nàng và nàng tự nhủ rằng chàng rụt rè như vậy chẳng qua là quá yêu nàng. Tuy nhiên nỗi u sầu của nàng bắt đầu chuyển thành một tâm trạng cáu bẳn, và trước hôm Boris ra đi ít lâu nàng bắt đầu thực hiện một kế hoạch quyết liệt, đúng vào lúc thời hạn nghỉ phép của Boris sắp chấm dứt, ở Moskva và dĩ nhiên là ở phòng khách của nhà Juyly Karaghina, bỗng thấy Anatol Kuraghin xuất hiện, và Juyly Karaghina đột nhiên bỏ vẻ u sầu vui hẳn lên và tỏ ra rất ân cần đối với Kuraghin.
     
Bà Anna Mikhailovna bảo con trai:

- Anh bạn ơi, tôi được biết qua một nguồn tin chắc chắn là công tước Bazil cho con trai đến Moskva để tìm cách lấy Juyly đấy, tôi quý Juyly lắm, nên thấy thương cô ta quá. Anh bạn ơi, anh nghĩ thế nào đây?
   
Nghĩ rằng mình có thể bị tâng hẩng và mất toi một tháng trời khó nhọc làm ra vẻ u sầu để phục vụ Juyly và bao nhiêu hoa lợi của các điền trang ở Penza mà trong tưởng tượng chàng đã phân phối và dự trù cách sử dụng sẽ rơi vào tay kẻ khác - Nhất là lại rơi vào tay thằng Anatol ngu xuẩn - ý nghĩ khiến cho Boris rất cay cú. Chàng liền đến nhà Juyly với ý định quả quyết là sẽ ngỏ lời cầu hôn. Juyly tiếp chàng một cách vui vẻ và vô tự lự, lơ đễnh kể lại rằng trong buổi vũ hội tối qua nàng rất vui, và hỏi xem bao giờ thì chàng đi.
     
Tuy Boris có ý định đến nói rõ tình yêu của mình cho nên đã dự tính trước là sẽ dịu dàng âu yếm, nhưng bây giờ chàng lại quay ra nói một cách bực bội rằng lòng dạ đàn bà thật dễ thay đổi: rằng họ có thể chuyển một cách dễ dàng từ buồn sang vui, rằng tâm trạng họ tuỳ chỗ người đến tán tỉnh họ là ai. Lòng tự ái bị xúc phạm, Juyly nói rằng quả đúng như vậy, phụ nữ vốn cần thay đổi, và nếu lúc nào cũng như lúc nào thì ai cũng phải phát chán.

- Về điều này tôi xin khuyên cô, - Boris mở đầu toan nói một câu cạnh khoé, nhưng ngay phút ấy chàng lại cay cú nghĩ rằng mình có thể rời Moskva tay không và bao nhiêu công phu khó nhọc bấy lâu sẽ mất toi cả (xưa nay chàng chưa hề gặp phải một trường hợp nào như thế). Đang nói dở câu, chàng ngừng lại, cụp mắt xuống để khỏi thấy cái mặt bực tức khó chịu và có vẻ phân vân của Juyly, rồi nói - Tôi đến đây tuyệt nhiên không phải để sinh sự với cô. Trái lại. Chàng đưa mắt nhìn nàng để liệu xem có thể nói tiếp được không. Tất cả cái vẻ bực tức của nàng bỗng biến đi đâu hết. và đôi mắt lo lãng, thỉnh cầu đang chăm chăm nhìn chàng, hau háu chờ đợi.

"Ta vẫn có thể thu xếp thế nào để ít gặp cô ta. - Boris thầm nghĩ. - Còn cơ sự này đã chót thì phải chét?" Chàng đỏ bừng hai má, ngước mắt lên nhìn nàng và nói:

- Cô cũng rõ tình cảm của tôi đối với cô rồi!

Không cần phải nói thêm gì nữa: gương mặt của Juyly rạng rỡ lên vì đắc thắng và thoả mãn, nhưng nàng bắt Boris phải nói với nàng cho kỳ hết tất cả những điều người ta thường nói trong những trường hợp như vậy; phải nói rằng chàng yêu nàng và chưa bao giờ chàng yêu một người phụ nữ nào hơn nàng. Nàng biết rằng hai điền trang Penza và mấy khu rừng ở Nixni Novgorod cho phép nàng đòi hỏi như vậy, và nàng nhận được những điều mà nàng đòi hỏi.
   
Đôi vợ chồng chưa cưới bây giờ không còn cân nhắc đến những cây cổ thụ gieo bóng tối u sầu vào tâm hồn họ nữa; họ trù tính dọn một ngôi nhà lộng lẫy ở Petersburg, họ đi thăm hỏi các nơi chuẩn bị chu đáo cho một đám cưới thật sang trọng.

=====================================================

Chú thích:

(1) Tiểu thuyết của Caramdin, thế kỷ 19, kể chuyện một người con gái nông thôn yêu một người quý tộc rồi bị người ấy bỏ nên nhẩy xuống sông trầm mình.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:13:44 pm
Phần VIII
Chương - 6
     
Vào cuối tháng giêng, bá tước Ilya Andreyevich cùng với Natasa và Sonya đến Moskva. Bá tước phu nhân không được khoẻ nên không đi được, - Mà đợi cho phu nhân khoẻ thì không xong, vì công tước Andrey chỉ nay mai là về đến Moskva, ngoài ra còn phải mua sắm các thứ cho cô dâu, phải bán cái trang viên ở ngoại ô Moskva và nhân dịp lão công tước còn ở Moskva mà giới thiệu cho ông biết mặt cô dâu tương lai. Ngôi nhà của gia đình Roxtov ở Moskva không đốt lò sưởi; vả chăng họ chỉ ở lại một thời gian ngắn, lại không có bá tước phu nhân cùng đi, cho nên ông Ilya Andreyevich quyết định tạm ở nhà bà Maria Dmitrevna Akhroiximova là người đã từng mời bá tước đến chơi nhà từ lâu.
   
Trời đã khuya khi bốn chiếc xe ngựa của gia đình Roxtov đi vào sân nhà bà Maria Dmitrievna ở phố Xtaraya Konyusennaya.

Bà Maria Dmitrievna sống một mình. Cô con gái của bà đã đi lấy chồng. Mấy cậu con trai thì đều đang tại ngũ.
   
Bà Maria Dmitrievna vẫn như xưa, người vẫn đứng rất thẳng, vẫn to giọng và quả quyết nói thẳng ý mình ra với mọi người, và cả con người của bà vẫn như một sự phản kháng chống lại những sự yếu đuối những thói ham mê, những dục vọng của kẻ khác mà không bao giờ chịu thừa nhận. Dậy từ sáng sớm, mình mặc áo ngắn, bà trông nom việc nhà; sau đó, vào các ngày lễ, bà đi nhà thờ và sau khi xem lễ bà đến các nhà lao, nhà tù; ở đấy có những công việc mà bà không bao giờ nói cho ai biết; còn những ngày thường thì sau khi mặc áo, bà ở nhà tiếp những người đủ mọi tầng lớp hàng ngày vẫn đến kêu xin bà giúp đỡ, rồi đi ăn trưa. Bữa ăn trưa của bà bao giờ cũng đầy đủ các món ăn cao lương béo bổ, hôm nào cũng có ba bốn người khách đến dự: sau bữa ăn trưa bà đánh mấy ván Boston, đến tối bà sai người nhà đọc báo và sách mới cho bà nghe, trong khi bà ngồi đan. Hoạ hoằn lắm bà mới thay đổi cách dùng thời gian ấy để đi ra ngoài, và có chăng cũng chỉ là đi đến các nhân vật quan trọng nhất trong thành phố.

Hôm ấy bà Maria Dmitrievna chưa đi ngủ thì cánh cửa ở phòng ngoài đã quay ken két trên bản lề mở lối cho gia đình Roxtov và các gia nhân từ ngoài lạnh bước vào. Bà Maria Dmitrievna cặp mục kính tụt xuống giữa sống mũi, đầu hất ra phía sau, đứng ở cửa vào gian phòng khách, vẻ nghiêm khắc và giận dữ nhìn những người mới vào. Có thể tưởng chừng bà đang có điều gì căm tức họ lắm và sắp đuổi cổ họ đi ngay bây giờ, nếu cùng lúc ấy bà không sốt sắng sai bảo người nhà dọn buồng và xếp đồ đạc cho các vị khách.

- Đồ của bá tước à? Đem lại đây! - Bà chỉ chồng va ly nói, chẳng chào hỏi ai cả. - Này, các cô, phía này, sang bên trái ấy, kìa, sao đứng đực ra đấy hở? - Bà quát mấy cô đầy tớ gái - Đun ấm lò nhanh lên! Cô bé đây ra, xinh ra nhiều đấy bà vừa nói vừa kéo chiếc khăn trùm của Natasa, bấy giờ má đỏ ứng lên vì trời lạnh giá. - Úi chà! Người lạnh toát ra thế này! Thôi cởi áo nhanh lên, - Bà quát lão bá tước bấy giờ đang đến gần định hôn tay bà. - Chắc rét cóng rồi còn gì. Rót thêm rượu rhum vào trà nhé! Sonyuska, bonjour - bà nói với Sonya dùng lối chào bằng tiếng Pháp này để biểu hiện thái độ âu yếm bề trên đối với Sonya.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 08:14:33 pm
Sau khi đã thay áo và nghỉ một lát cho lại sức, khách ra dùng trà, bà Maria Dmitrievna lần lượt hôn tất cả mọi người.

- Bác với hai cháu đã lên đây ghé lại nhà tôi, tôi hết sức vui lòng - Bà nói. Đáng lẽ nên đến đây từ lâu kia mới phải, - bà đưa mắt nhìn Natasa một cách hóm hỉnh… - Ông cụ hiện đang ở đây và cậu con trai nay mai cũng sắp về. Phải làm quen với ông ta mới được, phải làm quen đi. Thôi, việc này ta sẽ bàn sau - Bà nói thêm, đưa mắt sang phía Sonya ý muốn tỏ ra rằng trước mặt nàng bà không muốn nói đến việc này. Rồi bà bảo lão bá tước - Bây giờ thì òng nghe đây, ngày mai ông định làm những gì nào? Ông muốn cho gọi ai đến? Sinsin nhé? - bà gập một ngón tay lại, - Mụ Anna Mikhailovna hay khóc kia nữa, là hai. Mụ ta với thằng con trai hiện đang ở đây. Cưới vợ cho con mà lại! Rồi đến Piotr Bezukhov chứ gì? Cả hai vợ chồng anh ta cùng đang ở đây. Anh ta trốn vợ, vợ liền rượt theo. Thứ tư vừa rồi anh ta ăn trưa ở nhà tôi đấy. Đây, còn hai cô này - Bà chỉ hai chị em Natasa - mai tôi sẽ đi nhà thờ Iverxkay xong đến hiệu Ober Salme. Chắc phải may đồ mới cả chứ gì? Đừng có bắt chước tôi, bây giờ họ mặc ống tay áo như thế này này! Vừa rồi công tước tiểu thư Irina Vaxilievna đến tôi; trông đến khiếp, cứ như đeo hai cái thùng rượu ở hai cánh tay. Bây giờ thế đấy, mỗi ngày lại có một mốt mới. Thế còn ông có những công việc gì nào? - Bà nói với bá tước, giọng nghiêm nghị.

- Cứ bỗng đâu dồn dập kéo đến một lúc, - Bá tước đáp. - Phải mua sắm các thứ áo xống cho hai cháu lại phải tìm người mua cái trang viên ngoại thành với toà nhà. Nếu bà vui lòng cho phép, tôi sẽ chọn lúc đi
Marinxkoye một ngày để hai cháu ở nhà bà trông giúp.

- Được được, ở nhà tôi chúng nó sẽ được an toàn. Ở nhà tôi thì cũng như ở hội đồng giám hộ ấy. Tôi sẽ đem chúng đi những nơi cần đi, tôi sẽ ta mắng chút ít và cũng sẽ âu yếm chúng nó - bà Maria Dmitrievna nói, bàn tay to tướng đưa lên vuốt má Natasa, cô con gái đỡ đầu yêu dấu của bà.
   
Sáng hôm sau Maria Dmitrievna dẫn hai tiểu thư đi đến nhà thờ Iverxkaya và đến cửa hiệu Ober Sanme, một bà chủ hiệu may áo phụ nữ xưa nay vốn sợ bà Maria Dmitrievna đến nỗi bao giờ cũng bán lỗ vốn cho bà ta để bà ta về đi cho nhanh. Bà Maria Dmitrievna đặt may gần hết các thứ cần dùng. Về đến nhà, bà đuổi mọi người ra ngoài phòng, trừ Natasa, và gọi nàng lại ngồi bên chiếc ghế bành của bà.

- Nào, bây gìờ ta nói chuyện. Ta có lời mừng con về anh chồng chưa cưới. Con kiếm được một anh chàng rất khá đấy! Ta rất mừng cho con; ta biết nó từ hồi hãy còn bằng ngần này này (bà giơ tay cách mặt đất một ác-sin) - Natasa đỏ mặt lên vì vui sướng - Ta rất mến nó và cả gia đình nhà nó. Bây giờ con nghe đây. Con cũng biết rằng lão công tước Nikolai chẳng muốn cho con trai lấy vợ một tí nào. Thật là một ông già khó tính! Cố nhiên công tước Andrey không phải là đứa trẻ, không cần đến lão già cũng cứ xong, nhưng về nhà người ta mà trái ý ông bố chồng cũng không tốt đâu. Phải cho êm thấm, cho hoà thuận. Con là một người thông minh, con sẽ biết cách cư xử cho phải. Con phải cho hiền hậu, cho khéo léo. Thế là mọi việc sẽ ổn thoả thôi.
   
Natasa im lặng; bà Maria Dmitrievna nghĩ rằng nàng bẽn lẽn nên không nói gì, nhưng thật ra nàng khó chịu vì có người xen vào việc của nàng với công tước Andrey, là một việc mà nàng cho là tách hẳn ra khỏi mọi công việc của người đời, đến nỗi theo nàng không ai có thể hiểu được. Nàng chỉ yêu và chỉ biết có một mình công tước Andrey, công tước Andrey yêu nàng, và nay mai sẽ trở về đem nàng đi. Ngoài ra nàng không cần gì hết.

- Con thấy không, ta biết nó từ lâu, và Masenka cô em chồng của con, ta cũng rất mến. Em chồng thì ghét chị dâu, thói đời vẫn thế, nhưng cô em chồng này thì một con ruồi bay qua cũng không nỡ làm hại. Nó có nhờ ta giúp nó làm quen với con đấy. Mai con sẽ đi với bố đến nhà nó con phải cho dịu dàng mới được, vì con ít tuổi hơn nó. Khi thằng Andrey của con về thì con đã làm quen được với em chồng và bố chồng, đã được cả nhà quý mến rồi. Có phải thế không nào? Thế tốt hơn chứ con?

- Vâng, tốt hơn. - Natasa miễn cưỡng đáp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:49:52 pm
Phần VIII
Chương - 7
   
Ngày hôm sau, theo lời khuyên của bà Maria Dmitrevna, bá tước Ilya Andreyevich cùng với Natasa đến nhà công tước Nikolai Andreyevich. Bá tước không được vui khi sửa soạn cuộc thăm hỏi này: trong lòng ông cứ thấy lo sợ. Cuộc gặp gỡ độ nọ giữa hai người vào hồi tuyển lính còn để lại một ấn tượng quá rõ ràng trong trí nhớ của bá tước: dạo ấy, đáp lại lời mời đến dự tiệc của ông, công tước Nikolai Andreyevich đã quở mắng ông thậm tệ về việc cung cấp người không đủ. Ngược lại Natasa đã mặc chiếc áo dài đẹp nhất của nàng, và tâm trạng nàng lúc bấy giờ rất vui vẻ. "Không thể nào họ lại không mến mình được - Nàng nghĩ - Xưa nay ai cũng thích mình cả. Mà mình lại sẵn sàng làm tất cả những gì họ muốn, sẵn sàng yêu mến ông ấy - Vì ông ấy là cha của chàng, và yêu mến cô ấy vì cô ấy là em gái của chàng, thì việc gì họ lại không yêu mến mình kia chứ?".
     
Xe đến gần ngôi nhà cũ kỹ, ảm đạm ở phố Vozdviezka và hai cha con bước vào phòng ngoài.

- Nào, xin Chúa phù hộ, - Bá tước nói, nửa đùa nửa thật.
   
Nhưng Natasa nhận thấy cha nàng có vẻ luống cuống khi bước vào phòng ngoài, rụt rè hỏi nhỏ người nhà xem lão công tước và tiểu thư có nhà không.
     
Nghe nói có hai cha con bá tước Roxtov đến, trong đám gia nhân của công tước thấy nhốn nháo cả lên. Người nô bộc có nhiệm vụ báo cáo với công tước vừa chạy vào phòng khách đến phòng khách thì bị một người nội bộc khác chặn lại và hai người thì thầm gì với nhau một lúc.     Một cô đầy tớ gái chạy vào phòng khách và cũng hấp tấp nói nhỏ cái gì, trong đó có nhắc đến công tước tiểu thư. Cuối cùng một người nô bộc già, vẻ cau có, bước ra báo với hai cha con Roxtov rằng công tước hiện không tiếp khách được, nhưng công tước tiểu thư xin mời hai người vào phòng tiểu thư. Người đầu tiên ra đón khách là cô Burien. Cô tiếp đón hai cha con bá tước một cách đặc biệt lễ phép và dẫn họ vào phòng nữ công tước. Nữ công tước xúc động, hoảng hốt và mắt nổi đầy những đám đo đỏ, nặng nề chạy ra đón khách, cố làm ra vẻ vồn vã và tự nhiên mà không sao được. Thoạt nhìn thấy Natasa, công tước tiểu thư đã không có thiện cảm với nàng. Nữ công tước thấy nàng quá đỏm dáng, nhí nhảnh và tự mãn. Công tước tiểu thư không biết rằng trước khi trông thấy người chị dâu tương lai, mình đã có sẵn ác cảm đối với nàng vì bất giác ganh tị với sắc đẹp, tuổi trẻ và hạnh phúc của nàng, và ghen tuông với tình yêu của anh mình. Ngoài cái ác cảm không thể nén nổi đối với Natasa, lúc ấy công tước tiểu thư Maria lại còn đang xúc động vì việc vừa xảy ra, đó là khi người nhà vào bảo có bá tước Roxtov và tiểu thư đến, lão công tước đã quát ầm lên là ông ta không có việc gì phải tiếp họ cả, tiểu thư Maria có muốn tiếp thì cứ tiếp, chứ không được để cho họ gặp ông.
   
Công tước tiểu thư Maria quyết định tiếp hai cha con Roxtov nhưng cứ luôn luôn sợ nhỡ ra công tước có nổi giận rồi ra làm toáng lên chăng, vì công tước có vẻ rất bực tức về cuộc thăm hỏi này.

- Đây thưa công tước tiểu thư thân mến, tôi đem con bé hay hát của tôi đến ra mắt tiểu thư, - Bá tước vừa nói vừa giậm gót giày cúi chào và lo lắng đưa mắt nhìn quanh như sợ lão công tước bỗng ở đâu lù lù hiện ra chăng. - Tôi rất lấy làm mừng rằng con tôi được làm quen với tiểu thư… Rất tiếc, rất tiếc rằng công tước còn mệt…

Rồi nói xong mấy câu xã giao chung chung nữa. Ông đứng dậy:

- Thưa công tước tiểu thư, nếu tiểu thư cho phép, tôi xin để em nó ngồi lại với tiểu thư mười lăm phút, còn tôi thì có việc ra đằng quảng trường Xobatsi gần đây một chút, đến nhà bà Anna Xemionovna, sau đó tôi ghé lại đón em nó.
   
Ông Ilya Andreyevich nghĩ ra cái mánh khoé ngoại giao này là để cho chị dâu em chồng tương lai có dịp nói chuyện với nhau (về sau bá tước nói với con gái như vậy), và cũng là để tránh gặp lão công tước mà ông vẫn sợ. Điều này thì ông không nói với con gái, nhưng Natasa hiểu rằng cha mình đang lo sợ, và thấy đó là một điều nhục cho mình. Nàng đỏ mặt vì cha và lại càng thêm bực mình vì đã đỏ mặt, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào công tước tiểu thư Maria cái nhìn mạnh dạn, thách thức như muốn nói rằng nàng không sợ ai cả. Nữ công tước nói với bá tước rằng nàng rất vui lòng và chỉ xin bá tước ngồi chơi đằng nhà bà Anna Xemionovna lâu hơn ít nữa. Ông Ilya Andreyevich đi ra.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:51:35 pm
Công tước tiểu thư Maria, muốn nói chuyện riêng với Natasa, nên đã nhiều lần đưa mắt nhìn sang cô Burien lộ vẻ băn khoăn, nhưng cô ta vẫn ngồi yên tại chỗ và nói chuyện không ngớt miệng về những trò vui chơi, những buổi diễn kịch ở Moskva. Cái cảnh lúng túng diễn ra ở phòng ngoài lúc nãy, cái vẻ lo sợ của cha nàng và cái giọng không tự nhiên của công tước tiểu thư Maria, mà nàng có cảm tưởng như đang lấy lòng bề trên hạ cố tiếp chuyện nàng, đã làm cho nàng chạnh lòng.
   
Cho nên nàng thấy cái gì cũng khó chịu. Nàng không ưa công tước tiểu thư Maria. Nàng thấy cô ta rất xấu, lại giả dối và lạnh lùng. Tinh thần Natasa bỗng như co rút lại trong vỏ, và nàng bất giác nói một giọng ung dung càng khiến cho tiểu thư Maria có ác cảm đối với nàng. Sau năm phút nói chuyện một cách gượng gạo, khó nhọc, chợt nghe có tiếng chân đi giày vải bước rất nhanh.

Gương mặt công tước tiểu thư Maria lộ vẻ hoảng sợ, cánh cửa phòng mở toang, và lão công tước mình mặc áo ngủ đầu đội mũ chụp bước vào.

- A, tiểu thư, - Công tước nói. - Tiểu thư, bá tước tiểu thư… thì phải, nếu tôi không nhầm… xin lỗi tiểu thư… tôi quả không biết, xin tiểu thư hiểu cho. Quả tình tôi không được biết rằng tiểu thư đến thăm chúng tôi nên ăn mặc thế này đến phòng con gái. Xin tiểu thư thứ lỗi… quả tình, tôi không biết.
     
Công tước nhắc lại, vẻ thiếu tự nhiên, nhấn mạnh vào hai chữ quả tình giọng công tước nghe khó chịu đến nỗi công tước tiểu thư Maria đứng yên, mặt cụp xuống, không dám nhìn cha mà cũng không dám nhìn Natasa.
     
Natasa đứng dậy nhún mình chào và cũng không biết mình nên làm gì. Chỉ một mình cô Burien mỉm cười vui vẻ.

- Xin tiểu thư thứ lỗi, xin tiểu thư thứ lỗi! Quả tình tôi không biết, - Ông già lẩm bẩm, sau khi nhìn Natasa một lượt từ đầu đến chân, ông bỏ ra ngoài.
     
Cô Burien là người đầu tiên trấn tĩnh lại được sau cuộc xuất hiện này và bắt đầu nói chuyện về bệnh tình của công tước. Natasa và tiểu thư Maria im lặng ngồi nhìn nhau, và họ càng im lặng ngồi nhìn nhau, không nói ra những điều cần phải nói, thì lại càng thêm ác cảm đối với nhau.
   
Khi bá tước trở lại, Natasa mừng rỡ một cách khiếm nhã và vội vàng ra về: lúc ấy nàng gần như thù ghét cái cô nữ công tước già nua kia, đã làm cho nàng lâm vào tình cảnh rất ngượng ngùng và đã có thể ngồi với nàng nửa tiếng đồng hồ mà không nói gì đến công tước Andrey cả "Chả nhẽ mình lại đi nói trước về Andrey trước mặt cái cô người Pháp kia?" - Natasa nghĩ. Cùng lúc ấy cũng chính điều đó làm cho tiểu thư Maria bứt rứt. Nàng biết mình cần phải nói những gì với Natasa, nhưng nàng không nói được vì có cô Burien ở đấy và cũng chính vì nàng không hiểu sao lại khó nói đến cuộc hôn nhân này đến thế. Khi bá tước đã ra khỏi phòng rồi, tiểu thư Maria bước nhanh đến gần Natasa, cầm lấy tay nàng và thở dài nói: "Xin tiểu thư nán lại một lát, tôi cần…". Natasa nhìn nữ công tước Maria một cách giễu cợt, tuy chính nàng cũng không biết giễu cợt là cái gì.

- Chị Natasa Natali, công tước tiểu thư Maria nói, - Xin chị biết cho rằng tôi rất mừng là anh tôi đã tìm được hạnh phúc… - Nàng ngừng lại, cảm thấy mình đang nói dối. Natasa để ý nàng ngừng lại và đoán hiểu được nguyên do.

- Thưa công tước tiểu thư, tôi thiết tưởng lúc này không tiện nói đến việc ấy, - Natasa nói, cố làm ra vẻ nghiêm trang và lãnh đạm, nhưng đã cảm thấy nước mắt trào lên, nghẹn ngào trong cổ.

"Mình đã nói gì vậy, mình đã làm gì vậy!" - Nàng thầm nghĩ khi vừa bước ra khỏi phòng.
   
Bữa ăn trưa hôm ấy gia đình Roxtov phải đợi Natasa rất lâu. Nàng ngồi trong phòng riêng và khóc thút thít như đứa trẻ. Sonya đứng trước mặt nàng và hôn lên tóc nàng:

- Natasa tại sao lại khóc? - Sonya nói. - Natasa cần gì nghĩ đến họ? Rồi mọi việc sẽ qua cả thôi, Natasa ạ.

- Không, giá chị biết em phải chịu tủi nhục như thế nào, cứ làm như là em…

- Đừng nói nữa Natasa ạ, Natasa có lỗi gì đâu, chấp làm gì? Hôn mình đi nào? - Sonya nói.
Natasa ngẩng đầu lên và hôn lên môi bạn, áp chiếc má giàn giụa nước mắt vào nàng.

- Em không nói được, em không biết. Không có ai có lỗi cả, - Natasa nói, - Em không có lỗi. Nhưng tất cả những việc ấy làm em khổ quá. Ôi! Sao anh ấy vẫn chưa về!

Nàng ra phòng ăn, hai mắt đỏ hoe. Bà Maria Dmitriev biết rõ công tước Nikolai Andreyevich đã đón tiếp hai cha con ông Roxtov như thế nào. Bà làm ra vẻ như không để ý thấy vẻ mặt thảng thốt của Natasa, và trong khi ngồi ăn cứ cất tiếng nói sang sảng và rắn rỏi đùa cợt với bá tước và các vị khách khác.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:52:42 pm
Phần VIII
Chương - 8

Tối hôm ấy, gia đình Roxtov đi xem hát, bà Maria Dmitrievna đã mua được vé cho họ.
   
Natasa không muốn đi, nhưng không sao khước từ được tấm lòng sốt sắng mà bà Maria Dmitrievna vẫn dành riêng cho nàng.
   
Khi đã trang sức xong xuôi, nàng ra phòng khách đợi cha; nhìn vào tấm gương lớn, nàng thấy mình xinh, rất xinh, và lại càng thấy buồn hơn nữa; nhưng nỗi buồn của nàng bây giờ dìu dịu, ngọt ngào và đầy trìu mến.

"Trời ơi, giá chàng ở đây, thì ta sẽ không như trước nữa, không có cái vẻ e lệ ngốc nghếch nữa, ta sẽ khác hẳn, ta sẽ ôm lấy chàng, nép vào người chàng, ta sẽ bắt chàng nhìn ta với đôi mắt tò mò, tìm kiếm, như chàng vẫn thường nhìn, rồi ta sẽ làm cho chàng phải cười như dạo nọ. Đôi mắt của chàng - Ta thấy đôi mắt của chàng rõ quá - Natasa nghĩ thầm - Ta việc gì phải nghĩ đến cha và em chàng: ta chỉ yêu một mình chàng, mỗi mình chàng thôi, với đôi mắt, với khuôn mặt ấy, với nụ cười rắn rỏi đồng thời lại trẻ con của chàng… Không, tốt hơn là đừng nghĩ đến chàng, đừng nghĩ nữa, quên đi, quên hẳn đi trong thời gian này. Ta không chịu nổi cảnh chờ đợi này, ta sẽ khóc ngay cho mà xem" - và nàng rời khỏi tấm gương, cố nén cho khỏi khóc oà lên - Làm sao Sonya lại có thể yêu Nikolai đằm thắm, thanh thản như vậy, và có thể chờ đợi mãi một cách nhẫn nại như thế! - nàng nghĩ thầm khi trông thấy Sonya bấy giờ cũng đã trang sức xong, bước vào phòng khách tay cầm chiếc quạt. - Không, chị ấy khác hẳn, còn ta không thể như thế được!"
   
Giờ phút này Natasa cảm thấy lòng mình dạt dào một tình cảm bồng bột đến nỗi yêu và biết được mình được yêu đối với nàng vẫn chưa đủ: bây giờ ngay bây giờ nàng cần được ôm lấy người yêu, được nói và nghe người yêu nói những lời chan chứa yêu đương tràn ngập lòng nàng. Trong khi nàng ngồi trên chiếc xe ngựa, bên cạnh cha, mắt đăm chiêu tư lự nhìn ánh đèn phố thấp thoáng sau tấm kính mờ hơi băng, nàng cảm thấy yêu say mê và càng thấy buồn, quên hẳn mình đang ngồi với ai và đi đâu. Len vào giữa dãy xe ngựa đang nối đuôi nhau chạy, chiếc xe của gia đình Roxtov lăn bánh chầm chậm kêu kin kít trên tuyết, đến đỗ trước nhà hát.
   
Natasa và Sonya vội vàng vén áo xuống xe, bá tước bước ra, hai bên có hai người hành bộc đỡ, và giữa đám người nam có, nữ có đang đi vào nhà hát, giữa những người bán chương trình, cả ba cùng vào dãy hành lang của hạng baignoir(1). Qua các cánh cửa hé mở đã nghe thấy tiếng nhạc.

- Natali, xem chừng tóc đấy? - Sonya nói thầm.

Người xếp chỗ kính cẩn và vội vàng len ra trước hai tiểu thư và mở cánh cửa dẫn vào lô. Tiếng nhạc nghe rõ hẳn lên, dưới ánh đèn các dãy lô sáng rực với những đôi vai và những cánh tay để trần của các mệnh phụ và tiểu thư, và ở tầng dưới ồn ào, những bộ quân phục lộng lẫy sáng lên lấp lánh. Một thiếu phụ bấy giờ đang bước vào chiếc lô bên cạnh liếc nhìn Natasa với đôi mắt ganh tị đặc biệt của phụ nữ.
   
Màn chưa mở và dàn nhạc đang cử khúc nhạc mở đầu. Natasa sửa lại tà áo cùng vào với Sonya và ngồi xuống, đưa mắt nhìn qua các dãy lô sáng trưng ở trước mặt. Cái cảm giác là hàng trăm con mắt đang nhìn vào cổ và đôi vai để trần của mình, một cảm giác mà đã lâu nàng không thể nghiệm, đột nhiên tràn vào lòng nàng, khiến nàng vừa thấy dễ chịu vừa khó chịu, và gợi lên cả một loạt những kỷ niệm, ước muốn và cảm xúc gắn liền với nó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:54:01 pm
Hai cô thiếu nữ xinh đẹp là Natasa và Sonya, cùng với bá tước Ilya Andreyevich đã từ lâu không thấy ở Moskva khiến cho mọi người chú ý. Ngoài ra, mọi người đều biết mang máng cuộc đính hôn giữa Natasa với công tước Andrey, họ đều biết rằng từ dạo đó gia đình Roxtov ở thôn quê, nên tò mò nhìn cô vị hôn thê của một trong những chàng rể tôn quý nhất của nước Nga.
   
Ở thôn quê Natasa xinh đẹp ra nhiều lắm, ai cũng nói với nàng như vậy, và tối hôm nay, nàng đang xúc động nên lại càng xinh đẹp hơn. Nàng khiến cho mọi người phải chú ý vì sắc đẹp của nàng đầy sức sống, lại phối hợp với một vẻ thản nhiên đối với tất cả mọi người mọi vật xung quanh. Đôi mắt đen láy của nàng nhìn vào đám đông, không có ý tìm ai cá, và cánh tay mảnh dẻ để trần đến phía trên khuỷu tay tựa vào lan can bọc nhung và bàn tay nàng bất giác khẽ nhịp điệu nhạc tự khúc làm nhàu mờ chương trình.

- Xem kia, Alinian đấy. - Sonya nói, - hình như cùng đi với bà mẹ thì phải.

- Trời ơi! Cái ông Mikhail Kirilyts lại còn béo thêm lên nữa! - Lão bá tước nói.

- Xem kìa! Bà Anna Mikhailovna nhà ta đội chiếc mũ hay quá!

- Gia đình Karaghina kia kìa, Juyly và Boris cũng đi với bà ấy đấy. Có thể thấy ngay họ là cô dâu chú rể chả
sai tí nào.

- Drubeskhov vừa ngỏ lời cầu hôn xong! Hôm nay tôi vừa nghe nói đấy mà. - Sinsin vừa nói vừa bước vào
lô của gia đình Roxtov.
   
Natasa đưa mắt về phía cha nàng đang nhìn, và trông thấy Juyly, đeo chuỗi ngọc trai trên cái cổ béo và đỏ (Natasa biết rằng cái cổ ấy trát phấn rất dày) đang ngồi bên mẹ, vẻ rất thoả mãn. Ở phía sau họ, có thể trông thấy mái đầu đẹp đẽ chải mượt của Boris, bấy giờ đang mỉm cười ghé tai sát môi Juyly. Chàng liếc mắt nhìn trộm sang phía gia đình Roxtov và mỉm cười nói một câu gì với cô vợ chưa cưới.
   
"Họ đang nói gì về mình đây, về chuyện mình với cậu ta đấy? - Natasa nghĩ thầm. - Và chắc là cậu ta đang nói cho người vợ chưa cưới yên tâm, đừng ghen với mình nữa thật phí công! Giá họ biết được là đối với họ mình dửng dưng đến chừng nào!"
   
Ở phía sau, có thể trông thấy bà Anna Mikhailovna đầu đội mũ vải xanh, vẫn với vẻ mặt phục tùng ý Chúa nhưng vui sướng, tưng bừng như ngày hội. Trong lô của họ có cái không khí đặc biệt của một gia đình mới làm lễ đính hôn mà Natasa đã từng quen thuộc và yêu thích. Nàng quay mặt đi, và đột nhiên tất cả những nỗi tủi nhục trong cuộc đi thăm sáng nay lại hiện lên trong trí nhớ của nàng.
   
"Ông ấy không có quyền gì không chịu nhận ta vào gia đình? Ôi, thôi tốt hơn là đừng nghĩ đến việc ấy nữa đợi chàng về hẵng hay!" - nàng tự nhủ và bắt đầu đưa mắt nhìn qua các khuôn mặt quen và lạ ở tầng dưới. Ở giữa tầng dưới, ngay chính ở giữa, Dolokhov đang đứng tựa lưng vào dãy răm-pơ, mình mặc y phụ Ba-tư cái bờm tóc quăn rậm ráp chải ngược lên rất cao. Chàng đứng ở chỗ cả nhà hát có thể trông thấy và biết rằng mọi người đang chú ý đến mình, nhưng dáng điệu của chàng vẫn tự nhiên thoải mái như đang ở trong phòng riêng vậy. Quanh chàng quây quần đám thanh niên hào hoa bậc nhất ở Moskva, và Dolokhov có lẽ là đầu têu trong đám này.
     
Bá tước Ilya Andreyevich cười khà khà lấy khuỷu tay khẽ huých cô cháu Sonya và chỉ về phía người ngày xưa đã từng đeo đẳng cô, làm cho cô đỏ mặt tía tai lên.

- Nhận ra chưa? - Ông hỏi - Anh chàng ở đâu về thế? - Ông quay sang phía Sinsin hỏi, - Nghe nói bặt tăm đi đâu một dạo kia mà?

- Bặt tăm một dạo thật, - Sinsin đáp, - Đi lên Kavkaz, song bỏ trốn và nghe nói sang làm thượng thư cho một quốc vương nào bên Ba-tư ấy. Ở đấy hắn ta đã giết chết em trai của ông Shah(2). Bây giờ thôi thì các cô tiểu thư Moskva đều say mê hắn ta như điếu đổ!

- Chàng Dolokhol người Ba-tư, thế là xong cả. Bây giờ ở đây chẳng ai nói câu gì mà lại không nhắc đến Dolokhov, họ lấy tên anh ta ra thề thốt, họ mời nhau thưởng thức món cá quả, - Sinsin nói. - Dolokhov với Anatol Kuraghin, hai anh chàng đã làm các cô nhà ta phát điên phát cuồng lên cả rồi đấy.
   
Ở lô bên cạnh có một thiếu phụ cao lớn và xinh đẹp vừa bước vào tóc tết thành một chiếc bứn rất to, cổ và hai vai trắng nõn, đầy đặn, để hở rất rộng, trên cổ có một chuỗi ngọc trai lớn quấn hai vòng. Thiếu phụ sửa soạn ngồi xuống rất lâu làm chiếc áo dài bằng lụa dày kêu sột soạt.
 
Natasa bất giác nhìn cái cổ đôi vai, chuỗi ngọc, bộ lóc, và thán phục vẻ đẹp của đôi vai và các tư trang. Khi Natasa nhìn sang lần thứ hai, thiếu phụ quay lại, và bắt gặp mắt của bá tước Ilya Andreyevich liền mỉm cười gật đầu chào bá tước. Đó là bá tước phu nhân Bezukhov, vợ của Piotr. Ilya Andreyevich vốn quen hết thảy mọi người trong giới xã giao: ông nghiêng mình sang nói chuyện với bá tước phu nhân.

- Phu nhân đến đây đã lâu chưa ạ? Vâng, tôi sẽ đến, tôi sẽ xin đến hôn tay phu nhân. Tôi lên đây có việc và có đem hai cháu gái lên. Nghe nói có Xemionova đóng không ai sánh kịp… Bá tước Piotr Kirilovich có ghé chơi nhà chúng tôi. Bá tước có đây chứ?

- Có nhà tôi có định đến, - Elen nói và chăm chú nhìn Natasa.

Bá tước Ilya Andreyevich lại ngồi vào chỗ.

- Đẹp đấy chứ? - Ông nói thầm với Natasa.

- Tuyệt! - Natasa nói - Thật có thể mê ngay được!
   
Vừa lúc ấy vang lên những hợp âm cuối cùng của khúc nhạc mở đầu và nghe có tiếng đũa chỉ huy của nhạc trưởng gõ canh cách trên giá nhạc. Ở tầng dưới những người đàn ông đến muộn vội vã ngồi vào chỗ, và bức màn trên sân khấu vén lên.

=========================================================

Chú thích:

(1) Hạng lô ở chung quanh tầng dưới.

(2) vua Ba Tư



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:54:43 pm
Phần VIII
Chương - 9

Trên sân khấu, ở phía giữa là những tấm ván bằng phẳng, hai bên có những tấm bìa sơn màu, vẽ những cây cối, ở phía sau có một tấm vải căng lên trên các tấm ván. Ở giữa sân khấu có mấy cô thiếu nữ ngồi, mình mặc yếm đỏ và váy trắng. Một cô rất to béo mặc áo lụa trắng ngồi riêng ra một mình trên một chiếc ghế dài nhỏ và thấp ở phía sau có dán một miếng bìa xanh. Tất cả mấy người con gái đều hát một bài gì không rõ. Khi họ hát xong, người thiếu nữ mặc áo trắng lại gần cái ô của người nhắc vở, và người đàn ông mặc chiếc quần bằng lụa, hai ống bó sát vào đôi chân béo dẫy, đội mũ có cắm lông và đeo dao găm, lại gần người thiếu nữ, bắt đầu hát và hoa chân múa tay.
   
Lúc đầu người đàn ông mặc quần bó ống hát một mình, sau đến cô kia hát, rồi cả hai đều lặng thinh. Âm nhạc bắt đầu khổi lên, và người đàn ông bắt đầu lấy ngón tay mân mê cánh tay của người con gái mặc áo trắng, hẳn là đang đợi nhịp để bắt đầu hát song thanh với cô ta. Hai người cùng hát, tất cả các khán giả bắt đầu vỗ tay và hò hét, đoạn hai người diễn viên nam nữ đang đóng vai hai tình nhân trên sân khấu mỉm cười và đang tay ra hai bên để cúi chào.

Natasa vừa sống một thời gian ở thôn quê, lại đang có một tâm trạng nghiêm trang, cho nên tất cả những trò đó nàng thấy rất kỳ quặc và lố lăng. Nàng không thể theo dõi được tình tiết của vở ca kịch, mà cũng có thể nghe được điệu nhạc: nàng chỉ thấy những tấm bìa sơn màu lòe loẹt và những người đàn ông, đàn bà ăn mặc rất kỳ quặc đang đi lại, múa may, nói, hát dưới ánh đèn sáng chói; nàng biết những trò đó nhằm biểu hiện cái gì, nhưng tất cả đều có vẻ giả tạo, rối ren và gượng gạo đến nỗi có khi nàng thấy ngượng cho các diễn viên, có khi lại thấy buồn cười cho họ. Nàng đưa mắt nhìn quanh, nhìn vào gương mặt các khán giả, thử xem họ có thấy buồn cười và bỡ ngỡ như mình không; nhưng mọi người đều có vẻ đang chăm chú theo dõi những việc diễn ra trên sân khấu, và gương mặt họ đều lộ rõ một vẻ mặt hân hoan thán phục mà Natasa có cảm tưởng là giả tạo. "Chắc là phải như thế mới được đấy" - Natasa nghĩ thầm. Nàng lần lượt nhìn hết những dãy đầu xức sáp thơm ở tầng dưới, đến những người đàn bà hở vai hở ngực trên các dãy lô và nhất là nàng Elen ngồi bên cạnh. Elen mặc chiếc áo để hở cả khoảng lưng đang nhìn không chớp vào sân khấu, miệng hé nở một nụ cười bình thản, hưởng thụ ánh sáng rực rỡ và bầu không khí ấm áp hơi người tràn ngập trong gian phòng. Natasa dần dần chuyển sang một trạng thái say sưa mà đã lừ lâu nàng không hề thể nghiệm.
   
Nàng không nhớ mình là ai, mình đang ở đâu và cái gì đang diễn ra trước mắt mình. Nàng nhìn và suy nghĩ, và những suy nghĩ rất kỳ lạ chẳng mạch lạc gì cả đột ngột kế tiếp nhau diễn qua trong tâm trí nàng. Khi thì nàng nảy ra ý nhảy lên đường răm-pơ(1) và hát các bài mà người nữ diễn viên đang hát, khi thì nàng lại muốn ôm lấy quạt quèo cụ già ngồi cách chỗ nàng không xa, khi thì lại muốn chồm sang Elen và cù vào người cô ta.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:55:21 pm
Vào một trong những lúc mà trên sân khấu tất cả đều im lặng một lát để đợi một ca khúc đơn ca bắt đầu, cánh cửa vào tầng dưới ở phía lô của gia đình Roxtov bỗng kẹt mở và có tiếng một người đàn ông đến muộn bước vào. "Kuraghin đây rồi" - Sinsin thì thầm. Bá tước phu nhân Bezukhov mỉm cười quay mặt về phía người mới vào, Natasa nhìn theo hướng mắt của bá tước phu nhân Bezukhov và thấy một viên sĩ quan phụ tá đẹp trai lạ lùng đang tiến về phía lô của họ, vẻ tự tin và đồng thời nhã nhặn. Đó là Antol Kuraghin mà nàng đã từng gặp và chú ý trong buổi vũ hội ở Petersburg. Bấy giờ chàng mặc quân phục sĩ quan phụ tá có ngũ vai và dây tuyến thả vòng trước ngực. Chàng bước một cách hiên ngang nhưng dè dặt, dáng đi này sẽ đâm ra buồn cười, nếu chàng không đẹp trai như vậy và trên khuôn mặt tuấn tú của chàng không có cái vẻ vui tươi và thoả mãn một cách hồn hậu như thế. Mặc dầu vở kịch đang diễn, chàng vẫn thong thả bước trên tấm thảm trải dọc hành lang, thanh gươm và đôi cựa giày khẽ lách cách, mái đầu đẹp đẽ xức nước hoa cất cao lên. Sau khi đưa mắt nhìn Natasa một cái, chàng lại gần Elen, đặt bàn tay đeo găng vừa sát lên thành lô, gật đầu chào chị rồi cúi xuống hất hàm sang phía Natasa hỏi thì thầm mấy tiếng.
   
Rồi chàng nói một câu mà Natasa không nghe rõ nhưng cứ trông vào đôi môi mấp máy nàng đoán ra: "Kháu quá", hẳn là nói về nàng. Rồi Anatol Kuraghin đi về phía hàng ghế đầu và ngồi xuống cạnh Bezukhov, thân mật và lơ đễnh huých khuỷu tay vào con người mà mọi người đều trọng nể ấy. Piotr vui vẻ nháy mắt mỉm cười với anh ta và tựa chân vào đường răm-pơ.

- Hai chị em mới giống nhau làm sao! - Bá tước nói. - Và cả hai người đều đẹp quá nhỉ.

Sinsin bắt đầu to nhỏ thì thầm kể cho bá tước nghe một chuyện dan díu gì đó của Kuraghin ở Moskva, và Natasa cũng lắng tai nghe chính là vì chàng vừa khen nàng "kháu".

Màn thứ nhất đã kết thúc. Ở tầng dưới bắt đầu lộn xộn, mọi người đều đứng dậy đi lại và ra ngoài.
   
Boris đến lô của gia đình Roxtov, tiếp nhận những lời chúc mừng một cách rất tự nhiên giản dị và giương đôi lông mày lên, mỉm cười lơ đãng chuyển lời của người vợ chưa cưới mời Natasa và Sonya đến dự đám cưới, đoạn lui ra. Natasa vui vẻ và duyên dáng mỉm cười nói chuyện với chàng và chúc mừng đám cưới của chính anh chàng Boris mà trước kia nàng đã từng "phải lòng". Trong cái trạng thái say sưa ngất ngây của nàng lúc bấy giờ, mọi việc đều giản dị và tự nhiên.
   
Elen, vai và cổ để trần, ngồi ở lô bên cạnh mỉm một nụ cười đồng đều với mọi người; Natasa cũng mỉm cười với Boris y như vậy.

Bấy giờ trong lô và ngoài vành lô của Elen về phía tầng dưới đã đầy những người đàn ông tai mắt và thông minh vào bậc nhất rõ ràng là đang tranh nhau tỏ cho mọi người biết rằng mình đây có quen nàng.
   
Suốt thời gian đổi màn. Anatol Kuraghin đứng cạnh Dolokhov ở phía trước, bên đường răm-pơ mắt nhìn vào lô của gia đình Roxtov.

Natasa biết rằng chàng đang nói chuyện về mình, và điều đó làm nàng thích thú. Nàng lại còn quay đầu lại thế nào để cho chàng có thể trông thấy những nét mặt nàng trông nghiêng, mà nàng vẫn cho là những đường nét đẹp nhất của mình.

Trước khi màn thứ hai bắt đầu ở tầng dưới thấy xuất hiện bóng dáng Piotr là người chưa gặp gia đình Roxtov lẫn nào từ khi họ đến Moskva. Vẻ mặt chàng buồn rầu, và trông chàng còn béo hơn dạo Natasa gặp chàng lần trước.

Chàng bước về phía các dãy ghế đầu, chẳng để ý trông thấy ai. Anatol lại gần chàng và bắt đầu nói gì với chàng không rõ, vừa nói vừa nhìn và chỉ về phía lô của gia đình Roxtov. Piotr trông thấy Natasa thì linh hoạt hẳn lên và vội vàng men theo các dãy ghế đi về phía nàng. Chàng đến dựa khuỷu tay lên vành lô và tươi cười nói chuyện hồi lâu với Natasa. Trong khi nói chuyện với Piotr, Natasa nghe bên lô của bá tước phu nhân Bezukhov có tiếng đàn ông nói chuyện, và không hiểu tại sao nàng nhận ra rằng đó là tiếng của Anatol Kuraghin. Nàng quay đầu lại và bắt gặp mắt chàng đang nhìn nàng. Môi gần như mỉm cười, Anatol nhìn thẳng vào mặt nàng với một đôi mắt hân hoan, âu yếm đến nỗi nàng lấy làm lạ sao mình gần gũi với người ấy, nhìn người ấy và chắc chắn được người ấy ưa thích thế này mà lại không quen biết gì người ta cả.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 07 Tháng Giêng, 2011, 09:56:05 pm
Ở màn hai có những tấm phông vẽ những đền đài, giữa tấm vải sơn có một cái lỗ để làm mặt trăng, người ta che tối dãy đèn ở răm-pơ đi các kèn đồng và các đàn contrebasse(2) bắt đầu cử một điệu nhạc rất trầm, và từ hai bên sân khấu kéo ra một đám người mặc áo bành tô đen. Những người đó bắt đầu hoa tay và trong họ thấy lấp loáng những vật gì như những con dao găm; sau đó lại có mấy người khách nữ chạy ra và bắt đầu lôi kéo người con gái lúc nãy mặc áo trắng nhưng bây giờ thì mặc áo xanh da trời. Họ không kéo cô ta đi ngay cho, mà còn ca hát với cô ta hồi lâu, rồi sau đó mới kéo đi, và sau hậu trường có ai gõ ba tiếng vào một vật gì bằng kim loai, và tất cả đều quỳ xuống hát một bài kinh. Những tình tiết này mấy lần ngắt quãng vì những tiếng reo hân hoan của khán giả.

Suốt trong thời gian diễn màn này cứ mỗi lần Natasa nhìn xuống tầng dưới đều trông thấy Anatol quàng tay ra sau lưng ghế nhìn lên phía nàng. Nàng thấy dễ chịu khi nghĩ rằng chàng nhìn mình mê mải như vậy, và không hề thoáng có ý nghĩ rằng điều đó có một cái gì xấu xa.

Khi màn hai kết thúc, bá tước phu nhân Bezukhov đứng dậy, quay sang phía lô của gia đình Roxtov (ngực nàng để hở gần hết) giơ ngón tay đi găng lên ra hiệu với bá tước Roxtov, và không để ý đến mấy người vừa bước vào lô mình, nàng bắt đầu nói chuyện với bá tước, miệng nở một nụ cười nhã nhặn.

- Ngài phải cho tôi làm quen với hai ái nữ của ngài với chứ - Nàng nói - Cả thành phố đang xôn xao lên vì hai cô ấy, thế mà tôi không được làm quen.

Natasa đứng dậy và nhún chân xuống chào bá tước phu nhân diễm lệ. Lời khen của người đàn bà kiều diễm này làm cho Natasa vui sướng đến đỏ mặt lên, Elen nói:

- Tôi bây giờ cũng muốn làm người Moskva đấy. Sao ngài nỡ giam hãm những viên ngọc như thế này ở thôn quê.

Bá tước phu nhân Bezukhov thật không hổ danh là một người đàn bà có sức quyến rũ. Nàng có thể nói những điều mà mình không nghĩ và nhất là có thể nói những câu lấy lòng một cách hoàn toàn tự nhiên và giản dị.

- Thưa ngài bá tước thân mến, ngài phải cho phép tôi lo đến hai cô con gái của ngài mới được. Bây giờ tôi ở Moskva chẳng được mấy lâu. Mà ngài cũng vậy. Tôi sẽ cố gắng mua vui cho hai tiểu thư. Từ dạo ở Petersburg tôi đã được nghe nói nhiều về cô và rất mong được biết cô, - nàng nói với Natasa, môi nở một nụ cười đẹp đẽ và bất tuyệt của nàng. - Tôi đã được nghe chú tiểu đồng của tôi là Drubeskoy - chắc cô có biết là anh ấy sắp lấy vợ, - và bạn của chồng tôi là Bolkonxki, công tước Andrey Bolkonxki ấy, nói chuyện về cô. - Nàng nhấn mạnh thêm như vậy để tỏ ra rằng mình biết rõ quan hệ giữa chàng với Natasa đoạn nàng xin bá tước cho phép một trong hai tiểu thư sang ngồi bên nàng xem nốt vở kịch, để cho nàng làm quen hơn. Natasa sang lô của Elen.

Đến màn thứ ba thì sân khấu được trang trí thành một cung điện, thắp rất nhiều đèn nến và treo nhiều bức tranh vẽ những kỵ sỹ có râu cằm nhọn hoắt. Ở phía giữa có hai người đứng, chắc là vua và hoàng hậu. Ông vua hoa cánh tay phải lên và có vẻ luống cuống hát một bài gì rất dở rồi ngồi xuống chiếc ngai màu huyết dụ.

Người con gái lúc đầu mặc áo trắng rồi sau mặc áo xanh da trời bấy giờ chỉ mặc mỗi chiếc sơ mi, tóc xoã xuống đang đứng ở bên ngoài. Cô ta quay về phía bà hoàng hậu hát một bài gì nghe rất buồn thảm, nhưng ông vua vẫy tay một cái ra vẻ nghiêm khắc, rồi từ hai bên bước ra những người đàn ông cổ chân để trần và những người đàn bà cổ chân cũng để trần, và họ bắt đầu cùng nhau nhảy múa. Sau đó các vĩ cầm chơi một điệu nhạc nghe rất tế nhị và vui vẻ, và một người con gái có hai bắp chân to và hai cánh tay gầy tách ra khỏi những người kia, đi ra phía hậu trường sửa lại cái coóc-xê, đoạn bước ra giữa sân khấu và bắt đầu nhảy nhót, chân này đánh vào chân kia rất nhanh. Ở tầng dưới mọi người đều reo hò và vỗ tay hoan hô. Sau đó một người đàn ông ra đứng ở một góc. Trong dàn nhạc kèn và trống cái bắt đầu cử lên rất to, và một mình người đàn ông có đôi cổ chân để trần đó bắt đầu nhảy rất cao và vung vẩy hai chân (người đàn ông ấy là Duport mỗi năm lĩnh sáu vạn rúp để làm nghề này). Ở tầng dưới, trong các lô, trên tầng thượng khán giả bắt đầu vỗ tay và hét thật lực; người đàn ông ngừng nhảy và bắt đầu mỉm cười cúi chào tứ phía. Sau đó lại đến những người đàn ông và đàn bà khác nhảy, rồi người kép đóng vai vua hét lên một câu gì theo tiếng nhạc, và mọi người đều cất tiếng hát. Nhưng bỗng nhiên trời nổi cơn giông tố, trong điệu nhạc nghe toàn những âm giai bán cung và những hợp âm khoảng bảy giảm, mọi người đều chạy tán loạn và kéo một trong những người có mặt trên sân khấu vào hậu trường và bức màn hạ xuống. Trong đám khán giả lại có tiếng ồn ào kinh khủng và mọi người đều gào thét lên, vẻ mặt hân hoan đến cực độ:

- Duport! Duport! Duport!

Bây giờ Natasa không còn nhìn thấy những điều này là kỳ quặc nữa. Nàng vui vẻ mỉm cười, sung sướng nhìn quanh.

- Duport thật là tuyệt diệu, cô nhỉ? - Elen bảo nàng.

- Tuyệt thật! - Natasa đáp.

==========================================================

Chú thích:

(1) Dãy đèn dài ở trước sân khấu

(2) Loại đàn hình dáng như đàn violon nhưng rất lớn dùng để chơi những bè trầm (contrebasse)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:10:17 pm
Phần VIII
Chương - 10
   
Trong thời gian đổi màn, trong lô của Elen bỗng có một luồng không khí lạnh lùa tới, cánh cửa mở ra và Anatol bước vào lô, cúi lom khom cố thu mình lại để khỏi vướng vào những người ngồi trong lô.

- Xin phép giới thiệu em trai tôi, - Elen nói, mắt đưa từ Natasa sang Anatol có vẻ lo lắng.
   
Natasa quay mái đầu xinh xắn lại nhìn Anatol qua vai để trần và mỉm cười. Anatol Kuraghin, ở gần trông cũng tuấn tú không kém gì khi nhìn từ xa, ngồi xuống cạnh nàng và nói rằng đã từ lâu chàng muốn được diễm phúc làm quen với Natasa, ngay từ buổi vũ hội ở nhà ông Narưskin là khi chàng được hân hạnh trông thấy nàng, và mãi đến hôm nay chàng vẫn không quên. Khi tiếp xúc với phụ nữ, Kuraghin tỏ ra thông minh và tự nhiên hơn khi giao thiệp với nam giới rất nhiều. Chàng nói năng mạnh dạn và giản dị, và Natasa kinh ngạc và thích thú nhận thấy rằng trong con người mà người ta thường kể chuyện này chuyện nọ ấy chẳng những không có gì đáng sợ mà trái lại, chàng ta lại còn có một nụ cười hết sức ngây thơ, vui vẻ hiền lành.
   
Kuraghin hỏi cảm tưởng của Natasa về vở nhạc kịch và kể cho nàng nghe trong lần biểu diễn vừa qua Xemionova trong khi diễn đã ngã như thế nào.

- Này, bá tước tiểu thư ạ, - chàng đột ngột chuyển sang nói với nàng như với một người quen thân từ lâu,
- Chúng tôi sắp tổ chức một buổi vũ hội hoá trang, thế nào tiểu thư cũng phải dự đấy, vui lắm. Mọi người sẽ tụ tập ở nhà Arkharov. Xin tiểu thư đến nhé!
   
Trong khi nói, đôi mắt tươi cười của chàng không rời khỏi khuôn mặt, cái cổ, đôi cánh tay để trần của Natasa. Natasa biết chắc rằng chàng ngây ngất vì mình. Điều đó làm nàng vui thích, nhưng không hiểu tại sao trước mặt Anatol nàng cứ thấy lúng túng và khó chịu. Những khi không nhìn Anatol, nàng cảm thấy chàng đang nhìn vào vai nàng, và bất giác nhìn vào mặt Anatol để thà chàng nhìn vào mặt mình còn hơn. Nhưng khi nhìn vào mặt Anatol, nàng lại kinh hãi nhận thấy rằng giữa chàng và nàng không hề có cái cách trở của sự thẹn thùng mà bao giờ nàng cũng cảm thấy có giữa nàng và những người đàn ông khác. Nàng không hiểu tại sao chỉ mới có năm phút mà nàng đã cảm thấy mình gần gũi con người ấy một cách kỳ lạ. Nhưng khi nàng quay mặt đi, nàng cứ sợ là Anatol ở phía sau sẽ nắm lấy cánh tay trần của nàng hay hôn vào cổ nàng.
     
Họ nói với nhau những chuyện rất bình thường, nhưng nàng cảm thấy chưa có người đàn ông nào lại có vẻ gần gũi với nàng như Anatol. Natasa đưa mắt nhìn Elen và nhìn cha, như muốn hỏi xem như thế này nghĩa là thế nào, nhưng Elen đang mải nói chuyện với một viên tướng nào đấy và không nhìn lại, còn cái nhìn của cha nàng thì không có ý nghĩ gì khác, ngoài cái ý như mọi khi, là: "Con vui lắm à, thế thì cha cũng mừng".
   
Trong một phút im lặng ngượng nghịu, đôi mắt hơi lồi của Anatol cứ bình thản nhìn chằm chằm vào nàng; Natasa muốn chấm dứt phút im lặng, bèn hỏi Anatol xem chàng có thích Moskva không. Hỏi xong nàng đỏ mặt. Nàng cứ luôn có cảm giác mình đang làm một việc gì không được đứng đắn khi nói chuyện với chàng. Anatol mỉm cười như để khuyến khích nàng.

- Lúc đầu tôi không thấy thích lắm, bởi vì, cái gì làm cho người ta ưa một thành phố? Đ là đàn bà đẹp, có phải không nào? nhưng bây giờ thì tôi rất thích - chàng vừa nói vừa nhìn nàng một cách đầy ý nghĩa. - Tiểu thư đến dự vũ hội hoá trang nhé? Thế nào cũng đến đấy, - nói đoạn chàng đưa tay về phía bó hoa của nàng và hạ giọng nói tiếp - Tiểu thư sẽ là người xinh nhất. Xin bá tước tiểu thư đến cho, và để làm tin, tiểu thư hãy cho tôi bông hoa này!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:10:50 pm
Natasa không hiểu chàng nói gì (mà bản thân chàng cũng thế), nhưng nàng có cảm giác là trong những lời nói của chàng có một ý định gì không đứng đắn. Nàng không biết nên nói gì, nên đành ngoảnh đi, làm như không nghe thấy những điều chàng vừa nói.
   
Nhưng nàng vừa quay mặt đi, thì lại nghĩ ngay rằng Anatol đang ở sâu lưng, rất gần nàng.

"Bây giờ anh ta nghĩ thế nào? Ngượng chăng? Hay là giận? Có phải sửa chữa lại không?" - Nàng tự hỏi. Nàng không sao cưỡng được ý muốn quay lại nhìn. Nàng nhìn thẳng vào mặt Anatol và vẻ gần gũi, tự tin của chàng, nụ cười âu yếm mà hiền lành của chàng đã thắng nàng. Nàng cũng mỉm cười đúng như chàng, mắt nhìn thẳng vào mắt chàng. Và nàng lại kinh hãi cảm thấy rằng giữa Anatol và nàng không hề có một trở ngại nào ngăn cách hết.
     
Màn lại kéo lên, Anatol ra khỏi lô, vui vẻ và điềm tĩnh. Natasa trở về lô của cha nàng. Bây giờ nàng đã hoàn toàn thuận theo cái thế giới xung quanh. Tất cả những điều diễn ra trước mắt nàng, bây giờ nàng đã thấy là hoàn toàn tự nhiên; trái lại, những ý nghĩ trước kia về người chồng chưa cưới của nàng, về nữ công tước Maria, về cuộc sống thôn quê không hề lảng vảng trong trí óc nàng, dường như những cái đó đều đã lùi xa, rất xa vào quá khứ.
   
Đến màn thứ tư có một con quỷ ra hát và hoa chân múa tay mãi cho đến khi người ta rút mấy tấm ván ở dưới chân nó và kéo tụt nó xuống.  Trong cả màn thứ tư Natasa chỉ thấy có thế: có một cái gì làm cho nàng xúc động và bứt rứt, và nguyên nhân của cái đó chính là Kuraghin mà nàng bất giác đưa mắt nhìn theo. Khi đó bố con nhà Roxtov ra khỏi nhà hát, Anatol lại gần, gọi chiếc xe của họ lại và đỡ họ lên xe. Khi đỡ Natasa, Anatol xiết chặt cánh tay của nàng ở phía trên khuỷu tay. Natasa bồi hồi đỏ mặt đưa mắt nhìn chàng.
   
Anatol, mắt sáng long lanh, miệng mỉm cười âu yếm, nhìn nàng.
   
Mãi đến khi về nhà Natasa mới có thể suy nghĩ phân minh về tất cả những sự việc vừa qua, vừa sực nhớ đến công tước Andrey, nàng bỗng hoảng lên và trước mặt mọi người, trong khi cả nhà đang dùng trà, nàng chợt kêu lên một tiếng và đỏ mặt tía tai chạy ra khỏi phòng. "Trời ơi! Tôi chết mất thôi! - Nàng tự nhủ - Ta hỏng quá mất rồi, sao ta lại có thể để sự tình đi xa đến thế được?" Nàng ngồi hồi lâu hai tay bưng lấy khuôn mặt đỏ bừng, cố gắng hiểu rõ những sự việc vừa xảy đến với mình, nhưng không sao hiểu được những gì đã xảy ra, mà cũng không sao hiểu nổi tâm trạng của mình. Nàng thấy mọi vật mọi sự đều tối tăm, mù mịt và ghê sợ. Lúc nãy, trong gian phòng rộng thênh thang sáng rực ánh đèn, nơi mà Duport mặc áo ngắn đính ngân tuyến, chân để trần, nhảy nhót theo nhịp nhạc trên sân ván ướt át, nơi mà các tiểu thư, các ông già, và cả nàng Elen mình trần với nụ cười điềm nhiên và kiêu hãnh nữa, đều reo hò hoan hỷ tán thưởng, - Hồi nãy, dưới bóng của nàng Elen ấy, mọi sự đều rõ ràng và đơn giản, nhưng bây giờ ngồi lại một mình, những việc đó không thể nào hiểu được. Cái gì thế nhỉ? Cái cảm giác sợ hãi của ta trước mặt người ấy là thế nào? Cái cảm giác bứt rứt hối hận của ta hiện nay là thế nào? - Natasa thầm nghĩ.
   
Natasa nghĩ rằng chỉ với bá tước phu nhân nàng mới có thể kể tất cả những ý nghĩ của mình ra, vào ban đêm, khi nàng chạy sang nằm với mẹ. Còn Sonya thì nàng biết rằng với cách nhìn nghiêm khắc và vẹn thuần của chị, hoặc chị ta sẽ không hiểu gì hết hoặc chị ta sẽ hoảng sợ trước những điều thú nhận của nàng. Natasa cố gắng tự giải quyết lấy một mình những điều đang day dứt nàng.

"Đối với tình yêu của công tước Andrey: như thế này có phải là ta đã hư hỏng hẳn rồi không?" - nàng tự hỏi, và cố mỉm cười tự an ủi, nàng trả lời: "Sao mình ngốc thế, sao mình lại hỏi như vậy? Có việc gì xảy ra với mình sao? Chẳng có gì hết. Mình chẳng làm gì cả, mình chẳng làm gì để gây ra việc đó cả. Sẽ không có ai biết, và mình sẽ không bao giờ gặp lại người ấy nữa, nàng tự nhủ. Như vậy rõ ràng là chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng có gì phải hối hận, và mình như thế này đây công tước Andrey cũng vẫn có thể yêu được. Nhưng như thế này đây là thế nào?

"Ồ. Trời ơi, trời ơi! Sao lại không có chàng ở đây!" Natasa chỉ yên lòng được trong khoảnh khắc, rồi sau đó một linh cảm gì lại nói với nàng rằng mặc dầu nghĩ vậy là đúng và quả tình chẳng có chuyện gì xảy ra cả nhưng tình yêu của nàng đối với công tước Andrey đã không còn trong trắng như xưa nữa. Và nàng tưởng tượng lại tất cả những câu chuyện trò với Anatol Kuraghin, hình dung thấy khuôn mặt, cử chỉ, nụ cười âu yếm của con người dạn dĩ và đẹp trai ấy trong khi hắn xiết chặt cánh tay nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:11:52 pm
Phần VIII
Chương - 11

Anatol Kuraghin nay ở Moskva vì cha chàng không cho chàng ở Petersburg, ở đấy trong một năm chàng tiêu hết hơn hai vạn rúp lại thêm nợ nần cũng đến ngần ấy nữa, và những người chủ nợ đã đến đòi cha chàng phải trả.
   
Công tước Vaxili nói với con trai rằng lần này là lần cuối cùng ông trả cho chàng một nửa số nợ, nhưng với điều kiện là chàng phải đến Moskva nhận chức sĩ quan phụ tá của quan tổng tư lệnh thành, một chức mà ông đã chạy chọt cho chàng và ở đấy thì phải cố gắng mà tìm lấy một cô vợ khá giả. Công tước chỉ định cho chàng hai đám là nữ công tước Maria và Juyly Karaghina.
   
Anatol bằng lòng và đến ở Moskva ở lại nhà Piotr. Lúc đầu Piotr tiếp Anatol một cách miễn cưỡng, nhưng sau đâm ra cũng quen chàng, thỉnh thoảng còn đi dự những buổi truy hoan chè chén với chàng và đưa tiền cho chàng chi tiêu, nói là cho vay nhưng kỳ thật là cho không.

Như Sinsin nói, đúng là Anatol từ khi đến Moskva đã làm cho tất cả các tiểu thư ở đây phát điên phát cuồng lên, chủ yếu là chàng khinh miệt họ và rõ ràng là thích các cô gái Di-gan và các nữ tài tử Pháp hơn họ. Người ta đồn rằng chàng có những mối liên hệ mật thiết với cô Jorio là người đứng đầu các nữ tài tử đó. Chàng không hề bỏ qua một buổi truy hoan nào ở nhà Danilov và những tay ăn chơi khác ở Moskva, uống rượu thả cửa suốt mấy đêm liền, tửu lượng vượt tất cả các bạn, và có mặt trong tất cả các tối tiếp tân và các buổi vũ hội của giới thượng lưu. Người ta thường kháo nhau về những chuyện dan díu của chàng với các phu nhân ở Moskva, và các buổi vũ hội chàng thường tán tỉnh một vài người. Nhưng các cô gái chưa chồng, và nhất là những cô giàu có, phần lớn vốn xấu xí, thì chàng lại không làm thân. Hơn nữa có một việc mà ngoài các bạn bè thân nhất của chàng ra không ai biết đến là Anatol đã cưới vợ từ hai năm trước. Hai năm trước khi trung đoàn của chàng còn trú quân ở Ba Lan, một lão trang chủ Ba Lan nghèo đã buộc chàng phải lấy con gái lão. Anatol chẳng mấy lâu đã bỏ vợ và hứa gởi tiền cho ông nhạc để ông thuận cho chàng có quyền tự xưng là một người chưa vợ.

Anatol bao giờ cũng hài lòng về hoàn cảnh của mình, hài lòng về mình và những người khác. Theo bản năng, Anatol hoàn toàn tin chắc rằng chàng không thể có cách sống nào khác được, và trong đời chàng không hề bao giờ làm việc xấu. Chàng tuyệt nhiên không thể nào suy nghĩ xem hành vi của mình ảnh hưởng gì đến người khác, hoặc những điều mình làm có thể gây ra những hậu quả gì.
   
Chàng tin chắc rằng nếu con vịt sinh ra để bơi lội dưới nước thì trời sinh ra chàng cũng chỉ để tiêu cho hết ba vạn rúp lợi tức mỗi năm và để bao giờ cũng có một địa vị cao sang trong xã hội. Chàng tin như vậy một cách chắc chắn đến nỗi những người khác nhìn chàng cũng đâm ra tin như vậy và không có ai từ chối chàng điều gì, dù là địa vị cao sang trong xã hội hay là những món tiền mà bạ ai chàng cũng vay, cố nhiên là vay không trả.
   
Chàng không phải là một tay cờ bạc, hay ít ra chàng không thích được bạc. Chàng không sĩ diện. Ai nghĩ về chàng ra sao, chàng cũng bất chấp. Chàng lại càng không phải là người hám danh vị. Chàng đã nhiều lần làm cho cha chàng phát bẳn lên vì đã làm hỏng cả một sự nghiệp, và thường hay chế nhạo mọi thứ danh giá.

Chàng không có tính keo kiệt, ai xin gì chàng cũng chẳng bao giờ từ chối. Chàng chỉ yêu thích có hai điều, là khoái lạc và gái, và vì theo quan niệm của chàng thì trong những sở thích chẳng có gì là không cao thượng, chàng lại không thể nghĩ xem việc thoả mãn những sở thích ấy có thể ảnh hưởng ra sao đến người khác, cho nên trong thâm tâm chàng vẫn tự cho mình là người chẳng có gì là đáng chê trách, chàng thật tình khinh miệt hạng hèn nhát và chàng vênh mặt nhìn đời với một lương tâm thanh thản.
   
Những kẻ ăn chơi truỵ lạc, những cô Magdalena(1) nam giới đều có chung một ý thức thầm kín là mình vô tội, căn cứ vào hy vọng được tha thứ, cũng như ở những cô Magdalena nữ giới vậy. Nàng được tha thứ hết mọi tội lỗi, vì nàng đã yêu nhiều; và chàng cũng được tha thứ hết, vì chàng đã vui chơi nhiều.
   
Năm ấy Dolokhov, sau thời gian đi biệt xứ và sau những câu chuyện ly kỳ ở Ba Tư, lại xuất hiện ở Moskva và sống một cuộc đời chơi bời cờ bạc rất xa hoa. Anh ta lại kết thân với người bạn cũ thời Petersburg là Anatol và dùng Anatol vào những mục đích riêng của mình.
   
Anatol thành thực yêu mến Dolokhov vì trí thông minh và tính gan dạ của chàng; Dolokhov thì lại cần đến tên tuổi dòng họ, thế lực của Anatol để thu hút những chàng thanh niên giàu có đến sòng bạc của mình. Anh ta lợi dụng Anatol và dùng Anatol làm trò đùa.
   
Tuy không để cho Anatol nhận thấy, ngoài những sự tính toán lợi hại ra, anh ta còn cần đến Anatol vì chính cái việc chi phối ý chí của người khác cũng là một khoái lạc, một thói quen, một nhu cầu của Dolokhov.
   
Natasa đã gây nên trong lòng Anatol một ấn tượng rất mạnh. Sau khi ở nhà hát về, bên bữa ăn khuya, chàng ra vẻ sành sỏi tả cho Dolokhov nghe những đánh giá của mình về Natasa: tay, vai, chân và tóc của nàng, và tuyên bố mình quyết tâm ve vãn nàng. Ve vãn như vậy rồi sẽ đi đến đâu - điều đó Anatol không thể nghĩ đến và không thể biết được, vì xưa nay chàng chưa bao giờ biết mỗi hành động của mình có thể đem đến hậu quả gì.

- Xinh đấy, anh bạn ạ, nhưng chả đến phần mình đâu. - Dolokhov nói.

- Tôi sẽ bảo chị tôi mời cô ta đến ăn trưa. - Anatol Kuraghin nói, - Cậu thấy thế nào?

- Tốt hơn là cậu hẵng đợi cho cô ta đi lấy chồng đã.

- Cậu cũng biết là tôi rất thích các cô bé mới lớn, nhoáng một cái đã ăn tiền rồi.

- Cậu đã có lần vớ phải một cô bé mới lớn đấy thôi, - Dolokhov nói: chàng vốn biết chuyện Anatol lấy vợ -
Đấy, cậu hãy xem chừng!

- À nhưng không thể có lần thứ hai như thế được nữa đâu!

- Hả? - Anatol nói đoạn khoái chí cười khà khà.

==========================================================

Chú thích:

(1) Thánh Maria - Magdalena là một người đàn bà không đoan chính được Chúa Jesus tha thứ "vì nàng đã yêu nhiều".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:12:32 pm
Phần VIII
Chương - 12
   
Ngay sau hôm đi xem hát, gia đình Roxtov không đi đâu, và cũng chẳng có ai đến thăm họ, không biết bà Maria Dmitrevna nói chuyện riêng với bá tước Roxtov điều gì mà không cho Natasa biết. Natasa đoán rằng họ nói chuyện về lão công tước và đang bàn mưu tính kế gì đây: Điều đó làm cho nàng thấy lo lắng và tủi nhục. Nàng đợi công tước Andrey từng phút một và hôm ấy đã hai lần cho người gác cửa đến phố   Vodvizenka dò xem chàng đã về chưa. Công tước Andrey vẫn chưa về. Bây giờ nàng còn thấy khổ hơn những ngày mới đến nữa. Thêm vào nỗi khổ sốt ruột và buồn rầu của nàng lại có những hồi ức khó chịu về cuộc gặp gỡ nữ công tước Maria và lão công tước, và một cảm giác sợ hãi lo lắng mà nàng không rõ nguyên nhân. Nàng cứ có cảm tưởng rằng một là chàng sẽ không bao giờ trở về, hai là trước khi chàng về thì nàng đã gặp phải một việc gì không hay xảy ra rồi. Nàng không còn điềm tĩnh như trước ngồi một mình suy nghĩ liên miên về chàng. Hễ nàng bắt đầu nghĩ đến công tước Andrey thì những kỷ niệm về lão công tước, về nữ công tước Maria, về cả những kỷ niệm về tối kịch vừa rồi vâ về cả Kuraghin nữa. Trong trí óc nàng lại hiện lên câu hỏi là nàng có lỗi gì không, nàng làm như vậy có phải là xâm phạm vào lòng chung thuỷ của nàng đối với công tước Andrey không; và nàng lại bắt chợt mình đang nhớ lại một cách chí lý, từng lời nói, từng cử chỉ, từng sắc thái mơ hồ trên vẻ mặt của người ấy, người đã thức tỉnh ở nàng một cảm giác gì khủng khiếp mà nàng không hiểu được… Người nhà nhận thấy Natasa có vẻ hồ hởi hơn thường ngày, nhưng thật ra nàng đã mất hẳn sự thanh thản và vui sướng trước kia.
   
Đến sáng chủ nhật, bà Maria Dmitrievna mời các vị khách ở nhà mình đi xem lễ ở nhà thờ Đức Bà lên trời.

- Tôi không ưa những nhà thờ kiểu kia đâu, - Bà nói, lộ rõ ý kiêu hãnh về tư tưởng độc lập của mình. - Ở đâu cũng chỉ có một đức Chúa trời. Ông cố đạo ở xứ tôi rất tốt, làm lễ rất tươm tất, rất trang nghiêm, và thầy giúp lễ cũng vậy. Chả nhẽ đem phường hát vào trong nhà thờ thì thêm thiêng hay sao? Tôi không ưa cái lối ấy, chỉ là một lối chơi bời thôi.
     
Bà Maria Dmitrievna vốn rất yêu thích các ngày chủ nhật và biết cách ăn mừng những ngày ấy. Ngày thứ bảy, nhà bà đã được lau chùi rất sạch; và ngày chủ nhật người nhà cũng như bà Maria Dmitrievna đều không làm việc, họ ăn mặc như ngày hội kéo nhau đi xem lễ hết.
     
Đến bữa ăn, trên bàn chủ nhân có thêm nhiều món, còn gia nhân thì được uống vodka và được thết một con ngỗng hay một con lợn sữa.

Nhưng trong nhà không có cái gì là có vẻ tưng bừng, hội hè cho bằng khuôn mặt rộng và nghiêm của bà Maria Dmitrievna, suốt ngày hôm ấy lúc nào cũng có một vẻ long trọng khác thường.
     
Sau buổi lễ nhà thờ, khi mọi người đã uống cà phê trong gian phòng khách ở đấy bàn ghế đã được tháo bỏ vải phủ ngoài, người nhà vào báo cáo với bà Maria Dmitrievna là xe song mã đã thắng xong. Bấy giờ, mình khoác tấm khăn sau ngày lễ mà thường dùng những khi đi thăm viếng, vẻ nghiêm nghị, bà đứng dậy và nói với mọi người rằng mình đến nhà công tước Nikolai AndreyevichBolkonxki để nói chuyện với ông ta về việc của Natasa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:13:16 pm
Sau khi Maria Dmitrievna đi khỏi có một cô thợ khâu của bà Salme đến hỏi gia đình Roxtov, Natasa rất bằng lòng là đã có cách giải khuây, bèn vào gian phòng sát phòng khách đóng cửa lại bắt đầu thử áo mới. Trong khi nàng mặc chiếc thân áo mới lược chỉ, chưa có ống tay và ngoái cổ lại ngắm mình trong gương xem lưng áo có vừa không, nàng bỗng nghe trong phòng khách có tiếng người nói rộn rã, tiếng nói của cha nàng và của một người nào khác, một giọng đàn bà mà khi nhận ra nàng bỗng đỏ mặt. Đó là giọng nói của Elen. Natasa chưa kịp cởi cái thân áo ướm thử thì cánh cửa đã mở và bá tước phu nhân Bezukhov bước vào phòng, trên gương mặt sáng bừng lên một nụ cười hiền lành và âu yếm, mình mặc chiếc áo nhung cổ cao màu tím thẫm.

- Ô cô em đáng yêu của tôi! - Elen nói với Natasa bấy giờ đang đỏ mặt - Trông yêu quá! Không, như vậy thật chẳng ra làm sao cả bá tước thân mến ạ. - nàng nói với Ilya Andreyevich bấy giờ cũng theo sau nàng vào phòng. - Làm sao đã ở Moskva mà lại không đi đâu cả thế nhỉ? Không, tôi không buông các vị ra đâu! Tối nay ở nhà tôi cô Georges sẽ ngâm thơ, sẽ có mấy người đến chơi, và hễ bá tước không đưa hai vị tiểu thư lại - Hai người còn hơn cô Georges nhiều - Thì tôi giận đấy. Chồng tôi đi Tver vắng, chứ không tôi đã bảo anh ấy lại mời rồi. Đến tám giờ thế nào cũng mời bá tước và hai tiểu thư đến, thế nào cũng đến đấy nhé!

Nàng gật đầu chào cô thợ may quen biết bấy giờ đang lễ phép nhún người xuống chào nàng, và ngồi lên chiếc ghế bành bên cạnh tấm gương, để cho những nếp áo nhung toả ra chung quanh trông rất đẹp. Nàng không ngớt miệng nói chuyện, vui vẻ và xuề xoà, luôn mồm khen ngợi vẻ đẹp của Natasa. Nàng ngắm nghía mấy chiếc áo mới của Natasa và tấm tắc khen đẹp, khen luôn cả chiếc áo của mình bằng nhiễu kim từ Paris mới gửi về, và khuyên Natasa cũng nên gửi mua một chiếc như thế, và nàng nói thêm:

- Vả lại cô thì mặc gì cũng đẹp cả, cô tiểu thư xinh xắn của tôi ạ.
   
Nụ cười sung sướng không rời khỏi gương mặt của Natasa. Nàng cảm thấy mình sung sướng như nở rộ ra trước những lời khen của bá tước phu nhân Bezukhov đáng mến, người mà trước kia nàng có cảm tưởng là một phu nhân oai vệ và khó gần gũi, nhưng nay lại tỏ ra tử tế với nàng như vậy. Natasa thấy vui hẳn lên, và cảm thấy mình gần như phải lòng người đàn bà diễm lệ mà tốt bụng này. Về phía Elen, nàng thành thực thán phục Natasa và muốn cho nàng vui.

Anatol đã nhờ Elen giúp chàng làm quen với Natasa, và nàng đến thăm gia đình Roxtov cũng vì mục đích ấy. Ý nghĩ ghép đôi em trai với Natasa, nàng thấy cũng ngộ nghĩnh hay hay. Mặc dầu trước đây Elen đã từng căm tức Natasa vì dạo ở Petersburg. Natasa đã tranh mất Boris của nàng nhưng bây giờ nàng không nghĩ đến việc đó nữa và hết lòng muốn điều tốt cho Natasa, theo lối riêng của mình. Khi từ giã gia đình Roxtov, nàng gọi riêng cô gái được nàng che chở ra một bên.

- Hôm qua em tôi ăn bữa chiều ở nhà tôi, chúng tôi ai nấy đều cười đến chết đi được: cậu ta chẳng ăn uống gì cả, chỉ ngồi thở dài than vãn về cô thôi, cô em đáng yêu của tôi ạ. Cậu ta mê cô như điên như dại rồi đấy, thật quả là như điên như dại đấy, cô bạn ạ!
     
Natasa nghe nói câu này, mặt đỏ bừng lên.

- Cô em đáng yêu của tôi đỏ mặt chưa kìa, đỏ mặt chưa kìa! - Elen nói. - Thế nào cũng đến nhé. Cô em đáng yêu của tôi ạ; dù cô có yêu người nào, thì đó không phải là một lý do để cô cấm cung. Cho là cô đã có hứa hôn đi nữa, thì tôi cũng tin chắc rằng người chồng chưa cưới của cô sẽ thích cho cô đi chơi đây đó trong khi mình vắng mặt còn hơn là để cô chết rũ vì buồn chán.

"Thế tức là chị ấy cũng biết mình đã đính hôn; thế tức là hai vợ chồng anh Piotr, anh Piotr hiền hậu ấy, đã từng nói chuyện và cười với nhau về chuyện này. Thế tức là chuyện ấy chẳng có can hệ gì cả" - Natasa nghĩ thầm. Và lần này cũng vậy, do ảnh hưởng của Elen, những điều trước đây có vẻ ghê gớm đáng sợ thì bây giờ lại có vẻ đơn giản tự nhiên. "Mà chị ấy lại là một bậc mệnh phu nhân quyền quý, chị ấy rõ ràng là mến ta rất chân thành, - Natasa tự nhủ. - Vả chăng việc gì lại không vui chơi một chút". - Natasa nghĩ thầm trong khi hai mắt mở to ngạc nhiên nhìn Elen.
     
Đến bữa ăn trưa bà Maria Dmitrievna trở về, trầm lặng, nghiêm trang, hẳn là đã bị bại trận ở nhà lão công tước. Bà đang xúc động mạnh về cuộc chạm trán vừa rồi nên không thể bình tĩnh kể lại sự tình được. Bá tước hỏi thì bà trả lời rằng mọi việc đều ổn thoả và đến mai bà sẽ kể. Nghe nói bá tước phu nhân Bezukhov đến thăm và mời gia đình Roxtov đến dự tối tiếp tân, Maria Dmitrevna nói:

- Tôi không thích giao du với Bezukhov và theo tôi gia đình bác cũng không nên giao du với ngữ ấy làm gì - rồi bà thêm với Natasa - nhưng thôi đã chót hứa rồi thì cứ đi cho vui.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:14:16 pm
Phần VIII
Chương - 13

Bá tước Ilya Andreyevich đưa hai cô con gái đến nhà bá tước phu nhân Bezukhov. Tối tiếp tân hôm ấy có khá nhiều khách đến dự. Nhưng trong đám tân khách đó Natasa hầu như không quen biết ai.
   
Bá tước Ilya Andreyevich không vui lòng khi nhận thấy đám nam nữ tân khách ấy phần lớn gồm những người có tiếng là phóng đãng. Cô Georges đứng ở một góc phòng khách, giữa một tốp thanh niên đang quây quần xung quanh. Có mấy người Pháp, trong số đó thấy cả Metivie; vốn là một khách thân của nhà Elen từ khi nàng về Moskva. Bá tước Ilya Andreyevich định bụng là sẽ không ngồi đánh bài, để khỏi rời hai cô con gái và hễ cô Georges ngâm thơ xong là sẽ về ngay.
   
Anatol đứng gần cửa ra vào, rõ ràng là đang đợi cha con nhà Roxtov đến. Sau khi chào bá tước, chàng lập tức quay sang Natasa rồi đi theo nàng. Vừa trông thấy chàng, cũng như hôm nào ở nhà hát, Natasa đã có cảm giác thích thú hãnh diện khi cảm thấy rằng mình được Anatol ưa thích, và một cảm giác sợ hãi khi cảm thấy giữa Anatol với nàng không có một hàng rào đạo đức nào ngăn cách.
   
Elen vui mừng tiếp đón Natasa và lớn tiếng ca ngợi sắc đẹp và cách phục sức của nàng. Họ đến được một lúc thì cô Georges ra khỏi phòng để thay áo. Trong phòng khách người ta bắt đầu xếp ghế ngồi chờ. Anatol dịch một chiếc ghế cho Natasa và toan ngồi xuống cạnh nàng, nhưng bá tước, mắt không rời khỏi Natasa, đã ngồi ngay bên cạnh con gái, Anatol bèn ngồi sau lưng nàng.
   
Cô Georges, hai cánh tay béo có ngấn để trần, khoác một tấm khăn choàng đỏ ở một bên vai, bước ra khoảng trống dành cho cô ta ở giữa các ghế bành và dừng lại với một tư thế thiếu tự nhiên. Có tiếng thì thào thán phục trong đám khách khứa.
   
Cô Georges đưa mắt nghiêm nghị hầm hầm nhìn cử toạ rồi bắt đầu ngâm bằng tiếng Pháp một bài thơ nói về tình yêu tội lỗi của cô ta đối với con trai mình. Ở một vài đoạn cô ta cao giọng lên ở một vài đoạn khác cô ta lại thì thầm rất khẽ trong khi trang trọng ngẩng cao mái đầu, có chỗ cô ta ngừng đọc và rên rỉ, hai mắt trợn trừng đảo qua đảo lại.
   
Trong đám tân khách, tứ phía đều có tiếng trầm trồ:

- Tuyệt diệu! Thần diệu! Thú quá!
   
Natasa nhìn vào cô Georges béo tốt, nhưng không trông thấy, không nghe thấy và không hiểu nổi những gì đang diễn ra trước mắt nàng; nàng chỉ cảm thấy mình lại đã bước hẳn vào cái thế giới kỳ lạ điên rồ, xa cách một trời một vực với cái thế giới cũ, bước vào một thế giới mà người ta không còn biết cái gì là tốt đẹp, cái gì là xấu xa, cái gì là phải chăng, cái gì là dại dột. Sau lưng nàng là Anatol, cảm thấy gần gũi chàng Natasa sợ hãi chờ đợi một việc gì sắp xảy ra.
   
Sau tiết mục ngâm thơ đầu tiên, các tân khách đều đứng dậy đến vây quanh lấy cô  Georges đến tỏ lòng hâm mộ.

- Cô ấy đẹp quá! - Natasa nói với bá tước Ilya Andreyevich bấy giờ đang cùng mọi người đứng dậy chen về phía người nữ diễn viên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:15:15 pm
- Khi nhìn tiểu thư, tôi chẳng thấy cô ấy đẹp tí nào, - Anatol nói. Bây giờ chàng đi theo sát sau lưng
Natasa và nói câu này đúng vào lúc chỉ có một mình nàng có thể nghe thấy - Tiểu thư đẹp lắm… từ phút đầu nhìn thấy tiểu thư, tôi không lúc nào…

- Ta đi thôi, ra đi thôi Natasa ạ, - bá tước nói khẽ khi đã quay trở lại với con gái. - Cô ấy đẹp lắm!
   
Natasa không nói gì; nàng lại gần bá tước, đưa đôi mắt ngạc nhiên và dò hỏi nhìn cha.
   
Sau khi ngâm được mấy bài, cô Georges ra về, bá tước phu nhân Bezukhov mời các tân khách vào phòng lớn.
     
Bá tước Ilya Andreyevich muốn ra về, nhưng Elen khẩn khoản xin ông đừng làm mất cuộc khiêu vũ không dự tính trước của nàng. Cha con nhà Roxtov đành ở lại. Anatol mời Natasa nhảy điệu valse.
   
Trong khi khiêu vũ chàng xiết chặt thân hình và bàn tay Natasa, nói rằng nàng đẹp mê hồn và nói rằng mình yêu nàng. Đến điệu vũ Scotland Natasa lại nhảy với Anatol, và khi hai người tách riêng ra một phía, Anatol không nói gì, chỉ nhìn nàng. Natasa nghi hoặc không biết câu nàng vừa nghe trong khi nhảy điệu valse có phải là do chàng nói thật hay chỉ là tự nàng nghe thấy trong giấc chiêm bao. Cuối vũ hình thứ nhất Anatol lại nắm chặt tay nàng. Natasa ngước mắt lên sợ hãi nhìn chàng, nhưng trong khoé mắt và nụ cười của chàng có một vẻ gì âu yếm và tự tin đến nỗi khi nhìn chàng Natasa không thể nói được những điều mà nàng thấy cần phải nói.

Nàng cụp mắt xuống.

- Xin anh đừng nói thế, tôi đã đính hôn, tôi yêu một người khác, - nàng nói nhanh… Nàng nhìn Anatol.
   
Chàng không hề lúng túng và phật lòng vì những điều nàng vừa nói.

- Xin cô đừng nói với tôi việc ấy làm gì. Cái đó có liên quan gì đến tôi đâu? - Anatol nói. - Tôi chỉ xin nói rằng tôi yêu cô như điên như dại… Cô đẹp mê hồn, đó có phải lỗi của tôi đâu… Đến lượt chúng ta nhảy rồi!
   
Natasa thảng thốt giương to đôi mắt sợ hãi nhìn quanh và có vẻ vui hơn lúc thường. Nàng hầu như không nhớ chút gì trong những sự việc đã xảy ra tối hôm nay. Họ nhảy điệu Scotland và điệu "Tổ phụ"(1). Cha nàng bảo nàng về, nàng xin ở lại. Dù đang đứng ở chỗ nào, dù đang nói chuyện với ai, nàng cũng cảm thấy Anatol đang nhìn mình. Sau đó nàng nhớ là nàng xin phép cha vào phòng trang điểm để sửa lại nếp áo, bà Elen đã đi theo nàng và vừa cười vừa nói về tình yêu của em trai, là khi đi ngang gian phòng đi-văng nhỏ nàng lại gặp Anatol, rằng Elen lảng đi đâu mất, hai người còn lại một mình trong phòng, và Anatol cầm tay nàng, nói âu yếm:

- Tôi không đến nhà cô được, nhưng chả nhẽ tôi không bao giờ được thấy lại cô lần nữa? Tôi yêu cô say đắm. Chả nhẽ không bao giờ nữa? - Chàng đứng chặn đường không để nàng ra và mặt chàng đưa lại sát mặt nàng.
   
Đôi mắt to sáng long lanh của chàng gần mắt nàng đến nỗi nàng không nhìn thấy gì nữa ngoài đôi mắt ấy.

- Natali! - giọng chàng thì thầm như dò hỏi, và có ai bóp mạnh hai bàn tay nàng đau như dần. - Natali!
     
"Tôi không hiểu gì cả, tôi không có gì nói cả" - Đôi mắt sáng như muốn nói.

Đôi môi nóng bừng của chàng bỗng áp vào môi nàng, và ngay giây phút ấy nàng lại thấy mình tự do: rồi trong gian phòng chợt có tiếng chân bước và tiếng áo dài sột soạt của Elen. Natasa ngoái lại nhìn Elen, đỏ mặt và run rẩy nhìn chàng với đôi mắt hoảng sợ và dò hỏi, rồi bước ra cửa.

- Một lời thôi, chỉ một lời thôi, tôi van cô! - Anatol nói.
     
Nàng đứng lại. Nàng cần nghe chàng nói một lời có thể cắt nghĩa cho nàng hiểu rõ cái việc đã xảy ra và nếu chàng nói lời ấy ra nàng sẽ đáp lại.

- Natasa, một lời thôi, chỉmột lời thôi! - chàng ván nhắc lại, hẳn là chàng cũng chẳng biết nói gì nữa, và cứ nhắc đi nhắc lại như thế mãi cho đến khi Elen bước lại gần hai người.
     
Elen và Natasa lại cùng ra phòng khách. Cha con bá tước Roxtov ra về, không dự bữa ăn khuya.
     
Về đến nhà, suốt đêm ấy Natasa không ngủ; một câu hỏi không thể giải đáp nổi cứ day dứt nàng: nàng yêu ai. Anatol hay công tước Andrey? Nàng yêu công tước Andrey - nàng nhớ rất rõ mình đã yêu chàng tha thiết đến nhường nào. Nhưng Anatol nàng cũng yêu: điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. "Nếu không, thì làm sao có thể như vậy được? - nàng nghĩ - Sau việc đó mà ta có thể mỉm cười đáp lại nụ cười của chàng khi chia tay ra về, một khi ta đã có thể để cho chàng đi đến chỗ ấy, thì tức là ta đã yêu chàng từ phút đầu. Như vậy nghĩa là chàng tốt, chàng cao thượng, chàng đẹp, và ta không thể nào không yêu chàng được. Nhưng biết làm thế nào, khi ta vừa yêu chàng, lại vừa yêu một người khác?" - nàng tự nhủ, và không sao giải đáp nổi những câu hỏi khủng khiếp đó.

=========================================================

Chú thích:

(1) Grossvater - Điệu nhảy của Đức



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:16:02 pm
Phần VIII
Chương - 14
     
Buổi sáng lại đến, với những nỗi lo âu, những công việc bận rộn. Mọi người thức dậy đi lại, nói năng, các cô thợ khâu lại tới, bà Maria Dmitrievna lại ra mời mọi người vào dùng trà. Natasa hai mắt mở to như muốn đón chặn tất cả những cái nhìn có thể hướng vào nàng, lo lắng nhìn mọi người và cố sao cho có vé bình thường như mọi khi.
     
Sau bữa ăn sáng, bà Maria Dmitrievna ngồi vào chiếc ghế bành của bà (lúc này là lúc bà ta ưa thích nhất), rồi gọi Natasa và lão bá tước lại:

- Nào, các bạn, bây giờ tôi đã suy nghĩ hết mọi lẽ, và đây là lời tôi khuyên hai cha con, - Bà mở đầu… -
Như hai người cũng biết, hôm qua tôi đến nhà công tước Nikolai; tôi nói chuyện với ông ta… ông ta cũng định quát tháo. Nhưng làm sao át giọng tôi được! Tôi đã nói toạc cả ra cho ông ta nghe.

- Thế ông ấy bảo sao? - Bá tước hỏi.

- Ông ta bảo sao ấy à? Một lão dở hơi hết chỗ nói… lão ta nhất định không chịu nghe; thôi nói làm gì nữa, cứ thế này chúng ta cũng đã làm khổ con bé lắm rồi. - Maria Dmitrievna nói - Ý tôi thế này. Bá tước hãy làm xong các việc đi, rồi về Otradnoye… đợi ít lâu.

- Ồ! không! - Natasa kêu lên.

- Không, phải về, - Maria Dmitrievna nói. - Phải đợi. Bây giờ mà chú rể về thì không sao tránh khỏi xung đột. Nhưng sau này anh ta sẽ điều đình tay đôi với ông lão xong rồi sẽ về Otradnoye nói chuyện với nhà ta.
   
Ilya Andreyevich tán thành lời bàn này, hiểu ngay rằng đó là một ý kiến có lý. Nếu ông già nguôi giận thì đến gặp ông ta ở Moskva hay Lưxye Gorư cũng được, và như vậy lại hơn; còn nếu phải làm lễ cưới bất chấp cả ý ông ta thì chỉ có thể làm ở Otradnoye mà thôi.

- Đúng thế đấy, - lão bá tước nói - Tôi còn lấy làm tiếc rằng đã đem cháu đến nhà ông ta.

- Không, sao lại tiếc? Đã ở đây chả nhẽ lại không đến thăm sao tiện? Còn nếu ông ta không thích thì đó là việc của ông ta. - Maria Dmitrievna vừa nói vừa tìm một vật gì trong túi thêu. - Mà đồ cưới cũng đã sắm xong, còn đợi gì nữa; cái gì chưa xong, tôi sẽ gửi về cho bác sau. Tuy tôi rất ái ngại cho bác nhưng cứ về đi là hơn, có Chúa phù hộ. - Bà đã thấy được một vật mà bà tìm trong túi thêu. Đó là một bức thư của nữ công tước Maria. - Công tước tiểu thư viết cho cháu đấy. Tội nghiệp, cô ta khổ tâm lắm! Cô ấy cứ sợ cháu nghĩ rằng cô ta không ưa cháu.

- Nhưng cô ta có ưa gì cháu đâu - Natasa nói.

- Đừng nói bậy. - Maria Dmitrievna quát.

- Cháu không tin đâu: cô ấy không ưa cháu. - Natasa quả quyết Nàng cầm lấy bức thư, và trên gương
mặt nàng lộ rõ một vẻ cương quyết và hằn học đến nỗi Maria Dmitrievna nhìn nàng chằm chặp và cau mày.

- Con ạ. Con đừng có trả lời ta như thế, - Bà nói, - cái gì ta đã nói là đúng. Con hãy viết thư trả lời đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:16:46 pm
Natasa không đáp. Nàng về phòng đọc bức thư của công tước tiểu thư Maria.
Tiểu thư Maria viết rằng nàng hết sức khổ tâm về sự hiểu lầm đã xảy ra giữa hai người. Dù ý cha nàng như thế nào đi chăng nữa, - tiểu thư Maria viết, - thì nàng xin Natasa tin cho rằng nàng không thể không thương yêu người mà anh nàng đã chọn, vì nàng bao giờ cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì hạnh phúc của anh.
   
"Vả chăng, -Nàng viết, - Xin tiểu thư đừng nghĩ rằng cha tôi có ác cảm với tiểu thư. Cha tôi đau ốm và già nua rồi, xin tiểu thư bỏ quá cho; nhưng cha tôi hiền hậu và đại lượng và tất sẽ thương yêu người nào đem lại hạnh phúc cho anh tôi". Công tước tiểu thư Maria lại xin Natasa ấn định cho một lúc nào để nàng được gặp Natasa một lần nữa.
   
Đọc xong bức thư, Natasa ngồi vào bàn để viết thư trả lời.

"Công tước tiểu thư thân mến" - Nàng viết rất nhanh như cái máy, và dừng bút lại. Nàng còn có thể viết tiếp những gì được nữa, sau những sự việc xẩy ra tối hôm qua? "Phải, phải tất cả những việc ấy đều đã xảy ra thật, và bây giờ thì khác hẳn rồi, - nàng ngẫm nghĩ trong khi ngồi trước bức thư viết dở. - Phải khước từ Andrey ư? Cần phải khước từ thật ư? Thật khủng khiếp?". Và để khỏi nghĩ đến những điều ghê sợ đó, nàng sang buồng Sonya và hai người ngồi xem mẫu thêu.

Sau bữa ăn trưa Natasa về phòng và lại giở bức thư của nữ công tước Maria ra. "Chả nhẽ thế là hết ư? - Nàng thầm nghĩ. - Chả nhẽ những việc ấy diễn ra và vĩnh viễn phá tan những việc trước kia một cách nhanh chóng như vậy ư? Nàng đang xúc động nhớ lại tình yêu của nàng đối với công tước Andrey và đồng thời cũng cảm thấy mình yêu Anatol. Nàng hình dung thấy rõ nàng làm vợ công tước Andrey, nhớ lại những mơ ước được sống hạnh phúc bên công tước Andrey mà trí tưởng tượng của nàng đã bao lần vẽ ra, và đồng thời bồi hồi xao xuyến nhớ lại từng chi tiết buổi gặp Anatol tối hôm qua".
   
Đôi khi, trong một trạng thái mê muội hoàn toàn, nàng thầm nghĩ: "Tại sao hai điều đó lại không thể đi đôi? Chỉ có thể như thế ta mới có thể có hạnh phúc thật sự, thế mà bây giờ ta phải chọn, và nếu thiếu một trong hai người ấy thì ta không thể nào có hạnh phúc được Dầu sao, nói cho công tước Andrey rõ những điều đã xảy ra hay giấu đi không cho chàng biết, đều không thể được cả. Còn với người kia thì chưa việc gì. Nhưng chả nhẽ ta phải từ bỏ vĩnh viễn cái hạnh phúc được yêu công tước Andrey sau bao lâu sống bằng hạnh phúc đó?"

- Thưa tiểu thư, - Một người đầy tớ gái bước vào phòng, nói thì thầm, vẻ bí mật. - Có một người bảo con chuyển lại. - Người đầy tớ gái đưa một phong thư cho Natasa. - Nhưng con van cô… - người đầy tớ gái nói thêm, trong khi Natasa không suy nghĩ, như cái máy, bẻ vỡ dấu gắn xi và đọc bức thư tình của Anatol. Nàng không hiểu trong thư nói những gì. Nàng chỉ hiểu rằng đây là bức thư của chàng, của người mà nàng yêu. Phải, nàng yêu, vì nếu không, làm sao những việc ấy lại có thể xẩy ra được? Sao lại có thể có một bức thư tình của chàng ở trong tay nàng?
   
Hai tay run lấy bẩy, Natasa cầm bức thư tình đầy những lời lẽ thắm thiết, nồng nhiệt do Dolokhov viết hộ cho Anatol, và khi đọc nàng như nghe tiếng vọng lại của những cảm xúc mà nàng cho là chính mình cảm thấy.
   
"Từ tối hôm qua số phận của tôi đã được định đoạt: hoặc được em yêu hoặc chết. Tôi không còn lối thoát nào khác"
     
Bức thư mở đầu như vậy. Sau đó có nói rằng chàng biết cha mẹ Natasa sẽ không bằng lòng gả nàng cho chàng, tức Anatol, sở dĩ như vậy là vì những lý do bí ẩn mà chàng chỉ có thể thổ lộ với riêng nàng thôi, nhưng nếu Natasa yêu chàng, thì nàng chỉ cần nói một tiếng có, là không còn một sức mạnh nào của loài người có thể cản trở hạnh phúc của hai người được nữa. Tình yêu sẽ thẳng tất cả. Chàng sẽ cướp nàng đi và đưa nàng rong ruổi đến tận chân trời góc bể.
   
"Phải, phải, ta yêu chàng!" - Natasa nghĩ. Nàng đọc lại bức thư đến hai chục lần và cố tìm trong từng chữ một ý nghĩa gì đặc biệt sâu sắc.
   
Tối hôm ấy bà Maria Dmitrevna đến nhà ông bà Arkharov và rủ hai cô con gái cùng đi với bà. Natasa cáo nhức đầu xin ở nhà.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:18:00 pm
Phần VIII
Chương - 15
     
Khi Sonya về thì trời đã khuya. Bước vào phòng Natasa, nàng rất ngạc nhiên khi thấy Natasa, chưa cởi áo ngoài, đang nằm ngủ trên đi-văng. Trên bàn bên cạnh có một bức thư đã bớc. Sonya cầm lấy bức thư và bắt đầu đọc.
   
Nàng vừa xem thư vừa đưa mắt nhìn Natasa đang ngủ say, mong tìm thấy trên nét mặt nàng một lời giải thích cho những điều nàng đang đọc, nhưng không tìm thấy gì hết. Gương mặt Natasa dịu dàng, yên tĩnh và sung sướng. Hai tay ôm chặt lấy ngực cho đỡ nghẹt thở. Sonya mặt tái xanh, người run lên bần bật vì sợ hãi và xúc động, ngồi xuống ghế bành và khóc lên rưng rức.
   
"Làm sao mình lại không hay biết gì cả? Làm sao sự tình lại có thể đi xa đến thế? Chả nhẽ Natasa không yêu công tước Andrey nữa ư? Sao Natasa lại có thể để Kuraghin đi đến nước ấy? Hắn là một thằng lừa đảo, một thằng bịp bợm, điều đó rất rõ. Nikolai, anh Nikolai đáng yêu, anh Nikolai cao thượng sẽ nghĩ thế nào, sẽ khổ đến nhường nào khi biết chuyện này? Té ra vẻ mặt xúc động, quả quyết và thiếu tự nhiên của Natasa từ ngày hôm kia đến nay là vì thế này đây! - Sonya nghĩ thầm. - Nhưng có thể nào Natasa lại yêu hắn được: Có lẽ khi xé phong thư ra nó không biết là thư của ai. Chắc nó tức lắm. Natasa không thể làm một việc như thế được!"

Sonya lau nước mặt và lại gần Natasa, nhìn vào mặt nàng một lần nữa.

- Natasa! - Nàng gọi rất khẽ.

Natasa tỉnh dậy và trông thấy Sonya.

- À chị về rồi đấy à?
   
Và với lối cử chỉ quả quyết và âu yếm mà người ta thường có khi vừa ngủ dậy, nàng ôm lấy bạn. Nhưng nhận thấy vẻ bối rối trên mặt Sonya, gương mặt Natasa cũng lộ vẻ bối rối và ngờ vực.

- Sonya, chị đọc bức thư rồi ư? - Nàng hỏi.

- Đọc rồi! - Sonya nói khẽ.

Natasa mỉm cười hớn hở.

- Không, Sonya ạ, em không chịu được nữa đâu! - nàng nói - Em không đủ sức giấu chị được nữa. Chị biết đấy, chúng em yêu nhau!… Sonya yêu quý của em, anh ấy viết… Sonya…
   
Sonya nhìn Natasa trừng trừng, như không dám tin ở tai mình nữa.

- Thế còn Bolkonxki? - Nàng nói.

- Ô, Sonya ạ, giá chị biết em sung sướng đến nhường nào! - Natasa nói. - Chị không biết thế nào là tình
yêu…

- Nhưng Natasa ạ, chả nhẽ việc kia thế là hết hay sao?
   
Natasa mở to hai mắt nhìn Sonya, tưởng chừng như không hiểu câu hỏi của bạn. Sonya hỏi:

- Thế nào, Natasa cự tuyệt công tước Andrey à?

- Ô, chị chẳng hiểu gì cả, chị đừng nói bậy, chị nghe em bảo đây - Natasa bực bội trong giây lát nói.

- Không, mình không thể tin được, - Sonya nhắc lại. - Mình không thể hiểu được. Ai lại suốt một năm trời
yêu một người rồi bỗng dưng… Mà Natasa chỉ gặp hắn ta có ba lần thôi chứ mấy. Natasa ạ, mình không tin đâu. Natasa đùa đấy chứ. Trong ba ngày mà quên hết, và thế là…

- Ba ngày, - Natasa nói. - Em có cảm giác là em yêu chàng đến một trăm năm nay rồi. Em có cảm tướng là trước chàng chưa có bao giờ em yêu ai cả. Chị không thể hiểu được đâu. Sonya, chị ngồi xuống đây đã. - Natasa ôm lấy Sonya và hôn nàng. - Trước kia em đã từng nghe họ nói là có một thứ tình yêu như vậy, và chắc chị cũng có nghe nói, nhưng mãi đến bây giờ em mới biết được tình yêu ấy. Lần này không phải như trước đâu. Em vừa trông thấy chàng đã cảm thấy rằng chàng là chúa tể của em còn em là nô lệ của chàng, và em không thể không yêu chàng được. Phải, nô lệ! Chàng bảo em làm gì, em sẽ làm ngay. Chị không thể hiểu được cái đó đâu Em biết làm thế nào bây giờ? Em biết làm thế nào, chị Sonya! - Natasa nói, gương mặt vui sướng và sợ hãi.

- Nhưng Natasa thử nghĩ mà xem, - Sonya nói, - Natasa đang làm gì thế? Mình không thể để yên như thế này được đâu. Thư từ vụng trộm như thế này… Sao Natasa lại có thể để đến nỗi như vậy được? - Sonya nói với vẻ sợ hãi và ghê tởm mà nàng cố sức che giấu.

- Em đã nói với chị là em không còn nghị lực nữa, sao chị không hiểu, em yêu chàng kia mà! - Natasa đáp.

- Mình không để yên như thế này được đâu, mình sẽ nói... - Sonya thốt lên, giọng nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:18:49 pm
- Kìa chị, em van chị… Nếu chị nói ra, chị sẽ là kẻ thù của em, Natasa nói. Chị muốn em khổ sở, chị muốn người ta chia rẽ chúng em…
   
Thấy Natasa hoảng sợ như vậy, Sonya khóc oà lên vì thương xót và xấu hổ cho bạn.

- Nhưng giữa hai người đã có những gì rồi nào! - nàng hỏi. - Hắn nói với Natasa những gì? Tại sao hắn lại không đến nhà?
   
Natasa không trả lời câu hỏi của bạn.

- Trời ơi, em van chị; Sonya ạ, chị đừng nói với ai nhé. Chị đừng làm khổ em, - Natasa khẩn khoản. - Chị nên nhớ rằng chị không được can thiệp vào những việc như thế. Em đã thổ lộ với chị…

- Nhưng tại sao lại thầm thầm lén lén như vậy?  Tại sao Kuraghin không đến nhà? - Sonya hỏi. - Tại sao anh ta không đến dạm hỏi dường hoàng? Công tước Andrey cho Natasa được hoàn toàn tự do kia mà, nếu có chuyện gì như thế này xảy ra; nhưng mình không tin. Natasa đã nghĩ xem những lý do bí ẩn ấy là lý do gì chưa?
   
Natasa giương đôi mắt ngạc nhiên nhìn Sonya. Rõ ràng lần đầu tiên câu hỏi này đến với nàng, và nàng không biết trả lời ra sao cả.

- Lý do gì thì em không biết. Nhưng như thế tức là phải có lý do.

Sonya thở dài lắc đầu ngờ vực.

- Nếu có lý do… - nàng mở đầu.

Nhưng Natasa đã đoán ra ý ngờ vực của nàng liền hốt hoảng ngắt lời.

- Sonya ạ, không thể nghi ngờ chàng, không thể được, không thể được, chị có hiểu không nào? - Natasa kêu lên.

- Anh ta có yêu Natasa không?

- Có yêu không à? - Natasa nhắc lại, miệng mỉm cười thương hại cho cái óc chậm hiểu của bạn. - Chị đã đọc bức thư rồi kia mà? Chị đã trông thấy anh ấy chưa?

- Nhưng nếu anh ta là người không tốt thì sao?

- Anh ấy mà là người không tốt! Ô, giá chị biết!

- Nếu anh ta là người tốt, thì phải nói rõ ý định của mình ra hoặc thôi không gặp Natasa nữa; và nếu
Natasa không bảo anh ta, thì mình sẽ viết thư cho anh ta. Mình sẽ nói với cha! - Sonya quả quyết.

- Nhưng không có anh ấy em không thể sống được! - Natasa kêu lên.

- Natasa, mình không hiểu Natasa ra làm sao nữa. Natasa nói gì thế! Phải nghĩ đến cha, đến Nikolai chứ.

- Em không cần ai hết, em không yêu ai hết, ngoài anh ấy. Sao chị dám bảo anh ấy không tốt? Chị không biết là em yêu anh ấy sao? - Natasa thét lên. - Sonya chị đi đi, em không muốn gây sự với chị đâu: em van chị, chị đi đi; chị cũng thấy em đang khổ như thế nào! - Natasa bực dọc kêu lên, cố ghìm bớt giọng tức lối và tuyệt vọng. Sonya khóc oà lên nức nở và chạy ra khỏi phòng.

Natasa đến bàn, và không suy nghĩ lấy một phút, nàng viết bức thư trả lời nữ công tước Maria mà suốt buổi sáng nàng không viết được Trong thư nàng nói vắn tắt rằng tất cả mọi điều hiểu lầm giữa hai người nay đều đã chấm dứt, rằng nay lợi dụng lòng bao dung của công tước tiểu thư quên hết mọi việc và tha thứ cho nàng, nếu nàng có lỗi với tiểu thư, nhưng nàng không thể là vợ công tước Andrey được. Tất cả những điều đó, bây giờ Natasa thấy nó dễ dàng đơn giản và minh bạch quá.
   
Đến thứ sáu gia đình Roxtov sẽ về thôn quê. Thứ tư tuần ấy bá tước cùng đến trang viên ngoại thành Moskva với một người khách muốn mua trang viên.
   
Tối hôm bá tước ra đi, Sonya và Natasa được mời đến dự một bữa tiệc lớn ở nhà Kuraghin. Bà Maria Dmitrevna liền đưa hai chị em đi.
     
Trong bữa tiệc này Natasa lại gặp Anatol, và Sonya nhận thấy Natasa nói gì với chàng, có ý không muốn cho người khác nghe thấy, và suốt bữa tiệc nàng còn có vẻ xúc động hơn trước nữa. Khi trở về nhà, Natasa tự nói ra trước câu chuyện mà Sonya đang chờ đợi.

- Đấy, thế mà Sonya cứ nói oan cho anh ấy mãi, - Natasa mở đầu, giọng dịu dàng, đúng cái giọng của các em bé khi chúng muốn được ai khen. - Hôm nay anh ấy với em đã nói chuyện xong xuôi rồi.

- Thế à thế thì sao? Anh ta nói gì? Natasa ạ, cậu không giận mình, mình mừng lắm. Natasa hãy nói hết, nói hết sự thật cho mình nghe đi. Anh ta nói những gì nào?

Natasa ngẫm nghĩ một lúc.

- Ô, Sonya ạ, giá chị cũng biết rõ anh ấy như em! Anh ấy nói… Anh ấy hỏi em xem em đã hứa hôn với Bolkonxki như thế nào. Anh ấy rất mừng khi biết rằng em có quyền cự tuyệt Bolkonxki.
Sonya buôn rầu thở dài, nói:

- Nhưng Natasa đã cự tuyệt đâu?

- Có thể là em đã cự tuyệt rồi! Có lẽ với Bolkonxki thì bây giờ không còn gì nữa. Tại sao chị lại có ý nghĩ
xấu về em đến như thế?

- Mình không có ý nghĩ gì cả, nhưng mình không hiểu được?

- Rồi chị sẽ hiểu hết, Sonya ạ. Chị sẽ thấy rõ anh ấy là người thế nào. Chị đừng nghĩ xấu cho em, cũng đừng nghĩ xấu cho anh ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:19:30 pm
- Mình không nghĩ xấu cho ai cả; ai mình cũng mến, ai mình cũng thương. Nhưng mình biết làm gì bây giờ? - Sonya không nhượng bộ trước giọng nói dịu ngọt của Natasa.
     
Vẻ mặt Natasa càng dịu dàng van lơn bao nhiêu thì vẻ mặt của Sonya càng nghiêm trang khắc nghiệt bấy nhiêu.

- Natasa - Nàng nói - Natasa có yêu cầu mình đừng nói gì với Natasa về chuyện ấy nữa, thì mình cũng chẳng nói gì, bây giờ chính Natasa mở đầu đấy. Natasa ạ, mình không tin Kuraghin đâu. Tại sao lại lén lút như vậy?

- Lại cứ thế rồi! - Natasa ngắt lời.

- Natasa ạ, mình lo cho Natasa quá!

- Lo gì?

- Mình lo rằng Natasa sẽ làm hỏng cả đời mình. -      Sonya nói, giọng cương quyết, nói xong lại thấy sợ hãi
về điều mùnh vừa nói ra.

Gương mặt Natasa lại lộ vẻ hằn học.

- Phải, tôi sẽ làm hỏng đời tôi, tôi sẽ làm hỏng, và càng mau càng tốt. Không việc gì đến các người. Thiệt
thân tôi chứ chẳng thiệt đến các người đâu. Mặc tôi, mặc tôi. Tôi ghét chị lắm.

- Natasa! - Sonya hoảng hốt gọi.

- Tôi ghét chị, tôi căm ghét chị. Chị là kẻ thù của tôi đến trọn đời.

Natasa bỏ chạy ra khỏi phòng.
   
Từ đấy Natasa không nói chuyện với Sonya nữa và cố tránh mặt nàng. Vẫn với cái vẻ xúc động, ngạc nhiên và tội lỗi như mấy ngày trước, Natasa lại đi vật vờ chỗ này chỗ nọ trong các phòng, bắt tay vào làm việc này việc kia rồi lại bỏ chạy. Sonya vẫn không ngừng theo dõi từng cử động của bạn, tuy việc đó làm cho nàng rất khổ tâm.
   
Trước ngày bá tước trở về một hôm, Sonya nhận thấy Natasa ngồi suốt một buổi sáng cạnh cửa sổ trong phòng khách như chờ đợi một cái gì, và có giơ tay ra hiệu cho một người mặc quân phục đi ngang trước nhà, mà Sonya đoán là Anatol.
   
Sonya càng chăm chú theo dõi bạn hơn nữa… và nhận thấy rằng Natasa từ bữa ăn chiều cho đến tối có vẻ gì kỳ lạ và không tự nhiên: hỏi một đằng nàng trả lời một nẻo, nói thì chỉ nói dở chừng không hết câu, động cái gì cũng cười sặc sụa.
     
Sau bữa trà, Sonya thấy một người đầy tớ cứ lo sợ đứng đợi trước cửa phòng Natasa. Sonya đợi cho cô ta vào phòng, đến ghé tai vào cánh cửa và biết được rằng cô ta lại chuyển thêm cho Natasa một bức thư nữa.
     
Và Sonya chợt vỡ lẽ ra rằng Natasa có một việc gì ghê gớm định thực hiện tối nay. Sonya gõ cửa. Natasa không cho nàng vào.
   
"Natasa sẽ trốn đi với hắn! - Sonya nghĩ thầm. Natasa thì việc gì cũng có gan làm được. Ngày hôm nay mặt nó có một vẻ gì tội nghiệp mà quyết liệt lạ thường. Hôm chia tay với bác, nó khóc, - Sonya sực nhớ lại. - Phải, đúng thế đấy, Natasa sẽ bỏ đi trốn với hắn: nhưng mình biết làm thế nào bây giờ? - Sonya nghĩ thầm. Bây giờ nàng đã nhớ ra những dấu hiệu chứng tỏ rõ rệt là Natasa đang ôm ấp một ý định gì ghê gớm. Bá tước đi vắng. Mình biết làm thế nào?  Viết thư cho Kuraghin đòi hắn phải cắt nghĩa chăng? Nhưng nếu hắn không trả lời thì ai ép được hắn? Hay viết thư cho Piotr, như công tước Andrey đã yêu cầu mỗi khi có chuyện chẳng lành… Nhưng có lẽ Natasa đã cự tuyệt Bolkonxki thật rồi cũng nên? (hôm qua cô ấy vừa gửi thư cho nữ công tước Maria). Trời ơi, bác lại đi vắng mới khổ chứ!".
   
Nói với bà Maria Dmitrievna, vốn rất tin Natasa, thì Sonya thấy sợ quá.
   
"Nhưng dù thế nào, - Sonya nghĩ trong khi đứng trong dãy hành lang tối mò, - đây chính là lúc tỏ ra rằng mình nhớ ơn gia đình bác và yêu Nikolai; nếu không phải lúc này thì chẳng còn bao giờ nữa. Không, dù có phải thức suốt ba đêm liền, mình cũng sẽ không rời khỏi dãy hành lang này và nhất định giữ Natasa lại cho bằng được, nhất định không để cho gia đình hai bác chịu nỗi nhơ nhuốc này".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:20:25 pm
Phần VIII
Chương - 16
     
Thời gian gần đây Anatol đã dọn sang ở nhà Dolokhov. Kế hoạch bắt cóc Natasa Roxtov đã được Dolokhov trù tính và chuẩn bị từ mấy ngày nay, và đúng vào cái hôm mà Sonya, sau khi  nghe ngóng cửa buồng Natasa, quyết định theo dõi nàng, thì kế hoạch ấy phải được đem thi hành. Natasa hẹn là đến mười giờ tối sẽ ra cửa sau với Anatol Kuraghin. Anatol Kuraghin sẽ đưa nàng lên một cỗ xe tam mã chực sẵn và sẽ đi đến làng Kamenka cách Moskva sáu mươi dặm. Ở đây đã có một ông cố đạo bị truất phép chờ sẵn để làm lễ cưới cho họ. Ở Kamenka sẽ có một chiếc xe ngựa đợi họ ra đường thiên lý đi Varsava, và đến đây họ sẽ dùng xe trạm vượt biên giới Nga.
   
Anatol đã có đủ giấy hộ chiếu, giấy lộ trình và một vạn rúp lấy của chị, lại thêm một vạn nữa do Dolokhov vay hộ.
 
Hai người làm chứng là Khvoxtiko, một viên thư lại cũ được Dolokhov sử dụng trong việc cờ bạc, và Makarin, một sĩ quan phiêu, kỵ giải ngũ, một người hiền lành và nhu nhược vốn có một tình yêu thương không bờ bến đối với Anatol, - bấy giờ đang ngồi uống nước trà ở phòng ngoài.

Trong phòng giấy của Dolokhov tường chăng thảm Ba-tư lên đến trần nhà và treo các thứ vũ khí, sàn lót da gấu: Dolokhov mình mặc áo bestmet đi đường trường, chân đi ủng đang ngồi trước một bàn giấy mở rộng, mặt bàn ta liệt những tờ giấy tính tiền và những xấp giấy bạc. Anatol mặc quân phục không cài khuy từ gian phòng có hai người làm chứng ngồi, bước qua phòng làm việc để vào phòng sau, là nơi tên hành bộc người Pháp của chàng đang cùng mấy người khác gói ghém những đồ dùng còn lại. Dolokhov tính tiền và ghi chép các khoản chi tiêu.

- Cậu ạ phải đưa cho Khvoxtiko hai nghìn - Dolokhov nói.

- Thì cậu cứ đưa! - Anatol nói.

- Còn Makarka (họ vẫn gọi Makarin như vậy) thì rất tận tuỵ, sẵn sàng lao vào lửa vì cậu. Đấy, thế là đã tính xong, - Dolokhov vừa nói vừa đưa cho Anatol xem giấy tờ tính tiền. - Đúng chưa?

- Đúng rồi, cố nhiên là đúng rồi, - Anatol nói, hẳn là không chú ý nghe Dolokhov, miệng cười bâng quơ, mắt trân trân nhìn thẳng phía trước mặt.

Dolokhov đóng bàn giấy lại đánh sầm một tiếng và mỉm cười một nụ cười ngạo nghễ bảo Anatol.

- Tớ bảo cậu nhé: thôi quách đi, hãy còn kịp đấy!

- Đồ ngốc! - Anatol nói. - Đừng có nói vớ vẩn nữa, cậu không biết chứ… Thôi có ma nó biết là cái gì.

- Thật đấy mà, cậu nên thôi quách cho xong, - Dolokhov nói. - Mình nói thật với cậu đấy. Việc cậu định làm có phải chuyện đùa đâu.

- Sao, cậu lại muốn trêu tức tớ nữa phải không?  Cút đi cho rảnh! Hả - Anatol nhăn mặt nói. - Thật tớ không hơi đâu mà nghe những câu nói đùa ngu xuẩn của cậu. - Rồi chàng ra khỏi phòng.
   
Dolokhov mỉm một nụ cười khinh bỉ và trịch thượng khi Anatol bước ra. Hắn nói với theo Anatol:

- Rồi hẵng! Tớ không đùa đâu, tớ nói thật đấy, lại đây, lại đây.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:21:20 pm
Anatol trở vào phòng, cố tập trung sức chú ý nhìn Dolokhov và có thể thấy rõ là hắn phục tùng Dolokhov một cách không tự giác.

- Cậu nghe tớ báo đây. Tớ bảo cậu lần này là lần cuối. Việc gì tớ lại đi nói đùa với cậu? Tớ có hề phá ngang cậu đâu. Ai đã lo thu xếp mọi việc cho cậu, ai đã đi tìm ông cố đạo, ai đi lấy hộ chiếu, ai đi xoay tiền? Tớ hết.

- Thì tớ cảm ơn cậu. Cậu tưởng tớ không biết ơn cậu hay sao? - Anatol thở dài và ôm chầm lấy Dolokhov.

- Tớ đã giúp cậu, tuy thế tớ phải nói thật với cậu: việc này rất nguy hiểm và xét kỹ là rất ngu xuẩn. Cậu bắt cóc cô ta, được lắm. Nhưng chả nhẽ người ta cứ để mặc sao? Họ sẽ phát giác ra là cậu đã có vợ. Họ sẽ đưa cậu ra toà…

- Chà! Vớ vẩn, vớ vẩn cả! - Anatol lại nhăn mặt nói. - Tớ đã nói rõ cho cậu nghe rồi kia mà. Hả! - Và với cái thói ưa bám chặt lấy ý kiến do mình nghĩ ra, vẫn thường thấy ở những người đần độn, Anatol lại giở cái mớ lý sự mà Dolokhov đã nghe hắn nói đi nói lại hàng trăm lần. - Tớ đã nói rõ với cậu là: nếu cuộc hôn nhân ấy không có hiệu lực - hắn vừa nói vừa gập một ngón tay lại, - thì tức là tớ không có trách nhiệm gì, còn nếu có hiệu lực, thì cũng chả sao: ra nước ngoài chả ai biết hết. Đấy, thế chứ còn sao nữa? Thôi cậu đừng nói nữa, đừng nói nữa, đừng nói nữa!

- Thật đấy mà, cậu thôi quách đi! Cậu chỉ rước lấy cái vạ vào thân…

- Cậu cút đi cho rảnh, - Anatol nói, giơ hai tay túm lấy tóc, hắn sang phòng bên, rồi lập tức quay trở lại và ngồi bỏ cả hai chân lên trên chiếc ghế bành sát trước mặt Dolokhov.

- Có quỷ biết được tớ làm sao thế này! Hả? Cậu xem nó đập này! - Hắn nắm lấy tay Dolokhov áp vào ngực mình. - Ô! Cậu ơi, chân cô ta mới đẹp chứ… lại đôi mắt nhìn nữa, một nữ thần!
   
Dolokhov mỉm cười lạnh lùng, đôi mắt đẹp đẽ sáng long lanh và trơ tráo nhìn vào Anatol, hắn là còn muốn dùng hắn làm trò cười một lúc nữa.

- Thế đến khi hết tiền thì sao.

- Thì sao ấy à? Hả - Anatol lặp lại, vẻ thành thật bỡ ngỡ vì chợt phải nghĩ đến tương lai. - Lúc ấy thì sao hả? Tớ chẳng biết… Thôi nói chuyện vớ vẩn ấy làm gì! - hắn xem đồng hồ. - Đến giờ rồi đấy!
   
Anatol đi ra phòng sau. Hắn quát người đầy tớ:

- Sao, sắp xong chưa? Lề mề thế à?
   
Dolokhov cất tiền đi, gọi người nhà dọn thức ăn và rượu ra để đánh chén trước khi lên đường và sang gian phòng có Khvoxtiko và Makarin ngồi chờ.
   
Anatol nằm chống khuỷu tay lên chiếc đi-văng trong phòng làm việc, mỉm cười có vẻ tư lự và lẩm bẩm gì trong miệng một cách âu yếm.

- Ra đây ăn dăm ba miếng. Không thì cùng uống một cốc! - Có tiếng Dolokhov từ phòng bên gọi sang.

- Tớ chẳng ăn uống gì đâu! - Anatol đáp, miệng vẫn mỉm cười - Ra đi, Balaga đến rồi đấy.

Anatol đứng dậy và đi ra phòng ăn. Balaga là một anh xà ích đánh xe tam mã có tiếng, biết Dolokhov và Anatol và đã đánh xe cho họ đã sáu năm nay. Đã bao lần, khi trung đoàn của Anatol đóng ở Tver, hắn đánh xe cho Anatol đi từ Tver vào chập tối và đến Moskva lúc rạng đông, rồi đến hôm sau lại đưa anh ta về. Đã bao lần hắn đánh xe cho Dolokhov chạy trốn cảnh binh, đã bao lần hắn đánh xe cho hai người chơi rong trong thành phố với bọn con gái Di-gan và các "tiểu phu nhân" như hắn thường gọi. Đã bao lần trong khi đánh xe cho hai người, hắn đã chẹt phải người và đâm phải xe cộ, và cứ mỗi lần như vậy hai ông lớn, như hắn thường gọi, đều cứu hắn thoát khỏi tù tội. Đã có mấy con ngựa chết trong khi hắn đánh xe cho họ đi. Đã bao lần hắn bị họ đánh đập, và đã bao lần họ cho hắn uống thả cửa rượu sâm banh và rượu Madera là thứ rượu hắn rất thích, và hắn biết rõ không ít những trò quỷ sứ của họ (nếu là người thường thì chỉ một trò như thế thôi cũng đủ bị đày đi Xibir rồi). Trong những bữa chè chén của họ, Dolokhov và Anatol hay gọi Balaga lại, bắt hắn uống rượu và nhảy múa với bọn con gái Di-gan và đã tiêu hàng mấy nghìn rúp qua tay hắn. Phụng sự cho Dolokhov và Anatol, mỗi năm hai mươi lần hắn phải coi rẻ cuộc sống và tính mạng, và số tiền mua những con ngựa bị chết và kiệt sức còn nhiều hơn cả số tiền họ đền cho hắn. Nhưng hắn rất thích họ, hắn rất thích những cuộc phi ngựa điên cuồng tám mươi dặm một giờ, rất thích húc đổ những chiếc xe chở khách và chẹt chết những người bộ hành, và lao hết tốc lực phóng như bay trên các đường phố Moskva. Hắn thích nghe ở phía sau lưng những tiếng quát man rợ của hai giọng người say rượu: "Nhanh lên! nhanh lên!" trong khi đã lao hết tốc lực không còn cách nào khác nhanh hơn được nữa; hắn thích quất thật đau vào cổ những anh mu-gich vừa bán sống bán chết nhảy sang một bên để tránh cỗ xe tam mã của hắn. "Thật là những ông lớn thực sự! " - hắn thường nghĩ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 08:22:00 pm
Anatol và Dolokhov cũng thích hắn vì cái tài đánh xe điêu luyện và vì hắn cũng cùng chung một sở thích với họ. Với những người khác, Balaga rất làm bộ, một chuyến đi hai tiếng đồng hồ hắn lấy đến hai mươi lăm lúp, và rất ít khi hắn tự đánh xe và không bao giờ đòi trả công. Chỉ khi nào hắn được bọn nội bộc báo cho biết là họ có tiền, thì cách mấy tháng một lần, hắn mới đến nhà vào buổi sáng, khi chưa uống rượu, cúi chào rất thấp và cầu cứu hai ông lớn.

Hai ông lớn bao giờ cùng mời hắn ngồi tử tế.

- Xin ngài cứu giúp cho, thưa ngài Fiodor Ivanovich, hay thưa công tước đại nhân - hắn nói. - Tôi hết ngựa mất rồi, chẳng còn lấy một con nào, ngài có thể giúp cho được bao nhiêu thì xin tuỳ ngài, để tôi ra
phiên chợ.

Và hễ khi nào sẵn tiền, Anatol và Dolokhov cũng cho hắn một hai nghìn rúp.

Balaga là một gã mu-gich trạc hai mươi bày tuổi, người thấp, tóc vàng hoe, mặt đỏ, đặc biệt là cái cổ béo phị cũng đỏ, mũi hếch lên, hai mắt ti hí sáng long lanh, cằm để một chòm râu ngắn. Hắn mặc chiếc áo kaftan xanh bằng dạ mỏng lót lụa khoác lên trên chiếc áo chẽn.

Hắn quay vào góc những hình thánh làm dấu chữ thập và đến gấn Dolokhov chìa bàn tay nhỏ và đen ra cúi chào chàng:

- Xin kính chào ngài Fiodor Ivanovich.

- Chào chú. Chú mày đã đến đây à?

- Xin chào công tước - hắn nói với Anatol lúc bấy giờ vừa bước vào, và cũng chìa tay ra cho hắn. Anatol đặt tay lên hai vai Balaga nói:

- Tớ bảo chú mày này, chú mày có yêu tớ không nào, hả? Bây giờ tớ đang cần đến chú mày đây… Ngựa nào đấy hả?

- Đúng như người nhà của ngài dặn, ngựa yêu của ngài cả đấy Balaga nói.

- Thế thì nghe đây, Balaga! Phải phóng cho kỳ chết cả ba con ngựa đi, sao cho trong ba tiếng đồng hồ
phải đến kịp. Hả?

- Chết thế nào được, chết thì lấy gì mà đi? - Balaga nháy mắt nói.

Anatol bỗng trợn mắt quát:

- Này đừng có đùa, tao quai vỡ mồm ra đấy.

- Đùa gì đâu, - tên xà ích cười, - Đối với các ông lớn tôi còn tiếc nữa sao? Ngựa phi nhanh được đến đâu
thì ta đi nhanh đến đấy.

- À! Anatol nói. - Thôi ngồi xuống đây.

- Nào, ngồi xuống! - Dolokhov nói.

- Tôi đứng cũng được, Fiodor Ivanovich ạ.

- Bậy nào, ngồi xuống mà uống đi, - Anatol nói đoạn rót cho hắn một cốc rượu madera. Trông thấy rượu,
mắt tên xà ích sáng lên. Sau khi từ chối qua loa cho có lệ, Balaga uống hết cốc rượu và lấy chiếc khăn mùi xoa lụa đỏ nhét trong mũ ta lau miệng.

- Thế bao giờ thì đi, thưa công tước?

- À thế này… (Anatol nhìn đồng hồ) đi ngay bây giờ. Chú mày phải liệu đấy. Balaga, hả? Kịp chứ?

- Còn tuỳ khi ra đi có trót lọt không đã, chứ còn thì sao mà chả kịp? - Balaga nói - Dạo trước đến Tver chỉ
mất có bảy tiếng. Chắc ngài còn nhớ chứ, thưa công tước?

Anatol mỉm cười thích thú khi nhớ lại thời cũ và nói với Makarin bấy giờ đang chăm chăm nhìn chàng một cách âu yếm.

- Cậu biết không, có lần vào lễ Giáng sinh tớ đi từ Tver, Makarka ạ, cậu có thể tin được không, chúng tớ phóng như bay, thở không ra hơi nữa. Chúng tớ đâm vào một đoàn xe tải, chồm qua đầu hai chiếc xe chở hàng. Hả?

- Ồ dạo ấy ngựa thật ra ngựa! - Balaga tiếp tục kể. - Dạo ấy tôi thắng hai con ngựa lề còn non tuổi với con ngựa tía ở giữa, - hắn nói với Dolokhov, - Ngài có tin được không, Fiodor Ivanovich? Mấy con ngựa phi liền sáu mươi dặm; tôi không giữ được, hai tay cứ cóng lại, chả là trời giá quá, tôi bỏ cương - thôi ngài công tước cầm lấy tôi bảo thế, còn tôi thì lăn kềnh vào trong xe. Đã không phải giục nó thì chớ, đây lại không kìm nổi nữa, trong ba tiếng đồng hồ, là mấy con quỷ đã phi đến nơi. Chỉ có con bên trái kiệt sức mà chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:46:14 pm
Phần VIII
Chương - 17

Anatol ra khỏi phòng và mấy phút sau trở lại, mình mặc một chiếc áo khoác lông thắt nịt bạc, mũ lông chồn đội lệch một bên trông rất ngang tàng và rất hợp với vẻ mặt tuấn tú của hắn. Hắn ngắm mình trong gương rồi đến đứng trước mắt Dolokhov, cũng với dáng điệu đúng như khi đang soi gương, và cầm lấy một cốc rượu.

- Nào, thôi từ biệt Fiodor(1) cảm ơn cậu về tất cả những việc cậu đã giúp tớ, từ biệt nhé. Nào thôi, các bạn… - chàng ngẫm nghĩ một lát, rồi quay sang Makarin và các bạn khác nói tiếp - Các bạn thời niên thiếu, của tôi, từ biệt nhé.

Mặc dầu tất cả những người có mặt ở đây đều sẽ cùng đi với Anatol, hắn vẫn có vẻ như muốn làm một cái gì đó cho thật cảm động và long trọng khi nói những câu đó. Hắn cất cao giọng, chậm rãi và ưỡn ngực ra, một chân đung đưa.

- Xin các bạn nâng cốc cho, cả chú mày nữa. Balaga ạ. Nào hỡi các ban, hỡi các bạn thời niên thiếu của tôi, chúng ta đã từng sống, đã từng chè chén bên nhau. Hả? Nhưng bây giờ thì biết đến ngày nào ta mới lại gặp nhau đây? Tôi sắp ra khỏi nước. Chúng ta đã từng sống bên nhau, bây giờ xin từ biệt các bạn. Chúc sức khoẻ!

- Ura…! - chàng nói đoạn dốc cạn chén và lấy khăn tay lau miệng.

Makarin ứa nước mắt ôm chầm lấy Anatol nói:

- Chao ôi, công tước ơi, phải xa công tước tôi buồn quá.

Anatol quát lên:

- Ta đi thôi, ta đi thôi!

Balaga toan ra. Anatol nói:

- Khoan đã. Đóng cửa lại, phải ngồi một lúc(2). Thế!
   
Họ đóng cửa lại. Mọi người đều ngồì xuống một lát. Rồi Anatol đứng dậy nói:

- Nào thôi, bây giờ lên đường, anh em ơi!

Người hành bộ Jozef đưa túi và gươm cho  Anatol, và mọi người đều ra phòng ngoài. Dolokhov nói:

- Thế áo choàng đâu? Ê! Ignatka! Chạy sang phòng Matriona Matveyevna hỏi cái áo khoác nhé, cái áo lông chồn bạc ấy. Tớ đã từng biết rõ bắt cóc một thiếu nữ phải như thế nào. - Dolokhov vừa nói vừa nháy mắt một cái. - Cô ta sẽ chạy xổ ra, hồn siêu phách lạc đi đâu hết, khi ở trong nhà mặc thế nào thì khi ra cũng chỉ mặc có thế, hễ chần chừ một chút, là khóc lóc, rồi thì ba ơi, má ơi, cô ta sẽ thấy lạnh và sẽ muốn quay lại, - cho nên cậu phải lấy cái áo khoác trùm ngay cho cô ta và bế lên xe.
   
Người đầy tớ mang ra một chiếc áo khoác đàn bà bằng lông chồn.

- Đồ ngu, ta đã bảo lấy chiếc bằng lông chồn bạc kia mà. Ê, Matriona, chiếc bằng lông chồn bạc kia! -
Dolokhov quát to đến nỗi tiếng chàng vang dội đến tận các phòng trong.
   
Một cô gái Di-gan xinh đẹp, gầy gò và xanh xao, đôi mát đen láy sáng long lanh, làn tóc quăn màu đen có ánh biêng biếc, choàng khăn san đỏ, cầm một chiếc áo lông chồn bạc chạy ra.

- Thôi em chả tiếc nữa đâu, ông lấy đi, - nàng nói, hẳn là nàng rất sợ ông chủ và rất tiếc cái áo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:47:21 pm
Dolokhov không đáp, cầm lấy chiếc áo, khoác lên người Matriona và quấn tròn cô ta lại, rồi nói:

- Đây phải quấn như thế này này. Xong rồi thế này - Hắn bẻ cổ áo lên bọc kín đầu cô ta, chỉ để hở một khoảng nhỏ ở phía trước mặt - thế này cậu thấy chưa? - Rồi hắn dúi đầu Anatol vào cái khoảng hở của chiếc cổ áo để lộ nụ cười sáng long lanh của cô gái Di-gan. Anatol hôn cô ta, nói:

- Thôi chào Matriona nhé. Chao ôi, thế là hết chơi bời ở đây!
   
 Chào Xtyopka hộ tôi nhé? Thôi từ biệt Matriona nhé, chúc cho anh may mắn đi!

- Cầu Chúa cho ngài được hạnh phúc lớn, công tước ạ - Matriona nói với cái giọng lơ lớ của người Di-gan.
   
Trước thềm có hai cỗ xe tam mã trượt tuyết do hai tên lâu la của Balaga giữ. Balaga ngồi vào cỗ phía trước và đưa cao khuỷu tay lên thong thả cầm lấy cương sửa lại cho ngay. Anatol và   Dolokhov ngồi sau lưng hắn. Makarin, Khvoxtikov và người đầy tớ gái ngồi chiếc xe sau. Balaga nói:

- Xong rồi chứ gì… Đi! - Hắn vừa quát vừa quay nắm tay cho dây cương quấn mấy vòng quanh tay, và chiếc xe tam mã phóng nhanh trên đại lộ Nikitxki.

- Ếp! Đi đi, ê! Ếp? - chỉ nghe tiếng quát tháo của Balaga và của tên lâu ta ngồi trên thành xe. Đến quảng trường Arbatxki chiếc xe tam mã đâm vào một chiếc xe chở khách nghe đánh rắc một cái, rồi có tiếng thét, và chiếc xe tam mã lao vút vào phố Arbat.
   
Sau khi vòng qua đại lộ Potnovinxki hai vòng, Balaga cho ngựa chạy chậm lại và cho xe đỗ ở góc phố Xtaraya Konyusennaya.
   
Tên lâu la nhảy xuống giữ cương ngựa, Anatol và Dolokhov đi bộ dọc theo vỉa hè. Đến gần cổng, Dolokhov
huýt một tiếng. Có tiếng huýt đáp lại và sau đó một người đầy tớ gái chạy ra.

- Các ông vào trong sân cho, không đứng đây họ trông thấy mất, cô ấy ra ngay, - người đầy tớ gái nói.
   
Dolokhov dừng lại ở bên cổng. Anatol theo người đầy tớ gái vào sân, chàng đi vòng qua góc nhà và bước lên bậc thềm.

Gavrilo, người hành bộc to lớn của bà Maria Dmitrievna, ra đón Anatol.

- Xin mời ngài vào gặp phu nhân, - người hành bộc nói, giọng trầm trầm, đứng chặn lối ra của Anatol.

- Phu nhân nào, anh là ai? - Anatol hổn hển hỏi thều thào.

- Xin ngài vào cho, tôi được lệnh mời ngài.

- Anatol! Ra ngay - Dolokhov quát to - Có kẻ phản rồi! Ra ngay!

Dolokhov đứng bên cổng và giằng co với người gác bấy giờ đang cố đóng sập cánh cổng để chặn Anatol lại trong sân.
       
Dolokhov lấy hết sức ẩy người gác cổng ra, và nắm lấy tay Anatol bấy giờ vừa chạy tới, kéo hẳn ra ngoài. Hai người chạy nhanh về xe tam mã.


=============================================================

Chú thích:

(1) Cách gọi thân mật tên Fiodor Dolokhov

(2) Theo phong tục Nga, khi có người ra đi: mọi người đều đóng cửa ngồi lại với nhau một lát.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:50:09 pm
Phần VIII
Chương - 18
     
Bà Maria Dmitrievna đã bắt gặp Sonya đứng khóc trong hành lang và đã bắt nàng thú thật hết mọi việc. Bà đã lấy được tờ giấy gửi cho Natasa và sau khi đọc xong bà cầm tờ giấy bước vào phòng nàng.

- Đồ đốn mạt, đồ không biết dơ, - Bà nói với Natasa - Đừng có nói, tao không nghe đâu!

Natasa giương đôi mắt ngạc nhiên nhưng ráo hoảnh nhìn bà Maria Dmitrievna. Bà đẩy nàng ra, khoá trái cửa phòng lại và ra lệnh cho người gác cổng là tối nay hễ có ai đến thì cứ để cho họ vào, nhưng không cho họ trở ra, và dặn người hành bộc đưa những người ấy vào cho bà. Đoạn bà ra ngồi ở phòng khách đợi bọn bắt cóc.

Khi Gavrilo vào báo cáo với Maria Dmitrievna rằng những người vừa đến đã chạy trốn, bà cau mày đứng dậy chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại hồi lâu trong nhà, ngẫm nghĩ xem mình nên làm gì.
   
Đến mười một giờ khuya bà nắn túi tìm chìa khoá rồi lại phòng Natasa, Sonya đang ngồi khóc rưng rức trong dẫy hành lang.

- Bác Maria Dmitrievna, bác cho cháu vào với Natasa một chút, cháu van bác! - Sonya nói.
Bà Maria Dmitrevna không đáp.
   
Bà mở cửa phòng và bước vào. "Thật là xấu xa, bỉ ổi… trong nhà ta mà dám, con đốn mạt, chỉ thương cho bố nó thôi! - Bà Maria Dmitrievna vừa nghĩ thấm vừa cố nén giận. - Tuy khó thật, nhưng ta sẽ ra lệnh cho mọi người không ai được nói gì, và ta sẽ giấu chuyện này không cho bá tước biết". Bà Maria Dmitrievna quả quyết bước vào phòng. Natasa nằm trên đi-văng không nhúc nhích, hai tay ôm lấy đầu tư thế vẫn giữ nguyên như lúc nãy khi bà Maria Dmitrievna khoá buồng lại.

- Đẹp mặt nhỉ, đẹp mặt thật đấy! - Bà Maria Dmitrievna nói, - Ở trong nhà tao mà lại hẹn hò với nhân tình hả? Đừng có giả vờ, không ích gì đâu. Khi tao nói thì phải nghe, nghe chưa? - Bà chạm vào tay Natasa. - Tao nói thì phải lắng tai mà nghe. Mày đã tự chuốc lấy cái nhơ nhuốc vào thân như một con đ tồi tệ nhất. Lẽ ra tao phải cho mày biết tay, nhưng tao thương hại cho cha mày. Tao sẽ giấu việc này.
   
Natasa không thay đổi thế nằm, nhưng toàn thân nàng bắt đầu rung lên từng đợt. Nàng đang nghẹn ngào khóc nấc lên nhưng không thành tiếng. Bà Maria Dmitrievna liếc nhìn Sonya một cái rồi ngồi xuống đi-văng bên cạnh Natasa. Bà cất giọng ồ ồ nói:

- May cho hắn là đã lọt khỏi tay tao; nhưng tao sẽ tìm ra hắn… Này có nghe tao nói không? - Bà luồn bàn tay phốp pháp xuống dưới má Natasa và quay mặt nàng ra ngoài.
   
Cả bà Maria Dmitrevna, lẫn Sonya đều kinh ngạc khi trông thấy vẻ mặt Natasa. Mắt nàng sáng quắc và ráo hoảnh, hai môi mím chặt, má trũng xuống.

- Buông tôi… ra… tôi còn thiết… gì nữa… tôi… sẽ chết thôi… - Natasa nói, hầm hè cố gức gỡ tay bà Maria
Dmitrevna ra và quay mặt lại nằm như cũ. Bà Maria Dmitrevna nói:

- Natalia… Bác muốn điều tốt cho cháu. Được cứ nằm như thế, bác không động đến nữa đâu, nghe bác nói đây… Bác sẽ không nói đến chuyện cháu có lỗi như thế nào nữa đâu. Chính cháu cũng biết rồi. Nhưng mai cha cháu về đây này, bác nóỉ với cha cháu như thế nào đây? Hả?

Thân hình Natasa lại rung lên từng đợt.

- Đấy ba cháu sẽ biết chuyện, cả anh cháu, cả chồng chưa cưới của cháu nữa!

- Tôi không có chồng chưa cưới, tôi cự tuyệt rồi. - Natasa kêu lên.

Bà Maria Dmitrievna nói tiếp:

- Thì cũng thế thôi. Đấy, họ sẽ biết chuyện, chả nhẽ họ cứ để mặc sao? Bác biết rõ cha cháu lắm, đấy, nếu cha cháu đi thách nó đấu súng thì có hay ho gì không? Hả?

- Ô để cho tôi yên! Tại sao bà lại phá! Tại sao? Tại sao? Ai mượn bà? - Natasa hét lên. Nàng nhổm người trên đi-văng và hằn học nhìn bà Maria Dmitrievna.

- Thế mày muốn cái gì? - bà Maria lại nổi nóng quát lên. - Thế nào, người ta giam cầm mày à?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:51:36 pm
Thì ai cấm nó đi lại hẳn hoi nào? Tại sao lại phải bắt cóc mày đi như một con Di-gan? Cho là đem mày đi thì mày tưởng người ta không tìm ra được đấy hẳn? Cha mày, anh mày hay chồng chưa cưới của mày sẽ tìm ra! Còn nó là một thằng đê hèn, đốn mạt, thế đấy!

- Anh ấy hơn hẳn tất cả các người! - Natasa nhổm dậy quát to - Giá các người đừng có ngăn… ôi, trời ơi, làm sao thế hở, làm sao thế? Sonya, tại sao? Các người đi ra đi!…
   
Và nàng khóc oà lên nức nở, tiếng khóc tuyệt vọng của những người cảm thấy rằng chính mình đã làm cho mình khổ. Bà Maria Dmitrievna toan nói nữa, nhưng Natasa thét lên: "Đi ra đi đi ra đi, các người đều thù ghét tôi, đều khinh tôi!" - rồi nàng lại gục xuống đi-văng.
   
Bà Maria Dmitrevna tiếp tục khuyên răn Natasa một lúc nữa để cho nàng thấy rõ rằng cần phải giấu không cho bá tước biết việc này, rằng sẽ không có ai hay biết việc gì miễn là Natasa chịu khó quên tất cả mọi việc và đừng tỏ cho ai biết rằng đã có việc không hay xảy ra. Natasa không đáp. Nàng cũng không khóc nữa, nhưng người nàng run cầm cập. Bà Maria Dmitrievna lấy một chiếc gối lót xuống đầu nàng và lấy hai tấm chăn đắp cho nàng, rồi tự mình bưng vào cho nàng một chén nước nóng nấu với hoa bồ đề, nhưng Natasa cứ nằm im để mặc.

- Thôi để cho nó ngủ cũng được. - Bà Maria Dmitrievna nói, rồi ra khỏi phòng, tưởng rằng Natasa đã ngủ. Nhưng Natasa không ngủ. Trên gương mặt xanh xao của nàng, hai mắt mở to đờ đẫn nhìn thẳng phía trước mặt. Suốt đêm ấy Natasa không ngủ và cũng không khóc. Sonya mấy lần thức dậy lại gần nàng, nhưng nàng cứ lặng thinh, không nói gì với Sonya hết.

Ngày hôm sau, đúng như đã hẹn, vào bữa ăn sáng bá tước Ilya Andreyevich từ trang viên ngoại thành trở về. Ông rất vui vẻ: việc bán trang viên đã xong xuôi và bây giờ không còn có gì ràng buộc ông ở lại Moskva, xa bá tước phu nhân mà ông bắt đầu thấy nhớ. Maria Dmitrievna ra đón bá tước và cho ông biết rằng hôm qua Natasa mệt nặng, phải đi mời bác sĩ nhưng nay đã đỡ. Sáng hôm ấy Natasa không ra khỏi phòng. Đôi môi nứt nẻ mím chặt, hai mắt khô khan và đờ đẫn nàng ngồi cạnh cửa sổ lo lắng nhìn những người qua lại ngoài phố và hoảng hốt quay phắt lại mỗi khi có người vào phòng.

Có thể thấy rõ là nàng đang chờ đợi tin tức của Anatol và mong Anatol đến hoặc viết thư lại cho nàng.
   
Khi bá tước đến phòng Natasa, nàng bồn chồn quay lại lắng tai nghe bước chân của ông, và mặt nàng lại có vẻ như trước, lạnh lùng và hằn học nữa. Thậm chí nàng cũng không đứng dậy để ra đón bá tước.

- Con làm sao thế, con gái ngoan của cha, con ốm à? - Bá tước hỏi.

Natasa im lặng một lát, rồi nói:

- Vâng, con ốm.
   
Bá tước lo lắng hỏi tại sao Natasa có vẻ tiều tuỵ thế, và có tin gì chẳng lành về người chồng chưa cưới của nàng không, thì Natasa đáp là không có gì cả và xin cha đừng bận tâm. Bà Maria Dmitrievna đỡ lời Natasa, nói với bá tước rằng chẳng có việc gì chẳng lành cả. Nhưng trông cái vẻ tiều tuỵ của con gái, vẻ mặt ngượng ngùng bối rối của Sonya và Maria Dmitrievna, bá tước thấy rõ ràng trong khi mình đi vắng đã có một việc gì khác xảy ra chứ chuyện Natasa ốm đau thì chẳng đáng tin chút nào; tuy vậy ông rất sợ phải nghĩ rằng đã xảy ra một việc gì đáng xấu hổ cho con gái yêu của ông, ông quý sự bình yên vui vẻ của ông đến nỗi không dám vặn hỏi thêm nữa và cứ cố tự nhủ rằng chẳng có gì đặc biệt xảy ra, chỉ tiếc rằng nay vì Natasa đang mệt nên phải hoãn việc về thôn quê ít lâu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:53:45 pm
Phần VIII
Chương - 19
   
Từ ngày vợ chàng đến Moskva, Piotr có ý định đi nơi khác, nơi nào cũng được, miễn là đừng phải thấy mặt vợ. Ít lâu sau khi gia đình Roxtov đến Moskva, cái ấn tượng mà Natasa gây nên  trong lòng chàng khiến chàng phải tìm cách thực hiện gấp ý định đó.
     
Chàng đi Tver tìm gặp bà vợ goá của Ioxif Alekxeyevich để lấy những giấy tờ của người quá cố mà bà ta hứa chuyển lại cho chàng từ lâu.

Khi Piotr trở về Moskva, người nhà đưa cho chàng một bức thư của bà Maria Dmitrievna mời chàng lại nhà để bàn một việc rất quan trọng có dính dáng đến Andreyevich Bolkonxki và người vợ chưa cưới của chàng. Bấy giờ Piotr đang có ý muốn tránh gặp Natasa. Chàng có ấn tượng là đối với Natasa mình có một cảm tình mạnh hơn là thứ thiện cảm giữa một người đã có vợ với người vợ chưa cưới của bạn. Thế mà hình như số phận cứ luôn luôn bắt chàng tiếp xúc với nàng.
     
"Việc gì xảy ra thế nhỉ? Sao họ lại cần đến mình? - chàng nghĩ thầm khi mặc áo đi đến nhà bà Maria Dmitrievna. Dọc đường, chàng lại nghĩ - Mong sao công tước Andrey về cho thật nhanh mà làm lễ cưới".

Trên đại lộ Tverxkaia có ai cất tiếng gọi chàng.

- Anh Piotr. Về đã lâu chưa thế? - Giọng người gọi nghe quen quen.
   
Piotr ngẩng đầu lên. Trên một chiếc xe song mã trượt tuyết thắng hai con ngựa xám chạy nước kiệu làm tung tuyết lên thành xe. Anatol và người bạn chí thân của hắn là Makarin lướt qua, Anatol ngồi rất ngay, với cái tư thế cổ điển của một quân nhân ưa làm dáng, chiếc cổ áo bằng lông rái cá bẻ lên che kín phấn dưới mặt, đầu hơi nghiêng về phía trước. Nước da hắn hồng hào, tươi tắn, chiếc mũ có ngù trắng đội lệch một bên để lộ mớ tóc quăn chải sáp thơm và lấm tấm bụi tuyết.
   
"Quả đây mới là một triết nhân chân chính?" - Piotr nghĩ - hắn ta không hề thấy gì ngoài cái phút khoái lạc hiện tại, không có gì làm cho hắn lo âu, cho nên hắn bao giờ cũng vui vẻ, thoả mãn và thanh thản. Dù có, phải mất gì đi nữa mà được như hắn thì ta cũng sẵn lòng" - Piotr nghĩ thầm, có ý ganh tị.
   
Trong phòng ngoài của bà Akhroiximova, người nô bộc trong khi cởi áo khoác ngoài cho Piotr nói rằng bà Maria Dmitrievna mời chàng vào phòng riêng.
   
Mở cánh cửa vào phòng khách, Piotr trông thấy Natasa ngồi bên cửa sổ, khuôn mặt gầy gò, xanh xao và có vẻ lầm lì tức giận.
   
Nàng nhìn Piotr cau mày, rồi vẻ trang trọng và lạnh nhạt, nàng bước ra khỏi phòng.
   
Bước vào phòng bà Maria Dmitrievna. Piotr hỏi:

- Có việc gì thế ạ?

- Thật là đẹp mặt, - bà Maria Dmitrevna đáp - Tôi đã năm mươi tám tuổi đầu rồi mà chưa thấy một chuyện nào ô nhục như thế này. - Và sau khi bảo Piotr lấy danh dự hứa rằng sẽ giữ kín mọi việc, bà cho chàng biết rằng Natasa đã cự tuyệt người chồng chưa cưới mà không hỏi ý cha mẹ, rằng nguyên nhân của việc cự tuyệt này là Anatol Kuraghin, vợ Piotr đã bố trí cho hai người quen nhau và Natasa đã định trốn theo Anatol trong khi bá tước đi vắng, để bí mật kết hôn với hắn.
   
Piotr nhún vai và há hốc miệng nghe bà Maria Dmitrievna nói, không dám tin ở tai mình nữa. Vợ chưa cưới của công tước Andrey người được Andrey yêu tha thiết như vậy, cô Natasa trước kia đáng yêu là thế, mà bây giờ lại bỏ Bolkonxki để lấy cái thằng Anatol ngu độn, một thằng đã có vợ (Piotr biết chuyện hôn nhân của hắn), và yêu hắn đến nỗi bằng lòng đi trốn với hắn! - Điều đó Piotr không thể hiểu được và không sao hình dung nổi.
   
Trong tâm trí chàng, hình ảnh đáng yêu của Natasa mà chàng biết từ dạo nhỏ, không sao hoà hợp được với cái ý nghĩ hiện nay của chàng về sự đê hèn, ngu xuẩn và tàn ác của nàng. Chàng nhớ đến vợ chàng. "Bọn họ đều như thế cả" - Chàng tự nhủ, và nghĩ rằng không phải chỉ có mình chàng phải chịu cái số phận hẩm hiu là bị ràng buộc với một người đàn bà xấu xa, nhưng chàng vẫn thấy thương công tước Andrey đến ứa nước mắt, chàng thấy xót xa cho tính tự trọng của bạn. Và càng thương bạn, chàng càng thấy khinh bỉ và thậm chí ghê tởm nữa khi nghĩ đến Natasa, con người vừa đi qua mặt chàng trong phòng khách với cái vẻ trang trọng và lạnh lùng.

Chàng không biết rằng tâm hồn Natasa đang tràn đầy tuyệt vọng, hổ thẹn, tủi nhục, không biết rằng vẻ mặt của nàng tình cờ có vẻ trang nghiêm và bình thản như vậy chẳng phải là tại nàng.

- Nhưng sao lại làm lễ cưới được! - Piotr nghe bà Maria Dmitrievna nói xong liền kêu lên. - Hắn không thể làm lễ cưới được hắn đã có vợ rồi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:54:52 pm
- Lại còn thế nữa kia à! - bà Maria Dmitrievna nói. Chà đẹp nhỉ! Đúng là một thằng khốn nạn? Ấy thế mà con bé vẫn đợi, nó đợi hai ngày nay rồi đấy. Phải cho nó biết mới được. Ít nhất cũng phải làm sao cho nó đừng đợi nữa.
   
Sau khi đã nghe Piotr kể lại tỉ mỉ cuộc hôn nhân của Anatol và đã trút cơn giận vào những câu chửi bới, bà Maria Dmitrievna cho chàng biết bà mời chàng lại để làm gì. Bà có ý định giấu bá tước và Bolkonxki bấy giờ đã sắp về, không cho họ biết chuyện này, bà sợ rằng nếu một trong hai người biết chuyện họ sẽ thách Anatol đấu súng, nên muốn nhờ Piotr thay mặt bà ra lệnh cho ông em vợ phải rời khỏi Moskva và đừng có vác mặt đến nhà bà. Piotr hứa sẽ làm theo ý bà. Bây giờ chàng mới hiểu rõ cái nguy cơ đang đe doạ lão bá tước, Nikolai và công tước Andrey. Sau khi đã cho chàng biết các yêu cầu của mình một cách ngắn gọn và chính xác, bà Maria Dmitrievna đưa Piotr ra phòng khách. Bà bảo chàng:

- Anh phải cẩn thận đấy, lão bá tước chưa biết gì đâu. Anh cứ làm như anh chưa biết gì cả. Còn tôi sẽ đi nói cho nó biết không có gì mà phải đợi! Lại đây mà ăn chiều cũng được, tuỳ ý - bà Maria Dmitrievna gọi theo khi chàng ra cửa.

Piotr gặp lão bá tước. Ông có vẻ bối rối và hoang mang. Sáng hôm ấy Natasa vừa cho ông biết là nàng đã cự tuyệt Bolkonxki. Bá tước bảo Piotr:

- Thật là tai hại, tai hại, anh bạn ạ, bọn con gái chúng nó mà vắng mặt mẹ thì thật là tai hại, tôi dâm ra tiếc rằng đã đến đây. Tôi xin nói thật với anh nhé. Anh đã biết tin gì chưa? Nó đã cự tuyệt người chồng chưa cưới, chẳng hỏi ai lấy câu nào. Quả tình thì tôi cũng chẳng có khi nào thích thú cuộc hôn nhân này cho lắm. Của đáng tội anh ấy là người tốt, nhưng biết làm sao được, trái ý cha thì cũng chẳng có hạnh phúc nào, mà con Natasa thì cũng chẳng sợ thiếu người đến hỏi. Nhưng dù sao thì việc cũng kéo dài rồi; mà ai đời chưa hỏi cha hỏi mẹ gì cả đã dám làm một việc như thế! Bây giờ thì lại ốm, chẳng còn biết ra làm sao nữa! Khổ lắm bá tước ạ, bọn con gái như chúng nó mà vắng mẹ thì thật đến khổ!
Piotr thấy bá tước bối rối nên cố lái câu chuyện sang hướng khác, nhưng bá tước vẫn quay lại với nỗi buồn của mình.
   
Sonya bước vào phòng khách, vẻ mặt lo lắng.

- Natasa mệt, nó đang nằm trong phòng và mong được gặp anh. Maria Dmitrievna đang ở trong ấy và cũng có mời anh vào.

- Phải đấy, - bá tước nói, - Chả anh lại là chỗ rất thân tình với Bolkonxki, chắc nó muốn nhờ anh nhắn hộ cái gì đấy. Ô! Trời ơi, trời ơi! Trước kia mọi việc êm đẹp biết chừng nào! - bá tước giơ tay nắm lấy món tóc mai bạc lơ thơ trên thái dương và ra khỏi phòng.
   
Bà Maria Dmitrievna đã cho Natasa biết rằng Anatol đã có vợ. Natasa không chịu tin và đòi phải có Piotr phải xác nhận việc này.
   
Sonya cho Piotr biết điều đó khi dẫn chàng qua dẫy hành lang để đến phòng Natasa.

Natasa, gương mặt xanh xao và nghiêm nghị, đang ngồi cạnh bà Maria Dmitrievna và ngay khi Piotr bước vào cửa đã đưa đôi mắt sáng quắc như đang lên cơn sốt nhìn chàng có ý dò hỏi. Nàng không mửn cười không gật đầu chào chàng, chỉ nhìn chàng đăm đăm, và khoé mắt của nàng chỉ hỏi chàng một điều: chàng là một người bạn hay cũng là một kẻ thù như tất cả những người khác đối với Anatol? Còn chính bản thân Piotr thì rõ ràng là nàng không cần biết đến.
   
Bà Maria Dmitrievna chỉ Piotr nói với Natasa:

- Anh ấy biết hết mọi việc. Để anh ấy thử nói xem những điều bác nói có đúng sự thật không.

Như một con thú bị đạn và bị đuổi dồn đang nhìn đàn chó và những người đi sẵn đang đến gần. Natasa đưa mắt nhìn hết bà Maria lại nhìn Piotr.

- Cô Natasa Ilynisna, - Piotr mở đầu, mắt nhìn xuống đất và lòng cảm thấy thương xót cho nàng và ghê tởm cái công việc mình đang phải làm - Cái đó thật hay không, thì cô cũng chẳng cần biết làm gì, bởi vì…

- Thế nghĩa là không phải anh ấy có vợ phải không?

- Không, đúng đấy.

- Anh ấy có vợ, đã lâu rồi à? - Nàng hỏi. - Anh có thể lấy danh dự mà cam đoan như vậy không?

Piotr lấy danh dự nói rằng quả đúng như vậy. Natasa hỏi nhanh:

- Hiện anh ấy đang ở đây à?

- Vâng, tôi vừa mới gặp xong.
   
Rõ ràng là Natasa không đủ sức để nói gì hơn nữa; nàng ra hiệu xin mọi người để cho nàng ngồi lại một mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:56:21 pm
Phần VIII
Chương - 20

Piotr không ở lại ăn bữa chiều. Chàng lập tức ra khỏi phòng và bổ đi tìm Anatol khắp thành phố. Bây giờ hễ nghĩ đến Anatol là máu chàng lại sùng sục dồn lên tim và chàng thấy nghẹn thở. Ở bãi trượt dốc(1), ở các ổ chứa của người Di-gan, ở nhà Komorino - đều không thấy Anatol đâu cả. Piotr đến câu lạc bộ. Trong câu lạc bộ vẫn như mọi ngày: khách khứa đến ăn vẫn ngồi túm năm tụm ba, chào hỏi Piotr, và nói chuyện với chàng về những tin tức trong thành phố. Một người hầu chào Piotr, vốn biết rõ những người quen và những thói quen của chàng, hắn cho chàng biết rằng ghế của chàng vẫn dành sẵn bên phòng ăn nhỏ, rằng công tước Mikhail đang ở trong phòng đọc sách, còn Pavel Timofevich thì chưa đến.
     
Trong khi đang nói chuyện về thời tiết, một người quen của Piotr hỏi chàng có nghe nói gì về chuyện Kuraghin bắt cóc cô Roxtov không: hiện nay trong thành phố người ta đang kháo nhau như vậy, không biết có đúng không? Piotr cười lớn nói rằng đó là chuyện bịa, vì chàng vừa mới ở nhà gia đình Roxtov ra. Gặp ai chàng cũng hỏi Anatol. Có người bảo chàng là Anatol chưa đến, một người khác nói là hôm nay Anatol sẽ đến ăn chiều ở đây. Piotr thấy có một ấn tượng lạ lùng khi nhìn đám người điềm tĩnh, thản nhiên kia, không hề hay biết những điều đang diễn ra trong lòng chàng. Piotr bước qua phòng khách, đợi cho mọi người đến đông đủ; không thấy Anatol đâu, chàng không ăn bữa chiều nữa và trở về nhà.

Anatol hôm ấy ăn chiều ở nhà Dolokhov và bàn bạc với hắn xem bây giờ nên cứu vãn việc thất bại vừa qua như thế nào. Hắn thấy nhất thiết phải gặp lại Natasa. Đến tối hắn đến nhà chị để tính cách dàn xếp cuộc gặp mặt này.
   
Sau khi hoài công đi khắp Moskva, Piotr trở về nhà. Người hầu phòng thưa với chàng là có công tước Anatol Vaxilievich đến thăm bá tước phu nhân. Phòng khách của bá tước phu nhân bây giờ đang tấp nập khách khứa.
   
Từ khi đến Moskva chàng chưa gặp Elen lần nào. Chàng không chào vợ (giờ phút ấy chàng căm ghét vợ hơn bao, giờ hết), chàng đi thẳng vào phòng khách và trông thấy Anatol Kuraghin liền lại gần hắn ta.

- A, anh Piotr! - bá tước phu nhân đến gần chàng nói, - Anh không biết Anatol của chúng ta đang lâm vào một tình cảnh như thế nào… - Elen dừng lại, trông thấy mái đầu cúi gằm xuống, đôi mắt sáng quắc, dáng đi quả quyết của Piotr, nàng đã thấy lộ rõ cái sức mạnh và sự phẫn nộ ghê gớm mà nàng đã từng biết và đã từng chịu đựng sau cuộc đấu súng với Dolokhov.

Piotr bảo vợ:

- Các người đi đến đâu là gieo rắc truỵ lạc và tội ác ở đấy - Rồi chàng nói bằng tiếng Pháp - Anatol cậu vào đây với tôi, tôi có chuyện cần nói với cậu.
   
Anatol đưa mắt nhìn chị rồi ngoan ngoãn đứng dậy, sẵn sàng theo Piotr.

Piotr nắm lấy cánh tay hắn, kéo theo mình và bước ra khỏi phòng.

- Nếu mà trong phòng khách của tôi mà ông dám… - Elen nói thì thào; nhưng Piotr không đáp, đi thẳng ra khỏi phòng.
   
Anatol theo sau chàng với dáng đi hiên ngang thường ngày, nhưng trên gương mặt hắn lộ vẻ lo lắng.
   
Trở về phòng làm việc, Piotr đóng cửa lại và nói với Anatol, không nhìn vào mặt hắn.

- Cậu hứa với bá tước tiểu thư Roxtov là sẽ cưới cô ta phải không? Cậu muốn đem cô ta đi trốn à?

- Anh bạn ạ, - Anatol đáp bằng tiếng Pháp (suốt buổi nói chuyện hai người đều nói với nhau bằng tiếng Pháp), - thiết tưởng tôi không có bổn phận trả lời những câu hỏi đặt ra với một giọng như vậy!
   
Gương mặt Piotr, nãy giờ đã tái xanh, nay lại càng biến sắc đi vì tức giận. Chàng đưa bàn tay to béo nắm lấy cổ áo quân phục của Anatol và lay mạnh từ bên này sang bên kia một hồi cho đến khi mặt của Anatol đã đủ lộ vẻ hoảng sợ.

- Thì tôi đã bảo là có chuyện cần nói với cậu… - Piotr nhắc lại.

- Ơ kìa, hay nhỉ… Hả? - Anatol vừa nói vừa sờ chiếc khuy cổ bị đứt đã kéo rách luôn cả một mảnh áo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:57:43 pm
- Cậu là một thằng khốn nạn, một thằng đốn mạt và tôi không hiểu tại sao tôi lại không nếm thử cái thú đập vỡ sọ cậu ra bằng cái này! - Piotr nói kiểu cách như vậy chỉ vì chàng nói bằng tiếng Pháp.
   
Chàng nắm lấy một cái chặn giấy rất nặng, giơ lên với một dáng điệu dữ tợn rồi vội vã đặt nó xuống bàn.

- Cậu có hứa là sẽ lấy tiểu thư phải không?

- Tôi, tôi… tôi không nghĩ đến việc đó; vả lại tôi chưa bao giờ hứa là vì…
   
Piotr ngắt lời hắn.

- Cậu có giữ thư từ gì của cô ấy không? Có thư không? - Piotr vừa nhắc lại vừa tiến về phía Anatol.
   
Anatol nhìn chàng và lập tức thọc tay vào túi lấy chiếc ví.
   
Piotr cầm lấy bức thư của Anatol đưa ra và đẩy chiếc bàn bấy giờ đứng chặn lối đi của chàng sang một bên, rồi gieo, mình xuống đi văng.

- Tôi sẽ không hành hung cậu đâu, đừng vội! - Piotr nói để đáp lại cử chỉ hoảng hốt của Anatol. - Thư từ là một, - Piotr nói như đang nhẩm lại một bài học. Rồi sau phút im lặng, chàng đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại, nói - Hai là ngày mai cậu phải đi khỏi Moskva.

- Nhưng làm thế nào mà…

- Ba là… - Piotr không thèm nghe, cứ nói tiếp - cậu không bao giờ được nói hở ra một tí gì về câu chuyện giữa cậu với bá tước tiểu thư. Cái đó thì tôi biết là tôi cũng chẳng cấm cậu được, nhưng nếu cậu còn một chút lương tâm nào… - Piotr im lặng đi lại mấy vòng nữa trong phòng. Anatol ngồi cạnh bàn và cau mày, cắn môi. - Dù sao cậu cũng không thể hiểu rằng ngoài khoái lạc của cậu ra còn có hạnh phúc, còn có sự yên tĩnh của những người khác, rằng chỉ vì muốn vui chơi mà cậu đã làm hỏng cả một đời người. Cậu muốn chơi bời thì hãy chơi bời với những thứ đàn bà như vợ tôi ấy với những người như thế cậu chơi như thế là rất phải, họ biết rõ cậu muốn gì ở họ. Họ cũng có đủ kinh nghiệm truỵ lạc để đối phó với cậu; nhưng hứa với một người con gái là sẽ lấy người ta… lừa đảo, ăn cắp… Sao cậu lại không hiểu rằng việc ấy cũng đê hèn như đánh một ông già hay một đứa trẻ! Piotr im lặng nhìn Anatol. Bấy giờ khoé mắt chàng không còn vẻ giận dữ nữa, mà lại có ý dò hỏi.

- Cái đó thì tôi không biết. Hả? - Anatol nói.  Chàng đã dần dần trở lại mạnh dạn khi thấy Piotr nén được cơn giận - Cái đó thì tôi không biết và không muốn biết, - Chàng nói, mắt không nhìn vào Piotr, hàm dưới hơi rung rung. - Nhưng anh vừa nói với tôi những chữ đê hèn, vân vân; đó là một điều mà tôi, với tư cách là một người có danh dự(2) không cho phép ai làm.

Piotr ngạc nhiên nhìn Anatol, không hiểu hắn muốn cái gì.

Anatol nói tiếp:

- Tuy trong khi anh nói chỉ có hai chúng ta ở đây, nhưng tôi không thể…

- Thế nào, cậu đòi tôi xin lỗi hẳn? - Piotr hỏi, giọng ngạo nghễ.

- Ít nhất anh cũng cần phải thủ tiêu những lời nói đó. Hả? Nếu anh muốn tôi làm theo ý muốn của anh. Hả?

- Thì thủ tiêu, thủ tiêu, - Piotr nói, - và tôi có lời xin lỗi cậu. - Piotr bất giác nhìn vào cái khuy đứt của Anatol. - Và nếu cậu cần tiền đi đường…

Anatol mỉm cười. Cái nụ cười rụt rè, đê tiện này Piotr đã rất nhiều lần trông thấy ở Elen. Nó làm cho chàng phát tởm lên.

- Ô thật là một nòi giống đê tiện vô lương tâm hết sức! - chàng nói đoạn bỏ ra ngoài.

Ngày hôm sau Anatol lên đường đi Petersburg.


===========================================================

Chú thích:

(1) Trượt dốc là một trò chơi được người Pháp gọi là "Núi Nga" (Montagnes russes) còn người Nga thì lại gọi là "núi Mỹ" (Amerikanskie gorry). Người ta đắp một con đường tuyết lên xuống như làn sóng và cho xe trượt tuyết chạy theo con đường đó.

(2) Người tự xem là bị xúc phạm thường đòi người đã xúc phạm mình xin lỗi nếu người này từ chối, người kia sẽ thách đấu súng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 09:58:33 pm
Phần VIII
Chương - 21
     
Piotr đến gặp bà Maria Dmitrievna để báo cho bà biết là những điều bà dặn đã làm xong: Kuraghin đã bị chàng tống cổ ra khỏi Moskva. Hôm ấy cả nhà đang nhốn nháo lo sợ. Natasa mệt nặng, và Maria Dmitrevna nói nhỏ với chàng là sau khi biết Anatol đã có vợ, ngay đêm ấy Natasa đã bí mật đi lấy thạch tín để tự tử. Uống được một ít nàng sợ quá đánh thức Sonya dậy và cho Sonya biết việc mình vừa làm. Người ta đã kịp thời tìm cách giải độc và bây giờ thì cơn nguy đã qua; nhưng Natasa còn yếu lắm, chưa thể nghĩ đến việc đưa nàng về thôn quê được, nên đã cho người đi mời bá tước phu nhân.

Piotr gặp lão bá tước, vẻ bàng hoàng ngơ ngác, và gặp Sonya, mắt sưng húp vì khóc nhiều nhưng chàng không gặp được Natasa.

Hôm ấy Piotr ăn chiều ở câu lạc bộ. Quanh chàng chỗ nào cũng nghe bàn tán về âm mưu bắt cóc cô Roxtov. Chàng kiên nhẫn ra sức cải chính những tin đồn đó, quả quyết với mọi người rằng không hề có chuyện gì như thế, có chăng chỉ là em vợ chàng đến cầu hôn cô Roxtov và bị cự tuyệt, thế thôi. Piotr thấy mình có nhiệm vụ phải giấu kín việc này và khôi phục thanh danh của cô Roxtov.
   
Chàng lo sợ chờ đợi công tước Andrey trở về và ngày nào cũng ghé qua nhà lão công tước hỏi thăm.
Công tước Nikolai Andreyevich, qua cô Burien, đã biết tất cả những tin đồn đang lan tràn trong thành phố, và đã đọc thư gửi nữ công tước Maria, trong đó Natasa cự tuyệt vị hôn phu. Ông có vẻ vui hơn ngày thường và rất nóng lòng chờ con trai trở về.
   
Anatol đi được mấy ngày thì Piotr nhận được một mảnh giấy của công tước Andrey gởi lại, báo cho chàng biết mình đã về và mời Piotr lại nhà.

Công tước Andrey vừa về đến Moskva thì ngay phút đầu cha chàng đưa cho chàng bức thư cự tuyệt của Natasa gửi nữ công tước Maria, (bức thư này cô Burien đã lấy cắp được của nữ công tước Maria để đưa lại cho lão công tước), và được nghe cha kể lại những câu chuyện về vụ bắt cóc Natasa, có thêm thắt khá nhiều.

Công tước Andrey về buổi tối hôm ấy thì hôm sau Piotr đến. Piotr chắc mẩm là cũng sẽ thấy công tước Andrey ở trong một tình trạng như Natasa, cho nên chàng rất ngạc nhiên khi đi vào phòng khách chàng nghe trong phòng làm việc có tiếng nói rất to của công tước Andrey đang hăm hở bàn về một vụ âm mưu gì ở Petersburg. Thỉnh thoảng có tiếng lão công tước và tiếng một người nào khác nữa ngắt lời công tước Andrey. Nữ công tước Maria ra đón Piotr. Nàng thở dài đưa mắt chỉ khung cửa dẫn vào phòng làm việc, nơi đang có công tước Andrey hình như nàng muốn tỏ lòng thông cảm với nỗi buồn của anh nàng, nhưng trông nét mặt của nữ công tước Maria, Piotr thấy rõ là nàng mừng về việc đã xảy ra và nàng cũng mừng về thái độ của anh nàng khi tiếp được tin người phản bội. Nàng nói:

- Anh ấy bảo là anh ấy không lấy làm lạ về việc vừa qua; tôi biết rằng lòng tự trọng của Andrey không cho phép anh để lộ tình cảm của mình, nhưng dù sao anh ấy đã chịu đựng việc đó một cách dễ dàng hơn là tôi tưởng. Hẳn là cơ sự phải như thế…

- Nhưng chả nhẽ thế là thôi hẳn rồi hay sao? - Piotr nói.

Nữ công tước Maria ngạc nhiên nhìn chàng. Nàng cũng không hiểu nổi tại sao lại còn có thể hỏi lại như vậy nữa. Piotr vào phòng giấy. Công tước Andrey người đổi khác khá nhiều, trông rõ ràng là khoẻ mạnh hơn, nhưng có một nếp nhăn mới chạy dọc xuống giữa đôi lông mày. Chàng mặc thường phực đứng trước mặt cha chàng và công tước Messerxki, và đang tranh luận rất hăng, vừa nói vừa giơ tay làm những cở chỉ cương quyết.

Họ đang bàn về Xperanxki, vì bấy giờ tin ông bị đày đột ngột và tin đồn nhảm là ông ta phản bội vừa mới về đến Moskva.

Công tước Andrey nói:

- Tất cả những người mới tháng trước đây vừa ca ngợi ông ta thì bây giờ lại phê phán và buộc tội ông ta, ngay cả những người không đủ sức hiểu được những ý định của ông ta cũng thế. Phê phán một người đang sa cơ và đổ tội của người khác lên đầu họ rất dễ; nhưng tôi xin nói rằng nếu dưới triều đại này mà có làm được việc gì tốt là đều do ông ta cả, do một mình ông ta làm ra cả… - trông thấy Piotr, chàng ngừng lại. Những thớ thịt trên mặt chàng khẽ rung động, và vẻ mặt chàng lập tức sa sầm xuống, rồi chàng nói thêm

- Rồi hậu thế sẽ đánh giá công lao của ông ta một cách công bằng hơn. - Đoạn quay sang Piotr, chàng nói tiếp ngay, giọng phấn chấn, những nếp nhăn mới xuất hiện trên trán hằn xuống sâu hơn nữa:

- Sao, cậu dạo này thế nào? Cậu cứ béo ra mãi. - Nghe Piotr hỏi thăm sức khoẻ, chàng nói - Vâng, tôi rất khoẻ, - rồi cười nhạt.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 08 Tháng Giêng, 2011, 10:00:57 pm
Piotr thấy rõ rằng tiếng cười nhạt đó muốn nói "Phải, tôi khoẻ, nhưng có ai cần đến sức khoẻ của tôi đâu". Sau khi nói với Piotr mấy câu về đoạn đường xấu kinh khủng từ biên giới Ba Lan trở đi, về chuyện chàng gặp mấy người quen ở Thuỵ Sĩ, về ông Dexal mà chàng đưa từ nước ngoài về để dạy con, công tước Andrey lại hăng hái xen vào câu chuyện giữa hai ông già bấy giờ đang tiếp tục bàn về Xperanxki.

- Nếu quả có chuyện phản phúc và có những bằng chứng tỏ ra rằng ông ta có liên hệ bí mật với Napoléon thì người ta đã công bố cho toàn dân biết rồi - công tước Andrey nói, giọng nóng nảy và hấp tấp. - Riêng tôi xưa nay chẳng ưa gì Xperanxki, nhưng tôi yêu lẽ công bằng.

Bây giờ Piotr đã nhận rõ là bạn chàng đang nói có một nhu cầu mà chàng quá quen thuộc: công tước Andrey đang cần tranh cãi một cách say sưa về một việc xa lạ đối với chàng, chỉ cốt sao lấn át được ý nghĩ thầm kín đang làm cho chàng quá khổ tâm.
     
Khi công tước Messerxki đi rồi, công tước Andrey nắm lấy cánh tay Piotr và mời bạn vào căn phòng dành cho chàng. Trong phòng thấy có một cái giường mới đặt, mấy chiếc va ly, và mấy chiếc hòm mở toang. Công tước Andrey lại gần một chiếc va ly lấy ra một cái tráp. Chàng lấy trong tráp ra một gói giấy. Những việc đó chàng làm rất nhanh và không nói một câu. Chàng đứng dậy và đằng hắng mấy cái. Vẻ mặt chàng u tối, hai môi mím chặt.

- Cậu thứ lỗi cho mình, nếu mình làm phiền cậu…
   
Piotr hiểu rằng công tước Andrey muốn nói về Natasa, và khuôn mặt rộng của chàng tỏ vẻ ái ngại và thông cảm. Vẻ mặt đó của Piotr khiến công tước Andrey tức giận; chàng nói tiếp, giọng sang sảng có vẻ quả quyết và nghe rất khó chịu:

- Tôi đã nhận được lời cự tuyệt của bá tước tiểu thư Roxtov, và tôi có nghe đồn đại là ông em vợ của cậu có ngỏ ý cầu hôn cô ta, hay việc gì đại loại như thế. Việc đó có đúng không?

- Cũng đúng mà cũng không. - Piotr mở đầu, nhưng công tước Andrey đã ngắt lời chàng.

- Đây là những bức thư và bức chân dung của tiểu thư, - chàng nói đoạn lấy gói thư trên bàn trao cho Piotr. - Cậu trả hộ cho bá tước tiểu thư… nếu cậu gặp.

- Cô ấy đang mệt nặng. - Piotr nói.

- Thế ra cô ấy vẫn ở đây? - công tước Andrey nói. - Còn công tước Kuraghin? - chàng hỏi nhanh.

- Đi từ lâu rồi. Cô ấy vừa suýt chết…

- Tôi rất ái ngại cho bệnh tình của tiểu thư, - công tước Andrey nói. Chàng cười nhạt, tiếng cười lạnh lùng, độc ác và khó chịu như tiếng cười của cha chàng, và nói tiếp:

- Nhưng thế tức là Kuraghin tiên sinh không ban cho bá tước tiểu thư Roxtov cái hân hạnh được tiên sinh cầu hôn? - chàng khịt mũi mấy cái.

- Kuraghin không thể kết hôn được, vì hắn đã có vợ rồi. - Piotr nói.

Công tước Andrey lại cười một cách khó chịu, giống như cha chàng. Chàng nói:

- Thế bây giờ ông ấy ở đâu, ông em vợ của cậu ấy, tôi có thể biết được không?

Hắn đi Petersburg… thật ra tôi cũng chẳng rõ nữa. - Piotr nói.

- Thôi được cũng chả sao, - công tước Andrey nói, - Cậu nói hộ với bá tước tiểu thư Roxtov là trước đây cũng như hiện nay tiểu thư vẫn hoàn toàn tự do, và tôi có lời chúc tiểu thư vạn sự như ý.
   
Piotr cầm lấy gói thư, công tước Andrey vẻ như đang nghĩ xem có cần nói gì với chàng nữa không hoặc đợi xem Piotr có nói gì với mình nữa không, đưa mắt nhìn chàng không chớp.
Piotr nói:

- Anh ạ, anh có nhớ hôm chúng ta tranh luận ở Petersburg không, anh có nhớ…

- Tôi nhớ, - công tước Andrey đáp vội - dạo ấy tôi có nói rằng phải tha thứ cho một người đàn bà khi họ lầm lạc, nhưng tôi không nói là tôi có thể tha thứ. Tôi không thể tha thứ được.

- Làm sao có thể so sánh được?

Công tước Andrey ngắt lời Piotr, quát lên, giọng gắt gỏng:

- Phải, phải đến cầu hôn lại, phải tỏ ra rộng lượng, vân vân chứ gì? Phải, làm như vậy rất cao thượng, nhưng tôi không thể giẫm lên vết chân của cái ông ấy được. Nếu cậu muốn giữ tình bạn với tôi thì cậu đừng bao giờ nói đến cô… đến những việc ấy nữa. Thôi chào cậu. Vậy cậu sẽ chuyển hộ chứ?
Piotr đi ra và đến gặp lão công tước và tiểu thư Maria.
   
Ông già có vẻ linh hoạt hơn ngày thường. Nữ công tước Maria cũng vẫn như mọi khi; nhưng ở phía sau lòng ái ngại cho anh, Piotr thấy trong thâm tâm nàng, mừng thầm là cuộc hôn nhân không thành. Nhìn hai người, Piotr đã hiểu rõ họ khinh bỉ và căm giận gia đình Roxtov đến nhường nào, hiểu rằng trước mắt họ thậm chí cũng không thể nhắc đến tên con người đã có thể đổi công tước Andrey để lấy bất cứ ai.
Đến bữa ăn trưa họ nói chuyện về cuộc chiến tranh hiển nhiên là sắp nổ ra. Công tước Andrey không ngớt miệng tranh luận khi nói với cha, khi thì với Deaxl, ông gia sư người Thuỵ Sĩ và có vẻ hăng hái hơn mọi ngày
- Cái hăng hái mà Piotr hiểu rất rõ nguyên nhân.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:12:06 pm
Phần VIII
Chương - 22
     
Ngay tối hôm ấy Piotr đến nhà Roxtov để làm tròn công việc công tước Andrey nhờ.
Bấy giờ Natasa đang nằm trong phòng riêng, mà bá tước thì đã ra câu lạc bộ. Sau khi trao gói thư cho Sonya, chàng đến phòng bà Maria Dmitrevna, vì bà có ý muốn biết thái độ của công tước Andrey khi được tin này. Mười phút sau Sonya bước vào phòng bà Maria Dmitrievna.

- Natasa thiết tha mong được gặp bá tước Piotr Kirilovich, - Sonya nói.

- Nhưng làm thế nào bây giờ, đưa anh ấy lên phòng Natasa à?

- Phòng các cô đã thu dọn gì đâu? - Maria Dmitrievna nói.

- Không ạ, cô ấy đã mặc áo và ra phòng khách rồi.
   
Maria Dmitrievna chỉ nhún vai.

- Không biết bao giờ bá tước phu nhân mới đến cho, tôi đến chết vì con bé mất, - Bà quay sang Piotr nói tiếp - Piotr ạ, anh liệu chừng đừng nói hết với nó đấy. Mắng nó cũng chẳng đành lòng, khổ thân con bé, tội nghiệp quá.
     
Natasa gầy gò, gương mặt xanh xao và nghiêm nghị (tuyệt nhiên không có vẻ hổ thẹn như Piotr đoán), đang đứng ở giữa phòng khách. Khi Piotr hiện ra ở ngưỡng cửa, nàng luống cuống, hẳn là đang phân vân không biết nên ra đón chàng hay cứ đứng đợi.
   
Piotr hấp tấp lại gần nàng. Chàng tưởng là Natasa sẽ đưa tay cho chàng như thường lệ; nhưng nàng bước gần sát Piotr thì dừng lại, thở khó nhọc, hai tay buông thõng xuống không nhúc nhích, đúng như dáng điệu của nàng khi ra giữa phòng để hát, nhưng thần sắc khác hẳn. Nàng bắt đầu nói nhanh:

- Anh Piotr Kirilovich, công tước Andrey trước kia là bạn của anh… mà bây giờ cũng vẫn là bạn của anh - nàng nói chữa (nàng cứ có cái cảm tưởng rằng cái gì cũng đã lùi về quá khứ và bây giờ thì mọi sự đều khác hẳn). Dạo trước công tước có bảo tôi là nên nhờ đến anh…
   
Piotr lặng thinh nhìn nàng, mũi thở phì phì. Trước đây chàng đã thầm trách móc và cố gắng khinh nàng; nhưng bây giờ chàng thấy thương hại nàng đến nỗi trong lòng chàng không còn có chỗ cho một ý trách móc nào.

- Công tước hiện đang ở đây, anh hãy nói hộ là xin công tước th… tha thứ cho tôi. - Nàng ngừng lại và hắt đầu thở gấp, nhưng không khóc.
   
Piotr nói:

- Vâng… tôi sẽ nói với anh ấy…, nhưng… - chàng không biết nói gì nữa.
   
Hình như Natasa hoảng sợ khi đoán biết Piotr vừa thoáng có ý nghĩ gì. Nàng nói vội:

- Không, tôi biết rằng thế là đã hết. Không, không bao giờ có thể có nữa. Tôi chỉ đau xót vì đã làm khổ công tước. Chỉ xin anh nói với công tước là tôi xin công tước tha thứ, tha thứ cho tôi tất cả.
   
Toàn thân nàng run bắn lên và nàng ngồi xuống chiếc ghế tựa.
   
Lòng Piotr bỗng dạt dào một niềm thương xót mà chàng chưa bao giờ cảm thấy. Chàng nói:

- Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói tất cả với anh ấy một lần nữa, nhưng tôi chỉ muốn biết một điều.

- Anh muốn biết gì? - Khoé mắt Natasa như muốn hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:12:42 pm
- Tôi muốn biết tiểu thư có yêu… - Piotr không biết nên gọi Anatol là gì, và đỏ mặt khi nghĩ đến hắn, - tiểu thư có yêu con người xấu xa đó không?

- Xin anh đừng gọi người ấy là xấu xa, - Natasa nói. Nhưng tôi không biết, tôi không biết gì nữa, - Và nàng lại khóc.

Và lòng Piotr lại càng dào dạt niềm thương xót, trìu mến và yêu đương. Chàng cảm thấy nước mắt mình đang trào ra dưới cặp kính trắng, và hy vọng rằng nàng không trông thấy những giọt nước mắt của mình.
Chàng nói:

- Thôi đừng nói đến việc ấy nữa, bạn ạ.

Natasa bỗng thấy cái giọng nào dịu dàng, trìu mến, thân mật của chàng có một cái gì thật kỳ lạ.

- Đừng nói đến việc ấy nữa, Natasa ạ, tôi sẽ nói hết với anh ấy nhưng chỉ xin cô một điều - cô hãy xem tôi là một người bạn, và nếu cô cần giúp đỡ, khuyên nhủ hay dù cô chỉ cần thổ lộ với một người nào cho nhẹ bớt - không phải bây giờ đâu, chỉ khi nào cô thấy tâm hồn thanh thản hơn kia - cô hãy nhớ đến tôi. - Chàng cầm tay Natasa và hôn lên tay nàng. - Tôi rất sung sướng nếu có thể… - Piotr bối rối không nói tiếp được nữa.

- Xin anh đừng nói thế, tôi không xứng đáng được nghe những lời ấy! - Natasa kêu lên, và toan ra khỏi phòng, nhưng Piotr đã nắm tay nàng giữ lại. Chàng biết rằng mình cần nói thêm với nàng một điều gì nữa. Nhưng khi đã nói ra rồi, chàng lấy làm lạ với chính những lời lẽ của mình.

- Đừng nói thế, đừng nói thế, cả cuộc đời đang ở trước mắt cô - Piotr nói.

- Tôi ấy à? Không! Đối với tôi thì hỏng hết rồi - Natasa nói, với lòng hổ thẹn và tủi nhục.

- Hỏng hết rồi? - chàng nhắc lại, - Giá như tôi không phải là tôi mà là người đẹp đẽ nhất, thông minh nhất,
tốt nhất, và giá tôi được tự do, thì ngay giờ phút này tôi đã quỳ xuống xin kết hôn với cô và xin tình yêu của cô.

Lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày đau khổ Natasa mới khóc được những giọt nước mắt cảm kích và xúc động. Nàng ngước mắt nhìn Piotr, rồi ra khỏi phòng.
   
Piotr cũng ra theo. Chàng gần như chạy ra phòng áo, cố cầm những giọt nước mắt cảm động và sung sướng đang nghẹn ngào trong cổ. Chàng mặc áo khoác, loay hoay mãi không xỏ được tay vào ống, rồi ngồi lên xe trượt tuyết.

- Bây giờ ngài cho đi đâu ạ? - người xà ích hỏi.

"Đi đâu? Piotr tự nhủ. - Biết đi đâu bây giờ? Đến câu lạc bộ, hay đến chơi nhà bạn?" Chàng thấy mọi người đều có vẻ thảm hại, nghèo nàn, so với nỗi lòng xúc động chan chứa yêu thương của chàng trong giờ phút vừa qua, so với khoé mắt đầy lòng trìu mến và biết ơn khi nàng nhìn chàng lần cuối cùng qua làn nước mắt.

- Về nhà. - Piotr nói.
   
Mặc dầu trời rét đế mười độ dưới không, chàng phanh áo khoác lông gấu để hở bộ ngực đang thở phập phồng vì vui sướng.
   
Trời giá lạnh và quang đãng. Ở phía trên các dãy phố tối mờ mờ, trên các mái nhà đen sẫm bầu trời tối mịt, đầy sao. Piotr chỉ nhìn lên bầu trời cho nên không thấy cái thấp hèn dáng tủi giận của tất cả những sự vật trên cõi trần gian so với chốn cao cả tuyệt vời nơi tâm hồn chàng đang bay bổng. Khi tiến vào quảng trường Arbatxki, một khoảng trời tối, rộng mênh mông và đầy sao mở ra trước mặt Piotr. Gần chính giữa trời, phía trên đại lộ Pretxtenki, có một ngôi sao chổi rất lớn, tứ phía đều có sao bao bọc nhưng khác hẳn ngôi sao kia vì gần mặt đất, ánh sáng trắng ngần rực rỡ, cái đuôi dài chổng lên phía trên. Đó chính là ngôi sao chổi năm 1812, ngôi sao mà người ta bảo là báo hiệu những tai ương khủng khiếp và ngày tận cùng của thế giới. Nhưng nhìn ngôi sao sáng có chiếc đuôi dài lấp lánh ấy, Piotr chẳng có cảm giác gì sợ hãi. Trái lại, Piotr vui vẻ đưa đôi mắt rớm lệ nhìn ngôi sao sáng dường như đang bay vùn vụt thành một đường vòng cung qua khoảng không gian vô tận, rồi bỗng như một mũi tên cắm xuống đất, dừng lại ở một nơi nó đã chọn trên nền trời đem sâm, chiếc đuôi hất ngược lên phía trên, toả ánh sáng trắng rực rỡ giữa muôn vàn ngôi sao lấp lánh. Piotr có cảm tưởng là ngôi sao này hoàn toàn ứng hợp với những điều đang diễn ra trong lòng chàng, một nỗi lòng êm dịu, tươi mát trở lại và đang nở hoa để đón mừng một cuộc sống mới.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:13:23 pm
Phần IX- Chương -1

Từ cuối năm 1811, ở các nước Tây Âu bắt đầu một cuộc tập trung lực lượng vũ trang ráo riết và đến năm 1812 thì các lực lượng ấy - Gồm mấy triệu người, kể cả những người làm công việc chuyên chở và cấp dưỡng cho quân đội, về phía biên giới nước Nga. Trong khi đó, từ năm 1812 các lực lượng Nga cũng đã đón ra biên giới đúng như vậy.
     
Ngày 12-6-1812, các lực lượng Tây Âu vượt qua biên giới Nga và cuộc chiến tranh đã bùng nổ, nghĩa là một biến cố trái ngược với lý trí và tất cả bản tính con người đã diễn ra. Để hãm hại nhau, hàng triệu con người đã phạm vô số những tội ác, những mánh khoé lừa gạt, những hành vi phản bội, trộm cắp, giả mạo, làm giấy bạc giả, đốt nhà, cướp của, giết người, những hành vi mà các thập niên sau của tất cả các toà án thế giới dù có góp nhặt suốt mấy thế kỷ liền cũng không sao bì kịp, nhưng những kẻ can phạm vẫn không hề gọi đó là tội ác.
   
Cái gì đã gây nên cái biến cố phi thường ấy? Nguyên nhân của nó ở đâu? Các nhà sử học nói với thái độ tự tin ngây thơ rằng nguyên nhân của biến cố ấy là điều sỉ nhục giáng vào quận công Oldenburg, là thái độ không tôn trọng hệ thống lục địa(1), là dã tâm bá chủ của Napoléon, là tính cương nghị của Alekxandr, là những sai lầm của các nhà ngoại giao v.v.
   
Cho nên chỉ cần Metternichs, Rumiansev hay Talleyrăng trong khoảng thời gian giữa một buổi chiều lâm triều và một buổi nghênh tân, cố công viết một bức thiếp cho khéo léo, hoặc chỉ cần Napoléon viết cho Alekxandr mấy chữ: "Thưa nhậm huynh bệ hạ, tôi xin thuận lòng trử công quốc lại quận công Oldenburg"… thế là không xảy ra chiến tranh nữa.
   
Đương nhiên là những người thời ấy hình dung sự việc như vậy. Đương nhiên là theo Napoléon thì nguyên nhân của chiến tranh là những thủ đoạn xảo quyệt của nước Anh (ở đảo Saint Helen ông ta cụ thể nói thế); đương nhiên là theo nghị sĩ thượng viện Anh thì nguyên nhân cuộc chiến tranh là dã tâm bá chủ của Napoléon; theo quận công Oldenburg thì nguyên nhân của cuộc chiến tranh là hành động bạo ngược của kẻ khác đối với ông ta; theo các nhà buôn thì nguyên nhân chiến tranh là hệ thống lục địa đã làm cho châu Âu bị phá sản; theo các quân nhân già và các tướng tá thì nguyên nhân chính là sự cần thiết phải sử dụng họ; theo những kẻ bảo hoàng chính thống thời ấy thì đó là sự cần thiết phải phục hồi các luân thường; còn theo các nhà ngoại giao bấy giờ thì tất cả là do chỗ không khéo che giấu, không cho Napoléon biết sự liên minh giữa Nga và Áo năm 1809, và do cách hành văn vụng về trong bản bị vong lục số 178. Ta hiểu rằng những người đương thời đã viện ra những nguyên nhân ấy và ngoài ra còn vô số những nguyên nhân khác nữa - số lượng các nguyên nhân này ít hay nhiều là tuỳ ở vô số những quan điểm khác nhau; nhưng đối với chúng ta, những người hậu thế, là những người có thể nhìn bao quát toàn bộ cái khối lượng đồ sộ những biến cố đã diễn ra và đi sâu vào cái ý nghĩa giản đơn và kinh khủng của nó, thì những nguyên nhân ấy vẫn chưa đủ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:13:50 pm
Chúng ta không thể hiểu vì sao hàng triệu người Cơ đốc giáo lại giết nhau, hành hạ nhau chỉ vì Napoléon tham quyền, vì Alekxandr cứng rắn, vì nước Anh có một chính sách giảo quyệt, vì quận công Oldenburg bị sỉ nhục. Không thể hiểu được những hoàn cảnh này có liên quan gì đến bản thân việc giết chóc và hành hung; không thể hiểu tại sao chỉ vì một ông quận công bị sỉ nhục mà hàng nghìn người ở miền Tây Âu lại giết hại và làm sạt nghiệp những người dân hai tỉnh Smolensk và Moskva rồi lại bị những người này giết chết.
   
Đối với bọn hậu thế chúng ta, những người không phải sử gia, không bị mê hoặc trong quá trình nghiên cứu, và do đó, có thể nhìn nhận biến cố ấy với óc xét đoán không bị che mờ, thì những nguyên nhân của nó hiện ra với một số lượng không sao đếm xuể. Càng đi sâu tìm tòi, chúng ta càng phát hiện ra nhiều nguyên nhân; và bất cứ một nguyên nhân nào hay một loạt nguyên nhân nào tách rời ra cũng đều vừa là đúng như nhau nếu xét bản thân nó vừa cùng sai với nhau vì nó là không đáng kể so với quy mô to lớn của sự kiện và nó bất lực không thể gây nên cái biến cố đã diễn ra (nếu không có tất cả nguyên nhân khác đồng thời tham gia). Dưới mắt chúng ta, một anh hạ sĩ đó trong quân đội Pháp muốn hay không muốn nhập ngũ lần thữ hai cũng là một nguyên nhân có giá trị ngang hàng với việc Napoléon không chịu rút quân sang bên kia sông Vilna và trả lại công quốc Oldenburg. Ví thử anh hạ sĩ kia không muốn nhập ngũ và có một người hạ sĩ hay một người lính khác, lại muốn thứ ba, một người thứ một nghìn nữa không muốn, thì quân đội của Napoléon tất phải thiếu mất ngần ấy người, và chiến tranh sẽ không xảy ra được.
   
Giả sử Napoléon không cho việc người ta yêu sách mình phải rút quân qua sông Vilna là một điều sỉ nhục và không ra lệnh cho quân đội tấn công, thì đã không có chiến tranh; nhưng nếu tất cả các hạ sĩ Pháp không chịu tái đăng thì cũng không thể có chiến tranh được. Chiến tranh cũng không thể nổ ra nếu không có những thủ đoạn mưu mô của nước Anh, và không có quận công Oldenburg, nếu Alekxandr không cảm thấy mình bị sỉ nhục, nếu không có chính quyền chuyên chế ở Nga, nếu không có cuộc cách mạng Pháp và không có những chính quyền độc tài và Đề chính tiếp sau, không có tất cả những gì gây ra cuộc cách mạng Pháp, vân vân… Không có một trong những nguyên nhân này thì không thể xảy ra cái gì hết.
   
Thế nghĩa là tất cả các nguyên nhân này - Kể có đến hàng nghìn triệu nguyên nhân như thế - đều đồng quy lại để gây nên sự việc đã xảy ra. Cho nên không có cái gì là nguyên nhân duy nhất của biến cố, còn cái biến cố kia thì tất phải xảy ra cũng chỉ vì nó tất phải xảy ra mà thôi. Hàng triệu người phải từ bỏ mọi tình cảm nhân loại và từ bỏ lý trí của mình, đi từ Tây sang Đông để giết đồng loại cũng như mấy thế kỷ trước đã có những đám người đi từ Đông sang Tây để giết đồng loại.
   
Những hành động của Napoléon và Alekxandr là những người mà tưởng đâu một lời nói có thể quyết định cho biến cố kia xảy ra hay không xảy ra, kỳ thực cũng chẳng có gì quan trọng hơn hành động của mỗi người lính bị đưa ra trận bằng cách bốc thăm hay bằng cách tuyển mộ. Không thể nào khác thế được, bởi vì muốn cho ý chí của Napoléon và Alekxandr (những người có vẻ như nắm quyền định đoạt biến cố) được thực hiện, thì cần phải có vô số nhân tố khác tác động, nếu thiếu một trong các nhân tố đố thì biến cố kia không thể nào xảy ra được. Phải có hàng triệu người, nắm trong tay sức mạnh thật sự, phải có những người lính bắn súng, chở lương thực hay kéo đại bác, những người đó phải thoả thuận với nhau thực hiện ý chí của mấy người lẻ loi và yếu ớt kia và phải có vô số những nguyên nhân đa dạng và phức tạp đưa họ đến chỗ đó.
   
Chủ nghĩa định mệnh trong lịch sử là một giả thuyết không sao tránh khỏi khi muốn cắt nghĩa những hiện tượng phi lý (tức là những hiện tượng mà ta không thấy được tính chất hợp lý của nó ở chỗ nào). Ta càng cố cắt nghĩa một cách hợp lý những hiện tượng như vậy trong lịch sử, thì lại càng thấy nó phi lý và khó hiểu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:14:28 pm
Mỗi người đều sống cho mình đều sử dụng tự do để đạt đến những mục đích riêng của mình và tất cả con người của họ cảm thấy rằng giờ đây mình có thể làm hay không làm một việc gì đó; nhưng hễ đến khi làm thì cái việc được thực hiện trong một thời điểm nào đó không sao hoàn cải được nữa và đã thuộc về lịch sử, trong đó không có ý nghĩa tự do nữa, mà có ý nghĩa tiền định.

Trong cuộc sống của mỗi con người có hai khía cạnh: cuộc sống cá nhân - những xu hướng của con người càng trừu tượng thì cuộc sống lại càng tự do - và cuộc sống thuần phát, quần thể, trong đó con người phục tùng một cách tất nhiên những quy luật chi phối mình.
     
Con người sống một cách tự giác cho mình, nhưng nó cũng mang lại là một công cụ bất tự giác được dùng để đạt được những mục đích lịch sử của toàn nhân loại. Một hành động đã thực hiện rồi thì không sao vãn hồi được, nó cùng tác động một lúc với hàng triệu hành động của những gì khác và trở thành một việc có giá trị lịch sử. Con người đứng càng cao trên bậc thang xã hội, càng liên hệ nhiều với nhiều người, thì lại càng có quyền lực đối với người khác và tính chất tiền định và tất nhiên của mỗi hành động của anh ta lại càng hiển nhiên.
   
"Con tim của vua chúa nằm ở trong tay Thượng để".
   
Vua là kẻ nô lệ của lịch sử.

Lịch sử tức là cuộc sống bất tự giác, cuộc sống chung, cuộc sống quần thể của loài người, vẫn sử dụng từng phút một cuộc sống của vua chúa để làm công cụ thực hiện những mục đích của nó.
     
Bấy giờ, năm 1812, Napoléon tin chắc hơn bao giờ hết rằng có làm đổ máu hay không làm đổ máu các dân tộc (như Alekxandr đã viết trong bức thư gần đây gửi cho ông ta) là tuỳ ở nơi mình cả, nhưng kỳ thực bấy giờ hơn bao giờ hết, ông ta đang chịu sự chi phối của những quy luật tất nhiên bắt buộc ông ta (trong khi ông ta cứ tưởng mình hành động theo ý muốn riêng của mình) phải vì sự nghiệp chung, vì lịch sử, mà thực hiện những việc phải xảy ra.
   
Những người phương Tây tiến về phương Đông để tàn sát nhau. Và theo luật trùng hợp của các nguyên nhân, hàng nghìn những nguyên nhân vụn vặt đã tự nó hiện ra, nhập làm một với biến cố này, gây ra sự di chuyển và cuộc chiến tranh ấy: những lời phàn nàn về việc không tôn trọng hệ thống lục địa, rồi quận công Oldenburg, rồi cuộc đưa quân vào nước Phổ và Napoléon tưởng đâu chỉ tiến hành để đạt đến một nền hoà bình vũ trang. Rồi lòng ham mê chiến tranh và thói quen gây chiến của hoàng đế Pháp phù hợp với xu thế của nhân dân trong nước, tâm trạng say sưa do những cuộc chuẩn bị ấy, rồi nhu cầu phải kiếm được những mối lợi có thể bù lại những khoản chi tiêu này, rồi những lễ nghi khánh hạ làm mê mẩn lòng người ở Dresden, rồi những cuộc thương lượng ngoại giao mà những người dương thời cho là đã được tiến hành với lòng thành thực tự ái của cả hai bên và hàng triệu nguyên nhân khác cũng xuất hiện trước cái biến cố thế nào cũng diễn ra và ăn khớp với các biến cố đó.
   
Khi một quả táo đã chín và rụng xuống, thì tại sao nó rụng? Có phải là vì sức nặng của nó hút nó xuống đất hay vì cái cuống đã héo, hay vì ảnh hưởng đã làm cho nó khô đi, hay vì nó nặng thêm, hay vì bị gió lay, hay vì đứa trẻ đang đứng ở phía dưới muốn ăn?
   
Trong những điều đó không có cái gì là nguyên nhân cả. Tất cả chỉ là sự tác động cùng một lúc của những điều kiện chi phối bất cứ hiện tượng hữu sinh, hữu cơ, tự nhiên nào. Và nhà thực vật học nào cho rằng quả táo rụng xuống vì tế bào của cái cuống đã giải thể vân vân, thì cũng có lý như đứa trẻ đứng dưới cây bảo rằng quả táo rụng là vì nó muốn ăn và lạy trời cho quả táo rơi xuống. Người nào nói rằng Napoléon đến Moskva là vì ông ta muốn thế, và sở dĩ ông ta thất bại vì Alekxandr muốn thế, thì cũng có lý và cũng không có lý như người nào nói rằng một quả núi nặng hàng triệu tấn bị đào ở dưới chân đổ sụp xuống là vì người thợ đã giáng mũi cuốc chim cuối cùng vào đá. Trong cái biến cố lịch sử những người gọi là vĩ nhân chẳng qua là những cái nhãn dán lên sự kiện để đặt tên cho nó, cũng như những cái nhãn khác: họ ít liên quan đến bản thân sự biến hơn cả.
   
Mỗi hành động của họ, mà họ cứ tưởng đâu là tự do, thì về phương diện lịch sử chẳng có gì là tự do cả, nó gắn liền với cả quá trình diễn bièn của lịch sử và đã được tiền định từ vạn cổ.

======================================================

Chú thích:

(1) Tức hệ thống phong toả lục địa



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:15:12 pm
Phần IX
Chương - 2

Ngày 29-5-1812, Napoléon rời Dresden, nơi ông đã sống ba tuần lễ giữa một cung đình gồm những vị công hầu, các vị quốc vương và vị hoàng đế đã làm cho ông hài lòng, và quở mắng các vị quốc vương và các vị công hầu đã làm cho ông phật ý, lấy những mớ châu ngọc và kim cương của mình - Tức là cướp được của các vua khác - Đem tặng hoàng hậu nước Áo, rồi sau âu yếm ôm hôn hoàng hậu Mary - Luyz, ông ta đã đòi bỏ lại bà vợ - Mary Luyz được coi là vợ ông ta, mặc dù bà vợ khác vẫn còn ở Paris - và theo người viết sử của Napoléon thì trong cuộc chia ly này Mary vô cùng đau khổ, tưởng chừng không sao chịu đựng nổi. Tuy các nhà ngoại giao vẫn tin chắc vào khả năng hoà bình và ra sức làm việc cho mục đích ấy, tuy hoàng đế Napoléon tự tay viết thư cho hoàng đế Alekxandr, gọi vui Nga là nhân huynh bệ hạ và thành thật quả quyết rằng mình không muốn chiến tranh và mãi mãi yêu mến và kính trọng ông ta, - Napoléon cũng vẫn trở về quân đội và đến trạm nào cũng ra thêm những mệnh lệnh mới không ngoài mục đích xúc tiến cuộc chuyển quân từ Tây sang Đông. Ông ta đi một cỗ xe kiệu sáu ngựa vốn dùng để đi đường, với một đám thị đồng, sĩ quan phụ tá và một đội hộ tống dọc theo con đường thiên lý đi qua Pozen, Torn, Dantxig và Quenigsberg. Ở mỗi thành phố đó hàng nghìn người nô nức và xúc động ra đón ông ta.

Quân đội kéo từ Tây sang Đông, và bó ngựa sáu con luôn luôn thay đổi ở các trạm cũng đưa ông ta đi theo hướng đó. Ngày mồng mười tháng sáu, ông ta đuổi kịp quân đội và nghỉ đêm tại trang viên của một bá tước Ba Lan ở giữa khu rừng Villonvixki, trong một hành dinh dọn riêng cho ông ta.
   
Thấy bên kia sông có những người cô-dắc và những cánh thảo nguyên toả rộng bao bọc Moskva, thành phố thần thánh, thủ đô của cái vương quốc giống như xứ sở của người Skyth(1), nơi Alekxandr hoàng đế Makedoni(2) đã đi qua, Napoléon trước sự ngạc nhiên của mọi người và trái với mọi điều suy xét về chiến lược cũng như về ngoại giao, đã ra lệnh tiến quân, và hôm sau quân đội của Napoléon bắt đầu vượt sông Neman.
   
Sáng sớm ngày mười hai, ông ra khỏi túp lều vải hôm ấy dựng trên tả ngạn dốc đứng của sông Neman, và dùng viễn kính nhìn những dòng quân sĩ của mình từ rừng Vikovixki kéo ra, đang trẩy đi trên ba chiếc cầu bắc trên sông Neman. Quân lính biết rằng hoàng đế có mặt ở đây, họ đưa mắt tìm ông ta, và khi họ trông thấy trên sườn đồi, trước túp lều vải và tách ra khỏi đoàn tuỳ tùng một quãng, cái bóng dáng của hoàng đế đội chiếc mũ con con và mặc chiếc áo vạt dài, họ tung mũ lên trời hò reo: "Hoàng đế vạn tuế!"(3), rồi đơn vị này tiếp theo đơn vị nọ, họ rời khỏi khu rừng mênh mông vừa mới đây đã che giấu họ và lũ lượt đổ ra, đổ mãi không ngừng và chia ra làm ba mũi tiến sang sông qua ba chiếc cầu.

- Chuyến này đi xa phải biết đây. Ôi! Ngài mà đã nhúng tay vào thì thế nào cũng có chuyện … Mẹ kiếp… Ngài kia rồi! Hoàng đế vạn tuế! Nó đây rồi, những cánh thảo nguyên của châu Á! Xứ này cũng chán thật. Thôi chào cậu Bose nhé, tớ sẽ giành cho cậu loà lâu đài đẹp nhất Moskva. Thôi chào nhé! Chúc cậu may mắn… Mày có trông thấy hoàng đế đâu không? Hoàng đế vạn tuế!… uế! Nếu tớ được làm tổng trấn Ấn Độ thì tớ sẽ cho cậu làm tổng đốc Cashmir, nhất định như thế Tổng thống đấy, Zerar ạ. Hoàng đế vạn thế! Vạn thế! Vạn tuế! Cái bọn cô-dắc chết liệt kia, chúng nó phóng nhanh thật. Hoàng đế vạn tuế! Ngài kia rồi! Mày có trông thấy không? Tao đã trông thấy ngài hai lần, gần như sát tao với mày thế này. Ông cai bé nhỏ(4)… Tớ đã thấy Ngài gắn Huân chương chữ thập cho một chiến binh… Hoàng đế vạn tuế!…
   
Đó là những câu thốt ra từ miệng quân sĩ, già có, trẻ có tính tình rất khác nhau và thuộc đủ các tấng lớp trong xã hội. Gương mặt tất cả những người đó đều cùng phản chiếu nỗi vui mừng vì cái chiến dịch lâu nay mong đợi đã mở màn, lòng hâm mộ và tinh thần tận tuỵ đối với con người mặc áo xám đang đứng trên đồi.
   
Ngày mười ba tháng sáu, người ta đem lại cho Napoléon một con ngựa Ả Rập thuần giống. Napoléon lên ngựa và phi về phía một trong ba cái cầu bắc qua sông Neman, bên tai luôn luôn nghe những tiếng tung hô phấn khởi làm cho ông ta nhức óc, hiển nhiên là ông cố chịu đựng những tiếng hoan hô này cũng chỉ vì không thể nào ngăn cấm binh sĩ tỏ lòng hâm mộ mình như vậy; nhưng rồi nơi nào đó cũng cứ inh ỏi bên tai ông, làm ông khó chịu và làm xao lãng trí óc của ông đang mải suy nghĩ về việc quân từ khi trở về với quân đội. Napoléon đi qua sông trên chiếc cầu phao đập dềnh, rồi ngoặt sang trái và phi nước đại về phía Kovno, sau một đội khinh kỵ cận vệ bấy giờ nhưng đang lịm đi vì hân hoan sung sướng trong khi phi ngựa để dẹp đường cho hoàng đế giữa đám quân sĩ. Đến bên bờ con sông Vilna rộng bát ngát, ông đứng ngựa bên cạnh một trung đoàn kỵ binh U-lan người Ba Lan đang đứng đợi giờ xuất phát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 09 Tháng Giêng, 2011, 06:16:16 pm
- Vivat!(5) - binh sĩ Ba Lan cũng nô nức reo vang và phá vỡ hàng ngũ, giẫm đạp lên nhau để được nhìn thấy ông ta.
   
Napoléon xem xét dòng sông, xuống ngựa và đến ngồi trên một thân cây ở bờ sông. Ông ta lặng lẽ vẫy tay ra hiệu một cái, tức thì họ đưa cho ông ta một chiếc viễn kính. Ông kê ống nhìn lên lưng một chú thị đồng vừa mừng rỡ chạy lại, và bắt đầu nhìn sang bên kia sông. Rồi chăm chú xem xét những tấm bản đổ trải ra ở giữa các súc gỗ. Không ngẩng đầu lên, ông nói mấy câu và hai viên sĩ quan phụ tá lập tức phi ngựa về phía đoàn kỵ binh Ba Lan. Khi một trong hai người đã đến gần trung đoàn, trong hàng ngũ kỵ binh Ba Lan có tiếng hỏi xôn xao:

- Gì thế? Ngài nói gì thế?

- Hoàng đế ra lệnh tìm một chỗ nông để lội sang bên kia sông.
   
Viên đại tá chỉ huy trung đoàn kỵ binh Ba Lan, một ông già đẹp lão mặt đỏ bừng, nói ấp a ấp úng vì quá xúc động, hỏi viên phụ tá xem liệu hoàng đế có cho phép ông ta đưa trung đoàn bơi qua sông, không cần tìm chỗ cạn không. Rõ ràng là ông ta rất sợ bị từ chối; như một đứa bé xin phép cưỡi ngựa, ông xin phép cho đơn vị bơi qua sông dưới mắt hoàng đế. Viên sĩ quan phụ tá nói rằng chắc hoàng đế cũng sẽ không phật ý vì hành động nhiệt tình quá mức ấy.
   
Viên sĩ quan phụ tá vừa nói dứt lời thì viên đại tá già có bộ ria mép, vẻ mặt hớn hớ, mặt sáng quắc, vung gươm lên quát lớn "Vivat!", và sau khi ra lệnh cho đoàn kỵ binh theo mình, ông ta thúc ngựa phi xuống sông. Viên đại tá giận dữ thúc con ngựa bấy giờ đang ngập ngừng dưới mình ông ta, lao xuống nước và cho ngựa bơi ra giữa sông, nơi nước chảy xiết. Mấy trăm kỵ binh U-lan lao theo ông ta. Ra đến giữa sông, nước chảy rất mạnh, họ thấy rét và sợ. Các kỵ binh vướng vào nhau, ngã ngựa. Đã có mấy con sợ. Các kỵ binh vướng vào nhau, ngã ngựa. Đã có mấy con ngựa chết đuối, kỵ binh cũng đã mấy người bị cuốn đi. Những người còn lại cố sức thúc ngựa bơi về phía trước, sang bên kia sông, và mặc dầu chỗ sông có thể lội qua được chỉ cách đấy có nửa dặm, họ cũng lấy làm hãnh diện được bơi và chết đuối dưới mắt con người đang ngồi trên súc gỗ, lúc này thậm chí cũng chẳng thèm nhìn về phía họ nữa.
   
Viên sĩ quan phụ tá đã trở về, và chọn một chút thuận tiện, ông ta đánh bạo và xin hoàng đế lưu ý đến lòng tận tuỵ của quân lính Ba Lan đối với ngài. Con người thấp bé mặc áo khoác xám đứng dậy, gọi Bertie lại và bắt đầu đi đi lại lại trên bờ sông với Bertie, rồi vừa đi vừa ra mệnh lệnh và thỉnh thoảng lại nhìn về phía đoàn kỵ binh U-lan đang chết đuối, có vẻ không bằng lòng vì họ làm cho sự chú ý của ông bị xao lãng.
Xưa nay Napoléon vẫn biết rằng dù ở nơi nào trên địa cầu, từ sa mạc châu Phi cho đến thảo nguyên của xứ Makedoni, sự có mặt của ông đều làm cho người ta nô nức đến mức điên rồ, quên hẳn cả thân mình. Đói với ông chẳng còn mới lạ gì nữa. Ông ra lệnh dắt ngựa lại và lên ngựa trở về bản doanh.
   
Lúc bấy giờ khoảng bốn mươi người U-lan đã chết đuối dưới sông, mặc dầu đã cho thuyền ra vớt. Phần lớn những người còn lại đều quay trở về bên này. Viên đại tá cùng với mấy người nữa bơi được qua sông và khó nhọc leo lên bờ bên kia. Nhưng vừa lóp ngóp leo lên đến nơi, trong những bộ quân phục ướt sũng nước chảy như suối họ đã cất tiếng hô: "Vivat!", hân hoan nhìn về chỗ lúc nãy có Napoléon đứng nhưng bây giờ không còn thấy ông ta nữa trong giây phút ấy họ cho mình là những người diễm phúc.
   
Đến tối, vào khoảng giữa hai mệnh lệnh - một mệnh lệnh về việc vận chuyển số giấy bạc Nga giả mạo đến cho thật nhanh để đưa vào nước Nga, và một mệnh lệnh nữa về việc xử bắn một người Xắc-xôn mang một bức thư trong đó có những tài liệu về cuộc chuyện quân của Pháp, - Napoléon ra một mệnh lệnh thứ ba là ghi tên viên đại tá Ba Lan đã nhảy xuống sông một cách vô ích kia vào Đoàn Danh Dự (Légion d Honneur) mà chính Napoléon là người đứng đầu.
Quos vult predere - dementat.(6)

===========================================

Chú thích:

(1)Một nhóm dân tộc du mục miền Bắc Hắc Hải vào thời cổ đại (Scythes)

(2) Tướng lĩnh vĩ đại nhất của thế giới Hy Lạp cổ đại đã chinh phục một khu vực rộng mêng mông kéo dài đến tận biên giới Ấn Độ (356 - 323 trước công nguyên)

(3) Vive Empereur - Tên gọi của binh sĩ đặt cho Napoléon

(4) Tên gọi đầu của binh sĩ đặt cho Napoléon

(5) Vạn tuế (tiếng Ba Lan)

(6) (Thần linh) muốn hại người nào: thì làm cho người ấy mất trí khôn. (tiếng La tinh)


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 11 Tháng Giêng, 2011, 08:14:45 pm
Phần IX
Chương - 3
   
Trong khi đó thì Sa hoàng trú ngụ ở Vilna đã được hơn một tháng nay, hết duyệt binh lại đến thao diễn. Việc chuẩn bị chiến tranh chưa có gì xong xuôi cả, mặc dầu mọi người đều dự kiến một cuộc chiến tranh và hoàng đế từ Petersburg đến đây cũng là để tiến hành công việc chuẩn bị ấy. Kế hoạch tác chiến chung cũng chưa có.   Trong số tất cả những kế hoạch đã được đề xuất không biết nên chọn kế hoạch nào, và nỗi phân vân đó lại càng tăng thêm sau khi hoàng đế lưu trú ở đại bản doanh được một tháng. Trong ba quân đội, mỗi quân đội đều có một viên tổng tư lệnh riêng, nhưng vẫn chưa có một thống soái chung cho cả ba, và hoàng đế vẫn không tự đứng ra đảm nhiệm chức vụ này.
   
Hoàng đế ở Vilna càng lâu thì người ta lại càng ít chuẩn bị cho chiến tranh, vì chờ nó mãi nên đã mệt mỏi. Tất cả những cố gắng của những người xung quanh nhà vua hình như chỉ nhằm làm sao cho ngài quên cuộc chiến tranh sắp tới và tiêu hao ngày tháng một cách thú vị.

Sau nhiều cuộc khiêu vũ và hội hè ở nhà các vưong công Ba Lan, ở nhà các triều thần và ở ngay hành cung của hoàng thượng nữa, đến tháng sáu một trong số các vị tướng hành dinh Ba Lan lại nảy ra ý nghĩ thay mặt tất cả các tướng của nhà vua tổ chức một bữa tiệc và một vũ hội để hiến ngài. Ý nghĩ đó được mọi người vui vẻ chấp thuận. Nhà vua ngỏ ý chuẩn y. Các vị tướng hành dinh liền đi quyên tiền. Họ mời một thiếu phụ xem chừng có thể làm cho hài lòng hoàng thượng nhất làm nữ chủ nhân buổi vũ hội. Bá tước Benrigxen, vốn có nhiều điền trang trong tinh Vilna, đề nghị dùng toà nhà ở ngoại thành của mình làm nơi mở hội, và người ta ấn định ngày mười ba tháng sáu sẽ có khiêu vũ, yến hội, đi chơi thuyền và đốt pháo ở Zakret, trong toà nhà ngoại thành của bá tước Benrigxen.
   
Hôm Napoléon ra lệnh vượt sông Neman và tiến quân của ông ta, sau khi đánh đuổi quân cô-dắc, đã vượt qua biên giới Nga, chính là hôm Alekxandr dự buổi dạ hội khiêu vũ ở toà dinh thự của Benrigxen do viên tướng hành dinh tổ chức.

Buổi dạ hội rất vui vẻ và tưng bừng; giới am hiểu nói rằng ít khi thấy có nhiều giai nhân tập họp lại một nơi như thế này. Bá tước phu nhân Bezukhov, trong số các mệnh phụ người Nga khác theo nhà vua từ Petersburg đến Vilna, cũng có mặt trong buổi vũ hội. Vẻ đẹp hơi nặng nề của nàng, - vẻ đẹp Nga, như người ta vẫn thường gọi, - làm lu mờ các phu nhân Ba Lan thanh tú.
Hoàng thượng đã để ý đến nàng và ban tứ mời nàng nhảy một điệu vũ hội.
   
Boris Drubeski, en garçon (như một người chưa vợ) như chàng nói, đã để vợ ở lại Moskva và cũng có mặt trong buổi vũ hội này. Tuy không phải là một viên tướng hiền lành hành dinh, chàng cũng đã góp một số tiền lớn vào quỹ tổ chức vũ hội. Bây giờ Boris là một người giàu có, rất được trọng vọng, chàng không đi tìm người che chở nữa, vì đã cùng ngang hàng với những người tai mắt nhất trong những người cùng lứa với chàng.
   
Đến mười hai giờ đêm cuộc khiêu vũ vẫn tiếp tục. Elen không tìm được người bạn nhảy xứng đáng nào khác nên đã tự mình mời Boris nháy điệu Mazurka. Họ làm thành cặp vũ khách thứ ba. Trong khi điềm nhiên đưa mắt ngắm nghía đôi vai trắng nõn để trần của Elen lộ ra ngoài tấm áo nhiễu màu thẫm thêu kim tuyến. Boris nói chuyện về những người quen cũ và đồng thời, tuy chính chàng cũng như người khác đều không để ý đến điều đó, không giây phút nào ngừng quan sát nhà vua bấy giờ cũng đang ở trong gian phòng lớn. Nhà vua không khiêu vũ; ngài đứng ở gần cửa lớn và thỉnh thoảng giữ vài người dừng lại để nói những lời ôn tồn thân mật mà chỉ có ngài mới nói được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 11 Tháng Giêng, 2011, 08:15:58 pm
Điệu Mazurka mới bắt đầu một lát thì Boris thấy viên tướng hành dinh Balosov, một trong những nhân vật thân cận nhất với hoàng thượng, bước lại gần ngài và trái với nghi thức, đứng lại quan sát cạnh nhà vua lúc này đang nói chuyện với một phu nhân Ba Lan. Sau khi nói nốt câu chuyện với vị phu nhân, hoàng thượng đưa mắt nhìn Balasov có ý hỏi, và hình như đã hiểu rằng sở dĩ Balasov làm như vậy là vì có những lý do quan trọng buộc ông ta phải thất nghi, ngài khẽ nghiêng đầu xin phép phu nhân và quay sang Balasov. Balasov vừa nói được mấy tiếng thì gương mặt của nhà vua lộ vẻ kinh ngạc.
   
Ngài nắm lấy tay Balasov và cùng với ông ta đi ngang qua gian phòng lớn, vô tình khiến cho những người đang đứng trong phòng dạt ra thành một lối đi rộng mỗi bên đến hai xagien. Boris nhận thấy Arakatseyev biến sắc trong khi hoàng thượng đi cùng với Balasov. Ông ta len lén đưa mắt liếc nhìn nhà vua và cái mũi đỏ thở phì phì, ông ta tách ra khỏi đám đông như có ý chờ đợi nhà vua nói chuyện với mình. (Boris hiểu rằng Arakseyev ganh tị với Balasov và bất bình vì có một tin tức hẳn là quan trọng, được báo cáo cho hoàng thượng nhưng lại không do mình báo).

- Nhưng hoàng thượng và Balasov không để ý gì đến Arakseyev. Hai người đi qua khung cửa đưa ra khu vườn treo đèn sáng trưng.

Arakseyev, tay giữ gươm và đưa mắt hằn học nhìn quanh, bước theo sau cách hai người vài mươi bước.
   
Trong khi Boris tiếp tục nhảy các vũ hình của điệu Mazurka, chàng cứ băn khoăn không biết Balasov mang tin gì đến, và không biết làm thế nào để biết được tin này trước người khác.

Khi nhảy đến một vũ hình trong đó chàng phải chọn lấy các bạn nhảy, Boris nói thầm với Elen rằng chàng muốn mời bá tước phu nhân Potoxka bấy giờ hình như đã ra ngoài bao lơn, rồi hai chân lướt nhẹ trên sàn gỗ, chàng chạy qua khung cửa dẫn ra vườn. Trông thấy hoàng thượng đang cùng Balasov bước lên sân thượng, chàng dừng lại. Nhà vua và Balasov đi về phía cửa ra vào. Boris, vẻ luống cuống như muốn tránh đi nhưng không kịp, kính cẩn nép mình vào khung cửa và cúi đầu.
   
Trong khi kích động của một người vừa bị xúc phạm đến bản thân, hoàng thượng kết thúc câu chuyện bằng những lời sau đây:

- Tiến vào nước Nga mà không tuyên chiến gì cả! Ta chỉ giảng hoà khi nào không còn một tên lính địch có khí giới ở trên đất nữa.

Boris có cảm tưởng nhà vua thích thú khi nói ra những lời này. Ngài lấy làm hài lòng về hình thức diễn đạt tư tưởng ấy, nhưng lại không hài lòng khi thấy Boris nghe được những lời vừa rồi.

- Không được để cho ai biết việc này đấy! - nhà vua cau mày nói thêm.
   
Boris hiểu rằng nhà vua muốn ám chỉ mình; chàng nhắm mắt lại và khẽ cúi đầu. Nhà vua lại trở vào phòng lớn và ở lại dự cuộc khiêu vũ khoảng nửa giờ nữa.
   
Boris là người đầu tiên biết được tin quân Pháp vượt sông Neman và nhờ đó đã có dịp chứng tỏ cho một vài nhân vật quan trọng thấy rằng chàng cũng có khi biết được những điều mà người khác không được biết, nhân đây khiến cho các nhân vật kia càng trọng nể mình hơn nữa.

Tin đột ngột quân Pháp đã vượt sông Neman lại càng đột ngột hơn nữa vì nó đến sau một tháng chờ đợi uổng công và lại ngay trong một cuộc vũ hội! Phút đầu nhận được tin ấy, hoàng thượng trong cơn phẫn nộ và tức tối đã tìm được cách diễn đạt sau này sẽ nổi tiếng, một cách nói mà bản thân hoàng thượng lấy làm thích thú vì đã diễn đạt được tình cảm của ngài một cách trọn vẹn.
   
Sau khi rời cuộc vũ hội trở về nhà, hai giờ đêm hôm ấy nhà vua cho triệu viên bí thư Siskov đến và sai ông ta thảo một bản nhật lệnh cho quân đội và một bản chỉ dụ gửi nguyên soái công tước Xaltykov; trong bản chỉ dụ này ngài một mực đòi phải sao lại câu nói của ngài hồi tối, là ngài sẽ không giảng hoà hễ còn một người Pháp có khí giới ở trên đất Nga.

Ngày hôm sau, bức thư dưới đây được thảo ra và gửi cho Napoléon:
     
"Thưa nhân huynh bệ hạ.
   
Hôm qua tôi được biết rằng mặc dầu tôi đã hết sức trung thực tôn trọng những điều tôi đã cam kết với Bệ hạ, quân đội Bệ hạ đã vượt qua biên giới nước Nga, và vừa rồi đây tôi đã nhận được một bức thông điệp của bá tước Lorixlon từ Petersburg gửi đến, cho hay rằng sở dĩ có cuộc khởi hấn này là vì Bệ hạ đã tự xem như đang trong tình trạng chiến tranh với tôi ngay khi công tước Kurakin yêu cầu cấp phát hộ chiếu để về nước. Những lý do mà quận công Batxano đã dựa vào để từ chối cấp phát hộ chiếu không bao giờ lại có thể khiến cho tôi ngờ rằng việc này có thể dùng làm một duyên cớ để khởi hấn được. Thực vậy ông đại sứ này không hề được lệnh của tôi về việc đó, như chính ông ta cũng đã tuyên bố, là vừa nhận được tin này tôi đã cho ông ta biết ngay tôi bất bình đối với việc làm của ông ta đến nhường nào, và ra lệnh cho ông ta tiếp tục giữ chức vụ cũ. Nếu Bệ hạ không có ý muốn cho hai dân tộc của chúng ta phải đổ máu thì sự hiểu lầm như vậy và bằng lòng rút lui quân ra khỏi lãnh thổ Nga, tôi sẽ coi việc này vừa xảy ra như không đáng kể, và một sự thoả thuận giữa hai chúng ta sẽ có thể thực hiện được. Bằng không, thưa Bệ hạ, tôi sẽ phải buộc lòng đánh lui một cuộc tấn công mà phía tôi không hề làm việc gì đó gây ra cả. Đến nay Bệ hạ lẫn còn có thể tránh cho nhân loại những tai ương của một cuộc chiến tranh mới.
Xin có lời, v.v…
(Ký tên) ALEKXANDR".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 11 Tháng Giêng, 2011, 08:17:26 pm
Phần IX
Chương - 4

Ngày mươi ba tháng sáu, hồi hai giờ đêm, hoàng thượng cho gọi Balasov đến phòng riêng và đọc cho ông ta nghe bức thư này đến trao tận tay cho hoàng đế Pháp. Khi Balasov ra đi, hoàng thượng còn nhắc lại cho ông ta nghe một lần nữa câu nói của Ngài là sẽ không giảng hoà hễ còn một tên địch vũ trang ở trên đất Nga, và ra lệnh cho ông ta thế nào cũng chuyển câu này đến tai Napoléon. Hoàng thượng không viết câu này vào bức thư gửi Napoléon là vì rất tế nhị, ngài đã cảm thấy rằng, đem dùng những lời này trong khi đang cố gắng lần cuối để tìm cách hoà giải thì không tiện; tuy vậy ngài vẫn dặn Balasov thế nào cũng nói lại cho Napoléon nghe.

Đêm mười ba rạng ngày mười bốn, Balasov lên đường, có một người lính kèn và hai người cô-dắc theo hộ tống, và đến tảng sáng thì họ tới làng Rykonty, nơi quân Pháp đóng tiền dồn ở bên này sông Neman. Balasov không đứng lại ngay cứ cho ngựa đi bước một trên con đường dẫn đến đồn quân Pháp.
   
Viên hạ sĩ quan cau mày, mồm lẩm bẩm một câu chửi rủa rồi thúc ngựa đến sát Balasov, tay nắm lấy đốc kiếm và quát viên tướng Nga một cách thô lỗ, hỏi ông ta điếc hay sao mà người ta bảo gì cũng không nghe thấy. Balasov xưng tên. Viên hạ sĩ quan cho một người lính gọi viên sĩ quan đến.
   
Không hề để ý đến Balasov, viên hạ sĩ quan bắt đầu nói chuyện với mấy người lính về những công việc trong đơn vị, và không nhìn viên tướng Nga nữa.
     
Xưa nay vẫn gần gũi với uy quyền và thế lực tối cao, mới cách đây ba giờ đồng hồ lại vừa được nói chuyện với hoàng thượng, và nói chung là trong công vụ đã quen được tôn kính, đến đây Balasov rất lấy làm kỳ lạ khi gặp ngay trên đất Nga này một thái độ thù địch và nhất là bất kính của vũ lực thô bạo đối với mình như vậy.
   
Mặt trời chỉ mới ló ra khỏi mấy lớp mây; không khí mát mẻ và dầy hơi sương. Trên con đường làng, một đàn bò đang đi ra đồng cỏ. Trên cánh đồng, mấy con sơn ca như những cái bọt tung lên mặt nước, lần lượt nối theo nhau bay vút lên và hót ríu rít.
   
Balasov đưa mắt nhìn quanh, chờ đợi viên sĩ quan ở trong lán ra. Hai người cô-dắc Nga, người lính kèn và mấy người lính phiêu kỵ Pháp yên lặng, thỉnh thoảng đùa mắt nhìn nhau.
   
Một viên đại tá phiêu kỵ khác, hình như mới ngủ dậy, cưỡi một con ngựa xám béo tốt và rất đẹp từ trong làng đi ra, có hai người lính phiêu kỵ theo sau. Viên sĩ quan, mấy người lính và mấy con ngựa đều có vẻ thoả mãn và đỏm dáng.
   
Lúc này là vào đầu thời kỳ của chiến dịch, khi quân đội vẫn còn sạch sẽ tươm tất gần như trong một cuộc duyệt binh thời bình, nhưng lại có thêm vẻ bảnh bao vũ dũng trong cách ăn mặc và cái ý vị vui vẻ và hăng hái vẫn thường thấy mỗi khi mở đầu một chiến dịch.
   
Viên đại tá Pháp chật vật nén một cái ngáp, nhưng thái độ của ông ta cũng lễ độ, hẳn là ông ta hiểu rõ địa vị quan trọng của Balasov. Ông ta dẫn Balasov muốn được yết kiến hoàng đế chắc sẽ được thực hiện ngay tức khắc, bởi vì theo chỗ ông ta biết thì đại bản doanh ngự tiền đóng cách đây không xa.
   
Họ cưỡi ngựa qua làng qua Rykonty, qua những trạm túc trực phiêu kỵ, những quân canh và những người lính. Lính Pháp đến chào viên đại tá của họ và tò mò ngắm nghía bộ quân phục Nga. Đoạn họ đi sang phía bên kia làng. Theo lời viên đại tá đi hai cây số nữa sẽ có một viên sư đoàn trưởng tiếp Balasov và dẫn ông ta đến đại bản doanh.
   
Mặt trời đã lên cao và chiếu ánh sáng vui tươi xuống cánh đồng xanh ngắt. Họ vừa đi qua cái quán trên đỉnh dốc thì thấy ở dưới chân dốc phải trước mặt có một tốp người cưỡi ngựa đang đi về phía họ.
   
Người đi trước cưỡi một con ngựa ô thắng yên cương rất sang trọng lấp lánh dưới ánh nắng. Đó là một người cao lớn mặc áo khoác đỏ, đội mũ cắm lông đà điểu, mớ tóc quăn đen láy để dài tận tai, hai chân giày duỗi thẳng về phía trước tư thế quen thuộc của người Pháp khi cưỡi ngựa. Người ấy phi nước đại về phía Balasov, mấy chùm lông trên mũ bay phấp phới, những hạt châu ngọc và những chiếc lon vàng trên quân phục lấp lánh dưới ánh mặt trời tháng sáu.
   
Khi cưỡi ngựa đeo đầy những vòng bạc xuyến bạc, những dải kim tuyến, những lông chim, vẻ đường hoàng trang trọng như ông tướng tuồng ấy đến chỉ còn Balasov dăm bước nữa thì Uylner, viên đại tá Pháp, kính cẩn thì thầm: "Quốc vương thành Napoli", thực vậy đó là Mura, hồi đó được gọi là quốc vương thành Napoli. Mặc dầu không thể nào hiểu nổi tại sao ông ta lại là quốc vương thành Napoli, họ vẫn gọi ông ta như vậy, và chính bản thân ông ta cũng tin chắc như vậy, cho nên dạo này ông ta ra vẻ chững chạc và quan trọng hơn ts. Ông ta tin chắc rằng mình là một quốc vương thành Napoli đến nỗi trước ngày rời Napoli một hôm, đang cùng vợ đi dạo trong thành phố, khi có mấy người Ý hô to: "Viva il re" (Quốc vương vạn tuế), ông ta đã mỉm một nụ cười buồn rầu quay lại nói với vợ. "Tội nghiệp, họ không biết là ngày mai ta sẽ rời họ!".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 11 Tháng Giêng, 2011, 08:18:38 pm
Nhưng mặc dầu ông ta tin chắc rằng mình là quốc vương thành Napoli thật và lấy làm phiền lòng về nỗi buồn của thần dân đang bị ông ta rời bỏ, gần đây, sau khi được lệnh trở về quân đội và nhất là sau buổi gặp gỡ với Napoléon ở Dantxig, khi ông anh vợ chí tôn của ông ta bảo ông ta rằng: "Tôi cho ông làm vua để trị vì theo cách của tôi chứ không phải theo cách của ông", ông ta đã vui vẻ bắt tay vào cái công việc mà ông vốn quen thuộc, và như một con ngựa được nuôi béo nhưng chưa đến nỗi phì nộn, vừa cảm thấy mình được thắng vào càng xe đã bắt đầu ngứa chân muốn chạy, ông ta ăn mặc thật lòe loẹt và sang trọng, rồi vui vẻ và thoả mãn phi trên các đường trường Ba Lan tuy chẳng biết đi đâu và để làm gì.
   
Trông thấy viên tướng Nga, ông ta hất mái đầu có mớ tóc quăn loã xoã trên vai với một vẻ long trọng thật xứng với một bậc quốc vương, và đưa mắt nhìn viên đại tá Pháp có ý dò hỏi.
Viên đại tá kính cẩn trình cho bệ hạ biết nhiệm vụ của Balasov, nhưng không sao phát âm được cho đúng tên họ của ông ta.

- De Bal-machève"(1) - quốc vương nói với một thái độ quả quyết làm cho viên đại tá thoát được tình trạng lúng túng, - Rất hân hạnh được làm quen với tướng quân - ngài nói thêm với một cử chỉ ban ơn rất vương giả. Quốc vương vừa bắt đầu nói to và nói nhanh, thì trong khoảnh khắc, tất cả cái vẻ trang trọng đế vương của ngài vụt biến mất, và ngài bất giác chuyển sang cái giọng thân mật xuề xoà mà ngài vẫn quen dùng. Ngài đặt tay lên vai con ngựa của Balasov.

- Thế nào, tướng quân, hình như sắp chiến tranh đến nơi rồi thì phải? - Mura nói vẻ như lấy làm tiếc về một sự tình mà ông ta không có quyền phê phán.

- Thưa bệ hạ, - Balasov đáp. - Chúa thượng của tôi không muốn chiến tranh, như bệ hạ cũng rõ! - Balasov luôn mồm nói "bệ hạ" một cách quá lộ liễu như thói thường khi người ta nói với một nhân vật chưa lấy gì làm quen với chức tước này.

Mặt Mura tươi rói lên với một vẻ hả hê ngờ nghệch trong khi nghe Monsieur de Balacheff. Nhưng đã là bậc đế vương thì cũng phải xử cho ra bậc đế vương: ông ta thấy cần phải bàn bạc với sứ giả của Alekxandr về chính sự, với tư cách là một quốc vương và là một người đồng minh. Mura xuống ngựa, nắm lấy cánh tay Balasov kéo ra một bên, cách khá xa đám tuỳ tùng đang kính cẩn đứng đợi rồi bắt đầu đi đi lại lại cố nói năng cho có vẻ quan trọng.
   
Ông ta nhắc lại rằng hoàng đế Napoléon lấy làm bất bình về yêu sách đòi rút quân ra khỏi nước Phổ, nhất là khi yêu sách này đã được mọi người biết và như vậy là làm cho danh dự nước Pháp bị tổn thương. Balasov nói rằng trong yêu sách đó không có gì có thể khiến người ta bất bình cả vì…
   
Nhưng Mura đã ngắt lời ông ta:

- Thế ra ông cho rằng người gây ra xung đột không phải là hoàng đế Alekxandr à? - Mura nói, miệng bỗng nở một nụ cười hiền hậu và ngây thơ.
   
Balasov nói rõ tại sao ông cho rằng người gây chiến là Napoléon.

- Ấy, thưa tướng quân thân mến, - Mura lại ngắt lời, - Tôi hết sức lòng mong muốn rằng hai hoàng đế sẽ dàn xếp với nhau và cuộc chiến tranh đã nổ ra trái với ý muốn của tôi sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt, - Ông ta nói với giọng nói chuyện của những người đầy tớ muốn duy trì mối quan hệ thân thiết với nhau trong khi chủ họ có chuyên xích mích. Rồi ông ta quay ra hỏi thăm đại công tước, hỏi thăm sức khoẻ của ngài và nhắc nhở những kỷ niệm từ hồi họ cùng vui vẻ ở Napoli. Sau đó, như chợt nhớ đến cái cương vị đế vương của mình. Mura bỗng đứng thẳng người lên, vẻ long trọng, tư thế như khi làm lễ đăng quang, và hoa cánh tay phải lên nói - Thôi xin tạm biệt tướng quân; xin có lời chúc tướng quân làm nhiệm vụ thành công! - nói đoạn, chiếc áo thêu đỏ và cái ngù lông đà điểu phất phơ trước gió, châu ngọc lấp lánh trên quân phục, ông ta đi về phía đoàn tuỳ tùng đang kính cẩn đứng đợi.
   
Balasov tiếp tục đi, chắc mẩm là chỉ lát nữa sẽ gặp được đích thân Napoléon theo lời Mura nói. Nhưng không, đến làng bên ông lại bị lính canh thuộc quân đoàn bộ binh của Davu chặn lại, cũng như khi đi ngang tiền duyên. Viên sĩ quan phụ tá của Davu được tin báo của quân sĩ liền ra gặp viên tướng Nga và dẫn ông ta vào làng yết kiến nguyên soái Davu.

=========================================================

Chú thích:

(1) Mura phát âm sai. Pháp hoá tên họ Balasov và thêm chữ "De =đờ" như trong các tên họ quý tộc Pháp.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:28:49 pm
Phần IX
Chương - 5

Davu là Arakseyev của hoàng đế Napoléon - một Arakseyev không hèn nhát, nhưng cũng mẫn cán, tàn nhẫn như thế, và cũng không biết biểu lộ lòng tận tuỵ của mình bằng cách nào khác hơn là sự tàn nhẫn.
   
Trong bộ máy của quốc gia, những con người như thế rất cần, cũng như loài lang sói cần cho bộ máy của thiên nhiên vậy. Và bao giờ những con người như thế cũng tồn tại, cũng xuất hiện, cũng được duy trì, mặc dầu hình như chúng ta khó lòng quan niệm nổi làm sao họ lại có mặt và được gần gũi vị thủ lĩnh. Nhà nước như vậy. Chỉ có sự cần thiết ấy mới cắt nghĩa được tại sao một người dốt nát, thô lỗ như Arakseyev, một người tàn nhẫn đã từng tự tay mình vặt ria mép của các binh sĩ thủ pháo, và không thể xông pha nguy hiểm vì thần kinh bạc nhược, lại có thể giữ được một cương vị có quyền lực như vậy bên cạnh một nhân cách cao quý, hào hiệp nhân từ như vua Alekxandr.
   
Balasov gặp nguyên soái Davu trong một căn nhà kho của nông dân, đang ngồi trên một cái thùng rượu viết hý hoáy (nguyên soái đang tính sổ). Viên sĩ quan phụ tá đứng bên cạnh ông ta. Kể ra thì cũng có thể tìm được một chỗ tốt hơn, nhưng nguyên soái Davu thuộc hạng người cố ý đặt mình vào những hoàn cảnh sinh hoạt khổ sở nhất để cho mình có quyền được cau có như vậy, cũng với mục đích ấy, họ bao giờ cũng bận bịu và vội vã. "Làm sao tôi có thể nghĩ đến khía cạnh vui sướng của đời người, một khi - các ông cũng thấy đấy - Tôi ngồi trên một chiếc thùng rượu, trong một căn nhà kho bẩn thỉu như thế này để làm việc", - vẻ mặt của Davu như muốn nói thế. Hứng thú và nhu cầu chủ yếu của loại người này là hễ gặp ai đang say sưa với cuộc sống thì ném thẳng vào mặt họ sức hoạt động buồn tẻ và kiên gan của mình.
   
Davu tự cho mình hưởng cái thú vị ấy khi Balasov được đưa ra gặp ông ta. Ông ta đang mải mê làm việc khi viên tướng Nga bước vào. Ông ta nhìn qua đôi mục kỉnh, và khi trông thấy gương mặt phấn chấn của Balasov bấy giờ đang chịu ảnh hưởng của buổi sáng tươi đẹp và của cuộc nói chuyện với Mura, ông ta không đứng dậy, thậm chí cũng không nhúc nhích, mà lại còn cau mày thêm, miệng mỉm cười một nụ cười hiểm độc.
   
Nhận thấy trên mặt Balasov cái ấn tượng khó chịu do cách tiếp đón này gây nên. Davu ngẩng đầu lên và hỏi ông ta đến có việc gì, vẻ mặt lãnh đạm.
   
Cho rằng sở dĩ Davu tiếp đón mình như vậy chẳng qua vì ông ta không biết rằng mình là tướng hành dinh của hoàng đế Alekxandr và hơn nữa là người đại diện của hoàng đế trước mặt Napoléon, Balasov vội vàng nói rõ chức tước và sứ mệnh của mình, trái với điều ông ta mong đợi, Davu nghe xong lại càng có vẻ cau có và thô lỗ hơn.

- Thế thư đâu? - Davu nói. - Ông đưa đây cho tôi, tôi sẽ gửi lên hoàng đế!

Balasov nói rằng mình được lệnh trao bức thư tận tay hoàng đế.

- Lệnh của hoàng đế bên các ông thì có hiệu lực trong quân đội của các ông, còn ở đây, - Davu nói, - Người ta bảo gì thì ông cứ thế mà làm.

Và như để cho viên tướng Nga thấy rõ hơn nữa rằng ông ta đang lệ thuộc vào vũ lực thô bạo, Davu cho sĩ quan phụ tá đi gọi trực nhật.
   
Balasov rút phong thư của hoàng thượng ra, và đặt lên bàn (bàn đây là một cánh cửa hãy còn cả bản lề đặt lên trên hai cái thùng rượu) Davu cầm phong thư và đọc mấy dòng chữ đề ngoài bì.

- Ngài muốn tỏ kính nể tôi hay không, điều đó hoàn toàn thuộc quyền ngài, - Balasov nói - Nhưng xin ngài lưu ý cho rằng tôi có vinh dự làm phó tướng hành dinh của Hoàng đế…

Davu im lặng nhìn Balasov, và hình như lấy làm khoái chí khi thấy vẻ mặt của ông này hơi xúc động và bối rối.

- Ông sẽ được đối xử một cách xứng đáng với cương vị của ông. - Nói đoạn Davu đút phong thư vào túi và ra khỏi gian nhà kho.
Một phút sau viên sĩ quan hành dinh của Davu là De Castre bước vào và dẫn Balasov vào căn buồng dành riêng cho ông ta.
   
Hôm ấy Balasov xuống ăn bữa trưa với nguyên soái Davu trên cánh cửa đặt trên hai cái thùng rượu vừa rồi dùng làm bàn viết.

Ngày hôm sau, Davu ra đi rất sớm, sau khi mời Balasov đến và lên giọng hách dịch yêu cầu Balasov ở lại đây, khi có lệnh đi đâu thì cũng đi với hành lý của nguyên soái, và chỉ nói chuyện với một mình De Castre mà thôi.
   
Sau bốn ngày sống hiu quạnh trong cảnh buồn chán với ý thức rằng mình bị lệ thuộc vào quyền lực của kẻ khác và chẳng được ai coi ra gì - một ý thức càng rõ rệt hơn nữa là vì vừa mới đây ông ta đang sống giữa một môi trường quyền quý - sau mấy chuyến cùng di chuyển với mớ hành lý của nguyên soái Davu và với quân đội Pháp cũng đi qua cái trạm ngắn đường mà bốn ngày trước đây ông đã ra đi.
   
Ngày hôm sau quan thị tùng của hoàng đế là bá tước de Tuyren(1) đến gặp Balasov và cho ông ta biết rằng hoàng đế Napoléon đã chuẩn y cho ông đến bệ kiến.
   
Trước toà nhà mà người ta dẫn đến, trước đây bốn ngày có có những người lính canh của trung đoàn Preobrazenxki đứng gác, thì bây giờ lại có hai người lính thủ pháo Pháp mặc quân phục xanh xẻ ngực và đội mũ lông, một đoàn hộ tống phiêu kỵ và kỵ binh U-lan, và một đoàn tuỳ tùng lộng lẫy gồm những tướng tá, những sĩ quan phụ tá, những chú thị đồng, đang đứng trước thềm xung quanh con ngựa cưỡi và người giám mã mamluk(2) Rustan của Napoléon để chờ hoàng đế ra. Napoléon tiếp Balasov ngay trong toà nhà ở Vilna, nơi mà Balasov đã gặp Alekxander trước khi ra đi.

=======================================================

Chú thích:

(1) Lính đánh thuê của vua Ai Cập, vốn là người ngoại quốc bị bắt về nuôi từ bé.

(2) Người giám mã mamluk của Napoléon là một vật kỷ niệm của chiến dịch Ai Cập



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:31:02 pm
Phần IX
Chương - 6

Tuy Balasov rất quen thuộc với cảnh sang trọng ở cung đình, ông ta cũng phải kinh ngạc trước cảnh xa hoa và tráng lệ trong triều đình của Napoléon.
   
Bá tước De Tuyren dẫn ông ta vào một gian phòng tiếp tân lớn. Trong phòng có nhiều tân khách đang ngồi đợi: Những vị tướng, những viên thị thần và những vị vương công Ba Lan, trong đó có nhiều người Balasov đã từng gặp ở triều đình hoàng đế Nga. Duyroc cho biết rằng hoàng đế Napoléon sẽ tiếp viên tướng Nga trước khi đi dạo.
   
Đợi được mấy phút thấy viên thị thần trực nhật bước ra phòng khách, kính cẩn cúi chào Balasov và mời ông đi theo mình.
   
Balasov bước vào một gian phòng khách nhỏ; từ đấy có một cánh cửa dẫn vào phòng giấy, chính căn phòng giấy trong đó hoàng đế Nga đã trao sứ mệnh cho ông ta: Balasov đứng đợi và ba phút.
   
Sau cánh cửa có tiếng bước vội vàng. Hai cánh cửa cùng mở ra rất mạnh, tất cả đều im lặng, vài từ phòng giấy vọng ra những tiếng bước khác, những bước chân rắn rỏi, quả quyết: đó là Napoléon.
   
Ông ta vừa sắm sửa ăn mặc xong và đã sẵn sàng lên ngựa đi dạo. Ông mặc quân phục màu xanh, áo ngoài để lộ khoảng gi-lê trắng phủ lên trên cái bụng tròn; một chiếc quần dạ trắng bó sát lấy hai bắp vế béo núc ních trên đôi chân ngắn đi ủng ngựa ống cao quá gối. Có thể thấy rõ rằng món tóc ngắn của ông ta vừa được chải chuốt xong, nhưng có một cái bườm mỏng rủ xuống ở chính giữa vầng trán rộng. Cái cổ trắng và béo múp míp nổi lên trên cái cổ áo màu đen của bộ quân phục, khắp eau - de cologne(1). Trên khuôn mặt đầy đặn và trông vẫn trẻ của ông ta lộ tõ vẻ mềm nở đôn hậu và uy nghi của một bậc đế vương tứ tuần sống trong cảnh sung túc. Ngoài ra còn có thể thấy rõ rằng ngày hôm ấy ông ta đang ở trong một tâm trạng cực kỳ phấn chấn vui vẻ.
   
Ông gật đầu đáp lại cái chào rất thấp và kính cẩn của Balasov, rồi lại gần viên tướng Nga và bắt đầu nói ngay, như một người biết quý từng phút một trong thời gian của mình và không thèm chuẩn bị lời nói của mình làm gì, vì tin chắc mình bao giờ cũng nói hay và nói đúng những điều cần biết.

- Xin chào tướng quân! - Ông ta nói - Tôi đã nhận được bức thư của hoàng đế Alekxandr mà ngài đưa lại, và tôi rất lấy làm mừng được gặp ngài. - Ông ta đưa đôi mắt to nhìn vào mặt Balasov rồi lập tức nhìn sang một bên.

Hiển nhiên là ông ta không hề mảy may chú ý đến cá nhân Balasov. Có thể thấy đối với ông ta, tất cả những gì ở bên ngoài đều không có ý nghĩa gì. Bởi vì theo ý ông ta thì mọi việc trong thiên hạ đều chỉ lệ thuộc vào ý muốn của ông.

- Tôi không muốn chiến tranh, trước kia hay ngay bây giờ cũng vậy, - Napoléon nói - Ngay lúc này đây (ông ta nhấn mạnh vào chữ này) tôi cũng vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả những lời trình bàycủa ngài.
   
Và ông ta bắt đầu trình bày một cách ngắn gọn và phân minh những nguyên nhân khiến ông ta bất bình đối với chính phủ Nga.

Nghe giọng nói bình tĩnh và ôn tồn của hoàng đế Pháp, Balasov tin chắc rằng ông ta muốn hoà bình và có ý định mở cuộc điều đình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:31:40 pm
- Tân bệ hạ, Chúa thượng của tôi, - Balasov mở đầu đoạn diễn từ đã sẵn từ lâu khi Napoléon đã nói xong và đưa mắt nhìn viên sứ thần Nga có ý dò hỏi; nhưng cái nhìn chằm chặp của vị hoàng đế làm cho Balasov bồi hồi rồi. "Ông đang bối rối - ông hãy định thần lại", Napoléon có vẻ như muốn nói thế trong khi đưa mắt ngắm nghía bộ quân phục và thanh kiếm của Balasov, môi chỉ hơi nhếch lên nở một nụ cười kín đáo. Balasov định thần lại và bắt đầu nói.
   
Ông ta nói rằng hoàng đế Alekxandr cho việc Karakin xin hộ chiếu về nước không phải là một lý do đầy đủ về khai chiến, rằng Kurakin đã tự tiện làm việc đó không có sự chuẩn bị của hoàng đế, rằng hoàng đế Alekxandr không muốn chiến tranh, và chính phủ Nga không hề có mối liên hệ gì với nước Anh cả.

- Chưa có Napoléon chêm vào, và dường như sợ bị tình cảm của mình chi phối, ông ta cau mày và khẽ gật đầu. Ý muốn cho Balasov có thể cứ nói tiếp.
   
Sau khi nói hết những điều vua Alekxandr căn dặn, Balasov nói thêm rằng hoàng đế Alekxandr muốn hoà bình, nhưng nếu chỉ điều đình với điều kiện nhất thiết là… đến đây Balasov phân vân: ông ta nhớ lại những lời mà hoàng đế Alekxandr không viết trong thư nhưng có dặn là thế nào cũng phải ghi vào bản chỉ dụ gửi Xaltykov và riêng Balasov thì phải truyền đạt lại cho Napoléon nghe Balasov nhớ rõ từng câu ấy:  "Hễ còn một tên địch vũ trang trên đất Nga", nhưng một cảm giác gì phức tạp ngăn ông ta lại. Ông không sao nói được câu ấy, tuy cũng đã định nói ra. Ông do dự một lúc rồi nói: với điều kiện là quân đội Pháp rút sang bên kia sông Neman.

Napoléon nhận thấy Balasov do dự trong khi nói mấy câu cuối cùng này; mặt ông ta hơi rung rung, bắp chân phải máy lên từng đợt. Vẫn đứng yên ở chỗ cũ, ông bắt đầu nói, cao giọng và hấp tấp hơn trước. Trong khi Napoléon nói, chốc chốc Balasov bất giác lại đưa mắt nhìn xuống cái bắp chân của ông ta đang máy lên từng đợt. Napoléon càng rất cao giọng thì bắp chân lại càng máy mạnh hơn.

- Tôi mong muốn hoà bình chẳng kém gì hoàng đế Alekxandr. -

Napoléon mở đầu. - chẳng phải chính tôi trong suốt mười tám tháng trời đã làm đủ mọi cách để đạt đến hoà bình đó sao? Suốt mười tám tháng tôi đã nhận những lời giải thích. Nhưng muốn mở cuộc đàm phán thì người ta đòi hỏi tôi những gì? - Ông ta cau mày nói và vung mạnh bàn tay trắng trẻo, béo múp míp lên làm một cử chỉ có ý gạn hỏi.

- Tâu hoàng thượng, rút quân sang bên kia sông Neman! - Balasov nói.

- Sang bên kia sông Neman à? - Napoléon nhắc lại, - Thế ra bây giờ các ông muốn tôi rút về bên kia sông Neman, chỉ bên kia sông Neman thôi ư? - Napoléon nói, mắt nhìn thẳng vào Balasov.

Balasov kính cẩn cúi đầu.

Bốn tháng trước đây người ta đòi Napoléon rút ra khỏi xứ Ponmeranya, thì bây giờ người ta chỉ yêu cầu ông rút về bên kia sông Neman nữa mà thôi.

Napoléon quay ngoắt đi và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

- Ngài nói rằng người ta đỏi tôi phải rút quân về bên kia sông Neman rồi mới chịu mở cuộc đàm phán, nhưng cách đây hai tháng người ta cũng đòi tôi rút về bên kia sông Vixla đúng như thế, nhưng mặc dù tôi không rút, các ông cũng vẫn ưng thuận mở cuộc đàm phán như thường.

Ông ta yên lặng đi từ góc này sang góc kia và trở lại đứng trước mặt Balasov. Gương mặt nghiêm khắc của ông dường như sắt lại và bắp chân trái lại máy nhanh hơn trước nữa Napoléon biết rõ tật máy chân này.
Máy bắp chân là một triệu chứng quan trọng trong người tôi, - về sau ông ta có nói như vậy.

- Những việc như rút quân về bên kia sông Oder và Vixla thì chỉ có thể đề nghị với thân vương Baden chứ không thể đem ra đề nghị với tôi được, - Napoléon bỗng nói như quát lên, và chính ông ta cũng không ngờ rằng mình lại nói như vậy. - Các ông có cắt cho tôi Petersburg và Moskva tôi cũng nhận những điều kiện ấy. Ông bảo là tôi đã khởi chiến trước à? Thế thì ai trở về quân doanh trước?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:32:27 pm
Hoàng đế Alekxandr chứ không phải tôi. Các ông đề nghị tôi đàm phán trong khi tôi đã chi tiêu bạc triệu, trong khi các ông liên kết với nước Anh và khi tình thế của các ông bất lợi - các ông đề nghị đàm phán với tôi - Thế thì các ông liên kết với nước Anh nhằm mục đích gì? Nước Anh đã cho các ông những gì. - Ông ta nói hấp tấp, bây giờ hẳn không còn có ý lái câu chuyện trở lại chỗ trình bày những lợi ích của việc ký kết hoà ước hay thảo luận xem có thể ký hoà ước được không, mà chỉ muốn tỏ rõ rằng mình phải, mình mạnh, và chứng minh rằng Alekxandr là trái, là sai.
   
Khi mở đầu cuộc nói chuyện ông ta chỉ có ý muốn biểu dương ưu thế của mình và cho người ta thấy rằng tuy thế mình vẫn nhận mở cuộc đàm phán. Nhưng Napoléon đã bắt đầu nói rồi, và càng nói ông càng mất tự chủ trong lời lẽ.

Bây giờ rõ ràng là ông chỉ nói để đề cao mình lên và lăng nhục Alekxandr, nghĩa là để làm chính cái việc mà lúc ban đầu ông chẳng muốn tí nào.

- Nghe nói các ông ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ rồi phải không?
   
Balasov cúi đầu tỏ ý khẳng định.

- Hoà ước đã được ký kết. - Ông ta mở đầu.

Nhưng Napoléon không để cho ông ta nói. Có thể thấy rõ rằng bây giờ Napoléon cần nói một mình, ông tiếp tục nói một cách hùng hồn và với một vẻ bực tức không hề kiềm chế, như những người quen được cuộc sống nuông chiều vẫn thường làm.

- Phải, tôi biết, các ông ký hoà ước với người Thổ tuy các ông chưa được thu lại hai tỉnh Moldavi và Valakhi. Còn như tôi thì tôi sẵn sàng cho nhà vua các ông hai tỉnh này cũng như tôi đã từng cho các ông xứ Phần Lan. Phải, - Napoléon nói tiếp. - Tôi đã hứa và tôi sẵn lòng cho hoàng đế Alekxandr hai tỉnh Moldavi và Valakhi, nhưng bây giờ thì ông ta sẽ không có được hai tỉnh giàu đẹp ấy nữa rồi. Lẽ ra vua và các ông có thể sáp nhập hai tỉnh ấy vào đế quốc Nga, và chỉ trong một triều vua ông ta đã có thể mở rộng bờ cõi nước Nga từ vịnh Botni đến cửa sông Donao. Đến Ekatemia, Đại nữ hoàng cũng không thể làm hơn được, - Napoléon càng nói càng hăng, vừa nói vừa đi trong phòng, nhắc lại cho Balasov nghe những lời gần đúng hệt như những lời ông đã nói với Alekxandr ở Tilzip.

- Giá ông ta biết giữ tình bạn của tôi thì đã được tất cả những cái đó rồi. Ô! Một triều vua như vậy đẹp đẽ biết nhường nào, đẹp đẽ biết nhường nào! - Ông ta nhắc đi nhắc lại mấy lần như vậy, rồi đừng lại, thọc tay vào túi lấy hộp thuốc lá bằng vàng và đưa lên mũi hít một cách hăm hở. - Giá được như vậy thì triều đình Alekxandr sẽ đẹp đẽ biết nhường nào!

Ông ta nhìn Balasov có vẻ thương hại và Balasov vừa hé miệng toan nói một câu gì thì ông ta đã hấp tấp ngắt lời ngay.

- Giá ông ta biết giữ tình bạn của tôi thì muốn gì mà chả được?
   
Napoléon vừa nói vừa so vai tỏ vẻ băn khoăn:

- Nhưng không, ông ta lại thích dung nạp những kẻ thù của tôi hơn, mà đó là những con người thế nào kia chứ? Ông ta dung nạp những bọn như Stanin, Amlfeld, Benrigxen, Vintxigherot. Stanin là một tên phản bội bị đuổi ra khỏi tổ quốc; Armfeld là một kẻ truỵ lạc và giảo hoạt; Vintxigherot là một công dân Pháp đào ngũ, Benrigxen thì ít nhiều còn ra con nhà võ hơn bọn kia, nhưng vẫn là một tên bất tài, dạo 1807 chẳng biết làm ăn ra sao cả và lẽ ra phải gợi lại cho Alekxandr những kỷ niệm khủng khiếp lắm mới phải… nếu quả bọn ấy có năng lực thì còn có thể dùng được. - Napoléon nói tiếp, lời nói chật vật lắm mới theo kịp những luận chứng không ngừng nẩy ra trong óc để cho Balasov thấy rõ rằng ông ta phải hay ông ta mạnh (trong quan niệm của Napoléon thì cái đó chỉ là một), - nhưng đằng này chúng nó có tài cán gì đâu: thời bình hay thời chiến chúng vẫn là đồ vụng! Nghe nói Barclay có tài nặng hơn cả bọn kia, nhưng cứ xem những cách hành quân của hắn dạo đầu thì tôi chả thấy thế. Và tất cả cái bọn triều thần ấy làm gì, chúng làm cái gì. Plul thì đề nghị, Amlfeld thì bác bỏ, Benrigxen thì khảo sát, còn Barclay, người có nhiệm vụ hành động thì chẳng biết nên quyết định làm gì, trong khi đó thì thời gian cứ trôi qua. Chỉ có một mình Bagration thật là có nhãn lực và quả quyết… thế còn nhà vua trẻ của các ông thì đóng vai trò gì trong cái đám người không ra hồn ấy? Họ làm trò gì trong cái đám người không ra hồn ấy? Họ làm cho ông ta mất thanh danh và có việc gì xảy ra họ cũng đồ hết trách nhiệm cho ông ta cả. Một nhà vua chỉ nên ở quân doanh khi nào mình là một tướng lĩnh! - Napoléon nói, hẳn là có ý ném thẳng câu này vào mặt Alekxandr như một lời thách thức. Ông ta thừa biết rằng Alekxandr rất muốn đóng vai trò thống soái.

- Chiến dịch đã bắt đầu được một tuần rồi mà các ông cũng không biết cách phòng thủ Vilna. Các ông đã bị cắt ra làm đôi và bị đuổi ra khỏi các tỉnh Ba Lan rồi. Quân đội các ông đang oán thán.

- Tâu hoàng thượng, trái lại… Balasov nói, bấy giờ ông ta chật vật lắm mới nhớ được những điều người ta nói với mình và theo kịp những lời tung ra tới tấp như pháo hoa này - Trái lại quân đội chúng tôi nức lòng muốn…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:33:07 pm
- Tôi biết hết, - Napoléon ngắt lời Balasov, - Tôi biết hết, tôi biết số tiểu đoàn của các ông một cách chính xác như số tiểu đoàn của tôi vậy. Quân số các ông không đầy hai mươi vạn, còn quân số của tôi thì đông gấp ba lần như thế, tôi xin lấy danh dự mà nói với ông như vậy - Napoléon quên khuấy đi rằng lời nói danh dự ấy không thể nào có nghĩa lý gì hết - Tôi xin lấy danh dự mà nói với ông rằng tôi hiện có năm mươi ba vạn quân ở phía bên này sông Vixla, các ông không thể trông mong gì vào quân Thổ được: họ chẳng làm được trò trống gì đâu và họ đã chứng minh điều đó khi ký hoà ước với các ông. Người Thuỵ Điển thì có cái số bị những ông vua điên rồ cai trị. Vua của họ điên, họ phế truất ông ta đi và tôn Bemadot lên làm vua. Vừa làm vua một cái là Beradot đã phát điên ngay, bởi vì đã là người Thuỵ Điển thì chỉ có điên mới đi liên kết với nước Nga. - Napoléon mỉm cười hiểm độc và lại đưa thuốc lá lên mũi hít.
   
Napoléon nói ra câu nào, Balasov cũng muốn bác lại; chốc chốc ông ta lại nhấp nhỏm như đang muốn nói gì, nhưng Napoléon cứ cướp lời ông ta. Khi nghe nói đến bệnh điên rồ của người Thuỵ Điển. Ông ta muốn bác bỏ lại rằng nước Thuỵ Điển là một hòn đảo khi có nước Nga làm hậu thuẫn; nhưng Napoléon điên tiết quát to lên để át giọng ông ta. Napoléon đang ở trong cái trạng thái khích động thúc đẩy ông ta thấy cần nói, nói nữa, nói mãi để chứng minh cho mình thấy là mình đúng. Balasov thấy khó xử quá: là một sứ giả, ông sợ mất thể diện nên không bác lại; nhưng là một con người, ông giữ vững tinh thần trước cơn phẫn nộ vô cớ bấy giờ đã làm cho Napoléon mất hẳn tự chủ. Ông biết rằng tất cả những lời Napoléon nói ra trong lúc này đều không có ý nghĩa gì, rằng khi trấn tĩnh lại ông ta sẽ lấy làm xấu hổ về những lời nói đó.

Balasov đứng yên, mắt nhìn xuống phía đôi chân béo đẫy của Napoléon đang đi đi lại lại, và cố tránh nhìn vào mặt ông ta.

- Nhưng tôi cần gì quan tâm đến các bạn đồng minh của các ông? - Napoléon nói. - Tôi cũng có đồng minh: đó là người Ba Lan họ có cả thảy tám vạn quân, họ chiến đấu như sư tử. Quân số của họ sẽ lên tới hai mươi vạn.
   
Và hình như càng thêm tức giận vì trong khi nói như vậy ông ta đã nói dối một cách lộ liễu và vì thấy Balasov vẫn đứng im lặng trước mặt ông với cái dáng điệu phục tùng số mệnh như cũ, Napoléon quay mặt phắt lại, đến gần sát mặt Balasov và hoa nhanh hai bàn tay trắng trẻo làm những cử chỉ mạnh mẽ và nói gàn như quát lên.

- Xin các ông biết cho rằng nếu các ông xúi nước Phổ chống lại tôi thì tôi sẽ xoá nó khỏi bàn đồ châu Âu, - Napoléon nói mặt tái nhợt và biến dạng đi vì tức giận, vừa nói vừa giơ một bàn tay nhỏ nhắn đánh mạnh vào lòng bàn tay kia. - Phải, tôi sẽ dồn các ông về bên kia sông Dvina, sông Dniepr, và để chống lại các ông, tôi sẽ lập lại bức rào mà châu Âu mù quáng đã để cho người ta phá huỷ đi. Phải, số phận của các ông sẽ như thế đấy. - nói đoạn ông ta bước mấy bước trong gian phòng, hai vai béo đẫy rung rung. Ông ta im lặng một lát, đưa mắt ngạo nghễ nhìn thẳng vào mặt Balasov và nói khe khẽ - Thế mà lẽ ra ông chủ của ông có thể có được một triều vua tốt đẹp biết nhường nào!
   
Balasov cảm thấy phải bác lại và nói rằng về phía trước Nga sự tình không đến nỗi bi đát như vậy.
Napoléon lặng thinh, tiếp tục nhìn Balasov một cách ngạo nghễ và hẳn là chẳng nghe ông ta nói gì Balasov nói rằng ở Nga, người ta chờ đợi chiến tranh đưa lại những kết quả tốt đẹp.

Napoléon gật đầu ra dáng bao dung, như muốn nói: "Tôi biết rằng ông không có nhiệm vụ phải nói như vậy, nhưng chính bản thân ông cũng không tin điều đó; ông đã bị tôi thuyết phục rồi".
   
Khi Balasov đã nói xong, Napoléon lại rút hộp thuốc lá đưa lên mũi hít và giẫm chân xuống sàn hai lần để ra tín hiệu.
     
Cánh cửa mở ra, một viên thị thần kính cẩn khom lưng đưa mũ và găng cho hoàng đế, một viên thị thần khác đưa cho ông ta, một chiếc khăn tay. Không nhìn thấy họ, Napoléon cầm lấy mũ và quay về phía Balasov nói:

- Xin ông thưa lại để hoàng đế Alekxandr tin chắc rằng tôi vẫn tận tâm với hoàng đế như cũ; tôi biết hoàng đế rất rõ và đánh giá rất cao đức tính tốt đẹp của hoàng đế. Thôi xin chào tướng quân, tướng quân sẽ nhận được bức thư của tôi gửi hoàng đế.
   
Và Napoléon bước nhanh ra cửa. Mọi người đều rời phòng tiếp tân chạy ùa xuống thang gác.

=========================================================

Chú thích:

(1) Một thứ rượu cồn nhẹ có pha nước hoa, dùng để rửa (eau - de cologne nghĩa là đen là "nước thành Colonhơ" - tức Koln: một thành phố Đức)


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:33:57 pm
Phần IX
Chương - 7

Sau tất cả những điều Napoléon đã nói với ông ta, sau những cơn giận dữ và sau cái câu rất xẵng nói lúc từ biệt: "Thôi xin chào các tướng quân, tướng quân sẽ nhận được bức thư của tôi gửi hoàng để, Balasov đinh ninh rằng Napoléon bây giờ không những không muốn gặp ông ta, mà sẽ còn cố gắng tránh mặt ông ta, một sứ giả vừa bị lăng nhục và hơn nữa đã chứng kiến cơn nóng nảy khiếm nhã của mình. Nhưng Balasov rất lấy làm lạ vì ngay hôm ấy Duyroc đã chuyển lời mời ông đến dự bữa ăn của Hoàng đế.
   
Bữa ăn này có Bexer, Colanhcur và Beltie dự. Napoléon tiếp Balasov vui vẻ nhã nhặn, không những ông không có vẻ gì ngượng nghịu hay ân hận về cơn giận sáng nay, mà trái lại còn ra sức tìm cách khích lệ Balasov nữa là khác. Có thể thấy rõ là đã từ lâu Napoléon tin chắc rằng mình không thể làm điều gì sai lầm và trong quan niệm của ông ta thì mọi việc ông ta làm đều hay, không phải là vì những việc đó phù hợp với khái niệm tốt xấu là vì chính ông ta đã làm làm.

Hoàng đế lúc bấy giờ rất vui vẻ vì vừa đi dạo trong thành phố Vilna trở về: trong cuộc du lắm này những đám đông dân chúng đã nô nức ra đón chào và đi theo ông ta, ở các phố mà ông ta đi qua, tất cả các cửa sổ đều có treo thảm, cờ, phù hiệu của ông ta, và phụ nữ Ba Lan đã vẫy khăn tay chào mừng ông.
   
Đến bữa ăn, ông ta cho Balasov ngồi bên cạnh, và không những nói năng với viên sứ thần Nga một cách ôn tồn thân mật mà lại còn đối xử như thể Balasov cũng là một triều thần của mình, cũng là một trong số những người tán thưởng các kế hoạch của mình và chắc chắn phải lấy làm mừng về những thành công của mình sau khi nói chuyện này chuyện nọ một lúc, Napoléon quay ra nói chuyện về Moskva và hỏi Balasov về thủ đô nước Nga, không phải như một người du lịch tò mò hỏi về một địa phương mới lạ mà mình định đến thăm, mà lại có vẻ tin chắc rằng Balasov là người Nga tất phải lấy làm vinh hạnh khi được hỏi han như vậy.
   
Ở Moskva có bao nhiêu cư dân, có bao nhiêu nhà? Có đúng là người ta gọi "Moscou thần thánh" không? Có bao nhiêu nhà thờ ở Moscou? - Napoléon hỏi.

Nghe nói là có hơn hai trăm ngôi nhà thờ, Napoléon nói:

- Sao lại lắm nhà thờ như thế?

- Người Nga rất mộ đạo. - Balasov đáp - Vả chăng, có nhiều tu viện và nhà thờ bao giờ cũng là một dấu hiệu chứng tỏ rằng một dân tộc còn lạc hậu, - Napoléon vừa nói vừa đưa mắt nhìn Colanhcur đợi ông tán thưởng.
   
Balasov kính cẩn tỏ ý không tán thành ý kiến của hoàng đế Pháp.

- Mỗi nước có phong tục riêng, - Ông ta nói. - Nhưng hiện nay ở châu Âu không còn một nước nào như vậy cả, - Napoléon nói.

- Xin hoàng thượng xá lỗi cho - Balasov nói -  Ngoài nước Nga ra còn có nước Tây Ban Nha: ở đấy tu viện và nhà thờ cũng nhiều không kém.

Câu trả lời của Balasov nhằm ám chỉ cuộc thất trận gần đây của quân đội pháp ở Tây Ban Nha, và về sau, khi ông ta đem ra kể lại ở triều đình hoàng đế Alekxandr, nó đã được đánh giá rất cao; còn bây giờ, trong bữa tiệc của Napoléon thì câu trả lời đó lại ít được thưởng thức và chẳng ai chú ý đến.
   
Cứ trông vẻ mặt hững hờ và ngơ ngác của các vị nguyên soái cũng có vẻ thấy rằng họ không hiểu câu nói đó có ý vị gì mà Balasov lại phải nói bằng cái giọng đặc biệt như vậy. Vẻ mặt của họ như muốn nói "Cho là có ngụ ý gì đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng chẳng hiểu, hoặc giả nó chẳng có gì là hóm hỉnh hết". Câu trả lời ít được thưởng thức đến nỗi Napoléon chẳng hề mảy may để ý đến và ra vẻ ngây thơ hỏi Balasov xem từ đây đi đường thẳng đến Moskva thì phải đi qua những thành phố nào, Balasov suốt bữa tiệc không lúc nào ngừng giữ miếng, đáp lại rằng cũng như mọi nẻo đường dẫn đến La Mã, thì mọi nẻo đường cùng đều dẫn đến Moskva, nghĩa là có rất nhiều đường, và trong số những con đường đó có con đường đi qua Poltava(1), con đường mà Charles XII đã chọn,
   
Balasov nói, bất giác đỏ mặt lên vì đắc ý với câu đối đáp sắc sảo của mình. Balasov chưa kịp nói hết chữ "Poltava", thì Colanhcur đã quay ra nói về những sự bất tiện trên con đường từ Petersburg đến Moskva và nhắc nhở những kỷ niệm ở Petersburg của mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:34:43 pm
Sau bữa ăn, họ sang uống cà phê trong phòng giấy của Napoléon, căn phòng mà bốn ngày trước đây còn được dùng làm phòng giấy của hoàng đế Alekxandr. Napoléon ngồi xuống lấy thìa khuấy cà phê trong cái tách băng xứ Xevr(2), và chỉ cho Balasov một chiếc ghế ở bên cạnh mình.
   
Sau bữa tiệc, người ta vẫn thường có khuynh hướng hài lòng với bản thân và xem mọi người như bạn của mình, mặc dù không có lý do gì chính đáng hơn để làm như vậy. Napoléon bấy giờ đang ở trong trạng thái đó. Ông cứ có cảm tưởng là chung quanh mình toàn những người sùng bái mình cả. Ông cư yên trí rằng Balasov, sau bữa ăn với ông, cũng là người bạn và là một người sùng bái mình như thế. Napoléon nói chuyện với Balasov, trên môi nở một nụ cười thân mật và hơi nhuốm vẻ giễu cợt.

- Nghe nói phòng này trước kia chính là phòng của hoàng đế Alekxandr. Kể cũng lạ, có phải không tướng quân? - Napoléon nói, hẳn là tin rằng những lời này không thể làm cho người đối thoại với mình thích thú, vì nó chứng tỏ rằng ông ta, Napoléon hơn hẳn Alekxandr.

Balasov không biết trả lời ra sao, chỉ im lặng cúi đầu.

- Phải, trong căn phòng này, bốn ngày trước đây Vintxinghenrat và Stain đã hội bàn với nhau, - Napoléon nói tiếp, vẫn với nụ cười giễu cợt và tự tin trên môi. - Có một điều mà tôi không hiểu được, là hoàng đế Alekxandr đã dung nạp tất cả những kẻ thù riêng của tôi. Điều đó, tôi không hiểu sao được. Thế hoàng đế không nghĩ rằng tôi cũng có thể làm như vậy hay sao? - Ông ta hỏi Balasov, và hình như hồi ức này gợi lên những dấu vết của cơn giận ban sáng, hãy còn tươi rói trong tâm trí ông ta.

- Và hoàng đế Alekxandr cũng nên biết rằng tôi sẽ làm như vậy. - Napoléon vừa nói vừa đứng dậy và gạt chén cà phê ra. - Tôi sẽ đuổi ra khỏi nước Đức tất cả những người thân thuộc với ông ta, những Vuyrtemberg(3), những Baden, những Vaimar… phải, tôi sẽ đuổi tất cả. Ông ta hãy liệu mà sắp sẵn chỗ trú thân cho họ ở nước Nga đi!

Balasov cúi đầu, vẻ như muốn ngụ ý rằng mình cũng muốn lui ra và có nghe chăng cũng chỉ vì không thể nào không nghe được mà thôi. Napoléon không để ý thấy vẻ mặt của Balasov, ông nói năng với Balavos không phải như một sứ thần của kẻ địch, mà như với một người hoàn toàn phục tùng ông ta và tất phải lấy làm vui mừng khi thấy ông chủ cũ của mình bị khuất phục.

- Thế tại sao vua Alekxandr lại nắm quyền chỉ huy quân đội? Như thế để làm gì? Chiến tranh là nghề nghiệp của tôi, còn việc của ông là làm vua, chứ không phải chỉ huy quân đội. Tại sao ông ta lại lĩnh lấy một trách nhiệm như thế?

Napoléon lại rút hộp thuốc lá ra, im lặng đi đi lại lại mấy lượt trong phòng và bỗng đến gần Balasov rồi nói với một cử chỉ nhanh nhẹn, quả quyết, như đang làm một việc gì không có tầm quan trọng mà lại còn làm cho Balasov hài lòng nữa, ông ta đột nhiên giơ tay lên nắm lấy tai viên tướng Nga đã ngoại tứ tuần ấy, khẽ kéo một cái, vừa kéo vừa mỉm cười, nhưng chỉ mỉm cười bằng môi thôi.
   
Được hoàng đế kéo tai là một điều ở triều đình nước Pháp người ta xem là vinh dự tối cao và là ân sủng lớn nhất.

- Thế nào, sao ông không nói gì cả, ông hiền thần ngưỡng mộ hoàng đế Alekxandr kia?- Napoléon nói, tựa hồ lấy làm buồn cười rằng sao trước mặt ông ta mà lại còn có thể ngưỡng mộ một người nào khác ngoài ông ta, Napoléon.

- Ngựa của tướng quân đã thắng xong chưa? - Ông ta nói thêm, khẽ nghiêng đầu đáp lại cái chào của Balasov. - Đưa ngựa của ta cho tướng quân dùng nhé, tướng quân phải đi xa lắm đấy…

Bức thư do Balasov mang về là bức thư cuối cùng của Napoléon gửi Alekxandr. Tất cả các chi tiết trong cuộc nói chuyện này đều được truyền đạt cho hoàng đế Nga, và chiến tranh bắt đầu.

=====================================================

Chú thích:

(1) Trận đánh lớn ở thế kỷ 17, trong đó Piotr đại đế đánh tan quân Thuỵ Điển do vua Charle XII chỉ huy.

(2) Loại sứ quý do thủ công xưởng nổi tiếng từ xưa ở Xevrơ (thị trấn gần Paris) sản xuất.

(3) Tên những công quốc ở Đức và cũng là tên những dòng họ vương công quan hệ thân thuộc với Alekxandr.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:35:44 pm
Phần IX
Chương - 8

Sau khi gặp Piotr ở Moskva, công tước Andrey đi Petersburg, công tước nói với người nhà là giải quyết công việc, nhưng thật ra là đi tìm công tước Anatol Kuraghin vì chàng cho là thế nào cũng phải tìm hắn cho kỳ được. Đến Petersburg, chàng hỏi thăm thì được biết rằng Kuranghin không còn ở đây nữa. Piotr đã đánh tiếng cho em vợ biết rằng công tước Andrey đi tìm hắn ta. Andrey đi tìm hắn ta. Anatol lập tức xin tổng trưởng bộ chiến tranh cử đi công cán và lên đường đến quân đoàn Moldavi với ông ta, vì vị lão tướng vừa được nhận chức tuỳ viên ở bộ tham mưu tổng hành dinh và được phái đi Thổ Nhĩ Kỳ.
   
Công tước Andrey cho rằng viết thư cho Kuraghin và thách hắn đấu súng thì không tiện. Nếu không tìm được một cớ gì khác thì việc đó sẽ tổn thương đến danh giá của bá tước tiểu thư Roxtova, công tước Andrey nghĩ như vậy, cho nên chàng tìm cơ hội gặp riêng Kuraghin và nhân đấy tìm ra một lý do mới để thách hắn đấu súng. Nhưng ở quân đoàn Thổ Nhĩ Kỳ chàng vẫn không gặp được Kuraghin, vì công tước Andrey vừa đến quân đoàn Thổ Nhĩ Kỳ được mấy hôm thì hắn trở về Nga rồi. Sống ở một xứ lạ và trong những hoàn cảnh sinh hoạt mới mẻ, công tước Andrey thấy dễ chịu hơn trước. Từ khi người vợ chưa cưới đã bội nghĩa với chàng, nỗi đau đớn mà chàng muốn dấu không cho ai biết lại càng thấm thía hơn nhiều. Những điều kiện sinh hoạt đã từng làm cho chàng đã cảm thấy hạnh phúc, và nhất là cuộc sống tự do và độc lập mà trước kia chàng rất quý thì nay lại càng trở thành một nỗi khổ đối với chàng. Lòng chàng không còn buông theo những ý nghĩ, trước kia đã đến với chàng lần đầu tiên khi chàng nhìn lên bầu trời ở chiến trường Austerlix, những ý nghĩ mà chàng thích đem bày tỏ với Piotr, những ý nghĩ đã theo chàng trong cảnh cô quạnh ở Bogusarovo, rồi sau đó ở Thuỵ Sĩ và ở La Mã; không những thế, thậm chí chàng lại còn sợ nhớ đến những ý nghĩ ấy, những ý nghĩ xưa kia đã mở ra những chân trời vô biên và sáng sủa. Bây giờ chàng chú ý đến những điều thực tiễn trước mắt không có liên hệ với những vấn đề trước kia, và những vấn đề trước kia lại càng bị che khuất đi bao nhiêu thì chàng lại càng bám lấy những vấn đề thực tiễn hiện tại một cách hăm hở bấy nhiêu. Có thể tưởng chừng như bầu trời vô tận trước kia đã từng mở rộng ra trên đầu chàng nay bỗng biến thành một cái vòng thấp hẹp, cụ thể, đang đè lên chàng, trong đó cái gì cũng rõ ràng, nhưng không có gì vĩnh viễn và bí ần hơn nữa.

Trong những hoạt động bày ra trước mắt chàng thì chàng thì việc nhập ngũ là đơn giản và quen thuộc hơn cả. Giữ chức sĩ quan trực tin trong bộ tham mưu của Kutuzov, chàng làm việc rất sốt sắng và chuyên cần, khiến cho Kutuzov phải ngạc nhiên vì cách làm việc say sưa và chu đáo của chàng. Không tìm thấy Kuraghin ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên chàng biết rằng dù có trải qua một thời gian dài đến bao nhiêu chăng nữa, dù chàng hết sức khinh miệt Kuraghin, dù chàng đã viện đủ các thứ lý lẽ để chứng minh cho bản thân mình thấy không việc gì phải hạ mình xuống gây gổ với hắn, chàng vẫn hiểu rằng nếu gặp Kutuzov chàng cũng sẽ không thể nào không thách đấu súng như một người đang đói không thể nào không vồ lấy thức ăn. Mối sỉ nhục chưa được rửa, mối căm hờn chưa được hả, điều đó vẫn còn đè nặng trên lòng chàng, luôn luôn đến quấy phá cái yên tĩnh giả tạo mà công tước Andrey đã cố tạo cho mình trong thời gian ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng một cuộc sống hoạt động say sưa và ít nhiều có tính chất tiến thân và sĩ diện.

Năm 1812, khi tin chiến tranh ở Napoli thấu đến Bucaretxo (Kutuzov đã sống ở đây từ hai tháng nay, suốt ngày đêm ở lại nhà người tình nhân Valakhi của ông ta), công tước Andrey xin Kutuzov cho chàng thuyên chuyển sang quân đoàn miền Tây.

Kutuzov bấy giờ đã chán cái sức lao động của công tước Andrey, vì nó cứ như một lời trách móc đối với cảnh sống nhàn hạ của ông ta, nên rất sẵn lòng để cho chàng đi và giao cho chàng một nhiệm vụ bên cạnh Barclay de Tolly.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:36:20 pm
Đến tháng năm, trước khi trở về quân đội bấy giờ đang đóng ở trại Drixxa, công tước Andrey ghé về thăm nhà, vì Lưxye Gorư nằm ngay trên đường đi của chàng, cách đường cái Smolensk ba dặm. Ba năm gần đây trong cuộc đời của công tước Andrey có rất nhiều biến đổi, chàng đã suy nghĩ, đã cảm xúc, đã chứng kiến rất nhiều (chàng đã đi đây đó khắp nơi từ Đông sang Tây) nên chàng rất bỡ ngỡ và kinh ngạc khi thấy ở Lưxye Gorư tất cả đều y nguyên như cũ, cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất - Vẫn nếp sống xưa kia, không hề thay đổi. Khi xe rẽ vào con đường dẫn đến trang viên và vượt qua cái cổng bằng đá của toà dinh thự, chàng như bước vào một toà lâu đài đang ngủ say dưới tác dụng của phép thần thông. Trong toà nhà mọi vật cũng vẫn nghiêm trang, sạch sẽ và im lặng như xưa, cũng vẫn những bộ bàn ghế ấy và vẫn những khuôn mặt rụt rè ấy, duy chỉ có già đi đôi chút mà thôi. Công tước tiểu thư Maria là người con gái e lệ, không nhan sắc, đang già cỗi dần trong cảnh lo sợ trong những nỗi đau khổ tinh thần bất tận, sống qua những tháng năm tốt đẹp nhất cuộc đời mình một cách vô bổ và không chút vui thú. Burien cũng vẫn là cô gái đỏm dáng, tự mãn, luôn luôn vui vẻ tận hưởng từng phút của đời mình và vẫn tràn đầy những niềm hy vọng tươi sáng nhất. Chỉ có điều là nay công tước Andrey thấy cô ta có vẻ tự tin hơn trước. Dexal, người gia sư mà chàng đưa từ Thuỵ Sĩ về, bấy giờ mặc một chiếc áo đuôi tôm, trọ trẹ nói tiếng Nga với các gia đình, nhưng cũng vẫn là một nhà giáo thông minh một cách thiển cận, có học thức, có đức độ và ưa phô trương trí thức. Lão công tước thì thể chất chỉ khác xưa ở chỗ mới rụng một cái răng cửa ở bên miệng, điều này có thể trông thấy khá rõ; về tinh thần thì ông cụ vẫn như trước, chỉ có điều là thái độ hằn học và hoài nghi đối với việc xảy ra trên thế giới có phần tăng thêm. Chỉ có một mình Nikoluska là lớn lên, thay đổi đi, da dẻ hồng hào thêm, mớ tóc quăn màu nâu thẫm mọc rậm hơn, và mỗi khi reo cười vui vẻ cái một trên xinh xắn của cậu lại cong lên giống hệt như công tước phu nhân nhỏ nhắn lúc sinh thời. Chỉ có mình cậu bé là không tuân theo các quy luật bất biến trong lâu đài đang chìm trong giấc ngủ thần thông này. Nhưng tuy bề ngoài mọi vật đều vẫn như cũ, những quan hệ bên trong giữa tất cả các nhân vật kia kể từ khi công tước Andrey ra đi cho đến nay đều đã đổi khác.

Người trong gia đình chia làm hai phe, xa lạ và đối địch nhau; bây giờ chỉ vì có chàng về họ mời tụ họp lại, thay đổi nếp sống thường lệ vì chàng. Phe thứ nhất gồm có lão công tước, cô Burien và viên kiến trúc sư, còn phe kia gồm Maria, Dexal, Nikolus cùng tất cả các bà vú em và các chị giữ trẻ.

Trong thời gian công tước Andrey ghé lại Lưxye Gorư, mọi người trong nhà đều ngồi ăn chung bàn, nhưng ai nấy đều thấy ngượng nghịu, và công tước Andrey cảm thấy mình là một người khác; người ta bỏ nếp sống thường ngày vì chàng và chàng làm cho mọi người mất tự nhiên. Trong bữa ăn trưa hôm mới về, công tước Andrey đã bất giác cảm thấy điều đó nên rất ít nói, và lão công tước cũng nhận thấy vẻ gượng gạo của chàng nên cũng lầm lỳ lặng thinh, và sau bữa ăn lập tức trở về phòng riêng. Đến tối, khi công tước Andrey đến phòng ông cụ và bắt đầu kể chuyện về cuộc hành quân của tiểu bá tước Kamenxki, mong làm cho lão công tước bá tước vui lên, ông cụ bỗng nhiên quay ra nói chuyện với chàng về nữ công tước Maria, chê trách nàng đã mê tín, là thiếu thiện ý đối với cô Burien, người duy nhất - theo lời lão công tước - thật sự trung thành tận tuỵ với ông.

Lão công tước nói rằng ông ốm chẳng qua cũng vì nữ công tước Maria; rằng nàng cố tình làm khổ và trêu tức ông, rằng nàng nuông chiều và nói những chuyện nhảm nhí làm hư hỏng tiểu công tước Nikolai. Lão công tước biết rất rõ rằng ông hành hạ con gái, rằng nàng sống rất khổ sở, nhưng ông cũng biết rằng mình không thể nào không làm khổ con gái được, và như vậy cũng đáng đời cô ta.

"Tại sao công tước Andrey tuy thấy rất rõ như vậy lại không bao giờ nói gì với ta về em gái cả? - Lão công tước ngẫm nghĩ. - Thế thì anh chàng nghĩ thế nào, chắc lại cho ta là một kẻ tàn bạo hay một ông lão già ngu ngốc, bỗng dưng vô cớ xa rời con gái và đi kết thân với cô Burien kia chứ gì? Anh chàng không hiểu, cho nên phải cắt nghĩa cho anh ta rõ, anh ta phải nghe cho ra mới được". - Lão công tước thầm nghĩ. Và ông bắt đầu giải bày những nguyên do khiến ông không tài nào chịu nổi cái tính nết vô lý của con gái.
Nếu cha hỏi con, - Công tước Andrey nói, mắt không nhìn cha (đây là lần đầu tiên trong đời, chàng trách móc công tước) - Trước đây con không muốn nói, nhưng nếu cha đã hỏi thì con xin nói thẳng ý của con về việc này. Nếu có sự hiểu lầm và xích mích giữa cha với Maria, thì con không thể nào buộc tội em con được: con biết rõ nó thương yêu và tôn kính cha đến thế nào. Cha đã hỏi con, - Công tước Andrey nói tiếp, mỗi lúc một thêm cáu kỉnh, vì gần đây lúc nào chàng cũng sẵn sàng nổi cáu - Thì con có thể nói được một điều, là nếu quả có sự hiểu lầm thì đó cũng chỉ vì một người đàn bà chả ra gì, đáng lẽ không thể làm bạn với em con được.

Lúc đầu ông già nhìn con trân trân và mỉm cười gượng gạo để lộ cái lỗ hổng ở chỗ chiếc răng mới rụng mà công tước Andrey không tài nào nhìn quen được.

- Bạn nào thế hở, anh bạn? Thế các người đã bàn với nhau rồi hả?

- Thưa cha, con không muốn phê phán làm gì, - Công tước Andrey nói, giọng bực bội và gay gắt, - Nhưng cha đã gợi chuyện ra, thì con sẽ nói và bao giờ cũng vẫn sẽ xin nói rằng công tước tiểu thư không phải là người có lỗi, người có lỗi là cái… là người đàn bà Pháp kia…

- À? Thế ra mày xét xử… mày xét xử đấy phỏng! - Ông già nói khẽ và công tước Andrey có cảm tượng ông cụ luống cuống!

Nhưng bỗng nhiên ông nhảy chồm lên quát:

- Xéo! Xéo ngay! Đừng có bao giờ vác mặt về đây nữa!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:37:12 pm
Công tước Andrey muốn lên đường đi ngay, nhưng nữ công tước Maria xin chàng ở lại thêm một ngày nữa. Ngày hôm ấy công tước Andrey không gặp cha. Bây giờ lão công tước không ra khỏi phòng và cũng không cho ai vào phòng mình, ngoài cô Burien và Tikhon, và mấy lần hỏi xem con trai đã đi chưa. Ngày hôm sau, trước khi ra đi công tước Andrey đến phòng con. Đứa bé khoẻ mạnh, tóc quăn giống mẹ, ngồi lên đùi chàng, công tước Andrey bắt đầu kể cho nó nghe chuyện lão Râu Xanh(1), nhưng đang kể dở chừng chàng bỗng dừng lại, trầm ngâm suy nghĩ. Chàng không nghĩ đến đứa con trai kháu khỉnh trong khi bế nó ngồi lên đùi, mà lại nghĩ đến mình. Chàng kinh hãi muốn tìm nhưng không hề thấy ở mình hối hận chút nào về việc mình đã làm cho cha tức giận, mà cũng không thấy chút luyến tiếc nào khi phải rời xa cha (lần này là lần đầu tiên chàng xích mích với cha đến nỗi phải bỏ đi như vậy).

- Nhưng điều quan trọng hơn cả là chàng cố tìm mà vẫn không thấy tình thương yêu đằm thắm trước kia đối với đứa con, tình thương yêu mà chàng hy vọng nhen lại trong lòng mình khi ve vuốt đứa bé và đặt nó ngồi lên đùi.

- Kìa bố kể đi chứ, - Đứa bé nói.

Công tước Andrey không đáp, đặt nó xuống đất và ra khỏi phòng.

Ngay khi công tước Andrey vừa rời bỏ những công việc thường ngày của chàng, và nhất là khi lại về với hoàn cảnh sinh hoạt cũ hồi còn hạnh phúc, nỗi chán đời lại tràn vào lòng chàng mạnh mẽ chẳng kém gì trước kia, và chàng hối hả cố sao thoát cho nhanh ra khỏi những kỉ niệm ấy và tìm một công việc gì mà làm.

- Anh nhất định đi ngay à? Anh André? - em gái chàng hỏi.

- Cũng may là anh còn có thể đi được, - Công tước Andrey nói, - Anh rất tiếc rằng em không thể đi được như anh.

- Sao anh lại nói thế! Công tước tiểu thư Maria nói. - Sao đến bây giờ mà anh lại nói như vậy, trong khi anh sắp dấn thân vào cuộc chiến tranh khủng khiếp kia, mà cha thì đã già rồi. Nghe cô Burien nói là cha có thăm anh… - Nàng vừa nói đến đây thì môi run run đã lên và nước mắt đã trào ra. Công tước Andrey quay mặt đi và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng.

- Ồ! Trời ơi, trời ơi! - Chàng nói. - Sao những con người khốn nạn như vậy lại có thể làm cho người ta khổ!
- Chàng nói với một giọng căm hờn khiến nữ công tước Maria hoảng sợ.

Nàng hiểu rằng khi nói đến những con người mà chàng gọi là khốn nạn, chàng không phải chỉ nghĩ đến cô Burien đã làm cho chàng khổ, mà còn nghĩ đến con người đã phá hoại hạnh phúc của chàng.

- Anh Andrey, em chỉ xin anh một điều, em van xin anh, - nàng nói, tay khẽ chạm vào khuỷu tay chàng, đôi mắt sáng ngời nhìn chàng qua làn nước mắt. - Em hiểu anh lắm (nữ công tước Maria cúi mặt nhìn xuống đất). Xin anh đừng nghĩ rằng những nỗi buồn khổ là do con người gây ra. Con người chỉ là công cụ của Chúa - Nàng đưa mắt nhìn vào chỗ ở phía trên đầu công tước Andrey một quãng, với cái nhìn quả quyết, quen thuộc, như khi người ta nhìn vào chỗ lâu nay vẫn treo bức chân dung. - Đau khổ là do Chúa gửi đến, chứ không phải do con người. Con người là công cụ của Chúa, con người không có lỗi. Nếu anh thấy có một lẽ nào có lỗi với anh, anh hãy quên và đi và tha thứ cho họ. Chúng ta không có quyền trừng phạt. Rồi anh sẽ hiểu được hạnh phúc của sự tha thứ.

- Giá mà anh là đàn bà, thì anh sẽ làm như vậy Maria ạ. Đó là một đức tính của phụ nữ. Nhưng một người đàn ông thì không được và không thể quên cũng như không thể tha thứ, - chàng nói và tuy cho đến giây phút ấy chàng không nghĩ đến Kuraghin, tất cả nỗi căm thù chưa trả được bỗng đấy lên mãnh liệt trong lòng chàng.

"Nếu công tước tiểu thư Maria đã phải khuyên ta tha thứ, thì ta đáng lẽ phải trừng trị hắn từ lâu mới phải"
- Chàng nghĩ thầm. Và không trả lời công tước tiểu thư Maria chàng quay ra nghĩ đến cái phút vui mừng, cái phút ghê sợ khi chàng sẽ gặp Kutaghin mà chàng biết là hiện nay đang ở trong quân đội.

Công tước tiểu thư Maria van xin anh đợi thêm một ngày nữa; nàng nói rằng nàng biết rõ ông cụ sẽ khổ tâm đến thế nào nếu công tước Andrey ra đi mà không hoà giải với cha; nhưng công tước Andrey đáp rằng có lẽ chỉ ít lâu sau nữa chàng sẽ lại về, thế nào chàng cũng sẽ viết thư cho cha, còn hiện nay thì ở lại lâu chỉ càng thêm xích mích mà thôi.

- Anh Andrey, thôi anh đi nhé! Xin anh nhớ rằng những nỗi khổ là do Chúa gửi đến, chứ không bao giờ do con người gây nên!

Đó là những lời cuối cùng mà công tước Andrey nghe em gái nói khi chia tay.
   
"Có lẽ sự thể phải như vậy! - Công tước Andrey nghĩ khi xe ra khỏi trang viên Lưxye Gorư. - Maria một người con gái vô tội đáng thương, đành phải chịu sự dày vò của ông già đã lẩm cẩm. Ông già cũng cảm thấy mình có lỗi, nhưng không thể thay đổi tính nết được. Đứa con nhỏ của ông đang lớn lên và vui vẻ đón lấy cuộc sống trong đó nó cũng sẽ như mọi người: bị người ta lừa dối hay lừa dối người ta. Ta đến quân đội để làm gì? - Chính ta cũng không biết, ta lại muốn con người mà ta khinh miệt, để cho hắn có cơ hội có thể giết ta và chế nhạo ta!" Trước kia, những hoàn cảnh sinh hoạt cũng giống như bây giờ, nhưng trước kia tất cả những cái đó gắn bó với nhau, còn bây giờ thì tất cả đều rã rời tán loạn.
   
Chỉ có những hình ảnh vô nghĩa, không mảy may liên hệ gì với nhau, lần lượt diễn qua tâm trí công tước Andrey.

=========================================================

Chú thích:

(1) Chuyện cổ tích của Perrault Charles 1628 - 1703)


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:38:15 pm
Phần IX
Chương - 9
   
Công tước Andrey đến đại bản doanh vào cuối tháng sáu. Các đơn vị của quân đoàn thứ nhất, nơi nhà vua hiện có mặt, đóng ở doanh trại có công sự ở gần Drissa; các đơn vị của quân đoàn thứ nhất, vì bấy giờ, - như người ta nói - nó bị những lực lượng hùng hậu của Pháp, cắt đứt liên lạc với quân đoàn này. Trong quân đội Nga, mọi người đều bất bình về tình hình chiến sự; nhưng không ai nghĩ đến việc quân địch có thể tràn vào các tỉnh ở nội địa nước Nga, thậm chí không ai giả định rằng chiến tranh có thể chuyển ra ngoài các tỉnh miền Tây Ba Lan.
   
Công tước Andrey tìm được Barclay de Tolly, thủ tướng mới của chàng, đang trú chân trên bờ sông Drissa. Vì chung quanh doanh trại không có một thị trấn hay một làng nào lớn, cho nên các tướng tá triều thần bấy giờ đi với quân đoàn rất đông, đều phân tán ra ở các nhà đẹp nhất trong các làng lẫn cận xa trung tâm doanh trại đến hàng chục dặm, cả bên này lẫn bên kia sông. Barclay de Tolly ở cách nhà vua bốn dặm. Ông ta tiếp Bolkonxki lạnh nhạt và nói bằng giọng Đức lơ lớ rằng ông ta sẽ trình lên hoàng thượng về việc trao chức vụ cho chàng, và trong khi chờ đợi, ông yêu cầu chàng ở lại bộ tham mưu của ông ta. Anatol Kuraghin, và công tước Andrey hy vọng sẽ tìm thấy ở trong quân đội, lúc này không có ở đây: hắn đã đi Petersburg rồi. Nghe tin ấy, công tước Andrey thấy hài lòng. Một khi đã ở vào trung tâm của cuộc chiến tranh to lớn đang diễn ra, công tước Andrey thấy hào hứng và chàng thấy là làm mừng rằng chàng sẽ khỏi phải bận tâm nghĩ đến Kuraghin trong ít lâu.
   
Trong khoảng bốn ngày đầu, chưa phải đi đâu, công tước Andrey cưỡi ngựa dạo khắp khu doanh trại có hệ thống phòng ngự, cố vận dụng những kiến thức của mình và hỏi chuyện những người am hiểu để có được một khái niệm chính xác về vị trí này. Nhưng đóng doanh trại như thế này có lợi hay không, thì công tước Andrey vẫn cứ phân vân. Vốn kinh nghiệm quân sự của chàng đã đủ cho chàng thấy rõ ràng trong vịêc quân, các kế hoạch được suy tính kỹ lưỡng nhất đều không có nghĩa lý gì (như chàng đã từng thấy trong chiến dịch Austerlix), rằng tất cả là tuỳ ở cách ứng phó với những hành động bất ngờ và không thể đoán trước của quân địch, rằng tất cả đều tuỳ ở chỗ ai chỉ huy chiến sự và chỉ huy như thế nào. Để giải đáp cho mình câu hỏi sau cùng này, công tước hiểu thấu đáo tính chất đường lối của chỉ huy quân đội của các nhân vật tham gia vào việc chỉ huy, và chàng đã rút ra được những khái niệm sau đây về tình hình hiện thời.
     
Khi nhà vua còn ở Vilna, quân đội chia làm ba phần: quân đoàn thứ nhất dưới quyền chỉ huy của Barclay de Tolly, quân đoàn thứ hai dưới quyền chỉ huy của Tormaxov. Nhà vua đi với quân đoàn thứ nhất, nhưng không phải với tư cách tổng tư lệnh. Trong các bản nhật lệnh không nói nhà vua sẽ chỉ huy, mà chỉ nói là vua sẽ cùng đi với quân đội, thế thôi. Ngoài ra, bên cạnh nhà vua không có bộ tham mưu của tổng tư lệnh, mà chỉ có bộ tổng tham mưu của tổng hành dinh ngự tiền. Bên cạnh ngài có viên ngự tiền tham mưu trưởng là quân nhu đại thần công tước Volkonxki, những viên tướng, viên sĩ quan phụ tá ngự tiền, những quan chức ngoại giao và một số lớn người ngoại quốc, nhưng không có Bộ tham mưu quân đội. Ngoài ra còn có những người cùng đi với nhà vua nhưng không có nhiệm vụ chứnh thức gì: Arakseyev, cựu tổng thống trưởng bộ chiến tranh, bá tước Benrigxen, viên tướng cao cấp nhất trong quân đội đại công tước thái tử Konxtantin Pavlevich, bá tước Rumiantev quốc vụ đạo thần Stain, cựu tổng trưởng nước Phổ, Armfeld - tướng Thuỵ Điển, tác giả chính của kế hoạch chiến dịch, tướng hành dinh Paolutsi, một người gốc gác ở đảo Sarden, Bolxoghen và nhiều người khác. Tuy họ chẳng giữ nhiệm vụ gì trong khi theo quân đội, nhưng vì địa vị của họ nên họ cũng có ảnh hưởng, và nhiều khi một viên tư lệnh quân đoàn hay ngay cả viên tổng tư lệnh nữa, mỗi khi Benrigxen, đại công tước Arakteseyev, hay công tước Volkonxki hỏi han bàn bạc gì với mình đều chẳng biết họ lấy tư cách gì mà hỏi han bàn bạc như vậy; thậm chí cũng không biết những mệnh lệnh mà họ truyền đạt dưới hình thức những lời bàn bạc như vậy là xuất phát từ ý riêng của họ ngay từ hoàng thượng, nên cũng không rõ những mệnh lệnh đó có nhất thiết phải thi hành hay không. Nhưng đó chỉ là tình hình bề ngoài, còn ý nghĩa chủ yếu của sự có mặt của nhà vua và của tất cả các nhân vật đó (một khi nhà vua đã có mặt, mọi người đều biến thành triều thần), thì mọi người đều nói rõ. Ý nghĩa đó là như sau: nhà vua không giữ chức tổng tư lệnh nhưng vẫn nắm quyền chi phối tất cả các quân đoàn; những người ở xung quanh ngài là những người giúp việc cho ngài, Arakseyev là một kẻ thừa hành trung thành, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và hộ vệ cho hoàng thượng; Benrigxen là một trang chủ ở tỉnh Vilna dường như là ông quan sở tại có nhiệm vụ chiêu đãi nhà vua tại địa phương của mình, nhưng về thực chất là một viên tướng giỏi có thể góp ích những ý kiến hữu ích và được nhà vua giữ bên mình để bất cứ lúc nào cần cũng có thể cử ra Barclay. Đại công tước thì ngài thích viên cựu tổng trưởng Tain là vì có thể góp những ý kiến hữu ích và vì hoàng đế Alekxandr đánh giá rất cao những đức tính cá nhân của ông ta. Amlfeld là một người căm thù Napoléon cay độc và là một viên tướng rất tự tin, và điều này bao giờ cũng có ảnh hưởng đối với Alekxandr.  Paolutsi ở đây là vì ông ta ăn nói mạnh dạn và quả quyết. Các phó tướng ở đây là vì xưa nay các nhà vua đi đâu thì họ đi đấy và cuối cùng - điều này quan trọng nhất - Pluf ở đây là vì ông ta đã soạn ra kế hoạch chiến tranh chống Napoléon, và sau khi làm cho Alekxandr tin rằng kế hoạch này là hợp lý đã nắm quyền chỉ đạo toàn bộ chiến sự. Bên cạnh Pful có Volxoghen là người có nhiệm vụ truyền đạt các tư tưởng của Pful dưới một hình thức dễ hiểu hơn vì Pful vốn là một nhà lý thuyết phòng giấy, tính tình gay gắt và tự tin đến mức khinh miệt mọi người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:38:57 pm
Ngoài những nhân vật đã kể tên dưới đây, người Nga cũng như người ngoại quốc, - với thái độ mạnh dạn đặc biệt của những người đang hoạt động trong một môi trường xa lạ, ngày nào cũng đưa ra những đề nghị mới rất đột ngột - còn nhiều nhân vật thứ yếu, cũng đi theo quân đội là vì quan thầy của họ ở đấy.

Trong số tất cả những tư tưởng có ý kiến nảy ra trong cái thế giới rộng lớn, náo nhiệt, huy hoàng và kiêu căng ấy, công tước Andrey còn phân biệt được những chi phái khác hẳn nhau cửa các khuynh hướng và các đảng phái.

Chi phái thứ nhất gồm có Pful và những người theo ông ta, là những nhà lý thuyết quân sự, tin rằng có một khoa học quân sự và trong cái khoa học đó cũng có những quy luật bất biến của nó như quy luật chuyển quân đường chéo, chuyển quân đường vòng v.v… Pful và những người theo ông ta đòi phải rút sâu vào nội địa, theo những quy luật chính xác của cái gọi là khoa học quân sự, và hễ tách rời quy luật này một chút thì họ cho là man rợ, dốt nát và phản khoa học. Thuộc phái này có hai thân vương người Đức là Voltxoghen và Vintxingherot, và một số người khác, phần lớn là người Đức.

Phái thứ hai đối lập với phái thứ nhất. Thói thường xưa nay vẫn thế, hễ đã có một cực là thế nào cũng có những người theo một cực ngược lại. Những người thuộc phái này là những người chủ trương hành động táo bạo, mà còn đại diện cho tinh thần dân tộc, cho nên khi tranh luận họ còn phiến diện hơn nữa. Đó là những người Nga: Bagration, Yermcilov (bấy giờ mới bắt đầu có tiếng tăm) và một số người khác. Hồi bấy giờ người ta thường truyền tụng một câu nói đùa nổi tiếng của Yermcilov: nghe đâu ông ta có đệ lời xin hoàng thượng một đặc ân - Ông ta xin được tấn phong làm người Đức.

Những người trong phái thường nhắc đến Xuvorov và nói rằng điều cần làm không phải là suy nghĩ, không phải là cắm kim găm trên bản đồ, mà là chiến đấu, là đánh bại quân địch, không để cho chúng tiến vào nước Nga và không để cho quân đội nản lòng.

Phái thứ ba, phái được nhà vua tin cậy nhất, là phái của các triều thần chủ trương châm chước giữa hai khuynh hướng kia.

Những người thuộc phái này, trong đó có cả Arktseyev, phần lớn không phải là quân nhân, họ nghĩ và nói như những người không có chủ kiến gì nhưng vẫn muốn làm ra vẻ có chủ kiến. Họ nói rằng họ không nghi ngờ gì nữa, một cuộc chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh chống lại một thiên tài như Bonaparte (bây giờ họ lại gọi ông là Bonaparte) đòi hỏi một sự suy tính sâu sắc, một kiến thức khoa học uyên thâm, về mặt này thì Pful là một thiên tài; nhưng đồng thời không thể thừa nhận rằng các nhà lý thuyết thường phiến diện, cho nên không thể hoàn toàn tin cậy họ được, phải lắng nghe cả ý kiến của những người chống đối Pful và của những người có óc thực tiễn, có kinh nghiệm về việc quân, rồi từ tất cả các ý kiến ấy rút ra một ý kiến trung bình. Những người thuộc phái này một mực chủ trương giữ trại Drissa theo kế hoạch của Pful nhưng đồng thời phải thay đổi cách vận chuyển của hai quân đoàn kia. Tuy hành động như vậy chẳng được mục đích nào cả, nhưng phái này cho rằng như thế là tốt hơn.

Khuynh hướng thư tư là khuynh hướng mà người đại diện tai mắt nhất là công tước thái tử. Đại công tước không thể nào quên được chuyện vỡ mộng của ngài ở Austerlix; trong trận này, ngài đã cưỡi ngựa đi trước hàng quân cận vệ như đi diễu binh, đầu đội mũ sắt, mình mặc áo chặn kỵ binh ngự lâm, những toán hùng dũng xông lên dày xéo quân Pháp, nhưng bỗng nhiên bị lọt vào giữa tiền duyên, và đành phải chật vật tẩu thoát trong cảnh hỗn loạn của toàn quân. Nhưng người thuộc phái này trong suy luận có cái ưu điểm của cái khuyết điểm là rất thành thật. Họ đều sợ Napoléon, họ thấy Napoléon mạnh, thấy mình yếu và nói thẳng ra như vậỵ. Họ nói: "Cơ sự này rồi cũng đưa đến tủi nhục và diệt vong mà thôi! Đấy, ta đã bỏ Vilna, bó Vitebsk, rồi đây lại bỏ Drissa cho mà xem. Bây giờ ta chì còn cách nữa là kí hoà ước, và ký sao cho thật nhanh, trong khi chưa bị đuổi ra khỏi Petersburg!".

Ý kiến này khá phổ biến ở các giới cao cấp trong quân đội, cũng ủng hộ họ ở Petersburg và được sự đồng tình của quốc vụ đại thần Rumiansev, cũng là người chủ hoà vì những lí do khác, những lí do quốc sự.
Thứ năm là những người theo Barclay de Tolly - không hẳn là theo cá nhân ông ta, mà theo vị tổng trưởng chiến tranh và vị tổng tư lệnh thì đúng hơn. Họ nói: "Dù ông ta thế nào chăng nữa (bao giờ họ cũng mở đầu như vậy)", thì đó cũng là một người trung thực, đúng đắn và không còn ai hơn ông ta nữa. Cứ cho ông ta nắm thực quyền, vì chiến tranh không thể tiến hành thắng lợi nếu không có sự tổng chỉ huy thống nhất, rồi ông ta sẽ tỏ rõ năng lực của mình như ông đã từng làm ở Phần Lan. Sở dĩ quân đội ta giữ vững được tổ chức và lực lượng hùng hậu, và rút lui cho đến Drissa mà không bị bại trận nào, chẳng qua là nhờ Barclay mà thôi. Nếu bây giờ đem Benrigxen lên thay Barclay thì mọi sự sẽ hỏng hết, vì Benrigxen đã tỏ ra bất lực từ năm 1807" - những người theo phái này nói như vậy.

Nhóm thứ sáu gồm những người Benrigxen, thì lạ nói ngược lại rằng, dù sao cũng không có người nào có năng lực và có kinh nghiệm hơn Benrigxen và dù cho có xoay sở như thế nào rồi cũng phải nhờ đến ông ta. Và những người thuộc phái này chứng minh rằng cuộc rút lui của quân ta đến Drissa từ đầu chí cuối là một cuộc bại trận hết sức nhục nhã và là một chuỗi sai lầm liên tiếp. Họ nói: "Họ càng sai lầm nhiều càng tốt: ít nhất người ta cũng sẽ sớm hiểu rằng không thể để yên như vậy được. Người mà chúng ta cần không phải là một anh Barclay nào đó mà là một người như Benrigxen, người đã chứng tỏ rõ năng lực năm 1807 mà ngay cả Napoléon cũng thừa nhận, chúng ta cần một người có đủ tư cách để cho mọi người đều vui lòng thừa nhận quyền chỉ huy, mà người như thế thì chỉ có một mình Benrigxen mà thôi!".

Thứ bảy là những nhân vật mà bao giờ người ta cũng thấy có bên cạnh các nhà vua, nhất là các nhà vua tre, và riêng hoàng đế Alekxandr thì lại càng có nhiều hơn nữa. Đó là các vị tướng và các sĩ quan hành dinh ngự tiền là những người trung thành tận tuỵ với Alekxandr không những vì ngài là bậc chúa thượng của họ mà còn vì họ coi ngài như một con người mà họ sùng bái chân thành và không vụ lợi như Roxtov đã từng sùng bái hồi 1805, họ thấy Alekxandr không những không có đủ mọi đức tính mà còn có đủ nết tốt của con người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 12 Tháng Giêng, 2011, 08:39:28 pm
Các nhân vật này tuy khâm phục cái đức tính khiêm tốn khiến nhà vua đã khước từ chức tổng tư lệnh quân đội, nhưng đồng thời họ cũng chỉ trích sự khiêm tốn quá mức này: họ chỉ muốn một điều và chỉ nằng nặc đòi vị hoàng đế kính yêu của họ từ bỏ tính thiếu tự tin quá đáng ấy đi và công nhiên tuyên bố rằng mình nắm lấy quyền chỉ huy quân đội, thành lập một bộ tham mưu tổ tư lệnh ở đại bản doanh của mình, và khi cần thì bàn bạc với các nhà lý luận và các nhà thực tiễn giàu klnh nghiệm, nhưng phải tự mình chỉ huy lấy quân đội: chỉ riêng một điều ấy thôi cũng đủ cổ vũ toàn quân đến cực độ rồi.

Nhóm thứ tám là nhóm đông người nhất, số lượng của nhóm này to lớn đến nỗi đem so với các nhóm kia thì sẽ có một tỷ lệ 99 chọi 1. Nhóm này gồm có những người chẳng chủ hoà mà cũng chẳng chủ chiến, chẳng chủ trương tiến quân mà cũng chẳng chủ trương lập doanh trại phòng ngự dù ở Drissa hay ở nơi nào cũng thế, chẳng muốn cho Barclay mà cũng chẳng muốn cho hoàng thượng chỉ huy, chẳng thích Benrigxen mà cũng chẳng thích Pful, họ chỉ muốn có một điều, và một điều trọng yếu nhất: làm sao cho mình có được lợi nhiều nhất và hưởng được lạc nhiều thú nhất.
   
Trong dòng nước đục của những tính toán giao lưu và chằng chịt với nhau ở đại bản doanh ngự, tiền người ta có thể thành công mỹ mãn trong những việc mà vào lúc khác không thể nào quan niệm được. Người này thì lo sao cho khỏi mất cái địa vị béo bở của mình, cho nên nay đồng ý với Pful, mai lại đồng ý với người phản đối ông ta, và đến ngày kia lại nói rằng mình chẳng có ý kiến gì về vấn đề đó chỉ cốt sao tránh được trách nhiệm và lấy lòng nhà vua. Người kia thì muốn thu nhiều lợi về cho mình nên cố sao cho nhà vua chú ý đến mình, bằng cách lớn tiếng đề ra một ý kiến mà hôm qua hoàng thượng đã có phảng phất nói qua, hò hét trong hội đồng và đấm ngực thùm thụp, thách thức người phản đối ra đấu súng để tỏ ra rằng mình vẫn sẵn sàng hy sinh cho công ích. Lại có người chỉ lựa lúc nghỉ giữa hai cuộc hội nghị, khi không có mặt những kẻ thù của mình ở đây, để xin một khoản tiền trợ cấp đền bù lại thời gian phục vụ trung thành của mình, vì biết rằng bấy giờ người ta chẳng hơi đâu mà từ chối. Lại có người cứ tình cờ luôn luôn bận bịu túi bụi trước mặt hoàng thượng. Lại có người, để đạt một mục đích từ lâu mong đợi là được mời đến dự bữa ngự thiện, hăm hở chứng minh những cái đúng hay những cái sai của một ý kiến mới đề ra và đưa những luận chứng ít nhiều sắc bén và chuẩn xác.
     
Tất cả những người thuộc phái này đều kiếm chác những đồng rúp, những huân chương chữ thập, những cấp bậc và trong việc kiếm chác ấy họ chỉ theo dõi chiều gió xoay về hướng nào, là cả bầy ong đực chuyển về hướng ấy, đến nỗi mà hoàng thượng cũng khó lòng mà xoay sang hướng khác được. Ở giữa một tình hình bất định, trong khi đang trải qua một nguy cơ nghiêm trọng khiến mọi việc đều có tính chất đặc biệt khẩn trương, ở giữa luồng nước xoáy của những thủ đoạn kèn cựa, những nỗi tự ái, những sự xung đột giữa các quan rùệm và tình cảm khác nhau, giữa đám người đủ các quốc tịch ấy, thì cái nhóm người thứ tám, nhóm người đông nhất này, chỉ lo đến quyền lợi của bản thân, làm cho tình hình càng thêm rắc rối và lộn xộn. Nêu ra bất cứ một vấn đề gì thì bầy ong đực này chưa hết vo ve theo nhạc điệu cũ đã vội chuyến sang một điệu mới, và tiến vo ve của họ lấn át cả những tiếng nói chân thành đang tranh luận.
Vào thời gian công tước Andrey đến, từ tất cả các phái ấy lại xuất hiện một phái nữa. Phái thứ chín, lúc bấy giờ đang bắt đầu lên tiếng. Đó là phái những người già, chín chắn, có kinh nghiệm về việc nước và trong khi không tán thành bất cứ ý kiến nào trong số những ý kiến chống đối nhau; biết một cách trừu tượng tất cả những sự việc diễn ra trong bộ tham mưu đại bản doanh và nghĩ ra những biện pháp để giải thoát khỏi tình trạng bất định, hoang mang, lộn xộn và suy yếu này.
   
Những người thuộc phái này nói và nghĩ rằng tất cả cái tình hình xấu xa này sở dĩ phát sinh chủ yếu là do sự có mặt của nhà vua và triều đình bên cạnh quân đội, do việc du nhập vào quân đội cái tính dao động và bất định thích hợp với những quan hệ triều đình nhưng rất bất lợi cho quân đội, rằng nhà vua có nhiệm vụ trị vì chứ không phải chỉ huy quân đội; rằng muốn thoát khỏi tình trạng này chỉ có một cách duy nhất là nhà vua với triều đình rời khỏi quân đội: rằng riêng sự có mặt của nhà vua cũng đã làm tê liệt năm vạn quân dành cho việc bảo vệ ngài, rằng một viên tổng tư lệnh tốt nhất nhưng được hành động độc lập cũng còn hơn một viên tổng tư lệnh tài giỏi nhất nhưng bị trói buộc vì sự có mặt và quyền lực của nhà vua.
     
Ngay từ thời gian công tước Andrey ở Dissa và chưa có chức vụ rõ ràng thì Siskov, một vị quốc vụ khanh và là một trong những người đại diện chủ yếu của phái này, đã viết lên hoàng thượng một bức thư có cả chữ ký của Balasov và Arakseyev. Vốn được nhà vua cho phép bàn luận về tình hình công việc chung, trong bức thư này ông ta viện cớ là nhà vua cần ở Moskva để cổ vũ nhân dân tham chiến và kính cẩn đề nghị nhà vua nên rời khỏi quân đội.
   
Nhà vua cần cổ vũ cho nhân dân phấn khởi và kêu gọi nhân dân đứng lên bảo về tổ quốc - chính sự phấn khởi này (trong chừng mực có mặt của bản thân nhà vua ở Moskva có tác dụng gây nên) là nguyên nhân chủ yếu khiến nước Nga thu được thắng lợi - Việc đó đã được người ta đề ra với nhà vua và được nhà vua chấp nhận làm lý do để rời khỏi quân đội.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:04:58 am
Phần IX
Chương - 10
   
Bức thư này chưa được trao đến tay hoàng thượng, thì trong một bữa tiệc Barclay cho Bolkonxki biết rằng nhà vua muốn gặp riêng công tước Andrey đệ hỏi chàng về tình hình bên Thổ Nhĩ Kỳ, nên sáu giờ tối hôm nay công tước Andrey phải có mặt ở đại bản doanh của Benrigxen.
     
Cũng vào hôm ấy ở bản doanh của hoàng thượng có tin Napoléon đã tiến hành một cuộc hành quân mới có thể nguy hiểm cho quân đội ta (tin này về sau mới biết là không đúng). Và ngay sáng hôm ấy, đại tá Miso đưa hoàng thượng đi xem xét các công sự ở Drissa và chứng minh cho ngài thấy rõ rằng những công sự này, công trình do Pful xây dựng và cho đến nay vẫn là một kiệt tác về chiến thuật sẽ làm cho Napoléon đại bại, thật ra chỉ là một công trình vô nghĩa lý và sẽ làm cho quân đội Nga diệt vong.
     
Công tước Andrey đến đại bản doanh của Benrigxen đóng ở một ngôi nhà nhỏ ngay bên bờ sông. Lúc bấy giờ cũng như hoàng thượng đều không ở đấy, nhưng Tsemysev, sĩ quan hành dinh ngự tiền, tiếp Bolkonxki và cho chàng biết rằng hôm nay hoàng thượng đã cùng tướng Benrigxen và hầu tước Paolutsi đi ra xem xét hai lần các công trình doanh trại Drissa: lúc bấy giờ người ta đã bắt đầu hoài nghi nhiều về lợi thế của doanh trại này.
     
Tsemysev đang ngồi bên cửa sổ gian phòng thữ nhất, tay cầm một quyển tiểu thuyết Pháp. Gian phòng này trước kia hình như là một phòng khiêu vũ; trong phòng còn có một chiếc đại phong cầm chất đấy những thảm, trong góc phòng có đặt một chiếc giường xếp của viên sĩ quan phụ tá của Benrigxen. Viên sĩ quan phụ tá ấy, đang ngủ gật trên chiếc giường đã xếp lại, có vẻ mệt rã rời, chắc là vì tiệc tùng hoặc làm việc quá nhiều. Trong phòng có hai cửa sổ lớn, một cửa dẫn sang căn phòng bên phải. Từ khung cửa thứ nhất đưa ra tiếng mấy người đang nói chuyện bằng tiếng Đức, thỉnh thoảng có chen cả tiếng Pháp. Ở đấy, trong gian phòng khách cũ đang có cuộc họp. Theo ý muốn của nhà vua, thì đây không phải là một phiên họp của hội đồng quân sự (nhà vua vốn thích những tình trạng không rạch ròi), mà chỉ là một cuộc họp mặt của một số nhân vật mà nhà vua muốn biết ý kiến về những khó khăn sắp tới. Đó không phải là một hội đồng quân sự, mà dường như chỉ là một thứ hội nghị bàn bạc giữa một số người được lựa chọn, nhằm soi sáng một số vấn đề cho cá nhân hoàng thượng.
     
Trong số những người được mời vào cái thứ hội đồng nửa vời này có viên tướng Thuỵ Điển Armfeld, viên tướng hành dinh Voltoxoghen, Vintxigherot, người mà Napoléon gọi là một thần dân Pháp đào tẩu, Miso, Tolly, một người chẳng có chút gì dính dáng đến quân sự là bá tước Stain, và cuối cùng có cả Pful, vốn là mấu chốt của toàn bộ công việc như công tước Andrey đã từng nghe nói. Công tước Andrey có dịp nhìn kỹ ông ta, vì chàng vừa đến một chốc thì Pful cũng đến và bước vào phòng khách sau khi dừng lại một phút để nói chuyện với Tsemysev. Pful mặc một bộ quân phục Nga của cấp tướng may rất xấu, chẳng vừa vặn tí nào, trông như người giả trang. Thoạt nhìn, công tước Andrey có cảm tưởng như đã từng quen ông ta, tuy chàng chưa gặp lần nào. Trong con người ông ta có cả Vairother, có cả Mack, cả Smitch và những viên tướng lý thuyết gia khác của Đức mà công tước Andrey đã có dịp gặp năm 1805; nhưng Pful trông điển hình hơn cả. Công tước Andrey chưa từng thấy một người Đức nào có đủ tất cả những đặc tính của các lý thuyết gia Đức như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:05:29 am
Pful người thấp, rất gầy, nhưng xương to, tạng người thô và khoẻ, xương bả vai lộ rõ. Mặt ông ta rất nhiều nếp nhăn, mắt sâu hoắm. Ở phía trước, hai bên thái dương, tóc ông ta hình như đã được lấy bàn chải vuốt qua loa một cách vội vàng, còn phía sau thì nhô lên lởm chởm thành những nhóm trong rất ngây ngô. Ông ta bước vào phòng, mắt nhìn ra vẻ lo lắng và bực tức, dường như tất cả những gì trong gian phòng lớn mà ông vừa bước vào đều làm cho ông lo sợ.  Pful vụng về đưa tay giữ gươm, quay sang Tsemysev dùng tiếng Đức hỏi xem hoàng thượng hiện ở đâu. Có thể thấy rằng ông chỉ muốn đi qua các phòng, chấm dứt những cuộc chào hỏi cho thật nhanh để ngồi xuống trước bàn làm việc với mấy tấm địa đồ, là nơi ông cảm thấy đắc địa nhất ông ta vội gật đầu sau khi nghe Tsemysev trả lời và mỉm cười mỉa mai khi nghe Tsemysev nói hoàng thượng hiện đang đi xem xét các công sự mà chính ông ta, Pful đã thiết kế theo lý thuyết của mình.
   
Pful càu nhàu cất cái giọng trầm nói lẩm bẩm một mình, như những người Đức giàu lòng tự tin vẫn làm: Đồ ngu… hay: Bao nhiêu công chuyện đều hỏng bét… hay: Rồi sẽ đẹp mặt lắm đấy… Công tước Andrey không nghe rõ ông ta nói những gì, và toan đi qua, nhưng Tsemysev giới thiệu công tước Andrey với Pful, nói thêm rằng chàng vừa ở Thổ Nhĩ Kỳ về: ở đây, như mọi người đều biết, chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Pful chỉ hơi liếc mắt nhìn, không hẳn là nhìn công tước Andrey, mà nhìn qua chàng thì đúng hơn, vừa cười vừa nói: "Chiến tranh bên ấy chắc phải là một cuộc chiến tranh rất hay ho và chiến thuật đấy nhỉ!", nói đoạn ông cất tiếng cười gằn ngạo mạn rồi bước vào gian phòng có tiếng bàn cãi vẳng ra.
   
Có thể thấy rằng Pful thường ngày vẫn hay mỉa mai một cách chua chát, nhưng hôm nay ông ta lại càng chua chát hơn vì người ta dám đi xem xét và phê phán công sự của ông ta mà không mời ông ta cùng đi.
     
Chỉ một phút gặp gỡ ngắn ngủi này thôi cũng đủ để công tước Andrey có được một khái niệm rõ rệt về nhân vật này, nhờ những kinh nghiệm của chàng từ dạo ở Austerlix. Pful là một trong những con người có một lòng tự tin bất đi bất dịch, không phương cứu chữa, đến mức sẵn sàng tuẫn đạo mà chỉ có người Đức mới có thể có cái lòng tự tin căn cứ trên một quan niệm trừu tượng - căn cứ trên khoa học, nghĩa là trên cái ảo tướng cho rằng mình biết được chân lý tuyệt đối. Người Pháp tự tin vì họ hiểu rằng về tinh thần cũng như về thể chất họ có một sức quyến rũ không sao cưỡng lại được, đối với đàn ông hay đối với đàn bà cũng vậy. Người Anh tự tin vì cho rằng mình là công dân của nước được tổ chức hoàn chỉnh nhất trên thế giới và do đó, một khi đã làm người Anh thì tất phải biết mình cần phải làm gì, và tất cả những gì mà mình định làm nhất định phải hay, phải tốt. Người Ý tự tin vì họ dễ cảm xúc và dễ quên cả mình lẫn người khác. Người Nga tự tin chính là vì họ không tin rằng người ta có thể biết một điều gì cho đến nơi đến chốn. Người Đức tự tin một cách thậm tệ hơn cả, ngoan cố hơn cả và khả ố hơn cả, vì họ tưởng rằng mình biết chân lý, nghĩa là cái khoa học do chính họ bày đặt ra mà họ coi là chân lý tuyệt đối. Pful hiển nhiên là một người như vậy. Ông ta đã rút ra lịch sử chinh phạt của Fridrich Đại đế, và tất cả những gì mà ông ra gặp trong lịch sử chiến tranh cận đại, ông ta đều có cảm tưởng là vô nghĩa lý, là man rợ, là những cuộc xung đột loạn ẩu trong đó cả hai bên đều phạm nhiều sai lầm đến nỗi những cuộc chiến tranh đó không thể gọi là chiến tranh được: Nó không phù hợp với lý thuyết và không thể dùng làm đối tượng khoa học được.
   
Năm 1806, Pful là trong những người soạn ra kế hoạch tác chiến của cuộc chiến tranh kết thúc bằng hai trận Jena và Auertet; những kết quả của cuộc chiến tranh này không hề chứng minh cho ông ta thấy một tý nào rằng lý thuyết của mình không đúng. Trái lại, theo quan niệm của ông thì sở dĩ thất bại clủ là vì người ta đã làm sai cái lý thuyết của ông, và với giọng nói mỉa mai vui vẻ đặc biệt của ông, ông nói: "Thì tôi đã nói là công chuyện sẽ đi đời nhà ma cả mà lại".

Pful thuộc vào số những nhà lý thuyết yêu thích lý thuyết của mình đến nỗi quên mất rằng mục đích của lý thuyết là để đem dùng vào thực tiễn; vì yêu thích lý thuyết cho nên ông thù ghét mọi thứ thực tiễn và một mục không thèm biết đến nó. Thậm chí, ông ta còn lấy làm mừng là đã thất trận, vì cuộc thất trận này do làm sai lý thuyết mà ra, và như vậy chỉ càng chứng minh rằng lý thuyết của ông ta là đúng.
Ông ta nói mấy lời với công tước Andrey và Tsemysev về cuộc chiến tranh hiện nay với cái vẻ như đã biết trước rằng mọi việc đều sẽ hư hỏng, nhưng thậm chí cũng không lấy gì làm phiền lòng về điều đó, những chòm tóc không chải lởm chởm sau gáy và hai chòm tóc mai chải vội bên thái dương nói lên điều đó một cách đặc biệt hùng hồn.
     
Ông ta bước sang phòng bên và lập tức từ gian phòng ấy vọng ra tiếng nói trầm trầm và cáu kỉnh của ông ta.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:06:14 am
Phần IX
Chương - 11
   
Công tước Andrey đang nhìn theo hút bóng Pful thì bá tước Bennigxe đã hấp tấp bước vào và gật đầu chào Bolkonxki, nhưng không dừng lại, cứ tiếp tục đi thẳng vào phòng làm việc, vừa đi vừa dặn dò điều gì đó với viên sĩ quan phụ tá ông ta. Nhà vua đang đi sau ông ta, nên ông ta vội vàng đón ngài. Tsemysev và công tước Andrey ra thềm. Nhà vua xuống ngựa một cách uể oải. Hầu tước Paolutsi đang nói gì với hoàng thượng. Hoàng thượng nghiêng đầu bên trái, vẻ không bằng lòng, lắng nghe ông ta nói cái gì hăng hái lắm. Hoàng thượng bước, tới, hình như muốn chấm dứt câu chuyện, nhưng người Ý đỏ mặt tía tai lên vì kích động, quên cả nghi thức, cứ đi theo nói tiếp:

- Còn như người ta đã đề nghị dựng doanh trại Drissa này. - Paolutsi nói trong khi nhà vua bước lên bậc thềm. Khi trông thấy công tước Andrey, nhà vua nhìn chàng nhưng không nhận ra.

- Tâu hoàng thượng, còn như người đã… - Paolutsi nói tiếp một cách tuyệt vọng, dường như không sao đủ sức kìm mình được nữa, - Đã đề nghị hạ trại Drissa thì theo tôi chỉ có thể cho vào nhà thương điên hay cho lên giá xử giảo, không còn cách nào khác.
     
Chưa nghe hết và làm như không nghe thấy những lời của người Ý nói, nhà vua đã nhận ra Bolkonxki liền ôn tồn nói với chàng:

- Rất vui lòng được gặp ông, ông vào phòng đợi tôi một lát nhé!
     
Nhà vua đi vào phòng giấy. Công tước Piotr Mikhailovich Volkonxki giữ một chức vụ gần như là tham mưu trưởng của hoàng thượng. Volkonxki từ trong phòng giấy bước ra, đưa bản đồ vào phòng khách và trải lên bàn, rồi phổ biến những vấn đề mà ông ta muốn nghe ý kiến của những vị có mặt tại đây. Số là đêm hôm qua vừa nhận được một tin (tin này về sau mới biết là có không đúng) cho rằng Pháp đang tiến quan vòng qua trại Drissa.
     
Người bắt đầu nói trước tiên là tướng Armfeld. Ông ta đột nhiên đề ra một phương sách nhằm khắc phục những khó khăn hiện nay, một cách bố quân hoàn toàn mới lạ, nhưng không dựa vào một cơ sở nào cả (ngoài ý muốn tỏ rõ cho người ta thấy rằng ông ta cũng có thể có ý kiến): ông ta đề nghị tập trung quân đội và bố trí cách xa hai con đường Petersburg và Moskva để đợi quân địch. Hẳn là kế hoạch này đã được Armfeld soạn từ lâu và bây giờ ông ta mang nó ra trình bày không hẳn với mục đích giải đáp những vấn đề ấy, mà là với mục đích lợi dụng thời cơ đến trình bày nó. Đó là một trong những đề nghị khác, nếu người ta không hề có một khái niệm gì về tính chất cuộc chiến tranh sẽ có. Một vài người bác lại ý kiến ông ta, một vài người khác bênh vực ý kiến ấy.
   
Viên đại tá Tolly trẻ tuổi bác bỏ ý kiến của viên tướng Thuỵ Điển hăng hơn những người khác, và trong khi tranh cãi ông ta rút ra từ túi áo bên sườn ra một quyển vở viết chi chít những chữ và xin phép đọc. Trong bản thuyết trình rườm rà ấy, Tolly đề nghị một kế hoạch tác chiến khác, trái ngược hẳn với kế hoạch của Armfeld cũng như của Pful. Paolutsi bác lại Tolly và đưa ra kế hoạch tiến quân và tấn công. Theo lời ông ta thì chỉ có làm như vậy chúng ta mới có thể thoát khỏi tình trạng nghi hoặc và thoát khỏi cái bẫy sập (ông ta gọi trại Drissa là cái bẫy sập), hiện nay. Trong khi họ tranh cãi thì Pful và người phiên dịch của ông ta là Voltxoghen (cái đầu của Pful trong triều đình) đều lặng thinh. Pful chỉ thở phì phì ra vẻ khinh bỉ và ngoảnh mặt đi, tỏ ra mình không bao giờ hạ mình xuống cãi vã với những ý kiến ngu xuẩn mà mình đang phải nghe.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:06:43 am
Nhưng khi công tước Volkonxki, bấy giờ điều khiển cuộc tranh luận, mời ông ta phát biểu ý kiến, Pful chỉ nói:

- Hỏi tôi làm gì? Tướng quân Armfeld đã đề nghị một vị trí rất tốt, hậu phương để hở ra cả - Hoặc như lối tấn công của vị tướng ý đây hay lắm, hoặc rút lui, cũng tối! Hỏi tôi làm gì? - Pful nói. - Thì các ngài còn biết rõ hơn tôi nhiều mà.
   
Nhưng khi Volkonxki cau mày nói rằng ông ta thay mặt hoàng thượng mà hỏi, thì Pful đứng dậy và bỗng nhiên sôi nổi hẳn lên, bắt đầu nói:

- Người ta làm hỏng hết rồi, làm rối hết rồi, ai cũng biết rõ hơn tôi, thế rồi bây giờ lại hỏi ý kiến tôi. Sửa chữa thế nào à? Chẳng có gì phải sửa chữa cả. Phải làm cho thật đúng những điều tôi đã đề ra, - Ông ta vừa nói vừa gõ mấy ngón tay xương xẩu xuống bàn, - Khó khăn ở chỗ nào? Nhảm nhí. Trò trẻ con!
   
Đoạn ông ta đến cạnh bản đồ và bắt đầu nói rất nhanh, vừa nói đoạn vừa gõ ngón tay gầy guộc lên tấm bản đồ và chứng minh rằng không có một sự tình cờ nào có thể làm cho trại Drissa kém phần lợi hại, rằng mọi việc đều đã được dự tính trước và nếu quả quân địch đi vòng qua trại này thì nhất định sẽ bị tiêu diệt.
   
Paolutsi, vốn không biết tiếng Đức, nên dùng tiếng Pháp hỏi ông ta. Vokltxoghen liền đến viện trợ cho quan thầy (vì Pful nói tiếng Pháp kém), và dịch những lời ông ta nói ra tiếng Pháp, Vokltxoghen chật vật lắm mới theo kịp Pful lúc bấy giờ đang nói rất nhanh và chứng minh rằng tất cả mọi việc, tất cả, không những tất cả những việc đã xảy ra cũng vậy, tất cả đều được dự tính trong bản kế hoạch của ông ta, và sở dĩ bây giờ có những sự khó khăn phát sinh ra, thì đó hoàn toàn chỉ là người làm ta không được đúng tất cả những điều ông đã dặn. Ông ta luôn cười gằn một cách mỉa mai trong khi chứng minh, và cuối cùng ông ta thôi chứng minh, với một thái độ khinh bỉ như một nhà toán học không thèm dùng nhiều biện pháp klểm tra một bài khi bài tính đã được chứng minh là đúng. Vokltxoghen đỡ lời Pful và tiếp tục trình bày ý kiến của ông ta bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng lại nói với Pful: "Thưa đại nhân có phải thế không ạ?". Pful, như một người nổi nóng ở giữa trận tiển bắn bừa vào quân mình, giận giữ quát luôn cả Vokltxoghen:

- Phải rồi chứ còn gì nữa, sao lại cứ phải giải thích mãi những cái ấy!
   
Paolutsi và Miso đồng thanh tấn công Pful bằng tiếng Pháp, Armfeld đùng tiếng Đức nói với Pful. Tolly dùng tiếng Nga cắt nghĩa cho công tước Volkhonxki. Công tước Andrey im lặng nghe và quan sát.
   
Trong tất cả các nhân vật đang tranh luận thì Pful, con người quả quyết tự tin một cách phi lý đã đi đến chỗ hằn học ấy, là người gây được nhiều thiện cảm hơn cả trong lòng công tước Andrey. Hiển nhiên là trong tất cả những người có mặt ở đây chỉ có ông ta là không mưu cầu điều gì cho bản thân mình, cũng không có ý thù hằn ai, mà chỉ muốn có một điều - làm sao thực hiện được cái kế hoạch soạn theo một lý thuyết mà ông ta đã dày công hàng bao nhiêu năm nay mới sáng lập được. Pful thật lố bịch và mỉa mai đến khó chịu, nhưng đồng thời ông cũng làm cho người ta bất giác, thấy kính trọng vì lòng trung thành vô hạn đối với tư cách của mình, Ngoài ra, qua tất cả những lời phát biểu của các nhân vật có mặt, trừ một mình Pful, đều thấy có một nét chung mà trong phiên hội đồng quân sự năm 1805 cũng thấy có. Đó là một nỗi sợ hãi tuy đã cố được che dấu đi, nhưng vẫn để lộ tính chất hoảng loạn trước thiên tài của Napoléon, một lòng sợ hãi lộ ra trong từng lời phản bác.

Napoléon cũng có thể đánh tới; họ đưa tên tuổi khủng khiếp của Napoléon ra để bác bỏ ý kiến của nhau. Chỉ có một mình Pful có vẻ như xem Napoléon cũng là một kẻ man rợ như tất cả những người chống đối lý thuyết của ông ta. Nhưng ngoài cảm giác kính trọng ra, Pful còn làm cho công tước Andrey có cảm giác thương hại nữa. Cứ theo cái giọng của các triều thần dùng khi nói với ông ta, cứ theo những điều mà Paollutsi đã dám nói với hoàng thượng và nhất là cứ bám theo cách ăn nói có vẻ hơi tuyệt vọng của Pful, có thể thấy rằng những người khác biết và chính ông ta cũng cảm thấy là ngày thất sủng của ông đã gần đến. Và mặc dầu cái vẻ tự tin và lối mỉa mai cáu kính theo kiểu Đức của ông ta, trông ông ta vẫn thảm hại, với món tóc mai chải sát trên thái dương và những chỏm tóc lởm chởm sau gáy. Có thể thấy rằng tuy ông ta cố che giấu điều gì đó dưới một vẻ bực tức và khinh bỉ, ông ta vẫn khổ tâm vì bây giờ cái cơ hội duy nhất để kiểm nghiệm lý thuyết của mình trên quy mô lớn và chứng minh cho cả thế giới thấy rằng nó đúng đắn cái cơ hội ấy đang lọt ra khỏi tay ông ta.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:07:17 am
Cuộc tranh luận kéo dài khá lâu, và nó càng kéo dài thì người ta càng hăng tiết lên, đi đến chỗ quát tháo và lăng mạ cá nhân, và càng ít có khả năng rút ra một kết luận chung nào qua tất cả những điều đã nói. Công tước Andrey trong khi lắng nghe những lời bàn cãi bằng nhiều thứ tiếng, những lời đề nghị, những kế hoạch, những lời phản bác, những tiếng quát tháo, chỉ thấy ngạc nhiên về tất cả những điều họ nói.
Những ý nghĩ đã từng đến với chàng từ lâu đã rất nhiều lần trong thời gian chàng hoạt động quân sự, những ý nghĩ cho rằng không có và không thể có cái gì gọi là thiên tài quân sự, bây giờ chàng đã thấy nó có đủ tính chất hiển nhiên của một chân lý tuyệt đối. "Làm sao có thể có một lý thuyết và một khoa học trong một công việc mà ta không biết và không thể xác định sức mạnh của những lực lượng tham chiến? Chưa có ai và không có ai biết được sau một ngày vị trí của quân mình và của quân địch sẽ ra sao, và cũng không ai có thể biết được một đội quân này hay một đội quân kia mạnh hay yếu ra sao".
   
Đôi khi, nếu ở phía trước không có một thằng hèn nhát kêu lên: "Ta bị cắt đứt rồi?", và bỏ chạy, mà có một người gan dạ, vui vẻ, hô lên "Ura!" - thì một đội quân năm nghìn người cũng đáng giá một đội quân ba vạn người, như ở Songraben, và đôi khi năm nghìn vạn quân có thể bỏ chạy trước một đội quân tám nghìn người như ở Austerlix.
   
Làm sao có thể có được một khoa học trong một công việc - vả chăng công việc thực tiên nào cũng vậy thôi - Trong đó chẳng có thể xác định được điều gì và mọi việc lệ thuộc vào vô số điều kiện, mà tầm quan trọng của những điều kiện ấy thì chỉ lộ rõ trong một phút chẳng ai biết lúc nào sẽ đến. Amlfeld nói rằng quân ta bị cắt đứt, còn Paolutsi thì nói rằng cái bất lợi của trại Drissa là ở chỗ có một con sông ở sau lưng còn Pful lại nói rằng lợi thế của nó hoặc ích ở chỗ ấy. Tolly đề ra một kế hoạch, Armfeld lại đề ra một kế hoạch khác; và tất cả các kế hoạch ấy đều hay mà cũng đều dở, và tất cả những đề nghị ấy lợi hại ra sao thì chỉ khi nào chiến sự diễn ra mới có thể biết rõ được. Và tại sao ai cũng nói: Thiên tài quân sự. Chả nhẽ một con người biết ra lệnh chở bánh mì khô đến cho đúng lúc và bảo người này đi sang trái, người kia đi sang phải cho kịp thời, lại là một thiên tài ư? Chẳng qua vì có những tướng tá có danh vọng và có quyền bính, và vì họ có những đám người ti tiện nịnh hót kẻ có quyền, gắn cho họ những phẩm chất thiên tài mà kỳ thực họ không có, cho nên người ta mới gọi là thiên tài.
   
Trái lại, những tướng lĩnh ưu tú mà ta biết, thì đều là những người khờ khạo hay đãng trí. Người giỏi nhất trong bọn là Bagration - chính Napoléon công nhận như vậy. Còn bản thân Bonaparte thì sao! Ta có thể nhớ vẻ mặt tự mãn và thiển cận của ông ra trên chiến trường Austerlix. Một viên tướng giỏi không những không cần thiên tài và những phẩm chất cao cả nhất, tốt đẹp nhất của con người: tình thương, hồn thơ, ân tình và sự hoài nghi triết học. Một viên tướng giỏi phải thiển cận, tin chắc rằng việc mình làm là rất quan trọng (nếu không sẽ không có đủ kiên nhẫn), và có như thế thì mới có thể là một nhà cẩm quân gan dạ. Cái mà nhà quân sự kỵ nhất là nhân tình, là lòng thương người, lòng trắc ẩn, là khả năng cân nhắc xem cái gì là công bằng, cái gì là không công băng. Chẳng có gì là lạ nếu từ thời cổ xưa người ta đã bịa ra cái thuyết thiên tài, bới vì những kẻ gọi là thiên tài đó có thế lực. Công lao của một thắng lợi quân sự không phải là của họ, nó lệ thuộc vào người lính đứng trong hàng ngũ kêu lên: "Bỏ mẹ rồi!" hay "Ura!". Và chỉ có đứng trong hàng ngũ mới có thể phục vụ với lòng tin chắc chắn rằng mình có ích.
   
Công tước Andrey suy nghĩ như vậy trong khi nghe họ tranh luận, và mãi đến khi Paolutsi gọi chàng và khi mọi người đã giải tán, chàng mới sực tỉnh.
   
Trong cuộc duyệt binh ngày hôm sau nhà vua hỏi công tước Andrey xem chàng muốn phục vụ ở đâu, thì công tước Andrey không xin ở lại bên cạnh nhà vua, mà lại xin phép gia nhập quân đội dã chiến: điều đó đã làm cho chàng vĩnh viễn mất uy tín trong giới triều đình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:08:02 am
Phần IX
Chương - 12

Trước khi chiến dịch mở màn. Roxtov nhận được một bức thư của cha mẹ chàng kể vắn tắt cho chàng biết Natasa ốm và nàng đã cắt đứt với công tước Andrey (theo như trong thư thì sự cắt đứt này là do Natasa khước từ vị hôn phu), và một lần nữa bảo chàng xin phép hay giải ngũ, về nhà. Nhận được thư, Nikolai cũng chẳng buồn tính chuyện xin phép hay giải ngũ mà lại viết thư cho cha mẹ nói rằng chàng rất lấy làm phiền lòng vì Natasa ốm và lấy làm tiếc về việc nàng cự tuyệt vị hôn phu, và chàng sẽ tìm hết mọi cách để làm tròn ý muốn của cha mẹ. Đối với Sonya thì chàng viết thư riêng.
     
"Người bạn lòng yêu dấu của anh, - Chàng viết, - Ngoài danh dự ra không có gì có thể ngăn chặn anh trở về quê. Nhưng hiện nay, trong khi chiến dịch sắp mở màn, anh sẽ tự thấy mình mất danh dự không những trước các bạn đồng ngũ, mà ngay cả trước bản thân mình, nếu anh để hạnh phúc của mình lên trên nhiệm vụ và lòng yêu nước. Nhưng đây là lần phân ly lần cuối cùng. Em hãy tin rằng ngay sau chiến tranh, nếu anh còn sống và vẫn được yêu em, anh sẽ vứt bỏ tất cả và sẽ bay về với em để vĩnh viễn xiết chặt em vào lồng ngực bốc lửa của anh".
     
Quả nhiên chỉ vì chiến dịch sắp mở cho nên Roxtov không về cưới Sonya như chàng đã hứa. Mùa thu ở Otradnoye với những cuộc đi săn, mùa đông với lễ Giáng sinh và tình yêu của Sonya đã mở ra cho chàng thấy triển vọng của một cuộc sống vui thú và thanh bình của một người quý tộc hương thôn mà trước kia chàng không hề biết và bây giờ đang có sức quyến rũ chàng "Một người vợ hiền, những đứa con ngoan, một dàn chó săn đuổi thật hay, mười, mười hai con chó Borzoy dũng mãnh, công việc trong điền trang, các bạn láng giềng, chức vụ hành chính mà các đồng ban giao phó…" - Chàng nghĩ thầm.

- Nhưng bây giờ sắp mở chiến dịch, cho nên chàng phải ở lại trung đoàn. Và vì cần như vậy cho nên Nikolai Roxtov, do bản tính, thấy bằng lòng ngày cả với cuộc sống của chàng ở trung đoàn, và biết làm cho cuộc sống ấy thành dễ chịu đối với mình.
   
Đi nghỉ phép về, được các bạn đồng ngũ mừng rỡ tiếp đón, Nikolai lại được phái đi mua ngựa và khi ở Tiểu Nga trở về chàng đem theo nhưng con ngựa rất hay, khiến cho bản thân chàng rất hài lòng và cấp trên cũng khen ngợi. Trong khi đi vắng chàng đã được thăng lên chức đại uý và khi trung đoàn được bổ sung số để tham gia chiến sự, chàng lại được chỉ huy đại đội cũ của chàng.

Chiến dịch bắt đầu, trung đoàn được điều sang Ba Lan, lương bổng được tăng gấp đôi, những sĩ quan mới, những con ngựa mới được chuyển đến, và nhất là cái tâm trạng vui vẻ phấn chấn thường kèm theo thời kỳ đầu của một cuộc chiến tranh đang lan rộng trong quân ngũ. Roxtov đã nhận thức được địa vị có lợi cho mình trong trung đoàn và để hết tâm trí vào những hứng thú và quyền lợi của cuộc sống quân nhân, tuy chàng cũng biết rằng không chóng thì chầy chàng cũng phải rời bỏ cuộc sống đó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:08:40 am
Quân đội bỏ Vinlna rút lui, vì nhiều nguyên nhân quốc sự, chính trị và chiến thuật phức tạp. Một bước thoái quân đều kèm theo những hoạt động tư lợi, những âm mưu phức tạp, những vận động ngược xuôi qua lại của nhiều dục vọng trong đại bản doanh trung đoàn. Còn đối với lính phiêu kỵ của trung đoàn Pavlograd thì một cuộc rút quân vào chính giữa mùa hạ như thế này trong khi lương thực rất đầy đủ, chỉ là một việc hết sức đơn giản và vui thú. Chỉ có ở đại bản doanh người ta mới có thể chán nản, lo lắng và kèn cựa, chứ trong bộ đội chiến đấu thì người ta thậm chí cũng chẳng tự hỏi xem mình đi đâu và để làm gì nữa.
     
Nếu có lấy làm tiếc rằng mình phải rút lui thì cũng chỉ vì phải rời bỏ một chỗ đã quen thuộc, xa một cô pana(1) xinh xắn. Nếu ai thoáng có ý nghĩ tình hình không được tốt đẹp, thì người ấy cũng cố vui vẻ mà quên tình hình chung, để chỉ nghĩ đến công việc trước mắt của riêng mình - một quân nhân tốt thường vẫn phải làm như vậy. Lúc đầu họ vui vẻ đóng quân ở Vilna, làm quen với các trang chủ Ba Lan, chờ đợi tham dự những cuộc duyệt binh của nhà vua hay của các vị chỉ huy cao cấp khác.
     
Rồi có lệnh rút về Xventixan và tiêu huỷ những lương thực dự trữ không mang theo được. Sở dĩ lính phiêu kỵ nhớ rỡ Xventixan chỉ vì đó là một cái trại say - toàn quân vẫn gọi nơi đóng quân đó như vậy - và cũng chỉ vì ở Xventixan người ta đã khiếu nại nhiều về việc quân đội lạm dụng lệnh trung thu lương thực dự trữ, lấy luôn cả ngựa, xe thảm hoa của các pan(2) Ba Lan, liệt luôn các thứ đó vào loại "lương thực dự trữ". Roxtov nhớ Xventixan là vì ngày hôm đầu tiên quân vào làng này chàng đã phải thay viên hạ sĩ quân hậu cần và không sao ngăn cản được bọn lính say khướt trong bản đội đã trộm phép chàng đi ăn cướp năm thùng rượu bia lâu năm. Từ Xventixan họ lại rút mãi cho đến Drissa rồi lại rời Drissa rút lui về đến gần biên giới Nga.

Ngày mười ba tháng bảy quân Povlograd lần đầu tiên phải dự một trận đánh quan trọng.

Đêm hôm mười hai tháng bảy, tức là một đêm trước trận đánh này, có cơn giông lớn kéo kèm theo mưa rào và mưa đá. Mùa hè nằm 1812 nói chung thường có những trận giông lớn như vậy.
Hai đại đội của trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đang đóng trại lộ thiên giữa một cánh đồng lúa mì đen bị bò ngựa dẵm be bét. Trời mưa như trút. Roxtov với viên sĩ quan trẻ tuổi tên là Ilya được chàng che chở, đang ngồi dưới một gốc cái lán dựng vội. Một viên sĩ quan của trung đoàn, có bộ ria dài vắt lên hai má, lúc bấy giờ vừa ở bộ tham mưu về mắc mưa giữa đường đành ghé lại chỗ Roxtov.

- Bá tước ạ, tôi ở bộ tham mưu về. Bá tước đã nghe nói chiến công của Raievxki chưa? - Và viên quan sĩ quan kể lại tỉ mỉ trận Xantanovka mà ông ta đã được nghe kể ở bộ tham mưu.

Roxtov, cổ rụt lại vì nước mưa cứ chảy ròng ròng sau gáy, ngồi hút thuốc lá và nghe kể một cách chẳng lấy gì làm chăm chú, chốc chốc lại đưa mắt nhìn sang Ilya, viên sĩ quan trẻ tuổi đang ngồi nép mình cạnh sát chàng. Viên sĩ quan này là một cậu thanh niên mười sáu tuổi mới vào trung đoàn được ít lâu. Bây giờ cậu ta đối với Roxtov cũng giống như Roxtov đối với Denixov bảy năm về trước. Cái gì Ilya cũng cố gắng bắt chước cho giống Roxtov; cậu ta say mê Roxtov như một cô gái.
   
Viên sĩ quan có bộ ria dài là Zdrinxki, đang lấy giọng hùng tráng kể chuyện rằng con đê Xaltanovka quả là ải Thermopy(3) của người Nga, rằng trên con đê này tướng quân Raievxki đã thực hiện một chiến công oanh liệt xứng đáng với các anh hùng cổ đại. Ông đã đưa hai người con trai lên đê dưới một hoả lực kinh khủng và cùng sánh vai với họ tiến lên công kích quân địch. Roxtov nghe kể và không những không nói gì để hưởng ứng niềm hân hoan của Zdrinxki, mà lại còn có vẻ lấy làm xấu hổ về những điều mà người ta thường kể cho mình nghe, tuy không muốn cãi lại. Sau trận Austerlix và chiến dịch năm 1807, kinh nghiệm bản thân đã cho Roxtov biết rằng khi thuật lại những sự kiện chiến tranh, bao giờ người ta cũng nói ngoa, mà chính chàng cũng thế, sau nữa chàng cũng có đủ lịch duyệt để hiểu rằng trong chiến tranh mọi việc đều xảy ra khác hẳn những điều mà ta có thể tưởng tượng hoặc kể lại.
     
Cho nên chàng bực mình vì câu chuyện của Zdrinxki kể, mà ngay bàn thân Zdrinxki cũng làm cho chàng khó chịu: với bộ ria vắt lên tận má, hắn cứ theo thói quen mỗi khi kể là cúi sát tận mặt người nghe, khiến cho chàng cảm thấy vướng víu trong chiếc lán chật chật chội. Roxtov im lặng nhìn Zdrinxki. "Trước hết, trên con đê mà họ tấn công chắc phải hỗn độn đến nỗi Raievxki có dẫn hai người con trai lên thật đi nữa, thì việc đó cũng chẳng tác động đến ai được, may ra cũng chỉ có mười người đứng sát quanh ông ta, - Roxtov nghĩ thầm - còn những người khác thì cũng chẳng trông thấy Raievxki đi trên đê với ai. Nhưng ngay cả những người có trông thấy ông ta nữa, thì cũng chẳng lấy gì làm phấn chấn cho lắm, vì họ hơi đâu mà nghĩ đến những tình cảm cha con đằm thắm của Raievxki trong khi tính mạng của bản thân họ đang treo trên sợi tóc? Sau nữa, dù có chiếm được hay không chiếm được con đê Xaltanovka thì cũng chẳng định đoạt được số phận của tổ quốc như ở Thermopyl. Thế thì việc gì phải hy sinh như vậy? Hơn nữa, tại sao lại đưa con cái mình ra trận làm gì? Giá là mình thì không những mình không đưa thằng Petya đi như thế, mà ngay cả chú Ilya này nữa, một cậu bé chẳng phải có họ hàng gì với mình nhưng rất tốt, mình cũng cố tìm cách cho chú ta đứng một chỗ an toàn" - Roxtov nghĩ tiếp trong khi nghe Zdrinxki kể. Nhưng chàng không nói những ý nghĩ của chàng ra: ngay về mặt này nữa chàng cũng đã có kinh nghiệm bản thân. Chàng biết rằng câu chuyện này góp phần nêu cao danh vọng của quân đội ta, cho nên cần phải làm ra vẻ như không hồ nghi gì về chuyện đó. Và chàng đã làm như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:09:38 am
- Chà không chịu được nữa rồi! - Ilya nói - Cậu ta đã nhận thấy Roxtov không thích nghe câu chuyện của Zdrinxki. - Bít tất, sơ mi trong người tôi đều ướt sũng cả rồi. Tôi đi kiếm chỗ trú mưa đây. Hình như cũng đã ngớt.

Ilya bước ra ngoài, và Zdrinxki cũng lên ngựa ra về. Năm phút sau Ilya lội lõm bõm trong bùn chạy về phía lán.

- Cách đây vài trăm bước có một quán rượu, bọn ta đã có mấy người đến đấy. Ít nhất cũng hong khô áo quần một tí. Cả Maria Herikhovna cũng ở đấy.
   
Maria Herikhovna là vợ viên bác sĩ của trung đoàn, một thiếu phụ người Đức xinh xắn lấy ông ta từ dạo đóng quân ở Ba Lan. Hoặc vì không có phương tiện, hoặc vì không muốn xa người vợ trẻ trong thời gian mới cưới, viên bác sĩ đem Maria Herikhovna cùng đi khắp nơi với trung đoàn phiêu kỵ, và tính hay ghen của ông trở thành một tiêu đề để cho các sĩ quan phiêu kỵ đem ra đùa cợt hàng ngày.
   
Roxtov khoác áo mưa, quát gọi Lavrusk mang đồ đạc theo sau và cùng đi với Ilya trên đất bùn trơn như mỡ, dưới làn mưa đang ngớt dần, trong đêm tối thỉnh thoảng lại loé lên những ánh chớp xa xa. Chốc chốc hai người lại gọi nhau.

- Roxtov, anh đâu rồi?

- Đây! Chớp ghê thật!
     
Trước cửa ngôi quán có chiếc xe kibitka của viên bác sĩ đỗ. Trong quán đã có dăm sĩ quan đến ngồi từ lúc nãy. Maria Herikhovna, một thiếu phụ người Đức béo lẳn, tóc vàng hoe, mặc áo ngắn và đội mũ chụp ban đêm, đang ngồi bên một chiếc ghế dài rộng đặt ở phòng. Ông chồng nằm ngủ sau lưng. Roxtov và Ilya vào thì được các sĩ quan nghênh tiếp bằng những tiếng reo vui vẻ.

- Chà! Các cậu ở đây vui quá nhỉ, - Roxtov vừa cười vừa nói.

- Còn các cậu sao trông ỉu thế?

- Trông đã lịch sự chưa? Ướt như chuột lột! Đừng làm bẩn phòng khách của chúng tớ đấy.

- Đừng làm bẩn áo của Maria Herikhovna đấy nhé, - có tiếng phụ hoạ.

Roxtov và Ilya hối hả tìm một góc để thay quần áo ướt cho khỏi xúc phạm đến tính e thẹn của Maria Herikhovna. Họ toan ra sau tấm ván ngăn, nhưng trong căn buồng chật hẹp ấy có ba sĩ quan ngồi đánh bài trên một cái thùng có cắm cây nến, choán hết cả chỗ và một mực không chịu đi chỗ khác. Maria Herikhovna cho họ mượn cái váy để dùng làm màn che, và sau bức màn ấy Roxtov và Ilya, với sự giúp đỡ của Lavruska lúc bấy giờ vừa mang đồ đạc đến.

- Cởi áo quần ướt và mặc áo quân khô vào!
   
Người ta đã đốt lửa trong chiếc lò sưởi mép vỡ. Họ tìm được một tấm ván ép, đem kê lên hai cái yên ngựa và lấy chăn ngựa phủ lên trên; họ lạ kiếm một cái lò nhỏ, một cái tráp đổ chè và một chai rượu rhum, rồi sau khi yêu cầu Maria Herikhovna làm bà chủ nhà, mọi người đều quây quần quanh người thiếu phụ. Người thì đưa một chiếc khăn mùi xoa sạch sẽ để cho Maria    Herikhovna lau đôi tay đáng yêu của nàng, người thì lót một chiếc áo phiêu kỵ xuống dưới đôi chân xinh xẻo của Maria Herikhovna để cho nàng khỏi thấy ẩm chân, người thì lấy áo mưa che cửa sổ để khỏi gió lùa, người thì phe phẩy đuổi ruồi trên mặt ông chồng để cho ông ta khỏi thức dậy.

- Thôi các ông cứ để mặc nhà tôi, - Maria Herikhovna nói, miệng mỉm cười bẽn lẽn và sung sướng, - Cứ để thế nhà tôi ngủ cũng ngon lắm rồi, chả là đêm qua không có lúc nào chợp mắt.

- Không được, bà Maria Herikhovna, - Viên sĩ quan đáp, - Phải tranh thủ tình cảm của bác sĩ chứ. May ra bác sĩ có thể thương hại tôi mà nhẹ tay một chút khi nào bác sĩ cưa chân cưa tay tôi.

Cả thảy chỉ có ba cái; nước thì đục đến nỗi không sao biết được trà đậm hay nhạt. Và trong ấm lò nước chỉ đủ cho sáu cốc, nhưng như vậy lại càng thích thú khi được lần lượt nhận theo thứ tự cấp bậc cốc trà của mình trong đôi tay mũm mĩm xinh xắn, móng cắt và không được sạch lắm của Maria Herikhovna. Tất cả các sĩ quan tối hôm ấy hình như đều phải lòng Maria Herikhovna thật sự. Ngay cả đến ba viên sĩ quan đánh bài sau tấm ván ngắn chẳng bao lâu cũng ngả theo tâm trạng chung mà bỏ canh bạc cuối sang ngồi bên lò và xun xoe quanh Maria Herikhovna. Maria Herikhovna thấy đám thanh niên hào hoa phong nhã ấy xúm xít quanh mình thì mặt mày rạng rỡ lên vì vui sướng, mặc dầu bà ta cố sức dấu nỗi vui sướng ấy đi và rõ ràng là rất lo sợ không có thì giờ để cho đường tan, cho nên họ bèn quyết định là Maria Herikhovna sẽ lần lượt khuấy đường cho từng người, Roxtov lĩnh cốc trà của mình và rót rượu rhum vào, rồi yêu cầu Maria Herikhovna khuấy hộ.

- Nhưng ông không bỏ đường à? - Maria Herikhovna nói, miệng vẫn mỉm cười, tưởng chừng như tất cả những gì mà nàng nói ra hay những người khác nói ra cũng đều rất buồn cười và còn ngụ một ý khác.

- Thì tôi cần gì đường, chỉ cần tay bà khuấy cho một chút thôi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:10:29 am
Maria Herikhovna ưng thuận và bắt đầu tìm cái thìa lúc bấy giờ đã có ai lấy mất.

- Bà lấy ngón tay mà khuấy cũng được, bà Mana Herikhovna ạ, Roxtov nói, - Như thế uống lại càng thú vị hơn.

- Nóng quá - Mana Herikhovna nói, mặt đỏ ửng lên vì vui thích.
 
Ilya lấy một xô nước, nhỏ một giọt rượu rhum vào rồi đến cạnh Maria Herikhovna xin nàng lấy ngón tay nguấy hộ.

- Chén trà của tôi đây, Ilya nói. - Chỉ xin bà khuấy ngón tay vào thôi tôi sẽ uống hết.

Khi mọi người đã uống hết nước ấm trong lò, Roxtov lấy cỗ bài đề nghị chơi một ván bài "bài vua" với Maria Herikhovna. Họ bốc thăm xem ai sẽ chơi cùng phe với Mana Herikhovna. Theo đề nghị của Roxtov, họ ấn định ai được "làm vua" sẽ có quyền hôn tay Maria Herikhovna, và ai bị "làm thằng xỏ lá" sẽ phải đi đun một ấm lò nước sôi cho bác sĩ khi nào ông ta thức dậy.

- Thế nếu Maria Herikhovna được làm vua thì sao? - Ilya hỏi.

- Maria Herikhovna đã là hoàng hậu rồi còn gì! Mệnh lệnh của Maria là một đạo luật.

Ván bài vừa bắt đầu thì từ sau lưng Mana Herikhovna bỗng thấy cái đầu bờm xờm của ông bác sĩ nhổm dậy. Ông ta đã tỉnh dậy từ lâu, lắng nghe những câu nói của đám sĩ quan và hình như chẳng thấy có gì vui vẻ, buồn cười và ngộ nghĩnh trong tất cả những câu họ nói và những việc họ làm. Gương mặt ông ta có vẻ buồn phiền và chán nản, ông ta lẳng lặng gãi đầu và xin phép ra ngoài vì bây giờ họ ngồi chắn cả lối đi ông ta vừa ra ngoài thì tất cả các sĩ quan đều phá lên cười, còn Mana Herikhovna thì đỏ mặt tía tai đến chảy nước mắt ra, và như vậy các sĩ quan lại càng thấy nàng đáng yêu hơn nữa. Khi ngoài sân trở vào viên bác sĩ bảo vợ (lúc bấy giờ Maria Herikhovna không còn mỉm cười vui sướng như trước được nữa và im lặng nhìn chồng, chờ đợi một lời trách mắng) là mưa đã tạnh và phải ra xe mà ngủ, chứ không kẻ trộm sẽ lấy hết đồ đạc.

- Ồ tôi sẽ cho một người đến canh… hai người! - Roxtov nói. - Đừng làm thế bác sĩ ạ.

- Tôi xin chân thành đứng canh - Ilya nói.

- Không được, thưa các vị, các vị đã được ngủ no nê, còn tôi thì hai đêm nay, chưa hề chợp mắt - bác sĩ nói đoạn lầm lì ngồi xuống cạnh vợ chờ cho ván bài kết thúc.

Nhìn vẻ mặt lầm lì của bác sĩ đang lườm vợ, các sĩ quan lại càng vui vẻ thêm, và có mấy người không sao nhịn được, cười rộ lên rồi lại vội vã tìm những nguyên do có lý để nói chữa. Khi viên bác sĩ đã đưa vợ ra xe, các sĩ quan nằm trong quán, lấy áo khoác ướt đắp; nhưng nằm hồi lâu họ vẫn chưa ngủ, cứ chuyện trò nhắc nhở vẻ lo sợ của ông bác sĩ và vẻ vui sướng của bà bác sĩ, thỉnh thoảng lại chạy ra thềm rồi vào kể cho nhau nghe những việc đang xảy ra trong chiếc xe kibitka nhỏ. Đã mấy lần Roxtov trùm áo kín đầu thiu thiu ngủ; nhưng lại có ai hỏi một câu khiến chàng bừng tỉnh, câu chuyện lại rôm rả và tiếng cười vô cớ vui vẻ trẻ con lại vang lên.

==========================================================

Chú thích:

(1) Phu nhân hay tiểu thư Ba Lan.

(2) Ngài, tiên sinh (tiếng Ba Lan).

(3) Eo núi hiểm trở ở Bắc Hy lạp do vua Leonidax chỉ huy đã hi sinh anh dũng trong khi ngăn cản đạo quân viễn chinh của Ba Tư năm 480 trước công nguyên.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:11:31 am
Phần IX
Chương - 13

Gần ba giờ sáng, trong khi chưa có ai ngủ, viên tào trưởng đến báo là có lệnh xuất phát đến làng Oxtrovna.
   
Vẫn cười nói bô bô như cũ, các sĩ quan hối hả sửa soạn; họ lại đun một ấm nước bẩn. Nhưng Roxtov không đợi dọn trà xong, lên đường về đại đội. Trời đã hửng sáng; mưa đã tạnh, mây tan dần. Từ trong quán bước ra, Roxtov và Ilya đều ghé mắt dòm vào chiếc xe điềm da của ông bác sĩ ướt sũng nước mưa loang loáng trong ánh bình minh lờ mờ. Hai bàn chân của ông thày thuốc thòi ra ngoài điềm; ở giữa xe, trên chiếc gối họ trông thấy chiếc mũ chụp của bà bác sĩ; từ trong xe đưa ra tiếng thở đều đều của hai người đang ngủ.

- Bà ta dễ thương thật! - Roxtov bảo Ilya bấy giờ cùng đi ra với chàng.

- Thật là một người đàn bà đáng yêu! - Ilya đáp với vẻ nghiêm trang của tuổi mười sáu.

Nửa giờ sau, đại đội kỵ binh đã xếp hàng ngũ chỉnh tề trên đường cái.
   
Lệnh "lên yên!" vang lên - binh sĩ làm dấu chữ thập và bắt đầu lên ngựa. Roxtov thúc ngựa lên trước hô: "Tiến!" và trong tiếng vó ngựa giẫm lép bép trên con đường ướt át, trong chiếc gươm vỗ lách cách và tiếng nói chuyện khe khẽ, đội phiêu kỵ xuất phát trên con đường lớn hai bên trồng hai dãy bạch dương, tiến theo đoàn bộ binh và pháo binh đang đi trước mặt họ.
   
Những đám mây xơ xác màu xanh tim tím bay nhanh trước gió, đỏ dần lên dưới ánh mặt trời mới mọc. Trời mỗi lúc một sáng tỏ. Đã thấy rõ những đám cỏ lăn tăn thường mọc hai bên đường làng, hãy còn ướt đẫm vì trận mưa đêm qua; những cành bạch dương ủ rũ, cũng ướt đẫm nước mưa, đung đưa trước gió và hắt những giọt nước mưa sáng trong rơi chênh chếch xuống mặt đất. Nét mặt của binh sĩ trông mỗi lúc một thêm rõ. Roxtov cưỡi ngựa đi giữa hai hàng bạch dương, bên cạnh là Ilya bấy giờ không rời chàng một bước.
   
Đi chiến dịch lần này Roxtov không dùng ngựa trận mà lại tự ý cưỡi một con ngựa cô-dắc. Vốn là một tay chơi ngựa sành sỏi và say mê, cách đây ít lâu chàng đã kiếm được một con ngựa tía lớn vùng sông Đông bờm trắng; rất hăng và chạy rất nhanh, chẳng con nào bì kịp. Cưỡi con ngựa này thật là một lạc thú đối với Roxtov.

Chàng nghĩ đến con ngựa, đến buổi ban mai, đến cô vợ ông bác sĩ và không hề nghĩ đến sự nguy hiểm sắp tới.
   
Trước kia, mỗi lần ra trận, Roxtov thấy sợ; bây giờ chàng chẳng hề cảm thấy sợ hãi gì cả. Nhưng chàng không sợ không phải vì chàng đã quen với lửa đạn (không ai có thể quen với sự nguy hiểm) mà vì chàng đã học được cách làm chủ tinh thần của mình trước nguy hiểm. Chàng đã quen mỗi khi ra trận nghĩ đến đủ mọi thứ trừ cái điều đáng lẽ phải chú ý nhất; điều nguy hiểm sắp tới Trong thời gian đầu tòng ngũ, dù có cố gắng bao nhiêu, dù có tự trách mình là hèn nhát bao nhiêu chàng vẫn không làm chủ được mình; nhưng với tháng năm, tự nhiên chàng đã có được thói quen đó. Bây giờ chàng cưỡi ngựa đi cạnh Ilya giữa hai hàng bạch dương, chốc chốc bứt mấy chiếc lá ở những cành sa trước mặt, thng thoảng lại chạm chân vào sườn ngựa, thỉnh thoảng lại đưa chiếc tẩu thuốc đã hút hết cho người lính phiêu kỵ đi sau lưng, không quay người lại, có vẻ điềm tĩnh và vô tư lự tưởng chừng như đang cưỡi ngựa rong chơi. Chàng thấy chạnh lòng khi nhìn vẻ mặt lo lắng của Ilya, bây giờ đang nói huyên thiên có chiều bứt rứt; kinh nghiệm đã cho chàng biết rõ tâm trạng day dứt của một người đang chờ đời chiều khủng khiếp, chờ đời cái chết, điều mà viên thiếu uý Ilya đang trải qua. Chàng biết rằng chỉ có thời gian mới có thể làm cho Ilya thoát khỏi tâm trạng đó.
   
Mặt trời vừa ló trên trời trong giữa hai tầng mây, thì gió lặng hẳn tựa hồ như không dám làm hỏng buổi sáng mùa hè tươi đẹp sau cơn giông tố đêm qua; giọt nước mưa đọng trên cành cây vẫn còn nhỏ giọt, nhưng bây giờ đã rơi thẳng xuống; mọi vật đều yên tĩnh. Mặt trời đã lên hẳn, hiện rõ trên chân trời rơi lấp sau dải mây, rực rỡ hơn lúc nãy, xé rách những đường viền của đám mây. Mọi vật đều sáng lên và long lanh trong ánh nắng. Và cùng một lức ấy, dường như để trả lời lại ánh nắng, ở phía trước có những phát súng đại bác vang lên.
   
Roxtov chưa kịp đoán xem những phát súng cách bao nhiêu, thì từ Vitebxk đã có một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Oxterman - Tolstoy phi ngựa đến truyền lệnh phóng nước kiệu trên đường cái.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:12:11 am
Đại đội kỵ binh vòng qua đoàn bộ binh và pháo binh bấy giờ cũng đang vội rảo bước, phóng ngựa xuống dốc và sau khi đi ngang một cái làng vắng vẻ không người ở, lại phóng lên dốc. Ngựa bắt đầu toát mồ hôi, binh vĩ mặt mày đỏ gay lên.

- Đứng lại, nhìn trước… thẳng! - Ở phía trước vang lên tiếng hô của viên sư đoàn trưởng rồi có tiếng hô tiếp - Hàng trái tiến lên, bước một… tiến!
   
Và đội phiêu kỵ men theo dọc hàng quân chuyển sang bên phía tả vị trí và dừng lại phía sau đoàn kỵ binh của ta đứng thành một khối dày đặc - đó là đoàn quân dự bị: phía trên một chút, trên cao một điểm, trong bầu không khí trong vắt, dưới ánh nắng chênh chếch của buổi ban mai, có thể trông thấy những khẩu pháo của ta in trên chân trời. Ở phía trước, sau một thung lũng thấp thoáng, các đạo bộ binh và các khẩu pháo của địch. Từ phía thung lũng đã nghe tiếng súng trường rộn ràng vui vẻ của quân ta ở tiền duyên lúc bấy giờ đã nổ súng giáp trận với quân địch.
   
Nghe những âm hưởng này, những âm hưởng mà đã từ lâu chàng không được nghe, Roxtov thấy lòng vui hẳn lên như khi nghe tiếng nhạc tưng bừng nhất. Đùng đì - đùng, đoành - đoành! - mấy tiếng súng nổ dồn, khi lẻ tẻ, khi liên tiếp. Rồi mọi vật im lặng, rồi lại như có ai giâm lên một tràng pháo.
   
Quân phiêu kỵ đứng yên một chỗ trong khoảng một tiếng đồng hồ. Đại bác cũng đã lên tiếng gầm gừ. Bá tước Oxterman cùng với đoàn tuỳ tùng cưỡi ngựa đi ngay phía sau kỵ đội, dừng lại nói mấy câu với viên trung đoàn trưởng rồi đi vòng lên phía trận pháo bố trí trên núi.
Sau khi Oxterman đi qua, bên đơn vị U-lan có tiếng hô:

- Xếp thành đội ngũ chiến đấu, tiến!
   
Đoàn bộ binh đứng ở phía trước họ rẽ đôi ra để cho kỵ binh đi qua. Quân U-lan xuất phát: cờ đuôi nheo ở đầu giáo bay phấp phới, họ phóng nước kiệu xuống núi tiến về phía kỵ binh Pháp bấy giờ vừa xuất hiện dưới chân núi, ở phía trái.

Quân U-lan vừa xuống núi thì quân phiêu kỵ được lệnh tiến lên núi để yểm hộ cho trận địa pháo binh. Trong khi quân phiêu kỵ đến thay chân đội U-lan, từ tiền duyên có những viên đạn lạc bay đến, kếu ríu rít trong không trung.

Âm hưởng này, mà đã từ lâu Roxtov không được nghe, lại khiến chàng vui vẻ và phấn chấn hơn cả tiếng súng lúc nãy. Chàng ngồi thẳng người trên mình ngựa, đưa mắt nhìn quanh chiến trường trải rộng ra dưới chân núi, và toàn tâm toàn ý dõi theo cục chuyẻn binh của đơn vị U lan. Quân U-lan đã phi sát đội long kỵ của Pháp, rồi khói súng che lấp mọi vật, và năm phút sau quân U-lan phi ngựa trở lại nơi họ xuất phát, nhưng chếch sang bên trái. Ở giữa những người lính U-lan mặc áo da cam ở phía sau lưng họ đã thấy những đám long kỵ binh Pháp đông nghịt mặc áo lam cưỡi ngựa xám đuổi theo.
   
Với con mắt rất tinh của người đi săn, Roxtov là một trong những người đầu tiên đã trông thấy đám long kỵ binh Pháp mặc áo lam đuổi theo quân U-lan của ta. Đội U-lan hàng ngũ rối loạn và đội kỵ binh Pháp đang đuổi theo họ một lúc một tiến gần chỗ Roxtov đứng. Từ trên núi nhìn xuống đã có thể thấy rõ những bóng người trông rất nhỏ ở dưới chân đồi đang xô đẩy nhau, đuổi theo nhau và hoa tay hay vung kiếm.
   
Roxtov, khi đi săn đuổi, đứng nhìn những việc đang diễn ra trước mắt mình. Trực giác của chàng đã cảm thấy rằng nếu bây giờ cho quân phiêu kỵ đánh thốc vào đội long kỵ binh Pháp thì chúng sẽ không bao giờ đương nổi; nhưng nếu đánh thì đánh ngay bây giờ, ngay phút này, nếu không thì chậm mất. Chàng đưa mắt nhìn quanh viên quan. Viên thượng uý đứng cạnh chàng bấy giờ cũng nhìn không chớp mắt vào những người cưỡi ngựa dưới chân núi.

- Andrey Xevaxtyanyst, - Roxtox nói, - Ta có thể đánh tan được chúng…

- Đúng đấy, - Viên thượng uý nói, - Hay là ta…
   
Chưa nghe nói hết câu, Roxtox đã thúc ngựa phi ra trước kỵ đội, chàng chưa kịp ra lệnh tiến quân thì toàn thể đại đội, lúc bấy giờ cũng cảm thấy như Roxtox, đã thúc ngựa theo chàng. Bản thân Roxtox cũng chẳng biết tại sao mình làm việc đó, và làm như thế nào. Tất cả những việc đó chàng đã làm như vẫn thường làm khi đi sẵn, không nghĩ ngợi, đắn đo suy tính. Chàng thấy bọn long kỵ binh đã đến gần, thấy hàng ngũ của chúng rối loạn; chàng biết rằng chúng sẽ đương nổi, chàng biết rằng nếu bỏ qua phút này, thì sẽ không bao giờ trở lại nữa. Tiếng đạn réo quanh chàng có sức kích động quá mạnh, và con ngựa của chàng hăm hớ muốn tiến lên, đến nỗi chàng không sao kìm nổi. Chàng thúc ngựa tiến, cất tiếng hô mệnh lệnh và ngay lức ấy chàng nghe phía sau lưng có tiếng vó ngựa rầm rập của toàn thể đại đội chàng đang phóng nước kiệu tọả xuống núi về phía bọn long kỵ binh. Xuống đến gần chân núi, đang nước kiệu họ bất giác chuyển sang nước đại, càng đến gần quân U-lan ta và quân long kỵ binh Pháp đang đuổi theo thì lại càng phi nhanh thêm.
   
Họ đã đến gần bọn long kỵ binh. Những tên ở phía trước trông thấy quân phiêu kỵ liền quay trở lại, những tên ở phía sau kìm ngựa. Với một cảm giác giống như khi chàng phi ngựa đi chặn đường con sói, Roxtox cho con ngựa sông Đông của chàng phóng hết tốc lực, phi chéo vào đám long kỵ binh Pháp hàng ngũ rối loạn. Một người lính U-lan dừng lại, một người ngã ngựa phục xuống đất để khỏi bị xéo lên người, một con ngựa không người cưỡi chen lấn vào hàng ngũ đội phiêu kỵ. Hầu hết cả bọn long kỵ binh Pháp đều phi trở lại phía sau. Roxtox chọn một tên long kỵ binh cưỡì ngựa xám, phóng ngựa rượt theo. Dọc đường chàng suýt đâm vào một bụi cây; nhưng con tuấn mã đưa chàng bay vút qua bụi, phải chật vật lắm chàng mới ngồi được vững trên yên. Nikolai thấy rằng chỉ trong chốc lát chàng sẽ đuổi kịp tên địch mà chàng đã chọn làm đích. Tên Pháp này - cứ trông quân phục thì chắc là một viên sĩ quan cúi rạp mình trên con ngựa xám, lấy gươm thúc vào mông con ngựa chạy nhanh thêm. Chỉ có một lát, con ngựa của Roxtox húc vào mông con ngựa của viên sĩ quan suýt làm cho nó ngã nhoài ra, và ngay lúc ấy, Roxtox - chính chàng cũng chẳng biết tại sao - vung gươm lên chém vào tên kỵ binh Pháp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:13:06 am
Trong cái giây lát chàng làm như vậy, tất cả mọi hưng phấn của Roxtox vụt biến mất. Viên sĩ quan Pháp ngã xuống, vì nhát gươm thì ít (lưỡi gươm chỉ chém đứt một đường nhỏ ở phía trên khuỷu tay) mà vì bị lay mạnh và sợ thì nhiều. Roxtox kìm ngựa lại, đưa mắt nhìn kẻ thù mình vừa thắng xem thử hắn là người thế nào. Viên sĩ quan lính kỵ binh Pháp một chân, nhảy cò trên mặt đất, còn chân kia thì mắc vào bàn đạp. Hắn nheo nheo mắt như chờ đợi một nhát gươm sắp chém xuống lần nữa, nhăn mặt ngước nhìn Roxtox ra vẻ kinh hãi, mặt hắn tái mét và lấm bùn: với bộ tóc vàng, với cái cằm lúm đồng tiền và đôi mắt màu xanh nhạt trong sáng, khuôn mặt trè trung của viên sĩ quan Pháp thật chẳng hợp chút nào với chiến trường, thật chẳng có vẻ gì là khuôn mặt của một kẻ địch, mà là một khuôn mặt của hết sức quen thuộc thường gặp trong phòng khách. Roxtox chưa kịp quyết định xem mình nên làm gì, thì viên sĩ quan đã kêu to: "Tôi xin hàng!". Hắn luống cuống vội vàng muốn rút chân ra khỏi bàn đạp nhưng không sao rút được, và đôi mắt sợ hãi của hắn vẫn giương lên nhìn Roxtox không chớp: Những người lính phiêu kỵ bấy giờ vừa phi đến tháo chân hắn ra khỏi bàn đạp và đặt hắn ngồi lên yên. Bốn phía đều nhìn thấy những người phiêu kỵ đang mải đối phó với những tên long kỵ binh: có tên bị thương, máu me be bét trên mặt nhưng vẫn không chịu buông ngựa ra; một tên khác ngồi trên ngựa sau lưng một người lính phiêu kỵ, tay ôm choàng lấy mình người lính; lại một tên nữa đang được mấy người phiêu kỵ đỡ cho ngồi lên ngựa. Ở phía trước mặt, bộ binh Pháp vừa chạy tới vừa bắn. Quân phiêu kỵ vội vàng đem bọn tù binh về hậu tuyến. Roxtox cũng phi ngựa trở lại về với họ: một cảm giác gì khó chịu làm cho lòng chàng như thắt lại. Có một cái gì lờ mờ, rối ren mà chàng không sao nhận thức được rõ ràng đã đẩy lên trong lòng chàng nghĩ đến lúc chàng vung gươm lên chém hắn.
   
Bá tước Oxterman - Tolstoy nghênh tiếp đội phiêu kỵ, gọi Roxtox đến cảm ơn chàng và nói rằng ông ta sẽ trình lên hoàng thượng rõ hành động dũng cảm của chàng và sẽ xin cho chàng một huân chương chữ thập George. Khi được lệnh đến gặp bá tước Oxterman, chàng nhớ ra rằng chàng đã cho đơn vị tấn công mà không có lệnh trên, nên tin chắc rằng cấp chỉ huy gọi chàng đến là để trừng phạt hành động tự tiện của chàng. Vậy lẽ ra những lời khen ngợi của Oxterman và lời hứa thăng thưởng càng khiến chàng ngạc nhiên và vui mừng, nhưng cái cảm giác lờ mờ, khó chịu lúc nấy vẫn khiến chàng bứt rứt. "Ồ, cái gì làm cho mình băn khoăn thế nhỉ? - Chàng tự hỏi khi từ giã viên tướng ra về. - Ilya à? Không, cậu ta vẫn bình yên vô sự. Mình có làm điều gì đáng hổ thẹn chăng? Không, vẫn không phải!" - Có một cái gì khác day dứt chàng như một mềm hối hận - Phải, phải cái thằng cha sĩ quan Pháp cằm lúm đồng tiền ấy - Và mình nhớ rất rõ là tay này mình đã chùn lại khi mình vung gươm lên"
   
Roxtox thấy đám lù binh đang được giải đi, liền phi ngựa theo để nhìn lại tên Pháp có cái cằm lúm đồng tiền. Mình mặc bộ quân phục kỳ quặc, viên sĩ quan Pháp đang ngồi trên một con ngựa của lính phiêu kỵ và lo lắng đưa mắt nhìn quanh. Vết thương của hắn cũng chẳng đáng gọi là một vết thương nữa. Hắn gượng gạo mỉm cười với Roxtox và vẫy tay chào chàng. Roxtox vẫn có một cảm giác ngượng nghịu xấu hổ.
   
Suốt ngày hôm ấy và ngày hôm sau các bạn bè của Roxtox nhận thấy chàng tuy không có vẻ buồn bã hay cáu kỉnh nhưng lại trầm lặng, thẫn thờ và đăm chiêu. Chàng uống rượu một cách miễn cưỡng, cứ tìm cách ngồi một mình suy nghĩ điều gì.
   
Roxtox nghĩ mãi đến cái chiến công oanh liệt của mình: lạ thay, nó lại đem lại cho chàng một tấm huân chương chữ thập George, thậm chí lại làm cho chàng lừng danh là một tay gan dạ. Chàng nghĩ mãi, mà vẫn có một điều gì chàng không sao hiểu nổi: "Thế ra chúng nó còn sợ hơn cả bọn mình nữa ư! - Chàng nghĩ. - Chỉ có thế thôi mà cũng gọi là anh hùng à? Mà ta làm như vậy có phải vì tổ quốc đâu? Hắn ta có tội tình đâu với cái cằm lúm đồng tiền và đôi mắt xanh của hắn? Hắn hoảng sợ biết chừng nào! Hắn tưởng là ta định giết hắn. Việc gì ta phải giết hắn? Tay ta đã run. Rồi họ lại cứ gắn chữ thập George cho ta. Chả hiểu ra làm sao cả, chả hiểu tí nào cả!".
   
Nhưng trong khi Nikolai băn khoăn với những câu hỏi ấy và vẫn không sao hiểu rõ được cái gì khiến chàng bứt rứt như vậy, thì bánh xe của vận đỏ(1) vẫn xoay ra thuận chiều, đem lại cho chàng nhiều lợi lộc - Điếu văn vẫn thường thấy trong đời quân nhân. Sau trận Oxtrovna người ta đã cất nhắc cho chàng lên chỉ huy một tiểu đoàn phiêu kỵ và mỗi khi cần đến một viên sĩ quan dũng cảm, người ta đều nhớ đến chàng.

==========================================================

Chú thích

(1) "vận đỏ" thường được biểu trưng bằng hình ảnh một người đàn bà bị mắt chân đi trên một cái bánh xe có cánh.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 12:13:54 am
Phần IX
Chương - 14
   
Được tin Natasa ốm, bá tước phu nhân bấy giờ vẫn chưa khỏi bệnh hẳn, người hãy còn yếu, đã đem Petya và cả nhà lên Moskva, và gia đình Roxtov rời khỏi nhà bà Maria Dmitrevna dọn sang toà nhà của họ và ở hẳn Moskva.
   
Bệnh tình của Natasa trầm trọng đến nỗi, thực may cho nàng và cũng thực may cho cha mẹ nàng, ý nghĩ về những nguyên nhân đã khiến nàng lâm bệnh, hành động của nàng đoạn tuyệt với vị hôn phu đều lùi ra phía sau. Nàng ốm nặng đến nỗi không thể nào nghĩ em mình có lỗi đến chừng nào trong tất cả những việc đã xảy ra, trong khi nàng không ăn, không ngủ, gầy mòn đi trông thấy, ho sù sụ và như các bác sĩ đã để lộ, bệnh tình khá nguy kịch. Bây giờ phải nghĩ cách cứu nàng. Các bác sĩ đến thăm Natasa khi thì từng người một, khi thì họp thành một hội đồng, nói nhiều bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La-tinh, phản bác nhau, kê đơn vô số thuốc chữa đủ các thứ bệnh mà họ biết; nhưng trong bọn họ không ai thoáng có ý nghĩ đơn giản rằng họ không thể biết được căn bệnh của Natasa, cũng như không thể biết được một bệnh nào mà một con người sống có thể mắc phải: vì mỗi con người sống đều có những đặc tính của mình, và bao giờ cũng có một thứ bệnh riêng của mình, một bệnh mới mẻ phức tạp, mà y học chưa từng biết, đó không phải là bệnh phổi, bệnh gan, bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh ngoài da, v.v…, là những thứ bệnh có ghi trong sách y học, vì bệnh ấy là một trong vô số những cách kết hợp những bệnh tật của các tạng phủ này. Các bác sĩ không thể thoáng có cái ý nghĩ rằng mình không biết làm phù phép, bởi vì sự nghiệp của đời họ là chữa bệnh; bởi vì họ được trả tiền để làm việc đó, và bởi vì họ đã tiêu phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời họ vào việc ấy. Nhưng cái chính khiến cho các bác vĩ không thể có ý nghĩ ấy được là vì họ thấy mình chắc chắn là có ích, và quả nhiên họ rất có ích cho tất cả những người trong gia đình Roxtov. Họ có ích không phải vì họ bắt người ốm nuốt những chất phần lớn là có hại (cái hại này cũng khó thấy, vì những chất có hại thường cho uống với một liều lượng rất ít) nhưng họ có ích, họ thấy là cần thiết, không thể nào thiếu được (chính vì thế cho nên trước đây cũng như sau này bao giờ cũng có những ông lang băm, những ông thầy màn và nhưng người chữa bệnh tương tự); bởi vì họ thoả mãn nhu cầu tinh thần của người ốm và của những người yêu thương người ốm. Họ thoả mãn cái nhu cầu muôn thủa của con người là mong được khỏi ốm, được người khac xót thương và ân cần săn sóc. Họ thoả mãn một nhu cầu muôn thủa mà con người ta có thể nhận thấy hình thức nguyên thuỷ nhất ở đứa trẻ, là cái những cầu xoa chỗ đau. Đứa trẻ va phải cái gì thì lập tức chạy đến mẹ, đến u già để người ta xoa chỗ đau cho nó, vấu khi đã được vỗ về như vậy thì nó đỡ đau.Đứa trẻ không hình dung được rằng những người mạnh hơn và khôn ngoan hơn nó không làm gì cho nó thấy đỡ đau. Và lòng nó được an ủt vì nó hy vọng được khỏi đau, vì mẹ nói thương xót nó và xoa chỗ đau cho nó. Nếu các bác sĩ có ích cho Natasa thì cũng là vì họ quả quyết rằng nàng sẽ khỏi nếu anh xà ích đánh xe ra hiệu thuốc phố Arbatxkaya mua một đồng bảy thuốc bột và thuốc viên đựng trong chiếc hộp xinh xắn, và nếu người ốm uống các thứ thuốc này pha nước đun sôi đúng hai giờ một lần, không hơn không kém.
   
Sonya, bá tước và phu nhân sẽ làm gì bây giờ, họ làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn; nếu không có những viên thuốc uống đúng giờ đúng giấc ấy, nếu không có những thứ nước uống hâm nóng, những miếng gà hầm và tất cả những điều mà họ phải tuân theo và cũng làm cho họ có công việc được an ủi? Bá tước làm sao chịu đựng nổi bệnh tình của cô con gái yêu, nếu như ông không biết rằng bệnh của Natasa tốn hết hàng nghìn rúp, và dù có phải tiêu thêm hàng nghìn nữa để nàng khỏi bệnh ông cũng không tiếc, nếu như thế nàng vẫn không khỏi thì ông sẽ không ngần ngại tiêu thêm hàng nghìn nữa và vẫn sẽ đưa nàng ra nước ngoài rồi triệu tập một hội đồng danh y; nếu ông không có dịp để kể tỉ mỉ rằng Metivie và Feller không hiểu, nhưng Friz hiểu rõ, mà Mudrov còn chẩn đoán được rõ ràng hơn? Bá tước phu nhân còn biết làm gì, nếu bà ta không có dịp gây gổ với Natasa vì nàng không theo cho thật đúng những lời dặn của bác sĩ?

- Cứ thế này thì còn phải làm sao được, - bá tước phu nhân nói, và nỗi bực mình làm cho phu nhân quên lãng nỗi buồn, - nếu con không chịu nghe lời bác sĩ và uống thuốc không đúng giờ giấc! Có phải chuyện đùa đâu, nó có thể biến chứng thành bệnh viêm phổi đấy, - Bá tước phu nhân nói thêm, và ngay trong khi nói ra cái danh từ mà bà không hiểu (mà cũng chẳng phải một mình bà là không hiểu), bà cũng được an ủi rất nhiều rồi. Sonya còn biết làm gì, nếu nàng không vui mừng nhận thấy nàng đã không cởi áo ngoài suốt ba đêm đầu để sẵn sàng làm tròn tất cả những lời dặn dò của bác sĩ, và bây giờ đây đêm đêm nàng không ngủ để khỏi nhỡ giờ cho Natasa uống những viên thuốc chẳng có hại gì mấy đựng trong hộp mạ vàng? Mà ngay cả Natasa cũng vậy, tuy nàng nói rằng không có thuốc nào có thể chữa cho nàng khỏi bệnh và tất cả những thứ kia đều là nhảm nhí, nàng cũng không hài lòng khi thấy người ta hy sinh vì mình nhiều như vậy, và phải uống thuốc đúng giờ giấc. Thậm chí nàng còn thấy vui khi không chịu làm theo lời dặn của bác sĩ để tỏ ra rằng mình không tin là bệnh có thể khỏi và không có ý tiếc rẻ đời mình.
   
Bác sĩ đến hàng ngày, bắt mạch, xem lưỡi, không hề để ý đến vẻ mặt ủ dột của nàng, và cứ đùa với nàng. Nhưng khi ông sang phòng bên bá tước phu nhân hấp tấp đi theo ông, ông làm ra vẻ nghiêm nghị và lắc đầu ra dáng tư lự, nói rằng liều thước vừa rồi sẽ có tác dụng, rằng cần phải chờ xem; rằng bệnh này chủ yếu là bệnh tinh thần, song…
   
Bá tước phu nhân, cố giấu giếm hành động này với bản thân mình và với cả thầy thuốc nữa, dúi cho ông ta một đồng tiền vàng, và mỗi lần như vậy phu nhân trở vào phòng con, lòng yên tĩnh hơn.
   
Những chứng bệnh của Natasa là ăn kém, ngủ kém, thường hay ho và lúc nào cũng ủ ê, phờ phạc. Thầy thuốc nói rằng thế nào cũng phải để Natasa ở một nơi có thể chạy chữa khi cần thiết, cho nên họ giữ nàng ở lại trong một không khí ngột ngạt của thành phố. Thế là mùa hè năm 1812 gia đình Roxtov không về quê nữa.
   
Tuy đã uống rất nhiều thuốc viên, thuốc bột đựng trong những chiếc lọ và những chiếc hộp con con mà bà Schoss, một người rất thích các thứ này, đã gom góp lại được thành một bộ sưu tập đầy đủ, tuy nàng bị tước mất cảnh sống hương thôn mà nàng đã quen thuộc, nhưng cuối cùng tuổi trẻ vẫn thắng: nỗi buồn của Natasa bắt đầu bị những ấn tượng của cuộc sống hằng ngày che mờ, nó không còn đè nặng lên lòng nàng nữa, nó bắt đầu lùi về quá khứ, và thể lực Natasa bắt đầu bình phục.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 09:58:10 pm
Phần IX
Chương - 15

Natasa đã bình tĩnh hơn trước, nhưng không phải là vui hơn. Không những nàng còn tránh tất cả những dịp chơi, như những buổi khiêu vũ những cuộc dạo chơi, những buổi hoà nhạc, những tối xem kịch; và hễ nàng cười thì bao giờ trong tiếng cười cũng thấy có nước mắt.
     
Nàng không sao hát được. Hễ nàng cất tiếng cười hay thử hát những khi ngồi một mình, thì nước mắt lại trào lên nghẹn ngào trong cổ: những giọt nước mắt hối hận, nhớ những ngày trong sáng không bao giờ còn trở lại nữa, những giọt nước mắt tủi cực vì thấy mình đã phí hoài tuổi thanh xuân lẽ ra có thể tràn đầy hạnh phúc.  Tiếng cười và tiếng hát đối với nàng thật như một lời báng bổ đối với nỗi buồn của nàng. Nàng không hề nghĩ đến việc làm duyên làm dáng nữa. Nàng nói và cảm thấy rằng lúc bấy giờ đàn ông đối với nàng cũng chẳng khác nào lão hề Naxtaxya Ivanovna. Trong lòng nàng như có một tên cảnh binh cấm nàng không được hưởng một niềm vui nào. Vả chăng tâm tư nàng cũng chẳng còn những thích thú trước kia của cuộc sống vô tư lự, tràn đấy hy vọng của người con gái. Nàng thường xót xa nhớ lại những tháng mùa thu, những buổi đi săn, ông chú và lễ Giáng sinh, những ngày đã sống cạnh Nikolai ở Otradnoye. Giá được sống lại dù chỉ là một ngày của quãng thời gian đó thôi, thì dẫu có phải hy sinh gì nàng cũng cam. Nhưng thời ấy đã vĩnh viễn trôi qua rồi. Dạo ấy linh tính đã báo cho nàng biết rằng cuộc sống thoải mái và tâm trạng sẵn sàng đón lấy mọi niềm vui sướng sẽ không bao giờ trở lại nữa: quả nhiên linh tính đã không lừa dối nàng. Nhưng vẫn cứ phải sống.
     
Nàng thấy lòng nguôi nguôi khi nghĩ rằng nàng không phải là người tốt nhất như trước kia nàng đã từng nghĩ, mà là người xấu xa nhất xấu xa hơn tất cả mọi người ở trên đời. Nhưng như thế vẫn chưa đủ Nàng biết như vậy và tự hỏi:  "Thế rồi sao nữa?" Nhưng chẳng có gì nữa hết. Cuộc sống chẳng cho nàng lấy một niềm vui, và cuộc sống cứ trôi qua. Natasa hình như chỉ cố sao dừng làm phiền ai, đừng làm cho ai phải cực nhọc vì mình, còn riêng nàng thì nàng chẳng cần gì cho mình cả. Nàng xa lánh mọi người trong gia đình, chỉ riêng với Petya là nàng thấy dễ chịu. Nàng thích bầu bạn với em trai hơn là với những người khác; và đôi khi ngồi nói chuyện riêng với Petya, nàng lại cất tiếng cười. Nàng hầu như không ra khỏi nhà, và tổng số những người khách đến thăm chỉ có một người có thể làm cho nàng vui mừng: người ấy là Piotr. Không còn ai có thể dịu dàng, trân trọng và nghiêm trang hơn bá tước Bezukhov đối với nàng. Natasa bất giác nhận thấy lòng dịu dàng của chàng. Và thấy thích thú khi được nói chuyện với chàng. Nhưng nàng cũng chẳng cảm kích lòng dịu dàng của chàng. Đối với nàng, hình như tất cả những chỉ tốt đẹp Piotr đều không cần một sự cố gắng nào cả tốt. Hình như cư xử tốt mọi người là một điều tự nhiên đối với Piotr cho nên điều đó chẳng có gì đáng khen ngợi cả. Đôi khi Natasa nhận thấy chàng ngượng nghịu và lúng túng trước mặt mình, nhất là khi chàng sợ rằng trong câu chuyện có điều gì nhắc nhở cho Natasa những kỷ nịêm đau đớn. Nàng nhận thấy như vậy và cho rằng đó là vì chàng tốt bụng nhút nhát, theo như nàng quan niệm thì đối với ai chàng cũng tốt bụng và nhút nhát như đối với nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 09:58:48 pm
Sau hôm chàng thốt ra rằng nếu chàng tự do chàng sẽ quỳ xuống xin nàng tình yêu và xin kết hôn với nàng (những lời này nói ra trong một phút nàng đang kích động mạnh) Piotr không bao giờ nói gì về những tình cảm của mình đối với Natasa: và nàng thấy rõ rằng những lời ấy, những lời đã an ủi nàng rất nhiều, chẳng qua cũng như bất cứ những lời vẩn vơ nào thường nói để dỗ một đứa trẻ đang khớc. Đó không phải là vì Piotr là một người có vợ, mà là vì Natasaa cảm thấy mình và Piotr có một trơ lực đạo đức ngăn cản - Trước kia nàng không thấy có trở lực này giữa mình đối với Kuraghin - Nàng không bao giờ thoáng có ý nghĩ rằng những quan hệ với Piotr có thể đưa đến chỗ nàng yêu chàng, lại càng không bao giờ nghĩ rằng nó đưa đến chỗ chàng yêu nàng, nhưng ngay cả cái loại tình bạn dịu dàng và nên thơ giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà nàng đã từng biết qua một vài trường hợp cũng thế.
   
Vào cuối cữ chay thánh Piotr, Agrafena Ivanovna Belova, bà láng giềng của gia đình Roxtov ở Otradnoye đến Moskva chiêm bái các thánh đường. Bà ta bàn với Natasa là nên đi lễ với bà. Natasa vui mừng đón lấy ý kiến ấy. Tuy các bác sĩ đã cấm nàng không được ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, Natasa vẫn cứ một mực xin đi lễ, và lần này chịu lễ không giống như những lần chịu lễ thông thường trong gia đình của Roxtov, tức là xem lễ ba lần ở nhà mà là chịu lễ như bà Agrafena Ivanovna, tức xem lễ một tuần không bỏ qua buổi nào, lễ sớm, lễ trưa, hay lễ chiều cũng vậy.
     
Thấy Natasa hăng hái như vậy, bá tước phu nhân rất hài lòng; sau thời gian hoài công chạy chữa thuốc thang, trong thâm tâm phu nhân hy vọng rằng câu chuyện bổ ích cho nàng hơn là thuốc men, cho nên tuy thầm lo sợ và phải dấu diếm thầy thuốc, bà cũng thuận cho Natasa đi và giao nàng cho bà Belova. Cứ đến ba giờ đêm bà Agrafena Ivanovna lại đến đánh thức Natasa và thường thường khi bà ta đến thì nàng đã dậy rồi. Natasa sợ lỡ mất buổi lễ. Nàng hối hả rửa mặt và mặc chiếc áo xấu xí nhất, ngoài khoác một chiếc áo choàng cũ kỹ rồi run cầm cập vì khí lạnh ban mai, nàng bước ra, ngoài phố vắng tanh, lờ mờ dưới ánh bình minh trong vắt. Theo lời khuyên của bà Agrafena Ivanovna, Natasa không xem lễ trong nhà thờ xứ quen thuộc, mà lại đến một nhà thờ khác: theo lời bà Belova là người rất sùng đạo, vị linh mục ở đây sống một cuộc đời rất khổ hạnh và cao quý. Trong nhà thờ này lúc nào cũng có ít người; Natasa và bà Belova đến đứng chỗ quen thuộc trước bức ảnh Đức mẹ treo ở cuối bàn thờ bên trái, và một niềm vui phục tùng trước một cái vĩ đại và không hiểu được, một tình cảm mới mẻ tràn ngập lòng nàng, khi trong buổi sáng sớm tinh mơ này, nàng nhìn lên khuôn mặt đen sẫm của Đức mẹ sáng mờ mờ dưới ánh nến và ánh ban mai từ cửa sổ lọt vào nghe những lời cầu nguyện mà nàng cố dõi theo và cố hiểu. Khi nàng hiểu được những lời đó thì những tình cảm sâu kín của nàng với đủ mọi màu sắc cũng hoà theo lời cầu nguyện. Khi nàng không hiểu nàng lại càng thấy lòng dịu lại vì nghĩ rằng muốn hiểu tất cả là một sự kiêu căng, rằng không thể nào hiểu được tất cả, rằng chỉ cần tin và phó thác bản thân mình cho Chúa là Đấng nàng cảm thấy giờ đây đang ngự trị linh hồn nàng. Nàng làm dấu chữ thập, cúi đầu làm lễ và những khi không hiểu nàng chỉ thấy sợ hãi trước sự thấp hèn của mình và cầu xin cầu Chúa tha thứ cho nàng tất cả, tất cả, và rủ lòng thương nàng. Những câu kinh mà nàng cầu nguyện nhiệt thành hơn cả là những câu kinh sám hối. Trở về nhà khi hãy còn sớm, và chỉ gặp những người thợ nề đi làm, những người phu đang quét đường, còn trong các nhà thì mọi người còn yên giấc. Natasa có một cảm giác mới mẻ khiến nàng tin rằng mình còn cổ thể sửa đổi các thói xấu và sống một cuộc sống đời mới, trong sạch và có hạnh phúc.
   
Suốt trong tuần chịu lễ, cảm giác ấy mỗi ngày một tăng thêm. Đối với nàng thì cái hạnh phúc "giao lưu" hay như Agrafena Ivanovna thương vẫn thích nói, "hoà nhập", cái hạnh phúc ấy to lớn đến nỗi nàng có cảm tưởng sẽ không còn sống được cho đến ngày chủ nhật diễm phúc kia.

Nhưng ngày vui đã đến, và khi Natasa mặc chiếc áo bạch sa từ buổi lễ ra về trong ngày chủ nhật đáng ghi nhớ ấy, lần đầu tiên sau bao tháng trời nàng đã cảm thấy mình yên tĩnh và không buồn chán khi nghĩ đến tương lai nữa.
 
Hôm ấy, thầy thuốc đến thăm bệnh cho Natasa và dặn uống tiếp những liều thuốc bột mà ông ta đã kê đơn từ hai tuần trước.

- Thế nào cũng phải uống liên tiếp, sáng một lượt, chiều một lượt ông ta nói, hẳn lấy làm hài lòng về kết quả cách chữa bệnh. Chỉ xin uống thật đúng giờ giấc. Xin bá tước phu nhân yên tâm, - Ông nói giọng hóm hỉnh trong khi nắm gọn lấy đồng tiền vàng mà phu nhân dúi vào lòng bàn tay, - Chả bao lâu nữa tiểu thư lại ca hát vui đùa như con sáo cho mà xem: Đơn thuốc sau cùng này hiệu nghiệm lắm, hiệu nghiệm lắm. Tiểu thư trông tươi hẳn ra.
   
Bá tước phu nhân nhìn đầu móng tay và nhổ nước bọt(1), rồi trở về phòng khách, gương mặt tươi hẳn lên.

====================================================

Chú thích:

(1) Để yểm trừ vận xấu.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:04:56 pm
Phần IX
Chương - 16

Vào đầu tháng bảy ở Moskva có những tin đồn mỗi ngày một kinh hoảng hơn về tình hình chiến sự: người ta bàn tán về lời hiệu triệu dân chúng của hoàng thượng, về việc nhà vua rời quân đội và thân hành trở về Moskva. Và vì cho đến ngày 11 tháng bảy, bản tuyên cáo và bản triệu hiệu vẫn chưa gửi về đến nơi, cho nên có những tin đồn đại quá đáng nhất về các văn bản này và về tình hình nước Nga. Người ta kháo nhau rằng hoàng thượng ra đi là vì quân đội đang lâm nguy, người ta lại đồn rằng Smolensk đã bỏ ngỏ, Napoléon có đến một triệu quân và bây giờ thì chỉ có phép thần thông mới cứu được nước Nga.
   
Ngày thứ bảy mười một tháng bảy, bản tuyên cáo đã về đến Moskva, nhưng chưa được in ra. Hôm ấy Piotr đến chơi nhà Roxtov chàng hứa là đến hôm sau, ngày chủ nhật, sẽ ăn bữa chiều, mang theo cả bản tuyên cáo và bản hiệu triệu mà chàng sẽ xin của bá tước Roxtopsin.
   
Ngày chủ nhật hôm ấy, gia đình Roxtov vẫn như thường lệ đi xem lễ ở nhà thờ riêng của ông Razumovxki. Hôm ấy là một ngày tháng bảy oi bức. Ngay từ lúc mười giờ, khi gia đình Roxtov đỗ xe bước xuống thềm nhà thờ, thì trong bầu không khí nóng nực, trong tiếng nao của những người bán hàng rong, trong những chiếc áo dài mùa hạ màu nhạt và tươi của đám đông, trong khóm lá lấm tấm bụi của cây cối trên đường đi, trong tiếng nhạc và trong màu quần trắng toát của một tiểu đoàn đang kéo qua, trong tiếng bánh xe lăn ầm ầm trên đá lát đường và trong ánh nắng rực rỡ và nóng bức đã có cái cảm gtác uể oải của mùa hè, một cảm giác vừa hài lòng vừa bất mãn đối với hiện tại đặc biệt da diết vào một ngày hè oi bức ở thành phố. Trong ngôi nhà thờ của nhà Razumovxki có đủ các nhân vật thượng lưu ở Moskva, đủ những mặt người quen của gia đình Roxtov (rất nhiều gia đình giàu có mọi năm vẫn thường về thôn quê nghỉ mát, năm nay lại ở Moskva, dường như để chờ đợi một việc gì). Đang đi cạnh mẹ theo sau một người nô bộc mặc áo đầu đi trước để đẹp dường, Natasa chợt nghe tiếng một người nhỏ tuổi nói về nàng, tuy nói thì thầm nhưng nghe rất rõ:

- Cô Roxtov đấy, chính là cái cô đã…

- Gầy đi nhiều quá, nhưng vẫn xinh!
   
Nàng nghe hay mường tượng nghe thấy họ nhắc đến tên Kuraghin và Bolkonxki. Vả chăng lúc nào nàng cũng có cảm tưởng là khi nhìn nàng ai cũng chỉ nghĩ đến việc xày ra với nàng.  Lòng bứt rứt khổ sở và hội hộp như mỗi khi nàng đứng trước đám đông, mình mặc chiếc áo dài lụa tím viền đăng ten đen, Natasa bước đi, như phụ nữ vẫn thường biết cách đi: trong lòng càng thấy hổ thẹn bao nhiêu thì dáng đi của nàng càng trang trọng và đường hoàng bấy nhiêu. Nàng biết mình xinh đẹp, và quả đúng như vậy, nhưng bây giờ điều đó không làm cho nàng vui mừng như trước nữa. Trái lại điều đó gần đây đã dằn vặt nàng rất nhiều, nhất là trong ngày hè rực rỡ và nóng bức này. - Thêm một ngày chủ nhật nữa, thêm một tuần lễ nữa, - nàng tự nhủ khi nhớ lại rằng chủ nhật tuần trước mình cũng ở đây, - và vẫn cái cuộc sống không ra sống ấy, vẫn những hoàn cảnh ấy, những hoàn cảnh mà trước khi ta có thể sống một cách dễ dàng như vậy. Ta trẻ, ta đẹp, và ta biết bây giờ ta còn là người tốt nữa. Trước kia là người xấu, nhưng bây giờ ta tốt rồi, ta biết như vậy, - nàng nghĩ. - Thế mà những năm tốt đẹp nhất lại trôi qua một cách phí hoài như thế này, không bổ ích cho ai cả. Nàng đứng cạnh mẹ và gật đầu chào mấy người quen đứng gần. Natasa theo thói quen đưa mắt nhìn cách phục sức của các cô các bà, nàng thầm chỉ trích dáng bộ và cái lối làm dấu chữ thập quá hẹp của một phu nhân đứng gấn nàng, rồi lại bực bội nghĩ rằng người ta đang bình phẩm mình ti tiện quá, thấy mình lại mất sự trong sạch trước kia một lần nữa.
   
Vị linh mục, một ông già nhỏ nhắn, nghiêm trang và gọn gàng, đang làm lễ với cái vẻ điểm đạm, uy nghi vốn có một tác dụng an ủi cao hơn cả đối với tâm hồn con chiến. Hai cánh cửa thánh đóng lại, bức màn từ từ vén lên; từ đây buông ra một giọng nói êm êm huyền bí.
   
Những giọt nước mắt không biết nguyên do từ đâu bỗng nghẹn ngào trong lồng ngực Natasa, và một niềm vui hớn hở xáo động lòng nàng.
"Xin Chúa dạy cho con biết phải làm gì, phải sống ra sao, để sửa chữa cho mình suốt đời, suốt đời?" - Nàng thầm khấn nguyện.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:05:52 pm
Người thầy dòng giúp lễ bước ra giảng đàn, chìa rộng ngón tay cái ra sửa lại mái tóc dài vướng trong bộ áo lễ, rồi đặt cây thánh giá lên ngực, cất tiếng sang sảng trang nghiêm đọc câu kinh:

"Ta hãy cùng nhau cầu nguyện Chúa".

"Hãy cùng nhau, không phân biệt đẳng cấp, không thù hằn, cùng chung một tình hữu ái huynh đệ - ta sẽ cùng nhau cầu nguyện" - Natasa thầm nghĩ.

"Hãy cầu nguyện cho coi thanh tịnh ở thiên đường và cho linh hồn của chúng ta được cứu vớt!"

"Hãy cầu nguyện cho thế giới các thiên thần và các linh hồn của tất cả các đấng không hình hài sống ở trên kia" - Natasa cầu nguyện.

Khi họ cầu nguyện cho quân đội, nàng nhớ đến anh nàng và Denixov. Khi họ cầu nguyện cho những người lữ hành đang đi trên mặt bể và trên đường bộ, nàng nhớ đến công tước Andrey và cầu nguyện cho chàng, và xin Chúa tha thứ cho nàng về những nỗi khổ đau mà nàng đã đem lại cho chàng. Khi họ cầu nguyện cho những người thương yêu của chúng ta, nàng cầu nguyện cho những người thân thuộc của nàng, cho thầy mẹ nàng, cho Sonya. Lần đầu tiên nàng hiểu hết được tội lỗi của mình đối với họ. Khi người cầu nguyện cho những người thù ghét mình, Natasa cố nghĩ ra những người thù ghét nàng để cầu nguyện cho họ. Nàng liệt vào hạng này những người chủ nợ và tất cả những ai có chuyện lôi thôi với cha nàng, và cứ mỗi lần nghĩ đến kẻ thù và những người ghét mình, nàng lại nhớ đến Anatol, người đã gây cho nàng bao nhiêu tủi nhục, và tuy Anatol chẳng phải là người thù ghét nàng, nàng cũng vui mừng cầu nguyện cho hắn như cầu nguyện cho một kẻ thù. Chỉ trong khi cầu nguyện nàng mới thấy mình đủ sức nhớ lại một cách bình tĩnh và rõ ràng cả công tước Andrey và Anatol cùng một lúc.
   
Nhưng tình cảm của nàng đối với cảm giác sợ hãi và tôn sùng đối với Thượng đế. Khi họ cầu nguyện cho hoàng gia và toà thánh Sinod(1), nàng cúi lạy rất thấp làm dấu chữ thập, tự nhủ rằng dù mình không hiểu, nàng cũng không thể nào hoài nghi và dù sao mình cũng yêu mến toà thánh Xinođ đang nắm giáo quyển, và nàng vẫn cầu nguyện cho họ.
   
Đọc kinh cầu nguyện xong, ông thầy dòng làm dấu chữ thập trên ngực và cất tiếng xướng lên:

"Ta hãy phó thác mình và đời mình cho Jesus Cơ đốc, Chúa của chúng ta".

"Ta hãy hiến dâng mình cho Chúa - Natasa thầm nhẩm lại trong lòng. - Lạy chúa, con xin phó mình theo ý muốn của Chúa.

- Con không ước mong gì hết; xin Chúa dạy cho con rõ phải làm thế nào, phải dùng ý chí của con như thế nào! Xin chúa nhận lấy con, xin chúa nhận lấy con!" - Natasa thầm cầu nguyện với một niềm phấn khởi nôn nóng nhưng êm dịu trong lòng. Nàng không làm dấu chữ thập, nàng buông thõng hai cánh tay mảnh dẻ và có vẻ như đang chờ đợi một sức mạnh vô hình chỉ trong giây lát nữa sẽ đến đón nàng và giúp cho nàng thoát khỏi mình, thoát khỏi những luyến, tiếc, những ước mong, những hối hận, những hy vọng và những thói xấu của nàng.

Trong buổi lễ, bá tước phu nhân mấy lần bất giác đưa mắt nhìn gương mặt cảm động và đôi mắt sáng long lanh của con gái, và xin cầu Chúa giúp nàng. Đột nhiên, đang giữa chừng buổi lễ người thầy dòng bưng ra một chiếc ghế dài nhỏ thường dùng để quỳ đọc kinh vào ngày lễ Ba ngôi (điều này không đúng với trình tự thường lệ mà Natasa thuộc rất kỹ) và đặt chiếc ghế trước cửa thánh đàn. Vị linh mục mặc chiếc áo chùng bằng nhung tím bước ra, sửa lại mái tóc và khó nhọc quỳ xuống. Mọi người đều làm theo và bỡ ngỡ đưa mắt nhìn theo. Đó là lễ cầu nguyện theo lời kinh toà Sinod vừa gửi xuống, lời kinh cầu nguyện cho nước Nga thoát khỏi nạn xâm lăng.
     
"Lạy chúa, đấng chúa tể uy vũ vô cùng, lạy Đấng cứu tinh của chúng tôi! Xin chúa mở rộng lòng khoan dung quảng đại cho những con chiến hèn mọn của Chúa, xin Chúa rủ lòng nhân ái nghe lời cầu nguyện của chúng con, xin Chúa đoái thương gia ân cho chúng con. Kẻ thù gieo rắc rối loạn trên trái đất của Chúa và muốn biến cả thế giới thành bãi sa mạc trong hoang vu đã đấy lên uy hiếp chúng con bọn vô đạo đã họp lại để tàn phá tài sản của Chúa, tàn phá đất, Jerusalem trung thành của Chúa; để tàn phá tài sản của Chúa, tàn phá nước Nga yêu dấu của Chúa; để làm ô uế những đền đài của chúng con. Đến bao giờ, lạy Chúa, bọn có tội sẽ còn hoành hành cho đến bao giờ chúng nó còn sử dụng các quyền lực tội ác của chúng cho tới bao giờ"

"Lạy Đức Chúa Trời! Xin Chúa trời nghe chúng con, những kẻ đang van xin Chúa; xin Chúa dùng uy lực của Chúa phù hộ cho đức vua rất tinh thành, cho quyền chủ Sa hoàng và đại đế Alekxandr, xin Chúa hãy đoái thương lòng trung thực và nhân từ của Người. Xin Chúa hãy khoan hậu với người cũng như người đã khoan hậu với chúng con, là dân Israel yêu cầu của Chúa. Xin Chúa ban phước lành cho những quyết định, những mưu đồ và những sáng kiến của Người và giúp cho người thắng quân thù địch, như đã giúp Moise thắng Amelek, Ghedeon thắng Madiam và David thắng Goliath(2).


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:06:43 pm
"Xin chúa che chở cho quân đội của Người, xin Chúa thắt vào người họ cái đai của sức chiến đấu kiên cường. Xin Chúa đặt cây cung đồng trong tay những người đứng lên vì danh Chúa. Xin Chúa cầm lấy khí giới và kiên mộc đứng lên cứu giúp chúng con; sao cho những kẻ toan hại chúng con phải bị sỉ nhục và bại vong; sao cho trước mắt những quân lữ trung thành với Chúa, chúng chỉ như đám bụi trước cơn gió; sao cho vị thiên thần dũng mãnh của Chúa đánh đuổi chúng chạy dài; sao cho chúng sa lưới mà không biết; sao cho những âm mưu đen tối của chúng quay trở lại hại chúng; sao cho chúng ngã xuống dưới chân những kẻ tôi tớ của Chúa; sao cho quân đội của chúng con giày xéo lên chúng nó. Lạy Chúa! Chúa có thể cứu vớt kẻ lớn cũng như người bé. Chúa là thượng đế, và loài người không thể nào chống lại Chúa.
   
"Lạy đấng thượng đế của tổ tiên chúng tôi! Lòng khoan hồng của Chúa vĩnh viễn vô cùng, xin Chúa đừng ngoảnh mặt đi, xin Chúa đừng ghét bỏ chúng con là những kẻ không xứng đáng; vì Chúa khoan dung và quảng đại vô cùng, xin Chúa hãy rộng lòng tha thứ những hành vi bất nghĩa và những tội lỗi của chúng con.
   
"Xin Chúa hãy ban cho chúng con một tấm lòng trong sạch, một tinh thần chinh phục; xin Chúa vũ trang cho chúng con và gắn bó chúng con lại với nhau trong cuộc bảo vệ đi sản mà Chúa đã ban cho chúng con và cha ông chúng con; sao cho cây quyền trượng của kẻ vô dạo không dựng lên trên phần đất của những người được Chúa ân sủng.
   
"Lạy Chúa của chúng con. Đấng Thượng đế mà chúng con hãng tin và hy vọng, xin Chúa đừng phụ lòng chúng con và hãy giáng xuống một điềm lành cứu giúp chúng con, những người chính trực, để cho những kẻ thù hằn chúng con và thù hằn tín ngưỡng chính giáo của chúng con thấy rõ; sao cho chúng phải nhục nhã và tử vong, sao cho mọi dân tộc đều thấy rằng tên của Chúa là Thượng đế và thấy rằng chúng con là con của Chúa. Lạy Chúa, hôm nay xin Chúa hiển lộ cho chúng con thấy lòng sủng huệ của Chúa và cứu giúp chúng con; xin Chúa gia ân cho những kẻ tôi tớ của Chúa được hởi lòng; xin Chúa trừng trị kẻ thù của chúng con và ném chúng xuống dưới chân những con chiến của Chúa. Vì Chúa là nơi nương tựa là cứu tinh, là thắng lợi của những người hy vọng ở Chúa.

Chúng con ca ngợi Đức Chúa Cha. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh thần, giờ đây, về sau và ngàn muôn thế kỷ. A men".
     
Vì Natasa đang ở trong một trạng thái nhạy cảm đến cực độ, nên lời cầu nguyện này xúc động lòng nàng rất mạnh. Nàng lắng nghe từng lời nói về tích Moïse thắng Amalet, Ghedeon thắn Madiam, David thắng Goliath, về việc phá thành Jerusalem của Chúa, và nàng cầu xin Thượng đế với tất cả niềm ái mộ và nhiệt thành đang tràn ngập lòng nàng; nhưng nàng không hiểu rõ mình đang cầu xin gì trong khi cầu nguyện Chúa.

Nàng dốc lòng tham gia vào lời cầu xin cho tinh thần chính trực, cho lòng tin, cho niềm hy vọng và tình yêu thương cổ vũ lòng người. Nhưng nàng không thể cầu cho quân thù bị giày xéo dưới chân chúng ta, vì trước đây có mấy phút nàng vừa ước mong được có nhiều kẻ thù hơn, để yêu thương họ, để cầu nguyện cho họ. Nhưng nàng cũng không thể hoài nghi lời cầu nguyện quỳ gối vừa rồi là không đúng. Nàng cảm thấy trong lòng một niềm sợ hãi thiêng liêng, và run rẩy trước sự trừng phạt dành cho loài người vì những tội lỗi của họ, nhất là vi tội lỗi của nàng, và cầu xin Chúa tha thứ cho tất cả mọi người và tha thứ cho nàng, ban cho mọi người và cho nàng mọi sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống. Và nàng cảm tương là Chúa đang nghe lời câu nguyện của nàng.

================================================================

Chú thích:

(1) Có nghĩa là "chỉ thánh", "toàn quyển", cơ quan tối cao của giáo hội chính giáo.

(2) Moise. Ghedeon, David: tên những nhân vật trong Thánh kinh đã lãnh đạo dân Do Thái chiến thắng kẻ thù.

(3) Amalek, Madiam, Goliath: Tên những kẻ thù của dân tộc Do Thái.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:07:27 pm
Phần IX
Chương - 17

Từ ngày Piotr chia tay với gia đình Roxtov, và lòng còn vấn vương hình ảnh đôi mắt chan hoà cảm kích của Natasa, nhìn ngôi sao chổi lơ lửng trên bấu trời và cảm thấy có một cái gì mới mẻ đã được mở ra trong lòng mình, thì ý nghĩ về sự hư ảo và vô nghĩa của cả cuộc sống trần thế, ý nghĩa xưa vẫn luôn day dứt chàng, không còn hiện lên trong tâm trí chàng nữa. Cái câu nói khủng khiếp: "Để làm gì? Đi đến đâu" trước kia vẫn bất chợt hiện ra trong khi chàng đang làm bất cứ việc gì, bây giờ đối với chàng đã được thay thế không phải bằng một câu hỏi khác hay bằng một một lời giải đáp cho câu hỏi trước kia, mà bằng hình ảnh của nàng. Dù là chàng đang nghe hay đang nói những câu chuyện vẩn vơ, dù là chàng đang đọc sách, hay nghe lời người ta nói đến cái hèn hạ và ngu xuẩn của con người, chàng cũng không hề hoảng sợ như trước kia nữa, cũng không tự hỏi xem sao người ta phải chạy ngược xuôi trong khi tất cả đều ngắn ngủi và chẳng ai biết việc gì sẽ đến; trái lại chàng hồi tưởng lại hình ảnh nàng như khi chàng gặp nàng lần cuối cùng, và tất cả những mối nghi ngờ của chàng đều tiêu tan, không phải vì nàng đã giải đáp được những câu hỏi ám ảnh chàng, mà là vì hình ảnh nàng chỉ trong khoảnh khắc đã đưa chàng sang một lĩnh vực khác, các lĩnh vực sáng sủa của sinh hoạt tinh thần, trong đó không thể có ai là phải, là trái, sang lĩnh vực của cái đẹp và tình yêu, một lĩnh vực đáng cho người ta sống vì nó. Dù có gặp một chuyện gì hèn hạ đến đâu trong cuộc sống, chàng cũng tự nhủ: "Cứ mặc cho ai kia bòn một, biển thủ của nhà nước Sa hoàng, mặc cho nhà nước và Sa hoàng trọng vọng kẻ đó; nhưng hôm qua nàng đã mỉm cười với ta và mời ta đến chơi, và ta yêu nàng, và sẽ không bao giờ có ai biết điều đó" - chàng thầm nghĩ.
   
Piotr vẫn đi lại giao du với những nơi hội họp thượng lưu như trước vẫn uống rượu nhiều và sống cuộc sống nhàn hạ và phóng túng trước kia, vì ngoài những giờ chàng ngồi chơi ở gia đình Roxtov ra, cũng phải kiếm cách sống cho qua thời gian còn lại, và những thói quen cũng như những người quen của chàng ở Moskva đã lôi cuốn chàng vào cuộc sống ấy một cách không sao cưỡng lại được. Nhưng thời gian gần đây, khi càng ngày càng có nhiều tin đồn kinh hoảng từ chiến trường đưa về, và cũng là khi sức khoẻ của Natasa bắt đầu bình phục và chàng không còn cảm thấy ái ngại thương xót nàng như trước nữa, một cảm giác lo âu mỗi lúc một thêm khó hiểu bắt đầu xâm chiếm lòng chàng. Chàng cảm thấy cách sống hiện nay của chàng không thể kéo dài thêm bao lâu nữa, rằng sẽ có một tai hoạ thảm khốc đến thay đổi cả cuộc đời của chàng, và trong việc gì chàng cũng sốt ruột tìm kiếm những dấu hiệu của mối tai hoạ sắp tới này. Một đạo huynh trong hội Tam điểm có cho Piotr biết một lời sấm như sau, trích trong thiên  Apocalypxo của thánh Joan tông đồ.

Trong thiên Apocalypxo(1), chương mười ba, câu mười tám, có nói:
   
"Đây là trí tuệ; kẻ nào có óc thông minh hãy đếm số mục của con thú: vì đó chính là mục của con người. Số đó là sáu trăm sáu mươi sáư.

Cũng ở chương ấy, câu năm: "Và cửa miệng hắn tuôn ra những lời kiêu căng và báng bổ; và hắn có sức chinh chiến trong vòng bốn mươi hai tháng trời".
   
Các chữ cái của tiếng Pháp, nếu theo cách viết số của chữ Do Thái cổ cứ mười chữ đầu thì chỉ số chục, sẽ có ý nghĩa như sau:

A, b, c, d, e, g, h, i, k, l, m, o, p, q, r, s, t, u, v, n, x, v, z

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 20, 30, 40, 50, 80, 90, 100, 110, 120, 130, 140, 150, 160

Nếu viết bằng số theo cách trên đây chữ L Empereur Napoléon thì tổng số các con số đó sẽ bằng 666 và do đó Napoléon chính là con thú nói trong lời sấm truyền của thiên Apocalypxo. Ngoài ra, nếu vẫn dùng chữ số trên để viết chữ quarante deux (42)tức là thời hạn của sự kiêu căng và báng bổ của con thú nọ, thì tổng cộng những con số ấy lại bằng 666, do đó có thể thấy rằng giới hạn cầm quyền của Napoléon là năm 1982: đến năm nay Hoàng đế Pháp vừa tròn bốn mươi hai tuổi.
     
Lời sấm này kích thích trí tưởng tượng của Piotr rất mạnh, và chàng thường tự đặt cho mình câu hỏi là cái gì sẽ chấm dứt thời hạn quyền lực của cơn thú, tức là Napoléon, và cũng trên cơ sở cách biểu trưng chữ cái bằng chữ số và cách tính toán như vậy, chàng cố tìm ra cách giải đáp câu hỏi này, Piotr viết: L Empereur Alekxandr? Lanation resse? Chàng tính các chữ số, nhưng tổng cộng những con số đó hoặc lớn hơn hoặc nhỏ hơn 666. Có một lần ngồi tính toán như vậy, chàng viết tên mình ra - Comte Peirre Besouhoff tổng cộng các con số cũng rất xa 666. Chàng bèn thay đổi cách viết, dùng 3 thay cho s, thêm chữ de, thêm quán từ, nhưng vẫn không có kết quả mong muốn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:08:12 pm
Đến đây, chàng chợt nghĩ ra rằng nếu tên họ chàng có thể giải đáp được câu hỏi này thì trước đó nhất định phải có quốc tịch của chàng.
Chàng liền viết Le Russ Besuhof và sau khi tính toán chàng có được số 671. Chỉ thừa có 5,5 tức là "e", chính chữ "e" bị bỏ bớt trong quán từ le trước chữ empereur. Sau khi bỏ "e" (tuy bỏ như vậy không hợp cách) trong tên mình, Piotr có được lời giải đáp đang tìm: "L Russe Besouhoff - bằng 666. Khi khám phá này khiến Piotr xúc động mạnh.
   
Chàng có dính líu đến cái sự kiện vĩ đại được tiên đoán trong thiên Apocalypxo như thế nào chàng không biết: nhưng chàng không có giây phút nào hồi nghi về mối liên quan này. Tình yêu của chàng đối với cô Roxtov, tên Ma vương quản Cơ đốc, cuộc xâm lãng của Napoléon, ngôi sao chổi, con số 666, L Emprieur Napoléon và L Russe Besuhof - Tất cả những cái đó phải cùng chín mùi, phải cùng mở tung ra cái kéo chàng khỏi cái thế giới mê muội, vô nghĩa của những thói quen Moskva trong đó chàng cảm thấy mình bị cầm tù, và đưa chàng đến một chiến công oanh liệt và một hạnh phúc lớn lao.
   
Trước ngày chủ nhật làm lễ cầu kinh một hôm, Piotr có hứa với gia đình Roxtov là sẽ đến gặp bá tước Roxtopsin mà chàng quen rất thân để xin một bản hiệu triệu nước Nga và hỏi thăm những tin cuối cùng từ quân đội đưa về.
   
Sáng hôm ấy, ghé qua nhà bá tước Roxtopsin, Piotr bắt gặp viên tin sứ vừa ở quân đội về. Viên tín sử đó là một người chuyên khiêu vũ trong các dạ hội mà Piotr vẫn quen.

- Tôi van ông, ông có thể giúp tôi một tay không? Viên tín sứ nói, - Tôi có cả một túi đầy những thư từ gửi về cho gia đình.

Trong số các thư từ đó bức thư của Nikolai Roxtov gửi cho cha.
   
Piotr lấy bức thư ấy. Bá tước Roxtopsin lại còn cho Piotr một bản hiệu triệu của hoàng đế gửi dân Moskva vừa in xong, những bản nhật lệnh mới trong quân đội và tờ tuyên cáo mới nhất của hoàng đế. Xem qua các bản nhật lệnh, Piotr thấy trong một bản, ở chỗ ghi tên những người tử trận, bị thương và được hưởng công có ghi tên Nikolai Roxtov, được hưởng huân chương George bậc bốn vì đã tỏ ra dũng cảm trong trận Otrovna, và cũng trong bản nhật lệnh ấy có ghi là công tước Andrey Bolkonxki, nhưng Piotr không thể cưỡng lại ý muốn đem tin con trai họ được hưởng cho họ mừng, cho nên chàng giữ bản hiệu triệu, tờ tuyên cáo và các tờ nhật lệnh khác lại, để đến bữa ăn chiều tự mình đem đến, bản nhật lệnh có nói đến Nikolai và bức thư của Nikolai thì Piotr gửi ngay đến cho ông bà Roxtov.
     Buộc nói chuyện với bá tước Roxtopsin, cái giọng lo âu và vội vã của ông ta, cuộc gặp gỡ với viên tín sứ ung dung kể lại tình hình bi quan trong quân đội, những tin đồn là vừa bắt được gián điệp ở Moskva, là có một tờ giấy lưu hành trong thành phố nói rằng Napoléon hẹn trước mùa thu này sẽ có mặt ở cả hai kinh đô, tin hoàng thượng sẽ trở về Moskva vào ngày mai - tất cả những thứ đó càng làm tăng thêm cái cảm giác khích động và đợi chờ luôn ám ảnh chàng từ khi ngôi sao chổi xuất hiện và nhất là từ khi khai chiến.
     
Đã từ lâu Piotr có ý tòng quân, và lẽ ra chàng đã thực hiện ý đó, nhưng trước hết chàng thuộc hội Tam điểm là hội truyền bá tư tưởng hoà bình vĩnh viễn và tiêu diệt chiến tranh, và chàng đã tuyên thệ sẽ trung thành với tư tưởng của hội, sau nữa khi trông thấy cái đám người Moskva đông đúc đua nhau mặc quân phục và rêu rao tuyên truyền lòng ái quốc, chẳng hiểu tại sao chàng cảm thấy ngượng nếu cũng làm như họ. Nhưng cái nguyên nhân chính khiến chàng không thực hiện ý định tòng quân là những ý nghĩ mơ hồ rằng chàng là LRussie Besouhoff, cùng có con số 666 như con thú kia, rằng việc chàng tham dự vào cái sự nghiệp vĩ đại sẽ chấm dứt quyền lực của con thú kiêu căng và báng bổ kia là đã được định sẵn từ trước, cho nên chàng không được mưu đồ một việc gì cả và phải chờ đợi những việc sẽ diễn ra.

=============================================================

Chú thích:

(1) Apocalypxo (tiếng Hy Lạp có nghĩa là "truyền báo"), - Thiên cuối trong sách Tân ước, có tính chất tượng trưng và thần bí, gồm những lời tuyên về lương lại đạo Cơ đốc, về sự toàn thắng của đạo Cơ đốc sau khi Ma vương phản Cơ đốc xuất hiện. Trong thiên này có nói nhiều đến một con thú quái đản, về sau được gọi là "con thú Apocalypxo". Tác giả thiên này là Thánh Joan một trong mười hai tông đồ của Jesus.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:09:03 pm
Phần IX
Chương - 18

Cũng như thường lệ vào ngày chủ nhật, có mấy người quen thân đến ăn chiều ở nhà gia đình Roxtov. Piotr đến sớm hơn để được gặp riêng những người trong nhà.
     
Năm ấy Piotr béo ra đến nỗi trông sẽ xấu xí lắm nếu như thân hình chàng không cao lớn, vai chàng không rộng như vậy và nếu chàng không có một sức khoẻ phi thường cho phép chàng chịu đựng cái khối người phì nộn của mình một cách dễ dàng như vậy.
   
Chàng bước lên bậc thềm, vừa thở hổn hển vừa nói lẩm bẩm cái gì trong mồm không rõ. Người đánh xe của chàng cũng chẳng hỏi xem có cần đợi nữa không. Anh ta biết rằng bá tước đã đến nhà Roxtov thì phải đến mười hai giờ mới về. Mấy người nô bộc nhà Roxtov vui mừng đến cởi áo khoác và cất gậy mũ cho chàng. Theo thói quen ở câu lạc bộ, gậy và mũ chàng đều để lại ở phòng ngoài.
     
Người đầu tiên trong gia đình Roxtov mà chàng gặp là Natasa. Từ nãy, chưa trông thấy nàng, khi đang cởi áo khoác ở phòng ngoài, chàng đã nghe tiếng nàng. Nàng đang hát một bài luyện giọng trong phòng lớn. Chàng biết rằng từ ngày nàng ốm đến nay Natasa không hát, cho nên tiếng hát của nàng làm cho chàng ngạc nhiên và mừng rỡ.
   
Chàng khe khẽ mở của và trông thấy Natasa trong chiếc áo dài tím mà nàng đã mặc sáng nay khi đi xem lễ, đang đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa hát. Nàng đang quay lưng về phía chàng khi chàng mở cửa, nhưng khi nàng bỗng quay phắt người lại trong thấy khuôn mặt béo tốt ngạc nhiên của chàng, nàng đỏ mặt và đi nhanh về phía chàng.

- Tôi muốn thử hát lại xem, - nàng nói - Dù sao đây cũng là một cách tiêu khiển, - nàng nói thêm như muốn thanh minh.

- Ô như thế tốt lắm chứ.

- Anh đến tôi mừng quá! Hôm nay tôi sung sướng lắm! - Nàng nói với vẻ hồ hởi trước kia mà lâu Piotr không thấy nàng có. Anh biết không, Nikolai đã được thưởng huân chương chữ thập George. Tôi thấy hãnh diện cho anh ấy quá.

- Biết chứ, chính tôi đã gửi bản nhật lệnh đến. Thôi, tôi không muốn làm phiền cô, - Chàng nói thêm và toan đi vào phòng khách.

Natasa ngăn chàng lại.

- Bá tước ạ, tôi hát thế này có làm sao không, có cái gì không tốt không? - nàng đỏ mặt nói, nhưng mắt vẫn ngước lên nhìn thẳng vào Piotr có ý dò hỏi.

- Không sao… Sao lại không tốt? Trái lại ấy chứ… Nhưng sao cô lại hỏi tôi như thế?

- Chính tôi cũng không biết, - Natasa đáp nhanh - Nhưng tôi không muốn không làm một điều gì mà anh không thích. Việc gì tôi cũng tin anh. Anh không rõ đối với tôi anh quan trọng đến thế nào và anh đã giúp tôi nhiều đến thế nào!… -  Nàng nói rất nhanh và không để ý thấy Piotr đỏ mặt khi nghe mấy lời này. - Trong bản nhật lệnh ấy tôi còn được biết là anh ấy hiện đang ở Nga và đã nhập ngũ trở lại. Anh nghĩ thế nào, - nàng nói nhanh, hẳn là vội nói cho hết vì sợ mình không đủ sức, - Sau này anh ấy có thể tha thứ cho tôi được không? Anh ấy oán ghét tôi không? Anh ấy thế nào. Anh ấy thế nào?

- Tôi nghĩ rằng… - Piotr nói, - Chẳng có chuyện gì mà anh ấy phải tha thứ cả… Giá tôi ở địa vị anh ấy… - Trong khoảnh khắc ký ức của Piotr đã lướt nhanh theo dòng kỷ niệm xưa đưa chàng trở lại ngày nào chàng an ủi nàng và nói với nàng rằng giá chàng không phải là chàng, mà là người tốt nhất trên đời và hãy còn tự do, thì chàng sẽ quỳ xuống xin kết hôn với nàng, và cũng cái cảm giác thương xót trìu mến. yêu đương ấy bao trùm lấy chàng, và cũng những lời nói ấy chỉ chực bật ra khỏi miệng chàng. Nhưng Natasa không để cho chàng kịp nói.

- Phải, anh, anh - nàng nói tiếng anh này một cách say sưa. - Anh thì khác. Tôi không biết một người nào, và không thể có một người nào tốt bụng, rộng lượng và thương người hơn anh được. Nếu không có anh dạo ấy, mà bây giờ cũng thế, thì không biết tôi sẽ ra sao, vì… - nước mắt bỗng dâng trào lên mắt nàng; nàng quay mặt đi, đưa quyển vở nhạc lên mặt, cất tiếng hát và lại đi đi lại lại trong phòng.
   
Vừa lúc ấy Petya từ trong phòng khách chạy ra.
   
Petya bấy giờ là một cậu bé mười năm tuổi hồng hào, khôi ngô, có đôi môi dày và đỏ, trông giống Natasa. Cậu ta đang chuẩn bị vào trường đại học, nhưng gần đây cậu ta với một người bạn học là Obolenxki đã bí mật quyết định với nhau là sẽ vào quân phiêu kỵ.
   
Petya chạy đến tìm anh bạn lớn trùng tên với mình(1) để bàn về việc này. Petya đã nhờ chàng hỏi xem liệu họ có nhận cậu vào quân phiêu kỵ không.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:09:48 pm
Piotr đi trong phòng khách, không nghe Petya nói gì. Petya kéo tay chàng để chàng chú ý đến mình.

- Kìa anh Piotr Kilyts, việc em ra sao rồi! Trời ơi, anh cho em biết đi! Chỉ còn hy vọng vào anh thôi đấy, - Petya nói.

- À việc này của cậu à! Xin vào phiêu kỵ ấy à? Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói cho. Ngay hôm sau tôi sẽ nói tất cả.

- Thế nào đấy, anh bạn, thế nào đây, kiếm được bàn tuyên cáo rồi chứ? - Lão bá tước hỏi. - bá tước phu nhân nhà tôi vừa đi xem lễ bên nhà Razumovxki, nghe một bài kinh cầu nguyện mới. Nghe nói bài kinh này hay lắm thì phải.

- Kiếm được rồi ạ. - Piotr đáp. - Ngày mai hoàng thượng sẽ về - sẽ có một cuộc họp bất thường của các giới quý tộc và nghe đâu cứ một nghìn dân thì tuyển mười người. Phải xin có lời mời bá tước.

- Phải, phải, đội ơn Chúa. Này thế có tin gì về quân đội không?

- Quân ta lại rút lui. Nghe nói đã rút về đến gần Smolensk rồi. - Piotr đáp.

- Trời ơi, Trời ơi! - bá tước nói. - Thế bản tuyên cáo đâu?

- Lời triệu tập ấy à? À, vâng! - Piotr bắt đầu lục túi tìm mấy tờ giấy nhưng chẳng thấy đâu cả. Trong khi vẫn tiếp tục nắn túi, chàng hôn tay bá tước phu nhân bấy giờ mới vào, và đưa mắt lo lắng nhìn quanh, hẳn là có ý chờ đợi Natasa, bấy giờ đã thôi hát, nhưng vẫn không thấy vào phòng khách.

- Quả tình tôi cũng chả biết tôi nhét nó vào chỗ nào nữa, - chàng nói.

- Cái anh này, suốt đời chỉ thấy mất với quên, - bá tước phu nhân nói.

Natasa bước vào, vẻ mặt xúc động và dịu hẳn lại; nàng ngồi xuống và im lặng đưa mắt nhìn Piotr. Nàng vừa vào phòng thì gương mặt rầu rĩ của Piotr bông rạng rỡ hẳn lên, và trong khi vẫn lục tìm mấy tờ giấy, chàng mấy lần đưa mắt nhìn nàng.

- Quả thật, chắc tôi để quên ở nhà mất rồi. Tôi về lấy đây. Nhất định…

- Không kịp về dự bữa ăn mất.

- Ô mà anh đánh xe lại đi mất rồi.

Nhưng Sonya đã ra phòng ngoài tìm và thấy mấy tờ giấy trong mũ của Piotr, chàng đã cẩn thận nhét vào vành nón mũ. Piotr toan mang ra đọc.

- Khoan đã, để ăn xong hẵng hay. - lão bá tước nói, - Hẳn là ông thấy trước rằng cuộc tuyên phạt này sẽ là một cái thú rất lớn.

Trong bữa ăn, họ uống sâm banh chúc mừng sức khoẻ người mới được huân chương George, Sinsin kể lại những tin tức trong thành phố: nào là một nữ công tước già người Gruzi bị ốm, nào là Netivie đi đâu biết tích, nào là có mấy người dẫn đến cho Roxtopsin một anh chàng người Đức nào đấy, và tuyên bố với ông ta rằng đây là một "săm-pi-nhông"(2) (chính bá tước Roxtopsin kể như vậy), và bá tước Roxtopsin đã cho tha cái anh săm-pi-nhông ấy và nói với dân chúng rằng đó không phải là một săm-pi-nhông, mà chỉ là một cây nấm Đức già tầm thường thôi.

- Họ bắt đầu, họ bắt đầu, - bá tước nói, - Tôi cũng nói mãi với bá tước phu nhân là nói tiếng Pháp in ít chứ. Thời buổi này nói tiếng Pháp không hợp đâu.

- Thế chú có nghe tin gì không? - Sinsin nói, - Công tước Golixyn đã rước một ông thầy về để học tiếng Nga rồi đấy; bây giờ nói tiếng Pháp ở ngoài phố đã bắt đầu thành nguy hiểm.

- Thế nào, bá tước Piotr Kirilovich, đến khi họ tuyển mộ dân binh chắc chắn bá tước cũng phải lên ngựa chứ? - Bá tước quay sang Piotr nói.

Piotr có vẻ lầm lì và trầm ngâm suốt bữa ăn hôm ấy. Nghe hỏi, Piotr ngơ ngác nhìn bá tước, như không hiểu sao cả.

- À vâng đi đánh giặc, - chàng nói. - Không! Tôi thì đánh chác gì! Kể ra cũng lạ thật, lạ thật! Chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa. Tôi không biết, tôi vốn chẳng có chút sở thích gì về quân sự, nhưng thời buổi bây giờ không ai dám chắc mình ra sao.
   
Sau bữa ăn bá tước ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành và với vẻ mặt nghiêm trang, ông bảo Sonya, vốn được tiếng là người đọc rất hay, đọc lời hiệu triệu lên.
   
"Gửi Moskva, đệ nhất kinh đô của chúng ta.

Quân thù với những lực lượng rất lớn: đã tiến vào nội địa nước Nga. Chúng đang tàn phá tổ quốc thân yêu của chúng ta".
   
Sonya chăm chú đọc với cái giọng thanh thanh của nàng. Bá tước nhắm mắt lắng nghe, đến một vài đoàn nào đó ông lại thở dài mấy tiếng dứt quãng.
   
Natasa ngồi thẳng người trên ghế, khi thì nhìn cha, khi thì nhìn Piotr như có ý dò hỏi.
Piotr cảm thấy cái nhìn của nàng đặt lên người mình và cố gắng không quay mặt lại. Bá tước phu nhân chốc chốc lại lắc đầu ra vẻ chê trách và bực bội mỗi khi trong bản tuyên cáo dùng những lời lẽ long trọng. Trong tất cả những lời lẽ ấy phu nhân chỉ thấy có một điểu là những nguy cơ đe doạ con bà hãy còn lâu mới hết. Sinsin thì nhếch môi thành một nụ cười ngạo nghễ, hẳn là ông ta chỉ đợi dịp để chế giễu: Chế giễu cách đọc của Sonya, chế giễu những gì bá tước sẽ nói, thậm chí chế giễu cả lời hiệu triệu nữa nếu không có cớ gì lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:10:44 pm
Sau những đoạn nói về những nguy cơ đang đe doạ nước Nga, đến những niềm hy vọng mà hoàng thượng đặt vào Armfeld, và nhất là vào giới quý tộc vẻ vang, Sonya, giọng run run, chủ yếu là vì mọi người nghe nàng chăm chú quá, đọc những lời cuối cùng:"Chính trẫm sẽ thân hành đứng giữa thần dân của trẫm ở chốn kinh đô này và những nơi khác trên đất nước chúng ta để hội đàm và để chỉ đạo tất cả các đội dân binh của ta, những đội hiện nay đang ngăn bước tiến của quân thù cũng như những đội mới thành lập, để đánh bại chúng ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Sao cho cái thảm hoạ mà chúng muốn trút lên đầu chúng ta quay lại đổ vào đầu chúng, sao cho châu Âu được giải phóng khỏi ách nô lệ và ca ngợi tên tuổi vinh quang của nước Nga!".

- Có thế chứ - Bá tước mở to đôi mắt ướt kêu lên, rồi nói, giọng mấy lần đứt quãng vì những tiếng hít như có ai đưa sát mũi ông ta một lọ dấm cô đặc. - Hoàng thượng chỉ cần nói một tiếng là chúng ta hy sinh tất cả và không tiếc cái gì hết.
   
Sinsin chưa kịp buông ra một câu nói đùa đã chuẩn bị săn để giễu cợt lòng ái quốc của bá tước thì Natasa đã đứng phắt dậy chạy lại gần cha.

- Ba của con tuyệt quá! - Nàng vừa nói vừa hôn cha và đưa mắt nhì Piotr với cái kiểu làm dáng bất tự giác đã trở lại với nàng cùng với tâm trạng phân chấn của nàng.

- Chà cô này yêu nước quá nhỉ? - Sinsin nói.

- Chả yêu nước gì cả, nhưng… - Natasa giận dỗi đáp. - Bác thì cái gì cũng cho là buồn cười, nhưng đây hoàn toàn, không phải là chuyện đùa…

- Đùa thế nào được! - Bá tước nhắc lại. - Ngài chỉ cần nói một tiếng, là tất cả chúng ta sẽ đi… Chúng ta có phải là người Đức đâu…

- Thế các vị có để ý Piotr nói, - trong lời hiệu triệu có viết: "để bàn bạc" không? Thì để làm gì thế…

Trong khi đó Petya mà chẳng ai chú ý đã lại gần cha và, mặt đỏ gay, cất cái giong mới vỡ khi thì ồ ồ khi thì the thé lên nói:

- Ba ạ bây giờ thì con xin nói quả quyết - nhân có cả mẹ đây con cũng xin nói một thể, - con xin quả quyết rằng ba và mẹ phải để cho con nhập ngũ, vì con không thể chịu được nữa… Thế thôi.

Bá tước phu nhân sợ hãi ngước mắt lên trời, chắp tay lên ngực và tức giận bảo chồng:

- Đấy đã thấy chưa!

Nhưng ngay lúc đó bá tước đã trấn át được nỗi xúc động.

- Chà chà, - Ông nói, - Mày thì đánh chác gì! Đừng có nói vớ vẩn! Phải học chứ.

- Đây không phải là chuyện vớ vẩn đâu cha ạ. Thằng Fedya Obolenxki còn ít tuổi hơn con mà nó cũng đi đấy, và cái chính là bây giờ con không thể học hành được khi… - Petya ngừng lại, đỏ mặt đến toát cả mồ hôi ra nhưng vẫn nói - Khi tổ quốc đang lâm nguy.

- Thôi đi thôi đi, chỉ vớ vẩn.

- Thì chính ba vừa nói rằng chúng ta sẽ hy sinh tất cả kia mà.

- Petya! Tao bảo mày im ngay. - bá tước vừa quát vừa đảo mặt nhìn vợ. Bây giờ bá tước phu nhân tái mặt đi, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào đứa con út.

- Nhưng con cũng xin nói với ba rằng… Đây có cả Piotr Kirilyts cũng sẽ nói…

- Tao bảo mày - vớ vẩn miệng chưa ráo sữa mà đã muốn tòng quân! Thôi, thôi, tao bảo mày, - và bá tước cầm lấy mấy tờ giấy, chắc là để đọc lại một lần nữa trong phòng giấy trước khi đi nghỉ, rồi bước ra khỏi phòng. - Piotr Kirilovich, thôi ta vào đây hút thuốc…
   
Piotr lúng túng và hoang mang không biết nên nói gì. Sở dĩ chàng lâm vào tình trạng ấy là vì đôi mắt sáng một cách khác thường và đầỷ vẻ phấn chấn của Natasa luôn luôn nhìn chàng một cách dịu dàng âu yếm.

- Không tôi, có lẽ tôi xin về…

- Sao lại về, anh đã định ở lại chơi buổi tối kia mà… Dạo này anh lại ít đến chơi đấy. Thế mà cái con này… - Bá tước chỉ vào Natasa nói một cách vui vẻ, - chỉ khi nào có anh nó mới vui được…

- Vâng, nhưng tôi quên… Tôi nhất định phải về… Có việc bận… - Piotr nói vội.

- Thôi thế thì chào anh vậy - Bá tước nói đoạn đi thẳng ra khỏi phòng.

- Tại sao anh lại bỏ về? Tại sao anh có vẻ bối rối thế? Tại sao? - Natasa hỏi Piotr, mắt nhìn thẳng vào mắt Piotr như muốn thách thức.

"Tại vì anh yêu em!" - Chàng muốn nói thế, nhưng chàng không nói, đỏ mặt lên đến ứa nước mắt và nhìn xuống đất.

- Vì tôi bớt đến chơi nhà thì tốt hơn… Vì… Không, chẳng qua vì tôi có việc.

- Vì sao? Không, anh nói đi, - Natasa bắt đầu hỏi vặn, vẻ cương quyết nhưng rồi bỗng im bặt.

Hai người sợ hãi và e thẹn nhìn nhau. Chàng cố gắng mỉm cười nhưng không được: Nụ cười của chàng để lộ vẻ đau khổ. Chàng im lặng hôn tay nàng và đi ra.

Piotr tự nhủ lòng nhất định sẽ không đến chơi nhà Roxtov nữa.

================================================================

Chú thích:

(1) Pie và Petya đều là những cách gọi tên Piotr

(2) săm-pi-nhông (tiếng Pháp: champignon) là cây nấm. Ở đây dân chúng nhầm chữ này với chữ Spion (gốc tiếng Đức) có nghĩa là mật thám, gián điệp



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:11:32 pm
Phần IX
Chương - 19

Sau khi bị khước từ dứt khoát như vậy, Petya lui về phòng riêng và khoá trái cửa lại ngồi khóc chua xót một mình. Mọi người đều làm ra vẻ như không để ý thấy gì khi cậu ra uống nước trà với một vẻ mặt lầm lì ủ dột, đôi mắt sưng húp.
   
Ngày hôm sau hoàng thượng đến. Mấy người trong gia đình nhà Roxtov liền xin phép đi xem Sa hoàng. Sáng hôm ấy Petya mặc áo quần rất lâu; cậu ta chải đầu và bẻ cổ áo như người lớn. Cậu đứng trước gương, cau mày, hoa tay, nhún vai, và cuối cùng, chẳng nói gì với ai, cậu đội mũ lưỡi trai và đi ra cổng sau, cố sao dừng ai trong thấy. Petya quyết định đi thẳng đến nơi hoàng thượng sẽ tới, và nói thẳng với một viên thị thần nào đấy (Petya cho rằng chung quanh hoàng thượng lúc nào cũng có những viên thị thần) rằng tuổi trẻ không thể là một trở ngại cho lòng tận trung với nước, và với cậu sẵn sàng… Trong khi sửa soạn, Petya đã sắp sẵn nhiều câu rất hay để nói với viên thị thần.
   
Petya hy vọng rằng mình ra mắt hoàng thượng sẽ có kết quả chính vì mình hãy còn nhỏ tuổi (Petya còn tưởng tượng thấy mọi người ngạc nhiên đến nhường nào khi thấy cậu ta trẻ tuổi như vậy), nhưng đồng thời trong cách bẻ cổ áo, cách chải đầu và dáng đi ung dung chững chạc cậu lại muốn làm ra vẻ một người lớn. Nhưng Petya càng đi, càng mải mê nhìn những đám người lũ lượt kéo đến điện Kreml thì lại càng quên giữ vẻ ung dung chững chạc đặc biệt của người lớn. Đến gần điện Kreml cậu đã bắt đầu lo lắng mình sẽ bị xô lấn, bèn làm ra vẻ quả quyết và dữ tợn khuỳnh hai khuỷu tay ra hai bên: nhưng đến cửa Troijxki, mặc dầu quả quyết như vậy, đám người, chàc hắn là không biết rô cậu đến diện Kreml với một mục đích ái quốc như thế nào, cứ dồn ép cậu vào tường đến nỗi cậu đành phải đứng lại, trong khi một dãy xe ngựa tiến vào, tiếng bánh xe lăn ầm ầm vang dội dưới vòm, cổng. Cạnh Petya, có một người đàn bà với một người gia đình quý tộc, hai người lái buôn và một người lính về hưu. Đứng ở cổng được một lúc, Petya không đợi cho xe cộ qua hết đã muốn vào trước mọi người, bèn ra sức vận dụng hai khuỷu tay, nhưng người đàn bà đứng cạnh cũng là người đâu tiên tiếp xúc với khuỷu tay của cậu, tức giận quát lên:

- Này, cậu kia, đi đâu mà xô đẩy người ta thế. Cậu xem người ta đứng cả đây. Xô lấn làm gì!

- Thế này thì ai cũng muốn xô ra trước, - người gia đình quý tộc nói và cũng bắt đầu cho hai khuỷu tay hoạt động, đẩy Petya vào một cái xó hôi hám ở trong cổng.
   
Petya đưa tay lên quệt mồ hôi trên mặt, xốc lại cái cổ áo thấm; ướt mồ hôi mà ở nhà cậu đã ra công bẻ nắn cho giống cổ áo người lớn.
   
Petya cảm thấy bộ dạng của mình chẳng tươm tất chút nào và sợ rằng nếu cứ thế này mà ra mắt các thị thần thì họ sẽ không để cho cậu đến gặp hoàng thượng mất. Nhưng bây giờ không tài nào nắn sửa được gì nữa, hay tìm cách chuyển sang chỗ khác cũng thế.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:12:07 pm
Trong số các vị tướng đi xe qua cổng, Petya thấy có một người quen với nhà mình, Petya đã toan cầu cứu ông ta, nhưng lại nghĩ rằng mình làm như vậy chẳng trượng phu tí nào. Khi xe cộ đã qua hết, đám đông ùa tới và dồn Petya vào quảng trường bấy giờ đã chật ních những người là người. Không phải chỉ có trên quảng trường mà ngay cả trên vỉa hè, trên các mái nhà, đâu đâu cũng có người.
   
Petya vừa thấy mình đứng trên quảng trường đã nghe rõ mồn một tiếng chuông vang khắp thành Kreml và tiếng nói chuyện ồn ào vui vẻ của đám đông.
   
Được một lát, trên quảng trường thấy bớt xô lấn, nhưng bỗng nhiên mọi người đều cất mũ, ai nấy đều xô về phía trước, không hiểu đi đâu. Họ xô lấn Petya đến nỗi cậu không thể thở được nữa.
   
Mọi người đều hô: "Ura! Ura! Ura!", Petya kiễng chân lên, huých người này, véo người nọ, nhưng chẳng trông thấy gì ngoài những người đứng quanh cậu ta.
   
Trên khuôn mặt đều thấy phản ánh một niềm cảm khích và cổ vũ giống nhau. Một bà lái buôn đứng gần Petya khóc nức nở, nước mắt chảy ròng ròng.

- Cha của chúng tôi, vị thiên thần của chúng tôi! - Bà ta vừa nói vừa lấy ngón tay quẹt nước mắt.

- Ura! - khắp bốn phía có tiếng hô.
   
Trong khoảng một phút đám đông đứng yên một chỗ; rồi lại ùa ra phía trước.
   
Petya không còn biết gì nữa; cậu nghiến răng, mắt long lên sòng sọc, xông lên phía trước, vừa huých khuỷu tay vừa hô: "Ura!", tưởng chừng như cậu ta sẵn sàng giết hết mọi người và giết luôn cả mình nữa trong phút này, nhưng bên cạnh sườn Petya lại thấy nhô ra những vẻ mặt cũng hung hãn như thế và cũng hô: "Ura!".

"Đấy hoàng thượng là thế đấy, Petya nghĩ - Không ta không thể đưa đơn tận tay hoàng thượng được, như thế táo bạo quá!". Tuy vậy, Petya cũng vẫn cố sống cố chết lần về phía trước, và từ sau mấy cái lưng ở trước mặt, Petya thoáng trông thấy một khoảng trống có trải tấm thảm đỏ làm lối đi: nhưng vừa lúc ấy đám đông lại dồn lại phía sau (vì cảnh binh đẩy lùi những người đến quá gần lối đi của hoàng thượng đang từ cung điện đi ra nhà thờ Đức Bà lên trên Trời), và bỗng nhiên Petya bị huých vào sườn một cái rất mạnh và bị chèn dữ dội đến nỗi cậu ta hoa mắt lên rồi ngất đi. Khi cậu ta tỉnh lại, một người giáo sĩ có một chùm tóc hoa râu sau gáy, mặc một chiếc áo chùng xanh đã sờn bạc, chắc là một ông thầy giúp lễ, đưa một tay xốc nách Petya, còn tay kia thì giơ ra cản đám đông đang lấn tới.

- Họ giẫm bẹp nát cậu bé rồi - Ông thầy giúp lễ nói - Làm sao thế này này!… Nhè nhẹ tí chứ… Họ giẫm bẹp mất cậu bé rồi, giẫm bẹp mất rồi!
   
Hoàng thượng bước vào nhà thờ Đức Bà. Đám đông lại giãn ra một bên, và ông thầy giúp lễ dẫn Petya lúc ấy mặt tái nhợt, thở không ra hơi, về phía khẩu súng Thần công lớn(1). Có mấy người động lòng thương hại Petya, và đột nhiên cả đám đông quay về phía cậu ta, ở xung quanh người ta lại bắt đầu xô đẩy nhau. Những người đứng gần ân cần cởi khuy áo cho Petya, đặt cậu ta ngồi lên bệ súng và lên tiếng trách móc những người đã xô cậu.

- Cứ thế này họ có thể xô người ta chết mất chứ chẳng chơi, làm sao thế không biết! Thật là đồ giết người! Chao ôi, cậu bé mặt tái nhợt cắt không ra hột máu kia kìa, - Có tiếng lao xao.
   
Được một lát Petya đã hoàn hồn, mặt đã có máu, cảm giác đau đã giảm bớt, và nhờ việc không may trong chốc lát này cậu đã được một chỗ ngồi trên súng thần công, có hy vọng được trông thấy hoàng thượng lúc ngài quay về. Bây giờ Petya không còn nghĩ đến việc đưa đơn nữa. Miễn sao được trông thấy hoàng thượng là Petya có thể tự xem mình là người diễm phúc rồi.

Khi trong nhà thờ Đức Bà lên Trời làm lễ - một buổi lễ cầu nguyện kết hợp, vừa là lễ mừng hoàng thượng đến vừa là lễ tạ ơn trong dịp kí hoà ước với Thổ - đám đông tản mát ra; những người bán hàng rao nào là kvax(2), nào là bánh ngọt, nào là bánh kẹo phù dung là thứ kẹo mà Petya rất thích, và những câu chuyện bình thường ngày lại nở ra rôm rả. Một bà lái buôn đưa cho bạn bè xem chiếc khăn san vừa bị rách và nói cho mọi người biết mình đã mua chiếc khăn này hết bào nhiêu tiền, một bà khác bảo hàng tơ lụa lúc bấy giờ rất đắt đỏ. Ông thầy giúp lễ người đã cứu Petya, nói chuyện với một ông viên chức về những vị lịnh mục hôm nay cùng làm lễ với đức cha tổng giám mục. Ông thầy giúp lễ mấy lần nhắc đến chữ Xobornie(3), mà Petya không hiểu là cái gì. Hai người thị dân trẻ tuổi đùa cợt với mấy chị thị nữ đang cắn hạt dẻ. Đối với lứa tuổi của Petya, những câu chuyện này, nhất là những lời đùa cợt với mấy người con gái là có một sức hấp dân đặc biệt, nhưng bây giờ Petya không hề để ý đến; cậu ta ngồi trên cao điểm của mình đối với ngài. Cái cảm giác đau và sợ khi bị lấn pha lẫn nhau với mềm phấn khởi lại càng làm cho cậu có ý thức rõ rệt hơn về tầm quan trọng của giờ phút này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 13 Tháng Giêng, 2011, 10:12:50 pm
Bỗng từ phía bờ sông vọng lại những tiếng súng đại bác (bắn để mừng việc ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ). Đám đông liền xô nhau chạy ùa ra bờ sông để xem bắn súng. Petya cũng muốn chạy ra đấy, nhưng ông thầy giúp lễ đã đảm nhiệm việc che chở cho cậu không để cho cậu đi. Tiếng súng hãy còn tiếp tục nổ, thì thấy từ nhà thờ Đức Bà lên Trời chạy ra như những viên sĩ quan, những vị tướng, những viên thị thần, rồi sau đó có mấy người nữa đi ra, nhưng vội vàng như những người kia. Đám đông lại cất mũ, và những người chạy ra xem bắn súng vội quay trở lại. Cuối cùng có bốn người đàn ông mặc quân phục và đeo dây thao từ trong nhà thờ bước ra. Đám đông lại hô: "Ura! Ura!".

- Người nào thế? Người nào thế? Petya hỏi những người đứng xung quanh với một giọng gần như khóc, nhưng không ai trả lời cậu cả; ai nấy đều đang mải nhìn. Petya bèn chọn lấy một trong bốn người ấy, một người mà cậu trông thấy rõ vì những giọt nước mắt vui mừng đã trào lên mờ cả mắt cậu ta dồn hết vào người ấy tấi cả tấm lòng hâm mộ của mình, tuy đó không phải là hoàng thượng, và gào lên như điên: "Ura!" định tâm là ngay ngày mai, dù có thế nào cũng mặc, nhất định sẽ trở thành một quân nhân.
   
Đám đông chạy sau hoàng thượng, theo ngài đến tận cung điện rồi bắt đầu giải tán. Bây giờ đã trưa lắm rồi, Petya chưa ăn gì cả, và mồ hôi cậu đổ ra như tắm. Nhưng cậu không về nhà, và cùng với đám người đã giảm bớt nhưng hãy còn khá đông đứng trước cung điện trong khi hoàng thượng dùng bữa trưa, nhìn lên các cửa sổ, chờ đợi một cái gì nữa không biết, thèm thuông địa vị những vị thân đi xe đến bến đỗ bên thềm để vào dự bữa chiều với nhà vua, cũng thèm thuồng cái địa vị những người hầu bàn cho hoàng thượng đi lại thấp thoáng trong các khung cửa sổ.
   
Trong bữa ăn của hoàng thượng, Valuyev nhìn ra cửa sồ nói:

- Dân chúng vẫn còn hy vọng được trông thấy bệ hạ.
   
Bấy giờ tiệc đã xong; nhà vua đứng dậy vừa ăn nốt chiếc bánh bích quy và đi ra bao lơn.

Đám dân chúng, trong đó có cả Petya đứng ở giữa, chồm về phía bao lơn.

- Vị thiên thần của chúng tôi, cha của chúng tôi! Ura!… - dân chúng hô to, và Petya cùng hô với họ.
   
Những người đàn bà và mấy người đàn ông dễ xúc cảm, trong số đó có cả Petya, khóc lên vì sung sướng. Một mảnh bánh bich quy khá to mà nhà vua đang cầm trên trong tay rã ra và rơi xuống lan can bao lơn rồi từ lan can rơi xuống đất. Người đứng gần hơn cả là một người đánh xe mặc áo lúp lao người về phía miếng bánh và chộp lấy. Trông thấy thế, nhà vua bảo đem ra một đĩa bánh bich quy và bắt đầu ném bánh từ trên bao lơn xuống. Mắt Petya đỏ ngầu; mối nguy cơ bị giẫm đạp lại càng kích thích cậu thêm. Cậu ta lao đến cướp bánh. Cậu cũng chẳng biết làm như vậy để làm gì, chỉ biết rằng thế nào cũng phải lấy cho kỳ được một chiếc bánh từ tay nhà vua ném xuống, phải cố giành cho được, không chịu thua ai. Cậu chồm tới và xô ngã một bà già sắp bắt được một chiếc bánh bích quy. Nhưng bà già vẫn chưa chịu thua tuy đã nằm dưới đất: bà ta vẫn giơ tay ra bắt bánh.
   
Petya dùng đầu gối chặn tay bà ta, chộp lấy chiếc bánh và dường như sợ chậm trễ mất, cậu cất tiếng hô "Ura!" với một giọng đã khàn đặc.

Nhà vua trở vào phòng, và sau đó phần lớn dân chúng bắt đầu ra về.

- Đấy tôi đã bảo là đợi một chút mà - thấy chưa, y như rằng! - bốn phía có tiếng nói vui vẻ.
   
Tuy lòng Petya vô cùng sung sướng, nhưng cậu cũng vẫn thấy buồn buồn khi phải về nhà, biết rằng tất cả những nỗi vui thú của ngày hôm nay thế là đã hết. Từ điện Kreml, Petya không về nhà mà lại đến nhà Obolenxki năm ấy mười lăm tuổi và cũng đã nhập ngũ. Về đến nhà, Petya tuyên bố một cách dứt khoát và rắn rói rằng nếu không cho cậu ta đi, cậu sẽ bỏ nhà trốn đi. Và mấy ngày hôm sau, tuy vẫn chưa nhượng bộ hoàn toàn, bá tước Ilya Andrevich cũng đi đò hỏi xem có nơi nào an toàn nhất để xin cho Petya nhập ngũ.

==================================================================

Chú thích:

(1) Một di tích lịch sử của thế kỷ 16 để ở điện Kreml. Nòng súng dài 5m34, cỡ nòng 890mm: nặng 40 tấn. Một vài mẫu đáng chú ý của nghệ thuật đúc đồng Nga.

(2) Nước giải khát làm bằng lên men bột mỳ, vị hơi chua.

(3). Buổi lễ nhiều linh mục cùng hành lễ



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:42:25 pm
Phần IX
Chương - 20

Sáng ngày mười lăm, tức hai ngày sau, có vô số xe cộ đến đỗ ở trước diện Xlolodxki.
Các phòng đều chật ních những người. Trong gian phòng thứ nhất có những thương gia đeo huân chương, để râu dài và mặc áo kanan xanh. Trong gian phòng của những người quý tộc tụ họp, người ta đi lại rộn rịp và nói chuyện rất ồn ào. Bên một cái bàn lớn, dưới bức chân dung của hoàng thượng, những vị huân tước trọng yếu nhất ngồi trên những chiếc ghế có lưng tựa rất cao, nhưng phần lớn những quý tộc đều đi đi lại lại trong phòng.
   
Tất cả những người quý tộc, chính những người hàng ngày vẫn gặp Piotr hoặc ở câu lạc bộ hoặc ở nhà họ, - tất cả đều mặc phẩm phục, người thì mặc theo kiểu thời Ekterina, người thì mặc theo kiểu thời Pavel, người thì mặc theo kiểu mới của thời Alekxandr, người thì mặc theo kiểu quý tộc phổ thông, và tính chất trung của những bộ phẩm phục này khiến cho các nhân vật già có trẻ có, rất đa dạng và rất quen thuộc này có thêm một vẻ gì thật lạ lùng và huyền hoặc. Đập vào mắt người ta mạnh nhất là mấy ông già, mù loà, móm mém, hói trơn hói trụi, núc ních những mỡ, da căng và vàng, hoặc trái lại gầy gò, nhăn nheo. Số đông những người này ngồi yên một chỗ và im lặng, nếu có đi lại và nói những chuyện bình thường của ngày hôm qua: ván bài boston, tài năng của anh đầu bếp Petruska hay sức khoẻ của bà Zinaida Dmitrievna v.v…

Piotr cũng có mặt ở trong văn phòng: từ sáng sớm chàng thắng bộ phẩm phục nay đã chật cứng khiết cho chàng rất vướng víu.

Chàng rất hồi hộp: cuộc hội họp bất thường này không phải chi gồm có giới quý tộc, mà còn gồm cả giới thương gia nữa - các estats généraux - (Tam cấp hội nghị) này đã thức tỉnh trong lòng chàng cả một loạt tư tưởng mà chàng đã xao lãng từ lâu nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí chàng: những tư tưởng về Khế ước xã hội và về cuộc cách mạng Pháp. Những lời trong bản hiệu triệu mà chàng đã chú ý, nói rằng hoàng thượng sẽ về thủ đô để bàn bạc với thần dân, khiến cho chàng càng thêm tin chắc vào quan điểm này. Chàng cho rằng đang có một cái gì quan trọng, một cái gì mà chàng đã chờ đợi từ lâu, sắp diễn ra theo hướng này. Chàng đi đi lại lại, chú ý nhìn, lắng nghe những câu chuyện chung quanh, nhưng không hề tìm thấy một dấu hiệu gì biểu hiện những ý nghĩ đang khiến chàng bận tâm.

Bản tuyên ngôn của nhà vua đọc lên khiến ai nấy đều nức lòng, rồi sau đó mọi người đều tản ra nói chuyện. Ngoài những chuyện thường ngày, Piotr còn nghe họ bàn tán không biết các đại biểu quý tộc sẽ đứng ở chỗ nào khi vua vào, đến hôm nào sẽ mở vũ hội mời nhà vua, nên phân chia như thế nào, từng huyện hay từng tỉnh, v v; nhưng hễ cứ nói đến chiến tranh hay đến mục đích buổi họp quý tộc hôm nay, là câu chuyện trở nên lúng túng và mập mờ. Ai cũng muốn nghe nhiều hơn là nói.
   
Một người đứng tuổi, đẹp vóc, rắn rỏi, mặc bộ quân phục sĩ quan hải quân về hưu đang đứng nói trong một gian phòng trong điện, và xung quanh có một đám người xúm lại nghe. Piotr lại gần và lắng tai.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:43:04 pm
Bá tước Ilya Andreyevich mặc chiếc áo kaftan của đại biểu quý tộc thời Ekaterina, miệng mỉm một nụ cười đáng yêu, đi giữa đám người mà ông ta cũng quen, lại gần nhóm đó và bắt đầu nghe với nụ cười hiền hậu mà ông thường có mỗi khi nghe có ai nói chuyện, thỉnh thoảng lại gật đầu với người đang nói để tỏ ý tán thành. Viên sĩ quan hải quân về hưu nói rất bạo miệng; điều đó thấy rõ qua vẻ mặt các thính giả. Hơn nữa, những người mà Piotr vốn biết là thuộc số hiền lành và phục tòng nhất đều lảng đi, ra vẻ không tán thành, hoặc cãi lại. Piotr len vào giữa đám đông, lắng nghe một lát và thấy rõ rằng quả nhiên người đang nói là một người có tư tưởng tự do, nhưng theo một lối khác hẳn với quan niệm của chàng. Viên sĩ quan hải quán nói với cái giọng trầm trầm của những người quý tộc, vang vang như tiếng hát, với một lối uốn lưỡi dễ nghe, luôn luôn bỏ bớt các phụ âm, cái giọng mà người ta thường dùng để gọi gia nhân: "Dọn trà! Đưa tẩu thuốc đây!" v.v…
   
Ồng ta nói với cái giọng của một người đã quen sống phóng khoáng và quen chỉ huy.

- Dân Smolensk đề nghị nộp dân binh lên hoàng thượng à? Thế thì đã làm sao! Lời của người Smolensk có phải là mệnh lệnh cho chúng ta đâu? Nếu những người quý tộc ở Moskva thấy cần, thì họ có thể bày tỏ lòng tận trung với hoàng thượng bằng những cách khác.

- Chẳng nhẽ chúng ta quên chuyện quân binh năm 1807 rồi sao? Chỉ được một dịp cho bọn quân nhu và bọn ăn cắp làm giàu thôi.

Bá tước Ilya Andreyevich mỉm cười dịu dàng và gật đầu tỏ ý tán thành.

- Thế dân binh của chúng ta đã đem lại lợi ích cho nhà nước nào? Chẳng đem lại lợi ích gì hết! Chỉ tổ cho các trang trại của ta kiệt quệ. Thà mộ lính còn hơn… nếu không, khi họ trở về với chúng ta thì lính chẳng ra lính, nông dân chả ra nông dân, chỉ là một thứ vô lại Người quý tộc không hề tiếc tính mạng, bản thân chúng ta sẽ đi không hề xót người nào, chúng ta sẽ tuyển thêm tân binh, và hoàng thượng chỉ cần hô lên một tiếng là tất cả chúng ta sẽ chết vì Ngài, - diễn giả nói thêm, sôi nổi hẳn lên.
   
Ilya Andreyevich nuốt nước bọt vì thích thú và lấy khuỷu tay huých Piotr, nhưng bấy giờ Piotr cũng đang muốn nói. Chàng bước lên phía trước, lòng thấy hứng khởi, nhưng chính chàng cũng chưa rõ vì sao và cũng chưa biết mình sẽ nói gì. Chàng vừa mở miệng ra để nói thì một vị nguyên lão, mồm không còn một cái răng nào, vẻ mặt thông minh và cáu kỉnh, bấy giờ đang đứng cạnh diễn giả, đã ngắt lời Piotr. Hẳn là đã quen tiến hành những cuộc tranh luận, ông ta nói khẽ, nhưng nghe rất rõ.

- Thưa ngài, - vị nguyên lão móm mém nói. - Tôi thiết tưởng chúng ta được triệu tập tại đây không phải để bàn xem nên mộ lính hay nên tuyển dân binh, đằng nào có lợi cho nhà nước lớn hơn. Chúng ta đến đây là để đáp lại lời kêu gọi mà hoàng thượng đã ban xuống cho chúng ta. Còn về việc mộ lính hay tuyển dân binh đằng nào có lợi ích hơn thì ta hãy để cho chính quyền tối cao…
   
Piotr chợt tìm được một cơ hội để cho tâm trạng hứng khởi của chàng phát tiết. Chàng căm tức vị nguyên lão đã đưa những quan niệm chính thống và hẹp hòi này vào những công việc sắp tới của giới quý tộc, Piotr bước lên và ngăn ông ta lại. Chàng cũng chẳng biết mình sẽ nói gì, nhưng chàng vẫn bắt đầu nói rất hăng, thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng Pháp, và nói tiếng Nga như trong sách.

- Xin đại nhân thứ lỗi cho, - chàng mở đầu, (Piotr quen khá thân vị nguyên lão này, nhưng ở đây chàng cần phải dùng một giọng trang trọng như vậy). - tuy tôi không tán thành ý kiến của vị này… - Piotr lúng túng. Chàng muốn nói vị rất đáng kính đã phát biểu trước tôi, vị này mà tôi chưa có vinh dự được quen biết, nhưng tôi cho rằng tầng lớp quý tộc, ngoài việc biểu lộ sự đồng cảm và lòng phấn khởi của mình ra,
còn được triệu tập lại đây để thảo luận những biện pháp mà ta có thể dùng để giúp ích cho tổ quốc.

- Tôi thiết tưởng, - chàng hăng lên nói, - rằng chính hoàng thượng cũng sẽ không được hài lòng, nếu ngài thấy chúng ta chỉ là những người làm chủ nông nô, làm chủ một mớ thịt làm mồi cho đại bác, mà không tìm thấy ở chúng ta một… một… một ý kiến gì cả.
   
Nhiều người lảng ra khỏi nhóm khi thấy nụ cười khinh bỉ của vị nguyên lão và thấy Piotr nói năng quá tự do; chỉ có một mình Ilya Andreyevich hài lòng về lời lẽ của chàng, cũng như ông đã hài lòng về những lời mà mình nghe sau cùng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:47:58 pm
- Tôi thiết tưởng trước khi thảo luận những vấn đề này. - Piotr nói tiếp - chúng ta phải xin hoàng thượng cho chúng ta biết hiện nay có bao nhiêu quân lính, tình hình của quân đội ta hiện nay ra sao: và được như vậy thì…

Nhưng Piotr chưa kịp nói xong đã bị công kích tới tấp từ ba phía. Người công kích mạnh hơn cả là một người mà chàng đã quen từ lâu một người rất ham đánh bài boston, xưa nay vẫn có thiện cảm với chàng, là Stepan Stepanovich Aprakxin. Stepan Stepanovich mặc phẩm phục, và vì bộ phẩm phục này hoặc vì những nguyên nhân nào khác, Piotr có cảm tưởng như trước mặt mình là một người khác hẳn. Gương mặt già nua của Stepan Stepanovich bỗng lộ vẻ hằn học. Ông ta quát bảo Piotr.

- Trước hết xin ngài cho biết chúng ta không có quyền hỏi hoàng thượng về việc đó, và sau bữa ăn, dù cho giới quý tộc Nga có quyền như vậy, hoàng thượng cũng không thể trả lời cho chúng ta được. Quân ta đi chuyền tuỳ theo cách hành quân của địch - số quân giảm bớt hay tăng lên…

Người thứ hai công kích Piotr là một người tầm thước, trạc bốn mươi tuổi, mà trước kia Piotr vẫn gặp ở các nhà Di-gan và biết rõ là một tay rất máu me cờ bạc. Trong bộ phẩm phục trông ông ta cũng khác hẳn. Ông ta bước tới và ngắt lời Aprakxin.
   
Mà bây giờ không phải là lúc nghị luận, bây giờ là lúc phải hành động: chiến tranh đang diễn ra trên đất Nga. Quân thù đang manh tâm tiêu diệt nước Nga, giầy xéo lên mồ mả tổ tiên chúng ta bắt vợ con chúng ta đi. - Nói đến đây ông ta đấm ngực. - Chúng ta sẽ nhất loạt đứng lên, chúng ta sẽ cùng hy sinh vì Sa hoàng, người cha yêu quý của chúng ta! - Ông ta quát lên, đôi mắt đỏ ngầu trợn ngược. Trong đám đông ấy có những tiếng xôn xao tỏ ý tán thành. - Chúng ta là người Nga, chúng ta sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tín ngưỡng ngai vàng và tổ quốc. Nếu chúng ta là những người con của tổ quốc thì không nên nói những chuyện vẩn vơ nữa. Chúng ta sẽ cho châu Âu thấy rõ nước Nga đứng lên bảo vệ nước Nga như thế nào. - Người quý tộc lớn tiếng quát.

Piotr muốn cãi lại, nhưng chàng không nói được câu nào cả.
   
Chàng cảm thấy lời mình nói ra bất luận nội dung ra sao cũng sẽ không có tác dụng bằng những lời lẽ khí khái của người quý tộc kia. Ilya Andrevich đứng ở phía sau tỏ ý tán thành; sau khi diễn giả nói hết một câu có mấy người hăm hở quay về phía ông ta nói:

- Đúng thế đấy! Đúng đấy!

Piotr muốn nói rằng chàng không có ý phản đối việc hy sinh tiền của hay nông nô, hay ngay cả bản thân mình cũng vậy, nhưng cần phải biết tình trạng hiện nay để tìm cách cải thiện nó, nhưng chàng không nói được.
   
Nhiều người cùng ta ó và cùng nói một lúc, đến nỗi Ilnya Andreyevich không kịp gật đầu tán thành hết được. Nhóm người lớn lên tản ra, rồi lại họp lại, vừa nói chuyện ồn ào vừa kéo vào phòng rộng, đến cạnh chiếc bàn lớn. Không những Piotr không nói được gì, người ta lại còn ngắt lời chàng một cách thô bạo, quay phắt đi và xa lánh chàng như xa lánh một kẻ thù chung. Sở dĩ như vậy không phải là vì họ không bằng lòng với những lời lẽ của chàng, - sau chàng có rất nhiều người nói, cho nên họ cũng quên khuấy đi - mà là vì, muốn kích thích đám đông, phải có một đối tượng cụ thể để yêu mến hay để căm thù. Piotr đã thành cái đối tượng căm ghét này. Sau người quý tộc hăng hái kia có rất nhiều người nói, và ai nấy đều cùng nói một giọng như vậy. Nhiều người nói rất hay và rất độc đáo.
Ông chủ nhiệm báo "Tín sứ Nga" là Glinka(1) (người ta nhận được ông ta ngay, trong đám đông có tiếng xôn xao: "nhà vua đấy!") bàn rằng phải lấy địa ngục, rằng ông ta đã từng trông thấy một đứa trẻ mỉm cười trong ánh chớp và trong tiếng sấm ầm ầm, "nhưng chúng ta sẽ không như đứa trẻ này".

- Phải, phải, trong tiếng sấm! - Ở các hàng sau có tiếng người hưởng ứng.
   
Đám đông lại gần chiếc bàn lớn, nơi có những vị huân tước bảy mươi tuổi mặc phẩm phục: đeo dây thao, tóc bạc, đầu hói đang ngồi. Hầu hết những người này, Piotr đã gặp ở nhà với những thăng hề của họ hay ở câu lạc bộ trong khi họ đang đánh bài boston. Đám đông lại đến gần bàn, vẫn nói chuyện ồn ào như cũ. Các diễn giả bị ô đẩy vào những chiếc lưng tựa rất cao so với mấy chiếc ghế, lần lượt lên tiếng. Đôi khi hai diễn giả cùng nói một lúc. Những người đứng sau chốc chốc lại nhìn thấy diễn giả nói sót ý và vội vàng nói chen vào cho đủ. Những người khác, mặc dầu đứng chen chúc trong gian phòng chật chội và nóng nực này, cũng cố bới óc tìm xem có ý nghĩ gì không và vội vàng nói ra. Những vị huân tước già mà Piotr quen biết ngồi yên, hết đưa mắt nhìn người này lại nhìn sang người kia; và vẻ mặt phần lớn các vị đó chỉ biểu lộ một điều, là họ thấy nóng bức quá. Tuy vậy, Piotr cũng thấy cảm động, và lòng mong mỏi của mọi người muốn tỏ ra rằng không có gì có thể ngăn cản chúng ta - một lòng mong mỏi biểu lộ ra trong vẻ mặt và trong giọng nói nhiều hơn là trong nội dung những lời phát biểu - cũng truyền sang chàng. Chàng không từ bỏ những ý nghĩ của mình, nhưng cũng cảm thấy như mình có lỗi và cứ muốn thanh minh.

- Tôi muốn nói rằng chúng ta có thể hy sinh tốt hơn khi nào chúng ta đã rõ nhà nước cần những gì, - Piotr cố nói cho to hơn những người khác.

Một ông già nhỏ bé đứng sát chàng đưa mắt nhìn chàng, nhưng vừa lúc ấy có tiếng quát ở cuối bàn.

- Phải, Moskva sẽ bị bỏ ngỏ! Nó sẽ hy sinh để cứu nhân loại? - Một người quát lên.

- Hắn là kẻ thù của loài người! - một người khác kêu lên. - Tôi xin nói… Thưa các vị, các vị làm tôi nghẹn thở mất.

============================================================

Chú thích:

(1) Tạp chí có xu hướng yêu nước do Glinka (xem phụ lục) xuất bản ở Moskva trong khoảng 1808 - 1824.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:48:45 pm
Phần IX
Chương - 21
   
Vừa lúc ấy bá tước Roxtopsin bước vào, mình mặc quân phục cấp tướng: đeo dây thao quàng qua vai, cái cằm nhô ra đôi mắt linh lợi đi nhanh qua đám đông đang giãn ra để nhường lối.

- Hoàng thượng sắp đến, - Roxtopsin nói, - tôi vừa ở đấy ra. Tôi cho rằng trong tình cảnh chúng ta hiện nay không việc gì phải bàn luận nhiều. Hoàng thượng đã có lòng triệu tập chúng ta và giới thương nhân lại đây. Họ sẽ cúng bạc triệu (ông ta chỉ sang phòng họp của thương nhân) còn việc của chúng ta cũng phải làm như thế.

Mấy vị huân tước ngồi trước bàn bắt đầu bàn bạc với nhau. Họ nói thì thầm rất khẽ. Cuộc bàn bạc còn có vé buồn bã nữa là khác.
   
Sau những tiếng ồn ào ban nãy, bây giờ chỉ nghe lẻ tẻ những tiếng nói phều phào đóng một: "đồng ý", hay có khác chăng cũng chỉ là: "Tôi có ý kiến như vậy" v.v, cho đỡ nhầm.
   
Họ ra lệnh cho viên bí thư thảo ra một bản quyết nghị của giới quý tộc Moskva nói rằng người Moskva, cũng như người Smolensk, cứ một nghìn người sẽ tuyển mười người vào quân đội và cung cấp toàn bộ quân trang. Các vị huân tước đứng dậy, có vẻ như vừa trút được một gánh nặng, xô ghế ầm ầm và đi đi lại lại trong phòng cho đỡ chồn chân, chốc chốc lại khoác tay một người quen để nói chuyện.

- Hoàng thượng! Hoàng thượng! - Trong các phòng bỗng có tiếng kêu lên, và cả đám đông xô ra phía cửa.
   
Đám người quý tộc giãn ra hai bên chừa một lối đi rất rộng, và nhà vua bước vào phòng. Trên mọi gương mặt đều hiện lên một vẻ mặt tò mò sùng kính và sợ hãi. Piotr đứng cách đấy khá xa nên không nghe hết được lời của nhà vua. Qua những câu nghe được chàng chỉ hiểu rằng nhà vua nói về mối nguy cơ đang đe doạ nước nhà về những hy vọng mà ngài đặt vào giới quý tộc Moskva. Một người trong đám quý tộc lên tiếng phúc đáp, truyền đạt lên nhà vua nghị quyết vừa rồi của giới quý tộc.

- Thưa các vị! - Nhà vua nói, giọng run run. Đám đông bỗng xôn xao lên một lúc rồi im lặng, và Piotr nghe rõ giọng nói cảm động và rất gần gũi của nhà vua - Không bao giờ tôi hoài nghi lòng tận tuỵ của giới quý tộc Nga. Nhưng ngày hôm nay lòng tận tuỵ đó đã vượt quá những điều tôi mong đợi. Tôi xin thay mặt cho tổ quốc cảm tạ các vị. Thưa các vị chúng ta phải hành động - thời gian rất quý.
   
Nhà vua im lặng, đám đông bắt đầu chen chúc xung quanh ngài. Và từ phía đều có những tiếng hoan hô phấn khởi.

- Phải quý hơn cả… là lời của hoàng thượng. - từ phía sau có tiếng nói nghẹn ngào của Ilya Andreyevich.
Ông ta không nghe thấy gì cả, nhưng cái gì cũng hiểu theo ý mình. Từ phòng họp của giới quý tộc, nhà vua đi sang gian phòng của thương nhân. Ngài ở lại đây, chừng mười phút. Piotr trông thấy nhà vua ở phòng họp của giới thương nhân bước ra với những giọt nước mắt cảm động trên mí mắt. Về sau người ta được biết rằng nhà vua vừa cất tiếng nói với các thương nhân thì nước mắt đã trào ra, và giọng ngài run run trong khi ngài nói hết câu.
   
Khi Piotr trông thấy nhà vua, ngài đang cùng hai người thương nhân đi ra ngoài. Một trong hai người đó Piotr có quen, đó là một người to béo lĩnh trưng thuế, người kia thì mặt gầy gò và vàng võ, cằm nhọn: đó là người cầm đầu giới thương nhân. Cả hai đều khóc.
   
Người gầy thì ứa nước mắt, nhưng người béo thì khóc nức nở như trẻ con, mồm nói đi nói lại:

- Xin hoàng thượng cứ lấy cả tính mạng, cả tài sản của chúng tôi!
   
Trong giờ phút này, lòng Piotr chỉ còn thèm muốn được tỏ ra rằng không có gì có thể ngăn trở chàng, và chàng sẵn sàng hy sinh tất cả.
     
Chàng thấy áy náy về những câu nói có khuynh hướng lập hiến của mình và cố tìm một cơ hội để chữa lại. Được tin bá tước Mamonev cùng một đoàn, Bezukhov lập tức tuyên bố với bá tước Raxlopsin rằng chàng sẽ cúng mười nghìn quân và cung cấp đủ tiền ăn mặc cho họ.

Lão bá tước Roxtov không thể nào cầm lại nước mắt khi kể lại cho vợ nghe những điều vừa xảy ra, ông cụ lập tức chuẩn y lời cầu xin của Petya và tự mình thân hành đi đăng ký cho con nhập ngũ.
     
Ngày hôm sau nhà vua ra đi. Tất cả những người quý tộc đã đến hội họp hôm ấy cởi bỏ phẩm phục, trở về nhà hoặc đến câu lạc bộ; họ vừa thở dài ra lệnh cho bọn quản lý lo việc tuyển mộ dân binh, vừa ngạc nhiên về những việc họ đã làm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:50:07 pm
Phần X- Chương -1

Napoléon đã khai chiến với nước Nga, vì ông ta không thể nào không đến Dresden, không thể nào không bị những nghi thức nghênh tiếp long trọng làm choáng váng, không thể nào không mặc quân phục Ba Lan, không thể nào cưỡng lại những ấn tượng thôi thúc của một buổi sáng tháng Sáu, vì ông ta không thể nào kìm nổi những cơn thịnh nộ trước mặt Kurakin và sau đó trước mặt Balasov.
   
Alekxandr đã cự tuyệt mọi cuộc thương quyết bởi vì ông ta cảm thấy cá nhân minh bị lăng nhục. Barclay de Tolly cố gắng chỉ huy quân đội cho thật tốt để làm tròn nhiệm vụ của mình và để được tiếng là một tướng tài, Roxtov đã lao vào chém viên sĩ quan Pháp, bởi vì chàng không sao kìm hãm nổi ý muốn phi ngựa trên cánh đồng bằng phẳng. Và vô số những con người kia đã tham dự vào cuộc chiến tranh này cũng đều hành động như vậy, tuỳ theo những đặc tính riêng, những tập quán, những điều kiện sống và mục đích riêng của họ. Họ sợ hãi, vênh vang, mừng rỡ, phẫn nộ, suy luận, và tưởng đâu hiểu rõ việc minh làm lắm, tưởng đâu mình làm như vậy là để mưu lợi ích cho bản thân; kì thực, tất cả những con người này chẳng qua là những công cụ bất tự giác của lịch sử, và họ làm một việc mà bản thân họ không hiểu ý nghĩa, nhưng chúng ta thì lại hiểu. Đó là cái số phận không thể tránh khỏi của tất cả những con người thực tế tham gia hoạt động, và địa vị của họ càng cao thì lại càng mất tự do. Ngày nay, những nhân vật thời 1812 đã từ lâu rời khỏi sân khấu, các quyền lợi cá nhân của họ đã biến mất không còn để lại dấu vết gì, và trước mắt chúng ta chỉ còn lại những hậu quả lịch sử của thời bấy giờ.
   
Nhưng nếu ta giả định rằng những con người châu Âu kia, dưới sự lãnh đạo của Napoléon, thế là cũng phải đi sâu vào nội địa nước Nga và chết ở đấy, thì ta có thể hiểu hết những hành động điên rồ, mâu thuẫn, tàn nhẫn kia của những người đã tham dự cuộc chiến tranh này.
   
Trời bắt tất cả những con người này, trong khi vẫn đeo đuổi những mục đích riêng tây, phải cùng góp phần thực hiện một kết quả duy nhất và to lớn mà không một ai - kể cả Napoléon và Alekxandr - mảy may nghĩ đến.
   
Ngày nay ta đã thấy rõ đâu là nguyên nhân khiến cho quân Pháp bị tiêu diệt năm 1812.  Không ai phủ nhận rằng sở dĩ quân đội Pháp của Napoléon bị tiêu diệt là vì, một mặt, họ đã xâm nhập nội địa nước Nga khi thời tiết đã quá muộn mà không chuẩn bị chiến dịch mùa đông, và mặt khác, tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh sau khi nhân dân Nga đã đốt cháy những thành phố của họ và lòng căm thù quân địch đã được kích thích mạnh mẽ. Nhưng lúc bấy giờ không ai đoán trước được cái điều mà ngày nay có vẻ hiển nhiên, là đạo quân ưu tú nhất thế giới gồm tám mươi vạn người và do một tướng tài bậc nhất chỉ huy lại có thể bị tiêu diệt trong cuộc xung đột với quân đội Nga yếu gấp hai lần, không có kinh nghiệm và dưới quyền chỉ huy của những viên tướng cũng không có kinh nghiệm. Không những không ai thấy trước được điều đó, mà về phía quân Nga, người ta còn tìm đủ cách để ngăn cản cái điều duy nhất có thể cứu vãn được nước Nga, còn về phía quân Pháp thì mặc dầu kinh nghiệm và cái gọi là thiên tài quân sự của Napoléon, bao nhiêu cố gắng của họ đều nhằm làm sao đến Moskva vào cuối mùa hạ, tức là nhằm thực hiện cái điều sẽ làm cho họ bị tiêu diệt.
   
Trong các tác phẩm sử học bàn về năm 1812 các tác giả Pháp rất thích nói rằng Napoléon đã cảm thấy cái nguy cơ của việc kéo dài chiến tuyến, rằng ông ta cứ lo tìm một cơ hội để giao chiến, rằng các thống chế của ông ta đã khuyên ông dừng lại ở Smolensk, và họ đưa ra nhiều luận cứ chứng minh rằng lúc bấy giờ người ta đã nhận thức được tình hình nguy hiểm của chiến dịch; còn các tác giả Nga lại còn thích nói hơn nữa đến sự tồn tại của một thứ kế hoạch quân sự theo kiểu chiến tranh của ngờỉ Skyth ngay từ đầu chiến dịch; mục đích của nó là nhử Napoléon đi sâu vào nội địa nước Nga, và người thì gán cho Pful; người thì gán cho một người khác, người thì gán cho Tolly, người thì gán cho bản thân hoàng đế Alekxandr, và họ đa ra những bút ký, những dự án, những bức thư trao đổi, trong đó quả tình cũng có ám chỉ đến kế hoạch hành động ấy. Nhưng sở dĩ ngày nay về phía Pháp cũng như về phía Nga đều có nói rằng người ta đã dự kiến trước những điều đã xảy ra, thì đó chẳng qua là vì sự kiện lịch sử đã xác nhận điều đó. Giả sử việc này không xảy ra thì những lời ám chỉ này sẽ bị quên đi cũng nh ngày nay người ta đã quên hàng ngàn hàng vạn những điều ám chỉ và giả thiết trái ngược lúc bấy giờ vẫn lưu hành nhưng vì về sau tỏ ra không đúng sự thực nên đã bị bỏ rơi. Mỗi biến cố xảy ra bao giờ cũng nảy sinh nhiều giả thiết khác nhau, khiến cho dù sự việc diễn ra như thế nào đi nữa thì bao giờ cũng có những người nói: "Thì ngay từ dạo ấy tôi đã bảo là sự việc sẽ như thế mà", quên hẳn rằng trong vô số những giả thiết được đưa ra có những giả thiết hoàn toàn mâu thuẫn.
   
Những giả thiết nói rằng Napoléon đã nhận thức được nguy cơ của việc kéo dài chiến tuyến và quân Nga có ý định nhử quân địch vào sâu trong nội địa của mình hiển nhiên là thuộc vào loại giả thiết này. Và các sứ giả đã phải gò ép sự thực nhiều mới có thể gán nhận thức kia cho Napoléon và các thống chế của ông ta, hoặc gán những ý định nọ cho các tướng Nga. Sự thực hoàn toàn trái ngược những giả thiết này. Về phía quân Nga, qua suốt cuộc chiến tranh, không những người ta không hề có ý muốn nhử quân Pháp vào nội địa mà trái lại người ta còn tìm mọi cách chặn họ lại ngay lúc họ mới xâm nhập vào nước Nga; còn Napoléon thì không những không hề sợ chiến tuyến của mình kéo dài mà còn mừng rỡ xem mỗi bước tiến về phía trước là một thắng lợi, và trái với các chiến dịch trước đây, lần này ông ta thờ ơ, không muốn tìm cơ hội giao chiến.
   
Ngay từ đầu chiến dịch, quân đội ta đã bị cắt ra làm đôi và mục đích duy nhất của chúng ta là nối hai bộ phận này lại, tuy việc nối liền này chẳng có ích lợi gì cho việc rút lui và nhử quân địch vào nội địa. Hoàng đế đi với quân đội để cổ vũ binh sĩ bảo vệ từng tấc đất của nước Nga, chứ không phải để rút lui. Người ta xây dựng doanh trại Drissa đồ sộ theo kế hoạch của Pful và không hề nghĩ đến việc rút lui xa hơn nữa. Sau mỗi bước rút lui, hoàng đế lại khiển trách các vị tổng tư lệnh. Không những hoàng đế không thể quan niệm được về việc thiêu huỷ Moskva, mà thậm chí cũng không thể nào hình dung rằng có thể để cho quân địch đến Smolensk, và khi hai đạo quân đã hợp được với nhau thì ngài lại bất bình về Smolensk đã bị chiếm và bị đốt cháy mà không có một trận đánh toàn quân nào diễn ra ở trước thành này. Hoàng để nghĩ như vậy, nhưng các tướng Nga và toàn thể nhân dân Nga thì lại càng bất bình hơn nữa khi nghĩ rằng quân ta rút sâu vào nội địa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:50:50 pm
Sau khi đã cắt đôi quân ta, Napoléon tiến sâu vào nội địa và bỏ lỡ nhiều cơ hội giao chiến.  Tháng tám, ông ta ở Smolensk và chỉ nghĩ đến việc tiến xa hơn nữa mặc dầu, như ngày nay ta đã thấy rõ cuộc tiến quân này hiển nhiên là tai hại cho ông ta.
     
Các sự kiện đã chứng minh hiển nhiên rằng Napoléon không hề thấy trước nguy cơ của việc tiến quân về Moskva, và Alekxandr cũng như các tướng Nga lúc bấy giờ không hề nghĩ đến việc nhử Napoléon vào nội địa mà còn tìm cách làm ngược lại. Việc Napoléon bị nhử vào nội địa đã xảy ra không do một kế hoạch nào cả (lúc bấy giờ không ai tin rằng có thể có một kế hoạch như vậy), nó đã xảy ra do sự kết hợp phức tạp của những âm mưu, những mục đích, những ý muốn của những con người tham dự cuộc chiến tranh trong khi họ không hề đoán trước được điều phải làm, ấy thế mà chính điều này lại là điều duy nhất đã cứu nước Nga. Mọi việc đã xảy ra một cách ngẫu nhiên. Quân đội ta ngay từ đầu chiến dịch đã bị cắt làm đôi. Chúng ta tìm cách nối lại hai bộ phận này, rõ ràng là nhằm mục đích mở trận chiến đấu và chặn cuộc xâm lăng của quân địch, nhưng trong khi tìm cách nối liền hai bộ phận, đồng thời chúng ta lại tránh không giao chiến với một kẻ địch mạnh hơn gấp bội, do đó buộc lòng cứ phải rút lui theo góc nhọn và đã nhử quân địch đến Smolensk. Nhưng nói rằng chúng ta rút lui theo một góc nhọn vẫn chưa đủ bởi vì quân Pháp tiến ở giữa hai đạo quân của ta: điều đó làm cho cái góc nhọn này càng nhọn thêm và chúng ta lại càng rút lui xa hơn nữa. Chúng ta đã làm như vậy vì Bagration, tư lệnh đạo quân thứ hai căm ghét Barclay de Tolly, con người Đức(1) đã mất tín nhiệm (trong quân đội Bagration phải ở dưới quyền chỉ huy của de Tolly) nên tìm mọi cách trì hoãn việc nối liền hai đạo quân để khỏi ở dưới quyền chỉ huy của ông ta. Bagration trì hoãn không thực hiện việc nối liền hai cánh quân, quân mặc dầu đó là mục tiêu chủ yếu của tất cả các vị chỉ huy, vì ông cảm thấy làm như thế tất sẽ đặt quân đội của mình vào một tình thế hiểm nghèo, và đối với ông ta, tốt nhất là rút xa hơn nữa về phía bên trái và phía nam, trong khi vẫn quấy rối cạnh sườn và sau lưng quân địch, đồng thời bổ sung quân số của mình ở Ukrain. Nhưng người ta lại tưởng ông nghĩ ra cách đó là vì không muốn ở dưới quyền chỉ huy của Barclay, con người Đức mà ông căm ghét và cấp bậc lại thấp hơn ông.
   
Hoàng đế ở cạnh quân đội để cổ vũ nó, nhưng sự có mặt và thái độ lưỡng lự của ngài, bây giờ không biết nên quyết định ra sao, cũng như cổ vũ và những kế hoạch, đã làm tiêu ma sức chiến đấu của đạo quân thứ nhất: thế là quân ta vẫn phái rút lui.
   
Người ta dự định dừng lại ở doanh trại Drissa: nhưng đột nhiên Paolusti, vì muốn làm tổng tư lệnh, đã dùng tính cương nghị của mình để gây ảnh hưởng với Alekxandr, thế là kế hoạch của Pful bị vứt bỏ và công việc được giao phó hết cho Barclay.. Nhưng vì Barclay không được tin cậy nên người ta hạn chế quyền lực ông ta lại.

Quân đội bị phân tán, không có sự chỉ huy thống nhất, Barclay mất tín nhiệm; nhưng do tình hình hỗn loạn, phân tán này, và do viên tổng tư lệnh Đức không được tín nhiệm, một mặt đã xảy ra tình trạng hoài nghi, lưỡng lự và việc tránh giao chiến (lẽ ra không thể tránh giao chiến được nếu hai cánh quân đã tập hợp và do một người khác chỉ huy chứ không phải Barclay), mặt khác là nỗi bất bình đối với những người ngoại quốc mỗi ngày một tăng lên và tinh thần yêu nước được kích thích mạnh mẽ.
   
Cuối cùng, hoàng đế rời khỏi quân đội, và chỉ có một cách giải thích duy nhất và thuận tiện nhất về việc này, là nói rằng ngài cần phải về để cổ vũ tinh thần nhân dân ở hai thủ đô và xúc tiến cuộc chiến tranh nhân dân. Và việc hoàng đế bỏ về Moskva đã làm cho sức mạnh của quân đội Nga tăng lên gấp ba lần.
     
Nhà vua rời khỏi quân đội để khỏi ngăn trở việc thống nhất quyền hành trong tay vị tổng tư lệnh, và hy vọng người ta sẽ thi hành những biện pháp kiên quyết hơn; nhưng tình hình bộ tư lệnh quân đội lại càng rắc rối và suy yếu hơn nữa. Benrigxen, đại công tước(2) và cả một đoàn phó tướng vẫn ở cạnh quân đội để theo dõi những hành động của vị tổng tư lệnh và thúc giục cho ông ta thêm phần hăng hái, và Barclay ở dưới sự kiểm soát của những người làm tai mắt cho hoàng để lại càng thấy mình mất tự do, càng thận trọng đối với những hành động có tính chất quyết định, và tìm cách tránh cơ hội giao chiến.
Barclay chủ trương phải thận trọng. Thái tử ám chỉ rằng ông ta phản bội và dòi mở một trận đánh toàn quân. Lyubomirxki Branixki, Vloxki và những người khác làm cho cái tin đốn ấy càng ầm ĩ. Đến nỗi Barday phải mượn cớ đệ trình giấy tờ cho nhà vua để phái mấy viên phó tướng người Ba Lan đến Petersburg, và công khai chống lại Benrigxen và đại công tước.
     Cuối cùng, hai đạo quân đã gặp nhau ở Smolensk mặc dầu Bagration không muốn. Bagration đi xe ngựa đến nhà Barclay ở. Barclay đeo băng tay ra đón và báo cáo với Bagration, vị tướng cao cấp hơn mình. Bagration muốn tỏ ra đại độ, chịu phục tùng Barclay mặc dù ông ta cấp cao hơn Barclay, nhưng trong khi phục tùng như vậy Bagration lại càng ít nhất trí với Barclay hơn trước. Theo mệnh lệnh của hoàng đế, Bagration báo cáo trực tiếp với hoàng đế, ông viết cho Arkdeyev: "mặc dầu đó là ý muốn của hoàng đế, tôi thực không sao cộng tác với "Ông tổng trưởng" (Barclay) được. Xin ngài gia ân phái tôi đi đâu cũng được, dù là đi chỉ huy một trung đoàn thôi, nhưng tôi không thể ở đây, khắp tổng hành dinh đầy rẫy những người Đức, đến nỗi mỗi người Nga không thể nào sống ở đây được và công chuyện sẽ chẳng ra sao hết. Tôi tưởng mình phục vụ hoàng đế và tổ quốc nhưng khi nhìn lại thì thấy tôi chỉ phục vụ cho ông Barclay. Xin thú thực là tôi không muốn như vậy".
     
Cả bè lũ những bọn Baranitxki, Vintxingherot vân vân càng làm cho những quan hệ giữa các vị tư lệnh thêm bất hoà và kết quả là sự chỉ huy lại càng ít thống nhất hơn trước.
   
Người ta đã sửa soạn tấn công quân Pháp trước thành Smolensk.
   
Người ta phái một viên tướng vốn ghét Barclay, ông ta đến nhà người bạn làm chỉ huy quân đoàn và ở đấy suốt cả ngày rồi trở về gặp Barclay và phê phán từng điểm một cái trận địa tương lai mà ông ta chưa hề trông thấy.
   
Trong khi người ta tranh cãi và tính toán, mưu mô về chiến trường tương lai, trong khi ta đi tìm quân Pháp mà lại lầm lẫn không biết nó ở đâu thì quân Pháp đã chạm trán sư đoàn Neverovxki và tiến đến sát chân thành Smolensk.
   
Quân ta đành phải mở một trận bất ngờ trước Smolensk để bảo vệ đường giao thông. Trận đánh đã diễn ra. Cả hai bên có hàng ngàn người chết.
     
Smolensk bị bỏ rơi trái hẳn với ý muốn của hoàng đế và toàn dân. Nhưng chính nhân dân bị viên tỉnh trưởng của họ đánh lừa đã đốt cháy Smolensk, và những con người phá sản kia đi về Moskva, trong lòng chỉ nghĩ đến những tổn thất của riêng mình: nhưng cũng khêu gợi lòng căm thù quân địch, làm thành một tấm gương sáng cho những người Nga khác. Napoléon tiếp tục tiến quân, chúng ta cứ rút lui, và kết quả là cái điều làm cho Napoléon bại trận đã xảy ra.

===================================================================

Chú thích:

(1) Thực ra Barclay là người Scotland, nhưng ngày xưa ở Nga danh tử "Đức", thường dùng để chỉ tất cả những người ngoại quốc nói chung.

(2) Tức thái tử hoàng đế.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:51:41 pm
Phần X
Chương - 2
   
Công tước Andrey vừa đi được một hôm thì hôm sau lão công tước Nilolai Andreyevich cho gọi tiểu thư Maria đến.

- Đấy bây giờ cô đã bằng lòng chưa? - Lão công tước nói - Cô đã làm cho cha con tôi xích mích với nhau thế đã vừa ý chưa? Cô chỉ cần có thế thôi mà. Bây giờ thì hả rồi chứ? Chuyện này làm tôi khổ tâm. Tôi thì già yếu rồi, thế mà cô lại muốn thế, thôi, tha hồ mà mừng.
   
Và sau đó, suốt cả tuần lễ nữ công tước Maria không thấy mặt cha. Lão công tước ốm và không ra khỏi phòng làm việc.
   
Có một điều làm công tước Maria ngạc nhiên là trong thời gian ốm, ngay cả cô Burien lão công tước cũng không cho đến thăm. Chỉ một mình Tikhon được phép săn sóc ông cụ thôi.
   
Một tuần sau, công tước lại ra khỏi phòng, lại tiếp tục sinh hoạt theo nếp cũ, tỏ ra đặc biệt hăng hái trong việc xây dựng, làm vườn và chấm dứt tất cả các quan hệ trước kia với cô Burien. Vẻ mặt cũng như giọng nói lạnh lùng của ông mỗi khi tiếp xúc với nữ công tước Maria hình như muốn nói với nàng: "Đấy cô đã bịa đặt đủ điều, cô đã nói xấu tôi với công tước Andrey về thái độ của tôi đối với cô gái Pháp kia, và cô đã làm cho chúng tôi xích mích với nhau, nhưng cô thấy đấy, tôi chẳng cần gì đến cô, cũng như chẳng cần gì đến cái cô gái Pháp ấy!"
   
Nữ công tước Maria sống nửa ngày với cậu bé Nikolusa, trông coi cậu bé học, thân hành dạy tiếng Nga và âm nhạc cho cậu, và nói chuyện với Dexal, còn một nửa ngày thì nàng sống với mấy quyển sách, người u già và với những con người nhà trời thỉnh thoảng đánh bạo đi cửa sau vào thăm nàng.
   
Còn về chiến tranh, nữ công tước Maria cũng nghĩ như phụ nữ vẫn thường nghĩ đến chiến tranh. Nàng lo cho anh nàng hiện nay đang ở ngoài mặt trận, nàng không hiểu vì sao lại có chiến tranh, nàng kinh hãi trước sự tàn ác của loài người đã khiến cho họ chém giết lẫn nhau; nhưng nàng không hiểu tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này mặc dầu Dexal, người vẫn thường ngày nói chuyện với nàng và rất thiết tha chú ý đến tình hình diễn biến của chiến sự, vẫn tìm mọi cách cắt nghĩa cho nàng biết quan điểm của mình, mặc dầu những con người nhà trời đến thăm nàng đều kinh hãi kể lại mỗi người một cách những tin đồn đại của nhân dân về cuộc xâm lăng của tên Ma vương Cơ đốc và mặc dầu Juyly, hiện nay là công tước phu nhân  Drubeskaya, lại thư từ với nàng và gửi từ Moskva đến những bức thư đầy tinh thần yêu nước. Juyly viết:
     
"Tôi viết thư cho bạn bằng tiếng Nga, bạn ạ, vì tôi căm thù tất cả bọn Pháp cũng như ngôn ngữ của chúng, và hễ nghe ai nói tiếng Pháp là tôi không sao chịu nổi. Ở Moskva, chúng tôi đều say sưa ngưỡng mộ vị hoàng đế mà chúng ta hằng sùng bái.
   
Ông chồng tội nghiệp của tôi đang chịu cảnh nhọc nhằn đói khổ ở trong những lữ điếm Do Thái, nhưng những tin tức tôi nhận được lại càng làm cho tôi nức lòng.
   
Chắc thế nào bạn cũng nói đến hành động anh hùng của Raievxki đã ôm hôn hai đứa con trai của mình mà nói: "Tôi sẽ cùng chết với hai con tôi, chứ chúng tôi quyết không nao núng". Và thực vậy mặc dầu quân địch mạnh gấp đôi, quân ta vẫn không hề nao núng. Chúng tôi cũng tìm cách tiêu khiển nhì nhằng cho qua ngày tháng, nhưng thời buổi chiến tranh vẫn là thời buổi chiến tranh! Hai công tước tiểu thư Alina và Sophia cùng ngồi với tôi suốt ngày, và chúng tôi, những người quả phụ bất hạnh của những người chồng đang sống, chúng tôi vừa làm xơ vải băng vừa nói những câu chuyện thú vị; bạn ạ, tôi chỉ thiếu có bạn thôi…".
     
Nguyên nhân chính khiến nữ công tước Maria không hiểu hết tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này là lão công tước không bao giờ nói đến nó, không thừa nhận nó, và trong bữa ăn vẫn thường chế nhạo Dexal mỗi khi ông này nói đến nó. Giọng nói của công tước điềm nhiên và tự tin đến nỗi nữ công tước Maria cứ một mực tin cha, không cần suy nghĩ gì nữa.
     
Suốt cả tháng Bảy năm ấy, lão công tước hoạt động rất hăng hái và thậm chí còn rất phấn chấn nữa. Ông sai dọn một khu vườn cây mới và khởi công xây một ngôi nhà mới cho gia nô ở.
     
Chỉ có một điều làm nữ công tước Maria lo lắng: độ này ông ít ngủ và đã bỏ cái thói quen ngủ trong phòng làm việc: mỗi đêm ông ngủ ở một chỗ khác nhau, khi thì ông bảo đặt giường ở hành lang, khi thì ông nằm trên đi-văng hay trên chiếc ghế bành kiểu Volte trong phòng khách, và cứ mặc cả áo mà ngủ, trong khi cậu bé Petruska thay cô Burien đọc sách cho ông nghe; có khi ông lại nằm ngủ trong phòng ăn.
     
Ngày mồng một tháng Tám, nhận được bức thư thứ hai của công tước Andrey. Trong bức thư thứ nhất nhận được ít hôm sau khi ra đi, công tước Andrey kính cẩn xin cha tha lỗi về những điều chàng đã cả gan nói và xin cha vẫn yêu thương chàng như trước. Lão công tước đã viết một bước thư thân ái trả lời bức thư này, và từ đó không gần gũi với cô gái Pháp nữa. Bức thư thứ hai công tước viết ở gần Vitebxk, sau khi quân Pháp đã chiếm thành phố này, trong thư sơ lược miêu tả lại chiến dịch vừa qua, có kèm theo cả một bản đồ, và có những dự đoán về những diễn biến sau nay của chiến dịch. Trong bức thư này công tước Andrey trình bầy cho cha chàng thấy rằng ở lại Lưxye Gorư thật là bất tiện vì gần chiến trường, lại ngay trên con đường hành quân của quân đội và khuyên cha nên đi Moskva.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:52:36 pm
Hôm ấy, trong bữa ăn chiều, nhân lúc Dexal nói rằng nghe đâu quân Pháp đã vào Vitebxk, lão công tước bỗng sực nhớ đến bức thư của công tước Andrey. Ông nói với nữ công tước Maria.

- Hôm nay vừa nhận được thư của công tước Andrey, con đã xem chưa?

- Thưa cha chưa ạ. - Nữ công tước Maria hoảng hốt đáp. Nàng làm sao có thể đọc một bức thư mà nàng chưa hề nghe nói đến.
 
- Ô ! Anh ấy viết về cuộc chiến tranh này - lão công tước nói với nụ cười khinh bỉ vẫn thường có mỗi khi nói đến chiến tranh hiện tại.

- Chắc phải thú lắm - Dexal nói - Công tước có thể biết được…

- Ồ thú vị lắm! - cô Burien nói.

- Cô đi lấy bức thư ấy ra đây cho tôi, - lão công tước nói với cô Burien. - Nó ở trên bàn con dưới cái chặn giấy ấy.

Cô Burien vui vẻ nhổm dậy.

- A thôi, - Ông cau mày gọi - Mikhail Ivanyts, anh đi lấy cho ta.
   
Mikhail Ivanyts đứng dậy và đi vào phòng làm việc. Nhưng ông ta vừa ra khỏi phòng ăn thì lão công tước đưa mắt nhìn quanh có vẻ lo lắng, vứt cái khăn ăn xuống và thân hành đi lấy.

- Chúng chẳng biết làm gì hết, chỉ độc làm xáo lộn lên cả.
   
Trong khi ông đi, nữ công tước Maria, Dexal, cô Burien và cả cậu bé Niloluska nữa đều im lặng đưa mắt nhìn nhau. Một lát sau, lão công tước trở lại, chân bước vội vàng, tay cầm bức thư và tấm bản đồ, theo sau là Mikhail. Lão công tước đặt cả hai thứ đó bên cạnh mình, không cho ai xem trong bữa ăn.
   
Sau khi mọi người vào phòng khách, ông trao bức thư cho nữ công tước Maria và trong khi trải bàn thiết kế ngôi nhà mới ở trước mặt và nhìn chăm chú vào đấy, ông bảo nàng đọc to bức thư lên.
   
Đọc xong, nữ công tước Maria đưa mắt nhìn cha có ý dò hỏi. Ông nhìn vào bản thiết kế, rõ ràng là ông đang suy nghĩ miên man.

- Thưa công tước, ngài thấy việc ấy thế nào ạ? - Dexal đánh bạo hỏi.

- Tôi, tôi ấy à… - Lão công tước đáp, vẻ như vừa tỉnh đậy một cách khó chịu, mắt không rời khỏi bản thiết kế.

- Rất có thể chiến trường lan đến gần chúng ta…

- Ha, ha, ha!… Chiến trường - công tước nói. Tôi đã bảo và tôi vẫn bảo ràng chiến trường là ở Ba Lan là không bao giờ quân địch tiến qua sông Neman.
     
Dexal sửng sốt nhìn công tước đang nói đến sông Neman trong khi quân địch đã ở trên sông Dniepr, nhưng nữ công tước Maria không biết vị trí địa lý của sông Dniepr nên cứ đinh ninh là cha nàng nói đúng sự thực.
     
Khi nào tuyết bắt đầu tan là chúng sẽ chết đuối trong những dầm lầy ở Ba Lan. Chỉ có chúng mới không thấy điều đó, lão công tước nói hẳn là ông nghĩ đến chiến dịch năm 1807 mà ông cảm thấy rất gần đây. - Đáng lý Benrigxen phải tiến vào nước Phổ sớm hơn, nếu thế thì công việc đã có thể chuyển biến khác rồi.

- Nhưng thưa công tước, - Dexel nói dè dặt, - trong thư nói đến Vitebxk.

- A! Bức thư à! Phải rồi! - công tước nói, có vẻ bực mình. - Phải rồi, phải rồi… - vẻ mặt ông ta bỗng sa sầm lại. Ông im bặt một lát. - Phải rồi, anh ấy nói rằng quân Pháp đã bị đánh bại ở gần sông nào thế nhỉ?
Dexel cúi mặt, hạ thấp giọng đáp:

- Công tước không nói gì về việc ấy cả.

- Chả nhẽ công tước Andrey lại không nói gì? Có phải ta bịa ra đâu?

Mọi người im lặng hồi lâu.

- Phải rồi, phải rồi… Này Mikhail Ivanyts, - đột nhiên ông ngẩng đầu lên nói và đưa tay chỉ bản thiết kế, - Ông thử bảo tôi xem ông muốn sửa đổi lại như thế nào nào…
   
Mikhail Ivanyts đến bên cạnh bản thiết kế. Sau khi nói với ông ta kế hoạch xây dựng, lão công tước đưa mắt nhìn nữ công tước Maria và Dexal có vẻ giận dữ rồi lui về phòng riêng.
   
Nữ công tước Maria đã trông thấy cái nhìn lúng túng và kinh hãi của Dexal hướng về phía cha mình, nàng nhận thấy lão công tước im lặng, và ngạc nhiên khi thấy ông để quên bức thư của con trai trong phòng khách; nhưng nàng sợ, không những không dám nói chuyện và hỏi Dexal xem tại sao cha mình lại im lặng và lúng túng, mà thậm chí nàng còn sợ không dám nghĩ đến điều đó nữa.
   
Buổi tối, lão công tước sai Mikhail Ivanyts đến phòng tiểu thư Maria lấy bức thư công tước Andrey mà ông bỏ quên ở phòng khách.
   
Nữ công tước Maria trao bức thư cho Mikhail Ivanyts. Mặc dầu cảm thấy ngường ngượng nàng vẫn đánh bạo hỏi Mikhail Ivanyts xem cha nàng đang làm gì.

- Cụ vẫn bận bịu - Ông ta mỉm một nụ cười vừa kính cẩn vừa châm chọc làm cho nữ công tước Maria tái xanh mặt. - Cụ rất băn khoăn về việc xây toà nhà mới. Cụ vừa đọc sách một lát và bây giờ - Mikhail Ivanyts hạ thấp giọng nói - cụ đang ngồi ở bàn giấy, chắc là đang bận viết chúc thư. (Trong thời gian gần đây, một trong những công việc công tước thích nhất là sắp xếp những giấy tờ mà ông sẽ để lại sau khi chết, mà ông gọi là chúc thư).

- Cha tôi định phái Alpaytys đến Smolensk phải không? - nữ công tước Maria hỏi.

- Vâng. Alpaytys đợi lệnh cụ đã lâu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:53:52 pm
Phần X
Chương - 3

Khi Mikhail Ivanyts cầm bức thư quay trở lại phòng làm việc thì lão công tước đang ngồi trước bàn giấy, mắt đeo kính, trước mặt và trên mấy ngọn nến có một cái chao đèn. Trên bàn la liệt những giấy má, ông đang đọc các bản thủ cảo của mình với một cử chi hơi long trọng, tay cấm những tờ giấy đưa ra rõ xa; đó là "những nhận xét của ông", như ông vẫn nói, mà ông muốn để lại cho hoàng đế sau khi chết.
   
Khi Mikhail Ivanyts bước vào, ông đang rơm rớm nước mắt hồi tưởng lại cái thời ông viết những điều ông đang đọc hôm nay.
 
Ông cầm lấy bức thư ở trên tay Mikhail Ivanyts, bỏ nó vào túi, xếp giấy má lại và cất tiếng gọi Alpatyts nãy giờ vẫn đợi ngoài cửa. Ông đã ghi trên một mảnh giấy những thứ phải mua ở Smolensk và trong khi đi đi lại lại trong phòng, ông dặn dò Alpatyts đang đứng đợi ở cửa.

- Thứ nhất là giấy viết thư, mày nghe rõ chứ, tám xếp, mép giấy thiếp vàng theo mẫu như thế này, mua sơn, mua xi gắn phong bì, theo tờ danh sách của Mikhail Ivanyts.
   
Ông bước vài bước đi lại lại trong phòng, liếc mắt nhìn quyển sổ ghi chép:

- Sau đó mày trao bức thư của ta đến tận tay tỉnh trưởng về vấn đề tập hồi ký của ta.
   
Rồi còn phải mua mấy cái then cài cho những cánh cửa của ngôi nhà mới theo đúng kiểu mẫu của công tước bày ra. Lão công tước còn bảo mua một cái hộp bìa đặc biệt để đựng di chúc.
Việc dặn bảo Alpatyts kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Nhưng công tước vẫn chưa chịu để Alpatyts đi. Cuối cùng ông ngồi xuống, bắt đầu suy nghĩ, đoạn nhắm mắt lại, ngủ gà ngủ gật. Alpatyts khẽ cử động.

- Thôi được, mày cứ đi ra, khi cần ta sẽ gọi.

Alpatyts đi ra. Công tước quay trở lại bàn giấy, đưa mắt nhìn lên bàn, sửa soạn giấy tờ một lát đoạn đóng bàn lại và ngồi viết thư cho viên tỉnh tưởng.
   
Khi ông gắn xi vào phong bì và đứng dậy thì đêm đã khuya. Ông muốn ngủ, nhưng biết rằng mình không thể nào ngủ được, và những ý nghĩ đen tối nhất bao giờ cũng đến với ông khi ông nằm xuống giường. Ông gọi Tikhon đến, cùng y đi khắp các gian phòng để chỉ chỗ đặt giường cho ông đêm nay. Ông xem xét cẩn thận từng góc nhà. Ông thấy chẳng có chỗ nào thích hợp, nhưng cái đi văng thường ngày ông vẫn ngủ ở trong phòng làm việc lại có vẻ bất tiện hơn. Cái đi văng này làm cho ông sợ, chắc hẳn nó làm cho ông nảy sinh những ý nghĩ nặng nề mỗi khi nằm ở đấy. Ông chẳng thấy nơi nào ổn, nhưng dù sao cái góc nhỏ ở trong phòng đi-văng sau chiếc dương cầm ông vẫn thấy vừa ý hơn cả vì ông chưa bao giờ ngủ ở đấy.
Tikhon và một người đầy tớ mang giường đến và bắt đầu dọn giường.
   
-Kê thế không được, kê thế không được! - Công tước quát, đoạn tự tay đẩy cái giường ra cách góc phòng một quãng, rồi lại kéo lùi về chỗ cũ.
   
"Thôi được, bây giờ thì đâu vào đấy cả rồi, ta có thể đi ngủ" - Công tước nghĩ thầm và để cho Tikhon cởi áo.
   
Ông bực mình nhăn mặt trong khi cố gắng cởi áo ngoài và quần đùi rồi cởi quần áo xong, ông buông mình rơi phịch xuống giường và có vẻ như trầm ngâm suy nghĩ trong khi đưa mắt nhìn cặp chân gầy guộc và vàng võ của mình một cách khinh bỉ. Ông không nghĩ ngợi gì nhưng chỉ chần chừ thấy ngài ngại không muốn giơ cặp chân kia lên và nằm duỗi mình trên giường. "Sao mà khó khăn nhọc mệt thế. Chà, miễn sao cái trò dằn vặt này chấm dứt sơm sớm một chút, và chúng mày buông tha ra cho tao yên cái thân" - ông nghĩ thầm. Ông mím môi cố gắng làm động tác ấy, lần này là lần thứ hai mươi nghìn, rồi nằm duỗi thẳng. Nhưng ông vừa mới nằm xuống thì cái giường đã bắt đầu đu đưa từ phía sau ra phía trước, dường như đang thở một cách nặng nhọc. Cứ đêm nào cũng thế, ông nhắm mắt một lát nhưng lại mở ngay ra ngay.

- Chẳng làm sao yên thân được, cái quân chết tiệt! - Ông càu nhàu như bực mình với ai. "Phải rồi, phải rồi còn có một việc gì quan trọng, một việc rất quan trọng mà ta định dành một đến lúc nằm trên giường sẽ nghĩ đến. Then cửa à?   Không, ta đã nói rồi. Không, có một cái gì đây đã xảy ra ở phòng khách. Nữ công tước Maria có nói điều gì nhảm nhí chăng? Hay là cái lão phải gió Dexal kia nói điều gì, à trong túi áo ta có cái gì, ta quên khuấy đi mất.

- Taska! Lúc ăn cơm họ nói việc gì thế?

- Nói về lão công tước Mikhail…

- Thôi im đi, im đi!… - công tước lấy tay đập lên bàn. - Tao biết rồi. Đó là bức thư của công tước Andrey.
Nữ công tước Maria đã đọc bức thư này cho ta nghe. Dexal có nói điều gì về Vitebxk ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:55:11 pm
Bây giờ ta phải xem mới được.
   
Ông sai lấy bức thư ở trong túi áo lại và bảo kéo chiếc bàn con có đặt cốc nước chanh và cầm lấy một cây nến lại cạnh giường rồi đeo mục kỉnh và bắt đầu đọc. Đến lúc này, trong đêm khuya tịch mịch, trong khi đọc bức thư dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn chao xanh, lần đầu tiên ông mới vỡ nhẽ thấy tầm quan trọng của nó.
   
"Quân Pháp đã ở Vitebx. Sau bốn ngày hành quân, chúng có thể đến Smolensk, có thể chúng đã đến đây rồi?"

- Tiska!
   
Tikhon giật mình đứng phắt dậy, nhưng ông lại nói:

- Thôi không cần, không cần!
   
Ông đặt bức thư ở dưới cọc đèn sáp và nhắm mắt. Ông thấy lại con sông Donao, một buổi trưa rạng rỡ, những đám lau, doanh trại quân Nga, và bản thân ông lúc bấy giờ là một viên tướng trẻ tuổi, mặt không có một nếp nhăn, hoạt bát, vui vẻ, da dẻ tươi tắn, đang bước vào cái doanh trường lộng lẫy của Potyomkin, và đột nhiên một tình cảm ghen tuông cũng mạnh liệt như ngày xưa khi ông trông thấy người sùng thần của nữ hoàng lại sôi sục trong lòng ông.
   
Rồi ông thấy trước mắt ông hiện ra một người đàn bà dáng hơi thấp, người đẫy đà, khuôn mặt đầy đặn, da vàng - Đó là hoàng thái hậu - Ông thấy lại những nụ cười, nghe vọng lại những lời nói ân cần của hoàng thái hậu khi người tiếp kiến ông lần đầu, và sực nhớ đến khuôn mặt của hoàng thái hậu trong linh cữu, nhớ lại cuộc xung đột giữa ông và ông Zubov(1) ở trước quan tài về quyền được hôn bàn tay của người.
   
"Ôi! Giá có cách gì sớm quay về thời ấy, làm sao cho tất cả hiện tại chấm dứt chong chóng đi, để cho ta được yên thân!".
   
Lưxye Gorư, trang viên của công tước Nikolai Andreyevich ở cách Smolensk sáu mươi dặm Nga về phía tây, và cách con đường cái đi Moskva ba dặm.
   
Tối hôm công tước dặn dò Alpatyts, Dexal xin phép được vào gặp nữ công tước Maria. Ông nói với nàng rằng sức khoẻ công tước không được hoàn toàn bình thường và công tước không nghĩ đến biện pháp để bảo vệ an toàn cho mình, trong khi theo như bức thư của công tước Andrey thì rõ ràng là ở lại Lưxye Gorư không phải không nguy hiềm! Ông kính cẩn khuyên nàng nhờ Alpatyts chuyển cho tỉnh trưởng Smolensk một bức thư, yêu cầu ông ta cho biết tình hình và những nguy cơ đang đe doạ Lưxye Gorư. Nữ công tước Maria ký bức thư do Dexal viết hộ và trao thư cho Anpatyts dặn đưa tận tay viên tỉnh trưởng, và nếu có gì nguy hiểm thì phải trở về báo ngay.
     
Sau khi nhận được những mệnh lệnh ấy, Anpatyts đầu đội mũ da hải ly trắng (quà của công tước cho lão ta), tay xách cái gậy.
   
Giống hệt như cái gậy của công tước, ngồi trên một chiếc xe nhỏ có cái điềm bằng da thắng ba con ngựa xám mập mạp. Người nhà đi theo sau, tiễn lão lên đường.
   
Chuông nhỏ trên xe đã buộc chặt lại và lục lạc đều bọc giấy.
   
Công tước không cho phép ai đi xe có chuông ở Lưxye Gorư. Nhưng Alpatyts lại thích nghe tiếng chuông và tiếng lục lạc trong khi đi một đoạn đường dài. Những người thân thuộc của Anpatyts, người thư ký, người kế toán, người nấu bếp và người phụ bếp, hai bà già, thằng bé hầu phòng, những người đánh xe ngựa và những người đầy tớ khác đều ra tiễn.
   
Cô con gái của Alpatyts đặt sau lưng và trên chỗ ngồi của lão mấy chiếc gối độn lông bọc vải hoa. Bà em vợ già dúi cho lão ta một cái gói nhỏ. Một người đánh xe ngựa xốc nách đỡ lão lên xe.

- Chà chà, lại những chuyện đàn bà! Những chuyện đàn bà!
   
Alpatyts vừa thở hổn hển vừa nói nhanh, y hệt như lão công tước, cho người quản lý, Alpatyts không bắt chước ông chủ nữa: lão cất mũ để lộ cái đầu hói và làm dấu thánh ba lần.

- Nếu có việc gì xảy ra… thì ông phải trở về đây ông Yakob Alpatyts ạ: vì chúa: xin ông thương hại chúng tôi với - vợ lão nói với lão ý muốn ám chỉ những tin đồn đại về chiến tranh và quân địch.

- Chuyện đàn bà, toàn những chuyện vớ vẩn của đàn bà… - Alpatyts lẩm bẩm một mình và ra đi.

Lão đưa mắt nhìn qua cánh đồng ở xung quanh: những đám lúa mạch đã vàng, những đám yến mạch xanh tốt, những thửa đất còn đen mới bắt đầu cày. Alpatyts ngồi trên xe ngắm nhìn những thửa ruộng mùa xuân năm nay hẳn là bội thu, nhìn những đám lúa mạch đây đó đã bắt đầu gặt, nghĩ đến việc gieo giống, đến mùa màng, và nhẩm lại xem mình có quên mệnh lệnh nào của công tước chăng. Sau khi bận dừng lại dọc đường để cho ngựa ăn, chiều ngày mồng bốn tháng Tám Alpatyts vào thành phố.
   
Dọc đường, lão vượt qua những đoàn xe vận tải và những đoàn quân. Khi đến gần Smolensk, lão nghe xa xa có tiếng súng nổ nhưng không để ý. Điều khiến lão chú ý nhất là khi đến gần Smolensk, lão thấy một cánh đồng yến mạch rất tốt bị lính cắt, hẳn là để lấy lúa làm cỏ cho ngựa ăn, và gần đây quân đội đã hạ trại, cảnh tượng này làm lão ngạc nhiên, nhưng lão lại quên ngay trong khi nghĩ đến những việc mình làm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:56:21 pm
Đã hơn ba mươi năm nay, tất cả ý nghĩa của cuộc đời Alpatys đến thu hẹp vào phạm vi ý muốn của mình công tước và không bao giờ lão vượt ra ngoài phạm vi ấy. Tất cả những điều gì không liên quan đến việc thực hiện những mệnh lệnh của ông chủ không những không khiến lão quan tâm, mà thậm chí đối với lão những cái đó cũng không hề tồn tại nữa.
   
Chiều ngày bốn tháng Tám, khi đến Smolensk, Alpatyts dừng lại ở bên kia sông Dniepr, ở ngoại ô Gasta trong cái quán của Ferapontov trước kia làm nghề gác cổng. Đã ba mươi năm nay, lão vẫn thường nghỉ trọ ở đây. Cách đây mười hai năm Ferapontov nghe theo lời Alpatyts có mua một cánh rừng nhỏ của công tước và bắt đầu lo việc buôn bán: Ngày nay ông ta có một ngôi nhà, một cái quán, và một cửa hàng bột. Ông ta là một người đẫy đà trạc bốn mươi tuổi, bụng phệ, tóc đen, mắt đỏ, có đôi môi dầy, cái mũi sư tử, những u nhỏ nổi lên trên cặp lông mày đen nhíu lại.
   
Ông ta đang đứng trước cứa hàng quay mặt ra phía dường cái: mình mặc áo gi-lê, ngoài khoác chiếc áo thụng vải hoa. Nhìn thấy Alpatyts, Ferapontov lại gần nói:

- Chào ông Yakob Alpatyts. Người ta thì rời khỏi thành phố, còn ông lại đến đây - Ông chủ quán nói.

- Rời khỏi thành phố - Thế là thế nào? - Alpatyts hỏi.

- Nào có gì đâu, dân họ ngốc lắm - Họ cứ sợ dân Pháp.

- Ồ toàn chuyện vớ vẩn của đàn bà, toàn chuyện đàn bà! - Alpatyts nói.

- Tôi cũng nghĩ thế ông Yakob Alpatyts ạ. Tôi nói: một khi đã có lệnh không cho chúng vào thì sợ gì nữa phải không ông? Ấy thế mà các bố nông dân đòi ba rúp một xe độc mã, rõ thật là táng tận lương tâm!
   
Yakob Alpatyts lơ đãng nghe ông ta nói. Lão bảo đem ấm lò đến và đem cỏ khô cho ngựa ăn rồi uống nước trà và đi ngủ.
   
Suốt đêm hôm ấy, quân đội nườm nượp kéo qua trước cửa hàng.
   
Sáng hôm sau, Alpatyts mặc cái áo ngoài mà lão chỉ mặc những khi ra phố, và đi làm những công việc chủ dặn. Sáng hôm ấy trời nắng ráo và đến tám giờ đã nóng bức. "Thời tiết này mà gặt lúa thì tuyệt" - lão nghĩ thầm.
   
Từ sáng sớm, ở bên kia thành phố đã nghe tiếng súng trường nổ. Từ tám giờ sáng, nghe có tiếng đại bác xen lẫn với tiếng súng trường. Ngoài đường thấy có rất đông người đang vội vã đi đâu không rõ, lại có rất nhiều lính tráng, nhưng cũng như mọi ngày những chiếc xe ngựa chở khách vẫn đi lại, những người bán hàng vẫn đứng trước cửa hàng và trong các nhà thờ vẫn làm lễ. Alpatyts ghé vào các cửa hàng, các công sở, ghé vào bưu vụ, ai ai cũng nói đến quân đội, nói đến việc quân địch tấn công thành phố; mọi người đều tìm cách làm cho người bên cạnh yên tâm.
   
Trong nhà viên tỉnh trưởng, Alpatyts thấy một đám người rất đông, mấy tốp lính cô-dắc và cái xe hòm của viên tỉnh trưởng. Bước lên thềm lão gặp hai người quý tộc trong đó có một người quen. Người này, trước kia vốn làm cảnh sát trưởng đang nói rất hăng:

- Đã bảo đây không phải chuyện đùa mà! Những anh nào một thân một mình thì còn khá. Một thân một mình mà gặp điều bất hạnh thì chỉ thiệt có một người. Nhưng nếu có một gia đình mười ba miệng ăn, lại thêm bao nhiêu của cải nữa… Chúng nó làm mình khuynh gia bại sản… tướng với tá gì mà lại như thế? Phải tay tôi thì tôi treo cổ hết quân kẻ cướp này!

- Thôi ông đừng nói sạo - người quý tộc kia nói.

- Tôi cần quái gì, ai muốn nghe mặc người ấy. Dù sao chúng mình cũng không phải là chó - viên cựu cảnh sát trưởng nói; đoạn quay lại nhìn và nhận ra Alpatyts.

- À bác Yakob Alpatyts, bác đến đây làm gì thế?

- Cụ lớn bảo tôi đến gặp quan tỉnh trưởng - Alpatyts đáp, ngẩng đầu lên một cách kiêu hãnh và đút một tay dưới vạt áo - mỗi khi nói đến ông chủ lão vẫn làm như vậy. - Công tước có lòng sai tôi đến hỏi tình hình…

- Tình với hình gì - Người quý tộc nói. - Họ làm ăn thế nào mà chẳng còn xe vận tải, chẳng còn cái gì nữa hết. Đấy tình hình đấy, bác đã nghe chưa? - người kia vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía có tiếng súng trường vọng lại. - Họ làm ăn thế này rồi chúng mình chết cả nút… Quân ăn cướp!

Người kia lại nói, đoạn bước xuống thềm.    Alpatyts lắc đầu rồi bước lên cầu thang. Trong phòng đợi, thương nhân, đàn bà, công chức lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Cánh cửa phòng giấy mở ra, mọi người đứng dậy tiến về phía trước. Một viên công chức bước ra có vẻ vội vàng, nói mấy tiếng với thương nhân, bảo một viên công chức béo đeo huy chương đi theo ông ta, rồi lại biến mất sau cánh cửa, hẳn là để tránh tất cả những cái nhìn hướng về phía mình cũng như tránh mọi câu hỏi. Alpatyts bước tới và khi viên công chức này xuất hiện lần thứ hai, lão liền đến gần, một tay đưa ra hai phong bì, một tay đút vào áo ngoài.
   
Thư của đại tướng tổng tư lệnh Bolkonxki gửi nam tước As - Lão nói, giọng dõng dạc và trang trọng đến nỗi viên công chức kia quay lại và cầm lấy hai phong thư. Vài phút sau quan tỉnh trưởng tiếp Alpatyts và hấp tấp nói với lão:

- Anh thưa với công tước và công tước tiểu thư rằng tôi không biết tin tức gì hết, tôi chỉ làm việc theo mệnh lệnh trên. Mệnh lệnh đây này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:57:17 pm
Ông ta đưa cho lão một tờ giấy.

- Dù sao, vì công tước đang ốm, tôi khuyên công tước nên đi Moskva. Tôi cũng sắp đi đây… - Nhưng viên tỉnh trưởng không kịp nói hết, một viên sĩ quan mồ hôi như tắm, người phủ đầy bụi, chạy tọt vào phòng và nói với viên tỉnh trưởng bằng tiếng Pháp. Khuôn mặt của viên tỉnh trưởng lộ vẻ khiếp sợ. - Anh đi đi… - ông ta hất hàm nói với Alpatyts và bắt đầu hỏi viên sĩ quan.
   
Những cái nhìn thèm thuồng, sợ hãi và lo lắng đổ về phía Alpatyts khi lão ra khỏi văn phòng viên tỉnh trưởng. Trong khi hối hả trở về quán trọ, Alpatyts bất giác lắng nghe những tiếng súng nổ lúc này đã gần và ngày càng vang dội. Tờ giấy viên tỉnh trưởng trao cho lão viết như sau:
   
"Tôi xin cam đoan với ngài rằng thành phố Smolensk sẽ không gặp điều gì nguy hiểm, dù là nhỏ nhất và không có lý do gì để cho rằng nó đang bị uy hiếp. Một bên là tôi, một bên là công tước Bagration, chúng tôi đều tiến quân và hai đạo quân sẽ gặp nhau trước Smolensk ngày hai mươi tháng này, hai đạo quân này sẽ hợp toàn lực bảo vệ đồng bào trong tỉnh ở dưới quyền cai trị của ngài cho đến khi những sự nỗ lực của chúng tôi buộc quân thù phải rút lui hay cho đến khi những hàng quân anh dũng của chúng tôi gục xuống cho đến người lính cuối cùng. Như vậy, ngài hoàn toàn có quyền báo cho nhân dân Smolensk hãy an tâm bởi vì một khi đã được hai đạo quân anh dũng như vậy bảo vệ thì người ta có thể tin chắc vào thắng lợi" (Nhật lệnh của Barclay de Tolly gửi cho nam tước As, tỉnh trưởng Smolensk: năm 1812).
   
Dân chúng đổ ra đường có vẻ lo lắng. Những chiếc xe vận tải chở đầy ăm ắp những bát đĩa, bàn ghế, tủ con, kéo nhau ra khỏi cổng thành và ùa ra đường cái.
     
Trước ngôi nhà ở bên quán trọ của Ferapontov cũng có mấy cỗ xe vận tải; mấy người đàn bà chia tay nhau vừa khóc vừa kể lể. Một con chó sủa ăng ẳng chay quanh quẩn trước mấy con ngựa đã thắng vào xe.
     
Alpatyts bước vào sân nhà vội vã hơn ngày thường và tiến thẳng đến chuồng ngựa, nơi lão gửi cỗ xe và mấy con ngựa nhà công tước.
     
Người đánh xe đang ngủ; lão đánh thức anh ta dậy, sai thắng xe rồi bước vào nhà. Trong phòng của chủ nhà có tiếng trẻ khóc, tiếng đàn bà nức nở rất thảm thiết, có tiếng quát giận dữ và khản đặc của Ferapontov. Alpatyts vừa bước vào phòng ngoài thì chị nấu bếp kêu toáng lên như một con gà mái hốt hoảng.

- Ông ta đánh bà chủ - Ông ta đánh bà chủ chết mất: ông ta cứ nện và lôi bà chủ xềnh xệch…

- Tại sao? - Alpatyts hỏi.

- Vì bà ấy đòi đi. Đàn bà bao giờ chả thế! Bà ta nói: ông đưa tôi đi đừng để mẹ con tôi chết, người ta đi hết cả rồi, mình còn đợi cái gì nữa chứ? Thế là ông ta bắt đầu nện… ông ta cứ thế mà nện và kéo bà ta xềnh xệch.
   
Alpatyts gật đầu tỏ ý tán thành những lời nói này, và không muốn nghe thêm gì nữa, lão đi về phía cửa trước mặt, dẫn vào phòng của chủ nhà, nơi lão đã để các thứ mới mua ngoài phố.

- Đồ dã man, đồ giết người!
     
Vừa lúc ấy người đàn bà gầy gò, xanh xao, tay bế một đứa bé, khăn bịt đầu sổ tung, chạy vụt ra khỏi phòng, lao về phía cầu thang gác dẫn ra sân và thét lên. Ferapontov cũng ra theo. Trông Alpatyts, ông sửa lại cái áo gi-lê, sửa lại mái tóc ngáp một cái, rồi bước theo Alpatyts vào phòng trong.

- Ông định đi đấy à? - Ông ta hỏi.
     
Không đáp lại câu hỏi ấy, cũng không nhìn chủ nhà, Alpatyts sắp xếp lại các thứ vừa mua được và hoti Feraponlov xem phải trả bao nhiêu tiền.

- Việc đó ta sẽ bàn sau. Này ông. Ông vừa đến nhà ông tỉnh trưởng phải không? - Ferapontov hỏi. - Người ta quyết định thế nào?

Alpatyts trả lời là ông tỉnh trưởng không nói gì dứt khoát hết.

Ferapontov nói:

- Ông tính công việc làm ăn như việc của chúng tôi mà dọn đi đâu bây giờ? Chỉ đi đến Dorogobuie thôi mà mỗi xe chở hàng mà họ đã đòi tới bảy rúp. Tôi nói thực: họ thật không còn là người Cơ đốc giáo nữa. Thằng cha Xelivanov thật là may. Hôm thứ năm hắn bán bột cho quân đội mỗi bì chín rúp. Này ông. Ông uống trà chứ? - Ferapontov nói thêm.

Trong khi người nhà thắng xe, Alpatyts vừa uống trà vừa nói đến giá lúa mì, nói chuyện mùa màng: thời tiết này thật tốt cho việc gặt hái.

- Tiếng súng xem ra bắt đầu ngớt… - Ferapontov nói sau khi uống xong ba chén trà và đứng lên. - Thế nào quân ta cũng thắng. Người ta đã bảo là nhất định không cho chúng vào mà. Như thế nghĩa là chúng ta mạnh hơn… Nghe nói hôm nọ Matvey Ivanyts Platov đã hất cổ chúng xuống sông Marina chỉ trong một ngày chúng đã chết đuối mất đâu đến một vạn tám nghìn đứa.
Alpatyts thu xếp lại tất cả những đồ đạc vừa mua, trao cho người đánh xe khi anh ta bước vào phòng và trả tiền cho chủ quán.
       
Ở ngoài cổng có tiếng bánh xe của chiếc xe nhỏ đang đi xa, tiếng chân ngựa nện trên đất lóc cóc và tiếng lục lạc lanh canh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:58:12 pm
Bây giờ đã xế chiều, bóng rợp đã che một nửa mặt đường, nửa kia hãy còn rực ánh nắng.    Alpatyts liếc mắt nhìn qua cửa sổ rồi bước về phía cửa. Đột nhiên, xa xa có tiếng rít kỳ lạ kèm theo tiếng một vật gì rơì xuống và sau đó tiếng pháo gầm lên, kéo dài, làm cho những tấm kính ở của rung lên bần bật Alpatyts đi ra phố; trên đường cai có hai người đang chạy về phía cầu. Từ nhiều phía có tiếng đạn bay vù vù, tiếng tạc đạn và pháo đạn rơi xuống thành phố nổ tung lên. Nhưng những tiếng đóng này hâu như dân cư không ai nghe thấy và không chú ý bằng tiếng súng gâm lên ở ngoài thành phố. Theo lệnh của Napoléon, từ lúc năm giờ nã vào Smolensk. Thoạt tiên dân cư không hiểu ý nghĩa cuộc pháo kích này.
     
Lúc đầu, tiếng tạc đạn và pháo đạn rơi xuống chỉ kích thích trí tò mò của dân phố. Vợ của Ferapontov từ nãy đến giờ vẫn đứng khóc sụt sùi dưới nhà kho bỗng im bặt, đứa con đi về phía cổng lặng lẽ đứng nhìn những người qua lại và lắng tai nghe những tiếng động. Chị nấu bếp và người bán hàng cũng ra thềm. Họ đều tìm cách nhìn theo những quả tạc đạn bay trên đầu, có vẻ tò mò, thích thú. Còn mấy người từ góc phố đi lại, hăm hở trò chuyện.

- Mạnh thật! - một người nói - Mái nhà, trần nhà đều nát vụn ra cả.

- Nó cày đất lên như lợn ta lấy mõm ủi vậy, - một người khác nói - Ghê thật, khiếp cả người. - hắn cười và nói thêm. - May phúc mà cậu nhảy phắt sang một bên, không thì nó xơi cậu nát nhừ rồi.
   
Dân phố gọi họ. Họ đứng lại và kể rằng một quả tạc đạn đã rơi xuống cái nhà ngay bên cạnh nhà họ. Trong lúc đó đạn vẫn thi nhau bay trên đầu, tiếng rít nhanh và ghê rợn của pháo đạn, chen lẫn tiếng vun vút dễ chịu của tạc đạn. Nhưng không có quả đạn nào rơi xuống gần, tất cả đều bay vượt qua. Alpatyts lên xem.
Người chủ quán đứng ở bên cổng.

- Có gì đâu mà nhìn với ngó! - Ferapontov quát chị nấu bếp mặc váy đỏ ống tay áo xắn lên, hai khuỷu tay trần đung đưa, lúc bấy giờ đã ra tận góc phố để xem người ta nói gì.

- Lạ thật. - Chị lẩm bẩm, nhưng nghe tiếng chủ, chị liền chạy về, vừa chạy vừa kéo váy xuống.

Người ta lại nghe thấy một tiếng gì rít lên nhưng lần này rất gần, và như một con chim từ trên cao sà xuống, một tia chớp sáng loé lên giữa phố, một tiếng nổ vang lên và khắp dãy phố mù mịt những khói.

- Khốn nạn! Mày làm sao thế? - Người chủ nhà quát lên và chạy về phía chị nấu bếp.

Cũng trong lúc ấy, tiếng đàn bà rên ta vang lên từ bốn phía, một đứa trẻ hoảng sợ khóc oà lên và đám đông im lặng, mặt tái xanh, xúm quanh chị nấu bếp. Tiếng rên rỉ kêu ta của chị át cả những tiếng khác ở trong đám đông.

- Ôi, ối, làng nước ơi, anh em ơi! Đừng để tôi chết, làng nước ơi!…
     
Năm phút sau, ở ngoài đường không còn ai nữa. Người ta dã mang chị nấu bếp vào nhà bếp, đùi của chị đã bị một mảnh tạc đạn bắn gãy. Alpatyts, người đánh xe của lão, vợ con của Ferapontov, người coi cổng đều đã nấp vào hầm rượu, lắng tai nghe ngóng.
     
Tiếng gầm của đại bác, tiếng rít của tạc đạn và to hơn cả là tiếng rên ta của chị nấu bếp, vẫn không lúc nào dứt. Bà vợ chủ quán khi thì ru và dỗ con, khi thì hỏi tất cả những người vào nấp ở hầm rượu với cái giọng thì thào rên rỉ xem ông chồng nãy giờ vẫn ở ngoài đường nay ở đâu. Người bán hàng vừa vào hầm bảo là chồng ba đang theo người ta đến nhà thờ rước bức thánh thần kỳ của thành Smolensk đi nơi khác.
     
Đến chập tối, tiếng đại bác ngớt dần. Alpatyts ra khỏi hầm rượu và dừng lại ở ngưỡng cửa. Bầu trời chiều trước đây trong sáng nay đã đen kít những khói. Và qua lớp khói này vành trăng lưỡi liềm hiện lên, cao vòi vọi, chiếu xuống đất một ánh sáng kỳ ảo. Sau khi tiếng gầm dữ dội của đại bác đã ngớt, thành phố lại chìm trong im lặng, chỉ có tiếng chân bước, tiếng rên rỉ, tiếng gọi í ới xa xa, tiếng nổ lách tách của những dám cháy. Những âm thanh này nghe như lan rộng ra khắp thành phố. Những tiếng rên rỉ của chị nấu bếp giờ đã im bặt. Từ hai phía những cột khói đen bốc lên từ các đám cháy và toà rộng ra. Ngoài phố, những tốp lính mặc quân phục khác nhau kéo qua, kẻ thì đi, người thì chạy, mỗi người một phía, không có hàng ngũ gì cả, trông như đám kiến vỡ tổ. Alpatyts thấy một người trong bọn họ kéo nhau vào sân nhà Feraponlov. Alpatyts bước ra cổng. Một trung đoàn trong khi rút lui vội vã chen chúc nhau, xô đẩy nhau làm nghẽn cả đường phố.

- Thành phố bị bó ngỏ rồi! Đi đi thôi đi đi thôi. - Một sĩ quan trông thấy bóng Alpatyts liền nói: đoạn quay lại quát binh sĩ.

- Đứa nào dám mò vào sân nhà người ta thì sẽ biết tay tao.
     
Alpatyts quay vào nhà, gọi người xà ích bảo đánh xe ra. Tất cả những người nhà của Ferapontov cũng ra theo Alpatyts và người đánh xe. Trông thấy khói và cả những ngọn lửa của các đám cháy bây giờ đã hiện rõ trong bóng hoàng hôn, người đàn bà nãy giờ im lặng bỗng cất tiếng kêu khóc than vãn. Như thể phụ hoạ với họ ở hai đầu phố cùng vang lên những tiếng kêu khóc như vậy. Ở dưới mái hiên, Alpatyts và người đánh xe tay run lẩy bẩy đang lo ngỡ những sợi dây cương và dây thắng đang mắc vào nhau.
     
Khi xe đã ra khỏi cổng, Alpatyts thấy trong cửa hàng của Ferapontov đang mở cửa, có mười người lính miệng nói bô bô, tay lo nhét bột mì và hạt nhân sa vào bị. Vừa lúc ấy Ferapontov ở ngoài phố về. Nhìn thấy tốp lính ông ta toan kêu lên nhưng rồi bỗng im bặt, giơ hai tay túm lấy tóc và phá lên cười, tiếng cười nghẹn ngào nghe như tiếng nấc.

- Anh em cứ mang hết đi, mang hết đi cho tôi! Đừng có để gì cho bọn quỷ sứ kia - Ông ta vừa nói vừa vơ mấy cái bị cột vất ra đường.

Mấy người lính sợ hãi bỏ chạy, mấy người lính khác vẫn tiếp tục nhét bột vào bị. Trông thấy Alpatyts,
Ferapontov quay về phía lão:

- Thôi thế là xong! Nước Nga đi đời rồi! - Ông ta kêu lên - Ông Alpatyts ơi, nước Nga đi đời rồi! Tôi sẽ thân hành châm lửa đốt nhà. Thế là hết!… - Ông ta chạy bổ ra ngoài sân.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 14 Tháng Giêng, 2011, 08:59:18 pm
Ngoài đường đông nghịt những tên lính, ùn ùn kéo đi không ngớt làm cho xe Alpatyts không sao đi được, đành phải nán đợi. Vợ của Ferapontov cùng ngồi với các con trên một chiếc xe tải đợi lúc có thể đi được.
   
Trời đã tối mịt. Trên bầu trời lác đác những vì sao và vành trăng lưỡi liềm chốc chốc lại chiếu sáng qua màn khói phủ. Khi đi xuống sông Dniepr, chiếc xe của Alpatvlts và chiếc xe của bà vợ Ferapontov đang đi chầm chậm giữa những đoàn xe khác và những hàng binh sĩ bỗng phải dừng lại. Gần ngã tư nơi xe dừng, một ngôi nhà và mấy cái cửa hàng đang cháy ở trong một ngõ hẻm. Đám cháy đang tàn dần. Ngọn lửa khi thì tắt ngấm và lấp hẳn trong đám khói đen, khi thì bừng lên chiếu sáng một cách rõ rệt lạ lùng khuôn mặt của những người đang chen chúc nhau ở ngã tư. Trước đống lửa, những bóng đen vật vờ qua lại, và qua tiếng lửa nổ lép bép liên hồi có thể nghe những tiếng kêu la ơi ới. Alpatyts xuống xe, và thấy chẳng dễ gì mà có thể đi được ngay, bẽn lẽn vào trong ngõ để xem dám cháy gần hơn. Binh sĩ đi đi lại lại không ngớt trước đám cháy, và Alpatyts thấy hai người lính cùng với một người mặc áo khoác bằng dạ xù mang những thanh xà cháy rực qua đường sang sân nhà bên cạnh, còn những người khác thì ôm theo từng bó cỏ khô.
   
Alpatyts đến gần một đám đông đang đứng trước một gian nhà kho cao lửa bốc cháy rần rật. Tường đều bốc cháy, bức tường phía sau đã đổ xuống, mái nhà đã sập, mấy chiếc kèo bốc cháy ngùn ngụt. Hẳn là đám người này đang đứng đợi xem lúc mái nhà đổ ụp xuống, Alpatyts cũng đứng đợi.

- Alpatyts! - Đột nhiên có - một giọng nói quen thuộc gọi lão.

- Trời ơi! Công tước - Alpatyts nói, nhận ngay ra giọng nói của vị công tước trẻ tuổi của mình.

Công tước Andrey mình mặc áo khoác, cưỡi con ngựa ô đứng ở phía sau đám đông. Đang nhìn Alpatyts.
     
Ông làm gì ở đây thế? - công tước Andrey hỏi.

- Thưa… thưa ngài… - Alpatyts nói đoạn bật lên khóc rưng rức, - Thưa ngài… thế là chúng ta chết cả hay sao?

- Ông làm gì ở đây thế? - công tước Andrey hỏi lại.
     
Ngọn lửa bừng sáng lên khiến Alpatyts nhìn thấy khuôn mặt tái xanh và mệt mỏi của ông chủ trẻ tuổi. Alpatyts kể lại việc mình được sai đi Smolensk và đến lúc về đã chật vật ra sao.

- Thưa ngài, có phải chúng ta chết thật không? - Lão hỏi lại.
     
Công tước Andrey không đáp, chàng rút quyển sổ tay xé một tờ, nhắc đầu gối lên kê và viết mấy chữ bằng bút chì. Chàng viết cho em gái:
     
"Smolensk sẽ bị bỏ ngỏ. Trong tám ngày nữa Lưxye Gorư sẽ bị chiếm. Đi ngay Moskva. Trả lời ngay cho anh biết khi nào khởi hành bằng cách cho một người đưa tin đến Uxvyai tìm anh".
     
Sau khi viết và giao tờ giấy cho Alpatyts, công tước Andrey dặn lão cách thu xếp cho lão công tước, công tước tiểu thư và con trai chàng cùng với người gia sư ra đi và cách làm thế nào để trả lời cho chàng biết ngay. Chàng chưa nói dứt lời thì một sĩ quan tham mưu với một người tuỳ tùng theo sau đã phi ngựa đến.

- Ồng là đại tá phải không? - Viên sĩ quan tham mưu quát lên với cái giọng lơ lớ của người Đức. Tiếng nói của hắn công tước Andrey nghe quen quen. - Người ta đốt nhà trước mắt ông thế mà ông cứ đứng yên đấy à? Như thế nghĩa là thế nào. Ông phải chịu trách nhiệm về việc này - Berg thét lên… Lúc này Berg đã làm tham mưu phó cánh trái của quân đoàn bộ binh thứ nhất, "một chức vụ rất dễ chịu và dễ được chú ý" như chàng vẫn nói.
   
Công tước Andrey nhìn Berg không đáp và nói tiếp với Alpatyts:

- Ông nhớ bảo là tôi đợi thư trả lời ngày mùng mười, nếu ngày mùng mười mà không có tin báo mọi người đã đi cả thì tôi bắt buộc phải bỏ hết mọi việc để về Lưxye Gorư đấy.

- Thưa công tước, - Berg nhận ra công tước Andrey liền nói để tự bào chữa. - Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi phải thi hành những mệnh lệnh của cấp trên và tôi bao giờ cũng thi hành mệnh lệnh một cách nghiêm túc… Xin công tước tha lỗi.
     
Ở giữa đám lửa có tiếng nổ lốp bốp. Ngọn lửa bỗng hạ xuống trong chốc lát; những cột khói đen ngòm ở mái nhà bốc lên.
     
Người ta lại nghe một tiếng răng rắc ghê sợ và cả một khối đồ sộ đổ ụp xuống…

- Ồ ồ ồ đám người gào lên để phụ hoạ theo tiếng mái nhà kho đổ ụp xuóng ầm ầm. Từ mái nhà bốc lên mùi bánh mì và bánh đa bị cháy. Ngọn lửa bùng lên chiếu sáng những khuôn mặt mệt mỏi nhưng phấn chấn của người quây quần xung quanh đám cháy.
     
Người mặc áo khoác dạ xù giơ hai tay lên trời kêu to:

- Hay lắm! Nổ giòn lắm! Khá lắm các cậu ạ!

Chính ông chủ nhà đấy - có tiếng xì xào.

- Nghe rồi chứ, - công tước Andrey nói với Alpatyts, - Ông nhớ nói lại tất cả những điều tôi đã dặn. - Và không nói một lời với Berg trong lúc hắn vẫn đứng lặng thinh bên cạnh chàng, công tước Andrey thúc ngựa rẽ vào ngõ.

============================================================

Chú thích:

(1) Zubov: sủng thần cuối cùng của Ekaterina II.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:05:41 pm
Phần X
Chương - 4
     
Từ Smolensk, quân ta vẫn tiếp tục rút lui. Quân địch đuổi theo.
     
Ngày mồng mười tháng tám, trung đoàn công tước Andrey chỉ huy đi trên đường cái lớn cạnh con đường dẫn đến Lưxye Gorư. Đã hơn ba tuần nay, trời nóng nực và khô ráo. Ngày nào cũng có những dám mây ùn ùn kéo đến, đôi khi che cả ánh nắng, nhưng đến chiều thì mây lại tan và mặt trời!ặn trong đám sương mù màu đỏ gạch. Mặt đất còn mát được đôi chút chỉ là nhờ sương đêm xuống nhiều.
 
Lúa mì chưa gặt khô róc lại, hạt rơi vương vãi. Các ao đầm đều khô cạn hết; gia súc đói kêu rống lên vì không kiếm được thức ăn trên những cánh đồng cỏ bị ánh nắng thiêu đốt. Chỉ có ban đêm và trong rừng, chỗ nào có sương thì còn mát một chút, nhưng trên đường cái, trên con đường cái lớn quân đội trẩy đi thì chẳng có gì, mát mẻ, ngay cả ban đêm hay lúc đi qua đường rừng cũng vậy. Người ta chẳng thấy vết sương nào vì sương đã thấm vào dám bụi phủ trên dường dày đến nửa tấc. Trời vừa mới hửng sáng thì quân đội đã lên đường Những đoàn xe vận tải, những đội pháo binh lặng lẽ kéo đi, bánh xe ngập đến trục, người thì ngập đến mắt cá trong cái lớp bụi mềm, ngột ngạt và nóng hâm hấp mà trời đêm cũng chẳng làm dịu bớt được chút nào. Một phần còn lại bốc lên thành một đám mây che trên đâu đoàn quân, lọt vào mắt, mũi, tóc, lại, nhất là vào phôi của người và ngựa. Mặt trời càng lên cao thì cái dám mây này càng bốc lên cao, và qua dám bụi nhỏ và nóng bỏng này, nhìn bằng mắt thường người ta cũng có thẻ thấy mặt trời không bị mây che, trông như một quả cầu to đỏ tía. Không có lấy một hơi gió thoảng, và người ta nghẹt thở trong cái bầu không khí im lìm này. Họ bước đi, lấy khăn tay bịt mũi và miệng. Mỗi khi qua làng mọi người đều đậm bổ đến những chỗ có giếng và uống cạn đến cho đến tận bùn.
   
Công tước Andrey chỉ huy một trung đoàn; việc tổ chức đơn vị, chăm nom phúc lợi của binh sĩ, sự cần thiết phải nhận mệnh lệnh và ra lệnh thu hút tất cả tâm trí của chàng. Việc thành phố Smolensk bị đốt cháy và bị bỏ rơi đã đánh dấu một giai đoạn lớn trong đời chàng. Lòng căm phẫn đối với quân thù mới nảy sinh làm chàng quên cả nỗi buồn riêng. Chàng để tất cả tâm trí vào công việc của trung đoàn, chàng quan tâm săn sóc đến binh lính cũng như sĩ quan và rất ân cần đối với họ. Trong trung đoàn, binh sĩ gọi chàng là công tước của chúng ta, họ tự hào về chàng và yêu mến chàng.
   
Nhưng chàng chỉ tốt và ân cần đối với binh sĩ trong trung đoàn của chàng, đối với những người như Timokhin, vv… là những người hoàn toàn mới mẻ đối với chàng và thuộc một giới khác, những người không thể nào hiểu chàng cũng như không thể nào biết được quá khứ của chàng; trái lại, mỗi khi chàng đứng trước một người bạn cũ, những người trong bộ tham mưu, thì thái độ của chàng thay đổi hẳn: chàng đâm ra khó chịu, hay châm chọc, mỉa mai và khinh người. Tất cả những gì nhắc chàng nhớ đến quá khứ đều làm cho chàng bực bội, và chính vì vậy, trong những quan hệ của chàng với cái thế giới cũ ấy chàng chỉ cố gắng làm sao cho khỏi bất công và làm trờn nhiệm vụ của mình.
   
Thực vậy trước mắt công tước Andrey, tất nhiên đều hiện ra dưới một ánh sáng âm u, ảm đạm, nhất là từ ngày mùng sáu tháng tám, sau khi quân ta bỏ Smolensk (theo ý chàng người ta phải và có thể bảo vệ thành phổ này) và sau khi cha nàng, tuy đang ốm vẫn phải chạy về Moskva vứt bỏ lại cái điền trang Lưxye Gorư yêu quý của ông, nơi mà ông đã tốn bao nhiêu công phu xây dựng và khai khẩn để cho người ta cướp phá.   Tuy thế, nhờ có trung đoàn, chàng vẫn có thể nghĩ đến một vấn đề khác, hoàn toàn không liên quan đến những vấn đề chung: nghĩ đến trung đoàn của chàng.
   
Ngày mồng mười tháng Tám, đạo quân trong đó có trung đoàn của chàng đến gần ngang Lưxye Gorư. Cách đây hai ngày trước công tước Andrey nhận được tin cha chàng, con chàng và em gái chàng đã đi Moskva. Mặc dầu chàng không có việc gì phải làm ở Lưxye Gorư, nhưng vì chàng vốn có cái thói muốn làm cho nỗi buồn bực của mình càng thêm gay gắt, nên chàng quyết định thế nào cũng phải ghé qua Lưxye Gorư.
   
Chàng ra lệnh đóng yên cương và rời khỏi nơi trung đoàn trú quân, đi ngựa về làng cũ, nơi chàng đã ra đời và sống qua thời thơ ấu.

Chàng đi men theo bờ ao, nơi mà trước đây lúc nào cũng có hàng chục người đàn bà vừa nói chuyện vừa gặt và đập quần áo. Trên bờ ao chẳng có một bóng người, còn cái cầu ao thì đã rơi ra khỏi bờ, chìm xuống nước một nửa và trôi ra giữa ao. Công tước Andrey đến gần ngôi nhà của người canh cổng. Cạnh cái cổng bằng đá chẳng thấy ai, cánh cổng cũng chẳng đóng. Trên những lối đi trong vườn cỏ đã mọc xanh rì, mấy con bê và mấy con ngựa đi rông trong khu vườn kiểu Anh. Công tước Andrey đến khu vườn ủ cây: những miếng kính đã vỡ, những cây con trong các thùng, cây thì đã đổ, cây thì đã khô héo. Chàng gọi Tarax, người làm vườn. Chẳng thấy ai thưa. Chàng vòng qua nhà ủ cây đi đến khoảng sân nề thì thấy dãy hàng đào bằng gỗ chạm đã bị phá huỷ hết, và cả trái lẫn cành cây trong vườn đều bị vặt trụt. Một người nông dân già (công tước Andrey lúc nhỏ thường thấy ông ta ngồi bên cổng) ngồi trên cái ghế dài sơn xanh đang tết một chiếc giày sợi.
   
Ông ta điếc nên không nghe bước chân của công tước Andrey đến gần. Ông ta ngồi trên chiếc ghế dài trước kia lão công tước ngồi, bên cạnh có mấy ống sợi gai treo trên cành một mộc lan khô và gãy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:06:20 pm
Công tước Andrey đến toà nhà. Một vài cây bồ đề trong khu vườn xưa bây giờ đã bị đẵn, một con ngựa xám màu xám cùng với con nó đang đi rông ngay trước nhà, giữa những khóm hoa hồng.
   
Những cánh cửa sổ đã bị đóng đinh kín mít. Chỉ có một cửa sổ ở dưới là còn mở. Nhìn thấy công tước Andrey, một đứa bé chạy bổ vào trong nhà.
   
Alpatyts sau khi cho gia đình đi hết vẫn ở lại một mình ở Lưxye Gorư. Lão đang ngồi trong nhà đọc sách "Thân thể các vị thánh".
   
Nghe tin công tước về, lão vừa đi ra vừa cài cúc áo, mắt vẫn đeo kính, vội vàng ra đón chàng và chẳng nói chẳng rằng ôm chầm lấy đầu gối chàng mà khóc, rồi lão quay mặt đi, bực bội vì đã tỏ ra yếu đuối, và bắt đầu kể lại cho chàng rõ sự tình. Tất cả những cái gì quý giá đều đã chở đi Bogutsarovo rồi. Lúa mì độ hai trăm năm mươi tạ cũng đã được đửa đến đấy; còn cỏ và lúa mì mùa xuân, một mùa đặc biệt, như Alpatyts nói, đã bị quân lính cắt mất từ lúc còn xanh. Nông dân bị phá sản, một số đã đến Bogutsarovo, còn một số ít ở lại.
   
Công tước Andrey không để cho lão nói hết, chàng hỏi:

- Cha tôi và em gái tôi đi từ bao giờ?
   
Ý chàng muốn hỏi là đi Moskva. Người Alpatyts tưởng chàng muốn hỏi họ đi Bogutsarovo từ hôm nào nên nói rằng họ đi vào ngày mồng bảy. Rồi lão lại con cà con kê về những công việc ở điền trang và xin cho biết bây giờ phải làm gì:

- Có nên giao yến mạch cho quân đội sau khi nhận được biên lại không? Chúng ta đang còn một nghìn hai trăm tạ - lão hỏi.

"Ta biết trả lời ông ta như thế nào bây giờ?" -  Công tước Andrey nghĩ thầm, đưa mắt nhìn cái trán hói của ông già sáng bóng dưới ánh nắng, và trông gương mặt của lão, chàng thấy lão cũng hiểu rằng bây giờ mà hỏi những câu này là không đúng lúc nhưng lão vẫn hỏi để đẹp bớt nỗi đau xót trong lòng.

- Được cứ giao cho họ. - Chàng nói.
   
Công tước Andrey thấy vườn tược lộn xộn như thế - Alpatyts nói - là vì không tài nào ngăn cấm họ được. Ba trung đoàn đã nghỉ đêm ở đây, nhất là lính long kỵ binh. Tôi đã ghi cấp bậc và tên họ viên sĩ quan chỉ huy để làm đơn khiếu nại.

- Còn ông, ông định làm gì ở đây? Nếu quân địch đến đây thì ông có ở lại không? - Công tước Andrey hỏi.
   
Alpatyts quay mặt về phía công tước Andrey và nhìn chàng một lát rồi bỗng đưa một cánh tay lên trời với một cử chỉ trang nghiêm và nói:

- Thượng đế xưa nay vẫn che chở cho tôi, xin để ý muốn của Người được thực hiện.

Một đám nông dân và gia nhân đi trên bồn cỏ cất mũ lại gần công tước Andrey.

- Thôi! Xin từ biệt. - công tước Andrey cúi xuống nói với Alpatyts. - Ông cũng đi đi, mang được gì thì mang và bảo mọi người đến Ryazan hay đến điền trang ngoại thành Moskva.
Alpatyts khẽ ẩy lão ra và phi ngựa dọc theo con đường trong vườn.
   
Trước nhà ủ cây, ông già vẫn ngồi điềm nhiên như con ruồi đỗ trên mặt một người chết, vỗ vỗ chiếc giày da lên cái cốt lồng. Hai đứa con gái nhỏ gấu váy kéo lên đựng đầy những quả mận vừa mới hái trên những cây mận trong vườn ủ cây, đang từ đấy chạy ra thì gặp phải công tước Andrey. Trông thấy ông chủ trẻ tuổi, đứa lớn vẻ mặt hốt hoảng nắm lấy tay đứa nhỏ và cả hai kéo nhau nấp ra sau cây bạch dương, không kịp nhặt những quả mận xanh rơi vương vãi trên đất.

Công tước Andrey hối hả quay mặt đi, sợ hai đứa bé biết chàng đã trông thấy chúng. Chàng thương hại cho đứa con gái xinh xắn đang khiếp sợ. Chàng không dám nhìn nó, nhưng đồng thời lại thấy thèm nhìn không sao nén nổi. Một tình cảm mới mẻ, dịu dàng và đầy sức an ủi tràn vào tâm hồn chàng khi nhìn những đứa trẻ kia: chàng hiểu rằng trên đời còn có những quyền lợi khác của con người, hoàn toàn xa lạ đối với những quyền lợi của chàng và cũng chính đáng như vậy. Hai đứa hé kia chi khát khao mong mói có một điều là mang những quả mận xanh kia đi ẩn nốt mà không bị người ta bắt, và công tước Andrey cũng cùng hai đứa bé cầu mong như vậy. Chàng không thể nào ngăn cấm mình không nhìn chúng một lần nữa. Cho rằng mình đã thoát vòng nguy hiểm, chúng nhẩy ra khỏi nơi ẩn nấp và hai tay túm chặt lấy gấu áo, miệng reo lanh lảnh, chúng vui vẻ chạy tung tăng trên bãi cỏ để lộ hai đôi chân trần nhỏ bé rám nắng.
     
Sau khi rời khỏi con đường cái lớn đầy bặm bụi mà quân đội đang hành quân, công tước Andrey cảm thấy trong người hơi mát mẻ đôi chút. Nhưng vừa đi khỏi Lưxye Gorư được một quãng đường ngắn, chàng lại ra đường cái và bắt gặp trung đoàn của mình đang dừng lại nghỉ ở cạnh con đê đắp bên một cái ao nhỏ. Bấy giờ là hai giờ chiều. Mặt trời, một quả cầu đỏ rực ở trong đám bụi mù, đốt cháy lưng người ta qua lớp áo đen. Lớp bụi vẫn im lìm lơ lửng trên đám quân vì bây giờ họ đã dừng lại nói chuyện bô bô. Không một ngọn gió thoảng qua. Trong khi đi dọc theo bờ đê, công tước Andrey cảm thấy mùi bùn và hơi mát của cái ao bốc lên. Chàng muốn ngâm mình xuống nước, dù nó bẩn đến đâu cũng mặc. Chàng ngoái cổ nhìn lại phía ao nơi có tiếng reo cười đưa lại. Nước ao nhỏ đục ngầu, đầy những bèo, hình như dâng đến ba mươi phân và tràn ngập con đê vì nó đầy những binh sĩ đang lội dưới nước, thân hình trần truồng trắng lôm lốp, tay, cổ và mặt đều đỏ như gạch. Tất cả cái mớ thịt người trắng hếu và trần truồng ấy đang reo cười và vùng vẫy dưới cái ao bẩn thỉu, chẳng khác gì một mớ cá chen chúc nhau trong một cái bình tưới. Cảnh tắm rửa này xem ra rất vui, cho nên nó lại càng gợi cho người ta những ý nghĩ buồn bã.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:06:53 pm
Một người lính trẻ tuổi tóc hung thuộc đại đội ba (công tước Andrey biết anh ta) ở trên bắp vế thắt một cái nịt, vừa làm dấu thánh giá vừa bước lùi lại để lấy đà nhảy xuống nước, một người khác, một hạ sĩ quan tóc đen bù xù, nước đến thắt lưng, đang quay ngang quay ngửa cái thân hình gân guốc, hì hụp dưới nước một cách vui vẻ và lấy hai bàn tay rám nắng đến tận cổ tay vốc nước đổ lên đầu. Người ta nghe tiếng người cười nói, tiếng gọi nhau, tiếng tay vỗ vào người nhau đen đét.
     
Ở trên bờ, trên đê, dưới ao, đâu đâu cũng là da thịt trắng lôm lốp khoẻ mạnh, lực lưỡng. Timokhin, viên sĩ quan mũi đỏ đang đứng trên đê lấy khăn lau mình, nhìn thấy công tước Andrey, anh lúng túng nhưng cũng đánh bạo nói với chàng:

- Thưa ngài, tắm thế này dễ chịu lắm! Có lẽ mời ngài tắm một chút - anh ta nói.

- Bẩn lắm - công tước Andrey cau mặt nói.

- Chúng tôi sẽ bảo họ tránh ra để ngài tắm cho sạch. - và Timokhin, người vẫn còn trần truồng, vội chạy đi ra lệnh.

- Công tước muốn tắm.

- Công tước nào? Công tước của chúng ta ấy mà? - Có tiếng nói xôn xao và ai nấy vội vàng tránh ra làm cho Andrey phải khó nhọc lắm mới bảo được họ đứng yên. Chàng thấy nên tắm ở trong kho lúa thì hơn.
     
"Thịt người, thân thể, thứ thịt làm mồi cho đại bác - chàng vừa nghĩ thầm vừa đưa mắt nhìn cái thân hình trần truồng của mình, và rùng mình không hẳn vì rét mà chính vì một cảm giác chán ngán và ghê tởm và chàng không hiểu vì sao bỗng tràn ngập tâm hồn chàng khi nhìn thấy tất cả những thân hình kia đang lội bì bõm dưới cái ao bẩn thỉu".
   
Ngày mồng bẩy tháng tám, trong khi đóng quân ở Mikhailovka trên con đường Smolensk, công tước Bagration viết một bức thư cho Arakseyev lời lẽ như sau:
   
"Kính gửi bá tước Alekxey Andreyevich, (ông viết thư cho Arakseyev, nhưng lại viết rằng bức thư của mình sẽ được hoàng đế đọc, cho nên ông cố hết sức cân nhắc từng chữ).
   
"Tôi chắc quan tổng trưởng đã báo cáo với ngài về việc bỏ ngỏ Smolensk cho quân địch chiếm. Thật là đau xót, đáng buồn, và toàn thể quân đội đều tuyệt vọng khi thấy vị trí quan trọng nhất của ta đã bị bỏ rơi một cách không cần thiết. Riêng về phần tôi, tôi đã chân thành khẩn khoản ông ta; nhưng chẳng có cách gì thuyết phục được ông ta cả. Tôi lấy danh dự thề với ngài rằng Napoléon đã bị hãm vào tình trạng nguy khốn hơn bao giờ hết và hắn có thể mất một nửa quân đội mà không lấy được Smolensk. Quân đội ta đã và đang chiến đấu anh dũng hơn bao giờ hết. Với mười lăm ngàn người tôi đã chặn quân địch trong hơn ba mươi lăm tiếng đồng hồ và đánh bại chúng. Nhưng ông ta thì không muốn chống cự, dù chỉ trong mười bốn tiếng đồng hồ. Đó là một sỉ nhục và một vết nhơ đối với quân đội ta, còn về ông tổng trưởng thì tôi thiết tưởng không đáng sống ở trên đời này nữa. Nếu ông ta báo tin với ngài rằng quân ta đã bị tổn thất nặng nề thì đó là một tin sai sự thật. Có lẽ quân ta chỉ mất độ bốn ngàn người chứ không nhiều hơn, nhưng dù cho có mất một vạn đi nữa thì đã làm sao? Chiến tranh là thế. Trái lại, những tổn thất của quân địch không sao kể xiết.
   
"Chống cự thêm hai ngày nữa thì mất gì? Ít nhất là chúng sẽ phải rút lui bởi vì chúng không còn đủ nước cho người cũng như ngựa uống. Ông ta đã thề với tôi là sẽ không rút lui nữa. Thế rồi đột nhiên ông ta gửi cho tôi một bản thông báo cho biết rằng ông ta bỏ đi lúc ban đêm. Làm ăn như thế thì không thể nào chiến đấu được, cứ thế thì chẳng bao lâu chúng sẽ đưa quân địch đến Moskva.
   
"Có tin đồn ngài đã nghĩ đến việc ký hoà ước. Cầu thượng đế đừng để ngài nghĩ đến việc đó. Sau tất cả những hy sinh, sau tất cả những cuộc rút lui điên rồ như thế lại ký hoà ước nữa ư? Làm thế thì ngài sẽ làm cho cả nước Nga nổi dậy chống lại ngài và chúng tôi đều sẽ xáu hổ vì đã mang quân phục. Đã đến nước này, ta phải đánh, một khi mà nước Nga còn có thể chiến đấu được, và phải chiến đấu đến người cuối cùng".

"Chỉ nên để một người chỉ huy mà thôi, chứ không nên có hai người. Ông tổng trưởng thì giỏi nhưng làm tướng thì không những kém mà thậm chí còn tệ hại. Ấy thì mà vận mệnh của tổ quốc lại giao phó cho ông ta… Thật tôi bực quá muốn phát điên mất. Xin ngài tha cho tôi đã viết quá liều lĩnh. Rõ ràng là kẻ đã khuyên ký hoà ước và để cho quan tổng trưởng chỉ huy quân đội là một kẻ không yêu hoàng đế và muốn cho tất cỉả chúng ta bị tiêu diệt. Tôi nói thực với ngài: thành lập ngay dân quân đi. Bởi vì ông tổng trưởng đang đưa vị khách quý của ông ta theo vào thủ đô một cách hết sức tài tình. Ông sĩ quan hành dinh ngự tiền Voltxoghen làm cho toàn quân ngờ vực rất nhiều. Người ta nói với ông ấy là người của Napoléon hơn là người của chúng ta, và chính ông ấy khuyên tổng trưởng trong mọi việc. Về phần tôi, không những tôi đã tỏ ra lễ độ với ông ta mà tôi còn vâng lời ông ta như một anh hạ sĩ, mặc dầu cấp bậc tôi cao hơn. Phải làm như vậy tôi cũng thấy khó chịu nhưng tôi phục tùng vì tình yêu của tôi với hoàng đế, vị ân chủ của chúng ta. Tôi chỉ than phiền một nỗi là tại sao hoàng đế lại giao đạo quân vinh quang của chúng ta cho những người như thế chỉ huy. Ngài thử tưởng tượng mà xem, vì cuộc rút lui này đã mất hơn mười lăm ngàn người chết vì kiệt sức và bệnh tật trong các nhà thương; trái lại, nếu ta tấn công thì điều đó không xảy ra rồi. Trời ơi, ngàỉ cho tôi biết tổ quốc của chúng ta, người mẹ của chúng ta sẽ nói gì khi nghe thấy chúng ta giao phó tổ quốc tốt đẹp và anh dũng cho một bọn chó má như vậy và làm cho mọi người dân căm phẫn và hổ thẹn? Tại sao lại sợ mà sợ cái gì kia chứ? Nếu tổng trưởng lưỡng lự, nhút nhát, hồ đồ, chậm chạp, nếu ông ta đủ mọi khuyết điểm thì đó không phải là lỗi của tôi. Toàn quân chỉ biết khóc và nguyền rủa ông ta thậm tệ…".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:08:06 pm
Phần X
Chương - 5
     
Trong vô số những cách phân loại có thể dùng cho các hiện tượng của cuộc sống, ta có thể phân biệt những cách sống mà nội dung chiếm ưu thế với những cách sống mà hình thức chiếm ưu thế.
     
Trái với cuộc sống ở thôn quê. Ở thị trấn. Ở các tỉnh, ngay cả ở
     
Moskva nữa, cuộc sống ở Petersburg, nhất là ở các phòng khách thính, có thể xếp vào loại thứ hai.
   
Từ năm 1805, nước ta có hoà hiếu rồi lại xung đột với Bonaparte, chúng ta có lập ra những hiến pháp rồi lại bỏ đi, nhưng phòng khách của Anna Pavlovna và phòng khách của Elen y nguyên như cũ: phòng khách của Anna Pavlovna vẫn hệt như cách đây bảy năm và phòng khách của Elen cũng như dăm năm trước. Ở nhà Anna Pavlovna, bao giờ người ta cũng sửng sốt khi nói đến những thành công của Bonaparte và thái độ ân cần của các vị vua ở châu Âu đối với một âm mưu quỷ quyệt nhằm mục đích duy nhất là làm cho nhóm triều thần mà Anna Pavlovna là đại biểu phải bực bội lo âu. Trái lại, ở nhà Elen, người mà bản thân Rumiansev cũng hạ cố tới thăm và cho là một người đàn bà thông minh lỗi lạc, thì năm 1808 cũng như năm 1812, người ta bao giờ cũng say sưa nói đến cái dân tộc vĩ đại và con người vĩ đại, người ta than phiền về việc nước Nga đã đoạn tuyệt với Pháp, và theo ý kiến những người tụ họp ở nhà Elen thì việc này phải chấm dứt bằng một hoà ước.
   
Trong thời gian gần đây, sau khi hoàng đế đã rời quân đội về Petersburg, thì trong hai phòng khách thính đối lập này đã xảy ra một vài sự náo động, và cả hai bên đều có những hành động biểu lộ thái độ chống đối nhau, nhưng xu hướng chính trị của hai nhóm vẫn không thay đổi.    Trong nhóm giao tế của Anna Pavlovna, người ta chỉ tiếp những người Pháp thuộc phái quân chủ chính thống sâu sắc, và biểu lộ tư tưởng ái quốc bằng cách nói rằng không nên đi xem kịch Pháp và việc chi phí cho một đoàn kịch như thế là tốn kém bằng nuôi cả một quân đoàn. Người ta háo hức theo dõi những tin tức chiến sự và phao những tin tức đáng mừng nhất cho quân đội ta.

Trong nhóm của Elen, tức là nhóm Rumiansev, nhóm thân Pháp, người ta phủ nhận những tin đồn đại về hành động tàn ác của quân địch và về tính chất khốc liệt của chiến tranh; người ta bàn bạc về tất cả những cố gắng của Napoléon để đi đến thương thuyết. Trong nhóm này, người ta công kích những kẻ đã quá vội vàng khuyên nhà vua dời triều đình và những trường nữ học ở dưới quyên bảo trợ của hoàng thái hậu đến Kazan. Nói chung, trong phòng khách của Elen tất cả chiến sự chỉ là những cuộc thị uy vô nghĩa chẳng bao lâu sẽ đưa đến hoà bình, và ý kiến chiếm ưu thể ở đây là ý kiến của Bilibin, lúc này đang ở Petersburg và là một vị khách năng lui tới phòng khách của Elen (hễ ai đã là người thông minh đều phải đến đây). Ý kiến ấy cho rằng cái quyết định vấn đề không phải thuốc súng mà là những con người chế ra thuốc súng. Trong nhóm này người ta chế nhạo một cách hóm hỉnh và rất thông minh, tuy vẫn rất thận trọng, cái nhiệt tình yêu nước của Moskva (tin này cùng đến Petersburg một lúc với việc hoàng đế trở về Petersburg).
   
Trong nhóm của Anna Pavlovna thì trái lại, người ta ca ngợi nhiệt tình ấy và nói đến nó như Pavlovna nói về các cổ nhân. Công tước Vaxili vẫn giữ chức vụ quan trọng như trước, là cái khâu nốỉ liền hai nhóm. Ông ta thường lui tới nhà bà bạn quý tôn tức Anna Pavlovna, đến thăm phòng khách thích ngoại giao của con gái, và nhiều khi, vì cứ luôn đi lại giữa hai phe, ông đâm ra lẫn lộn nói với nhà Elen những điều đáng lý phải nói ở nhà Anna Pavlovna, và ngược lại cũng thế.
   
Hoàng đế về Petersburg được ít lâu thì ở nhà Anna Pavlovna, khi nói đến tình hình chiến tranh, công tước Vaxili đã phê phán nghiêm khắc Barclay de Tolly và băn khoăn tự hỏi không biết ai sẽ được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh. Một người khách ở đây mà người ta thường gọi là một người rất có giá trị kể lại rằng hôm nay ông ta thấy quan tư lệnh dân quân Petersburg là Kutuzov vừa mới được bầu lên, chủ toạ việc đón tiếp dân quân ở điện tài chính, và đánh bạo dự đoán rằng Kutuzov sẽ có thể là con người đáp ứng mọi yêu cầu.
   
Anna Pavlovna buồn rầu mỉm cười và nhận xét rằng từ trước đến nay Kutuzov chỉ làm hoàng đếg bực mình. Công tước Vaxili ngắt lời Anna Pavlovna như thế này:

- Thì tôi đã nói đi nói lại mãi với hội nghị quý tộc nhưng người ta không nghe. Tôi đã bảo việc cử ông ta làm tư lệnh dân quân không làm hoàng đế đẹp lòng. Nhưng họ không nghe lời tôi. Vẫn cái thói chống đối ấy
- Ông ta nói tiếp - Chống đối ai mới được chứ? Chẳng qua chỉ vì chúng ta muốn bắt chước cái thứ nhiệt tình ngu ngốc của dân Moskva… - công tước Vaxili nói, lúng túng trong một phút vì quên rằng đáng lý phải chế nhạo nhiệt tình của dân Moskva ở nhà Elen, còn ở nhà Anna Pavlovna thì phải ca ngợi kia. Nhưng ông ta lại chữa lại ngay. - Bá tước Kutuzov, vị tướng già nhất của nước Nga mà ngồi trong viện quốc vụ thì thử hỏi có hợp hay không, chẳng qua rồi ông ta cũng uổng công mà thôi. Làm sao lại có thể cử làm tổng tư lệnh một con người không thể cưỡi ngựa, ngồi trong hội nghị thì ngủ gật, đã thế đạo đức lại hết sức tồi. Ở Bucarest ông ta đã nổi tiếng lắm đấy. Tôi không nói đến năng lực của ông ta nhưng làm thế nào lại có thể cử một ông già lụ khụ và đui mù, phải, đúng là mù làm tổng tư lệnh trong tình hình như thế này. Ông tưởng mù! Đẹp mặt nhỉ! Ông ta không thấy gì hết! Ông ta chỉ giỏi chơi bịt mắt bắt dê!… Quả thật ông ta chẳng thấy gì hết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:09:01 pm
Không ai cãi lại.
     
Ngày hai mươi bốn tháng Bảy những điều đó là hoàn toàn có lý Nhưng ngày hai mươi chín tháng Bảy, Kutuzov được phong tước công. Ông ta được phong tước công có nghĩa là người ta muốn gạt ông ta ra, cho nên ý kiến của công tước Vaxili vẫn tỏ ra đúng đắn, tuy bây giờ ông không phát biểu nó ra sốt sắng như trước. Nhưng ngày mồng tám tháng Tám một hội đồng gồm có thống chế Xaltykov, Arakseyev, Vyazmitinov, Lopukhin và Kochubey họp lại đề bàn về việc quân. Hội đồng kết luận rằng sở dĩ vừa qua quân ta thất bại và vì quyền chỉ huy không thống nhất và mặc dầu biết rằng Kutuzov không được hoàng đế ưa thích, sau khi thảo luận một lát, hội đồng vẫn đề nghị cử Kutuzov làm tổng tư lệnh. Và cũng trong ngày hôm ấy, Kutuzov được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh quân đội và thống đốc tất cả các đất đai do quân đội chiếm đóng.
     
Ngày mồng chín tháng tám, công tước Vaxili lại gặp "con người rất có giá trị" ở nhà Anna Pavlovna. "con người rất có giá trị" đang ve vãn Anna Pavlovna vì ông ta muốn được bổ nhiệm làm giám đốc một trường nữ học… Công tước Vaxili bước vào phòng, với vẻ đắc thắng của một người đã đạt được điều mà mình mong muốn.

- Này, ông có biết cái tin quan trọng vừa rồi không, công tước Kutuzov nay là nguyên soái rồi. Thôi thế là mọi sự bất đồng ý kiến đều chấm dứt. Tôi thật hả dạ, vui lòng. Bây giờ mới có được một con người xứng đáng. - ông ta vừa nói vừa đưa mắt nhìn cử toạ, vẻ quan trọng và nghiêm nghị. Tuy đang mong muốn leo lên cái địa vị mà ông đang chạy chọt, " con người rất có giá trị" vẫn không thể nào cưỡng lại ý muốn lưu ý công tước Vaxili rằng trước kia công tước nghĩ khác. Làm như thế là thiếu lịch sự đối với công tước Vaxili, cũng như đối với Anna Pavlovna là người đã đón cái tin ấy một cách niềm nở, nhưng ông không sao nén nổi.

- Nhưng thưa công tước, người ta bảo ông ta mù kia mà? - "con người rất có giá trị", ý muốn nhắc cho công tước Vaxili nhớ đến những lời mà bản thân công tước đã nói.

- Thôi đi, ông ta thấy rõ ra phết đấy! - công tước Vaxili nói nhanh, giọng trầm trầm, vừa nói vừa ho húng hắng như thường lệ mỗi khi ông giải quyết một việc khó khăn. - Ồ, ông ta nhìn rõ ra phết! - công tước Vaxili nhắc lại. - Có một điều làm tôi bằng lòng nhất - Ông ta nói tiếp - đó là chính hoàng đế đã cho ông ta nằm toàn quyền chỉ huy tất cả các đạo quân, thống đốc tất cả các lãnh thổ, một quyền mà xưa nay không có vị tổng tư lệnh nào có được. Bây giờ ông ta là một ông vua thứ hai, - công tước Vaxili kết luận, miệng nở một nụ cười đắc thắng.

- Xin Chúa phù hộ, xin Chúa phù hộ. - Anna Pavlovna nói-.
     
"Con người rất có giá trị" còn non nớt ngây thơ trong xâ hội cung đình, muốn lấy lòng Anna Pavlovna, liền nói lại ý kiến trước đây của bà ta về vấn đề này:
     
"Nghe nói hoàng đế giao quyền lực ấy cho ông ta một cách miễn cưỡng. Nghe nói Người đỏ mặt như một cô con gái nghe đọc truyện tiếu lâm khi Người nói với Kutuzov: "Hoàng đế và tổ quốc trao cho khanh vinh dự này" có lẽ trong thâm tâm người không tán thành lắm!"

- Ồ, không phải đâu, không phải đâu. - Công tước Vaxili hăm hở nói chen vào. Bây giờ ông ta yêu quý Kutuzov hơn ai hết.

Theo ý công tước Vaxili thì không những Kutuzov là một người hoàn toàn, mà mọi người còn sùng bái ông ta nữa là khác.

- Không, không thể nào làm như thế bởi vì hoàng đế trước đây đã biết giá trị ông ta rất rõ.
Anna Pavlovna nói:

- Mong sao Chúa để cho Kutuzov nắm lấy thực quyền một mình không để cho bất kì ai thọc gậy vào bánh xe, phải, thọc gậy bánh xe!

Công tước Vaxili hiểu ngay mấy chữ "bất kì ai" ở đây ám chỉ người nào. Ông thì thào:

- Tôi biết đích xác Kutuzov đã đưa ra một điều kiện nhất quyết là thái tử sẽ không ở trong quân đội. Phu nhân có biết tướng quân nói gì với hoàng đế không?
   
Và công tước Vaxili nhắc lại những lời nghe đâu chính Kutuzov đã nói gì với nhà vua: "Tôi không thể trừng phạt thái tử làm sai, cũng không thể nào khen thưởng nếu thái tử đúng". Ô, công tước Kutuzov là con người thông minh tuyệt trần. Tôi đã biết rõ công tước từ lâu.

- Thậm chí người ta còn nói rằng - "con người rất có giá trị" đệm thêm (ông ta vốn thiếu cái lịch duyệt của những bậc triều thần) - điện hạ đã nêu lên một điều kiện tuyệt đối là hoàng đế sẽ không thân hành đến với quân đội.
     
Ông ta vừa nói điều đó thì công tước Vaxili và Anna Pavlovna đều quay mặt đi và đưa mắt nhìn nhau, buồn rầu thở dài về chỗ ông này ngây thơ quá!



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:16:49 pm
Phần X
Chương - 6
   
Trong khi tất cả những việc ấy diễn ra ở Petersburg thì quân Pháp đã tiến quá Smolensk và càng ngày càng đến gần Moskva. Sử gia chuyên viết về Napoléon là Tyer, - cũng như các sử gia khác chuyên viết về Napoléon, muốn thanh minh cho vị anh hùng của họ, chủ trương rằng Napoléon đã bị nhử đến tận chân thành Moskva, trái với ý muốn của ông. Typer có lý, cũng như tất cả các sử gia cố cắt nghĩa các sự kiện lịch sử bằng ý chí của một cá nhân đều có lý cả; Typer cũng có lý ngang với các sử gia Nga đã khẳng định rằng Napoléon đã bị nhử đến Moskva do sự khéo léo của các tưởng Nga. Ở đây, theo luật hồi tưởng, tất cả quá khứ không những đã chuẩn bị cho việc xảy ra, mà lại còn có hiện tượng tương hỗ cho sự việc càng thêm rối ren. Một người cao cờ thua một ván thì tin chắc chắn và thành thật rằng mình thua là do một nước cờ đi lầm; anh ta tìm cái lầm lỗi ấy ở lúc mới nhập cuộc mà quên rằng suốt ván cờ anh ta còn để lỡ nhiều nước nữa, và không một nước cờ nào của anh ta hoàn thiện cả. Anh ta chỉ để ý đến cái lỗi ấy vì nó đã bị đối thú lợi dụng. Còn phức tạp hơn thế biết mấy là cuộc cờ chiến tranh, bởi vì chiến tranh diễn ra trong những hoàn cảnh thời gian nhất định, và trong hoàn cảnh ấy không phải một ý chí duy nhất điều khiển được các bộ máy vô tri, mà mọi việc xảy ra là do sự đụng chạm giữa vô số ý chí cá nhân.

Tiến quá Smolensk, Napoléon muốn giao chiến với quân Nga ở bên kia Dorogobuie trước Viazma, rồi trước Txarevo Zaimits; nhưng do không biết bao nhiêu việc xảy ra, quân Nga đã không thể giao chiến được trước khi lùi đến Borodino cách Moskva một trăm mười hai dặm. Qua Viazma, Napoléon ra lệnh cho quân tiến thẳng đến Moskva.
   
Moskva, chốn kinh đô Á đông của đế quốc rộng lớn ấy, thành phố thiêng liêng của các dân tộc thân thuộc Alekxandr, Moskva với vô số nhà thờ giống như những ngôi chùa Trung Quốc. Thành Moskva kia không để cho trí tưởng tượng của Napoléon yên tĩnh lấy được một chút. Trên chặng đường từ Viazma đến Txarevo Zaimits, Napoléon cưỡi con ngựa kiệu lông tía thắt đuôi, theo hộ giá có đội cận vệ, một đoàn tuỳ tùng, nhiều thị đồng và sĩ quan phụ tá Tham mưu trưởng Bertie ở lại sau để hỏi cung một người Nga vừa bị quân kỵ mã bắt làm tù binh. Cùng với viên thông ngôn Lơlorm Didvil, ông ta phi ngựa theo kịp Napoléon và dừng lại, vẻ mặt hơn hở.

- Thế nào? - Napoléon hỏi.

- Một tên cô-dắc của Platov, nó nói rằng đạo quân của Platov đang bắt liên lạc với đại quân Nga, và Kutuzov đã được phong chức tổng tư lệnh. Tên ấy thông minh và lém lỉnh lắm!
Napoléon mlm cười bảo cấp cho người cô-dắc ấy một con ngựa và dẫn hắn đến. Ông ta muốn tự mình hỏi chuyện hắn.
     
Mấy sĩ quan phụ tá liền phi ngựa đi và một giờ sau. Lavuruska, người nông nô mà Denixov đã nhường lại cho Roxtov, đến ra mắt Napoléon, mình mặc quân phục lính cần vụ, ngồi trên yên ngựa của kỵ binh Pháp, với bộ mặt vui vẻ tinh quái của một người say rượu.
   
Napoléon bảo hắn rong ngựa đi bước một bên cạnh và hỏi:

- Anh là cô-dắc?

- Thưa đại nhân, vâng ạ!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:17:53 pm
Tyer thuật lại đoạn này có viết: "Người cô-dắc không hiểu mình đang đi với ai, vì vẻ giản dị của Napoléon không mảy may làm cho bộ óc quen tưởng tượng theo kiểu phương Đông có thể nghĩ rằng mình đang ở trước mặt một đế vương. Hắn nói chuyện về cuộc chiến tranh đang diễn ra một cách hết sức suồng sã, song thật ra Lavuruska, hôm qua vì quá chén mà quên không làm thức ăn cho chủ nên bị đòn, sau được sai vào các làng mua gà vịt thì lại đi ăn cắp lương thực của dân rồi bị quân Pháp bắt. Lavuruska thuộc hạng những tên gia nô xấc láo và thô lỗ, đã nếm đủ mùi đời, nên vẫn nghĩ rằng bổn phận của chúng là trong bất cứ việc gì cũng phải hành động một cách hèn hạ và gian trá, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để hầu hạ chủ, có đủ khôn ngoan để đoán ra tất cả những ý nghĩ xấu xa của chủ, nhất là những ý nghĩ hám danh và ty tiện.
   
Đến trước Napoléon mà hắn nhận ra ngay một cách rất dễ dàng, Lavuruska vẫn không mảy may xúc động và chỉ cố hết sức làm cho các ông chủ mới ấy được vừa lòng.
   
Hắn biết rất rõ rằng người đứng đó chính là Napoléon. Nhưng Napoléon đứng đó cũng không làm cho hắn lúng túng hơn là Roxtov hay viên đội kỵ binh đã đánh đòn hắn, vì cả viên đội lẫn Napoléon đều không thể làm gì được hắn.
   
Hắn khai hết những điều hắn đã nghe lỏm được trong các câu chuyện mà bọn sĩ quan hầu cận nói với nhau; và trong đó có nhiều điều đúng sự thật. Nhưng khi Napoléon hỏi rằng người Nga có cho là họ sẽ thắng được Bonaparte không thì hắn nheo nheo đôi mắt lại suy nghĩ một lát.
   
Hắn cho rằng câu hỏi này là một cái bẫy tinh vi, cũng như những kẻ thuộc loại như hắn thường nghĩ rằng lúc nào và ở đâu người ta cũng bẫy họ cả. Hắn nhăn mặt và đứng im. Rồi vẻ trầm ngâm, hắn nói:

- Nghĩa là hai bên có giao chiến… và giao chiến cho chóng, thì đúng thế đấy. Nhưng nếu để quá ba ngày… thì sau đó… vậy nghĩa là công chuyện còn kéo dài.
     
Lời hắn nói được dịch lại cho Napoléon như sau:

- Nếu đánh nhau trước ba ngày thì quân Pháp thắng, nhưng nếu để lâu hơn thì có trời biết được là sẽ ra sao.
   
Lơlorm Didvil mỉm cười dịch lại câu này cho Napoléon nghe. Napoléon không cười, - tuy lúc bấy giờ ông ta đang vui thích rõ rệt, - và hắn nhắc lại câu vừa nói.
   
Lavuruska hiểu ý, liền nói tiếp, vờ không biết Napoléon là ai, cốt đề cho Napoléon cười:

- Chúng tôi biết các Ngài có Bonaparte, khắp thiên hạ ai ai ông ta cũng thắng tuốt, nhưng với chúng tôi thì lại khác… - Thật tình chính hắn cũng chẳng hiểu từ đâu cái giọng khoác lác yêu nước lại lọt vào câu nói của hắn như vậy. Viên thông ngôn lại dịch cho Napoléon và bỏ lửng phía sau của câu nói. Napoléon mỉm cười.
   
Về việc ấy Tyer có viết: "Tên cô-dắc trẻ tuổi làm cho người đối thoại chí tôn của hắn phải mỉm cười".
   
Yên lặng đi vài bước, Napoléon quay lại bảo Bertie rằng ông ta muốn cho Lavuruska biết người vừa nói chuyện với hắn chính là hoàng đế. - vị hoàng đế đã ghi tên các kim tự tháp cái đại danh vinh quang và bất tử của mình, - để xem tin ấy tác động đến "đứa con của sông Đông" ấy như thế nào.
   
Tin ấy được truyền đến Lavuruska.
   
Lavuruska biết rằng người ta muốn làm cho hắn túng túng, lại biết là Napoléon tưởng hắn rất sợ; để lấy lòng các chủ mới, hắn liền vờ kinh ngạc, khiếp sợ, tròn xoe đôi mắt và đổi sang cái vẻ mặt mà hắn thường có những khi người ta mang hắn ra đánh đòn. Tyer viết: "Người phiên dịch của Napoléon vừa nói xong, thì chàng cô-dắc ngẩn người ra không nói được một lời nào nữa và vừa đi vừa trố mắt nhìn vào nhà chinh phục mà đại danh đã lang lừng đến tận hắn, qua các thảo nguyên phương Đông. Tất cả cái lém lỉnh hắn đột nhiên tắc nghẽn lại, nhường chỗ cho hắn, Napoléon ra lệnh thả cho hắn tự do như người ta thả một con chim về đồng nội, quê hương của nó".
   
Napoléon tiếp tục đi, vừa đi vừa mơ tưởng đến thành Moskva nơi đang làm cho trí tưởng tượng của ông ta say đắm, trong khi con chim mà người ta thả về đồng nội, quê hương của nó phi ngựa về các đồn tiền tiêu, vừa phi vừa bịa đặt trước những việc không hề xảy ra để kể lại cho quân ta nghe. Còn những việc hắn đã gặp thật thì hắn giấu hết, vì hắn cho rằng những việc ấy không đáng thuật lại thành chuyện. Hắn trở về với quân cô-dắc, hỏi thăm trung đoàn của hắn thuộc chi đoàn của Platov và tối hôm ãy thì hắn tìm được chủ là Nikolai Roxtov đang đóng ở Yankovo. Nikolai vừa lên ngựa để cùng Ilya đi dạo chơi các làng lẫn cận, liền cho Lavuruska cưỡi ngựa đi theo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:19:29 pm
Phần X
Chương - 7

Công tước tiểu thư Maria không ở Moskva và cũng không được an toàn như công tước Andrey vẫn tưởng.
   
Sau khi Alpatyts ở Smolensk về, lão công tước như vừa sực tỉnh một giấc mơ. Công tước ra lệnh trưng tập dân binh trong làng, các làng, vũ trang cho họ và viết thư báo cho tướng tổng tư lệnh biết ý định của công tước là ở lại Lưxye Gor kháng cự cho đến cùng, và phó thác cho tổng tư lệnh tuỳ ý quyết định, hoặc thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ điền trang, hoặc để mặc cho một trong những lão tướng Nga kỳ cựu nhất bị bắt hay bị giết ở đấy. Thế rồi công tước tuyên bố với người nhà rằng mình sẽ không đi đâu cả.
   
Nhưng, tuy ở Lưxye Gorư, lão công tước vẫn sửa soạn cho con gái cùng Dexal với tiểu công tước (con trai công tước Andrey) đi Bogutsarovo rồi từ đấy đi Moskva. Thấy cha bỗng quay ra hoạt động sôi nổi, mất ăn mất ngủ sau cơn hôn mê vừa qua, công tước tiểu thư Maria lấy làm lo sợ và cho rằng không thể để cha ở lại một mình; lần đầu tiên trong đời, nàng dám quyết ý không vâng lời cha. Nàng không chịu đi, và một cơn giông tố giận dữ khủng khiếp của công tước đã trút lên đầu nàng. Ông cụ nhắc lại tất cả những nỗi oán hận bất công đối với nàng. Ông cụ buộc tội nàng, nói rằng mình không thể nào chịu đựng được nàng nữa, rằng nàng đã sinh sự làm cho hai cha con ông giận nhau, rằng nàng nghi ngờ cha một cách đáng ghét rằng nàng cố đầu độc cuộc đời của ông, coi việc đó như mục đích của đời mình, đoạn ông đuổi nàng ra khỏi phòng làm việc và bảo rằng nàng có đi hay không ông cũng chẳng cần. Ông lại báo là ông không thèm biết có nàng tồn tại trên đời này nữa, nhưng lại báo trước cho nàng biết là nàng không bao giờ được đến trước mặt mình. Việc lão công tước không cưỡng bức nàng phải đi như nàng vẫn ngại mà chỉ cấm nàng không được lởn vởn trước mặt mình khiến cho nữ công tước Maria thấy nhẹ lòng. Nàng biết rằng như vậy tức là trong thâm tâm, công tước cũng thấy mừng khi thấy nàng ở lại.
     
Cậu bé Nikolai đi được một hôm từ sáng sớm, lão công tước đã mặc đại quân phục và sửa soạn đến gặp tướng tổng tư lệnh.
   
Xe đã đánh ra. Tiểu thư Maria thấy cha bước ra khỏi nhà, có bao nhiêu huân chương đeo hết lên ngực, đi theo con đường ra vườn để duyệt đội ngũ nông dân và gia nhân vũ trang. Ngồi cạnh một khung cửa sổ nàng lắng nghe tiếng cha từ ngoài vườn vọng vào. Bỗng có mấy người từ con đường đi qua vườn tất tả chạy về, vẻ mặt hoảng hốt.
     
Công tước tiểu thư Maria chạy ra thềm, bước xuống lối đi lên giữa các khóm hoa, rồi chạy ra con đường lớn trồng cây hai bên.
   
Một đám dân binh và gia nhân chạy ngược vào, và giữa đám ấy người ta đang xốc nách dìu ông lão bé nhỏ mặc bộ quân pilực lóng lánh những huân chương. Tiểu thư Maria chạy đến, và trong ánh nắng loang loáng lọt qua bóng những cây bồ đề thành từng đám tròn nho nhỏ, thoạt nhìn nàng không thấy là mặt cha đã
biến sắc.

Điều duy nhất mà nàng trông thấy là vẻ mặt xưa kia nghiêm khắc và cương quyết đã nhường chỗ cho một vẻ mặt sợ sệt và khiêm nhường. Trông thấy con gái, công tước mấp máy đôi môi bất lực và phát ra mấy tiếng khàn khàn. Không sao hiểu được công tước muốn gì Người ta ôm ngang giữa mình công tước đưa vào phòng làm việc và đặt trên chiếc đi-văng mà bấy lâu nay ông ta vẫn sợ.

Người ta mời thầy thuốc đến ngay đêm hôm ấy, ông ta chích bớt cho công tước một ít máu và cho biết là công tước bị liệt nửa mình bên phải.

Ở lại Lưxye Gorư càng ngày càng nguy hiểm, nên ngày hôm sau người ta chở công tước đến Bogutsarovo. Ông thầy thuốc cũng đi theo.
     
Khi đến Bogutsarovo thì Dexal và tiểu công tước đã đi Moskva rồi.
   
Vẫn trong tình trạng ấy không thuyên giảm mà cũng không trầm trọng thêm, lão công tước năm tê liệt ba tuần ở Bogutsarovo, trong toà nhà mà công tước Andrey vừa mới xây xong. Công tước mê man bất tỉnh nằm như một cái xác đã biến dạng, mồm lẩm bẩm không ngớt, đôi môi mấp máy và đôi lông mày giần giật, không ai có thể biết là công tước có hay biết những gì ở chung quanh mình không. Chỉ có thể thấy rõ là công tước rất đau đớn và thổ lộ một điều gì. Nhưng đó là điều gì thì không ai hiểu được: có phải là một sự ngang bưởng của người ốm đang mê sảng không? Điều đó liên quan đến tình hình công việc chung, hay lại là đến công việc gia đình?
   
Ông thầy thuốc nói rằng vẻ bứt rứt của công tước không có nghĩa gì, mà chỉ là do những nguyên nhân về thể chất gây lên; nhưng công tước tiểu thư Maria thì lại nghĩ rằng công tước muốn nói điều gì với nàng: hễ có nàng ở đấy là nỗi băn khoăn của công tước lại tăng lên, điều đó càng làm cho nàng tin như vậy. Nhưng chắc chắn là công tước rất đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:20:03 pm
Chẳng còn hy vọng gì nữa được. Cũng không thể chở công tước đi nơi khác được. Nếu công tước chết dọc đường thì biết làm thế nào? Đôi khi tiểu thư Maria nghĩ: "Thôi thì cho xong đi, xong hẳn đi cũng còn hơn". Nàng theo dõi bệnh tình của cha suốt ngày đêm, gần như chẳng lúc nào ngủ nữa, và điều này mà nói ra thì thật ghê gớm: Nhiều khi nàng theo dõi không phải để hy vọng thấy cha đã đỡ mà với niềm mong mỏi mới nhận thấy những triệu chứng của cái chết sắp đến.
   
Một tâm trạng như vậy mà có thể có được trong nàng, điều đó nàng thấy là hết sức kì quái nhưng nó vẫn là sự thật. Và có một điều đối với nàng còn khủng khiếp hơn nữa là tử khi cha nàng bị ốm (và có lẽ trước nữa, không biết lúc nào, phải chăng là nàng ở lại với cha để đợi chờ một cái gì?) tất cả những ước mong, những hy vọng riêng tư của nàng, đã thiếp đi, đã bị quên lãng đi, thì nay lại trở lại trong lòng nàng. Những ý nghĩ đã từ bao năm không trở lại trong tâm trí nàng, - ý nghĩ được sống tự do, khỏi khiếp sợ người cha già, cá ý nghĩ có thể tìm thấy tình yêu và hạnh phúc gia đình… - tất cả lại quay về ám ảnh tâm trí nàng như những cám dỗ của ma quỷ. Dù nàng có làm gì để xua đuổi nó đi, trong óc nàng vẫn lẩn quất cái ý nghĩ rồi đây sẽ tồ chức một cuộc đời như thế nào, sau khi điều đó ảy ra. Đó là những cám dỗ ma quỷ, và công tước tiểu thư Maria cũng biết thế. Nàng cũng biết vũ khí duy nhất để chống lại nó là cầu nguyện, nên nàng cố gắng cầu nguyện. Nàng quỳ xuống, ngước nhìn lên tượng thánh, cầu kinh, nhưng không sao cầu nguyện được.
   
Nàng cảm thấy giờ đây một thế giới khác đã thu hút nàng, thế giới của hoạt động vất vả và tự do, hoàn toàn trái ngược cái thế giới tinh thần đã giam hãm nàng tử trước đến nay và đã cho nàng niềm an ủi cao nhất là sự cầu nguyện. Nhưng nàng cũng không thể khóc, vì những nỗi lo âu của cuộc sống thực tế đã tràn vào tâm hồn nàng.

Ở lại Bogutsarovo đã trở nên nguy hiểm. Đâu đâu cũng nghe tin quân Pháp tiến đến gần, và ở một làng cách Bogutsarovo mười lăm dặm, một điền trang đã bị những tốp lính loạn ngũ đến cướp bóc.
   
Ông thầy thuốc nhắc đi nhắc lại là phải chuyển công tước đi xa hơn; viên đô thống quý tộc(1) phái người đến giục tiểu thư Maria lên đường ngay, càng sớm càng tốt; viên cảnh sát trưởng cũng thân hành đến giục, nói rằng quân Pháp chỉ còn cách có bốn mươi dặm, những bản tuyên cáo của chúng ta được truyền vào các làng, và nếu nàng không đưa công tước đi trước ngày mười lăm thì ông ta không chịu trách nhiệm gì hết.
   
Công tước tiểu thư quyết định đi ngày mười lăm. Việc sửa soạn, hành trang, sai phái tôi tớ làm cho nàng bận rộn suốt ngày, vì người nào cũng đều cứ nàng mà xin mệnh lénh. Cũng như thường lệ, đêm mười bốn rạng mười lăm, nàng không bỏ áo ngoài, ngủ ngay trong gian phòng bên cạnh buồng lão công tước. Nhiều lần chợt thức giấc, nàng nghe tiếng rên rỉ, nói lẩm nhẩm, nàng nghe tiếng chiếc giường ông cụ nằm kêu cót két, tiếng chân thầy thuốc đến trở mình cho ông cụ. Mấy lần nàng đến nghe ngóng ở cửa, và thấy hình như đêm nay công tước rên to hơn và trở mình nhiều hơn thường lệ.
   
Nàng không thể ngủ được và đã mấy lần nàng đến cạnh cửa lắng tai nghe, chỉ muốn vào buồng cha nhưng không dám. Tuy công tước không nói, nhưng tiểu thư Maria cũng thấy rõ, cũng biết chắc rằng mọi dấu hiệu tỏ ra lo sợ cho ông đều làm ông bực mình, nàng nhận thấy ông tước ngoảnh mặt đi, vẻ rất khó chịu, nhưng khi bắt gặp mắt nàng đang bất giác nhìn ông đăm đăm. Nàng biết rằng đang đêm mà đường đột vào phòng thì công tước sẽ nổi giận.
     
Nhưng chưa bao giờ nàng thấy xót xa, lo sợ vì phải mất cha như bây giờ. Nàng hồi tưởng cả cuộc đời nàng sống với cha, và trong mỗi một lời nối, mỗi một cử chỉ của cha, nàng đều tìm thấy những dấu hiệu của tình thương yêu đối với nàng. Thỉnh thoảng, giữa những kỷ niệm ấy, lại len vào những cám dỗ của ma quỷ, nàng nghĩ đến những việc sẽ xảy ra sau khi cha chết và đến cách sẽ tổ chức cuộc đời mới, cuộc đời tự do của nàng. Nhưng nàng lại ghê tởm xua đuổi ngay những ý nghĩ ấy. Gần sáng, không thấy công tước trằn trọc nữa, nàng ngủ thiếp đi.
   
Nàng muốn dậy. Cái tâm trạng chân thành mà người ta thường có khi mới ngủ dậy khiến nàng bỗng nhận thấy rõ ý nghĩ vì đã khiến nàng bận tâm nhất trong khi cha ốm. Nàng dậy, đến nghe ngóng ở cửa buồng công tước, và thấy cha vẫn rên, nàng thở dài lự nhủ rằng chưa có gì xảy ra cả.

- Nhưng mà cái gì xảy ra mới được chứ? Mình muốn cái gì mới được chứ? Mình muốn cha chết ư? - nàng kêu lên, tự mình ghê tởm mình.

Nàng mặc áo, rửa mặt cầu nguyện rồi đi ra thềm. Xe đã đỗ ở đấy mấy chiếc, nhưng ngựa chưa thắng, người nhà đang chất hành lý lên xe.

Sáng hôm ấy trời ẩm và đầy mây xám. Công tước tiểu thư Maria tần ngần một lúc trên thềm, tự mình kinh tởm sự hèn hạ của tâm hồn mình và cố sắp xếp các ý nghĩ trong đầu óc lại cho có thứ tự trước khi vào thăm cha.
     
Ông thầy thuốc từ thang gác xuống, đến gặp nàng.

- Hôm nay cụ lớn có đỡ - Ông ta nói - Tôi đang tìm tiểu thư. Cụ lớn tỉnh hơn, có thể hiểu được ít nhiều những điều cụ dạy. Mời tiểu thư vào. Cụ lớn đang hỏi tiểu thư…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:21:15 pm
Nghe xong, tim nàng đập mạnh đến nỗi tái mặt đi và phải vịn vào cánh cửa cho khỏi ngã. Vào gặp cha, nói chuyện với cha, chịu đựng cái nhìn của cha, lúc này đây là lúc lính hồn nàng còn đầy những cám dỗ tội lỗi ghê gớm, điều đó làm cho nàng có một cảm giác đau đớn, vừa khiếp sợ vừa vui mừng.

- Mời tiểu thư vào! - ông thầy thuốc nhắc lại.
   
Công tước tiểu thư Maria vào buồng cha và đến cạnh giường.
   
Lão công tước đang nằm ngửa, đầu và ngực kê cao lên, hai bàn tay nhỏ bé xương xẩu để ra ngoài chăn nổi rõ những đường gân tim ngoằn nghèo; mắt trái nhìn ra phía trước, mắt phải nhìn lệch sang một bên, đôi mày và đôi môi bất động.

Người công tước thật gầy gò, thật nhỏ bé, thật tội nghiệp. Khuôn mặt trông như khô đét lại hoặc như muốn rữa ra, nét mặt như co quắp lại. Maria đến hôn tay cha. Tay trái công tước nắm lấy tay tiểu thư Maria, và cái tay của công tước cho nàng biết là công tước chờ nàng đã lâu. Công tước kéo tay con, đôi mày và đôi môi động đậy một cách tức tối. Nàng sợ hãi nhìn cha, cố đoán xem cha muốn bảo nàng điều gì.
   
Khi nàng đổi chỗ đứng để cho mắt trái của công tước nhìn thấy rõ mặt nàng, công tước bình tĩnh lại trong một lát không rời mắt khỏi con gái, rồi đôi môi và lưỡi công tước thì thào phát ra, công tước bắt đầu nói, mắt nhìn một cách rụt rè và khẩn khoán, rõ ràng là sợ con không hiểu lời mình.
     
Công tước tiểu thư Mary nhìn cha, tập trung tất cả sức chú ý. Thấy cha cố gắng cử động cái lưỡi một cách khó nhọc đến buồn cười nàng cúi mặt nhìn xuống: cố hết sức nén những tiếng nức nở đã dâng đến tận cổ. Công tước nói lắp bắp, nhắc đi nhắc lại mãi mấy tiếng gì không rõ. Tiểu thư Maria không thể hiểu được, nàng cố đoán xem cha muốn nói gì và nhắc lại những tiếng mà nàng tưởng là đã hiểu để hỏi lại.

- Ch… đã đã… đã… làm - Công tước nói đi nói lại mấy lần.
     
Không tài nào hiểu được mấy tiếng này. Người thầy thuốc tưởng là đoán được ý công tước hỏi: "Đã làm gì ạ?", Công tước lắc đầu và nhắc lại một lần nữa những tiếng lúc nãy…
     
"Cha đau lòng lắm phải không ạ?" - tiểu thư Maria nói. Công tước phát ra một tiếng khàn khàn tỏ ý khẳng định, rồi cầm tay con gái áp chặt lên mấy chỗ trên ngực như để tìm một nơi thật hợp với nó.

- Tất cả ý nghĩ của cha! Vì con… ý nghĩ… - công tước phát âm tiếp rõ ràng hơn trước, vì bây giờ đã biết chắc là con gái có thể hiểu được.
     
Tiểu thư Maria gục đầu vào bàn tay cha, cố cầm nước mắt và nén những tiếng nức nở.

Công tước vuốt tóc con.

- Cha gọi con cả đêm qua… - Ông nói.

- Thế mà con không biết… Con không dám vào… - Nàng vừa khóc vừa nói.

Ông lão nắm chặt tay con.

- Con không ngủ?

- Không con không ngủ. - Công tước tiểu thư Maria lắc đầu.
   
Vô tình nàng cũng bắt chước cha, cố nói toàn băng dấu hiệu, tựa hồ chính lưỡi nàng cũng cử động một cách khó khăn.
   
"Linh hồn thân yêu của cha…" hay là "con gái thân yêu của cha…". Tiểu thư Maria không phân biệt được, nhưng đôi mắt công tước nhìn nàng biết chắc chắn là ông cụ vừa nói với nàng một lời dịu dàng. âu yếm mà xưa nay ông chưa từng nói bao giờ. Công tước lại tiếp:

- Sao con không vào?
   
"Thế mà mình thì lại mong, phải, mình mong cho cha chết". - nàng thầm nghĩ. Công tước im lặng một lúc.

- Cám ơn, con gái của cha, con… về tất cả, tất cả… xin con tha… cảm ơn con, con tha thứ, cảm ơn!
     
Và hai dòng lệ từ đôi mắt công tước chảy xưống. Bỗng công tước kêu lên: "Gọi Andrusa lại đây" - rồi một vẻ ngây thơ, rụt rè và hồ nghi hiện lên trên mặt ông. Dường như ông cũng hiểu rằng lời yêu cầu đó chẳng có ý nghĩa gì: hay ít ra đó cũng là cảm giác của công tước tiểu thư Maria.

- Con có nhận được thư của anh con - nàng đáp.

Công tước nhìn nàng, vẻ bỡ ngỡ và rụt rè.

- Bây giờ nó ở đâu?

- Thưa cha, ở trong quân đội, ở Smolensk.
   
Công tước lặng thinh một hồi lâu, đôi mắt nhắm nghiền; rồi gật đầu và mở mắt ra như đề trả lời cho những hoài nghi của mình và để xác nhận rằng bây giờ mình đã hiểu hết, đã nhớ lại hết.

- Ừ, - công tước nói khẽ nhưng rõ ràng - Nước Nga nguy rồi! Chúng nó làm mất nước Nga! - Rồi công tước lại nức nở, nước mắt dàn dụa. Công tước tiểu thư Maria không cầm lòng được, cũng nhìn mặt cha mà khóc theo.
     
Ông lão lại nhắm mắt. Tiếng nức nở lặng dần. Ông ta lấy tay chỉ vào mặt; Tikhon hiểu ý liền lau nước mắt cho công tước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:22:10 pm
Rồi công tước lại mở mắt ra và nói gì không rõ: mãi hồi lâu chẳng ai hiểu được, sau cùng chỉ có Tikhon hiểu ra và nhác lại mà thôi. Công tước tiểu thư Maria cố hiểu theo những lời của công tước nói phút trước. Có khi nàng nghĩ ràng ông cụ nói đến nước Nga, có khi lại nghĩ là nói đến công tước Andrey hay đến nàng, hay đến đứa cháu nội, hay đến cái chết của mình. Cho nên nàng không đoán được cha muốn nói gì cả.

- Con mặc chiếc áo dài trắng của con vào đi: cha ưa cái áo ấy lắm - công tước nói.
     
Khi đã nghe ra hai câu này, nàng lại càng nức nở, và ông thầy thuốc phải khoác tay đưa nàng ra ngoài hiên, khẩn khoản khuyên nàng bình tâm lại để sửa soạn lên đường. Tiểu thư Maria ra khỏi phòng thì công tước lại cất cao giọng nói đã khản nói đến con trai, đến chiến tranh, đến nhà vua, cau mày tức tối, và lại lên một cơn thứ hai và cuối cùng.
   
Công tước tiểu thư Maria dừng lại ngoài hiên. Tiết trời đã thay đổi trời nắng lên và nóng bức. Nàng không còn biết gì nữa, không nghĩ gì nữa, không cảm thấy gì nữa ngoài tình thương cha tha thiết, một tình thương yêu mà hình như từ trước đến nay chưa hề biết đến.
     
Nàng chạy ra vườn, vừa khóc nức nở vừa đi xuống phía bờ ao, dọc theo hai con đường hai bên có hai dãy bồ đề non do công tước Andrey trồng.

- Phải… mình… mình đã mong cha mất! Mình đã mong cho chóng xong… Mình muốn được yên tĩnh… Nhưng rồi mình sẽ ra sao đây? Yên tĩnh mà làm gì khi cha đã mất! - Nàng vừa bước đi thoăn thoắt vừa lẩm nhẩm, tay ôm chặt lấy lồng ngực đang bật ra những tiếng nấc nghẹn ngào. Đi một vòng quanh vườn, nàng trở lại thềm nhà và thấy cô Burien đi ngược về phía nàng vớt một người lạ mặt (Cô Burien vẫn ở lại Bogutsarovo không chịu đi). Người lạ mặt và viên đô thống quý tộc ở quận này thân hành đến trình bày cho công tước tiểu thư thấy rõ là nhất thiết phải đi ngay. Công tước tiểu thư Maria nghe mà chẳng hiểu gì hết, nàng đưa viên đô thống vào nhà, bảo dọn bàn mời ăn và ngồi tiếp ông ta. Rồi nàng xin lỗi và đến cửa buồng lão công tước. Người thầy thuốc hốt hoảng, bước ra và bảo nàng không thể vào được.

- Tiểu thư ra đi, ra đi!
     
Công tước tiểu thư Maria quay ra vườn, đến bên bờ ao. Ở một nơi không ai trông thấy, nàng ngồi thụp xuống cỏ. Nàng không biết là nàng đã ngồi đấy bao lâu. Mãi đến khi nghe tiếng chân đàn bà chạy nhanh trên con đường nhỏ nàng mới giật mình đứng dậy và thấy Dunyasa, người nữ tỳ, chạy đi tìm nàng, và trông thấy nàng thì dừng lại như hoảng hốt, và vừa thở vừa nói, giọng lại hắn đi:

- Mời tiểu thư về, công tước.

- Tôi vào, tôi vào đây. - Tiểu thư Maria đáp vội vàng không để cho Dunyasa nói hết lời, và tránh khỏi đôi mắt người nữ tỳ, nàng chạy về nhà.
   
Viên đô thống quý tộc đón nàng trên cửa chính, nói:

- Thưa tiểu thư, ý muốn của Chúa đang được hoàn thành, tiểu thư phải sẵn sàng đón lấy tất cả.

- Mặc tôi, không phải thế - Nàng hét lên.
   
Ông thầy thuốc muốn giữ nàng lại. Nàng xô ông ta và đâm bổ vào cửa, kêu lên:

- Tại sao tất cả những người mặt mày hoảng hốt kia muốn giữ tôi lại? Tôi không cần ai cả! Mà họ đứng đây làm gì? - Nàng mở cửa, và ánh sáng ban ngày chói lọi tràn ngập gian phòng trước đây vẫn để tối mờ mờ khiến nàng kinh hoảng. Mấy người đàn bà và cả u già của nàng đang đứng đấy. Họ dịch ra xa giường để lối cho nàng đi vào. Lão công tước vẫn nằm như ban nãy; nhưng vẻ nghiêm nghị trên gương mặt bình tĩnh của ông cụ làm cho tiểu thư Maria phải dừng lại trên ngưỡng cửa.
   
"Không, cha chưa chết, không thể như thế được" - nàng tự nhủ. Nàng đến cạnh giường và trấn áp nỗi kinh hoàng hôn lên má cha. Nhưng nàng vội lùi lại ngay. Phút chốc, tất cả tình thương yêu dịu dàng của nàng đối với cha tiêu tan hết, nhường chỗ cho nỗi khiếp sợ trước cái vật đang ở trước mặt nàng. "Cha mất rồi! Cha mất rồi, và ngay đây ở chỗ cha nằm lúc nãy, là một cái gì lạ lùng, thù địch, một bí quyết ghê gớm làm cho người ta khiếp sợ và xa lánh!" Rồi úp mặt vào đôi bàn tay, công tước tiểu thư Maria ngã gục xuống: ông thầy thuốc vội vàng dang tay đỡ lấy nàng.
   
Trước mặt Tikhon và ông thầy thuốc: mấy người đàn bà rửa ráy thi hài, buộc ông công tước một cái khăn dưới cằm để giữ cho mồm khỏi há hốc, và lấy một cái khăn khác buộc hai chân lại với nhau cho nó khỏi dạng ra. Rồi người ta mặc cho công tước bộ quân phục lóng lánh những huân chương và đặt cái thi hài bé nhỏ khô đét nằm lên bàn. Chỉ có trời biết ai đã lo liệu mọi việc và lo liệu vào lúc nào, nhưng mọi việc dường như tự làm lấy tất cả. Đến tối người ta thắp nến quanh lính cữu phủ lên nó một tấm dạ đen, rải những cành đỗ tùng xuống sàn nhà; người ta lại lót một bài kinh bằng chữ in xuống dưới cái đầu khô đét, của người chết, và người giúp việc lễ đọc những bài thánh thi trong góc buồng.
   
Cũng như một bầy ngựa tụ tập nhau lại, chồm lên và phì hơi trước một con ngựa chết, một đám đông người chen chúc nhau trong phòng khách, quanh cỗ quan tài, người nhà cũng như người lạ; viên đô thống quý tộc, viên trưởng thôn, những người đàn bà trong làng, và ai nấy, mắt đờ đẫn và khiếp sợ, đến làm dấu Thánh và cúi xuống hôn bàn tay giá lạnh, cứng đờ của lão công tước.

======================================================================

Chú thích:

(1) Chức quan trông coi việc riêng của giai cấp quý tộc (cũng gọi là đại biểu quý tộc)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:23:18 pm
Phần X
Chương - 8

Bogutsarovo, trước khi công tước Andrey đến ở, vẫn là một điền trang không được các chủ nhân lưu tâm đến, và nông dân ở đấy cũng khác hẳn ở Lưxye Gorư. Khác cả về giọng nói, cả về cách ăn mặc và cả về phong tục, tập quán. Người ta gọi họ là dân thảo nguyên. Lão công tước thường khen họ có sức chịu đựng dẻo dai trong lao động những khi họ đến Lưxye Gorư gặt hái giúp hay đào ao đào hào, nhưng vẫn không ưa họ vì cái tính thô lỗ man rợ của họ.

- Nhưng việc cải cách của công tước Andrey khi đến ở đây như lập nhà thương, mở trường học: giảm địa tô đã không làm dịu bớt phong tục mà trái lại còn tăng thêm những nét thô bạo trong tính cách của họ mà lão công tước gọi là dã man. Trong đám dân này bao giờ cũng có những tin đồn đại mơ hồ, khi thì đồn là người ta sắp biến họ thành lính cô-dắc hết, khi thì là người ta sắp bắt họ theo một tôn giáo mới, khi họ lại nói đến những chỉ dụ của Sa hoàng đến lời tuyên thệ với hoàng đế Pavel năm 1797 cho cho rằng ngay từ dạo ấy Sa hoàng đã ra lệnh giải phóng họ nhưng lệnh này đã bị các trang chủ ỉm đi, khi thì họ nói rằng trong bảy năm nữa, Piotr Fiodorovich(1) sẽ lên ngôi, mọi người sẽ tự do và mọi sự sẽ đơn giản đến nỗi không còn có gì nữa cả. Những lời đồn đại về chiến tranh, về Bonaparte và cuộc xâm lăng đối với họ lẫn lộn với những khái niệm không kém mơ hồ về Ma vương phản Cơ đốc, về ngày tận thế và về tự do tuyệt đối.
   
Quanh Bogutsarovo có những ấp trại to, hoặc của nhà vua, hoặc của các trang chủ mà cư dân đều là nông dân tá điền(2). Trang chủ ở hẳn trong vùng này rất hiếm, gia nhân và nông dân biết chữ cũng rất ít, và những trào lưu bí ẩn trong đời sống dân gian Nga mà người đương thời không hiểu được nguyên nhân và ý nghĩa, thì ở đây lại rõ rệt và mạnh mẽ hơn ở đâu hết.

Cũng vì vậy mà hai mươi năm trước trong đám quần chúng ấy đã nổi lên một phong trào di cư đến những dòng sông huyền bí nào đấy và họ đồn là nước nóng quanh năm. Hàng trăm nông dân, có cả những người ở Bogutsarovo bỗng dưng bán gia súc, mang gia đình đi đến một nơi nào ở miền đông nam. Như những đàn chim vượt đại dương bay đến những miền xa lạ, họ cùng vợ con ra đi đến những miền mà trong bọn họ chưa từng ai đặt chân đến bao giờ. Họ tự chuộc lại tự do từng người một: cũng có kẻ thì trốn trú, rồi kéo thành từng đoàn, đi bộ hay đi xe, họ kéo nhau về miền những dòng sông nước nóng.  Nhiều người trong bọn họ bị bắt, bị đày đi Xibir nhiều người chết đói, chết rét dọc đường, nhiều người tự ý trở về, rồi phong trào tự nhiên lắng dần đi cũng như đã tự nhiên bột phát ra, không có nguyên do gì rõ rệt cả. Nhưng những trào lưu ngấm ngầm vẫn chưa cạn dòng trong đám người ấy, nó lại bắt đầu dồn lại thành một sinh lực mới sẵn sàng bộc lộ ra một cách chẳng kém lạ lùng, bất ngờ, đồng thời đơn giản, tự nhiên và mãnh liệt.
     
Những ai vào khoảng năm 1812 này sống gần gũi nhân dân, đều cảm thấy các luồng ngầm này đang tác động rất mạnh và sắp đến ngày bột phát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:23:53 pm
Alpatyts đến Bogutsarovo trước khi lão công tước chết mấy ngày, đã nhận thấy vẻ náo động trong đám nhân dân và thấy rằng trái với nhân dân vùng Lưxye Gorư đã bỏ hết làng mạc cho quân cô-dắc cướp phá trong phạm vi sáu mươi dặm đường kính để tản cư hết, thì ở    Bogutsarovo, vùng thảo nguyên này, lại có tin đồn là nông dân đã liên lạc với quân Pháp, nhận và truyền tay nhau những tờ truyền đơn của chúng và cứ ở lì tại chỗ. Qua những người đầy tớ trung thành, Alpatyts biết rằng một tên Karp nào đấy, một lão nông dân có ảnh hưởng trong làng, vừa đi chở một chuyến xe trưng dụng của nhà chức trách và khi trở về đã phao tin là quân cô-dắc cướp phá những làng mạc của dân cư để lại, còn quân Pháp thì không hề động chạm gì đến dân. Alpatyts lại được biết là hôm qua một nông dân khác vừa mang từ ấp Vixloukhovo do quân Pháp chiếm đóng về một tờ hiệu triệu của tướng Pháp báo cho nhân dân biết rằng quân Pháp sẽ không làm gì thiệt hại đến họ và có cần lấy gì của dân cũng sẽ trả tiền sòng phẳng, nếu họ ở lại. Để làm bằng chứng, hắn mang từ Vixloukhovo về một tờ giấy bạc một trăm rúp mà quân Pháp đã chi trước cho hắn về tiền bán cỏ ngựa (hắn không biết rằng đó là bạc giả).

Sau cùng, quan trọng hơn cả Alpatyts biết rằng ngay hôm lão ta ra lệnh cho viên trưởng thôn trang sửa soạn xe để chở hành lý cho công tước tiểu thư, thì vào buổi sáng dân làng đã họp lại và quyết định không chịu đi, để chờ xem đã. Trong khi đó thì thời gian không nán đợi ai hết.  Ngày mười lăm tháng Tám hôm lão công tước chết, viên đô thống quý tộc khẩn khoản yêu cầu tiểu thư Maria nội ngày hôm ấy phải đi ngay vì tình hình đã nguy cấp lắm rồi ông ta bảo là sau ngày mười sáu thì ông ta không chịu trách nhiệm về việc gì hết. Ông ta ra về tối hôm ấy và hẹn đến ngày hôm ấy đến dự lễ an táng công tước. Nhưng rồi ông ta không đến vì được tin quân Pháp tiến bất ngờ, ông ta chỉ kịp đem gia đình và những vật quý giá nhất chạy khỏi điền trang.

Gần ba mươi năm nay, Bogutsarovo vẫn do viên trưởng thôn Dron cai quản; lão công tước gọi hắn là Dronuska. Dron vốn thuộc cái hạng nông dân chắc nịch cả về thể chất lẫn tinh thần, khi bắt đầu có tuổi thì để râu mọc xồm xoàm, rồi cứ thế không hề thay đổi gì nữa cho đến sáu, bảy mươi, tóc không bạc lấy một sợi, răng không rụng lấy một chiếc, đã sáu mươi tuổi mà lưng vẫn thẳng và người văn khoẻ chẳng khác hồi ba mươi.
   
Sau cuộc di cư đến những dòng sông nước nóng mà lão ta cũng tham gia như mọi người, Dron được cử làm trưởng thôn và, từ hai mươi ba năm nay, lão làm việc không thể chê trách vào đâu được.
   
Nông dân sợ lão hơn sợ trang chủ. Các chủ nhân, lão công tước và công tước Andrey, và cả viên quản lý nữa đều mến lão và gọi đùa lão là tổng trưởng. Suốt hai mươi ba năm trường, lão chẳng hề say rượu và ốm đau một lần nào; dù sau những đêm thức suốt sáng hay những phen làm việc nặng nhọc nhất, không bao giờ lão có vẻ gì là mỏi mệt, và tuy không biết chữ, lão chưa bao giờ lầm lẫn về tiền bạc hay trong việc tính toán sổ bao bột mà lão thường bán ra từng xe lớn, hay số bó lúa mì mà lão thu hoạch trên mỗi mẫu đất Bogutsarovo.
     
Chính lão Dron là người mà Alpatyts vừa từ ấp Lưxye Gorư đến đã gọi ra ngay hôm đám tang lão công tước; Alpatyts ra lệnh phải sắp sẵn mười hai con ngựa chớ các xe của công tước tiểu thư và mười tám cỗ xe để chở đồ đạc từ Bogutsarovo đi. Tuy dân Bogutsarovo chỉ là nông dân tá điền nhưng theo ý Alpatyts thì lệnh ấy đưa ra cũng không gặp trở ngại gì vì trong làng có tới hai trăm ba mươi nóc nhà mà cư dân thì đều khá giả cả. Nhưng sau khi nghe lệnh, trưởng thôn Dron vẫn lặng thinh cúi mặt nhìn xuống đất.
   
Alpatyts kể cho Dron nghe tên những người nông dân mà lão biết và ra lệnh trưng dụng xe của họ.
   
Dron trả lời là ngựa của các nhà ấy đều đang đi chở cả, Alpatyts kể những tên nông dân khác. Theo Dron thì những người này cũng không có ngựa; kẻ thì ngựa đã bị trưng dụng, kẻ thì ngựa đã mệt lả không đi được nữa, kẻ thì ngựa thiếu cỏ ăn đã chết đói. Theo hắn thì không những không thể kiếm được ngựa cho xe tải mà ngay ngựa cho xe của công tước tiểu thư vẫn không sao kiếm được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:24:48 pm
Alpatyts chăm chú nhìn Dron và cau mày. Dron là một trưởng thôn gương mẫu thì Alpatyts cũng là một quản lý gương mẫu, và không phải vô cớ mà lão được trông coi tất cả các điền trang của công tước từ hai mươi năm nay. Alpatyts có cái khiếu rất nhạy có thể dùng trực giác hiểu rõ ngay nhu cầu và bản năng của những người tiếp xúc với lão và vì thế lão mới thành một quản lý đắc lực.
   
Liếc nhìn Dron một cái, Alpatyts đã biết ngay là những câu trả lời của hắn không phản ánh ý nghĩ của hắn, mà phản ánh tình hình tư tưởng chung của thôn Bogutsarovo mà viên trưởng thôn đã chịu ảnh hưởng; nhưng đồng thời Alpatyts cũng biết rằng Dron đã giàu lên và đã bị cả thôn ghét, nên phải lừng khừng giữa đôi bên trang chủ và nông dân. Apatyts thấy rõ vẻ lưỡng lự ấy trong khoé nhìn của Dron, lão cau mày bước tới, nói:

- Này nghe tao bảo đây, Dron! Đừng nói chuyện nhảm nhí nữa. Công tước đại nhân Andrey Nikolais đã ra lệnh riêng cho ta là phải đưa cả làng đi, không được bỏ sót lại một ai theo giặc; về việc ấy cũng đã có lệnh chỉ của Sa hoàng.   Thế thì đứa nào ở lại là quân phản bội Sa hoàng. Nghe chưa?

- Vâng, tôi nghe. - Dron đáp lại, mắt vẫn không ngước lên. Câu trả lời ấy không làm cho Alpatyts vừa ý. -
Vâng, tuỳ ý ngài. - Dron buồn rầu đáp.

Alpatyts rút bàn tay ra khỏi áo, nghiêm trang chỉ xuống đất chỗ Dron đứng và nói:

- Này. Dron, bỏ cái lối ấy đi. Không những ta chỉ thấy rõ mồn một trong bụng người mà ta còn nhìn rõ suốt xuống đất dưới chân người sâu tới ba ác-sin(3) kia đấy.
   
Dron luống cuống liếc nhìn trộm Alpatyts, rồi lại cúi mặt xuống.

- Bỏ hết tất cả những trò ngu xuẩn này đi, bảo chúng nó sửa soạn mà đi Moskva và sáng mai đem xe đến chở đồ đạc cho tiểu thư. Còn ngươi đừng có đi họp với chúng. Nghe chưa?
   
Dron bỗng quỳ thụp xuống chân Alpatyts:

- Yakob Alpatyts! Xin ông bãi chức cho tôi! Ông thu lại chìa khoá đi vì Chúa, xin ông miễn cho tôi cái chức trưởng thôn.

- Thôi! Ta thấy suốt ba ác-sin dưới chân ngươi rồi. - Alpatyts nghiêm nghị nhắc lại, vì biết rằng cái tài của lão khéo nuôi ong, thạo gieo hạt và làm vừa lòng lão công tước trong hai mươi năm đã làm cho lão nổi tiếng từ lâu là phù thuỷ cao tay và người ta thường cho là các thầy phù thuỷ đều có tài nhìn xuyên xuống đất dưới chân người ta sâu ba ác-sin.
   
Dron đứng dậy, muốn nói gì nữa, nhưng Alpatyts không cho nói:

- Các ngươi đã bày ra những trò gì thế? Hử?… Các ngươi nghĩ thế nào đấy? Hử?

- Tôi làm thế nào được bọn họ? - Dron nói. Họ phát khùng lên cả rồi Tôi cũng đã bảo với họ rồi…

- Bảo cái gì? - Alpatyts nói. - Chúng nó uống rượu à? - Lão hỏi gọn.

- Họ phát khùng lên cả, thưa ông Yakov Alpatyts ạ, họ đã đem ra uống đến thùng thứ hai rồi.

- Vậy nghe ta bảo đây. Ta đi tìm viên cảnh sát trưởng còn ngươi thì bảo chúng thôi ngay, và phải liệu cho có xe, nghe chưa?

- Xin tuân lệnh.

Yakob Alpatyts không nói thêm gì nữa. Lão sai khiến người lâu ngày nên biết rằng cách có hiệu lực nhất để bắt người ta tuân lệnh mình là đừng để cho họ thấy mình nghi ngờ rằng họ có thể không vâng lời. Bắt được Dron phải "tuân lệnh" một cách ngoan ngoãn Yakob đã lấy làm đủ, nhưng lão biết rằng không gọt binh lực can thiệp thì khó lòng mà có xe được.
   
Quả nhiên, đến tối xe chưa đến. Dân làng lại họp nhau trước hàng rượu, quyết định đem ngựa giấu vào rừng và không đưa đến. Gia nhân đã không cho công tước tiểu thư biết gì về việc ấy cả. Alpatyts sai tháo gỡ những hành lý của lão chở trên các cỗ xe vừa đem từ Lưxye Gorư đến, và ra lệnh lấy ngựa của các xe ấy thắng vào các xe của công tước tiểu thư, rồi thân hành đi tìm nhà chức trách.

===================================================

Chú thích:

(1) Tức Pior đệ tam (1728-1762) một ông vua bị truất phế mà nông dân thường cho là một bậc minh quân. Tuy Piort đã bị ám sát (do âm muu của hoàng hậu Ekaterina), họ vẫn tin rằng ông ta còn lẩn khuất trong nước mà mưu toan khôi phục ngôi báu.

(2). Tức nông dân tự do, làm ruộng lĩnh canh và nộp địa tô cho trang chủ, khác với nông nô thuộc quyền sở hữu của trang chủ.

(3) Một ác-sin bằng 0,324 mét.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:29:40 am
Phần X
Chương - 9
   
Chôn cất cha xong, công tước tiểu thư Maria đóng cửa buồng không tiếp ai cả. Một nữ tỳ đến cạnh cửa báo là có Alpatyts xin lệnh lên đường (lúc bấy giờ Alpatyts chưa nói chuyện với Dron).

Tiểu thư Maria đang nằm trên đi-văng, nhổm dậy trả lời qua cánh cửa đóng là nàng sẽ không bao giờ đi đâu cả và yêu cầu người ta để nàng được yên.
   
Các cửa sổ buồng nàng trông về phía tây. Nằm trên đi-văng mặt úp vào tường, tay mân mê cái cúc trên gối da, nàng chỉ nhìn thấy cái gối ấy và những ý nghĩ rối ren của nàng chỉ tập trung vào một điều: cái chết không sao bù đắp lại được, và sự xấu xa, hèn hạ của tâm hồn mình mà trước kia nàng không hề biết: nhưng đã lộ ra ngoài thời gian cha nàng ốm. Nàng muốn cầu nguyện, nhưng không dám; trong tâm trạng lúc bấy giờ, nàng không dám thưa gửi cầu xin Thượng đế cả. Nàng cứ nằm yên như thế một hồi lâu.
     
Mặt trời đã xuống thấp phía sau nhà, và qua các cửa sổ mở rộng, ánh tà dương chiếu sáng gian buồng và một phần chiếc gối da mà nàng đang nhìn. Dòng tư tưởng của nàng bỗng gián đoạn.
     
Nàng nhổm dậy như cái máy, sửa lại mái tóc, đứng lên và đến gần cửa sổ, vô tình hít ngọn gió mát nhẹ của buổi chiều quang đãng nhưng lộng gió.
   
"Phải, bây giờ mày tha hồ mà ngắm cảnh trời chiều! Cha mất rồi chẳng còn ai quấy rầy nữa". - Nàng tự nhủ rồi ngồi phịch xuống một cái ghế và cúi đầu tỳ xuống thành cửa sổ.
     
Có ai gọi nàng từ ngoài vườn, tiếng gọi êm ái và dịu dàng, rồi có người hôn lên đầu nàng.     Nàng ngẩng lên. Đó là cô Burien, mặc áo tang đen có viền ren trắng. Cô Burien nhẹ nhàng bước đến, thở dài ôm hôn công tước tiểu thư Maria, rồi bỗng khóc nức nở. Tiểu thư Maria liếc nhìn cô Burien. Nàng nhớ lại tất cả những cuộc xung đột cũ tất cả lòng ghen tức của nàng đối với cô Burien; nàng cũng nhớ lại rằng sau này, cha đã thay đổi hẳn thái độ đối với cô ta, không thể chịu được sự có mặt của cô ta, cho nên nàng tự nhủ rằng những điều mà trong thâm tâm nàng trách móc cô ta thật là bất công. "Vả lại mình đã mong cha chết thì còn có thể phán xét ai được nữa" - nàng thầm nghĩ.
     
Bỗng nàng nghĩ đến tình cảnh cô Burien, mà ít lâu nay nàng không cho gặp mặt nhưng vẫn phải lệ thuộc nàng, và phải ở nhờ ăn gửi nhà người. Và nàng thấy thương hại con người ấy. Nàng nhìn cô, một cái nhìn thăm hỏi dịu dàng, và chìa tay cho cô ta. Cô Burien liền bật tiếng khóc, cầm tay nàng mà hôn, rồi nói đến nỗi thương tâm của nàng và cùng nàng chia sẻ nỗi thương tâm ấy. Cô ta nói rằng niềm an ủi độc nhất trong nỗi buồn của cô ta là tiểu thư. Cô ta nói tất cả những hiểu lầm trước kia đều phải xoá sạch trước nỗi đau thương lớn lao này, rằng cô ta tự thấy lương tâm trong sạch trước tất cả mọi người và ở trên kia trông xuống. Người cũng tỏ tấm lòng thương yêu và biết ơn của cô. Công tước tiểu thư nghe mà không hiểu cô ta nói gì, nhưng chốc chốc lại liếc nhìn và lắng tai nghe giọng nói của cô.

- Tiểu thư thân yêu ạ - Cô Burien im lặng một lát rồi lại nói - Tình cảnh của tiểu thư thật là hiểm nghèo về hai mặt. Em cũng hiểu là xưa nay tiểu thư không bao giờ có thể nghĩ đến mình, nhưng vì lòng yêu mến tiểu thư mà em phải nghĩ đến việc ấy cho tiểu thư… Tiểu thư đã gặp Alpatyts chưa? Ông ta đã trình bày về việc khởi hành chưa?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:30:33 am
Công tước tiểu thư Maria không đáp. Nàng không hiểu là ai phải đi và đi đâu. Nàng nghĩ:    "Làm sao có thể lo toan việc gì bây giờ? Chẳng phải rồi mọi việc rồi cũng đến thế cả thôi sao?" và nàng không đáp.

- Maria thân yêu - Cô Burien lại nói - Tiểu thư có biết là nguy đến nơi rồi không? Quân Pháp đang vây quanh chúng ta; bây giờ mà đi thật là nguy hiểm. Đi thì thế nào cũng bị bắt mất và có Chúa mới biết được…
     
Công tước tiểu thư Maria nhìn cô ta mà chẳng hiểu là cô ta nói gì.

- Ồ! Giá có ai biết bây giờ đối với tôi dù có thế nào cũng được!- Nàng nói. - dĩ nhiên dù có thế nào tôi cũng không muốn bỏ người mà đi… Alpatyts có nói với tôi về việc đi đứng gì đấy… Cô thu xếp với ông ta, tôi thì không thể làm gì được, mà cũng không muốn gì cả không muốn gì cả…

- Em đã bảo ông ta. Ông ta hy vọng rằng chúng mình có thể lên đường ngày mai; nhưng em nghĩ rằng bây giờ nên ở lại thì hơn. Vì, Maria thân yêu ạ, phải công nhận rằng dọc đường mà sa vào tay quân địch hay vào tay nông dân nổi loạn thì thật là khúng khiếp.
     
Cô Burien rút từ cái túi con ra một tờ hiệu triệu, in trên một thứ giấy khác hắn thứ giấy thường dùng để in các văn kiện Nga, đó là tờ hiệu triệu của tướng Pháp Ramo khuyên dân chúng đừng bỏ nhà mà đi, và cam đoan với họ là các nhà chức trách khác sẽ ủng hộ họ một cách chu đáo. Cô Burien đưa tờ giấy cho công tước tiểu thư và nói thêm:

- Em nghĩ là nên ngỏ lời với vị tướng này; chắc chắn là người ta đối với tiểu thư phải có sự kiêng nể xứng đáng với địa vị tiểu thư.

Công tước tiểu thư Maria đọc tờ giấy, và mếu máo khóc lên, nhưng mắt ráo hoảnh.

- Cô lấy tờ này ở đâu? - Nàng hỏi.

- Chắc là nghe tên em, họ đoán rằng em là người Pháp. - Cô Burien đỏ mặt đáp.
   
Tay cầm tờ giấy, công tước tiểu thư Maria rời cửa sổ và mặt tái mét, đi vào buồng làm việc cũ của công tước Andrey. Nàng gọi:

- Dunasa, bảo Alpatyts vào đây, hay là Dron, hay ai cũng được.
     
Nghe tiếng cô Burien nàng nói tiếp:

- Và bảo cô Amalya Karlova đừng vào phòng tôi.
   
Rồi nàng tự nhủ: "Đi! Phải đi ngay tức khắc! Tức khắc!". Nàng hoảng sợ khi nghĩ rằng mình có thể sa vào tay quân Pháp. "Nếu công tước Andrey biết tin nàng bị quân Pháp bắt! Nếu công tước biết nàng con gái của công tước Nikolai Andreyevich Bolkonxki, đi cầu xin tướng quân Ramo bảo hộ và được hưởng những ân huệ của hắn!". Ý nghĩ ấy làm nàng khiếp hãi, nàng đỏ mặt tía lại, run bắn cả người lên vì cơn tức giận và lòng tự hào mà nàng chưa hề có bao giờ.

Tất cả những gì và nhất là tủi nhục trong hoàn cảnh của nàng, bây giờ đã hiện lên rõ rệt. "Bọn quân Pháp ấy sẽ đóng trong nhà này, tướng Ramo sẽ chiếm phòng làm việc của công tước Andrey, sẽ lục và đọc thư từ giấy má của anh để tiêu khiển. Cô Burien sẽ nghênh tiếp trọng thể vị quý khách của Bogutsarovo. Họ sẽ làm phúc dành cho ta một căn buồng con: bọn lính tráng sẽ xúc phạm nấm mồ mới đắp của cha ta để cướp lấy huân chương và bội tinh của người: chúng sẽ kể lại và bắt ta phải nghe những trận chúng thắng quân Nga; chúng sẽ giả dối tỏ lòng thông cảm với nỗi đau của ta…" - Công tước tiểu thư Maria thầm nghĩ, nhưng thật ra những ý nghĩ ấy không hẳn là của nàng mà lại là của cha và anh nàng, những ý nghĩ mà nàng cảm thấy phải tuân theo. Đối với bản thân nàng thì dù ở đâu cũng thế thôi dù nàng cũng gặp chuyện gì cũng thế thôi, nàng có cần gì; nhưng nàng thấy mình đồng thời đại diện cho người cha quá cố của nàng và cho công tước Andrey. Nàng bất giác cảm nghĩ bằng những ý nghĩ của cha và anh nàng. Điều gì mà trong giờ phút này cha và anh nàng phải nói, việc gì mà cha và anh nàng phải làm, nàng đều cho mình có bổn phận phải nói và làm đúng như vậy. Vào thư phòng của công tước Andrey, nàng cố gắng hình dung một cách thấu đáo những tư tưởng của anh để suy nghĩ đến tình cảm của mình.
     
Những đòi hỏi của cuộc sống mà nàng tưởng đã bị loại trừ hết từ khi cha nàng chết thì nay lại hiện lên trước mặt nàng với một sức mạnh chưa từng thấy và hoàn toàn làm chủ tâm trí.
     
Xúc động, mặt đỏ bừng, nàng đi đi lại lại trong phòng, khi thì gọi Alpatyts, khi thì gọi Mikhail Ivanyts, khi thì gọi Tikhon, khi thì gọi Dron, Dunyasa, u già, và tất cả các đầy tớ gái đều không biết nói gì với nàng để có thể xác nhận hay đính chính những lời của cô Burien.  Alpatyts thì không có nhà, đang đi mời các nhà chức trách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:31:42 am
Một lát sau ông kiến trúc sư Mikhail Ivanyts vào, nhưng mắt còn ngái ngủ, ông ta cũng không biết gì mà nói với nàng cả. Nàng hỏi gì ông ta cũng trả lời bằng cái nụ cười tán thành mà ông ta đã quen dùng suốt mười lăm năm trời để trả lời lão công tước, cái nụ cười ưng thuận vẫn khiến cho ông ta khỏi phải bày tỏ ý kiến bằng lời, thành thử rút cục chẳng biết đích xác ý ông ta thế nào cả. Đến lượt Tikhon, người hầu buồng già cũng được gọi vào; mặt lão gầy đét, dài thườn thượt, mang dấu vết của một nỗi buồn không sao khuây khoả được: hỏi câu gì lão cũng đáp: "Xin vâng ạ", và khi nhìn công tước tiểu thư Maria, lão phải khó khăn lăm mới nén nổi những tiếng nức nở.
     
Cuối cùng trưởng thôn Dron bước vào, và sau khi vái chào rất kính cẩn, lão dừng lại ở ngưỡng cửa.
     
Công tước tiểu thư Maria nói, trong lòng tin chắc là đang nói với một người thân, với Dronuska ngày trước, cứ hàng năm một lần đi chợ phiên Vyzma là thế nào cũng mua về cho nàng những chiếc bánh ngọt đặc biệt, miệng cười tay đưa. Nàng nói: "Dronuska, bây giờ sau cái tang của chúng ta…" - Rồi nàng im bặt, không đủ sức nói tiếp.

- Chúng ta đều ở trong tay Chúa - Dron thở dài nói.
     
Hai người im lặng một lát.

- Dronuska ạ, Alpatyts đi vắng, tôi chẳng còn biết hỏi ai. Họ nói bây giờ tôi không thể đi được, có đúng không?

- Vì lẽ gì tiểu thư lại không đi được, thưa công tước tiểu thư, có thể đi được chứ.

- Người ta bảo tôi là đi rất nguy hiểm, vì có thể gặp quân địch. Bác Dronuska, tôi chẳng biết làm thế nào được, tôi chẳng hiểu gì hết, tôi chẳng có ai quanh tôi cả. Tôi muốn đi ngay đêm nay hay sáng mai, thật sớm.

Dron làm thinh và lén nhìn công tước tiểu thư.

- Không kiếm được ngựa, - lão nói, - Tôi cũng đã bảo với Yakob Alpatyts.

- Tại sao vậy? - Công tước tiểu thư hỏi.

- Tất cả đều là sự trừng phạt của Chúa. Ngựa ngày trước con thì bị quân đội trưng dụng, con thì chết; Ấy năm nay còn như thế. Không những không có gì cho ngựa ăn, mà ngay đến người như chúng tôi e rồi cũng chết đói cả. Chưa chi mà đã có kẻ ba ngày không được một miếng. Chẳng còn gì nữa cả, chúng tôi đã bị người ta làm cho khánh kiệt rồi.
     
Công tước tiểu thư Maria chăm chú lắng nghe những điều lão nói.

- Nông dân khánh kiệt cả rồi à? Họ không có bánh àn à? - Nàng hỏi.

- Họ chết đói thì còn làm thế nào mà còn nghĩ đến xe với cộ được nữa? - Dron nói.

- Nhưng tại sao bác chẳng bảo gì cả, Dronuska. Ta không thể giúp cho họ sao? Tôi sẽ cố hết sức… - Công tước tiểu thư Maria lấy làm lạ rằng những lúc này, lòng nàng đau khổ đến như thế nào, mà lại còn có thể có kẻ giàu và người nghèo, và kẻ giàu lại có thể bỏ mặc không giúp người nghèo. Nàng nhớ mang máng và có nghe nói là thường thường ở các điền trang lúc nào cũng có một kho lúa mì để dành riêng cho trang chủ, thỉnh thoảng cũng có đem phát cho nông dân. Nàng lại biết rằng cha nàng và anh nàng sẽ không đời nào từ chối giúp đỡ nông dân trong cảnh túng bấn, nàng chỉ ngại là không tìm đủ những lời lẽ cần thiết để ra lệnh phát lúa mì như ý nàng muốn. Nàng lấy làm mừng là đã có được một duyên cớ để lo lắng ân cần đối với người khác, một duyên cớ cho phép nàng quên nỗi thương tâm của mình mà không thấy hổ thẹn. Nàng bảo Dron nói cặn kẽ xem nông dân cần những gì và hỏi lão về các kho dự trữ Ở Bogutsarovo.

- Có phải ở đây có kho lúa mì của nhà chủ, không nhỉ? Kho của anh tôi ấy mà?

- Kho lúa mì của nhà chủ còn nguyên vẹn - Dron kiêu hãnh đáp - Công tước của chúng tôi không cho lệnh chúng tôi đem bán.

- Đem chia cho nông dân, họ cần bao nhiêu thì chia hết cho họ bấy nhiêu: tôi thay mặt anh tôi mà cho phép bác phân phát. - Công tước tiểu thư Maria nói.
     
Dron chẳng nói chẳng rằng, chỉ buồn rầu thở ra một tiếng rõ dài.

- Đem chia cho họ đi, nếu có đủ để chia cho mọi người. Chia hết đi. Thay mặt anh tôi, ra lệnh phân phát. Và nói cho họ biết là cái gì là của chúng tôi thì tức cũng là của họ. Giúp họ thì chúng tôi không tiếc gì hết. Nói cho rõ như vậy.

Dron nhìn chằm chặp vào công tước tiểu thư Maria trong khi nàng nói.

- Vì Chúa, xin tiểu thư cách chức tôi đi, tiểu thư bảo người đến. Chúng tôi xin nộp lại chìa khoá. Tôi đã hầu hạ ba nằm trời không dám làm điều gì sai trái, lạy Chúa, xin tiểu thư cho tôi được cáo lui.
   
Công tước tiểu thư Maria không hiểu lão xin gì và lão xin từ bỏ cái gì. Nàng trả lời là nàng không bao giờ nghi ngờ gì lòng trung thành tận tuỵ của lão và cả nàng sẵn sàng làm mọi cách để giúp lão và giúp nông dân.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:32:50 am
Phần X
Chương - 10
   
Một giờ sau, Dunyasa đến bẩm với công tước tiểu thư rằng Dron đã trở lại và theo lệnh của nàng, nông dân đều tụ tập cạnh kho lúa và xin được gặp nàng để thưa chuyện.

- Nhưng tôi có gọi họ đến đâu - Công tước tiểu thư Maria nói - Tôi chỉ bảo Dron chia lúa mì cho họ thôi kia mà.

- Tiểu thư ơi, vì Chúa con xin tiểu thư hãy hạ lệnh đuổi chúng nó đi và đừng ra gặp chúng nó. - Dunyasa nói. - Toàn là trò bịp cả đấy; Yakob Alpatyts về là chúng ta đi… nhưng xin tiểu thư thì đừng ra…

- Bịp bợm cái gì chứ? - Công tước tiểu thư ngạc nhiên hỏi.

- Xin tiểu thư nghe con, vì Chúa, con có biết mới dám nói. Tiểu thư cứ hỏi u già mà xem. Chúng nó bảo là chúng nó không chịu đi như tiểu thư đã ra lệnh.

- Chị nhầm rồi. Tôi có bảo họ đi bao giờ đâu… Bảo Dron vào đây.

Dron xác nhận lời Dunyasa: nông dân đã kéo đến theo lệnh của công tước tiểu thư.

- Nhưng tôi có gọi họ đến bao giờ đâu - Nàng nói. Lão truyền đạt sai rồi. Tôi chỉ bảo lão chia lúa mì cho họ thôi chứ.
   
Dron thở dài không đáp.

- Nếu tiểu thư ra lệnh thì họ sẽ giải tán. - Lão nói.

- Không, không, tôi sẽ ra gặp họ.
   
Mặc dầu Dunyasa và u già đã ra sức can ngăn, công tước tiểu thư Maria vẫn bước ra thềm. Dron, Dunyasa, u già Nikhan Ivanovich ra theo. "Chắc họ tưởng đâu mình cho họ lúa mì để bắt họ ở lại còn mình thì bó đi, để họ ở lại cho quân Pháp tha hồ muốn gì thì làm. Mình sẽ hứa phát lúa mì cho họ hàng tháng và cho họ trú ngụ ở điền trang của nhà ở ngoại thành Moskva; ở địa vị mình, anh Andrey còn làm hơn nữa". Nàng thầm nghĩ trong khi đến gần nơi đám đông tụ tập, trên bãi cỏ cạnh nhà kho, trong lúc trời đã nhá nhem.
   
Đám đông đứng sát vào nhau, nhốn nhác lên và vội vàng cất mũ. Công tước tiểu thư Maria, hai mắt nhìn xuống, đôi bàn chân vướng víu trong chiếc áo dài, bước đến gần đám đông. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào nàng, trẻ có, già có, bao nhiêu bộ mặt khác nhau quay về phía nàng làm cho nàng không phân biệt được một ai; và thấy cần phải ngỏ lời với tất cả mọi người cùng một lúc, nàng chẳng biết làm thế nào nữa. Nhưng ý thức mình là đại diện cho cha và anh lại một lần nữa lại làm cho nàng vững tâm, và nàng mạnh dạn cất tiếng nói:

- Tôi rất hài lòng là bà con đã đến đây - Nàng nói, mắt không nhìn lên, tai nghe trống ngực đập thình thịch rất nhanh. - Dron có cho tôi biết chiến tranh đã làm cho bà con khánh kiệt. Đó là tai hoạ chung của chúng ta, tôi sẽ không tiếc bất cứ cái vì để giúp đỡ bà con. Tôi đi vì ở đây rất nguy hiểm… và quân địch đã đến gần… vì… tôi biếu bà con tất cả, tôi xin bà con lấy tất cả lúa mì, để cho khỏi thiếu thốn. Còn nếu có người bảo tôi biếu bà con lúa mì để bà con ở lại đây thì điều đó không đúng. Trái lại, tôi xin bà con mang hết của cải theo mình và cùng đi đến ấp của chúng tôi ở gần Moskva ở đấy tôi nhân hết trách nhiệm, tôi cam đoan rằng bà con sẽ chẳng phải thiếu thốn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bà con nhà ở, bánh ăn - tiếng thở dài.

- Tôi làm thế không phải là tự ý tôi - nàng lại nói tiếp mà nhân danh cha tôi vừa qua đời: sinh thời Người đối với bà con bao giờ cũng nhân hậu, nhân danh anh tôi và cháu trai tôi nữa.

Nàng lại ngừng. Trong khi nàng im lặng, chẳng ai lên tiếng.

- Tai hoạ là tai hoạ chung, chúng ta chia đôi cho nhau tất cả. Tất cả những gì của tôi là của bà con. -
Nàng vừa nói vừa nhìn nhưng bộ mặt ở ngay phía trước nàng.
   
Bấy nhiêu cặp mắt chăm chú nhìn nàng đều có một sắc thái như nhau mà nàng không tài nào hiểu rõ ý nghĩa. Tò mò chăng, hay trung thành, hay biết ơn, hay khiếp sợ và nghi ngờ. Chỉ thấy gương mặt nào cũng đều một vẻ như nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:33:23 am
Một giọng nói cất lên từ các hàng cuối:

- Chúng tôi rất lấy làm mừng vì lòng hảo tâm của tiểu thư, nhưng chúng tôi không tiện lấy lúa mì của chủ nhân.

- Nhưng tại sao? - Công tước tiểu thư hỏi. Chẳng ai trả lời, và tiểu thư Maria thấy rằng bây giờ hễ nàng nhìn đến ai là người ấy liền cúi mặt xuống.

- Nhưng tại sao bà con không muốn lấy? - Nàng lại hỏi.
   
Chẳng ai đáp lại.
   
Sự im lặng ấy bắt đầu làm cho nàng thấy nặng nề khó chịu; nàng cố bắt gặp một ánh mắt của một người nào đấy.

- Tại sao cụ không nói gì cả? - Nàng hỏi một cụ già chống gậy đứng trước mặt. - Cụ thấy bà con cần gì nữa thì cứ nói. Tôi sẽ hết sức - Nàng nói khi bắt gặp cái nhìn của ông lão, nhưng ông lão có vẻ không bằng lòng vì cái nhìn ấy, bèn cúi đầu xuống và nói:

- Chúng tôi nhận làm gì, chúng tôi có cần lúa mì đâu?

- Thế là phải vứt bỏ tất cả mà đi à? Không nhận đâu. Không nhận đâu. Chúng tôi không chịu đâu. Chúng tôi ái ngại cho tiểu thư, nhưng chúng tôi không chịu đi. Tiểu thư có đi thì cứ đi một mình…
   
Những tiếng nói lao nhao trong đám đông. Rồi vẫn cái sắc thái giống hệt nhau ấy lại hiện lên trên tất cả các gương mặt, và lần này thì chắc chắn không phải thể hiện ý tò mò và biết ơn mà là một ý định hung dữ.
     
Công tước tiểu thư Maria mỉm cười buồn rầu nói:

- Nhưng bà con chưa hiểu đúng ý tôi. Tại sao bà con không muốn đi? Tôi xin hứa là sẽ có đủ nhà ở, bánh ăn cho bà con. Ở đây quân giặc sẽ làm cho bà con khánh kiệt…
     
Nhưng tiếng nàng liền bị những tiếng nhao nhao của đám đông át đi.

- Chúng tôi không chịu đi, chúng nó cứ việc làm cho chúng tôi khánh kiệt! Chúng tôi không nhận lúa mì, chúng tôi không chịu đi!

Công tước tiểu thư cố bắt gặp lại một đôi mắt nữa trong đám đông, nhưng chẳng ai nhìn nàng cả; rõ ràng là họ đều tránh cái nhìn của nàng. Nàng thấy ngỡ ngàng và lúng túng quá.
   
Từ đám đông, những tiếng nói lại nhao nhao:

- Nào, thấy chưa, cô ấy khuyên ta những lời hay quá nhỉ: đi theo cô ấy để làm nô lệ! Đế mặc cửa nhà tan hoang để nhận lấy cái kiếp tôi đòi. Nói hay quá nhỉ: "Tôi cho bà con bánh mì!".
 
Công tước tiểu thư Maria cúi đầu, ra khỏi đám đông và trở vào nhà. Sau khi dặn lại Dron là ngày mai phải có ngựa để đi, nàng lui về buồng riêng và ngồi tư lự một mình.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:34:55 am
Phần X
Chương - 11
   
Đêm ấy, mãi đến khuya, công tước tiểu thư Maria vẫn ngồi cạnh cửa sổ mở toang, lắng tai nghe tiếng nông dân nói từ dưới làng vọng lên, nhưng không hề nghĩ đến họ. Nàng cảm thấy dù cố gắng đến đâu nàng cũng không thể hiểu được họ. Lúc nào nàng cũng chỉ nghĩ đến một điều, đến nỗi khổ của nàng và cái này đã bị những nỗi lo lắng về hiện tại gạt ra một bên cho nên nay đã trở thành dĩ vãng.
   
Bây giờ thì nàng có thể nhớ lại, có thể khóc và cầu nguyện. Gió đã ngừng thổì từ khi mặt trời lặn. Trời đêm thanh vắng và mát mẻ. Đến nửa đêm, những tiếng nói im dần, một con gà cất tiếng gáy, vành trăng tròn hiện lên từ phía sau rặng bồ đề, một làn sương khói trắng dục và mát mé bốc lên, toà nhà và thôn xóm đều chìm trong im lặng.
   
Lần lượt nàng thấy diễn lại những hình ảnh của mấy ngày vừa qua: cơn bệnh và những phút cuối cùng của cha nàng. Với một niềm vui đượm buồn, nàng nhớ lại những hình ảnh ấy, nàng chỉ xua đuổi những hình ảnh ghê sợ cuối cùng, hình ảnh cái chết của cha nàng; nàng thấy mình không đủ can đảm thấy lại nó, dù là bằng tưởng tượng, trong giờ phút thanh tĩnh và huyền ảo này của đêm khuya. Và những hình ảnh ấy hiện lên trước mắt nàng rõ rệt, nhiều chi tiết, đến nỗi nàng tưởng đó là những sự việc diễn ra trong thực tế khi thì diễn ra trong quá khứ, khi thì sẽ diễn ra trong tương lai.
   
Nàng hình dung rõ rệt cái hôm ở Lưxye Gorư, khi công tước vì bị cơn bệnh quật ngã: người ta xốc nách dìu công tước từ vườn vào nhà và công tước thì mấp máy đôi môi nhưng lưỡi líu lại không nói nên lời, đôi lông mày bạc trắng giật giật, đôi mắt nhìn nàng rụt rè, lo lắng.
 
"Lúc đó cha đã muốn nói với mình điều mà cha nói trước khi mất - nàng nghĩ. Cha vẫn nghĩ đến điều mà cha nói với mình". Và bây giờ nàng nhớ lại cặn kẽ cái đêm ở Lưxye Gorư trước khi công tước lại lên cơn; cái đêm mà nàng linh cảm thấy tai hoạ có thể xảy ra và nàng đã làm trái ý cha, cứ ở lại bên cạnh ông cụ. Đêm ấy không ngủ được, nàng rón rén bước xuống gác, đến gần cánh cửa phòng ủ hoa là nơi công tước nghỉ, và lắng tai nghe tiếng nói của cha. Giọng mệt nhọc, công tước nói với Tikhôn về miền Krym, về những đêm hè, về nữ hoàng. Rõ ràng công tước đang cần nói chuyện. Lúc ấy nàng đã nghĩ và bây giờ nàng lại nghĩ:
"Tại sao cha không gọi mình vào? Tại sao cha không cho phép mình thay Tikhôn? Cha sẽ mãi mãi không còn nói với ai được nữa về tất cả những gì đã diễn ra trong lòng cha. Đối với cha, và đối với mình cũng vậy, sẽ mãi mãi không còn trở lại cái giây phút mà cha có thể nói tất cả những điều cha muốn nói, cái giây phút mà đáng lẽ chính mình chứ không phải Tikhôn được nghe cha nói và hiểu ý cha. Tại sao lúc đó mình lại không vào? Có thể ngay lúc ấy, cha có thể nói với mình điều mà cha nói hôm cha mất. Nhưng dù nói với Tikhôn, cha cũng đã hỏi mình hai lần. Cha muốn gặp mình, mà mình thì đứng đấy, sau cánh cửa. Nói chuyện với Tikhôn cha buồn lắm, khổ lắm và Tikhôn không hiểu cha. Mình còn nhớ là cha nói với Tikhôn về chị Liza như thể chị ấy còn sống; cha quên là chị ấy đã chết. Tikhôn nhắc lại cho cha biết thì cha mắng là "đồ ngốc". Cha đau khổ quá, sau cánh cửa mình nghe tiếng cha rên khi đuổi mình trên giường, và tiếng cha kêu to: "Trời ơi!". Tại sao bấy giờ mình lại không vào? Vào thì cha có làm gì đâu mà sợ? Có thể là mình vào thì cha đỡ ngay lúc ấy và sẽ nói chuyện với mình". Nói to lên khi nhắc lại lời nói âu yếm của công tước trước khi tắt nghỉ: "Con yêu quý của cha" - Rồi nàng khóc nức nở, càng khóc càng thấy đỡ đau lòng. Bây giờ nàng thấy hiện lên gương mặt của cha ngay trước mặt mình. Không phải gương mặt mà nàng từng quen thuộc từ thuở ấu thơ và bao giờ nàng cũng chỉ thấy từ xa, mà gương mặt rụt rè, yếu đuối, hôm cuối cùng nàng cúi xuống gần cha để nghe cha nói rõ, nàng đã ngắm kỹ lần đầu tiên, nhìn rõ từng nếp nhăn từng chi tiết.

"Con yêu quý của cha". Nàng nhắc lại, rồi đột nhiên nàng lại tự hỏi: "Khi nói câu ấy cha nghĩ gì? Bây giờ thì cha nghĩ gì? - Và như để đáp lại, nàng thấy hiện lên khuôn mặt của cha buộc chiếc khăn trắng, nằm trong quan tài. Khi nàng sờ vào người cha và nhận thấy rằng đó không những không phải là cha nàng nữa mà là một vật gì huyền bí và ghê rợn, nàng đã khiếp sợ; bây giờ nỗi khiếp sợ ấy lại trở về chiếm lấy lòng nàng. Nàng muốn nghĩ đến việc khác, nàng muốn cầu nguyện, nhưng nàng không thể làm gì được. Đôi mắt mở to, nàng nhìn ánh trăng sáng và những bóng tối từ các đồ vật hắt xuống, tưởng chừng chỉ giây phút nữa sẽ thấy hiện lên khuôn mặt đã chết của cha và tự thấy như bị trói chặt vào cõi tĩnh mịch đang bao phủ lên cả toà nhà.
       
Nàng thì thầm: "Dunyasa" rồi kêu lên một tiếng khủng khiếp: "Dunyasa" Nàng cố dứt mình ra khỏi cảnh tĩnh mịch và chạy xô về phía buồng các đầy tớ gái: u già và các đầy tớ gái vội chạy ra đón nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:35:59 am
Phần X
Chương - 12
   
Ngày mười bảy tháng tám. Roxtov và Ilya từ trại trú quân ở Yonkovo cách Bogutsarovo mười lăm dặm, cưỡi ngựa đi chơi để thử con ngựa Ilya vừa mua và xem trong các làng có cỏ cho ngựa ăn không. Đi theo hai người có Lavruska, vừa bị địch bắt và được tha về và một người lính phiêu kỵ.
     
Từ ba hôm nay, Bogutsarovo đã ở vào giữa hai đạo quân thù địch, cho nên có thể dễ dàng được hậu quân Nga cũng như tiền quân Pháp ghé thăm. Vì vậy, là một viên đại đội trưởng kỵ binh cần mẫn, Roxtov muốn lấy hết chỗ lương thực còn lại ở đây, trước khi quân Pháp đến.

Roxtov và Ilya đang ở vào một tâm trạng hết sức vui vẻ. Trong khi đi về phía Bogutsarovo, trang ấp của một vị vương công, nơi họ hy vọng gặp một số gia nhân đông đúc có cả những cô nữ tỳ xinh đẹp họ hỏi chuyện Lavruska về Napoléon và cười cợt về những chuyện hắn ta kể lại, hoặc họ thi nhau phi nước đại để thử sức con ngựa của Ilya.
   
Roxtov không ngờ rằng điền trang mà chàng đang đi đến là của Bolkonxki, người trước kia đã đính hôn với em gái chàng.
   
Hai người cho ngựa chạy đua với nhau một lần cuối, phi vào khu ấp ở phía trước làng  Bogutsarovo, và Roxtov vượt qua mặt Ilya phóng vào đường làng trước tiên.

- Anh vượt tôi rồi đấy. - Ilya đỏ mặt nói.

- Đúng, mình lúc nào cũng về nhất, trên bãi cỏ cũng như ở đây.
   
Roxtov vừa đáp vừa lấy tay vuốt ve con ngựa sông Đông đang sùi bọt mép.

- Tôi cưỡi con ngựa cái Pháp này - Lavruska đi ở phía sau nói (hắn gọi con ngựa xác kéo xe của hắn là ngựa cái Pháp) - thì thừa sức vượt đại nhân xa, nhưng tôi chẳng muốn làm đại nhân ngượng.
   
Họ cho ngựa đi bước một đến gần một cái kho, nơi một đám đông nông dân đang tụ tập.

Vài người bỏ mũ chào, những người khác chỉ đứng nhìn. Hai ông già cao lêu nghêu, mặt nhăn nhúm, râu lưa thưa, từ trong quán rượu bước ra, miệng cười nhăn nhở, chân nam đá chân chiêu, lẩm nhẩm hát một bài lạc điệu và đến gần hai viên sĩ quan.

- Chà, các ông mãnh! Có cỏ cho ngựa không? -  Roxtov mỉm cười hỏi.

- Mà hai ông sao giống nhau như đúc thế… Ilya chêm vào.
   
Một trong hai ông lão mỉm cười hể hả cất tiếng hát:
Bbầu, bbạn… vu… u… u… i… th… ay… ay.

Một nông dân tách khỏi đám đông, tiến về phía Roxtov hỏi:

- Các ông là ai?

- Quân Pháp, - Ilya vừa cười vừa đáp, - rồi chỉ Lavruska nói thêm - Và đây chính là Napoléon.

- Thế ra các ông là người Nga à? - Người nông dân lại hỏi.

- Các ông ở đây có đông không? - Một người nữa, bé nhỏ, cũng đến gần.

- Đông chứ, đông chứ. - Roxtov đáp và nói thêm - Nhưng các ông họp nhau làm gì ở đây? Ngày hội à?

- Các cụ họp nhau có việc làng. - Người nông dân vừa nói vừa bỏ đi.
   
Vừa lúc ấy, trên con đường vào nhà trang chủ, thấy hai người đàn bà và một người đàn ông đội mũ trắng tiến về phía các sĩ quan.
   
Trông thấy Dunyasa chạy đến, vẻ quả quyết, Ilya nói:

- Cô nàng áo hồng là của tớ, liệu hồn đừng có phỗng của tớ đấy nhé.

- Của cả bọn ta đấy! - Lavruska vừa nói vừa nháy mắt với Ilya.

- Cô em muốn gì đấy? - Ilya mỉm cười hỏi.

- Công tước tiểu thư sai tôi ra hỏi các ngài là ở trung đoàn nào và quý danh là gì?

- Đây là bá tước Roxtov tiểu đoàn trưởng phiêu kỵ, còn ta thì là kẻ phụng sự tận tình của cô em. - Ilya đáp.
   
Vẫn mỉm cười hể hả. Ông lão say rượu ngắm Ilya đang nói chuyện với người nữ tỳ và hát:

- Bầu, bầu, bạ… ạn…
   
Theo sau Dunyasa, Alpatyts đi về phía Roxtov và từ xa bỏ mũ chào.
     
Lão ta nói với một thái độ tôn kính, nhưng có pha lẫn ý coi thường tuổi trẻ của viên sĩ quan, và bàn tay cứ đút trong áo gi-lê không rút ra:

- Xin đại nhân thứ lỗi nếu chúng tôi dám làm phiền đại nhân. Nữ chủ của chúng tôi là con gái của cố tướng quân tổng tư lệnh, công tước Nikolai Andrevich Bolkonxki, vừa từ trần ngày mười lăm tháng này. Tiểu thư hiện đang gặp khó khăn do sự ngu dốt của bọn người này, - lão chỉ hai người nông dân, - nữ chủ của chúng tôi mong ngài vui lòng quá bộ… - Lão lại nói thêm với một nụ cười buồn buồn - Xin phép ngài, mời ngài lánh ra đây một tí… thật không tiện… ngay trước những… - Alpatyts chỉ hai người nông dân đang loay hoay quanh lão như những con ruồi bâu quanh một con ngựa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:36:53 am
- A! Alpatyts… A! Yakob Alpatyts!… Ghê thật! Lạy chúa, tha lỗi cho chúng tôi nhá. Ghê thật! Hừ! - Họ vừa nói vừa mỉm cười vui vẻ với lão Roxtov nhìn hai người say rượu rồi cũng mỉm cười theo.
Yakob Alpatyts đưa bàn tay không đút vào áo gi-lê chỉ hai lão gỉà nói nghiêm trang:

- Hay là cái trò này làm cho Đại nhân thích thú?

- Không, trò này chẳng hay ho gì. - Roxtov vừa nói vừa cho ngựa lùi lại, rồi hỏi - Việc gì thế?

- Chúng tôi xin phép báo để Đại nhân rõ là đám dân thô bỉ ở đây không muốn để nữ chủ của chúng tôi đi khỏi ấp này, chúng doạ tháo ngựa ra, vì vậy mọi thứ đã đóng hòm xong từ sáng nay mà công tước tiểu thư vẫn chưa lên đường được.

- Vô lý! - Roxtov thốt lên.

- Những điều chúng tôi được hân hạnh thưa lại với ngài là hoàn toàn đúng sự thật. - Alpatyts nhắc lại.
   
Roxtov xuống ngựa, trao dây cương cho người lính phiêu kỵ rồi cùng Alpatyts đi vào nhà, vừa đi vừa hỏi chi tiết về những việc xảy ra. Số là, sau khi công tước tiểu thư đề nghị ban cấp lúa mì hôm qua, sau khi nàng biện bạch với Dron và với đám nông dân, thì mọi việc đâm ra hỏng bét, đến nỗi Dron nhất quyết trả hẳn chìa khoá để đi theo nông dân và nhận được lệnh đòi của Alpatyts hắn cũng không chịu đến; sáng hôm ấy khi công tước tiểu thư cho thắng ngựa để lên đường, nông dân lại tụ tập rất đông cạnh nhà kho và cử người đến báo lại là họ không để cho nàng đi, là có lệnh không cho nàng đi là họ sẽ tháo ngựa ra. Alpatyts ra khuyên họ nên biết điều, nhưng họ trả lời rằng họ không thể để cho công tước tiểu thư đi được, rằng đã có lệnh như vậy và công tước tiểu thư cứ việc ở lại, họ sẽ hầu hạ và một mực vâng lời công tước tiểu thư như cũ. Người nói nhiều nhất là Karp, còn Dron thì tránh mặt, lẩn vào đám đông.
   
Trong khi Roxtov và Ilya phi ngựa vào làng thì công tước tiểu thư Maria bất chấp những lời can ngăn của Alpatyts, của u già và của các thị nữ, cứ ra lệnh thắng ngựa vào xe và sửa soạn lên đường; nhưng khi trông thấy đoàn ngựa đi qua, mọi người đều tưởng là quân Pháp, bọn xà ích bỏ chạy tán loạn, trong nhà thì đàn bà con gái khóc rú lên.

- Ôi! Tôn ông phúc đức quá! Cha đẻ của chúng tôi! Thật là Chúa đã phái người đến. - Những tiếng xuýt xoa cảm kích nổi lên khi Roxtov vào đến phòng ngoài.
   
Khi người nhà đưa Roxtov vào phòng khách lớn, công tước tiểu thư đang ngồi thừ người ra như người mất hồn. Nàng không hiểu chàng là ai, tại sao chàng đến đây và rồi sẽ xảy ra việc gì? Trông thấy vẻ mặt người Nga, nhìn cử chỉ, dáng điệu, nghe những lời chào hỏi đầu tiên của chàng, và nhận ra rằng đây là người cùng giới với mình, nàng nhìn chàng với đôi mắt sâu xa và trong sáng rồi bắt đầu nói, giọng ngắt quãng và run run vì xúc động. Roxtov thấy ngay trong cuộc gặp gỡ này có một cái gì ly kỳ như tiểu thuyết. Vừa nhìn nàng, vừa nghe câu chuyện rụt rè của nàng, chàng nghĩ thầm: "Một thiếu nữ không người bảo vệ, nặng gánh đau thương, lại một thân một mình giữa đám nông dân thô lỗ đang nổi loạn, có thể bị chúng tha hồ hành hung! Số phận lạ lùng nào đã đưa ta đến chốn này! Và dịu dàng biết bao, cao quý biết bao dung mạo và phong thái của nàng".
   
Đến khi nàng nói rằng những việc đó đã xảy ra sau lễ an táng phụ thân nàng chỉ có một ngày, giọng nàng run lên. Nàng quay mặt đi nhưng rồi e rằng Roxtov nghĩ là nàng có ý muốn làm cho chàng thương hại, nàng nhìn chàng có ý lo sợ và dò hỏi. Roxtov rưng rưng nước mắt. Công tước tiểu thư Maria trông thấy và đưa đôi mắt trong sáng nhìn chàng, cái nhìn chan chứa lòng cảm kích, khiến người ta quên hẳn những nét không đẹp trên mặt nàng.
   
Roxtov đứng dậy nói:

- Thưa tiểu thư, tôi không biết nói thế nào cho hết những nỗi vui sướng của tôi nhân tình cờ qua đây lại được tiểu thư sai khiến. Mời tiểu thư cứ lên đường, và nếu tiểu thư cho phép chúng tôi hộ tống thì xin lấy danh dự cam đoan là không còn một ai dám phiền nhiễu tiểu thư nữa.
   
Đoạn chàng cúi mình cung kính như người ta vẫn cúi mình trước các công chúa thuộc dòng dõi hoàng gia, rồi đi ra cửa…
   
Với thái độ cung kính ấy, Roxtov dường như muốn tỏ ra rằng tuy chàng sẽ rất sung sướng nếu được quen biết nàng thêm, chàng vẫn không muốn lợi dụng tình cảm của nàng để tìm cách làm thân với nàng.
     
Công tước tiểu thư Maria hiểu ý chàng và lấy làm cảm kích.

- Muôn vàn đội ơn đại nhân - Nàng đáp lại bằng tiếng Pháp - nhưng tôi mong rằng việc này chỉ là một sự hiểu lầm và không ai có lỗi cả - Bỗng nàng khóc oà lên rồi cố nói tiếp - Xin đại nhân bỏ qua cho.
     
Roxtov cau mày, cung kính cúi chào lần nữa rồi đi ra.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:37:35 am
Phần X
Chương - 13
   
- Thế nào, có kháu không? Này cái cô mặc áo hồng của tôi ấy mà, tuyệt lắm cậu ạ, nàng tên là Dunyasa…

- Ilya đang nói, nhưng chợt trong thấy vẻ mặt Roxtov liền im bặt. Chàng hiểu rằng vị anh hùng và người thủ trưởng của chàng đang có một tâm trạng khác hẳn.
   
Roxtov lườm Ilya một cái, vẻ tức giận, không trả lời và đi nhanh về phía làng.

- Được rồi ta sẽ cho chúng một mẻ, để chúng biết rõ ta là người thế nào. - Chàng tự nhủ.

Theo chàng ra, Alpatyts phải xoạc cẳng bước thật dài để cho khỏi chạy, nhưng vất vả lắm mới theo kịp chàng.

- Thưa ngài quyết định như thế nào ạ? - Khi đuổi kịp chàng, Alpatyts hỏi.

Roxtov dừng lại, nắm chặt hai bàn tay bước đến trước mặt Alpatyts, vẻ dữ tợn.

- Quyết định à? Quyết định gì! Lão bợm già - chàng quát vào mặt lão - Ngươi không thể mở mắt ra hay sao? Hả? Bọn thôn dân nổi loạn mà ngươi không đẹp được à? Ngươi cũng là một tên phản chủ: Ta thừa biết bọn ngươi, ta thì ta lột da tất… - Rồi dường như sợ lãng phí hết cơn thịnh nộ cần để dành, chàng bỏ Alpatyts và đi nhanh về phía làng.
   
Alpatyts nuốt giận, xoạc cẳng bước theo và tiếp tục bày giải ý mình. Lão nói rằng nông dân lúc này rất bướng, mà bây giờ chống lại họ mà không cần viện đến quân đội là dại dột, rằng tốt hơn cả có lẽ là sai người đi tìm quân đội đã.

- Ta sẽ cho chúng nó thấy thế nào binh lực… Ta sẽ cho chúng một bài học. - Nikolai nhắc đi nhắc lại không biết là mình nói gì, nổi khùng lên trong một cơn giận vô lý, đầy thú tính, dâng lên tắc nghẹn cả cổ, và cần phải được trút ra ngoài. Không tự hỏi là mình sắp làm gì, như một cái máy, chàng cương quyết tiến nhanh về phía đám đông. Và chàng càng đến gần thì Alpatyts càng cảm thấy là hành động vô lý của chàng có thể có kết quả tốt, trong đám đông, nông dân trông thấy dáng đi thoăn thoắt và mạnh mẽ với vẻ mặt hằm hằm quả quyết của chàng, cũng cảm thấy thế. Lúc này, khi bọn Roxtov vào làng và khi chàng vào gặp công tước tiểu thư, trong đám nông dân đã nảy ra những ý kiến bất đồng và đã có vé bối rối hoang mang. Có người nói mấy người mới đến là người Nga và họ có thể nổi giận vì nông dân không để cho tiểu thư đi. Dron cũng đồng ý như thế, nhưng vừa nói ra thì Karp và mấy người nông dân khác đã xông đến.

- Mày thì bao nhiêu năm mày đã hút máu dân làng - Karp quát lên - Đối với mày thì thế nào chẳng được!
Mày chỉ việc đào cái hầm của lên rồi thì cút; chúng nó tàn phá nhà cửa chúng tao thì cũng chẳng việc gì với mày cơ mà!

- Người ta bảo là phải có trật tự - một người khác kêu lên - là không ai được bỏ nhà đi nơi khác, là không được mang gì đi cả, chỉ thế thôi.
   
Bỗng một ông lão bé nhỏ cũng xông vào mắng Dron một thôi:

- Con trai mày đến lượt phải đi lính, thế mà mày giấu biến cái thằng bé nhà mày đi; mày bắt thằng Vanka nhà tao cạo đầu đi lính. Chà, cả bọn ta cũng chết tuốt hết thôi!

- Ừ! rồi chúng mình cũng chết hết mất thôi.

- Tôi có bỏ rơi bà con trong thôn đâu - Dron nói.

- Ôi dào, không bỏ! Mày sống no nê, bụng đã phệ ra rồi còn gì.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:38:31 am
Hai người nông dân cao lêu nghêu mải nói chuyện đằng phía họ. Khi Roxtov, có Ilya, Lavluska và Alpatyts đi theo, đến gần đám đông, Karp liền bước ra, miệng mỉm cười, hai tay đút vào thắt lưng. Dron thì trái lại, lẻn ra các hàng sau; đám nông dân thì đứng sát vào nhau.

- Ê bọn kia! Đứa nào là trưởng thôn? - Roxtov bước nhanh đến quát.

- Trưởng thôn à? Muốn gì trưởng thôn? - Karp hỏi lại.
   
Nhưng hắn ta chưa nói xong câu thì cái mũ đã bay lên không, và đầu hắn ta choáng váng đi vì một cái tát dữ dội.

- Bỏ mũ xuống, quân phản bội! - Roxtov quát, giọng giận dừ vang lên sang sảng. - Trưởng thôn đâu?

- Trưởng thôn, người ta hỏi trưởng thôn… - Lác đác có mấy tiếng nói vội vã, - Dron Zakharyts, người ta gọi kia kìa - và mọi người lần lượt bỏ mũ xuống.

- Chúng tôi không có quyền nổi loạn - Karp nói - Chúng tôi vẫn tuân theo mệnh lệnh.
   
Đồng thời ở những hàng cuối có mấy người cùng nói một lúc:

- Bà con chỉ làm theo như các cụ già đã quyết định, các vị chức trách các ngài nhiều lắm…

- Cãi à? Làm loạn à? Đồ kẻ cướp! Đồ làm phản! -     Roxtov túm lấy cổ áo Karp, gầm lên, lạc cả giọng. - Trói nó lại, trói nó lại!
   
Chàng thét lên, tuy ngoài Lavruska và Alpatyts chẳng có ai để đến trói cả.
   
Lavruska cũng chạy đến, nắm hai tay Karp bẻ quặt ra sau lưng.
   
Có phải gọi thêm quân ta dưới kia lên không? - Hắn hỏi.
   
Alpatyts gọi tên hai nông dân, chỉ định họ ra giúp Lavruska trói Karp. Họ ngoan ngoãn ra khỏi đám đông và tháo dây thắt lưng ra.

- Trưởng thôn đâu? - Roxtov lại thét.
   
Dron, mặt nhăn nhó và tái mét, bước ra khỏi đám đông.

- A mày là trưởng thôn à? Trói nó lại, Lavruska - Roxtov quát làm như mệnh lệnh ấy cũng chẳng có thể gặp một trở ngại nào cả.
   
Quả nhiên thêm hai người nông dân nữa đến trói Dron, mà chính lão ta cũng tự tháo thắt lưng ra đưa cho họ.

- Còn các người thì nghe đây - Roxtov bảo nông dân - Giải tán ngay tức khắc, ai về nhà nấy và không một đứa nào được lải nhải gì nữa, rác tai ta. Nghe chưa?

- Thì bà con có gì bậy đâu. Chỉ vì ngu ngốc thôi. Chỉ là chuyện dại dột thôi mà… tôi bảo như thế là không đúng mà. - Tiếng nói nhao nhao trách móc lẫn nhau.

- Ta đã bảo mà - Alpatyts được thể giành lại ưu thế. - Thế là không đúng, các chú hiểu chưa!

- Chỉ vì chúng tôi ngu xuẩn, ông Yakob Alpalyts - có tiếng đáp lại rồi đám đông giải tán ngay và tản vào trong thôn.
     
Họ dẫn hai người bị trói vào trang viên. Hai lão say rượu cũng đi theo.

- Nào, yên ta ngắm cậu tí - một lão bảo Karp.

- Này, ăn nói với chủ như thế à? Cậu nghĩ thế nào thế?

- Đồ ngốc, - lão kia lại nhấn mạnh thêm - Thằng ngốc chính hiệu.

Hai giờ sau, xe đã đỗ cả trong sân. Nông dân vui vẻ khuân hành lý của chủ nhà ra xếp lên, và Dron, được công tước tiểu thư xin tha ra khỏi buồng giam, đang sai bảo họ.

Một người nông dân cao lớn, mặt bầu bĩnh và tươi cười đón một cái tráp nhỏ từ tay một người nữ tỳ, nói:

- Ấy đừng để thế. Cái này cũng đáng tiền chứ! Không phải cứ ném bừa lên hay nhét cố vào dưới sợi thừng mà được đâu, nó tróc sơn đi chứ. Tôi chả ưa cái lối làm ăn như thế. Việc gì cũng phải làm cho đúng đắn, theo đúng luật. Thế được đấy, để hộ mình xuống dưới chiếc chiếu, rồi phủ cỏ khô lên trên tí, ấy thế là tốt.

Một người khác khuân sách trong thư viện của công tước Andrey ra:

- Ôi chao, bao nhiêu là sách. Kìa, đừng làm vướng người ta.

- Nặng ơi là nặng, các cậu ạ sách thật ra sách.

Anh nông dân cao lớn mặt tròn, nháy mắt ra hiệu, chỉ những quyển tự điển nằm ở phía trên nói:

- Ồ những người viết ra các sách này ấy mà, họ chả ăn không ngồi rồi tí nào nhỉ!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 02:39:04 am
Roxtov không muốn công tước tiểu thư phải tiếp mình, nên không trở lại gặp nàng mà cứ ở trong làng đợi cho đến lúc nàng lên đường. Khi đoàn xe chuyển bánh chàng cũng lên ngựa đi theo cho đến đường cái, nơi có quân ta đóng, cách Bogutsarovo mười hai dặm đến quán trọ ở Yankovo, chàng cung kính cáo từ và lần đầu tiên dám hôn tay nàng.
   
Khi công tước tiểu thư Maria cảm ơn chàng đã cứu mình (như lời nàng nói), Roxtov đỏ mặt đáp:

- Tiểu thư dạy quá lời, ở vào địa vị chúng tôi, người hiến binh nào mà chẳng làm như thế. - Chàng lúng túng muốn kiếm cách lái câu chuyện sang hướng khác, bèn nói tiếp - Nếu chúng tôi chỉ phải đánh nhau với nông dân thôi thì chúng tôi đã không để cho giặc tiến sâu như vậy. Tôi chỉ sung sướng là được dịp biết tiểu thư. Xin từ biệt công tước tiểu thư, chúc tiểu thư được khuây khoả, được hạnh phúc và mong lại được gặp tiểu thư trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Nếu tiểu thư không muốn làm cho tôi hổ thẹn thì xin tiểu thư đừng nói chuyện ơn huệ gì cả.
     
Nhưng nếu công tước tiểu thư không cảm tạ chàng bằng lời nói nữa, thì nàng lại cảm tạ chàng bằng tất cả vẻ mặt sáng bừng lên vì lòng biết ơn và tình trìu mến. Nàng không thể tin rằng nàng không có bổn phận cảm ơn chàng. Trái lại, nàng biết chắc, không chút nào hồ nghi, rằng nếu không có chàng đến thì nàng đã là nạn nhân của đám nông dân rối loạn và của quân Pháp rồi, và nàng cũng tin rằng vì cứu nàng mà chàng đã phải dấn thân vào những nguy hiểm rõ rệt và ghê gớm nhất. Nàng lại càng tin chắc rằng chàng là một người có tâm hồn cao quý, đã hiểu thấu tình cảnh và nỗi khổ của nàng.
     
Khi nàng nói đến nỗi tang tóc của mình và không cầm được nước mắt, thì đôi mắt hiền lành, thẳng thắn của chàng cũng rưng rưng, hình ảnh ấy đã khắc sâu vào tâm trí nàng.
     
Khi đã chia tay và còn lại một mình, công tước tiểu thư Maria bỗng thấy muốn khóc, và đây không phải là lần đầu tiên mà câu hỏi lạ lùng này được đặt ra cho nàng: mình yêu chàng chăng?
   
Trên đường đi Moskva, mặc dầu tình cảnh của công tước tiểu thư chẳng có gì vui, Dunyasa cùng ngồi xe với nàng cũng thấy nàng mấy lần ló đầu ra cửa xe, mỉm một nụ cười sung sướng và dìu dịu buồn.
   
"Nếu mình yêu chàng thì sao nhỉ?" - Công tước tiểu thư Maria vẫn tự hỏi như vậy.
   
Dù thẹn thùng đến đâu khi phải tự thú là mình đem lòng yêu dấu một người đàn ông mà có thể là người ta sẽ chẳng bao giờ yêu mình cả, nàng cũng tự an ủi với ý nghĩ là chàng sẽ chẳng bao giờ biết được điều ấy, và nàng cũng không có lỗi gì nếu cứ thầm lặng yêu chàng đến chọn kiếp, mối tình đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời nàng.
   
Đôi khi nàng nhớ lại những cái nhìn, những lời nói, đến lòng trắc ẩn của chàng đối với nỗi đau khổ của nàng, và hình như hạnh phúc không phải là không có được. Và chính những lúc ấy, Dunyasa nhận thấy nàng nhìn qua cửa xe và mỉm cười.
 
"Bỗng nhiên chàng lại đến Bogutsarovo, và lại đúng vào lúc ấy!" - Công tước tiểu thư Maria thầm nghĩ. Và em gái chàng lại từ hôn với công tước Andrey" trong tất cả những việc này, nàng đều thấy như có ý muốn của thượng đế.

Về phần Roxtov, chàng mang theo một kỷ niệm rất êm dịu về công tước tiểu thư Maria. Mỗi lúc nhớ đến nàng, chàng thấy vui hẳn lên và mỗi khi các bạn nói đùa và trong khi đi kiếm cỏ ngựa, chàng đã vớ được một trong những tiểu thư có gia tài lớn nhất nước Nga, chàng lại nổi giận. Chàng nổi giận chính vì đã có những lúc, tuy không muốn chàng vẫn nghĩ đến một cuộc hôn nhân với tiểu thư Maria dịu dàng, đáng yêu và có một gia tài khổng lồ. Trong thâm tâm, chàng cũng không thể mong lấy một người vợ như thế, đám ấy sẽ làm cho bá tước phu nhân mẹ chàng rất sung sướng và cứu vãn cảnh sa sút của cha chàng, và hơn nữa - Nikolai cảm thấy như vậy - cũng sẽ đem hạnh phúc đến cho tiểu thư Maria nữa. Nhưng còn Sonya? Và lời chàng đã hứa? Chính vì vậy mà Roxtov phật ý một khi bè bạn đùa chàng về công tước tiểu thư Maria.
   
Luật hôn nhân của giáo hội Chính giáo Nga cấm những gia đình đã thông gia với nhau một lần rồi lại gả con cái cho nhau lần nữa, vì xem người hai họ là bà con với nhau rồi. Ở đây nếu Natasa không từ hôn với Andrey thì Maria không thể nào lấy Nikolai được, vì hai người đã phái xem nhau là anh em họ rồi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:38:23 pm
Phần X
Chương - 14

Vừa nhận được chức tống tư lệnh. Kutuzov liền nhớ đến công tước Andrey và gọi chàng đến tổng hành dinh.
   
Công tước Andrey đến Tsarevo Zaimits đúng vào ngày và đúng vào lúc Kutuzov duyệt các đạo quân lần đầu. Chàng dừng lại trong làng, gần nhà một ông giáo sĩ, vì trông thấy chiếc xe của tổng tư lệnh ở đây, đã đến ngồỉ trên chiếc ghế dài cạnh cổng chờĐiện hạ Tối quang minh(1), nhưng bây giờ thiên hạ vẫn gọi Kutuzov. Từ bãi tập đằng sau làng nghe vẳng lại khi thì những điệu quân nhạc, khi thì vô số tiếng hò reo "Ura!" hoan nghênh vị tổng tư lệnh mới.
   
Cũng ngay cạnh cổng, cách công tước Andrey mươi bước, hai sĩ quan hành dinh, một người tuỳ phái và viên chủ thiện, nhân lúc công tước Kutuzov đi vắng, đang ngồi hưởng tiết trời ấm đẹp. Vừa lúc ấy một viên thượng tá phiêu kỵ, da ngăm ngăm, người bé nhỏ, để cả râu mép lẫn râu quai nón, dừng lại bên cạnh, cổng và liếc nhìn công tước Andrey hỏi có phải đây là dinh của Điện hạ không và Ngài sắp về chưa.
     
Công tước Andrey đáp rằng mình không ở trong bộ tham mưu của Điện hạ và cũng vừa mới đến đây. Viên thượng tá phiêu kỵ quay sang hỏi một trong hai sĩ quan phụ tá ăn mặc lịch sự, và viên này đáp lại với vẻ khinh khỉnh mà bọn sĩ quan phụ tá của các vị tổng tư lệnh thường có khi nói chuyện với các sĩ quan khác.

- Điện hạ à? Sắp về đấy, lát nữa. Ông cần hỏi việc gì?
   
Viên thượng tá mỉm cười sau chòm râu mép, đặt chân xuống đất giao ngựa cho một người tuỳ phái rồi đến gần Bolkonxki khẽ gật đầu chào. Bolkonxki dịch lại nhường chỗ cho ông ta. Hai người ngồi cạnh nhau.

- Ngài cũng chờ tổng tư lệnh à? - Viên thường tá hỏi - Nghe nói ai cần gặp tướng quân cũng tiếp, thật đội ơn Chúa. Chứ với bọn ngốn xúc xích(2) thì thật là tai hại. Chẳng phái là vô cớ mà Yermolov xin được tấn phong làm người Đức.  Bây giờ thì may ra người Nga cũng có thể lên tiếng. Không thế thì có quỷ sứ biết là họ đã làm những gì. Chúng mình chỉ toàn là rút lui, lúc nào cũng rút lui. Ngài cũng ở chiến dịch về đây chứ?

- Không, nhưng tôi đã được tham gia cuộc hành quân rút lui và lại còn mất hết trong cuộc rút lui ấy: ngoài các trang viên và nhà cửa nơi chôn rau cắt rốn, tôi đã mất hết tất cả những gì thân yêu nhất… Lại cả phụ thân tôi, chết vì đau buồn nữa. Tôi là người ở Smolensk.

- A!… Ra ngài là công tước Bolkonxki? Rất hân hạnh được làm quen với ngài, tôi là thượng tá Denixov, tục danh là Vaxka. - Denixov vừa nói vừa nắm lấy bàn tay công tước Andrey và nhìn mặt chàng với một vẻ quan tâm hết sức thành thực. Chàng ngừng lại một phút rồi nói tiếp, giọng đầy thiện cảm - Vâng, tôi có được nghe nói. Đấy, cuộc chiến tranh Xkyth đấy. Mọi sự đều tốt đẹp hết, nhưng chẳng tốt đẹp gì đối với nhưng ai là nạn nhân của nó. A, ra ngài là công tước Andrey Bolkonxki. - chàng gật gù cáỉ đầu, - Rất hân hạnh, rất hân hạnh được quen công tước. - Denixov mỉm cười nụ cười buồn buồn rồi lại bắt tay Andrey.
   
Công tước Andrey được biết Denixov qua những chuyện Natasa thuật lại về người đi hỏi nàng đầu tiên. Kỷ niệm này là một lời nhắc nhở vừa ngọt ngào vừa chua xót đưa chàng trở về với những cảm giác đau đớn mà đã từ lâu chàng không nghĩ đến, nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm hồn chàng. Mấy lâu nay đã có bao nhiêu là ấn tượng khác là đến với chàng qua những sự việc trọng đại, như rút quân khỏi Smolensk, về thăm Lưxye Gorư, được tin cha mất, những ấn tượng ấy đến với chàng dồn dập đến nỗi những kỷ niệm kia đã lâu không còn ám ảnh tâm trí chàng nữa và nay có trở lại cũng không còn làm cho lòng chàng xao xuyến mãnh liệt như trước nữa. Đối với Denixov những kỷ niệm mà cái tên Bolkonxki gợi lên cũng thuộc về một dĩ vãng xa xăm và đầy thi vị: đó là cái hồi mà, chẳng biết làm sao, sau bữa ăn khuya và bài hát của Natasa, chàng đã ngỏ lời với cô bé mười lăm tuổi ấy. Nhớ lại việc cũ và mối tình đối với Natasa, chàng mỉm cười rồi trở lại ngay với cái việc độc nhất giờ đây đang ám ảnh tâm trí chàng. Đó là kế hoạch của một chiến dịch mà chàng nghĩ ra, khi chàng ở tiền đồn trong lúc quân Nga rút lui. Chàng đã báo cáo với Barclay de Tolly và bây giờ có ý định đệ trình Kutuzov. Kế hoạch ấy xuát phát từ ý kiến cho rằng tuyến tác chiến thuộc quân Pháp kéo ra quá dài, thế thì ta không nên hành quân trực diện để chặn dường chúng, hoặc là ta nên phối hợp chiến thuật với cách đánh và đường chuyển quân, vận lương của chúng. Chàng liền đem ra trình bày cho công tước Andrey nghe.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:39:48 pm
- Chúng không thể giữ được một chiến tuyến dài như thế đâu. Không tài nào giữ nổi, tôi cam đoan là tôi có thể chọc thủng được. Cứ cho tôi năm trăm quân là tôi sẽ chọc thủng chiến tuyến của chúng, chắc chắn là như vậy! Chỉ có một chiến lược duy nhất tốt là đánh du kích.
   
Denixov đứng dậy, hoa tay trình bày kế hoạch của mình cho Bolkonxki nghe. Trong khi chàng nói thì tiếng reo hò trước còn rời rạc, sau lan dần ra và hoà vào tiếng nhạc và tiếng hát, từ nơi duyệt binh vang đến. Rồi ngay trong làng đã nghe tiếng vó ngựa và tiếng hò reo.

- Ngài đã về đây rồi! - một người cô-dắc đứng gần cổng kêu lên.
   
Dolkonxki và Denixov đi ra cổng; trước cổng, một toán quân (đội vệ binh danh dự) đang túc trực. Họ trông thấy Kutuzov cưỡi một con ngựa tía nhỏ đang đi đến. Theo sau là một đoàn tướng tá rất đông. Barclay đi ngang ngay cạnh cổng tư lệnh; một đám sĩ quan chạy theo sau và vẫy hai bên hô lớn: "Ura!".

- Các sĩ quan phụ tá phóng ngựa vào trước trong sân. Kutuzov luôn luôn thúc ngựa ra vẻ sốt ruột; dưới sức nặng của người cưỡi, con ngựa trĩu lưng xuống, chân loạng choạng chạy nước kiệu, còn Kutuzov thì luôn luôn gật đầu, đưa tay lên chiếc mũ kỵ binh cận vệ vành trắng vành đỏ không có lưỡi trai. Đến trước toán vệ binh danh dự gồm toàn những người lính thủ pháo hùng dũng đang bồng súng chào, phần lớn đều đeo huân chương, Kutuzov im lặng nhìn họ một lúc với cái nhìn chăm chú của một vị chủ tướng rồi quay về phía các tướng tá đứng xung quanh. Vẻ mặt ông ta bỗng thoáng vẻ tinh ranh, và nhún vai như tỏ ý băn khoăn, ông nói:

- Với những chàng trai tráng như thế này mà cứ phải rút lui mãi! Thôi, xin cáo từ tướng quân, - rồi ông ta quay ngựa vào cổng đi qua trước mặt công tước Andrey và Denixov.
   
Sau lưng vị tổng tư lệnh, quân sĩ còn reo: "Ura! Ura! Ura!".
   
Từ dạo gặp công tước Andrey lần cuối, Kutuzov lại càng béo thêm ra, bụng càng to thêm, người ngập dưới những lớp mỡ. Nhưng con mắt chột và cái sẹo mà công tước Andrey biết rất rõ, cùng vẻ mặt mệt mỏi và dáng người đặc biệt của ông ta đều vẫn như cũ.
     
Kutuzov mặc chiếc áo đuôi én nhà binh, trên vai đeo chiếc roi ngựa buộc vào một sợi dây da mảnh, ngồi chễm chệ và thân hình lắc lư nặng nề trên lưng con ngựa bé nhỏ.
   
Bước vào sân, ông chúm môi thở "phuỳ… phuỳ… phuỳ" khe khẽ. Gương mặt phản chiếu vẻ thích ý của một người định nghỉ ngơi sau khi làm xong một việc miễn cưỡng, ông ta rút chân trái khỏi bàn đạp, cố nhún toàn thân mới nhấc được ống chân đưa qua lưng ngựa, mặt mày nhăn nhó vì phải lấy sức, rồi rên rỉ, tì đầu gối vào sườn ngựa và buông cho thân hình vào tay mấy người cô-dắc và sĩ quan phụ tá đang đến đỡ.
   
Đứng thẳng người lên, Kutuzov đưa đôi mắt nhăn nheo nhìn quanh, trông thấy công tước Andrey nhưng rõ ràng là không nhận ra chàng, rồi với dáng đi chúi mình ra trước, ông bước lên thềm.
   
Vẫn thở "phuỳ… phuỳ… phuỳ", ông đưa mắt nhìn công tước Andrey một lần nữa. Và như ta thường thấy ở các cụ già, tuy đã nhận rõ nét mặt của chàng nhưng phải đến mấy giây sau ông mới nhớ ra được chàng là ai.
   
- A, chào công tước, chào anh bạn, vào đây… - Ông ta quay lại nói một cách mệt mỏi rồi nặng nề bước lên thềm khiến mấy bậc gỗ kêu cót két dưới sức nặng của ông. Cởi khuy áo ra, Kutuzov ngồi lên một chiếc ghế dài nhỏ trên thềm.

- Thế nào, ông cụ thân sinh mạnh khoẻ chứ?

- Hôm qua tôi vừa được tin phụ thân tôi qua đời. - Công tước Andrey trả lời vắn tắt.
   
Kutuzov nhìn chàng, đôi mắt mở to lộ vẻ kinh hãi, rồi bỏ mũ và làm dấu thánh giá.

- Cầu Chúa thu nhận lấy linh hồn người! Ý Chúa hãy thực hiện đối với tất cả chúng ta! - Ông thở dài nặng nề như trút hết hơi trong lồng ngực ra, nín lặng một lúc rồi lại nói - Bình sinh ta vẫn yêu mến và kính trọng người; tự đáy lòng ta xin chia buồn với anh.
   
Kutuzov ôm lấy công tước Andrey, ấp người chàng vào cái ngực to béo và đứng mãi hồi lâu như thế. Khi được thả ra, công tước Andrey thấy đôi môi mềm nhão của Kutuzov run run và mắt ông ta đẫm lệ.
   
Kutuzov thở dài và vịn hai tay vào chiếc ghế dài để đứng dậy.

- Nào, vào đây, ta nói chuyện.
   
Đúng lúc ấy thì Denixov chẳng hề biết rụt rè trước cấp trên cũng như trước quân địch, mạnh dạn bước lên mấy bậc thềm, đôi cựa giày kêu lẻng xẻng, mặc cho bọn sĩ quan phụ tá đứng dưới thềm đang xì xào tức giận muốn ngăn lại. Kutuzov hai tay vẫn chống trên ghế, nhìn chàng có vẻ khó chịu. Denixov xưng danh rồi báo cáo là có một việc có tầm quan trọng lớn lao đối với lợi ích của tổ quốc muốn trình Điện hạ. Kutuzov đưa mắt mệt mỏi nhìn chàng, chắp hai tay đặt lên bục một cách bực bội nói:

- Vì lợi ích của tổ quốc? Nào, việc gì thế? Cứ nói đi!
   
Denixov đỏ mặt như một cô gái (bộ mặt già cấc và râu ria của một gã say rượu mà đỏ lên nom thật là lạ lùng) chàng mạnh dạn trình bày kế hoạch chọc thủng tuyến tác chiến của địch ở quãng giữa Smolensk và Vyama. Nhà Denixov ở vào giữa miền này nên chàng am hiểu địa phương rất tường tận. Kế hoạch của chàng chắc chắn là tốt, nhất là lời lẽ của chàng lại có sức thuyết phục mạnh mẽ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:40:33 pm
Kutuzov cúi nhìn xuống đất và chốc chốc lại liếc mắt về phía sân nhà hàng xóm như chờ đợi một cái gì khó chịu sắp hiện lên. Quả nhiên trong khi Denixov thuyết trình thì một viên tướng từ ngôi nhà ấy bước ra, tay cắp một cái cặp giấy. Denixov đang trình bày dở thì Kutuzov ngắt lời chàng, hỏi viên tướng:

- Thế nào? Xong rồi à?

- Thưa Điện hạ, vâng ạ! - Viên tướng đáp,   Kutuzov lắc đầu như muốn nói: "Làm sao mà một người lại có thể làm hết được ngần ấy việc nhỉ", rồi lại tiếp tục nghe Denixov nói.

- Chúng tôi xin lấy danh dự cao quý của một sĩ quan Nga. - Denixov nói. - mà thề là sẽ cắt đứt những
đường giao thông của Napoléon.

- Anh có họ hàng gì với tướng quân Kirilo Andreyevich Denixov, trưởng quan hầu cận không? - Kutuzov lại ngắt lời chàng.

- Thưa Điện hạ đó là chú ruột tôi.

- A! Ngài với tôi là bạn thân đấy. - Kutuzov vui vẻ nói. - Được, được anh ở lại bộ tham mưu đây, mai anh sẽ lại nói chuyện.

Gật đầu chào Denixov, ông ta quay lại đưa tay nhận lấy cái cặp giấy mà Konovnitxyn vừa mang đến.

- Xin mời Điện hạ vào nhà chứ? - Viên tướng trực nhật nói, giọng khó chịu. - Cần phải nghiên cứu kỹ các kế hoạch và ký mấy giấy tờ.

Một sĩ quan phụ tá từ trong nhà bước ra báo là mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Nhưng rõ ràng là Kutuzov không muốn vào nhà khi chưa giải quyết hết công việc. Ông nhăn mặt…

- Không, này anh, bảo mang ra đây một cái bàn, ta sẽ xem tất cả ở đây - đoạn quay lại bảo công tước Andrey - Anh cứ đứng đây, chớ đi đâu nhé.

Công tước Andrey đứng lại trên thềm lăng tai nghe viên tướng trực nhật báo cáo.

Trong khi viên tướng trình bày thì ở sau cánh cửa vào chàng nghe có giọng đàn bà thì thầm và tiếng áo lụa sột soạt. Quay lại mấy lần, chàng thấp lấp ló sau cánh cửa một người đàn bà đẹp, khoẻ, da dẻ hồng hào, đầu thắt chiếc khăn lụa màu hoa xoan, tay bưng một cái khay, hẳn là đang chờ tướng quân tổng tư lệnh vào.

Viên sĩ quan phụ tá khẽ bảo với công tước Andrey rằng đó là bà chủ nhà, vợ ông giáo sĩ, đang chờ để dâng bánh mì và muối(3) lên Điện hạ. Ông chồng đã đem thánh giá đón trước Điện hạ ở nhà thờ, còn bà thì muốn nghênh tiếp ngài ở nhà này…
 
Viên sĩ quan lại mỉm cười nói thêm: "Bà ta xinh lắm". Nghe tiếng, Kutuzov quay đầu lại. Ông ta nhận báo cáo của viên tướng trực nhật mà nội dung chủ yếu là phê phán cách đóng vị trí Txarevo Zaimits, cũng như đã nghe Denixov lúc nãy, cũng như đã nghe cuộc thảo luận trong hội đồng quân sự Austerlix trước đây bảy năm. Rõ ràng là ông ta chỉ nghe vì có tai, và dù lỗ tai đã nút kín bằng một cái nút bông, ông vẫn không thể không nghe; nhưng cũng rõ ràng là không có một điều gì viên tướng trực nhật nói mà lại có thể làm cho ông ta ngạc nhiên và chú ý được; hơn nữa, ông lại còn biết trước tất cả những gì người ta có thể nói với mình và sở dĩ ông nghe tất cả những điều ấy cũng chỉ vì buộc lòng phải nghe, cũng như người ta phải nghe kinh ở nhà thờ. Tất cả những điều Denixov vừa trình bày đều nghiêm túc và thông minh. Những điều viên tướng trực nhật báo cáo lại còn nghiêm túc và thông minh hơn nữa, nhưng hiển nhiên là Kutuzov coi thường cả tri thức lẫn thông minh, và ông ta biết có một cái gì khác sẽ quyết định vấn đề, - một cái gì hoàn toàn không liên quan đến thông minh và tri thức. Công tước Andrey chú ý quan sát bộ mặt của vị tổng tư lệnh và chỉ thấy một vẻ mặt chán ngán, một ý tò mò nảy ra do giọng đàn bà thì thầm đằng sau cánh cửa, và ý muốn tôn trọng tục lệ mà thôi. Có thể thấy rằng Kutuzov coi thường thông minh và tri thức, coi thường cả cái lòng yêu nước mà Denixov vừa biểu lộ nữa, nhưng như thế không phải là vì trí thông minh, vì tình cảm, vì tri thức của ông ta (chính ông ta cũng chẳng hề làm gì để tỏ ra là mình có các thứ đó) - mà là do một cái gì khác, do tuổi tác của ông, do kinh nghiệm của ông về cuộc đời. Biện pháp duy nhất đối phó những hành động trộm cắp của quân đội Nga. Báo cáo xong, viên tướng trực nhật trình Điện hạ ký một điều lệnh buộc các viên chỉ huy phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do quân sĩ thuộc đơn vị mình gây ra, vì có một người chủ ruộng vừa khiếu nại về việc lúa mì đã bị cắt non.
   
Kutuzov chép miệng, lắc đầu:

- Cho vào bếp… đốt đi! Này tôi bảo cho mà biết một lần thôi đấy ông bạn nhé, vứt hết tất cả những việc ấy vào bếp đi. Chúng nó muốn gặt bao nhiêu lúa, muốn đốt bao nhiêu củi thì tuỳ thích chúng nó. Tôi không ra lệnh, cũng không cho phép, nhưng tôi cũng không thể đem chúng nó ra chịu tội được. Việc ấy không trách được đâu.

- Bổ củi thì phải có vụn!(4) - Ông ta lại liếc nhìn tờ công văn rồi lắc đầu kết luận - Ôi, cái lối tế toái kiểu Đức này!

==============================================================

Chú thích:

(1) Tiếng dùng để gọi các hoàng thân.

(2) Tức người Đức. Ý muốn nói đến bọn tướng Đức đã có một thời lòng hành trong các bộ tư lệnh Nga.

(3) Tượng trưng cho lòng hiếu khách.

(4) Tục ngữ Nga, ý nói là làm việc gì cũng phải bất chấp những cái hại nhỏ, không đáng kể mà nó có thể gây ra.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:41:24 pm
Phần X
Chương - 15
     
- Nào, bây giờ thì xong cả rồi. - Kutuzov vừa nói vừa ký tờ công văn cuối cùng rồi đứng dậy một cách mệt nhọc, những nếp nhăn trên cái cổ trắng to tướng dãn hết ra, và với vẻ mặt tươi vui ông đi về phía cửa.
   
Bà vợ ông giáo sĩ, mặt đỏ bừng, vội vàng bưng cái khay đến và tuy đã chuẩn bị bao nhiêu lâu mà vẫn không đưa kịp lúc Kutuzov vừa bước chân vào.
   
Cúi chào rất cung kính, bà ta dâng bánh mì và muối lên Kutuzov.
     
Đôi mắt Kutuzov nheo lại; ông ta mỉm cười, đưa tay nâng cằm người thiếu phụ nói:

- Thật là một giai nhân. Cảm ơn cô bạn!
   
Ông móc túi quần lấy ra mấy đồng tiền vàng và đặt lên khay.

- Mạnh khoẻ chứ! - Kutuzov vừa nói vừa đi vào căn buồng đã dọn sẵn cho mình. Vợ ông giáo sĩ, khuôn mặt hồng hào có nụ cười má lúm đồng tiền, bước theo sau. Viên sĩ quan phụ tá ra ngoài thềm gặp công tước Andrey mời chàng ăn trưa, nửa giờ sau lại có lệnh Kutuzov mời công tước Andrey vào. Kutuzov vẫn mặc áo đuôi én cởi khuy lúc nãy, nằm ngửa trong một chiếc ghế bành, tay cầm một cuốn sách tiếng Pháp; khi công tước Andrey vào thì ông ta lấy con dao rọc giấy đánh dấu trang rồi gập lại. Nhìn lên bìa sách, công tước Andrey thấy đó là quyển "Các hiệp sĩ thiên nga" của bà De Genlis.

- Nào, ngồi xuống, ngồi xuống đây, ta nói chuyện. Thật đáng buồn, buồn lắm. Nhưng anh ạ, anh hãy nhớ rằng ta với anh là một người cha, người cha thứ hai…
   
Công tước Andrey thuật lại tất cả những điều chàng biết về những phút lâm chung của cha chàng và những điều gì chàng đã được thấy khi về qua Lưxye Gorư.

- Đấy. Người ta đã đưa chúng mình đến nông nỗi này. - Kutuzov nói, giọng xúc động. Có lẽ qua câu chuyện của công tước Andrey, Kutuzov vừa hình dung ra cụ thể tình hình nước Nga. Ông ta nói thêm, vẻ tức giận

- Hãy kiên tâm, kiên tâm. - Rồi rõ ràng là không muốn tiếp tục câu chuyện đã làm cho lòng mình xao xuyến, Kutuzov nói - Ta bảo anh đến là để giữ anh ở lại đây với ta.

- Xin cảm tạ Điện hạ. - Công tước Andrey đáp, đoạn nói thêm, với một nụ cười mà Kutuzov trông thấy ngay - nhưng tôi e rằng người như tôi bây giờ không còn giúp được việc gì ở các bộ tham mưu nữa.
   
Kutuzov nhìn chàng, vẻ dò hỏi. Công tước Andrey lại nói tiếp:

- Tôi đã quen với trung đoàn, đã mến các bạn đồng ngũ và hình như họ cũng mến tôi. Từ biệt họ cũng lấy làm tiếc. Sở dĩ tôi không dám nhận hân hạnh ở bên cạnh chủ soái, thì xin chủ soái hiểu cho là…
     
Một vẻ thông minh, phúc hậu, đồng thời pha lẫn một tí mỉa mai tế nhị soi sáng khuôn mặt dày dặn của Kutuzov. Ông ta ngắt lời Bolkonxki.

- Ta rất tiếc, vì ta cần anh lắm; nhưng anh nói phải, anh nói phải. Chúng ta cần người, nhưng không phải để ở đây. Những anh quân sự thì lúc nào cũng vô khối, còn những con người chân chính thì ở đâu cũng thiếu. Giá tất cả các vị quân sự đều về đơn vị và đều phục vụ được như anh, thì các trung đoàn đâu có như ngày nay. Ta vẫn nhớ đến anh từ trận Austerlix… Ta nhớ, ta nhớ lắm, ta còn thấy rõ anh tay cầm lá cờ.
   
Nghe nhắc lại kỷ niệm ấy, công tước Andrey đỏ mặt lên vì vui sướng. Kutuzov kéo chàng lại chìa má cho chàng hôn, và công tước Andrey lại thấy đôi mắt ông lão đẫm lệ. Chàng vẫn biết là Kutuzov rất mau nước mắt và tỏ ra hết sức thân ái với chàng vì muốn chàng biết rằng ông ta cảm thông và chia sẻ nỗi buồn tang tóc với chàng, nhưng dù sao nghe nhắc lại kỷ niệm Austerlix chàng vẫn thấy vui sướng và hãnh diện.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:41:54 pm
- Với sự phù hộ của Chúa, anh cứ đi con đường của anh. Ta biết, đó là con đường danh dự - Kutuzov ngừng lại một lát rồi nói tiếp - Ngày ở Bucarest không có anh, ta thấy thiếu lắm; có những việc đáng lẽ ta chỉ có thể giao cho anh mà thôi. - Rồi chuyển sang chuyện khác, Kutuzov nói đến chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ và hoà ước vừa ký kết.

- Ừ thiên hạ trách ta cũng nhiều, về việc chinh chiến cũng như về việc nghị hoà… tuy nhiên mọi việc đều đã đến đúng lúc. Mọi việc đều đến đúng thời cơ cho những ai biết chờ đợi. Mà ở đấy quân sự cũng chả ít hơn ở đây đâu nhá… - Kutuzov vừa nói tiếp và trở lại cái đề tài quân sự rõ ràng là đang khiến ông ta bận tâm - Ôi chao! Những kẻ bày mưu với là tính kế! Cứ nghe lời họ thì tất ngày nay chúng ta còn ở bên Thồ Nhĩ Kỳ và làm gì có hoà ước, mà chiến tranh cũng đâu đã kết thúc? Lúc nào họ cũng muốn đi nhanh, mà đi nhanh quá nhiều thì lại hoá ra bước chậm.  Kamenxki còn sống thì ông ta đã nguy mất rồi. Ông ta cần ba vạn quân để chiếm những thành quách. Cướp một toà thành không khó, khó là làm sao kết thúc chiến dịch thắng lợi, mà muốn thế không nhất thiết phải đánh thành, phải tấn công gì cả, chỉ cần có kiên tâm và thời gian. Kamenxki và ta đã bắt quân Thổ phải ăn thịt ngựa. - Kutuzov gật gù cái đầu nói tiếp - Rồi quân Pháp cũng sẽ ăn thịt ngựa! Nhớ lấy lời ta, Kutuzov hăng lên, vỗ vào ngực, nói tiếp - Rồi ta sẽ cho chúng nó ăn thịt ngựa rồi mắt ông lại rưng rưng.

- Nhưng thế nào cũng phải giao chiến chứ ạ? - Công tước Andrey nói.

- Đành phải giao chiến nếu mọi người muốn thế, chẳng còn có cách nào nữa… Nhưng, này anh, nhớ lấy lời ta, chẳng có tên lính nào dũng mãnh hơn hai tên lính kiên tâm và thời gian ấy đâu, chúng sẽ thắng tất cả, nhưng những kẻ bày mưu lại không muốn hiểu như thế, cái nguy là ở đấy. Có người muốn, có người không muốn. Vậy phải làm thế nào? - Kutuzov hỏi, có vẻ như chờ một câu trả lời. - Ừ, theo ý anh thì làm thế nào? - Ông nhắc lại, đôi mắt ngời lên một vẻ thông minh sâu sắc.
   
Vẫn không thấy bá tước Andrey trả lời, ông nói tiếp:

- Ta nói cho anh nghe và phải làm gì và ta thì sẽ làm gì. Đừng hồ nghi, anh bạn ạ! - Ông ta dừng lại một lát rồi chậm rãi nói tiếp - Thì đừng làm! Thôi tạm biệt anh nhé; hãy nhớ rằng ta chia sẻ nỗi tang tóc của anh với tất cả tấm lòng của ta, và, với anh, ta chẳng phải là Điện hạ, là công tước, là tổng tư lệnh gì gì cả, với anh, ta là một người cha. Anh cần gì cứ đến gặp thẳng ta. Chào anh.
   
Lại một lần nữa Kutuzov ôm hôn công tước Andrey. Và chàng chưa ra khỏi cửa đã nghe ông ta thở dài một tiếng dìu dịu rồi cầm lấy cuốn tiểu thuyết "Các hiệp sĩ Thiên Nga" đang đọc dở của bà De Genlis.
   
Không hiểu tại sao, và việc ấy xảy ra như thế nào, mà sau khi nói chuyện với Kutuzov, công tước trở về trung đoàn rất yên tâm và cách diễn biến chung của chiến sự cũng như về con người đã được giao nắm cả vận mệnh của cuộc chiến tranh; tại sao và như thế nào thì chính chàng cũng có thể cắt nghĩa được.
Chàng nhận thấy ông già ấy không hề có chút yếu tố cá nhân nào, hình như ông ta chỉ còn lại những thói quen tình cảm; và thay thế cho trí tuệ (cái trí tuệ thu nhập các sự kiện để rút ra những kết luận) ông ta chỉ có cái khả năng quan sát điềm tĩnh diễn biến của sự việc; càng thấy thế, công tước Andrey càng tin tưởng là mọi việc sẽ tốt lành. "Ông ta sẽ không đưa vào một cái gì của riêng mình cả, không sáng kiến cái gì không mưu đồ cái gì cả, nhưng mà ông ta sẽ nghe hết mọi điều, nhớ hết mọi sự, sẽ xếp đặt mọi việc đâu vào đấy sẽ không ngăn một việc có ích nào và sẽ không cho phép xảy ra một việc có hại nào. Ông ta hiểu là có một cái gì còn mạnh hơn và quan trọng hơn ý chí của ông ta nữa, đó là cái tiến trình của tất yếu của biến cố, và ông ta biết nhìn, biết thấy tầm quan trọng của các biến cố, và nhờ thế biết tránh không để cái ý chí của mình vốn đã hướng về việc khác lại can thiệp vào đấy. Và nhất là - Andrey nghĩ - Người ta tín nhiệm ông ta, vì ông ta là người Nga, mặc dù học tiểu thuyết của bà Đờ Genlis và dùng những câu tục ngữ Pháp; đó là vì giọng ông run run khi nói "Đấy, người ta đã đưa chúng mình đến nông nỗi này"; đó là vì ông ta rơm rớm nước mắt khi quả quyết là "sẽ cho chúng ăn thịt ngựa". Chính cảm giác ấy, cái cảm giác chung có phần mơ hồ của tất cả mọi người là cơ sở khiến cho mọi người đã đồng thanh hưởng ứng nhất trí tán thành việc quốc dân công cử Kutuzov giữ chức tổng tư lệnh, ngược lại với ý triều đình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:42:28 pm
Phần X
Chương - 16

Sau khi hoàng thượng rời Moskva ra đi, cuộc sống ở thủ đô vẫn tiếp diễn theo đà cũ, và lối sống đó bình thường đến nỗi khó lòng nhớ lại những ngày hưng phấn, sôi sục lòng ái quốc vừa qua, và khó lòng có thể tin rằng nước Nga quả thật đang lâm nguy và các hội viên câu lạc bộ Anh đồng thời cũng là những người con của tổ quốc sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu nước. Duy chỉ có một điều nhắc lại tâm trạng hưng phấn, sôi sục lòng ái quốc khi hoàng thượng còn ở Moskva, là cái yêu cầu hy sinh người và của, nay đã có một hình thức và đã trở thành tất yếu.

Trong khi quân địch tiến đến gần, cách nhìn của người Moskva đối với tình cảnh của mình không những không trở nên nghiêm chỉnh hơn, mà trái lại còn tỏ ra khinh suất hơn, cũng như thói thường xưa nay vẫn thế khi người ta thấy một nguy cơ sắp đến gần trong lòng người ta bao giờ cũng có hai tiếng nói cùng mạnh như nhau cất lên: một tiếng nói rất có lý khuyên người ta nên ngẫm nghĩ đến nguy cơ này ra sao và tìm cách thoát ra khỏi nó; một tiếng nói khác còn có lý hơn nữa nói với người ta rằng nghĩ đến nguy cơ thì khó khăn và khổ sở quá, vì sức con người không thể nào thấy trước mọi khả năng và thoát ra khỏi tiến trình của biến cố, cho nên tốt hơn cả là đừng nghĩ đến cái gì dễ chịu thôi. Khi ngồi riêng một mình, người ta thường nghe theo tiếng nói thứ nhất, còn khi ở giữa đám bạn bè thì lại thường nghe theo tiếng nói thứ hai nhiều hơn. Cư dân Moskva lúc bấy giờ cũng vậy. Đã từ lâu không năm nào thấy dân Moskva vui chơi nhiều như năm nay.
     
Những tờ yết thị của Roxtopsin trong đó vẽ một quán rượu, một ông chủ quán và một người tiểu thị dân Moskva tên là Karpuska Tsighirin, anh này là cựu chiến binh và hôm ấy hơi quá chén, nghe tin Bonaparte định tiến đánh Moskva liền nổi giận lên nguyên rủa tục tằn chửi bới cả bọn Pháp, bước khỏi quán rượu và đứng dưới quân hiệu đại bàng của hoàng gia cất tiếng nói với quần chúng đến tụ tập xung quanh, những tờ yết thị ấy được đọc và đem bàn tán xôn xao chẳng kém gì đoạn vè mới nhất của Vaxili Lvovich Puskin.
     
Ở câu lạc bộ, trong căn phòng ở góc nhà, người ta họp nhau lại để đọc yết thị, và có nhiều người ưa thích lối chế giễu quân Pháp của Karpuska, anh nói rằng chúng sẽ sưng phồng lên, vì ăn bắp cải(1), sẽ vỡ bụng ra vì ăn cháo rau, sẽ nghẹt thở đi vì ăn súp bắp cải rằng chúng nó đều lùn tịt và chỉ một mụ đàn bà thôi cũng có thể cắm nạng chĩa mà xóc luôn ba đứa một lúc. Nhưng cũng có nhiều người không tán thưởng cái giọng này mà nói rằng như vậy là dung tục và ngu xuẩn. Người ta kháo nhau rằng Roxtopsin đã trục xuất hết những người Pháp và thậm chí tất cả những người ngoại quốc ra khỏi Moskva, rằng trong số đó có nhiều tên gián điệp hoặc phái viên của Napoléon, nhưng người ta kháo những chuyện đó chủ yếu là để thừa dịp truyền đạt những câu dí dỏm mà Roxtopsin đã nói khi đã đưa họ đi. Khi đưa họ xuống thuyền đi Nizni, Roxtopsin có nói với họ: "Các người hãy bình tâm xuống thuyền, và đừng làm cho thuyền này trở thành chiếc thuyền của Charon"(2). Người ta kể rằng tất cả các công sở đang được rời ra khỏi Moskva và kể luôn câu đùa của Sinsin nói rằng chỉ mỗi một việc ấy thôi cũng đủ làm cho Moskva chịu ơn Napoléon rồi. Họ kể rằng trung đoàn của Mamonov sẽ tốn của ông ta đến tám mươi vạn rúp, rằng Bezukhov còn tốn nhiều tiền hơn thế cho trung đoàn dân binh của chàng ta, nhưng điều hay nhất trong hành động của Bezukhov là bản thân chàng sẽ mặc quân phục cưỡi ngựa đi trước trung đoàn và cho mọi người xem không mất tiền.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:43:21 pm
- Ông thì thật chẳng tha ai. - Juyly Drubeskaya nói, mấy ngón tay thon nhỏ đeo đầy nhẫn thu vén và bóp bóp mớ vải sô làm băng.
   
Juyly định đến hôm sau sẽ rời khỏi Moskva, nên tối nay tổ chức một buổi tiếp tân từ biệt.

- Bezukhov ridecule (lố bịch) thật, nhưng anh ta tốt bụng, đáng yêu biết chừng nào, thú vị gì cái lối châm chọc caustique (chua chát) đối với anh ta như thế!

- Phạt! - Một người trẻ tuổi ăn mặc quân phục dân binh nói. Đây là người mà Juyly gọi là chàng hiệp sĩ của tôi mai sẽ cùng nàng đi Nizni.
   
Trong phòng khách của Juyly, cũng như nhiều phòng khách khác ở Moskva, người ta đã giao ước với nhau là chỉ nói tiếng Nga thôi, và hễ ai nhỡ mồm nói tiếng Pháp thì phải nộp tiền phạt để cúng cho Uỷ ban cứu tế.

- Lại thêm một thành ngữ kiểu Pháp nữa, phạt đi! - Một nhà văn Nga lúc bấy giờ có mặt trong phòng khách nói - Cậu thú vị gì cái lối nghe chẳng Nga tí nào.

- Ông thì thật chẳng tha ai, - Juyly nói tiếp với người sĩ quan dân binh, không để ý đến lời bình xét của nhà văn kia. - Chữ chua chát thì tôi xin chịu lỗi, nhưng còn về cái thú được nói sự thật với ông thì tôi xin sẵn sàng chịu trả phạt lần nữa: thành ngữ kiểu Pháp thì tôi chả chịu trách nhiệm đâu, - nàng quay sang nói với nhà văn, - tôi chẳng có tiền mà cũng chẳng có thì giờ để thuê một ông thầy về học tiếng Nga như công tước Golitxyn. A, anh ta đây rồi.

- Quand on… (Khi người ta) không, không đâu, - nàng nói với viên sĩ quan dân binh - Ông không bắt được tôi đâu. Khi người ta nói đến mặt trời thì người ta trông thấy tia sáng của nó(3) - nữ chủ nhân nói, miệng mỉm cười niềm nớ với Piotr. - Chúng tôi vừa nhắc đến ông. - Juyly nói với cái lối nói dối dễ dàng thường thấy ở những người phụ nữ lịch duyệt trong trường xã giao. - Chúng tôi vừa nói rằng trung đoàn của ông nhất định là khá hơn trung đoàn của Mamonov. Ô thôi xin đừng nói chuyện trung đoàn chứ? - Juyly vừa nói vừa trao đổi một cái nhìn tinh quái và chế giễu viên sĩ quan dân binh.
   
Trước mặt Piotr, viên sĩ quan dân binh không còn chua chát cho lắm nữa, gương mặt anh ta lộ vẻ băn khoăn không hiểu nụ cười của Juyly có nghĩa gì. Piotr lơ đãng và hiền lành thật, nhưng nhân cách của chàng khiến cho người ta từ bỏ ngay ý định giễu cợt khi có mặt chàng.

- Không, - Piotr cười lớn đáp, mắt nhìn xuống cái thân hình to lớn đẫy dà của mình. - Tôi thế này thì quân Pháp sẽ bắn trúng quá, vả lại tôi cũng sợ là không lên nổi ngựa.
   
Trong số những nhân vật được các tân khách của Juyly chọn làm đề tài nói chuyện có gia đình Roxtov.

- Nghe nói gia cảnh nhà họ sa sút lắm thì phải, - Juyly nói. - Vả lại ông ta cũng chẳng khôn ngoan tí nào, bá tước ấy mà. Gia đình Ruzumovxki muốn mua toà nhà của họ cùng với trang viên ngoại thành, thế mà công việc cứ kéo dài mãi. Ông ta nói thách quá.

- Không, hình như công việc mua bán sắp xong rồi, - có người nói, - Mặc dầu bây giờ mà còn mua gì ở Moskva thì thật là rồ dại.

- Tại sao? - Juyly nói. Chả nhẽ ông cho rằng Moskva đang bị uy hiếp chăng?

- Thế tại sao phu nhân lại ra đi?

- Tôi ấy à? Đấy kể cũng lạ. Tôi đi là vì… thì cũng chỉ vì mọi người đều đi cả, vả chăng tôi cũng chẳng phải là Jenne d Arc(4) mà cũng chẳng phải là một người đàn bà Amazon(5)

- Thôi được rồi, được rồi, đưa thêm cho tôi mấy miếng giẻ nữa.

- Nếu ông ta biết lo liêu cho khôn khéo. Ông có thể trả hết được nợ nần đấy, - viên sĩ quan nói tiếp về bá tước Roxtov.

- Một ông già hiền lành, nhưng cũng đụt lắm. Mà tại sao họ lại ở đây lâu thế? Họ định về quê từ lâu kia mà. Hình như bây giờ Natali khoẻ rồi thì phải. - Juyly hỏi Piotr, miệng nở một nụ cười ranh mãnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:44:17 pm
- Họ đang đợi cậu con út, - Piotr nói, - Cậu ta gia nhập đội quân cô-dắc của Obolenxki và đã đi Belaya Ixerkova rồi. Ở đấy đang tổ chức một trung đoàn của tôi, cậu ta sắp về rồi đấy. Bá tước định đi từ lâu, nhưng bá tước phu nhân một mực không chịu rời khỏi Moskva trước khi cậu con trai về.

- Hôm kia tôi gặp ở Arkharov. Natali lại xinh đẹp và vui vẻ như xưa. Cô ta có hát một bài tình ca đấy. Có những người họ chóng khuây thật?

- Khuây gì ạ? - Piotr hỏi, có vẻ phật ý.

Juyly mỉm cười.

- Bá tước có biết rằng những trang hiệp sĩ như bá tước chỉ có thể có được trong những quyển tiểu thuyết của bà Souza không?

- Hiệp sĩ nào? Tại sao? - Piotr đỏ mặt hỏi.

- Thôi đủ rồi bá tước thân mến ạ, cả thành Moskva người ta truyền tụng đấy. Quả tình tôi xin khâm phục bá tước.

- Phạt! Phạt! - Viên sĩ quan dân binh nói.

- Thôi đẹp đi. Không sao nói chuyện được. Chán quá!

- Cả thành Moskva truyền tụng cái gì? - Piotr đứng dậy hỏi, giọng giận dữ.

- Thôi đi, bá tước ạ. Bá tước cũng biết rồi.

- Tôi chẳng biết gì hết. - Piotr nói.

- Tôi biết rằng ông rất thân với Natali, cho nên… Không, tôi xưa nay vẫn thấy Vera hơn. Cái cô Vera sao đáng yêu quá!

- Thưa phu nhân không ạ! - Piotr nói, giọng vẫn có vẻ bất bình.

- Tôi tuyệt nhiên không hề lĩnh lấy vai trò làm hiệp sĩ cho tiểu thư Roxtov, và đã một lần…

- Ai tự thanh minh tức là thú tội rồi! - Juyly mỉm cười, vừa nói vừa phẩy mớ vải sô, rồi muốn cho phần kết thúc câu chuyện vừa qua thuộc về mình, nàng lập tức chuyển sang chuyện khác - Hôm nay tôi vừa mới vừa được biết: hôm qua cô Maria Bolkonxkaya đáng thương kia vừa mới về đến Moskva. Các ngài đã nghe nói chưa. Ôngt hân sinh cô ấy vừa mới mất đấy.

- Thế à! Bây giờ cô ấy ở đâu? Được gặp cô ấy thì hay qua, - Piotr nói.

- Suốt tối hôm qua tôi ngồi chơi với cô ấy. Hôm nay hoặc sáng mai cô ta sẽ về trang viên ngoại thành với đứa cháu.

- Thế cô ấy ra sao? - Piotr nói.

- Chẳng sao cả, cô ấy buồn. Nhưng ông có biết ai vừa cứu cô ta không? Nikolai Roxtov. Đấy là cả một thiên diễm tình. Người ta vây bắt cô ta, toan giết chết, họ đánh người nhà cô bị thương. Chàng đã lao tới và cứu thoát nàng…

- Lại thêm một thiên diễm tình nữa, - viên sĩ quan dân binh nói. - Quả thật cuộc bôn ba chung này đã làm cho các cô gái già kiếm được chồng tất. Katis là một, công tước tiểu thư Bolkonxkaya là hai.

- Ông ạ, quả tình tôi nghĩ rằng cô ấy hơi phải lòng chàng thanh niên kia rồi đấy.

- Phạt! Phạt! Phạt!

- Nhưng nếu nói tiếng Nga thì nói thế nào bây giờ…

==========================================================

Chú thích:

(1) Những món ăn dân tộc của người Nga.

(2) Charon là người trở đò ngang trên sông Sticxơ, con sông ngăn dương thế với âm ty (trong thần thoại Hy Lạp).

(3) Một câu tục ngữ Pháp dịch ra tiếng Nga. Ý nói: "Người ấy thiêng thật. Vừa nhắc đến tên đã thấy người rồi".

(4) Jenne d Arc, nữ anh hùng Pháp (1412-1431) đã cầm quân chiến đấu chống quân xâm lược Anh.

(5) Theo thần thoại Hy Lạp, Amazon là một xứ sớ ở miền Hắc Hải, dân toàn đàn bà. Đàn bà cưỡi ngựa và chiến đấu rất giỏi.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:45:05 pm
Phần X
Chương - 17

Khi Piotr trở về nhà, gia nhân trao chàng cho hai bản tuyên cáo của Roxtopsin vừa đưa đến ngày hôm ấy.
     
Trong khi bản thứ nhất nói rằng tin đồn bá tước Roxtopsin cấm ra khỏi Moskva là một tin đồn không đúng, và trái lại bá tước Roxtopsin rất mừng khi thấy các phu nhân và các bà vợ nhà buôn rời Moskva ra đi. "Càng ít sợ thì càng ít tin tức, - trong bản tuyên cáo có nói, - Nhưng tôi xin lấy tính mạng ra cam đoan rằng tên gian tặc sẽ không vào Moskva".
   
Những lời này lần đầu tiên đã cho Piotr hiểu rõ rằng quân Pháp, nhưng vì nhiều cư dân muốn vũ trang, cho nên trong kho đã dành sẵn vũ khí để bán rẻ cho họ, gươm, súng tay, súng trường. Trong bản tuyên cáo không còn có cái giọng đùa bỡn như trong những câu chuyện của chàng Tsighirin trước kia nữa. Piotr vẫn ngăm nghĩ về hai bản tuyên cáo này. Hiển nhiên là đám mây đen đáng sợ, mà trong thâm tâm chàng thiết tha mong đợi, và đồng thời khiến cho chàng bất giác kinh hãi, - hiển nhiên là đám mây đen này đang tiến đến gần.
 
"Tòng quân và lên đường đến đơn vị hay là chờ đợi xem đã?" - Piotr tự hỏi lần thứ một trăm như vậy chàng vớ lấy một cỗ bài đặt lên bàn và bắt đầu xếp bài.
   
Sau khi trang bài, chàng cầm cỗ bài trong tay, ngước mắt nhìn lên phía trên tự nhủ: "Nếu xếp được, thì… Thì thế nào?"

Chàng chưa kịp quyết định, thì sau cánh cửa phòng làm việc đã nghe tiếng nói của cô nữ công tước lớn tuổi nhất đang hỏi xem có vào được không.

- Thì như thế có nghĩa là ta phải vào quân đội, - Piotr nói tiếp. - Mời vào, mời tiểu thư vào. - chàng nói thêm với nữ công tước.

(Chỉ còn một mình cô chị, cô nữ công tước có cái lưng quá dài và khuôn mặt như hoá đá là hãy còn ở trong nhà Piotr; hai cô em đã lấy chồng).

- Xin anh tha tôi cho, anh ạl, tôi đường đột vào đây, - cô ta nói với giọng xúc động và có ý trách móc - Thì cuối cùng cũng phải quyết định thế nào chứ! Chứ thế này thì còn ra làm sao nữa? Mọi người đều bỏ Moskva đi hết, dân chúng thì đang nổi loạn, sao chúng ta vẫn ở lại.

- Trái lại, hình như mọi việc đều ổn cả đấy chứ, cô ạ! - Piotr nói với cái giọng bông đùa quen thuộc mà chàng vẫn dùng khi nói với cô ta, mặc dù xưa nay chàng vẫn ngượng nghịu khi phải đóng vai trò ân nhân trước mặt nữ công tước.

- Phải, ổn cả đấy… ổn lắm đấy! Hôm nay bà Varvara Ivanovna vừa kề cho tôi nghe chuyện quân ta đã chiến đấu oanh liệt ra sao. Thật đáng cho ta tự hào. Còn dân thì nổi loạn hẳn hoi rồi, họ không còn chịu nghe ai nữa; ngay cả bọn đầy tớ gái của tôi cũng đâm ra ngang bướng rồi. Cứ thế này thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ đánh đập chúng ta cho mà xem. Không đi ra được nữa. Và cái chính là chỉ nay mai quân Pháp sẽ vào đây, thế thì ta còn đợi cái gì nữa cơ chứ! Tôi chỉ xin một điều thôi anh ạ, - nữ công tước nói, - Xin anh cho xe đưa tôi về Petersburg. Dù sao tôi cũng không thể sống dưới quyền Bonaparte được đâu.

- Thôi cô ạ cô lấy những tin tức ấy ở đâu ra thế? Trái lại…

- Tôi sẽ không chịu khuất phục cái gã Napoléon của các anh đâu Những người khác muốn làm gì thì cứ làm… Nếu anh mà không chịu đưa tôi đi thì…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:45:52 pm
- Tôi chịu mà, tôi sẽ bảo chuẩn bị ngay.
   
Bây giờ nữ công tước hình như lại đâm ra bực mình vì không còn biết trút cơn giận vào ai nữa. Cô ta càu nhàu cái gì trong miệng và ngồi xuống ghế.

- Nhưng những tin tức họ nói với cô không đúng đâu, - Piotr nói. - Trong thành phố yên tĩnh cả, không hề có gì nguy hicm hết. Đây tôi vừa mới đọc… - Piotr đưa cho nữ công tước xem hai tờ tuyên cáo Bá tước có viết là ngài lấy tính mạng ra cam đoan rằng quân địch sẽ không vào được Moskva.

- Ồ cái lão bá tước nhà anh, - nữ công tước nói, giọng hằn học, - là một kẻ man trá, một tên gian phi, chính lão ta khích cho dân nổi lên đấy.   Chính lão ta viết trong những bản tuyên cáo ngu xuẩn ấy rằng bất kể ai cũng cứ túm lấy bờm tóc mà lôi vào nhà tù (thật là ngu xuẩn)! Ai bắt được, lão ta ham lấy lòng quá cho nên hoá nhảm.
   
Vavara Ivanovna có kể lại rằng bà ta suýt bị dân chúng giết chết vì chót lỡ mồm nói tiếng Pháp…

- Thì thế đấy mà… Các bà thì cái gì cũng lấy làm điều - Piotr nói đoạn bắt đầu xếp bài.
   
Mặc dầu chàng xếp bài được suốt, Piotr cũng vẫn không vào quân đội mà cứ ở lại thành Moskva vắng người, tâm trạng bồn chồn, hoang mang, lo sợ và đồng thời vui mừng, chờ đợi một cái gì khủng khiếp.
   
Chiều hôm sau, nữ công tước lên đường, và viên tổng quản lý đến báo cho Piotr biết rằng món tiền chàng hỏi để sắm quân trang cho trung đoàn không sao kiếm được nếu không bán bớt đi cho một trang viên.
   
Nói chung, viên tổng quản lý cố trình bày cho Piotr thấy rằng cái trò thành lập trung đoàn ấy tất phải làm cho chàng khánh kiệt. Piotr chật vật giấu nụ cười trong khi nghe viên quản lý nói.

- Thì bán đi vậy, - chàng nói. - Biết làm thế nào, bây giờ tôi không thể từ chối được nữa rồi!
   
Tình hình công việc chung và nhất là tình hình kinh tế của chàng càng bi quan thì Piotr lại càng thấy dễ chịu, chàng lại thấy rõ rằng mối tai hoạ mà chàng đợi nay đang đến gần. Trong số những người quen của Piotr hầu như không còn ai ở trong thành phố nữa.
   
Juyly đã ra đi, công tước tiểu thư Maria cũng thế. Trong số những người quen thân chỉ còn gia đình Roxtov ở lại; nhưng Piotr không đến thăm họ.
   
Ngày hôm ấy để tiêu khiển. Piotr đến làng Vorontxovo xem quả khinh khí cầi lớn do Leppich làm ra để tiêu diệt quân địch, và quả cầu thí nghiệm định đem thả vào ngày mai. Quả cầu làm xong; nhưng theo như người ta nói với Piotr thì nó đã được thiết bị theo ý muốn của Hoàng đế. Hoàng đế có viết thư cho bá tước Roxtopsin về quả cầu này như sau:
     
"Hễ Leppich đã sẵn sàng, ông hãy tổ chức cho ông ta một nhóm người tin cẩn và thông minh để cùng đi trên quả cầu đó, và cho ngay một liên lạc viên đến báo với Kutuzov. Ta đã dặn dò Kutuzov về việc này.
Xin ông dặn dò Leppich phải chú ý thật kỹ nơi xuổng lần đầu, để khói nhầm và rơi vào tay quân địch. Ông ta cần phải phối hợp cách di chuyển của mình với cách chuyển quân của "tướng quân tổng tư lệnh".

Trên đường từ Vorontxovo trở về nhà, khi đi ngang quảng trường Bolotnaya, Piotr trông thấy một đám đông đứng quanh pháp trường. Chàng bảo dừng lại và xuống xe. Người ta đang "bêu"(1) một anh đầu bếp người Pháp bị kết tội do thám. Cuộc hành hình vừa mới kết thúc, và người hành hình đang cởi trói cho một người to béo đang bị trói vào một cái giá. Đó là một người to béo râu quai nón màu hoe mặc áo xanh, đi tất màu lá cây đang rên rỉ thảm thiết.

Một phạm nhân khác, gầy và xanh, cũng đang đứng đấy. Cứ nhìn mặt thì có thể đoán rằng cả hai đều là người Pháp. Với một vẻ mặt sợ hãi và đau đớn giống như vẻ mặt người Pháp gầy gò kia. Piotr chen vào đám đông.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:46:45 pm
- Cái gì thế? Ai? Tội gì? - chàng hỏi. Nhưng đám đông, gồm những công chức, những tiểu thị dân, những nhà buôn, những người nông dân, những người đàn bà mặc áo choàng và áo lông, đang háo hức và mê mải nhìn chăm chú những việc đang xảy ra trên pháp trường nên chẳng ai trả lời chàng. Người to béo ngồi dậy, cau mày, nhún vai, và hắn muốn tỏ ra là mình cứng rắn, anh ta bắt đầu mặc áo ngoài, không đưa mắt nhìn xung quanh; nhưng bỗng môi anh ta run run, và anh ta khóc oà lên, tự anh ta cũng giận cho mình, như những người lớn tuổi có chứng thịnh huyết vẫn thường khóc. Trong đám đông bắt đầu có những tiếng nói to; Piotr có cảm tưởng họ nói lên như vậy là để át tình cảm thương hại trong lòng họ.

- Anh ta làm đầu bếp cho một vị công tước nào đấy.

- Me xừ ơi, chắc là nước xốt Nga đối với người Pháp hơi chua quá đấy nhỉ… ghê cả răng.

Một viên thư lại nhăn nheo đứng cạnh Piotr nói khi người Pháp cất tiếng khóc. Viên thư lại đưa mắt nhìn quanh, hẳn là đang chờ đợi người ta tán thưởng câu nói đùa của mình. Có mấy người cười ha hả, còn những người khác vẫn lộ vẻ sợ hãi nhìn người hành hình bấy giờ đang cởi áo phạm nhân thứ hai.
   
Piotr thở phì phì, nhăn mặt và quay phắt đi, trở về xe, mồm không ngớt lẩm bẩm cho đến khi ngồi vào xe.
Dọc đường chàng giật mình mấy lần và buột mồm kêu to đến nỗi người đánh xe hỏi chàng:

- Ngài dạy sao ạ?

- Anh đánh xe đi đâu? - Piotr quát người xà ích bấy giờ đang cho xe đi về phía Lubianka.

- Ngài có dạy là đánh đến nhà quan tổng tư lệnh ạ, - người xà ích đáp.

- Đồ ngu, con bò! - Piotr quát mắng người đánh xe, một điều mà chàng rất ít khi làm. - Ta đã bảo là đánh về nhà; nhanh lên, đồ ngốc.

Rồi Piotr lẩm bẩm một mình: "Ngay hôm nay phải đi thôi".
   
Khi trông thấy người Pháp bị hành hình trong đám đông đứng trong pháp trường Piotr đã nhất quyết là không thể nào ở Moskva thêm ngày nào nữa và ngày hôm nay phải vào quân đội, cho nên chàng cứ ngỡ là mình đã nói điều đó với người xà ích rồi, hay người xà ích tự mình phải biết như vậy.
   
Về đến nhà, Piotr dặn Yevxtaifaevich, bác xà ích của chàng, một người cái gì cũng biết, việc gì cũng làm được, khắp Moskva không ai là không biết bác ta, rằng đêm nay chàng sẽ đi Mozaisk để nhập ngũ và bảo mấy con ngựa của chàng đến đấy. Tất cả những việc ấy không thể nào làm ngay trong ngày hôm nay, cho nên theo ý bác Yevtaifaevich, Piotr phải hoãn việc lên đường đến hôm sau để có đủ thì giờ cho ngựa đến chực sẵn ở các trạm dọc đường.
     
Ngày 24 trời trở lại quang đãng sau những ngày mưa gió, và ăn xong bữa trưa, Piotr lên xe rời khỏi Moskva. Đến đêm, trong khi thay ngựa ở Perkhuskovo, Piotr được biết rằng tối hôm ấy vừa có một trận đánh lớn diễn ra. Họ kể lại rằng ở đây, làng Perkhuskovo đất rung lên vì tiếng súng nổ. Khi Piotr hỏi bên nào thắng thì chẳng có ai trả lời được cả. (Đó là trận ngày hai mươi bốn ở Sevardino).
   
Đến tảng sáng Piotr đã gần đến Mozaisk.
   
Bao nhiêu nhà cửa ở Mozaisk đều có quân đội đóng, và ở ngôi quán người giám mã và người xà ích của Piotr ta đón chàng, bao nhiêu phòng đều bị các sĩ quan thuê hết rồi.
   
Ở Mozaisk và phía sau Mozaisk đâu đâu cũng có binh lính hạ trại hoặc đi lại. Quân cô-dắc, bộ binh, kỵ binh, xe tải, xe hòm đạn, súng đại bác nhan nhản khắp nơi. Piotr chỉ nóng lòng cố sao đi thật nhanh, và chàng càng đi xa Moskva, càng chìm sâu vào cái biển quân lính này thì lòng chàng lại càng tràn ngập một cảm giác bồi hồi lo lắng và một cảm giác vui mừng mới mẻ mà chàng chưa từng cảm thấy bao giờ. Đó là một cái cảm giác giống cái cảm giác nhất thiết phải làm một việc gì và hy sinh một cái gì mới được. Bây giờ chàng có một cảm giác dễ chịu khi nhận thức rằng tất cả gì làm nên hạnh phúc của con người, cảnh sinh hoạt tiện nghi, sự giàu sang, và ngay cả cuộc sống nữa, cũng đều là những điều nhảm nhí, giá có thể vứt bỏ đi để nhận thức được, mà cũng không cố gắng nhận thức xem mình thấy vui sướng đặc biệt trong khi hy sinh tất cả như vậy là vì ai và để làm gì. Chàng không để tâm đến vấn đề mình muốn hy sinh cho ai, nhưng bản thân sự hy sinh đối với chàng cũng đã làm nảy sinh một tình cảm vui sướng mới mẻ.

=========================================================

Chú thích:

(1) Đóng cọc tội nhân trên một cái giá xong để bêu nó trước quần chúng đứng xung quanh (Pilơri)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:47:30 pm
Phần X
Chương - 18
     
Ngày hai mươi bốn có một trận chiến đấu ở cứ điểm Sevardino, ngày hai mươi lăm hai bên không bắn một phát súng nào, và đến ngày hai mươi sáu thì diễn ra trận Borodino.
     
Tại sao hai trận Sevardino và Borodino lại nổ ra? Bên này khởi chiến như thế nào, bên kia ứng chiến ra sao?
Đặc biệt tại sao lại xảy ra trận Borodino? Về phương diện quân Pháp cũng như về phương diện quân Nga nó chẳng có nghĩa lý gì hết. Hậu quả trực tiếp nhất của nó là làm quân Nga càng chóng mất Moskva (điều mà phía ta sợ nhất trên đời) và làm cho toàn bộ quân Pháp càng chóng bị tiêu diệt (lại cũng là điều họ sợ hơn cả). Ngay lúc bấy giờ, cái hậu quả này đã sờ sờ ra đấy. Ấy thế mà Napoléon vẫn khởi chiến và Kutuzov vẫn giao chiến.
   
Lẽ ra, nếu hai vị chủ tướng hành động theo sự chỉ đạo của lương tri, thì Napoléon phải thấy rõ rằng ông ta đã tiến sâu thêm hai nghìn dặm Nga, và bây giờ lại mở trận với cái hiềm tượng là sẽ, mất một phần tư quân số, thì đó là ông ta đang bước nhanh đến một bại vong chắc chắn, và Kutuzov phải thấy rõ là nếu giao chiến, ông ta cũng có thể mất một phần tư quân đội và thế nào cũng phải bỏ Moskva. Về phía Kutuzov thì nó hiển nhiên như toán học vậy: trong ván cờ, nếu tôi kém đối thủ một quân mà tôi cứ muốn chơi lối thí một ăn một thì rốt cục thế nào tôi cũng sẽ thua, vì vậy tôi cần phải tránh thí quân.

Nếu đối thủ có mười sáu quân cờ mà tôi chỉ có mười bốn quân thì lực lượng của tôi chỉ yếu hơn nó một phần tám thôi; Nhưng nếu tôi và nó đều mất mười ba quân cờ thì lực lượng của nó sẽ mạnh hơn tôi gấp ba lần.
     
Trước trận Borodino, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp là một bên năm một bên sáu, nhưng hai trận này tương quan lực lượng là một bên một, một bên hai, nghĩa là trước trận này ta có mười vạn để chống lại mười hai vạn và sau này ta có năm vạn để chống lại mười vạn. Ấy thế mà Kutuzov con người thông minh và giàu kinh nghiệm ấy đã giao chiến, và Napoléon, vị tướng lĩnh thiên tài như người ta thường gọi, đã khởi chiến, và kết quả là đã mất một phần tư quân đội và làm cho chiến tuyến càng dàn mỏng thêm. Nếu bảo Napoléon hy vọng rằng sau khi chiếm Moskva ông ta sẽ kết thúc một chiến dịch cũng như trước đây ông ta đã thúc chiến dịch sau chiến dịch Viên, thì có rất nhiều chứng cớ bác lại điều đó. Ngay các sử gia của Napoléon cũng kể lại rằng từ khi đến Smolensk, Napoléon đã định dừng lại, vì ông thấy chiến tuyến của mình kéo dài như thế này là một nguy cơ lớn, ông thừa biết rằng chiếm Moskva không phải là chấm dứt chiến dịch, bởi vì từ khi chiếm Smolensk ông đã thấy rõ tình trạng của thành phố Nga khi lọt vào tay ông, và ông vẫn không nhận được lời phúc đáp nào sau bao nhiêu lần tuyên bố muốn tiến hành đàm phán.
     
Trong trận Borodino, trong khi khai chiến và giao chiến, Kutzov và Napoléon đều hành động một cách không tự giác và phi luận lý. Nhưng đến khi sự đã rồi, các sử gia mới rút ra những chứng cứ phức tạp và lắt léo để chứng minh tài tiên đoán cuả các vị tướng lĩnh thiên tài, chứ thực ra họ chỉ là những tay sai thấp hèn nhất và bị động nhất trong số tất cả những công cụ vô ý thức của những biến cố lịch sử thế giới.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:48:17 pm
Người cổ đại đã để lại cho chúng ta những áng sử thi gương mẫu trong đó bao nhiêu ý nghĩa của lịch sử chung quy đều nằm trong các nhân vật anh hùng: và cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa quen nghĩ rằng cái thứ quan niệm lịch sử kia chẳng có giá trị gì đối với những người ở thời đại ta cả.
     
Về vấn đề thứ hai, là trận Borodino cũng như trận Sevardino trước đây đã xảy ra như thế nào, thì từ trước đến nay vẫn lưu hành một quan niệm hết sức rõ ràng và rất phổ biến nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Tất cả các sử gia đều trình bày sự việc như sau:
     
Theo họ thì quân Nga trong khi rút lui khỏi Smolensk vẫn tìm một trận địa tốt nhất để mở một trận toàn quân và đã tìm thấy trận địa ở Borodino.
     
Theo họ, quân Nga đã củng cố trận này từ trước. Nó nằm vào khoảng từ Borodino đến Utitxa bên trái con đường từ Moskva đến Smolensk và gần như thẳng góc với con đường này - tức là nó nằm ngay nơi trận chiến diễn ra.

Theo họ, ở trước trận địa này quân Nga đã đặt một vị trí tiền tiêu có công sự kiên cố trên đồi Sevardino để quan sát địch tình.
     
Ngày hai mươi bốn, Napoléon tấn công và chiếm vị trí tiền tiêu này; ngày hai mươi sáu ông ta tấn công vào toàn bộ quân Nga đang chiếm lĩnh trận địa trên cánh đồng Borodino.
   
Đấy là lời các sử gia, và tất cả những điều đó đều hoàn toàn sai sự thật, bất kỳ ai muốn đi sâu vào thực chất của vấn đề cũng sẽ thấy như vậy một cách đễ dàng.
     
Quân Nga khi rút lui chẳng hề tìm hiểu trận địa tốt nhất; trái lại họ đã bỏ nhiều trận địa tốt hơn Borodino. Họ không dừng lại ở một nơi nào trong những trận địa này vì nhiều lý do: vì Kutuzov không muốn chiếm lĩnh một trận địa không phải do mình chọn, vì mở một trận toàn quân vẫn chưa phải là một đòi hỏi phải thực hiện cấp bách, vì Miloradovich vẫn chưa đem dân quân đến và còn vì vô số lý do khác nữa. Sự thực thì những trận trước còn tốt hơn, còn như trận địa Borodino (nơi trận đánh diễn ra) thì không những không có thế mạnh mà thậm chí cũng chẳng có tính chất "trận địa" gì hơn bất cứ một nơi nào khác trên lãnh thổ cuả đế quốc Nga mà người ta có thể chỉ định bằng cách lấy kim găm căm hú hoạ lên bản đồ.
   
Quân Nga chẳng hề củng cố trận địa Borodino ở bên trái và thẳng góc với dường cái, tức là củng cố nơi mà trận đánh diễn ra. Không những thế, trước ngày 25-8-1812 họ không hề nghĩ rằng một trận đánh có thể xảy ra ở đấy. Có nhiểu bằng chứng cho thấy rõ như vậy: thứ nhất, không những trước ngày hai mươi lăm ở đấy không có công sự, mà những công sự bắt đầu xây ngày hai mươi lăm thì đến ngày hai mươi sáu vẫn chưa xong.
     
Thứ hai, ngay vị trí của cứ điểm Sevardino cũng chứng tỏ điều đó: lập một cứ điểm như thế ở phía trước nơi chiến sự diễn ra thì chẳng có nghĩa lý gì hết. Tại sao nó lại được củng cố hơn các cứ điểm khác? Tại sao ngày hai mươi bốn, mãi về khuya, người ta đã dốc toàn lực và mất sáu ngàn người để bảo vệ nó? Nếu để quan sát địch tình thì chỉ cần một đội trinh sát cô-dắc là đủ. Thứ ba, người ta không hề dự kiến trước nơi sẽ diễn ra trận đánh, cũng không hề dự kiến trước rằng cứ điểm Sevardino đã là tiền tiêu của trận địa: chứng cớ là mãi đến ngày mười lăm, Barclay de Tolly và Bagration, vẫn yên chí rằng cứ điểm Sevardino là cánh trái của trận địa, và ngay cả Kutuzov trong bản báo cáo viết ngay trong trận đánh, trong lúc tâm trí còn đầy những ấn tượng nóng hổi, cũng vẫn gọi nó là cánh trái của trận địa. Mãi về sau, trong những bản báo cáo viết lúc rỗi rãi về trận Borodino (chắc hẳn là để bào chữa cho những sai lầm của vị tổng tư lệnh, mà họ vẫn tưởng là một người không thể sai lầm), người ta mới đặt ra cái lối giải thích phi lý và kỳ quặc nói rằng cứ điểm Sevardino là tiền tiêu trong khi nó chỉ là một cứ điểm của cánh trái, và cho rằng quân ta đánh trận Borodino ở một trận địa đã được chọn và được củng cố từ trước, trong khi thật ra nó đã xảy ra ở một nơi hoàn toàn ngẫu nhiên và hầu như không được củng cố gì cả.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Giêng, 2011, 07:48:57 pm
Tình hình thực tế hiển nhiên là như sau: trận địa đã được chọn trên sông Kolotsa, là con sông cắt ngang đường cái lớn không phải thành một góc vuông, mà thành một góc nhọn. Do đó cánh trái là ở Sevardino nơi hai con sông Kolotsa và Voyna gặp nhau. Một đạo quân có nhiệm vụ chặn quân địch đang tiến lên theo con đường từ Smolensk đến Moskva thế nào cũng phải chiếm vị trí này, vị trí được con sông Kolotsa án ngữ: bất kỳ ai quan sát chiến trường Borodino mà quên hẳn trận chiến đấu trước đây đã diễn ra như thế nào cũng đều thấy nó là hiển nhiên.

Ngày hai mươi bốn, trong khi tiến về phía Valuyevo, Napoléon không hề nhìn thấy trận địa của quân Nga từ Utitxa đến Borodino như các sử gia nói (ông ta không thể nhìn thấy bởi vì lúc ấy đã có trận địa gì đâu) cũng không giống tiền tiêu của quân Nga, và trái lại trong khi đuổi theo hậu quân của Nga, tức là vấp phải cứ điểm    Sevardino. Nhưng sau đó ông ta cho quân vượt qua sông Kolotsa trong khi quân Nga không ngờ đến điều đó khiến cho quân Nga không thể nào đánh một trận toàn quân, và phải rút lui cánh trái ra khỏi trận địa mà họ bị chiếm lĩnh, để đến một vị trí mới mà họ không dự định chiếm và không được củng cố. Trong khi đem quân sang tả sông Kolotsa, tức là sang phía bên trái đường cái lớn, Napoléon đã chuyển toàn bộ trận chiến đấu sắp tới từ cánh phải sang cánh trái quân Nga, rồi chuyển sang cánh đồng ở giữa Utitxa, Xemenovxkoye và Borodino (cánh đồng này dùng làm trận địa cũng không có gì lợi hơn bất kỳ cánh đồng nào khác ở Nga) và trên cánh đồng ấy đã diễn ra toàn bộ trận chiến đấu ngày hai mươi sáu.
       
Đại khái sơ đồ trận chiến đấu theo như dự định và sơ đồ trận chiến đấu trong thực tế đã diễn ra như sau:
Giả sử chiều ngày hai mươi bốn Napoléon không vượt qua sông Kolotsa và ngay chiều hôm đó ông ta không tấn công ngay vào cứ điểm mà hoãn cuộc tấn công đến sáng hôm sau, thì hiển nhiên là cứ điểm Sevardino sẽ là thành cánh trái của trận địa của quân ta và trận chiến đấu sẽ diễn ra như ta đã chờ đợi từ trước.
       
Trong trường hợp này, chắc chắn là quân ta sẽ bảo vệ cứ điểm Sevardino tức là cánh trái của ta, còn kiên quyết hơn nữa, quân ta sẽ tấn công Napoléon ở trung tâm hay ở cánh phải, và trận chiến đấu toàn quân sẽ diễn ra ngày hai mươi lăm, trận điạ đã chuẩn bị và đã được củng cố từ trước. Nhưng vì cuộc tấn công vào cánh trái của ta đã diễn ra ngay chiều hôm ấy, sau khi hậu quân của ta rút lui, tức là ngày sau trận Grinyevo, là bởi vì các tướng lĩnh Nga không muốn và không thể mở ngay cuộc chiến đấu toàn quân vào buổi chiều ngày hai mươi bốn, cho nên cuộc giao chiến đầu tiên cũng là cuộc giao chiến chính trong trận Borodino đã thất bại từ ngày hai mươi bốn, và điều đó tất nhiên đưa đến cuộc bại trận ngày hai mươi sáu.
       
Sau khi mất cứ điểm Sevardino, sáng hai mươi lăm, quân ta lâm vào tình cảnh mất chỗ dựa ở cánh trái, nên đành phải rút, lui cánh trái và vội vã củng cố nó bất kỳ ở đâu. Nhưng nếu ngày hai mươi sáu tháng tám, quân đội Nga chỉ được những công sự yếu ớt chưa xây xong bảo vệ, thì tình trạng bất lợi này còn tăng thêm ở chỗ các tướng Nga không nhận thức được tình hình một cách đầy đủ: họ không thấy rằng việc mất vị trí ở cánh trái bắt buộc họ phải chuyển toàn bộ trận địa trước mắt từ phải sang trái, cho nên họ cứ để chiến tuyến của họ kéo dài như trước từ Novoye đến Utitxa. Kết quả là ngay giữa lúc chiến đấu quân đội Nga đã bắt buộc phải di chuyển từ bên phải sang bên trái. Như vậy, trong lúc chiến đấu quân đội Nga chỉ có thể dùng cánh trái của mình để đương đầu với tất cả quân đội Pháp tức là với những lực lượng mạnh gấp đôi. Còn những cuộc tấn công của Ponytovxki vào Utitxa và những cuộc tấn công của Uvarov vào cánh phải của quân Pháp thì chỉ là những hành động lẻ tẻ không liên quan gì đến tình hình chiến sự.
     
Như vậy, trận Borodino đã diễn ra hoàn toàn không phải như người ta đã miêu tả nó (vì mục đích che giấu những lỗi lầm của các vị tướng soái của ta, và do đó, đã làm giảm bớt phần vinh quang của quân đội và của nhân dân Nga). Trận Borodino không diễn ra trên một trận địa đã chọn từ trước, đã được củng cố, và lực lượng của quân Nga không phải chỉ yếu hơn quân địch một chút. Trái lại, trong trận Borodino, do việc mất cứ điểm Sevardino, quân Nga đã phái giao chiến trên một trận địa trống trái hầu như không có công sự với những lực lượng yếu hơn quân Pháp hai lần, tức là ở trong những điều kiện mà dù chỉ chiến đấu ba giờ liên tiếp thôi cũng đã khó lòng tránh khỏi tình trạng hoàn toàn tan rã buộc họ phải bỏ chạy chứ đừng nói chiến đấu suốt mười tiếng đồng hồ trong một trận giằng co bất phân thắng phụ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:35:39 pm
Phần X
Chương - 19

Sáng ngày hai mươi lăm, Piotr rời Mozaisk. Khi xe đi xuống con đường dốc đứng quanh co dẫn ra khỏi thành phố, ở bên phải có một ngôi nhà thờ trong đó người ta đang cầu nguyện và đánh chuông, Piotr xuống xe đi bộ. Phía sau chàng là một trung đoàn kỵ binh có một tốp ca sĩ đi đầu đang xuống đồi. Một đoàn xe chở những người bị thương trong trận chiến đấu hôm qua đang lên dốc đi về phía chàng. Mấy người nông dân đánh xe, miệng quát mấy con ngựa, tay quất roi đen đét cứ chạy từ bên này sang bên kia đường. Những chiếc xe tải chở dăm ba thương binh, người ngồi, người nằm, đang lăn lạch cạch trên đoạn đường dốc lổn nhổn những đá rải đường.
   
Mấy người thương binh mình quấn dầy giẻ, da mặt xanh xao, mím môi và cau mày bám lấy thành xe, người cứ chồm lên và va vào nhau ở trong xe. Hầu hết đều nhìn cái mũ trắng và bộ thường phục màu xanh lá cây của Piotr với vẻ tò mò ngây thơ của trẻ con.
   
Người đánh xe của Piotr giận dữ quát những người đánh xe trở thương binh bảo họ đẹp ra một bên. Một đoàn kỵ binh ở trên đồi xuống, vừa đi vừa hát, chẳng bao lâu đã đến gần xe của Piotr và làm cho con đường tắc nghẽn. Piotr dừng lại nép mình vào phía mé đường đào lõm vào trong sườn đồi. Vì sườn dốc đứng, ánh nắng không thể chiếu vào con đường lõm sâu xuống; nên ở đấy lạnh và ẩm ướt. Trên đầu Piotr là buổi sáng tháng tám rực rỡ và tiếng chuông nhà thờ ngân nga vui vẻ. Một chiếc xe chở thương binh dừng lại ở bên đường, sát chỗ Piotr đứng. Người đánh xe đi giày bằng thứ vỏ cây thớ hổn hển chạy đến chiếc xe của mình, chèn một hòn đá dưới chiếc bánh sau không có dai sắt và bắt đầu sửa lại đây thăng trên mình con ngựa nhỏ bé.

Một thương binh già, cánh tay treo băng, đi theo chiếc xe vận tái đưa bàn tay còn lành lặn bám vào xe, quay lại nhìn Piotr nói:

- Này ông hành xứ ơi, họ bỏ chúng tôi lại đây phải không? Hay là đưa đến tận Moskva đấy?

Piotr đang suy nghĩ đăm chiêu đến nỗi không nghe thấy câu hỏi này. Chàng hết nhìn trung đoàn kỵ binh lúc này đã bắt gặp đoàn xe chở thương binh, lại nhìn cỗ xe ở cạnh chàng trong đó có hai thương binh đang ngồi và một thương binh nữa đang nằm. Trong số những người ngồi trên xe, có một người chắc là bị thương ở má.  Đầu anh ta quấn giẻ kín mít, và một bên má anh ta vẹo hẳn sang một bên. Người lính này nhìn ngôi nhà thờ và làm dấu thánh giá. Người kia là một tân binh trẻ người nhỏ nhắn, tóc vàng, nước da trắng bệch, khuôn mặt thanh tú trông như không còn lấy một chút máu nào. Anh ta nhìn Piotr với một nụ cười hiền hậu ngưng lại trên môi; người thứ ba nằm úp sấp không trông thấy mặt. Ca sĩ của trung đoàn kỵ binh tiến qua chiếc xe.
       
Ôi, thế là mất toi, cái đầu lông nhím(1)…
       
Sống ở nơi đất khách quê người.

   
Họ đang hát theo điệu một vũ khúc của binh sĩ. Như để hoạ lại tiếng hát của họ, nhưng với một niềm vui khác hẳn, những tiếng kim lanh lảnh của hồi chuông nguyện quyện vào nhau ngân vọng trên không trung. Vả lại thêm một niềm vui khác vừa sảng bừng trong những tia nắng nóng ran rót xuống đỉnh đồi đối diện. Nhưng ở chỗ Piotr đứng dưới sườn đồi, cạnh cỗ xe chở thương binh, cạnh con ngựa đang thở phì phì, thì lại ẩm ướt, âm u và rầu rĩ.

Người lính có cái má sưng vù liếc nhìn những kỵ binh đang hát, lộ vẻ cáu kỉnh.

- Ô! Cái bọn công tử bột. - anh ta nói, giọng trách móc. - Bây giờ không những thấy lính tráng mà còn thấy cả nông dân nữa.
       
Nông dân họ cũng lùa đi, - người lính đứng sau xe nói với Piotr với một nụ cười buồn buồn. - Lúc này, họ không phân biệt gì nữa… Toàn dân ai ai cũng muốn đánh giặc, một lời thôi: Moskva. Mọi người chỉ muốn
một kết cục.

Tuy lời lẽ người lính không rõ nghĩa, Piotr cũng hiểu anh ta muốn nói gì, và chàng gật đầu tán thành.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:36:42 pm
Con đường đã quang. Piotr đi xuống dốc rồi lại lên xe tiếp tục đi chàng ngồi trên xe đưa mắt nhìn hai bên đường, tìm những khuôn mặt quen thuộc, nhưng ở đâu chàng cũng chỉ thấy những khuôn mặt xa lạ của những quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau, ai cũng nhìn cái mũ trắng và bộ thường phục màu xanh lá cây của chàng, một cách bỡ ngỡ như nhau.
   
Sau khi đi bộ được bốn dặm, chàng gặp người quen đầu tiên và vui vẻ gọi ông ta. Người này là một bác sĩ quân y trưởng trong quân đội ông ta ngồi trên chiếc xe có điềm, cạnh một bác vĩ trẻ tuổi, đi ngược chiều với Piotr. Nhận ra Piotr, ông ta bảo người cô-dắc làm xà ích cho ông ta cho xe dừng lại.

- Bá tước! Làm sao bá tước lại ở đây?

- Tôi muốn xem xem…

- Phải, phải, muốn xem thì tha hồ mà xem…

Piotr xuống xe và dừng lại nói với bác sĩ rằng chàng muốn dự trận đánh. Bác sĩ khuyên chàng nên nói thẳng với Điện hạ Tối quang minh.

- Tội gì phải lang thang đây đó trong khi chiến đấu: chẳng ai biết đến mình cả. - Ông ta vừa nói vừa nói vừa đưa mắt sang người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi - ít nhất thì Điện hạ cũng biết ông và sẽ ân cần tiếp ông. Ông nên theo lời khuuyên của tôi - bác sĩ nói.

Bác sĩ có vẻ mệt mỏi và vội vàng.

- Thế theo ông… Tôi còn muốn hỏi ông một câu nữa, trận địa quân ta ở đâu"? - Piotr nói.

- Trận địa ấy à? - bác sĩ nói - Cái đó không phải phần việc của tôi Khi nào qua Tatarinovo ông sẽ thấy mọi người đào đất dữ lắm. Ông cứ trèo lên ngọn đồi, đứng đó ông sẽ thấy - bác sĩ nói. - Tôi cũng muốn đưa ông đi, nhưng mà nói có trời đất tôi ngấy lên đến đây rồi - bác sĩ chỉ lên cổ. - Tôi đến gặp chỉ huy lữ đoàn đây. Tình hình chúng tôi gay quá, bá tước ạ, đến mai là đánh nhau rồi. Trong số mười vạn người chiến đấu thì tính xoàng đi cũng phải đến hai vạn người bị thương. Ấy thế mà chúng tôi không có đủ cáng; không đủ giường bệnh; không đủ y tá; y sĩ cho sáu nghìn người. Chúng ta có một vạn xe vận tải; nhưng có phải chỉ cần có thế đâu! Thôi muốn xoay xở thế nào thì xoay xở.
     
Trong óc Piotr nảy ra một ý nghĩ kỳ quặc. Trong số hàng vạn những con người kia: hoạt bát, mạnh khoẻ, trẻ cũng như già, vừa nhìn cái mũ của chàng với vẻ ngỡ ngàng và vui vẻ, thì ít nhất sẽ có hai vạn người bị thương và tử trận (và có thể họ chính là những người mà chàng vừa nhìn thấy). "Có thể đến mai là họ sẽ chết. Làm sao họ có thể nghĩ đến những điều gì khác ngoài cái chết nhỉ?"
     
Thế rồi đột nhiên, do một sự liên tưởng huyền bí, chàng hình dung rõ rệt con đường đi xuống dốc Mozaisk với những xe vận tải đầy thương binh, tiếng chuông ngựa ngân nga, ánh nắng chênh chếch và bài hát của kỵ binh.
   
"Những người kỵ binh này sắp ra trận, họ gặp những thương binh trở về, thế mà họ không nghĩ gì đến những điều đang chờ đón họ, họ vẫn đi qua lại nháy mắt với thương binh nữa. Trong số này có hai vạn người phải chết, thế mà cái mũ của ta lại làm cho họ ngạc nhiên! Lạ thật!" - Piotr thầm nghĩ trong khi tiếp tục đi về phía Tatarinovo.
   
Cạnh một ngôi nhà của trang chủ, ở bên trái đường cái là những cỗ xe kiệu: xe vận tải, những đoàn tuỳ tùng của lính canh Điện hạ đang ở đấy;nhưng lúc Piotr đến thì Điện hạ cũng như hầu hết các sĩ quan tham mưu đều đi vắng. Họ đang dự lễ cầu nguyện. Piotr tiếp tục đi xe về phía Gorki.
   
Sau khi lên dốc và đi vào một con đường làng nhỏ; lần đầu tiên Piotr nhìn thấy những người nông dân làm dân quân mặc áo sơ mi trắng, ở trên mũ chụp có dính một chữ thập, mồ hôi nhễ nhại, nói cười bô bô, đang làm việc ở bên phải con đường trên một ngọn đồi lớn cỏ mọc um tùm. Người thì đào đất bằng thuổng, người thì chở đất trên những miếng ván đặt trên xe cút-kít, người thì đứng không.
   
Hai sĩ quan đứng trên đồi đang chỉ huy. Trông thấy những người nông dân này, xem ra đang vui với cái nhiệm vụ quân sự mới mẻ của mình, Piotr lại sực nhớ đến những thương binh ở   Mozaisk và bắt đầu hiểu người lính ngụ ý gì khi anh ta nói rằng: "Toàn dân ai ai cũng muốn đánh giặc". Cảnh tượng những người nông dân râu ria xồm xoàm kia đang làm việc trên bãi chiến trường; vụng về trong những đôi ủng kỳ quặc, mồ hôi nhễ nhại sau gáy, có người mặc áo phanh cổ, dưới làn vải áo có thể trông rõ hai cái xương bả vai rám nắng, chứng tỏ cho Piotr hiểu, tất cả những điều chàng đã thấy và đã nghe từ trước đến nay, tính nghiêm trọng của giờ phút sắp tới.

======================================================

Chú thích:

(1) Đầu binh sĩ cạo trọc, khác hẳn đầu nông dân để tóc rất dài.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:37:40 pm
Phần X
Chương - 20

Piotr xuống xe, đi qua mặt những người dân quân đang làm việc và trèo lên trên ngọn đồi, nơi mà, theo như lời ông bác vĩ nói với chàng, có thể nhìn thấy chiến trường.
   
Bây giờ là vào khoảng mười một giờ trưa. Mặt trời ở phía sau lưng Piotr hơi chếch về phía trái, chiếu qua lớp không khí trong loãng rọi xuống cái toàn cảnh mênh mông trải rộng ra trước mắt chàng như một diễn trường vòng tròn(1).
   
Ở trên cao và ở bên trái diễn trường vòng tròn ấy là con đường cái lớn Smolensk chạy ngoằn ngoèo qua một cái làng có ngôi nhà thờ nằm ở phía trước và bên dưới ngọn đồi, cách chừng năm trăm bước, đó là làng Borodino. Con đường đi men theo rìa làng qua một cái cầu rồi cứ lên cao xuống thấp chạy quanh co mãi đến làng Valuyevo cách đấy chừng sáu dặm (bấy giờ Napoléon đóng quân ở đấy) Con đường mất hút sau làng Valuyevo, chạy vào một cánh rừng màu vàng úa ở chân trời. Trong những cánh rừng bạch dương và tùng bách này, ở bên phải đường cái, xa xa thấy cây thập tự giá và cái giá chuông của tu viện Kolotsa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ở khắp cái vùng xa xa biêng biếc kia, bên phải, bên trái cánh rừng và con đường cái, thấp thoáng ở nhiều nơi có ánh lửa các bếp trại đang bốc khói và những đám người, thuộc quân ta cũng có, thuộc quân địch cũng có. Bên phải, dọc theo hai con sông Kolotsa và Moskva, địa hình mấp mô những gò núi và khe lãnh. Ở giữa các hẻm núi, xa xa hiện lên hai làng Bezobovo và Zakharivo. Ở bên trái thì mặt đất bằng phẳng hơn, đó là những cánh đồng lúa mì, và có thể trông thấy một cái làng đã bị đốt cháy còn bốc khói đó là làng Xemenovxkoye.
   
Tất cả những gì mà Piotr trông thấy ở bên phải và ở bên trái đều mơ hồ đến nỗi chàng không sao có được một hình ảnh hoàn toàn đúng với ý niệm của chàng. Đây không phải là bãi chiến trường như chàng vẫn hình dung, mà toàn là những cánh đồng, những cánh rừng, những đám quân sĩ, những rặng cây, những đống lửa trại, những xóm làng, những quả đồi và những dòng suối. Dù có cố nhìn thật kỹ, chàng cũng không tài nào nhìn ra các cứ điềm trong cái phong cảnh sinh động này, thậm chí cũng không tài nào phân biệt quân ta với quân địch.
   
"Mình phải hỏi một người nào thông thạo mới được" Piotr nghĩ thầm và quay về phía một viên sĩ quan đang tò mò nhìn dáng vóc to lớn nhưng không có vẻ gì là quân nhân của chàng, Piotr hỏi viên sĩ quan:

- Ông làm ơn cho biết cái làng ở đằng trước là làng gì thế?

- Burdino hay sao ấy nhỉ - Viên sĩ quan quay sang người đồng sự hỏi.

- Borodino, - người kia chữa lại.

Hẳn là hài lòng vì có dịp nói chuyện, viên sĩ quan lại gần Piotr.

- Quân ta ở đấy phải không? - Piotr hỏi.

- Đúng rồi, và kia, quá chút nữa là quân Pháp - viên sĩ quan đáp Chúng đấy kìa, ông có thấy không?

- Đâu? Đâu? - Piotr hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:38:24 pm
- Nhìn mắt thường cũng thấy kia kìa. - Viên sĩ quan đang giơ tay chỉ những đám khói bốc lên ở phía trái; bên kia sông, và trên gương mặt của ông ta hiện lên cái vẻ nghiêm trang và khắc khổ mà Piotr đã thấy trên nhiều gương mặt chàng đã từng gặp trước đây.

- A quân Pháp đấy à! Còn đằng kia? - Piotr chỉ ngọn đồi ở bên trái, xung quanh thấy những đơn vị quân đội.

- Đó là quân ta.

- A, quân ta đấy à! Còn phía kia? - Piotr chỉ một ngọn đồi khác ở xa, trên đỉnh mọc một cây đại thụ, bên cạnh một cái làng thấp thoáng trong khe núi, cạnh đấy có mấy đám khói lửa trại bốc lên và những vật đen đen.

- Nó đấy - viên sĩ quan đáp (đó là cứ điểm Sevardino). Hôm qua thì cứ điểm này là của ta nhưng hôm nay là của nó.

- Thế thì trận địa của ta ở đâu?

-Trận địa ấy à? - Viên sĩ quan nói, miệng mở một nụ cười thích chí - cái đó thì tôi có thể cho ông biết tường tận bởi vì chính tôi chỉ huy việc xây đào hầu hết các công sự của ta. Đây, ông xem, trung tâm của quân ta là Borodino, kia kìa - Ông ta chỉ cái làng có ngôi nhà thờ trắng ở trước mặt - Đấy, cái nơi có con đường cái vắt qua sông Kolotsa ấy. Ông có trông thấy không, đấy, nơi có những dãy rạ bị cắt ấy lại có cái cầu nữa. Đó là trung tâm của ta. Cánh phải của quân ta ở kia kìa - (ông ta chỉ về phía phải, tít trong một khe núi) đó là nơi con sông Moskva chảy qua, ở đấy ta đã xây ba hào điểm rất mạnh. Còn cánh phải của ta… Ông ta nói đến đấy rồi dừng lại - Ông ạ, cái này thì khó mà giái thích cho ông được… hôm nay cánh trái của ta ở đấy, ở Sevardino, kìa ông thấy không, ở chỗ có cây sồi ấy mà; nhưng bây giờ thì đã rút cánh trái về phía sau? Bây giờ thì, kìa, ông có thấy cái làng và ở đây này - Ông ta chỉ ngọn đồi Raievxki - nhưng trận chiến đấu chắc sẽ không diễn ra ở đấy. Nó đã đưa quân đến đây nhưng chắc là để đánh lừa ta đấy thôi. Thế nào nó cũng đánh vòng sang phía bên phải sông Moskva. Thế đấy, nhưng dù ở đâu cũng sẽ có khối anh mất số lính.
   
Một hạ sĩ quan già đến gần viên sĩ quan trong khi ông ta kể chuyện và im lặng chờ đợi thủ trưởng nói xong, nhưng nghe đến chỗ này thì hẳn là ông ta không bằng lòng, liền ngắt lời viên sĩ quan.

- Cần cho người đi lấy sọt đựng đất - viên hạ sĩ quan nói, giọng nghiêm nghị. Viên sĩ quan có vẻ lúng túng, ý chừng ông ta hiểu rằng nếu có nghĩ trong bụng là ngày mai sẽ có nhiều người tử trận thì cũng được, nhưng nói ra thì không nên.

- Được lại cho đại đội ba đi lấy - viên sĩ quan hấp tấp nói.

- Thế còn ông là ai, chắc là một bác sĩ?

- Không, tôi đến đây thế thôi - Piotr đáp. Và chàng lại xuống dốc, đi qua trước mặt đám dân quân.

- Ô cái quân chết tiệt - một viên sĩ quan đi sau chàng vừa nói vừa bịt mũi bước nhanh qua đám dân quân đang làm việc.

- Họ đến đây rồi!… Họ rước đến đây rồi, họ đang đến… đây rồi… - Có nhiều tiếng nói xôn xao, rồi sĩ quan, binh lính và dân quân đổ xô ra đường cái.

Một đám rước xuất phát từ Borodino đang đi lên dốc. Đi đầu trên con đường bụi bặm, là một tiểu đoàn bộ binh súng cầm chúc xuống và đầu để trần. Phía sau đoàn bộ binh nghe có tiếng hát hành lễ.
 
Binh sĩ và dân quân cất mũ chạy vượt qua Piotr đến đón rước.

- Họ rước Đức mẹ của chúng ta! Người phù hộ chúng ta!… Đức mẹ Iverya.

- Đức mẹ Smolensk chứ! - một người khác chữa lại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:39:09 pm
Dân quân đang ở trong làng hoặc đứng làm việc trên trận địa pháo đều vứt bỏ thuổng chạy đến đón đám rước. Đi sau tiểu đoàn trên con đường bụi bặm là những tu sĩ mặc áo lễ, một ông già người nhỏ nhắn đội mũ tròn, có những người giúp lễ và một tốp đồng ca đi theo. Sau lưng họ, lính và sĩ quan khiêng một bức tượng thánh lớn mặt đã đen xạm trong cái khung bằng kim khí. Bức tượng ấy người ta mang từ Smolensk đi và cho đến nay nó vẫn đi theo quân đội. Đằng sau bức tượng, ở xung quanh ở phía trước và ở khắp nơi là những tốp binh sĩ để đầu trần, người đi, người chạy: người quỳ uống đất.

Lên đến hết dốc, tượng thánh dừng lại, những người nâng khăn đỡ thánh được thay phiên, những người giữ đồ thờ lại đốt bình trầm và buổi lễ cầu nguyện bắt đầu. ánh nắng oi bức chiếu thẳng xuống; một cơn gió nhẹ thổi vào những mái đầu trần, và những dải lụa buộc xung quanh bức tượng, tiếng hát đưa nhẹ lên không trung.

Cả một đám đông, nào sĩ quan, nào binh lính, nào dân quân, đầu để trần, chen chúc nhau xung quanh tượng thánh. Đằng sau vị giáo sĩ và người giúp lễ có một chỗ để trống giành cho các sĩ quan cao cấp đứng. Một viên tướng đầu hói cổ đeo huân chương George đứng ngay sau lưng vị giáo sĩ, tay không làm dấu chữ thập (hẳn ông là một người Đức) sốt ruột chờ cho xong buổi lễ cầu nguyện mà ông ta thấy mình cần phải làm danh dự, có lẽ để cổ vũ lòng ái quốc của nhân dân Nga. Một viên tướng khác cũng đứng đấy với một tư thế hùng dũng luôn tay làm dấu chữ thập ở trước ngực, mắt liếc nhìn quanh. Đứng giữa đám đông nông dân, Piotr nhận ra trong nhóm sĩ quan cao cấp này có nhiều người quen biết, nhưng chàng không nhìn họ, bao nhiêu sức chú ý của chàng đều tập trung vào gương mặt nghiêm trang của binh sĩ và dân quân ở trong đám đông đang nhìn bức tượng thánh một cách háo hức như nhau.
     
Khi những người ca sĩ đã mệt mỏi (họ đang hát bài kinh cầu nguyện thứ hai mươi) cất cái giọng uể oải và đều đều hát bài: "Đức mẹ hãy cứu với bầy tôi của Đức mẹ khỏi cảnh tai ương" và khi vị giáo sĩ và người giúp lễ hát "Chúng con đều đến nhờ Đức mẹ che chở chúng con như một thành trì vững chắc" thì trên khắp các gương mặt. Piotr đều thấy họ nhận thức được tính chất trang nghiêm của giây phút này như chàng đã từng thấy khi đi xuống quãng đường dốc ở Mozaisk và thỉnh thoảng lại thấy hiện lên trên nhiều gương mặt mà chàng đã gặp sáng hôm ấy. Mọi người đều cúi rạp xuống, làm tóc bay tung lên, và có thể nghe thấy những tiếng thở dài và tiếng ngón tay đánh vào ngực khi làm dấu thánh.

Đột nhiên đám người đang bao vây quanh tượng thánh rẽ ra, xô vào cả Piotr. Việc mọi người rẽ ra một cách vội vã như vậy chứng tỏ có một nhân vật rất quan trọng đang lại gần tượng thánh.
Đó là Kutuzov vừa đi quan sát vị trí về. Sau khi trở lại Tatarinovo ông đến đây dự lễ cầu nguyện. Piotr nhận ra ngay Kutuzov vì dáng dấp của ông khác hẳn mọi người.

Với cái thân hình to béo núc ních trong chiếc áo đuôi én dài vạt với mái đầu bạc phơ để trần, với con mắt bị chột trên khuôn mặt béo phị, Kutuzov bước tới, dáng đi lắc lư, mình chúi về phía trước, và dừng lại ở ngay sau lưng vị giáo sĩ. Ông làm dấu thánh giá với một cử chỉ quen thuộc, đưa tay chạm xuống tận mặt đất, rồi thở dài một tiếng nặng nề, cúi mái đầu bạc xuống. Sau lưng Kutuzov là đoàn tuỳ tùng. Mặc dầu sự có mặt của vị tổng tư lệnh thu hút hết sự chú ý của tất cả các nhân vật cao cấp, dân quân và binh sĩ vẫn không nhìn ông ta và cứ tiếp tục cầu nguyện.

Khi lễ cầu nguyện đã kết thúc, Kutuzov đến bên tượng thánh, quỳ gối một cách nặng nề, phục xuống mặt đất và một hồi lâu không sao đứng dậy được.
   
Vì người ông nặng nề, yếu ớt quá. Mái đầu, bạc của ông run run vì cố lấy sức Cuối cùng ông đứng lên, và đôi môi nhú ra một cái nhìn ngây thơ như trẻ con, ông hôn lên tượng thánh rồi lại cúi mình, tay chạm xuống tận mặt đất. Tất cả các vị tướng đều bắt chước ông ta, rồi đến lượt các sĩ quan, và sau lưng họ là binh sĩ và dân quân vừa thở vừa chen chúc và xô đẩy nhau, vẻ mặt xúc động.

=======================================================

Chú thích:

(1) Sàn diễn kịch hay đấu võ của người Hy Lạp và La Mã cổ đại xung quanh có khán đài bậc thang hình vòng tròn bao bọc.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:40:02 pm
Phần X
Chương - 21

Người ngả nghiêng vì bị đám người xung quanh xô đẩy, Piotr nhớn nhác đưa mắt nhìn quanh.
   
Bá tước Piotr Kirilovich; bá tước ở đây sao? - có tiếng ai hỏi, Piotr quay lại nhìn.
     
Boris Drubeskoy đang lấy tay phủi đất ở đầu gối (hẳn là chàng cũng vừa quỳ trước tượng thánh) mỉm cười đến gần Piotr, Boris ăn mặc bảnh bao, có pha cái phong thái đã chiến thích hợp với lúc hành quân. Chàng mặc một cái áo đuôi én vạt dài, một chiếc roi ngựa vắt trên vai giống như Kutuzov.
   
Trong khi đó, Kutuzov đã đi vào làng và ngồi trong bóng râm của ngôi nhà gần nhất, trên một chiếc ghế dài và một người cô-dắc chạy vội mang đến cho ông ta, một người khác vội vàng phủ một tấm thảm lên trên. Một đoàn tuỳ tùng đông đúc và lộng lẫy bao quanh vị tổng tư lệnh.

Người ta lại rước tượng thánh đi và đám người lại theo sau. Piotr đứng cách Kutuzov ba mươi bước, nói chuyện với Boris.
   
Chàng nói rằng mình có ý định tham dự trận chiến đấu và muốn quan sát trận địa.

- Thế thì đây, bây giờ nên làm thế này - Boris nói: Tôi sẽ xin mời anh đi xem doanh trại. Muốn xem cho đủ thì tốt nhất phải là đứng ở chỗ nào có mặt bá tước Benrigxen. Tôi là sĩ quan phụ tá của, ngài, tôi sẽ giới thiệu anh với ngài. Còn nếu anh muốn đi một vòng quanh trận địa thì anh cứ đi với chúng tôi; bây giờ chúng tôi đang đi quan sát cánh trái đây. Rồi lúc trở về anh cho phép tôi mời anh ngủ một đêm ở chỗ tôi, và chúng ta sẽ đánh bài. Anh quen Dmitri Xergeyevich chứ? Anh ấy ở nhà này - Boris chỉ ngôi nhà thứ ba ở Gorki.

- Nhưng tôi lại muốn được xem cánh bên phải kia, nghe nói cánh ấy rất mạnh - Piotr nói - Tôi muốn được xem khắp cả trận địa từ sông Moskva trở đi.

- Được anh có thể xem sau, nhưng điểm chính là cánh bên trái…

- Phải, phải. A, anh có thể chỉ cho tôi biết trung đoàn của công tước Bolkonxki ở đâu không?

Trung đoàn của Andrey Nilolaievich ấy à? Chúng ta sẽ đi qua chỗ ấy và tôi sẽ đưa anh đến gặp ông ta.

- Thế tình hình cánh trái thế nào? - Piotr hỏi.

- Thật ra, chỗ anh với tôn tôi xin nói thực - Boris nói khe khẽ có vẻ tâm sự - Có trời biết tại sao cánh trái lại bố trí như vậy. Bá tước Benrigxen hoàn toàn không chủ trương như thế. Ông chủ trương củng cố ngọn đồi kia một cách khác hẳn, nhưng - Boris nhún vai - Điện hạ không muốn thế hay là có người xúi ông ta thì không rõ. Vì… Boris không nói hết lời vì lúc này Kaixarov, sĩ quan phụ tá của Kutuzov, đã đến gần Piotr.

- A, ông Paixi Xergeyevich - Boris mỉm cười ung dung quay về phía Kaixarov nói - Tôi đang cố gắng cắt nghĩa trận địa cho bá tước đây Kỳ diệu thật! Sao Điện hạ lại có thể đoán ra những ý đồ của quân Pháp một cách chính xác thế nhỉ!

- Ông muốn nói đến cánh trái phải không? - Kaixarov hỏi.

- Phải đấy, cánh trái của chúng ta bây giờ rất mạnh.

Mặc dầu Kutuzov đã đuổi tất cả những người thừa ra khỏi bộ tham mưu, sau tất cả những cuộc thay đổi nhân sự ấy, Boris vẫn tìm được cách xoay xở cho mình được ở lại bộ tổng tư lệnh. Boris làm sĩ quan phụ tá đều cho công tước Drubeskoy trẻ tuổi là một người chưa được đánh giá đúng mức.
   
Trong giới sĩ quan chỉ huy quân đội lúc bấy giờ có hai phái tách biệt nhau rất rõ rệt: phái của Kutuzov và phái của tham mưu trưởng Benrigxen. Boris theo phái thứ hai, và không ai có thể sánh kịp chàng trong cái nghệ thuật vừa tỏ ra sùng bái tôn thờ Kutuzov, lại vừa làm cho người ta cảm thấy rằng lão già kia bất tài và trong thực tế mọi việc đều do Benrigxen chỉ huy. Bây giờ đã đến giờ phút quyết định của cuộc tranh chấp. Nó sẽ hoặc tiêu diệt Kutuzov và trao quyền về Benrigxen, hoặc, nếu Kutuzov thắng trận, thì phải làm thế nào cho người ta tưởng rằng bao nhiêu công trạng đó đều do Benrigxen làm nên cả. Nhưng dù sao chăng nữa, đến ngày mai cũng sẽ ban cấp nhiều phần thưởng và sẽ đề bạt nhiều người, cho nên suốt ngày hôm ấy Boris cảm thấy phấn khởi khác thường. Sau Kaixarov có nhiều người quen khác đến gặp Piotr. Chàng không sao trả lời cho kịp những câu hỏi tíu tít về Moskva và không sao nghe hết được những câu chuyện họ kể lại. Trên gương mặt họ đều lộ rõ vẻ phấn chấn và lo âu. Nhưng Piotr thấy hình như vẻ phấn chấn trên gương mặt một số người bắt nguồn từ những vấn đề quyền lợi cá nhân nhiều hơn; và chàng không thể nào không so sánh với cái vẻ phấn chấn mà chàng đã thấy trên những gương mặt khác, trong đó không biểu hiện những vấn đề cá nhân mà lại biểu hiện những vấn đề chung, vấn đề sống và chết. Kutuzov nhận ra bóng dáng Piotr trong đám đông đứng quanh chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:40:58 pm
- Bảo ông ta đến gặp tôi - Kutuzov nói. Viên sĩ quan phụ tá liền truyền đạt ý muốn của điện hạ.

Piotr đi về phía chiếc ghế dài. Nhưng chàng chưa kịp đến gần Kutuzov thì một người sĩ quan dân binh đã đến trước. Đó là Dolokhov.

- Hắn ở đây sao? - Piotr tự hỏi.

- Ô cái anh chàng trời đánh không chết ấy, ở đâu cũng lọt vào được - có người nói với Piotr - Anh ta lại bị cách chức lần nữa. Bây giờ anh ta đang cố ngoi lên. Anh ta đã trình bày nhiều dự án và đang đêm đã lẻn vào tiền tiêu của quân địch…    Quả là một tay gan dạ.
     
Piotr cất mũ kính cẩn cúi chào Kutuzov.   Dolokhov nói:

- Tôi nghĩ rằng nếu tôi trình bày với điện hạ thì cùng lắm là điện hạ đuổi tôi đi hay nói rằng điện hạ đã biết hết những điều tôi trình bày; như thế thì tôi cũng chẳng mất gì.

- Phải, phải.

- Nhưng nếu tôi nói đúng thì tôi sẽ có ích cho tổ quốc, mà tôi thì sẵn sàng hy sinh để phục vụ.

- Phải, phải.

Nếu điện hạ cần đến một người không tiếc mạng mình thì cúi xin điện hạ nhớ đến tôi… Có thể tôi sẽ có ích cho điện hạ.

- Phải, phải… - Kutuzov nhắc lại, mát giễu cợt nhìn về phía Piotr.
   
Trong lúc ấy, Boris, với cái khôn khéo của một kẻ triều thần, đã tiến lên đứng bên cạnh Piotr, trong tầm mắt của vị chỉ huy, và vẻ mặt hết sức tự nhiên, giọng thân mật, tựa hồ như đang tiếp tục một câu chuyện bỏ dở, chàng nói với Piotr.

- Dân quân đều mặc áo trắng sạch sẽ để chuẩn bị đón cái chết. Bá tước thấy không, thật là anh hùng?
     
Boris nói với Piotr điều đó dĩ nhiên là để cho điện hạ nghe.
       
Chàng biết Kutuzov để ý đến lời nói này, và quả nhiên Kutuzov quay về phía chàng hỏi:

- Anh bảo dân quân thế nào?

- Thưa điện hạ để chuẩn bị đương đầu với cái chết ngày mai, họ đã mặc áo trắng.

- Ô nhân dân thật kỳ diệu vô song - Kutuzov nói đoạn nhắm mắt lắc đầu - Thật là vô song! - Ông nhắc lại
trong một tiếng thở dài.

- Ông muốn ngửi mùi thuốc súng phải không? - Kutuzov nói với Piotr - Phải đấy, cái mùi ấy thú vị lắm. Tôi được vinh dự làm con người hâm mộ quý phu nhân, phu nhân có mạnh khoẻ không? Doanh trại chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ông - Rồi, như ta vẫn thường thấy ở những người già, Kutuzov bắt đầu đưa mắt ngơ ngác nhìn quanh tựa hồ như đã quên hết những điều ông phải nói và phải làm.
       
Đột nhiên, hẳn là sực nhớ lại điêu đang muốn  nói. Ông vẫy tay gọi Andrey Xergeyevich Kaixarov, em trai viên sĩ quan phụ tá của ông, lại gần.

- Này, anh có nhớ mấy câu thơ của Marin không? Mấy câu thơ ông ta viết về Gerakov: "Thà cứ làm thầy học trong trường lục quân"(1)… Anh đọc đi, đọc đi - Kutuzov nói, vẻ hiển nhiên là đang muốn có dịp cười.
   
Kaixarov đọc… Kutuzov mỉm cười gật đầu theo nhịp mấy câu thơ.
     
Khi Piotr rời Kutuzov, Dolokhov lại gần nắm lấy tay chàng.

- Tôi rất sung sướng được gặp bá tước ở đây -   Dolokhov cất cao giọng nói mội cách đặc biệt rắn rỏi và long trọng, và sự có mặt của những người lạ ở xung quanh hình như không làm cho chàng thấy vướng víu chút nào. - Trước cái ngày mà chỉ có Thượng đế mới biết trong chúng ta ai sẽ còn sống sót, tôi lấy làm sung sướng được dịp nói với ông rằng tôi rất ân hận về những chuyện hiểu lầm đã xảy ra giữa chúng ta và tôi rất mong muốn ông đừng để bụng giận tôi. Xin ông tha lỗi cho tôi.
   
Piotr nhìn Dolokhov mỉm cười không biết nên trả lời như thế nào. Dolokhov, nước mắt rưng rưng, ôm lấy Piotr và hôn chàng.
   
Boris nói mấy câu với chủ tướng của chàng, bá tước Benrigxen liền quay sang Piotr bàn với chàng cùng đi quan sát trận tuyến.

- Ông sẽ thấy thích thú, - Benrigxen nói.

- Vâng, rất thích thú. - Piotr đáp.

Nửa giờ sau. Kutuzov trở về Tatarinovo trong khi Benrigxen và đoàn tuỳ tùng, trong đó có Piotr, đi về phía tiền tuyến.
 
==================================================

Chú thích:

(1) S.N. Marin là một sĩ quan phụ tá của Alekxandr đệ nhất, có làm một bài thơ chế giễu G.V. Gerakov một nhà thơ tồi, đại ý nói: "Sao cứ làm thơ mãi cho độc giả chết mòn? Thà, cứ làm giáo viên trong trường lục quân"



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:41:59 pm
Phần X
Chương - 22

Từ Gorki. Benrigxen đi theo con đường cái lớn dẫn đến cái cầu, nơi mà khi đứng trên đồi viên sĩ quan đã chỉ cho Piotr biết đó ià trung tâm của trận địa, và có những đống rạ mới cắt thơm phức chạy dài dọc bên bờ. Sau khi qua cầu, họ vào làng Borodino rồi quay sang trái men qua một nơi có nhiều quân sĩ và đại bác, đến trước một ngọn đồi cao trên đấy dân quân đang đào chiến hào. Đó là cái hoả điểm biệt lập(1) chưa có tên gọi nhưng sau này sẽ được gọi là hoả điểm Raievxky hay trận địa pháo trên đồi.

Piotr không chú ý gì đặc biệt đến hoả điểm này. Chàng không biết rằng nơi này đối với chàng sẽ đáng ghi nhớ hơn tất cả những nơi khác trên chiến trường Borodino. Sau đó, họ cưỡi ngựa đi qua khe núi đến làng Xemenovxkoye, nơi binh sĩ đang vác những cái cột cuối cùng của những nếp nhà tranh và của những kho lúa đi.
     
Rồi họ lại đi về phía trước, khi thì lên dốc, khi thì xuống dốc, qua những cánh đồng lúa mạch đen bị giẫm nát trông như bị mưa đá phá hoại, rồi đến con đường mà pháo binh đã mở giữa những luống cày còn mới và cuối cùng đến những công sự hình mũi tên lúc này đang đào dở…
   
Benrigxen dừng lại ở đây và bắt đầu nhìn về phía trước, phía hoả điểm Sevardino, cứ điểm vừa mới hôm qua còn là của ta. Trên cứ điểm thấy xuất hiện mấy người. Các sĩ quan nói rằng có Napoléon hay Mura trong nhóm người ấy. Ai nấy đều háo hức nhìn về phía nhóm người cưỡi ngựa kia. Piotr cũng nhìn về phía ấy, cố đoán xem trong số mấy người cưỡi ngựa thấp thoáng ở phía xa xa kia ai là Napoléon. Cuối cùng, toán người ngựa xuống đồi và đi khuất.
   
Benrigxen nói chuyện với một viên tướng cạnh ông và bắt đầu cắt nghĩa toàn bộ trận thế của quân ta. Piotr lắng nghe Benrigxen nói, cố vận dụng hết trí thông minh của mình để hiểu những điều căn bản của trận đánh sắp tới, nhưng chàng buồn bực cảm thấy sức lĩnh hội của mình không đủ để làm việc đó. Chàng chẳng hiểu gì hết. Benrigxen dừng lại và trông thấy Piotr đang chăm chú lắng nghe, ông ta đột nhiên quay về phía chàng hỏi:

- Chắc ông không thấy có gì thú vị?

- Ô có chứ, tôi thấy rất thú vị. - Piotr đáp một cách không lấy gì làm thành thực.
   
Họ rời các công sự hình mũi tên và đi về phía trái, theo một con đường ngoằn ngoèo qua một cánh rừng bạch dương còn thấp.
   
Đang đi giữa cánh rừng, bỗng thấy một con thỏ nâu chân trắng nhảy vụt ra đường. Nghe tiếng bước chân của cả một đoàn ngựa rầm rập kéo đến, nó hoảng sợ, cuống quýt chạy một hồi lâu ở trên con đường trước mặt, làm cho mọi người chú ý và cười phá lên. Mãi về sau, khi nghe tiếng nhiều người hò hét ở sau lưng nó mới nhảy sang một bên và biến mất trong lùm cây.
Đi được khoảng hai dặm ở trong rừng, họ ra một khoảng trống, nơi có một đơn vị của quân đoàn Tutskov đang đóng với nhiệm vụ yểm hộ cánh trái.
     
Ở đây bên cánh cực hữu, Benrigxen nói rất nhiều và rất hăng, khiến Piotr có cảm tưởng ông ta đang ban bố một mệnh lệnh rất quan trọng về phương diện quân sự. Ở trước mặt đạo quân của Tutskov là một cao điểm. Cao điểm này không có quân đội chiếm giữ: Benrigxen lớn tiếng phê phán sai lầm này, nói rằng một cao điểm khống chế cả một vùng như thế mà không có quân đội chiếm lĩnh, lại sai bố trí quân đội ở dưới chân đồi thì thật là ngu xuẩn. Một vài viên tướng cũng tỏ ý đồng tình. Trong một cơn nóng nảy rất võ biền, một viên tướng nói rằng người ta bố trí họ ở đây là để đưa họ vào đất chết. Benrigxen nhân danh cá nhân mình, sai chuyển quân đội lên đóng trên cao điểm.
   
Một cách bố trí như vậy ở cánh trái lại càng khiến Piotr nghi ngờ khá năng hiểu biết về quân sự của mình. Trong khi nghe Benrigxen và các tướng phê phán việc bố trí quân ở trên đồi; Piotr hoàn toàn hiểu họ và tán thành ý kiến của họ; nhưng cũng chính vì vậy, chàng không thể nào hiểu tại sao con người đã bố trí quân đội ở chân đồi lại có thể phạm một sai lầm hiển nhiên và thô lỗ như vậy.
   
Piotr không biết rằng đạo quân này được bố trí ở đấy không phải để yểm hộ vị trí như Benrigxen tưởng, mà để mai phục trong một nơi kín đáo, nghĩa là để có thể bất ngờ đánh úp quân địch khi nó tiến đến gần. Benrigxen cũng không hiểu điều đó và cho di chuyển đạo quân về phía trước theo những ý kiến cá nhân của mình mà không báo cáo với tổng tư lệnh.

================================================

Chú thích:

(1) Một công sự hình năm góc có nhiều lỗ châu mai ở xung quanh: dùng cho pháo binh, có thể bán ra khắp vùng bao quanh.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:42:36 pm
Phần X
Chương - 23
   
Cũng trong buổi chiều ngày hai mươi lăm tháng tám quang đãng ấy, công tước Andrey, đầu tựa bên khuỷu tay, đang nằm trong một trong cái kho lúa đã bị phá huỷ của làng Knyazovo, về phía ngoài cùng của vị trí đã được chỉ định cho trung đoàn chàng. Nhìn qua lỗ thủng ở trên bức tường bị phá, chàng ngắm dãy bạch dương ba mươi tuổi đã đẵn hết những cành thấp, chạy dọc theo hàng rào, ngắm cánh đồng với những bó lúa yến mạch rải rác đây đó và những bụi rậm mà từ phía sau thấy bốc lên những làn khói bếp của binh sĩ.
     
Tuy chàng vẫn cho rằng cuộc sống của mình chật chội, ngột ngạt và chẳng ích gì cho ai, nhưng hôm nay chàng cũng thấy mình xúc động và bị kích thích mạnh như bảy năm về trước trong cái đêm rạng ngày diễn ra trận Austerlix.

Chàng đã nhận được những mệnh lệnh về trận chiến đấu ngày mai và đã truyền đạt những mệnh lệnh ấy cho đơn vị. Bây giờ chàng chẳng có việc gì phải làm. Nhưng những ý nghĩ đơn giản nhất, rõ ràng nhất, cho nên cũng là những ý nghĩ khủng khiếp nhất, vẫn không cho chàng ngồi yên. Chàng biết rằng trận đánh ngày mai nhất định sẽ là trận khốc liệt nhất trong tất cả những trận mà chàng đã tham dự, và lần đầu tiên ý nghĩ là mình có thể chết hiện ra trong trí chàng, sắc nhọn, giản đơn khủng khiếp gần như chắc chắn mười phần; nó không liên quan đến đời sống hàng ngày và ở ngoài tất cả những điều suy tính về ảnh hưởng của nó đối với người khác, nó chỉ có quan hệ đối với chàng, với linh hồn của chàng mà thôi. Và từ cao điểm của ý nghĩ này tất cả những cái gì trước đây đã bắt chàng phải bận tâm, đau khổ bỗng nhiên được rọi một thứ ánh sáng trắng bạch, lạnh lùng, không có bóng, không phân biệt gần xa, không có đường nét rõ rệt. Chàng thấy cả cuộc đời chỉ là những hình ảnh chiếu từ một ngọn ảo đăng mà trong một thời gian dài chàng đã phí công ngắm nghiá qua một tấm kính và dưới một thứ ánh sáng giả tạo Bây giờ chàng chợt thấy những cái hình tô màu một cách vụng về kia hiện ra, không qua một lớp kính nào cả, và dưới ánh sáng rực rỡ của ban ngày. "Phải, phải, đây chính là những hình ảnh giả dối đã làm ta xúc động, hân hoan và đau khổ" - Chàng tự nhủ thầm trong khi hồi tưởng lại những hình ảnh chính trong chiếc ảo đăng của đời mình mà nay chàng đang nhìn lại dưới cái ánh sáng trắng bạch lạnh lùng như ánh sáng ban ngày, do ý nghĩ sáng suốt về cái chết toả ra. "Đây rồi, đây là những hình ảnh tô màu vụng về mà trước kia ta tưởng là đẹp đẽ và huyền bí vô cùng. Vinh quang, lợi ích chung, tình yêu đối với một người đàn bà, ngay cả tổ quốc nữa, những hình ảnh đó đối với ta trước đây sao mà vĩ đại, chứa đựng một ý nghĩ sâu xa đến thế! Thế mà bây giờ tất cả những thứ đó lại hoá ra quá tầm thường, nhợt nhạt và thô lỗ dưới cái ánh sáng trắng bạch và lạnh lùng của buổi ban mai mà ta cảm thấy đang bắt đầu hửng lên.  Ba nỗi buồn khổ chính của đời chàng đặc biệt khiến chàng quan tâm: tình yêu của chàng đối với một người đàn bà, cái chết của cha chàng và cuộc xâm lăng của quân Pháp đã chiếm mất một nửa nước Nga. "Tình yêu!… người thiếu nữ kia đối với ta hình như tràn đầy những sức mạnh huyền bí. Ta đã yêu nàng biết bao! Ta đã ôm ấp những mộng tưởng thi vị về tình yêu và hạnh phúc với nàng. Ô! Tội nghiệp thằng bé!" - Chàng nói to lên một cách hằn học - "Ô! Làm sao ta lại tin được rằng trong nàng có một thứ tình yêu lý tưởng khiến nàng trung thành với ta suốt một năm xa cách! Ta tưởng đâu trong cảnh phân ly nàng sẽ khô héo như con bồ câu chung tình trong câu truyện ngụ ngôn. Nhưng tất cả đều đơn giản hơn nhiều. Tất cả đều đơn giản, xấu xa một cách khủng khiếp".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 07:43:11 pm
"Cha ta xây dựng nhà ở Lưxye Gorư và tưởng đó là chỗ của mình, đất đai của mình, không khí của mình, nông dân của mình. Thế rồi Napoléon ở đâu dẫn xác tới và, không hề biết đến sự tồn tại của cha ta, hắn đã quét cha ta đi như quét một cọng rơm ở trên đường và làm đổ sụp tất cả khu Lưxye Gorư, tất cả cuộc sống của cha ta. Thế mà công tước tiểu thư Maria lại nói rằng đó là một sự thử thách do trời đưa xuống. Thử thách để làm gì kia chứ, khi cha ta không còn nữa và sẽ không còn nữa? Không bao giờ cha ta sẽ trở lại nữa. Cha ta đã chết rồi! Và như thế thì thử thách này dành cho ai mới được chứ? Tổ quốc, Moskva thất thủ! Ngày mai ta sẽ bị giết và người giết ta không phải là người Pháp mà lại là người mình: như anh lính hôm qua đã để đạn nổ ở bên tai ta… rồi quân Pháp sẽ đến, chúng sẽ túm lấy chân ta, túm lấy đầu ta rồi vứt ta xuống hố để cho mũi chúng khỏi ngửi thấy mùi hôi thối, và sẽ hình thành những hoàn cảnh sinh hoạt mới, và đối với những người khác những hoàn cảnh này cũng sẽ trở nên quen thuộc nhưng ta thì sẽ không hay biết gì vì ta sẽ không còn nữa".

Chàng đưa mắt nhìn rặng cây bạch dương với những cành lá im lìm, những khóm lá chỗ vàng, chỗ xanh và lớp vỏ cây trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời. "Chết, có thể ngày mai ta sẽ bị giết, ta sẽ không tồn tại nữa… tất cả những cảnh vật kia vẫn tồn tại nhưng sẽ không tồn tại nữa". Chàng hình dung rõ rệt sự vắng mặt của mình trong cuộc sống này. Và những cây bạch dương với những chỗ sáng và chỗ tối, những đám mây xôm xốp, và những làn khói lửa trại kia, chàng thấy mọi vật bỗng biến dạng đi, dâm ra dễ sợ và đầy vẻ doạ nạt. Chàng thấy lạnh cá xương sống. Chàng vụt đứng dậy, bước ra khỏi kho lúa và bắt đầu đi đi lại lại.
     
Đằng sau kho lúa có tiếng người nói lao xao.

- Ai đấy? - công tước Andrey hỏi Timokhin viên đại uý mũi đỏ nguyên chỉ huy đại đội của   Dolokhov, bây giờ được đề bạt làm tiểu đoàn trưởng vì thiếu sĩ quan, rón rén bước vào kho lúa. Một sĩ quan phụ tá. Và viên thủ quỹ của trung đoàn theo sau:
     
Andrey vội vàng đứng dậy nghe các sĩ quan này báo cáo, đoạn truyền đạt cho họ một vài mệnh lệnh và đang định cho họ lui ra thì bỗng sau kho lúa có tiếng ai nói nghe quen quen.

- Quỷ thật! - Một người nào đó càu nhàu vì vấp phải một vật gì không rõ.
     
Công tước Andrey đưa mắt nhìn ra ngoài kho và nhận ra Piotr đang đi về phía chàng. Anh ta vừa mới vấp phải một cái sào nằm dưới đất suýt ngã. Nói chung công tước Andrey không muốn gặp mặt người cùng giới của mình nhất là anh chàng Piotr này, vì anh ta khiến chàng nhớ đến những giây phút nặng nề mà chàng đã sống trong thời gian gần đây ở Moskva:

- Cậu đấy à! Ngọn gió nào đưa cậu đến đây? Tôi không ngờ đây…
   
Trong khi nói câu này, trong đôi mắt và trên khắp gương mặt của chàng có một vẻ lạnh lùng rõ rệt, thậm chí gần giống như một ác cảm, và Piotr cũng thấy ngay điều đó. Piotr đã đến gần kho lúa, lòng hết sức phấn khởi, nhưng khi nhìn vẻ mặt công tước Andrey, chàng cảm thấy mình lúng túng và ngượng nghịu:

- Tôi đến đây… anh ạ… tôi đến đây, tôi rất thích - Piotr nói, ngày hôm nay chàng đã lặp đi lặp lại cái chữ "rất thích" này một cách vô nghĩa - Tôi muốn xem trận đánh.

- Phải, phải, thế các bạn Tam điểm nói về chiến tranh như thế nào nhỉ. Làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh? - Công tước Adrey nói, giọng chế giễu - Còn Moskva nay ra sao rồi? Gia đình tôi đã đến Moskva chưa? - Chàng nghiêm giọng hỏi.
     
- Đến rồi, Juyly Drubeskaya đã cho tôi biết. Tôi có đến thăm nhưng không gặp. Gia đình anh đã đến điền trang ngoại thành Moskva.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:05:36 pm
Phần X
Chương - 24
     
Các sĩ quan muốn cáo từ; nhưng công tước Andrey hình như không muốn ngồi một mình với bạn nên bảo họ ngồi lại uống trà.

Người ta mang ghế dài lại và dọn trà ra. Các sĩ quan không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái thân hình to béo đồ sộ của Piotr và nghe chàng kể chuyện về Moskva, về cách bố trí của quân đội ta mà chàng vừa có dịp đi thăm, công tước Andrey im lặng, vẻ mặt chàng khó chịu đến nỗi Piotr thường hay quay lại nói chuyện với Timokhin, viên tiểu đoàn trưởng hiền lành, nhiều hơn là nói với Bolxkonxki.

- Thế là cậu hiểu hết cách bố trí quân đội rồi phải không?
   
Công tước Andrey ngắt lời chàng.

- Phải, nhưng nói như vậy có nghĩa là thế nào? - Piotr nói - Vì không phải là một quân nhân, tôi không thể nói hiểu hoàn toàn nhưng dù sao tôi cũng đã hiểu được cách bố trí tổng quát.

- Thế thì cậu am hiểu hơn bất cứ ai rồi đấy! - công tước Andrey nói.

- Ô - Piotr nói, mắt ngơ ngác nhìn công tước Andrey qua cặp kính - Anh ạ, anh thấy việc bổ nhiệm Kutuzov thế nào?

- Tôi rất vui mừng về việc bổ nhiệm ấy, tôi chỉ có thể nói thế mà thôi - Công tước Andrey đáp.

- Anh ạ, anh cho biết ý kiến về Barclay de Tolly đi. Ở Moskva người ta bàn tán nhiều về ông ấy lắm đấy. Ý kiến của anh về ông ấy như thế nào?

- Anh cứ hỏi các ông này - Công tước Andrey chỉ các sĩ quan.
     
Piotr mỉm một nụ cười hạ cố và tò mò nhìn Timokhin, như mọi người vẫn tự nhiên làm như vậy khi nói với ông ta.

- Thưa ngài, từ khi Điện hạ Tối quang minh nhận chức, mọi việc đều trở nên minh bạch - Timokhin nói, giọng rụt rè và luôn luôn đưa mắt nhìn viên trung đoàn trưởng của mình.

- Tại sao? - Piotr hỏi.

- Chẳng hạn về củi đốt và cỏ cho ngựa ăn, khi rút khỏi Xventxian thì chúng tôi không được phép đụng đến một dúm củi khô, ngay đến một ngọn cỏ cũng thế. Nhưng khi quân ta rút đi rồi thì nó lại lấy hết, có phải không thưa ngài? - Ông ta quay về phía công tước của mình - Trong trung đoàn ta đã có hai sĩ quan bị đưa ra toà vì những việc như thế. Nhưng khi Điện hạ nhận chức thì việc này đã thành đơn giản. Mọi việc đều minh bạch.

- Thế tại sao ông ta (tức Barclay de Tolly) lại cấm?
   
Timokhin lúng túng đưa mắt nhìn quanh không biết trả lời như thế nào. Piotr quay về phía công tước Andrey hỏi lại câu ấy.

- Đó là để tránh tàn phá những vùng mà chúng ta sắp để lại cho quân địch! - Công tước Andrey nói, giọng nói mỉa mai chua chát - Điều đó rất có căn cứ: không thể nào để cho quân đội phá phách làng xóm và tập quen cái nghề cướp bóc. Ở Smolensk, ông ta đã nhận định đúng rằng quân Pháp có thể bao vây chúng ta và có nhiều lực lượng hơn ta. Nhưng ông ta không hiểu điều này - Công tước Andrey đột nhiên nói to lên giọng lanh lảnh - Ông ta không thể hiểu rằng đây là lần đầu tiên quân ta chiến đấu trên đất Nga, - rằng quân đội ta có một tinh thần mà tôi chưa bao giờ thấy, rằng chúng ta trong hai ngày liền đã đánh lui những đợt tấn công của quân Pháp, và thắng lợi này đã làm cho sức mạnh của quân ta tăng lên gấp mười ấy thế mà ông ta ra lệnh rút lui, và tất cả những cố găng và những tổn thất của chúng ta đều trở thành vô ích. Ông ta không có ý phản bội đâu, ông ta cố hết sức làm cho mọi việc thật tốt đẹp, việc gì ông ta cũng cân nhắc cẩn thận, nhưng chính vì vậy mà ông ta không làm được gì. Bây giờ ông ta không làm được gì chính là vì việc gì ông ta cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ, cũng như tất cả người Đức nào… Tôi biết nói thế nào cho cậu hiểu… Đây này, giả thử ông cụ nhà cậu có một người đầy tớ người Đức, thì hẳn là một người đầy tớ rất tốt và sẽ làm thoả mãn những ý muốn của ông cụ hơn cậu, cậu cứ để cho hắn hầu hạ. Nhưng nếu ông cụ của cậu ốm gần chết thì cậu sẽ đuổi người đầy tớ ấy đi và với hai bàn tay vụng về lúng túng của cậu, cậu sẽ săn sóc ông cụ và làm cho ông cụ an tâm hơn một người lạ dù có khéo léo đến đâu đi nữa. Barclay thì cũng thế? Khi nước Nga còn khoẻ mạnh thì một người ngoại quốc có thể phục vụ và làm một bộ trưởng giỏi, nhưng hễ nó lâm nguy thì cần phải có một người trong nhà, một - người của mình. Trong câu lạc bộ của cậu. Họ cho ông ta là một tên phản bội? Kết quả duy nhất là một ngày kia họ sẽ xấu hổ về lời phỉ báng sai lầm và họ sẽ bỗng dưng quay ra tôn ông ta lên làm anh hùng hay thiên tài gì đấy, và như thế lại càng bất công. Ông ta là một người Đức chính trực và rất cẩn thận.

- Nhưng nghe nói ông ta là một tướng tài kia mà.

- Tôi không hiểu tướng tài nghĩa là gì - công tước Andrey nói, giọng mỉa mai.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:07:22 pm
- Một vị tướng tài - Piotr nói - là một vị tướng đoán trước được tất cả những trường hợp có thể xảy ra…
Ờ, đoán được những ý định của đối phương..

- Nhưng cái đó không thể có được. - công tước Andrey nói, như thể điều đó là một vấn đề đã giải quyết từ lâu.

Piotr kinh ngạc nhìn chàng, nói:

- Thế mà người ta bảo chiến tranh cũng giống như đánh cờ.

- Phải - công tước Andrey nói - nhưng có khác ở một điểm nhỏ là trong ván cờ, cậu có thể nghĩ một nước đi bao nhiêu lâu cũng được ở đấy cậu không bị thời gian hạn chế. Vả lại còn một điểm này nữa là con mã bao giờ cũng mạnh hơn con tốt và hai con tốt bao giờ cũng mạnh hơn một con, nhưng trong chiến tranh thì một, tiểu đoàn đôi khi mạnh hơn một sư đoàn mà đôi khi lại yếu hơn một đại đội. Không ai có thể biết rõ tương quan lực lượng giữa hai quân đội. Cậu hãy tin tôi - chàng nói - nếu nhân tố quyết định là những kế hoạch của bộ tham mưu thì tôi đã ở đấy để vạch kế hoạch rồi, trái lại tôi được vinh dự phục vụ ở đây, trong trung đoàn, bên cạnh các ông này, và tôi nghĩ rằng trận chiến đấu ngày mai thật ra lệ thuộc vào chúng tôi chứ không phải vào các vị ở bộ tham mưu… Thắng bại xưa nay chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lệ thuộc vào trận địa, vào vũ khí hay ngay cả vào quân số cũng thế, còn như trận địa thì lại càng có ít tác dụng hơn nữa.

- Thế nó lệ thuộc vào cái gì?

- Vào cái tinh thần ở trong tôi, ở trong ông này - chàng chỉ Timokhin - Ở mỗi người lính.

Công tước Andrey đưa mắt nhìn Timokhin, Timokhin nhìn viên chỉ huy của mình có vẻ sợ hãi và ngạc nhiên. Lúc đầu công tước Andrey dè dặt và trầm lặng thì bây giờ chàng tỏ ra bồng bột sôi nổi. Hẳn là chàng không thể nào tự kiềm chế không bộc lộ những ý nghĩ chợt nảy ra trong trí óc.

- Ai tin chắc rằng mình thắng thì người ấy sẽ thắng. Tại sao ở Austerlix chúng ta lại bại trận? Tổn thất của quân ta cũng không hơn quân Pháp, nhưng chúng ta đã tự nhủ từ trước rằng chúng ta sẽ bại trận, và do đó chúng đã bại trận. Và sở dĩ tự như vậy là vì chúng ta không biết mình chiến đấu để làm gì, chúng ta chỉ muốn rút khỏi chiến trường càng sớm càng hay. "Bại trận rồi à? - Thế thì chạy thôi". Thế là chúng ta bỏ chạy. Giả thử trước khi trời tối chúng ta không nói như vậy thì chưa biết tình hình sẽ ra sao. Còn ngày mai thì chúng ta sẽ không nói như vày. Cậu bảo trận địa ta ở bên cánh trái yếu ở bên cánh phải kéo dài - chàng nói tiếp - Tất cả những điều đó đều nhảm nhí hết. Tuyệt nhiên không phải như thế. Ngày mai sẽ có những gì? Sẽ có một trăm triệu biến cố khác nhau quyết định trong chớp mắt cho quân ta hay quân Pháp bỏ chạy, người này hay người kia bị giết. Tất cả những việc hiện nay đang làm chỉ là những trò chơi mà thôi. Thật ra, những kẻ mà cậu đi theo để quan sát trận địa không những không giúp đỡ gì vào sự diễn biến của chiến sự mà chỉ cản trở nó. Họ chỉ nghĩ đến những quyền lợi nhỏ nhặt của họ.

- Trong giờ phút này mà họ lại như thế ư? - Piotr nói, có vẻ bực mình.

- Phải, trong giờ phút này - công tước Andrey lặp lại. - Đối với họ giờ phút này chỉ là giờ phút họ có thể làm hại người kình địch và kiếm chác thêm một huân chương chữ thập hay một dây thao nữa mà thôi. Đối với tôi tình hình ngày mai là như sau: mười vạn quân Nga và mười vạn quân Pháp sẽ đánh nhau, và trong số hai mươi vạn quân này thì đạo quân nào chiến đấu ác liệt nhất và không sợ hy sinh nhất, đạo quân ấy sẽ thắng. Và nếu cậu muốn, tôi xin nói với cậu rằng, dù ở trên ấy họ có làm rối công việc đến thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ thắng trong trận ngày mai. Ngày mai dù có thế nào ta cũng sẽ thắng trận!

- Thưa ngài quả đúng như vậy, hoàn toàn đúng như vậy - Timokhin nói - bây giờ mà còn sợ chết hay sao!
Ngài có biết không, binh sĩ trong tiểu đoàn tôi không chịu uống rượu vodka; họ nói bây giờ không phải là lúc chè chén.

Mọi người im lặng một lát. Các sĩ quan đứng dậy. Công tước Andrey theo họ ra khỏi kho lúa, truyền đạt những lệnh cuối cùng cho viên sĩ quan tuỳ tùng. Khi các sĩ quan đã ra ngoài, Piotr đến cạnh công tước Andrey và đang định nói tiếp câu chuyện thì từ trên con đường cái cách kho lúa không xa bông có tiếng vó ngựa: hình như có ba người cưỡi ngựa đi qua gần đây. Nhìn về phía ấy, công tước Andrey nhận ra Boltxoghen và Kiaozevich với một người cô-dắc theo sau. Khi đi ngang chỗ hai người, họ vẫn tiếp tục nói chuyện, nên Piotr và Andrey vô tình nghe được những câu sau đây:

- Thế nào cũng phải mớ rộng chiến tranh trong không gian. Tôi thấy đó là một quan điểm vô giá - một người nói.

- Phải rồi! - một người khác nói - Mục đích là làm sao cho quân địch suy nhược, cho nên ta không được chú ý đến những tổn thất về người.

- Phải rồi! - giọng người thứ nhất xác nhận.

Hừ, trong không gian! - Công tước Andrey vừa nhắc lại vừa khịt mũi một cách bực tức khi họ đã đi qua. - Trong không gian, tôi còn có cha tôi, con trai tôi và em gái tôi ở Lưxye Gorư. Đối với ông ta thì người đó chẳng có gì quan trọng. Đấy như tôi đã nói với cậu: các vị người Đức kia ngày mai không thắng trận đâu, họ chỉ ra sức làm cho mọi việc hỏng be hỏng bét, bởi vì cái đầu óc người Đức của họ chỉ có những lý luận không đáng một xu, trong lòng họ không có cái điều cần thiết cho ngày mai, tức là điều vốn có trong lòng Timokhin. Họ đã nộp tất cả châu Âu cho hắn, ấy thế mà họ còn đến đây lên mặt dạy chúng ta. Thầy với bà! - Giọng nói của chàng lại thét lên.

- Thế anh cho rằng ta sẽ thắng trong trận chiến đấu ngày mai phải không?

- Phải, phải - công tước Andrey nói một cách lơ đãng - Nhưng có một điều là tôi sẽ làm nếu tôi có quyền,
- chàng lại nói tiếp - là tôi sẽ không bắt tù binh đâu. Bắt tù binh là cái gì? Tinh thần mã thượng đấy mà!
Quân Pháp đã tàn phá nhà cửa của tôi và sẽ tàn phá Moskva, đã làm nhục và đang làm nhục tôi từng giây từng phút. Chúng là kẻ thù của tôi, theo quan niệm của tôi chúng đều là những bọn tội phạm, và Timokhin cũng như toàn thể quân đội đều nghĩ như vậy. Chém cổ chúng đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:08:25 pm
Một khi chúng đã là kẻ thù của tôi thì chúng không thể nào là bạn được; dù ở Tilzit chúng có tán tỉnh gì đi nữa.

- Đúng, đúng! - Piotr nói, đôi mắt sáng ngời nhìn công tước Andrey - Tôi hoàn toàn tán thành, hoàn toàn tán thành ý kiến của anh.

Cái vấn đề từ khi xuống núi Mozaisk và suốt ngày hôm ấy cứ làm Piotr bắn khoãn lo lắng, bây giờ đã hiện ra hết sức rõ ràng và đã được giải quyết triệt để. Chàng đã hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này cũng như trận đánh trước mắt. Tất cả những cảnh chàng được chứng kiến hôm ấy, tất cả những gương mặt trang trọng uy nghiêm kia mà chàng mới nhìn thoáng qua, đối với chàng đều hiện lên dưới một hào quang mới. Chàng hiểu được cái nhiệt khí tiềm tàng (Latente) như người ta nói trong vật lý học, cái nhiệt khí tiềm tàng của tinh thần yêu nước hiện lên trên gương mặt tất cả những người mà chàng gặp, và điều đó làm cho chàng hiểu tại sao tất cả những người này lại đón chờ cái chết một cách thản nhiên và tựa hồ khinh suất như vậy.

- Không bắt tù binh - công tước Andrey nói tiếp - có thế thì mới thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh và làm cho nó bớt tàn khốc. Ấy thế mà chúng ta lại còn làm như trẻ con chơi trò chiến tranh, chúng ta làm ra bộ đại lượng, nhân từ, v.v, cái lối làm ra vẻ đại lượng và nhân từ này cũng giống như cái đại lượng và lòng nhân từ của một bà chủ nhà đa cảm thấy khó ở khi xem làm thịt một con bê. Bà ta nhân từ đến nỗi không muốn nhìn thấy máu, nhưng bà ta sẽ ăn thịt bê với nước xốt một cách ngon lành. Người ta nói đến những luật lệ chiến tranh, đến tinh thần mã thượng, đến việc tôn trọng sứ giả, đến lòng thương xót những kẻ bất hạnh v.v… Toàn là những chuyện vớ vẩn. Tôi đã thấy quá rõ cái tinh thần mã thượng, cái trò tôn trọng sứ giả năm 1805. Họ đã lừa chúng ta, chúng ta đã lừa họ. Họ cướp phá nhà cừa của người khác, phát hành ngân phiếu giả và tệ hại nhất, họ giết con cái tôi, cha mẹ tôi, thế mà miệng vẫn nói nào là luật lệ chiến tranh, nào là lòng nhân từ đối với quân địch. Không bắt tù binh, cứ giết phăng chúng đi và tiến lên đón lấy cái chết. Người nào đã đi đến những kết luận như tôi, sau khi đã trải qua những nỗi đau khổ như tôi…

Công tước Andrey nghĩ rằng dù chúng có chiếm Moskva như đã chiếm Smolensk hay không, chàng cũng không cần, bỗng chàng thấy nghẹn ngào trong cổ phải dừng lại giữa câu… Chàng bước vài bước, lặng thinh không nói, nhưng mắt sáng hẳn lên như trong cơn sốt và môi chàng run run khi chàng lại nói tiếp:

- Nếu không có cái thứ đại lượng giả dối kia ở trong chiến tranh thì chúng ta chỉ tiến vào cõi chết khi nào thật cần thiết như lúc này chẳng hạn. Như vậy sẽ không có chiến tranh vì cớ Pavel Ivanyts đã xích mích với Mikhail Ivanyts. Và nếu có chiến tranh thì sẽ có một cuộc chiến tranh như bây giờ, một cuộc chiến tranh thực sự. Và lúc ấy lực lượng của quân đội sẽ không lớn như bây giờ. Lúc ấy thì tất cả những bọn Vextfali và Hess mà Napoléon chỉ huy sẽ không đi theo hắn vào nước Nga và chúng ta sẽ không phải đánh nhau như ở Áo và Phổ trong khi chính chúng ta cũng không biết để làm gì. Chiến tranh không phải là một cái gì lịch sự phong nhã, nó là cái việc bỉ ổi nhất trên thế gian, cần phải hiểu điều đó, chứ đừng như trẻ con chơi trò chiến tranh. Cần phải thừa nhận nghiêm túc và dứt khoát sự tất yếu đáng sợ này. Tất cả vấn đề là ở chỗ phải gạt bỏ mọi sự dối trá: chiến tranh là chiến tranh chứ không phải là trò chơi của con trẻ. Bằng không thì chiến tranh sẽ là trò tiêu khiển của những người nhàn rỗi và khinh bạc… Tầng lớp quân nhân là tầng lớp vinh dự nhất. Thế nhưng chiến tranh là thế nào? Muốn thành đạt trong nghề gươm súng thì phải làm gì, lối sống của tầng lớp quân nhân ra sao? Mục đích của chiến tranh là giết người; những thủ đoạn của chiến tranh là: gián điệp, phản bội và khuyến khích sự phản bội, làm nhân dân phá sản, cướp bóc và giành giật của cải của họ để nuôi quân: lừu đáo và dối trá thì được gọi là mưu trí quân sự; lối sống của tầng lớp quân nhân là mất lự do, tức là bị kỷ luật, gò bó: sống nhàn dật, ngu dốt, tàn ác, dâm đãng, rượu chè bê tha. Và tuy thế, tầng lớp quân nhân vẫn là tầng lớp cao nhất, được mọi người kính trọng. Tất cả các hoàng đế, trừ hoàng đế Trung Quốc, đều mặc quân phục: người ta lại ban phần thưởng lớn nhất cho kẻ nào giết được nhiều người nhất… Ngày mai đây hàng vạn người sẽ gặp nhau để đánh nhau, tàn sát nhau, làm cho nhau què quặt, rồi sau đó người ta sẽ tổ chức nhưng buổi lễ tạ ơn Chúa vì đã giết được nhiều người (con số này người ta còn phóng đại lên) và người ta tuyên bố thắng trận, cho rằng càng có nhiều người bị giết thì công lao càng lớn. Thượng đế ở trên trời làm sao nhìn nổi những việc như vậy và nghe nổi những lời tạ ơn ấy - công tước Andrey nói to, giọng the thé - Trời ơi, trong thời gian gần đây tôi thấy khó sống quá cậu ạ. Tôi thấy mình bắt đầu hiểu được quá nhiều, mà con người thì lại không nên nếm quả cây tri thức để biết thế nào là thiện, ác… Vả chăng cũng chẳng còn bao lâu nữa! - Chàng nói thêm - nhưng cậu ngủ gật đấy à? Mà tôi cũng phải đi ngủ mới được. Cậu về Gorki đi! - công tước Andrey đột nhiên nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:08:57 pm
- Ô không đâu, - Piotr đáp, đôi mắt sợ hãi và đồng cảm nhìn công tước Andrey.

- Cậu về đi cậu về đi. Trước khi ra trận, cần phải ngủ một giấc cho đẫy - công tước Andrey nhắc lại - Chàng bước nhanh đến ôm lấy Piotr và hôn bạn. - Xin từ biệt - Chàng nói như quát lên - không biết chúng ta có thể gặp nhau nữa hay không, rồi chàng vội vã quay lại bước vào kho lúa.
     
Lúc bấy giờ trời đã tối, nên Piotr không thể nhìn thấy vẻ mặt công tước Andrey dịu dàng hay khó chịu.
Piotr đứng yên một lát, tần ngần không biết có nên đi theo công tước Andrey hay trở về nhà.   "Không, anh ấy không cần đến mình - Piotr tự nhủ - mình biết rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng". Chàng buông một tiếng thở dài nặng trĩu rồi quay trở lại Gorki.

Công tước Andrey trở về kho lúa, ngả mình trên tấm thảm nhưng không sao ngủ được.
   
Chàng nhắm mắt lại. Bao nhiêu hình ảnh dồn dập kế tiếp nhau kéo đến. Một trong những hình ảnh ấy được chàng sung sướng cầm giữ lại một hồi lâu, chàng thấy lại rõ nét một buổi tối ở Petersburg.

Hôm ấy Natasa, gương mặt say sưa và xúc động, kể cho chàng nghe rằng mùa hè năm trước, trong khi đi tìm nấm, nàng lạc vào một khu rừng rậm. Nàng miêu tả một cách rời rạc cánh rừng sâu tĩnh mịch và những cảm xúc của nàng, những câu chuyện trò của nàng với một người nuôi ong mà nàng gặp, và cứ phút phút trong khi kể chuyện nàng lại ngắt lời và nói: "Không, em không nói được, em kể hỏng mất rồi; anh không hiểu được". Nhưng công tước Andrey vẫn cố an ủi nàng, nói rằng chàng hiểu, và quả thực lúc bấy giờ chàng đã hiểu tất cả những điều nàng muốn nói. Natasa hài lòng với những lời lẽ mình dùng, nàng cảm thấy không thể nào biểu đạt được cái cảm giác thi vị say sưa của nàng hôm ấy, những cảm giác mà nàng muốn nói ra cho hết. "Ông già ấy thật là đáng mến, rừng thì tối… ông ta có những cái… không, em không biết kể đâu" - nàng nói, mặt đỏ bừng và bối rối. Bây giờ công tước Andrey mỉm cười, cũng cái nụ cười hớn hở của chàng lúc ấy, khi nhìn vào mắt nàng. "Ta đã hiểu nàng - công tước Andrey nghĩ thầm - Không những ta hiểu mà ta còn yêu cái tâm hồn say sưa, chân thành cởi mở, cái tâm hồn dường như bị thân thế trói buộc, chính cái tâm hồn ấy làm cho ta yêu nàng… Một tình yêu sao mà đắm đuối, mãnh liệt, tràn đầy hạnh phúc như vậy".
     
Rồi đột nhiên chàng sực nhớ đến đọạn kết thúc buồn bã của cuộc tình duyên của mình. "Hắn có làm gì cái đó. Hắn không nhìn thấy gì và không hiểu gì hết. Hắn chỉ nhìn thấy ở nàng một con bé xinh xẻo và tươi tắn, và hắn cũng chẳng thèm nghĩ đến chuyện gắn bó số phận của hắn với số phận của nàng nữa. Thế còn ta? Ấy thế mà đến nay hắn vẫn còn sống và vẫn vui vẻ". Công tước Andrey, như bị ai châm lửa vào người đứng phắt dậy và lại bắt đầu đi đi lại lại trước kho lúa.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:10:13 pm
Phần X
Chương - 25

Ngày hai mươi lăm tháng Tám, trước trận Borodino một hôm, người quản lĩnh hoàng cung của hoàng đế Pháp là ông De Boxe và đại tá Favie, người thứ nhất từ Paris đến hành dinh của Napoléon và Valuyevo, người thứ hai ở Madris đến. Mặc triều phục xong, ông De Boxe sai người mang đi trước một cái hòm mà ông được lệnh mang đến cho hoàng đế và bước vào gian phòng thứ nhất trong doanh tướng của Napoléon. Ông đứng đấy nói chuyện với những viên sĩ quan phụ tá đang đứng xung quanh ông, và loay hoay mở cái hòm.
     
Favie dừng lại ở trước lối vào trường, nói chuyện với những viên tướng quen thuộc.

Hoàng đế Napoléon vẫn chưa ra khỏi phòng ngủ, ông ta tắm rửa đã sắp xong. Ông ta thở phì phì và ho khe khẽ, khi thì giơ cái lưng mập mạp, khi thì ưỡn cái ngực đẫy đà và lông lá ra cho người hầu phòng lấy bàn chải chà xát. Một người hầu phòng khác lấy ngón tay bịt miệng lọ rảy nước hoa lên cái thân hình chau chuốt của hoàng đế, vẻ mặt như muốn nói rằng chỉ một mình y mới biết nên rảy nước hoa ở đâu và rảy chừng nào. Mớ tóc ngắn của Napoléon ướt đẫm và dính bết lên trán. Nhưng bộ mặt của ông, tuy béo phị và vàng bủng, vẫn biểu lộ sự thoả mãn về thể xác: "Cứ xát mạnh vào, cứ xát nữa đi!". Ông thu người lại vừa giơ lưng ra vừa nói với người hầu phòng đang kỳ cọ. Một viên sĩ quan phụ tá bước vào phòng ngủ để báo cáo với hoàng đế về số lượng tù binh đã bắt được trong trận chiến đấu hôm qua; sau khi đã làm xong nhiệm vụ, y vẫn đứng ở cửa để đợi lệnh đi ra: Napoléon vẫn không ngẩng đầu lên, cau mày, gườm viên sĩ quan phụ tá.

- Không bắt tù binh - Ông lặp lại lời nói của viên sĩ quan phụ tá - Chúng cố tình nộp mạng. Như thế quân đội Nga lại càng chết - Ông nói - Cứ xát, xát mạnh vào!

Ông vừa nói vừa cong lưng lại và giơ đôi vai béo mập ra:

- Được, bảo ông De Boxe vào đây và cả ông Favie nữa! - Ông ta gật đầu nói với viên sĩ quan phụ tá.

- Xin tuân lệnh! - nói đoạn viên sĩ quan phụ tá đi khuất ra sau cửa phòng.
     
Hai người hầu phòng vội vàng mặc áo cho hoàng thượng, và sau khi mặc bộ quân phục cận vệ màu lam, ông bước những bước nhanh nhẹn, rắn rỏi ra phòng khách.
   
Trong khi đó Boxe đang loay hoay lo xếp đặt tặng phẩm của hoàng hậu trên hai chiếc ghế để ngay trước chỗ hoàng đế đi vào. Nhưng hoàng đế mặc áo quá nhanh và bước ra một cách đột ngột nên ông chưa kịp chuẩn bị xong món quà bất ngờ.
     
Napoléon nhận thấy ngay họ đang làm gì và đoán biết họ sửa soạn chưa xong. Ông không muốn làm cho họ cụt hứng. Ông giả vờ không nhìn thấy Boxe và gọi Favie lại. Napoléon cau mày nghiêm nghị, im lặng lắng nghe Favie báo cáo về tinh thần anh dũng hy sinh của quân đội mình đang chiến đấu ở Xalamanca, ở đầu bên kia của châu Âu, với một ý nghĩ duy nhất là làm sao cho xứng đáng với vị hoàng đế của họ, cũng như chỉ có một mối lo sợ duy nhất là sợ người không hài lòng. Kết quả của trận chiến đấu không được may mắn(1). Trong khi nghe Favie báo cáo, Napoléon đưa ra những lời nhận xét châm biếm tựa hồ như muốn nói rằng khi ông vắng mặt thì sự việc không thể khác thế được.

- Ta sẽ cứu vãn tình trạng này ở Moskva - Napoléon nói - thôi chào ông! - Ông nói thêm, đoạn gọi De Boxe lại.
   
Lúc này De Boxe đã chuẩn bị xong món quà bất ngờ: và sau khi đã đặt lên ghế một vật gì không rõ, ông phủ một tấm màn lên trên. De Boxe khom lưng cúi chào theo kiểu triều thần nước Pháp mà chỉ có bọn tôi tớ thâm niên của dòng họ Bourbon mới có thể làm được, đoạn đến gần đưa ra một phong bì.
     
Napoléon vui vẻ quay về phía De Boxe và véo tai ông ta một cái.

- Ông đã gấp gáp đến đây, ta rất hài lòng. Thế nào, Paris nói gì? - Napoléon nói, vẻ mặt nghiêm khắc hồi nãy bỗng nhiên nhường chỗ cho một vẻ hết sức dịu dàng.

- Tâu bệ hạ tất cả Paris đều mong nhớ bệ hạ! -   De Boxe trả lời một cách đúng khuôn phép.
Nhưng mặc dầu Napoléon biết rằng De Boxe tất phải nói câu đó hay một câu gì tương tự, mặc dầu trong những lúc tinh thần minh mẫn ông biết rằng đó không phải là sự thật, nhưng ông vẫn thích nghe De Boxe nói câu ấy. Ông lại ban cho De Boxe một cái véo tai.

- Tôi rất tiếc đã bắt ông phải đi một đoạn đường dài như vậy!

- Tâu bệ hạ trên đường đi tôi đã tin rằng ít nhất cũng được gặp bệ hạ ở trước cửa thành Moskva! - De Boxe nói.
     
Napoléon mỉm cười, lơ đãng ngẩng đầu lên nhìn sang bên phải. Một sĩ quan phụ tá cầm một hộp thuốc lấ bàng vàng lướt đến đưa cho ông ta. Napoléon cầm lấy cái hộp thuốc lá mở nắp đưa lên sát mũi và nói:

- Ông gặp may đấy, ông thích đi du lịch thì trong ba ngày nữa ông sẽ thấy Moskva. Chắc ông không ngờ sẽ được thăm chốn kinh đô Á châu ấy. Ông sẽ đi một chuyến viễn du thú vị.
De Boxe cúi mình xuống cảm tạ hoàng đế đã chú ý đến cái sở thích du lịch của mình (mãi đến nay ông ta mới biết mình có cái sở thích ấy).


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:11:26 pm
- A! Cái gì đây? - Napoléon nói khi nhận thấy tất cả các triều thần đều nhìn chăm chú vào một vật gì phủ dưới một lớp vải mỏng.
   
De Boxe, với những động tác khéo léo của một triều thần quay nửa vòng bước lui hai bước mà vẫn không xoay lưng lại, đồng thời cất miếng vải mỏng nói:

- Quà của hoàng hậu gửi tặng hoàng đế.

Đây là chân dung của đứa con trai của Napoléon và của công chúa nước Áo, mà không hiểu tại sao mọi người đều gọi là quốc vương La Mã, bức tranh do Zera vẽ, màu sắc rất sặc sỡ.

- Cậu bé xinh xắn, tóc quăn này, với cái nhìn giống như cái nhìn của Jesus trong bức tranh Đức Bà Xicxtin (2) đang chơi biboke(3). Quả cầu biểu trưng trái đất, và cái gậy nhỏ cậu bé cầm ở tay bên kia biểu trưng cây quyền trượng.

Mặc dầu người ta không hiểu thật rõ nhà hội hoạ muốn thể hiện cái gì đây khi ông ta vẽ cậu bé gọi là quốc vương La Mã cầm một cái gậy thọc qua quả địa cầu, nhưng đối với Napoléon cũng như đối với tất cả những người đã xem bức tranh này ở Paris thì lối biểu trưng này lại rất rễ hiểu và thú vị.
       
Quốc vương La Mã - Napoléon nói, tay làm một cử chỉ đẹp mắt trỏ vào bức tranh. - Đẹp quá!
Với cái khả năng đặc biệt của người Ý là có thể thay đổi vẻ mặt theo ý muốn, Napoléon đến trước bức tranh, làm ra vẻ trầm ngâm và cảm động. Ông ta cảm thấy những điều ông ta đang nói và làm trong lúc này là những sự kiện lịch sử! Ông cám thấy rằng việc thích hợp nhất hiện nay ông ta có thể làm là phải biểu lộ một tình cảm yêu thương hết sức giản dị của một người cha để làm nổi bật sự vĩ đại của mình đã cho phép đứa con trai lấy quả địa cầu làm đồ chơi… Mắt ông mờ dịu đi, ông tiến lên một bước, liếc nhìn một chiếc ghế (người ta lập tức đẩy chiếc ghế đến) rồi ông ngồi xuống trước bức chân dung. Đoạn ông khoát tay một cái, và mọi người rón rén lui ra để cho bậc vĩ nhân ngồi một mình với những cảm nghĩ riêng tư của mình.

Sau khi đã ngồi một lát và lấy tay sờ lên những chỗ sơn nổi xù xì trên bức tranh (bản thân ông cũng không biết sờ như thế để làm gì), ông đứng dậy rồi gọi De Boxe và viên sĩ quan trực nhật vào.

Ông ra lệnh đưa bức tranh ra đặt trước trướng để cho đội cận vệ lão thành lúc bấy giờ đang đứng cạnh đấy, được hưởng cái diễm phúc nhìn thấy quốc vương La Mã, con trai và người thừa kế của hoàng đế mà họ tôn sùng.

- Hoàng đế vạn tuế! Quốc vương La Mã vạn tuế! Hoàng đế vạn tuế! - Những tiếng reo hò say sưa vang lên.

Sau bữa ăn sáng, trước mặt De Boxe, Napoléon ứng khẩu đọc cho thư ký viết bản nhật lệnh gửi quân đội.

- Ngắn gọn mà cương quyết - Napoléon nói khi đọc lại bản nhật lệnh đã viết một hơi không sửa một chữ. Bản nhật lệnh ấy như sau:

"Hỡi các chiến sĩ. Đây là trận chiến đấu mà các người mong mỏi bấy lâu. Chiến thắng tuỳ thuộc vào các ngươi. Nó cần thiết cho chúng ta; nó sẽ đem lại cho chúng ta tất cả những gì mà chúng ta cần, những nơi trú quân ấm áp, và chúng ta mau chóng được trở về tổ quốc. Các ngươi hãy hành động như đã hành động ở Austerlix, Fridland, Vitebxk và Smolensk. Phải làm cho hậu thế muôn đời về sAusterlix hãnh diện nhắc lại những thắng lợi của các ngươi trong ngày hôm nay. Phải làm sao cho người ta nói về mỗi người đã tham gia trận chiến đấu vĩ đại dưới chân thành Moskva!"

- Dưới chân thành Moskva! - Napoléon nhắc lại, đoạn mời De Boxo, con người thích du lịch, cùng đi dạo chơi với ông và bước ra khỏi trướng đến cạnh mấy con ngựa đã đóng yên.

- Bệ hạ quá thương kẻ hạ thần! - De Boxo nói khi được hoàng đế mời đi theo: ông ta muốn ngủ, ông ta lại không biết cưỡi ngựa.
   
Nhưng Napoléon đã gật đầu với nhà du lịch và Boxe đành phải đi theo. Khi Napoléon ra khỏi trướng, những tiếng reo hò của toán lính cận vệ trước bức chân dung của hoàng tử nhiệt liệt. Napoléon cau mày nói:

- Cất bức tranh đi - và với một cử chỉ duyên dáng, đẹp mắt, ông chỉ vào bức chân dung - nó còn ít tuổi quá, chưa nên thấy cảnh chiến trường.
     
Boxe nhắm mắt, cúi đầu và thở ra một tiếng rõ dài chứng tỏ rằng mình biết đánh giá và thấu hiểu những lời nói của hoàng đế.

============================================================

Chú thích:

(1) Đây nói đến việc quân Pháp bị Wellington đánh bại ở Tây Ban Nha ngày 20-7-1812.

(2)Tranh của Raphael vẽ cho nhà thờ Xicxtin. (La Mã)

(3) biboke (trò chơi): người chơi cắm một cái gậy nhỏ cố đâm xuyên qua một quả cầu bằng gỗ có khoan lỗ thả từ trên rơi xuống.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:12:50 pm
Phần X
Chương - 26
   
Suốt ngày hai mươi lăm tháng Tám hôm ấy, theo lời các sử gia của Napoléon, ông ta cưỡi ngựa đi quan sát trận địa, thảo luận về những kế hoạch do các thống chế đệ trình và thân hành ra mệnh lệnh cho các tướng.
   
Chiến tuyến đầu tiên của quân đội Nga chạy dọc theo con sông Kolotsa đã bị phá vỡ, và một bộ phận của chiến tuyến này, tức là cánh trái, bị kéo lui về phíá sau vì cứ điểm Sevardino đã bị chiếm ngày hai mươi lăm tháng tám. Bộ phận này của chiến tuyến không có công sự, không được con sông yểm hộ, trước mặt nó chỉ có một khoảng đất trống và bằng phẳng. Một điều hiển nhiên đối với mọi người bất luận có là quân nhân hay không, là thế nào quân Pháp cũng phải tấn công vào bộ phận này của chiến tuyến. Hình như không cần phải suy nghĩ nhiều mới hiểu được điều này, không cần hoàng đế và các vị thống chế phải lo lắng, phải đi về nhiều như vậy và càng không cần phải có một bản lĩnh đặc biệt cao cường mà người ta gọi là thiên tài, như thiên hạ thường gán cho Napoléon nhưng các sử gia về sau kể lại biến cố này, những người lúc bấy giờ ở xung quanh Napoléon và bản thân ông ta, thì lại nghĩ khác.
   
Napoléon cưỡi ngựa đi trên trận địa đưa mắt nhìn lại địa, hình, trầm ngâm suy nghĩ, gật đầu tỏ ý tán thành hay ngờ vực, không nói cho các tướng biết quá trình suy nghĩ sâu sắc đã chỉ đạo những quyết định của ông, mà chỉ đưa ra những kết luận cuối cùng dưới hình thức những mệnh lệnh. Sau khi nghe Davu bây giờ là quận công Ekmuyn, bàn là cần phải bao vây cánh trái quân Nga, Napoléon bảo không nên làm như vậy, nhưng cũng không cắt nghĩa tại sao lại không nên như vậy khi nghe tướng công Compăng (ông ta có nhiệm vụ tấn công vào các công sự hình mũi tên) đề nghị cho sư đoàn của mình đi xuyên qua rừng, Napoléon tán thành, mặc dù thống chế Ney, bây giờ gọi là quận công Elkhingen, đã dám có ý kiến rằng cuộc hành quân qua rừng có thể nguy htểm và làm cho sư đoàn bị tan rã.
   
Sau khi đã quan sát trận địa trước mặt cứ điểm Sevardino, Napoléon im lặng suy nghĩ một lát rồi chỉ những nơi mà ngày mai cần phải đặt hai đội pháo bắn vào các công sự và những nơi cần phải bố trí đã pháo ở bên cạnh. Sau khi ra những mệnh lệnh này và thêm mấy mệnh lệnh khác nữa, ông quay trở về doanh trường và đọc cho sĩ quan hành dinh viết bản kế hoạch tác chiến.

Bản kế hoạch đã được các sử gia Pháp nói đến một cách hân hoan và những sử gia khác nói đến với một lòng sùng kính sâu sắc ấy như sau:
   
"Từ tảng sáng, hai đội pháo mới đã được bố trí từ lúc ban đêm trên cánh đồng do công tước Ekmuyl chiếm giữ sẽ bắt đầu nã súng vào hai đội pháo đối diện của quân địch.
     
Đồng thời, tướng Pernetly chỉ huy pháo binh của quân đoàn thứ nhất với ba mươi khẩu pháo của sư đoàn Compăng và tất cả những khẩu lựu pháo của sư đoàn Dexer và Friăng sẽ tiến về phía trước và nã tạc đạn vào pháo của địch.

Như thế quân địch sẽ phải chống lại với:

Hai mươi bốn khẩu của đội pháo binh cận vệ.

Ba mươi khẩu của sư đoàn Compăng

Tám khẩu của các sư đoàn Friăng và Dexxe.

Tổng cộng sáu mươi hai khẩu.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:14:31 pm
Tướng Fuse tư lệnh pháo binh của quân đoàn thứ ba sẽ bố trí tất cả những khẩu lựu pháo của quân đoàn thứ ba và thứ tư, cả thảy có mười sáu khẩu xung quanh đội pháo nhằm đánh vào đồn luỹ bên trái, như thế là tổng cộng có bốn mươi khẩu pháo bắn vào trận địa pháo này.

Tướng Xobie cần phải sẵn sàng hễ khi có lệnh là chuyển ngay tất cả những khẩu lựu pháo của đội pháo binh cận vệ công kích vào cứ điểm này hay cứ điểm khác của địch.

Trong khi pháo kích, công tước Ponyatovxki sẽ tiến về phía làng, xuyên qua rừng vây bọc trận địa của địch.
Tướng Compăng sẽ đem quân ra rừng để chiếm lấy công sự đầu tiên. Trong khi khởi chiến theo cách thức nói trên, sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ra mệnh lệnh.

Pháo ở sườn trái sẽ khai hoả khi nghe tiếng pháo nã vào cánh phải. Sư đoàn xạ thủ của Morăng và sư đoàn của phó vương sẽ khai hoả dữ dội khi thấy cuộc tấn công vào cánh phải đã bắt đầu.

Phó vương sẽ chiếm làng và vượt qua sông, qua ba cái cầu, đến một cao điểm cùng với các sư đoàn của Morăng và Zerar, dưới quyền chỉ huy của phó vương những sư đoàn này sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập của địch và làm thành một tuyến với những đạo quân khác của toàn quân.

Tất cả những điều này cần phải được thực hiện một cách có trật tự có quy củ trong khi vẫn hết sức duy trì quân dự bị.
     
Viết tại doanh trướng của hoàng đế.
 
Mozaisk ngày mồng sáu tháng chín năm 1812".

Bản kế hoạch tác chiến viết một cách mập mờ và rắc rối - nếu chúng ta được phép phát biểu về những mệnh lệnh của Napoléon mà không có cái tâm lý sợ hãi đầy tính chất tôn giáo đối với thiên tài của ông ta. Nó gồm bốn điểm, bốn điều khoản, nhưng không có điều khoản nào có thể thực hiện và thực hiện được.
Trong bản kế hoạch tác chiến trước hết có nói rằng: Những đội pháo bố trí ở những điểm do Napoléon chỉ định cùng với những khẩu pháo của Perrtt và Fuse có nhiệm vụ bố trí bên cạnh nó, thành một hàng, tất cả là một trăm linh hai khẩu, phải khai hoả và nã tạc đạn vào các công sự hình mũi tên và các hoả điểm biệt lập hình ngũ giác của Nga. Điều đó không thực hiện được bởi vì từ những địa điểm do Napoléon chỉ định tạc đạn không bắn tới những công sự Nga được và một trăm linh hai khẩu này sẽ bắn vu vơ cho đến khi một viên chỉ huy cấp dưới, trái với lệnh của Napoléon sẽ ra lệnh đưa nó về phía trước.
     
Điều khoản thứ hai là: Ponyatovxki sẽ xuyên qua rừng tiến về phía làng để bao vây cánh trái của quân Nga. Mệnh lệnh này không thể thực hiện và cũng không hề được thực hiện, bởi vì khi Ponyatovxki đi qua rừng, bao vây làng thì gặp phải Tutskov chặn đường nên không thể vây bọc, và thực tế đã không vây bọc trận địa quân Nga.
     
Điều khoản thứ ba là: Tướng Compăng sẽ liên vào rừng để chiếm lĩnh công sự đầu tiên. Sư đoàn của Compăng không chiếm được công sự đầu tiên, trái lại đã bị đánh lùi, bởi vì khi ra khỏi rừng nó phải đứng lại trước làn đạn ria của quân Nga, điều mà Napoléon không đoán trước được.
     
Điều khoản thứ tư là: Phó vương sẽ chiếm lấy làng (Borodino) và vượt qua ba cái cầu để qua sông rồi lên cao điểm cùng với hai sư đoàn của Morăng là Friăng (đây không thấy nói gì về khoản hai sư đoàn này tiến về phía nào và lúc nào Những sư đoàn này dưới quvền chỉ huy của phó vương sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập và lập thành một tuyến với các đạo quân khác.

Như người ta có thể hiểu nếu căn cứ vào những cố gắng phó vương để thực hiện những mệnh lệnh được giao phó, chứ không phải căn cứ vào câu văn dài dòng vô nghĩa ở trong văn bản, thì ông ta có nhiệm vụ tiến quân qua Borodino đánh vào phía trái cứ điểm biệt lập trong khi hai sư đoàn của Morăng và Friăng sẽ phải đồng thời tiến đánh vào phía trước mặt. Cũng giống như các điều khoản khác của bản kế hoạch, tất cả những điều trên đây đều không hề được thực hiện mà cũng không thể thực hiện được.
   
Sau khi vượt qua Borodino, phó vương bị đánh bật lại trên sông Kolotsa và không tiến được nữa. Còn hai sư đoàn Morăng và Friăng thì cũng bị đánh lui mà không chiếm được hoả điểm. Trái lại, khi trận đánh kết thức, hoả điểm này lại do kỵ binh chiếm lĩnh, điều này hình như Napoléon không hề dự kiến và không hề có ai ngờ được.

     
Như vậy, trong tất cả các điều khoản không có điều khoản nào được thực hiện. Trong bản kế hoạch tác chiến lại nói rằng sau khi khai hoả sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ban bố mệnh lệnh, vì vậy người ta có thể tưởng rằng trong lúc chiến đấu tất cả những mệnh lệnh cần thiết đều do Napoléon ban bố, nhưng điều đó không hề xảy ra và không thể xảy ra được, vì trong suốt thời gian chiến đấu Napoléon ở xa chiến trường đến nỗi không thể biết quá trình diễn biến của trận đánh ra sao (điều này sau sẽ thấy rõ) và không có mệnh lệnh nào của ông được thực hiện trong thời gian tác chiến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:15:07 pm
Phần X
Chương - 27

Nhiều sử gia nói rằng quân Pháp không thắng trận Borodino vì Napoléon sổ mũi, chứ giả sử hôm ấy ông ta không bị sổ mũi thì những mệnh lệnh của ông ta trước và trong trận này sẽ còn thiên tài hơn nữa, và nước Nga sẽ diệt vong, và bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi(1). Đối với những sử gia quan niệm rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của một cá nhân là Piotr Đại chế, còn nước Pháp từ một nước Cộng hoà đã thành một đế quốc và quân Pháp tiến vào nước Nga đều là do ý chí của cá nhân là Napoléon thì cái lối suy luận cho rằng sở dĩ nước Nga còn hùng cường chỉ vì ngày hai mươi sáu Napoléon bị sổ mũi nặng, đối với hạng sử gia này, lối suy luận như vậy là hoàn toàn nhất quán và tất yếu.

Nếu việc mở hay không mở trận Borodino chỉ phụ thuộc vào ý muốn của ông ta thì dĩ nhiên bệnh sổ mũi có tác dụng đối với sự biểu hiện ý chí của ông ta có thể là nguyên nhân để cứu vãn nước Nga; vậy thì các anh chàng hầu phòng nào đấy đã quên không đưa cho Napoléon đôi ủng không thấm nước chính là vị cứu tinh của nước Nga.
     
Một quá trình lý luận như vậy nhất định phải đưa đến một kết luận như vậy, điều đó không thể nghi ngờ gì được, cũng như không thể ngờ vực cái kết luận của Volter trong khi bông đùa (ông ta cũng không biết mình đùa cợt cái gì) nói rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy(2) đã xảy ra là do Charles IX bị đầy bụng. Nhưng đối với những người không thừa nhận rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của những cá nhân Piotr đệ nhất, và đế chế Pháp đã hình thành cũng như cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra không phải do ý chí của cá nhân Napoléon, thì lối lý luận này không những sai lạc, phi lý mà còn trái với tất cả bán chất của con người. Đối với vấn đề cái gì làm thành nguyên nhân của các biến cố lịch sử có một cách giải đáp khác, nói rằng sự diễn biến của biến cố trên thế giới là do thiên định, nó lệ thuộc vào sự xuất hiện đồng thời của tất cả những ý chí tự do của những con người tham dự vào những biến cố ấy. ảnh hưởng của Napoléon đối với quá trình diễn biến này chỉ là một ảnh hưởng bề ngoài và hư ảo.
         
Nếu giả thiết rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy do Charles IX ra lệnh không phải xảy ra do ý muốn của ông ta, mà chẳng qua là ông tưởng chính mình đã ra lệnh thôi, thì thoạt mới nghe cũng có vẻ kỳ quặc thật, cũng như cho rằng vụ tám vạn người ở Borodino đã xảy ra không phải do ý muốn của Napoléon (mặc dù ông ta đã ra lệnh khai hoả và đã ra nhiều mệnh lệnh khác trong trận đánh) mà chẳng qua là ông ta tưởng mình đã ra lệnh. Nhưng dù giả thiết này có kỳ quặc đến đâu đi nữa, lòng tự trọng của con người cũng mách bảo chúng ta rằng bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều là người như Napoléon đại đế, và nếu không hơn ông ta về tính người thì ít nhất cũng không kém ông ta chút nào về phương diện đó, và do đó, nó bắt buộc chúng ta chấp nhận cách giải quyết vấn đề đó như thế, và không thiếu gì những công trình nghiên cứu lịch sử khăng định giả thiết này.

Trong trận Borodino, Napoléon không bắn một phát súng nào và không giết ai hết. Tất cả những việc bắn giết đều do quân lính của ông ta làm. Thế nghĩa là không phải ông ta đã giết người.

Binh sĩ trong quân đội Pháp biết binh sĩ Nga trong trận Borodino không phải theo mệnh lệnh của Napoléon và theo ý muốn của bản thân họ. Toàn thể đạo quân gồm những người Pháp, người Ý, người Đức, người Ba Lan, đói rách, mệt mỏi vì những cuộc hành quân, đứng trước một đạo quân chặn đường không cho họ vào Moskva, và cảm thấy rằng rượu đã rót ra thì phải uống.

Nếu lúc bấy giờ Napoléon ngăn cản họ không cho họ đánh nhau với quân Nga, thì họ sẽ giết Napoléon để đánh nhau với quân Nga bởi vì họ không thể nào làm khác được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:15:51 pm
Khi họ nghe nhật lệnh của Napoléon hứa hẹn rằng để đền bồi cho những thương tích và cho cái chết của họ, hậu thế sẽ nói họ đã có mặt trong trận địa chiến đấu dưới chân thành Moskva, họ liền hô: "Hoàng đế vạn tuế" cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ cầm cái gậy nhỏ xuyên qua quả địa cầu, cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nghe bất kỳ câu nói vô nghĩa nào mà người ta nói với họ. Họ không còn biết làm gì hơn là hô "hoàng đế vạn tuế" và đi chiến đấu để có được thức ăn và chỗ nghỉ ở Moskva dành cho những người thắng trận. Do đó họ giết đồng loại của họ không phải vì có lệnh của Napoléon.

Mà Napoléon cũng không hề chỉ huy quá trình diễn biến của trận đánh, bởi vì trong tất cả những mệnh lệnh của ông ta, không mệnh lệnh nào được thực hiện, và trong thời gian chiến đấu, ông không hề biết trận đánh diễn ra như thế nào. Thành thử, ngay đến cách những người kia giết lẫn nhau như thế nào cũng không tuỳ thuộc ý muốn của Napoléon, mà tuỳ thuộc ý muốn của hàng chực vạn con người đã tham dự trận chiến đấu. Chẳng qua Napoléon tưởng rằng sự việc đã xảy ra ý muốn của mình. Cho nên, vấn đề Napoléon hôm đó có sổ mũi hay không đối với lịch sử không có gì quan trọng hơn bệnh sổ mũi của người lính mạt hạng trong đội vận tải. Vả chăng các sử gia hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng do bệnh sổ mũi của Napoléon ngày hai mươi sáu, nên trong khi chiến đấu ông ta không đưa ra một kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh có hiệu lực như trước kia.

Kế hoạch tác chiến nói trên không hề thua kém mà còn hay hơn tất cả những kế hoạch trước đã làm cho ông ta thắng trận.

Những mệnh lệnh tưởng tượng đã ban bố lúc chiến đấu cũng không thua kém gì những mệnh lệnh trước kia, nó cũng y như hệt như những mệnh lệnh khác của Napoléon từ trước tới nay. Nhưng kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh này thua kém những trận trước chính vì trận Borodino là trận đầu tiên mà Napoléon không thắng. Tất cả những kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất và sâu sắc nhất bao giờ cũng đều có vẻ sai lầm khi trận đánh không giành được thắng lợi, và bất cứ chuyên gia quân sự nào cũng phê phán nó với một giọng văn quan trọng và đầy ý nghĩa. Trái lại, những kế hoạch kém nhất sẽ đâm ra có vẻ rất hay ho khi người ta đã giành được thắng lợi, và những người rất đứng đắn sẽ viết ra hàng pho sách để chứng minh giá trị của nó.

Kế hoạch tác chiến do Vairother thảo ra ở Austerlix là mẫu mực hoàn hảo của loại này, thế mà người ta vẫn phê phán nó, phê phán chính vì nó hoàn chỉnh, chính vì nó có nhiều chi tiết tỉ mỉ quá.
     
Ở Borodino, Napoléon đã làm nhiệm vụ của người đại diện cho quyền lực một cách cũng đúng đắn và còn khá hơn ở các trận khác.

Ông không làm điều gì có hại đến sự diễn biến của trận đánh.
     
Ông nghe theo những ý kiến hợp nhất. Ông không làm rối công việc không tự mâu thuẫn với mình, không kinh hoàng, không bỏ chiến trường mà chạy và với sự khôn khéo và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của ông, ông sẽ đóng vai trò của người tổng chỉ huy hư vị một cách điềm nhiên và trang trọng.

===========================================================

Chú thích:

(1) Điển tích lấy trong lịch sử La Mã: Nữ hoàng Ai Cập là Cleopatra đã nhờ sắc đẹp lộng lẫy mà quyến rũ được tướng La Mã Antoniux và do đó đã làm cho ý đồ chinh phạt của La Mã thất bại. Người đời sau có lời bàn mỉa mai rằng "Giả sử cái mũi của Cleopatra dài hơn một chút, bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi". Tolstoy dùng điểm này cho một trường hợp tương tự

(2) Vụ tàn sát hàng loạt những người theo tôn giáo cải cách ("Tin lành") dưới thời Charles IX. Đêm 23 tháng tám 1572 (rạng ngày thánh Barthelomy), nhà vua, theo lời xúi giục của hoàng thái hậu và bọn triều thần công giáo đã ra lệnh giết hết những người Tin Lành, kể cả trẻ sơ sinh.




Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:16:56 pm
Phần X
Chương - 28

Sau khi đã quan sát trận chiến lần thứ hai một cách chu đáo Napoléon quay trở về và nói:
- Quân cờ đã bày xong, ngày mai ván cờ sẽ bắt đầu.
     
Ông sai rót rượu Punch, và sau khi gọi De Boxe, ông bắt đầu nói chuyện với y về Paris, về một vài điều thay đổi mà ông định thực hiện ở trong cung của hoàng hậu, ông làm cho viên quản đốc hoàng cung ngạc nhiên về trí nhớ của ông đối với tất cả các chi tiết nhỏ nhặt trong các quan hệ ở cung đình.
     
Ông ân cần hỏi han những điều vụn vặt, giễu cợt cái hứng thú du lịch của De Boxe và nói chuyện một cách thư nhàn như một nhà phẫu thuật trứ danh tự tin, am hiểu công việc của mình khi xắn ống tay áo và khoác tạp dề, trong lúc người ta buộc bệnh nhân vào bàn mổ. "Công việc đã ở trong tay và trong óc của ta rồi, rõ ràng và cụ thể. Khi nào cần phải bắt tay vào làm là ta làm, và không ai làm được như ta, còn bây giờ ta có thể đùa cợt, và ta càng đùa cợt và càng điềm tĩnh bao nhiêu thì các người càng phải tin tưởng, càng phải yên tâm và càng phải kinh ngạc vì thiên tài của ta bấy nhiêu".
     
Sau khi uống cạn cốc rượu Punch thứ hai, Napoléon đi nghỉ để lấy sức mà làm cái công việc quan trọng đang chờ đợi ông ngày mai - ông tưởng thế. - Nhưng ông quá bận tâm đến cái công việc sắp tới ấy nên không sao ngủ được, và mặc dầu khí ẩm ban đêm làm cho chứng sổ mũi nặng thêm, lúc ba giờ đêm ông vừa xì mũi vừa bước vào gian phòng lớn trong doanh trướng. Ông hỏi xem quân Nga đã rút lui hay chưa.
     
Người ta trả lời rằng những đám lửa của quân địch vẫn ở nguyên vị trí cũ. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng.
     
Viên sĩ quan trực nhật bước vào trướng. Ông quay về phía Rapp hỏi:

- Này Rapp, ông có cho rằng hôm nay công việc của chúng ta sẽ tốt lành hay không?

- Tâu bệ hạ, chẳng phải nghi ngờ gì nữa!
     
Napoléon đưa mắt nhìn ông ta.

- Tâu bệ hạ, bệ hạ có nhớ ở Smolensk bệ hạ đã có lòng nói với tôi - Rapp nói, - Rượu đã rót ra thì phải uống không ạ?
     
Napoléon cau mày, hai tay ôm lấy đầu, ngồi im lặng hồi lâu.
     
Đột nhiên ông nói:

- Cái đạo quân khốn khổ này đã bị giảm bớt đi nhiều từ trận Smolensk. Vận đỏ thật như một con đĩ, ông Rapp ạ! Xưa nay tôi vẫn nói thế nào và nay tôi bắt đầu nhận thấy thế. Nhưng này, ông Rapp, còn đội cận vệ thì sao, đội cận vệ vẫn nguyên vẹn đấy chứ? - ông ta hỏi.

- Tâu bệ hạ, vâng ạ! - Rapp nói.
     
Napoléon lấy một viên kẹo bạc hà bỏ vào miệng rồi nhìn đồng hồ. Ông ta không muốn ngủ, mặc dù còn lâu nữa mới sáng, còn để giết thì giờ thì hiện nay chẳng có việc gì làm: tất cả các mệnh lệnh đều đã được ban bố và đang được thi hành.

- Đã phát bánh mì khô là gạo cho các trung đoàn cận vệ chưa? - Napoléon hỏi, giọng nghiêm khắc.

- Tâu bệ hạ, đã ạ!

- Nhưng còn gạo?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Giêng, 2011, 10:17:56 pm
Rapp trả lời là đã truyền đạt mệnh lệnh của hoàng đế về việc phát gạo. Nhưng Napoléon lắc đầu có vẻ không thoả mãn, hình như không tin rằng những mệnh lệnh của mình đã được thi hành.
       
Một người hầu mang rượu Punch vào, Napoléon bảo đem thêm một cái cốc cho Rapp rồi tự mình nhấp từng ngụm nhỏ.

- Ta chẳng còn biết mùi vị gì nữa - Ông vừa nói vừa ngửi cái cốc - Cái bệnh sổ mũi này làm ta bực cả mình. Người ta cứ nói chuyện thuốc men, nhưng thuốc với men gì mà chẳng chữa được bệnh sổ mũi? Covizar đưa cho ta mấy viên kẹo bạc hà này nhưng chẳng ăn thua gì cả. Kẹo này thì chữa được cái gì? Không thể nào chữa được bệnh. Cơ thể chúng ta là một cái máy để sống. Nó được tổ chức để làm điều đó, bản chất nó là như thế, cứ để cuộc sống trong cơ thể được yên ổn, cứ để cho nó tự bảo vệ thì nó sẽ có nhiều tác dụng hơn là tống đủ thuốc vào làm cho nó tê liệt. Cơ thể chúng ta như một cái đồng hồ tuyệt diệu, phải chạy trong một thời gian nhất định, người thợ không có khả năng mở nó ra được, anh ta chỉ có thể xử lý nó một cách mò mẫm, hai mắt bị bịt kín. Cơ thể chúng ta là một bộ máy để sống, chỉ có thế thôi!
     
Và dường như đã có đà trên con đường đi tìm những định nghĩa, définitions, vốn là một môn ông ta rất thích, ông chợt đưa ra một định nghĩa mới, ông nói:

- Này ông Rapp! Ông có biết nghệ thuật quân sự là gì không?

- Nghệ thuật quân sự là phải làm sao cho mạnh hơn kẻ địch trong một giây phút nhất định - chỉ có thế thôi!
     
Rapp không đáp.

- Ngày mai chúng ta sẽ chạm trán với Kutuzov - Napoléon nói - Rồi sẽ xem! Ông còn nhớ ở Braonao ông ta cầm quân mà trong ba tuần lễ có lần nào cưỡi ngựa đi quan sát công sự không? Rồi sẽ xem!
     
Ông đưa mắt xem đồng hồ. Chỉ mới bốn giờ sáng, ông không buồn ngủ, cốc rượu Punch đã uống hết và ông vẫn không có việc gì làm. Ông đứng dậy đi đi lại lại, mặc áo đuôi én, đội mũ rồi bước ra khỏi trướng. Đêm hôm ấy tối tăm và ẩm thấp, một làn sương ẩm buông xuống, mịn đến nỗi giác quan hầu như không cảm thụ được.
   
Những đám lửa trạị gần đáy, nơi bố trí của quân cấm vệ Pháp, toả sáng mờ mờ, và xa xa, qua làn khói, có những ánh lửa trại lập lòe dọc theo trận tuyến quân Nga. Bốn phía đều im phăng phắc, và có thể nghe rõ tiếng bước chân và tiếng thì thào của những đạo quân Pháp đã xuất phát để chiếm lĩnh vị trí.
     
Napoléon đi đi lại lại trước trướng, nhìn những ánh lửa, lắng nghe tiếng chân bước, ông ta qua mặt một vệ binh cao lớn đội mũ lông cáo đang đứng canh ở cạnh trướng. Trông thấy hoàng đế, người vệ binh đứng nghiêm im lìm trông như một cột trụ đen.
       
Napoléon đứng lại trước mặt anh ta.

- Nhập ngũ từ năm nào? - Ông hỏi với cái giọng làm ra bộ thô kệch võ biền nhưng âu yếm mà bao giờ ông cũng dùng để nói với binh sĩ.
       
Người lính trả lời.

- A! một tay kỳ cựu. Trong trung đoàn đã phát gạo chưa?

- Tâu bệ hạ, đã ạ!
     
Napoléon gật đầu và bỏ đi.
   
Lúc năm giờ rưỡi, Napoléon lên ngược đến làng Sevardino.
     
Trời bắt đầu sáng, bầu trời quang dần, ở phương đông chỉ còn một đám mây đơn độc. Những bếp lửa bỏ lại đang lụi dần trong ánh sáng yếu ớt của ban mai.

Bên phải vang lên một tiếng đại bác đơn độc, tiếng vọng lan đi rồi tắt hẳn trong cảnh tĩnh mịch chung. Mấy phút trôi qua. Một tiếng súng thứ hai, rồi tiếng thứ ba vang lên làm không khí chấn động. Tiếng thứ tư, thứ năm vang lên ở gần đâu đây về phía bên phải, nghe rất trang trọng. Âm vang của những tiếng nổ đầu tiên chưa dứt thì những tiếng khác đã tiếp theo mãi và hoà lẫn vào nhau.
       
Napoléon cùng đoàn tuỳ tùng đến cứ điểm Sevardino và xuống ngựa. Ván cờ bắt đầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:03:46 pm
Phần X
Chương - 29
     
Sau khi từ giã công tước Andrey về Gorki, Piotr dặn người mã phu chuẩn bị ngựa sẵn sàng và đánh thức chàng dậy thật sớm, rồi chàng nằm sát trong cái góc nhỏ mà Boris đã nhường cho chàng sau bức vách và lập tức ngủ thiếp đi.
   
Sáng hôm sau, khi Piotr tỉnh dậy, thì trong nhà không còn ai nữa. Những tấm kính, những cánh cửa sổ nhỏ rung lên tanh tách.

Người mã phu đứng bên cạnh đang cố lay chàng dậy.

- Thưa ngài, thưa ngài… - Người mã phu, mắt không nhìn Piotr, cứ kiên trì gọi đi gọi lại, đồng thời nắm lấy vai chàng mà lay, hẳn là đã hết hy vọng, không còn mong thức chàng dậy được nữa.

- Thế nào? Đã bắt đầu rồi à? Đến giờ rồi à? - Piotr tỉnh dậy nói.

- Ngài không nghe tiếng đại bác đấy sao? - Người mã phu nguyên là một cựu binh, nói - Các ông ấy và điện hạ cũng đều lên ngựa đi từ lâu rồi.
     
Piotr vội vàng mặc áo và chạy ra thềm. Ngoài sân, trời sáng sủa, tươi mát, vui vẻ và ướt đẫm hơi sương. Mặt trời vừa ló ra khỏi mấy dám mây. Những tia nắng bị mây che lấp một nửa lướt trên những mái nhà bên kia đường, hắt xuống lớp bụi đường phủ sương móc, rọi xuống những bức tường, những ô cửa khoét trên hàng rào và những con ngựa của Piotr đang đứng cạnh nhà. Đứng giữa sân, tiếng đại bác gầm nghe càng rõ. Ngoài đường một sĩ quan phụ tá cưỡi ngựa phóng nước kiệu qua, theo sau là một người cô-dắc, ông ta kêu lên:

- Đến giờ rồi! Bá tước! Đến giờ rồi!

Piotr bảo dắt ngựa theo sau, rồi đi vào con đường dẫn lên ngọn đồi nơi hôm qua chàng đã đứng nhìn bãi chiến trường. Trên ngọn đồi thấp có một tốp quân nhân; có thể nghe xì xồ những câu tiếng Pháp của bọn sĩ quan tham mưu vì thấy mái đầu bạc của Kutuzov hiện ra dưới chiếc mũ bình thiên trắng vàng đỏ với cái gáy lút vào trong đôi vai. Kutuzov đang bắc ống nhòm nhìn về con đường cái phía trước.
   
Sau khi leo các bậc cấp lên đỉnh đồi, Piotr đưa mắt nhìn về phía trước, và cái quang cảnh tráng lệ mở ra trước mắt chàng làm chàng ngây ngất. Đây vẫn là bức toàn cảnh hôm qua chàng đã ngắm. Nhưng bây giờ, khắp nơi đã đầy những đơn vị quân đội và những đám khói súng. Mặt trời rực rỡ đang lên dần ở sau lưng chàng về phía bên trái, hắt những tia nắng chênh chếch xuống bầu không khí trong trẻo của buổi ban mai làm thành một thứ ánh sáng màu vàng diệp phơn phớt hồng với những dải bóng rợp chạy thành những vệt dài. Ở cuối bức toàn cảnh hiện lên những cánh rừng xa xa trông như khắc bằng một thứ ngọc thạch màu lá mạ đỉnh rừng vẽ thành một con đường cong nhấp nhô ở chân trời, và giữa những cánh rừng, phía sau là Valuyevo, là con đường cái Smolensk vạch thành một con đường sắc nét, trên đường chật mch ngững quân lính. Gần hơn, lấp lánh những cánh đồng vàng chói và những lùm cây. Ở khắp nơi, trước mặt, bên phải, bên trái, đâu đâu cũng thấy quân đội. Quang cảnh thật là sinh động, hùng tráng và bất ngờ; nhưng điều làm cho Piotr ngạc nhiên hơn cả là quang cảnh của chính bãi chiến trường, quang cảnh của Borodino và của thung lũng hai bên bờ sông Kolotsa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:04:20 pm
Trên sông Kolotsa và ở hai bên làng Borodino, nhất là ở bên trái, nơi con sông Voina đổ vào sông Kolotsa giữa đôi bờ lầy lội, một đám sương mù đang bắt đầu tan, loãng dần và bốc hơi khi mặt trời rực rỡ xuất hiện, tô vẽ và trang hoàng cho toàn bộ quang cảnh thấp thoáng sau màn sương đượm một vẻ kỳ ảo thần tiên. Khói súng lại hoà lẫn vào lớp sương này, và những tia nắng ban mai xuyên qua lớp sương mù và khói, lấp lánh khắp nơi, trên mặt nước, trên lớp sương móc, trên lưỡi lê của binh sĩ đang kéo đi từng đoàn ở hai bên bờ sông và ven làng Borodino. Qua màn sương mù này có thể thấy thấp thoáng ngôi nhà thờ trắng xoá, và đây là những mái nhà ở làng Borodino, kia là những đội quân dày đặc, và ở một nơi khác là những cỗ xe chở đạn sơn màu xanh lá cây và những khẩu pháo. Và tất cả đều đi động hay có vẻ như đang đi động, vì sương mù và khói bao phủ khắp khoảng đất ấy. Ở những nơi đất trũng gần Borodino, kéo đi từng đoàn cũng như xung quanh dầy cao hơn một ít và nhất là ở bên trái, dọc theo suốt chiến tuyến, trên những khu rừng, trên những cánh đồng, dưới các thung lũng, trên các ngọn đồi, đâu đâu cũng có những làn khói súng liên tiếp xuất hiện hầu như một cách tự phát, từ hư không, khi thì lẻ tẻ, khi thì tập trung, khi thì cách quãng, khi thì liên tiếp, và những làn khói này lan ra, lớn lên, quyện vào nhau bay khắp chiến trường.
     
Những làn khói súng này và, kể cũng lạ, cả những tiếng súng kèm theo nữa làm nên vẻ đẹp chính của quang cảnh.
     
"Phụt!" - Đột nhiên hiện lên một đám khói tròn, dày đặc, óng ánh màu tim tím, ngả sang màu xam xám rồi màu sữa, và sau đó một giây, lại nghe tiếng "bùm" từ làn khói này vọng lên.

"Phụt, phụt!" - Hai đám khói nổi lên xô vào nhau, quyện vào nhau, và "bùm! bùm!" - Tiếng nổ xác nhận hai phát đạn mà mắt vừa trông thấy.
   
Piotr ngoảnh lại nhìn làn khói thứ nhất mà lúc chàng rời mắt nhìn đi nơi khác thì tròn và dày đặc như một quả bóng; bây giờ nó đã nhường chỗ cho những cái vòng kéo dài về một phía, rồi "phụt" và một lát sau lại "phụt, phụt": lại xuất hiện ba, rồi bốn đám khói, và cứ thế, sau mỗi đám, lại nghe những tiếng "bùm bùm" vọng lại, cách nhau đều đặn nghe hùng dũng, rắn rỏi, chính xác. Đôi khi có cảm tưởng như những đám khói này đang lướt đi, nhưng đôi khi hình như nó đứng yên, còn những cánh đồng và lưỡi lê sáng quắc thì chạy qua những đám khói đó. Ở phía trái, dọc theo những cánh đồng và những bụi rậm, luôn luôn nở ra những đám khói lớn như thế kèm theo những tiếng dội trang nghiêm của nó, trong khi ở gần hơn, ở những nơi đất trũng và những cánh rừng, phụt lên những đám khói nhỏ của súng trường chưa kịp cuộn tròn lại nhưng cũng có những tiếng dội nhỏ vang lên:   "Đoành, đoành, đoành!", tiếng súng trường nổ nhanh nhưng không đều và có vẻ nghèo nàn so với tiếng đại bác.
       
Piotr muốn có mặt ở những nơi đám khói đang bốc lên, những lưỡi lê đang lấp lánh, giữa sự đi động và những tiếng huyên náo. Chàng đưa mặt nhìn Kutuzov và đoàn tuỳ tùng của ông để so sánh những ấn tượng của người khác. Cũng như chàng, ai nấy đều ngắm cảnh chiến trường trước mặt, và hình như đều có một cảm giác như nhau. Trên tất cả các khuôn mặt bây giờ đang bừng lên cái tiềm nhiệt (chaleur Latente) của cái cảm xúc mà hồi hôm qua Piotr đã thể nghiệm và hoàn toàn hiểu rõ sau khi nói chuyện với công tước Andrey.

- Ông đi đi, đi đi, Chúa Cơ đốc phù hộ ông - Kutuzov, mắt không rời khỏi chiến trường, nói với viên tướng đứng cạnh ông ta.
       
Sau khi nghe lệnh viên tướng này vượt qua mặt Piotr đi xuống đồi.

- Tiến về phía cầu! - viên tướng nói, lạnh lùng và nghiêm trang, để trả lời một sĩ quan tham mưu hỏi ông ta đi đâu.
   
"Ta cũng đi, ta cũng đi" - Piotr nghĩ thầm, và bước sau viên tướng. Viên tướng nhảy lên mình con ngựa và một người cô-dắc vừa dắc đến cho ông ta. Piotr đến cạnh người mà phu của chàng bây giờ đang nắm cương mấy con ngựa. Chàng hỏi xem con nào lành nhất, đoạn tay nắm lấy bờm, thúc gót giày vào bụng ngựa.
   
Chàng cảm thấy cặp kính đang tụt xuống, nhưng vì chàng không thể nào buông bờm và cương ngựa nên dành cứ thế cho ngựa chạy theo viên tướng, khiến bọn sĩ quan tham mưu đứng trên đồi nhìn chàng đều phải mỉm cười.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:05:19 pm
Phần X
Chương - 30
   
Viên tướng mà Piotr giục ngựa chạy theo, khi xuống đến chân đồi đột ngột rẽ sang bên phải, và Piotr mất hút bóng ông ta. Ngựa chàng chạy vào giữa những hàng bộ binh đang đi trước mặt; chàng cố gắng tìm cách họ, khi thì tiến về phía trước, khi thì quay sang bên phải, bên trái nhưng đâu đâu cũng thấy toàn là binh sĩ với những bộ mặt tư lự như nhau dáng băn khoăn nghĩ đến một cái gì vô hình nhưng rõ ràng là quan trọng.
   
Tất cả đều nhìn cái anh chàng to béo đội mũ trắng kia với một nỗi băn khoăn và khó chịu như nhau, không hiểu tại sao anh ta lại đề ngựa xô đấy họ. Một người quát chàng.

- Cưỡi ngựa gì mà lại đi vào giữa tiểu đoàn người ta như thế này?
   
Một người khác lấy báng súng thúc vào con ngựa của chàng.
     
Piotr bám chặt lấy yên nhưng không sao giữ cho con ngựa khỏi hoảng sợ. Nó chạy vụt qua các binh sĩ và đến một nơi rộng thoáng.
     
Trước mặt chàng là một cái cầu và bên cạnh cầu là một toán lính khác đang bắn. Piotr cưỡi ngựa đi về phía họ. Chàng không ngờ mình đã đến sát cái cầu, vắt ngang sông Kototsa ở giữa Gorki và Borodino, cái cầu mà quân Pháp tấn công trong trận giao chiến thứ nhất sau khi chiếm được làng Borodino. Piotr thấy trước mặt có một cái cầu và ở hai đầu cầu cũng như ở trên đồng cỏ giữa những dãy rạ đã cắt mà hôm qua chàng đã để ý nhìn, có những người lính đang làm gì đó ở trong đám khói; nhưng mặc dầu ở đấy tiếng súng trường bắn dồn dập không ngớt, chàng vẫn không hề nghĩ rằng đây chính là chiến trường. Chàng không nghe thấy tiếng đạn súng trường ríu rít ở khắp nơi và tiếng những quả tạc đạn bay qua đầu chàng, chàng không thấy quân địch ở bên kia sông và một hồi lâu vẫn không trông thấy những người bị thương và tử trận, tuy ở cạnh chàng có nhiều người đã gục xuống. Chàng đưa mắt nhìn quanh, nụ cười vẫn thấp thoáng trên gương mặt. Bỗng lại có người quát chàng:

- Bố kia sao lại cưỡi ngựa ở trên tuyến quân thế hả?

- Đi sang bên trái, đi sang bên phải - có mấy người khác quát bảo chàng.
     
Piotr đi sang bên trái thì gặp ngay một viên sĩ quan phụ tá của tướng Raievxki mà chàng có quen. Viên sĩ quan phụ tá này nhìn Piotr hằm hằm, hẳn là ông ta cũng toan quát mắng, nhưng nhận ra Piotr ông ta liền gật đầu chào.

- Sao ông lại ở đây? - viên sĩ quan nói đoạn lại thúc ngựa phóng đi.
     
Piotr cảm thấy mình ở đây thật là không phải chỗ, là vô ích, đồng thời lại sợ mình làm vướng người nào chăng, nên cho ngựa chạy theo viên sĩ quan phụ tá.

- Ở đây phải không? Tôi đi với ông được không? - chàng hỏi.
     
Chốc nữa, chốc nữa đã. - Viên sĩ quan phụ tá đáp đoạn cho ngựa chạy đến chỗ viên đại tá to béo đứng ở giữa đồng cỏ, truyền đạt một mệnh lệnh gì đấy cho ông ta, rồi lại cho ngựa chạy về phía Piotr.

- Bá tước đến đây làm gì thế? - Ông ta mỉm cười hỏi chàng. - Bá tước tò mò muốn xem cho biết à?

- Vâng! Vâng! - Piotr nói. Nhưng viên sĩ quan phụ tá đã quay ngựa đi.

- Ở đây kể ra còn khá đấy - Viên sĩ quan phụ tá nói - Chứ ở cánh bên trái, nơi ông Bagration thì thật là vô cùng khốc liệt.

- Thế à? Ở đâu? - Piotr hỏi.

- Ông cứ đi với tôi lên ngọn đồi này, ở chỗ chúng tôi có thể em rõ. Trong trận địa pháo chúng tôi thì vẫn còn chưa đến nỗi - viên sĩ quan phụ tá nói - Thế nào, ông đi chứ?

- Vâng, tôi theo ông - Piotr nói và đưa mắt nhìn quanh tìm người mã phu của mình. Lúc bấy giờ lần đầu tiên, Piotr mới trông thấy thương binh, người thì đang lê chân bước, người thì được khiêng trên cáng. Trên cánh đồng cỏ mà hôm qua chàng đã đi qua, với những đống rơm thơm phức xếp thành hàng, một người lính nằm sóng soài, im lìm, đầu gục xuống một cách lỳ quặc, chiếc mũ sa-cô lẫn trong đất. - Còn người này, tại sao họ không khiêng đi? - Piotr toan hỏi, nhưng trông thấy vẻ mặt nghiêm nghị của viên sĩ quan phụ tá đang đưa mắt nhìn cũng về phía ấy, chàng lại im bặt.
     
Piotr không tìm thấy người mã phu của chàng đâu nữa. Cùng với viên sĩ quan phụ tá, chàng đi dọc theo chỗ đất trũng đưa đến ngọn đồi Raievxki. Con ngựa của Piotr tụt lại sau không theo kịp viên sĩ quan phụ tá; nó chạy khập khiễng khiến chàng cứ bị lắc lư đều đều trên lưng.

- Chắc là bá tước không quen cưỡi ngựa? - Viên sĩ quan phụ tá hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:05:58 pm
- Không, cũng cưỡi được, nhưng không hiểu sao con này chạy xóc quá Piotr nói, vẻ băn khoăn.

- Ơ kìa, nó bị thương rồi - viên sĩ quan phụ tá nói - đấy ở chân trước, bên phải phía trên đầu gối ấy. Chắc là bị vướng phải đạn rồi.

- Xin có lời mừng bá tước; thế là đã nếm mùi lửa đạn rồi đấy!
     
Sau khi vượt qua quân đoàn sâu ngập trong khói súng sau lưng đội pháo binh vừa được điều ra phía trước và bấy giờ đang nã súng bắn rát đạn nổ váng óc, họ đến một cánh rừng nhỏ. Trong rừng mát mẻ, tĩnh mịch và phảng phất hương vị mùa thu. Piotr và viên sĩ quan phụ tá xuống ngựa và đi lên đồi.

- Tướng quân ở đây phải không? - Viên sĩ quan phụ tá hỏi trong khi lên gần đỉnh đồi.

- Ông ta vừa mới ở đây, nhưng đã đi về phía kia, - một người nào đấy trả lời tay chỉ về bên phải.

Viên sĩ quan phụ tá quay lại nhìn Piotr, dường như không biết bây giờ nên xử trí với chàng ra sao.
   
Ông cứ yên tâm - Piotr nói, - tôi lên đồi được chứ?

- Được ông cứ đi đi. Đứng đấy ông sẽ thấy tất cả. Không nguy hiểm lắm đâu. Tôi sẽ ghé lại tìm ông.
       
Piotr đi về phía trận địa pháo, còn viên sĩ quan phụ tá thì đi thẳng. Hai người không gặp nhau nữa, và mãi về sau Piotr mới được tin viên sĩ quan phụ tá ngày hôm ấy đã mất một cánh tay.
     
Ngọn đồi Piotr trèo lên chính là ngọn đồi nổi tiếng (về sau quân đội Nga gọi nó là trận địa pháo trên đồi hay là trận địa pháo Raievxki, còn quân đội Pháp thì gọi nó là hoả điểm lớn, hoả điểm oan nghiệt, hoả điểm trung tâm, nơi mà quân Pháp cho là điểm trọng yếu nhất của trận địa và quanh đấy hàng vạn người đã gục xuống.
   
Hoả điểm này gồm có một ngọn đồi. Ở ba mặt có đào chiến hào. Ở trong hoả điểm có chiến hào bao bọc, mười khẩu pháo bắn qua những lỗ châu mai khoét trên chiến luỹ.
       
Thẳng hàng với đỉnh đồi, hai bên có hai dãy đại bác cũng đang bắn không ngớt. Ở phía sau các khẩu pháo có những đơn vị bộ binh. Khi lên đồi, Piotr tuyệt nhiên không hề nghĩ rằng ngọn đồi này với một vài chiến hào nhỏ, trong đó có mấy khẩu pháo đang bắn ra, là điểm quan trọng nhất trong trận đấu. Trái lại, vì chàng đang ở đấy, nên Piotr có cảm tưởng đó là một trong những vị trí ít quan trọng nhất.
     
Lên đến đỉnh đồi, Piotr ngồi xuống ở chỗ cuối chiến hào bao quanh trận địa pháo, đưa mát nhìn quanh xem người ta đang làm gì, môi bất giác nở một nụ cười hớn hở. Chốc chốc chàng lại đứng lên, môi vẫn mỉm cười và đi đi lại lại trên trận địa pháo, cố gắng không làm vướng chân những người lính đang nạp đạn, đẩy pháo hoặc mang túi thuốc súng chạy đi chạy lại không ngớt trước mắt chàng. Những khẩu pháo trên trận địa kế tiếp nhau bắn liên hồi, tiếng nổ váng óc, khói thuốc súng toả ra mù mịt cả một vùng chung quanh.
       
Trái với cái không khí rờn rợn phảng phất trong đội bộ binh yểm hộ, ở đây, trên trận địa pháo, nơi chỉ có một số người ít ỏi đang bận rộn, lại bị một chiến hào ngăn cách với bên ngoài, ai nấy đều phấn chấn như nhau, một niềm phấn chấn bao trùm lấy mọi người như trong khung cảnh một gia đình vậy.
       
Cái bóng dáng không có chút gì là nhà binh của Piotr, với chiếc mũ trắng, khi mới xuất hiện đã làm cho những người này ngạc nhiên một cách khó chịu. Những người lính đi qua trước mặt chàng đều liếc mắt nhìn dáng vóc chàng, ngcạc nhiên và thậm chí hãi nữa.
     
Viên sĩ quan pháo binh chỉ huy trận địa thân hình cao lớn, mặt rỗ, đôi chân dài lêu nghêu, giả bộ đến quan sát xem khẩu pháo ở đằng cuối hoạt động để lại gần Piotr và tò mò nhìn chàng.
Một sĩ quan khác trẻ măng, người nhỏ nhắn: khuôn mặt tròn trĩnh, hẳn là vừa mới ra khỏi trường võ bị đang say sưa chỉ huy hai khẩu pháo của anh ta, nói với Piotr, giọng nghiêm khác:

- Này ông, ông làm ơn tránh đi cho. Ở đây không được đâu.
       
Binh sĩ nhìn Piotr lắc đầu tỏ ý không tán thành. Nhưng khi mọi người đã thấy rõ rằng cái anh chàng đội mũ trắng kia không làm việc gì có hại, trái lại, vẫn ngồi yên trên mép chiến hào hay kính cẩn tránh ra một bên cho họ đi, miệng mỉm cười bẽn lẽn, khi thấy anh chàng đi trên trận địa pháo, dưới là mưa đạn mà cứ điềm nhiên như đi trên đường phố, thì lúc bấy giờ cảm giác ngỡ ngàng và ác cảm đối với chàng lúc đầu dần dần chuyển thành một mối đồng cảm thân mật có pha chút bông đùa, giống như tình cảm của những binh sĩ đối với những con vật họ nuôi: những con chó, những con gà trống, những con dê và nói chung là những con vật cùng ở với họ trong đơn vị. Những người lính ở trận địa pháo này đã mặc nhiên tiếp nhận Piotr vào gia đình của họ và đặt cho chàng một cái tên đùa. Họ gọi chàng là "Ông lớn nhà ta" và lấy làm một đề tài để đùa bỡn thân mật với nhau.

Một quả tạc đạn rơi xuống cày tung đất lên cách Piotr hai bước, Piotr vừa phủi những mảnh đất bắn vào quần áo, vừa mỉm cười đưa mắt nhìn chung quanh.

- Này, sao ông lớn không sợ hở? - Một người lính vai rộng, mặt đỏ nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng vững chắc trắng nhởn.

- Còn anh, anh có sợ đâu nào? - Piotr hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:06:44 pm
- Sợ chứ… - Người lính đáp - Nó có chừa ai đâu. Nó mà nện trúng thì bộ ruột đi đứt. Không sợ sao được. - Anh ta vừa nói vừa cười ha hả.
   
Một vài người lính khác dừng lại cạnh Piotr, vẻ mặt vui vẻ trìu mến. Hình như họ không ngờ rằng chàng cũng nói năng chẳng khác gì mọi người, và sự phát hiện này làm cho họ khoái chí lắm.

- Nhưng cái nghề con nhà lính chúng ta thì đã đành như thế. Chứ như ông lớn thì lạ thật. Ông lớn kia chứ!

- Về chỗ! - Viên sĩ quan trẻ tuổi quát những người lính đang xúm xít quanh Piotr. Hẳn là viên sĩ quan trẻ tuổi này mới làm nhiệm vụ lần đầu hay lần thứ hai gì đấy, nên nói năng với binh sĩ và với cấp chỉ huy một cách đặc biệt nghiêm túc và có quy củ. Hoả lực đại bác và súng trường mỗi lúc một dồn dập trên khắp chiến trường, nhất là bên trái, nới có các công sự hình mũi tên của Bagration.
     
Nhưng ở chỗ Piotr đứng thì khói che khuất hết, hầu như không nhìn thấy gì. Vả chăng tất cả sự chú ý của Piotr nay đều tập chung vào cái khóm nhỏ những người ở trong trận địa pháo, giống như một thứ gia đình tách biệt với tất cả những người khác. Bây giờ, nhất là sau khi trông thấy người lính nằm một mình trên bãi cỏ, những tình cảm khác đã thay thế cái cảm giác phấn trấn vui vẻ hồn nhiên lúc ban đầu khi mới trông thấy trận địa và nghe những tiếng súng chiến trường. Bây giờ, ngồi trên bờ dốc của chiến hào, chàng chăm chú quan sát những người ở xung quanh.

Vào khoảng mười giờ, người ta dã mang ra khỏi trận địa pháo hai mươi người; hai khẩu pháo đã bị bắn hỏng, những quả tạc đạn rơi xuống trận địa pháo ngày càng thấp, và những viên đạn rít lên, kêu vù vù, mỗi lúc một nhiều thêm. Nhưng binh sĩ trong trận địa pháo hấu như không để ý đến điều đó. Đâu đâu cũng vang lên những tiếng nói, những tiếng bông đùa rôm rả.

- Đạn nổ đấy. - Một người lính kêu lên khi quả tạc đạn vù vù bay đến.

- Không phải đến đây đâu! Đến với bọn bộ binh kia! - Một người khác cười lớn nói thêm khi thấy tạc đạn đã bay qua đầu họ và rơi vào đội ngũ quân yểm hộ.

- Chỗ quen biết của cậu đấy à? - Một người lính khác cười rộ nói với người nông dân tản đạn đang cúi rạp xuống khi quả tạc đạn bay qua.

Mấy người lính tụ tập ở bên cạnh ụ đất để nhìn xem phía trước có những gì.
     
Họ rời tiền tiêu đi rồi, thấy không họ chuyển ra phía sau rơi. - Mấy người lính vừa nói vừa giơ tay chỉ sang bên kia ụ đất.

- Ai lo việc lấy - Một viên hạ sĩ quan già quát lên bảo họ lui là vì họ có nhiệm vụ ở phía sau. - Đoạn viên hạ sĩ quan nắm lấy vai một người lính, co gối thúc vào người anh ta. Có tiếng cười rộ. Ở một bên có tiếng quát - Kéo khẩu pháo thứ năm lên!

- Dô ta, kéo nào, kéo cho đều nào như kéo thuyền ấy nhé - Tiếng reo hò vui vẻ của những người kéo pháo vang lên.

- Ấy suýt nữa cho nó xơi mất cái mũ của ông lớn nhà ta - Anh lính mặt đỏ ưa pha trò nhe răng ra cười với Piotr - Chà, quả này hỏng thật! - Anh ta nói thêm, giọng trách móc, khi thấy một quả tạc đạn rơi trúng vào bánh xe và chân một người lính.

- Đồ chồn cáo! - Một người khác cười phá lên khi thấy mấy anh dân quân lom khom bước vào trận địa pháo để khiêng anh thương binh ra - Ớn lắm rồi phỏng? - Bọn quạ này hết vía rồi! - Họ hò hét khi thấy dân quân ngần ngại trước người lính gãy một chân.

- Ôi thôi thôi, tội nghiệp chưa! - Các bố binh sĩ nhại mấy người nông dân - Các bố không thích các nghề này rồi.

Piotr nhìn thấy sau mỗi quả tạc đạn rơi xuống, sau mỗi sự tổn thất thì tâm trạng phấn khích chung lại càng tăng. Trên tất cả các gương mặt, ngọn lửa bấy lâu giữ kín!rong lòng bỗng bừng lên đường như để trả lời những công việc đang xảy ra thành những tia chớp mỗi lúc một mau thêm, mỗi lúc một sáng thêm giống như những tia chớp loé ra từ một đám mây đen giông tố đang ùn ùn kéo đến.
     
Piotr không nhìn bãi chiến trường trước mặt, không khí ở đó có những gì. Tâm trí chàng bị thu hút vào ngọn lửa kia đang bùng cháy càng ngày càng mãnh liệt, và cảm thấy nó đang hừng hực ngay ở trong lòng mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:07:32 pm
Đến mười giờ, các đơn vị bộ binh ở trong các bụi rậm trước trận địa pháo và dọc theo sông Kamenka rút lui. Đứng trên trận địa pháo có thể thấy họ chạy dạt về phía sau, dùng súng trường làm cáng khiêng những người bị thương. Có một viên tướng đi lên đối với một đoàn tuỳ tùng và sau khi nói mấy câu với viên đại tá, ông ta nhìn Piotr với vẻ giận dữ, rồi lại đi xuống, ra lệnh cho bộ binh yểm hộ đang đứng dồn sau trận địa pháo phải nằm dạt xuống cho đỡ thương vong.  Sau đó tiếng trống nổi lên trong hàng ngũ bộ binh ở trận địa pháo, rồi tiếng hô mệnh lệnh và từng hàng bộ binh tiến về phía trước.

Piotr nhìn sang bên kia ụ đất. Một khuôn mặt đặc biệt đập vào mắt chàng. Đó là một viên sĩ quan trẻ tuổi, mặt tái nhợt, đang đi thụt lùi, thanh kiếm tụt hẳn xuống, mắt lo lắng nhìn quanh.

Những hàng bộ binh khuất vào trong đám khói; người ta nghe thấy họ reo hò kéo dài và tiếng súng trường bắn liên hồi. Vài phút sau thấy đám người bị thương và người khiêng cáng từ đấy kéo ra.
       
Trên trận địa pháo, tạc đạn bắt đầu rơi dồn dập hơn trước. Có mấy người nằm sóng sượt giữa đất không ai mang đi. Cạnh mấy khẩu đại bác, các pháo thủ lại càng hoạt động khẩn trương hơn và hưng phấn hơn. Chẳng còn ai để ý đến Piotr nữa. Đã hai lần người ta giận dữ quát chàng vì chàng đứng trước giữa lối đi. Viên sĩ quan chỉ huy, vẻ mặt hầm hầm bước từng bước dài và nhanh từ khẩu pháo này sang khẩu khác. Viên sĩ quan trẻ tuổi, mặt càng đỏ hơn, quay lại, nạp đạn và làm nhiệm vụ một cách khẩn trương. Họ vừa đi vừa giật nảy lên như có lò xo.
     
Đám mây giông tố đã kéo đến, và trên tất cả các gương mặt đều hừng hực ngọn lửa mà Piotr đã theo dõi sự phát triển. Chàng đứng cạnh viên sĩ quan chỉ huy. Viên sĩ quan trẻ tuổi giơ tay lên vành mũ chạy đến trước mặt viên chỉ huy.

- Xin báo cáo đại tá, chỉ còn tám quả tạc đạn. Có bắn nốt không ạ?

- Đạn ria! - Viên chỉ huy không đáp, chỉ quát lên như vậy và đưa mắt nhìn qua chiến luỹ.
     
Đột nhiên có một cái gì xảy ra, viên sĩ quan trẻ tuổi kêu lên một tiếng, rồi gập người ngồi phịch xuống đất như một con chim bị đạn trong khi đang bay. Trước mắt Piotr, mọi vật đều trở nên lạ lùng, hỗn tạp và tối tăm.
     
Hết quả này đến quả khác đạn đại bác vù vù bay đến, rơi vào ụ đất vào binh sĩ, vào những khẩu pháo. Piotr nãy giờ không nghe thấy những tiếng ấy, thì bây giờ lại chỉ nghe rặt có những tiếng ấy mà thôi. Ở bên phải trận địa pháo, binh sĩ vừa hô "Ura!" vừa chạy lùi về phía sau chứ không phải tiến về phía trước - Piotr có cảm giác như vậy. Mỗi quả tạc đạn rơi trúng vào chiến luỹ, gần chỗ Piotr đứng, làm đất cát bắn lên phủ đầy người chàng; trước mặt chàng một quả cầu đen sì bay vút qua, và ngay sau đó rơi vào đầu một vật gì mềm nhũn. Dân quân đã tiến vào trận địa pháo, bỗng chạy lùi lại.

- Toàn pháo đội nạp đạn ria! Viên đại tá quát lên. Một viên sĩ quan hớt hải chạy đến cạnh ông ta và thì thầm báo cáo với ông là đạn đã bắn hết, vẻ lo sợ như một người chủ thiện đang giữa bữa tiệc mà phải báo cho ông chủ là nhà đã hết rượu.

- Quân kẻ cướp, làm ăn như thế này à? -, viên sĩ quan quát lớn, người quay về phía Piotr. Mặt ông ta đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, đôi mày ông ta cau lại, cặp mắt long lên sáng quắc. Ông giận dữ đưa mắt gườm gườm nhìn Piotr từ đầu đến chân rồi quay sang bảo mọi người lính - Chạy sang đội hậu bị lấy mấy hòm đạn đưa lại đây ngay!

- Để tôi đi lấy cho - Piotr nói - Tôi đi cho!

Viên đại tá không đáp, bước từng bước dài bỏ đi nơi khác.

- Đừng bắn. Hãy đợi đã! - Ông ta ra lệnh.

Người pháo thủ được lệnh chạy đi lấy tạc đạn vấp phải Piotr.

- Kìa ông lớn, đây không phải là chỗ của ông đâu. - Anh ta vừa nói vừa chạy xuống đồi.

Piotr chạy theo sau người lính, vòng qua chỗ viên sĩ quan trẻ tuổi gục xuống.
     
Một, hai, rồi ba quả tạc đạn bay qua đầu chàng, rơi trước mặt, ở bên cạnh, ở phía sau lưng. Piotr chạy xuống đồi. "Mình chạy đi đâu thế nay?". Chàng bỗng sực nhớ khi đã chạy đến gần những chiếc xe hòm chở đạn sơn xanh. Chàng dừng lại phân vân không biết nên quay lại hay tiến về phía trước. Đột nhiên một sự trấn động kinh khủng hất chàng về phía trước; chàng ngã lăn ra đất. Ngay lúc ấy ngọn lửa chói loà hắt vào mặt chàng và đồng thời là một tiếng sấm vang dội và một tiếng rít xé tai.
     
Khi đã hoàn hồn, Piotr thấy mình đang ngồi chống hai tay xuống đất. Chiếc hòm chớ đạn vừa thấy bên cạnh chàng bây giờ đã biến đi đâu mất: chỉ còn những mảnh ván sơn xanh bị cháy trụi, một con ngựa kéo cái càng xe gãy vụt chạy đi; trong khi một con ngựa khác cũng ngã lăn xuống đất như Piotr, hí lên những tiếng hí dài nhức óc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:08:18 pm
Phần X
Chương - 31

Piotr hoảng sợ cuống cuồng, nhảy chồm dậy và chạy về phía trận địa pháo, dường như có thể đó là nơi trú ẩn duy nhất chống lại tất cả những cảnh tượng kinh khủng đang vây quanh chàng.
     
Bước vào chiến hào, chàng nhận thấy trong trận địa, chàng nhận thấy trong trận địa pháo không có tiếng súng, trái lại người ta đang làm những gì gì ở đấy không rõ. Chàng không kịp suy nghĩ xem những người này là ai, họ đang làm gì, chàng nhìn thấy viên đại tá chỉ huy quay lưng về phía chàng, nằm vắt người qua chiến luỹ hình như đang nhìn một cái gì ở phía dưới; chàng chỉ còn thấy một người lính đang giãy giụa để vung ra khỏi những người đang giữ chặt cánh tay anh ta, miệng gào lên "Anh em ơi!" và còn thấy những điều kỳ lạ khác nữa.
     
Nhưng chàng chưa kịp hiểu ra rằng viên đại tá bị tử thương và người lính kêu "Anh em ơi?" đã bị bắt làm tù binh, thì trước mắt chàng một người lính khác đã bị một mũi lê đâm suốt lưng. Chàng vừa bước vào chiến hào, thì một người mặc quân phục màu lam gầy gò, nước da vàng vọt, mặt ướt đẫm mồ hôi, tay lăm lăm thanh kiếm, chạy xổ về phía chàng, miệng thốt lên một tiếng gì không rõ. Trong khi chạy lao vào nhau, hai người văn không trông thấy nhau. Để khỏi bị va mạnh. Piotr bất giác giơ tay ra nắm lấy người kia (đó là một sĩ quan Pháp), một tay nắm lấy vai, một tay chẹn cổ hắn. Viên sĩ quan buông rơi thanh kiếm, túm lấy cổ áo Piotr.
   
Trong vài giây, hai người hoảng hốt nhìn vào mặt nhau, và cả hai cùng ngơ ngác không biết mình đã làm gì và cần phải làm gì.
     
Cả hai cùng nghĩ bụng: "Ta bắt nó làm tù binh, hay nó bắt ta làm tù binh?". Nhưng hiển nhiên là viên sĩ quan Pháp thiên về ý nghĩ thứ hai, bởi vì bàn tay lực lưỡng của Piotr trong khi hoảng sợ đã bất giác bóp cổ hắn mỗi lúc một chặt. Người Pháp đang ú ớ toan nói một câu gì thì bỗng một quả tạc đạn bay sát trên đầu họ, tiếng rít nghe rợn cả người, và Piotr tưởng đầu viên sĩ quan Pháp đã bay mất, vì hắn cúi xuống nhanh quá.
     
Piotr cũng cúi xuống và buông tay ra. Không còn nghĩ đến chuyện ai bắt ai làm tù binh, người Pháp chạy lùi về phía trận địa pháo, còn Piotr thì chạy xuống đồi, chân vấp phải những xác chết và những người bị thương, và chàng có cảm giác như họ cứ bíu lấy chân mình. Nhưng chàng không kịp chạy xuống chân đồi thì một đám lính Nga dày đặc đã xông lên, vừa chạy, vừa ngã, vừa chen nhau, vừa hò hét, ồn ào vui vẻ lao về phía trận địa pháo. (Đó là cuộc tấn công mà sau này Yermolov tự gán cho mình, nói rằng phải dũng cảm và may mắn như ông ta thì mới có thể thực hiện được một chiến công như thế, và trong cuộc tấn công này, nghe đâu ông ta đã tung lên đồi từng vốc huân chương chữ thập George mà ông có sẵn trong túi, để thưởng công quân sĩ).

Quân Pháp sau khi chiếm được trận địa pháo lại bỏ chạy. Quân ta hô "Ura!" và đuổi theo quân Pháp, vượt xa trận địa pháo đến nỗi phải khó khăn lắm mới giữ họ lại được.

Người ta đem tù binh từ trận địa pháo xuống, trong số này có một viên tướng Pháp bị thương; các sĩ quan của ta xúm xít quanh y.
     
Một đoàn thương binh gồm cả người Nga lẫn người Pháp, trong đó có người Piotr biết mặt, có người không, mặt mày biến dạng đi vì đau đớn đang từ trên trận địa pháo xuống: người thì lê đi, người thì được khiêng trên cáng.

Piotr lại lên đồi, nơi chàng đã đứng hơn một tiếng đồng hồ nhưng không tìm thấy người nào ở trong cái gia đình nhỏ đã tiếp nhận chàng, ở đấy có nhiều người chết mà chàng không quen biết, nhưng cũng có người mà chàng nhận ra, viên sĩ quan trẻ tuổi vẫn còn trong vũng máu bên cạnh u đất, người vẫn gập lại như hồi nãy. Người lính mặt đỏ còn giãy giụa, nhưng họ vẫn chưa khiêng anh ta đi.
Piotr chạy xuống đồi.
     
"Thôi! Bây giờ thì họ sẽ ngừng tay lại, bây giờ họ sẽ kinh hãi trước việc họ đã làm?" Piotr nghĩ thầm trong khi thẫn thờ nhìn theo những người khiêng cáng từ chiến trường về.
       
Nhưng mặt trời bị khói che mờ vẫn còn cao, và ở phía trước, nhất là ở bên trái về phía làng Xemenovxkoye trong đám khói vẫn còn có cái gì sôi sục; tiếng súng trường, tiếng đại bác không hề giảm đi chút nào mà lại tăng lên đến mức điên cuồng, như một người đang thu hết tàn lực để thét lên một tiếng kêu tuyệt vọng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:09:05 pm
Phần X
Chương - 32
   
Cuộc chiến tranh chính trong trận Borodino đang diễn ra trong khi đất hai dặm ở giữa Borodino và các công sự hình mũi tên của Bagration (ở ngoài khu vực này, một bên là đạo kỵ binh của Uvarov biểu dương lực lượng vào giữa trưa, và bên kia, đằng sau Utitxa thì xảy ra cuộc giao chiến giữa Ponyatovxki và Tutikov nhưng đó chỉ là những trận chiến đấu lẻ tẻ và yếu ớt so với trận diễn ra ở trung tâm chiến trường). Ở khu vực giữa Borodino và các công sự hình mũi tên, cạnh ven rừng, trên một khoảng đất có thể nhìn thấy từ cả hai phía, trận chiến đấu chính đã diễn ra một cách đơn giản và bình dị.
     
Trong chiến đấu mở đầu bằng cuộc pháo kích dữ dội của mấy trăm khẩu pháo bắn từ cả hai bên.
     
Sau đó, khi khói đã bao phủ khắp chiến trường, trong đám khói này (về phía quân Pháp). Ở bên phải có hai sư đoàn xe của Dexe và Compăng tiến về phía các công sự hình mũi tên, và ở bên trái thì các trung đoàn của phó vương tiến về phía Borodino.
     
Cứ điểm Sevardino, nơi Napoléon đứng, cách xa các công sự hình mũi tên đến một dặm và cách Borodino đến hơn hai dặm theo đường thẳng, vì vậy Napoléon không thể thấy những sự việc đã diễn ra ở đấy, đã thế khói lại hoà lẫn với sương mù che phủ khắp nơi này. Chỉ trông thấy binh sĩ của sư đoàn Dexe đánh vào các công sự hình mũi tên khi họ chưa tiến vào các khe núi ngăn cách họ với công sự ấy. Họ vừa vào khe núi thì những đám khói súng trường và khói pháo ở trên các công sự hình mũi tên đã bắt đầu dày đặc đến nỗi phủ kín cả dốc núi bên kia khe. Qua bức màn khói dày đặc chỉ thấy một cái gì đen đen, chắc hẳn là một đám người, và đôi khi cũng thấy những ánh lưỡi lê lấp loáng. Nhưng họ đang tiến lên hay đã dừng lại, đó là quân Pháp hay là quân Nga thì từ cứ điểm Savardino không thể nào phân biệt được.
   
Mặt trời đã lên cao, và những tia nắng rực rỡ chiếu chênh chếch vào mặt Napoléon khi ông ta giơ tay che mặt nhìn các công sự hình mũi tên.  Khói treo lơ lửng ở trước mặt các công sự này, khi thì người ta có cảm giác như lớp khói đang bay đi, khi thì lại có cảm giác như quân lính đang di chuyển. Thỉnh thoảng xen lẫn với tiếng súng lại có tiếng người quát tháo, nhưng không thể nào biết sự tình ở đấy ra sao.
       
Napoléon đứng trên gò nhìn qua kính viễn vọng. Trong cái vòng tròn nhỏ hẹp của ống kính, ông nhìn thấy lố nhố những khói và người, lúc thì người Pháp, lúc thì người Nga; nhưng khi nhìn lại bằng mắt trần thì ông không thể biết những điều vừa thấy xảy ra ở đâu.
     
Ông xuống chân gò và bắt đầu đi đi lại lại trước gò. Chốc chốc ông lại dừng chân, lắng nghe súng nổ và đưa mắt nhìn bãi chiến trường.

Nhưng không những ở chân gò là nơi ông đứng, hay ở trên đỉnh gò là nơi đang có vài viên tướng của ông đứng, mà ngay tại các công sự hình mũi tên, nơi mà quân Pháp và quân Nga, người thì chết, người thì bị thương hay còn lành lặn, hốt hoảng điên cuồng đang đồng thời chiếm lĩnh hay lần lượt chiếm lĩnh, người ta cũng không thể nào hiểu được sự việc đang xảy ra. Suốt mấy giờ liền ở nơi này, giữa tiếng súng trường và tiếng đại bác liên hồi, quân Pháp và quân Nga lần lượt xuất hiện, khi thì bộ binh, khi thì pháo binh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:09:38 pm
Họ xông lên, họ gục xuống, họ bắn giết, không biết phải làm gì nhau, quát tháo và chạy lùi lại.

Từ chiến trường, những sĩ quan phụ tá do Napoléon phái đi, những sĩ quan tuỳ tùng của các vị thống chế của ông luôn luôn phi ngựa đến trước mặt Napôpêông để báo cáo về quá trình diễn biến của trận đánh. Nhưng tất cả những báo cáo này đều không đúng sự thật: một phần vì trong lúc chiến đấu kịch liệt không thể nào nói rõ việc gì đã xảy ra vào lúc gỉây phút quyết định, một phần vì nhiều sĩ quan phụ tá không đến tận nơi đang thực sự chiến đấu mà chỉ truyền đạt lại những điều họ nghe những người khác nói lại và một phần nữa vì trong khi viên sĩ quan phụ tá đi đoạn đường hai ba dặm đến chỗ Napoléon đứng thì tình hình đã thay đổi, và những tin tức mà họ mang tới không còn xác thực nữa.
   
Chẳng hạn một sĩ quan phụ tá của phó vương đến báo tin đã chiếm được làng Borodino và cái cầu trên sông Kolotsa đã lọt vào tay quân Pháp. Viên sĩ quan hỏi Napoléon xem ông ta có ra lệnh cho quân đội qua sông hay không. Napoléon ra lệnh bố trí bên kia sông và đợi lệnh mới. Nhưng ngay lúc Napoléon ra lệnh này, hay đúng hơn là ngay lúc viên sĩ quan phụ tá rời khỏi Borođino thì cái cầu đã bị quân Nga chiếm lại và đốt cháy trong trận giao chiến mà Piotr đã chứng kiến lúc giao tranh mới bắt đầu. Một sĩ quan phụ tá, mặt tái xanh, hoảng hốt phi ngựa từ các công sự hình mũi tên về báo với Napoléon rằng cuộc tấn công đã bị đánh bật, Compăng đã bị thương và Davu đã tử trận. Nhưng trong lúc đó thì các công sự này đã bị một đơn vị Pháp khác chiếm ngay khi người ta nói với viên sĩ quan phụ tá rằng quân Pháp bị đánh lui, còn Davu thì vẫn còn sống và chỉ bị bầm nhẹ. Căn cứ vào những báo cáo nhất định là sai như vậy, Napoléon ra mệnh lệnh, nhưng những mệnh lệnh này đã được thực hiện trước khi ông ta ban bố, hoặc không thể thực hiện được và không hề được thực hiện.
       
Các thống chế và các tướng ở gần chiến trường hơn, cũng như Napoléon, họ không tham dự vào trận đánh mà chỉ thỉnh thoảng cưỡi ngựa đi dưới làn lửa đạn, và không hề hỏi ý kiến của Napoléon, họ tự ý ra những mệnh lệnh cho biết phải bắn vào đâu và đứng ở đâu mà bắn, kỵ binh và bộ binh phải chạy đến đâu.
     
Nhưng cũng như mệnh lệnh của Napoléon, những mệnh lệnh của họ cũng rất ít khi được thực hiện, và có chăng cũng chỉ trong phạm vi tối thiểu. Thường thường thì sự việc xảy ra trái với mệnh lệnh của họ. Binh sĩ được lệnh tiến về phía trước và lại lùi trở lại vì gặp phải đạn ria bắn ra như mưa, còn binh sĩ được lệnh dừng lại ở nguyên chỗ cũ, thì đột nhiên thấy quân Nga hiện ra trước mặt liền chạy lùi lại hoặc xông lên phía trước, còn kỵ binh thì đuổi theo quân Nga đang bỏ chạy mà không hề được lệnh gì cả.  Chẳng hạn hai trung đoàn kỵ binh được lệnh vượt qua khe núi Xemenovxkoye vừa mới lên núi thì đã phải quay xuống và hối hả phi ngựa chạy về. Bộ binh cũng di động như vậy: đôi khi họ chạy đến một nơi hoàn toàn không phải nơi họ được lệnh đến. Tất cả những mệnh lệnh cho biết phải đưa các khẩu pháo đi đâu và lúc nào, lúc nào bộ binh phải bắn, lúc nào kỵ binh phải đuổi theo bộ binh Nga, tất cả những mệnh lệnh ấy đều do những viên chỉ huy trực tiếp của các đơn vị ở trong hàng quân ban bố mà không hề hỏi ý kiến Ney, Davu, Mura chứ đừng nói đến Napoléon nữa. Họ không sợ bị phạt mà không thực hiện mệnh lệnh trên hay vì tự tiện ra mệnh lệnh, bởi vì trong một trận đánh, vấn đề được đặt ra, vấn đề quan trọng nhất đối với con người, đó là tính mạng của bản thân họ; và đôi khi người ta cảm thấy muốn sống thì phải chạy lùi, nhưng đôi khi người ta cảm thấy cần chạy lên phía trước, và cứ tuỳ theo tình hình từng giây, từng phút mà những con người này hành động một khi đã ở trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Thật ra, tất cả những sự di động hay lùi, không hề cải thiện mà cũng không hề thay đổi tình hình của các đạo quân.
     
Tất cả những cuộc tấn công và xung phong vào hàng ngũ của Nga hầu như không hề gây nên thiệt hại gì cho họ so với những thiệt hại, những tổn thất và thương vong do những viên đạn súng trường bay khắp trận địa, nơi họ đang đi động. Những con người ấy vừa ra khỏi tầm tạc đạn và đạn súng trường, thì các vị chỉ huy ở phía sau đã lập tức tập hợp lại, chấn chỉnh kỷ luật, rồi dùng cái kỷ luật đó để đưa họ vào vòng lửa đạn, rồi khi vào đến đấy, vì sợ chết, họ lại mất kỷ luật và chạy đi chạy lại loạn xạ tuỳ theo tâm trạng nhất thời của đám đông.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:10:21 pm
Phần X
Chương - 33

Các tướng soái của Napoléon - Davu, Ney và Mura đang đứng gần hoả tuyến và đôi khi cũng đi vào hoả tuyến, - đã mấy lần đưa vào vòng lửa đạn này những đoàn quân đông đúc và hàng ngũ chỉnh tề. Nhưng trái hẳn với điều xưa nay vẫn xảy ra trong những trận chiến đấu trước đây, họ không nghe tin quân địch bỏ chạy; những đoàn quân chỉnh tề kia lại từ nơi ấy quay trở về biến thành những đám người rối loạn, hốt hoảng. Họ lại chỉnh đốn quân ngũ, nhưng số người này ngày càng vợi đi. Đến trưa, Mura phái viên sĩ quan phụ tá của mình đến gặp Napoléon xin tăng viện.

- Xin tăng viện à? - Napoléon nói, và ngạc nhiên mà nghiêm khắc, dường như không hiểu viên sĩ quan phụ tá muốn nói gì, và đưa mắt nhìn viên sĩ quan măng sữa, xinh trai, có món tóc đen dài và quăn theo kiểu Mura. "Tăng viện à? Napoléon nghĩ thầm - họ còn xin tăng viện khi họ nắm trong tay một nửa quân đội để tấn công vào một cánh quân Nga yếu ớt không có công sự hay sao!".

- Nhà ngươi bảo với quốc vương thành Napoli - Napoléon nói giọng nghiêm khắc - rằng bây giờ chưa đến trưa và ta chưa trông thấy rõ trên bàn cờ của ta. Thôi đi!
   
Viên sĩ quan măng sữa đẹp trai có bộ tóc dài, tay không cất khỏi vành mũ, buông một tiếng thở dài não nuột quay về nơi người ta đang giết nhau.
     
Napoléon đứng dậy gọi Colanhcur và Bertie lại bắt đầu nói chuyện với họ về những việc không liên quan gì đến trận đánh.
     
Giữa những câu chuyện, trong khi Napoléon đã bắt đầu thấy hào hứng thì mắt của Bertie lại hướng về một viên tướng đang cưỡi con ngựa ướt đẫm mồ hôi đang phi đến cùng với đoàn tuỳ tùng. Đó là Belyar. Ông ta xuống ngựa bước nhanh đến trước mặt hoàng đế, cất tiếng nói sang sảng bắt đầu trình bày nhất thiết phải tăng viện. Ông ta lấy danh dự mà thề rằng quân Nga sẽ bị tiêu diệt nếu hoàng đế cho thêm một sư đoàn nữa.
     
Napoléon nhún vai không thèm đáp lấy một câu nào và vẫn tiếp tục đi đi lại lại Belyar bắt đầu nói rất to và rất hăng với những viên tướng của đoàn tuỳ tùng đang đứng quanh ông:

- Ông nóng nảy lắm ông Belyar ạ - Napoléon lại gần viên tướng nói - đang chiến đấu hăng thì dễ sai lắm.
Ông hãy đi xem tình hình nữa rồi lại đây bảo với tôi.
     
Belyar chưa đi xa được bao nhiêu thì ở đầu kia lại có một người khác được phái từ chiến trường về.

- Sao? Có việc gì đấy? - Napoléon nói với cái giọng của một người bực mình vì luôn luôn bị quấy rầy.

- Tâu bệ hạ, công tước… - viên sĩ quan phụ tá mở đầu,

- Xin tăng viện phải không? - Napoléon ngắt lời với một cử chỉ giận giữ.

Viên sĩ quan cúi đầu tỏ ý khẳng định và bắt đầu trình bày; nhưng hoàng đế lại quay mặt đi bước hai bước rồi dừng chân, quay lại gọi Bertie đến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:11:11 pm
- Phải đưa quân dự bị ra - Napoléon nói, hai tay hơi đang ra - Theo ông thì nên phái ai đến đây?

Ông hỏi Bertie, con ngỗng con mà ta đã biến thành phượng hoàng như sau này ông gọi Bertie.

- Tâu bệ hạ, phái sư đoàn Capared, - Bernie nói; ông vốn nhớ thuộc lòng tất cả các sư đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn.
   
Napoléon gật đầu tán thành. Viên sĩ quan phụ tá phi ngựa đến sư đoàn Clapared. Và vài phút sau, đoàn quân cận vệ trẻ tuổi đứng sau đổi rời khỏi vị trí. Napoléon im lặng nhìn về hướng ấy.

- Không được - Ông ta bỗng nói với Bertie - Ta không thể phái Capared được. Hãy phái sư đoàn Friăng.
   
Mặc đù không có lấy một lý do nào khiến cho ông ta chọn sư đoàn Friăng thay sư đoàn Capared, và lúc bấy giờ bảo Capared dừng lại và phái Friăng đi thì hiển nhiên là bất tiện và tốn thì giờ, nhưng mệnh lệnh thì vẫn phải được thi hành một cách nghiêm túc.
     
Napoléon không thấy rằng đối với những đạo quân của mình, ông đóng vai trò một vị bác sĩ mà những phương thuốc chỉ làm cho bệnh thêm nặng, một vai trò mà ông hiểu rõ và biết phê phán một cách đúng đắn ở người khác. Sư đoàn Friăng cũng như những sư đoàn khác đã đi khuất vào trong đám khói của bãi chiến trường. Từ nhiều nơi khác nhau, các sĩ quan phụ tá vẫn tiếp tục chạy đến, và dường như họ đã thông đồng với nhau từ trước, ai nấy đều chỉ nói có một chuyện. Họ đều yêu cầu tăng viện, nói rằng quân Nga vẫn giữ vững trận địa và một hoả lực khủng khiếp đang làm cho quân Pháp tan rã.
     
Napoléon ngồi tư lự trên ghế xếp.
     
Ông De Boxe, con người thích du lịch, nhịn đói từ sáng đến giờ, lại gần hoàng đế và đánh bạo kính cẩn đề nghị bệ hạ dùng bữa sáng.

- Tôi hy vọng rằng ngay từ bây giờ tôi đã có thể có lời mừng bệ hạ thắng lợi - Ông ta nói.

Napoléon im lặng lắc đầu. Ông De Boxe cho rằng cái lắc đầu này có liên quan đến thắng lợi chứ không phải đến bữa ăn sáng, bèn đánh bạo dùng giọng vừa tươi tỉnh vừa kính cẩn lưu ý hoàng đế rằng trên đời không có gì có thể ngăn cản người ta ăn sáng khi có thể ăn được.

- Thôi ông… - Napoléon gật đầu, rồi quay mặt đi. Một nụ cười nghệch tỏ vẻ hối tiếc, ân hận và phấn chấn hiện lên gương mặt De Boxe và ông bước rón rén lẻn ra chỗ các tướng khác đứng.

Napoléon có một cảm giác bực dọc như một người đánh bạc may mắn xưa nay vẫn quen vung tiền vong mạng, nhưng chưa bao giờ cũng được, thế rồi đột nhiên, chính khi anh ta đã trù tính tất cả những trường hợp may rủi của canh bạc, thì lại cảm thấy mình càng suy nghĩ về nước đi lại càng thua một cách chắc chắn.

Các đạo quân vẫn là những đạo quân ngày trước, các vị tướng vẫn là các vị tướng ấy, cách chuẩn bị mệnh lệnh tác chiến vẫn thế, cũng vẫn lời tuyên cáo ngắn gọn và cương quyết ấy, và bản thân ông cũng chẳng khác gì trước. Ông thừa biết điều đó, hơn nữa ông còn biết rằng ngày nay ông còn giàu kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trước, trái lại quân địch thì vẫn là quân địch ngày xưa ở Austerlix và Fridland.  Nhưng nay có một mã lực gì khiến cánh tay đáng sợ của ông buông thõng xuống một cách bất lực.

Cũng vẫn những biện pháp xưa kia bao giờ cũng làm cho ông giành được thắng lợi. Cũng vấn tập trung hoả lực pháo binh vào một điểm duy nhất, cũng dùng quân đội hậu bị tấn công để chọc thủng trận tuyến, dùng đoàn kỵ binh của những con người sắt để xung phong, tất cả những biện pháp này đã dùng hết rồi, mà vẫn không thu được thắng lợi; đã thấy đâu đâu cũng chỉ thấy dồn dập đưa tới những tin tức như nhau: nào là những viên tướng bị thương hay bị tử trận, nào là cần tăng viện, nào là quân Nga không chịu núng; nào là quân ta hỗn loạn.
   
Trước đây chỉ cần ra vài lệnh, nói dăm ba câu, thế là thấy các thống chế và các sĩ quan phụ tá mặt mày hớn hở phi ngựa về chúc mừng thắng trận, tấu trình danh sách chiến lợi phẩm: nào là những lữ đoàn địch bị bắt làm tù binh, nào là những bó quân kỳ và quốc huy phượng hoàng của địch, nào là những khẩu pháo, những xe vận tải - và Mura chỉ còn việc xin phép cho kỵ binh xuống ra vét gọn các đoàn vận tải ở Lodi, ở Marengo, ở Arcole, ở Jena, ở Austerlix, ở Vagram vân vân, vân vân, trước đây đều như vậy. Nhưng bây giờ quân đội của ông đã gặp phải một cái gì quái lạ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 02:11:49 pm
Mặc dù đã có tin chiếm được các công sự hình mũi tên, Napoléon vẫn thấy đây không phải, hoàn toàn không phải như trong tất cả những trận đánh trước kia của mình. Ông thấy rằng cảm xúc của ông, cũng là cảm xúc của mọi người xung quanh ông, những con người giàu kinh nghiệm chiến đấu. Gương mặt các tướng tá đều rầu rĩ. Mắt họ đều lẩn trốn không muốn nhìn nhau. Chỉ có Boxe mới không hiểu nổi tầm quan trọng của việc đang xảy ra. Còn Napoléon, với kinh nghiệm của một người đã chinh chiến lâu năm, thừa hiểu một trận đánh mà sau tám giờ chiến đấu liên tiếp, sau khi đã nỗ lực đủ cách như vậy mà kẻ tấn công vẫn không giành được thắng lợi, là một trận đánh như thế nào. Ông biết rằng như vậy tức là đã thất trận, và bây giờ chỉ cần một điều ngẫu nhiên hết sức nhỏ nhặt trong cái tình trạng căng thẳng bất phân thắng bại này là đủ làm cho ông tiêu vong.
   
Khi ông hồi tưởng lại tất cả cái chiến dịch Nga quái lạ này, trong đó ông không thắng được lấy một trận, trong đó suốt hai tháng ròng không cướp lấy được một lá cờ, một khẩu pháo, không bắt được một lữ đoàn, khi ông đưa mắt nhìn gương mặt đượm vẻ buồn rầu kín đáo của những người xung quanh, nghe những báo cáo nói rằng quân Nga vẫn giữ vững, một cảm giác ghê sợ trào vào lòng ông ta, giống như cái cảm giác thường cỏ trong một cơn ác mộng, rồi ông chợt nghĩ đến tất cả những trường hợp rủi ro có thể giết chết mình. Quân Nga có thể tấn công vào cánh trái, có thể chọc sâu vào trung tâm quân Pháp một viên đạn lạc có thể giết chết bản thân ông nữa. Tất cả những điều đó có thể xảy ra. Trong những trận đánh trước đây, ông chỉ toàn nghĩ đến những trường hợp may mắn, nhưng bây giờ thì vô số trường hợp rủi ro hiện ra trong óc ông, và ông sẵn sàng đón lấy tất cả. Phải rồi, hệt như trong một giấc mơ: người ta thấy một tên gian phi đánh mình, người ta giơ tay lên tống cho nó một quả thật mạnh, tưởng thế nào nó cũng ngã gục; nhưng bỗng nhiên người ta cảm thấy cánh tay mình rơi phịch xuống, bất lực mềm nhũn như một mảnh giẻ và nỗi kinh hoàng trước cái chết không sao tránh khỏi bao trùm lấy con người bất lực.
   
Tin tức báo rằng quân Nga tấn công vào cánh trái của quân Pháp đã gây nên trong lòng Napoléon một cảm giác kinh hoàng như vậy. Ông ngồi trên cái ghế xếp ở dưới chân gò, im lặng cúi đầu, chống khuỷu tay lên đầu gối, Bertie đến cạnh đề nghị ông đi quan sát trận tuyến để thấy rõ tình hình.

- Cái gì? Ông nói gì? - Napoléon hỏi - Phải, ông bảo đưa ngựa lại cho ta.
     
Ông lên ngựa đến Xemenovxkoye.

Trong đám khói súng đang dần dần tản ra trên khắp khu vực Napoléon đi qua, người và ngựa nằm ngổn ngang trong những vũng máu, chỗ thì rải rác, chỗ thì chất thành từng đống. Napoléon và các tướng chưa bao giờ thấy một cảnh tượng khiếp đảm như vậy, chưa bao giờ thấy nhiều xác chết trong một khu vực nhỏ như vậy.
     
Tiếng pháo gầm không ngớt suốt mười tiếng đồng hồ làm nhức cả tai, khiến cho quang cảnh thêm một ý nghĩa đặc biệt, như âm nhạc trong hoạt cánh.

Napoléon lên đến cao điểm Xemenovxkoye và qua đám khói.
   
Ông nhìn thấy những hàng quân mà mắt ông quen nhìn màu quân phục. Đó là quân Nga.

Quân Nga đứng thành hàng ngũ dày dặc sau làng Xemenovxkoye và sau ngọn đồi. Súng của quân Nga vẫn gầm lên không ngớt và khói bốc lên che kín cả chiến tuyến của họ. Đây không còn một cuộc giao chiến nữa. Đây là một cuộc tàn sát kéo dài không thể đem lại một cái gì cho quân Nga hay cho quân Pháp.
     
Napoléon dừng ngựa và trở về với tâm trạng đăm chiêu mà Bertie vừa kéo ông ra khỏi. Ông không sao ngăn được những việc đang diễn ra trước mắt ông và xung quanh ông, mặc dầu những việc ấy được coi như từ do ông chỉ huy và lệ thuộc vào ông, và lần đầu tiên, vì thất bại, ông đã thấy nó cô ích và khủng khiếp.
     
Một viên tướng cưỡi ngựa đến gần Napoléon, đánh bạo đề nghị ông tung đội cấm vệ lão thành nhập trận. Nghe lời đề nghị ngu xuẩn của viên tướng kia, Ney và Bertie đứng sau Napoléon đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười khinh bỉ.
     
Napoléon cúi đầu, im lặng hồi lâu rồi nói:

- Cách xa nước Pháp tám trăm dặm, ta không để cho đạo vệ binh của ta bị huỷ diệt đâu!

Nói đoạn, ông quay ngựa về Sevardino.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 08:57:19 pm
Phần X
Chương - 34

Kutuzov, mái đầu bạc phơ cúi thấp xuống, thân hình nặng nề lụ khụ ngồi bệt trên chiếc ghế dài phủ tấm thảm đúng ở nơi mà ban sáng Piotr đã thấy ông ta ngồi. Ông không ra mệnh lệnh gì hết, mà chỉ tán thành hay không tán thành những điều người ta đề nghị với ông.

- Được được cứ làm đi! - Ông đáp lại những lời đề nghị.
   
"Được được anh thử xem xem!" - Ông nói người này hay người kia trong số những người thân cận; hay là "Không, không nên, hãy cứ đợi xem đã" - Ông đáp. Ông lắng nghe người ta báo cáo, ra mệnh lệnh cho những người cấp dưới khi nào họ yêu cầu; nhưng trong khi nghe họ báo cáo tình hình như ông ít quan tâm đến ý nghĩa những lời nói mà chỉ để ý đến một cái gì khác trên vẻ mặt, trong giọng nói của họ.
     
Với vốn kinh nghiệm chiến đấu lâu năm và trí thông minh của người già cả, ông hiểu rằng một con người không thể nào lãnh đạo hàng chục vạn con người khác đang vật lộn với cái chết, ông biết rằng cái quyết định số phận của trận đánh không phải là những mệnh lệnh của vị tổng chỉ huy, không phải là trận địa và cách bố trí quân đội, không phải là số khẩu pháo và số thương vong mà là cái sức mạnh vô hình gọi là tinh thần của quân đội, nên ông theo dõi cái sức mạnh này và hướng dẫn nó trong chừng mực ông có thể làm được.
   
Vẻ mặt của Kutuzov phản ánh một sự chú ý và nỗ lực bình tĩnh tập trung đang chật vật khắc phục sự mệt mỏi của một thể xác già nua và yếu đuối.
   
Lúc mười một giờ trưa, có tin là các công sự hình mũi tên bị quân Pháp chiếm đã lấy lại được, nhưng công tước Bagration đã bị thương. Kutuzov "à!" lên một tiếng và lắc đầu.

- Anh đến gặp công tước Piotr Ivanovich và tìm hiểu cặn kẽ xem tình hình ra sao? - Ông nói với một sĩ quan phụ tá đoạn quay lại nói chuyện với thân vương Vuyrtemberg đang đứng sau lưng.

- Thưa điện hạ, xin ngài nhận chỉ huy quân đoàn thứ hai.

Thân vương vừa đi được một lát chưa đủ thì giờ tới làng Xemenovxkoye thì viên sĩ quan phụ tá của ông đã quay lại báo cáo với điện hạ rằng thân vương yêu cầu tăng viện.

Kutuzov cau mày và phái Dokhturov chỉ huy quân đoàn thứ hai, còn thân vương thì, như ông nói, trong giờ phút nghiêm trọng này, ông không thể thiếu thân vương được và xin mời thân vương trở lại.
     
Khi có người đến báo tin Mura đi đã bị bắt làm tù binh và các sĩ quan tham mưu đến chúc mừng Kutuzov. Ông mỉm cười.

- Khoan đã, các ông ạ - Ông nói - Chúng ta đã thắng trận, thì bắt được Mura cũng chẳng có gì là lạ.
Nhưng tốt hơn là hãy chưa nên mừng vội.

Tuy nhiên ông vẫn sai một viên sĩ quan phụ tá đi qua các đơn vị để báo tin này.

Khi Serbinin từ cánh bên phải phi ngựa đến báo tin rằng quân Pháp đã chiếm được các công sự hình mũi tên và làng Xemenovxkoye, Kutuzov nhìn vẻ mặt của Serbinin và nghe những tiếng động trên chiến trường, đoán biết rằng đã có một việc gì không hay xảy ra. Ông đứng dậy như để duỗi chân cho đỡ chồn, đoạn khoác tay Serbinin, kéo ông ta ra một bên.

- Này anh, anh cứ đi đi - Ông nói với Yermolov - anh hãy thử có làm được gì không?

Kutuzov ở Gorki là trung tâm trận địa của quân đội Nga.  Cuộc tấn công mà Napoléon phát động nhằm đánh vào cánh trái của quân ta đã mấy lần bị đánh bật trở lại. Ở trung tâm, quân Pháp vẫn chưa vượt quá Borodino. Ở cánh trái, đạo kỵ binh của Uvarov đã buộc quân Pháp phải bỏ chạy.

Khoảng hai giờ chiều, quân Pháp ngừng tấn công. Trên gương mặt tất cả những người ở chiến trường về cũng như trên gương mặt những người đứng quanh ông, Kutuzov đều thấy biểu lộ một tinh thần căng thẳng đến cực độ. Kutuzov hài lòng vì thắng lợi ngày hôm ấy vượt quá những điều ông mong ước. Nhưng ông già đã kiệt sức. Đã mấy lần mái đầu ông gục thấp xuống như sắp rụn hẳn: ông ngủ gật.
Người ta dọn bữa cơm trưa mời ông dùng.

Voltxoghen, sĩ quan phụ tá ngự tiền, chính người đã đi qua trước mặt công tước Andrey và nói rằng chiến tranh cần phải được mở rộng trong không gian, con người mà Bagration rất ghét, cưỡi ngựa lại gần Kutuzov trong khi ông ta đang ăn. Voltxoghen, được Barclay phải đến báo cáo về tình hình diễn biến của chiến sự ở cánh trái. Nhìn thấy số người bị thương cuồn cuộn đổ về đạo hậu vệ của quân ta rối loạn, Barclay de Tolly, con người cơ mưu, sau khi cân nhắc tình hình một cách cặn kẽ bèn kết luận rằng trận chiến đấu đã thất bại và phái người thân cận mang tin ấy đến cho vị tổng tư lệnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 08:58:00 pm
Kutuzov đang khó nhọc nhai được miếng gà quay đưa đôi mắt húp híp, nhưng vui vẻ nhìn Voltxoghen.
     
Voltxoghen uể oải duỗi thẳng đôi chân, trên môi nở một nụ cười khinh khỉnh, đến cạnh Kutuzov và khẽ đưa tay lên chạm vào vành mũ lưỡi trai. Đối với điện hạ, Voltxoghen cố ý tỏ vẻ hơi khinh thường để cho người ta thấy rằng mặc cho bọn người Nga tha hồ sùng bái cái ông già vô dụng này, một quân nhân tài cao học rộng như ông vẫn thừa biết mình đang giao thiệp với một con người như thế nào. "Cái ông bố già kia (bọn người Đức nói với nhau vẫn gọi Kutuzov như vậy) vẫn bình chân như vại - Voltxoghen nghĩ thầm - Ông nghiêm khắc đưa mắt nhìn những đĩa thức ăn ở trước mặt Kutuzov và bắt đầu báo cáo với ông già về tình hình chiến sự ở cánh trái theo như Barclay dãn và theo như bản thân ông nhận thấy và quan niệm.

- Tất cả các cứ điểm của trận địa ta đều lọt vào tay quân địch, và chúng ta không biết lấy gì đánh lui được bởi vì không có quân, binh sĩ thì bỏ chạy, và không tài nào giữ họ lại được. - Ông nói.
     
Kutuzov ngừng nhai, ngạc nhiên dương mắt nhìn chằm chặp vào mặt Voltxoghen tựa hồ không hiểu người ta nói gì với mình.
     
Voltxoghen thấy ông bố già xúc động liền mỉm cười, nói:

- Tôi tự thấy không có quyền che giấu điện hạ những gì tôi đã trông thấy… Quân đội ta hoàn toàn rối loạn…

- Ông trông thấy à? Ông trông thấy à? - Kutuzov cau mày quát lên: đứng phắt dậy và bước đến trước mặt Voltxoghen - Sao… Ông… sao ông dám!… - Kutuzov, bàn tay run rẩy làm những cử chỉ hăm doạ, vừa sặc vừa quát. Thưa ông… sao ông dám nói như vậy với tôi? Ông không biết gì hết. Ông hãy nói hộ với tướng Barclay rằng những tin tức của ông ta đều sai lạc, và tôi, tổng tư lệnh, tôi biết rõ tiến trình thực sự của trận đánh hơn ông.
   
Voltxoghen toan bác lại thì bị Kutuzov ngắt lời ngay:

- Quân địch đã bị đánh lui ở cánh trái và bị đánh bại ở cánh phải. Nếu ông không thấy rõ thì thưa ông, ông không được nói liều về những việc mà ông không biết. Ông hãy làm ơn đến gặp tướng Barclay và truyền đạt cho ông ta biết ý định nhất quyết của tôi là đến mai sẽ tấn công quân địch - Kutuzov nói, giọng nghiêm khắc.
     
Mọi người đều im lặng, và người ta chỉ nghe hơi thở hổn hển của vị tướng già.

- Đâu đâu chúng cũng bị đánh lui, và tôi xin cảm tạ Thượng đế và đạo quân anh dũng của chúng ta. Quân địch đã bại trận, và ngày mai chúng ta sẽ đuổi cổ chúng ta khỏi lãnh thổ thiêng liêng của nước Nga - Kutuzov vừa nói vừa làm dấu thánh giá rồi đột nhiên nấc lên một tiếng nước mắt rưng rưng.
     
Voltxoghen nhún vai và mím môi im lặng bước ra, kinh ngạc về sự cố chấp của cái ông già này.

- A đây, vị anh hùng của tôi đây rồi - Kutuzov chỉ một viên tướng người đẫy đà, tuấn tú, tóc đen, bấy giờ đang bước lên ngọn đồi. Đó là Raievxki, con người đã đứng suốt ngày ở điểm chính của chiến trường Borodino.
   
Raievxki báo cáo rằng quân ta vẫn giữ vững vị trí, quân Pháp không dám tấn công nữa.
Nghe xong, Kutuzov nói với ông ta bằng tiếng Pháp:

- Vậy ông không nghĩ như những người khác rằng chúng ta bắt buộc phải rút lui à?

- Thưa điện hạ, trái lại, trong khi thắng bại chưa rõ thì kẻ nào bền gan hơn bao giờ cũng thẳng - Raievxki nói - và theo ý tôi…

- Kaixarov, - Kutuzov gọi viên sĩ quan phụ tá của mình - Anh ngồi đây viết nhật lệnh cho ngày mai. Còn anh - Ông nói vớí một người khác - anh hãy đi khắp các hàng quân tuyên bố rằng ngày mai chúng ta sẽ tấn công.
     
Trong khi Kutuzov đang nói chuyện với Raievxki và đọc nhật lệnh thì Voltxoghen một lần nữa được Barclay de Tolly phái đến, báo cáo rằng tướng Barclay de Tolly muốn có văn bản xác nhận mệnh lệnh vị nguyên soái vừa ban bố.

Kutuzov, không buồn nhìn Voltxoghen, sai viết bản mệnh lệnh mà viên cựu tổng tư lệnh đòi hỏi một cách rất có lý để tránh trách nhiệm.
     
Và do một mối liên hệ vô hình, thần bí li kỳ trong khắp quân đội sợi dây thần kinh chủ yếu của chiến tranh, những lời nói của Kutuzov và bản nhật lệnh báo ngày mai sẽ tấn công đã được truyền đến khắp các đơn vị trong cùng một lúc.
     
Cái được truyền đến những mắt xích cuối cùng của sợi dây này hoàn toàn không phải là những lời cuả Kutuzov, cũng không phải là bản nhật lệnh. Thậm chí trong những câu chuyện người ta truyền cho nhau từ đầu đến cuối quân đội, cũng không có lời nào giống như lời Kutuzov đã nói; những ý nghĩ của những lời nói này đã được truyền đi khắp nơi, bởi vì điều Kutuzov nói không phải xuất phát từ những sự cân nhắc tính toán phức tạp, mà xuất phát từ cái tình cảm vốn có trong lòng của vị Tổng tư lệnh cũng như trong lòng mỗi người Nga.
     
Và sau khi được tin là ngày mai quân ta sẽ tấn công địch, và biết rằng bộ chỉ huy tối cao của quân đội đã khẳng định điều họ mong ước, những con người mệt mỏi, dao động liền bình tâm trở lại là phấn chấn hẳn lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 08:58:38 pm
Phần X
Chương - 35
     
Trung đoàn của công tước Andrey thuộc đạo quân hậu bị, mãi đến hai giờ chiều vẫn đứng sau làng Xemenovxkoye dưới hoả lực gay gắt của pháo địch, và không làm gì cả. Đến hai giờ chiều, sau khi đã thương vong mất hơn trăm người, trung đoàn được đưa lên phía trước, đến một cánh đồng yến mạch bị xéo nát, khoảng giữa Xemenovxkoye và trận địa pháo trên ngọn đồi, nơi mà ngày hôm ấy có hàng ngàn người bị tàn sát và đến một giờ trưa thì bị mấy trăm khẩu pháo của địch tập trung hoả lực nã vào dữ dội.
Không rời khỏi vị trí này mà cũng không bắn một viên đạn, ở đây trung đoàn đã mất thêm một phần ba quân số nữa. Ở phía trước và nhất là ở phía bên phải, các khẩu pháo gầm lên trong lớp khói dày đặc, và từ cái vòng đai khói lửa huyền bí kia, che kín tất cả khoảng đất phía trước, bay vút ra những quả pháo đạn với tiếng rít khét lẹt và những quả tạc đạn với tiếng huýt kéo dài tiếp theo nhau không ngớt. Đôi khi trong khoảng mười lăm phút yên lặng như để cho mọi người nghỉ ngơi, tạc đạn vào pháo đạn đều bay vượt qua đầu trái lại đôi khi chỉ trong một phút đã có mấy người bị đạn gục xuống, và người ta luôn luôn phải khiêng những người bị thương và những xác chết đi.
   
Cứ thêm một quả tạc đạn rơi xuống thì những người chưa chết lại càng ít hy vọng sống sót. Trung đoàn dàn thành những tiểu đoàn cách nhau chỉ ba trăm thước, tuy vậy binh sĩ trong trung đoàn đều có một tâm trạng giống nhau. Ai nấy đều im lặng và trầm ngâm như nhau.
     
Nếu thỉnh thoảng trong hàng quân cũng có tiếng nói chuyện, thì tiếng nói chuyện này lại im bặt mỗi khi có tiếng tạc đạn rơi xuống và có tiếng kêu: "Cáng đâu!" phần lớn thời gian theo lệnh của trung đoàn trưởng, binh sĩ ngồi xuống đất. Có người lấy mũ sa-cô cẩn thận tháo lớp da lót rồi lại cẩn thận lắp lại. Có người lấy đất sét khô bóp vụn ra thành bột để chùi lưỡi lê: có người ngồi uốn quai súng cho nhuyễn và cài các dây nịt lại. Có người tẩn mẩn tháo những cuộn vải quấn chân. Cuốn lại cách khác rồi lại đi giày vào. Một vài người lấy những viên sỏi ở trên đống xếp thành những cái nhà con con, hay lấy rơm đan thành tấm. Ai nấy đều có vẻ say sưa mê mải với những công việc này.
   
Những khi có người chết và bị thương, khi đoàn người khiêng cáng kéo đến, khi quân ta lùi, hoặc khi qua lớp khói thấy lô nhô những đám quân địch đông nghịt, thì không ai chú ý đến. Trái lại, khi pháo binh hay kỵ binh ta chuyển lên phía trước, hoặc bộ binh ta dàn trận, thì khắp nơi có những lời trầm trồ tán thưởng. Nhưng được họ chú ý nhiều nhất vẫn là những sự việc hoàn toàn xa lạ, không liên quan gì đến việc chiến đấu, dường như sức chú ý của những người đã quá mệt mỏi về tinh thần này tìm chỗ nghỉ ngơi trong những sự việc thông thường của cuộc sống hàng ngày. Một đội pháo binh tiến qua trước mặt trung đoàn Một con ngựa kéo chiếc xe chở đạn vướng chân vào dây thắng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 08:59:25 pm
"Kìa! Xem con ngựa lê! Sửa lại đi chứ! Nó ngã mất… Hừ, họ không trông thấy!…" - khắp các hàng ngũ trong trung đoàn đều có những tiếng kêu lên như vậy. Một lần khác, mọi người chú ý đến một con chó nhỏ màu nâu nhạt có cái đuôi vênh cao lên, không hiểu từ xó xỉnh nào ra lại chạy trước hàng quân có vẻ lo âu như thế. Đột nhiên, một quả tạc đạn rơi bên cạnh, nó kêu oăng oẳng, cúp đuôi chạy vụt sang một bên.
     
Khắp trung đoàn vang lên những tiếng cười reo ầm ĩ. Nhưng những dịp giải trí như vậy chỉ kéo dài vài phút trong khi họ đang ngồi đợi hơn tám tiếng đồng hồ, không ăn và không có việc gì làm, dưới sự đe doạ thường xuyên của cái chết, và những gương mặt tái xanh và cau có ngày tái đi và cau lại.
     
Công tước Andrey, mặt cũng tái xanh và cau có như tất cả những người khác trong trung đoàn, đi đi lại lại trên bãi cỏ cạnh một cánh đồng yến mạch. Chàng đi từ bờ này sang bờ kia, tay chắp sau lưng, đầu cúi xuống. Chàng không có vệc gì làm và không có mệnh lệnh gì phải ban bố. Mọi việc cứ tự động tiến hành. Các thương binh được đưa ra phía sau, các xác chết được khiêng đi và các hàng ngũ lại xiết chặt lại. Nếu có những người lính bỏ chạy, thì sau đó họ lại vội vã quay về ngay. Lúc đầu, công tước Andrey, cho rằng nhiệm vụ của mình là cổ vũ lòng can đảm của binh sĩ và nêu gương cho họ, nên cứ đi đi lại lại giữa hàng quân. Nhưng rồi chẳng thấy rõ là không có cái gì phải dạy mà cũng không có cách gì dạy cho họ. Tất cả sức mạnh tinh thần của chàng cũng như của mỗi người lính đều bất giác tập trung lại để làm sao không nghĩ đến cái tình cảnh khủng khiếp của họ lúc này. Chàng đi trên bãi cỏ, kéo lê đôi chân, chà lên cỏ và ngắm nghía lớp bụi phủ trên đôi ủng của chàng. Đôi khi chàng bước những bước dài, cố gắng bước đúng vào các dấu chân do những người cắt cỏ để lại trên bãi, đôi khi chàng đếm những bước chân của mình, tính xem đi từ bờ ruộng này đến bờ ruộng kia bao nhiêu lần thì được một dặm Nga, có khi chàng lại bứt những bông hoa nở trên bờ ruộng, bóp nát trong lòng bàn tay và hít mùi thơm hăng hắc của nó.
   
Cả cái quá trình suy nghĩ lao lung của chàng hôm qua không còn để lại dấu vết gì nữa. Chàng không nghĩ cái gì hết. Chàng uể oải để tai nghe tất cả những tiếng động kia cứ mãi mãi một điệu đều không hề thay đổi, phân biệt tiếng đạn gầm gừ bắn ra và tiếng đạn rít lên lúc đến gần, nhìn những gương mặt quen thuộc của những binh sĩ ở tiểu đoàn một và chờ đợi. "Đấy là một quả nữa về phía chúng ta!" - Chàng nghĩ thầm, lắng tai nghe tiếng rít mỗi lúc một gần của cái vật gì bay ra từ khu vực phủ khói: "Một, hai,… Lại một quả nữa! Trúng rồi!…". Chàng dừng lại đưa mắt nhìn các hàng quân. "Không, đạn đã bay qua. Nhưng quả này thì nhằm đúng vào chúng ta rồi!" và chàng lại tiếp tục bước, có gắng bước cho thật dài để có thể đến bờ ruộng bên kia trong mười sáu bước.
     
Đột nhiên, nghe vèo một tiếng. Cách chừng năm bước, một quả pháo đạn cày lớp đất khô lên và mắt hút dưới mặt đất. Chàng bất giác thấy lạnh cả xương sống. Chàng đưa mắt nhìn đội ngũ. Chắc hẳn có nhiều người trúng đạn; một đám khói lớn đã bốc lên ở tiểu đoàn hai.

- Ông sĩ quan phụ tá! - Chàng quát lên - Bảo họ không được đứng lại một chỗ! - Viên sĩ quan phụ tá thi hành mệnh lệnh xong bước đến cạnh công tước Andrey. Từ phía bên kia, một viên tiểu đoàn trưởng cưỡi ngựa tới.

- Coi chừng! - có tiếng kêu kinh hãi của một số binh sĩ, và giống như một con chim nhỏ hót lên trong khi sà nhanh cái gì xuống đất, một quả tạc đạn rơi cách công tước Andrey hai bước, nghe đánh phịch một tiếng khe khẽ cạnh con ngựa của viên tiểu đoàn trưởng. Con ngựa, không tự hỏi xem tỏ ra sợ hãi là tốt hay là xấu hí lên một tiếng, lồng lên làm viên tiểu đoàn trưởng suýt ngã xuống và hảy vụt sang một bên. Nỗi khiếp sợ của con ngựa truyền sang mọi người.

- Nằm xuống! - Bên sĩ quan phụ tá vừa nằm rạp xuống đất vừa thét lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:00:05 pm
Công tước Andrey vẫn đứng yên vẻ lưỡng lự. Quả tạc đạn như một con quay vừa bốc khói vừa quay tít ở khoảng giữa chàng và viên sĩ quan phụ tá đang nằm rạp ở chỗ bờ ruộng tiếp giáp với bãi cỏ cạnh một bụi ngải.

"Cái chết đấy ư?" - Công tước Andrey nghĩ thầm, đưa mắt ngắm nhìn những ngọn cỏ, bụi ngải và những tia khói phụt ra từ quả tạc đạn đen ngòm đang xoay tít, trong lòng thèm thuồng số phận của những vật ấy - một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ đối với chàng.
     
"Ta không thể nào chết, ta không muốn chết, ta yêu cuộc sống, yêu đám cỏ này, mảnh đất này, bầu không khí này,…". Chàng suy nghĩ, va đồng thời vẫn nhớ rằng quân sĩ đang nhìn mình.

- Thật xấu hổ, ngài sĩ quan ạ - Chàng nói với viên sĩ quan phụ tá- Cái gì…
   
Chàng không kịp nói hết câu. Ngay lúc ấy có tiếng nổ, các mảnh đạn rung lên kêu rè rè như tiếng mảnh kính vỡ, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt, và công tước Andrey nhào sang một bên giơ một cánh tay lên trời và ngã sấp xuống đất.

Mấy viên sĩ quan chạy lại. Từ phía bên phải bụng chàng máu chảy xuống đổ thành một vệt lớn.
   
Những người dân quân khiêng cáng được gọi đến đứng lại sau lưng các sĩ quan. Công tước Andrey nằm sấp mặt úp xuống cỏ và thở dốc ra một cách khó nhọc.

- Thế nào? Còn đợi cái gì nữa? Lại đây.
   
Mấy người nông dân chạy lại, nhấc vai và chân chàng lên, nhưng thấy chàng rên rỉ đau đớn, họ lại đưa mắt nhìn nhau và buông ra.

- Khiêng đặt lên cáng đi đằng nào cũng thế thôi. - Có tiếng quát và một lần nữa người ta lại nắm lấy vai chàng và đặt chàng lên cáng.

- Trời ơi! Trơi ơi!… Làm sao? Vào bụng à? Thế thì chết! Trời ơi! - trong đám sĩ quan có tiếng lao xao - nó bay sát qua vai tôi - viên sĩ quan phụ tá nói.
   
Tốp nông dân đặt cáng lên vai, vội vã quay về trạm cứu thương, theo con đường mòn do vết chân của họ
vạch ra.

- Đi cho đều chân!… Ê, bọn kia! - một viên sĩ quan vừa quát vừa nắm lấy vai những người nông dân giữ họ lại, vì bước chân của họ đi không đều làm cho cái cáng cứ xóc lên.

- Cậu bước theo tớ, nghe chưa! Khviodor - Người nông dân đi trước nói.

- Được rồi! Tốt đấy - Người đi sau vui vẻ nói khi bắt đầu bước được đều chân.

- Đại nhân!… Công tước ơi! - Timokhin chạy đến nhìn vào cáng nói, giọng run run.

Công tước Andrey mở mắt ra, đầu chàng lọt sâu xuống lòng cáng; chàng ngước mắt lên nhìn qua thành cáng rồi nhắm lại.
   
Dân quân khiêng công tước Andrey vào trong rừng, nơi để xe tải và đặt trạm cứu thương. Trạm này gồm ba cái lều để ngỏ bón phía dựng cách quãng ở ven một khu rừng bạch dương. Xe vận tải và ngựa đều ở trong khu rừng. Ngựa đang ăn thóc yến mạch để ở trong bị, và mấy con chim sẻ bay đến mỏ những hạt thóc vương vãi. Quạ đánh hơi thấy mùi máu bay liệng trên những ngọn bạch dương, cất tiếng kêu thèm thuồng. Quanh lều, trên một khoản trống hơn hai mẫu, những người mặc nhiều thứ y phục khác nhau nhưng đều vấy máu, đang nằm, ngồi hay đứng. Xung quanh những người bị thương, một tốp lính khiêng cáng chen nhau, vẻ mật đăm chiêu và buồn bã. Các sĩ quan giữ trật tự ra sức đuổi họ đi, nhưng họ không nghe lời các sĩ quan, vẫn đứng dựa vào cáng, mặt nhìn chăm chú vào quang cảnh trước mặt như đang cố tìm hiểu cái ý nghĩa bí hiểm của cảnh tượng này. Từ các lều đưa ra khi thì những tiếng kêu thất thanh tiếng rê rỉ ai oán. Chốc chốc lại có những người y tá chạy ra đi lấy nước và chỉ định những người đến lượt khiêng vào trong lều. Những người bị thương chờ đến lượt ở cạnh lều cứ kêu khóc, rên rỉ, nguyền rủa, xin vodka uống. Một vài người mê sảng. Công tước Andrey với tư cách trung đoàn trưởng được khiêng qua những người bị thương chưa băng bó đến cạnh một trong ba cái lều và mấy người khiêng cáng dừng lại đấy để chờ lệnh. Chàng mở mắt ra và một hồi lâu và không thể hiểu có những việc gì xảy ra quanh mình. Chàng nhớ đến cánh đồng cỏ, cây ngải, cánh đồng yến mạch, quả cầu đen xoay tít và cái giây phút mà tình yêu của chàng đối với cuộc sống bỗng dâng vút lên hư gọi chào. Cách chàng hai bước, một hạ sĩ quan tuấn tú, người cao lớn, tóc đen đang đứng dựa vào một cành cây nói oang oang làm mọi người chú ý. Anh ta bị đạn ở đầu và chân. Xung quanh anh ta có một tốp thương binh và lính khiêng cáng xúm lại háo hức nghe anh ta nói.

- Quân ta xông vào đánh bật chúng nó ra, chúng nó vứt hết, ngay cả vua của chúng cũng bị tóm cổ - người hạ sĩ quan nói oang oang, đưa cặp mắt đen láy nẩy lửa nhìn xung quanh - giá mà quân cứu viện đến kịp thì, các cậu ạ, chúng chẳng còn thằng nào sống sót đâu tớ nói thực đấy…
     
Cũng như tất cả những người đứng chung quanh người kể chuyện, công tước Andrey nhìn anh ta với cặp mắt sáng long lanh và thấy nguôi lòng. "Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa - Chàng nghĩ. - Bên kia sẽ có gì, à ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng vẫn chưa hiểu".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:00:49 pm
Phần X
Chương - 36
     
Một bác sĩ ở trong lều bước ra. Chiếc áo choàng trắng cũng như hai bàn tay nhỏ nhắn của ông đều vấy máu. Một tay ông ta cầm điếu xì gà giữa ngón tay cái và ngón tay út để cho nó khỏi dây bẩn.
   
Ông ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh nhưng lại nhìn qua đầu những người bị thương. Hẳn là ông ta đang muốn nghỉ ngơi một chút. Ông ngoảnh đầu sang trái, sang phải một lúc rồi thở một hơi dài và đưa mắt nhìn xuống.

- Được tôi làm ngay đây! - Ông trả lời ngay y tá đang chỉ công tước Andrey, và ra lệnh đưa chàng vào lều.
   
Có tiếng xì xào vang lên trong số những người bị thương đang đợi từ nãy đến giờ:

- Thì ra ngay ở thế giới bên kia, cũng chỉ có các quan mới có quyền được sống mà thôi - Một người nói.
   
Người ta đưa công tước Andrey vào lều và đặt chàng lên một cái bàn vừa được rảnh mà người y tá mới rửa xong. Công tước Andrey không thể phân biệt được tách bạch những vật ở trong lều.

Đâu đâu cũng nghe tiếng rên la. Cảm giác đau đớn dữ dội ở hông, ở bụng và ở lưng làm chàng không sao tập trung tư tưởng được. Tất cả những gì chàng trông thấy ở chung quanh đều hoà lại làm một trong tâm trí chàng thành một biểu tượng duy nhất: hình ảnh của một thân thể trần truồng và đẫm máu choán hết cả gian lều thấp hẹp, cũng như cách đây mấy tuần, vào một ngày tháng tám nồng nực, chính cái thân thể ấy đã tràn đầy cả cái ao tù trên con đường Smolensk. Phải, đây cũng chính là cái thân thể ấy, cũng chính là thứ thịt làm mồi cho đại bác hồi ấy đã làm cho chàng ghê rợn, dường như thế vì nó báo trước việc xảy ra hôm nay.
   
Trong lều có ba cái bàn, hai cái đã có người. Người ta đặt công tước Andrey lên cái bàn thứ ba. Họ để mặc chàng nằm một lát và chàng vô tình nhìn thấy những việc đang diễn ra ở hai bàn kia.
   
Một người Tatar ngồi trên cái bàn gần nhất, chắc hẳn anh ta là một người lính cô-dắc, vì thấy có một bộ quân phục cô-dắc vắt ở bên cạnh. Bốn người lính đang giữ chặt lấy anh ta. Một bác sĩ đeo kinh đang rạch cái lưng lực lưỡng và rám nắng của anh ta.

- U u u! - Người Tarta rên đều đều như tiếng cuốc kêu rồi đột nhiên anh ta ngẩng cái khuôn mặt gân guốc rám nắng với đôi lưỡng quyền cao và cái mũi tẹt, nhe ra hai hàm răng trắng nhởn ra, bắt đầu giãy giụa và gào lên những tiếng kéo dài lanh lảnh.
     
Trên một cái bàn khác, nhiều người xúm quanh một người cao lớn đẫy đà: Anh ta nằm ngửa, đầu hất ngược ra đằng sau. Công tước Andrey có cảm giác kỳ lạ là mái tóc quăn, màu da và hình dáng cái đầu có một cái gì quen quen. Mấy người y tá ra sức đè lên ngực người đó và giữ chặt lấy anh ta. Mọt bên chân to lớn, trắng trẻo và mập mạp của anh ta cứ luôn luôn giật bắn lên. Người ấy khóc nấc lên, quằn quại và sặc sụa. Không nói một tiếng, hai bác sĩ - một người mặt tái mét và run lẩy bẩy - đang lúi húi làm gì trên cái chân kia của anh ta đỏ lòm những máu.
   
Sau khi đã mổ người Tarta và phủ chiếc áo khoác lên mình anh ta, người bác sĩ đeo kính lau tay và đến cạnh công tước Andrey.
   
Ông ta nhìn vào khuôn mặt công tước Andrey rồi bỗng vội vã ngoảnh mặt đi.

- Cởi áo cho ông ta! Sao lại đứng đực cả ra đấy? - Ông giận giữ quát hai người y tá.
   
Trong khi người y tá, ống tay áo xắn lên, hấp tấp mở hết các khuy cúc, cởi áo quần cho công tước Andrey, những kỷ niệm xa xôi nhất của thời thơ ấu đầu tiên vụt hiện lên trong ký ức của chàng.
   
Bác sĩ cúi xuống, lấy tay nắn nắn vết thương và thở dài một tiếng nặng nề.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:01:56 pm
Đoạn ông ta ra hiệu cho một người khác. Một cơn đau khủng khiếp ở bụng làm cho công tước Andrey ngất đi. Khi chàng tỉnh dậy thì những mảnh gẫy của xương hông đã được lấy ra, những mảnh thịt đã được cắt bỏ đi và vết thương được băng bó lại. Người ta vã nước lên mặt chàng. Công tước Andrey vừa mở mắt thì bác sĩ cúi xuống mình chàng và lặng lẽ hôn lên môi chàng, không nói một lời rồi vội vã bỏ đi.
   
Sau những cơn đau vừa phải chịu đựng, công tước Andrey có một cảm giác thư thái dễ chịu mà lâu nay chàng không hề thể nghiệm. Tất cả những giờ phút tốt đẹp, sung sướng nhất của đời chàng, nhất là của thời thơ ấu xa xôi nhất, khi người ta cởi áo cho chàng và đặt chàng nằm trên chiếc giường nhỏ, khi người vú em hát để ru chàng ngủ, khi chàng vùi đầu vào gối, và cảm thấy mình sung sướng chỉ vì biết mình đang sống, những giờ phút ấy hiện ra trong tưởng tượng của chàng không phải như những việc đã qua mà như một sự thực đang diễn ra trong hiện tại.
     
Chung quanh người bị thương mà hình dáng cái đầu chàng thấy có vẻ quen quen, các bác sĩ đang bận rộn lui tới, họ vực người đó dậy, an ủi anh ta.

- Đưa cho tôi xem… ôôôô! Ôôôô - có thể nghe rõ tiếng rên sợ hãi và cam chịu đau đớn, luôn luôn bị ngắt quãng vì tiếng khác.
     
Nghe những tiếng rên ta kia, công tước Andrey muốn khóc. Phải chăng vì chàng phải chết không chút vinh quang? Phải chăng vì chàng còn luyến tiếc cuộc đời, hay là vì những kỷ niệm của thời thơ ấu không bao giờ còn trở lại nữa, hay là vì chàng đau khổ khi thấy người khác đau khổ, vì người kia đang rên rỉ thảm thiết trước mặt chàng. Dù sao chăng nữa thì chàng cũng muốn khóc những giọt nước mắt thơ ngây, hiền hậu, gần như những giọt nước mắt vui mừng.
     
Người ta đưa cho người bị thương cái chân của anh ta cái chân vừa bị cưa, máu đông lại, còn nguyên cả chiếc ủng.

- Ô ôôôô! - Người kia khóc rống lên nhưmột người đàn bà.
   
Vị bác sĩ nãy giờ đứng trước người bị thương và che lấp mặt anh ta, bỗng bỏ đi nơi khác.

- Trời ơi! Làm sao thế này? Tại sao hắn lại ở đây? - Công tước Andrey tự nhủ. Chàng nhận ra con người bất hạnh kiệt sức đang khóc nức nở kia, mà người ta vừa cưa mất một chân, là Anatol Kuraghin. Người ta xốc nách đỡ Kuraghin dậy và đưa cho hắn một cốc nước. Nhưng đôi môi run bần bật và sưng phù của hắn không áp được vào miệng cốc. Anatol khóc rưng rức. "Đúng rồi! Chính hắn rồi, đúng rồi, có một cái gì ràng buộc ta với con người này một cách chặt chẽ và đau đớn". Công tước Andrey nghĩ thầm, trong lòng vẫn chưa hiểu rõ điều trông thấy trước mắt. "Mối liên hệ giữa con người này với thời thơ ấu của ta, với cuộc đời của ta thế nào?" - Chàng tự hỏi, nhưng không tìm thấy câu trả lời. Và đột nhiên, một kỷ niệm mới mẻ bất ngờ từ trong cái thế giới trong sáng và chan chứa yêu đương của thời thơ ấu hiện ra trong ký ức chàng. Chàng sực nhớ tới Natasa in hệt như khi chàng thấy nàng lần đầu trong tối khiêu vũ năm 1810, với cái cổ thon thon và hai cánh tay mảnh dẻ, với gương mặt sợ hãi và sung sướng, sẵn sàng hân hoan, và trong lòng chàng, tình yêu đằm thắm đối với nàng lại sống dậy mãnh liệt và sôi nổi hơn bao giờ hết. Bây giờ chàng đã nhớ ra mối liên hệ giữa chàng với con người này trong khi hắn đưa cặp mắt sưng vù nhìn chàng qua làn nước mắt. Công tước Andrey nhớ lại tất cả, và một niềm trắc ẩn và thương yêu tha thiết đối với con người này tràn ngập cõi lòng sung sướng của chàng.
   
Công tước Andrey không thể tự chủ được nữa, chàng khóc, những giọt nước mắt thương yêu, tự ái đối với mọi người, đối với mình, đối với những lầm lạc của họ và những lầm lạc của mình.
     
"Lòng trắc ẩn, tình thương yêu đối với anh em đồng loại, đối với những người yêu ta, lòng thương yêu đối với những người thù ghét ta, đối với kẻ thù, phải, cái lòng thương yêu mà Chúa đã truyền phán trên trái đất này, và nữ Công tước Maria đã dạy cho ta mà ta không hiểu; chính nó đã làm ta luyến tiếc cuộc đời, đó là điều duy nhất còn lại với ta nếu ta còn sống. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Ta biết lắm!".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:02:36 pm
Phần X
Chương - 37

Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được.
     
Trong giây lát, một tình cảm bầm sinh của con người đã thắng cái ảo ảnh dối trá về cuộc đời mà lâu nay ông vẫn phụng sự ông hình dung chính mình đang chịu những nỗi đau khổ và chết chóc mà ông đã thấy trên chiến trường. Cái cảm giác như có một cái gì đè nặng lên đầu và lên ngực ông khiến ông nhớ ra rằng mình cũng có thể đau khổ và chết như mọi người.
   
Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moskva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa (ông còn cần thứ vinh quang gì nữa?). Bây giờ ông chỉ mong ước được nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do. Nhưng khi ông đứng trên cao điểm Xemonovkoye thì viên tư lệnh pháo binh đề nghị ông bố trí một vài đội pháo ở đấy để tăng cường hoả lực của những đội đang nã vào các đạo quân Nga tập trung ở Knyazkovo. Napoléon đồng ý và ra lệnh phải báo cho ông ta biết kết quả ra sao. Viên sĩ quan phụ tá đến nói rằng theo lệnh của hoàng đế, hai trăm khẩu pháo đã nã vào quân Nga, nhưng quân Nga vẫn giữ vững.

- Hoả lực của chúng ta đã quét sạch từng hàng quân, nhưng chúng vẫn giữ vững. - Viên sĩ quan phụ tá nói.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa đấy - Napoléon nói, giọng khản đặc.

- Tâu bệ hạ? - viên sĩ quan phụ tá chưa nghe rõ bèn hỏi lại.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa, - Napoléon cau mày - bồi thêm cho chúng.

Không có lệnh của ông thì ý muốn của ông vẫn cứ được thực hiện, và sở dĩ ông ra lệnh chẳng qua vì ông nghĩ rằng người ta đợi lệnh của mình. Thế rồi, ông lại quay trở về cái thế giới giả tạo trước kia, cái thế giới đầy những ảo ảnh về võ công vĩ đại. Cũng như một con ngựa quay bánh xe nước tưởng đâu rằng nó đang làm một cái gì cho bản thân nó, ông ta lại ngoan ngoãn thực hiện cái vai trò tàn ác, đáng buồn và khổ sở, phi nhân tính mà số phận đã định trước cho ông ta.
   
Không phải chỉ trong vài ngày ấy, giờ ấy, trí óc và lương tâm của con người này - một con người mang cái trách nhiệm nặng nề hơn ai hết trong tất cả những việc đã xảy ra - mới bị mờ tối đi, mà mãi cho đến khi nhắm mắt, không bao giờ con người ấy có thể hiểu được cái gì là thiện, cái gì là mỹ, cái gì là chân, và đâu là ý nghĩa những hành vi của mình, những hành vi trái ngược hẳn với chữ ấy không thể nào chối cãi những hành vi của mình đã được nửa thế giới ca ngợi, cho nên ông ta đành phải từ bỏ cái chân và cái thiện cũng như tất cả cái bản chất của con người.
     
Không phải chỉ có ngày hôm ấy, trong khi cưỡi ngựa qua bãi chiến trường ngổn ngang những xác chết và những người bị tàn phế, (ông ta tưởng đó là do ý muốn của mình), và đưa mắt nhìn họ, ông mới tính xem cứ mỗi tử thi người Pháp thì có năm tử thi người Nga.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:03:37 pm
Không phải chỉ hôm ấy ông mới viết thư gửi về Paris nói rằng "Chiến trường thật là hùng vĩ bởi vì trên bãi chiến trường có năm vạn tử thi", mà ngay ở đảo Saint Helen trong cảnh tĩnh mịch cô đơn mà ông đã định dùng những năm còn lại để tường thuật những việc vĩ đại mà mình đã làm, ông viết:

"Cuộc chiến tranh với Nga phải là một cuộc chiến tranh được lòng nhiều người nhất của thời đại: đó là cuộc chiến nanh của lương tri; và của sự an toàn của mọi người; nó có tính chất thuần tuý hoà bình và báo thù".
     
"Đó là cuộc đấu tranh vì đại nghĩa, để chấm dứt những sự ngẫu nhiên và để mở đầu cho sự an toàn. Một chân trời mới sẽ mở ra, những công trình mới sẽ được thực hiện đem lại vô số phúc lợi và sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Hệ thống châu Âu đã có cơ sở, bây giờ vấn đề còn là tổ chức nó nữa mà thôi".
     
"Thoả mãn về tất cả vấn đề lớn này, đâu đâu cũng được yên lòng, tôi cũng sẽ có đại hội của tôi, và Liên minh thần thánh của tôi. Đó là những tư tưởng mà người ta đã ăn cắp của tôi. Trong cuộc hội họp các vị đế vương, chúng tôi sẽ bàn đến quyền lợi của chúng tôi như trong một gia đình và sẽ báo cáo với quốc dân như người thư ký báo cáo với ông chủ".
     
"Như thế, Âu châu chẳng bao lâu sẽ thực sự trở thành một dân tộc duy nhất, và bất kỳ ai trong khi đi du lịch khắp nơi cũng sẽ luôn luôn cảm thấy mình ở trong tổ quốc chung. Tôi sẽ yêu cầu các sông ngòi được hưởng tự do giao thông, bốn bè là cộng đồng, không chia hải phận, và những đạo quân lớn thường trực từ nay sẽ giảm hẳn đi, chỉ còn lại những đội vệ binh của các quốc trưởng mà thôi".
   
"Khi trở về Pháp, trở về tổ quốc vĩ đại, cường tráng, tráng lệ, thái bình, quang vinh, tôi sẽ tuyên bố rằng biên giới nước ta là bất di bất dịch, mọi cuộc chiến tranh sau này sẽ thuần tuý chiến tranh tự vệ; mọi sự mở mang bờ cõi sau này đều là phản dân tộc, tôi sẽ cho con tôi cùng trị vì đế quốc, thời kỳ chiến trinh của tôi sẽ chấm dứt, thời kỳ được hiến của con tôi sẽ bắt đầu".
   
"Paris sẽ là thủ đô của thế giới, và địa vị của người Pháp sẽ được mọi dân tộc ước ao".
   
"Sau đó, trong thời kỳ tập sự làm vua của con tôi, tôi sẽ dành ngày giờ nhàn rỗi và tuổi già của con tôi để cùng hoàng hậu, như một cặp vợ chồng thôn dã thật sự, thong dong cưỡi ngựa nhà đi thăm tất cả những nơi sơn cùng thuỷ tận của đế quốc, để tiếp nhận những lời khiếu nại, trừ bỏ những điểm bất công và đến đâu cũng xây dựng lâu đài và ban thí ân đức".

Con người mà ý trời đã tiến định cho đóng cái vai trò thảm hại của tên đao phủ đối với các dân tộc, lại muốn biện hộ rằng mục đích những hành động của mình là lợi ích của các dân tộc, và mình có thể thao túng số phận hàng triệu con người, và có thể dùng quyền lực để tạo nên hạnh phúc cho họ.


Về cuộc chiến tranh với Nga ông còn viết:

"Trong số 400.000 người vượt qua sông Vixla, một nửa là người Áo, người Phổ, người Xắc-xôn, người Ba Lan, người Beyer, người Vuyrtemberg, người Mecklemberg, người Tây Ban Nha, người Ý, người Napôli. Quân đội hoàng gia thực ra là gồm những người Hà Lan, người Bỉ, những cư dân ở trên bờ sông Ranh, ở Piemont, ở Thuỵ Sĩ, ở Geneva, ở Toxcan, ở La Mã, cư dân của quân khu thứ 32, cư dân các thành phố Brem, Hamburg v.v…, nó gồm không đầy 140.000 người nói tiếng Pháp. Cuộc viễn chinh sang Nga làm hao tổn của người Pháp hiện thời không đến năm vạn người. Quân đội Nga, khi rút lui từ Vilna đến Moskva, trong các trận giao chiến đã tổn thất bốn lần nhiều hơn quân đội Pháp; Việc Moskva phát hoả đã làm cho 100.000 người Nga phải chết rét, chết đói ở trong rừng; cuối cùng trong một cuộc hành quân từ Moskva đến sông Oder, quân đội Nga cũng bị thời tiết ác nghiệt làm tổn hại, khi đến Vilna nó chỉ còn có 50.000 người và khi đến Kalis chỉ còn non 18.000".

Ông ta tưởng rằng cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra do ý muốn của mình, thế mà cái biến cố thủ khủng khiếp đã diễn ra không làm cho tâm hồn ông mảy may xúc động. Ông ta mạnh dạn nhận lấy tất cả trách nhiệm về biến cố ấy, và đầu óc mờ tối của ông ta lại muốn hiện cho bằng cách nêu ra rằng trong số hàng chục vạn người tử trận, số người Pháp ít hơn số người xứ Hess và xứ Bayer.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:04:21 pm
Phần X
Chương - 38
   
Mấy vạn người chết và bị thương nằm ở những tư thế khác nhau và trong những bộ quân phục khác nhau, ngổn ngang trên những bãi cỏ và những cánh đồng thuộc quyền sở hữu của họ Duvydov hay của những nông dân của hoàng gia. Trên những cánh đồng và những bãi cỏ này, mấy thế kỷ nay, nông dân các làng Borodino. Gorki, Sevardino và Xemenovxkoye đã từng gặt lúa và chăn gia súc. Ở các trạm cứu thương, cỏ và đất đều sũng máu trên một khoảng rộng hàng mẫu đất. Từng tốp người bị thương hay còn lành lặn thuộc nhiều đơn vị khác nhau, vẻ mặt hốt hoảng, rút về phía sau, người thì chạy về Mozaisk, kẻ thì chạy về Valuyvro. Những tốp khác, mặc dầu mệt nhoài và đói lả vẫn tiến lên dưới sự chỉ huy của thủ trưởng họ. Lại có những người vẫn đứng tại chỗ tiếp tục bắn.
   
Bãi chiến trường vừa mới đây còn tráng lệ và tươi vui với những ánh lưỡi lê lấp lánh và những đám khói toả lên trong ánh nắng ban mai, thì bây giờ đã tối sầm lại trong làn sương mù ẩm ướt pha lẫn khói súng, và trong không khí phảng phất cái mùi khét rất lạ của diêm sinh và máu. Những đám mây ùn ùn kéo đến, một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống các thây ma, những người bị thương, những con người hoảng hốt, kiệt sức và đã đến lúc hoài nghi hết thảy. Hình như nó muốn bảo họ rằng: "Thôi đủ rồi, các người ạ. Chấm dứt đi thôi… hãy nghĩ lại mà xem, các người đang làm gì thế?"
     
Binh sĩ hai bên kiệt sức vì không được ăn và không được nghỉ cũng bắt đầu ngờ vực không biết có nên tiếp tục bắn giết nhau nữa hay không. Trên tất cả các gương mặt đều lộ rõ tâm trạng dao động và một câu hỏi được gợi lên trong lòng mọi người: "Ta giết người và chết để làm gì và cho ai? Chúng bay muốn giết ai thì giết, muốn làm gì thì làm, nhưng ta thì ta không làm nữa đâu!". Đến chiều, ý nghĩ này đã chín muồi trong lòng mỗi người. Bất cứ phút nào tất cả những người này cũng có thể thấy ghê sợ những việc họ đã làm, cũng có thể vất bỏ tất cả mà chạy, bất kỳ chạy đi đâu.
     
Nhưng mặc đầu đến gần cuối trận đánh, mọi người đều thấy rõ hành động của mình ghê tởm đến nhường nào, mặc dầu họ sẽ vui mừng nếu được ngừng lại, nhưng có một sức mạnh gì huyền bí không thể hiểu được, vẫn chế ngự họ. Những người pháo binh, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy nhem nhuốc những thuốc súng và máu, ba người chỉ còn lại một, tuy đã lảo đảo và thở hổn hển vì mệt nhọc, vẫn tiếp tục mạnh dạn đến, nạp đạn, nhắm đích, châm ngòi; từ cả hai phía, đạn vẫn bay ra dồn dập và tàn nhẫn như trước, xé tan thân thể người ta ra, và cái công việc khủng khiếp kia vẫn tiếp tục, nó diễn ra không phải do ý muốn của con người mà là do ý muốn của Đấng ngự trị tất cả mọi người và mọi thế giới.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 18 Tháng Giêng, 2011, 09:04:50 pm
Ai nhìn vào những hàng hậu quân rối loạn của quân đội Nga cũng sẽ nói rằng quân Pháp chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt; ai nhìn vào những hàng hậu quân của quân Pháp cũng sẽ nói rằng quân Nga chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Pháp cũng sẽ tan tành. Nhưng cả quân Pháp lẫn quân Nga đều không thực hiện sự cố gắng ấy, và ngọn lửa của trận chiến đấu cứ dần dần tàn lụi.
     
Quân Nga không thực hiện sự cố gắng ấy bởi vì không phải họ tấn công quân Pháp. Lúc trận đánh bắt đầu, họ chỉ đóng trên con đường vào Moskva, để chặn con đường ấy, và họ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu cho đến khi trận chiến đấu kết thúc.
     
Nhưng dù cho mục đích của họ là đánh đuổi quân Pháp chăng nữa thì họ cũng không thể thực hiện được sự cố gắng cuối cùng này, bởi vì tất cả các đạo quân Nga đều tan rã, không có một bộ phận nào không bị tổn thất trong trận đánh này, và trong khi giữ nguyên trận địa, quân Nga đã mất một nửa quân số.
     
Còn quân Pháp vốn được kỷ niệm của mười năm chiến thắng cổ vũ, vốn tin tưởng vào tài năng vô địch của Napoléon và có ý thức rằng họ đã làm chủ được một bộ phận của chiến trường mà chỉ mất một phần tư quân số và đạo vệ binh hai vạn người thì vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp có thể thực hiện sự cố gắng ấy một cách dễ ràng. Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy.
   
Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội cận vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra Napoléon cho đội cận vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân đói đã suy sụp không cho phép làm như vậy.
   
Không phải chỉ riêng Napoléon mới có cảm tưởng là cánh tay mình đang giơ lên bỗng rụng rời buông thõng xuống trong cơn ác mộng, mà tất cả các tướng tá và quân sĩ của quân đội Pháp đã tham chiến hay không tham chiến, sau tất cả những kinh nghiệm rút được từ những trận chiến đấu trước đây (trong đó chỉ cần cố gắng bằng một phần mười so với bây giờ cũng đủ khiến cho quân địch bỏ chạy), đều cảm thấy kinh hãi như nhau khi đứng trước một kẻ địch đã mất một nửa quân số mà vẫn giữ vững trận địa đến cùng mà vẫn đáng sợ như lúc mới lâm trận.
     
Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp, là quân đội tấn công, đã tiêu ma hết rồi. Thắng lợi của quân Nga ở Borodino không phải là một thắng lợi có thể đánh giá bằng những mảnh vải buộc vào gậy mà người ta gọi là quân kỳ, hay bằng những khoảng đất này làm cho đối phương hiểu rõ ưu thế của kẻ địch và sự bất lực của mình. Cũng như một con vật điên cuồng đang dở dà sau một vết thương trí mạng, quân xâm lược Pháp cảm thấy mình bước vào chỗ chết, nhưng nó không thể nào dừng lại, cũng như quân đội Nga, vì yếu hơn nó hai lần nên không thể nào nhường bước.
   
Theo đà sẵn có, quân đội Pháp còn có thể lăn mãi đến Moskva, nhưng ở đây, mặc dù quân đội Nga không có những cố gắng mới, quân đội Pháp vẫn nhất định phải gục vì vết thương chí mạng ở Borodino đã làm nó kiệt hết máu. Kết quả trực tiếp của trận Borodino là việc Napoléon vô cớ bỏ chạy khỏi Moskva, việc ông ta rút lui theo con đường cũ - con đường Smolensk - việc một đạo quân xâm lược năm mươi vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Napoléon của Pháp cáo chung; chính ở Borodino lần đầu tiên nền đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề từ cánh tay kẻ địch mạnh nhất về phương diện tinh thần.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:22:02 pm
Phần XI-Chương -1

Trí tuệ của con người không quan niệm nổi tính chất liên tục tuyệt đối của sự vận động. Chỉ khi nào tách rời một cách võ đoán sự vận động đó ra từng đơn vị thì con người mới hiểu nổi những quy luật của sự vận động, dù là loại vận động nào cũng thế. Nhưng đồng thời chính cái lối phân chia sự vận động một cách võ đoán ra thành từng địa vị đã đưa đến phần lớn những sai lầm của con người. Ai cũng biết lý luận quỷ biện (1) của người cổ đại, nói rằng Asil (2) sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa đang đi trước mặt ông ta, mặc dầu Asil đi nhanh gấp mười lần con rùa, thì con rùa đã đi được một phần mười khoảng cách đó; đến khi Asil vượt được đoạn này, thì con rùa đã đi được một quãng bằng một phần mười đoạn đó, và cứ thế mãi mãi không cùng. Người cổ đại tưởng rằng không sao giải quyết được bài tính đố này. Sở dĩ đi đến kết luận vô lý như vậy - kết luận rằng Asil sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa - chỉ là người ta thừa nhận một cách võ đoán rằng sự vận động chỉ có thề chia ra thành những đơn vị rời rạc, trong khi thật sự vận động của Asil cũng như của con rùa đều toàn liên tục.
     
Trong khi chấp nhận những đơn vị ngày càng bé đi hơn của sự vận động, ta chỉ tiến đến gần chỗ giải quyết vấn đề nhưng không bao giờ đạt được đến chỗ giải quyết cả. Chỉ khi nào thừa nhận một đại lượng vô cùng bé và một cấp số của nó tiến dần lên đến một phần mười và tổng cộng cái cấp số hình học này lại, ta mới giải quyết được cái nghệ thuật xử lý với các đại lượng vô cùng bé, và trong những vấn đề khác phức tạp hơn của sự vận động, nó đã giải đáp những vấn đề mà trước kia tưởng chừng không sao giải quyết nổi.
     
Cái ngành toán học mới mà người cổ đại không hề biết đến trong khi xét các vấn đề sự vận động, thừa nhận những đại lượng vô cùng bé, tức là phục hồi cái điều kiện chủ yếu của sự vận động (tính chất liên tục tuyệt đối), và do đó đã sửa chữa được cái sai lầm tất nhiên mà trí tuệ con người không sao tránh khỏi khi đem những đơn vị rời rạc thay thế cho sự vận động liên tục.

Trong việc tìm tòi các quy luật vận động của lịch sử cũng thấy có một tình hình giống hệt như vậy.
   
Sự vận động của nhân loại vốn xuất phát từ vô số những ý chí cá biệt, cũng diễn ra một cách liên tục.
       
Hiểu thấu những quy luật của sự vận động này chính là mục đích của sử học. Nhưng trong khi muốn hiểu thấu những quy luật vận động liên tục của tổng số các ý chí của nhân loại thì trí tuệ của con người thừa nhận những đơn vị võ đoán, gián đoạn. Phương pháp thứ nhất của sử học là võ đoán lấy ra một loạt những biến cố liên tục rồi tách rời những biến cố đó ra khỏi các biến cố khác và khảo sát trong khi không hề có và không thể nào có một biến cố nào có khởi điểm cả, mà biến cố này bao giờ cũng xuất phát từ biến cố nọ.
   
Phương pháp thứ hai là tổng cộng ý chí của mọi người, trong khi cái ý chí cộng đồng đó không bao giờ được thể hiện trong hoạt động của một nhân vật lịch sử duy nhất.
   
Khoa học lịch sử trong khi làm việc luôn luôn chấp nhận những đơn vị ngày càng nhỏ bé để khảo sát và mong theo con đường đó để tiến gần đến chân lý. Nhưng dù những đơn vị mà sử học chấp nhận có bé đến đâu chăng nữa, ta vẫn cảm thấy rằng ngay việc thừa nhận một đơn vị tách rời ra khỏi một đơn vị khác, thừa nhận rằng một hiện tượng nào đó có một khởi điểm và ý chí của mọi người đều thể hiện trong hành vi của mọi nhân vật lịch sử duy nhất, thì tự bản thân việc đó đã sai lầm rồi.
     
Bất cứ một kết luận nào của sử học, nếu đem ra phê phán dù là phê phán không lấy gì làm gắt gao, cũng đã tan ra thành tro bụi không để lại một chút gì, chỉ vì phê phán người ta chọn làm đối tượng quan sát một đơn vị đoạn lớn hay nhỏ hơn; và người ta có quyền làm như vậy vì đơn cử được lấy ra bao giờ cũng có tính chất võ đoán.

Chỉ khi nào thừa nhận một đơn vị vô cùng bé để quan sát thừa nhận khoa học vì phần về lịch sử, tức là những ý hướng cộng đồng của loài người, và dạt được cái nghệ thuật tích phân (rút ra cái tổng số của những đơn vị vô cùng bé ấy) thì chúng ta mới có thể hy vọng hiểu thấu đựơc những quy luật của lịch sử.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:22:52 pm
Trong mười lăm năm đầu thế kỷ 19, ở châu Âu có một sự chuyển động phi thường của hàng mấy triệu con người. Những con người đó từ bỏ những công việc thường ngày của họ kéo nhau từ đầu này sang đầu kia châu Âu, cướp phá, tàn sát lẫn nhau, hân hoan vì đắc thắng và đau buồn vì thất bại, và trong vòng mấy năm nhịp sống thay dổi và biến thành một cuộc vận chuyển mãnh liệt lúc đầu tăng cường lên rồi sau lại giảm dần xuống. Trí tuệ của con người băn khoăn đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân của sự vận động đó hoặc sự vận động đó diễn ra theo những quy luật gì?
   
Trong khi giải đáp câu hỏi này, các nhà sử học trình bày cho chúng ta rõ những hành động và những lời nói của vài ba chục con người trong một toà nhà nào đó ở thành Paris, gọi những hành động và những lời nói đó bằng một danh từ là Cách mạng; sau đó họ kể lại một cách tỉ mỉ tiểu sử Napoléon và của một số nhân vật đồng lòng hay đối địch với ông ta, kể lại một vài ảnh hưởng của một vài nhân vật trong số đó đối với các nhân vật kia, rồi nói: Đấy, chính vì vậy mà có sự vận động kia, và đó chính là nhtmg quy luật đã chi phối nó.
   
Những trí tuệ của con người không những không chịu tin lời cắt nghĩa đó, mà lại còn nói thẳng ra rằng cắt nghĩa như vậy là không đúng, bởi vì nói như vậy tức là lấy một hiện tượng trọng yếu nhất để lên thành nguyên nhân của một hiện tượng mạnh nhất. Chính tổng số những ý chí của những con người đã làm ra cuộc cách mạng, đã tạo ra Napoléon, vẫn chỉ có tổng số những ý chí đó dung túng rồi sau đó tiêu diệt cả hai.
   
"Nhưng hễ đã có những cuộc chinh phục thì tất phải có người chinh phục. Hễ xẩy ra những cuộc đảo lộn trong quốc gia thì tất phải có những bậc vĩ nhân", - sử học sẽ nói. Quả nhiên, hễ có những kẻ chinh phục xuất hiện, thì cũng sinh ra chiến tranh, - trí tuệ của con người đáp lại, - nhưng điều đó không chứng minh rằng các nhà chinh phục là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, và có thể tìm các quy luật của chiến tranh trong hoạt động cá nhân của một con người. Cứ mỗi lần tôi xem đồng hồ và thấy chiếc kim nhích gần đến số mười, từ ngôi nhà thờ bên cạnh tôi lại nghe có tiếng chuông nguyện bắt đầu đổ hồi, nhưng không phải thế mà tôi có quyền kết luận rằng vị trí chiếc kim đồng hồ của tôi là nguyên nhân của hồi chuông.
     
Cứ mỗi lần tôi thấy một đầu máy xe lửa chạy thì tôi lại nghe có tiếng còi huýt, tôi lại thấy nắp hơi mở ra và thấy bánh xe chuyển động; nhưng không phải vì thế mà tôi có quyền kết luận rằng tiếng còi huýt và sự chuyển động của bánh xe là nguyên nhân khiến chiếc đầu máy xe hoả chạy.

Nông dân thường nói rằng vào tiết cuối xuân có gió lạnh là vì chồi non của cây sồi nhú ra, và quả nhiên vào tiết xuân thường có gió lạnh khi cây sồi đâm chồi non. "Nhưng mặc dầu tôi không rõ nguyên nhân của ngọn gió lạnh thổi vào tiết cây sồi mọc mầm, tôi cũng không thể đồng ý với người nông dân mà cho rằng sở dĩ gió lạnh thổi là vì cây sồi mọc mầm, bởi vì sức mạnh của gió không thể chịu ảnh hưởng của những cái mầm ấy. Tôi chỉ thấy có sự trùng nhau giữa những điều kiện vốn có trong bất cứ hiện tượng nào của cuộc sống, và thấy rằng dù tôi có quan sát chiếc kim đồng hồ, chiếc bánh xe và cái mầm sồi một cách tỉ mỉ đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể biết được nguyên nhân của hồi chuông nguyện, của sự chuyển động của đầu máy xe hoả và của ngọn gió xuân. Muốn thế, tôi phải thay đổi hẳn vị trí quan sát và nghiên cứu các quy luật vận động của hơi nước, của cái chuông và của ngọn gió. Sử học cũng phải làm như vậy. Và cũng có những cố gắng làm như vậy.
   
Muốn nghiên cứu các quy luật của lịch sử ta phải thay đổi hoàn toàn đối tượng quan sát, để yên các nhà vua, các vị đại thần và đại tướng ở đấy, mà nghiên cứu những yếu tố đồng nhất vô cùng bé lãnh đạo quần chúng. Không ai nói rõ được con người có thể hiểu các quy luật sử được đến đâu khi đi theo con đường này; nhưng rõ ràng chỉ đi con đường này mới mong nắm được các quy luật lịch sử và phần trí tuệ mà con người đặt vào con đường này chưa bằng một phần triệu những sự nỗ lực mà nhà sử học đã dành cho việc mô tả hành vi của nhà vua, các tướng lĩnh và các tổng trưởng và trình bày những suy luận của mình về các hành vi đó.

==========================================================

Chú thích:

(1) Lý luận trên một cơ sở sai lầm, nhưng có vẻ hợp lý nhờ một lối suy diễn chặt chẽ, nhằm đưa đến một kết luận không đúng (sophisme). Lý luận quỷ biện nói đây là của Zenon người Hele, triết gia Hy Lạp ở thế kỷ V trước công nguyên.

(2). Asil (hay Akhillox), nhân vật nổi tiếng nhất trang anh hùng ca Iliad của Homer, vua dân Miếcmiđông, rất dũng cảm và nóng nảy. Chết trong cuộc đánh chiếm thành Troie.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:23:34 pm
Phần XI
Chương - 2
   
Lực lượng kết hợp của mấy dân tộc châu Âu đã tràn vào nước Nga. Quân đội và cư dân Nga rút lui, tránh cuộc xung đột, rút cho đến Smolensk rồi từ Smolensk đến Borodino rầm rộ tiến nhanh về phía Moskva, mục đích của cuộc chuyển dộng của nó. Càng đến gần đích, thế nó tiến tới lại càng mạnh, cũng như một vật thể càng rơi xuống đến gần đất thì tốc độ rơi lại càng lớn. Nó bỏ lại sau lưng hàng nghìn dặm đất đói nghèo và thù địch; phía trước mặt chỉ còn mấy mươi dặm nữa là đến đích. Điều đó, mỗi người lính trong quân đội của Napoléon đều cảm biết, và cuộc xâm lăngg cứ tự nó tiến triển chỉ do cái sức mạnh của đà thúc đẩy cũ.
   
Trong quân đội Nga thì càng rút lui, tinh thần căm thù địch lại càng bốc cháy hừng hực: Trong khi rút lui nó tập trung lại và tăng cường lên. Ở Borodino đã xảy ra một cuộc chạm trán. Trong hai đội quân không có bên nào tan rã, nhưng quân đội Nga ngay sau cuộc xung đột đã rút lui, cũng một cách tất nhiên như một quả cầu tất nhiên phải lăn ngược trở lại khi va phải một quả cầu lăn về phía nó mạnh hơn và nhanh hơn; và cũng tất nhiên như thế, tuy đã mất hết sức lực lượng trong cuộc va chạm, quả cầu tấn công kia cũng sẽ theo đà mà lăn một quãng nữa.
     
Quân Nga rút về phía sau, qua Moskva và dừng lại ở đây. Sau đó suốt năm tuần lễ không xảy ra một trận đánh nào. Quân Pháp không xê dịch. Giống như một con ác thú bị thương nặng mất nhiều máu đang liếm những vết thương của mình, họ ở lại Moskva năm tuần lễ, không tiến hành một công việc gì cả, và bỗng nhiên, chẳng có nguyên do gì mới, họ bỏ chạy trở lại: Họ đổ ra con đường Kaluga (tuy đã thắng trận, vì sau khi đánh chiến trường Maly Yaroxlav nằm trong tay họ), và không mở một trận nào quan trọng, họ chạy càng nhanh về phía Smolensk rồi vượt qua Smolensk chạy về Vilna vượt sông Berezina rồi tiếp tục chạy mãi.
     
Tối ngày mồng hai tháng tám, Kutuzov cũng như toàn quân đều đã tin chắc rằng trận Borodino là một trận thắng. Trong thư của Kutuzov gửi hoàng đế cũng nói như vậy. Kutuzov ra lệnh chuẩn bị một trận chiến đấu nữa để tiêu diệt quân địch không phải vì ông muốn lừa dối ai mà là vì ông biết rằng quân địch đã bại trận và bất cứ người nào tham gia trận chiến đấu cũng đều biết như vậy.
     
Nhưng cũng tối hôm ấy và ngày hôm sau bắt đầu có những tin tức dồn dập đưa về, cho biết là binh lính bị thương vong nhiều chưa từng thấy, rằng quân đội đã tổn thất mất một nửa, và thực tế không thề nào mở một trận mới được nữa.

Không thể nào tác chiến trong khi chưa thu thập được tin tức, chưa thu nhặt được thương binh, chưa bổ sung đạn được, chưa đem hết số quân sĩ tử trận, chưa chỉ định những sĩ quan chỉ huy mới thay cho những sĩ quan đã thương vong, trong khi binh sĩ chưa được ăn, ngủ cho lại sức. Nhưng đồng thời ngay sau trận đánh, vừa mới sáng hôm sau, quân đội Pháp (do cái sức mạnh thúc đẩy kia bây giờ dường như đã tăng lên theo tỷ lệ ngược với số bình phương của khoảng cách) đã tự nó tấn công vào quân đội Nga. Kutuzov đang muốn tấn công vào ngày hôm sau và toàn quân cũng đều muốn như vậy Nhưng không phải cứ muốn là có thể tấn công được, cần phải có khả năng tấn công, mà bây giờ thì chưa có cái khả năng đó.
   
Không thể nào không rút lui thêm một chặng. Rồi lại một chặng nữa, và cuối cùng, vào ngày mồng một tháng chín, - khi quân đội đã rút về gần Moskva - mặc dầu trong hàng ngũ lòng căm thù đã lên rất mạnh, hoàn cảnh vẫn bắt buộc phải rút quá Moskva. Và quân đội đã rút lui thêm một chặng nữa, chặng cuối cùng, và để cho Moskva rơi vào tay quân địch.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:24:02 pm
Những người quen nghĩ rằng các tướng lĩnh ngồi vạch ra kế hoạch các cuộc chiến tranh và các trận đánh cũng y như bất cứ người nào trong chúng ta, khi ngồi trong thư phòng trước một tấm bản dồ, suy nghĩ xem trong trận này trận kia mình sẽ điều binh khiển tướng như thế nào, ắt phải thắc mắc không hiểu tại sao trong khi rút lui, Kutuzov lại không hành động như thế này, như thế nọ, tại sao ông ta lại không chiếm lĩnh vị trí trước khi đến Fili, tại sao ông ta lại không rút ngay ra con đường Kaluga sau khi bỏ Moskva v.v… Những người quen nghĩ như vậy thường quên mất hoặc không biết đến những điều kiện tất yếu bao giờ cũng chi phối hoạt động của bất cứ nhà cầm quyền nào.
     
Hoạt động của một vị tổng tư lệnh không hề có chút gì giống như cái hoạt động mà ta vẫn tưởng tượng ra trong khi ngồi thoải mái trong thư phòng, nghiên cứu một chiến dịch nào đó trên tấm bản đồ, với một số quân nhất định bên này bao nhiêu bên kia bao nhiêu, và ở một địa phương nhất định, và bắt đấu xuất phát từ một thời điểm nhất định nào đó. Một vị tổng tư lệnh không bao giờ ở trong cái hoàn cảnh khởi điểm của một biến cố như chúng ta thường hình dung khi xét một sự kiện. Một vị tổng thống tư lệnh bao giờ cũng ở vào giữa một loạt những biến cố đang tiến triển thành thử không bao giờ, không có phút nào ông ta có thể ngẫm nghĩ về ý nghĩa của biến cố đang tiến triển. Biến cố đó vẫn từng lúc một lộ rõ ý nghĩa của nó, và ở mỗi giai đoạn trong cái quá trình bộc lộ nhất quán, liên tục đó, vị tổng tư lệnh đều đang ở vào trung tâm của một hoạt động phức tạp, đầy những thủ đoạn, những âm mưu, những nỗi lo lắng, những mối lệ thuộc, những uy quyền, những dự định, những lời khuyên răn, những câu hăm doạ, những sự lừa phỉnh, ông ta luôn luôn buộc phải trả lời vô số những câu hỏi đề ra cho ông ta, những câu hỏi nhiều khi mâu thuẫn nhau.
     
Các nhà lý luận quân sự thông thái nói với chúng ta một cách rất nghiêm trang rằng lẽ ra Kutuzov phải chuyển quân ra con đường Kaluga từ lâu trước khi Fili, và thậm chí còn nói rằng có người đề ra ý kiến với ông ta. Nhưng trước mắt vị tổng tư lệnh nhất là trong giờ phút gay go, không phải chỉ có một ý kiến, mà bao giờ cũng có hàng chục ý kiến trong một lúc. Và mỗi ý kiến như vậy, vốn căn cứ trên chiến lược và chiến thuật lại dẫn đến mâu thuẫn lẫn nhau. Có thể tưởng đâu công việc của vị tổng tư lệnh chẳng qua là chọn lấy một trong những ý kiến đó. Nhưng dù chỉ có thế thôi, thì ông ta cũng không thể làm được. Sự việc và thời gian không đợi ai hết. Chẳng hạn có người đề nghị với ông ta là đến ngày hai mươi tám cho chuyển quân ra đường Kaluga; nhưng khốn nỗi ngay lúc đó lại có một viên sĩ quan phụ tá của Miloradovite phi ngựa đến hỏi xem nên giao chiến ngay với quân Pháp hay là nên rút lui. Thế là ngay lúc ấy ngay phút ấy ông ta phải ra lệnh. Mà lệnh rút lui lại làm cho quân ta phải rời xa các chỗ ngoặt đưa đến con đường Kaluga.
     
Rồỉ tiếp theo viên sĩ quan phụ tá lại có viên quản lý quân nhu đến hỏi xem phảì chở lương đi đâu, rồi một viên thủ trưởng bệnh xá hỏi phải chở thương binh đi đâu; cũng ngay lúc ấy lại có thư của nhà vua từ Petersburg gửi đến, một mực không chấp nhận ý định bỏ Moskva, còn kẻ tranh quyền với vị tổng tư lệnh, kẻ đang cố tìm cách ngầm hại ông ta (những kẻ như vậy thì lúc nào cũng có, và không phải chỉ một, mà khá nhiều) thì để ra nột kế hoạch mới, ngược hẳn với kế hoạch tiến ra đường Kaluga. Trong khi đó thì bản thân vị tổng tư lệnh đang cần ngủ và cần bồi dưỡng cho lại sức, thế nhưng lại có một viên tướng già không được khen thưởng đến khiếu nại; rồi dân sở tại đến van xin ông che chở cho, rồi một viên sĩ quan được phái đi xem xét địa thế trở về báo cáo những điều trái hẳn với viên sĩ quan được phái đi lần trước, rồi người trinh sát, tên tù binh và viên tướng phụ trách việc kiểm tra trận địa. - mỗi người đã quên không hiểu hoặc quên những hoàn cảnh thực tế tất yếu đó của bất cứ vị tổng tư lệnh nào, có thể trình bày cho ta biết vị trí các đạo quân ở Fili và bảo răng ngày một tháng chín vị tổng tư lệnh có thể hoàn toàn tự do giải quyết vấn đề bỏ hay giữ Moskva trong khi vấn đề này không thể đặt ra được vì quân đội Nga đang ở cách Moskva năm dặm. Vậy thì vấn đề này được giải quyết vào lúc nào? Nó được giải quyết ở Drissa, cũng như ở Smolensk, và rõ hơn cả là ngày hai mươi bốn ở Sevardino cũng như ngày hai mươi sáu ở Borodino, cũng như ở bất cứ ngày nào, giờ nào, phút nào trong khi rút từ Borodino đến Fili.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:24:41 pm
Phần XI
Chương - 3
     
Quân đội Nga rút từ Borodino đến đóng ở Fili. Yermolov vừa cưỡi ngựa đi xem địa thế về, đến gặp vị tổng soái nói:

- Không thể nào chiến đấu trên địa thế này được.

Kutuzov ngạc nhiên nhìn ông ta và bảo ông ta nhắc lại câu vừa nói. Nghe xong, Kutuzov chìa tay ra bảo:

- Anh đưa tay đây tôi xem nào, - Kutuzov nói đoạn cầm lấy tay Yermolov để bắt mạch, rồi tiếp: - Anh ốm rồi đấy anh bạn ạ. Bận sau nói gì phải suy nghĩ nhé.
   
Trên đồi Poklonny, cách cửa ô Dorogomilov sáu dặm, Kutuzov xuống xe và đến ngồi trên một chiếc ghế dài bên vệ đường. Một đám tướng tá rất đông xúm lại quanh ông. Bá tước Raxtopsin mới ở Moskva đến cũng nhập bọn với họ. Cả đám người sang trọng ấy phân ra làm mấy nhóm, đang bàn tán về những lợi hại của địa thế, về vị trí các đạo quân, về các kế hoạch được đề ra, về tình hình Moskva, về các vấn đề quân sự nói chung. Mọi người đều cảm thấy rằng đây là một phiên họp hội đồng quân sự, tuy không ai nói rõ như vậy, và tuy họ được triệu tập đến đây cũng không phải để họp hội đồng quân sự.   Nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh các vấn đề chung. Nếu có ai cho biết hay hỏi han những tin tức cá biệt, thì cũng chỉ nói thì thầm rất khẽ, rồi lại chuyển ngay sang các vấn đề chung chung; trong đám người đó không hề thấy có ai nói đùa hay cười cợt gì cả, dù chỉ là cười mỉm thôi cũng vậy. Rõ ràng là mọi người đều hết sức cố gắng có một thái độ xứng đáng với tình hình. Và trong khi nói chuyện với nhau, tất cả nhóm đều cố gắng nghe và thỉnh thoảng lại bảo nhắc lại một câu họ vừa nói, nhưng bản thân ông ta thì không góp chuyện và không phát biểu ý kiến gì cả.  Thường thường, sau khi nghe câu chuyện trao đổi trong một nhóm nào đấy ông ngoảnh mặt đi có vẻ thất vọng, dường như họ không nói đến những điều mà ông muốn biết. Nhóm thì bàn tán về địa thế đã chọn, phê phán chính cái địa thế đó thì ít, mà phê phán trí thông minh của những người đã chọn nó thì nhiều, một nhóm khác thì lại chứng minh rằng sai lầm là sai lầm từ trước kia; lẽ ra phải khai chiến cách đây ba hôm mới phải; một nhóm thứ ba thì bàn về trận đánh ở Xlanmanca mà một người Pháp mặc quân phục Tây Ban Nhan là Croxa vừa kể lại (cùng với một hoàng thân Đức phục vụ trong quân đội Nga, người Pháp này đang phân tích cuộc vây hãm thành Xaragossa có ý muốn đề nghị dùng chiến thuật ấy để phòng thủ Moskva). Trong nhóm thứ tư, bá tước Raxtopsin đang nói rằng ông ta sẵn sàng hy sinh tính mệnh dưới thành Moskva cùng với đội dân vệ, nhưng dù sao ông ta cũng không thể không phàn nàn rằng người ta đã không cho ông biết rõ tình hình, vì giá ông được biết từ trước, thì đâu đến nỗi như thế này. Nhóm thứ năm thì đang phô trương những tư tưởng chiến lược uyên thâm của mình, cho biết quân đội phải chuyển về hướng nào. Nhóm thứ sáu thì bàn toàn chuyện nhả. Gương mặt của Kutuzov mỗi lúc một thêm lo âu và phiền muộn. Qua tất cả những câu chuyện bàn tán qua lại ấy, Kutuzov chỉ thấy có một điều là không hề có một khả năng vật chất nào để phòng thủ Moskva, mà cái nghĩa trọn vẹn nhất của chữ này, nghĩa là đến cái mức mà giả sử có một vị tổng tư lệnh điên rồ nào ra lệnh xung trận, thì sẽ xảy ra một tình trạng hỗn loạn ghê gớm rốt cục trận đánh sẽ vẫn không diễn ra. Trận đánh sẽ không diễn ra bởi vì tất cả chỉ huy cao cấp không những đều cho rằng địa thế này không thể nào giữ được, mà trong khi nói chuyện họ lại chỉ bàn đến những việc sẽ xảy ra sau khi rút quân ra trận địa, trong khi chính họ cho rằng trận địa ấy không sao giữ nổi? Các sĩ quan chỉ huy cấp dưới, và ngay cả quân lính nữa (họ cũng biện luận), đều cho rằng vị trí này không thể giữ được, cho nên họ không thể chiến đấu trong khi đang tin chắc là sẽ thất bại. Nếu Benrigxen nằng nặc đòi giữ vị trí này và có những người còn bàn về chuyện ấy, thì vấn đề tự bản thân nó cũng chẳng còn có ý nghĩa nào nữa, mà chỉ là một cái cớ để gây gổ và kèn cựa nhau thôi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:25:15 pm
Những điều đó Kutuzov hiểu cả.
     
Benrigxen, người đã chọn vị trí này, hăng hái phô trương lòng ái quốc Nga la tư của mình (mỗi lần nghe cái giọng ái quốc này Kutuzov không thể không cau mặt) và khăng khăng đòi giữ Moskva. Kutuzov thấy rõ như ban ngày cái thầm ý của Benrigxen nếu việc phòng thủ thất bại, thì sẽ đổ tội cho Kutuzov, là người đã đưa quân rút về đến tận dãy núi Vorobiov mà không mở một trận nào; nếu thắng lợi thì sẽ nhận công trạng về mình; còn nếu bị bác đi thì sẽ trút bỏ được trách nhiệm vể tội bỏ Moskva. Nhưng bấy giờ vị tướng già không bận tâm nghĩ đến những mánh khoé ấy. Ông còn mải nghĩ đến một vấn đề duy nhất và đáng sợ. Mà vấn đề đó thì ông chẳng nghe ai đưa ra một lời giải đáp nào cả. Bây giờ đối với ông chỉ có một vấn đề là: có phải chính ông ta đã để cho Napoléon tiến tận đến Moskva, và ta đã làm việc đó từ lúc nào? Việc đó được định đoạt từ lúc nào?
     
Phải chăng từ hôm qua, khi ta ra lệnh cho Plotov rút lui, hay là từ chối ngày hôm kia, khi ta ngủ gật và ra cho Benrigxen tuỳ tiện xử trí? Hay là từ trước nữa?. Nhưng cái việc khủng khiếp ấy định đoạt từ bao giờ, từ bao giờ? Thế nào cũng phải bỏ Moskva. Quân đội phải rút lui, ta phải ra lệnh rút lui". Ông có cảm tưởng là cái lệnh kinh khủng này cũng chẳng khác nào từ bỏ chức vụ chỉ huy quân đội. Thế nhưng, không những ông thích quyền hânh và đã quen với quyền hành (hồi ông phục vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, danh vọng của công tước Prozorovxki làm cho ông bực tức), ông lại còn tin tin chắc rằng mình là con người tiến định để cứu nước Nga. và chỉ vì vậy mà ông ta đã được cử làm tổng tư lệnh theo ý nguyện của nhân dân và trái với ý nguyện của Sa hoàng. Ông tin chắc rằng trong hoàn cảnh khó khăn này chỉ có một mình ông có thể cầm đầu quân đội, rằng trong thiên hạ chỉ có một mình ông có thể không run sợ khi phải đương đầu với tướng Napoléon bách chiến bách thắng kia; và ông thấy kinh hãi khi nghĩ đến cái lệnh mà ông buộc lòng phải ban ra. Nhưng phải quyết định một cái gì chứ, phải chấm dứt những cái chuyện bàn tán ở xung quanh đi: những câu chuyện đó đã bắt đầu quá tự do.
       
Ông gọi các vị tướng thâm niên nhất lại, nói:

- Trí óc của tôi, dù khôn dù dại, cũng chỉ biết mong chờ vào mình nữa mà thôi!

Ông vừa nói vừa đứng dậy ra xe đi về Fili.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:26:02 pm
Phần XI
Chương - 4

Trong một căn nhà gỗ rộng rãi, căn nhà đẹp nhất của bác mu-gich Andrey Xovoxtyanov. Lúc hai giờ có phiên họp hội đồng quân sự. Bao nhiêu đàn ông đàn bà và trẻ con trong cái gia đình nông dân đông đúc ấy đều chen chúc cả trong gian nhà phụ sát phòng ngoài.
   
Chỉ có một mình con bé Malasa, đứa cháu gái lên sáu của bác Andrey vừa được đức ông âu yếm vuốt ve và cho một miếng đường khi dùng trà, là ở lại trong gian nhà lớn. Ngồi trên lò sưởi, Malasa bẽn lẽn và vui mừng ngắm nghía mặt mày, quân phục và huân chương của các vị tướng bấy giờ đang lần lượt bước vào nhà và ngồi lên mấy chiếc ghế dài rộng rãi đặt ở góc thờ, dưới các tượng thánh. Còn ông cụ (Malasa thầm gọi Kutuzov như vậy) thì ngồi riêng ra, trong các góc tối bên lò sưởi. Ông ngồi thụt sâu vào chiếc ghế bành xếp đằng hắng luôn mồm và xốc mãi chiếc cổ áo tuy đã mở phanh ra nhưng vẫn có vẻ như đang chẹn ngang cổ. Những người mới vào lần lượt đến chào vị thống soái, và có người thì ông bắt tay, có người thì ông gật đầu chào lại. Viên sĩ quan phụ tá Kaixarov định vén bức màn trên cửa sổ, cạnh chỗ Kutuzov ngồi, nhưng ông giận dữ khoát tay một cái, và Kaixarov hiểu rằng đức ông không muốn cho ai trông thấy mặt mình.
     
Chung quanh chiếc bàn gỗ mộc mạc đặt đầy những bản đồ, giấy má, bút chì, có nhiều người đứng đến nỗi những người lính hầu phải mang thêm một chiếc ghế dài đến đặt bên bàn. Ba người mới đến là Yermolov, Kaixadov và Toll ngồi xuống chiếc ghế ấy. Ngay phía dưới các bức ảnh thánh, Barclay de Tolly ngồi ở chỗ danh dự, cổ đeo huân chương Georges, khuôn mặt xanh xao ốm yếu, vầng trán cao lẫn với mái đầu hói. Đã hai ngày nay ông ta bị sốt, và lúc bấy giờ ông cứ run từng cơn. Ngồi cạnh ông ta là Uvatov, đang nói khẽ lúc bấy giờ (mọi người đều nói khẽ) với Barclay điều gì, lay hoa lên lia lịa. Tướng Dokhturov người bé nhỏ và tròn trĩnh, lông mày giương cao, hai tay đặt trong bụng, đang chăm chú lắng nghe.
     
Ở phía bên kia, bá tước Oxtemlan Toletoy hai tay chống đầu, khuôn mặt rộng có những đường nét táo bạo và đôi mắt sáng quắc, đang ngồi im có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Raievxki, vẻ sốt ruột, lấy tay vê mớ tóc đen láy phủ lên thái dương với một cử chỉ quen thuộc. khi thì nhìn Kutuzov, khi thì nhìn ra cửa. Khuôn mặt rắn rỏi, tuấn tú và hiền hậu của Konovnitxyn sáng bừng lên trong một nụ cười dịu dàng và ranh mãnh. Ông ta bắt gặp mắt Malasa đang nhìn lại liền nháy mắt ra hiệu, khiến cho con bé mỉm cười.
     
Mọi người đang chờ đợi Benrigxen, bấy giờ đang lấy cớ là đi xem xét lại địa thế để ăn nốt bữa ăn chiều ngon lành. Họ đợi ông ta, từ bốn đến sáu giờ, và suốt trong thời gian đó không thảo luận gì chỉ khe khẽ nói chuyện riêng.

Mãi đến khi Benrigxen bước vào nhà gỗ, Kutuzov mới từ trong góc nhích ghế đến gần bàn, những vẫn chú ý ngồi sao cho ánh sáng của mấy ngọn nến vừa đặt trên bàn đừng soi vào mặt.
       
Benrigxen khai mạc cuộc hội nghị bằng một câu hỏi: "Nên bỏ thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga hay nên cố giữ lấy?"
     
Tiếp theo đó mọi người đều im lặng một hồi lâu. Tất cả các gương mặt đều cau lại, và trong không khí im lặng có thể nghe rõ tiếng ho hắng và tiếng hừ hừ bọc dọc của Kutuzov. Mắt mọi người đều đổ dồn về phía ông ta. Malasa cũng nhìn ông cụ của nó. Nó ngồi gần ông hơn cả và thấy rõ mặt ông đang nhăn nhó: hệt như ông sắp khóc. Nhưng đều đó chỉ thoáng trong một lát.

- Thủ đô thiêng liêng và cổ kính của nước Nga - Kutuzov bỗng nói, giọng bực tức, ông nhắc lại lời của Benrigxen, khiến cho mọi người rõ cái giọng giả dối của câu này. - Thưa đại nhân, xin đại nhân cho phép tôi thưa rằng câu hỏi đó đối với một người Nga không có nghĩa gì cả. (ông chồm cả cái thân hình nặng nề của mình ra phía trước). Đó là một câu hỏi không thể đặt ra được một câu hỏi vô nghĩa. Sở dĩ tôi mời các ngài đây đến họp là để giải quyết một vấn đề khác, một vấn đề quân sự. Vấn đề đó như sau: "Cứu tinh của nước Nga là quân đội. Khởi chiến để rồi có cơ mất cả quân đội lẫn Moskva lợi hơn, hay là bỏ Moskva không khởi chiến lợi hơn? Đây, tôi muốn biết được ý kiến của các ngài về vấn đề đấy". (ông ngả người ra phía sau dựa vào lưng ghế).
   
Cuộc tranh luận bắt đầu. Benrigxen chưa chịu thua. Tuy vẫn chấp nhận ý kiến của Barclay và của một số người khác rằng không thể mở một trận chiến dấu phòng ngự ở Fili được, nhưng ông ta vì quá thấm nhuần lòng ái quốc Nga và vì quá yêu Moskva nên đề nghị đang đêm điều quân từ sườn phải sang sườn trái và đến hôm sau đánh mạnh vào cánh phải của quân Pháp. Ý kiến các tướng chia làm hai phe, phe thì bênh vực phe thì phản đối. Yermolov, Dokhturov và Raievexki đứng về phía Benrigxen.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:26:35 pm
Không biết vì họ cảm thấy phải hy sinh ít nhiều trước khi rời bỏ thủ đô, hay vì những lý do riêng nào khác, nhưng các vị tướng ấy đường như không hiểu rằng phiên họp hội đồng này không thể nào thay đổi được hướng diễn biến tất yếu của sự việc và ngay từ bây giờ Moskva đã bị bỏ ngỏ rồi. Các vị tướng khác đều hiểu rõ điều đó, nên gác vấn đề Moskva sang một bên và bàn đến hướng đi của quân đội khi rút lui. Malasa chăm chú theo dõi những việc đang diễn ra trước mắt nó: nó hiểu ý nghĩa của phiên họp hội đồng này một cách khác. Nó tưởng rằng đây chỉ là một cuộc cãi vã riêng giữa "ông cụ" và "cái ông mặc áo vạt dài kia". Nó thấy hai người có vẻ rất hằn học khi nói với nhau, và trong khi lòng nó đứng về phía ông cụ: Giữa chừng cuộc tranh cãi, nó để ý thấy anh cụ đưa nhanh về phía Benrigxen một cái nhìn ranh mãnh, rồi nó lại vui mừng nhận thấy ông cụ nói một câu gì làm cho cái "ông mặc áo vạt dài" kia rất bẽ: Benrigxen đề nghị nhằm chuyển quân từ sườn phải sang sườn trái để tấn công cánh hữu của quân Pháp.

Giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng. Kutuzov nói:

- Thưa các ngài, tôi không thể tán thành kế hoạch của bá tước đại nhân đây được. Chuyển quân ở sát cạnh quân địch bao giờ cũng nguy hiểm, lịch sử quân sự đã xác minh điều đó. Chẳng hạn… (Kutuzov làm ra vẻ như đang ngẫm nghĩ để tìm một dẫn chứng, mắt đưa về phía Benrigxen một cái nhìn trong sáng và ngây ngô). Ta, ta hẵng cứ lấy trận Fridland chẳng hạn, tôi chắc trận này thì bá tước nhớ rõ lắm; kết quả trận này không được… mỹ mãn cho lắm chỉ vì quân ta bố trí lại trong khi đang ở gần quân địch quá… - Tiếp theo là một phút im lặng mà mọi người đều có cảm giác là rất dài.
       
Cuộc tranh luận lại tiếp diễn, nhưng chốc chốc lại có những khoảng im lặng, và mọi người đều cảm thấy chẳng có gì để mà nói nữa.
     
Trong một khoảng im lặng như thế, Kutuzov thở dài một tiếng nặng nề như sắp nói điều gì. Mọi người đều nhìn về phía ông ta.

- Ấy thế thưa các ngài! Tôi biết rằng cốc vỡ thì chính tôi phải đền - Kutuzov nói, đoạn chậm rãi đứng dậy và bước lại gần bàn. - Thưa các ngài, tôi đã được nghe ý kiến của các ngài. Trong số các ngài sẽ có những người không đồng ý với tôi. Nhưng tôi… (ông dừng lại một lúc) xin sử dụng cái quyền hạn - mà hoàng thượng và tổ chức giao cho tôi, tôi ra lệnh lui quân. - Các tướng bắt đầu giải tán với cái vẻ thận trọng, lặng lẽ và trang nghiêm như khi người ta giải tán sau một đám tang.
   
Vài viên tướng đến nói khẽ với vị tổng tư lệnh điều gì, giọng nói khác hẳn khi họ thảo luận trong phiên họp hội đồng.
     
Malasa, đáng lẽ phải về ăn tối từ lâu, thận trọng trườn từ trên giàn lò xuống, đôi chân bé nhỏ để trần bám vào những cái u trên lò sưởi và luồn qua chân các vị tướng mà chạy ra cửa.
Sau khi các tướng đã ra về, Kutuzov vẫn ngồi chống khuỷu tay lên bàn hồi lâu. Ông vẫn nghĩ tới cái vấn đề kinh khủng ấy: "Việc bỏ ngỏ Moskva đã được định đoạt từ lúc nào? Cái việc có tác dụng quyết định vấn đề này đã xảy ra từ lúc nào? Ai là người có lỗi trong việc này?"
       
Đêm đã khuya. Khi viên sĩ quan phụ tá Snaider bước vào phòng, Kutuzov nói với ông ta:

- Thật không ngờ, thật tôi không ngờ như vậy? Tôi không thể ngờ!

Snaider nói:

- Thưa đại nhân, ngài cần nghỉ ngơi một chút.

Kutuzov không đáp, dang nắm tay phốp pháp đặt lên bàn quát dập lên bàn quát:

- Ồ không đâu! Rồi chúng nó sẽ phải ngốn thịt ngựa như bọn Thổ Nhĩ Kỳ, chúng nó sẽ phải ăn cho mà xem, miễn là…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:27:22 pm
Phần XI
Chương - 5 - 6

Cùng lúc ấy, trong một sự kiện còn quan trọng hơn việc rút quân không chiến đấu, là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva.

Raxtovsin, mà chúng ta xem là người chỉ đạo sự việc này, đã hành động trái hẳn với Kutuzov.
Sự việc ấy - bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva - cũng tất yếu như việc rút quân về phía sau Moskva, không đánh trận nào.
       
Mỗi người Nga, không phải trên cơ sở suy luận, mà trên cơ sở cái tình cảm vẫn sống trong lòng chúng ta và trong lòng cha ông chúng ta, chắc cũng đã tiên đoán được những điều ấy diễn ra.
     
Bắt đầu từ Smolensk trong tất cả các thành phố và làng mạc của đất nước Nga, không hề có sự tham dự của bá tước Raxtovsin và những lời tuyên cáo của ông ta, thế mà sự việc đều diễn ra đúng như ở Moskva. Nhân dân điềm tĩnh đợi quân thù đến, không nổi loạn, không nhốn nháo, không hành hung người nào cả. Họ bình tĩnh chờ đợi vận mệnh, cảm thấy rằng đến giờ phút khó khăn nhất họ sẽ có thể biết rõ mình phải làm gì, và hễ quân địch gần đến nơi, là những người giàu có nhất trong dân cư bỏ đi, để của cải lại; những người nghèo nhất thì ở lại, phá huỷ và đốt cháy những gì còn sót.
     
Trong tâm hồn của người Nga, xưa kia cũng như bây giờ, đều có ý thức rằng sự thể sẽ như thế nào, và bao giờ cũng vẫn như thế. Và cả xã hội Nga ở Moskva năm 1812 đều có ý thức đó, hơn nữa, còn có cái tình cảm rằng Moskva bị chiếm. Những người đang lục tục rời bỏ Moskva ngay từ tháng bảy và đầu tháng tám đã chứng tỏ rằng họ đã đoán trước việc đó. Khi ra đi với những thứ có thể vơ theo, bỏ nhà cửa và một nửa tài sản, họ hoạt động theo một lòng yêu nước tiềm tàng, một lòng yêu nước không biểu lộ bằng lời nói, bằng việc hy sinh con cái để dâng lên bàn thờ tổ quốc hay những hoạt động giả tạo tương tự thế, mà là một lòng yêu nước bộc lộ ra một cách thầm lặng, đơn giản hữu cơ và vì vậy bao giờ cũng có những kết quả rất mạnh.
   
"Chạy trốn trước nguy cơ là một điều đáng hổ thẹn: chỉ có những kẻ hèn nhát mới bỏ Moskva và chạy trốn" - người ta bảo vậy. Trong các tờ tuyên cáo, Raxtovsin cũng gợi ý cho họ thấy rằng rời bỏ Moskva là nhục nhã. Họ rất hổ thẹn khi phải nhận cái danh hiệu là kẻ hèn nhát, họ rất hổ thẹn khi phải ra đi, nhưng họ vẫn cứ ra đi, vì biết rằng cần phải làm như vậy. Tại sao họ phải ra di? Không thể nói rằng họ khiếp sợ vì tin lời Raxtovsin kể lại về những chuyện kinh khủng mà Napoléon đã làm trong các vùng bị chinh phục. Họ ra đi, và những người ra đi trước nhất là những người giàu sang, có học thức, vốn biết rất rõ ràng Viên và Berlin vẫn nguyên vẹn và khi Napoléon chiếm đóng hai thành này thì dân cư ở đây sống rất vui vẻ với người Pháp, những con người rất có duyên mà thời ấy người Nga rất thích, nhất là phụ nữ Nga.
   
Họ ra đi vì đối với người Nga không thể có vấn đề: dưới quyền cai trị của Pháp thì ở lại Moskva sướng hay khổ. Dưới quyền cai trị của Pháp thì không thể nào sống được: đó là điều tệ hơn cả. Trước trận Borodino họ đã bỏ đi, và sau trận Borodino họ còn bỏ đi nhanh chóng hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi phòng thủ, bất chấp những lời tuyên bố của quan tư lệnh Moskva là sẽ rước ảnh Đức Bà Iverya ra đánh giặc, bất chấp những quả khinh khí cầu mà người ta định dùng để tiêu diệt quân Pháp và bất chấp tất cả những lời lẽ nhảm nhí mà Raxtovsin viết trong các bản tuyên các của ông ta.
   
Họ biết rằng quân đội có nhiệm vụ phải chiến đấu, và một khi quân đội đã không làm được việc đó thì không thể đem các cô tiểu thư cùng các gia nhân lên khu Trigorư đánh nhau với Napoléon được, cho nên họ đành phải bỏ đi, mặc dù rất xót xa khi phải vứt của cải lại. Họ ra đi, không hề nghĩ đến cái ý nghĩ lớn lao của việc rời bỏ chốn thủ đô giàu có, đồ sộ này, phó mặc nó cho mồi lửa (một thành phố lớn nhà cửa toàn bằng gỗ mà dân cư bỏ đi thì thế nào cũng phải cháy); mỗi người ra đi như vậy vì bản thân mình, nhưng đồng thời chỉ riêng việc họ bỏ đi thôi cũng đã làm nên cái sự kiện lớn lao mãi mãi sẽ là sự kiện vẻ vang nhất của dân tộc Nga. Một bà lớn đã cùng mấy người đầy tớ da đen và mấy anh hề rời Moskva đi về vùng quê Xaratov từ hồi tháng sáu, với một ý thức mơ hồ là mình không thể ở lại làm đầy tớ cho Bonaparte vừa đi vừa sợ bị chặn lại giữa đường theo lệnh của bá tước Raxtovsin, con người cũng có lúc thoá mạ những ai bỏ đi, đã có lúc cho các cơ quan hành chính phân tán ra ngoài thành, đã từng phát những vũ khí không còn dùng được nữa cho kẻ say rượu, đã từng cho dỡ các tượng thánh ra, đã có lúc cấm cha Auguxtin đưa các thánh tích và các ảnh tượng ra khỏi Moskva, đã từng sung công tất cả các xe tải của tư nhân, đã dùng một trăm ba mươi sáu chiếc xe tải chở quả kinh khí cầu do Leppich làm ra, lại đã từng nói bóng gió rằng mình sẽ đốt cháy Moskva, đã từng kể lại rằng mình đã đốt nhà riêng và đã thảo ra một bản tuyên cáo gửi cho quân Pháp, long trọng trách móc họ đã phá mất cái cô nhi viện của mình, đã từng đứng ra nhận lấy cái vinh quang của việc đốt Moskva, rồi lại chối rằng mình không làm việc đó, đã ra lệnh cho nhân dân bắt hết bọn do thám giải đến cho mình, rồi lại trách móc nhân dân đã làm theo lệnh ấy, đã trục xuất tất cả các Pháp kiều ra khỏi Moskva. nhưng lại để bà Ober Salme ở lại thành phố, trong khi bà ta là trung tâm của cái xã hội Pháp ở Moskva, đồng thời lại vô cớ ra lệnh bắt và đày biệt xứ viên giám đốc bưu chính Klustarev, một con người già cả và đáng kính, đã từng triệu tập dân chúng lên khu Trigorư đánh nhau với Pháp, rồi để thoát khỏi đám dân chúng này, lại ẩy ra một người để cho họ đánh chết còn mình thì chuồn ra cửa sau, đã có lúc nói rằng Moskva mà rơi vào tay giặc thì mình cũng không sống sót lại làm gì, đã từng viết vào album những câu thơ bằng tiếng Pháp để chứng tỏ rằng mình tham gia vào việc này - con người đó không hiểu được ý nghĩa của sự việc xảy ra, lại cứ muốn tự mình làm một việc gì, muốn tự làm cho mọi người ngạc nhiên, muốn hoàn thành một cái gì cho thật xứng đáng với một trang anh hùng cứu quốc, và như một đứa trẻ con, người đó chơi đùa với những biến cố lớn iao và tất yếu là việc bỏ ngỏ và đốt cháy Moskva, và cứ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra, khi thì thúc dẩy, khi thì ngăn chặn luồng nước lũ ồ ạt của nhân dân đang cuốn mình theo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:28:30 pm
6.
       
Khi cùng với triều đình từ Vilna trở về Petersburg, Elen lâm vào một tình cảm gay go khó xử.
     
Ở Petersburg, Elen được một vị đại thần vào bậc nhất trong nước đặc biệt che chở cho. Còn ở Vilna thì nàng lại kết thân với một hoàng thân ngoại quốc trẻ tuổi. Khi nàng trở về Petersburg thì vị hoàng thân và vị đại thần đều đang ở đấy, cả hai đều đòi hưởng quyền được nàng chiếu cố, thế là Elen đứng trước một bài tính chưa từng gặp trên bước đường sự nghiệp của nàng: làm thế nào để duy trì quan hệ gần gũi với cả hai người, mà không ngưòi nào phật ý.
     
Cái việc mà một người đàn bà khác sẽ thấy là một khó khăn và thậm chí không thể nào làm được nữa, thì lại chẳng hề khiến bá tước phu nhân Bezukhov phải bận tâm suy nghĩ gì: rằng được tiếng là người đàn bà thông minh nhất, hẳn cũng không phải là không có căn cứ. Giả sử nàng giấu giếm các hành tung của mình, cố dùng mưu mẹo để thoát ra khỏi tình thế khó khăn này thì như vậy chẳng khác nào tự mình thú tội, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Nhưng nàng không làm như vậy; ngay từ đầu, như một vĩ nhân chân chính có khả năng thực hiện tất cả những gì mình muốn, nàng đã tự mình đặt mình vào địa vị của người chính trực và cũng thành thật tin rằng mình chính trực, còn bao nhiêu người khác thì nàng đặt vào địa vị của người có lỗi.
     
Lần đầu tiên khi nhân vật ngoại quốc trẻ tuổi kia dám đưa lời trách móc nàng, nàng đã kiêu hãnh cất cao mái đầu tuyệt mỹ của nàng lên, và chỉ hơi ngoảnh về phía ông ta, nàng nói giọng rắn rỏi:

- Đấy đàn ông họ ích kỷ và tàn nhẫn như vậy đấy! Tôi cũng biết từ trước. Đàn bà người ta hy sinh cho các ông, người ta đau khổ, thế mà các ông đều đáp lại như thế đấy. Thưa điện hạ, ngài có quyền gì chất vấn tôi về những tình bạn, những tình quyến luyến của tôi? Người đó đối với tôi còn hơn là người cha.
Nhân vật kia định nói lại một câu gì, nhưng Elen đã chặn lời nói tiếp:

- Phải, có thể đối với tôi, ông ta còn có những tình cảm khác hơn là tình cảm của một người cha, nhưng đó không phải là một lý do để tôi cấm cửa ông la. Tôi có phải là đàn ông đâu mà vong ân bội nghĩa như lậy. Xin điện hạ biết cho rằng về tất cả những gì liên quan đến tình cảm sâu kín của tôi thì chỉ có Thượng đế và lương tâm tôi chứng giám! - nàng kết luận, tay đặt nhẹ lên bộ ngực đẹp đẽ đang phập phồng nâng cao, mắt ngước nhìn trời.

- Nhưng xin phu nhân nghe tôi nói đã, tôi van phu nhân.

- Ngài hãy kết hôn với tôi đi, rồi tôi sẽ là nô lệ của ngài.

- Nhưng không thể được.

- Ngài không thèm hạ cố đến tôi, ngài… Elen vừa khóc vừa nói.
     
Nhân vật kia ra sức an ủi nàng: còn Elen thì vừa khóc sụt sùi vừa nói như đã mất hết tự chủ, rằng không còn gì để ngăn trở nàng đi lấy chồng, rằng có nhiều trường hợp hồi ấy cũng chưa có được mấy trường hợp, nhưng nàng vẫn kể được Napoléon và một vài nhân vật quyền quý khác; nàng nói nàng chưa bao giờ là người vợ thật sự của chồng nàng, rằng nàng đã bị đưa ra làm vật hy sinh.

- Nhưng còn luật pháp, tôn giáo… - Nhân vật kia nói, trong lòng đã thấy xiêu xiêu.

- Pháp luật, tôn giáo… Những thứ đó bày ra để làm gì, nếu không phải là để thu xếp những chuyện như thế này? - Elen nói.

Nhân vật quan trọng kia ngạc nhiên, không hiểu sao một điều suy luận đơn giản như thế mà mình lại không nghĩ ra, bèn đến hỏi ý kiến của dòng tu sĩ Gia-tô(1) mà ông vẫn có quan hệ mật thiết.

Sau đó ít hôm, vào một buổi dạ hội rất nhã thú mà Elen tổ chức trong biệt thự của nàng ở Jamenny Oxtrov, người ta giới thiệu nàng cho một người đứng tuổi rất có duyên, tóc trắng như tuyết, măt đen và sáng: đó là ông De Jober, một tu sĩ dòng Gia-tô mặc áo ngắn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:29:45 pm
Trong khu vườn của toà biệt thự, dưới ánh đèn lồng và trong tiếng nhạc, ông ta đã nói chuyện rất lâu với Elen về lòng kính yêu Đức Chúa trời, kính yêu đấng Cơ đốc, kính yêu trái tim đức thánh của Đức mẹ Chúa trời, và về những niềm an ủi mà chỉ có một chân lý duy nhất có thể đưa lại cho ta trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống sau này: chân lý của Công giáo(2) - Elen nghe nói rất cảm động, và đã mấy lần nàng và ông De Jober mắt đều rớm lệ và giọng nói run run.

Một khách đến mời Elen nhảy khiến cho câu chuyện giữa Elen và người chỉ đạo lương tâm của nàng phải tạm ngừng; nhưng tối hôm sau ông De Jober lại đến một mình gặp Elen và từ đấy cứ đến thăm nàng luôn.
      
Một hôm ông ta dẫn bá tước phu nhân vào nhà thờ công giáo; nàng quỳ xuống trước bàn thờ. Người Pháp đứng tuổi rất có duyên kia để tay lên đầu nàng, và về sau này nàng kể lại rằng lúc ấy nàng có cảm giác như một làn gió mát rượi thổi vào tâm hồn. Người ta giảng giải cho nàng hiểu đó là phước lành.

Rồi người ta dẫn đến cho nàng một giáo sĩ mặc áo chùng. Vị giáo sĩ nghe nàng xưng tội và rửa sạch tội lỗi cho nàng. Ngày hôm sau họ mang lại cho nàng một cái tráp đựng mình thánh và để lại cho nàng dùng lại gia. Được mấy hôm Elen thích thú được biết rằng bây giờ mình đã gia nhập giáo hội công giáo, giáo hội chân chính, và nay chính là giáo hoàng sẽ biết đến trường hợp nàng, sẽ gửi cho nàng một thứ văn kiện gì đấy.

Tất cả những việc diễn ra ở xung quanh nàng và có nàng tham dự, tất cả sự chăm sóc của những con người thông minh như vậy đối với nàng, một sự chăm sóc biểu lộ dướí những hình thức thật dễ chịu, tinh tế, và cái trạng thái trong sạch như chim bồ câu trắng của nàng bây giờ (suốt thời gian nàng mặc toàn đồ trắng, thắt dải trắng), tất cả những điều đó làm nàng thích thú: nhưng không giây phút nào nàng vì sự thích thú đó mà sao nhãng mục đích của nàng.
      
Về mưu mẹo thì thường người ngu vẫn lừa được người khôn hơn mình, do đó nàng hiểu rằng mục đích của tất cả những lời lẽ, những việc lo toan ấy chủ yếu để nàng theo công giáo rồi quyên tiền của nàng cho các tổ chức của dòng Gia-tô (người ta cũng nói xa nói gần với nàng về việc này). Trước khi có tiền, Elen một mực đòi họ phải tiến hành những thủ tục cần thiết để giải thoát nàng khỏi cuộc hôn nhân cũ. Trong quan niệm của nàng, ý nghĩa của bất cứ tôn giáo nào cũng thế, chẳng qua là làm thế nào giữ được một số nghi thức bề ngoài cho tươm tất trong khi thoả mãn những dục vọng của con người. Và với mục đích ấy, trong một buổi nói chuyện với một vị giáo sĩ nàng một mực đòi ông ta phải cho nàng biết rõ cuộc hôn nhân cũ của nàng có thể ràng buộc nàng đến mức nào.

Họ đang ngồi trong phòng khách, bên cạnh cửa sổ. Trời sâm sẩm tối. Từ cửa sổ đưa vào những mùi hoa thơm ngát. Elen mặc áo đài trắng, ngực và hoa thêu rua. Vị giáo sĩ là một người béo tốt phương phi, râu cạo nhẵn, có cái miệng rắn rỏi dễ yêu và hai bàn tay trắng trẻo đặt lên đầu gối một cách rất hiền lành, ngồi gần sát Elen và môi mỉm cười một nụ cười tế nhị, chốc chốc lại nhìn khuôn mặt nàng, cái nhìn tán thưởng một cách điềm tĩnh sắc đẹp của nàng, và trình bày cho nàng nghe quan điểm của ông ta về vấn đề đang khiến hai người quan tâm. Elen mỉm cười băn khoăn, đưa mắt nhìn bộ tóc quăn và đôi má phinh phính cạo nhẵn có ánh biêng biếc của ông ta và từng phút chờ đợi ông ta đổi hướng câu chuyện. Nhưng vị giáo sĩ mặc dầu có vẻ rất hân thưởng sắc đẹp của người tiếp chuyện, vẫn say sưa với cát nghệ thuật điêu luyện của mình trong những công việc như thế này.

Lý luận của vị chỉ đạo lương tâm là như sau: vì không hiểu rõ ý nghĩa của việc mình làm, phu nhân đã phát thệ làm người vợ trung thành của một người; nhưng người này, vì trong khi kết hôn không tin vào ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân, đã phạm tội báng bổ. Cuộc hôn nhân đã không có được cái ý nghĩa hai mặt mà lẽ ra nó phải có. Nhưng tuy thế, lời thề của phu nhân vẫn ràng buộc phu nhân. Phu nhân đã vi phạm lời thề ấy. Làm như vậy có phạm tội gì Tội nhẹ hay tội trọng? Tội nhẹ, là bởi vì trong khi làm như vậy phu nhân không có ý định gì xấu. Nếu bây giờ, vì muốn có con, phu nhân bước đi bước nữa, thì tội của phu nhân có thể tha thứ được. Nhưng vấn đề lại tách ra làm hai: thứ nhất là…

- Nhưng tôi thiết tưởng. - Elen nghe đã thấy chán bỗng nói xen, với nụ cười mê hồn của nàng, - tôi thiết tưởng rằng sau khi đã theo một tôn giáo chân chính thì tôi không còn bị một tôn giáo sai lầm ràng buộc nữa.
      
Vị chỉ đạo lương tâm kinh ngạc trước cách đặt vấn đề đơn giản như chuyện dựng đứng quả trứng của Colombo(3) đó. Ông ta rất thán phục sự tiến bộ nhanh chóng không ngờ của cô học trò, nhưng cũng không thể từ bỏ toà lâu đài luận chứng mà ông đã dầy công bóp óc xây dựng nên.

- Chúng ta phải thoả thuận với nhau mới được, bá tước phu nhân ạ, - và ông ta bắt đầu phản bác những lý luận cuả người con gái tinh thần của ông ta.

=============================================================

Chú thích:

(1) Một dòng tu sĩ công giáo thành lập vào thế kỷ XVI một công cụ đắc lực của Giáo hoàng để chống lại phái cải cách và các lực lượng tiến bộ khác. Vốn chủ trương rằng "mục đích biện hộ cho phương tiện", dòng này dùng những biện pháp tôn giáo để tổ chức do thám ám sát và hủ hoá

(2) Cơ đốc giáo (Christianisme) gồm có nhiều tôn giáo khác nhau trong đó có công giáo (catholisme) của một số nước Tây Âu và Chính giáo (orthodoxie), tôn giáo của người Nga.

(3) Quả trứng của Columbo thường dùng để chỉ những sáng kiến hay và đơn giản nhưng không ai nghĩ đến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:36:26 pm
Phần XI
Chương- 7 - 8

Elen hiểu rõ rằng theo quan điểm Giáo hội mà nói thì vấn đề này rất đơn giản và dễ giải quyết, nhưng sở dĩ những người chỉ đạo cho nàng làm khó dễ như vậy chỉ là vì họ lo sợ không biết rồi chính quyền thế tục(1) sẽ có thái độ như thế nào đối với việc này.
   
Cho nên Elen quyết định rằng cần phải chuẩn bị dư luận cho việc này mới xong. Nàng kiếm cách làm cho lão đại thần phát ghen lên và cũng nói với ông ta đúng như đã nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt câu đề thế nào để cho ông ta nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt vấn đề thế nào để cho ông ta thấy rằng chỉ còn cách cưới nàng làm vợ thì mới có thể có quyền đối với nàng được. Thoạt tiên nhân vật già này thấy nàng nói đến việc kết hôn trong khi chồng nàng hãy còn sống thì cũng lấy làm kinh ngạc không kém gì nhân vật trẻ kia; nhưng Elen có vẻ tin tưởng chắc chắn như bàn thạch rằng việc này cũng đơn giản và tự nhiên như việc một cô gái đi lấy chồng, nên ông ta cũng thấy xiêu lòng. Giá Elen có một dấu hiệu cỏn con nào tỏ ra lưỡng lự, ngượng ngùng hay e ấp, thì công chuyện của nàng chắc chắn là mười phần thất bại: nhưng chẳng những nàng không hề có lấy một dấu hiệu nào tỏ ra e ấp và ngượng ngùng, mà trái lại, nàng còn kể lại một cách ngây thơ, tự nhiên và hiền lành với các bạn thân (tức là tất cả thành phố Petersburg), rằng cả vị hoàng thân và vị đại thần đều ngỏ lời cầu hôn với nàng, rằng nàng yêu cả hai người và sợ mất lòng cả hai.
     
Lập tức có tin đồn lan ra khắp thành Petersburg - nhưng không phải là tin Elen muốn ly hôn với chồng (nếu như vậy thì đã có rất nhiều người phản đối cái ý định phi pháp này), mà lại là tin đồn trực tiếp rằng nàng Elen phong nhã và bất hạnh đang có điều phân vân khó xử là trong hai nhân vật kia không biết nên lấy ai bây giờ. Vấn đề bây giờ không còn là ở chỗ việc này hợp pháp đến mức nào, mà chỉ là ở chỗ đám nào hời hơn và triều đình sẽ nhìn nhận việc này ra sao. Quả tình cũng có một số người cố chấp không đủ năng lực để hiểu rõ vấn đề và cho rằng ý định này là một sự báng bổ đối với thể chế hôn nhân thiêng liêng; nhưng những người như thế thì rất ít, họ lại im lặng, còn số đông chỉ chú ý đến những vấn đề quay xung quanh cái hạnh phúc mà Elen đã tìm và chỉ băn khoăn cho nàng không biết chọn đám nào hơn. Còn về chuyện chồng còn sống mà bước đi bước nữa là tốt hay xấu, thì họ không nói đến, bởi vì vấn đề này hẳn là được giải quyết rồi đối với những người thông minh hơn anh và tôi (như người ta vẫn nói), và nếu tỏ ra hoài nghi về cách giải quyết vấn đề có tốt hay không thì nhỡ ra một cái có thể tỏ rằng mình ngu ngốc và không biết cách sống ở đời.
     
Chỉ có một mình bà Maria Dmitrievna mùa hè năm ấy về Petersburg để gặp một người con trai của bà, bà dám nói thẳng ý kiến của mình ra, một ý kiến trái ngược với công luận. Gặp Elen trong một cuộc khiêu vũ. Maria Dmitrievna, với cái cử chỉ dữ tợn quen thuộc, xắn hai ống tay áo rộng lên, đưa mắt nghiêm nghị nhìn nàng rồi bước ngang qua gian phòng bỏ đi.
   
Ở Petersburg, người ta có sợ Maria Dmitrievna thật, nhưng họ vẫn coi bà như một người ngược đời, nên trong những câu bà vừa nói ra họ chỉ chú ý đến cái danh từ tục tĩu kia mà họ thì thầm rỉ tai nhau, cho rằng tất cả cái phong vị mặn mà của câu nói chỉ bao gồm trong danh từ đó.
     
Công tước Vaxili gần đây đặc biệt hay quên những điều mình đã nói ra, cho nên hễ cứ gặp con gái là ông lại nhắc mãi đến hàng trăm lần, lần nào cũng chỉ có từng ấy chuyện:

- Elen ạ, tôi có một câu chuyện cần phải nói với cô, - Vông tước Vaxili kéo nàng ra một bên và kéo thấp tay nàng xuống. - Tôi có nghe phong phanh là cô có những dự định về, về việc gì thì cô cũng biết đấy, con yêu quý ạ, con cũng biết rằng lòng cha rất vui sướng khi được biết con… Con đã đau khổ quá nhiều… Nhưng, con ạ, con chỉ nên theo tiếng gọi của lòng con. Cha chỉ nói với con như vậy thôi! - Nói đoạn công tước Vaxili cố che giấu nỗi xúc động (lần nào nỗi xúc động của ông cũng y hệt như thế), áp má mình vào má cô con gái rồi bỏ đi.
       
Bilibin, bấy giờ vẫn nổi tiếng là con người thông minh nhất đời, và vốn là một người bạn vô tư khảng khái của Elen, một trong số những người bạn trai mà những người đàn bà đẹp thường vẫn có: hạng bạn trai không bao giờ có thể chuyển sang vai trò người yêu được. Một hôm nhân nói chuyện giữa một nhóm thân bằng cố hữu, ông ta giãi bày cho Elen rõ quan điểm của ông ta về việc này.

- Anh Bilibin ạ. (Elen bao giờ cũng gọi những người bạn thuộc hạng Bilibin bằng họ chứ không gọi tên riêng),
- Nàng đưa bàn tay trắng nõn đeo nhiều nhẫn khẽ chạm ống tay áo lễ phục của ông ta. - Anh hãy nói với lôi như nói với một người em gái nhé, bây giờ tôi phải làm thế nào? Trong hai người ấy nên chọn người nào?
     
Bilibin có làn da trên trán lại mỉm cười suy nghĩ một lát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:37:20 pm
- Đây chẳng phải là một câu hỏi đột ngột gì đối với tôi đâu chị ạ! - Bilibin nói - Với tư cách là một người bạn chân thành tôi đã suy nghĩ lại việc của chị rồi. Thế này nhé, nếu chị lấy ông hoàng thân (ý nói nhân vật trẻ tuổi) - ông ta gập một ngón tay lại, - thì chị mất hẳn cái khả năng lấy được ông kia, mà lại làm cho triều đình phật ý. (Chị cũng biết rằng ở đây có một mối liên hệ bà con thế nào đấy) Nhưng nếu chị lấy ông bá tước già, thế rồi về sau với tư cách là quả phụ của đại thần… vị hoàng thân kia lấy chị không còn là không môn đăng hộ đối nữa.
         
Nói đoạn Bilibin cho lớp da trán giãn ra.

- Như thế mới thật là một người bạn chân thành - Elen nói, vẻ mặt rạng rỡ, bàn tay lại giơ ra khẽ chạm vào ống tay áo Bilibin.
     
Nhưng khốn nỗi tôi yêu cả hai người, tôi không muốn làm cho họ buồn phiền. Tôi sẵn sàng dâng cả cuộc đời cuả tôi để cho cả hai người được hạnh phúc.
       
Bilibin nhún vai để tỏ ra rằng nỗi buồn phiền ấy thì đến như ông ta cũng không sao cứu chữa nổi.
   
"Thật là một người đàn bà cừ khôi! Như thế mới gọi là đặt vấn đề một cách dứt khoát. Ý cô ta muốn lấy cả ba người cùng một lúc hẳn" - Bilibin nghĩ thầm.

- Nhưng chị ạ, không biết chồng chị sẽ nhìn nhận việc này ra sao? - Bilibin nói; vì tiếng tăm ông ta đã vững chắc cho nên mới dám hỏi một câu ngây thơ như vậy mà không sợ mất uy tín trước mặt mọi người, - Liệu chồng chị có thuận không?

- Ồ! Anh ấy yêu tôi lắm cơ - Elen nói, chẳng hiểu tại sao nàng có cảm tưởng Piotr cũng yêu mình. - Vì tôi anh ấy sẽ làm bất cứ việc gì.

Bilibin co lớp da trán lại để báo hiệu rằng mình sắp nói một câu dí dỏm.

- Cả việc ly hôn nữa à? - Bilibin nói.

Elen cười.
       
Trong số những người dám hoài nghi tính chất hợp pháp của cuộc hôn nhân đang dự định có công tước phu nhân Kuraghina, tức mẹ Elen. Lòng ghen tị đối với con gái luôn luôn giày vò phu nhân mà bây giờ thì đối tượng ghen tị lại là một điều thiết thân nhất đối với lòng phu nhân, nên phu nhân không sao cam tâm để yên cho việc này tiến hành được. Bà đi hỏi ý kiến một vị linh mục Nga xem tôn giáo có cho phép ly hôn và tái giá trong khi chồng còn sống không. Vị linh mục trả lời rằng điều đó không thể được và bà rất đỗi vui mừng khi vị linh mục chỉ cho bà xem một đoạn Phúc âm nói hẳn ra rằng (ông ta có cảm tưởng như vậy) không thể nào tái giá khi chồng còn sống được.
     
Được vũ trang bằng những luận chứng mà bà ta cho là không sao bác bỏ được, một buổi sáng nọ công tước phu nhân vào phòng con gái thật sớm để có thể gặp nàng một mình.

Sau khi nghe những lời khuyên răn của mẹ, Elen mỉm một nụ cười dịu dàng mà ngạo nghễ.

- Nhưng mà trong kinh Thánh có dạy là ai lấy một người đàn bà ly hôn làm vợ. - công tước phu nhân nói.

- Ôi thôi, mẹ đừng nói nhảm nữa. Mẹ chả hiểu gì cả. Ở địa vị tôi có nhiều bổn phận phải làm - Elen nói, chuyển câu chuyện từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, vì khi nói tiếng Nga nàng cứ có cảm tưởng là trong công việc của nàng có một cái gì không minh mạch.

- Nhưng cô bạn ạ….

- Ôi sao mẹ lại hiểu rằng Đức Thánh Cha người có quyền cho phép miễn…

Vừa lúc ấy tuỳ nữ ở với Elen vào gặp nàng để bảo rằng điện hạ đang ngồi ngoài phòng khách và mong được gặp nàng.

- Không, cô nói với điện hạ là tôi không muốn gặp, là tôi đang giận đức ông lắm, vì đức ông đã lỗi hẹn với tôi!
     
Ngay lúc ấy một người thanh niên tóc vàng, mặt dài, mũi cũng dài, bước vào nói:

- Thưa bá tước phu nhân, vạn tội, an xá!

Lão công tước phu nhân kính cẩn đứng dậy và nhún mình chào; người trẻ tuổi mới vào không chú ý gì đến bà cả. Công tước phu nhân gật đầu chào con gái và trang trọng đi ra cửa.

"Không, nó làm thế là phải, - lão công tước phu nhân nghĩ thầm: bây giờ tất cả các định kiến của bà ta đều đã sụp đổ trước sự xuất hiện của điện hạ. - Nó làm thế là phải; nhưng làm sao hồi còn trẻ ta lại không biết nhỉ, mà tuổi trẻ có bao giờ trử lại nữa đâu? Mà làm như thế lại đơn giản biết chừng nào", - công tước phu nhân tự nhủ khi bước lên xe.
       
Đến đầu tháng tám công việc của Elen đã quyết định xong xuôi đâu và đấy. Nàng liền viết thư có báo tin rằng nàng có ý định kết hôn với N.N., rằng nàng đã theo cái tôn giáo chân chính duy nhất, và yêu cầu chồng cũ liệu tất cả những việc cần thiết để làm trọn thủ tục ly hôn - người đưa thư này sẽ cho chàng biết rõ những điều cần thiết ấy.
     
"Đến đây tôi xin cầu nguyện Chúa đặt anh dưới sự che chở thần thánh và uy vũ của ngài. Bạn của anh. Elen".
     
Bức thư này được đưa đến nhà Piotr trong khi chàng đang ở trên chiến trường Borodino.

================================================================

Chú thích:

(1) Tức chính phủ đối lập với giáo hội là chính quyền tinh thần


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:38:09 pm
8.
   
Cuối trận Borodino, Piotr rời trận địa phận của Ratevxki chạy xuống lần thứ hai rồi cùng một toán binh sĩ dọc theo khe núi đi về phía Knyazkovo. Chàng đi ngang một trạm cứu thương, và khi trông thấy máu và nghe những tiếng kêu rên liền vội vã len vào đám lính đi xa hơn.
     
Bây giờ Piotr thiết tha mong muốn có một điều, là làm sao chóng thoát ra khỏi những ấn tượng khủng khiếp mà ngày hôm nay chàng đã trải qua, chóng trở lại với hoàn cảnh sinh hoạt bình thường, về phòng lăn ra ngủ một giấc cho yên. Chỉ trong hoàn cảnh sống bình thường, chàng mới cảm thấy mình có thể hiểu nổi bản thân mình và hiểu tất cả những điều mà chàng đã chứng kiến và thể hiện. Nhưng cái hoàn cảnh sinh hoạt bình thường ấy thì chẳng nơi nào có.

Tuy trên con đường chàng đang đi không có tiếng réo của đạn và trái phá nữa, nhưng khắp bốn phía quanh cảnh vẫn như trên bãi chiến trường. Vẫn những khuôn mặt ấy. Những khuôn mặt đau khổ, phờ phạc và đôi khi lại thản nhiên một cách kỳ dị, vẫn những vết máu ấy, những chiếc áo ca-pốt của binh sĩ ấy, những tiếng súng trường ấy, tuy nay nghe đã xa, nhưng vẫn làm cho người ta khiếp sợ: đã thế không khí lại nghẹt thở và bụi bặm.
     
Đi được khoảng ba dặm trên con đường cái Mozaisk, chàng ngồi xuống bên vệ đường.

Bóng hoàng hôn đã buông xuống mặt đất và tiếng gầm của đại bác đã ngớt, Piotr chống khuỷu tay nằm xuống. Chàng nằm như thế hồi lâu, đưa mắt nhìn theo những bóng đen đang lũ lượt kéo qua trước mặt chàng, trong đêm tối. Chàng cứ có cảm giác như một quả tạc đạn đang bay về phía chàng với một tiếng rú ghê rợn.  Chàng rùng mình ngồi dậy. Chàng không nhớ rõ chàng ngồi ở đây bao nhiêu lâu. Vào khoảng nửa đêm có ba người lính mang củi khô lại ngồi gần chỗ chàng và bắt đầu nhen lửa.
   
Họ lướt nhìn Piotr, đốt lửa và đặt một cái nồi trên bếp lửa, bẻ bánh mì khô bỏ vào cho thêm mấy miếng mỡ. Mùi thơm dễ chịu của món ăn béo bùi pha lẫn với mùi khói. Piotr nhổm dậy và thở dài. Ba người lính bắt đầu ăn, không hề chú ý đến Piotr; họ vừa ăn vừa nói chuyện. Bỗng một người trong ba người lính quay về phía Piotr nói:

- Này, đằng ấy là người ở đâu thế hả? - Hẳn trong khi hỏi như vậy người lính muốn ngụ một điều mà Piotr cũng đang nghĩ đến: Nếu anh muốn ăn thì chúng tôi sẽ cho ăn, nhưng phải nói rõ xem anh có phải là người lương thiện không đã.

- Tôi, tôi ấy à?… Piotr nói; chàng cảm thấy cần phải hạ bớt cái địa vị xã hội của mình đi chừng nào hay chừng ấy, để cho mấy người lính thấy gần gũi và dễ hiểu mình hơn. - Thật tình tôi là một sĩ quan dân binh, nhưng đơn vị của tôi không có đây; tôi vừa đi dự trận và lạc mất đội ngũ.

- À ra thế! - Một người lính nói.

- Một người lính khác lắc đầu.

- Thôi được có đói thì ăn một ít. - Kavadas, người này nói đoạn lấy cái môi gỗ liếm cho sạch rồi đưa cho Piotr.
   
Piotr đến ngồi bên đống lửa và bắt đầu ăn.  Trong khi chàng cúi lom khom trên cái nồi múc từng môi lớn ăn lấy ăn để hết môi này đến môi khác, ba người lính im lặng nhìn khuôn mặt của chàng chập chờn trong ánh lửa.

- Bây giờ đằng ấy cần đi đâu hả? Nói đi! - một trong ba người lính lại hỏi.

- Tôi đi Mozaisk.

- Thế đằng ấy là một ông lớn à?

- Phải.

- Tên là gì?

- Piotr Kirilovit.

- Ta đi đi, chúng tôi sẽ dẫn ông đi Mozaisk.
     
Gà đã gáy sáng khi họ đã đến Mozaisk và bắt đầu leo lên cái dốc dẫn vào thành phố, Piotr cùng đi với mấy người lính, quên bẵng đi rằng quán trọ của chàng ở dưới chân dốc chàng đã đi quá mất một quãng. Trong tâm trạng bàng hoàng như lúc bấy giờ, Piotr không thể nào nhớ ra được, nếu mà không gặp người mã phu của chàng ở giữa dốc; anh ta đi tìm chàng khắp cả thành phố và bây giờ đang trở về quán trọ. Người mã phu nhận ra Piotr nhờ trông thấy cái mũ của chàng trăng trắng nhờ nhờ trong đêm tối. Anh ta kêu lên:

- Bẩm ông lớn! Chà, thế mà chúng tôi đã tưởng không sao tìm ra nữa. làm sao ông lớn lại đi bộ? Ông lớn đi đâu nữa thế, xin mời ông lớn về quán trọ.

- Ờ nhỉ! - Piotr nói.
   
Ba người lính đứng lại.

- Thế nào, ông tìm ra đơn vị rồi đấy à? - Một người nói.

- Thôi, chào nhé! Chào ông Piotr Kirilovit, có đúng tên ông như thế không nhỉ? Chào Piotr Kirilovit nhé! Mấy người kia nói thêm.

- Chào các anh, - Piotr nói, rồi cùng người mã phu trở về quán trọ.
   
"Phải cho họ ít nhiều!" - Piotr nghĩ thầm, tay móc túi lấy ví tiền.
     
Nhưng có một tiếng nói nào đó ở bên trong nhủ chàng "Không, không nên."
     
Các phòng trọ đều đã có người thuê cả. Piotr đi ra sân, leo lên xe ngựa và trùm áo khoác lên đến đầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:38:56 pm
Phần XI
Chương -9 - 10

Piotr vừa gối đầu lên chiếc nệm đã thấy mình bắt đầu thiêm thiếp ngủ, nhưng chợt bên tai chàng lại văng vẳng những tiếng súng đì đùng nghe rõ gần như thật, những tiếng rên la, những tiếng trái pháo nổ toác trên mặt đất, đâu đây lại phảng phất mùi máu và mùi thuốc súng, và một cảm giác kinh hãi, hoảng sợ chiếc cái chết lại tràn vào tâm hồn chàng. Chàng hoảng hốt mở mắt và ló đầu ra ngoài trước áo khoác. Trong sân mọi vật đều im lặng. Chỉ riêng ở cổng vào có một người cần vụ đang vừa nói chuyện với bác gác cổng vừa đi di lại lại, chân giẫm lép bép lên bùn. Phía trên đầu Piotr, dưới mái hiên lơp ván tối om, mấy con bồ câu thấy phía dưới có tiếng động sợ hãi xao xác lên một lúc. Khắp sân phảng phất cái mùi hăng hắc của những quán trọ, mùi rơm khô, mùi phân ngựa và mùi hắc ín, một khí vị thanh bình khiến lòng Piotr vui tươi trở lại. Giữa hai mái hiên tối sẫm hiện ra một mảng trời trong trẻo đầy sao.
   
"Tạ ơn thượng đế, bây giờ cảnh tượng đó không còn nữa rồi - Piotr nghĩ, và kéo áo trùm lên đầu như cũ. - Ôi ghê gớm thay sự sợ hãi của con người, và ta đã sợ hãi một cách thật là nhơ nhuốc? Còn họ… Họ thì từ đầu chí cuối luôn luôn vững dạ bình tâm…" - chàng tự nhủ. Họ đây là binh sĩ, là những người chiến đấu ở vị trí pháo binh, và cả những người đã cho chàng ăn, cả những người đã cầu nguyện trước bức tượng thánh. Họ, những con người xa lạ mà trước đây chàng không hề biết đến, trong tâm trí của chàng họ đã nổi bật hẳn lên tất cả những người khác.
   
Phải làm lính, phải trở thành một người lính, một người lính thường thôỉ, Piotr nghĩ trong khi chìm dần vào giấc ngủ. - Phải đem hết con người mình thâm nhập vào cuộc sống này, phải thấm nhuần những cái gì đã làm cho họ trở thành những con người như thế.
     
Nhưng làm sao cởi bỏ được tất cả những cái thừa thãi, những cái ma quái tất cả những gánh nặng của con người bề ngoài? Đã có thời lẽ ra ta có thể như vậy, ta có thể bỏ nhà trốn đi tuỳ ý. Sau trận đấu súng với Dolokhov họ có thể bắt ta đi lính. Và trong trí tưởng tượng của chàng lại thoáng hiện ra bữa yến hội ở câu lạc bộ, hôm chàng thách Dolokhov đấu súng, và hình ảnh của vị ân nhân ở Torzk. Và Piotr lại thấy hiện ra những gian phòng họp của hội. Buổi họp đó lại diễn ra trong câu lạc bộ Anh. Có một người nào quen thuộc, gần gũi và thân thiết đang ngồi ở cuối bàn. Thì chính là vị ân nhân đây rồi! "Nhưng ân nhân đã chết rồi kia mà? Piotr nghĩ bụng, - Phải, đã chết rồi, nhưng người sống mà ta không biết. Ta rất lấy làm đau xót rằng người đã chết và rất lấy làm mừng rằng người còn sống"! Một bên là bàn có Anatol, Dolokhov, Nezvixki, Denixov và những người khác cùng một giuộc với họ (trong giấc chiêm bao hạng người này cũng được xác định rõ rệt trong tâm hồn Piotr như hạng người mà chàng gọi là họ), và những người đó cũng như Anatol và Dolokhov, cao giọng hò hét, hát xướng; nhưng qua tiếng la hét của họ, vẫn nghe rõ giọng nói của vị ân nhân đang nói thao thao không ngớt. Và tiếng nói của người cũng đầy ý nghĩa và liên tục như tiếng súng ầm ầm trên chiến trường, nhưng nghe rất dễ chịu và mát lòng. Piotr không hiểu được những lời nói của vị ân nhân, nhưng chàng biết (trong giấc mơ, phạm trù các ý nghĩa cũng được xác định rất rõ) rằng vị ân nhân đang nói về điều thiện, đang nói rằng có thể trở thành những người như họ. Và khắp bốn phía, họ có những khuôn mặt hiền lành, giản dị và rắn rỏi, đang quây quần chung quanh vị ân nhân. Nhưng tuy họ rất tốt, họ vẫn không nhìn Piotr, không biết đến chàng, Piotr muốn nói một câu gì cho họ chú ý đến mình. Chàng nhổm dậy, nhưng vừa lúc ấy chàng thấy lạnh ở chân và thấy chân mình hở ra cả.
   
Chàng ngượng quá, liền lấy tay che chân. Quả thật chân chàng đã lòi ra ngoài chiếc áo khoác mà chàng đã đắp. Trong giây lát Piotr đắp chân lại, mở mắt ra và lại trông thấy những mái hiên, nhỡng chiếc cột ấy, khoảng sân ấy, nhưng bây giờ mọi vật đã xanh mờ mờ trong ánh bình minh và lấp lánh dưới một làn sương móc giá lạnh.

"Sáng rồi, - Piotr nghĩ. - Nhưng không phải thế. Ta còn phải nghe cho hết và phải hiểu những lời của vị ân nhân". Chàng lại trùm chiếc áo choàng lên đầu, nhưng không còn thấy gian phòng họp và vị ân nhân đâu nữa. Chỉ có những ý nghĩ được thể hiện một cách rõ rệt ra thành từ ngữ, không biết do một người nào nói ra hay do bản thân Piotr tự nhủ.
   
Về sau khi nhớ lại những ý kiến này, tuy là những ý nghĩ do những ấn tượng ngày hôm trước gợi lên, Piotr vẫn tin chắc rằng đó là lời của một người nào đó ở bên ngoài nói với chàng. Chàng có cảm tưởng là khi tỉnh chàng không bao giờ có thể suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng của mình ra như vậy.
   
"Chiến tranh là một việc hết sức khó khăn, là việc bắt tự do của con người phải phục tùng các đạo luật của Thượng đế, - tiếng nói ấy bảo chàng. - Giản dị tức là phục tùng Thượng đế, không thể lẩn tránh Thượng đế được. Mà họ thì giản dị. Họ không nói, mà chỉ làm. Một lời nói ra là một nén bạc, mà một lời không nói ra một nén vàng. Con người không thể làm chủ một cái gì hết, một khi hãy còn sợ chết. Người nào không sợ chết, thì tất cả đều là sở hữu của người ấy Giá không có đau khổ thì con người sẽ không biết giới hạn của mình, sẽ không biết bản thân mình. - Piotr vẫn tiếp tục nghĩ, hoặc nghe ai nói trong giấc mơ. - Cái khó nhất là làm sao hợp nhất được ý nghĩ của mọi vật trong tâm hồn mình. Hợp nhất tất cả ư? - Piotr tự nhủ. - không, không phải là hợp nhất. Không thể hợp nhất những tư tưởng được, mà phải liên kết tất cả những tư tưởng đó cái đó mới cần! Phải, phải liên kết, phải liên kết!" - Piotr nhắc đi nhắc lại, lòng mừng khấp khởi, cảm thấy rằng chính những lời ấy và chỉ có những lời ấy mới diễn đạt được điều mà chàng muốn diễn đạt và giải quyết được tất cả vấn đề đang giày vò chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:40:13 pm
Phải, phải liên kết thôi, đã đến lúc phải liên kết rồi.

- Phải thắng xe thôi(1), đã đến lúc phải thắng xe rồi ạ, thưa đại nhân. Thưa đại nhân, - có tiếng ai nói. -
Phải thắng xe thôi ạ.

Đó là tiếng nói của một người mã phu đang thức Piotr dậy. Ánh nắng rọi thẳng vào mặt Piotr.  Chàng đưa mắt nhìn khoảng sân bẩn thỉu của quán trọ. Ở giữa sân mấy người lính đang cho mấy con ngựa gầy uống nước bên giếng. Mấy chiếc xe tải đang kéo ra cổng. Piotr ghê tởm ngoảnh mặt đi và vội nhắm măt ngả người trên ghế xe như cũ. "Không, ta không muốn thế, ta không muốn và hiểu cái đó, ta muốn hiểu những điều đã mở ra trước mắt ta trong giấc ngủ. Giá chỉ thêm một giây nữa thôi thì ta đã hiểu được hết rồi.
Nhưng ta phải làm gì? Liên kết, nhưng làm thế nào liên kết được tất cả?" và Piotr kinh hãi cảm thấy tất cả ý nghĩa của những điều mà chàng thấy và nghĩ rằng trong giấc mơ đều đã tiêu tan.
     
Người mã phu, người đánh xe và người gác cổng kể lại cho Piotr hay rằng vừa có một sĩ quan đến báo tin quân Pháp đã tiến đến gần Mozaisk và quân ta đang rút lui.
   
Piotr đứng dậy, sai thắng ngựa vào xe và dặn khi nào thắng xong phải cho xe đuổi theo mình, rồi ra khỏi quán đi bộ qua thành phố.
   
Quân đội đang rời Mozaisk, để lại chừng một vạn người bị thương. Họ nằm, ngồi la liệt khắp các sàn nhà, thấp thoáng trong các khung cửa sổ và chen chúc ngoài phố. Quanh những chiếc xe bò chở thương binh đi, người ta kêu la, chửi bới và đấm đá nhau. Cỗ xe song mã lúc bấy giờ đã theo kịp chàng.
   
Piotr mời một vị tướng quen biết vừa bị thương lên xe và cùng ông ta đi Moskva. Dọc đường, Piotr được tin em vợ mình và công tước Andrey đã chết.

====================================================================

Chú thích:

(1) Trong tiếng Nga chữ "liên kết" và chữ "thắng ngựa vão xe" là một (Xopryngat)


10.
       
Ngày ba mươi tháng tám, Piotr về đến Moskva. Gần trạm gác, chàng gặp một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Raxtovsin. Viên sĩ quan nói:

- Thế mà chúng tôi cứ tìm ngài khắp nơi. Bá tước đang cần gặp ngài lắm. Bá tước mời ngài đến ngay có việc rất quan trọng.
   
Piotr không ghé về nhà, gọi một chiếc xe thuê đi đến nhà vị tư lệnh thành phố.
   
Bá tước Raxtovsin sáng hôm ấy vừa mới ở ngôi biệt thự ngoại thành của ông ta ở Xokolniki trở về thành phố. Phòng đợi và phòng khách của bá tước chật ních những viên chức được ông ta triệu đến hoặc tự đến để xin lệnh. Vaxilsikov và Platov đã có gặp bá tước và ông cho biết rằng không còn cách gì phòng thủ Moskva được nữa, đành phải bỏ kinh thành cho giặc vào. Tuy họ giấu giếm không cho dân cư biết tin này, nhưng các viên chức, các thủ trưởng các cơ quan hành chính đều biết rõ không kém gì Raxtovsin rằng Moskva sẽ lọt vào tay quân địch: và để trút bỏ trách nhiệm, tất cả những người đó đều đến hỏi quan tư lệnh thành phố xem họ nên xử trí như thế nào đối với những cơ quan được giao cho họ.

Trong khi Piotr bước vào phòng tiếp tân, viên tín sứ của quân đội từ phòng bá tước đi ra. Viên tín sứ khoát tay có vẻ tuyệt vọng đáp lại các câu hỏi và bước ngang qua gian phòng.

Trong khi ngồi đợi ở phòng tiếp khách, Piotr đưa mắt mệt mỏi nhìn qua những viên chức hiện đang ở trong phòng, già có, trẻ con, quan võ có, thượng cấp cũng có mạ hạ cấp cũng có. Mọi người có vể bất mãn và lo lắng. Piotr lại gần một nhóm trong đó có một người quen của chàng.

- Cho tản cư đi rồi gọi về cũng chẳng sao: nhưng trong tình hình này thì chẳng biết đằng nào mà nói nữa.
     
Một người khác chỉ vào một tờ giấy chữ in đang cầm trong tay nói :

- Thì đây ông ấy viết thế này đây…

- Đó là chuyện khác. Đối với dân chúng cần phải thế, - người thứ nhất đáp lại.

- Giấy gì thế? - Piotr hỏi.

Một bản tuyên cáo mới.

Piotr cầm lấy một bản tuyên cáo và bắt đầu đọc:   

"Để sớm có thể bắt liên lạc với đại quân, đang tiến về phía ngài, Điện hạ Tối quang minh đã rút về phía sau Mozaisk và đóng ở một địa thế vững mạnh, một nơi mà quân địch khó lòng có thể tấn công ngay được. Bốn mươi tám khẩu đại bác có đủ đạn đã được chuyển về đây cho ngài, và công tước điện hạ có nói rằng ngài sẽ bảo vệ Moskva cho đến giọt máu cuối cùng và dù có phải giao chiến với địch ngay giữa các đường phố cũng không từ. Anh em không nên hoang mang về việc các công sở đóng cửa, cần phải thu xếp công việc, còn chúng tôi thì chúng tôi sẽ xét tội quân gian. Đến khi động dụng, tôi sẽ cần đến những người trai tráng ở thành thị và thôn quê.  Tôi sẽ có lởi hiệu triệu trước hai ngày, còn bây giờ thì chưa cần, cho nén tôi im lặng. Dùng rìu cũng tốt, dùng gây nhọn cũng hay, nhưng tốt hơn cả là dùng nạng chĩa đinh ba: một tên giặc Pháp không nặng hơn một bó lúa mì đen đâu. Ngày mai, sau bữa ăn chiều, tôi sẽ cho rước ảnh Đức Bà Iverya đến nhà thương Ekaterina.
     
Ta sẽ làm phép cho nước ở đây linh thiêng đặng các thương binh chóng lành. Bản thân tôi thì nay vẫn khoẻ mạnh: vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều trông rõ".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:41:07 pm
Piotr nói:

- Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí…

- Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, - người viên chức lúc nãy nói.
     
Thế còn, "vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ" nghĩa là thế nào? - Piotr hỏi.

- Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói - và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. - Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr - À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân…

- Tôi thì chẳng nghe gì cả, - Piotr dửng dưng đáp. - Các ngài nghe nói thế nào?

- Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi.

- Thế ngài nghe họ nói thế sao?

- Thì họ bảo là… - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, - là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí…

- Cũng có thể đúng, - Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi - Thế còn ai đây?

- Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài
có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ?

- À thế ra đây là Veressaghin à? - Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói:

- Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm.
 
Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể:

- Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra.  Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, - viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. - người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thoả thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: "Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy". Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. "Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?" - "Chính tôi viết ra". Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. - Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. - Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế…

- À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! - Piotr nói.

- Đâu có! Có cần gì đâu, - viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, - Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn.    "Mày làm thế nào mà viết ra được? - bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. - Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết". Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: "Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra" - À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra toà án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? - "Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra". Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra toà và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:41:58 pm
Phần XI
Chương -11 -12

Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài.

- À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. - Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. - Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? - Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. - Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga.

- Phải, tôi là hội viên Tam điểm, - Piotr nói.

- Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt.

- Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? - Piotr hỏi.

- Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, - Raxtovsin quát.

- Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu,

- Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, - còn Veressaghin.

- Ấy đấy! - Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, - Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, - Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, - Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, - Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: - Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì?

- Có làm gì đâu, - Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi.
     
Bá tước cau mặt.
     
- Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, - ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, - Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả?
       
Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có.
     
Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ.
     
Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc.
     
"Họ - những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi
và hiểu rõ".

Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:42:43 pm
Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không.
     
Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng.
   
Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào.

12.
     
Gia đình Roxtov ở lại Moskva cho đến ngày mồng một tháng chín, tức là còn cách ngày quân địch tiến vào thành có một hôm.
       
Sau khi Piotr vào trung đoàn cô-dắc của Obolenxki và đi đến Belaya Txerkov là nơi thành lập trung đoàn này, bá tước phu nhân có nơm nớp lo sợ. Lần đầu tiên ý nghĩ rằng cả hai đứa con trai của bà đều ở mặt trận, rằng cả hai đều đã đi xa sự che chở của bà, rằng nay mai một trong hai đứa, mà cũng có thể là cả hai, có thể tử trận như ba đứa con một người quen của bà, ý nghĩ ấy đã đến với bá tước phu nhân rõ rệt đến mức tàn nhẫn. Bà cố tìm cách gọi Nikolai về, bà đã định thân hành đi tìm Petya, chạy cho cậu ta một chỗ làm nào ở Petersburg nhưng cả hai việc ấy đều không thể thực hiện: Petya không thể nào về được, trừ khi nào cả trung đoàn trở về, hoặc giả cậu có rời trung đoàn chăng nữa thì cũng chỉ để thuyên chuyển sang một trung đoàn tham chiến khác. Nikolai bấy giờ đang đóng quân ở một nơi nào đấy và sau bức thư vừa rồi, trong đó có kể tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria thì không nhận được tin gì của chàng nữa. Đêm đêm, bá tước phu nhân cứ thao thức không ngủ được, và hễ chợp mắt là chiêm bao thấy hai con đã tử trận. Sau khi suy nghĩ và được bạn bè mách bảo rất nhiều, bá tước đã tìm được một phương sách để làm cho phu nhân yên lòng. Ông cho chuyển Petya từ trung đoàn của Obolenxki sang trung đoàn của Bezukhov bấy giờ đang thành lập ở gần Moskva. Mặc dầu Petya vẫn tại ngũ, nhưng thuyên chuyển như vậy thì bá tước phu nhân cũng có được một niềm an ủi là ít nhất cũng còn được một đứa con trai ở gần mình, và có thể hy vọng thu xếp thế nào cho thằng Petya của bà đừng đi đâu xa và lo cho nó một chức vụ gì mà chẳng bao giờ phải ra trận. Trong khi chỉ có một mình Nikolai ở trong vòng nguy hiểm, bá tước phu nhân có cảm tưởng (thậm chí phu nhân còn lấy làm hối hận về điều đó) là mình quý đứa con trai lớn hơn hết thảy các con: nhưng đến khi thằng con út, đứa con nghịch ngợm biếng học, cái gì trong nhà cũng làm vỡ làm gãy, ai trong nhà cùng quấy rầy, cái thằng Petya hếch mũi ấy, với đôi mắt đen vui vẻ, đôi má hồng hào mơn mởn có lớp lông măng mới chớm mọc, đã dẫn thân vào nơi ấy, nơi của những người đàn ông hung dữ, tàn ác chẳng biết tại sao đang đánh nhau và lại lấy việc ấy làm vui, - đến khi ấy người mẹ lại cảm thấy rằng chính nó mới là đứa con mình quý hơn cả, quý hơn các con khác nhiều. Càng đến ngày Petya trở về Moskva bao nhiêu bá tước phu nhân lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
       
Bà đã bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến được.
       
Không những khi thấy Sonya trước mặt, mà ngay cả khi thấy Natasa hay bá tước Ilya Andreyevich, bà cũng bực bội nghĩ: "Những người ấy thì ở đây làm gì, ngoài Petya ra, tôi có cần đến ai đâu!".
     
Cuối tháng tám, gia đình Roxtov nhận được một bức thư thứ hai của Nikolai. Thư gửi từ tỉnh Voronez là nơi chàng được cử đến để mua ngựa. Bức thư này không làm cho bá tước phu nhân yên lòng.
   
Khi biết rằng một trong hai đứa con trai đã ra ngoài vòng nguy hiểm, bà lại càng lo thêm cho Petya.
     
Mặc dầu ngay từ ngày hai mươi, hầu hết những người quen của gia đình Roxtov đã rời khỏi Moskva, mặc dầu mọi người đều khuyên nhủ bá tước phu nhân đi cho sớm, bà một mực không chịu nghe theo ai nói đến chuyện đi đứng gì cả, một khi Petya, đứa con cưng mà bà yêu quý như điên như dại, vẫn chưa về. Thái độ âu yếm thiết tha một cách bệnh tật của người mẹ không làm cho chàng sĩ quan mười sáu tuổi ấy vừa lòng. Tuy phu nhân giấu không cho cậu ta biết ý định của bà là không để cho cậu đi xa nữa, Petya vẫn hiểu những điều dự tính của mẹ, và tự bản năng vẫn sợ mình trở nên mềm yếu như đàn bà trước mặt mẹ (cậu ta tự nhủ như vậy), nên cậu ta đối xử với bá tước phu nhân rất lạnh nhạt, thường hay lánh mặt phu nhân và trong thời gian ở Moskva chỉ gặp gỡ chuyện trò với Natasa, mà xưa nay cậu vẫn quý mến đặc biệt, một tình trìu mến chị em gần giống như tình yêu.
   
Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:43:08 pm
Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ.
     
Trong vòng ba ngày trước khi Moskva rơi vào tay giặc, cả gia đình Roxtov luôn luôn lo lắng bận rộn việc này việc nọ. Người chủ gia đình là bá tước Ilya Andreyevich luôn luôn đi đây đi đó trong thành phố thu thập những tin đồn đại, và khi về nhà thì hối hả ra những mệnh lệnh mơ hồ thu xếp việc chuẩn bị ra đi.
     
Bá tước phu nhân theo dõi công việc thu xếp đồ đạc, cái gì bà ta cũng không vừa ý, và luôn lẽo đẽo theo sau cậu Petya bấy giờ vẫn cứ tránh mặt mẹ, bà ghen với Natasa vì Petya cả ngày chỉ ngồi với nàng. Chỉ một mình Sonya lo toan đến mặt thực tiễn của công việc, tức là việc xếp đồ đạc lên xe. Nhưng suốt thời gian gần đây Sonya buồn rầu và lặng lẽ khác thường. Bức thư của Nikolai, trong đó có nhắc đến nữ công tước Maria, đã khiến bá tước phu nhân vui mừng nói ngay trước mặt nàng rằng bà ta cho cuộc gặp gỡ giữa nữ công tước Maria và Nikolai là do Trời xếp đặt trước. Phu nhân nói:

- Khi Bolkonxki đính hôn con Natasa tôi chẳng vui mừng gì, nhưng xưa nay tôi vẫn ước mong và cũng tiên cảm thấy rằng Nikolenka sẽ lấy công tước tiểu thư. Được như thế thì thật tốt quá!
       
Sonya cảm thấy rằng như vậy là đúng, rằng Nikolai chỉ có cách lấy một người vợ giàu thì công việc tiền nong của gia đình Roxtov mới mong cứu vãn được và nữ công tước Maria là một đám rất tốt. Nhưng nàng thấy tủi lắm. Tuy nàng buồn khổ, hay có lẽ chính vì nàng buồn khổ, Sonya đã lĩnh lấy tất cả những công việc xếp dọn đồ đạc rất vất vả, và suốt ngày nàng bận rộn với những công việc đó. Cứ mỗi khi cần sai bảo gì người nhà, bá tước và phu nhân lại nhớ đến nàng. Petya và Natasa thì ngược lại không những không giúp đỡ cha mẹ mà còn làm vướng và quấy rầy mọi người nữa. Và gần như suốt cả ngày bao giờ trong nhà cũng có tiếng reo, tiếng chân chạy và tiếng cười vô cớ của hai chị em. Hai người cười đùa vui vẻ vậy tuyệt nhiên không phải vì có chuyện gì đáng cho họ vui mừng; nhưng trong tâm hồn họ đang vui, cho nên bất cứ chuyện gì cũng đều là một nguyên nhân khiến họ cười đùa vui vẻ, Petya vui bởi vì cậu đang ở nhà, vì cậu vừa ở Belaya Txerkov là một nơi mà chỉ nay mai đã đánh nhau và nhất là vì Natasa cũng đang vui: xưa nay tâm trạng của cậu vẫn phục tùng tâm trạng của chị. Còn Natasa vui là vì nàng đã buồn quá lâu, vì bây giờ chẳng có gì nhắc nàng nhớ lại những nguyên nhân đã khiến nàng buồn, và vì nàng đang khoẻ mạnh. Nàng vui cũng lại vì đang có một người thán phục nàng (lòng thán phục của người khác đối với nàng là chất dầu nhờn cần thiết để cho bộ máy chạy được trơn tru). Nhưng cái chính khiến họ vui như vậy là hiện nay chiến tranh đã chuyển đến gần Moskva, là sẽ có đánh nhau ở các cửa ô, người ta sẽ phân phát vũ khí, mọi người đều bỏ đi nơi khác, nói chung là đang diễn ra một việc gì khác thường, và điều đó bao giờ cũng làm cho người ta vui thích, nhất là khi người ta còn trẻ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:43:53 pm
Phần XI
Chương -13 -14

Ngày thứ bảy ba mươi mốt tháng tám, trong nhà Roxtov mọi thứ đều như đảo lộn cả lên. Tất cả các cửa đều mở toang, bàn ghế đều bị khuân đi hay xếp ra một chỗ khác, gương soi, tranh ảnh đều được tháo cất. Trong các phòng la liệt các rương hòm; rơm rạ, giấy gói và dây dợ bừa bãi giữa nền nhà. Những người nông dân và gia nô bước nặng trên sàn gỗ vác đồ đạc ra ngoài. Ngoài sàn ngổn ngang những chiếc xe tải của nông dân, có chiếc đã chất đầy và đã ràng dây, có chiếc hãy còn bỏ không.
   
Ngoài sân và trong nhà rộn rịp những tiếng nói và tiếng chân đi lại của đám gia đình của những người nông dân vừa đánh xe đến.
   
Từ sáng, bá tước đã đi đâu vắng. Bá tước phu nhân nhức đầu vì cảnh ồn ào nhộn nhịp nên phải nằm trong phòng đi-văng mới, đầu chườm khăn tẩm giấm, Petya không ở nhà (cậu ta đến nhà một người bạn bấy giờ đang cùng cậu bàn cách chuyển từ dân binh sang bộ đội chủ lực). Sonya đứng trong phòng lớn để trông coi người nhà dọn đồ pha lê và đồ sứ. Natasa ngồi bệt giữa căn buồng tan hoang, giữa những chiếc áo dài, những chiếc khăn choàng, những dải lụa vứt ngổn ngang, đôi mắt đờ đẫn nhìn xuống nền nhà, tay cầm một chiếc áo dài khiêu vũ đã cũ, chính chiếc áo đài nàng đã mặc hôm đi dự vũ hội lần đầu tiên ở Petersburg, kiểu áo này đã không còn hợp thời trang nữa.
   
Natasa thấy ngượng vì trong khi cả nhà đều bận rộn mà nàng thì chẳng làm gì, nên từ sáng nàng đã thử cố bắt tay vào làm việc.
   
Nhưng tâm hồn nàng cứ để đâu đâu, mà tính nàng thì không thể và không biết làm một việc gì mà lại không đem lại hết tâm hồn và sức lực dốc vào việc đó. Nàng đứng một lúc với Sonya trong khi xếp dọn các đồ dùng bằng sứ, nàng cũng muốn giúp đỡ một tay, nhưng rồi lại bỏ đấy chạy về phòng thu xếp dồ đạc của mình. Lúc đầu, nàng thấy vui vui khi ngồi phân phát áo dài và dải lụa cho các cô hầu gái, nhưng về sau, khi thấy rằng những thứ còn lại cũng vẫn phải xếp sắp nàng bắt đầu thấy chán. Dunusia, chị xếp hộ tôi nhé! Chị nhé!
     
Và khi Dunusia vui lòng hứa với nàng là sẽ làm tất cả, Natasa ngồi xuống sàn nhà, cầm chiếc áo khiêu vũ ngày trước và suy nghĩ miên man, nhưng những ý nghĩa của nàng hoàn toàn không có liên quan đến những việc lẽ ra bấy giờ phải khiến nàng bận tâm. Tiếng nói chuyện của những người đầy tớ gái ở phòng bên và tiếng chân họ bước vội ra thềm sau đưa nàng trở về cõi thực. Natasa đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ngoài phố có một đoàn xe rất dài chở đầy thương binh vừa dừng lại.
   
Những người đầy tớ gái, những người nô bộc, bà quản gia, bà u già, mấy ông đấu bếp, mấy chủ xà ích, quản mã, mấy cô phụ bếp đều ra đứng ở cổng xem thương binh.
     
Natasa trùm chiếc khăn vuông trắng lên đầu, hai tay cầm hai khăn mùi xoa và đi ra đường.
   
Bà già Mavra Kuzminisna, bà quản gia cũ của gia đình Roxtov, tách ra khỏi đám gia nhân đứng ở cổng, lại gần một chiếc xe tải trên có phủ một tấm diềm bằng thứ vỏ cây và nói chuyện với một viên sĩ quan trẻ tuổi xanh xao nằm trong xe.   Natasa bước mấy bước đến cạnh chiếc xe va rụt rè dừng lại, tay vẫn giữ hai múi khăn, lắng tai nghe xem bà quản gia nói những gì.

- Thế ông chẳng có ai thân thuộc ở Moskva cả à? - Mavra Kuzminisna nói. - Giá ông vào nhà nào mà nằm thì hơn… Hay ông vào nhà tôi cũng được. Chủ nhà sắp đi rồi.

- Không biết họ có cho không, - Viên sĩ quan nói, giọng yếu ớt. - Kìa thủ trưởng của tôi kia kìa… bà thử hỏi xem. - nói đoạn viên sĩ quan chỉ một ông thiếu tá to béo bấy giờ đang đi ngược trở lại dọc theo đoàn xe.
   
Natasa đưa mắt hoảng sợ nhìn vào mặt viên sĩ quan bị thương và lập tức đến gặp viên thiếu tá. Nàng hỏi:

- Cho thương binh ghé vào nhà chúng tôi được không?
   
Viên thiếu tá mỉm cười đưa tay lên vành lưỡi trai, nháy mắt hỏi:

- Thưa, tiểu thư có lòng chiếu cố đến ai ở đây ạ?

Natasa điềm tĩnh nhắc lại câu nói, và tuy hai bàn tay nàng vẫn cầm hai dầu mũi chiếc khăn vuông, vẻ mặt và dáng điệu của nàng nghiêm trang đến nỗi viên thiếu tá không cười nữa và im lặng suy nghĩ một lát như tự hỏi xem có thể làm như vậy được không, và có thể làm đến mức nào, rồi đáp:

- Ô được chứ, sao lại không, được chứ.
     
Natasa khẽ cúi đầu rồi quay gót bước nhanh về phía Mavry Kuzminisna đang đứng nói chuyện với viên sĩ quan, vẻ cảm thông và thương xót.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:44:46 pm
- Được đấy ông ấy bảo là được! - Natasa nói thầm.
     
Chiếc xe có diềm của viên sĩ quan được vào sân nhà Roxtov và mấy chục chiếc xe chở thương binh, theo lời mời của dân phố cũng bắt đầu được đánh vào các sân và đến đỗ ở trước thềm các nhà ở phố Povarxkaya. Natasa hình như thấy làm vui thích được giao thiệp với những con người mới lạ trong một hoàn cảnh khách thường. Cùng với bà Maria, nàng cố sức đưa vào sân nhà hàng cho thật nhiều xe chở thương binh.
     
Mavra Kuzminisna nói:

- Dù sao cũng phải thưa với cụ nhà.

- Không sao, không sao, thì có mất gì đâu nào! Chỉ còn có một ngày nữa, chúng tôi có thể dọn sang bên phòng khách mà ngủ cũng được. Có thể nhường cho họ tất cả các gian của chúng tôi.

- Chà tiểu thư bày vẽ lắm trò thật! Dù là trong các dãy nhà dọc, trong phòng gia nhân, trong phòng u già cũng được xin phép.

- Được rồi tôi sẽ xin.
       
Natasa chạy vào nhà và kiễng chân đi qua cánh cửa hé mở vào phòng đi-văng. Từ trong phòng đưa ra mùi giấm và mùi thuốc giọt Hoffman.

- Mẹ ngủ hở mẹ?

- Ờ mẹ vừa mê ngủ sợ quá! - bá tước phu nhân lúc bấy giờ vừa chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy nói.
     
Natasa quỳ xuống bên cạnh mẹ và ghé mắt vào sát mặt bá tước phu nhân nói:

- Mẹ ạ, mẹ yêu dấu của con, con xin lỗi mẹ nhé, con đã làm mẹ thức giấc, từ rày con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, mẹ tha lỗi cho con nhé. Marra Kuzminisna bảo con đến. Ngoài kia có mấy người thương binh, họ mới chở đến, mấy người sĩ quan. Mẹ cho phép mẹ nhé? Họ chẳng có chỗ nào mà ở cả; con biết mẹ sẽ cho phép… - Natasa nói nhanh một hơi không dừng lại thở.

- Sĩ quan nào? Họ cho ai đến? Mẹ chẳng hiểu sao cả. - Bá tước phu nhân nói.
     
Natasa bật cười, bá tước phu nhân cũng mỉm cười yếu ớt.

- Con biết thế nào mẹ cũng cho… con sẽ bảo họ thế.
     
Natasa hôn mẹ, đứng dậy ra ngoài.

Trong phòng lớn nàng gặp bá tước nói với giọng bực bội.

- Câu lạc bộ thì đóng cửa rồi, cảnh sát thì đang rút lui.

- Ba ạ, con mời mấy người bị thương vào nhà, không việc gì chứ ba? - Natasa nói.

- Cố nhiên là không việc gì. - bá tước lơ đễnh trả lời con - nhưng việc ấy chả có gì quan trọng, bây giờ thì ba yêu cầu con đừng có lo đi làm những việc vớ vẩn như thế, phải lo giúp đưa đồ đạc lên xe, mai đã đi rồi… Và bá tước cũng ra lệnh cho người quản gia và các gia nhân như vậy. Đến bữa ăn chiều, Petya về nhà và cũng kể lại tin tức vừa nghe được.
     
Petya kể lại rằng hôm nay dân chúng đã đến nhận vũ khí ở điện Kreml, rằng tuy trong tờ yết thị của Raxtovsin có nói là ông ta sẽ có lời kêu gọi trước hai ngày, nhưng bây giờ chắc người ta đã thu xếp đến ngày mai và toàn dân sẽ cầm khí giới lên Trigorư, và ở đấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn.
       
Trong khi Petya nói, bá tước phu nhân đưa mắt sợ hãi và e dè nhìn khuôn mặt vui mừng, phấn khởi của đứa con trai. Bà biết rằng hễ mình nói một lời nào để xin Petya đừng đi đánh trận (bà biết rằng cậu ta rất vui mừng để trận đánh sắp tới này), thì cậu ta sẽ nói một cái gì về các đấng trượng phu, về danh dự, về tổ quốc, - một cái gì rất vô nghĩa, rất đàn ông, rất lì lợm mà bà không sao cãi lại được, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Cho nên bà hy vọng có thể thu xếp thế nào để ra đi trước khi xảy ra trận đánh này và lừa cho Petya cũng đi theo với tư cách là kẻ bảo vệ và che chở cho bà; sau bữa ăn chiều bà cho mời bá tước lại và khóc lóc van xin bá tước cho bà đi ngay, đi ngay đêm nay nếu có thể được. Tuy từ trước đến nay bá tước phu nhân không hề có chút sợ hãi về nỗi phải ở lại Moskva, nhưng bây giờ, với cái tính đa mưu không tự giác của người mẹ thương con, bà lại nói rằng mình sẽ khiếp sợ đến chết mất nếu không được đi ngay đêm ấy. Và bây giờ bà đâm ra sợ tất cả, sợ thật chứ không phải giả vờ nữa.

14.
       
à Schoss hôm đi thăm cô con gái về có kể lại những việc bà ta trông thấy ở ty rượu ngoài phố Myasnixkaya lại càng làm cho bá tước phu nhân hoảng sợ hơn nữa: đang đi về nhà qua phố ấy bà gặp phải một lũ say rượu đang quấy phá ở trước cửa ty, bà phải thuê một chiếc xe chở khách đi vòng vào một ngõ hẻm trở về nhà.
     
Người xà ích có kể cho bà nghe rằng dân chúng đã chọc thủng các thùng rượu trong kho, rằng trên có lệnh cho họ làm như vậy.
       
Sau bữa ăn chiều, trong nhà Roxtov mọi người đều bắt tay vào việc thu xếp đồ đạc và chuẩn bị ra đi một cách hối hả khác thường.
Lão bá tước, đột nhiên tháo vát hẳn lên, sau bữa ăn chiều cứ từ trong nhà đi ra sân rồi lại từ ngoài sân đi vào nhà, mồm quát tháo huyên thuyên làm cho gia nhân đã vội lại càng vội thêm. Petya đứng sai bảo ở ngoài sân. Nghe những lời sai bảo mâu thuẫn lung tung của bá tước, Sonya luống cuống chẳng còn biết làm gì nữa.
     
Các gia nhân cãi nhau, gọi nhau í ới, chạy ầm ầm trong các gian phòng và trong sân. Natasa, với cái tính hăng say đặc biệt của nàng đối với những việc nàng làm, cũng bắt tay vào sửa soạn thu xếp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:45:34 pm
Thoạt tiên thấy nàng xông vào sắp xếp đồ đạc, mọi người đều có ý nghi ngại. Ai cũng nghĩ rằng nàng chỉ biết đùa nghịch thôi, nên chẳng ai chịu nghe những lời sai bảo của nàng; nhưng nàng kiên trì và say sưa dòi hỏi mọi người phải phục tòng nàng; nàng nổi giận, suýt khóc lên vì họ không chịu nghe nàng, và cuối cùng họ đã phải tin rằng nàng muốn làm thật chứ không phải đùa. Kỳ công đầu tiên của nàng, một kỳ công đã khiến nàng phải hao hơi tổn sức rất nhiều và đã làm cho nàng có uy tín, là việc xếp sắp các tấm thảm. Trong nhà bá tước có nhiều tấm thảm Gôbơlah và thảm Ba-tư rất đắt tiền.

Khi Natasa bắt tay vào việc, trong phòng lớn có hai chiếc thùng gỗ đang mở nắp, một chiếc đã xếp đồ sứ đầy gần lên đến miệng, một chiếc thì đựng thảm. Trên các bàn hãy còn nhiều đồ sứ, và họ vẫn còn bưng ở nhà kho ra nhiều nữa. Cần phải xếp vào một chiếc thùng nữa mới đủ; người nhà đã chạy đi kiếm thùng. Natasa nói:

- Khoan đã, Sonya ạ, ta sẽ xếp tất cả hai thùng này cũng đủ.

- Không được đâu, tiểu thư ạ, đã thu xếp rồi mà không được. - Người chủ thiện nói.

- Không, để yên tôi xem đã.

Và Natasa bắt đầu lấy những chiếc đã ăn và đã tách bọc giấy ở trong thùng ra. Nàng nói:

- Đĩa ăn phải để vào đây này, để vào giữa các tấm thảm ấy.
   
Chỉ riêng các tấm thảm không thôi cũng đã chiếm hết ba thùng rồi còn gì.

- Thì cứ để yên tôi xem nào.
   
Và Natasa bắt đầu dỡ đồ đạc ra với những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, - Cái này không cần, -
Natasa nói khi đỡ mấy bộ đĩa Kiev, - cái này thì cần, cho vào thùng đựng thảm, - nàng nói khi cầm đến mấy bộ đĩa sứ Xacxoni.

- Thôi đi Natasa, để cho chúng tôi xếp, - Sonya nói giọng trách móc.
     
Người quản gia cũng nói:

- Thôi, tiểu thư ạ!
   
Nhưng Natasa không chịu thua. Nàng dỡ hết đồ đạc ra và bắt đầu xếp lại rất nhanh, quả quyết gạt những tấm thảm và những bộ đĩa thừa ra. Và quả nhiên, sau khi đã gạt bỏ bớt những đồ đạc rẻ tiền không đáng mang theo, bao nhiêu đồ quý đều xếp gọn vào hai thùng. Nhưng cái thùng đựng thảm không sao dậy nắp được. Lúc bấy giờ có thể lấy bớt ra một ít, nhưng Natasa cứ một mực không chịu. Nàng đi xếp, xếp lại, giẫm, ấn, bắt người quản gia và cậu Petya mà nàng huy động đến làm việc với nàng phải đè thật mạnh lên nắp thùng, và chính nàng cũng đem hết sức lực ra ấn nó xuống.

- Thôi Natasa ạ, - Sonya nói, - Mình thấy rồi, Natasa làm thế là phải, nhưng hãy bớt tấm thảm trên cùng đi.

- Không, - Natasa kêu lên, một tay đưa lên vén mái tóc xoã xuống khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của nàng, một tay ấn nắp thùng - Ấn mạnh đi Petya! Vaxitits, ấn mạnh đi nào!
     
Mấy tấm thảm đã ép chặt xuống. Nắp thùng đã đóng lại được.
       
Natasa vỗ tay reo lên mừng rỡ, ứa cả nước mắt ra. Nhưng chỉ một lát sau nàng đã bắt tay vào một công việc khác. Bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn tin rằng, và bá tước không hề phật ý khi người nhà nói với ông rằng Natasa đã bảo làm khác hẳn lời sai phái của ông, và các gia nhân đã đều hỏi Natasa xem xe chất như đã đủ chưa và nên chằng dây chưa. Nhờ những cách thu xếp của Natasa, mọi việc đều được giải quyết gọn gàng: những đồ không cần dùng được bỏ lại, còn những đồ quý nhất thì được sắp xếp thật chặt chẽ.
       
Tuy mọi người đã ra sức xếp đặt cho thật nhanh nhưng đến khuya vẫn chưa xếp hết được. Bá tước phu nhân ngủ thiếp đi. Lão bá tước đành hoãn đến sáng mai mới lên đường, và đi ngủ.
Natasa và Sonya để nguyên áo dài ngủ trong phòng đi-văng.
     
Đêm đó có thêm một người bị thương được chở qua phố Pavarkaya, và bà Mavra Kizminisna bấy giờ đang đứng ở cổng, liền cho xe của họ rẽ vào sân nhà Roxtov. Theo ý bà Mavra thì người bị thương này là một nhân vật trọng yếu. Họ chở người ấy trên một chiếc xe song mã phủ diềm, mui trên buông kín. Trên ghế đánh xe, bên cạnh người xà ích, có một người nội bộc đã già trông rất oai vệ ở phía sau có một chiếc xe chở một viên bác sĩ và hai người lính đi theo.

- Xin mời ngài vào nhà chúng tôi, xin mời quý vị. Chủ chúng tôi sắp đi rồi cả nhà bỏ trống, - bà Mavra nói với người lão bộc.

- Thôi cũng đành, - người hầu phòng thở dài đáp, - cũng không mong gì về đến nhà được! Chúng tôi cũng có nhà ở Moskva, nhưng xa lắm, mà nay nhà chẳng còn ai.
     
Mavra Kizminisna nói:

- Xin cứ vào nhà chúng tôi, chủ chúng tôi cái gì cũng có đủ, xin cứ vào - Rồi bà nói thêm - Thế nào, bị thương nặng lắm à?

Người lão bộc khoác tay ra dáng tuyệt vọng:

- Không mong gì đưa về đến nhà! Phải hỏi bác sĩ mới được - và lão bỏ ghế xà ích bước xuống. lại gần chiếc xe sau.

- Được! - viên bác sĩ nói.
     
Người hầu phòng lại trở về sau song mã, ghé mắt nhìn vào trong xe, lắc đầu, rồi bảo người đánh xe quay vào sân, và đứng lại bên cạnh Mavra Kizminisna.

- Trời ơi! Lạy chúa Jesus! - Bà Mavra thốt lên.

Bà đưa người bị thương vào nhà, nói:

- Các chủ nhân không nói gì đâu…
   
Nhưng không thể đem người bị thương lên gác được nên họ đưa vào dãy nhà dọc và đặt người ấy nằm trong gian phòng cũ của bà Schoss. Người bị thương ấy chính là công tước Andrey Bolkonxki.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:46:20 pm
Phần XI
Chương -15- 16

Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva.
   
Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn toả ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không.
   
Trong ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh của gia đình Roxtov chẳng có dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ những điều kiện sinh hoạt cũ đã bị đảo lộn. Về phần gia nhân thì chỉ có một điều là đêm hôm qua trong số tôi tớ rất đông đúc của nhà này có ba người trốn đi, nhưng đồ đạc thì chẳng mất mát chút gì, còn về giá cả thì ba mươi cỗ xe đưa từ thôn quê lên quả là một giá rất đắt. Không phải chỉ riêng, mà từ cuối hôm ba mươi mốt tháng tám cho đến sáng ngày mồng một tháng chín lại có nhiều người lính cần vụ và gia nhân của các sĩ quan bị thương, và ngay cả những người bị thương nữa ghé lại nhà Roxtov và các nhà bên cạnh cũng đều van xin các gia nhân và nói hộ với chủ cho họ nhờ mấy chiếc xe tải để ra khỏi Moskva. Người quản gia nghe họ van nài như vậy cũng thấy thương hại những người bị thương nhưng cũng cương quyết từ chối, nói rằng việc này thì dù chỉ thưa lại với chủ nhân thôi anh ta cũng không dám. Những người thương binh bị bỏ lại thật đáng thương, nhưng có thể thấy rõ là nếu đã nhường một chiếc xe tải thì không có lý gì lại không nhường tất cả, rồi đến xe nhà cũng phải nhường nốt. Người quản gia suy tính hộ cho chủ như vậy.
     
Sáng ngày mồng một, bá tước Ilya Andreyevich thức dậy, rón rén bước ra ngoài phòng ngủ để khỏi kinh động giấc ngủ của bá tước phu nhân mới chợp mắt lúc tờ mờ sáng.  Mình mặc chiếc áo ngủ dài bằng lụa màu hoa cà, bá tước đi ra thềm. Những chiếc xe tải đã chằng dây đang đứng im trong sân. Viên quản gia đang đứng cạnh bậc thềm nói chuyện với một người lính cần vụ già và người một sĩ quan trẻ tuổi xanh xao tay treo băng. Trông thấy bá tước, người quản gia làm một cử chỉ nghiêm nghị ra hiệu cho họ lảng ra xa.

- Thế nào đấy, xong cả chưa Vaxilits? - Bá tước hỏi, tay xoa xoa cái đầu hói và đưa đôi mắt hiền hậu nhìn viên sĩ quan và người lính cần vụ, khẽ gật đầu chào họ (bá tước vốn thích những người mới gặp).

- Thưa bá tước, bây giờ cho thắng ngựa ngay cũng được ạ.

- Thế thì tốt lắm, chốc nữa bá tước phu nhân ngủ dậy là đi ngay! Thế còn ông thì sao? - bá tước quay sang nói với viên sĩ quan. - Đêm qua ông nghỉ lại nhà tôi đấy chứ?

Viên sĩ quan lại gần. Gương mặt xanh xao của anh ta chợt đỏ ửng lên.

- Thưa bá tước, xin bá tước gia ân, cho phép tôi… tôi van ngài… cho tôi ngồi nhờ trên một chiếc xe tải nào của bá tước, chỗ nào cũng được. Đây tôi chẳng có hành lý gì cả… Ngồi trên xe tải… thế nào cũng được…
Viên sĩ quan chưa nói hết câu thì người lính cần vụ đã đỡ lời van xin bá tước cho chủ.

- À! Được được được - Bá tước hối hả nói. - Tôi rất vui lòng, rất vui lòng. Vaxilits, anh bảo bỏ bớt đồ trên xe xuống, anh xem… phải cho chu tất nhé… - bá tước nói lúng búng, chẳng rõ ông ta muốn bảo làm gì nữa.
   
Nhưng ngay trong giây lát đó vẻ biết ơn nhiệt thành của viên sĩ quan đã củng cố những điều sai bảo của bá tước. Bá tước đưa mắt nhìn quanh: trong sân, ngoài cổng, ở các khung cửa sổ bên dãy nhà dọc đều thấy có những người bị thương và những người cần vụ.

Mọi người đều nhìn về phía bá tước và mon men lại gần bậc thềm.

- Thưa bá tước, xin bá tước ghé vào phòng khách. - Viên quản gia nói. - Bẩm bây giờ bức tranh thì thế nào ạ?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:48:01 pm
Bá tước theo anh ta vào nhà, sau khi nhắc lại là không được từ khước những người bị thương xin ngồi nhờ xe tải.

- Thôi thì bỏ bớt ít đồ xuống cũng được, - ông nói thêm, giọng thì thầm có vẻ bí mật, như thể ông sợ có ai nghe thấy.
   
Đến chín giờ bá tước phu nhân thức dậy. Matriona, người hầu phòng cũ của phu nhân, vốn làm một chức vụ tương tự như chức trưởng phòng hiến binh của phu nhân, đến báo cáo với phu nhân rằng Maria Karlovra đang bất bình lắm, và áo dài mùa hạ của các tiểu thư không thể bỏ lại được. Bá tước phu nhân hỏi tại sao bà Schoss lại bất bình như vậy, thì hoá ra các rương hòm của bà ta đã bị bỏ xuống và tất cả xe tải đều bị tháo dây ra cả (bá tước quá thật thà đã cho bỏ đồ đạc xuống để chở thương binh). Bá tước phu nhân liền cho gọi chồng lại.

- Thế nào đấy mình, nghe nói lại bỏ đồ đạc xuống à?

- Mình ạ! Số là thế này… bá tước phu nhân thân mến của tôi ạ… vừa rồi có một sĩ quan đến xin tôi nhường cho vài xe để chở thương binh. Vì rằng đồ đạc thì còn sắm lại được, chứ họ mà phải ở lại đây là mình thử nghĩ mà xem!… Quả tình trong sân nhà ta… chính chúng ta cũng đã gọi họ vào, ở đây có cả những sĩ quan. Mình ạ, tôi thiết tưởng, quả tình thì, mình ạ. Thế này nhé… Thôi để cho họ cùng đi… Việc gì mà vội?
     
Bá tước nói một cách rụt rè như thường lệ mỗi khi nói đến chuyện tiền nong. Bá tước phu nhân thì đã quen với cái giọng này, một giọng nói xưa nay vẫn báo trước một việc gì có tổn thương đến tài sản của con cái, như việc bày phòng tranh, làm nhà ủ cây, tổ chức diễn kịch hay hoà nhạc trong nhà, và phu nhân đã quen cho là mình có nhiệm vụ nhất luận phản đối những việc mà bá tước nói ra với cái giọng rụt rè đó.
   
Phu nhân làm ra vẻ nhẫn nhục, ngậm ngùi và nói với chồng:

- Bá tước ạ, mình đã làm hỏng mất vtệc bán ngôi nhà, thế mà bây giờ mình còn muốn huỷ hoại cả sản nghiệp của các con ư? chính mình nói rằng của cải trong nhà có đến mười vạn. Mình ạ, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu? Tuỳ mình đấy! Cần phải làm gì chứ. Mình thử nhìn mà xem: nhà Lopukhin đã dọn đi hết từ ba ngày nay. Mình không thương tôi thì cũng phải thương lấy các con chứ.
   
Bá tước khoát tay một cái và chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài.

- Ba ơi! Việc gì phải thế hở ba? - Natasa nói, và theo bá tước vào phòng mẹ.
     
Chẳng có gì cả! Việc gì đến mày? - Bá tước giận dữ nói.

- Không, con nghe thấy rồi. Tại sao mẹ không chịu hả ba?

- Thì việc gì đến mày nào? - bá tước quát lên.

Natasa bỏ ra đứng cạnh cửa sổ và ngẫm nghĩ một lúc.

- Ba ạ, Berg đến kia kìa, - nàng nói, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

16.
       
Berg, người con rể của ông bà Roxtov, bấy giờ đã lên đến chức đại tá, đeo huân chương Vladimir và huân chương Anna trên cổ vẫn làm một chức vụ yên tĩnh và thú vị là chức sĩ quan phục việc ở văn phòng thứ nhất của tham mưu trưởng quân đoàn hai.
   
Ngày mồng một tháng chín, Berg từ quân đội trở về Moskva.
   
Chàng chẳng có việc gì ở đây cả; nhưng chàng nhận thấy rằng trong quân đội ai cũng về Moskva để làm một việc gì đấy. Cho nên chàng cũng thấy cần phải xin về đấy để thu xếp việc nhà.
     
Berg đến nhà ông nhạc trên cỗ xe rất lịch sự thắng hai con ngựa hồng béo tốt, bờm và đuôi đen, giống như đúc hai con ngựa của một vị công tước mà chàng quen biết. Chàng chăm chú nhìn những chiếc xe tải ở ngoài sân, và khi bước lên bậc thềm, chàng rút chiếc khăn mùi soa sạch sẽ ra, thắt góc khăn lại thành một cái nút, Từ phòng ngoài, Berg bước vội vào phòng khách ôm hôn bá tước hôn tay Natasa và Sonya rồi vội vàng hỏi thăm sức khoẻ của bà nhạc. Lão bá tước nói:

- Lại còn hỏi sức khoẻ! Nào, anh thử nói tôi nghe nào, quân đội ra sao? Sẽ rút lui hay mở một trận nữa?
     
Berg nói:

- Thưa ba, chỉ có Thượng đế vĩnh hằng mới có thể định đoạt số phận của tổ quốc. Quân đội thì đang hừng hực tinh thần anh dũng, và hiện nay các vị tư lệnh đang họp hội đồng. Rồi đây sẽ ra sao thì không biết… Nhưng con xin thưa với ba là nói chung cái tinh thần dũng cảm, cái tinh thần quả cảm của quân đội Nga, thật xứng đáng với các anh hùng cổ đại, mà họ đã biểu lộ ra trong trận chiến đấu ngày hai mươi sáu thì không có lời nào tả xiết… con xin thưa với ba rằng (chàng đấm vào ngực đúng như một viên tướng đã từng đấm ngực khi nói mấy câu này trước mặt chàng, tuy chàng đấm có hơi muộn, vì lẽ ra phải đấm ngực đúng vào lúc nói mấy chữ "quân đội Nga"), con xin nói thật rằng những người chỉ huy như con không những không phải thúc ép quân sĩ mà lại còn phải kìm bớt những cái… những cái… phải, những chiến công anh hùng chẳng kém gì các anh hùng cổ đại ấy, - câu này chàng nói một hơi rất nhanh. - Ở nơi nào đại tướng Barclay de Tolly cũng luôn luôn xông pha ở hàng đầu quân đội. Còn quân đoàn của con thì bố trí ở một sườn núi. Ba thử tưởng tượng xem! - và đến đây Berg kể lại tất cả những điều chàng còn nhớ được qua những câu chuyện chàng đã nghe kể gần đây, Natasa cứ nhìn chòng chọc vào Berg khiến chàng lúng túng, dường như nàng muốn tìm ở trên mặt Berg một lời giải đáp cho một vấn đề gì đang khiến nàng bận tâm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:48:50 pm
- Nói chung cái tinh thần anh dũng mà các chiến sĩ Nga đã biểu lộ ra thì thật không thể nào tưởng tượng cho hết, không thể tìm một lời ngợi khen cho xứng đáng? - Berg vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Natasa, và dường như muốn xin nàng buông tha cho, chàng cười nụ để đáp lại cái nhìn chòng chọc của Natasa - Chàng nói tiếp: "Nước Nga không phải ở Moskva, nước Nga ở trong lòng những người con của nó!" Thưa ba có phải thế không ạ?
     
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân từ trong phòng đi-văng bước ra, vẻ mệt mỏi và bực dọc. Berg vội vã đứng phắt dậy hôn tay phu nhân, hỏi thăm sức khoẻ của bà và lắc đầu tỏ ý ái ngại, đứng yên bên cạnh bà.

- Phải, thưa mẹ, con xin nói thật rằng đây là một thời buổi khó khăn và buồn khổ cho mọi người Nga.
Nhưng việc gì phải lo âu? Bây giờ mẹ đi hãy còn kịp…

- Tôi không hiểu hiện nay người ta làm những gì, - bá tước phu nhân nói với chồng, - Họ vừa nói với tôi là sửa soạn chưa xong gì cả.

- Phải có người sai bảo họ với chứ. Thế này đâm ra lại tiếc thằng Mityeuka. Cứ mãi thế này thì rồi không biết đến bao giờ!
   
Bá tước định nói một câu gì nhưng rồi nghĩ lại thế nào lại thôi.
   
Ông rời ghế đứng dậy đi ra cửa.
   
Bấy giờ Berg, tuồng như để xỉ mũi, rút khăn mùi soa ra và nhìn cái nút thắt ở góc khăn, nghĩ ngợi một lát, buồn bã lắc đầu một cách có ý nghĩa. Chàng nói:

- À, thưa ba, con có một việc quan trọng cầu xin ba…

- Hả?… - bá tước dừng lại nói.

- Vừa rồi con đi ngang nhà Yuxupov, - Berg tươi cười nói, - Viên quản lý nhà này vốn quen con, chạy ra hỏi xem con có mua gì không. Con ghé vào… ấy, cũng chỉ vì tò mò muốn xem thử.   Trong ấy có một cái tủ con và một cái bàn trang điểm thật là… Chắc ba cũng biết rằng Veruska vẫn ước ao có một cái bàn như thế, chúng con đã có lần cãi nhau về việc này (khi nói đến chiếc tủ con và cái bàn trang điểm Berg bất giác chuyển sang cái giọng vui mừng mà chàng vẫn thường có mỗi khi nói đến những tiện nghi trong nhà chàng). Trông thích quá: có nhiều ngăn rút ra được, lại có một cái ngăn kéo bí mật kiểu Anh nữa ba ạ! Veruska muốn có một chiếc từ lâu. Cho nên con muốn cho nhà con một món quà bất ngờ. Ở đây con thấy có nhiều nông dân ở ngoài sân. Ba cho con mượn một đứa, con sẽ cho tiền uống rượu rất hậu và…
     
Bá tước cau mày và đằng hắng mấy cái.

- Anh hỏi bá tước phu nhân ấy, tôi không biết.

Nếu phiền thì thôi vậy, - Berg nói. - Nguyên con chỉ muốn làm cho Veruska mừng.

- Chà thôi! Cút hết đi cho rảnh, cút đi, cút đi!. - Lão bá tước quát, Váng hết cả đáu lên! - Nói đoạn bá tước bỏ ra ngoài.
   
Bá tước phu nhân khóc.

- Phải! Thưa mẹ, thời buổi thật là khó khăn, - Berg nói.
     
Natasa theo bố và có vẻ đang chật vật suy nghĩ điều gì lúc đầu còn đi theo bá tước, nhưng về sau nghĩ thế nào nàng lại rẽ xuống thang gác.

Trên bậc thềm, Petya đang đứng phân phát vũ khí cho các gia nhân sẽ ra khỏi Moskva. Những chiếc xe tải đã thắng ngựa vẫn đứng ngoài sân. Có hai chiếc đã tháo dây ràng. Một viên sĩ quán, có một người lính cần vụ đỡ, đang leo lên một trong hai chiếc xe ấy.

- Chị có biết vì việc gì không? - Petya hỏi Natasa (Natasa hiểu ngay rằng Petya muốn hỏi vì sao cha mẹ cãi nhau). Nàng không đáp.

- Vì cha muốn nhường tất cả các xe vận tải cho thương bình, Petya nói. - Valxilits bảo em thế.  Em thì em cho rằng…

- Tao thì tao cho rằng… - Natasa bỗng quay mặt vào Petya nói to gần như quát lên, vẻ giận dữ… tao cho rằng như thế thật là xấu xa, thật là ti tiện hết sức! Chúng ta có phải là người Đức đâu chứ?
     
Cổ nàng nghẹn ngào vì những tiếng nấc. Và sợ rằng cơn giận của mình sẽ giảm bớt nếu để cho nó phát tiết ra một cách vô ích, nàng hấp tấp quay gót và chạy rất nhanh lên thang gác. Berg đang ngồi cạnh bá tước phu nhân, lựa lời kính cẩn và thân mật an ủi bà nhạc.
   
Bá tước tay cầm tẩu thuốc đang đi đi lại lại trong phòng khi Natasa mặt này muốn biến sắc đi vì tức giận chạy xổ vào như một trận cuồng phong và bước rất nhanh về phía mẹ.

- Thật là ghê tởm, thật là ti tiện - Nàng quát lên. Không thể tin là mẹ đã bảo họ làm như vậy được.
   
Berg và bá tước phu nhân ngơ ngác và kinh hãi nhìn nàng. Bá tước dừng lại bên cửa sổ lắng tai nghe ngóng.

- Mẹ ạ, không thể như thế được; mẹ thử nhìn ra sân mà xem! - nàng thét lên. - Họ phải ở lại đấy!

Con làm sao thế? Họ là ai? Con muốn làm gì?

- Họ là thương binh ấy! Không thể như thế được mẹ ạ; như thế thì chẳng còn ra làm sao nữa… không phải, mẹ yêu dấu của con ạ: không phải thế, mẹ tha lỗi cho con, mẹ ạ. Mẹ ơi những đồ đạc chúng ta mang đi theo, đối với nhà ta có nghĩa gì! Chỉ xin mẹ nhìn ra sân mà xem… Mẹ ạ!… Không thể như thế được!…
     
Bá tước đứng lên cửa sổ nghe Natasa nói, không ngoảnh mặt lại. Bỗng ông bắt đầu thở phì phì và ghé mắt sát cửa sổ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:49:37 pm
Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn con; bà đã thấy cái vẻ hổ thẹn thay cho mẹ trên gương mặt Natasa, bà đã thấy rõ nàng xúc động đến nhường nào, và đã hiểu tại sao chồng bà không ngoảnh mắt lại nhìn bà. Bá tước phu nhân bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh.

- Chà, thôi các người muốn làm gì thì làm. Tôi có hề ngăn cản ai đâu? - Phu nhân nói, tuy vẫn chưa chịu thua hẳn.

- Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, mẹ tha thứ cho con!
   
Nhưng bá tước phu nhân đẩy con gái ra và lại gần bá tước.

- Mình ạ! - mình xem nên thế nào thì cứ bảo nó làm… vừa rồi là vì tôi không rõ.

Phu nhân nói, mắt nhìn xuống đất như người có lỗi.

- Trứng… trứng mà lại đòi dạy khôn cho vịt… - bá tước nói nghẹn ngào qua những giọt nước mắt sung sướng ôm hôn phu nhân bấy giờ đang hài lòng được giấu khuôn mặt hổ thẹn của mình vào ngực chồng.

- Ba ơi, mẹ ơi! Cho con đi bảo họ nhé! Nhé… - Natasa nói. - Chúng ta vẫn sẽ mang theo những thứ gì cần thiết.
   
Bá tước gật đầu ưng thuận, và Natasa chạy rất nhanh như những khi chơi trò chạy thi, lao mình qua phòng lớn, đâm bổ vào phòng trước và nhảy xuống thang gác ra sân.
     
Gia nhân vây quanh Natasa và không chịu tin cái mệnh lệnh kỳ quái mà nàng truyền đạt lại, mãi cho đến khi bá tước phu thân hành thay mặt cho phu nhân ra xác nhận nhường tất cả các xe tải cho thương binh, còn rương hòm thì bỏ vào các nhà kho. Nghe xong, gia nhân vui mừng và cần măn bắt tay vào công việc mới. Bây giờ không những cho việc này là kỳ quặc, mà ai nấy còn thấy rằng không thể làm cách nào khác thế được.
     
Tất cả những người ở trong nhà, dường như lấy làm tiếc rằng, đã không làm việc này sớm hơn, đều đon đả bắt tay vào việc xếp chỗ cho các thương binh. Những người bị thương lê ra khỏi phòng, vây quanh mấy chiếc xe tải, gương mặt xanh xao nhưng mừng rỡ. Ở các nhà bên cạnh cũng có tin truyền đi là có xe tải chở thương binh, và những người bị thương có nghỉ ở các nhà khác bắt đầu lục tục kéo đến gia đình Roxtov. Trong số các thương binh có nhiều người yêu cầu đừng cất bỏ đồ đạc, cứ để cho họ ngồi lên trên.
       
Nhưng đồ đạc đã bắt đầu bỏ xuống rồi và không thể ngừng được nữa. Để lại tất cả hay để lại một nửa thì những bát đĩa, những tượng đồng, những bức hoạ, những tấm gương mà đêm qua họ đã ra công xếp đặt cẩn thận như vâỵ, thế nhưng họ vẫn tìm ra cách bỏ bớt thêm nhiều đồ đạc nữa để có thêm xe cho thương binh.

- Có thể chở thêm bốn người nữa - viên quản lý nói, - Tôi xin nhường chiếc xe chở đồ đạc của tôi, chứ không thì họ sẽ ra sao?

- Cả chiếc xe chở tủ quần áo của tôi nữa, - bá tước phu nhân nói, - Dunusia sẽ cùng ngồi xe với chúng tôi cũng được.
     
Chiếc tủ áo cũng được bỏ xuống, và chiếc xe được đánh đi đón thương binh ở cách đây hai nhà. Tất cả những người trong gia đình cũng như các gia nhân đều phấn chấn vui vẻ. Natasa bấy giờ ở trong một tâm trạng khích động và sung sướng mà đã từ lâu nàng chưa cảm thấy.

Mấy người đầy tớ đang cố buộc một chiếc hòm ở phía sau một cỗ xe. Họ nói:

- Làm thế nào mà buộc bây giờ? Ít ra cũng phải để lại một chiếc xe tải mới được.

- Hòm dựng gì thế? - Natasa hỏi.

- Đựng sách của bá tước.

- Để xuống. Vaxilits sẽ mang cất đi. Sách thì chẳng cần.
   
Trong xe đã chật ních. Họ băn khoăn hỏi nhau không biết Piotr sẽ ngồi vào đâu.

- Ngồi trên ghế xà ích ấy. Phải không Petya - Natasa gọi to.
   
Sonya cũng xếp dọn không ngừng tay; nhưng mục đích của nàng ngược hẳn với mục dích của Natasa. Nàng thu xếp những đồ đạc phải bỏ lại kê thành một danh sách theo nguyện vọng của bá tước phu nhân, và cố tim cách mang theo được từng nào hay từng ấy.
   
Đến khoảng hơn một giờ trưa bốn cỗ xe nhà của gia đình Roxtov chở nặng những đồ đạc và đã thắng ngựa sẵn sàng đứng ở trước thềm. Những chiếc xe tải chở thương binh lần lượt từ trong sân kéo ra.
   
Chiếc xe song mã chở công tước Andrey khi đi ngang trước thềm đã khiến Sonya chú ý; bấy giờ nàng đang cùng một người đày tớ gái xếp chỗ ngồi cho bá tước phu nhân trong chiếc xe cao lớn của bà đỗ ở cạnh thềm.
     
Sonya ló đầu ra cửa xe hỏi:

- Xe ai thế nhỉ?

- Thế tiểu thư không biết à? - người đầy tớ giải đáp, - Xe của vị công tước bị thương, tối qua ngủ tại nhà
ta đấy. Xe của công tước sẽ cùng đi với chúng mình.

- Công tước nào? Tên là gì?
     
Chàng rể ngày trước của nhà ta ấy mà, công tước Bolkonxki đấy! - Người đầy tớ thở dài đáp. Nghe nói sắp chết rồi thì phải.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:50:24 pm
Sonya nhảy vụt ra khỏi xe và chạy đi tìm bá tước phu nhân lúc bấy giờ đã mặc quần áo đi đường, đội mũ và choàng khăn, vẻ mệt mỏi, đang đi đi lại lại trong phòng khách chờ những người trong gia đình đến đóng cửa phòng một lát(1) và cầu nguyện đôi chút trước khi ra đi. Natasa bấy giờ không có mặt ở trong phòng.

- Mẹ ơi! - Sonya nói, - Công tước Andrey đang ở đây, bị thương gần chết. Anh ấy sẽ cùng đi với nhà ta.
   
Bá tước phu nhân kinh hãi mở mắt ra và nắm lấy tay Sonya lấm lét nhìn quanh, thều thào:

- Natasa?
     
Đối với Sonya cũng như đối với bá tước phu nhân, tin này thoạt đầu chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Họ đều biết rõ Natasa của họ, và mối lo cho tình trạng của nàng khi nàng biết tin này lấn át hết lòng thương đối với con người mà cả hai đều quý mến. Sonya nói:

- Natasa chưa biết; nhưng anh ấy sẽ đi cùng với chúng ta.

- Con vừa bảo là anh ấy sắp chết à?

Sonya gật đầu:

Bá tước phu nhân ôm chầm lấy Sonya mà khóc.
   
"Không ai lường hết được những con đường do Chúa định" - Bà nghĩ thầm, lòng cảm thấy trong tất cả những sự việc đang diễn ra đã bắt đầu hiện bàn tay quyền lực vô cùng mà trước kia mắt của con người không thể trông thấy.

- Mẹ ạ xong cả rồi đấy. Mẹ với Sonya có chuyện gì thế… - Natasa chạy vào phòng nói, gương mặt phấn chấn.

- Có chuyện gì đâu, - bá tước phu nhân nói, - Xong rồi à, thế thì ta đi, - Và phu nhân cúi xuống sát chiếc túi thêu để giấu vẻ mặt biến sắc đi vì xúc động. Sonya ôm lấy Natasa và hôn nàng.
   
Natasa đưa mắt nhìn Sonya có ý dò hỏi:

- Sonya làm sao thế? Có việc gì xảy ra?

- Không… chẳng có gì cả.
     
Natasa vốn rất tinh ý; nàng hỏi ngay:
     
Có chuyện không hay cho em à? Chuyện gì thế?
     
Sonya thở dài không đáp. Bá tước, Piotr, bà Schoss, Vaxilits bước vào phòng khách, họ đóng các cửa lại và mọi người im lặng ngồi xuống một lát, không ai nhìn ai.
     
Bá tước đứng dậy trước tiên và thở dài đánh phào một cái, đưa tay làm dấu thánh trước bức tượng thánh. Mọi người đều làm theo.
     
Rồi bá tước ôm hôn Mavra Kuzminísna là người sẽ ở lại Moskva và trong khi họ cầm lấy tay và hôn lên vai ông, bá tước vỗ nhè nhẹ lên lưng họ, miệng lắp bắp mấy câu gì không nghe rõ nhưng rất dịu dàng, ý chừng muốn an ủi họ. Bá tước phu nhân bỏ vào phòng bày tượng thánh, Sonya vào theo thì thấy phu nhân đang quỳ trước những bức tượng còn lại rải rác trên tường (những bức quý nhất, có gắn bó với nhiều kỉ niệm gia đình, thì đều được mang theo).
   
Trên thềm và trong sân, các gia nhân tuỳ hành đeo những chiếc dao găm và những thanh gươm mà Petya đã phân phát cho họ, ống quần xỏ vào ủng, mình nai nịt rất chặt, đang từ biệt những người ở lạì.
   
Cũng như ta vẫn thường thấy những khi ra đi, có rất nhiều vật bị bỏ quên hoặc không được xếp đặt chu đáo cho nên hai người hành bộc đứng hai bên cửa xe để chuẩn bị đỡ bá tước phu nhân bước lên bậc phải đứng chờ khá lâu, trong khi mấy người đày tớ gái từ trong nhà mang thêm nào là gối đệm, nào là tay nải chạy ra xe, hết xe này lại đến xe kia, rồi lại chạy vào nhà.

- Các người suốt đời cái gì cũng quên! - Bá tước phu nhân nói. - Mày cũng biết là tao có ngồi được thế này đâu!

Yefim nghiến răng không đáp, gương mặt biểu lộ vẻ oán trách, và nhảy vào xe sửa lại chỗ ngồi.

- Chà, cái bọn này! - Bá tước lắc đầu nói.

Lão Yefim. người xà ích duy nhất được bá tước phu nhân tin cậy và để cho đánh xe, ngất ngưởng trên ghế xà ích, không hề lần nào quay lại nhìn lại phía sau. Ba mươi năm kinh nghiệm đã cho lão biết rằng còn phải chờ lâu mới nghe câu: "Gửi Chúa!" và ngay đến khi ra lệnh lên đường, thì người ta cũng lại bảo dừng xe vài lần để sai người chạy về lấy mấy thứ bỏ quên, và sau đó lại bảo dừng xe một lát nữa, và tự thân bá tước phu nhân sẽ ló đầu ra cửa xe để dặn dò khẩn khoản lão ta cho xe đi cẩn thận mỗi lần xuống dốc. Lão biết như vậy cho nên lão cứ bình tâm chờ đợi, kiên nhẫn hơn mấy con ngựa, nhất là con ngựa hung thắng bên trái tên là Xokol, lúc bấy giờ đang dẫm chân và cắn hàm thiếc.

Cuối cùng mọi người đã lên xe. Bậc xe đã được nhấc lên và bỏ vào trong, cánh cửa xe đã đóng lại, phu nhân đã cho người chạy trở lại lấy thêm cái tráp; và đã dặn dò khi xuống dốc phải cấn thận. Lúc bấy giờ Yefim mới chậm rãi cất mũ và làm dấu thánh giá. Người quản mã và các gia nhân đều làm theo. Yefim đội mũ lên đầu nói:

- Gửi Chúa!
   
Người mã phu cho ngựa xuất phát. Con ngựa bên phải rướn cổ dưới chiếc vòng càng, những ổ díp cao kêu cót két, và thùng xe lắc lư chuyển đi. Người hành bộc nhảy lên chiếc xà ích trong khi chiếc xe chuyển bánh. Chiếc xe khi ra đến đường cái vấp bánh vào tảng đá lát dường gập nghềnh và xóc lên một cái; các xe khác khi đi ngang chỗ đó cũng lần lượt xóc lên, và đoàn xe nối đuôi nhau trên đường phố đi ngược lên dốc. Khi đi ngang qua chiếc nhà thờ ở trước mặt, mọi người ở trên xe kiệu, xe mui, xe Briska đều làm dấu thánh giá. Các gia nhân ở lại Moskva đi hai bên đoàn xe, tiễn chân những người ra đi một đoạn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 19 Tháng Giêng, 2011, 10:51:23 pm
Natasa ít khi có được một cảm giác vui mừng như bấy giờ khi ngồi cạnh bá tước phu nhân trong cỗ xe ngắm những bức tường của Moskva đang bị rời bỏ chậm rãi lùi về phía sau, rồi nhìn ra sau.
     
Thỉnh thoảng nàng lại thò đầu ra ngoài cửa sau, rồi nhìn về phía trước, xem đoàn xe tải dài chở thương binh đi trước xe họ. Ở quãng đầu của đoàn xe này có thể trông thấy chiếc xe song mã buông mui kín của công tước Andrey. Nàng không biết người nào đang ở trên xe, nhưng cứ mỗi lần muốn biết vị trí của đoàn xe nàng lại đưa mắt tìm chiếc xe song mã. Nàng biết rằng nó đi đầu đoàn.

Ở Kudrin có mấy đoàn xe tương tự như đoàn xe của nhà Roxtov. Từ phố Nikitxkaya, từ Prexnya, từ
Potnivinxki đổ ra và dọc phố Xadovaya bấy giờ đã có hai hàng xe nhà và xe tải đi song song.

Khi đi xung quanh tháp Xukharev, Natasa bấy giờ đang tò mò đưa mắt nhanh nhìn qua những đám người đi xe và đi bộ, bỗng vui mừng và ngạc nhiên reo to:

- Trời ơi! Mẹ xem kìa, Sonya xem kìa, đúng là anh ấy!

- Ai? Ai?

- Xem kìa, trời ơi, anh Bezukhov đấy? - Natasa nói, người chồm ra ngoài cửa xe nhìn một người cao to lớn
và to béo mặc áo kaftan kiểu như những người đánh xe ngựa thường mặc, cứ trông dáng người và cách đi cũng rõ là người quý tộc cải trang, đang đi cạnh một ông già thấp bé không có râu tiến về phía cái cổng tò vò ở tháp Xukharev. Natasa nói:

- Trời ơi, đúng là anh Bezukhov mặc áo kaftan, đi với một ông già bé loắt choắt như trẻ con ấy. Trời ơi, xem kìa, xem kìa!

- Không phải đâu, làm gì có chuyện vô lý thế.

- Mẹ ơi! - Natasa kêu to lên, - Không phải anh ấy thì mẹ cứ chặt đầu con đi! Con cam đoan với mẹ như thế. Đứng lại, đứng lại! - nàng thét người đánh xe; nhưng người đánh xe không sao dừng lại được vì lúc bấy giờ từ phố Messanxkaya lại có thêm những đoàn xe nhà và xe tải kéo ra, họ cứ quát tháo đoàn xe của gia đình Roxtov, giục đi đi để khỏi nghẽn lối người khác.
     
Quả nhiên, tuy bấy giờ xe đã đi cách chỗ lúc nãy, mọi người trong gia đình Roxtov đều trông thấy Piotr, hay là một người nào giống Piotr một cách dị thường, mặc áo kiểu kaftan của những người đánh xe, đang bước trên đường phố, đầu cúi gầm và vẻ mặt nghiêm trang, bên cạnh một ông già nhỏ không có râu, trông như một người nô bộc. Ông già đã để ý thấy người con gái ở trong cửa xe nhòm ra, và kính cẩn chạm vào khuỷu tay Piotr, vừa nói gì với chàng vừa chỉ về phía chiếc xe song mã. Piotr hồi lâu không hiểu ông ta nói gì, vì hình như chàng đang mải suy nghĩ miên man. Cuối cùng, khi đã hiểu chàng nhìn theo hướng tay chỉ, nhận ra Natasa và chưa kịp suy nghĩ, chàng lập tức tiến về phía xe. Nhưng đi được mươi bước, chàng lại như sực như nhớ ra điều gì, liền dừng lại.

Natasa bấy giờ đang chồm ra ngoài cửa sổ, gương mặt nàng vụt sáng lên trong một nụ cười trìu mến và chế giễu.

- Anh Piotr Kirilyts! Lại đây nào! Chúng tôi nhận ra anh rồi! Thật là kì lạ - nàng giơ tay về phía Piotr gọi to.

- Anh làm sao thế? Sao anh lại mặc thế này?

Piotr cầm lấy bàn tay giơ ra và vừa bước vừa hôn lên bàn tay một cách vụng về (vì lúc bấy giờ xe vẫn tiếp tục đi)

- Bá tước làm sao thế? - Phu nhân hỏi, giọng ngạc nhiên và có ý thương xót.

- Làm sao? Tại sao à? Thôi xin miễn hỏi, - Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn Natasa lúc bấy giờ đang nhìn chàng với đôi mắt long lanh (ngay khi chàng chưa nhìn. Piotr cũng đã cảm nhận được luồng mắt của nàng), toả ra một ánh sáng huyền diệu đang thấm sâu vào người chàng.

- Anh thì thế nào? Hay là ở lại Moskva?

Piotr im lặng một lát rồi hỏi, có vẻ ngơ ngác:

- Ở lại Moskva? À vâng, ở lại Moskva. Thôi xin chào cô.

- Chà giá được làm đàn ông, tôi sẽ ở lại với anh ngay. Ờ hay quá - Natasa nói, - Mẹ cho con ở lại mẹ nhé.
Piotr thẫn thờ nhìn Natasa và toan nói một câu gì, nhưng bá tước phu nhân đã ngắt lời:

- Nghe nói bá tước có dự trận vừa rồi thì phải?

- Vâng, có, - Piotr đáp. Ngày mai sẽ có thêm một trận nữa - Piotr bắt đầu nói, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng.

- Nhưng anh làm sao thế? Trông anh lạ quá.

- Thôi, xin đừng hỏi tôi, đừng hỏi nữa, chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Ngày mai, à không? Thôi xin chào. Xin chào nhé, thời buổi thật là khủng khiếp!

Nói đoạn chàng bỏ đi lên vỉa hè.

Natasa vẫn chồm ra cửa xe, và ánh mắt sáng trong trẻo của nụ cười trìu mến, vui vẻ, hơi giễu cợt của nàng hồi lâu còn chiếu dõi theo Piotr.

==============================================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, khi tiễn biệt người đi xa, gia quyến đường ngồi im một lúc.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:53:05 pm
Phần XI
Chương -17 - 18

Từ ngày bỏ nhà ra đi mất tích, nghĩa là đã hai hôm nay, Piotr trú ở gian nhà trống trải của Bazdeyev, vị ân nhân quá cố. Nguyên đầu đuôi  như thế này.
     
Sáng hôm ấy, sau khi trở về Moskva và gặp   bá tước Raxtovsin, Piotr ngủ dậy và ngơ ngác hồi lâu không hiểu mình đang ở đâu và người ta muốn gì mình. Đến khi người nhà vào báo cho chàng biết tên những nhân vật đang đợi chàng ở ngoài phòng khách, trong đó có một người Pháp mang đến cho một bức thư của bá tước phu nhân, Elena Vaxilievna, chàng bỗng thấy có cảm giác bàng hoàng và tuyệt vọng đã nhiều lần khống chế tâm hồn chàng. Chàng bỗng hình dung giờ chẳng còn gì nữa, mọi vật đều hỗn loạn, sụp đổ, không còn có cái gì là phải, cái gì là trái, trước mắt chàng sẽ không còn có triển vọng gì nữa, và không thể có một lối nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Chàng mỉm cười gượng gạo, lắp bắp mấy tiếng trong miệng, rồi ngồi phịch xuống đi-văng, người như rã rời ra, rồi lại đứng dậy đến ghé mắt vào khe cửa nhìn ra phòng tiếp khách, rồi lại khoát tay một cái trở về chỗ cũ và vớ lấy một quyển sách.
       
Người quản gia vào bảo Piotr một lần nữa rằng cái người Pháp đem thư của bá tước phu nhân lại khẩn khoản xin gặp chàng, dù chỉ một phút cũng được, và có người nhà bà quả phụ ở L.A Bazdeyev đến mời chàng lại nhận sách, vì bản thân bà Bazdeyev thì đã về quê rồi.

- À phải, tôi ra ngay, khoan đã… Hay là thôi… à không, anh ra nói với họ là tôi sẽ ra ngay, - Piotr nói với viên quản gia.
     
Nhưng viên quản gia vừa ra khỏi phòng làm việc thì Piotr liền với lấy cái mũ đặt trên bàn và đi cửa sau ra khỏi phòng làm việc.
     
Trong hành lang không có ai cả. Piotr đi hết dãy hành lang đến cầu thang nhăn mặt, đưa tay lên xoa trán rói đi xuống thang gác cho đến chỗ trạm hàng thứ nhất. Người gác cổng đang đứng ở trước cửa chính. Từ chỗ đầu cầu thang Piotr đang đứng, có một cái thang khác đưa ra ngoài cửa sau, Piotr đi theo cầu thang ấy và ra sân. Không có ai trông thấy chàng cả. Nhưng ở ngoài phố, khi chàng vừa ra khỏi cổng, thì mấy người xà ích đứng bên xe và người gác cổng nhận ra chủ nhân và cất mũ chào chàng. Cảm thấy mắt họ đang đổ dồn vào mình, Piotr liền hành động như con đà điểu rúc đầu vào bụi để cho người ta đừng trông thấy mình: chàng cúi đầu và rảo bước đi thật nhanh ra ngoài phố.
     
Trong tất cả các công việc mà Piotr phải làm sáng hôm ấy, chỉ có việc đến lựa chọn sách vở và giấy tờ của Ioxif Bazdeyev là quan trọng hơn cả.
   
Gặp một chiếc xe thuê, chàng gọi ngay và bảo đánh đến đầm Patnarsi, nơi bà quả phụ Bazdeyev ở.
     
Ngồi trên xe, chàng cứ đưa mắt chung quanh nhìn những đoàn xe đang kéo ra ngoài thành Moskva, và chốc chốc lại ngồi lại cho ngay ngắn để cho cái thân hình to béo của chàng khỏi tụt ra ngoài chiếc xe cũ kỹ chạy lắc lư. Chàng có một cảm giác vui mừng như cảm giác một dứa trẻ vừa chốn học ra khỏi trường học. Piotr bắt chuyện với người xà ích.
     
Người xà ích kể cho chàng nghe là hôm nay ở điện Kreml sẽ phát vũ khí, và đến mai người ta sẽ lùa hết dân ra cửa ô Trigorư, và ở đấy sẽ có một trận đánh lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:53:53 pm
Đến đầm Patriarsi, Piotr đi tìm căn nhà của Bazdeyev, nơi mà đã lâu nay chàng không lui tới. Chàng đến gần cổng vườn Geraxim, ông già vàng võ, thấp bé mà năm năm về trước Piotr đã từng gặp đi với Ioxif Bazdeyev ở Torzok, nghe chàng đấm cổng liền chạy ra.

- Có ai ở nhà không? - Piotr nói.

- Thưa đại nhân, vì tình hình hiện nay, bà Sofia Danilovna đã đưa các cháu về làng Torzok rồi ạ.

- Tôi cũng cứ vào, tôi phải đến lựa sách, - Piotr nói.

- Xin ngài cứ vào ạ, xin mời ngài, - người lão bộc nói. - Người em trai của ông Ioxif Bazdeyev hiện ở lại đây, và như ngài cũng rõ, ông ấy… dở hơi.
     
Piotr biết rằng Makar Alekxeyevich, em trai của Ioxif Bazdeyev, là một người dở hơi điên dại, suốt ngày uống rượu.

- Phải, phải, tôi biết. Ta vào đi, ta vào đi… -  Piotr nói đoạn bước vào nhà.
   
Một ông già to lớn, đầu hói, mũ đỏ, đi chân không trong đôi giày bọc đang đứng ở cửa ra vào, trông thấy Piotr, ông ta có vẻ phật ý, càu nhàu mấy tiếng gì không rõ và đi vào hành lang.

Geraxim nói:

- Trước kia ông ấy thông minh lỗi lạc, nhưng bây giờ, ngài cũng thấy đấy, bây giờ ông ấy dở hơi. Vào phòng làm việc chứ ạ?
     
Piotr gật đầu.

- Phòng này đã được niêm phong, bây giờ vẫn y nguyên. Nhưng bà Sofia Danilovna đã dặn hễ có người nhà ngài đến thì giao sách lại.

Piotr bước vào. Đây chính là căn phòng làm việc âm u mà hồi vị ân nhân còn sống cứ mỗi lần vào, chàng lại bồi hồi xúc động. Căn phòng ấy bây giờ đã phủ bụi và không có ai dộng đến từ ngày Ioxif Alekxeyevich qua đời, nên lại càng có vẻ u ám thêm.
   
Genraxim mở một cánh cửa sổ và rón rén bước ra khỏi phòng.
     
Piotr đi quanh căn phòng làm việc, lại gần chiếc tủ đựng các thủ cảo và lấy ra một tập giấy. Đây là một trong những thành tích quý giá nhất của hội: tập hiến chương Scotland chính bản có những lời ghi chú và thuyết minh của vị ân nhân. Chàng ngồi xuống trước cái bàn giấy phủ bụi và đặt tập thư cảo trước mặt giở ra, gấp lại một lát rồi ẩy ra xa, chống khuỷu tay ôm đầu suy nghĩ.

Đã mấy lần Genraxim thận trọng ghé nhìn vào phòng mà vẫn thấy Piotr ngồi ở tư thế đó. Hơn hai giờ trôi qua, Genraxim đánh bạo làm ồn ở ngoài cửa để Piotr chú ý. Nhưng Piotr không nghe thấy gì cả.

- Thưa ngài cho chiếc xe thuê đi chứ ạ?

- À phải, - Piotr sực tỉnh và vội vàng đứng dậy. - Này bác Geraxim, - chàng nói, rồi nắm lấy khuy áo ngoài của người lão bộc, chàng đưa đôi mắt ướt sáng long lanh và hứng khởi từ trên cao nhìn xuống Geraxim. -
Này bác, bác cũng biết ngày mai có một trận đánh nhau chứ?

- Nghe họ bảo thế, - Geraxim đáp.

- Tôi yêu cầu bác đừng nói cho ai biết tôi là ai. Và bác hãy làm theo những điều tôi bảo…

- Xin vâng lệnh, - Geraxim nói. - Bẩm ngài có muốn tôi dọn thức ăn không ạ?

- Không, tôi cần cái khác kia. Tôi cần một bộ áo nông dân và một khẩu súng ngắn, - Piotr nói đoạn bỗng đỏ mặt.
     
Geraxim ngâm nghĩ một lát rồi nói:

- Xin vâng lệnh ạ.
     
Suốt ngày hôm ấy, Piotr ngồi lại một mình trong gian phòng làm việc của vị ân nhân, bứt rứt đi từ góc này sang góc nọ (Geraxim nghe rõ bước chân của chàng và đoán biết như vậy), mồm lắp bắp nói một mình, và đêm đó chàng ngủ lại trong chiếc giường dọn cho chàng ngay trong phòng làm việc.
   
Với thói quen của một người đày tớ đã từng trông thấy nhiều điều kỳ lạ trong đời mình, Geraxim không ngạc nhiên khi thấy Piotr đến như vậy, lão lại còn có vẻ hài lòng là đã có một người để mà hầu hạ. Ngay tối hôm ấy, không hề tự hỏi xem tại sao Piotr lại cần những thứ đó làm gì, lão đi kiếm cho chàng một cái áo kaftan, một cái mũ chụp và hứa là đến mai sẽ kiếm khẩu súng ngắn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:54:39 pm
Tối hôm ấy, Makar Alekxeyevich hai lần đi giày bọc lẹp bẹp đến gần của sổ rồi đứng lại nhìn Piotr có vẻ khúm núm. Nhưng Piotr vừa quay mặt lại thì hắn ta lộ vẻ xấu hổ và tức giận, khép vạt áo dài ngủ và vội vàng lảng đi. Trong khi Piotr mình mặc chiếc áo kaftan của anh xà ích mà Geraxim đã kiếm được và đã dùng hơi nước giặt cho chàng, cùng người lão bộc đến tháp Xukharev để mua súng ngắn, chàng đã gặp gia đình Roxtov.

18.

Đêm mồng tám tháng chín Kutuzov ra lệnh cho quân đội Nga rút qua Moskva kéo ra con đường Ryazan.
Những đoàn quân đầu tiên khởi hành từ lúc đang đêm. Trong đêm tối, các đạo quân bước không vội vã, chậm rãi và tuấn tự chuyển đi; nhưng vào lúc tờ mờ sáng, khi tiến đến gần cầu Dorogomilov, họ trông thấy ở phía trước mặt, bên kia sông, có những đoàn quân đông nghìn nghịt đang vội vã chen chúc nhau bên cầu kéo lên ùn ùn chật cả đường phố và ngõ hẻm, và ở phía sau lại có những đám quân dày đặc đang thúc họ. Và một cảm giác sốt ruột, hối hả, một nỗi hoang mang vô cớ bỗng tràn vào đám quân phía trước, về phía cầu, chạy lên cầu, đổ xuống những chiếc cầu, đổ xuống những chiếc thuyền và những chỗ nông có thể lội qua được, Kutuzov ra lệnh dẫn ông đi vòng qua những phố chu vi, sang bờ bên kia Moskva.
   
Vào khoảng mừơi giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, trong khu ngoại Dorogomilov rộng thênh thang, người ta chỉ thấy còn lại những đơn vị của đạo hậu quân. Đại quân đã kéo hết sang bên kia sông và ra khỏi thành Moskva.

Cũng vào lúc ấy, hồi mười chín giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, Napoléon đang đứng ở giữa các đạo quân trên đồi Poklonny đưa mắt nhìn cái quanh cảnh đang mở rộng ra trước mặt mình. Kể từ ngày hai mươi sáu tháng tám cho đến khi quân địch tiến vào Moskva, suốt trong tuần lễ rộn ràng và đáng ghi nhớ ấy, ngày nào cũng có cái thời tiết mùa thu khác thường bao giờ cũng làm cho lòng người phải bỡ ngỡ, khi mặt trời như thấp xuống, toả một ánh nắng ấm hơn mùa xuân, và trong làn không khí loãng và trong, mọi vật đều ánh lên sáng ngời trông chói cả mắt; khi mà lồng ngực thấy khoẻ khoắn và mát mẻ vì thở làn không khí thơm ngát của mùa thu; khi mà ngay cả ban đêm trời vẫn ấm áp, và trong những đêm tối tăm ấm áp ấy những ngôi sao hên tiếp đổi ngôi toả thành những vệt bụi vàng khiến lòng người sợ hãi và vui mừng.
Ngày mồng hai tháng chín, hồi mười giờ sáng, khí trời cũng như vậy. Ánh sáng ban mai thật là thần diệu.
Từ ngọn đồi Poklonny trông xuống, Moskva trải rộng ra bát ngát với con sông, với những khu vườn, những ngôi nhà thờ của nó, và tưởng chừng như đang sống cuộc sống mọi ngày, với những ngon tháp mái vòm rung rinh trong ánh nắng, lấp lánh như những vì sao.

Đứng trước cái thành phố kỳ lạ với những đường nét chưa hề thấy của một kiểu kiến trúc khác thường, Napoléon có cái cảm giác hiếu kỳ phảng phất lòng lo âu và ganh tị mà người ta thường trộng thấy những hình thức sinh hoạt xa lạ không hề biết đến mình.
   
Rõ ràng là thành phố này đang sống với tất cả sức sống mãnh liệt của nó. Có những dấu hiệu khó nói rõ, nhưng cho phép người ta dù ở cách xa vẫn có thể phân biệt không lầm lẫn một thân thể đang sống với một thây ma. Từ ngọn đồi Poklonny, Napoléon trông thấy cuộc sống đang rộn ràng trong thành phố và cảm thấy cái thân thể lớn lao và đẹp đẽ ấy như đang thở phập phồng.
   
Ai đã là người Nga, khi nhìn vào Moskva cũng phải cảm thấy rằng đây là người mẹ của mình; một người ngoại quốc thì khi nhìn tuy không hiểu cái ý nghĩa mẹ hiền của nó, cũng phải cảm thấy cái bản sắc phụ nữ của thành phố này. Napoléon cũng cảm thấy điều đó.
     
Cái thành phố Á đông với vô số nhà thờ này, Moskva thành phố thần thánh! Nó kia rồi, cái thành phố lừng lẫy ấy! Thật đã đến lúc! Napoléon nói đoạn ngồi xuống ngựa và sai trải ra trước mặt một bản địa đồ của cái thành phố Moscou này, rồi cho gọi phiên dịch viên Leorn Didivl lại.
   
"Một thành phố bị địch chiếm đóng cũng giống như một người con gái đã mất danh tiết" - ông nghĩ thầm (trước đây ở Smolensk, ông cũng đã từng nói với Tutskov như vậy). Và dưới nhãn quan ấy ông ngắm nhìn nàng mỹ nữ phương Đông đang nằm trước mặt ông ta, nàng mĩ nữ mà xưa nay ông chưa từng được nom thấy. Bản thân ông ta cũng phải lấy là quái lạ rằng niềm ước vọng mà ông ta hằng ấp ủ từ lâu và vẫn có cảm tưởng như không thể nào thực hiện được bây giờ đã thành sự thực. Trong ánh sáng trong trẻo của buổi ban mai, ông đưa mắt hết nhìn vào thành phố lại nhìn tấm địa đồ, kiểm tra lại từng chi tiết trong thành phố. Và lòng tin tưởng chắc chắn là mình sắp chiếm hữu được thành phố này khiến ông bồi hồi và kinh hãi.
   
"Nhưng có thể nào lại khác đi được? - ông thầm nghĩ. - Nó đây rồi, cái kinh đô ấy đang nằm dưới chân ta, chờ đợi người ta định đoạt số phận của nó. Bây giờ vua Alekxandr ở đâu? Ông ta nghĩ gì? Thật là một thành phố kì dị, đẹp đẽ và hùng vĩ! Và giây phút này cũng đẹp đẽ và hùng dũng làm sao! - Nghĩ đến quân sĩ, Napoléon tự hỏi - Họ sẽ nhìn ta như thế nào đây? Nó đây rồi, món quà thưởng cho tất cả những kẻ thiếu lòng tin ấy, - Napoléon thầm nghĩ trong khi nhìn bọn cận thần và những đoàn quân đang tiến lại gần và dàn thành hàng ngũ. - Chỉ cần ta nói một lời, chỉ cần ta vẫy tay một cái, thì cả kinh đô cổ kính của các Sa hoàng sẽ thành tro bụi. Nhưng lòng khoan dung của ta bao giờ cũng sẵn sàng soi xuống những kẻ chiến bại". Ta phải có đại lượng và hoạt động như một vĩ nhân chân chính… Nhưng không, không phải ta đã ở Moskva thật đâu, - ý nghĩa đó vụt thoáng qua trí óc Napoléon.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:55:21 pm
- Thế nhưng chính nó đang nằm dưới chân ta, với những mái tháp vòm khum và những chiếc thập tự thiếp vàng đang lung linh trong ánh nắng. Nhưng ta sẽ để cho nó được nguyên vẹn. Trên những di tích cổ kính của man rợ và chuyên chế, ta sẽ viết lên hai chữ công lý và khoan hồng cao cả… Chính cái đó sẽ làm cho Alekxandr thấm thía và xót xa hơn cả, ta biết rõ con người ấy. (Napoléon có cảm tưởng là ý nghĩa chủ yếu của những việc đang xảy ra bao gồm trong cuộc tranh chấp cá nhân giữa mình với Alekxandr). Từ trên điện Kreml cao chót vót - phải, đó chính là điện Kreml, - ta sẽ ban cho họ những đạo luật của công lý, ta sẽ làm cho con cháu những người boyar(1) phải nhắc nhở một cách trìu mến tên tuổi của những người đã chinh phục họ. Ta sẽ nói với phái đoàn của họ rằng trước kia cũng như bây giờ ta không hề muốn chiến tranh; rằng sở dĩ ta tiến hành một cuộc chiến tranh chỉ là vì muốn chống lại cái chính sách man trá của triều đình họ, rằng ta yêu quý và kính trọng Alekxandr và ở Moskva ta sẽ chấp nhận các điều khoản hoà ước xứng đáng với ta và với các dân tộc được ta trị vì.
   
Ta không muốn lợi dụng những thắng lợi trong cuộc chiến tranh để làm nhục nhà vua đáng kính. Ta sẽ nói với họ: Hỡi các vương công, ta không muốn chiến tranh, ta muốn hoà bình và hạnh phúc, cho tất cả các thần dân của ta. Vả chăng ta cũng biết rằng khi có mặt họ, lòng ta sẽ cảm hứng, và ta sẽ nói với họ như ta vẫn thường nói xưa nay: rõ ràng, trang trọng và cao cả.   "Nhưng thế ra ta đến Moskva thật ư? Phải, chính nó kia rồi!"
   
Truyền cho dẫn các boyar Nga đến gặp ta! - Napoléon quay lại nói với đoàn tuỳ tùng. Một viên tướng lập tức phi ngựa đi tìm đoàn boyar, cùng với một tốp sĩ quan hầu cận quan trọng.

Hai giờ trôi qua, Napoléon ăn điểm tâm sáng rồi trở lại đứng ở chỗ cũ, trên đồi Poklonny, đợi đoàn đại biểu đến. Những lời sẽ nói với các vương công kia đã hình thành rõ rệt trong trí tưởng tượng của Napoléon, Bài diễn từ ấy sẽ có đủ các tư cách chững chạc, cái phong vị cao cả đúng như Napoléon quan niệm.
     
Cái giọng khoan dung mà Napoléon định sử dụng ở Moskva làm cho bản thân ông ta thấy say sưa, trong tưởng tượng, ông ấn định những ngày hội họp trong cung điện các Sa hoàng trong buổi họp ấy, các vương công Nga sẽ gặp mặt các đại thần của hoàng đế Pháp. Ông bổ nhiệm trong trí óc một viên tổ chức biết cách lấy lòng dân. Được biết rằng ở Moskva có nhiều tổ chức từ thiện, ông quyết định trong tưởng tượng là sẽ ban cấp rất nhiều ân huệ cho các tổ chức này. Ông nghĩ rằng nếu ở châu Phi phải mặc áo burnu ngồi trong đền Hồi Giáo, thì ở Moskva cũng phải có lòng từ thiện như các Sa hoàng. Và để làm cho người Nga cảm động đến tận đáy lòng - cũng như mọi người Pháp, ông không thể tưởng tượng ra một cái gì cảm động mà lại không nhắc nhở đến người mẹ yêu dấu, người mẹ dịu hiền, người mẹ đáng thương của tôi - Napoléon quyết định là trên tất cả các toà nhà từ thiện ấy sẽ ra lệnh đề bằng chữ lớn: Toà nhà này dâng mẹ tôi. Không chỉ nên đề: "Nhà của mẹ tôi" - ông tự chủ như vậy. - "Nhưng thế ra ta ở Moskva thật rồi ư? Phải, đây, nó đang ở trước mắt ta. Nhưng sao đoàn đại biểu thành phố mãi vẫn chưa thấy đến?"
   
Trong khi đó, ở các hàng phía sau của đoàn tuỳ giá, các tướng quân và thống soái của hoàng đế được phái đi tìm đoàn đại biểu đã trở về báo tin rằng Moskva nay không còn lấy một bóng người, dân cư đều đã bỏ đi hết, kẻ đi xe, người đi bộ. Gương mặt của những người đương bàn tán đến tái mét và lộ vẻ khích động. Họ kinh hãi không phải vì thành Moskva đã bị dân chúng dời bỏ (tuy biến cố này cũng có vẻ rất quan trọng), và lại vì không biết nên báo tin này với hoàng đế như thế nào cho khỏi đặt ngài vào cái tình trạng đáng sợ mà người Pháp gọi là le ridicule (lố bịch), không biết làm thế nào để tâu lại với ngài là người chờ đợi bọn boyar lâu như vậy chỉ uổng công, là quả có những đám người say rượu ở trong thành, nhưng ngoài ra chẳng còn ai nữa. Người thì nói rằng thế nào cũng phải tập hợp cho kỳ được một đoàn đại biểu nhì nhằng gì đó, người thì bác lại ý kiến này và bảo rằng cần phải khôn khéo và thận trọng chuẩn bị tư tưởng cho hoàng thượng rồi tâu rõ sự thật để ngài biết.

- Dù sao thì cũng phải tâu để ngài rõ… - các vị trong đoàn tuỳ giá nói - Nhưng, thưa các ngài… tình thế lại càng nan giải hơn nữa là vì hoàng đế bây giờ đang kiên nhẫn đi đi lại lại trước tấm bản đồ suy nghĩ đến những kế hoạch phô trương lòng khoan dung đại độ của mình, thỉnh thoảng lại đưa tay lên che mắt nhìn xuống con đường dẫn vào Moskva, môi mỉm một cười vui vẻ và kiêu hãnh.

- Nhưng không thể như vậy được! - Các ngài trong đoàn tuỳ tùng nhún vai nói, họ không sao dám nói lên cái chữ kinh khủng mà họ đều nghĩ thầm trong bụng: ridicule (lố bịch).
     
Trong khi đó hoàng đế chờ mãi chẳng thấy gì đã phát chán, và với các trực giác bén nhạy của người kép hát, ngài đã cảm thấy rằng cái phút uy nghi này kéo dài quá lâu nên đã bắt đầu mất cái tính chất uy nghi của nó. Ngài liền vẫy tay ra hiệu. Một phát súng lệnh đơn độc nổ vang, và các đoàn quân đang vây bọc Moskva liền tiến về các cửa ô Tver, Kaluga và Dorogomilov. Các đoàn quân tiến mỗi lúc một nhanh, đơn vị này vượt qua đơn vị kia, bộ binh thì chạy, kỵ binh thì phóng nước kiệu, che phủ trong những hàng bụi mù mịt do họ tung lên, và reo hò vang dậy, tiếng reo hò hoà lẫn vào nhau, làm chấn động cả một góc trời.
   
Bị thế quân tiến ào ạt lôi cuốn theo, Napoléon cùng quân sĩ cưỡi ngựa đến cửa ô Dorogomilov. nhưng đến đây ông ta lại dừng lại xuống ngựa, và đi đi lại lại hồi lâu trước bức thành của toà Kamer Kolesxki, chở đoàn đại biểu.

========================================================

Chú thích:

(1) Đại quý tộc Nga, chỗ dựa của Sa hoàng (bãi bỏ từ năm 1750)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:56:43 pm
Phần XI
Chương -19 -20

Trong khi đó thì Moskva đã trống rỗng. Trong thành phố cũng hãy còn có người, một phần năm mươi trong số dân cư vân còn ở lại nhưng thành phố vẫn trống rỗng. Nó trống rỗng như một tổ ong đã mất chúa đang thoi thóp chết dần.

Trong một tổ ong đã mất con ong chúa rồi thì không còn có sự sống nữa, nhưng nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì nó cũng có vẻ sinh động như những tổ khác.
     
Dưới những tia nắng nóng ran của mặt trời buổi trưa, ong vẫn bay lượn thành vòng quanh cái tổ mất chúa, cũng như quanh các tổ ong còn sống; từ xa cũng ngửi thấy mùi mật trong tổ đưa ra, những con ong thợ vẫn bay ra bay vào như cũ. Nhưng chỉ cần ghé mắt nhìn kỹ vào tổ cũng đủ hiểu rằng ở đấy không còn có sự sống nữa.

Ong tuy có bay nhưng không phải như là ở các tổ còn sống, mùi mật và tiếng vo ve cũng chẳng phải là cái mùi mật và cái tiếng vo ve bình thường, khiến người nuôi ong phải kinh ngạc, khi người nuôi ong gõ vào vách cái tổ ong có bệnh, thì không hề nghe tiếng vo ve đều đều lập tức đáp lại như trước kia, tiếng của hàng vạn con ong chồng ngược thân sau lên và phẩy cánh vù vù gây nên cái âm thanh nhẹ nhàng như hơi thở của sự sống. Ở đây chỉ có những tiếng vù vù rời rạc, mỗi tiếng một phách, từ góc này góc khác của tổ ong trống rỗng phát ra. Từ cửa tổ không còn phảng phất cái mùi thơm ngát, nồng sâu của mật ong và nọc ong, không còn toả ra cái hơi ấm của sự no đủ như trước nữa; mà trong mùi mật có lẫn cả cái mùi của sự trống trải cả tan rữa. Ở cửa tổ không còn có những quân canh mẫn cán cong đít lên sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Không còn cái âm thanh khe khẽ và đều đều như tiếng nước sôi báo hiệu công cuộc lao động rầm rộ tiến hành, chỉ nghe có tiếng ồn ào rời rạc, lạc điệu của cảnh hỗn độn. Những con ong kẻ cướp mình đen và dài bê bết những mật bay ra bay vào một cách rụt rè mà khéo léo; chúng không đốt người, mà lại lẩn tránh nguy hiểm.

Trước kia chỉ có những con ong mang nhuỵ hoa bay vào tổ, còn những con bay ra thì bay mình không; bây giờ thl những con bay ra cũng mang mật theo ra. Người nuôi ong mở ngăn dưới của tổ ong ra xem. Trước kia những đám ong đen kịt, bỗng đầy mật, yên tĩnh vì đã làm được việc nhiều, chân con này bám vào chân con kia thành chùm treo xuống tận đáy, những con ong bò đi kéo sát trong tiếng rì rào không ngớt của lao động, thì bây giờ chỉ còn thấy những con ong khô héo, ngái ngủ, vật vờ đi lang thang trên thành và trên đáy tổ. Trước kia tấm sàn phết nhựa được cánh ong quạt sạch bóng, thì nay trên sàn ngổn ngang những mảnh sáp, những mảnh cứt ong, những con ong chết dở chỉ còn khẽ cựa chân và những con ong đã chết hẳn còn bỏ đó.

Người nuôi ong mở ngăn trên ra xem. Trước kia từng đãy ong dày đặc bịt kín tất cả các ngăn mật và sưởi ấm cho trứng ong, thì bây giờ chỉ thấy cái cơ cấu tinh vi phức tạp của các ngăn sáp, nhưng không còn cái vẻ trinh bạch như cũ nữa.  Tất cả đều bị bỏ lại và đã ô uế. Những con ong đen kẻ cướp lấm lét trườn đi rất nhanh trên các công trình cũ; những con ong nhà, khô héo, teo tóp, uể oải như già cỗi hẳn đi, lê bước chậm chạp, không làm vướng ai, không còn mong muốn gì nữa và đã mất hết ý thức về cuộc sống.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:57:21 pm
Những con ong vẽ, ong bầu, những con nhặng và những con bươm bướm bay quờ quạng húc đầu vào vách tổ. Đây đó, giữa các bánh sáp lác đác những con ong con đã chết và những đám mật, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng vù vù bất mãn; ở đâu đấy hai con ong theo thói quen cũ đang dọn tổ, chúng cần thận cố sức kéo lê một cái xác ong hay một con nhặng chết ra ngoài tuy cũng chẳng biết để làm gì. Trong một góc khác hai con ong già uể oải đánh nhau, hoặc chuốt mình cho sạch, hoặc mớn cho nhau ăn, tuy cũng chẳng biết mình làm như vậy là có ý thân thiện hay thù địch. Ở một chỗ thứ ba, một đám ong xéo cả lên nhau ùa vào đánh túi bụi một con bọ cho kỳ chết. Thỉnh thoảng một con ong đã mệt lả hay bị giết chết từ từ rơi xuống đống xác chết, nhẹ như một chiếc lông tơ. Người nuôi ong giở hai bánh sáp ở giữa ra để xem tổ trứng. Trước kia hàng ngàn con ong quay lưng vào nhau bày thành những vòng tròn đen kịt bảo vệ những điều bí ẩn tối cao của sự sinh nở, thì nay chỉ thấy vài trăm cái xác ong rầu rĩ, chết dở vẻ mụ mẫm. Chúng đã chết gần hết, mà không hay biết gì, chúng ở lại trong ngôi miếu linh thiêng mà trước kia chúng đã bảo vệ và ngày nay không còn nữa, chúng toả ra một mùi thối rữa và chết chóc. Chỉ còn một vài con nhúc nhích, nhổm dậy, bay vật vờ và đậu lên tay kẻ thù ấy và đồng thời, tự hy sinh. Những con kia chết hẳn, chúng từ từ rơi xuống đáy tổ như những chiếc vẩy cá, người nuôi ong đóng ngăn lại, lấy phấn đánh dấu cái tổ hỏng để sẽ đạp vỡ và thiêu huỷ nó đi.

Moskva cũng trống trải như vậy khi Napoléon, mệt mỏi, lo lắng và cau có, đang đi đi lại lại trước bức thành của toà Kamer Kokesxki, chờ đợi cái dấu hiệu của việc tôn trọng nghi thức tuy chỉ là bề ngoài, nhưng theo quan mệm của ông ta thì rất cần thiết: đoàn đại biểu.
   
Trên các nẻo đường, trong các xó xỉnh của thành Moskva chỉ còn những cử động một cách vô nghĩa, tuân theo những tập quán cũ và không hiểu mình đang làm gì.
   
Khi người ta đã báo tin cho Napoléon với tất cả sự thận trọng cần thiết rằng Moskva trống rỗng, ông ta giận dữ đưa mắt nhìn người đến báo tin rồi quay phắt đi và lặng lẽ tiếp tục đi đi lại lại.

- Đưa xe lại đây, - ông ta nói.
   
Napoléon bước lên xe ngồi cạnh viên sĩ quan hành định trực nhật và đi vào khu ngoại ô.
 
"Moskva không người. Thật là một sự việc khó tin" - Ông tự nhủ thầm. Ông ta không đi thẳng vào thành phố, mà lại đỗ lại một quán trọ ở ô Dorogomilov.
   
Đòn kịch đột biến đã thất bại?

20.
   
Quân đội Nga kéo qua Moskva từ hai giờ đêm cho đến hai giờ trưa, lôi cuốn những người dân phố và những thương binh cuối cùng đang rời bỏ kinh đô.
   
Trong khi chuyển quân, chen chúc dữ dội nhất là lúc trẩy quả các cầu Kamenny, Muxkvoretxki và Yauxki.
   
Trong khi các đạo quân trước kia rẽ đôi ra hai dòng bên thành Kreml đã trở lại gặp nhau trên hai chiếc cầu Kamenny và Muxkvoretxki, thì một số lớn quân lính, thừa lúc mọi người đang dừng lại và chen chúc, đã lẻn về phía sau và lặng lẽ đi dọc nhà thờ Vaxili Blazenny, qua cửa Borovixki, len lên dốc tiến về Hồng trường, là nơi mà họ đánh hơi thấy có thể dễ dàng lấy cắp của cải người khác, cũng một đám người như thế dồn vào chật ních cả cái xó xỉnh của khu bán hàng Goxtiny Dvor như những khi người ta kéo nhau đến mua hàng rẻ giá. Nhưng bây giờ không hề nghe thấy những tiếng mời mọc ngọt ngào và bùi tai của những người bán hàng, cũng không thấy những người bán rong và đám phụ nữ mua hàng mặc những bộ áo đủ các màu sắc - chỉ có những bộ quân phục, những tấm áo ca-pốt của những người lính không có súng, lặng lẽ kéo nhau vào hai tay không, rồi lại lặng lẽ đi ra, mang theo những đồ lấy cắp được. Những người lái buôn và những người bán hàng (số người này rất ít), đi lại giữa đám quân lính, có vẻ như những người bị lạc, mở cửa hàng ra rồi lại đóng lại và thân hàn cùng với những người phụ việc mang hàng đi đâu không rõ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:58:04 pm
Trên quảng trường sát cạnh Goxtiny Dvor, mấy người lính đánh trống đã được lệnh đánh trống hiệu tập hợp. Nhưng tiếng trống không tập hợp được lũ lính tránh đi ăn trộm, mà lại làm họ lảng xa hơn. Trong các cửa hiệu và tỏng các ngõ hẻm, giữa đám quân lính thấp thoáng những người mặc áo kaftan xám, đầu cạo trọc. Hai viên sĩ quan, một người khoác một chiếc khăn san trên quân phục, cưỡi một con ngựa gầy xám thẫm, và một người mặc áo khoác dài đi bộ, đang đứng ở góc phố Ilinka bàn việc gì không rõ.
     
Một viên sĩ quan thứ ba phi ngựa lại gần họ.

- Tướng quân ký lệnh là phải làm thế nào đuổi ngay bọn lính ra ngoài cho kỳ được. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Quân lính bỏ hàng ngũ chạy trốn mất một nửa rồi còn gì!

- Mày đi đâu?… Chúng mày đi đâu?… - viên sĩ quan quát ba người lính bộ binh không có súng, đang vén vạt áo ca-pốt đi luồn qua mắt ông ta để len vào các cửa hàng. - Đứng lại, đồ chó má?

- Ông cứ thử tập hợp lại mà xem - viên sĩ quan kia đáp - không được đâu mà; tốt hơn là hãy hành quân cho nhanh để những đứa còn lại đừng bỏ trốn nốt, chỉ có cách ấy thôi!

- Hành quân như thế nào? Cứ chen chúc mãi ở trên cầu, có tiến lên được chút nào đâu? Hay là đặt một hàng rào lính gác để những đứa còn lại khỏi bỏ trốn.
   
Người sĩ quan cấp cao nhất quát:

- Kìa, thì các ông đến đấy mà đuổi chúng ra đi chứ!
     
Người sĩ quan quàng khăn xuống ngựa, thét gọi người lính đánh trống và cùng anh ta đi vào cổng tò vò. Một toán lính vụt bỏ chạy. Một người lái buôn, trên hai má ở chỗ gần cánh mũi mọc đầy những nốt đỏ, gương mặt no đủ biểu lộ dủ biểu lộ vẻ tham lam và lì lợm xem chừng không gì có thể lay chuyển nổi những điều suy tính thiệt hơn của hắn, đang vung vẩy hai tay đến gần viên sĩ quan dáng điệu huênh hoang và hấp tấp. Hắn nói:

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc che chở cho. Đây không phải là vì quyền lợi chúng tôi, kể gì chuyện vặt ấy, chúng tôi vui lòng hiểu tất cả! Nếu ngài muốn, tôi xin đem dạ ra ngay, đối với một người tôi quý như ngài thì biếu đến hai tấm tôi cũng vui lòng! Cái đó thì được, chứ như thế kia thì đúng là ăn cướp! Xin ngài làm phúc cho! Ngài cử cho một đội tuần tiễu đến đây thì hay quá, ít ra cũng cho chúng tôi đóng cửa với chứ…

Mấy người lái buôn xúm quanh viên sĩ quan. Một người xương xương, vẻ mặt khắc khổ, nói:

- Ê! Kêu than làm gì cho mệt. Sắp mất đầu mà lại còn tiếc ba sợi tóc Ai muốn lấy gì thì cứ cho họ lấy! - Nói đoạn hẳn khoát mạnh tay một cái và quay nghiêng người về phía viên sĩ quan.

Người lái buôn vừa nãy giận dữ nói:

- Cái bác Ivan Xidoryts này, cứ nói như bác thì dễ quá!… Xin ngài sĩ quan, xin ngài làm phúc cho.

- Thôi nói làm gì! - Người lái buôn gầy gò nói, - Ở đây tôi có ba cửa hàng trị giá đến mười vạn. Quân đội rút đi thì còn giữ làm sao được! Chao ơi, người đâu mà lạ…! Làm sao chống lại được ý Chúa?

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc cho, - người lái buôn thứ nhất nghiêng mình nhắc lại. - Viên sĩ quan đứng im một lúc, trên gương mặt lộ vẻ phân vân do dự. Rồi bỗng ông ta quát to:

- Thì việc quái gì đến ta nào! - nói đoạn ông bước nhanh về phía cửa hàng. Trong một gian hàng mở cửa nghe có tiếng người đấm đá chửi bới nhau, và khi viên sĩ quan vừa mới đến nơi thì từ trong cửa nhảy xổ ra một người đầu cạo trọc, mặc áo kaftan xám: hắn vừa bị người ở bên trong tống ra ngoài. Người đó cúi lom khom chạy qua mặt mấy người lái buôn và viên sĩ quan rồi mất hút. Viên sĩ quan nhảy bổ vào đám quân lính đang lúc nhúc trong gian hàng. Nhưng vừa lúc ấy có những tiếng kêu la sợ hãi của một đám người rất đông từ phía cầu Moxkvoretxki vang lại. Viên sĩ quan vội chạy ra quảng trường.

- Cái gì thế? Cái gì thế? - õng ta hỏi dồn, nhưng viên sĩ quan kia đã cho ngựa phi qua Vaixili Blazenny về phía có tiếng kêu la.
     
Ông ta bèn lên ngựa đuổi theo. Khi đến gần cầu, ông ta thấy khẩu súng đại bác đã tháo ra khỏi bánh xe kéo, thấy bộ binh đang qua cầu mấy cái xe tải đổ lăn kềnh ra đường, mấy cái mặt hoảng hốt và quân lính đang cười ha hả. Bên cạnh hai khẩu đại bác có một chiếc xe tải thắng hai con ngựa. Có con chó borzoy đeo nịt ở cổ đang đứng nép vào sau xe. Trên xe là một núi đồ dạ, và ở trên cùng, bên cạnh một chiếc ghế trẻ con chổng chân lên trời, có một mụ đàn bà đang ngồi tru tréo om sòm. Viên sĩ quan được các bạn đồng ngũ cho biết rằng sở dĩ có tiếng kêu la của đám đông và tiếng tru tréo của mụ đàn bà kia vì khi tướng Yermolov cưỡi ngựa chạy qua đám đông và được biết rằng quân lính bỏ chạy nghẽn cả cầu, liền ra lệnh kéo hai khẩu đại bác ra khỏi xe, giả làm như sắp bắn vào cầu.

Đám đông xô ngã các xe tải giẫm đạp lên nhau la hét om sòm, chen chúc nhau ra khỏi cầu, và thế là quân đội đã tiến lên được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:59:21 pm
Phần XI
Chương -21 -22

Trong khi đó thì ở trung tâm thành phố lại vắng ngắt như tờ.

Trên các đường phố hầu như không có lấy một bóng người. Tất cả các cổng vào các cửa hàng đêu đóng kín mít; đó đây các quán rượu nghe có tiếng kêu lẻ loi hay tiếng hát của người say rượu.
Không có lấy một chiếc xe nào đi lại trên phố, và thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng bước chân của người bộ hành. Phố Povarxkaya im phăng phắc và vắng tanh. Trong khoảng sân rộng thênh thang của gia đình Roxtov ngổn ngang những mớ rạ và những đống phân ngựa kéo xe để lại. Không có lấy một bóng người.
     
Trong toà nhà của gia đình Roxtov bị bỏ lại với toàn bộ của cải, có hai người ngồi phòng khách lớn. Đó là bác gác cổng Igrat và chú bé Miska, cháu nội bác Vaxilits cùng ở lại Moskva với bác ta. Miska mở đàn dương cầm ra đánh bằng một ngón tay.
   
Bác gác cổng hai tay chống cạnh sườn đang đứng trước một tấm gương lớn mỉm cười hởn hở.

Bỗng chú bé bắt đầu dùng cả hai tay đập lên phím đàn nói:

- Có tài không, hở bác Igrat?

- Chà cái thằng này? Igrat đáp (bấy giờ bác ta đang mải ngắm cái mặt cười teo toét của mình ở trong gương)
   
Rõ không biết dơ! Thật là đồ không biết dơ! - Phía sau lưng hai người bỗng có tiếng của Mavra Kuzminisna bấy giờ vừa lặng lẽ bước vào phòng.

- Kìa xem cái lão mặt mẹt kia nhe răng ra kìa. À ra các người giỏi nhỉ, dọn dẹp đã xong xuôi gì đâu? Bác Vaxilits đang nai lưng ra làm, mệt nhoài ra ngoài kia kìa. Để rồi xem?
   
Igrat xốc lại thắt lưng, miệng thôi mỉm cười và mắt nhìn xuống đất, ngoan ngoãn ra khỏi phòng.

- Thím ạ, cháu đánh khẽ thôi thím nhé, - Chú bé nói.

- Rồi tao cho mày đánh khẽ, đồ ôn, con Mavra Kuzminisna vừa tát vừa vung tay lên doạ. - Đi mà đặt ống lò cho ông nội mày.
   
Mavra Kuzminisna phủi bụi trên phím đàn, đậy nắp đàn lại, rồi thở dài đánh phào một cái, ra khỏi phòng khách và khoá cửa lại.
     
Ra sân, bà nghĩ lại ngẫm nghĩ không biết bây giờ nên đi đâu: đến phòng bác Vixilits ở bên dọc uống nước chè, hay vào nhà kho dọn nốt những đồ đạc còn để ngổn ngang.
     
Chợt ngoài đường có tiếng chân bước rất nhanh. Những bước chân dừng lại bên cổng; cái then cài bắt đầu kêu lách cách vì có một bàn tay đang cố mở cánh cổng ra.

Mavra Kuzminisna đi ra cổng.

- Ngài hỏi ai ạ?

Tôi muốn hỏi bá tước, bá tước Ilya Andreyevich Roxtov.

- Thế ngài là ai?

- Tôi là một sĩ quan. Tôi cần gặp bá tước, -   Người lạ mặt đáp, giọng rất dễ chịu, chắc phải là một người quý tộc Nga.

Mavra Kuzminisna mở cánh cổng ra. Một người sĩ quan mặt tròn trĩnh, tuổi trặc mười tám, bước ra sân. Khuôn mặt người sĩ quan hao hao giống kiểu mặt của dòng họ Roxtov.

- Thưa cậu bá, tước đi rồi ạ. Đi từ chiều hôm qua rồi ạ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 03:59:58 pm
Người sĩ quan trẻ tuổi đứng tần ngần bên cổng như phân vân không biết có nên vào không. Chàng tặc lưỡi.

- Chà tiếc quá! - chàng nói. - Đến từ hôm qua có phải là… Chà tiếc thật!….
     
Trong khi đó Mavra Kuzminisna chăm chú và ái ngại nhìn kỹ những nét quen thuộc của dòng họ Roxtov trên khuôn mặt người thanh niên, nhìn chiếc áo khoác rách và đôi ủng mòn của chàng.

- Cậu muốn muốn gặp bá tước có chuyện gì à? - bà ta hỏi.

- Thôi. Chả còn biết làm thế nào được - Người sĩ quan buồn bực nói, đoạn đưa tay lên cánh cổng có ý muốn bỏ đi, rồi chàng lại đứng lại, dáng tần ngần.

- Bà ạ, - chàng bỗng nói. - Tôi là người có họ với bá tước, bá tước đối với tôi xưa nay rất tốt.     Cho nên, bà thấy không (chàng mỉm một nụ cười hiền lành và vui vẻ nhìn xuống chiếc áo khoác và đôi ủng của mình), áo quần tôi rách cả, mà tiền thì chẳng còn đồng nào: cho nên tôi muốn hỏi xin bá tước….
   
Mavra Kuzminisna không để cho chàng nói hết.

- Cậu ạ đợi cho một tý, một tí thôi nhé, - Bà nói. Và người sĩ quan vừa rời tay khỏi cánh cửa thì bà ta quay gót đi nhanh vào sân sau, về phía phòng mình bên dãy nhà dọc. Trong khi Mavra  Kuzminisna về phòng, người sĩ quan đi đi lại lại ngoài sân, mỉm cười nhìn xuống đôi ủng mòn rách của mình. "Không gặp được chú ấy thật tiếc quá. Bà già kia khôn thật? Không biết chạy đi đâu? Muốn bắt kịp binh đoàn mình đã sắp đến Rogxokaya rồi còn gì!" - chàng nghĩ thầm. Mavra Kuzminisna gương mặt có vẻ sợ hãi nhưng đồng thời lại quả quyết hai tay cầm một chiếc khăn kẻ ô vuông gập lại, từ góc sân bước ra. Khi còn cách người sĩ quan vài bước, bà mở chiếc khăn lấy ra một tờ giấy bạc hai mươi rúp màu trắng và hối hả đưa cho chàng.

- Giá có cụ lớn ở nhà, thế nào chỗ thân thích cụ cũng… nhưng bây giờ… có lẽ…
     
Bà Mavra đâm luống cuống. Nhưng người sĩ quan không từ chối mà cũng không vội vàng, đã cầm lấy tờ giấy bạc và cảm ơn Mavra Kuzminisna. Bà ta nói tiếp, như để xin lỗi:

- Giá có bá tước ở nhà thì… Cầu Chúa phù hộ cho cậu tai qua nạn khỏi, - bà ta vừa nói vừa cúi chào và tiễn chân người sĩ quan ra ngoài cổng. Người sĩ quan mỉm cười lắc đầu như để chế giễu mình, rồi chạy nhanh qua các phố xá vắng vẻ, về phía cầu Yauxki để đuổi theo đơn vị.
   
Bà Mavra Kuzminisna còn đứng hồi lâu trước hai cánh cổng đóng kín, rơm rớm nước mắt, lắc đầu dáng tư lự, và bỗng thấy lòng tràn ngập một tình trìu mến và xót thương mẫu tử đối với người sĩ quan trẻ tuổi không hề quen biết.

22.
     
Trong quán rượu ở phía dưới toà nhà xây dở ở phố Varvaka có những tiếng reo hò và ca hát của những người say rượu. Trong gian phòng chật hẹp bẩn thỉu, chừng mười người thợ đang ngồi trên những chiếc ghế dài đặt cạnh mấy cái bàn. Họ đều say mèm, mồ hôi nhễ nhại, mắt lờ đờ, đang há hốc mồm ra cố hát cho thật to. Họ hát mỗi người một phách, có vẻ khó nhọc và ngượng gạo: có thể thấy rõ rằng họ hát như vậy không phải vì muốn hát, mà chỉ muốn tỏ ra mình đang say rưựu và đang vui chơi thích thú đây. Trong đám có một chàng trai trẻ cao lớn, tóc vàng mặc áo khoác xanh sạch sẽ, đang đứng trước mặt mấy người kia. Với sống mũi dọc dừa thanh tú của hắn, đẹp nếu không có đôi môi mím chặt luôn luôn động đậy và đôi mắt lờ cau có, đờ đẫn. Hắn đứng trước mặt mấy người đang hát, và hình như đang tưởng tượng điều gì, hắn hoa cánh tay cáu bẩn ra một cách thiếu tự tin.  Ống tay áo của hắn cứ chốc chốc lại tụt xuống, và hắn lại cẩn thận lấy tay trái sắn lên, làm như thể cánh tay trắng nổi gân xanh đang vung vẩy nhất định phải để trần mới được, và đó là một điều hết sức quan trọng. Họ đang hát dở chừng ngoải thềm nghe có tiếng hò hét và tiếng đấm đá. Chàng thanh niên cao lớn khoát tay một cái.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:00:59 pm
- Thôi! - hắn dõng dạc hô to - Anh em ơi! Có đám đánh nhau. - Nói đoạn hắn bước ra thềm, tay vẫy không ngừng xắn ống áo.
       
Đám thợ thuyền ra theo. Sáng hôm ấy đã mang từ nhà máy lại mấy tấm da trao cbo lão chủ quán đổi lấy rượu ngồi. uống với nhau dưới sự chỉ huy của chàng thanh niên cao lớn kia. Mấy người thợ rèn ở các lò rèn bên cạnh bấy giờ nghe tiếng hát hò trong quán rượu tưởng là họ đang cướp phá ngôi quán, bèn cố sức ập vào. Ở ngoài thềm bắt đầu diễn ra một trận ẩu đả.
   
Lão chủ quán đang đứng ở ngưỡng cửa đánh nhau với một người thợ rèn, và khi mấy người thợ ở trong quán bước ra, thì người thợ rèn bị bất hạnh và ngoài ra ngã mặt xuống mặt đường lát đá.
     
Một người thợ rèn khác lao vào cửa, đưa cả thân hình xô vào lão chủ quán. Chàng thanh niên tay áo xắn bấy giờ đang bước ra thoi một quả đấm vào mặt người thợ rèn đang lao vào và quát tướng lên:

- Anh em ơi! Chúng nó đánh cánh ta đây này!

Trong khi đó người thợ rèn lúc này ngã xuống đất lồm cồm bò, quệt máu trên mặt và mếu máo kêu lên:

- Ai cứu tôi với! Chúng nó giết người đây này! Anh em ơi!
     
Một mụ đàn bà từ một cánh cổng bên cạnh bước ra cũng tru tréo lên:

- Trời ơi là trời, chúng nó đánh chết người, chúng nó giết người kia kìa!
     
Đám đông xúm xít quanh người thợ rèn máu me bê bết. Trong đám đông có người nói với lão chủ quán.

- Mày cướp giật của người ta, mày lột áo của người ta chưa đủ hay sao, mà lại còn muốn giết người? Đồ kẻ cướp?
   
Chàng thanh niên cao lớn đứng trên thềm đưa đôi mắt đục lờ hết nhìn lão chủ quán lại nhìn bọn thợ rèn, như đang nghĩ ngợi không biết nên đánh nhau với ai bây giờ. Rồi bỗng chỗ mồm về phía lão chủ quán, hắn quát to:

- Đồ sát nhân! Anh em ơi, trói hắn lại!

- Ơ kìa? Trói tôi ấy à, sao lại đi trói một người như tôi - lão chủ quán quát to, giơ tay gạt những người đang chồm vào người lão, rồi giật cái mũ chụp lên đầu vứt xuống đất. Cử chỉ này dường như có một ý nghĩ gì rất bí mật và nghê gớm, những người thợ đang xô vào trói lão chủ quán bỗng dừng lại có vẻ phân vân.

- Tôi biết rõ luật lệ lắm anh ạ. Tôi sẽ đi trình quận cho mà xem. Anh tưởng tôi không đi hẳn? Thời bây giờ cấm không ai được trộm cướp và hành hung - lão chủ quan vừa nhặt mũ vừa nói to.

- Ghê gớm nhỉ! Đi thì đi! Nào đi thì đi ghê gớm nhỉ - lão chủ quán và chàng thanh niên cao lớn thi nhau nói đi nói lại như vậy, rồi cả hai cùng bước ra đường. Người thợ rèn máu me cũng đi bên cạnh họ. Mấy người thợ và đám người đứng xem cũngvừa đi theo vừa reo hò, bán tán huyên náo cả lên.
     
Ở góc phố Moskva, trước mặt một ngôi nhà lớn cửa đóng kín mít, trên cửa có đóng một biển hiệu đánh giày, có một tốp chừng hai mươi anh thợ giàý, vẻ mặt buồn rười rượi, gầy gò, mệt mỏi, mặc những chiếc áo dài và áo khoác rách rưới. Một người thợ giày gầy gò có một bộ râu thưa thót đalìg cau mày nói:

- Hắn phải trả tiền cho người sòng phẳng chứ! Đằng này hắn hút máu của bọn ta - rồi chuồn mất. Hắn cứ xỏ mũi lừa gạt bọn ta suốt cả tuần. Mãi đến bây giờ, tới lúc cùng kiệt rồi thì hắn lại lủi đi đâu mất.
     
Trông thấy đám đông đi với một người máu me bê bết, người đang nói im bặt, và cả tốp thợ giày tò mò vội nhập vào đám đông đang kéo đi.

- Họ đi đâu thế?

- Còn đi đâu nữa, đi trình quan!

- Thế nào, cánh ta thua thật à?

- Chứ còn gì nữa! Thử lắng nghe người ta nói thì biết.
       
Kẻ hỏi người đáp nhao nhao lên, lão chủ quán thừa lúc dám người đông thêm, đi tụt lại phía sau và bỏ về quán rượu.
     
Chàng trai cao lớn, không nhận thấy kẻ thù của mình là lão chủ quán đã biến mất, vẫn hoa cánh tay để trần, nói không ngớt miệng, khiến mọi người chú ý. Đám đông phần lớn đều quây quần xung quanh hắn ta, mong hiểu rõ những điều gì đang làm cho họ thắc mắc. Chàng thanh niên kẽ nhếch mép mỉm cười, nói:

- Hắn thử nói luật lệ ra nghe nào, đã có phép quan chứ! Tôi nói có đúng không nào, bà con?… Hắn tưởng bây giờ không có phép quan nữa chắc? Không có phép quan làm sao được? Kẻ cướp mọc lên như nấm ấy mà!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:01:42 pm
Trong đám đông có tiếng nói:

- Nói gì vớ vẩn thế? Chả nhẽ họ ở Moskva như thế này à!

- Người ta nói đùa mà anh cũng tưởng là thật.    Quân ta đông khối ra đấy kia! Lẽ nào để cho nó vào như vậy. Đã có quan trên lo liệu chứ! Kia, thử nghe người ta nói kia kìa, - họ chỉ vào chàng thanh niên cao lớn, bảo nhau.
       
Bên bức thành Kitai-gorod một toán người khác không đông lắm vây quanh một người mặc áo khoác bằng dạ xù, tay cầm một tờ giấy. Trong đám đông có tiếng xì xào:

- Mệnh lệnh, họ đọc mệnh lệnh đấy! Họ đọc mệnh lệnh đấy!
   
Và mọi người đổ dồn về phía người đang đọc tờ giấy.
   
Người mặc áo khoác dạ xù đang đọc tờ yết thị ngày ba mươi mốt tháng tám. Khi thấy đám đông vây quanh, hắn có vẻ luống cuống, nhưng chàng thanh niên cao lớn lúc bấy giờ đã len vào tận nơi, đòi hắn phải đọc tờ yết thị lên. Giọng hơi run, người mặc áo khoác bắt đầu đọc bản yết thị từ đầu:
     
"Sáng sớm mai ta sẽ đến gặp Điện hạ. Tối quang minh -(chàng thanh niên cao lớn cau mày, nhoẻn miệng cười và lấy giọng trang trọng nhắc lại: Tối quang minh!) - để thương lượng với ngài về cách phối hợp với quân đội tiêu diệt quân thù; chính chúng ta cũng sẽ ra tay trị chúng" -  Người đọc dừng lại một lát. Chàng cũng sẽ ra tay trị chúng. Người đọc dừng lại một lát. Chàng thanh niên cao lớn đắc chí reo lên: "Thấy chưa? Họ sẽ trị cho chúng!" "… làm cho chúng hồn lìa khỏi xác và cho chúng về chầu quỷ sứ: bản chức sẽ trở về ăn bữa trưa và sau đó chúng ta sẽ bắt tay vào việc; chúng ta sẽ hành động đến nơi đến chốn và tiêu diệt quân giặc".
   
Những lời cuối cùng này được đọc lên trong cảnh. im lặng hoàn toàn.
     
Chàng thanh niên cao lớn cúi đầu ra dáng buồn bã. Có thể thấy rõ ràng chẳng ai hiểu nổi câu sau cùng. Đặc biệt là mấy chữ: "Bản chức sẽ trở về ăn bữa trưa" thì hình như cả người đọc lẫn người nghe đều lấy làm buồn. Bấy giờ dân chúng đang chờ nghe những lời trang trọng, nhưng câu ấy lại quá đơn giản và tầm thường một cách không cần thiết; nói như vậy thì lệnh thì trong dân chúng ai cũng nói được, cho nên trong một bản mệnh lệnh do nhà nước chức trách ban ra không thể nói như vậy được.
   
Mọi người đứng im lặng, rầu rĩ. Chàng thanh niên cao lớn mấp máy môl và lảo đảo như đứng không vững.
     
Bỗng ở các cửa hàng người đứng sau có tiếng xôn xao.

- Phải hỏi ông ấy kia!… Chính ông ta đấy à?… Còn gì nữa, phải hỏi đi! Chứ còn gì nữa… Ông ấy sẽ nói rõ cho mà nghe… - và mọi người đều chú ý đến chiếc xe độc mã của viên cảnh sát trưởng vừa đi qua, có hai người lính long kỵ đi hộ vệ.

Sáng hôm ấy viên cảnh sát trưởng theo lệnh của bá tước đã đi đốt những chiếc phà chở sang ngang và nhân chuyến công cán này đã kiếm được một món tiền lớn lúc bấy giờ đang nằm trong túi ông ta. Trông thấy đám đông kéo tới viên cảnh sát trưởng bảo người đánh xe dừng lại.

- Làm gì mà đông thế hả? - ông quát đám người hỗn độn đang rụt rè tiến đến gần xe. - Có việc gì thế? Ta hỏi các người? - Viên cảnh sát trưởng không nghe đáp lại câu hỏi.
       
Người thư mặc áo khoác dạ xù nói:

- Bẩm quan lớn, họ… bẩm quan lớn, theo lời hiển thị của bá tước đại nhân, họ muốn liều chết ra đánh giặc, chứ không phải muốn làm loạn gì đâu ạ: như bá tước đại nhân có dạy…

- Bá tước đại nhân chưa đi đâu, ngài hiện đang ở đây, ngài sẽ có lệnh truyền cho các người. - viên cảnh sát trưởng nói, rồi ra lệnh cho người đánh xe - Đi thôi!
     
Đám đông xúm quanh những người đã nghe được lời nhà chức trách và đứng trông theo chiếc xe ngựa đang đi xa dần.
       
Trong khi đó, viên cảnh sát trưởng sợ hãi ngoái lại nhìn, nói gì với người lái xe không biết, chỉ càng thấy ngựa phi nhanh hơn.

- Họ lừa chúng ta đấy anh em ơi! Phải đến gặp đích thân bá tước! - chàng thanh niên cao lớn hét lên. - Đừng để cho hắn đi anh em ơi!

Hắn phải trình bày cho chúng ta rõ! Giữ hắn lại!

Trong đám đông có nhiều tiếng quát tháo, và đám đông hè nhau chạy và theo sau chiếc xe ngựa, đuổi theo sau chiếc xe ngựa, đuổi theo viên cảnh sát trưởng chạy vào phố Lubianka.

- Thế là cái gì Bọn thân hào với bọn lái buôn đều chuồn cả, thế còn chúng ta có tội tình gì mà ở lại chết uổng? Dễ thường chúng ta là chó hay sao. - Trong đám đông tiếng la ó mỗi lúc một dữ dội.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:02:24 pm
Phần XI
Chương -23 -24

Tối hôm mồng một tháng chín, sau khi hội kiến với Kutuzov, bá tước Raxtovsin buồn rầu và tủi hổ vì chỗ không được mời dự hội đồng quân sự, vì Kutuzov không mảy may chú ý tới lời đề nghị tham gia phòng thủ kinh đô của ông ta, và lấy làm lạ về cái quan điểm mới phát sinh trong doanh trại; theo quan điểm này thì nền an ninh của kinh đô và tinh thần ái quốc của cư dân trong thành không những là vấn đề thứ yếu, mà còn bị coi là hoàn toàn vô bổ và không dám đếm xỉa đến. Lòng buồn rầu, tủi hổ và ngạc nhiên vì tất cả những việc đó, bá tước Raxtovsin, trở về Moskva. Sau bữa ăn tối, bá tước không cởi áo ngoài, ngả mình trên trường kỷ thiếp đi. Gần một giờ sáng một liên lạc viên đến đánh thức ông ta dậy đưa một bức thư của Kutuzov gửi đến. Trong bức thư có nói rằng quân đội rút về con đường Ryaznan qua Moskva và yêu cầu bá tước phái một số viên chức cảnh sát ra giúp quân đội kéo qua thành được dễ dàng.
   
Tin này đối với bá tước Rastopsin chẳng có gì mới lạ. Không phải từ cuộc hội kiến với Kukuzov ngày hôm qua trên đồi Poklonny, mà ngay từ trận Borodino, khi tất cả trở về Moskva trăm người như một đều nói rằng không thể nào khai chiến được nữa, và khi người ta đã được cho phép của bá tước bắt đầu chuyển tài sản của nhà nước ra ngoài và dân cư đã bỏ hết đi một nửa, bá tước Raxtovsin đã biết rằng Moskva sẽ bị bỏ ngỏ; tuy vậy đang đêm nhận được mệnh lệnh này của Kutuzov, dưới hình thức một bức thư tầm thường, trong khi đang ngủ say, bá tước Raxtovsin cũng thấy ngạc nhiên và bực tức.

Về sau, để cắt nghĩa hoạt động của mình trong này, bá tước Raxtovsin đã mấy lần viết thư hồi ký rằng lúc bấy giờ ông ta có hai mục đích quan trọng. Duy trì an ninh ở Moskva và làm cho dân cư ra khỏi thành. Nếu xét hai mục đích này thì bất cứ hành động nào của Raxtovsin lúc bấy giờ cũng không thể chê trách được.
     
Tại sao những thành tích của thành Moskva, những vũ khí, đạn được, những kho thuốc súng, kho bột mì, lại không được chở đi? Tại sao lại nói dối hàng ngàn dân cư là sẽ cố thủ Moskva khiến cho họ phải sạt nghiệp? "Là vì cần phải gìn giữ an ninh trong thủ đô", lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Thế thì chở hàng đống giấy má vô ích ở các công sở, chở quả cầu Leppich và những thứ khác ra khỏi thành phố để làm gì? - "Là để bỏ lại một thành phố trống rỗng", lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Chỉ cần một cái gì đang đe doạ an ninh của thành phố, là bất cứ hành động nào cũng đâm ra có lí do xác đáng cả.
     
Tất cả những hành động tàn bạo của thời kỳ khủng bố chẳng qua chỉ vì lo lắng đến an ninh của quốc dân.
     
Vậy thì căn cứ vào đâu mà bá tước Raxtovsin lo sợ cho nền an ninh của quốc dân ở Moskva năm 1812? Nguyên nhân nào đã khiến cho ông dự đoán là trong thành phố có khuynh hướng nổi loạn? Dân cư thì bỏ đi, quân đội thì rút lui tràn đầy cả thành phố. Tại sao dân chúng lại có thể nổi loạn trong tình cảnh ấy?
     
Không những ở Moskva, mà ngay trong toàn cõi nước Nga cũng vậy; trong khi quân địch xâm lăng giống như một cuộc nổi loạn. Ngày mồng một mồng hai tháng chín còn có hơn một vạn người ở lại Moskva, và từ đám đông tụ tập trong sân viên tổng đốc, do chính ông ta triệu tập lại thì chẳng thấy rõ rằng bỏ Moskva và một việc tất yếu hay ít ra cũng là một việc rất có thể xảy ra, nếu khi đó Raxtovsin đừng phân phát vũ khí và ra tuyên cáo bừa bãi khiến cho dân chúng hoang mang, mà tiến hành những biện pháp cần thiết để chở các thánh tích, thuốc súng, đạn được và ngân khố ra ngoài và tuyên bố thẳng thắng với nhân dân là sẽ bỏ thành phố, - Nếu như vậy thì lại càng không có lý do gì để sợ dân chúng dấy loạn. Raxtovsin là một người nóng nảy và xung huyết, xưa nay vẫn sống trong các giới quan lại cao cấp, tuy có ít nhiều tinh thần yêu nước nhưng không hề hiểu biết gì về đám dân chúng mà ông yên trí là mình đang cai trị. Ngay từ khi quân địch bắt đầu kéo vào Smolensk, Raxtovsin trong trí tưởng tượng đã tự gán cho mình cái vai trò lãnh đạo tình cảm của nhân dân, lãnh đạo "quả tim của nước Nga". Ông ta không những cớ cảm tưởng (mỗi viên quan hành chính đều có cảm tưởng như vậy) rằng mình điều khiển những hoạt động bề ngoài của dân Moskva, mà còn tưởng rằng mình lãnh đạo tâm trạng của họ bằng những lời kêu gọi và những tờ tuyên cáo viết bằng thứ ngôn ngữ dung tục mà nhân dân vẫn khinh miệt khi nghe nói ở môi trường của họ, và không hiểu khi nghe từ miệng quan trên truyền xuống. Raxtovsin thích đóng vai trò đẹp đẽ của người lãnh đạo tình cảm nhân dân, và đã quen với nó đến nỗi khi phải từ bỏ nó và rời bỏ Moskva không kèn không trống, ông ta vô cùng bỡ ngỡ và thấy như người bị hẫng chân, chẳng còn biết nên làm thế nào nữa. Tuy ông có biết Moskva sẽ bị bỏ ngỏ, nhưng cho đến phút cuối cùng ông vẫn chưa hoàn toàn tin điều đó và không tiến hành một việc gì nhằm mục đích đó cả. Cư dân bỏ đi là trái với ý muốn của ông ta. Nếu là cơ quan hành chính được di chuyển ra ngoài, thì đó chẳng qua là vì yêu cầu của các viên chức và bá tước có ưng thuận cũng chỉ là miễn cưỡng. Bản thân ông ta thì chỉ lo đóng cái vai trò mà ông ta tự gán cho mình. Như ta vẫn thường thấy ở những người có một trí tưởng tượng nhạy bén, ông ta đã biết từ lâu rằng Moskva sẽ bị bỏ lại. Nhưng biết thế là biết bằng lý trí: trong tâm hồn ông ta vẫn chưa tin hẳn điều đó, trong tưởng tượng ông ta chưa chuyển được sang cái tình hình mới này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:03:12 pm
Toàn bộ hoạt động của ông ta vốn rất cần mẫn và kiên quyết (nó có ích cho nhân dân đến đâu thì đó lại là chuyện khác), toàn bộ hoạt động của ông ta chỉ nhằm thức tỉnh trong lòng cư dân cái cảm xúc của bản thân ông ta lúc bấy giờ: lòng căm thù dân tộc đối với quân Pháp và lòng tin tưởng ở mình.
     
Nhưng đến khi biến cố đã diễn ra với những quy mô lịch sử thực sự của nó, đến khi chỉ biểu lộ lòng căm thù quân Pháp bằng lời nói thôi không còn đủ nữa, đến khi không thể nào biểu lộ lòng căm thù đó ra nữa dù là bằng một trận đánh, đến khi lòng tin tưởng vào mình đã trở nên vô bổ, dù chỉ riêng đối với việc bảo vệ Moskva không thôi cũng vậy, đến khi toàn bộ cư dân muôn người như một đều vứt bỏ tài sản trảy ra ngoài thành phố - Một hành động tiêu cực tỏ rõ tất cả sức mạnh của tinh thần dân tộc, - đến khi ấy thì cái vai trò mà Raxtovsin chọn bỗng nhiên mất hết ý nghĩa. Ông ta bỗng cảm thấy mình cô độc, yếu ớt và lố lăng, thấy mình không còn có chỗ đứng nữa.
     
Đang ngủ bỗng dưng được đánh thức dậy và nhận được bức thư lãnh đạm và có vẻ như ra lệnh của Kutuzov, Raxtovsin cảm thấy mình có lỗi và càng thấy mình có lỗi thì lại càng thêm bực tức.
     
Những gì còn bị bỏ lại ở Moskva chính là những cái đã được phó thác cho ông ta, đó là những tài sản của quốc gia mà đáng lẽ phải đưa ra ngoài. Bây giờ thì không thể nào đưa ra được nữa.
   
"Thế thì lỗi tại ai? Ai đã để cho cơ sự đến nước này? - ông thầm nghĩ - Cố nhiên không phải tại ta. Về phần ta thì mọi việc đều xong xuôi cả, ta nắm vững Moskva như thế này! Thế mà chúng nó đã để cho cơ sự đi đến nước này! Quân khốn nạn, quân phản tặc!" - ông nghĩ thầm, trong óc cũng không xác định được cho rõ những quân khốn nàn, những quân phản tặc nào đấy đã gây ra cái tình trạng dang dở và lố bịch của ông hiện nay.
     
Suốt đêm ấy bá tước Raxtovsin ban bố mệnh lệnh cho các quân viên chức khắp Moskva đến thỉnh thị ông ta. Những người thân cận chưa bao giờ thấy bá tước có vẻ lầm lì và bực bội như đêm hôm ấy.
     
"Bẩm quan lớn, sở thái ấp cho người đến thỉnh thị. Cục giám đốc giáo phận, viện nguyên lão, trường đại học, viện cô nhi, toà giáo chủ. - có cho người hỏi lại - về phần đội cứu hoả thì sao?" - Suốt đêm hôm ấy những người đến báo cáo với bá tước cứ nối đuôi nhau không ngớt.

Đối với tất cả những câu hỏi ấy, bá tước trả lời vắn tắt và bực bội, tỏ ra rằng những mệnh lệnh của ông ta bây giờ không cần thiết nữa, rằng tất cả những công việc mà ông ta đã ra sức chuẩn bị chu đáo nay đã có người làm hỏng và người đó sẽ phải chịu hết trách nhiệm về tất cả những việc sẽ xảy ra nay mai.

- Mày bảo với thằng ngu ấy. - bá tước đáp lại lời thỉnh thị của sở Thái ấp - là cứ ở lại mà canh giữ đống giấy của hắn. Thế còn mày hỏi lằng nhằng cái gì về đội cứu hoả? Có ngựa đấy, cứ việc về Vladimir. Chả nhẽ để ngựa lại cho quân Pháp hay sao?

- Bẩm quan lớn, viên quản đốc nhà điên có đến xin ngài cho lệnh ạ.

- Lệnh ấy à? Đi tất, chỉ có thế thôi. Còn bọn điên thì thả ra phố. Một khi mà quân đội toàn do bọn điên chỉ huy cả, thì cố nhiên là phải như thế.

Nghe hỏi đến các phạm nhân đang giam trong ngục, bá tước giận giữ quát viên cai ngục.

- Thế nào, mày muốn tao cho hai tiểu đoàn đi hộ tống chắc? Tao làm gì có… Thả tất, có thế thôi!

- Bẩm quan lớn có cả tù chính trị nữa ạ… Meskov, Veressaghin.

- Veressaghin à! Nó chưa bị xử giảo à? - Raxtovsin quát lên.

- Đem nó lại đây cho ta.

24
       
Vào khoảng chín giờ sáng, khi quân đội đã kéo qua Moskva, không có ai đến hỏi mệnh lệnh của bá tước nữa. Tất cả những ai có thể đi được thì đã bỏ đi rồi; những người ở lại thì tự quyết định lấy mình phải làm gì.
       
Bá tước ra lệnh thắng ngựa để đi Xokolniki, rồi chắp tay im lặng ngồi trong văn phòng vẻ mặt cau có, nước da vàng vọt.
       
Trong buổi thái bình vô sự, mỗi viên quan hành chính đều có cảm tưởng rằng sở dĩ dân sống được chỉ là nhờ những sợ nỗ lực của mình, họ tin chắc rằng không có mình là không được, và chính cái ý thức đó là phần thưởng lớn nhất cho những công lao khó nhọc của họ. Dĩ nhiên, khi mặt biển lịch sử đang phẳng lặng, thì viên quan cai trị, đứng trên chiếc xuồng mỏng manh của mình, trong khi cầm sào chống vào chiếc tàu lớn của nhân dân mà đi tất nhiên có cảm tưởng rằng chính nhờ mình mà chiếc tàu kia đi được nhưng chỉ cần một trận bão nổi lên làm mặt biển cuộn sóng và chiếc tầu tiến nhanh lên, là cái ảo giác ấy không còn tồn tại được nữa. Chiếc tàu tiến theo cái đà mãnh liệt, độc lập của nó, cái sào không với tới thân tầu được nữa, và từ địa vị của bậc chúa tể, của cội nguồn phát ra sức mạnh, viên quan hành chính đột nhiên biến thành một con người vô nghĩa, vô dụng và yếu ớt. Raxtovsin cảm thấy điều đó và chính điều đó làm cho ông ta bực mình. Viên cảnh sát trưởng vừa rồi bị đám đông chặn hỏi cùng với viên sĩ quan phụ tá đến báo rằng ngựa đã thắng xong, cùng vào phòng bá tước một lúc. Mặt cả hai người đều tái mét. Sau khi báo cáo việc thừa hành công cán vừa rồi, viên cảnh sát trưởng cho biết rằng ngoài sân nhà bá tước có một đám người rất đông đang muốn gặp bá tước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:03:57 pm
Raxtovsin không đáp một lời. Ông ta đứng dậy và đi nhanh ra gian phòng khách sáng sủa và sang trọng của ông ta, bước tới cánh cửa dẫn ra bao lơn, đặt tay lên nắm cửa, nhưng rồi lại buông ra và đến cạnh cửa sổ, nơi có thể trông rõ cả đám đông. Chàng thanh niên cao lớn đứng ở hàng đầu, vẻ mặt nghiêm nghị, đang hoa tay nói gì không rõ. Người thợ rèn máu me bê bết đang đứng cạnh hắn, vẻ lầm lì. Tuy các cửa sổ đều đóng kín, vẫn có thể nghe được tiếng nói ồn ào của đám đông. Raxtovsin rời khỏi khung cửa sổ, nói:

- Xe đã thắng xong chưa?

- Bẩm quan lớn xong rơi ạ, - viên sĩ quan phụ tá đáp.
       
Raxtovsin lại đi về phía cánh cửa dẫn ra bao lơn. Ông hỏi viên cảnh sát trưởng.

- Chúng nó muôn cái gì thế?

- Bẩm quan lớn, chúng nó bảo chúng nó tụ họp lại đế đi đánh Pháp theo lệnh của quan lớn, chúng nó la ó cái gì về chuyện phản quốc ấy. Nhưng đám này có vẻ hung hãn, thưa quan lớn tôi chật vật lắm mới thoát khỏi chúng. Bẩm quan lớn, tôi xin mạn phép bẩm một cách.

- Xin ông đi ra cho, không có ông tôi cũng biết là phải làm gì, - Raxtovsin giận giữ quát.
     
Ông ta đứng ở cửa bao lơn nhìn xuống đám đông, nghĩ thầm: "Đấy bọn chúng đã đưa nước Nga đến nông nỗi này đây! Bọn chúng đã đưa ra đến nông nỗi này đây!" ông cảm thấy trong lòng dấy lên một nỗi căm giận không sao ghìm nổi đối với người nào đó, người mà ông có thể đổ tội là đã gây ra cơ sự này.
     
Với những người nóng nảy thường như vậy: ông ta nổi giận lên rồi nhưng vẫn chưa tìm ra một đối tượng cho cơn giận của mình.
     
Raxtovsin nhìn đám dân chúng, thầm nghĩ:"Đây chính là cái đám dân đen, cái cặn bã của xã hội, đám tiện dân mà sự ngu xuẩn của bọn họ đã làm dấy lên. Phải thí cho nó một cái mồi" - ý nghĩ đó vụt hiện lên trong trí óc Raxtovsin trong khi ông nhìn người thanh niên cao lớn đang hoa tay. Và sở dĩ ông ta bỗng có ý nghĩ đó là vì chính bản thân ông ta cũng đang cần một cái mồi, một đối tượng để trút cơn giận của mình lên.

- Xe đã thắng xong chưa? - ông hỏi lại một lần nữa.

- Bẩm quan lớn xong rồi ạ. Veressaghin thì sao ạ? Hắn đang đợi ở ngoài thềm, - viên sĩ quan phụ tá nói.

- A! - Raxtovsin bỗng reo lên, như chợt nhớ ra một điều gì.
     
Ông vụt mở cửa và quả quyết bước ra bao lơn. Tiếng nói xôn xao bỗng im bặt, những chiếc mũ được bỏ xuống và mắt mọi người đều ngước lên nhìn bá tước vừa ra bao lơn.

- Chào các anh em! - Bá tước nói rất nhanh, và rất to, - Cám ơn các anh em đã đến đây. Tôi xin ra ngay với anh em, nhưng trước hết chúng ta phải xử trí tên phản quốc đã làm cho Moskva thất thủ. Anh em đợi tôi một chút! - Và bá tước lại bước nhanh về phòng, sau khi đóng cửa thật chặt.
     
Một tiếng xì xào đồng tình và vui thích lướt qua đám đông.
     
"Đấy ngài sẽ xử hết bọn gian phi cho mà xem! Thế mà mày bảo là một thằng Pháp. Rồi ngài sẽ liệu cho chúng nó đâu vào đấy", đám người nói nhao nhao như để trách móc nhau đã kém tin tưởng.
     
Mấy phút sau từ cửa chính một viên sĩ quan hấp tấp bước ra hô một mệnh lệnh gì đấy, và thấy đội Long kỵ dàn ra thành hàng. Đám đông rời chỗ bao lơn háo hức dồn về phía thềm. Raxtovsin vẻ giận giữ bước nhanh ra thểm và vội vã đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm người nào.

- Nó đâu rồi? - bá tước hỏi, và ngay lúc ấy ông ta trông thấy hai người lính long kỵ dẫn từ sau góc nhà ra một người trẻ tuổi, cổ cao và gầy, đầu cạo hết một nửa, chỗ bị cạo tóc đã mọc lởm chởm.
   
Người trẻ tuổi mặc một chiếc áo Tu-lup da chồn phủ dạ xanh, trước kia chắc cũng khá bảnh bao, một cái quần vải dày cáu ghét của phạm nhân nhét vào đôi ủng da mịn đã vẹt gót và rất bẩn thỉu. Trên đôi chân gày gò và yếu ớt lủng lẳng những sợi xiềng làm cho bước đi ngập ngừng của người trẻ tuổi thêm chật vật.

- À! Raxtovsin vừa nói vừa ngoảnh mặt đi, tránh nhìn vào người trẻ tuổi mặc áo da chồn, rồi chỉ vào bậc cấp dưới cùng trước thềm nói - Để nó đứng đấy!
     
Người trẻ tuổi nặng nề bước lên bậc thềm, xiềng xích kêu lẻng xẻng, hắn đưa ngón tay lên nới cái cổ áo quá chặt, quay đi quay lại cái cổ dài ngoằng rồi thở dài đưa hai bàn tay mảnh dẻ có vẻ chưa bao giờ làm việc nặng, đặt trước bụng với một cử chỉ nhẫn nhục.
   
Im lặng kéo dài mấy giây, trong khi người trẻ tuổi bước lên bậc thềm. Chỉ ở các hàng sau mới nghe có tiếng ho khục khặc, tiếng rền rĩ và tiếng giẫm chân của những người đang cố xô đẩy nhau về một phía.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:04:51 pm
Raxtovsin, trong khi chờ người trẻ tuổi đứng vào chỗ đã định, cau mày và đưa tay lên xoa mặt.

- Anh em ơi! - Raxtovsin nói, giọng vang lên lanh lảnh, - Tên này là Veressaghin, chính cái tên khốn nạn đã làm cho Moskva thất thủ.

Người trẻ tuổi mặc áo da chồn đứng yên, dáng nhẫn nhục hai tay chắp lại trước bụng, người hơi cúi xuống. Khuôn mặt gầy gò, non trẻ của hắn có vẻ tuyệt vọng. Mái tóc cạo nham nhở cúi gầm xuống. Nghe bá tước nói mấy tiếng đầu, hắn từ từ ngẩng mặt lên và ngước mắt nhìn lên phía bá tước, vẻ như muốn nói với ông ta điều gì hay chỉ là bắt gặp được mắt ông ta thôi cũng được.   Nhưng Raxtovsin không nhìn hắn. Trên cái cổ cao và gầy của người trẻ tuổi, ở phía sau tai một đường gân xanh bỗng nổi lên như một sợi dây thừng, và da mặt hắn bỗng đỏ bừng lên. Mắt mọi người đều đổ dồn vào hắn. Hắn nhìn đám đông, và dường như vẻ mặt của lthững người đứng trước mặt làm léo lên trong lòng hắn một tia hy vọng, hắn buồn rầu và bẽn lẽn mỉm ười rồi lại cúi gám mặt xuống, nhích nhích hai bàn chân đứng trên bậc thềm.
   
- Nó đã phản bội Sa hoàng và tổ quốc nó đã quy hàng Bonaparte, trong toàn dân chỉ có một mình nó đã làm hoen bẩn thanh danh người Nga, và chính vì nó mà Moskva thất thủ, - Raxtovsin nói, giọng đanh và đều đều nhưng bỗng nhiên mắt ông ta liếc nhanh xuống chỗ Veressaghin, lúc bấy giờ vẫn đứng yên với dáng điệu nhẫn nhục như cũ. Dường như khi nhìn thấy thế ông ta bỗng điên tiết lên: Raxtovsin giơ cao tay, quay về phía đám đông nói to gần như quát: - Anh em hãy xử tội nó đi! Tôi trao nó cho anh em đấy!
Đám dân chúng lặng thinh và chỉ ép vào nhau sát hơn nữa.
 
Đứng chen chúc trong cáii không khí ngột ngạt hơi người này không sao cựa mình được để chờ đợi một việc gì không ai biết rõ, một việc khó hiểu và kinh khủng sắp xảy ra - Điều đó đã trở thành một cái gì không sao chịu nổi. Những người đứng ở các hàng trước, được thấy và được nghe tất cả những gì đang xảy ra trước mắt, mắt vẫn giương to và kinh hãi, mồm vẫn há hốc, đang cố sức cưỡng lại sức xô đẩy của những người đứng sau đè nặng lên lưng.
     
Raxtovsin thét:

- Hạ thủ nó đi! Hãy giết chết tên phản tặc. Đừng để cho nó làm ô danh nước Nga! Chém đi! Ta ra lệnh như thế đấy.
   
Đám đông không nghe Raxtovsin nói gì, chỉ nghe thấy giọng nói giận dữ của ông ta. Họ rên lên một tiếng và nhích tới nhưng rồi lại đứng yên.

- Bá tước! - Trong phút im lặng vùa trở lại bỗng nghe giọng nói rụt rè mà đồng thời lại có vẻ đóng kịch của Veressaghin. - Thưa bá tước. Chỉ có Thượng đế mới xét xử chúng ta. - Veressaghin ngẩng đầu lên, và đường gân xanh to tướng trên cái cổ khẵng khiu của hắn lại nổi lên, mặt hắn đỏ lại tái nhợt đi rất nhanh. Hắn không nói hết được những điều đang muốn nói.

- Chém chết nó đi! Ta ra lệnh như vậy! Raxtovsin quát lên, mặt bỗng tái mét y như mặt Veressaghin.

- Tuốt gươm ra! Viên sĩ quang hô to ra lệnh cho mấy người lính long kỵ, và tự mình tuốt gươm ra khỏi. Một luồng sóng mãnh liệt hơn nữa cuộn lên trong đám đông và khi lan ra các hàng người phía trước luồng sóng ấy xô những người đứng trước tràn tới, nhấp nhô đến tận sát bậc thềm. Chàng thanh niên cao lớn, nét mặt cứng đờ ra như đá, cánh tay giơ lên không nhúc nhích, đứng sát cạnh Veressaghin.

- Chém! - Viên sĩ quan nói với mấy người lính long kỵ, giọng gần như thều thào, và một người lính, vẻ mặt hằn học trông rất gở, giơ sống gương đánh vào đầu, Veressaghin kêu lên một tiếng ngắn ngủi và kinh ngạc, hoảng hốt nhìn quanh như không hiểu tại sao mình lại bị xử trí như thế.
       
Một tiếng rên rỉ ngạc nhiên và kinh hãi như vậy cũng truyền khắp dám đông.
     
"Trời ơi", - Có ai kêu lên một tiếng não lòng.
     
Nhưng sau tiếng kêu ngạc nhiên vừa thốt ra, Veressaghin bắt đầu gào lên vì đau đớn, và tiếng gọi ấy đã hãm lại hắn. Cái tình cảm nhân loại như một sợi dây căng thẳng đến tột độ còn giữ đám người lại mãi đến bây giờ, bỗng nhiên đứt tung ra. Tội ác đã mở đầu, và không thể nào đi đến cùng được. Tiếng kêu đau đầy ý trách móc bị tiếng gầm thét của đám đông át đi. Như đợt sóng cuối sùng đánh chìm chiếc tàu, đợt sóng cuối cùng không sao ngăn nổi của đám đông từ các hàng người phía sau cuộn lên và tràn ra các hàng trước lật ngã nó và nuốt chửng mọi vật. Người kính long kỵ toan giơ gươm lên chém, lại một lần nữa Veressaghin rú lên một tiếng kinh hãi, giơ hai tay ra chống đỡ và né người về phía đám đông, xô vào người thanh niên cao lớn. Hắn liền giơ hai tay chộp lấy cái cổ khẳng khiu của Veressaghin, hét lên một tiếng man rợ và hai người cùng ngã xuống dưới chân đám đông đang gầm gừ chồm tới.
     
Người thì đánh đấm, cấu xé Veressaghin, người thì lại đánh, xé chàng thanh niên cao lớn. Tiếng kêu của những người bị giẫm đạp và của những người muốn cứu chàng thanh niên cao lớn kia chỉ làm cho sự phẫn nộ của đám đông càng thêm điên cuồng. Những người lính long kỵ một hồi lâu không sao gỡ ra được người thợ máu me đầm đìa, bị đánh gần chết. Và một hồi lâu, tuy đám đông đang hối hả cố hoàn thành cho nhanh cái việc đã mở đầu kia, nhưng những kẻ đánh đạp bóp cổ và cấu xé Veressaghin cũng không sao giết chết được hắn; đám đông dồn ép họ từ bốn phía, kẹp họ vào giữa thành một khối dày đặc, khi xô sang bên này, khi dồn sang bên kia, khiến cho họ không sao giết chết tươi được Veressaghin, mà cũng không sao bỏ hắn ra được.

- Lấy rìu mà bổ cho chết chứ? Giẫm chết mất rồi, một thằng phản tặc bán cả Chúa Cơ-đốc! Hắn còn sống. Sống dai thật.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:05:29 pm
- Đáng đời quân gian phi!… Lấy rìu mà bổ!… Còn sống à…?".
     
Mãi đến khi nạn nhân đã thôi chống đỡ và những tiếng kêu la của hắn đã nhường chỗ cho một tiếng phều phào thoi thóp đều đều và kéo dài, đám đông mới vội vã lui ra và bắt đầu đi lại quanh cái xác chết đẫm máu. Mỗi người đều lại gần xem người chết rồi lùi lại ngạc nhiên, kinh hãi và đầy vẻ trách móc.
   
Trong đám đông có tiếng nói: "Ôi lạy chúa, họ chẳng khác nào loài thú dữ, anh ta sống làm sao được! Anh ta còn trẻ. Chắc con cái nhà buôn! Họ thế đấy. Nghe nói không phải anh ta. Người khác kia. Sao, người khác à, trời ơi. Còn người kia nữa, nghe nói cũng bị đánh gần chết. Chao ơi, họ thế đấy. Không sợ phải tội với trời đất". - Chính những người lúc nãy bây giờ lại than thở như vậy họ đau xót đứng nhìn cái xác chết với khuôn mặt tím bầm bê bết máu lẫn đất và cái cổ dài và mảnh bị chém đứt.
     
Một viên chức cảnh sát cần mẫn cho rằng để một xác chết nằm trong sân dinh quan lớn là một điều thất nghi, liền ra lệnh cho lính long kỵ kéo xác người bị chết ra đường. Hai người lính nắm lấy hai bàn chân đầy thương tích lôi đi. Cái đầu cạo nham nhở trên cái cổ dài của người chết, bê bết máu và bụi kéo lê sệt dưới đất, hết nghiêng bên này lại nghẹo bên kia. Đám đông chen nhau giạt ra một bên, tránh cho xa cái xác chết.
       
Trong khi Veressaghin ngã xuống và đám đông xô đẩy nhấp nhô trên người hắn với một tiếng gầm thét man rợ, Raxtovsin bỗng tái mặt đi, và đáng lẽ phải đi ra thềm sau, nơi chiếc xe ngựa đang đợi ông ta, thì ông ta lại cúi đầu bước nhanh theo dãy hành lang dẫn xuống các phòng ở tầng dưới, mà cũng chẳng biết mình đi đâu và để làm gì nữa. Bá tước tái mét, và tuy ông đã cố sức cưỡng lại, hàm dưới của ông ra cứ run lên bần bật như đang cơn sốt.

- Bẩm quan lớn phía này ạ. Bẩm quan lớn đi đâu thế ạ? Xin rước quan lớn ra lối này. - Một giọng nói run sợ ở sau lưng ông ta. Bá tước Raxtovsin bấy giờ không còn đủ sức mở miệng trả lời nữa, ông ta ngoan ngoãn quay lại đi về phía người ta vừa chỉ cho mình. Ở thềm sau có một chiếc xe song mã đang đứng đợi. Ngay ở đấy tiếng gầm thét xa xa của đám đông vẫn còn vẳng đến. Bá tước Raxtovsin hối hả ngồi lên xe và bảo đánh về ngôi biệt thự ngoại thành của ông ở Xokolniki. Khi đã đến phố Miasnixkaya và không còn nghe tiếng hò hét của đám đông nữa, bá tước bắt đầu hối hận.
       
Ông bực mình nhớ lại cái vẻ xúc động và sợ hãi mà ông ta đã để lộ ra trước mặt các thuộc hạ. Ông nghĩ thầm bằng tiếng Pháp: "Đám cùng dân thật là kinh khủng, gớm guốc. Chúng nó thật như người lang sói, phải có thịt tươi cho chúng thì mới yên được".
     
"Bá tước! Chỉ có thượng đế mới xét xử chúng ta" - Raxtovsin chợt nhớ câu nói của Verssaghin, và một cảm giác lạnh buốt khó chịu vụt luồn qua sống lưng ông ta. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua trong giây lát, rồi bá tước Raxtovsin lại mỉm cười khinh bỉ chế nhạo mình. "Ta còn nhiều nhiệm vụ khác, - Ông thầm nghĩ, - Cần phải ổn định nhân tâm. Biết bao nạn nhân khác đã chết và đang chết vì công ích. - Rồi ông ta bắt đầu nghĩ đến những bổn phận chung chung của ông ta đối với gia đình của mình, đối với kinh đô của mình (nghĩa là đã được giao phó cho mình cai trị) và đối với bản thân - nhưng bản thân đây không phải là Feodor Vaxilievich, Raxtovsin (ông ta cho rằng Feodor Vaxilievich phải hy sinh cho công ích), mà lại quan tổng đốc tư lệnh, người đại diện của chính quyền và người đã được hoàng đế uỷ thác toàn quyền hành động.
         
"Giá ta chỉ là Feodor Vaxilievich, thì con đường xử trí của ta sẽ vạch ra một cách khác hẳn, nhưng đây lại phải bảo tồn cả tính mệnh danh giá của một vị tổng đốc".
     
Trong khi khẽ lắc lư trên cái ổ díp mềm mại của cỗ xe và không còn nghe tiếng la ó kinh khủng của đám đông nữa, Raxtovsin trở lại bình tĩnh về thể chất và cũng như thói thường vân thế, đồng thời với trạng thái bình tĩnh về thể chất thì lý trí cũng tìm ra những lý do cho ông ta trở lại bình tĩnh về tinh thần. Ý nghĩ làm cho Raxtovsin bình tĩnh lại chẳng phải là một ý gì mới mẻ. Kể từ khi khai thiên lập địa, kể từ khi loài người bắt đầu chém giết nhau, chưa bao giờ có một người nào phạm một tội ác đối với đồng loại mà lại khônng dùng ý nghĩ này để tự yên ủi. Ý nghĩa đó chính là công íchl, là phúc lợi của những người khác.
     
Một người không bị dục vọng khống chế thì không bao giờ biết đến cái công ích này; nhưng một người đang nhúng tay vào một tội ác bao giờ cũng biết rất rõ cái công ích đó là cái gì. Và giờ đây Raxtovsin cũng biết rõ điều đó.
   
Trong khi suy luận ông ta không những không tự trách mình về hành động vừa rồi, mà còn tìm ra những lý do tự mãn về việc ông ta lợi dụng cái đó một cách đúng lúc và có công hiệu - vừa trừng trị kẻ có tội mà lại vừa ổn định được nhân tâm.
     
"Verssaghin đã bị toà xử tử hình - Raxtovsin thầm nghĩ (thật ra Verssaghin chỉ bị viện nguyên lão xử phạt khổ sai) - Hắn là một tên gian tặc và phản quốc; ta không thể tha cho hắn được, ngoài ra làm như vậy thật là nhât cử lưỡng đắc3: ta đã cung cấp cho dân một vật hy sinh để cho họ yên tâm, và đồng thời lại trừng trị được tên gian phi".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:06:04 pm
Về đến biệt thự và bắt tay vào sai bảo những việc vụn vặt trong nhà, bá tước đã bình tĩnh hẳn lại. Nửa giờ sau bá tước lên một chiếc xe thắng một bộ ngựa rất nhanh, cho đám xe qua cánh đồng Xokolniki. Bây giờ ông ta không còn nhớ gì những việc vừa xảy ra nữa, chỉ suy nghĩ đến những việc sẽ còn xảy ra sau này. Xe đang đi về phía cầu Yauxki, nơi mà người ta bảo là Kutuzov hiện đang ghé lại. Bá tước Raxtovsin sắp sẵn trong trí óc những lời trách cứ giận dữ và chua chát mà ông ta sẽ nói với Kutuzov, người đã lừa dối ông ta. Ông sẽ cho con cáo già triều đình thấy rằng tất cả những tai hoạ so việc bỏ ngỏ thủ đô, do việc nước Nga thất thủ (Raxtovsin nghĩ như vậy) gây ra, đều là tại cái đầu óc lẩm cẩm của hắn ta cả. Trong khi sắp sẵn những lời lẽ nói với Kutuzov, Raxtovsin giận dữ trở mình trên xe và hầm hầm đưa mắt nhìn quanh.
     
Cánh đồng Xokolniki vắng tanh. Chỉ về phía cuối, bên cạnh nhà tế bần và nhà thương điên thấy có những tốp người mặc áo quần trắng và máy người đi lẻ cùng ăn mặc như vậy đang băng qua cánh đồng, vừa đi vừa quát tháo và hoa chân múa tay.
   
Một trong những người đó chạy về phía xe. Bá tước Raxtovsin, người đánh xe và mấy người lính long kỵ đều có một cảm giác mơ hồ sợ hãi vừa tò mò khi nhìn những người điên thả rông này, và nhất là người đang chạy lại gần họ. Bước lảo đảo trên đôi chân cao lòng khòng, tà áo phanh ra phất phới hai bên, người điên này chạy lại rất nhanh, mắt nhìn chòng chọc vào Raxtovsin, cất giọng khàn khàn quát tháo những tiếng gì không rõ và ra hiệu cho ông ta dừng xe lại. Mặt người điên gầy gò và vàng vọt, râu ria nham nhở đám dài đám ngắn. Hai con ngươi đen lánh như mã não của hắn ta đảo qua đảo lại, trợn ngược xuống phía dưới, để lộ hai mảng lòng trắng màu nghệ.

- Đứng lại! Đứng lại! Tao đã bảo đứng lại mà? - người điên hét lên the thé, và lại hổn hển quát tháo cái gì không rõ, có vẻ như ra lệnh, vừa quát vừa hoa chân múa tay.
     
Hắn đã đến ngang tầm xe và chạy song song bên cạnh.

- Chúng nó đã giết tao chết ba lần, đã ba lần tao sống lại. Chúng nó lấy đá đập tao, chúng nó đã đóng đinh tao lên cây thập tự. Tao sẽ sống lại, sống lại, sống lại. Chúng nó xé xác tao ra.   Vương quốc của Đức Chúa trời sẽ sụp đổ. Tao sẽ phá đổ ba lần và ba lần sẽ dựng nó lại! - Hắn quát, mỗi lúc một to giọng.
     
Bá tước Raxtovsin bỗng tái mặt đi như khi đám đông vồ lấy Verrssaghin. Ông ta quay đi, cất giọng run run nói với người xà ích.

- Ch…o… cho xe đi nhanh lên?
     
Chiếc xe song mã lao nhanh hết tốc lực; nhưng hồi lâu ở phía sau lưng, bá tước Raxtovsin còn nghe tiếng la hét thất thanh, rồ dại mỗi lúc một xa dần, và trước mắt thì chỉ thấy cái mặt đẫm máu, lộ vẻ kinh ngạc và sợ hãi của tên phản bội mặc áo tu lúp da chồn.
   
Tuy kỷ niệm này rất mới mẻ, bấy giờ Raxtovsin cũng cảm thấy rằng nó đã khắc sâu vào tim ông ta, khắc sâu đến bật máu tim ra.

Bây giờ ông đã thấy rõ ràng dấu vết máu của kỷ niệm này sẽ không bao giờ phai nhạt, mà trái lại cái kỷ niệm khủng khiếp ấy sẽ càng ngày càng da diết hơn, ác liệt hơn, cứ thế mà sống mãi trong lòng ông ta cho đến giờ chết. Ông có cảm tưởng như đang nghe văng vẳng bên tai những lời ông đã nói: "Chém chết nó đi, ta ra lệnh như vậy, nếu không chúng bay sẽ chết với ta!". Ông thầm nghĩ: "Tại sao ta lại nói như thế! Hình như ta đã buột miệng nói ra thì phải. Lúc đó ta có thể không nói như vậy: nếu vậy thì đã chẳng có gì xảy ra hết". Ông hồi tưởng lại vẻ mặt sợ sệt rồi bỗng chuyển sang hằn học của người lính long kỵ đã giơ gươm chém vào tên phản tặc và cái nhìn lặng lẽ, rụt rè và đầy trách móc của người thanh niên mặc áo tu lúp đã ngước lên nhìn ông". Nhưng ta làm như vậy có phải vì ta đâu. Ta đã buộc lòng phải làm như vậy, Đám dân đen, tên phản tặc công ích! - ông nghĩ thầm.
     
Bên cầu Yauxki quân lính vẫn còn chen chúc. Khí trời oi bức, Kutuzov, vẻ ủ dột, cau có, đang ngồi trên một chiếc ghế dài ở dầu cầu và lấy chiếc roi vẽ loằng ngoằng trên cát, khi chiếc xe song mã lăn ầm ầm đến đỗ cạnh chỗ ông. Một người mặc quân phục cấp tướng đội mũ có ngũ lông, mắt đảo qua đảo lại không biết vì sợ hãi hay vì tức giận, tiến lại gần Kutuzov và bắt đầu nói với ông một câu gì bằng tiếng Pháp. Đó là bá tước Raxtovsin. Ông ta nói với Kututzov rằng ông ta đến đây là vì nay Moskva không còn nữa, thủ đô không còn nữa, chỉ có quân đội mà thôi. Ông ta nói:

- Giá đại nhân đừng nói với tôi rằng đại nhân sẽ không bỏ Moskva mà không giao chiến, thì cơ sự sẽ khác hẳn, có đâu đến nông nỗi này!

Kutuzov đưa mắt nhìn Raxtovsin và dường như không hiểu người ta nói gì với mình, ông ra sức nhìn kỹ gương mặt của người đang nói như để tìm một ý nghĩ gì đặc biệt phản chiếu trên gương mặt ấy. Raxtovsin đâm luống cuống: ông ta im bặt. Kutuzov khẽ lắc đầu và vẫn nhùl chằm chặp vào mắt Raxtovsin, ông nói khẽ:

- Phải, tôi sẽ không bỏ Moskva mà không chiến đấu.
       
Không biết khi có nói câu này Kutuzov mải nghĩ đến một việc gì khác hẳn, hay ông ta biết rõ nó vô nghĩa hết sức mà vẫn cố ý nói ra; nhưng bá tước Raxtovsin không đáp lấy một câu nào, vội, vàng bỏ ra chỗ khác. Và lạ thay! Quan tổng đốc tư lệnh thành Moskva, bá tước    Raxtovsin kiêu hãnh, cầm lấy một ngọn roi, bước lại gần cầu vừa hò hét vừa đánh đuổi những chiếc xe tải đang chen chúc ở đầu cầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:06:51 pm
Phần XI
Chương - 25

Vào khoảng gần bốn giờ trưa, quân đội của Mura tiến vào Moskva. Đi trước là một chi đội phiêu kỵ Vurtemberg, và tiếp theo là đích thân "quốc vương thành Napoli"(1) cưỡi ngựa cùng đi với một đoàn tuỳ giá rất đông.

Vào khoảng giữa Arbat, gần Lilolai Yaivlenny, Mura dừng lại chờ tin tức của đạo tiến quân loan tin báo về tình hình của thành "Kremlin".
   
Một tốp người gồm những cư dân ở lại Moskva tụ tập lại xung quanh Mura. Mọi người đều rụt rè và ngỡ ngàng ngắm nghía ông chỉ huy kỳ quặc để tóc dài, quân phục thêu thùa đầy những kim tuyến, mũ cắm đầy những lông chim.

- Thế nào, Sa hoàng của họ đấy à? Trông cũng bảnh đấy chứ! - Trong đám đông có tiếng nói khẽ.
     
Một viên thông ngôn cưỡi ngựa lại gần. Trong đám đông có tiếng giục nhanh:

- Cất mũ đi. Cất.
   
Viên thông ngôn hỏi một người gác cổng già, xem từ đây đến thành Kreml có còn xa không? Lão gác cổng nghe cái giọng Ba Lan lạ tai quá, không nhận ra rằng đó là tiếng Nga không hiểu viên thông ngôn muốn nói gì, và lẩn ra sau lưng mấy người khác.
     
Mura cho ngựa bước lại gần viên thông ngôn, và bỗng có tiếng người cùng trả lời một lúc. Một viên sĩ quan Pháp từ đạo tiến quân trở lại báo với Mura rằng cổng thành đã đóng và hình như có quân mai phục bên trong.

- Được! - Mura nói, đoạn quay về phía một sĩ quan trong đoàn tuỳ tùng, ra lệnh đem bốn khẩu khinh pháo bắn vào cổng thành.

Đội pháo binh từ đạo quân đi sau Mura tiến ra vào đoàn xe kéo pháo chạy dọc theo phố Arbat. Đi đến cuối phố Vorevienka, đội pháo binh dừng lại và xếp thành thế trận trên quảng trường.

Mấy viên sĩ quan Pháp cho bố trí các khẩu đại bác và bắc ống nhòm nhìn vào thành Kreml.

Trong thành bỗng vẳng ra tiếng chuông nguyện buổi chiều. Hồi chuông làm cho quan Pháp hoang mang lo
lắng. Họ tưởng là hồi chuông báo động kêu gọi dân chúng cầm vũ khí chạy về phía cổng Kutafiev. Cổng này có chống thêm những khúc gỗ và những tấm ván. Người sĩ quan vừa dẫn đội bộ binh chạy lại phía cổng thì từ phía trong cổng nổ ra hai phát súng trường. Viên tướng đứng cạnh bốn khẩu pháo liền ra lệnh cho viên sĩ quan dẫn tốp lính chạy lùi lại.
     
Trong cổng còn nghe thêm ba tiếng súng nổ. Một phát súng trường bắn trúng chân một người lính Pháp, phía sau đống gỗ ván chống ở cạnh cổng bỗng vang lên mấy tiếng reo kì lạ của một nhóm người không đông lắm. Vẻ vui tươi và điềm tĩnh trên gương mặt tên tướng Pháp, các sĩ quan và binh lính Pháp, bỗng cùng một lúc, răm rắp như một mệnh lệnh nhường chỗ cho một vẻ mặt đăm chiêu biểu lộ tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng đau khổ. Đối với họ, kể từ viên thống soái cho đến người lính thường chỗ này không phải là Vozdvizenka, Mokhovaya, Kutuafia hay là cửa ô Troixki mà là một địa điểm mới của chiến trường mới, nơi có, lẽ sắp xảy ra một chận huyết chiến. Và mọi người đều chuẩn bị bước vào trận chiến đấu này: những tiếng reo trong cổng đã im bặt. Bốn khẩu pháo đã được đẩy tới. Mấy người pháo binh thổi cho bùi nhùi cháy to lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:07:25 pm
Viên sĩ quan hô to: "Bắn!" và hai tiếng đạn rít kế tiếp nhau. Loạt đạn ria vỗ đôm đốp vào nền đá và đống gỗ ván ở cổng thành; và hai đám khói lớn từ quảng trường bốc lên.
     
Tiếng vang của loạt đạn từ bức thành đá của điện Kremli dội ra im đi được một lát thì trên đầu quân Pháp bỗng nghe có một âm thanh kỳ lạ. Một đám quạ đông hàng nghìn con bay lên lượn vòng trên thành, kêu quang quác và vỗ cánh rào rào. Đồng thời từ cánh cổng vang lên một tiếng cười thét đơn độc và từ sau làn khói hiện ra một bóng người mặc kaftan không đội mũ. Người đó cầm một khẩu súng chĩa vào quân Pháp.
Bắng viên sĩ quan pháo binh lại hô và một phát súng trường cùng hai phát đại bác cùng nổ vào một lúc. Khói lại phủ kín cổng thành.
   
Sau đống gỗ ván không thấy động đậy gì nữa và đám quân lình và sĩ quan Pháp lại gần cổng. Trước cổng thành có ba người bị thương và bốn người chết nằm ngổn ngang. Hai người mặc áo kaftan chạy dọc theo bức thành, về phía Znamenka.

Viên sĩ quan chỉ đống gỗ và mấy xác chết, nói:

- Hốt đi!
   
Quân Pháp bắn mấy người bị thương cho chết hẳn và quăng xác qua tường. Những người ấy là ai, thì chẳng có người nào biết.
   
Người ta chỉ có: "Hốt đi!" rồi quẳng đi; về sau họ lại được mang đi lần nữa, cho khỏi thối. Chỉ có một mình Tyer dành cho vong hồn họ mấy dòng chữ bao hàm nhiều ý nghĩa:
     
"Những kẻ khốn nạn ấy đã xông vào thành Kreml thần thánh kiếm được mấy khẩu súng trong kho vũ khí và bắn (cái quân khốn nạn) vào người Pháp. Người ta đã chém chết mấy tên và quét sạch chúng ra khỏi điện Kremli".
     
Họ báo cáo với Mura là đường vào thành đã mở. Quân Pháp tiến vào cổng thành và bắt đầu đóng thành doanh trại ở quảng trường nguyên lão viện. Quân lính vứt ghế ra cửa sổ nguyên lão viện để nhóm bếp.
     
Những đội quân khác kéo qua điện Kreml và chia nhau hạ trại ở Mozaixeyka, Lebianka, Tverkaya, Nikolxkaya. Chẳng có nơi nào còn chủ nhà nữa nên quân Pháp không đóng như khi trú quân ở nhà dân, mà lại đóng thành một doanh trại dải rộng ra trong thành phố.
   
Mặc dầu rách rưới đói khát, mệt lả và chỉ còn được một phần ba quân số cũ, quân Pháp vẫn tiến vào Moskva thành đội ngũ chỉnh tề.
       
Đó là một quân đội đã mỏi mệt, kiệt quệ nhưng vẫn là một quân đội thiện chiến hùng mạnh. Nhưng chỉ còn là một quân đội cho tới khi các đơn vị phân tán ở rải rác trong các khu phố: quân lính vừa chia nhau vào ở các toà nhà trống trải và sang trọng trong thành thì quân đội đã vĩnh viễn mất đi, và thay vào đó là một thứ gì chẳng phải là dân, chẳng phải là lính, mà là một hạng trung gian, thường gọi là những kẻ đi hôi của. Năm tuần sau, khi chính những con người đó ra khỏi Moskva, thì họ không còn là một quân đội nữa. Đó là một đám người đi hôi của, trong đó ai nấy đều chở hay mang theo một đống đồ đạc mà họ cho là quý giá hay cần dùng. Mục đích của mỗi người khi ra khỏi Moskva không còn là chinh phục đất người như trước kia nữa, mà chỉ là làm sao giữ lại những của cải đã vớ được.
     
Giống như con khỉ thò tay vào hũ bốc được một nắm hạt dẻ rồi không rút tay ra được vì miệng hũ quá hẹp, nhưng vẫn không chịu thả hạt dẻ ra, cứ thế mà chịu chết, quân Pháp khi rút khỏi Moskva hẳn là cũng sẽ phải chết vì cứ cố mang theo những vật đã cướp được mà không thể nào bỏ những vật ấy lại, cũng như con khỉ không thể nào bỏ lại nắm hạt dẻ. Mười phút sau khi một trung đoàn Pháp tiến vào một khu phố nào đấy ở Moskva và đã không còn lại một người lính hay một sĩ quan nào nữa trong các khung cửa sổ có thể thấy thấp thoáng những con người mặc áo ca-pốt và đi ghệt, cười ha hả đi lang thang khắp các phòng; trong các gian chứa thức ăn và trong các hầm rượu cũng có những người như vậy đang tha hồ sử dụng các thứ lương thực; trong các sân cũng có những người như vậy đang mở và đập phá các cửa vựa thóc và tàu ngựa; trong các bếp họ nhóm lửa, xắn tay áo lên, luộc, nấu, rán, nhào bột, doạ nạt đàn bà trẻ con, trêu cho họ cười, vuốt ve họ. Và những người ấy thì dâu đâu cũng có rất nhiều, trong các cửa hiệu trong các nhà; nhưng quân đội thì không còn nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 04:08:22 pm
Ngay hôm ấy các sĩ quan chỉ huy Pháp đã ra hết lệnh này đến lệnh nọ cấm các đơn vị không được phân tán trong thành phố, nghiêm cấm việc hành hung cư dân và trộm cắp của cải, ấn định ngay tối hôm ấy sẽ tổng kiểm điểm quân số; nhưng dù có tiến hành biện pháp gì đi nữa thì những con người mà trước đây đã từng làm thành một quân đội, đều vẫn cứ tràn dần ra khắp cái thành phố trống trải giàu có và lắm tiện nghi, lắm thức ăn uống này.
     
Moskva không còn dân cư nữa, và như nước thấm vào cát, quân lính bị hút sâu vào các phố phường từ điện Kreml là nơi họ vào trước tiên, toả ra bốn phía như những cánh sao, không gì cưỡng lại được. Mấy người lính kỵ mã vào nhà một người lái buôn còn nguyên đồ đạc, tầu ngựa rộng rãi thừa chỗ buộc ngựa, nhưng vẫn sang choán thêm ngôi nhà bên cạnh vì họ có cảm tưởng là nhà này còn tốt hơn nữa. Nhiều người chiếm đến ba bốn nhà, lấy phấn viết tên mình ở trước cổng, cãi cọ và thậm chí còn đánh nhau với đơn vị khác để tranh nhà. Chưa kịp dọn xong chỗ ở, quân lính đã chạy ra ngắm cảnh phố phường và khi nghe đồn là dân cư đã bỏ hết của cải lai, họ ùa nhau chạy đến những nơi nào có thể vớ được nhiều đồ vật quý giá. Các sỹ quan chỉ huy đi gọi quân lính trở về, cũng bất giác làm theo họ ở khu Karetny Riad có những cửa hàng đóng xe còn để lại rất nhiều xe cộ, thế là các tướng tá tấp nập kéo đến để chọn xe.
     
Những người dân còn ở lại mời các sỹ quan chỉ huy về nhà, mong dựa vào họ để khỏi bị quân lính cướp bóc. Của cải nhiều vô số tưởng chừng không sao kể xiết; quanh những nơi có quân Pháp đóng, đâu đâu cũng thấy còn những nơi chưa khám phá, chưa bị chiếm và quân Pháp cứ có cảm giác là những nơi ấy, lại còn có nhiều của cải hơn. Và Moskva nỗi lúc một hút sâu quân Pháp vào lòng. Khi đổ nước xuống đất khô, thì nước cũng biến mất, mà đất khô cũng không còn; khi một quân đội đói khát tiến vào một thành phố trù phú bị bỏ trống cũng vậy; quân đội cũng biến mất, mà thành phố trù phú cũng chẳng còn: chỉ còn lại rác rưởi, trộm cắp và hoả hoạn.
     
Người Pháp gán việc đốt cháy Moskva cho lòng ái quốc hung tàn và Raxtovsin; người Nga gán việc đó cho sự tham tàn dã man của quân Pháp. Thật ra không có và không thể có nguyên nhân nào gây nên vụ hoả hoạn Moskva, nếu hiểu nguyên nhân đây là phần trách nhiệm của một người hay một số người nào đó tới Moskva cháy là vì nó được đặt vào những điều kiện mà bất cứ thành phố nào làm bằng gỗ cũng phải cháy, bất luận trong thành phố đó có hay không có một trăm ba mươi cái vòi chữa cháy hạng tồi, Moskva tất phải cháy là vì dân cư đã đi hết. Nó cũng cháy một cách tất nhiên như một đống vỏ bào tất phải cháy nếu cứ có những tán lửa liên tiếp rơi xuống trong mấy ngày liền. Một thành phố làm bằng gỗ mà ngay khi các dân cư các chủ nhà còn ở lại và trong thành phố còn có một đội cảnh sát, hầu như ngày nào cũng có đám cháy, thì không thể nào không cháy khi trong thành phố không có dân ở nữa mà chỉ có những đội quân hút thuốc, lấy ghế của viện nguyên lão ra đun bếp trên quảng trường của viện, mỗi ngày hai lần thổi nấu. Vào thời bình, chỉ cần có những đơn vị bộ đội trú quân ở trong các làng thuộc một địa phương nhất định là số đám cháy trong địa phương ấy tăng lên. Thế thì khả năng xảy ra hoả hoạn còn tăng lên đến chừng nào khi một đội quân ngoại quốc đóng trong một thành phố bằng gỗ không dân? Cái lòng ái quốc hung tàn của Raxtovsin và sự tham tàn dã man của quân Pháp không hề dính dáng gì ở đây cả.

Moskva cháy là vì những tẩu thuốc, những cái bếp, những đống lửa, vì sự cẩu thả của quân lính địch, của những kẻ ở trong nhà nhưng không phải là chủ nhà. Và chăng dù có những kẻ cố tình đi đốt chăng nữa - điều này rát khó tin, vì chẳng có lý do gì để đốt nhà, và dù sao đốt nhà như vậy cũng là một công việc khó khăn và nguy hiểm, thì cũng không thể xem những người đó là nguyên nhân, bởi vì không có họ thì cơ sự cũng vẫn thế.
   
Dù người Pháp lấy làm thích thú buộc tội cho tính hung tàn của Raxtopsin, dù người Nga lấy làm thích thú buộc tội cho tên giặc Bonaparte, rồi về sau lại cho rằng bàn tay nhân đạo họ đã giơ ngọn đuốc anh hùng lên đốt cháy kinh đô, thì cũng không thể nào không thấy rằng vụ hỏa hoạn này không thể có một nguyên nhân trực tiếp như vậy, bởi vì thế nào rồi Moskva cũng phải cháy, như bất cứ làng nào, bất cứ nhà máy nào, bất cứ ngôi nhà nào mà các chủ nhà đã bỏ đi để cho người lạ vào làm chủ và tha hồ nấu nướng. Moskva đã bị dân đốt cháy, quả đúng như vậy; nhưng đây không phải là những người dân ở lại trong thành phố mà là những người dân đã bỏ đi.
     
Khi bị địch quân chiếm đóng, Moskva không còn nguyên vẹn được như Berlin, Viên và các thành phố khác, chỉ vì dân cư của nó không bưng bánh mỳ và muối(2), không mang chìa khóa(3) ra đón quân Pháp, mà lại bỏ thành phố ra đi.

=====================================================================

Chú thích:

(1) Mura

(2) Tượng trưng cho lòng mến khách (theo phong tục Nga)

(3) Chìa khóa tượng trưng của thành phố, để tỏ ra rằng thành phố mở cửa không chống cự.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:38:54 pm
Phần XI
Chương- 7 - 8

Elen hiểu rõ rằng theo quan điểm Giáo hội mà nói thì vấn đề này rất đơn giản và dễ giải quyết, nhưng sở dĩ những người chỉ đạo cho nàng làm khó dễ như vậy chỉ là vì họ lo sợ không biết rồi chính quyền thế tục(1) sẽ có thái độ như thế nào đối với việc này.
     
Cho nên Elen quyết định rằng cần phải chuẩn bị dư luận cho việc này mới xong. Nàng kiếm cách làm cho lão đại thần phát ghen lên và cũng nói với ông ta đúng như đã nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt câu đề thế nào để cho ông ta nói với nhân vật kia, nghĩa là nàng đặt vấn đề thế nào để cho ông ta thấy rằng chỉ còn cách cưới nàng làm vợ thì mới có thể có quyền đối với nàng được. Thoạt tiên nhân vật già này thấy nàng nói đến việc kết hôn trong khi chồng nàng hãy còn sống thì cũng lấy làm kinh ngạc không kém gì nhân vật trẻ kia; nhưng Elen có vẻ tin tưởng chắc chắn như bàn thạch rằng việc này cũng đơn giản và tự nhiên như việc một cô gái đi lấy chồng, nên ông ta cũng thấy xiêu lòng. Giá Elen có một dấu hiệu cỏn con nào tỏ ra lưỡng lự, ngượng ngùng hay e ấp, thì công chuyện của nàng chắc chắn là mười phần thất bại: nhưng chẳng những nàng không hề có lấy một dấu hiệu nào tỏ ra e ấp và ngượng ngùng, mà trái lại, nàng còn kể lại một cách ngây thơ, tự nhiên và hiền lành với các bạn thân (tức là tất cả thành phố Petersburg), rằng cả vị hoàng thân và vị đại thần đều ngỏ lời cầu hôn với nàng, rằng nàng yêu cả hai người và sợ mất lòng cả hai.
     
Lập tức có tin đồn lan ra khắp thành Petersburg - nhưng không phải là tin Elen muốn ly hôn với chồng (nếu như vậy thì đã có rất nhiều người phản đối cái ý định phi pháp này), mà lại là tin đồn trực tiếp rằng nàng Elen phong nhã và bất hạnh đang có điều phân vân khó xử là trong hai nhân vật kia không biết nên lấy ai bây giờ. Vấn đề bây giờ không còn là ở chỗ việc này hợp pháp đến mức nào, mà chỉ là ở chỗ đám nào hời hơn và triều đình sẽ nhìn nhận việc này ra sao. Quả tình cũng có một số người cố chấp không đủ năng lực để hiểu rõ vấn đề và cho rằng ý định này là một sự báng bổ đối với thể chế hôn nhân thiêng liêng; nhưng những người như thế thì rất ít, họ lại im lặng, còn số đông chỉ chú ý đến những vấn đề quay xung quanh cái hạnh phúc mà Elen đã tìm và chỉ băn khoăn cho nàng không biết chọn đám nào hơn. Còn về chuyện chồng còn sống mà bước đi bước nữa là tốt hay xấu, thì họ không nói đến, bởi vì vấn đề này hẳn là được giải quyết rồi đối với những người thông minh hơn anh và tôi (như người ta vẫn nói), và nếu tỏ ra hoài nghi về cách giải quyết vấn đề có tốt hay không thì nhỡ ra một cái có thể tỏ rằng mình ngu ngốc và không biết cách sống ở đời.
     
Chỉ có một mình bà Maria Dmitrievna mùa hè năm ấy về Petersburg để gặp một người con trai của bà, bà dám nói thẳng ý kiến của mình ra, một ý kiến trái ngược với công luận. Gặp Elen trong một cuộc khiêu vũ. Maria Dmitrievna, với cái cử chỉ dữ tợn quen thuộc, xắn hai ống tay áo rộng lên, đưa mắt nghiêm nghị nhìn nàng rồi bước ngang qua gian phòng bỏ đi.
   
Ở Petersburg, người ta có sợ Maria Dmitrievna thật, nhưng họ vẫn coi bà như một người ngược đời, nên trong những câu bà vừa nói ra họ chỉ chú ý đến cái danh từ tục tĩu kia mà họ thì thầm rỉ tai nhau, cho rằng tất cả cái phong vị mặn mà của câu nói chỉ bao gồm trong danh từ đó.
     
Công tước Vaxili gần đây đặc biệt hay quên những điều mình đã nói ra, cho nên hễ cứ gặp con gái là ông lại nhắc mãi đến hàng trăm lần, lần nào cũng chỉ có từng ấy chuyện:

- Elen ạ, tôi có một câu chuyện cần phải nói với cô, - Vông tước Vaxili kéo nàng ra một bên và kéo thấp tay nàng xuống. - Tôi có nghe phong phanh là cô có những dự định về, về việc gì thì cô cũng biết đấy, con yêu quý ạ, con cũng biết rằng lòng cha rất vui sướng khi được biết con… Con đã đau khổ quá nhiều… Nhưng, con ạ, con chỉ nên theo tiếng gọi của lòng con. Cha chỉ nói với con như vậy thôi! - Nói đoạn công tước Vaxili cố che giấu nỗi xúc động (lần nào nỗi xúc động của ông cũng y hệt như thế), áp má mình vào má cô con gái rồi bỏ đi.
       
Bilibin, bấy giờ vẫn nổi tiếng là con người thông minh nhất đời, và vốn là một người bạn vô tư khảng khái của Elen, một trong số những người bạn trai mà những người đàn bà đẹp thường vẫn có: hạng bạn trai không bao giờ có thể chuyển sang vai trò người yêu được. Một hôm nhân nói chuyện giữa một nhóm thân bằng cố hữu, ông ta giãi bày cho Elen rõ quan điểm của ông ta về việc này.

- Anh Bilibin ạ. (Elen bao giờ cũng gọi những người bạn thuộc hạng Bilibin bằng họ chứ không gọi tên riêng),
- Nàng đưa bàn tay trắng nõn đeo nhiều nhẫn khẽ chạm ống tay áo lễ phục của ông ta. - Anh hãy nói với lôi như nói với một người em gái nhé, bây giờ tôi phải làm thế nào? Trong hai người ấy nên chọn người nào?
     
Bilibin có làn da trên trán lại mỉm cười suy nghĩ một lát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:40:12 pm
- Đây chẳng phải là một câu hỏi đột ngột gì đối với tôi đâu chị ạ! - Bilibin nói - Với tư cách là một người bạn chân thành tôi đã suy nghĩ lại việc của chị rồi. Thế này nhé, nếu chị lấy ông hoàng thân (ý nói nhân vật trẻ tuổi) - ông ta gập một ngón tay lại, - thì chị mất hẳn cái khả năng lấy được ông kia, mà lại làm cho triều đình phật ý. (Chị cũng biết rằng ở đây có một mối liên hệ bà con thế nào đấy) Nhưng nếu chị lấy ông bá tước già, thế rồi về sau với tư cách là quả phụ của đại thần… vị hoàng thân kia lấy chị không còn là không môn đăng hộ đối nữa.
         
Nói đoạn Bilibin cho lớp da trán giãn ra.

- Như thế mới thật là một người bạn chân thành - Elen nói, vẻ mặt rạng rỡ, bàn tay lại giơ ra khẽ chạm vào ống tay áo Bilibin.
     
Nhưng khốn nỗi tôi yêu cả hai người, tôi không muốn làm cho họ buồn phiền. Tôi sẵn sàng dâng cả cuộc đời cuả tôi để cho cả hai người được hạnh phúc.
       
Bilibin nhún vai để tỏ ra rằng nỗi buồn phiền ấy thì đến như ông ta cũng không sao cứu chữa nổi.
   
"Thật là một người đàn bà cừ khôi! Như thế mới gọi là đặt vấn đề một cách dứt khoát. Ý cô ta muốn lấy cả ba người cùng một lúc hẳn" - Bilibin nghĩ thầm.

- Nhưng chị ạ, không biết chồng chị sẽ nhìn nhận việc này ra sao? - Bilibin nói; vì tiếng tăm ông ta đã vững chắc cho nên mới dám hỏi một câu ngây thơ như vậy mà không sợ mất uy tín trước mặt mọi người, - Liệu chồng chị có thuận không?

- Ồ! Anh ấy yêu tôi lắm cơ - Elen nói, chẳng hiểu tại sao nàng có cảm tưởng Piotr cũng yêu mình. - Vì tôi anh ấy sẽ làm bất cứ việc gì.

Bilibin co lớp da trán lại để báo hiệu rằng mình sắp nói một câu dí dỏm.

- Cả việc ly hôn nữa à? - Bilibin nói.

Elen cười.
       
Trong số những người dám hoài nghi tính chất hợp pháp của cuộc hôn nhân đang dự định có công tước phu nhân Kuraghina, tức mẹ Elen. Lòng ghen tị đối với con gái luôn luôn giày vò phu nhân mà bây giờ thì đối tượng ghen tị lại là một điều thiết thân nhất đối với lòng phu nhân, nên phu nhân không sao cam tâm để yên cho việc này tiến hành được. Bà đi hỏi ý kiến một vị linh mục Nga xem tôn giáo có cho phép ly hôn và tái giá trong khi chồng còn sống không. Vị linh mục trả lời rằng điều đó không thể được và bà rất đỗi vui mừng khi vị linh mục chỉ cho bà xem một đoạn Phúc âm nói hẳn ra rằng (ông ta có cảm tưởng như vậy) không thể nào tái giá khi chồng còn sống được.
     
Được vũ trang bằng những luận chứng mà bà ta cho là không sao bác bỏ được, một buổi sáng nọ công tước phu nhân vào phòng con gái thật sớm để có thể gặp nàng một mình.

Sau khi nghe những lời khuyên răn của mẹ, Elen mỉm một nụ cười dịu dàng mà ngạo nghễ.

- Nhưng mà trong kinh Thánh có dạy là ai lấy một người đàn bà ly hôn làm vợ. - công tước phu nhân nói.

- Ôi thôi, mẹ đừng nói nhảm nữa. Mẹ chả hiểu gì cả. Ở địa vị tôi có nhiều bổn phận phải làm - Elen nói, chuyển câu chuyện từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, vì khi nói tiếng Nga nàng cứ có cảm tưởng là trong công việc của nàng có một cái gì không minh mạch.

- Nhưng cô bạn ạ….

- Ôi sao mẹ lại hiểu rằng Đức Thánh Cha người có quyền cho phép miễn…

Vừa lúc ấy tuỳ nữ ở với Elen vào gặp nàng để bảo rằng điện hạ đang ngồi ngoài phòng khách và mong được gặp nàng.

- Không, cô nói với điện hạ là tôi không muốn gặp, là tôi đang giận đức ông lắm, vì đức ông đã lỗi hẹn với tôi!
     
Ngay lúc ấy một người thanh niên tóc vàng, mặt dài, mũi cũng dài, bước vào nói:

- Thưa bá tước phu nhân, vạn tội, an xá!

Lão công tước phu nhân kính cẩn đứng dậy và nhún mình chào; người trẻ tuổi mới vào không chú ý gì đến bà cả. Công tước phu nhân gật đầu chào con gái và trang trọng đi ra cửa.

"Không, nó làm thế là phải, - lão công tước phu nhân nghĩ thầm: bây giờ tất cả các định kiến của bà ta đều đã sụp đổ trước sự xuất hiện của điện hạ. - Nó làm thế là phải; nhưng làm sao hồi còn trẻ ta lại không biết nhỉ, mà tuổi trẻ có bao giờ trử lại nữa đâu? Mà làm như thế lại đơn giản biết chừng nào", - công tước phu nhân tự nhủ khi bước lên xe.
       
Đến đầu tháng tám công việc của Elen đã quyết định xong xuôi đâu và đấy. Nàng liền viết thư có báo tin rằng nàng có ý định kết hôn với N.N., rằng nàng đã theo cái tôn giáo chân chính duy nhất, và yêu cầu chồng cũ liệu tất cả những việc cần thiết để làm trọn thủ tục ly hôn - người đưa thư này sẽ cho chàng biết rõ những điều cần thiết ấy.
     
"Đến đây tôi xin cầu nguyện Chúa đặt anh dưới sự che chở thần thánh và uy vũ của ngài. Bạn của anh. Elen".
     
Bức thư này được đưa đến nhà Piotr trong khi chàng đang ở trên chiến trường Borodino.

=============================================================

Chú thích:

(1) Tức chính phủ đối lập với giáo hội là chính quyền tinh thần



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:41:18 pm
8.
   
Cuối trận Borodino, Piotr rời trận địa phận của Ratevxki chạy xuống lần thứ hai rồi cùng một toán binh sĩ dọc theo khe núi đi về phía Knyazkovo. Chàng đi ngang một trạm cứu thương, và khi trông thấy máu và nghe những tiếng kêu rên liền vội vã len vào đám lính đi xa hơn.
     
Bây giờ Piotr thiết tha mong muốn có một điều, là làm sao chóng thoát ra khỏi những ấn tượng khủng khiếp mà ngày hôm nay chàng đã trải qua, chóng trở lại với hoàn cảnh sinh hoạt bình thường, về phòng lăn ra ngủ một giấc cho yên. Chỉ trong hoàn cảnh sống bình thường, chàng mới cảm thấy mình có thể hiểu nổi bản thân mình và hiểu tất cả những điều mà chàng đã chứng kiến và thể hiện. Nhưng cái hoàn cảnh sinh hoạt bình thường ấy thì chẳng nơi nào có.

Tuy trên con đường chàng đang đi không có tiếng réo của đạn và trái phá nữa, nhưng khắp bốn phía quanh cảnh vẫn như trên bãi chiến trường. Vẫn những khuôn mặt ấy. Những khuôn mặt đau khổ, phờ phạc và đôi khi lại thản nhiên một cách kỳ dị, vẫn những vết máu ấy, những chiếc áo ca-pốt của binh sĩ ấy, những tiếng súng trường ấy, tuy nay nghe đã xa, nhưng vẫn làm cho người ta khiếp sợ: đã thế không khí lại nghẹt thở và bụi bặm.
     
Đi được khoảng ba dặm trên con đường cái Mozaisk, chàng ngồi xuống bên vệ đường.

Bóng hoàng hôn đã buông xuống mặt đất và tiếng gầm của đại bác đã ngớt, Piotr chống khuỷu tay nằm xuống. Chàng nằm như thế hồi lâu, đưa mắt nhìn theo những bóng đen đang lũ lượt kéo qua trước mặt chàng, trong đêm tối. Chàng cứ có cảm giác như một quả tạc đạn đang bay về phía chàng với một tiếng rú ghê rợn.  Chàng rùng mình ngồi dậy. Chàng không nhớ rõ chàng ngồi ở đây bao nhiêu lâu. Vào khoảng nửa đêm có ba người lính mang củi khô lại ngồi gần chỗ chàng và bắt đầu nhen lửa.
   
Họ lướt nhìn Piotr, đốt lửa và đặt một cái nồi trên bếp lửa, bẻ bánh mì khô bỏ vào cho thêm mấy miếng mỡ. Mùi thơm dễ chịu của món ăn béo bùi pha lẫn với mùi khói. Piotr nhổm dậy và thở dài. Ba người lính bắt đầu ăn, không hề chú ý đến Piotr; họ vừa ăn vừa nói chuyện. Bỗng một người trong ba người lính quay về phía
Piotr nói:

- Này, đằng ấy là người ở đâu thế hả? - Hẳn trong khi hỏi như vậy người lính muốn ngụ một điều mà Piotr cũng đang nghĩ đến: Nếu anh muốn ăn thì chúng tôi sẽ cho ăn, nhưng phải nói rõ xem anh có phải là người lương thiện không đã.

- Tôi, tôi ấy à?… Piotr nói; chàng cảm thấy cần phải hạ bớt cái địa vị xã hội của mình đi chừng nào hay chừng ấy, để cho mấy người lính thấy gần gũi và dễ hiểu mình hơn. - Thật tình tôi là một sĩ quan dân binh, nhưng đơn vị của tôi không có đây; tôi vừa đi dự trận và lạc mất đội ngũ.

- À ra thế! - Một người lính nói.

- Một người lính khác lắc đầu.

- Thôi được có đói thì ăn một ít. - Kavadas, người này nói đoạn lấy cái môi gỗ liếm cho sạch rồi đưa cho Piotr.
   
iotr đến ngồi bên đống lửa và bắt đầu ăn.  Trong khi chàng cúi lom khom trên cái nồi múc từng môi lớn ăn lấy ăn để hết môi này đến môi khác, ba người lính im lặng nhìn khuôn mặt của chàng chập chờn trong ánh lửa.

- Bây giờ đằng ấy cần đi đâu hả? Nói đi! - một trong ba người lính lại hỏi.

- Tôi đi Mozaisk.

- Thế đằng ấy là một ông lớn à?

- Phải.

- Tên là gì?

- Piotr Kirilovit.

- Ta đi đi, chúng tôi sẽ dẫn ông đi Mozaisk.
     
Gà đã gáy sáng khi họ đã đến Mozaisk và bắt đầu leo lên cái dốc dẫn vào thành phố, Piotr cùng đi với mấy người lính, quên bẵng đi rằng quán trọ của chàng ở dưới chân dốc chàng đã đi quá mất một quãng. Trong tâm trạng bàng hoàng như lúc bấy giờ, Piotr không thể nào nhớ ra được, nếu mà không gặp người mã phu của chàng ở giữa dốc; anh ta đi tìm chàng khắp cả thành phố và bây giờ đang trở về quán trọ. Người mã phu nhận ra Piotr nhờ trông thấy cái mũ của chàng trăng trắng nhờ nhờ trong đêm tối. Anh ta kêu lên:

- Bẩm ông lớn! Chà, thế mà chúng tôi đã tưởng không sao tìm ra nữa. làm sao ông lớn lại đi bộ? Ông lớn đi đâu nữa thế, xin mời ông lớn về quán trọ.

- Ờ nhỉ! - Piotr nói.
     
Ba người lính đứng lại.

- Thế nào, ông tìm ra đơn vị rồi đấy à? - Một người nói.

- Thôi, chào nhé! Chào ông Piotr Kirilovit, có đúng tên ông như thế không nhỉ? Chào Piotr Kirilovit nhé! Mấy người kia nói thêm.

- Chào các anh, - Piotr nói, rồi cùng người mã phu trở về quán trọ.
   
"Phải cho họ ít nhiều!" - Piotr nghĩ thầm, tay móc túi lấy ví tiền.
     
Nhưng có một tiếng nói nào đó ở bên trong nhủ chàng "Không, không nên."
     
Các phòng trọ đều đã có người thuê cả. Piotr đi ra sân, leo lên xe ngựa và trùm áo khoác lên đến đầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:42:38 pm
Phần XI
Chương -9 - 10

Piotr vừa gối đầu lên chiếc nệm đã thấy mình bắt đầu thiêm thiếp ngủ, nhưng chợt bên tai chàng lại văng vẳng những tiếng súng đì đùng nghe rõ gần như thật, những tiếng rên la, những tiếng trái pháo nổ toác trên mặt đất, đâu đây lại phảng phất mùi máu và mùi thuốc súng, và một cảm giác kinh hãi, hoảng sợ chiếc cái chết lại tràn vào tâm hồn chàng. Chàng hoảng hốt mở mắt và ló đầu ra ngoài trước áo khoác. Trong sân mọi vật đều im lặng. Chỉ riêng ở cổng vào có một người cần vụ đang vừa nói chuyện với bác gác cổng vừa đi di lại lại, chân giẫm lép bép lên bùn. Phía trên đầu Piotr, dưới mái hiên lơp ván tối om, mấy con bồ câu thấy phía dưới có tiếng động sợ hãi xao xác lên một lúc. Khắp sân phảng phất cái mùi hăng hắc của những quán trọ, mùi rơm khô, mùi phân ngựa và mùi hắc ín, một khí vị thanh bình khiến lòng Piotr vui tươi trở lại. Giữa hai mái hiên tối sẫm hiện ra một mảng trời trong trẻo đầy sao.
   
"Tạ ơn thượng đế, bây giờ cảnh tượng đó không còn nữa rồi - Piotr nghĩ, và kéo áo trùm lên đầu như cũ. - Ôi ghê gớm thay sự sợ hãi của con người, và ta đã sợ hãi một cách thật là nhơ nhuốc? Còn họ… Họ thì từ đầu chí cuối luôn luôn vững dạ bình tâm…" - chàng tự nhủ. Họ đây là binh sĩ, là những người chiến đấu ở vị trí pháo binh, và cả những người đã cho chàng ăn, cả những người đã cầu nguyện trước bức tượng thánh. Họ, những con người xa lạ mà trước đây chàng không hề biết đến, trong tâm trí của chàng họ đã nổi bật hẳn lên tất cả những người khác.
   
Phải làm lính, phải trở thành một người lính, một người lính thường thôỉ, Piotr nghĩ trong khi chìm dần vào giấc ngủ. - Phải đem hết con người mình thâm nhập vào cuộc sống này, phải thấm nhuần những cái gì đã làm cho họ trở thành những con người như thế.
     
Nhưng làm sao cởi bỏ được tất cả những cái thừa thãi, những cái ma quái tất cả những gánh nặng của con người bề ngoài? Đã có thời lẽ ra ta có thể như vậy, ta có thể bỏ nhà trốn đi tuỳ ý. Sau trận đấu súng với Dolokhov họ có thể bắt ta đi lính. Và trong trí tưởng tượng của chàng lại thoáng hiện ra bữa yến hội ở câu lạc bộ, hôm chàng thách Dolokhov đấu súng, và hình ảnh của vị ân nhân ở Torzk. Và Piotr lại thấy hiện ra những gian phòng họp của hội. Buổi họp đó lại diễn ra trong câu lạc bộ Anh. Có một người nào quen thuộc, gần gũi và thân thiết đang ngồi ở cuối bàn. Thì chính là vị ân nhân đây rồi! "Nhưng ân nhân đã chết rồi kia mà? Piotr nghĩ bụng, - Phải, đã chết rồi, nhưng người sống mà ta không biết. Ta rất lấy làm đau xót rằng người đã chết và rất lấy làm mừng rằng người còn sống"! Một bên là bàn có Anatol, Dolokhov, Nezvixki, Denixov và những người khác cùng một giuộc với họ (trong giấc chiêm bao hạng người này cũng được xác định rõ rệt trong tâm hồn Piotr như hạng người mà chàng gọi là họ), và những người đó cũng như Anatol và Dolokhov, cao giọng hò hét, hát xướng; nhưng qua tiếng la hét của họ, vẫn nghe rõ giọng nói của vị ân nhân đang nói thao thao không ngớt. Và tiếng nói của người cũng đầy ý nghĩa và liên tục như tiếng súng ầm ầm trên chiến trường, nhưng nghe rất dễ chịu và mát lòng. Piotr không hiểu được những lời nói của vị ân nhân, nhưng chàng biết (trong giấc mơ, phạm trù các ý nghĩa cũng được xác định rất rõ) rằng vị ân nhân đang nói về điều thiện, đang nói rằng có thể trở thành những người như họ. Và khắp bốn phía, họ có những khuôn mặt hiền lành, giản dị và rắn rỏi, đang quây quần chung quanh vị ân nhân. Nhưng tuy họ rất tốt, họ vẫn không nhìn Piotr, không biết đến chàng, Piotr muốn nói một câu gì cho họ chú ý đến mình. Chàng nhổm dậy, nhưng vừa lúc ấy chàng thấy lạnh ở chân và thấy chân mình hở ra cả.
   
Chàng ngượng quá, liền lấy tay che chân. Quả thật chân chàng đã lòi ra ngoài chiếc áo khoác mà chàng đã đắp. Trong giây lát Piotr đắp chân lại, mở mắt ra và lại trông thấy những mái hiên, nhỡng chiếc cột ấy, khoảng sân ấy, nhưng bây giờ mọi vật đã xanh mờ mờ trong ánh bình minh và lấp lánh dưới một làn sương móc giá lạnh.

"Sáng rồi, - Piotr nghĩ. - Nhưng không phải thế. Ta còn phải nghe cho hết và phải hiểu những lời của vị ân nhân". Chàng lại trùm chiếc áo choàng lên đầu, nhưng không còn thấy gian phòng họp và vị ân nhân đâu nữa. Chỉ có những ý nghĩ được thể hiện một cách rõ rệt ra thành từ ngữ, không biết do một người nào nói ra hay do bản thân Piotr tự nhủ.
   
Về sau khi nhớ lại những ý kiến này, tuy là những ý nghĩ do những ấn tượng ngày hôm trước gợi lên, Piotr vẫn tin chắc rằng đó là lời của một người nào đó ở bên ngoài nói với chàng. Chàng có cảm tưởng là khi tỉnh chàng không bao giờ có thể suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng của mình ra như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:44:02 pm
Chiến tranh là một việc hết sức khó khăn, là việc bắt tự do của con người phải phục tùng các đạo luật của Thượng đế, - tiếng nói ấy bảo chàng. - Giản dị tức là phục tùng Thượng đế, không thể lẩn tránh Thượng đế được. Mà họ thì giản dị. Họ không nói, mà chỉ làm. Một lời nói ra là một nén bạc, mà một lời không nói ra một nén vàng. Con người không thể làm chủ một cái gì hết, một khi hãy còn sợ chết. Người nào không sợ chết, thì tất cả đều là sở hữu của người ấy Giá không có đau khổ thì con người sẽ không biết giới hạn của mình, sẽ không biết bản thân mình. - Piotr vẫn tiếp tục nghĩ, hoặc nghe ai nói trong giấc mơ. - Cái khó nhất là làm sao hợp nhất được ý nghĩ của mọi vật trong tâm hồn mình. Hợp nhất tất cả ư? - Piotr tự nhủ. - không, không phải là hợp nhất. Không thể hợp nhất những tư tưởng được, mà phải liên kết tất cả những tư tưởng đó cái đó mới cần! Phải, phải liên kết, phải liên kết!" - Piotr nhắc đi nhắc lại, lòng mừng khấp khởi, cảm thấy rằng chính những lời ấy và chỉ có những lời ấy mới diễn đạt được điều mà chàng muốn diễn đạt và giải quyết được tất cả vấn đề đang giày vò chàng.

Phải, phải liên kết thôi, đã đến lúc phải liên kết rồi.

- Phải thắng xe thôi(1), đã đến lúc phải thắng xe rồi ạ, thưa đại nhân. Thưa đại nhân, - có tiếng ai nói. - Phải thắng xe thôi ạ.

Đó là tiếng nói của một người mã phu đang thức Piotr dậy. Ánh nắng rọi thẳng vào mặt Piotr.  Chàng đưa mắt nhìn khoảng sân bẩn thỉu của quán trọ. Ở giữa sân mấy người lính đang cho mấy con ngựa gầy uống nước bên giếng. Mấy chiếc xe tải đang kéo ra cổng. Piotr ghê tởm ngoảnh mặt đi và vội nhắm măt ngả người trên ghế xe như cũ. "Không, ta không muốn thế, ta không muốn và hiểu cái đó, ta muốn hiểu những điều đã mở ra trước mắt ta trong giấc ngủ. Giá chỉ thêm một giây nữa thôi thì ta đã hiểu được hết rồi. Nhưng ta phải làm gì? Liên kết, nhưng làm thế nào liên kết được tất cả?" và Piotr kinh hãi cảm thấy tất cả ý nghĩa của những điều mà chàng thấy và nghĩ rằng trong giấc mơ đều đã tiêu tan.
     
Người mã phu, người đánh xe và người gác cổng kể lại cho Piotr hay rằng vừa có một sĩ quan đến báo tin quân Pháp đã tiến đến gần Mozaisk và quân ta đang rút lui.
   
Piotr đứng dậy, sai thắng ngựa vào xe và dặn khi nào thắng xong phải cho xe đuổi theo mình, rồi ra khỏi quán đi bộ qua thành phố.
   
Quân đội đang rời Mozaisk, để lại chừng một vạn người bị thương. Họ nằm, ngồi la liệt khắp các sàn nhà, thấp thoáng trong các khung cửa sổ và chen chúc ngoài phố. Quanh những chiếc xe bò chở thương binh đi, người ta kêu la, chửi bới và đấm đá nhau. Cỗ xe song mã lúc bấy giờ đã theo kịp chàng.
   
Piotr mời một vị tướng quen biết vừa bị thương lên xe và cùng ông ta đi Moskva. Dọc đường, Piotr được tin em vợ mình và công tước Andrey đã chết.

===============================================================

Chú thích:

(1) Trong tiếng Nga chữ "liên kết" và chữ "thắng ngựa vão xe" là một (Xopryngat)


10.
       
Ngày ba mươi tháng tám, Piotr về đến Moskva. Gần trạm gác, chàng gặp một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Raxtovsin. Viên sĩ quan nói:

- Thế mà chúng tôi cứ tìm ngài khắp nơi. Bá tước đang cần gặp ngài lắm. Bá tước mời ngài đến ngay có việc rất quan trọng.
   
Piotr không ghé về nhà, gọi một chiếc xe thuê đi đến nhà vị tư lệnh thành phố.
   
Bá tước Raxtovsin sáng hôm ấy vừa mới ở ngôi biệt thự ngoại thành của ông ta ở Xokolniki trở về thành phố. Phòng đợi và phòng khách của bá tước chật ních những viên chức được ông ta triệu đến hoặc tự đến để xin lệnh. Vaxilsikov và Platov đã có gặp bá tước và ông cho biết rằng không còn cách gì phòng thủ Moskva được nữa, đành phải bỏ kinh thành cho giặc vào. Tuy họ giấu giếm không cho dân cư biết tin này, nhưng các viên chức, các thủ trưởng các cơ quan hành chính đều biết rõ không kém gì Raxtovsin rằng Moskva sẽ lọt vào tay quân địch: và để trút bỏ trách nhiệm, tất cả những người đó đều đến hỏi quan tư lệnh thành phố xem họ nên xử trí như thế nào đối với những cơ quan được giao cho họ.
Trong khi Piotr bước vào phòng tiếp tân, viên tín sứ của quân đội từ phòng bá tước đi ra. Viên tín sứ khoát tay có vẻ tuyệt vọng đáp lại các câu hỏi và bước ngang qua gian phòng.

Trong khi ngồi đợi ở phòng tiếp khách, Piotr đưa mắt mệt mỏi nhìn qua những viên chức hiện đang ở trong phòng, già có, trẻ con, quan võ có, thượng cấp cũng có mạ hạ cấp cũng có. Mọi người có vể bất mãn và lo lắng. Piotr lại gần một nhóm trong đó có một người quen của chàng.

- Cho tản cư đi rồi gọi về cũng chẳng sao: nhưng trong tình hình này thì chẳng biết đằng nào mà nói nữa.
     
Một người khác chỉ vào một tờ giấy chữ in đang cầm trong tay nói :

- Thì đây ông ấy viết thế này đây…

- Đó là chuyện khác. Đối với dân chúng cần phải thế, - người thứ nhất đáp lại.

- Giấy gì thế? - Piotr hỏi.

Một bản tuyên cáo mới.

Piotr cầm lấy một bản tuyên cáo và bắt đầu đọc:
   
"Để sớm có thể bắt liên lạc với đại quân, đang tiến về phía ngài, Điện hạ Tối quang minh đã rút về phía sau Mozaisk và đóng ở một địa thế vững mạnh, một nơi mà quân địch khó lòng có thể tấn công ngay được. Bốn mươi tám khẩu đại bác có đủ đạn đã được chuyển về đây cho ngài, và công tước điện hạ có nói rằng ngài sẽ bảo vệ Moskva cho đến giọt máu cuối cùng và dù có phải giao chiến với địch ngay giữa các đường phố cũng không từ. Anh em không nên hoang mang về việc các công sở đóng cửa, cần phải thu xếp công việc, còn chúng tôi thì chúng tôi sẽ xét tội quân gian. Đến khi động dụng, tôi sẽ cần đến những người trai tráng ở thành thị và thôn quê.  Tôi sẽ có lởi hiệu triệu trước hai ngày, còn bây giờ thì chưa cần, cho nén tôi im lặng. Dùng rìu cũng tốt, dùng gây nhọn cũng hay, nhưng tốt hơn cả là dùng nạng chĩa đinh ba: một tên giặc Pháp không nặng hơn một bó lúa mì đen đâu. Ngày mai, sau bữa ăn chiều, tôi sẽ cho rước ảnh Đức Bà Iverya đến nhà thương Ekaterina.
     
Ta sẽ làm phép cho nước ở đây linh thiêng đặng các thương binh chóng lành. Bản thân tôi thì nay vẫn khoẻ mạnh: vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều trông rõ".



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:44:48 pm
Piotr nói:

- Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí…

- Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, - người viên chức lúc nãy nói.
     
Thế còn, "vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ" nghĩa là thế nào? - Piotr hỏi.

- Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói - và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. - Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr - À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân…

- Tôi thì chẳng nghe gì cả, - Piotr dửng dưng đáp. - Các ngài nghe nói thế nào?

- Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi.

- Thế ngài nghe họ nói thế sao?

- Thì họ bảo là… - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, - là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí…

- Cũng có thể đúng, - Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi - Thế còn ai đây?

- Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ?

- À thế ra đây là Veressaghin à? - Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói:

- Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm.
   
Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể:

- Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra.  Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, - viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. - người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thoả thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: "Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy". Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. "Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?" - "Chính tôi viết ra". Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. - Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. - Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế…

- À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! - Piotr nói.

- Đâu có! Có cần gì đâu, - viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, - Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn.    "Mày làm thế nào mà viết ra được? - bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. - Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết". Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: "Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra"
- À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra toà án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? - "Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra". Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra toà và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:45:57 pm
Phần XI
Chương -11 -12

Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài.

- À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. - Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. - Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? - Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. - Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga.

- Phải, tôi là hội viên Tam điểm, - Piotr nói.

- Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt.

- Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? - Piotr hỏi.

- Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, - Raxtovsin quát.

- Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu,
- Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, - còn Veressaghin.

- Ấy đấy! - Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, - Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, - Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, - Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, - Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: - Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì?

- Có làm gì đâu, - Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi.
     
Bá tước cau mặt.
     
- Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, - ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, - Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả?
       
Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có.
     
Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ.
     
Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc.
     
"Họ - những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi và hiểu rõ".

Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:47:31 pm
Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không.
     
Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng.
     
Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào.

12.
     
Gia đình Roxtov ở lại Moskva cho đến ngày mồng một tháng chín, tức là còn cách ngày quân địch tiến vào thành có một hôm.
       
Sau khi Piotr vào trung đoàn cô-dắc của Obolenxki và đi đến Belaya Txerkov là nơi thành lập trung đoàn này, bá tước phu nhân có nơm nớp lo sợ. Lần đầu tiên ý nghĩ rằng cả hai đứa con trai của bà đều ở mặt trận, rằng cả hai đều đã đi xa sự che chở của bà, rằng nay mai một trong hai đứa, mà cũng có thể là cả hai, có thể tử trận như ba đứa con một người quen của bà, ý nghĩ ấy đã đến với bá tước phu nhân rõ rệt đến mức tàn nhẫn. Bà cố tìm cách gọi Nikolai về, bà đã định thân hành đi tìm Petya, chạy cho cậu ta một chỗ làm nào ở Petersburg nhưng cả hai việc ấy đều không thể thực hiện: Petya không thể nào về được, trừ khi nào cả trung đoàn trở về, hoặc giả cậu có rời trung đoàn chăng nữa thì cũng chỉ để thuyên chuyển sang một trung đoàn tham chiến khác. Nikolai bấy giờ đang đóng quân ở một nơi nào đấy và sau bức thư vừa rồi, trong đó có kể tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria thì không nhận được tin gì của chàng nữa. Đêm đêm, bá tước phu nhân cứ thao thức không ngủ được, và hễ chợp mắt là chiêm bao thấy hai con đã tử trận. Sau khi suy nghĩ và được bạn bè mách bảo rất nhiều, bá tước đã tìm được một phương sách để làm cho phu nhân yên lòng. Ông cho chuyển Petya từ trung đoàn của Obolenxki sang trung đoàn của Bezukhov bấy giờ đang thành lập ở gần Moskva. Mặc dầu Petya vẫn tại ngũ, nhưng thuyên chuyển như vậy thì bá tước phu nhân cũng có được một niềm an ủi là ít nhất cũng còn được một đứa con trai ở gần mình, và có thể hy vọng thu xếp thế nào cho thằng Petya của bà đừng đi đâu xa và lo cho nó một chức vụ gì mà chẳng bao giờ phải ra trận. Trong khi chỉ có một mình Nikolai ở trong vòng nguy hiểm, bá tước phu nhân có cảm tưởng (thậm chí phu nhân còn lấy làm hối hận về điều đó) là mình quý đứa con trai lớn hơn hết thảy các con: nhưng đến khi thằng con út, đứa con nghịch ngợm biếng học, cái gì trong nhà cũng làm vỡ làm gãy, ai trong nhà cùng quấy rầy, cái thằng Petya hếch mũi ấy, với đôi mắt đen vui vẻ, đôi má hồng hào mơn mởn có lớp lông măng mới chớm mọc, đã dẫn thân vào nơi ấy, nơi của những người đàn ông hung dữ, tàn ác chẳng biết tại sao đang đánh nhau và lại lấy việc ấy làm vui, - đến khi ấy người mẹ lại cảm thấy rằng chính nó mới là đứa con mình quý hơn cả, quý hơn các con khác nhiều. Càng đến ngày Petya trở về Moskva bao nhiêu bá tước phu nhân lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
       
Bà đã bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến được.
       
Không những khi thấy Sonya trước mặt, mà ngay cả khi thấy Natasa hay bá tước Ilya Andreyevich, bà cũng bực bội nghĩ: "Những người ấy thì ở đây làm gì, ngoài Petya ra, tôi có cần đến ai đâu!".
     
Cuối tháng tám, gia đình Roxtov nhận được một bức thư thứ hai của Nikolai. Thư gửi từ tỉnh Voronez là nơi chàng được cử đến để mua ngựa. Bức thư này không làm cho bá tước phu nhân yên lòng.
   
Khi biết rằng một trong hai đứa con trai đã ra ngoài vòng nguy hiểm, bà lại càng lo thêm cho Petya.
     
Mặc dầu ngay từ ngày hai mươi, hầu hết những người quen của gia đình Roxtov đã rời khỏi Moskva, mặc dầu mọi người đều khuyên nhủ bá tước phu nhân đi cho sớm, bà một mực không chịu nghe theo ai nói đến chuyện đi đứng gì cả, một khi Petya, đứa con cưng mà bà yêu quý như điên như dại, vẫn chưa về. Thái độ âu yếm thiết tha một cách bệnh tật của người mẹ không làm cho chàng sĩ quan mười sáu tuổi ấy vừa lòng. Tuy phu nhân giấu không cho cậu ta biết ý định của bà là không để cho cậu đi xa nữa, Petya vẫn hiểu những điều dự tính của mẹ, và tự bản năng vẫn sợ mình trở nên mềm yếu như đàn bà trước mặt mẹ (cậu ta tự nhủ như vậy), nên cậu ta đối xử với bá tước phu nhân rất lạnh nhạt, thường hay lánh mặt phu nhân và trong thời gian ở Moskva chỉ gặp gỡ chuyện trò với Natasa, mà xưa nay cậu vẫn quý mến đặc biệt, một tình trìu mến chị em gần giống như tình yêu.
   
Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 06:48:24 pm
Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ.
     
Trong vòng ba ngày trước khi Moskva rơi vào tay giặc, cả gia đình Roxtov luôn luôn lo lắng bận rộn việc này việc nọ. Người chủ gia đình là bá tước Ilya Andreyevich luôn luôn đi đây đi đó trong thành phố thu thập những tin đồn đại, và khi về nhà thì hối hả ra những mệnh lệnh mơ hồ thu xếp việc chuẩn bị ra đi.
     
Bá tước phu nhân theo dõi công việc thu xếp đồ đạc, cái gì bà ta cũng không vừa ý, và luôn lẽo đẽo theo sau cậu Petya bấy giờ vẫn cứ tránh mặt mẹ, bà ghen với Natasa vì Petya cả ngày chỉ ngồi với nàng. Chỉ một mình Sonya lo toan đến mặt thực tiễn của công việc, tức là việc xếp đồ đạc lên xe. Nhưng suốt thời gian gần đây Sonya buồn rầu và lặng lẽ khác thường. Bức thư của Nikolai, trong đó có nhắc đến nữ công tước Maria, đã khiến bá tước phu nhân vui mừng nói ngay trước mặt nàng rằng bà ta cho cuộc gặp gỡ giữa nữ công tước Maria và Nikolai là do Trời xếp đặt trước. Phu nhân nói:

- Khi Bolkonxki đính hôn con Natasa tôi chẳng vui mừng gì, nhưng xưa nay tôi vẫn ước mong và cũng tiên cảm thấy rằng Nikolenka sẽ lấy công tước tiểu thư. Được như thế thì thật tốt quá!
       
Sonya cảm thấy rằng như vậy là đúng, rằng Nikolai chỉ có cách lấy một người vợ giàu thì công việc tiền nong của gia đình Roxtov mới mong cứu vãn được và nữ công tước Maria là một đám rất tốt. Nhưng nàng thấy tủi lắm. Tuy nàng buồn khổ, hay có lẽ chính vì nàng buồn khổ, Sonya đã lĩnh lấy tất cả những công việc xếp dọn đồ đạc rất vất vả, và suốt ngày nàng bận rộn với những công việc đó. Cứ mỗi khi cần sai bảo gì người nhà, bá tước và phu nhân lại nhớ đến nàng. Petya và Natasa thì ngược lại không những không giúp đỡ cha mẹ mà còn làm vướng và quấy rầy mọi người nữa. Và gần như suốt cả ngày bao giờ trong nhà cũng có tiếng reo, tiếng chân chạy và tiếng cười vô cớ của hai chị em. Hai người cười đùa vui vẻ vậy tuyệt nhiên không phải vì có chuyện gì đáng cho họ vui mừng; nhưng trong tâm hồn họ đang vui, cho nên bất cứ chuyện gì cũng đều là một nguyên nhân khiến họ cười đùa vui vẻ, Petya vui bởi vì cậu đang ở nhà, vì cậu vừa ở Belaya Txerkov là một nơi mà chỉ nay mai đã đánh nhau và nhất là vì Natasa cũng đang vui: xưa nay tâm trạng của cậu vẫn phục tùng tâm trạng của chị. Còn Natasa vui là vì nàng đã buồn quá lâu, vì bây giờ chẳng có gì nhắc nàng nhớ lại những nguyên nhân đã khiến nàng buồn, và vì nàng đang khoẻ mạnh. Nàng vui cũng lại vì đang có một người thán phục nàng (lòng thán phục của người khác đối với nàng là chất dầu nhờn cần thiết để cho bộ máy chạy được trơn tru). Nhưng cái chính khiến họ vui như vậy là hiện nay chiến tranh đã chuyển đến gần Moskva, là sẽ có đánh nhau ở các cửa ô, người ta sẽ phân phát vũ khí, mọi người đều bỏ đi nơi khác, nói chung là đang diễn ra một việc gì khác thường, và điều đó bao giờ cũng làm cho người ta vui thích, nhất là khi người ta còn trẻ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:04:51 pm
Phần XI
Chương -13 -14
   
Ngày thứ bảy ba mươi mốt tháng tám, trong nhà Roxtov mọi thứ đều như đảo lộn cả lên. Tất cả các cửa đều mở toang, bàn ghế đều bị khuân đi hay xếp ra một chỗ khác, gương soi, tranh ảnh đều được tháo cất. Trong các phòng la liệt các rương hòm; rơm rạ, giấy gói và dây dợ bừa bãi giữa nền nhà. Những người nông dân và gia nô bước nặng trên sàn gỗ vác đồ đạc ra ngoài. Ngoài sàn ngổn ngang những chiếc xe tải của nông dân, có chiếc đã chất đầy và đã ràng dây, có chiếc hãy còn bỏ không.
   
Ngoài sân và trong nhà rộn rịp những tiếng nói và tiếng chân đi lại của đám gia đình của những người nông dân vừa đánh xe đến.
   

Từ sáng, bá tước đã đi đâu vắng. Bá tước phu nhân nhức đầu vì cảnh ồn ào nhộn nhịp nên phải nằm trong phòng đi-văng mới, đầu chườm khăn tẩm giấm, Petya không ở nhà (cậu ta đến nhà một người bạn bấy giờ đang cùng cậu bàn cách chuyển từ dân binh sang bộ đội chủ lực). Sonya đứng trong phòng lớn để trông coi người nhà dọn đồ pha lê và đồ sứ. Natasa ngồi bệt giữa căn buồng tan hoang, giữa những chiếc áo dài, những chiếc khăn choàng, những dải lụa vứt ngổn ngang, đôi mắt đờ đẫn nhìn xuống nền nhà, tay cầm một chiếc áo dài khiêu vũ đã cũ, chính chiếc áo đài nàng đã mặc hôm đi dự vũ hội lần đầu tiên ở Petersburg, kiểu áo này đã không còn hợp thời trang nữa.
   
Natasa thấy ngượng vì trong khi cả nhà đều bận rộn mà nàng thì chẳng làm gì, nên từ sáng nàng đã thử cố bắt tay vào làm việc.
   
Nhưng tâm hồn nàng cứ để đâu đâu, mà tính nàng thì không thể và không biết làm một việc gì mà lại không đem lại hết tâm hồn và sức lực dốc vào việc đó. Nàng đứng một lúc với Sonya trong khi xếp dọn các đồ dùng bằng sứ, nàng cũng muốn giúp đỡ một tay, nhưng rồi lại bỏ đấy chạy về phòng thu xếp dồ đạc của mình. Lúc đầu, nàng thấy vui vui khi ngồi phân phát áo dài và dải lụa cho các cô hầu gái, nhưng về sau, khi thấy rằng những thứ còn lại cũng vẫn phải xếp sắp nàng bắt đầu thấy chán. Dunusia, chị xếp hộ tôi nhé! Chị nhé!
     
Và khi Dunusia vui lòng hứa với nàng là sẽ làm tất cả, Natasa ngồi xuống sàn nhà, cầm chiếc áo khiêu vũ ngày trước và suy nghĩ miên man, nhưng những ý nghĩa của nàng hoàn toàn không có liên quan đến những việc lẽ ra bấy giờ phải khiến nàng bận tâm. Tiếng nói chuyện của những người đầy tớ gái ở phòng bên và tiếng chân họ bước vội ra thềm sau đưa nàng trở về cõi thực. Natasa đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ngoài phố có một đoàn xe rất dài chở đầy thương binh vừa dừng lại.
   
Những người đầy tớ gái, những người nô bộc, bà quản gia, bà u già, mấy ông đấu bếp, mấy chủ xà ích, quản mã, mấy cô phụ bếp đều ra đứng ở cổng xem thương binh.
     
Natasa trùm chiếc khăn vuông trắng lên đầu, hai tay cầm hai khăn mùi xoa và đi ra đường.
   
Bà già Mavra Kuzminisna, bà quản gia cũ của gia đình Roxtov, tách ra khỏi đám gia nhân đứng ở cổng, lại gần một chiếc xe tải trên có phủ một tấm diềm bằng thứ vỏ cây và nói chuyện với một viên sĩ quan trẻ tuổi xanh xao nằm trong xe.   Natasa bước mấy bước đến cạnh chiếc xe va rụt rè dừng lại, tay vẫn giữ hai múi khăn, lắng tai nghe xem bà quản gia nói những gì.

- Thế ông chẳng có ai thân thuộc ở Moskva cả à? - Mavra Kuzminisna nói. - Giá ông vào nhà nào mà nằm thì hơn… Hay ông vào nhà tôi cũng được. Chủ nhà sắp đi rồi.

- Không biết họ có cho không, - Viên sĩ quan nói, giọng yếu ớt. - Kìa thủ trưởng của tôi kia kìa… bà thử hỏi xem. - nói đoạn viên sĩ quan chỉ một ông thiếu tá to béo bấy giờ đang đi ngược trở lại dọc theo đoàn xe.
   
Natasa đưa mắt hoảng sợ nhìn vào mặt viên sĩ quan bị thương và lập tức đến gặp viên thiếu tá. Nàng hỏi:

- Cho thương binh ghé vào nhà chúng tôi được không?
   
Viên thiếu tá mỉm cười đưa tay lên vành lưỡi trai, nháy mắt hỏi:

- Thưa, tiểu thư có lòng chiếu cố đến ai ở đây ạ?

Natasa điềm tĩnh nhắc lại câu nói, và tuy hai bàn tay nàng vẫn cầm hai dầu mũi chiếc khăn vuông, vẻ mặt và dáng điệu của nàng nghiêm trang đến nỗi viên thiếu tá không cười nữa và im lặng suy nghĩ một lát như tự hỏi xem có thể làm như vậy được không, và có thể làm đến mức nào, rồi đáp:

- Ô được chứ, sao lại không, được chứ.
     
Natasa khẽ cúi đầu rồi quay gót bước nhanh về phía Mavry Kuzminisna đang đứng nói chuyện với viên sĩ quan, vẻ cảm thông và thương xót.

- Được đấy ông ấy bảo là được! - Natasa nói thầm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:10:10 pm
Chiếc xe có diềm của viên sĩ quan được vào sân nhà Roxtov và mấy chục chiếc xe chở thương binh, theo lời mời của dân phố cũng bắt đầu được đánh vào các sân và đến đỗ ở trước thềm các nhà ở phố Povarxkaya. Natasa hình như thấy làm vui thích được giao thiệp với những con người mới lạ trong một hoàn cảnh khách thường. Cùng với bà Maria, nàng cố sức đưa vào sân nhà hàng cho thật nhiều xe chở thương binh.
     
Mavra Kuzminisna nói:

- Dù sao cũng phải thưa với cụ nhà.

- Không sao, không sao, thì có mất gì đâu nào! Chỉ còn có một ngày nữa, chúng tôi có thể dọn sang bên phòng khách mà ngủ cũng được. Có thể nhường cho họ tất cả các gian của chúng tôi.

- Chà tiểu thư bày vẽ lắm trò thật! Dù là trong các dãy nhà dọc, trong phòng gia nhân, trong phòng u già cũng được xin phép.

- Được rồi tôi sẽ xin.
       
Natasa chạy vào nhà và kiễng chân đi qua cánh cửa hé mở vào phòng đi-văng. Từ trong phòng đưa ra mùi giấm và mùi thuốc giọt Hoffman.

- Mẹ ngủ hở mẹ?

- Ờ mẹ vừa mê ngủ sợ quá! - bá tước phu nhân lúc bấy giờ vừa chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy nói.
     
Natasa quỳ xuống bên cạnh mẹ và ghé mắt vào sát mặt bá tước phu nhân nói:

- Mẹ ạ, mẹ yêu dấu của con, con xin lỗi mẹ nhé, con đã làm mẹ thức giấc, từ rày con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, mẹ tha lỗi cho con nhé. Marra Kuzminisna bảo con đến. Ngoài kia có mấy người thương binh, họ mới chở đến, mấy người sĩ quan. Mẹ cho phép mẹ nhé? Họ chẳng có chỗ nào mà ở cả; con biết mẹ sẽ cho phép… - Natasa nói nhanh một hơi không dừng lại thở.

- Sĩ quan nào? Họ cho ai đến? Mẹ chẳng hiểu sao cả. - Bá tước phu nhân nói.
     
Natasa bật cười, bá tước phu nhân cũng mỉm cười yếu ớt.

- Con biết thế nào mẹ cũng cho… con sẽ bảo họ thế.
     
Natasa hôn mẹ, đứng dậy ra ngoài.

Trong phòng lớn nàng gặp bá tước nói với giọng bực bội.

- Câu lạc bộ thì đóng cửa rồi, cảnh sát thì đang rút lui.

- Ba ạ, con mời mấy người bị thương vào nhà, không việc gì chứ ba? - Natasa nói.

- Cố nhiên là không việc gì. - bá tước lơ đễnh trả lời con - nhưng việc ấy chả có gì quan trọng, bây giờ thì ba yêu cầu con đừng có lo đi làm những việc vớ vẩn như thế, phải lo giúp đưa đồ đạc lên xe, mai đã đi rồi… Và bá tước cũng ra lệnh cho người quản gia và các gia nhân như vậy. Đến bữa ăn chiều, Petya về nhà và cũng kể lại tin tức vừa nghe được.
     
Petya kể lại rằng hôm nay dân chúng đã đến nhận vũ khí ở điện Kreml, rằng tuy trong tờ yết thị của Raxtovsin có nói là ông ta sẽ có lời kêu gọi trước hai ngày, nhưng bây giờ chắc người ta đã thu xếp đến ngày mai và toàn dân sẽ cầm khí giới lên Trigorư, và ở đấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn.
       
Trong khi Petya nói, bá tước phu nhân đưa mắt sợ hãi và e dè nhìn khuôn mặt vui mừng, phấn khởi của đứa con trai. Bà biết rằng hễ mình nói một lời nào để xin Petya đừng đi đánh trận (bà biết rằng cậu ta rất vui mừng để trận đánh sắp tới này), thì cậu ta sẽ nói một cái gì về các đấng trượng phu, về danh dự, về tổ quốc, - một cái gì rất vô nghĩa, rất đàn ông, rất lì lợm mà bà không sao cãi lại được, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Cho nên bà hy vọng có thể thu xếp thế nào để ra đi trước khi xảy ra trận đánh này và lừa cho Petya cũng đi theo với tư cách là kẻ bảo vệ và che chở cho bà; sau bữa ăn chiều bà cho mời bá tước lại và khóc lóc van xin bá tước cho bà đi ngay, đi ngay đêm nay nếu có thể được. Tuy từ trước đến nay bá tước phu nhân không hề có chút sợ hãi về nỗi phải ở lại Moskva, nhưng bây giờ, với cái tính đa mưu không tự giác của người mẹ thương con, bà lại nói rằng mình sẽ khiếp sợ đến chết mất nếu không được đi ngay đêm ấy. Và bây giờ bà đâm ra sợ tất cả, sợ thật chứ không phải giả vờ nữa.

14.
       
Bà Schoss hôm đi thăm cô con gái về có kể lại những việc bà ta trông thấy ở ty rượu ngoài phố Myasnixkaya lại càng làm cho bá tước phu nhân hoảng sợ hơn nữa: đang đi về nhà qua phố ấy bà gặp phải một lũ say rượu đang quấy phá ở trước cửa ty, bà phải thuê một chiếc xe chở khách đi vòng vào một ngõ hẻm trở về nhà.
     
Người xà ích có kể cho bà nghe rằng dân chúng đã chọc thủng các thùng rượu trong kho, rằng trên có lệnh cho họ làm như vậy.
       
Sau bữa ăn chiều, trong nhà Roxtov mọi người đều bắt tay vào việc thu xếp đồ đạc và chuẩn bị ra đi một cách hối hả khác thường.

Lão bá tước, đột nhiên tháo vát hẳn lên, sau bữa ăn chiều cứ từ trong nhà đi ra sân rồi lại từ ngoài sân đi vào nhà, mồm quát tháo huyên thuyên làm cho gia nhân đã vội lại càng vội thêm. Petya đứng sai bảo ở ngoài sân. Nghe những lời sai bảo mâu thuẫn lung tung của bá tước, Sonya luống cuống chẳng còn biết làm gì nữa.
     
Các gia nhân cãi nhau, gọi nhau í ới, chạy ầm ầm trong các gian phòng và trong sân. Natasa, với cái tính hăng say đặc biệt của nàng đối với những việc nàng làm, cũng bắt tay vào sửa soạn thu xếp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:12:02 pm
Thoạt tiên thấy nàng xông vào sắp xếp đồ đạc, mọi người đều có ý nghi ngại. Ai cũng nghĩ rằng nàng chỉ biết đùa nghịch thôi, nên chẳng ai chịu nghe những lời sai bảo của nàng; nhưng nàng kiên trì và say sưa dòi hỏi mọi người phải phục tòng nàng; nàng nổi giận, suýt khóc lên vì họ không chịu nghe nàng, và cuối cùng họ đã phải tin rằng nàng muốn làm thật chứ không phải đùa. Kỳ công đầu tiên của nàng, một kỳ công đã khiến nàng phải hao hơi tổn sức rất nhiều và đã làm cho nàng có uy tín, là việc xếp sắp các tấm thảm. Trong nhà bá tước có nhiều tấm thảm Gôbơlah và thảm Ba-tư rất đắt tiền.
Khi Natasa bắt tay vào việc, trong phòng lớn có hai chiếc thùng gỗ đang mở nắp, một chiếc đã xếp đồ sứ đầy gần lên đến miệng, một chiếc thì đựng thảm. Trên các bàn hãy còn nhiều đồ sứ, và họ vẫn còn bưng ở nhà kho ra nhiều nữa. Cần phải xếp vào một chiếc thùng nữa mới đủ; người nhà đã chạy đi kiếm thùng. Natasa nói:

- Khoan đã, Sonya ạ, ta sẽ xếp tất cả hai thùng này cũng đủ.

- Không được đâu, tiểu thư ạ, đã thu xếp rồi mà không được. - Người chủ thiện nói.

- Không, để yên tôi xem đã.

Và Natasa bắt đầu lấy những chiếc đã ăn và đã tách bọc giấy ở trong thùng ra. Nàng nói:

- Đĩa ăn phải để vào đây này, để vào giữa các tấm thảm ấy.
   
Chỉ riêng các tấm thảm không thôi cũng đã chiếm hết ba thùng rồi còn gì.

- Thì cứ để yên tôi xem nào.
   
Và Natasa bắt đầu dỡ đồ đạc ra với những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, - Cái này không cần, - Natasa nói khi đỡ mấy bộ đĩa Kiev, - cái này thì cần, cho vào thùng đựng thảm, - nàng nói khi cầm đến mấy bộ đĩa sứ Xacxoni.

- Thôi đi Natasa, để cho chúng tôi xếp, - Sonya nói giọng trách móc.
     
Người quản gia cũng nói:

- Thôi, tiểu thư ạ!
   
Nhưng Natasa không chịu thua. Nàng dỡ hết đồ đạc ra và bắt đầu xếp lại rất nhanh, quả quyết gạt những tấm thảm và những bộ đĩa thừa ra. Và quả nhiên, sau khi đã gạt bỏ bớt những đồ đạc rẻ tiền không đáng mang theo, bao nhiêu đồ quý đều xếp gọn vào hai thùng. Nhưng cái thùng đựng thảm không sao dậy nắp được. Lúc bấy giờ có thể lấy bớt ra một ít, nhưng Natasa cứ một mực không chịu. Nàng đi xếp, xếp lại, giẫm, ấn, bắt người quản gia và cậu Petya mà nàng huy động đến làm việc với nàng phải đè thật mạnh lên nắp thùng, và chính nàng cũng đem hết sức lực ra ấn nó xuống.

- Thôi Natasa ạ, - Sonya nói, - Mình thấy rồi, Natasa làm thế là phải, nhưng hãy bớt tấm thảm trên cùng đi.

- Không, - Natasa kêu lên, một tay đưa lên vén mái tóc xoã xuống khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của nàng, một tay ấn nắp thùng - Ấn mạnh đi Petya! Vaxitits, ấn mạnh đi nào!
     
Mấy tấm thảm đã ép chặt xuống. Nắp thùng đã đóng lại được.
       
Natasa vỗ tay reo lên mừng rỡ, ứa cả nước mắt ra. Nhưng chỉ một lát sau nàng đã bắt tay vào một công việc khác. Bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn tin rằng, và bá tước không hề phật ý khi người nhà nói với ông rằng Natasa đã bảo làm khác hẳn lời sai phái của ông, và các gia nhân đã đều hỏi Natasa xem xe chất như đã đủ chưa và nên chằng dây chưa. Nhờ những cách thu xếp của Natasa, mọi việc đều được giải quyết gọn gàng: những đồ không cần dùng được bỏ lại, còn những đồ quý nhất thì được sắp xếp thật chặt chẽ.
       
Tuy mọi người đã ra sức xếp đặt cho thật nhanh nhưng đến khuya vẫn chưa xếp hết được. Bá tước phu nhân ngủ thiếp đi. Lão bá tước đành hoãn đến sáng mai mới lên đường, và đi ngủ.

Natasa và Sonya để nguyên áo dài ngủ trong phòng đi-văng.
     
Đêm đó có thêm một người bị thương được chở qua phố Pavarkaya, và bà Mavra Kizminisna bấy giờ đang đứng ở cổng, liền cho xe của họ rẽ vào sân nhà Roxtov. Theo ý bà Mavra thì người bị thương này là một nhân vật trọng yếu. Họ chở người ấy trên một chiếc xe song mã phủ diềm, mui trên buông kín. Trên ghế đánh xe, bên cạnh người xà ích, có một người nội bộc đã già trông rất oai vệ ở phía sau có một chiếc xe chở một viên bác sĩ và hai người lính đi theo.

- Xin mời ngài vào nhà chúng tôi, xin mời quý vị. Chủ chúng tôi sắp đi rồi cả nhà bỏ trống, - bà Mavra nói với người lão bộc.

- Thôi cũng đành, - người hầu phòng thở dài đáp, - cũng không mong gì về đến nhà được! Chúng tôi cũng có nhà ở Moskva, nhưng xa lắm, mà nay nhà chẳng còn ai.
     
Mavra Kizminisna nói:

- Xin cứ vào nhà chúng tôi, chủ chúng tôi cái gì cũng có đủ, xin cứ vào - Rồi bà nói thêm - Thế nào, bị thương nặng lắm à?

Người lão bộc khoác tay ra dáng tuyệt vọng:

- Không mong gì đưa về đến nhà! Phải hỏi bác sĩ mới được - và lão bỏ ghế xà ích bước xuống. lại gần chiếc xe sau.

- Được! - viên bác sĩ nói.
     
Người hầu phòng lại trở về sau song mã, ghé mắt nhìn vào trong xe, lắc đầu, rồi bảo người đánh xe quay vào sân, và đứng lại bên cạnh Mavra Kizminisna.

- Trời ơi! Lạy chúa Jesus! - Bà Mavra thốt lên.

Bà đưa người bị thương vào nhà, nói:

- Các chủ nhân không nói gì đâu…
   
Nhưng không thể đem người bị thương lên gác được nên họ đưa vào dãy nhà dọc và đặt người ấy nằm trong gian phòng cũ của bà Schoss. Người bị thương ấy chính là công tước Andrey Bolkonxki.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:12:53 pm
Phần XI
Chương -15- 16

Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva.
   
Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn toả ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không.
   
Trong ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh của gia đình Roxtov chẳng có dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ những điều kiện sinh hoạt cũ đã bị đảo lộn. Về phần gia nhân thì chỉ có một điều là đêm hôm qua trong số tôi tớ rất đông đúc của nhà này có ba người trốn đi, nhưng đồ đạc thì chẳng mất mát chút gì, còn về giá cả thì ba mươi cỗ xe đưa từ thôn quê lên quả là một giá rất đắt. Không phải chỉ riêng, mà từ cuối hôm ba mươi mốt tháng tám cho đến sáng ngày mồng một tháng chín lại có nhiều người lính cần vụ và gia nhân của các sĩ quan bị thương, và ngay cả những người bị thương nữa ghé lại nhà Roxtov và các nhà bên cạnh cũng đều van xin các gia nhân và nói hộ với chủ cho họ nhờ mấy chiếc xe tải để ra khỏi Moskva. Người quản gia nghe họ van nài như vậy cũng thấy thương hại những người bị thương nhưng cũng cương quyết từ chối, nói rằng việc này thì dù chỉ thưa lại với chủ nhân thôi anh ta cũng không dám. Những người thương binh bị bỏ lại thật đáng thương, nhưng có thể thấy rõ là nếu đã nhường một chiếc xe tải thì không có lý gì lại không nhường tất cả, rồi đến xe nhà cũng phải nhường nốt. Người quản gia suy tính hộ cho chủ như vậy.
     
Sáng ngày mồng một, bá tước Ilya Andreyevich thức dậy, rón rén bước ra ngoài phòng ngủ để khỏi kinh động giấc ngủ của bá tước phu nhân mới chợp mắt lúc tờ mờ sáng.  Mình mặc chiếc áo ngủ dài bằng lụa màu hoa cà, bá tước đi ra thềm. Những chiếc xe tải đã chằng dây đang đứng im trong sân. Viên quản gia đang đứng cạnh bậc thềm nói chuyện với một người lính cần vụ già và người một sĩ quan trẻ tuổi xanh xao tay treo băng. Trông thấy bá tước, người quản gia làm một cử chỉ nghiêm nghị ra hiệu cho họ lảng ra xa.

- Thế nào đấy, xong cả chưa Vaxilits? - Bá tước hỏi, tay xoa xoa cái đầu hói và đưa đôi mắt hiền hậu nhìn viên sĩ quan và người lính cần vụ, khẽ gật đầu chào họ (bá tước vốn thích những người mới gặp).

- Thưa bá tước, bây giờ cho thắng ngựa ngay cũng được ạ.

- Thế thì tốt lắm, chốc nữa bá tước phu nhân ngủ dậy là đi ngay! Thế còn ông thì sao? - bá tước quay sang nói với viên sĩ quan. - Đêm qua ông nghỉ lại nhà tôi đấy chứ?

Viên sĩ quan lại gần. Gương mặt xanh xao của anh ta chợt đỏ ửng lên.

- Thưa bá tước, xin bá tước gia ân, cho phép tôi… tôi van ngài… cho tôi ngồi nhờ trên một chiếc xe tải nào của bá tước, chỗ nào cũng được. Đây tôi chẳng có hành lý gì cả… Ngồi trên xe tải… thế nào cũng được…

Viên sĩ quan chưa nói hết câu thì người lính cần vụ đã đỡ lời van xin bá tước cho chủ.

- À! Được được được - Bá tước hối hả nói. - Tôi rất vui lòng, rất vui lòng. Vaxilits, anh bảo bỏ bớt đồ trên xe xuống, anh xem… phải cho chu tất nhé… - bá tước nói lúng búng, chẳng rõ ông ta muốn bảo làm gì nữa.
   
Nhưng ngay trong giây lát đó vẻ biết ơn nhiệt thành của viên sĩ quan đã củng cố những điều sai bảo của bá tước. Bá tước đưa mắt nhìn quanh: trong sân, ngoài cổng, ở các khung cửa sổ bên dãy nhà dọc đều thấy có những người bị thương và những người cần vụ.

Mọi người đều nhìn về phía bá tước và mon men lại gần bậc thềm.

- Thưa bá tước, xin bá tước ghé vào phòng khách. - Viên quản gia nói. - Bẩm bây giờ bức tranh thì thế nào ạ?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:13:44 pm
Bá tước theo anh ta vào nhà, sau khi nhắc lại là không được từ khước những người bị thương xin ngồi nhờ xe tải.

- Thôi thì bỏ bớt ít đồ xuống cũng được, - ông nói thêm, giọng thì thầm có vẻ bí mật, như thể ông sợ có ai nghe thấy.
   
Đến chín giờ bá tước phu nhân thức dậy. Matriona, người hầu phòng cũ của phu nhân, vốn làm một chức vụ tương tự như chức trưởng phòng hiến binh của phu nhân, đến báo cáo với phu nhân rằng Maria Karlovra đang bất bình lắm, và áo dài mùa hạ của các tiểu thư không thể bỏ lại được. Bá tước phu nhân hỏi tại sao bà Schoss lại bất bình như vậy, thì hoá ra các rương hòm của bà ta đã bị bỏ xuống và tất cả xe tải đều bị tháo dây ra cả (bá tước quá thật thà đã cho bỏ đồ đạc xuống để chở thương binh). Bá tước phu nhân liền cho gọi chồng lại.

- Thế nào đấy mình, nghe nói lại bỏ đồ đạc xuống à?

- Mình ạ! Số là thế này… bá tước phu nhân thân mến của tôi ạ… vừa rồi có một sĩ quan đến xin tôi nhường cho vài xe để chở thương binh. Vì rằng đồ đạc thì còn sắm lại được, chứ họ mà phải ở lại đây là mình thử nghĩ mà xem!… Quả tình trong sân nhà ta… chính chúng ta cũng đã gọi họ vào, ở đây có cả những sĩ quan. Mình ạ, tôi thiết tưởng, quả tình thì, mình ạ. Thế này nhé… Thôi để cho họ cùng đi… Việc gì mà vội?
     
Bá tước nói một cách rụt rè như thường lệ mỗi khi nói đến chuyện tiền nong. Bá tước phu nhân thì đã quen với cái giọng này, một giọng nói xưa nay vẫn báo trước một việc gì có tổn thương đến tài sản của con cái, như việc bày phòng tranh, làm nhà ủ cây, tổ chức diễn kịch hay hoà nhạc trong nhà, và phu nhân đã quen cho là mình có nhiệm vụ nhất luận phản đối những việc mà bá tước nói ra với cái giọng rụt rè đó.
   
Phu nhân làm ra vẻ nhẫn nhục, ngậm ngùi và nói với chồng:

- Bá tước ạ, mình đã làm hỏng mất vtệc bán ngôi nhà, thế mà bây giờ mình còn muốn huỷ hoại cả sản nghiệp của các con ư? chính mình nói rằng của cải trong nhà có đến mười vạn. Mình ạ, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu? Tuỳ mình đấy! Cần phải làm gì chứ. Mình thử nhìn mà xem: nhà Lopukhin đã dọn đi hết từ ba ngày nay. Mình không thương tôi thì cũng phải thương lấy các con chứ.
   
Bá tước khoát tay một cái và chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài.

- Ba ơi! Việc gì phải thế hở ba? - Natasa nói, và theo bá tước vào phòng mẹ.
     
Chẳng có gì cả! Việc gì đến mày? - Bá tước giận dữ nói.

- Không, con nghe thấy rồi. Tại sao mẹ không chịu hả ba?

- Thì việc gì đến mày nào? - bá tước quát lên.

Natasa bỏ ra đứng cạnh cửa sổ và ngẫm nghĩ một lúc.

- Ba ạ, Berg đến kia kìa, - nàng nói, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

16.
       
Berg, người con rể của ông bà Roxtov, bấy giờ đã lên đến chức đại tá, đeo huân chương Vladimir và huân chương Anna trên cổ vẫn làm một chức vụ yên tĩnh và thú vị là chức sĩ quan phục việc ở văn phòng thứ nhất của tham mưu trưởng quân đoàn hai.
   
Ngày mồng một tháng chín, Berg từ quân đội trở về Moskva.
   
Chàng chẳng có việc gì ở đây cả; nhưng chàng nhận thấy rằng trong quân đội ai cũng về Moskva để làm một việc gì đấy. Cho nên chàng cũng thấy cần phải xin về đấy để thu xếp việc nhà.
     
Berg đến nhà ông nhạc trên cỗ xe rất lịch sự thắng hai con ngựa hồng béo tốt, bờm và đuôi đen, giống như đúc hai con ngựa của một vị công tước mà chàng quen biết. Chàng chăm chú nhìn những chiếc xe tải ở ngoài sân, và khi bước lên bậc thềm, chàng rút chiếc khăn mùi soa sạch sẽ ra, thắt góc khăn lại thành một cái nút, Từ phòng ngoài, Berg bước vội vào phòng khách ôm hôn bá tước hôn tay Natasa và Sonya rồi vội vàng hỏi thăm sức khoẻ của bà nhạc. Lão bá tước nói:

- Lại còn hỏi sức khoẻ! Nào, anh thử nói tôi nghe nào, quân đội ra sao? Sẽ rút lui hay mở một trận nữa?
     
Berg nói:

- Thưa ba, chỉ có Thượng đế vĩnh hằng mới có thể định đoạt số phận của tổ quốc. Quân đội thì đang hừng hực tinh thần anh dũng, và hiện nay các vị tư lệnh đang họp hội đồng. Rồi đây sẽ ra sao thì không biết… Nhưng con xin thưa với ba là nói chung cái tinh thần dũng cảm, cái tinh thần quả cảm của quân đội Nga, thật xứng đáng với các anh hùng cổ đại, mà họ đã biểu lộ ra trong trận chiến đấu ngày hai mươi sáu thì không có lời nào tả xiết… con xin thưa với ba rằng (chàng đấm vào ngực đúng như một viên tướng đã từng đấm ngực khi nói mấy câu này trước mặt chàng, tuy chàng đấm có hơi muộn, vì lẽ ra phải đấm ngực đúng vào lúc nói mấy chữ "quân đội Nga"), con xin nói thật rằng những người chỉ huy như con không những không phải thúc ép quân sĩ mà lại còn phải kìm bớt những cái… những cái… phải, những chiến công anh hùng chẳng kém gì các anh hùng cổ đại ấy, - câu này chàng nói một hơi rất nhanh. - Ở nơi nào đại tướng Barclay de Tolly cũng luôn luôn xông pha ở hàng đầu quân đội. Còn quân đoàn của con thì bố trí ở một sườn núi. Ba thử tưởng tượng xem! - và đến đây Berg kể lại tất cả những điều chàng còn nhớ được qua những câu chuyện chàng đã nghe kể gần đây, Natasa cứ nhìn chòng chọc vào Berg khiến chàng lúng túng, dường như nàng muốn tìm ở trên mặt Berg một lời giải đáp cho một vấn đề gì đang khiến nàng bận tâm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:14:33 pm
- Nói chung cái tinh thần anh dũng mà các chiến sĩ Nga đã biểu lộ ra thì thật không thể nào tưởng tượng cho hết, không thể tìm một lời ngợi khen cho xứng đáng? - Berg vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Natasa, và dường như muốn xin nàng buông tha cho, chàng cười nụ để đáp lại cái nhìn chòng chọc của Natasa - Chàng nói tiếp: "Nước Nga không phải ở Moskva, nước Nga ở trong lòng những người con của nó!" Thưa ba có phải thế không ạ?
     
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân từ trong phòng đi-văng bước ra, vẻ mệt mỏi và bực dọc. Berg vội vã đứng phắt dậy hôn tay phu nhân, hỏi thăm sức khoẻ của bà và lắc đầu tỏ ý ái ngại, đứng yên bên cạnh bà.

- Phải, thưa mẹ, con xin nói thật rằng đây là một thời buổi khó khăn và buồn khổ cho mọi người Nga.
Nhưng việc gì phải lo âu? Bây giờ mẹ đi hãy còn kịp…

- Tôi không hiểu hiện nay người ta làm những gì, - bá tước phu nhân nói với chồng, - Họ vừa nói với tôi là sửa soạn chưa xong gì cả.

- Phải có người sai bảo họ với chứ. Thế này đâm ra lại tiếc thằng Mityeuka. Cứ mãi thế này thì rồi không biết đến bao giờ!
   
Bá tước định nói một câu gì nhưng rồi nghĩ lại thế nào lại thôi.
   
Ông rời ghế đứng dậy đi ra cửa.
   
Bấy giờ Berg, tuồng như để xỉ mũi, rút khăn mùi soa ra và nhìn cái nút thắt ở góc khăn, nghĩ ngợi một lát, buồn bã lắc đầu một cách có ý nghĩa. Chàng nói:

- À, thưa ba, con có một việc quan trọng cầu xin ba…

- Hả?… - bá tước dừng lại nói.

- Vừa rồi con đi ngang nhà Yuxupov, - Berg tươi cười nói, - Viên quản lý nhà này vốn quen con, chạy ra hỏi xem con có mua gì không. Con ghé vào… ấy, cũng chỉ vì tò mò muốn xem thử.   Trong ấy có một cái tủ con và một cái bàn trang điểm thật là… Chắc ba cũng biết rằng Veruska vẫn ước ao có một cái bàn như thế, chúng con đã có lần cãi nhau về việc này (khi nói đến chiếc tủ con và cái bàn trang điểm Berg bất giác chuyển sang cái giọng vui mừng mà chàng vẫn thường có mỗi khi nói đến những tiện nghi trong nhà chàng). Trông thích quá: có nhiều ngăn rút ra được, lại có một cái ngăn kéo bí mật kiểu Anh nữa ba ạ! Veruska muốn có một chiếc từ lâu. Cho nên con muốn cho nhà con một món quà bất ngờ. Ở đây con thấy có nhiều nông dân ở ngoài sân. Ba cho con mượn một đứa, con sẽ cho tiền uống rượu rất hậu và…
     
Bá tước cau mày và đằng hắng mấy cái.

- Anh hỏi bá tước phu nhân ấy, tôi không biết.

Nếu phiền thì thôi vậy, - Berg nói. - Nguyên con chỉ muốn làm cho Veruska mừng.

- Chà thôi! Cút hết đi cho rảnh, cút đi, cút đi!. - Lão bá tước quát, Váng hết cả đáu lên! - Nói đoạn bá tước bỏ ra ngoài.
   
Bá tước phu nhân khóc.

- Phải! Thưa mẹ, thời buổi thật là khó khăn, - Berg nói.
     
Natasa theo bố và có vẻ đang chật vật suy nghĩ điều gì lúc đầu còn đi theo bá tước, nhưng về sau nghĩ thế nào nàng lại rẽ xuống thang gác.

Trên bậc thềm, Petya đang đứng phân phát vũ khí cho các gia nhân sẽ ra khỏi Moskva. Những chiếc xe tải đã thắng ngựa vẫn đứng ngoài sân. Có hai chiếc đã tháo dây ràng. Một viên sĩ quán, có một người lính cần vụ đỡ, đang leo lên một trong hai chiếc xe ấy.

- Chị có biết vì việc gì không? - Petya hỏi Natasa (Natasa hiểu ngay rằng Petya muốn hỏi vì sao cha mẹ cãi nhau). Nàng không đáp.

- Vì cha muốn nhường tất cả các xe vận tải cho thương bình, Petya nói. - Valxilits bảo em thế.  Em thì em cho rằng…

- Tao thì tao cho rằng… - Natasa bỗng quay mặt vào Petya nói to gần như quát lên, vẻ giận dữ… tao cho rằng như thế thật là xấu xa, thật là ti tiện hết sức! Chúng ta có phải là người Đức đâu chứ?
     
Cổ nàng nghẹn ngào vì những tiếng nấc. Và sợ rằng cơn giận của mình sẽ giảm bớt nếu để cho nó phát tiết ra một cách vô ích, nàng hấp tấp quay gót và chạy rất nhanh lên thang gác. Berg đang ngồi cạnh bá tước phu nhân, lựa lời kính cẩn và thân mật an ủi bà nhạc.
   
Bá tước tay cầm tẩu thuốc đang đi đi lại lại trong phòng khi Natasa mặt này muốn biến sắc đi vì tức giận chạy xổ vào như một trận cuồng phong và bước rất nhanh về phía mẹ.

- Thật là ghê tởm, thật là ti tiện - Nàng quát lên. Không thể tin là mẹ đã bảo họ làm như vậy được.
   
Berg và bá tước phu nhân ngơ ngác và kinh hãi nhìn nàng. Bá tước dừng lại bên cửa sổ lắng tai nghe ngóng.

- Mẹ ạ, không thể như thế được; mẹ thử nhìn ra sân mà xem! - nàng thét lên. - Họ phải ở lại đấy!
Con làm sao thế? Họ là ai? Con muốn làm gì?

- Họ là thương binh ấy! Không thể như thế được mẹ ạ; như thế thì chẳng còn ra làm sao nữa… không phải, mẹ yêu dấu của con ạ: không phải thế, mẹ tha lỗi cho con, mẹ ạ. Mẹ ơi những đồ đạc chúng ta mang đi theo, đối với nhà ta có nghĩa gì! Chỉ xin mẹ nhìn ra sân mà xem… Mẹ ạ!… Không thể như thế được!…
     
Bá tước đứng lên cửa sổ nghe Natasa nói, không ngoảnh mặt lại. Bỗng ông bắt đầu thở phì phì và ghé mắt sát cửa sổ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:15:20 pm
Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn con; bà đã thấy cái vẻ hổ thẹn thay cho mẹ trên gương mặt Natasa, bà đã thấy rõ nàng xúc động đến nhường nào, và đã hiểu tại sao chồng bà không ngoảnh mắt lại nhìn bà. Bá tước phu nhân bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh.

- Chà, thôi các người muốn làm gì thì làm. Tôi có hề ngăn cản ai đâu? - Phu nhân nói, tuy vẫn chưa chịu thua hẳn.

- Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, mẹ tha thứ cho con!
   
Nhưng bá tước phu nhân đẩy con gái ra và lại gần bá tước.

- Mình ạ! - mình xem nên thế nào thì cứ bảo nó làm… vừa rồi là vì tôi không rõ.

Phu nhân nói, mắt nhìn xuống đất như người có lỗi.

- Trứng… trứng mà lại đòi dạy khôn cho vịt… - bá tước nói nghẹn ngào qua những giọt nước mắt sung sướng ôm hôn phu nhân bấy giờ đang hài lòng được giấu khuôn mặt hổ thẹn của mình vào ngực chồng.

- Ba ơi, mẹ ơi! Cho con đi bảo họ nhé! Nhé… - Natasa nói. - Chúng ta vẫn sẽ mang theo những thứ gì cần thiết.
   
Bá tước gật đầu ưng thuận, và Natasa chạy rất nhanh như những khi chơi trò chạy thi, lao mình qua phòng lớn, đâm bổ vào phòng trước và nhảy xuống thang gác ra sân.
     
Gia nhân vây quanh Natasa và không chịu tin cái mệnh lệnh kỳ quái mà nàng truyền đạt lại, mãi cho đến khi bá tước phu thân hành thay mặt cho phu nhân ra xác nhận nhường tất cả các xe tải cho thương binh, còn rương hòm thì bỏ vào các nhà kho. Nghe xong, gia nhân vui mừng và cần măn bắt tay vào công việc mới. Bây giờ không những cho việc này là kỳ quặc, mà ai nấy còn thấy rằng không thể làm cách nào khác thế được.
     
Tất cả những người ở trong nhà, dường như lấy làm tiếc rằng, đã không làm việc này sớm hơn, đều đon đả bắt tay vào việc xếp chỗ cho các thương binh. Những người bị thương lê ra khỏi phòng, vây quanh mấy chiếc xe tải, gương mặt xanh xao nhưng mừng rỡ. Ở các nhà bên cạnh cũng có tin truyền đi là có xe tải chở thương binh, và những người bị thương có nghỉ ở các nhà khác bắt đầu lục tục kéo đến gia đình Roxtov. Trong số các thương binh có nhiều người yêu cầu đừng cất bỏ đồ đạc, cứ để cho họ ngồi lên trên.
       
Nhưng đồ đạc đã bắt đầu bỏ xuống rồi và không thể ngừng được nữa. Để lại tất cả hay để lại một nửa thì những bát đĩa, những tượng đồng, những bức hoạ, những tấm gương mà đêm qua họ đã ra công xếp đặt cẩn thận như vâỵ, thế nhưng họ vẫn tìm ra cách bỏ bớt thêm nhiều đồ đạc nữa để có thêm xe cho thương binh.

- Có thể chở thêm bốn người nữa - viên quản lý nói, - Tôi xin nhường chiếc xe chở đồ đạc của tôi, chứ không thì họ sẽ ra sao?

- Cả chiếc xe chở tủ quần áo của tôi nữa, - bá tước phu nhân nói, - Dunusia sẽ cùng ngồi xe với chúng tôi cũng được.
     
Chiếc tủ áo cũng được bỏ xuống, và chiếc xe được đánh đi đón thương binh ở cách đây hai nhà. Tất cả những người trong gia đình cũng như các gia nhân đều phấn chấn vui vẻ. Natasa bấy giờ ở trong một tâm trạng khích động và sung sướng mà đã từ lâu nàng chưa cảm thấy.
Mấy người đầy tớ đang cố buộc một chiếc hòm ở phía sau một cỗ xe. Họ nói:

- Làm thế nào mà buộc bây giờ? Ít ra cũng phải để lại một chiếc xe tải mới được.

- Hòm dựng gì thế? - Natasa hỏi.

- Đựng sách của bá tước.

- Để xuống. Vaxilits sẽ mang cất đi. Sách thì chẳng cần.

Trong xe đã chật ních. Họ băn khoăn hỏi nhau không biết Piotr sẽ ngồi vào đâu.

- Ngồi trên ghế xà ích ấy. Phải không Petya - Natasa gọi to.
   
Sonya cũng xếp dọn không ngừng tay; nhưng mục đích của nàng ngược hẳn với mục dích của Natasa. Nàng thu xếp những đồ đạc phải bỏ lại kê thành một danh sách theo nguyện vọng của bá tước phu nhân, và cố tim cách mang theo được từng nào hay từng ấy.
   
Đến khoảng hơn một giờ trưa bốn cỗ xe nhà của gia đình Roxtov chở nặng những đồ đạc và đã thắng ngựa sẵn sàng đứng ở trước thềm. Những chiếc xe tải chở thương binh lần lượt từ trong sân kéo ra.
   
Chiếc xe song mã chở công tước Andrey khi đi ngang trước thềm đã khiến Sonya chú ý; bấy giờ nàng đang cùng một người đày tớ gái xếp chỗ ngồi cho bá tước phu nhân trong chiếc xe cao lớn của bà đỗ ở cạnh thềm.
     
Sonya ló đầu ra cửa xe hỏi:

- Xe ai thế nhỉ?

- Thế tiểu thư không biết à? - người đầy tớ giải đáp, - Xe của vị công tước bị thương, tối qua ngủ tại nhà ta đấy. Xe của công tước sẽ cùng đi với chúng mình.

- Công tước nào? Tên là gì?
     
Chàng rể ngày trước của nhà ta ấy mà, công tước Bolkonxki đấy! - Người đầy tớ thở dài đáp. Nghe nói sắp chết rồi thì phải.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:16:12 pm
Sonya nhảy vụt ra khỏi xe và chạy đi tìm bá tước phu nhân lúc bấy giờ đã mặc quần áo đi đường, đội mũ và choàng khăn, vẻ mệt mỏi, đang đi đi lại lại trong phòng khách chờ những người trong gia đình đến đóng cửa phòng một lát(1) và cầu nguyện đôi chút trước khi ra đi. Natasa bấy giờ không có mặt ở trong phòng.

- Mẹ ơi! - Sonya nói, - Công tước Andrey đang ở đây, bị thương gần chết. Anh ấy sẽ cùng đi với nhà ta.
   
Bá tước phu nhân kinh hãi mở mắt ra và nắm lấy tay Sonya lấm lét nhìn quanh, thều thào:

- Natasa?
     
Đối với Sonya cũng như đối với bá tước phu nhân, tin này thoạt đầu chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Họ đều biết rõ Natasa của họ, và mối lo cho tình trạng của nàng khi nàng biết tin này lấn át hết lòng thương đối với con người mà cả hai đều quý mến. Sonya nói:

- Natasa chưa biết; nhưng anh ấy sẽ đi cùng với chúng ta.

- Con vừa bảo là anh ấy sắp chết à?

Sonya gật đầu:

Bá tước phu nhân ôm chầm lấy Sonya mà khóc.
   
"Không ai lường hết được những con đường do Chúa định" - Bà nghĩ thầm, lòng cảm thấy trong tất cả những sự việc đang diễn ra đã bắt đầu hiện bàn tay quyền lực vô cùng mà trước kia mắt của con người không thể trông thấy.

- Mẹ ạ xong cả rồi đấy. Mẹ với Sonya có chuyện gì thế… - Natasa chạy vào phòng nói, gương mặt phấn chấn.

- Có chuyện gì đâu, - bá tước phu nhân nói, - Xong rồi à, thế thì ta đi, - Và phu nhân cúi xuống sát chiếc túi thêu để giấu vẻ mặt biến sắc đi vì xúc động. Sonya ôm lấy Natasa và hôn nàng.
   
Natasa đưa mắt nhìn Sonya có ý dò hỏi:

- Sonya làm sao thế? Có việc gì xảy ra?

- Không… chẳng có gì cả.
     
Natasa vốn rất tinh ý; nàng hỏi ngay:
     
Có chuyện không hay cho em à? Chuyện gì thế?
     
Sonya thở dài không đáp. Bá tước, Piotr, bà Schoss, Vaxilits bước vào phòng khách, họ đóng các cửa lại và mọi người im lặng ngồi xuống một lát, không ai nhìn ai.
     
Bá tước đứng dậy trước tiên và thở dài đánh phào một cái, đưa tay làm dấu thánh trước bức tượng thánh. Mọi người đều làm theo.
     
Rồi bá tước ôm hôn Mavra Kuzminísna là người sẽ ở lại Moskva và trong khi họ cầm lấy tay và hôn lên vai ông, bá tước vỗ nhè nhẹ lên lưng họ, miệng lắp bắp mấy câu gì không nghe rõ nhưng rất dịu dàng, ý chừng muốn an ủi họ. Bá tước phu nhân bỏ vào phòng bày tượng thánh, Sonya vào theo thì thấy phu nhân đang quỳ trước những bức tượng còn lại rải rác trên tường (những bức quý nhất, có gắn bó với nhiều kỉ niệm gia đình, thì đều được mang theo).
   
Trên thềm và trong sân, các gia nhân tuỳ hành đeo những chiếc dao găm và những thanh gươm mà Petya đã phân phát cho họ, ống quần xỏ vào ủng, mình nai nịt rất chặt, đang từ biệt những người ở lạì.
   
Cũng như ta vẫn thường thấy những khi ra đi, có rất nhiều vật bị bỏ quên hoặc không được xếp đặt chu đáo cho nên hai người hành bộc đứng hai bên cửa xe để chuẩn bị đỡ bá tước phu nhân bước lên bậc phải đứng chờ khá lâu, trong khi mấy người đày tớ gái từ trong nhà mang thêm nào là gối đệm, nào là tay nải chạy ra xe, hết xe này lại đến xe kia, rồi lại chạy vào nhà.

- Các người suốt đời cái gì cũng quên! - Bá tước phu nhân nói. - Mày cũng biết là tao có ngồi được thế này đâu!

Yefim nghiến răng không đáp, gương mặt biểu lộ vẻ oán trách, và nhảy vào xe sửa lại chỗ ngồi.

- Chà, cái bọn này! - Bá tước lắc đầu nói.

Lão Yefim. người xà ích duy nhất được bá tước phu nhân tin cậy và để cho đánh xe, ngất ngưởng trên ghế xà ích, không hề lần nào quay lại nhìn lại phía sau. Ba mươi năm kinh nghiệm đã cho lão biết rằng còn phải chờ lâu mới nghe câu: "Gửi Chúa!" và ngay đến khi ra lệnh lên đường, thì người ta cũng lại bảo dừng xe vài lần để sai người chạy về lấy mấy thứ bỏ quên, và sau đó lại bảo dừng xe một lát nữa, và tự thân bá tước phu nhân sẽ ló đầu ra cửa xe để dặn dò khẩn khoản lão ta cho xe đi cẩn thận mỗi lần xuống dốc. Lão biết như vậy cho nên lão cứ bình tâm chờ đợi, kiên nhẫn hơn mấy con ngựa, nhất là con ngựa hung thắng bên trái tên là Xokol, lúc bấy giờ đang dẫm chân và cắn hàm thiếc.

Cuối cùng mọi người đã lên xe. Bậc xe đã được nhấc lên và bỏ vào trong, cánh cửa xe đã đóng lại, phu nhân đã cho người chạy trở lại lấy thêm cái tráp; và đã dặn dò khi xuống dốc phải cấn thận. Lúc bấy giờ
Yefim mới chậm rãi cất mũ và làm dấu thánh giá. Người quản mã và các gia nhân đều làm theo. Yefim đội mũ lên đầu nói:

- Gửi Chúa!
     
Người mã phu cho ngựa xuất phát. Con ngựa bên phải rướn cổ dưới chiếc vòng càng, những ổ díp cao kêu cót két, và thùng xe lắc lư chuyển đi. Người hành bộc nhảy lên chiếc xà ích trong khi chiếc xe chuyển bánh. Chiếc xe khi ra đến đường cái vấp bánh vào tảng đá lát dường gập nghềnh và xóc lên một cái; các xe khác khi đi ngang chỗ đó cũng lần lượt xóc lên, và đoàn xe nối đuôi nhau trên đường phố đi ngược lên dốc. Khi đi ngang qua chiếc nhà thờ ở trước mặt, mọi người ở trên xe kiệu, xe mui, xe Briska đều làm dấu thánh giá. Các gia nhân ở lại Moskva đi hai bên đoàn xe, tiễn chân những người ra đi một đoạn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 07:17:15 pm
Natasa ít khi có được một cảm giác vui mừng như bấy giờ khi ngồi cạnh bá tước phu nhân trong cỗ xe ngắm những bức tường của Moskva đang bị rời bỏ chậm rãi lùi về phía sau, rồi nhìn ra sau.
     
Thỉnh thoảng nàng lại thò đầu ra ngoài cửa sau, rồi nhìn về phía trước, xem đoàn xe tải dài chở thương binh đi trước xe họ. Ở quãng đầu của đoàn xe này có thể trông thấy chiếc xe song mã buông mui kín của công tước Andrey. Nàng không biết người nào đang ở trên xe, nhưng cứ mỗi lần muốn biết vị trí của đoàn xe nàng lại đưa mắt tìm chiếc xe song mã. Nàng biết rằng nó đi đầu đoàn.

Ở Kudrin có mấy đoàn xe tương tự như đoàn xe của nhà Roxtov. Từ phố Nikitxkaya, từ Prexnya, từ
Potnivinxki đổ ra và dọc phố Xadovaya bấy giờ đã có hai hàng xe nhà và xe tải đi song song.

Khi đi xung quanh tháp Xukharev, Natasa bấy giờ đang tò mò đưa mắt nhanh nhìn qua những đám người đi xe và đi bộ, bỗng vui mừng và ngạc nhiên reo to:

- Trời ơi! Mẹ xem kìa, Sonya xem kìa, đúng là anh ấy!

- Ai? Ai?

- Xem kìa, trời ơi, anh Bezukhov đấy? - Natasa nói, người chồm ra ngoài cửa xe nhìn một người cao to lớn và to béo mặc áo kaftan kiểu như những người đánh xe ngựa thường mặc, cứ trông dáng người và cách đi cũng rõ là người quý tộc cải trang, đang đi cạnh một ông già thấp bé không có râu tiến về phía cái cổng tò vò ở tháp Xukharev. Natasa nói:

- Trời ơi, đúng là anh Bezukhov mặc áo kaftan, đi với một ông già bé loắt choắt như trẻ con ấy. Trời ơi, xem kìa, xem kìa!

- Không phải đâu, làm gì có chuyện vô lý thế.

- Mẹ ơi! - Natasa kêu to lên, - Không phải anh ấy thì mẹ cứ chặt đầu con đi! Con cam đoan với mẹ như thế. Đứng lại, đứng lại! - nàng thét người đánh xe; nhưng người đánh xe không sao dừng lại được vì lúc bấy giờ từ phố Messanxkaya lại có thêm những đoàn xe nhà và xe tải kéo ra, họ cứ quát tháo đoàn xe của gia đình Roxtov, giục đi đi để khỏi nghẽn lối người khác.
     
Quả nhiên, tuy bấy giờ xe đã đi cách chỗ lúc nãy, mọi người trong gia đình Roxtov đều trông thấy Piotr, hay là một người nào giống Piotr một cách dị thường, mặc áo kiểu kaftan của những người đánh xe, đang bước trên đường phố, đầu cúi gầm và vẻ mặt nghiêm trang, bên cạnh một ông già nhỏ không có râu, trông như một người nô bộc. Ông già đã để ý thấy người con gái ở trong cửa xe nhòm ra, và kính cẩn chạm vào khuỷu tay Piotr, vừa nói gì với chàng vừa chỉ về phía chiếc xe song mã. Piotr hồi lâu không hiểu ông ta nói gì, vì hình như chàng đang mải suy nghĩ miên man. Cuối cùng, khi đã hiểu chàng nhìn theo hướng tay chỉ, nhận ra Natasa và chưa kịp suy nghĩ, chàng lập tức tiến về phía xe. Nhưng đi được mươi bước, chàng lại như sực như nhớ ra điều gì, liền dừng lại.

Natasa bấy giờ đang chồm ra ngoài cửa sổ, gương mặt nàng vụt sáng lên trong một nụ cười trìu mến và
chế giễu.

- Anh Piotr Kirilyts! Lại đây nào! Chúng tôi nhận ra anh rồi! Thật là kì lạ - nàng giơ tay về phía Piotr gọi to.

- Anh làm sao thế? Sao anh lại mặc thế này?

Piotr cầm lấy bàn tay giơ ra và vừa bước vừa hôn lên bàn tay một cách vụng về (vì lúc bấy giờ xe vẫn tiếp tục đi)

- Bá tước làm sao thế? - Phu nhân hỏi, giọng ngạc nhiên và có ý thương xót.

- Làm sao? Tại sao à? Thôi xin miễn hỏi, - Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn Natasa lúc bấy giờ đang nhìn chàng với đôi mắt long lanh (ngay khi chàng chưa nhìn. Piotr cũng đã cảm nhận được luồng mắt của nàng), toả ra một ánh sáng huyền diệu đang thấm sâu vào người chàng.

- Anh thì thế nào? Hay là ở lại Moskva?

Piotr im lặng một lát rồi hỏi, có vẻ ngơ ngác:

- Ở lại Moskva? À vâng, ở lại Moskva. Thôi xin chào cô.

- Chà giá được làm đàn ông, tôi sẽ ở lại với anh ngay. Ờ hay quá - Natasa nói, - Mẹ cho con ở lại mẹ nhé.
Piotr thẫn thờ nhìn Natasa và toan nói một câu gì, nhưng bá tước phu nhân đã ngắt lời:

- Nghe nói bá tước có dự trận vừa rồi thì phải?

- Vâng, có, - Piotr đáp. Ngày mai sẽ có thêm một trận nữa - Piotr bắt đầu nói, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng.

- Nhưng anh làm sao thế? Trông anh lạ quá.

- Thôi, xin đừng hỏi tôi, đừng hỏi nữa, chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Ngày mai, à không? Thôi xin chào. Xin chào nhé, thời buổi thật là khủng khiếp!

Nói đoạn chàng bỏ đi lên vỉa hè.

Natasa vẫn chồm ra cửa xe, và ánh mắt sáng trong trẻo của nụ cười trìu mến, vui vẻ, hơi giễu cợt của nàng hồi lâu còn chiếu dõi theo Piotr.

===========================================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, khi tiễn biệt người đi xa, gia quyến đường ngồi im một lúc.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:45:22 pm
Phần XI
Chương -17 - 18

Từ ngày bỏ nhà ra đi mất tích, nghĩa là đã hai hôm nay, Piotr trú ở gian nhà trống trải của Bazdeyev, vị ân nhân quá cố. Nguyên đầu đuôi  như thế này.
     
Sáng hôm ấy, sau khi trở về Moskva và gặp   bá tước Raxtovsin, Piotr ngủ dậy và ngơ ngác hồi lâu không hiểu mình đang ở đâu và người ta muốn gì mình. Đến khi người nhà vào báo cho chàng biết tên những nhân vật đang đợi chàng ở ngoài phòng khách, trong đó có một người Pháp mang đến cho một bức thư của bá tước phu nhân, Elena Vaxilievna, chàng bỗng thấy có cảm giác bàng hoàng và tuyệt vọng đã nhiều lần khống chế tâm hồn chàng. Chàng bỗng hình dung giờ chẳng còn gì nữa, mọi vật đều hỗn loạn, sụp đổ, không còn có cái gì là phải, cái gì là trái, trước mắt chàng sẽ không còn có triển vọng gì nữa, và không thể có một lối nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Chàng mỉm cười gượng gạo, lắp bắp mấy tiếng trong miệng, rồi ngồi phịch xuống đi-văng, người như rã rời ra, rồi lại đứng dậy đến ghé mắt vào khe cửa nhìn ra phòng tiếp khách, rồi lại khoát tay một cái trở về chỗ cũ và vớ lấy một quyển sách.
       
Người quản gia vào bảo Piotr một lần nữa rằng cái người Pháp đem thư của bá tước phu nhân lại khẩn khoản xin gặp chàng, dù chỉ một phút cũng được, và có người nhà bà quả phụ ở L.A Bazdeyev đến mời chàng lại nhận sách, vì bản thân bà Bazdeyev thì đã về quê rồi.

- À phải, tôi ra ngay, khoan đã… Hay là thôi… à không, anh ra nói với họ là tôi sẽ ra ngay, - Piotr nói với viên quản gia.
     
Nhưng viên quản gia vừa ra khỏi phòng làm việc thì Piotr liền với lấy cái mũ đặt trên bàn và đi cửa sau ra khỏi phòng làm việc.
     
Trong hành lang không có ai cả. Piotr đi hết dãy hành lang đến cầu thang nhăn mặt, đưa tay lên xoa trán rói đi xuống thang gác cho đến chỗ trạm hàng thứ nhất. Người gác cổng đang đứng ở trước cửa chính. Từ chỗ đầu cầu thang Piotr đang đứng, có một cái thang khác đưa ra ngoài cửa sau, Piotr đi theo cầu thang ấy và ra sân. Không có ai trông thấy chàng cả. Nhưng ở ngoài phố, khi chàng vừa ra khỏi cổng, thì mấy người xà ích đứng bên xe và người gác cổng nhận ra chủ nhân và cất mũ chào chàng. Cảm thấy mắt họ đang đổ dồn vào mình, Piotr liền hành động như con đà điểu rúc đầu vào bụi để cho người ta đừng trông thấy mình: chàng cúi đầu và rảo bước đi thật nhanh ra ngoài phố.
     
Trong tất cả các công việc mà Piotr phải làm sáng hôm ấy, chỉ có việc đến lựa chọn sách vở và giấy tờ của Ioxif Bazdeyev là quan trọng hơn cả.
   
Gặp một chiếc xe thuê, chàng gọi ngay và bảo đánh đến đầm Patnarsi, nơi bà quả phụ Bazdeyev ở.
     
Ngồi trên xe, chàng cứ đưa mắt chung quanh nhìn những đoàn xe đang kéo ra ngoài thành Moskva, và chốc chốc lại ngồi lại cho ngay ngắn để cho cái thân hình to béo của chàng khỏi tụt ra ngoài chiếc xe cũ kỹ chạy lắc lư. Chàng có một cảm giác vui mừng như cảm giác một dứa trẻ vừa chốn học ra khỏi trường học. Piotr bắt chuyện với người xà ích.
     
Người xà ích kể cho chàng nghe là hôm nay ở điện Kreml sẽ phát vũ khí, và đến mai người ta sẽ lùa hết dân ra cửa ô Trigorư, và ở đấy sẽ có một trận đánh lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:46:04 pm
Đến đầm Patriarsi, Piotr đi tìm căn nhà của Bazdeyev, nơi mà đã lâu nay chàng không lui tới. Chàng đến gần cổng vườn Geraxim, ông già vàng võ, thấp bé mà năm năm về trước Piotr đã từng gặp đi với Ioxif Bazdeyev ở Torzok, nghe chàng đấm cổng liền chạy ra.

- Có ai ở nhà không? - Piotr nói.

- Thưa đại nhân, vì tình hình hiện nay, bà Sofia Danilovna đã đưa các cháu về làng Torzok rồi ạ.

- Tôi cũng cứ vào, tôi phải đến lựa sách, - Piotr nói.

- Xin ngài cứ vào ạ, xin mời ngài, - người lão bộc nói. - Người em trai của ông Ioxif Bazdeyev hiện ở lại đây, và như ngài cũng rõ, ông ấy… dở hơi.
     
Piotr biết rằng Makar Alekxeyevich, em trai của Ioxif Bazdeyev, là một người dở hơi điên dại, suốt ngày uống rượu.

- Phải, phải, tôi biết. Ta vào đi, ta vào đi… -  Piotr nói đoạn bước vào nhà.
   
Một ông già to lớn, đầu hói, mũ đỏ, đi chân không trong đôi giày bọc đang đứng ở cửa ra vào, trông thấy Piotr, ông ta có vẻ phật ý, càu nhàu mấy tiếng gì không rõ và đi vào hành lang.
Geraxim nói:

- Trước kia ông ấy thông minh lỗi lạc, nhưng bây giờ, ngài cũng thấy đấy, bây giờ ông ấy dở hơi. Vào phòng làm việc chứ ạ?
     
Piotr gật đầu.

- Phòng này đã được niêm phong, bây giờ vẫn y nguyên. Nhưng bà Sofia Danilovna đã dặn hễ có người nhà ngài đến thì giao sách lại.

Piotr bước vào. Đây chính là căn phòng làm việc âm u mà hồi vị ân nhân còn sống cứ mỗi lần vào, chàng lại bồi hồi xúc động. Căn phòng ấy bây giờ đã phủ bụi và không có ai dộng đến từ ngày Ioxif Alekxeyevich qua đời, nên lại càng có vẻ u ám thêm.
   
Genraxim mở một cánh cửa sổ và rón rén bước ra khỏi phòng.
     
Piotr đi quanh căn phòng làm việc, lại gần chiếc tủ đựng các thủ cảo và lấy ra một tập giấy. Đây là một trong những thành tích quý giá nhất của hội: tập hiến chương Scotland chính bản có những lời ghi chú và thuyết minh của vị ân nhân. Chàng ngồi xuống trước cái bàn giấy phủ bụi và đặt tập thư cảo trước mặt giở ra, gấp lại một lát rồi ẩy ra xa, chống khuỷu tay ôm đầu suy nghĩ.
Đã mấy lần Genraxim thận trọng ghé nhìn vào phòng mà vẫn thấy Piotr ngồi ở tư thế đó. Hơn hai giờ trôi qua, Genraxim đánh bạo làm ồn ở ngoài cửa để Piotr chú ý. Nhưng Piotr không nghe thấy gì cả.

- Thưa ngài cho chiếc xe thuê đi chứ ạ?

- À phải, - Piotr sực tỉnh và vội vàng đứng dậy. - Này bác Geraxim, - chàng nói, rồi nắm lấy khuy áo ngoài của người lão bộc, chàng đưa đôi mắt ướt sáng long lanh và hứng khởi từ trên cao nhìn xuống Geraxim. - Này bác, bác cũng biết ngày mai có một trận đánh nhau chứ?

- Nghe họ bảo thế, - Geraxim đáp.

- Tôi yêu cầu bác đừng nói cho ai biết tôi là ai. Và bác hãy làm theo những điều tôi bảo…

- Xin vâng lệnh, - Geraxim nói. - Bẩm ngài có muốn tôi dọn thức ăn không ạ?

- Không, tôi cần cái khác kia. Tôi cần một bộ áo nông dân và một khẩu súng ngắn, - Piotr nói đoạn bỗng đỏ mặt.
     
Geraxim ngâm nghĩ một lát rồi nói:

- Xin vâng lệnh ạ.
     
Suốt ngày hôm ấy, Piotr ngồi lại một mình trong gian phòng làm việc của vị ân nhân, bứt rứt đi từ góc này sang góc nọ (Geraxim nghe rõ bước chân của chàng và đoán biết như vậy), mồm lắp bắp nói một mình, và đêm đó chàng ngủ lại trong chiếc giường dọn cho chàng ngay trong phòng làm việc.
   
Với thói quen của một người đày tớ đã từng trông thấy nhiều điều kỳ lạ trong đời mình, Geraxim không ngạc nhiên khi thấy Piotr đến như vậy, lão lại còn có vẻ hài lòng là đã có một người để mà hầu hạ. Ngay tối hôm ấy, không hề tự hỏi xem tại sao Piotr lại cần những thứ đó làm gì, lão đi kiếm cho chàng một cái áo kaftan, một cái mũ chụp và hứa là đến mai sẽ kiếm khẩu súng ngắn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:47:00 pm
Tối hôm ấy, Makar Alekxeyevich hai lần đi giày bọc lẹp bẹp đến gần của sổ rồi đứng lại nhìn Piotr có vẻ khúm núm. Nhưng Piotr vừa quay mặt lại thì hắn ta lộ vẻ xấu hổ và tức giận, khép vạt áo dài ngủ và vội vàng lảng đi. Trong khi Piotr mình mặc chiếc áo kaftan của anh xà ích mà Geraxim đã kiếm được và đã dùng hơi nước giặt cho chàng, cùng người lão bộc đến tháp Xukharev để mua súng ngắn, chàng đã gặp gia đình Roxtov.

18.

Đêm mồng tám tháng chín Kutuzov ra lệnh cho quân đội Nga rút qua Moskva kéo ra con đường Ryazan.
Những đoàn quân đầu tiên khởi hành từ lúc đang đêm. Trong đêm tối, các đạo quân bước không vội vã, chậm rãi và tuấn tự chuyển đi; nhưng vào lúc tờ mờ sáng, khi tiến đến gần cầu Dorogomilov, họ trông thấy ở phía trước mặt, bên kia sông, có những đoàn quân đông nghìn nghịt đang vội vã chen chúc nhau bên cầu kéo lên ùn ùn chật cả đường phố và ngõ hẻm, và ở phía sau lại có những đám quân dày đặc đang thúc họ. Và một cảm giác sốt ruột, hối hả, một nỗi hoang mang vô cớ bỗng tràn vào đám quân phía trước, về phía cầu, chạy lên cầu, đổ xuống những chiếc cầu, đổ xuống những chiếc thuyền và những chỗ nông có thể lội qua được, Kutuzov ra lệnh dẫn ông đi vòng qua những phố chu vi, sang bờ bên kia Moskva.
   
Vào khoảng mừơi giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, trong khu ngoại Dorogomilov rộng thênh thang, người ta chỉ thấy còn lại những đơn vị của đạo hậu quân. Đại quân đã kéo hết sang bên kia sông và ra khỏi thành Moskva.

Cũng vào lúc ấy, hồi mười chín giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, Napoléon đang đứng ở giữa các đạo quân trên đồi Poklonny đưa mắt nhìn cái quanh cảnh đang mở rộng ra trước mặt mình. Kể từ ngày hai mươi sáu tháng tám cho đến khi quân địch tiến vào Moskva, suốt trong tuần lễ rộn ràng và đáng ghi nhớ ấy, ngày nào cũng có cái thời tiết mùa thu khác thường bao giờ cũng làm cho lòng người phải bỡ ngỡ, khi mặt trời như thấp xuống, toả một ánh nắng ấm hơn mùa xuân, và trong làn không khí loãng và trong, mọi vật đều ánh lên sáng ngời trông chói cả mắt; khi mà lồng ngực thấy khoẻ khoắn và mát mẻ vì thở làn không khí thơm ngát của mùa thu; khi mà ngay cả ban đêm trời vẫn ấm áp, và trong những đêm tối tăm ấm áp ấy những ngôi sao hên tiếp đổi ngôi toả thành những vệt bụi vàng khiến lòng người sợ hãi và vui mừng.

Ngày mồng hai tháng chín, hồi mười giờ sáng, khí trời cũng như vậy. Ánh sáng ban mai thật là thần diệu.
Từ ngọn đồi Poklonny trông xuống, Moskva trải rộng ra bát ngát với con sông, với những khu vườn, những ngôi nhà thờ của nó, và tưởng chừng như đang sống cuộc sống mọi ngày, với những ngon tháp mái vòm rung rinh trong ánh nắng, lấp lánh như những vì sao.

Đứng trước cái thành phố kỳ lạ với những đường nét chưa hề thấy của một kiểu kiến trúc khác thường, Napoléon có cái cảm giác hiếu kỳ phảng phất lòng lo âu và ganh tị mà người ta thường trộng thấy những hình thức sinh hoạt xa lạ không hề biết đến mình.
   
Rõ ràng là thành phố này đang sống với tất cả sức sống mãnh liệt của nó. Có những dấu hiệu khó nói rõ, nhưng cho phép người ta dù ở cách xa vẫn có thể phân biệt không lầm lẫn một thân thể đang sống với một thây ma. Từ ngọn đồi Poklonny, Napoléon trông thấy cuộc sống đang rộn ràng trong thành phố và cảm thấy cái thân thể lớn lao và đẹp đẽ ấy như đang thở phập phồng.
   
Ai đã là người Nga, khi nhìn vào Moskva cũng phải cảm thấy rằng đây là người mẹ của mình; một người ngoại quốc thì khi nhìn tuy không hiểu cái ý nghĩa mẹ hiền của nó, cũng phải cảm thấy cái bản sắc phụ nữ của thành phố này. Napoléon cũng cảm thấy điều đó.
     
Cái thành phố Á đông với vô số nhà thờ này, Moskva thành phố thần thánh! Nó kia rồi, cái thành phố lừng lẫy ấy! Thật đã đến lúc! Napoléon nói đoạn ngồi xuống ngựa và sai trải ra trước mặt một bản địa đồ của cái thành phố Moscou này, rồi cho gọi phiên dịch viên Leorn Didivl lại.
   
"Một thành phố bị địch chiếm đóng cũng giống như một người con gái đã mất danh tiết" - ông nghĩ thầm (trước đây ở Smolensk, ông cũng đã từng nói với Tutskov như vậy). Và dưới nhãn quan ấy ông ngắm nhìn nàng mỹ nữ phương Đông đang nằm trước mặt ông ta, nàng mĩ nữ mà xưa nay ông chưa từng được nom thấy. Bản thân ông ta cũng phải lấy là quái lạ rằng niềm ước vọng mà ông ta hằng ấp ủ từ lâu và vẫn có cảm tưởng như không thể nào thực hiện được bây giờ đã thành sự thực. Trong ánh sáng trong trẻo của buổi ban mai, ông đưa mắt hết nhìn vào thành phố lại nhìn tấm địa đồ, kiểm tra lại từng chi tiết trong thành phố. Và lòng tin tưởng chắc chắn là mình sắp chiếm hữu được thành phố này khiến ông bồi hồi và kinh hãi.
   
"Nhưng có thể nào lại khác đi được? - ông thầm nghĩ. - Nó đây rồi, cái kinh đô ấy đang nằm dưới chân ta, chờ đợi người ta định đoạt số phận của nó. Bây giờ vua Alekxandr ở đâu? Ông ta nghĩ gì? Thật là một thành phố kì dị, đẹp đẽ và hùng vĩ! Và giây phút này cũng đẹp đẽ và hùng dũng làm sao! - Nghĩ đến quân sĩ, Napoléon tự hỏi - Họ sẽ nhìn ta như thế nào đây? Nó đây rồi, món quà thưởng cho tất cả những kẻ thiếu lòng tin ấy, - Napoléon thầm nghĩ trong khi nhìn bọn cận thần và những đoàn quân đang tiến lại gần và dàn thành hàng ngũ. - Chỉ cần ta nói một lời, chỉ cần ta vẫy tay một cái, thì cả kinh đô cổ kính của các Sa hoàng sẽ thành tro bụi. Nhưng lòng khoan dung của ta bao giờ cũng sẵn sàng soi xuống những kẻ chiến bại". Ta phải có đại lượng và hoạt động như một vĩ nhân chân chính… Nhưng không, không phải ta đã ở Moskva thật đâu, - ý nghĩa đó vụt thoáng qua trí óc Napoléon.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:47:36 pm
- Thế nhưng chính nó đang nằm dưới chân ta, với những mái tháp vòm khum và những chiếc thập tự thiếp vàng đang lung linh trong ánh nắng. Nhưng ta sẽ để cho nó được nguyên vẹn. Trên những di tích cổ kính của man rợ và chuyên chế, ta sẽ viết lên hai chữ công lý và khoan hồng cao cả… Chính cái đó sẽ làm cho Alekxandr thấm thía và xót xa hơn cả, ta biết rõ con người ấy. (Napoléon có cảm tưởng là ý nghĩa chủ yếu của những việc đang xảy ra bao gồm trong cuộc tranh chấp cá nhân giữa mình với Alekxandr). Từ trên điện Kreml cao chót vót - phải, đó chính là điện Kreml, - ta sẽ ban cho họ những đạo luật của công lý, ta sẽ làm cho con cháu những người boyar(1) phải nhắc nhở một cách trìu mến tên tuổi của những người đã chinh phục họ. Ta sẽ nói với phái đoàn của họ rằng trước kia cũng như bây giờ ta không hề muốn chiến tranh; rằng sở dĩ ta tiến hành một cuộc chiến tranh chỉ là vì muốn chống lại cái chính sách man trá của triều đình họ, rằng ta yêu quý và kính trọng Alekxandr và ở Moskva ta sẽ chấp nhận các điều khoản hoà ước xứng đáng với ta và với các dân tộc được ta trị vì.
   
Ta không muốn lợi dụng những thắng lợi trong cuộc chiến tranh để làm nhục nhà vua đáng kính. Ta sẽ nói với họ: Hỡi các vương công, ta không muốn chiến tranh, ta muốn hoà bình và hạnh phúc, cho tất cả các thần dân của ta. Vả chăng ta cũng biết rằng khi có mặt họ, lòng ta sẽ cảm hứng, và ta sẽ nói với họ như ta vẫn thường nói xưa nay: rõ ràng, trang trọng và cao cả.   "Nhưng thế ra ta đến Moskva thật ư? Phải, chính nó kia rồi!"
   
Truyền cho dẫn các boyar Nga đến gặp ta! - Napoléon quay lại nói với đoàn tuỳ tùng. Một viên tướng lập tức phi ngựa đi tìm đoàn boyar, cùng với một tốp sĩ quan hầu cận quan trọng.
Hai giờ trôi qua, Napoléon ăn điểm tâm sáng rồi trở lại đứng ở chỗ cũ, trên đồi Poklonny, đợi đoàn đại biểu đến. Những lời sẽ nói với các vương công kia đã hình thành rõ rệt trong trí tưởng tượng của Napoléon, Bài diễn từ ấy sẽ có đủ các tư cách chững chạc, cái phong vị cao cả đúng như Napoléon quan niệm.
     
Cái giọng khoan dung mà Napoléon định sử dụng ở Moskva làm cho bản thân ông ta thấy say sưa, trong tưởng tượng, ông ấn định những ngày hội họp trong cung điện các Sa hoàng trong buổi họp ấy, các vương công Nga sẽ gặp mặt các đại thần của hoàng đế Pháp. Ông bổ nhiệm trong trí óc một viên tổ chức biết cách lấy lòng dân. Được biết rằng ở Moskva có nhiều tổ chức từ thiện, ông quyết định trong tưởng tượng là sẽ ban cấp rất nhiều ân huệ cho các tổ chức này. Ông nghĩ rằng nếu ở châu Phi phải mặc áo burnu ngồi trong đền Hồi Giáo, thì ở Moskva cũng phải có lòng từ thiện như các Sa hoàng. Và để làm cho người Nga cảm động đến tận đáy lòng - cũng như mọi người Pháp, ông không thể tưởng tượng ra một cái gì cảm động mà lại không nhắc nhở đến người mẹ yêu dấu, người mẹ dịu hiền, người mẹ đáng thương của tôi - Napoléon quyết định là trên tất cả các toà nhà từ thiện ấy sẽ ra lệnh đề bằng chữ lớn: Toà nhà này dâng mẹ tôi. Không chỉ nên đề: "Nhà của mẹ tôi" - ông tự chủ như vậy. - "Nhưng thế ra ta ở Moskva thật rồi ư? Phải, đây, nó đang ở trước mắt ta. Nhưng sao đoàn đại biểu thành phố mãi vẫn chưa thấy đến?"
   
Trong khi đó, ở các hàng phía sau của đoàn tuỳ giá, các tướng quân và thống soái của hoàng đế được phái đi tìm đoàn đại biểu đã trở về báo tin rằng Moskva nay không còn lấy một bóng người, dân cư đều đã bỏ đi hết, kẻ đi xe, người đi bộ. Gương mặt của những người đương bàn tán đến tái mét và lộ vẻ khích động. Họ kinh hãi không phải vì thành Moskva đã bị dân chúng dời bỏ (tuy biến cố này cũng có vẻ rất quan trọng), và lại vì không biết nên báo tin này với hoàng đế như thế nào cho khỏi đặt ngài vào cái tình trạng đáng sợ mà người Pháp gọi là le ridicule (lố bịch), không biết làm thế nào để tâu lại với ngài là người chờ đợi bọn boyar lâu như vậy chỉ uổng công, là quả có những đám người say rượu ở trong thành, nhưng ngoài ra chẳng còn ai nữa. Người thì nói rằng thế nào cũng phải tập hợp cho kỳ được một đoàn đại biểu nhì nhằng gì đó, người thì bác lại ý kiến này và bảo rằng cần phải khôn khéo và thận trọng chuẩn bị tư tưởng cho hoàng thượng rồi tâu rõ sự thật để ngài biết.

- Dù sao thì cũng phải tâu để ngài rõ… - các vị trong đoàn tuỳ giá nói - Nhưng, thưa các ngài… tình thế lại càng nan giải hơn nữa là vì hoàng đế bây giờ đang kiên nhẫn đi đi lại lại trước tấm bản đồ suy nghĩ đến những kế hoạch phô trương lòng khoan dung đại độ của mình, thỉnh thoảng lại đưa tay lên che mắt nhìn xuống con đường dẫn vào Moskva, môi mỉm một cười vui vẻ và kiêu hãnh.

- Nhưng không thể như vậy được! - Các ngài trong đoàn tuỳ tùng nhún vai nói, họ không sao dám nói lên cái chữ kinh khủng mà họ đều nghĩ thầm trong bụng: ridicule (lố bịch).
     
Trong khi đó hoàng đế chờ mãi chẳng thấy gì đã phát chán, và với các trực giác bén nhạy của người kép hát, ngài đã cảm thấy rằng cái phút uy nghi này kéo dài quá lâu nên đã bắt đầu mất cái tính chất uy nghi của nó. Ngài liền vẫy tay ra hiệu. Một phát súng lệnh đơn độc nổ vang, và các đoàn quân đang vây bọc Moskva liền tiến về các cửa ô Tver, Kaluga và Dorogomilov. Các đoàn quân tiến mỗi lúc một nhanh, đơn vị này vượt qua đơn vị kia, bộ binh thì chạy, kỵ binh thì phóng nước kiệu, che phủ trong những hàng bụi mù mịt do họ tung lên, và reo hò vang dậy, tiếng reo hò hoà lẫn vào nhau, làm chấn động cả một góc trời.
   
Bị thế quân tiến ào ạt lôi cuốn theo, Napoléon cùng quân sĩ cưỡi ngựa đến cửa ô Dorogomilov. nhưng đến đây ông ta lại dừng lại xuống ngựa, và đi đi lại lại hồi lâu trước bức thành của toà Kamer Kolesxki, chở đoàn đại biểu.

===================================================================

Chú thích:

(1) Đại quý tộc Nga, chỗ dựa của Sa hoàng (bãi bỏ từ năm 1750)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:48:17 pm
Phần XI
Chương -19 -20

Trong khi đó thì Moskva đã trống rỗng. Trong thành phố cũng hãy còn có người, một phần năm mươi trong số dân cư vân còn ở lại nhưng thành phố vẫn trống rỗng. Nó trống rỗng như một tổ ong đã mất chúa đang thoi thóp chết dần.

Trong một tổ ong đã mất con ong chúa rồi thì không còn có sự sống nữa, nhưng nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì nó cũng có vẻ sinh động như những tổ khác.
     
Dưới những tia nắng nóng ran của mặt trời buổi trưa, ong vẫn bay lượn thành vòng quanh cái tổ mất chúa, cũng như quanh các tổ ong còn sống; từ xa cũng ngửi thấy mùi mật trong tổ đưa ra, những con ong thợ vẫn bay ra bay vào như cũ. Nhưng chỉ cần ghé mắt nhìn kỹ vào tổ cũng đủ hiểu rằng ở đấy không còn có sự sống nữa.

Ong tuy có bay nhưng không phải như là ở các tổ còn sống, mùi mật và tiếng vo ve cũng chẳng phải là cái mùi mật và cái tiếng vo ve bình thường, khiến người nuôi ong phải kinh ngạc, khi người nuôi ong gõ vào vách cái tổ ong có bệnh, thì không hề nghe tiếng vo ve đều đều lập tức đáp lại như trước kia, tiếng của hàng vạn con ong chồng ngược thân sau lên và phẩy cánh vù vù gây nên cái âm thanh nhẹ nhàng như hơi thở của sự sống. Ở đây chỉ có những tiếng vù vù rời rạc, mỗi tiếng một phách, từ góc này góc khác của tổ ong trống rỗng phát ra. Từ cửa tổ không còn phảng phất cái mùi thơm ngát, nồng sâu của mật ong và nọc ong, không còn toả ra cái hơi ấm của sự no đủ như trước nữa; mà trong mùi mật có lẫn cả cái mùi của sự trống trải cả tan rữa. Ở cửa tổ không còn có những quân canh mẫn cán cong đít lên sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Không còn cái âm thanh khe khẽ và đều đều như tiếng nước sôi báo hiệu công cuộc lao động rầm rộ tiến hành, chỉ nghe có tiếng ồn ào rời rạc, lạc điệu của cảnh hỗn độn. Những con ong kẻ cướp mình đen và dài bê bết những mật bay ra bay vào một cách rụt rè mà khéo léo; chúng không đốt người, mà lại lẩn tránh nguy hiểm.

Trước kia chỉ có những con ong mang nhuỵ hoa bay vào tổ, còn những con bay ra thì bay mình không; bây giờ thl những con bay ra cũng mang mật theo ra. Người nuôi ong mở ngăn dưới của tổ ong ra xem. Trước kia những đám ong đen kịt, bỗng đầy mật, yên tĩnh vì đã làm được việc nhiều, chân con này bám vào chân con kia thành chùm treo xuống tận đáy, những con ong bò đi kéo sát trong tiếng rì rào không ngớt của lao động, thì bây giờ chỉ còn thấy những con ong khô héo, ngái ngủ, vật vờ đi lang thang trên thành và trên đáy tổ. Trước kia tấm sàn phết nhựa được cánh ong quạt sạch bóng, thì nay trên sàn ngổn ngang những mảnh sáp, những mảnh cứt ong, những con ong chết dở chỉ còn khẽ cựa chân và những con ong đã chết hẳn còn bỏ đó.

Người nuôi ong mở ngăn trên ra xem. Trước kia từng đãy ong dày đặc bịt kín tất cả các ngăn mật và sưởi ấm cho trứng ong, thì bây giờ chỉ thấy cái cơ cấu tinh vi phức tạp của các ngăn sáp, nhưng không còn cái vẻ trinh bạch như cũ nữa.  Tất cả đều bị bỏ lại và đã ô uế. Những con ong đen kẻ cướp lấm lét trườn đi rất nhanh trên các công trình cũ; những con ong nhà, khô héo, teo tóp, uể oải như già cỗi hẳn đi, lê bước chậm chạp, không làm vướng ai, không còn mong muốn gì nữa và đã mất hết ý thức về cuộc sống.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:48:57 pm
Những con ong vẽ, ong bầu, những con nhặng và những con bươm bướm bay quờ quạng húc đầu vào vách tổ. Đây đó, giữa các bánh sáp lác đác những con ong con đã chết và những đám mật, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng vù vù bất mãn; ở đâu đấy hai con ong theo thói quen cũ đang dọn tổ, chúng cần thận cố sức kéo lê một cái xác ong hay một con nhặng chết ra ngoài tuy cũng chẳng biết để làm gì. Trong một góc khác hai con ong già uể oải đánh nhau, hoặc chuốt mình cho sạch, hoặc mớn cho nhau ăn, tuy cũng chẳng biết mình làm như vậy là có ý thân thiện hay thù địch. Ở một chỗ thứ ba, một đám ong xéo cả lên nhau ùa vào đánh túi bụi một con bọ cho kỳ chết. Thỉnh thoảng một con ong đã mệt lả hay bị giết chết từ từ rơi xuống đống xác chết, nhẹ như một chiếc lông tơ. Người nuôi ong giở hai bánh sáp ở giữa ra để xem tổ trứng. Trước kia hàng ngàn con ong quay lưng vào nhau bày thành những vòng tròn đen kịt bảo vệ những điều bí ẩn tối cao của sự sinh nở, thì nay chỉ thấy vài trăm cái xác ong rầu rĩ, chết dở vẻ mụ mẫm. Chúng đã chết gần hết, mà không hay biết gì, chúng ở lại trong ngôi miếu linh thiêng mà trước kia chúng đã bảo vệ và ngày nay không còn nữa, chúng toả ra một mùi thối rữa và chết chóc. Chỉ còn một vài con nhúc nhích, nhổm dậy, bay vật vờ và đậu lên tay kẻ thù ấy và đồng thời, tự hy sinh. Những con kia chết hẳn, chúng từ từ rơi xuống đáy tổ như những chiếc vẩy cá, người nuôi ong đóng ngăn lại, lấy phấn đánh dấu cái tổ hỏng để sẽ đạp vỡ và thiêu huỷ nó đi.

Moskva cũng trống trải như vậy khi Napoléon, mệt mỏi, lo lắng và cau có, đang đi đi lại lại trước bức thành của toà Kamer Kokesxki, chờ đợi cái dấu hiệu của việc tôn trọng nghi thức tuy chỉ là bề ngoài, nhưng theo quan mệm của ông ta thì rất cần thiết: đoàn đại biểu.
   
Trên các nẻo đường, trong các xó xỉnh của thành Moskva chỉ còn những cử động một cách vô nghĩa, tuân theo những tập quán cũ và không hiểu mình đang làm gì.
   
Khi người ta đã báo tin cho Napoléon với tất cả sự thận trọng cần thiết rằng Moskva trống rỗng, ông ta giận dữ đưa mắt nhìn người đến báo tin rồi quay phắt đi và lặng lẽ tiếp tục đi đi lại lại.

- Đưa xe lại đây, - ông ta nói.
   
Napoléon bước lên xe ngồi cạnh viên sĩ quan hành định trực nhật và đi vào khu ngoại ô.
 
"Moskva không người. Thật là một sự việc khó tin" - Ông tự nhủ thầm. Ông ta không đi thẳng vào thành phố, mà lại đỗ lại một quán trọ ở ô Dorogomilov.
   
Đòn kịch đột biến đã thất bại?

20.
   
Quân đội Nga kéo qua Moskva từ hai giờ đêm cho đến hai giờ trưa, lôi cuốn những người dân phố và những thương binh cuối cùng đang rời bỏ kinh đô.
   
Trong khi chuyển quân, chen chúc dữ dội nhất là lúc trẩy quả các cầu Kamenny, Muxkvoretxki và Yauxki.
   
Trong khi các đạo quân trước kia rẽ đôi ra hai dòng bên thành Kreml đã trở lại gặp nhau trên hai chiếc cầu Kamenny và Muxkvoretxki, thì một số lớn quân lính, thừa lúc mọi người đang dừng lại và chen chúc, đã lẻn về phía sau và lặng lẽ đi dọc nhà thờ Vaxili Blazenny, qua cửa Borovixki, len lên dốc tiến về Hồng trường, là nơi mà họ đánh hơi thấy có thể dễ dàng lấy cắp của cải người khác, cũng một đám người như thế dồn vào chật ních cả cái xó xỉnh của khu bán hàng Goxtiny Dvor như những khi người ta kéo nhau đến mua hàng rẻ giá. Nhưng bây giờ không hề nghe thấy những tiếng mời mọc ngọt ngào và bùi tai của những người bán hàng, cũng không thấy những người bán rong và đám phụ nữ mua hàng mặc những bộ áo đủ các màu sắc - chỉ có những bộ quân phục, những tấm áo ca-pốt của những người lính không có súng, lặng lẽ kéo nhau vào hai tay không, rồi lại lặng lẽ đi ra, mang theo những đồ lấy cắp được. Những người lái buôn và những người bán hàng (số người này rất ít), đi lại giữa đám quân lính, có vẻ như những người bị lạc, mở cửa hàng ra rồi lại đóng lại và thân hàn cùng với những người phụ việc mang hàng đi đâu không rõ.
   
Trên quảng trường sát cạnh Goxtiny Dvor, mấy người lính đánh trống đã được lệnh đánh trống hiệu tập hợp. Nhưng tiếng trống không tập hợp được lũ lính tránh đi ăn trộm, mà lại làm họ lảng xa hơn. Trong các cửa hiệu và tỏng các ngõ hẻm, giữa đám quân lính thấp thoáng những người mặc áo kaftan xám, đầu cạo trọc. Hai viên sĩ quan, một người khoác một chiếc khăn san trên quân phục, cưỡi một con ngựa gầy xám thẫm, và một người mặc áo khoác dài đi bộ, đang đứng ở góc phố Ilinka bàn việc gì không rõ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình (Война и Мир) - Lev Tolstoy (Лев Николаевич
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:49:34 pm
Một viên sĩ quan thứ ba phi ngựa lại gần họ.

- Tướng quân ký lệnh là phải làm thế nào đuổi ngay bọn lính ra ngoài cho kỳ được. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Quân lính bỏ hàng ngũ chạy trốn mất một nửa rồi còn gì!

- Mày đi đâu?… Chúng mày đi đâu?… - viên sĩ quan quát ba người lính bộ binh không có súng, đang vén vạt áo ca-pốt đi luồn qua mắt ông ta để len vào các cửa hàng. - Đứng lại, đồ chó má?

- Ông cứ thử tập hợp lại mà xem - viên sĩ quan kia đáp - không được đâu mà; tốt hơn là hãy hành quân cho nhanh để những đứa còn lại đừng bỏ trốn nốt, chỉ có cách ấy thôi!

- Hành quân như thế nào? Cứ chen chúc mãi ở trên cầu, có tiến lên được chút nào đâu? Hay là đặt một hàng rào lính gác để những đứa còn lại khỏi bỏ trốn.
    
Người sĩ quan cấp cao nhất quát:

- Kìa, thì các ông đến đấy mà đuổi chúng ra đi chứ!
      
Người sĩ quan quàng khăn xuống ngựa, thét gọi người lính đánh trống và cùng anh ta đi vào cổng tò vò. Một toán lính vụt bỏ chạy. Một người lái buôn, trên hai má ở chỗ gần cánh mũi mọc đầy những nốt đỏ, gương mặt no đủ biểu lộ dủ biểu lộ vẻ tham lam và lì lợm xem chừng không gì có thể lay chuyển nổi những điều suy tính thiệt hơn của hắn, đang vung vẩy hai tay đến gần viên sĩ quan dáng điệu huênh hoang và hấp tấp. Hắn nói:

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc che chở cho. Đây không phải là vì quyền lợi chúng tôi, kể gì chuyện vặt ấy, chúng tôi vui lòng hiểu tất cả! Nếu ngài muốn, tôi xin đem dạ ra ngay, đối với một người tôi quý như ngài thì biếu đến hai tấm tôi cũng vui lòng! Cái đó thì được, chứ như thế kia thì đúng là ăn cướp! Xin ngài làm phúc cho! Ngài cử cho một đội tuần tiễu đến đây thì hay quá, ít ra cũng cho chúng tôi đóng cửa với chứ…

Mấy người lái buôn xúm quanh viên sĩ quan. Một người xương xương, vẻ mặt khắc khổ, nói:

- Ê! Kêu than làm gì cho mệt. Sắp mất đầu mà lại còn tiếc ba sợi tóc Ai muốn lấy gì thì cứ cho họ lấy! - Nói đoạn hẳn khoát mạnh tay một cái và quay nghiêng người về phía viên sĩ quan.

Người lái buôn vừa nãy giận dữ nói:

- Cái bác Ivan Xidoryts này, cứ nói như bác thì dễ quá!… Xin ngài sĩ quan, xin ngài làm phúc cho.

- Thôi nói làm gì! - Người lái buôn gầy gò nói, - Ở đây tôi có ba cửa hàng trị giá đến mười vạn. Quân đội rút đi thì còn giữ làm sao được! Chao ơi, người đâu mà lạ…! Làm sao chống lại được ý Chúa?

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc cho, - người lái buôn thứ nhất nghiêng mình nhắc lại. - Viên sĩ quan đứng im một lúc, trên gương mặt lộ vẻ phân vân do dự. Rồi bỗng ông ta quát to:

- Thì việc quái gì đến ta nào! - nói đoạn ông bước nhanh về phía cửa hàng. Trong một gian hàng mở cửa nghe có tiếng người đấm đá chửi bới nhau, và khi viên sĩ quan vừa mới đến nơi thì từ trong cửa nhảy xổ ra một người đầu cạo trọc, mặc áo kaftan xám: hắn vừa bị người ở bên trong tống ra ngoài. Người đó cúi lom khom chạy qua mặt mấy người lái buôn và viên sĩ quan rồi mất hút. Viên sĩ quan nhảy bổ vào đám quân lính đang lúc nhúc trong gian hàng. Nhưng vừa lúc ấy có những tiếng kêu la sợ hãi của một đám người rất đông từ phía cầu Moxkvoretxki vang lại. Viên sĩ quan vội chạy ra quảng trường.

- Cái gì thế? Cái gì thế? - õng ta hỏi dồn, nhưng viên sĩ quan kia đã cho ngựa phi qua Vaixili Blazenny về phía có tiếng kêu la.
    
Ông ta bèn lên ngựa đuổi theo. Khi đến gần cầu, ông ta thấy khẩu súng đại bác đã tháo ra khỏi bánh xe kéo, thấy bộ binh đang qua cầu mấy cái xe tải đổ lăn kềnh ra đường, mấy cái mặt hoảng hốt và quân lính đang cười ha hả. Bên cạnh hai khẩu đại bác có một chiếc xe tải thắng hai con ngựa. Có con chó borzoy đeo nịt ở cổ đang đứng nép vào sau xe. Trên xe là một núi đồ dạ, và ở trên cùng, bên cạnh một chiếc ghế trẻ con chổng chân lên trời, có một mụ đàn bà đang ngồi tru tréo om sòm. Viên sĩ quan được các bạn đồng ngũ cho biết rằng sở dĩ có tiếng kêu la của đám đông và tiếng tru tréo của mụ đàn bà kia vì khi tướng Yermolov cưỡi ngựa chạy qua đám đông và được biết rằng quân lính bỏ chạy nghẽn cả cầu, liền ra lệnh kéo hai khẩu đại bác ra khỏi xe, giả làm như sắp bắn vào cầu.

Đám đông xô ngã các xe tải giẫm đạp lên nhau la hét om sòm, chen chúc nhau ra khỏi cầu, và thế là quân đội đã tiến lên được.

HẾT PHẦN MỘT


Tiêu đề: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:51:24 pm
Phần XI
Chương -21 -22

Trong khi đó thì ở trung tâm thành phố lại vắng ngắt như tờ.

Trên các đường phố hầu như không có lấy một bóng người. Tất cả các cổng vào các cửa hàng đêu đóng kín mít; đó đây các quán rượu nghe có tiếng kêu lẻ loi hay tiếng hát của người say rượu.
Không có lấy một chiếc xe nào đi lại trên phố, và thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng bước chân của người bộ hành. Phố Povarxkaya im phăng phắc và vắng tanh. Trong khoảng sân rộng thênh thang của gia đình Roxtov ngổn ngang những mớ rạ và những đống phân ngựa kéo xe để lại. Không có lấy một bóng người.
      
Trong toà nhà của gia đình Roxtov bị bỏ lại với toàn bộ của cải, có hai người ngồi phòng khách lớn. Đó là bác gác cổng Igrat và chú bé Miska, cháu nội bác Vaxilits cùng ở lại Moskva với bác ta. Miska mở đàn dương cầm ra đánh bằng một ngón tay.
    
Bác gác cổng hai tay chống cạnh sườn đang đứng trước một tấm gương lớn mỉm cười hởn hở.
Bỗng chú bé bắt đầu dùng cả hai tay đập lên phím đàn nói:

- Có tài không, hở bác Igrat?

- Chà cái thằng này? Igrat đáp (bấy giờ bác ta đang mải ngắm cái mặt cười teo toét của mình ở trong gương)
  
Rõ không biết dơ! Thật là đồ không biết dơ! - Phía sau lưng hai người bỗng có tiếng của Mavra Kuzminisna bấy giờ vừa lặng lẽ bước vào phòng.

- Kìa xem cái lão mặt mẹt kia nhe răng ra kìa. À ra các người giỏi nhỉ, dọn dẹp đã xong xuôi gì đâu? Bác Vaxilits đang nai lưng ra làm, mệt nhoài ra ngoài kia kìa. Để rồi xem?
    
Igrat xốc lại thắt lưng, miệng thôi mỉm cười và mắt nhìn xuống đất, ngoan ngoãn ra khỏi phòng.

- Thím ạ, cháu đánh khẽ thôi thím nhé, - Chú bé nói.

- Rồi tao cho mày đánh khẽ, đồ ôn, con Mavra Kuzminisna vừa tát vừa vung tay lên doạ. - Đi mà đặt ống lò cho ông nội mày.
  
Mavra Kuzminisna phủi bụi trên phím đàn, đậy nắp đàn lại, rồi thở dài đánh phào một cái, ra khỏi phòng khách và khoá cửa lại.
    
Ra sân, bà nghĩ lại ngẫm nghĩ không biết bây giờ nên đi đâu: đến phòng bác Vixilits ở bên dọc uống nước chè, hay vào nhà kho dọn nốt những đồ đạc còn để ngổn ngang.
      
Chợt ngoài đường có tiếng chân bước rất nhanh. Những bước chân dừng lại bên cổng; cái then cài bắt đầu kêu lách cách vì có một bàn tay đang cố mở cánh cổng ra.

Mavra Kuzminisna đi ra cổng.

- Ngài hỏi ai ạ?

Tôi muốn hỏi bá tước, bá tước Ilya Andreyevich Roxtov.

- Thế ngài là ai?

- Tôi là một sĩ quan. Tôi cần gặp bá tước, -   Người lạ mặt đáp, giọng rất dễ chịu, chắc phải là một người quý tộc Nga.
    
Mavra Kuzminisna mở cánh cổng ra. Một người sĩ quan mặt tròn trĩnh, tuổi trặc mười tám, bước ra sân. Khuôn mặt người sĩ quan hao hao giống kiểu mặt của dòng họ Roxtov.

- Thưa cậu bá, tước đi rồi ạ. Đi từ chiều hôm qua rồi ạ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:52:04 pm
Người sĩ quan trẻ tuổi đứng tần ngần bên cổng như phân vân không biết có nên vào không. Chàng tặc lưỡi.

- Chà tiếc quá! - chàng nói. - Đến từ hôm qua có phải là… Chà tiếc thật!….
     
Trong khi đó Mavra Kuzminisna chăm chú và ái ngại nhìn kỹ những nét quen thuộc của dòng họ Roxtov trên khuôn mặt người thanh niên, nhìn chiếc áo khoác rách và đôi ủng mòn của chàng.

- Cậu muốn muốn gặp bá tước có chuyện gì à? - bà ta hỏi.

- Thôi. Chả còn biết làm thế nào được - Người sĩ quan buồn bực nói, đoạn đưa tay lên cánh cổng có ý muốn bỏ đi, rồi chàng lại đứng lại, dáng tần ngần.

- Bà ạ, - chàng bỗng nói. - Tôi là người có họ với bá tước, bá tước đối với tôi xưa nay rất tốt.     Cho nên, bà thấy không (chàng mỉm một nụ cười hiền lành và vui vẻ nhìn xuống chiếc áo khoác và đôi ủng của mình), áo quần tôi rách cả, mà tiền thì chẳng còn đồng nào: cho nên tôi muốn hỏi xin bá tước….
   
Mavra Kuzminisna không để cho chàng nói hết.

- Cậu ạ đợi cho một tý, một tí thôi nhé, - Bà nói. Và người sĩ quan vừa rời tay khỏi cánh cửa thì bà ta quay gót đi nhanh vào sân sau, về phía phòng mình bên dãy nhà dọc. Trong khi Mavra  Kuzminisna về phòng, người sĩ quan đi đi lại lại ngoài sân, mỉm cười nhìn xuống đôi ủng mòn rách của mình. "Không gặp được chú ấy thật tiếc quá. Bà già kia khôn thật? Không biết chạy đi đâu? Muốn bắt kịp binh đoàn mình đã sắp đến Rogxokaya rồi còn gì!" - chàng nghĩ thầm. Mavra Kuzminisna gương mặt có vẻ sợ hãi nhưng đồng thời lại quả quyết hai tay cầm một chiếc khăn kẻ ô vuông gập lại, từ góc sân bước ra. Khi còn cách người sĩ quan vài bước, bà mở chiếc khăn lấy ra một tờ giấy bạc hai mươi rúp màu trắng và hối hả đưa cho chàng.

- Giá có cụ lớn ở nhà, thế nào chỗ thân thích cụ cũng… nhưng bây giờ… có lẽ…
     
Bà Mavra đâm luống cuống. Nhưng người sĩ quan không từ chối mà cũng không vội vàng, đã cầm lấy tờ giấy bạc và cảm ơn Mavra Kuzminisna. Bà ta nói tiếp, như để xin lỗi:

- Giá có bá tước ở nhà thì… Cầu Chúa phù hộ cho cậu tai qua nạn khỏi, - bà ta vừa nói vừa cúi chào và tiễn chân người sĩ quan ra ngoài cổng. Người sĩ quan mỉm cười lắc đầu như để chế giễu mình, rồi chạy nhanh qua các phố xá vắng vẻ, về phía cầu Yauxki để đuổi theo đơn vị.
   
Bà Mavra Kuzminisna còn đứng hồi lâu trước hai cánh cổng đóng kín, rơm rớm nước mắt, lắc đầu dáng tư lự, và bỗng thấy lòng tràn ngập một tình trìu mến và xót thương mẫu tử đối với người sĩ quan trẻ tuổi không hề quen biết.

22.
     
Trong quán rượu ở phía dưới toà nhà xây dở ở phố Varvaka có những tiếng reo hò và ca hát của những người say rượu. Trong gian phòng chật hẹp bẩn thỉu, chừng mười người thợ đang ngồi trên những chiếc ghế dài đặt cạnh mấy cái bàn. Họ đều say mèm, mồ hôi nhễ nhại, mắt lờ đờ, đang há hốc mồm ra cố hát cho thật to. Họ hát mỗi người một phách, có vẻ khó nhọc và ngượng gạo: có thể thấy rõ rằng họ hát như vậy không phải vì muốn hát, mà chỉ muốn tỏ ra mình đang say rưựu và đang vui chơi thích thú đây. Trong đám có một chàng trai trẻ cao lớn, tóc vàng mặc áo khoác xanh sạch sẽ, đang đứng trước mặt mấy người kia. Với sống mũi dọc dừa thanh tú của hắn, đẹp nếu không có đôi môi mím chặt luôn luôn động đậy và đôi mắt lờ cau có, đờ đẫn. Hắn đứng trước mặt mấy người đang hát, và hình như đang tưởng tượng điều gì, hắn hoa cánh tay cáu bẩn ra một cách thiếu tự tin.  Ống tay áo của hắn cứ chốc chốc lại tụt xuống, và hắn lại cẩn thận lấy tay trái sắn lên, làm như thể cánh tay trắng nổi gân xanh đang vung vẩy nhất định phải để trần mới được, và đó là một điều hết sức quan trọng. Họ đang hát dở chừng ngoải thềm nghe có tiếng hò hét và tiếng đấm đá. Chàng thanh niên cao lớn khoát tay một cái.

- Thôi! - hắn dõng dạc hô to - Anh em ơi! Có đám đánh nhau. - Nói đoạn hắn bước ra thềm, tay vẫy không ngừng xắn ống áo.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:52:52 pm
Đám thợ thuyền ra theo. Sáng hôm ấy đã mang từ nhà máy lại mấy tấm da trao cbo lão chủ quán đổi lấy rượu ngồi. uống với nhau dưới sự chỉ huy của chàng thanh niên cao lớn kia. Mấy người thợ rèn ở các lò rèn bên cạnh bấy giờ nghe tiếng hát hò trong quán rượu tưởng là họ đang cướp phá ngôi quán, bèn cố sức ập vào. Ở ngoài thềm bắt đầu diễn ra một trận ẩu đả.
   
Lão chủ quán đang đứng ở ngưỡng cửa đánh nhau với một người thợ rèn, và khi mấy người thợ ở trong quán bước ra, thì người thợ rèn bị bất hạnh và ngoài ra ngã mặt xuống mặt đường lát đá.
     
Một người thợ rèn khác lao vào cửa, đưa cả thân hình xô vào lão chủ quán. Chàng thanh niên tay áo xắn bấy giờ đang bước ra thoi một quả đấm vào mặt người thợ rèn đang lao vào và quát tướng lên:

- Anh em ơi! Chúng nó đánh cánh ta đây này!

Trong khi đó người thợ rèn lúc này ngã xuống đất lồm cồm bò, quệt máu trên mặt và mếu máo kêu lên:

- Ai cứu tôi với! Chúng nó giết người đây này! Anh em ơi!
     
Một mụ đàn bà từ một cánh cổng bên cạnh bước ra cũng tru tréo lên:

- Trời ơi là trời, chúng nó đánh chết người, chúng nó giết người kia kìa!
     
Đám đông xúm xít quanh người thợ rèn máu me bê bết. Trong đám đông có người nói với lão chủ quán.

- Mày cướp giật của người ta, mày lột áo của người ta chưa đủ hay sao, mà lại còn muốn giết người? Đồ kẻ cướp?
   
Chàng thanh niên cao lớn đứng trên thềm đưa đôi mắt đục lờ hết nhìn lão chủ quán lại nhìn bọn thợ rèn, như đang nghĩ ngợi không biết nên đánh nhau với ai bây giờ. Rồi bỗng chỗ mồm về phía lão chủ quán, hắn quát to:

- Đồ sát nhân! Anh em ơi, trói hắn lại!

- Ơ kìa? Trói tôi ấy à, sao lại đi trói một người như tôi - lão chủ quán quát to, giơ tay gạt những người đang chồm vào người lão, rồi giật cái mũ chụp lên đầu vứt xuống đất. Cử chỉ này dường như có một ý nghĩ gì rất bí mật và nghê gớm, những người thợ đang xô vào trói lão chủ quán bỗng dừng lại có vẻ phân vân.

- Tôi biết rõ luật lệ lắm anh ạ. Tôi sẽ đi trình quận cho mà xem. Anh tưởng tôi không đi hẳn? Thời bây giờ cấm không ai được trộm cướp và hành hung - lão chủ quan vừa nhặt mũ vừa nói to.

- Ghê gớm nhỉ! Đi thì đi! Nào đi thì đi ghê gớm nhỉ - lão chủ quán và chàng thanh niên cao lớn thi nhau nói đi nói lại như vậy, rồi cả hai cùng bước ra đường. Người thợ rèn máu me cũng đi bên cạnh họ. Mấy người thợ và đám người đứng xem cũngvừa đi theo vừa reo hò, bán tán huyên náo cả lên.
   
Ở góc phố Moskva, trước mặt một ngôi nhà lớn cửa đóng kín mít, trên cửa có đóng một biển hiệu đánh giày, có một tốp chừng hai mươi anh thợ giàý, vẻ mặt buồn rười rượi, gầy gò, mệt mỏi, mặc những chiếc áo dài và áo khoác rách rưới. Một người thợ giày gầy gò có một bộ râu thưa thót đalìg cau mày nói:

- Hắn phải trả tiền cho người sòng phẳng chứ! Đằng này hắn hút máu của bọn ta - rồi chuồn mất. Hắn cứ xỏ mũi lừa gạt bọn ta suốt cả tuần. Mãi đến bây giờ, tới lúc cùng kiệt rồi thì hắn lại lủi đi đâu mất.
     
Trông thấy đám đông đi với một người máu me bê bết, người đang nói im bặt, và cả tốp thợ giày tò mò vội nhập vào đám đông đang kéo đi.

- Họ đi đâu thế?

- Còn đi đâu nữa, đi trình quan!

- Thế nào, cánh ta thua thật à?

- Chứ còn gì nữa! Thử lắng nghe người ta nói thì biết.
       
Kẻ hỏi người đáp nhao nhao lên, lão chủ quán thừa lúc dám người đông thêm, đi tụt lại phía sau và bỏ về quán rượu.
     
Chàng trai cao lớn, không nhận thấy kẻ thù của mình là lão chủ quán đã biến mất, vẫn hoa cánh tay để trần, nói không ngớt miệng, khiến mọi người chú ý. Đám đông phần lớn đều quây quần xung quanh hắn ta, mong hiểu rõ những điều gì đang làm cho họ thắc mắc. Chàng thanh niên kẽ nhếch mép mỉm cười, nói:

- Hắn thử nói luật lệ ra nghe nào, đã có phép quan chứ! Tôi nói có đúng không nào, bà con?… Hắn tưởng bây giờ không có phép quan nữa chắc? Không có phép quan làm sao được? Kẻ cướp mọc lên như nấm ấy mà!
     
Trong đám đông có tiếng nói:

- Nói gì vớ vẩn thế? Chả nhẽ họ ở Moskva như thế này à!

- Người ta nói đùa mà anh cũng tưởng là thật.    Quân ta đông khối ra đấy kia! Lẽ nào để cho nó vào như vậy. Đã có quan trên lo liệu chứ! Kia, thử nghe người ta nói kia kìa, - họ chỉ vào chàng thanh niên cao lớn, bảo nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:53:35 pm
Bên bức thành Kitai-gorod một toán người khác không đông lắm vây quanh một người mặc áo khoác bằng dạ xù, tay cầm một tờ giấy. Trong đám đông có tiếng xì xào:

- Mệnh lệnh, họ đọc mệnh lệnh đấy! Họ đọc mệnh lệnh đấy!
   
Và mọi người đổ dồn về phía người đang đọc tờ giấy.
   
Người mặc áo khoác dạ xù đang đọc tờ yết thị ngày ba mươi mốt tháng tám. Khi thấy đám đông vây quanh, hắn có vẻ luống cuống, nhưng chàng thanh niên cao lớn lúc bấy giờ đã len vào tận nơi, đòi hắn phải đọc tờ yết thị lên. Giọng hơi run, người mặc áo khoác bắt đầu đọc bản yết thị từ đầu:
   
"Sáng sớm mai ta sẽ đến gặp Điện hạ. Tối quang minh -(chàng thanh niên cao lớn cau mày, nhoẻn miệng cười và lấy giọng trang trọng nhắc lại: Tối quang minh!) - để thương lượng với ngài về cách phối hợp với quân đội tiêu diệt quân thù; chính chúng ta cũng sẽ ra tay trị chúng" -  Người đọc dừng lại một lát. Chàng cũng sẽ ra tay trị chúng. Người đọc dừng lại một lát. Chàng thanh niên cao lớn đắc chí reo lên: "Thấy chưa? Họ sẽ trị cho chúng!" "… làm cho chúng hồn lìa khỏi xác và cho chúng về chầu quỷ sứ: bản chức sẽ trở về ăn bữa trưa và sau đó chúng ta sẽ bắt tay vào việc; chúng ta sẽ hành động đến nơi đến chốn và tiêu diệt quân giặc".
   
Những lời cuối cùng này được đọc lên trong cảnh. im lặng hoàn toàn.
     
Chàng thanh niên cao lớn cúi đầu ra dáng buồn bã. Có thể thấy rõ ràng chẳng ai hiểu nổi câu sau cùng. Đặc biệt là mấy chữ: "Bản chức sẽ trở về ăn bữa trưa" thì hình như cả người đọc lẫn người nghe đều lấy làm buồn. Bấy giờ dân chúng đang chờ nghe những lời trang trọng, nhưng câu ấy lại quá đơn giản và tầm thường một cách không cần thiết; nói như vậy thì lệnh thì trong dân chúng ai cũng nói được, cho nên trong một bản mệnh lệnh do nhà nước chức trách ban ra không thể nói như vậy được.
   
Mọi người đứng im lặng, rầu rĩ. Chàng thanh niên cao lớn mấp máy môl và lảo đảo như đứng không vững.
     
Bỗng ở các cửa hàng người đứng sau có tiếng xôn xao.

- Phải hỏi ông ấy kia!… Chính ông ta đấy à?… Còn gì nữa, phải hỏi đi! Chứ còn gì nữa… Ông ấy sẽ nói rõ cho mà nghe… - và mọi người đều chú ý đến chiếc xe độc mã của viên cảnh sát trưởng vừa đi qua, có hai người lính long kỵ đi hộ vệ.

Sáng hôm ấy viên cảnh sát trưởng theo lệnh của bá tước đã đi đốt những chiếc phà chở sang ngang và nhân chuyến công cán này đã kiếm được một món tiền lớn lúc bấy giờ đang nằm trong túi ông ta. Trông thấy đám đông kéo tới viên cảnh sát trưởng bảo người đánh xe dừng lại.

- Làm gì mà đông thế hả? - ông quát đám người hỗn độn đang rụt rè tiến đến gần xe. - Có việc gì thế? Ta hỏi các người? - Viên cảnh sát trưởng không nghe đáp lại câu hỏi.
       
Người thư mặc áo khoác dạ xù nói:

- Bẩm quan lớn, họ… bẩm quan lớn, theo lời hiển thị của bá tước đại nhân, họ muốn liều chết ra đánh giặc, chứ không phải muốn làm loạn gì đâu ạ: như bá tước đại nhân có dạy…

- Bá tước đại nhân chưa đi đâu, ngài hiện đang ở đây, ngài sẽ có lệnh truyền cho các người. - viên cảnh sát trưởng nói, rồi ra lệnh cho người đánh xe - Đi thôi!
     
Đám đông xúm quanh những người đã nghe được lời nhà chức trách và đứng trông theo chiếc xe ngựa đang đi xa dần.
       
Trong khi đó, viên cảnh sát trưởng sợ hãi ngoái lại nhìn, nói gì với người lái xe không biết, chỉ càng thấy ngựa phi nhanh hơn.

- Họ lừa chúng ta đấy anh em ơi! Phải đến gặp đích thân bá tước! - chàng thanh niên cao lớn hét lên. -
Đừng để cho hắn đi anh em ơi!

Hắn phải trình bày cho chúng ta rõ! Giữ hắn lại!

Trong đám đông có nhiều tiếng quát tháo, và đám đông hè nhau chạy và theo sau chiếc xe ngựa, đuổi theo sau chiếc xe ngựa, đuổi theo viên cảnh sát trưởng chạy vào phố Lubianka.

- Thế là cái gì Bọn thân hào với bọn lái buôn đều chuồn cả, thế còn chúng ta có tội tình gì mà ở lại chết uổng? Dễ thường chúng ta là chó hay sao. - Trong đám đông tiếng la ó mỗi lúc một dữ dội.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:54:15 pm
Phần XI
Chương -23 -24

Tối hôm mồng một tháng chín, sau khi hội kiến với Kutuzov, bá tước Raxtovsin buồn rầu và tủi hổ vì chỗ không được mời dự hội đồng quân sự, vì Kutuzov không mảy may chú ý tới lời đề nghị tham gia phòng thủ kinh đô của ông ta, và lấy làm lạ về cái quan điểm mới phát sinh trong doanh trại; theo quan điểm này thì nền an ninh của kinh đô và tinh thần ái quốc của cư dân trong thành không những là vấn đề thứ yếu, mà còn bị coi là hoàn toàn vô bổ và không dám đếm xỉa đến. Lòng buồn rầu, tủi hổ và ngạc nhiên vì tất cả những việc đó, bá tước Raxtovsin, trở về Moskva. Sau bữa ăn tối, bá tước không cởi áo ngoài, ngả mình trên trường kỷ thiếp đi. Gần một giờ sáng một liên lạc viên đến đánh thức ông ta dậy đưa một bức thư của Kutuzov gửi đến. Trong bức thư có nói rằng quân đội rút về con đường Ryaznan qua Moskva và yêu cầu bá tước phái một số viên chức cảnh sát ra giúp quân đội kéo qua thành được dễ dàng.
   
Tin này đối với bá tước Rastopsin chẳng có gì mới lạ. Không phải từ cuộc hội kiến với Kukuzov ngày hôm qua trên đồi Poklonny, mà ngay từ trận Borodino, khi tất cả trở về Moskva trăm người như một đều nói rằng không thể nào khai chiến được nữa, và khi người ta đã được cho phép của bá tước bắt đầu chuyển tài sản của nhà nước ra ngoài và dân cư đã bỏ hết đi một nửa, bá tước Raxtovsin đã biết rằng Moskva sẽ bị bỏ ngỏ; tuy vậy đang đêm nhận được mệnh lệnh này của Kutuzov, dưới hình thức một bức thư tầm thường, trong khi đang ngủ say, bá tước Raxtovsin cũng thấy ngạc nhiên và bực tức.
Về sau, để cắt nghĩa hoạt động của mình trong này, bá tước Raxtovsin đã mấy lần viết thư hồi ký rằng lúc bấy giờ ông ta có hai mục đích quan trọng. Duy trì an ninh ở Moskva và làm cho dân cư ra khỏi thành. Nếu xét hai mục đích này thì bất cứ hành động nào của Raxtovsin lúc bấy giờ cũng không thể chê trách được.
     
Tại sao những thành tích của thành Moskva, những vũ khí, đạn được, những kho thuốc súng, kho bột mì, lại không được chở đi? Tại sao lại nói dối hàng ngàn dân cư là sẽ cố thủ Moskva khiến cho họ phải sạt nghiệp? "Là vì cần phải gìn giữ an ninh trong thủ đô", lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Thế thì chở hàng đống giấy má vô ích ở các công sở, chở quả cầu Leppich và những thứ khác ra khỏi thành phố để làm gì? - "Là để bỏ lại một thành phố trống rỗng", lời giải thích của bá tước Raxtovsin đáp lại như vậy. Chỉ cần một cái gì đang đe doạ an ninh của thành phố, là bất cứ hành động nào cũng đâm ra có lí do xác đáng cả.
     
Tất cả những hành động tàn bạo của thời kỳ khủng bố chẳng qua chỉ vì lo lắng đến an ninh của quốc dân.
     
Vậy thì căn cứ vào đâu mà bá tước Raxtovsin lo sợ cho nền an ninh của quốc dân ở Moskva năm 1812? Nguyên nhân nào đã khiến cho ông dự đoán là trong thành phố có khuynh hướng nổi loạn? Dân cư thì bỏ đi, quân đội thì rút lui tràn đầy cả thành phố. Tại sao dân chúng lại có thể nổi loạn trong tình cảnh ấy?
     
Không những ở Moskva, mà ngay trong toàn cõi nước Nga cũng vậy; trong khi quân địch xâm lăng giống như một cuộc nổi loạn. Ngày mồng một mồng hai tháng chín còn có hơn một vạn người ở lại Moskva, và từ đám đông tụ tập trong sân viên tổng đốc, do chính ông ta triệu tập lại thì chẳng thấy rõ rằng bỏ Moskva và một việc tất yếu hay ít ra cũng là một việc rất có thể xảy ra, nếu khi đó Raxtovsin đừng phân phát vũ khí và ra tuyên cáo bừa bãi khiến cho dân chúng hoang mang, mà tiến hành những biện pháp cần thiết để chở các thánh tích, thuốc súng, đạn được và ngân khố ra ngoài và tuyên bố thẳng thắng với nhân dân là sẽ bỏ thành phố, - Nếu như vậy thì lại càng không có lý do gì để sợ dân chúng dấy loạn. Raxtovsin là một người nóng nảy và xung huyết, xưa nay vẫn sống trong các giới quan lại cao cấp, tuy có ít nhiều tinh thần yêu nước nhưng không hề hiểu biết gì về đám dân chúng mà ông yên trí là mình đang cai trị. Ngay từ khi quân địch bắt đầu kéo vào Smolensk, Raxtovsin trong trí tưởng tượng đã tự gán cho mình cái vai trò lãnh đạo tình cảm của nhân dân, lãnh đạo "quả tim của nước Nga". Ông ta không những cớ cảm tưởng (mỗi viên quan hành chính đều có cảm tưởng như vậy) rằng mình điều khiển những hoạt động bề ngoài của dân Moskva, mà còn tưởng rằng mình lãnh đạo tâm trạng của họ bằng những lời kêu gọi và những tờ tuyên cáo viết bằng thứ ngôn ngữ dung tục mà nhân dân vẫn khinh miệt khi nghe nói ở môi trường của họ, và không hiểu khi nghe từ miệng quan trên truyền xuống. Raxtovsin thích đóng vai trò đẹp đẽ của người lãnh đạo tình cảm nhân dân, và đã quen với nó đến nỗi khi phải từ bỏ nó và rời bỏ Moskva không kèn không trống, ông ta vô cùng bỡ ngỡ và thấy như người bị hẫng chân, chẳng còn biết nên làm thế nào nữa. Tuy ông có biết Moskva sẽ bị bỏ ngỏ, nhưng cho đến phút cuối cùng ông vẫn chưa hoàn toàn tin điều đó và không tiến hành một việc gì nhằm mục đích đó cả. Cư dân bỏ đi là trái với ý muốn của ông ta. Nếu là cơ quan hành chính được di chuyển ra ngoài, thì đó chẳng qua là vì yêu cầu của các viên chức và bá tước có ưng thuận cũng chỉ là miễn cưỡng. Bản thân ông ta thì chỉ lo đóng cái vai trò mà ông ta tự gán cho mình. Như ta vẫn thường thấy ở những người có một trí tưởng tượng nhạy bén, ông ta đã biết từ lâu rằng Moskva sẽ bị bỏ lại. Nhưng biết thế là biết bằng lý trí: trong tâm hồn ông ta vẫn chưa tin hẳn điều đó, trong tưởng tượng ông ta chưa chuyển được sang cái tình hình mới này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:55:04 pm
Toàn bộ hoạt động của ông ta vốn rất cần mẫn và kiên quyết (nó có ích cho nhân dân đến đâu thì đó lại là chuyện khác), toàn bộ hoạt động của ông ta chỉ nhằm thức tỉnh trong lòng cư dân cái cảm xúc của bản thân ông ta lúc bấy giờ: lòng căm thù dân tộc đối với quân Pháp và lòng tin tưởng ở mình.
     
Nhưng đến khi biến cố đã diễn ra với những quy mô lịch sử thực sự của nó, đến khi chỉ biểu lộ lòng căm thù quân Pháp bằng lời nói thôi không còn đủ nữa, đến khi không thể nào biểu lộ lòng căm thù đó ra nữa dù là bằng một trận đánh, đến khi lòng tin tưởng vào mình đã trở nên vô bổ, dù chỉ riêng đối với việc bảo vệ Moskva không thôi cũng vậy, đến khi toàn bộ cư dân muôn người như một đều vứt bỏ tài sản trảy ra ngoài thành phố - Một hành động tiêu cực tỏ rõ tất cả sức mạnh của tinh thần dân tộc, - đến khi ấy thì cái vai trò mà Raxtovsin chọn bỗng nhiên mất hết ý nghĩa. Ông ta bỗng cảm thấy mình cô độc, yếu ớt và lố lăng, thấy mình không còn có chỗ đứng nữa.
     
Đang ngủ bỗng dưng được đánh thức dậy và nhận được bức thư lãnh đạm và có vẻ như ra lệnh của Kutuzov, Raxtovsin cảm thấy mình có lỗi và càng thấy mình có lỗi thì lại càng thêm bực tức.
     
Những gì còn bị bỏ lại ở Moskva chính là những cái đã được phó thác cho ông ta, đó là những tài sản của quốc gia mà đáng lẽ phải đưa ra ngoài. Bây giờ thì không thể nào đưa ra được nữa.
   
"Thế thì lỗi tại ai? Ai đã để cho cơ sự đến nước này? - ông thầm nghĩ - Cố nhiên không phải tại ta. Về phần ta thì mọi việc đều xong xuôi cả, ta nắm vững Moskva như thế này! Thế mà chúng nó đã để cho cơ sự đi đến nước này! Quân khốn nạn, quân phản tặc!" - ông nghĩ thầm, trong óc cũng không xác định được cho rõ những quân khốn nàn, những quân phản tặc nào đấy đã gây ra cái tình trạng dang dở và lố bịch của ông hiện nay.
     
Suốt đêm ấy bá tước Raxtovsin ban bố mệnh lệnh cho các quân viên chức khắp Moskva đến thỉnh thị ông ta. Những người thân cận chưa bao giờ thấy bá tước có vẻ lầm lì và bực bội như đêm hôm ấy.
     
"Bẩm quan lớn, sở thái ấp cho người đến thỉnh thị. Cục giám đốc giáo phận, viện nguyên lão, trường đại học, viện cô nhi, toà giáo chủ. - có cho người hỏi lại - về phần đội cứu hoả thì sao?" - Suốt đêm hôm ấy những người đến báo cáo với bá tước cứ nối đuôi nhau không ngớt.

Đối với tất cả những câu hỏi ấy, bá tước trả lời vắn tắt và bực bội, tỏ ra rằng những mệnh lệnh của ông ta bây giờ không cần thiết nữa, rằng tất cả những công việc mà ông ta đã ra sức chuẩn bị chu đáo nay đã có người làm hỏng và người đó sẽ phải chịu hết trách nhiệm về tất cả những việc sẽ xảy ra nay mai.

- Mày bảo với thằng ngu ấy. - bá tước đáp lại lời thỉnh thị của sở Thái ấp - là cứ ở lại mà canh giữ đống giấy của hắn. Thế còn mày hỏi lằng nhằng cái gì về đội cứu hoả? Có ngựa đấy, cứ việc về Vladimir. Chả nhẽ để ngựa lại cho quân Pháp hay sao?

- Bẩm quan lớn, viên quản đốc nhà điên có đến xin ngài cho lệnh ạ.

- Lệnh ấy à? Đi tất, chỉ có thế thôi. Còn bọn điên thì thả ra phố. Một khi mà quân đội toàn do bọn điên chỉ huy cả, thì cố nhiên là phải như thế.

Nghe hỏi đến các phạm nhân đang giam trong ngục, bá tước giận giữ quát viên cai ngục.

- Thế nào, mày muốn tao cho hai tiểu đoàn đi hộ tống chắc? Tao làm gì có… Thả tất, có thế thôi!

- Bẩm quan lớn có cả tù chính trị nữa ạ… Meskov, Veressaghin.

- Veressaghin à! Nó chưa bị xử giảo à? - Raxtovsin quát lên.

- Đem nó lại đây cho ta.

24.
       
Vào khoảng chín giờ sáng, khi quân đội đã kéo qua Moskva, không có ai đến hỏi mệnh lệnh của bá tước nữa. Tất cả những ai có thể đi được thì đã bỏ đi rồi; những người ở lại thì tự quyết định lấy mình phải làm gì.
       
Bá tước ra lệnh thắng ngựa để đi Xokolniki, rồi chắp tay im lặng ngồi trong văn phòng vẻ mặt cau có, nước da vàng vọt.
       
Trong buổi thái bình vô sự, mỗi viên quan hành chính đều có cảm tưởng rằng sở dĩ dân sống được chỉ là nhờ những sợ nỗ lực của mình, họ tin chắc rằng không có mình là không được, và chính cái ý thức đó là phần thưởng lớn nhất cho những công lao khó nhọc của họ. Dĩ nhiên, khi mặt biển lịch sử đang phẳng lặng, thì viên quan cai trị, đứng trên chiếc xuồng mỏng manh của mình, trong khi cầm sào chống vào chiếc tàu lớn của nhân dân mà đi tất nhiên có cảm tưởng rằng chính nhờ mình mà chiếc tàu kia đi được nhưng chỉ cần một trận bão nổi lên làm mặt biển cuộn sóng và chiếc tầu tiến nhanh lên, là cái ảo giác ấy không còn tồn tại được nữa. Chiếc tàu tiến theo cái đà mãnh liệt, độc lập của nó, cái sào không với tới thân tầu được nữa, và từ địa vị của bậc chúa tể, của cội nguồn phát ra sức mạnh, viên quan hành chính đột nhiên biến thành một con người vô nghĩa, vô dụng và yếu ớt. Raxtovsin cảm thấy điều đó và chính điều đó làm cho ông ta bực mình. Viên cảnh sát trưởng vừa rồi bị đám đông chặn hỏi cùng với viên sĩ quan phụ tá đến báo rằng ngựa đã thắng xong, cùng vào phòng bá tước một lúc. Mặt cả hai người đều tái mét. Sau khi báo cáo việc thừa hành công cán vừa rồi, viên cảnh sát trưởng cho biết rằng ngoài sân nhà bá tước có một đám người rất đông đang muốn gặp bá tước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:55:56 pm
Raxtovsin không đáp một lời. Ông ta đứng dậy và đi nhanh ra gian phòng khách sáng sủa và sang trọng của ông ta, bước tới cánh cửa dẫn ra bao lơn, đặt tay lên nắm cửa, nhưng rồi lại buông ra và đến cạnh cửa sổ, nơi có thể trông rõ cả đám đông. Chàng thanh niên cao lớn đứng ở hàng đầu, vẻ mặt nghiêm nghị, đang hoa tay nói gì không rõ. Người thợ rèn máu me bê bết đang đứng cạnh hắn, vẻ lầm lì. Tuy các cửa sổ đều đóng kín, vẫn có thể nghe được tiếng nói ồn ào của đám đông. Raxtovsin rời khỏi khung cửa sổ, nói:

- Xe đã thắng xong chưa?

- Bẩm quan lớn xong rơi ạ, - viên sĩ quan phụ tá đáp.
       
Raxtovsin lại đi về phía cánh cửa dẫn ra bao lơn. Ông hỏi viên cảnh sát trưởng.

- Chúng nó muôn cái gì thế?

- Bẩm quan lớn, chúng nó bảo chúng nó tụ họp lại đế đi đánh Pháp theo lệnh của quan lớn, chúng nó la ó cái gì về chuyện phản quốc ấy. Nhưng đám này có vẻ hung hãn, thưa quan lớn tôi chật vật lắm mới thoát khỏi chúng. Bẩm quan lớn, tôi xin mạn phép bẩm một cách.

- Xin ông đi ra cho, không có ông tôi cũng biết là phải làm gì, - Raxtovsin giận giữ quát.
     
Ông ta đứng ở cửa bao lơn nhìn xuống đám đông, nghĩ thầm: "Đấy bọn chúng đã đưa nước Nga đến nông nỗi này đây! Bọn chúng đã đưa ra đến nông nỗi này đây!" ông cảm thấy trong lòng dấy lên một nỗi căm giận không sao ghìm nổi đối với người nào đó, người mà ông có thể đổ tội là đã gây ra cơ sự này.
     
Với những người nóng nảy thường như vậy: ông ta nổi giận lên rồi nhưng vẫn chưa tìm ra một đối tượng cho cơn giận của mình.
     
Raxtovsin nhìn đám dân chúng, thầm nghĩ:"Đây chính là cái đám dân đen, cái cặn bã của xã hội, đám tiện dân mà sự ngu xuẩn của bọn họ đã làm dấy lên. Phải thí cho nó một cái mồi" - ý nghĩ đó vụt hiện lên trong trí óc Raxtovsin trong khi ông nhìn người thanh niên cao lớn đang hoa tay. Và sở dĩ ông ta bỗng có ý nghĩ đó là vì chính bản thân ông ta cũng đang cần một cái mồi, một đối tượng để trút cơn giận của mình lên.

- Xe đã thắng xong chưa? - ông hỏi lại một lần nữa.

- Bẩm quan lớn xong rồi ạ. Veressaghin thì sao ạ? Hắn đang đợi ở ngoài thềm, - viên sĩ quan phụ tá nói.

- A! - Raxtovsin bỗng reo lên, như chợt nhớ ra một điều gì.
     
Ông vụt mở cửa và quả quyết bước ra bao lơn. Tiếng nói xôn xao bỗng im bặt, những chiếc mũ được bỏ xuống và mắt mọi người đều ngước lên nhìn bá tước vừa ra bao lơn.

- Chào các anh em! - Bá tước nói rất nhanh, và rất to, - Cám ơn các anh em đã đến đây. Tôi xin ra ngay với anh em, nhưng trước hết chúng ta phải xử trí tên phản quốc đã làm cho Moskva thất thủ. Anh em đợi tôi một chút! - Và bá tước lại bước nhanh về phòng, sau khi đóng cửa thật chặt.
     
Một tiếng xì xào đồng tình và vui thích lướt qua đám đông.
     
"Đấy ngài sẽ xử hết bọn gian phi cho mà xem! Thế mà mày bảo là một thằng Pháp. Rồi ngài sẽ liệu cho chúng nó đâu vào đấy", đám người nói nhao nhao như để trách móc nhau đã kém tin tưởng.
     
Mấy phút sau từ cửa chính một viên sĩ quan hấp tấp bước ra hô một mệnh lệnh gì đấy, và thấy đội Long kỵ dàn ra thành hàng. Đám đông rời chỗ bao lơn háo hức dồn về phía thềm. Raxtovsin vẻ giận giữ bước nhanh ra thểm và vội vã đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm người nào.

- Nó đâu rồi? - bá tước hỏi, và ngay lúc ấy ông ta trông thấy hai người lính long kỵ dẫn từ sau góc nhà ra một người trẻ tuổi, cổ cao và gầy, đầu cạo hết một nửa, chỗ bị cạo tóc đã mọc lởm chởm.
   
Người trẻ tuổi mặc một chiếc áo Tu-lup da chồn phủ dạ xanh, trước kia chắc cũng khá bảnh bao, một cái quần vải dày cáu ghét của phạm nhân nhét vào đôi ủng da mịn đã vẹt gót và rất bẩn thỉu. Trên đôi chân gày gò và yếu ớt lủng lẳng những sợi xiềng làm cho bước đi ngập ngừng của người trẻ tuổi thêm chật vật.

- À! Raxtovsin vừa nói vừa ngoảnh mặt đi, tránh nhìn vào người trẻ tuổi mặc áo da chồn, rồi chỉ vào bậc cấp dưới cùng trước thềm nói - Để nó đứng đấy!
     
Người trẻ tuổi nặng nề bước lên bậc thềm, xiềng xích kêu lẻng xẻng, hắn đưa ngón tay lên nới cái cổ áo quá chặt, quay đi quay lại cái cổ dài ngoằng rồi thở dài đưa hai bàn tay mảnh dẻ có vẻ chưa bao giờ làm việc nặng, đặt trước bụng với một cử chỉ nhẫn nhục.
   
Im lặng kéo dài mấy giây, trong khi người trẻ tuổi bước lên bậc thềm. Chỉ ở các hàng sau mới nghe có tiếng ho khục khặc, tiếng rền rĩ và tiếng giẫm chân của những người đang cố xô đẩy nhau về một phía.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:56:35 pm
Raxtovsin, trong khi chờ người trẻ tuổi đứng vào chỗ đã định, cau mày và đưa tay lên xoa mặt.

- Anh em ơi! - Raxtovsin nói, giọng vang lên lanh lảnh, - Tên này là Veressaghin, chính cái tên khốn nạn đã làm cho Moskva thất thủ.

Người trẻ tuổi mặc áo da chồn đứng yên, dáng nhẫn nhục hai tay chắp lại trước bụng, người hơi cúi xuống. Khuôn mặt gầy gò, non trẻ của hắn có vẻ tuyệt vọng. Mái tóc cạo nham nhở cúi gầm xuống. Nghe bá tước nói mấy tiếng đầu, hắn từ từ ngẩng mặt lên và ngước mắt nhìn lên phía bá tước, vẻ như muốn nói với ông ta điều gì hay chỉ là bắt gặp được mắt ông ta thôi cũng được.   Nhưng Raxtovsin không nhìn hắn. Trên cái cổ cao và gầy của người trẻ tuổi, ở phía sau tai một đường gân xanh bỗng nổi lên như một sợi dây thừng, và da mặt hắn bỗng đỏ bừng lên. Mắt mọi người đều đổ dồn vào hắn. Hắn nhìn đám đông, và dường như vẻ mặt của lthững người đứng trước mặt làm léo lên trong lòng hắn một tia hy vọng, hắn buồn rầu và bẽn lẽn mỉm ười rồi lại cúi gám mặt xuống, nhích nhích hai bàn chân đứng trên bậc thềm.
   
- Nó đã phản bội Sa hoàng và tổ quốc nó đã quy hàng Bonaparte, trong toàn dân chỉ có một mình nó đã làm hoen bẩn thanh danh người Nga, và chính vì nó mà Moskva thất thủ, - Raxtovsin nói, giọng đanh và đều đều nhưng bỗng nhiên mắt ông ta liếc nhanh xuống chỗ Veressaghin, lúc bấy giờ vẫn đứng yên với dáng điệu nhẫn nhục như cũ. Dường như khi nhìn thấy thế ông ta bỗng điên tiết lên: Raxtovsin giơ cao tay, quay về phía đám đông nói to gần như quát: - Anh em hãy xử tội nó đi! Tôi trao nó cho anh em đấy!
Đám dân chúng lặng thinh và chỉ ép vào nhau sát hơn nữa.
   
Đứng chen chúc trong cáii không khí ngột ngạt hơi người này không sao cựa mình được để chờ đợi một việc gì không ai biết rõ, một việc khó hiểu và kinh khủng sắp xảy ra - Điều đó đã trở thành một cái gì không sao chịu nổi. Những người đứng ở các hàng trước, được thấy và được nghe tất cả những gì đang xảy ra trước mắt, mắt vẫn giương to và kinh hãi, mồm vẫn há hốc, đang cố sức cưỡng lại sức xô đẩy của những người đứng sau đè nặng lên lưng.
     
Raxtovsin thét:

- Hạ thủ nó đi! Hãy giết chết tên phản tặc. Đừng để cho nó làm ô danh nước Nga! Chém đi! Ta ra lệnh như thế đấy.
   
Đám đông không nghe Raxtovsin nói gì, chỉ nghe thấy giọng nói giận dữ của ông ta. Họ rên lên một tiếng và nhích tới nhưng rồi lại đứng yên.

- Bá tước! - Trong phút im lặng vùa trở lại bỗng nghe giọng nói rụt rè mà đồng thời lại có vẻ đóng kịch của Veressaghin. - Thưa bá tước. Chỉ có Thượng đế mới xét xử chúng ta. - Veressaghin ngẩng đầu lên, và đường gân xanh to tướng trên cái cổ khẵng khiu của hắn lại nổi lên, mặt hắn đỏ lại tái nhợt đi rất nhanh. Hắn không nói hết được những điều đang muốn nói.

- Chém chết nó đi! Ta ra lệnh như vậy! Raxtovsin quát lên, mặt bỗng tái mét y như mặt Veressaghin.

- Tuốt gươm ra! Viên sĩ quang hô to ra lệnh cho mấy người lính long kỵ, và tự mình tuốt gươm ra khỏi. Một luồng sóng mãnh liệt hơn nữa cuộn lên trong đám đông và khi lan ra các hàng người phía trước luồng sóng ấy xô những người đứng trước tràn tới, nhấp nhô đến tận sát bậc thềm. Chàng thanh niên cao lớn, nét mặt cứng đờ ra như đá, cánh tay giơ lên không nhúc nhích, đứng sát cạnh Veressaghin.

- Chém! - Viên sĩ quan nói với mấy người lính long kỵ, giọng gần như thều thào, và một người lính, vẻ mặt hằn học trông rất gở, giơ sống gương đánh vào đầu, Veressaghin kêu lên một tiếng ngắn ngủi và kinh ngạc, hoảng hốt nhìn quanh như không hiểu tại sao mình lại bị xử trí như thế.
       
Một tiếng rên rỉ ngạc nhiên và kinh hãi như vậy cũng truyền khắp dám đông.
     
"Trời ơi", - Có ai kêu lên một tiếng não lòng.
     
Nhưng sau tiếng kêu ngạc nhiên vừa thốt ra, Veressaghin bắt đầu gào lên vì đau đớn, và tiếng gọi ấy đã hãm lại hắn. Cái tình cảm nhân loại như một sợi dây căng thẳng đến tột độ còn giữ đám người lại mãi đến bây giờ, bỗng nhiên đứt tung ra. Tội ác đã mở đầu, và không thể nào đi đến cùng được. Tiếng kêu đau đầy ý trách móc bị tiếng gầm thét của đám đông át đi. Như đợt sóng cuối sùng đánh chìm chiếc tàu, đợt sóng cuối cùng không sao ngăn nổi của đám đông từ các hàng người phía sau cuộn lên và tràn ra các hàng trước lật ngã nó và nuốt chửng mọi vật. Người kính long kỵ toan giơ gươm lên chém, lại một lần nữa Veressaghin rú lên một tiếng kinh hãi, giơ hai tay ra chống đỡ và né người về phía đám đông, xô vào người thanh niên cao lớn. Hắn liền giơ hai tay chộp lấy cái cổ khẳng khiu của Veressaghin, hét lên một tiếng man rợ và hai người cùng ngã xuống dưới chân đám đông đang gầm gừ chồm tới.
     
Người thì đánh đấm, cấu xé Veressaghin, người thì lại đánh, xé chàng thanh niên cao lớn. Tiếng kêu của những người bị giẫm đạp và của những người muốn cứu chàng thanh niên cao lớn kia chỉ làm cho sự phẫn nộ của đám đông càng thêm điên cuồng. Những người lính long kỵ một hồi lâu không sao gỡ ra được người thợ máu me đầm đìa, bị đánh gần chết. Và một hồi lâu, tuy đám đông đang hối hả cố hoàn thành cho nhanh cái việc đã mở đầu kia, nhưng những kẻ đánh đạp bóp cổ và cấu xé Veressaghin cũng không sao giết chết được hắn; đám đông dồn ép họ từ bốn phía, kẹp họ vào giữa thành một khối dày đặc, khi xô sang bên này, khi dồn sang bên kia, khiến cho họ không sao giết chết tươi được Veressaghin, mà cũng không sao bỏ hắn ra được.

- Lấy rìu mà bổ cho chết chứ? Giẫm chết mất rồi, một thằng phản tặc bán cả Chúa Cơ-đốc! Hắn còn sống. Sống dai thật.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:57:15 pm
- Đáng đời quân gian phi!… Lấy rìu mà bổ!… Còn sống à…?".
     
Mãi đến khi nạn nhân đã thôi chống đỡ và những tiếng kêu la của hắn đã nhường chỗ cho một tiếng phều phào thoi thóp đều đều và kéo dài, đám đông mới vội vã lui ra và bắt đầu đi lại quanh cái xác chết đẫm máu. Mỗi người đều lại gần xem người chết rồi lùi lại ngạc nhiên, kinh hãi và đầy vẻ trách móc.
   
Trong đám đông có tiếng nói: "Ôi lạy chúa, họ chẳng khác nào loài thú dữ, anh ta sống làm sao được! Anh ta còn trẻ. Chắc con cái nhà buôn! Họ thế đấy. Nghe nói không phải anh ta. Người khác kia. Sao, người khác à, trời ơi. Còn người kia nữa, nghe nói cũng bị đánh gần chết. Chao ơi, họ thế đấy. Không sợ phải tội với trời đất". - Chính những người lúc nãy bây giờ lại than thở như vậy họ đau xót đứng nhìn cái xác chết với khuôn mặt tím bầm bê bết máu lẫn đất và cái cổ dài và mảnh bị chém đứt.
     
Một viên chức cảnh sát cần mẫn cho rằng để một xác chết nằm trong sân dinh quan lớn là một điều thất nghi, liền ra lệnh cho lính long kỵ kéo xác người bị chết ra đường. Hai người lính nắm lấy hai bàn chân đầy thương tích lôi đi. Cái đầu cạo nham nhở trên cái cổ dài của người chết, bê bết máu và bụi kéo lê sệt dưới đất, hết nghiêng bên này lại nghẹo bên kia. Đám đông chen nhau giạt ra một bên, tránh cho xa cái xác chết.
       
Trong khi Veressaghin ngã xuống và đám đông xô đẩy nhấp nhô trên người hắn với một tiếng gầm thét man rợ, Raxtovsin bỗng tái mặt đi, và đáng lẽ phải đi ra thềm sau, nơi chiếc xe ngựa đang đợi ông ta, thì ông ta lại cúi đầu bước nhanh theo dãy hành lang dẫn xuống các phòng ở tầng dưới, mà cũng chẳng biết mình đi đâu và để làm gì nữa. Bá tước tái mét, và tuy ông đã cố sức cưỡng lại, hàm dưới của ông ra cứ run lên bần bật như đang cơn sốt.

- Bẩm quan lớn phía này ạ. Bẩm quan lớn đi đâu thế ạ? Xin rước quan lớn ra lối này. - Một giọng nói run sợ ở sau lưng ông ta. Bá tước Raxtovsin bấy giờ không còn đủ sức mở miệng trả lời nữa, ông ta ngoan ngoãn quay lại đi về phía người ta vừa chỉ cho mình. Ở thềm sau có một chiếc xe song mã đang đứng đợi. Ngay ở đấy tiếng gầm thét xa xa của đám đông vẫn còn vẳng đến. Bá tước Raxtovsin hối hả ngồi lên xe và bảo đánh về ngôi biệt thự ngoại thành của ông ở Xokolniki. Khi đã đến phố Miasnixkaya và không còn nghe tiếng hò hét của đám đông nữa, bá tước bắt đầu hối hận.
       
Ông bực mình nhớ lại cái vẻ xúc động và sợ hãi mà ông ta đã để lộ ra trước mặt các thuộc hạ. Ông nghĩ thầm bằng tiếng Pháp: "Đám cùng dân thật là kinh khủng, gớm guốc. Chúng nó thật như người lang sói, phải có thịt tươi cho chúng thì mới yên được".
     
"Bá tước! Chỉ có thượng đế mới xét xử chúng ta" - Raxtovsin chợt nhớ câu nói của Verssaghin, và một cảm giác lạnh buốt khó chịu vụt luồn qua sống lưng ông ta. Nhưng cảm giác đó chỉ thoáng qua trong giây lát, rồi bá tước Raxtovsin lại mỉm cười khinh bỉ chế nhạo mình. "Ta còn nhiều nhiệm vụ khác, - Ông thầm nghĩ, - Cần phải ổn định nhân tâm. Biết bao nạn nhân khác đã chết và đang chết vì công ích. - Rồi ông ta bắt đầu nghĩ đến những bổn phận chung chung của ông ta đối với gia đình của mình, đối với kinh đô của mình (nghĩa là đã được giao phó cho mình cai trị) và đối với bản thân - nhưng bản thân đây không phải là Feodor Vaxilievich, Raxtovsin (ông ta cho rằng Feodor Vaxilievich phải hy sinh cho công ích), mà lại quan tổng đốc tư lệnh, người đại diện của chính quyền và người đã được hoàng đế uỷ thác toàn quyền hành động.
         
"Giá ta chỉ là Feodor Vaxilievich, thì con đường xử trí của ta sẽ vạch ra một cách khác hẳn, nhưng đây lại phải bảo tồn cả tính mệnh danh giá của một vị tổng đốc".
     
Trong khi khẽ lắc lư trên cái ổ díp mềm mại của cỗ xe và không còn nghe tiếng la ó kinh khủng của đám đông nữa, Raxtovsin trở lại bình tĩnh về thể chất và cũng như thói thường vân thế, đồng thời với trạng thái bình tĩnh về thể chất thì lý trí cũng tìm ra những lý do cho ông ta trở lại bình tĩnh về tinh thần. Ý nghĩ làm cho Raxtovsin bình tĩnh lại chẳng phải là một ý gì mới mẻ. Kể từ khi khai thiên lập địa, kể từ khi loài người bắt đầu chém giết nhau, chưa bao giờ có một người nào phạm một tội ác đối với đồng loại mà lại khônng dùng ý nghĩ này để tự yên ủi. Ý nghĩa đó chính là công íchl, là phúc lợi của những người khác.
     
Một người không bị dục vọng khống chế thì không bao giờ biết đến cái công ích này; nhưng một người đang nhúng tay vào một tội ác bao giờ cũng biết rất rõ cái công ích đó là cái gì. Và giờ đây Raxtovsin cũng biết rõ điều đó.
   
Trong khi suy luận ông ta không những không tự trách mình về hành động vừa rồi, mà còn tìm ra những lý do tự mãn về việc ông ta lợi dụng cái đó một cách đúng lúc và có công hiệu - vừa trừng trị kẻ có tội mà lại vừa ổn định được nhân tâm.
     
"Verssaghin đã bị toà xử tử hình - Raxtovsin thầm nghĩ (thật ra Verssaghin chỉ bị viện nguyên lão xử phạt khổ sai) - Hắn là một tên gian tặc và phản quốc; ta không thể tha cho hắn được, ngoài ra làm như vậy thật là nhât cử lưỡng đắc3: ta đã cung cấp cho dân một vật hy sinh để cho họ yên tâm, và đồng thời lại trừng trị được tên gian phi".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:57:50 pm
Về đến biệt thự và bắt tay vào sai bảo những việc vụn vặt trong nhà, bá tước đã bình tĩnh hẳn lại. Nửa giờ sau bá tước lên một chiếc xe thắng một bộ ngựa rất nhanh, cho đám xe qua cánh đồng Xokolniki. Bây giờ ông ta không còn nhớ gì những việc vừa xảy ra nữa, chỉ suy nghĩ đến những việc sẽ còn xảy ra sau này. Xe đang đi về phía cầu Yauxki, nơi mà người ta bảo là Kutuzov hiện đang ghé lại. Bá tước Raxtovsin sắp sẵn trong trí óc những lời trách cứ giận dữ và chua chát mà ông ta sẽ nói với Kutuzov, người đã lừa dối ông ta. Ông sẽ cho con cáo già triều đình thấy rằng tất cả những tai hoạ so việc bỏ ngỏ thủ đô, do việc nước Nga thất thủ (Raxtovsin nghĩ như vậy) gây ra, đều là tại cái đầu óc lẩm cẩm của hắn ta cả. Trong khi sắp sẵn những lời lẽ nói với Kutuzov, Raxtovsin giận dữ trở mình trên xe và hầm hầm đưa mắt nhìn quanh.
     
Cánh đồng Xokolniki vắng tanh. Chỉ về phía cuối, bên cạnh nhà tế bần và nhà thương điên thấy có những tốp người mặc áo quần trắng và máy người đi lẻ cùng ăn mặc như vậy đang băng qua cánh đồng, vừa đi vừa quát tháo và hoa chân múa tay.
   
Một trong những người đó chạy về phía xe. Bá tước Raxtovsin, người đánh xe và mấy người lính long kỵ đều có một cảm giác mơ hồ sợ hãi vừa tò mò khi nhìn những người điên thả rông này, và nhất là người đang chạy lại gần họ. Bước lảo đảo trên đôi chân cao lòng khòng, tà áo phanh ra phất phới hai bên, người điên này chạy lại rất nhanh, mắt nhìn chòng chọc vào Raxtovsin, cất giọng khàn khàn quát tháo những tiếng gì không rõ và ra hiệu cho ông ta dừng xe lại. Mặt người điên gầy gò và vàng vọt, râu ria nham nhở đám dài đám ngắn. Hai con ngươi đen lánh như mã não của hắn ta đảo qua đảo lại, trợn ngược xuống phía dưới, để lộ hai mảng lòng trắng màu nghệ.

- Đứng lại! Đứng lại! Tao đã bảo đứng lại mà? - người điên hét lên the thé, và lại hổn hển quát tháo cái gì không rõ, có vẻ như ra lệnh, vừa quát vừa hoa chân múa tay.
     
Hắn đã đến ngang tầm xe và chạy song song bên cạnh.

- Chúng nó đã giết tao chết ba lần, đã ba lần tao sống lại. Chúng nó lấy đá đập tao, chúng nó đã đóng đinh tao lên cây thập tự. Tao sẽ sống lại, sống lại, sống lại. Chúng nó xé xác tao ra.   Vương quốc của Đức Chúa trời sẽ sụp đổ. Tao sẽ phá đổ ba lần và ba lần sẽ dựng nó lại! - Hắn quát, mỗi lúc một to giọng.
     
Bá tước Raxtovsin bỗng tái mặt đi như khi đám đông vồ lấy Verrssaghin. Ông ta quay đi, cất giọng run run nói với người xà ích.

- Ch…o… cho xe đi nhanh lên?
     
Chiếc xe song mã lao nhanh hết tốc lực; nhưng hồi lâu ở phía sau lưng, bá tước Raxtovsin còn nghe tiếng la hét thất thanh, rồ dại mỗi lúc một xa dần, và trước mắt thì chỉ thấy cái mặt đẫm máu, lộ vẻ kinh ngạc và sợ hãi của tên phản bội mặc áo tu lúp da chồn.
   
Tuy kỷ niệm này rất mới mẻ, bấy giờ Raxtovsin cũng cảm thấy rằng nó đã khắc sâu vào tim ông ta, khắc sâu đến bật máu tim ra.

Bây giờ ông đã thấy rõ ràng dấu vết máu của kỷ niệm này sẽ không bao giờ phai nhạt, mà trái lại cái kỷ niệm khủng khiếp ấy sẽ càng ngày càng da diết hơn, ác liệt hơn, cứ thế mà sống mãi trong lòng ông ta cho đến giờ chết. Ông có cảm tưởng như đang nghe văng vẳng bên tai những lời ông đã nói: "Chém chết nó đi, ta ra lệnh như vậy, nếu không chúng bay sẽ chết với ta!". Ông thầm nghĩ: "Tại sao ta lại nói như thế! Hình như ta đã buột miệng nói ra thì phải. Lúc đó ta có thể không nói như vậy: nếu vậy thì đã chẳng có gì xảy ra hết". Ông hồi tưởng lại vẻ mặt sợ sệt rồi bỗng chuyển sang hằn học của người lính long kỵ đã giơ gươm chém vào tên phản tặc và cái nhìn lặng lẽ, rụt rè và đầy trách móc của người thanh niên mặc áo tu lúp đã ngước lên nhìn ông". Nhưng ta làm như vậy có phải vì ta đâu. Ta đã buộc lòng phải làm như vậy, Đám dân đen, tên phản tặc công ích! - ông nghĩ thầm.
     
Bên cầu Yauxki quân lính vẫn còn chen chúc. Khí trời oi bức, Kutuzov, vẻ ủ dột, cau có, đang ngồi trên một chiếc ghế dài ở dầu cầu và lấy chiếc roi vẽ loằng ngoằng trên cát, khi chiếc xe song mã lăn ầm ầm đến đỗ cạnh chỗ ông. Một người mặc quân phục cấp tướng đội mũ có ngũ lông, mắt đảo qua đảo lại không biết vì sợ hãi hay vì tức giận, tiến lại gần Kutuzov và bắt đầu nói với ông một câu gì bằng tiếng Pháp. Đó là bá tước Raxtovsin. Ông ta nói với Kututzov rằng ông ta đến đây là vì nay Moskva không còn nữa, thủ đô không còn nữa, chỉ có quân đội mà thôi. Ông ta nói:

- Giá đại nhân đừng nói với tôi rằng đại nhân sẽ không bỏ Moskva mà không giao chiến, thì cơ sự sẽ khác hẳn, có đâu đến nông nỗi này!

Kutuzov đưa mắt nhìn Raxtovsin và dường như không hiểu người ta nói gì với mình, ông ra sức nhìn kỹ gương mặt của người đang nói như để tìm một ý nghĩ gì đặc biệt phản chiếu trên gương mặt ấy. Raxtovsin đâm luống cuống: ông ta im bặt. Kutuzov khẽ lắc đầu và vẫn nhùl chằm chặp vào mắt Raxtovsin, ông nói khẽ:

- Phải, tôi sẽ không bỏ Moskva mà không chiến đấu.
       
Không biết khi có nói câu này Kutuzov mải nghĩ đến một việc gì khác hẳn, hay ông ta biết rõ nó vô nghĩa hết sức mà vẫn cố ý nói ra; nhưng bá tước Raxtovsin không đáp lấy một câu nào, vội, vàng bỏ ra chỗ khác. Và lạ thay! Quan tổng đốc tư lệnh thành Moskva, bá tước    Raxtovsin kiêu hãnh, cầm lấy một ngọn roi, bước lại gần cầu vừa hò hét vừa đánh đuổi những chiếc xe tải đang chen chúc ở đầu cầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:58:34 pm
Phần XI
Chương - 25

Vào khoảng gần bốn giờ trưa, quân đội của Mura tiến vào Moskva. Đi trước là một chi đội phiêu kỵ Vurtemberg, và tiếp theo là đích thân "quốc vương thành Napoli"(1) cưỡi ngựa cùng đi với một đoàn tuỳ giá rất đông.

Vào khoảng giữa Arbat, gần Lilolai Yaivlenny, Mura dừng lại chờ tin tức của đạo tiến quân loan tin báo về tình hình của thành "Kremlin".
   
Một tốp người gồm những cư dân ở lại Moskva tụ tập lại xung quanh Mura. Mọi người đều rụt rè và ngỡ ngàng ngắm nghía ông chỉ huy kỳ quặc để tóc dài, quân phục thêu thùa đầy những kim tuyến, mũ cắm đầy những lông chim.

- Thế nào, Sa hoàng của họ đấy à? Trông cũng bảnh đấy chứ! - Trong đám đông có tiếng nói khẽ.
     
Một viên thông ngôn cưỡi ngựa lại gần. Trong đám đông có tiếng giục nhanh:

- Cất mũ đi. Cất.
   
Viên thông ngôn hỏi một người gác cổng già, xem từ đây đến thành Kreml có còn xa không? Lão gác cổng nghe cái giọng Ba Lan lạ tai quá, không nhận ra rằng đó là tiếng Nga không hiểu viên thông ngôn muốn nói gì, và lẩn ra sau lưng mấy người khác.
     
Mura cho ngựa bước lại gần viên thông ngôn, và bỗng có tiếng người cùng trả lời một lúc. Một viên sĩ quan Pháp từ đạo tiến quân trở lại báo với Mura rằng cổng thành đã đóng và hình như có quân mai phục bên trong.

- Được! - Mura nói, đoạn quay về phía một sĩ quan trong đoàn tuỳ tùng, ra lệnh đem bốn khẩu khinh pháo bắn vào cổng thành.

Đội pháo binh từ đạo quân đi sau Mura tiến ra vào đoàn xe kéo pháo chạy dọc theo phố Arbat. Đi đến cuối phố Vorevienka, đội pháo binh dừng lại và xếp thành thế trận trên quảng trường.

Mấy viên sĩ quan Pháp cho bố trí các khẩu đại bác và bắc ống nhòm nhìn vào thành Kreml.

Trong thành bỗng vẳng ra tiếng chuông nguyện buổi chiều. Hồi chuông làm cho quan Pháp hoang mang lo lắng. Họ tưởng là hồi chuông báo động kêu gọi dân chúng cầm vũ khí chạy về phía cổng Kutafiev. Cổng này có chống thêm những khúc gỗ và những tấm ván. Người sĩ quan vừa dẫn đội bộ binh chạy lại phía cổng thì từ phía trong cổng nổ ra hai phát súng trường. Viên tướng đứng cạnh bốn khẩu pháo liền ra lệnh cho viên sĩ quan dẫn tốp lính chạy lùi lại.
     
Trong cổng còn nghe thêm ba tiếng súng nổ. Một phát súng trường bắn trúng chân một người lính Pháp, phía sau đống gỗ ván chống ở cạnh cổng bỗng vang lên mấy tiếng reo kì lạ của một nhóm người không đông lắm. Vẻ vui tươi và điềm tĩnh trên gương mặt tên tướng Pháp, các sĩ quan và binh lính Pháp, bỗng cùng một lúc, răm rắp như một mệnh lệnh nhường chỗ cho một vẻ mặt đăm chiêu biểu lộ tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chịu đựng đau khổ. Đối với họ, kể từ viên thống soái cho đến người lính thường chỗ này không phải là Vozdvizenka, Mokhovaya, Kutuafia hay là cửa ô Troixki mà là một địa điểm mới của chiến trường mới, nơi có, lẽ sắp xảy ra một chận huyết chiến. Và mọi người đều chuẩn bị bước vào trận chiến đấu này: những tiếng reo trong cổng đã im bặt. Bốn khẩu pháo đã được đẩy tới. Mấy người pháo binh thổi cho bùi nhùi cháy to lên.
       
Viên sĩ quan hô to: "Bắn!" và hai tiếng đạn rít kế tiếp nhau. Loạt đạn ria vỗ đôm đốp vào nền đá và đống gỗ ván ở cổng thành; và hai đám khói lớn từ quảng trường bốc lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 10:59:08 pm
Tiếng vang của loạt đạn từ bức thành đá của điện Kremli dội ra im đi được một lát thì trên đầu quân Pháp bỗng nghe có một âm thanh kỳ lạ. Một đám quạ đông hàng nghìn con bay lên lượn vòng trên thành, kêu quang quác và vỗ cánh rào rào. Đồng thời từ cánh cổng vang lên một tiếng cười thét đơn độc và từ sau làn khói hiện ra một bóng người mặc kaftan không đội mũ. Người đó cầm một khẩu súng chĩa vào quân Pháp.
Bắng viên sĩ quan pháo binh lại hô và một phát súng trường cùng hai phát đại bác cùng nổ vào một lúc. Khói lại phủ kín cổng thành.
   
Sau đống gỗ ván không thấy động đậy gì nữa và đám quân lình và sĩ quan Pháp lại gần cổng. Trước cổng thành có ba người bị thương và bốn người chết nằm ngổn ngang. Hai người mặc áo kaftan chạy dọc theo bức thành, về phía Znamenka.

Viên sĩ quan chỉ đống gỗ và mấy xác chết, nói:

- Hốt đi!
   
Quân Pháp bắn mấy người bị thương cho chết hẳn và quăng xác qua tường. Những người ấy là ai, thì chẳng có người nào biết.
   
Người ta chỉ có: "Hốt đi!" rồi quẳng đi; về sau họ lại được mang đi lần nữa, cho khỏi thối. Chỉ có một mình Tyer dành cho vong hồn họ mấy dòng chữ bao hàm nhiều ý nghĩa:
     
"Những kẻ khốn nạn ấy đã xông vào thành Kreml thần thánh kiếm được mấy khẩu súng trong kho vũ khí và bắn (cái quân khốn nạn) vào người Pháp. Người ta đã chém chết mấy tên và quét sạch chúng ra khỏi điện Kremli".
     
Họ báo cáo với Mura là đường vào thành đã mở. Quân Pháp tiến vào cổng thành và bắt đầu đóng thành doanh trại ở quảng trường nguyên lão viện. Quân lính vứt ghế ra cửa sổ nguyên lão viện để nhóm bếp.
     
Những đội quân khác kéo qua điện Kreml và chia nhau hạ trại ở Mozaixeyka, Lebianka, Tverkaya, Nikolxkaya. Chẳng có nơi nào còn chủ nhà nữa nên quân Pháp không đóng như khi trú quân ở nhà dân, mà lại đóng thành một doanh trại dải rộng ra trong thành phố.
   
Mặc dầu rách rưới đói khát, mệt lả và chỉ còn được một phần ba quân số cũ, quân Pháp vẫn tiến vào Moskva thành đội ngũ chỉnh tề.
       
Đó là một quân đội đã mỏi mệt, kiệt quệ nhưng vẫn là một quân đội thiện chiến hùng mạnh. Nhưng chỉ còn là một quân đội cho tới khi các đơn vị phân tán ở rải rác trong các khu phố: quân lính vừa chia nhau vào ở các toà nhà trống trải và sang trọng trong thành thì quân đội đã vĩnh viễn mất đi, và thay vào đó là một thứ gì chẳng phải là dân, chẳng phải là lính, mà là một hạng trung gian, thường gọi là những kẻ đi hôi của. Năm tuần sau, khi chính những con người đó ra khỏi Moskva, thì họ không còn là một quân đội nữa. Đó là một đám người đi hôi của, trong đó ai nấy đều chở hay mang theo một đống đồ đạc mà họ cho là quý giá hay cần dùng. Mục đích của mỗi người khi ra khỏi Moskva không còn là chinh phục đất người như trước kia nữa, mà chỉ là làm sao giữ lại những của cải đã vớ được.
     
Giống như con khỉ thò tay vào hũ bốc được một nắm hạt dẻ rồi không rút tay ra được vì miệng hũ quá hẹp, nhưng vẫn không chịu thả hạt dẻ ra, cứ thế mà chịu chết, quân Pháp khi rút khỏi Moskva hẳn là cũng sẽ phải chết vì cứ cố mang theo những vật đã cướp được mà không thể nào bỏ những vật ấy lại, cũng như con khỉ không thể nào bỏ lại nắm hạt dẻ. Mười phút sau khi một trung đoàn Pháp tiến vào một khu phố nào đấy ở Moskva và đã không còn lại một người lính hay một sĩ quan nào nữa trong các khung cửa sổ có thể thấy thấp thoáng những con người mặc áo ca-pốt và đi ghệt, cười ha hả đi lang thang khắp các phòng; trong các gian chứa thức ăn và trong các hầm rượu cũng có những người như vậy đang tha hồ sử dụng các thứ lương thực; trong các sân cũng có những người như vậy đang mở và đập phá các cửa vựa thóc và tàu ngựa; trong các bếp họ nhóm lửa, xắn tay áo lên, luộc, nấu, rán, nhào bột, doạ nạt đàn bà trẻ con, trêu cho họ cười, vuốt ve họ. Và những người ấy thì dâu đâu cũng có rất nhiều, trong các cửa hiệu trong các nhà; nhưng quân đội thì không còn nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 21 Tháng Giêng, 2011, 11:00:12 pm
Ngay hôm ấy các sĩ quan chỉ huy Pháp đã ra hết lệnh này đến lệnh nọ cấm các đơn vị không được phân tán trong thành phố, nghiêm cấm việc hành hung cư dân và trộm cắp của cải, ấn định ngay tối hôm ấy sẽ tổng kiểm điểm quân số; nhưng dù có tiến hành biện pháp gì đi nữa thì những con người mà trước đây đã từng làm thành một quân đội, đều vẫn cứ tràn dần ra khắp cái thành phố trống trải giàu có và lắm tiện nghi, lắm thức ăn uống này.
     
Moskva không còn dân cư nữa, và như nước thấm vào cát, quân lính bị hút sâu vào các phố phường từ điện Kreml là nơi họ vào trước tiên, toả ra bốn phía như những cánh sao, không gì cưỡng lại được. Mấy người lính kỵ mã vào nhà một người lái buôn còn nguyên đồ đạc, tầu ngựa rộng rãi thừa chỗ buộc ngựa, nhưng vẫn sang choán thêm ngôi nhà bên cạnh vì họ có cảm tưởng là nhà này còn tốt hơn nữa. Nhiều người chiếm đến ba bốn nhà, lấy phấn viết tên mình ở trước cổng, cãi cọ và thậm chí còn đánh nhau với đơn vị khác để tranh nhà. Chưa kịp dọn xong chỗ ở, quân lính đã chạy ra ngắm cảnh phố phường và khi nghe đồn là dân cư đã bỏ hết của cải lai, họ ùa nhau chạy đến những nơi nào có thể vớ được nhiều đồ vật quý giá. Các sỹ quan chỉ huy đi gọi quân lính trở về, cũng bất giác làm theo họ ở khu Karetny Riad có những cửa hàng đóng xe còn để lại rất nhiều xe cộ, thế là các tướng tá tấp nập kéo đến để chọn xe.
     
Những người dân còn ở lại mời các sỹ quan chỉ huy về nhà, mong dựa vào họ để khỏi bị quân lính cướp bóc. Của cải nhiều vô số tưởng chừng không sao kể xiết; quanh những nơi có quân Pháp đóng, đâu đâu cũng thấy còn những nơi chưa khám phá, chưa bị chiếm và quân Pháp cứ có cảm giác là những nơi ấy, lại còn có nhiều của cải hơn. Và Moskva nỗi lúc một hút sâu quân Pháp vào lòng. Khi đổ nước xuống đất khô, thì nước cũng biến mất, mà đất khô cũng không còn; khi một quân đội đói khát tiến vào một thành phố trù phú bị bỏ trống cũng vậy; quân đội cũng biến mất, mà thành phố trù phú cũng chẳng còn: chỉ còn lại rác rưởi, trộm cắp và hoả hoạn.
     
Người Pháp gán việc đốt cháy Moskva cho lòng ái quốc hung tàn và Raxtovsin; người Nga gán việc đó cho sự tham tàn dã man của quân Pháp. Thật ra không có và không thể có nguyên nhân nào gây nên vụ hoả hoạn Moskva, nếu hiểu nguyên nhân đây là phần trách nhiệm của một người hay một số người nào đó tới Moskva cháy là vì nó được đặt vào những điều kiện mà bất cứ thành phố nào làm bằng gỗ cũng phải cháy, bất luận trong thành phố đó có hay không có một trăm ba mươi cái vòi chữa cháy hạng tồi, Moskva tất phải cháy là vì dân cư đã đi hết. Nó cũng cháy một cách tất nhiên như một đống vỏ bào tất phải cháy nếu cứ có những tán lửa liên tiếp rơi xuống trong mấy ngày liền. Một thành phố làm bằng gỗ mà ngay khi các dân cư các chủ nhà còn ở lại và trong thành phố còn có một đội cảnh sát, hầu như ngày nào cũng có đám cháy, thì không thể nào không cháy khi trong thành phố không có dân ở nữa mà chỉ có những đội quân hút thuốc, lấy ghế của viện nguyên lão ra đun bếp trên quảng trường của viện, mỗi ngày hai lần thổi nấu. Vào thời bình, chỉ cần có những đơn vị bộ đội trú quân ở trong các làng thuộc một địa phương nhất định là số đám cháy trong địa phương ấy tăng lên. Thế thì khả năng xảy ra hoả hoạn còn tăng lên đến chừng nào khi một đội quân ngoại quốc đóng trong một thành phố bằng gỗ không dân? Cái lòng ái quốc hung tàn của Raxtovsin và sự tham tàn dã man của quân Pháp không hề dính dáng gì ở đây cả.

Moskva cháy là vì những tẩu thuốc, những cái bếp, những đống lửa, vì sự cẩu thả của quân lính địch, của những kẻ ở trong nhà nhưng không phải là chủ nhà. Và chăng dù có những kẻ cố tình đi đốt chăng nữa - điều này rát khó tin, vì chẳng có lý do gì để đốt nhà, và dù sao đốt nhà như vậy cũng là một công việc khó khăn và nguy hiểm, thì cũng không thể xem những người đó là nguyên nhân, bởi vì không có họ thì cơ sự cũng vẫn thế.
   
Dù người Pháp lấy làm thích thú buộc tội cho tính hung tàn của Raxtopsin, dù người Nga lấy làm thích thú buộc tội cho tên giặc Bonaparte, rồi về sau lại cho rằng bàn tay nhân đạo họ đã giơ ngọn đuốc anh hùng lên đốt cháy kinh đô, thì cũng không thể nào không thấy rằng vụ hỏa hoạn này không thể có một nguyên nhân trực tiếp như vậy, bởi vì thế nào rồi Moskva cũng phải cháy, như bất cứ làng nào, bất cứ nhà máy nào, bất cứ ngôi nhà nào mà các chủ nhà đã bỏ đi để cho người lạ vào làm chủ và tha hồ nấu nướng. Moskva đã bị dân đốt cháy, quả đúng như vậy; nhưng đây không phải là những người dân ở lại trong thành phố mà là những người dân đã bỏ đi.
     
Khi bị địch quân chiếm đóng, Moskva không còn nguyên vẹn được như Berlin, Viên và các thành phố khác, chỉ vì dân cư của nó không bưng bánh mỳ và muối(2), không mang chìa khóa(3) ra đón quân Pháp, mà lại bỏ thành phố ra đi.

=====================================================================

Chú thích:

(1) Mura

(2) Tượng trưng cho lòng mến khách (theo phong tục Nga)

(3) Chìa khóa tượng trưng của thành phố, để tỏ ra rằng thành phố mở cửa không chống cự.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:44:58 pm
Phần XI
Chương - 26

Suốt ngày mồng hai tháng chín, quân Pháp ngấm dần vào Moskva, tỏa rộng ra bốn phía như những cánh sao. Đến tối ngày hôm ấy nó mới ngấm đến tận khu vực mà Piotr hiện trú ngụ.
   
Sau hai ngày vừa qua sống cô độc trong một trạng thái gần như bệnh điên, một ý nghĩa độc nhất đang ám ảnh chàng. Chàng cũng không biết ý nghĩ này đến với chàng như thế nào và từ bao giờ, nhưng bây giờ nó khống chế chàng dến nỗi chàng không còn nhớ gì những việc xảy ra trong quá khứ, mà cũng chẳng hiểu tí gì về những việc đang diễn ra hiện nay; và tất cả những điều mà chàng thấy trước mắt và nghe bên tai đều mờ ảo như trong giấc mộng.
     
Piotr bỏ nhà ra đi chỉ vì muốn thoát khỏi những yêu cầu rối ren hỗn tạp của cuộc sống đang vấy bọc lấy chàng như một màng lưới mà trong tình trạng hiện nay chàng không sao đủ sức gỡ ra được…
   
Chàng đến nhà Ioxif Alekxeyevich lấy cớ là để chọn sách vở giấy tờ của người quá cố, nhưng thực ra chỉ là để tìm cách khuây khỏa những mối lo âu bứt rứt của cuộc sống. Và trong tâm trí chàng, những kỷ niệm về Ioxif Alekxeyevich gắn liền với cái thế giới của những tư tưởng vĩnh hằng yên tĩnh và trang nghiêm, hoàn toàn trái ngược với những nỗi lo lắng rối ren mà chàng đang cảm thấy mình bị lôi cuốn vào. Chàng tìm ra một nơi trú ẩn tĩnh mịch, và quả nhiên đã tìm thấy chỗ ẩn náu đó trong gian phòng làm việc của Ioxif Alekxeyevich. Trong căn phòng im phăng phắc, khi chàng ngồi xuống, chống hai khuỷu tay lên cái bàn giấy phủ bụi của người quá cố trong tưởng tượng của chàng lần lượt hiện ra, thanh thản và đầy ý nghĩa, những kỷ niệm của những ngày vừa qua, đặc biệt là của trận Borodino và cái cảm giác mà chàng không sao cưỡng nổi - rằng mình vô nghĩa và dối trá quá chừng so với sự chân thật, giản dị và mạnh mẽ của lớp người đã in sâu vào lòng chàng thành một chữ giản đơn: họ. Khi Geraxim vào phòng đột ngột làm cho chàng sực tỉnh, chàng bỗng nảy ra ý nghĩ mình sẽ cùng nhân dân tham dự vào công cuộc phòng thủ Moskva sắp tới mà chàng biết là đã được dự định. Và để thực hiện ý định ấy chàng lập tức bảo Geraxim kiếm cho chàng một chiếc áo kaftan và một khẩu súng ngắn, và cho người lão bộc biết rõ là chàng sẽ giấu kín tên tuổi và ở nhà Ioxif Alekxeyevich. Rồi, trong cái ngày đầu sống cô độc và nhàn rỗi (Piotr dã mấy lần cố gắng lưu ý đến cái bản thảo viết tay của hội Tam điểm, nhưng không được), chàng nhiều lần nhớ đến ý nghĩa thần bí của cái quan hệ giữa tên chàng với bên Bonaparte. Russie Besuhof(1), là người có sứ mệnh chấm dứt sự hoành hành của con ác thú ấy. Trước đây chàng cũng đã nhiều lần nghĩ đến điều này, nhưng đó chỉ là một ước mơ vụt thoáng qua trong tưởng tượng một cách vô cớ và không để lại dấu vết gì.
   
Sau khi mua được chiếc áo kaftan (chỉ nhằm mục đích tham dự vào việc bảo vệ Moskva và nhân dân), Piotr đã gặp gia đình Roxtov, và khi Natasa đã nói với chàng : "Anh ở lại à? Chà, hay quá!" thì chàng bỗng có ý nghĩ rằng quả cũng hay thật, dù Moskva có thất thủ thì chàng cũng nên ở lại để hoàn thành cái nhiệm vụ tiền định cho chàng.
     
Ngày hôm sau, với một ý nghĩ duy nhất là quyết không tiếc thân cho mình và không thua kém họ chút nào, Piotr đã ra cửa ô Trigorư. Nhưng khi chàng quay về nhà vì đã biết rõ người ta không bảo vệ thì điều mà trước kia chàng xem như một khả năng thôi nay đã trở thành một việc tất nhiên phải làm và không sao tránh khỏi.

Chàng nhất định phải dấu kín tên họ ở lại Moskva tìm cách gặp Napoléon và giết hắn đi: một là chết, hai là chấm dứt cơn hoạn nạn của toàn thể châu Âu, cơn hoạn nạn mà Piotr cho là chỉ do một mình Napoléon gây ra. Piotr biết rất rõ vụ mưu sát Napoléon do người sinh viên Đức(2) tiến hành ở Viên năm 1809, và cũng biết người sinh viên đó đã bị xử bắn. Và điều nguy hiểm có thể hy sinh cả tính mạng, trong khi thực hiện ý định lại càng cổ vũ Piotr thêm.
     
Hai tình cảm có sức mạnh ngang nhau không sao cưỡng nổi đang lôi cuốn Piotr tới chỗ thực hiện ý định đó. Trước hết, Piotr thấy mình nhất thiết phải hy sinh và đau khổ khi đã nhận thức được tai hoạ chung: Đó chính là cái tình cảm đã khiến chàng đến Mozaisk vào ngày hai mươi nhăm tháng trước và dấn thân vào nơi lửa đạn, rồi đến nay bỏ nhà ra đi, từ giã cảnh sinh hoạt sang trọng và xa xỉ đến ngủ trên một chiếc đi-văng cứng không cởi áo ngoài, và cũng chia sẻ bữa ăn với Geraxim; tình cảm thứ hai là lòng khinh miệt mơ hồ mà chỉ riêng người Nga mới có đối với tất cả những cái gì ước lệ giả dối, nhân tạo, đối với tất cả những cái gì mà người đời thường xem là hạnh phúc tuyệt dỉnh của nhân loại. Lần đầu tiên, Piotr có cái tình cảm kỳ lạ và đầy sức quyến rũ ở cung Xlobodxki, khi mà chàng chợt hiểu rằng của cải, quyền binh, tính mệnh, tất cả những điều mà con người ta ra sức xếp đặt và giữ gìn - Tất cả những thứ đó nếu có chút giá trị gì thì chẳng qua cũng là ở cái khoái cảm mà người ta có được khi vứt bỏ nó đi. Đó chính là cái tình cảm khiến người lính chí nguyện đem nướng đồng kô-pếch cuối cùng của mình trong quán rượu, khiến người quá chén vô cớ đập vỡ gương và kính, tuy cũng biết rằng sẽ phải đem những đồng tiều cuối cùng trong túi ra đền. Đó là cái tình cảm khiến người ta làm những việc điên rồ (theo con mắt người tục) như để thử thách sức mạnh và quyền lực của mình, cái tình cảm chứng tỏ rằng có một toà án cao cả đứng ở bên trên những quy ước của nhân loại và xét xử cuộc sống.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:45:48 pm
Từ ngày Piotr thử nghiệm lần đầu tiên cái tình cảm này ở cung Xlobodxki, chàng đã luôn luôn chịu ảnh hưởng của nó, nhưng mãi đến bây giờ chàng mới có khả năng thoả mãn tình cảm đó một cách trọn vẹn. Hơn nữa, trong giây phút này việc mà Piotr đã làm theo hướng ấy khiến chàng giữ vững ý định và không cho phép chàng từ bỏ nó nữa. Việc chàng bỏ nhà ra đi, chiếc áo kaftan, khẩu súng ngắn, những lời chàng nói với gia đình Roxtov rằng chàng sẽ ở lại Moskva, tất cả những điều đó không những sẽ mất hết ý nghĩa, mà còn lại đâm ra đáng khinh và lố bịch nữa (Piotr rất sợ điều này), nếu như sau đó chàng lại rời Moskva ra đi như những người khác.
   
Cơ thể của Piotr lúc bấy giờ - Đó là lệ thường đối với bất kỳ ai - Cũng phù hợp với tâm trạng của chàng. Những thức ăn thô tạp mà chàng vốn không quen ăn, những cốc rượn vodka mà chàng uống mấy hôm nay, tình trạng thiếu rượu nho và xì-gà, bộ đồ lót bẩn lâu ngày không thay, hai đêm gần như mất ngủ trên chiếc đi-văng ngắn thay giường, tất cả những cái đó khiến cho Piotr luôn luôn ở trong tình trạng thần kinh khích động gần như điên.
     
Bấy giờ đã hơn một giờ trưa. Quân Pháp đã tiến vào Moskva. Piotr biết thế, nhưng chàng vẫn chưa hành động, mà chỉ ngồi nghĩ đến ý định của mình, suy đi tính lại thật tỉ mỉ những việc sẽ làm.
       
Trong khi mơ tưởng như vậy, chàng không hình dung được rõ rệt khi chàng hoạt động, khi Napoléon chết sẽ ra sao, nhưng lại hình dung được cảnh mình bị sát hại và thái độ dũng cảm của mình một cách rõ rệt lạ thường, và thấy khoái trá nhưng cũng buồn buồn khi nghĩ đến cảnh ấy.
       
"Phải, vì mọi người, một mình ta phải làm tròn việc đó, hay là chết! - Pier thầm nghĩ. - Phải, ta sẽ đi… rồi đột nhiên… Dùng súng hay dùng hay dao găm?… thì cũng thế thôi. Đây không phải là cá nhân ta, đây là bàn tay của Thượng đế trừng phạt ngươi… ta sẽ nói thế (Piotr sắp sẵn những lời sẽ đem ra nói khi giết Napoléon) - "Thôi được các ngươi bắt ta đi, hay hành hình ta đi" - Piotr nhẩm nói một mình vẻ mặt buồn rầu nhưng rắn rỏi, đầu cúi gằm.

Trong khi Piotr đứng ở giữa phòng suy nghĩ mình như vậy thì cửa phòng bỗng mở toang ra và Makar Alekxeyevich xuất hiện trên ngưỡng cửa. Cái dáng dấp xưa nay vẫn rụt rè của hắn ta bây giờ đã thay đổi hẳn. Chiếc áo dài của hắn phanh rộng ra; mặt hắn đỏ gay và trông rất dễ sợ. Rõ ràng là hắn đang say rượu. Thoạt mới trông thấy Piotr, hắn luống cuống một lúc, nhưng khi nhận thấy vẻ mặt chàng cũng có vẻ luống cuống, hắn dạn dĩ lên ngay và bước loạng choạng trên đôi chân khẳng kheo tiến vào giữa phòng.

- Chúng nó sợ rồi. - Makar Alekxeyevich nói, giọng khàn khàn, có vẻ tin cậy. - Tôi đã bảo là tôi không hàng, tôi đã bảo mà… có phải không thưa ngài?- Hắn ngẫm nghĩ một lát rồi chợt trông thấy khẩu súng ngắn để trên bàn, hắn chộp lấy một cách nhanh nhẹn không ngờ và chạy ra hành lang.
       
Geraxim và người gác cổng chạy theo Makar Alekxeyevich và cố giật khẩu súng ra. Piotr ra hành lang, nhìn theo lão dở điên dở dại, vừa thấy thương vừa ghê tởm. Makar Alekxeyevich nhăn nhó vì đang cố lấy gân giữ khẩu súng lại, cất tiếng khàn khàn quát tháo huyên thuyên, chắc là đang tưởng tượng ra một việc gì long trọng lắm.

- Báo động! Xung phong! Chỉ láo, không tước được súng của tao đâu! - Hắn quát.

- Thôi xin ông thôi cho, ông làm ơn bỏ súng ra cho. Kìa, ông!…- Geraxim tìm cách đẩy hắn vào trong nhà.

- Mi là ai? Bonapate? - Makar Alekxeyevich quát lên.

- Như thế không tốt đâu; ông ạ. Xin mời ông về phòng nghỉ một chút. Xin ông thả khẩu súng ra cho.

- Xéo ngay, hỡi tên nô lệ đáng khinh kia! Chớ có chạm vào người ta! Người thấy chưa?- Makar Alekxeyevich quát, tay hoa khẩu ngắn. - Xung phong!

Geraxim nói thầm với người gác cổng:

- Nắm lấy!

Họ chộp lấy hai cánh tay Makar Alekxeyevich và kéo vào phía cửa.
     
Trong phòng ngoài vang lên những tiếng rú khàn khàn của người say rượu đang kêu thất thanh và tiếng người lôi kéo nhau huỳnh huỵch.

Bỗng một tiếng rú khác, một tiếng rú the thé của một người đàn bà từ ngoài thềm đưa vào, rồi bà nấu bếp chạy vào phòng ngoài.

- Chúng nó đấy! Cha mẹ ơi! Đúng là chúng nó rồi… Bốn đứa cưỡi ngựa! - Bà ta thét.
     
Geraxim và người gác cổng thả Makar Alekxeyevich ra và trong dãy hành lang bây giờ im phăng phắc nghe rõ mồn một tiếng mấy bàn tay gõ lên cánh cửa ra vào.

========================================================================

Chú thích:

(1) Người Nga Beduhop

(2) Tên là Phridrich Sttap (1792 - 1809)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:46:46 pm
Phần XI
Chương - 27

Piotr đã đinh ninh tự nhủ rằng từ bây giờ cho tới khi hoàn thành ý định chàng sẽ không để lộ tên họ mình ra và cũng sẽ giấu kín không cho ai biết là chàng biết tiếng Pháp. Chàng đứng bên cánh cửa hé mở trong dãy hành lang, định là hễ quân Pháp vào thì sẽ lánh mặt ngay. Nhưng quân Pháp đã vào mà Piotr vẫn đứng yên ở cửa: một sự tò mò không sao khắc phục nổi đã giữ chàng lại.
     
Cả thảy có hai người Pháp. Người thứ nhất là một viên sĩ quan; một người cao lớn, xốc vác và đẹp trai, người kia chắc là mộ người lính hay một người cần vụ vì đấy, dáng người thấp bé, gầy gò nước da đen sạm, má hóp, vẻ mặt ngờ nghệch. Viên sĩ quan chống một chiếc can đi khập khiễng bước vào hành lang. Đi vào được mấy bước, viên sĩ quan như đã yên chí rằng đây là một chỗ ở tốt, bèn dừng lại, quay về phía hai người lính đang đứng ở phía ngoài cổng, lớn tiếng sai họ dắt ngựa vào. Làm xong công việc đó, viên sĩ quan đưa tay lên sửa lại bộ ria, khuỷu tay khuỳnh ra trông rất ngang tàng, rồi đưa bàn tay chạm vào vành mũ.

- Chào tất cả! - viên sĩ quan mỉm cười nói, đưa mắt vui vẻ nhìn quanh.

Không ai đáp lại một tiếng. Viên sĩ quan quay sang nhìn Geraxim hỏi:

- Ông là chủ nhà phải không?

Geraxim sợ sệt và bỡ ngỡ nhìn viên sĩ quan.

- Quắc-tia, quắc-tia(1), chỗ ở ấy mà - viên sĩ quan nói, miệng mỉm một nụ cười hồn hậu và ra vẻ bề trên, đưa mắt xuống ông già thấp bé. - Người Pháp rất hiền lành. Có quái gì đâu nào! Thôi đừng giận, ông bạn già nhé! - viên sĩ quan vừa nói thêm vừa vỗ vai Geraxim bấy giờ lặng thinh, có vẻ hoảng sợ.

- Chà! thế ra trong cửa hiệu này không có ai biết nói tiếng Pháp à? - Người Pháp nói thêm, đưa mắt nhìn quanh và bắt gặp đôi mắt của Piotr, Piotr vội lảng đi.

Viên sĩ quan lại quay về phía Geraxim, bảo hắn ta dẫn hắn đi xem các phòng trong nhà.

- Ông chủ, không có lớ, tôi, không hiểu lớ. - Geraxim nói, ý chừng lão cho rằng nói trọ trẹ đi như vậy thì người Pháp kia may ra mới hiểu.

Viên sĩ quan Pháp mỉm cười xòe hai bàn tay ra khua khua trước mũi Geraxim để tỏ ra rằng hắn ta cũng chẳng hiểu gì nốt rồi khập khiễng bước về phía cánh cửa có Piotr đứng.
   
Piotr đã toan lẩn đi, nhưng ngay lúc ấy chàng trông thấy Makar Alekxeyevich tay cầm súng ngắn từ cửa nhà bếp lù lù bước ra. Với cái vẻ tinh quái của một người điên Makar Alekxeyevich đưa mắt nhìn viên sĩ quan Pháp từ đầu đến chân rồi giơ súng lên nhằm.

- Xung phong! - Người say rượu quát to và luồn ngón tay vào bấm cò. Viên sĩ quan Pháp nghe tiếng quát giật mình quay lại, và cũng ngay lúc ấy Piotr đã lao người vào Makar Alekxeyevich. Trong khi Piotr nắm lấy khẩu súng ngắn và nhấc bổng lên, người say rượu đã bấm trúng cò và một phát súng nổ choáng tai, khói thuốc bao bọc lấy mọi người. Người Pháp tái mặt đi và chạy ra cửa.
   
Quên mất ý định giấu không cho ai biết mình biết tiếng Pháp, Piotr giật khẩu súng ngắn vứt đi, và chạy lại gần viên sĩ quan nói với hắn bằng tiếng Pháp:

- Ông không bị thương chứ?

- Hình như không, - Viên sĩ quan vừa đáp vừa nắn nắn khắp người - nhưng lần này thì suýt nữa toi mạng - hắn nói thêm, tay chỉ vào chỗ vừa bị sứt ở trên tường, rồi đưa mắt nghiêm nghị nhìn Piotr, hắn hỏi - Người này là ai?

- Ồ tôi thật vô cùng ân hận về việc xảy ra, - Piotr nói nhanh, bây giờ chàng đã quên hẳn vai trò của mình.

- Đó là một người điên, một người khốn khổ chẳng biết mình làm gì nữa.
     
Viên sĩ quan lại gần Makar Alekxeyevich và túm lẩy cổ áo hắn.
   
Makar Alekxeyevich, môi trề xuống, người lắc lư dựa vào tường, như người ngủ gật.

- Đồ kẻ cướp, mày sẽ biết tay tao - người Pháp bỏ tay ra nói - Người Pháp chúng tôi rất khoan hồng sau khi thắng trận, nhưng chúng tôi không dung thứ những kẻ phản trắc! - Hắn nói thêm, vẻ mặt trang trọng và nghiêm khắc, tay làm một cử chỉ cương quyết trông rất đẹp mắt.
   
Piotr tiếp tục dùng tiếng Pháp xin viên sĩ quan đừng chấp làm gì một kẻ điên rồ say rượu. Người Pháp lặng thinh nghe chàng nói, vẻ mặt lầm lầm vẫn không thay đổi, rồi bỗng mỉm cười ngoảnh về phía Piotr, im lặng nhìn chàng một lát. Trên gương mặt tuấn tú của hắn hiện lên một sắc thái dịu dàng rất bi kịch. Hắn chìa tay ra.

- Ông đã cứu sống tôi! Ông là người Pháp - Hắn nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:47:30 pm
Đối với mỗi người Pháp, đó là một kết luận chắc chắn không còn phải nghi ngờ gì nữa. Chỉ có một người Pháp mới có hành động cao cả được, mà cứu sống hắn, là M. Rambal, đại uý của trung đoàn khinh binh thứ mười ba, chắc chắn phải là hành động cao cả nhất.
   
Nhưng mặc dù cái kết luận ấy thật không còn có thể nghi ngờ gì nữa, viên sĩ quan một mực tin chắc như vậy, Piotr vẫn thấy cần làm cho hắn ta vỡ mộng.

- Tôi là người Nga! - Chàng nói nhanh.

- Ô chà chà, thôi xin ông, - người Pháp vừa nói vừa giơ ngón tay lên khua khua trước mũi. - Chốc nữa ông kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện nhé. Rất sung sướng được gặp một người đồng bang.

- Thế nào! Bây giờ ta xử trí người này ra sao? - Hắn nói thêm với Piotr, giọng đã thân mật như chỗ anh em.

Dù Piotr không phải là người Pháp thì một khi đã được nhận cái danh hiệu cao cả nhất trên đời này, chàng ta cũng không thể nào khước từ nó được, - giọng nói và vẻ mặt của viên sĩ quan Pháp biểu lộ rõ ràng ý nghĩ đó.
   
Piotr phân trần một lần nữa cho nên viên sĩ quan hiểu Makar Alekxeyevich là người thế nào, chàng cắt nghĩa rằng ngay trước khi họ đến, con người điên rồ và say rượu ấy đã lôi ở đâu ra một khẩu súng có nạp đạn, người nhà chưa kịp lấy lại thì họ đã vào, và chàng yêu cầu viên sĩ quan đừng trừng trị hành động đó. Người Pháp ưỡn ngực ra và dang tay làm một cử chỉ đế vương:

- Ông đã cứu sống tôi, ông là người Pháp, ông xin ân xá cho tên này? Tôi xin chiều ông. Quân bay đem tên kia đi!
     
Người Pháp nói nhanh, giọng cương quyết. Hắn khoác tay Piotr người đã được hắn phong là người Pháp vì đã cứu hắn thoát chết, và cùng đi với Piotr vào phòng trong.
   
Những người lính đợi ở ngoài sân nghe tiếng súng nổ chạy vào phòng ngoài hỏi xem có việc gì xảy ra, ra vẻ sẵn sàng trừng trị những kẻ thủ phạm; nhưng viên sĩ quan nghiêm nghị cản họ lại nói:

- Khi nào ta cần đến các chú, ta sẽ cho gọi.

Mấy người lính lui ra. Người lính cần vụ, lúc bấy giờ đã có đủ thì giờ vào thăm nhà bếp, lại gần viên sĩ quan nói:

- Thưa đại uý, trong nhà bếp có xúp và có đùi cừu ạ. Có phải dọn lên hầu ngài không ạ?

- Có cả rượu vang nữa nhé! - Viên đại uý nói trong gian phòng khách lớn, gian phòng đầu tiên hai người vào.
       
Khi Piotr khẳng định rằng chàng không phải là người Pháp, viên đại uý chắc hẳn là không hiểu nổi tại sao người ta lại từ chối một tước vị cao quý như vậy, liền nhún vai nói rằng chàng cứ khăng khăng nhất định bảo mình là người Nga thì thôi, cũng được nhưng hắn ta thì dù sao cũng vẫn biết ơn chàng trọn đời vì đã cứu mạng hắn.

Giả sử người Pháp này có khả năng hiểu biết ttình cảm của người khác và đoán được những cảm giác của Piotr thì có lẽ Piotr đã bỏ đi rồi; nhưng đằng này hắn không có lấy một chút khả năng thông cảm nào đối với những cái gì không phải là chính bản thân hắn ta và cái vẻ say sưa hồ hởi của hắn đã chinh phục được Piotr.

- Dù ông là người Pháp hay là một vị hoàng thân Nga ẩn danh, - người Pháp vừa nói vừa nhìn chiếc áo sơ mi tuy bẩn nhưng rất mịn của Piotr và chiếc nhẫn chàng đeo trên ngón tay, tôi cũng đã nhờ ông mà thoát chết và xin ông nhận cho tình bằng hữu của tôi. Một người Pháp không bao giờ quên một lời nhục mạ hay một công ơn. Xin ông vui lòng nhận tình cảm của tôi. Tôi chỉ muốn nói có thế thôi!
     
Giọng nói, vẻ mặt và cử chỉ của viên sĩ quan này có một cái gì hiền lành và cao thượng (theo cách quan niệm của người Pháp về chữ này) đến nỗi Piotr bất giác mỉm cười đáp lại nụ cười của người Pháp và khi hắn giơ tay ra chàng cũng bắt tay hắn.

- Đại uý Rambal thuộc trung đoàn khinh binh thứ mười ba đã được tuyên dương nhân trận mùng bẩy tháng chín - hắn tự giới thiệu với nụ cười tự mãn không sao kiềm chế nổi làm cho môi hắn cong lên dưới bộ ria mép. - Bây giờ xin ông cho tôi được rõ tôi đang được hân hạnh nói chuyện thú vị như thế này với ai, trong khi lẽ ra tôi đã phải nằm ở trạm cưu thương với viên đạn của thằng điên ấy trong người.
     
Piotr đáp rằng chàng không thể nói tên họ được, và đỏ mặt toan tìm cách bịa ra một cái tên nào đấy và giãi bày những lý do khiến cho chàng không thể nói rõ tên họ, nhưng người Pháp đã hối hả ngắt lời chàng:

- Thôi xin ông miễn cho! Tôi hiểu lý do của ông rồi: ông là một sĩ quan, sĩ quan cao cấp cũng nên. Ông đã cầm khí giới chống lại chúng tôi. Nhưng đó không phải là việc của tôi. Tôi đã nhờ ông mà thoát chết. Thế là đủ rồi. Tôi là người của ông. Ông là một quí tộc chứ? - hắn nói thêm, giọng hơi uốn cao lên như muốn hỏi. Piotr nghiêng đầu - Xin ông cho tôi biết lên rửa tội? Tôi không dám hỏi gì hơn. Ông Piotr ạ. Tốt lắm. Tôi chỉ cần biết có thế thôi.
     
Khi thịt cừu, chả trứng, ấm lò, vodka và rượu vang (chỗ rượu này họ đã lấy ở một hàng rượu Nga mang đến đây) đã được bày ra bàn. Rambal mời Piotr dự tiệc này và lập tức tự mình bắt tay vào ăn nhanh và rất ngon miệng, chứng tỏ mình là một người khỏc mạnh và đang đói, hàm răng lực lưỡng nhai ngấu nghiến, luôn luôn chép miệng và trầm trồ: "ngon quá, ngon tuyệt". Mặt hắn ta đó bừng lên và lấm tấm mồ hôi. Piotr cũng đang đói nên vui lòng dự vào bữa ăn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:48:06 pm
Morel, tên lính cần vụ, bưng lên một sóng nước nóng và ngâm chai rượu vang đỏ vào. Ngoài ra hắn lại mang đến một chai kvax(2) mà hắn đã lấy ở nhà bếp để nếm thử. Bây giờ quân lính Pháp đã biết đến thứ nước ngọt này và đặt tên cho nó là limonade de cochon (nước chanh của lợn). Morel khen lấy khen để chai limonade de cochon mà hắn đã tìm thấy trong nhà bếp. Nhưng vì viên đại uý đã có mấy chai rượu vang kiếm chác được khi đi lại trong thành Moskva, cho nên hắn nhường chai kvax cho Morel và tấn công vào chai Bordaux. Mambal lấy khăn bông cuốn vào cổ chai, rót rượu cho mình và Piotr. Khi cơn đói đã dịu bớt và hơi men đã bốc, viên đại uý càng thêm sôi nổi hoạt bát, suốt bữa ăn nói không ngớt miệng.

- Phải, ông Piotr thân mến ạ, đối với ông, tôi chịu một cái ơn rất lớn. Ông đã cứu tôi thoát khỏi tay cái thằng hoá dại kia. Ông ạ, người tôi ăn từng ấy đạn cũng đã đủ lắm rồi. Đây một viên này (hắn chỉ vào hông) Vagram và hai viên nữa ở Smolensk - hắn chỉ cái sẹo bên má. - Lại còn cái chân này nữa, ông cũng thấy đấy, nó chẳng buồn đi cho. Tôi bị vết thương này trong trận đánh lớn hôm mùng bảy bên sông Moskva. Mẹ kiếp, hùng vĩ thật! Phải biết, thật là một trận bão lửa. Các anh đã làm cho chúng tôi vất vả ra trò. Thật tình mà nói, quả các anh có thể tự hào về trận đó. Và mặc dù trong trận ấy tôi đã kiếm được cái này (hắn chỉ vào chiếc huân chương chữ thập), tôi vẫn sẵn sàng chơi lại một trận nữa. Tôi thương hại cho những kẻ nào không được dự trận vừa rồi.

- Tôi có dự trận ấy! - Piotr nói.

- Ô thật à! Thế thì càng tốt, - Người Pháp nói tiếp, - Các ngài thật là những kẻ địch cừ khôi chứ không phải vừa… Hoả điểm chính kháng cự dai thật đấy, bố khỉ, quả là ngài đã bắt chúng tôi trả bằng một giá rất dắt. Cứ như tôi đây, tôi cũng đã xông lên chiến luỹ ấy ba lần. Đã ba lần chúng tôi leo được lên mấy khẩu pháo rồi, và ba lần các ngài hất bật chúng tôi ra như những thằng người giấy. Ô, thật là đẹp mắt, ông Piotr ạ. Lính thủ pháo của các ngài cừ thật. Sáu lần liền tôi đã thấy họ dồn hàng lại đi đều như duyệt binh. Kền thật! Quốc vương thành Napoli của chúng tôi rất biết người biết của, ngài đã thốt lên: cừ quá! À! à! Ra ông cũng là quân nhân như chúng tôi à? - Hắn nói sau một phút im lặng. - Càng tốt, càng tốt ông Piotr ạ. Rất đáng sợ khi ra trận, rất lịch thiệp với mỹ nhân - hắn mỉm cười nháy mắt - Người Pháp là thế đấy, có phải không, hở ông Piotr?
     
Viên đại uý cởi mở, vui vẻ một cách ngây thơ và hồn hậu, lại có vẻ tự mãn một cách thật thà đến nôi Piotr suýt nháy mắt theo, trong khi đang vui vẻ nhìn hắn. Hình như chữ "lịch thiệp với phụ nữ" (galanl) khiến cho viên đại uý sực nhớ đến tình trạng thành Moskva.

- À này, ông ạ, có đúng là bao nhiêu phụ nữ đều đã bỏ đi cả rồi không? Lạ thật! Họ sợ cái gì kia chứ?

- Ví phỏng quân Nga tiến vào Paris thì phụ nữ Pháp dễ thương không bỏ đi hay sao? - Piotr nói.

- Ha ha ha! - người Pháp vui vẻ phá lên cười, tiếng cười của những người thịnh huyết, vừa cười vừa vỗ vỗ lên vai Piotr - Chà! Câu trả lời chúa thật. Paris ấy à? Nhưng mà Paris, Paris.

- Paris thủ đô của thế giới. - Piotr đỡ lời hắn.

Viên đại uý đưa mắt nhìn Piotr. Hắn có thói quen đang giữa chừng câu chuyện bỗng ngừng bặt và nhìn chằm chặp vào người tiếp chuyện với đôi mắt tươi cười và thân mật.

- Ấy đấy giá ông không nói với tôi rằng ông là người Nga, thì tôi đã tin chắc ông là dân Paris rồi. Ông có một cái gì tôi chả biết nói thế nào, một cái gí nó… - nói xong lời tán dương này, hắn lại im lặng đưa mắt nhìn Piotr.

- Tôi trước có ở Paris, tôi đã ở mấy năm. - Piotr nói.

- Ô, thảo nào! Paris. Làm người mà không biết Paris thì chẳng khác nào một thằng mọi. Một người Paris thì dù cách xa hai dặm cũng đánh hơi thấy được. Paris tức là Talma, là Duchesnois, là Pothier, là trường Sorbone (3), là các đại lộ, - và nhận thấy các đại lộ này không được tương xứng với các thứ kia, hắn vội vã nói thêm: - Trên đời này chỉ có một Paris mà thôi. Ông đã từng ở Paris nhưng vẫn là người Nga. Ấy thế nhưng tôi vẫn quý trọng ông như thường.
   
Vì ảnh hưởng của mấy cốc rượu vừa uống và sau những ngày sống cô độc với tư tưởng đen tối của mình, Piotr bất giác thấy thích thú trong khi ngồi nói chuyện với con người vui tính và thật thà này.

- Trở lại chuyện các cô các bà ở đây ấy mà, nghe đồn là họ đẹp lắm thì phải. Ai đời tự dưng lại đi rúc vào các thảo nguyên khi mà quân đôi Pháp đang ở Moskva. Họ đã lỡ một dịp may thật là hiếm có. Bọn mu-gich thì chả nói làm gì, chứ như các ông các bà là người văn minh lẽ ra phải hiểu chúng tôi hơn mới phải. Chúng tôi đã chiếm Viên, Berlin, Madrid, Napl, Rome, Varsava, tất cả các thủ đô trên thế giới, người ta sợ chúng tôi, nhưng cũng yêu mến chúng tôi. Hiểu biết chúng tôi cũng thú vị lắm chứ. Hơn nữa Hoàng đế…

Piotr ngắt lời hắn.

- Hoàng đế. - Piotr nhắc lại và gương mặt chàng bỗng lộ vẻ buồn rầu và ngượng ngập. - Liệu hoàng đế có…

- Hoàng đế ấy à? Người chính là độ lượng, là khoan hồng. Là công lý, là trật tự, là thiên tài, hoàng đế là như vậy đấy! Tôi đây là Rambal, tôi xin nói với ông như vậy. Tám năm trước đây tôi hãy còn là một kẻ thù của Người. Cha tôi là một bá tước lưu vong, nhưng con người ấy đã chinh phục được tôi. Người đã nắm được tôi. Tôi không sao cưỡng lại được, khi thấy cảnh tượng hùng vĩ và quang vinh mà người đã đem lại cho nước Pháp. Khi tôi đã hiểu ý chí của người, khi tôi đã thấy được rằng người đang làm cho chúng tôi một kiểu giường bằng nguyệt quê, ông ạ: tôi tự nhủ: đây là một đấng minh quân, và tôi đã đem mình hiến dâng cho người ấy thế đấy! Ồ đúng thế đấy ông bạn ạ, đó là con người vĩ đại nhất của những thế kỷ đã qua và sắp đến!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:48:50 pm
- Hiện nay Ngài có ở Moskva không? - Piotr hỏi, giọng ấp úng, vẻ mặt như người có lỗi.
     
Người Pháp nhìn vẻ mặt có lỗi của Piotr và mỉm cười.

- Không, mai người mới ngự vào thành, - Nói đoạn hắn lại tiếp tục kể chuyện huyên thiên.

Đang dở chừng câu chuyện thì có mấy người quát tháo ở ngoài cổng, rồi Morel vào bảo với viên đại uý là một đội phiêu kỵ Vurtemberg vừa mới đến, cứ muốn buộc ngựa ngay trong sân nhà này, tuy đã có mấy con ngựa của viên đại uý buộc ở đây. Sở dĩ việc đâm ra lôi thôi phần lớn là vì bọn lính phiêu kỵ không biết tiếng Pháp.

Viên đại uý cho gọi viên hạ sĩ quan cao cấp nhất trong bọn vào và lấy giọng nghiêm nghị hỏi hắn thuộc trung đoàn nào, ai chỉ huy, và hắn có quyền gì mà lại dám đến chiếm một chỗ đã có người chiếm từ trước. Tên lính Đức biết tiếng Pháp chẳng được bao lăm.
     
Nghe hai câu hỏi đầu, hắn nói tên trung đoàn và tên sĩ quan chỉ huy của hắn, nhưng đến câu hỏi sau cùng thì hắn chả biết gì cả. Hắn dùng tiếng Đức có chen những chữ Pháp nói sai bét trả lời rằng hắn là tiền trạm của trung đoàn và đã được lệnh của thủ trưởng chiếm lĩnh tất cả các nhà ở khu này. Piotr, vốn có biết tiếng Đức, dịch cho viên trung uý nghe những điều tên lính Đức vừa nói và dịch cho tên phiêu kỵ Vurtemberg nghe.
   
Khi hắn ta trở vào phòng, Piotr vẫn ngồi ở chỗ cũ, hai tay ôm đầu. Gương mặt chàng lộ vẻ đau khổ. Quả nhiên, trong giây phút ấy Piotr rất khổ tâm. Khi viên đại uý ra ngoài và Piotr ngồi lại một mình, chàng bỗng sực nhớ ra và nhận thức được tình cảnh của mình lúc bấy giờ. Moskva đã bị chiếm, và những kẻ chiến thắng diễm phúc kia đang hoành hành, lên mặt chủ nhà, và chính họ đang che chở cho chàng;
     
Mặc dù những điều đó rất khó chịu đối với Piotr, nhưng giò phút này cái làm cho chàng đau khổ không phải là những điều đó. Chàng đau khổ là vì thấy rõ mình yếu đuối quá. Vài cốc rượu, dăm ba câu chuyện với con người thật thà kia đã phá tan được cái tâm trạng đăm chiêu và u uất của chàng trong mấy ngày qua, một tâm trạng rất cần thiết cho việc thực hiện những ý định của chàng. Khẩu súng tay, con dao găm, bộ quần áo cải trang đã sẵn sàng, ngày mai Napoléon sẽ đến. Piotr vẫn thấy giết tên bạo tặc kia là một việc hữu ích và đáng trọng chẳng kém nào trước kia: nhưng bây giờ chàng cảm thấy rằng mình sẽ không làm việc đó. Tại sao? - chàng cũng chẳng biết nữa, nhưng chàng như cảm thấy trước rằng mình sẽ không thực hiện được ý định. Chàng cố gắng cự lại cái ý thức cho rằng mình yếu đuối, nhưng lại thấy lờ mờ rằng mình sẽ không đủ sức khắc phục nó, rằng vừa mới tiếp xúc với một anh cha căng chú kiết nào mà ý chí phục thù, ám sát và hy sinh trước đây của chàng đã đủ tiêu tan như mây khói.

Viên đại uý chân hơi khập khiễng huýt sáo khe khẽ, bước vào phòng.
       
Những câu chuyện gẫu của người Pháp lúc nãy chàng thấy là ngộ nghĩnh thì bây giờ chàng lại thấy nó khả ố quá. Và điệu hát mà hắn huýt sáo mồm, và cả dáng đi, điệu bộ, cả cái cử chỉ vân vê ria mép của hắn bây giờ Piotr đều thấy là những điều làm chàng xấu hổ.
   
"Ta sẽ đi ngay, ta sẽ không nói với hắn một lời nào nữa" Piotr suy nghĩ như vậy, nhưng vân ngồi ở chỗ cũ. Một cảm giác yếu đuối kỳ dị như đóng đinh chàng vào chiếc ghế. Chàng muốn đứng dậy bỏ đi nhưng không sao đứng dậy được.

Viên đại uý thì ngược lại, có vẻ rất vui. Hắn đi qua đi lại hai lượt trong gian phòng. Mắt hắn sáng long lanh, bộ ria khẽ nhích nhích lên như thể hắn đang cười tủm tỉm một mình về một ý nghĩ gì rất ngộ nghĩnh.

- Thú tuyệt, - hắn bỗng nói, - Viên đại tá của ta cái bọn Vurtemberg thú tuyệt! Lão ta là người Đức. Ấy thế mà lại rất tốt nhưng vẫn là người Đức.
     
Hắn ngồi xuống trước mặt Piotr.

- Này thế ra ông cũng biết tiếng Đức à?
     
Piotr lặng thinh nhìn hắn.

- Nhà cứu tế tiếng Đức nói thế nào nhỉ?.

- Nhà cứu tế à? - Nhà cứu tế tiếng Đức là Unterkunft.

- Ông bảo sao? - Viên đại uý hỏi lại rất nhanh, vẻ bỡ ngỡ.

- Unterkunft - Piotr nhắc lại.

- Onterkoff. - Viên đại uý nói đoạn đưa dôi mắt tươi cười nhìn Piotr một lát. - Người Đức họ ngốc ra trò, có phải không ông Piotr nhỉ? - Hắn kết luận. - Nào, làm thêm một chai Bordeaux Moskva nữa chứ? Morel đem hâm cho ta một chai nữa đi nào. Morel - viên đại uý vii vẻ cất tiếng gọi to.
     
Morel đem nến và rượu vang ra. Viên đại uý nhìn Piotr dưới ánh nến, và hình như lấy làm lạ vì vẻ mặt ủ dột của chàng, Rambal, vẻ buồn rầu và ái ngại thành thật, tiến lại gần Piotr và cúi xuống phía chàng.

- Thế nào anh bạn của tôi buồn à, - Hắn vừa nói vừa đặt tay lên cánh tay Piotr. - Hay tôi có điều gì làm anh phải phật ý, không, chắc anh có gì giận tôi thật rồi, - hắn hỏi lại. - Hay có lẽ vì tình thế hiện nay?
     
Piotr lặng thinh không đáp, nhưng dịu dàng nhìn thẳng vào mặt người Pháp. Vẻ ái ngại của hắn làm cho chàng thấy dễ chịu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:49:34 pm
Xin lấy danh dự mà nói rằng dù không kể đến chuyện tôi chịu ơn ông nữa, tôi cũng vẫn thấy mến ông lắm. Ông có cần tôi giúp việc gì không? Xin ông cứ bảo. Sống chết tôi cũng xin hết lòng. Tôi xin để tay lên tim mà nói như vậy! - hắn vừa nói vừa vỗ tay lên ngực.

- Cám ơn ông, - Piotr nói. Viên đại uý nhìn Piotr chằm chằm, đúng như khi được biết nhà cứu tế tiếng Đức nói thế nào, và gương mặt hắn ta bỗng bừng sáng lên.

- À! Nếu vậy tôi xin nâng cốc mừng tình bạn của chúng ta - hắn vui vẻ reo to và rót hai cốc rượu vang.
     
Piotr cầm lấy cốc rượu và uống cạn Rambal cũng uống cạn cốc của mình, bắt tay Piotr một lần nữa và chống khuỷu tay lên bàn, trong một tư thế u hoài và tư lự.

- Phải, bạn ạ, những cảnh xoay vần bất ngờ của số mệnh là thế đấy. Xưa kia có ai dè rằng tôi là một quân nhân và là một đại uý long kỵ trong quân đội của Bonaparte như hồi đó chúng tôi vẫn gọi Người. Ấy thế mà giờ dây tôi đang ở Moskva với Người. Bạn thân mến ạ. - hắn nói tiếp với cái giọng buồn buồn và đều như khi sắp kể một câu chuyện rất dài, - cần phải nói để bạn rõ rằng dòng họ chúng tôi là một dòng quý tộc lâu đời vào bậc nhất ở Pháp. - Và với thái độ cởi mở dễ dàng và ngây thơ mà người Pháp vốn có, viên đại uý kể cho Piotr nghe chuyện các tổ tiên của hắn ta, liệt kê tất cả các bà con họ hàng, các quan hệ tài sản và gia đình. - Cố nhiên "bà mẹ đáng thương của tôi": đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ mới là sự dàn cảnh của cuộc đời, thực chất của nó là ái tình kia. Ái tình! Có phải không ông Piotr? - hắn càng nói càng hăng. - Thêm cốc nữa nhé!
   
Piotr lại uống cạn và rót cho mình một cốc nữa.

- Chao ôi! Đàn bà, đàn bà - và viên đại uý hai mắt sáng long lanh nhìn Piotr, bắt đầu nói về tình yêu và kể lại những chuyện yêu đương của mình. Những chuyện ấy rất nhiều. Cứ trông khuôn mặt bảnh bao và tự mãn của viên sĩ quan và vẻ hứng khởi hân hoan của hắn ta khi nói đến đàn bà cũng đủ có thể tin được điều đó. Mặc dầu tất cả những câu chuyện tình của Rambal đều có cái sắc thái sàm sỡ mà người Pháp vẫn thường xem là nhân tố tạo nên tất cả sức mê hoặc và thi vị của tình yêu, như một viên đại uý kể chuyện mình với một lòng tin chắc chắn rằng chỉ riêng hắn ta mới được nếm và biết hết những cái thú tuyệt vời của tình yêu, và mô tả phụ nữ một cách duyên dáng hấp dẫn đến nỗi Piotr cũng phải tò mò lắng nghe hắn ta.
   
Rõ ràng thứ ái tình mà người Pháp kia ưa thích say mê chẳng phải là thứ tình yêu hạ đẳng và đơn giản mà Piotr đã từng có đối với vợ chàng, cũng chẳng phải là thứ tình yêu lãng mạn của chàng đối với Natasa, một tình yêu mà chính chàng đang cố nhen lên, cả hai loại ái tình này Rambal đều khinh miệt như nhau - một loại là ái tình của bọn phu xe, loại kia thì lại là ái tình của những thằng ngốc, thứ ái tình mà người Pháp thời ấy thờ phụng chủ yếu xây dựng trên những quan hệ tự nhiên dối với phụ nữ và trên sự kết hợp những cách bố trí kỳ quặc gây thành sức hấp dẫn chính của tình cảm.
 
Chẳng hạn, viên đại uý kể câu chuyên tình lâm ly của hắn ta với một hầu tước phu nhân ba mươi lăm tuổi rất mực kiều diễm và đồng thời với cô con gái của phu nhân, một thiếu nữ mười bảy tuổi, ngây thơ và duyên dáng tuyệt vời. Cuộc tranh đua về lòng đại lượng giữa hai mẹ con rốt cuộc đi đến chỗ là người mẹ tự hy sinh, thuận lòng gả con gái cho tình nhân của mình. Mãi cho đến nay, cuộc tranh đua ấy tuy chỉ là một kỷ niệm xa xưa, nhưng vẫn làm cho viên đại uý xúc động. Sau đó hắn ta kể một câu chuyện trong đó người chồng đóng vai trò tình nhân, còn hắn ta (tức người tình nhân) thì lại đóng vai trò người chồng, và thêm nhiều mẩu chuyện buồn cười khác trong số các kỷ niệm đất Đức, nơi mà nhà cứu tế được gọi là Unterkunft, nơi mà các đức ông chồng ăn dưa bắp cải. Và là nơi mà tóc các thiếu nữ quá vàng.
     
Cuối cùng là câu chuyện xảy ra cách đây không lâu ở Ba Lan, hãy còn tươi rói trong ký ức của viên đại uý. Chuyện này hắn ta vừa kể vừa hoa tay lia lịa, mặt đỏ bừng lên: Hắn đã cứu sống một người Ba Lan (nói chung trong các câu chuyện của viên đại uý luôn luôn xảy ra những trường hợp cứu mạng như thế) và người Ba Lan này giao người vợ kiều diễm của mình (người thì Ba Lan nhưng tâm hồn thì lại là tâm hồn một cô gái Paris) cho hắn ta trông nom hộ, còn bản thân người kia thì tình nguyện xung vào quân đội Pháp.

Viên đại uý rất sung sướng, người thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp muốn đi trốn với hắn ta; nhưng vì lòng đại lượng, viên đại uý đã trả vợ lại cho người Ba Lan, nói với anh chồng rằng: "Tôi đã cứu mạng cho ông, và bây giờ thì tôi cứu vớt danh dự của ông!". Khi nhắc lại mấy lời này, viên đại uý dịu mắt và lắc mạnh cái đầu như đề xua đuổi một cảm xúc uỷ mị đang tràn vào lòng mình khi gợi lại những ỷ niệm động lòng ấy.

Trong lúc nghe viên đại uý kể chuyện, - những khi đêm đã khuya và có hơi men người ta vẫn thường thấy như vậy - Piotr theo dõi tất cả những điều viên đại uý nói, hiểu tất cả và đồng thời cũng lần theo dòng kỷ niệm riêng của mình, những kỷ niệm bỗng dưng hiện lên trong trí nhớ của chàng. Khi chàng nghe kể những câu chuyện tình ấy, chàng chợt nhớ lại tình yêu của mình đối với Natasa, và trong khi ôn lại những bức tranh của mối tình này chàng thầm so sánh những cảnh ấy với những câu chuyện của Rambal.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:50:25 pm
Lắng nghe chuyện đấu tranh giữa tình yêu và bổn phận, Piotr thấy hiện ra trước mắt cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa chàng với người mà chàng yêu dấu ở gần tháp Xukharev. Hôm ấy, cuộc gặp gỡ không có ảnh hưởng gì trong lòng chàng; thậm chí chàng cũng không có lần nào nhớ lại cuộc gặp gỡ đó. Nhưng bấy giờ chàng lại có cảm tưởng rằng cuộc gặp gỡ vừa qua có một cái gì đầy ý nghĩa và rất nên thơ.
   
"Anh Piotr Kirilits, anh lại đây, tôi nhận ra anh rồi", - Câu nói của Natasa như còn văng vẳng bên tai chàng, và đôi mắt, nụ cười, chiếc mũ chụp đi đường trường, món tóc xổ ra ngoài vành mũ hiện rõ cả trước mắt chàng, và chàng thấy tất cả những thứ đó có một cái gì cảm động lạ thường khiến lòng chàng lại dịu hẳn đi.

Kể xong câu chuyện về cô gái Ba Lan kiều diễm, viên đại uý hỏi Piotr xem chàng đã bao giờ có cái cảm giác của kẻ tự hy sinh vì tình yêu và lòng ghen ghét đối với người chồng hợp Pháp như vậy chưa.
   
Được câu hỏi này khích lệ, Piotr ngẩng đầu lên và thấy cần phải nói rõ những ý nghĩ đang khiến chàng bận tâm; chàng bắt đầu giãi bày rằng mình có một quan niệm hơi khác về tình yêu đối với phụ nữ. Chàng nói rằng suốt đời chàng chỉ yêu có một người đàn bà, nhưng người đàn bà ấy không bao giờ có thể là vợ chàng.

- Chà! - Viên đại uý nói.
     
Sau đó Piotr phân trần rằng chàng đã yêu người đàn bà ấy từ thời còn niên thiếu; vì nàng còn trẻ quá, còn chàng thì khi ấy chỉ là một đứa con bất hợp pháp chẳng có tên họ. Rồi về sau, khi chàng đã có tên họ và của cải, chàng cũng vẫn không dám nghĩ đến nàng, vì chàng yêu nàng quá, chàng đặt nàng cao hơn tất cả, và do đó, lại càng quá cao đối với bản thân chàng. Kể đến chỗ này, Piotr hỏi viên đại uý có hiểu điều đó không.
     
Viên đại uý làm một cử chỉ dù hắn ta hiểu chăng nữa cũng xin Piotr cứ kể tiếp cho.

- Tình yêu lý tưởng, mây mù… - Hắn lẩm bẩm. Không biết vì hơi men, hay vì đang cần thổ lộ, hay vì nghĩ rằng người này hiện không biết và sẽ không bao giờ biết được một nhân vật nào trong câu chuyện mình kể, hay vì tất cả những thứ đó gộp lại, Piotr nói rất tự do, chẳng giữ gin gì cả, đôi mắt mơ mộng nhìn vào cõi xa xăm, miệng dấp dính, Piotr lè nhè kể lại tất cả chuyện đời của mình: cuộc hôn nhân của chàng, chuyện Natasa yêu người bạn tốt nhất của chàng, chuyện nàng phản bội người yêu, và tất cả những mối quan hệ đơn giản giữa chàng và nàng. Được những câu hỏi của Rambal khích lệ thêm, chàng nói luôn cả những điều mà lúc đầu chàng đã giấu giếm, - Địa vị của chàng trong xã hội và thậm chí cả tên họ chàng nữa.
   
Trong câu chuyện củà Piotr kể, điều khiến cho viên đại uý kinh ngạc hơn cả là Piotr rất giầu, chàng có hai toà lâu đài ở Moskva mà lại ở lại trong thành phố, giấu kín tên họ và tung tích.

Đêm đã khuya khi họ cùng nhau bước ra phố. Đêm hôm ấy trời ấm áp và sáng sủa. Về phía bên trái ngôi nhà, trên trời hừng lên một ánh sáng mờ mờ: ánh lửa của đám cháy đầu tiên ở Moskva, bùng lên ở phố Pechovka. Về bên phải, vầng trăng lưỡi liềm treo cao trên nền trời, và ở phía đối diện với mặt trăng lơ lửng ngôi sao chổi vốn gắn bó với tình yêu của Piotr trong lòng chàng. Bên cổng, bác Geraxim, bà nấu bếp cùng đứng với hai người lính Pháp. Họ đang cười cười nói nói, mỗi đằng một thứ tiếng, chẳng hiểu nhau tí gì cả.
   
Họ nhìn cái ráng đỏ chập chờn trên thành phố. Một vụ cháy nhỏ ở xa trong một thành phố rộng lớn thì chẳng có gì là đáng sợ cả.

Nhìn bầu trời cao đầy sao, nhìn vầng trăng, ngôi sao chổi và ánh lửa mờ mờ, Piotr thấy lòng vui khấp khởi và đồng thời dịu lại. "Đấy, thế này cũng tốt quá rồi, còn cần gì hơn nữa?" - chàng thầm nghĩ. Và đột nhiên sực nhớ lại ý định của mình, chàng chợt thấy choáng váng khó ở đến nỗi chàng phải dựa vào hàng rào cho khỏi ngã.

Không cáo từ người bạn mới, Piotr loạng choạng rời cổng bước vào phòng, ngả lưng trên đi-văng và lập tức ngủ thiếp đi.

==================================================================

Chú thích:

(1) Quanter (tiếng Đức) hay kvartira (tiếng Nga) đều có nghĩa chỗ ở.

(2) Thứ nước giải khát làm bằng nước quả ép, vị hơi chua chua.

(3) François Joseph Talma, diễn viên bi kịch ưu tú của thời Napoléon(1763-1826)

Catherine Joséphine Duchesnois, nữ diễn viên bi kịch có tiếng (1777-1835)

Robet Joseph Pothier  (1699 - 1772) nhà luật học: giáo sư và chánh án ở Orléant.

Tên trường thần học cao đẳng ở Paris, thành lập năm 1253, về sau là trường Đại học tổng hợp Paris.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:51:17 pm
Phần XI
Chương -28 -29

Ánh lửa của vụ hoả hoạn đầu tiên xảy ra hôm mồng hai tháng chín được những người dân đang đi lánh nạn và những đạo quân đang rút lui nhìn thấy từ nhiều nẻo đường khác nhau và với những tình cảm khác nhau.
   
Đêm hôm ấy, đoàn xe của gia đình Roxtov ghé lại Mytisi cách Moskva hai mươi dặm. Ngày mồng một tháng chín, họ ra đi muộn, đường đi chật ních những xe cộ và quân lính, đồ đạc thì bỏ quên rất nhiều, cứ phải luôn luôn cho người về lấy, đến nỗi đêm hôm ấy phải quyết định dừng lại nghỉ đêm cách Moskva năm dặm. Sáng hôm sau họ dậy muộn, và giữa đường đi, phải dừng lại nhiều chặng, thành thử chỉ đi được đến Đại Mutisi. Đến mười giờ, gia đình Roxtov và những người thương binh cùng đi với họ đều phân tán vào các sân và các nhà nông dân trong làng. Gia nhân, xà ích của nhà Roxtov và lính cần vụ của các sĩ quan bị thương, sau khi đã dọn chỗ ngủ cho chủ, ngồi lại ăn bữa khuya, cho ngựa ăn cỏ và ra thềm đứng.
   
Trong ngôi nhà bên cạnh có một viên sĩ quan phụ tá của Raivexki, cổ tay bị đập nát, vết thương đau đớn khủng khiếp khiến ông ta không ngừng rên rỉ thảm thiết, và những tiếng rên ấy vang lên nghe thật rùng rợn trong đêm thu tối mịt. Đêm hôm trước viên sĩ quan hành dinh này cùng ngủ trong một sân với gia đình Roxtov.

Bá tước phu nhân nói rằng nói rằng bà nghe tiếng rên ấy không thể nào chợp mắt được, cho nên khi đến Mytisi bà đã sang ở một ngôi nhà tồi tàn hơn chỉ cốt sao cách xa người bị thương một chút.
   
Một người gia nhân nhìn qua nóc một chiếc xe song mã đỗ ở trước thềm trông thấy trong đêm tối có ánh lửa của một đám cháy khác không lớn lắm. Ánh lửa trước thì người ta đã thấy từ lâu và ai cũng biết rằng đó là đám cháy ở Tiểu Mutisi do quán cô-dắc của Mamonov đốt lên.

Một người lính cần vụ nói:

- Này các bác, lại có một đám cháy khác kìa.

Mọi người đều chú ý đến ánh lửa mới hừng lên.

- Nghe nói là lính cô-dắc đốt Tiểu Mytisi đấy.

- Chính họ! Nhưng đấy không phải là Mytlisi, xa hơn kia.

- Nhìn mà xem cứ như ở Moskva ấy.

Hai người đày tớ bước xuống bậc thềm, đi vòng ra sau xe và ngồi lên bậc xe.

- Không phải ở Mytisi rồi! Mytisi ở về phía này, chếch sang bên phải, chứ đằng này lại chếch sang bên trái.

Mấy người nữa nhập bọn. Một người nói:

- Thấy chưa, cháy to lắm, đúng là ở Moskva rồi, các bác ạ; ở phố Xusevxkaya hay ở Rogxkya gì đấy.
   
Không ai đáp lại câu vừa rồi. Và đám người im lặng một lúc khá lâu nhìn ánh lửa bập bùng xa xa của đám cháy mới.
     
Danilo Terentits, người hầu phòng già của bá tước, lại gần đám đông và cất tiếng gọi Miska.

- Có cái gì đâu mà xem, cái thằng ôn con kia. Bá tước mà gọi một cái thì có ai thưa; đi vào mà xếp dọn quần áo.

- Thì cháu chỉ mới chạy ra lấy nước một tý thôi mà, - Miska nói.

- Bác thấy thế nào hở bác Danilo Terentits? - một người gia đình nói, - Cứ như ở Moskva ấy nhỉ?
   
Danilo Terentits lặng thinh không đáp, và mọi người lại im lặng hồi lâu. Ánh lửa lan rộng dần và mỗi lúc một to thêm.

- Lạy chúa! Trời thì hanh mà gió lại to thế này. - có tiếng nói.

- Xem kìa, cứ lan rộng ra mãi. Trời ơi! Trông thấy cả lũ quạ kia kìa.

- Lạy chúa tha tội!

- Chắc họ sẽ dập tắt, lo gì.

- Ai dập tắt mới được chứ? - Danilo Terentits nãy giờ lặng thinh, bỗng cất tiếng nói, giọng bình tĩnh và chậm rãi - Chính là Moskva đấy các chú ạ, chính thành phố mẹ đẻ của chúng ta, thành phố có những bức thành trắng… - giọng nói của ông già nghẹn ngào trong cổ và bật lên thành tiếng nấc khàn khàn của những người già cả. Và dường như mọi người chỉ chờ đợi có thể để hiểu rõ ý nghĩ của cái ánh lửa bập bùng kia đối với họ. Có những tiếng thở dài, tiếng lâm râm cầu nguyện và tiếng khóc thút thít của người hầu phòng già của bá tước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:52:07 pm
29.

Người hầu phòng quay trở vào và báo cáo với bá tước rằng Moskva đang bốc cháy. Bá tước mặc áo ngủ và ra ngoài xem.
   
Sonya, bấy giờ chưa cởi áo, và cả bà Schoss cũng cùng ra theo. Chỉ còn Natasa và bá tước phu nhân ngồi lại trong phòng. (Petya bấy giờ không ở với gia đình nữa, cậu ta đã cùng với trung đoàn đi đến Troisk).
   
Nghe tin Moskva bốc cháy, bá tước phu nhân khóc oà lên.
   
Natasa, gương mặt tái xanh, mắt đờ đẫn, ngồi trên chiếc ghế dài ở phía dưới các tượng thánh (ngay ở chỗ nàng ngồi xuống khi vừa mới đến đây) và không hề để ý những lời cha nàng vừa nói. Nàng lắng tai nghe tiếng rên không ngớt của viên sĩ quan phụ tá tuy ở cách đây ba nhà mà vẫn vọng tới.
   
Sonya từ ngoài sân trở vào run cầm cập, vẻ hoảng hốt, kêu lên:

- Trời ơi!, kinh khủng quá! Chắc là cả thành Moskva đang bốc cháy, ánh lửa to quá! Natasa nhìn mà xem này, bây giờ nhìn ra cửa sổ cũng thấy đấy, - nàng nói, chắc là muốn làm cho cô em khuây khoả. Natasa đưa mắt nhìn nàng, nhưng không hiểu người ta muốn hỏi gì mình, rồi lại thẫn thờ nhìn vào góc lò sưởi. Natasa thẫn thờ như vậy từ sáng hôm nay, ngay từ khi Sonya tự dưng thấy cần nói cho Natasa biết công tước Andrey bị thương và hiện cùng đi với đoàn xe của gia đình. Không hiểu tại sao Sonya lại làm như vậy, và điều đó làm cho bá tước phu nhân rất ngạc nhiên và bực mình; bà giận Sonya lắm, ít khi thấy bà nổi giận như vậy. Sonya khóc và xin mẹ thứ lỗi, và bây giờ dường như để chuộc lỗi, nàng cứ theo săn sóc Natasa từng ly từng tí.

- Natasa xem kìa, cháy ghê chưa, - Sonya nói.

- Cái gì cháy? - Natasa hỏi, - À phải, Moskva.

Và dường như không muốn từ chối, để cho Sonya khỏi phật lòng và để cho cô ta đi cho rảnh, nàng quay đầu về phía cửa sổ nhìn một lúc - nhưng nhìn như vậy rất rõ rệt là chẳng trông gì hết, - rồi lại ngồi yên như cũ.

- Nhưng cô đã trông thấy gì đâu?

- Không, em thấy rồi, thật mà. - Natasa nói, giọng như van xin Sonya để cho mình yên.
     
Và cả bá tước phu nhân lẫn Sonya đều đều hiểu rõ rằng Moskva, đám cháy ở Moskva hay dù là chuyện gì hay chăng nữa đều chẳng có nghĩa lý gì với Natasa hết.
   
Bá tước lại trở về nằm sau tấm vách ngăn. Bá tước phu nhân lại gần Natasa, lấy lưng bàn tay khẽ chạm lên đầu nàng như những khi nàng ốm, rồi lại đưa môi chạm vào trán nàng như để xem nàng có sốt không và hôn nàng, nói:

- Con lạnh à? Con run rẩy cả người. Con đi nằm đi con ạ.

- Đi nằm? Vâng được ạ, con sẽ đi nằm. Con sẽ đi nằm ngay, - Natasa nói.
     
Sáng hôm nay, từ khi biết được công tước Andrey bị thương nặng và hiện đang đi trong đoàn xe của nhà nàng, lúc mới đầu Natasa hỏi tới tấp những là chàng đi đâu? Chàng ra sao? Vết thương có nguy hiểm không? Có thể gặp chàng được không? Nhưng sau khi nghe nói là không thể gặp công tước Andrey được, là chàng bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mệnh, rõ ràng nàng không tin những điều đó, nhưng nàng biết chắc rằng dù mình có hỏi gì thì người ta sẽ vẫn cứ trả lời y như thế, nên nàng không hỏi và không nói gì nữa. Suốt dọc đường, đôi mắt nàng mở trừng trừng, đôi mắt mà bá tước phu nhân biết rất rõ và rất sợ. Nàng ngồi im không động đậy trong góc xe; và đến bây giờ nàng vẫn cứ ngồi im như thế trên chiếc ghế dài từ khi vào nhà này. Nàng đã nghĩ ra một điều gì đây, nàng đang quyết định hay đã quyết định xong một điều gì đây bá tước phu nhân biết rõ như vậy, nhưng điều ấy là điều gì thì phu nhân không biết, và chính vì vậy phu nhân lo sợ và khổ tâm.

- Natasa, cởi áo ra con ạ, nằm trên giường với mẹ. (Người ta chỉ dọn giường cho mỗi một mình bá tước phu nhân: bà Schoss và hai cô tiểu thư đều phải lót rạ nằm trên sàn nhà).

- Không, con nằm sàn thôi mẹ ạ, - Natasa bực bội trả lời. Nàng lại gần cửa sổ và mở nó ra. Qua khung cửa sổ mở rộng, tiếng rên của viên sĩ quan phụ tá nghe càng rõ mồn một. Nàng ló đầu ra ngoài không khí ẩm thấp của ban đêm, và bá tước phu nhân thấy cái cổ mảnh nàng rung lên từng đợt chạm vào khung cửa, Natasa biết rằng tiếng rên ấy không phải của công tước Andrey. Nàng biết rằng công tước Andrey nằm cùng một nhà với gia đình nàng, nhưng trong một gian khác, bên kia phòng ngoàì; nhưng tiếng rên khủng khiếp không lúc nào ngớt ấy vẫn khiến nàng khóc ngất lên. Bá tước phu nhân và Sonya đưa mắt nhìn nhau.

- Đi nằm đi con ạ, đi nàm đi, cô bạn nhỏ của mẹ! - bá tước vừa nói vừa lấy tay khẽ chạm vào vai Natasa.

- Nào thôi, đi nằm đi con.

- À vâng… Con đi nằm ngay bây giờ đây, -   Natasa nói đoạn hấp tấp cởi áo ngoài và tháo dây thắt lưng. Sau khi cởi áo và khoác chiếc áo ngủ lên người, nàng xếp chân ngồì vào chỗ ngủ dành cho nàng ở giữa sân, vắt chiếc bím tóc mỏng và không dài lắm qua vai và bắt đầu tết lại. Mấy ngón tay thon thon của nàng nhanh nhẹn, khéo léo và thành thạo tháo bứn tóc, tết lại rồi thắt nút ở phía dưới.
   
Mái đầu nàng nghiêng bên này rồi lại nghiêng sang bên kia với một cử chỉ quen thuộc, nhưng đôi mắt nàng trừng trừng mở rộng như trong cơn sốt cứ nhìn vào trước mặt. Khi đã soạn sửa xong để đi ngủ, Natasa từ từ ngả lưng xuống tấm chăn trải trên lớp rạ cạnh cửa ra vào.

- Natasa nằm giữa nhé, - Sonya nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:52:53 pm
- Tôi nằm đây, - Natasa nói. - Kìa chị nằm đi chứ, - nàng nói thêm giọng gắt gỏng. Và nàng úp mặt vào một chiếc gối.
   
Bá tước phu nhân, bà Schoss và Sonya vội vã cởi áo đi nằm. Trong phòng chỉ còn một ngọn đèn thờ leo lét. Nhưng ở bên ngoài ánh lửa cháy ở tiểu Mytisi cách hai vecxta, vẫn toả sáng và từ quán rượu ở góc phố bị lính cô-dắc Mamonov cướp phá vang lại những tiếng rên la ới ới.

Tiếng rên của viên sĩ quan vẫn kéo dài không ngớt.
   
Hồi lâu Natasa nằm yên không động đậy, lắng tai nghe ngóng những tiếng động ở trong nhà và ở bên ngoài vẳng lại. Lúc đầu nàng, nghe tiếng mẹ nàng cầu nguyện và thở dài, tiếng chiếc giường kêu răng rắc dưới người bà, tiếng ngáy huýt lên như còi của bà Schoss mà nàng quen thuộc, tiếng thở nhè nhẹ của Sonya.
Rồi bá tước phu nhân cất tiếng gọi Natasa. Natasa lặng thinh không đáp.

- Hình như nó ngủ rồi mẹ ạ, - Sonya khẽ nói. Bá tước phu nhân im lặng một lúc rồi lại cất tiếng gọi lần nữa nhưng lần này chẳng có ai thưa cả.

Chẳng bao lâu nghe tiếng thở đều đều của mẹ. Natasa không nhúc nhích, mặc dầu bàn chân nhỏ của nàng để thòi ra ngoài chăn chạm vào sàn nhà lạnh buốt.
   
Dường như mừng rỡ vì đã thắng mọi vật, một con dế bắt đầu kêu ri rỉ trong một khe vách. Có tiếng gà gáy xa xa, và một tiếng gà ở gần đâu đây đáp lại. Những tiếng hò hét bên quán rượu đã im, chỉ còn tiếng rên của viên sĩ quan phụ tá vẫn kéo dài như cũ. Natasa nhổm dậy.

- Sonya, chị ngủ rồi à? Mẹ ơi? - Nàng thì thào.

Không ai đáp lại Natasa chậm rãi và thận trọng đứng dậy, làm dấu thánh giá và rón rén đặt bàn chân mảnh
khảnh và mềm mại lên tấm sàn nhà bẩn lạnh. Mấy tấm ván kêu cót két. Nàng thoăn thoắt đưa chân chạy mấy bước, nhẹ nhàng như một con mèo con, và đặt tay lên cánh cửa lạnh buốt.
   
Nàng có cảm tưởng như một vật gì rất nặng đang nện thình thịch lên các bức tường của ngôi nhà; đó là tiếng đập của quả tim nàng, đang lịm đi, đang muốn vỡ tung ra vì sợ hãi, khủng khiếp và yêu đương.
   
Nàng mở cửa, bước qua ngưỡng cửa và đặt chân lên nền đất ẩm thấp và lạnh lẽo của dãy nhà cầu. Không khí lạnh buốt thấm vào người khiến nàng trở nên tỉnh táo. Nàng lấy bàn chân không thử chạm vào một người đang nằm ngủ giữa phòng, bước ngang qua người ấy và mở cửa dẫn vào phòng công tước Andrey. Trong phòng tối mịt. Ở góc phòng bên kia, bên cạnh cái giường trên đấy có một hình người đang nằm dài, một ngọn đèn bạch lạp chập chờn trên chiếc ghế dài sắp chảy xuống thành hình chiếc nấm lớn.
     
Ngay từ sáng nay, khi biết rằng công tước Andrey bị thương và hiện đang đi cùng trong đoàn xe, Natasa quyết định là phải gặp chàng. Nàng không biết gặp như thế để làm gì, nàng biết cuộc gặp mặt sẽ đau đớn, nhưng chính vì vậy nàng càng thấy rõ ràng thế nào cũng phải gặp chàng.
   
Suốt ngày hôm nay nàng chỉ sống với hy vọng là đêm nay sẽ được gặp chàng. Nhưng bây giờ, khi giây phút ấy đã đến, nàng bỗng thấy sợ hãi những điều nàng sắp trông thấy. Chàng bị què quặt ra sao? Chàng còn lại được những gì? Chàng có giống như tiếng rên không ngớt của viên sĩ quan phụ tá kia không? Phải rồi chàng giống hệt như thế. Trong tưởng tượng của nàng, chàng chính là hiện thân của tiếng rên kinh khủng ấy. Khi nàng trông thấy cái khối lờ mờ trong góc phòng mà nhầm tưởng hai đầu gối của chàng nhô lên dưới lớp chăn là hai vai của chàng, nàng hình dung thấy một thân thể gì gớm guốc, và hoảng sợ dừng lại. Nhưng một sức mạnh không sao cưỡng nổi lôi nàng về phía trước. Nàng rón rén bước một bước, một bước nữa và thấy mình đứng giữa gian phòng chật hẹp chất đầy những đồ đạc. Trên chiếc ghế dài, bên dưới các tượng thánh có một người nằm (đó là Timokhin) và trên nền nhà lại có hai người khác nữa (đó là người thầy thuốc và người hầu phòng).
   
Người hầu phòng nhổm dậy và nói thì thầm mấy tiếng gì không rõ. Timokhin vì chân đau nhức không ngủ được, giương mắt to nhìn cái bóng hiện hình kỳ dị của người con gái mặc áo thụng trắng và đội mũ chụp ban đêm. Câu hỏi ngái ngủ và hoảng sợ của người hầu phòng: "Cái gì thế? Cô muốn gì" chỉ làm cho Natasa rảo bước đi về phía cái hình người nằm ở góc phòng. Dù cái hình thù dễ sợ ấy chẳng có gì giống người, nàng quyết phải đến gặp nó. Nàng đi ngang qua người hầu phòng, cái nấm bằng sáp đổ xuống và nàng nhìn rõ rệt công tước Andrey nằm trên tấm chăn, hai tay dang rộng, vẫn giống hệt như trước kia nàng thường thấy.
   
Chàng vẫn như xưa: Nhưng nước da đỏ bừng trong cơn sốt, đôi mắt sáng long lanh đang hân hoan nhìn nàng và nhất là cái mềm yếu như trẻ con lộ ra ngoài cổ áo sơ mi mở rộng, làm cho chàng có một vẻ ngây thơ như con trẻ, một vẻ gì đặc biệt mà dù sao nàng cũng chưa bao giờ thấy được ở công tước Andrey. Nàng lại gần chàng và với một động tác nhanh nhẹn, mềm mại, trẻ trung, nàng quỳ xuống cạnh giường.
     
Chàng mỉm cười và giơ tay về phía nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:55:08 pm
Phần XI
Chương - 30

Bẩy ngày đã trôi qua từ khi công tước Andrey hồi tỉnh ở trạm cứu thương của chiến trường Borodino. Suốt thời gian ấy, hầu như chẳng lúc nào chàng không mê man bất tỉnh. Theo ý kiến người bác sĩ được cử đi theo người bị thương thì với trạng thái sốt nóng và chỗ ruột bị phạm phát viêm lên như vậy, chàng sẽ không thể nào qua khỏi. Nhưng đến ngày thứ bảy chàng ăn một miếng bánh mỳ và uống một ít nước trà thấy ngon miệng, và người thầy thuốc nhận thấy trạng thái sốt nóng đã thuyên giảm. Sáng hôm sau, công tước Andrey tỉnh lại. Đêm đầu tiên sau khi ra khỏi Moskva trời khá ấm, cho nên họ để công tước Andrey nằm nghỉ đêm trong chiếc xe song mã; Nhưng đến Mytisi thì chính người bị thương đòi được khiêng vào nhà và bảo pha trà cho mình uống. Trong khi chuyển, chàng đau quá và bật ra tiếng rên và ngất đi một lần nữa. Khi họ đặt chàng lên chiếc giường xếp, chàng nằm im hồi lâu không động đậy, hai mắt nhắm nghiền. Một lát sau chàng mở mắt ra và thì thào: "Thế nào có trà chưa?" thấy chàng nhớ được những chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt như vậy, viên bác sĩ rất lấy làm lạ. Ông ta bắt mạch cho chàng và khi nhận thấy mạch đập tốt hơn trước, ông rất ngạc nhiên và phiền lòng. Phiền lòng vì kinh nghiệm đã cho ông biết chắc chắn rằng công tước Andrey không thể sống được, và nếu chàng không chết ngay thì cũng sẽ chết sau một thời gian ngắn trong những cơn đau còn ghê gớm hơn nữa mà thôi. Đi cùng xe với công tước Andrey có viên thiếu tá Timokhin mũi đỏ thuộc trung đoàn chàng, đã bắt liên lạc với chàng ở Moskva. Ông ta bị thương ở chân, cũng ở trong trận Borodino. Cùng đi với họ còn có ông thầy thuốc, người hầu phòng và công tước, người xà ích của chàng và hai người lính cần vụ.
   
Họ dọn trà cho công tước Andrey. Chàng uống lấy uống để, đôi mắt long lanh trong cơn sốt nhìn thẳng về phía cánh cửa trước mặt như đang cố hiểu và nhớ lại một điều gì.

- Thưa công tước đại nhân, tôi đây ạ.

- Vết thương thế nào?

- Vết thương của tôi ấy à? Cũng đỡ. Nhưng công tước thì sao ạ?
     
Công tước Andrey lại trầm ngâm như muốn nhớ lại điều gì.
   
Làm sao kiếm được quyển sách ấy nhỉ? - Chàng nói.
 
- Quyển gì ạ?
 
- Quyển Phúc âm! Tôi hiện không có.
   
Người thầy thuốc hứa sẽ tìm cho chàng và hỏi xem chàng thấy trong người ra sao. Công tước Andrey trả lời tất cả các câu hỏi của người thầy thuốc một cách miễn cưỡng nhưng phải chăng, rồi nói rằng cần kê thêm một cái gối dưới lưng, chứ không thì chàng thấy vướng và đau lắm.  Người thầy thuốc và người hầu phòng giở chiếc áo khoắc đắp lên người chàng, và nhăn mặt vì mùi thịt rất nặng từ vết thương bốc lên, họ bắt đầu xem xét cái chỗ khủng khiếp ấy(1).
     
Người thầy thuốc lộ vẻ bực bội một điều gì không rõ, nắn nắn chữa chữa một lúc, đặt người bị thương nằm lại cách khác, khiến cho chàng rên lên vì đau đớn và ngất đi một lần nữa. Chàng bắt đầu nói sảng. Chàng cứ nhắc lại là phải kiếm ngay cho chàng quyển sách ấy và để nó bên cạnh chàng.

- Thì các người có mất gì đâu nào! - Chàng nói. - Tôi hiện không có quyển ấy, xin các người kiếm cho tôi, để đây cho tôi một lúc chàng nói với một giọng thảm thương.
     
Bác sĩ ra phòng ngoài để rửa tay.

- Chà các anh thật là vô lương tâm, thật đấy, -¨Ông ta nói với người hầu phòng bấy giờ đang dội nước cho ông rửa tay, - Tôi mới quay lưng ra một phút mà nó đã thế, đau đến thế kia mà chịu được thì lạ thật.

- Lạy chúa, chúng ta đặt như vừa rồi may ra cũng đỡ, - người hầu phòng nói.
     
Lần đầu tiên công tước Andrey đã hiểu mình đang ở đâu và đã gặp phải việc gì. Chàng nhớ ra rằng chàng bị thương, và cũng nhớ rằng chiếc xe đỗ lại ở Mytisi chàng đã yêu cầu họ đưa chàng vào nhà, sau khi đau quá ngất đi, chàng lại hồi tỉnh trong căn nhà gỗ khi chàng uống nước trà, và đến đây chàng ôn lại một lần nữa trong trí nhớ tất cả những gì đã xảy ra. Chàng hồi tưởng thấy lại rõ rệt hơn cả cái phút nằm trong trạm cứu thương, khi mà trước cái cảnh kẻ thù của chàng quằn quại đau đớn, những ý nghĩ mới mẻ đã đến chàng làm cho lòng chàng hạnh phúc. Và những ý nghĩ này, tuy mơ hồ mông lung, bây giờ lại tràn ngập lòng chàng. Chàng nhớ ra rằng nay chàng đã có một hạnh phúc mới, và cái hạnh phúc này có liên quan thế nào đấy với quyển Phúc âm. Chính vì thế mà chàng hỏi quyển sách này. Nhưng vì bị đặt nằm không thuận, rồi sau đó lại bị trở người lần nữa, trí óc chàng lại chìm vào cõỉ hôn mê, và khi chàng hồi tỉnh thứ ba thì quanh chàng là bóng đêm im phăng phắc.

     Mọi người đều đã ngủ yên. Có tiếng dế ri rỉ lọt qua cửa phòng ngoài, ngoài phố có ai reo và hát, mấy con gián chạy sột soạt trên bàn, trên các bức tượng thánh và trên tường, một con nhặng húc đầu vào gối chàng và bay vo ve quanh cây bạch lạp đặt cạnh giường chàng cháy thành hình chiếc nấm lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:55:38 pm
Tâm trí chàng đang ở một trạng thái không bình thường. Một người khoẻ mạnh thường tư duy, cảm giác và nhớ lại rất nhiều điều trong một lúc, nhưng lại có đủ sức lựa chọn lấy một loạt ý nghĩ hay hiện tượng nào và hướng sự chú ý của mình vào đấy. Dù trong phút suy nghĩ đăm chiêu nhất, người khoẻ mạnh cũng có thể dứt ra khỏi ý nghĩ của mình để chào hỏi một người mới bước vào phòng, rồi sau đó lại trở về những ý nghĩ lúc nãy. Về mặt tâm lý của công tước Andrey đang ở một trạng thái không bình thường. Tất cả những công năng tinh thần của chàng bấy giờ linh hoạt và sáng suốt hơn khi nào hết, nhưng nó hoạt động bên ngoài ý chí của chàng. Những tư tưởng và những biểu tượng hết sức khác nhau đồng thời tràn vào tâm trí chàng. Đôi khi tư duy của chàng đột nhiên bắt đầu hoạt động, và hoạt dộng với một sức mạnh, một sự minh mẫn và một chiều sâu mà trong trạng thái hoạt động như vậy, nó bỗng đứt quãng giữa chừng, nhường chỗ cho một hình ảnh khác rất bất ngờ, và không sao có thể trở lại với ý nghĩ cũ được nữa.
     
"Phải, ta đã thấy một hạnh phúc mới mẻ, không thể tách rời ra khỏi con người, - Chàng nghĩ trong khi nằm trong gian phòng im lặng tối mờ mờ, hai mắt trân trân mở rộng nhìn thẳng về phía trước. - Một hạnh phúc không tuỳ thuộc những sức mạnh vật chất, những ảnh hưởng ngoại lai với con người, hạnh phúc riêng của tâm hồn, hạnh phúc của tình thương! Bất cứ người nào cũng có thể hiểu được điều đó nhưng chỉ có Thượng đế mới có thể soi sáng và phán truyền điều đó được. Nhưng thượng đế phán truyền đạo luật này như thế nào? Tại sao lại là Chúa Con?… "Rồi đột nhiên dòng tư tưởng ấy lại bị cắt đứt, và công tước Andrey nghe (không biết trong tâm hồn mê hay là trong cõi thực) một tiếng nói gì thì thầm khe khẽ nhắc đi ahắc lại đều đặn: "I - pi - chi pi - chi pi - chi" rồi sau đó là " chi - chi" rồi lại "pi - chi pi - chi" rồi lại "i - chi - chi". Đồng thời, trong âm thanh rả rích của điệu nhạc này, công tước Andrey cảm thấy ở trên mặt mình, ngay ở chính giữa, dần dần nổi lên một toà kiến trúc kỳ lạ nhẹ nhàng như không khí, làm toàn bằng kim loại hay bằng vỏ bào. Chàng cảm thấy (tuy điều đó làm cho chàng khổ sở) rằng mình phải cố giữ thăng bằng sao cho toà kiến trúc ấy đừng đổ nhưng nó vẫn đổ sụp xuống, rồi sau đó lại từ từ dựng lên trong những âm thanh đều đều của điệu nhạc rả rích. "Nó cứ kéo dài? Cứ kéo dài mãi, càng dài càng mảnh, và vẫn cứ kéo dài" - Công tước Andrey tự nhủ. Trong khi lo lắng nghe tiếng nhạc thì thầm và cảm thấy toà kiến trúc bằng kim kia kéo dài và dâng cao lên, công tước Andrey đồng thời cũng thấy cái quầng đỏ chập chờn củangọn nến và nghe tiếng đàn gián bò sột soạt, tiếng vo ve của con nhặng chốc chốc lại húc vào đầu gối và vào mặt chàng. Và cứ mỗi lần con nhặng chạm vào mặt chàng, nó lại gây nên một cảm giác nhức buốl như khi bị bỏng; nhưng đồng thời chàng lấy làm lạ không hiểu sao khi nó húc vào toà kiến trúc đang dựng lên trên mặt chàng, nó lại gây nên một cảm giác nhức buốt như bị bỏng; nhưng đồng thời chàng lấy làm lạ không hiểu sao khi nó húc vào toà kiến trúc đang dựng lên trên mặt chàng, con nhặng lại không làm cho toà kiến trúc ấy đổ xuống. Nhưng ngoài điều đó ra, lại còn một điều nữa rất quan trọng. Đó là một cái gì trăng trắng ở cửa, đó là một pho tượng của con Sphynx(2) và nó cũng đang đè nặng trên bóng vía chàng.
"Nhưng có lẽ đây là chiếc áo sơ mi của ta để trên bàn - công tước Andrey nghĩ, - và đây là chân của ta, còn đây là khung cửa; nhưng tại sao nó lại cứ kéo dài, lan rộng ra mãi mãi và "pi - chi pi - chi i chi - chi i pi - chi - pi - chi.".

- Thôi đủ rồi xin thôi cho, đừng thế nữa, - Công tước Andrey khó nhọc cầu xin người nào không rõ. Và đột nhiên tư duy, cảm giác lại có một sức mạnh và một sự minh mẫn lạ thường.

"Phải, tình yêu thương (chàng lại nghĩ một cách sáng suốt hoàn toàn), nhưng không phải là thứ tình thương có lý do, có nguyên nhân và có mục đích, mà là thứ tình thương ta đã cảm thấy lần đầu khi trên gường bệnh ta trông thấy kẻ thù nhưng ta vẫn thương yêu kẻ đó. Ta đã có thể được cái tình thương vốn chính là thực chất của linh hồn, thứ tình thương không cần có đối tượng. Và ngay bây giờ đây ta cũng vẫn có cái tình cảm diễm phúc đó. Thương yêu đồng loại, thương yêu kẻ thù của mình. Thương yêu tất cả - thương yêu Thượng đế trong tất cả những sự thể hiện của Người. Có thể thương yêu một người chí thân bằng tình yêu của con người, nhưng chỉ có thể thương yêu một kẻ thù bằng tình yêu của Thượng đế. Chính vì thế mà ta thấy vui sướng khi cảm thấy mình yêu thương người ấy. Người ấy nay ra sao? Có còn sống không?… Khi yêu thương bằng tình yêu của con người, có thể từ yêu thương chuyển sang thù ghét; nhưng tình yêu của Thượng đế thì không thế thay đổi được. Không có gì, dù là cái chết cũng vậy, không có gì có thể phá hoại tình yêu đó. Nó là thực chất của linh hồn Trong đời ta, ta đã thù ghét biết bao nhiêu người. Và trong tất cả mọi người, không có ai yêu thương và thù ghét cho bằng nàng". Và với tất cả sức tưởng tưởng của mình, chàng hình dung Natasa không phải như chàng vẫn hình dung trước kia, chỉ có những nét đáng yêu làm cho chàng say sưa; nhưng lần đầu tiên chàng đã hình dung được tâm linh nàng. Và chàng đã hiểu tình cảm của nàng, những nỗi đau khổ, sự hổ thẹn, lòng hối hận của nàng. Bây giờ lần đầu tiên chàng đã hiểu được tất cả sự tàn nhẫn của chàng khi cự tuyệt nàng, chàng đã thấy rõ sự tàn nhẫn của việc đoạn tuyệt này. "Giá có thể gặp nàng một lần nữa thôi, để nhìn vào đôi mắt ấy mà nói rằng…"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:56:27 pm
Pi - chi pi - chi. i chi - chi, i pi - chi pi - chi bùm! Con nhặng vừa húc vào gối. Và sức chú ý của chàng bỗng chuyển sang một thế giới khác vừa thực vừa ảo, trong đó đang xảy ra một điều gì khác thường. Trong thế giới đó cái toà kiến trúc kia vẫn cứ từ từ dựng lên không ngừng, vẫn có cái gì kéo dài mãi, ngọn nến vẫn cháy thành một quầng đỏ, vẫn chiếc áo sơ mi Sphynx nằm ở cửa vào: nhưng ngoài tất cả các thứ đó ra có cái gì kêu đánh kẹt một tiếng, một luồng gió mát thổi vào, và một con Sphynx khác, trắng toát đứng thẳng, hiện ra trước khung cửa. Và mặt của con Sphynx ấy chính là khuôn mặt xanh nhợt và đôi mắt long lanh của Natasa, người mà chàng vừa nghĩ đến.

"Ôi cứ mê sảng liên miên như thế này thì khổ thật!" - công tước Andrey nghĩ thầm, cố xua đuổi cái khuôn mặt ấy ra khỏì tâm trí tưởng tượng. Nhưng khuôn mặt ấy cứ ở trước mặt chàng với sức mạnh của hiện thực, và nó đang nhích lại gần. Công tước Andrey muốn trở về cái thế giới tư duy thuần tuý trước dây, nhưng không được và cõi hôn mê lại lôi cuốn chàng vào lĩnh vực của nó. Tiếng nhạc rả rích kia vẫn tiếp tục thì thầm, và có một cái gì đè ép chàng, kéo dài ra, và khuôn mặt kỳ dị ấy đứng trước mặt chàng. Công tước Andrey thu hết tàn lực để tỉnh dậy; chàng khẽ cựa mình và trong tai chàng bỗng có một tiếng kêu ong ong, mắt chàng mờ tối, và như một người chìm nghỉm xuống nước, chàng ngất đi. Khi chàng bừng tỉnh, Natasa, chính Natasa bằng xương bằng thịt, người mà chàng tha thiết ước ao được yêu với tình thương mới mẻ, tình yêu của Thượng đế tình yêu thuần tuý mà chàng đã tìm thấy, chính Natasa đang quỳ trước mặt chàng. Chàng đã hiểu rằng đây chính là Natasa thật, và chàng không ngạc nhiên, mà chỉ thấy một nỗi vui mừng êm dịu. Natasa quỳ bên gường, đôi mắt sợ hãi nhìn chàng không chớp (nàng không sao cử động được). Nàng cố ghìm tiếng nấc; mặt nàng xanh xao và bất động. Chỉ có phía dưới hơi run rẩy.

Công tước Andrey thở dài nhẹ nhõm, mỉm cười và đưa tay ra cho nàng.

- Cô đấy à! - Chàng nói - Sung sướng quá?
   
Natasa nhanh nhẹn nhưng thận trọng nhích đến gần chàng, cầm lấy tay chàng và cúi mắt xuống hôn, môi chỉ khẽ chạm vào bàn tay.

- Anh tha thứ cho em! - Nàng nói thì thào và ngẩng dầu lên nhìn chàng. - Xin anh tha thứ cho em!

- Tôi yêu Natasa, - Công tước Andrey nói.

- Anh tha thứ…

- Tha thứ việc gì? - Công tước Andrey hỏi.

- Xin anh tha thứ tất cả… những gì em đã… làm -      Natasa thì thầm, giọng đứt quãng, khẽ đến nỗi công tước chỉ vừa đủ nghe thấy, và liên tiếp hôn lên khắp bàn tay chàng, môi chỉ khẽ chạm vào da.

- Anh yêu em nhiều hơn, đằm thắm hơn trước, - Công tước Andrey nói và lấy tay nâng mặt nàng để có thể nhìn thẳng vào mắt nàng.
   
Đôi mắt ấy rưng rưng những giọt nước mặt vui sướng, đang rụt rè, thương xót và âu yếm nhìn chàng. Khuôn mặt gầy xanh của Natasa với đôi môi sưng húp trông chẳng đẹp chút nào, lại dễ sợ nữa. Nhưng công tước Andrey không trông thấy khuôn mặt ấy, chàng trông thấy ánh mắt sáng long lanh. Đôi mắt ấy đẹp lạ lùng. Phía sau họ có tiếng nói lao xao.
   
Piotr, người hầu phòng, bấy giờ đã tỉnh hẳn và đã đánh thức người thầy thuốc dậy. Timokhin, suốt đêm không chợp mắt vì đau chân, đã trông thấy từ lâu mọi việc đang xảy ra, và cố lấy chăn đắp kín tấm thân không mặc áo của mình co ro trên ghế dài.

- Cái gì thế? - Người thầy thuốc nói trong khi nhổm dậy.

- Xin tiểu thư đi ra cho.
   
Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa của một người đầy tớ gái được bá tước phu nhân sai đi tìm Natasa.
     
Như một người mắc chứng mộng du (3) bị người ta đánh thức trong khi đang ngủ say, Natasa đi ra và trở về phòng gieo mình xuống đệm rơm khóc nức nở.

Từ hôm ấy, trong suốt cuộc hành trình của gia đình Roxtov, những khi dừng lại hoặc nghỉ đêm, Natasa không lúc nào rời khỏi Bolkonxki, và người thầy thuốc phải thú nhận rằng ông không ngờ một người con gái lại có thể cương nghị và khéo léo chăm sóc người bị thương đến thế.
     
Tuy bá tước phu nhân rất khiếp sợ khi nghĩ rằng công tước Andrey có thể chết trên tay con gái mình (theo lời người thầy thuốc thì điều đó rất có thể xảy ra) bà vẫn không ngăn cấm Natasa được. Mặc dù sự gần gũi giữa công tước Andrey và Natasa khiến người ta nghĩ rằng nếu chàng khỏi thì những mối quan hệ trước kia giữa hai vợ chồng chưa cưới sẽ được nối lại, trong nhà vẫn không ai nói đến điều đó: cái vấn đề chưa được giải quyết, vấn đề sống hay chết, đang treo lơ lửng không những trên đầu công tước Andrey mà còn trên đầu toàn thể nước Nga nữa, bây giờ đã lấn át hết mọi ý nghĩ khác.

===================================================================

Chú thích:

(1) Y học thời ấy (1812) chưa biết cách ngừa và trị chứng hoại thư. Văn hào Anton Tshekhov vốn là bác sĩ. Có nói rằng ông có thể chữa được chứng hoại thư của công tước Andrey

(2) Một con vật hoang đường trong truyền thuyết Hy Lạp, tượng trưng cho sự bí ẩn, thường được hình dung như một con sư tử đầu người có cánh

(3) Người mắc bệnh đi lang thang trong khi đang ngủ.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:57:11 pm
Phần XI
Chương -31 -32

Ngày mồng ba tháng chín Piotr dậy muộn. Đầu chàng nhức buốt, bộ quần áo mà chàng không cởi ra khi đi ngủ làm cho thân thể chàng thấy bức bối, và trong tâm trí chàng có ý thức mơ hồ rằng hôm qua mình đã làm một việc gì đáng hổ thẹn: đó là cuộc nói chuyện với đại uý Rambal.
     
Đồng hồ chỉ mười một giờ, nhưng ở bên ngoài trời có vẻ u ám lạ thường. Piotr đứng dậy, địu mắt và khi trông thấy khẩu súng tay với chiếc cán chạm mà Geraxim đã đặt lại trên bàn viết, Piotr sực nhớ mình hiện đang ở đâu, và ngày hôm nay mình phải làm gì.
   
"Không biết có chậm không? - Piotr nghĩ - Không có lẽ ít nhất phải đến mười hai giờ hắn mới vào Moskva". Piotr không cho phép mình nghĩ ngợi về những điều sắp phải làm, nhưng vội vã tìm cách hành động cho thật chóng.
   
Chàng xốc lại áo, cầm lấy khẩu súng ngắn và đã toan đi. Nhưng đến đây, lần đầu tiên chàng băn khoăn tự hỏi mình sẽ mang vũ khí như thế nào để đi giữa đường. Cầm ở tay thì không được rồi. Ngay dưới tà áo kaftan rộng thùng thình cũng khó lòng giấu được khẩu súng to tướng. Giắt ở lưng hay cắp ở nách thì người ta trông thấy mất. Hơn nữa, viên đạn trong khẩu súng đã bắn ra rồi, và Piotr chưa kịp nạp lại viên khác.  "Thôi, dao găm cũng được", Piotr tự nhủ mặc dầu. Trong khi suy tính cách thực hiện ý định, chàng đã nhiều lần nghĩ rằng cái sai lầm chủ yếu của người sinh viên năm 1809 là ở chỗ anh ta muốn giết Napoléon bằng dao găm. Nhưng tựa hồ như mục đích chính của Piotr không phải là thực hiện một công việc đã dự tính, mà là cố sao tỏ rõ cho bản thân mình thấy rằng mình không từ bỏ cái ý định và đang làm đủ cách để thực hiện ý định đó, Piotr vội vã cấm lấy con dao găm vừa cùn vừa đút trong chiếc vỏ xanh mà chàng đã mua ở tháp Xukharev cùng với một khẩu súng ngắn, rồi giấu nó dưới lần áo gi-lê.
   
Sau khi đã thắt áo kaftan và đội cái mũ chụp xuống mắt. Piotr cố tránh mặt viên đại uý, đi thật im lặng qua hành lang và ra đường.
   
Đám cháy mà tối hôm qua chàng đã đứng một cách thản nhiên như vậy, nay qua một đêm đã to lên khá nhiều. Bây giờ thành Moskva đã bốc cháy từ nhiều phía. Xóm hàng xe, khu tả ngạn Moskva, khu Goxtiny Dvor, phố Povarxkaya, xóm thợ thuyền trên sông Moskva và khu chợ củi cầu  Dorogomilov cùng cháy một lúc.
   
Đường đi của Piotr băng qua các ngõ hẻm đến phố Povarxkaya và từ đó rẽ sang Arbat, đi về phía nhà thờ Nikolai Yavlefmy, nơi mà từ lâu trong trí tưởng tượng chàng đã chọn để thực hiện ý định cúa mình. Phần lớn các nhà đều đóng cửa kín mít. Phố xá và ngõ hẻm đều vắng tanh. Không khí phảng phất mùi khói và mùi cháy khét. Thỉnh thoảng mới gặp những người Nga với bộ điệu của một đám quân vô lệnh đi nghênh ngang ở chính giữa phòng. Cả người Nga lẫn người Pháp đều nhìn Piotr có vẻ ngạc nhiên. Ngoài cái thân hình cao lớn đẫy đà, ngoài cái vẻ mặt và dáng điệu đăm chiêu, ủ dột và khổ sở rất kỳ lạ của chàng, người Nga còn chú ý nhìn Piotr vì họ không hiểu con người kia thuộc tầng lớp nào. Còn người Pháp thì ngạc nhiên đưa mẳt nhìn theo chàng đặc biệt vì trong khi tất cả những người Nga khác đều nhìn người Pháp một cách sợ sệt và tò mò, thì trái lại Piotr chẳng hề để ý đến họ một chút nào cả. Ở bên cổng một ngôi nhà chàng đi qua, ba người Pháp đang muốn nói gì với mấy người Nga nhưng họ nghe chẳng hiểu gì cả, bèn chặn Piotr lại hỏi xem chàng có biết tiếng Pháp không.
   
Piotr lắc đầu ra hiệu không biết và tiếp tục đi. Ở một ngõ khác, một tên lính canh đứng cạnh một cái thùng sơn xanh, lớn tiếng gọi chàng, và mãi đến khi nghe tiếng quát thứ hai và tiếng súng lách cách của tên lính canh đang giơ súng lên. Piotr mới hiểu ra rằng chàng chẳng nghe thấy gicả, chẳng trông thấy gì ở xunh quanh hết.

Hấp tấp và sợ hãi, chàng mang cái ý định của mình trong lòng như một vật gì kinh khủng và xa lạ đối với chàng, chỉ sợ xao nhãng mất ý định ấy, kinh nghiệm tối qua đã giữ trọn được tâm trạng của mình cho đến nơi đến chốn. Hơn nữa, trên đường đi không có gì trở ngại, ý định của chàng cũng không thể nào thực hiện được nữa rồi, vì một lẽ giản đơn là Napoléon đã từ ngoại ô Dorogomilov đi qua Arbat để vào thành Kreml cách đây bốn tiếng đồng hồ và hiện đang ngồi ở phòng giấy của Sa hoàng trong cung điện với một tâm trạng thật là ảo não, và đang ra những mệnh lệnh tỷ mỉ, tường tận về những biện pháp cần thi hành để dập tắt đám cháy, ngăn cản việc cướp bóc và ổn định nhân tâm. Nhưng Piotr không biết thế, tâm trí chàng dồn cả vào việc làm, chàng khổ sở như những người đang cố tâm mưu đồ một việc gì không thể làm được, không phải vì việc đó có nhiều khó khăn mà vì nó không hợp chút nào với bản thân của mình, chàng khổ sở vì sợ rằng mình sẽ nao núng trong giờ phút quyết liệt và sau đó sẽ tự khinh mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:58:01 pm
Tuy chàng chẳng nghe thấy gì, chẳng trông thấy gì ở xung quanh, nhưng trực giác cũng mách chàng đi đúng đường, và chàng đã không lạc lối khi đi vào các ngõ hẻm dẫn đến phố Povarxkaya.
Càng đến gần phố Povarxkaya, khói càng dày đặc, và thậm chí càng thấy nóng người lên vì hơi lửa toả ra. Thỉnh thoảng lại trông thấy những ngọn lửa liếm trên cái mái nhà. Trên đường phố gặp nhiều người hơn trước và những người đó lại có vẻ lo lắng hơn.
   
Nhưng tuy chàng cảm thấy có một cái gì đó khác thường đang diễn ra quanh mình. Piotr cũng vẫn không nhận thức được rằng mình đang đến gần một đám cháy. Đang đi theo một con đường mòn băng qua một khoảng đất trống chưa xây nhà, một mặt giáp với phố Povarxkaya còn mặt kia thì giáp khu vườn của nhà công tước Gruzinxki, Piotr chợt nghe tiếng một người đàn bà khóc thảm thiết ngay sát cạnh mình. Chàng dừng lại sực tỉnh và ngẩng đầu lên.
   
Bên cạnh con đường, trên lớp cỏ cháy khô và phủ bụi, chồng đống một mớ những đồ gia dụng: nệm lông, ấm lò, tượng thánh và rương hòm. Bên cạnh mấy cái hòm có một bà đã lớn tuổi, gầy gò, răng dài và vẩu mặc áo choàng màu đen và đội mũ chụp, đang ngồi giữa đất.

Người đàn bà ấy vừa lắc lư vừa khóc nức nở, mồm không ngớt kể lể than vãn. Hai đứa con gái khoảng từ mười đến hai mươi, mình mặc váy ngắn và sợ hãi trên gương mặt tái xanh. Một đứa bé con trai lên bảy, mặc chiếc áo rộng và đội một cái mũ lưỡi trai to tướng, đang khóc lè nhè trên tay bà u già. Một người đầy tớ gái bẩn thỉu đi chân không ngồi trên chiếc hòm đang tháo cái bứn tóc màu vàng chốc chốc lại đưa lên mũi ngửi. Người chồng, một người thâm thấp, mặc y phục công chức, lưng hơi gù, râu quai nón, hai thái dương phẳng phiu lộ rõ dưới chiếc mũ lưỡi trai đội rất ngay ngắn, vẻ mặt đờ đẫn, đang xê dịch mấy cái rương chồng lên nhau, tôi ra mấy thứ quần áo. Trông thấy Piotr, người đàn bà gần như phủ phục xuống chân chàng.
   
- Các ông ơi, các ông là người Cơ-đốc chính giáo, các ông cứu giúp chúng tôi với, xin các ông rủ lòng thương cho! Có ai cứu tôi với! Con gái tôi! Họ bỏ sót đứa con gái út của tôi lại rồi! Nó chết cháy mất! Trời ô - ô - ôi! Mẹ nuôi dưỡng nâng niu con bấy lâu mà bây giờ ô - ô - ôi!

- Thôi đi nào, Maria Nikolaievna, - người chồng nói khẽ với vợ, hẳn là chỉ để thanh minh trước người lạ mặt.

- Chắc là cô em đã bế nó rồi, chứ không thì sao chẳng thấy nó đâu cả!

- Đồ quỷ sứ, đồ khốn nạn? - người đàn bà bỗng thôi khóc, rít lên một cách hằn học - Mày thật không có lương tâm, con mày mà mày cũng không biết thương. Giá người khác thì người ta đã xông vào lửa cứu nó ra rồi. Còn mày là quỷ chứ không phải là người, mày không phải là người bố. Ông là người có lòng tốt, - người đàn bà quay sang Piotr, nói rất nhanh; vừa nói vừa khóc thút thít. - Nhà bên cạnh cháy, thế là lan sang nhà chúng tôi. Con sen kêu: cháy rồi! Chúng tôi chạy đi vơ vén đồ đạc. Vớ được cái gì thì mang cái ấy. Đây ngần này đồ đạc đây… Cái tủ thờ và cái gương hồi môn đều mất cả. Khi nhìn lại bầy con thì chẳng thấy con Katya đâu. Trời ô ô - ôi! và bà ta lại khóc nấc lên. - Con tôi, đứa con yêu quý của tôi chết cháy mất rồi! Chết cháy mất rồi!

- Nhưng nó ở đâu, nó ở đâu mới được chứ? - Piotr hỏi.
     
Trông vẻ mặt hăm hở của chàng người đàn bà kia đã hiểu rằng người này có thể giúp được mình.

- Con ơi! Con đẻ của tôi! - bà ta kêu lên, ôm chặt lấy chân chàng. - Ân nhân ơi, xin ông cứu giúp cho tôi yên lòng… Aniska, con trời đánh kia, đi đi, đưa ông ấy đi - bà ta giận dữ há mồm ra quát người đày tớ gái, làm cho mấy cái răng vẩu lộ rõ hơn nữa.

- Chị đưa tôi đi, tôi tôi sẽ làm, - Piotr nói vội, giọng hớt hải.
   
Người con gái bẩn thỉu ngồi trên rương đứng dậy, sửa lại bím tóc thở dài rồi bước trên hai bàn chân đất to tướng và bẩn thỉu, đi theo con đường mòn. Piotr như sực tỉnh sau một cơn mê rất dài.

Chàng cất cao mái đầu lên, mắt chàng sáng long lanh và đầy sinh khí, chàng bước nhanh theo người đầy tớ gái, vượt qua chị ta và bước ra phố Povarxkaya. Suốt dãy phố bị che kín trong một đám khói đen nghịt. Dân chúng chen chúc thành một đám rất đông đứng trước đám cháy. Ở giữa đường một viên tướng Pháp đang đứng nói gì với mấy người vây quanh. Piotr và người đầy tớ gái toan đến gần chỗ viên tướng, nhưng một tốp lính Pháp chặn họ lại.

- Không đi được! - có tiếng quát.

- Đi lối này bác ạ người đày tớ gái nói, - Ta sẽ vào ngõ, đi qua sân nhà bác Nikulin.
     
Piotr quay trở lại và bước ra, chốc chốc lại nhảy mấy bước để theo kịp chị ta, người đày tớ gái chạy qua đường, quay sang trái, rẽ vào ngõ và đi qua ba nhà rồi quay sang phải, rẽ vào một cái cổng.

- Đây sắp đến rồi, - chị ta nói, đoạn chạy qua sân mở một cánh cửa đi qua một hàng rào bằng gỗ, rồi đứng lại chỉ cho Piotr thấy một dãy nhà ngang nhỏ bằng gỗ đang cháy rất to, hơi lửa bốc ra nóng hừng hực. Một bên nhà đã sụp xuống, bên kia thì đang cháy, và những ngọn lửa sáng rực từ trong các khung cửa sổ và từ dưới mái nhà lem lém bùng lên.

- Nhà nào, nhà nào? - Chàng nói.

Trời ô - ôi - người đày tớ gái kêu rống lên và giơ tay chỉ dãy nhà ngang.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:58:51 pm
- Chính đây, nhà chúng tôi ở đây. Cô chết cháy mất rồi cô Katya ơi là cô Katya! Trời ô - ô - ôi! - Aniska tru tréo lên: khi trông thấy căn nhà cháy, chị ta cũng cảm thấy cần thổ lộ tình cảm của mình ra như vậy.
     
Piotr lao mình về phía căn nhà, nhưng lửa nóng lên đến nỗi chàng bất giác đi vòng quanh dãy nhà và thấy mình đứng trước mặt một toà nhà lớn chỉ mới cháy một bên mái. Bên cạnh toà nhà có một đám đông lính Pháp đi lại lố nhố. Lúc đầu không hiểu bọn lính này làm gì mà lôi kéo đồ đạc đi như vậy; nhưng khi thấy một tên lính Pháp dùng sống gươm đánh một người mu-gich và cởi chiếc áo khoác lông chồn của anh ta, Piotr hiểu lờ mờ rằng họ đang cướp của, nhưng chàng không có thì giờ nghĩ đến việc này.
   
Tiếng những bức vách gỗ và những tấm trần nhà gãy răng rắc và đổ xuống ầm ám, tiếng lửa réo ù ù và tiếng kêu la ơi ới của dân chúng, cảnh những đám khói khi thì ùn ùn tụ lại dày đặc và đến ngòm, khi thì bốc lên sáng rực với những tia lửa tung toé, những ngọn lửa đang táp lên các bức tường, nơi thì đỏ và dày như những bó lúa, nơi thì vàng óng lên, hơi nóng, khói và những động tác mau lẹ tất cả những thứ đó đã có tác dụng kích thích Piotr như các đám cháy vẫn thường có. Đối với Piotr, các tác dụng này lại càng mạnh hơn nữa là vì khi trông thấy đám cháy, Piotr bỗng cảm thấy mình được giải thoát ra khỏi những ý nghĩ đang đè nặng lên tâm tư.

Chàng cảm thấy mình trẻ trung, vui vẻ, nhanh nhẹn và quả quyết.
   
Chàng chạy vòng qua dãy nhà ngang từ phía toà nhà lớn và đã toan xông vào gian nhà còn đứng vững, thì ngay trên đỉnh đầu chàng nghe có mấy tiếng người kêu lên và tiếp theo là tiếng một vật gì nặng đổ xuống ầm ầm bên cạnh chàng.
   
Piotr ngẩng lên nhìn và thấy. Ở khung cửa sổ của toà nhà có mấy tên lính Pháp vừa vứt xuống một cái ô kéo tủ ngăn đựng đầy những đồ đạc bằng kim loại. Mấy tên khác đứng ở dưới đang đi về phía cái ô kéo.

- Này cái anh kia muốn gì hả? - Một tên lính Pháp quát Piotr.

- Có một đưa bé đang ở trong nhà. Các ông có thấy một đứa bé không? - Piotr nói.

- Chà, cái thằng cha kia nói lảm nhảm cái gì thế hả? cút đi! - có mấy tiếng nói, và mòt tên lính Pháp, chắc là sợ Piotr lấy mất chỗ đồ bạc và đồ đồng trong ô kéo, liền tiến về phía chàng, vẻ mặt dữ tợn.

- Một đứa bé à? - một tên lính Pháp ở trên gác nói to. - Tớ có nghe cái gì léo nhéo ở ngoài vườn ấy. Có lẽ là thằng nhóc của lão kia cũng nên. Phải nhân đạo chứ, các cậu…

- Nó ở đâu? Nó ở đâu rồi? - Piotr hỏi.

- Phía này này, phía này này! - tên lính Pháp trên cửa sổ nói to, tay chỉ ra khu vườn ở sau nhà. -  Đợi một tí tôi sẽ xuống ngayl
   
Và quả nhiên một phút sau tên lính Pháp, một gã trai tráng mắt đen có cái bớt ở bên má, mình chỉ mặc áo sơ mi, từ khung cửa sổ tầng dưới nhảy ra và vỗ vai Piotr một cái rồi cùng chàng chạy ra vườn.

- Còn các chú kia nhanh lên, - hắn quát bọn lính, - Bắt đầul nóng quá rồi đấy!
   
Họ vòng ra sau nhà và chạy vào một lối đi rải cát. Tên lính Pháp kéo tay Piotr và chỉ cho chàng một vật gì tròn tròn. Dưới một cái ghế dài có một đứa con gái ba tuổi mặc áo dài màu hồng nằm co ro.

- Thằng nhóc của ông đấy. À! Một đứa con gái, càng tốt, - tên Pháp nói, - Chào ông béo, ông phải nhân đạo chứ. Chúng ta đều là người, đều có lúc chết cả ông ạ! - Nói đoạn tên Pháp có cái bớt ở má chạy về phía các bạn hắn.
   
Piotr mừng đến nghẹt thở vội chạy đến gần đứa bé và toan bế nó lên. Nhưng trông thấy người lạ, đứa con gái, vẻ ốm yếu và cam sài, trông rất dễ ghét, giống hệt mẹ nó, bỗng kêu thét lên và vùng chạy.
   
Tuy vậy, Piotr chộp lấy nó và bế nó lên; nó hét lên the thé, giọng hằn học, lấy hai tay cố gỡ tay Piotr ra và giơ cái mồm đầy rãi nhớt ra, cắn tay chàng. Piotr thấy kinh hãi và ghê tởm như khi nhỡ chạm vào một con sâu. Tuy vậy chàng cố tự chủ để đừng thả rơi đứa bé, và bế nó chạy về phía toà nhà lớn. Nhưng bây giờ không thể nào trở về theo lối cũ được nữa; cô đày tớ gái Aniska chẳng thấy đâu, và Piotr, trong lòng vừa thương hại vừa ghê tởm, cố ôm đứa bé ướt át vào lòng một cách dịu dàng trong khi nó khóc hét lên, rồi chàng chạy qua vườn đi tìm một lối ra khác.
 
32.
     
Sau khi chạy qua mấy cái sân và mấy ngõ hẻm, Piotr ẵm đứa bé chạy về phía khu vườn của nhà Gruzinxki ở góc phố Povarxkaya.
   
Thoạt tiên, chàng không nhận ra nơi mà chàng đã xuất phát để đi tìm đứa bé: nơi ấy chật ních những người và chất đầy đồ đạc từ trong các nhà lôi ra. Ngoài các gia đình Nga với của cải của họ vừa chạy được, ở đây còn có mấy người lính Pháp mặc nhiểu thứ y phục khác nhau. Piotr không chú ý đến họ. Chàng vội vã đi tìm gia đình người công chức để trả đứa con gái cho mẹ nó và đi cứu thêm vài người nữa. Piotr có cảm tưởng như mình đang cần làm nhiều việc nữa - mà phải làm cho thật nhanh. Người nóng bừng lên vì hơi lửa và vì chạy nhanh, giờ phút này Piotr, càng thấy rõ hơn nữa cái cảm giác trẻ trung, hưng phấn và quả quyết đã tràn vào lòng chàng khi chàng chạy đi cứu đứa bé. Bấy giờ đứa con gái đã nín, và hai tay bám vào chiếc áo kaftan của Piotr, nó ngồi trên tay chàng và đưa mắt nhìn quanh như một con thú rừng nhỏ. Piotr thỉnh thoảng lại nhìn nó và mỉm cười. Chàng có cảm giác là trong cái khuôn mặt ốm yếu và hoảng sợ của nó có một cái gì rất ngây thơ và cảm động.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 05:59:38 pm
Ở chỗ hồi nãy chẳng thấy vợ chồng người công chức đâu nữa.
     
Piotr bước nhanh giữa đám đông, nhìn mặt những người ở xunh quanh. Chàng bất giác để ý đến một gia đình người Gruzin hay người Armeni gì đấy, gồm một cụ già rất cao tuổi, khuôn mặt kiểu Đông phương rất đẹp, mình mặc một chiếc áo tu-lúp mới có phủ dạ, chân đi đôi ủng mới, một bà già cũng kiểu mặt như thế và một người thiếu phụ. Piotr thấy người thiếu phụ trẻ măng ấy thật là một khuôn mặt tuyệt với của sắc đẹp phương Đông, với đôi lông mày đen uốn vòng cung, với nước da màu hồng mơn mởn mịn lạ thường trên một khuôn mặt trái xoan rất đẹp, không biểu lộ một tình cảm nào. Ở giữa những đống đồ đạc ngồn ngang, giữa đám người chen chúc trên khoảng đất trống, mình mặc chiếc áo xa-tanh sang trọng và đầu trùm chiếc khăn màu tím tươi, nàng giống như một đoá hoa mềm dịu vốn nở trong một lồng lánh ủ cây mà bị vứt ra giữa tuyết lạnh. Nàng ngồi trên mấy cái tay nải sau bà già một quãng, đôi mắt lá răm to và đen với đôi hàng mi dài đăm đăm nhìn xuống đất. Hình như nàng cũng biết mình đẹp và lo sợ cho nhan sắc của mình.
   
Khuôn mặt ấy khiến Piotr cũng ngoái lại nhìn nàng mấy lần. Đi đến cuối dãy hàng rào và không thấy những người chàng đang tìm, Piotr dừng lại đưa mắt nhìn quanh.

Bóng dáng Piotr ẵm đứa bé trên tay bấy giờ lại càng dễ được mọi người chú ý hơn, và đã có mấy người Nga, vừa đàn ông vừa đàn bà, xúm lại quanh chàng.

- Hình như ông lạc mất người nào thì phải? Ông là người quý phái phải không - họ hỏi chàng.

Piotr đáp lại rằng đứa trẻ này là con một mụ đàn bà mặc áo đen, hồi nãy với mấy đứa con ở chỗ này, và hỏi xem có ai biết bà ta không và bà ta đi đâu rồi.

- Chắc là gia đình nhà Anferov, - một ông thầy dòng già nói với một người đàn bà mặt rỗ, - Lạy chúa tôi, - ông ta nói thêm với cái giọng trầm quen thuộc.

- Anferov nào? - người đàn bà mặt rỗ nói, - Nhà Anferov đi từ sáng sớm rồi còn gì. Đây chắc phải là Maria Nikolaievna hay nhà Ivanov.

- Ông ấy nói là một mụ đàn bà, còn Maria Nikolaievna là một bà lớn kia mà, - một người gia đinh nói.

- Chắc các người biết bà ta, răng vẩu, người gầy thế này này, - Piotr nói.

- Đúng bà Maria Nikolaievna rồi. Họ đang đi vào khu vườn kia thì bọn lang sói ấy ập đến, - người đàn bà chỉ bọ lính Pháp nói.

- Ôi lạy Chúa, - Ông thấy dòng lại nói. - Ông đi lại đằng kia kìa, họ đang ở đấy. Chính bà ta ở đấy.

- Suốt buổi chỉ khóc lóc kêu gào, - người đàn bà nói thêm.

- Chính bà ta đấy. Phía này này.

Nhưng Piotr không nghe họ nói gì. Đã mấy giây đồng hồ chàng chăm chú nhìn một việc đang xảy ra cách chàng mấy bước. Chàng nhìn cái gia đình người Armeni và hai tên lính thấp bé, vẻ rất láu lỉnh, mặc một áo khoác xanh thắt một sợi dây thừng. Hắn đội một cái mũ chụp, đi chân không. Tên kia khiến Piotr đặc biệt chú ý: đó là một người cao và gầy, lưng hơi gù, tóc vàng, có những động tác chậm chạp một vẻ mặt đần độn. Tên này mặc một chiếc áo ca-pốt dạ xù, một cái quần xanh và đi đôi ủng kỵ binh đã rách. Tên lính thấp bé đi chân không và mặc áo khoác xanh đến gần mấy người Armeni nói mấy tiếng gì không rõ rồi lập tức nắm lấy chân ông già.
   
Ông già hối hả cởi ủng ra. Tên mặc áo ca-pốt dừng lạỉ trước mặt cô gái Armeni xinh đẹp kia và hai tay đút túi đứng im nhìn nàng.

- Bế lấy, bế lấy đứa bé, - Piotr vừa nói vừa vội trao đứa con gái cho người đàn bà. Chàng nói to gần như quát lên, giọng như ra lệnh. - Bà mang đi trả cho người ta, mang đi!Nhanh lên !
   
Chàng đặt đứa bé đang khóc xuống đất và quay lại nhìn hai tên lính Pháp và gia đình mấy người Armeni. Ông già đã cởi một chiếc ủng. Tên Pháp thấp bé rút chiếc kia ra và đập đập hai chiếc ủng vào nhau. Ông già vừa khóc vừa nói một câu gì nhưng Piotr chỉ thấy thoang thoáng những việc đó; tất cả sức chú ý chàng đều tập trung vào tên lính mặc áo ca-pốt lúc bấy giờ đang khệnh khạng bước chậm rãi gần người thiếu phụ và rút hai tay ra khỏi túi nắm lấy cổ nàng.
   
Người thiếu phụ Armeni xinh đẹp vẫn ngồi im như cũ, hai hàng mi dài cụp xuống, có vẻ như không thấy và không hề hay biết tên lính kia làm gì mình.
   
Khi Piotr chạy đến nơi thì tên cướp cao lênh khênh mặc ca-pốt kia đã tháo được chiếc vòng của người thiếu phụ đang đeo. Nàng giơ hai tay lên cổ và kêu thét lên.

- Không được động đến người đàn bà này! - Piotr gầm lên, giọng giận dữ. Chàng nắm lấy hai vai tên lính cao và gù kia ẩy ra phía sau. Hắn ngã ngửa ra, lồm cồm bò dậy và bỏ chạy. Nhưng tên lính kia ném đôi ủng xuống đất, rút đoản kiếm ra và tiến về phía Piotr, vẻ dữ tợn. Hắn quát:

- Này, đừng có lôi thôi!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 06:00:15 pm
Piotr đang ở trong một cơn giận điên cuồng, không còn nhớ gì nữa; sức chàng tăng lên gấp mười lúc thường. Chàng xông vào tên lính Pháp đi chân không, và tên này chưa kịp rút gươm đã bị ngã lăn; chàng nện hai quả đấm tới tấp vào người hắn. Trong đám đông đứng xung quanh có tiếng gieo hò tán thưởng, và cùng một lúc ấy từ góc phố hiện ra một đội kỵ binh U-lan của Pháp đi tuần tiễu. Đội U-lan phóng nước kiệu về phía Piotr và tên lính Pháp, và vây quanh hai người, Piotr không còn nhớ gì những việc đã xảy ra sau đó nữa. Chàng chỉ nhớ mang máng là chàng có đánh một người nào, rồi người ta đánh chàng và cuối cùng chàng thấy tay mình bị trói lại, rồi một đám lính Pháp đứng quanh chàng và lục soát chàng.

- Thưa trung uý, hắn có một con dao găm! - Đó là những lời đầu tiên mà Piotr hiểu được.

- À, có vũ khí à? - Viên sĩ quan nói đoạn quay về phía tên lính đi chân không lúc bấy giờ cũng cùng bị bắt với Piotr.

- Được ra toà án binh sẽ nói chuyện, - Viên sĩ quan nói xong lại quay về phía Piotr hỏi - Anh có biết nói tiếng Pháp không, anh kia?
     
Piotr đưa đôi mắt đỏ ngầu nhìn quanh và lặng thinh không đáp.
   
Chắc vẻ mặt của chàng trông rất khủng khiếp cho nên viên sĩ quan quay ra nói thì thầm mấy tiếng, và thêm bốn người lính U-lan nữa tách ra khỏi hàng ngũ đến đứng kèm hai bên Piotr.

- Anh có biết nói tiếng Pháp không? - viên sĩ quan đứng cách Piotr khá xa nhắc lại câu hỏi. - Gọi thông ngôn lại đây!
   
Từ trong hàng ngũ bước ra một người nhỏ loắt choắt mặc thường phục kiểu Nga. Trông lối ăn mặc và nghe giọng nói, Piotr nhận ra hắn là một người Pháp kiều làm trong một cửa hiệu buôn ở Moskva.
   
Người thông ngôn ngắm nghía Piotr một lúc rồi nói:

- Trông hắn không có vẻ là một người bình dân.

- Ồ, ồ! Ta trông tên này dáng một tên đốt nhà lắm. - viên sĩ quan nói. - Thư hỏi hắn xem hắn là ai.

- Mày là ai? - viên thông ngôn hỏi. - Mày phải trả lời quan trên. - Hắn nói thêm.

- Tôi sẽ không nói cho các người biết tôi là ai đâu. Tôi là tù binh của các người. Các người cứ dẫn tôi đi! - Piotr bỗng nói bằng tiếng Pháp.

- À à! Viên sĩ quan cau mày nói. - Thôi, đi.
   
Chung quanh toàn lính U-lan người đứng xem khá đông. Đứng gần Piotr là người đàn bà mặt rỗ bế đứa con gái: khi toán lính thúc ngựa đi, bà ta tiến lên mấy bước nói:

- Ông ơi, họ đem ông đi đâu thế? Thế còn con bé thì sao? Nếu không phải con họ thì tôi biết mang nó đi đâu.

- Mụ kia muốn gì thế? - Viên sĩ quan hỏi.

Piotr bấy giờ như người say rượu. Cái tâm trạng phấn khích của chàng lại càng tăng thêm trông thấy đứa con gái mà chàng đã cứu sống. Chàng nói:

- Bà ta nói gì ấy à? Bà ta đem đưa con gái của tôi lại cho tôi.

- Tôi vừa cứu nó ở trong đám cháy ra, - chàng nói, - Thôi vĩnh biệt! - chàng cũng không biết tại sao mình lại thốt ra một lời nói dối vô ích như vậy nữa. Chàng bước quả quyết và dõng dạc đi giữa toán lính Pháp.
   
Đội tuần tiễu vừa rồi là một trong những đội được phái đi khắp các phố Moskva theo lệnh của Duronel để ngăn chặn việc cướp bóc và nhất là để bắt những kẻ đốt nhà, vì hôm ấy ý kiến chung của những sĩ quan cao cấp của Pháp đều cho rằng có những kẻ đã gây ra những đám cháy nhà. Sau khi vòng qua mấy phố đội tuần tiễu bắt thêm năm người Nga khả nghi nữa, gồm một người chủ hiệu buôn, hai người học trò trường dòng, một người mu-gich và một người gia nô. Ngoài ra, họ còn bắt thêm mấy tên lính đi ăn cướp. Nhưng trong số những người khả nghi ấy thì Piotr trông có vẻ khả nghi hơn cả.
   
Khi quân Pháp dẫn họ vào nghỉ đêm trong toà nhà lớn cạnh thành Zubovxki, nơi có lập một đồn cảnh sát, Piotr được giam riêng ra một nơi và được canh phòng cẩn mật.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:54:15 pm
Phần XII- Chương - 1

 Ở Petersburg, trong các giới cao cấp diễn ra một cuộc đấu tranh gay gắt hơn bao giờ hết giữa các đảng phái của Rumiantev, của các quan lại Pháp, của Maria Feodorovna(1), của thái tử của mấy người khác nữa. Cũng như xưa nay vẫn thế, cuộc tranh chấp này diễn ra trong tiếng vo ve của bầy ong đực trong triều đình.
   
Nhưng cuộc sống Petersburg yên tĩnh, xa hoa, chỉ bận tâm lo đến những ảo ảnh, những phản ánh của cuộc đời, vẫn tiếp tục theo nếp cũ cho nên phải cố gắng lắm mới có thể nhận thức được nguy cơ và tình cảnh khó khăn của nhân dân Nga hồi bấy giờ. Vẫn những buổi lâm triều ấy, những cuộc vũ hội ấy, đoàn kịch Pháp ấy, cũng vẫn những cuộc tranh chấp ấy, chạy chọt, kèn cựa như trước ở cung đình và trong quan trường. Chỉ có trong các giới cao cấp nhất người ta mới cố gắng nhớ tới sự khó khăn của tình thế lúc bấy giờ. Người ta thì thầm rỉ tai nhau chuyện hai hoàng hậu chống đối nhau trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy. Hoàng hậu Maria Feodorovna, luôn cố gắng đến các cơ quan từ thiện và giáo dục dưới quyền chủ trì của người, đã thu xếp dời tất cả cơ quan này về Kazan, và bấy giờ đồ đạc của các cơ quan đó đều đã được đóng gói sẵn sàng.
Còn hoàng hậu Elizaveta Alekxeyevna(2) thì khi có người hỏi người có truyền bảo gì không, hoàng hậu đã trả lời với lòng ái quốc đặc biệt Nga của mình rằng người không thể truyền bảo gì về cơ quan của nhà nước được vì đó là việc của hoàng thượng; còn về phần riêng, thì người đã có lòng phán rằng người sẽ là người cuối cùng rời khỏi Petersburg.

Ở nhà Anna Pavlovna, tối hôm mười sáu tháng tám, đúng vào ngày diễn ra trận Borodino, có tổ chức một buổi tiếp tân. Tiết mục then chốt của tối tiếp tân này là tuyên đọc bức thư của đức cha giám mục gửi kèm theo bức tượng thánh Xergey gửi lên hoàng đế. Bấy giờ bức thư này được xem là mẫu mực của thể văn hùng biện ái quốc của giới tăng lữ. Người đọc bức thư sẽ là công tước Vaxili, người nổi tiếng về nghệ thuật đọc (chính ông ta vẫn thường đọc trong cung hoàng hậu). Theo quan niệm thời bấy giờ thì nghệ thuật đọc là ở chỗ đọc cho to, giọng ngân nga luôn chuyển từ tiếng the thé sang tiếng thì thầm êm dịu, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến ý nghĩa của câu văn, cho nên từ này được đọc the thé lên, từ kia được đọc thì thầm, đều hoàn toàn là chuyện tình cờ. Việc đọc này, cũng như tất cả các buổi tiếp tân của Anna Pavlovna, đều có một ý nghĩa chính trị. Đến dự tối tiếp tân sẽ có một số nhân vật quan trọng cần phải làm cho họ xấu hổ vì họ thường hay lui tới kịch viện Pháp, và cần phải thức tỉnh tình yêu nước trong lòng họ. Các tân khách đều đã khá đông, nhưng Anna Pavlovna thấy trong phòng khách chưa đủ mặt những người cần có mặt nên chưa cho họ đọc, mà chỉ cầm trịch cho tân khách nói chuyện chung chung.
   
Tin sốt dẻo nhất trong ngày hôm ấy là tin bá tước phu nhân Bezukhova ốm. Cách đây mấy hôm, bá tước phu nhân bỗng lâm bệnh, bỏ mấy buổi dịp trong đó lẽ ra phu nhân phải là vật trang hoàng, và nghe nói phu nhân không tiếp ai cả, không mời các bác sĩ nổi tiếng ở Petersburg xưa nay vẫn chữa cho phu nhân, mà lại phó mình cho một ông thầy thuốc người Ý nào đó chữa theo một phương pháp gì đấy rất mới, rất lạ.
     
Mọi người đều biết rõ rằng vị bá tước phu nhân kiều diễm ấy lâm bệnh là vì lâm vào tình cảnh éo le một lúc lấy hai chồng, và cách chữa bệnh của ông thầy thuốc người Ý chính là làm thế nào khắc phục được cái tinh cảnh éo le ấy, nhưng trước mặt Anna Pavlovna không những không ai dám nghĩ đến điều đó, mà thậm chí người ta còn làm như không ai hay biết tí gì về việc đó.

- Tội nghiệp, nghe nói bá tước phu nhân ốm nặng lắm. Ông thầy thuốc bảo đó là bệnh viêm ức.

- Viêm ức à? Ồ! Đó là một thứ bệnh rất đáng sợ.

- Nghe nói hai kẻ tình địch đã hoà giải nhờ cái bệnh viêm ức này.
     
Người ta nhắc đi nhắc lại hai chữ "viêm ức" một cách khoái trá.

- Nghe nói vị bá tước già tội nghiệp lắm thì phải. Ông ta đã khóc như một đưa trẻ khi bác sĩ nói với ông ta rằng trường hợp này nguy hiểm .

- Ồ, phu nhân có mệnh hệ nào thì thật là một tổn thất kinh khủng. Phu nhân là một người đàn bà kiều diễm mê hồn.

- Các vị đang nói đến bá tước phu nhân đáng thương của chúng ta đấy ư? - Anna Pavlovna lại gần nói. - Tôi đã cho người đi hỏi tin tức. Nghe nói phu nhân đã đỡ được chút ít.

- Ồ chắc chắn nàng là người đàn bà đáng thương nhất đời - Anna Pavlovna nói đoạn mỉm cười như để chế giễu thái độ bồng bột của mình, - Phu nhân với tôi hai người thuộc hai phái khác nhau, nhưng điều đó không hề ngăn trở tôi quý trọng phu nhân đúng như phu nhân xứng đáng được quý trọng. Phu nhân thật là bất hạnh! - Anna Pavlovna nói thêm. Cho rằng Anna Pavlovna nói câu này là đã hé mở bức màn bí mật phủ trên bệnh tình của bá tước phu nhân, một chàng thanh niên thận trọng đã dám tỏ ý ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại không cho mời những người vị danh y mà lại dùng một anh lang băm có thể cho phu nhân uống những liều thuốc nguy hiểm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:55:27 pm
Những tin tức mà ông thu lượm được có thể chính xác hơn của tôi. - Anna Pavlovna bỗng dùng một giọng chua chát đáp lại chàng thanh niên thiếu lịch lãm - Nhưng tôi được biết qua một nghồn tin chắc chắn rằng ông thầy thuôc đó là một người rất uyên bác và tài giỏi. Đó là vị thầy thuốc thân cận của hoàng hậu Tây ban nha. Và sau khi đã giáng lên chàng thanh niên kia một đòn chí mạng như vậy, Anna Pavlovna quay về phía Bilibin bấy giờ đang đứng ở một nhóm khác nói chuyện về người Áo, da trán co lại, hẳn là đang chuẩn bị cho nó dãn ra để buông một câl dí dỏm.

- Tôi cho là rất thú vị! - Bilibin nói về sự kiện ngoại giao gửi về Viên kèm theo mấy lá cờ áo do Vitghenstain, vị anh hùng thành Petropol chiếm được. (ở Petersburg thường gọi Vitghenstain như vậy)

- Sao, thế nào? - Anna Pavlovna hỏi Bilibin, có ý để mọi người im lặng nghe cái câu dí dỏm Bilibin sắp nói ra (câu này bà ta đã biết trước), và Bilibin nhắc lại nguyên văn câu sau đây trong bức thông điệp ngoại giao mà chính ông ta đã viết ra: - Hoàng đế gửi lại mấy lá cờ áo, - Bilibin nói, - Đây là những lá cờ của nước bạn đã thất lạc mà ngài đã tìm thấy ngoài lề đường! - Bilibin vừa nói vừa cho lớp da trên trán dãn ra.

- Thú tuyệt, thú tuyệt! - công tước Vaxili nói.

- Có lẽ đó là con đường Varsava chăng? - công tước Ippolit bỗng nói rất to và rất bất ngờ. Mọi người đều quay lại nhìn Ippolit không hiểu chàng muốn ngụ ý gì. Công tước Ippolit cũng vui vẻ và ngạc nhiên đưa mắt nhìn quanh.
   
Cũng như mọi người, chính chàng cũng không hiểu câu mình vừa nói ngụ ý gì. Trong sự nghiệp ngoại giao của chàng, Ippolit đã có lần nhận thấy rằng những câu nói ra một cách đột ngột như vậy nhiều khi lại đâm ra rất dí dỏm, cho nên hễ có dịp là chàng cứ nói bất cứ một câu gì.  Chưa biết chừng thế mà hoá ra hay cũng nên, chàng nghĩ, - và dù không hay đi nữa, thì rồi họ cũng tìm ra được cách hiểu. Quả nhiên, trong đám tân khách vừa bắt đầu có một phút im lặng nặng nề, thì nhân vật thiếu lòng ái quốc mà Anna Pavlovna đang chờ đợi và muốn cảm hoá đã bước vào phòng. Anna Pavlovna mỉm cười đưa ngón tay lên doạ Ippolit, rồi cùng công tước Vaxili ra bàn; đem lại cho ông ta hai cây nến và bản chép tay bức thư giám mục, đoạn yêu cầu ông ta bắt đầu.

Trong phòng lặng hẳn đi.

- Tâu bệ hạ chính nhân chí thánh - công tước Vaxili cất giọng nghiêm trang đọc lớn, đoạn đưa mắt nhìn qua cử toạ một lượt như muốn hỏi xem có ai phản đối gì không. Nhưng chẳng có ai nói gì cả Moskva, thủ đô đầu tiên của chúng ta, thành Jexusalem mới, đang tiếp đón đấng Cơ đốc của nó - ông ta nhấn mạnh hai chữ của nó - như người mẹ hiền đón những người con hiếu thảo vào lòng và qua bóng đen vừa xuất hiện vẫn nhìn thấy trước ánh vinh quang rực rỡ của triều đại Người, thành Moskva hân hoan cất tiếng ca "Hoxanna, cầu Thượng đế ban phước cho người sắp đến!"(3) - Công tước Vaxili đọc câu cuối cùng này với một giọng như sắp khóc.

Bilibin chăm chú quan sát mấy cái móng tay của mình, và có nhiều người có vẻ bối rối như tự không biết mình phạm lỗi gì?

Anna Pavlovna thì thầm nhắc trước câu sắp đến, như một bà già xuýt xoa khấn khứa bài kinh nhận mình thánh: "Cứ mặc cho tên Goliath hỗn xược và trơ tráo"(4).
     
Công tước Vaxili đọc tiếp:

Cứ mặc cho tên Goliath hỗn xược và trơ tráo kia từ biên cương nước Pháp, đem đến tận biên thuỳ nước Nga những nỗi thê lương khủng khiếp và đầy tử khí, cái đức tính khiêm tốn, cái ná của David Nga sẽ bất thần đánh mạnh vào cái đầu kiêu hãnh khát máu của nó. Bức tượng thánh này của đức thánh Xerghi, vị chiến sĩ nhiệt thành xưa kia đã từng bảo vệ hạnh phúc của tổ quốc ta, thần xin dâng lên Sa hoàng bệ hạ. Thần lấy làm ân hận rằng tuổi già sức yếu không cho phép mình có được diễm phúc đến chiêm ngưỡng dung mạo tối anh minh của bệ hạ. Thần xin gửi lên đấng cao xanh những lời cầu nguyện nhiệt thành, cầu đấng Vạn năng phù hộ cho dòng dõi những người chính trực và thực hiện những ước nguyện của bệ hạ được.

- Hùng tráng quá! Văn hay quá! - chung quanh có tiếng trầm trồ khen ngợi người đọc và người viết thư.

Được bài văn này cổ vũ, các tân khách của Anna Pavlovna còn bàn tán hồi lâu về tình cảnh của tổ quốc và đưa ra nhiều ức thuyết khác nhau về kết quả trận đánh sắp diễn ra nay mai.

- Rồi các vị sẽ xem2 - Anna Pavlovna nói, - Ngày mai, ngày sinh nhật của hoàng thượng, ta sẽ nhận được những tin mới. Linh tính tôi báo trước là tin rất lành.

==============================================================

Chú thích:

(1) Tức hoàng hậu Maria Feodorovna vợ Pavel và đương kim hoàng hậu Elizaveta Alekxeyevna, vợ Alekcxandr đệ nhất

(2) Hoàng hậu Elizaveta Alekxeyvna là công chúa xứ Baden (Đức) nhưng sau khi lấy chồng thì lại biểu dương một lòng ái quốc "đặc biệt Nga"

(3) Lời hoan hô chào đón Jesus Cơ dốc (Phúc âm).

(4) Goliath là người khổng lồ của quân Philixtin bị David, người chăn cừu xứ Israel giết chết (Cựu ước)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:55:59 pm
Phần XII
Chương -2 - 3

Linh tính của Anna Pavlovna quả nhiên đã ứng nghiệm. Ngày hôm sau, trong khi đang làm lễ ca ngợi trong cung nhân ngày sinh nhật của hoàng đế, công tước Bolkonxki được gọi ra ngoài nhà thờ và nhận được một bức thư của công tước Kutuzov. Đó là bức thông báo của Kutuzov viết ở Tatarinovo hôm diễn ra trận đánh. Kutuzov viết rằng quân đội Nga không hề rút lui một bước, rằng quân Pháp tổn thất nặng nề hơn quân ta rất nhiều, nhưng trong khi viết vội thông báo về triều đình ngay tại chiến trường ông chưa kịp thu thập những tài liệu sau cùng. Như vậy, nghĩa là quân ta đã thắng. Thế là trong nhà thờ lập tức làm lễ tạ ơn đấng sáng tạo ra muôn loài đã phù hộ cho quân ta thắng trận.
   
Linh cảm của Anna Pavlovna đã được xác nhận và suốt buổi sáng hôm ấy trong thành phố tràn ngập một tâm trạng vui mừng hân hoan như ngày hội. Mọi người đều cho rằng đây là một trận toàn thắng, và có mấy người đã nói đến việc bắt Napoléon làm tù binh, phế truất y và chọn một quốc trưởng mới cho nước Pháp.
   
Xa nơi trận mạc và ở giữa hoàn cảnh sinh hoạt của cung đình, các biến cố thật khó lòng được phản ảnh trọn vẹn. Các biến cố chung vô tình được tập hợp lại chung quanh một sự việc cá biết nào đó. Chẳng hạn bây giờ các triều thần vui mừng vì quân ta thắng trận đã đành, nhưng họ cũng vui mừng không kém vì tin thắng trận này đến đúng vào ngày sinh nhật của hoàng thượng. Cứ như là một trò chơi bất ngờ thành công vậy. Trong bản thông báo của Kutuzov cũng nói đến những tổn thất của quân ta, và trong số các tướng sĩ tử trận thấy có Tutskov, Bagration, Kutaixov. Trong giới xã giao của Petersburg khía cạnh đáng buồn của nước này tự nhiên lại tập hợp chung quanh một sự việc, - cái chết của Kutaixov. Ai cũng biết ông ta, hoàng thượng yêu mến ông ta, ông ta trẻ tuổi và hấp dẫn. Ngày hôm ấy hễ gặp nhau là người ta nói:

- Thật là một sự tình cờ lạ lùng. Đúng giữa khi đọc kinh Ca ngợi. Kutaixov chết đi thật là một tổn thất nặng nề! Ồ, đáng tiếc thật.

- Đấy tôi đã bảo mà, Kutuzov có phải tầm thường đâu - Bây giờ công tước Vaxili lại nói với giọng kiêu hãnh của một nhà tiên tri, - Xưa nay tôi vẫn nói chỉ có ông ta mới đánh bại được Napoléon thôi mà.
     
Nhưng hôm sau không nhận được tin tức gì của quân đội gửi về và giọng bàn tán lại có chiều lo lắng. Các triều thần khổ sở về chỗ hoàng thượng rất phiền muộn chẳng biết thật hư ra sao.

- Tình cảnh của hoàng thượng thật là bi đát! - Các triều thần bảo nhau như vậy, và họ không còn ca tụng Kutuzov như hôm qua nữa, mà lại lên án ông ta đã làm cho hoàng thượng lo âu. Ngày hôm ấy công tước Vaxili cũng không tán dương Kutuzov, người được ông ta bênh vực mà chỉ im lặng mỗi khi có ai nói đến vị tổng tư lệnh. Hơn nữa, tối hôm ấy dường như mọi việc đều dồn dập làm cho dân Petersburg lo sợ lại có tin bá tước phu nhân Elena Bezukhov vừa qua đời một cách đột ngột vì cái chứng bệnh kỳ lạ mà người ta thích nhắc đến tên. Trong các buổi lễ tiếp tân lớn mọi người đều chính thức nói rằng bá tước phu nhân Bezukhov chết vì một cơn bệnh viêm ức kinh khủng, nhưng những lúc họp mặt thân mật người ta lại nói chi tiết rằng ông bác sĩ thân cận của hoàng hậu Tây Ban Nha đã kê đơn cho Elen uống một thứ thuốc nào đấy với những liều lượng nhỏ đều gây nên những tác dụng nhất định; nhưng Elen, xót xa vì bị ông bá tước già nghi kỵ và vì đã viết thư cho chồng (cái thằng cha Piotr phóng đãng khốn nạn ấy) mà không được trả lời, nên đã uống thuốc với một liều lượng rất lớn và đã chết trong những cơn đau quằn quại trước khi người ta kịp chạy chữa. Họ kể lại rằng công tước Vaxili và vị bá tước già cũng định bắt viên thầy thuốc người Ý, nhưng ông này đưa ra những bức thư nhỏ gì đấy của người quá cố bất hạnh, làm hai người lập tức phải thả ông ta.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:56:56 pm
Cuộc trò chuyện tập trung vào ba sự kiện đáng buồn: nỗi băn khoăn của hoàng thượng, Kutaixov tử trận và và cái chết của Elen.
     
Những cuộc thăm viếng chia buồn nhận cái chết của Elen, công tước Vaxili nhắc đến Kutuzov, người mà mấy hôm trước ông vừa tán dương (trong khi buồn rầu tang tóc như thế này ông ta có quên những lời nói trước kia thì cũng chẳng có gì đáng trách), có nói rằng lão già đui chột và truỵ lạc ấy tất nhiên phải hành động như vậy, không thể chờ mong gì hơn được nữa.

- Tôi chỉ lạ không hiểu sao người ta lại có thể trao vận mệnh nước Nga cho một con người như vậy.
     
Trong khi tin này chưa phải là tin chính thức thì người ta còn có thể hồ nghi được. Nhưng hôm sau lại nhận được một bản thông báo của bá tước Raxtovsin như sau:
   
"Sĩ quan phụ tá của công tước Kutuzov đã đem lại cho tôi một bức thư yêu cầu tôi cung cấp những sĩ quan cảnh binh để giúp vào việc chuyển quân ra con đường Ryazan. Công tước nói rằng công tước đành lòng phải bỏ Moskva. Tâu bệ hạ! Hành động của Kutuzov định đoạt vận mệnh của thủ đô và toàn thể đế quốc của bệ hạ. Nước Nga sẽ rung chuyển khi biết tin bỏ ngỏ Moskva, nơi tập trung sự vĩ đại của nước Nga, nơi chôn cất tro tàn của hài cốt các tiên đế. Tôi sẽ đi theo quân đội. Tôi đã cho chuyển tất cả những cái gì cần phải chuyển ra khỏi thành. Nay tôi chỉ còn biết khóc thương số phận của tổ quốc nữa mà thôi".
     
Nhận được bản thông báo này, hoàng đế liền phái công tước Bolkonxki đem trao cho Kutuzov tờ dụ sau đây:
   
"Công tước Mikhail Ilarionovich! Từ ngày hai mươi chín tháng tám ta không nhận được tin gì mới của công tước. Trong khi đó ngày mồng một tháng chín, ta lại nhận được của quan tư lệnh thành Moskva, chuyển qua đường Yaroxlav, cái tin đáng buồn là công tước đã quyết định cùng quân đội rời khỏi Moskva. Chắc công tước có thể tưởng tượng được tin này đã tác động đến ta như thế nào và sự im lặng của công tước lại càng khiến ta kinh ngạc bội phần. Ta phái phó tướng của ta là công tước Bolkonxki mang thư này đến gặp công tước, để biết rõ tình hình quân đội và những nguyện nhân đã khiến công tước quyết định một việc đáng buồn như vậy"
 
3.
     
Chín ngày sau khi Moskva bị bỏ ngỏ có một tín sứ của Kutuzov đến Petersburg đưa tin chính thức về việc này. Tin sứ này là một người Pháp tên Misô, người không biết tiếng Nga nhưng tuy người là ngoại quốc mà lòng dạ lại là Nga như chính ông ta vẫn nói.
     
Nhà vua lập tức cho ông ta bệ kiến trong phòng riêng ở cung điện Kemmenny Oxtrov, Misô chưa bao giờ trông thấy Moskva trước chiến dịch này và lại không biết tiếng Nga. Nhưng vẫn rất cảm động khi ra mắt vị hoàng đế chí nhân của chúng ta (như ông ta vẫn viết) để đưa tin Moskva bị cháy, lửa bừng sáng rực cả đường đi của ông ta. Tuy nhiên nguyên do khiến ông Misô buồn chắc phải khác hẳn những nguyên do khiến người Nga đau khổ, gương mặt ông khi ông bước vào văn phòng hoàng đế cũng rầu rĩ đến nỗi nhà vua hỏi ngay:

- Đại tá mang lại cho ta những tin buồn chăng?

- Rất buồn, tâu hoàng thượng, - Misô đáp trong một tiếng thở dài, mắt nhìn xuống đất, - Moskva đã bị bỏ ngỏ!

- Chẳng lẽ người ta đã bỏ ngỏ cố đô của ta mà không chiến đấu sao? - Nhà vua bỗng đỏ mặt lên nói nhanh.
   
Misô kính cẩn truyền đạt lại những điều Kutuzov đã dặn: không thể nào chiến đấu ở vùng Moskva, cho nên có thể chọn một trong hai đường, - hoặc mất cả quân đội lẫn Moskva, hoặc chỉ mất Moskva, vì vậy nguyên soái đành phải chọn lấy cách sau cùng.
   
Hoàng thượng im lặng nghe, không nhìn Misô.

- Quân địch đã tiến vào thành phố chưa? - ngài nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:57:39 pm
- Tâu bệ hạ, vào giờ này thành phố đã cháy ra tro. Khi tôi ra đi cả thành phố đang cháy rực lên!

- Misô nói giọng quả quyết nhưng khi nhìn hoàng đế, ông phát hoảng vì đã nói như vậy. Hoàng đế bắt đầu thở dồn dập, môi dưới của ngài run lên và đôi mắt xanh đẹp của ngài trong khoảnh khắc đã rớm lệ.
     
Nhưng chỉ một phút sau, hoàng đế đã cau mày lại như muốn tự trách mình đã yếu đuối như vậy. Và hoàng đế ngẩng đầu lên cất giọng rắn rỏi nói với Misô.

- Đại tá ạ, qua tất cả những việc đang xảy ra, ta đã thấy rõ rằng Thượng đế đòi hỏi chúng ta hy sinh lớn lao. Ta sẵn sàng phục tùng tất cả những ý muốn của Thượng đế, nhưng ông Misô, ông hãy nói cho ta rõ tinh thần quân đội khi ông ra đi như thế nào, khi họ thấy cố đô của ta bị bỏ ngỏ không hề bắn một viên đạn như vậy? Ông có thấy họ có nản lòng không?
     
Thấy vị hoàng đế chí nhân huệ của mình đã bình tâm lại Misô cũng yên tâm, nhưng câu hỏi trực tiếp và trọng yếu cuả hoàng thượng cũng đòi hỏi một câu trả lời trực tiếp mà ông ta chưa kịp chuẩn bị.

- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng có cho phép tôi được nói thắng thắn như một quân nhân trung thực không? - Misô nói để có thêm thì giờ.

- Đại tá ạ bao giờ ta cũng đòi hỏi như vậy, Hoàng thượng nói. - Đại tá đừng giấu giếm gì hết, ta nhất thiết muốn biết rõ tình hình thật hiện nay ra sao?

- Tâu hoàng thượng! - Misô nói, miệng chỉ khẽ nhếch một chút thành một nụ cười tế nhị: bấy giờ ông ta đã kịp chuẩn bị câu trả lời dưới hình thức một trò chơi chữ, nhẹ nhàng và kín cẩn, - Tâu hoàng thượng khi tôi ra đi thì toàn thể quân đội, kể từ các vị chỉ huy cho đến người lính thường không trừ ai, đều cũng chung một mối lo sợ khủng khiếp!
   
- Sao lại thế? - Hoàng thượng cau mày ngắt lời Misô, giọng nói nghiêm khắc. - Chả lẽ dân Nga của ta nản lòng trước cơn hoạn nạn. Không đời nào!
   
Misô chỉ chờ có thế để thực hiện trò chơi chữ của mình.

- Tâu hoàng thượng, - Ông ta nó với một giọng bông lơn nhưng vẫn kính cẩn, - Họ lại lo sợ bệ hạ nghe theo lòng nhân từ mà thuận tình hoà giải. Họ đều nức lòng muốn chiến đấu, ông ta nói với tư cách một người đại diện toàn quyền của nhân dân Nga, - và thiết tha mong được hy sinh tính mệnh để chứng minh cho hoàng thượng rõ họ hết lòng vì hoàng thượng đến chừng nào…

- À! Hoàng thượng yên tâm, vừa nói vừa vỗ lên vai Misô, mắt long lanh một ánh sáng dịu dàng trìu mến. -
Đại tá làm cho ta yên tâm! - nhà vua cúi đầu im lặng một lát.

- Thôi, đại tá hãy quay về quân đội đi, - ngài nói, người đứng thẳng lên, quay về phía Misô với một cử chỉ tuy nghiêm mà thân mật, - và hãy nói lại với những người lính dũng cảm của chúng ta, nói lại với tất cả các thần dân tốt lành của ta ở bất cứ nơi nào đại tá đi qua, ta sẽ thân hành đứng ra chỉ huy, lớp quý tộc yêu quý của ta và đám nông dân tốt lành của ta, ta sẽ sử dụng đến hết tài lực chối cùng của đế chế ta. Đế chế của ta còn nhiều tài lực hơn là những kẻ thù của ta vẫn tưởng. - Nhà vua nói, mỗi lúc một thêm phấn chấn, - Nhưng vạn nhất, nếu Thượng đế truyền phán rằng, - ngài ngước đôi mắt đẹp đẽ, dịu dàng và sáng long lanh vì xúc động nhìn lên trời - rằng vương triều của ta sẽ không còn được trị vì trên ngai vàng của các tiên đế nữa, thì sau khi đã tận dụng các phương tiện mà ta có thể sử dụng được, ta sẽ để cho râu mọc dài đến đây (nhà vua giơ tay chỉ ngang ngực) và ta sẽ đi ăn khoai với người dân cày bần cùng nhất của ta, còn hơn là ký kết thừa nhận nỗi ô nhục của tổ quốc và dân tộc yêu quý mà ta biết quý trọng những hy sinh của nó… - Nói xong mấy câu này với một giọng cảm động, nhà vua bỗng quay mặt đi, như để cho Misô khỏi trông thấy những giọt nước mắt đang trào lên mi, và bỏ đi về phía cuối phòng. Sau khi đứng yên ở đấy một lát, ngài lại bước những bước dài trở về phía Misô và xiết cánh tay ông ta ở phía dưới khuỷu một chút trong một cử chỉ hùng tráng. Khuôn mặt đẹp đẽ dịu dàng của nhà vua ửng đỏ lên, và trong đôi mắt ngài sáng long lanh ánh lửa của chí cương quyết và lòng căm phẫn.
   
- Đại tá Misô ạ, ông đừng quên những điều mà tôi nói với ông ngày hôm nay, ở nơi này, có lẽ rồi một ngày kia chúng ta sẽ nhớ lại và lấy làm thú vị… Napoléon hay là ta, - nhà vua đưa tay để lên ngực nói - Hai người không thể cùng trị vì được nữa. Ta đã có dịp hiểu rõ Napoléon, y sẽ không lừa ta được nữa đâu…- và nhà vua cau mày im lặng. Nghe mấy lời này và trông thấy vẻ quả quyết kiên cường trong ánh mắt của nhà vua, Misô - tuy người lú ngoại quốc nhưng lòng dạ lại là Nga - trong giây phút long trọng này cảm thấy mình nức lòng phấn khởi nước tất cả những điều vừa được nghe (về sau ông ta có nói như vậy), và đã biểu đạt ra bằng những lời sau đây những tình cảm của mình cũng như của nhân dân Nga mà ông ta tự xem là người đại diện toàn quyền.
   
- Tâu hoàng thượng, - Misô nói, - Trong lúc này hoàng thượng đang ký kết sự vinh quang của dân tộc và cứu vớt cho toàn thể châu Âu!

Nhà vua từ giã Misô bằng một cái gật đầu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:58:27 pm
Phần XII
Chương -4 - 5

Trong khi nước Nga đã bị chiếm mất một nửa, dân cư Moskva đã đi lánh nạn về những tỉnh xa, và các đoàn dân binh lần lượt đứng lên bảo vệ tổ quốc, thì chúng ta, những người không sống vào thời kỳ bấy giờ, không khỏi hình dung rằng tất cả những người Nga, từ bé đến lớn, đều chỉ một lòng muốn hy sinh thân mình, cứu nguy cho tổ quốc hay khóc thương trước hoạ diệt vong của đất nước.
   
Những truyện ký, những bài văn miêu tả thời đấy giờ đều nhất thiết nói đến sự hy sinh quên mình, đến tình yêu tổ quốc, đến sự tuyệt vọng, nỗi đau buồn và lòng dũng cảm của người Nga, song thực tế không phải như vậy. Chẳng qua ta chỉ có cảm tưởng như vậy thôi, bởi vì khi nhìn về quá khứ ta chỉ thấy cái lợi ích chung về lịch sử của thời đại, ta không thấy được tất cả những quyền lợi cá nhân, có tính chất người, của những người thời bấy giờ. Thế nhưng trong thực tế thì những quyền lợi cá nhân ấy quan trọng hơn những lợi ích chung, đến nỗi thường lấn át và thậm chí còn che lấp hẳn những lợi ích chung nữa là khác. Phần đông những người thời ấy đều không hề chú ý đến quá trình diễn biến đại thể của sự việc, mà chỉ hành động theo những quyền lợi và những suy tính thiết thân đối với cá nhân họ trong hiện tại. Và chính những người đó là những con người hữu ích nhất của thời đại bấy giờ.
   
Còn những người cố hiểu quá trình diễn biến chung của tình hình và muốn tham gia vào đấy một cách anh dũng và hy sinh cái gì họ cũng hiểu sai lệch đi, và tất cả những việc đó để đem lại lợi ích cho tổ quốc đều chỉ là những trò nhảm nhí vô bổ, như các trung đoàn dân binh của Piotr, của Mamonov, chỉ giỏi đi cướp phá các làng mạc Nga, hay như những mớ vải xô để buộc vết thương của các tiểu thư làm, chẳng bao giờ đến tay thương binh, v.v… ngay cả những người thích lý sự và bày tỏ tình cảm của mình, trong khi bàn bạc về tình hình hiện nay tại các nước Nga, bất giác cũng có những lời lẽ vờ vĩnh và dối trá, hoặc những lời phê phán hằn học vô bổ dối với những người khác, gán cho họ những tội mà không ai có thể là thủ phạm. Qua các biến cố lịch sử có thể thấy rõ hơn cả tại sao lại có lệnh cấm quả cây trí thức(1). Chỉ có một hoạt động bất tự giác mới có thể mang lại kết quả, và con người đóng một vai trò nào đó trong một biến cố lịch sử không bao giờ hiểu ý nghĩa của biến cố đó. Nếu con người đó cố tìm cách hiểu thì hoạt động của hắn sẽ không đem lại kết quả gì hết.

Về các biến cố đang diễn ra lúc bấy giờ ở Nga thì con người càng tham gia tnrc tiếp vào đấy càng khó thấy rõ ý nghĩa của nó. Ở Petersburg và ở các nơi tỉnh xa Moskva, các phu nhân và các ông lớn mặc quân phục dân binh thương khóc nước Nga, thương khóc thủ đô và luôn luôn nói đèn sự hy sinh quên mình v.v… nhưng trong quân đội bấy giờ vừa rút về phía nam Moskva người ta hầu như không nói gì và không nghĩ gì đến Moskva cả, và khi nhìn ánh lửa cháy nhà, không ai thề thốt trả thù quân Pháp, người ta chỉ nghĩ đến số tiền lương sắp được lĩnh quý sau, đến địa điểm trú ngụ sắp tới, cô bán hàng rong Matrioska v.v.
       
Nikolai Roxtov, chẳng vì mục đích hy sinh quên mình nào cả, mà chỉ vì tình cờ chiến tranh xảy ra trong khi chàng đang tại ngũ, đã trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ tổ quốc trong một thời gian dài, và vì vậy, đã nhìn nhận những sự việc diễn ra ở đất Nga thời bấy giờ một cách bình tĩnh, không tuyệt vọng, không có những suy diễn bi quan. Giá có ai hỏi chàng nghĩ gì về tình hình hiện nay của nước Nga thì chàng sẽ nói rằng mình chẳng việc gì phải nghĩ đến cả đã có Kutuzov và nhiều người khác làm việc đó; còn các trung đoàn, chắc là sẽ còn đánh nhau lâu, và trong tình hình hiện nay rất có thể chỉ vài năm nữa chàng sẽ được nhận chỉ huy một trung đoàn.
     
Vì chàng nhìn nhận sự việc như vậy, nên khi được tin phải đi Voronez làm công tác bổ sung số ngựa cho trung đoàn, không những chàng không thấy buồn bực vì không được tham gia vào cuộc chiến đấu quyết liệt, mà chàng lấy làm thích thú vô cùng, điều đó chàng cũng không giấu giếm, và các bạn đồng ngũ của chàng hiểu rõ tâm trạng này.
   
Trước trận Borodino ít hôm, Nikolai nhận được tiền bạc, giấy tờ và sau khi phái một người lính kỵ binh đi trước chàng lên xe trạm đi Voronez.
     
Chỉ có người nào đã từng trải qua cảnh ngộ đó, nghĩa là sống mấy tháng liền trong bầu không khí nhà binh, trong sinh hoạt chiến đấu mới có thể hiểu được cái khoái cảm mà Nikolai thể nghiệm khi chàng ra khỏi khu vực quân đội thường lui tới để lấy cỏ cho ngựa, kiếm lương thực và lập bệnh xá, khị chàng trông thấy những làng mạc không có lính, không có xe tải nhà binh, không có những dấu vết bẩn thỉu của một doanh trại đóng gần đâu đấy, những làng mạc với những bác mu-gich, những cô gái quê, những toà nhà của trang chủ, những cánh đồng lác đác những súc vật đang ăn cỏ, những ngôi trạm với những bác coi trạm đang ngủ gật, chàng thấy lòng phơi phới tưởng như lần đầu tiên được trông thấy những thứ này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 07:59:05 pm
Và đặc biệt, điều làm cho chàng ngạc nhiên và vui mừng mãi là được gặp những người đàn bà, trẻ trung, khoẻ mạnh, và mỗi người như vậy lại không bị hàng chục sĩ quan đi theo ve vãn, và đều lấy làm mừng và hãnh diện khi thấy người sĩ quan qua đường đùa cợt với họ.
   
Trong một tâm trạng cao hứng tột độ Nikolai đến Voronez vào ban đêm, chàng tới khách sạn gọi tất cả những món ăn mà trong quân đội đã lâu chàng phải nhịn, và hôm sau, râu cạo nhẵn thín, mình mặc một bộ đại quân phục duyệt binh đã từ lâu không mặc tới chàng đến trình diện các cấp chỉ huy sở tại.
   
Viên thủ trưởng dân binh là một viên quan văn đã già; ông ta có vẻ thích thú với các chức vị và cấp bậc của mình lắm. Ông ta tiếp Nikolai một cách cáu kỉnh (vì cho đó là tác phong nhà binh) và hỏi chuyện chàng một cách quan trọng, vừa hỏi vừa bàn luận về tình hình của chiến sự, khi thì tỏ ra ý tán thành, khi thì tỏ ý phàn nàn, làm như mình có quyền phê phán những việc đó. Nikolai đang vui cho nên những điều đó chàng chỉ thấy ngộ nghĩnh mà thôi.
   
Sau khi gặp viên thủ trưởng dân binh, chàng đến tìm viên tổng đốc. Viên tổng đốc là một người nhỏ nhắn, linh lợi, rất niềm nở và xuề xoà. Ông ta thích cho Nikolai biết những trại có thể đến tìm ngựa, giới thiệu cho chàng một anh lái ngựa trong thành phố và một trang chủ ở cách thị xã hai mươi dặm, có những con ngựa tốt nhất vùng, và hứa sẽ hết sức giúp đỡ chàng.

- Ông là con trai bá tước Ilya Andreyevich phải không? Ngày trước nhà tôi chơi thân với bà cụ thân sinh ông lắm đấy. Thứ năm nào nhà tôi cũng tiếp khách; hôm nay là thứ năm, mời ông cứ đến chơi tự nhiên nhé, - viên tổng đốc nói khi chàng cáo từ ra về.
   
Ở nhà viên tổng đốc ra, Nikolai thuê ngay một cỗ xe trạm vào cùng viên tào trưởng đến trại người trang chủ cách thị xã hai mươi dặm. Trong thời gian mới đến Voronez, Nikolai thấy việc gì cũng dễ dàng và vui vẻ, và khi người ta đang ở trong một tậm trạng như vậy thì làm việc gì cũng hường có kết quả mỹ mãn.
 
Người trang chủ mà Nikolai đến gặp là một viên sĩ quan kỵ binh già sống độc thân, một tay chơi ngựa rất sành, thích săn bắn. Ông ta có một hầm rượu hồ tiêu để lâu hàng trăm năm, có rượu vang Hungary và những con ngựa rất hay.
   
Hai bên chỉ trao đổi qua vài câu là Nikolai đã bằng lòng mua ngay mười bảy con ngựa đực ưu tú (như chàng nói) với giá sáu nghìn rúp, để cung cấp cho đơn vị. Sau khi ăn bữa chiều và uống khá nhiều rượu Hung, Roxtov ôm hôn ông chủ nhà (hai người đã gọi nhau bằng "cậu") rồi lên đường về thị xã, trong lòng cao hứng đến tột độ, luôn mồm thúc giục người xà ích cho ngựa phi thật nhanh để kịp về dự tối tiếp tân ở nhà quan tổng đốc.
   
Sau khi thay quần áo, xức nước hoa và gội đầu bằng nước lạnh, Nikolai đến nhà quan tổng đốc. Chàng đến hơi muộn, nhưng đã sắp sẵn một câu "Thà muộn còn hơn không" để tự bào chữa.
Đây không phải là một vũ hội, và chẳng có ai nói rằng tối hôm nay sẽ có khiêu vũ; nhưng mọi người đều biết rằng Katerina Petrovna sẽ chơi những bài Valse và những điệu nhảy Scotland trên đàn dương cầm, và người ta sẽ khiêu vũ, cho nên mọi người đều phục sức như khi đi dự hội.
     
Cuộc sống ở tỉnh nhỏ vào năm một ngàn tám trăm mười hai cũng giống như mọi năm khác, chỉ khác một điều là không khí trong thị xã nhộn nhịp hơn vì có nhiều gia đình giàu có ở Moskva mới về, và cũng như trong tất cả nước việc diễn ra ở nước Nga lúc bấy giờ, có thể nhận thấy một cái gì vô tư lự, phóng túng đặc biệt, và ngoài ra, những câu chuyện gẫu rất cần trong khi giao thiệp và trước kia vẫn nói về thời tiết và những người quen chung, thì nay lại nói về Moskva, về quân đội và Napoléon.
     
Đám tân khách tụ tập ở nhà viên tổng đốc là những người thượng lưu vào bậc nhất ở Voronez. Số phụ nữ rất nhiều, trong đó có mấy người quen cũ của Nikolai ở Moskva, nhưng trong đám nam giới thì không ai có thể kình địch phần nào với chàng sĩ quan phiêu kỵ đeo huân chương Georges, đồng thời lại là bá tước Roxtov, hồn nhiên và phong nhã.
     
Trong số tân khách nam giới có một người tù binh Ý - vốn là sĩ quan của quân đội Pháp, và Nikolai cảm thấy sự có mặt của người tù binh này lại càng đề cao phẩm giá một trang anh hùng Nga như chàng. Người đó dường như là một chiến lợi phẩm. Nikolai thấy như vậy, và chàng có cảm tưởng mọi người cũng nhìn người Ý ấy với quan niệm như vậy, cho nên đối với hắn chàng tỏ ra hoà nhã một cách nghiêm trang và dè đặt.
   
Khi Nikolai vừa bước vào, mình mặc quân phục phiêu kỵ, sực nức mùi nước hoa và rượu vang, mấy lần nói lại và được nghe lại câu "Thà muộn còn hơn không", thì mọi người đều vây lấy chàng; bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào chàng, và chàng cảm thấy ngay rằng mình đã trở về với địa vị của con người được mọi người quý mến, địa vị chính đáng của chàng ở tỉnh nhỏ, địa vị mà xưa nay chàng vẫn thích, nhưng bây giờ, sau một thời gian dài sống thiếu thốn, lại càng khiến chàng say sưa ngây ngất. Không những ở các trạm xe, ở các quán trọ, ở phòng khách của người chủ bán ngựa, các cô hầu gái đều lấy làm thích thú được chàng để ý đến, mà ngay ở đây trong buổi tối dạ hội của viên tổng đốc, cũng có vô số những phu nhân còn trẻ và những tiểu thư xinh đẹp (chàng có cảm tưởng như vậy) đang nóng lòng chỉ mong sao Nikolai để ý đến họ. Các phu nhân và các tiểu thư làm duyên làm dáng với chàng, và ngay từ đầu các ông già bà già đã nghĩ ngay đến chuyện kiếm vợ cho cái anh chàng phiêu kỵ bảnh trai và tinh nghịch này để cho anh ta trở nên chí thú. Trong số những người ấy có cả bà tổng đốc: bà ta tiếp chàng như một người bà con gần, gọi chàng là "Nikolai", là "cậu".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:00:01 pm
Katerina Petrovna quả nhiên bắt đầu chơi những điệu Valse và những điệu vũ Scotland, và cuộc khiêu vũ khai mạc Nikolai nhảy rất cừ, và lại càng làm cho đám tân khách tỉnh nhỏ này say mê hơn nữa. Thậm chí chàng còn làm cho mọi người phải kinh ngạc vì cái phong cách phóng túng đặc biệt của chàng trong khi khiêu vũ.

Chính Nikolai cũng hơi lấy làm lạ về cách khiêu vũ của mình tối hôm ấy. Trước kia ở Moskva chàng không bao giờ nhảy quá phóng túng như thế và thậm chí còn cho rằng lối nhảy quá phóng túng ấy là không đớng đắn, là phong cách kéml, nhưng ở đây chàng thấy cần phải có một cái gì khác thường để cho họ ngạc nhiên, một cái gì mà chắc họ phải tưởng là thông thường ở hai thủ đô, nhơng vì ở tỉnh nhỏ nên họ chưa biết.
   
Suốt buổi tối hôm ấy Nikolai để ý hơn cả đến một thiếu phụ tóc vàng, người đầy đặn, mắt màu thanh thiên, trông rất dễ thương. Đó là vợ của một viên chức trong tỉnh. Với cái lòng tin tưởng ngây thơ của những người trẻ tuổi đang cao hứng cho rằng vợ mình sinh ra để mua vui cho mình, Roxtov cứ bám riết lấy người thiếu phụ và nói năng với người chồng một cách thân mật như chỗ bạn bè hay thậm chí gần như một người đồng loã: chàng làm như thể chàng và ông chồng ấy… Tuy không nói ra lời nào nhưng cả hai đều biết rằng họ (tức là Nikolai và vợ ông ta) rất hợp ý nhau. Song ông chồng hình như không đồng tình với những ý nghĩ đó, và có vẻ hậm hực khi nói chuyện với Roxtov. Nhưng thái độ của Nikolai ngây thơ, thật thà đến nỗi ông chồng cũng bất giác nhiễm cái tâm trạng vui vẻ của chàng. Nhưng về cuối buổi dạ hội, mặt người vợ càng ửng đỏ và càng hồ hởi, thì mặt người chồng lại càng đạo mạo và buồn rầu, tưởng chừng như cả hai vợ chồng chỉ có chung một liều lượng vui vẻ nhất định cho nên vợ càng vui lên thì chồng lại càng kém vui đi.

=================================================================

Chú thích:

(1) Theo truyền thuyết thánh kinh, khi hai con người đầu tiên là Adame và Eva đang ở vườn Eden (thiên đường trần gian) thượng đế cấm họ ăn quả tri thức. Chính vì vi phạm lệnh cấm này mà loài người bị thượng đế đày đoạ (Cựu ước)


5.

Nikolai, một nụ cười bất tuyệt luôn nở trên môi, ngồi trên ghế bành nghiêng mình sát người thiếu phụ tóc vàng và nói với nàng những lời tán dương như trong thần thoại.
   
Hai chân bó sát trong ống quần đi ngựa luôn luôn đổi tư thế với những động tác nhanh nhẹn thoải mái, khắp người sực nức mùi nước hoa, Nikolai thích thú đưa mắt ngắm người bạn gái ngắm mình, ngắm hình dáng đẹp đẽ của đôi chân mình bó sát trong đôi quần nẹp da. Chàng nói với thiếu phụ tóc vàng ở chốn Voronez này chàng đang có ý muốn bắt cóc một thiếu phụ.

- Người nào thế?

- Một mỹ nhân tuyệt thế, đẹp như một nữ thần. Mắt nàng (Nikolai nhìn vào thiếu phụ) màu thanh thiên, môi nàng tựa san hô, nước da nàng trắng nõn - Chàng nhìn lên vai nàng - dáng vóc của nàng chẳng khác Diana.
   
Ông chồng lại gần chàng và hầm hầm hỏi vợ đang nói chuyện gì.

- À ông Nikita Ivanyts, - Nikolai vừa nói vừa lễ phép đứng dậy.
   
Và dường như muốn cho Nikolai Ivanyts cũng tham dự vào những chuyện đùa của mình, chàng bắt đầu kể cho ông ta rõ mình có ý định bắt cóc một cô gái tóc vàng.
   
Người chồng mỉm cười khó chịu, người vợ mỉm cười rất vui vẻ.
   
Bà tổng đốc tốt bụng, vẻ như có ý quở trách, lại gần chàng.
     
Bà Anna Ingatieva muốn gặp cậu đấy, cậu Nikolai ạ, - Bà nói mấy chữ Anna Ingatieva với một giọng đặc biệt khiến cho Nikolai hiểu ngay rằng bà Anna Ingatieva là một mệnh phụ rất oai vệ - Ta đi đi Nikolai, cậu cho phép tôi gọi cậu như thế chứ?

- Ồ thưa bác, được chứ! Ai thế ạ?

- Bà Anna Ingatieva Malvintxeva. Bà đã được nghe cô cháu gái nói chuyện về cậu: cậu đã cứu cô ta. Cậu đoán ra rồi chứ?

- Cháu cứu khối người ra chứ có phải riêng ai! - Nikolai nói.

- Cháu gái của phu nhân là công tước tiểu thư Bolkonxkaya. Tiểu thư hiện đang ở đây với bà dì. A ha, đỏ mặt kìa! Sao, hay là…

- Hoàn toàn không phải thế. Cháu xin bác…

- Thôi được, thôi được. Chà cái cậu này!
     
Tổng đốc phu nhân dẫn chàng đến trước một bà già cao lớn đẫy đà mũ chịt đầu màu xanh nhạt, bấy giờ vừa đánh xong ván bài với nhân vật quan trọng nhất thành phố. Đó là bà Malvintxeva, dì của công tước tiểu thư Maria, một bà quả phụ giàu không có con, bao giờ cũng ở Voronez. Bà ta đang chung tiền thua bạc khi Roxtov đến.
   
Bà ta nheo nheo cặp mắt một cách nghiêm khắc và oai vệ, nhìn chàng rồi tiếp tục càu nhàu với vị tướng vừa được bạc bà ta.

- Rất sung sướng được gặp cậu, - Bà chìa bàn tay ra nói. - Mời cậu đến chơi nhà tôi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:00:50 pm
Sau khi nói dăm câu về công tước tiểu thư Maria và người cha quá cố của nàng, mà hình như bà ta cũng chẳng ưa gì, và hỏi Nikolai xem có biết tin gì về công tước Andrey mà hình như và ta cũng chẳng có cảm tình gì cho lắm, bà già oai vệ nhắc lại lời mời Roxtov đến nhà chơi, đoạn cho chàng cáo lui.
     
Nikolai hứa sẽ đến, rồi lại đỏ mặt khi cúi đầu chào bà Malvintxeva. Khi nhắc đến công tước tiểu thư Maria, Roxtov có cái cảm giác e thẹn, thậm chí sợ hãi nữa, mà chàng không sao hiểu được.
   
Sau khi cáo từ bà Malvintxeva, Roxtov định trở ra khiêu vũ nhưng bà tổng đốc thấp bé đặt bàn tay múp míp của bà ta lên ống tay áo Nikolai bảo rằng mình cần nói chuyện với chàng đoạn dẫn chàng vào phòng đi-văng. Những người đang ngồi trong phòng lập tức đứng dậy ra ngoài để khỏi làm phiền tổng đốc phu nhân.

- Anh bạn ạ, - tổng đốc nói, khuôn mặt nhỏ và hiền nghiêm trang hẳn lên - đây chính là một đám rất tốt cho anh đấy; anh có muốn bác làm mối cho không?

- Làm mối với ai ạ, thưa bác? - Nikolai hỏi.

- Với công tước tiểu thư ấy. Katerina Petrovna bảo là nên làm mối cô Lily, nhưng bác thì không ưng, - công tước tiểu thư kia mới được. Anh có thích không? Bác chắc mẹ anh sẽ cảm ơn bác thật nhiều đấy, tiểu thư thật là một người con gái đáng yêu tuyệt trần! Và thật ra cũng không đến nỗi xấu.

- Không xấu tí nào! - Nikolai nói như có ý giận, - Bác ạ, cháu là một quân nhân, nên không bao giờ đỏi hỏi mà cũng chẳng từ khước điều gì, - Roxtov nói mà chưa kịp nghĩ xem mình cần nói gì.

- Thế thì nhớ đấy: không phải chuyện đùa đâu nhé.

- Đùa thế nào được ạ.

- Phải, phải, - tổng đốc phu nhân nói như thể nói một mình. À nhân thể nói với anh bạn điều này nhé. Anh theo cô kia riết quá đấy, cô tóc vàng ấy Trông ông chồng đến thảm, thật đấy.

- Ồ không, ông ta với cháu rất quý nhau, - Nikolai thật thà nói, chàng không hề thoáng có ý nghĩ rằng một cách tiêu khiển vui như thế mà lại có thể làm cho một người nào phiền lòng.

Nhưng ta nói nhảm những gì với bà tổng đốc thế nhỉ! - Trong bữa ăn khuya Nikolai bỗng sực nhớ lại. - Thế nào bà ta cũng đi làm mối. Thế còn Sonya? Và đến lúc từ biệt bà tổng đốc, khi bà ta nói với chàng: "Thôi anh nhớ đấy nhé", - thì chàng nói riêng với bà:

- Thế này bác ạ, cháu phải nói thật với bác là…

- Sao, chuyện gì thế anh bạn; ta lại đây ngồi.

Nikolai bỗng cảm thấy muốn và cần phải nói rõ tất cả những ý nghĩ thầm kín của mình ra (những ý nghĩ mà giá với mẹ với em hay với bạn chàng, chàng không cần nói) cho người đàn bà gần như không quen biết này rõ. Về sau, một sự cởi mở vô cớ, khó hiểu, nhưng đã có những hậu quả rất quan trọng đối với chàng, Nikolai (cũng như bất cứ ai trong những trường hợp như vậy) có cảm tưởng đó chỉ là một hành động ngốc nghếch bất thường, nhưng thật ra phút cởi mở đó, cùng với sự việc nhỏ nhặt khác, đã có người hậu quả hết sức quan trọng đối với chàng và cả gia đình chàng.

- Thế này bác ạ. Đã từ lâu mẹ cháu muốn cưới cho cháu một cô vợ giàu, nhưng nghĩ đến chuyện lấy vợ vì tiền, cháu thấy khó chịu quá.

- Ồ phải rồi; bác hiểu lắm, - bà tổng đốc nói.

Nhưng công tước tiểu thư Bolkonxkaya thì lại là việc khác; trước hết, cháu xin nói thật với bác rằng cháu cũng thích cô ấy lắm, cô ấy rất hợp ý cháu, với lại lần cháu gặp cô ta trong những hoàn cảnh kỳ lạ như vậy, cháu thường có ý nghĩ rằng đây là số mệnh.
   
Bác thử nghĩ mà xem: mẹ cháu đã nghĩ về việc này từ lâu, không hiểu vì sao. Và hồi ấy, khi em gái cháu còn là vị hôn thê của anh cô ta, dĩ nhiên cháu không thể tình chuyện lấy cô ta được. Không biết số phận run rủi thế nào mà cháu gặp cô ta đúng vào lúc việc hôn nhân của Natasa đã tan vỡ, thế rồi tất cả những chuỵện kia. Phải, thế đấy bác ạ. Cháu chưa hề nói và sẽ không nói gì về chuyện này. Cháu chỉ xin nói với bác thôi.

Bà tổng đốc xiết khuỷu tay chàng tỏ ý cảm ơn.

Bác có biết Sofia em họ cháu không? Cháu yêu cô ấy, cháu đã hứa lấy và sẽ lấy cô ấy. Cho nên, bác thấy không, không thể nào nói đến chuyện này được, - Nikolai đỏ mặt lên, nói ấp úng.

- Anh bạn ơi, anh bạn ơi! - Anh nói gì lạ vậy? Sofia không có gì cả, mà chính anh đã nói rằng công việc nhà cửa của ba anh rất khó khăn kia mà. Còn mẹ anh thì sao? Mẹ anh đến chết vì chuyện này mất, thế là một. Sau nữa nếu Sofia là một người con gái có tình, thì đời cô ta sẽ ra sao? Mẹ thì phiền muộn, cửa nhà thì khánh kiệt không, anh bạn ạ, anh với Sofia phải hiểu điều đó chứ.
     
Nikolai lặng thinh. Chàng thấy dễ chịu khi nghe lời biện luận này.

- Sao, bác ạ, việc đó cũng không thể được, chàng thở dài nói sau một lát im lặng, - mà liệu công tước tiểu thư có thuận lấy cháu không? Vả lại hiện nay tiểu thư đang có tang. Làm sao có thể nghĩ đến chuyện ấy được?

- Chả nhẽ anh tưởng tôi định bắt anh cưới ngay bây giờ hay sao? Làm gì cũng phải có khoảng cách chứ? - bà tổng đốc nói.

- Bác thật là một bà mối giỏi, bác ạ… - Nikolai vừa nói vừa hôn tay mũm mĩm của bà.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:01:29 pm
Phần XII
Chương -6 -7

Đến Moskva sau lần gặp Roxtov, công tước tiểu thư Maria gặp đứa cháu trai cùng với ông gia sư và bắt được bức thư của công tước Andrey dặn nàng đến Voronez tìm dì Malvintxeva. Những nỗi lo âu về việc di chuyển, về bệnh trạng của anh, những công việc xếp đặt cho cuộc sống ở nhà mới, những nhân vật mới quen, việc dạy dỗ cho cháu - Tất cả những cái đó đã lấn át cái cảm giác hầu như cám dỗ đã từng giày vò nàng trong thời gian cha nàng lâm bệnh, sau khi cha nàng qua đời và nhất là sau cuộc gặp gỡ với Roxtov. Nàng buồn lắm. Trong tâm hồn nàng, cái chết của cha nàng thêm vào hoàn cảnh điêu vong của nước Nga gây nên một ấn tượng đau đớn, ấn tượng đó càng ngày càng da diết thêm. Lòng nàng bồn chồn lo lắng: nghĩ đến những nguy cơ đang đe doạ anh nàng, người thân duy nhất còn lại, nàng không giây phút nào khỏi bứt rứt. Nàng luôn lo việc dạy dỗ đứa cháu trai, một công việc mà nàng vẫn cảm thấy mình không đủ sức làm; nhưng trong thâm tâm nàng đã có sự thoả thuận với bản thân khi nghĩ rằng mình đã trấn áp được những mơ ước và hy vọng cá nhân đã chớm nở khi Roxtov xuất hiện.
     
Sau buổi tiếp tân ở nhà mình một hôm, bà tổng đốc đến nhà bà Malkintxeva và nói chuyện với bà dì về những dự định của mình (và có nói thêm rằng tuy trong hoàn cảnh hiện nay chưa thể nghĩ đến việc mối mai chính thức, nhưng vẫn có thể tìm cách cho hai trẻ gặp nhau và tìm hiểu cho rõ), và sau khi được bà dì tán đồng, bà tổng đốc chọn lúc có cả tiểu thư Maria ngồi đấy để khơi chuyện nói về Roxtov, khen ngợi chàng và kể lại rằng chàng đã đỏ mặt khi nghe nhắc đến công tước tiểu thư. Nghe bà ta nói, công tước tiểu thư Maria không thấy vui, mà lại có một cảm giác đau xót. Sự thoả thuận nội tâm của nàng không còn nữa, và trong lòng nàng lại dấy lên những nỗi ước mong, những mối nghi ngờ, những lời trách móc và những niềm hy vọng.
   
Trong khoảng hai hôm kể từ khi nhận được tin này cho tới khi Roxtov đến thăm, tiểu thư Maria không ngừng suy nghĩ không biết nên cư xử với Roxtov ra sao. Khi thì nàng quyết định rằng lúc chàng đến gặp bà bác mình sẽ không ra phòng khách, rằng trong khi có tang mà lại ra tiếp khách là một điều thất nghi, khi thì nàng nghĩ rằng, dối với một người đã cứu mình mà lại tránh mặt người ta là vô lễ; khi thì nàng lại nghĩ rằng dì nàng và bà tổng đốc đang cố ý nhăm nhe gì cho nàng và Roxtov (những cái nhìn và những lời lẽ của họ đôi khi hình như cũng xác nhận điều phỏng đoán này); khi thì nàng tự nhủ rằng chỉ vì tâm địa nàng bất chính nên mới gán cho họ những ý định đó: Họ không thể không nhớ rằng trong tình cảnh của nàng, khi nàng hãy còn mặc áo đại tang - thì mai mối như vậy là xúc phạm đến nàng và hương hồn cha nàng. Những lúc giả thiết rằng mình sẽ ra gặp chàng, công tước tiểu thư Maria tưởng tượng những lời chàng sẽ nói với nàng và những lời nàng sẽ nói với chàng; và khi thì nàng thấy những lời đó quá lạnh nhạt, khi thì lại thấy những lời đó có một ý nghĩ quá rõ rệt. Điều mà nàng sợ nhất là nàng biết chắc rằng hễ trông thấy Roxtov là nàng sẽ luống cuống và để lộ những cảm nghĩ thầm của mình.
     
Nhưng hôm chủ nhật ấy, sau buổi xem lễ, khi người nô bộc vào phòng khách báo là có bá tước Roxtov đến, công tước tiểu thư không lộ vẻ gì luống cuống; má nàng chỉ hơi ửng hồng và mắt nàng bừng lên một ánh sáng mới mẻ, xán lạn.

- Dì đã gặp ông ấy chưa, thưa dì? - Công tước tiểu thư Maria nói, và chính nàng cũng không biết làm sao bề ngoài mình lại có thể bình thản và tự nhiên như vậy.
       
Khi Roxtov bước vào phòng, công tước tiểu thư cúi đầu một lát như để cho khách có đủ thì giờ chào hỏi mọi bà dì, và sau đó, ngay khi Roxtov quay sang phía nàng, nàng ngẩng đầu lên và đưa đôi mắt trong sáng nhìn vào mắt chàng. Với một động tác chững chạc và uyển chuyển, nàng đứng dậy mỉm cười vui vẻ, đưa bàn tay mảnh dẻ và mềm mại ra cho chàng và trong giọng nói của nàng lần đầu tiên đã vang lên một âm điệu thâm trầm của người đàn bà. Cô Burien bấy giờ cũng đang ở trong phòng khách, kinh ngạc và ngỡ ngàng nhìn nữ công tước Maria. Tuy vốn là người lơ trai lọc lõi, cô ta cũng không thể nào khéo léo hơn nàng khi muốn làm xiêu lòng một người mới gặp.
   
"Không biết vì màu đen của tang phục hợp với nước da tiểu thư đến thế, hay vì tiểu thư dạo này đẹp ra mà mình không để ý. Và cái chính là dáng điệu của tiểu thư thật là tế nhị và yểu điệu!". -     cô Burien nghĩ.
Giả sử công tước tiểu thư Maria có đủ sức để suy nghĩ trong giây lát này, thì nàng sẽ còn ngạc nhiên về sự thay đổi đang diễn ra trong người nàng hơn cả cô Burien nữa. Từ cái phút nàng trông thấy khuôn mặt đáng yêu mà nàng yêu dấu ấy, một thứ sinh lực mới đã trào vào người nàng và buộc nàng phải nói, phải hành động vượt ra ngoài ý muốn của nàng. Từ khi Roxtov bước vào, gương mặt nàng chợt thay đổi hẳn. Khi thắp ngọn nến lên trong một chiếc đèn lồng, những nét chạm trổ tinh vi và trang hoàng mỹ thuật trước kia tưởng chừng thô sơ, tối tăm và vô nghĩa bỗng hiện lên lồng đèn với một vẻ đẹp lộng lẫy đến bất ngờ; gương mặt của công tước tiểu thư Maria cũng biến đổi như vậy; lần đầu tiên cuộc sống nội tâm thuần khiết của Maria từ trước đến nay bỗng lộ ra ngoài. Tất cả cái hoạt động tinh thần trước đây làm cho nàng luôn bất mãn với bản thân, những nỗi thơng khổ, ý muốn vươn lên cõi chí thiện, lòng thuận thảo, nhân ái. quên mình - tất cả những cái đó sáng bừng lên trong đôi mắt long lanh, trong nụ cười tế nhị, trong mỗi đường nét dịu dàng trên khuôn mặt nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:02:04 pm
Roxtov trông thấy tất cả những điều đó một cách rõ ràng tưởng chừng như chàng đã biết rõ tất cả cuộc đời nàng. Chàng cảm thấy con người đang đứng trước mặt mình là một con người khác hẳn, tốt hơn nhiều so với tất cả những người chàng đã từng gặp trước đây và nhất là hơn cả bản thân chàng.
       
Câu chuyện giữa hai người hết sức đơn giản và bình thường. Họ nói đến chiến tranh, và cũng bất giác phóng đại như mọi người khác nỗi buồn của mình khi nghĩ đến biến cố này, họ nói đến cuộc gặp gỡ vừa rồi, và Nikolai cố lái câu chuyện sang hướng khác; họ nói đến bà tổng đốc tốt bụng, đến những người thân của Nikolai và công tước tiểu thư Maria. Công tước tiểu thư Maria không nhắc đến anh. Dì nàng vừa nói đến công tước Andrey thì nàng đã lái câu chuyện sang hướng khác.
   
Có thể thấy rõ rằng về cơn hoạn nạn của nước Nga thì nàng còn có thể nói một cách vờ vĩnh được, chứ anh nàng là một đối tượng quá thân thiết đối với nàng, cho nên nàng không muốn và không thể nói đến chàng một cách hời hợt như vậy. Nikolai nhận thấy thế, và nói chung hôm ấy, trái với thường lệ, chàng tự dưng có được một năng lực quan sát sắc sảo cho phép chàng nhận thấy tất cả những sắc thái tinh vi trong nhân cách của công tước tiểu thư Maria. Tất cả những sắc thái ấy đều chỉ làm cho chàng tin chắc hơn nữa rằng nàng là một con người hoàn toàn đặc sắc và phi thường. Cũng đúng như công tước tiểu thư Maria, Nikolai đỏ mặt và luống cuống mỗi khi có ai nhắc đến nàng và ngay cả những khi nghĩ đến nàng nữa, nhưng trước mặl nàng thì chàng cảm thấy mình hoàn toàn thoải mái và nói năng khác hẳn những điều mà chàng đã chuẩn bị trước; chàng nói như những điều chợt hiện lên trong trí chàng ngay lúc ấy và bao giờ cũng hiện lên đúng lúc.
   
Trong một lát im lặng, Nikolai, cũng như người ta vẫn thường làm khi đến chơi một nhà có trẻ con, quay sang đứa con trai nhỏ của công tước Andrey cho đỡ lúng túng, vuốt ve và hỏi nó có muốn làm lính phiêu kỵ không. Chàng bế đứa bé lên, vui vẻ quay nó mấy vòng và đưa mắt nhìn công tước tiểu thư Maria. Đôi mắt nàng cảm động, sung sướng rụt rè nhìn theo đứa cháu trai cưng của nàng trên tay người đàn ông mà nàng yêu dấu. Nikolai nhận thấy cái nhìn này và dường như hiểu được ý nghĩ của nó, chàng đỏ mặt lên vì thích thú và hôn đứa bé một cách vui vẻ hồn hậu.
     
Vì đang có tang, công tước tiểu thư Maria không đi đâu cả, và Nikolai cũng thấy không nên lui tới nhà nàng; nhưng bà tổng đốc vẫn tlếp tục công việc mai mối, bà truyền đạt lại cho Nikolai rõ những lời lẽ của tiểu thư Maria khen ngợi chàng và ngược lại cũng nói với tiểu thư Maria những điều chàng nói về nàng, rồi khẩn khoản khuyên Nikolai ngỏ ý với công tước tiểu thư Maria. Để chàng có dịp ngỏ ý, bà dàn xếp một buổi gặp mặt ở nhà Đức Tổng giám mục trước buổi xem lễ.
   
Tuy Roxtov có nói với bà tổng đốc rằng chàng sẽ không ngỏ lời với công tước tiểu thư Maria, nhưng chàng cũng hứa là sẽ đến.
   
Nếu dạo ở Tilzit, Roxtov không cho phép mình nghi ngờ tự hỏi những điều mà mọi người đều thừa nhận là tốt có tốt thật không, thì bây giờ cũng vậy, sau một cuộc giằng co ngắn ngủi, nhưng thành thực giữa ý muốn thu xếp cuộc đời dúng như lý trí mình đòi hỏi và sự phục tùng hoàn cảnh, chàng đã chọn cách sau này và phó thác cho cái sức mạnh mà không sao cưỡng lại nổi mà chàng cảm thấy đang lôi cuốn chàng đến một nơi nào không rõ. Chàng biết rằng đã giao ước với Sonya mà lại còn bày tỏ tình cảm đối với tiểu thư Maria là làm một việc mà chàng vẫn gọi là ti tiện. Và chàng cũng biết (không những chàng biết, mà tự trong thâm tâm chàng cũng cảm thấy như vậy) rằng trong khi phó mình cho uy lực của hoàn cảnh và của những người hướng dẫn chàng, không những chàng không làm việc gì xấu xa, mà chàng lại còn làm một việc gì rất quan trọng, quan trọng hơn hết thảy mọi việc mà chàng đã từng làm trong đời.

Sau buổi gặp mặt công tước tiểu thư Maria: tuy bề ngoài nếp sống của chàng vẫn cứ như cũ, nhưng tất cả những thú vui trước kia của chàng đều mất hết thú vị. Chàng hay nghĩ đến công tước tiểu thư Maria, nhưng chàng không bao giờ nghĩ đến nàng như xưa nay chàng vẫn nghĩ đến tất cả các tiểu thư mà chàng đã gặp trong xã hội thượng lưu, không từ một ai, cũng không như chàng đã say sưa nghĩ đến Sonya trong một thời gian dài. Cũng như hầu hết những người thanh niên trung thực, mỗi khi nghĩ đến một vài người con gái nào chàng lại thử hình dung đó sẽ là vợ. Chàng và phác ra trong tưởng tượng tất cả những cảnh sống gia đình về sau: chiếc áo nội tấm trắng, người vợ ngồi bên ấm xamavar, lũ con nhỏ, mama và papa, cảnh sống mẹ con v.v… và những hình ảnh tương lai ấy làm cho chàng thích thú; nhưng khi chàng nghĩ đến công tước tiểu thư Maria, người mà họ làm mối cho chàng, chàng không lúc nào có thể hình dung được một nét gì trong cuộc sống vợ chồng sau này.

Dù chàng có cố hình dung chẳng nữa, thì cũng chỉ thấy được những hình ảnh rời rạc và ngang trái, khiến chàng thấy sợ hãi nhiều hơn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:02:46 pm
7.
     
Những tin tức khủng khiếp về trận Borodino, về những tổn thất, thương vong của quân ta, và cái tin khủng khiếp hơn nữa là Moskva đã thất thủ, được đưa đến Voronez vào trung tuần tháng chín. Công tước tiểu thư Maria chỉ biết tin anh bị thương qua các báo, ngoài ra chẳng được tin gì thêm nữa: nàng bèn sửa soạn lên đường đi tìm công tước Andrey. Nikolai nghe người ta nói lại như vậy, vì mấy lâu nay chàng không được gặp công tước tiểu thư. Được tin xảy ra trận Borodino và Moskva bị bỏ ngỏ, chàng nóng lòng phục thù, nhưng bỗng thấy chán và bực mình về cảnh sống ở Voronez, chàng cứ có một cảm giác ngượng nghịu và lúng túng thế nào ấy. Tất cả những chuyện trò mà chàng nghe thấy đều có vẻ vờ lĩnh; chàng không biết nên phán đoán như thế nào về tất cả những điều đó, và cảm thấy chỉ có ở trung đoàn mọi việc mới trở lại rõ ràng minh bạch như cũ. Chàng vội vã lo việc mua ngựa cho xong và thường hay cáu gắt người đầy tớ và người tào trưởng của chàng một cách vô lý.

Trước ngày Roxtov ra đi mấy hôm, ở nhà thờ có làm lê cầu nguyện tạ ơn Chúa nhân dịp Nga thắng trận. Nikolai đến xem lễ.
     
Chàng đứng ở phía sau ông tổng đốc một quãng, tư thế đĩnh đạc như đang làm một công vụ gì, tâm trí suy nghĩ lan man hết việc này đến việc nọ đến hết buổi lễ. Khi buổi lễ kết thúc; bà tổng đốc gọi chàng lại.

- Anh đã gặp công tước tiểu thư chưa? - bà nói, đoạn hất đầu chỉ một người đàn bà mặc áo đen đưng sau lễ đàn.
   
Nikolai lập tức nhận ra tiểu thư Maria, không phải vì chàng đã thoáng trông thấy những đường nét trông nghlêng của nàng dưới chiếc mũ, mà vì có một cảm giác trân trọng, sợ hãi và ái ngại lập tức tràn ngập lòng chàng. Công tước tiểu thư Maria, hẳn đang mái suy nghĩ miên man, làm dấu thánh giá vài lần cuối cùng trước khi ra khỏi nhà thờ.
   
Nikolai ngạc nhiên nhìn mặt nàng. Đó vẫn là khuôn mặt mà chàng đã tìm dạo trước, khuôn mặt ấy vẫn biểu hiện những đường nét tinh vi của hoạt động nội tâm, nhưng bây giờ nó hiện ra dưới một ánh sáng khác hẳn. Bây giờ trên khuôn mặt ấy có vẻ u buồn, cầu khẩn và hy vọng khiến người ta phải động lòng. Cũng như trước kia mỗi khi có nàng, Nikolai không đợi cho bà tổng đốc khuyên và cũng không tự hỏi xem ở đây, trong nhà thờ: mà đến hỏi thăm nàng thì có nên không, có đúng lễ nghi không, chàng đến bên nàng và nói rằng mình đã được nghe nàng có tin buồn và chàng chân thành chia sẻ nỗi buồn của nàng. Nàng vừa nghe giọng nói của chàng, thì một ánh sáng rực rỡ bỗng bừng lên gương mặt nàng, dọi sáng trong cùng một lúc nỗi buồn và niềm vui của nàng.

- Tôi chỉ xin nói với công tước tiểu thư một điều, - Roxtov nói, là giả sử công tước Andrey  Nikolaievich không còn nữa, người ta đã công bố tin này trên các báo, vì công tước là một vị chỉ huy trung đoàn.
     
Công tước tiểu thư nhìn chàng, không hiểu câu nói của chàng nhưng vui sướng vì vẻ ái ngại trên gương mặt chàng.

- Vả lại tôi có biết nhiều trường hợp bị thương vì mảnh đạn như vậy (trên các báo có nói là bị thương vì tạc đạn): thường thường thì một là người bị đạn chết ngay, hai là ngược lại vết thương rất nhẹ, - Nikolai nói, - Phải hy vọng điều tốt lành, và tôi tin chắc rằng.
   
Công tước tiểu thư Maria ngắt lời chàng.

- Nhỡ ra có làm sao thì thật là khủng khiếp. - nàng mở đầu, nhưng rồi xúc động quá không nói hết được. Nàng cúi đầu với một động tác duyên dáng (như tất cả những gì nàng làm trước mặt chàng) và sau khi đưa mắt đầy lòng biết ơn nhìn chàng, nàng đi theo bà dì. Tối hôm ấy Nikolai không đi chơi đâu cả. Chàng ở nhà thanh toán cho xong những việc tiền nong với mấy người bán ngựa.
   
Khi công việc đã quá giờ đi chơi nhưng vẫn chưa đến giờ đi ngủ, nên Nikolai một mình đi đi lại lại hồi lâu trong phòng, suy nghĩ về đời mình, một việc rất ít khi thấy chàng làm.
     
Hôm ở gần Smolensk, công tước tiểu thư đã gây nên trong lòng chàng một ấn tượng dễ chịu.  Chàng đã gặp nàng trong một hoàn cảnh khác thường, và nàng lại chính là người mà mẹ chàng đã có thời chỉ cho chàng đặc biệt chú ý đến nàng. Ở Voronez, hôm chàng đến thăm nàng, ấn tượng đó không những dễ chịu mà còn mãnh mẽ nữa. Nikolai đã có một ấn tượng rất mạnh trước vẻ đẹp đặc biệt, vẻ đẹp tinh thần mà lần này chàng mới nhận thấy ở nàng. Nhưng chàng vẫn sửa soạn ra đi, và không hề có ý tiếc rằng rời Voronez chàng sẽ không có dịp gặp lại công tước tiểu thư nữa.
     
Nhưng lần gặp tiểu thư Maria trong nhà thờ hôm nay (Nikolai cảm thấy như vậy) đã khắc vào lòng chàng sâu hơn là trước kia chàng vẫn tưởng, và sâu hơn là chàng muốn, vì nó đã có phương hại đến sự yên tĩnh của tâm hồn chàng. Khuôn mặt xanh xao, tế nhị, u buồn ấy cái nhìn trong sáng ấy, những động tác nhỏ nhẹ, uyển chuyển ấy và nhất là nỗi buồn sâu sắc và dịu dàng lộ rõ trên các nét mặt của nàng, đã khuấy động lòng chàng và đòi hỏi chàng phải chia sẻ những tình cảm của nàng. Ở những người đàn ông thì Roxtov không sao chịu nổi những dấu hiệu của một cuộc sống tinh thần cao cả (vì thế mà chàng không ưa công tước Andrey) chàng khinh bỉ gọi đó là triết 1ý, là mơ mộng; nhưng ở công tước tiểu thư Maria, chàng lại cảm thấy chính cái vẻ u buồn đó, một vẻ u buồn biểu lộ tất cả cái thuần tuý của một thế giới tinh thần xa lạ dối với Nikolai, có một sức hấp dẫn không sao cưỡng nổi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:03:29 pm
"Thật là một thiếu nữ tuyệt vời; đúng là một vị thiên thần! - Nikolai tự nhủ. - Vì đâu ta không được tự do, vì sao ta lại vội vã hứa hẹn với Sonya?". Và chàng bất giác so sánh hai người: một đằng thì nghèo nàn, một đằng thì lại phong phú về những thiên bẩm tinh thần mà Nikolai không có và chính vì vậy mà chàng đánh giá rất cao. Chàng thử hình dung sự việc sẽ ra sao nếu chàng không bị ràng buộc. Chàng sẽ ngỏ lời cầu hôn ra sao và nàng sẽ trở thành vợ chàng như thế nào? Không, chàng không thể hình dung được điều đó Chàng bỗng thấy sờ sợ và không tưởng tượng ra được một hình ảnh nào cho rõ nét cả. Với Sonya thì từ lâu chàng đã dựng lên một bức tranh tương lai; và tất cả đều đơn giản và rõ lang chính vì tất cả đều do chàng nghĩ ra, và chàng biết rõ tất cả những gì có trong Sonya, nhưng với công tước tiểu thư Maria thì không sao hình dung được cuộc sống sau này, vì chàng không hiểu nàng, mà chỉ yêu nàng thôi.

Những ước mong về Sonya có một cái vẻ gì vui vẻ, giống như một trò chơi. Nhưng nghĩ đến công tước tiểu thư Maria thì bao giờ cũng thấy một cái khó khăn và đáng sợ.
   
"Nàng cầu nguyện chân thành quá. - Chàng nhớ lại. - Thật là nàng đem hết cả tâm hồn trút vào lời cầu nguyện. Phải, đó chính là lời cầu nguyện có sức chuyển núi dời sông, và ta tin chắc rằng lời cầu nguyện cho những điều mà ta cần có? - chàng nhớ lại. - Ta cần có gì? Cần tự do, cần đoạn tuyệt với Sonya. Bà ấy nói đúng, - chàng nhớ lại những lời lẽ của bà tổng đốc, - Ta mà lấy Sonya thì chỉ khổ thôi, chỉ thêm rối ren, mẹ sẽ buồn phiền… công việc… một tình trạng rối ren, rối ren ghê gớm! Vả chăng ta cũng không yêu Sonya. Phải, tình yêu ấy không phải là tình yêu thật sự. Lạy Chúa!

- Hãy đưa con ta khỏi cái tình cảnh đáng sợ, không có lối thoát này - Chàng bỗng bắt đầu cầu nguyện. - Phải, lời cầu nguyện có sức chuyển núi dời sông, nhưng phải tin, và phải cầu nguyện không phải như hồi còn nhỏ ta với Natasa cầu nguyện cho tuyết biến thành đường rồi chạy ra xem thử tuyết đã hoá thành đường chưa. Không, bây giờ ta không cầu nguyện vớ vẩn - Chàng nói đoạn đặt tẩu thuốc vào một góc và chắp tay đến đứng trước bức tượng thánh. Và lòng hồi hộp cảm động nhớ đến công tước tiểu thư Maria, chàng bắt đầu cầu nguyện. Đã lâu chàng không có lần nào cầu nguyện như thế.
   
Nước mắt rưng rưng trên mi và nghẹn ngào trong cổ chàng khi Luvruska cầm mấy tờ giấy gì không rõ bước vào phòng.

- Đồ ngu! Người ta không gọi sao lại cứ dẫn xác vào! - Nikolai vừa nói vừa vội vàng thay đổi tư thế.

- Của quan tổng đốc, - Luvruska nói, giọng ngái ngủ, - Liên lạc vừa đưa đến, có thư gửi cho ông.

- Được cám ơn, chú ra đi.
   
Nikolai cầm lấy hai bức thư. Một bức là của mẹ chàng, bức kia là của Sonya. Chàng nhận ra nét chữ của hai người, và bóc phong bì của Sonya ra trước. Chàng mới đọc qua được mấy dòng thì mặt chàng bỗng tái đi và mắt chàng mở rộng lộ vẻ sợ hãi và vui mừng.

- Không, không có lẽ - Chàng nói to một mình.

Không sao ngồi yên được một chỗ, chàng cầm bức thư trong tay, vừa đi đi lại lại trong phòng vừa đọc. Chàng đọc qua một lượt thật nhanh, rồi đọc lại, xong lại đọc lại lần nữa, rồi so vai và dang tay ra, chàng dừng lại ở giữa phòng, mồm há hốc, mắt đờ đẫn. Điều mà chàng vừa cầu nguyện với lòng tin vững chắc rằng Chúa sẽ ưng chuẩn cho của chàng, nay đã được thực hiện; nhưng Nikolai lấy làm kinh ngạc dường như đó là một điều gì phi thường, và không bao giờ chàng ngờ đến. Điều đó đã được thực hiện một cách nhanh chóng đến nỗi chàng có cảm tưởng đó là một bằng chứng chứng tỏ ra rằng việc vừa xảy ra không phải vì Chúa đã chuẩn y lời cầu nguyện của chàng mà chỉ là do một sự ngẫu nhiên tầm thường.
   
Cái nút đang ràng buộc chàng và tưởng chừng như không thể nào gỡ ra được, cái nút ấy đã được bức thư đột ngột, vô cớ (Nikolai tưởng như vậy) của Sonya tháo tung ra. Trong thư nàng viết rằng vì những sự việc không mảy may xảy ra gần đây, vì gia đình Roxtov đã mất hết tài sản ở Moskva, vì Borodino, phu nhân đã mấy lần bày tỏ ước nguyện mong Nikolai lấy công tước tiểu thư Bolkonxkaya, và vì thời gian gần đây chàng có nhiều lạnh nhạt và không gởi thư gì cho nàng, cho nên nàng đành phải gạt bỏ lời hẹn ước cũ cho chàng và để chàng hoàn toàn tự do.
   
"Em quá khổ tâm khi nghĩ rằng mình có thể làm một nguyên nhân gây nên sự buồn phiền và xích mích trong gia đình những ân nhân của em, - Nàng viết, - Và tình yêu của em chỉ có một mục đích là hạnh phúc của những người mà em thương yêu; vì vậy em van anh, anh Nikolai, và xin anh tin rằng dù sao chăng nữa cũng không ai có thể yêu anh tha thiết như Sonya của anh". Cả hai bức thư đều gửi từ Troisk - bức thư kia là của bá tước phu nhân. Trong thư có kể lại những ngày cuối cùng ở Moskva lúc ra đi, trận hoả hoạn và việc cả gia sản bị tiêu vong. Trong thư, bá tước phu nhân cũng viết rằng công tước Andrey cùng đi với gia đình trong số những người thương binh. Tình trạng của chàng rất nguy kịch, nhưng hiện nay bác sĩ nói rằng đã có nhiều hy vọng hơn trước. Sonya và Natasa hiện đang săn sóc chàng như hai người hộ lý.
   
Ngày hôm sau Nikolai cầm bức thư này đến nhà công tước tiểu thư Maria. Nikolai cũng như tiểu thư Maria đều không nói gì về ý nghĩa của câu "Natasa săn sóc công tước Andrey" nhưng nhờ bức thư này Nikolai đã gần gũi thêm công tước tiểu thư và quan hệ của họ bấy giờ đã gần như quan hệ họ hàng.

Ngày hôm sau, Roxtov tiễn công tước tiểu thư Maria đi Yaroxlav và được ít hôm sau chàng cũng trở về trung đoàn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:04:19 pm
Phần XII
Chương -8 -9

Bức thư của Sonya gửi cho Nikolai, bức thư thực hiện lời cầu nguyện của chàng, được viết ra trong khi nàng ở Troisk.
   
Và đây là những nguyên do đã khiến cho nàng viết bức thư này.
   
Ý nghĩ lấy cho Nikolai một người vợ giàu càng ngày càng ám ảnh bá tước phu nhân. Bà biết rằng Sonya là cái chướng ngại chủ yếu ngăn trở việc này. Và cuộc sống của Sonya trong thời gian gần đây, nhất là sau bức thư của Nikolai kể lại cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria ở Bogotsanrovo, mỗi ngày một thêm nặng nề khổ sở trong nhà bá tước phu nhân. Phu nhân không bỏ lỡ một dịp nào để nói cạnh nói khoé Sonya một cách cay độc và tàn nhẫn.
     
Nhưng trước khi lên đường rời khỏi Moskva mấy hôm, mủi lòng và xúc động vì tất cả những việc đã xảy ra, bá tước phu nhân gọi cho Sonya lại, và không trách móc đòi hỏi như trước đây nữa, bà ứa nước mắt van lơn nàng hãy hy sinh mình để đền đáp những ân huệ của gia đình đối với nàng, cầu xin nàng đoạn tuyệt với Nikolai.

- Chỉ khi nào cháu hứa với bác, thì bác mới yên tâm, - bá tước phu nhân nói.
     
Sonya khóc nức nở như trong một cơn điên loạn, và trả lời qua những tiếng nấc rằng nàng sẽ làm tất cả, nàng sẵn sàng chịu tất cả, nhưng lại không hứa cụ thể và trong thâm tâm nàng không sao đành lòng làm cái việc mà người ta đòi hỏi nàng. Phải hy sinh mình cho hạnh phúc của cái gia đình đã nuôi nấng và dạy dỗ nàng.  Hy sinh mình cho người khác sung sướng đã thành một thói quen của Sonya. Với địa vị của nàng trong gia đình, chỉ có bằng sự hy sinh nàng mới bộc lộ được những đức tính của nàng, cho nên nàng đã quen và thích hy sinh. Nhưng trước kia trong tất cả những hành động hy sinh như thế nàng vui sướng nhận thức rằng hy sinh mình, nàng tự nâng cao phẩm giá của mình lên trong quan niệm của những người khác và càng thêm xứng đáng với Nikolai, người mà nàng yêu hơn tất cả mọi thứ ở trên đời; nhưng bây giờ sự hy sinh của nàng lại là phải từ bỏ cái mà đối với nàng là phần thưởng duy nhất của sự hy sinh, là ý nghĩa duy nhất của sự hy sinh, và là ý nghĩa duy nhất của cuộc sống. Và lần đầu trong đời, nàng thấy oán giận những người đã làm ơn cho nàng để rồi lại làm cho nàng đau khổ nhiều hơn. Nàng thấy ghen tị với Natasa, người chưa bao giờ trải qua một việc gì tương tự, chưa bao giờ cần phải hy sinh, chỉ bắt những người khác hy sinh cho mình, mà vẫn được mọi người yêu quý.  Và lần đầu tiên Sonya cảm thấy tình yêu dịu dàng trong sạch của nàng đối với Nikolai bỗng nhiên biến thành một tình cảm bồng bột say đắm vượt hẳn lên trên mọi quy tắc, vượt lên trên đạo đức và tôn giáo; và dưới sự chi phối của tình cảm này Sonya, mà cuộc sống lệ thuộc đã biến thành một người kín đáo quen che giấu những cảm nghĩ thành thật của mình, bất giác trả lời bá tước phu nhân với những lời lẽ mơ hồ, tránh nói chuyện với phu nhân, và quyết định chờ đợi một cuộc gặp gỡ mặt với Nikolai, không phải để trả lại tự đo cho chàng mà trái lại để vĩnh viễn gắn chặt đời mình vào đời chàng.
     
Những nỗi lo âu và kinh hãi của những ngày cuối cùng gia đình Roxtov còn ở Moskva đã lấn át những ý nghĩ u ám đang đè nặng lên tâm hồn Sonya. Nàng vui mừng được tìm cách thoát khỏi những ý nghĩ đó trong những công việc thực tế. Nhưng khi nàng được biết công tước Andrey đang ở nhà, tuy nàng chân thành thương xót chàng và Natasa, lòng Sonya đã tràn ngập một niềm vui sướng đậm màu mê tín: nàng thấy trời không muốn cho nàng phải đoạn tuyệt với Nikolai. Nàng biết rằng Natasa chỉ yêu một mình công tước Andrey và đến nay vẫn yêu chàng.  Nàng biết rằng bây giờ, gặp lại nhau trong hoàn cảnh hãi hùng như thế này, họ nhất định sẽ lại yêu nhau và đến khi đó thì quan hệ thân thuộc sẽ khiến Nikolai không thể lấy công tước tiểu thư Maria được. Cho nên tuy trong những ngày cuối cùng ở Moskva và những ngày đầu tiên của cuộc hành trình đã xảy ra những việc hết sức ghê sợ, cái cảm giác, cái ý thức là bàn tay Chúa đã can thiệp vào cuộc sống cá nhân của nàng đã khiến Sonya vui mừng.

Ở tu viện Troisk, gia đình Roxtov ghé lại nghỉ ngơi lần đầu tiên trong cuộc hành trình của họ.
Người ta cắt cho gia đình Roxtov ba gian lớn của tu viện, trong đó một gian được dành riêng cho công tước Andrey. Hôm ấy chàng thấy đỡ nhiều. Natasa ngồi bên cạnh chàng. Ở phòng bên, bá tước phu nhân kính cẩn nói chuyện với cha bề trên vừa đến thăm gia đình Roxtov và những người quen cũ trước kia vẫn cung tiến cho tu viện. Sonya cũng ngồi ở phòng ấy, lòng bứt rứt vì đang tò mò muốn biết công tước
Andrey và Natasa nói với nhau những gì, nàng lắng nghe tiếng nói của họ qua cánh cửa. Bỗng cửa phòng công tước Andrey xịch mở ra, Natasa bước ra vẻ mặt xúc động, từ trong phòng bước ra. Không để ý thấy vị tu sĩ bấy giờ đang đứng dậy để đón nàng, tay giữ lấy cổ áo rộng bên phải, nàng lại gần Sonya và cầm lấy tay bạn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:05:01 pm
- Natasa, con làm sao thế? Lại đây, - bá tước phu nhân nói.
   
Natasa đến cạnh vị tu sĩ để nhận phép lành, và cha bề trên khuyên nàng nên cầu xin. Chúa và vị thánh của Người phù hộ chol.
   
Ngay sau khi cha bề trên ra về, Natasa cầm lấy tay Sonya và cùng đi với bạn sang gian phòng trống bên cạnh.

- Sonya, có đúng không? Anh ấy sẽ sống chứ? - nàng nói, - Sonya ạ, em sung sướng quá và đau khổ quá! Sonya ạ, chị yêu dấu của em, - Mọi việc đều như cũ. Miễn sao anh ấy sống được. Anh ấy không thể… bởi vì… vì, vì… - và Natasa khóc oà lên.

- Thế à? - Mình biết mà? Đội ơn Chúa, - Sonya nói. - Anh ấy sẽ sống.
     
Sonya xúc động chẳng kém gì bạn, xúc động vì nỗi sợ hãi và đau buồn của bạn, và vì những ý nghĩ riêng của mình, những ý nghĩ mà nàng không hề nói cho ai biết. Nàng nghẹn ngào hỏi Natasa và an ủi bạn "Miễn sao anh ấy sống được?" - Sonya thầm nghĩ. Sau khi khóc và nói với nhau một lúc, hai người bạn gái lau nước mắt rồi đến bên cửa phòng công tước Andrey, Natasa thận trọng mở cửa ghé mình vào phòng. Sonya đứng cạnh nàng bên cánh cửa hé mở.
   
Công tước Andrey nằm kê cao đầu lên ba chiếc gối. Khuôn mặt xanh xao của chàng điềm tĩnh, hai mắt nhắm nghiền, và có thể thấy ngực chàng khẽ nâng lên hạ xuống theo nhịp thở đều đặn.

- Ồ! Natasa! - Sonya bỗng gần như kêu lên, nắm chặt tay bạn và lùi lại - Cái gì thế? Gì thế? - Natasa hỏi.

- Đúng rồi, đúng thế thật đấy. - Sonya nói. Mặt tái xanh, môi run lẩy bẩy.
   
Natasa khẽ đóng cửa lại và cùng Sonya đi ra cửa sổ. Nàng vẫn chưa hiểu người ta vừa nói gì với mình.

- Natasa có nhớ không. - Sonya nói, vẻ mặt sợ hãi và trịnh trọng - Natasa có nhớ dạo mình nhìn vào gương thay cho Natasa không… Ở Otradnoye, hôm lễ Giáng sinh ấy mà… Nhớ không hôm mình có thấy…

- À, ừ! Có! - Natasa nói, mắt mở to; nàng mường tượng nhớ lại rằng dạo ấy Sonya có nói gì về công tước Andrey, Sonya thấy chàng đang nằm…

- Natasa nhớ không? - Sonya nói tiếp - Hôm ấy mình nhìn thấy mình đã nói cho cả Natasa; cả Dunasia nghe. Mình thấy anh ấy nằm trên gường - Sonya nói; cứ kể đến một chi tiết nào nàng lại giơ cao một ngón tay lên như ra hiệu, - Anh ấy nhắm mắt, và đắp một chiếc chăn màu hồng đúng như thế này, hai tay anh ấy chắp lại, trong khi Sonya lần lượt tả lại những chi tiết mà nàng vừa trông thấy, nàng quả quyết tin rằng dạo trước nàng đã từng trông thấy đúng như thế.  Thực ra dạo ấy nàng chẳng trông thấy gì cả, chẳng qua bạ nghĩ ra được cái gì nàng cứ thế mà kể, nhưng bây giờ nàng thấy những điều mà dạo ấy nàng đã bịa đặt ra cũng đều có thật như bất kỳ kỷ niệm nào khác. Dạo ấy nàng nói rằng chàng quay lại nhìn nàng, mỉm cười, rằng chàng đắp một cái gì đo đỏ; những điều đó không những nàng nhớ lại; mà nàng còn tin chắc rằng ngay từ dạo ấy mình đã nhìn thấy và nói rằng chàng đắp cái chăn màu hồng, đúng màu hồng, và mất chàng nhắm nghiền.

- Phải, phải, đúng là màu hồng, - Natasa nói; bây giờ hình như nàng cũng nhớ rằng dạo ấy Sonya có nói là màu hồng, và thấy rằng điều kỳ lạ và huyền bí trong lời tiên đoán chính là ở chỗ đấy.

- Nhưng như thế nghĩa là thế nào? - Natasa nói, vẻ trầm ngâm.

- Ồ mình không biết, thật là kỳ lạ, - Sonya nói, hai tay ôm đầu.
     
Vài phút sau công tước Andrey bấm chuông gọi, và Natasa vào với chàng; Sonya, lòng bồi hồi cảm động khác thường vẫn đứng lại bên cửa sổ, nghĩ ngợi về những việc phi thường vừa xảy ra.
   
Hôm ấy có dịp thư tới quân đội, bá tước phu nhân liền viết thư cho con trai.

- Sonya, - bá tước phu nhân ngẩng đầu lên nói khi cô cháu gái đi ngang qua, - Sonya, con không viết thư cho Nikolai à? - Bá tước phu nhân nói khẽ, giọng run run, và trong đôi mắt mệt mỏi nhìn qua cặp kính Sonya đã đọc được tất cả những gì mà phu nhân muốn ám chỉ qua những lời này. Trong khoé nhìn của phu nhân, có cả ý van lơn ý lo sợ bị Sonya cự tuyệt, ý hổ thẹn vì phải cầu xin, và sự sẵn sàng chuyển sang lòng thù ghét sâu cay nếu nàng từ chối.
   
Sonya đến cạnh bá tước, quỳ xuống hôn tay và nói:

- Con sẽ viết mẹ ạ

Tất cả những sự, việc xảy ra trong ngày hôm ấy đã làm cho Sonya xúc động mủi lòng và thấy tâm hồn mình dịu lại, nhất là sự thực hiện huyền bí của điều tiên đoán nọ. Bây giờ, khi nàng đã biết rằng quan hệ giữa Natasa và công tước Andrey được nối lại như cũ thì Nikolai không thể nào lấy được công tước tiểu thư Maria được nữa, Sonya vui mừng cảm thấy cái tâm trạng luôn luôn sẵn sàng hy sinh đã trở lại với nàng; nàng vẫn ưa thích và đã quen sống trong tâm trạng đó.
     
Mắt rớm lệ, lòng vui sướng vì có ý thức rằng mình đang làm một việc cao thượng, nàng viết thư cho Nikolai. Dở chừng nàng mấy lần phải dừng lại vì những giọt lệ trào ra mờ cả đôi mắt đen dịu như nhung của nàng. Và đó chính là bức thư cảm động đã khiến cho Nikolai kinh ngạc như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 22 Tháng Giêng, 2011, 08:05:34 pm
9.
     
Ở trạm gác của Piotr được giải đến, viên sĩ quan và mấy người lính đã bắt giam Piotr, đối xử với chàng một cách thù địch nhưng đồng thời cũng có ý kính nể chàng. Trong thái độ của họ vẫn còn có thể cảm thấy rằng họ vừa hồ nghi không biết chàng là ai (là một nhân vật rất trọng yếu chăng) vừa tức tối nhớ lại cuộc ẩu đả vừa qua với chàng.
     
Nhưng sáng hôm sau, khi đến giờ đổi gác, Piotr nhận thấy rằng, đối với đội quân canh mới đến, - sĩ quan cũng như binh lính, chàng đã không còn quan trọng như đối với những người đã bắt chàng. Và quả nhiên, trong con người to béo mặc áo kaftan, nông dân này, đội lính canh ngày hôm ấy không hề thấy con người linh hoạt đã đánh nhau chí tử với nhiều tên lính ăn cướp và với đội áp giải, và đã từng nói cái câu trang trọng về việc cứu sống đứa bé, mà chỉ thấy đó là người thứ mười bảy trong số những người Nga bị bắt giữ vị một lý do nào đó, theo lệnh của cấp trên. Vả chăng nếu Piotr có một cái gì đặc biệt chăng nữa, thì đó chỉ là cái vẻ đăm chiêu tư lự chẳng hề sợ sệt của chàng, hoặc giả là cái tiếng Pháp điêu luyện của chàng mà người Pháp rất lấy làm lạ. Tuy vậy, ngay hôm ấy, Piotr cũng được đưa sang giam cùng buồng với những người khả nghi khác, vì gian phòng dành riêng để giam chàng nay có một viên sĩ quan Pháp cần đến.
Tất cả những người Nga cũng bị giam với Piotr đều là những người thuộc lớp cùng dân. Và khi nhận ra rằng Piotr là một người thượng lưu, họ đều xa lánh chàng, huống hồ chàng lại nói tiếng Pháp nữa. Piotr buồn rầu nghe những lời chế giễu của họ nhằm vào chàng.
   
Đến tối ngày hôm sau, Piotr được biết rằng tất cả những người bị giam ở đây (và hình như trong số đó có cả chàng) đều sẽ bị đưa ra xử về tội đốt nhà. Đến ngày thứ ba, Piotr cùng với những người bị giam khác bị dẫn sang một ngôi nhà có một viên tướng Pháp để bộ ria mép bạc trắng, hai viên trung tá và mấy người Pháp nữa có đeo băng hiệu ở ống tay áo quân phục. Họ hỏi Piotr, cũng như những người khác, những câu mà người ta vẫn thường dùng để hỏi những bị cáo, những câu hỏi mà người ra vẫn xác được coi như vượt lên trên những sự yếu đuối của con người: Anh là ai? Trước đây anh ở đâu? Vì mục đích gì? v.v.
   
Những câu hỏi này gạt nội dung của sự việc ra một bên và loại trừ mọi khả năng phát hiện ra cái nội dung đó, cũng như tất cả những câu hỏi dùng ở toà án, mục đích của nó là đưa ra trước người bị cáo một cái ống máng để cho những câu trả lời của họ chảy theo hướng những người xét xử mong muốn, nghĩa là để dẫn đến việc buộc tội. Hễ người bị cáo bắt đầu nói một điều gì không ăn nhập với mục đích buộc tội thì người ta rút ống máng đi, và nước muốn chảy đi đâu thì chảy. Ngoài ra, Piotr còn có cái cảm giác mà người bị cáo vẫn thường có khi đứng trước bất cứ toà án nào: cảm giác ngỡ ngàng không hiểu người ta hỏi những câu ấy để làm gì. Chàng cảm thấy rằng chỉ vì muốn làm ra vẻ khoan dung hay lễ độ mà người dùng cái thủ tục ống máng ấy. Chàng biết rằng mình đang nằm trong tay những người này, rằng chỉ có bạo lực dẫn chàng đến đây, rằng chỉ có bạo lực cho họ cái quyền bắt chàng trả lời những câu hỏi ấy, rằng mục đích duy nhất của cuộc họp mặt này là để buộc tội chàng. Cho nên, một khi đã có quyền lực và có ý muốn buộc tội, lẽ ra không cần dùng đến những câu hỏi cạm bẫy như vậy, mà cũng không xét xử làm gì. Có thể thấy rõ rằng tất cả những câu hỏi ấy đều nhàm đưa đễn chỗ buộc tội. Khi họ hỏi chàng đang làm gì khi bị bắt, Piotr trả lời với một giọng hơi bi đát, rằng chàng đang bế một đứa bé mà chàng vừa cứu trong đống lửa ra để mang trả lại cho cha mẹ nó.
 
- Tại sao lại đánh nhau với tên lính ăn cướp?
   
Piotr đáp rằng chàng bênh vực một người đàn bà, rằng bênh vực một người đàn bà bị xúc phạm là nhiệm vụ của mọi người, rằng… Họ ngăn chàng lại: những cái đó không dính dáng đến việc này. Vì sao chàng lại đứng trong sân một ngôi nhà đang cháy, như một số người làm chứng đã nói? Chàng đáp rằng chàng đang đi xem thử ở Moskva đang xảy ra những việc gì. Họ lại ngắt lời chàng: Đây không ai hỏi chàng đi đâu, mà hỏi chàng đứng gần đám cháy để làm gì. Chàng là ai? Họ lại hỏi câu hỏi đầu tiên, mà lúc nãy chàng đã đáp rằng chàng sẽ không trả lời. Bây giờ chàng lại nhắc lại một lần nữa rằng chàng không thể nói điều đó ra được.

- Ghi lấy: như thế không tốt. Rất là không tốt, - viên tướng có bộ ria bạc trắng và khuôn mặt đỏ gay nói với chàng một cách nghiêm khắc.
   
Đến ngày thứ tư, các đám cháy lan đều bức tường thành Zubovxki. Piotr cùng với mười ba người khác bị giải đến Krymxki Brod, giam vào một cái kho để xe của một nhà buôn. Trong khi đi qua các phố, Piotr ngạt thở vì làn khói bấy giờ hình như đang bao trùm khắp thành Moskva. Bốn phía đều rừng rực ánh lửa cháy nhà. Lúc bấy giờ Piotr chưa hiểu tầm quan trọng của việc Moskva bốc cháy, chàng kinh hãi nhìn ánh lửa.
   
Trong gian nhà kho ở Krymxki Brod, Piotr bị giam bốn ngày nữa, và trong thời gian đó, qua những câu chuyện trò của bọn lính Pháp nói với nhau chàng được biết rằng tất cả những người bị giam giữ ở đây phải đợi quyết định nay mai của nguyên soái. Nghe những mẩu chuyện ấy Piotr không thể biết rõ nguyên soái đây là nguyên soái nào. Đối với những người lính ấy, chức nguyên soái hẳn là một cái khâu cao cấp và khá bí ẩn của quyền lực.
   
Những ngày đầu tiên này - kể cho đến mồng tám tháng chín, ngày các phạm nhân bị đưa đi hỏi cung lần thứ hai, là những ngày khổ sở nhất đối với Piotr.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 08:58:19 pm
Phần XII
Chương -10 -11

Ngày mồng tám tháng chín có một viên sĩ quan Pháp vào gian nhà kho giam phạm nhân. Cứ xem thái độ kính cẩn của bọn lính canh đối với y, có thể đoán rằng y là một nhân vật quan trọng. Viên sĩ quan chắc là một viên sĩ quan tham mưu, cầm một tờ danh sách bắt đầu gọi tên tất cả những người Nga bị giam, và gọi Piotr là người không chịu khai tên. Rồi sau đó khi đưa đôi mắt dửng dưng và uể oải nhìn qua tất cả đám tù nhân một lượt, y ra lệnh cho viên sĩ quan coi tù cho họ ăn mặc tươm tất và sửa soạn tề chỉnh trước khi dẫn đến trình nguyên soái. Một giờ sau có một đại đội lính đến giải Piotr và mười ba người kia ra bãi Divichi. Ngày hôm ấy trời quang đãng: sau một trận mưa, nắng hửng và không khí trong trẻo lạ thường.
     
Khói không bay là là sát đất như hôm Piotr bị giải đi từ nhà giam ở tường thành Zubovxki, nó bốc lên thành từng cột trong làn không khí trong trẻo. Chung quanh không đâu thấy có ánh lửa cháy trong nhà, nhưng bốn phía đều có những cột khói bốc lên, và khắp Moskva, tất cả những nơi mà Piotr trông thấy, đều là một đống tro tàn. Bốn phía chỉ thấy những khoảng đất trơ trụi, lác đác có những ống khói, những mảnh lò sưởi còn sót lại, và thỉnh thoảng vài bức tường cháy sém của những toà nhà bằng đá. Piotr nhìn kỹ những đống tro tàn nhưng không nhận ra những khu phố quen thuộc. Đây đó thấp thoáng bóng những ngôi nhà thờ không bị thiêu huỷ. Thành Kreml vẫn nguyên vẹn, có thể trông thấy những bức tường trắng, những cái tháp cao và đền Ivan đại đế. Gần hơn, cái mái vòm của tu viện Noy - Divichi vui vẻ ánh lên trong nắng, và tiếng chuông nguyện từ tu viện vẳng đến nghe vang dội khác thường. Tiếng chuông nguyện nhắc Piotr nhớ rằng hôm ấy là chủ nhật và là lễ sinh nhật Đức Mẹ. Nhưng hình như không ai có ăn mừng lễ sinh nhật này được cả: bốn bề đều là những cảnh hoang tàn, và hoạ hoằn lắm mới gặp vài người Nga rách rưới, sợ sệt, hễ trông thấy người Pháp là lẩn trốn ngay.

Rõ ràng cái tổ của dân Nga đã bị tàn phá tan hoang nhưng đằng sau cảnh tan hoang này của nếp sống Nga, Piotr bất giác nhận ra nếp sống mới, hoàn toàn khác lạ, nhưng vững chắc, nếp sống của người Pháp. Chàng cảm thấy thế khi nhìn toán lính vui vẻ và hăng hái đi thành hàng ngũ chỉnh tề áp giải chàng và các phạm nhân khác, chàng cảm thấy thế khi trông thấy một viên quan chức trọng yếu nào đó của Pháp, trên chiếc xe song mã do một người lính đánh đi ngược lại phía chàng, chàng cảm thấy thế khi nghe những âm thanh vui vẻ của một đoàn nhạc binh từ bờ bên trái của cánh đồng vang lại và đặc biệt chàng cảm thấy và hiểu điều đó qua bản danh sách mà sáng nay viên sĩ quan Pháp vừa đọc để điểm danh các tù nhân.
   
Piotr đã bị lính bắt, giải đến nơi này rồi lại giải đi nơi khác cùng với hàng chục người nữa; có lẽ người ta đã quên chàng, và lẫn lộn chàng với những người khác chăng. Nhưng không: những câu trả lời của chàng lúc bị hỏi cũng đã trở lại với chàng trong cách gọi chàng là người không chịu khai tên họ. Và dưới cái danh hiệu này, mà Piotr thấy sợ, giờ đây họ đang dẫn chàng đến một nơi nào đấy, và trên gương mặt họ có thể thấy rõ họ tin chắc rằng chàng chính là người tù nhân kia là những người mà họ cần giải đi và họ đang giải đến nơi cần đến. Piotr cảm thấy mình là một mẩu rơm chẳng ra gì rơi vào bánh xe của một bộ máy mà chàng không biết gì, nhưng là một bộ máy hoạt động đều đặn hơn.
     
Piotr và các tù nhân khác được dẫn đến bờ bên phải của bãi Divichi cạnh một tu viện, đến một toà nhà to lớn sơn trắng có một khu vườn rộng. Đó chính là của công tước Serbatov. Hồi trước, khi chủ ngôi nhà này còn ở đây, Piotr vẫn thường đến chơi; bây giờ; như chàng được biết qua những câu chuyện trò của lính Pháp nói với nhau, nó được dùng làm nơi đóng đại bản doanh của nguyên soái quận công Ekmyl.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 08:59:05 pm
Toán tù nhân được đưa lên thềm và từng người một lần lượt được dẫn vào trong nhà, Piotr là người thứ sáu. Qua dãy hành lang bằng kính, gian phòng mắc áo, gian phòng ngoài mà Piotr rất quen thuộc, họ dẫn chàng vào một căn phòng giấy dài và thấp, ở cửa có một viên sĩ quan phụ tá túc trực.
   
Davu ngồi trước một cái bàn đặt ở cuối phòng, kính đeo tụt xuống tận giữa mũi. Piotr bước lại gần sát bàn. Davu không ngước mắt lên, vẻ như đang chăm chú đọc một tờ giấy gì để trước mặt.
Vẫn không nhìn lên, Davu nói:

- Anh là ai?
     
Piotr lặng thinh, vì chàng không sao nói ra được một lời nào.
   
Đối với Piotr, Davu không phải chỉ là một viên tướng Pháp mà còn là một người tàn ác có tiếng. Nhìn gương mặt lạnh lùng của Davu, bấy giờ như một ông giáo nghiêm khắc đang chịu khó kiên nhẫn một lát để đợi câu trả lời, Piotr cảm thấy rằng mỗi giây chần chừ đều có thể nguy hại cho tính mạng mình; nhưng chàng không biết nên nói gì. Nói đúng như lần hỏi cung đầu tiên thì chàng không dám; thú nhận tên tuổi và tước vị ra thì nguy hiểm và xấu hổ. Piotr lặng thinh. Nhưng trước khi Piotr kịp quyết định, Davu đã ngẩng đầu nâng cặp kính lên trán nheo đuôi mắt nhìn chòng chọc vào Piotr.

- Ta biết người này, - Y nói, giọng đều đều là lạnh lùng, hẳn là để cho Piotr khiếp sợ. Luồng hơi lạnh lúc nãy chạy dọc sống lưng chàng nay bỗng kẹp chặt lấy đầu chàng như một cái kìm.

- Thưa tướng quân, tướng quân không thể biết tôi được, tôi chưa bao giờ gặp lướng quân…

- Đây là một gián điệp! - Davu ngắt lời chàng nói với một viên tướng khác cũng ở trong phòng nhưng nãy giờ Piotr không trông thấy, Davu quay mắt đi. Piotr nói nhanh. Giọng bỗng trở lên tha thiết:

- Thưa đức ông không phải, - chàng nói (lúc ấy chàng bỗng sực nhớ ra rằng Davu là quận công - Thưa Đức ông không phải ạ. Đức ông không thể biết tôi được. Tôi là một sĩ quan dân binh và tôi không hề ra khỏi Moskva.

- Tên anh? - Davu nhắc lại.

- Bezuhof.

- Có những cớ gì tỏ ra rằng anh không nói dối?

- Ồ sao Đức ông dạy thế? - Piotr kêu lên, giọng không có ý là mếch lòng mà lại có ý van lơn.
   
Davu ngước mắt lên nhìn Piotr chòng chọc. Hai người nhìn nhau trong khoảng vài giây, và cái nhìn đó đã cứu Piotr thoát chết, trong cái nhìn này, vượt ra khỏi tất cả những điều kiện của chiến tranh và pháp luật, giữa hai con người đã nảy ra một mối hên hệ nhân tình.
     
Trong giây phút ấy cả hai đều mơ hồ thấy được rất nhiều điều và đã hiểu ra rằng cả hai đều là những đứa con của nhân loại, là anh em.

Khi Davu ngước mắt nhìn Piotr lần đầu trong khi đang đọc bản danh sách, trong đó những công việc là tính mạng của con người được biểu danh bằng những con số, thì đối với ông ta Piotr chỉ là một trường hợp; lúc ấy ông ta có thể ra lệnh bắn Piotr mà lương tâm không hề nao núng, nhưng bây giờ thì ông ta đã thấy chàng là một con người. Davu ngẫm nghĩ một lát.

- Anh có cách nào chứng minh rằng những điều anh nói là đúng sự thật không? - Davu nói, giọng lạnh lùng.
   
Piotr sực nhớ đến Ramba, liền nói tên trung đoàn hắn ra kể luôn tên họ hắn, tên đường phố của ngôi nhà hắn ở.

- Anh không phải là người như anh nói đâu. - Davu lại nói.
   
iotr cất giọng run run, đứt quãng, bắt đầu đưa ra những bằng chứng cho thấy mình nói đúng sự thật.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:00:08 pm
Khi viên sĩ quan hành dinh nhắc cho ông ta nhớ đến tù nhân, Davu cau mày hất hàm về phía Piotr và bảo dẫn đi. Nhưng vẫn viên sĩ quan nói, và ông ta bắt đầu cài cúc áo quân phục lại. Hình như ông ta đã quên hẳn Piotr.
   
Nhưng dẫn đi đâu thì Piotr không biết: dẫn về nhà kho hay dẫn ra pháp trường, nơi mà khi đi ngang bãi Devichi các bạn đồng hành có chỉ cho Piotr xem.
   
Chàng ngoảnh đầu lại và thấy viên sĩ quan phụ tá đang hỏi lại một câu gì.

- Phải, dĩ nhiên… - Davu nói, nhưng "phải" là thế nào thì Piotr không biết.
     
Piotr không nhớ rõ mình đi đâu, đi như thế nào và có lâu không.
   
Chàng đang ở trong tình trạng vô tri vô giác và đờ đẫn hoàn toàn, chàng không trông thấy gì ở chung quanh cả, cứ đưa chân bước theo những người khác, cho đến khi mọi người dừng lại thì chàng cũng dừng lại.
   
Suốt thời gian ấy Piotr chỉ có một ý nghĩa: ai rốt cục đã ra lệnh hành hình chàng? Đó không phải là những người đã hỏi cung chàng ở uỷ ban(1): trong số những người đó không ai muốn và hẳn là không ai có thể làm điều đó. Cũng không phải là Davu: y đã nhìn chàng với đôi mắt nhân đạo như vậy kia mà. Giá chỉ thêm được một phút nữa thôi là Davu hiểu rằng họ đang làm việc xấu xa, nhưng vừa lúc ấy thì viên sĩ quan phụ tá vào, nên cái phút ấy đã không diễn ra được. Viên sĩ quan này hẳn cũng chẳng có tâm địa gì xấu, nhưng lẽ ra hắn có thể không vào lúc ấy. Thế thì ai, rút cục là ai hành hình chàng, giết chàng, tước mất cuộc sống của chàng. Piotr với tất cả những kỷ niệm, những ước mong, những hy vọng, những ý nghĩ của chàng? Ai đã làm việc ấy? Và Piotr cảm thấy rằng chẳng có ai cả.
Đó là một trật tự đã được thiết lập sẵn, là sự kết hợp của mọi hoàn cảnh. Có một thứ trật tự nào đó đang giết chàng Piotr, tước đoạt sinh mạng của chàng, tước đoạt tất cả, tiêu diệt chàng.

=======================================================================

Chú thích:

(1) Uỷ ban đây là uỷ ban điều tra và truy nã những thủ phạm gây nẻn vụ hoả hoạn.

 
11.
     
Từ toà nhà của công tước Serbatov, họ dẫn thẳng toán tù nhân đi xuống bãi Divichi và đưa họ đến gần một thửa vườn rau có cắm một cái cột. Sau cột có một cái hố mới đào đất còn thẫm mầu chung quanh hố và cột có một đám người rất đông đứng lố nhố. Đám người gồm có một số ít người Nga và những quân lính của Napoléon thuộc nhiều đơn vị pha lẫn không có hàng ngũ: có những tên lính Đức, lính Ý, lính Pháp mặc quân phục khác nhau. Bên phải và bên trái cái cột có hai dãy lính Pháp sắp hàng, mình mặc quân phục xanh có cầu vai đỏ, chân đi ghệt, đầu đội mũ sa-cô.
     
Các phạm nhân được xếp theo trật tự như trong danh sách (Piotr là người thứ sáu) và được dẫn đến cạnh các cột. Bỗng từ hai phía tiếng trống trận nổi lên, và Piotr cảm thấy như cái âm thanh ấy đã xé một phần linh hồn chàng. Chàng đã mất khả năng suy nghĩ và tìm hiểu. Chàng chỉ còn có thể nhìn và nghe mà thôi. Và chàng chỉ có một ước mong - mong cho cái việc gì ghê gớm sắp phải diễn ra nó kết thúc đi cho thật chóng. Piotr nhìn sang mấy người bạn đồng hành và xem xét họ.
   
Hai người đứng ở ngoài cùng là hai người tù khổ sai cạo trọc.
   
Một trong hai người ấy mình cao và gầy; người kia thì đen thui, râu ria lông lá xồm xoàm, tay chân gân guốc, mũi tẹt. Người thứ ba là một người gia nô trạc bốn mươi lăm tuổi, tóc đã hoa râm, người béo tốt có vẻ no đủ: Người thứ tư là người mu-gich rất đẹp có bộ râu màu vàng hung xòe ra thành hình quạt và đôi mắt đến. Người thứ năm là một người thợ gày gò, nước da vàng bủng tuổi chừng mười tám, mặc áo khoác dài.

Piotr nghe mấy người Pháp bàn nhau xem nên bắn từng người một hay hai người một? "Hai người một" - viên sĩ quan chỉ huy điềm nhiên và lãnh đạm đáp. Trong hàng ngũ quân lính có sự di chuyển, và có thể nhận thấy cả bọn đều vội vã, - vội vã đây không phải như khi người ta làm một việc mà ai nấy đều hiểu, mà lại như khi người ta cố làm xong một việc cần thiết, nhưng khó chịu và không thể hiểu được.
   
Một viên chức người Pháp tay đeo băng đến cạnh hàng bên phải tốp phạm nhân và cất tiếng đọc bản tuyên án bằng tiếng Nga và tiếng Pháp.
   
Sau đó bốn người lính Pháp đi thành hàng đôi đến cạnh toán phạm nhân và theo lệnh viên sĩ quan bắt lấy hai người tù khổ sai đứng ở ngoài cùng. Hai người tù khổ sai đến cạnh cái cột thì dừng lại và trong khi lính mang những cái bị đến, họ im lặng đưa mắt nhìn quanh như những con thú bị dồn đến đường cùng nhìn người bị săn. Một trong hai người luồn tay làm dấu thánh giá, người kia thì gãi lưng và hai môi làm một cử động hao hao giống một nụ cười. Mấy người lính hối hả bịt mắt họ lại, luồn bị vào người họ và trói họ vào cột.
     
Hai người lính xạ kích bước những bước đều đặn và rắn rỏi cầm súng ra khỏi hàng ngũ và dừng lại cách cái cột tám bước. Piotr ngoảnh mặt đi để khỏi trông thấy những việc xảy ra sẽ diễn ra.
   
Bỗng có tiếng nổ ầm âm mà Piotr nghe còn to hơn những tiếng sấm kinh khủng nhất, chàng quay lại nhìn. Qua là khói súng, chàng thấy bọn lính Pháp, mặt tái mét, tay run lẩy bẩy, đang làm gì bên miệng hố không rõ. Họ dẫn hai người khác ra. Hai người đó cũng nhìn mọi người với khoé mắt như thế, họ im lặng, chỉ nhìn bằng mắt, cầu xin một sự che chở nào không thể đến được, và rõ ràng là họ không hiểu và không tin điều sắp xảy ra. Họ không thể tin được, bởi vì chỉ có họ mới biết sinh mạng của họ quý đến nhường nào đối với họ, cho nên họ không hiểu và không tin rằng người ta có thể tước đoạt sinh mạng của họ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:00:57 pm
Piotr muốn đừng nhìn nữa. Chàng lại ngoảnh mặt đi; nhưng một tiếng nổ khủng khiếp lại ập vào tai chàng, và cùng lúc ấy chàng trông thấy khói, thấy máu người chảy ra, và những gương mặt tái nhợt, hoảng sợ của mấy người lính Pháp bấy giờ lại làm những gì bên cạnh cái cột, đưa những bàn tay run rẩy xô đẩy nhau. Piotr thở nặng nhọc đưa mắt nhìn quanh như muốn hỏi xem; cái gì thế này?
   
Trong tất cả những cái nhìn mà Piotr bắt gặp cũng đều hiện rõ câu hỏi đó.
   
Trên gương mặt của tất cả những người Nga, tất cả những người Pháp dù là lính hay sĩ quan, không trừ một ai, chàng đều đọc được nỗi kinh hãi, sợ sệt và băn khoăn đang day dứt lòng chàng. "Những ai, ai làm ra sự việc này thế? Họ cũng đều khổ sở như tất cả. Thế thì ai? Thế thì ai?" - ý nghĩ đó loé lên trong tâm tư Piotr trong khoảng một giây.

- Xạ thủ trung đoàn tám sáu, bước lên! - Có tiếng hô. Họ dẫn người thứ năm đứng cạnh Piotr ra cột, - Chỉ dẫn có một người thôi.
   
Piotr không hiểu rằng mình đã thoát chết: không hiểu rằng chàng và tất cả những người còn lại bị dẫn đến đây để chứng kiến cuộc hành hình. Với một lòng kinh hãi mỗi lúc một tăng, không cảm thấy vui mừng, cũng không thấy bình tâm lại, chàng nhìn những việc đang diễn ra.  Người thứ năm là người thợ mặc áo dài. Họ vừa chạm vào người anh ta thì anh ta đã hoảng hốt nhảy lùi lại và bám giật lấy Piotr  (Piotr giật nẩy mình và gỡ ra). Người thợ không đi được. Họ xốc nách lôi anh ta đi, trong khi anh ta đến cạnh cái cột, anh ta im bặt, dường như vừa hiểu ra một cái gì. Không biết anh ta đã hiểu ra rằng có kêu la cũng vô ích, hay anh ta nghĩ rằng không thể nào người ta lại giết mình được, chỉ thấy anh ta đớng bên cột chờ cho họ bịt mắt lại như những người kia, và đưa đôi mắt sáng long lanh nhìn quanh như một con thú bị thương.
   
Piotr không còn đủ sức để ngoảnh mặt đi và nhắm mắt lại nữa.
   
Trí tò mò và sự xúc động của chàng cũng như của đám đông trong khi diễn ra vụ sát nhân thứ năm này đã lên đến mức cực điểm. Cũng như mấy người trước, người thứ năm này cũng có vẻ bình tĩnh: anh ta cài cúc áo và cọ cọ hai bàn chân không vào nhau.
   
Khi họ bắt đầu bịt mắt anh ta, anh ta tự sửa lại cái nút ở quả gáy cho đỡ đau; rồi đến khi họ đẩy anh ta dựa vào cái cột đẫm máu người, anh ta ngả hẳn về phía sau. Vì thế đứng này làm anh ta khó chịu, anh ta đứng thẳng người dậy và điềm tĩnh dựa lưng vào cột. Piotr nhìn chằm chặp vào người thợ không bỏ qua một cử động nhỏ nào.
   
Chắc lúc ấy phải có tiếng hô, chắc là sau tiếng hô phải có tiếng nổ của tám khẩu súng trường. Nhưng Piotr dù về sau chàng đã hết sức cố nhớ lại, cũng không hề mảy may nghe thấy tiếng nổ nào.
     
Chàng chỉ thấy người thợ chẳng hiểu tại sao bỗng dưng tụt người xuống, máu bỗng đỏ loang ra ở hai nơi, những sợi dây bị sức nặng của thân hình anh ta kéo trĩu xuống bỗng tụt ra và người thợ gục đầu xuống một cách không tự nhiên, chân gập lại, ngồi xuống đất, Piotr chạy đến cạnh cái cột. Không ai giữ chàng lại cả. Quanh người thợ có những con người hoảng sợ, mặt tái nhợt, đang làm cái gì không rõ. Một người Pháp già râu ria đến cởi dây trói. Hàm dưới hắn rung rung. Cái xác rơi phịch xuống. Mấy người lính vội vã và vụng về kéo cái xác ra sau cột và bắt đầu đẩy xuống hố.
   
Hiển nhiên cả bọn họ đều biết rằng mình là những kẻ phạm tội và cần phải che giấu những vết tích của tội ác mình vừa làm.
 
Piotr liếc nhìn xuống hố và thấy người thợ nằm ngửa, gối co lên sát đầu, vai nghiêng hẳn sang một bên. Cái vai nhô cao hơn vai kia cứ giật giật như lên kinh phong. Nhưng những thuổng đất đã phủ lên khắp cái thân hình đang hấp hối. Một người lính giận dữ quát bảo Piotr lùi ra, giọng hằn học và đau đớn. Nhưng Piotr không nghe rõ, chàng cứ đứng yên cạnh cái cột và chẳng ai xua chàng đi cả.
   
Khi cái hố đã lấp xong, một tiếng hô vang lên. Họ dẫn Piotr về chỗ cũ. Toán lính Pháp đứng sắp hàng hai bên cột quay về phía sau và bắt đầu bước đều đi qua cái cột. Hai mười bốn người lính xạ kích, súng đã rỗng nòng, đứng ở giữa vòng người, chạy về chỗ trong khi các đại hội đi cạnh họ. Piotr đưa đôi mắt đẫn đờ, vô tri vô giác nhìn mấy người xạ thủ đang từng đôi một chạy ra khỏi vòng.
   
Mọi người đều đã trở về hàng ngũ, trừ một người lính trẻ tuổi. Mặt tái mét như người chết, đầu đội mũ sa-cô hất ngược ra sau gáy, súng hạ xuống, vẫn đứng ở trước hố, chỗ hắn ta đứng bắn lúc nãy.
   
Như một người say rượu, hắn lảo đảo, khi thì bước tới một vài bước, khi thì bước lùi, để giữ thăng bằng cho cái thân hình đang nghiêng ngả. Một người hạ sĩ quan vào hàng. Đám người Nga và người Pháp bắt đầu giải tán. Ai nấy đều lặng thinh bước đi, đầu cúi gằm.

- Cho chừa cái thói đốt nhà đi! - một người Pháp nói. Piotr ngoảnh lại nhìn người vừa nói và thấy đó là một người lính đang muốn tìm cách tự an ủi sau những việc vừa xảy ra, nhưng vô hiệu.
   
Nói chưa hết câu, hắn đã khoát tay một cái và bỏ đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:02:22 pm
Phần XII
Chương -12 -13

Sau cuộc hành trình, họ tách Piotr ra khỏi những người bị giam khác và đưa chàng vào một ngôi nhà thờ bị phá tan hoang và bị ô uế.
   
Đến chập tối một nhân viên sĩ quan coi nhà tù vào nhà thờ nói cho Piotr biết rằng chàng đã được tha tội chết và bây giờ sẽ được đưa vào trại tù binh. Họ đưa chàng đến một khóm nhà lán làm bằng những mảnh ván và những súc gốc cháy dở dựng trên một cánl đồng, và dẫn chàng vào một trong những cái lán. Trong bóng tối có chừng hai mươi người thuộc đủ các hạng đứng vây lấy Piotr. Piotr nhìn họ, không hiểu họ là ai, tại sao họ ở đây và họ muốn gì chàng.
     
Chàng cũng có nghe những lời họ nói với chàng, nhưng không rút ra được một kết luận nào và không biết dùng những điều nghe được vào việc gì hết: chàng hiểu. Họ hỏi thì chàng trả lời, nhưng chàng không rõ người đang nghe mình nói là ai và họ hiểu những câu trả lời của mình ra sao, chàng nhìn những khuôn mặt, những bóng người trong lán, và những khuôn mặt, những bóng người ấy chàng đều thấy vô nghĩa như nhau.
   
Từ cái phút mà Piotr mục kích vụ giết người khủng khiếp kia do những người tiến hành, tuy họ không muốn làm như vậy, chàng chợt cảm thấy hình như cái dây cót giữ vững mọi vật và cho mọi vật một dáng dấp có sức sống trong tâm hồn chàng bỗng bị giật tung ta, và mọi vật đều sụp đổ thành một đống hỗn độn và vô nghĩa.    Tuy chàng không có ý thức rõ rệt, lòng chàng đã mất hết tin tưởng vào tính chất hài hoà của thế giới, vào lòng người cũng như vào lòng mình, vào Thượng đế. Trước đây Piotr cũng từng có tâm trạng như vậy nhưng chưa bao giờ nó mạnh mẽ như bây giờ. Trước kia những khi trong lòng chàng nổi dậy những mối ngờ vực như thế, thì cội nguồn của nó đều là những lỗi lấm của chàng. Và những lúc ấy trong thâm tâm Piotr cảm thấy con người thoát khỏi những thất vọng, ngờ vực này có thể tìm ngay trong bản thân chàng. Nhưng bây giờ chàng cảm thấy không phải là lỗi tại chàng mà thế giới sụp đổ xuống trước mặt chàng như vậy, chỉ còn lại những đống vụn vô nghĩa. Chàng thấy mình không sao lấy lại được lòng tin vào cuộc sống nữa.
   
Có nhiều người vây quanh chàng trong bóng tối: chắc là họ thấy chàng có một cái gì lạ lắm. Người ta đã nói với chàng điều này điều nọ, hỏi han chàng chuyện nọ chuyện kia, rồi dẫn chàng đến chỗ này chỗ nọ, và cuối cùng chàng thấy mình đứng trong góc lều bên cạnh những người nào không biết, đang nói nói cười cười chung quanh.

- Anh em ạ… đây chính là cái ông hoàng thân mà… (chữ mà này được nhấn mạnh đặc biệt) - có tiếng ai nói ở góc lán đối diện.
   
Piotr lặng thinh ngồi không động đậy trên lớp rạ trải sát vách, khi thì mở mắt ra, khi thì nhắm mắt lại. Nhưng chàng vừa nhắm mắt đã trông thấy ở phía trước hiện ra khuôn mặt khủng khiếp, đặc biệt khủng khiếp là vì nó hình dị lạ thường, của người thợ, và những khuôn mặt của bọn sát nhân bất tự giác kia, còn khủng khiếp hơn nữa vì vẻ lo lắng bứt rứt của nó. Và chàng lại mở mắt ra, ngơ ngác nhìn bóng tối bao bọc quanh nình.
   
Bên cạnh chàng có một người nhỏ bé ngồi cúi lom khom. Lúc đầu Piotr nhận thấy cạnh mình có người này là vì cái mùi mồ hôi rất nặng bốc ra mỗi khi hắn ta cử động. Hắn đang lúi húi trong bóng tối, cúi xuống sát bàn chân làm gì không rõ, và tuy không trông thấy mặt hắn, Piotr vẫn có cảm giác rằng hắn luôn luôn đưa mắt nhìn chàng. Khi mắt đã quen nhìn trong bóng tối, Piotr hiểu rằng người ấy đang cởi giày cởi dép gì đấy, và cách hắn ta cởi giày khiến chàng chú ý.
     
Sau khi tháo mảnh giẻ dài quấn ở chân, hắn cẩn thận cuốn mảnh giẻ lại và lập tức chuyển sang chân kia, vừa cởi vừa liếc mắt nhìn Piotr.  Trong khi một tay hắn đang treo mảnh vải lên vách, tay kia đã bắt đầu tháo mảnh vải ở chân kia. Sau khi tháo những mảnh vải quấn chân một cách cẩn thận, với những động tác tròn trĩnh, khéo léo không vấp váp, tuần tự kế tiếp nhau như vậy, người ấy treo mấy mảnh vải quấn chân lên những cái cọc đóng vào vách ở trên đầu, lấy một con dao con ra cắt một vật gì, xếp dao lại, đút xuống chỗ gối đầu, và sau khi ngồi lại cho thoải mái hơn, hắn ta đưa tay ôm lấy hai đầu gối nhô cao lên và nhìn thẳng vào Piotr, Piotr cảm thấy những dộng tác khéo léo, trong cách thu xếp cái góc nhà thành chỗ ở và ngay trong cái mùi mồ hôi của người ấy nữa đều có một cái gì dễ chịu và tròn trĩnh khiến cho chàng thấy bình tâm.
   
Chàng cũng chăm chú nhìn lại.

- Chắc ông đã gặp phải lắm chuyện không may, phải không?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:03:30 pm
Con người bé nhỏ kia bỗng cất tiếng nói. Và trong giọng nói ngân nga của hắn ta có một âm sắc hồn hậu và dịu dàng khiến Piotr muốn trả lời, nhưng hàm dưới chàng cứ run lên, và chàng thấy nghẹn ngào không nói được. Nhưng ngay lúc ấy không để cho Piotr lộ vẻ bối rối, lại nghe cái giọng nói dễ chịu ấy nói tiếp:

- Thôi anh bạn ạ, đừng buồn - người ấy nói với cái giọng ngân nga và âu yếm như giọng những bà già nông dân Nga. - Đừng buồn anh ạ: khổ một giờ, sống đời đời! Thế đấy anh bạn ạ. Và nhờ trời sống thế này cũng tạm ổn. Người cũng có người xấu, người tốt - hắn nói, và chưa hết câu, hắn đã chống gối nhỏm dậy với một động tác mềm mại, rồi vừa ho hắng vừa bỏ đi đâu không rõ.

- À, đồ mất dậy, đã về đấy à! - Giọng nói dịu dàng lúc nãy từ cuối lều vọng lại. - Nó lại về, cái con mất dạy này này, thì ra nó cũng nhớ! Thôi thôi, được rồi. - Và người lính vừa đẩy một con chó nhỏ đang chồm lên người vừa trở về chỗ cũ và ngồi xuống. Tay hắn ta cầm một gói gì bọc trong miếng giẻ rách.

- Đây ông xơi một chút ông ạ, - người lính nói, trở lại giọng bốc kính cẩn như cũ, tay mở gói giẻ và đưa cho Piotr mấy củ khoai nướng - Bữa ăn chiều vừa rồi có xúp. Nhưng khoai này ngon lắm.
Suốt ngày hôm ấy Piotr không ăn gì, cho nên mùi khoai nướng bốc lên khiến chàng thấy dễ chịu lạ lùng. Chàng cảm ơn người lính và bắt đầu ăn.

- Ấy chết, kìa, cứ thế mà ăn? - người lính mỉm cười nói đoạn lấy ra một củ khoai. - Ăn như thế này này. - Hắn ta lại lấy con dao xếp ra, để củ khoai lên lòng bàn tay cắt ra làm hai miếng bằng nhau, lấy muối gói trong những miếng giẻ rắc lên và đưa cho Piotr.
   
Khoai ngon lắm, - hắn nhắc lại. - ăn như thế này này, anh ăn đi.
     
Piotr tưởng chừng chưa bao giờ ăn món gì ngon hơn thế.

- Tôi thì chẳng nói làm gì; - Piotr nói, - nhưng tại sao họ đem bắn những người khốn khổ ấy!… Người sau cùng chỉ độ hai mươi tuổi.

- Suỵt suỵt, người lính nhỏ bé nói; - thật là có tội, thật là có tội… - hắn nói thêm rất nhanh, và dường như những lời nói của hắn bao giờ cũng sẵn sàng trong miệng và bất thần tuôn ra, hắn nói tiếp - Sao thế, ông ở lại Moskva à?

- Tôi không ngờ chúng đến nhanh như thế. Tôi tình cờ ở lại - Piotr nói.

- Thế chúng nó bắt anh như thế nào hở anh bạn? Vào nhà bắt à?

- Không, tôi đi xem cháy nhà, thế là chúng nó bắt tôi, buộc cho tôi tội đốt nhà.

- Đâu có xét xử là ở đấy có oan ức - người lính nhỏ bé nói.

- Thế anh ở đây đã lâu chưa? - Piotr hỏi trong khi nhai nốt củ khoai cuối cùng.

- Tôi ấy à? Chủ nhật vừa rồi chúng tôi tôi ra khỏi nhà thương Moskva.

- Thế anh là thế nào, lính à?

- Lính trung đoàn Apsenron. Bị sốt gần chết. Họ chẳng bảo gì chúng tôi cả. Trong bọn họ nằm ở nhà
thương chúng tôi có cả thảy chừng hai mươi người. Họ cũng chẳng biết nữa, mà cũng chẳng ngờ.

- Anh ở đây có buồn không? - Piotr hỏi.

- Sao lại không buồn, anh bạn? Tôi là Planton, họ Karataiev: người lính nói thêm, chắc là để cho Piotr dễ xưng hô khi nói chuyện. - Trong đơn vị họ đùa tôi là "con điểu con". Sao lại không buồn anh bạn! Moskva là bà mẹ của các thành phố! Trông thấy thế ai chả buồn. Nhưng con sâu ăn bắp cải thì lại chết trước bắp cải, các cụ vẫn bảo mà, - hắn ta nói thêm rất nhanh.

- Sao, anh nói thế nào? - Piotr hỏi.

- Tôi ấy à? - Marataiev nói. - Tôi bảo là kẻ xét xử không phải chúng ta mà là Chúa - hắn đáp, yên trí rằng mình đang nhắc lại câu vừa nói, rồi lập tức nói tiếp:

- Thế nào, anh cũng có điền trang chứ? Có nhà cửa chứ? Anh chắc là giàu có ê hề lắm nhỉ! Thế có bà chị ở nhà không? Ông cụ, bà cụ còn cả chứ? - hắn hỏi, và tuy Piotr không trông thấy hắn trong bóng tối, chàng cảm thấy môi người lính đang mỉm cười một nụ cười rụt rè và trìu mến trong khi hỏi chàng. Hắn ta hình như lấy làm buồn khi biết Piotr không còn cha mẹ, nhất là không còn mẹ.

- Vợ là để bàn bạc, bà nhạc là để đón chào, nhưng không có ai quý cho bằng mẹ đẻ ra mình! - hắn nói - Thế có con không? - hắt hỏi tiếp. Khi nghe Piotr nói là không, hắn hình như lại lấy làm buồn, và vôi vã nói thêm: Thôi hai người còn trẻ, nhờ trời rồi sẽ có. Miễn sao sống với nhau cho hoà thuận.

- Nhưng bây giờ thì còn thiết gì, - Piotr bất giác thốt lên.

- Chà cái ông này, cái bị cũng phúc, nhà ngục cũng may chứ - Platon cãi. Hắn ngồi lại cho thoải mái, đằng hắng mấy cái, hẳn là đang sắp sửa kể một câu chuyện dài; - Đấy, ông xem, tôi đang ở nhà, - hắn mở đầu.
- Điền trang thì trù phú, tất nhiên, nông dân sống khá giả, nhà tôi cũng thế, đội ơn Chúa. Cha tôi ngày ngày ra đồng cắt cỏ. Chúng tôi sống khá giả lắm. Chúng tôi ăn ở như người Cơ đốc giáo yên lành. - Thế rồi… - Và Platon kể một câu chuyện dài, chuyện hắn ta đi vào rừng cùng nhà địa chủ láng giềng đẵn gỗ chẳng may bị lão kiểm lâm bắt được. Họ đánh hắn, đem ra toà xét xử rồi bắt đi lính; ấy thế anh bạn ạ, - hắn nói tiếp, giọng nghe hơi khác đi và đang nhoẻn miệng cười, - tưởng là chuyện buồn hoá ra là chuyện vui! Tôi mà không bị tội thì em tôi phải đi rồi! Chú nó có năm con, còn tôi thì chỉ có một mình vợ tôi ở nhà. Trước kia, tôi cũng có mụn con gái, nhưng Chúa đã gọi về từ trước khi tôi đi lính. Có dạo tôi được về phép, anh ạ, tôi thấy cả nhà sống khá giả hơn trước. Nhà rất nhiều miệng ăn, đàn bà ở nhà, hai chú nó hì đi kiếm ăn ở chỗ khác. Chỉ có Mikhailo, chú em út nhà tôi ở lại. Ông cụ nhà tôi bảo: con nào cũng như nhau; cắn móng tay nào mà chẳng đau? Thằng Planton mà không bị bắt đi lính thì thằng Mikhailo cũng phải đi. Ông lão gọi cả nhà lại đứng trước tượng thánh, ông ạ. Mikhailo, ông lão bảo thế, lại đây, cả bà nó nữa, lại đây, và cả các con nữa, lại đây mà quỳ trước tượng Chúa. Hiểu chưa? Ông lão bảo thế. Đấy, anh bạn ạ. Cũng tại số cả. Ta thì phán đoán: cái này không tốt, cái kia không ổn. Bạn ạ, hạnh phúc của ta cũng như nước ở trong cái đó bát ấy; bỏ xuống thì đầy nước, rước lên thì rỗng không. Thế đấy, - và Planton trở mình, ngồi lại trên ổ rơm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:04:48 pm
Ngồi lặng im một lúc, Planton đứng dậy.

- Thế nào, chắc ông buồn ngủ rồi phỏng? - Planton nói đoạn bắt đầu làm dấu thánh giá rất nhanh, mồm lầm rầm cầu nguyện:

- Lạy Chúa Jesus, lạy thánh Nikolai, Frolo và Lavra, lạy Chúa Jesus phù hộ cứu vớt chúng con! - Hắn kết thúc, sụp lạy sát đất, đứng dậy thở dài và ngồi xuống ổ rơm. - Thế đấy. Lạy Chúa cho con ngủ thật đầy, dậy thật dòn. - Nói đoạn hắn ta nằm xuống, kéo chiếc áo khoắc đắp lên người.

- Anh đọc kinh gì thế? - Piotr hỏi.
Hả? - Plantol nói (hắn đã thiu thiu ngủ) - Kinh gì ấy à? À cầu nguyện Chúa đấy. Thế anh không đọc kinh à?

- Có chứ, tôi cũng đọc, - Piotr nói. - Nhưng anh đọc cái gì mà có cả Frolo là Lavra thế?

- Chứ còn sao nữa, - Planton đáp nhanh, - Đó là hai vị thánh của loài ngựa. Cũng phải thương lấy súc vật chứ? Chà, đồ mất dậy, cuộn thu lu thế hả? Ấm rồi chứ, đồ "chó đẻ"? - Planton vừa nói vừa sờ sờ con chó nằm ở dưới chân rồi lại trở mình sang một bên và ngủ thiếp đi ngay.
   
Ở bên ngoài, xa xa đâu đó có tiếng kêu khóc, và qua những khe hở trên vách lều thấp thoáng có ánh lửa; nhưng trong lều im lặng và tối om. Piotr hồi lâu không ngủ, mắt mở thao láo nằm trong bóng tối nghe thấy tiếng ngáy đều đều của Planton nằm cạnh chàng và cảm thấy cái thế giới trước đây đã sụp đổ bây giờ lại nẩy nên trong lòng chàng và, với một vẻ đẹp tinh khôi dựa trên những nền móng mới mẻ, chắc chắn không gì lay chuyển nổi.

13.
     
Piotr bị giam trong lán bốn tuần lễ. Cùng ở đây có cả thảy hai mươi ba người lính, ba người sĩ quan và hai viên chức.
   
Về sau, khi Piotr hồi tưởng lại những ngày ấy, hình ảnh của tất cả những người đó hiện lên lờ mờ như trong đám sương mù, nhưng riêng Planton Karataiev thì vẫn mãi mãi còn lại trong lòng Piotr. Đối với chàng, đó là kỷ niệm sâu sắc nhất và thân yêu nhất, và là hiện thân của tất cả cái bản tính Nga, tốt đẹp, tròn trĩnh.
Sáng hôm sau lúc tờ mờ đất, khi Piotr trông thấy người bạn mới, cái ấn tượng đầu tiên của chàng hôm qua về một cái gì tròn trĩnh lại càng được củng cố thêm: tất cả là cái bóng dáng của Planton, trong chiếc áo khoác của Pháp thắt lưng bằng sợi dây thừng, với chiếc mũ lưới trai và đôi giầy tết bằng thớ vỏ cây, cả cái bóng dáng ấy có một vẻ gì tròn trĩnh khác thường; đầu Planton cũng tròn vo, lưng, ngực, vai và giầy tết bằng thớ vỏ cây, cả cái bóng dáng ấy có một vẻ gì tròn trĩnh khác thường; đầu Planton cũng tròn vo, lưng, ngực, vai và ngay cả đôi tay nữa - đôi cánh tay bao giờ cũng sắp sửa ôm một cái gì đều tròn trĩnh; nụ cười dễ chịu và đòi mắt to màu nâu dịu dàng của Planton cũng tròn.
     
Planton Karataiev chắc phải quá năm mươi tuổi; theo những câu chuyện bác ta kể về những chiến dịch đã từng tham gia từ hồỉ còn trẻ, có thể đoán chắc như vậy. Tự bản thân bác ta thì không biết và không sao có thể nói rõ mình bao nhiêu tuổi, nhưng răng bác ta, trắng bóng và rất chắc, luôn luôn vẽ thành hai hình bán nguyệt mỗi khi bật cười, (Planton rất hay cười) đều còn nguyên và cái nào cũng rất tốt, râu tóc bác chưa có sợi nào bạc; toàn thân bác lộ rõ vẻ dẻo dai và nhất là sự rắn rỏi, sức chịu đựng.
   
Mặt Planton tuy có những nếp nhăn nhỏ tròn tròn, vẫn có vẻ ngây thơ và trẻ trung; giọng nói bác ngân nga; nghe rất dễ chịu.
   
Nhưng đặc biệt hơn cả là bác ta nói năng rất hồn nhiên, nhanh nhẩu, lời lẽ bao giờ cũng tự nhiên và đúng lúc. Hình như bác ta không bao giờ nghĩ gì đến những điều mình đã nói và sẽ nói, và chính vì thế mà giọng nói nhanh nhẩu và chắc chắn của bác ta có một sức thuyết phục không sao cưỡng nổi.
   
Trong thời gian đầu bị giam cầm, Planton tỏ ra khoẻ mạnh và nhanh nhẹn đến nỗi có thể tưởng chừng bác không hề biết thế nào là mệt nhọc, ốm đau. Cứ mỗi tối, đến khi ngủ bác ta lại nói: "Lạy Chúa con ngủ thật đẫy, dậy thật giòn"; sáng sáng ngủ dậy bao giờ cũng so vai nói: "Cuộn tròn mà ngủ, rũ mình mà dậy". Và quả nhiên hễ bác ta nằm xuống một cái là lập tức bắt tay vào làm một việc gì không hề chần chừ lấy một giây, như trẻ con hễ thức dậy là vớ ngay lấy đồ chơi vậy. Việc gì bác ta cũng làm được; làm không khéo lắm, nhưng cũng không vụng. Bác ta nướng, luộc, khâu, bào, vá giày, lúc nào cũng luôn tay và chỉ đến đêm mới tự cho phép mình chuyện trò (bác ta rất thích nói chuyện) và ca hát. Bác ta hát không phải như những ca sĩ vốn biết người ta đang nghe mình hát, mà như loài chim, rõ ràng là hát vì thấy cần phải phát ra những nhạc thanh, cũng như cần nằm hay cần đi vậy, và những âm thanh ấy bao giờ cũng thanh thanh dịu dịu, buồn man mác, gần như tiếng hát của đàn bà, và những khi hát nét mặt bác rất nghiêm trang.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:05:36 pm
Bị bắt làm tù binh, bác để râu mọc xồm xoàm, hình như đã cởi bỏ những gì xa lạ mà cuộc đời lính đã khoác lên người bác, và trở về với nếp sống cũ của người dân cày, của nhân gian.
   
"Lính giải ngũ rồi thì áo bỏ ngay ra ngoài quần"(1) - Planton thường nói. Bác ta không thích nhắc đến thời đi lính, tuy cũng không khi nào than phiền về quãng đời đó, và thường nói rằng suốt thời gian tại ngũ bác ta chưa bị đánh roi nào. Những khi kể chuyện, bác thường thích kể hơn là những kỉ niệm xưa mà chắc là bác trân trọng đặc biệt, những kỉ niệm cuộc đời nông dân, cuộc đời "Cơ Đốc"(2) như bác vẫn nói.   Những câu tục ngữ nhan nhản trong lời nói của bác ta không phải là những tục ngữ phần lớn thô tục và bạo miệng mà lính tráng hay dùng; đó là những câu ngạn ngữ dân gian, những câu tách riêng ra thì có vẻ vô nghĩa nhưng khi nói đúng lúc thì bỗng bao hàm những ý nghĩa khôn ngoan một cách thâm thuý.
     
Nhiều khi bác ta nói trái hẳn lại với điều đã nói trước, nhưng cả hai điều đó cũng đều đúng như nhau. Bác thích nói và nói rất hay, luôn tô điểm lời nói của mình bằng những danh từ âu yếm(3) và những câu tục ngữ mà Piotr có cảm tưởng là chính bác ta đặt ta; nhưng điều thú vị hơn cả là qua cửa miệng Planton, những sự việc hết sức tầm thường, đôi khi chính là những sự việc mà Piotr vẫn thường thấy nhưng không để ý, bỗng dưng có một vẻ đẹp gì trang trọng lạ thường. Planton thích nghe những câu chuyện cổ tích mà cứ tối tối một người lính lại kể (tối nào cũng vẫn chuyện ấy) nhưng bác thích nghe hơn cả là những mẩu chuyện về cuộc sống thật. Bác mỉm cười vui sướng trong khi nghe chuyện, thình thoảng lại đệm một lời hay hỏi một câu nhằm tìm cho ra cái gì tốt đẹp trong những điều nghe kể. Karataiev không hề có những tình quyến luyến, tình bạn hay tình yêu như Piotr quan niệm. Nhưng bác ta yêu mến và gần gũi tất cả những gì cuộc sống run rủi cho bác tiếp xúc, và nhất là con người - không phải một con người nào nhất định, mà tất cả những con người đang ở trước mặt bác ta. Bác ta yêu mến con chó của bác, yêu mến các bạn cùng lán, yêu mến những người lính Pháp, yêu mến Piotr là người nằm cạnh bác. Nhưng Piotr cảm thấy rằng tuy bác ta đối với chàng ân cần và thân mật như vậy (một phần, cũng vì bác ta bất giác trân trọng cuộc sống tinh thần của Piotr), nhưng nếu phải từ giã chàng thì bác ta cũng sẽ buồn không phiền lấy một phút. Và Piotr cũng bắt đầu có một tình cảm như vậy đối với Karataiev.
     
Đối với tất cả các tù binh khác, Planton Karataiev là người lính hết sức bình thường; họ gọi bác là "con điều hâu" hay là Palatosa, họ chế giễu bác một cách hồn hâụ, và nhờ bác đi việc này việc nọ.
     
Nhưng đối với Piotr, Planton, vẫn như khi chàng gặp bác ta lần đầu là cái hiện thân bí ẩn, tròn trĩnh và vĩnh cửu của tinh thần giản dị và chân thật, và mãi mãi về sau vẫn như thế.
Planton Karataiev không thuộc lòng một cái gì hết ngoài lời cầu nguyện của bác. Những khi bắt đầu nói, hình như bác ta chẳng biết mình sẽ kết thúc ra sao.
   
Đôi khi Piotr, kinh ngạc vì ý nghĩa sâu sắc của câu bác ta vừa nói, yêu cầu bác nhắc lại một lần nữa. Nhưng Planton không sao nhớ được điều mình vừa nói cách đây một phút, - cũng như không sao đọc lại lời bài hát ưa thích của mình cho Piotr nghe. Trong bài hát có những câu: "Mẹ yêu dấu", "cây bạch dương nhỏ" và "ta buồn lắm" nhưng nghe cả bài thì những câu ấy chẳng có mạch lạc gì cả. Bác ta không hiểu và không sao hiểu được nghĩa của những từ tách ra khỏi câu nói. Mỗi lần nói, mỗi hành động của bác đều là sự thể hiện của một hoạt động mà bác không hề ý thức: cuộc sống của bác. Nhưng cuộc sống của Planton thì, theo như bác quan niệm, không hề có ý nghĩa nếu tách riêng ra một mình. Nó chỉ có ý nghĩa khi là một bộ phận nhỏ của một cái tổng thể mà bác luôn luôn cảm biết. Lời lẽ và hành động của bác toát ra từ bản thân bác cũng đều đặn tất yếu và trực tiếp như mùi hương toát ra từ cánh hoa. Bác không thể hiểu giá trị hay ý nghĩa của một hành động hay một lời nói tách rời.

=========================================================================

Chú thích:

(1) Nông dân Nga mặc áo rubaska rộng bỏ ra ngoài quần có thắt một sợi dây ngang lưng.

(2) Trong tiếng Nga, nông dân (krextyanxki) và chữ cơ đốc gần giống nhau về ngữ âm.

(3) Trong tiếng Nga tất cả các danh từ (hay tính từ: trạng từ cũng thế) có thể cấu tạo thành những từ có nghĩa "âu yếm" bằng cách thêm những vị tố đặc biệt



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:07:02 pm
Phần XII
Chương -14 -15

Được Nikolai cho biết tin anh nàng đang ở với gia đình Roxtov ở Yaroxlavl, công tước tiểu thư Maria, bất chấp những lời can ngăn của bà dì, lập tức sửa soạn ra đi, không những thế, nàng lại còn đem cả đứa cháu trai cùng đi nữa. Đi như vậy có khó khăn gì không, liệu có đi được không, nàng không hề hỏi và không muốn biết; bổn phận của nàng không những là phải ở bên cạnh anh nàng, có lẽ bây giờ đang hấp hối cũng nên, mà còn phải làm đủ cách để đưa con trai đến cho anh nàng gặp mặt. Và nàng đã nhất quyết ra đi. Nàng tự nhủ rằng sở dĩ công tước Andrey không cho nàng biết tin này là vì hoặc chàng yếu quá không viết thư được, hoặc chàng cho rằng nàng và đứa con trai của chàng đi một quãng đường xa xôi như vậy thì quá gian nan và nguy hiểm.
   
Chỉ vài ngày tiểu thư Maria đã sửa soạn xong để lên đường. Xe cộ của nàng gồm có cỗ xe kiệu to tướng của lão công tước - chiếc xe mà nàng đã dùng để đến Voronez, mấy chiếc xe britska và mấy chiếc xe chở đồ. Cùng đi với nàng có cô Burien, Nikoluska với ông gia sư, bà u già, ba người nữ tỳ, Tikhon, một người nội bộc trẻ tuổi và một người hành bộc của bà dì phải đi theo nàng.
   
Không thể không nghĩ đến chuyện đi theo con đường Moskva như thường lệ được, công tước tiểu thư Maria phải đi theo một con đường vòng qua Lipetxki, Ryazan, Vladimir. Con đường này rất dài, rất khó đi vì nhiều nơi không có trạm đổi ngựa, và qua vùng Ryazan lại còn nguy hiểm nữa là khác, vì nghe đâu quân Pháp đã xuất hiện ở vùng này.
   
Trong cuộc hành trình vất vả, cô Burien, Dexal và những người tôi tớ của công tước tiểu thư Maria đều phải lấy làm lạ vì sự cương nghị và sức hoạt động của nàng. Nàng bao giờ cũng đi ngủ sau cùng và dậy trước mọi người, và không có khó khăn trở ngại nào có thể ngăn cản nàng được. Nhờ sức hoạt động và nghị lực của nàng cổ vũ các bạn đồng hành, cuối tuần lễ thứ hai họ đã gần đến Yaroxlav.
   
Trong thời gian vừa qua ở Voronez, tiểu thư Maria đã được hưởng cái hạnh phúc êm đẹp nhất trong đời nàng. Tình yêu của nàng đối với Roxtov không còn làm cho nàng bứt rứt và khích động nữa. Tình yêu đó đã tràn ngập lòng nàng, đã trở thành một bộ phận khăng khít của bản thân nàng và nàng không còn đấu tranh với tình cảm nữa. Trong thời gian gần đây, công tước tiểu thư Maria đã thấy rõ tuy nàng chưa bao giờ tự nói với mình điều đó bằng những từ ngữ rõ ràng minh xác - rằng mình yêu và được yêu. Nàng đã thấy rõ như vậy trong lần gặp gỡ sau cùng với Nikolai khi chàng đến báo cho nàng biết rằng anh nàng hiện ở với gia đình Roxtov. Nikolai không hề có một lời nào ám chỉ rằng bây giờ những quan hệ trước kia giữa công tước Andrey và Natasa (nếu công tước Andrey qua khỏi) sẽ được nối lại, nhưng cứ nhìn gương mặt chàng, tiểu thư Maria cũng thấy rằng chàng biết và có nghĩ đến điều đó. Ấy thế mà không những thái độ của chàng đối với nàng một thái độ trân trọng, dịu dàng và chan chứa tình yêu - vẫn không thay đổi, mà chàng còn có vẻ như lấy làm mừng rằng quan hệ thân thuộc giữa chàng đối với tiểu thư Maria cho phép chàng tỏ bày một cách tự do hơn mối tình bạn và tình yêu của chàng, tiểu thư Maria có đôi khi nghĩ như vậy.  Tiểu thư Maria biết rằng nàng yêu lần này là lần đầu tiên và là lần cuối cùng trong đời, và cảm thấy mình được yêu, nàng thấy vui sướng và điềm tĩnh về phương diện này.
     


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:07:52 pm
Nhưng niềm vui này không những không làm mờ nhạt bớt tình thương xót của nàng đối với người anh, mà ngược lại, trạng thái yên tâm về mặt này lại khiến nàng có thể hoàn toàn buông mình theo tình thương ấy. Khi mới lên được ở Voronez, cảm xúc ấy mạnh đến nỗi khi nhìn gương mặt bơ phờ, tuyệt vọng của nàng, những người cùng đi yên trí rằng nàng nhất định sẽ ốm dọc đường; nhưng chính những nỗi khó khăn và những nỗi lo lắng trong cuộc hành trình, mà nàng đã dốc toàn lực vào để giải quyết, đã giúp nàng tạm thời khuây khoả và cho nàng có thêm sức mạnh.
     
Cũng như thường lệ những khi người ta đi đường trường công tước tiểu thư Maria chỉ nghĩ đến cuộc hành trình mà quên bẵng cả mục đích của nó. Nhưng khi đến gần Yaroxlav, khi lại sực nhớ đến những sự việc có thể đang chờ đón mình, không phải sau mấy ngày nữa, mà chỉ ngay tối nay thôi, nỗi xúc động của tiểu thư Maria dâng lên đến cực điểm.
   
Khi người hành bộc, được phái đến Yaroxlav trước để hỏi xem gia đình Roxtov ở đâu và hiện tình công tước Andrey ra sao, quay trở về và gặp chiếc xe kiệu lớn đang tiến vào thành phố ở gần trạm kiểm soát, anh ta hoảng sợ vì thấy khuôn mặt xanh xao một cách khủng khiếp của công tước tiểu thư Maria ló ra ngoài cửa xe.

- Thưa tiểu thư, con đã hỏi đủ cả: gia đình Roxtov hiện đang ở cạnh quảng trường, ở nhà một người lái buôn tên là Bronniko. Gần đây thôi ạ, ngay sát bờ sông Volga - người hành bộc nói.
     
Công tước tiểu thư Maria đưa đôi mắt hoảng sợ và băn khoăn nhìn vào mắt người hành bộc, không hiểu tại sao anh ta lại không trả lờt câu hỏi quan trọng nhất: Anh ta hiện ra sao? Cô Burien hỏi hộ nàng:

- Công tước thế nào?
   
Công tước đại nhân cùng ở với gia đình Roxtov trong ngôi nhà ấy.
 
"Thế nghĩa là anh ấy còn sống" - công tước tiểu thư nghĩ thầm và hỏi khẽ:

- Anh tôi ra sao?

- Nghe người ta nói là vẫn thế ạ.

"Vẫn thế" nghĩa là thế nào thì công tước tiểu thư Maria không hỏi. Nàng liếc mắt nhanh sang nhìn thằng Nikoluska lên bảy đang ngồi trước mặt nàng, vui mừng ngắm cảnh phố phường, rồi nàng cúi đầu xuống và không ngẩng lên nữa mãi cho đến khi chiếc xe nặng nề đang vừa lắc lư vừa lăn ầm ầm bỗng dừng lại. Cái bậc xe bỏ xuống đất nghe đánh xịch một tiếng loảng xoảng.
     
Cửa xe mở ra. Bên trái là sông Volga bát ngát, bên phải là một cái thềm nhà; trên thềm có nhiều người gia nô và một người con gái nào da dẻ hồng hào, làn tóc đen tết thành một chiếc bím dày, đang mỉm một nụ cười vờ vĩnh trông đến khó chịu, công tước tiểu thư Maria có cảm tưởng như vậy (người đó là Sonya). Công tước tiểu thư chạy lên mấy bậc thềm, người con gái có nụ cười vờ vĩnh nói: "Đây ạ đây ạ!" và công tước tiểu thư thấy mình đứng trong một gian tiền phòng, trước mặt một người đàn bà đã có tuổi, kiểu mặt như người phương Đông, đi ra đón nàng, vẻ cảm động. Đó là bá tước phu nhân. Bà ôm lấy tiểu thư Maria và hôn nàng.

- Con ơi! - bà nói. - Ta yêu con và đã biết con từ lâu.
   
Tuy đang bồi hồi xúc động, công tước tiểu thư Maria cũng hiểu rằng đó là bá tước phu nhân, và cần phải nói với phu nhân một câu gì mới được.  Nàng ấp úng nói mấy câu tiếng Pháp đáp lễ (nàng cũng chẳng biết mình làm thế nào mà nói được như vậy), với cái giọng mà người ta đã dùng để nói với nàng, rồi hỏi: "Anh ấy thế nào rồi ạ?"

- Bác sĩ bảo là không có gì nguy hiểm, - bá tước phu nhân nói, nhưng trong khi nói như vậy, bà lại thở dài ngước mắt nhìn lên trời, và trong cử chỉ đó có một cái gì trái hẳn với câu nói của bà.

- Anh ấy ở đâu? Có thể gặp anh ấy được không ạ? - Công tước tiểu thư hỏi.

- Được chứ, được chứ, cô bạn ạ, cô sẽ gặp ngay. Con anh ấy đây à? - bá tước phu nhân quay về phía Nikoluska bấy giờ đang đi với Dexal vào phòng. - Sẽ có đủ chỗ, nhà này rộng lắm. Ồ, cậu bé xinh quá!

Bá tước phu nhân đưa công tước tiểu thư vào phòng khách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:08:35 pm
Sonya nói chuyện với Burien. Bá tước phu nhân vuốt ve cậu bé.
   
Lão bá tước bước vào phòng chào hai công tước tiểu thư. Lão bá tước đã thay đổi nhiều từ dạo ông gặp công tước tiểu thư lần cuối cùng. Dạo ấy ông hãy còn là một ông già linh hoạt, vui vẻ đầy lòng tự tin, bây giờ ông là một con người lạc lõng, thảm hại. Trong khi nói chuyện với công tước tiểu thư, ông luôn luôn đưa mắt nhìn quanh như thể muốn hỏi mọi người xem mình làm như thế có được không. Sau khi Moskva bị thiêu huỷ và tài sản bị thất tán, còn mình thì bị tách ra khỏi nếp sống quen thuộc, bá tước hình như đã mất ý thức về lẽ sống của mình và cảm thấy mình bây giờ không còn chỗ đứng trong cuộc đời nữa.
   
Tuy chỉ mong sao được gặp anh ngay, và bực bội trong khi chỉ mong được thấy mặt anh mà người ta lại cứ ám lấy nàng và vờ vĩnh khen ngợi đứa cháu của nàng, công tước tiểu thư như Maria cũng để ý thấy tất cả những việc đang diễn ra quanh nàng, và thấy cần phải tạm khuất phục cái trật tự mới của nơi nàng vừa đến. Nàng biết rằng tất cả những cái đó đều không thể tráoh được và không lấy làm bực mình vì họ.

- Đây là cháu gái tôi, - Bá tước giới thiệu Sonya, công tước tiểu thư chưa biết nó à?
     
Công tước tiểu thư quay về phía Sonya, và cố nén cái cảm giác thù địch đang nổi dậy trong lòng, nàng hôn Sonya. Nhưng nàng thấy khổ tâm vì tâm trạng của tất cả những người ở chung quanh sao khác xa những điều đang xôn xao trong lòng nàng quá.

- Anh ấy ở đâu? - nàng lại hỏi lại tất cả mọi người một lần nữa.

- Anh ấy ở dưới nhà ạ! Natasa đang ngồi với anh ấy, - Sonya đỏ mặt nói, - Đã cho người đi hỏi rồi ạ. Chắc tiểu thư mệt lắm, phải không ạ?
   
Công tước tiểu thư ứa nước mắt vì tức bực.  Nàng quay mặt đi và toan hỏi lại. Bá tước phu nhân một lần nữa xem phải đi lối nào để đến phòng công tước Andrey thì ngoài cửa có những tiếng bước nhẹ nhàng, rất nhanh, nghe như vui vẻ. Công tước tiểu thư quay lại nhìn và thấy Natasa đi như chạy vào phòng, Natasa, người mà hồi nào gặp ở Moskva đã gây cho nàng nhiều ác cảm như vậy.
   
Nhưng công tước tiểu thư vừa thoáng nhìn lên gương mặt Natasa thì đã hiểu rằng đây là một người thật sự cùng chung nỗi buồn với nàng, và do đó là bạn của nàng. Nàng lao người ra đón Natasa, ôm lấy nàng, và úp mặt lên vai Natasa mà khóc.
     
Đang ngồi trên đầu giường công tước Andrey, Natasa được tin công tước tiểu thư đến, nàng lặng lẽ đi ra khỏi phòng với những bước chân nhanh nhẹn mà công tước tiểu thư Maria nghe như vui vẻ đón, để chạy tới gặp nàng.
     
Khi nàng chạy vào phòng, trên gương mặt khích động của nàng chỉ biểu lộ tình cảm - tình yêu thương đối với chàng, đối với tiểu thư Maria, đối với tất cả những gì gần gũi với người mà nàng yêu, niếm trắc ẩn, nỗi đau xót vì những người khác và lòng mong muốn thiết tha quên tất cả đời mình để giúp họ. - Có thể thấy rõ rằng giây phút ấy trong tâm trí Natasa không hề có một ý nghĩ nào về mình, về những mối quan hệ của mình với công tước Andrey.
   
Vốn có một trực giác nhạy bén, công tước tiểu thư Maria thoạt nhìn gương mặt Natasa đã hiểu ngay tất cả điều đó. Nàng khóc trên vai Natasa với một nỗi buồn pha lẫn một cảm giác vui sướng.

- Đi đi ta vào với anh ấy đi, Maria, - Natasa nói đoạn dẫn nàng sang phòng bên.
     
Công tước tiểu thư Maria ngẩng đầu lên, lau nước mắt và quay mặt về phía Natasa nàng sẽ biết hết sự tình.

- Anh ấy. - nàng bắt đầu hỏi, nhưng lại ngừng bặt. Nàng thấy không thể nào dùng ngôn ngữ để hỏi han hay để trả lời được.
   
Gương mặt và đôi mắt của Natasa tất phải nói hết với nàng, rõ hơn và sâu hơn.
     
Natasa nhìn nàng, nhưng hình như Natasa đang lo sợ và phân vân - có nên nói tất cả những điều mà nàng biết với công tước tiểu thư hay không: nàng dường như cảm thấy rằng trước đôi mắt trong sáng này, đang dọi suốt vào đáy lòng nàng, không thể không nói hết, nói hết sự thật đúng như nàng đã thấy. Môi Natasa bỗng run lên, miệng chúm lại thành những nếp nhăn xấu xí, rồi nàng bật lên tiếng khóc thổn thức và lấy tay bưng mặt.
     
Công tước tiểu thư hỏi Natasa.

- Nhưng vết thương của anh ấy ra sao? - Nói chung tình trạng anh ấy thế nào?

- Tiểu thư… tiểu thư sẽ thấy, - Natasa chỉ nói được như vậy.
     
Họ ngồi một lát ở nhà dưới, cạnh phòng chàng, để đủ thì giờ nín khóc mà vào phòng chàng với vẻ mặt điềm tĩnh.

- Bệnh trạng diễn biến từ đầu ra sao? Bệnh tăng đã lâu chưa?

- Cái đó xảy ra từ bao giờ? - công tước tiểu thư Maria hỏi.
     
Natasa kể rằng thời gian đầu bệnh tình có nguy kịch vì trạng thái sốt nóng và những cơn đau, nhưng đến Troisk thì đỡ, và bác sĩ chỉ còn lo một điều là chứng hoại thư, nhưng rồi nguy cơ này cũng qua khỏi. Khi đến Yaroxlav, vết thương bắt đầu mưng mủ (Natasa biết tất cả những điều gì có dính dáng đến hiện tượng mưng mủ v.v.) và bác sĩ nói rằng quá trình mưng mủ có thể diễn biến tốt. Rồi công tước Andrey lại sốt. Bác sĩ nói rằng cơn sốt này không lấy gì làm nguy hiểm. Nhưng cách đây hai ngày, - Natasa bắt đầu nói. - bỗng dưng cái đó xảy ra… nàng nén những tiếng thổn thức. - Tôi không hiểu tại sao, nhưng tiểu thư sẽ thấy rõ anh ấy như thế nào.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:09:24 pm
- Yếu đi! Gầy đi à?… - công tước tiểu thư hỏi.

- Không, không phải thế, còn tệ hơn nữa. Chị sẽ biết. Ôi Maria anh ấy tốt quá, anh ấy không thể… anh ấy không thể sống bởi vì…

15.
     
Khi Natasa, với một động tác quen thuộc, mở cửa phòng công tước Andrey ra và tránh sang một bên nhường lối cho công tước tiểu thư vào trước, tiểu thư Maria đã thấy nghẹn ngào trong cổ chỉ chực khóc oà oà lên. Dù nàng có chuẩn bị tinh thần, có cố trấn tĩnh bao nhiêu; nàng cũng vẫn biết rằng mình không sao đủ sức trông thấy anh mà không khóc được.
     
Tiểu thư Maria hiểu Natasa muốn nói gì khi nàng bảo là cái đó đã xảy ra cách đây hai ngày. Nàng hiểu rằng như thế nghĩa là công tước Andrey bỗng nhiên đã dịu hẳn lại và đó chính là dấu hiệu của cái chết. Khi đến gần cánh cửa, nàng đã trông thấy trong tưởng tượng khuôn mặt của Andrey mà nàng đã từng biết hồi còn nhỏ, vẻ mặt dịu dàng, hiền hoà mà về sau nàng ít khi thấy ở chàng, cho nên bao giờ cũng có sức tác động rất mạnh đối với nàng. Nàng biết chàng sẽ nói với nàng những lời dịu dàng, âu yếm, như những lời cha nàng đã nói trước khi tắt thở, nàng biết mình sẽ không nén nổi lòng và sẽ khóc oà lên trước mặt chàng. Nhưng trước sau rồi cũng đành phải thế, và nàng bước vào phòng. Những tiếng thổn thức mỗi lúc một dâng lên trong cổ nàng, trong khi đôi mắt cận thị của nàng mỗi lúc một thấy rõ hơn hình dáng và khuộn mặt chàng và sau cùng nàng thấy rõ những nét mặt và bắt gặp đôi mắt chàng.
   
Chàng nằm trên chiếc đi văng lót nhiều gối đệm, mình mặc chiếc áo dài nội tấm lót lông. Chàng gầy và xanh. Một bàn tay gầy gò trắng nhợt và trong suốt của chàng cầm một chiếc mùi xoa, còn bàn tay kia khẽ đưa ngón lên vuốt mấy sợi râu mép mỏng mọc đã dài. Mắt chàng nhìn hai người đang bước vào phòng.
   
Trông thấy mặt chàng và đôi mắt chàng nhìn công tước tiểu thư, Maria bỗng đi chậm lại. Nàng cảm thấy nước mắt mình bỗng khô đi và những tiếng thổn thức trong cổ ngừng bặt. Trông thấy vẻ mặt và khoé mắt của chàng, nàng bỗng thấy e sợ và cảm thấy mình có lỗi "Nhưng ta có lỗi gì?" - nàng tự hỏi… - "Có lỗi ở chỗ cô sống và nghĩ đến những cái gì đang sống, còn tôi…!" - Đôi mắt lạnh lùng nghiêm nghị của chàng đáp lại.
     
Trong đôi mắt ấy, một đôi mắt không nhìn ở bên ngoài mà là nhìn vào bên trong mình, có một cái gì hầu như thù địch, khi chàng chậm rãi đưa mắt nhìn em gái.
   
Chàng cầm lấy tay em gái và hôn nàng, như thường lệ ngày trước.

- Chào em, Maria, em làm thế nào đến được tận đây? - chàng nói với một giọng thản nhiên và xa lạ như
đôi mắt chàng. Giả sử chàng thét lên một tiếng vọng, tiếng thét ấy hẳn sẽ làm cho tiểu thư Maria đỡ hoảng sợ hơn là giọng nói này.

- Em đem cả cháu Nikoluska đến nữa à? - chàng nói, giọng vẫn bình thản, chậm rãi như trước, và rõ ràng là có vẻ như đang cố nhớ ra.

- Sức khoẻ anh nay ra sao? - Tiểu thư Maria nói, và chính nàng cũng lấy làm lạ về câu hỏi của mình.

- Cái đó thì phải hỏi bác sĩ, em ạ? - chàng đáp, và hình như lại cố gắng một lần nữa để tỏ vẻ trìu mến, chàng nói thêm.

- Cảm ơn em đã đến! - Có thể thấy rõ ràng chàng lại chỉ nói bằng đầu môi và không để tâm vào lời lẽ của mình.
   
Công tước tiểu thư Maria xiết tay chàng. Chàng hơi nhăn mặt một chút khi nàng xiết tay như vậy. Chàng lặng thinh, và nàng không biết nói gì. Nàng đã hiểu cái điều đã xảy đến với chàng từ hai ngày nay. Trong những lời lẽ, trong giọng nói của chàng và nhất là trong khoé nhìn ấy - một cái nhìn lạnh lùng, gần như thù địch - có thể cảm thấy một sự cách vời đối với những gì thuộc về trần thế, khiến người đang sống phải kinh sợ. Hình như chàng phải chật vật lắm mới hiểu được những cái gì thuộc về cõi sống; nhưng đồng thời cũng có thể cảm thấy sở dĩ chàng không hiểu không phải vì không còn đủ sức để hiểu, mà vì chàng đã hiểu một cái gì khác, một cái gì mà người sống không hiểu và không thể nào hiểu nổi, và cái đó đã thu hút hết tâm trí chàng.

- Phải, số phận đã run rủi cho chúng tôi gặp nhau lại một cách kỳ lạ như thế đấy! - Chàng nói, chấm dứt phút im lặng, và chỉ vào Natasa - Cô ấy suốt ngày săn sóc anh.
   
Công tước tiểu thư Maria lắng nghe mà không hiểu chàng nói gì Làm sao công tước Andrey, một người tế nhị, dịu dàng như vậy, mà lại có thể nói như thế trước mặt người con gái mà mình yêu.
   
Người con gái đang yêu mình! Nếu chàng nghĩ mình sẽ sống, thì chàng đã không nói điều đó với một giọng lạnh lùng khó chịu như vậy. Nếu chàng biết mình sẽ chết, thì làm sao chàng lại không thương hại nàng, làm sao chàng lại có thể nói như vậy trước mặt nàng được? Chỉ có thể có một cách giải thích, là bây giờ chàng thờ ơ với hết thảy mọi sự, và như vậy là vì có một cái gì khác, một cái gì tối quan trọng, đã mở ra trước mắt chàng.
   
Cuộc nói chuyện diễn ra lạnh nhạt, lúng túng và phút phút lại đứt quãng.

- Maria đi qua đường Ryazan đấy, - Natasa nói.

Công tước Andrey không để ý thấy nàng gọi em gái chàng là Maria, Natasa thì lần đầu tiên nhận thấy mình gọi tiểu thư Maria như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:10:21 pm
- Thế nào? - Chàng hỏi.

Chị ấy có nghe họ kể lại là Moskva đã cháy trụi, đâu hình như…
   
Natasa ngừng bặt, không thể nào nói chuyện được. Chàng rõ ràng là đang cố gắng lắng nghe, nhưng vẫn không chú ý nổi.

- Phải, cháy hết rồi, nghe họ bảo thế. - Chàng nói, - Thật đáng tiếc…
   
Đoạn chàng bắt đầu nhìn thẳng phía trước, mấy ngón tay lơ đễnh vuốt hàng ria mép lún phún.

- Maria ạ, thế em có gặp bá tước Nikolai à? - Công tước Andrey nói, hẳn là muốn cho họ vui lòng. - Anh ấy có viết thư về gia đình ở đây nói là yêu em lắm, - chàng nói tiếp một cách giản dị, bình thản, hẳn là không đủ sức, hiểu cái ý nghĩa phức tạp mà câu nói này có thể có đối với những người đang sống. Nếu em cũng yêu anh ấy thì… hai người lấy nhau à rất tốt - chàng nói thêm, hơi nhanh hơn trước một chút, tưởng như hài lòng vì đã tìm được những chữ mà mình tìm mãi không ra. Công tước tiểu thư Maria nghe lời chàng nói, nhưng những lời lẽ ấy đối với nàng không có ý nghĩa nào khác hơn là cho nàng thấy rõ hiện nay chàng đã xa cách đến nhường nào tất cả những gì thuộc về cõi sống.

- Nói đến em làm gì! - nàng điềm tĩnh đáp và liếc nhìn Natasa, Natasa cảm thấy cái nhìn ấy đặt lên mình nhưng nàng không nhìn lại. Cả ba người lại lặng thinh.

- Anh Andrey ạ, anh có muốn… - Công tước tiểu thư Maria bỗng cất giọng run run, - anh có muốn gặp cháu Nikoluska không? Cháu nhắc đến anh luôn đấy.
   
Công tước Andrey lần đầu tiên hơi nhếch mép mỉm cười, nhưng tiểu thư Maria, vốn biết rất rõ gương mặt chàng, hoảng sợ hiểu ra đó không phải là một nụ cười vui mừng, thương yêu đối với đứa con, mà là một nụ cười chế giễu kín đáo, nhẹ nhàng đối với tiểu thư Maria đã dùng đến thủ đoạn cuối cùng (theo như nàng nghĩ) để đưa chàng về cõi sống.

- Có ,anh rất mừng. Nikoluska có khoẻ không?

Khi họ dẫn Nikoluska vào gặp công tước Andrey - Cậu bé sợ sệt nhìn cha nhưng không khóc, vì bấy giờ chẳng có ai khóc cả, - chàng hôn con và rõ ràng là không biết nói gì với nó.
   
Khi họ dẫn đứa bé ra ngoài, Công tước tiểu thư Maria đến cạnh giường một lần nữa, hôn anh, và không sao kìm nổi được, nàng oà lên khóc nức nở. Công tước Andrey nhìn nàng đăm đăm.

- Em nghĩ đến Nikoluska à? - Chàng hỏi.

Tiểu thư Maria vừa khóc vừa gật đầu.

- Maria, em cũng biết sách Phúc â… nhưng rồi im bặt.

- Anh nói sao?

- Không, có gì đâu. Không nên khóc ở đây, - chàng nói, mắt vẫn nhìn nàng lạnh lùng như cũ.

Khi công tước tiểu thư Maria khóc, chàng hiểu rằng nàng khóc vì nghĩ đến nông nỗi Nikoluska sẽ mồ côi cha. Chàng cố hết sức trở về với cõi sống và với quan niệm của hai người.
   
"Phải, chắc họ phải cho thế là thê thảm lắm! - Chàng nghĩ - Nhưng thực ra nó đơn giản biết chừng nào!"
 
Chim trời không gieo, không gặt, nhưng đức Chúa Cha nuôi chúng nó sống"(1) - Chàng tự nhủ, và toan nói với Công tước tiểu thư như vậy  "Nhưng thôi, họ sẽ hiểu theo cách của họ, họ không hiểu được đâu! Họ không thể hiểu rằng tất cả những tình cảm mà họ trân trọng, tất cả những ý nghĩ mà họ cho là quan trọng như vậy thật ra đều vô ích. Ta và họ không thể hiểu được nhau" - Và chàng lặng thinh.
   
Đứa con trai của công tước Andrey đã lên bảy. Nó mới đọc được lõm bõm, và chưa biết gì cả. Kể từ ngày hôm ấy nó mới bắt đầu biết cảm nghĩ, có thêm khiếu quan sát và kinh nghiệm; nhưng giả sử lúc ấy nó có tất cả những phẩm chất đó nó cũng sẽ không thể nào hiểu một cách rõ hơn, sâu hơn lúc bấy giờ tất cả ý nghĩa của cái cảnh diễn ra giữa cha nó, tiểu thư Maria và Natasa, bây giờ nó đã hiểu được tất cả, nó không khóc khi bước ra khỏi phòng, nó lặng lẽ lại gần Natasa bấy giờ cũng bước ra theo, ngước đôi mắt xinh đẹp tư lự nhìn nàng có chiều rụt rè, cái môi trên hơi cong của nó run run, nó tựa đầu vào người nàng và khóc.
   
Từ hôm đó nó tránh Dexal, tránh Bá tước phu nhân, người vẫn hay vuốt ve nó, và hoặc ngồi một mình, hoặc mon men đến gần tiểu thư Maria hay Natasa mà bây giờ hình như nó yêu hơn cả cô nó, rồi im lặng và rụt rè vuốt ve.

==============================================================

Chú thích:

(1) Câu trong kinh thánh



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:11:30 pm
Phần XII
Chương - 16

Công tước Andrey không những biết rằng mình sẽ chết, mà còn cảm thấy mình đang chết, thấy mình đã chết một nửa. Chàng biết mình đang xa lạ dần với tất cả những cái gì thuộc về trần thế, và có một cảm giác lâng lâng hoan hỷ và kỳ dị. Không vội vã không lo lắng, chàng chờ đợi điều này sắp xảy đến. Cái cõi vĩnh hằng, đáng sợ huyền bí mà suốt cuộc đời chàng không lúc nào không cảm thấy, nay đã gần chàng lắm, và cái cảm giác lâng lâng kỳ dị của chàng lúc này chứng tỏ đối với chàng nó đã gần như dễ hiểu, hữu tình, cụ thể…
   
Trước kia chàng vẫn sợ chết. Chàng đã hai lần thể nghiệm cảm giác sợ chết, cái cảm giác day dứt khủng khiếp ấy, nhưng bây giờ chàng không còn hiểu nó nữa.
   
Lần đầu tiên chàng thể nghiệm cái cảm giác này là khi quả tạc đạn quay tít trước mặt chàng như một con quay, và chàng thì nhìn những đống rạ, những bụi cây, bầu trời, và biết rằng trước mặt chàng là cái chết. Đến khi chàng tỉnh dậy sau thời gian ngất đi vì vết thương và trong tâm hồn chàng, dường như bỗng chốc được giải phóng khỏi gánh nặng của cuộc sống, đã nở rộ đoá hoa của tình yêu vĩnh viễn, tự do, không lệ thuộc vào cõi đời này, thì chàng không còn sợ chết và không còn nghĩ đến cái chết nữa.
   
Trong những giờ phút cô đơn đau xót, nửa mê nửa tỉnh mà chàng đã trải qua sau khi bị thương, chàng càng nghĩ đến cái nguyên lý mới mẻ của tình yêu vĩnh viễn mở ra trước mắt, thì lại càng bất giác thoát ra khỏi cuộc sống trần tục. Yêu mọi vật, yêu mọi người, luôn luôn hy sinh mình cho tình yêu, có nghĩa là không yêu ai hết, có nghĩa là không sống một cuộc sống trần gian này nữa.
     
Và càng đi sâu vào nguyên lý của tình yêu này, càng thoát ly cuộc sống, chàng lại xoá bỏ hẳn cái tính trở ngại đáng sợ vẫn đứng ở giữa cuộc sống và cái chết khi ta không có tình yêu. Trong thời gian gần đây, mỗi khi chàng nhớ rằng mình phải chết, chàng lại tự nhủ: "Ừ thì thôi, càng tốt".
   
Nhưng sau cái đêm ở Mytisi, khi trong lúc nửa mê nửa tỉnh chàng thấy xuất hiện người con gái mà chàng khao khát, và khi chàng áp môi vào bàn tay nàng mà khóc những giọt nước mắt lặng lẽ và vui mừng, thì tình yêu đối với một người đàn bà đã bất giác len lỏi vào lòng chàng và lại gắn bó chàng với cuộc sống. Và những ý nghĩa vừa vui vừa mừng vừa hồi hộp bắt đầu dồn dập tràn tới. Bây giờ, nhớ lại cái phút trông thấy Kuraghin ở trạm cứu thương, chàng không còn có thể trở về với tình cảm lúc ấy được nữa, bây giờ lòng chàng đang bứt rứt với câu hỏi: Hắn còn sống không? Nhưng chàng không dám hỏi.
   
Bệnh trạng của chàng diễn biến theo trình tự bình thường.
   
Nhưng sự kiện mà Natasa gọi là cái đó đã đến với chàng, thì đã xảy ra hai ngày trước khi công tước tiểu thư Maria đến. Đó là cuộc vật lộn cuối cùng giữa cuộc sống và cái chết trong linh hồn công tước Andrey, và cái chết đã thắng. Đó là sự nhận thức đột ngột rằng chàng còn quý cuộc sống, cuộc sống được biểu trưng trong tình yêu của chàng đối với Maria, và là sự khắc phục cơn hoảng sợ cuối cùng trước cái chưa hề biết.

Bấy giờ là vào buổi tối. Cũng như thường lệ sau bữa ăn chiều, chàng đang ở trong trạng thái sốt nhẹ, và tư tưởng của chàng minh mẫn lạ thường. Sonya ngồi bên bàn. Chàng thiu thiu ngủ. Bỗng nhiên một cảm giác hạnh phúc tràn ngập lòng chàng.

"À, nàng đã vào đấy!" - chàng nghĩ.
     
Quả nhiên, Natasa đã lặng lẽ bước vào và ngồi ở chỗ Sonya lúc nãy.
   
Từ khi nàng bắt đầu săn sóc chàng, công tước Andrey luôn luôn cảm biết được sự có mặt của nàng bằng trực giác thể xác.
   
Nàng ngồi trên ghế bành. quay nghiêng về phía chàng, mình che ánh nến, và đan bít tất. (Nàng đã học đan bít tất từ khi công tước Andrey nói với nàng rằng không có ai biết cách chăm sóc người ốm giỏi bằng các bà u già đan bít tất, rằng trong những động tác của người đan bít tất có một cái gì làm cho tâm hồn yên tĩnh lại).


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:12:11 pm
Những ngón tay thon thon của nàng đang đưa nhanh đôi que đan thỉnh thoảng khẽ chạm vào nhau, và chàng có thể thấy rõ những nét trông nghiêng của mặt nàng đang tư lự cúi xuống.  Nàng cựa mình - cuộn len ở trên đầu gối nàng lăn xuống đất. Nàng giật mình, liếc nhìn chàng rồi lấy tay che ngọn nến, nàng cúi mình xuống với một động tác thận trọng, mềm mại và chính xác, nhặt cuộn len lên và ngồi lại như cũ.
   
Chàng nhìn nàng, nằm yên không cựa quậy, và thấy rằng sau động tác vừa rồi lẽ ra nàng cần phải thở phào một cái nhưng nàng không dám, chỉ khẽ thở lại cho đều đặn dần dần.
     
Ở tu viện Troisk hai người đã nhắc nhở lại thời dĩ vãng và chàng có nói với nàng là nếu chàng được sống, chàng sẽ vĩnh viễn biết ơn Chúa vì cái vết thương đã khiến cho chàng được gặp nàng; nhưng từ bấy đến nay họ không bao giờ nói đến tương lai nữa.
   
"Có thể như thế hay không? - Bây giờ chàng thầm nghĩ trong khi nhìn nàng và lắng tai nghe tiếng lách cách nhè nhẹ của đôi que đan. - Lẽ nào số phận run rủi cho ta gặp lại nàng một cách kỳ lạ như thế để rồi chết?… Chẳng lẽ chân lý của cuộc sống mở ra trước mắt ta chỉ để cho ta sống suốt đời trong sự dối trá hay sao? Ta yêu nàng hơn tất cả trên đời. Nhưng ta biết làm thế nào, nếu ta yêu nàng?" - Chàng tự nhủ, và bỗng bất giác rên lên một tiếng, theo thói quen đã nhiễm phải trong thời gian đau đớn vì vết thương.
   
Nghe tiếng rên, Natasa đặt chiếc bít tất xuống, quay về phía chàng, và bỗng nhận thấy mắt chàng sáng long lanh, nàng bước nhẹ đến cạnh chàng và cúi xuống.
   
- Anh không ngủ ư?
   
- Không, anh nhìn em đã lâu; anh đã cảm thấy em vào. Ngoài em ra không ai có thể cho anh cái cảm giác yên ổn, êm ái ấy, cái ánh sáng ấy… anh những muốn khóc vì vui sướng…
Natasa cúi xuống sát người chàng. Mắt nàng ánh lên một niềm vui bồng bột.
     
- Natasa anh yêu em quá đỗi, yêu hơn hết tất cả trên đời.
   
- Thế em thì sao? - Nàng quay mặt đi một thoáng. - Tại sao lại "quá đỗi? - Tại sao lại "quá đỗi" ư … Thế em nghĩ sao. Trong thâm tâm em cảm thấy thế nào, liệu anh có sống được không? Em thấy thế nào? Em tin chắc như vậy, chắc chắn như vậy! - Natasa nói gần như kêu lên, cuống quýt nắm chặt lấy hai tay chàng.
     
Chàng im lặng một lát.
     
- Được như thế thì sung sướng quá - Và chàng cầm tay nàng lên hôn.
     
Natasa sung sướng và xúc động; và ngay lúc ấy nàng sực nhớ ra rằng như thế không được, chàng đang cần yên tĩnh.
     
- Nhưng anh chưa ngủ, - nàng nén nỗi vui mừng lại nói, - Anh cố ngủ đi… em xin anh.
   
Chàng xiết tay nàng rồi buông ra; nàng đi về phía ngọn nến và lại ngồi xuống như cũ. Hai lần nàng quay mặt nhìn chàng, và mắt chàng long lanh nhìn lại. Nàng tự đề ra cho mình một giới hạn trên chiếc tất và tự nhủ là sẽ không nhìn lại nữa cho đến khi nào đan xong chỗ đó.
     
Quả nhiên, được một lát thì chàng nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi. Chàng không ngủ lâu. Chỉ một lát sau chàng bỗng giật mình tỉnh dậy, người toát mồ hôi lạnh.
   
Trong khi ngủ thiếp đi, chàng vẫn nghĩ đến điều mà gần đây chàng vẫn luôn nghĩ tới; cuộc sống và cái chết. Và chàng nghĩ đến cái chết nhiều hơn.
   
Chàng thấy mình gần cái chết hơn.
   
"Tình yêu? Tình yêu là cái gì nhỉ?" - Chàng nghĩ thầm "Tình yêu ngăn cản cái chết. Tình yêu là sự sống. Tất cả những điều mà ta hiểu, sở dĩ ta hiểu được nó là vì ta yêu. Tất cả sở dĩ có, sở dĩ tồn tại cũng chỉ vì ta yêu. Tình yêu là mối liên hệ duy nhất kết hợp vạn vật, tình yêu là Thượng đế, và chết đi nghĩa là ta, một phần nhỏ của tình yêu, trở về với cái nguồn cộng đồng vĩnh cửu của mọi vật Chàng thấy những ý nghĩ này có sức an ủi chàng. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ mà thôi. Có một cái gì còn thiếu ở trong ấy, có một cái gì phiến diện, cá biệt, chỉ thuộc trí tuệ, không được hiển nhiên. Và mối lo âu cũ, trạng thái mơ hồ trước kia vẫn còn. Chàng ngủ thiếp đi.

Chàng chiêm bao thấy mình đang nằm trong chính gian phòng này, nhưng chàng không bị thương, chàng vẫn khoẻ mạnh.
   
Nhiều khuôn mặt khác nhau, vô nghĩa, dửng dưng, hiện ra trước mắt chàng. Chàng nói chuyện với họ, bàn cãi với họ những chuyện bâng quơ vô bổ. Họ đang sửa soạn đi đâu đấy.  Công tước Andrey nhớ mang máng rằng tất cả những thứ đó đều vô nghĩa và chàng còn có những nỗi lo âu khác rất quan trọng, nhưng chàng vẫn tiếp tục nói những câu trống rỗng mà ý nhị làm cho họ ngạc nhiên. Dần dần những khuôn mặt ấy đều biến đi đâu từ lúc nào không rõ, và tất cả đến nhường chỗ cho một vấn đề duy nhất, là phải làm thế nào khép cánh cửa lại.  Chàng đứng dậy và đi ra cửa để khép cửa và đóng chặt lại. Có chốt kịp cánh cửa hay không, tất cả đều lệ thuộc vào đấy. Chàng bước đi, chàng bước rất vội, nhưng chân chàng không cử động, và chàng biết rằng chàng sẽ không chốt kịp cánh cửa, nhưng chàng vẫn ráng hết sức mình một cách đau đớn. Và một nỗi sợ hãi ghê gớm tràn ngập lòng chàng. Nỗi sợ hãi đó chính là nỗi sợ hãi trước cái chết; chính nó đang đứng sau cánh cửa kia. Nhưng ngay trong khi chàng vụng về và bất lực lê về phía cánh cửa, cái vật gì ghê sợ ấy từ bên kia cánh cửa đã đẩy vào. Một cái gì trái với tình cảm con người - cái chết - đã xô vào cánh cửa, và vấn đề là phải giữ cánh cửa lại. Chàng nắm lấy cánh cửa, thu hết tàn lực; bây giờ không còn chốt cửa được nữa rồi - thôi chỉ mong sao giữ cánh cửa lại; nhưng sức chàng yếu lắm, chàng vụng lắm, và bị cái vật khủng khiếp ấy xô đẩy, cánh cửa mở ra, rồi lại khép lại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:13:02 pm
Ở ngoài cửa, cái ấy lại đẩy vào một lần nữa. Những cố gắng cuối cùng, những cố gắng của chàng đều vô ích, và cả hai cánh cửa lặng lẽ mở rộng ra, cái ấy đã vào, và cái ấy chính là cái chết. Công tước Andrey đã chết.
   
Nhưng ngay cái giây phút chàng chết đi, công tước Andrey sực nhớ ra mình đang ngủ, và ngay trong cái giây phút chàng chết đi, chàng cố gượng dậy, chàng bừng tỉnh.
   
"Phải, đó chính là cái chết. - Ta đã chết - ta đã tỉnh dậy. Phải, cái chết là sự thức tỉnh" - điều đó bỗng loé lên trong tâm hồn chàng, và bức màn cho đến nay vẫn che kín cõi u minh huyền bí đã vén lên trước nhãn quan tinh thần của chàng.  Chàng cảm thấy như thể cái sức mạnh trước đây vẫn bị trói buộc trong người chàng nay đã được giải thoát, và chàng lại thấy cái cảm giác lâng lâng kỳ dị từ đây không rời xa khỏi chàng nữa.
     

Sao chàng giật mình tỉnh dậy, nhưng toát mồ hôi lạnh và cựa mình trên đi-văng, Natasa đến cạnh chàng và hỏi chàng làm sao thế. Chàng không đáp, chàng không hiểu nàng nói gì, và nhìn nàng với đôi mắt quái gở.
   
Đó chính là điều đã xảy ra với chàng hai ngày trước khi công tước Maria đến. Cũng từ hôm ấy bác sĩ nói rằng trạng thái sốt nóng đã chuyển hướng không tốt. Natasa không chú ý đến lời bác sĩ nàng đã thấy rõ những dấu hiệu tinh thần khủng khiếp mà nàng biết là còn chắc chắn hơn nhiều.
     
Từ ngày hôm ấy đối với công tước Andrey, cùng với cuộc thức tỉnh từ giấc ngủ, đã bắt đầu cuộc thức tỉnh từ cuộc sống. Và so với thời gian sống, chàng nhìn thấy nó không chậm hơn một cuộc tỉnh giấc so với thời gian chiêm bao. Không có gì đáng sợ và đột ngột trong cuộc thức tỉnh tương đối chậm rãi ấy.
     
Những ngày cuối cùng chàng trôi qua một cách bình thường và giản dị. Tiểu thư Maria cũng như Natasa, bấy giờ không rời chàng một phút, đều cảm thấy như thế. Hai người không khóc, không run rẩy, và thời gian sau này họ cũng cảm thấy rằng không phải mình đang săn sóc công tước Andrey (chàng không còn nữa, chàng đã bỏ họ mà đi rồi), mà đang săn sóc kỷ niệm thân thiết nhất của chàng: hình hài của chàng. Cảm giác của hai người mạnh đến nỗi mặt bề ngoài, mặt khủng khiếp của cái chết không có tác động gì đến tâm hồn họ, và họ không thấy cần phải khơi thêm nỗi đau buồn của mình làm gì. Họ không khóc, dù là trước mặt chàng hay sau lưng chàng cũng thế, họ không bao giờ nói chuyện với nhau về chàng.
   
Họ cũng cảm thấy không thể dùng lời nói để biểu đạt những điều ma họ hiểu được.
     
Cả hai người đều thấy chàng dần dần từ giã họ, khoan thai và chậm rãi dần vào cõi nào không biết, và cả hai đều hiểu rằng nhất định phải như thế, và như thế là tốt.
   
Chàng chịu lễ xưng tội và nhận mình thánh; cả nhà đến vĩnh biệt chàng. Khi họ dẫn con trai đến cho chàng, chàng đặt môi lên trán nó rồi quay mặt đi, không phải vì chàng khổ tâm và thương xót đứa con côi cút (tiểu thư Maria và Natasa cũng hiểu điều này), mà chỉ vì chàng làm dấu ban phúc cho nó, chàng cũng ngoan ngoãn làm theo và nhìn quanh như muốn hỏi xem có cần làm gì nữa không.
     
Khi cái thân thể bị linh hồn rời bỏ xung giật lên những đợt cuối cùng, tiểu thư Maria và Natasa đều có mặt ở đấy.
   
- Thế là hết ư? - tiểu thư Maria hỏi khi xác công tước Andrey nằm im lìm đã được mấy phút và lạnh dần trước mặt họ. Natasa lại gần, nhìn vào đôi mắt đã chết và vội vã vuốt nó xuống, nhưng không hôn, mà chỉ khẽ chạm môi vào cái vật kỷ niệm gần gũi nhất là thi thể của chàng.
   
"Anh ấy đi đâu? Bây giờ anh ấy ở đâu?".

Khi xác công tước Andrey được tắm rửa và trang phục đã nằm trong chiếc quan tài đặt trên bàn, mọi người đều lại gần để vĩnh biệt, và mọi người đều khóc.
     
Nikoluska khóc vì cảm giác ngỡ ngàng đau đớn như đang vò nát tim nó ra. Bá tước phu nhân và Sonya khóc vì thương Natasa và vì nay chàng không còn nữa. Lão bá tước khóc vì cảm thấy chẳng bao lâu nữa ông cũng phải bước đi bước khủng khiếp này.
   
Natasa và công tước Maria bây giờ cũng khóc, nhưng không phải vì nỗi buồn riêng của nó; họ khóc vì tâm hồn họ tràn ngập một cảm giác xúc động và tôn sùng trước sự huyền bí đơn giản và trang nghiêm của cái chết đã diễn ra trước mắt họ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:13:52 pm
Phần XIII-Chương -1

Trí tuệ con người không bao quát hết được các nguyên nhân của một hiện tượng. Nhưng nhu cầu tìm hiểu nguyên nhân là một nhu cầu bẩm sinh của tâm hồn. Và vì không thấu triệt được những điều kiện tách rời ra đều có thể tưởng là một nguyên nhân, cho nên hễ gặp một mối liên hệ nào dễ hiểu là trí tuệ con người vội chộp lấy mà nói: nguyên nhân đây rồi. Trong các biến cố lịch sử (trong đó đối tượng quan sát là hành động của những con người) vào thời đại nguyên thuỷ người ta đi tìm nguyên nhân ở ý muốn của thần thánh, rồi về sau, người ta lại tìm ở ý muốn của những người đứng ở vị trí lịch sử để dễ thấy nhất, - ý muốn của các nhân vật lịch sử.
     
Nhưng chỉ cần đi sâu vào thực chất của mỗi biến cố lịch sử, tức là vào sự hoạt động của khối quần chúng có tham gia vào biến cố ấy cũng đủ thấy rõ rằng ý muốn của nhân vật lịch sử không những không chỉ đạo các hành động của quần chúng, mà chính nó còn bị chỉ đạo nữa là đằng khác. Có thể tưởng rằng quan niệm ý nghĩa của biến cố lịch sử theo cách này hay theo cách khác thì cũng thế thôi.
   
Nhưng giữa một người nói rằng các dân tộc phương Tây đi sang phương Đông vì Napoléon muốn thế với một người nói rằng sự việc đó diễn ra vì nó tất phải diễn ra, cũng có một sự khác nhau xa như giữa những người khẳng định rằng quả đất đứng yên một chỗ và các hành tinh xoay chung quanh nó với những người nói rằng mình không biết quả đất dựa vào cái gì, nhưng biết rằng có những quy luật chi phối sự chuyển động của quả đất cũng như của các hành tinh khác.   Một biến cố lịch sử không có và không thể có nguyên nhân. Nhưng có những quy luật chi phối các biến cố, trong đó có quy luật ta không biết mà cũng có quy luật ta có thể mò mẫm ra được nào ngoài cái nguyên nhân duy nhất của mọi nguyên nhân.
   
Những quy luật này có thể khám phá được khi nào ta hoàn toàn từ bỏ việc tìm tòi nguyên nhân trong ý muốn của một con người, cũng như việc khám phá quy luật chuyển động của các hành tinh chỉ có thể thực hiện được khi nào người ta từ bỏ quan niệm cho rằng quả đất là cố định.
     
Sau trận Borodino, sau khi quân địch chiếm Moskva và kinh đô này bốc cháy, sự kiện mà các nhà sử học cho là quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh năm 1812 là cuộc hành quân của quân đội Nga từ con đường Ryazan ra con đường Kaluga tiến về doanh trại Tarutino, thường gọi là cuộc hành quân đường chéo sau con sông Kranaya Pakhra. Các nhà sử học gán công lao thực hiện cái chiến công oanh liệt này cho nhiều nhân vật khác nhau và tranh cãi nhau về chỗ công ấy cụ thể là công của ai. Ngay cả các sở gia ngoại quốc các sử gia Pháp, cũng thừa nhận thiên tài của các nhà cầm quân Nga khi nói đến cuộc hành quân chéo này. Nhưng tại sao các tác gia quân sự (và tất những người khác cũng nghe theo họ) lại cho rằng cuộc hành quân đường chéo này là một sáng kiến đầy mưu trí của một nhân vật nào đó, một sáng kiến đã cứu nước Nga và đưa Napoléon đến thất bại, thì thật khó lòng mà hiểu nổi. Thứ nhất, khó lòng mà hiểu được cuộc hành quân này mưu trí và thiên tài ở chỗ nào; vì chẳng cần nghĩ ngợi gì sâu xa lắm cũng có thể đoán ra rằng khi đạo quân không bị tấn công thì vị trí tốt nhất của nó là chỗ nào có nhiều lương thực hơn cả. Và bất cứ người nào, ngay cả một thằng bé mười ba tuổi khờ khạo cũng có thể dễ dàng đoán ra rằng năm 1812 vị trí có lợi nhất của quân đội sau khi rút lui quá Moskva là con đường Kaluga. Cho nên trước hết không thể hiểu được các nhà sử học đã suy luận như thế nào để đi đến chỗ cho rằng cuộc hành quân này là cao mưu. Sau đó, càng khó lòng hiểu nổi các nhà sử học căn cứ vào đâu mà cho rằng cuộc hành quân này có tác dụng cứu vãn quân Nga và đưa quân Pháp đến diệt vong; vì cuộc hành quân đường chéo này, trong những điều kiện có trước, đồng thời và có sau nó, có thể rất tai hại cho quân Nga và có lợi cho quân Pháp.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:14:28 pm
Nếu từ khi tiến hành cuộc chuyển quân này tình hình quân đội Nga bắt đầu khá lớn hơn, thì quyết không phải vì thế mà ta có thể kết luận rằng cuộc chuyển quân đó chính là nguyên nhân đã làm cho tình hình khá hơn.
   
Cuộc hành quân đường chéo này sẽ không thể nào đưa đến lợi ích gì hết mà sẽ làm cho quân đội Nga bị tiêu diệt nếu hồi ấy không có sự đồng quy của những điều kiện khác. Giả sử nếu Moskva không bị cháy, nếu Mura không mất hút bóng quân Nga, nếu Napoléon không khoanh tay ngồi không, nếu ở gần vùng Kraxnaya Pakhra quân đội Nga mở một trận đánh theo như đề nghị của Benrigxen và Barclay, thì sẽ ra sao? Nếu sau đó Napoléon khi tiến đến gần Tanltino, mở cuộc tấn công vào quân Nga dù chỉ với một sức mạnh bằng một cuộc tấn công vào quân Nga ở Smolensk, thì sẽ ra sao? Nếu quân Pháp tiến đánh Petersburg thì sẽ ra sao? Nếu những việc đó xảy ra thì các tác dụng cứu vãn của cuộc hành quân đường chéo có thể biến thành một tác dụng tai hại không cùng.
   
Thứ ba, điều khó hiểu nhất là những người nghiên cứu lịch sử cố tình không muốn thấy rằng cuộc hành quân đường chéo không thể gán riêng cho một người, nào, rằng chưa hề bao giờ có một người nào dự kiến được cuộc hành quân này, và cũng như cuộc rút lui ở Fili, cuộc hành quân này chưa bao giờ được người nào hình dung ra một cách toàn vẹn; sự thật là nó toát ra dần dần, từng bước một, qua từng biến cố, qua từng thời đại, từ vô số những điều kiện hết sức đa dạng, và chỉ lộ rõ toàn bộ khi nó đã diễn ra trọn vẹn và trở thành việc đã qua.
   
Trong buổi hội nghị ở Fili ý kiến chiếm ưu thế trong bộ tư lệnh Nga là ý kiến dựa trên một sự tất yếu hiển nhiên, chủ trương rút lui theo hướng thẳng về phía sau, tức là theo con đường Nizegorod.
     
Chứng cớ là đa số các ý kiến trong hội đồng đều phát biểu theo hướng này và cái chính là cuộc nói chuyện nổi tiếng giữa vị tổng tư lệnh với Lanxkoy, trưởng phòng quân lương. Lanxkoy cho biết số lượng thực dành cho quân đội phần lớn được tập trung dọc sông Oka trong hai tỉnh Tula và Kaluga, và nếu rút lui về phía Nizni, thì quân đội sẽ bị con sông Oka, một con sông lớn, ngăn cách với các kho lương thực, và đầu mùa đông sẽ không thể nào vận chuyển lương thực qua sông được. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cần phải bỏ hướng đi cũ về phía Nizni, mà trước kia người ta cho là dĩ nhiên. Quân đội bèn đi chếch về phía nam, theo con đường Ryazan nhích gần về phía các kho lương. Vì quân Pháp cứ khoanh tay ngồi không và thậm chí còn để mất hút bóng quân Nga, vì cần phải lo phòng thủ nhà máy Tula(1) và chủ yếu là vì cần nhích gần tới các kho lương quân đội Nga lại càng đi chếch về phía nam hơn nữa, tiến ra con đường Tula, nên các vị tư lệnh của quân đội Nga trù tính dừng lại ở Podolsk và không hề nghĩ đến vị trí Tatunino, nhưng đã có vô số tình huống như việc quân Pháp trước đây mất hút bóng quân Nga nay bỗng lại xuất hiện ở sau lưng họ, rồi những dự kiến tác chiến, và cái chính là số lương thực dồi dào ở Kaluga đã khiến cho quân ta đi chếch thêm về phía Nam và chuyển vào chính giữa những con đường tiếp tế lương thực của nó, từ con đường Tula chuyển sang con đường Kaluga, về phía Tarutino. Nếu đã không thể nào trả lời được câu hỏi Moskva đã bị bỏ rơi như thế nào, thì cũng không thể nói rõ việc đổi hướng rút quân về phía Tarutino được quyết định vào lúc vô số những động lực khác nhau, người ta mới bắt đầu quả quyết tin rằng chính mình đã muốn như thế và đã dự kiến việc này từ lâu.

==================================================================

Chú thích:

(1) Nhà máy vũ khí nổi tiếng của Nga


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:04:32 pm
Phần XIII
Chương -2 -3

Nội dung cuộc hành quân đường chéo nổi tiếng ấy chung quy là quân đội Nga lúc bấy giờ đang rút thẳng mãi về phía sau, ngược với hướng tấn công của quân Pháp, đã đi chệch ra khỏi hướng thẳng lúc đầu, khi không thấy truy kích, đã theo lẽ tự nhiên mà kéo về phía những nơi có lương thực dồi dào.
     
Nếu ta thử hình dung rằng quân đội Nga không có những vị tướng lĩnh thiên tài cầm đầu, mà chỉ là một đội quân không người chỉ huy, thì đội quân này cũng không thể làm gì khác hơn là đi vòng trở lại phía Moskva về thành một đường vòng cung theo những nơi có nhiều lương thực, những vùng trù phú nhất.
     
Cuộc chuyển quân từ con đường Nizegorod sang con đường Ryazan, rồi sang con đường Tula, rồi lại sang con đường Kaluga là một việc tự nhiên đến nỗi những người lính Nga đảo ngũ cũng chạy theo hướng này. Ở Tarutino, Kutuzov nhận được một bức thư của nhà vua hầu như khỉển trách ông ta vì đã đem quân rút về con đường Ryazan, và chỉ định cho ông đến đóng ở vị trí trước mặt Kaluga, nơi mà ông ta đã đóng khi đọc bức thư này.
     
Quân đội Nga trong suốt thời gian chiến dịch và ở trận Borodino giống như một quả bóng bật lùi trở lại khi gặp phải một sức xô đẩy mạnh từ phía trước rồi. Khi sức xô đẩy đó đã mất, và không bị xô thêm nữa, thì quả bóng kia lăn lăn đến vị trí nào thuận chiều nhất.
     
Công lao của Kutuzov không phải ở chỗ đã thực hiện một cuộc hành quân chiến lược thiên tài như người ta thường nói, mà là ở chỗ có một mình ông hiểu được ý nghĩa của các biến cố đang diễn ra.
       
Một mình Kutuzov ngay từ lúc ấy đã hiểu ý nghĩa của việc quân Pháp khoanh tay không hoạt động, một mình ông tiếp tục khẳng định rằng trận Borodino là một trận thắng. Một mình ông - lẽ ra, ở địa vị tổng tư lệnh như ông người ta thường có khuynh hướng tấn công mới phải - một mình ông đã cố sức làm sao đừng để cho quân đội Nga mở những trận giao chiến vô ích.

Con thú bị thương ở Borodino nay đang nằm ở đâu đấy, ở nơi mà người thợ săn đã bỏ nó lại để chạy đi nơi khác. Nhưng nó còn sống hay đã chết, nó đã kiệt sức hay vẫn còn mạnh và đang nấp rình, điều đó thì người thợ săn không biết. Thế rồi bỗng nghe tiếng rên của con thú. Tiếng rên của con thú bị thương, tức quân đội Pháp, tiếng rên đã để lộ tình cảnh nguy khốn của nó, chính là việc Lorixton được phái đến đại bản doanh Kutuzov để giảng hoà.
   
Napoléon, xưa nay vốn tin rằng cái tốt, cái hay không phải là cái gì tốt, cái gì hay tự bản thân nó, mà chính là cái gì nảy ra trong đầu óc ông ta, đã viết cho Kutuzov mấy câu chẳng có nghĩa lý gì, rõ ràng là bạ nghĩ ra thế nào thì viết thế ấy.
   
"Thưa ngài Công tước Kutuzov" - ông ta viết - "Tôi xin phái một viên phó trưởng của tôi đến gặp ngài để bàn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Tôi mong rằng điện hạ sẽ tin những lời của ông ta, nhất là khi ông ta sẽ biểu đạt lời lòng kính và nể vì đặc biệt mà tôi đã có từ lâu đối với ngài. Trước khi dừng bút, tôi xin cầu nguyện Thượng đế hãy đặt ngài, thưa ngài công tước Kutuzov dưới sự bảo trợ thiêng liêng và cao cả của Người.

Moskva, ngày 30 tháng mười, 1812.

Ký tên: Napoléon"

"Tôi sẽ bị hậu thế nguyền rủa nếu người ta coi tôi như người đứng ra chủ trương như một sự thoả hiệp nào. Hiện nay tinh thần của dân tộc tôi là như thế đấy"
- Kutuzov trả lời, và tiếp tục đem hết công sức làm thế nào ngăn chặn không để quân ta tấn công.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:05:05 pm
Trong cái tháng mà quân Pháp đi cướp bóc ở Moskva và quân Nga trú quân yên ổn ở Tarutino, đã diễn ra một sự chuyển biến trong mối tương quan giữa lực lượng hai đội quân (về tinh thần và số lượng), và sau đo ưu thế ngả về phía quân Nga. Tuy người Nga không biết tình hình của quân Pháp và quân số của nó nhưng thấy tương quan kia vừa chuyển biến thì đã có vô số dấu hiệu cho thấy rằng đã đến lúc phải tấn công. Những dấu hiệu đó là việc phái Lorixton đến doanh trại Nga, là số lượng thực dồi dào ở Tarutino, những tin tức từ khắp nơi gửi về cho biết tình trạng hỗn độn của quân Pháp đang ngồi không, việc bổ sung các trung đoàn của ta bằng lính mộ, là thời tiết tốt, là thời gian nghỉ ngơi kéo dài của binh sĩ Nga, là cái tâm trạng thường phát sinh trong quân đội sau khi nghỉ ngơi như thế: tâm trạng sốt ruột, muốn bắt tay ngay hoàn thành cái nhiệm vụ của mình tụ tập lại đấy để làm tròn, tò mò muốn biết hiện nay trong quân đội Pháp ra sao (từ lâu họ đã mất hút bóng dáng quân Pháp), và sự táo bạo của các đội tiền tiêu Nga bây giờ luôn luôn thọc sâu vào vùng quân Pháp đóng ở gần Tarutino, là tin tức về những trận thắng dễ dàng của những toán nông dân và quân du kích, là lòng nô nức do những tin tức này nhen nhóm lên và ý chí phục thù nung nấu trong lòng mỗi người từ khi quân Pháp vào Moskva, và chủ yếu là một ý thức mơ hồ nhưng đã ăn sâu vào lòng mỗi người lính là tương quan lực lượng nay đã thay đổi và ưu thế đã ngả về phía ta. Sự chuyển biến căn bản trong tương quan lực lượng đã diễn ra, và cuộc tấn công nay đã trở thành tất yếu. Và ngay tức khắc; cũng chính xác như bộ chuông đồng hồ bắt đầu điểm khi cái kim phút đã đi hết một vòng, trong các giới cao cấp cũng có sự vận dụng ráo nết, và tiếng xè xè của bộ máy đánh chuông bắt đầu hoạt động kể, theo sự chuyển biến về tương quan lực lượng này.
 
3.
     
Quân đội Nga được đặt dưới sự chỉ huy của Kutuzov với bộ tham mưu của ông và dưới sự chỉ huy của hoàng đế từ Petersburg. Ở Petersburg, ngay từ khi nhận được tin bỏ ngỏ Moskva, người ta đã soạn ra kế hoạch tỉ mỉ cho toàn bộ một cuộc chiến tranh và gửi đến cho Kutuzov để ông ta theo đó mà hành động. Tuy được soạn ra trong khi người ta hãy còn tưởng rằng Moskva đang nằm trong tay quân ta, kế hoạch này vẫn được bộ tham mưu tán thành và quyết định thực hiện, Kutuzov chỉ trả lời rằng những điều dự tính ở xa bao giờ cũng khó thực hiện. Và để giải quyết những khó khăn có thể phát sinh, người ta gửi đến những chỉ thị mới và phái đến những nhân vật có nhiệm vụ theo dõi hành động của Kutuzov để báo cáo về kinh đô.
       
Ngoài ra, bấy giờ toàn bộ tham mưu của quân đội Nga đã được cải tổ. Người ta cử người thay Bagration đã tử trận và Barclay đã bất mãn cáo lui. Người ta suy tính một cách nghiêm chỉnh xem làm thế nào lợi hơn: đưa A, lên thay B, còn B, thì đưa sang thay D, ngược lại, để D, thay cho A v.v… tưởng chừng như ngoài sự thích thú của A và B ra, việc này còn đưa đến một kết quả nào khác nữa.
     
Trong bộ tham mưu quân đội, do dự bất hoà giữa Kutuzov với tham mưu trưởng của ông ta là Benrigxen, do sự có mặt của những nhân vật đặc phái của nhà vua và do những thuyên chuyển này, những mưu mô tranh chấp giữa các bè phái diễn ra càng rắc rối hơn thường lệ: A, dùng thủ đoạn chống lại B, B kèn cựa với C v.v… trong tất cả những sự thuyên chuyển và dàn xếp có thể có được. Trong tất cả các cuộc kèn cựa này thì đối tượng là mình chỉ đạo; nhưng các việc quân cơ đó lại tiến hành ngoài ý muốn của họ, đúng như nó phải tiến hành, nghĩa là không bao giờ phù hợp với những điều do con người nghĩ ra, mà lại toát ra từ những điều suy nghĩ bày vẽ kia chồng chéo nhau, xen lẫn nhau trong các giới cao cấp, chỉ là phản ánh trung thành của những điều tất nhiên phải diễn ra.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:05:54 pm
Trong bức thư của hoàng thượng dề ngày mồng hai tháng mười sau trận Tarutino có viết:

"Công tước Mikhai Harinovich! Từ ngày mồng hai tháng chín, Moskva đã lọt vào tay quân địch. Những bản báo cáo gần dây nhất của công tước và những bản đề ngày hai mươi; và suốt quãng thời gian này không những công tước không tiến hành việc gì để chống lại quân địch và giải phóng dệ nhất kinh đô mà theo như các bản báo cáo của công tước thì công tước lại còn rút xa hơn, Serpukhov đã bị một chi đội địch chiếm đóng, và Tula với cái xưởng vũ khí nổi tiếng và cần thiết cho quân đội như vậy cũng đang lâm nguy. Theo những bản báo cáo của tướng quân Vintxingerot, ta được biết rằng một đạo quân địch gồm một vạn người đang tiến lên con đường đi Petersburg. Một đạo quân khác gồm mấy nghìn người cũng tiến về phía Dmitrov. Một đạo quân thứ ba đang tiến dọc theo con đường Vladimir. Một đạo quân thứ tư khá mạnh đang đóng giữa Ruza và Mozaisk. Còn bản thân Napoléon thì đến ngày hai mươi nhăm tháng tám vẫn còn ở Moskva. Theo tất cả những tin tức này, trong khi quân địch phân tán lực lượng thành những chi đội lớn như thế, trong khi Napoléon còn ở Moskva với đạo quân cận vệ ngự lâm của y, lẽ nào những lực lượng địch ở trước mặt công tước lại có thế mạnh đến nỗi không cho phép ngài hành quân tiến công? Ngược lại, có đủ căn cứ để ước đoán rằng quân địch đang truy kích ngài với những chi đội hay giỏi lắm là với một lữ đoàn yếu hơn đạo quân được giao phó cho ngài rất nhiều. Thiết tưởng lẽ ra công tước có thể lợi dụng những hoàn cảnh nói trên để tấn công một cách có hiệu quả một quân địch yếu hơn quân của ngài và tiêu diệt nó, hay ít ra cũng buộc nó phải rút lui giành lại một phần lớn các tỉnh hiện tại bị quân địch chiếm đóng, và do đó gạt xa mối nguy cơ đang đe doạ thành Tula và các thành phố nội địa khác của ta. Nếu quân địch đủ sức cất một đạo quân lớn đánh về Petersburg và uy hiếp kinh đô này, là nơi không thể có nhiều quân đóng giữ được, thì công tước phải chịu lấy trách nhiệm, vì với đạo quân giao phó cho ngài, nếu hành động cương quyết và tích cực, ngài sẽ có đủ phương tiện đề ngăn chặn mối nguy cơ mới này. Xin công tước nhớ cho rằng ngài còn phải trả lời về việc tổ quốc bị xúc phạm vì đã để mất Moskva. Công tước đã biết rõ rằng ta xưa nay vẫn sẵn lòng ban thưởng cho công tước. Sự sẵn lòng này cho đến nay vẫn không hề giảm sút, nhưng ta và nước Nga có quyền mong đợi công tước tất cả sự tận tuỵ, tính cương quyết và những thắng lợi mà trí thông minh của công tước, tài thao lược của công tước và lòng dũng cảm của quân đội do công tước chỉ huy vẫn hứa hẹn với tổ quốc và với ta".

Bức thư này chứng minh rằng ngay cả ở Petersburg người ta cũng đã nhận thức được sự thay đổi tương quan lực lượng này.
     
Nhưng trong khi thư còn đang ở trên đường đi, thì Kutuzov đã không làm sao ngăn cản được quân đội tấn công, và một cuộc giao chiến đã xảy ra.
   
Ngày mồng hai tháng mười, một người lính cô-dắc và Sopovalov trong khi cưỡi ngựa đi tuần tiễu đã dùng súng trường bắn chết một con thỏ rừng và bắn bị thương một con khác. Mải đuổi theo con thỏ bị thương, Sopovalov đi sâu vào rừng và vấp phải cánh sườn bên trái của quân đoàn Mura, lúc bấy giờ đang trú quân không phòng bị gì cả. Người cô-dắc vừa cười vừa kể lại cho các bạn nghe chuyện anh ta suýt bị Pháp bắt ra sao. Một viên thiếu uý kỵ binh cô-dắc nghe kể liền báo lại cho cấp trên biết.
     
Người ta gọi người cô-dắc lên hỏi: các sĩ quan trong đơn vị của hắn muốn lợi dụng cơ hội này để cướp ngựa của quân Pháp, nhưng một trong những viên sĩ quan ấy vốn có quen với các sĩ quan cao cấp trong quân đội, liền báo tin này cho một viên tướng tham mưu. Thời gian gần đây trong bộ tham mưu quân đội tình hình đã căng thẳng đến tột độ, Yemlolov trước đây mấy hôm có đến gặp Benrigxen khẩn khoản xin ông ta dùng ảnh hưởng của mình đối với tổng tư lệnh để vận động cho quân đội mở cuộc tấn công.

- Giả sử tôi không biết rõ ông, thì tôi sẽ nghĩ rằng ông nói thế, nhưng thực tâm không muốn thế. - Benrigxen đáp. - Hễ tôi đề nghị một điều gì, là Điện hạ nhất định làm ngược lại.

Tin của đơn vị cô-dắc, được những đội trinh sát phái đi điều tra về xác nhận, chứng minh rằng tình hình đã chín muồi. Sợi dây căng thẳng đã bật ra, chiếc đồng hồ đã bắt đầu kêu xè xè và chuông đồng hồ bắt đầu điểm. Mặc dù chỉ có một quyền hành hư ảo, mặc dù có trí thông minh, có kinh nghiệm và biết người rất rõ, Kutuzọv sau khi lưu ý đến bức thông điệp của Benrigxen (Benrigxen vẫn thường gửi báo cáo riêng lên hoàng thượng), đến nguyện vọng nhất trí của các tướng, mà ông biết cũng chính là nguyện vọng của nhà vua, và đến những tin tức của lính cô-dắc đưa về, đã không thể kìm nổi cái phong trào tất yếu này và đã ra lệnh tiến hành cái việc mà ông cho là vô ích và có hại: ông ta đã chấp thuận một việc đã rồi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:06:58 pm
Phần XIII
Chương -4 -5

Bức thông điệp của Benrigxen nói về sự cần thiết phải tấn công và những tin tức của các đơn vị cô-dắc cho biết cánh trái của quân Pháp không được yểm hộ chỉ là những dấu hiệu cuối cùng cho thấy cái thế tất yếu phải ra lệnh tấn công, và cuộc tấn công đã được ấn định vào ngày mồng năm tháng mười.
   
Sáng ngày mồng bốn tháng mười, Kutuzov ký vào bản mệnh lệnh tác chiến. Toll đọc bản mệnh lệnh cho Yermolov nghe, đề nghị ông ta lo việc vạch ra những kế hoạch điều quân tiếp theo.

- Được được nhưng bây giờ tôi không có thì giờ, -Yermolov nói đoạn ra khỏi nhà.
Kế hoạch tác chiến do Toll soạn ra rất hay - cũng như trong bản kế hoạch tác chiến Austerlix, trong bản kế hoạch này cũng có viết, tuy không phải bằng tiếng Đức:
   
"Đạo quân thứ nhất tiến đến nơi này nơi kia, đạo quân thứ hai tiến đến nơi này nơi nọ" v.v…   Và trên tờ giấy tất cả các đạo quân này đều đến đúng chỗ, đúng giờ quy định và tiêu diệt quân thù. Cũng như trong tất cả các kế hoạch tác chiến, mọi việc đều được suy tính rất kỹ, và cũng như trong tất cả các cuộc tiến quân theo kế hoạch tác chiến, không có lấy một đạo quân nào đến được đúng giờ và đúng chỗ.
   
Khi bản kế hoạch đã được sao ra đủ số bản, người ta gọi một viên sĩ quan đến và sai đem một bản cho Yermolov để ông ta chiếu theo mà thi hành. Viên sĩ quan kỵ binh cận vệ, phái viên của Kutuzov, hả hê vì được phái đi làm một việc quan trọng như vậy liền lên ngựa đến nhà trọ của Yermolov.

- Ngài đi rồi ạ, - người cận vụ của Yermolov đáp.

Viên sĩ quan kỵ binh cận vệ liền đến nhà viên tướng mà Yermolov thường lui tới.

- Không có, đi vắng rồi ạ.

"Miễn sao đừng phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này! Bực quá" - Viên sĩ quan nghĩ thầm. Anh ta cưỡi ngựa đi khắp doanh trại.  Người thì bảo Yermolov cưỡi ngựa đi đâu với mấy vị tướng khác, người thì bảo chắc ông ta trở về nhà rồi. Viên sĩ quan không ăn trưa tìm mãi đến sáu giờ chiều. Chẳng thấy tăm hơi Yermolov đâu, và chẳng có ai biết ông ta hiện ở đâu nữa. Viên sĩ quan ghé vào nhà một người bạn ăn qua quýt mấy miếng rồi lại cưỡi ngựa đến cánh tiến quân tìm Miloradovich đi dự vũ hội ở nhà tướng Kikin, và chắc Yermolov cũng đang ở đấy.

- Nhưng ở đâu mới được chứ?

- Ở đàng kia. Ở cuối thôn Yetskino ấy, - viên sĩ quan cô-dắc nói, tay chỉ một toà nhà trang chủ từ xa xa.

- Sao lại ở đấy? Chỗ ấy ở ngoài tuyến của quân ta cơ mà?

- Họ đã cho hai trung đoàn chúng tôi ra yểm hộ. Ở đấy mấy hôm nay yến tiệc linh đình phải biết!  Hai dàn nhạc, ba đội đồng ca.
   
Viên sĩ quan vượt ra ngoài phòng tuyến đến thôn Yetskino. Từ xa đã nghe những tiếng hát hài hoà và vui vẻ trong nhà vẳng ra. Đó là một điệu ca vũ của binh sĩ.
   
"Trên bãi cỏ… trên bãi cỏ xanh…!" - Tiếng hát vẳng ra, đệm thêm tiếng huýt sáo và tiếng giẫm chân, thỉnh thoảng lại có tiếng reo hò nổi lên, át cả tiếng hát. Viên sĩ quan nghe những âm thanh này cũng bắt đầu thấy vui vui nhưng đồng thời cũng thấy lo sợ vì mãi không đưa được tờ công văn quan trọng đã giao cho anh ta. Bấy giờ đã tám giờ tối.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:07:45 pm
Viên sĩ quan xuống ngựa và bước lên thềm toà nhà cao lớn, nguyên vẹn giữa hai chiến tuyến Nga và Pháp. Trong phòng hầu rượu và phòng ngoài những nội bộc mang rượu và thức ăn lui tới tấp nập. Dưới các cửa sổ có những ca sĩ đứng hát. Người nhà dẫn viên sĩ quan vào cửa và anh ta bỗng thấy tất cả các vị tướng quan trọng của quân đội cùng tụ tập lại đây, trong số đó có cả các bóng dáng to lớn rất dễ nhận ra của Yermolov. Tất cả các vị tướng đều mặc áo hở khuy, mặt họ đều đỏ gay và lộ vẻ phấn khích. Họ đứng quây lại thành hình bán nguyệt, cười ha hả. Ở giữa phòng một viên tướng người tầm thước, rất đẹp trai, mặt đỏ, đang nhảy điệu trepak một cách nhanh nhẹn và mềm dẻo.

- Ha, ha, ha! Hoan hô Nikolai Ivanovich! Ha ha ha!
     
Viên sĩ quan cảm thấy rằng trong giờ phút này mà đem một bản mệnh lệnh quan trọng đến đây là có lỗi gấp đôi, cho nên anh ta toan đứng đợi một lúc; nhưng một trong các vị tướng đã trông thấy anh ta, và khi biết rõ anh ta đến có việc gì, liền nói với Yermolov.
   
Yermolov cau mặt ra gặp viên sĩ quan, và nghe xong, ông cấm tờ giấy, chẳng nói với anh ta một câu.
   
Tối hôm ấy một người ở bộ tham mưu nói với viên sĩ quan kỵ binh cận vệ:

- Cậu tưởng anh ta bỏ đi như vậy là chuyện tình cờ à? Không đâu mẹo cả đấy, cố ý đấy. Cốt chơi khăm Konovnitxyn mà! Rồi cậu xem, mai tha hồ mà nát bét.

5.
     
Sáng hôm sau, ông lão Kutuzov dậy rất sớm, cầu nguyện, mặc áo và với cái cảm giác khó chịu là mình phải chỉ huy một trận đánh mà mình không tán thành. Ông lên xe ngựa ra khỏi làng Letasovka cách năm dặm Nga về phía sau Tarutino và đến địa điểm tập hợp của các đạo quân tấn công. Ngồi trên xe Kutuzov ngủ gà ngủ gật, mỗi khi tỉnh dậy lại lắng tai nghe xem phía bên phải có tiếng súng không, xem trận đánh đã bắt đầu chưa?   

Nhưng mọi vật vẫn im lặng. Bây giờ là lúc tảng sáng của ngày thu ướt át và ảm đạm. Khi xe đến gần Tarutino, Kutuzov trông thấy mấy kỵ binh đang dắt ngựa đi uống nước, vượt qua con đường mà clùếc xe của ông đang đi. Kutuzov nhìn kỹ họ, bảo dừng xe lại và hỏi xem họ thuộc trung đoàn nào, người kỵ binh này thuộc một đơn vị đáng lẽ lúc này đã phải bố trí rất xa ở phía tiến tuyến để phục kích địch. Chắc là một sự nhầm lẫn gì đây - vị tổng tư lệnh già nghĩ thầm. Nhưng đi được một quãng nữa, Kutuzov lại trông thấy những trung đoàn bộ binh, súng thì châu lại, binh lính thì đang mặc quần đùi, người thì nấu cháo, người thì chãt củi. Ông cho gọi một viên sĩ quan lại. Viên sĩ quan báo cáo rằng không hề có lệnh xuất phát nào cả.

- Sao lại không có!… - Kutuzov mở đầu, nhưng rồi lại im bặt và cho gọi viên sĩ quan chỉ huy đến. Ông xuống xe, cúi đầu thở hổn hển, đi đi lại lại cạnh xe, lặng lẽ chờ đợi. Khi viên sĩ quan tham mưu tổng tư lệnh Aikhen được gọi đến, Kutuzov đỏ mặt tía tai không phải vì viên sĩ quan này là kẻ gây nên tội, mà vì hắn là một đối tượng xứng đáng để ông trút cơn giận ra ngoài cho hả. Run lẩy bẩy, thở hổn hển, ông lão đã giận đến cái mức có thể lăn lộn ra đất như ông đã từng làm trong những cơn cuồng nộ ghê gớm nhất; ông xông vào Aikhen đưa hai nắm tay lên hăm doạ, quát tháo ầm ĩ và chửi bới rất tục tằn. Đại uý Brozin tình cờ đi qua đấy, tuy chẳng có tội gì cũng phải chịu chung số phận với Aikhen.
   
- Lại còn thằng chó chết nào đây nữa? Xử bắn ngay! Quân khốn nạn! - Kutuzov quát giọng khản đặc, tay vung tứ phía và loạng choạng như người say rượu. Ông có một cảm giác đau đớn thể xác.

Một vị tổng tư lệnh, một vị công tước nhưng lại là người mà ai cũng quả quyết gọi là nắm được nhiều quyền hành nhất ở nước Nga từ xưa tới nay, thế mà bây giờ lại lâm vào cái cảnh bị biến thành một trò cười trước mặt toàn quân! Trò cười của toàn quân "Ta thật uổng công cầu nguyện cho ngày hôm nay, suốt đêm thật uổng công trằn trọc suy đi nghĩ lại mọi việc. - Ông tự nhủ. - Hồi ta hãy còn là một thằng sĩ quan nhãi ranh cũng không có ai dám nhạo báng ta như thế này… Thế mà nay?" ông có một cảm giác đau đớn thể xác như sau khi bị đòn vọt, mà không thể không biểu lộ cảm giác đó ra bằng tiếng kêu la giận dữ và thống thiết. Nhưng chỉ được một lúc sức ông đã kiệt. Ông nhớn nhác nhìn quanh, và cảm thấy mình đã nói nhiều điều không hay, ông lên xe lặng lẽ quay về. Cơn giận đã được phát tiết ra ngoài nên không trở lại nữa, và Kutuzov, mắt nhấp nháy một cách yếu ớt, lắng nghe lời thanh minh, tự bào chữa (Yermolov mãi đến hôm sau mới trình diện) và những lời khản khoản của Benrigxen, của Konovnitxyn và của Toll, xin tiến hành lại cuộc hành quân hụt này vào ngày hôm sau. Kutuzov đành phải ưng thuận một lần nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:08:21 pm
Phần XIII
Chương -6 -7

Ngày hôm sau từ chập tối quân đội đã tập hợp ở những vị trí ấn định và đến đêm thì xuất phát. Đêm ấy là một đêm thu trời phủ đầy những đám mây màu đen tim tím, nhưng không có   mưa. Mặt đất ẩm ướt, nhưng không lầy lội, và các đoàn quân kéo đi không một tiếng động, chỉ thỉnh thoảng mới nghe tiếng lịch kịch của những khẩu pháo. Có lệnh cấm nói to, hút thuốc, châm lửa; phải cố sao cho ngựa khỏi hí. Binh sĩ kéo đi rất vui vẻ. Và đoàn quân dừng lại chụm súng vào nhau và nằm xuống mặt đất lạnh lẽo, cho rằng mình đã đến nơi ấn định; một số khác (đây là số đông) đi suốt đêm và rõ ràng là đã đi quá nơi ấn định.
     
Chỉ có bá tước Orlov Denixov cùng đi với đội cô-dắc (đó là đơn vị nhỏ nhất) là đến đúng chỗ và đúng lúc. Đội quân này dừng lại ở ven rừng, trên con đường mòn dẫn từ thôn Xtromilovaya đến thôn Dmitrovxkoye.
     
Lúc tờ mờ đất, bá tước Orlov đang thiu thiu ngủ thì bị đánh thức dậy. Họ đã dẫn đến cho ông một người vừa trốn ở doanh trại quân Pháp ra.   Đó là một viên sĩ quan Ba Lan thuộc lữ đoàn Pnyatoxvki. Viên hạ sĩ quan dùng tiếng Ba Lan phân trần rằng hắn ta trốn sang vì bị làm nhục trong quân đội Pháp, lẽ ra hắn phải được thăng lên sĩ quan từ lâu: hắn dũng cảm hơn ai hết; vì vậy hắn đã bỏ đi để trả thù. Hắn nói là Mura nghỉ đêm cách đây một dặm và nếu cho một trăm quân đi theo hắn, hắn sẽ bắt sống được Mura. Bá tước Orlov Denixov liền hội ý với các sĩ quan. Lời đề nghị của viên hạ sĩ quan Ba Lan nghe bùi tai quá, khó lòng mà khước từ được. Mọi người đều tình nguyện xin đi, mọi người đều bàn là nên thử xem.
     
Sau khi tranh luận và cân nhắc hồi lâu, thiếu tướng Grekov quyết định đem hai trung đoàn cô-dắc đi theo viên hạ sĩ quan.

- Nhưng phải nhớ đấy, - bá tước Orlov Denixov nói với viên hạ sĩ quan Ba Lan khi từ giã hắn - Hễ anh nói dối, ta sẽ cho treo cổ anh lên như một con chó, còn nếu anh nói thật, ta sẽ thưởng cho anh một trăm tiền vàng.
   
Viên hạ sĩ quan, vẻ quả quyết, không trả lời, lên yên và cùng đi với Grekov bấy giờ vừa sửa soạn xong. Họ mất hút vào trong rừng.
   
Bá tước Orlov, người co ro vì khí lạnh của buổi ban mai đang hửng sáng, lòng hồi hộp vì vừa gánh lấy một trách nhiệm nặng nề, bước ra khỏi rừng sau khi tiễn Grekov đi, và bắt đầu xem xét doanh trại quân địch bấy giờ hiện ra mờ ảo trong ánh sáng rạng đông mới hửng và ánh lửa trại đang lụi dần. Ở bên phải bá tước Orlov Denixov là một sườn đồi trống trải: các đạo quân của ta sẽ xuất hiện trên sườn đồi này. Bá tước Orlov nhìn về phía ấy, nhưng vẫn không thấy gì; nếu họ đến, thì từ xa đã có thể trông thấy rõ rồi.
Trong doanh trại Pháp, bá tước Orlov Denixov thoạt trông như bắt đầu có động, như là sau khi nghe lời viên sĩ quan phụ tá rất tinh mắt của ông ta.

- Ồ đúng thật, muộn quá! - bá tước Orlov nói trong khi nhìn về phía doanh trại Pháp. Cũng như ta vẫn thường thấy khi người mà ta tin cậy không còn ở trước mặt ta nữa, bá tước Orlov bỗng thấy rõ rệt như một điều hết sức hiển nhiên rằng viên hạ sĩ quan kia là một tên lừa bịp, rằng hắn ta chỉ nói láo, và cuộc tấn công sẽ hỏng hết vì thiếu hai trung đoàn kia, nó bị dẫn đi đâu đó có trời mới biết được. Giữa một đám quân dày đặc như thế kia thì làm thế nào mà tóm được tổng tư lệnh của chúng?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:09:13 pm
- Đúng là hắn nói láo, cái thằng chó chết ấy, - bá tước nói.

- Có thể gọi họ quay trở lại, - một người trong đám tuỳ tùng nói.

Cũng như bá tước Orlov, người này thấy nghi ngại cho kết quả cuộc mưu sự vừa rồi khi nhìn doanh trại của quân Pháp.

- Hả? Thật à? Ông thấy thế nào? Hay là cứ để họ đi? Hay là bảo họ quay lại?

- Ngài ra lệnh cho quay lại ạ?

- Cho quay lại, quay lại, - bá tước Orlov đột nhiên chuyển sang giọng dứt khoát, mắt nhìn đồng hồ. - Muộn mất, sáng hẳn rồi còn gì.

Viên sĩ quan phụ tá liền phi ngựa vào rừng đuổi theo Grekov.

Khi Grekov trở lại bá tước Orlov Denixov bị khích động vì cuộc mưu sự bất thành vừa qua, vì đợi các đạo bộ binh mãi mà chẳng thấy họ đâu và vì thấy quân địch gần quá (tất cả các binh sĩ trong quân đội của ông đều có những cảm giác đó) họ liền ra lệnh tấn công.

Ông thì thào ra lệnh:

- Lên yên! - Binh sĩ sắp thành hàng ngũ, làm dấu thánh giá.

- Gửi Chúa!

- Ura - a - a - a! - tiếng hô vang dội cả khu rừng, và như từ trong một cái bị trút ra, những kỵ binh đội cô-dắc lần lượt phóng ngựa lao qua suối chĩa giáo về phía trước, vui vẻ lao về phía doanh trại quân địch.
   
Người lính Pháp trông thấy quân cô-dắc trước tiên hoảng hốt rú lên một tiếng thất thanh, và tất cả lính nhốn nháo lên, bọn lính Pháp, còn đang ngái ngủ, mình chưa mặc áo, hối hả vứt hết đại bác, súng trường, ngựa trận bỏ chạy toán loạn.

Giả sử quân cô-dắc, khi truy kích quân Pháp, không để ý đến những gì ở sau lưng và ở xung quanh họ thì họ sẽ bắt được cả Mura và tất cả bọn tướng tá ở đấy, đúng như các vị chỉ huy mong muốn. Nhưng không thể nào thúc cho quân cô-dắc tiến lên được khi họ đã mải mê với chiến lợi phẩm và tù binh. Không ai thèm nghe mệnh lệnh. Quân ta bắt ngay tại trận một nghìn năm trăm tù binh, ba mươi tám khẩu đại bác, mấy lá cờ và - và cái này đối với quân cô-dắc mới là quan trọng hơn cả - nhiều ngựa, yên ngựa,, chăn mền và những đồ đạc linh tinh khác. Phải thu xếp tất cả những thứ này, phải tập hợp tù binh, đại bác lại, phải chia chiến lợi phẩm, phải cãi nhau, thậm chí phải đánh nhau nữa: quân cô-dắc làm đủ các việc đó.
   
Quân Pháp không bị truy kích nữa liền định thần lại, tập hợp thành từng đội nhỏ và bắt đầu bắn. Orlov Denixov còn chờ các đạo quân khác đến nên không tiếp tục tấn công.
   
Trong khi đó các đạo bộ binh do Benrigxen chỉ huy và Toll điều động đã xuất phát đúng theo kế hoạch tác chiến: "Đạo quân thứ nhất tiến", và cũng như thường lệ, đã đến một nơi nào đó, nhưng không phải là nơi đã ấn định cho họ. Xưa nay vẫn thế, binh sĩ khi ra đi thì vui vẻ nhưng bây giờ thì bắt đầu dừng lại xì xào bất mãn; binh sĩ đã đoán ra là có sự lầm lẫn gì đấy và họ đang đi giật lùi đến một nơi nào không rõ. Các sĩ quan phụ tá và các tướng soái phi ngựa tứ tung, quát tháo, nổi giận, cãi nhau nói rằng quyết không phải chỗ này, rằng bây giờ đã muộn quá, chửi bới ai không rõ, v.v…, rồi cuối cùng mọi người đều buông xuôi để mặc cho cơ sự muốn ra sao thì ra, và đoàn quân lại kéo đi chỉ để cho có đi mà thôi. "Rồi cũng phải đến một nơi nào chứ! Và quả nhiên họ đã đến, nhưng không phải đến nơi đã định, hoặc giả một số người cũng đến được đúng nơi đã định, nhưng muộn đến nỗi dù có đến cũng chẳng có ích lợi gì chẳng qua chỉ để cho người ta bắn vào mình mà thôi. Toll, trong trận này vốn đóng vai trò của Vairother ở Auxterlix, chăm chỉ phi ngựa từ chỗ này đến chỗ khác và đến đâu cũng thấy mọi việc bị đảo lộn lung tung cả lên. Chẳng hạn ông ta đang phi ngựa trong rừng bỗng gặp phải quân đoàn của Bargovut lúc trời đã sáng rõ, nghĩa là lúc mà lẽ ra Bargovut phải đến chỗ Orlov Denixov bố trí từ lâu.
       
Lòng lo lắng buồn rầu vì thất bại, và nghĩ rằng phải tìm cho ra kẻ đã gây ra cơ sự này, Toll phi ngựa đến gặp viên tướng chỉ huy quân đoàn và lên tiếng quở mắng ông ta một cách khắc nghiệt, bảo là phải xử bắn ông ta mới đáng. Bargovut, một viên tướng già thiện chiến, bình tĩnh, bấy giờ cũng đã lộn ruột lên vì những lúc dừng lại đợi vì tình trạng rối ren, vì những mệnh lệnh mâu thuẫn nhau, liền nổi khùng lên và trái hẳn với tính tình xưa nay của ông ta, lớn tiếng mắng nhiếc Toll, khiến cho mọi người phải ngạc nhiên.

- Tôi không cần ai dạy khôn hết. Tôi cũng biết chết với lính của tôi không kém ai, - ông ta nói và đem một sư đoàn tiến lên phía trước.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:09:52 pm
Bargovut, là người gan dạ nhưng lúc bấy giờ quá xúc động, tiến thẳng ra chiến trường, không hề suy nghĩ xem bây giờ xung trận với một sư đoàn đơn độc như vậy có ích lợi gì không, và cho quân đi dưới làn đạn. Sự nguy hiểm, đạn đại bác và đạn súng trường chính là những thứ cần thiết cho ông ta trong tâm trạng tức giận này. Một trong những viên đạn đầu tiên bắn ông ta chết, những viên đạn sau giết rất nhiều quân lính. Và trong một thời gian sư đoàn của ông ta phải chịu đựng hoả lực của địch một cách vô ích.

7.
       
Trong khi đó, một đạo quân khác có nhiệm vụ tấn công vào chính diện quân Pháp, nhưng trong đạo quân đó lại có Kutuzov.
     
Ông ta biết rõ rằng trận đánh này, một trận đã được tiến hành trái vơi ý muốn của ông, ông không thể đưa lại cái gì khác hơn là tình trạng hỗn loạn, và ông ta đã dùng hết quyển hạn của mình để kìm giữ quân đội lại. Ông không cho tiến quân.
   
Kutuzov lặng lẽ ngồi trên mình con ngựa xám của ông, uể oải trả lời khi có ai đề nghị tấn công:

- Các ông cứ luôn mồm bàn chuyện tấn công mà không thấy rằng chúng ta không biệt thực hiện những cuộc hành quân phức tạp, - ông nói với Miloradovich bây giờ vừa xin ông cho tiến quân.

- Sáng nay, các ông không bắt sống được Mura và đến vị trí cho đúng lúc; bây giờ chẳng biết làm thế nào nữa, - ông trả lời một người khác.

Khi người ta báo với Kutuzov rằng: phía sau lưng quân Pháp, nơi mà theo những lời báo cáo của quân cô-dắc lính Ba lan, ông liếc mắt nhìn Yermolov đang đứng ở phía sau (từ hôm qua ông không nói một câu nào với Yermolov).

- Đấy họ đang xin tấn công, họ đề ra đủ các kế hoạch, thế mà hễ bắt tay vào việc là không đâu vào đâu cả, trong khi đó quân địch đã biết trước và đã có biện pháp đối phó.
   
Yermolov nheo nheo đôi mắt và hơi nhếch mép mỉm cười khi nghe mấy lời này. Ông ta đã hiểu rằng cơn giông tố trên đầu mình đã qua và Kutuzov chỉ nói thế thôi.

- Ông ấy nói xỏ tôi đấy, - Yermolov nói khẽ lấy đầu gối huých vào Raievxki bấy giờ đang đứng cạnh ông ta.
   
Một lát sau Yermolov thúc ngựa tiến đến cạnh Kutuzov và kính cẩn báo cáo:

- Thưa điện hạ, vẫn còn thì giờ, giờ quân địch chưa bỏ đi. Hay là điện hạ cho lệnh tấn công? Nếu không, quân cấm vệ chẳng được trông thấy khói súng nữa.
     
Kutuzov không nói gì, nhưng khi có tin báo rằng quân của Mura đang rút lui, ông liền la lệnh tấn công: nhưng cứ đi được một trăm bước ông ta lại cho dừng lại bốn mươi lăm phút.
     
Tất cả trận đánh chỉ thu gọn trong cuộc tập kích của đội cô-dắc do Orlov Denixov chỉ huy; các đơn vị khác thì bị thương vong mất vài trăm người một cách vô ích.
     
Sau trận này Kutuzov được thưởng một huy chương kim cương, Benrigxen cũng được thưởng kim cương và một rạn rúp, những người khác, chiểu theo cấp bậc, cũng được thưởng khá hậu, và sau trận đánh bộ tham mưu lại được cải tổ lần nữa.
   
"Đấy trong quân ta bao giờ cũng thế, cái gì cũng đảo ngược hết" - Sau trận Tarutino, các sĩ quan và tướng soái Nga nói như vậy cũng đúng như ngày nay người ta vẫn nói ám chỉ rằng có một kẻ ngu xuẩn nào đấy làm đảo ngược cả, chứ giá phải chúng tôi thì chúng tôi không làm như thế. Nhưng những người nói như vậy hoặc không biết rõ sự việc mình đang nói tới, hoặc cố tình tự lừa dối mình. Bất cứ trận nào cũng vậy - trận Tarutino, trận Borodino hay trận Austerlix - bất cứ trận nào cũng đều diễn ra không phải như những người chỉ huy đã trù tính. Đó là một điều tất yếu và căn bản.
     
Có vô số những lực lượng tự do (vì không có nơi nào con người lại tự do hơn trên các chiến trường, nơi mà vấn đề sống còn được đặt ra cho mỗi người) tác động vào hướng diễn biến của trận đánh, hướng đó không bao giờ có thể được và không bao giờ trùng với hướng của một lực lượng riêng lẻ nào. Nếu có nhiều lực lượng khác hướng cùng tác động vào một vật thể, thì hướng chuyển động của vật thể này không thể trùng với bất cứ lực nào; bao giờ cũng có một hướng trung bình, ngắn nhất - cái mà trong cơ học được biểu đạt bằng đường chéo của hình bình hành tác lực.

Nếu trong lời miêu tả của các nhà sử học, đặc biệt là các nhà sử học Pháp, ta thấy nói rằng về phía họ cuộc chiến tranh và các trận đánh đều tiến hành theo một kế hoạch đã định sẵn, thì cái kết luận duy nhất mà ta có thể rút ra là những lời miêu tả này không đúng.
     
Trận Tarutino rõ ràng là không đạt được các mục đích mà Toll muốn nhắm: đưa các đơn vị lần lượt vào trận địa theo đúng kế hoạch tác chiến, cũng như mục đích của bá tước Orlov: bắt sống Mura, cũng như mục đích của Benrigxen và một số nhân vật khác, cũng như mục đích của viên sĩ quan muốn dự trận để có dịp lập công, cũng như mục đích của người cô-dắc muốn vớ được nhiều chiến lợi phẩm hơn số đã vớ được v.v… Nhưng nếu mục đích chính là việc đã xảy ra thật, và là điều mà tất cả những người Nga thời ấy đều mong mỏi (đuổi quân Pháp ra khỏi nước Nga và tiêu diệt quân đội của họ), thì hiển nhiên là trận Tarutino chính do những sự bất hợp lý của nó, đúng là điều cần thiết cho thời kỳ này của chiến dịch. Thật khó lòng mà nghĩ ra được một kết quả nào hợp lý hơn kết quả thực tế của trận đánh này. Với một cố gắng tối thiểu, với những tổn thất không đáng kể, và tuy diễn ra trong một cảnh hỗn loạn đến cùng cực, trận này đã thu được những kết quả to lớn nhất trong suốt chiến dịch: bước chuyển từ giai đoạn rút lui sang giai đoạn tấn công đã thực hiện, sự suy yếu của quân đội Pháp đã lộ rõ, và sức xô đẩy mà quân đội Napoléon đang chờ đợi để bắt đầu thể hiện.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:11:39 pm
Phần XIII
Chương -8 -9

Napoléon tiến vào Moskva sau trận thắng oanh liệt trên sông Moskva; không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một thắng lợi, vì sau trận đánh này chiến trường ở trong tay quân Pháp. Quân Nga rút lui và bỏ ngỏ kinh đô Moskva đầy ắp lương thực, vũ khí, đạn được và vô số của cải, lọt vào tay Napoléon. Quân đội Nga, chỉ mạnh bằng nửa quân đội Pháp, suốt một tháng ròng không lần nào thử giao chiến. Tình thế của Napoléon thật là lạc quan. Để dốc một lực lượng mạnh gấp đôi đánh vào đám tàn quân Nga và tiêu diệt nó đi, để ký kết một hoà ước có lợi hay nếu người Nga không chịu, sẽ tiến quân uy hiếp Petersburg, để khi vạn nhất có thất bại, có thể trở về Smolensk hay Vilna, hoặc giả ở lại Moskva, nói tóm lại là để duy trì cái tình thế lạc quan của quân đội Pháp lúc bấy giờ, tưởng cũng chẳng cần có một thiên tài lỗi lạc gì cho lắm. Muốn thế chỉ cần làm một việc hết sức đơn giản và dễ dàng là không để cho quân lính đi cướp phá chuẩn bị trang phục mùa đông (ở Moskva có thể kiếm đủ cho cả quân đội và tập trung một cách chu đáo số lương thực này đủ dùng cho toàn quân đội trong nửa năm). Napoléon, thiên tài vĩ đại nhất trong các thiên tài và có thừa quyền hành để điều khiển quân đội như các nhà sử học vẫn khẳng định, không hề làm một việc gì như thế cả.
   
Không những ông ta không làm gì cả trong số những việc đó, mà ngược lại còn dùng quyền hành của mình để chọn lấy đường lối hành động ngu xuẩn nhất và tai hại nhất trong những đường lối có thể theo. Trong tất cả những việc mà Napoléon có thể làm được: nghỉ lại mùa đông ở Moskva, tiến đánh Petersburg, tiến đánh Nizni Novgorod rút về phía sau, theo hướng bắc hay hướng nam, theo con đường mà sau này Kutuzov đã đi, không thể tìm được một việc nào ngu xuẩn và tai hoạ hơn cái việc mà Napoléon đã làm, tức là ở lại Moskva cho đến tháng mười để mặc cho quân đội cướp phá thành phố, rồi để lại một đội tuần thủ, ngập ngừng ra khỏi Moskva tiến về phía Kutuzov, không tìm cách mở trận, tiến chếch sang bên phải đi đến Maly Yaroxlav, vẫn không tìm cơ hội chọc thủng trận tuyến, không theo con đường của Kutuzov đi, mà lại lùi về Mozaisk trên con đường Smolensk qua những miền bị tàn phá tan hoang, - quả không tài nào nghĩ ra được một hành động nào ngu xuẩn hơn và tai hại cho quân đội: điều này sẽ được những hậu quả về sau chứng minh rõ rệt. Các nhà chiến lược tài ba nhất hãy thử tưởng tượng rằng mục đích chính của Napoléon là làm sao cho quân đội mình tiêu vong, rồi thử nghĩ ra một cách chắc chắn, bất luận quân Nga hành quân ra sao: họ sẽ không thể nghĩ ra được cách nào công hiệu hơn cái cách mà Napoléon đã chọn.
   
Napoléon, con người thiên tài, đã làm việc ấy. Nhưng nói rằng Napoléon làm cho quân đội mình tiêu vong là vì ông ta muốn hay là vì ông ta rất ngu xuẩn thì cũng sai như nói rằng Napoléon mang quân đội đến tận Moskva vì ông ta muốn thế và vì ông ta rất thông minh và thiên tài. Chẳng qua là trong cả hai trường hợp, hoạt động cá nhân của mỗi người lính, đã phù hợp với những quy luật chi phối hiện tượng đang xảy ra.
Các nhà sử học khẳng định hoàn toàn sai lầm (chỉ vì các hậu quả đã không biểu lộ cho hoạt động của Napoléon) rằng lực lượng của Napoléon bị suy yếu trong thời gian ở Moskva. Hồi ấy cũng như trước kia và sau này vào năm 1823, Napoléon đã vận dụng hết tài năng và sức lực của mình để đem lại thắng lợi tối đa cho bản thân ông ta và quân đội ông ta. Hoạt động của Napoléon hồi ấy cũng kỳ diệu như hồi ở Ai Cập, ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ta không được biết chính xác cái thiên tài của Napoléon đã biểu lộ cụ thể như thế nào ở Ai Cập, nơi mà bốn mươi thế kỷ chiêm ngưỡng sự vĩ đại của ông ta(1), vì ta chỉ được biết những chiến công vĩ đại đó qua những lời miêu tả của người Pháp, ta không còn cách nào phê phán cho đúng đắn về cái thiên tài của ta ở áo và ở phổ, vì phải rút những tài ltệu về hoạt động của ông ta từ những sách vở của Pháp và của Đức, và việc làm cho các quân đoàn nộp vũ khí mà không tốn một viên đạn và các pháo đài hàng phục mà không cần vây hãm, tất phải khiến cho người Đức có xu hướng thừa nhận thiên tài của ông ta - vì đó là cách giải thích duy nhất có thể dùng cho cuộc chiến tranh diễn ra ở Đức.  Nhưng chúng ta thì nhờ trời không việc gì phải thừa nhận thiên tài của ông ta để chữa thẹn chúng ta đã giành được quyền nhìn thẳng vào sự việc một cách đơn giản, và chúng ta sẽ không nhường bỏ cái quyền đó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:12:43 pm
Hoạt động của Napoléon, ở Moskva cũng kỳ diệu và thiên tài không kém bất cứ nơi nào. Từ khi tiến vào Moskva cho đến khi ra khỏi thành này, ông ta không ngừng ban bố hết mệnh lệnh này đến, mệnh lệnh khác, vạch hết kế hoạch này đến kế hoạch khác. Việc Moskva không còn cư dân và không cử đoàn đại biểu không làm cho ông ta nao núng. Ông ta không hề sao nhãng phúc lợi cho quân đội mình, cũng như hoạt động của quân địch, cũng như phúc lợi của các dân tộc Nga, cũng như việc quản lý các công việc ở Paris, cũng như những sự suy tính ngoại giao về những điều kiện hoà ước nay mai.

===========================================================

Chú thích:

(1) Ám chỉ một lời của Napoléon nói với binh sĩ khi đi ngang các kim tự tháp, trước khi glao chiến với quân mamluk của Ai Cập: "Hỡi binh sĩ, từ trên các đỉnh kim tự tháp kia, bốn mươi thế kỷ đang chiêm ngưỡng các người!"

 
9.
       
Về phương diện quân sự, ngay khi tiến vào Moskva, Napoléon đã ra nghiêm lệnh cho tướng Sebastien theo dõi những cuộc vận chuyển của quân đội Nga, điều các lữ đoàn đi toả ra các nẻo đường và ra lệnh cho Mura phải tìm cho ra Kutuzov.
     
Sau đó Napoléon lo việc củng cố thành Kreml cẩn thận: rồi vạch ra một kế hoạch tác chiến thiên tài cho chiến dịch sắp tới trên khắp tấm bản đồ nước Nga. Về phương diện ngoại giao, Napoléon cho triệu tập đại uý Yakovlev đến - viên đại uý này mắc nghẽn ở Moskva và đã bị cướp sạch không còn một mảnh áo, - trình bày tỉ mỉ cho Yakovlev biết chính sách và lượng khoan hồng của mình, rồi viết một bức thư cho hoàng đế Alekxandr nói rằng ông đã tự thấy có nhiệm vụ phải báo cáo cho người bạn và người anh em của mình biết rằng Raxtovsin đã làm hỏng việc rất nhiều ở Moskva đoạn sai Yakovlev đem bức thư đến với Tutolmin cũng tỉ mỉ như thế, Napoléon phái luôn cả ông già này đến Petersburg để thương lượng.
     
Về phương diện pháp lý, ngay sau khi xảy ra vụ hoả hoạn, Napoléon ra lệnh tìm cho ra bọn thủ phạm đem hành hình. Và tên tội phạm Raxtovsin đã bị trừng trị bằng cách thiêu huỷ toà nhà hắn ở.
   
Về phương diện hành chính, Napoléon ban bố cho Moskva một hiến chương, cho thành lập một toà thị chính và sai ra bản tuyên cáo sau đây:
   
"Cơn hoạn nạn của các người thật là tàn khốc, nhưng Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ muốn chấm dứt những nỗi thống khổ đó.

Những tấm gương khủng khiếp đã làm cho các người thấy rõ. Ngài trừng trị những kẻ bất tuân lệnh và những kẻ phạm tội ác như thế nào. Những biện pháp nghiêm ngặt đã được thi hành nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn và phục hồi nền an ninh chung. Một cơ quan hành chính thân ái do chính các người bầu ra, sẽ thành lập toà thị chính hay ban quản trị thành phố của các người. Cơ quan này sẽ quan tâm đến các người, đến những nhu cầu và những quyền lợi của các người. Những người trong cơ quan sẽ đeo một dây băng đỏ quàng qua vai, còn thị trưởng thì thắt thêm một dải thắt lưng trắng. Nhưng ngoài thời gian thừa hành công vụ, họ chỉ đeo một cái băng đỏ trên cánh tay trái thôi.

Cơ quan cảnh sát thị xã đã được thành lập trên những cơ sở cũ, và nhờ hoạt động của nó, trật tự đã khả quan hơn. Chính phủ cử ra hai tổng uỷ viên hay cảnh sát trưởng và hai mươi uỷ viên hay quận trưởng đặt ở khắp các khu phố. Các người sẽ nhận ra được những quan chức này nhờ cái băng trắng mà họ mang ở cánh tay trái. Một số nhà thờ thuộc nhiều toà giáo khác nhau đã được mở, và nay việc lễ bái được tiến hành không hề có gì trở ngại. Hằng ngày đã có những người dân Moskva trở về nhà cũ, và chính quyền đã ra mệnh lệnh cần thiết để cho họ được giúp đỡ và che chở sau cơn hoạn nạn.

Trên đây là những biện pháp mà chính phủ dùng để phục hồi trật tự và cải thiện tình cảm của các người; nhưng muốn đạt tới mục đích đó, các người cần phải ra sức hợp tác với chính phủ, các người cần cố quên những nỗi khổ cực đã trải qua nếu có thể, phải hy vọng một số phận không đến nỗi hẩm hiu như vậy, phải tin chắc rằng một cái chết nhục nhã không sao tránh khỏi đang chờ đợi những kẻ nào dám xâm phạm đến các người và những của cải còn sót lại của các người, hãy tin chắc rằng những của cải đó sẽ được bảo vệ, vì đó là ý muốn của vị hoàng đế vĩ đại và công minh nhất trong các vị hoàng đế! Hỡi binh sĩ và dân cư, vô luận là người dân tộc nào! các người hãy khôi phục lại lòng tin cậy vào chính phủ, cội nguồn hạnh phúc của quốc gia, các người hãy sống như anh em, hãy giúp đỡ và che chở nhau, hãy đoàn kết lại để phá tan âm mưu của những kẻ có ác ý hãy phục tùng các nhà chức trách văn võ, và nước mắt của các người chẳng bao lâu nữa sẽ ngừng chảy".

       
Về phương diện tiếp lương cho quân đội, Napoléon đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị lần lượt vào Moskva để hôi của và chuẩn bị lương thực dành cho quân đội dùng sau này.
Về phương diện tôn giáo, Napoléon đã ra lệnh đưa các ông Pop về và phục vụ việc thờ phụng trong các nhà thờ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:13:35 pm
Về phương diện thương mại, và để tiếp tế lương thực cho quân đội khắp nơi đều có dán tờ tuyên cáo sau đây:
             
TUYÊN CÁO

"Hỡi các người: những cư dân yên lành của thành Moskva, những nhà tiểu công nghệ và thợ thuyền mà cơn hoạn nạn đã buộc phải lánh xa thành phố, và các người nữa, những người dân cày sống rải rác mà một nỗi sợ hãi vô căn cứ đang giữ lại nơi thôn đã, hãy nghe đây! Hoà bình đã trở lại khắp thủ đô, và trật tự đã được hồi phục. Đồng bào của các người đang mạnh dạn ra khỏi những nơi ẩn náu vì thấy rằng chính phủ tôn trọng họ. Bất cứ hành động hung bạo nào xúc phạm đến họ và tài sản của họ đều bị trừng trị tức khắc Hoàng đế và Quốc vương bệ hạ che chở cho họ, và trong đám các người không có ai bị xem là kẻ thù địch của ngài, trừ những kẻ không chịu tuân theo lệnh ngài. Ngài muốn chấm dứt những nỗi tai ương của các người và hoàn lại nhà cửa và gia đình cho các người.
   
Vậy các người hãy hưởng ứng những ý định ân đức của ngài và hãy đến với chúng ta không chút sợ hãi. Hỡi các cư dân? Hãy yên tâm trở về nhà cũ, các người chẳng bao lâu sẽ tìm được những phương tiện thoả mãn nhu cầu của mình? Hỡi các nhà thủ công nghệ và các thợ huyền? Hãy trở về với công việc làm ăn: những ngôi nhà, những cửa hàng, những đội bảo vệ an ninh đang chờ các người, và các người sẽ được trả công thích đáng! Và các người nữa, hởi các nông dân, hãy ra khỏi các khu rừng trong đó các người đang ẩn náu vì sợ hãi, hãy yên tâm về nhà, hãy tin chắc rằng các người sẽ được bảo vệ. Những kho lương thực đã được tổ chức trong thành phố, nông dân có thể mang những lương thực và những hoa màu đến bán. Chính phủ đã thi hành những biện pháp sau đây để đảm bảo cho họ được tự do bán hàng:
   
1. Kể từ ngày hôm nay, nông dân và những người dân ở ngoại thành Moskva có thể chở lương thực dự trữ của mình, bất luận là loại lương thực gì, vào thành phố (không sợ có gì nguy hiểm và đem đến hai kho lương thực ở Mokhovaya ở Okhotuy Raid.
   
2. Những lương thực này sẽ được mua với giá thoả thuận giữa người bán và và người mua; nhưng họ đòi hỏi, họ có thể mang số lương thực của mình về, và không ai được cản trở điều đó dù dưới hình thức gì.
   
3. Ngày chủ nhật và ngày thứ 4 hàng tuần được lấy làm ngày chợ phiên; cho nên cứ đến thứ 3 và thứ 7 một số quân đầy đủ sẽ được bố trí dọc tất cả các đường lớn, cách thành phố một quãng thích hợp để bảo vệ những xe tải lương về.
   
4. Những biện pháp nói trên cũng sẽ được thi hành để bảo đảm cho nông dân với xe, ngựa của họ không gặp trở ngại trên đường về.
   
5. Sẽ lập tức dùng những phương pháp cần thiết để khôi phục những chợ búa.
   
Hỡi các cư dân thành thị và nông dân, hỡi các thợ thuyền và các nhà tiểu công nghệ, vô luận là người dân tộc nào! Các người hãy hưởng ứng những ý định nhân từ như cha mẹ của hoàng đế và quốc vương bệ hạ và góp sức với ngài xây dựng hạnh phúc chung. Hãy đặt dưới chân Người lòng sùng kính và tin cậy, và hãy mau mau trở về liên kết với chúng ta!".[/i]
     
Về phương diện cổ vũ tinh thần quân đội và dân chúng, những cuộc duyệt binh và khen thưởng kế tiếp theo nhau không ngớt.
   
Hoàng đế cưỡi ngựa dạo qua các phố và uý lạo dân cư; và tuy bận lo quốc sự ngài cũng thân hành đến thăm những kịch viện xây dựng theo lệnh của ngài.
     
Về phương diện từ thiện, viên ngọc sáng nhất trên mũ miện của các bậc đế vương, Napoléon cũng làm đủ tất cả những gì thuộc quyền của mình. Trên các toà nhà từ thiện ông ta cho đề: "Nhà của mẹ ta", và như thế phối hợp được tất cả lòng hiếu thảo của một người con với đại lượng của một bậc đế vương. Ông ta đến thăm viện cô nhi, cho các trẻ mồ côi được ông ta cứu vớt hôn đôi bàn tay trắng trẻo của ông ta, ân cần nói chuyện với Tutolmin. Sau đó, theo những lời hùng hồn của Tyer thuật lại, ông ta ra lệnh phát cho quân đội những tờ giấy bạc Nga giả mạo do ông sai làm ra. Nâng cao giá trị của việc sử dụng những phương tiện này bằng một hành động xứng đáng với Người và với quân đội Pháp, - Napoléon ra lệnh phát chẩn cho những người bị hoả hoạn. Nhưng vì lương thực quá hiếm không thể đem phát chẩn người ngoại quốc phần lớn là thù địch, Napoléon đã chọn cách phát tiền cho họ tự mua lấy lương thực ở ngoài hơn và ra lệnh phát rúp giấy cho họ.
     
Về phương diện kỷ luật quân đội, Napoléon liên tiếp ra lệnh trừng trị nghiêm khắc những hành động bất tuân thượng lệnh và ban bố những mệnh lệnh nhằm chấm dứt những vụ cướp bóc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:14:20 pm
Phần XIII
Chương -10 -11

Nhưng lạ thay, tất cả những mệnh lệnh, những biện pháp và những kế hoạch này, là những cái tuyệt nhiên không thua kém gì những cách thức mà người ta thường làm trong những trường hợp tương tự, đều không động chạm đến thực chất của vấn đề, và như đôi kim trên một cái mặt đồng hồ bị tách rời ra khỏi bộ máy, nó quay lung tung, không có mục đích, không dính dáng gì đến bộ bánh xe trong máy.
   
Về phương diện quân sự, bản kế hoạch tác chiến thiên tài mà Tyer có nói là: thiên tài của Người chưa bao giờ tưởng tượng ra được một cái gì thâm thuý hơn, khôn khéo hơn và đáng khâm phục hơn, và trong khi bút chiến với ông Phan, Tyer lại còn chứng minh rằng kế hoạch này soạn ra ngày mười lăm tháng mười chứ không phải ngày mồng bốn, bản kế hoạch thiên tài ấy không bao giờ và không thể nào được thực hiện, vì nó không có chút gì sát với thực tế.
   
Việc củng cố thành Kreml mà muốn thực hiên cần phải phá huỷ cái đền Hồi giáo. (Napoléon gọi nhà thờ Vaxili Blazenny như vậy) hoàn toàn không có ích lợi gì cả. Việc đặt mìn dưới thành Kreml chỉ góp phần thực hiện ý muốn của hoàng đế khi rút ra khỏi Moskva, tức là muốn cho thành Kreml nổ tung, nghĩa là làm cái việc đánh vào nền nhà để dỗ đứa trẻ vừa bị ngã xuống đấy. Việc truy kích quân đội Nga, một việc khiến Napoléon bận tâm rất nhiều, là một hiện tượng lạ kỳ chưa từng có: các tướng lĩnh Pháp đã mất hút bóng đạo quân sáu vạn người này, và theo lời Tyer, may mà nhờ sự khéo léo và thậm chí cái thiên tài của Mura cho nên mới tìm lại được đạo quân Nga sáu vạn người này, chẳng khác nào tìm một cái kim găm.
   
Về phương diện ngoại giao, tất cả những lời biện luận của Napoléon về lòng đại độ và sự công minh của mình, trước mặt Tatolmin cũng như trước mặt Yokovlev, mà mối lo chủ yếu lúc bấy giờ là làm sao kiếm được một chiếc áo khoác và một cái xe tải, những lời biện luận ấy đều tỏ ra vô hiệu: Alekxandr không tiếp các sứ giả này và không phúc đáp.
   
Về phương diện hành chính, cơ quan thị chính không ngăn chặn được các vụ cướp bóc và, chỉ đem lại lợi ích cho một vài nhân vật có tham gia vào các cơ quan thị chính này: họ lấy cớ giữ gìn an ninh để cướp bóc dân Moskva hay để bảo vệ cho tài sản riêng của họ khỏi bị cướp bóc.
Về phương diện tư pháp, sau khi hành hình những người bị gán tội đốt nhà, phần nửa còn lại của Moskva cũng bốc cháy nốt.
   
Về phương diện tôn giáo, cái phương sách thăm viếng các đền thờ đã dùng ở Ai Cập này chẳng đem lại kết quả gì. Hai giáo sĩ tìm được ở Moskva cũng có thử thi hành ý muốn của Napoléon, nhưng một người trong bọn họ đã bị một tên lính Pháp tát tai trong khi làm lễ, còn về người kia thì một viên quan chức Pháp có báo cáo như sau:
   
"Người linh mục mà tôi tìm ra được và mới làm lễ lại như cũ đã quét dọn và đóng cửa nhà thờ. Nhưng đêm hôm qua lại có kẻ đến phá cửa lớn, bẻ khoá, xé sách và gây nhiều việc lộn xộn khác"
   
Về phương diện thương mại, tờ tuyên cáo kêu gọi "các nhà tiểu công nghệ cần cù và tất cả các nông dân" không thể thu được một tiếng vang nào. Nhà tiểu công nghệ cần cù thì không có, còn như nông dân thì những tên phái viên nào dám đi quá xa để phát tờ tuyên cáo này đều bị họ bắt hoặc giết đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:14:57 pm
Rồi phương diện giải trí cho dân chúng và quân đội bằng kịch viện, công việc cũng chẳng khả quan hơn. Những nhà hát tổ chức trong thành Krem và trong nhà Pensnyakov lập tức phải đóng cửa, vì các nam nữ diễn viên đều bị cướp hết của cải.
   
Rồi đến việc từ thiện cũng không đưa lại những kết quả mong muốn. Giấy bạc giả và giấy bạc thật tràn ngập khắp Moskva và không có giá trị gì hết. Đối với bọn lính Pháp đang cố vơ vét của cải thì chỉ có vàng là cần thiết. Không những giấy bạc giả mà Napoléon ban phát cho những người khốn khổ một cách nhân từ vậy đã hết giá trị, mà ngay cả bạc nén nữa cũng bị đem đổi lấy vàng với tỷ lệ rất thấp.
   
Nhưng hiện tượng kỳ lạ nhất về sự vô hiệu của những biện pháp của Napoléon vào thời kỳ ấy là sự thất bại của ông ta trong việc cố gắng chặn các vụ cướp bóc và phục hồi kỷ luật.
   
"Những vụ cướp bóc vẫn diễn ra trong thành phố, tuy đã có lệnh chặn đứng nó lại. Trật tự vẫn chưa được phục hồi, và không có một nhà buôn nào trở lại buôn bán một cách hợp pháp. Chỉ có bọn bán rong là dám bán hàng, mà cũng chỉ bán những của ăn cắp".
   
"Một khu vực trong quận tôi vẫn bị quân lính thuộc lữ đoàn ba cướp phá. Giành giật những đồ đạc ít ỏi còn sót lại của những người khốn khổ đang trốn tránh dưới các hầm nhà; vẫn chưa vừa lòng, quân lính còn nhẫn tâm dùng gươm chém họ bị thương, như tôi đã từng thấy nhiều trường hợp.
   
"Không có gì mới ngoài việc quân lính vẫn tự tiện trộm cướp. Ngày mười chín tháng mười".
     
"Trộm cướp vẫn hoành hoành. Trong quận chúng tôi có một toán kẻ trộm, rồi đây cần phải đưa những đội quân hùng hậu đến bắt. Ngày mười một tháng mười".
   
"Hoàng đế rất đỗi bất bình khi thấy rằng tuy đã ra lệnh chặn đứng những vụ cướp bóc, nhưng lúc nào cũng chỉ thấy những toán quân vệ binh đi ăn cướp trở về điện Krem. Trong đạo quân vệ binh kỳ cựu, tình trạng hỗn loạn và việc cướp bóc lại tái diễn vào ngày hôm qua, đêm qua và ngày hôm nay một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hoàng đế rất phiền lòng khi thấy những binh sĩ tinh nhuệ được chọn để hộ vệ ngài, lẽ ra phải nêu gương kỷ luật, thì lại lăng loàn đến mức xông vào đập phá các hầm rượu và các kho lương dành cho quân đội. Một số khác lại tồi tệ đến nỗi không chịu nghe những người lính canh và những sĩ quan đi tuần, lại còn chửi bới và đánh đập họ nữa.
   
"Quan lễ nghi đại thần của hoàng cung hết sức than phiền - viên tổng đốc viết - rằng tuy đã nhiều lần ra lệnh cấm mà quân lính vẫn đại tiện ở khắp các sân và thậm chí ngay cả dưới cửa sổ của hoàng đế".
   
Cái quân đội ấy như một đàn súc vật thả rông, giẫm nát dám có lẽ ra có thể cứu chúng khỏi chết đói, cứ tan rã dần, và càng ở Moskva thêm ngày nào nó lại càng đi dần vào cõi chết ngày ấy.
     
Nhưng nó vẫn không nhúc nhích.
   
Mãi đến khi quân Nga cướp những xe lương trên con đường Smolensk và khi nhận được tin trận Tarutino nó mới phát hoảng lên mà bỏ chạy. Napoléon được tin này một cách đột ngột khi đang duyệt binh. Như Tyer có nói, tin này khiến cho ông ta nóng lòng muốn trừng phạt bọn Nga, và ông ta liền ra lệnh dời quân, một mệnh lệnh mà toàn quân đều nức lòng mong đợi.

Ở Moskva chạy chốn, binh sĩ trong đạo quân này vơ theo tất cả những gì họ đã cướp được. Napoléon cũng chở theo một kho tàng riêng. Trông thấy đoàn xe kềnh càng trẩy theo đoàn quân, Napoléon rất kinh hãi (như Tyer có nói). Nhưng vì đã có nhiều đồ như ông đã từng làm với các xe chở đồ của một viên thống chế trong khi quân tiến về phía Moskva. Ông ta nhìn những cỗ xe kiệu và xe hòm chở lính đi và nói rằng sau này dùng những chiếc xe kia để chở lương thực và chở thương binh, bệnh binh thì rất tốt.
     
Tình cảnh của toàn thể quân đội giống như tình cảnh của một con vật bị thương đang cảm thấy mình chết và không biết mình đang làm gì. Nghiên cứu những hành động khôn khéo và những mục đích của Napoléon và của quân đội ông ta từ khi tiến vào Moskva cho đến khi bị tiêu diệt cũng chẳng khác gì nghiên cứu ý nghĩa của những sự giãy giụa của một con vật bị thương đang hấp hối. Nhiều khi con vật bị thương nghe thấy tiếng sột soạt, lao mình về phía trước khiến cho người đi săn có dịp bắn nhanh hơn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:15:41 pm
Napoléon cũng làm như vậy dưới sức ép của toàn thể quân đội ông ta. Tiếng vang của trận Tarutino khiến con thú hoảng sợ, nó trốn về phía trước, chạy đến tận mũi súng người đi săn, rồi lại quay đi, và cuối cùng, cũng như bất cứ con thú nào, nó chạy lùi trở lại theo con đường bất lợi, nguy hiểm nhất, nhưng là con đường quen thuộc, còn in vết chân cũ của nó.
     
Napoléon, mà ta tưởng là kẻ chi huy toàn bộ cuộc vận chuyển này (cũng như một người mông muội tưởng rằng cái hình khắc ở mũi thuyền chính là cái sức mạnh chỉ huy con thuyền), Napoléon trong suốt thời gian hoạt động của ông ta cũng giống như một đứa trẻ ngồi cầm những cái dải dính trong hòm xe mà tưởng tượng rằng mình đang đánh xe đi.

11.
   
Sáng ngày mồng sáu tháng mười, Piotr ra khỏi lán từ sớm và khi trở về, dừng lại trước cửa chơi với con chó lông tia tía, mình dài, chân ngắn và cong vòng kiềng đang quấn quýt quanh chàng. Con chó này ở với họ trong gian nhà lán, nó ngủ với Karataiev, nhưng thỉnh thoảng lại đi lang thang ra ngoài phố, rồi lại trở về.
   
Có lẽ trước đây nó chẳng phải là của ai cả. Bây giờ nó cũng vẫn vô chủ, và cũng không có tên. Lính Pháp gọi nó là Azor, người lính hay kể chuyện cổ tích gọi là Femgalka, Karataiev và mấy người khác nữa gọi nó là con xám, hay đôi khi là con Dài. Cái thân phận chẳng có chủ, cũng chẳng có màu sắc rõ rệt - hình như chẳng hề làm cho con chó nhỏ nao núng. Cái đuôi xù ngắt lên phía trên thành một cái ngù tròn vững chắc, bốn cái chân vòng kiềng phục vụ nó đắc lực đến nỗi nhiều khi, không thèm dùng cả bốn, nó duyên dáng nhấc một chân sau lên và cứ thế mà chạy ba chân, chạy rất nhanh và rất khéo. Đối với nó, cái gì cũng là một dịp để vui mừng. Khi thì nó mừng rỡ rít lên, lăn ngửa ra, khi thì nó nằm sưởi nắng với một vẻ đăm chiêu bao hàm rất nhiều ý nghĩa, khi thì nó lại nô rỡn với một mảnh gỗ hay một cái cọng rơm.
     
Quần áo của Piotr bây giờ gồm một chiếc sơ mi bẩn và rách, di tích cuối cùng của bộ trang phục trước kia của chàng, một cái quần lính mà Piotr đã theo lời khuyên của Karataiev lấy dây thắt ống lại cho ấm, một cái áo kaftan và một cái mũ chụp của nông dân. Dạo này, Piotr trong khác hẳn đi. Chàng không có vẻ béo lắm nữa, tuy vẫn giữ cái dáng to lớn lực lưỡng là một nét di truyền của dòng họ chàng. Râu quai nón và râu mép chàng mọc xồm xoàm, tóc chàng dài và rối xù lên, nhung nhúc những chấy, làm thành một cái mũ chụp lên đầu chàng. Mặt chàng có vẻ rắn rỏi điềm đạm và linh lợi, một vẻ mà trước kia không hề thấy có ở chàng. Cái tính xuề xoà buông trôi trước kia vẫn lộ ra ngay trong đôi mắt ấy, nay đã nhường chỗ cho một nghị lực luôn sẵn sàng hành động và đối phó. Chàng đi chân đất.
   
Piotr hết nhìn xuống cánh đồng nơi mà sáng nay những đoàn xe và những đoàn người ngựa kéo đi nườm nượp, lại nhìn ra phía con sông ở xa xa, rồi lại nhìn con chó đang giả làm ra vẻ muốn cắn chàng thật sự, rồi lại nhìn đôi chân không, mà chàng đặt đi đặt lại đủ các kiểu một cách thích thú, ngọ nguậy mấy ngón chân to mập, và bẩn thỉu. Và cứ mỗi lần nhìn đôi chân không của mình chàng lại thoáng nở một nụ cười hớn hở và thoả mãn. Đôi chân không ấy nhắc chàng nhớ lại tất cả những sự việc mà chàng đã trải qua trong thời gian ấy, và những kỷ niệm này làm cho chàng thấy dễ chịu.
     
Đã mấy hôm nay thời tiết dịu hẳn lại, trời quang đãng, sáng sáng có những cơn gió nhẹ, chính là cái tiết trời thường gọi là Babye leto(1).

Ngoài trời nắng ấm, và hơi ấm ấy pha lẫn với khí trời lạnh giá của buổi sớm còn sót lại trong không trung lại càng khiến cho người ta thấy khoan khoái dễ chịu.
     
Trên mọi vật xa gần đều lấp lánh cái ánh pha lê kỳ diệu chỉ thấy vào tiết thu này. Xa xa có thể trong thấy ngọn đồi "Chim sẻ" với xóm nhà gỗ, ngôi nhà thời của một toà nhà lớn màu trắng. Những cành cây trụi lá, những dải cát, những mỏm đá, những ngôi nhà, cũng như ngọn tháp xanh nhọn hoắt của toà nhà thờ và những đường viền của toà nhà trắng ở xa xa - tất cả những thứ đó đều hiện rõ tứng nét tinh vi trong làn không khí trong suốt. Lại gần hơn, có thể trông thấy thấp thoáng cái bóng dáng quen thuộc của một toà nhà trang chủ bị quân Pháp chiếm ở nay đã đổ nát và cháy nham nhở nhưng những khóm đinh hương lam mọc ven bờ rào vẫn còn xanh tốt. Và ngay cả toà nhà đổ nát và cháy dở này, trông thật ảm đạm vào những hôm xấu trời, nay dưới ánh nắng rực rỡ, trong làn không khí im phăng phắt, cũng có một vẻ đẹp lạ lùng khiến cho lòng người dịu lại.
   
Một viên hạ sĩ quan Pháp mặc quân phục hở khuy, đầu đội mũ chụp như đang ở nhà, răng cắn một tẩu thuốc ngắn từ sau góc nhà lán bước ra thân mật nháy mắt với Piotr và đến cạnh chàng.

- Nắng đẹp quá ông Kiril nhỉ? (tất cả các binh sĩ Pháp đều gọi Piotr như vậy) Cứ như mùa xuân ấy! - Đoạn viên hạ sĩ tựa lưng vào cửa và mời Piotr hút tẩu thuốc, tuy hắn mời Piotr đã nhiều lần và lần nào chàng cũng từ chối.

- Trời này mà hành quân thì… - hắn mở đầu.

Piotr hỏi viên hạ sĩ có nghe nói gì về việc lên đường và hôm nay chắc sẽ có lệnh về tù binh. Trong gian nhà lán trong đó Piotr bị giam có một người lính tên là Xokolov ốm sắp chết, Piotr bèn nói với viên hạ sĩ rằng phải lo thu xếp cho anh ta. Viên hạ sĩ bảo rằng Piotr có thể yên tâm, việc này đã có bệnh xá lưu động và bệnh xá cố định rồi người ta sẽ tiêu diệt thu xếp và nói chung những việc có thể xảy ra đều được cấp trên trù liệu trước cả. Với lại ông chỉ cần nói một tiếng với quan đại uý thôi ông Kiril ạ. Ôi! Ngài là một người… Ngài chả bao giờ quên việc gì. Khi nào Ngài đi tuần, ông cứ nói với ngài một tiếng, ông cần gì ngài cũng sẵn sàng giúp đỡ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 24 Tháng Giêng, 2011, 09:17:25 pm
Viên đại uý này vẫn thường nói chuyện lâu với Piotr và đối xử với chàng rất hậu hĩ. Viên hạ sĩ nói tiếp:

- Này Xanh Toma ạ, hôm trước ngài bảo tôi thế, Kiril là một người có học thức, lại biết nói tiếng Pháp; đó là một vị lãnh chúa Nga đã gặp phải những chuyện không may, nhưng vẫn là một người. Mà lại biết điều nữa… nếu ông ta muốn gì cứ nói với tôi, tôi không từ chối điều gì. Ông ạ, một khi đã là người có học hành thì người ta biết quý học thức và quý những người tở tế. Tôi nói thế cũng vì ông đấy ông Kiril ạ. Việc hôm trước mà không có ông ta thì lôi thôi to.

Viên hạ sĩ quan đứng tán gẫu một lát nữa rồi bỏ đi (cái việc mà viên hạ sĩ vừa nhắc đến là một cuộc ẩu đả giữa tù binh với lính Pháp, trong đó Piotr đã can ngăn được các bạn). Mấy người tù binh đã từng nghe Piotr nói chuyện với viên hạ sĩ lập tức hỏi chàng xem hắn ta nói những gì. Trong khi Piotr đang kể cho các bạn những điều viên hạ sĩ vừa nói về việc xuất quân, có một tên lính Pháp gầy gò, vàng vọt ăn mặc rách rưới, đến gần cả nhà lán. Hắn đưa nhanh ngón tay lên trán với một cử chỉ rụt rè để chào Piotr và hỏi chàng xem có phải trong lán này có anh lính Platos không, chả hôm trước hắn có giao cho anh ta may một chiếc áo sơ mi.
   
Trước đây một tuần lễ quân Pháp được phát da và vải, liền giao cho tù binh may giày và áo.

- Xong rồi. xong rồi anh bạn ạ. - Karataiev vừa nói vừa bước ra, tay cầm một chiếc áo sơ mi gấp cẩn thận.
     
Vì khí trời ấm áp và để làm việc cho tiện, Karataiev chỉ mặc chiếc quần đùi và chiếc áo sơ mi rách bươm đen xỉn như màu đất. Bác ta lấy dây buộc tóc lại theo kiểu thợ thuyền và khuôn mặt tròn trĩnh của bác lại càng có vẻ tròn tlĩnh hơn nhiều và hiền hậu hơn.

Hẹn giờ nào, trao giờ ấy; thợ đúng hẹn, thợ kém khất lần.

- Tôi bảo thứ sáu xong là y như rằng, đây, - Platon mỉm cười nói, và giơ chiếc áo sơ mi vừa may xong ra.
    Tên lính Pháp đưa mắt lo lắng nhìn quanh, rồi như đã khắc phục được ý lưỡng lự, hắn cởi chiếc áo quân phục mặc ngoài ra rất nhanh và mặc chiếc áo sơ mi vào. Dưới chiếc áo ngoài tên lính Pháp không mặc áo sơ mi, và trên tấm thân gầy gò, vàng vọt của hắn chỉ có một chiếc áo gi-lê dài bằng lụa hoa cáu bẩn. Hình như tên lính Pháp sợ rằng tốp tù binh đang nhìn hắn sẽ cười phá lên, bèn hối hả rúc đầu vào cổ áo sơ mi. Trong đám tù binh không ai nói một tiếng.

- Đấy vừa khéo, - Platon vừa nói vừa kéo chiếc áo sơ mi. Sau khi đã chui đầu vào cổ áo và xỏ tay vào ống, tên lính Pháp không ngước mắt lên, hắn ngắm nghía chiếc áo đang mặc, rồi xem kỹ đường may.
 
-Thôi anh bạn ạ, được rồi, đây có phải tiệm may đâu, chả có đồ nghề cho ra hồn mà không có đồ nghề thì giết một con rận cũng không xong - Platon nói, miệng nở một nụ cười tròn trĩnh và có vẻ tự lấy làm thích thú với tác phẩm của mình.

- Tốt lắm, tốt lắm, cám ơn, nhưng chắc còn thừa vải chứ? - Tên lính Pháp nói.

- Khi nào mặc hẳn vào người lại còn đẹp hơn nữa cho mà xem, - Karatiev nói, bác ta vẫn mải ngắm nghía tác phẩm của mình. - Vừa đẹp vừa thoải mái…

- Cảm ơn, cám ơn ông bạn già, thế còn chỗ vải thừa?
   
Tên lính Pháp mỉm cười nhắc lại, rồi rút ra một tờ giấy bạc đưa cho Karataiev.

- Nhưng còn chỗ vải thừa?
   
Piotr thấy rằng Platon không muốn hiểu ý tên lính Pháp nói gì.
   
Chàng không xen vào câu chuyện, lặng lẽ đứng nhìn. Karataiev cám ơn tên lính Pháp về chỗ món tiền giấy và tiếp tục ngắm nghía công trình của mình. Tên Pháp cứ khăng khăng đòi chỗ vải thừa và nhờ Piotr dịch hộ cho Karataiev nghe.

- Hắn lấy chỗ vải vụn ấy làm gì? - Karataiev nói. - Để cho chúng mình làm băng quấn chân có phải tốt biết mấy. Thôi, Chúa phù hộ cho hắn, - và Karataiev, sắc mặt buồn hẳn đi, rút ở trong ngực ra một nắm giẻ lau đưa cho cho tên lính Pháp, mắt không nhìn hắn. - Đấy! - Karataiev nói đoạn quay trở vào.
   
Tên lính Pháp nhìn nắm giẻ, nghĩ ngợi một lát đưa mắt nhìn Piotr có ý dò hỏi, rồi dường như khoé mắt của Piotr đã nói với hắn một điều gì, hắn bỗng đỏ mặt cất tiếng nói lí nhí như khóc:

- Plotos, này Plotos, cứ giữ lấy! - Hắn nói đoạn giả nắm vải vụn cho Karátaiev rồi vội quay đi.

- Đấy anh em, - Karataiev bắt đầu nói, - gọi là quân tà giáo, thế nhưng cũng có lòng đấy chứ. Các cụ thường bảo tay ướt hay cho, tay khô keo kiệt kể cũng đúng. Chính hắn cũng rách rưới, ấy thế mà hắn vẫn cho. - Karataiev trầm ngâm cười tủm tỉm nhìn mấy miếng vải vụn, im lặng một lát. - Làm băng quấn chân tốt ra phết, - nói đoạn Karataiev quay trở vào nhà.

===============================================================

Chú thích:

(1) "Mùa hè của đàn bà", tiết ấm trời xem vào giữa những ngày rét mướt của mùa thu như một dư âm của mùa hạ.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:19:51 pm
Phần XIII
Chương -12 -13

Kể từ khi Piotr bị bắt cho đến nay đã được bốn tuần lễ. Tuy quân Pháp có đề nghị với chàng sang ở bên nhà lán của sĩ quan, chàng vẫn ở lại gian nhà họ đã giam chàng hồi đầu cùng với những người lính thường.
     
Ở lại giữa thành Moskva bị tàn phá và thiêu huỷ, Piotr đã trải qua những nỗi thiếu thốn gần như cùng cực mà con người có thể chịu được; nhưng nhờ có sức khoẻ và sức chịu đựng, điều mà trước đây chàng không ngờ tới và nhất là vì những sự thiếu thốn cứ đến dần từng tí một, khiến chàng không thể nói rõ bắt đầu từ lúc nào, cho nên chàng chịu đựng tình cảnh này một cách dễ dàng, thậm chí còn vui vẻ nữa. Và chính trong thời gian này, chàng có được cái tâm trạng thư thái, thoả thuận với bản thân đó, - Nó là điều đã đập mạnh vào tâm trí chàng ở những người lính trên chiến trường Borodino. Chàng đã tìm kiếm nó trong những công việc từ thiện, trong hội Tam điểm, trong cuộc sống phóng túng của giới xã giao, trong rượu, trong một chiến công hy sinh anh dũng, trong mối tình lãng mạn với Natasa, chàng cũng đã tìm tâm trạng đó bằng con đường tư duy, nhưng tất cả những sự tìm kiếm, những mưu toan ấy đều đã phụ lòng mong đợi của chàng.
     
Thế mà nay, chỉ vì đã trải qua những cơn khủng khiếp trước cái chết, trải qua những nỗi thiếu thốn, trải qua những điều mà chàng đã hiểu được ở Karataiev, chàng đã tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn, sự hài lòng với bản thân, tuy không hề nghĩ đến những điều đó. Những phút kinh hoàng mà chàng đã trải qua trong cuộc hành hình dường như đã vĩnh viễn gạt bỏ khỏi tưởng tượng và ký ức của chàng những ý nghĩ và những cảm giác bứt rứt băn khoăn mà trước kia chàng tưởng là quan trọng. Chàng không hề nghĩ đến nước Nga, đến chiến tranh, đến chính trị hay đến Napoléon. Chàng thấy rõ như một sự thật hiển nhiên là những cái đó đều không dính dáng gì đến chàng, rằng chàng không có phận sự phê phán gì những cái đó cả cho nên không phê phán được, "Nước Nga và mùa hè chẳng phải là bạn bè" - Chàng nhẩm lại lời Karataiev, và lời nói này đem lại cho chàng một sự yên tĩnh lạ lùng. Bấy giờ chàng thấy việc chàng định giết Napoléon và những cuộc tính toán của chàng về con số bùa chú về con vật trong Apocalypxo là kỳ quặc, thậm chí còn lố lăng nữa. Lòng căm giận của chàng đối với vợ và sự lo lắng của chàng về chỗ tên họ của mình sẽ bị nhơ nhuốc, bây giờ chàng thấy nó không những vô nghĩa mà còn ngộ nghĩnh nữa. Người đàn bà ấy đang ở tận đâu đâu, sống cuộc đời mà người ấy ưa thích, thì điều đó có quan hệ gì đến chàng? Bọn Pháp biết hay không biết rằng tù binh của họ là bá tước Bezukhov thì cái đó có quan hệ đến ai, nhất là đến chàng?
   
Chàng thường nhớ lại buổi nói chuyện với công tước Andrey và hoàn toàn đồng ý với bạn, nhưng chàng hiểu ý công tước Andrey khác đi một chút. Công tước Andrey nghĩ và nói rằng hạnh phúc chỉ có thể là tiêu cực, nhưng công tước Andrey nói như vậy với một sắc thái chua chát và mỉa mai, tựa hồ trong khi nói như vậy lại muốn phát biểu ra một ý khác - là tất cả những khát vọng vươn tới hạnh phúc thực vốn có trong chúng ta đều chỉ cốt để cho chúng ta phải day dứt vì không được thoả mãn. Chính Piotr thừa nhận điều đó là đúng không mảy may dè đặt. Không đau khổ, thoả mãn được các nhu cầu sơ dẳng của sự thống nhất và được tự do lựa chọn công việc làm tức là lựa chọn cách sống đó là hạnh phúc cao nhất của con người; bây giờ Piotr đã thấy rõ như vậy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

Ở đây mãi đến bây giờ, lần đầu tiên Piotr mới hiểu hết giá trị của cái thú được ăn khi đói; được uống khi khát, được ngủ khi buồn ngủ, được sưởi khi lạnh, được nói chuyện với một con người khi cần nói và khi cần nghe tiếng nói của con người. Thoả mãn các nhu cầu ăn cho ngon, ở cho sạch, sống cho tự do - bây giờ Piotr phải thiếu tất cả những thứ ấy nên chàng thấy đó là hạnh phúc trọn vẹn, còn việc được lựa chọn việc làm, tức là được sống thì nay bị hạn chế lại và do đó, trở thành một việc đã dễ dàng quá, đến nỗi chàng thường quên rằng mọi cuộc sống quá phong lưu đến thủ tiêu hết cái hạnh phúc thoả mãn cái nhu cầu, cái tự do lựa chọn việc làm, cái tự do lớn mà học thức, của cải, địa vị xã hội đã cấp cho chàng, chính cái tự do đó khiến cho việc lựa chọn việc làm trở nên khó khăn đến nỗi không sao giải quyết được, và thủ tiêu cả nhu cầu lẫn khả năng làm việc.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:20:33 pm
Tất cả những ước mơ của Piotr bây giờ đều hướng tới khi chàng sẽ được tự do. Thế nhưng về sau Piotr suốt đời sẽ nghĩ và nói một cách hân hoan đến cái tháng bị cầm tù này, đến những cảm giác mạnh mẽ và vui mừng không bao giờ trở còn lại, và nhất là đến cái tâm trạng hoàn toàn thư thái và tự do mà chỉ có thời gian ấy chàng mới được cảm thấy.
   
Sáng hôm đầu tiên, khi chàng thức dậy từ sớm tinh mơ bước ra ngoài nhà lán và trông thấy những chiếc mái vòm tối sẫm, những cây thập tự của tu viện Novedevichi, trông thấy những ngọn đồi Chim sẻ và dải bờ có rừng rậm uốn quaoh co trên sông và khuất dần trong cõi xa xăm phủ một làn sương tim tím, khi chàng cảm thấy làn không khí mát lạnh mơn man trên da thịt và nghe những tiếng vỗ cánh của những con quạ từ Moskva băng qua đồng tới đây, rồi sau đó, khi chân trời phía dông bỗng loé sáng lên, rồi vành trên của mặt trời trang trọng nhô lên khỏi đám mây, và chiếc mái vòm, những cây thập tự, những hạt sương, chân trời, dòng sông đều lung linh dưới làn ánh sáng vui tươi, Piotr có một cảm giác mát mẻ mà chàng chưa hề biết, cảm giác vui mừng và khoẻ mạnh của cuộc sống.
   
Và cảm giác này không những không lúc nào rời chàng trong suốt thời gian bị cầm tù, mà trái lại, tình cảnh của chàng càng khó khăn thì cảm giác đó lại càng mạnh mẽ.
     
Cái cảm giác sẵn sàng chờ đón tất cả ấy, cái cảm giác khiến người ta thấy sức mạnh tinh thần của mình được gom góp lại ấy lại càng được củng cố thêm trong lòng Piotr nhờ lòng kính phục của các bạn cầm tù đối với chàng ngay từ khi chàng đến gian nhà lán này, Piotr biết nhiều ngoại ngữ, quân lính Pháp rất kính nể chàng, ai xin gì chàng cũng cho một cách dễ dãi và giản dị (theo tiêu chuẩn của sĩ quan mỗi ngày chàng được cấp ba rúp), chàng có một sức mạnh phi thường, mà các binh sĩ đã từng được thấy rõ khi chàng dùng tay không ấn những cái đinh vào vách nhà lán, chàng đối xử rất hiền từ với các bạn, chàng có cái khả năng mà họ không sao hiểu nổi là có thể ngồi im hàng giờ không làm gì cả để suy nghĩ; những điều đó khiến cho binh sĩ thấy chàng là một con người siêu việt và có phần nào bí ẩn. Chính những đức tính của chàng mà trước kia, trong xã hội thượng lưu, nếu không phải là có hại thì cũng khiến chàng thấy là vướng víu; sức mạnh, thái độ coi thường những tiện nghi sinh hoạt, tính đãng trí, tính giản dị - thì ở đây, giữa những con người này, đã đưa lại cho chàng một địa vị gần như địa vị một bậc anh hùng. Và Piotr cảm thấy lòng kính nể đó đòi hỏi chàng phải đáp ứng lại cho xứng đáng.

13.
     
Đêm mồng sáu rạng ngày mồng bảy tháng mười, cuộc rút lui của quân Pháp bắt đầu: những gian nhà bếp, nhà lán bị phá đi, những chiếc xe chở đồ được thu xếp gọn ghẽ, và đoàn quân lính cùng những đoàn xe bắt đầu chuyển động.

Vào lúc bẩy giờ sáng một toán quân áp giải của Pháp, mặc binh phục hành quân, đầu đội mũ sa-cô, vai vác súng, mang bạc-đà và những cái đẫy to tướng, đến đứng trước mấy gian nhà lán và tiếng nói chuyện rôm rả đặc biệt của người Pháp xen lẫn tiếng thề rủa, vang dội khắp cả tuyến quân.
     
Trong lán ai nấy đều đã mặc áo, nai nịt, đi giầy xong xuôi và chỉ còn đợi lệnh ra ngoài, Xokolov, người lính bị ốm, xanh xao, gầy gò hai con mắt thâm quầng, vẫn ngồi một mình ở chỗ cũ, chưa mặc áo đi giày gì cả, chỉ đưa đôi mắt lồi hẳn lên vì mặt quá gầy nhìn các bạn có ý dò hỏi, trong khi họ không để ý gì đến anh ta cả, và cất tiếng rên khe khẽ và đều đều. Hình như anh ra rên rỉ như vậy vì đau rất ít - anh ta bị bệnh kiết lị - mà vì sợ buồn khi thấy anh phải ở lại một mình thì nhiều hơn.
     
Piotr, chân đi một đôi giày mà Karataiev đã khâu cho chàng bằng chỗ rẻo thừa của một miếng da do một tên lính Pháp mang lại nhờ anh ta chữa hộ đế giày, lưng thắt một sợi dây thừng đến cạnh người ốm và ngồi xổm xuống trước mặt anh ta.

- Thôi Xolokov ạ, họ không đi hẳn đâu mà! Ở đây họ còn để lại một bệnh xá. Có lẽ anh còn đỡ khổ hơn chúng tôi, - Piotr nói.

- Ôi lạy chúa! Tôi chết mất thôi! Ôi lạy chúa! - người lính cất tiếng kêu rên to.
   
Để tôi xin họ một lần nữa xem, - Piotr nói đoạn đứng dậy đi ra cửa nhà lán.
     
Trong khi Piotr đến cạnh cửa, từ bên ngoài bước tới hai người lính cùng đi với viên hạ sĩ hôm qua đã mời Piotr hút tẩu thuốc. Cả ba đều mặc binh phục hành quân, đeo bạc-đà, đội mũ sa-cô quai gài xuống cằm khiến cho khuôn mặt quen thuộc của họ trông lạ hẳn đi. Viên hạ sĩ đến đây là để đóng cửa lán lạỉ, theo lệnh cấp trên.
   
Trước khi xuất phát phải điểm lại số tù binh.

- Ông hạ sĩ ơi người ốm này biết tính thế nào đây? - Piotr mở đầu; nhưng ngay khi nói câu ấy chàng chợt nảy ra ý nghĩ hoặc không biết đây có phải là viên hạ sĩ chàng vẫn quen không, hay là một người lạ: lúc ấy viên hạ sĩ thật chẳng giống ngày thường chút nào. Hơn nữa, ngay khi Piotr nói câu ấy, thì từ hai phía bỗng nổi lên tiếng trống trận. Viên hạ sĩ nghe Piotr nói thì cau mày văng ra một câu chửi rủa vô nghĩa rồi đóng sập cửa lại. Trong lán tối lờ mờ, từ hai phía tiếng trống dồn dập gay gắt, át hẳn tiếng rên rỉ của người ốm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:22:18 pm
"Nó đấy! Lại nó đấy?" - Piotr tự nhủ, và bất giác chàng bỗng thấy lạnh toát sau sống lưng. Trong gương mặt thay đổi hẳn đi của viên hạ sĩ, trong giọng nói của hắn, trong tiếng trống thôi thúc ầm ĩ át hết mọi tiếng khác Piotr đã nhận ra cái sức mạnh huyền bí, dửng dưng, đã thúc đẩy con người phải giết đồng loại mặc dầu không muốn thế, cái sức mạnh mà chàng đã thấy tác động của nó trong buổi hành hình. Sợ sệt, trốn tránh sức mạnh này, cầu xin hay van lơn những người làm công cụ cho nó đều vô ích. Bây giờ Piotr đã biết rõ như vậy. Đành phải chờ đợi và chịu đựng thôi. Piotr không lại gần người ốm nữa và không nhìn về phía anh ta. Chàng cau mày lặng lẽ đứng bên cửa lán.
     
Khi mở cửa và đám tù binh như một bầy cừu chen chúc nhau ùa ra, Piotr chen ra phía trước và đến cạnh viên đại uý, chính đại uý mà viên hạ sĩ kia đã nói quả quyết với chàng là chàng cần gì ông ta cũng sẵn sàng giúp. Viên đại uý cũng mặc binh phục hành quân và trên khuôn mặt lạnh lùng của hắn cũng thấy có "nó", có cái mà Piotr đã nhận ra trong tiếng trống và trong giọng nói của viên hạ sĩ.
   
- Đi đi, đi đi! - viên đại uý nói, mày cau lại một cách nghiêm khắc và mắt nhìn những đám tù binh lũ lượt đi qua cạnh hắn. Piotr biết rằng mình sẽ uổng công, nhưng vẫn đến gặp hắn.

- Sao có việc gì thế hả? - viên đại uý ngoảnh lại nhìn, vẻ như không nhận ra Piotr. Piotr giãi bày tình cảnh người bệnh binh.

- Rồi nó sẽ đi được tốt, chứ quái gì! - Viên đại uý nói. - Đi đi, đi đi! - Hắn nói tiếp, mắt không nhìn Piotr.

- Không đi được đâu, anh ấy gần chết rồi! - Piotr bắt đầu nói.

- Thôi đủ rồi! - viên đại uý quát, mày cau lại, vẻ đanh ác.

- Đram - da - da - dam, dam, dram… tiếng trống vẫn đổ dồn, và Piotr hiểu rằng cái sức mạnh huyền bí kia đã khống chế hoàn toàn những con người ấy, và bây giờ có nói gì cũng vô ích mà thôi.
   
Những sĩ quan tù binh bị tách riêng ra khỏi các tù binh thường và bị dẫn đi trước. Số sĩ quan, trong đó có Piotr, là ba mươi người, lính thường thì có khoảng vài ba trăm.
   
Các sĩ quan tù binh ở các nhà lán khác thả ra đều lạ mặt, và ăn mặc tươm tất hơn Piotr rất nhiều. Họ nhìn chàng, nhìn đôi giày của chàng một cách bỡ ngỡ và nghi kỵ. Đi cách Piotr không xa có một viên thiếu tá to béo hình như được tất cả các bạn cùng bị giam kính nể. Ông ta mặc một chiếc áo dài nội tấm kiểu kazan, lưng thắt một chiếc khăn bông, mặt vàng vọt, phù thũng và cau có, một tay ông ta cầm túi thuốc lá đút dưới vạt áo, tay kia chống trên một cái tẩu thuốc dài. Viên thiếu tá thở hổn hển không ra hơi, luôn mồm lầu nhầu và cáu bẳn với mọi người vì ông ta cứ có cảm giác là họ xô đẩy mình, là ai nấy đều quá hấp tấp, tuy chẳng có việc gì mà phải vội là mọi người cứ lấy làm lạ về việc này việc nọ, tuy chẳng có chuyện gì đáng lấy làm lạ cả. Một người khác, một viên sĩ quan thấp bé và gầy gò, luôn mồm nói chuyện với khắp mọi người, phỏng đoán nào là bây giờ chúng đưa họ đi đâu, nào là trong ngày hôm nay liệu đi được bao xa. Một viên công chức đi ủng da, mặc quân phục quân nhu, chạy lăng xăng bên này bên kia để xem cảnh Moskva bị cháy, lớn tiếng loan báo cho mọi người biết những điều mình vừa quan sát được: chỗ nào đã bị cháy, và góc phố hiện có thể trông thấy là khu vực nào. Một viên sĩ quan thứ ba, mà nghe giọng nói có thể đoán là người quê ở Ba Lan, tranh luận với viên công chức quân nhu, chứng minh cho hắn ta thấy rằng hắn đã xác định sai cái khu phố Moskva.
   
- Các ông cãi vã gì thế? - Viên thiếu tá nói, giọng cáu kỉnh. - Nikolai hay Vlax cũng thế thôi; các ông không thấy là tất cả đều cháy trụi đấy sao? Chỉ có thế thôi… Sao ông lại cứ xô đẩy người ta thế, đường chật lắm hay sao? - ông ta bực tức quát một người đi phía sau tuy người này chẳng hề xô đẩy gì ông ta cả.
     
- Ái chà chà, chúng nó lệ quá. - Khi thì ở phía này, khi thì ở phía kia, có nhiều tiếng xuýt xoa của đám tù binh, đang ngắm cảnh hoang tàn của thành phố, - Cả khu Zamoxkvoretsye cả khu Zobovo, và cả Kreml nữa… các ông nhìn mà xem, không còn lấy được một nửa. Thì tôi đã bảo cả khu Zamoxkvoretsye mà, các ông thấy chưa.

- À ông đã biết là cháy rồi thì còn nói làm gì nữa! - viên thiếu tá nói. Khi đi ngang qua khu Khanovniki (một trong những khu phố hiếm hoi không bị cháy), qua một ngôi nhà thờ, cả đám tù binh bỗng đổ dồn về một phía. Có những tiếng kêu kinh hãi và ghê tởm.
   
- Chà cái quân khốn nạn! Thật là quân tà giáo! Đúng là một người chết, đúng là một người chết rồi, không biết chúng nó lấy cái gì bết vào mặt người ta thế!
   
Piotr cũng len về phía nhà thờ, nơi có cái vật gây nên những tiếng kêu đó, và thoáng thấy một vật gì tựa vào hàng rào nhà thờ.
   
Qua lời những người bạn thấy rõ hơn, chàng Piotr được biết rằng vật đó là một cái xác người đứng bên hàng rào mặt trát đầy mồ hóng.

- Đi đi, mẹ chúng mày, đi nhanh kên đồ quỷ sứ!

- có tiếng chửi rủa của toán quân đi áp giải, và bọn lính Pháp lại lấy sống gươm giận dữ xua đám tù binh đang nhìn cái xác chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:24:42 pm
Phần XIII
Chương -14 -15

Qua các ngõ hẻm của khu Khamovniki chỉ có đoàn tù binh cùng đi với đội áp giải và những cỗ xe chở đồ của binh sĩ trong đội áp giải kéo theo sau; nhưng khi đi ngang qua các kho lương, họ lọt vào giữa một đoàn xe rất lớn của pháo binh  đang trẩy thành một khối dày đặc, chen lẫn với những chiếc xe tải của tư nhân.
   
Đến sát cầu, tất cả đều dừng lại đợi cho những đoàn đi trước kéo qua. Đứng ở đầu cẩu nhìn ra phía ttước và về phía sau, đám tù binh có thể trông thấy những dãy xe vô tận đang trẩy đi. Bên phải, nơi con đường Kuluga uốn vòng qua Naxkutsnoye và mất hút ở phía xa, có những đoàn quân lính và xe tải kéo dài không dứt. Đó là những dạo quân thuộc lữ đoàn Bôhame đã xuất phát trước tất cả các lữ đoàn khác; ở phía sau, dọc theo bờ sông vào vắt ngang qua cầu Kamenny, quân đoàn của Ney với những đoàn xe tải của nó đang lũ lượt trẩy đi.
   
Quân của Davu, trong đó có các đoàn tù binh, đang lội qua quãng sông cạn Krymxki và một bộ phận đã đổ ra đường. Nhưng các đoàn xe kéo dài đến nỗi những cỗ xe đi sau cùng của đoàn Bohame chưa ra khỏi Moskva và chưa tiến vào đường Kaluga mà tiền đạo của Ney đã ra khỏi Bolsaya Ordynka rồi.
   
Khi lội qua chỗ cạn Krymxki, đoàn tù binh đi vài bước rồi dừng lại, rồi lại bước đi, và bốn phía người và xe chen chúc nhà mỗi lúc một thêm dữ dội. Hơn một tiếng đồng hồ họ mới vượt qua cái khoảng cách một trăm thước giữa cáu và đường Kaluga, đi đến quảng trường nơi hai con đường Zamoxkvoretsye và Kaluga gặp nhau, đoàn tù binh ùn lại thành một cụm, dừng lại và đứng yên ở chỗ ngã ba này mấy tiếng đồng hồ liền. Bốn bề đều nghe tiếng bánh xe lăn ầm ầm, tiếng giày dẫm rầm rập, và những tiếng quát tháo chửi rủa hoà với nhau thành một tiếng ào ào không lúc nào ngớt, nghe như tiếng sóng bể, Piotr tựa sát người vào tường một ngôi nhà cháy dở lắng nghe âm thanh ấy; trong trí tưởng tượng của chàng, nó pha lẫn với tiếng trống.
   
Mấy người sĩ quan tù binh muốn xem cho rõ hơn đã leo lên trên tường của một ngôi nhà cháy dở nơi Piotr đang đứng.
   
- Đông quá! Chà đông ghê thật…! Đồ đạc được chất cả lên đại bác! Xem kìa, nó chở cả những bộ da lông. Quân khốn kiếp, chúng nó cướp nhiều thật… Xem chiếc xe tải của cái thằng ở phía sau kia kìa… Đúng là lấy ở tượng thánh ra rồi! Hẳn đó là bọn Đức. Có cả một lão mu-gich nhà ta nữa kia, đúng thế…! Chà quân khốn mạt…!

Xem kìa. Chất nhiều đến nỗi không đi được nữa…! kìa nữa, cả xe Droiki chúng cũng lấy? Xem thằng kia ngồi trên dống rương hòm kia…! Cha mẹ ơi! A chúng nó đánh nhau! Nó đánh vào mõm thằng kia, đúng vào mõm! Cứ thế này thì đợi đến tối cũng chưa đi được. Xem kìa, các ông xem kìa… Chính Napoléon đây rồi. Thấy không, toàn ngựa quý, có mang phù hiệu mũ miện! Một ngôi nhà xếp! Thằng kia đánh rơi cái đẫy mà không biết. Lại đánh nhau. Cái bà bế con kia, trông khá đáo để. Nhìn mà xem, đi mãi không thấy hết. Bọn đĩ Nga kia, đúng rồi! Chúng ngồi trên xe rất chễm chệ.
   
Cũng như khi đi qua nhà thờ Khamovniki, một làn sóng tò mò lại dồn lại tất cả những tù binh ra đường, và Piotr, nhờ vóc dáng người cao lớn, đã nhìn được qua đầu những người khác và trông thấy cái điều đã thu hút lòng tò mò của đám tù binh. Trên ba chiếc xe ngưạ, lạc vào giữa nhưng chiếc thùng đựng đạn có mấy người đàn bà ăn mặc diêm dúa, màu áo loè loẹt, mặt đánh phấn tô son, đang ngồi chồng chất lên nhau, mồm kêu the thé.
   
Từ cái phút Piotr thấy hiển hiện cái sức mạnh huyền bí kia, chàng không còn thấy cái gì kỳ lạ hay khủng khiếp nữa: dù là cái xác mà người ta đã lấy bồ hóng trát vào mặt để làm trò đùa, hay những người đàn bà kia, đang vội vã đi đâu không rõ, hay cảnh Moskva cháy tan hoan cũng vậy. Bây giờ tất cả những điều mà Piotr trông thấy hầu như không gây nên một ấn lượng gì chàng nữa. - tưởng chừng như trong khi sửa soạn bước vào một cuộc vật lộn khó khăn lòng chàng không chịu tiếp đón những ấn tượng có thể làm cho nó suy nhược đi.
   
Đoàn xe chở đàn bà đã đi qua. Theo sau lại có những đoàn xe chở đồ, những toán lính, những xe chở lương, những toán lính, những chiếc xe kiệu, những toán lính những hòm đạn, lại những toán lính, và thỉnh thoảng lại có những tốp đàn bà.
   
Piotr không thấy rõ từng người riêng biết, chàng chỉ thấy sự chuyển động của họ.
   
Tất cả những đoàn xe người ngựa ấy tựa hồ như đang bị một sức mạnh vô hình nào xua đi. Trong khoảng một tiếng đồng hồ, thời gian Piotr đứng nhìn họ, tất cả những những đoàn người ngựa ấy từ các phố đổ ra, cùng chung một nguyện vọng duy nhất là làm sao đi qua cho chóng; mỗi khi chạm phải nhau, họ đều phát cáu lên, đánh nhau; những hàm răng trắng nhe ra, nhưng đôi lông mày cau lại, những câu chửi bới ấy lại ném vào mặt nhau, và trên tất cả các gương mặt đều có cái vẻ cương quyết lạnh lùng và tàn nhẫn mà sáng hay Piotr đã trông thấy trên gương mặt của tên hạ sĩ trong khi tiếng trống đổ dồn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:25:43 pm
Đến chiều, viên sĩ quan chỉ huy đội quân áp giải tập hợp đơn vị lại và luôn mồm quát tháo và cãi vã, y mở một con đường trong đám xe cộ. Đoàn tù binh len ra con đường Kaluga.
   
Họ đi rất nhanh, không nghỉ, và mãi đến khi mặt trời đã bắt đầu lặn họ mới đứng lại. Những đoàn xe được xếp sát vào nhau, và đám người bắt đầu sửa soạn nghỉ đêm. Ai nấy đều có vẻ tức giận và cau có. Hồi lâu, bốn phía đều nghe những tiếng chửi rủa, nhưng tiếng quát tháo hằn học và những tiếng ẩu đả. Chiếc xe kiệu đi ở phía sau đội lính áp giải húc càng xe vào chiếc xe chở đồ của đội này, làm cho thùng xe vỡ toác ra. Từ bốn phía có mấy người lính chạy lại, người thì đánh vào đầu những con ngựa kéo chiếc xe kiệu và bắt chúng quay lại, người thì đánh nhau, và Piotr thấy rõ một người lính Đức bị trọng thương vì một nhát đoản kiếm chém vào đầu.
   
Hình như bây giờ, khi đã đứng lại giữa cánh đồng trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo của một của một chiều thu, tất cả những con người ấy đều cùng có một cảm giác khích động khó chịu vì cái tình trạng vội vã và phải di chuyển gấp gáp đến một nơi nào không rõ, cái cảm giác đã bao trùm lên mọi người khi xuất phát. Khi đã dừng lại ai nấy đều đã hiểu ra rằng chưa biết mình sẽ còn đi đâu nữa và trong chuyến đi này sẽ gặp nhiều khó khăn cực nhọc.
   
Ở trạm nghỉ đêm này lính áp giải đối xử với tù binh còn tệ hơn khi ra đi. Lần đầu tiên người ta phải thịt ngựa cho tù binh ăn.
   
Từ các sĩ quan đến người lính mạt hạng, ai nấy hình như đều có một mối thù riêng với mỗi tù binh. Sự thay đổi đột ngột trong thái độ rất thân mật trước kia của họ khiến cho người ta có một cảm giác rõ rệt như vậy.
   
Thái độ thù hằn này càng lộ rõ thêm khi họ điểm danh các tù binh và nhận thấy rằng sau khi rời Moskva một người lính Nga đã thừa lúc lộn xộn giả vờ đau bụng trốn mất. Piotr thấy một tên Pháp đánh một người lính Nga vì anh ta đi ra xa, và nghe tiếng viên đại uý bạn "chàng", trách mắng một viên hạ sĩ quan về tội đã kể cho người lính Nga tẩu thoát và hăm doạ sẽ đưa hắn ra toà. Khi viên hạ sĩ quan phân trần rằng người lính kia ốm không đi được, viên sĩ quan trả lời là đã có lệnh bắn chết những người tụt lại sau. Piotr cảm thấy cái sức mạnh oan nghiệt đã đè bẹp chàng trong buổi hành hình và đã tạm thời bị che khuất đi trong thời gian giam cầm, nay lại hiện ra khống chế cuộc sống của chàng. Chàng thấy sợ hãi; nhưng chàng lại cảm thấy rằng các sức mạnh oan nghiệt ấy càng ra sức đè nén chàng bao nhiêu, thì cái sinh lực trong tâm hồn chàng, không lệ thuộc vào sức mạnh kia, càng lớn mạnh lên bấy nhiêu.
     
Piotr ăn xúp bột mì đen nấu với thịt ngựa và nói chuyện với các bạn.
   
Piotr cũng như các bạn đồng hành của chàng không ai nhắc đến những điều họ đã trông thấy ở Moskva, đến thái độ thô bạo của quân Pháp hay đến cái lệnh bắn chết những người thụt lại sau: dường như để đối phó với tình cảnh hiện tại, mọi người đều vui vẻ và phấn trấn. Họ nói đến những kỉ niệm riêng, đến những câu chuyện buồn cười đã xảy ra trong khi chiến dịch, và mỗi khi câu chuyện đả động đến tình cảnh hiện tại họ nói lảng sang chuyện khác.
   
Mặt trời đã lặn từ lâu. Lác đác trên nền trời, vài ngôi sao đã bắt đầu lấp lánh; một cái ráng đỏ giống như một đám cháy hiện lên ở chân trời, mặt trăng rằm từ từ mọc lên, và quả cầu đỏ ối, to tướng ấy rung rinh một cách kỳ lạ trong bóng tối màu xám. Trời sáng dần lên. Buổi chiều đã tàn, nhưng đêm vẫn chưa xuống. Piotr đứng dậy, rời khỏi những người bạn mới và len giữa các đống lửa đi sang bên kia đường, nơi chàng nghe nói là các binh sĩ Nga bị bắt đang ngồi nghỉ. Chàng muốn nói chuyện với họ. Trên đường cái, một tên lính canh Pháp chặn chàng lại và ra lệnh cho chàng phải quay về. Piotr quay lại, nhưng không trở về đống lửa của các bạn tù binh, mà lại đến cạnh một chiếc xe tải đã tháo ngựa. Ở đây không có ai cả.
   
Chàng xếp chân ngồi xuống mặt đất lạnh lẽo bên cạnh bánh xe, đầu gục xuống. Chàng ngồi hồi lâu không nhúc nhích, trầm ngâm suy nghĩ. Hơn một giờ trôi qua, không ai đến quấy rầy chàng cả. Bỗng chàng cất tiếng cười hồn hậu, chàng cười to đến nỗi mọi người đều quay lại nhìn xem ai cười một mình mà nghe lạ lùng như vậy.
   
- Ha ha ha! -Piotr cười lớn. Và chàng nói to lên một mình - Tên lính kia không cho ta đi. Chúng nó bắt ta, giam ta. Chúng nó giữ ta lại làm tù binh. Ai? Ta? Ta à? Phải, ta, linh hồn bất diệt của ta? Ha ha ha! - Chàng cười đến nỗi trào nước mắt ra.
   
Có ai đó đứng dậy và lại gần để xem cái người to béo và kỳ quặc kia có chuyện gì mà ngồi cười một mình như vậy. Piotr im bặt, đứng dậy bỏ đi để tránh con người tò mò kia, và đưa mắt nhìn quanh.
   
Khu trại lộ thiên khổng lồ vô tận nãy giờ ầm ĩ những tiếng nói chuyện, tiếng củi lách tách nay đã im lặng; những đống lửa đang lụi dần. Vầng trăng tròn trĩnh treo cao trên nền trời trong sáng. Những khu rừng và những cánh đồng mà lúc nãy đớng trong phạm vi khu vực hạ trại không thể trông thấy, nay đã hiện rõ ra ở phía xa. Và xa hơn những khu rừng và những cánh đồng này nữa có thể thấy những khoảng không vô tận, sáng sủa, rung rinh, đang như kêu gọi lòng người về với nó.
   
Piotr nhìn nên trời, dõi theo những ngôi sao đang lấp lánh và như đang xa dần mãi, "Và tất cả những cái đó đều là của ta, đều ở trong ta, tất cả những cái đó đều là ta! - Piotr nghĩ, - Và tất cả những cái đó đã bị chúng bắt vào một gian nhà bằng ván!" Chàng mỉm cười và trở về dọn chỗ ngủ bên cạnh các bạn tù binh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:27:21 pm
15.
       
Vào những ngày đầu tháng mười lại có một sứ giả đem thư của Napoléon đến gặp Kutuzov đề nghị giảng hoà. Bức thư đề là gửi từ Moskva, nhưng thực ra bấy giờ Napoléon đang ở cách Kutuzov không xa, trên con đường Kaluga cũ. Kutuzov cững phúc đáp bức thư này giống như đã phúc đáp bức thư trước đây do Lonxton đưa lại: ông trả lời là không thể nói đến chuyện hoà giải được.
   
Ít lâu sau có tin của đội du kích Dorokhov, bấy giờ đang hành quân ở phía trái Tarutino, báo về là quân địch xuất hiện ở Fominxkoye: đó là sư đoàn của Bruxie, sư đoàn này cách biết với các đơn vị khác khá xa, cho nên có thể tiêu diệt nó một cách dễ dàng. Binh lính và sĩ quan lại đòi hành động. Các tướng tá ở các bộ phận tham mưu, được trận thắng dễ dàng ở Tarutino khích lệ, nằng nặc đòi Kutuzov thi hành lời đề nghị của Dorokhov. Kutuzov cho rằng lúc này không cần phải tấn công gì cả. Rốt cục người ta có được một cái gì nửa vời: đó chính là những việc sẽ được thực hiện.
   
Một đội quân nhỏ được phái đến Fominxkoye để tấn công Bruxie.
     
Do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, công việc này - một công việc hết sức khó khăn và quan trọng, như sau này người ta đã thấy rõ, - được giao cho Dorokhturov, chính cái ông Dorokhturov nhỏ bé, khiêm tốn mà không có ai miêu tả đang ngồi soạn kế hoạch tác chiến là đang phóng ngựa như bay trước các binh đoàn hay đang ném huân chương chữ thập lên các trận địa pháo, vân vân, con người vẫn bị coi là thiếu cương quyết, thiếu sáng suốt, nhưng lại chính là người mà trong suốt thời gian diễn ra những cuộc chiến tranh Nga - Pháp, từ Auxterlitx cho đến năm 1813, hễ nơi nào tình thế khó khăn là ta thấy đứng ở vị trí chỉ huy. Ở Auxterlitx, ông ta đã ở lại sau cùng bên đê Aoghext, tập hợp các trung đoàn, cứu vãn những gì còn cứu vãn được, trong khi mọi người đều đã bỏ chạy hay gục hết và ở hậu quân không có lấy một viên tướng. Chính ông ta, trong khi đang ốm đau, đang lên cơn sốt, đã đem hai vạn quân đến Smolensk để bảo vệ thành phố này, chống cự với toàn thể đại quân của Napoléon. Ở Smolensk, trong khi đang nằm thiu thiu ngủ ở gần cửa Malakhovki trong một cơn sốt cực kỳ dữ dội, tiếng đại bác oanh tạc Smolensk đã đánh thức ông ta dậy, và Smolensk đã kháng cự suốt một ngày ròng rã. Ở trận Bagration đã vỡ trận, các đơn vị ở cánh trái quân ta thương vong chỉ còn một phần chín và pháo binh Pháp tập trung hết hoả lực bắn vào đấy, người ra chẳng cử ai ngoài cái ông Dorokhturov thiếu cương quyết và thiếu sáng suốt ấy; Kutuzov cũng đã toan phái người khác, nhưng lại vội vàng chữa lại sai lầm. Và Dorokhturov, con người thấp bé hiền lành ấy đã phi ngựa đến đấy, và trận Borodino đã trở thành áng vinh quan lớn nhất của quân đội Nga. Người ta đã ca ngợi bằng văn xuôi và bằng thơ nhiều vị anh hùng trong trận Borodino, nhưng Dorokhturov thì hầu như chẳng có ai nhắc đến một câu.
   
Và chính Dorokhturov đã được cử đến Fominxkoye rồi từ đấy lại được cử đến Maly Yaroxlav, nơi đã xảy ra trận đánh cuối cùng với quân Pháp, và là nơi mà quá trình diệt vong của quân đội Pháp đã bắt đầu. Và người ta lại ca ngợi nhiều bị anh hùng và nhiều nhà cầm quân thiên tài đã lập công trong thời kỳ này, nhưng Dorokhturov thì chẳng ai nói đến, hoặc chỉ nói rất ít, hoặc nói với một thái độ hồ nghi. Và việc họ tảng lờ Dorokhturov đi như vậy chính là bằng chứng hiển nhiên nhất tỏ rõ tài năng và công lao của ông. Lẽ tự nhiên khi một người không hiểu hoạt động của máy móc mà nhìn vào bộ máy đang chạy, thì có thể tưởng đâu bộ phận quan trọng nhất là cái mảnh vỏ bào tình cờ rơi vào máy đang chạy loạn xạ giữa các bánh xe và cản trở hoạt động của máy. Một người không biết rõ cơ cấu của máy thì không thể hiểu rằng bộ phận quan trọng nhất trong máy không phải là cái mảnh vỏ bào kia, vốn chỉ làm cho máy khó chạy và hư hỏng đi, mà là cái trục chuyển tiếp nhỏ đang quay đều không tiếng động.
   
Ngày mồng mười tháng mười, chính cái ngày mà Dorokhturov đã đi được nửa đoạn đường dẫn đến Fominxkoye và dừng lại ở thôn Arixtovo chuẩn bị thi hành một cách chính xác mệnh lệnh đã nhận được, quân đội Pháp lúc bấy giờ trong cuộc hành quân hoảng hốt đã đi đến vị trí của Mura, có vẻ như định mở một trận đánh, thì bỗng nhiên vô cớ quay về bên trái, tiến về con đường Kaluga mới và bắt đầu tiến vào thôn Fominxkoye nơi mà trước đây chỉ có một mình Bruxie đóng. Lúc ấy dưới quyền chỉ huy của Dorokhturov, ngoài đội du kích của Dorokhturov ra còn có hai đội quân nhỏ của Figner và Xexlavin.
   
Tối hôm mười một tháng mười Xexlavin đem một tù binh trong đội cận vệ của Pháp vừa mới bắt được đến gặp thượng cấp ở Arixtovo. Tên tù binh cho biết rằng những đạo quân đến Fominxkoye hôm nay là tiểu đạo của đại quân, rằng Napoléon hiện có mặt ở đấy, rằng toàn quân đội đã ra khỏi Moskva được năm hôm nay. Cũng như tối hôm ấy, một người gia nô ở Borovxk đến kể lại rằng y đã thấy một đạo quân rất lớn tiến vào thành phố. Những người lính cô-dắc trong đội du kích của Dorokhturov báo cáo rằng họ đã trông thấy đội quân cận vệ của Pháp đi trên con đường dẫn đến Borovxk. Qua tất cả những tin tức ấy có thể thấy rõ rằng nơi mà trước đây người ta đã dự tính sẽ gặp một sư đoàn, thì nay là toàn thể quân đội Pháp từ Moskva đến theo một hướng đi bất ngờ - Theo con đường Kaluga cũ. Dorokhturov không muốn quyết định tiến hành một việc gì hết vì bây giờ ông ta không thấy rõ nhiệm vụ của ông là thế nào. Ông đã được lệnh tấn công Fominxkoye. Nhưng trước đây ở Fominxkoye chỉ có một mình Bruxie mà nay thì lại là toàn thể quân đội Pháp, Yermolov muốn hành động theo ý mình, nhưng Dorokhturov một mực nói rằng ông ta cần phải có lệnh của Điện hạ Tối quang minh. Họ bèn quyết định gửi báo cáo về đại bản doanh.

Với mục đích này họ chọn một viên sĩ quan thông minh, tên là Bokkhovitinov, ngoài việc đưa thư ra còn có nhiệm vụ trình bày hết tình hình hiện tại. Vào khoảng gần nửa đêm Bokhovitinov nhận phong thư và những lời căn dặn, rồi đem theo một người lính cô-dắc và mấy con ngựa dự bị, phi nước đại về đại bản doanh.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:29:30 pm
Phần XIII
Chương -16 -17

Đêm hôm đấy là một đêm thu tối trời và ấm áp. Trời lâm thâm đã bốn ngày nay. Sau khi đổi ngựa hai lần và vượt ba mươi dặm đường bùn lầy nhớp nháp trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Bokhovitinov đến Betasovka vào khoảng một giờ đêm. Đến trước một ngôi nhà có treo biểu "Đại bản danh" ở hàng rào, anh ta xuống ngựa và bước vào gian phòng ngoài tối om.

- Cần gặp vị tướng phiên trực ngay! Việc rất quan trọng - Fominxkoye. - Bolkhovitinov nói với một người nào vừa nhổm dậy và đang thở phì phì trong bóng tối của gian phòng ngoài.

- Từ tối hôm qua, tướng quân mệt nặng, đã ba đêm nay không ngủ, - tiếng người cần vụ thì thào khẩn khoản - ông hẵng đánh thức quan đại uý dậy đã.
   
- Quan trọng lắm, có tin của tướng quân   Dokhturov - Bokhovitinov vừa nói vừa lần mò bước vào cửa. Người cần vụ len vào trước và bắt đầu đánh thức một người nào không rõ.

- Thưa đại nhân, thưa đại nhân có "cung" văn?

- Cái gì thế, cái gì thế? Ai gửi đến? - có tiếng ai ngái ngủ hỏi lại.

- Do Dokhturov và Alekxey Petrovich phái đến…  Napoléon đã đến Fominxkoye! - Bokhovitinov nói, trong bóng tối anh ta không trông thấy người hỏi, nhưng nghe giọng nói ta đoán biết là không phải Konovnitxyn.
   
Người bị đánh thức ngáp dài và vươn vai.

- Tôi chẳng muốn đánh thức ông ta dậy một tí nào, - Người ấy vừa nói vừa sờ soạng tìm cái gì không rõ. - Đang ốm; chắc lại tin đồn thế thôi chứ gì?

- Báo cáo đấy, - Bokhovitinov nói, - Có lệnh phải chuyển ngay cho tướng phiên trực.

- Khoan đã, để tôi thắp nến. Thằng chết tiệt, mày để ở đâu thế? - Người kia vừa vươn vai vừ nói với người cần vụ - Đó là Serbinin, sĩ quan phụ tá của Konovnitxyn. - Đây rồi, đây rồi - anh ta nói thêm.

- Người cần vụ đánh đá lửa hạng bét, - anh ta nói, giọng ngán ngẩm. Trong ánh lửa loé ra. Bokhovitinov thấy khuôn mặt trẻ trung của Serbinin đang cầm nến ở góc phòng có một người nào vẫn đang ngủ. Khi lưu huỳnh xát vào cái bùi nhùi đã bùng cháy thành một ngọn lửa lúc đầu xanh lè, sau ngả thành mầu đỏ, Serbinin đốt ngay nến mỡ bò lên khiến cho mấy con gián đang gặm nến bỏ chạy toán loạn và ngước mắt lên nhìn người tín sứ. Bokhovitinov người lấm bùn be bét, đang lấy ống tay áo quệt lên mặt.

- Nhưng ai bảo? - Serbinin nói, tay cầm lấy phong thư.

- Tin chắc chắn đấy, - Bokhovitinov nói - Tù binh, lính cô-dắc, trinh sát viên đều nhất trí với nhau.

- Thôi đành phải đánh thức ông ấy dậy, - Serbinin nói đoạn đứng dậy bước đến cạnh phòng - ông Piotr Petrovich - Anh ta gọi.

Konovnitxyn không nhúc nhích.

- Lên đại bản doanh! - Anh ta nói thêm và mỉm cười, vì biết rằng mấy chữ này chắc chắn sẽ làm cho Konovnitxyn choàng dậy. Quả nhiên, cái đầu đội mũ chụp ban đêm lập tức nhấc lên. Trên khuôn mặt tuán tú, cương quyết của Konovnitxyn, với đôi má hum húp và đỏ ửng vì cơn sốt, trong một khoảng khắc vẫn còn lại cái thần sắc mơ màng của những giấc chiêm bao xa rời tình hình hiện tạl, nhưng rồi ông bỗng giật mình: gương mặt lại trở lại với vẻ điềm tĩnh và cương nghị thường ngày.

- Sao, có việc gì? Ai phái ông đến? -   Konovnitxyn hỏi ngay, nhưng không hấp tấp, mắt nhấp nháy vì chói ánh đèn. Trong khi nghe viên sĩ quan báo cáo, ông ta bóc thư ra đọc. Vừa đọc xong, ông đã bỏ đôi chân đi tất len xuống nền đất và bắt đầu xỏ giầy. Đoạn ông ta cất chiếc mũ chụp, chải lại món tóc mai rồi đội mũ lưỡi trai lên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:30:42 pm
- Anh đi đến đây có nhanh không? Ta đến gặp điện hạ đi, - Konovnitxyn hiểu ngay rằng tin vừa đưa lại có một tầm quan trọng rất lớn, và không thể chậm trễ được. Tin ấy lành dữ ra sao, ông không hề băn khoăn tự hỏi. Điều đó không quan trọng gì đối với ông. Ông nhìn nhận việc quân không phải bằng trí tuệ, băng óc xét đoán, mà bằng một cái gì khác. Trong tâm hồn ông có một niềm tin sâu sắc và không biểu lộ ra ngoài, rằng mọi việc đều sẽ tốt đẹp.
   
Nhưng ông lại cho rằng không nên tin như vậy và lại không nên nói ra, chỉ nên làm tròn bổn phận của mình. Và ông đã dốc hết sức lực ra làm việc đó.
   
Piotr Petrovich Konvovnitxyn, cũng như   Dorokhov, sở dĩ được ghi tên vào danh sách những người gọi là anh hùng của những Platov, những Miloradovich, chẳng qua cũng vì người ta sợ không ghi tên họ vào thì khó coi. Cũng như Dokhturov, ông ta thường được xem là một người năng lực và kiến thức rất hạn chế, và cũng như Dokhturov, Konovnitxyn không bao giờ soạn kế hoạch tác chiến, nhưng chỗ nào khó khăn nhất bao giờ cũng có mặt ông ta: từ khi nhận chức tướng phiên trực, ông bao giờ cũng để ngỏ cửa phòng trong khi ngủ và dặn là có tín sứ nào đều cũng phải đánh thức ông ta dậy; trong chiến trận, ông ta bao giờ cũng có mặt ở dưới hoả lực của địch, đến nỗi Kutuzov phải quở trách ông ta về việc đó và thường ngại không dám cử ông đi; và cũng như Dokhturov, ông ta là một trong những cái trục nhỏ im lặng quay đều, nhưng lại là bộ phận trọng yếu nhất của bộ máy.
     
Khi ra khỏi ngôi nhà gỗ bước vào bóng đêm tối mịt và ướt át, Konovnitxyn cay mày, phần vì đầu đang nhức buốt lại càng nhức buốt thêm, phần vì một ý nghĩ khó chịu vừa nảy ra trong óc, là bây giờ cả cái đám nhân vật trọng yếu ở bộ phận tham mưu kia sẽ tha hồ mà lăng xăng nhốn nháo, nhất là Benrigxen, sau trận Tarutino đã trở thành kẻ thù sâu cay của Kutuzov. Họ sẽ tha hồ đề nghị, tranh cãi, ra lệnh, bãi lệnh. Và ý nghĩ này làm cho Konovnitxyn khó chịu, tuy ông cũng biết rằng không thế thì không xong.
   
Quả nhiên ông vừa ghé vào nhà Toll báo tin, thì hắn ta lập tức trình bày ý kiến với viên tướng cùng ở chung nhà. Sau khi im lặng và mỏi mệt nghe Toll nói, Konovnitxyn nhắc hắn đến gặp Điện hạ Tối quang minh.

17.
     
Cũng như tất cả các cụ già, về đêm Kutuzov ngủ rất ít. Ban ngày thì ông hay ngủ gật bất thình lình, nhưng ban đêm thì ông cứ để nguyên áo quần nằm trên giường, thường không ngủ và trầm ngâm suy nghĩ.
   
Bây giờ cũng vậy, ông đang nằm trên giường, tựa cái đầu to bị thương tật lên bàn tay phốp pháp, chống khuỷu xuống đệm, trầm ngâm suy nghĩ, con mắt độc long mở thao láo vào bóng tối.
     
Từ khi được thư đi từ lại với hoàng thượng và trở thành người có thế lực nhất trong bộ tham mưu, Benrigxen đã tránh mặt ông ta, và Kutuzov được yên tâm hơn vì bây người ta không bắt quân đội của ông phải tham gia vào những cuộc hành binh tấn công vô ích nữa. Bài học của trận Tarutino và những việc xảy ra ngày hôm trước ông nhớ rất rõ những việc đó như người ta thường nhớ kỹ một kỷ niệm đau đớn - chắc cũng phải tác động đến họ, Kutuzov nghĩ thế.
     
"Họ phải hiểu rằng quân ta mà tấn công thì chỉ có thể thua thôi. Kiên nhẫn và thời gian: đó là hai chiến sĩ dũng mãnh nhất của ta!" -   Kutuzov nghĩ. Ông biết rằng không nên hái quả táo khi nó hãy còn xanh. Nó sẽ rụng xuống khi đã chín, còn nếu hái quả xanh thì chỉ hại quả, hại cây và hại cả mình nữa. Như một người thợ săn giàu kinh nghiệm, Kutuzov biết rằng con thú đã bị thương, và chỉ có toàn lực lượng của dân Nga mới có thể làm cho nó bị thương nặng đến như vậy được, nhưng vết thương có nguy hại đến tính mạng, thì vẫn còn là một vấn đề chưa được sáng tỏ. Bây giờ, cứ suy qua những chuyến đi của Lorixton và Berthelemy -, và những lời báo cáo của quân du kích, Kutuzov đã biết gần chắc rằng nó đã bị tử thương. Nhưng vẫn cần có thêm bằng chứng, vẫn cần phải đợi.
     
"Họ cứ muốn chạy ra xem xem họ đã đánh nó bí thương như thế nào. Hãy đợi đấy, rồi sẽ thấy. Cứ nói hành quân với tấn công mãi - Kutuzov nghĩ. - Để làm gì? Lúc nào cũng muốn tỏ ra xuất sắc! Làm như đánh nhau là một việc vui vẻ lắm không bằng. Họ chẳng khác những đứa trẻ mà khi có ai muốn hỏi xem sự việc đã xảy ra như thế nào thì cứ nói lung tung không thể nào hiểu được, bây giờ vấn đề không phải ở đấy".
   
"Mà bọn họ đề ra những cách hành quân mới tài tình chứ? Họ tưởng đâu nghĩ ra được hai ba trường hợp có thể xảy ra (ông nhớ lại bản kế hoạch tổng quát ở Petersburg) thế là dự tính được hết mọi trường hợp rồi đấy. Mà trường hợp có thể xảy ra thì vô số!".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 25 Tháng Giêng, 2011, 08:32:21 pm
Cái vấn đề chưa được giải quyết, là vết thương của con thú ở Borodino có nguy hại đến tính mệnh nó không, đã suốt một tháng ròng treo lơ lửng trên đầu Kutuzov. Một mặt thì quân Pháp đã chiếm Moskva. Mặt khác Kutuzov cảm thấy rõ rằng không còn chút hồ nghi, rằng cái vố kinh khủng mà ông ta đã cùng toàn dân Nga dốc hết sức lực giáng vào đầu nó, tất phải làm cho nó tử thương. Nhưng dù sao cũng phải có những bằng chứng, ông đợi những bằng chứng ấy đã một tháng nay, và thời gian trôi qua thì ông càng sốt ruột. Trong những đêm trường nằm thao thức không ngủ, Kutuzov cũng làm cái việc mà giới tướng tá trẻ tuổi vẫn làm, chính cái việc mà ông thường chê bai họ. Ông cứ nằm nghĩ ra tất cả những trường hợp có thể xảy ra, cũng đúng như bọn trẻ, chỉ khác một điều là là ông không lấy những điều dự tính ấy làm căn cứ để mưu tính việc gì cả, và không phải chỉ nghĩ ra vài ba trường hợp, mà hàng nghìn. Ông càng nghĩ lại càng thấy có thêm nhiều trường hợp. Ông nghĩ ra đủ các cách hành quân của Napoléon - di chuyển toàn quân hay từng bộ phận - hoặc tiến về Petersburg hoặc tiến đánh ông, hoặc đi vòng để vây bọc ông. Kutuzov nghĩ đến cả cái trường hợp mà ông sợ nhất, là Napoléon cũng dùng cái sách lược của chính ông để chống lại ông: ở lại Moskva đợi quân Nga, Kutuzov lại còn nghĩ đến trường hợp Napoléon cho quân lùi về Medyn và Yukhnov, nhưng là cái trường hợp duy nhất mà ông không thể ngờ được là trường hợp đã thực tế xảy ra, cái cuộc hành quân điên rồ, hốt hoảng của quân đội Napoléon trong khoảng mười một ngày đầu kể từ khi rời bỏ Moskva, một cuộc hành quân đã khiến cho cái việc mà hồi đó Kutuzov chưa dám nghĩ tới lại có khả năng trở thành sự thật: tiêu diệt hoàn toàn quân đội Pháp.

Những bản báo cáo của Dorokhov về sư đoàn Bruxie, tin tức của quân đu kích đưa về kể lại những thảm hoạ của quân Napoléon, những tin đồn về việc sửa soạn rời khỏi Moskva - mọi việc đều xác nhận ức thuyết cho rằng quân Pháp đã kiệt quệ và đang sửa soạn chạy dài, nhưng đó chỉ là những ước thuyết, giới thanh niên thì cho là quan trọng, nhưng Kutuzov thì không. Với cái lịch lãm của một ông già sáu mươi, Kutuzov biết rõ cách đánh giá các tin đồn, ông biết rằng khi người ta mong muốn một điều gì, người ta có thể tập hợp các tin tức một cách thế nào cho nó có vẻ xác nhận điều đang muốn, và sẵn sàng bỏ bớt tất cả những điều có thể chứng minh ngược lại. Và càng mong muốn điều gì đó, Kutuzov lại càng ít cho phép mình cả tin rằng nó đang trở thành hiện thực. Vấn đề này đã thu hút hết tinh lực của ông. Tất cả những việc khác đối với ông chỉ là cách thực hiện quen thuộc nếp sinh hoạt thường ngày: những cuộc nói chuyện với các sĩ quan trong bộ tham mưu, những bức thư gửi bà Mne de Stael viết từ Tarutino, đọc tiểu thuyết, ban phát huân chương, thư từ với Petersburg v.v… Nhưng sự diệt vong của quân Pháp, mà chỉ có một mình Kutuzov dự tính trước, là ước vọng tha thiết nhất, ước vọng duy nhất của ông.

Đêm mười một tháng mười ông chống khuỷu tay nằm nghĩ đến điều đó.
   
Ở phòng bên có tiếng sột soạt và tiếng bước chân của Toll, Konovnitxyn và Bolkhovitinov.

- Ai đấy? Vào, mời vào đi! Có tin gì mới? - vị nguyên soái gọi to.
   
Trong khi người cán vụ khắp nến, Toll liền kể lại các tin tức.

- Ai đem tin lại? - Kutuzov hỏi, và khi ngọn nến đã thắp lên, vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm khắc của ông khiến Toll phải kinh ngạc.
 
- Thưa Điện hạ, không còn có thể nghi ngờ gì nữa ạ.
   
- Gọi người ấy vào đây, gọi vào đây.
   
Kutuzov ngồi buông thõng một chân xuống giường, cái bụng phệ đè lên chân kia đang xếp lại. Ông nheo con mắt độc long lại để nhìn cho rõ người tín sứ dường như muốn đọc trên nét mặt người ấy một lời giải đáp cho những điều đang khiến ông băn khoăn.

- Nói đi, nói đi anh bạn. - Kutuzov nói với  Bolkhovitinov với cái giọng trầm của các cụ già, tay cài cúc chiếc áo sơ mi hở ngực. - Lại đây, lại gần đây nào. Anh đem lại cho ta những tin gì thế? Napoléon đã rời Moskva à? Thật chứ? Hả?

Bolkhovitinov thuật lại tỉ mỉ từ đầu tất cả nhưng điều anh ta được lệnh báo cáo.

- Nói nhanh, nói nhanh đi, đừng làm ta suốt ruột, - Kutuzov ngắt lời viên tín sứ.

Bolkhovitinov đã báo cáo xong và lặng thinh đợi lệnh. Toll toan nói, nhưng Kutuzov đã ngắt lời.   Ông muốn nói một câu gì.
     
Nhưng bỗng nhiên mặt ông nhăn lại; ông khoát tay về phía Toll, quay mặt vào góc bàn thờ của gian nhà, nơi có một bức tượng Thánh tối mờ mờ.
   
- Lạy Chúa, đấng đã sáng tạo ra con! Người đã nghe lời cầu nguyện của chúng con… - Kutuzov chắp tay lại nói, giọng run run. - Nước Nga đã thoát nạn. Xin đội ơn Chúa! - Nói đoạn ông khóc nức nở.

======================================================

Chú thích:

(1) Mme de Stael (1776 - 1817) nhà văn hoá Pháp có xu hướng tự do bị Napoléon khủng bố phải lánh ra nước ngoài từ 1802, năm 1812 bà ở Nga.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:05:08 pm
Phần XIII
Chương -18 -19

Từ khi được tin quân Pháp rút khỏi Moskva cho đến khi chiến dịch kết thúc, toàn bộ hoạt động của Kutuzov chỉ nhằm làm sao dùng quyền hành, dùng mưu mẹo, dùng những lời cầu xin để giữ cho quân đội khỏi lao vào những cuộc tấn công, những cuộc chuyển quân, những cuộc xung đột vô ích với một kẻ địch đang trên con đường diệt vong. Dokhturov tiến về phía Maly Yaroxlav; nhưng Kutuzov cứ chần chừ và ra lệnh rút khỏi Kaluga, cho rằng rất có thể còn phải rút xa hơn nữa.
   
Khắp các nơi Kutuzov đều rút lui, nhưng quân địch không đợi cho ông rút quân đã bỏ chạy về phía ngược lại.
     
Các sử gia của Napoléon kể lại cho chúng ta nghe cuộc hành quân khôn khéo của ông ta về phía Tarutino và Maly Yaroxlav, giả thiết những việc sẽ diễn ra nếu Napoléon kịp đem quân tới những tỉnh trù phú ở miền Nam.
     
Nhưng các sử gia đó quên mất rằng thật ra không có gì ngăn trở Napoléon tiến vào các tỉnh miền Nam này (vì quân đội Nga để cho ông ta đi lại tự do, họ lại còn quên rằng không có gì có thể cứu vãn được quân đội Napoléon, vì ngay từ lúc ấy nó đã mang trong người nó những điều kiện tất yếu của sự dồi dào ở Moskva nhưng không gìn giữ mà lại giẫm nát ra, một quân đội khi đến Smolensk đã không chịu chia lương cho quân lính mà lại phá huỷ đi, làm sao một quân đội như thế lại có thể phục hồi sinh lực ở tỉnh Kaluga, nơi mà dân cư vẫn là những người Nga như ở Moskva, và ở đấy lửa cũng có cái thuộc tính chung là đốt cháy những vật đưa vào.
     
Quân đội ấy dù ở nơi nào cũng không thể phục hồi sinh lực được. Từ trận Borodino và từ khi cướp phá Moskva, nó dường như dã mang trong mình đủ các điều kiện hoá học của sự giải thể rồi.
   
Bây giờ thì các quân đội ấy chỉ còn là một đám người bỏ chạy với những kẻ cầm đầu, chẳng biết mình chạy đi đâu, và chỉ mong có một điều (từ Napoléon cho đến từng tên lính một): làm thế nào cho bản thân mình thoát ra khỏi cái tình trạng mà do một trực giác mơ hồ họ đều biết là tuyệt vọng. Vì thế cho nên trong buổi họp hội đồng Maly Yaroxlav sau khi các tướng Pháp đưa ra nhiều ý kiến khác nhau rồi giả vờ tranh luận, thì ý kiến cuối cùng của tướng Mutong chất phác và ngây thơ, nói lên cái điểm mà ai nấy đã đang nghĩ là phải làm sao chuồn đi cho nhanh, ý kiến ấy đã làm cho mọi người câm miệng, và không có ai, ngay cả Napoléon, có thể nói một câu nào để bác lại cái sự thật mà mọi người đều công nhận.
     
Tuy ai nấy đều biết rằng cần phải rút đi, nhưng người ta vẫn xấu hổ khi nghĩ rằng mình phải bỏ chạy. Cần phải có một sức đẩy ở bên ngoài mới có thể thắng được sự xấu hổ ấy. Và cái sức đẩy đó đã đến đúng lúc. Đó chính là cái mà người Pháp gọi là "tiếng hô Ura của hoàng đế".
     
Sau hôm họp hội đồng, vào lúc sáng sớm Napoléon giả vờ muốn kiểm tra lại quân đội và quan sát cái địa điểm đã xảy ra và sắp xảy ra chiến trận, cùng với đoàn tuỳ giá gồm các thống chế và đội vệ binh cưỡi ngựa đi giữa tuyền quân. Một toán cô-dắc đang sục sạo để tìm chiến lợi phẩm tình cờ vấp phải hoàng đế và chỉ thiếu một ly nữa là bắt được ông ta. Sở dĩ lần này quân cô-dắc không bắt được Napoléon là vì cái đã đưa quân đội Pháp đến chỗ chết lại chính là cứu thoát ông ta: đó là chiến lợi phẩm. Ở đây cũng như ở Tarutino, quân cô-dắc đã bỏ người lao vào cướp chiến lợi phẩm cũ. Họ không để ý đến Napoléon, chỉ chú tâm vào chiến lợi phẩm cho nên Napoléon đã trốn thoát kịp.
   
Khi mà những đưa con đẻ của sông Đông đã có thể suýt bắt được đích thân vị hoàng đế ngay ở giữa quân đội của ngài, thì người ta có thể thấy rõ rằng không còn có thể làm gì khác hơn là chạy trốn cho nhanh theo con đường quen thuộc gần nhất.
   
Napoléon, với cái bụng phệ của một người tứ tuần, không còn cảm thấy mình tháo vát và gan dạ như trước, và đã hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này. Do ảnh hưởng của nỗi sợ hãi mà toán quân cô-dắc đã gieo vào lòng ông ta, Napoléon lập tức đồng ý với Mutong và ra lệnh, như các sứ giả vẫn nói, rút lui về con đường Smolensk không có nghĩa là ông ta đã ra lệnh làm như thế, mà có nghĩa là những sức mạnh đang tác động vào toàn quân, hướng nó về con đường Mozaisk đồng thời cũng đã chi phối cả Napoléon.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:05:42 pm
19.
       
Khi con người đang ở trong trạng thái chuyển động, bao giờ nó cũng nghĩ ra cho mình một mục tiêu của sự chuyển động đó. Muốn đi một nghìn dặm, con người cần phải nghĩ rằng cuối đoạn đường một nghìn dặm đó sẽ có một cái gì rất hay, phải tưởng tượng ra một "cõi đất hứa hẹn" mới có đủ sức mà đi như vậy được.
   
Cõi đất hứa hẹn của quân Pháp trong khi tấn công là Moskva còn trong khi rút lui thì lại là tổ quốc họ. Nhưng tổ quốc họ xa quá, và đối với một con người đang đi một nghìn dặm nhất thiết cần phải quên cái mục đích cuối cùng đi mà nghĩ rằng: "Hôm nay ta sẽ đến chỗ nghỉ đêm, sau khi đã đi bốn mươi dặm", và trong chặng đường đầu tiên, cái trạm nghỉ đêm ấy che lấp cả cái đích cuối cùng và thu hút hết mọi ước mong và hy vọng của người đi đường. Những ước vọng được biểu hiện trong từng người một bao giờ cũng khuyếch đại lên trong một đám đông.
     
Đối với cái đám người Pháp đang rút lui theo con đường Smolensk cũ, cái đích cuối cùng - tổ quốc - xa xôi quá, cho nên cái đích trước mắt tập trung tất cả những ước mong và hy vọng tăng lên gấp bội trong đám đông, cái đích trước mắt ấy là Smolensk. Như thế không phải vì họ biết rằng ở Smolensk có nhiều lương thực và nhiều quân dự trữ; không phải vì người ta nói với họ như vậy (trái lại, các giới cao cấp trong quân đội và cả Napoléon nữa cũng biết rằng ở đây rất ít lương thực), mà bởi vì chỉ có như thế họ mới có sức cử động và chịu đựng những nỗi thiếu thốn hiện tại. Những người biết sự thật cũng như những người không biết đều tự dối mình như nhau để hướng về Smolensk như hướng về một cõi đất hứa hẹn.
   
Trẩy ra con đường cái lớn, quân Pháp lao về cái mục tiêu do họ nghĩ ra với một quyết tâm phi thường, với một tốc độ chưa từng thấy. Ngoài cái nguyên nhân nói trên gắn bó đám binh sĩ Pháp thành một khối và cấp cho nó ít nhiều sức mạnh, thúc nó về một phía, còn có một nguyên nhân khác gắn bó họ với nhau. Đó là số lượng của họ. Khối người to lớn đó, dường như theo quy luật hấp dẫn trong vật lí học, thu hút vào bản thân nó những con người riêng lẻ như những nguyên tử. Cái khối hàng chục vạn người ấy chuyển động như cả một quốc gia.
     
Trong đám người ấy mỗi người đều có một mong ước là được quân địch bắt làm tù binh, thoát khỏi tất cả những nỗi khổ cực và tai ương khủng khiếp. Nhưng một mặt thì sức thu hút của mục tiêu Smolensk lôi kéo mọi người cùng lao về một phía, và mặt khác thì một quân đoàn không thể nào đi đầu hàng một đại đội, và tuy lính Pháp hễ có cơ hội thuận tiện là lập tức kiếm cách tách rời nhau ra, và hễ tìm được một lý do gì ổn ổn một chút là lập tức đầu hàng, song những cơ hội và lý do đó không phải bao giờ cũng có. Ngay cái số lượng của họ cũng như cuộc di chuyển nhanh chóng của họ làm cho họ mất cái khả năng đó và khiến người Nga không những khó lòng mà còn không thể nào ngăn chặn được cuộc di chuyển ấy, một cuộc di chuyển mà khối quân Pháp đã dồn hết sức lực của mình vào để thực hiện. Việc cắt xé một cơ thể ra bằng phương pháp cơ học không thể nào xúc tiến quá trình giải thể diễn ra nhanh hơn quá một giới hạn nào đấy.
     
Một khối tuyết không thể nào đun tan trong chốc lát được. Trong một giới hạn thời gian nhất định, dù có tăng nhiệt độ lên bao nhiêu cũng không thể làm cho tảng tuyết tan ra được, trái lại càng nóng thì chỗ tuyết còn lại càng rắn hơn.

Trong số các tướng Nga, chỉ có Kutuzov hiểu được điều đó.
     
Khi hướng tẩu thoát của quân Pháp trên con đường Smolensk đã rõ, thì cái việc mà Konovnitxyn đã dự đoán đêm mười một tháng mười bắt đầu thực hiện. Tất cả các tướng tá trong quân đội đều muốn lập công, muốn cắt đứt, muốn đuổi đánh, muốn tiêu diệt, muốn bắt sống quân Pháp, và tất cả đều đòi tấn công.
Chỉ riêng một mình Kutuzov là dốc hết sức lực (sức lực của một vị tổng tư lệnh nào cũtng vậy chẳng có được bao nhiêu) cưỡng lại chủ trương tấn công.
     
Ông không thể nói với họ cái điều mà ngày nay chúng ta vẫn nói: việc gì phải mở trận, phải chặn đường, phải mất quân lính và tàn sát những con người khốn khổ kia một cách vô nhân đạo? Việc gì phải làm như vậy, một khi từ Moskva đến Vyazma, tuy không đánh trận nào, đạo quân ấy cũng đã tiêu tan mất một phần ba? Nhưng ông đã dùng cái trí khôn già dặn của mình, lựa những điều mà họ có thể hiểu được để nói với họ: Ông kể cho họ nghe chuyện cái cầu vàng. Và họ liền chế nhạo ông ta, vu cáo ông ta, họ lăng xăng, cuống quýt, lên mặt anh hùng trước cái xác con thú đã chết.
   
Ở gần Vyazma, Yermolov, Miloradovich, Platov và một số tướng khác thấy quân Pháp gần quá, không sao cưỡng nổi ý muốn cắt đứt và đánh bật hai lữ đoàn Pháp. Để báo cáo cho Kutuzov biết việc này, họ gửi cho ông ta một phong bì đựng một tờ giấy trắng thay cho bản báo cáo.
   
Và tuy Kutuzov đã ra sức kìm giữ quân đội lại, quân đội vẫn tấn công, vẫn cố chặn đường quân Pháp. Như người ta vẫn thường kể, các trung đoàn bộ binh trong tiếng quân nhạc và tiếng trống trận, tiến lên công phá quân địch; họ giết chết và bị tổn thất hàng nghìn người.
     
Nhưng họ cắt được đường, mà cũng không đánh bật được ai. Và quân đội Pháp đứng trước nguy cơ, đã xiết chặt hàng ngũ lại, tiếp tục cuộc hành trình tai hoạ về Smolensk, trong khi vẫn tan rã một cách đều đặn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:07:37 pm
Phần XIV- Chương -1
     
Trận Borodino với những việc tiếp diễn theo sau: Moskva thất thủ, quân Pháp bỏ chạy không dám đánh thêm trận nào, là một trong những hiện tượng lìch sử đáng để cho người ta suy nghĩ nhất.
     
Tất cả các nhà sử học đều nhất trí cho rằng hoạt động bề ngoài của các quốc gia và các dân tộc trong khi xung đột với nhau được thể hiện ra bằng những cuộc chiến tranh, và thế lực chính trị của các quốc gia và các dân tộc tăng hay giảm xuống là hậu quả trực tiếp của sự thắng bại trong chiến tranh.
   
Trong các pho sử người ta thường kể rằng một quốc vương hay một hoàng đế nào đó xích mích với một hoàng đế hay một quốc vương nào đó rồi cất quân đi đánh kẻ thù, giết chết ba nghìn, năm nghìn, một vạn người, và do đó mà chinh phục một quốc gia và cả một dân tộc hàng mấy triệu người; thật khó lòng hiểu nổi tại sao sự thất trận của một đội quân, nghĩa là của một phần trăm trong toàn thể các lực lượng của một dân tộc, lại có thể khiến cho một dân tộc phải khuất phục; tuy vậy tất cả những sự kiện lịch sử mà ta biết đều xác nhận rằng những thắng lợi lớn nhỏ của quân đội một dân tộc trong khi chiến đấu với quân đội một dân tộc khác là những nguyên nhân hay ít ra cũng là những dấu hiệu quan trọng của sự tăng cường hay sự suy giảm thế lực của các dân tộc. Hễ một quân đội thắng trận, là những quyền hạn của dân tộc chiến thắng lập tức được tăng lên, trong khi quyền hạn của dân tộc kia bị giảm sút. Hễ một quân đội bại trận, thì dân tộc bị chiến bại lập tức mất ít nhiều quyền hạn tuỳ theo mức độ bại trận, và nếu quân đội bị đánh bại hoàn toàn thì dân tộc đó phải hoàn toàn khuất phục kẻ chiến thắng.
     
Từ thời thượng cổ đến nay (theo sử học) bao giờ cũng vậy: tất cả các cuộc chiến tranh của Napoléon đều xác nhận quy luật này.

Tuỳ theo mức độ bại trận của quân đội Áo, nước Áo mất một số quyền hạn, còn quyền hạn và thế lực của nước Pháp thì lại tăng lên.

Thắng lợi của quân Pháp ở Jena và Auerstet thủ tiêu sự tồn tại độc lập của nước Phổ.

Nhưng đột nhiên năm 1812 quân Pháp thắng trận ở gần Moskva, Moskva thất thủ, và sau đó, tuy không có trận nào diễn ra, không phải nước Nga không tồn tại nữa, mà chính là đạo quân mươi vạn người của Napoléon thôi không tồn tại, rồi sau đó là cả nước Pháp của Napoléon cáo chung. Gò ép các sự kiện cho đúng với các quy luật sử học, nói rằng sau trận Borodino, chiến trường ở trong tay quân Nga, rằng sau Moskva đã diễn ra những trận đánh tiêu diệt quân đội ở Napoléon đều không thể được.
   
Sau khi quân Pháp thắng trận Borodino không những không xảy ra một trận đánh toàn quân nào, mà thậm chí cũng không có lấy một trận nào đáng kể, thế mà quân đội Pháp vẫn không còn nữa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:09:25 pm
Như thế nghĩa là thế nào? Giả sử việc xảy ra trong lịch sử Trung Quốc, thì người ta đã có thể nói rằng đây là một hiện tượng phi lịch sử (một cái mẹo của các nhà sử học dùng khỉ, nào có một biến cố không hợp với những quy củ quen thuộc của họ): giả sử đây là một cuộc xung đột ngắn ngủi, trong đó chỉ có những đội quân nhỏ tham gia, thì ta có thể xem hiện tượng này như một ngoại lệ; nhưng đằng này biến cố ấy lại diễn ra trước mắt các cha ông chúng ta, nó đặt ra vấn đề sống còn của tổ quốc, và cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh lớn nhất từ xưa tới nay.

Thời kỳ chiến dịch 1812, kể từ trận Borodino cho đến khi quân Pháp bị đuổi khỏi nước Nga, đã chứng minh rằng một trận thắng không những không phải là nguyên nhân của một sự chinh phục, mà thậm chí cũng không phải là dấu hiệu thường xuyên của sự chinh phục nữa; nó đã chứng minh rằng cái sức mạnh định đoạt của dân tộc không phải là ở những kẻ đi chinh phục, thậm chí cũng không phải là ở quân đội và các chiến trận mà là ở một cái gì khác.
     
Các nhà sử học Pháp khi miêu tả tình cảnh của quân đội Pháp trước khi rút khỏi Moskva đều khẳng định rằng trong đạo quân vĩ đại mọi việc đều ổn thoả, vì ngựa và gia súc có sừng không có lương thảo. Tình trạng này không có gì cứu vãn nổi, vì nông dân ở các vùng lân cận đã đốt hết rơm rạ, không chịu cấp cho quân Pháp.

Trận thắng đã không đưa lại kết quả thường thấy, bởi vì những người nông dân như Krap và Vlax sau khi quân Pháp rút đi đã đem xe tải vào vơ vét trong thành phố và nói chung không biểu lộ những tình cảm anh hùng gì cả, và vô số những người nông dân như thế đã không chở rơm rạ vào Moskva để bán lấy tiền theo cái giá rất hời người ta mặc cả với họ mà lại đem đốt đi. Nhưng ta thử tưởng tượng rằng hai người cầm kiếm ra đấu tay đôi theo đúng mọi quy tắc của thuật dấu kiếm. Cuộc đọ sức tiếp diễn trong một thời gian khá dài; bỗng một trong hai đấu thủ cảm thấy mình bị thương, và hiểu ra rằng đây không phải là chuyện đùa mà là chuyện sống còn liền vứt kiếm đi và với lấy một cái bồn hoa lên. Nhưng ra thử tưởng tượng rằng con người đã khôn ngoan dùng đến cái phương tiện tốt nhất và đơn giản nhất để đạt đến mục đích như thế, đồng thời lại có những tư tưởng đúng với truyền thống mã thượng, muốn che giấu thực chất của sự việc mà một mực khẳng định rằng mình đã dùng gươm theo đúng mọi quy tắc của thuật kiếm và đã giành phần thắng trong cuộc tỉ thí. Ta có thể hình dung cách miêu tả ấy sẽ đưa đến một tình trạng rối ren và khó hiểu đến nhường nào.
   
Người đấu thủ đã đòi đọ sức theo đúng những quy tắc của nghệ thuật là quân Pháp, đối thủ của họ, kẻ đã vứt kiếm cầm vồ, là dân Nga; nhưng người muốn cắt nghĩa việc theo đúng các quy tắc của thuật đấu kiếm là các nhà sử học đã cầm bút viết về biến cố này.
     
Từ khi Smolensk bị đốt cháy đã bắt đầu một cuộc chiến tranh không hề phù hợp với bất cứ truyền thống nào trước đây. Việc thiêu huỷ các thành phố và làng mạc, việc rút quân sau các trận đánh, cuộc chạm trán ở Borodino và cuộc rút lui sau trận này, việc đốt cháy Moskva, việc bắt cóc bọn lính đi hôi của, việc chặn đánh những đoàn xe, cuộc chiến tranh du kích - tất cả những việc đó đều là những việc vi phạm các quy tắc của nghệ thuật.
     
Napoléon cảm thấy điều đó, và ngay từ khi ông ta dừng lại ở Moskva với một tư thế đúng kiểu của người đấu kiếm, và đang chờ đợi mũi gươm của đối thủ thì lại thấy một chiếc gậy tầy hoa lên đầu mình, ông ta luôn luôn than phiền với Kutuzov và hoàng đế Alekxandr rằng cuộc chiến tranh này tiến hành trái quy tắc (làm như có những quy tắc ấn định cách giết người). Bất chấp những lời than phiền của quân Pháp về việc các quy tắc không được tôn trọng, bất chấp những người Nga có địa vị luôn thấy xấu hổ khi phải dùng gậy tầy mà đánh nhau, luôn muốn theo đúng quy tắc đứng vào thế bốn hay thế ba, rồi chuyển sang tấn công ở thế một v.v, chiếc gậy tầy của chiến tranh nhân dân vẫn giơ cao lên với sức mạnh dữ dội và hùng vĩ của nó, và không cần biết đến thị hiếu của ai, không cần biết đến quy tắc nào cả, với một sự đơn giản ngô nghê, nhưng hợp lý chẳng cần suy tư gì hết, nó giơ cao lện và giáng xuống quân Pháp cho đến khi toàn bộ cuộc xâm lăng tan vỡ hoàn toàn.

Và diễm phúc thay cái dân tộc đã không làm nhừ quân Pháp năm 1813 tức là giơ gươm lên chào theo đúng mọi quy tắc của nghệ thuật và quay ngược đốc gươm lại, kính cẩn trao gườm cho kẻ chiến thắng khoan dung với một cử chỉ đẹp mắt, diễm phúc thay cái dân tộc trong giờ phút thử thách không hề hỏi xem dân tộc khác đã hành động như thế nào trong những trường hợp tương tự, theo đúng các quỵ tắc mà lại với lấy một chiếc gậy tầy có sẵn trước mắt một cách dễ dàng và đơn giản, rồi giáng xuống đầu kẻ địch cho đến khi cảm giác căm giận và phục thù trong lòng họ nhường chỗ cho long khinh mệt và thương hại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:10:58 pm
Phần XIV
Chương - 2 -3

Một trong những sự phạm vi rõ rệt, có lợi nhất đối với những cái gọi là quy tắc chiến tranh là hoạt động của những nhóm người lẻ tẻ chống lại một đám người tập trung thành khối. Lối hoạt động của những nhóm người này bao giờ cũng thấy có trong một cuộc chiến tranh mang tính chất nhân dân. Đáng lẽ tập hợp lại thành một đám đông để chống lại cái đám đông kia, người ta phân tán ra thành từng tốp nhỏ, tập kích lẻ tẻ và lập tức bỏ chạy khi bị những lực lượng lớn tấn công, rồi hễ có dịp lại quay lại đánh. Những người Guerineros Tây Ban Nha, thổ dân vùng núi Kazkaz và dân Nga năm 1812 đều đã làm như vậy.
 
Người ta gọi loại chiến tranh này là chiến tranh du kích và cho rằng đặt tên như vậy tức là đã làm sáng tỏ ý nghĩa của nó. Thật ra, kiểu chiến tranh này không những không phù hợp với bất cứ quy tắc nào mà lại còn mâu thuẫn trực tiếp với một quy tắc chiến thuật vấn được xem là tuyệt đối đúng. Quy tắc đó nói rằng kẻ tấn công phải tập trung quân lực làm sao cho khi lâm trận mạnh hơn hẳn địch quân.
   
Chiến tranh du kích (mà lịch sử đã chứng minh là bao giờ cũng thắng lợi) mâu thuẫn trực tiếp với quy tắc này.
   
Sở dĩ có sự mâu thuẫn này là vì khoa học quân sự quan niệm rằng sức mạnh của một đạo quân là đồng nhất với số lượng của nó.
   
Khoa học quân sự nói rằng quân càng đông thì lực lượng càng lớn.
   
Những đội ứng chiến lớn bao giờ cũng thắng!

Trong khi nói như vậy, khoa học quân sự giống như cái khoá cơ học chỉ xét các vật thể đó đang chuyển động căn cứ trên khối lượng của các vật thể và nói rằng lực của các vật thể đó bằng nhau hay không bằng nhau vì khối lượng của nó bằng nhat hay không bằng nhau.
   
Lực (số lượng của sự chuyển động) là tích số của khối lượng với tốc độ.
   
Trong lĩnh vực quân sự, sức mạnh của quân đội cũng là tích số của khối lượng với một cái gì khác mà ta chưa biết, một ẩn số x nào đấy.

Khoa học quân sự thấy trong lịch sử có vô số những trường hợp khối lượng của một đạo quân không trùng lắm một với sức mạnh của nó, những đội quân nhỏ vẫn thường đánh thắng những cái ẩn số này và cố gắng tìm ra nó khi thì trong cách bố trí hình học của các đội quân, khi thì trong vũ khí, khi thì - điều này thường thấy hơn cả trong thiên tài của các tướng lĩnh. Nhưng những trường hợp cách xác định ẩn số ấy đều không đạt đến những kết quả phù hợp với các sự kiện của lịch sử.
   
Thế nhưng chỉ cần trút bỏ cái quan điểm sai lạc đối với hiệu lực thực tế của các mênh lệnh do các cấp chỉ huy tối cao ban ra trong thời điểm - một quan điểm xác lập ra để làm vừa lòng các vị anh hùng - là có thể tìm được cái ẩn số x kia.

Ẩn số x đó chính là tinh thần quân đội, nghĩa là cái ý chí chiến đấu và xông xáo nơi nguy hiểm của tất cả những con người làm thành lãnh đạo quân, hoàn toàn vô luận họ chiến đấu dưới sự chỉ huy ba hàng hay hai hàng, cầm vồ hay cầm những khẩu súng trường bắn ba mươi phát trong một phút.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:11:38 pm
Những người có một ý chí chiến đấu mạnh hơn bao giờ cũng tìm được cách đặt mình vào những điều kiện chiến đấu thuận lợi nhất.
     
Tinh thần quân đội là cái thừa số mà khi đem nhân với khối lượng sẽ cho tích số lực lượng. Xác định và biểu hiện tầm quan trọng của tinh thần quân đội - tức là cái ẩn số kia - chính là nhiệm vụ của khoa học.
     
Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện được khi nào ta không còn thay thế một cách võ đoán giá trị của toàn bộ ẩn số x này bằng những sự kiện trong đó có sức mạnh được thể hiện, như các mệnh lệnh của vị tướng lĩnh, như cách vũ trang v.v, cho rằng chính đó là ý nghĩa của thừa số kia, và thừa nhận rằng đó chính là chí chiến đấu và xông pha nguy hiểm. Chỉ có khi ấy, bằng cách dùng những phương trình biểu hiện một số sự kiện lịch sử ta mới có thể hy vọng dùng lối so sánh giá trị tương đối của ẩn số này mà xác định ẩn số kia.
     
Mười người, mười tiểu đoàn hay mười sư đoàn, đã đánh thắng mười lăm người, mười lăm tiểu đoàn hay mười lăm sư đoàn, nghĩa là giết chết và bắt làm tù binh tất cả không sót một người nào, còn về phía mình thì chỉ mất có bốn; như vậy có nghĩa là một bên mất bốn một bên mất mười lăm. Do đó, bốn bằng mười lăm, và 4x=15y. Vậy x:y=15:4. Phương trình này không cho thấy giá trị của ẩn số, nhưng nó nói lên mối tương quan giữa hai ẩn số. Và nếu áp dụng hệ thống phương trình này cho các đơn vị khác nhau (các trận đánh, các chiến dịch, các thời kỳ của một cuộc chiến tranh) ta sẽ có một loạt con số trong đó tất phải có những quy luật - có thể phát hiện ra được.
     
Cái quy tắc chiến thuật nói rằng cần phải tập trung thành khối lớn mà tấn công và phải phân tán thành từng, tốp nhỏ rồi rút lui vô hình trung cũng chỉ xác nhận một sự thật là sức mạnh của quân đội lệ thuộc vào tinh thần của nó. Muốn đẩy những con người vào nơi đạn lửa cần phải có một kỷ luật chặt chẽ hơn là khi muốn lẩn tránh những cuộc tiến công, và chỉ có tập hợp thành từng khối lớn mới có được một kỷ luật như vậy. Nhưng quy tắc này không đếm xỉa đến tinh thần quân đội và luôn luôn tỏ ra là không đúng và mâu, thuẫn một cách đặc biệt gay gắt với thực tế ở nơi nào mà tinh thần quân đội lên mạnh hay suy sụp rõ rệt, nghĩa là trong tất cả những cuộc chiến tranh nhân dân.
     
Năm 1812, khi rút lui, lẽ ra theo chiến thuật quân Pháp phải phân tán từng tốp nhỏ mà tự vệ, thì họ lại tập hợp lại thành một khối lớn vì tinh thần quân đội sa sút đến mức chỉ có làm như vậy mới có thể giữ quân lính lại thành một đội được. Ngược lại, lẽ ra theo chiến thuật quân Nga phải tập hợp lại thành một khối để tấn công, thì họ lại phân tán ra, vì tinh thần họ lên cao đến mức không cần phải cưỡng ép họ cũng xông pha vào nơi khó khăn nguy hiểm.

3.
     
Cuộc chiến tranh thường gọi là du kích bắt đầu từ khi quân đội Pháp rút về Smolensk.

Trước khi cuộc chiến tranh du kích được chính phủ ta chính thức công nhận, trong quân đội địch đã có hàng nghìn người - những tên lính đi hôi của, những tên lính đi lấy lương thảo tụt lại phía sau - bị những người cô-dắc và những người nông dân tiêu diệt; họ giết bọn này cũng một cách vô ý thức như một đàn chó cắn chết một con chó dại chạy rông vậy. Dennix Davydov, với cái mẫn cảm của một người Nga, lần đầu tiên đã hiểu được tác dụng của loại vũ khí khủng khiếp này, loại vũ khí đã tiêu diệt quân Pháp, bất chấp các quy tắc của nghệ thuật quân sự và chính Davydov đã giành lấy vinh quang đi bước đầu tiên trên con đường hợp pháp hoá biện pháp chiến tranh này.
     
Ngày hai mươi bốn tháng tám, đội du kích đầu tiên của Davydov được thành lập và kế tiếp theo đội này, những đội khác cũng lần lượt ra đời. Chiến dịch càng tiến triển thì số các đội du kích càng tăng.
     
Quân du kích tiêu diệt đạo quân vĩ đại từng bộ phận một. Họ lượm lặt những chiếc lá úa tự nó lìa khỏi cành cây khô héo - tức là quân đội Pháp - rơi xuống đất, và đôi khi lại rung cây cho lá rụng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:12:15 pm
Vào tháng mười trong khi quân Pháp rút chạy về Smolensk có hàng trăm những đội du kích như vậy, đủ các cỡ to nhỏ và đủ các cung cách của quân chính quy, có bộ binh, pháo binh, bộ tham mưu và đủ các tiện nghi sinh hoạt; có những dội có dân cô-dắc, những đội kỵ binh; có những đội nhỏ lẫn lộn cả bộ binh lẫn kỵ binh, có những đội vô danh của nông dân và trang chủ. Có một ông thầy dòng chỉ huy một độil như vậy đã bắt được mấy trăm tù binh trong vòng một tháng. Có một bà thôn trưởng là Vaxilixa giết được hàng trăm lính Pháp.
     
Những ngày cuối tháng mười là thời kỳ chiến tranh du kích sôi sục lên đến cực độ. Cái thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh này, khi mà quân du kích hãy còn lấy làm lạ cho sự táo bạo của mình, luôn luôn lo sợ bị quân Pháp vây bọc và bắt sống, không dám tháo yên cương và hầu như không có lúc nào xuống ngựa, ẩn nấp trong nhg và không giây phút nào khỏi lo bị địch đánh đuổi, cái thời kỳ ấy đã qua rồi. Bây giờ thì cuộc chiến tranh ấy đã được xác định rõ ràng, mọi người đều đã thấy rõ những việc có thể tiến hành và những việc không thể tiến hành để đánh Pháp. Bây giờ thì chỉ có những người chỉ huy nào hành quân cách xa quân Pháp với những bộ tham mưu và theo đúng các quy tắc chính quy mới cho rằng có nhiều việc không thể làm được. Còn những đội du kích nhỏ đã khởi sự từ lâu và đã chạm trán nhiều với quân Pháp thì ngay những việc mà những người chỉ huy các đội du kích lớn không dám nghĩ đến, họ cũng thấy là có thể làm được. Những người cô-dắc và dân cày len lỏi vào tận giữa đám quân Pháp thì cho rằng bây giờ việc gì cũng có thể làm được tất.

Ngày hai mươi hai tháng mười, Denixov một trong các đội trưởng du kích cùng với đội quân của chàng đang say sưa đến tột độ với cuộc chiến tranh này. Từ tờ mờ sáng, chàng đã dẫn đầu đội du kích lên đường. Suốt ngày, chàng đi men theo những cánh rừng dọc theo đường cái lớn, theo dõi những đoàn xe chở đồ của kỵ binh Pháp và những đoàn tù binh bị Nga áp giải đi. Những đoàn này tách ra khỏi các đơn vị khác, và những người trinh sát và những tên tù binh vừa bắt được cho biết, thì họ đang kéo về phía Smolensk dưới sự yểm hộ của một số đội hộ tống rất mạnh. Không phải chỉ có Denixov và Dolokhov (bây giờ cũng chỉ huy một đội du kích nhỏ) biết có đoàn vận tải đang đi qua vùng Denixov hoạt động, mà ngay cả các thủ trưởng chỉ huy những đội lớn có bộ tham mưu cũng đều biết tin này, và như Denixov nói, họ đang thèm nhỏ rãi ra. Trong số các thủ trưởng đó có hai người - một là người Ba Lan, một là người Đức hầu như cùng một lúc đã gửi thư mời Denixov sáp nhập vào đội mình để tấn công đoàn vận tải.

- Thôi đi ông anh ạ, tôi cũng khôn chán, phải - Denixov nói sau khi đọc hai bức thư này. Chàng viết cho viên thủ trưởng người Đức một bức thư phúc đáp rằng tuy rất thiết tha muốn phục vụ dưới trướng một vị tướng dũng cảm và lừng lẫy như vậy, chàng cũng đành phải chịu mất cái diễm phúc này, vì chàng đã sung vào đội viên của viên tướng Ba Lan. Mặt khác, chàng lại gửi cho viên tướng Ba Lan một bức thư y như thế, cho nên ông ta hay rằng chàng đã sung vào đội của viên tướng người Đức.

Sau khi đã dàn xếp như vậy, Denixov trù tính sẽ cùng Dolokhov đem những lực lượng nhỏ của mình đánh chiếm lấy đoàn vận tải này mà không báo cáo lên thượng cấp. Ngày hai mươi hai tháng mười đoàn vận tải kéo từ làng Mikulino đến làng Samsavo, có những khu rừng lớn có chỗ ãn ra sát đường cái, có chỗ lại lùi vào cách đường cái một dặm hay hơn nữa. Suốt ngày, Denixov dẫn đội du kích đi theo những cánh rừng này, khi thì đi sâu vào giữa rừng khi thì mon men ra ngoài ven rừng, không lúc nào mắt rời khỏi đoàn vận tải của Pháp đang kéo đi. Từ sáng sớm, cách Mikulino không xa, ở chỗ rừng ăn sát đường cái, một toán cô-dắc trong đội của Denixov đã chiếm được mấy chiếc xe tải chở yên ngựa bị sa lầy và đã kéo vào rừng. Từ lúc ấy và mãi cho đến tối, đội du kích tiếp tục theo dõi hành trình của đoàn vận tải Pháp, không tấn công lần nào nữa. Cần phải để cho họ êm thấm đi cho đến thôn Samsevo, không làm cho họ hoảng sợ, và lúc ấy sáp nhập với Dolokhov rồi sẽ từ hai phía bất thình lình đánh úp lại, giết sạch và chiếm toàn bộ đoàn vận tải. Hai bên đã quy ước là tối hôm ấy Dolokhov sẽ đến họp mặt với Denixov ở ngôi nhà kiểm lâm cách Samsevo một dặm.
     
Ở phía sau, cách Mukulino hai dặm, nơi mà khu rừng ăn ra đến tận đường cái, họ để lại sáu người cô-dắc có nhiệm vụ cấp báo cho toàn đội biết ngay sau khi có những đạo quân khác của Pháp xuất hiện.
     
Ở phía trước Samsevo, Dolokhov cũng có nhiệm vụ trinh sát con đường cái để biết rõ những đơn vị khác của Pháp còn cách Samsevo bao nhiêu. Theo ước lượng thì số quân hộ tống đoàn vận tải là một ngàn năm trăm người, Denixov có hai trăm quân, và Dolokhov cũng có ngần ấy, nhưng sự chênh lệch về quân số không làm cho Denixov chùn bước. Chàng chỉ biết có một điều, là trong đoàn hộ tống này có những đơn vị nào; với mục đích ấy Denixov cần bắt một "cái lưỡi" (nghĩa là một tên địch có thể cung cấp những tài liệu cần thiết). Sáng hôm nay, trận đánh chiếm mấy chiếc xe tải tiến hành vội vã đến nỗi những người lính Pháp ở bên cạnh xe đều bị giết sạch, chỉ còn lại một chú lính đánh trống nhỏ tuổi bị lùi lại sau, không thể cho biết rõ trong đội hộ tống có những đơn vị nào.
   
Tấn công lại lần nữa thì Denixov cho là nguy hiểm vì có thể làm cho toàn đội hộ tống kinh động, cho nên chàng phái một người nông dân trong đội của chàng là Tikhon Serbty đến làng Samsevo trước tìm cách bắt cho được một trong nhưng tên lính tiền trạm của Pháp đang ở đây.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:13:33 pm
Phần XIV
Chương - 4 -5

Hôm ấy là một ngày thu ấm áp, trời mưa tầm tã. Nền trời và chân trời cùng một màu nhờ nhờ như nước đục. Khi thì một làn mưa mịn hạt như sương mù buông xuống mặt đất, khi thì bỗng đổ xuống một trận mưa to, hạt nặng rơi chênh chếch.
   
Denixov mặc chiếc áo burka, đầu đội mũ chụp da cừu ròng ròng nước mưa, cưỡi con ngựa giống gầy gò hai sườn lép kẹp. Cũng như con ngựa đang cúi đầu, tai cụp xuống, chàng nhăn mặt dưới làn mưa chênh chếch và đăm chiêu nhìn về phía trước. Khuôn mặt gầy với bộ râu đen và rậm xén ngắn như đang có điều gì tức giận.
   
Bên cạnh Denixov, cũng mặc áo burka và một mũ chụp như chàng, viên đại đội trưởng cô-dắc giúp việc cho Denixov đang cưỡi một con ngựa cao lớn giống sông Đông.
     
Một người thứ ba là viên thủ lĩnh cô-dắc Lavaixki cũng mặc burka và đội mũ chụp, người cao lêu đêu và lép kẹp như tấm ván, mặt trắng, tóc vàng nhạt, có đôi mắt trong sáng hẹp như hai khe hở dưới đôi mi, gương mặt và tư thế cưỡi ngựa có một vẻ gì ung dung và tự mãn. Tuy không thể nói con ngựa và người cưỡi ngựa có cái gì đặc biệt, nhưng thoạt nhìn viên thủ lĩnh cô-dắc và Denixov cũng có thể thấy ngay rằng Denixov ướt át khó chịu: Denixov là con người ngồi trên mình ngựa, còn viên thủ lĩnh cô-dắc thì vẫn ung dung và thoải mái như thường, và đó không phải là một người đang cưỡi một con ngựa, mà là một khối thống nhất gồm cả người lẫn ngựa, một sinh vật khuyếch đại có sức mạnh gấp đôi.
     
Ở phía trước họ một quãng có một người mu-gich ướt như chuột lột đang đi bộ - đó là người dẫn đường, mình mặc áo kaftan, đầu đội mũ chụp trắng.
     
Ở phía sau một chút có một viên sĩ quan trẻ tuổi mặc áo khoác xanh của người Pháp, cưỡi một con ngựa nhỏ giống Kirghiz gầy gò bờm, đuôi rất rậm và dài, mồm rớm máu.
   
Bên cạnh viên sĩ quan có một người lính phiêu kỵ cưỡi ngựa đèo sau lưng một chú bé mặc quân phục Pháp rách rưới và đội mũ chụp xanh. Chú bé giơ hai tay đỏ ửng lên vì lạnh bám vào người lính phiêu kỵ, cựa quậy đôi chân không cho đỡ rét và ngơ ngác giương mắt nhìn quanh. Đó là chú lính đánh trống bị bắt sáng nay.
     
Phía sau những người lính phiêu kỵ, đi từng tốp ba bốn người trên con đường mòn hẹp va lầy lội, rồi đến những người cô-dắc, người thì mặc áo burka, người thì mặc áo ca-pốt của Pháp, người thì lấy chăn ngựa trùm lên đầu. Những con ngựa hồng, ngựa làng đều trông thành ngựa ô hết, vì lông ướt đẫm nước mưa. Bờm ngựa ướt dính bết lại làm cho cổ ngựa trông mảnh dẻ một cách kỳ lạ.
     
Mình ngựa bốc hơi nghi ngút. Áo quần, yên cương đều ướt sũng, trông cũng nhầy nhụa như mặt đất và lớp lá rụng phủ trên đường mòn. Mọi người đều co ro, cổ không cựa quậy, để cho chỗ nước mưa thấm vào người có thể ấm lên một chút và để cho giọt nước lạnh buốt đang chảy trên cổ, trên đầu gối và dưới yên ngựa khỏi thấm thêm vào người. Ở khoảng giữa đoàn cô-dắc kéo dài, hai chiếc xe tải, thắng mấy con ngựa của Pháp kèm thêm mấy con ngựa cô-dắc có đóng yên, gập gềnh trên những cành cây gẫy và những dễ cây bánh lăn lép bép trong các rãnh bùn.
     
Con ngựa của Denixov bỗng bước sang một bên để tránh một vũng bùn khiến cho đầu gối chàng thúc vào một phần thân cây.

- Ô, đồ quỷ!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:14:12 pm
Denixov tức giận quát, đoạn nghiến răng lấy roi quất hai ba lần vào mình ngựa, làm cho bùn bắn tung toé lên người chàng và lên các bạn đồng ngũ. Denixov đang bực mình: phần vì mưa, phần vì đói (từ sáng tới giờ chưa có ai ăn gì cả) và nhất là vì mãi không được tin gì của Dolokhov, và người lính phái đi bắt "lưỡi" vẫn chưa thấy về.
     
Khó lòng mà có được một dịp khác để tấn công một đoàn vận tải như hôm nay. Đánh một mình thì quá liều lĩnh, mà hoãn sang hôm sau thì một trong những đội du kích hạng lớn kia sẽ phỗng tay trên mất - Denixov thầm nghĩ, mắt đăm đăm nhìn về phía trước ngóng người của Dolokhov phái đến.

- Có ai đang đi ngựa lại kia kìa, - chàng nói.

Viên thủ lĩnh cô-dắc nhìn theo hướng Denixov chỉ.
     
Hai người, một viên sĩ quan và một người cô-dắc, nhưng không thể đoán được rằng đó chính là ngài trung tá, - viên thủ lĩnh nói, anh ta vẫn thích dùng những chữ mà người cô-dắc thường không biết.
     
Hai người cưỡi ngựa đi xuống dốc, khuất đi một lát rồi lại hiện ra. Người đi trước là một viên sĩ quan, đầu tóc rối bù, áo quần ướt sũng, ống quần xắn lên quá đầu gối, dùng roi thúc con ngựa đang phi nước đại một cách mệt mỏi. Phía sau là một người cô-dắc đứng thắng trên bàn đạp, con ngựa phóng nước kiệu. Viên sĩ quan là một thiếu niên trẻ măng, mặt to, da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh nhanh vui vẻ, phi ngựa đến trước mặt Denixov và đưa cho chàng một chiếc phong bì ướt sũng.

- Thư của tướng quân gửi ngài, - viên sĩ quan nói. - Xin ngài thứ lỗi cho, thư không được khô ráo cho lắm.
Denixov cau mày cầm lấy phong thư và bắt đầu bóc dấu xi.

- Đấy họ cứ bảo mãi là nguy hiểm, nguy hiểm, - viên sĩ quan nói với viên thủ lĩnh cô-dắc trong khi Denixov đọc thư. - Vả chăng tôi với Kamorov (viên sĩ quan chỉ huy cô-dắc) đã chuẩn bị chu đáo. Chúng tôi mỗi người có hai khẩu súng. Thế còn đây là thế nào? - Viên sĩ quan trông thấy chú lính đánh trống của Pháp liền hỏi, - Tù binh à? Các ông đã giao chiến rồi à? Nói chuyện với nó được chứ?
   
"Roxtov! Petya!" - Denixov bây giờ vừa đọc lướt qua phong thư bỗng reo lên, - Chà sao cậu không xưng tên ra ngay? - và Denixov mỉm cười quay lại chìa tay ra cho viên sĩ quan.
     
Viên sĩ quan ấy chính là Petya Roxtov.
   
Suốt dọc đường Petya đã rắp tâm là sẽ không nhắc đến tình quen biết ngày trước, và cư xử với Denixov với tư cách một người lớn một sĩ quan.  Nhưng Denixov vừa mỉm cười với cậu ta thì mặt Petya đã tươi rói và ửng đỏ lên vì sung sướng; cậu ta quên cả cái thái độ công vụ đã chuẩn bị sẵn và bắt đầu kể chuyện cậu vừa cười ngựa qua sát vị trí của quân Pháp ra sao, nào là cậu đã vui mừng đến nhường nào khi được giao công cán này, nào là cậu đã được tham dự trận Vyazma, nào là trong trận này có một viên phiêu kỵ đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

- Tôi rất mừng được gặp cậu, - Denixov ngắt lời Petya và mặt chàng lại có vẻ lo lắng như cũ.

- Mikhail Feoklityts, - chàng quay lại bảo viên thủ lĩnh cô-dắc, lão người Đức lại gửi thư nữa đây này. Cậu ở trong đội của lão ta đấy. - Và Denixov kể cho viên đại uý nghe nội dung thư gởi đến. Trong thư có nhắc lại lời yêu cầu của viên tướng Đức muốn Denixov sáp nhập với quân ông ta để đánh đoàn vận tải. - Ngày mai mà không chiếm được thì lão ta phỗng tay trên mất, - chàng kết luận.
     
Trong khi Denixov nói chuyện với viên đại uý, Petya bối rối vì giọng nói lạnh nhạt của Denixov và đoán chừng rằng nguyên nhân của giọng nói này chính là tình trạng cái quần mình đang mặc, liền luồn tay xuống dưới lần áo khoác buông ống quần xắn móng lợn xuống cố sao cho đừng ai thấy, và cố làm cho ra dáng dấp thật hùng dũng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:14:57 pm
- Đại nhân ra lệnh như thế nào? - cậu ta hỏi Denixov, tay đưa lên vành lưỡi trai và trở về với trò chơi sĩ quan phụ tá gặp tướng quân mà cậu đã sắp sẵn, - hay đại nhân cho tôi ở bên cạnh ngài?

- Lệnh à? - Denixov nói, vẻ trầm ngâm. - Thế cậu ở lại đây đến mai có được không?

- Ồ xin tuân lệnh… Tôi có thể ở lại bên cạnh ngài chứ hả? - Petya reo lên.

- Thế tướng quân ra lệnh cho cậu như thế nào - về ngay à? - Denixov hỏi.

Petya đỏ mặt:

- Tướng quân có ra lệnh gì đâu. Tôi ở lại được chứ ạ? - Petya giọng có ý dò hỏi.

- Thôi được, - Denixov nói. Đoạn quay về phía mấy người thuộc hạ. Chàng ra lệnh cho đội du kích đi đến nơi hẹn cạnh trạm gác kiểm lâm ở trong rừng và bảo viên sĩ quan cưỡi con ngựa Kirghiz (viên sĩ quan này làm nhiệm vụ phụ tá) đi tìm Dolokhov hỏi xem tối nay anh ta có đến hay không. Còn Denixov thì định cùng Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc ra ven rừng phía Samsevo để xem vị trí quân Pháp, nơi nào ngày mai sẽ tấn công.

- Nào, già đâu, - Chàng nói với người mu-gich dẫn đường, - Dẫn ta đến Samsevo đi.
     
Denixov, Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc, cùng với mấy người cô dắc và người lính phiêu kỵ chở chú lính đánh trống của Pháp sau lưng, cho ngựa đi sang bên trái, vượt qua một cái khe và tiến về phía ven rừng.

5.
     
Mưa đã tạnh, chỉ còn sương mù buông mịn hạt, và những giọt nước đọng ở các cành cây rơi xuống lộp bộp. Denixov, viên thủ lĩnh cô-dắc và Petya lặng lẽ cưỡi ngựa đi theo người mu-gich đội mũ chụp đang đưa đôi chân chữ bát đi giày cỏ bước nhẹ nhàng và im lặng trên những rễ cây và trên lớp lá ướt sũng dẫn họ ra ven rừng.

Ra đến một chỗ ngoặt, người mu-gich dừng lại nhìn quanh một lát rồi đi về phía một hàng cây thưa thót. Bên một cây sồi lớn chưa rụng hết lá, bác ta đứng lại và vẫy tay ra hiệu bảo đến gần, vẻ bí mật.
     
Denixov và Petya cho ngựa đi gần lại người mu-gich. Đứng ở chỗ bác ta có thể trông thấy quân Pháp. Ngay sát khu rừng là một cánh đồng lúa mì dốc thoai thoải xuống. Bên phải, sau một cái khe bờ dốc đứng, có thể trông thấy một khóm làng nho nhỏ và một ngôi nhà trang chủ sập mái. Trong làng, trong ngôi nhà, trên khắp cánh đồng dốc thoai thoải, trong vườn, bên cạnh giếng và bờ ao, trên suốt con đường dốc đi từ một chiếc cầu dẫn vào làng, cách chỗ họ đứng không quá hai trăm xa-gien, đều thấy có những đám đông người thấp thoáng trong lớp sương mù lay động. Có thể nghe những tiếng quát lạ tai, không giống tiếng Nga tí nào, của những người đang giục ngựa kéo xe lên dốc và gọi nhau ơi ới.

- Đem thằng tù binh lại đây, - Denixov nói khẽ, mắt vẫn không rời những đám quân Pháp ở trước mắt.
     
Người cô-dắc, xuống ngựa, đỡ chú bé xuống và dắt lại gần Denixov. Denixov chỉ bọn lính Pháp hỏi chú bé xem đấy là những đớn vị nào. Chú bé đút hai bàn tay rét cóng vào túi áo và giương cao đôi mắt sợ hãi nhìn Denixov. Có thể thấy rõ rằng chú bé muốn nói hết những điều mình biết, nhưng luống cuống trả lời không được chỉ gật đầu xác nhận những điều Denixov hỏi. Denixov cau mày, quay sang phía viên thủ lĩnh cô-dắc bàn mấy câu.
       
Petya nhanh nhẩu ngoảnh đầu từ bên này sang bên kia hết nhìn chú lính đánh trống lại nhìn Denixov, nhìn viên thủ lĩnh cô-dắc, nhìn những toán lính Pháp trong làng và ven đường cái, chỉ lo bỏ lỡ những việc quan trọng.

- Dolokhov có đến hay không cũng cứ phải đánh lấy!… Ha? - Denixov nói, khoé mắt long lanh một tia sáng vui vẻ.

- Chỗ này tiện đây, - viên thủ lĩnh cô-dắc nói. Ta sẽ cho bộ binh đi xuống phía dưới, quá khoảng đầm lầy - Denixov nói tiếp, họ sẽ bò sát đến khu vườn; anh sẽ đem quân cô-dắc từ phía bên kia đến, Denixov chỉ khu rừng phía sau làng, - còn tôi sẽ xuất phát từ chỗ này với đội phiêu kỵ. Hễ nghe tiếng súng hiệu.

- Đi dưới cái rãnh ấy không được đâu, có hố đấy, - viên thủ lĩnh cô-dắc nói, ngựa sẽ sa lầy mất.   Phải đi quanh sang bên trái.
     
Trong khi họ nói chuyện với nhau như vậy, thì ở phía dưới, trong cái rãnh chảy từ ao ra, có một tiếng súng nổ, rồi có một tiếng nữa, hai đám khói trắng bay lên và một tiếng quát rất đều của hàng trăm tên lính Pháp đang ở trên dốc vang lên, nghe như một tiếng reo mừng rỡ. Thoạt tiên cả Denixov lẫn viên thủ lĩnh cô-dắc đều lùi lại. Họ dừng gần quân Pháp đến nỗi họ ngỡ rằng chính họ là nguyên nhân gây nên những phát súng và những tiếng quát này.

Nhưng thật ra thì không phải. Ở phía dưới, qua khoảng đầm lầy, có một người mặc áo gì đó đang chạy. Hẳn là quân Pháp đang bắn và quát tháo người ấy.

- Đúng là Tikhon nhà ta rồi, - viên thủ lĩnh cô-dắc nói.

- Đúng! Chính hắn rồi.

- Chà cất thằng bợm - viên thủ lĩnh cô-dắc nheo nheo đôi mắt nói.
     
Người mà họ gọi là Tikhon chạy về phía con ngòi nhỏ và nhảy ùm xuống làm nước bắn tung toé lên, không thấy anh ta đâu nữa. Rồi một lát sau anh ta lại lồm cồm bò lên, người ướt sũng trông đen sẫm hẳn lại, rồi tiếp tục chạy trốn. Những tên lính Pháp đang đuổi theo dừng lại.

- Chà tài thật - viên thủ lĩnh cô-dắc nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:15:40 pm
- Cái thằng chết tiệt! - Denixov nói, vẫn với cái vẻ bực bội như lúc nãy.

- Thế từ sáng đến giờ hắn làm gì?

- Ai đấy? - Petya hỏi.

- Một anh chàng cô-dắc của chúng tôi đấy. Tôi vừa sai hắn ta đi bắt một con "cái lưỡi" về.

- À phải, - Petya nghe chưa dứt đã gật đầu nói, làm như mình đã hiểu hết, tuy thật ra cậu ta không hiểu lấy được một chữ nào.
     
Tikhon Serbaty là một trong những người cần thiết nhất ở trong đội du kích. Anh ta là một nông dân ở làng Pokrovxkoye, ở gần sông Gzat. Hồi mới bắt đầu hoạt động có lần Denixov đến Pokrovxkoye; cũng như thường lệ, chàng cho gọi viên thôn trưởng đến hỏi xem có biết gì về quân Pháp không, thì cũng như tất cả những viên thôn trưởng khác, lão ta trả lời, giống như muốn thanh minh, rằng lão chẳng hay biết chút gì cả. Nhưng khi Denixov cắt nghĩa cho lão ta hiểu rằng chàng muốn đánh quân Pháp, và khi chàng hỏi lão ta xem quân Pháp có mò mẫm đến đây không thì viên thôn trưởng trả lời rằng bọn lính Pháp có đến ăn trộm vặt, nhưng trong làng này chỉ có Tikhon Serbaty là lo đến những việc này.

Denixov cho gọi Tikhon đến, khen ngợi anh ta đã hoạt động hăng hái, rồi trước mặt viên thôn trưởng chàng nói mấy lời về lòng trung thành đối với Sa hoàng và tổ quốc, về lòng căm thù giặc Pháp, là những điều mà những người con của tổ quốc phải tôn trọng.
     
Nghe những câu này Tikhon làm ra vẻ sợ hãi, anh ta nói:

- Chúng tôi có làm gì ác với người Pháp đâu. Chúng tôi chỉ đùa gọi là đôi chút với anh em thôi mà. Chúng tôi quả có giết vài chục tên lính đi ăn trộm, ngoài ra thì chẳng làm điều gì ác…

Ngày hôm sau, khi Denixov rời khỏi thôn Pokrovxkoye, lòng đã quên khuấy người nông dân này, họ báo cáo với chàng rằng Tikhon cứ van nài xin ở lại trong đội du kích. Denixov ra lệnh nhận anh ta ở lại.
     
Lúc đầu người ta giao cho Tikhon những việc lao công như nhen lửa, đi lấy nước, lột da ngựa, v.v, nhưng chẳng bao lâu anh ta tỏ ra rất ham thích và có nhiều khả năng về chiến tranh du kích.
     
Đêm đêm về anh ta thường đi kiếm chiến lợi phẩm và lần nào cũng mang một tí áo quần hay vũ khí của Pháp, và nếu được lệnh, anh ta còn bắt về cả tù binh nữa. Denixov cho Tikhon được miễn lao động, đem anh theo mỗi lần xuất kích cho anh nhập vào hàng ngũ cô-dắc.
     
Tikhon không thích cưỡi ngựa và bao giờ cũng đi bộ, nhưng không lúc nào tụt lại sau kỵ binh. Vũ trang của anh ta bao gồm có một khẩu súng trường ngắn (anh mang khẩu súng này để chơi cho vui nhiều hơn là để bắn) một ngọn giáo và một cái rìu. Tikhon sử dụng cái rìu này cũng như một con sói sử dụng bộ răng. Răng con sói có thể tìm bọ chét trong bộ lông hay gặm hững cái xương lớn một cách dễ dàng như nhau, thì Tikhon cũng có thể hoa cái rìu lên đánh hết sức xuống một súc gỗ cần bổ hoặc cần lấy đầu nu gọt những chiếc cọc nhỏ hay những cái thìa gỗ con con. Trong đội du kích của Denixov, Tikhon có một vị trí rất đặc biệt. Khi cần phải làm một việc gì đặc biệt khó khăn và nặng nhọc - kê vai nhấc một chiếc xe bò bị sa lầy ra khỏi bùn, cầm đuôi một con ngựa lôi ra khỏi vùng lầy, chải cho nó sạch bùn, len lỏi vào tận giữa quân Pháp, đi bộ năm mươi dặm trong một ngày, - mọi người đều cười chỉ vào Tikhon.

- Việc ấy thì thấm gì với con quỷ kia! Hắn khỏe như con bò mộng ấy mà. - họ thường nói về Tikhon như vậy.
     
Có lần một tên Pháp mà Tikhon định bắt đã dùng súng tay bắn trúng vào hông anh ta. Vết thương này được Tikhon chữa hoàn toàn bằng rượu vodka, trong uống ngoài xoa, và đã được toàn đội dùng làm đầu đề để đùa cợt hết sức vui vẻ, và Tikhon cũng vui lòng hưởng ứng những lời đùa cợt này.

- Thế nào đấy anh bạn, chừa thôi chứ? Nhức đến tận xương rồi còn gì. - Mấy người cô-dắc vừa cười vừa nói. Tikhon cố làm ra bộ đau đớn, oằn người, nhăn mặt, giả vờ nổi giận, và dùng những câu chửi bới thật buồn cười để nguyền rủa quân Pháp. Việc vừa xảy ra chỉ có một ảnh hưởng duy nhất, là sau đó Tikhon ít bắt sống tù binh mang về hơn trước.
     
Tikhon là con người có ích và can đảm nhất trong đội. Không có ai tìm ra được cớ hội tấn công hơn anh ta, không có ai bắt và giết được nhiều lính Pháp hơn anh ta; vì vậy Tikhon trở thành anh hề của cả đội cô-dắc, đội phiêu kỵ, và cũng vui lòng đảm nhận chức vụ này. Từ đêm hôm qua Tikhon được Denixov phái đến Samsevo để bắt một "cái lưỡi". Nhưng không biết vì sao anh ta chưa hài lòng vì chỉ mới bắt được một tên Pháp hay vì anh ta ngủ quên cả đêm hôm qua, chỉ thấy giữa ban ngày mà anh ta lại len lỏi vào tận chính giữa quân Pháp, và như Denixov đứng trên đồi có thể trông thấy, anh ta đã bị lộ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:19:39 pm
Phần XIV
Chương - 6 -7

Sau khi bàn bạc thêm một lúc với viên thủ lĩnh người cô-dắc về cuộc tấn công ngày mai, mà trong khi đứng nhìn quân Pháp hình như Denixov đã quyết định dứt khoát là về tiến hành, chàng  thúc ngựa quay trở lại.

- Nào thôi, bây giờ đi sưởi cho khô đã anh bạn ạ, - chàng bảo Petya.
   
Đến gần trạm kiểm lâm Denixov dừng ngựa lại nhìn vào trong rừng. Ở giữa các hàng cây thấy một người đang bước nhẹ nhàng trong từng bước dài trên đôi chân cao lỏng khỏng, hai tay dài đung đưa, mình mặc áo ngắn, chân đi giày gai, đầu đội mũ kazan, vai khoác súng trường, lưng dắt một cái rìu. Trông thấy Denixov, người ấy hối hả ném một vật gì vào bụi rậm rồi cất cái mũ ướt sũng vành cụp cả xuống, đến trước mặt viên chỉ huy. Người ấy là Tikhon.
   
Khuôn mặt rỗ hoa và nhăn nheo của anh ta với đôi mắt ti hí sáng long lanh sáng bừng lên vì một niềm vui đầy tự mãn. Anh ta vênh mặt nhìn Denixov, có vẻ như đang cố nhịn cười.

- Thế nào, đi đâu mất mặt thế hả? - Denixov hỏi.

- Đi đâu mất mặt à? Đi kiếm mấy thằng Pháp, - Tikhon mạnh dạn và vội vã đáp, giọng trầm hơi khàn nhưng ngân nga.

- Nhưng sao lại làm giữa ban ngày thế hả? Đồ súc sinh! Thế sao không bắt được à?

- Bắt thì có bắt được đấy ạ, - Tikhon nói.

- Thế nó đâu rồi?

- Thì thoạt tiên tôi bắt được một thằng từ mờ sáng, - Tikhon nói tiếp, hai chân bèn bẹt đi giày gai choạc rộng ra, - Thế rồi dẫn nó vào rừng. Tôi biết ngay là thằng này chẳng được tích sự gì. Tôi nghĩ bụng chi bằng đi bắt một thằng khác chững chạc hơn.

- Chà thằng bợm già, tôi biết mà, - Denixov nói với viên thủ lĩnh cô-dắc - Thế tại sao mày không dẫn thằng ấy đến?

- Thì dẫn đến làm gì? - Tikhon vội vã ngắt lời, có vẻ phật ý - không được tích sự gì hết mà lại. Chả lẽ tôi không biết ngài cần loại nào hay sao?

- Đồ súc vật! Thế sao?

- Tôi đi tìm thằng khác, - Tikhon nói tiếp, - Tôi bò vào rừng như thế này này, xong nằm rạp xuống. -
Tikhon đột nhiên nằm sấp xuống một cách mềm mại, để cho mọi người thấy rõ mình đang nằm xuống như thế nào. - Thế là một thằng đi qua, - Tikhon nói tiếp. - Tôi mới chồm lên người nó như thế này này - Tikhon nhẹ nhàng và nhanh nhẹn nhảy chồm lên - Đi đi, tôi bảo, đi đến gặp đại tá. Nó mới kêu rống lên. Thế là có bốn thằng chạy. Chúng cầm gươm xông vào tôi. Tôi mới vung rìu lên thế này này: chúng mày muốn gì, tôi bảo thế, Chúa cứu vớt linh hồn chúng bay, - Tikhon quát lớn hai tay hoa lên, mày cau lại ra vẻ dữ tợn, ngực ưỡn ra.

- Thế cái lúc mà chúng tớ thấy cậu ba chân bốn cẳng chạy qua mấy cái đầm là thế đấy hẳn, - Viên thủ lĩnh cô-dắc nói, hai mắt sáng long lanh ti hí lại chỉ còn hai khe hở nhỏ.
   
Petya muốn cười lắm, nhưng cậu ta thấy mọi người đều đang nhịn cười. Cậu đưa mắt rất nhanh nhìn hết Tikhon lại nhìn mặt viên đại uý không hiểu như thế nghĩa là thế nào.

- Đừng có giở trò hề nữa, - Denixov vừa nói vừa ho húng hắng ra vẻ tức giận - Tại sao lại không đưa thằng thứ nhất về đây?
   
Tikhon bắt đầu đưa một tay lên gãi lưng, tay kia gãi đầu, rồi bỗng nhiên cả cái mồm của anh ta bạnh ra thành một nụ cười ngu ngốc và rạng rỡ đế lộ cái răng sún (chính vì vậy mà anh ta được gọi là Secbaty).
   
Denixov cười tủm tỉm, còn Petya thì vui sướng cười phá lên, Tikhon cũng cất tiếng cười theo.

- Thì ngài còn bảo sao, nó chẳng tươm tất tí nào hết, - Tikhon nói, - nó thì ăn mặc rách bẩn thế thì đưa đến làm gì? Đã thế lại còn thô tục nữa, Gớm chửa, hắn bảo thế, tao đây cũng là con nhà tướng đấy tao không đến đâu, hắn ta bảo thế.

- Đồ súc vật! - Denixov nói. - Ta đang cần hỏi nó…

- Thì tôi cũng hỏi nó rồi, - Tikhon nói. - Nó bảo: tôi không biết. Quân chúng tôi đông lắm, nó bảo thế, nhưng chả ra gì chỉ cái tên thôi. Các anh cứ thét lên cho to, nó bảo thế là bắt sống được ráo thôi, -
Tikhon kết luận, mặt vui vẻ và quả quyết nhìn thẳng vào mặt Denixov.

- Ta cho mày nếm thử một trăm roi thật sốt dẻo xem mày có làm hề được mãi không, - Denixov nói, giọng nghiêm nghị.

- Thôi ngài giận làm gì - Tikhon nói, - Gớm, dễ thường tôi không biết ngài cần những thằng Pháp như thế nào hay sao? Cứ để trời tối một cái là tôi sẽ đem đến cho ngài mấy thằng thật vừa ý, ba thằng cũng được ấy chứ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:20:22 pm
- Thôi ta đi đi, Denixov nói. Và suốt dọc đường đến trạm gác chàng im lặng ngồi trên mình ngựa, cau mày bực tức.
   
Tikhon đi ở phía sau, và Petya nghe mấy người cô-dắc cười nhạo anh ta về những đôi ủng gì đấy mà anh ta vừa vứt vào bụi.
   
Khi đã hết buồn cười về những câu nói và cái miệng sún nhoẻn ra cười của Tikhon, và chợt hiểu ra rằng cái anh chàng Tikhon kia đã giết người, Petya bỗng thấy rờn rợn. Cậu liếc nhìn chú lính đánh trống bị bắt, và có một cái gì nhoi nhói lên trong tim cậu. Nhưng cảm giác ấy chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc. Cậu thấy cần phải cất cao mái đầu lên hơn nữa, dạn dĩ lên và làm ra vẻ quan trọng hỏi viên thủ lĩnh cô-dắc về công việc dự định ngày mai, để cho xứng với những người xung quanh.
     
Viên sĩ quan được phái đi đã về đón Denixov trên đường đi để báo tin rằng Dolokhov sắp thân hành đến ngay và về phía Dolokhov mọi việc đều ổn.
   
Denixov lập tức vui vẻ trở lại và gọi Petya đến.

- Nào cậu kể cho tôi nghe hết chuyện đi. - chàng nói.

7.
     
Sau khi rời Moskva, Petya đã từ giã gia đình đến trung đoàn và ít lâu sau được bổ làm sĩ quan tuỳ tùng cho một viên tướng chỉ huy một chi đội lớn. Từ khi được thăng chức sĩ quan và nhất là từ khi gia nhập bộ đội chiến đấu đánh trận Vyazma, Petya luôn luôn có một tâm trạng phấn khời, sung sướng vì nghĩ rằng mình đã thành người lớn, và cậu chỉ nơm nớp lo sợ bỏ lỡ mất cơ hội nào, có thể thực hiện một hành động anh hùng thật sự. Petya rất sung sướng về những điều mà cậu được trông thấy và thể nghiệm trong quân đội, nhưng đồng thời cậu cứ luôn có cảm tưởng là nơi nào hiện không có cậu ta thì chính là nơi diễn ra những việc quan trọng nhất, anh hùng nhất. Và Petya vội vã tìm cách đến những nơi hiện không có mặt cậu ta.
       
Ngày hai mươi mốt tháng mười, khi viên tướng của Petya tỏ ý muốn phái người đến đội du kích của Denixov, Petya khẩn khoản xin đi một cảnh thảm thương đến nỗi viên tướng không sao từ chối được. Nhưng khi phái Petya đi, viên tướng nhớ lại hành động điên rồ của cậu ta ở trận Viazma: lần ấy đáng lẽ phải đi đến nơi được phái đến bằng con đường người ta chỉ định cho mình thì Petya lại phi ngựa lên tiền tiêu dưới hoả lực của quân Pháp và bắn hai phát súng tay ở đấy. Cho nên khi phái Petya đi, viên tướng cấm ngặt Petya không được tham gia vào bất cứ hoạt đông nào của Denixov.
   
Chính vì thế mà Petya đỏ mặt lúng túng khi Denixov hỏi xem cậu ta có ở lại được không. Trước khi đến ven rừng, Petya vẫn tự nhủ là phải thi hành mệnh lệnh cho thật đúng và trở về ngay. Nhưng khi trông thấy Tikhon và được biết đêm nay họ nhất định tấn công, thì với cái khả năng thay đổi ý kiến rất nhanh của tuổi trẻ, cậu ta tự nhủ rằng viên tướng của cậu ta, người mà cậu ta rất kính trọng, là một lão Đức bất tài, rằng Denixov là một trang anh hùng, viên thủ lĩnh cô dắc cũng là một trang anh hùng, cả Tikhon cũng thế, và trong giờ phút khó khăn này mà bỏ họ ra đi thì thật là xấu hổ.

Trời đất xâm xẩm tối khi Denixov cùng với Petya và viên thủ lĩnh cô-dắc đến gần ngôi trạm gác rừng. Trong ánh hoàng hôn nhá nhem thấp thoáng những con ngựa đã đóng yên, những người cô-dắc, những người lính phiêu kỵ đang lấy cành cây làm lán ở khoảng đất quang và đốt lửa ở dưới khe núi, để cho quân Pháp khỏi trông thấy khói. Trong gian phòng trước cửa ngôi trạm nhỏ, một người cô-dắc ống tay xắn cao đang chặt thịt cừu. Ở nhà trong có ba viên sĩ quan trong đội du kích của Denixov đang lấy cánh cửa ghép thành bàn. Petya cởi chiếc áo ướt đem hong cho khô và lập tức bắt tay vào giúp viên sĩ quan dựng bàn ăn.
   
Mười phút sau, bàn đã dựng xong, mặt bàn phủ một chiếc khăn bông, Trên bàn có bày rượu vodka, rượu rum đựng trong một cái lọ, mấy khoanh bánh mì trắng và mấy súc thịt cừu rán có rắc muối.
   
Ngồi ăn với các sĩ quan và xé miếng thịt cừu béo thơm với mấy ngón tay nhầy nhụa những mỡ, Petya có một tâm trạng phấn khởi trẻ con, cái tâm trạng làm cho người ta thấy yêu mến mọi người, và do đó mà tin chắc rằng những người khác cũng yêu mến mình như vậy.

- Thế anh nghĩ sao hở anh Vaxili Fiodorovich, - cậu nói với Denixov, - tôi ở lại với các anh một hôm được chứ? - Và không đợi câu trả lời, cậu tự đáp cho mình nghe: - Họ sai tôi đến tìm hiểu tình hình, thì tôi tìm hiểu chứ sao… Miễn là các anh để cho tôi đến đúng vào…, chỗ nào chủ yếu nhất… Tôi không cần khen thưởng gì. Tôi chỉ muốn… - Petya nghiến răng đưa mắt nhìn quanh, lắc mái đầu đang ngẩng lên và khua tay.

- Chỗ nào chủ yếu nhất… - Denixov mỉm cười nhắc lại.

- Chỉ xin một điều là các anh cho hẳn tôi một đội để tôi chỉ huy, - Petya nói tiếp, - Thì các anh có mất gì đâu? À, anh cần dao à? - cậu ta nói với một viên sĩ quan đang loay hoay muốn cắt miếng thịt cừu. Đoạn cậu đưa dao xếp cho viên sĩ quan.
     
Viên sĩ quan khen con dao.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:21:23 pm
- Anh cứ lấy mà dùng. Tôi có nhiều chiếc như thế… - Petya nói với viên thủ lĩnh cô-dắc. - Tôi mua được của lão bán hàng rong ở đơn vị một chiếc ấm rất tuyệt! Đồ của lão toàn loại thượng hảo hạng cả. Mà lão ta rất thật thà. Cái ấy mới là cái chính. Thế nào tôi cũng sẽ gửi biếu ông. À hay có lẽ ông đã hết lửa(1) rồi cũng nên?  Thường cũng có khi như vậy. Tôi có mang theo, đây này… - Cậu ta chỉ mấy cái túi dết, - có một trăm thỏi đá lửa. Tôi mua được rất rẻ: ông cần bao nhiêu xin cứ lấy mà dùng, lấy hết đi cũng được. - Rồi bỗng đâm hoảng, không biết mình nói như vậy có quá chăng, Petya im bặt mặt đỏ bừng.
   
Cậu ta bắt đầu nhớ lại xem vừa rồi mình có làm điều gì ngu xuẩn nữa không. Ôn lại những việc xảy ra trong ngày, cậu sực nhớ đến chú đánh trống người Pháp. "Chúng ta thì sung sướng thế này, nhưng nó thì sao? Họ để nó ở đâu rồi? Họ có cho nó ăn không? Họ có hành hạ nó không?" - Petya nghĩ thầm. Nhưng nhận thấy mình vừa nói nhảm về chuyện đá lửa, cậu ta đâm ra sợ sệt.

- Không biết xin có được không? - cậu ta nghĩ, - sợ họ lại bảo mình cũng là trẻ con nên mới thương thằng trẻ con ấy. Mai ta sẽ cho họ thấy ta có trẻ con hay không! Ta mà xin thì có gì xấu hổ không nhỉ? Ờ, cần nhìn các sĩ quan xem họ có ý chế giễu gì chăng.

- Gọi thằng bé bị bắt vào đây có được không ạ? Cho nó ăn dăm ba miếng… có lẽ…

- Được chứ, khổ thân thằng bé, - Denixov nói, hẳn là chàng không thấy có gì đáng hổ thẹn trong việc nhắc đến chú bé, - Cho gọi nó vào đây. Nó tên là Vincent Bos. Gọi nó vào.

- Tôi gọi cho, - Petya nói.

Gọi đi, gọi đi. Khổ thân thằng bé, - Denixov lặp lạị
     
Petya đang đứng ở cửa khi Denixov nói câu này. Cậu ta len qua đám sĩ quan đến sát cạnh Denixov.

- Anh cho phép tôi hôn anh một cái, anh nhé? - cậu ta nói. Ô tuyệt quá thích quá! - Và sau khi hôn
Denixov cậu chạy ra ngoài.

- Bos Vincent! - Petya đứng lại ở cửa cất tiếng gọi.

- Ngài cần gọi ai ạ? - Trong bóng tối có tiếng hỏi. Petya đáp là cần gọi thằng bé người Pháp vừa bắt được hồi sáng.

- À thằng Vexenny ấy phải không ạ? - người cô-dắc nói.
     
Tên chú bé Vincent đã được những người cô-dắc đổi thành Venxenny, còn nông dân và binh sĩ và binh sĩ thì đổi thành Vixenya. Trong cả hai cách cải biến này ý nghĩa mùa xuân đều phù hợp với hình ảnh cậu bé măng sữa(2).

- Chú bé đang ngồi sưởi ở đống lửa đằng kia. Ê, Vixenya! Vixenya! Vixenya - Trong bóng tối có nhiều tiếng truyền đi và tiếng cười khúc khích.

- Thằng bé láu lỉnh lắm, - người lính phiêu kỵ đứng cạnh Petya nói. - Chúng tôi vừa cho nó ăn lúc nãy. Nó đòi khiếp đi được.
     
Trong bóng tối có tiếng những bước chân không đâm lép bép trong bùn, rồi chú lính đánh trống đến gần khung cửa.

- À anh đấy à - Petya nói. - Có muốn ăn không? Đừng sợ, chẳng ai làm gì anh đâu, - cậu ta nói thêm, rụt rè và thân ái đưa tay chạm vào chú bé. - Vào đi, vào đi.

- Cám ơn ông ạ, - chú lính đánh trống đáp, giọng non nớt run run, rồi bắt đầu quệt hai bàn chân lấm bùn vào ngưỡng cửa.
   
Petya muốn nói thật nhiều với chú bé, nhưng không dám. Cậu cứ đứng cạnh chú bé ở phòng ngoài, hết đứng chân này lại đổi sang chân bên kia. Rồi cậu nắm lấy tay chú bé mà xiết trong bóng tối.

- Vào đi, vào đi! - Petya chỉ nhắc lại, giọng thầm âu yếm.
   
"Chao, biết làm gì cho chú bé bây giờ, - Petya tự nhủ, đoạn mở cửa rồi tránh sang một bên cho nó bước vào phòng.
     
Khi chú lính đánh trống đã vào trong gian phòng nhỏ hẹp, Petya cố ngồi cách xa chú bé, nghĩ rằng mình mà tỏ ra chú ý đến nó thì e mất phẩm giá. Cậu chỉ nắn nắn lấy mấy đồng tiền trong túi, lòng ngần ngại không biết là đem cho chú lính đáng trống kia thì có gì xấu hổ không?

======================================================

Chú thích:

(1) Vào thời kỳ (1812) ở kíp súng trường và súng tay có lắp một thỏi đá lửa mài nhọn. Khi kíp bật xuống đá lửa phát ra một tia lửa làm cháy ngòi thuốc

(2) Venxenny là tính từ phái sinh của Vexna - mùa xuân. Visenya cũng có một âm hưởng khen gợi ý Vexna.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:22:39 pm
Phần XIV
Chương - 8 -9

Theo lệnh của Denixov người ta đã dọn thịt cừu và rượu vodka cho chú lính đánh trống.
Denixov sai mặc cho nó chiếc áo kaftan Nga và quyết định sẽ giữ nó lại trong đội du kích chứ không cho giải về hậu phương với các tù binh khác.
   
Petya đang bận tâm về chú bé, thì chợt có tin Dolokhov đến, và bao nhiêu sức chú ý của Petya đều từ chú lính đánh trống dồn sang Dolokhov. Trong quân đội Petya đã được nghe kể nhiều câu chuyện về sự dũng cảm phi thường của Dolokhov và tàn ác của chàng đối với quân Pháp, cho nên từ khi Dolokhov bước vào phòng, Petya cứ nhìn chằm chặp vào chàng và mỗi lúc một thêm phấn chấn, mái đầu cất cao lên, cổ làm sao ngay khi được ngồi với một người như chàng mình cũng không đến nỗi không xứng đáng.
     
Cách phục sức cực kỳ đơn giản của Denixov làm Petya kinh ngạc Denixov thì mặc áo tsekmen(1), để râu dài, trên ngực có đính tượng thánh Nikolai, người có nhiều phép lạ và trong cách nói năng, đi đứng của chàng đều để lộ rõ chất đặc biệt của địa vị chàng lúc bấy giờ.
   
Dolokhov thì trước kia; khi còn ở Moskva, vẫn mặc một bộ y phục Ba tư, nhưng nay thì ngược lại, chàng phục sức như một sĩ quan cận vệ ưa làm dáng, hết sức thông thường. Mặt chàng cạo nhẵn, mình chàng mặc một cái áo khoác lót long của quân cận vệ, khuy cổ đính một huân chương Georges, trên đầu chàng có một chiếc mũ lưỡi trai giản dị rất thẳng. Chàng ra góc phòng cởi chiếc áo burka ướt sũng, rồi không chào hỏi ai hết, chàng đến cạnh Denixov, và lập tức lên tiếng hỏi về công việc. Denixov thuật lại cho chàng nghe chuyện các đội du kích lớn dòm ngó đoàn vận tải Pháp ra sao, cho chàng biết việc Petya được phái đến và cách dùng phúc đáp hai viên tướng nọ. Rồi Denixov kể cho Dolokhov rõ tất cả những điều mình biết được về tình hình đội quân Pháp.

- Đúng thế đấy, nhưng phải biết rõ đây là đơn vị nào và quân số bao nhiêu Dolokhov nói, - Phải đi một chuyến mới xong. Không biết chắc quân số của chúng thì không thể khởi sự được. Tôi vốn thích làm ăn cẩn thận. Đây trong số các vị ở đây có vị nào muốn đi với tôi vào trại quân Pháp không. Tôi có mang cả quân phục Pháp đến đấy.

- Tôi… tôi… tôi sẽ đi với ông! - Petya kêu lên.

- Cậu chả cần đi làm gì hết, - Denixov nói với Dolokhov - còn cậu này thì tôi không đời nào để cho đi như thế đâu.

- Hay nhỉ! - Petya thét lên, - Tại sao tôi lại không đi được kia chứ?

- Tại vì chẳng việc gì phải đi cả!

- À thế xin anh thứ lỗi cho, bởi vì… bởi vì tôi sẽ đi, có thế thôi. Anh đem tôi đi theo chứ? - Petya hỏi Dolokhov.

- Chứ sao? - Dolokhov lơ đãng đáp, mắt nhìn vào mặt chú lính đánh trống người Pháp.

- Thằng bé con này ở với cậu lâu chưa? - chàng hỏi Denixov.

- Vừa bắt được sáng nay, nhưng nó chẳng biết gì cả. Tớ để nó lại đây với tớ.

- À thế còn những đứa khác thì cậu mang đi đâu? - Dolokhov nói.

- Còn gì đâu nữa? Tớ cho giải về hậu phương có biên lai hẳn hoi? Denixov bỗng đỏ mặt quát lên. - Và tớ cũng phải nói thẳng ra rằng trong lương tâm tớ chưa hề có một sinh mạng nào.

- Chả nhẽ cậu không thấy cho áp giải ba mươi người hay là ba trăm người về thành phố cũng chẳng khó khăn gì, dù sao cũng còn hơn là làm nhơ bẩn, tớ nói thẳng ra như vậy, làm nhơ bẩn danh dự của một quân nhân.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:23:26 pm
- Để cho cậu tiểu bá tước mười sáu tuổi này nói những chuyện nhân ái ấy thì hợp hơn, - Dolokhov nói giọng ngạo nghễ và lạnh lùng, - Còn cậu thì đã đến lúc có thể từ bỏ những trò ấy đi được rồi đấy.

- Kìa, tôi có nói gì đâu? - Petya nói, giọng rụt rè, - Tôi chỉ bảo là tôi nhất định sẽ đi với ông thôi mà.

- Còn như cậu với tớ thì đã đến lúc nên bỏ cái trò ấy đi, cậu à.
     
Dolokhov nói tiếp như thể thấy thích thú đặc biệt khi nói đến một vấn đề vẫn khiến cho   Dolokhov khó chịu.

- Thế tại sao cậu cho thằng bé này ở lại? -  Chàng lắc đầu nói. - Cậu thương hại nó chứ gì? Chúng tớ còn lạ gì những tờ biên lai của cậu nữa. Cậu gửi về một trăm tên, nhưng về đến nơi thì còn ba chục, chúng nó sẽ chết dọc đường, vì đói, hay sẽ bị giết chết. Vậy thì thà đừng bắt chúng nó, cũng thế cả thôi.
   
Viên thủ lĩnh cô-dắc nheo nheo đôi mắt trong sáng, gật đầu tỏ ý tán thành.

- Thì cũng thế cả thôi, chả phải bàn cãi gì nữa. Tớ không muốn để lương tâm phải cắn dứt về chuyện ấy, cậu bảo là chúng nó sẽ chết. Cũng được thôi. Miễn sao đừng chết vì tay tớ là được.
Dolokhov cười phá lên.

- Dễ thường chúng nó không được lệnh bắt tớ hàng hai chục lần ấy! Và nếu chúng bắt được thì cả tớ lẫn cậu với cái tâm hồn nghĩa hiệp của cậu cũng vẫn lủng lẳng trên một sợi dây như thường.

Dolokhov im lặng một lát.

- Nhưng thôi, phải lo đến công việc đi chứ. Bảo thằng cô-dắc của tớ mang cái đẫy vào dây. Tớ có hai bộ quân phục của Pháp. Thế nào, đi với tớ chứ? - Chàng hỏi Petya.

- Tôi ấy à? Vâng, vâng, nhất định chứ! - Petya reo lên, mặt đỏ rừ đến gần chảy nước mắt ra, mắt liếc nhìn Denixov.
     
Trong khi Dolokhov tranh cãi với Denixov về cách xử lý tù binh, Petya cảm thấy luống cuống, và bồn chồn lo lắng, nhưng cậu cũng không đủ thì giờ hiểu cho rõ họ nói gì. "Nếu những người lớn, những người có danh tiếng, họ nghĩ như vậy thì tức là cần phải như vậy như vậy mới đúng, - cậu nghĩ thầm, - Và cái chính là phải làm sao cho Denixov đừng có mà nghĩ rằng mình phục tùng anh ta, rằng anh ta có thể chỉ huy mình. Mình nhất định sẽ đi với Dolokhov đến trại quân Pháp. Dolokhov đi được thì mình cũng đi được chứ?".
   
Đáp lại những lời khuyên nhủ của Denixov bảo cậu đừng đi, Petya nói là mình đã quen gì thì cũng làm cẩn thận chứ không chịu cái lối làm ăn hú hoạ, và xưa nay không bao giờ nghĩ đến nguy hiểm cả.
     
Bởi vì, anh cũng phải nhận thấy nếu không biết chắc quân số chúng nó thì sẽ nguy hại đến tính mạng của hàng trăm người cũng nên, còn như đi như thế này thì chỉ có hai chúng ta mà thôi. Và lại tôi rất muốn và thế nào tôi cũng đi, anh đừng giữ tôi làm gì, chỉ thêm phiền.
     
Sau khi mặc áo ca-pốt và đội mũ sa-cô của Pháp, Petya và Dolokhov cưỡi ngựa đi về phía khoảng rừng thưa nơi Denixov đứng nhìn xuống trại lính Pháp sáng nay, rồi ra khỏi rừng và đi xuống hẻm núi trong bóng tối dày đặc. Xuống đến nơi, Dolokhov dặn mấy người cô-dắc đi theo đứng đợi ở đấy và cho ngựa phóng nước kiệu trên con đường dẫn đến cái cầu. Petya tim lịm đi vì xúc động, cưỡi ngựa đi cạnh chàng.

- Nếu bị lộ, tôi sẽ không để cho nó bị bắt sống đâu, tôi có một khẩu súng ngắn đây, - Petya thì thầm.

- Đừng nói tiếng Nga, - Dolokhov nói thầm rất nhanh và ngay phút ấy trong bóng tối có tiếng quát "Ai?" và tiếng lên cò súng lách cách.

- Máu dồn lên mặt Petya và cậu ta luồn tay vào chỗ cất khẩu súng ngắn.

- Giáo kỵ trung đoàn 62, - Dolokhov đáp, không kìm ngựa lại mà cũng không cho ngựa phóng nhanh cái bóng đen ngòm của tên lính canh đứng sững trên cầu.

- Khẩu lệnh?
     
Dolokhov kìm ngựa lại cho đi bước một.

- Này đại tá Jerar có ở đây không nhỉ? - chàng nói.

- Khẩu lệnh - Tên lính canh không đáp lại và quát một lần nữa và đứng chặn ngang cầu.

- Khi một sĩ quan đi tuần, lính canh không có cái lối hỏi khẩu lệnh. - Dolokhov đột nhiên nổi xung lên quát lớn và cho ngựa bước sấn vào tên lính canh. - Ta hỏi anh đại tá Jerar có ở đây không?

Và không đợi câu trả lời của tên lính canh bấy giờ đã né sang một bên, Dolokhov cho ngựa đi bước một lên dốc.
   
Trông thấy một bóng đen đi vượt qua đường Dolokhov chặn lại hỏi xem viên tư lệnh và các sĩ quan hiện ở đâu. Bóng đen này là một người lính vác một cái bị lên vai. Hắn đứng lại, đến sát cạnh Dolokhov giơ tay vỗ vào ngực chàng rồi nói một cách thân mật và giản dị rằng quan tư lệnh và các sĩ quan đang ở trên dốc phía bên phải trong sân, ấp (người lính gọi toà dinh thự trang chủ như vậy).
     
Dọc đường đi, hai bên đều nghe có tiếng chuyện trò bằng tiếng Pháp từ những bếp lửa trại vẳng ra. Đi được một đoạn, Dolokhov rẽ vào sân toà dinh thự trang chủ. Đi qua cổng, chàng xuống ngựa và đến cạnh một bếp lửa lớn cháy bừng bừng, xung quanh có mấy người đang ngồi nói chuyện rất to. Ở cạnh ria đống lửa có bắc một cái nồi nấu một món gì đang sôi sùng sục, và một người lính đội mũ chụp nhọn và mặc ca-pốt xanh đang quỳ bên cạnh lấy que thông nòng khuấy khuấy vào nồi, ánh lửa bắt vào mặt hắn sáng rực.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:24:17 pm
- Ồ ông ta hắc lắm đấy! - một viên sĩ quan ngồi trong bóng tối phía bên kia bếp lửa nói.

- Ông ta sẽ cho chúng nó một chầu… - một người khác cười lớn nói. Họ lặng thinh và nhìn vào đêm tối khi nghe tiếng chân Dolokhov và Petya dắt ngựa lại gần đống lửa.

- Chào các vị! Dolokhov nói to tách rõ từng tiếng. Mấy viên sĩ quan cựa quậy trong bóng tối và một người cao lớn cổ dài đi vòng quanh đống lửa đến gần Dolokhov.

- Anh đấy à. Clement? Người ấy nói. - Quái, anh ở đâu mà…
   
Nhưng hắn không nói hết cầu thì đã nhận ra là mình lầm; hắn hơi cau mày, chào Dolokhov như chào một người không quen và hỏi chàng xem chàng cần hỏi việc gì. Dolokhov nói là chàng cùng với người bạn đang đuổi theo trung đoàn và hỏi đám sĩ quan xem có ai biết gì về trung đoàn sáu không. Chẳng có ai biết gì cả và Petya có cảm giác là các sĩ quan bắt đầu quan sát cậu với Dolokhov một cách ác cảm và nghi ngờ.

- Nếu các anh hy vọng ăn món xúp tối nay thì các anh đến khí chậm đấy - một người ở sau đống lửa nói cười khúc khích.
   
Dolokhov đáp rằng hai anh em ăn đã no và đang cần đi tiếp ngay đêm nay. Chàng trao ngựa cho người lính đang khuấy món ăn trong nồi, và ngồi xổm xuống bên bên đống lửa cạnh viên sĩ quan cao cổ. Viên sĩ quan này nhìn Dolokhov chằm chặp và hỏi lại một lần nữa: Chàng ở trung đoàn nào? Dolokhov không đáp, làm như không nghe thấy câu hỏi, chàng rút cái tẩu thuốc kiểu Pháp trong túi ra, vừa châm lửa vừa hỏi sĩ quan xem đoạn đường sắp phải đi có bị bọn cô-dắc quấy nhiễu không.

- Kẻ cướp thì đâu mà chẳng có! - Viên sĩ quan ngồi sau đống lửa nói.
   
Dolokhov nói rằng bọn cô-dắc chỉ đáng sợ đối với những kẻ tụt lại sau như chàng và như anh bạn của chàng thôi, còn những đội quân lớn thì chắc chúng không đám đánh, - chàng nói thêm có ý dò hỏi. Không ai đáp lại một lời.

- Thôi, bây giờ chắc anh ấy sẽ đi, - cứ phút phút Petya lại nghĩ thầm trong khi đứng trước bếp lửa lắng nghe chàng nói chuyện.
   
Nhưng Dolokhov lại khơi chuyện và bắt đầu hỏi thẳng họ xem trong mỗi tiểu đoàn có bao nhiêu người, họ có cả thảy bao nhiêu tiểu đoàn, bao nhiêu tù binh. Trong khi hỏi về tốp tù binh Nga đang bị áp giải theo đội quân của họ, Dolokhov nói

- Kéo theo những cái xác theo sau phiền thật. Chi bằng bắn quách cái lũ chó chết ấy đi cho rảnh, nói đoạn chàng cười phá lên, tiếng cười nghe quái gở đến nỗi Petya cứ tưởng là quân Pháp sẽ nhận ra ngay cái trò bịp bợm của chàng: cậu ta bất giác lùi một bước ra xa đống lửa. Không có ai hưởng ứng câu nói và tiếng cười của Dolokhov: một viên sĩ quan Pháp nãy giờ chẳng trông thấy đầu (hắn trùm áo ca-pốt nằm giữa đất) bỗng nhổm dậy nói thì thầm mấy tiếng với một người bên cạnh. Dolokhov đứng dậy và gọi tên lính giữ ngựa.

"Liệu chúng có trả ngựa không?" - Petya thầm nghĩ; cậu bất giác nhtch lại gần Dolokhov.

- Họ đưa ngựa lại.

- Chào các vị! - Dolokhov nói.

Petya muốn nói: "chào các vị" nhưng không sao mở miệng được.

Mấy viên sĩ quan nói thầm với nhau. Dolokhov loay hoay một hôi lâu mới lên yên được, vì con ngựa không chịu đứng yên cho; sau đó chàng cho ngựa đi bước một ra cổng. Petya đi cạnh chàng; cậu rất muốn ngoái cổ nhìn lại xem bọn Pháp có đuổi theo không, nhưng cậu không dám.
Ra đến đường cái, Dolokhov không trở về phía cánh đồng mà lại đi ven theo khóm làng. Được một lúc chàng ngừng ngựa lại nghe ngóng.

- Cậu có nghe thấy không? - chàng nói.

Petya nhận ra những âm hưởng những câu tiếng Nga và trông thấy những người tù binh Nga chập chờn quanh các bếp lửa. Hai người đi xuống dốc và đến cái cầu lúc nãy, vượt qua người lính canh đang lặng lẽ đi đi lại lại trên cầu, và trở về cái hẻm núi có mấy người cô-dắc đứng đợi.

- Thôi bây giờ chào cậu nhé. Cậu bảo Denixov là đến tảng sáng, khi nghe tiếng súng đầu tiên. - Dolokhov nói đoạn toan bỏ đi, nhưng Petya đã nắm lấy tay chàng.

- Không - Petya kêu lên, - anh thật là một vị anh hùng. Ôi, thật là thích quá! Tuyệt quá! Tôi yêu anh quá!

- Thôi được rồi, được rồi! - Dolokhov nói, nhưng Petya không chịu buông chàng ra. Trong bóng tối,
Dolokhov thấy Petya nghiêng người về phía chàng. Cậu ta muốn hôn chàng, Dolokhov hôn Petya, cười lớn rồi quay ngựa đi khuất trong bóng tối.

==================================================================

Chú thích:

(1) Áo lông của vùng núi Kavkaz



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:25:10 pm
9.

Về đến trạm gác, Petya gặp Denixov đứng ở phòng ngoài.

Denixov đang đợi Petya về, lòng bồn chồn lo lắng và tự giận mình sao lại để Petya đi như vậy.

- Đội ơn chúa! - chàng reo lên. - Chà, đội ơn chúa! - chàng nhắc đi nhắc lại trong khi nghe Petya hân hoan kể lại chuyến đi vừa qua, - quỷ bắt cậu đi, cậu làm cho tôi không chợp mắt được đấy.

- Thôi đội ơn chúa, bây giờ đi mà đi ngủ. Còn đủ thì giờ đánh một giấc từ giờ đến sáng.

- Ờ không, - Petya nói, - Tôi chưa buồn ngủ, tôi biết cái thói của tôi là hễ đã ngủ rồi thì thôi chẳng biết trời đất là gì nữa. Vả lại tôi đã quen thức trước khi ra trận.

Petya ngồi một lát trong ngôi nhà, lòng khấp khởi vui mừng nhớ lại những chi tiết trong chuyến đi vừa qua và hình dung rõ rệt những gì xảy ra trong ngày mai. Rồi nhận thấy Denixov ngủ thiếp đi cậu đứng dậy đi ra ngoài.

Ngoài sân hãy còn tối mịt. Cơn mưa nhỏ đã tạnh khi nước mưa đọng trên lá cây hãy còn nhỏ giọt xuống. Gần nơi trạm gác, thấp thoáng bóng những cái lán của lính cô-dắc và những con ngựa buộc chung một chỗ. Sau ngôi nhà có hai chiếc xe tải làm thành hai vệt đen sì, bên cạnh có mấy con ngựa đứng, và dưới hẻm núi bập bùng một ngọn lửa đỏ đang lụi đần trong số lính phiêu kỵ và lính cô dắc cũng có nhiều người không ngủ dây đó; xen lẫn với tiếng nước mưa rơi lộp bộp và tiếng ngựa nhai thóc rào rào gấn sát bên cạnh, còn nghe tiếng người nói khe khẽ, gần như thì thầm.

Petya từ phòng ngoài bước ra sân, đưa đôi mắt nhìn bóng tối ở chung quanh và đến gần hai cỗ xe tải. Dưới xe có ai đang ngáy "khò khò" và ở xung quanh xe có những con ngựa đóng yên đang nhai thóc. Trong bóng tối, Petya nhận ra con ngựa của cậu, được cậu đặt tên là Karabakh tuy nó là con ngựa vùng tiểu Nga, và lại gần nó.

- Nào, Karabakh, mai ta sẽ làm nên chuyện, - Petya vừa nói vừa ghé sát mũi vào mũi ngựa mà hôn.

- Kìa cậu không ngủ à? - người cô-dắc ngổi dưới gầm xe nói.

- Không, này anh… Likhatxov, có phải tên anh là thế không nhỉ? Chả là tôi vừa mới về mà. Chúng tôi vừa đến trại quân Pháp xong. - đoạn Petya kể tỉ mỉ cho người cô-dắc nghe đầu đuôi chuyến cậu ta đi trinh sát, lại còn giảng dải thêm cho anh ta rõ tại sao cậu ta cho rằng thà liều mạng như vậy còn hơn là làm ăn hú hoạ.

- Thôi cậu nên ngủ một chút, - người cô-dắc nói.

- Không, tôi đã quen thức, - Petya đáp. - À, đá lửa trong súng tay của anh ta đã mòn hết chưa? Tôi có mang theo đây. Anh cần không? Lấy một ít mà dùng.

Người cô-dắc từ dưới gầm xe chui ra để nhìn Petya cho rõ.

- Chả là tôi vẫn quen làm việc gì cũng phải cho cẩn thận, - Petya nói, - Nhiều người có cái lối làm hú hoạ, không chuẩn bị gì cả rồi về sau lại ân hận. Tôi không thích thế.

- Đúng vậy, - người cô-dắc nói.

- À còn cái này nữa, anh ạ anh mài hộ tôi thanh kiếm nhé; nó bị cùn… (nhưng Petya không dám nói dối là nó chưa được mài lần nào cả). Có được không anh?

- Được chứ.

Likhotsov đứng dậy lục lọi một lúc trong cái đẫy, và một lát sau Petya đã nghe thấy âm hưởng hùng tráng của chất thép đưa trên đá mài. Cậu leo lên chiếc xe tải và ngồi trên thành xe. Người cô-dắc ngồi mài gươm dưới gầm.

- Thế nào, anh em ngủ cả rồi à? - Petya hỏi.

- Cũng có người ngủ. Cũng có người thức như ta.

- Thế còn chú bé thì sao?

- Vexenny ấy à? Nó lăn kềnh ra ở cạnh cửa ấy. Suốt ngày nó lo sợ nên bây giờ ngủ say lắm. Bây giờ thì nó bằng lòng lắm rồi.

- Sau đó Petya im lặng hồi lâủ, lắng tai nghe những tiếng động ở chung quanh. Trong bóng tối có tiếng chân bước và một bóng đen hiện ra.

- Bác mài gì thế? Một người đến cạnh xe hỏi.

- À mày gươm cho công tử.

- Hay đấy, người kia nói (Petya thấy hình như hắn ta là một người lính phiêu kỵ) - Này, các bác ở đây có cầm cái chén không?

- Kia kìa cạnh bánh xe ấy. - người lính phiêu kỵ đến lấy cái chén, - Hình như sắp sáng rồi thì phải, - hắn ta ngáp dài nói, đoạn bỏ đi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:25:48 pm
Lẽ ra Petya phải biết rằng mình đang ở trong rừng với đội du kích của Denixov, cách đường cái một dặm, rằng mình đang ngồi trên một cái xe tải cướp được của quân Pháp, bên cạnh có buộc mấy con ngựa, rằng ở phía dưới là bác cô-dắc Likhatsov đang mài gươm cho cậu, rằng cái vết đen ở bên phải là một trạm kiểm lâm, và cái vệt sáng đỏ ngàu ở bên trái là một bếp lửa đang lụi dần, rằng người vừa đến tìm cái chén là một anh lính phiêu kỵ đang khát nước; nhưng cậu chảng biết gì cả và cũng chẳng muốn biết. Cậu đang sống trong một xứ sở thần kỳ trong đó không có gì giống cõi thật hết. Cái vệt đen lớn có lẽ đúng là trạm kiểm lâm, nhưng cũng có thể là một cái hang lớn dẫn đến tận lòng đất sâu thẳm. Cái vệt dỏ kia có lẽ là ngọn lửa, nhưng cũng có thể là một con mắt của một con quái vật khổng lồ, có lẽ đúng là cậu đang ngồi trên chiếc xe tải nhưng cũng rất có thể không phải trên chiếc xe tải, mà trên một cái tháp cao ngất trời, cao đến nỗi nếu ngã xuống thì phải suốt một ngày, suốt một tháng mới đến mặt đất Cứ phải bay mãi, bay mãi mà không bao giờ chạm đất. Có lẽ người đang ngồi dưới gầm xe chỉ là bác cô-dắc Likhatsov thôi, nhưng cũng rất có thể đó chính là con người tốt nhất, can đảm nhất, kỳ diệu nhất, tuyệt vời nhất mà trên đời mà không ai biết đến. Có lẽ vừa rồi đúng là một anh lính phiêu kị đi tìm chén uống nước, rồi cầm chén đi xuống hẻm núi nhưng cũng có thể là hắn ta đã mất hút, biến hẳn đi và thật ra không hề tồn tại.

Bây giờ dù Petya có trông thấy gì chăng nữa cậu cũng sẽ không hề ngạc nhiên. Petya đang sống trong một xứ sở thần kỳ, trong đó cái gì cũng có thể xảy ra. Cậu nhìn lên trời. Cả bầu trời nữa, cũng thần kì như trên mặt đất Trời đang quang dần, và trên các ngọn cây mây lướt nhanh, như đang mở dần ra cho các vì sao xuất hiện. Đôi khi người ta có cảm tưởng là mây quang dần để lộ bầu trời trong trẻo đen kịt. Đôi khi những khoảng đen ấy lại trông như những đám mây.  Đôi khi trời lại trông như cứ cao lên dần, cao lên mãi; đôi khi bầu trời lại trông như hạ thấp hẳn xuống, đến nỗi có thể với hẳn tay đến được.

Petya nhắm mắt lại và bắt đầu gật gà gật gù. Những giọt nước mưa rơi lộp bộp. Có tiếng nói chuyện rì rầm. Mấy con ngựa hí lên và quay ra đánh nhau. Đâu đấy có tiếng ai ngáy.

Xoẹt xoẹt xoẹt xoẹt tiếng gươm xiết trên đá mài đều đều và Petya chợt nghe những tiếng nhạc hài hoà đồng cử một điệu âu ca nào đấy, âm hưởng ngọt ngào và trang trọng. Petya có khiếu âm nhạc chẳng kém gì Natasa, và hơn cả Nikolai, nhưng cậu chưa bao giờ học âm nhạc, không hề nghĩ đến âm nhạc cho nên những âm thanh đột ngột vang lên trong tâm trí cậu có vẻ mới mẻ và hấp dẫn lạ thường. Tiếng nhạc mỗi lúc một rõ. Điệp khúc lớn dần lên, chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Đó chính là lối hành nhạc thường gọi là phú cách khúc tuy Petya không hề có một khái niệm gì về phú cách khúc. Tiếng các nhạc cụ đang cử khi thì giống như tiếng vĩ cầm, khi lại nghe như tiếng kèn đồng nhưng lại hay hơn và trong trẻo hơn tiếng vĩ cầm và tiếng kèn đóng. Mỗi nhạc cụ có một điệu riêng, và chưa hết một nét nhạc đã hoà với một nét nhạc khác mở đầu gần như thế, rồi thành một nét thứ ba, rồi một nét thứ tư, và tất cả những nét nhạc ấy hoà lại thành một, rồi lại tản mác ra, để rồi lại hoà làm một, khi thì thành một điệu nhạc thánh đường trang nghiêm, khi thì thành một khúc khải hoàn tưng bừng, chói lọi.
     
"Ồ phải rồi, ta đang nghe tiếng nhạc này trong giấc mơ, Petya tụ nhủ người gật về phía trước. - Nó ở trong tai ta đây mà. Và có lẽ đây là nhà của ta cũng nên. Nào, cử lại xem. Tiếng nhạc của ta ơi! Cử lên nào!".
     
Petya nhắm mắt lại và từ khắp bốn phía, những âm thanh nghe như từ xa vẳng lại bắt đầu rung lên, hoà vào nhau tản mác ra, lẫn vào nhau rồi tất cả lại hoà thành điệu âu ca ngọt ngào và trang trọng ấy "ồ tuyệt quá đi mất! Muốn bao nhiêu cũng được và muốn như thế nào cũng được". - Petya tự nhủ. Cậu thử chỉ huy dàn nhạc khổng lồ kia.
     
"Nào, khẽ bớt, khẽ bớt, bây giờ thì lắng hẳn xuống đi", và các âm thanh liền tung theo. "Nào, bây giờ thì to hơn lên, vui hơn lên, vui hơn nữa, hơn nữa". Và từ một nơi sâu thẳm mịt mùng đưa lên những âm thanh trang trọng mỗi lúc một thêm mạnh mẽ. "Nào, thanh nhạc bắt đầu hoà theo!" - Petya ra lệnh. Và từ xa xa, những đầu những giọng nam vang lên, rồi đến những giọng nữ. Tiếng hát to dần, to dần theo một tiến trình lên giọng đều đặn và trang nghiêm, Petya thấy sợ và vui trong khi lắng nghe những âm hưởng du dương lạ lùng ấy.
     
Điệu hát dâng lên thành một khúc khải hoàn trang trọng, những giọt nước rơi lộp bộp, thanh gươm xiết trên đá mài; xoẹt, xoẹt, xoẹt và mấy con ngựa lại hí lên, đánh lẫn nhau, nhưng không phá rối điệu đồng ca, mà lại nhập vào thành một bộ phận của nó.

Petya không biết những khúc nhạc ấy kéo dài bao lâu, cậu chỉ say sưa thưởng thức, luôn luôn lấy làm lạ về cái khoái cảm của mình và tiếc rằng không có ai để cùng chia sẻ. Tiếng nói dịu dàng của Likhatsov làm Petya bừng tỉnh.

- Thưa cậu, xong rồi đấy ạ, có thể chém đứt đôi thằng Pháp.

Petya mở bừng mắt.

- Sáng rồi, đúng là đã sáng rồi! - cậu kêu lên.
     
Bây giờ đã trông thấy rõ mấy con ngựa trước đây chìm trong bóng tối cho đến đuôi ngựa trông cũng rõ, và qua những cành cây trụi lá đã hiện ra ánh sáng ướt át của buổi rạng đông. Petya rùng mình choàng dậy, móc túi lấy một đồng rúp đưa cho Likhatsov, vung gươm lên, thử lưỡi gươm rồi tra vào vỏ. Mấy người cô-dắc cởi dây buộc ngựa và thắt đai yên cho ngựa.

- Chỉ huy trưởng đây rồi, - Likhatsov nói.

Từ trạm gác rừng Denixov bước ra, cất tiếng gọi Petya và ra lệnh chuẩn bị xuất phát.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:27:17 pm
Phần XIV
Chương - 10 -11

Trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông, quân sĩ nhanh nhẹn tìm lấy ngựa của mình, thắt đai yên và ai nấy đều theo lệnh về chỗ.

Denixov đứng cạnh trạm ra những mệnh lệnh cuối cùng. Đội binh của đơn vị du kích, trong tiếng lép bép của hàng trăm bàn chân giẫm lên bùn. Xuất phát trước đi lên con đường cái và chỉ một loáng đã khuất giữa rặngcây trong làn sương mù của buổi rạng đông. Viên thủ lĩnh ra mệnh lệnh cho quân cô-dắc. Petya cầm cương ngựa sốt ruột chờ lệnh lên yên. Mặt cậu, vừa rửa nước lạnh và nhất là đôi mắt cậu, bừng bừng như lửa, sống lưng như có một luồng điện chạy qua, và toàn thân cứ rung lên từng đợt.

- Thế nào xong cả chưa? - Denixov nói. - Đưa ngựa ra đây.
   
Họ đưa ngựa ra. Denixov nổi cáu với người cô-dắc vì đai yên thắt lỏng; chàng mắng người cô-dắc rồi lên yên. Petya xỏ chân vào bàn đạp, con ngựa theo thói quen cứ muốn cắn chân cậu nhưng Petya bây giờ đang có cảm tưởng như mình không có trọng lượng nữa, đã nhanh nhẹn nhảy lên yên quay lại những người lính phiêu kỵ ở phía sau đang xuất phát trong bóng tối, và cho ngựa lại gần Denixov.

- Anh Vaxili Fiodorovich, anh giao cho tôi một nhiệm vụ gì chứ? Anh nhé… tôi van anh… - Petya nói.
   
Denixov có vẻ như đã quên rằng Petya có tồn tại ở trên đời này. Chàng quay lại nhìn cậu.

- Tôi chỉ xin cậu một điều, - chàng nghiêm nét mặt nói, - là phải nghe tôi và đừng có tự ý chạy tứ tung lên.
   
Suốt dọc đường Denixov không nói với Petya một câu nào nữa, chàng lặng thinh ngồi trên mình ngựa. Khi họ đến ven rừng; ở phía đông trời đã bắt đầu sáng rõ hơn. Denixov nói thì thầm mấy tiếng với viên thủ lĩnh cô-dắc, và đoàn cô-dắc bắt đầu tiến qua mặt Denixov và Petya, khi họ đã đi qua hết, Denixov giục ngựa đi xuống dốc núi. Lũ ngựa trượt chân trên sườn dốc, thỉnh thoảng lại ngồi bệt mông xuống, đoàn quân kéo xuống hẻm núi. Petya cưỡi ngựa đi cạnh Denixov, toàn thân cậu mỗi lúc một rung mạnh thêm.
   
Trời sáng dần, chỉ có làn sương mù che khuất những vật ở xa xa. Xuống đến chân dốc, Denixov ngoảnh lại và gật đầu ra hiệu cho người của mình đứng cạnh chàng, nói:

- Hiệu lệnh?
     
Người cô-dắc giơ cao tay lên, một tiếng súng nổ. Và ngay lúc ấy có tiếng vó ngựa phi rầm lập ở phía trước tiếng hò reo ở khắp bốn phía và thêm nhiều tiếng nổ nữa.
   
Nghe thấy những tiếng vó ngựa và tiếng hò reo đầu tiên, Petya lập tức quất ngựa và buông cương cho ngựa phi lên trước, không thèm nghe Denixov đang quát gọi cậu khi nghe tiếng súng nổ, Petya có cảm giác là trời bỗng sáng hẳn lên như giữa ban ngày, cậu phi về phía cầu. Phía trước quân cô-dắc đang phi ngựa trên đường cái. Trên cầu, Petya đuổi kịp những người cô-dắc bị tụt lại sau, và tiếp tục phi lên trước. Phía trước mắt có những người nào không rõ - chắc là lính Pháp - đang từ mé đường bên phải chạy sang mé đường bên trái. Một người ngã lăn ra giữa bùn, dưới chân ngựa Petya.
     
Cạnh một ngôi nhà gồm có một đám cô-dắc đang xúm xít lại làm gì không rỡ. Từ giữa đám đông đưa ra một tiếng rú kinh khủng.
     
Petya cho ngựa phi lại gần đám người và vật đầu tiên mà cậu ta trông thấy là khuôn mặt tái mét của một tên lính Pháp, hàm dưới run run, đang nắm giữ lấy cán một ngọn giáo chĩa vào người hắn.

- Ura!… Anh em ơi… quân ta…

Petya reo lên và buông lỏng cương cho ngựa bấy giờ đã nóng máu phi dọc đường làng tiến lên phía trước.
       
Phía trước có nhiều tiếng súng nổ. Những người cô-dắc, những người lính phiêu kỵ và những người tù binh Nga rách rưới từ hai bên đường đổ ra, la ó ioạn xạ cả lên. Một tên lính Pháp mặc ca-pốt xanh; vẻ ngang tàng, đầu không đội mũ, mặt đỏ và cau có, đang dùng lưỡi lê chống chọi với quân phiêu kỵ. Khi Petya phi lại thì tên Pháp đã gục xuống. "Lại muộn rồi!" - ý nghĩ đó thoáng qua đầu Petya, và cậu nhắm nơi có tiếng súng dồn dập phi tới. Những tiếng súng vang lên từ sân tới nhà trang chủ đêm hôm qua Petya đã đến với Dolokhov. Quân Pháp ở đây nấp sau dãy hàng rào, trong khu vườn rậm rạp mọc kín những bụi cây, bắn vào đám quân cô-dắc xúm xít ở phía trước. Phi đến gần cổng, Petya trông thấy Dolokhov trong đám khói súng, mặt xanh như tàu lá, đang quát gọi quân lính.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:28:05 pm
"Đi vòng ra phía sau! Đợi bộ binh đến!" - chàng quát trong khi Petya phi ngựa tới gần.

- Đợi à? Ura! - Petya reo lên, và không chậm một phút, cậu phi đến chỗ có tiếng súng và khói phủ dày đặc. Một loạt súng nổ, những viên đạn lạ bay vèo vèo và những viên khác trúng đôm đốp vào những vật gì không rõ. Toán cô-dắc và Dolokhov đuổi theo Petya phi ngựa vào cổng. Trong đám khói chập chờn dày đặc lính Pháp đứa thì vứt súng rời các bụi cây chạy về phía quân cô-dắc, đứa thì chạy xuống dốc về phía ao, Petya ngồi trên ngựa phi dọc theo sân nhà trang chủ, hai tay không giữ cương mà lại dang rộng ra vẫy rất nhanh một cách kỳ quặc và người mỗi lúc một nghiêng hẳn về một bên. Con ngựa vấp phải một đống than hồng đang tàn lụi trong anh ban mai, liền đứng lại, và Petya rơi phịch xuống mặt đất ướt át. Những người cô-dắc thấy chân tay cậu giật giật rất nhanh, trong khi đầu cậu im lìm không nhúc nhích. Một viên đạn đã xuyên qua sọ Petya.
     
Sau khi điều đình với viên sĩ quan chỉ huy Pháp vừa từ trong toà nhà cầm thanh gươm buộc chiếc khăn trắng ra gặp chàng để xin hàng, Dolokhov xuống ngựa và đến cạnh xác Petya nằm im lìm dưới đất, hai tay dang rộng ra.

- Thế là xong, - chàng cau mày nói đoạn ra cổng đón Denixov đang cưỡi ngựa tới.

- Chết rồi à?! - Denixov kêu lên khi trông thấy từ xa cái tư thế nằm của Petya, một tư thế rõ ràng của người chết mà chàng đã quá quen thuộc.

- Thế là xong, - Dolokhov nhắc lại, như thể lấy làm thích thú khi nói mấy tiếng đó, đoạn bước nhanh về phía đám tù binh mà người cô-dắc vừa xuống ngựa đang vây quanh. - Không bắt sống đấy nhé? - chàng quát với về phía Denixov.

Denixov không đáp, chàng đến gần Petya, xuống ngựa và giơ hai tay run run quay khuôn mặt tái nhợt dính máu và bùn của Petya về phía mình.

"Tôi quen ăn ngọt. Nho khô này ngon lắm, anh lấy hết đi mà ăn…" chàng mường tượng nhớ lại, và mấy người cô-dắc ngạc nhiên ngoảnh lại nhìn khi nghe những tiếng âm thanh như tiếng chó sủa phát ra từ cổ Denixov khi chàng quay phắt đi, đến cạnh hàng rào và vịn vào đấy.

Trong số những tù binh mà Denixov và Dolokhov cứu thoát có Piotr Bezukhov.

11.
     
Kể từ khi đoàn tù binh trong đó có Piotr rời Moskva ra đi, bộ chỉ huy Pháp không hề ra lệnh gì mới về đoàn tù binh này, ngày hai mươi hai tháng mười nó không còn đi với những đoàn xe tải đã cùng xuất phát từ Moskva nữa. Một nửa đoàn xe chở lương khô cùng đi với họ mấy chặng đường đều đã bị quân cô-dắc đánh cướp, còn lại một nửa đã đi vượt lên trước, những người kỵ binh đi bộ, lúc đấu đi phía trước mặt tù binh, nay không còn lấy một người nào: tất cả đều biến đi đâu hết. Những đội pháo binh mà trên những chặng đường đầu tiên vẫn thấy thấp thoáng ở phía trước thì nay đã nhường chỗ cho những đoàn xe tải không lồ của nguyên soái Juyno có những đơn vị người Vext phali hộ tống. Phía sau đoàn tù binh là đoàn xe chở đồ đạc của kỵ binh.
     
Qua Vyazma, các quân đoàn Pháp trước kia đi thành ba đạo, nay dồn lại thành một lũ người. Những dấu hiệu mất trật tự mà Piotr đã nhận thấy ở trạm nghỉ đầu tiên sau khi dời Moskva nay đã đến mức thậm tệ.
     
Suốt hai bên lề đường, đâu đâu cũng thấy ngổn ngang những xác người chết; những người lính rách rưới thuộc nhiều đơn vị khác nhau bị tụt lại, nối đuôi nhau không ngớt, khi thì đuổi theo kịp đoàn quân đang trẩy đi khi thì lại tụt lại phía sau.
   
Trong khi hành quân, đã mấy lần có báo động hão: những lúc ấy bọn lính áp giải tù binh giơ súng lên bắn loạn xạ va cắm đầu giẫm lên nhau mà chạy, nhưng rồi sau đó lại tập hợp và mắng lẫn nhau về sự sợ hão huyền vừa qua.
     
Ba đoàn cùng đi với nhau ấy - đoàn xe chở đồ đạc của kỵ binh, đoàn tù binh và đoàn xe tải của Juyno -
vẫn còn làm thành một cái gì thống nhất riêng biệt, tuy cả ba đều tan rã rất nhanh.

Trong đoàn xe của kỵ binh, lúc đầu có đến một trăm hai mươi cỗ xe, nay chỉ còn được sáu mươi: những cỗ khác đều bị cướp mất hoặc bị bỏ lại. Trong đoàn xe của Juyno cũng có mấy chiếc bị bỏ lại hay bị cướp mất. Ba chiếc bị những toán lính tụt lại sau của quân đoàn Davu đánh cướp. Qua những câu chuyện trò của bọn lính Đức, Piotr biết rằng quân Pháp cắt cho đoàn xe tải một đội hộ tống mạnh hơn là đội quân áp giải tù binh, và một trong số các bạn đồng ngũ của họ, một người lính Đức, đã bị xử bắn theo lệnh của đích thân nguyên soái vì người ta thấy trong người hắn có một cái thìa bằng bạc của nguyên soái.
     
Nhưng trong ba đoàn này thì đoàn tù binh tan rã nhanh hơn cả.
     
Trong số ba trăm ba mươi người xuất phát từ Moskva nay chỉ còn sống sót non một trăm. Tù binh còn làm cho hắn áp tải khổ sở hơn cả những bộ yên ngựa của đoàn xe tải kỵ binh hay những đồ đạc của Juyno. Những bộ yên ngựa và những cái thìa của Juyno thì họ còn biết là những thứ dùng được, chứ lẽ gì mà những binh sĩ đói rét như họ lại phải canh giữ một lũ tù người Nga cũng đói rét như thế, cứ chết dần ở dọc đường và hễ tụt lại sau là bị bắn chết theo lệnh cấp trên, điều đó họ không những không sao hiểu được, mà lại còn ghê tởm nữa. Và những người lính đi áp giải, dường như sợ rằng trong cái tình cảnh đáng buồn mà chính họ đang trải qua, họ sẽ lại thương xót tù binh như trước đây và do đó mà làm cho tình cảnh của họ càng thêm khốn đốn, cho nên họ đối xử với tù binh càng thêm nghiêm khắc và hằn học.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 08:28:35 pm
Ở Dorogobuie, trong khi bọn lính áp giải nhốt tù binh vào một cái chuồng ngựa rồi đi cướp phá các kho lương của quân mình, có mấy người tù binh đào ngạch chốn đi, nhưng lại bị quân Pháp bắt được và đem bắn.
     
Cái quy chế được thiết lập khi xuất phát từ Moskva, định rằng sĩ quan và lính thường trong đoàn tù binh phải đi riêng ra đã bị huỷ bỏ từ lâu: tất cả những người còn đi bộ được đều đi thành một đoàn, và ngay từ chặng thứ ba Piotr đã gặp Krataiev với con chó chân khuỳnh khuỳnh lông tía đã chọn Krataive làm chủ.
     
Rời Moskva được ba ngày thì Krataiev lại lên cơn sốt như khi ở nhà thương Moskva, và Krataiev lại càng kiệt sức thì Piotr lại càng xa dần bác ta. Piotr cũng không biết tại sao nữa, nhưng từ khi Krataiev bắt đầu yếu đi, thì Piotr lại phải vật lộn với bản thân mới đủ, can đảm đến gần bác. Rồi thì đến gần Krataiev và nghe những tiếng rên khe khẽ của bác những khi nằm xuống nghỉ ở các trạm, ngửi thấy cái mùi bây giờ mỗi ngày một thêm nặng từ người Krataiev bốc lên, Piotr lại lảng đi thật xa và không nghĩ đến bác ta nữa.
     
Phải sống giam cầm, trong cái lán, Piotr đã nhận ra không phải là lý trí mà là mỗi đường gân thớ thịt của mình, rằng con người sinh ra là để hạnh phúc, rằng hạnh phúc ở ngay trong con người, trong việc thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của con người, và người ta khổ sở không phải là vì thiếu thốn mà là vì thừa thãi; nhưng bấy giờ trong khoảng ba tuần hành quân gần đây, chàng lại biết thêm một chân lý mới đầy sức an ủi nữa - chàng đã nhận ra trên đời này không có gì đáng sợ cả. Chàng đã nhận ra rằng nếu trên đời này không có một tình cảnh nào có thể làm cho ta hoàn toàn sung sướng và tự do, thì cũng không có một tình cảnh nào có thể làm cho người ta hoàn toàn bất hạnh và mất tự do được. Chàng đã nhận ra đau khổ và tự do đều có một giới hạn, và giới hạn đó là rất gần nhau, rằng một người đã từng đau khổ vì trên chiếc giường lát bằng hoa hồng của mình đã có một cánh hoa bị gấp lại, thì cũng đau khổ đúng như chàng bấy giờ khi ngả lưng trên mặt đất trơ trụi, và ẩm ướt, một bên người thì rét cóng, còn bên kia thì nóng ran lên; rằng trước kia thì chàng đi đôi giày khiêu vũ hơi chật, chàng cũng thấy đau đớn như bây giờ khi chàng đi chân không giày (giày của chàng đã bị rách nát từ lâu), đôi chân đầy những mụn loét, chàng đã nhận ra rằng trước đây lấy vợ hoàn toàn theo ý muốn của mình - như chàng vẫn tưởng, - chàng cũng chẳng tự do như bây giờ, khi người ta nhét chàng vào chuồng ngựa để nghỉ đêm. Trong tất cả những thứ mà về sau chính chàng cũng gọi là những nỗi khổ cực, nhưng lúc bấy giờ chàng không cảm thấy, thì cái chính là đôi chân không giầy đầy những chỗ sưng phồng và lở loét. Thịt ngựa thì ngon và bổ cái dư vị của chất diêm tiêu dùng thay muối lại còn đâm ra dễ chịu nữa là khác. Trời không có những cơn rét dữ dội, ban ngày khi đi đường hầu như lúc nào cũng thấy nóng, còn ban đến thì đã có bếp lửa. Những con rận nhung nhúc ở trên người chàng làm cho chàng thấy ấm. Thời kì đầu chỉ có một điều làm cho chàng khổ: ấy là đôi chân.
     
Ở trạm nghỉ thứ hai, khi nhìn thấy chỗ loét trên chân dưới ánh lửa trại Piotr đã nghĩ rằng chân như thế này không tài nào bước đi được nhưng khi ai nấy đều đứng dậy lên đường, chàng cũng khập khiêng bước theo, và về sau, khi đã nóng người lên, chàng bước như thường chẳng thấy đau đớn gì nữa, tuy đến chiều thì đôi chân nhìn lại càng khủng khiếp hơn trước. Nhưng chàng không nhìn xuống chân, và nghĩ sang chuyện khác.
     
Mãi đến bây giờ, Piotr mới hiểu hết tác dụng của sức sống con người và hiệu lực bổ ích của cái khả năng bẩm sinh con người có thể đổi hướng chú ý; nó có tác dụng như cái nắp an toàn các nồi hơi, cứ mỗi khi sức ép vượt qua mức bình thường, lại mở cho chỗ hơi thừa thoát ra ngoài.

Chàng không thấy và không nghe thấy người ta bắn chết những người tù binh tụt lại sau, mặc dầu đã hơn một trăm tù binh chết như vậy Chàng không nghĩ đến Krataiev mỗi ngày một kiệt sức và chắc hẳn chẳng bao lâu nữa sẽ phải chịu số phận ấy. Piotr lại càng nghĩ ít về bản thân nữa, tình cảnh của chàng càng khó: khăn, tương lai càng khủng khiếp, thì những ý nghĩ những kỷ niệm và những hình ảnh vui tươi và đầy sức an ủi lại càng đến với chàng nhiều hơn, bất chấp cả tình cảnh hiện tại của chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:17:25 pm
Phần XIV
Chương - 12 -13

Trưa ngày thứ hai, Piotr đi trên một con đường bùn lầy lên dốc, mắt nhìn đôi chân của mình và nhìn những chỗ lồi lõm trên mặt đường.   Thỉnh thoảng chàng lại ngước mắt nhìn đám người quen thuộc ở chung quanh, rồi lại nhìn xuống chân, cả hai thứ này đều đã trở thành một cái gì của bản thân. Con chó lông tía Xery chân khuỳnh khuỳnh vui vẻ chạy bên lể đường, thỉnh thoảng lại nhấc một cái chân sau lên và chạy ba chân lên đề khoe tài và tỏ rõ sự thoả mãn của nó rồi chạy cả bốn chân, vừa sủa vừa nhảy vào những đám quạ đậu trên những xác chết. Con Xery bây giờ vui vẻ và khoẻ mạnh hơn ở Moskva. Hai bên đường đâu đâu cũng nhiều thứ thịt, kể từ thịt người cho đến thịt ngựa, ở nhiều giai đoạn thối rữa khác nhau, mà chó sói lại không dám lại gần những đoàn người đang kéo qua, cho nên Xery tha hồ chén no nê.

Trời mưa lâm thâm từ sáng sớm, và người ta là cứ có cảm giác là mưa sắp tạnh, trời sẽ quang, nhưng chỉ tạnh được một lát thì mưa, lại đổ xuống mạnh hơn, mặt đường ướt sũng không còn hút nước được nữa, cho nên những rãnh bánh xe đi nước chảy đầy ăm ắp.
Piotr bước đi, đưa mắt nhìn hai bên đường, bấm đốt ngón tay, đếm từng ba bước một. Chàng nhẩm nói với cơn mưa: Nào, nào, mưa nữa đi!
     
Chàng có cảm tưởng là mình không nghĩ đến việc gì hết.

Nhưng ở một nơi nào xa xăm, sâu thẳm chàng đang nghĩ về một điều gì quan trọng và đầy sức an ủi. Điều đó là một kết luận hết sức tế nhị mà chàng đã rút ra từ lúc nói chuyện với Karataiev tối hôm qua.
Hôm qua ở trạm nghỉ đêm, bếp lửa chỗ Piotr ngồi tắt ngấm, chàng rét quá liền chạy sang bếp lửa bên cạnh cháy to hơn. Bên bếp lửa ấy, Platon người chùm áo khoác kín mít như chùm nấm đang ngồi kể một câu chuyện mà Piotr đã nghe kể nhiều lần, giọng rõ ràng, dễ chịu nhưng đã yếu hẳn đi vì bệnh hoạn, bấy giờ đã qua nửa đêm. Vào quãng này Platon vẫn thường lên cơn sốt nên hoạt bát hẳn lên. Khi đến gần đống lửa và nghe thấy giọng nói yếu ớt, ốm đau của Platon, trông thấy khuôn mặt tiều tuỵ của bác ta sáng bừng lên trong ánh lửa, tim nhói lên một cách khó chịu, vì lòng thương xót của con người ấy làm chàng sợ hãi và chàng toan bỏ đi, nhưng quanh đấy không có đám lửa nào khác, nên Piotr đành ngồi bên dống lửa, cố ý không nhìn Platon.

- Sao sức khoẻ bác thế nào? - chàng hỏi.

- Sức khoẻ ấy à? Ốm mà than khóc thì trời chẳng cho chết đâu.

Karataiev nói đoạn lập tức kể tiếp câu chuyện bỏ dở:

- Thế rồi, cậu ạ… - Platon kể tiếp, một nụ cười thấp thoáng trên khuôn mặt gầy gò xanh sao long lanh một ánh sáng vui vẻ, khác thường, - Cậu à, thế rồi…
     
Piotr đã biết câu chuyện này từ lâu. Karataiev đã kể năm sáu lần cho một mình chàng nghe và khi kể bao giờ cũng vui vẻ một cách lạ thường. Nhưng dù Piotr có biết rõ câu chuyện này đến đâu, chàng cũng lắng nghe như nghe câu chuyện gì mới mẻ, và cảm giác say sưa bình lặng của Karataiev trong khi kể chuyện cũng chuyển sang Piotr. Đó là chuyện một người lái buôn già, xưa nay cùng gia đình sống đạo đức, và luôn kính sợ Chúa, có lần đi chợ phiên Maxkarye có một người bạn, một người lái buôn giàu có. Ghé lại nghỉ đêm trong một quán trọ, hai người lái buôn ngủ thiếp đi, và sáng hôm sau người ta thấy người bạn bị cắt cổ chết, còn bao nhiêu tiền bạc thì bị lấy sạch. Dưới gối của người lái buôn già, họ tìm thấy một con dao vấy máu. Người lái buôn bị đưa ra toà, bị phạt roi, bị xẻo mũi - theo đúng luật lệ, - Karataiev nói, - Và bị đày khổ sai.

- Cậu ạ, thế rồi (Piotr đến vào lúc Karataiev kể đến đoạn này), mười năm qua, hay hơn nữa, ông già kia sống ở trại khổ sai. Ông ta sống phục tùng rất phải đạo, không làm việc gì xấu. Ông ta chỉ xin Chúa cho ông ta được chết. Thế rồi một đêm nọ có mấy người bạn tù khổ sai ngồi quây quần với nhau như chúng ta ngồi với nhau như thế này, có cả ông già ngồi ở đó nữa. Họ quay ra nói chuyện ai phạm tội gì mà đày đoạ, ai có tội gì trước Chúa. Thế là họ bắt đầu kể, kẻ thì giết một mạng, người, kẻ thì kể giết đến hai mạng người, có kẻ thì bỏ đi trốn, thế thôi, chả có tội tình gì. Rồi họ quay ra hỏi ông già. "Thế còn bác thì can tội gì?" "Các bạn đáng mến ạ, tôi thì bị đày vì tội lỗi của tôi và của người kia. Ông ta nói thế. Tôi chả giết người, tôi chả lấy của ai cả tôi lại sẵn lòng chia sẻ cho anh em ăn mày. Các bạn ạ tôi làm nghề buôn bán; của cải của tôi cũng khá" - ông ta nói thế, và ông ta kể cho bọn họ nghe đầu đuôi câu chuyện. "Tôi chẳng buồn cho cái thân tôi đâu. Chẳng qua là chúa chọn thế thôi. Chỉ thương cho bà lão nhà tôi và mấy đứa trẻ". Thế là ông già khóc. Tình cờ trong bọn họ có người đã giết người lái buôn kia. Anh ta bảo: "Thế thì ở đâu hả bác? Năm nào? Tháng nào?" Anh ta hỏi hết. Lòng anh ta đau xót lắm, Anh ta đến gần ông già như thế này và sụp xuống chân ông ta. "Thế là vì tôi, anh ta bảo, mà bác phải tù tội khổ sở thế này. Sự thật đúng là như thế đấy anh em ạ, người này bị đày oan uổng. Chính tôi, anh ta nói thế, chính tôi đã giết người ấy và đã dúi con dao xuống dưới gối bác khi bác đang ngủ. Bác ơi, anh ta nói thế, bác hãy vì Chúa mà tha tội cho tôi".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:18:42 pm
Karataiev ngừng kể, mỉm cười vui vẻ, mắt nhìn đống lửa, tay xếp lại mấy thanh củi.
   
- Ông già mới nói: "Chúa sẽ tha tội cho anh, còn chúng ta thì đều có tội với Chúa cả, tôi phải khổ sở thế này cũng vì tội lỗi của tôi". Đoạn ông ta khóc thảm thiết. Cậu ạ, thế rồi. - Karataiev nói, nụ cười hân hoan mỗi lúc thêm rạng rỡ, dường như điều mà bác ta sắp kể mới thật là chỗ hay nhất và có ý nghĩa nhất của câu chuyện, - Cậu nghĩ thế nào hả cậu? Thế rồi kẻ sát nhân ra thú tội với quan trên. Tôi đã giết sáu mạng người, anh ta nói thế (đó là một tay đại ác), nhưng tôi chỉ thương cho ông già này. Xin đừng kể cho ông ta phải than khóc vì tôi. Anh ta nói rõ đầu đuôi, họ mới biên giấy gửi đi các nơi theo các luật lệ. Đường thì xa, toà án này lại có toà án nọ xét duyệt biên chép cũng phải mất nhiều thì giờ. Việc đến tai Sa hoàng. Cuối cùng có chiếu của nhà vua ban xuống: cho ông già lái buôn ra, bồi thường cho ông ta đúng như đã định trong chiếu chỉ. Tờ giấy gửi đến nơi, người ta mới đi tìm ông già. Thế ông già vô tội bị đày oan kia đâu rồi?
Có giấy của sa hoàng. Họ đi tìm, - hàm dưới của Karataiev rung rung - nhưng chúa đã tha cho ông ta rồi, ông ta đã chết. Thế đấy anh bạn ạ.

Karataiev kết thúc và im lặng mỉm cười nhìn trân trân phía trước một hồi lâu.
     
Không phải bản thân câu chuyện này, mà là ý nghĩa huyền bí nào đó, cái niềm vui say sưa dọi hào quang lên gương mặt của Karataiev trong khi kể chuyện, cái ý nghĩa huyền bí của niềm vui đó mới chính là điều đáng tràn ngập lòng Piotr như một cảm giác mơ hồ và đầy vui sướng.

13.
       
- Về chỗ! - Bỗng có tiếng quát.
       
Đám tù binh và lính áp giải vui vẻ nhốn nháo lên và như đang chờ đợi một cái gì vui sướng và long trọng. Bốn bề vang lên những tiếng hô, và từ bên trái hiện ra một tốp người mặc quần áo chỉnh tề cưỡi những con ngựa tốt phóng nước kiệu vượt qua đoàn tù binh.

Trên mọi gương mặt đều lộ ra cái vẻ khẩn trương thường thấy mỗi khi thất sắp có những nhân vật cao cấp đến, tù binh dồn lại thành một tốp, họ bị dồn sang một bên lề đường! Đoàn lính áp giải sắp lại thành hàng ngũ.

- Hoàng đế! Hoàng đế! Nguyên soái! Quận công! - và ngay sau đoàn lính hộ tống no đủ, một cỗ xe kiệu thắng ngựa xám hàng dọc đi qua, bánh xe lăn ầm ầm. Piotr thoáng nhìn thấy khuôn mặt béo tốt trắng trẻo, đẹp đẽ, điềm tĩnh của một người ngồi đội mũ ba góc. Đó là một vị nguyên soái, nguyên soái đưa mặt nhìn bóng dáng to lớn rất dễ nhận thấy của Piotr, và cau mày ngoảnh mặt đi.
   
Trông vẻ mặt của vị nguyên soái ngoảnh đi, Piotr thấy hình như ông ta có ý ái ngại cho chàng và muốn che giấu cảm giác đó.
   
Viên tướng chỉ huy đoàn vận tải, mặt đỏ gay có vẻ hốt hoảng, thúc con ngựa gầy phóng theo cỗ xe kiệu. Mấy viên sĩ quan xúm lại binh lính quây quần bên họ. Ai nấy vẻ mặt đầy căng thẳng và xúc động.

- Ngài vừa nói gì thế? Ngài nói gì thế?

Khi xe nguyên soái đi qua, đoàn tù binh dồn lại thành một tốp, và Piotr trông thấy Karataiev. Sáng hôm nay, chàng chưa trông thấy bác ta lần nào. Karataiev mặc áo khoác ngồi tựa lưng vào một cây bạch dương. Trên mặt bác ta, ngoài cái vẻ cảm khích vui sướng như khi kể chuyện về ông già vô tội bị đày ải, còn sáng ngời lên vì một vẻ gì trang trọng mà trầm tĩnh.
     
Karataiev nhìn với đôi mắt tròn hiền hậu bấy giờ đang rưng rưng nước mắt, và hình như muốn gọi Piotr để nói một điều gì.

Nhưng Piotr sợ cho mình quá. Chàng giả vờ như không trông thấy Karataiev nhìn mình, và vội vã lánh đi.
     
Khi đoàn tù binh lại lên đường, Piotr ngoảnh mặt lại nhìn phía sau. Karataiev ngồi bên lề đường, dưới gốc bạch dương, hai tên lính Pháp đang đứng nói gì với nhau ở bên cạnh bác ta. Piotr không nhìn lại nữa. Chàng khập khiễng bước lên dốc.
   
Phía sau, ở chỗ Karataiev ngồi, có tiếng súng nổ. Piotr nghe rõ tiếng súng nổ này, nhưng ngay giây lát chàng nghe thấy nó, Piotr sực nhớ rằng mình chưa tính xong những chặng đường từ đấy đến Smolenxk mà chàng đã bắt đầu tính từ lúc viên nguyên soái chưa đi xe qua. Và chàng lại nhẩm tính toán. Hai tên lính Pháp, trong đó có một tên cầm súng trường còn bốc khói, chạy qua cạnh Piotr. Mặt cả hai đều tái mét, và vẻ mặt của họ - một trong hai tên rụt rè liếc nhìn Piotr - có một cái gì giống như vẻ mặt mà Piotr đã thấy ở tên lính Pháp trẻ tuổi trong buổi hành hình dạo trước. Piotr nhìn tên lính và nhớ rằng hôm kia trong khi ngồi sưởi, hắn ta đã cháy mất chiếc áo sơ mi và bị chúng bạn chế giễu.

Con chó cất tiếng gào lên ở phía sau, chỗ Karataiev ngồi lúc nãy.  "Đồ ngu, sao nó lại rống lên như thế?" - Piotr nghĩ thầm.

Các bạn tù binh đi cạnh Piotr cũng như chàng không nhìn lại chỗ có tiếng súng nổ và có tiếng chó giống lên; nhưng trên mọi gương mặt đều hiện lên một thần sắc nghiêm nghị.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:20:39 pm
Phần XIV
Chương - 14 -15

Đoàn vận tải, đoàn tù binh và đoàn xe chở đồ của nguyên soái đóng lai ở làng Samsavo. Mọi người đều chen chúc quanh đống lửa.

Piotr lại gần một đống lửa ăn miếng thịt ngựa nướng, nằm quay lưng về phía lửa và ngủ thiếp đi. Giấc ngủ của chàng bấy giờ lại giống như giấc ngủ dạo trước Mozaisk sau trận Borodino.
     
"Cuộc sống là tất cả. Cuộc sống là Thượng đế. Mọi vật đều di chuyển, và sự vận động ấy chính là Thượng đế. Và một khi còn cuộc sống thì còn lạc thú tự nhận thức được cái bản chất Thượng đế của mình. Yêu cuộc sống là yêu Thượng đế. Khó hơn cả và đáng quý hơn cả là yêu cuộc sống ấy với những nỗi đau khổ mà mình phải chịu mặc dầu vô tội".

- Karataiev! - Piotr nhớ lại.
     
Và Piotr lại thấy hiện lên hình ảnh ông thầy giáo già hiền lành hồi trước dạy địa lý cho chàng ở Thuỵ sỹ, tưởng chừng như ông hãy còn sống vậy. "Khoan", - ông già nói, đoạn cho Piotr xem một quả cầu Quả địa cầu này là một hình sinh động phập phồng không có kích thước, cả bề mặt quả địa cầu làm bằng những giọt nước dính sát vào nhau. Và những giọt nước này không ngừng chuyển động, đổi chỗ, và khi thì mấy giọt nhập lại thành một, khi thì một giọt lại tách ra thành nhiều. Mỗi giọt đều muốn phình ra, chiếm thật nhiều không gian, nhưng các giọt khác cũng muốn thế, nên ép giọt kia lại, đôi khi tiêu diệt nó, đôi khi lại hoà làm một với nó.

- Cuộc sống là như vậy đấy, - ông thầy giáo già nói.

- "Đơn giản và rõ ràng quá. - Piotr nghĩ, - Làm sao trước đây ta lại không biết nhỉ".
   
Ở trung tâm là Thượng đế, và mỗi giọt đều muốn phình rộng thêm ra để phản ánh Thượng đế cho thật nhiều. Và mỗi giọt đều lớn lên, lan ra, teo lại, và mất đi trên bề mặt, chìm xuống chiều sâu, rồi lại nổi lên.
Đấy Karataiev cũng lan rộng ra và mất đi như vậy.

- Đã hiểu chưa con? - ông thầy giáo già nói.

Đã hiểu chưa, đồ chết tiệt? - có tiếng quát, và Piotr bừng tỉnh.

Chị hàng nhổm người lên rồi ngồi dậy. Bên đống lửa có một tên lính Pháp ngồi xổm. Hắn vừa đuổi một người Nga sang bên để lấy chỗ ngồi nướng miếng thịt xóc ở đầu que thông nòng súng. Ánh than hồng soi khuôn mặt rám nắng hầm hầm, với đôi mày cau lại.

- Hắn thì cần gì? - tên lính càu nhàu, quay phắt về phía một tên khác đứng sau lưng… đồ kẻ cướp!
   
Và người lính vừa quay que thông nòng vừa nhìn Piotr gườm gườm. Piotr quay mặt đi, nhìn vào bóng tối. Một người tù binh Nga, người vừa bị tên Pháp xô ra, đang ngồi bên đống lửa và lấy tay vuốt vuốt một vật gì. Nhìn sát hơn, Piotr nhận ra con chó lông tía đang ngoắt đuôi ngồi cạnh người lính.

- À đã về đấy hử? - Piotr nói - Chà, pla… chàng không nói hết.
     
Trong tư tưởng của chàng cùng một lúc hiện lên một mớ hình ảnh hoà trộn lẫn vào nhau, hình ảnh đôi mắt của Platon nhìn chàng khi ngồi dưới gốc cây bạch dương, tiếng súng phát ra từ chỗ ấy, tiếng chó rống lên, vẻ mặt tội lỗi của hai tên lính Pháp chạy qua cạnh chàng, khẩu súng trường bốc khói, sự vắng mặt của Karataive ở trạm nghỉ này và chàng đã sẵn sàng hiểu rằng Karataiev đã bị bắn chết, nhưng ngay giây lát ấy, trong lòng chàng, chẳng biết từ đâu đến, lại hiện lên những kỷ niệm buổi tối mùa hè năm nào chàng cùng cô thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp ngồi hóng mát trên bao lơn một toà nhà ở Kiev. Và cũng không liên hệ những kỷ niệm ngày hôm nay lại với một phong cảnh mùa hè pha lẫn với một buổi tắm sông, hình ảnh quả cầu phập phồng, và chàng buông mình xuống nước, cho đến khi nước ngập quá đầu.
   
Trước khi mặt trời mọc, Piotr choàng người dậy vì những tiếng súng nổ liên hồi rất to và tiếng quát tháo. Mấy tên lính Pháp chạy ngang qua mặt Piotr.
     
Suốt hồi lâu Piotr không sao hiểu được chuyện gì vừa xảy ra.
   
Từ phía chàng nghe những tiếng reo hò mừng rỡ của các bạn tù.

- Anh em ơi! Các cậu ơi! - những người lính già vừa khóc vừa nổi người khi ôm lính cô-dắc và lính phiêu kỵ.
Lính phiêu kỵ và lính cô-dắc xúm quanh tù binh và đem nào áo, nào giày, nào bánh mì ra mời họ; Piotr ngồi giữa đám đông khóc nấc lên không thốt lên lời; Chàng ôm lấy người lính đầu tiên đến cạnh chàng và vừa ôm và vừa khóc vừa hôn lên anh ta.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:24:57 pm
Dolokhov đứng bên cổng toà nhà đổ nát nhìn tốp lính Pháp đã bị tước khí giới đi qua. Đang xúc động vì những việc vừa xảy ra, quân Pháp bàn tán với nhau rất to tiếng; nhưng khi đi qua Dolokhov đang cầm roi ngựa đập đập vào ủng và nhìn nhìn họ với đôi mắt lạnh như thuỷ tinh, một cái nhìn chẳng hứa hẹn điều gì là tốt lành gì cả, họ liền im lặng. Bên kia cổng, một người lính cô-dắc của Dolokhov đứng đếm số tù binh, cứ một trăm tên lại gạch một phần lên cổng.

- Bao nhiêu? - Dolokhov hỏi người cô-dắc đang đếm tù binh.

- Hơn một trăm rồi ạ, - người cô-dắc đáp.

- Đi đi, đi đi! - Dolokhov giục. Chàng đã học được cái giọng này ở quân lính Pháp, và khi bắt gặp mặt những tên tù binh đi ngang, khoé mắt chàng ngời lên một ánh sáng tàn nhẫn.

Denixov, mặt lầm lầm, bỏ mũ xuống đi theo mấy người cô-dắc đang khiêng xác Petya Roxtov đến cái huyệt mới đào xong ở ngoài vườn.

15.
     
Kể từ ngày hai mươi tám tháng mười, khi trời bắt đầu giá rét, cuộc bỏ chạy của quân lính Pháp chỉ thêm bi đát vì cảnh những người chết cóng hoặc chết bỏng ở các bếp lửa, và cảnh hoàng đế, các quốc vương và các quận công mặc áo choàng ấm tiếp tục ngồi xe kiệu cùng với nhiều của cải cướp được; vì thực chất thì quá trình trốn chạy và tan rã của quân đội Pháp. Kể từ khi ở Moskva, ra đi cũng không hề mảy may thay đổi.
   
Từ Moskva đến Vyazma, quân đội Pháp từ bảy vạn ba nghìn người, không kể quân cấm vệ (đạo quân này trong suốt cuộc chiến tranh chẳng làm gì ngoài việc cướp bóc) từ bảy vạn ba nghìn người ấy chỉ còn ba vạn sáu nghìn (trong số này chỉ có năm nghìn người bị chết trong các trận đánh). Đó là vế đầu của cấp số quyết định các cấp số sau khi cách tính chính xác như toán học.
   
Quân đội Pháp vẫn theo tỉ số ấy mà tan rã và bị tiêu diệt từ Moskva đến Vyazma, từ Vyazma đến Smolensk. Từ Xmoleaxk đến Betrya, Berezina, từ Berezina đến Vilna, không kể trời lạnh đến mức như thế nào, bất chấp những cuộc truy kích, những cuộc chặn đường và những điều kiện khác xét riêng từng cái. Sau Vyazma quân Pháp không đi thành ba đạo nữa mà nhập lại thành một lũ và cứ thế mà đi cho đến cùng. Bertie có viết cho vua ông ta như sau (ta đã biết rõ các nhà chỉ huy quân sự thường cho phép mình đi xa sự thật đến nhường nào khi mô tả tình hình quân đội).
     
"Tôi thấy cần phải tâu để bệ hạ rõ tình hình của quân đội bệ hạ trong các quan đoàn mà tôi đã có dịp quan sát trong hai ba ngày nay ở nhiều chặng hành quân khác nhau. Quân đội đã hoàn toàn tan rã. Trong hầu hết các trung đoàn số binh sĩ đi theo các quân kỵ giỏi lắm chỉ còn một phần tư, còn lại thì đi lẻ ra nhiều hướng vì nhiều mục đính riêng tư, hy vọng tìm lương ăn và thoát khỏi bị kỷ luật.

Nói chung, họ xem Smolensk như nơi họ nghỉ cho lại sức. Mấy ngày gần đây nhưng người ta thấy nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt đạn vứt súng đi. Trong tình trạng này thì dù ý định của bệ hạ có thế nào chăng nữa, quyền lợi quân sự của bệ hạ cũng yêu cầu tập hợp lại quân đội ở Smolensk, bắt đầu bằng việc thanh toán những phần tử không chiến đấu như những kỵ binh mất ngựa, những hành lý và những đồ đạc của pháo binh không còn cân xứng với lực lượng hiện nay nữa, ngoài những ngày nghỉ ngơi ra, lương thực cũng rất cần cho binh sĩ đã kiệt sức vì đói và mệt.
     
Mấy ngày gần đây đã có nhiều người chết dọc đường hay ở các trại lộ chiến.
     
Tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng và khiến ta phải nghĩ rằng nếu không có phương sách gì để cấp tốc để bổ cứu, tôi sợ đến khi có chiến tranh ta không còn làm chủ được quân đội nữa. Ngày mùng tám tháng mười một, cách Smolensk 30 dặm Nga".


Sau khi ùa vào Smolensk là nơi họ xem như cõi đất hứa hẹn, quân Pháp giết nhau để tranh giành lương thực, cướp phá cả các kho lương thực của họ, và khi đã cướp đi hết sạch, họ lại tiếp tục chạy trốn.
Mọi người đều đi mà chẳng biết mình đi đâu và để làm gì.
   
Napoléon với cái thiên tài của ông ta, còn biết điều đó ít hơn ai hết, vì không có ai ra mệnh lệnh cho ông ta cả. Tuy thế ông ta và những người thân cận vẫn giữ những tập quán cũ: viết mệnh lệnh, thứ tự, báo cáo, nhật lệnh; gọi nhau là "Bệ hạ, hiền huynh, công tước Ecmuun, quốc vương Napoli v.v…" Nhưng những mệnh lệnh và báo cáo đều chỉ có thể trên giấy tờ, không có việc gì được thực hiện theo những mệnh lệnh đó cả, vì không nào thực hiện được, và tuy họ gọi nhau bằng những chức tước long trọng và xưng hô như anh em cùng họ, mọi người đều cảm thấy mình là những con người thảm hại và xấu xa đã làm nhiều điều ác mà nay họ phải trả nợ. Và tuy họ giả vờ lo lắng đến quân đội, mỗi người chỉ nghĩ đến cái thân mình và nghĩ cách làm sao trốn thoát cho nhanh.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:27:46 pm
Phần XV
Phần XV - Chương - 1

Con người hoảng sợ khi nhìn thấy một con vật đang hấp hối, cái làm thành anh ta cái thực chất của anh ta - đang huỷ diệt trước mắt mình, đang thôi tồn tại. Nhưng khi con vật đang hấp hối ấy lại là một con người và là một người mình yêu dấu, thì ngoài sự kinh hãi trước cảnh huỷ diệt của sự sống, còn có thêm một cảm giác tan vỡ và một vết thương tinh thần, vết thương này cũng như một vết thương về thể xác, đôi khi làm cho người ta chết đi, đôi khi đâm da non và khỏi hẳn, nhưng bao giờ cũng đau đớn và sợ những sự động chạm từ ngoài vào khiến cho nó nhức buốt thêm.
   
Sau khi công tước Andrey mất, Natasa và công tước tiểu thư Maria đều cùng cảm thấy như vậy. Tinh thần họ cúi rạp xuống và nhắm mắt lại trước đám mây hung dữ của cái chết đang lơ lửng trên đáu họ, họ không dám nhìn thẳng vào cuộc sống. Họ thận trọng gìn giữ cho những vết thương rớm máu của họ khỏi bị những động chạm đau đớn, tủi cực. Tất cả: một cỗ xe kiệu vút nhanh qua phố, một lời nhắc nhở đến bữa tiệc chiều nay, một câu hỏi của người thị tỳ về chiếc áo dài phải soạn sửa, và tệ hơn nữa, một lời chia buồn không được thành thật và thiết tha - tất cả những cái đó đều làm cho vết thương thêm đau buốt đều có vẻ là một sự lăng mạ và phá vỡ cõi im lặng mà hai người đang cần đến để lắng nghe điệu hợp ca nghiêm trang và kinh hoàng vẫn chưa tắt hẳn trong tâm hồn họ, và đều cản trở họ đi sâu vào cõi xa xăm vô tận và huyền bí đã mở ra trước mắt họ trong một khoẳnh khắc.
   
Chỉ khi nào hai người ngồi riêng với nhau, họ mới không thấy tủi cực và đau đớn. Họ ít nói chuyện với nhau. Có nói chăng thì cũng chỉ nói về những chuyện không đâu. Cả hai người đều tránh nhắc đến cái gì có liên quan đến tương lai.
       
Đối với họ, thừa nhận rằng họ còn có thể có tương lai có vẻ như một điều lăng mạ đối với hương hồn chàng. Trong khi nói chuyện, họ lại càng cố tránh một cách thận trọng hơn nữa tất cả những gì có thể có liên quan đến người đã khuất. Họ có cảm giác là những điều họ đã trải qua và đã cảm nghĩ đến không thể nào diễn đạt bằng lời nói được. Họ có cảm tưởng là hễ dùng lời nào nhắc đến bất cứ chi tiết nào trong đời sống của chàng là đã xúc phạm đến sự cao cả và thiêng liêng của cái sự việc huyền bí đã diễn ra trước mắt họ.
     
Vì họ luôn luôn giữ gin từng lời nói, luôn luôn cố gắng tránh tất cả những gì có thể dẫn đến một lời nhắc nhở về chàng: vì họ cứ dừng lại chung quanh đường biên giới của lĩnh vực được nói đến, cho nên những điều họ cảm thấy lại càng hiện lên trong tưởng tượng của họ một cách thuần khiết và rõ ràng hơn nữa.

Nhưng không thể nào có một nỗi buồn thuần tuý và trọn vẹn cũng như không thể nào có một niềm vui thuần tuý trọn vẹn. Công tước tiểu thư Maria bây giờ đã sống trong tình cảnh của người chủ độc lập và duy nhất của số phận mình, của người che chở và dạy dỗ đứa cháu trai, cho nên cũng là người đầu tiên được cuộc sống kêu gọi ra khỏi cái thế giới sâu thẳm mà nàng đã sống trong hai tuần. Nàng nhận được những bức thư của họ hàng mà nàng phải trả lời; căn phòng dành cho Nikoluska ở ẩm thấp quá, cậu bé bắt đầu ho. Alpatyts đến Yaroxlav báo về công việc và bàn bạc khuyên răn nên dọn về Moskva ở toà nhà phố Vodvizenka hãy còn nguyên vẹn, chỉ cần tu sửa đôi chút. Cuộc sống không thể ngừng lại, và đằng nào cũng phải sống. Dù nữ công tước Maria hết sức khổ tâm khi phải ra khỏi cái thế giới tĩnh tâm cô độc mà nàng đã sống cho đến nay, dù nàng thấy ái ngại và dường như xấu hổ khi phải để Natasa ở lại một mình, song những lo âu, bận rộn của cuộc sống cũng đỏi hỏi nàng phải góp một tay vào, và nàng bất giác tuân theo sự đòi hỏi đó. Nàng soát lại sổ sách tiền nong với Alpatyts, bàn bạc với ông Dexal về đứa cháu trai và sai bảo người nhà sửa soạn cho nàng dọn lên Moskva.
     
Natasa ở lại một mình, và từ khi công tước tiểu thư Maria bắt tay vào sửa soạn ra đi, nàng tránh mặt luôn cả tiểu thư.
     
Công tước tiểu thư Maria bàn với bá tước phu nhân để cho Natasa đi với nàng lên Moskva, và cả hai vợ chồng bà đều vui mừng ưng thuận, vì họ thấy con gái họ mỗi ngày một mòn mỏi đi và cho rằng nàng được đổi gió và được các bác sĩ Moskva săn sóc, thì sẽ có lợi hơn.

- Con không đi đâu hết, - Natasa đáp khi nghe cha mẻ bàn bạc việc ấy. Chỉ xin để cho con yên, - nàng nói đoạn chạy ra khỏi phòng, khó lòng nén nổi những giọt nước mắt bực tức hằn học nhiều hơn là buồn tủi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:28:21 pm
Sau khi cảm thấy mình bị tiểu thư Maria bỏ rơi phải sống cô độc với nỗi buồn của mình, Natasa phần lớn thời gian ngồi một mình trong phòng riêng, ở góc đi-văng, hai chân thu lên trên mặt ghế, mấy ngón tay thon nhỏ bứt rứt vò xé một vật gì, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào một chỗ. Cảnh cô đơn này làm cho nàng héo hon, nó giày vò nàng đau đớn; nhưng nàng rất cần đến nó. Có ai vào phòng là nàng vụt đứng dậy, đổi tư thế và vẻ mặt, với lấy một quyển sách hay một mẫu thêu, rõ ràng là sốt ruột đợi cho người đó đi ra, đừng làm phiền nàng nữa.
     
Nàng cứ có cảm giác mình sắp sửa hiểu thấu được điều mà cái nhìn nội tâm của nàng hướng tới với một nỗi băn khoăn khủng khiếp không sao chịu nổi.
     
Vào một buổi tháng chạp, mình mặc chiếc áo len đen, mái tóc quấn qua loa thành một cái búi, gầy gò và xanh xao, Natasa ngồi xếp chân ở góc đi-văng, tay bứt rứt hết vò lại gỡ hai đầu mối chiếc thắt lưng, mắt nhìn vào góc cửa.
     
Nàng nhìn về phía chàng đã ra đi, nhìn sang bên kia cuộc sống.

Và cái phía bên kia cuộc sống mà trước đây nàng không bao giờ nghĩ đến, và trước nàng có cảm tưởng là xa xăm và hư ảo vô cùng; thì nay lại gần gũi và thân thuộc hơn, dễ hiểu hơn phía bên này của cuộc sống, nơi mà tất cả đều là trống trải và đổ vỡ hoặc đều là đau đớn và tủi nhục Nàng nhìn về phía mà nàng biết là có chàng ở đấy, nhưng nàng không thể thấy chàng với một hình dáng nào khác hơn là khi chàng hãy còn ở bên này. Nàng lại thấy hình ảnh chàng như khi chàng ở Mytisi, ở Troisk, ở Yaroxlav. Nàng trông thấy mặt chàng, nghe giọng nói của chàng và nhắc lại những lời chàng đã nói và chính nàng đã nói với chàng, và đôi khi Natasa lại nghĩ thêm cho mình và cho chàng những lời khác mà lẽ ra hồi ấy hai người có thể nói với nhau.
   
Đây chàng nằm trên ghế bành, mình mặc chiếc áo khoác nhung, đầu tựa trên cánh tay gầy go, xanh xao. Ngực chàng lõm xuống một cách dễ sợ, vai chàng nhô lên, hai môi mím chặt, hai mắt sáng long lanh, và trên vầng trán xanh xao một nếp nhăn hiện lên rồi lại lặn đi. Một bên chân khẽ rung rung nhanh. Natasa biết rằng chàng đang vật lộn với một cơn đau dữ dội. "Cơn đau của chàng như thế nào? Tại sao lại đau? Cảm giác của chàng ra sao? Chàng đau như thế nào?" - Natasa nghĩ. Chàng nhận thấy nàng đang chú ý, chàng ngước mắt lên và cất tiếng nói, không mỉm cười.

"Chỉ có một điều đáng sợ, - chàng nói - là vĩnh viễn trói buộc mình vào một con người đau khổ. Đó là một sự đoạ đầy vô tận". Và chàng nhìn nàng như muốn thử thách. Natasa chưa kịp suy nghĩ đã trả lời - xưa nay bao giờ nàng cũng vẫn thế và ngay lúc bấy giờ nữa nàng cũng vẫn thế - nàng nói: "Không thể cứ như thế mãi được, rồi sẽ khác, anh sẽ khỏi, khỏi hẳn".
     
Bây giờ nàng lại thấy chàng và sống lại tất cả những cảm xúc của nàng dạo ấy. Nàng nhớ lại cái nhìn dai dẳng buồn rầu, nghiêm nghị của chàng khi nghe thấy mấy lời này, và nàng hiểu ý nghĩa trách móc và tuyệt vọng của cái nhìn dai dẳng ấy.
   
"Ta đã thừa nhận, - bây giờ Natasa tự nhủ, - rằng nếu chàng cứ sống đau đớn như vậy mãi thì sẽ khủng khiếp vô cùng. Dạo ấy ta chỉ nghĩ rằng điều đó là sẽ rất khủng khiếp cho chàng, nhưng chàng lại hiểu khác. Chàng nghĩ rằng khủng khiếp đó cho ta. Dạo ấy chàng hãy còn muốn sống, chàng sợ chết. Thế mà ta đã nói với chàng một cách thô lỗ và ngu xuẩn như vậy. Ta không nghĩ như thế. Ta nghĩ khác hẳn. Giá nói cho đúng điều ta nghĩ, thì lẽ ra ta phải nói: "Thôi chàng hãy cứ hấp hối đi, chàng cứ hấp hối mãi mãi trước mặt ta đi, ta vẫn sẽ sung sướng hơn so với bây giờ. Bây giờ, không còn gì nữa, không có ai hết. Lúc ấy chàng có biết không? Không! Lúc ấy chàng không biết, và sẽ không bao giờ biết được. Và đến nay thì không bao giờ còn có thể chữa lại điều đó nữa rồi!". Và một lần nữa, chàng lại nói với nàng những lời ấy, nhưng bây giờ trong tưởng tượng của nàng, Natasa trả lời chàng một cách khác. Nàng ngắt lời chàng và nói: "Khủng khiếp là khủng khiếp cho anh chứ không phải cho em. Anh biết cho em rằng không có anh thì đời em chẳng còn gì nữa, và được đau khổ vì anh là hạnh phúc lớn nhất của em". Thế rồi chàng cầm lấy tay nàng và siết chặt như trong buổi tối khủng khiếp bốn ngày trước khi chàng qua đời. Và trong tưởng tưởng nàng lại nói với chàng, những lời nọi âu yếm, chan chứa tình yêu mà lẽ ra nàng có thể nói vào dạo ấy: "Em yêu anh, yêu anh, em yêu quá". - nàng nói, hai tay co quắp xiết vào nhau, hàm răng nghiến chặt trong một sự cố gắng dữ dội.
   
Và một nỗi buồn dịu ngọt tràn ngập lòng nàng, và nước mắt đã trào lên mi nàng, nhưng bỗng nàng lại tự hỏi: nàng nói với ai vậy?

Bây giờ chàng ở đâu và chàng là thế nào? Và một lần nữa mọi vật lại mờ đi trong một cảm giác bàng hoàng khô khan, cứng nhắc, và một lần nữa, đôi mày cau lại, nàng nhìn về phía mà trước kia đã có chàng. Và nàng có cảm tưởng như chỉ một tí chút nữa thôi là nàng đã hiểu được thấu được điều bí ẩn ấy. Nhưng ngay khi điều bí ẩn ấy tưởng như đã sắp mở ra ngay trước mắt nàng, thì tiếng then gõ mạnh vào cánh cửa đập vào tai nàng nhức nhối. Chị hầu phòng Dunusia vẻ mặt hoảng hốt, hình như không để tâm đến nàng, bước nhanh vào phòng, không giữ gin ý tứ gì cả.
     
- Mời tiểu thư đến phòng cụ nhà, nhanh lên, - Dunusia nói, vẻ thoảng thốt khác thường. - Có tin chẳng lành, cậu Piotr IIyts… có thư… - Dunusia nói đoạn nấc lên một tiếng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:29:40 pm
Phần XV
Chương - 2 -3

Ngoài cái càm giác bao quát thấy mình xa lạ với mọi người, trong thời gian này Natasa còn thấy mình xa hẳn những người thân trong nhà nữa. Tất cả những người thân thuộc: cha nàng mẹ nàng, Sonya đối với nàng đều gần gũi. quen thuộc, thường ngày, đến nỗi tất cả những lời lẽ, những tình cảm của họ, nàng đều có cảm tưởng như là một sự xúc phạm đối với cái thế giới nàng đang sống trong thời gian gần đây, cho nên nàng không những dửng dưng đối với họ, mà còn nhìn họ với con mắt thù địch nữa. Nàng có nghe thấy những lời Dunusia nói về Piotr IIyts, về chuyện chẳng lành, nhưng nàng không hiểu.
   
"Chuyện gì mà chẳng lành, họ thì có chuyện gì mà chẳng lành? Đối với họ tất cả đều vẫn như cũ, quen thuộc và êm thấm", - Natasa thầm tự nhủ.
   
Khi nàng bước vào phòng khách, cha nàng đang từ phòng bá tước phu nhân hấp tấp bước ra. Mặt ông mếu máo và giàn giụa nước mắt. Hẳn là ông chạy ra khỏi phòng phu nhân để có thể trút hết những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ. Trông thấy Natasa, ông dang mạnh hai tay ra rồi khóc nấc lên từng cơn đau đớn, khiến cho khuôn mặt tròn trĩnh hiền dịu của ông biến dạng hẳn đi.

- Pe… Petya… Con vào, vào đi con… mẹ con… đang gọi con. Và ông khóc nức nở như đứa trẻ, hai chân bủn rủn loạng choạng bước gấp từng bước ngắn đến một chiếc ghế tựa rồi hầu như rơi phịch xuống đấy, hai tay bưng lấy mặt.
   
Chợt như có một luồng điện truyền khắp người Natasa. Có một cất gì đánh mạnh vào tim nàng nhói buốt. Nàng thấy đau ghê gớm: nàng ngỡ như có một cái gì vỡ nát trong lòng và tưởng như mình hấp hối. Nhưng ngay sau cơn đau, nàng thấy thoát hẳn ra khỏi sự cấm đoán nặng nề không cho phép nàng sống. Trông thấy cha và nghe vẳng qua cánh cửa tiếng rú kinh khủng, man rợ của mẹ, trong khoảnh khắc nàng đã quên bản thân mình và nỗi buồn của nàng.
   
Nàng chạy đến cạnh cha, nhưng ông bủn rủn giơ tay lên và chỉ vào cửa phòng mẹ nàng. Công tước tiểu thư Maria, mặt tái mét, hàm dưới run run, từ trong cửa bước ra nắm lấy tay Natasa và nói với nàng mấy tiếng gì không rõ. Natasa không thấy nàng, không nghe nàng nói gì. Nàng bước nhanh vào cửa, dừng lại một giây như đang giằng co với bản thân rồi chạy đến cạnh mẹ.
   
Bá tước phu nhân nằm trên ghế bành, người rướn thẳng ra một cách vụng về trông rất kỳ quặc, đầu cứ đập vào tường. Sonya và mấy người đày tớ gái đang giữ tay bà.

- Natasa! Natasa! - bá tước phu nhân hét lên - Không phải thế, không phải thế… ông ấy nói dối… Natasa! - bà vừa hét vừa ẩy những người xung quanh ra - Đi hết! Không phải thế! Họ giết chết nó rồi! ha - ha - ha… không phải thế!
   
Natasa quỳ gối lên ghế bành, cúi xuống ôm lấy mẹ và với một sức mạnh không ngờ, nàng nâng đầu bà lên và đỡ cho mặt bà quay về phía nàng rồi áp sát người vào bà.

- Mẹ! Mẹ yêu của con! Con đây mẹ ạ. Mẹ ơi, mẹ yêu quý - nàng thì thầm nói liên hồi, không ngót lấy một giây. Nàng không buông mẹ, dịu dàng giằng co với mẹ, gọi bảo đưa gối lại, bảo lấy nước, cởi khuy và xé áo hộ mẹ.

- Mẹ! Mẹ của con! Mẹ yêu… mẹ, - nàng luôn mồm thì thầm, hôn lên đầu, lên tay, lên mặt bá tước phu nhân, và cảm thấy những giọt nước mắt không sao nén nổi cứ chảy giàn giụa, khiến nàng thấy buồn buồn trên mũi và trên má.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:30:17 pm
Bá tước phu nhân siết chặt tay con, nhắm mắt lại và lặng đi một lát. Bỗng bà nhổm người dậy một cách nhanh nhẹn lạ thường, bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh và, trông thấy Natasa, bà ráng hết sức ôm lấy đầu nàng ghì thật chặt. Rồi bà quay khuôn mặt nàng đang nhăn nhó vì đau đớn về phía mình và nhìn nàng hồi lâu.

- Natasa, con có yêu mẹ không? - bà nói thì thầm khe khẽ, giọng tin cậy - Natasa, con không lừa mẹ chứ? Con nói hết sự thật cho mẹ rõ nhé!
     
Natasa nhìn bà với đôi mắt đẫm lệ, và trong đôi mắt cũng như trên gương mặt nàng chỉ có một lời van xin tha thứ và yêu thương.

- Mẹ, mẹ yêu của con - nàng nhắc lại, cố tập trung tất cả sức mạnh của tình thương yêu, mong sao trút bớt một phần đau khổ của mẹ sang mình.
     
Và một lần nữa, trong cuộc vật lộn vô hiệu với thực tế, người mẹ, không chịu tin rằng mình có thể sống khi đứa con yêu quý, tràn đấy sức sống lại bị giết chết, người mẹ lại thoát khỏi thực tại để trốn vào thế giới điên rồ.
   
Natasa không nhớ ngày hôm ấy, đêm hôm ấy, ngày hôm sau và đêm hôm sau đã trôi qua như thế nào. Nàng không ngủ và không rời mẹ một bước. Tình yêu thương của Natasa, klên trì, nhẫn nại, không phải là một lời khuyên nhủ, không phải một lời an ủi, mà là một tiếng gọi trở về cuộc sống, từng giây từng nhút như ôm ấp bá tước phu nhân từ khắp mọi phía. Đến đêm thứ ba, bá tước phu nhân yên lặng được vài phút, và Natasa gối đầu lên tay ghế bành nhắm mắt lại. Bên gường của mẹ nàng có tiếng động. Natasa mở bừng mắt. Bá tước phu nhân đang ngồi trên gường nói khe khẽ.

- Con trai của mẹ đã về, mẹ mừng quá. Con mệt lắm nhỉ, con uống chén trà nhé? - Natasa đến cạnh mẹ - con bây giờ đẹp trai và cứng cáp hẳn ra - phu nhân cầm tay con gái nói tiếp.

- Mẹ ơi, mẹ nói gì thế…

- Natasa, em nó không con nữa, không còn nữa rồi! - và ôm chầm lấy con gái, lần đầu tiên bá tước phu nhân oà lên khóc.

3.
     
Công tước tiểu thư Maria hoãn chuyến đi lên Moskva, Sonya, bá tước cố gắng thay thế Natasa, nhưng không được. Họ thấy rõ ràng rằng chỉ một mình nàng có thể ngăn mẹ nàng khỏi lâm vào tuyệt vọng điên rồ. Ba tuần lễ Natasa ở liền cạnh mẹ, nằm trên một chiếc ghế bành ngủ trong phòng phu nhân, cho bà ăn uống và thủ thỉ với bà suốt ngày, bởi vì chỉ có giọng nói dịu dàng, mơn trớn của nàng mới có thể an ủi bá tước phu nhân.
     
Vết thương tinh thần của người mẹ không thể khỏi được. Cái chết của Petya đã làm tan vỡ mất một nửa cuộc đời phu nhân. Hôm được tin Petya chết, phu nhân còn là một người đàn bà năm mươi tuổi tươi tắn khoẻ mạnh, nhưng một tháng sau, khi bước ra khỏỉ phòng riêng, phu nhân chỉ còn là một con người chết dở và không còn tham dự gì vào cuộc sống nữa - một bà già. Nhưng chính vết thương đã làm cho bá tước phu nhân chết mất một nửa người, chính vết thương ấy đã gọi Natasa trở về với cuộc sống.
   
Vết thương do sự đổ vỡ của cuộc sống tinh thần gây nên - kể cũng lạ - dần dần khép lại chẳng khác gì một vết thương của thể xác. Và sau khi vết thương sâu đã đâm da non và miệng đã có vẻ liền lại, thì cũng như một vết thương trên cơ thể, chỉ có sức sống từ bên trong thôi thúc mới làm cho vết thương tinh thần khỏi hẳn được.
   
Vết thương của Natasa cũng khỏi như vậy. Nàng đã tưởng đời nàng thế là hết. Nhưng bỗng tình thương yêu đối với mẹ làm cho nàng thấy rõ rằng cái chất căn bản của đời nàng - tình thương yêu - vẫn còn sống trong nàng. Tình thương yêu đã bừng tỉnh, và sức sống cũng bừng tỉnh theo.
     
Những ngày cuối cùng của công tước Andrey đã gắn bó Natasa với tiểu thư Maria. Tai hoạ mới lại càng làm cho hai người gần nhau hơn nữa. Tiểu thư Maria hoãn việc lên Moskva và suốt ba tuần lễ nàng chăm sóc Natasa như chăm một đứa trẻ đang ốm.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 26 Tháng Giêng, 2011, 10:31:14 pm
Những tuần lễ sau cùng mà Natasa túc trực trong phòng mẹ nàng đã làm cho sức lực thể chất của nàng suy sụp.
     
Một hôm vào buổi trưa, tiểu thư Maria nhận thấy Natasa sốt run lên cầm cập liền dẫn nàng về phòng riêng và đặt nàng lên giường mình. Natasa nằm xuống, nhưng khi tiểu thư Maria buông rèm toan lui thì Natasa gọi nàng lại.

- Em không buồn ngủ, chị Maria ạ, chị ngồi với em một lát!

- Natasa mệt rồi đấy? Cô ngủ đi một chút.

- Không, không. Tại sao chị lại đưa em về đây? Mẹ em đang cần em.

Natasa nằm yên trên giường, và trong bóng tối mờ của gian phòng, nàng nhìn khuôn mặt tiểu thư Maria.
     
"Chị ấy có giống chàng không - Natasa thầm nghĩ - có cũng giống mà cũng không. Nhưng chị ấy đặc biệt, xa lạ, hoàn toàn mới mẻ, chưa biết. Và chị ấy yêu mình. Trong tâm hồn chị ấy có những gì? Chỉ toàn những điều tốt. Nhưng sao? Chị ấy nghĩ thế nào? Chị ấy nhìn mình như thế nào? Phải, chị ấy tốt quá"

- Masa - nàng vừa nói vừa rụt rè kéo bàn tay bạn vào lòng - Masa, chị đừng nghĩ rằng em xấu xa quá.
Đừng chị nhá? Masa yêu quý của em. Em yêu chị quá. Chúng mình sẽ yêu nhau thật nhiều, mãi mãi như đôi bạn tâm tình thực sự.
   
Và Natasa ôm lấy Maria, hôn lên tay, lên mặt nàng. Tiểu thư Maria, vưa ngượng nghịu vừa vui mừng trước sự bộc lộ tình cảm của Natasa.

Từ hôm ấy, giữa công tước tiểu thư Maria và Natasa hình thành cái tình bạn thiết tha và đằm thắm chỉ có thể có được giữa hai người đàn bà. Họ hôn nhau không biết chán, thủ thỉ với nhau những lời âu yếm và phần lớn thời giờ đều ở bên nhau. Người này đi đâu thì người kia đứng ngồi không yên và vội vã bỏ đi tìm. Khi ở cạnh nhau, họ thấy tâm hồn họ hoà hợp hơn là khi mỗi người ngồi riêng một mình. Giữa hai người đã hình thành một tình cảm mạnh hơn tình bạn: đó là cái cảm giác khiến họ thấy rằng chỉ ở bên cạnh nhau họ mới có thể sống được.
   
Đôi khi họ ngồi lặng thinh suốt mấy tiếng đồng hồ; đôi khi họ đã nằm vào gường rồi nhưng lại bắt đầu nói chuyện và cứ thế chuyện trò mãi cho đến sáng. Phần nhiều họ chỉ nói đến thời dĩ vãng xa xưa nhất. Tiểu thư Maria kể lại những hồi ức về thời thơ ấu của nàng, về cha mẹ nàng, về những ước mơ của nàng; và Natasa, trước kia vẫn bình thản quay lưng với cuộc sống, tận tuỵ, phục tòng, trước cái thi vị của sự hy sinh cơ đốc giáo mà nàng không hiểu, bây giờ lại cảm thấy tình thương yêu đã gắn bó nàng với tiểu thư Maria đến nỗi nàng yêu cả quá khứ của bạn và hiểu được cả cái khía cạnh của cuộc sống trước kia xa lạ đối với nàng. Nàng không nghĩ rằng mình cũng sẽ sống nhẫn nhục và hy sinh như vậy, vì nàng đã quen đi tìm những niềm vui khác, nhưng nàng đã hiểu và biết yêu ở một người khác cái đức hạnh mà trước kia nàng không hiểu. Về phần công tước tiểu thư Maria, trong khi nghe kể lại thời thơ ấu và thiếu niên của Natasa, nàng cũng thấy mở ra trước mắt một khía cạnh của cuộc sống, mà trước kia nàng không hiểu, nàng đã thấy được thế nào là tin tưởng vào cuộc sống vào những thú vui của đời người.
   
Họ vẫn như cũ, không nhắc đến "chàng" để khỏi dùng ngôn ngữ xúc phạm - họ thấy thế - Nhưng tình cảm cao cả ở trong lòng họ, và sự im lặng có dần dần làm cho họ quên chàng, tuy họ không thể nào tin như vậy.
     
Natasa gầy đi, xanh đi và thể chất nàng suy nhược đến nỗi mọi người đều tỏ ý lo lắng cho sức khoẻ của nàng, và điều đó làm cho nàng thấy dễ chịu. Nhưng đôi khi nàng bất chợl thấy mình sợ, không những sợ chết, mà còn sợ đau yếu, sợ nhan sắc phai tàn, và đôi khi nàng bất giác chăm chú nhìn cánh tay trần của mình, ngạc nhiên khi thấy nó gầy gò như vậy, sáng sáng nàng lại đến đứng trước gương ngắm khuôn mặt hốc hác và thiểu não của mình - nàng có cảm tưởng như thế. Nàng có cảm tưởngsự tình phải như vậy, nhưng đồng thời nàng cũng thấy sợ và buồn.
     
Có lần nàng lên thang gác rất nhanh và chợt thấy rằng mình thở hổn hển. Nàng bất giác nghĩ ra một việc gì cần phải làm ở dưới nhà, rồi chạy lên thang gác để thở sức và tự quan sát xem sao.
     
Có một lần khác nàng gọi Dunusia và thấy giọng mình run run.

Nàng cất tiếng gọi một lần nữa, mặc dầu đã nghe tiếng chân Dunusia bước tới, - nàng gọi với cái giọng ngực mà nàng thường dùng để hát, và lắng nghe giọng mình.
     
Nàng không biết, và giá có nghĩ đến nữa, nàng cũng sẽ không tin, nhưng dưới lớp bùn dày phủ lên tâm hồn nàng mà nàng có cảm tưởng là không sao chọc thủng được, đã nhú lên những ngọn cỏ mảnh và mềm, những ngọn cỏ đó sẽ bắt rễ sâu và những những chồi non ấy sức sống của nó sẽ bao phủ lên nỗi buồn nặng trĩu trong lòng nàng, và chẳng bao lâu nỗi buồn ấy sẽ phai mờ không còn trông thấy rõ, không còn cảm giác được nữa. Vết thương đang đâm da non từ bên trong.

Vào cuối tháng giêng công tước tiểu thư Maria lên đường đi Moskva, và bá tước một mực xin cho Natasa cùng đi với nàng để nhờ các bác sĩ khám bệnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:07:31 pm
Phần XV
Chương - 4 -5

Sau trận giao chiến với nhau ở Vyazma, trong đó Kutuzov không đủ sức kìm hãm quân đội đang muốn đánh bật, cắt đứt quân địch vân vân, trong cuộc di chuyển của quân Pháp đang chạy trốn và của quân Nga đang đuổi theo, cho đến Kraxnoye không có một trận đánh nào xảy ra nữa. Quân Pháp chạy nhanh đến nỗi quân Nga đang rượt theo, không sao đuổi kịp được họ, đến nỗi ngựa của kỵ binh và pháo binh đành dừng lại, và những tin tức về sự di chuyển của quân Pháp bao giờ cũng sai lạc.
     
Binh sĩ của quân đội Nga bị những cuộc hành quân liên tiếp mỗi ngày bốn mươi dặm này làm cho kiệt sức đến nỗi không sao tiến nhanh hơn nữa.
   
Muốn hiểu quân đội Nga mệt mỏi đến mức độ nào, chỉ cần hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện sau đây: trong suốt thời gian di chuyển từ Tarutino, mặc dầu số thương vong không quá năm nghìn người và số quân bị địch bắt sống không quá một trăm, quân đội Nga xuất phát từ Tarutino có mười vạn người nhưng khi đến Kraxnoye thì chỉ còn lại năm vạn.

Cuộc di chuyển nhanh chóng của quân Nga đuổi theo quân Pháp cũng có tác dụng làm cho quân đội Nga tan rã không kém gì cuộc tháo chạy đối với quân đội Pháp. Chỉ khác ở chỗ quân đội Nga di chuyển theo ý mình, không có nguy cơ bị tiêu diệt như quân đội Pháp và ở chỗ những bệnh binh Pháp thụt lại sau thì rơi vào tay địch, còn binh sĩ Nga tụt lại phía sau thì vẫn ở trên đất mình.
   
Nguyên nhân chính khiến quân số Napoléon giảm sút là tốc độ di chuyển nhanh, và một bằng chứng chắc chắn là quân đội Nga cũng giảm sút theo một tỷ lệ tương xứng.
     
Toàn bộ hoạt động của Kutuzov, cũng như ở Tarutino và ở Vyazma, đều chỉ nhằm làm sao - trong chừng mực ông có thể làm được đừng ngăn chặn cái cuộc di chuyển tai hại cho quân Pháp (như các tướng Nga ở Petersburg và ở trong quân đội vẫn muốn làm) mà lại tạo điều kiện thuận lợi cho nó và làm cho quân mình đỡ khổ trong lúc hành quân.
     
Nhưng ngoài việc quân đội tỏ ra mệt mỏi và phải chịu đựng những tổn thất nặng nề do tốc độ di chuyển nhanh chóng gây nên, còn có một nguyên do khác khiến cho Kutruzov ghìm bớt tốc độ di chuyển của quân đội và chủ trương chờ đợi. Mục đích của quân Nga là đuổi theo quân Pháp. Không thể biết quân Pháp sẽ đi lối nào, cho nên quân ta càng theo sát gót quân Pháp bao nhiêu thì càng phải đi nhiều đường bấy nhiêu. Chỉ có cách đi những đường ngoắt ngoéo mà chúng vạch ra. Tất cả những cách hành quân khôn khéo do các tướng đề ra đều thể hiện trong những cuộc chuyển quân, trong việc kéo dài các chặng đường, trong khi mục đích duy nhất hợp lý là làm sao rút ngắn những chặng đường ấy lại. Và trong suốt thời gian chiến dịch, từ Moskva cho đến Vilna, hoạt động của Kutuzov đều hướng tới mục đích ấy - không phải một cách ngẫu nhiên, nhất thời, mà là một cách nhất quán liên tục đến nỗi không có lần nào ông thay đổi hướng hoạt động ấy.

Nhưng về phần các tướng, nhất là những viên tướng không phải là người Nga, vẫn ước ao tìm cơ hội lập công, muốn làm sao người ta kinh ngạc, muốn bắt một ông quận công hay quốc vương nào đấy chẳng biết để làm gì, - về phần những viên tướng ấy thì trong một hoàn cảnh mà mở bất cứ trận nào đều là ngu xuẩn và vô lý, họ lại thấy rằng bây giờ chính là lúc tiến công và chiến thắng một kẻ nào đấy. Kutuzov chỉ nhún vai khi họ lần lượt tiếp lời nhau đề ra những kế hoạch hành quân với những người lính chẳng có giầy, ủng gì cho tươm tất, chẳng có áo ấm, ăn chẳng đủ no, chỉ trong một tháng đã sút mất một nửa quân số tuy không đánh trận nào, bắt những người lính ấy phải đi cho đến tận biên giới qua một khoảng cách còn lớn hơn quãng đường đã đi qua, dù cuộc tháo, chạy của quân Pháp có tiếp diễn trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất đi nữa.
     
Cái khát vọng muốn lập công trạng, muốn phô diễn cách hành quân, muốn đánh bật và cắt đứt như vậy, đặc biệt lộ rõ những khi quân Nga chạm trán với quân Pháp.
   
Ở Kraxnoye đã xảy ra một trường hợp như vậy. Lần ấy họ tưởng tìm được một trong ba đạo quân Pháp, nhưng kỳ thực đã vấp đúng vào Napoléon với mười sáu ngàn quân. Mặc dầu Kutuzov đã làm cho quân đội hết cách để tránh cuộc xung đột tai hại này và để dưỡng sức cho quân đội, ba ngày liền ở Kraxnoye những binh sĩ Nga mệt mỏi đã phải làm cái việc tiêu diệt những toán Pháp hỗn loạn.

- Tôi viết một bản kế hoạch tác chiến: Đạo quân thứ nhất tiến vân vân. Và cũng như ngày xưa, mọi việc đều diễn ra khác hẳn bản kế hoạch. Thân vương Yevgheni cử Vurtemberg đóng trên núi bắn vào những tên lính Pháp đang chạy ngang và yêu cầu viện binh nhưng không thấy đến. Quân Pháp đêm đến chạy vòng qua quân Nga phân tán ra, nấp vào rừng và mạnh ai nấy kiếm cách chạy cho xa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:08:44 pm
Miloradovich, con người vẫn thường nói rằng mình không thèm biết đến những công việc hậu cần của quân đội, con người không sao tìm ra được khi cần đến ông ta, - trang hiệp sĩ không biết sợ hãi (1) và không thể nào chê trách như ông ta vẫn tự xưng -, con người rất thích chuyện trò với người Pháp, Miloradovich gởi trương sứ sang chiêu hàng, làm mất thì giờ và làm những việc mà người ta không hề khiến. Ông ta cưỡi ngựa đến trước hàng quân, chỉ một toán quân Pháp cho kỵ binh xem và nói:

- Anh em ơi, tôi tặng anh em đạo quân này.
     
Và đoàn kỵ binh, cưỡi những con ngựa đi không vững, cố hết sức dùng cựa giầy và gươm thúc ngựa chạy nước kiệu về phía đạo quân mà người ta tặng họ nghĩa là một đám người Pháp rét cóng và ốm đói, thế là đạo quân tặng phẩm kia vứt vũ khí xuống và đầu hàng, điều mà chính họ đã mong ước từ lâu. Ở Kraxnoye họ bắt được hai vạn sáu nghìn tù binh, hàng trăm khẩu pháo, một chiếc gậy gì đấy mà họ gọi là quyền trượng của thống soái và tranh cãi xem ai là người trội hơn cả, và lấy làm hài lòng về điều đó, nhưng họ rất tiếc là đã không bắt được Napoléon, hay một vị hùng nào đó một nguyên soái nào cũng được, và lên tiếng trách móc lẫn nhau, nhất định là trách móc Kutuzov.
     
Những con người ấy, say sưa với những dục vọng của họ chỉ là những kẻ thừa hành mù quáng của cái quy luật đáng buồn nhất là quy luật của sự tất yếu; nhưng họ cứ cho mình là những bậc anh hùng và tưởng tượng rằng việc họ làm là việc vẻ vang và cao quý nhất. Họ buộc tội Kutuzov và nói rằng ngay từ đầu chiến dịch ông ta chỉ nghĩ cách thoả mãn những dục vọng của mình và không chịu ra khỏi làng Polotuanyezavody vì ở đấy ông được ăn ở thoái mái, rằng ở Kraxnoye ông đã ngăn chặn cuộc hành quân, vì khi biết tin có Napoléon ở đấy, ông ta hoàn toàn có thông đồng với Napoléon, ông ta đã bị Napoléon mua chuộc(2) v.v…
     
Không phải chỉ có những người đường thời, bị những dục vọng làm mù quáng đi, mới nói như vậy; ngay cả hậu thế, ngay cả sử học cũng công nhận Napoléon là vĩ đại(3), còn Kutuzov thì người ngoại quốc gọi là lão triều thần giảo quyệt, trác táng và nhu nhược; người Nga gọi ông là một con người chẳng có gì minh bạch, một thứ bù nhìn chỉ có ích vì mang một cái tên Nga.

=======================================================================

Chú thích:

(1)Biệt hiệu của Bayard, danh tướng Pháp (1473-1524)

(2) Bút ký của Wilson

(3) Grand 

 
5.
     
Năm 1812 và năm 1813 người ta công khai tố cáo những sai lầm của Kutuzov. Hoàng thượng bất bình về ông. Và trong pho sử viết ra gần đây theo lệnh trên có nói rằng Kutuzov là một lão nịnh thần giảo quyệt vốn sợ Napoléon đã phạm những sai lầm ở Kraxnoye và ở Berezine khiến cho quân đội Nga không được cái vinh quang toàn thắng quân Pháp(1).
     
Số phận của những con người không phải là vĩ nhân, không phải là grand homme - một thứ người mà trí tuệ của dân Nga không thừa nhận - nhưng lại là những con người hiếm có, bao giờ cũng cô độc, hiểu được ý Trời và hướng ý chí của mình theo ý Trời, - số phận của những con người ấy là như vậy. Lòng thù ghét và khinh miệt đám đông trừng phạt họ về tội đã hiểu thấu các quy luật tối cao.
     
Đối với các sử gia Nga (nói ra thật kỳ quặc và khủng khiếp!) thì Napoléon - cái ông cụ hết sức vô nghĩa của lịch sử kia, con người chưa bao giờ, dù là trong cảnh tù đày, tỏ ra có nhân cách, - lại được họ khâm phục và ngưỡng mộ; ông ta là vĩ đại. Còn Kutuzov, con người từ đầu chí cuối chiến dịch 1812, từ Moskva đến Vilna, chưa hề lần nào có một hành động hay một lời nói tự mâu thuẫn với mình, con người đã nêu lên một tấm gương hy sinh hiếm có và tỏ rõ một khả năng tiên đoán phi thường trong lịch sử, - lại bị họ coi như một kẻ mù mờ và thảm hại, và mỗi khi nói đến Kutuzov và đến năm 1812, bao giờ họ cũng dường như cố ý ngượng ngùng.
     
Song thật khó lòng tưởng tượng ra một nhân vật lịch sử nào mà hoạt động lại nhất quán và thường xuyên hướng về một mục đích như vậy. Khó lòng tưởng tượng ra một mục đích xứng đáng và phù hợp với ý chí của toàn dân hơn. Càng khó tìm ra một trường hợp khác trong lịch sử mà mục đích do nhản vật lịch sử đặt ra lại đạt được trọn vẹn như mục đích của toàn bộ hoạt động của Kutuzov năm 1812 đều hướng tới.
     
Kutuzov không bao giờ nói bốn mươi thế kỷ đứng ngắm từ trên đỉnh Kim tự tháp(2), đến những vật hy sinh mà ông ta dâng lên bàn thờ tổ quốc, đến những việc mà ông định thực hiện hay đã thực hiện; nói chung ông không nói gì về bản thân, không đóng một vai tuồng gì, bao giờ cũng là một con người hết sức giản dị và bình thường. Ông viết thư cho các con gái và cho bà Stael(3), đọc tiểu thuyết, thích giao du với đàn bà đẹp, đùa cợt với tướng sĩ và binh lính, và không bao giờ bác lại những người muốn chứng minh với ông một điều gì. Khi bá tước Raxtovsin cưỡi ngựa đến cạnh Kutuzov ở cầu Yauxki trách ông đã làm cho Moskva phải thất thủ, và bảo rằng: "Sao ông hứa sẽ không bỏ ngỏ Moskva mà không chiến đấu? Thì Kutuzov đáp: "Tôi sẽ không bỏ ngỏ rồi". Khi Arakseyev nhân danh Hoàng đế đến nói với ông rằng cần chỉ định Yermolov làm tư lệnh pháo binh, Kutuzov đáp: "Vâng, chính tôi cũng vừa nói thế" - mặc dầu trước đấy một phút ông nói khác hẳn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:09:35 pm
Vì lẽ gì Kutuzov, con người duy nhất hiểu biết được ý nghĩa lớn lao của những sự việc đang diễn ra, ở giữa đám người ngu xuẩn đang đứng quanh ông, lại phải chú ý đến chuyện bá tước Raxtovsin nhận trách nhiệm để Moskva thất thủ hay đổ lên đầu ông ta? Còn như vấn đề chỉ định ai làm tư lệnh pháo binh thì ông còn ít quan tâm hơn nữa.

Không phải chỉ có những trường hợp nói trên mà trong rất nhiều trường hợp khác nữa, con người già cả ấy đã được kinh nghiệm sống cho thấy rõ rằng những ý nghĩ và những từ ngữ dùng để biểu đạt những ý nghĩ đó không phải là yếu tố thúc đẩy con người, cho nên ông nói ra những lời lẽ hoàn toàn vô nghĩa, - nghĩ ra câu gì thì nói ra câu ấy.
     
Nhưng chính con người ấy; kẻ coi thường lời nói của mình như vậy suốt thời gian hoạt dộng vẫn chưa lần nào nói một câu gì không phù hợp với cái mục đích duy nhất mà mình đã tìm cách đạt đến trong suốt cuộc chiến tranh. Đã mấy lần trong những hoàn cảnh hết sức khác nhau, ông đã nói ý nghĩ của mình ra, rõ ràng là một cách miễn cưỡng, biết chắc rằng người ta sẽ không hiểu mình. Kể từ trận Borodino là sự kiện mở đầu cho sự bất đồng ý kiến giữa Kutuzov với những người chung quanh, chỉ có một mình ông nói rằng trận Borodino là một trận thắng, và ông đã nhắc đi nhắc lại điều đó trong khi nói chuyện, trong các bản báo cáo, trong các tờ trình, mãi cho đến khi chết. Chỉ có một mình ông nói rằng mất Moskva không phải là mất nước Nga. Đáp lại lời đề nghị giảng hoà của Lorixton ông đã nói rằng không thể có đề nghị giảng hoà được, vì ý nguyện của nhân dân là như vậy; - chỉ có một mình ông trong thời gian quân Pháp rút lui đã nói rằng tất cả những cuộc hành binh của ta đều không cần thiết, rằng mọi sự việc sẽ tự nó diễn ra còn tốt hơn là chúng ta mong ước, rằng phải có quân địch một cái cầu bằng vàng, rằng dù trận Tarutino, trận Vyazma hay trận Kraxnoye cũng đều không cần thiết, rằng khi đến biên giới phải còn đủ quân, rằng đổi một lính Nga lấy mười lính Pháp ông cũng không đổi.

Và chỉ một mình lão triều thần ấy - như người ta nói - con người đã nói đổi Aractsayep để được lòng hoàng đế, - chỉ có một mình lão triều thần ấy ở Vilna đã dám nói một câu làm cho mình thất sủng trước nhà vua; tiếp tục chiến tranh ở ngoài nước là có hại và vô ích.
     
Nhưng nếu chỉ xét những lời nói mà thôi không có gì chứng tỏ rằng hồi đó ông đã hiểu ý nghĩa của biến cố đang diễn ra. Tất cả các hành động của ông - không hề có một trường hợp ngoại lệ nào dù nhỏ nhặt đến đâu - đều nhằm vào một mục đích duy nhất gồm ba điểm:

1. Huy động hết lực lượng để đường đầu với quân Pháp.

2. Chiến thắng quân Pháp.

3. Đuổi chúng ra khỏi nước Nga, đồng thời, trong chừng mực có thể, giảm nhẹ những nỗi điêu đứng của nhân dân và quân đội.

     
Chính Kutuzov, con người chần chừ mà phương châm là kiên nhẫn và thời gian, kẻ thù của những hành động quyết liệt, chính ông ta đã mở trận Borodino sau những nghi thức chuẩn bị cực kỳ long trọng. Chính Kutuzov, con người đã nói ngay từ khi trận Austerlix chưa bắt đầu, rằng trận này sẽ thất bại, thì ở Borodino, mặc dù các tướng tá thi nhau nói rằng quân ta đã bại trận, mặc dù, trái với tất cả các trường hợp đã từng có trong lịch sử, quân đội sau khi thắng trận lại phải rút lui chỉ có một mình ông, trái với ý kiến mọi người, mãi cho đến khi chết vẫn khẳng định rằng trận Borodino là một trận thắng. Chỉ có một mình ông, trong suốt thời gian quân Pháp rút lui, một mực chủ trương không giao chiến, bây giờ làm như vậy chẳng có ích gì, không gây ra một cuộc chiến tranh mới và không vượt quá biên giới.
   
Ngày nay, miễn là đừng đem gán cho hoạt động của quần chúng những mục đích chỉ có trong đầu óc của mười người, thì có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của biến cố, bởi vì toàn bộ sự việc cùng với những hậu quả của nó đều đã sờ sờ ra trước mắt ta.
     
Nhưng làm thế nào mà con người già cả ấy, một mình chống lại ý kiến của mọi người, lại có thể tiên đoán đúng được ý nghĩa toàn dân của sự việc đến nỗi suốt thời gian hoạt động không hề có một lần nào phản lại ý nghĩa đó?
     
Cội nguồn của sức mạnh phi thường đã khiến cho ông ta hiểu thấu ý nghĩa của những hiện tượng đang diễn ra là cái tình cảm nhân dân mà ông mang trong lòng với tất cả sự thuần khiết và sức mạnh của nó.
Chỉ vì nhận thấy ông có tình cảm này mà nhân dân đã dùng những đường lối kỳ lạ để chọn một ông già đang thất sủng, trái với ý muốn của Sa hoàng, làm người đại diện cuộc chiến tranh nhân dân. Và chỉ có cái tình cảm ấy mới có thể đặt ông lên địa vị tối cao của con người để cho ông, với tư cách tổng tư lệnh, dốc hết sức lực ra không phải để giết chóc và tiêu diệt người ta, mà để cứu vớt và xót thương họ.

Cái nhân cách giản dị, khiêm tốn nên thật là hùng vĩ của ông không sao lắp vừa vào cái khuôn giả tạo của một bậc anh hùng châu Â, gọi là một kẻ lãnh đạo dân chúng, mà sử học đã bày đặt ra.
     
Đối với một người hầu buồng không thể có ai là vĩ nhân được bởi vì người hầu buồng có một quan niệm riêng về sự vĩ đại.

============================================================

Chú thích:

(1) Lịch sử năm 1812 của Bogdanovich "Đặc tính của Kutuzov và bàn về những kết quả không mỹ mãn của các trận đánh ở Kraxnoye (chú thích của tác giả)

(2) Câu nói của Napoléon ở Ai Cập (xem chú thích ở phần 12)

(3) Mne de Stael (1776 - 1817) nhà văn hoá Pháp có xu hướng tự do bị Napoléon khủng bố phải lánh ra nước ngoài từ 1802, năm 1812 bà ở Nga.

(4) Ám chỉ một câu tục ngữ Pháp: "Không ai là vĩ nhân đối với người hầu buồng của mình"


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:10:25 pm
Phần XV
Chương - 6 -7

Ngày mồng năm tháng mười một là ngày đầu tiên của cái gọi là trận Kraxnoye. Chiều hôm ấy, sau nhiều cuộc cãi vã và nhiều lầm lỗi của các tướng (họ đã đem quân đi sai hẳn kế hoạch) sau những cuộc sai phái sĩ quan phụ tá đi truyền những mệnh lệnh trái ngược với mệnh lệnh cũ, khi đã thấy rõ rằng đâu đâu quân địch cũng bỏ chạy và trận đánh không thể diễn ra được và sẽ không diễn ra, Kutuzov rời Kraxnoye đến Dobroye, nơi đại bản doanh vừa chuyển đến trong ngày hôm ấy.

Ngày hôm ấy trời quang đãng và giá lạnh, Kutuzov cưỡi con ngựa bạch béo phị cùng với một đoàn tuỳ tùng đông đúc gồm những viên tướng bất mãn với ông đang xì xào sau lưng ông, đi về phía Dobroye. Sụốt dọc đường, đâu đâu cũng thấy những toán tù binh vừa bắt được ngày hôm ấy đang sưởi quanh những đống lửa trại (ngày hôm ấy số tù binh bắt được là bảy nghìn). Cách Dobroye không xa, có một lũ tù binh rất đông, áo quần rách rưới, mình quấn và trùm bất cứ thứ gì có thể vớ được, đang đứng nói chuyện ồn ào trên đường cái cạnh một dãy dài súng đại bác Pháp đã tháo ra khỏi xe. Khi vị tổng tư lệnh đến gần, tiếng nói chuyện im bặt và mọi con mắt đều đổ dồn về phía Kutuzov đầu đội mũ trắng vành đỏ và mình mặc chiếc áo khoác bông cộm lên trên đôi vai gù, đang chậm rãi đi trên đường cái. Một trong các viên tướng báo cáo cho Kutuzov rõ những khẩu pháo và những đám quân lính này bắt được ở đâu.
   
Kutuzov hình như đang mải suy nghĩ điều gì nên không nghe những lời viên tướng nói. Ông nheo mắt có vẻ không bằng lòng và chăm chú nhìn bóng dáng lũ tù binh - một cảnh tượng thật là thảm hại. Mặt bọn lính Pháp phần lớn đều trông không ra mặt người nữa vì mũi và má đều bị chết cóng, mắt thì hầu hết đỏ gay, sưng húp và ghèn rử nhầy nhụa. Một tốp lính Pháp đứng sát mé đường, có hai người - mặt một trong hai người đầy những vết lở loét - đang lấy tay xé một miếng thịt sống. Có một cái gì thú vật và khủng khiếp trong khoé mắt của họ, khi họ liếc nhìn những người qua đường và trong cái vẻ hẳn học của những lính mặt lở loét khi hắn gườm gườm nhìn Kutuzov rồi lập tức quay đi tiếp tục nốt công việc đang làm.
   
Kutuzov chăm chú nhìn hai người lính này một hồi lâu, mặt ông càng nhăn nhó thêm. Ông nheo mắt và lắc đầu ra dáng trầm ngâm. Ở một chỗ khác, ông để ý đến một người lính Nga đang vỗ vai một người lính Pháp vừa cười nói với hắn một câu gì đó thân mật. Kutuzov lại lắc đầu với cái vẻ tư lự như ban nãy.
   
- Anh nói gì? - ông hỏi viên tướng đang tiếp tục báo cáo và xin tổng tư lệnh lưu ý đến những ngọn quân kỳ vừa mới cướp được, bây giờ xếp trước mặt hàng ngũ trung đoàn Preobrazenxki.

- À! Cờ! - Kutuzov nói, vẻ như đang chật vật bứt ra khỏi những vấn đề khiến ông bận tâm suy nghĩ. Ông lơ đãng đưa mắt nhìn quanh. Từ khắp bốn phía, hàng nghìn cặp mắt nhìn vào ông, chờ nghe ông nói.

Đến trước trung đoàn Preobrazenxki, ông dừng lại, buông một tiếng thở dài nặng trĩu và nhắm mắt. Một người nào đấy trong đoàn tuỳ tùng vẫy tay ra hiệu cho các binh sĩ đang cầm cờ đến đứng quanh vị tổng tư lệnh và trình cờ cho ngài xem. Kutuzov im lặng mấy phút, rồi vẻ miễn cưỡng rõ rệt, chẳng qua vì cương vị bắt buộc, ông ngẩng đầu lên và bắt đầu nói. Từng đám sĩ quan vây quanh ông ta. Ông đưa mắt chăm chú nhìn qua các sĩ quan một lượt, nhận mặt một vài người trong đám đông.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:11:02 pm
- Xin cảm ơn mọi người - ông nói với các binh sĩ rồi lại nói với các sĩ quan.
   
Trong bầu không khí im phăng phắc ở chung quanh, người ta nghe rõ mồn một những lời nói của ông thong thả buông ra:

- Xin cảm ơn mọi người đã phục vụ trung thành trong cảnh khó khăn. Quân ta đã toàn thắng, và nước Nga sẽ không quên các người. Vinh quang thay cho các người trong ngàn muôn thế kỷ! - ông im lặng một lát, mắt nhìn quanh.
     
Hạ thấp đầu nó xuống, hạ thấp xuống, - ông bảo một người lính đang cầm một quân hiệu phượng hoàng của Pháp và vô tình chúc nó xuống trước mặt ngọn quân kỳ của trung đoàn Preobrazenxki - Thấp nữa, thấp nữa, thế, thế. Anh em ơi, Ura? Ông hất cằm quay phắt về phía các binh sĩ hô to.
Ura - ra - ra - ra! - hàng nghìn tiếng hô vang lên như sấm.

Trong khi quân lính reo hò, Kutuzov ngồi khom lưng trên yên cúi đầu xuống và con mắt ánh lên một tia sáng dịu hiền, hầu như giễu cợt.

- Bây giờ thế này anh em ạ!
     
Ông nói khi tiếng hò reo đã ngớt. Và bỗng nhiên giọng nói và vẻ mặt ông thay đổi: đây không còn là một vị tổng tư lệnh nữa, mà là một ông già bình dị, hẳn là đang muốn nói một điều gì rất cần với các bạn đồng ngũ của mình. Đám quân sĩ và các hàng ngũ quân lính lao xao xê dịch một lát để nghe cho rõ những điều ông sắp nói.

- Anh em ạ. Tôi biết các anh em khổ lắm, nhưng biết làm thế nào được? Cố kiên nhẫn một chút: chẳng còn lâu nữa đâu. Khi nào tiễn hết các ông khách ta sẽ nghỉ ngơi cho bõ. Sa hoàng sẽ không quên công lao của anh em. Anh em khổ thật, nhưng dù sao anh em cũng đang ở trên đất nhà, chứ như bọn chúng - anh em xem nông nỗi chúng nó đến thế nào, - ông chỉ đám tù binh nói - Còn tệ hơn lũ ăn mày cùng khốn nhất. Khi chúng còn mạnh, chúng ta không thương xót gì chúng hết, còn bây giờ thì có thể thương hại chúng. Chúng cũng là người. Có phải thế không anh em? Nhưng nói cho phải, ai khiến chúng đến đất chúng ta? Đáng đời quân chó đẻ, đ. mẹ chúng nó! - ông bỗng ngẩng đầu lên nói.
   
Rồi khua roi ngựa một cái, lần đầu tiên trong suốt chiến dịch, ông cho ngựa phi nước đại rời khỏi những đội ngũ rối loạn hẳn đi của những quân lính đang vui sướng cười rộ lên và reo hò "ura".
     
Có lẽ những lời Kutuzov nói quân lính cũng chẳng hiểu gì mấy.

Chắc không ai có thể truyền đạt lại nội dung những lời lẽ lúc đầu thì long trọng mà về cuối thì xuề xoà của vị thống soái già; nhưng ý nghĩa rất sâu kín của những lời nói thì không những họ hiểu, mà ngay cả cái cảm xúc đắc thắng trang trọng kết hợp với lòng thương xót kẻ thù và ý thức về chính nghĩa của mình, biểu hiện ra bằng câu chửi chất phác của một ông già, - ngay cả cái cảm xúc đó cũng ở trong lòng mỗi người lính và được biểu lộ ra bằng một tiếng reo hò vui sướng kéo dài một hồi lâu. Sau đó, khi một viên tướng hỏi xem vị tổng tư lệnh có cần cái xe ngựa đến không, Kutuzov trong khi trả lời bỗng nấc lên một tiếng: chắc là ông đang xúc động mạnh.

7.
     
Ngày mồng tám tháng mười một, ngày cuối cùng của các chiến sự ở Kraxnoye, khi quân đọi đến nơi nghỉ đêm thì trời đã sẩm tối.
     
Suốt ngày hôm ấy trời lặng gió và giá lạnh, tuyết bông từng bông nhẹ thưa thớt; đến tối trời bắt đầu quang. Qua các bông tuyết có thể thấy bầu trời màu tím thẫm đầy sao, và khí trời mỗi lúc một thêm giá lạnh.
       
Trung đoàn xạ thủ, ra đi từ Tarutino với quân số ba nghìn nhưng nay chỉ còn chín trăm, là một trong những đơn vị đầu tiên đến chỗ trú chân, trong một cái làng trên đường cái lớn. Những người tiền trạm ra đón trung đoàn cho biết rằng bao nhiêu nhà dân đều chật ních những lính Pháp ốm hoặc đã chết, những kỵ binh hoặc những bộ tham mưu. Chỉ tìm được một ngôi nhà cho trung đoàn trưởng. Trung đoàn trưởng cưỡi ngựa về ngôi nhà dành cho mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:11:42 pm
Trung đoàn kéo qua làng và dừng lại gần những ngôi nhà cuốì cùng cạnh đường cái, xếp súng lại thành từng cụm.

Như một con vật khổng lồ rất nhiều tay, trung đoàn bắt tay vào việc lo xếp đặt chỗ ăn chỗ ở. Một số binh sĩ phân tán vào khu rừng bạch dương ở bên phải làng, lội trong tuyết dày ngập đến đầu gối, tiếng củi khô gãy răng rắc và tiếng nói cười vui vẻ, một số khác đi lại quanh chỗ xe ngựa của trung đoàn xếp thành một khóm làm trung tâm cho doanh trại; họ đi lấy nồi, lấy bánh mè kho và cho ngựa ăn cỏ, một số nữa thì tản vào trong làng dọn chỗ cho sĩ quan tham mưu, đem những thây lính Pháp trong các nhà ra ngoài, kiếm những tấm ván, những bó củi khô và rút rơm ra ở các mái nhà nhen lửa, rút hàng rào mắt cáo để làm nơi trú ẩn.
     
Chừng mười lăm người lính ở phía sau các nhà gỗ ở cuối làng vừa reo hò vui vẻ vừa lay tấm phên đan của một cái nhà kho đã rút mất mái.
     
Nào, nào, đều tay nhé, dô ta nào! - Họ reo hò, và tấm phên to tướng lấm tấm bụi tuyết lung lay làm những mảnh băng bám trên phên óng ánh lên trong đêm tối. Những cái cọc ở chân phên kêu răng rắc mỗi lúc một dồn dập và cuối cùng phên đổ sập xuống đất cùng với những người lính đang xô vào nó. Có tiếng cười rộ
lên và tiếng reo hò vui vẻ.

- Bưng lên! Hai người một! Đem cái đòn lại đây! Thế thế. Này chui đi đâu thế hả?

- Đều tay nào, đều tay nhé. Khoan đã các cậu? Nghe hiệu lệnh đây!
     
Ai nấy đều im lặng, và giọng một người êm như nhung cất lên, hát khe khẽ một bài. Vào cuối đoạn thứ ba, đúng vào lúc âm thanh cuối cùng vừa tắt, hai mươi người cùng hò lên một lúc: "Dô ta! Được rồi! Đều tay nhé! Lên nào!", nhưng mặc dầu họ đã đã ra sức kéo đều tay, tấm vách cũng chẳng nhúc nhích được bao nhiêu, và trong phút im lặng tiếp theo có thể nghe rõ tiếng thở nặng nhọc.

- Ê đại đội sáu? Cái lũ ma quỷ kia! Lại đỡ một tay nào, rồi chúng tớ đền công cho.
     
Chừng hai mươi người thuộc đại đội sáu đang đi vào làng đều nhập bọn với những người đang kéo, và tấm phên, dài đến năm xa-gien và rộng khoảng một xa-gien, đè suốt cả vai những người lính đang thở hổn hển, bắt đầu tiến lên con đường làng.

- Đi đi chứ. Đẩy mạnh đi nào. Sao lại đứng ỳ ra thế? Thế thế.
     
Những tiếng chửi rủa tục tằn và vui vẻ vang lên không ngớt

- Bọn bay làm cái gì thế? - bỗng nghe tiếng quát hách dịch của một viên hạ sĩ quan đang chạy về phía những người khiêng ván.

- Các ngài chỉ huy đang ở đây: có cả quan tướng ở trong nhà ấy thế mà chúng bay, đồ quỷ sứ… đồ chết tiệt, ông cho chúng bay. - viên hạ sĩ quan quát và dang tay đấm vào lưng người lính gần nhất - khe khẽ một tí không được à?
     
Tốp lính im bặt. Người lính vừa bị đánh đứng thẳng dậy, vừa rên hừ hừ vừa quệt máu trên khuôn mặt bị sớt vì va phải tấm phên.

- Lão đánh khoẻ thật, đồ quỷ! Làm mình chảy cả máu mặt, - anh ta rụt rè nói khe khẽ khi viên hạ sĩ quan đã bỏ đi.

- Cậu không thích à? - một giọng cườt cợt hỏi và tốp lính có nói nhỏ bớt, tiếp tục kéo tấm phên đi. Ra khỏi làng, họ lại nói bô bô như cũ, luôn mồm văng ra những câu chửi vu vơ y như lúc nãy.
     
Trong ngôi nhà gần chỗ toán lính kéo phên qua, các vị chỉ huy cao cấp đang tụ tập và sau bữa dùng trà họ nói chuỵện rôm rả về những việc xảy ra trong ngày vừa qua và về những cuộc hành quân dự định: Người ta đang bàn là sẽ tiến hành một cuộc chuyển quân đường chéo sang phía trái, cắt đứt đạo quân của phó vương và bắt sống ông la.

Khi toán lính kéo tấm phên về đến nơi xunh quanh đã tập trung nhiều bếp lửa. Củi nổ tí tách, tuyết tan quanh bếp và những bông binh sĩ đen ngòm đi lại đó khắp khoảng tuyết dải phẳng đánh dấu nơi đóng trại.
Khắp bốn phía, rìu và dao ráo riết hoạt động. Mọi việc đều tự phát tiến hành không cần mệnh lệnh gì cả. Họ đi kiếm củi để dành đốt suốt đêm, dựng lều cho các vị chỉ huy, đun nấu, sắp xếp súng ống đạn dược.
Tấm phên lớn do đại đội tám kéo về được dựng thành mộ hình bán nguỵệt ở phía Bắc, họ đóng cọc chêm cho vững, và ở phía trước, họ nhóm lên một bếp lửa. Trống điểm hiệu lệnh thu quân, các đơn vị kiểm điểm quân số, họ ăn bữa tối và quây quần chung quanh các bếp lửa để ngủ đêm - người chữa giày, người hút thuốc, người đánh trần ra bắt rận.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:12:20 pm
Phần XV
Chương - 8 -9

     Có thể tưởng tượng một hoàn cảnh sống gian khổ hầu như không thể tưởng tượng được của quân lính Nga lúc bấy giờ - không có ủng ấm, áo ấm, dầu dãi ở giữa trời, chân lê trên tuyết trong khi trời rét ở dưới không độ, thậm chí lương thực cũng không đủ ăn và không phải bao giờ cũng theo kịp đoàn - có thể tưởng binh sĩ phải bày ra một cảnh tượng hết sức buồn bã và ảm đạm.

     Nhưng thật ra chưa bao giờ, dù trong hoàn cảnh vật chất khả quan nhất cũng vậy, chưa bao giờ cảnh sinh hoạt của quân đội lại vui vẻ náo nhiệt đến thế. Sở dĩ như vậy là vì cứ mỗi ngày tất cả những ai bắt đầu ngã lòng hay suy yếu đều bị loại ra khỏi quân đội.

     Những ai yếu đuối về thể lực và tinh thần đều đã bị bỏ lại phía sau từ lâu và bây giờ chỉ còn lại cái tinh hoa của quân đội về sức mạnh vật chất cũng như tinh thần.

      Ở đại đội tám là nơi có mấy tấm phên, quân lính tụ tập đông đúc hơn cả. Hai viên sĩ quan cũng đến ngồi với họ, và bếp lửa của họ cháy sáng hơn các bếp khác. Họ ra điều kiện là ai có mang củi đến mới được ngồi vào khoảng đất có tấm phên chắn gió bấc.

- Ê Makeyev, mày làm sao rồi… đi đâu mất mặt thế hả? Hay chó sói nó xơi mất rồi? Mang củi về nhé - một người lính mặt đỏ, tóc hoe quát, mắt nheo nheo và chớp lia lịa vì cay khói, nhưng vẫn không nhích xa đống lửa - Hay thôi mày đi đi, thằng quạ khoang, nhớ mang về ít củi, - anh ta nói với một người khác. Anh lính tóc hung này chẳng phải là ông cai ông đội là gì, nhưng lại là người lính khoẻ mạnh, và vì thế anh ta lên giọng sai bảo những người yếu hơn. Người lính gầy nhỏ có cái mũi nhọn mà người ta vừa gọi là thằng quạ khoang, ngoan ngoãn tuân theo đứng dậy toan đi; nhưng vừa lúc ấy đã thấy bóng dáng thanh tú của một người lính trẻ tuổi bước vào vùng sáng của đống lửa, tay ôm một bó củi.

    - Mang lại đây! Tốt lắm!

      Họ chẻ củi, chất thành đống, ghé mồm thổi và lấy áo khoác quạt cho to lửa lên. Ngọn lửa reo vù vù, củi nổ tí tách. Các binh sĩ nhích lại gần châm thuốc hút. Người lính trẻ tuổi, đẹp trai vừa mang củi về chùi hai tay vào vạt áo và bắt đầu nhanh nhẹn và khéo léo giẫm đôi chân rét tại chỗ cho ấm.

- Ôi mẹ ơi, sương lạnh, sương lạnh buông xuống người ta thù… - anh ta hát khe khẽ, cứ mỗi chữ lại như nấc lên một tiếng.

- Ê đế giày cậu sắp đi đứt rồi kìa! - người lính tóc hoe kêu lên khi thấy đế giày anh kia lủng lẳng dưới chân - nhảy nhót mãi!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:12:47 pm
- Đúng đấy cậu ạ, - anh ta nói, đoạn ngồi xuống rút trong bạc-đà ra một mảnh dạ xanh của Pháp và bắt đầu quấn quanh chân - Hơ cho nó chín, - anh ta vừa nói thêm vừa giơ chân về phía lửa. Ít nữa họ sắp phát giày mới đấy. Nghe nói khi nào xong xuôi họ sẽ phát quân trang quân dụng mỗi người hai suất.

- Này, cái thằng Petrov chó chết ấy nó ở lại dọc đường rồi - một viên hạ sĩ quan nói.

- Tớ để ý hắn từ lâu rồi - một người khác trả lời.

- Ờ lính tráng gì cái thứ ấy…

- Còn ở đại đội ba nghe nói hôm qua khi điểm số thiếu, mất chín người.

- Thì cậu thử nghĩ xem, chân cóng thế này còn đi xa làm sao được?

- Này đừng có nói nhảm! - viên hạ sĩ quan nói.

- Hay mày cũng muốn học đòi hắn? - một người lính già nói với người vừa kêu lên chân cóng, giọng trách móc.

- Thế thì bác bảo sao? - người lính có cái mũi nhọn biết hiệu là quạ khoang, vụt đứng dậy ở phía bên kia đống lửa, nói the thé - Thằng béo thì hoá gầy, mà thằng gầy thì đi đứt. Như tôi đây chẳng hạn. Tôi chẳng còn chút sức lực nào nữa, - anh ta bỗng quay sang viên hạ sĩ quan, nói giọng cương quyết, - ông cho tôi đi bệnh xá thôi, tôi ê ẩm cả người ra rồi, nếu không trước sau tôi cũng tụt lại dọc đường.

- Thôi được rồi, được rồi - viên hạ sĩ quan điềm tĩnh nói.

Người lính nhỏ bé lặng thinh, và chuyện trò lại tiếp tục.

Hôm nay bắt được nhiều líPh Pháp quá; quả thật chẳng đứa nào còn lấy một đôi ủng cho ra hồn, chỉ gọi nó là có vẻ thế chứ ủng iếc gì một người lính nói để mở đầu một câu chuyện khác.

- Bọn cô-dắc lột hết ủng của chúng đấy. Khi dọn nhà cho đại tá nghỉ, họ vứt chúng ra ngoài. Trông đến thảm, các cậu ạ, - người lính giẫm chân lúc nãy nói - Khi xem lại thấy có một thằng còn sống, cậu có tin không, hắn cứ nói lúng búng cái gì ấy.

- Mà chúng nó sạch thật đấy các cậu ạ, - người thứ nhất nói - Trắng lốp như bạch dương ấy, có nhiều tay trông bảnh lắm, cậu ạ, chắc là con nhà quý phái.

- Thế cậu tưởng sao? Bên ấy thuộc tầng lớp nào cũng phải đi lính.

- Mà chúng nó chẳng biết lấy một tiếng Nga nào - người lính giẫm chân nói, miệng mỉm cười ra vẻ băn khoăn, - Mình bảo hắn: "Mày theo vua nào?", thế là hắn nói xí xéo một thôi. Người ngợm kỳ thật?

Cái này mới lạ chứ, các cậu, - người vừa lấy làm lạ về nước da trắng trẻo của quân Pháp nói, - Nông dân họ kể lại rằng ở Mozaisk khi thu dọn chiến trường, xác của chúng nằm ở đấy đến một tháng trời rồi, họ bảo thế. Chúng nằm đấy, trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, sạch bong, chả có tí mùi gì.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:13:31 pm
- Chắc vì trời lạnh quá chứ gì? - một người hỏi.

- Chà cậu thông minh nhỉ! Lạnh gì! Hồi ấy bức bỏ mẹ đi ấy chứ. Nếu lạnh thì xác của quân ta cũng chả thối. Đây họ bảo là hễ đến gần một xác lính ta, là thấy nhung nhúc những dòi. Thế là phải lấy khăn bịt mũi, họ bảo thế, rồi quay mặt đi mà kéo, không sao chịu được. Cái xác của chúng thì trắng phau như tờ giấy, họ bảo thế, chả có tí mùi gì.

Mọi người im lặng một lát.

- Chắc vì thức ăn đấy, - viên hạ sĩ quan nói, - Bọn chúng ăn sang như ông lớn ấy.

Không ai cãi lại anh mu-gich ấy, cái anh ở Mozaisk nơi có đánh trận ấy mà, có nói là sau trận đánh nhau, họ đã huy động mười hai làng ra dọn trong hai mươi ngày mà vẫn chưa hết xác. Nghe nói chó sói…

- Ừ trận ấy ghê lắm, - người lính già nói, - Chỉ có trận ấy mới đáng nhớ, còn về sau thì… chỉ khổ là khổ thôi.

- Đúng đấy bác ạ. Hôm kia chúng tôi vừa gặp chúng, nhưng chúng có để cho mình lại gần đâu: Chưa chi đã vứt cả súng. Quỳ cả xuống. Pardon(1), chúng nó nói thế. Lính tráng thế đấy, chỉ làm vì thôi mà. Nghe nói ông Platov đã hai lần bắt được thằng cha Polion(2) ấy nhưng ông ta không biết cách. Ông ta bắt một cái, thế mà hắn biến thành con chim bay mất tăm. Mà cũng chả có cách gì biết được hắn.

- Chà xem ra cậu nói láo cừ thật đấy, Kixeliev ạ.

- Nói láo là thế nào? Thật mười mươi đấy.

- Phải tay tớ thì bắt được một cái là tớ chôn ngay xuống đất xong cắm một cái cọc gỗ phong vào. Hắn đã làm cho bao nhiêu người chết.

- Đằng nào rồi hắn cũng hết đời thôi, - người lính già vừa ngáp vừa nói.

Câu chuyện bị bỏ lửng, các binh sĩ bắt đầu dọn chỗ ngủ.

- Cậu nhìn sao kìa, sáng lạ lùng! Các bà nhà ta căng vải lên trời đây - Một người lính vừa ngắm dải Ngân hà vừa nói.

- Điềm được mùa đấy các cậu ạ. - Phải kiếm ít củi nữa mới đủ.

- Lưng thì ấm mà bụng thì lạnh buốt. Lạ thật?

- Ô lạy Chúa!

- Sao lại cứ ẩy người ta thế, lửa đốt riêng cho mình cậu sưởi hẳn? Xem này… nằm ềnh ra….

Trong khoảng im lặng kế theo nghe có tiếng mấy người ngáy khò khò: những người chưa ngủ trăn trở nằm lại cho ấm, thỉnh thoảng to nhỏ mấy câu. Từ một bếp lửa xa xa cách đấy chừng trăm bước vẳng lại tiếng cười vui vẻ.

- Cậu có nghe thấy không, dân đại đội năm đang cười, - một người lính nói, - Bên ấy sao đông thế nhỉ?

Một người lính đứng dậy đi sang đại đội năm rồi trở về nói:

- Bọn họ nói vui ra phết. Có hai thằng Pháp mới đến bên ấy. Một thằng cóng gần chết, còn thằng kia thì lém lắm? Hắn đang hát.

- Thế à? Thử sang xem xem, - Mấy người lính đi về phía đội năm.

=======================================================

Chú thích:

(1) Xin lỗi

(2) Ý muốn nói Napoléon.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:14:29 pm
9.
       
Đại đội năm hạ trại ngay ở ven rừng. Một đống lửa to tướng cháy nhg rực giữa tuyết, hắt ánh sáng lên các cành cây nặng trĩu sương giá.

Vào khoảng nửa đêm, binh sĩ đại đội năm nghe trong rừng có tiếng chân bước và tiếng cành khô gẫy răng rắc.

- Gấu, các cậu ạ - một người lính nói.

Mọi người đều ngẩng đầu lên nghe ngóng, và tại khu rừng thấy có hai bóng người ăn mặc kỳ dị, dìu nhau bước vào một vùng ánh sáng rực rỡ của bếp lửa trại.

Đó là hai tên lính Pháp trốn trong rừng. Họ vừa đến gần bếp lửa vừa cất cái giọng khàn khàn nói với nhau bằng một thứ tiếng mà đám binh sĩ không hiểu. Một người đội mũ sĩ quan, cao hơn người kia một chút, và có vẻ đã hoàn toàn kiệt sức. Bên cạnh bếp lửa, hắn muốn ngồi xuống nhưng lại ngã lăn ra đất. Người kia là một người lính thấp lùn đầu trùm khăn vuông, trông khoẻ mạnh hơn người kia.

Hắn đỡ bạn dậy, rồi chỉ vào mặt nói một câu gì chẳng ai hiểu. Binh sĩ xúm quanh hai người Pháp, trải một chiếc áo khoác ra cho người ốm nằm và đem cháo, vodka ra cho họ.

Viên sĩ quan Pháp yếu là Rambai, người lính trùm khăn là Morel, cần vụ của hắn.

Khi đã uống hết chỗ vodka và ăn hết một bát cháo, Morel bỗng vui lên một cách bệnh tật và bắt đầu nói luôn mồm, binh sĩ chẳng ai hiểu gì sất. Rambal không ăn được, lặng thinh chống khuỷu tay nằm cạnh đống lửa, hai mắt đỏ ngầu đờ đẫn nhìn các binh sĩ Nga, chốc chốc lại rên một tiếng kéo dài rồi im lặng. Morel chỉ vào vai hắn, ra hiệu rằng hắn là sĩ quan, và cần phải cho hắn sưởi. Một sĩ quan Nga vừa đến cạnh đống lửa cho người đi hỏi đại ta xem ông ta có thể cho viên sĩ quan Pháp vào nhà sưởi được không, một lát sau người được phái đi trở về và nói rằng đại tá bảo cho dẫn viên sĩ quan vào. Họ bảo Rambal đi. Hắn đứng dậy và đã toan cất bước đi thì loạng choạng suýt ngã, may có một người lính đứng cạnh đỡ hắn.

- Sao? Chừa thôi chứ? - một người lính nháy mắt ngạo nghễ nói với Rambal.

- Ê đồ ngu! Nói nhảm gì thế! Đồ nhà quê, thật là đồ nhà quê! - bốn phía có tiếng nhao nhao trách mắng người lính vừa nói đùa.

Họ quây lấy Rambal, hai người bắt chéo tay nhau nhắc Rambal lên và khiêng hắn vào nhà. Rambal ôm choàng lấy cổ hai người lính và khi họ khiêng hắn đi, hắn cất giọng thảm thiết nói.

- Ôi các bạn ơi, các bạn của tôi tốt quá, các bạn tốt quá! Như thế mới thật là người! Ôi, các bạn của tôi tốt quá, tốt quá!

Rồi như con nít, Rambal tựa đầu vào vai một trong hai người lính đang khiêng hắn.

Trong khi đó Morel ngồi vào chỗ rồi hát, các binh sĩ quây quần xung quanh.

Morel là một người lính Pháp thấp lùn, đôi mắt sưng húp, nước mắt giàn giụa, một chiếc khăn vuông trùm đầu, mình mặc một chiếc áo khoác đàn bà. Hình như đã say khướt, hắn dang cánh tay ôm quàng lấy người lính ngồi cạnh, cất cái giọng khàn khàn và đứt quãng hát một bài hát Pháp, binh sĩ nhìn hắn, bấm bụng nhịn cười.

- Này, này, dạy tớ bài hát với nhé, thế nào nào? Tớ sẽ chộp được ngay cho mà xem. Thế nào nào? - người lính Morel ôm quàng nói - anh ta vốn là một tay rất hay hát và hay đùa.

Vive Henri quatre

Vive ce roi vainallt!(1)


Morel vừa nháy mắt vừa hát.

Ce diable à quatre


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:15:12 pm
- Vivarka! Vifxeruvaru! Xicdyablika. - người lính vừa huơ cánh tay vừa lặp lại. Quả nhiên anh ta đã thuộc được điệu hát.

- Chà tài thật! Hô - hô - hô - hô! -  một tiếng cười vui vẻ, thô lỗ vang lên bốn phía. Morel cũng cười, nhăn cả mặt lại.

Nào, hát nữa đi, nữa đi!

Qui est le triple talent

De boire de battre

Et d être un vert galant.


Nghe cũng hay ra phết. Nào, nào, Zaletaiev!

- Kiu. - Zaletiev khó nhọc lặp lại. Ki - uy - uy -, anh ta cố gắng chúm môi phát âm kéo dài ra. - Letnptala đê bu đê baê đêtravagala, anh ta hát.

- Chà hay quá! Đúng làm một thằng Pháp! Ô hô - hô - hô - hô - hô! nào, có muốn ăn nữa không?

- Cho hắn ít cháo nữa, đói meo như thế thì phải ăn nữa vào mới no.

Họ lại múc cháo cho Morel, và hắn vừa cười vừa tấn công vào chiếc cà-mèn cháo thứ ba. Trên gương mặt những người lính trẻ đang nhìn Morel đều nở một nụ cười vui sướng. Những người lính già, cho rằng bận tâm đến những trò vớ vẩn như vậy là không đứng đắn nên cứ nằm yên ở bên kia đống lửa, nhưng thỉnh thoảng lại chống khuỷu tay nhổm lên, mỉm cười nhìn Morel.

- Chúng cũng là người như ta cả, - một người lính già vừa nói vừa cuộn mình trong chiếc áo khoác - Cây cỏ đắng cũng biết đâm rễ chứ.

- Ô hô! Lạy chúa, lạy Chúa! Sao đâu mà lắm thế! Sắp già đến nơi rồi… - Và mọi vật chìm trong sự im lặng.

Các vì sao, dường như cũng biết rằng bây giờ chẳng có ai nhìn mình, thi nhau lấp lánh trên nền trời đen xẫm. Khi sáng bờng lên, khi tắt ngấm, khi lung linh run rẩy, chúng nô nức thì thầm với nhau một chuyện gì vui vẻ nhưng huyền bí.

==========================================================

Chú thích:

(1) Vua Henri IV muôn năm, nhà vua dũng cảm ấy muôn năm! Thật là một tay cừ khôi, có ba tài năng, là uống rượu, đánh nhau và lịch thiệp với phụ nữ (dân ca Pháp)



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:15:56 pm
Phần XV
Chương - 10 -11

Quân đội Pháp cứ tuần tự tan rã theo một cấp số toán học đều đặn, và cuộc hành quân qua sông Berezina mà người ta bàn rất nhiều trong các sách vở, chẳng qua chỉ là một trong những cái mốc chuyển tiếp trong quá trình tiêu diệt của quân đội Pháp, chứ tuyệt nhiên không phải là một giai đoạn quyết định của chiến dịch. Sở dĩ trước kia cũng như hiện nay người ta viết nhiều về trận Berezina như vậy, nếu xét về phía người Pháp, chẳng qua là vì trên cầu Berezina sụp đổ, những tai ương mà quân Pháp đã lần lượt chịu đựng bấy lâu nay bỗng dồn vào một lúc làm thành một cảnh tượng thảm khốc khắc sâu vào trí nhớ người ta. Còn về phía người Nga, thì sở dĩ người ta nói và viết về Berezina nhiều như vậy cũng chỉ vì cách xa nơi diễn ra chiến sự, ở Petersburg, người ta đã vạch ra một kế hoạch (chính phủ là người đề xướng) bắt sống Napoléon trong một cuộc phục kích chiến lược trên sông Berezina. Ai nấy đều tin chắc rằng mọi việc trong thực tế sẽ xảy ra đúng như trong kế hoạch, cho nên họ đều một mực nói rằng chính cuộc chuyển quân qua sông Berezina đã đưa quân Pháp đến diệt vong. Nhưng thật ra những hậu quả của cuộc vượt sông này, về số đại bác và quân lính bị bãt còn ít tai hại hơn trận Kraxnoye, như những con số thống kê đã cho thấy.
     
Ý nghĩa duy nhất của cuộc vượt sông Berezina là ở chỗ cuộc hành quân ấy chứng tỏ một cách hiển nhiên và không còn nghi ngờ gì được nữa rằng tất cả những kế hoạch nhằm cắt đứt quân địch đều sai lầm và cách hành động do Kutuzov yêu cầu - chỉ theo sau quân địch - là cách hành quân duy nhất có thể thực hiện được vì duy nhất đúng. Đám quân Pháp bỏ chạy với tốc độ tăng lên không ngừng, bao nhiêu tinh lực của chúng đều hướng vào việc đạt đến mục tiêu.
   
Quân Pháp chạy như một con thú bị thương, và nó không thể dừng lại ở giữa đường được. Chứng tỏ điều đó rõ ràng hơn cả không phải là việc tổ chức qua sông mà là cách di chuyển trên các cầu. Khi mấy cái cầu sập, những người lính mất vũ khí, những người dân Moskva, những người đàn bà có con mọn ngồi trên các xe tải của Pháp, tất cả, do ảnh hưởng của quán tính, đều không chịu hàng mà lại ùa xuống thuyền, xuống nước.
     
Xu hướng ấy là hợp lý. Tình cảnh của kẻ chạy trốn cũng như người đuổi theo đều gian khổ như nhau. Ở lại với quân mình, mỗi người trong cơn hoạn nạn đều hy vọng vào sự giúp đỡ của đồng đội, vào cái vị trí nhất định của mình trong quân ngũ. Còn nếu đầu hàng quân Nga, thì tình cảnh vẫn bi đát như thế, nhưng mình thì lại bị đưa xuống ngạch thấp nhất về mặt thoả mãn những nhu cầu sinh hoạt. Binh sĩ Pháp cần phải có những tài liệu đích xác mới biết rằng trong số tù binh mà quân Nga chẳng biết xử trí ra sao thì một nửa đã chết đói và chết rét mặc dầu quân Nga rất muốn cứu vớt họ; lính Pháp, cảm thấy không thể nào khác được. Những viên chỉ huy Nga có lòng thương người nhất hoặc ưa thích người Pháp nhất, và ngay cả những người Pháp tòng sự Nga hoàng nữa, cũng đều không thể làm gì để giúp đỡ tù binh cả. Chính cái tình cảm bi đát của quân đội Nga đã hãm hại tù binh Pháp. Không thể nào tước bớt bánh mì và áo choàng của những binh sĩ đói khổ mà người ta đang cần để cấp cho những tù binh Pháp bấy giờ không còn nguy hiểm gì nữa, cũng không ai thù ghét, cũng chẳng có tội gì, nhưng vẫn là những con người vô dụng. Cũng có đôi người làm như vậy; nhưng đó chỉ là ngoại lệ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:16:22 pm
Sau lưng là cái chết chắc chắn; phía trước là hy vọng. Chiến thuyền đã bị tiêu huỷ(1), không còn có lối thoát nào ngoài cách cùng nhau chạy trốn, và tất cả tàn lực quân Pháp đều tập trung vào việc cùng nhau chạy trốn.
     
Quân Pháp càng chạy thì tàn quân của họ càng thảm hại, nhất là sau Berezina là trận mà kế hoạch Petersburg đã khiến cho người ta đặc biệt hy vọng, và các tướng tá Nga lại càng hằn học đổ lỗi cho nhau, nhất là đổ lỗi cho Kutuzov. Họ cho rằng người ta sẽ bắt Kutuzov chịu trách nhiệm về sự thất bại ở Berezina cho nên sự bất mãn, khinh miệt và thái độ nhạo báng đối với ông càng ngày càng lộ rõ. Thái độ nhạo báng và khinh miệt ấy dĩ nhiên là biểu lộ ra dưới một hình thức kính cẩn, một hình thức khiến cho Kutuzov cũng không thể hỏi xem họ buộc cho ông tội gì và nhân việc gì mà buộc tội. Người ta nói với Kutuzov một cách không nghiêm túc; khi báo cáo hoặc xin phép ông một việc gì, họ làm ra vẻ như đang thi hành một nghi thức rầu rĩ, còn sau lưng ông thì họ nháy nhau và lúc nào cũng cố tìm cách lừa ông.
     
Tất cả những con người ấy, chính họ vì không hiểu ông, đều công nhận với nhau rằng chẳng việc gì phải bàn bạc với cái lão già ấy rằng không bao giờ ông ta hiểu biết được cái sâu sắc của những kế hoạch họ vạch ra, rằng ông sẽ trả lời những câu đã nhàm tai (họ tưởng đó chỉ là những câu nói rỗng tuếch) về cái cầu bằng vàng, về việc không thể nào vượt biên giới với một lũ thân tàn ma dại v.v. Những câu đó họ đều đã được nghe ông nói. Và tất cả những điều Kutuzov nói ra: chẳng hạn như cần phải đợi tiếp tế, quân lính không có giày, tất cả những điều đó đều đơn giản, còn tất cả những điều họ đề nghị đều phức tạp và thông minh đến nôi họ thấy rõ như ban ngày rằng Kutuzov ngu ngốc và lẩm cẩm, còn họ thì lại là những danh tướng thiên tài nhưng không có quyền hành.
       
Đặc biệt sau khi Vitghenstain, một độ đốc hải quân xuất sắc và là vị anh hùng của Petersburg, bắt liên lạc với quân đội, tâm trạng khinh miệt và những chuyện ngồi lê đôi mách ở bộ tham mưu lại càng gay gắt hơn bao giờ hết. Kutuzov thấy thế chỉ thở dài và so vai. Duy có một lần, sau vụ Berezina, ông nổi giận lên viết thư cho Benrigxen, người vẫn báo cáo riêng với hoàng thượng, như sau:
   
"Xét tình trạng sức khoẻ của Quan lớn, nay xin Quan lớn vui lòng đi Kaluga nhận được thư này. Ở đấy Quan lớn sẽ đợi lệnh của Hoàng thượng bổ nhiệm công vụ mới".
       
Nhưng sau khi Benrigxen bị huyền chức, đại công tước Konxtantin Pavlovich, người đã tham gia giai đoạn đầu của chiến dịch và đã bị Kutuzov gạt ra ngoài, lại trở lại quân đội. Bây giờ đại công tước cho Kutuzov hay rằng Hoàng đế bất bình về những thắng lợi xoàng xĩnh và cách di chuyển chậm chạp của quân ta. Hoàng đế có ý định nay mai sẽ thân hành đến quân doanh.
     
Kutuzov, con người già cả đã giàu kinh nghiệm trong triều đình cũng như trong việc quân, con người đã được chọn làm tổng tư lệnh trái với ý muốn của nhà vua vào tháng tám năm ấy, đã gạt thái tử ra khỏi quân đội, đã dùng quyền quyết định bỏ Moskva trái với ý muốn nhà vua, - con người ấy bây giờ hiểu ngay rằng mình đã hết thời, rằng vai trò của mình đã kết thúc và cái hư quyền của mình cũng không còn nữa. Vả chăng ông ta hiểu điều đó không phải chỉ về phương diện triều thần. Một mặt ông thấy rằng chiến sự - trong đó ông có một vai trò riêng - đã chấm dứt, và cảm thấy sứ mệnh của mình đã làm tròn. Mặt khác cái thân hình già nua của ông cũng bắt đầu thấy mệt mỏi về thể xác và cần phải được nghỉ ngơi.
   
Ngày hai mươi chín tháng một Kutuzov đi Vilna - thành Vilna tốt lành của ông, như ông thường nói. Trong cuộc đời làm quan, Kutuzov đã hai lần giữ chức tổng đốc Vilna. Trong thành phố Vilna trù phú vẫn còn nguyên vẹn, ngoài những tiện nghi sinh hoạt mà bấy lâu nay ông phải chịu thiếu thốn, Kutuzov còn tìm thấy lại những người bạn cũ và những kỷ niệm xưa. Và, đột nhiên quay lưng lại với những nỗi lo âu về quân sự và triều chính, ông buông mình vào cuộc sống bình lặng, quen thuộc, trong chừng mực những dục vọng sôi sục ở xung quanh để cho ông yên, dường như tất cả những việc gì đang diễn ra và sắp diễn ra trên đài lịch sử chẳng còn dính dáng gì đến ông nữa…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:17:06 pm
Tsitsigov, một trong những những say sưa nhất chủ trương cắt đứt và đánh bạt quân địch, Tsitsigov, người đã muốn tiến hành những công cuộc biệt kích lúc đầu thì sang Hy Lạp, sau thì sang Varsava, nhưng nhất định không chịu đến nơi mình được lệnh đến, Tsitsigov, người đã có tiếng là dám nói năng mạnh dạn với hoàng đế, Tsitsigov, người vẫn xem Kutuzov như kẻ chịu ơn mình vì năm 1811, khi ông được phái sang ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ bên cạnh Kutuzov, và nghe tin hoà ước đã ký kết xong xuôi, ông đã thừa nhận trước mặt hoàng đế rằng việc ký kết này là công lao của Kutuzov; chính cái ông Tsitsigov ấy là người đầu tiên ra đón Kutuzov ở Vilna, trước toà lâu đài mà Kutuzov sẽ ghé lại. Tsitsigov mặc quân phục hải quân độ đốc, đoản kiếm đeo bên sườn, mũ lưỡi trai cắp nách, trao cho Kutuzov bản báo cáo nghi thức và chùm chìa khoá của thành phố. Cái thái độ kính cẩn đầy ý khinh miệt của bọn tướng tá trẻ tuổi đối với ông già lẩm cẩm được phản ánh trọn vẹn trong thái độ của Tsitsigov, là người đã biết rõ những lời buộc tội Kutuzov.
     
Trong khi nói chuyện với Tsitsigov, Kutuzov có nói rằng những cỗ xe chở đĩa bát của ông ta bị cướp ở Borixovo vẫn còn nguyên và sẽ được trao trả cho chủ nhân. Tsitsigov đỏ mặt nói:

- Ý ngài nói rằng tôi chẳng còn đã mà dọn ăn… Trái lại tôi có thể cung cấp cho ngài đầy đủ, dù khi ngài có muốn mở tiệc cũng vậy - mỗi chữ của Tsitsigov nói ra đều có ý nhằm chứng minh rằng ông ta phải, cho nên Tsitsigov tưởng Kutuzov cũng có ý như vậy.

Kutuzov mỉm cười, nụ cười tế nhị, thâm thuý của ông, rồi nhún vai đáp:

- Ý tôi chỉ muốn nói những điều tôi vừa nói với ông thôi!
     
Ở Vilna, Kutuzov, trái với ý muốn của hoàng đế đã cho đại quân dừng lại. Như những người thân cận Kutuzov vẫn nói, ông đã suy yếu rất nhiều và sức khoẻ sút hẳn trong thời gian ở lại Vinla. Ông miễn cưỡng lo những công việc trong quân đội, việc gì cũng giao cho các thuộc tướng làm thay và, trong khi chờ đợi hoàng đế, ông sống một cách phóng túng.
     
Nhà vua cùng với đoàn tuỳ giá gồm bá tướng Tolxtoy, công tước Bolkonxki, Arakrseyev v.v. từ Petersburg ra đi ngày mồng bảy tháng chạp, và đến ngày mười một thì đến Vilna. Chiếc xe trượt tuyết đi đường của nhà vua đến thẳng toà lâu đài. Trước toà lâu đài mặc dầu trời giá căm căm, có chừng một trăm viên tướng và sĩ quan tham mưu mặc đại quân phục và đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki.
Viên sĩ quan liên lạc phóng chiếc xe trượt tuyết thắng ba con ngựa ướt đẫm mồ hôi đến báo: "Ngài ngự!" Konovntxyn liền chạy vào tiền sảnh báo tin cho Kutuzov bấy giờ đang ngồi đợi trong phòng nhỏ của người gác cổng.
       
Một phút sau, bóng dáng to béo của vị tướng già, mình mặc đại quân phục ngày lễ, bao nhiêu huân chương đều đeo hết lên ngực, bỗng thắt chiếc đai thao, khệnh khạng bước ra thềm. Kutuzov đội mũ thăng bằng, tay cầm găng, khó nhọc nghiêng người sang một bên bước xuống các bậc và cầm lấy bản báo cáo nghi thức đã chuẩn bị sẵn để trao cho hoàng đế.
     
Các tướng tá chạy đi chạy lại, nói thì thầm, thêm một chiếc xe tam mã lao vụt qua, vài mắt mọi người đều đổ dồn vào cỗ xe trượt tuyết đang lao tới; trên xe đã thấy rõ bóng dáng hoàng đế và Bolkonxki.
       
Tất cả những điều đó, do một thói quen cũ hàng năm mươi năm nay, khiến vị tướng già bồi hồi xúc động, ông hấp tấp sờ nắn mình một cách lo lắng, sửa lại chiếc mũ và ngay khi nhà vua xuống xe và ngước mắt lên nhìn ông, Kutuzov rướn thẳng người đứng nghiêm trao bản báo cáo rồi cất tiếng nói thong thả và lễ độ.
     
Nhà vua đưa mắt rất nhanh nhìn Kutuzov từ đầu đến chân, cau mày trong giây lát, nhưng rồi tự chủ được ngay, đến gần và dang tay ra ôm lấy vị tướng già. Một lần nữa, do một ấn tượng quen thuộc và do một ý nghĩ thầm kín của ông, cử chỉ này của nhà vua lại tác động đến Kutuzov như thường lệ: ông khóc nấc lên một tiếng.

Nhà vua chào hỏi các sĩ quan, đội vệ binh danh dự của trung đoàn Xemenovxki; bắt tay vị tướng già lần nữa rồi cùng ông ta đi vào lâu đài.
       
Ngồi lại một mình với vị nguyên soái, nhà vua nói rõ sự bất bình của mình đối với cuộc truy kích chậm chạp, đối với những lỗi lầm ở Kraxnoye và ở Berezina, rồi cho ông ta biết những ý định của mình về cuộc hành quân sau này ở nước ngoài. Kutuzov không phản bác hay nhận xét gì cả. Cái vẻ nhẫn nhục và đờ dẫn của ông bảy năm về trước khi đứng nghe lệnh hoàng đế trên chiến trường Auxteritx nay lại hiện lên trên gương mặt ông.
       
Khi Kutuzov ra khỏi phòng làm việc và cúi đầu bước qua phòng với dáng đi nặng nề, thân hình chúc về phía trước, có tiếng ai gọi ông dừng lại.

- Thưa điện hạ.
         
Kutuzov ngẩng đầu lên và nhìn vào mắt bá tước Tolxtôi hồi lâu; bây giờ bá tước đứng trước mặt ông, tay cầm một chiếc đĩa bạc trên có đặt một vật gì nho nhỏ. Kutuzov có vẻ như không hiểu người ta muốn gì mình.
       
Bỗng ông như chợt hiểu: một nụ cười hầu như không thể thấy được thoáng hiện trên gương mặt béo phị, và ông kính cẩn nghiêng mình cầm lấy cái vật nhỏ đặt trên đĩa. Đó là chiếc huân chương Georges hạng nhất.

=====================================================

Chú thích:

(1) Thành ngữ: "tiêu huỷ chiến thuyền" có nghĩa là đánh nước cờ liều nếu không thành thì không còn lối thoát nào nữa



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:17:53 pm
11.
       
Ngày hôm sau, nguyên soái mở tiệc và vũ hội, được hoàng đế hạ cố tham đự. Kutuzov được thưởng huân chương Georges hạng nhất; nhà vua tỏ ra hết sức trọng vọng ông; nhưng mọi người đều biết nhà vua bất bình với vị nguyên soái. Những nghi thức bề ngoài vẫn được giữ đúng lệ, và nhà vua là người nêu gương đầu trong việc đó; nhưng ai nấy đều biết rằng ông già có lỗi và đã trở thành vô dụng. Trong buổi vũ hội, khi Kutuzov theo một tục lệ cũ thời Ekaterina, ra lệnh đem đặt các quân kỳ cướp được của giặc dưới chân hoàng đế khi ngài bước vào phòng khiêu vũ, nhà vua nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu và nói câu gì trong đó có người nghe mấy tiếng "lão kép hát già".
     
Ở Vilna nỗi bất bình của nhà vua đối với Kutuzov càng tăng thêm, đặc biệt là vì Kutuzov hiển nhiên không chịu hoặc không thể hiểu nổi ý nghĩa của chiến dịch sắp tới.
     
Sáng hôm sau, khi nhà vua nói với các sĩ quan được triệu đến rằng: "Các vị đã cứu thoát không riêng gì nước Nga: các vị đã cứu thoát cả châu Âu", thì mọi người ngay từ lúc ấy đã hiểu rằng cuộc chiến tranh chưa phải đã kết thúc.
       
Chỉ riêng một mình Kutuzov không muốn hiểu điều đó và công khai nói rằng một cuộc chiến tranh không thể cải thiện tình hình và làm tăng vinh quang của nước Nga, mà chỉ có thể làm cho tình hình sút kém đi và giảm bớt vinh quang của nước Nga hiện nay là lúc ông cho là đã đến tuyệt đỉnh. Ông ra sức chứng minh cho nhà vua thấy rõ rằng không thể nào tập hợp thêm được những binh lực mới; ông nói đến tình cảnh cơ cực của nhân dân, đến khả năng thất bại v.v…

Với một tâm trạng như vậy, lẽ tự nhiên vị nguyên soái chỉ có thể là một trở ngại kìm hãm cuộc chiến tranh sắp tới.
       
Để tránh xung đột với ông già, một lối thoát tự nó hiện ra cũng như ở Auxterlitx và như ở thời kỳ đầu chiến dịch với Barclay, là phải rút khỏi chân vị nguyên soái - không làm cho ông ta kmh động, không cho ông hay biết việc đó - cái bệ quyền hành mà ta đang đứng và trao lại cho bản thân hoàng thượng.
     
Với mục đích ấy, người ta dần dần cải tổ bộ tham mưu, bao nhiêu thực quyền của, bộ tham mưu Kutuzov đều bị thủ tiêu và chuyển vào tay nhà vua. Toll, Konovnitxyn, Yermolov được giao những công vụ khác. Mọi người đều lớn tiến nói rằng vị nguyên soái nay đã suy yếu lắm lắm và tình trạng sức khoẻ của ông rất đáng lo ngại.

Sức khoẻ của ông phải suy sút như vậy thì mới có thể chuyển cương vị của ông cho người thế chân. Và quả nhiên sức khoẻ của ông suy sút thật.
       
Trước đây, Kutuzov đã từ Thổ Nhì Kỳ đến Viện Tài chính ở Petersburg trưng tập danh binh, rồi sau đó đến nhậm chức ở quân đội một cách tự nhiên, đơn giản và tuần tự, đúng vào lúc người ta cần đến ông, thì nay cũng vậy, khi vai trò của Kutuzov đã kết thúc, lại có một người mới, một "người thích hợp" đến thay chân ông, cũng một cách tự nhiên, đơn giản và tuần tự như thế.
     
Chiến cuộc 1812, ngoài cái ý nghĩa của chiến tranh nhân dân vốn được lòng dân Nga nâng niu trìu mến, còn phải có một ý nghĩa khác nữa, ý nghĩa của một cuộc chiến tranh châu Âu.
       
Sau cuộc di chuyển của các dân tộc từ phương Tây sang phương Đông còn phải có một cuộc di chuyển của các dân tộc từ phương Đông sang phương Tây, và cuộc chiến tranh này cần có một nhân vật mới có những thuộc tính, quan điểm và động cơ khác Kutuzov.

Alekxandr đệ nhất, đối với việc di chuyển của các dân tộc từ phương Đông sang phương Tây và việc phục hồi lại biên giới các dân tộc, cũng cần thiết như Kutuzov cần thiết cho việc cứu sống và nêu cao vinh quang nước Nga.
       
Kutuzov không hiểu thế nào là châu Âu, là thế cân bằng, là Napoléon. Ông không thể hiểu những cái đó được. Người đại diện của nhân dân Nga, sau khi quân thù đã bị tiêu diệt, nước Nga đã được giải phóng và đưa lên đến tuyệt đỉnh của vinh quang, không còn việc gì để mà làm nữa. Người đại diện của chiến tranh nhân dân chỉ còn một việc chết nữa mà thôi. Cho nên ông đã chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:18:36 pm
Phần XV
Chương - 12 -13

Piotr, như thói thường vẫn thế, chỉ cảm thấy hết nỗi cơ cực của những cảnh thiếu thốn và cảnh sống tù hãm trong thời gian bị bắt khi những nỗi thiếu thốn và cảnh sống tù hãm ấy đã chấm dứt. Sau khi được giải thoát, chàng về Orel và ở đấy được hai ngày, trong khi đang sửa soạn đi Kiev, thì chàng lăn ra ốm và phải nằm lại ở Orel ba tháng ròng; các bác sĩ nói rằng chàng bị bệnh sốt mệt. Mặc dầu các bác sĩ đã chạy chữa, trích huyết và cho chàng uống đầy đủ các thứ thuốc chàng vẫn cứ khỏi như thường.
       
Tất cả những việc đã xảy ra từ khi Piotr được giải thoát cho đến khi chàng lâm bệnh đều không để lại một ấn tượng gì trong tâm trí chàng. Chàng chỉ nhớ tiết trời xám xịt, u ám, hết mưa lại tuyết dầm dề, nhớ cái cảm giác day dứt thể xác, cảm giác đau rát ở chân, chàng nhớ lại một ấn tượng chung bao quát những nỗi bất hạnh, những nỗi thống khổ của con người; chàng nhớ lại cái vẻ soi mói đã khiến chàng lo sợ, chàng nhớ lại những khi chàng chạy vạy đi tìm xe và ngựa, và nhất là nhớ lại cái tình trạng mất khả năng tư duy và cảm giác của chàng trong thời gian ấy. Hôm được giải phóng, chàng đã trông thấy xác Petya Roxtov. Cùng ngày hôm ấy chàng được biết rằng sau trận Borodino công tước Andrey còn sống thêm hơn một tháng nữa và mãi gần đây mới chết ở Yaroxlav, trong nhà họ Roxtov. Cũng ngày hôm ấy Denixov, sau khi cho Piotr biết tin này, giữa chừng câu chuyện có nhắc đến cái chết của Elen, Denixov tưởng Piotr đã biết tin này từ lâu. Lúc bấy giờ Piotr chỉ lấy làm lạ về tất cả những việc đó. Chàng cảm thấy mình không thể hiểu được ý nghĩa của những tin tức ấy. Lúc bấy giờ chàng chỉ nóng lòng mong sao chóng thoát khỏi những nơi người ta đang chém giết lẫn nhau, tìm lấy một nơi ẩn náu yên tĩnh để rồi định thần lại, nghỉ ngơi và suy nghĩ về tất cả những điều mới mẻ và kỳ lạ mà chàng đã được biết trong thời gian ấy. Nhưng vừa đến Orel chàng đã lăn ra ốm.
     
Hồi tỉnh lại sau trận ốm, Piotr thấy bên mình có hai người đầy tớ của chàng là Terenti và Vaxka từ Moskva đến, và công tước tiểu thư Katerina - người chị cả trong ba cô nữ công tước kia ở nhà cha chàng. Thời gian gần đây cô tiểu thư trú ngụ ở Eletx, trong trang viên của Piotr, nghe tin chàng ốm sau khi được giải phóng, cô ta đã lên Orel để săn sóc chàng.
     
Trong thời gian bình phục, dần dần Piotr mới thoát khỏi những ấn tượng của mấy tháng gần đây đã trở thành quen thuộc đối với chàng, và mãi mới quen được với cái ý nghĩ là ngày mai chẳng còn ai lừa chàng đi đâu cả, chẳng có ai tước mất chiếc gường ngủ ấm áp của chàng, và chắc chắn thế nào cũng có bữa ăn trưa, bữa dùng trà và bữa ăn tối. Nhưng trong một thời gian dài chàng vẫn còn chiêm bao thấy mình sống trong hoàn cảnh tù đày như cũ. Cũng dần dà Piotr mới hiểu được những tin tức chàng được biết sau khi được giải phóng: cái chết của công tước Anđey, cái chết của vợ chàng, sự diệt vong của quân Pháp.
     
Cái cảm giác vui mừng khi thấy mình tự do - sự tự do toàn vẹn, bất khả xâm phạm, vốn có trong bản chất con người, mà chàng đã nhận thức được ở trạm nghỉ đêm đầu tiên từ Moskva - cảm giác ấy tràn ngập lòng Piotr trong thời gian dưỡng bệnh. Chàng ngạc nhiên nhận thấy sự tự do bên trong ấy, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, nay dường như lại được chắp thêm một thứ tự do bên ngoài, như thêm một cái gì thừa thãi, xa hoa.
       
Chàng sống một mình, trong một thành phố xa lạ, không quen ai. Không ai đòi hỏi gì ở chàng cả; không ai bắt ép chàng đi đâu cả.

Tất cả những gì chàng muốn có đều ở bên cạnh chàng; những ý nghĩ về vợ chàng xưa kia vẫn ám ảnh chàng không ngớt nay không còn nữa, vì nàng cũng không còn nữa.
     
- Ơ thích thật! Khoái thật! - chàng tự nhủ những khi người nhà đẩy đến cạnh giường chiếc bàn phủ tấm khăn trắng tinh trên có đặt bát xúp thơm phức những chi chàng nằm xuống chiếc gường sạch sẽ êm ái, hay những khi chàng chợt nhớ ra rằng nay vợ chàng và quân Pháp đều không còn nữa - Ồ, thích quá, khoái quá!
     
Và theo thói quen cũ chàng lại tự hỏi: "Nào, thế rồi sao? Ta sẽ làm gì?" Và lập tức, chàng lại tự trả lời: "Chả sao cả. Ta sẽ sống. Chà thích quá!"
   
Cái điều trước kia đã day dứt chàng, điều mà chàng đã hoài công tìm kiếm - mục đích của cuộc đời - nay đối với chàng không còn tồn tại nữa. Không phải tình cờ, không phải chỉ trong giờ phút ấy cái mục đích kia mới không tồn tại đối với chàng; chàng cảm thấy cái ấy không làm gì có và không thể nào có được. Và chính cái tình trạng không có mục đích ấy đã đem lại cho chàng cái cảm giác tự do hoan hỉ đã là hạnh phúc của chàng trong thời gian ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:19:06 pm
Chàng không thể có mục đích, vì bây giờ chàng có niềm tin, - không phải tin vào những quy tắc; những từ ngữ, hay những tư tưởng này nọ, mà tin vào một Thượng đế sinh động, luôn luôn cảm giác được. Trước kia chàng tìm Thượng đế trong những, mục đích mà chàng tự đặt ra cho mình. Việc đi tìm mục đích ấy chẳng qua là đi tìm Thượng đế, và đột nhiên trong thời gian bị cầm tù chàng được biết, không phải bằng những từ ngữ, bằng suy luận, mà bằng cảm giác trực tiếp, cái điều mà u già của chàng đã nói với chàng từ lâu: Thượng đế ở đây ở kia, ở khắp nơi. Trong khi bị cầm tù chàng đã được biết rằng đấng Thượng đế trong Karataiev còn vĩ đại, vô tận và khó hiểu thấu hơn cả đấng kiến trúc sư của vũ trụ mà hội Tam điểm thừa nhận. Chàng có cái cảm giác của một con người chợt thấy mình đang tìm kiếm nằm ngay dưới chân, trong khi mình ra sức vận dụng nhãn lực nhìn thật xa. Suốt đời chàng đã nhìn ở đâu đâu phía trên đầu những người xung quanh, nhưng thật ra việc cần làm không phải là vận dụng nhãn lực, mà chỉ là nhìn thẳng trước mặt mình.
     
Trước kia, chàng không biết nhìn thấy cái vĩ đại cái không thể hiểu thấu, cái vô cùng, dù là trong vật gì cũng thế. Chàng chỉ cảm thấy rằng chắc nó phải ở đâu đây, và chàng tìm nó. Trong những cái gần gũi, dễ hiểu, chàng chỉ thấy một cái gì hữu hạn, nhỏ nhặt, tầm thường vô nghĩa. Chàng tự vũ trang bằng một chiếc viễn kính tinh thần và nhìn ra xa, nơi mà cái nhỏ nhặt, tầm thường kia mờ đi trong khoảng không mù mịt, rồi tưởng chính đó là cái vĩ đại, là vô cùng chỉ vì mình không trông được rõ. Chàng đã hình dung cuộc sinh hoạt âu châu, chính trị, hội Tam điển, triết học, lòng từ thiện như vậy đấy Nhưng ngay những lúc ấy, những giờ phút mà chàng cho là mình yếu đuối, trí tuệ của chàng đã đi sâu vào cõi xa xăm ấy, và ở đấy chàng vẫn trông thấy những cái nhỏ nhặt, tầm thường vô nghĩa kia. Còn bây giờ thì chàng đã biết được cách nhìn thấy cái vĩ đại cái vĩnh viễn là cái vô cùng trong mọi vật, cho nên lẽ tự nhiên là để thấy nó, để hưởng thụ cái khoái cảm được chiêm ngưỡng nó, chàng đã vứt bỏ chiếc viễn kính mà trước nay chàng vẫn dùng để nhìn qua đầu những con người, và vui mừng ngắm cuộc sống không ngừng thly đổi vĩnh viễn vĩ đại, không sao hiểu thấu và vô cùng vô tận đang diễn ra quanh chàng. Và càng nhìn gần bao nhiêu, chàng lại càng thấy yên tĩnh và sung sướng bấy nhiêu. Cái câu hỏi khủng khiếp trước kia đã làm sụp đổ tất cả những kiến trúc trí tuệ của chàng: "Vì sao?" Bây giờ không còn tồn tại đối với chàng nữa. Bây giờ trong lòng chàng bao giờ cũng có một câu trả lời đơn giản sẵn sàng đáp lại câu hỏi đó: Vì Thượng đế, đấng Thượng đế mà nếu không phải do ý chí của Người thì không có một sợi tóc nào của chúng sinh có thể rơi xuống.

13.
     
Piotr hầu như không có gì thay đổi trong phong thái bên ngoài.

Trông chàng vẫn hệt như xưa. Cũng như xưa, chàng thường đãng trí và có vẻ không chú ý tới những việc đang diễn ra trước mắt mà lại mải mê bận tâm về một điều gì riêng tư, đặc biệt. Có khác chăng là trước kia khi chàng quên những việc đang diễn ra trước mắt, quên những điều người ta đang nói với chàng, thì chàng cau trán lại một cách đau đớn, dường như đang cố sức mà không sao thấy rõ một cái gì cách chàng rất xa. Bây giờ chàng vẫn thường quên những điều người ta nói với chàng, quên những việc diễn ra trước mắt, nhưng bây giờ, với một thoáng nụ cười dường như ngạo nghễ, chàng nhìn ngay vào những điều đang diễn ra trước mắt, lắng nghe những điều người ta đang nói với chàng, tuy có thể thấy rõ rằng chàng nhìn thấy và nghe thấy một điều gì khác hẳn. Trước kia, chàng có vẻ là một người tuy có hiền lành nhưng lại khổ sở, cho nên người ta bất giác xa lánh chàng. Bây giờ nụ cười vui sướng luôn luôn thấp thoáng trên môi chàng, và mắt chàng long lanh niềm đồng cảm với những người chung quanh, như có ý hỏi: họ có sung sướng như chàng không, và khi có mặt chàng người ta thấy dễ chịu.
     
Trước kia chàng nói nhiểu, khi nói thường nổi nóng lên và nghe rất ít, bây giờ chàng ít khi sôi nổi trong khi nói chuyện, chàng có một cách nghe chuyện làm cho người ta sẵn lòng thổ lộ với chàng những điều sâu kín nhất.
     
Nữ công tước Katerina xưa nay vốn chẳng ưa gì Piotr và nhất là từ khi lão bá tước chết lại càng có ác cảm với chàng, vì thấy mình phải chịu ơn chàng; nhưng đến nay, sau khi đến Orel một thời gian ngắn với ý định tỏ rõ cho Piotr biết rằng tuy chàng bạc nghĩa như vậy cô ta cũng vẫn thấy mình có nhiệm vụ săn sóc chàng, nữ công tước đã bực mình và ngạc nhiên nhận thấy mình mến chàng. Piotr không hề làm gì để gây thiện cảm của nữ công tước. Chàng chỉ tò mò nhìn cô ta. Trước kia mỗi khi chàng nhìn cô ta, nữ công tước cảm thấy trong khoé mắt chàng chỉ có sự thờ ơ và chế giễu, và cũng như trước mặt những người khác, cô ta đã co rụt lại và chỉ đưa ra cái khía cạnh đối phó của mình; bây giờ thì ngược lại, nữ công tước cảm thấy dường như chàng tìm cách hiểu thấu những khía cạnh sâu kín nhất của tâm hồn cô ta; và lúc đầu còn e ngại, rồi dần dần cảm khích, cô tả đã mở ra cho chàng những khía cạnh tốt đẹp ẩn kín trong tâm hồn mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:19:46 pm
Dù là người xảo quyệt đến đâu cũng không thể nào len lỏi vào lòng tin của nữ công tước một cách khéo léo như Piotr. Chàng gợi lại những kỷ niệm đẹp nhất trong thời niên thiếu của nữ công tước và tỏ lòng đồng cảm với cô. Nhưng thật ra tất cả cái khôn khéo của Piotr chẳng qua là ở chỗ chàng chỉ muốn thoả mãn ý thích của mình trong công việc thức tỉnh những tỉnh cảm tốt đẹp của con người ở cô nữ công tước chua chát, khô khan và kiêu hãnh theo một kiểu riêng ấy.

- Phải, anh ấy là một người tốt, rất tốt, khi nào không bị ảnh hưởng của những người xấu, mà chịu ảnh hưởng của những người như ta, - nữ công tước tự nhủ như vậy.
     
Sự thay đổi diễn ra trong Piotr cũng được các gia nhân của chàng - Terenty và Vaxka, nhận thấy theo cách riêng của họ. Họ cho rằng chàng nay đã giản dị đi nhiều. Đêm đêm sau khi cởi áo cho chủ đi nằm và chúc ngủ ngon giấc, Terenty, tay cầm đôi ủng, chiếc áo, thường nấn ná lại một lúc chờ xem ông chủ có bắt chuyện không. Và phấn lớn Piotr đều giữ Terenty lại mỗi khi thấy anh ta muốn nói chuyện.
     
- Này, anh thử kể tôi nghe… dạo ấy các anh làm cách nào kiếm được thức ăn? - chàng hỏi. Và Terenty bắt đầu kể chuyện về cảnh điều linh của thành Moskva, về bá tước quá cố. Anh ta cầm chiếc áo đứng hồi lâu trong phòng Piotr, kể chuyện cho chàng nghe và đôi khi nghe chàng kể chuyện, rồi lui ra phòng ngoài với cảm giác dễ chịu thấy chàng gần gũi mình và thấy mình mến chàng như một người bạn.
Người thầy thuốc chữa bệnh cho Piotr và ngày nào cũng đến thăm chàng, tuy tự thấy mình có nhiệm vụ làm ra vẻ như mỗi phút của mình đều quý giá cho nhân loại khổ đau - như thói thường các bác sĩ vẫn thế - nhưng cũng ngồi hàng giờ ở phòng Piotr kể cho chàng nghe những mẩu chuyện ưa thích về những điều quan sát về thái độ những người bệnh nói chung và đặc biệt là thái độ các nữ bệnh nhân.

- Phải, với một người như vậy nói chuyện thật thú vị, không phải như ở tỉnh xép nhà mình, - ông ta thường nói.
     
Ở Orel có mấy viên sĩ quan tù binh Pháp trú ngụ; ông thầy thuốc đưa đến nhà Piotr một trong các sĩ quan đó, một người Ý trẻ tuổi.
     
Viên sĩ quan bắt đầu lui tới nhà Piotr, và nữ công tước thường đùa cợt về những tình cảm đằm thắm mà viên sĩ quan người Ý biểu lộ với Piotr.
     
Người Ý ấy hình như chỉ sung sướng khi nào có thể đến nói chuyện với Piotr, kể cho chàng nghe về những quãng đời dĩ vãng, về cuộc sống gia đình, về những cuộc tình duyên của mình và thổ lộ cho chàng biết lòng căm giận quân Pháp và nhất là Napoléon.

- Nếu người Nga đều giống ông cả, dù chỉ ít nhiều thôi, - viên sĩ quan người Ý nói với Piotr - thì gây chiến tranh với một dân tộc như dân tộc ông thật là một tội báng bổ. Ông đã phải chịu khổ sở vì quân Pháp như vậy mà thậm chí cũng không hề có ý oán trách gì họ cả.
     
Và sở dĩ Piotr chiếm được tình yêu mến bồng bột của người Ý kia cũng chỉ vì chàng đã thức tỉnh được những khía cạnh tốt đẹp nhất trong tâm hồn anh ta và đã biết quý trọng những khía cạnh ấy.
       
Vào cuối thời gian Piotr ở Orel, có một người quen cũ đến thăm chàng. Đó là bá tước Vinarxki là một người hội viên Tam điểm đã kết nạp chàng năm 1807. Vinarxki lấy một người vợ Nga giầu có, có những điền trang lớn ở tỉnh Orel, và bấy giờ ông ta đang giữ một chức vụ lâm thời trong sở tiếp tế lương thực của thành phố.
       
Nghe tin Piotr ở Orel, Vinarxki, tuy xưa nay chưa bao giờ quen thân với chàng, cũng đến gặp chàng với thái độ niềm nở và thân mật mà những người tình cờ gặp nhau trên sa mạc thường có. Ở Orel, Vinarxki thấy chán, nên rất vui mừng khi được gặp một người cùng giới và cũng chí hướng - ông ta tưởng thế.
     
Nhưng chẳng bao lâu, Vinarxki phải ngạc nhiên nhận thấy rằng Piotr lạc hậu đối với tình hình sinh hoạt hiện tại và, như lời ông ta dùng để định nghĩa Piotr, đã trở nên thờ ơ và vị kỷ.

- Anh mụ mẫm đi đấy anh bạn ạ! - ông ta nói với chàng.
       
Tuy vậy, khi giao thiệp với Piotr, Vinarxki vẫn thấy dễ chịu hơn ngày trước. Và ngày nào ông ta cũng lại đến nhà chàng. Còn Piotr, bây giờ mỗi khi nhìn thấy Vinarxki và nghe ông ta nói chuyện, lại lấy làm lạ và khó lòng có thể tin rằng mới gần đây thôi chính chàng cũng giống như thế.
       
Vinarxki là một người đã có vợ có con, bận rộn với những công việc quản lý điền trang của vợ, với ông cụ, với gia đình. Ông ta cho rằng tất cả những thứ đó đều là những vật chướng ngại trong cuộc sống và đều đáng khinh, vì mục đích của ông đó là mưu cầu phúc lợi cho bản thân và gia đình. Những vấn đề quân sự, hành chính, chính trị, hội Tam điểm, luôn luôn thu hút hết sức chú ý của ông ta.
     
Và Piotr không tìm cách thay đổi quan điểm của Vinarxki, không chê trách ông ta, chàng chỉ xem xét, với cái thái độ giễu cợt luôn luôn điềm tĩnh và vui vẻ của chàng, cái hiện tượng kỳ lạ mà chàng biết quá rõ.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 27 Tháng Giêng, 2011, 10:20:18 pm
Trong khi tiếp xúc với Vinarxki, với nữ công tước, với bác sĩ, với tất cả những người thường gặp chàng, Piotr có một nét mới khiến cho tất cả mọi người đều có thiện cảm với chàng: chàng thừa nhận rằng mỗi người đều có thể có suy nghĩ, cảm xúc và nhìn nhận sự vật theo cách của mình; thừa nhận rằng lời lẽ không thể làm cho con người từ bỏ quan niệm của mình đi được. Đó là đặc tính chính đáng của mỗi người, cái đặc tính trước kia đã khiến Piotr bối rối và bực dọc, nhưng bây giờ lại chính là nền tảng của sự quan tâm và thiện cảm của chàng đối với người khác. Sự bất đồng, đôi khi là sự mâu thuẫn hoàn toàn giữa quan điểm với cách sống của họ và giữa người này với người khác làm cho Piotr vui thích, đưa lai cho chàng nụ cười châm biếm dịu dàng Trong những công việc thực tiễn bây giờ Piotr đột nhiên cảm thấy mình có một chỗ dựa vững vàng mà trước kia chàng không hề có và không ngờ là mình có thể có được. Trước kia, khi có vấn đề tiền bạc, nhất là khi có người xin tiền - giàu có như chàng dù những trường hợp như thế rất hay xảy ra - chàng đều lâm vào một tình trạng bối rối nan giải. "Có nên cho không? - chàng thường tự hỏi - Mình thì có tiền, mà người ấy thì đang cần. Nhưng người kia còn cần hơn. Ai cần hơn? Hay có lẽ cả hai đều bịp bợm?" Trước kia chàng không thể nào tìm được một giải pháp để thoát khỏi những băn khoăn ấy, và có được bao nhiêu chàng cứ đem cho tất cả mọi người. Trước kia chàng cứ phải băn khoăn như thế mỗi khi có vấn đề liên quan đến tài sản của chàng, khi mỗi người khuyên chàng một cách. Bây giờ chàng ngạc nhiên nhận thấy rằng trong tất cả những vấn đề ấy chàng không còn băn khoăn, ngờ vực gì nữa. Trong chàng nay đã có một vị quan toà căn cứ trên những đạo luật nào đấy mà chính chàng cũng không rõ để đoán định cái gì cần làm và cái gì không.
     
Chàng nay cũng vẫn dửng dưng với những công việc tiền nong như trước, nhưng bây giờ chàng biết chắc chắn cái gì cần phải làm và cái gì không nên làm. Vị quan toà mới trong chàng đã tuyên án lần đầu tiên khi có một viên đại tá Pháp đến gặp chàng, kể lể rất nhiều về những chiến công của mình và cuối cùng với một giọng gần như hách dịch yêu cầu Piotr đưa cho ông ta bốn nghìn phơ-răng để gửi cho vợ con. Piotr đã từ chối một cách dễ dàng, chẳng có sự giằng co gì cả; về sau chàng chỉ lấy làm lạ, không hiểu tại sao một việc trước kia tưởng đâu nan giải như vậy mà nay chàng lại có thể giải quyết dễ dàng và giản dị đến thế. Đồng thời, ngay trong khi từ khước viên đại tá, chàng cũng quyết định là khi rời Orel ra đi phải dùng mưu mẹo để buộc viên sĩ quan người Ý phải nhận cho kỳ được một số tiền mà chàng biết là anh ta đang cần. Thêm một việc nữa chứng minh cho Piotr thấy rõ cái quan điểm mới của mình đối với những công việc thực tiễn là cách chàng giải quyết vấn đề trả nợ cho vợ chàng và vấn đề tu sửa hay không tu sửa các toà nhà và dinh thự của chàng ở Moskva.
       
Viên tổng quản đến Orel tìm chàng và hai người cùng tính toán những sổ thu thập của chàng nay đã thay đổi. Theo những khoản tính của viên tổng quán, vụ hoả hoạn Moskva đã làm tốn mất của chàng khoảng hai triệu rúp.
     
Mặt khác viên tổng quản lại tính toán cho Piotr thấy rằng mặc dầu có những tổn thất đó, số thu nhập của chàng những không giảm sút mà còn tăng lên, nếu chàng từ khước việc trả nợ những món nợ của bá tước phu nhân để lại, vì không có bổn phận phải trả, và nếu chàng không tu sửa các toà nhà ở Moskva và trang dinh thự ở ngoại thành, vì những thứ này tốn của chàng mỗi năm tám vạn rúp mà chẳng đưa lại lợi tức gì cả.

- Phải, phải đúng đấy, - Piotr nói, miệng mỉm cười vui vẻ - Phải, phải, tôi chẳng cần gì những cái đó. Nhờ bị phá sản, tôi đã giầu lên rất nhiều.
   
Nhưng vào tháng giêng Xavelits từ Moskva đến, kể cho chàng nghe về tình hình Moskva, về bản thiết kế của viên kiến trúc sư nhằm tu sửa toà nhà và dinh thự, Xavelits nói đến việc đó như một việc đã quyết định xong xuôi. Cũng thời gian ấy Piotr nhận được những bức thư của công tước Vaxili và của những người quen khác ở Petersburg, nói về những món nợ của vợ chàng. Và Piotr quyết định rằng giải pháp của viên tổng quản đã được chàng tán thưởng thật ra không ổn, rằng chàng phải đi Petersburg thanh toán nợ nần của vợ và xây dựng lại nhà cửa ở Moskva. Tại sao phải làm như thế mới được.
     
Quyết định này làm cho sổ thu thập cả chàng giảm mất ba phần tư. Nhưng vẫn phải quyết định như vậy, chàng cảm thấy thế.
         
Vinarxki cũng sắp đi Moskva, nên hai người hẹn nhau cùng đi.

Suốt thời gian dưỡng bệnh ở Orel, Piotr luôn luôn có một cảm giác vui mừng, yêu đời. Nhưng trong khi đi đường, khi chàng thấy mình ở giữa khoảng trời rộng thoáng, trông thấy hàng trăm khuôn mặt mới mẻ, cảm giác ấy lại càng mãnh liệt hơn. Trong suốt cuộc hành trình chàng thấy vui như cậu học sinh được đi nghỉ hè. Tất cả những con người gặp trên đường: người đánh xe, người trạm trưởng, những người nông dân đi trên đường hay ở trong làng - tất cả đều có một ý nghĩa mới mẻ đối với chàng. Sự có mặt và những lời nhận xét của Vinarxki luôn luôn phàn nàn về tình trạng nghèo nàn, dốt nát và lạc hậu của nước Nga so với châu Âu, chỉ làm cho Piotr thêm vui. Chỗ nào Vinarxki chỉ thấy có sự đình trệ thì Piotr lại thấy một sinh lực mãnh mẽ phi thường, cái sinh lực đã duy trì, trên khoảng đất ba la phủ tuyết này, sự sống của một dân tộc vẹn thuần, đặc biệt và thống nhất. Chàng không cãi lại Vinarxki, và dường như để tán đồng ông ta (vì giả vờ tán đồng là cách đơn giản nhất để tránh những cuộc cãi vã không đưa lại kết quả nào) chàng vui vẻ mỉm cười nghe ông ta nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:16:26 pm
Phần XV
Chương - 14 -15

Khi một tổ kiến đã bị phá huỷ, đàn kiến đi lại tấp nập, con thì kéo từ trong tổ ra những mảnh rác, những cái trứng và những cái xác chết, con thì lại đi vào tổ, và thật khó lòng mà giải thích nổi chúng đi đâu mà tấp nập như vậy, tại sao chúng lại đuổi theo nhau, xô đẩy nhau, cắn nhau như thế. Người ta sẽ gặp một khó khăn tương tự khi muốn cắt nghĩa những nguyên nhân đã khiến cho người Nga sau khi quân Pháp rút đi, tấp nập kéo đến cái nơi trước kia gọi là Moskva. Nhưng cũng như khi nhìn đàn kiến tán loạn chung quanh tổ, mặc dầu cái tổ đã tan tành, sự kiên trì, sự quả quyết sức hoạt động của bầy kiến đông nghịt ấy vẫn cho người ta thấy rằng tất cả đều bị huỷ hoại trừ một cái gì không thể huỷ hoại được một cái gì phi vật chất làm nên tất cả sức mạnh của tổ kiến.
     
Moskva cũng vậy, vào tháng mười năm ấy, mặc dầu không có nhà chức trách, không có nhà thờ, đền miếu, của cải, nhà cửa, nó vẫn là thành Moskva trước kia, như hồi tháng tám, loại trừ một cái gì phi vật chất, nhưng kiên cường và không thể nào huỷ hoại được.
     
Những động cơ đã thúc đẩy những con người từ bốn phía đổ dồn về Moskva sau khi quân địch đã rút sạch, là những động cơ hết sức khác nhau, hết sức riêng biệt, và trong thời gian đầu thì phần nhiều là những động cơ man rợ, thú vật. Duy chỉ có một động cơ chung cho tất cả mọi người, đó là cái ước vọng trở về trước kia gọi là Moskva để tìm cách sử dụng sức hoạt động của mình ở đấy.
   
Sau một tuần, ở Moskva đã có một vạn năm nghìn dân, sau hai tuần đã có hai vạn rưỡi v.v… Con số đó mỗi ngày một tăng lên mãi, và cho đến mùa thu năm 1813 thì đã vượt quá số dân năm 1812.
     
Những người Nga đầu tiên vào Moskva là những toán lính cô-dắc của chi đội Vintxingherot, những người nông dân ở các làng lân cận và những người dân Nga ẩn náu ở các vùng ngoại ô. Những người dân Nga khi vào Moskva và trông thấy cảnh tượng hoang tàn của cái thành phố bị cướp phá ấy, cũng bắt đầu ra tay cướp phá. Họ tiếp tục cái công việc mà quân Pháp đã làm. Nông dân đưa xe tải đến Moskva để chở về làng tất cả những gì còn vương vãi trong các nhà đổ nát và trên các phố xá hoang tàn của Moskva. Lính cô-dắc lấy tất cả những gì có thể lấy được đem về trại quân; các chủ nhà vơ vét tất cả những gì họ tìm được trong các nhà khác để đem về nhà mình, lấy cớ rằng đó là của riêng họ.
     
Nhưng sau đợt người đến cướp bóc đầu tiên lại một đợt khác, rồi một đợt thứ ba, và số người đến cướp bóc càng tăng lên thì việc cướp bóc mỗi ngày một trở nên khó khăn và dần dần có những hình thức rõ ràng phân minh hơn.
     
Quân Pháp đã tiến vào một thành Moskva tuy không người, nhưng có đủ những hình thái hữu cơ của một thành phố sống có quy củ có đủ các tổ chức thương mại, thủ công, xa xỉ phẩm, quản lý nhà nước, tôn giáo. Những hình thái đó đã tê liệt, nhưng vẫn tồn tại.
     
Hãy còn có những khu chợ, có những nhà máy, những xưởng thủ công; có những bệnh viện, những nhà tù, những toà án, những nhà thờ. Quân Pháp ở càng lâu thì những hình thái sinh hoạt của thành phố ấy càng mất đi và cuối cùng tất cả đều trộn lẫn lại thành một cảnh hỗn loạn không hồn của sự cướp phá.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:17:49 pm
Sự cướp bóc của quân Pháp càng kéo dài thì càng phá hoại những của cải của Moskva và sức lực của kẻ cướp bóc. Sự cướp bóc của người Nga, mở đầu cho việc người Nga chiếm lại thủ đô, càng kéo dài, số người tham gia càng đông thì sự trù phú và sinh hoạt quy củ của thành phố lại càng chóng hồi phục.
     
Ngoài những người đến đấy để cướp bóc ra, còn có những người thuộc đủ các hạng, người thì vì tò mò, người thì vì công vụ, người thì vì quyền lợi - chủ nhà, giáo sĩ, viên chức, quan lại, nhà buôn, thợ thủ công, nông dân - từ nhiều phía đổ về Moskva như máu dồn về tim.
     
Chỉ một tuần sau khi những người nông dân mang xe tải không đến để chở đồ thì đã bị nhà chức trách giữ lại và bắt buộc phải chở những xác chết ra khỏi thành phố. Những người nông dân khác biết chuyện này bèn chở bột mì, lúa mạch, rơm rạ vào thành phố, phá giá lẫn nhau cho đến khi giá cả tụt xuống thấp hơn giá ngày trước.
     
Ngày nào cũng có những phường thợ mộc, hy vọng được trả công hời, kéo vào Moskva, và khắp nơi người ra dựng lên những ngôi nhà cũ cháy dở. Những người lái buôn mở cửa hàng trong những cái lán gỗ. Các giáo sĩ lại bắt đầu làm lễ trong nhiều nhà thờ không bị cháy. Những tín chủ mang lại cho nhà thờ những đồ đạc đã bị cướp. Những người công chức đặt bàn viết trải dạ và tủ đựng giấy má trong những căn phòng nhỏ hẹp. Các quan chức cao cấp và sở cảnh sát thu xếp việc phân phối những của cải do quân Pháp để lại.
     
Các chủ nhân của những ngôi nhà có chứa nhiều của cải từ các nhà khác mang đến than phiền rằng tập trung tất cả đồ đạc tại điện Granovitia là bất công, những người khác một mực nói rằng quân Pháp đang mang đồ đạc lấy được trong nhiều nhà tập trung vào một nơi cho nên của để ở nhà ai mà chủ nhà ấy lấy là bất công, người ta chửi bới cảnh sát; Người ta đút lót cho họ; người ta ước lượng số của công bị cháy lên gấp mười lần sự thật; người ta đòi cứu tế. Bá tước Raxtovsin ra sức viết tuyên cáo.

15.
     
Vào cuối tháng giêng, Piotr về Moskva và dọn chỗ ở trong toà nhà dọc hãy còn nguyên vẹn. Chàng đến thăm bá tước Raxtovsin, thăm một vài người quen vừa trở về Moskva và sửa soạn đến ngày kia sẽ đi Petersburg. Mọi người đều ăn mừng thắng lợi, mọi vật đều đấy sức sống trong chốn thủ đô tan hoang đang sống lại. Mọi người đều vui mừng khi gặp Piotr, ai nấy đều muốn gặp chàng và ai cũng hỏi han về những việc chàng đã được chứng kiến. Piotr thấy đặc biệt có thiện cảm đối với tất cả những ai chàng gặp; nhưng bây giờ chàng bất giác cư xử với mọi người một cách thận trọng, để không bị ràng buộc vào một cái gì. Có ai hỏi gì chàng - dù là những câu hỏi quan trọng hay những câu không đâu - có ai hỏi chàng sẽ ở đâu? Có xây nhà không? Khi nào đi Petersburg và có thể chuyển hộ một cái thùng con được không? Thì chàng đều trả lời: Vâng, có lẽ, tôi chắc là…
     
Về gia đình Roxtov, chàng có nghe nói là họ ở Koxtroma và chàng rất ít khi nghĩ đến Natasa. Có nghĩ đến nàng chăng thì cũng như một kỷ niệm êm đềm của một dĩ vãng đã xa xăm, chàng cảm thấy mình không những đã thoát khỏi những điều kiện của cuộc sống, mà còn thoát khỏi cái tình cảm mà chàng cho là chính mình đã nhen nhóm lên trong lòng mình.
     
Đến Moskva được hai ngày, chàng được vợ chồng Drubeskoy cho biết rằng công tước tiểu thư Maria hiện ở Moskva. Cái chết của công tước Andrey, những nỗi đau đớn, những phút cuối cùng của công tước vẫn thường ám ảnh Piotr và bây giờ nó hiện lên trong tâm trí Piotr một cách da diết hơn. Trong bữa ăn chiều hôm ấy chàng nghe nói tiểu thư Maria hiện ở trong một ngôi nhà riêng không bị cháy ở phố Vozdvizenka, và ngay tối hôm ấy chàng đến nhà nàng.
     
Trên đường đi đến nhà tiểu thư Maria, Piotr không ngừng nghĩ đến công tước Andrey, đến tình bạn giữa hai người, đến những cuộc gặp gỡ với chàng, nhất là cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Borodino.

"Có thể nào khi chết anh ấy vẫn giữ tâm trạng hằn học như hôm ấy? Trước khi chết anh ấy có tìm thấy được lời giải thích cuộc sống không?" - Piotr nghĩ. Chàng nhớ đến Karataiev đến cái chết của bác ta và bất giác so sánh hai người, hai con người hết sức khác nhau nhưng cũng lại hết sức giống nhau vì cả hai đều là những người mà chàng yêu mến, vì cả hai đều đã sống và cả hai đều đã chết.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:19:17 pm
Trong một tâm trạng hết sức nghiêm trang, chàng ghé xe vào toà nhà của cô công tước. Toà nhà vẫn còn nguyên vẹn. Có thể trông thấy những vết tích tàn phá, nhưng dáng dấp của toà nhà vẫn như cũ. Người quản gia già ra đón Piotr với vẻ mặt nghiêm nghị, và dường như muốn cho vị khách cảm thấy rằng sự vắng mặt của lão công tước không hề phá vỡ những quy củ trong nhà, lão nói rằng công tước tiểu thư nay đã về phòng riêng và thường tiếp khách vào chủ nhật.

- Lão vào báo đi, có lẽ tiểu thư sẽ tiếp tôi cũng nên - Piotr nói.

- Xin vâng, - viên quản gia đáp, - Xin mời ngài vào phòng tranh.
     
Mấy phút sau viên quản gia và Dexal ra gặp Piotr, Dexal chuyển lời công tước tiểu thư nói rằng nàng rất mừng được gặp chàng và nếu chàng vui lòng bỏ quá cho, xin mời chàng lên thẳng phòng tiểu thư.

Trong một gian phòng trần thấp, chỉ thắp một ngọn nến, công tước tiểu thư đang ngồi với một người nào nữa mặc áo đen. Piotr nhớ rằng bên cạnh tiểu thư bao giờ cũng có những người tuỳ nữ, nhưng những người tuỳ nữ ấy là ai thì Piotr không biết và không nhớ. "Đây chắc là một trong những cô tuỳ nữ ấy" - chàng nghĩ thầm khi đưa mắt nhìn người đàn bà mặc áo đen.
   
Công tước tiểu thư vụt đứng dậy đón chàng và đưa tay ra cho chàng.
     
- Phải rồi, - nàng nói, mắt nhìn thẳng vào gương mặt đã thay đổi cho chàng sau khi chàng hôn tay nàng - chúng ta lại gặp nhau như thế này đây. Ngay trong những ngày cuối cùng, anh ấy vẫn nhắc đến anh luôn, - nàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía người tuỳ nữ với một vẻ e dè khiến Piotr ngạc nhiên trong giây lát.
   
- Nghe tin anh được cứu thoát tôi mừng. Đó là tin mừng duy nhất mà mấy lâu nay lâu lắm tôi mới nhận được - công tước tiểu thư lại lo lắng nhìn về phía người tuỳ nữ và toan nói một câu gì, nhưng Piotr đã ngắt lời nàng.
   
- Chị có thể tưởng tượng được không, tôi chẳng được tin gì về anh ấy cả - chàng nói - Tôi tưởng anh ấy đã tử trận. Tất cả những điều tôi biết đều do những người khác nghe người ta nói rồi kể lại với tôi. Tôi chỉ biết rằng anh ấy lại tình cờ được đưa về nhà Roxtov… Thật éo le!

Piotr nói nhanh, giọng sôi nổi. Chàng đưa mắt nhìn về phía người tuỳ nữ và thấy một đôi mắt trìu mến, chăm chú và tò mò, nhìn chàng, và như ta vẫn thường thấy trong khi nói chuyện, không hiểu sao chàng có cảm tưởng người tuỳ nữ mặc áo đen ấy là một người hiền lành, đáng mến; một người rất tốt không ngăn trở cuộc nói chuyện của chàng với tiểu thư Maria.
   
Nhưng khi chàng nói đến nhà Roxtov, gương mặt tiểu thư Maria càng lộ vẻ luống cuống hơn. Nàng đưa mắt nhìn về phía người mặc áo đen và nói:

- Chả nhẽ anh không nhận ra?
   
Piotr nhìn lại lần nữa khuôn mặt nhợt nhạt, thanh thanh của người tuỳ nữ có đôi mắt đen và cái miệng là lạ. Trong đôi mắt chăm chú ấy có một cái gì thân thuộc đã bị quên lãng từ lâu nhưng đáng mến vô cùng đang nhìn chàng.
     
- Ồ không, chẳng có lẽ? - Chàng nghĩ thầm - Khuôn mặt già trước tuổi, nghiêm nghị, gầy gò và xanh xao ấy ư? Đó không thể là nàng được. Đó chỉ là một kỷ niệm. Nhưng ngay lúc ấy công tước tiểu thư Maria nói: "Natasa" Và khuôn mặt có đôi mắt chăm chú ấy khó khăn, gượng gạo như một nách cửa kẹt mở trên những bản lề han rỉ, mỉm cười, và từ khung cửa ấy một niềm hạnh phúc đã quên lãng từ lâu bỗng toả ra như một luồng gió thơm mát và lùa vào Piotr, niềm hạnh phúc mà chàng không nghĩ đến, nhất là trong lúc này. Nó phả vào chàng, bao trùm và tràn ngập cả tâm hồn chàng.

Khi người ấy mỉm cười, không có thể nghi ngờ gì nữa: đó chính là Natasa, và Piotr yêu nàng.
   
Ngay phút đầu Piotr đã bất giác nói lên với nàng, với tiểu thư Maria và chủ yếu là với bản thân chàng, cái điều bí ẩn mà chính chàng cũng không biết. Chàng đỏ mặt lên vì vui sướng và đau khổ. Chàng muốn che giấu nỗi xúc động trong lòng. Nhưng càng muốn che giấu thì nó lại càng lộ rõ ra - rõ hơn là nói bằng lời lẽ minh xác nhất - với mình, với nàng và với tiểu thư Maria rằng chàng yêu nàng.
   
"Không, chẳng qua vì quá đột ngột mà thôi", - Piotr tự nhủ. Nhưng ngay khi chàng toan tiếp tục nói chuyện với tiểu thư Maria, chàng lại nhìn Natasa và mặt chàng lại càng đỏ bừng lên, và cảm giác bồi hồi vui sướng lại càng tràn ngập lòng chàng. Chàng nói ấp úng và dừng lại giữa câu.
   
Piotr không trông thấy Natasa bởi vì chàng không thể nào ngờ có thể gặp nàng ở đây, nhưng chàng không nhận ra nàng là vì từ khi chàng gặp nàng lần cuối cho đến nay Natasa đã thay đổi nhiều quá.
Nàng gầy xanh hơn trước. Nhưng đó không là nguyên do khiến chàng không nhận ra nàng: Phút đầu khi mới bước vào phòng chàng không thể nhận ra được là vì trên khuôn mặt ấy trước kia bao giờ đôi mắt cũng ánh lên một nụ cười yêu đời thầm kín, thì nay, khi chàng bước vào phòng và nhìn nàng lần đầu, không hề có lấy bóng dáng của một nụ cười, chỉ có một đôi mắt, chăm chú, hiền lành, buồn rầu nhìn chàng như có ý dò hỏi.:
   
Trước sự bối rối của Piotr, Natasa không lộ vẻ bối rối, chỉ có một nỗi vui mừng kín đáo thoáng bừng lên trên khắp gương mặt nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:20:54 pm
Phần XV
Chương - 16 -17

- Natasa lên đây ở chơi với tôi - công tước tiểu thư Maria nói.
   
Bá tước và phu nhân nay mai cũng sẽ lên. Tình trạng bá tước phu nhân hiện nay rất nguy kịch. Nhưng chính Natasa cũng cần đi bác sĩ. Hai cụ đã bắt buộc chị ấy phải lên đây với tôi đấy.

- Phải, gia đình nào mà chẳng có chuyện buồn riêng? - Piotr quay về phía Natasa nói - Cô ạ, hôm ấy đúng vào lúc họ giải phóng chúng tôi. Tôi có trông thấy cậu em. Thương quá! Cậu bé đáng yêu như thế mà…

Natasa nhìn chàng, và như đáp lại lời chàng, đôi mắt nàng càng mở to và sáng long lanh.

- Có thể nói gì hay nghĩ gì để an ủi bây giờ? - Piotr nói - Không thể được. Tại sao một cậu bé đáng yêu, tràn đầy sức sống như vậy lại phải chết?

- Phải, thời buổi chúng ta thật khó lòng mà sống nổi nếu không có lòng tin… - tiểu thư Maria nói.

- Phải, phải. Hoàn toàn đúng thế, - Piotr vội vã ngắt lời.

- Tại sao? - Natasa nhìn chăm chú vào mắt Piotr hỏi.

- Còn tại sao nữa? - tiểu thư Maria nói - chỉ riêng ý nghĩ là bên kia sẽ có.

Natasa chưa nghe hết lời tiểu thư Maria đã lại nhìn sang Piotr có ý dò hỏi.

- Và cũng là vì - Piotr nói tiếp, - chỉ có người nào tin có Thượng đế dìu dắt chúng ta mới có thể chịu đựng được một tổn thất như tổn thất của phu nhân và của cô, - Piotr nói.

Natasa đã mở miệng nói một câu gì, nhưng bỗng dừng lại. Piotr hấp tấp ngoảnh mặt đi và lại quay sang hỏi tiểu thư Maria về những ngày cuối cùng của bạn chàng.
     
Vẻ bối rối của Piotr bây giờ hầu như đã biến hết, nhưng đồng thời chàng cẩm thấy cả sự tự do thoái mái trước kia của chàng cũng biến mất: chàng thấy rằng trước mọi lời lẽ, mọi hành động của chàng bây giờ đều có một vị quan toà, và lời phán xử của vị quan toà ấy chàng tôn trọng hơn hết thảy bất cứ lời phán xét nào của mọi toà án trên thế gian. Chàng nói, và cứ mỗi lời nói ra chàng lại cân nhắc xem xét nó có thể gợi lên trong lòng Natasa một ấn tượng như thế nào. Chàng không cố ý nói ra những điều có thể làm nàng vừa lòng, nhưng khi nói ra một điều gì chàng đều đứng trên quan điểm của nàng mà tự phê phán.

Công tước tiểu thư Maria, như xưa nay vẫn thế, miễn cưỡng kể lại tình trạng công tước Andrey khi nàng gặp lại. Nhưng những câu hỏi của Piotr, đôi mắt thảng thốt của chàng, khuôn mặt run run vì xúc động của chàng dần dần buộc nàng phải đi sâu vào những chi tiết mà nàng vẫn sợ không dám ôn lại dù chỉ trong tâm trí mình.

- Phải, phải, thế đấy! - Piotr nói, cả người cúi về phía tiểu thư Maria và khát khao nghe nàng kể.
   
- Phải, phải thế là anh ấy đã bình tâm lại? Anh ấy đã dịu lại? Anh ấy xưa nay vẫn dốc hết tâm hồn đi tìm một điều duy nhất; làm sao trở thành một người tốt hoàn toàn, cho nên anh ấy không thể sợ chết được. Những khuyết điểm của anh ấy - nếu có - không phải do tự bản chất. Thế nghĩa là anh ấy đã dịu lại? - Piotr nói - Anh ấy gặp lại cô như vậy thật hạnh phúc quá chàng bỗng quay sang nói với Natasa và nhìn nàng với đôi mắt đẫm lệ.
     
Mặt Natasa run run. Nàng cau mày và cúi đầu nhìn xuống đất một lát. Nàng phân vân không biết có nên nói không.
   
- Phải, đó là hạnh phúc, - nàng nói khẽ, giọng trần trầm - Đối với tôi thì đó chắc chắn là một niềm hạnh phúc - Nàng im lặng một lát - Mà anh ấy… anh ấy… cũng nói rằng anh ấy đang mong gặp tôi khi tôi đến. - Giọng nói của Natasa nghẹn ngào. Nàng đỏ mặt, xiết chặt hai tay trên đầu gối và bỗng nhiên, hẳn là cố lấy sức tự chủ, nàng ngẩng đầu lên và bắt đầu nói nhanh:

- Khi rời Moskva ra đi chúng tôi chẳng hay biết gì cả. Tôi không dám hỏi thăm tin tức anh ấy. Thế rồi bỗng nhiên Sonya nói với tôi là anh ấy đang cùng đi với chúng tôi. Tôi không nghĩ ngợi gì hết, tôi không thể hình dung tình trạng ấy ra sao, tôi chỉ thấy cần gặp anh ấy, cần ở bên cạnh anh ấy.
     
Nàng nói hổn hển, giọng run run. Và không để ai ngắt lời, nàng kể một hơi những điều mà nàng chưa bao giờ kể với ai, tất cả những gì mà nàng đã trải qua trong ba tuần lễ đi đường và ở lại Yaroxlav.

Piotr há miệng nghe nàng kể, đôi mắt đẫm lệ không rời nàng.
       
Trong khi nghe nàng, chàng không nghĩ tới công tước Andrey, không nghĩ đến cái chết hay đến những điều nàng kể. Chàng nghe nàng nói và chỉ thấy xót thương nỗi đau khổ mà hiện nay nàng đang trải qua trong khi kể.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:22:35 pm
Công tước tiểu thư, mặt mếu máo vì cố nén nước mắt, ngồi cạnh Natasa và lần đầu tiên nghe kể lại những ngày cuối cùng trong cuộc tình duyên của anh nàng với Natasa.
     
Có thể thấy rõ rằng câu chuyện kể đau đớn và vui mừng này là một nhu cầu thiết yếu đối với Natasa.
     
Nàng kể, pha trộn những chi tiết vụn vặt không đâu với những điều bí mật sâu kín nhất, và có thể tưởng chừng nàng sẽ không bao giờ kể xong được. Có những điều nàng nhắc đi nhắc lại đến mầy lần.
Sau cánh cửa chợt nghe tiếng Dexal xin phép cho Nikoluska vào chào cô đi ngủ.

- Thế là hết, chỉ có thế thôi… - Natasa nói. Nàng vụt đứng dậy khi Nikoluska vào, bước nhanh gần như chạy ra cửa, va đầu vào cánh cửa lấp sau bức rèm, và với một tiếng rên rỉ không hiểu vì đau hay vì buồn, nàng chạy ra khỏi phòng.
     
Piotr nhìn khung cửa nàng vừa chạy và không hiểu nổi vì sao bỗng thấy mình chỉ còn trơ trọi lại một mình bơ vơ trong vũ trụ.
     
Công tước tiểu thư Maria chợt làm cho chàng sực tỉnh, nàng nhắc chàng lưu ý đến đứa cháu trai vừa đi vào phòng.
     
Khuôn mặt Nikoluska hao hao giống bố, giây phút mủi lòng này đã làm cho Piotr xúc động đến nỗi sau khi ôm hôn đứa bé chàng vội vã đứng dậy, lục tìm chiếc khăn mùi xoa và đi ra phía cửa sổ.
Chàng muốn cáo từ tiểu thư Maria, nhưng nàng giữ chàng lại.

- Không, tôi với Natasa nhiều khi đến hai giờ sáng mới đi ngủ, xin anh ngồi lại một lát. Tôi bảo dọn bữa khuya. Anh xuống nhà đi, chúng tôi sẽ xuống ngay.

Trước khi Piotr bước ra, tiểu thư Maria bảo chàng:

- Đây là lần đầu tiên Natasa nói đến anh ấy như thế đấy!

17.
       
Người nhà đưa Piotr vào gian phòng ăn rộng rãi thắp nến sáng trưng, mấy phút sau nghe có tiếng chân bước, rồi công tước tiểu thư Maria và Natasa vào phòng. Natasa khá điềm tĩnh, tuy cái phong thái nghiêm nghị, không có bóng dáng nụ cười, bây giờ đã trở lại trên gương mặt nàng. Công tước tiểu thư, Natasa và Piotr cùng một cảm giác ngượng nghịu thường thấy sau một câu chuyện tâm sự nghiêm trang. Nói tiếp câu chuyện ban nãy thì không được, nói những chuyện vu vơ thì không tiện, mà im lặng thì khó chịu, vì thật ra người ta muốn nói, và nếu im lặng thì có vẻ như vờ vĩnh. Họ lặng lẽ đến cạnh bàn. Những người hầu dịch ghế cho họ ngồi. Piotr mở tấm khăn mát lạnh ra và định tâm là sẽ lên tiếng để chấm dứt quãng im lặng, chàng đưa mắt nhìn Natasa và tiểu thư Maria. Cùng một lúc cả hai người cùng có định ấy: mắt họ đều sáng long lanh niềm yêu đời và ý thừa nhận rằng ngoài nỗi buồn ra còn cả niềm vui nữa.

- Bá tước uống vodka nhé? - công tước tiểu thư Maria nói, và câu nói bỗng xua tan bóng tối của dĩ vãng.

- Anh kể chuyện anh đi, - tiểu thư nói - Người ta kể về anh những chuyện thật là thần kỳ.

- Vâng, - Piotr đáp, nụ cười quen thuộc được vẻ chế giễu dịu dàng bây giờ đã trở lại trên gương mặt chàng. - Chính tôi cũng đã nghe họ kể về mình những chuyện thần kỳ mà trong chiêm bao tôi cũng chưa từng thấy. Marva Abramovna mời tôi lại nhà rồi kể cho tôi nghe những sự việc mà tôi đã sống qua hoặc chắc hẳn phải sống qua. Stepan Stepanovich cũng dạy cho tôi biết cần phải kể như thế nào. Nói chung tôi nhận thấy là làm một con người thú vị cũng hay (bây giờ tôi là một con người thú vị đấy), họ gọi tôi đến và kể chuyện cho tôi ntơhe., Natasa mỉm cười và toan nói điều gì.
   
- Chúng tôi nghe họ kể lại - tiểu thư Maria ngắt lời nàng - rằng anh đã thiệt hại mất hai triệu rúp ở Moskva có đúng không?
     
- Nhưng tôi đã giàu lên gấp ba, - Piotr nói.
     
Tuy những công nợ của vợ chàng và việc xây lại nhà cửa đã làm cho tình cảnh của chàng thay đổi hẳn, Piotr vẫn tiếp tục kể rằng chàng đã giàu lên gấp ba.
   
- Món lãi mà tôi thu được một cách chắc chắn là tôi đã được tự do.
     
Chàng mở đầu, giọng nghiêm trang, nhưng rồi chàng không nói tiếp nữa, vì nhận thấy đó là một đề tài nói chuyện quá vị kỷ.

- Thế anh cho xây nhà lại à?

- Vâng, Xavelits muốn thế.

- Anh ạ, thế khi còn ở Moskva anh chưa biết bá tước phu nhân mất à? - Tiểu thư Maria nói đoạn lập tức đỏ mặt lên, vì nhận thấy mình hỏi như vậy ngay sau khi Piotr đã được tự do tức là đã gán cho câu nói của chàng một nghĩa mà có lẽ nó không hề có.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:23:57 pm
Chưa Piotr đáp, hẳn là không thấy ngượng nghịu gì về cách tiểu thư Maria lý giải câu nói của mình về tự do. Mãi đến dạo ở Orel tôi mới biết, và chắc hai tiểu thư không thể tưởng tượng tin ấy làm cho tôi kinh hãi đến nhường nào. Chúng tôi trước kia chẳng là một đôi vợ chồng gương mẫu - chàng nói nhanh, mắt liếc nhìn Natasa và nhận thấy gương mặt nàng lộ vẻ tò mò muốn biết chàng đối với vợ ra sao - nhưng cái chết ấy đã gây cho tôi một ấn tượng thật khủng khiếp. Khi hai người xích mích với nhau, bao giờ cả hai người đều có lỗi. Và đối với một người không còn nữa, thì lỗi của mình bỗng nặng lên lạ thường. Vả lại chết như vậđược, chẳng có bạn bè, chẳng có ai an ủi - Tôi rất thương, rất thương nhà tôi, - chàng kết thúc, và thích thú nhận thấy vẻ tán đồng vui vẻ trên gương mặt Natasa.

- Phải, thế bây giờ anh đã lại thành một người độc thân, một người chưa vợ, - tiểu thư Maria nói.
       
Piotr bỗng đỏ tía mặt lên và hổi lâu chàng cố gắng không nhìn Natasa.
     
Khi chàng đã dám nhìn nàng, vẻ mặt nàng lạnh lùng, nghiêm nghị và thậm chí còn có vẻ khinh bỉ nữa - chàng có cảm tưởng như vậy.

- Nhưng có đúng là anh đã gặp và nói chuyện với Napoléon như họ vẫn kể không? - tiểu thư Maria nói.
Piotr cười.

- Không, không hề có như thế. Bao giờ họ cũng cứ tưởng đâu hễ bị Pháp bắt tức là trở thành một tân khách của Napoléon. Tôi không những không hề trông thấy ông ta, mà thậm chí cũng không hề nghe nói đến ông ta nữa. Tôi tiếp xúc với những người thấp hơn ông ta nhiều.
     
Bữa ăn khuya đã xong và Piotr, tuy lúc đầu không muốn kể lại thời gian mình bị cầm tù, dần dần bị lôi cuốn theo đà kể chuyện.

- Nhưng đúng là anh ở lại để giết Napoléon chứ? - Natasa hỏi chàng, miệng hơi chúm chím cười - Tôi đã đoán được việc ấy từ khi gặp anh ở tháp Xukharev, anh có nhớ không?
       
Piotr thú nhận rằng quả đúng như thế, và từ đấy những câu chuyện hỏi của tiểu thư Maria và nhất là của Natasa dần dần lái chàng đi vào tỉ mỉ về những chuyện phiêu lưu của chàng.
       
Thoạt tiên chàng kể với cái sắc thái giễu cợt dịu dàng nay đã trở thành một cách nhìn của chàng đối với mọi người và nhất là đối với bản thân, nhưng về sau, khi chàng kể đến những nỗi khổ, những cảnh khủng khiếp mà chàng đã chứng kiến, chàng sôi nổi hẳn lên và bắt đầu nói với nỗi xúc động đã cố nén bớt của một con người đang nhớ lại những ấn tượng mãnh liệt.
   
Công tước tiểu thư Maria mỉm cười dịu dàng, khi thì nhìn Piotr, khi thì nhìn Natasa. Trong suốt câu chuyện nàng chỉ nhìn thấy Piotr và tấm lòng nhân hậu của chàng. Natasa, đầu tựa lên khuỷu tay, vẻ mặt luôn luôn thay đổi theo câu chuyện, chăm chú theo dõi Piotr không rời một phút, rõ ràng là đang cùng chàng sống lại những sự việc chàng đang kể - không phải chỉ có đôi mắt nàng, mà những tiếng kêu và những câu hỏi vắt tắt của nàng cũng cho Piotr thấy rõ rằng những điều mà chàng kể Natasa đã hiểu đúng được những gì chàng muốn truyền đạt. Có thể thấy rõ nàng không hững hiểu được những điều chàng kể, mà còn hiểu được những điều chàng muốn nói ra nhưng không sao diễn đạt được bằng lời. Đến đoạn chàng đi tìm đứa bé và bênh vực người đàn bà rồi bị bắt, Piotr kể như sau:

- Thật là một cảnh tượng khủng khiếp, trẻ con bị bỏ rơi, có đứa bị bỏ rơi ở giữa đám cháy… Tôi đã trông thấy người ta cứu một đứa ra… có những người đàn bà, bị chúng cướp đồ đạc, giật mất hoa tai.
       
Piotr đỏ mặt, lúng túng.

- Lúc bấy giờ có một đội tuần tiễu đến, họ bắt tất cả những người nào không cướp bóc, bao nhiêu đàn ông đều bị bắt hết. Cả tôi cũng vậy.

- Chắc là anh không kể hết, chắc anh có làm việc gì… Natasa ngừng một lát, - một việc gì rất tốt.
Piotr lại kể tiếp. Trong khi kể lại cuộc hành trình chàng định bỏ qua những chi tiết khủng khiếp, nhưng Natasa cứ khẩn khoản xin chàng đừng bỏ sót một chút gì.
     
Piotr bắt đầu kể về Karataiev (chàng đã rời bàn ăn đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, Natasa đưa mắt nhìn theo), nhưng rồi nghĩ thế nào lại thôi.

- Không, hai tiểu thư không thể hiểu tôi đã học được những điều quý giá như thế nào ở con người vô học, tưởng chừng như ngu ngốc ấy.

- Không, không, anh kể đi, - Natasa nói, - Thế người ấy bây giờ ra sao?
     
- Chúng nó giết chết bác ấy gần như ngay trước mặt tôi - và Piotr bắt đầu kể lại thời kỳ cuối của cuộc hành trình, bệnh trạng của Karataiev (giọng chàng cứ phút phút lại run lên) và cái chết của bác ta.
       
Piotr kể lại những chuyện chàng đã trải qua, và chưa bao giờ chàng nhớ lại người chuyện ấy dưới một ánh sáng giống như lúc này. Chàng dường như thấy một ý nghĩa mới trong những sự việc chàng đã sống qua. Bây giờ, khi kể tất cả những sự việc đó cho Natasa nghe, chàng được hưởng cái thú hiếm có mà phụ nữ thường đem lại cho những người đàn ông khi nghe họ kể chuyện - không phải những người phụ nữ thông minh trong khi nghe thường cố nhớ lại những điều mà người ta nói để làm cho trí tuệ mình phong phú thêm và hễ có dịp là đem ra kể, hoặc cố gắng xếp đặt lại những điều đã nghe kể theo kiểu của mình và nóng lòng nói ra cho nhanh những câu nhận xét thông minh rút ra từ cái cơ ngợi trí tuệ nhỏ bé của mình, mà là những người phụ nữ chân chính có cái năng khiếu lựa chọn và hấp thụ tất cả những cái gì tốt đẹp trong những biểu hiện của nam giới. Natasa, tuy chính nàng cũng không toàn tâm toàn ý nghe Piotr kể: nàng không hề bỏ qua một mảy may nào, dù là một câu một chữ, một chỗ dao động trong giọng nói, một cái nhìn, một cử chỉ, một thớ thịt rung động trên gương mặt của Piotr. Một từ vừa phát ra đã được nàng đón lấy và đưa thẳng vào cõi lòng cởi mở của nàng, và nàng đoán được cái ý nghĩa bí ẩn của tất cả hoạt động nội tâm Piotr.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:25:22 pm
Công tước tiểu thư Maria hiểu câu chuyện kể, đồng cảm với chàng, nhưng bây giờ có một điều khác thu hút hết sức chú ý của nàng, nàng thấy rằng giữa Natasa và Piotr có thể có tình yêu và hạnh phúc được. Và ý nghĩ ấy, lần đầu tiên đến với nàng, đã khiến lòng nàng vui mừng khấp khởi.

Lúc ấy trời đã sáng. Những người hầu bàn vẻ mặt rầu rĩ và nghiêm nghị chốc chốc lại thay nến, nhưng không ai để ý đến họ.
       
Piotr đã kể hết. Natasa với đôi mắt sáng long lanh vẫn nhìn chàng chăm, chú như muốn hiểu biết những điều còn lại mà có lẽ chàng không nói ra. Piotr, vẻ bối rối và sung sướng, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nàng và ngẫm xem bây giờ nên nói gì để chuyển câu chuyện sang một đề tài khác. Tiểu thư Maria ừn lặng. Không ai thoáng có ý nghĩ rằng bây giờ đã là ba giờ sáng và đã đến lúc nên đi nghỉ.

- Người ta thường nói: tai hoạ, đau khổ, - Piotr nói - Nhưng nếu bây giờ, ngay giây phút này có ai nói với tôi: anh có muốn tiếp tục sống như hồi bị bắt, hay sống lại từ đầu tất cả những sự việc ấy không? Thì tôi sẽ trả lời rằng xin trời cứ cho tôi bị tù và ăn thịt ngựa lần nữa. Ta cứ tưởng hễ bị vứt ra khỏi con đường quen thuộc là đã mất hết: nhưng thật ra lúc đó mới bắt đầu có một cái gì mới mẻ, tốt đẹp. Một khi hãy còn cuộc sống thì tất là hãy còn hạnh phúc. Trước mắt chúng ta còn nhiều, nhiều lắm. Điều này tôi nói với cô đấy, - chàng nói thêm với Natasa.
       
- Phải, phải, - nàng nói, đáp lại một điều gì khác hẳn, - và tôi không ao ước gì hơn là sống lại tất cả từ đầu.
       
Piotr chăm chú nhìn nàng.

- Vâng, không còn ao ước gì hơn nữa, - Natasa nhắc lại.

- Không đúng, không đúng, - Piotr nói to lên - Tôi còn sống và muốn sống, thì đó chẳng phải là lỗi của tôi, cô cũng thế.
     
Bỗng Natasa gục đầu vào tay và khóc.

- Natasa làm sao thế? - công tước tiểu thư Maria nói.

- Không, không sao cả - Nàng nhìn Piotr, mỉm cười qua làn nước mắt -      Chào anh nhé, đã đến lúc đi ngủ.
     
Piotr đứng dậy cáo từ.
     
Công tước tiểu thư Maria và Natasa vẫn thường như vậy, lại gặp nhau trong phòng ngủ. Họ nói chuyện về những điều Piotr đã kể. Tiểu thư Maria không nói ý kiến của nàng về Piotr. Natasa cũng không nhắc đến chàng.
     
- Thôi, Maria ngủ ngon nhé, - Natasa nói - Maria biết không, nhiều khi em sợ rằng chúng mình không nói đến anh ấy (công tước Andrey) như thể sợ làm cho tình cảm chúng mình thấp kém đi thế rồi dần dần đâm ra quên anh ấy.
     
Công tước tiểu thư buông một tiếng thở dài nặng trĩu và tiếng thở dài ấy thừa nhận rằng Natasa nói đúng, nhưng ngoài miệng nàng không đồng ý với bạn. Làm sao có thế quên được? - nàng nói.

- Hôm nay em kể được hết mọi việc, thấy nhẹ nhõm quá, em vừa thấy khổ tâm, vừa đau xót, vừa thấy nguôi lòng. Rất nguôi lòng, - Natasa nói, - Em tin chắc rằng Piotr quý anh ấy lắm. Chính vì vậy em kể cho
Piotr nghe… kể như vậy có làm sao không - nàng bỗng đỏ mặt hỏi.

- Kể cho Piotr ấy à? - Ồ, không! Anh ấy quá tốt, - tiểu thư Maria nói.

- Maria ạ, - Natasa bỗng nói với một nụ cười tinh nghịch mà từ lâu tiểu thư Maria không trông thấy trên gương mặt nàng - Anh ấy trông sạch sẽ, trơn tru, tươi tắn như là vừa mới tắm ấy, Maria có hiểu không? - Về tinh thần ấy mà, có đúng không?

- Phải, - tiểu thư Maria nói, - Anh ấy hơn trước nhiều Lại mặc áo đuôi én ngăn ngắn, tóc cũng cắt ngắn, đúng thật, đúng như vừa mới tắm xong… như ba cũng có khi…

- Mình hiểu rằng anh ấy (công tước Andrey) chưa mến ai bằng Piotr - tiểu thư Maria nói.

- Đúng, và anh ấy khác Piotr lắm. Người ta thường nói là đàn ông họ thân nhau khi nào họ thật khác nhau. Chắc chắn là đúng như vậy Có đúng là Piotr chẳng giống anh ấy tí nào không?

- Đúng, và Piotr thật là một người tốt tuyệt trần.

- Thôi Maria ngủ ngon nhé, - Natasa đáp. Và nụ cười tinh nghịch lúc nãy như bị bỏ quên vẫn vương lại trên gương mặt nàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:26:35 pm
Phần XV
Chương - 18 -19

Đêm hôm ấy Piotr không ngủ được, chàng đi đi lại lại trong phòng, khi thì cau mày nghĩ đến một việc gì khó khăn, rồi bỗng so vai rùng mình, khi thì mỉm cười vui sướng.

Chàng nghĩ đến công tước Andrey, đến Natasa, đến tình yêu của hai người và khi thì ghen với dĩ vãng của nàng, khi thì trách mình đã tự dung thứ ý nghĩ đó. Đã sáu giờ mà chàng vẫn đi đi lại lại trong phòng.
"Thôi thì biết làm thế nào, nếu không thể tránh được? Biết làm thế nào? Như vậy tức là phải thế mới được", - chàng tự nhủ, rồi vội vã cởi áo lên gường nằm, lòng sung sướng và bồi hồi xúc động nhưng không còn ngờ vực và hoang mang nữa.

"Dù cái hạnh phúc ấy có kỳ lạ, có vô lý đến đâu chăng nữa, vẫn phải làm hết cách để nàng với ta nên vợ chồng" - chàng tự nhủ.

Trước đây mấy hôm Piotr đã định ngày thứ sáu sẽ đến Petersburg.
     
Hôm thứ năm, khi chàng tỉnh dậy, Xavelits vào phòng chàng xin sửa soạn hành lý để lên đường.
   
"Sao lại đi Petersburg? Petersburg là cái gì nhỉ? Có ai ở Petersburg? - chàng bất giác tự hỏi một mình. - Phải, trước khi việc này xảy ra khá lâu ta đã định đi Petersburg, chả biết để làm gì, - chàng nhớ lại. - Tại sao lại không nhỉ? Ta sẽ đi cũng nên. Chà bác ấy tốt bụng và chu đáo quá, cái gì cũng nhớ? - chàng nghĩ thầm trong khi nhìn khuôn mặt Xavelits - mà nụ cười mới dễ chịu làm sao! - chàng nghĩ.

- Này thế bác, vẫn không muốn được giải phóng à? - Piotr hỏi.

- Để làm gì kia ạ? Từ sinh thời cụ bá tước - Chúa đón linh hồn cụ - Tôi đã hầu hạ ở đây và đến đời ngài tôi cũng không có điều gì phải than phiền.

- Thế còn con cái bác thì sao?

- Con cái tôi cũng thế, ngài ạ. Được ở với những vị chủ nhân như ngài còn đòi hỏi gì nữa?

- Thế rồi đến đời con cháu tôi thì sao - Piotr nói - Nhỡ tôi có cưới vợ cũng có thể như thế lắm, - chàng nói tiếp, bất giác mỉm cười.

- Xin ngài bỏ quá cho: được như vậy thì tốt lắm ạ.

"Bác ta nghĩ đến việc ấy một cách dễ dàng thật - Piotr nghĩ. Bác ta không biết nó đáng sợ, nguy hiểm đến chờng nào. Còn sớm quá hay đã muộn quá rồi… Thật đáng sợ!".

- Thế ngài dạy sao ạ? Ngày mai lên đường chứ ạ? - Xavelits hỏi.

- Không, để ít hôm nữa đã. Lúc nào cần tôi sẽ nói. Làm phiền bác quá, bác bỏ qua cho nhé, - Piotr nói, và nhìn nụ cười của Xavelits, chàng nghĩ thầm: "Nhưng kể cũng lạ, sao bác ta lại không biết rằng bây giờ không còn có Petersburg nào hết, và trước tiên là phải làm sao giải quyết cho xong việc ấy. Vả lại chắc bác ta cũng biết nhưng giả vờ thế thôi. Nói với bác ấy chăng? Bác ta nghĩ thế nào? - Piotr tự nhủ - Không, rồi sau này sẽ nói".
     
Đến bữa ăn sáng, Piotr kể lại với nữ công tước Katerina rằng hôm qua chàng đến nhà công tước tiểu thư Maria và đã gặp, cô thử tưởng tượng xem gặp ai nào? - Cô Natasa Roxtova đấy.
     
Nữ công tước làm ra vẻ như chẳng thấy điều này có gì lạ hơn việc gặp Piotr một bà Anna Xemionovna nào đấy.

- Cô có biết cô ấy không? - Piotr hỏi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:27:47 pm
- Tôi có gặp công tước tiểu thư, cô ta đáp - Tôi có nghe nói là họ đang làm mối tiểu thư cho bá tước Roxtov. Được việc này thì hay cho gia đình Roxtov lắm, nghe nói nhà họ khánh kiệt rồi.

- Không, cô có biết cô Roxtov không kia!

- Dạo trước tôi chỉ nghe kể lại chuyện ấy. Thật là đáng thương.
   
"Không, cô ta không hiểu, hoặc giả vờ không hiểu, - Piotr nghĩ - Chi bằng cũng đừng nói với cô ta nữa".
     
Nữ công tước cũng đang soạn thức ăn đi đường cho Piotr.
     
"Họ đều tốt thật, - Piotr nghĩ, - Bây giờ thì chắc hẳn là những việc ấy không còn có gì thú vị đối với họ nữa, thế mà họ vẫn làm. Và tất cả những việc đó chỉ vì ta, thế mới lạ chứ!
     
Hôm ấy có viên cảnh sát trưởng đến gặp Piotr đề nghị chàng cho người nhà đến điện Granovitia nhận những đồ đạc đang được hoàn lại cho các chủ nhân. "Cả anh này nữa, - Piotr nghĩ thầm trong khi nhìn gương mặt viên ảnh sát trưởng, - Thật là một viên sĩ quan đẹp trai, đáng yêu, mà lại tốt bụng quá! Bây giờ mà anh ta vẫn chịu khó lo đến những vtệc không đâu như thế. Thế mà người ta còn bảo anh ta không thật thà, anh ta lợi dụng. Anh ta đã được giáo dục như thế. Và ai cũng đều làm như thế cả. Chà, khuôn mặt mới hiền lành, dễ chịu làm sao, lại nhìn ta mà mỉm cười nữa chứ?".
       
Piotr đến nhà công tước tiểu thư Maria ăn bữa chiều. Đi qua các dãy phố, giữa những toà nhà bị cháy, chàng ngạc nhiên vì vẻ đẹp của cảnh hoang tàn ấy. Những ống khói, những bức tường đỏ kéo dài ra, che lấp nhau trên những khu phố cháy dở làm thành một quanh cảnh ngoạn mục gợi lại những lâu đài đổ nát trên bờ sông Ranh hoặc hí trường Coliseum hoang tàn. Dọc đường, những người xà ích và những người đi xe, những người thợ mộc đang đẽo xà nhà, những nhà bán hàng và những ông chủ hiệu, mọi người đều nhìn Piotr với gương mặt tươi roi rói, tựa như muốn nói: "A, anh ta đây rồi! Để xem kết quả sẽ ra sao đây!".
     
Khi bước vào nhà tiểu thư Maria, Piotr bỗng đâm ra ngờ vực không biết hôm qua có thật là mình đã đến đây đã gặp Natasa và nói chuyện với nàng không. "Có lẽ ta tưởng ra cũng nên, có thể là bây giờ ta vào nhà chẳng trông thấy ai hết". Nhưng chàng chưa kịp bước vào phòng thì cả linh hồn và thể xác chàng đều cảm thấy có nàng ở đây, vì trong khoảnh khắc chàng đã thấy mình không còn ung dung thoải mái nữa. Nàng vẫn mặc chiếc áo dài đen với những nếp gấp mềm mại; đầu chải như hôm qua, nhưng nàng đã là một người khác hẳn. Giả sử hôm qua nàng cũng như thế này thì khi bước vào phòng chàng không thể không nhận ngay ra nàng được.
       
Nàng bây giờ hệt như hồi chàng biết nàng, khi nàng còn là một cô bé lớn lên, rồi khi nàng là vợ chưa cưới của công tước Andrey.

Mắt nàng ánh lên vui vẻ và như dò hỏi, gương mặt Natasa dịu dàng và có vẻ gì âu yếm và tinh nghịch lạ lùng. Piotr ăn bữa chiều và đã định ngồi lại suốt buổi tối, nhưng công tước tiểu thư Maria phải đi chầu lễ chiều, nên Piotr cũng ra về một thể.
     
Ngày hôm sau Piotr đến sớm, ăn bữa chiều và ở lại suốt buổi tối.

Mặc dầu tiểu thư Maria và Natasa rõ ràng đều vui sướng được tiếp chàng, mặc dầu bao nhiêu hứng thú của đời Piotr nay đã tập trung vào ngôi nhà này, đến tối họ cũng vẫn chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa, và câu chuyện cứ luôn luôn chuyển từ một đề tài không đâu sang một đề tài không đâu khác, và chốc chốc lại bị đứt quãng. Tối hôm ấy, Piotr ngồi lâu đến nỗi nữ công tước Maria và Natasa đưa mắt nhìn nhau, rõ ràng là băn khoăn không biết chàng đã sắp về chưa. Piotr biết thế nhưng không ra về được. Chàng thấy khó khăn ngượng ngùng, nhưng chàng vẫn ngồi, bởi vì chàng không sao đứng dậy ra về được.
     
Công tước tiểu thư Maria mãi không thấy chàng cáo từ, bèn đứng dậy trước và kêu nhức đầu xin đi nghỉ.

- Thế ngày mai anh đi Petersburg à? - nàng nói.

- Không, tôi không đi, - Piotr hấp tấp nói, có vẻ ngạc nhiên và dường như có ý giận. - À, đi Petersburg ấy à? Mai tôi sẽ đi, nhưng tôi chưa từ biệt hai tiểu thư. Tôi còn ghé lại xem hai tiểu thư có gửi gì không - chàng đứng trước tiểu thư Maria, mặt đỏ bừng, và vẫn không ra về.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:29:06 pm
Natasa đưa tay cho chàng rồi lui ra. Công tước tiểu thư Maria thì ngược lại, không lui ra mà lại gieo mình xuống ghế bành và đưa đôi mắt trong sáng, sâu thẳm nhìn Piotr nghiêm nghị và chăm chú.
Vẻ mệt mỏi rõ rệt của nàng lúc này đã mất hẳn. Nàng buông một tiếng thở dài nặng trĩu, dường như sửa soạn nói một câu chuyện dài.

Khi Natasa đã ra ngoài, tất cả vẻ bối rối và ngượng nghịu của Piotr biến đi trong khoảnh khắc, nhường chỗ cho vẻ phấn khích và xúc động. Chàng hấp tấp dịch ghế lại gần tiểu thư Maria.

- Vâng chính tôi cũng muốn nói với tiểu thư, - chàng nói để đáp lại cái nhìn của nàng như đáp lại một câu hỏi - Tiểu thư giúp tôi với. Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng được không? Tiểu thư ạ, hãy nghe tôi nói. Tôi biết hết. Tôi biết rằng tôi không xứng đáng với nàng, tôi biết nàng hiện nay không thể nói đến việc ấy được. Nhưng tôi muốn làm một người anh của nàng. Không, không phải thế… tôi không muốn, tôi không thể…
       
Chàng dừng lại, giơ tay lên vuốt mặt và dụi mắt:

- Thế này tiểu thư ạ, - chàng nói tiếp, hẳn là đang cố tự chủ để nói cho có mạch lạc - Tôi không biết tôi
yêu nàng từ lúc nào. Nhưng tôi chỉ yêu có một mình nàng, suốt đời chỉ yêu nàng, và tôi yêu tha thiết đến nỗi tôi không thể nào hình dung một cuộc sống không có nàng được. Ngỏ lời cầu hôn bây giờ thì không dám nhưng khi nghĩ rằng có lẽ nàng có thể thành vợ tôi mà tôi lại bỏ lỡ mất: khả năng ấy khủng khiếp quá. Chị ạ, tôi cần phải làm gì?… Tiểu thư thân mến ạ, - chàng nói sau một lát im lặng và chạm vào tay nàng, vì không thấy nàng trả lời.

- Tôi đang nghĩ về việc anh vừa nói, - công tước tiểu thư Maria đáp, - Ý tôi thế này anh ạ. Anh nghĩ thế là phải, bây giờ mà nói chuyện tình yêu với Natasa… - công tước tiểu thư ngừng bặt.
Nàng muốn nói: bây giờ mà nói chuyện tình yêu với Natasa thì không thể được, nhưng nàng dừng lại, và đã ba ngày nay sự thay đổi của Natasa đã cho nàng thấy rõ rằng nếu Piotr thổ lộ tình yêu, không những Natasa sẽ không phật lòng, mà thậm chí đó còn là điều duy nhất nàng mong mỏi. Tuy vậy nàng vẫn nói:

- Bây giờ mà nói với Natasa… thì không được.

- Nhưng tôi cần phải làm gì?

Anh cứ để tôi thu xếp cho - công tước tiểu thư Maria nói - Tôi biết.
     
Piotr nhìn vào mắt tiểu thư Maria.

- Thế thì, thế thì…

- Tôi biết rằng cô ấy yêu… sẽ yêu anh, - tiểu thư Maria chữa lại.
     
Nàng chưa kịp nói hết câu thi Piotr đã đứng phắt dậy và vẻ mặt hoảng hốt, chàng nắm lấy tay tiểu thư Maria.

- Tại sao chị nghĩ như thế? Chị cho rằng tôi có thể hy vọng được ư? Chị nghĩ thế thật à?

- Vâng tôi nghĩ như thế, - tiểu thư Maria mỉm cười nói, - Anh viết thư cho hai cụ đi. Và cứ để tôi lo liệu. Có dịp tôi sẽ nói với cô ấy. Tôi cũng mong thế. Và lòng tôi đã cảm thấy rằng điều đó sẽ thực hiện.

- Không, không thể như thế được! Tôi sung sướng quá! Nhưng lẽ nào lại có thể như thế. Tôi sung sướng quá! Không, không thể được! - Piotr vừa nói vừa hôn tay tiểu thư Maria.

- Anh đi Petersburg đi, như thế tốt hơn. Tôi sẽ viết thư cho anh, nàng nói.

- Đi Petersburg ư? Vâng, tôi sẽ đi. Nhưng ngày mai tôi có thể đến đây chứ?
     
Ngày hôm sau Piotr đến chào hai người để lên đường. Natasa không có vẻ sôi nổi như mấy ngày trước, nhưng hôm ấy thỉnh thoảng nhìn vào mặt nàng, Piotr thấy mình như tan biến đi, chẳng còn chàng, chẳng còn nàng nữa, mà chỉ còn một niềm hạnh phúc tràn trề. "Có lẽ nào? Không, không thể được", - cứ mỗi khoé nhìn, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói của nàng Piotr lại tự nhủ, lòng tràn đầy hạnh phúc.
Khi từ biệt nàng, Piotr cầm lấy bàn tay thon gầy của nàng và bất giác giữ lại lâu lâu trong tay mình.
     
"Có lẽ bàn tay này, khuôn mặt này, tất cả những cái kiều diễm quý giá vô ngần trong một người đàn bà xa lạ đối với ta, có lẽ nào tất cả những cái ấy sẽ vĩnh viễn là của ta, sẽ thành một cái gì quen thuộc như bản thân ta đối với ta? Không, không thể như thế được!"

- Thôi bá tước đi nhé, - nàng nói to - Tôi sẽ nóng lòng chờ anh - nàng thì thầm nói thêm.
     
Và những lời đơn giản này, khoé nhìn và vẻ mặt của nàng khi nói ra những lời ấy, trong hai tháng trời đã làm một cội nguồn không bao giờ cạn của những hổi tưởng, những cách lý giải và những ước mơ êm đẹp của Piotr. "Tôi sẽ nóng lòng chờ anh. Ô, ta sung sướng quá! Làm sao thế nhỉ, ta sung sướng quá" - Piotr tự nhủ.

========================================================

Chú thích:

(1) Một hí trường khán đài vòng tròn rất đồ sộ ở La Mã, ngày xưa dùng làm nơi đấu võ đua xe ngựa hoặc để thú dữ ăn thịt tội nhân cho công chúng xém. Hí trường Coliseum xây dưới hai triều Vespasien và Titus vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:33:10 pm
19.
     
Trong tâm hồn Piotr lúc này không thề thấy diễn ra một cái gì giống như trong thời gian chàng đính hôn với Elen, tuy hoàn cảnh có thể tưởng chừng như tương tự.
     
Bây giờ chàng không thầm nhắc đi nhắc lại những lời đã nói ra với một nỗi hổ thẹn da diết như dạo ấy, chàng không tự nhủ: "Ờ, tại sao ta lại không nói như thế, và tại sao, tại sao lúc ấy ta lại nói "Tôi yêu cô". Bây giờ thì trái lại, mỗi lời nói của nàng hay của chàng, Piotr đều nhắc lại trong tưởng tựng cùng với tất cả những chi tiết của gương mặt, nụ cười, và chàng không hề muốn thêm bớt gì vào đấy cả: chàng chỉ muốn nhắc lại mãi. Những nỗi ngờ vực không biết việc mình đang làm là tốt hay là xấu bây giờ không còn lấy một dấu vết nào nữa. Chỉ còn một nỗi nghi hoặc khủng khiếp thỉnh thoảng hiện lên trong tâm trí chàng. Tất cả những điều đó là chiêm bao chăng? Công tước tiểu thư Maria nhầm chăng? Ta có hợm mình và tự tin quá chăng? Ta cứ tin tưởng thế này, rồi bỗng nhiên - mà chắc rồi cơ sự phải như thế - rồi một hôm công tước tiểu thư sẽ nói với nàng, thế là nàng cười mỉm và đáp: "Lạ quá! Chắc anh ấy nhầm. Chả nhẽ anh ấy không biết rằng anh ấy là một con người, chỉ là một con người mà thôi, còn tôi? Tôi là một cái gì khác hẳn cao hơn".
     
Chỉ có nỗi ngờ vực ấy thường đến với Piotr. Bây giờ chàng cũng không dự tính trước điều gì cả. Chàng thấy hạnh phúc trước mắt có vẻ khó tin đến nỗi chỉ riêng điều đó thực hiện là đủ rồi, còn về sau không thể có gì khác nữa. Tất cả đều đã kết thúc.
     
Một trạng thái điên rồ hoan hỉ, bất ngờ mà Piotr tưởng mình không thể có được, làm chủ tâm hồn chàng. Tất cả ý nghĩa cuộc sống, không phải đối với mình chàng mà đối với cả thế giới chàng thấy đều bao hàm trong tình yêu của chàng và cái khả năng được nàng yêu lại. Đôi khi chàng có cảm tưởng mọi người đều chỉ bận tâm nghĩ đến một điều duy nhất: hạnh phúc tương lai của chàng.
     
Đôi khi chàng có cảm tưởng họ cũng vui mừng như chính chàng, chẳng qua họ cố che giấu nỗi vui mừng đi và giả vờ như đang bận lo đến những việc khác mà thôi. Trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ chàng đều thấy họ có ý ám chỉ đến hạnh phúc của chàng. Chàng thường làm cho những người gặp chàng phải ngạc nhiên vì những cái nhìn và nụ cười sung sướng đầy ý nghĩa biểu lộ sự thoả thuận thầm kín giữa chàng và họ. Nhưng những khi chàng hiểu rằng người ta có thể không biết đến hạnh phúc của chàng, chàng thành tâm thương hại họ và muốn tìm cách cắt nghĩa cho họ rằng tất cả những điều đang khiến họ bận tâm đều là những điều hoàn toàn nhảm nhí, vô nghĩa, không đáng cho họ lưu ý.
     
Những khi người ta đề nghị chàng ra làm việc nhà nước, hoặc những khi người ta bàn luận những vấn đề chung chung về tổ quốc, về chiến tranh, làm như là hạnh phúc của mọi người đều lệ thuộc vào kết quả này nọ của các biến cố, chàng lắng nghe với: một nụ cười thương hại dịu dàng và làm cho những người nói chuyện với chàng phải ngạc nhiên vì những lời nhận xét kỳ quặc của chàng.

Nhưng dù là những người mà Piotr cho là hiểu rõ ý nghĩa chân chính của cuộc sống - tức là tình yêu của chàng - hay là những kẻ bất hạnh hiển nhiên không hiểu nổi điều đó cũng vậy, trong thời gian ấy mọi người đều hiện ra trước mắr chàng dưới ánh hào quang của cái tình cảm đang chói lọi trong lòng chàng, cho nên hê gặp người nào, là chàng thấy rõ ngay, không phải cố gắng một mảy may nào, tất cả những gì tốt đẹp và đáng mến trong con người đó.
       
Xem xét những công việc và giấy tờ của người vợ quá cố, chàng không thấy có cảm xúc gì ngoài lòng thương hại đối với nàng, vì nàng không biết cái hạnh phúc mà chàng đang được hưởng. Công tước Vaxili, bấy giờ đang rất hãnh diện vì mới được thăng chức và được thưởng bội tinh, chàng lại thấy là một ông già tốt bụng hiền lành, đáng thương.
       
Về sau. Piotr hay nhớ lại thời gian điên rồ đầy hạnh phúc này. Tất cả những điều phê phán của chàng về người và việc trong thời gian ấy, mãi mãi về sau chàng vẫn thấy là đúng. Về sau không những chàng không từ bỏ cách nhìn ấy đối với người và ưiệc, mà trái lại trong những lúc ngờ vực và mâu thuẫn nội tâm, chàng còn tìm đến cách nhìn của chàng trong thời gian điên rồ ấy, và cách nhìn ấy bao giờ cũng tỏ ra đúng đắn.
     
"Có lẽ hồi ấy ta có kỳ quặc buồn cười thật, - chàng thường nghĩ, nhưng hồi ấy ta không đến nỗi điên rồ như họ có thể tưởng. Trái lại, hồi ấy ta thông minh và sắc sảo hơn lúc nào hết, và hiểu được tất cả những gì đáng hiểu trong cuộc sống, bởi vì hồi ấy ta sung sướng". Sự điên rồ của Piotr là ở chỗ chàng không chờ đợi tìm thấy như trước kia những lý do cá nhân, mà chàng gọi là giá trị của con người rồi sau mới yêu mến họ, mà tình yêu mến tràn ngập lòng chàng, chàng yêu mọi người một cách vô cớ, và tìm thấy những lý do chắc chắn khiến cho họ xứng đáng được yêu mến.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:37:28 pm
Phần XV
Chương - 20
   
Từ cái buổi tối đầu tiên sau khi Piotr ra về, Natasa với nụ cười tinh nghịch vui vẻ nói với công tước tiểu thư Maria rằng Piotr trông hệt như người vừa mới tắm xong. Với chiếc áo đuôi én, với bộ tóc cắt ngắn từ giờ phút ấy có một cái gì thầm kín mà chính nàng cũng không biết, không sao cưỡng nổi, đã bừng tỉnh trong lòng Natasa.
   
Tất cả vẻ mặt dáng đi, khoé nhìn, giọng nói - Tất cả đều bỗng nhiên thay đổi trong người nàng. Những điều mà chính nàng cũng không ngờ tới, - Sức sống, những niềm hy vọng hạnh phúc - Đã trỗi dậy và đòi được thoả mãn. Từ tối hôm đầu, Natasa dường như đã quên tất cả những việc đã xảy ra đến với nàng. Từ buổi ấy, nàng không lần nào than phiền về cảnh ngộ của mình, không nói lấy một lời về d vãng và không còn sợ xây đắp những dự định vui vẻ cho tương lai. Nàng ít nói đến Piotr, nhưng khi tiểu thư Maria nhắc đến chàng, một ánh sáng đã tắt ngấm từ lâu bỗng dưng lại bừng sáng lên trong mắt nàng, và môi nàng mỉm cười một nụ cười kỳ lạ.
     
Sự thay đổi của Natasa thoạt tiên làm cho công tước tiểu thư Maria ngạc nhiên, nhưng khi nàng đã hiểu được ý nghĩa của sự thay đổi ấy, nó lại làm cho nàng phiền lòng. "Lẽ nào cô ấy yêu anh mình ít đến nỗi có thể quên chóng như vậy?" - Nữ công tước Maria tự nhủ mỗi khi ngẫm nghĩ về sự thay đổi đã diễn ra trong Natasa.
       
Nhưng khi ở bên cạnh Natasa thì tiểu thư không giận và không trách nàng. Cái sức sống mới bừng tỉnh dậy và đang khống chế Natasa rõ ràng là mãnh liệt, bất ngờ và không sao cưỡng nổi đối với chính bản thân Natasa, đến nỗi những khi có Natasa bên cạnh, tiểu thư Maria cảm thấy mình không có quyền trách móc nàng dù chỉ trong thâm tân cũng vậy.
     
Natasa buông mình theo tình cảm mới một cách trọn vẹn và chân thành đến nỗi nàng cũng không cố che dấu rằng bây giờ nỗi buồn đã nhường chỗ cho niềm vui.
     
Đêm hôm ấy, khi công tước tiểu thư Maria về phòng sau cuộc nói chuyện với Piotr, Natasa đón nàng trên ngưỡng cửa.

- Anh ấy nói rồi à? Đúng không? Anh ấy nói rồi à? - Natasa hỏi lại. Và một sắc thái vừa vui mừng vừa tội nghiệp, như van lơn bạn tha thứ cho nỗi vui mừng của mình, ngưng lại trên gương mặt Natasa.

- Em định đứng nghe lỏm ở ngoài cửa, nhưng em biết rằng chị sẽ nói lại với em.
       
Công tước tiểu thư Maria rất hiểu và rất cảm động trước đôi mắt của Natasa đang nhìn nàng, nàng rất thương xót khi thấy bạn xúc động như vậy, nhưng thoạt tiên những lời nói của Natasa vẫn làm cho công tước tiểu thư Maria chạnh lòng. Nàng nhớ đến công tước Andrey đến tình yêu của chàng.
     
"Nhưng biết làm thế nào được! Natasa không thể có cách nào khác". - Tiểu thư Maria thầm nghĩ, và với vẻ mặt buồn rầu và hơi nghiêm nghị, nàng thuật lại cho Natasa nghe tất cả Natasa điều mà Piotr đã nói với nàng. Nghe nói chàng sắp đi Petersburg, Natasa sửng sốt:
     
- Đi Petersburg? - nàng nhắc lại, tựa hồ như không hiểu. Nhưng nhìn vào vẻ mặt buồn rầu của tiểu thư Maria nàng đoán ra nguyên do khiến cho bạn buồn và bỗng khóc oà lên.
     
- Maria, - nàng nói, - chị hãy cho em biết nên thế nào, em sợ em xấu xa. Maria bảo gì, em cũng sẽ làm theo, bảo với em.
     
- Natasa yêu anh ấy chứ.
     
- Vâng, - Natasa thì thầm.
     
- Thế tại sao Natasa lại khóc. Mình mừng cho Natasa - công tước tiểu thư Maria nói, chỉ những giọt nước mắt ấy thôi cũng đã đủ cho nàng hoàn toàn tha thứ cho nỗi vui mừng của Natasa.
Sẽ còn lâu, sau này kia, Maria, chị thử nghĩ mà xem sướng biết chừng nào khi em sẽ là vợ anh ấy, còn chị thì lấy anh Nikolai.

- Natasa, mình đã xin Natasa đừng nói đến việc ấy. Chúng mình hãy nói đến Natasa thôi.
       
Hai người im lặng một lát.

- Nhưng tại sao lại phải đi Petersburg? - Natasa bỗng thốt lên, rồi tự mình vội vã, trả lời - Không, không, cần phải thế… Đúng không, Maria? Cần phải như thế…


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:38:47 pm
Phần XVI -Chương -1

Bảy năm đã trôi qua kể từ những biến cố năm 1812 Đại dương lịch sử của châu Âu, sau cơn sóng gió ba đào, đã trở lại yên tĩnh. Nó có vẻ như đã lặng, nhưng những sức mạnh huyền bí thúc đẩy nhân loại (huyền bí bởi vì chúng ta không biết những quy luật quy định sự vận động của nó) vẫn tiếp tục tác động.
   
Tuy mặt biển lịch sử có vẻ im lìm, nhưng sự vận động của nhân loại vẫn tiếp tục không ngừng chẳng khác gì sự vận động của thời gian.  Những nhóm người khác nhau tập hợp rồi lại phân tán, những nguyên nhân làm cho các quốc gia hình thành và tan rã, làm cho các dân tộc thiên di, vẫn đang dần dần được chuẩn bị.
   
Đại dương lịch sử không chuyển động thành từng đợt sóng xô từ bờ này sang bờ kia như trước: nó đang sôi sục ở tận dưới đáy sâu.

Các nhân vật lịch sử không bị sóng cuốn đi từ bờ này sang bờ kia như trước, bây giờ hình như họ quay tròn ở một chỗ. Các nhân vật lịch sử, trước kia, phản ánh ở cương vị tướng soái cuộc vận động của quần chúng bằng những mệnh lệnh chiến đấu, xung trận thì nay lại phản ánh sự vận động sôi sục này bằng những âm mưu chính trị và ngoại giao; bằng những đạo luật, những hiệp ước.
     
Các sử gia gọi hoạt động này của các nhân vật lịch sử là hành vi phản động.
     
Trong khi miêu tả hoạt động của các nhân vật lịch sử này, mà họ cho là nguyên nhân của cái gọi là hành vi phản động, các sử gia đã nghiêm khắc lên án họ. Tất cả các nhân vật nổi tiếng trong thời đại ấy kể từ Alekxandr và Napoléon cho đến De Stael, các ông Fotyux, Selling, Ficher, Satobrien v.v, đều bị họ phê phán nghiêm khắc và bị kết án hay được thanh minh tuỳ ở chỗ họ góp sức vào phe tiến bộ hay phe phản động.
     
Theo miêu tả của họ, trong thời kỳ ấy ở Nga cũng diễn ra những hành vi phản động mà người chủ mưu là Alekxandr mà chính họ đã miêu tả như là người thủ xướng những công cuộc có xu hướng tự do trong thời kỳ đầu của triều đại và là người đã cứu nước Nga.
       
Trong các sách vở của người Nga hiện nay, từ cậu học sinh trung học đến nhà sử học thông thái không ai không công kích Alekxandr về những hành động sai lầm của ông trong giai đoạn này.
     
"Đáng lý ông ta phải hành động thế này, thế nọ. Trong trường hợp này ông làm đúng, trong trường hợp kia ông làm sai " Ông đã xử sự rất tài tình trong thời gian đầu trị vì và năm 1812 nhưng ông đã hành động kém cỏi khi ban hành hiến pháp cho nước Ba Lan, thành lập Liên minh thần thánh, giao quyền cho Arakseyev, khuyến khích Golixyn và chủ nghĩa thần bí, và sau đó lại khuyến khích Siskoy và Fotyux. Ông ta làm sai khi giải tán trung đoàn Xemenovxki(1).
     
Phải mất hàng chục tờ giấy mới có thể kể hết những điều mà các sử gia đã trách cứ ông, căn cứ trên những hiểu biết của họ về hạnh phúc của nhân loại.
     
Những lời trách cứ kia có ý nghĩa gì?
     
Ngay cả những hành động của Alekxandr được các sử gia khen ngợi, chẳng hạn: những công việc có xu hướng tự do trong thời kỳ đầu triều đại, cuộc đấu tranh chống Napoléon, thái độ kiên quyết năm 1812 và cuộc viễn chinh năm 1813, chẳng qua cũng đều xuất phát từ những cội nguồn làm thành cái cá tính của Alekxandr huyết thống, giáo dục, sinh hoạt, và đồng thời cũng là những nguyên nhân làm nảy sinh những hành động mà các nhà sử học phê phán như thành lập Liên minh thần thánh, phục hồi nước Ba Lan, mưu mô phản động trong những năm hai mươi.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:40:24 pm
Vậy thì những lời trách cứ ấy thực chất là thế nào? Đó là: một nhân vật lịch sử như Alekxandr I, người đứng ở bậc thang cao nhất của quyền lực mà con người có thể đạt tới, có thể nói là đứng ở cái tiêu điểm sáng loà tập trung tất cả những luồng ánh sáng lịch sử, con người chịu ảnh hưởng mạnh nhất thế giới của những âm mưu, những sự dối trá, những lời nịnh hót, những ảo tưởng về mình, những điều vốn gắn bó khăng khít với quyền lực, con người mà phút nào cũng cảm thấy mình chịu trách nhiệm về tất cả những điều gì xảy ra ở châu Âu, lại không phải là một con người tưởng tượng ra mà là một con người có thật, sống như tất cả mọi người với những tập quán riêng, những dục vọng, những chí hướng vươn tới chân, thiện, mỹ, - con người ấy cách đây năm mươi năm không phải là không có đạo đức (các sử gia không chê trách ông về mặt này) nhưng ông ta không quan niệm hạnh phúc của nhân loại như một vị giáo sư ngày nay, tức là một người từ lúc còn trẻ đã nghiên cứu khoa học, tức là đọc sách, đọc những bài giảng và ghi những điều đã học trong sách và những bài giảng ấy vào một quyển vở.
     
Nhưng dù cứ cho Alekxandr cách đây năm mươi năm đã quan niệm sai về vấn đề hạnh phúc của các dân tộc thì như vậy vô hình chung cũng giả thiết rằng quan niệm về vấn đề này của nhà sử học hiện đang phê phán Alekxandr, ít lâu nữa cũng sẽ thành ra sai lầm.
     
Giả thiết này lại càng dĩ nhiên và tất yếu bởi vì nếu ta theo dõi sự phát triển của lịch sử, ta sẽ thấy rằng cứ mỗi năm, với mỗi tác giả mới, cái quan niệm về hạnh phúc của nhân loại lại thay đổi, như vậy là cái trước kia được xem là tốt thì mười năm sau sẽ là xấu và ngược lại. Không những thế, còn có thể thấy trong lịch sử nhiều quan điểm hoàn toàn đối lập cùng tồn tại một lúc về vấn đề cái gì là tốt cái gì là xấu có người cho việc Alekxandr ban hành hiến pháp cho nước Ba Lan và thành lập Liên minh thần thánh là một công lao, có người lại cho đó là một lỗi lầm.
   
Còn về hoạt động của Alekxandr và Napoléon thì không thể nào nói là có ích hay có hại, bởi vì chúng ta không thể nói nó có ích cho cái gì và có hại cho cái gì. Nếu hoạt động này không làm cho một người nào đấy vừa lòng, thì đó chẳng qua là nó không phù hợp với quan niệm của người đó về vấn đề thế nào là tốt. Dù tôi có quan niệm điều tốt đây là năm 1812 ngôi nhà của cha tôi ở Moskva vẫn được nguyên vẹn, hay là vinh quang của quân đội Nga, hay là sự phát triển của trường đại học Petersburg hay của các trường đại học khác hay là nền tự do của Ba Lan, hay là sự cường thịnh của nước Nga, hay là thế quân bình của châu Âu, hay là một hình thức khai hoá nào đó ở châu Âu mệnh danh là sự tiến bộ, thì tôi cũng cứ phải thừa nhận rằng hoạt động của bất kỳ nhân vật hch sử ngoài những mục đích này còn có những mục đích khác khái quát hơn và tôi không hiểu nổi.
     
Nhưng ta hãy thử giả thiết rằng cái gọi là khoa học có thể điều hoà mọi mẫu thuẫn và có một tiêu chuẩn cố định để đánh giá cái tốt và cái xấu đối với những nhân vật và những biến cố lịch sử.
     
Ta hãy giả thiết rằng Alekxandr lẽ ra có thể tiến hành mọi việc một cách khác. Ta hãy giả thiết rằng theo chỉ thị của những người trách cử ông, những người tự do biết được mục đích cuối cùng của sự vận động nhân loại, của tự do, blnh đẳng và tiến bộ (hình như không có cái gì mới hơn nữa) mà những người hiện nay trách cứ ông đã cấp cho ông. Ta hãy giả thiết rằng cái cương lĩnh ấy có thể thực hiện được, đã vạch xong và Alekxandr đã hành động theo cương lĩnh ấy. Nếu vậy, hoạt động của tất cả những người phản đối xu hướng đường thời của chính phủ (hoạt động mà các nhà sở gia cho là tốt và có ích) sẽ ra sao? Hoạt động ấy sẽ không có, sự sống sẽ không có, sẽ chẳng có gì hết.
     
Cho rằng sự sống của con người có thể tuân theo sự chỉ huy của lý trí tức là phủ nhận khả năng tồn tại của sự sống.

==============================================================

Chú thích:

(1) Một đơn vị cận vệ. Sau cuộc chiến tranh 1812, có một phong trào mạnh mẽ chống lại chế độ hà khắc trong quân đội. Trung đoàn Xemenovxki khởi nghĩa vào tháng 10 năm 1820 bị trấn áp dữ dội và bị giải tán



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:30:40 pm
Phần XVI
Chương - 2 -3

Nếu ta thừa nhận, như các sử gia vẫn làm, rằng các vĩ nhân đưa nhân loại đến những mục đích nhất định: hoặc là sự cường thịnh của nước Nga hay nước Pháp, hoặc là thế quân bình của châu Âu, hoặc là việc truyền bá những tư tưởng cách mạng, hoặc là sự tiến bộ chung, hoặc bất cứ cái gì đi nữa, thì ta không thể nào cắt nghĩa các biến cố lịch sử mà không dùng đến hai khái niệm là ngẫu nhiên, và thiên tài.
Nếu mục đích của những cuộc chiến tranh ở châu Âu đầu thế kỷ này là sự cường thịnh của nước Nga, thì dù không có những cuộc chiến tranh trước đó và không có cuộc xâm lăng, mục đích này vẫn có thể đạt được. Nếu mục đích là sự vĩ đại của nước Pháp, thì không cần có Cách mạng và Đế chế mục đích này cũng vần có thể đạt được. Nếu mục đích là truyền bá tư tưởng thì ấn loát còn thực hiện nhiệm vụ ấy có kết quả hơn quân đội nhiều, nếu mục đích là sự tiến bộ của nền văn minh thì có thể giả thiết rất dễ dàng rằng ngoài cách bắn giết và phá huỷ tài sản của người ta, còn có những cách khác hiệu nghiệm hơn nhiều để truyền bá văn minh.
Vậy thì tại sao việc lại xảy ra như vậy chứ không phải xảy ra một cách khác?
     
Bởi vì nó đã xảy ra như vậy. "Ngẫu nhiên đã tạo ra tình hình kẻ thiên tài đã lợi dụng nó" - sử học nói như vậy.
   
Nhưng ngẫu nhiên là gì? Thiên tài là gì? Hai danh từ ngẫu nhiên và thiên tài không chỉ một cái gì thực tế tồn tại chó nên không thể nào định nglĩla được. Những danh từ này chỉ nói lên một trình độ nhất định trong việc hiểu biết các hiện tượng. Tôi không biết tại sao một hiện tượng nào đó lại xảy ra, tôi nghĩ rằng tôi không thể nào biết được, vì vậy tôi không muốn biết, và tôi nói: đó là ngẫu nhiên. Tôi thấy một sức mạnh gây nên một tác dụng vượt hẳn lên trên mọi thuộc tính chung của con người tôi không hiểu tại sao lại như thế, và tôi nói: đó là thiên tài.
     
Đối với một đàn cừu, thì con cừu mỗi buổi chiều được người chăn cừu đưa đến một cái chuồng riêng và vỗ béo gấp đôi những con khác cần phải xem là một thiên tài. Chiều nào cũng vẫn con cừu ấy không ở trong chuồng chung mà được đưa sang một chuồng riêng để ăn phần yến mạch, rồi đến khi đã béo tốt chính con cừu ấy được đưa ra làm thịt: hai hiện tượng đó phải được xem là một sự phối hợp kỳ lạ của thiên tài với cả một loạt những trường hợp ngẫu nhiên ít có.
     
Nhưng chỉ cần giống cừu dừng nghĩ rằng tất cả những điều chúng gặp đều xảy ra nhằm mục đích của loài cừu, chỉ cần chúng, cho rằng những điều chúng gặp có thể là những mục đích mà chúng không hiểu nổi, là lập tức chúng sẽ thấy được tính thống nhất và liên quan chặt chẽ trong những điều xảy ra đến với con cừu được vỗ béo. Dù chúng không biết con cừu kia được vỗ cho béo nhằm mục đích gì thì ít nhất chúng cũng sẽ biết rằng tất cả những điều con cừu đã gặp đều phải xảy ra một cách ngẫu nhiên, và cũng sẽ không cần đến khái niệm ngẫu nhiên cũng như khái niệm thiên tài nữa.
     
Chỉ có cách đừng đi tìm một mục đích gần gũi có thể hiểu được và thừa nhận rằng không thể nào hiểu được mục đích cuối cùng, ta mới thấy được tính chất nhất quán và hợp lí trong đời sống của các nhân vật lịch sử, ta sẽ phát hiện được nguyên nhân sự bất tương xứng giữa hành vi của họ với năng lực của con người nói chung, và chúng ta không cần đến hai danh từ ngẫu nhiên và thiên tài nữa.
     
Ta chỉ cần thừa nhận rằng mình không biết được mục đích những biến động của các dân tộc châu Âu, mà chỉ biết những hành động tàn sát đã xảy ra thoạt tiên ở Pháp, rồi ở Ý, ở châu Phi, ở Áo, ở Tây Ban Nha, ở Nga, và cuộc vận động từ Tây sang Đông rồi lại từ Đông sang Tây chính là thực chất của những biến cố này, thế là ta không những không cần thấy có gì là phi thường, là thiên tài trong tính cách của Napoléon và của Alekxandr mà còn thấy rõ rằng tất cả những biến cố nhỏ nhất này đều tất yếu.
   
Một khi đã thừa nhận rằng không sao biết được mục đích cuối cùng, ta sẽ thấy rõ điều này: nếu đã không thể nào tưởng tượng ra rằng một giống cây nào đó có thể có một loài và một thứ hạt giống thích hợp hơn loài hoa và thứ hạt giống mà nó sinh sản ra, thì cũng không thể nào tưởng tượng ra được hai người khác nhau với tất cả những điều họ đã trải qua lại có thể thích hợp như vậy ngay đến từng chi tiết nhỏ nhất, với sứ mệnh mà họ có nhiệm vụ thực hiện.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:32:40 pm
3.
   
Sự kiện căn bản chủ yếu trong những biến cố ở châu Âu đầu thế kỷ này là cuộc di chuyển có tính chất quân sự của các khối dân tộc châu Âu từ Tây sang Đông rồi lại từ Đông sang Tây. Cuộc di chuyển đầu tiên là cuộc di chuyển từ Tây sang Đông. Để cho các đân tộc ở phương Tây có thể thực hiện cuộc di chuyển đến tận Moskva, cần phải có những điều kiện sau đây:
   
1. Họ phải tập hợp lại thành một tổ chức quân sự to lớn đến mức có thể chạm trán với tổ chức quân sự ở phương Đông.
   
2. Họ phải phủ nhận tất cả những truyền thống và tập quán đã có và,
   
3. Để thực hiện cuộc di chuyển họ phải có một người cầm đầu có thể biện hộ cho bản thân cũng như cho họ về tất cả những hành động lừa dối, cướp bóc và tàn sát đã xảy ra trong cuộc tiến quân này.


Và bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp, cái tổ chức cũ không đủ to lớn đã sụp đổ những tập quán và truyền thống cũ đã bị thủ tiêu, từng bước một, dần dần hình thành một tổ chức có những quy mô mới, những tập quán và những truyền thống mới, thế rồi hình thành con người có nhiệm vụ cầm đầu cuộc di chuyển sau này và lãnh hết phần trách nhiệm về những việc xảy ra.
     
Con người ấy vốn không có chính kiến, không có tập quán, không có truyền thống, không có tên tuổi, thậm chí cũng không phải là người Pháp nữa, hình như do những việc ngẫu nhiên hết sức kỳ lạ, bằng len lỏi giữa tất cả những đảng phái đang làm cho nước Pháp náo động, và không theo đảng phái nào, đã tiến lên chiếm một địa vị hiển hách.
     
Sự ngu dốt của những người đồng sự, sự nhu nhược và bất tài của những kẻ đối địch, sự chân thành trong khi lừa dối, tính thiển cận hào nhoáng và tự phụ của con người này đã đưa ông ta lên địa vị cầm đầu quân đội. Cái tập thể binh sĩ ưu tú của quân đoàn Ý kết hợp với sự bạc nhược của một đối phương không có ý chí chiến đấu, tính táo bạo và lòng tự tin ngây thơ đã đem lại vinh quang quân sự cho ông ta. Vô số những trường hợp gọi là ngẫu nhiên đâu đâu cũng đi kèm theo ông ta. Việc ông thất sủng đối với những người cầm quyền ở Pháp lại có lợi cho ông ta. Những cố gắng của ông ta nhằm thay đổi con đường đã định sẵn cho mình đều thất bại: người ta không cho ông ta sang Nga, và ông ta xin sang Thổ nhĩ Kỳ cũng không được(1). Trong cuộc chiến tranh ở Ý ông ta đã mấy lần nguy đến tính mạng, và mỗi lần như thế đều thoát chết một cách bất ngờ. Quân đội Nga là quân đội duy nhất có thể làm tiêu ma vinh quang của ông ta, thì, vì những lí do ngoại giao này nọ lại không tiến vào châu Âu khi ông đang ở đấy(2).

Ở Ý về, ông thấy chính phủ Paris đang trong quá trình tan rã và những người tham gia chính phủ này thế nào cũng bị quét sạch và bị tiêu diệt. Và cái lối thoát có thể đưa ông ra khỏi cái tình cảnh hiểm nghèo này bỗng dưng tự nó hiện ra: đó là cuộc viễn chinh vô nghĩa và vô cớ sang châu Phi.

Thế rồi những cái gọi là ngẫu nhiên lại giúp đỡ cho ông ta. Đảo Malta vốn nổi tiếng là hiểm yếu và kiên cố đã đầu hàng không bắn một viên đạn, những kế hoạch liều lĩnh, sơ hở nhất của ông ta đều thu được thắng lợi. Hạm đội địch sau này sẽ không để lọt một chiếc thuyền con nào, lần ấy lại để cho cả quân đội của ỡng ta đi qua. Ở châu Phi cả một loạt hành động tàn bạo đã được thực hiện chống lại những người dân hầu như không có vũ khí. Ấy thế mà những thủ phạm nhất là người cầm đầu của họ, lại tự nhủ rằng đó là những việc đẹp đẽ quang vinh tựa như những hành động của Cezar và Alekxandr vua Makedoni.

Cái lý tưởng vinh quang và vĩ đại ở đây tức là không những không thấy có gì sai lầm trong những việc mà mình đã làm mà con lấy làm hãnh diện về tất cả những tội ác mình đã phạm, gán cho nó một ý nghĩa siêu phàm không thể hiểu được, - cái lý tưởng chỉ đạo con người này và những kẻ liên quan đến ông ta, - đã hình thành một cách tự do ở châu Phi. Tất cả những việc đó ông ta làm đều thành công. Bệnh dịch hạch không đụng đến ông ta. Việc ông ta rời châu Phi, bỏ rơi các bạn chiến đấu trong cơn hoạn nạn là một hành động hồ đồ của trẻ con, không có lý do và chẳng cao quý một chút nào, nhưng lại được xem là một công lao, và hạm đội của địch lại hai lần để cho ông ta đi lọt. Đến khi ông ta về Paris một cách vu vơ, đầu óc đã hoàn toàn mê muội vì những tội ác đã chót lọt, sãn sàng đóng vai trò của mình, thì tình trạng tan rã của cái chính phủ cộng hoà mà một năm trước đây có thể nguy hại cho ông ta, bây giờ đã lên đến cùng cực, và sự có mặt của ông, một con người mới không thuộc đảng phái nào, nay chỉ có thể đề cao ông lên mà thôi.

Ông ta không có một chương trình hành động nào, cái gì ông ta cũng sợ, nhưng các chính đảng bám lấy ông ta và khẩn khoản mời ông gia nhập.
     
Chỉ có một mình ông ta với cái lí tưởng về vinh quang và vĩ đại đã hình thành ở Ý và ở Ai Cập, với lòng sủng bái bản thân một cách điên cuồng, với thái độ táo bạo trong tội ác, chân thành trong dối trá, chỉ có ông ta mới có thể biện hộ cho những điều sẽ phải xảy ra.

Ông ta cần thiết cho cái địa vị đang chờ mình, và chính vì vậy, hầu như bất chấp ý muốn của mình và tuy đang phân vân lưỡng lự, tuy chưa có kế hoạch gì, tuy đã phạm đủ các sai lầm, ông ta bị lôi cuốn vào một cuộc âm mưu cướp chính quyền và âm mưu này đã thành công.
   
Người ta đẩy ông vào dự phiên họp của hội đồng chấp chính. Hoảng sợ, ông muốn bỏ chạy, cho là mình chết đến nơi rồi, ông giả vờ ngất đi, ông nói những điều vô nghĩa đáng lẽ phải làm cho ông mất mạng. Nhưng những người cầm đầu nước Pháp, trước kia thông minh và tự hào là thế, bây giờ lại cảm thấy vai trò của mình đã hết, nên còn bối rối hơn cả ông ta nữa, và phát biểu những lời khác hẳn những lời đáng lẽ phải nói để giữ lấy chính quyền và hãm hại ông.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:34:21 pm
Sự ngẫu nhiên, hàng triệu việc ngẫu nhiên đã trao chính quyền cho ông, và mọi người hầu như đã thoả thuận với nhau, đều góp phần củng cố cái chính quyền ấy. Những sự ngẫu nhiên đã tạo nên tính cách của những người cầm quyền ở Pháp lúc bấy giờ đã chịu phục tùng ông, sự ngẫu nhiên đã tạo nên tính cách Pavel I là người thừa nhận quyền lực của ông, sự ngẫu nhiên đã tạo nên một cuộc mưu sát không những không làm hại đến ông mà còn làm cho quyền lực của ông thêm vững chắc. Ngẫu nhiên đã đặt công tước Anghien vào tay ông và tình cờ buộc ông giết chết công tước mặc dù ông không muốn, và sự tình cờ này đã thuyết phục quần chúng mạnh mẽ hơn tất cả những việc khác, cho họ thấy rằng ông ta có lí vì ông ta có sức mạnh. Ngẫu nhiên đã khiến ông dốc toàn lực để thực hiện một cuộc viễn chinh sang Anh (một cuộc viễn chinh hiển nhiên sẽ là tiêu diệt ông), nhưng rồi không bao giờ thực hiện kế hoạch này, mà lại tấn công Mack và quân áo một cách bất ngờ và đạo quân này đã đầu hàng không chiến đấu. Ngẫu nhiên và thiên tài đã làm cho ông chiến thắng ở Auxterlitx và tình cờ tất cả mọi người, không riêng gì ở Pháp mà trên toàn cõi châu Âu cũng thế - trừ nước Anh là nước sẽ không tham dự vào những biến cố sẽ xảy ra - tất cả mọi người, mặc dầu trước kia vẫn ghê sợ những tội ác của ông, bây giờ đều thừa nhận quyền lực của ông, thừa nhận cái danh vị mà ông tự khoác cho mình cũng như cái lí tưởng của ông về quang vinh và vĩ đại mà bây giờ ai cũng cảm thấy là một cái gì tốt đẹp và hợp lý.
     
Dường như để ướm thử và chuẩn bị cho cuộc di chuyển sáp đến, những lực lượng của phương Tây đã mấy lần trong những năm 1805, 1806, 1807, 1809 cố gắng tiến về phương Đông, mỗi lần một đông hơn và mạnh hơn. Năm 1811, một đoàn người vũ trang hình thành ở Pháp, hợp với các dân tộc Trung Âu làm thành một khối người đồ sộ. Cái khối này ngày càng tăng lên thì các sức biện hộ của con người cầm đầu cuộc di chuyển cũng càng mạnh hơn. Trong khoảng mười năm chuẩn bị trước khi diễn ra cuộc di chuyển vĩ đại này, con người ấy giao dịch với tất cả các đế vương ở châu Âu. Các vị chúa tể của thế giới này, là những kẻ bị lột mặt nạ, không thể nào đựa ra một lí tưởng nào hợp lí để chống đối lại với cái lí tưởng vô nghĩa của ông về vinh quang và vĩ đại. Họ lần lượt thi nhau tìm cách biểu lộ cho ông ta thấy rõ cái nhân cách không ra gì của họ. Vua Phổ cho vợ đến cầu xin ân huệ của bậc vĩ nhân; hoàng đế Áo coi việc ông ta nhận con gái mình làm nàng hầu là một ân huệ; giáo hoàng, người giữ gin thánh địa của các dân tộc, dùng tôn giáo của mình để đề cao uy danh của bậc vĩ nhân. Bản thân Napoléon tự chuẩn bị vai trò của mình ít hơn là mọi người chung quanh chuẩn bị cho ông ta nhận hết phần trách nhiệm về những việc đang xảy ra và sẽ phải xảy ra. Không có lấy một hành động, một tội ác, một mánh khoé lừa bịp vụn vặt nào của ông ta mà những người chung quanh lại không lập tức tán tụng như một hành động cao cả. Ngày hội tốt nhất mà người Đức có thể nghĩ ra để ca ngợi ông ta là hội ăn mừng hai trận Lenca và Auerstet. Không phải chỉ một mình ông ông ta vĩ đại mà cả tổ tiên, anh em ông ta, các con riêng của vợ ông ta, anh em vợ ông ta cũng đều vĩ đại cả. Mọi việc đều diễn ra nhằm làm cho ông ta mất hết những dấu vết cuối cùng của lí trí và chuẩn bị cho ông ta đóng các vai trò khủng khiếp của mình. Và đến khi ông ta đã sẵn sàng thì lực lượng ông cần đến cũng sẵn sàng.
     
Cuộc xâm lăng tràn sang phương Đông, dắt đến mục tiêu cuối cùng của nó là Moskva. Thủ đô bị chiếm, quân đội Nga còn bị tổn thất nhiều hơn tất cả những đạo quân của đối phương trong những cuộc chiến tranh kia, từ Auxterlix đến Vagram.

Thế rồi đùng một cái, thay cho những sự ngẫu nhiên, thay cho cái thiên tài vẫn nhất quán đưa ông ta đến mục đích đã định qua cả một loạt những thành công liên tiếp, bỗng xảy ra vô số những việc ngẫu nhiên ngược lại, từ bệnh sổ mũi ở Borodino đến những cơn giá rét và những tia lửa đã đốt cháy Moskva, thế là cái thiên tài kia nhường chỗ cho một sự ngu ngốc và hèn hạ nhất xưa nay chưa từng thấy.
Đạo quân xâm lược bỏ chạy, quay trở lại, chạy nữa và lần này tất cả những việc ngẫu nhiên lại luôn luôn chống lại ông ta chứ không ủng hộ ông ta nữa.
     
Một cuộc di chuyển ngược lại ở Đông sang Tây đã diễn ra, giống cuộc di chuyển trước đây từ Tây sang Đông một cách lạ lùng.

Trước cuộc di chuyển to lớn này cũng đã có những cuộc thí nghiệm tiến quân từ Đông sang Tây vào những năm 1805, 1807, 1809, cũng có sự tập hợp những khối người ở những quy mô đồ sộ, những dân tộc ở Trung Âu cũng gia nhập cuộc di chuyển, cũng có sự dao động ở giữa đường và càng đến gần mục đích thì tốc độ càng tăng.
       
Paris, mục tiêu cuối cùng, đã đạt tới. Chính phủ và quân đội Napoléon bị tiêu diệt. Bản thân Napoléon không còn có chút ý nghĩa gì nữa: tất cả những hành động của ông ta đã rõ ràng là thảm hại và xấu xa. Nhưng một sự ngẫu nhiên không thể giải thích được lại xảy ra, đồng minh căm ghét Napoléon vì thấy ông ta là nguyên nhân làm họ nguy khốn, một khi ông đã mất hết lực lượng và quyền hành, một khi những tội ác và những trò man trá của ông ta đã bị bóc trần, đáng lẽ họ phải thấy ông ta đúng như mười năm trước và sau một năm sau - tức như một tên cường đạo ở ngoài vòng pháp luật. Nhưng do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, không ai thấy điều đó cả.

Vai trò của ông ta chưa hết. Con người mà mười năm về trước và một năm về sau người ta cho là một tên cường đạo ở ngoài vòng pháp luật lại được đưa đến một hòn đảo cách nước Pháp hai ngày thuyền, người ta cho ông làm chủ hòn đảo, cấp cho ông một đội bảo vệ và hàng triệu bạc để làm gì chẳng ai hiểu.

=================================================================

Chú thích:

(1) Tháng 8 năm 1895 Napoléon xin chính phủ phái đến Thổ Nhĩ Kỳ để cải tổ pháo binh.

(2) Năm 1897 Napoléon sang Ai Cập. Năm 1899 quân Nga Xuvorov chỉ huy tiến vào Ý, đánh bại Morô ở Calsano, đánh bại Mac Donal ở Trebbia, đánh bại Juben ở Novy



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:35:54 pm
Phần XVI
Chương - 4 -5

Sự vận động của các dân tộc bắt đầu lắng lại. Những làn sóng của cuộc vận động to lớn đã hạ xuống và trên mặt biển yên lặng hiện ra những vòng tròn. Trong đó có những nhà ngoại giao bơi thuyền qua lại và tưởng đâu chính mình đã làm cho mặt biển trở thành phẳng lặng.

Nhưng mặt biển lặng bỗng lại nổi sóng. Các nhà ngoại giao tưởng đâu những sự bất đồng của họ là nguyên nhân của cơn sóng gió mới. Họ chờ đợi chiến tranh xảy ra giữa các vị vua của họ, họ cảm thấy tình hình này không sao giải quyết nổi. Nhưng làn sóng mà họ cảm thấy dâng lên lại không xuất phát từ nơi họ dự kiến. Đó vẫn là làn sóng ngày trước và điểm xuất phát vẫn là Paris. Đó là làn sóng dội lại cuối cùng của cuộc vận động từ phương Tây, làn sóng này phải giải quyết được những khó khăn về ngoại giao tưởng chừng không giải quyết nổi và kết thúc cuộc vận động quân sự của thời đại này.
     
Con người đã làm cho nước Pháp tan hoang, một thân một mình, không có nội ứng, không có quân đội, đổ bộ lên đất Pháp.

Bất cứ người lính gác nào cũng có thể bắt ông ta, nhưng do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, không những không ai bắt ông ta, mà mọi người còn hân hoan đón chào con người mà vừa mới hôm qua họ còn nguyền rủa và một tháng sau họ lại sẽ nguyền rủa.
     
Con người này cần thiết để biểu lộ cho hồi kịch tập thể cuối cùng. Hồi kịch ấy đã diễn ra, vai trò cuối cùng đã đóng xong.

Người ta bảo diễn viên cởi bỏ trang phục và lau sạch son phấn, người ta không cần đến hắn nữa.
     
Và mấy năm trôi qua: trong thời gian đó, sống cô đơn trên hòn đảo con người ấy lại:tự diễn trước mặt mình một tấn kịch thảm hại, lại mưu mô dối trá đé bào chữa cho những hành vi của mình trong khi sự bào chữa này không còn cần thiết nữa, và bày ra cho tất cả thế giới thấy rõ cái mà người ta cho là một sức mạnh khi có một bàn tay vô hình dắt dẫn nó thật ra là cái gì.
     
Khi vở kịch đã diễn xong và diễn viên đã cởi trang phục, nhà đạo diễn đưa hắn ra cho chúng ta xem và nói: Hãy xem con người mà các anh đã tin tơởng? Đây, nó đây? Bây giờ các anh đã thấy rằng chính tôi chứ không phải nó chi phối các anh rồi chứ?

Nhưng bị quáng mắt vì sức mạnh của cuộc vận động, trong một thời gian dài, người ta vẫn không hiểu điều đó.

Cuộc đời của Alekxandr, con người cầm đầu cuộc vận động ngược lại từ Đông sang Tây, lại còn cho ta thấy một sự liên quan chặt chẽ và tất yếu hơn nữà.
     
Người có thể làm lu mờ tất cả những người khác và cầm đầu cuộc vận động từ Đông sang Tây này cần có những gì?
       
Người đó cần phải có ý thức về chính nghĩa, cần quan tâm đến những công việc của châu Âu, nhưng phải nhìn từ xa, không bị những lợi ích nhỏ nhất làm mờ mắt, người đó cần phải vượt lên trên các quốc vương đường thời về mặt đạo đức. Người đó cần phải có một nhân cách dịu dàng và hấp dẫn, cần phải có một mối hiềm khích riêng với Napoléon. Và tất những điều đó đều tập trung ở Alekxandr I, tất cả những điều đó đều được chuẩn bị bởi những cái gọi là ngẫu nhiên trong suốt quãng đời trước đây của ông ta, nếp giáo dục, xu hướng tự do ở thời kỳ đầu, những người cố vấn ở quanh ông, những sự biến ở Austerlix, Tilzit, và Erfurt.
     
Trong cuộc chiến tranh nhân dân, nhân vật này ngồi không bởi vì người ta không cần đến. Nhưng đến khi người ta thấy thế nào cũng phải có một cuộc chtến tranh của toàn thể châu Âu, nhân vật này liền xuất hiện đúng lúc và đúng địa vị của mình. Rồi sau khi liên kết các dân tộc ở châu Âu lại, ông ta đã đưa họ đến mục đích.
     
Mục đích đã đạt được. Sau cuộc chiến tranh cuối cùng năm 1815, Alekxandr đã lên đến tột đỉnh của quyền lực con người. Ông ta đã sử dụng cái quyền lực ấy như thế nào?
     
Alekxandr I, con người đã bình định châu Âu, con người từ lúc niên thiếu chỉ nghĩ đến hạnh phúc của dân tộc mình, con người đã đề xướng những cải cách tự do ở tổ quốc mình, đến bây giờ, khi mà hình như ông ta đã có được uy quyền tối cao và do đó có đủ khả năng mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mình, trong khi Napoléon đang ngồi xây dựng trong cảnh tù đày những kế hoạch trẻ con và dối trá nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân loại nếu ông ta có quyền lực thì Alekxandr I, sau khi đã làm xong sứ mệnh và cảm thấy bàn tay của Thượng đế đặt lên người mình, bỗng nhận ra sự vô nghĩa của cái quyền lực hư ảo kia, bèn tờ bỏ nó, trao nó lại cho cọn người đáng khinh bỉ và bị ông khinh bỉ, chỉ nói:
       
"Không phải vì tôi, không phải vì tôi mà nhân danh Chúa!(1) Tôi cũng chỉ là một người như các anh, xin để cho tôi sống như một con người và cho tồi nghĩ đến linh hồn của tôi và nghĩ đến thượng đế".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:37:21 pm
Cũng như mặt trời và mỗi nguyên tử ê-te đều là những hình cầu hoàn chỉnh tự bản thân nó và đồng thời chỉ là những nguyên tử của một tổng thể mà con người không thể thiếu được vì nó quá to lớn, mỗi cá nhân cũng mang trong bản thân những mục đích riêng, và đồng thời nó mang những mục đích ấy cũng là để phục vụ những mục đích chung mà con người không hiểu được.
     
Con ong đậu trên một bông hoa đã đốt một đứa trẻ. Thế là đứa trẻ sợ loài ong và nói rằng mục đích của ong là đốt người. Nhà thờ ngắm con ong đậu trên đài hoa và nói rằng mục đích của ong là hấp thụ hương thơm của hoa. Người nuôi ong nhận thấy con ong lấy phấn hoa và mật hoa đem về tổ nên nói rằng mục đích của ong là kiếm mật. Một người nuôi ong khác, nghiên cứu đời sống của bầy ong kĩ hơn, nói rằng con ong lấy phấn và mật để nuôi ong con và ong chúa, rằng mục đích của nó là bảo tồn nòi giống. Nhà thực vật học nhận thấy rằng trong khi mang phấn hoa bay từ hoa đực đến hoa cái, con ong làm cho hoa cái thụ tinh, và cho rằng đó chính là mục đích của ong. Một nhà thực vật học khác nhìn thấy hiện tượng di cư của thực vật nói rằng con ong góp phần vào sự di cư ấy, và người quan sát mới này có thể nói rằng đó chính là mục đích của ong. Nhưng mục đích cuối cùng của ong thì vẫn không thể quay về mục đích thứ nhất, thứ hai hay thứ ba mà trí tuệ con người có thể phát hiện được, trí tuệ con người càng được nâng cao trong việc phát hiện những mục đích này thì đối với nó mục đích cuối cùng lại càng hiển nhiên là không sao hiểu nổi.

Con người chỉ có thể quan sát sự tương quan giữa đời sống của ong với những hiện tượng khác của cuộc sống. Về những mục đích của các nhân vật lịch sử và của các dân tộc cũng cần phải nói như vậy.

===================================================================

Chú thích:

(1)Alekxandr sai đúc một huy chương kỷ niệm việc chiến thắng quân Pháp năm 1812 trên huy chương có câu này.


5.
     
Đám cưới Natasa lấy Bezukhov năm 1813 là sự việc vui mừng cuối cùng trong gia đình Roxtov. Năm ấy, bá tước Ilya Andreyevich qua đời, và như sự thể vẫn thường thấy xưa nay, với cái chết của ông, gia đình cũ của họ Roxtov cũng tan rã.
     
Những biến cố năm vừa qua: vụ hoả hoạn Moskva, cuộc lánh nạn ra khỏi thành phố, cái chết của công tước Andrey và nỗi tuyệt vọng của Natasa, cái chết của Petya và nỗi đau buồn của bá tước phu nhân - tất cả những việc ấy cứ dồn dập giáng xuống đầu lão bá tước. Hình như ông ta không hiểu và cảm thấy mình không sao đủ sức hiểu nổi ý nghĩa của tất cả những biến cố này nên đành nhẫn nhục cúi mái đầu già nua xuống, dường như chờ đợi và cầu xin bồi thêm những đòn khác nữa để kết liễu đời mình. Khi thì ông có vẻ hoảng sợ và ngỡ ngàng, khi thì ông lại phấn chấn và hăng hái một cách thiếu tự nhiên.
     
Đám cưới Natasa, do những công việc lo toan về hình thức của nó đã làm cho ông bận rộn một dạo. Ông sai dọn những bữa ăn chiều, những bữa ăn tối để thết khách và hẳn là ông muốn làm ra vẻ vui nhưng cái vui của ông không lan sang người khác như xưa, trái lại có làm những người biết rõ và mến ông đâm ái ngại cho ông.
     
Sau khi Piotr đưa vợ đi, ông trở nên trầm lặng và bắt đầu kêu buồn. Được mấy ngày, ông ốm nằm liệt giường. Ngay từ những ngày đầu tiên lâm bệnh, mặc dầu các bác sĩ đã ra sức an ủi, ông vẫn hiểu rằng ông sẽ không bao giờ trở dậy nữa. Bá tước phu nhân suốt hai tuần lễ túc trực bên giường ông, ngồi trong chiếc ghế bành, không thay quần áo. Cứ mỗi lần phu nhân cho ông uống thuốc ông lại nghẹn ngào nén tiếng nấc và lặng lẽ hôn tay vợ. Ngày cuối cùng ông khóc rưng rức, xin vợ và người con trai vắng mặt tha thứ cho ông đã trót làm khuynh gia bại sản - đó là tội lỗi nặng nhất mà ông cảm thấy mình đã phạm. Sau khi làm lễ nhận mình Chúa và xức đầu thánh. Ông tắt thở một cách êm thấm, và ngày hôm sau đám người quen biết đến làm trọn bổn phận cuối cùng đối với người đã khuất đông chật cả căn nhà của gia đình Roxtov thuê ở. Tất cả những người quen biết kia đã bao nhiêu lần ăn uống ở nhà ông, đã bao lần chê cười ông, bây giờ đều có một cảm giác hối hận và mủi lòng như nhau, họ nói như để tự thanh minh cho mình trước một người khác:
     
"Phải, muốn nói gì thì nói chứ ông ta vẫn là một người hết sức quý giá, thời buổi này chẳng còn ai được như thế. Vả chăng ai mà chẳng có nhược điểm?".
   
Đúng vào lúc công việc tiền nong của bá tước rối ren đến nỗi không thể nào hình dung cơ sự rồi sẽ kết thúc ra sao nếu tình hình này cứ kéo dài một năm nữa thì ông ta chết một cách đột ngột.
     
Nikolai đang ở Paris với quân đội Nga thì nhận được tin cha chết. Chàng liền làm đơn xin giải ngũ rồi không đợi được phê chuẩn, chàng xin nghỉ phép và lập tức trở về Moskva. Tình hình tiền nong của gia đình một tháng sau khi bá tước chết đã lộ rõ hẳn ra và mọi người đều ngạc nhiên về số tiền khổng lồ gồm các khoản nợ lặt vặt mà không ai ngờ đến. Số tiền nợ lớn gấp đôi giá trị tài sản.
     
Họ hàng thân thích khuyên Nikolai từ chối việc thừa kế gia sản.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:38:11 pm
Nhưng Nikolai thấy từ chối như vậy là xúc phạm đến hương hồn cha cho nên một mực không nghe, và nhất định thừa kế di sản cùng với nghĩa vụ trả hết các món nợ.
     
Các chủ nợ mấy lâu nay im lặng vì sinh thời bá tước họ đều thấy ngần ngại trước tấm lòng đốn hậu bừa bãi của ông ta, vốn có một ảnh hưởng mơ hồ nhưng mạnh mẽ với họ, bây giờ bỗng nhiên kéo nhau đến đòi nợ. Và như thói đời vẫn thế, họ ganh đua nhau về chỗ ai sẽ được trả nợ trước, rồi chính những kẻ như Mityenka là những người chỉ có tấm hối phiếu cho tiền chứ không phải biên nợ, lại là những chủ nợ sách nhiễu nhất. Họ không cho Nikolai trì hoãn, không cho chàng thư thả lấy một phút, và những người ra về thương hại ông già đã làm cho họ thiệt thòi (nếu quả có thiệt thòi) thì bây giờ lại nhẫn tâm xô vào người thừa kế trẻ tuổi - con người hiển nhiên là chẳng có lỗi gì đối với họ và đã tình nguyện đảm đương việc trang trải nợ nần.
       
Những biện pháp dàn xếp của Nikolai đưa ra không thu được kết quả, những đất đai đem lại đấu giá chỉ bán được một nửa giá thật, thế mà một nửa số nợ vẫn chưa làm sao trả được. Nikolai nhận ba vạn rúp của em rể là Bezukhov gửi cho chàng để trả khoản nợ mà chàng cho là một món nợ thực sự và khẩn cấp, và để khỏi bị tù vì số nợ còn lại, như những người chủ nợ vẫn hăm doạ chàng, chàng lại xin nhận một chức vụ nhà nước.

Chàng không thể nào trở về quân ngũ tuy hễ có chỗ khuyết là chàng sẽ được thăng ngay trung đoàn trưởng, bởi vì mẹ chàng bây giờ cứ bám lấy chàng, lẽ sống cuối cùng của bà. Cũng vì vậy, tuy không muốn ở Moskva giữa những người đã quen biết mình từ trước tuy chán ghét cái nghề công chức, chàng vẫn phải nhận làm một chức vụ nhà nước ở Moskva, và sau khi cởi bỏ bộ quân phục yêu quí chàng cùng mẹ và Sonya đến ở căn phòng nhỏ hẹp trên đường Xitxev-Vrazok.

Natasa và Piotr hồi ấy ở Petersburg, họ không có được một khái niệm rõ ràng về tình cảnh của Nikolai. Nikolai vay tiền em rể nhưng vẫn tìm cách giấu không cho Piotr biết tình trạng quẫn bách của mình. Tình cảnh của Nikolai đặc biệt gay go là vì với một nghìn hai trăm rúp tiền lương không nhưng chàng vẫn phải lo nuôi sống mình, Sonya và mẹ chàng, mà còn phải phụng dưỡng mẹ như thế nào cho bà đừng nhận thấy trong nhà túng thiếu. Bá tước phu nhân không thể nào quan niệm cuộc sống không có những món xa hoa mà bà đã quen từ thuở nhỏ, và không hề biết cái đó khó khăn đến thế nào đối với con trai, bà cứ luôn luôn vòi vĩnh, khi thì với cỗ xe bây giờ không còn nữa để đi mời một bà bạn về, khi thì yêu cầu một món ăn đắt tiền cho mình hay là một chai rượu cho con trai, khi thì đòi tiền để mua một món quà bất ngờ cho Natasa, cho Sonya, hay cho cả Nikolai nữa.
     
Sonya trông coi việc nhà, chăm sóc bà cô, đọc sách cho bà nghe, chịu đựng cái tính khí bất thường và cái ác cảm thầm kín của bà, và giúp Nikolai che giấu không cho lão bá tước phu nhân biết tình cảnh túng thiếu của họ. Nikolai cảm thấy mình như một món nợ không sao trả được, chàng không phục tình cảm nhẫn nại và lòng tận tuỵ của nàng, nhưng lại cố xa lánh nàng.
         
Trong thâm tâm, chàng dường như có ý trách nàng rằng sao lại quá hoàn toàn như vậy. Ở nàng có đủ những cái khiến chàng phải yêu. Và chàng cảm thấy mình càng quý trọng nàng bao nhiêu thì chàng lại càng ít yêu nàng bấy nhiêu. Chàng tin vào những lời nàng đã viết trong bức thư nói rằng nàng trả lại tự do cho chàng, và bây giờ chàng đối xử với nàng như thể tất cả những gì đã xảy ra giữa hai người đều đã bị quên lãng từ thời nảo thời nao và dù sao cũng không bao giờ trở lại được nữa.
       
Tình cảnh Nikolai càng ngày càng sa sút. Ý nghĩ dành dụm tiền lương nay đã là một giấc mơ hão huyển. Không những chàng không dành dụm được gì, mà vì phải thoả mãn những đòi hỏi của mẹ, chàng còn mắc thêm những món nợ nhỏ. Chàng không thấy có lấy một lối thoát nào có thể đưa chàng ra khỏi tình cảnh này.
       
Ý nghĩ lấy một người con gái giàu có, điều mà những người thân thích thường bàn với chàng, chàng thấy nó kinh tởm quá. Một lối thoát khác ra khỏi tình cảnh này - cái chết của mẹ chàng - không bao giờ nảy ra trong óc chàng. Chàng không mong ước gì, không hy vọng vào cái gì hết, trong thâm tâm chàng chỉ có một khoái cảm u ám và khắc khổ trong khi chịu đựng tình cảnh của mình mà không hề than thở.  Chàng tìm cách tránh những người quen cũ vì lòng ái ngại và những lời đề nghị giúp đỡ của họ khiến chàng thấy nhục, chàng tránh hết những trò tiêu khiển và những thú vui, ngay ở nhà chàng cũng không làm gì ngoài việc xếp bài với mẹ, im lặng thơ thẩn một mình trong phòng, hểt hết tẩu thuốc này đến tẩu thuốc khác. Chàng dường như trân trọng gin giữ tâm trạng ảo não này vì cảm thấy chính mình nhờ có nó chàng mới chịu đựng được tình cảnh của mình.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:39:46 pm
Phần XVI
Chương - 6 -7


Đầu mùa đông, công tước tiểu thư Maria đến Moskva. Nhờ những tin đồn đại trong thành phố, nàng biết tình cảnh gia đình Roxtov và việc người con trai "hi sinh cho mẹ" - trong thành phố người ta vẫn nói như vậy.
     
"Mình vẫn biết chàng không thể nào khác được" - tiểu thư Maria tự nhủ, lòng vui sướng cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình yêu chàng. Hồi tưởng lại những quan hệ thân mật và gần như ruột thịt với tất cả gia đình, nàng cho rằng mình có bổn phận phải đến thăm họ. Nhưng khi nhớ đến những quan hệ với Nikolai ở Voronez nàng lại càng đâm sợ không dám đến. Tuy vậy mấy tuần sau khi đến Moskva, nàng cố gắng tự nhủ, và đến nhà Roxtov. Nikolai là người đầu tiên ra đón nàng, vì muốn đến phòng bá tước phu nhân phải đi qua phòng chàng. Thoạt mới nhìn chàng, gương mặt Nikolai chẳng hề lộ vẻ gì vui mừng như tiểu thư Maria hằng mong đợi, mà lại có vẻ lạnh lùng, khắc khổ và kiêu hãnh, điều mà trước đây nàng không bao giờ thấy ở chàng. Nikolai hỏi thăm sức khoẻ của nàng, đưa nàng đến gặp mẹ, và sau khi ngồi năm phút chàng bỏ ra ngoài.
     
Khi công tước tiểu thư ở phòng bá tước phu nhân đi ra, Nikolai lại tiếp nàng và đưa nàng ra ngoài với một thái độ đặc biệt khách khí và lãnh đạm. Chàng không nói một lời nào để đáp lại những nhận xét của nàng về sức khoẻ của bá tước phu nhân. "Việc này có quan hệ gì đến cô kia chứ? Cô cứ mặc xác tôi" - cái nhìn của chàng như muốn nói.

- Cô ta lảng vảng đến đây làm gì? Cô ta cần cái gì kia chứ? Tôi không chịu nổi các bà tiểu thư với những thái độ ân cần ấy!
   
Chàng nói to lên với Sonya, hẳn là không sao nén nổi bực tức, sau khi công tước tiểu thư đã ra khỏi nhà mình.

- Sao anh lại nói như vậy, anh Nikolai - Sonya nói, chật vật lắm mới giấu nổi niềm vui sướng trong lòng - Cô ấy tốt thế, mẹ quí cô ấy lắm kia mà!
       
Nikolai không đáp. Chàng chỉ muốn đừng ai nói gì đến công tước tiểu thư nữa. Nhưng từ khi nàng đến thăm, lão bá tước phu nhân mỗi ngày lại mấy lần nhắc đến nàng.
     
Phu nhân khen ngợi nàng, bảo con trai đến thăm nàng, tỏ ý muốn gặp nàng luôn, nhưng đồng thời bao giờ cũng tỏ ra bực bội mỗi khi nói đến nàng.
     
Nikolai cố gắng lặng thinh khi phu nhân nói đến công tước tiểu thư, nhưng thái độ yên lặng của chàng làm cho phu nhân phát bẳn.

- Tiểu thư là một cô gái rất đứng đắn và rất đáng yêu, - phu nhân nói - Con phải đến thăm đáp lễ chứ. ít nhất con cũng sẽ được gặp gỡ chuyện trò với một người, chứ không cứ suốt ngày ở nhà với mẹ và  Sonya thế này, mẹ chắc con buồn lắm.

- Nhưng con không muốn chút nào mẹ ạ.

- Trước đây con muốn gặp, thế mà bây giờ con lại không muốn. Mẹ chẳng hiểu con nghĩ ra làm sao cả con ạ. Khi thì con buồn chán, khi thì con bỗng dưng không muốn gặp ai cả.

- Nhưng con có nói là con buồn chán đâu?


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:44:38 pm
- Vâng, thưa tiểu thư - Cuối cùng Nikolai nói, miệng mỉm cười buồn bã - Tôi cảm thấy hình như việc mới xảy ra gần đây thôi, ấy thế mà bao nhiêu nước đã chảy qua cầu từ khi chúng ta gặp nhau lần đầu ở Bogutsarovo. Lúc bấy giờ chúng ta hình như đều gặp cảnh gian nan, nhưng tôi sẽ chịu trả một giá rất đắt để cái thuở ấy trở lại. Nhưng không thể quay về dĩ vãng được.
     
Công tước tiểu thư đưa đôi mắt trong sáng nhìn đăm đăm vào mặt chàng trong khi chàng nói. Hình như nàng đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa bí ẩn của những lời chàng nói, vì ý nghĩa ấy sẽ có thể nói rõ tình cảm của chàng đối với nàng.

- Vâng, vâng, - Nàng nói, - Nhưng bá tước không nên luyến tiếc thời đã qua, theo như tôi được biết về cuộc sống hiện tại của bá tước thì sau này bá tước sẽ phải hài lòng mỗi khi nghĩ đến nó, bởi vì tấm lòng hy sinh của bá tước hiện nay.

- Tôi không dám nhận những lời khen ngợi của tiểu thư - chàng vội vã ngắt lời nàng - Trái lại, tôi vẫn luôn luôn tự trách mình, nhưng đó là một câu chuyện chẳng có gì thú vị và vui vẻ.
   
Rồi nét nhìn của chàng lại trở lại khắc khổ và lạnh lùng như trước.  Nhưng công tước tiểu thư đã gặp lại chàng ở con người mà nàng biết và đã yêu, bây giờ nàng chỉ nói với con người ấy.

- Trước đây tôi cứ tưởng bá tước cho phép tôi nói điều đó với bá tước - nàng nói - tôi đã được gần gũi bá tước và gia đình bá tước, nên tôi trộm nghĩ rằng bá tước sẽ không cho lòng thông cảm của tôi là đúng chỗ, nhưng tôi đã lầm, - Giọng nàng bỗng run run - Tôi không hiểu tại sao - nàng trấn tĩnh lại và nói tiếp, - trước kia bá tước khác và.

- Có hàng ngàn lý do tại sao (chàng đã biết nhấn mạnh chữ này). Tôi cảm ơn tiểu thư, - chàng hạ thấp giọng nói khẽ - Đôi khi cũng rất khổ.
   
"À ra chỉ vì thế! Lý do là vì thế! Một tiếng nói đâu từ bên trong tâm hồn tiểu thư Maria vang lên - Không, ta yêu chàng không phải chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài, ta đã đoán thấy cái tâm hồn cao quý, bây giờ chàng nghèo, mà ta thì giàu. Phải, đó là lý do duy nhất. Phải, nếu không có điều đó".
       
Rồi nàng sực nhớ đến thái độ dịu dàng của chàng ngày trước, và bây giờ, nhìn gương mặt trung hậu và rầu rĩ của chàng, nàng chợt hiểu tại sao chàng lại lãnh đạm với mình.

- Tại sao, bá tước, tại sao? - Nàng bất giác gần như kêu lên và bước lại gần chàng - Xin bá tước cho tôi biết tại sao. Bá tước phải cho tôi biết.
       
Chàng im lặng.

- Bá tước ạ, tôi không hiểu tại sao bá tước… - Nàng nói tiếp - Nhưng tôi thấy khổ tâm, tôi… tôi xin thú thật. Vì một lý do mà tôi không được biết, bá tước muốn làm cho tôi mất tình bạn của bá tước ngày xưa. Và điều đó làm cho tôi đau xót.
       
Mắt nàng rưng rưng và giọng nói nghẹn ngào.

- Đời tôi rất ít được hạnh phúc, nên mỗi tổn thất đều làm tôi đau khổ… Xin bá tước bỏ qua cho, xin chào bá tước. - Và nàng bỗng khóc rưng rức, bước ra khỏi phòng.

- Tiểu thư! Khoan đã, trời ời! - Chàng kêu lên, tìm cách giữ nàng lại. - Tiểu thư!
     
Nàng ngoảnh lại. Trong mấy giây họ nhìn nhau yên lặng, mắt nhìn vào mắt, và đột nhiên cái xa xôi, cái không thể bỗng trở nên gần gũi, có thể có được và không sao tránh khỏi.

7.
   
Mùa thu năm 1814, Nikolai cưới công tước tiểu thư Maria và cùng với vợ, mẹ và Sonya dọn đến ở Luxye Gorư.
   
Sau ba năm, không phải bán chác gì trong gia sản của vợ, chàng đã trả hết món nợ còn lại và sau khi thừa hưởng một gia tài nhỏ của người chị em mới chết để lại, chàng còn trả được số tiền vay của Piotr nữa.
Ba năm sau nữa, 1820, Nikolai khéo thu xếp công việc tiền nong đến nỗi chàng đã mua được một điền trang nhỏ gần Lưxye Gorư và đang điều đình chuộc lại điền trang Otradnoye của cha chàng, điều ước mơ thiết tha nhất của chàng.
     
Sau khi bắt tay vào cai quản điền trang vì hoàn cảnh bắt buộc, chẳng bao lâu chàng đã say mê nghề nông đến nỗi nghề đó đã trở thành công việc thích thú nhất và gần như là công việc duy nhất của chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:45:46 pm
Nikolai là một trang chủ giản dị, chàng không thích cải cách, đặc biệt là những cải cách theo lối Anh lúc bấy giờ đanh thịnh hành, chàng chế nhạo những tác phẩm lí luận về canh nông - không thích những trại ngựa giống, không thích những sản vật đắt tiền, không thích gieo những giống lúa đắt tiền, và nói chung không chú ý riêng đến một bộ phận nào trong nông nghiệp. Trước mắt chàng bao giờ cũng là toàn bộ cái điền trang chứ không phải một bộ phận riêng biết nào của nó. Và ở đó trong điền trang cái chính không phải là chất đạm, cũng không phải là chất dưỡng khí của đất và của không khí, không phải là một kiểu lưỡi cày hay một thứ phân mới, mà là cái công cụ chủ yếu thông qua đó chất đạm, dưỡng khí, phân bón cũng như lưỡi cày có tác dụng, tức là con người nông dân lao động. Khi Nikolai bắt tay vào quản lý cơ ngơi và bắt đầu khảo sát từng bộ phận một của nó, thì người nông dân đặc biệt khiến chàng chú ý, đối với chàng người nông dân không những là một công cụ mà còn là mục đích và là người quan toà nữa. Thoạt tiên, chàng quan sát người nông dân, cố gắng tìm xem họ cần gì, họ cho cái gì là xấu cái gì là tốt chàng giả vờ chỉ dẫn và sai khiến, nhưng kỳ thực, chàng chỉ học nông dân, học những cách làm của họ, ngôn ngữ của họ và cách họ phán đoán cái gì là tốt, cái gì là xấu. Và mãi đến khi chàng đã hiểu những thị hiếu và những mong muốn, hoài bão của nông dân, đến khi chàng biết nói cái ngôn ngữ của họ và hiểu được cái ý nghĩa kín đáo của nó, đến khi chàng cảm thấy mình đã là một người thân đích thực của họ, lúc bấy giờ chàng mới bắt đầu điều khiển họ một cách mạnh dạn, tức là chấp hành cái nhiệm vụ mà nông dân đòi hỏi ở chàng. Và cách quản lí của Nikolai đã đưa đến những kết quả hết sức tốt đẹp.

Vừa bắt tay vào việc cai quản điền trang, Nikolai đã chỉ định ngay những người làm quản lí, thôn trưởng, đại biểu và nhờ một thứ thiên bẩm nào đấy chàng chọn không sai một người nào: đó chính là những người mà bản thân nông dân cũng sẽ lựa chọn nếu được quyền lựa chọn, và chàng không bao giờ phải thay đổi những người này. Trước khi phân tích những thành phần hoá học của phân, trước khi đi sâu vào các "trái khoán" và "tín dụng" (như chàng vẫn thích nói với một giọng giễu cọt), chàng điều tra số gia súc của nông dân và tìm mọi cách đề tăng số gia súc này lên. Chàng tìm cách làm cho nông dân duy trì đại gia đình, không để cho họ phân tán ra. Chàng trục xuất những kẻ lười biếng, phóng đãng, yếu ớt và cố xua đuổi họ ra ngoài điền trang.
     
Lúc gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa mì chàng chú ý đồng đều đến ruộng của mình và ruộng của nông dân, không chút thiên vị. Và ít có trang chủ nào mà ruộng được gieo và được gặt hái nhanh, tốt và thu hoạch được nhiều như Nikolai.
     
Chàng không thích có quan hệ gì với gia nhân, chàng gọi họ là bọn ăn bám và, như mọi người đều nói, chàng để họ quá phóng túng và quá nuông chiều họ, khi có việc cần phải xử trí đối với một gia nhân nào đó, nhất là khi cần phải trừng phạt thì chàng thường lưỡng lự và hỏi ý kiến mọi người trong nhà: nhưng khi nào có thể cho một gia nhân đi lính thay cho một nông dân thì chàng làm ngay, không chút do dự. Bất cứ một điều cắt đặt nào của chàng - chàng cũng biết như vậy - cũng sẽ được mọi người tán thành chỉ trừ một hay vài người nào đấy.
   
Chàng không cho phép mình bắt ai làm việc quá nhiều hay xử phạt người ta chỉ vì ý thích riêng, cũng như không giảm nhẹ công việc cho ai và ban thưởng cho người ta chỉ vì đó là sở thích cá nhân của mình. Chàng không thể nào nói rõ tiêu chuẩn gì cho phép chàng phân định cái gì nên làm và cái gì không nên làm, nhưng trong tâm trí chàng thì tiêu chuẩn ấy rất vững chắc và bất di bất dịch.

Khi có việc gì hư hỏng hay rối ren chàng thường nói một cách bực bội: "Với dân Nga ta", và chàng tưởng tượng mình không chịu nổi người mu-gich.
     
Nhưng chàng lại yêu mến hết sức thiết tha người "dân Nga ta" ấy và cách sống của họ, và chính vì vậy nên chàng hiểu và nắm được cách kinh doanh duy nhất có thể đưa đến những kết quả tốt.
Bá tước phu nhân Maria ghen với tình yêu này của chàng và lấy làm tiếc rằng mình không được tham dự vào đó: nhưng nàng không thể nào hiểu niềm vui sướng và những nỗi buồn bực mà cái thế giới kia, một thế giới riêng biết, xa lạ đối với nàng, có thể đưa đến cho chàng. Nàng không hiểu nổi vì sao chàng lại đặc biệt phấn chấn và sung sướng đến thế, khi thức dậy từ sớm tinh mơ, suốt buổi sáng ở ngoài đồng hay trên sân đập lúa, rồi trở về uống trà với nàng sau khi đi coi nông dân gieo hạt, cắt cỏ hay gặt lúa.
     
Nàng không hiểu cái gì làm cho chàng hồ hởi đến thế khi chàng nói chuyện say sưa về anh nông dân giàu Matvey Ermisin chí thú đã suốt đêm cùng gia đình lo chuyên chở lúa về, và trong khi chưa ai gặt cả thì rơm anh ta đã chất thành đụn. Nàng không hiểu tại sao chàng lại vui sướng như vậy trong khi đi đi lại lại từ cửa, sổ đến bao lơn, mỉm cười đưới bộ râu mép và nheo nheo con mắt khi một trận mưa nhỏ ấm và nặng hạt rơi trên những mầm yến mạch đã khô héo, hay tại sao khi một đám mây đến đáng sợ bị gió thổi bạt đi vào lúc làm cỏ hay gặt hái. Nikolai ở sân đập lúa về, mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, tóc sực mùi ngải đắng và mùi bạc hà, vừa vui vẻ xoa tay vừa nói: "Ấy cứ cho một ngày nữa thôi là tất cả mùa màng của ta và của dân cày đều sẽ vào kho hết".
     
Nàng lại càng không hiểu tại sao con người tốt bụng và luôn luôn sẵn sàng đón trước những điều nàng muốn như chàng, lại nổi cáu lên khi nàng mở miệng xin hộ cho một người nông dân được nghỉ việc, tại sao anh Nikolai tốt bụng lại một mực cự tuyệt và giận dữ yêu cầu nàng đừng xen vào những việc không là việc của mình. Nàng cảm thấy chàng có một cái thế giới riêng, được chàng yêu tha thiết, trong đó có những quy luật riêng nào đấy mà nàng không hiểu.
       
Đôi khi, trong lúc cố gắng hiểu chàng, nàng nói đến những điều thiện mà chàng đang làm cho những người thuộc hạ, thì chàng nổi sung lên nói: "Hoàn toàn không phải thế, không bao giờ tôi có ý nghĩ như thế, tôi làm như vậy không phải cốt để cho họ sướng đâu. Tất cả những chuyện làm điều thiện cho đồng loại kia chỉ là chuyện thơ mộng viển vông, chuyện đàn bà. Điều tôi cần là làm sao cho con cái tôi đừng phải bị gậy lên đường, tôi phải tổ chức cho chu đáo cái cơ ngơi của nhà ta trong khi tôi còn sống, chỉ có thế thôi. Và muốn thế cần phải có trật tự, cần phải nghiêm khắc thế đấy!" - chàng nói, bàn tay lực lưỡng nắm chặt lại. "Và cần phải công bằng nữa, cố nhiên. - Chàng nói thêm, - vì nếu người nông dân đói rách và chỉ có một con ngựa khổ thôi thì hắn không thể nào làm việc cho hắn và cũng không thể nào làm việc cho tôi được".
     
Và chính vì Nikolai không cho phép mình nghĩ rằng làm một điều vì cho những người khác vì nhân nghĩa, cho nên tất cả những việc chàng làm đều có kết quả, tài sản của chàng tăng lên nhanh chóng, nông dân những vùng lân cận đến yêu cầu chàng mua họ và một thời gian dài sau khi chàng chết, nhân dân còn giữ một kỷ niệm trân trọng về cách cai quản của chàng. "Thật là một ông chủ của nông dân trước đã, rồi sau mới đến mình. Nhưng cũng không phải là tay nhu nhược đâu. Tóm lại - thật là một ông chủ!".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:46:37 pm
Phần XVI
Chương - 8 -9

Điều duy nhất đôi khi làm cho Nikolai bị dằn vặt khổ sở trong công việc điền trang của chàng là cái tính nỏng nảy kết hợp với cái thói hay đánh người ngày xưa của một sĩ quan phiêu kỵ. Lúc đầu chàng đều thấy đó chẳng có gì đáng chê trách, nhưng chàng lấy vợ được một năm thì cách nhìn của chàng đối với lối trừng phạt ấy bỗng thay đổi.

Một hôm vào mùa hạ, chàng sai gọi viên thôn trưởng đã thế chân mồ ma lão Dron từ Bogutsarovo đến. Hắn bị báo là ăn cắp và làm việc cẩu thả, Nikolai ra gặp hắn ở trước thềm, và hắn mới trả lời được mấy câu thì ngoài hiên đã nghe những tiếng kêu la và tiếng đấm huỳnh huỵch. Khi trở về nhà ăn trưa, Nikolai đến cạnh vợ đang ngồi cúi đầu bên trước khung thêu.
     
Chàng bắt đầu kể lại theo như thường lệ những việc chàng đã làm lúc ban sáng và nhân thể nhắc đến viên thôn trưởng ở Bogutsarovo. Bá tước phu nhân Maria mặt đỏ bừng lên rồi lại tái xanh đi, hai môi mím chặt, vẫn ngồi cúi đầu như cũ không đáp lấy một lời.

- Thằng khốn nạn thật là láo xược! - chàng nói, chỉ nhớ lại thôi mà chàng cũng đã nổi nóng - Giá nó nói với tôi là nó say rượu, là nó chẳng nhìn thấy cái gì cả. Kìa Maria em làm sao thế? - Chàng bỗng hỏi.
Bá tước phu nhân Maria ngẩng đầu lên, định nói điều gì nhưng lại vội cúi xuống, môi mím chặt.

- Việc gì thế em? Em làm sao thế? Em của anh.
     
Tuy không có nhan sắc, bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng đẹp hẳn lên khi nàng khóc. Nàng không bao giờ khóc vì bực dọc hay đau đớn về thể xác mà bao giờ cũng vì thương xót và buồn rầu. Và mỗi khi nàng khóc đôi mắt trong sáng của nàng bao giờ cũng có sức hẫp dẫn không sao cưỡng được.
   
Khi Nikolai nắm lấy tay nàng, nàng không còn đủ sức tự chủ nữa và khóc oà lên.

- Anh Nikolai, em đã thấy rõ - ông ấy có lỗi, nhưng anh - tại sao anh lại.? Nikolai! Anh Nikolai - và nàng đưa tay lên bưng mặt.

Nikolai im bặt, mặt đỏ bừng, và rời nàng ra, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, không nói nửa lời. Chàng đã hiểu tại sao nàng khóc, nhưng lòng chàng không thể nào ngay một lúc đồng ý với nàng để thừa nhận rằng cái việc chàng vẫn quen làm từ hồi còn nhỏ, cái việc mà chàng cho là hết sức bình thường kia lại là một điều đáng trách.

"Đó là những trò thương cảm vẩn vơ, những chuyện đàn bà, hay là nàng nói đúng?" - Chàng tự hỏi, trong thâm tâm, chàng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, nhưng khi liếc nhìn khuôn mặt đau khổ và đáng yêu của nàng lần thứ hai, chàng chợt hiểu ra rằng chính nàng có lý và từ lâu chàng đã có lỗi đối với bản thân mình.

- Maria! - Chàng đến cạnh nàng nói khẽ, - Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, anh cam đoan với em. Không bao giờ nữa, - chàng nhắc lại, giọng run run như một đứa trẻ xin lỗi.
   
Nước mắt chảy giàn giụa từ khoé mắt của bá tước phu nhân. Nàng nắm lấy bàn tay chàng mà hôn.

- Anh Nikolai, anh làm vỡ cái mặt ngọc trạm nổi lúc nào thế?

Nàng nói để chuyển sang chuyện khác, mắt nhìn bàn tay của chồng có đeo một chiếc nhẫn trạm đầu Laocoon.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:50:01 pm
- Vừa hôm nay đấy, cũng vì chuyện ấy cả. Maria, em đừng nhắc anh chuyện ấy nữa. - Chàng lại đỏ mặt. - Anh thề với em rằng việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa và cái này sẽ mãi mãi nhắc nhở anh - chàng nói và chỉ cái mặt nhẫn bị vỡ.
   
Từ đó, trong lúc bàn bạc với những người thôn trưởng và người quản gia. Mỗi khi máu chàng đổ dồn lên mặt và bàn tay bắt đầu nắm chặt lại, Nikolai lại mâm mê cái mặt nhẫn vỡ trên ngón tay và cúi mặt trước con người làm chàng nổi giận. Tuy vậy, mỗi năm cũng có một đôi lần chàng không tự chủ nổi và mỗi lần như vậy chàng lại trở về tìm vợ để thú nhận và lại hứa lần này đúng là lần cuối cùng.

- Maria. Chắc là em khinh anh? - Chàng nói với vợ - Anh đáng thế lắm.

- Anh phải bỏ đi nơi khác, mỗi khi anh cảm thấy không đủ sức tự kiềm chế thì anh phải bỏ đi ngay, - bá tước phu nhân Maria nói, giọng buồn rầu và lựa lời an ủi chồng.
   
Trong giới quí tộc ở tỉnh này, Nikolai được người ta kính trọng nhưng không được người ta yêu mến. Những hứng thú của giới quí tộc không khiến chàng quan tâm. Vì vậy có người cho chàng là kiêu ngạo có người lại cho chàng là ngốc. Suốt mùa hạ, kể từ khi gieo giống mùa xuân, cho tới khi gặt hái, lúc nào chàng cũng bận túi bụi với những công việc điền trang. Mùa thu, cũng với cách làm việc chăm chỉ và chu đáo như trong việc quản lý nông nghiệp, chàng rời khỏi nhà một hai tháng đi săn với đàn chó của chàng. Mùa đông, chàng đi thăm các làng khác hay ngồi đọc sách. Sách chàng đọc phần lớn là sách lịch sử, đặt mua từng năm, với số tiền nhất định. Như chàng thường nói, chàng đã tập hợp được một tủ sách đứng đắn và nêu thành một nguyên tắc là đã mua sách về thì phải đọc cho hết. Chàng trang trọng ngồi vào phòng làm việc rồi giở sách ra đọc, lúc đầu còn xem đó là một nhiệm vụ phải làm, nhưng về sau việc này đã thành một thói quen, đưa lại cho chàng một niềm vui đặc biệt và cái ý thức là mình đang làm một việc nghiêm trang.
   
Trừ những lúc ra đi vì công việc, vào mùa đông chàng thường ở nhà gần gũi gia đình và dự phần nào những quan hệ nhỏ nhất giữa các con và mẹ chúng. Chàng ngày càng thấy gần gũi vợ và mỗi ngày lại tìm thấy ở nàng những giá trị tinh thần mới.
   
Từ khi Nikolai lấy vợ, Sonya vẫn ở trong nhà. Trước khi cưới, Nikolai đã kể lại cho vợ biết tất cả những điều xảy ra giữa chàng và Sonya, và trong lúc kể lại chàng đã tự trách mình và ca ngợi Sonya. Chàng đã xin công tước tiểu thư Maria đối xử dịu dàng và nhân hậu với cô em họ của chàng. Bá tước phu nhân Maria thấy hết lỗi của chồng và cũng thấy có lỗi của mình đối với Sonya, nàng nghĩ rằng gia sản của mình có ảnh hưởng đến việc lựa chọn của Nikolai, nàng không có điều gì phải trách Sonya, và muốn yêu Sonya, tuy vậy không những nàng không yêu Sonya mà lại thường thấy trong lòng mình có những mối ác cảm đối với Sonya mà nàng không sao khắc phục nổi.
   
Một hôm, nàng nói chuyện với Natasa về Sonya và về sự bất công của mình đối với nàng. Natasa nói:

- Chị đọc Phúc âm nhiều thế, chị có biết trong ấy có đoạn thật đúng với Sonya không?

- Đoạn nào? - Bá tước phu nhân Maria kinh ngạc hỏi.
   
"Kẻ nào có sẽ được cấp thêm, còn kẻ nào không có gì sẽ bị tước hết" chị nhớ đoạn ấy chứ? Chị ấy là con người không có gì. Tại sao? Em không biết, có lẽ vì chị ấy không ích kỷ, em cũng chẳng rõ nữa, nhưng người ta sẽ tước mất của chị ấy, và chị ấy đã bị tước hết. Đôi khi em rất thương chị ấy. Trước kia em tha thiết mong anh Nikolai lấy chị ấy, nhưng bao giờ em cũng linh cảm thấy rằng điều đó sẽ không thực hiện được. Chị ấy là một bông hoa không kết quả như chị vẫn thấy ở trên cây dâu tây. Đôi khi em rất thương chị ấy nhưng đôi khi em cảm thấy hình như chị ấy không cảm thấy tủi như chúng mình sẽ cảm thấy nếu ở vào địa vị chị ấy.
     
Tuy bá tước phu nhân Maria giảng giải cho Natasa rằng cần phải hiểu những câu Phúc âm thầm này là một cách khác, nhưng khi nhìn Sonya nàng cũng đồng ý với lời giải thích của Natasa.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:51:04 pm
Thật vậy nàng thấy hình như Sonya không đau khổ về hoàn cảnh của mình và hoàn toàn cam tâm chịu đựng số phận của một bông hoa không kết quả, hình như nàng quí chuộng những người trong nhà thì ít, mà quí chuộng cả gia đình thì nhiều hơn. Cũng như một con mèo, nàng không phải gắn bó với người mà gắn bó với cái nhà.

Nàng săn sóc bá tước phu nhân, nâng niu chiều chuộng bọn trẻ và bao giờ cũng sẵn sàng làm giúp những việc nhỏ mà nàng có thể làm, nhưng người ta bất giác chấp nhận những cái đó một cách quá tự nhiên, chẳng biết ơn nàng mấy đỗi.
   
Những ngôi nhà ở Lưxye Gorư đã được xây lại nhưng không theo quy mô của cố công tước. Các công trình kiến trúc đều bắt đầu làm lúc còn túng thiếu nên hết sức sơ sài. Toà nhà lớn dựng trên cái nền đá cũ, tường bằng gỗ chỉ trát vữa bên trong. Những căn phòng rộng rãi sàn bằng thứ gỗ bạch dương của rừng nhà và do thợ nhà đóng. Toà nhà khá rộng rãi, có những gian dành cho gia nhân và những căn phòng dành cho khách. Họ hàng thân thích của gia đình Roxtov và gia đình Bolkonxki đôi khi đến chơi Lưxye Gorư với hàng mười sáu con ngựa, hàng chục gia nhân và ở lại đây hàng tháng. Ngoài ra, mỗi năm bốn lần, nhân những ngày lễ thánh và lễ sinh nhật của các gia chủ, trong một hai ngày nhà có đến hàng trăm mâm khách. Còn những thời gian còn lại trong năm thì cuộc sống trôi qua đều đều và không thay đổi, với những công việc hàng ngày, những buổi dùng trà, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối toàn dọn những sản vật của điền trang.

9.
   
Hôm ấy là hôm trước lễ thánh Nikolai vào mùa đông, ngày mồng năm tháng mười bai năm 1820. Năm ấy Natasa cùng với chồng và các con đến ở tại nhà anh nàng từ đầu mùa thu. Piotr đã đi Petersburg vắng vì những công việc riêng như chàng vẫn nói, định sẽ

Ở lại đấy ba tuần lễ, nhưng kể đến bây giờ chàng đi đã được sáu tuần rồi. Trong nhà đang đợi chàng về từng giờ từng phút.

Ngày mồng năm tháng mười hai, ngoài gia đình Bezukhov ra, gia đình Roxtov còn có một người khách nữa là ông bạn cũ của Nikolai, vị tướng về hưu Vaxili Fiodorovich Denixov.

Ngày mồng sáu là ngày long trọng, sẽ có nhiều tân khách đến.

Nikolai biết rằng mình sẽ phải bỏ chiếc áo Besmet, khoác chiếc áo đuôi tôm, đi những đôi giày chật nhọn mũi và đến ngôi nhà thờ mà chàng vừa xây xong, rồi nhận những lời chúc tụng, mời khách ăn uống và nói chuyện về cuộc tuyển cử của quý tộc và công việc mùa màng, nhưng trước đấy một hôm chàng cho rằng mình vẫn có quyền sống như mọi ngày. Trước bữa ăn chiều, Nikolai kiểm soát lại sổ sách của nhân viên quản lí điền trang ở một làng trong tỉnh Ryazan thuộc quyền sở hữu đứa cháu trai của vợ, chàng viết hai bức thư về công việc và đi một vòng đến xem sân đập lúa, các chuồng bò và tàu ngựa. Sau khi đã thi hành những biện pháp nhằm đề phòng tình trạng mọi người say xưa tuý luý nhân ngày lễ của giao khu ngày mai, chàng trở về ăn chiều, và không kịp có thì giờ nói chuyện riêng với vợ, chàng đến ngồi ở cái bàn có hai mươi bộ dao dĩa. Quanh bàn mọi người đều đã tề tựu đông đủ: mẹ chàng, bà già Belova ít lâu nay đến ở với mẹ chàng, vợ chàng, ba đứa con của chàng, chị giữ trẻ, người gia sư, cháu trai của chàng với ông Dexal, Sonya, Natasa và ba đứa con của nàng, người bảo mẫu của chúng và ông già Mikhail Ivanyts, người
kiến trúc sư của cố công tước nay vẫn sống an nhàn ở Lưxye Gorư.

Bá tước phu nhân Maria ngồi ở đầu kia bàn. Ngay từ khi Nikolai vừa ngồi vào chỗ, nhìn những cử chỉ của chàng khi lấy cái khăn và nhanh nhẹn sắp những cốc rượu mạnh đặt thành hàng trước mặt, nàng biết rằng chồng đang bực mình - điều này đôi khi vẫn xảy ra, nhất là khi chàng vừa ở ngoài đồng về ngồi ngay vào bàn ăn.

Bá tước phu nhân Maria biết rất rõ tâm trạng ấy của chồng và những khi đang vui thì nàng lặng lẽ chờ đợi chàng ăn cho xong đĩa xúp rồi mới bắt chuyện, và bắt chàng thú nhận rằng chàng chẳng có lý do gì mà bực mình hết. Nhưng hôm nay nàng quên hẳn điều đó, nàng chạnh lòng vì thấy chàng giận mình tuy chẳng có lí do gì, và nàng cảm thấy khổ sở. Nàng hỏi chàng ở đâu về. Chàng đáp lại.

Nàng lại hỏi xem mọi việc ở trong điền trang có đâu vào đâu không. Giọng nói không tự nhiên của nàng làm chàng cau mày khó chịu, chàng vội vã trả lời cho xong.

"Thế là mình nghĩ không sai, - bá tước phu nhân Maria nghĩ thầm - Nhưng tại sao anh ấy lại giận mình?" - Trong giọng nói của chàng đáp lại câu hỏi của mình, bá tước phu nhân thấy chàng bực bội với nàng và có ý muốn chấm dứt câu chuyện. Nàng cảm thấy những lời nói của mình thiếu tự nhiên, nhưng nàng không thể nào tự kiềm chế mình không hỏi thêm vài câu nữa.

Câu chuyện trong bữa ăn nhờ có Denixov nên chỉ trong chốc lát đã lôi cuốn mọi người và trở nên rôm rả, và bá tước phu nhân Maria không nói với chồng nữa. Khi mọi người rời bàn ăn đứng dậy đến gặp lão bá tước phu nhân để cảm ơn, đưa tay cho chồng hôn và hỏi tại sao chàng lại giận mình.

- Em bao giờ cũng có những ý nghĩ kỳ quặc: anh có giận gì đâu? - Chàng nói.

Nhưng hai chữ "bao giờ" đối với bá tước phu nhân Maria có nghĩa là: Phải, tôi giận đấy, nhưng tôi không muốn nói tại sao.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:52:03 pm
Nikolai sống với vợ hoà thuận đến nỗi Sonya và lão bá tước phu nhân, tuy chỉ vì ghen tị, cứ mong cho hai vợ chồng có chuyện bất hoà, cũng không thể nào tìm thấy điều gì có thể chê trách, nhưng giữa hai người đôi khi cũng vẫn có những phút bất hoà. Đôi khi đặc biệt là sau những thời kỳ hạnh phúc nhất, họ bỗng cảm thấy xa nhau và có ác cảm với nhau, tình trạng ấy thường xảy trong những thời kỳ bá tước phu nhân Maria có mang. Bây giờ đang là một thời kỳ như thế.

- Thưa các ông các bà - Nikolai nói to với một giọng dường như vui vẻ (bá tước phu nhân có cảm tưởng cái giọng ấy cốt là để trêu tức mình) - Sáng nay tôi dậy từ sáu giờ. Ngày mai thì đành phải chịu đựng nhưng hôm nay tôi xin đi nghỉ. - Và không nói gì với bá tước phu nhân Maria nữa, chàng vào gian phòng khách nhỏ rồi ngả mình trên đi-văng.

"Đấy bao giờ cũng cứ thế - bá tước phu nhân Maria nghĩ thầm - Chàng nói với mọi người, chỉ có mình là chàng lờ đi. Mình thấy, mình thấy rõ rằng chàng chán ghét mình. Nhất là khi mình ở trong tình trạng này" - Nàng nhìn xuống cái bụng to rồi nhìn vào khuôn mặt gầy gò, vàng bủng trong gương với đôi mắt to hơn bao giờ hết.

Thế rồi tất cả đối với nàng bỗng trở thành khó chịu, tiếng nói cười của Denixov, tiếng nói chuyện của Natasa, nhất là cái nhìn của Sonya đưa nhanh về phía nàng.

Bây giờ Sonya cũng là duyên cớ đầu tiên mà bá tước phu nhân Maria chọn mỗi khi phải tìm một duyên cớ để cáu gắt.

Sau khi ngồi lại vài phút với các tân khách nhưng không hiểu họ nói gì, nàng rón rén bước ra và sang phòng các con.

Mấy đứa trẻ đang ngồi ghế để đi Moskva và mời nàng cùng đi du lịch với chúng. Nàng ngồi chơi với con nhưng vẫn đang day dứt nghĩ đến chồng và nỗi bực dọc vô cớ của chàng. Nàng đứng lên và mệt nhọc nhón chân sang phòng khách nhỏ.

"Có lẽ chàng chưa ngủ, mình sẽ phân trần với chàng" - nàng tự nhủ. Andriusa, đứa con đầu lòng của nàng, cũng bắt chước mẹ nhón chân rón rén đi theo sau. Bá tước phu nhân Maria không để ý thấy nó.

- Chị Maria, hình như anh ấy đang ngủ, anh ấy mệt lắm - Sonya gặp nàng trong phòng khách liền nói (nàng có cảm tưởng rằng ở chỗ nào cũng gặp phải cái cô Sonya này) - cháu Andriusa sẽ làm anh ấy thức giấc mất.

Bá tước phu nhân quay lại, nhận ra thằng bé Andriusa đang đi theo sau, thấy Sonya có lý và chính vì thế, nàng đỏ mặt và rõ ràng là phải cố gắng lắm mới khỏi buông ra một lời cay độc. Nàng không nói gì, và để khỏi nghe lời Sonya nàng ra hiệu cho Andriusa đừng làm ồn nhưng vẫn cứ đi theo nàng rồi đến gần cánh cửa phòng Nikolai, Sonya ra một cửa khác. Từ căn phòng Nikolai ngủ đưa ra một tiếng thở đều đều, quen thuộc đối với vợ chàng cho đến từng sắc thái nhỏ nhặt nhất.

Nàng lắng nghe hơi thở ấy, trông thấy cả gương mặt của chàng mà nàng đã bao lần ngắm trông hàng giờ những khi chàng ngủ, trong đêm yên tĩnh, Nikolai bỗng cựa nình và ho khe khẽ. Ngay lúc ấy Andriusa đứng đằng sau cánh cửa kêu lên:

- Ba ơi, mẹ đứng ở đây này.

Bá tước phu nhân Maria sợ tái mặt đi. Nàng bắt đầu ra hiệu cho con. Nó im bặt, và một phút yên lặng trôi qua, một phút hãi hùng đối với nàng. Nàng biết rằng Nikolai không thích người ta đánh thức mình dậy. Đột nhiên đằng sau cánh cửa lại nghe tiếng ho húng hắng, tiếng cựa mình và giọng nói bực dọc của Nikolai:

- Chẳng có cách gì yên lấy được một phút. Maria em đấy à? Em đưa nó đến đây làm gì?

- Em chỉ ghé qua một chút xem thử, em không để ý thấy nó theo em… xin lỗi.

Nikolai ho húng hắng mấy tiếng rồi im lặng. Bá tước phu nhân Maria đi ra cửa đưa con trai về phòng trẻ.
Năm phút sau, cô bé Natasa lên ba có cặp mắt đen, con cưng của bố Nikolai, nghe anh nói là bố đang ngủ còn mẹ thì đang ngồi ở phòng đi-văng, liền lén mẹ chạy đến tìm bố. Con bé mắt đen mạnh dạn đẩy cửa nghe tiếng kẹt một cái, đôi chân nhỏ xíu và vụng về bước quả quyết đến gần đi-văng, nó đứng nhìn bố đang ngủ quay lưng về phía nó, kiễng chân hôn lên bàn tay của bố gối ở dưới đầu.
Nikolai quay lại, trên gương mặt nở một nụ cười trìu mến.

- Natasa! Natasa! - Ở ngoài cửa có tiếng thì thào hốt hoảng của bá tước phu nhân Maria - Để ba ngủ.

- Không mẹ ạ, ba không ngủ đâu - bé Natasa đáp, giọng quả quyết - Ba đang cười.
Nikolai bỏ chân xuống đất, đứng dậy bế con lên.

- Masa, em vào đi, - chàng bảo vợ. Bá tước phu nhân Maria bước vào phòng và ngồi xuống cạnh chồng.
- Em không biết là nó chạy theo theo em, - nàng nói, giọng rụt rè - Em chỉ ghé qua một chút.

Nikolai, một tay bế con gái, đưa mắt nhìn vợ, và nhận thấy vợ mặt nàng ngượng ngùng như người có lỗi, chàng giơ cánh tay kia ra ôm lấy người nàng và hôn lên tóc nàng.

- Con có cho ba hôn mẹ không nào? - chàng hỏi Natasa. Bé Natasa mỉm cười bẽn lẽn.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:53:22 pm
- Hôn nữa đi, - nó vừa nói vừa giơ tay chỉ vào chỗ Nikolai vừa hôn vợ, như để ra lệnh.

- Anh không hiểu tại sao em lại nghĩ rằng anh cáu, - Nikolai nói, trả lời câu hỏi mà chàng biết là đang khiến vợ bận tâm.

- Anh không thể hình dung được em khổ sở, cô đơn như thế nào mỗi khi anh như thế. Em cứ có cảm giác…

- Mari! Thôi đi, em chỉ vớ vẩn! Sao em không biết xấu! - Chàng vui vẻ nói.

- Em cảm thấy anh không thể nào yêu em được, vì em xấu xí thế này… Bao giờ cũng… Mà bây giờ thì trong tình trạng.

- Em rõ buồn cười! Người ta đáng yêu không phải vì đẹp, người ta đẹp vì đáng yêu. Chỉ có những thứ người như Malvina thì người ta mới yêu vì sắc đẹp, còn anh có yêu vợ không? Anh không yêu, nhưng thế đấy, anh chẳng biết nói như thế nào cho em hiểu. Khi nào không có em, khi nào giữa chúng ta có một chút bất hoà như lúc này, anh cảm thấy mình như nguy khốn đến nơi, và không làm gì được nữa. Em xem anh có yêu ngón tay của anh không? Anh không yêu, nhưng cứ thử chặt nó đi xem.

- Không, em không phải như thế, nhưng em hiểu. Thế anh không giận em chứ?

- Giận ghê lắm… - chàng mỉm cười nói đoạn đứng dậy vuốt lại mái tóc và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. -
Maria ạ, em có biết anh vừa nghĩ gì không?

Chàng bắt đầu nói, bây giờ hai vợ chồng đã làm lành với nhau, chàng lập tức theo thói quen nói to những ý nghĩ của mình lên. Chàng không hỏi xem nàng có sẵn lòng nghe chàng nói hay không, đối với chàng điều đó không quan trọng. Chàng đã nảy ra một ý nghĩ, thì ý nghĩ ấy cũng phải là của nàng nữa. Và chàng kể cho vợ nghe rằng chàng có ý định mời Piotr ở lại với họ cho đến mùa xuân.

Bá tước phu nhân Maria lắng nghe, đưa ra những lời nhận xét và đến lượt nàng cũng nói to những điều mình đang nghĩ lên. Bây giờ nàng đang nói đến con.

- Xem nó đã ra vẻ con gái chưa, - nàng chỉ bé Natasa nói bằng tiếng Pháp. - Anh cứ trách đàn bà chúng em thiếu lo-gich. Đấy là lo-gich của chúng em đấy. Em nói: ba muốn ngủ, còn nó thì đáp: không ba cười.
Thế mà nó nói đúng đấy - Bá tước phu nhân Maria nói, miệng nở một nụ cười sung sướng.

- Đúng, đúng đấy, - Và Nikolai bế con gái trên cánh tay lực lưỡng, nhấc bổng nó lên, cho nó ngồi trên cổ, nắm lấy đôi chân nhỏ xíu của nó và bắt đầu cõng nó đi đi lại lại trong phòng. Trên gương mặt của hai cha con đều có một vẻ vui sướng ngây thơ như nhau.

- Này anh, khéo mà thiên vị đấy nhé. Anh nuông con này quá, - bá tước phu nhân Maria thì thầm nói bằng tiếng Pháp.

- Đúng thế, nhưng biết làm thế nào bây giờ? - Anh cũng cố gắng không lộ ra ngoài.
   
Trong lúc ấy ngoài hành lang và phòng trước nghe có tiếng cửa mở và tiếng bước chân như có ai vào nhà.

- Có người nào vừa đến ấy.

- Em chắc là Piotr. Để em ra xem - bá tước phu nhân Maria nói đoạn ra khỏi phòng.
   
Nhân khi vắng mặt vợ, Nikolai liền bầy trò làm ngựa cõng con phi quanh phòng. Thở hổn hển, chàng nhanh nhẹn tung con bé lên khiến nó cười khanh khách, và ghì nó vào ngực. Những bước nhảy của chàng nhắc chàng nhớ đến những điệu khiêu vũ, và đưa mắt nhìn cái khuôn mặt tròn trĩnh vui sướng của con gái, chàng thử hình dung sau này nó sẽ như thế nào khi mình đã già, dẫn nó vào nơi giao tế và khiêu vũ với nó điệu mazarka như cha chàng xưa kia đã khiêu vũ với con gái điệu Danilo Cuper.
   
- Đúng cậu ấy rồi, anh Nikolai ạ! - Vài phút sau bá tước phu nhân Maria quay trở lại vào nói - Bây giờ thì Natasa nhà ta tha hồ mừng. Cô ta cứ cuống lên, và chàng Piotr bị một chầu nên thân về tội không đúng hẹn! Nào ta ra nhanh đi, đi? Thôi buông nhau ra chứ, - nàng mỉm cười nhìn cô con gái đang bám chặt lấy cha.

Nikolai đi ra, tay dắt con gái. Bá tước phu nhân ở lại phòng đi văng.
   
"Không bao giờ, không bao giờ mình có thể tin - nàng thì thầm tự nhủ rằng người ta có thể hạnh phúc đến thể. Gương mặt nàng bừng sáng lên trong nụ cười rạng rỡ, nhưng ngay lúc ấy nàng bỗng thở dài và một nỗi buồn lặng lẽ hiện lên trong khoé nhìn sâu thẳm của nàng. Dường như ngoài cái hạnh phúc mà nàng đang hưởng còn có một hạnh phúc khác, không thể có được ở trong cuộc đời này, và trong một giây phút này nàng bất giác sực nhớ đến nó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:54:44 pm
Phần XVI
Chương - 10 -11

Natasa lấy chồng trong ngày đầu năm 1813 và đến năm 1820 nàng đã có ba đứa con gái và một thằng con trai - Đứa con trai mà nàng vẫn mong ước, và hiện nay nàng đang tự mình cho bú lấy.

Nàng đã đẫy ra, thân hình nở nang đến nỗi khó lòng nhận ra được cô bé Natasa mảnh dẻ và linh hoạt ngày xưa ở người mẹ phốp pháp khoẻ mạnh này. Nét mặt nàng đã rõ hẳn và có một vẻ dịu hiền bình thản và trong sáng. Gương mặt nàng không còn xưa bừng bừng ngọn lửa phấn chấn vốn làm thành sức quyến rũ của nàng kia. Bây giờ nhiều khi người ta chỉ thấy được khuôn mặt và thân thể của nàng, còn linh hồn nàng thì không thể nào thấy được. Chỉ thấy một người đàn bà khoẻ đẹp và mắn con. Ngọn lửa ngày xưa hoạ hoằn lắm mới bừng sáng lên ở nàng. Nó chỉ bừng lên trong khi chồng nàng đi xa về như bây giờ, khi một đứa con của nàng khỏi bệnh hay khi nàng cùng bá tước phu nhân Maria hồi tưởng đến công tước Andrey (nàng không bao giờ nói với chồng về công tước Andrey vì cho rằng chàng ghen với những kỷ niệm của bạn) và hoạ hoằn lắm, khi có việc gì tình cờ lôi cuốn nàng khiến nàng cất tiếng hát, một cái thú mà nàng đã bỏ hẳn từ dạo lấy chồng. Và trong những giây phút hiếm có ấy, khi ngọn lửa ngày xưa lại rực cháy trong thân thể xinh đẹp nở nang của nàng, nàng lại còn đáng yêu hơn cả ngày xưa nữa.
     
Từ ngày cưới, Natasa vẫn sống với chồng ở Moskva, hay ở nhà mẹ, tức là ở nhà Nikolai. Trong giới xã giao người ta ít gặp bá tước phu nhân Bezukhova trẻ tuổi, và những người gặp nàng đều không hài lòng về nàng. Nàng không đáng yêu, cũng không lịch thiệp.
     
Không phải tính Natasa thích cô độc (nàng không biết mình có thích thế hay không, thậm chí nàng còn có cảm tưởng là không), nhưng vì cứ thai nghén, sinh nở, cho con bú và tham dự vào đời sống của chồng từng phút nên nàng không thể nào đáp ứng được tất cả những đòi hỏi này bằng cách nào khác hơn là từ bỏ nếp sinh hoạt xã giao. Những ai đã từng biết Natasa trước khi nàng lấy chồng đều phải kinh ngạc khi thấy nàng đã thay đổi hẳn đi như vậy, xem nó như một điều gì phi thường. Chỉ có lão bá tước phu nhân, với bản năng làm mẹ của bà, là hiểu tất cả rằng những cơn bồng bột của Natasa đều do một cội nguồn mà ra, đó là nhu cầu có gia đình, có một người chồng (ở Otradnoye bà đã lớn tiếng tuyên bố như vậy, nửa đùa nửa thật, nhưng thật nhiều hơn là đùa). Chỉ có mẹ nàng là ngạc nhiên về nỗi ngạc nhiên của những người không hiểu Natasa và bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng xưa nay bà vẫn biết Natasa sẽ là một người vợ và một người mẹ gương mẫu. Bà thường nói: "Chỉ có điều là nó yêu chồng con quá sức, đến nỗi nhiều khi đâm ra ngớ ngẩn".
     
Natasa không theo cái khuôn vàng thước ngọc mà những người thông minh, nhất là những người Pháp, thường tuyên truyền, là con gái sau khi lấy chồng không nên buông lơi mình, không nên vứt bỏ tài năng của mình đi, mà phải chăm sóc đến bề ngoài của mình còn hơn cả thời con gái, phải quyến rũ chồng như đã quyến rũ người yêu. Natasa thì trái lại, đã vứt bỏ ngay một lúc tất cả những cái gì có sức quyến rũ của mình, trong đó có một cái có tác dụng đặc biệt mạnh mẽ là tiếng hát của nàng. Nàng đã vứt bỏ nó chính vì nó có sức quyến rũ mạnh mẽ. Nàng không để ý gì đến cách đi đứng, nói năng cho thanh nhã, cũng không buồn phô trương những tư thế đẹp mắt nhất trước mặt chồng, nàng không để ý gì đến trang sức, cũng không chú ý hạn chế bớt những đòi hỏi khắt khe để khỏi làm phiền chồng (tất cả những gì nàng làm đều trái với quy tắc ấy. Nàng cảm thấy rằng những thuật quyến rũ mà bản năng đã dạy cho nàng sử dụng trước kia sẽ đâm ra lố bịch nếu đem phô ra trước mặt chồng, con người mà: ngay từ phút đầu nàng đã hoàn toàn trao thân gửi phận với tất cả tâm hồn, không còn dành lại một góc nhỏ bí mật nào đối với chồng. Nàng cảm thấy mối liên hệ giữa nàng với chồng không phải do những cảm giác thi vị xưa kia đã thu hút "chàng" đến với nàng mà là do một cái khác, không rõ rệt, nhưng vững chắc như sự gắn bó giữa linh hồn nàng và thể xác nàng.

Uốn tóc cho quăn lên, mặc váy phồng và hát những bài hát tình ca để lôi cuốn chồng - những cái đó đối với nàng xem ra cũng kỳ quặc như là trang sức để tự mình thoả mãn với mình. Còn trang sức để làm đỏm với những người khác thì có lẽ nàng cũng thích - nàng cũng không biết có phải thế không - nhưng nàng không làm sao có thì giờ được. Đó chính là lí do chính khiến nàng không để ý gì đến ca hát, trang sức, hay chau chuốt những lời lẽ cho kiểu cách.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:55:44 pm
Ai cũng biết rằng con người có khả năng tập trung tất cả tâm trí vào một đối tượng duy nhất, dù cho đối tượng ấy có vẻ vô nghĩa đến đâu Và ai cũng biết rằng không có đối tượng nào dù vô nghĩa đến đâu mà lại không được khuếch đại lên đến nỗi trở thành vô cùng tận một khi người ta đã tập trung chú ý vào đấy.
Cái đối tượng mà Natasa để tất cả tâm trí của mình vào là gia đình nàng, là chồng nàng, mà nàng phải giữ làm sao cho chàng hoàn toàn thuộc về mình, thuộc về gia đình và những đứa con mà nàng phải cưu mang, sinh đẻ, nuôi nấng và dạy dỗ.

Và khi càng đi sâu vào cái đối tượng đã thu hết tâm trí của mình, không phải bằng lí trí, mà bằng tất cả tâm hồn, bằng mỗi đường gân thớ thịt của mình, cái đối tượng này lại càng được khuếch đại bởi sức chú ý của nàng, và nàng lại càng thấy sức lực của mình nhỏ bé, vô nghĩa hơn, thành thở có bao nhiêu tinh lực nàng đã đem tập trung hết vào một điểm duy nhất, ấy thế mà nàng vẫn không sao làm xuể tất cả những việc nàng thấy cần làm.

Những câu chuyện trò bàn về quyền lợi của phụ nữ, về quan hệ vợ chồng, về tự do và quyền hạn của hai bên, tuy hồi ấy không gọi là những vấn đề như ngày nay, nhưng cũng vẫn giống hệt như ngày nay - thì không những Natasa không để tâm mà còn chẳng hiểu chút gì nữa là khác.

Những vấn đề này, hồi ấy cũng như bây giờ, chỉ tồn tại đối với những kẻ chỉ nhìn thấy trong hôn nhân sự khoái lạc mà hai vợ chồng đem lại cho nhau, tức chỉ là một yếu tố của hôn nhân mà thôi chứ không phải ý nghĩa toàn vẹn của nó, tức là gia đình.

Những vấn đề ấy cũng tương tự như vấn đề làm thế nào ăn cho thật sướng miệng, hồi ấy cũng như ngày nay các vấn đề ấy không đặt ra đối với những người nghĩ rằng mục đích của bữa ăn là để nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là gia đình.

Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể, thì người nào ăn hai bữa một lúc có thể sướng miệng hơn, nhưng người đó sẽ không đạt được mục đích, bởi vì dạ dày sẽ không tiêu hoá hết tất cả hai bữa ăn.
Nếu mục đích của hôn nhân là gia đình, thì người nào muốn nhiều vợ hay nhiều chồng có lẽ sẽ được nhiều khoái lạc hơn, nhưng dứt khoát họ không thể nào có gia đình.

Nếu mục đích của bữa ăn là nuôi sống cơ thể và mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình, thì tất cả vấn đề chung quy là đừng ăn quá sức tiêu hoá của dạ dày và đừng lấy vợ lấy chồng nhiều hơn số vợ chồng mà việc xây dựng gia đình đòi hỏi, tức chỉ một vợ một chồng mà thôi. Natasa cần có một người chồng. Nàng đã có được người chồng ấy. Người chồng ấy đã cho nàng một gia đình. Và không những nàng không thấy cần một người chồng khác tốt hơn, mà bởi vì bao nhiêu tinh lực của nàng đều dồn vào một mục đích là phục vụ người chồng ấy và cái gia đình ấy, cho nên nàng không thể nào tưởng tượng xem nếu sự thể khác đi thì sẽ như thế nào.

Natasa không thích tiếp xúc với giới xã giao, nhưng chính vì vậy mà nàng lại càng tha thiết với cái thế giới của những người thân thuộc, với bá tước phu nhân Maria, với anh nàng, mẹ nàng và Sonya. Nàng tha thiết với cái thế giới trong đó nàng có thể mặc áo ngủ, để đầu tóc rối tung, rảo bước từ phòng các con ra chỉ cho họ xem chiếc tã bốn dây một vết màu vàng chứ không phải màu xanh cứt ngựa, với vẻ mặt hân hoan và nghe lời an ủi của họ nói rằng thế là đứa bé đã đỡ nhiều.

Natasa buông lơi mình đến nỗi áo quần, cách trang điểm những câu nói không phải của nàng, cái tính hay ghen của nàng - nàng ghen với Sonya, với chị giữ trẻ, với bất cứ người đàn bà nào dù đẹp hay xấu - đã được tất cả những người thân thuộc đem làm đầu đề đùa bỡn hàng ngày.

Theo ý cả nhà thì Piotr bị vợ xỏ mũi, và sự thật là như vậy. Ngay từ những ngày đầu chung sống, Natasa đã tuyên bố những yêu sách của mình. Piotr rất đỗi ngạc nhiên về quan niệm của vợ - Một quan niệm mà chàng thấy là hoàn toàn mới mẻ - Cho rằng mỗi giây phút của đời chàng đều thuộc về nàng và thuộc về gia đình. Piotr ngạc nhiên về những yêu sách của vợ, nhưng cũng thấy tự hào và cũng vui lòng phục tùng.
Cái tình trạng phục tùng của Piotr ở chỗ không những chàng không dám tán tỉnh và thậm chí cũng không dám mỉm cười trong khi nói chuyện với một người đàn bà nào khác, chàng không dám đến các câu lạc bộ, dự những bữa tiệc "gọi là để tiêu khiển", chàng không dám tiêu tiền theo những ý thích riêng, cũng không dám đi xa lâu, trừ những khi có công có việc - Trong số những công việc này nàng kể cả những việc nghiên cứu khoa học của chàng mà nàng chẳng hiểu tí gì nhưng cũng cho là rất quan trọng. Ngược lại, ở nhà Piotr có toàn quyền muốn làm gì thì làm, không những đối với bản thân mình mà ngay cả đối với gia đình cũng vậy. Trong gia đình, Natasa tự đặt mình vào địa vị người nô lệ của chồng, và cả nhà đều phải đi rón rén khi Piotr đang làm việc - tức đọc sách hay viết lách trong phòng. Chàng chỉ hơi ngỏ ý cần cái gì là Natasa đứng phắt dậy chạy đi làm ngay.

Cả nhà răm rắp tuân theo những cái gọi là mệnh lệnh của ông chồng, tức là những ý muốn của Piotr mà Natasa cố đoán ra. Cách sống, chỗ ở, bạn bè giao dịch, những việc làm của Natasa, việc dạy dỗ các con, mọi việc đều được quyết theo ý muốn mà Piotr ngỏ ra.

Ngoài ra Natasa còn tìm cách phỏng đoán những ý nghĩa có thể toát ra từ những lời nói hay những câu chuyện của chàng. Nàng đoán đúng được thực chất những ý muốn của Piotr, và một khi đã đoán ra là nàng một mực làm cho kỳ xong theo cách nàng đã chọn. Và khi Piotr muốn thay đổi ý muốn thì nàng lại dùng ngay những vũ khí của chàng để chống lại chàng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:57:26 pm
Chẳng hạn, trong một thời kỳ gay go mà Piotr ghi nhớ mãi, sau khi sinh đứa con đầu lòng yếu ớt, họ phải thay đến ba người vú em, và Natasa lo phiền quá đến nỗi sinh bệnh, một hôm Piotr giảng giải cho nàng nghe những quan niệm của Russeau mà chàng hoàn toàn tán thành, cho rằng việc dùng vú em là trái tự nhiên và có hại. Đến khi sinh đứa thứ hai, mặc dầu mẹ nàng, thầy thuốc và ngay cả chồng nàng không muốn để cho nàng tự cho con bú vì đó là một việc không thấy ai làm và thậm chí có hại, nhưng Natasa giữ vững ý mình và từ đó trở đi đứa con nào cũng tự mình cho bú lấy.

Có nhiều khi trong những phút giận dỗi, hai vợ chồng cũng cãi cọ nhưng sau đấy một thời gian, Piotr vui sướng và ngạc nhiên nhận thấy những lời nói cũng như việc làm của Natasa đều phản ánh đúng cái ý kiến của chàng đã bị Natasa cãi lại. Và không những chàng thấy ý kiến ấy được thực hiện, mà còn thấy nó được tước bỏ hết những phần quá khích trong cách nói của chàng lúc đang say sưa tranh cãi.
Sau bảy năm chung sống, Piotr vui sướng nhận thức một cách chắc chắn rằng mình không phải là người xấu, và chàng cảm thấy như vậy là vì thấy rõ hình ảnh mình được vợ phản chiếu lại. Trong thâm"tâm, chàng cảm thấy cái tốt và cái xấu ở trong mình lẫn lộn vào nhau và che mờ lẫn nhau. Nhưng ở vợ chàng thì chỉ thấy phản ánh những cái gì tốt thật sự, tất cả những gì không hẳn là tốt đều bị gạt đi. Và sự phản ánh này diễn ra không phải thông qua tư duy lô-gich, mà qua một con đường khác, trực tiếp và huyền bí.

11.

Hai tháng trước đây, Piotr lúc bấy giờ đã ở với gia đình Roxtov, có nhận được một bức thư của công tước Feodor, gọi chàng đến Petersburg để thảo luận về những vấn đề quan trọng đang làm bận tâm những người tham gia cái hội mà Piotr là một trong những người sáng lập chủ yếu.

Sau khi đọc bức thư này - nàng vẫn đọc tất cả thư từ của chồng - Natasa, tuy rất khổ tâm khi phải vắng chồng, vẫn tự mình khuyên Piotr đến Petersburg. Tất cả những công việc có tính chất trí óc và trừu tượng của chồng, Natasa tuy không hiểu cũng vẫn cho là hết sức quan trọng, và luôn luôn sợ mình cản trở chồng trong hoạt động này. Đáp lại cái nhìn dò hỏi và ngại ngùng của Piotr sau khi đọc bức thư, nàng bảo chàng nên đi nhưng phải cho nàng biết đích xác ngày nào trở về. Thế là chàng được đi phép bốn tuần lễ.

Từ khi thời hạn của Piotr đã hết, tức là đã hai tuần nay, Natasa luôn luôn lo buồn và bực bội.

Denixov, vị tướng về hưu bất mãn với thời cuộc đã đến chơi từ hai tuần nay, kinh ngạc và buồn rầu nhìn Natasa như nhìn một bức chân dung không được giống của một người xưa kia mình yêu mến. Cái nhìn rầu rĩ, chán ngán, những câu trả lời chẳng đâu vào đâu và những câu chuyện về con cái: đó là tất cả những điều bây giờ chàng thấy và nghe được ở nàng đạo cô thuở trước đã làm cho chàng mê mẩn.

Trong suốt thời gian này, Natasa buồn bã và bực bội khi để an ủi nàng, mẹ nàng, anh nàng, Sonya hay bá tước phu nhân Maria tìm cách bào chữa cho Piotr và bày ra những lí do để cắt nghĩa lại sao chàng về muộn.

- Toàn là những câu chuyện vớ vẩn, nhảm nhí hết - Natasa nói - Tất cả những tư tưởng chẳng đưa đến đâu và những hội những phường ngớ ngẩn ấy. - Nàng nói về chính những việc mà trước đây nàng tin chắc là vô cùng quan trọng. Rồi nàng vào phòng trẻ để cho thằng Petya đứa con trai duy nhất của nàng bú.
Không ai có thể nói với nàng một cái gì phải lẽ và có sức an ủi như thằng bé ba tháng này, trong khi nó nằm áp vào ngực nàng và nàng cảm thấy những cử động của đôi môi nó đang bú, nghe hơi thở nhẹ từ cái mũi xinh xinh của nó đưa ra. Thằng bé nói: "Mẹ giận, mẹ ghen, mẹ muốn trả thù bố, nhưng có con đây, con tức là bố đấy.". Và nàng không có cách gì trả lời được nữa. Điều đó còn đúng hơn cả sự thật.

Trong suốt hai tuần lễ lo âu này, Natasa thường hay đến tìm ở đứa bé một nguồn an ủi, nàng chăm chút nó đến nỗi nó ăn nhiều quá sinh ốm. Nàng sợ hãi về bệnh tình của nó, nhưng đồng thời chính nàng đang cần nó ốm. Trong khi săn sóc nó, nàng cảm thấy nỗi lo ngại về chồng nguôi nguôi.

Nàng đang cho con bú thì chợt nghe trước thềm có tiếng xe ngựa của Piotr về, và u già, vốn biết cách làm cho bà chủ vui lòng, hiện ra ở cửa không một tiếng động nhưng rất nhanh, vẻ mặt hớn hở:

- Về rồi à? - Natasa thì thầm hỏi gấp, không dám cử động sợ thằng bé thức dậy.

- Thưa bà, về rồi ạ - u già thì thầm.

Máu dồn lên mặt Natasa và chân nàng bất giác cử động nhưng nàng không thể nào nhảy ra hay chạy ra được. Đứa bé lại mở mắt, nhìn nàng rồi lại lười biếng chìa môi ra bú, dường như muốn nói: "Mẹ đấy à".


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 29 Tháng Giêng, 2011, 08:58:29 pm
Natasa nhẹ nhàng kéo vú ra, ru đứa bé và trao nó cho u già rồi bước nhanh ra cửa. Nhưng đến ngưỡng cửa, nàng bỗng dừng lại, dường như hối hận rằng trong khi mừng rỡ mình lại đã vội vã bỏ con, và ngoảnh lại nhìn u già đang đưa cao hai khuỷu tay lên, nhấc bổng thằng bé qua thành nôi.

- Bà cứ đi đi, cứ đi đi, bà cứ yên tâm - u già mỉm cười nói thì thầm với cái vẻ thân mật thường có giữa bà chủ và người bảo mẫu.

Và Natasa nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng.

Denixov bỗng cảm thấy mình cũng như quýnh lên vì Piotr đã về, tuy chàng chẳng yêu mến gì Piotr. Chạy ra phòng áo. Natasa nhận ra một nóng đáng người cao lớn mặc cao khoác đang tháo chiếc khăn quàng.

- Anh ấy đây rồi? Anh ấy đây rồi? Đúng rồi! - Nàng tự nhủ và chạy như bay về phía Piotr, ôm lấy chàng ghì chặt lấy chàng, nép đầu vào ngực chàng rồi lại đẩy chàng ra nhìn gương mặt hồng hào, sung sướng của chàng lấm tấm sương băng. "Phải chính anh ấy, anh ấy sung sướng, thoả mãn.".

Thế rồi đột nhiên nàng nhớ đến những nỗi buồn khổ của cảnh chờ đợi mà nàng đã trải qua trong hai tuần nay: niềm vui sướng đang sáng ngời trên gương mặt nàng bỗng nhiên biến mất, nàng cau mày và trút lên Piotr cả một tràng những lời trách móc chua cay.

- Phải rồi! Anh thì thích lắm, anh thì sướng lắm, anh tha hồ chơi. Còn em thì thế nào? Ít nhất anh cũng phải nghĩ đến con chứ? Em đang cho con bú, sữa của em hỏng. Thằng Petya suýt chết. Còn anh thì cứ vui chơi. Phải, anh vui lắm?

Piotr biết mình không có lỗi, bởi vì chàng không thể nào về sớm hơn, chàng biết nàng giận dỗi như vậy là không phải, và chỉ hai phút nữa là cơn giận sẽ qua, và cái chính là chàng biết mình đang vui vẻ sung sướng. Chàng muốn mỉm cười nhưng không dám.

Chàng làm ra một vẻ mặt tội nghiệp, sợ hãi và cúi đầu.

- Anh không có cách gì về sớm hơn, anh thề với em như vậy? Nhưng thằng Petya thế nào?

- Bây giờ đã khá rồi, ta đi vào đi. Anh chẳng biết gì hết. Giá anh biết vắng anh em ra sao, em khổ sở như thế nào.

- Em khoẻ chứ?

- Ta vào đi, ta vào đi, - nàng nói, tay vẫn nắm lấy tay chàng. Và hai người bước vào phòng riêng.

Khi vợ chồng Nikolai ra tìm Piotr thì chàng đang ở trong phòng trẻ, đang đỡ trên lòng bàn tay phải khổng lồ đứa con trai út vừa thức giấc, và đang ru nó. Trên khuôn mặt rộng của chàng với cái miệng móm há hốc bừng lên một nụ cười vui vẻ. Cơn bão đã qua từ lâu và một ánh sáng rực rỡ ngời sáng trên gương mặt Natasa đang âu yếm nhìn con và chồng.

- Thế anh đã bàn bạc xong vớt công tước Feodor rồi chứ? - Nàng nói.

- Phải, ổn lắm rồi.

- Anh xem, ngóc lên được rồi đấy. (Natasa muốn nói đến đầu đứa bé). Thế mà nó làm cho em sợ một mẻ đấy. Anh có gặp công tước tiểu thư không? Có phải cô ta đang mê anh chàng.

- Có, em thử tưởng tượng…

Vừa lúc ấy Nikolai và bá tước phu nhân Maria bước vào. Piotr tay vẫn ẵm con, cúi mình xuống hôn hai người và trả lời những câu hỏi của họ. Nhưng rõ ràng là mặc dầu họ có nhiều điều rất thú vị để nói cho nhau nghe, thằng bé với cái mũi và cái đầu lắc lư của nó vẫn thu hút sức chú ý của Piotr.

- Dễ thương quá! - Bá tước phu nhân Maria ngắm đứa bé và chơi với nó. - Có điều này thực em không hiểu, anh Nikolai ạ - nàng quay lại nói với chồng - làm sao anh lại không hiểu được sức hấp dẫn của những thiên thần này?

- Anh không hiểu, chịu thôi - Nikolai nói, lạnh lùng nhìn đứa bé - Một cục thịt, Piotr, ta ra ngoài kia đi.

Nói thế chứ chẳng có người cha nào yêu con như anh ấy - bá tước phu nhân Maria bào chữa cho chồng, - nhưng chỉ khi nào chúng đã trên dưới một năm.

- Anh Piotr thì lại chăm con mọn rất thạo - Natasa nói, anh ấy bảo, bàn tay ấy đặt vào mông trẻ con thật vừa khéo, xem kia kìa.

- Ấy nhưng không phải để làm việc ấy đâu. - Piotr bỗng cười xoà đoạn trao đứa bé cho người bảo mẫu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:28:11 pm
Phần XVI
Chương - 12 -13

Cũng như trong mọi gia đình thực sự là gia đình, ở Lưxye Gorư có nhiều thế giới hoàn toàn khác nhau cùng chung sống, thế giới nào cũng giữ những đặc điểm riêng của nó, nhưng đồng thời lại nhân nhượng cho nhau, do đó mà hợp lại thành một toàn thể hài hoà. Mỗi biến cố xảy ra trong gia đình, đối với tất cả những thế giới này đều quan trọng như nhau, đều vui vẻ hay buồn rầu như nhau.
Nhưng mỗi thế giới đều có những lý do của nó, hoàn toàn độc lập đối với những thế giới khác, để vui mừng hay phiền muộn về một biến cố nào đấy.
     
Việc Piotr trở về là một biến cố quan trọng đáng mừng và mọi người đều cảm thấy như vậy.
     
Các gia nhân là những người xét đoán đúng đắn nhầt về chủ họ, bởi vì họ không căn cứ vào những lời nói và những tình cảm chủ họ bộc lộ, mà căn cứ vào những hành động và lối sống của chủ, đều sung sướng khi thấy Piotr về, vì họ biết rằng bá tước Nikolai Ilyts sẽ không đi kiểm soát điền trang ngày một nữa, ông ta sẽ vui vẻ hơn và hiền lành hơn, và cũng vì nhân ngày lễ mọi người sẽ nhận được một món quà hậu hĩ.
       
Bọn trẻ con và các chị giữ trẻ vui mừng, khi thấy Bezukhov trở về vì chẳng ai khéo biết cách đưa họ vào sinh hoạt cùng của gia đình bằng Piotr. Chỉ có chàng mới biết chơi trên đàn dương cầm cái điệu Scotland, (bài học duy nhất của chàng) có thể đệm theo tất cả các điệu nhảy trên đời, như chàng thường nói, và chắc chắn thế nào chàng cũng đem quà về cho mọi người.

- Cậu Nikolenka, năm nay mười lăm tuổi, một cậu bé thông minh, mà gầy yếu, có bộ tóc quăn màu hung và đôi mắt rất đẹp, vui mừng bởi vì cậu Piotr, như cậu thường gọi, là người được cậu say mê và tôn thờ.  Không ai cố tìm cách làm cho Nikolenka yêu mến Piotr một cách đặc biệt, và chỉ thỉnh thoảng cậu mới gặp Piotr. Bá tước phu nhân Maria, người giáo dục cậu, tìm đủ mọi cách để làm cho cậu yêu chồng mình như mình, và Nikolenka cũng yêu chú cậu, nhưng tình yêu của cậu đối với Nikolai thoáng có pha lẫn ý khinh thường kín đáo. Trái lại cậu tôn thờ Piotr. Cậu không muốn trở thành một sĩ quan phiêu kỵ, cũng không muốn được thưởng huân chương Georges như chú Nikolai, cậu muốn trở thành một người học rộng thông minh và tốt bụng như cậu Piotr.   Trước mặt Piotr, gương mặt cậu bao giờ cũng sáng ngời, vì vui sướng, cậu đỏ mặt và nghẹn thở mỗi khi Piotr nói với cậu. Cậu không hề bỏ qua một lời nào Piotr nói ra, và sau đó hoặc cùng với Dexal hoặc một mình, cậu hồi tưởng lại từng lời nói một và tìm cách hiểu ý nghĩa những lời ấy. Quãng đời mà Piotr đã trải qua, những nỗi khổ của chàng trước năm 1812 (căn cứ vào những điều nghe được, cậu đã tạo nên một hình ảnh mơ hồ và thi vị về những nỗi khổ này) những hành động mạo hiểm của chàng ở Moskva, thời gian bị cầm tù. Platon Karataiev (cậu có nghe Piotr kể lại), tình yêu của chàng đối với Natasa (cậu bé cũng yêu nàng với một tình yêu đặc biệt) và nhất là tình bạn giữa chàng và công tước Andrey, người cha mà Nikolenka không nhớ được, tất cả những điều đó làm cho Piotr trở thành một vị anh hùng và một bậc thần thánh đối với cậu bé.
     
Căn cứ vào những mẩu chuyện rời rạc về cha cậu và Natasa, nỗi xúc động của Piotr khi nói đến người đã khuất, vẻ trìu mến, trân trọng, sùng kính của Natasa khi nói đến cha mình, cậu bé hồi ấy mới bắt đầu hình dung được tình yêu một cách mơ hồ đã tưởng tượng ra rằng cha cậu trước kia yêu Natasa và khi lâm chung đã phó thác nàng cho bạn. Còn người cha kia mà cậu bé không nhớ rõ, đối với cậu là một vị thần mà người ta không thể nào hình dung ra được và hễ nghĩ đến cha Nikolenka bao giờ cũng thấy lòng se lại và mắt cậu rơm rớm những giọt lệ buồn rầu và ngưỡng mộ. Cho nên cậu bé cũng vui mừng khi thấy Piotr về.

Các tân khách cũng vui mừng khi Piotr về, bởi vì hễ có mặt Piotr là bất cứ nhóm người nào cũng vui vẻ thân thiết với nhau hơn.
     
Những người lớn trong nhà, không kể đến vợ chàng, đều vui mừng được gặp lại người bạn có khả năng làm cho cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng và êm thấm hơn.
     
Các bà già hài lòng về những món quà mà chàng mang về, và nhất là Natasa lại phấn chấn như cũ.
     
Piotr cảm biết tất cả những cách nhìn khác nhau của những thế giới khác nhau kia đối với mình và sốt sắng đem lại cho mỗi người những điều họ mong đợi.
     
Piotr, con người lơ đãng nhất, hay quên nhất đời, bây giờ đã mua tất cả những thứ ghi trong bản danh sách mà vợ chàng trao cho, không quên những điều mẹ chàng và vợ chàng dặn dò, kể cả việc mua áo làm quà cho bà Belova và đồ chơi cho các cháu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:29:24 pm
Trong thời gian đầu khi mới lấy vợ, chàng lấy làm lạ không hiểu tại sao vợ chàng cứ một mực dặn chàng không được quên tất cả những thứ cần phải mua, và kinh ngạc thấy nàng khổ sở thật sự chỉ vì trong chuyến đi xa đầu tiên chàng đã quên hết. Nhưng về sau chàng đã quen với điều đó. Biết rằng Natasa không dặn chàng mua gì cho nàng mà chỉ dặn mua cho những người khác nếu chàng tình nguyện làm. Bây giờ chàng cảm thấy một niềm thích thú không ngờ của trẻ con trong việc mua qua cho cả nhà, và không bao giờ chàng quên gì hết. Chàng có bị Natasa trách chăng thì cũng chỉ vì chàng mua quá nhiều và quá đắt. Thêm vào những khuyết điểm của nàng (theo ý mọi người) hay những đức tính của nàng (theo ý chàng) là tính cẩu thả và buông lơi, Natasa bây giờ lại đâm ra hà tiện nữa.
     
Từ khi Piotr bắt đầu sống với một gia đình đòi hỏi phải chi tiêu nhiều chàng phải ngạc nhiên mà nhận thấy rằng mình tiêu chỉ bằng một nửa hồi trước và những công việc của mình vừa đây đang gặp khó khăn (đặc biệt là do những món nợ của người vợ trước) nay đã bắt đầu ổn dần.
     
Chàng tiêu ít hơn trước vì cuộc sống của chàng bây giờ đã ổn định: lối sống xa hoa tốn kém nhất, tức là lối sống có thể thay đổi từng phút một, bây giờ đã không còn, vả chăng chàng cũng không muốn sống như thế nữa. Chàng cảm thấy lối sống của mình lần này đã được quy định vĩnh viễn cho đến khi chết, chàng không tài nào thay đổi nó, cho nên lối sống của chàng bây giờ rất ít tốn kém.
Piotr gương mặt tươi cười vui vẻ đang sắp xếp những vật đã mua được:
     
- Xem này, có đẹp không! - Chàng vừa nói vừa dăng một tấm vải ra như một anh bán hàng. Natasa ngồi ttước mặt chàng, tay giữ đứa con gái đầu lòng ngôi trên gối, đôi mắt sáng ngời hết nhìn chồng lại nhìn vật chàng đang phô ra cho nàng xem.
     
- Đây là quà cho bà Belva có phải không? Tuyệt! - Nàng đưa tay mân mê tấm vải. - Cái này chắc phải đến một rúp một thước.
Piotr nói giá vải.
     
- Mua đắt đấy - Natasa nói - Thôi được, bọn trẻ con chắc bằng lòng lắm và cả mẹ nữa, kể ra anh không nên mua cho em cái này: mới phải, - nàng nói, nhưng không sao nén nổi một nụ cười klti ngắm một chiếc lược vàng giát ngọc trai hồi bấy giờ mới bắt đầu thành một vật thời thượng.

- Đó là vì cô Adel cứ nài ép anh. Cô ta bảo cứ mua đi mua đi.

- Nhưng em sẽ cài lúc nào? - Natasa cài chiếc lược vào bím tóc - Thôi để đến khi nào em dẫn Masenka vào môi trường giao tế, lúc bấy giờ có lẽ người ta sẽ cài kiểu lược này. Thôi, ta đi nào.

Thế rồi họ mang các quà biếu trước hết vào phòng trẻ con rồi vào phòng lão bá tước phu nhân.
     
Phu nhân đang ngồi chơi bài với Belova như mọi ngày thì Piotr và Natasa, tay cắp mấy gói quà, bước vào phòng khách.
     
Lão bá tước phu nhân đã ngoài sáu mươi tuổi, tóc đã bạc phơ, phu nhân đội một chiếc mũ chụp kết hình tổ ong trùm kín hai bên mặt. Mặt phu nhân nhăn nheo, môi trên thụt vào và cặp mắt lờ đờ.
     
Từ khi con trai bà và chồng nối chân nhau qua đời trong một khoảng thời ngắn như vậy, bá tước phu nhân cảm thấy mình bỗng dưng bị rơi lại trên thế gian này, sống không chút mục đích, không chút ý nghĩa. Phu nhân cũng vẫn ăn, uống, ngủ, thức, nhưng không phải là sống. Cuộc sống không còn đem lại cho phu nhân một ấn tượng gì nữa. Phu nhân không đòi hỏi gì ở cuộc sống ngoài sự yên tĩnh, mà sự yên tĩnh này thì chỉ có thể tìm thấy trong cõi chết.
     
Nhưng chừng nào cái chết chưa đến, thì phu nhân vẫn còn phải sống, tức còn phải sử dụng những sức sống của mình. Ở phu nhân có thể thấy biểu hiện ở mức cao nhất cái hiện tượng mà người ta thường nhận thấy ở những đứa trẻ rất bé và những người rất già.
     
Trong cuộc sống của phu nhân không thấy có một mục đích nào bên ngoài, mà chỉ thấy một điều rõ rệt là nhu cầu vận dụng những xu hướng và những năng lực tự nhiên của mình. Phu nhân cần ăn, ngủ, nghĩ, khóc, nói, làm việc, giận dỗi v.v. chỉ vì phu nhân có dạ dày, bộ óc, bắp thịt, giây thần kinh và gan. Phu nhân làm tất cả những điều đó mà không cần một cái gì ở ngoại giới kích thích, không phải như những người đang thời cường tráng, tức là những người không thấy ở phía sau cái mục đích họ đang đeo đuổi còn có mục đích khác mà họ không để ý, là thoả mãn cái nhu cầu tiêu dùng những sinh lực của họ. Phu nhân nói chỉ vì, về mặt sinh lý, phu nhân phải để cho phổi và lưỡi của mình hoạt động. Phu nhân khóc như một đứa trẻ chỉ vì phu nhân cần xì mũi v.v… cần cái gì đối với những người cường tráng là mục đích thì đối với phu nhân rõ ràng là một duyên cớ.
       
Chẳng hạn, mỗi buổi sáng phu nhân cảm thấy phải nổi giận, đặc biệt nếu tối qua phu nhân ăn một món ăn béo, thì phu nhân chọn ngay một duyên cớ dễ tìm nhất, đó là bệnh điếc của bà Belova.

Phu nhân đang ngồi mãi ở cuối phòng bắt đầu nói khẽ với bà ta một điều gì.

- Hôm nay hình như trời ẩm hơn mọi hôm bà à? - phu nhân nói thì thầm. Thế rồi khi bà Belova đáp: "Phải, họ đã đến" thì phu nhân càu nhàu, giọng cáu kỉnh.

- Điếc ơi là điếc ngốc ơi là ngốc!


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:30:54 pm
Một duyên cớ khác là thuốc lá bột để hít. Phu nhân thấy nó khi thì quá khô, khi thì quá ẩm, khi thì nghiền không nhỏ. Sau những cơn giận dữ này, mặt phu nhân ngả sang màu vàng, và những cô gái hầu phòng của phu nhân căn cứ vào những dấu hiệu chắc chắn có thể biết rõ khi nào bà Belova sẽ lại điếu, thuốc lá sẽ lại ẩm, và khi nào mặt phu nhân lại sẽ vàng. Cũng như phu nhân cần phải tiết bớt mật, đôi khi phu nhân cần phải vận động những năng lực tư duy còn lại của mình vì muốn thố thi trò chơi xếp bài là một duyên cớ. Khi phu nhân cần khóc thì duyên cớ lại là kỷ niệm của cố bá tước. Khi phu nhân cần lo lắng thì duyên cớ là Nikolai và sức khoẻ của chàng. Khi phu nhân cần nói những điều cay độc thì duyên cớ là bá tước phu nhân Maria, khi thì phu nhân cần vận dụng các khí quan phát âm - điều đó thường xảy ra nhất vào lúc bảy giờ sau khi nghỉ ngơi cho tiêu cơm trong gian phòng tối mờ mờ - thì duyên cớ là kể lại mãi những chuyện đã cũ rích, với những thính giả không thay đổi.
     
Mọi người trong nhà đều hiểu tình trạng này của lão bá tước phu nhân, tuy không bao giờ họ nói ra, và ai nấy đều tìm đủ mọi cách làm phu nhân thoả mãn. Chỉ đôi khi những nụ cười cửa miệng buồn bã và những cái nhìn mà Nikolai, Piotr, Natasa và bá tước phu nhân Maria trao đổi với nhau cho thấy họ đã cùng hiểu tình trạng của phu nhân.

Nhưng những cái nhìn ấy còn nói lên một điều khác nữa: Nó nói rằng phu nhân đã làm xong nhiệm vụ của mình ở trên đời, rằng phu nhân trước kia không phải bao giờ cũng như người ra thấy phu nhân hiện nay, rằng tất cả chúng ta sẽ như phu nhân và chúng ta phải vui vẻ tự kiềm chế mình, tự thắng mình để làm vừa lòng con người mà xưa kia mình yêu, xưa kia cũng đầy sức sống như mình bây giờ, nhưng nay chỉ còn là một sinh vật thảm hại. Memento mori(1) - những cái nhìn ấy như muốn nói thế.

Ở trong nhà chỉ có những kẻ hoàn toàn độc ác, ngu xuẩn, và lũ trẻ con, mới không hiểu điều đó và xa lánh phu nhân.

=============================================================

Chú thích:

(1) Hãy nhớ cái chết (tiếng La tinh)


13.
     
Khi hai vợ chồng Piotr bước vào phòng khách, bá tước phu nhân đang ở trong tình trạng thường ngày mỗi khi phu nhân đang cần phải vận dụng trí óc bằng cách xếp bài, cho nên thấy Piotr đến, phu nhân bực mình vì phải xao nhãng mất sức chú ý đang tập trung vào mấy con bài. Tuy vậy, theo thói quen, phu nhân vẫn nói những lời thường nói mỗi khi Piotr hay con trai trở về: "Có thế chứ, mẹ mong con mãi. Thôi cũng đội ơn Chúa, và trong khi nhận các quà tặng, phu nhân vẫn nói những câu quen thuộc khác: "Cái quí không phải là quà cáp đâu con ạ, cái quí là con đã nghĩ đến một bà già như mẹ". Phu nhân xếp bài xong mới chú ý đến các món quà. Quà biếu gồm một cái bao đựng bài rất đẹp, một cái chén uống trà bằng sứ Xevr, màu xanh xám có nắp đậy, có vẽ hình cô chăn cừu, và một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng vàng có chân dung của bá tước mà Piotr đã đặt một người làm chân dung thu nhỏ ở Petersburg làm - Đã từ lâu bá tước phu nhân muốn có một chiếc hộp đựng thuốc lá như thế.
     
Bấy giờ phu nhân chưa muốn khóc, vì vậy phu nhân nhìn bức chân dung một cách lãnh đạm và đặc biệt chú ý đến cái túi đựng bài.
   
- Cảm ơn con, con đã làm mẹ vui lòng - phu nhân nói, nhắc lại những câu thường ngày - Nhưng điều đáng mừng hơn cả là con đã về đây. Nếu không thì chẳng còn ra làm sao nữa con phải mắng vợ con mới được. Rõ thật buồn cười! Vắng con nó như điên dại. Nó không thấy gì cả, không nhớ gì cả. Này bà Anna
Timofeyevna - phu nhân nói thêm - Bà xem cái túi bài con tôi nó mua cho tôi đẹp không này.
     
Bà Belova khen ngợi món quà và xuýt xoa trước tấm vải Piotr mua cho bà.
   
Piotr, Natasa, Nikolai, bá tước phu nhân Maria và Denixov thường cần nói với nhau những điều không thể nói trước mặt phu nhân, không phải vì họ giấu giếm gì phu nhân, nhưng vì phu nhân quá lạc hậu đối với tình hình, cho nên mỗi khi bắt đầu một câu chuyện trước mặt phu nhân họ cứ phải trả lời những câu không đâu của phu nhân và phải nhắc lại một lần nữa những điều họ đã nói với phu nhân nhiều lần: nào là người này đã chết, người kia đã lấy vợ, những điều mà phu nhân không tài nào nhớ được. Nhưng theo thường lệ, lúc uống trà họ vẫn ngồi trước ấm lò ở phòng khách và Piotr trả lời những câu hỏi của phu nhân, những câu hỏi chẳng cần thiết gì đối với phu nhân mà cũng chẳng thú vị gì đối với những người khác, cho phu nhân biết rằng công tước Vaxili đã già đi, bá tước phu nhân Maria Alekxeyevna gửi lời thăm phu nhân và xin phu nhân đừng quên bà ta v.v…
     
Cái lối trò chuyện chẳng thú vị gì cho ai nhưng cần thiết ấy vẫn kéo dài suốt cả buổi dùng trà. Xung quanh cái bàn tròn đặt ấm lò, có Sonya ngồi cạnh để rót nước, tất cả những người lớn trong gia đình đều quây quần lại. Lũ trẻ con, các gia sư và các: chị giữ trẻ đã uống trà xong, và có thể nghe tiếng họ nói chuyện trong gian phòng đi-văng ở bên cạnh. Mỗi người đểu ngồi ở chỗ thường ngày của mình. Nikolai ngồi cạnh lò sưởi trước cái bàn nhỏ trên đấy người ta dọn trà cho chàng. Milka, con chó săn già, con của con Milka trước kia, đang nằm trên một chiếc ghế bành đặt cạnh chàng; đầu nó trắng như bông, càng làm nổi bật cặp mắt đen lánh. Denixov, mái tóc quăn cũng như bộ ria mép và bộ râu má đều đã điểm bạc, mình mặc chiếc áo đuôi én của cấp tướng hở cổ đang ngồi cạnh bá tước phu nhân Maria. Piotr ngồi giữa vợ và lão bá tước phu nhân. Chàng kể lại những điều mà chàng biết là phu nhân có thể thích và hiểu được. Chàng nói đến, những việc ở bên ngoài, trong giới xã giao, và nói đến những người cùng lứa tuổi với phu nhân, ngày xưa vốn làm thành một nhóm riêng biệt thực sự hoạt động, nhưng bấy giờ đều phân tán ở khắp nơi và cũng như phu nhân, đang sống nốt trong những ngày còn lại bằng cách hái những bông lúa cuối cùng mà họ đã gieo trong đời họ. Tuy vậy đối với phu nhân chính những người này, những người cùng thời với phu nhân, lại là cái thế giới duy nhất chân chính và đứng đắn. Thấy Piotr phấn chấn, Natasa biết rằng cuộc hành trình của chàng rất thú vị rằng chàng có nhiều điều muốn kể, nhưng không dám nói trước mặt phu nhân.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:33:51 pm
Denixov không phải là người nhà cho nên không hiểu tại sao Piotr lại dè đặt, và vốn là một người bất mãn với thời cuộc, chàng rất quan tâm đến những việc xảy ra ở Petersburg, nên cứ luôn luôn giục Piotr nói đến chuyện vừa xảy ra trong trung đoàn Xemenovxki, hoặc nói về Arakseyev, về Hội thánh Kinh(1). Đôi khi Piotr cũng bị lôi cuốn theo và bắt đầu nói, nhưng Nikolai và Natasa mỗi lần như thế lại kéo chàng về với sức khoẻ của bá tước Ivan hay của bá tước phu nhân Maria Antonova.
     
- Này anh xem tất cả cái trò điên rồ kia, tất cả bọn Goxner(2) và Tatannova(3) - Denixov hỏi - Lẽ nào cứ tiếp tục được mãi như thế?

- Tiếp tục chứ - Piotr nói - còn tiếp tục mạnh hơn là khác: hội Thánh kinh bây giờ là tất cả chính phủ đấy!
   
- Con nói gì thế con? - bá tước phu nhân hỏi khi đã uống trà xong và rõ ràng là đang muốn tìm một duyên cớ để nổi giận sau bữa ăn chiều - Con nói gì chính phủ đấy, mẹ chẳng hiểu gì cả?.
     
- Thế này, mẹ ạ - Nikolai nói xen vào, chàng vốn biết cách diễn đạt bất cứ ý gì bằng thứ ngôn ngữ của mẹ chàng - công tước Alekxander Nikolaievich Golixyn có lập một hội, vì vậy người ta nói công tước rất có thế lực.
     
- Arakseyev và Golixyn, - Piotr buột miệng nói - Hiện nay là tất cả chính phủ. Chính phủ gì lại như thế! Ở đâu họ cũng thấy toàn là âm mưu, cái gì họ cũng sợ.
     
- Nhưng công tước Aleckxander Nikolaievich thì có tội tình gì kia chứ? - Phu nhân nói - Ông ta là một người đáng kính. Mẹ ngày trước thường gặp ông ta ở nhà bà Maria Antonova - phu nhân nói, giọng cáu kỉnh, và càng phát cáu khi thấy mọi người im lặng, phu nhân nói tiếp - Một hội Phúc âm thì có gì là tai hại kia chứ? - phu nhân đứng dậy (mọi người cùng đứng dậy theo) và vẻ mặt nghiêm khắc lững thững bước vào phòng đi-văng ngồi bên bàn mình.

Giữa cái không khí im lặng buồn tẻ này, từ phòng bên vẳng ra những tiếng cười nói của trẻ con. Rõ ràng là có một điều gì vui xảy ra giữa bọn chúng.
     
- Xong rồi? Xong rồi? - tiếng cô bé Natasa reo lên vui vẻ át hết những tiếng khác. Piotr đưa mắt nhìn bá tước phu nhân Maria và Nikolai (chàng vẫn trông thấy Natasa) và nở một nụ cười sung sướng.
     
- Điệu nhạc ấy tuyệt trần! - Chàng nói.

Đó là chị Anna Makarovna đã đan xong đôi bít tất - bá tước phu nhân Maria nói.
   
- Ồ! Tôi phải sang xem mới được - Piotr nói đoạn đứng phắt dậy - Em có biết - chàng nói thêm và dừng lại ở cửa lớn - Tại sao anh yêu thích đặc biệt điệu nhạc này không? Nó là những dấu hiệu đầu tiên báo cho anh biết rằng mọi việc đều tốt đẹp. Hôm nay trên đường về, càng về đến gần nhà anh càng sợ. Khi vào phòng ngoài anh nghe thằng Andriusa cười vang, anh biết như thế có nghĩa là mọi việc đều yên lành.
     
- Tôi cũng biết cái cảm xúc ấy - Nikolai xác nhận - Nhưng tôi không thể đến xem được vì đôi bít tất ấy là một món quà bất ngờ họ dành cho tôi đấy.
     
Piotr bước vào phòng các con và những tiếng cười reo càng to.
   
- Nào chị Anna Makrovna lại đây! - Piotr nói - đứng ở giữa phòng, và nghe tôi hô: một, hai… và khi nào tôi nói: ba, con thì đứng đấy, còn chú này thì ba bế nào. Đồng ý chứ: Một, hai… - Piotr nói. Một phút yên lặng - ba! - và những tiếng reo vui sướng hân hoan của lũ trẻ vang dội cả gian phòng.
     
- Hai chiếc, hai chiếc! - Bọn trẻ reo lên.
     
Đó là hai chiếc tất mà Anna Makarovna đã đan cùng một lúc theo một bí quyết mà chỉ một mình cô ta biết được, và bao giơ cô ta cũng rút chiếc này từ chiếc kia ra trước mặt bọn trẻ một cách trang trọng khi đã đan xong.

===============================================================

Chú thích:

(1) Một tổ chức phản động do A.N. Golitxyn cầm đầu và được Alekxander đệ nhất bảo trợ, gồm có những quan chức và cao cấp và giáo sĩ thành lập ở Petersburg năm 1803. Chủ trương truyền bá Kinh Thánh

(2) Người Đức năm 1820 được bầu làm giám đốc hội Thánh kinh

(3) Người thành lập một giáo phái thần bí.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:35:23 pm
Phần XVI
Chương - 14

Lát sau lũ trẻ vào chào để đi ngủ. Sau khi chúng hôn tất cả mọi người, các gia sư và các chị giữ trẻ cúi chào rồi dẫn chúng đi. Riêng Dexal và cậu học trò của ông ta ở lại. Người gia sư thì thầm bảo cậu học trò đi xuống nhà.
     
- Không ông Dexal ạ, tôi xin phép cô tôi cho tôi ở lại, Nikolai Bonkonxki cũng thì thầm đáp.
     
- Cô ơi! Cô cho cháu ở lại, - Nikolenka đến gần cô nói. Khuôn mặt của cậu lộ vẻ cầu khẩn, xúc động và hân hoan. Bá tước phu nhân Maria nhìn cậu và quay về phía Piotr.
     
- Mỗi khi có cậu ở đây là nó không tài nào rứt ra được - nàng nói với chàng.
     
- Chốc nữa tôi sẽ đưa cháu lại cho ông. Ông Dexal ạ, chào ông! - Piotr nói, bắt tay người gia sư Thuỵ sĩ và mỉm cười nói với Nikolenka - Chúng ta đã lâu chưa được gặp nhau nhỉ, này chị Maria, độ này cháu nó bắt đầu giống anh ấy quá - Chàng nói thêm với bá tước phu nhân Maria. Giống ba cháu à? - Cậu bé hỏi, mặt bỗng đỏ bừng, và ngước đôi mắt sùng mộ sáng long lanh lên nhìn Piotr. Piotr gật đáp lại, đoạn tiếp tục câu chuyện bị lũ trẻ làm gián đoạn. Bá tước phu phân Maria đang ngồi thêu trên khung. Natasa nhìn chồng không rời mắt. Nikolai và Denixov sai lấy tẩu thuốc, vừa hỏi chuyện Piotr vừa hút thuốc và đón lấy những chén trà ở tay Sonya mệt mỏi nhưng kiên nhẫn ngồi cạnh ấm lò. Cậu bé ốm yếu, tóc quăn, mắt sáng, ngồi trong một góc phòng không ai để ý đến. Trên cái cổ mảnh khảnh nhô ra ngoài chiếc áo cổ bẻ mái đầu tóc quăn của cậu quay về phía Piotr. Chốc chốc cậu lại nhổm lên nói lẩm bẩm điều gì một mình, hẳn là đang có một cảm xúc mới mẻ và mãnh liệt.

Câu chuyện xoay quanh những tin kháo vặt truyền đi từ những giới cao cấp trong chính phủ, mà phần đông thường coi như những vấn đề quan trọng về nội chính. Denixov vốn bất mãn với chính phủ vì lận đận trên bước đường công danh, khoái trá lắng nghe tất cả những chuyện ngu xuẩn mà chàng cho là hiện nay người ta đang làm ở Petersburg và bình luận những câu chuyện của Piotr với những lời nhận xét táo bạo và gay gắt.
     
- Ngày trước thì phải là người Đức mới được, còn bây giờ thì phải khiêu vũ với bà Tatannova và bà Kruydner(1) phải đọc Ekartxthauzen(2) và đồng bọn. Quả thật tôi muốn thả anh chàng hảo hán Bonaparte của chúng ta ra một lần nữa, hắn sẽ biết cách trừ khở hết những trò ngu xuẩn kia. Tôi muốn hỏi, giao trung đoàn Xemonovxki cho cái tên lính Svartx(3) chỉ huy thì còn ra cái thể thống gì nữa, chàng quát lên, Nikolai tuy không muốn cho rằng mọi việc đều xấu xa như Denixov nghĩ, nhưng vẫn cho rằng việc phê bình chính phủ là một việc rất hệ trọng và đáng làm. Chàng cho rằng việc A được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ nào đó, còn B được bổ làm tổng đốc tỉnh nào đó, việc nhà vua nói thế này, còn ông tổng trưởng nói thế kia là những việc rất quan trọng. Chàng cho rằng mình cần phải để ý đến những việc ấy, bèn hỏi Piotr. Câu chuyện nở ra quanh những câu hỏi của hai người không vượt ra ngoài phạm vi tính chất thông thường của những câu chuyện kháo vặt của giới cao cấp trong chính phủ.

Nhưng Natasa vốn biết tất cả những thái độ và những ý nghĩ của chồng, thấy rằng Piotr đã từ lâu muốn kéo câu chuyện sang một hướng khác và nói rõ cái ý nghĩ thầm kín mà chàng đã đi Petersburg để bàn bạc với người bạn mới là công tước Feodor nhưng chàng vẫn chưa thực hiện được ý muốn đó, nên nàng bèn viện trợ chàng bằng cách hỏi xem câu chuyện của chàng với công tước Feodor(2) đã đến đâu rồi.

- Việc gì thế? - Nikolai hỏi.

- Thì chung quy cũng vẫn một việc ấy - Piotr nói, mắt nhìn quanh - Mọi người đều thấy rằng tình thế đã hỏng bét, đến nỗi không thể nào để yên như thế này được nữa, và nhiệm vụ của tất cả những người chính trực là phải ra sức chống lại.

- Những người chính trực có thể làm gì nào? - Nikolai nói, mày hơi cau lại - Người ta có thể làm những gì nào?

- Đây này.

- Chúng ta vào thư phòng đi - Nikolai nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:37:29 pm
Natasa, từ lâu đã đoán biết rằng người ta sắp đến tìm nàng vào cho con bú, nghe tiếng gọi của u già liền đi về phòng các con. Bá tước phu nhân Maria cũng đi theo. Nhóm đàn ông vào thư phòng, Nikolenka Bolkonxki cũng lẻn vào theo mà Piotr không biết và, ngồi trong bóng tối, cạnh cửa sổ, bên bàn làm việc.

- Thế cậu tính làm gì? - Denixov hỏi.

- Lúc nào cũng toàn những ảo tưởng - Nikolai nói.

- Đây này - Piotr bắt đầu nói, không ngồi xuống ghế, mà khi thì đi đi lại lại trong phòng, khi thì đứng lại, nói lúng búng và giơ tay khua lia lịa -  Đây, tình hình ở Peterburg là như sau: hoàng đế không thiết gì đến chính sự. Ngài hoàn toàn chìm đắm vào cái chủ nghĩa thần bí kia (ngày nay Piotr không thể dung thứ cho người nào theo chủ nghĩa thần bí). Ngài chỉ lo tìm sự yên tĩnh, và chỉ có những bọn không có đức tin mà cũng không có pháp luật mới đưa lại cho ngài được sự yên tĩnh ấy, bọn này chặn đứng và bóp chết tất cả: bọn Marnitxki, Arakseyev và cả lũ chúng nó! - Chàng quay sang nói với Nikolai - Anh cũng phải đồng ý rằng nếu anh không tự lấy công việc điền trang mà chỉ muốn được yên thân, thì tên quản lý của anh càng tàn nhẫn bao nhiêu thì anh sẽ càng mau đạt mục đích bấy nhiêu.

- Nhưng cậu nói thế để đi đến đâu mới được chứ? - Nikolai hỏi.

- Ấy thế rồi tất cả sẽ sụp đổ. Ở các toà án thì trộm cắp, trong quân đội thì chỉ có roi vọt, nào luyện tập ắc ê, nào di trú quân sự - người ta làm khổ dân, người ta bóp nghẹt giáo dục. Tất cả những cái gì trẻ trung, chính trực đều bị tiêu diệt! Mọi người đều thấy rằng không thể cứ để yên thế này được. Sợi dây đã quá căng và thế nào cũng đứt - Piotr nói (như xưa nay người ta vẫn nói khi nhìn vào hành động của bất kỳ chính phủ nào, từ khi có chính phủ cho đến nay). Ở Petersburg, tôi chỉ nói với họ một điều.

- Nói với ai? - Denixov hỏi.

- Anh biết là nói với ai rồi - Piotr, mắt nhìn gườm gườm một cách đầy ý nghĩa - nói với công tước Feodor và tất cả những người khác. Khuyến khích việc truyền bá giáo dục và các tổ chức từ thiện, dĩ nhiên là rất tốt. Đó là một mục đích rất hay. Nhưng trong tình hình hiện nay việc cần làm những việc khác nữa.
Ngay lúc đó, Nikolai nhận thấy thằng cháu trai của chàng có mặt trong phòng. Gương mặt chàng sa sầm lại, chàng đến cạnh nó

- Mày ngồi làm gì ở đây?

- Sao thế? Cứ để mặc nó - Piotr nắm lấy tay cánh tay Nikolai nói tiếp - Tôi bảo họ: làm như thế còn quá ít, bây giờ cần làm những việc khác nữa. Trong khi người ta đứng chờ cho sợi dây quá căng thẳng ấy đứt, trong khi mọi người cứ đợi cuộc chính biến tất yếu ấy xảy ra, chúng ta cần phải nắm tay nhau thật chặt, càng đông càng tốt, để chống lại mối tai hoạ chung. Tất cả những cái gì trẻ trung và khoẻ mạnh đều bị lôi cuốn vào đấy và bị hủ hoá. Người thì bị đàn bà làm hư hỏng, người thì bị vinh hoa hay tiền bạc cám dỗ và chuyển sang phe bên kia. Những con người độc lập, tự do như tôi và anh bây giờ chẳng còn ai. Tôi nói: hãy mở rộng phạm vi của hội, khẩu hiệu của anh sẽ không phải là chỉ đạo đức mà còn là ý chí độc lập và hành động.
     
Nikolai rời đứa cháu trai, giận dữ đẩy chiếc ghế bành lại, ngồi vào ghế và trong khi nghe Piotr nói chàng bất giác ho húng hắng, mặt mỗi lúc một sa sầm xuống.
   
- Được nhưng hành động nhằm mục đích gì kia chứ? - Chàng quát lên - Còn thái độ của anh đối với chính phủ như thế nào?
   
- Thì đây! Thái độ của những người cộng tác. Hội này có thể không phải là hội kín nếu như chính phủ cho phép. Không những nó không chống đối chính phủ, mà còn là hội của những người bảo thủ chân chính. Đó là hội của những người chính nhân quân tử theo ý nghĩa toàn vẹn của danh từ này. Chúng tôi chỉ muốn làm sao cho Pugatsov(5) đừng đến giết con tôi và con anh, và Arakseyev đừng đưa tôi đến một nơi di trú quân sự. Chỉ vì vậy mà chúng tôi nắm tay nhau với mục đích duy nhất là hạnh phúc và an ninh chung.
   
- Được nhưng đó là một hội kín, tức là một đoàn thể thù địch và tai hại, chỉ có thể gây những cái ác.
   
- Tại sao lại thế? Hội Tughenbund(6), cái hội đã cứu châu Âu (lúc bấy giờ người ta vẫn nghĩ rằng chính nước Nga đã cứu châu Âu) có gây nên điều gì có hại đâu? Hội Tughenbund là một hội đạo đức: nó chủ trương bác ái, tương trợ, đó là những điều Jesus đã từng thuyết giáo trên cây thánh giá.

Giữa câu chuyện, Natasa bước vào phòng, ngắm chồng vui sướng. Nàng vui sướng không phải vì những điều chàng đang nói. Thậm chí nàng cũng không quan tâm đến nữa vì nàng cho rằng tất cả nhứng điều đó đều hết sức đơn giản và nàng đã biết từ lâu (nàng có cảm giác như vậy vì nàng đã biết rõ hết cái cội nguồn của nó, tức là tâm hồn Piotr), nhưng nàng vui sướng khi thấy vẻ phấn chấn, say sưa của chàng.
     
Cậu bé có cái cổ mảnh khảnh lộ ra ngoài chiếc cổ bẻ, bị mọi người quên khuấy đi, còn nhìn Piotr một cách hân hoan sung sướng hơn nữa.  Mỗi lời nói của Piotr đều làm cậu bừng cháy, và trong khi xúc động, ngón tay của cậu bất giác bẻ vụn những thỏi xi và những cây bút lông ngỗng đặt trên bàn làm việc của chú Nikolai vừa đúng tầm tay cậu.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:40:54 pm
- Hoàn toàn không phải như cậu tưởng đâu, còn cái Tughenbund của Đức ngày trước và cái hội của tôi đề nghị thì như thế này.

- Thôi đi anh - Denixov nói oang oang, giọng dứt khoát - cái Tughenbund chỉ tốt cho bọn ngốn xúc xích (ý nói người Đức) mà thôi, tôi chẳng hiểu gì cái trò ấy hết, thậm chí tôi không phát âm được cái chữ đó nữa.

- Mọi việc đều hỏng bét, mọi việc đều tệ lậu - cái đó thì tôi đồng ý, nhưng cái Tughenbund thì tôi không hiểu được, và nếu không bằng lòng thì bun(7) một trận, thế mới xong? Được như thế tôi sẵn sàng theo cậu.
     
Piotr mỉm cười, Natasa cũng cười theo, nhưng Nikolai thì lại càng cau mày và bắt đầu chứng minh cho Piotr thấy rằng sẽ không có chính biến gì hết và tất cả các nguy cơ mà chàng nói đều chỉ có ở trong tưởng tượng của chàng mà thôi. Piotr chứng minh ngược lại, và vì chàng thông minh hơn và tế nhị hơn nên Nikolai lại cảm thấy mình lâm vào thế bí. Điều đó càng làm cho chàng phát cáu vì trong thâm tâm không phải lý luận mà do một cái gì còn mạnh hơn lý luận, chàng biết rằng những ý kiến của mình nhất định là đúng.
   
- Tôi nói với cậu thế này nhé - chàng đứng dậy nói, tay bứt rứt cố đặt cái tẩu vào một góc nhưng không được, cuối cùng phải vứt nó đi - Tôi không đủ sức chứng minh cho cậu thấy được. Cậu nói rằng ở nước ta mọi việc đều xấu xa và sẽ có chính biến, còn tôi thì tôi không thấy thế, nhưng cậu có nói lời thề là một trò ước định, tôi xin nói với cậu về việc đó: cậu là người bạn tốt nhất của tôi, cậu cũng biết đấy, nhưng nếu cậu lập một hội kín và bắt đầu chống lại chính phủ thì, dù đó là chính phủ nào đi nữa, tôi biết rằng bổn phận của tôi cũng vẫn là phục tùng chính phủ. Và nếu bây giờ Arakseyev ra lệnh cho tôi mang một kỵ đội đến chém xả vào các cậu thì tôi sẽ đi ngay không đắn đo một phút nào. Cậu muốn cho tôi là người như thế nào, cái đó tuỳ cậu.

Sau mấy câu ấy, một phút im lặng nặng nề trôi qua. Natasa là người đầu tiên lên tiếng, nàng bênh vực chồng và công kích anh.

Cách bênh vực của nàng yếu ớt và vụng về nhưng nàng đã đạt được mục đích. Câu chuyện lại tiếp tục và bây giờ không còn cái giọng thù địch khó chịu như những lời nói vừa rồi của Nikolai nữa.

Khi mọi người đứng dậy đi ăn tối, cậu bé Nikolenka Bolkonxki tiến đến gần Piotr, mặt tái mét, mắt sáng long lanh.

- Cậu Piotr… cậu à… không… nếu ba còn sống ba có đồng ý với cậu không? - cậu bé hỏi.
     
Piotr hiểu rằng trong đứa bé chắc phải diễn ra một sự giằng co đặc biệt, độc lập, phức tạp và khó nhọc về tư tưởng và tình cảm trong khi nghe họ nói chuyện. Chàng sực nhớ đến tất cả những điều chàng nói và hối tiếc rằng thằng bé đã nghe. Nhưng bây giờ chàng phải trả lời nó.
     
- Cậu nghĩ rằng có - Chàng miễn cưỡng đáp và bước ra khỏi thư phòng.
     
Cậu bé cúi đầu và mãi đến bây giờ cậu mới nhìn thấy lần đầu những kết quả của công việc phá hoại mà cậu đã gây ở trên bàn. Cậu đỏ mặt và lại gần Nikolai.
     
- Thưa chú, chú tha lỗi cho cháu, cháu đã trót làm như thế này - cậu vừa nói vừa chỉ những cây bút lông ngỗng và những mảnh xi bị bẻ gãy.

Nikolai giật mình giận dữ.
     
- Thôi được thôi được…!
     
Chàng nói đoạn vứt những mảnh xi và những và những chiếc bút lông ngỗng xuống gầm bàn. Và chàng quay mặt đi, hẳn là phải cố gắng lắm mới nén được cơn giận đang trào lên.
     
- Đáng lẽ mày không nên ở đây một chút nào hết.

=================================================================

Chú thích:

(1) Bà thầy bói đã có thời rất ảnh hưởng với Alekxander đệ nhất.

(2) Nhà văn thần bí người Đức (1752 - 1803)

(3) Một người tay chân của Arakseyev đã đưa vào quân đội một chế độ kỷ luật roi vọt hà khắc gây nên những phản ứng dữ dội trong trung đoàn Xemonovxki

(4) Một người cầm đầu phái quý tộc tiến bộ sau này sẽ làm chủ cuộc khởi nghĩa Tháng chạp. (Ý định ban dầu của Lev Tolstoy là kể lại quá trình hình thành tư tưởng của một người Tháng chạp - Piotr Bezukhov)

(5) Một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa chống lại Sa hoàng và giai cấp quý tộc (1726-1775)

(6) Tughenbund Tegenbunđ (Đạo đức đồng minh). Hội của Đức thành lập vào năm 1808 bị Napoléon giải tán năm 1810, đã được lập lại khi Napoléon bị truất ngôi

(7) Bund tiếng Đức là liên minh, còn bunt tiếng Nga là nổi loạn, khởi nghĩa (hai chữ đều phát âm là "buot")



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:43:52 pm
Phần XVI
Chương - 15 -16

Trong bữa ăn tối, họ không bàn về chính trị và về những hội kín nữa, trái lại câu chuyện chuyển sang cái đề tài mà Nikolai thích thú nhất, tức là những kỷ niệm về năm 1812 mà Denixov đã lên tiếng nhắc nhở. Trong khi nói chuyện Piotr đặc biệt dễ thương và vui nhộn. Rồi mọi người giải tán với một thái độ hết sức thân mật.
     
Sau bữa ăn tối, Nikolai vào thư phòng, cởi áo ngoài và sau khi đã căn dặn người quản lý vẫn đứng đợi từ nãy, chàng mặc nội tẩm vào buồng ngủ. Chàng thấy vợ đang ngồi bên bàn viết hí hoáy cái gì không rõ.
     
- Em viết gì thế, Maria? - Nikolai hỏi. Bá tước phu nhân Maria đỏ mặt, nàng sợ những điều nàng viết không được chồng hiểu và tán thành.
     
Nàng có vẻ giấu không cho chồng biết mình đang viết gì, nhưng cũng lấy làm mừng rằng đã bị chồng bắt gặp và mình ở vào cái thế buộc lòng phải nói rõ với chồng.
     
- Em viết nhật ký anh Nikolai ạ! - Nàng nói, và đưa cho chàng quyển vở bìa lam viết đầy những nét chữ to và rắn rỏi của nàng.
   
- Nhật kí à? - Nikolai nói, giọng có pha chút châm biếm, đoạn cầm lấy quyển vở. Trong vở thấy viết bằng tiếng Pháp.

"Ngày 4 tháng 12. Hôm nay Andriusa (đứa con đầu lòng của nàng) thức dậy, nó không chịu mặc áo nên cô Louise cho gọi tôi đến. Nó đang lúc quấy, không sao bảo được. Tôi thử doạ nó, nhưng nó lại càng dỗi già. Tôi bèn quyết định bỏ mặc nó đấy và cùng u già săn sóc những đứa khác. Tôi bảo nó tôi không yêu nó nữa. Nó im lặng một hồi lâu như thể ngạc nhiên, rồi mình mặc mỗi chiếc áo sơ mi nó nhảy đến ôm lấy tôi, mà khóc nức nở, đến nôi tôi phải dỗ mãi nó mới nín. Có thể thấy rõ rằng nó đau khổ nhất là đã làm tôi buồn phiền; rồi đến tối tôi đưa phiếu hạnh kiểm cho nó thì nó lại khóc thảm thiết và hôn tôi. Nên dùng tình cảm dịu dàng đối xở với nó thì dạy gì cũng được".

- Phiếu hạnh kiểm là cái gì? - Nikolai hỏi.
   
- Tối nào em cũng cho hai đứa lớn những tấm phiếu nhận xét về hạnh kiểm của chúng.
     
Nikolai nhìn vào đôi mắt trong sáng đang đăm đăm nhìn chàng, đoạn giở quyển vở đọc tiếp. Trong nhật ký có ghi tất cả những gì Maria cho là đáng chú ý trong sinh hoạt của các con vì biểu hiện rõ tính cách của chúng hay gợi ra những ý nghĩa khái quát về phương pháp giáo dục. Phần lớn đó là những chuyện vụn vặt, không đáng kể, nhưng lại có vẻ quan trọng đối với người mẹ, cũng như người cha, lần đầu được đọc quyển nhật ký nói về các con.

Ngày mồng năm tháng mười hai trong nhật ký viết:

"Michia nghịch trong lúc đang ngồi ăn. Ba ra lệnh không cho nó ăn bánh ngọt. Nó không được ăn. Nó nhìn những người khác ăn, có vẻ tủi thân và thèm thuồng. Tôi nghĩ rằng phạt bằng cách không cho ăn tráng miệng chỉ làm phát triển tính tham ăn. Cần nói với Nikolai".

Nikolai đặt quyển vở xuống bàn và nhìn vợ. Đôi mắt trong sáng nhìn chàng có ý dò hỏi (chàng tán thành hay không tán thành quyển nhật ký?). Không thể nào nghi ngờ nữa. Không những Nikolai tán thành mà còn say sưa thán phục vợ.
     
"Có lẽ không cần phải làm cầu kỳ như vậy, có lẽ hoàn toàn không cấn thiết nữa là khác" - Nikolai thầm nghĩ, nhưng sức căng thẳng tinh thần dai dẳng, không biết mệt mỏi, tập trung vào một mục đích duy nhất là việc trau dồi đạo đức của con cái khiến chàng phải khâm phục. Nếu Nikolai có thể nhận thức được tình cảm của mình thì chàng sẽ thấy rằng cơ sở chính của cái tình yêu bền chặt, thắm thiết và đầy tự hào của chàng đối với vợ chính là nỗi ngạc nhiên trước sức sống tâm hồn của nàng, trước cái thế giới tinh thần cao cả mà chàng hầu như không thể nào đạt được, trong đó vợ chàng vẫn sống xưa nay.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:45:53 pm
Chàng tự hào về trí thông minh của nàng và nhận thức rõ ràng sự kém cỏi của mình so với nàng về tinh thần, chàng càng sung sướng khi nghĩ rằng nàng với tâm hồn của nàng không những thuộc về chàng mà còn là một bộ phận của bản thân chàng nữa.

- Anh rất tán thành, hoàn toàn tán thành, em ạ, - chàng nói, vẻ trang trọng. Đoạn chàng im lặng một lát và nói tiếp - Hôm nay anh hỏng quá. Lúc ấy em không ở trong phòng, anh với Piotr cãi nhau, và anh nổi nóng. Nhưng không thể nào khác được. Cậu ta dại dột ngây thơ quá. Anh không biết cậu ta sẽ ra sao nếu
Natasa không cầm chắc dây cương. Em có thể tưởng tượng tại sao cậu ta đi Petersburg không? Ở đấy họ đã lập…

- Vâng em biết - bá tước phu nhân Maria nói - Natasa đã kể cho em nghe.

- Đấy em biết đấy - Nikolai nói tiếp, chỉ cần nhớ đến cuộc tranh cãi chàng đã phát cáu lên rồi - Cậu ta muốn thuyết phục anh rằng nhiệm vụ của mọi người chính trực là phải chống lại chính phủ, còn lời thề và nghĩa vụ thì… Anh tiếc rằng em không ở đấy. Và thế là mọi người xúm nhau vào tấn công anh, cả Denixov, cả Natasa. Natasa thật rõ buồn cười. Cô ta xỏ mũi cậu ấy thực đấy nhưng hễ động có tranh luận một cái gì là cô ta không nói được câu gì của mình, cô ta chỉ lặp lại những điều cậu ấy nói, - Nikolai nói thêm, bị lôi cuốn theo cái xu hướng không sao khắc phục nổi, nó thúc đẩy chàng phê phán những người thân yêu gần gũi nhất. Nikolai đã quên rằng những điều chàng nói về Natasa cũng đều có thể dùng để nói về những quan hệ giữa chàng và vợ chàng không sai một chút.
     
- Phải, em cũng nhận thấy thế - bá tước phu nhân Maria nói.
     
- Khi anh nói với cậu ấy rằng lời thề và bổn phận là quan trọng hơn hết; thì cậu ấy bắt đầu chứng minh một thôi một hồi. Rất tiếc là không có em ở đấy, giả sử có em thì em sẽ nói gì?
     
- Theo ý em, anh hoàn toàn có lý. Em cũng nói như vậy với Natasa. Piotr nói rằng mọi người đang khổ sở, đau đớn, hư hỏng, và nhiệm vụ của chúng ta là phải giúp đỡ đồng loại. Đã đành cậu ấy có lý  - bá tước phu nhân Maria nói - nhưng cậu ấy quên rằng ta có nhiệm vụ khác gần ta hơn là chính Thượng đế đã truyền bảo, và chúng ta có thể hy sinh bản thân nhưng không thể hy sinh con cái ta được.

- Ấy đấy đúng thế, anh cũng nói với cậu ấy như vậy - Nikolai nói xen, quả nhiên tưởng rằng mình đã nói như vậy thật - Nhưng họ có ý kiến của họ, đó là tình yêu đồng loại và chủ nghĩa cơ đốc mà họ lại nói tất cả những thứ đó trước mặt thằng Nikolenka nữa chứ, lúc ấy thằng bé đã lẻn vào thư phòng phá phách lung tung ra cả.

- Anh Nikolai ạ, anh có biết không, thằng Nikolenka cứ làm em lo lắng luôn - bá tước phu nhân Maria nói - Nó là một đứa trẻ khác thường. Nó sợ rằng em bỏ rơi nó mà chỉ săn sóc đến các con. Chúng ta có con cái, có gia đình, còn cháu nó chẳng có ai hết. Nó bao giờ cũng cô độc một mình với những ý nghĩ của nó.

- Nhưng anh thấy đối với nó em chẳng có gì phải tự trách mình cả. Tất cả những điều mà người mẹ âu yếm nhất có thể làm cho con mình thì em đã làm và đang làm cho nó. Nó là một đứa trẻ rất ngoan, rất ngoan. Hôm nay nó nghe Piotr mà ngây cả người ra. Em có thể tưởng tượng thế này không: khi bọn anh đứng dậy đi ăn tối thì anh thấy nó đã bẻ gãy hết những đồ đạc để trên bàn làm việc của anh, và ngay lúc đó nó xin lỗi. Không bao giờ anh thấy nó nói dối. Thật là một đứa trẻ tốt - Nikolai nhắc lại, tuy trong thâm tâm chàng không thích Nikolenka, nhưng bao giờ cũng muốn thừa nhận nó là một đứa bé rất tốt.

- Nhưng cũng vẫn không bằng có một người mẹ - bá tước phu nhân Maria nói, - Em cảm thấy thế nên rất khổ tâm. Thằng bé thật tuyệt diệu, nhưng em sợ cho nó lắm. Đời sống giữa bạn bè sẽ có ích cho nó.

- Cái đó thì chẳng phải lâu la gì, mùa hạ năm nay anh sẽ đem nó đến Petersburg, - Nikolai nói. - Phải, xưa nay Piotr vẫn là một anh chàng mơ mộng và sau này rồi cũng vẫn thế - chàng nói tiếp, quay trở về câu chuyện ở thư phòng, hẳn là câu chuyện này vẫn làm chàng xúc động. - Đấy, những việc như Arakseyev là một người tồi… thì có quan hệ gì đến ta kia chứ" Quan hệ gì đến anh, khi anh lấy vợ, nợ lút đầu lút cổ đến nỗi suýt bị bỏ tù, còn mẹ thì chẳng thấy gì, chẳng hiểu gì cả! Rồi sau đó lại có em, có các con, có công việc. Có phải vì sở thích mà anh làm việc từ sáng đến tối ở ngoài đồng hay ở trong phòng giấy đâu? Không, nhưng anh biết anh phải làm việc để cho mẹ anh sống an nhàn, để đến đáp lại cho em và đừng để cho các con nghèo đói như anh ngày xưa.
       
Bá tước phu nhân Maria muốn nói với chồng rằng con người không phải chỉ sống bằng bánh mì và có lẽ chàng gán cho những công việc này một tầm quan trọng quá đáng, nhưng nàng nhận thấy nói thế không cần thiết và chẳng có ích gì. Nàng chỉ nắm tay chồng mà hôn. Chàng xem cử chỉ ấy như một lời tán thành và xác nhận những ý nghĩ của mình, rồi sau khi im lặng suy nghĩ một lát, chàng tiếp tục nói to những ý nghĩ của mình lên.
     
- Này Maria ạ, - chàng nói - Hôm nay Ilya Mitrofanyts (tên người quản lý) ở làng Tanov đến nói rằng người ta đã mặc cả khu rừng tới tám mươi vạn rúp - Rồi vẻ mặt phấn chấn, Nikolai bắt đầu kể rằng chỉ ít lâu nữa chàng sẽ có thể chuộc lại điền trang Otradnoye - chỉ mười năm nữa là cơ nghiệp anh để lại cho các con sẽ hoàn toàn đâu vào đấy.

Bá tước phu nhân Maria lắng nghe và hiểu hết những điều chồng nói với mình. Nàng biết rằng những khi chàng nói to những điều đang nghĩ lên như vậy, đôi lúc chàng lại hỏi nàng xem chàng đã nói gì, và nổi giận khi thấy nàng đang nghĩ đến việc khác.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:47:57 pm
Nhưng bá tước phu nhân Maria phải cố gắng lắm mới có thể nghe chồng vì nàng không mảy may quan tâm đến những điều chàng nói.
     
Nàng nhìn chồng, và tuy nàng không nghĩ đến việc khác, tình cảm của nàng cũng ở chỗ khác. Nàng cảm thấy một tình yêu đằm thắm và phục tùng con người này, con người không bao giờ hiểu hết những điều nàng hiểu và hình như điều đó lại cũng khiến nàng yêu chàng mãnh liệt hơn, với một mối tình được màu trắc ẩn tha thiết.
     
Ngoài cái tình cảm ấy đã thu hút tâm trí nàng và ngăn cản không cho nàng đi sâu vào từng chi tiết trong các kế hoạch của chồng, trong óc nàng lại thoáng hiện ra những ý nghĩ khác không liên quan gì đến những điều chàng đang nói cả. Nàng nghĩ đến đứa cháu trai (câu chuyện chồng nàng kể lại về nỗi xúc động của Nikolenka khi nghe Piotr đã gây nên trong lòng nàng một ấn tượng rất mạnh). Thế rồi, những nét này nét khác trong cái tính cách dịu dàng, dễ cảm của nó lại hiện lên trong tâm trí nàng, và trong khi nghĩ đến cháu, nàng lại nghĩ đến các con. Nàng không so sánh cháu với các con, nhưng nàng so sánh tình cảm của mình đối với chúng và buồn rầu nhận thấy tình cảm của nàng đối với Nikolenka vẫn thiếu một cái gì.
       
Đôi khi nàng nghĩ rằng sở dĩ có sự khác nhau như vậy là vì lứa tuổi của chúng, nhưng nàng vẫn cảm thấy mình có lỗi với nó và trong thâm tâm nàng tự hứa với mình là sẽ chữa và làm cái điều làm được - tức là yêu chồng, cả con, cả Nikolenka và tất cả đồng loại trong cuộc sống này, cũng như chúa Cơ-đốc đã yêu nhân loại.
       
Tâm hồn bá tước phu nhân Maria bao giờ cũng vươn tới cái vô cùng, cái vĩnh viễn và cái chí thiện, cho nên nó không lúc nào có thể yên tĩnh, gương mặt nàng trở nên nghiêm nghị, để lộ một niềm đau khổ cao cả, thầm kín của một linh hồn bị xác thịt trói buộc.
       
Nikolai nhìn nàng.
       
"Trời ơi! Nếu nàng chết đi thì chúng ta sẽ ra sao? Mỗi khi gương mặt nàng lại như vậy, ta không khỏi nghĩ đến điều đó".

Chàng nghĩ thầm. Và đứng trườc tượng thánh, chàng bắt đầu đọc kinh buổi tối.   

16.
       
Natasa, khi đã ngồi lại một mình với chồng, cũng nói chuyện như người ta chỉ có thể nói giữa hai vợ chồng với nhau, tức là hiểu ý nhau rõ ràng, nhanh chóng lạ lùng, theo một con đường đối lập với mọi qui tắc luận lý, không dùng đến phán đoán, suy luận và kết, luận, mà theo một phương thức hoàn toàn đặc biệt. Natasa đã quen nói chuyện với chồng theo cách đó đến nỗi dấu hiệu chắc chắn nhất cho nàng biết rằng giữa hai vợ chồng có một cái gì không ăn ý là tính chất luận lý trong dòng tư tưởng của Piotr. Khi chàng bắt đầu chứng minh, nói năng có lý và điềm tĩnh, và khi bị lôi cuốn theo gương của chàng, nàng cũng bắt đầu làm như vậy, thì nàng biết ngay rằng thế nào hai người cũng đi đến chỗ cãi nhau.
       
Ngay từ lúc chỉ còn hai người với nhau, và Natasa, đôi mắt mở to vì hạnh phúc, nhẹ nhàng bước đến gần và đột nhiên ôm chầm lấy chồng ghì vào ngực nói: "Bây giờ anh hoàn toàn là của em rồi. Anh không thoát đi đâu được!". Ngay từ lúc ấy đã bắt đầu cuộc chuyện trò trao đổi trái ngược với tất cả các quy tắc luận lý, trái ngược ngay ở chỗ cùng trong một lúc họ nói đến những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cái lối nói nhiều chuyện cùng một lúc như vậy không những không cản trở họ hiểu nhau mà trái lại, đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy rằng hai người hoàn toàn hiểu nhau.
     
Nếu trong những giấc mơ, tất cả thường phi lý, vô nghĩa và ngược đời ngoài cái tình cảm làm chủ giấc chiêm bao, thì trong cuộc trao đổi này cũng vậy, trái với mọi quy luật của lý trí, cái liên tục và rõ ràng không phải là những lời nói mà chỉ là cái tình cảm chi phối những lời nói ấy.
       
Natasa kể cho Piotr nghe nào là sinh hoạt của anh nàng, nào là vắng chàng nàng khổ sở sống không ra sống nữa, nào là nàng càng ngày càng yêu Maria, nào là Maria hơn nàng về đủ mọi mặt.
       
Trong khi nói như vậy, Natasa thành thực nhận rằng Maria hơn mình, nhưng đồng thời cũng yêu cầu Piotr cứ vẫn phải yêu nàng hơn Maria cũng như hơn bất cứ người đàn bà nào khác, và bây giờ chàng phải nhắc lại điều đó với nàng một lần nữa, đặc biệt sau khi đã gặp nhiều người đàn bà ở Petersburg.
       
Piotr trả lời Natasa, kể cho nàng nghe rằng chàng không sao chịu nổi cảnh sống ở Petersburg, những tối tiếp tân và những bữa tiệc với những người đàn bà của giới xã giao.

- Anh đã mất hẳn thói quen nói chuyện với các tiểu thư và các phu nhân, - chàng nói, - Chán thật. Nhất là anh lại bận.

Natasa nhìn chàng đăm đăm và nói tiếp:
   
- Chị Maria tuyệt thật? Chị ấy có tài hiểu được các con. Chị ấy dường như nhìn thấy được tâm hồn của chúng. Chẳng hạn hôm qua thằng bé Michia quấy.
   
- Chà nó giống bố nó thật - Piotr ngắt lời. Natasa hiểu tại sao chàng lại đưa ra nhận xét này về sự giống nhau giữa thằng Michia và Nikolai, chàng bực mình khi nhớ lại cuộc tranh cãi với anh vợ và muốn hỏi ý kiến của Natasa về vấn đề này.
     
- Anh Nikolai có một nhược điểm là cái gì chưa được mọi người tán thành thì anh ấy nhất định không chịu chấp nhận. Nhưng em thì em biết, anh đang nâng niu hoài bão mở một sự nghiệp - nàng nói, nhắc lại những lời mà Piotr đã có lần nói.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:51:47 pm
- Không, - Piotr nói - Cái chính là Nikolai cho rằng tư tưởng và luận lý chỉ là một trò chơi, gần như một trò tiêu khiển cho qua thì giờ. Anh ấy xây dựng một tủ sách và tự đặt cho mình một nguyên tắc là chỉ mua một cuốn sách khi đã đọc xong cuốn trước - anh ấy đọc Simondi, Russeau, Mongteskiơ, - Piotr mỉm cười nói thêm. Em hiểu rằng anh. - chàng đang tìm cách làm cho những lời phê bình của mình nhẹ bớt, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng, khiến chàng cảm thấy không cần phải làm thế.
     
- Thế anh bảo đối với anh ấy, tư tưởng là trò chơi à?
     
- Phải, còn đối với anh thì tất cả những cái khác lại chỉ là trò chơi. Trong suốt thời gian ở Petersburg anh nhìn thấy mọi người như thể trong giấc chiêm bao. Khi nào có một tư tưởng gì bắt anh bận tâm suy nghĩ thì tất cả những cái còn lại chỉ là trò chơi.
     
- Chà rõ tiếc em không được thấy các con đón anh như thế nào - Natasa nói - Đứa nào mừng nhất! Chắc là Liza?
     
- Đúng - Piotr đáp, rồi lại tiếp tục nói đến những điều đang khiến chàng bận tâm. - Nikolai bảo là chúng ta không nên suy nghĩ. Nhưng anh thì chịu. Đấy là chưa kể thời gian ở Petersburg, anh cảm thấy (anh có thể nói cho em biết điều đó) nếu không có anh thì tất cả sẽ tan rã, ai cũng theo ý của riêng mình. Nhưng anh đã tập hợp được mọi người, bởi vì tư tưởng của anh rất đơn giản và rõ ràng. Anh không nói chúng ta phải chống lại người này người nọ.
     
Chúng ta có thể sai lầm. Anh nói như thế này: những người yêu cái thiện hãy nắm lấy tay nhau và lá cờ duy nhất sẽ là đạo đức tích cực. Công tước Sergey là một người rất tốt và thông minh.
Natasa không hoài nghi gì về chỗ tư tưởng của Piotr là một tư tưởng vĩ đại, nhưng có điều làm nàng băn khoăn. Đó là ý nghĩ rằng chàng là chồng nàng. "Có thể nào một con người quan trọng, cần thiết cho xã hội như thế lại đồng thời là chồng mình? Làm sao có thể như thế được?". Nàng muốn thổ lộ nỗi ngờ vực này của mình với chồng. Nhưng ai là người có thể quyết định rằng chàng thông minh hơn hẳn những người khác? - nàng tự hỏi và trong tưởng tượng nàng điểm qua một lượt những con người mà Piotr rất kính trọng. Căn cứ vào những câu chuyện chàng đã kể thì trong số những người này chàng không kính trọng ai bằng Platon Karataiev

- Anh biết bây giờ em nghĩ gì không? - nàng nói - Em đang nghĩ đến Platon Karataiev - Bác ta sẽ nói gì? Liệu bây giờ bác ấy có tán thành anh không?
     
- Bác Platon Karataiev à? - Chàng nói đoạn trầm ngâm suy nghĩ một lát. Hẳn là chàng đang cố gắng thành thực nghĩ đến ý kiến của Karataiev về vấn đề này. - Có lẽ bác ta không hiểu, nhưng cũng có thể bác ta hiểu.
     
- Em yêu anh ghê lắm! - Natasa đột nhiên nói - ghê lắm, ghê lắm.
     
- Không, bác ấy sẽ không tán thành anh. - Piotr nói sau khi nghĩ ngợi. - Điều bác ấy sẽ tán thành là cuộc sống gia đình của chúng ta. Bác ấy muốn ở đâu cũng thấy sự êm đẹp, hạnh phúc, bình yên, và anh sẽ hãnh diện nếu được giới thiệu gia đình ta với bác ấy. Em vừa nói đến sự xa cách. Nhưng chắc em không ngờ sau khi xa cách, anh có những tình cảm đặc biệt gì đối với em.

- Lại thế này nữa anh ạ. - Natasa toan mở đầu.

- Không, không phải thế. Anh không bao giờ không yêu em. Và không thể nào yêu hơn thế nữa, nhưng đây là một cái gì khác hẳn, phải - Chàng không nói hết câu vì mắt họ đã gặp nhau và đã nói nốt phần còn lại.

- Thật vớ vẩn - Natasa bỗng nói - Tuần trăng mật và lúc mới lấy nhau mà lại là lúc hạnh phúc nhất! Trái lại, bây giờ là thích hơn cả. Miễn là anh đừng đi. Anh có nhớ chúng ta cãi nhau như thế nào không? Cũng chỉ tại em thôi. Bao giờ cũng tại em. Nhưng tại sao chúng ta cãi nhau thì em chẳng còn nhớ nữa.

- Thì vẫn chỉ có một - Piotr mỉm cười nói - Ghen.

- Đừng nói nữa, em ghét lắm. - Natasa nói to - và mắt nàng ánh lên một tia sáng lạ lùng và độc ác. - Anh có gặp cô ta… - Nàng nói tiếp sau một phút im lặng.

- Không, mà dù có gặp anh cũng không nhận ra - Hai người im lặng.

- Này, anh có biết không? Trong khi anh nói ở trong thư phòng ấy mà, em nhìn anh - Natasa nói tiếp, hẳn nàng đang tìm cách xua đuổi đám mây đen kéo đến - Anh giống thằng bé như đúc (nàng gọi đứa con trai mình vậy) bây giờ đã đến lúc vào với nó. Đến rồi, phải đi thật rõ tiếc.

Hai người im lặng vài giây. Thế rồi cả hai bỗng quay người lại với nhau cùng một lúc và bắt đầu nói. Piotr bắt đầu nói một cách tự mãn và say sưa, Natasa với nụ cười dịu dàng, sung sướng. Hai người nói vấp phải nhau, dừng lại nhường lời cho nhau:
     
- Em muốn nói gì thế? Nói đi, nói đi em!
     
- Không, anh nói đi, chứ em thì chỉ nói vớ vẩn - Natasa đáp.

Piotr nói tiếp câu chuyện đã bắt đầu. Chàng hăm hở kể tiếp những thành công của mình ở Petersburg. Lúc bấy giờ chàng có cảm tưởng mình có nhiệm vụ đưa ra một con đường mới cho tất cả xã hội Nga và cho thế giới.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 01 Tháng Hai, 2011, 10:54:58 pm
- Anh chỉ muốn nói rằng tất cả những tư tưởng có hậu quả to lớn bao giờ cũng đơn giản. Tất cả ý nghĩ của anh tóm lại là nếu những kẻ xấu xa liên kết nhau làm thành một lực lượng thì những người trung thực cũng phải làm như vậy. Thật là đơn giản.
     
- Phải.
     
- Còn em, em muốn nói gì?
     
- Không, chuyện vớ vẩn thôi.
     
- Em cứ nói đi.
     
- Không có gì đâu, toàn chuyện nhảm nhí cả - Natasa nới với nụ cười rạng rỡ hơn trước - Em chỉ muốn nói về Petya. Hôm nay con nó đang ngồi trong lòng em thì u già đến để bế nó đi: thế là nó mỉm cười, nhắm mắt, nép vào người em - Chắc nó nghĩ rằng nó đang trốn kín lắm. Dễ thương quá! Ơ kìa nó đang khóc đấy! Thôi, anh ngủ ngon nhé - Rồi nàng ra khỏi phòng.
     
Cũng trong lúc ấy, ở tầng dưới, trong phòng ngủ của Nikolenka Bolkolxk, ngọn đèn chong vẫn thắp như mọi hôm, (đứa bé sợ bóng tối và người ta không tài nào chữa được cho nó cái tật ấy). Dexal đang nằm ngủ, đầu kê cao trên bốn chiếc gối và cái mũi La Mã của ông ta buông ra những tiếng ngáy đều đều. Nikolenka vừa mới thức dậy, mình ướt đẫm mồ hôi lạnh. Cậu ngồi trên gường, mắt mở to nhìn thẳng về phía trước. Một cơn ác mộng vừa làm cho cậu choàng dậy. Cậu vừa thấy cậu Piotr của cậu cùng với cậu, đầu đội mũ trụ, thứ mũ thường thấy vẽ trong quyển sách của Plutark. Hai người đang đi đầu một đạo quân rất lớn. Đạo quân này gồm những đường nhỏ xiên xiên màu trắng chăng trên khuôn như những sợi dây tơ nhện mùa thu mà Dexal gọi là chỉ của đức mẹ đồng trinh. Trước mặt là vinh quang, cũng làm bằng những sợi dây tơ như vậy nhưng dày hơn một chút. Cả hai, cậu Piotr và cậu, đang nhẹ nhàng và vui vẻ tiến lên, mỗi lúc một gần đến đích. Bỗng những sợi dây tơ kéo họ về phía trước bắt đầu giãn ra, rối lại, tình hình trở nên nguy cấp.
     
Rồi chú Nikolai Ilits hiện ra trước mặt họ với dáng điệu nghiêm nghị và hung dữ.
     
"Các người làm thế phải không? - Cậu ta vừa nói vừa chỉ những mảnh lông chim và những mảnh xi gắn thư - ta yêu quý các người, nhưng Arakseyev ra lệnh cho ta, nên hễ đứa nào bước tới là ta sẽ giết".
     
Nikolenka quay lại nhìn Piotr đã không ở đấy nữa. Piotr đã biến thành cha cậu, công tước Andrey, không có đường nét và hình dáng nhưng vẫn chính là cha cậu. Nhìn thấy cha, Nikolenka cảm thấy tình yêu thương làm mình yếu đuối, cậu cảm thấy mình bủn rủn, không có xương sống và hình như tan ra nước. Cha cậu vuốt ve và an ủi cậu Nhưng chú Nikolai mỗi lúc một tiến đến gần. Cậu bé sợ hãi hoảng hốt tỉnh dậy. Cậu nghĩ thầm: đó là cha ta. (Mặc dầu trong nhà có hai bức chân dung của cha cậu rất giống thực, Nikolenka không bao giờ hình dung công tước Andrey dưới hình dáng một con người), cha ta đứng cạnh ta và vuốt ve ta. Người tán thành ta, người tán thành cậu Piotr. Người bảo bất cứ điều gì ta cũng làm, Muxius Xevola(1) đã tự đốt tay mình. Tại sao trong đời ta không làm được như vậy? Ta biết rằng họ muốn ta học tập. Thì ta sẽ học tập. Nhưng một ngày kia ta sẽ học xong và bấy giờ ta sẽ làm. Ta chỉ cầu xin Thường đế cho ta gặp những điều như những con người của Plutark đã gặp và ta cũng sẽ làm như họ. Ta sẽ làm hơn họ kia. Mọi người sẽ biết, mọi người sẽ yêu ta, sẽ thân phục ta. Rồi Nikolenka bỗng thấy lồng ngực nghẹn ngào. Cậu khóc.

- Cậu mệt hay sao? - Tiếng ông Dexal hỏi.

- Không ạ! - Nikolenka đáp, đoạn nằm lên gối. Cậu nghĩ đến Dexal - ông ấy tốt bụng và hiền lành, ta mến ông ấy lắm - Còn cậu Piotr thật là một người tuyệt diệu! Còn cha ta! Cha! Cha ơi! Phải, ta phải làm những việc mà ngay cả người cũng lấy làm hài lòng.

=========================================================

Chú thích:

(1) Mixius người La Mã tự đốt tay mình trước mặt quân thù để biểu lộ tinh thần bất khuất.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:37:12 pm
Phần XVII-Chương -1

Đối tượng của sử học là đời sống của các dân tộc và của nhân loại. Trực tiếp nắm vững và bao quát bằng ngôn ngữ, tức miêu tả cuộc sống không những của nhân loại mà của một dân tộc duy nhất cũng thế là điều không thể làm được.
   
Các sử gia trước kia thường sử dụng một biện pháp đơn giản để miêu tả và cắt nghĩa cái hiện tượng dường như không thể nắm được là đời sống của nhân dân. Họ miêu tả hoạt động của những con người cá biết lãnh đạo dân tộc, và họ cho rằng hoạt động này biểu hiện hoạt động của toàn dân.
     
Khi gặp những câu hỏi: làm thế nào những con người cá biết kia lại có thể bắt các dân tộc hành động theo ý muốn của mình, và ý muốn đó chịu sự chi phối của cái gì, các sử gia trả lời câu hỏi thứ nhất bằng cách nói rằng thần linh muốn dân tộc phục tùng ý muốn của một người, và trả lời câu hỏi thứ hai bằng cách thừa nhận rằng cũng chính vị thần linh ấy lãnh đạo ý muốn của con người được lựa chọn, đưa nó đến mục đích đã định trước.
     
Như vậy những vấn đề này được giải quyết bằng lòng tin ở sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào những công việc của nhân loại.
     
Khoa học lịch sử hiện đại, về mặt lý luận đã bác bỏ cả hai lập luận trên. Có thể tưởng chừng như sau khi bác bỏ tín điều của người cổ đại cho rằng con người phụ thuộc vào thần linh và có một mục đích đã định trước, mục đích mà các dân tộc đều bị dẫn đến, khoa học hiện đại lẽ ra không cần phải nghiên cứu những biểu hiện của quyền lực, mà phải nghiên cứu những nguyên nhân gì đã sinh ra nó.
   
Nhưng nó không làm như vậy. Sau khi bác bỏ quan điểm của các sử gia cổ đại về mặt lý luận, nó lại theo những quan điểm ấy trong thực tiễn, rhay cho nhtrng con người được thần linh ban quyền lực và bị ý muốn của thần linh trực tiếp lãnh đạo, sử học hiện đại đưa ra ẩhững vị anh hùng có những năng lực phi thường, siêu nhân, hoặc chỉ là những người có phẩm chất hết sức khác nhau, từ các bậc đế vương đến những người ký giả, có vài trò lãnh đạo quần chúng. Thay cho những mục đích do thần linh định trước cho một vài dân tộc như người Do Thái, người Hi Lạp, người La Mã để lãnh đạo nhân loại, sử học hiện đại đã đưa ra những mục đích khác: quyền lợi của người Pháp, của người Đức, của người Anh và cứ thế nó đi đến sự trừu tượng hoá cao nhất là quyền lợi của nền văn minh toàn thể nhân loại, ý muốn nói đến những dân tộc sống ở cái góc nhỏ bé phía Tây của đại lục.
     
Khoa học lịch sử hiện đại đã gạt bỏ những tín điều ngày xưa nhưng không thay thế những tín điều đó bằng những quan điểm mới của mình, và cái lo-gich của luận điểm đã bắt buộc các sở gia sau khi bác bỏ thuyết thần quyền của vua chúa và thuyết sở mệnh của người cổ đại, lại quay lại hai thuyết đó bằng một con đường khác.
     
Họ đi đến chỗ thừa nhận rằng:

1. Các dân tộc bị những cá nhân lãnh đạo.

2. Có một mục đích nhất định chi phối sự vận động của các dân tộc cũng như của nhân loại.
     
Trong tất cả những tác phẩm của các sử gia gần chúng ta nhất, từ Giphơ(1) đến Buckle, mặc dầu bề ngoài có vẻ bất đồng ý kiến với nhau, và quan điểm có vẻ mới, nhưng về căn bản vẫn xây dựng trên hai luận điểm cũ kỹ và tất yếu này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:37:48 pm
Thứ nhất, nhà sở học miêu tả hoạt động của một vài nhân vật cá biết mà họ coi là những người lãnh đạo nhân loại. Có người cho rằng chỉ có các vua chúa tướng lĩnh, các bộ trưởng mới là những người như thế. Có người thì ngoài vua chúa lại kể thêm các nhà hùng biện, các nhà bác học, các nhà cải cách, các nhà triết học và các nhà thơ.
     
Thứ hai, nhà sử học tưởng biết được những mục đích mà nhân loại nhằm tiến tới: đối với người này thì đó là sự vĩ đại của nhà nước La Mã, Tây Ban Nha, Pháp, đối với người kia thì đó là tự do, bình đẳng và một kiểu văn minh nào đó trên một góc nhỏ của thế giới gọi là châu Âu.
     
Năm 1789, ở Paris xảy ra một cuộc biến động, cuộc biến động này lớn lên, lan rộng và được biểu hiện ra thành cuộc di chuyển của các dân tộc từ Tây sang Đông. Đã mấy lần, cuộc di chuyển này tiến về hướng đông, vấp phải một cuộc di chuyển khác ngược lại từ Đông sang Tây, và đến 1812, nó đã đến giới hạn cuối cùng của nó là Moskva. Thế rồi với một sự cân đối kỳ lạ, lại xuất hiện một cuộc di chuyển ngược chiều từ Đông sang Tây, cuộc di chuyển này cũng như cuộc di chuyển thứ nhất, đã lôi cuốn các dân tộc Trung Âu theo nó. Cuộc di chuyển ngược chiều này đã đến tận điểm xuất phát của cuộc di chuyển trước, tức là Paris, rồi dừng lại.
     
Trong thời gian hai mươi năm ấy, vô số ruộng đất không được cày cấy vô số nhà cửa bị đốt phá, nếu thương mại chuyển phương hướng, hàng triệu người nghèo đi, giàu lên, và hàng triệu người Cơ đốc là những người vẫn tuyên truyền tình yêu đối với đồng loại đã chém giết lẫn nhau.
     
Tất cả những sự việc đó có ý nghĩa gì? Nguyên nhân của nó là ở đâu? Cái gì đã bắt buộc những con người này đốt nhà và tàn sát đồng loại? Cái gì là nguyên nhân của những biến cố này? Sức mạnh nào đã bắt buộc con người hành động như vậy? Đó là những câu hỏi tự nhiên, giản dị, nhưng chính đáng nhất mà con người tự đặt ra cho mình khi đứng trước những di tích và những kỷ niệm của cái thời kỳ di chuyển đã qua này.
   
Muốn giải quyết các vấn đề này, ta phải nhờ đến khoa học lịch sử là khoa học có mục đích day cho các dân tộc và nhân loại nhận thức được mình.
     
Giả sử sử học vẫn duy trì những quan diểm cũ thì nó sẽ nói: thần linh, để thưởng hay để phạt nhân dân của mình, đã trao quyền lực cho Napoléon, đã lãnh đạo ý chí của ông ta để đạt đến những mục đích thần thánh của mình. Và câu trả lời sẽ đầy đủ và rõ ràng.
     
Người ta có thể tin hay không tin vào sự thụ mệnh, thần thánh của Napoléon, nhưng đối với người nào đã tin điều đó thì toàn bộ lịch sử thời đại này không thể nào có một điều gì mâu thuẫn.
Nhưng khoa học lịch sử hiện đại không thể nào trả lời được như vậy. Khoa học không thừa nhận quan điểm của người cổ đại về sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào công việc con người, cho nên nó phải đưa ra nhJng câu trả lời khác.

Khoa học lịch sử hiện đại, trong khi trả lời những câu hỏi này, nói: Anh muốn biết cuộc di chuyển này có ý nghĩa gì, vì sao nó lại xảy ra và động lực gì gây ra những biến cố ấy phải không? Anh hãy nghe đây:
Louis XIV là một người rất kiêu ngạo và tự thị: ông ta có những cô nhân tình này nọ và những ông bộ trưởng nọ kia, ông ta cai trị nước Pháp rất kém. Những người thừa kế ông ta là những người nhu nhược, và họ cũng cai trị những nước Pháp rất kém. Họ cũng có những cô tình nhân và những sủng thần như Louis XIV. Ngoài ra, bấy giờ lại có một vài người viết sách. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Paris có hai chục người tập hợp lại, họ bắt đầu lên tiếng, nói rằng: mọi người đều bình đẳng và tự do. Kết quả là trên toàn cõi nước Pháp người ta bắt đầu chém giết lẫn nhau và dìm nhau chết đuối.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:38:41 pm
Họ giết nhà vua và nhiều người khác nữa. Lúc bấy giờ ở Pháp có một con người thiên tài, Napoléon. Ông ta đánh đâu thắng đấy, nghĩa là ông ta giết được rất nhiều người, bởi vì ông ta là bậc thiên tài. Rồi ông ta đi giết người Phi châu, để làm gì không rõ, ông ta giết họ giỏi quá, ông ta lạ, mưu lược và thông minh quá đến nỗi khi trở về Pháp ông liền ra lệnh cho mọi người phải phục tùng ông ta.
       
Và thế là mọi người phục tùng ông ta. Khi đã lên ngôi hoàng đế, ông ta lại đi giết người ở Ý, ở Áo và ở Phổ. Ở đây ông ta cũng giết được rất nhiều người. Nhưng ở Nga lại có hoàng đế Alekxandr là người kiên quyết lo phục hồi lại trật tự ở châu Âu, cho nên ông ta bèn đánh nhau với Napoléon. Nhưng năm 1807, đột nhiên ông ta kết bạn với Napoléon, rồi đến 1811 hai người lại bất hoà và lại thi nhau giết cho thật nhiều người. Thế rồi Napoléon mang sáu mươi vạn quân vào nước Nga và chiếm lấy Moskva, nhưng rồi ông ta lại bỏ Moskva mà chạy, và bấy giờ hoàng đế Alekxandr theo những lời khuyên nhủ của Stael và những người khác đã liên kết toàn thể châu Âu vũ trang chống lại kẻ phá hoại sự yên tĩnh của nó. Tất cả các bạn đồng minh của Napoléon đột nhiêu trở thành kẻ thù của ông ta, và khối liên minh vũ trang này tấn công những lực lượng mới tập hợp của Napoléon. Khối liên minh đánh bại Napoléon tiến quân vào Paris, buộc Napoléon phải thoái vị và đưa ông ta đến đảo Enbơ nhưng không tước mất tôn hiệu hoàng đế của ông ta và vẫn tỏ ra hết sức kính trọng ông ta, mặc dầu năm năm trước và một năm sau mọi người đều xem ông ta như một tên cường đạo ngoài vòng pháp luật. Và Louis 18, người mà từ trước đến nay nước Pháp cũng như các nước đồng minh đều chế nhạo, lại lên trị vì.  Còn Napoléon thì nhỏ mấy giọt nước mắt trước đội cận vệ lão thành của mình rồi thoái vị và lên đường đi đày. Thế rồi những chính khách và những nhà ngoại giao khôn khéo (nhất là Taleyrăng(2), con người đã nhanh nhẹn ngồi vào một chiếc ghế bành nào đó trước những người khác và nhờ thế mà mở rộng được biên giới của những Pháp), gặp nhau ở Viên để chuyện trò, và do cuộc trò chuyện này, họ làm cho các dân tộc sung sướng hay cực khổ. Đột nhiên các nhà ngoại giao và các bậc vương giả suýt bất hoà, họ đã sẵn sàng ra lệnh cho quân đội họ giết nhau lần nữa, nhưng ngay lúc đó, Napoléon đổ bộ lên đất Pháp với một tiểu đoàn, và người Pháp trước đây vẫn căm ghét ông ta bỗng phục tùng ông ta ngay. Nhưng vua các nước đồng minh bèn nổi giận, và một lần nữa lại cất quân đánh người Pháp. Thế rồi họ đánh bại Napoléon thiên tài và đưa ông ta ra hòn đảo Saint-Helen, ông ta đột nhiên bị coi là một tên cường đạo. Và ở đấy con người bị đày cách xa những người thân thích và những Pháp thân yêu của mình, chết dần trên một mỏm đá và để lại cho hậu thế những hành động vĩ đại của mình. Còn ở châu Âu thì diễn ra một thời kỳ phản động và tất cả các quốc vương lại bắt đầu đàn áp nhân dân mình.
     
Chớ nên nghĩ rằng trình bày như vậy là nhạo báng, là biếm hoạ sử học. Trái lại, đó là cách diễn đạt mềm mỏng nhất những lời giải đáp đầy mâu thuẫn, và thật ra không hề giải đáp vấn đề, mà toàn bộ nền sử học đã đưa ra, kể từ các tác gia viết hồi lý và viết sách nói về lịch sử của từng nước, cho đến các tác gia viết sách lịch sử thế giới và sách văn hoá sử là loại sử mới của thời kỳ bấy giờ.
     
Sở dĩ những lời giải đáp này kỳ quặc và khôi hài như vậy là vì sở học hiện đại giống như một người điếc trả lời những câu hỏi mà chẳng ai hỏi mình.
     
Nếu mục đích của sử học là miêu tả những cuộc vận chuyển của nhân loại và các dân tộc thì câu hỏi đầu tiên đặt ra mà nếu không giải đáp được thì tất cả những vấn đề còn lai sẽ không thể nào hiểù được nổi là như sau: Động lực gì thúc đẩy các dân tộc di chuyển? Để trả lời vấn đề này, lịch sử hiện đại kể lại một cách cẩn thận rằng Napoléon rất lỗi lạc, hoặc Louis XIV rất kiêu ngạo, hoặc lại kể rằng những tác gia nào đó đã viết ra những quyển sách nào đó.
       
Tất cả những cái đó có thể có, và nhân loại đều sẵn sàng chấp nhận, nhưng nhân loại không hỏi điều đó. Tất cả những cái đó có thể thú vị, nếu chúng ta thừa nhận có một quyền lực thần thánh tự tại bất biến đã lãnh đạo các dân tộc thông qua những Napoléon, những Louis và những tác gia nào đấy, cần phải nêu rõ mối liên hệ giữa những người này với các cuộc vận chuyển của các dân tộc.
Nếu có một sức mạnh khác đã thay thế cái quyền lực thần thánh kia thì cần phải cắt nghĩa cái sức mạnh mới này là cái gì, bởi vì đối tượng của sở học chính là ở đấy.

Sử học dường như giả thiết rằng sức mạnh này là một cái gì dĩ nhiên và ai cũng biết. Nhưng mặc dầu mọi người đều muốn thừa nhận cái sức mạnh mới này là đã biết, ai đã từng đọc nhiều công trình sử học cũng bất giác đâm ra hoài nghi không biết cái sức mạnh mới này mà mỗi sử gia hiểu một cách khác có thật là được mọi người biết rõ hay không.

==================================================================

Chú thích:

(1) Gibpon  (1737-1794). Sử gia tư sản Anh, tác giả bộ "Sự suy đồi và sụp đổ của đế chế La Mã"

(2) Ý nói đến những hành động khôn khéo của Teleyrăng ở hội nghị Viên năm 1814,



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:39:26 pm
Phần XVII
Chương - 2

Động lực thúc đẩy dân tộc vận động?
   
Các tác giả viết lịch sử cá nhân và các sử gia viết về từng dân tộc quan niệm sức mạnh này là quyền lực cố hữu của các vị anh hùng và vua chúa. Theo miêu tả của họ, các biến cố diễn ra hoàn toàn do ý muốn của Napoléon, của những Alekxandr, hay nói chung, của những nhân vật mà các tác giả viết lịch sử cá nhân đã miêu tả cuộc sống.  Những trả lời mà các sử gia thuộc loại này đưa ra vấn đề sức mạnh thúc đẩy các biến cố đều thoả đáng, nếu mỗi biến cố chỉ có một sử gia miêu tả. Nhưng hễ có nhiều sở gia thuộc những dân tộc khác nhau và có những quan điểm khác nhau bắt đầu cùng miêu tả một sự kiện như nhau thì những câu trả lời mà họ đưa ra liền mất hết ý nghĩa, bởi vì mỗi người trong bọn họ quan niệm sức mạnh này một cách, và quan niệm của họ không những khác nhau mà thường còn hoàn toàn đối lập nhau nữa. Sử gia này khẳng định rằng biến cố đã xảy ra là do là do quyền lực của Napoléon, sử gia kia lại khẳng định rằng nó xảy ra do quyền lực của Alekxandr, sở gia nọ lại khẳng định rằng đó là quyền lực của một sự vật thứ ba nào đó. Ngoài ra các sử gia thuộc loại này mâu thuẫn với nhau ngay cả trong cách giải thích cái sức mạnh làm cơ sở cho quyền lực của một nhân vật. Chie thuộc phái Bonaparte nói rằng quyền lực của Napoléon xây dựng trên đạo đức và thiên tài của ông ta. Lanfrey(1) là người thuộc phái cộng hoà nói rằng nó xây dựng trên sự gian trá và mị dân của ông ta. Thành thử các sử gia thuộc loại này thủ tiêu lập luận của nhau, và do đó, họ thủ tiêu ngay cả cái khái niệm về sức mạnh sinh ra các biến cố, và không đưa ra được một lời giải đáp nào cho vấn đề chủ yếu của sử học.

Các sử gia viết lịch sử thế giới, là những người phải nghiên cứu tất cả các dân tộc, dường như cho rằng quan điểm của các sử gia nghiên cứu chuyên sử về sức mạnh sinh ra các biến cố là không đúng. Họ không thừa nhận sức mạnh này là một quyền lực cố hữu của các vị anh hùng và các vua chúa, mà cho đó là hợp lực của nhiều phân lực hướng về nhiều phía khác nhau. Trong khi miêu tả một cuộc chiến tranh hay quá trình chinh phục một dân tộc, các sở gia này tìm nguyên nhân của biến cố không phải trong quyền lực của một nhân vật duy nhất, mà lại là trong ảnh hưởng qua lại của nhiều nhân vật có liên hệ với biến cố.

Lẽ ra theo quan điểm này, quyền lực của các nhân vật lịch sử, được xem như là sản phẩm của nhiều sức mạnh, không còn có thể coi là một sức mạnh tự nó sinh ra các biến cố nữa. Tuy nhiên, các tác giả viết sử thế giới thường thường vẫn phải dùng đến khái niệm quyền lực với tính cách là mồt sức mạnh tự bản thân nó sinh ra các biến cố và là nguyên nhân của các biến cố. Theo cách trình bày của các sử gia này thì khi thì nhân vật lịch sử là sản phẩm của những sức mạnh khác nhau, khi thì quyền lực của họ lại chính là sức mạnh sinh ra các biến cố. Gervinus, Schlosso(3) chẳng hạn, và một số khác, khi thì chứng minh rằng Napoléon là sản phẩm của cách mạng, của những tư tưởng năm 1789 v.v… khi thì tuyên bố rằng chiến dịch năm 1812 cũng như những biến cố khác không làm cho họ vừa lòng chỉ là kết quả của ý muốn sai lầm của Napoléon và ngay cả những tư tưởng của năm 1789 cũng bị ngăn chặn, không phát triển được do thái độ độc đoán của Napoléon. Còn quyền lực của Napoléon thì đã trấn áp những tư tưởng cách mạng và ý hướng chung của thời đại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:40:05 pm
Không những nó xuất hiện nhan nhản trong các sách lịch sử thế giới, mà thậm chí toàn bộ nội dung miêu tả của các sách này chẳng qua là một chuỗi liên tục những chuyện mâu thuẫn như vậy kế tiếp nhau. Sở dĩ có tình trạng mâu thuẫn này là vì các tác giả viết lịch sử thế giới, sau khi bước vào con đường phân tích, đã dừng lại ở giữa đường.
       
Muốn cho các phân lực tạo ra một hợp lực hay lực hợp thành, thì nhất định tổng thể số các phân lực phải bằng hợp lực đó. Đó chính là điều kiện mà các tác giả viết lịch sử thế giới không bao giờ tuân theo, và do đó, để cắt nghĩa hợp lực, ngoài những phân lực không đầy đủ của nó, họ nhất thiết phải thừa nhận một lực khác chưa được xác định đã tác động đến hợp lực.
       
Một sử gia khi miêu tả chiến dịch năm 1813 hay thời kỳ hồi dòng Bourbon nói thẳng ra rằng những biến cố này đều xảy ra do ý muốn của Alekxandr. Nhưng Gervinus, một tác giả viết sử thế giới, trong khi bác bỏ luận đề này, đã tìm cách chứng minh rằng chiến dịch năm 1813 hay việc phục hồi dòng Bourbon, ngoài ý muốn của Alekxandr ra, còn có nhiều nguyên nhân khác, đó là hoạt động của Stande, của Meterric, của bà De Stael, của Telayrăng, của Fict, của Satobrien và của nhiều người khác. Rõ ràng là các sử gia này đã chia quyền lực của Alekxandr ra thành những thảnh phần cấu tạo nên nó: Telayrăng, Satobrien, của bà De Stael và của những người khác, dĩ nhiên là không ngang bằng với tất cả hợp lực nghĩa là hiện tượng hàng triệu người Pháp phục tùng họ Bourbon.
     
Như vậy, để giải đáp vấn đề làm sao những phân lực này lại có thể đưa đến sự phục tùng của hàng triệu người, tức làm sao những phân lực bằng một A lại có thể tạo nên một hợp lực bằng một nghìn A, nhà sử học đành phải thừa nhận cái sức mạnh của quyền lực mà ông ta đã phủ nhận, bằng cách cho nó là hợp lực của nhiều lực khác, nghĩa là ông ta phải thừa nhận một sức mạnh chưa được lý giải đã tác động đến hợp lực. Và chính các tác giả viết sử thế giới đã làm như vậy. Chính vì thế cho nên không những họ mâu thuẫn với các tác giả chuyên sử mà còn mâu thuân với chính họ nữa.
       
Những người dân ở nông thôn vốn không có một khái niệm rõ ràng về nguyên nhân của mưa, tuy khi họ muốn có mưa hay muốn trời nắng, sẽ nói: gió đã đuổi mây đi, hay gió dã mang mây đến.

Các tác giả viết sử thế giới cũng làm hệt như vậy: khi nào biến cố phù hợp với lý thuyết của họ thì họ nói rằng quyền lực là kết quả của các biến cố, trái lại khi nào cần phải chứng minh một cái gì khác thì họ nói rằng quyền lực tạo ra các biến cố.
     
Hạng sử gia thứ ba mà người ta gọi là những nhà văn hoá sử, bước theo con đường của các sử gia viết sử thế giới, đôi khi xem các nhà vãn và các nhân vật phụ nữ là những lực lượng đã gây nên các biến cố, nhưng lại quan niệm lực lượng này một cách khác hẳn.

Họ nhìn thấy nó trong cái mà người ta gọi là văn hoá, trong hoạt động trí tuệ.
       
Các nhà văn hoá sử hoàn toàn nhất trí với những người đã mở đường cho họ là các tác giả viết sử thế giới bởi vì nếu đã có thể cắt nghĩa các biến cố lịch sử bằng cách nói rằng những nhân vật nhất định đã có những quan hệ nhất định với nhau, thì tại sao lại không thể cắt nghĩa các biến cố bằng cách nói rằng những người nào đó đã viết những quyển sách nào đó? Trong vô số những biểu hiện kèm theo một hiện tượng trọng yếu, các sử gia này chọn lấy biểu hiện của hoạt động trí tuệ và nói rằng đó chính là nguyên nhân. Nhưng mặc dầu họ ra sức chứng minh rằng nguyên nhân của biến cố là nằm trong hoạt động trí tuệ, cũng phải dễ tính lắm mới có thể thừa nhận rằng có một cái gì chung ở giữa hoạt động trí tuệ và sự vận động của các dân tộc. Nhưng dù sao chăng nữa, người ta cũng không thể nào thừa nhận hoạt động trí tuệ lãnh đạo hành động của con người, bởi vì những hiện tượng như những vụ tàn sát khốc liệt của Cách mạng Pháp mà lại là hậu quả của việc tuyên truyền quyền bình đẳng của con người, những cuộc chiến tranh và những cuộc hành trình tàn khốc mà lại là hậu quả của việc tuyên truyền bá tình thương, những hiện tượng thếđều mâu thuẫn với thuyết này.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:40:59 pm
Nhưng dù sao tất cả những lý luận oái oăm đầy rẫy trong những quyển sử kia có đúng chăng nữa, dù ta có thừa nhận rằng các dân tộc chịu sự chi phối của một sức mạnh khó xác định mà người ta gọi là tư tưởng, thì vấn đề chủ yếu của lịch sử cũng vẫn chưa được giải đáp. Ngoài quyền lực của những vị vua mà trước kia người ta đã thừa nhận, ngoài ảnh hưởng của những cố vấn và những nhân vật khác mà sử gia thông sử đưa vào, bây giờ lại còn có một sức mạnh mới, sức mạnh của tư tưởng mà mối liên hệ của nó với quần chúng còn đòi hỏi được giải thích. Người ta có thể hiểu rằng vì Napoléon nắm quyền nên một biến cố nào đó đã xảy ra. Người ta còn có thể tạm thừa nhận rằng Napoléon, cùng với những ảnh hưởng khác, đã là nguyên nhân của biến cố, nhưng nói rằng quyền lực "Khế ước xã hội"(3) đã làm cho người Pháp giết nhau thì thật không tài nào hiểu được nếu không giải thích quan hệ nhân quả giữa cái lực lượng mới này với biến cố đã xảy ra.

Hiển nhiên là có một mối liên hệ ở giữa tất cả những, người cùng chung sống trong một thời đại, và do đó có thể tìm thấy một mối liên hệ nào đấy giữa hoạt động tinh thần của con người và cuộc vận động lịch sử của họ, cũng như người ta có thể tìm thấy mối liên hệ giữa những vận động của nhân loại với thương nghiệp, thủ công nghiệp, nghề làm vườn và bất cứ cái gì khác. Nhưng tại sao các nhà văn hoá sử lại cho rằng hoạt động trí tuệ của con người ta là nguyên nhân hay là biểu hiện của toàn bộ cuộc vận động lịch sử" Thật khó lòng hiểu nổi? Cách suy luận ấy của các sử gia may ra chỉ có thể cắt nghĩa như sau:

1. Lịch sử là do các nhà học giả viết, cho nên lẽ tự nhiên họ thích cho rằng hoạt động của tầng lớp họ là nền tảng của cuộc vận động lịch sử cũng như thương nhân và binh sĩ thích cho rằng hoạt động của họ mới là nền tảng của cuộc vận động (điều này không lộ ra chẳng qua là vì thương nhân và binh sĩ không viết lịch sử) và

2. Hoạt động trí tuệ, giáo dục, văn minh, văn hoá, tư tưởng tất cả những cái đó đều là những khái niệm mơ hồ không được xác định; ở dưới lá cờ của nó người ta tha hồ dùng những từ ngữ còn ít rõ nghĩa hơn và do đó dễ dàng thích hợp với bất kỳ lý thuyết nào.


Nhưng dù chưa nói đến giá trị nội tạng của loại sở học này (có lẽ đối với một người nào đó hay đối với một việc nào đó nó cũng cần thiết và hiện nay nội dung của tất cả các tác phẩm thông sử xét về thực chất đang bắt đầu có tính chất văn hoá sử ngày càng rõ rệt), các tác phẩm văn hoá sử, cũng có một điểm này đáng chú ý. Đó là mặc dầu nó nghiên cứu nghiêm túc và tỉ mỉ các học thuyết tôn giáo, triết học, chính trị, cho đó là nguyên nhân của các biến cố, nhưng hễ nó phải miêu tả một biến cố lịch sử có thực như chiến dịch 1812 chẳng hạn thì vô hình chung nó lại miêu tả biến cố này như sản phẩm của quyền lực và nói không úp mở rằng chiến dịch này là do ý muốn của Napoléon mà ra. Trong khi nói như vậy, các nhà văn hoá sử vô hình chung đã tự mâu thuẫn với mình vì họ cho thấy rằng cái sức mạnh mới mà họ đặt ra không biểu hiện được những biến cố lịch sử và biện pháp duy nhất để hiểu lịch sử lại chính là cái quyền lực mà đường như họ không thừa nhận.

====================================================================

Chú thích:

(1) Pierre Lanfrey (1828-1877) tác giả "Lịch sử Napoléon"

(2) Gervinus (1805-1871), sử gia Đức. Schlossor (1776- 1861) tác giả "Lịch sử thế giới" gồm 19 quyển

(3) "Contrat social" tác phẩm của nhà văn và tư tưởng Pháp thế kỷ 18 J.J. Russeau


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:42:03 pm
Phần XVII
Chương - 3

Một đầu máy xe lửa đang chạy. Thử hỏi cái gì làm cho nó chạy như vậy? Người nông dân nói: quỉ Satan cho nó chạy. Một người khác nói: nó chạy bởi vì bánh của nó quay. Người thứ ba khẳng định rằng nguyên nhân của vận động là cái đám khói đang bay theo chiều gió.
   
Không thể bác người nông dân kia được! Anh ta đã nghĩ ra một cách giải thích toàn vẹn. Để bác anh ta, cần phải có người chứng minh cho anh ta thấy rằng không làm gì có quỉ, hay phải có một người nông dân khác cắt nghĩa rằng không phải quỉ mà chính là người Đức(1) làm cho đầu máy chuyển động. Chỉ có như thế thì sự mâu thuẫn mới cho họ thấy rằng cả hai đều sai. Nhưng người nói rằng nguyên nhân là sự vận động của các bánh xe cũng tự bác lại mình, vì nếu đã đi theo con đường phân tích, thì anh ta lại phải đi xa hơn nữa: phải cắt nghĩa nguyên nhân của sự vận động của bánh xe. Và hễ còn chưa đi đến nguyên nhân cuối cùng của sự vận động của chiếc đầu máy, từ là sức ép của hơi nước trong súp-de, thì anh ta vẫn chưa có quyền đừng lại trong việc đi tìm nguyên nhân. Còn người nào giải thích sự vận động của đầu máy bằng đám khói bị gió thổi khi nhận thấy cách giải thích bằng bánh xe không đưa đến nguyên nhân, anh ta chộp ngay lấy bất cứ dấu hiệu nào và cho đó là nguyên nhân.

Khái niệm duy nhất có thể cắt nghĩa được sự vận động của chiếc đầu máy là khái niệm của một sức mạnh ngang bằng với toàn bộ sự vận động người ta thấy được.

Khái niệm duy nhất có thể cắt nghĩa được sự vận động của của các dân tộc là khái niệm của một sức mạnh ngang bằng với toàn bộ sự vận động này. Tuy vậy mỗi sở gia đều quan niệm khái niệm này thành một lực lượng khác hẳn và tuyệt nhiên không ngang bằng vơi sự vận động mà người ta thấy được. Có người nhìn thấy ở đấy một sức mạnh nằm ngay trong các vị anh hùng, cũng như người nông dân cho rằng trong đầu máy có quỉ, có người thấy đó là một sức mạnh do những sức mạnh khác sinh ra, như sự vận động của những bánh xe, còn những người khác nữa thấy đó là một ảnh hưởng của tinh thần như là đám khói bị gió thổi bạt đi.

Hễ người ta còn viết lịch sử của những cá nhân, dù cho những cá nhân đó là Cesar Alecxandre hay Lehte và Vonanr, chứ không phải là lịch sử của mọi người, không trừ một người nào trong số tất cả những người đã tham dự vào một sự kiện, thì vẫn không thể nào gán cho một số nhân vật một sức mạnh đã bắt buộc những người khác phải hướng hoạt động của mình vào một mục đích duy nhất.

Và cái khái niệm duy nhất mà các sở gia biết được là quyền lực chính xác về bản chất của cái sức mạnh gây nên biến cố lịch sử mà người ta gọi là quyền lực.

Quay trở về tín điều ngày xưa thì không thể được, vì nó đã sụp đổ rồi cho nên nhất thiết phải cắt nghĩa bản chất của quyền lực.

Napoléon đã ra lệnh trưng tập quân đội và xuất chinh. Cách quan niệm này đối với ta đã quen thuộc, đến nỗi nếu có ai hỏi: tại sao sáu mươi vạn con người lại xuất trận sau khi nghe Napoléon nói một câu gì đấy, ta sẽ thấy đó là một câu hỏi vô nghĩa. Ông ta có quyền lực, cho nên những mệnh lệnh của ông ta đã được thi hành.

Câu trả lời này sẽ hoàn toàn thoả đáng nếu ta tin rằng quyền lực của ông ta là do thần linh ban cho. Nhưng một khi ta đã không thừa nhận điều đó thì không thể không xác định xem bản chất của quyền lực của một con người đối với những người khác là gì.

Quyền lực này không thể là quyền lực trực tiếp do tính ưu việt về thể lực của một người mạnh đối với một người yếu, tức là tính ưu việt căn cứ vào việc sử dụng thể lực hay đe doạ sử dụng thể lực, như quyền lực của Heraklet chằng hạn. Nó cũng không thể căn cứ trên tính ưu việt của sức mạnh tinh thần như một vài sử gia tin tưởng một cách ngây thơ rằng những người làm ra lịch sử có một sức mạnh tinh thần và trí tuệ phi thường mà người ta gọi là thiên tài.

Quyền lực này cũng không thể căn cứ vào tính ưu việt của sức mạnh đạo đức bởi vì dù chưa nóí đến những bậc anh hùng theo kiểu Napoléon, là người mà phẩm chất đạo đức gây nên những ý kiến rất khác nhau, lịch sử cũng đã chứng tỏ rằng những Louis, những Mettemich, là những kẻ lãnh đạo hàng triệu người, đều không có một sức mạnh tinh thần nào đặc biệt, trái lại phần lớn về mặt đạo đức họ còn thua kém bất cứ người nào trong số hàng triệu con người mà họ thống trị.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:42:49 pm
Nếu nguồn gốc của quyền lực không nằm trong những phẩm chất thể lực như trong tinh thần của con người nắm quyền lực, thì hiển nhiên là nó nằm ở ngoài người ấy, tức là trong những mối liên hệ giữa người ấy với đám quần chúng mà người ấy thống trị.

Khoa luật học quan niệm vấn đề quyền lực đúng như vậy, khoa học này là cái bàn đổi tiền của lịch sử, có nhiệm vụ đổi quan niệm lịch sử về quyền lực để lấy vàng thực.
     
Quyền lực là tổng số những ý muốn của quần chúng, mà do một sự thoả thuận hiển nhiên hay mặc nhiên, được trao cho những con người được lựa chọn trong đám quần chúng này.

Trong lĩnh vực luật học, một khoa học mà nội dung là những nhận định về cách tổ chức nhà nước và chính quyền, nếu có thể tổ chức nó thì điều đó rất rõ ràng. Nhưng nếu ứng dụng nó vào lịch sử thì định nghĩa này về quyền lực còn phải được xác minh.
       
Khoa luật học quan niệm nhà nước và quyền lực như người cổ đại vẫn quan niệm lửa, tức là như một vật tồn tại tuyệt đối. Đối với lịch sử thì trái lại, nhà nước và quyền lực chỉ là những hiện tượng, cũng như đối với vật lý học của thời đại chúng ta thì lửa không phải là một thực thể mà chỉ là một hiện tượng.
     
Chính sự khác nhau cơ bản về quan niệm này giữa khoa học lịch sử và luật học đã cho phép khoa luật học tha hồ bàn bạc về cách tổ chức quyền lực và bản chất của quyền lực được quan niệm như một cái gì tồn tại một cách im lìm bất động ở bên ngoài thời gian, nhưng đối với những vấn đề lịch sử đề cập đến ý nghĩa của một quyền lực thay đổi theo thời gian, thì nó không thể đưa ra một lời giải đáp nào.

Khái niệm này là công cụ duy nhất cho phép ta làm chủ được tài liệu lịch sử trong trạng thái hiện tại của nó, và người nào làm gãy mất công cụ này như Buckle đã làm mà không tìm ra một phương pháp khác để xử lý tài liệu lịch sử thì chỉ làm cho mình mất cái khả năng cuối cùng để xử lý nó. Muốn giải thích các hiện tượng lịch sử, thế nào rồi cũng phải dùng đến khái niệm quyền lực. Chính các nhà thông sử và các nhà văn hoá sử đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn nhất: họ làm như thể họ gạt bỏ được khái niệm quyền lực, nhưng thật ra cứ mỗi bước họ lại buộc lòng phải sử dụng đến nó.
       
Cho đến nay, đối với những vấn đề của nhân loại, khoa học lịch sử cũng giống như một thứ tiền tệ được lưu hành, nó cũng giống như giấy bạc và tiền kim loại. Những quyển sử viết về một cá nhân hay về một dân tộc cũng giống như những tờ giấy bạc. Nó có thể lưu hành, hoàn thành nhiệm vụ của nó mà không làm tổn hại đến ai, thậm chí còn có ích nữa, trong khi người ta chưa nêu lên vấn đề cái gì bảo đảm cho nó. Chỉ cần gạt bỏ vấn đề làm sao ý muốn của các vị anh hùng lại có thể sinh ra các biến cố, là những quyển sử của những tác giả của Chie sẽ trở thành thú vị. Nhưng khi số giấy bạc tăng lên quá nhiều vì người ta in giấy bạc một cách quá dễ dàng hay khi người ta muốn đem giấy bạc đổi lấy vàng, thì bắt đầu có sự hoài nghi về giá trị thực của tờ giấy bạc. Đối với sử học cũng vậy: người ta cũng hoài nghi ý nghĩa chân chính của những quyển sử học ấy hoặc vì nó được in ra quá nhiều, hoặc vì có một ông bạn thật thà nào đó nêu ra câu hỏi: sức mạnh nào đã cho phép Napoléon làm được việc này việc nọ, tức là có người muốn đổi giấy bạc lấy vàng ròng của một khái niệm chính xác.

Các nhà thông sử và các nhà văn hoá sử giống như những người thừa nhận khuyết điểm của giấy bạc rồi quyết định đúc tiền bằng một thứ kim khí có tỉ trọng của vàng. Và thứ tiền này quả thực là tiền mặt nhưng chỉ có cái bề mặt mà thôi. Bạc giấy còn có thể lừa những người không biết, thứ tiền mặt mà không có giá trị gì thì lại không thể lừa dối được ai. Cũng như vàng chỉ có thể là vàng khi người ta có thể dùng nó không những để trao đổi mà còn để đánh tư trang, các tác giả thông sử cũng chỉ có thể là vàng thực sự khi họ có thể trả lời câu hỏi chủ yếu của lịch sử: quyền lực là cái gì? Tác giả thông sử đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn để đáp lại câu hỏi này.

Trái lại các sử gia về văn hoá gạt hẳn vấn đề ra một bên và trả lời một cái gì khác hẳn. Và cũng những thứ tiền tệ giống vàng chỉ có thể được dùng giữa những người cho nó là vàng và những người không biết những đặc tính của vàng, các tác giả thông sử và các sử gia văn hoá trong khi không trả lời những vấn đề chủ yếu của nhân loại để phục vụ những mục đích riêng nào đấy của họ đã đem những thứ tiền tệ như vậy ra dùng cho các trường đại học và cho đám đông độc giả mà họ gọi là những người ham chuộng loại sách "nghiêm túc".

===============================================================

Chú thích:

(1) Đối với nông dân Nga thời ấy, khái niệm "người Đức" (Nemetx) có thể bao gồm đủ các thứ người ngoại quốc (nghĩa đầu tiên của chữ nemetx là - người câm - tức là người không biết nói tiếng Nga) phần đông là người phương Tay, nơi sản sinh ra các thứ máy móc mới lạ



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:43:44 pm
Phần XVII
Chương - 4

Sau khi đã từ bỏ quan niệm trước kia cho rằng thần linh bắt ý muốn của một dân tộc phải phục tùng một con người duy nhất đã được lựa chọn, và ý muốn ấy phải phục tùng thần linh, lịch sử không thể tiến lên một bước nào mà không gặp mâu thuẫn nếu nó không chọn một trong hai cách sau đây: hoặc là quay trở lại tín điều ngày xưa về sự can thiệp trực tiếp của thần linh vào công việc của loài người, hoặc là đưa ra một cách giải thích chính xác về bản chất của cái sức mạnh gây nên các biến cố lịch sử mà người ta gọi là quyền lực.

Khoa luật học quan niệm vấn đề quyền lực đúng như vậy, khoa học này là cái bàn đổi tiền của lịch sử, có nhiệm vụ đổi quan niệm lịch sử về quyền lực để lấy vàng thực.
     
Quyền lực là tổng số những ý muốn của quần chúng, mà do một sự thoả thuận hiển nhiên hay mặc nhiên, được trao cho những con người được lựa chọn trong đám quần chúng này.

Trong lĩnh vực luật học, một khoa học mà nội dung là những nhận định về cách tổ chức nhà nước và chính quyền, nếu có thể tổ chức nó thì điều đó rất rõ ràng. Nhưng nếu ứng dụng nó vào lịch sử thì định nghĩa này về quyền lực còn phải được xác minh.
     
Khoa luật học quan niệm nhà nước và quyền lực như người cổ đại vẫn quan niệm lửa, tức là như một vật tồn tại tuyệt đối. Đối với lịch sử thì trái lại, nhà nước và quyền lực chỉ là những hiện tượng, cũng như đối với vật lý học của thời đại chúng ta thì lửa không phải là một thực thể mà chỉ là một hiện tượng.

Chính sự khác nhau cơ bản về quan niệm này giữa khoa học lịch sử và luật học đã cho phép khoa luật học tha hồ bàn bạc về cách tổ chức quyền lực và bản chất của quyền lực được quan niệm như một cái gì tồn tại một cách im lìm bất động ở bên ngoài thời gian, nhưng đối với những vấn đề lịch sử đề cập đến ý nghĩa của một quyền lực thay đổi theo thời gian, thì nó không thể đưa ra một lời giải đáp nào.

Nếu quyền lực là tổng số những ý muốn quần chúng trao cho người lãnh đạo, thì phải chăng Pugatsov là người đại biểu cho ý muốn của quần chúng? Nếu không phải thì tại sao Napoléon lại là một người đại biểu? Tại sao Napoléon III(1) khi bị bắt ở Bolonhơ lại là một tên tội phạm, và tại sao sau đó tội phạm lại chính là những người mà ông ta bắt được?

Trong những cuộc đảo chính ở cung đình, đôi khi chỉ do hai hay ba người làm, phải chăng đó cũng là ý muốn của nhân dân trao cho con người mới được chọn? Trong những quan hệ quốc tế phải chăng ý muốn của bao nhiêu dân tộc được trao cho kẻ chinh phục họ? Phải chăng năm 1808 ý muốn của Liên minh sông Ranh được trao cho Napoléon? Phải chăng ý muốn của quần chúng nhân dân Nga năm 1809 được trao cho Napoléon khi quân đội Nga liên minh với quân đội Pháp để đánh quân Áo?

Có thể trả lời những câu hỏi này bằng ba cách khác nhau:
   
1. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng bao giờ cũng được giao phó một cách vô điều kiện cho một hay những người cầm quyền mà nó đã chọn, và do đó, mọi sự xuất hiện của một quyền lực mới, mọi cuộc đấu tranh chống lại quyền lực này một khi nó đã được giao phó đều phải xem là một hành động vi phạm quyền lực chân chính.
   
2. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao cho những người cầm quyền với những điều kiện nhất định và rõ ràng, trong trường hợp ấy mọi hành động phá hoại cái quyền lực đã được thiết lập sở dĩ thực hiện được đều do ở chỗ những người cầm quyền không tuân theo những điều kiện kèm theo việc trao quyền lực cho họ.
   
3. Hoặc thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao cho những người cầm quyền một cách có điều kiện, nhưng đó là những điều kiện mơ hồ, không ai biết rõ và sự xuất hiện của những quyền lực khác những cuộc tranh giành và sự sụp đổ của nó chẳng qua là do mức độ những người cầm quyền đã thực hiện đúng hay sai những điều kiện mơ hồ đó mà ý muốn của quần chúng chuyển từ một người này sang người khác.

     
Các sở gia cắt nghĩa quan hệ quần chúng với những người cầm quyền bằng ba cách như vậy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:44:24 pm
Chỉ có những sử gia vì quá thật thà mà không hiểu vấn đề quyền lực, chỉ có những sử gia chuyên sử và những tác giả viết tiểu sở cá nhân nói trên mới dường như thừa nhạn rằng tổng số ý muốn của quần chúng được trao cho các nhân vật lịch sử một cách vô điều kiện, vì vậy trong khi miêu tả một quyền lực nào đó thì các sử gia này giả thiết rằng quyền lực này là quyền lực duy nhất tuyệt đối và chính đáng, và bất cứ lực lượng nào khác chống lại cái quyền lực chân chính này đều không phải là quyền lực mà là một hành động vi phạm quyền lực, một hành vi bại ngược.
     
Lý thuyết của họ thích hợp với những thời kỳ nguyên thuỷ và hoà bình của lịch sử, nhưng đem áp dụng vào những thời kỳ phức tạp và bão táp của đời sống các dân tộc, khi trong cùng một lúc có nhiều quyền lực khác nhau xuất hiện và đấu tranh với nhau, thì nó lại có điều bất tiện là một sử gia thuộc phái chính thống sẽ chứng minh rằng Quốc dân hội nghị, uỷ ban Đốc chính và Bonaparte đều chỉ là những kẻ phá hoại quyền lực, trái lại một người theo phái Cộng Hoà và một người theo phái Bonaparte sẽ chứng minh khác, người thứ nhất nói rằng Quốc dân hội nghị, người thứ hai nói rằng Đế chế là những quyền lực chân chính, và tất cả những thứ khác đều là những hành động vi phạm quyền lực.
     
Hiển nhiên là trong khi bác bỏ lẫn nhau như vậy, những cách giải thích về quyền lực mà các sử gia này đưa ra chỉ có thể làm thoả mãn những đứa trẻ rất ít tuổi.
   
Thừa nhận tính chất sai lầm của cách quan niệm lịch sử như vậy một loại sở gia nói rằng quyền lực căn cứ vào việc trao có điều kiện cho những người cầm quyền toàn bộ những ý muốn của quần chúng và các nhân vật lịch sử chỉ nắm quyền lực với điều kiện họ thực hiện cái chương trình mà ý muốn của quần chúng đã định cho họ bằng một sự thoả thuận thầm lặng. Nhưng những điều kiện này là gì thì các sử gia này không nói cho chúng ta biết, hay có nói chăng nữa thì cũng luôn luôn mâu thuân với nhau.

Mỗi sử gia, tuỳ theo quan niệm của mình về mục đích vận động của mốt dân tộc, sẽ tìm thấy những điều kiện này trong sự vĩ đại, sự giàu có, nên tự do, trình độ học vấn của quốc dân nước Pháp hay một nước nào khác. Nhưng dù không kể đến những mâu thuân giữa các sử gia về những điều kiện này, thậm chí dù có giả định rằng tất cả các nhà sử học đều có một cương lĩnh chung về những điều kiện ấy ta cũng sẽ nhận thấy rằng các sự kiện lịch sử hầu như bao giờ cũng mâu thuẫn với lý thuyết này. Nếu những điều kiện của việc trao chính quyền là ở sự giàu có, ở quyền tự do, trình độ học vấn của quốc dân, thì tại sao những Louis XIV và những Ivan IV lại trị vì một cách êm thấm suốt triều đại của mình, trái lại những Louis XVI và những Charles I lại bị nhân dân chặt đầu? Để trả lời câu hỏi này, các sử gia nói rằng những hành động của Louis XIV, trái với cương lĩnh ảnh hưởng đến Louis XV? Tại sao nó lại đợi đến Louis XVI mới có ảnh hưởng? Ảnh hưởng này phải đợi một thời gian bao lâu mới có tác đụng? Những câu hỏi này không có và không thể có cách nào giải đáp. Cũng vậy, theo lý thuyết này người này không cắt nghĩa được vì lý do gì toàn bộ những ý muốn trong mấy thế kỷ vẫn nằm trong tay những người cầm quyền và những kẻ kế tục họ, thế rồi sau đó, đùng một cái, trong vòng năm mươi năm nó lại lần lượt được trao cho Quốc dân hội nghị, Đốc chính, Napoléon, Alekxandr, Louis XVIII, rồi lại Napoléon, Sáclơ X(3), Louis Philip, chính phủ cộng hoà năm 1848, Napoléon III?
     
Muốn cắt nghĩa những sự chuyển di nhanh chóng quyền lực từ một người này sang một người khác, nhất là ở giữa những quan hệ quốc tế phức tạp, những cuộc chinh phục và những khối liên minh, ngay các sử gia này cũng phải thừa nhận, trái với ý muốn của họ, rằng một bộ phận những biến cố này không phải là do sự giao phó ý muốn của quần chúng một cách quy luật, mà là những việc ngẫu nhiên, lệ thuộc vào một mưu mô, hay một sai lầm, hay sự xảo quyệt, hay tính nhu nhược của một nhà ngoại giao của một ông vua hay một lãnh tụ chính đáng. Thành thử phần lớn những biến cố lịch sử, những cuộc nội chiến, những cuộc cách mạng, những cuộc chinh phục đối với các sử gia này không còn là sản phẩm của sự giao phó những ý muốn tự do, mà là sản phẩm của ý muốn sai lầm của một người hay của nhiều người, tức cũng lại là những hành động vi phạm quyền lực.

Và do đó, ngay các sử gia thuộc loại này cũng trình bày các biến cố lịch sử như những hiện tượng trái với lý thuyết.

Các sử gia này cũng giống như một nhà thực vật học sau khi nhận thấy rằng có một số cây sinh ra từ những hạt giống có hai lá mầm, liền khẳng định rằng tất cả các thực vật đều mọc từ hai chiếc lá mầm, và do đó, cây cọ, cây nấm và ngay cả cây sồi khi đã phát triển đầy đủ không có hai lá mầm nữa đều là những hiện tượng trái quy luật.

Các sở gia thuộc loại thứ ba thừa nhận rằng ý muốn của quần chúng được trao một, cách có điều kiện cho một nhân vật lịch sử, nhưng ta không biết được những điều này. Họ nói rằng các nhân vật lịch sử có quyền lực chỉ vì họ thực hiện ý muốn mà quần chúng đã giao phó cho họ.
     
Nhưng nếu sức mạnh làm các dân tộc vận động không phải nằm trong các nhân vật lịch sử, mà nằm trong bản thân các dân tộc, thì ý nghĩa của các nhân vật lịch sử này là ở chỗ nào?
Các nhân vật lịch sử, theo các sử gia này, biểu hiện ý muốn của quần chúng, hoạt động của các nhân vật lịch sử đại diện cho hoạt động của quần chúng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 02 Tháng Hai, 2011, 09:45:19 pm
Nhưng nếu thế thì có một vấn đề đặt ra, là phải chăng toàn bộ hoạt động của các nhân vật lịch sử đều thể hiện ý muốn của quần chúng hay chỉ một mặt nào đó trong hoạt động của họ mà thôi?

Nếu toàn bộ hoạt động của các nhân vật lịch sử đều thể hiện ý muốn của quần chúng, như một vài người quan niệm, thì các sách tiểu sử của những Napoléon, những Ekaterina với tất cả những chi tiết của nó về những chuyện ngồi lê đôi mách trong cung đình, cũng đều biểu hiện sinh hoạt của các dân tộc, và điều đó hiển nhiên là vô lý Trái lại, nếu chỉ có một mặt hoạt động của nhân vật lịch sử thể hiện đời sống của các dân tộc, như một vài sử gia khác mang danh là những sử gia triết học quan niệm thì muốn xác định xem mặt nào trong hoạt động của họ thể hiện đời sống của dân tộc, trước hết ta phải biết đời sống của dân tộc là cái gì đã.
     
Đứng trước khó khăn này, các sử gia thuộc loại thứ ba đã nghĩ ra một khái niệm trừu tượng mơ hồ nhất, khó nắm nhất và khái quát nhất, có thể bao quát một số lượng sự kiện lớn nhất, và nói rằng khái niệm trừu tượng này chính là mục đích của sự vận động của nhân loại. Những khái niệm trừu tượng thông thường nhất là khái quát nhất được hầu hết các sử gia chấp nhận là: tự do, bình đẳng., tiến hoá, văn minh, văn hoá, giáo dục. Sau khi đã cho mục đích cuộc vận động của nhân loại là một khái niệm trừu tượng nào đó trong số những khái niệm trừu tượng này, các sử gia nghiên cứu những nhân vật đã để lại nhiều kỷ niệm nhất, vua chúa, bộ trưởng, tướng tá, các tác gia, các nhà cải cách, các giáo hoàng, các nhà báo, nhưng chỉ trong chừng mực mà theo y học các nhân vật này đã góp phần ủng hộ khái niệm trừu tượng này hay chống lại nó. Nhưng vì không có gì chứng minh rằng mục đích của nhân loại là tự do, bình đẳng, giáo dục hay văn minh, và vì mối liên hệ giữa quần chúng với những người cầm quyền và những nhà cải cách của nhân loại chỉ căn cứ vào một giả thiết độc đoán cho rằng toàn bộ những ý muốn của quần chúng bao giờ cũng trao cho những nhân vật được chúng ta chú ý nhất, cho nên hoạt động của hàng triệu con người đã di chuyển, đốt nhà, bỏ việc đồng áng, chém giết lẫn nhau, quyết không bao giờ có thể thấy được thể hiện trong những sách vở miêu tả hoạt động của một chục nhân vật là những kẻ không đốt nhà, không cày cấy, không chém giết lẫn nhau.
     
Mỗi một trang sử đều chứng minh điều đó. Cuộc vận động của các dân tộc ở phương Tây vào cuối thế kỷ vừa qua và việc họ muốn tiến về phương Đông phải chăng có thể cắt nghĩa bằng hoạt động của Louis XIV, của Louis XV, của Louis XVI, của những cô tình nhân, của những ông bộ trưởng của họ, bằng thân thể của Napoléon của Russeau, của Didro, của Bomarse và của những nước khác?
     
Cuộc vận động của dân tộc Nga về phía Đông, về phía Kazan và Sibiri phải chăng có thể cắt nghĩa bằng những chi tiết trong cái tính cách bệnh tật của Ivan IV và bằng những thư từ ông ta trao đổi với Kurxki?
     
Cuộc vận động của các dân tộc trong thời kỳ Thập tự chinh phải chăng có thể cắt nghĩa bằng lịch sử của thân thế của những Godfrue(3) của những Saint-Louis và các công nương của họ? Đối với chúng cuộc vận động này của các dân tộc từ phương Tây sang phương Đông, không mục đích, không có người cầm đầu, với một đoàn người lang thang, với Piere ẩn sĩ(2), vẫn là một điều kiện không thể hiểu được. Và có một điều còn khó hiểu hơn nữa là cuộc vận động này dừng lại khi những người lãnh đạo của nó đã đưa ra cho Thập tự quân một mục đích hợp lý và thiêng liêng là giải phóng Jerusalem. Các giáo hoàng, các vị vua và các hiệp sĩ cổ vũ nhân dân giải phóng đất Thánh, nhưng nhân dân không đi bởi vì cái nguyên nhân bí ẩn trước đây đã khiến cho họ đi giờ không còn nữa.
     
Lịch sử của những Godfrue và những người hát rong dĩ nhiên không thể nào bao quát được đời sống các dân tộc. Và trái lại, lịch sử của đời sống và các dân tộc và của những yếu tố thúc đẩy họ vẫn là một điều chưa được biết đến.
       
Lịch sử các nhà văn và các nhà cải cách lại còn ít cắt nghĩa được đời sống của các dân tộc hơn nữa.
       
Văn hoá sử cắt nghĩa cho chúng ta những động cơ, những điều kiện sinh hoạt và những ý nghĩ của một nhà văn hoá hay một nhà cải cách. Chúng ta biết rằng Luyte là người hay nổi nóng, và đã nói một số câu nào đấy, chúng ta biết rằng Russeau có tính đa nghi và đã viết những quyển sách nào đấy, nhưng chúng ta vẫn không biết tại sao, sau cuộc cải cách tôn giáo các dân tộc lại giết nhau và tại sao trong cuộc Cách mạng Pháp người ta lại xử tử nhau như vậy.

==========================================================

Chú thích:

(1) Napoléon III (1808-1873) cháu gọi Napoléon I bằng chú. Làm chủ tịch nước Pháp cộng hoà sau khi cách mạng 1848 thất bại. Bị phế truất sau khi Pháp bị Phổ đánh bại năm 1870.

(2) Louis XIV vua Pháp cai trị từ 1643 đến 1715, Ivan IV vua Nga từ 1533 đến 1584. Louis XIV vua Pháp từ 1774 bị cách mạng Pháp xử tử năm 1793. Charles I vua Anh từ 1600 đến 1649 bị cách mạng xử tử năm 1649

(3) Godfue, người lãnh đạo cuộc Thập tự chinh thứ nhất

(4) Piere ẩn sĩ - tu sĩ Pháp cổ động cho cuộc Thập tự chinh thứ nhất.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Hai, 2011, 11:51:59 pm
Phần XVII
Chương - 5

Đời sống của các dân tộc không nằm gọn trong đời sống của một vài người, bởi vì người ta vẫn chưa tìm ra được mối hên hệ giữa số người này với các dân tộc. Lý thuyết cho rằng mối liên hệ năy căn cứ vào sự trao đổi gửi toàn bộ ý muốn của quần chúng vào một nhân vật nhất định chỉ là một giả thiết không được kinh nghiệm lịch sử xác nhận.

Lý thuyết này có lẽ cắt nghĩa được nhiều việc thuộc lĩnh vực luật học và, có lẽ nó cần thiết đối với những mục đích của ngành khoa học này, nhưng nếu đem ứng dụng vào lịch sử thì ta thấy rằng hễ xảy ra những cuộc cách mạng, những cuộc chinh phục, những cuộc nội chiến, hễ lịch sử bắt đầu, là lý thuyết này không cắt nghĩa được gì nữa.

Lý thuyết này có vẻ không thể bác được chính vì hành động trao gởi ý muốn của quần chúng là một hành động không thể kiểm nghiệm được.

Dù cho biến cố xảy ra là biến cố gì, dù người lãnh đạo biến cố lãnh đạo là ai, thì lý thuyết kia bao giờ cũng có thể nói rằng con người lãnh đạo biến cố này chính vì toàn bộ ý muốn đã được trao là biểu hiện của thời đại của họ.

Lý thuyết trao gửi ý muốn của quần chúng vào những nhân vật lịch sử chỉ là một lối giải thích quanh co, chỉ là một cách nêu lại vấn đề bằng những danh từ khác mà thôi.
Nguyên nhân của các biến cố lịch sử là cái gì? - Là quyền lực.
     
Quyền lực là cái gì? - Là tổng số những ý muốn trao gửi cho một nhân vật duy nhất. Ý muốn của quần chúng được trao cho một nhân vật duy nhất với những điều kiện nào? - Với điều kiện con người này biểu hiện ý muốn của toàn thể, nghĩa ỉà biểu hiện loại.

Nói khác đi, quyền lực là một danh từ mà chúng ta không thể hiểu ý nghĩa được.
     
Nếu lĩnh vực của tri thức loài người chỉ là giới hạn trong tư duy trừu tượng mà thôi, thì nhân loại sau khi phê phán cách giải thích về quyền lực mà khoa học đưa ra, sẽ đi đến kết luận rằng quyền lực chẳng qua là một danh từ suông, chứ trong thực tế không tồn tại.

Nhưng để nhận thức các hiện tượng ngoài tư duy trừu tượng, con người còn có một công cụ khác là kinh nghiệm, mà nó dùng để kiểm tra những kết quả của tư duy. Và kinh nghiệm nói rằng quyền lực không phải là một danh từ suông mà là một hiện tượng tồn tại thực sự.
     
Chưa kể là không có sự miêu tả nào về hoạt động tập thể của con người lại có thể không dùng đến khái niệm quyền lực, sự tồn tại của quyền lực đã được lịch sử cũng như việc quan sát các biến cố hiện đại chứng minh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Hai, 2011, 11:52:59 pm
Mỗi khi diễn ra một biến cố, bao giờ cũng thấy một người hay nhiều người xuất hiện và biến cố ấy có vẻ như diễn ra theo ý muốn của họ. Napoléon II ra lệnh, thế là người Pháp đi Mexico. Vua nước Phổ và Bismac ra lệnh, thế là quân đội của ông ta tiến vào nước Nga.  Alekxandr ra lệnh, thế là người Pháp phục tùng dòng họ Bourbon. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng bất kỳ một biến cố như thế nào diễn ra, bao giờ nó cũng gắn liền với ý muốn của một hay những người đã ra lệnh thực hiện nó.
   
Theo thói quen cũ tin rằng có sự can thiệp của thần linh vào công việc của loài người, các sử gia muốn tìm nguyên nhân của một biến cố ở ý muốn của một nhân vật nắm quyền lực, những quan niệm này không được lý luận cũng như kinh nghiệm xác nhận.
     
Một mặt thì sự suy luận cho thấy rằng sự biểu hiện ý chí của một người, tức là những lời nói của người ấy - chỉ là một bộ phận của hoạt động chung được biểu hiện trong một biến cố, chẳng hạn trong một cuộc chiến tranh hay một cuộc cách mạng.
   
Do đó, nếu không thừa nhận sự tồn tại của một sức mạnh không thể hiểu được, siêu tự nhiên, tức là sự tồn tại của phép thần thông, thì người ta không hể thừa nhận rằng lời nói có thể là nguyên nhân trực tiếp của sự vận động của hàng triệu con người. Một mặt khác, dù có thừa nhận rằng lời nói có thể là nguyên nhân của một biến cố thì lịch sử cũng cho thấy ràng sự biểu hiện ý chí của những nhân vật lịch sử trong nhiều trường hợp không gây nên một tác dụng gì, nghĩa là không những mệnh lệnh của họ không được thực hiện mà nhiều khi sự việc xảy ra còn trái hẳn với mệnh lệnh của họ.
     
Nếu không thừa nhận sự can thiệp của thần linh và các công việc của nhân loại thì ta không thể nào xem quyền lực là nguyên nhân của các biến cố.

Quyền lực, xét về mặt kinh nghiệm, chỉ là mối lệ thuộc giữa sự biểu hiện ý muốn của một nhân vật và việc những con người khác thi hành ý muốn ấy.

Để cắt nghĩa những điều kiện của mối lệ thuộc này, trước hết ta phải phục hồi khái niệm biểu hiện ý muốn bằng cách ứng dụng nó cho con người chứ không phải cho thần linh.

Nếu thần linh ra lệnh biểu hiện ý muốn của mình, như lịch sử cổ đại thường cho thấy, thì sự biểu hiện ý muốn này không lệ thuộc vào thời gian, cũng không do một cái gì gây ra cả, bởi vì thần linh không có liên hệ gì với biến cố. Nhưng khi nói đến những mệnh lệnh tức là những sự biểu hiện ý muốn của những con người hoạt động trong thời gian và bị ràng buộc với nhau, thì muốn cắt nghĩa mối liên hệ giữa các mệnh lệnh với các biến cố, ta cần phải phục hồi:

1. Điều kiện của tất cả những việc đã xảy ra, tức là sự vận động liên tục trong thời gian của những biến cố cũng như của con người đã ra lệnh và
   
2. Điều kiện của mối liên hệ tất yếu giữa người ra lệnh và những kẻ thi hành mệnh lệnh của người ấy.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Hai, 2011, 11:54:02 pm
Phần XVII
Chương - 6

Chỉ có ý muốn của một vị thần linh không lệ thuộc vào thời gian mới có thể ảnh hưởng đến cả một loạt biến cố xảy ra trong vòng vài năm hay vài thế kỷ, chỉ có thần linh mới có thể dùng ý, nghĩa muốn của riêng mình để quy định phương hướng vận động của nhân loại mà không bị cái gì hạn chế. Trái lại, con người hoạt động trong thời gian và bản thân nó tham dự vào các biến cố.
   
Trong khi khôi phục lại điều kiện thứ nhất bị bỏ qua, tức là điều kiện thời gian, ta sẽ thấy rằng không có một mệnh lệnh nào có thể được thực hiện nếu không có một lệnh lệnh đi trước khiến cho nó có thể thực hiện được.
 
Không bao giờ một mệnh lệnh nào xuất hiện một cách tự phát và chứa đựng cả một loạt biến cố mà mệnh lệnh nào cũng xuất phát từ một mệnh lệnh khác, và không bao giờ liên quan đến cả một loạt biến cố mà chỉ liên quan đến một giây phút duy nhất của biến cố.
   
Chẳng hạn ta nói Napoléon ra lệnh cho quân đội xuất chinh, tức là ta đã quy lại trong một lệnh duy nhất được ban bố trong một giây phút nhất định, cả một loạt mệnh lệnh kế tiếp nhau và lệ thuộc vào nhau. Napoléon không thể ra mệnh lệnh xuất chinh sang Nga và không bao giờ ra mệnh lệnh ấy. Hôm nay ông ta ra mệnh lệnh gửi những công văn nào đó đến Viên, đến Bá linh, đến Petersburg, hôm sau ông ta lại chuyển những sắc lệnh và những nhật lệnh nào đó đến quân đội, đến cục quân nhu v.v… Ông ta đã ra hàng triệu mệnh lệnh trong đó có cả một loạt mệnh lệnh tương ứng với một loạt biến cố đã đưa quân đội Pháp đến nước Nga.
   
Trong suốt thời gian trị vì, Napoléon ra những mệnh lệnh về cuộc viễn chinh sang Anh, ông ta chưa bao giờ hao phí nhiều tâm lực và thời gian như vậy cho bất kỳ kế hoạch nào khác, tuy vậy trong suốt thời gian trị vì, ông ta không bao giờ thực hiện kế hoạch ấy. Trái lại, ông ta đã thực hiện cuộc viễn chinh sang Nga, mặc dầu ông ta thường phát biểu rằng liên minh với nước Nga là có lợi. Sở dĩ như vậy là vì những mệnh lệnh của ông về nước Anh, không phù hợp với cả một loạt biến cố, trái lại những mệnh lệnh về nước Nga thì lại phù hợp.
     
Muốn cho những mệnh lệnh được chấp hành một cách chắc chắn thì nó phải được ban ra dưới một hình thức có thể thực hiện được. Nhưng không thể nào biết được cái gì là có thể thực hiện hay không thể thực hiện, không những đối với cuộc viễn chinh của Napoléon chống lại nước Nga, trong đó có hàng triệu người tham dự, mà ngay cả đối với một biến cố ít phức tạp nhất cũng vậy bởi vì trong cả hai trường hợp này việc thực hiện bao giờ cũng có thể gặp hàng triệu trở ngại. Bên cạnh một mệnh lệnh được thực hiện bao giờ cũng có một số lớn mệnh lệnh không được thực hiện. Tất cả những mệnh lệnh không thể thực hiện đều không liên quan đến biến cố và không được chấp hành. Chỉ có những mệnh lệnh có thể thực hiện mới gắn liền với nhau làm thành một loạt mệnh lệnh nhất trí với nhau, tương ứng với các biến cố, và được chấp hành.
     
Sở dĩ ta có quan niệm sai lầm cho rằng mệnh lệnh đi trước biến cố và là nguyên nhân khiến cho biến cố xảy ra là vì khi biến cố xảy ra và trong số hàng nghìn mệnh lệnh được ban ra, chỉ có những mệnh lệnh liên quan không được chấp hành bởi vì không thể nào chấp hành được. Ngoài ra, nguyên nhân chính khiến chúng ta sai lầm về mặt này là trong cách trình bày của sử học, cả một loạt gồm vô số những biến cố khác nhau hết sức nhỏ nhặt, chẳng hạn tất cả những biến cố đã đưa quân đội Pháp đến nước Nga, đều bị khái quát hoá thành một biến cố duy nhất dựa vào kết quả của những biến cố kia và cứ theo lời khái quát hoá ấy người ta quy cả một loạt mệnh lệnh thành một sự biểu hiện ý muốn duy nhất.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 03 Tháng Hai, 2011, 11:55:48 pm
Chúng ta nói: Napoléon muốn và được thực hiện cuộc viễn chinh sang Nga. Nhưng thật ra, trong toàn bộ hoạt động của Napoléon, ta sẽ không tìm thấy có cái gì giống như sự biểu hiện của ý muốn ấy, trái lại ta sẽ thấy những loạt mệnh lệnh hay những loạt biểu hiện ý muốn của ông ta, có những phương hướng hết sức đa dạng, hết sức mơ hồ. Trong vô số những mệnh lệnh của Napoléon có một loạt mệnh lệnh nhất định đã được chấp hành, nhằm tiến hành cuộc viễn chinh năm 1812, không phải vì những mệnh lệnh này có gì khác những mệnh lệnh không được chấp hành, mà chỉ vì loạt mệnh lệnh này đã phù hợp với một loạt biến cố đã đưa quân đội Pháp sang Nga. Điều đó cũng giống như khi dùng một cái khuôn dùng để vẽ hình, người ta có được hình này hay hình khác không phải vì người ta đã bôi màu ở một chỗ nào đó, theo một cách thức nào đó, mà w người ta đã lấy màu bôi lên khắp khuôn.
     
Do đó, khi ta quan sát quan hệ giữa các mệnh lệnh với các sự kiện ở trong thời gian, ta sẽ nhận thấy rằng một mệnh lệnh không bao giờ có thể là nguyên nhân của một biến cố, nhưng ở giữa hai cái đó có một mối liên hệ lệ thuộc nhất định.
     
Để hiểu rõ mối quan hệ này là cái gì, cần phải khôi phục một điều kiện khác, đã bị bỏ qua. Khi nói đến bất kỳ mệnh lệnh gì không phải do thần linh mà chính do con người ban bố, đó là việc bản thân con người ra mệnh lệnh cũng tham gia vào biến cố.
     
Chính mối quan hệ giữa người ra mệnh lệnh và những người chấp hành mệnh lệnh là cái mà người ta gọi là quyền lực. Nội dung của mối quan hệ ấy như sau:
     
Để cùng hoạt động, con người bao giờ cũng tập hợp lại thành những tập thể nhất định, trong mỗi tập thể tuỳ mỗi con người có một mục đích khác nhau nhưng quan hệ giữa người tham gia hành động bao giờ cũng giống nhau.
     
Trong khi tập hợp lại như vậy, giữa những con người ấy bao giờ cũng có mối quan hệ khiến đại đa số tham gia một cách trực tiếp nhất còn thiểu số tham gia một cách ít trực tiếp nhất và hành động chung đã khiến họ phải tập hợp.
     
Trong tất cả các tập thể mà con người lập nên để thực hiện những hành động chung, một tập thể rõ nét nhất và minh xác nhất là quân đội.
     
Quân đội nào cũng gồm những thành phần thấp nhất về quân hàm, đó là binh sĩ, họ bao giờ cũng là tối đại đa số, rồi đến người trên họ một bậc là các hạ sĩ, các trung sĩ, với số lượng ít hơn, rồi đến những cấp cao hơn, với một số lượng còn ít hơn nữa, và cứ như thế cho đến quyền chỉ huy tốl cao tập trung vào một nhân vật duy nhất.

Tổ chức quân sự có thể biểu trưng một cách hoàn toàn chính xác bằng một hình nón mà đáy là binh sĩ, những tiết diện ở trên đáy là những cấp bậc của quân đội theo thứ tự từ thấp đến cao và cứ thế cho đến đỉnh chóp của hình nón là vị tổng chỉ huy.
   
Binh sĩ, vốn chiếm tối đại đa số, là những điểm thấp của hình nón và cơ sở của nó. Binh sĩ trực tiếp đâm, chém, đốt nhà, cướp của và bao giờ họ cũng nhận được lệnh làm những việc ấy do những cấp trên ban ra, chứ họ không bao giờ ra lệnh. Các hạ sĩ quan (số các hạ sĩ quan đã ít hơn số lính) trực tiếp hành động ít hơn binh sĩ, nhưng họ đã có ra lệnh. Sĩ quan còn ít tham dự vào hành động trực tiếp hơn và ra lệnh nhiều hơn. Viên tướng chỉ huy cách hành quân, chỉ định mục tiêu cho quân đội và hầu như không bao giờ dùng đến vũ khí. Còn vị tổng tư lệnh thì không bao giờ tham dự trực tiếp vào hành động mà chỉ đưa ra những mệnh lệnh chung về cách vận chuyển của đại quân. Quan hệ này giữa người với người cũng thấy có trong mọi tập đoàn lập nên nhằm thực hiện một hành động chung trong nông nghiệp, trong thương nghiệp hay trong bất kỳ công việc gì.
     
Như vậy, không cần phải tăng thêm một cách giả tạo những tiết diện ngang của hình nón, tức là tăng thêm tất cảnhững cấp bậc của quân đội hày tất cả những chức tước và địa vị của bất kỳ cơ quan nào, hay của bất kỳ tổ chức tập thể nào, từ dưới lên trên ta đều thấy cái quy tắc sau đây: để thực hiện một hành động chung, con người bao giờ cũng phải ở trong một mối quan hệ nhất định biểu hiện ở chỗ những người càng tham dự trực tiếp vào hành động thì càng ít có thể chỉ huy và số lượng càng lớn, trái lại những người càng ít tham dự trực tiếp vào hành động thì càng chỉ huy nhiều hơn và số lượng nhỏ hơn. Ta cứ đi từ thấp lên cao như vậy cho đến con người duy nhất và cuối cùng là con người tham dự ít nhất vào biến cố và quyền ban bố mệnh lệnh nhiều hơl tất cả những người khác.
     
Chính quan hệ này giữa những người chỉ huy và những người bị chỉ huy là thực chất của cái khái niệm mà ta gọi là quyền lực.
     
Trong khi khôi phục lại những điều kiện thời gian trong đó các biến cố xảy ra, ta đã nhận thấy rằng một mệnh lệnh chỉ được chấp hành khi có liên quan đến cả một loạt biến cố tương ứng. Và trong khi khôi phục lại điều tất yếu của mối quan hệ giữa người ra lệnh với người chấp hành, ta thấy rằng những người ra lệnh, do chính bản chất của họ, ít tham dự vào biến cố hơn và hoạt động của họ chỉ thuần tuý hướng vào việc ra mệnh lệnh.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:12:32 pm
Phần XVII
Chương - 7

Khi một biến cố xảy ra người ta bày ý kiến và ước mong của mình về biến cố này, và vì biến cố bắt nguồn từ hành động chung của nhiều người, nên thế nào cũng có một ý kiến hay một ước mong được thực hiện, ít nhất là một cách đại khái. Khi một ý kiến phát biểu được thực hiện, trong trí óc ta ý kiến này gắn liền với biến cố, và được coi là mệnh lệnh đi trước biến cố ấy.
   
Mấy người kéo một cây gỗ. Mỗi người phát biểu ý klến của mình về cách kéo nó và nơi đặt nó. Công việc đã xong và người ta thấy nó được tiến hành như một người trong bọn đã nói. Thế nghĩa là người này đã ra lệnh: mệnh lệnh và quyền lực ở dạng nguyên thuỷ của nó là như vậy.

Kẻ làm việc bằng tay nhiều hơn thì có thể ít suy nghĩ đến việc mmh làm hơn, ít suy tính đến kết quả của hành động chung hơn, và ít ra lệnh hơn. Người nào chỉ huy nhiều hơn thì dĩ nhiên có thể ít vận dụng đôi tay hơn, vì anh ta chuyên dùng ngôn ngữ. Số người tập trung để hướng hoạt động của họ vào một mục đích duy nhất càng đông, thì càng nổi bật những hạng người ít tham dự trực tiếp vào những hoạt động chung và hoạt động của họ càng hướng vào việc ra mệnh lệnh.
     
Khi một con người hoạt động đơn độc thì bao giờ nó cũng có một số lý do, mà nó cho là đã chỉ huy hoạt động trước đây của nó, biện hộ cho hoạt động hiện tại của nó và hướng dẫn nó trong việc dự định những hành động sau này. Các tập thể người cũng làm đúng như vậy, khi giao cho những người không tham gia hành động cái nhiệm vụ nghĩ ra những nguyên do, những lý lẽ để biện hộ và những dự định cho hành động chung của họ.
   
Vì những lý do mà ta biết rõ hay không biết rõ, người Pháp bắt đầu dìm nhau chết đuối và chém giết nhau. Thế rồi biến cố kéo theo cách biện hộ của nó: đó là sự biểu hiện ý muốn của những con người cho rằng điều đó là quyền lợi của nước Pháp, cho tự do, và bình đẳng. Người ta thôi giết nhau, và biến cố này kéo dài theo cách biện hộ của nó: đó là sự cần thiết phải tập trung quyền lực, phải chống lại châu Âu v.v… Người ta đi từ Tây sang Đông để tàn sát đồng loại, và những biến cố này kéo theo những lý lẽ biện hộ nói về vinh quang của nước Pháp về sự hèn hạ của nước Anh v.v… lịch sử đã cho thấy rằng những cách bào chữa cho các biến cố như vậy không có một giá trị khách quan nào hết, nó mâu thuẫn với bản thân cũng nhự nói rằng giết người là để bảo vệ nhân quyền, tàn sát hàng triệu con người ở nước Nga là để làm nhục nước Anh. Nhưng những lời biện hộ này đối với những người đường thời có một tác dụng không thể thiếu được. Những lời biện hộ này làm cho những người đã gây ra các biến cố khỏi chịu trách nhiệm về tinh thần.
Những mục đích tạm thời này cũng giống như cái gạt đặt ở phía trước đầu máy tàu hoả để dọn đường sắt: nó dọn đường cho trách nhiệm tinh thần của con người. Nếu không có những lời biện hộ này thì người ta không thể trả lời câu hỏi đơn giản nhất được nêu ra khi xét đến bất kỳ biến cố gì: tại sao hàng triệu con người lại có thể phạm những tội ác tập thể, chiến tranh, tàn sát v.v?
     
Trong những hình thức sinh hoạt chính trị và xã hôi phức tạp ở châu Âu có thể nào tưởng tượng một biến cố nào mà lại không được các quốc vương, các bộ trưởng, các quốc hội, các báo chí, dự kiến, chị thị, ra lệnh? Có thể nào có một hoạt động tập thể mà lại không tìm thấy lý dữ biện hộ cho nó trong sự thống nhất của quốc gia, trong nhiệm vụ bảo vệ văn minh, trong thế quân bình của châu Âu, kết quả là bất kỳ biến cố nào đã xảy ra cũng đều phù hợp với một nguyện vọng được phát biểu, và một khi đã được biện hộ, thì nó được xem xét như sản phẩm của ý muốn một người hay nhiều người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:13:11 pm
Bất kỳ chiếc tàu thuỷ đi về hướng nào bao giờ người ta cũng thấy ở trước tàu những làn sóng bị chiếc tàu rẽ ra. Đối với những người đứng trên tàu thì sự vận động của những làn sóng này sẽ là sự vận động duy nhất có thể thấy được.
     
Chỉ khi nào quan sát gần, từng thời từng khắc; sự vận động của những làn sóng ấy và so sánh nó với sự vận động của chiếc tàu thì ta mới hiểu rằng sự vận động của mỗi làn sóng lúc nào cũng bị sự vận động của chiếc tàu quy định và sở dĩ ta lầm là vì ta không thấy mình đang chuyển động.
     
Ta cũng sẽ thấy như vậy nếu theo dõi từng bước sự vận động của các nhân vật lịch sử (tức là nếu ta phục hồi lại điều kiện tất yếu của tất cả những gì đã xảy ra: tính liên tục của sự vận động trong thời gian) mà không bỏ qua mối liên hệ tất yếu giữa nhân vật lịch sử với quần chúng.

Khi chiếc tàu vẫn đi theo một hướng duy nhất thì ở đằng trước vẫn thấy có một làn sóng như cũ nổi lên, khi nó đổi hướng luôn thì những làn sóng chạy ở trước mũi cũng đổi hướng luôn. Nhưng bất kỳ nó quay vể hướng nào, ở phía trước bao giờ cũng sẽ có một làn sóng.
     
Dù có việc gì xảy ra, bao giờ ta cũng thấy đó là việc đã được dự kiến và được ra lệnh. Dù cho chiếc tàu đi về hướng nào nhưng làn sóng tuy không chỉ huy mà cũng làm cho sự vận động của chiếc tàu nhanh hơn, vẫn cuộn lên ở trước mũi tàu, và nếu đứng ở đằng xa mà nhìn thì sẽ tưởng rằng không những nó có một sự vận động độc lập mà chính nó đã chỉ huy sự vận động của chiếc tàu.
     
Vì chỉ nghiên cứu những biểu hiện ý muốn nào của các nhân vật lịch sử, ta có thể coi là những mệnh lệnh đối với các biến cố, các sử gia tưởng rằng các biến cố lệ thuộc vào những mệnh lệnh này. Nhưng nếu quan sát bản thân của các biến cố và mối liên hệ giữa các nhân vật lịch sử với quần chúng thì ta nhận thấy nhân vật lịch sử cũng như mệnh lệnh của họ đều lệ thuộc vào các biến cố.
     
Chứng cớ hiển nhiên của kết luận này là dù có bao nhiêu mệnh lệnh chăng nữa, biến cố vẫn không xảy ra, bất luận đó là biến cố gì - thì trong số những ý muốn không ngừng được các nhân vật phát biểu ra thế nào cũng sẽ có những ý muốn mà cứ xét ý nghĩa và thời gian thì có thể coi là những mệnh lệnh đối với biến cố này.

Khi đã đi đến kết luận này, ta có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng và chắc chắn về hai vấn đề chủ yếu của lịch sử:
     
1. Quyền lực là gì?
     
2. Sức mạnh gì gây nên sự vận động của các dân tộc?
     
1. Quyền lực là mối quan hệ của một nhân vật nhất định với những nhân vật khác dưới những hình thức dưới đây: một nhân vật càng ít tham dự vào hành động thì càng phát biểu nhiều ý kiến, nhiều giả định và nhiều cách biện hộ chung cho hành động đang tiến hành.
     
2. Sự vận động của các dân tộc không phải là sản phẩm của quyền lực cũng như của hoạt động trí tuệ, thậm chí cũng không phải là sản phẩm của sự kết hợp giữa hai nhân tố này, như các sử gia vẫn tưởng, mà là hoạt động của tất cả những người đã tham dự vào biến cố và họ bao giờ cũng tập hợp lại dưới hình thức này: những người tham dự trực tiếp nhất vào biến cố là những người ít chịu trách nhiệm nhất và ngược lại.
     
Xét về mặt tinh thần thì nguyên nhân của biến cố dường như là quyền lực, xét về mặt vật chất, thì những người phục tùng quyền lực dường như là nguyên nhân của biến cố. Nhưng vì hoạt động tinh thần không thể quan niệm được nếu không có hoạt động vật chất, cho nên nguyên nhân của biến cố không nằm trong hoạt động tinh thần, cũng không nằm trong hoạt động vất chất mà chính là nằm trong sự kết hợp của cả hai.
   
Hay nói khác đi, khái niệm nguyên nhân không thể áp dụng cho hiện tượng đang được xét. xét cho cùng, ta đi đến cái vòng luẩn quẩn muôn thuở đi đến biên giới cuối cùng mà trí tuệ con người đạt đến trong bất kỳ lĩnh vực nào của tư tưởng, nếu nó không đối đầu với đối tượng của nó: Điện tạo ra sức nóng, sức nóng tạo ra điện. Các nguyên tở hút nhau, các nguyên tử đẩy nhau.
     
Khi nói đến tác dụng đơn giản nhất của nhiệt, của điện hay của các nguyên tử, ta không thể nói cái gì là nguyên nhân, cho nên ta nói rằng bản chất của các hiện tượng này là như vậy, rằng đó là quy luật cảa nó. Đối với các hiện tượng lịch sử, vấn đề cũng như vậy.
Tại sao lại xảy ra một cuộc chiến tranh hay một cuộc cách mạng?
     
Ta không biết, ta chỉ biết rằng để thực hiện một hành động nào đó, người ta tập hợp thành một tập thể nào đó mà mọi người đều tham dự, thế rồi ta nói rằng bản chất của con người là như vậy, rằng đó là quy luật


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:14:01 pm
Phần XVII
Chương - 8

Nếu lịch sử chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu những hiện tượng bên ngoài thì nó chỉ cần nêu lên cái quy luật đơn giản và hiển nhiên ấy là đủ rồi, và cuộc biện luận của chúng ta đã kết thúc. Nhưng quy luật của lịch sử lại liên quan đến con người. Một phân tử vật chất không thể nói với chúng ta rằng nó hoàn toàn không cảm thấy có nhu cầu hấp dẫn hay xô đẩy gì cả, và quy luật này không đúng, trái lại con người là đối tượng của lịch sử lại khẳng định dứt khoát rằng: tôi tự do, và do đó, không lệ thuộc vào các quy luật. Sự có mặt của vấn đề tự do ý chí của con người, tuy không được biểu hiện ra, vẫn có thể nhận thấy ở mỗi bước của lịch sử.
     
Tất cả các sử gia nghiêm túc đều đã vô hình chung đi đến vấn đề này. Tất cả những chỗ mâu thuẫn, những điểm mơ hồ trên con đường sai lầm mà khoa học lịch sử đi theo chẳng qua đều do vấn đề này chưa được giải quyết mà ra. Nếu ý chí của mỗi người đều là tự do, tức nếu mỗi người có thể hành động theo sở thích của mình thì lịch sử sẽ chỉ là một chuỗi những hiện tượng ngẫu nhiên không liên quan gì với nhau.
   
Ngay dù trong số hàng triệu con người sống trong khoảng một ngàn năm chỉ có một người duy nhất có thể hành động tự do, tức là, theo sở thích của mình, thì hiển nhiên là chỉ cần một hành động tự do, trái với quy luàt của người này cũng đủ để thủ tiệu khả năng tồn tại của bất kỳ quy luật nào đối với toàn bộ nhân loại.

Và nếu có một quy luật, dù chỉ là một quy luật thôi, chi phối hành động của con người thì không thể nào không phục tùng quy luật đó
     
Vấn đề tự do ý chí chính đáng là đang lâm vào tình trạng mâu thuẫn này, vấn đề này từ thời cổ đại đã bắt những bộ óc ưu tú nhất của nhân loại phải suy nghĩ, và từ thời cổ đại đã được đặt ra với tất cả tầm quan trọng to lớn của nó.
     
Nội dung vấn đề này là như sau: khi nhìn con người với tính sách một đối tượng để quan sát dù đứng trên quan điểm nào cũng vậy, thần học, lịch sử, đạo đức, triết học, chúng ta đều gặp lại cái quy luật chung của tính tất yếu mà con người cũng như tất cả những gì tồn tại đều phải tập trung. Trái lại, khi nhìn con người qua bản thân mình như một đối tượng ý thức được, thì ta lại cảm thấy mình tự do.

Ý thức này là một cội nguồn để tự nhận thức hoàn toàn riêng biết và không phụ thuộc vào lý trí. Nhờ có lý trí, con người có thể tự quan sát mình, nhưng nó chỉ có thể tự biết mình qua ý thức.
     
Nếu không còn ý thức về mình thì mợi sự quan sát, mọi cách sở dụng lý trí đều không thể quan niệm được.
Để hiểu để quan sát, để kết luận, con người trước hết phải có ý thức rằng mình đang sống.
     
Con người chỉ quan niệm rằng nó tồn tại khi nó có ý muốn, tức là khi nó nhận thức được ý chí của mình. Đã thế, ý chí là thực chất của đời sống cho nên con người nhận thức và ắt phải nhận thức nó như một ý chí tự do.
   
Nếu khi tự quan sát mình, con người thấy rằng ý chí của nó bao giờ cũng hướng theo một quy luật duy nhất và không thay đổi (bất kỳ quan sát nhu cầu ăn uống hay hoạt động của bộ óc, hay bất kỳ cái gì khác), thì nó không thể không quan niệm cái hướng không bao giờ thay đổi này của ý chí của nó là một sự hạn chế đối với ý chí. Cái gì đã không tự do thì cũng không thể nào bị hạn chế. Ta thấy ý chí của con người bị hạn chế chính vì ta không có cách nhận thức nào khác ngoài cách khái niệm rằng ý chí là tự do.
     
Anh nói rằng tôi không tự do. Nhưng tôi đã giơ tay lên và đã hạ nó xuống. Ai cũng biết rằng câu trả lời phi luận lý này chính là bằng chứng không thể bác được của tự do.
     
Câu trả lời này là biểu hiện của ý thức vốn không lệ thuộc vào lý trí.

Nếu nhận thức của ta về tự do không phải là một cội nguồn tự nhận thức không liên quan đến lý trí, thì nó sẽ phục tùng lý luận và kinh nghiệm, nhưng trong thực tế không bao giờ có và không thể quan niệm được một sự phục tùng như vậy.
   
Có nhiều kinh nghiệm và lý luận chứng minh cho mỗi người thấy rằng với tính cách đối tượng khảo sát, họ phải tuân theo những quy luật nhất định. Họ tuân theo và không bao giờ chống lại quy luật hấp dẫn hay quy luật không thẩm thấu một khi họ đã thừa nhận những quy luật ấy. Nhưng cũng chính những kinh nghiệm và lý luận ấy lại chứng minh cho họ thấy rằng cái tự do tuyệt đối mà họ nhận thức được ở bản thân là một điều không thể có, rằng mỗi hành động của họ đều bị quy định bởi cấu tạo của nó, bởi tính cách của họ và những động cơ tác động đến họ, tuy nhiên con người không bao giờ phục tùng những kết luận rứt ra từ những kinh nghiệm và lý luận ấy. Căn cứ vào thực nghiệm và suy luận, con người biết rằng hòn đá rơi theo hướng từ trên xuống dưới, nó hoàn toàn tin điều đó và trong mọi trường hợp nó đều chờ đợi hiệu lực của cái quy luật mà nó đã thừa nhận.
     
Trái, lại, khi đã biết, cũng một cách chắc chắn như vậy, rằng ý chí của mình cũng phục tùng những quy luật, thì con người vẫn không tin và không thể nào tin điều đó.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:14:31 pm
Thực nghiệm và lý luận tha hồ chứng minh cho con người thấy rằng trong những điều kiện như cũ với một tính cách như cũ, nó sẽ hành động hệt như nó đã hành động trước đấy. Khi nào nó sắp làm một hành động lần thứ một nghìn trong những điều kiện như cũ với một tính cách như cũ (một hành động bao giờ cũng được đưa đến một kết quả như nhau), nó cũng vẫn cảm thấy một cách chắc chắn rằng nó có thể làm theo sở thích của mình như trước khỉ thực nghiệm. Bất kỳ người nào, người dã man cũng như nhà tư tưởng, du lý luận và thực nghiệm đã chứng minh cho họ một cách không thể chối cãi rằng không thể nào quan niệm có hai hành động khác nhau trong những điều kiện như nhau, họ vẫn cảm thấy không thể nào quan niệm được sự sống nếu không có cái quan niệm vô lý ấy. Vì quan niệm ấy vốn là thực chất của tự do. Họ vẫn cảm thấy rằng dù cho điều đó không thể thực hiện được, nó vẫn tón tại, bởi vì nếu không có cách quan niệm này về tự do thì không những họ không hiểu được cuộc sống mà thậm chí còn không thể sống được một khoảnh khắc.

Không thể sống được vì tất cả những khát vọng của con người, tất cả những động cơ thúc đẩy nó sống chẳng qua ià những khát vọng nhằm tăng thêm quyền tự do của nó. Giàu có hay nghèo khổ, vinh quang hay mai một, nắm quyền lực hay phải phục tùng, cường tráng hay yếu ớt, lành mạnh hay đau ốm, học thức hay ngu dốt, lao lực hay an nhàn, no nê hay đói khát, đạo đức hay tội lỗi, chẳng qua chỉ là những trình độ khác nhau của tự do.
     
Muốn hình dung một con người không có tự do chỉ có cách hình dung là con người ấy không còn sống nữa.
Nếu đối với lý chí, khái niệm tự do là một điều mâu thuẫn phi lý cũng như cho rằng có thể thực hiện hai hành động khác nhau trong những điều kiện như nhau, hay một hành động không có nguyên nhân, thì điều đó chỉ chứng mình rằng ý thức không phục tùng ý chí.
   
Chính cái nhận thức này về tự đo, một nhận thức không thể lay chuyển, không thể bác bỏ, không thể phục tùng kinh nghiệm và lý luận, đã được tất cả các tư tưởng gia thừa nhận và được mọi người cảm thấy, không trừ một ai, chính cái ý thức mà không có nó thì không thể nào quan niệm được con người, đã làm thành mặt kia của vấn đề.
     
Con người là một vật do đấng Thượng đế toàn năng toàn thiện toàn chí sáng tạo ra. Vậy tội lỗi là gì, một khi khái niệm tổi lỗi là xuất phát từ ý thức của con người về quyền tự do của hắn? Đó là vấn đề do thần học đặt ra. Hành động của con người phục tùng những quy luật chung, bất biến, được khoa thống kê học ghi lại, vậy trách nhiệm của con người trước xã hội là gì, một khi khái niệm này xuất phát từ ý thức của con người về quyền tự do của mình? Đó là vấn đề do pháp luật đặt ra.
   
Hành động của con người xuất phát từ tính chất bẩm sinh của nó và những động cơ đã tác động đến nó. Vậy thế nào là lương tâm, là ý thức về cái thiện, về cái ác, trong những hành động xuất phát từ ý thức của con người về quyền tự do? Đó là vấn đề do luân lý đặt ra.
   
Con người, nếu xét trong mối liên hệ với đời sống chung của nhân loại, phải phục tùng những những quy luật chi phối cuộc sống ấy. Nhưng cũng con người, nếu không kể đến mối liên hệ đó thì lại là tự do. Đời sống quá khữ của các dân tộc và của nhân loại cần phải được quan niệm như thế nào? Như là sản phẩm của hoạt động tự do hay là của hoạt động bị chi phối của con người? Đó là vấn đề do lịch sử đặt ra.
     
Mãi đến cái thời của trí thức phổ cập, cái thời đại đầy tự phụ của chúng ta, nhờ cái công cụ mạnh mẽ nhất của sự dốt nát là máy in, vấn đề tự do của ý chí mới bị đẩy lùi lại một địa hạt mà bản thân nó không thể nào tồn tại. Trong thời đại chúng ta ngày nay, phần lớn những con người gọi là tiên tiến chỉ là một đám người ngu dốt tưởng đâu rằng những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên là cách giải quyết toàn bộ vấn đề, tuy nó chỉ nghiên cứu một mặt của vấn đề mà thôi.
   
Không làm gì có linh hồn và không làm gì có tự do, bởi vì đời sống của con người được thể hiện bằng sự vận đọng của các cơ thịt mà sự vận động của các cơ thịt lại do hoạt động của hệ thần kinh chỉ huy. Không có linh hồn và không có tự do, bời vì ở một thời đại xa xưa nào không rõ, chúng ta đã từ loài khỉ mà ra. Họ nói, họ viết và họ in như vậy và không biết rằng trước đây hàng nghìn năm tất cả các tôn giáo, tất cả các tư lưởng gia, không những đã thừa nhận mà thậm chí không bao giờ phủ nhận quy luật về tính tất yếu mà ngày nay họ ra sức chứng minh một cách nhiệt tình bằng sinh lý học và động vật học so sánh. Họ không thấy rằng vai trò của các khoa học tự nhiên trong vấn đề này chỉ là công cụ để soi sáng một mặt của vấn đề mà thôi. Bởi vì, nếu đứng trên lập trường quan sát, nói rằng lý trí và ý chí là những chất bài tiết (sécrétions) của bộ óc, và con người, trong khi tuân theo quy luật chung, đã có thể phát triển từ một giống động vật hạ đẳng ở một thời kỳ nào chưa rõ thì đó là cắt nghĩa dưới một khía cạnh cái chân lý đã được tất cả các tôn giáo và tất cả các hệ thống triết học thừa nhận cách đây hàng ngàn năm: đó là chân lý nói rằng xét về quan điểm lý trí, con người phục tùng những quy luật của tính tất yếu. Nhưng điều đó vẫn không làm cho việc giải quyết vấn đề tiến lên một bước nào bởi vì vấn đề này còn có một mặt đối lập xây dựng trên ý thức về tự do.
     
Nếu con người phát tnển từ loài khỉ ở một thời kỳ nào chưa rõ, thì điều đó cũng có thể hiểu được như nói rằng nó do một nắm đất sinh ra ở một thời kỳ nhất định (trong trường hợp thứ nhất thì X là thời gian, trong trường hợp thứ hai thì X là nguồn gốc). Nhưng vấn đề lại là ở chỗ ý thức về tự do của con người kết hợp như thế nào với quy luật về tính tất yếu mà nó phục tùng, và vấn đề này không thể giải quyết bằng sinh lý học và động vật học so sánh, bởi vì trong con ếch, con thỏ và con khỉ, ta clủ có thể thấy hoạt động của thần kinh và bắp thịt trái lại trong con người ta thấy ngoài hoạt động của bắp thịt và thần kinh lại còn có cả ý thức nữa.
     
Các nhà khoa học tự nhiên và các tín đô của họ là những người tưởng đâu giải quyết đối với vấn đề này cũng như những anh thợ nề đã nhận được lệnh trát vữa một mặt tường của nhà thờ, nhân lúc người quản đốc vắng mặt, vì quá nhiệt tình, đã trát vữa vào những bậc cửa sổ, những tượng thánh, những dàn cột và những bức tường chưa xây xong rồi vui sướng vì thấy rằng theo quan điểm nghề nghiệp của họ mọi vật đều phẳng phiu và trơn láng.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:15:17 pm
Phần XVII
Chương - 9

So với tất cả những ngành khác của trí thức đã từng tìm cách giải quyết vấn đề tự do và tất yếu, sử học có một ưu thế, đối với nó, vấn đề này không đề cập đến bản chất của ý chí con người mà chỉ đề cập đến cách biểu hiện ý chí ấy trong thời d vãng và trong điều kiện nhất định.
     
Trước vấn đề này, so với các khoa học khác, sử học ô vào địa vị một khoa học thực nghiệm trong khi các ngành khác đều là những ngành khoa học thuần tuý.
     
Đối tượng của lịch sử không phải là bản thân ý chí của con người mà là quan niệm của ta về nó.
     
Chính vì vậy cho nên, đối với sử học không phải như đối với thần học, lo-gich học và triết học, không có điều gì bí mật không thể giải quyết được khi nói đến tính thống nhất của tự do và tất yếu. Sử học nghiên cứu những biểu hiện của đời sống con người, trong đó tính thống nhấy, của hai mâu thuẫn này đã được thực hiện.
     
Trong cuộc sống thực tế, mỗi biến cố lịch sử, mỗi hành động của con người đều được thể hiện một cách hết sức rõ ràng và chính xác không có chút gì mâu thuẫn, mặc dầu biến cố nào cũng dường như có một phần tự do và một phần tất yếu.
     
Để giải quyết vấn đề tự do và tất yếu kết hợp với nhau như thế nào và thực chất của hai khái niệm này là gì, tnết học lịch sử có thể và cần phải đi một con đường đối lập với con đường mà các khoa học đã đi. Nó không nên bắt đầu bằng cách định nghĩa những khái niệm về tự do và tất yếu, rồi đem gò những hiện tượng của cuộc sống vào những cách định nghĩa đó, trái lại sử học cần phải khảo sát một số lượng khổng lồ những hiện tượng thuộc phạm vi của nó và bao giờ cũng xuất hiện trong tình trạng lệ thuộc vào tự do và tất yếu rồi từ đó, rút ra cách định nghĩa hai khái niệm này.
     
Dù quan sát hoạt động của nhiều người hay của một người dưới khái cạnh nào, ta cũng không thể quan niệm cách nào khác hơn là xem nó như sản phẩm của ý chí tự do của con người và đồng thời là sản phẩm của những quy lụất tất yếu.
     
Dù nói đến vấn đề gì - sự di chuyển của các dân tộc và những cuộc xâm lăng của người man di, hay chính sách của Napoléon III hay một hành động của một con người nào đó cách đây một giờ đã dạo chơi theo hướng này chứ không phải theo hướng khác, ta cũng vẫn không thấy có chút gì mâu thuẫn. Phần tự do và phần tất yếu đã chi phối những hành động này, đối với ta, đều được quy định rõ ràng.

Thường thường tuỳ theo quan điểm của ta khi quan sát hiện tượng. Ta sẽ cho nó nặng nề về mặt tự do hay mặt tất yếu, nhưng bao giờ hành động của con người đối với ta cũng chỉ có thể chứa đựng một phần tự đo và một phần tất yếu chử không thể nào khác.
     
Trong mỗi hành động được khảo sát, ta đều thấy có một phần tự do và một phần tất yếu. Và bao giờ cũng vậy, trong bất kỳ hành động nào, ta càng thấy nó có nhiều tính tự do thì lại càng thấy có ít tính tất yếu và ngược lại ta thấy phần tất yếu nhiều thì phần tự do càng ít đi.

Quan hệ giữa tự do và tất yếu tăng hay giảm tuỳ theo quan điểm của người ta khi quan sát hành động, nhưng quan hệ này bao giờ cũng là một tỷ lệ nghịch.
     
Một người sắp chết đuối bám vào một người khác và kéo người ấy chết theo mình; một bà mẹ đói, mệt mỏi vì cho con bú, ăn trộm thức ăn; một người quen kỷ luật, đứng trong hàng ngũ tuân theo mệnh lệnh cấp trên giết một người khác không có khả năng tự vệ, và những người có vẻ nhẹ tội hơn, nghĩa là dưới mắt một người không biết họ đang ở trong những điều kiện như thế nào thì họ ít tự do hơn và phải phục tùng luật tất yếu nhiều hơn, trái lại dưới mắt một người không biết người kia sắp chết đuối, rằng bà mẹ kia đang đói lả, rằng người binh sĩ kia đang ở trong hàng ngũ v.v. thì họ lại có nhiều tự do hơn. Cũng đúng như vậy, một người cách đây hai mươi năm đã phạm tội giết người và từ đấy ở trong xã hội vẫn sống một cuộc đời phẳng lặng không hại đến ai, cũng có vẻ nhẹ tội hơn, dưới mát người xét xử hành động của anh ta sau hai mươi năm, hành động anh ta dường như tuân theo quy luật tất yếu nhiều hơn, trái lại hành động ấy có vẻ tự do hơn đóí với người xét xử nó mộ ngày sau khi nó xảy ra. Về những hành động của một người điên, một người say rượu hay một người bị kích động mạnh, vấn đề cũng như vậy được. Đối với người nào biết rõ trạng thái thần kinh của họ, thì hành động của họ có vẻ ít tự do hơn và lệ thuộc vào tất yếu nhiều hơn, nhưng đối với những người không biết điều đó thì hành động của họ lại có vẻ tự do nhiều hơn và ít tất yếu hơn. Trong tất cả những trường hợp này, khái niệm tự do tăng hay giảm, và khái niệm tất yếu cũng theo đó mà giảm hay tăng là tuỳ theo quan điểm của người xét xử hành động. Kết quả là tính tất yếu càng lớn thì tự do càng ít đi và ngược lại.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:15:57 pm
Tất cả các trường hợp, không trừ một trường hợp nào, trong đó quan niệm của ta về tự do và tất yếu tăng hay giảm, đều chỉ căn cứ trên ba điều:
     
1. Quan hệ giữa con người đã hành động với thế giới bên ngoài.
     
2. Quan hệ giữa con người đó với thời gian.
     
3. Quan hệ giữa con người đó với những nguyên nhân đã gây nên hành động.
     
1. Căn cứ thứ nhất là quan hệ mà ta thấy rõ được ít nhiều giữa con người và thế giới bên ngoài, là một khái niệm rõ rệt đến một mức độ nào đấy về vị trí nhất định của mỗi người đối với tất cả những gì cùng tồn tại đồng thời với nó. Chính vì xuất phát từ căn cứ này cho nên hiển nhiên người sắp chết đuối là ít tự do hơn và phải phục tùng tất yếu nhiều hơn so với người đứng trên đất liền, và hành động của người sống liên hệ chặt chẽ với những người khác trong một khu vực dân cư đông đúc, hành động của một người gắn liền với gia đình, với công việc, với chức vụ mình hiển nhiên, là có vẻ ít tự do hơn và phục tùng tất yếu nhiều hơn so với hành động của một con người cô đơn và độc thân.
     
Nếu ta khảo sát con người một cách đơn độc ở ngoài những quan hệ của nó với ngoại cảnh, thì ta có cảm giác mỗi hành động của nó đều tự do. Nhưng nếu ta tìm thấy mối quan hệ nào đó giữa con người với ngoại cảnh, nếu ta nhìn thấy những mối liên hệ ràng buộc con người với bất kỳ cái gì, với một người đang nói chuyện với nó, với quyển sách nó đang đọc với công việc nó đang làm, thậm chí với không khí bao quanh nó và cả ánh sáng chiếu trên các vật nó đang nhìn thì ta sẽ thấy rằng mỗi điều kiện này đều ảnh hưởng đến nó và ít nhiều đều chỉ huy một mặt nào đấy trong hoạt động của nó. Và ta càng nhận thức được những ảnh hưởng này thì quan niệm của ta về quyền tự do của nó càng bớt đi, và ta cảng cảm thấy nó phục tùng sự tất yếu.
     
2. Căn cứ thứ hai là quan hệ mà ta thấy rõ được ít nhiều giữa con người với thế giới trong thời gian, là một khái niệm rõ rệt đến một mức nào đấy về vị trí của con người trong thời gian. Nếu xét theo quan điểm này thì sự sa ngã của con người đầu tiên (sự sa ngã đã mở đầu cho sự sinh sôi của nhân loại) rõ ràng có vẻ ít tự do hơn chế độ hôn nhân của con người ngày nay. Xét theo quan điểm này, đời sống và hoạt động của những con người sống trước tới hàng thế kỷ và gắn liền với tôi trong thời gian, đối với tôi không thể nào tự do như đời sống hiện nay mà tôi chưa biết hậu quả.

Phần tự do hay tất yếu mà tôi gán cho mỗi hành động là lệ thuộc vào khoảng cách thời gian dài hay ngắn từ khi hành động kết thúc đến khi người ta phê phán nó.

Nếu tôi xét mỗi hành động mà tôi vừa làm cách đây một phút trong những điều kiện hầu như đồng nhất với điều kiện bây giờ, thì hành động của tôi đối với tôi là dĩ nhiên là tự do. Nhưng nếu tôi phê phán hành động mà tôi đã làm cách đây một tháng, khi tôi ở trong những điều kiện khác, thì dù không muốn tôi cũng phải thú nhận rằng, nếu không có hành động này thì sẽ không xảy ra nhiều điều có ích, thú vị, thậm chí cần thiết. Nếu tôi hồi tưởng lại một hành độrng còn xa hơn, cách đây mười năm và hơn nữa, thì những hậu quả của nồ đối với tôi sẽ còn hiển nhiên hơn nữa, và tôi sẽ khó lòng hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không có hành động ấy. Tôi càng đi xa hơn vào kỷ niệm hay vào những suy luận về tương lai - đằng nào cũng thế thôi - thì những kết luận của tôi về tính tự do của hành động lại càng trở nên đáng ngờ.

Trong lịch sử, ta cũng thấy mức độ chắc chắn của sự tham gia của ý chí tự do vào những công việc của con người tãng hay giảm theo cái cấp số ấy. Một biến cố vừa xảy ra, thì ta có cảm tưởng đó hiển nhiên là kết quả hành động của tất cả những con người mà ta được biết, nhưng hễ biến cố này xảy ra đã lâu thì ta chỉ thấy những hậu quả tất yếu của nó, chứ ngoài ra không còn thấy gì nữa. Và ta càng lùi về quá khứ mà khảo sát các biến cố thì nhtng biến cố này càng có vẻ ít tự do.
     
Cuộc chiến tranh Áo - Phổ đối với ta là hậu quả tất yếu của những hành động xảo quyệt của Bixmac v.v.
     
Những cuộc chiến tranh của Napoléon đối với ta hình như là sản phẩm của ý chí của một vài vị anh hùng tuy ở đây vấn đề đã ở chỗ đáng ngờ. Nhưng với thập tự quân thì ta đã thấy đó là một biến cố chiếm một vị trí nhất định, vá thiếu nó thì không thể nào hình dung nổi lịch sử cận đại châu Âu, tuy nhiên, các nhà biên niên sử viết về cuộc viễn chinh ấy đã nhận định đó là sản phẩm của ý chí một vài người. Còn khi nói đến sự di chuyển của các dân tộc, thì ngày nay không còn ai có ý nghĩ rằng sở dĩ thế giới châu Âu phục hưng là do sở thích của Attila(1). Ta càng lùi về quá khứ của lịch sử thì quyền tự do của những con người tham gia vào biến cố đáng ngờ và quy luật của tính tất yếu càng hiển nhiên.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:16:32 pm
3. Căn cứ thứ ba là mức độ ta có thể nắm được mối liên hệ nhân quả vô tận, vốn là một yêu cầu tất yếu của lý trí, và ngoài cái chuỗi nhân quả vô tận này, mỗi hiện tượng mà ta hiểu được, và do đó mỗi hành động của con người, đều phải có một vị trí nhất định, đều phải là hậu quả của những hành động đã xảy ra và là nguyên nhân của những hành động kế tiếp nhau.
     
Trên cơ sở này ta thấy hành động của ta và của những người khác càng có vẻ ít tự do và ít lệ thuộc vào sự tất yếu nếu ta hiểu rõ hơn những quy luật sinh lý, tâm lý, lịch sử rút ra từ sự quan sát mà con người phải phục tùng, và nếu ta nghiên cứu một cách chính xác hơn nguyên nhân sinh lý, tâm lý hay lịch sử của hành động. Mặt khác hành động được quan sát càng đơn giản và tính cách, trí tuệ của con người hành động càng ít phức tạp, thì đối với người ấy càng ít tự do và càng lệ thuộc vào sự tất yếu.
     
Khi ta tuyệt nhiên không hiểu nguyên nhân của một hành động dù đấy là một tội ác, một việc thiện hay một hành động vô thưởng vô phạt về mặt đạo đức, thì ta sẽ thừa nhận rằng trong hành động này phần tự do chiếm ưu thế. Nếu đó là một tội ác thì trước hết ta yêu cầu phải trừng phạt, nếu đó là một việc thiện thì ta tán thưởng.

Còn trong trường hợp hành động vô thưởng vô phạt thì ta cho rằng ở đây có một tính cá biết độc đáo và tự do hơn cả. Nhưng chỉ cần biết một nguyên nhân trong vô số nguyên nhân, là ta sẽ thừa nhận một phần tất yếu nào đó và bớt đòi hỏi trừng phạt tội ác, ta sẽ thấy việc thiện bớt giá trị và hành động mà trước đây ta cho là độc đáo sẽ bớt tính tự do. Nếu một tên tội phạm vốn được nuôi dưỡng ở giữa những kẻ gian phi, thì tội ác của nó sẽ nhẹ bớt. Sự hy sinh của một người cha, hay một ớgười mẹ, một sự hy sinh có thể được báo đáp, đối với ta sẽ dễ hiểu hơn là tinh thần hy sinh không có lý do, cho nên ta thấy nó không đáng quý bằng và ít tự do hơn. Một người sáng lập tôn giáo, chính đáng, hoặc một nhà phát minh sẽ ít làm cho ta ngạc nhiên hơn khi chúng ta hiểu được hoạt động của họ đã được chuẩn bị như thế nào và do cái gì thúc đẩy.
     
Nếu ta có nhiều kinh nghiệm, nếu sự quan sát của ta luôn luôn hướng tới chỗ khám phá những quan hệ nhân quả trong những hành động của con người, thì ta càng liên hệ được một cách đúng đắn kết quả với nguyên nhân, và những hành động này đối với ta càng có vẻ tất yếu và càng bớt tự do. Nếu những hành động khảo sát lại đơn giản, và ta có một số lượng đồ sộ những hành động tương tự để quan sát thì quan niệm của ta về tính tất yếu của những hành động lủa sẽ càng rõ rệt hơn. Hành động bất chính của đứa con của một người cha bất chính, hành động xấu xa của một người đàn bà bị đẩy vào một môi trường xấu xa, việc một người nghiện rượu trở lại với cố tật của mình v.v. là những hành động mà ta càng hiểu rõ nguyên nhân thì lại càng thấy nó ít tự do. Nếu con người mà ta phân tích hành động lại ở một trình độ phát triển thấp nhất về trí tuệ, như một đứa trẻ, một người điên, một thằng ngốc, thì một khi đã biết những nguyên nhân của hành động và tính chất đơn giản của tính cách, trỉ tuệ ta sẽ thấy ở đây có một phần tất yếu rất lớn và một phần tự do rất nhỏ, đến nỗi một khi đã biết được nguyên nhân sẽ gây nên kết quả là chúng ta có thể đoárl trước được hành động.
     
Chính dựa trên ba căn cứ ấy mà trong tất cả các pháp luật đều có những trường hợp miễn tội và giảm tội. Trách nhiệm có vẻ lớn hay nhỏ là tuỳ ở chỗ người ta biết được ít hay nhiều về hoàn cảnh của người bị xét xử trong khi phạm tội, tuỳ khoảng thời gian từ lúc hành động đến lúc xét xử dài hay ngắn và tuỳ ở chỗ ta hiểu biết nhiều hay ít nguyên nhân của hành động.

==========================================================

Chú thích:

(1) Vua Hung nô, khét tiếng tàn ác đã đánh bại các vua chúa châu Âu và châu Á đem quân đến biên giới Pháp. Chết ở Hung năm 453.



Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:17:15 pm
Phần XVII
Chương - 10

Như vậy, quan niệm của ta về vấn đề tự do và tất yếu giảm bớt hay tăng thêm tuỳ theo mức độ liên hệ giữa hành động với thế giới bên ngoài, tuỳ theo khoảng cách về thời gian và tuỳ theo mức độ lệ thuộc vào những nguyên nhân trong đó ta sẽ xét một hiện tượng của đời sống con người.
     
Cho nên nếu ta xét trường hợp của một người mà những mối liên liên hệ với thế giới bên ngoài đều được biết một cách rõ tệt nhất, khoảng cách về thời gian giữa lúc hành động xảy ra và lúc ta phê phán xa nhất, và những nguyên nhân của hành động ấy dễ hiểu nhất, thì ta có cảm tưởng là trong hành động này phần tất yếu sẽ tăng lên đến mức độ tối đa và phần tự do sẽ hạ xuống đến mức tối thiểu. Nhưng nếu ta xét một con người ít liên hệ nhất đến nhữgg điều kiện bên ngoài, nếu thời gian hành động của người ấy xảy ra gần hiện tại nhất và những nguyên nhân của hành động đền không thể hiểu được, thì ta sẽ thấy phần tất yếu hạ xuống mức tối thiểu và phần tự do tăng lên đến mức tối đa.
     
Nhưng trong cả hai trường hợp này, dù ta có thay đổi quan điểm đến đâu, dù ta xác định được mối liên hệ giữa con người với thể giới bên ngoài đến mức nào, hay dù chúng ta có hiểu rõ mối quan hệ này đến đâu, dù ta có thế tăng thêm hay rút ngắn thời gian, hiểu hay không hiểu những nguyên nhân, ta cũng sẽ không bao giờ quan niệm được một tình trạng tự do hoàn toàn, hay một tình trạng tất yếu hoàn toàn.
     
1. Dù ta có quan niệm của con người thế nào cũng chịu sự quy định của chính thân thể của nó và của ngoại cảnh. Tôi giơ cánh tay lên rồi buông nó xuống. Cử động của tôi có vẻ tự do, nhưng nếu tôi tự hỏi liệu tôi có thể giơ tay đủ mọi chiều hay không thì tôi sẽ thấy rằng tôi đã giơ tay theo chiều mà cử chỉ này gặp ít cản trở nhất, xét về phương tiện những sự vật chung quanh tôi cũng như về cách cấu tạo thân thể của tôi. Sở dĩ tôi chỉ chọn một chiều trong số tất cả các chiều có thể có thì đó là vì ở chiều này tôi gặp ít cản trở nhất. Muốn quan niệm con người tự do là phải quan niệm nó ở ngoài không gian và điều đó dĩ nhiên là không thể được.
     
2. Dù có thể rút ngắn thời gian từ khi hành động đến khi phê phân ta cũng sẽ không bao giờ đi đến khái niệm tự do trong thời gian. Bởi vì, nếu tôi xét một hành động xảy ra cách đây một giây thì tôi vẫn cứ phải thừa nhận rằng hành động này không phải tự đó bởi vì nó gắn liền với giây phút trong đó nó được thực hiện. Tôi có thể giơ tay lên được không? Tôi giơ nó lên, nhưng tôi tự hỏi: tôi có thể giơ nó lên trong giây lát vừa qua được không? Để tự làm cho mình tin chắc điều đó tôi không giơ cánh tay trong giây lát tiếp theo.
       
Nhưng tôi đã không giơ nó lên đúng ngay lúc mà tôi nêu ra vấn đề tự do. Thời gian đã qua và tôi không có cách nào giữ nó lại. Cánh tay mà lúc nãy tôi giơ lên và bầu không khí trong đó tôi đã thực hiện cử động ấy không phải là bầu không khí quanh tôi bây giờ và không phải là cánh tay tôi giơ đang nằm yên. Giây phút trong đó cử động trước kia đã được thực hiện bây giờ không thể trở lại nữa, và lúc ấy chỉ có thể làm một cử động duy nhất, và bất kỳ cử động ấy là cở động gì, nó cũng chỉ có thể là một cử động duy nhất. Việc tôi không giơ cánh tay lên trong giây phút tiếp theo không hề chứng minh rằng tôi không thể giơ nó lên trong giây phút trước. Và bởi vì tôi chỉ có thể làm một cử động trong một giây phút nhất định, cho nên nó không thể nào là cử động khác. Muốn quan niệm cử động này tự do thì phải hình dung nó ở trong hiện tại, ở giới hạn giữa quá khứ và tương lai nghĩa là ở ngoài thời gian, và điều đó không thể nào có được.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:17:47 pm
3. Sự khó khăn trong việc tìm hiểu nguyên nhân của một hành động có tăng lên đến đâu nữa, ta cũng không bao giờ hình dung ra được một sự tự do tuyệt đối nghĩa là không có nguyên nhân.
Nguyên nhân của sự biểu hiện ý chí ở trong bất kỳ hành động nào của ta hay của người khác có khó hiểu đến đâu chăng nữa thì yêu cầu đầu tiên của lý trí chúng ta cũng vẫn là phải giả thiết và phải tìm cái nguyên nhân mà nếu không có nó thì người ta không thể quan niệm được bất kỳ hiện tượng nào. Tôi giơ cánh tay lên để làm một hành động độc lập đối với mọi nguyên nhân, nhưng chính ý muốn thực hiện một hành động không có nguyên nhân lại là nguyên nhân của hành động đó.
     
Nhưng dù có giả định rằng có một con người hoàn toàn thoát ly khỏi mọi ảnh hưởng, dù có xét một hành động của con người đó ngay trong lúc nó được thực hiện, mà không gắn liền với một nguyên nhân nào, và thừa nhận một sự tất yếu vô cùng bé chỉ bằng con số không, ta cũng không bao giờ đi đến chỗ quan niệm được quyền tự do tuyệt đối của con người thoát ra khỏi mọi ảnh hưởng bên ngoài, ở ngoài thời gian và không liên quan đến một nguyên nhân nào cả thì không còn là con người nữa.
     
Cũng vậy, ta không thể nào hình dung được một hành động của con người xảy ra không có chút tự do nào và chỉ lệ thuộc vào luật tất yếu mà thôi.
     
1. Sự hiểu biết của ta về những điều kiện không gian trong đó một con người sống có tăng lên đến đâu đi nữa thì nó cũng không bao giờ hoàn toàn, bởi vì số lượng những điều kiện này vô cùng lớn cũng như không gian là vô cùng. Chính vì chưa xác định được tất cả những điều kiện, tất cả những ảnh hưởng tác động đến con người, cho nên khôngcó tất yếu hoàn toàn mà vẫn còn một phần tự do nào đó.
       
2. Dù ta có kéo dài đến đâu cái khoảng cách từ khi một hiện tượng xảy ra cho đến khi ta phê phán nó, thì khoảng này bao giờ cũng có hạn, trong khi thời gian thì lại vô cùng, cho nên về mặt này cũng vẫn không bao giờ có tất yếu hoàn toàn.
     
3. Dù ta có hiểu rõ đến cái quan hệ nhân quả của một hành động ta cũng không bao giờ có thể hiểu được toàn bộ quan hệ nhân quả này bởi vì nó là vô tận, ta không bao giờ có thể đạt đến cái tất yếu tuyệt đối. Không những thế, mà ngay dù ta có thừa nhận một phần tự do cực nhỏ ngang bằng với số không và cho rằng trong những trường hợp như một người hấp hối, một cái bào thai, một thằng ngốc, hoàn toàn không có tự do, thì ta cũng sẽ do đó mà thủ tiêu ngay cả bản thân khái niệm về con người mà chúng ta đang khảo sát, bởi vì đã không có tự do thì cũng không còn là con người nữa. Cho nên không thể nào hình dung một hành động của con người chỉ phục tùng quy luật của tất yếu mà thôi, không còn chút tự do nào cả, cũng như không thể hình dung hành động ấy là hoàn toàn tự do.
     
Vậy thì muốn hình dung hành động của con người chỉ phục tùng quy luật tất yếu, không có tự do, ta phải giả thiết rằng mình biết được một số lượng vô tận những điều kiện trong không gian.

Một khoảng không gian vô tận và một chuỗi quan hệ nhân quả vô tận.

Để hình dung được con người hoàn toàn tự do, không phục tùng quy luật tất yếu ta phải hình dung nó một mình ở ngoài không gian, ngoài thời gian và không lệ thuộc vào những mối liên hệ nhân quá.

Trong trường hợp thứ nhất nếu có thể có tất yếu mà không có tự do, thì ta sẽ đi đến chỗ định nghĩa luật tất yếu bằng bản thân sự tất yếu tức là đi đến một hình thức không có nội dung.
     
Trong trường hợp thứ hai, nếu có thể có tự do mà không có tất yếu thì ta sẽ đi đến tự do vô điều kiện, ở ngoài không gian, ngoài thời gian và ngoài sợi dây nhân quả, và chính nó vì nó vô điều kiện và không có gì hạn chế cho nên thứ tự do ấy sẽ không là cái gì hết hay sẽ chỉ là một nội dung không có hình thức.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:18:29 pm
Tóm lại, ta sẽ đi đến hai cơ sở sau đây làm nên toàn bộ thế giới quan của con người: thực chất không thể hiểu được cuộc sống và những quy luật quy định cái thực chất ấy, Lý trí nói: 1. Không gian với tất cả những hình thái khiến cho nó có thẻ thấy được - tức là vật chất - là vô tận và không thể quan niệm một cách nào khác. 2. Thời gian là một sự vận động vĩnh viễn không giây phút nào ngừng và không thể quan niệm cách nào khác. 3. Mối liên hệ nguyên nhân và kết quả không thể có khởi điểm cũng không thể có kết thúc.
   
Ý thức nói:
     
1. Tôi chỉ tồn tại một mình và tất cả những cái gì tồn tại chẳng qua chỉ là tôi mà thôi, như vậy, tôi bao gồm cả không gian.
   
2. Tôi đo thời gian vận động bằng một giây phút im lìm của hiện tại trong đó tôi có ý thức rằng mình đang sống, như vậy, tôi ở ngoài thời gian, và
     
3. Tôi ở ngoài mọi nguyên nhân bởi vì tôi cảm thấy tôi là nguyên nhân của mọi hình thức biểu hiện sự sống của tôi.

Lý trí biểu hiện những quy luật của tất yếu. Ý thức biểu hiện bản chất của tự do.
     
Tự do không bị hạn chế là bản chất của sự sống ở trong ý thức của con người. Tất yếu không có nội dung là lý trí của con người với ba hình thức của nó.
     
Tự do là cái mà người ta khảo sát. Tất yếu là cái được khảo sát.
     
Tự do là nội dung. Tất yếu là hình thức.
     
Chỉ có bằng cách tách rời hai nguồn gốc nhận thức liên quan với nhau như nội dung và hình thức, người ta mới đi đến những khái niệm tách rời nhau, bài trừ nhau và không thể hiểu được là tự do và tất yếu Chỉ có cách kết hợp cả hai, ta mởí đi đến một khái niệm rõ rệt về sự sống của con người. Không có hai khái niệm này vốn kết hợp với nhau và quy định lẫn nhau cũng như nội dung và hình thức, thì không thể nào quan niệm được sự sống.
     
Tất cả những điều ta biết được về sự sống của con người chỉ là một quan hệ nào đó giữa tự do và tất yếu, nghĩa là giữa ý thức và những quy luật của lý trí.
     
Tất cả những điều ta biết được về thế giới tự nhiên ở bên ngoài chẳng qua chẳng qua chỉ là một quan hệ nào đó của những lực lượng cta tự nhiên với tính chất hay là quan hệ của bản chất sự sống với những quy luật.
     
Những lực lượng của cuộc sống tự nhiên đều ở ngoài ta và ở ngoài nhận thức của ta, và ta gọi nó là trọng lực, quán tính, điện lực, sinh lực v.v. Nhưng sức sống của con người thì ta ý thức được, và gọi nó là tự do.
     
Nhưng nếu lực hấp dẫn từ bản thân no không thể hiểu được mặc dầu ai cũng cảm thấy, và ta chỉ có thể hiểu được nó trong chừng mực ta hiểu được những quy luật của tính tất yếu mà nó phục tùng (từ tri thức đầu tiên biết rằng vật thể nào cũng có lượng cho đến luật Newton), thì ta cũng chỉ hiểu được sức mạnh của tự do, tự bản thân nó vốn không thể hiểu được nhưng ai cũng nhận thấy, trong chừng mực ta biết được những quy luật của tính tất yếu mà nó phục tùng (từ cái sự thực là người nào rồi cũng chết cho đến những quy luật kinh tế hay lịch sử phức tạp nhất).
   
Mọi hiểu biết đều chỉ là việc quy bản chất của sự sống về những quy luật của lý trí.
     
Tự do con người khác với bất cứ sữc mạnh nào khác ở chỗ con người có ý thức về sức mạnh này, nhưng đối với lý trí, thì nó không khác bất kỳ sức mạnh nào. Những sức mạnh như trọng lực, điện lực hay áp lực hoá học chỉ khác nhau ở chỗ có được lý trí xác định một cách khác nhau:
     
Cũng vậy, sức mạnh của sự tự do của con người đối với lý trí chỉ khác những sức mạnh khác của tự nhiên ở cái cách xác định mà lý trí dành cho nó. Tự do mà tách rời tất yếu, tức là không có những quy luật của lý trí quy định nó, thì không khác gì trọng lực, nhiệt lực hay sức phát triển của thảo mộc, đối với lý trí nó chỉ là một cảm giác khoảnh khắc, không thể xác định được của sự sống.
     
Và nếu bản chất không thể xác định được của sức mạnh làm cho các thiên thể di động, bản chất không thể xác định được của nhiệt lực, của điện lực hay của áp lực hoá học, của sự sống, là nội dung của thiên văn học, của vật lý học, củá hoá học, của thực vật học, của động vật học v.v, thì bản chất của sức mạnh của tự do cũng chính là nội dung của sở học. Nhưng đối tượng của môi khoa học là hình thức biểu hiện của cái bản chất này chỉ có thể là đối tượng của siêu hình học. Cũng vậy hình thức biểu hiện sức mạnh của tự do con người trong không gian, trong thời gian và sự lệ thuộc vào sợi dây nhân quả chính là đối tượng của sử học, còn bản thân tự do lại là đối tượng của siêu hình học.
   
Trong các khoa học thực nghiệm ta gọi cái mà ta biết được là những quy luật tất yếu, còn cái không thể biết được thì ta goi là sức sống. Sức sống chỉ biểu hiện của cái phần chưa biết còn sót lại trong những điều ta biết được về bản chất sự sống.
     
Cũng vậy, trong sử học ta gọi cái gì biết được là quy luật của tất yếu cái gì chưa biết là tự do. Đối với sử học, tự do chỉ là biểu hiện cái phần chưa biết còn sót lại trong những điều ta biết được về những quy luật của đời sống con người.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:19:16 pm
Phần XVII
Chương - 11

Sử học nghiên cứu những biểu hiện của tự do của con người trong mội liên hệ với thế giới bên ngoài, trong thời gian và lệ thuộc vào luật nhân quả, tức là xác định sự tự do này bằng những quy luật của lý trí, chính vì thế, sử học chỉ là một khoa học trong chừng mực tự do này bị những quy luật này quy định.

Đối với sử học, vấn đề thừa nhận quyền tự do của con người với tính cách một sức mạnh có thể ảnh hưởng đến những biến cố lịch sử (tức là không lệ thuộc vào quy luật), cũng giống như vấn đề thừa nhận hiện tượng tự do vận động của những thiên thể đối với thiên văn học.

Thừa nhận vấn đề tức là loại trừ khả năng tồn tại của quy luật, tức là loại trừ mọi hiểu biết. Nếu quả có một vật có thể vận động tự do, dù chỉ là một mà thôi, thì những quy luật của Keple và của Newton sẽ không tồn tại nữa và sẽ không còn một khái niệm gì về sự vận động của các thiên thể. Nếu có một hành động tự do duy nhất của con người thì sẽ không còn một quy luật lịch sử nào và sẽ không có một khái niệm gì về những biến cố lịch sử. Đối với lịch sử ý chí của con người vận động theo những con đường mà một đầu mối mất hút vào một nơi nào huyền bí, còn đầu kia, tức là ý chí về tự do của con người trong hiện tại, thì di động trong không gian, trong thời gian và lệ thuộc vào luật nhân quả.

Phạm vi sự vận động này càng mở rộng trước mắt ta, thì những quy luật của nó càng hiển nhiên. Phát hiện và giải thích những quy luật này là nhiệm vụ của sở học.

Nếu xuất phát từ quan điểm nhìn nhận đối tượng của khoa học hiện nay, nếu đi theo con đường của nó mà tìm hiểu những nguyên nhân của hiện tượng ở trong ý chí tự do của con người, thì không thể nào phát hiện được những quy luật này. Dù ta có hạn chế tự do của con người đến đâu, hễ ta thừa nhận nó là một sức mạnh không phục tùng các quy luật, thì không thể nào có sự tồn tại của quy luật nữa.

Chỉ trong chừng mực hạn chế tự do này đến cùng cực, nghĩa là chỉ xem nó như là một lượng lực cực bé, ta mới có thể tin rằng ta tuyệt đối không thể nào hiểu được nguyên nhân, và lúc bấy giờ sử học sẽ không thể nào hiểu được nguyên nhân, và lúc bấy giờ sử học sẽ không tìm nguyên nhân mà tự đặt cho mình nhiệm vụ đi tìm những quy luật.

Việc đi tìm những quy luật đã bắt đầu từ lậu và những phương pháp tư tưởng mà sử học phải tiếp thu hình thành cùng một lúc với quá trình tự thủ tiêu của sở học cũ trong khi cứ phân tích ngày càng chí lý thêm mãi nguyên nhân của các hiện tượng.

Tất cả các khoa học của loài người đều đã đi theo con đường này.  Một khi đi đến cái vô cùng bé, toán học, khoa học chính xác nhất vứt bỏ phương pháp phân tích để dùng phương pháp mới là phương pháp tổng hợp những yếu tố vô cùng nhỏ chưa biết. Trong khi từ bỏ khái niệm nguyên nhân, toán học tìm một quy luật, tức là tìm những thuộc tính chung cho tất cả những yếu tố vô cùng bé chưa biết.

Các khoa học khác cũng theo con đường này, tuy dưới một hình thức khác. Khi Newton nêu lên công thức về lực hấp dẫn ông ta không nói rằng một mặt trời hay quả đất có thuộc tính hấp dẫn một vật khác ông ta nói mọi vật thể từ những vật lớn đến những vật nhỏ nhất đều có thuộc tính hấp dẫn nhau, tức là trong khi gạt bỏ vấn đề nguyên nhân vận động của các vật thể, ông ta đã đưa ra một thuộc tính chung cho tất cả các vật thể, từ những vật vô cùng lớn, đến những vật vô cùng bé. Các khoa học tự nhiên cũng làm như vậy: gạt bỏ nguyên nhân để đi tìm quy luật. Sử học cũng đi theo con đường ấy Nếu đối tượng của nó là nghiên cứu sự vận động của các dân tộc và của nhân loại chứ không phải lniêu tả những giai đoạn trong đời sống của một vài cá nhân, thì lló cán phải gạt bỏ khái niệm nguyên nhân để đi tìm những quy luật chung cho tất cả những yếu tố vô cùng bé, bằng nhau và gắn bó chặt chẽ với nhau.


Tiêu đề: Re: Chiến Tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoy - Phần 2
Gửi bởi: selene0802 trong 05 Tháng Hai, 2011, 03:20:31 pm
Phần XVII
Chương Kết

Ngay từ khi hệ thống của Copernic được phát hiện và chứng minh, chỉ riêng việc thừa nhận quả đất quay chứ không phải mặt trời quay đã thủ tiêu toàn bộ nền vũ trụ học của người cổ đại. Người ta có thể bác bỏ hệ thống này và giữ quan niệm cũ về sự vận động của các thiên thể, nhưng nếu không bác bỏ nó thì hình như không thể nào tiếp tục nghiên cứu "các thế giới" của Ptoleme. Tuy nhiên, ngay sau khi quy luật của Copernic được phát hiện, "các thế giới" của Ptoleme vẫn được tiếp tục được nghiên cứu trong một thời gian dài.
     
Từ khi có người nêu ra và chứng minh rằng một số người sinh và số tội ác đều do những quy luật toán học chi phối, rằng có những điều kiện địa lý và chính trị kinh tế quy định những hình thức chính phủ nhất định, rằng những quan hệ nhất định giữa cư dân và đất đai gây nên những sự vận động của dân tộc, thì từ đó những cơ sở cũ của sử học đã bị phá huỷ ngay trong bản chất của nó.
     
Người ta có thể bác bỏ những quy luật mới để duy trì quan hệ cũ về lịch sử, nhưng nếu chưa bác bỏ được những quy luật ấy thì hình như không thể tiếp tục nghiên cứu những biến cố lịch sử với tính cách sản phẩm của ý chí tự do của con người. Vì nếu một hình thức chính phủ nào đó của các dân tộc diễn ra là do những điều kiện địa lý, nhân chủng hay kinh tế nhất định, thì ý, chí của những người mà ta tưởng là đã thiết lập hình thức của chính phủ hay tạo nên sự vận động của các dân tộc không còn có thể coi là một nguyên nhân nữa.
   
Ấy thế mà khoa sử học cũ vẫn tiếp tục được nghiên cứu song song với những quy luật của thống kê học, của địa lý, của chính trị kinh tế học, của ngôn ngữ học so sánh, của địa chất học là những khoa học mâu thuẫn hẳn với những luận điểm của sử học.
     
Trong triết học tự nhiên giữa những quan điểm cũ và những quan điểm mới đã diễn ra một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go.
     
Thần học bảo vệ những quan điểm cũ và tố cáo những quan điểm mới là phá hoại sự thần khải. Nhưng đến khi chân lý thắng lợi, thần học lại được xây dựng lại vững vàng trên cơ sở mới.
     
Cuộc đấu tranh ngày nay giữa quan niệm cũ và quan niệm mới trong sử học cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gay go như vậy, và thần học vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm cũ và tố cáo quan điểm mới là thủ tiêu sự thần khải.
   
Trong trường hợp này cũng như trong trường hợp trên, cuộc đấu tranh làm cho cả hai bên đều say sưa mải mê và không nhìn thấy chân lý. Một bên thì sợ hãi và thương tiếc toà nhà đã được xây dựng từ bao nhiêu thế kỷ, một bên thì lại thiết tha muốn phá hoại.
     
Những kẻ phản đối những chân lý mới xuất hiện ở trong triết tự nhiên tưởng rằng nếu họ thừa nhận những chân lý này thì sẽ mất lòng tin vào Thượng đế, vào sự sáng tạo thế giới, vào thần ích của Joxue(2), con của Naum. Còn những người bảo vệ những quy luật của Copernic và của Newton, như Volter chẳng hạn, thì tưởng rằng những quy luật của thiên văn học tiêu huỷ tôn giáo, Volter sở dụng những quy luật về trọng lực làm vũ khí chống lại tôn giáo.
     
Ngày nay cũng vậy, người ta tưởng chừng như chỉ cần thừa nhận quy luật về tính tất yếu là những quan niệm về linh hồn, về điều thiện, điều ác, và tất cả những thể chế của nhà nước và của nhà thờ xây dựng trên quan niệm đó đều phải sụp đổ.
     
Ngày nay cũng vậy, những người bảo vệ về tính tất yếu đã dùng quy luật này làm một vũ khí chống lại tôn giáo như Volter làm trước kia, song cũng như định luật về tính tất yếu trong lịch sử, thực ra không những không thủ tiêu mà thậm chí còn củng cố cái cơ sở trên đó các thể chế của nhà nước và của nhà thờ được xây dựng.
     
Vấn đề đặt ra sử học ngày nay cũng hệt như vấn đề đặt ra cho thiên văn học trước kia, sự khác nhau về quan điểm chung quy là ở chỗ thừa nhận hay không thừa nhận một đơn vị tuyệt đối dùng làm thước đo chung cho những hiện tượng có thể thấy được. Trong thiên văn học đó là sự im lìm bất động của quả đất, trong sử học thì đó là sự độc lập của con người - tức là tự do của ý chí.
     
Đối với thiên văn học cái khó trong việc thừa nhận sự vận động của trái dất là ở chỗ cần phải vứt bỏ tri giác trực tiếp của ta về sự im lìm bất động của trái đất và sự vận động của các tinh tú. Đối với sử học cũng vậy, cái khó trong việc thừa nhận hiện tượng con người phục tùng những quy luật của không gian, thời gian và luật nhân quả là ở chỗ cần phải vứt bỏ cảm giác trực tiếp của mỗi chúng ta về sự độc lập của nhân cách mình. Trong thiên văn học cũng vậy, quan điểm mới nói "Quả nhiên ta không cảm giác được vận động của quả đất nhưng nếu ta cho rằng nó đứng yêu thì ra sẽ đi đến một kết luận phi lý, trái lại nếu thừa nhận sự vận động cũủ nó mà ta không cảm thấy, thì ta sẽ đi đến những quy luật". Quan điểm mới về lịch sử cũng nói như vậy: "Quả ta không cảm thấy mình lệ thuộc, nhưng nếu ta cho rằng mình tự đi thì ta sẽ đi đến chỗ phi lý, trái lại nếu ta thừa nhận rằng mình lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, vào thời gian và luật nhân quả thì ta đi đến những quy luật".
     
Trong trường hợp thứ nhất cần phải từ bỏ cái cảm giác về sự im lìm bất ộng trong không gian, và thừa nhận một sự vận động mà ta không cảm giác được. Trong trường hợp thứ hai cũng thế, ta cũng cần phải từ bỏ cái tự do mà ta ý thức được và thừa nhận một sự lệ thuộc mà ta không cảm thấy.

=======================================================

Chú thích:

(1) Copernic (1473 - 1543), nhà thiên văn học Ba Lan đã chứng minh mặt trời là trung tâm của thái dương hệ và quả đất và các hành tinh khác quay xung quanh mặt trời

(2) Anh hùng truyền thuyết của xứ Israel, theo Kinh thánh, Joxue đã chặn đứng mặt trời để kéo dài ngày ra cho có đủ thì giờ đánh tan quân địch trước khi trời tối.

                                         
HẾT