Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:07:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo VN trong KCCM  (Đọc 116045 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #90 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 06:12:27 pm »

Kỳ 18: Bắt đầu từ "tình yêu bò cạp"


Trong lưới tình báo huyền thoại H.63, điệp viên Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và Tám Thảo (Mỹ Nhung) dù hoạt động trong lòng địch nhưng chưa bao giờ cô độc. Đằng sau họ là cả một "hậu phương" hoạt động thuần thục như một cỗ máy. Và mỗi cỗ máy luôn cần có một "máy trưởng" tài ba.

"Máy trưởng" chỉ huy cỗ máy H.63 anh hùng được biết đến với tính cách hóm hỉnh, gan dạ, mưu trí và có nhiều tài vặt, nhất là biệt tài bắn súng 2 tay như một. Ông là ai?

Trong một tài liệu đánh giá về lưới H.63, cụm trưởng có một vai trò quan trọng: kiểm tra, điều nghiên tình trạng của toàn lưới một cách cụ thể, tiếp xúc với điệp viên để hướng dẫn, bồi dưỡng cho điệp viên, nghe điệp viên nói, để điệp viên bớt cô độc và căng thẳng. Cấp chỉ huy lúc nào cũng phải kiểm soát được điệp viên trong mọi tình huống.

Những năm tháng ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam, với vùng ven luôn bị vây ráp, trong thành bị kiểm tra gắt gao, trong mỗi lưới tình báo, cụm trưởng phải là người "đứng mũi chịu sào". H.63, dưới sự chỉ đạo của ông, vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để bất cứ lúc nào cũng có thể thông tuyến từ trong thành ra căn cứ và ngược lại. Cùng với một tập thể anh hùng, 32 năm sau, năm 2006, cụm trưởng H.63 nhận danh hiệu cho riêng mình, từ Đảng và Nhà nước: Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Con đường từ cậu bé nghèo đất Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 huyền thoại và Anh hùng LLVT của ông như thế nào?

"Tình yêu bò cạp!"

Năm 1928, tại một làng quê xã Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Tàu ra đời. Cậu bé nghèo sau này trở thành chỉ huy của cụm tình báo huyền thoại có một tuổi thơ đầy khí tiết cách mạng và tình yêu... trẻ con. Tháng 4/2007, khi nhắc lại chuyện xưa, cả hai vợ chồng ông đều vui đùa gọi đó là tình yêu bọ cạp!
 
Cậu bé nghèo sau này trở thành chỉ huy của cụm tình báo huyền thoại có một tuổi thơ đầy khí tiết cách mạng và tình yêu... trẻ con.

Hồi nhỏ, gia đình nghèo khổ, Nguyễn Văn Tàu phải gánh hàng rong đi bán trong xóm phụ mẹ. Gánh hàng nhỏ bán đủ thứ vật dụng như dầu hôi, nước mắm, thuốc tây... Ngoài gánh hàng rong cùng mẹ, Tàu mua cả heo về làm thịt và gánh đi bán. Không có nghề nào cậu bé nghèo này không làm, miễn là kiếm ra tiền, giúp mẹ. Nhưng anh vẫn ham học, tiếng Pháp nói giỏi nhất làng.

Giặc Tây ào tới làng quê thanh bình. Chúng chiếm trường học. Ngôi trường nơi Tàu đang học phải dời xuống Mỹ Tho. Tàu không theo được. Anh về nhà và vào đội thanh niên tiền phong. 17 tuổi, khát vọng làm cách mạng nung nấu trong đầu Tàu. Khi đó, phong trào thanh niên tiền phong của mình, nhưng núp bóng Nhật để tổ chức. Nhật đã đảo chính Pháp, chúng cho phép thành lập các đội thanh niên tiền phong.

Tham gia hoạt động, nhưng Nguyễn Văn Tàu chưa biết gì về Đảng cộng sản. Lý do đơn giản nhất anh vào đội tiền phong: Thấy vui thì nhập! Niềm vui của Tàu là đêm đêm anh được gọi đi tập đánh trận giả, tập võ... Khí thế trai trẻ, có chút võ trong người, đêm nào Tàu cũng tham gia thi thố trên võ đài làng.

Tháng 8/1945, khi cả nước giành chính quyền, Tàu cũng cầm gậy tầm vông chạy ra tỉnh cùng dân làng. Thiếu niên Tàu nhớ mãi hình ảnh lãnh tụ thanh niên tiền phong cưỡi ngựa chạy trước, dân làng chạy theo sau. Anh chỉ nghe dân làng nói đi đánh Tây, thế là cầm gậy đi. Tàu suy nghĩ thật giản đơn: Mình đang góp sức đuổi Tây ra khỏi đất nước.

Tàu ham chơi. Mẹ anh quyết định cưới vợ cho con bớt lêu lổng. Giữa Nguyễn Văn Tàu và cô bé Trần Ngọc Ảnh khi đó không hề có tình yêu. Tất cả do cha mẹ, ông bà hai bên sắp đặt. Năm 1946, cô bé Trần Ngọc Ảnh nghe theo ông bà, sang "ở" nhà Tàu. Cô nghe mọi người nói làm dâu rất cực, nhưng không thể chống lời ông bà. Khi mới cưới, hai người ở chung nhà, mang danh vợ chồng nhưng chẳng... quen nhau.

Hai vợ chồng trẻ con không ai thèm nói chuyện với ai. Có hôm, vợ Tàu bị con bò cạp cắn. Cô khóc rống lên. Má chồng chạy vào, thấy thế kêu lên: "Tàu ơi Tàu! Con vợ mày nó bị bò cạp cắn, mày vào xem nào!". Con bò cạp giúp 2 vợ chồng trẻ con có cái nắm tay đầu tiên. Từ hôm đó, hai người mới nằm chung giường và nói chuyện với nhau. Nguyễn Văn Tàu mới 18 tuổi.

Má tâm sự thật, tìm vợ để Tàu khỏi đi đánh giặc. Bà thương con, muốn giữ chân con ở làng. Gia đình chỉ có mình Tàu. Khi má sinh ra Tàu, ba anh bỏ đi kiếm vợ khác.
 
Giặc Tây về làng kiếm một người thông ngôn. Cả làng chỉ mỗi Tàu biết tiếng Pháp. Trước, mỗi lần có Tây đến, quan làng lại gọi Tàu đi phiên dịch. Khi bọn Pháp về, chúng phàn nàn, tại sao cả làng không ai biết tiếng Pháp, mình Nguyễn Văn Tàu biết mà không kêu vào làm việc?

Hồi đó, Tàu hay đi theo một người có tư tưởng yêu nước trong làng là ông Nguyễn Văn Đường. Ông dạy anh hát những bài cách mạng. Khi học trong trường, cũng nhiều người nói với Tàu chuyện về cách mạng, về những tất yếu phải đuổi Tây ra khỏi đất nước. Những tình cảm với cách mạng, dù mơ hồ nhưng đã ngấm dần vào đầu chàng thanh niên trẻ.

Tàu ghét làm việc cho Tây. Biết chuyện người Tây đang tuyển mình làm thông ngôn, anh ở luôn trong rừng, không về nhà nữa. Đó là năm 1947, chỉ một năm sau khi có vợ. Tàu tranh thủ "để trong bụng vợ một miếng" (từ của bà Trần Ngọc Ảnh, vợ ông Nguyễn Văn Tàu) rồi đi tuốt luôn. Cả làng biết Tàu hay làm thông ngôn cho Tây.

Nhưng cũng nhiều tin đồn anh theo Việt Minh vào rừng. Ngay sau khi chồng biền biệt trong rừng, Trần Ngọc Ảnh cũng sinh con và lên Sài Gòn học nghề đánh máy kiếm sống.

Bài học đầu tiêu

Nguyễn Văn Tàu có "máu tình báo" từ khi còn là một thanh niên mới lớn. Từ năm 1947, chàng trai nghèo Nguyễn Văn Tàu đã được ông Tư Túc dẫn dắt vào làm quân báo ở Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thời kỳ này cũng đã manh nha ý thức cho Tàu về người chiến sĩ tình báo, nhất là hoạt động trong nội thành, đối diện với vô vàn hiểm nguy như thế nào. Và lần "sai sót" đầu đời của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tàu đã trở thành kinh nghiệm quý báu cho người cụm trưởng H.63 Tư Cang sau này.

Nhớ lại, khi ấy Tàu có bình phong làm công cho một tiệm nước người Hoa ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Tư Túc sai Tàu đi nắm tình hình đồn bốt giặc xung quanh rồi báo về. Tàu làm nhiệm vụ được mấy tháng thì xảy ra sự cố. Một hôm, lúc buổi trưa vắng vẻ, cô hàng tào phớ bị mấy thằng Tây trêu chọc. Thấy cảnh bất bình, "máu Từ Hải" trong người nổi lên. Anh can thiệp. Dùng vốn tiếng Pháp của mình, Tàu nói vào mặt 2 thằng Tây: "Các anh làm gì đó, buông con người ta ra!".
                                                                           
Tàu tự tin, vì hồi đó võ nghệ khá, lại nói tiếng Pháp trôi chảy. Lâu nay, tụi Pháp hàng ngày đi qua không biết gì về anh. Chúng nghĩ đơn giản: Tàu chỉ là kẻ bưng bê thuê! Vì thế, chúng giật mình vì kẻ phục vụ này biết tiếng Pháp. Hai thằng Tây to cao lực lưỡng buông cô hàng tào phớ ra. Tàu được đà, ngồi phân tích cho tụi nó rằng, quân đội nước khác tới đây, nếu làm vậy dân chúng đánh giá. Một thằng ngồi nói chuyện với Tàu, còn thằng kia vẫn tiếp tục ra ve vãn cô tào phớ tội nghiệp.

Tàu bảo thằng đang nói chuyện kêu thằng kia vào. Nó không nghe, còn cười khiêu khích. Anh đứng dậy định ra tay, cô hàng tào phớ sợ hãi núp sau lưng. Hai thằng Tây tức giận, lăm le súng và lựu đạn. Nhưng dân chúng đứng xem đông, chúng không làm gì được. Trước khi bỏ đi, chúng gằn giọng: "Chiều nay chúng ta sẽ gặp lại!".

Bọn Pháp vừa đi, Tàu nói với chủ tiệm không thể ở đó được nữa. Anh vô thẳng chiến khu Bà Rịa. Đến chiều, 2 tên Pháp dẫn một tiểu đội đến. Chúng lôi chủ tiệm đánh để truy tìm người phục vụ giỏi tiếng Pháp. Mấy ngày sau, đi đâu, chúng cũng mang ảnh Tàu (lấy trong tiệm nước) ra dò hỏi.

Hơn 30 năm sau, khi đã trở thành cựu cụm trưởng của lưới tình báo H.63 huyền thoại, Đại tá Nguyễn Văn Tàu thừa nhận: Đây là bài học đầu đời cho nghề tình báo của mình. Bởi vì, với nghề tình báo, nhiều lúc không thể để cho mọi người biết mình là ai, giỏi cái gì, phải thể hiện ra sao.

Sau đợt va chạm với 2 thằng Tây, Nguyễn Văn Tàu hoạt động thêm một thời gian trong Ban quân báo Bà Rịa- Vũng Tàu rồi ra Bắc tập kết vào năm 1954.

Đây là quãng thời gian chuẩn bị hình thành một "tư cách chỉ huy" trong con người Nguyễn Văn Tàu. Anh bắt đầu phát huy các tài vặt sẵn có và học tập những "ngón nghề" của nghề tình báo, mong một ngày được trở lại Sài Gòn hoạt động. Nhưng, những thử thách đầu tiên không bao giờ dễ dàng...
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #91 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 06:16:53 pm »

Kỳ 19: Thử thách đầu tiên của xạ thủ "hai tay như một"


Biệt tài bắn súng "hai tay như một" của chàng trai miền Nam Nguyễn Văn Tàu thời ấy chỉ thua các xạ thủ quốc gia. Các "ngón nghề" quan trọng cũng được Tàu tích luỹ dần trong những năm tháng tập kết. Trước khi vượt dãy Trường Sơn trở về Nam, bài tốt nghiệp như một nhiệm vụ và thử thách thực thụ đã được Nguyễn Văn Tàu vượt qua xuất sắc...

Xạ thủ kiêm nhà văn và viên đạn dành riêng

Thời gian này, Nguyễn Văn Tàu mang tên Trần Văn Quang và làm Trung đội trưởng trinh sát kiêm Chính trị viên đại đội thông tin của Sư đoàn 338. Chuyện biệt tài bắn súng hai tay như một của cụm trưởng tình báo H.63 sau này cũng bắt đầu từ đây.

Vị chỉ huy tình báo bắn súng 2 tay như một.

Khi ở miền Bắc, trong tâm trí người sĩ quan miền Nam Trần Văn Quang đã phán đoán đến ngày trở về. Sẽ lại vào thành hoạt động, sẽ được hoạt động đúng như khát khao của anh, nhưng mới chỉ được thể hiện ngắn ngủi trong thời gian ở quân báo Bà Rịa. Quang bắt đầu tập đủ thứ. Tất nhiên anh biết, những thứ anh học sẽ có lợi cho nghề tình báo sau này.

Trung đội trưởng Quang có nhiều tài vặt, lại ham học nên anh biết nhiều thứ. Tận dụng xe của đơn vị, ngày nghỉ Quang tập lái. Đủ các loại địa hình, các tình huống. Lương hồi đó được 80 đồng, anh dành dụm gần 3 tháng để mua máy chụp hình. Có máy, anh lại lọ mọ tập rửa phim, bọc phim, in ảnh. Bất cứ lúc nào có thời gian rỗi, Quang lại dành cho việc tập xe, chụp ảnh.

Nổi nhất trong những tài của Trần Văn Quang là bắn súng bằng hai tay và có độ chính xác cao.

Trước khi ra Bắc tập kết, Quang ít được tiếp xúc với súng đạn. Những năm ở miền Bắc, anh được đơn vị huấn luyện nhiều về khoa mục bắn súng. Chiều nào trong đơn vị cũng có 10 phút ngắm súng bắt buộc. Ban đầu tập bắn, anh bắn rất tệ. Không nản, Quang chuyên cần tập. Đơn vị đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), cứ ngày nghỉ mấy anh em thích súng lại rủ nhau vào núi tập bắn.

Chẳng bao lâu, Quang trở thành xạ thủ của Sư đoàn 338. Đã thành xạ thủ khi bắn tay phải, Quang tiếp tục học bắn tay trái và cách ngắm bắn. Anh tập bắn không nheo mắt ngắm, mà mở cả 2 mắt. Anh giải thích với cấp dưới: nếu bắn liên tục, nheo mắt sẽ rất mệt, tinh thần sẽ không vững.

Tay phải đã thành thục, anh tập cả tay trái. Lý do bắn súng cả hai tay anh đưa ra rất đơn giản: Khi trở vào Nam hoạt động, rủi có bị địch bắn cụt một tay thì vẫn còn bắn được bằng tay kia, không đời nào chịu thua! Năm 1956, với cương vị Trung đội trưởng Đại đội thông tin, Trần Văn Quang được phân công trực tiếp huấn luyện cho đại đội về môn bắn súng.

Bắn tay phải luôn đứng nhất, nhì sư đoàn, anh liên tục được cử đi thi hội bắn quân khu Tả Ngạn, xạ thủ toàn quân. Ở những cuộc thi này, Trần Văn Quang chỉ thua 3 kiện tướng thời bấy giờ ở miền Bắc. Anh toàn chiếm hạng tư. Nhưng khi Quang gạ bắn bằng tay trái, mấy kiện tướng đều từ chối. Biệt tài bắn súng hai tay bách phát bách trúng của Trần Văn Quang đã nổi tiếng toàn quân.

Bắn súng giỏi 2 tay, nhưng rất ít khi sử dụng biệt tài này. Hơn 30 năm sau, ngồi giữa Sài Gòn, Đại tá Nguyễn Văn Tàu thổ lộ: ngày đó khi đi trong thành, ông không bao giờ mang theo súng. Bởi, nếu mang súng theo người sẽ dễ sinh tâm lý hoảng sợ, bỏ chạy khi bất ngờ bị xét hỏi hay nghi ngờ. Trong số ít những lần mang theo súng (Tết Mậu Thân 1968), ông đều dành sẵn một viên đạn rời trong túi áo. Viên đạn dành riêng cho bản thân chỉ có duy nhất một cơ hội: sử dụng khi vào bước đường cùng, để bảo đảm an toàn và bí mật cho điệp viên, cho cụm.

Trong thời gian tập kết ngoài Bắc, những tài vặt của Trung đội trưởng Trần Văn Quang được phát huy tối đa. Những tài vặt này đều chuẩn bị cho nghề tình báo. Ngoài lái xe, bắn súng hai tay, chụp ảnh, nói tiếng Pháp... Quang còn luyện khả năng viết văn.

Anh thấy các nhà văn Phùng Quán, Trần Dần viết nhiều bài hay. Trong khi đó, thời gian mình hoạt động trong Nam trước khi đi tập kết có quá nhiều chuyện hay, có thể viết được. Cứ đêm đêm, anh không bỏ sót một chương trình văn nghệ quân đội nào trên radio. Quang lọ mọ học cách viết của những người đi trước. Rồi Quang viết thật. Bài đầu tiên có tựa đề "Vượt sông Soài Rạp". Câu chuyện kể về một lần đơn vị của Quang từ căn cứ Rừng Sác vượt sông vào thành phố bị tàu địch bắn, anh em phải lật xuồng để thoát chết và bảo vệ thông tin. Câu chuyện này đã luôn ám ảnh Trần Văn Quang.

Khi viết xong, Quang gọi anh em trong đại đội lên. Anh bảo: "Bữa nay tao viết được bài này, tụi bay nghe xem". Anh hăm hở đọc. Đọc được một lát ngó xuống, thấy anh em về sạch, chỉ còn 2, 3 người thân nhất... cố ngồi "chịu đựng"! Lần đầu không đạt, Quang sửa lại, viết ngắn và cô đọng, súc tích hơn. Lại gọi anh em đến nghe. Nể trung đội trưởng, anh em lại ngồi nghe nhưng vẫn về... rải rác. Không nản chí, anh lại sửa thêm lần nữa, rút từ 4, 5 trang xuống còn 2 trang.

Anh em đại đội lại đến nghe. Quang đọc xong, nhìn xuống thấy mọi người vẫn... trật tự ngồi nghe. Lần này là những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Sau đó, Quang gửi bài đó ra báo Thống Nhất tham dự cuộc thi những chuyện sâu sắc nhất thời kháng chiến. Thật bất ngờ, tác phẩm của anh đoạt giải khuyến khích và được nhuận bút 7 đồng.

"Nhiệm vụ đầu tiên"- giả mà thật

Năm 1961, cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết rục rịch chuẩn bị về lại chiến trường. Tâm hồn Trần Văn Quang vui như gió lộng. Sắp được về lại quê hương, được cầm súng chiến đấu, được gặp lại vợ con.

Nhưng đang chuẩn bị tinh thần về lại Nam thì Quang nhận được lệnh ở lại dự lớp đào tạo thêm về sĩ quan tình báo. Trong 6 tháng, anh được đào tạo thuần thục về võ nghệ, lái xe, đọc những cuốn sách về nghề tình báo, xử lý các tình huống.

Kết thúc khóa học, anh được chọn là "học sinh giỏi". Nhưng bài tốt nghiệp thực sự như một nhiệm vụ thực tế đầu tiên của nghề tình báo anh phải hoàn thành. 5 người công an được ví như "mật thám" theo sát Quang. Anh nhận chỉ thị phải hoàn thành việc đưa thư trong 3 tiếng đồng hồ. Phải vượt qua các "chướng ngại vật" di động và cố định. Đến lúc trao thư, không còn sót cái đuôi nào, không bị dàn "mật thám" phát hiện ra.

Theo quy định, 2h chiều, Quang xuất hiện trước cột cờ Ba Đình, nhận thư, đúng 5h phải đưa thư về hộp thư ở cầu Long Biên. Nếu quá 5h không có thư là thua, là không hoàn thành tốt nghiệp. Trước khi "cuộc chơi" bắt đầu, Quang đã âm thầm đi nghiên cứu địa bàn trước như đang hoạt động thật sự trong lòng địch.

Hôm bắt đầu nhận "nhiệm vụ", anh xuất hiện tại cột cờ với những ám hiệu theo quy định để "mật thám" nhận ra mình. "Quân thù" biết anh, còn anh không biết ai theo dõi mình. "Cuộc chơi" bắt đầu lúc 2h chiều. Anh nhận thư và leo lên xe đạp lòng vòng trong phố. Đang chạy, Quang giả vờ rơi 1 đồ vật xuống đất và cúi xuống lấy, đồng thời ngoái lại quan sát "đuôi".

Anh phát hiện ra hai "thằng" theo mình. Thêm vài lần quan sát nữa, Quang nhận diện trong đầu có đúng 5 "thằng" theo mình. Anh suy tính sẽ cắt đuôi từng "thằng" một. Nếu tới 5h mà vẫn còn người theo thì mình thua. Quan trọng nhất là phải phát hiện đúng đối tượng. Nếu không, ai cũng có thể bị xem là "mật thám" hết. Quang đưa ra nhiều phương án cắt đuôi. Gửi xe đạp, nhảy lên tàu điện, rồi lại chuyển sang xe đạp. Nút cuối cùng, khó nhất là nút Khâm Thiên vẫn có 2 "mật thám" theo sát. Thời gian đến giờ trao thư không còn nhiều. May hôm trước đi nghiên cứu địa bàn, anh đã làm quen với một người dân tại một con ngõ trên phố Khâm Thiên. Anh giới thiệu mình người miền Nam, đang đi kiếm việc làm. Cách làm quen tự nhiên đã giúp anh. Quang ghé vào nhà người quen này, vẫn không biết cách gì để cắt đuôi 2 "mật thám" cuối cùng. Có mỗi lối ra vào độc đạo trong ngõ,  2 "mật thám" luôn ngồi trực sẵn ở đó. Nhìn thấy trong nhà có bộ đồ công nhân, Trần Văn Quang mỉm cười nghĩ kế.Anh bỏ xe đạp ở lại, mượn bộ đồ công nhân và xuống bếp lấy nhọ nồi quét lên mặt cho nhem nhuốc. Lúc này, anh đã biến hóa thành một người dân lao động. Mấy hôm trước đến chơi nhà người quen này, Quang đã để ý thấy cứ bằng giờ này có một xe than hay đẩy qua ngõ. Anh chờ đúng lúc xe than đi qua, giả vờ như thấy nặng quá, cũng là dân lao động với nhau, đẩy giúp một tay. Khi xe than đi qua, vẫn thấy 2 "mật thám" ngồi nhìn vào trong ngôi nhà người quen. Ra khỏi ngõ, anh gọi một chiếc xích lô chạy đến điểm đưa thư. Nhiệm vụ được hoàn thành một cách xuất sắc.

Với Trần Văn Quang, ngày về miền Nam không còn xa. Nhiệm vụ trước mắt cũng đã rất gần... Anh nhận lệnh vượt Trường Sơn, trở về căn cứ R trên rừng biên giới Tây Ninh. Một thời kỳ hoạt động cam go, nguy hiểm đang chờ đợi. Tình hình chiến trường miền Nam những năm 60 ngày càng căng thẳng. "Học sinh xuất sắc" của khóa tình báo ngắn hạn và đồng đội đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ điệp viên, xây dựng lưới H.63 an toàn như thế nào?

Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #92 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 08:23:57 pm »

Kỳ 20: Lắp ráp và khởi động 'cỗ máy' H.63


Đầu năm 1962, vượt Trường Sơn, Trần Văn Quang từ miền Bắc trở về chiến khu R (Tây Ninh). Quang có tên hoạt động là Tư Cang và nhận nhiệm vụ: Chỉ huy lưới tình báo A18 (tiền thân của lưới H.63 sau này). Đây là những năm tháng chiến trường miền Nam trong tình thế khó khăn. Lưới tình báo hàng trăm người, chỉ để phục vụ và bảo vệ các điệp viên. Họ có an toàn và hiệu quả trong lòng địch?


"Máy trưởng" nhận nhiệm vụ

H.63 là được ví như một "cỗ máy". "Máy trưởng" Tư Cang trở về từ miền Bắc, nhiệm vụ: khởi động và vận hành trơn tru "cỗ máy" này.

Đầu năm 1962, Trần Văn Quang từ miền Bắc trở về chiến khu R, lấy tên hoạt động là Tư Cang và nhận nhiệm vụ: Chỉ huy lưới tình báo A18 (tiền thân của lưới H.63 sau này).

Những năm 60, tình hình miền Nam gặp nhiều khó khăn với những đợt vây ráp gắt gao của địch. Việc di chuyển cán bộ tình báo từ miền Bắc vào Nam hoạt động cũng gặp trở ngại. Đường bộ bị ngăn, đường biển càng nguy hiểm hơn. Trung ương Cục miền Nam có sáng kiến thành lập các cụm tình báo hoạt động xung quanh Sài Gòn. Cụm tình báo sẽ khắc phục được liên lạc đường dài giữa Cục tình báo và các điệp viên họat động trong lòng địch. Mỗi cụm phụ trách và phục vụ chỉ 1, 2 điệp viên.

Đầu năm 1961, cụm tình báo quân sự A18 (tiền thân của cụm H.63) ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh). Tất cả để phục vụ điệp viên nổi tiếng Hai Trung. Đằng sau những tin tức, tài liệu chuyển về của Hai Trung, là cả hệ thống phục vụ, cả trong nội đô và ngoài căn cứ.

Thời kỳ đầu, H.63 là bộ phận địch tình của thành ủy Sài Gòn. Khi Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) từ Mỹ trở về, hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngòai, ông Mười Nho (Xuân Mạnh, Nguyễn Nho Quý - cán bộ Cục Tình báo) là người trực tiếp chỉ đạo.

Năm 1962, ông Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63. Cả mạng lưới với một điệp viên đã nằm sâu trong lòng địch như Hai Trung, cần một chỉ huy giỏi và mưu trí. Tư Cang là người được ông Ba Trần, Thủ trưởng Phòng tình báo miền lúc bấy giờ lựa chọn. Tháng 5/1962, Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H.63.

"Khởi động" H.63!

"Cỗ máy" đã có "máy trưởng", sẽ kết nối các "bộ phận" và hoạt động như thế nào?

Đầu tiên là liên lạc. Trong một lưới tình báo, khâu liên lạc là khâu khó khăn nhất, đặc biệt là liên lạc trong nội đô. Tài liệu, tin tức điệp viên đưa ra, dù điệp viên có giỏi đến đâu nhưng liên lạc kém cũng sẽ thất bại. Thất bại, đồng nghĩa với sinh mệnh của điệp viên nguy nan. Liên lạc viên nội đô của H.63 trực tiếp nhận tin từ Hai Trung phải là người đảm bảo được nhiều yếu tố.

Đó là một bình phong tốt, trí nhớ cao, thuộc nhiều địa danh trên đường phố, địa bàn, thông thạo các phương tiện công cộng, các nơi tập trung đông người như tiệm ăn, rạp hát, chợ... để dễ thay đổi chỗ hẹn. Liên lạc viên nội đô phải có óc quan sát sắc bén, biết nhận diện tướng mạo con người để phát hiện khi bị theo dõi, đủ tài đánh lạc hướng.

Ai sẽ dấn thân vào nguy hiểm và đáp ứng được những điều kiện khắt khe của nhiệm vụ kết nối này?

Nhiều giao thông được đưa vào thành giới thiệu với Hai Trung. Nhưng ông không đồng ý một ai. Hai Trung hoạt động trong thành, lường trước được những điều xảy ra với một giao thông viên nội đô. Người trẻ quá dễ bị bọn lính chọc ghẹo. Có người là thanh niên, dễ bị bắt lính bất cứ lúc nào.

Giao liên Nguyễn Thị Ba (quê Long An) được giới thiệu với Hai Trung. Chị Ba (còn gọi là chị Ba già) đáp ứng được những yêu cầu mà điệp viên và tổ chức đặt ra. Chị Ba có tuổi, giàu kinh nghiệm, thông thuộc địa bàn, chưa bị bắt lần nào và có bình phong tốt. Hai Trung mới nghe tổ chức giới thiệu, đã nhận ngay.

Trong một tài liệu tổng kết về giao thông viên lưới H.63, vai trò của Nguyễn Thị Ba được đánh giá: một giao liên gan dạ, mưu trí bên cạnh điệp viên. Và những yếu tố khác: Chị Ba là đảng viên, chồng cũng là cách mạng lão thành. Xa chồng, xa con, chị một mình vào Sài Gòn lấy bình phong bán đồ vàng giả, đồ chơi trẻ con để làm liên lạc cho Hai Trung.

Theo quy ước, chị Ba bán hàng tại khu vực Chợ Cũ (chợ Bà Chiểu - TP.HCM bây giờ) để nhận tin tức và tài liệu từ Hai Trung chuyển ra. Thông thường, vào sáng chủ nhật hoặc giờ nghỉ, Hai Trung đi xe đến chợ, gửi xe rồi dắt chó vào chợ. Như một người đi mua đồ cho chó, cho chim. Đến hàng của giao liên, Hai Trung giả vờ tìm một vài đồ vàng giả mua về cho trẻ con.

Khi có tín hiệu an toàn, thư được bỏ vào hàng của Nguyễn Thị Ba. Nhận tài liệu, tin tức, Nguyễn Thị Ba sẽ trực tiếp chuyển cho giao liên đưa về căn cứ hoặc qua các liên lạc dự bị. Cứ vậy, gánh hàng trang sức giả là bình phong vững chắc cho liên lạc Nguyễn Thị Ba trong cả quá trình đứng đằng sau hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn.

10 năm làm liên lạc cho Hai Trung, Nguyễn Thị Ba chưa bao giờ sai một buổi hẹn nào, chưa có một sai sót nào. Chỉ có Hai Trung là thất hẹn một số ít lần vì bận đi ra ngoài thành phố không trở về kịp. Ông không thể thông báo trước, bởi vì bình phong bắt buộc Hai Trung phải đi xa thành phố đột xuất.

Bản năng cẩn trọng của người giao liên họat động trong nội thành thường trực trong con người Nguyễn Thị Ba. Chị luôn rất cảnh giác trước khi gặp Hai Trung, cũng như khi trao nhận tài liệu, tin tức. Cụm trưởng Tư Cang kể lại, cũng vì quá cảnh giác, nhiều khi gặp nhau trong chợ, Hai Trung phải khuyên Nguyễn Thị Ba đừng quá nhìn xuôi ngó ngược trong lúc nói chuyện. Vì điều này có thể gây chú ý cho bọn an ninh VNCH, vốn đầy rẫy xung quanh.

Chị Ba già đã giữ đường liên lạc an toàn và hiệu quả suốt mười mấy năm. Mãi đến 3/1975, chị Ba mới được đổi bằng người khác. Sau này, thiếu tá Nguyễn Thị Ba được phong Anh hùng LLVT.

Khi còn sống, nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn từng đúc kết về giao liên với các nhà báo đến hỏi chuyện ông: "Điệp viên giỏi mà không có giao liên giỏi đưa tài liệu ra căn cứ thì chỉ có... ăn cám!".

Điệp viên không cô độc

Hai Trung, Tám Thảo và Nguyễn Thị Ba hoạt động trong lòng địch nhưng chưa bao giờ cô độc. Bởi lẽ, từ năm 1966, cụm trưởng Tư Cang nhận nhiệm vụ thường xuyên ra vào thành. Cụm trưởng vào vùng địch hậu hoạt động một thời gian dài và bất hợp pháp như Tư Cang được đánh giá là cấp chỉ huy không còn vị trí an toàn và công khai. Cụm trưởng cũng hoạt động mật như một điệp viên.

Cụ thể, Tư Cang nhận lệnh từ Phòng tình báo miền: Vào nội thành kiểm tra, điều nghiên tình trạng của toàn lưới một cách cụ thể. Cụm trưởng tiếp xúc với điệp viên, với giao thông nội đô để hướng dẫn, bồi dưỡng và trực tiếp chỉ đạo.

Việc ra vào thành như con thoi của Tư Cang còn có nhiệm vụ khác: lắng nghe điệp viên, làm giảm sự cô đơn và căng thẳng từ điệp viên. Tư Cang là cụm trưởng luôn kiểm soát được điệp viên trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, theo các tài liệu đánh giá sau này, sự liên lạc trực tiếp giữa tổ trưởng và điệp viên liên tục cũng sẽ có hại đến sự an tòan của điệp viên. Nhưng thật tài tình, chưa một lần hoạt động của điệp viên và các mũi của H.63 bộc lộ sai sót.

Điều này thật thú vị khi lúc đầu Hai trung không biết ai là tổ trưởng của mình. Trung chỉ biết có một tập thể chỉ huy mình. Trong thời gian hoạt động trong thành, từ 1966-1969, Tư Cang lấy tên là Khanh. Và trong thư từ báo cáo, Hai Trung gọi Tư Cang là Robert. Bởi lẽ, đây là nguyên tắc để giữ bí mật tung tích cấp chỉ đạo. Hai Trung luôn ý thức về nguyên tắc này.

Giữa Hai Trung và Tư Cang sau này đã trở thành 2 người bạn thân, lúc những thông tin về 2 người đã được công bố. Chiến công của Hai Trung thì nhiều, nhưng Đại tá Tư Cang nhớ rất rõ khoảnh khắc một buổi trưa năm 1967. Hai Trung lái xe Renault chở Tư Cang đi trên đường, cụm trưởng báo tin cho điệp viên, tập tài liệu Hai Trung chuyển ra vừa qua rất có giá trị. Trung ương đã quyết định tặng thưởng cho Hai Trung một huân chương chiến công hạng nhất.

Nghe thủ trưởng nói vậy, Hai Trung mừng và nhớ ơn cấp trên. Nhưng rồi lại trầm hẳn xuống, và nói thật từ đáy lòng: đời người tình báo chẳng biết có cơ hội đeo huân chương không! Tư Cang không khỏi xót xa khi nghe cấp dưới nói vậy.

Sau chiến tranh, "bộ máy" H.63 đã 2 lần trở thành anh hùng. Trong những tài liệu tổng kết được công bố, H.63 được đánh giá tinh cán, gọn gàng, nhịp nhàng giữa điệp báo và giao thông cả trong nội đô và từ nội đô ra khu căn cứ, có sự chỉ đạo liên tục từ cụm trưởng.

Và dĩ nhiên, H.63 đã cống hiến cho cách mạng nhiều thông tin có hiệu lực và giá trị.

Nhưng trước khi vào thành hoạt động, vị chỉ huy bắn súng 2 tay như một đã có những tháng ngày "ăn cùng bom, ngủ cùng đạn" tại căn cứ Bến Đình. Tất cả để duy trì lưới và bảo vệ những tin tức, tài liệu điệp viên gửi ra.
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #93 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 08:28:00 pm »

Kỳ 21: Sống trong hủy diệt


Trong thành, điệp viên và giao thông nội đô đối diện với những hiểm nguy rình rập. Ở căn cứ, cả cụm H.63 cũng thường xuyên đối mặt với các trận vây ráp, càn quét của địch. Trước khi vào thành hoạt động, vị chỉ huy bắn súng 2 tay như một đã có những tháng ngày "ăn cùng bom, ngủ cùng đạn" tại căn cứ Bến Đình.

Đối diện với "anh cả đỏ"!

Năm 1965, tình hình miền Nam ngày càng căng thẳng. Bước sang năm 1965, Mỹ liên tục đưa các sự đòan lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 1 bộ binh, kỵ binh không vận vào miền Nam. Trong đó, nổi lên nhất là sư đoàn kỵ binh số 1. Địch tuyên truyền rùm beng, đây là sư đoàn thiện chiến nhất với biệt danh "anh cả đỏ". Cạnh đó, chúng chuẩn bị đưa vào miền Nam sư đoàn bộ binh số 25. Chúng rêu rao: Đây là sư đoàn có khả năng giải quyết nhanh chóng chiến trường vùng nhiệt đới, nên được tôn vinh là "Sư đoàn tia chớp nhiệt đới".

Theo chiến lược dồn dân, lập ấp để tạo ra các vùng trắng, quân địch bắt tất cả người dân nơi cụm đóng quân ra các ấp chiến lược. Để khủng bố và gây áp lực bắt nhân dân phải bỏ làng mạc ra đi, chúng không tiếc pháo, bom ném vào từng nhà một. Không ai có thể ở nổi. Cụm H.63 sống ẩn dưới địa đạo trong các khu dân cư, chống lại những cuộc truy lùng của địch.

Cụm trưởng Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu) là người chứng kiến và có nhiều kỷ niệm nhất với mảnh đất Phú Hòa Đông. Không thể hình dung nổi cảnh máy bay ném bom trên mặt đất, cả cụm tình báo ở dưới lòng đất. "Ác liệt!" - Hơn 30 năm sau, đại tá Nguyễn Văn Tàu nhắc đi nhắc lại cụm từ này. Ông chợt "trở về" với Bến Đình, với những tháng ngày nằm sâu trong lòng địa đạo oanh liệt xưa... Bến Đình trở thành quê hương thứ 2 của Tư Cang và nhiều đồng đội trong cụm H.63. Sau ngày thống nhất đất nước, Bến Đình là nơi ông và đồng đội thường chọn để trở về, vào mỗi dịp quan trọng.

Trận chống càn đầu đầu tiên của cụm H.63 vào năm 1965, tại căn cứ Củ Chi. Sư đoàn "anh cả đỏ" từ căn cứ Bắc Bến Cát, hướng về đất Củ Chi càn quét. Quân địch được trang bị cực kỳ hiện đại và chuyên nghiệp. Lực lượng không quân và pháo binh đi trước dọn đường. Xe tăng âm ầm rung chuyển mặt đất. Lính bộ binh của chúng được trang bị tận răng, mỗi thằng cầm một khẩu tiểu liên M.16 "cực nhanh" đi sau xe tăng.

Khi chỉ còn cách Tư Cang và 2 đồng đội Năm Hải và Tư Lâm 200m, toàn bộ đội quân của chúng bị khựng lại. Xe tăng không thể qua được vùng sình lầy. Bọn Mỹ tức giận. Tiếng máy nổ vang một góc trời. Tổ 3 người do Tư Cang làm tổ trưởng đang núp trong một bụi cây rậm giữa đường và sông Sài Gòn theo dõi chúng. Thời cơ tiêu diệt những tên lĩnh Mỹ đầu tiên trên đất thép Củ Chi đã đến. Hồi đó, anh em chỉ được trang bị súng trường báng đỏ bắn từng phát một. Mỗi người một khẩu, riêng khẩu của Tư Lâm có gắn thêm bộ phận lắp được đạn chống tăng.

Ba tiếng nổ vang lên cùng lúc. Thằng Mỹ chỉ huy chết ngay tại chỗ. Thằng mang điện đài bổ nhào xuống sông. Một cột khói bao quanh chiếc xe tăng vừa trúng đạn của Tư Lâm. Sau phút định thần, chúng rút súng bắn loạn xạ ra hướng sau lưng, chúng không biết tiếng súng nổ ra từ hướng nào. Tổ 3 người lặn xuống sông và rời khỏi khu vực chiến đấu.

Ngay hôm sau, Tư Cang gửi một báo cáo gấp về trung tâm: Quân Mỹ bắt đầu chết trên đất Củ Chi!

H.63 trở thành "con mồi"!

Đội võ trang của cụm H.63, có thành tích đặc biệt là đội đầu tiên giết chết quân Mỹ dưới địa đạo. Cuối năm 1965, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ được điều qua và đóng căn cứ tại Đồng Dù (Củ Chi). Căn cứ của địch chỉ cách căn cứ của H.63 khoảng 5-6 cây số. Đây là sư đoàn được đào tạo, huấn luyện chiến tranh chống du kích, cách đánh du kích.

Một ngày đầu năm 1966, không biết có chỉ điểm hay không, Sư đoàn này tính chuyện săn cụm H.63. Khi Tư Cang và Năm Hải đi công tác trong ấp Phú An về, anh em báo có 5 xe tăng của địch mò đến. Với kiến thức quân sự, cụm trưởng Tư Cang nhận ngay ra đây là một cuộc hành quân trinh sát của bọn Mỹ. Chúng đang chuẩn bị cho một trận tập kích đánh úp vào H.63. Một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra.

Tư Cang đưa ra phán đoán: Có thể, chúng biết ta là một bộ phận quan trọng, muốn dùng lực lượng mạnh đánh úp bất ngờ. Và người chỉ huy đưa ra quyết định: đại bộ phận cụm sẽ tránh đi một địa điểm khác để giữ liên lạc mật vụ với nội đô và cấp trên!

Cụm trưởng cho một tổ 3 người ở lại duy trì liên lạc với các đơn vị bạn trong vùng. Cơ bản nhất, tổ có nhiệm vụ "đánh cho bọn Mỹ một trận, cho chúng biết tay!" Đúng như phán đoán, "anh cả đỏ" và Sư đoàn "tia chớp nhiệt đới" bị tổ 3 người Tám Phương, Đạo và Lợi cho "phơi áo" ngay trong lòng địa đạo.

Hôm sau, đại quân Mỹ cỡ chừng 50 xe tăng ào ào kéo đến. Có lẽ vì nắm vững vị trí và lực lượng H.63 theo bọn chỉ điểm nên bọn Mỹ định "ăn gọn", bắt sống cả cụm. Sau khi ngụy trang kỹ địa đạo, tổ 3 người cầm vũ khí chạy ra miệng địa đạo, mở nắp sẵn ngồi chờ địch tới. Đúng lúc đó, một tình huống ngoàii dự đoán ập đến. Khi xe tăng Mỹ đang tiến vào như 2 gọng kìm khép chặt địa đạo thì một toán khoảng 20 người của ta đang chạy đến địa đạo. Người dẫn đầu là Tư Kiếng, một cán bộ ban quân báo I4 (mật danh của Quân khu Sài Gòn - Gia Định).

Tư Kiếng đi móc nối cơ sở bí mật trong Sài Gòn ra, vừa đến đây thì gặp quân Mỹ đi càn. Trong quan hệ công tác, Tư Kiếng biết ở đây có lực lượng vũ trang của cụm H.63 nên dẫn cả đoàn chạy vào ẩn náu. Cả đoàn Tư Kiếng chui xuống địa đạo. Tám Phương là người xuống cuối cùng. Đó là lúc gọng kìm của địch khép lại. Một chiếc xe tăng địch đã đậu trên... nắp hầm.

Cả đoàn quân hùng hậu của Mỹ không thấy một bóng người. Địch tức tối đi tìm các nắp hầm bí mật. Thêm một số xe cơ giới hạng nặng từ Đồng Dù tới. Xe tăng chạy qua chạy lại trên mặt đất để nắp hầm bật lên. Ba nắp hầm bí mật bị khám phá.

Bọn Mỹ cười hô hố khi thấy các nắp bị bật tung. Điện đài được đánh về trung tâm chỉ huy ở Đồng Dù, yêu cầu trực thăng chở đội chuyên đánh đường hầm đến. Đó là "phi đội chuột cống". Toàn những tên không to con, vốn được huấn luyện đặc biệt tại Ha-oai, về môn đánh đường hầm.

Chuột cống "quốc tịch"... Mỹ

"Phi đội chuột cống" chụi ngay xuống hầm. Vừa mò mẫm vừa gõ dò tìm các nắp trầm, nắp bổng. Địa đạo được thiết kế đặc biệt và nhiều cấu trúc phức tạp. Một đoạn đường hầm từ 8 đến 10 mét trông như bịt kín 2 đầu. Nhưng nếu dùng đèn pin quan sát kỹ và dùng cán xẻng gõ tìm đường trong lòng đất, gần cuối đường hầm có một nắp khi thì trồi lên để sang hầm khác, khi thì tụt xuống. Đó là những nắm bổng, nắp trầm. Những sáng tạo khi đào địa đạo của cụm H.63 bọn địch có đoán trước cũng không tài nào qua nhanh được.

Tư Cang đưa ra phán đoán: Có thể, chúng biết ta là một bộ phận quan trọng, muốn dùng lực lượng mạnh đánh úp bất ngờ. Và người chỉ huy đưa ra quyết định: đại bộ phận cụm sẽ tránh đi một địa điểm khác để giữ liên lạc mật vụ với nội đô và cấp trên!
 
Mất mấy tiếng đồng hồ, "phi đội chuột cống" mới qua được các chướng ngại vật giăng sẵn. Chiến sĩ Đạo được giao nhiệm vụ ngồi gác trên một nắp bổng của đoạn kế tiếp. Tám Phương chỉ đạo: Đạo giương lưỡi lê ra, khi "chuột cống" đội nắp lên thì... xỏ lê ngang cổ, nó sẽ mắc kẹt ngang miệng hầm. Tay cầm lưỡi lê theo lời tổ trưởng nhưng Đạo run thật sự. Anh mới rời gia đình, nhập ngũ chưa đầy một tháng vào lực lượng vũ trang H.63. Ở nhà, Đạo tên là Hiến. Nhập ngũ, vì đào địa đạo giỏi nên anh em đặt tên là Đạo.

Đã thấy lính Mỹ dậm bịch bịch ngay dưới chân Đạo. Cái nắp chuyển động. Chúng cố sức mở nắp ra. Đạo lại đè xuống. Trong lúc bối rồi, Đạo quên lời tổ trưởng Tám Phương dặn. Anh bỏ cây súng đã giương lê sang một bên, toàn thân nằm trên nắp, dùng hai tay đè xuống. Phía dưới "chuột cống" đẩy càng mạnh.

Đạo nhớ đến đôi lựu đạn đeo bên hông. Anh cúi xuống, dùng thân bên trái đè nắp, tay phải gỡ trái lựu đạn. Anh rút chốt, thả quả lựu đạn xuống kẽ hở. Ụp! Một tiếng nổ phát ra từ lòng đất. Nắp bổng hất tung về một bên làm Đạo bị thương ở tay. Mặc kệ, anh đưa tay lấy nốt trái lựu đạn còn lại. Rút chốt sẵn và lắng nghe phía dưới. Tiếng ồ ồ khàn khàn như bò bị cắt tiết phát ra từ bóng tối. Đạo thả nốt quả lựu đạn. Lại một tiếng nổ nữa. Rồi im lặng...

Không thấy bóng dáng Việt Cộng nào bị bắt. Càng không thấy bọn "chuột cống" chui lên. Chỉ có 2 tiếng nổ nhỏ trong lòng đất. Đêm lại đang buông. Cả tiểu đòan Mỹ chia nhau từng toán ngồi canh giữ chiến trường chờ sáng.

Khi thấy tín hiệu an toàn, Tám Phương giở nắp hầm bí mật còn lại ở một gốc cây rồi cho mọi người chui lên, bò ra khỏi địa đạo. Tổ 3 người dẫn đoàn Tư Kiếng ra bờ sông, dùng xuồng đưa mọi người sang sông an toàn. Khi chỉ còn lại 3 người, Tám Phương nói: "Bọn Mỹ đến nhà mình, không thể cho chúng tự do hoành hành, không để chúng được ngủ yên!".

Lợi dụng các bậc hầm đá, men theo các bụi tầm vông, tổ tiếp cận quân địch. Đêm tối như bưng. Quân Mỹ đang dồn nhau lại quanh các xe tăng. Tiếng nói chuyện rì rầm như những bóng ma trong đêm. Trời tối, không thể ném lựu đạn. Tám Phương và đồng đội dùng súng trường bắn... đại vào những nơi đang phát ra tiếng rì rầm. Cứ mỗi lần như vậy, địch lại bắn trả hàng chục phút. Nhưng chỉ bắn vu vơ, trúng vào những cây bần, tầm vông.

Sau trận đánh địa đạo đầu tiên của lực lượng võ trang cụm H.63 đó, quân địch đã ranh ma hơn khi đánh hầm. Tư Cang nhớ lại, có đợt chúng đánh chết nguyên một cụm tình báo. Đó là cụm B4, đóng tại đình Bến Liễu, xã An Tây, huyện Nam Bến Cát do Hai Thăng là cụm trưởng. Giặc đi tuần đêm, người được giao nhiệm vụ gác miệng địa đạo sơ hở, ngủ quên.

Chúng gọi xe tăng chở thuốc nổ C4 cực mạnh tới. Thuốc nổ ném xuống miệng hầm, cứ thấy khói xì lên ở đâu chúng đánh tiếp bằng C4 ở đó. Với 4,5 lần đánh, thuốc nổ vùi luôn cả cụm B4. Từ cụm trưởng, đài trưởng. Chiến sĩ cụm B4 hy sinh 7 người, một người còn lại xin qua cụm H.63. Rút kinh nghiệm từ cụm này, cụm trưởng Tư Cang yêu cầu anh em canh gác thật kỹ. Những lúc địch đi tuần, cụm trưởng phải là người gác miệng địa đạo.

Chỉ huy cụm tình báo H.63 ngừng kể. Ông leo lên gác 2 lấy ra những kỷ vật của đồng đội mà ông luôn cắt giữ như kho báu. Phủ đi lớp bụi, khẩu súng Col lại như mới trong tay Đại tá Nguyễn Văn Tàu. Đây là khẩu súng tổ 3 người thu lấy được trong đường hầm, khi quân Mỹ đã bỏ đi hết.

Đảm bảo an tòan ngoài căn cứ chỉ là những hỗ trợ cho điệp viên trong vùng địch hậu. Cụm trưởng và các nhân vật trong lưới H.63 đã hoạt động cận kề kẻ thù như thế nào trong nội đô Sài Gòn?
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #94 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 08:33:41 pm »

Kỳ 22: Giáp mặt với gian nguy


Tư Cang hoạt động nhiều ở căn cứ nhưng vẫn ra vô thành như con thoi. Dù có các giao liên nội đô sống thường trực trong thành và giao liên từ căn cứ vào, cụm trưởng vẫn phải trực tiếp vào thành nhận tin và giao những nhiệm vụ quan trọng cho Hai Trung. Nhưng, vào thành là đối mặt với gian nguy luôn giăng sẵn...

Về thành

Năm 1966, Phòng tình báo miền ra một chỉ thị: cụm trưởng cần sát cánh bên điệp viên và giao thông nội đô. Tư Cang rời căn cứ Bến Đình, di chuyển vào thành với nhiều vỏ bọc khác nhau. Bắt đầu từ buổi trưa ngày 20/8/1966. Tư Cang và chiến sĩ của mình là Sáu Ẩn dùng xuồng qua sông Sài Gòn. Hai người theo đường tỉnh lộ 14 lên ngã ba Rạch Bắp rồi đi vào Sở cao su Ginết.

Dù có các giao liên nội đô sống thường trực trong thành và giao liên từ căn cứ vào, cụm trưởng vẫn phải trực tiếp vào thành nhận tin và giao những nhiệm vụ quan trọng cho Hai Trung. Nhưng, vào thành là đối mặt với gian nguy luôn giăng sẵn...

Người anh ruột của Sáu Ẩn là Năm Be đang phụ trách một cánh biệt động thành. Năm Be có cơ sở mật tên là Sào đang làm lái xe tải nhẹ chở mủ cao su từ đây về Sài Gòn. Đây cũng là cách anh em biệt động chuyển thuốc nổ, súng ống về thành phố. Tư Cang sẽ đi nhờ xe chở cao su vào thành.

Được dặn trước, Tư Cang đóng vai người chú của lái xe Sào từ Sài Gòn vào thăm gia đình đứa cháu, nay tiện xe về Sài Gòn luôn. Xe vào thị trấn Bến Cát, rẽ sang quốc lộ 13 và bon bon về Sài Gòn. Dọc đường, liên tục qua các bốt gác của địch.

Mỗi lần bị chặn lại, bà chủ sở cao su lại xuống trình giấy. Quá quen xe cao su 2-3 ngày một chuyến vào ra, không tên địch nào buồn đến khám xe. Tư Cang di chuyển ra thành phố một cách nhẹ nhàng.

12 năm rồi anh mới trở lại Sài Gòn. Tháng 6/1954, lúc đó đang là tổ trưởng quân báo liên huyện Cần Đuốc - Cần Giờ - Nhà Bè, anh được giao vào Sài Gòn vẽ bản đồ, điều tra các đồn bốt thuộc lực lượng Bình Xuyên, bên kia cầu chữ Y. Sài Gòn bây giờ đã khác. Cảnh đông đúc, sầm uất hiện ra trước mắt người cụm trưởng tình báo vốn chỉ sống ẩn mình dưới địa đạo khắp vùng Bến Đình.

Nơi Tư Cang đang tìm đến là một nơi đặc biệt. Đó như "căn cứ" an toàn ngay bên hông địch. Ở đó có những con người sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, dung dưỡng người cụm trưởng tình báo như đứa con trong gia đình mình. Ở đó cũng là nơi chứng kiến một tình cảm đẹp... Nơi đó là nơi Tám Thảo và gia đình đang sống.

Được Tám Thảo dặn trước, Tư Cang mang phong thái tự nhiên đi thẳng vào ngôi nhà 136B, hẻm 136, đường Gia Long. Anh như người thân của gia đình đã đến đây nhiều lần. Gia đình Tám Thảo được biết đến như một gia đình người Bắc khá giả, cách Dinh Độc Lập chưa đầy trăm mét nên bọn lính cảnh sát, an ninh ít nghi ngờ. Gia đình có một sạp vải "Tân Mỹ" ngoài chợ cũng là một trong những hộp thư của cụm H.63 trong thành.

Cả gia đình nhiệt tình đón tiếp Tư Cang.

Anh nhớ lại, hôm đưa Tám Thảo vào căn cứ Bến Đình học nghị quyết, đã đặt vấn đề vào Sài Gòn và ở tại gia đình với cô. Tám Thảo không chút do dự. Cô nhận thấy người thủ trưởng của mình có dáng dấp thành phố, lại biết ngoại ngữ nên dễ nhập vai.

Nhưng cô vẫn do dự về ba mình, một người gốc Bắc vốn rất khắt khe. Tư Cang và Tám Thảo móc nối giao liên đưa ba Tám Thảo vào căn cứ. Ông cụ đã đồng ý với kế hoạch ở lại nhà mình của Tư Cang.

Tư Cang trở thành người thân trong gia đình Tám Thảo lúc nào không biết. Anh coi ba Tám Thảo như ba mình. Đêm đêm, anh nằm bên ông, vừa đấm lưng, bóp chân cho ông vừa nói chuyện về Bác Hồ, về cách mạng. Anh dạy thêm tiếng Anh, tiếng Pháp cho mấy đứa cháu trong nhà.

Nhiều đêm, một tên chỉ điểm cạnh nhà lảng vảng đến, hắn đứng lại nghe Tư Cang giảng bài rồi lặng lẽ bỏ đi. Hắn không thể ngờ người thanh niên trắng trẻo, ưa nhìn đêm đêm giảng ngoại ngữ cho trẻ con lại là một cán bộ Việt Cộng, một thiếu tá tình báo quân đội.

Người bạn chơi chim, chơi chó

Ở thành phố đã yên ổn, Tư Cang nhờ Tám Thảo báo cho Hai Trung đến. Hồi đó, giữa Hai Trung và gia đình Tám Thảo rất thân mật. Từ khi Tư Cang lãnh đạo H.63, chỉ đạo Hai Trung chỉ qua thư. Khi gặp nhau, Hai Trung bảo với Tư Cang: "Thằng cha này trong rừng mà ngó ngon quá!". Hai Trung nhìn Tư Cang từ đầu đến chân.

Ông yêu cầu Tư Cang thay áo. Chiếc áo Tư Cang đang mặc mới quá, ra đường giặc sẽ nghi. Tiếp đến là đôi giày. Hai Trung bỏ tiền ra mua cho thủ trưởng một đôi giày thật xịn.

Trên chiếc xe này, Hai Trung đã chở thủ trưởng đi khắp nơi trong thành, đi đâu cũng giới thiệu Tư Cang là chủ sở trên Dầu Tiếng, là bạn chơi chim, chơi chó.

Mãi sau này, khi được hỏi về thủ trưởng của mình, Phạm Xuân Ẩn vẫn cười và nhắc về lần gặp đầu tiên của hai người: Tư Cang đẹp trai, lịch lãm dũng cảm. Nhưng ăn mặc thì lỗi mốt, cửa ô tô không biết mở!

Hai người lúc nào cũng đi cùng nhau. Hai Trung đưa Tư Cang vào toàn những nơi sang trọng để làm quen và nghe thông tin từ các nhân vật cỡ bự của địch. Có người hỏi về Tư Cang, Hai Trung bảo đây là một người bạn là chủ sở trên Dầu Tiếng, là bạn chơi chim, chơi chó. Hai Trung lái xe chở Tư Cang đi khắp nơi. Phía sau bao giờ cũng có con chó cưng của Hai Trung.

Ít ai ngờ con chó này được Hai Trung điều khiển bằng... tiếng Pháp. Đi bất cứ đâu Trung cũng cho chó đi theo. Con chó nằm ngoan ngoãn dưới bàn. Hai Trung kể lại với cụm trưởng, đây là con chó của một người bên Pháp cho Nguyễn Cao Kỳ. Một lần vào Phủ Tổng thống, ông thấy thích con chó đẹp.

Hai Trung móc với tên quản lý chó, làm cho chó ốm đói và ghẻ để thanh lý cho mình, lại được thêm tiền tiêu. Tên quản lý chó nghe cũng khoái chí, vì không phải chó của mình. Chỉ vài tuần sau, con chó đẹp đẽ trở nên ốm đói, ghẻ lở. Nó bảo với Nguyễn Cao Kỳ, chắc là con chó này không hợp với khí hậu Việt Nam, nên thanh lý. Hai Trung mua lại được con chó. Bên Pháp nó đã được điều khiển bằng tiếng Pháp, Hai Trung mua về cứ thế "nói chuyện" với nó bằng tiếng Pháp.

Điều này gây ngạc nhiên với Tư Cang. Một lần Hai Trung dẫn Tư Cang vào nhà hàng Victory. Sau khi đã xong việc, Hai Trung đứng lên trả tiền, con chó đi theo. Hai Trung quát bằng tiếng Pháp: "Đứng lại!". Con chó đứng yên. Khi trả tiền xong, trở lại bàn, Hai Trung lại nói: "Nằm xuống!" (bằng tiếng Pháp). Con chó lại nằm xuống. Xung quanh không thể nghi ngờ 2 ông chủ giàu có, điều khiển chó bằng tiếng Pháp lại là một điệp viên cỡ bự và một cụm trưởng tình báo cỡ bự của Việt Cộng.

Gặp Tư Cang, Hai Trung rất mừng. Lúc này mục đích lớn nhất cấp trên giao cho Hai Trung đang là nghiên cứu về quân sự để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Tư Cang và Hai Trung phải bám xem Mỹ Ngụy thi hành kế hoạch quân sự 142 như thế nào? Kế hoạch bình định được chúng cập nhật hóa ra sao? Theo dõi khi nào chúng đưa kế hoạch mới là AB 143 để thi hành năm 1968, phải lấy bằng được vào cuối năm 1967. Ngoài ra, nhiệm vụ của Hai Trung còn xem Mỹ ngụy có nghi ngờ cuộc Tổng tấn công của ta sắp tới không? Có sự chỉ đạo trực tiếp của Tư Cang, Hai Trung làm tốt tất cả mọi việc.

Sát cánh bên điệp viên, cụm trưởng Tư Cang hoạt động mật trong thành như không khác gì một điệp viên thực thụ. Cụm trưởng H.63 được giao chỉ thị kiểm tra, điều nghiên tình trạng của toàn lưới một cách cụ thể. Thỉnh thoảng lại về vùng an toàn, không được ở vùng địch hậu lâu dài. Tư Cang còn có nhiệm vụ hướng dẫn, bồi dưỡng cho điệp viên những nhiệm vụ, nghị quyết của trên để lấy tài liệu thích ứng với tình hình.

Trực tiếp vào thành hoạt động hỗ trợ điệp viên và nắm tình hình, cụm trưởng H.63 đối mặt với nhiều hiểm nguy. Bằng sự mưu trí, bình tĩnh Tư Cang đã nhiều lần vượt qua. Kể cả vượt qua chính mình...

Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #95 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 08:38:38 pm »

Kỳ 23: Cơ hội của... viên đạn giành riêng


Có những cuộc xét giấy "căng như dây đàn". Chỉ cần cái gật đầu nhẹ của tên chỉ huy, Tư Cang và giao liên sẽ bị bắt, điệp viên và cơ sở ắt sẽ lung lay. Đây cũng là dịp xạ thủ "hai tay như một" suýt nữa đã dùng đến viên đạn giành cho riêng mình. Cụm trưởng H.63 đã vượt qua như thế nào?

Cuộc xét giấy... thót tim

Năm 1968, sau đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, cấp trên gọi ông về để chỉnh huấn. Giao liên Tám Kiên lại là người đi cùng Tư Cang từ trong thành về cứ. Hai người đi trên chiếc xe honda nữ của Tám Kiên. Trước khi đưa Tư Cang ra cứ, Tám Kiên đã điều tra và nắm rõ tình hình đường sá. Chỗ nào có bốt, có bốt nghiêm, bốt sơ hở, nhiều quân Mỹ, làm gắt gao... đều đã nằm trong đầu nữ giao liên trẻ.

Có những cuộc xét giấy căng như dây đàn...

Hai người vừa đi vừa nói chuyện như một đôi vợ chồng trẻ. Tám Kiên thông tin cho thủ trưởng biết, mấy hôm nay lực lượng Mỹ - Ngụy đang càn quét trên một vùng lớn từ Củ Chi đến Trảng Bàng. Sự liên lạc giữa khu căn cứ và ấp chiến lược Phú Hòa Đông gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Hôm nay, Tám Kiên sẽ đưa thủ trưởng về ấp chiến lược Mỹ Phước (huyện Bến Cát). Xe chạy bon bon về hướng Lái Thiêu. Qua trạm gác thị xã Bình Dương, cả hai không bị xét hỏi gì. Nhìn cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng trên chiếc xe honda mới, các tốp lính không thể nghi ngờ.

Chỉ còn 10 cây số nữa sẽ đến Mỹ Phước. Tư Cang nhìn thấy cách mình 100m có một tên lính, trên tay hắn là khẩu súng cac-bin. Phía trong, dưới các gốc xoài, mấy chiếc xe Jep đã đậu sẵn. Tình huống bất ngờ xảy ra mà lúc sáng Tám Kiên đi không gặp.

Tư Cang đang dùng giấy tờ giả do Tám Chứa, một cán bộ kỹ thuật Phòng tình báo cấp. Tên lính cầm thẻ căn cước xem đi xem lại. Nó đã nghi giấy giả. Nó nắm tay lại, bóp tờ thẻ rồi bung ra. Lại bóp và thả cho bung ra một lần nữa. Tên này đã có kinh nghiệm trong việc xét hỏi căn cước.

Tên lính cười gằn rồi nói: "Giấy này kỳ quá!". Tư Cang chống chế: "Mấy ông cấp sao, tôi đi vậy chứ kỳ gì!". Nó tiếp tục "vần con mồi" bằng cách đưa giấy ra sau lưng rồi nhìn thẳng vào mắt Tư Cang, hỏi tên cha ông. "Ba tôi hả? Nguyễn Văn Muốn!". Cô giao thông Tám Kiên đứng bên bắt đầu lo. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ trả lời sai với thông tin trên giấy. Vì đây là giấy giả, cha giả. Đây là tên ông cậu của Tư Cang.

Trả lời xong, Tư Cang trêu lại nó: “Tía (cha) mà cũng hỏi nữa”! Nó vẫn không chịu thua, ngó tiếp và hỏi : "Giấy cho ngày mấy?”. Giấy này là giả, khi ra ngoài thành, ông đã cẩn thận so với giấy thật để xem và nghiên cứu trước. Nhưng nếu trả lời quá chính xác tụi nó cũng nghi. Tư Cang từ tốn: "Giấy mấy ông cho đâu hồi giữa năm 1962, bây giờ hỏi ngày làm sao nhớ nổi!".

Vẫn chưa chịu thua. Tên lính cầm tờ giấy đi vào trong, nói với tên Trung úy chỉ huy: "Thưa Trung úy, tờ giấy này coi kỳ quá, có nhiều khả nghi!". Tên Trung úy cầm giấy và lật đi lật lại xem. Trung uý nhìn về phía Tư Cang, thấy anh đang vui vẻ, lại còn lấy thuốc ra hút rất tự nhiên. Anh bảo nhỏ Tám Kiên: cứ tươi tỉnh lên!

Tên Trung úy thấy thái độ của Tư Cang và Tám Kiên như vậy nên quay sang thằng lính bảo: Người Sài Gòn giấy như vậy đó! Trả cho người ta đi. Tên lính ra trả giấy, mồm vẫn lẩm bẩm: mình đã phát hiện ra giấy giả, thế mà ổng vẫn cho đi. Khi đã thoát xa khỏi trạm xét giấy đó, Tư Cang và Tám Kiên vẫn không hiểu sao tên Trung úy chỉ huy lại dễ dãi đến vậy.

Viên đạn cuối cùng

Trong đợt 1 cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, nhiều tình huống nguy hiểm khi đối mặt với giặc đã được cụm trưởng và các giao thông viên H.63 hóa giải. Nhớ lại, ngay trong những ngày ta và địch đang đánh nhau dữ dội, giao thông Hai Ánh vẫn mang trót lọt vũ khí từ ấp chiến lược vào cho thủ trưởng Tư Cang.

Bữa đầu tiên, đúng hôm đang đánh ác liệt, bọn lính ở Ba Ri - Tân Quy đuổi cô về. Hôm sau Hai Ánh ngụy trang vũ khí trong một chồng bánh tráng. Giả vờ là người đi bán, gặp Tư Cang hỏi mua. 2 cây súng cùng 27 viên đạn được trao tận tay Tư Cang.

Ông xác định nếu bị lộ, sẽ sống còn với chúng, và viên đạn dành cho mình sẽ găm vào tim. Nếu không làm thế, địch sẽ bắt được và cả lưới được gây dựng lâu nay, cả điệp viên đang an toàn trong lòng địch sẽ dễ bị vỡ. Người chiến sĩ tình báo, trong cận kề cái chết, nhiệm vụ bảo vệ đường dây vẫn là cao cả nhất.

Tư Cang đặc biệt nhớ về chị giao liên dũng cảm này. Có lần, Hai Ánh mang một chỉ thị xuống cho Tư Cang. Đi tới Hoóc Môn, chị bị chặn lại tại một bốt cảnh sát kiểm tra giấy tờ gắt gao. Không thể để tài liệu rơi vào tay giặc.

Hai Ánh giả vờ làm rơi chỉ thị đã được cuốn tròn như viên bi nhỏ xuống đất. Cô nhanh chân đạp lên nó. Thừa lúc không ai để ý, giả bộ cúi xuống gãi kiến cắn, Ánh nhặt chỉ thị lên và cho vào mồm nuốt. Qua khỏi bốt gác, cô tới ngã tư Bảy Hiền mua 2 trái dừa to để uống rồi móc họng. Tài liệu được ói cho ra, chuyển về an toàn cho thủ trưởng Tư Cang.

Sau này, khi chiến tranh đã qua đi, thủ trưởng Tư Cang vẫn tự hào, trong quá trình hoạt động trong thành, lực lượng mật của H.63 không ai hy sinh, không ai bị bắt cả. Tư Cang điều khiển lưới trơn tru đâu ra đấy. Lực lượng mật toàn vẹn cho đến ngày giải phóng.

Trong đợt 1 Mậu Thân, khi Tư Cang đang núp trong nhà Tám Thảo, một chuyện ngoài dự tính đã xảy đến. Nhưng sự thông minh, khéo léo của Tám Thảo đã giúp Tư Cang không bị lộ, gia đình không bị địch quấy rầy. Đó là những ngày quân ta và địch đang giằng co tại khu vực Dinh Độc Lập.

Từ trên căn xép nhỏ, Tám Thảo và Tư Cang quan sát hết được diễn biến trận đánh. Nhìn thấy mấy tên Mỹ đứng lố nhố phía bên kia đường, Tám Thảo bảo Tư Cang dùng tài nghệ bắn súng hạ bọn chúng. Hai phát súng của Tư Cang hạ hai tên giặc. Bắn xong anh đi qua giường ngủ của Tám Thảo, len qua những bành vải cùng vật dụng phế thải của gia đình và chui vào một lỗ nhỏ bị bể trên tường gạch. Đó là nơi ẩn náu của anh.

Khi còn hoạt động trong thành, lúc nào trong túi Tư Cang cũng có viên đạn giành riêng cho mình...

Tức tối, nghi vấn, địch mò vào nhà Tám Thảo lùng sục. Còn 25 viên đạn. Anh lấy 1 viên bỏ vào túi. Bao giờ cam go, cận kề cái chết anh cũng làm vậy. Một viên đạn luôn để dành cho chính mình. Sợ 1 viên dễ bị kẹt, anh bỏ thêm viên nữa vào túi. Đây là lúc rất có thể viên đạn dành riêng cho Tư Cang được sử dụng.

Ông xác định nếu bị lộ, sẽ sống còn với chúng, và viên đạn dành cho mình sẽ găm vào tim. Nếu không làm thế, địch sẽ bắt được và cả lưới được gây dựng lâu nay, cả điệp viên đang an toàn trong lòng địch sẽ dễ bị vỡ. Người chiến sĩ tình báo, trong cận kề cái chết, nhiệm vụ bảo vệ đường dây vẫn là cao cả nhất.

Bọn địch đã lao xao ngoài ngõ. Chúng phỏng đoán hướng bắn từ ngôi nhà này. Tư Cang thấy thương gia đình Tám Thảo. Mọi người trong nhà đã xem Tư Cang như người thân. Nếu chúng phát hiện ra ông, không chỉ Tám Thảo, mà cả gia đình cô cũng liên lụy nặng.

Tư Cang thấy thương Tám Thảo vô hạn. Với cô, không chỉ còn là tình đồng chí đồng đội, trong những lúc cam go của cuộc chiến, những phút lãng mạn trong lòng địch, Tư Cang đã có chút tình cảm với cô.

Tiếng tên chỉ huy nói to: "Bắt thằng Việt Cộng ra xem gan lớn như thế nào mà dám ở vùng này!". Có lẽ tên chỉ điểm gần nhà đã nghi từ lâu, vì thấy Tư Cang hay đi ra đi vào với Tám Thảo. Đang ngồi thu mình trong bóng tối, Tư Cang nghe tiếng động phát ra từ mái nhà. Bọn địch cho cả 1 tốp đi trên ngói truy tìm kẻ bắn ra 2 phát súng vừa nãy. Chúng đã bao vây kín nhà Tám Thảo.

Địch đập cửa đòi kiểm tra sổ gia đình. Chúng lần mò lên tầng trên, chỗ Tư Cang đang núp. Nó chỉ cách anh có mười mấy thước. Lúc đó, Tám Thảo trong màn bước ra, cô làm bộ không biết gì và đối đáp với nó. Thảo cố tình nói thông tin mình làm cho Mỹ. Tụi nó lại nhìn thấy hình tên sếp Mỹ của Tám Thảo để trên bàn. Tên Đại úy trinh sát dẫn đầu đám lùng sục xua quân ra về (Phần thông tin này VietNamNet đã đưa chi tiết trong loạt bài về nữ điệp viên Tám Thảo).

Sau này, một người thuộc thế hệ sau của Tư Cang - Tám Thảo khi biết chuyện đã viết bài thơ "Bức hình kỷ niệm" tặng 2 người. Đại tá Tư Cang đã trân trọng in bức ảnh Tám Thảo và bài thơ trong cuốn hồi ký về trận Mậu Thân năm 1968, như một kỷ niệm đẹp:

"Đã nhiều năm sau cuộc chiến tranh
Tôi vẫn để tấm hình em bên ngực trái
Nơi ngày đó tôi cất viên đạn cuối cùng
Giành cho mình khi giặc xét nhà em...

...Giờ bức hình tôi vẫn để bên tim
Nơi viên đạn tôi giành riêng ngày đó
Tim tôi vẫn cuộn sôi dòng máu đỏ
Bên bức hình người đã chở che tôi".

Trong quá trình hoạt động của H.63, thời điểm trước và sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 được coi như một trong những thời kỳ hiệu quả nhất...
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #96 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 08:44:03 pm »

Kỳ 24: Mệnh lệnh giữa rừng đêm


Đêm 30 Tết 1968, giữa rừng khuya chiến khu, Thủ trưởng Phòng tình báo Sáu Trí chỉnh huấn Nghị quyết của Bộ Chính trị và giao nhiệm vụ cho Cụm trưởng Cụm tình báo H.63. Tư Cang suýt reo lên khi Thủ trưởng Sáu Trí ra mệnh lệnh: Trở lại Sài Gòn ngay đêm nay, đêm mai (mùng 1 rạng mùng 2 Tết), quân ta sẽ nổ súng...

Đêm chỉnh huấn khó quên

Trưa 30 tết, Tư Cang thực hiện mệnh lệnh từ thành phố về căn cứ để dự chỉnh huấn. Đêm cuối năm 1968, Thủ tưởng Sáu Trí của Phòng tình báo miền từ trên căn cứ sát biên giới xuống chỉ thị cho cụm H.63. Ánh đèn trong rừng tù mù. Đêm đã khuya lắm rồi. Chỉ còn tiếng con nai con hoẵng đi ăn đêm. Ông Sáu Trí và Tư Cang đang triển khai công việc. Khẩn trương và cẩn mật. Trên trời, thỉnh thoảng lại có những tốp máy bay địch đi tuần.

Đến tận bây giờ, sau gần 40 năm tính từ cái đêm ra rừng dự chỉnh huấn đó, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu không thể nào quên cái siết chặt tay tạm biệt với niềm hy vọng mãnh liệt từ thủ trưởng Sáu Trí.

Thủ trưởng phòng Sáu Trí phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị họp tháng 6/1967 cho Tư Cang. Sau này, trong cuốn sách viết về chiến dịch Mậu Thân 1968, Đại tá Nguyễn Văn Tàu thừa nhận: Những đợt chỉnh huấn của lãnh đạo Phòng tình báo miền vô cùng bổ ích đối với một người hoạt động trong thành như ông. Thông tin từ Thủ trưởng Sáu Trí đưa ra về tình hình miền Nam, về sự thay đổi trong cơ cấu của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Đó là một sức mạnh quân sự khổng lồ được triển khai, có thể làm nản lòng những kẻ yếu bóng vía! Số quân Mỹ từ con số 25.000 tăng lên 75.000 (8/1965), 200.000 (cuối 1965), 389.000 (cuối năm 1966) và cuối 1967 đã lên đến nửa triệu.

Bộ Chính trị nhận định: "... Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. So với mục tiêu chính trị và quân sự có hạn của chúng ở miền Nam, những cố gắng chiến tranh của Mỹ (cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) ở Việt Nam đã tới đỉnh cao... Thế chiến lược của chúng đã bị đảo lộn, tinh thần binh sĩ càng thêm sa sút, bạc nhược...". Tuy nhiên, không thắng được nhưng vẫn không chịu thua. Chúng muốn đàm phán để rút khỏi cuộc chiến tranh. Và địch có lập trường "lạ đời": Đàm phán trên thế mạnh!

Lúc bấy giờ, nhiều báo chí phương Tây cũng nhận xét về vị thế chiến tranh của Mỹ tại miền Nam Việt Nam: "Mâu thuẫn giằng co. Đó là con đường hầm không lối thoát!".

Đấy là những nhận định có cơ sở thực tiễn và lý luận, về địch. Còn tình hình và vị thế của ta, Bộ Chính trị chỉ rõ: "Về phía ta, chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược lẫn chiến thuật, thế và lực của ta phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch chiến tranh giải phóng của ta".

Từ nhận định về địch, về ta, Bộ Chính trị chỉ ra hành động: Tình hình này cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định! Giữa rừng khuya, Tư Cang như nuốt từng lời chỉnh huấn của thủ trưởng, mà lâu lắm rồi, ông đã khát khao được nghe từ khi đang hoạt động trong thành.

Sáng mùng 1, Thủ trưởng Sáu Trí tiếp tục phổ biến cho cụm trưởng H.63 về tinh thần của Trung ương Cục và chỉ thị của Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam: Chỉ trong đêm nay, đêm mùng 1, rạng mùng 2, quân ta sẽ mở một trận tổng tấn công trên toàn miền Nam.

Tư Cang náo nức. Ông và đồng đội trong cụm là một trong những đơn vị trực tiếp chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công được mong chờ này. Từ việc phát hiện cơ sở địch, đến việc vẽ bản đồ từng mục tiêu gửi về Bộ Tham mưu.

"Tình báo chúng ta đã phát hiện sơ hở của giặc, đã cung cấp tài liệu, bảng vẽ các mục tiêu. Giờ đây, ngoài nhiệm vụ cùng tham gia tấn công một số điểm, cấp trên chỉ thị phải theo dõi, đánh giá thật đúng thắng lợi của ta, thất bại của địch và những hậu quả có tính chiến lược sau đòn tổng tiến công này..." - Mệnh lệnh của Phòng tình báo miền giành cho chỉ huy cụm H.63.

Đến tận bây giờ, sau gần 40 năm tính từ cái đêm ra rừng dự chỉnh huấn đó, Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu không thể nào quên cái siết chặt tay tạm biệt với niềm hy vọng mãnh liệt từ thủ trưởng Sáu Trí.

Sự cố và may mắn trước giờ G

Đầu giờ chiều ngày mùng 1 Tết Mậu Thân, Tư Cang trở về Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Anh được giao liên dẫn ra trạm liên lạc. Thời gian chỉ còn mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, một sự cố đã xảy ra với phương tiện di chuyển của Tư Cang.

Chiếc xe máy anh đi từ thành vô rừng đã bị hư. Nguyên do thật dở khóc dở cười. Khi Tư Cang vào căn cứ làm việc với thủ trưởng phòng, thấy chiếc xe máy đẹp, anh em ở trạm giao liên đã trót... nghịch. Một người đã nổ máy, vặn mạnh tay ga và... dậm số 1. Chiếc xe lồng lên như con ngựa chứng và vọt mạnh vào gốc cao su, cả xe và người ngã lăn kềnh ra đất. Chiếc xe không thể nổ máy lại.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là ký ức khó quên mà Tư Cang luôn "cất giữ" một cách trân trọng

Anh em trong trạm giao liên tháo súng, hò nhau đẩy xe cho thủ trưởng cụm. Chiếc xe nổ máy. Tư Cang phóng nhanh về phía Sài Gòn. Trong lòng người chỉ huy vừa bực lại vừa thương anh em: Đánh nhau với thằng Mỹ hiện đại vậy mà anh em không ai biết gì về máy móc, cả đến thứ giản đơn như chiếc xe honda này.

Nhưng chiếc xe lại trở chứng. Nó chết máy khi còn cách Sài Gòn 50 cây số. Đạp mỏi chân, máy vẫn ì ra. Tình thế nước sôi lửa bỏng. Bằng mọi giá anh phải về Sài Gòn trong đêm nay. Không còn sự chọn lựa nào, Tư Cang đành lầm lũi dắt xe đi trong bóng đêm mùng 1 Tết.

Anh hình dung về cuộc tổng tấn công sắp nổ ra. Đồng đội thì lội trên ruộng lầy, anh đi trên con đường tráng nhựa. Đồng đội tiến bước tập thể, còn anh dắt chiếc xe hỏng lụi cụi đi. Chỉ có bóng đêm và sự cô độc vây quanh.

Đang dắt xe đi bộ, Tư Cang choáng váng khi phía trước là vài chiếc xe tăng Mỹ. Hai thằng Mỹ bước tới, súng chĩa thẳng vào Tư Cang. Một tên hỏi, bằng giọng giễu cợt: "Vixi? (V.C - Việt cộng phải không?). Nó bắt chước giọng tiếng Việt lơ lớ: "Đi đâu?".

Tư Cang bình tĩnh đáp trả, cũng bằng giọng đùa nghịch: "Ô, nô, nô Vixi!" (Ồ, không phải Việt cộng). Anh giải thích, ngày Tết đi thăm bà con về bị hỏng xe. Tư Cang tiếp tục tỏ ra hồn nhiên, nói với chúng bằng tiếng Anh: "Hello! Happy New Year!".

Sau khi hỏi vài câu, tên Mỹ không nghi ngờ gì. Nó còn giúp Tư Cang đạp máy. Chiếc xe vẫn im lặng. Để cảm ơn, anh lấy bao thuốc Lucky Strike ra mời chúng và tranh thủ hỏi tin tức. Tên Mỹ cho biết, quân đội đã được lệnh báo động. Bởi lẽ, đêm qua (30 Tết), Việt cộng tấn công nhiều điểm tại miền Trung, trong đó có thành phố Huế.

Lại lầm lũi dắt xe đi trong đêm, cho đến khi anh gặp một toán thanh niên đi ngược chiều tặng cho một bugi dự phòng. Tư Cang về đến Sài Gòn lúc 9h30. Cụm trưởng H.63 tranh thủ đi giao nhiệm vụ cho đồng đội và đi một vòng đến các mục tiêu chính trong trận tấn công đêm nay. Bộ Tư lệnh Hải quân, Toà đại sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập... Vẫn im lìm trong bóng đêm đầu năm.

Nơi trở về của Tư Cang trong thành là nhà Tám Thảo, ở số 136B đường Gia Long. Cả nhà Tám Thảo đón Tư Cang như người thân vừa đi xa trở về. Ông Nguyễn Đình Phong (bố Tám Thảo) sực nhớ, đôi mắt sáng rực nói với Tư Cang: "Đêm qua, lúc giao thừa, vặn đài Hà Nội đón thơ chúc Tết của Bác, ba sướng quá! Nhất là câu cuối: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!".

Xúc động, anh nói với ông Phong, người mà anh đã xem như cha từ lâu: "Ngày ấy không còn lâu nữa đâu ba...!".

Vào thành, "ông chủ đồn điền" Tư Cang được Hai Trung đưa đi nhiều nơi để nghiên cứu tình hình. Thậm chí, sau trận Mậu Thân đợt 1, Tư Cang còn ngồi nói chuyện tay đôi với một tên Đại tá VNCH. 
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #97 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 09:07:49 pm »

Kỳ 25: Hai Việt Cộng và một Đại tá VNCH


Tiếng súng cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 đợt 1 kết thúc. Với tài sắp xếp của Hai Trung, Tư Cang trong vai "ông chủ đồn điền", bạn "chơi chim chơi chó" của Phạm Xuân Ẩn đã ngồi nói chuyện "ngang vai" với một Đại tá VNCH, phân tích về cuộc chiến vừa diễn ra...

Theo đúng kế hoạch, đêm nay, những mục tiêu quan trọng như toà Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân... sẽ phát ra những tiếng nổ. Cũng giờ này, trên các hướng tấn công, đại quân ta đang áp sát Sài Gòn. Trong thành phố, các cánh quân biệt động đặc công đang âm thầm tiếp cận mục tiêu, chờ hiệu lệnh.

Không cần đợi lâu, bên ngoài đã có tiếng súng. Lúc thì dồn dập, lúc thưa thớt từng loạt ngắn. dinh Độc Lập, toà Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất đều phát ra tiếng súng. Tư Cang rộn lên một cảm giác vui sướng. Bởi lẽ, tất cả những mục tiêu mà lực lượng tình báo cung cấp tài liệu đang được bộ đội đặc công tấn công.

Khen Việt Cộng trước mặt... V.C

Hôm sau, Tư Cang đến toà báo Times, nơi làm việc của Hai Trung. Trung được giao nhiệm vụ giúp Tư Cang trực tiếp nghe sự đánh giá của một sĩ quan cao cấp nguỵ, về trận đánh tối qua. Hai Trung nhấc điện thoại, gọi mời tên đại tá L., sĩ quan phụ trách Phòng hành quân tác chiến (Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH) đến uống trà. Đại tá L. khá kính nể Hai Trung. Hắn đến ngay toà báo Times.

Tư Cang bỗng chốc trở thành "chủ đồn điền, bạn thân" của nhà báo Phạm Xuân Ẩn, khi tên đại tá L vừa bước vào. Một cuộc nói chuyện tay ba diễn ra giữa 2 Việt Cộng và một sĩ quan VNCH.

Không thể ngờ ngồi trước mặt mình là 2 Việt Cộng, Đại tá L. thừa nhận: Việt Cộng đã tổ chức một trận đánh tuyệt đẹp! Hắn không ngớt lời khen Việt Cộng trước mặt... 2 Việt Cộng. Tỏ ra mình là người nắm rõ thông tin để cung cấp cho nhà báo Times và ông chủ đồn điền... khoái nghe chuyện chiến sự, đại tá L. kể chi tiết về việc Việt Cộng đánh đại sứ quán Mỹ, chỉ với 17 người, suýt bắt sống viên đại sứ.

Vì sao tên đại tá VNCH lại coi đó là một "trận đánh tuyệt đẹp" của Việt Cộng? Hắn phân tích cho Hai Trung và Tư Cang nghe: Đánh giữa trung tâm Sài Gòn, vào ban ngày, phóng viên các nước đổ xô đến quay phim, chụp ảnh. Ngay chiều hôm ấy, truyền hình Mỹ và các nước phương Tây, báo chí, đài phát thanh đều nêu rùm beng. Cả thế giới biết đến cuộc tấn công Mậu Thân 1968, chỉ sau vài giờ đồng hồ.

"Tâm lý thế giới xáo trộn, tâm lý dân Mỹ xáo trộn. Qua trận này, người Mỹ sẽ không tin vào Tổng thống Johnson nữa, không tin vào bộ máy tuyên truyền khổng lồ của ông ta nữa. Cuộc vận động tranh cử của ông ta vào cuối năm 1968 sẽ... đi đứt".

Đại tá L đưa ra thông số, phân tích tiếp về hậu quả trận đánh này: theo báo cáo đầu tiên Bộ Tổng tham mưu nắm được, 39/44 tỉnh lỵ, 5/6 thành phố, 71/245 quận lỵ đã bị pháo kích và tập kích.

Thật nực cười, Tư Cang nhớ lại những thông tin mình nắm được từ Phạm Xuân Ẩn trước đó. Tình hình trước Tết mới lắng dịu đi đôi chút, Tổng thống Mỹ và Tổng thống VNCH đã vội gặp nhau nâng cốc chúc mừng "thắng lợi". Rồi quay phim, chụp ảnh, báo chí đưa rùm beng để "bịt mắt" người dân và nâng cao uy tín.

Đại tá L vẫn say sưa thổ lộ: "Để đánh trận này, Việt Cộng đã có sự chuẩn bị từ hơn nửa năm nay. Khoảng giữa năm 1967, tình báo của quân đồng minh cho biết, Bắc Việt Nam đã quyết định một chiến lược mới. Tháng 1/1968, quân đồng minh công bố một văn kiện của cộng sản nói về cuộc tổng tấn công. Tuy nhiên, chúng đưa ra một bình luận run sợ và hồ nghi: Đây chỉ là tài liệu nghi binh của cộng sản!"

Trên thực tế, trước trận đánh Tết Mậu Thân 10 ngày, tướng Westmoreland, tổng chỉ huy quân đội Mỹ có nhận định: Khe Sanh và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên là hướng chính mà Việt Cộng nhắm trong mùa khô này. Còn các tin khác đều là... nghi binh, để đánh lạc hướng! Các nhà chiến lược Mỹ lo sợ, một Điện Biên Phủ sẽ tái diễn ở Khe Sanh trên vùng rừng núi.

"Không ai ngờ Việt Cộng mở trận tấn công vào các thành phố ngay trong dịp Tết. Chúng ta bị một cú bất ngờ hoàn toàn về mặt chiến lược..." - Đại tá L thừa nhận.

Tư Cang đã có trong đầu sự quan sát từ thực tế giữa Sài Gòn và những nhận định của tên sĩ quan L Nhưng như thế vẫn chưa đủ cho một báo cáo tình hình gửi ra Phòng tình báo miền. Anh cần một tài liệu nguyên bản của địch. Nữ điệp viên Tám Thảo được giao nhiệm vụ này.

Là một người thân cận của tên thiếu tá tình báo Hải quân Mỹ, nhưng nhiệm vụ của Tám Thảo không đơn giản. Sau trận đánh vừa qua, bọn địch kiểm tra gắt gao hơn mọi thứ. Tuy nhiên, Tám Thảo là người luôn biết cách đơn giản hoá mọi hiểm nguy, bằng chính sự thân cận với tên thiếu tá Mỹ.

Hết giờ tan sở, Tám Thảo giả vờ nhức đầu, cô nhờ tên thiếu tá tình báo hải quân dùng ôtô hiệu Mercury đưa về. Sự tính toán này của Tám Thảo mang lại nhiều thuận lợi: Tài liệu lấy được sẽ không bị xét, tạo thêm bình phong tốt tránh sự nghi ngờ của những tên chỉ điểm luôn lảng vảng quanh nhà cô.

Chỉ trong vòng 15 phút, Tư Cang đã tranh thủ đọc qua và chụp hết 10 trang tài liệu. Đó là một bản báo cáo sơ kết của Bộ Tổng tham mưu VNCH bằng tiếng Việt. Tài liệu đi vào chi tiết hoá thiệt hại từng trận đánh trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Chúng nhận định đại khái về sự bất ngờ về quy mô và thời điểm tấn công của Việt Cộng. Địch bị thiệt hại nặng nề về quân số, phương tiện, vũ khí. Chúng đang ổn định lại tâm lý rã rời của binh sĩ.

Thêm những thông tin quan trọng cho ta qua nhận định của chúng: cơ sở mật vụ của Việt Cộng trong thành phố và ở nông thôn vùng ven bị lộ nhiều, cần đẩy mạnh hoạt động chiến dịch Phượng Hoàng để tiêu diệt cơ sở của cộng sản.

Bản tường trình của cơ quan tình báo quân sự Mỹ cũng đưa ra nguyên nhân bất ngờ. Chúng còn đưa ra những kiến nghị: từng đơn vị phải rà soát lại các lưới điệp báo của mình, cái nào mất tác dụng mạnh dạn cắt bỏ, tăng chi phí cho những nhân viên còn có hiệu lực. Bản tường trình yêu cầu dùng bộ binh kết hợp với hoả lực phi, pháo tối đa để tiêu diệt chủ lực Việt Cộng ở vùng ven Sài Gòn.

Những thông tin bí mật của địch đã nằm trong tay Cụm trưởng tình báo H.63. Tư Cang viết một bản báo cáo về trận Mậu Thân. Anh ghi lại những tin tức các nguồn cung cấp, tường thuật lại buổi nói chuyện với tên Đại tá L và nhận định riêng của mình về kết quả, ảnh hưởng của trận tổng công kích. Với những tài liệu chụp ảnh nguyên bản, Tư Cang sẽ chuyển về cho cấp trên nghiên cứu, nhưng lưu ý mấy điểm: Một, ý định tấn công của ta kẻ thù biết được một tháng trước, cần tìm hiểu nguyên nhân, đề phòng nội gián. Hai, nên chú ý đối với âm mưu của Mỹ nguỵ để khỏi tiêu hao lực lượng chủ lực trên các chiến trường vùng ven Sài Gòn, nên củng cố và rút vào bí mật trở lại những cơ sở và tổ chức quần chúng trong thành phố và nông thôn vùng ven.

Truy tìm khẩu cung kẻ "về với chính nghĩa quốc gia"

Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Tàu nhớ như in một nhiệm vụ quan trọng sau đợt 1 cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Đang chuẩn bị đánh đợt 2 thì gặp sự cố. Ngày 20/4, một người của mình tên là Tám Hà (Trần Văn Đắc), Trung tá, Chủ nhiệm Chính trị cánh quân phía Bắc ra đầu hàng địch.

Ngay ngày 25/4, Trưởng phòng tình báo miền Sáu Trí chỉ thị cho Tư Cang: ra thành, chỉ đạo điệp viên lấy bằng được khẩu cung xem Tám Hà đã khai gì. Đồng thời, Tư Cang còn phải nắm tình hình xem quân ta có thể đánh tiếp đợt 2 được không.

Vào đến thành an toàn, Tư Cang mua một tờ báo thấy hình Tám Hà đứng giữa tên Tổng chỉ huy quân đội Mỹ Westmoreland và Phạm Ngọc Thuần, chỉ huy trưởng khu 5. Tờ báo rút dòng tít rất kêu: "Thượng tá Tám Hà đã về với chánh nghĩa quốc gia". Tư Cang chỉ đạo Hai Trung lấy bản khẩu cung của tên phản bội.

Hai Trung cũng đã nuôi sẵn mấy mối hồ sơ trong đội hình giặc. Hai người đi xe tới lăng ông bà Chiểu. Hai Trung gọi một tên thượng sĩ giữ hồ sơ ra. Tên này vốn là chân tay của Hai Trung. Hắn mang hồ sơ ra, không quên dặn Hai Trung đúng giờ làm việc phải trả hồ sơ. Hai người chụp lại bản khẩu cung của Tám Hà.

Tư Cang được Hai Trung dẫn đi lòng vòng đến các nơi khác. Trên đường đi, hai người vừa trao đổi vừa nhận ra rằng, Mỹ rất sợ mình đánh đợt nữa. Tư Cang giải thích: "Bởi vì, bị đánh đợt nữa nó mất uy tín chính trị, không còn cách cứu vãn về mặt chiến lược. Còn về mặt chiến thuật, mấy sư đoàn Mỹ đều bảo, lên rừng khó đánh, để quân ta xuống thành chúng sẽ đánh dễ hơn!".

Tư Cang nắm được tình hình, về viết báo cáo, đưa ý kiến của mình vào và cho rằng, nếu mình chuẩn bị kỹ rồi thì cứ đánh đợt nữa. Thủ trưởng Sáu Trí nhận thư, chuyển lên. Đúng lúc Trung ương Cục đang họp, đang tranh luận đánh nữa hay không, Tám Hà đã ra hàng rồi có đánh nữa không? Lại thêm phần báo cáo khẩu cung Tám Hà do Hai Trung cung cấp. Tám Hà là cán bộ cấp cao của mình đã khai không sót thứ gì. Trung ương nhận được báo cáo đúng lúc, hạ quyết tâm ngày 4/5 đánh tiếp đợt 2.

Thêm nữa, trong các lần Hai Trung dẫn Tư Cang đi nắm thông tin, bọn tình báo Mỹ đều thừa nhận phải tuyên truyền rùm beng vụ Tám Hà. Bọn Mỹ làm thế để Việt Cộng hoang mang không đánh nữa. Vì đánh đợt 1, Tổng thống Jonson đã tyên bố không ra ứng cử nữa, đã mất uy tín. Nếu đánh tiếp đợt 2 nữa, chắc chắn chúng phải xuống thang. Tuyên truyền rộng rãi vụ Tám Hà là chủ trương từ ông chủ Mỹ.

Cùng báo cáo của Tư Cang và những nhận định, thông tin quan trọng khác, Trung ương quyết định đánh đợt 2. Mỹ cách chức Tướng Westmoreland, dẫn tới đàm phán và xuống thang. Đợt 2 chúng ta tổn thất về bộ binh, nhưng về mặt chiến lược đã dẫn đến chiến thắng của mình trên nhiều mặt trận.

Bản lĩnh vị chỉ huy và giá trị của niềm tin được đặt đúng chỗ trong con người cụm trưởng Tư Cang. Trong những phút giây mong manh giữa sống và chết, giữa hiểm nguy và an toàn, ông đã sử dụng nó như thế nào?
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #98 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 09:11:02 pm »

Kỳ 26: 'Nam châm hút pháo'


Đến tận bây giờ, khi cuộc chiến đã lùi xa vào dĩ vãng, Anh hùng tình báo Tư Cang vẫn "cay cú" những vụ quân Mỹ liên tục "đánh hơi thấy" nơi ẩn nấp của H.63 dưới địa đạo. Địch dò theo tín hiệu điện đài của cụm để đánh vào địa đạo. Tín hiệu như thỏi nam châm, "hút pháo" đến sát miệng hầm... Những năm tháng chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968 nghẹt thở trôi qua...

150 phút dưới lòng đất

Ông nhớ lại chuyện Tết năm 1967. Một năm trước khi chiến dịch Mậu Thân diễn ra. Địch bám theo tín hiệu điện đài của ta để đánh địa đạo. Ngày cuối năm tại căn cứ Bến Đình. Địch liên tục đi săn tìm địa đạo để tiêu diệt. Nếu chúng phát hiện ra, hoặc tiêu diệt, sẽ lâm nguy đến điệp viên hoạt động trong thành cũng như toàn H.63 sẽ bị tiêu tan. Cả cụm đang ngồi dưới hầm bỗng nhiên thấy đất rung lên ầm ầm.

"Tôi là người chỉ huy ở đây! Tôi ra lệnh: Kiên trì chịu đựng! Chúng ta ở đây đều là đảng viên, không có một khó khăn gian khổ nào trên trái đất này làm nhụt được ý chí. Chúng ta phải vươn lên tất cả để chiến thắng!".

Nếu địch phát hiện ra miệng hầm, dùng thuốc nổ đánh thì cả cụm sẽ khó thoát. Cụm trưởng Tư Cang còn đang suy tính cách đối phó thì nghe "hực" một tiếng. Lồng ngực như bị một cơn gió mạnh dồn đến, ép lại. Ngọn đèn trong hầm phụt tắt, tối om. Ông bật đèn điện 6 vôn lên. Anh em đang nhìn mình lặng lẽ. Hình như hầm bị sụp ở đâu đó rất gần. "Cứ bình tĩnh, không có gì lo cả!" - Cụm trưởng động viên khi nhìn thấy thái độ lo lắng của anh em.

Ông lại bình thản ngồi thảo điện về trung tâm. Anh em dựa lưng vào vách hầm. Yên tâm hơn khi vị chỉ huy vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Tư Cang ngừng viết, nhìn đồng đội mình. Toàn những người gan góc, dũng cảm, trải qua nhiều thử thách cam go đều vượt qua. Ông hiểu rõ từng tính nết mỗi đồng đội như Năm Hải, Bảy Phẩm, Tư Thành, Tám Phương...

Hơi thở của ông và đồng đội nặng nề hơn. Ông vẫn ngồi viết. Nhưng trong lòng lo lắng theo dõi diễn biến từng động tác của anh em. Lúc này, một lời nói, một cử chỉ của người cụm trưởng sẽ tác động đến anh em rất lớn. Lần này cũng như bao lần nguy nan đã qua, anh em đều hướng vào cụm trưởng của mình. Họ chờ đợi một quyết định khôn khéo và chính xác.

Mới chỉ 15h30 chiều. Ít ra, cụm còn chịu đựng hai tiếng rưỡi nữa. Theo kinh nghiệm của các lần trước, 6h chiều bọn địch không tìm thấy nơi trú ẩn của ta, sẽ bỏ đi. 150 phút nữa trong điều kiện thiếu không khí. Hơi thở của Tư Cang trở nên dồn dập hơn. Mạch máu 2 bên mang tai đập mạnh. Tám Phương bò lại gần cụm trưởng, giọng cương quyết: "Cho mở nắp lên đánh chết chúng nó đi! Dưới này rồi cũng chết, tôi không còn chịu nổi nữa!".

Tư Cang nhìn về phía nắp hầm. Chỉ cần ông gật đầu đồng ý, Ba Hoa sẽ đưa tay đẩy mạnh nắp. Tư Cang và đồng đội sẽ dũng mãnh liều mình xông lên, mở đường máu thoát thân. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó? Tư Cang hình dung, quân địch đông, chắc chắn mình đánh không lại. Chúng sẽ nhanh chóng tiêu diệt toàn đội. Bọn Mỹ sẽ móc xác anh em vào xe, kéo xềnh xệch qua xóm, qua chợ. Bà con mình sẽ đau xót lắm!

Thấy cụm trưởng vẫn ngồi im, hàng loạt ý kiến ủng hộ Tám Phương đưa ra: "Có chết, chết trên mặt đất sướng hơn!". Tất cả cùng nhìn Tư Cang chờ đợi. Ông nhìn đồng hồ, mới có 16h17 phút. Còn 2 tiếng đồng hồ nữa. Tư Cang không thể ngồi im được. Ông trấn tĩnh anh em, giọng ôn tồn nhưng dứt khoát của người chỉ huy: "Các đồng chí! Được cầm súng chiến đấu đối mặt với quân thù, bao giờ cũng là ước nguyện, tư thế của chúng ta. Nhưng nhảy lên chiến đấu rồi hy sinh trên mặt đất là dễ, còn vững chí ngồi đây chịu đựng mới là khó! Anh em kiên quyết ngồi lại. Nếu chúng ta chết vì ngộp thì Mỹ cũng không biết đã tiêu diệt được cụm chúng ta..."

Ông nói xong lại lặng lẽ ngồi thảo bức điện báo cáo lên trên. Bỗng từ trên nắp hầm, đất rơi xuống lộp độp. Trên mặt đất, có tiếng chân người và tiếng cây dộng xuống nghe thình thịch. Ba Hoa nói nhỏ với cụm trưởng: "Bọn Mỹ đang sục sạo tìm hầm. Lỗ hơi duy nhất còn lại đã bị bịt kín!". Lại mỗi người một ý trong tiếng nói chung mở nắp hầm lên đánh.

Lỗ hơi còn lại của đoạn hầm cụt đã bị bước chân địch giẫm kín. Tư Cang nhìn anh em một lượt. Ai cũng đã quá mệt mỏi vì thiếu không khí. Ông nói kiên quyết: "Anh em hãy suy nghĩ kỹ, mình là quân đội hay dân thường? Đã là quân đội thì phải có kỷ luật, phải nghe theo lời người chỉ huy. Tôi là người chỉ huy ở đây! Tôi ra lệnh: Kiên trì chịu đựng! Chúng ta ở đây đều là đảng viên, không có một khó khăn gian khổ nào trên trái đất này làm nhụt được ý chí. Chúng ta phải vươn lên tất cả để chiến thắng!".

Giọng nói chắc gọn nhưng truyền cảm của Tư Cang thuyết phục được đồng đội. Ông lại nhìn đồng hồ. Gần đến 6h chiều. Mọi ngày 6h30 mới cho mở nắp hầm, nhưng hôm nay ông sẽ cho mở sớm hơn. Chiếc kim phút nhích dần, nhích dần từng tý. Đúng 6h15, ông vui mừng ra lệnh: "Lên!". Anh em xốc lại súng đạn. Ba Hoa mở hé nắp hầm lên. Không khí tràn xuống hầm, dễ chịu.

Quân Mỹ đã bất lực rút hết về bãi đóng quân. Đêm 30 tết tối như mực. Gió xuân mang hơi lành lành từ sông Sài Gòn ùa vào. Mọi người nhìn cụm trưởng Tư Cang cảm phục. Ai cũng hiểu, trong chiến tranh, không chỉ đối diện với quân thù mà còn phải thắng cả bản thân mình nữa. Chỉ còn mấy tiếng nữa đến giao thừa...

Ông Việt Cộng thương... trẻ Mỹ!

Nhiều đồng đội bị hy sinh dưới làn đạn lính Mỹ, nhưng Cụm trưởng Tư Cang nổi tiếng với hành động kỳ quặc, nhưng nhân văn: Tha chết cho lính Mỹ vì chúng quá... trẻ!

Từng diệt nhiều lính Mỹ ở ấp chiến lược, nhưng có lần nhìn thấy Mỹ, trong điều kiện bắn an toàn mà Tư Cang... không bóp cò. Tha cho kẻ thù của mình vì tự nhiên "lòng thương trỗi dậy", có lẽ là điểm đặc biệt của cụm trưởng tình báo H.63 này.

Hồi năm 1966, trong trận càn Xê Đa Phôn quanh vùng ven Sài Gòn. Khi đó Tư Cang đang chỉ huy lực lượng võ trang của cụm H.63 chống càn ở Bến Đình (Củ Chi). Anh em nằm trong địa đạo rình.

Một tốp lính Mỹ đi qua. Chỉ cách họng súng Tư Cang có 4-5m. Tên nào cũng trẻ măng. Tư Cang đưa súng lên, rồi lại hạ xuống. Tự nhiên ông thấy thương "bọn trẻ".

Ông nổi danh với biệt tài bắn súng 2 tay và bách phát bách trúng. Chỉ cần bóp cò là chúng chết ngay. Trong đầu ông nghĩ, chắc tụi này cũng bị ép đi lính sang Việt Nam.

Ông đấu tranh tư tưởng và quyết định, nếu nó phát hiện ra mình, mình sẽ bắn trước. Thế rồi tốp lính trẻ đi qua. Sau trận càn, nhiều người la ông: Trời ơi, ông ở đó mà tụi nó đi qua, ông không làm vài tràng cho nó chết hết đi!

Cùng vào sinh ra tử. Cùng chung ý chí, hành động. Nhưng nhiều đồng đội thân yêu của cụm trưởng H.63 đã lặng lẽ hy sinh. Trong chuỗi ký ức hào hùng về một H.63 anh hùng, vị đại tá anh hùng không lúc nào quên 2 tiếng: đồng đội!
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 09:15:08 pm »

Kỳ 27: Hai tiếng đồng đội


Gặp anh hùng tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) giữa Sài Gòn những ngày tháng 4/2007. Lại sắp đến ngày giải phóng miền Nam. Đó là một trong những ngày ông nhớ đồng đội nhất.

Cả lưới có 45 người thì hy sinh mất 27 người, chủ yếu là giao liên và bảo vệ. Đại tá Tư Cang nổi tiếng với cách nói chuyện hóm hỉnh, pha trò. Nhưng khi nói về những đồng đội đã ra đi, ông chùng xuống. Ông bảo ông nhớ lắm. Nhiều người trong cụm sống với ông như anh em, đi đâu cũng bên nhau. Thế mà nhiều anh em cứ lần lượt hy sinh, chẳng ai đợi chờ ngày 30/4/1975...

Thoát chết và hy sinh

Một trong những đồng đội thân nhất, vào sinh ra tử cùng cụm trưởng Tư Cang là Năm Hải. Năm 1969, trong một trận càn của địch tại Bến Đình, Năm Hải cùng Sáu Ẩn bị thương nặng. Anh em xông tới giải vây nhưng không kịp. Mọi người tới khiêng Năm Hải đi chừng 500m thì anh có dấu hiệu sắp chết.

Cả lưới có 45 người thì hy sinh mất 27 người, chủ yếu là giao liên và bảo vệ. Đại tá Tư Cang nổi tiếng với cách nói chuyện hóm hỉnh, pha trò. Nhưng khi nói về những đồng đội đã ra đi, ông chùng xuống.

Năm Hải lấy chiếc khăn rằn đưa cho cụm trưởng Tư Cang. Anh bảo ông mang về cho vợ. Đây là kỷ vật vợ mới tặng. Sáu Ẩn cũng vậy, không thể qua khỏi. Anh em khiêng được qua ruộng và chôn bên ruộng.

Tư Cang nhớ về Năm Hải. Và ông cũng không thể hiểu tại sao mình lại nhiều lần thoát chết một cách kỳ lạ thế. Đó là một trong nhiều lần đi cùng Năm Hải. Ông cười bảo số mình có ông bà phù hộ. Lần đó ông cùng Năm Hải đi ngoài ấp chiến lược về Bến Đình. Cả quãng đường 2,5 cây số không bị sao, về đến căn cứ lại dính mìn claymo. Căn cứ địch cách căn cứ mình 4,5 cây số, chúng dám ôm mìn chạy vào cách căn cứ mình 150m và nằm đó chờ.

Chỉ có con đường độc đạo về cứ. Nó đã dàn sẵn một dàn mìn claymo. Tư Cang và Năm Hải đang thong thả đi, bỗng nhiên môt tiếng nổ rầm trời. Tiếng nổ rất gần. Theo phản xạ, cả hai bỏ chạy. Khi đã hoàn hồn, đứng lại thở, các anh không thể hiểu vì sao mìn lại không bay về phía mình. Theo nguyên tắc đánh mìn claymo, khi mìn nổ sẽ bay về hướng kẻ thù. Đằng này nó lại bay ngược lại. Cả nguyên đội hình Mỹ lãnh trọn dàn mìn.

Cả hai bảo nhau không về địa đạo nữa, chui vào xóm ngủ nhờ đồng bào. Vừa gặp, đồng bào hỏi ngay: "Trời ơi, mấy ông đánh kiểu gì trong đó mà tụi nó khiêng về đây dữ vậy?". Tư Cang hỏi "mấy thằng chết", đồng bào bảo: 5. Còn 5-6 thằng bị thương được khiêng về nữa. Hôm sau về tới căn cứ, anh em võ trang trong cụm đang ăn cơm bình thản như không có chuyện gì xảy ra.

Hóa ra, khi đặt mìn, bọn địch sơ ý xoay ngược hướng nổ về phía chúng, nên dính trọn. Nếu hôm đó chúng đặt đúng hướng, thì Tư Cang và Năm Hải đã tan xác.

Tài liệu là sinh mệnh

Trong mỗi lưới tình báo, mọi thành viên luôn tuân thủ một quan điểm sống còn: Tài liệu như sinh mệnh của mình! H.63 đã thực hiện đúng điều này, mỗi khi có sự cố.

Một lần, tài liệu được lấy từ ấp Phú Hòa Đông, chưa kịp chuyển về Bến Đình thì bị giặc càn. Anh em giao thông viên phải trụ lại trong hầm bí mật ấp Phú An. Trong hầm có 4 chiến sỹ Thành, Re, Trai, Đạo.

Hôm đó, đúng phiên Đạo gác, đã sơ sót. Khi địch đến bốt Phú Hòa Đông, Đạo đang ngủ và không biết gì hết. Bọn giặc chuẩn bị chui xuống hầm. Khi anh em phát hiện kêu lên thì đã không kip. Thành gọi Trai đang giữ tài liệu của Phạm Xuân Ẩn. Anh nói: ’’Đây là tài liệu quan trọng, trong thành đưa ra. Tụi bây sơ sẩy là nó bắt người ta!". Thành dặn Trai mang bằng được tài liệu này về cho cụm trưởng Tư Cang...".

Thành đưa ra phương án nhảy lên bắn, thu hút sự chú ý để Trai chạy thoát. Nếu chạy thoát, Trai lại dùng AK bắn thu hút chúng. Nhưng quân địch quá đông, Trai chạy thoát, Thành bị thương và bị bắt. Thêm 2 người chết vì lựu đạn địch là Re và Đạo. Thành bị bắt đem về bốt, đội ngũ giao thông của H.63 nằm trong ấp chiến lựợc sợ lộ hết cả cụm.

Tư Cang bình thản nói với mọi người: "Phú Hòa Đông không sợ lộ! mình đảm bảo anh em không khai đâu, cứ ở yên tại chỗ!".

Anh có lòng tin với chiến sĩ, đồng đội của Tư Cang hầu hết là đảng viên. Bắt được Thành, địch bỏ lên xe jeep chạy vòng vòng ấp uy hiếp, nhưng Thành không khai. Chúng tra tấn anh da mãn và gọi mẹ Thành vào chứng kiến. Khi bà mẹ vừa vào, chúng bắt bà phải thuyết phục con bà khai. Nhưng mẹ Thành gặp chỉ nhẹ nhàng xoa đầu con nói một câu: "Chú Tư mới ghé gửi lời hỏi thăm mày!". Địch nghe vậy nổi khùng, chuyển sang đánh bà mẹ và đuổi ra.

Đúng là khi Thành bị bắt, Tư Cang có ghé thăm, nhà ở dưới xóm, anh bảo với mẹ Thành ráng động viên con, Thành sẽ không khai gì.

Không khai thác được Thành, địch tra tấn anh chán chê rồi đóng hồ sơ, đày ra Phú Quốc. Anh trở về trong đoàn Chiến Thắng.

Sau này được trao trả lại, Thành bảo, khi mẹ nói câu đó, tinh thần anh lên cao lắm.

Anh Thành tên thật là Huỳnh Văn Điền. Má Thành có 4 người con là liệt sỹ. Sau giải phóng, anh Thành tham gia công tác tại địa phương và đã qua đời năm 1993.

Trong độ tuổi 79, nhưng Tư Cang “khoe”, cách đây nửa tháng, ông vừa tự phóng honda đi đám giỗ anh Thành. Năm nào giỗ đồng đội ông cũng tới.

Chúng tôi gặp lại Tư Cang ngày 28/4/2007. Đó là ngày gặp mặt của J22 (Phòng tình báo miền Nam). H.63 là lưới tình báo thuộc J22. Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) đang là trưởng ban liên lạc J22. Hàng ngàn thành viên của J22 như đàn chim, bay đến quần tụ bên nhau rồi lại bay đi, mỗi người một phương. Trong mắt cụm trưởng H63 oanh liệt ngày xưa có một nỗi buồn không nhỏ, len lỏi vào giữa ngày vui: mỗi năm danh sách gặp mặt J22 lại thiếu đi vài đồng đội...

"Đừng nói má tôi!"


Trong mắt cụm trưởng H63 oanh liệt ngày xưa có một nỗi buồn không nhỏ, len lỏi vào giữa ngày vui: mỗi năm danh sách gặp mặt J22 lại thiếu đi vài đồng đội...

Ông vẫn đau đáu nhớ về từng trường hợp hy sinh của những người lính, đồng đội của mình đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đau đớn nhất là trường hợp của hai anh em ruột Thước và Đo trong cụm ông. Trong lúc cùng nhau đi liên lạc từ Củ Chi sang Bến Cát, cả hai anh em bị rắn hổ cắn chết trong khi đi ngang qua một bờ ruộng. Hai anh em không chết vì súng đạn. Họ chết vì rắn cắn, không thể mang về kịp. Trong khi, ba của 2 người lại nổi tiếng khắp vùng về tài chữa bệnh rắn cắn...

Lại có người chiến sĩ tên Sáu Ẩn, tới phút cuối cùng trước lúc hy sinh chỉ nhớ tới người mẹ. Biết là mình sắp chết, anh nói với cụm trưởng Tư Cang: "Lát anh Tư về đừng nói với má tôi nghe, má tôi nghe buồn lắm đấy! Tôi bảo tôi đi quân y ít bữa tôi về...!". Anh lính trẻ bị dính mìn claymo. Trong vùng không ai bị dính loại mìn này mà còn sống.

Năm 1992, Đại tá Nguyễn Văn Tàu được đi dự Hội nghị thương binh tiêu biểu tại Hà Nội nhân dịp 45 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Lúc được phát biểu, ông đứng lên nói về những giây phút trước khi hy sinh của một chiến sĩ, họ sẽ nghĩ tới cái gì.

Ông dẫn lại lời của Sáu Ẩn trước khi chết "Lát anh Tư về đừng nói má tôi nghe, má tôi nghe tôi chết má tôi buồn...". Người chiến sĩ tới giờ chót cũng nhớ tới gia đình, nhớ tới mẹ. Các bà mẹ VNAH ngồi dưới Hội trường Ba đình khóc nức nở...

Vào sinh ra tử, Tư Cang bị thương nhiều lần. Lần thứ nhất khi ông đang là phó trưởng ban quân báo Bà Rịa (năm 1949), chống quân Pháp. Một vết thương vào bụng, thòi cả ruột ra ngoài. Ông bị tiểu liên mác (tiểu liên ngắn nòng) bắn. Đồng đội cứ để thế đưa vào rừng mổ. Ông vạch vết thương dưới bụng lên, chứng tích của một trận đánh là vết sẹo ngoằn ngoèo, xấu xí. Sau giải phóng, ông đi khám, bệnh viện đề nghị mổ lại cho... đẹp, nhưng ông không nghe. Ông bảo sống chung với nó mấy chục năm rồi, đẹp làm gì.   

Năm 1969, trong lúc ở địa đạo ấp Bến Đình, ông bị thương trong một trận càn của giặc. Giữa làn đạn, một viên nhè thẳng chân. Chạy được vài chục thước, ông đau quá không chạy nổi. Thấy vậy, mấy chiến sĩ vác ông lên vai chạy và đẩy vào hầm bí mật. Sau đó, anh em chạy thẳng ra bờ sông đánh lạc hướng để bọn địch đuổi theo, cứu nguy cho chỉ huy.

Phòng tình báo miền nghe tin cụm trưởng H.63 bị thương, cho hẳn một đại đội xuống khiêng về chiến khu, gần biên giới Campuchia. Phòng sợ nếu ông bị bắt, cả mạng lưới sẽ bị lọt hết. Sau khi bị thương, đang nằm tạm trong bụi tầm vông chờ điều trị, một cô y tá đi qua thấy ông đau liền lấy cây inox, thọc từ bên này sang bên kia gót chân. Viên đạn trổ ra, chân ông không bị sao. Ông lại hăm hở lao vào công việc của một người chỉ huy.

Lần thứ ba ông bị thương cũng vào năm 1969, cũng tại Bến Đình. Khi đó, cụm H.63 thường dùng vô tuyến điện để gửi tin tức về trung tâm, giặc theo sóng thường xuyên mò ra địa điểm cụm trú ngụ. Ở đâu cũng bị đánh, mãi sau này anh em mới phát hiện ra và thay đổi phương thức điện đài. Khi bắt được sóng, chúng đem bom thả, chỉ cách cụm có 4,5 thước. Cả lực lượng vũ trang cụm đang trú ở hầm núp ven đường.

Sau khi bom nổ đúng nắp hầm, Tư Cang thấy nước trên đầu rớt xuống. Tưởng là nước cây tầm vông, ông... lè lưỡi liếm. Lại thấy mát mát như máu. Anh em lấy đèn soi thì phát hiện ông bị thương. Hóa ra, khi chúng đánh bom mạnh quá, nắp hầm bằng xi măng bể, mảnh vụn văng vào đầu chảy máu. Với những trận càn dày đặc của địch, vết thương nhỏ khi đó là may. Nhưng bây giờ, lâu lâu ông lại bị đau một bên đầu do ảnh hưởng vết thương nhỏ ngày xưa.

Ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó là tất cả những gì người cụm trưởng tình báo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung chờ đợi. Tư Cang bước vào nghề tình báo một cách lặng lẽ, và 30 năm sau mới về nhà...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM