Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 07:57:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo VN trong KCCM  (Đọc 116037 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngocdan_lep
Thành viên
*
Bài viết: 305



« Trả lời #70 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:26:54 pm »


Trong tấm ảnh nhỏ này có một số nhà tình báo rất nổi tiếng của ta. Đố các bác đó là những ai  Grin

Như em được biết từ phải sang trái  là các bác:
1.Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn
2.Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc)-Anh hùng lực lượng vũ trang
3.Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ
4.??
Logged

mta-sunpac
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #71 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 08:04:56 pm »


Như em được biết từ phải sang trái  là các bác:
1.Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn
2.Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc)-Anh hùng lực lượng vũ trang
3.Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ
4.??


Cái cụ đại tá ngồi hàng đầu đấy mình không nhận ra vì tư nhiên lại quay mặt đi. Còn cụ mặc áo sơ-mi trắng thắt cà-là-vạt với bộ râu dài và trằng (đằng sau cụ Phạm Xuân Ẩn) là cụ Vũ Hữu Ruật. Cụ Ruật từng "leo" tới chức vụ Phó Tổng Thư ký Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
ngoduythiet
Thành viên
*
Bài viết: 168



« Trả lời #72 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2011, 08:25:48 pm »

   Kể ra các bác tình báo nhà mình cũng giỏi thật đấy. Quan chức cao cấp của chính quyền VNCH ngày ấy cũng có kha khá là các vị nhà mình đấy chứ... Grin Grin Grin.Bọn CIA của Mỹ mà đem ra so sánh với tình báo nhà mình thì chỉ như con thỏ con đứng cạnh con sư tử lớn. Grin Grin
Logged

Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong.
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #73 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 01:43:36 am »

Các bài viết trong topic này được lấy tại trang: http://vnn.vietnamnet.vn/psks/2007/10/747714/

Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"

Có một cụm tình báo đặc biệt, suốt 13 năm gồng mình trong tuyến lửa, mở những mạch máu vận chuyển thông tin, tài liệu thông suốt từ nội đô Sài Gòn ra tới chiến khu, chưa một lần đứt đường dây dù trong giai đoạn gian khổ, ác liệt nào. Cụm tình báo có bí số H.63, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân từ năm 1970, khi miền Nam còn chưa hoàn toàn giải phóng.

Những câu chuyện sau đây kể về phần nổi trong tảng băng chìm dày, về những chiến công, hy sinh của những người hoạt động trên mặt trận thầm lặng: Tình báo quân sự, với niềm tin cống hiến “Đảng và nhân dân sẽ công bằng chấm công, khi hy sinh”.

Phạm Xuân Ẩn tại Mỹ (1957-1959). Ảnh tư liệu.

Cuộc sống luôn có những điều kỳ lạ. Giữa gian nan, ta tìm thấy bạn. Giữa chiến tranh, ta thấy lòng trung thành. Trong chiến tranh Việt Nam có những anh hùng tình báo gắn kết với nhau bởi những điều... không thể lý giải. Tổ quốc có một Phạm Xuân Ẩn - người anh hùng có cái tên như cuộc đời (1).

Còn Phạm Xuân Ẩn lại có một người bạn - người đồng đội cũng có cái tên như cuộc đời như thế: Nguyễn Thị Mỹ Nhung - người đẹp giữa đất Sài Gòn...    

Chuyến trở về bão táp

Ngày 10/10/1959, trên chuyến bay từ Mỹ về Sài Gòn có một thanh niên còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp 2 năm du học báo chí tại California. Anh trở về với tâm trạng ngổn ngang: Mình là ai? Ai đã biết về mình? Liệu có chiếc còng tay hay họng súng nào chào đón?.

Khi máy bay vừa hạ cánh, anh tận mắt thấy chiếc xe bịt bùng của an ninh quân đội chế độ Sài Gòn hú còi trên đường băng Tân Sơn Nhất. Chiếc xe dừng sát chân cầu thang máy bay, đưa lên xe... một người đàn ông trẻ khác. Chỉ đến khi mọi hành khách đi rồi, anh mới từ từ đặt chân xuống Tổ quốc.

Thấy người nhà ra đón, thấy nụ cười của mẹ và em trai, lúc bấy giờ anh mới thở phào "tạm ổn".

Người thanh niên trẻ có nụ cười tinh nghịch ấy, về sau, đã viết nên một huyền thoại mẫu mực về một điệp viên chui sâu trong lòng địch, là cơ cán đi sâu thường được biết tới với cái tên Phạm Xuân Ẩn.

Nhưng câu chuyện này không chỉ kể về vị thiếu tướng tình báo huyền thoại của Việt Nam mang tên Phạm Xuân Ẩn, có tên thật là Trần Văn Trung (Hai Trung)…

Câu chuyện con két và con chó xù

Năm 1957, Hai Trung rời Sài Gòn, mang theo một mệnh lệnh: "Sang Mỹ, học thật giỏi. Phải học Mỹ, hiểu Mỹ, mới đánh Mỹ tốt được". Ngành học được chọn là báo chí, nghề duy nhất thời bấy giờ chưa có người Việt Nam nào được đào tạo tại Mỹ.

Ngoài ra, anh học tất cả mọi thứ để có thể hiểu Mỹ, sống như Mỹ, trở thành một thứ "Mỹ con" (thuật ngữ dùng để gọi những người được Mỹ đào tạo và nâng đỡ thời bấy giờ ở miền Nam Việt Nam, khi người Mỹ chính thức hất cẳng người Pháp năm 1954 để can thiệp vào Việt Nam) như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Anh còn cố công học từ cách nhảy đầm thật ngọt cho tới việc... chửi thề sao cho thật giống Mỹ.

Cuối năm 1959, khi vừa hoàn thành nửa chặng đường (dự kiến khoá học kéo dài 4 năm), Trung nhận được bức thư nhà của người em trai, kể đại ý: Có 2 anh em nhà nọ vào rừng, người em bị quái vật bắt. Người anh thương em quay trở lại tìm, bị quái vật bắt nốt. Cả con chó và con két, vốn là vật nuôi thân thiết của 2 anh em, cũng chung số phận.

Bức thư gửi vào dịp lễ Phục Sinh, và Trung phải đoán mất mấy ngày mới nhớ ra: Người chỉ huy trực tiếp của mình, bí danh "anh Ba", từng được ba Trung cho 1 con két và 1 con chó xù về làm quà cho con gái, đã bị bắt. Người chỉ huy khác, Trung thường gọi là "anh Hai", cũng đã bị cầm tù.

Mãi về sau, trong tự thuật của mình, Hai Trung nhớ lại: "Lúc bấy giờ, Trung thật sự hoang mang. Địch đã biết tung tích của mình chưa? Các anh bị bắt có khai ra mình không? Địch sẽ triệu hồi mình về nước để bắt, hay bắt ngay tại bên này? Hay chúng sẽ chờ mình về, rồi theo dõi bắt trọn ổ?...".

Hàng loạt câu hỏi đau đáu theo Trung cho đến khi hoàn thành 3 tháng thực tập tại các toà soạn báo lớn ở Wasshington DC, lấy vé máy bay lên đường về Sài Gòn. Trước đó, anh đã tính tới trường hợp đi qua Canada hoặc Mexico, từ đó qua một nước thứ ba (Pháp) rồi tìm đường về Hà Nội.

Tuy nhiên, lòng trung thành tuyệt đối của anh vào Đảng, vào nhân dân và vào những người đồng đội đã giúp anh có thêm bản lĩnh vững vàng. Được tôi luyện ngay trong lòng địch khi còn ở Việt Nam, được thử lửa trong môi trường đầy hấp dẫn trên đất Mỹ, trách nhiệm của một người lính đã thôi thúc anh trở về: "nếu bỏ trốn là đào ngũ", "nếu bỏ cuộc thì bao nhiêu công lao của tổ chức gây dựng sẽ đổ sông đổ bể hết".

Hơn thế nữa, với lòng tin tuyệt đối vào tình đồng chí thuỷ chung, “các anh chỉ huy sẽ không bao giờ khai ra mình", cộng với việc phân tích tình huống, diễn biến qua trao đổi thư nhà, Hai Trung đã quyết định "trở về".

Một quyết định dựa trên tất cả lòng tin vào những người đồng chí, dựa trên sự hy sinh thầm lặng của đồng đội mà mãi về sau đã được khẳng định: Đó là niềm tin tuyệt đối đúng.

Thâm nhập ổ sói

... Chỉ trong vòng 1 năm từ khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Hai Trung nhanh chóng xác lập các mối quan hệ nguồn tin trên tư cách là nhà báo đầu tiên được đào tạo từ Mỹ về, theo con đường tự túc.

Ông Phạm Xuân Ẩn và tấm thẻ nhà báo của mình từ năm 1965 - Ảnh do Hãng AP chụp năm 2000.

Việc đầu tiên của Trung sau khi về nước là tiếp xúc với Việt Tấn Xã, cơ quan do Nguyễn Thái (Thái "trắng") đứng đầu. Thái "trắng" vốn từng làm báo tại Mỹ, nhưng quan trọng hơn, ông ta là một trong số bốn người được Tổng thống đương nhiệm của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm "thương như con" (dù Ngô Đình Diệm không lập gia đình), dìu dắt từ bên Mỹ về để giao trọng trách.

 

Nhưng có một điều bất ngờ mà phải đến sau khi cuộc đảo chính của lính dù cuối năm 1960 do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, Hai Trung mới phát hiện ra: Hoá ra Thái "trắng" làm việc cho CIA (Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ), và là một trong số những nhân vật giấu mặt trong cuộc đảo chính "cảnh cáo" gia đình “cha nuôi” Diệm - Nhu. Bàn tay của CIA đã thò vào và thao túng giới chức Sài Gòn ngay từ rất sớm.

Tuy nhiên, biên chế của Việt Tấn Xã không cho phép Thái "trắng" tiếp nhận Trung (dưới cái tên Phạm Xuân Ẩn). Thái "xui" Trung đến gặp Trần Kim Tuyến - Giám đốc Sở nghiên cứu Chính trị Xã hội của Phủ Tổng thống, cơ quan mật vụ của Diệm - Nhu.

Trung  lại thông qua Lê Văn Thái, phụ tá của Tuyến, để tiếp xúc với nhân vật từng có quan hệ từ trước với mình, nhưng đã quá lâu rồi chưa gặp mặt. Kênh tiếp theo nữa để tác động là The Asia Foundation (Cơ quan Văn hoá Á châu), tổ chức tình báo ngầm của Mỹ, từng giúp Hai Trung khi xin giấy tờ đi du học.

Rốt cuộc, 1 tháng sau khi từ Mỹ trở về, Hai Trung đã chính thức trở thành nhân viên biệt phái của Biệt bộ phủ Tổng thống, làm việc tại Việt Tấn Xã (giúp Thái “trắng” quản lý 4 nhân viên của Tuyến đi biệt phái tình báo dưới hình thức làm nhà báo nhưng quanh năm không viết bài nào), trao đổi công việc trực tiếp với Lê Văn Thái, Trần Kim Tuyến.

Tới tháng 10/1960, Trung kiêm nhiệm thêm công việc thứ ba: Trở thành thông tín viên cho hãng Reuters, chi nhánh tại Sài Gòn.

Tròn 1 năm trở về, Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn đã chính thức đặt dấu ấn lên làng báo Sài Gòn, với hàng loạt nguồn tin từ Sở nghiên cứu Chính trị Xã hội của Trần Kim Tuyến; The Asia Foundation; làm thêm cho tờ nguyệt san “Quê hương" do Tuyến tổ chức; làm việc cho Việt Tấn Xã; quan hệ với Hội cựu sinh viên Việt Nam ở Mỹ (The American University Alumni Association) mà Đại sứ Mỹ tuần nào cũng mời đến nhà chơi để giúp đỡ; một số sỹ quan có ảnh hưởng trong chế độ Diệm; phòng Thông tin của Anh và nhân viên toà đại sứ Anh...

Khi đã "chắc chân" trong hàng ngũ địch, Hai Trung bắt đầu tự đi tìm lại tổ chức mà ông đã mất liên lạc từ lâu. Biết là nguy hiểm, vi phạm nguyên tắc, nhưng với Trung lúc bấy giờ, đó là sự lựa chọn duy nhất. Và người Trung chọn, là chị em Tám Thảo...

Trong di cảo còn lưu giữ lại đến giờ, Phạm Xuân Ẩn đã dành hẳn những dòng viết đầy trang trọng cho người phụ nữ ấy: Năm 1960, Tám Thảo (Mỹ Nhung) chính là người đã móc nối cho Hai Trung (bí số 2T) trở lại với tổ chức. [...] Đến sau này, khi phải chiến đấu âm thầm trong lòng địch, đôi lúc vì quá cô đơn giữa kẻ thù, Hai Trung đã tự ý tìm đến gia đình cô, để được nói chuyện, được sống thật và được cân bằng lại chính mình.
 
Tám Thảo hay Mỹ Nhung: Cô là ai mà nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn dành trọn niềm tin đến như vậy?  

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1417&Itemid=68
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Một, 2011, 06:11:26 pm gửi bởi Mig21Bis_1 » Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #74 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 12:27:33 pm »

Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết

Đứng ở góc nhìn giai cấp và lý tưởng, không ít người đã từng băn khoăn hỏi: Tại sao một tiểu thư con nhà tư sản, đẹp và giàu có như Mỹ Nhung (Tám Thảo) lại xuất hiện trong cuộc chiến tranh này?
 
Nếu hiểu chiến tranh dưới góc độ ý thức hệ giai cấp: Cộng sản – Tư bản, thì rõ là giai cấp mà cô xuất thân hoàn toàn xa lạ với giai cấp công nông. Người công nhân, nông dân đấu tranh để giành cơm no, áo ấm, độc lập dân tộc và công bằng xã hội, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn sự hy sinh của Tám Thảo và gia đình cô trong cuộc chiến này lại là một lát cắt khác mà không phải học giả nào cũng có thể lý giải được.

"Hoa" truyền đơn

Chuyện về cô khó có thể bắt đầu bằng hình ảnh nào khác ngoài một bức tranh về người con gái đẹp bước ra từ nhung lụa.

Mỹ Nhung (Tám Thảo) thời trẻ - Ảnh: Tư liệu gia đình


Là con một gia đình tư sản giàu có ở Sài Gòn, ngay từ bé, Mỹ Nhung chẳng phải làm gì, chỉ biết học, chơi và xem tiểu thuyết. Cô mê những con người trong thế giới chữ nghĩa, mê những truyện ngắn đăng báo hằng tuần của Thế Lữ, mê tiểu thuyết của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.

Những câu chuyện về một lớp thanh niên trí thức cứ trăn trở tìm đường làm cách mạng lôi cuốn cô suốt một thời thiếu nữ. Cô đọc chỉ để... chơi. Nhưng ai dè, chơi rồi thành thật. Cái đẹp, cái bi của những cuốn tiểu thuyết anh hùng rốt cuộc lại vận vào chính cuộc đời cô.

Năm 1948, tiểu thư Mỹ Nhung theo gia đình rời Sài Gòn về Vĩnh Long kháng chiến. Khi ấy cô mới 16 tuổi, chưa từng biết nấu nướng, chỉ mê sách, điện ảnh và hoa. Thế nên trong hành trang chiến đấu, vũ khí của cô chỉ là... tiểu thuyết.

Hàng ngày, cô bé Nhung được tận mắt chứng kiến cảnh các chị bên hội phụ nữ đi rải truyền đơn. Trước mỗi lần “xuất trận”, các chị đều kín đáo đặt truyền đơn lên một góc xe hơi, đợi đến khi xe nổ bánh, gió thổi bạt lại làm tung tròn những lá truyền đơn lên không trung rồi rụng xuống lả tả. Cô nhìn mà cứ mê đi vì cảnh rải truyền đơn... “đẹp hơn cả tiểu thuyết!”.

Mê quá rồi, cô nằng nặc đòi theo, nhưng đều bị các chị gạt phắt đi vì “còn con nít”. Các chị biết giải thích thế nào cho bé Mỹ Nhung hiểu đây, rằng đằng sau những “chùm hoa” truyền đơn đó là đòn roi, là trừng phạt, là tù đày đang giăng lưới?

Phải đến sau này, khi đã thực sự trải qua ranh giới khốc liệt giữa cái sống và cái chết, cô mới hiểu rằng khoảnh khắc “đẹp hơn tiểu thuyết” ấy chỉ là phút giây thăng hoa tột đỉnh của một chuỗi dài gian nan, nguy hiểm đến chết người.

Thiếu nữ Sài Gòn trên chiếc xuồng hoa

Không được đi rải truyền đơn, song Mỹ Nhung vẫn không chịu lùi bước. Nhân lúc có người chèo đò ngang sông, cô liều nhảy xuống xin quá giang để được đi “chiến đấu”. Bà cô bắt đi lên, nhưng cô nhất định ở lại và tìm kế... trốn. Mãi rồi cũng lần mò được ra chiến khu, cô tiếp tục tự đi tìm tổ chức.


Tại đây, sau khi tìm được người chị gieo “chùm hoa” truyền đơn cũ, cô xin được một công việc rất vinh quang của tuổi 16. Đó là hằng ngày, bé Mỹ Nhung phải tập... dậy sớm và học bơi xuồng. Sướng quá, cô tiểu thư vốn quen được chiều chuộng gật đầu nhận ngay.

Thế là từ đó, cứ sáng sớm, cô lại đẩy xuồng ra giữa dòng sông, tập bơi, tập lái. Nhưng với cô, chèo xuồng khó đến độ cô toàn lóng ngóng để nước tràn vào trong. Dưới ánh nắng lung linh, xuồng của cô cứ quay tròn trên mặt nước. Chẳng biết làm sao, cô đành ghé tạm bên những bụm hoa trôi, vừa để neo xuồng tát nước, vừa tranh thủ... hái hoa rồi chất đầy lên khắp xuồng.

Đến khi biết chèo rồi, cô nhận thêm nhiệm vụ đưa cán bộ qua sông. Cứ mỗi khi nghe tiếng gọi “Mỹ ơi” (tên gọi thời ở chiến khu), cô lại tất bật đẩy xuồng ra giữa dòng đón cán bộ. Ở đây, cô đã gặp một con người mà đến tận bây giờ, cuộc đời của ông vẫn là kho bí mật chưa tiết lộ.

“Cuộc đời tôi có nhiều cái may mắn, thuở bé đã được gặp một trong những anh hùng tình báo vĩ đại nhất Việt Nam, lớn hơn thì làm đồng đội với chính họ: anh hùng Phạm Xuân Ẩn, anh hùng Tư Cang...”.

Những lần gặp gỡ của cô chỉ là khoảnh thời gian đưa người sang sông, nhưng đến tận bây giờ, khi chiến tranh đã qua thêm nửa cuộc đời nữa, ấn tượng của cô về người cán bộ đó vẫn còn nguyên vẹn.

“Buổi sáng đầu tiên đưa anh đi, nhìn anh cười, tôi tin anh ngay lập tức. Anh không đẹp, mắt lé, da ngăm ngăm, nhưng nụ cười của anh thì luôn nói với mọi người rằng, anh là người tốt”.

Thế rồi sáng nào cũng vậy, ông được cô bé Mỹ Nhung chở đi trên chiếc xuồng bé xíu chất đầy hoa. Đến khi chiều xuống, ông trở về, trên tay luôn là một bó hoa rừng nho nhỏ. Cô không biết ông đi đâu, làm gì, nhưng nhìn là biết chặng đường của ông dài tới cỡ nào, bởi khi được tặng cho cô thì bó hoa đã rủ héo.

Nhận hoa, cả cô và ông cùng cười. Những bông hoa ấy sau này cứ cuộn hương đi theo cô trong suốt hành trình bí mật. Nó giống như sợi dây nối thiêng liêng giữa những người đồng đội: họ thậm chí có thể tìm thấy nhau, nhận ra nhau chỉ trong linh cảm. (Trong các loạt bài tiếp theo, VietNamNet sẽ tiếp tục công bố những bí mật về chân dung và tầm vóc của người anh hùng vĩ đại này).

Hai năm sau, khi vừa tròn 18 tuổi, cô được kết nạp Đảng. Cũng trong năm đó, ba cô trở thành Đảng viên. Nhớ lại giây phút biết tin ba cũng vào Đảng, cô vẫn cười tinh nghịch. “Ông cụ theo lễ giáo nhà Nho, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất dân chủ với các con. Ngày ba cô được kết nạp, cô cứ chọc ba hoài, vì ba con lại cùng một năm tuổi Đảng”.

Ba cô, dù đứng trong hàng ngũ tư sản, nhưng ông chưa bao giờ quên nói với các con về quê hương, về dân tộc, về những người cùng khổ. Với cô, ông là hình mẫu lý tưởng còn trên cả tiểu thuyết, bởi ông luôn hướng cô đi theo những con đường thiện trên đời.

Đường về với Cách mạng

Những năm đầu 1940, đất Sài Gòn rất quen thuộc với tiệm vải Tân Mỹ. Chủ cửa hàng, ba cô – ông Nguyễn Đăng Phong – vốn là người Kinh Bắc. Sau khi đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp, chỉ trong một thời gian ngắn, lòng đại hiệp và khả năng kinh doanh nhanh nhạy của ông đã biến Tân Mỹ thành một thương hiệu có tiếng thời bấy giờ.

Ngày đó, gia đình cô sống cạnh nhà hai “đại gia” nổi tiếng - một người Hoa, một người Ấn - trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng ngày nay). Khi hè sang, ba mẹ cô thường đưa các con về “nhà mát” ở Bạc Liêu chơi. Gọi là “nhà mát” bởi đó là nhà chỉ để... nghỉ mát. Căn nhà nằm ngay cạnh tư dinh của ông Hội đồng Trạch – gia đình bên chồng của “người đẹp Tây Đô” Lâm Thị Phấn.
 
Gia đình Tám Thảo

Sống giữa toàn các bậc đại gia và những người ngoại quốc giàu có, gia đình cô rất hiểu cái màu ẩn phía sau đồng tiền. Thế nên ba mẹ cô luôn hướng ngược về những người đồng bào đói khổ.

Mỗi khi vợ chuẩn bị sinh, ông lại đưa bà về Bắc để cho các con được chào đời và được ngấm cái hồn thiêng của quê cha đất tổ. Chính vì thế, đến bảy mươi năm sau, các con ông, cứ ai có dịp ra Hà Nội lại nhất định phải về thăm quê cũ, dẫu cho ở đó chỉ còn vài mảnh ký ức rất xa xăm.   

Năm 1945, nghe theo lời kêu gọi của cụ Hồ, mẹ cô góp toàn bộ đồ nữ trang bằng vàng cho cách mạng. Đến khi Tây về (23/9/1945), gia đình cô phải tản cư vào Vĩnh Hưng, giáp với Cần Thơ. Biết nhà cô giàu có, ba má quan hệ rộng, quen biết từ tỉnh trưởng cho tới địa chủ nên tụi quan Tây treo giá 5.000 đồng để kiếm ba cô về theo chúng.

Ngày đó, cô bé Mỹ Nhung còn nhỏ, đâu biết 5.000 là giá làm sao, chỉ nhớ khi em cô đòi ăn khoai lang, má liền cho 1 hào. Bé em mang 1 hào đi đổi lấy 1 củ khoai lớn mang về, khiến cô bán hàng phải sấp ngửa đuổi theo để... thối lại tiền.

Nhưng tới năm 1946, trên đường về Sài Gòn trị bệnh, ba cô bị chỉ điểm bắt. Biết tính ông cụ ngang tàng, không chịu luồn cúi nên quan Tây nghĩ ra một chiêu độc để moi tiền. Chúng lôi người bà con của gia đình ra đánh cho hộc máu mũi ngay trước mặt ông. Thương quá, ba cô liền nộp 12.000 đồng tiền Đông Dương để chuộc. Còn với những người ở chung, hễ cứ ai bị mất gì thì ba má cô lại đền giúp.

Đến khi cạn túi, ba cô đành trở về Bắc Ninh cùng hai cô con gái út. Mỹ Nhung và các anh chị khác tá túc tại Vĩnh Long với người họ hàng. Cái duyên đưa cô tới Vĩnh Long để làm nghề tình báo bắt đầu từ những chuyện gập ghềnh như vậy.

"Tổ Quốc là trên hết"

Sau này, trong những ngày ở chiến khu, cô thiếu nữ Sài Gòn đã rung động trước một người lính cũng mê văn học không kém. Thời ấy, “thơ ca thúc đẩy sự nhiệt huyết của tôi nhiều lắm”. Ở chỗ cô, ai cũng thuộc lòng khổ thơ đầu của Tố Hữu:

“Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

Nhưng thơ ca thôi cũng không đủ làm cho chiến tranh dừng bước. Yêu nhau không được bao lâu, ông phải đi tập kết. Ngày ông lên đường, cô hớt hải chạy đi tìm. Song nỗi trớ trêu của tiểu thuyết cũng chẳng từ cô: khi Mỹ Nhung vừa đến thì ông lại vừa đi.

Hai người không kịp nói với nhau dù chỉ một lời tạm biệt, để rồi suốt gần 20 năm sau đó, hình ảnh của ông cứ không thôi ám ảnh trong cô.

Năm 1954, khi Hiệp định Geneve được ký kết, cô liền xin tập kết ra Bắc để gặp người yêu. Nhưng ông Mười Hương - chỉ huy của cô bấy giờ - thuyết phục cô ở lại, bởi người thầy tình báo ấy rất hiểu, trong cô còn có một tình yêu lớn nữa: tình yêu Tổ Quốc.

Ông còn hiểu rõ, nếu cô ra đi, cuộc chiến trong Sài Gòn sắp tới có thể sẽ khốc liệt hơn, bởi không dễ gì tìm ra một gia đình tư sản yêu nước ngay trong nội thành như vậy. “Em mà ra Bắc, không ai liên lạc được với gia đình thì cơ sở mất một căn cứ tốt”.

Nghe vậy, cô đắn đo một lúc rồi trả lời: “Vâng, thế em ở lại. Tổ Quốc là trên hết”.

Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1417&Itemid=68
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 12:25:32 am »

Kỳ 3: Đồng đội, duyên phận và những ám ảnh cuộc đời


Rời chiến khu, Mỹ Nhung về Sài Gòn, vừa giúp cha mẹ khôi phục cửa hàng, vừa làm căn cứ cho cách mạng. Tại đây, cô được chỉ huy giới thiệu với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), trở thành học trò của ông, để rồi từ đó, khi ông mới từ Mỹ về, cô lại là người đưa ông trở lại với tổ chức. Tham gia vào lưới, Mỹ Nhung đổi tên thành Tám Thảo. Tình bạn, tình đồng đội gắn bó đã giúp cô vượt qua nhiều hiểm nguy để làm giao liên an toàn cho lưới H63, ngay giữa nội thành Sài Gòn.

Hai mối duyên không thành

Gia đình Tám Thảo và Hai Trung quen nhau từ sớm. Biết nhau từ thuở ngoài 20 nên chị em cô gắn bó với Hai Trung rất sâu sắc. Ông vừa là chỉ huy của chị em Mỹ Nhung - Mỹ Linh, vừa là thầy dạy Anh văn, lại vừa là người anh lớn.
 

Mỹ Nhung về Sài Gòn, cô được chỉ huy giới thiệu với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), trở thành học trò của ông, để rồi từ đó, khi ông mới từ Mỹ về, cô lại là người đưa ông trở lại với tổ chức - Ảnh: Tư liệu

Sau một thời gian “thầy Hai Trung” hướng dẫn, chị em cô nói tiếng Anh rất khá, đặc biệt là cô em Mỹ Linh. Chính vì thế, để phục vụ cho cách mạng lâu dài, tổ chức từng định đưa Mỹ Linh đi học ở Anh, còn Hai Trung đi học ở Mỹ. Nhưng thời gian xa cách 4-5 năm khiến Hai Trung hơi ngại ngần.

Năm 1957, trước khi quyết định sang Mỹ, Hai Trung còn tìm đến nhà Mỹ Nhung để xin ý kiến ba cô, bởi ba cô cũng là người rất có ảnh hưởng tới Hai Trung. Chẳng rõ ông đến có phải để mong chờ một ánh mắt nào không, chỉ biết rằng đã có thời, sự thân thiết của ông với gia đình đã khiến cho người chỉ huy Mười Hương phải gợi ý: Nếu được thì cứ làm... rể gia đình luôn.

“Tôi biết anh Ẩn thương em Mỹ Linh lắm, nhưng Mỹ Linh không chịu”, cô nhớ lại. Cô bé kế sau của cô muốn được vào chiến khu, tự mình đóng góp cho cách mạng chứ không muốn trở thành cái bóng của bất kỳ ai.

Sau này, khi đã trở thành ký giả nổi tiếng, ông Ẩn vẫn thường xuyên đến thăm gia đình Mỹ Nhung dưới vỏ bọc là đi... tán các tiểu thư trong nhà, vừa để giao tài liệu, vừa có thêm bạn chuyện trò.

Thế nên duyên chị chưa trọn thì lại kéo theo duyên em không thành. Kế sau Mỹ Linh là cô Lan. “Bé Lan thì thương anh Ẩn dữ, vì anh là người tốt, lịch thiệp mà lại giản dị, chẳng bao giờ tính toán tiền nong”. Nhưng ngày đó Lan còn quá nhỏ, Hai Trung chỉ thương như em gái mà thôi.

Năm 1962, Mỹ Linh vào rừng, trực tiếp làm người dịch tài liệu cho căn cứ miền. Cô được đổi tên thành Chín Chi, bởi chị cô - Mỹ Nhung - đã được đổi tên thành Tám Thảo.

Cũng trong năm đó, Hai Trung lập gia đình. Lan buồn lắm, nhưng dẫu mỗi người mỗi nơi thì tình cảm của ông với gia đình vẫn còn nguyên vẹn.   

Người đẹp trên tuyến lửa

Năm 1960, trước khi phong trào Đồng khởi bắt đầu, trung ương yêu cầu cục tình báo tìm hiểu các chiến lược đối phó của địch để đề phòng bất trắc. Lệnh được truyền đi, ở trong nội thành, Hai Trung nhanh chóng tìm ra tài liệu và chụp thành 20 cuộn phim, giao cho Tám Thảo.
 
Mỹ Nhung thời trẻ- Ảnh: Tư liệu

Tha thướt trong tà áo dài, Tám Thảo bắt xe ra ngoại thành chuyển tài liệu. Ở đó, cô liên lạc được với bà Bảy Huê – cũng là con một nhà tư sản nổi tiếng. Hành trình của cô không quá dài, nhưng để vượt được quãng đường nhỏ từ nội thành ra ngoại ô thì thực sự khủng khiếp.

Lần nào, đi đâu, cô cũng đều phải vượt qua chỗ bót canh của lính. “Tôi rất sợ cái chỗ đó, vì đã đi qua thì chết là chuyện bình thường”.

Nỗi nguy hiểm để có thể chết chính là ở chỗ, nơi cô tới toàn những nhà nông dân, mà theo lệ thường thì nông dân chỉ mặc áo bà ba. Một mình cô, áo dài tóc vấn, ra giữa chốn đồng không mông quạnh, hẳn phải có vấn đề. Cô cũng có thể mặc áo bà ba, nhưng dáng vẻ của cô thì lại đài các quá, dùng không hợp.

Hơn thế nữa, nếu mặc bà ba ra khỏi thành thì khi về cô sẽ khó trở lại, bởi tiểu thư Sài Gòn trở về từ ngoại ô trong chiếc áo bà ba thì có nghĩa là sao? Vậy nên mỗi lần đi liên lạc, cô lại trở thành tâm điểm dò xét của tụi lính. “Nếu mất bình tĩnh là chết như chơi”. Nhưng trí thông mình và khuôn mặt thánh thiện đã giúp cô nhiều lần thoát chết.

Suốt từ năm 1960 đến năm 1966, cô đi lại như con thoi từ Sài Gòn xuống Củ Chi, Hoóc Môn, Phú Hòa Đông, Tây Ninh rồi lại về thành phố. Những tài liệu mà cô chuyển ra đều do Hai Trung khéo léo lấy từ trong lòng địch, như tài liệu về những kế hoạch đối phó trước các cuộc tấn công của ta, tài liệu của Mỹ hướng dẫn cho quân đội Cộng hoà về kỹ thuật và thủ thuật chống nổi loạn, tài liệu liên quan đến Chiến tranh Cục bộ năm 1965...

Có lần, trên chuyến xe đò đi ra cứ, cô cùng tất cả hành khách bị chặn lại ngay tại bót canh. Nhanh trí, Tám Thảo tự tách khỏi đoàn người đang phải khám xét tùm lum, chạy ra đứng nói chuyện với viên chỉ huy cao nhất.

Chuyện trên trời dưới biển, chuyện văn chương thi phú, chuyện về “người dì tư sản” ở ngoài mà cô phải đến thăm khiến cho viên chỉ huy cứ phải cười ngoác miệng. Thế là, trong khi cả chiếc xe bị lục soát tứ tung thì cô cùng chiếc giỏ tài liệu lủng lẳng trên tay lại an toàn tuyệt đối, ngay bên cạnh... viên chỉ huy tít mắt cười. Đến khi lục soát xong xuôi, tụi lính cho xe lên đường, cô cũng nói lời tạm biệt.

Nhưng chưa hết, bỗng nhiên ngay lúc ấy, một tên lính gọi giật lại: “Ủa, cô kia, xét chưa?” Cô mỉm cười rất tươi, quay sang viên chỉ huy bảo: “Chưa, nói chuyện với anh vui làm tôi quên khuấy mất. Anh xét đi!” Nói rồi, cô thẳng tay chìa cái giỏ hàng “chết người” về phía chúng. Viên chỉ huy vội xua tay lắp bắp: “Thôi, cô lên xe đi. Cô đi đường cẩn thận đó”.

Vẫn bình tĩnh nở thêm một nụ cười tạm biệt, cô nhẹ nhàng bước lên xe, tiếp tục cuộc hành trình ngàn cân treo sợi tóc. Cô biết, đằng sau cô là rất nhiều chiếc xe đang chờ xét. Nếu cứ lục soát kỹ, tụi lính cũng oải vì lấy đâu ra thời gian. Hơn nữa, làm cái nghề “cú vọ” này, bà con trên xe ai chẳng ghét. Cô hiểu điều đó nên căn giờ “buôn chuyện” chính xác và tỉnh táo đến mức không để lại chút nghi ngờ.   

Biết mình thông minh nhưng cô cũng không dám đùa với “lửa”, bởi trong tay cô không chỉ là tính mạng của mình mà còn là số phận của cả gia đình, của “anh Ẩn” và của những người khác. Vì thế, những lần sau đó, cô đã rút kinh nghiệm hơn.

Mỗi khi lên xe “thăm bà dì”, theo lời khuyên của chỉ huy và cả... ông chủ xe đò, cô không bao giờ chọn ngồi ghế đầu nữa. Đến khi qua trạm gác, cô cũng đều ý tứ... quay mặt đi, nếu không, theo lời các ông, “thấy cô đẹp quá, tụi lính bắt dừng xe lại để... hỏi han thì phiền”.

Ám ảnh một ánh mắt

Một lần, đích thân ông Ẩn lái xe đưa cô ra ngoài Củ Chi. Trước khi chuyển sang chiếc xe khác để về căn cứ, cô ngoái lại chào tạm biệt người đồng đội chu đáo ấy. Bất ngờ, lần đầu tiên trong đời, cô bắt gặp cái nhìn của ông đầy day dứt. Nỗi băn khoăn về đôi mắt khó tả đó vẫn ám ảnh cô cho đến tận bây giờ.
 
2 chị em Mỹ Nhung và Mỹ Linh tại tư gia tháng 4/2007

Với ông, có những điều cô không bao giờ hỏi, và với cô, có những điều ông cũng không ba o giờ nói. Nguyên tắc nghề nghiệp khiến cho những người bạn, người đồng chí chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng linh cảm.

Hôm nay đây, khi ông đã qua đời, mang theo cả bí mật của đôi mắt để trở về với đất, nhưng mấy ai biết rằng, trong cả cuộc đời làm nên những kỳ tích như huyền thoại, đã bao lần ông phải đối mặt với phút giây ân hận với chính mình. Đồng đội của ông – Tám Thảo, Tư Cang, Ba Già, Hai Thương... – chưa bao giờ sợ bước chân vào cõi chết, họ hiên ngang đối mặt với họng súng thù để giữ gìn mạng sống cho ông và cho dân tộc.

Trong những dòng tự thuật về “khuyết điểm” của mình sau này, ông cũng đã tự “sỉ vả” mình không ngớt: chỉ vì không tính toán nên Hai Trung cứ để nguyên phim chưa tráng cồng kềnh, hay đưa hàng chục trang tài liệu cồm cộm không xử lý ra chiến khu, gây biết bao nguy hiểm cho anh chị em giao thông.

Đi giữa hai làn sống chết mong manh, chỉ một chút sơ suất thôi là một con người, thậm chí là một gia đình, phải đổ máu.

Vì lẽ đó, mỗi khi đứng trước những đồng đội của mình, người anh hùng vĩ đại luôn thấy mình quá bé nhỏ. Ông hiểu, chính những dáng người mảnh mai đang đi về tuyến lửa kia mới là những người làm nên chữ “anh hùng” trên ngực áo của con người được phong là “huyền thoại”.

Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #76 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 12:24:11 pm »

Kỳ 4: Mỹ nhân của cố vấn Hải quân Mỹ!

Năm 1966, theo yêu cầu của tổ chức, chiến sĩ tình báo Tư Cang - chỉ huy lưới H.63 - được điều vào nội thành hoạt động. Lúc này, gia đình Tám Thảo là sự lựa chọn số một bởi bình phong quá an toàn. Cũng trong năm này, Tám Thảo được lệnh dừng làm liên lạc cho Hai Trung bởi công việc ngày càng phức tạp. Thay vào đó, cô phải tập trung học tiếng Anh, kiếm tấm bằng loại ưu để xin vào làm việc cùng người Mỹ.

Đi vào “cửa tử”

Với vẻ đẹp sang trọng, thông minh và vỏ bọc gia đình giàu có, cô lần lượt vượt qua những vòng thử thách khó khăn, thậm chí cả “chạy tiền” cho sĩ quan cấp dưới, để lọt được vào vị trí phiên dịch cho thiếu tá Tình báo Hải quân Mỹ, cố vấn của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà.

Trong mắt lính Cộng hoà, Mỹ Nhung là kiểu con nhà giàu đi làm để kiếm chồng quan to

Lúc này, nhiệm vụ của cô đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn khác. Hàng ngày, cô đến sở, dịch tài liệu ngược xuôi về tin tức tình báo hải quân cho “sếp”. Đến khi Đảng yêu cầu lấy tài liệu ra, để tránh nghi ngờ, nếu tài liệu bằng tiếng Việt thì cô lại dịch sang tiếng Anh rồi mang về nhà cho ông Tư Cang... dịch lại.
Thỉnh thoảng, thời gian cần kíp, cô “cầm tạm” luôn tài liệu về nhà vào đúng giờ nghỉ trưa để cho anh Tư trên lầu chụp. Đến khi phiên làm việc chiều bắt đầu thì tài liệu cũng đã nằm gọn gàng trở lại. Nhiều lúc, gặp những tài liệu không thể mang về, cô buộc phải tự nhớ trong đầu rồi về tóm lược cho chỉ huy lưới.

Cô hoạt động trong suốt thời gian dài mà không để lại một mảy may nghi ngờ nào. Thậm chí, có lần mải nói chuyện say sưa, cô còn sơ ý hỏi viên chỉ huy: “ủa, sao đồng chí nói vậy?”. Cũng may, anh chàng tưởng cô nhại “giọng Việt Cộng” để bông lơn nên không thèm để ý.

Nhiều lần, thấy cô giải thích vanh vách thế nào là “ở trong R” (ở trong rừng, cách gọi của trung ương đầu não), tụi Mỹ rất ngạc nhiên, hỏi “sao cô như Việt Cộng vậy”? Cô thản nhiên trả lời: “Các ông coi kẻ thù là Việt Cộng, tôi làm việc cho các ông thì tôi phải nghiên cứu giùm các ông chứ”.

Hai chị em Mỹ Nhung và Mỹ Linh thời trẻ- Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, bên cạnh cái vẻ phớt Ăng-lê như thế, cô vẫn luôn phải thận trọng để giữ kín bình phong. Thỉnh thoảng, cô còn đi du lịch trong và ngoài nước, khi thật khi giả, để tránh sự nghi ngờ của địch mỗi lúc có chuyện phải vào rừng đột xuất.

Thậm chí, cô còn được ngưỡng mộ là người... chịu chơi, bởi lương tháng có 800 đồng mà dám chi vài ngàn chỉ để đi nghỉ ở Pháp.

Vì lẽ đó, trong mắt lính Cộng hoà, cô là kiểu con nhà giàu đi làm để kiếm chồng quan to, còn trong mắt bà con hàng xóm, cô là kiểu phụ nữ ôm chân Mỹ mơ giấc mộng nhà lầu. Cô biết vậy mà chẳng cần thanh minh, thậm chí còn tỏ ra rất “chảnh” để giữ an toàn.

Chỉ đến khi nào còn lại một mình với ba, cô mới thoả lòng khóc và kể cho ba nghe những gì còn ấm ức, bởi chỉ có ba cô là người thương và hiểu cô nhất. 

Quyền năng của người đẹp

Làm việc ngay trong lòng địch, sơ hở một phút là chết liền, thế nên nguyên tắc đầu tiên của cô là phải sống thật. “Nếu không sống thật thì mình sẽ chết thật”. Chính vì thế, không ít lần cô đập bàn, nổi nóng, thậm chí giang tay tát thẳng vào mặt tên sĩ quan chỉ vì dám nói năng sàm sỡ.

Trong mắt bà con hàng xóm, cô là kiểu phụ nữ ôm chân Mỹ mơ giấc mộng nhà lầu

Cô kể, hồi sau Mậu Thân, có viên sĩ quan Mỹ mới sang nên sợ Việt Cộng lắm. Anh ta dò hỏi ông trung tá trưởng phòng là sao cô giống Việt Cộng vậy, bởi thấy cô nói năng chẳng ra vẻ sợ gì? Ông trung tá gạt phắt ngay: “Trời, tính cô vậy đó, nào có sợ ai. Gia đình cô ấy giàu lắm, đâu cần tiền”. Thế rồi, ông ta tuôn ngay một kỷ niệm “kinh hoàng” về người đẹp.

Bữa đó, ông ta kêu cô làm thêm giờ, nhưng cô không làm. Cô bảo: “Tôi phải về chơi, nghỉ ngơi với gia đình”. Nói kiểu gì cô cũng không nghe, ông trung tá giận lắm, vỗ bàn đánh đốp một cái, quát lên: “Đi làm có thêm tiền, tại sao cô không đi?”.

Cũng không vừa, cô đứng phắt dậy, đập bàn đánh đốp thêm cái nữa, rắn rỏi trả lời: “Ông có ngày chủ nhật của ông, tôi cũng có ngày chủ nhật của tôi. Tôi không cần tiền thêm giờ của ông, tôi cần thời gian ở với ba mẹ”.

Sợ quá, ông trung tá im liền. “Bà chằn này chịu chơi như vậy, không bao giờ có thể là Việt Cộng đâu”. 

Bận khác, một viên trung sĩ coi bảng lương vốn ghen ghét cô vì thấy người đẹp cứ đi chơi hoài mà vẫn được sếp cưng, thậm chí có hôm 9 giờ cô mới tới. Hôm nào mà cửa hàng đông khách, cô còn nghỉ tít luôn ở nhà để giúp mẹ.

Phải chấm công nên anh chàng ức lắm, một hôm chờ đến buổi giao ban mới hất hàm hỏi: “Nè, giờ giấc của cô thế nào đó? Tại sao 9 giờ chưa có mặt, 12 giờ đã thấy mất tiêu. 3 giờ chiều mới thèm tới sở?”.

Cô thản nhiên trả lời: “Sao anh hỏi tôi? Tôi đi thông dịch cho sếp, anh muốn biết thì hỏi sếp tôi đó”. Nói rồi cô quay đi, biết chắc rằng viên trung sĩ chẳng bao giờ dám mở miệng hỏi quan thầy Mỹ. Mà cho dù hắn có hỏi thì cô cũng chắc chắn sếp sẽ bênh cô, bởi cô biết tính ông ta, chỉ cần làm hiệu quả chứ đâu ngồi tính thời gian.

Dần dần, cô càng củng cố hình ảnh về mình: một tiểu thư nhà giàu, đi làm chỉ vì mê Mỹ và thích khoe sắc khoe tài mà thôi. Ai biết đâu rằng, những ngày nghỉ cô không thèm làm thêm là để dành thời gian ra căn cứ, còn những lúc đi muộn về sớm là khi cô phải làm nhiệm vụ đột xuất, hoặc chờ cho người chỉ huy Tư Cang sao chép hết tài liệu để gửi đi cho kịp giờ.

Còn viên trung sĩ, nuôi cơn ấm ức trong thời gian dài, có bữa mới quyết định “trả đũa”. Một hôm, cô phải chuyển một lá thư của sếp sang cho anh chàng. Thấy bàn anh ta để tùm lum bừa bộn, cô hỏi đặt đâu bây giờ.

Anh chàng mới học được non nửa “ngón nghề” của cô nên cũng ra bộ kênh lắm, đáp thọt lỏn “để thùng rác đó”. Lập tức, cô xé toẹt cái bao thơ ra rồi ném thẳng vào thùng rác, nói ngắn gọn: “Tui bỏ đó đó” rồi đóng cửa cái rầm.

Về phòng họp, cô tới gặp thẳng sếp, kể lại chuyện rồi nhẹ nhàng: “Tui xin lỗi, ông vừa ký chưa ráo mực mà tôi đã làm vậy là khiếm nhã”. Viên thiếu tá Mỹ vội xua tay: “Không sao đâu, cô làm vậy là rất đúng”.

Ở bàn bên kia, cô thư ký người Việt kéo vội cô ra góc, thì thầm: “Thôi chị ơi, em làm cho chị cái khác nha, lúc đó chị điên cái đầu hay sao?”. Cô trả lời: “Nó điên cái đầu chứ tao điên à?”. Viên thiếu tá biết cô vẫn đang giận nên xuống giọng: “Cô đừng bực, để đó tôi ký lại cho”.

Xong xuôi, cô lại đem thơ xuống, hỏi: “Bây giờ tôi để đâu?”. Anh ta chỉ tay lên bàn rồi thẽ thọt: “Cô để đâu cũng được”.
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #77 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 12:31:54 pm »

Kỳ 5: Cứu đồng đội bằng cách... chia lửa về nhà


Vừa mới ở rừng ra, người lính đặc công bắn hai tay hai súng bỗng chốc trở thành anh Tư trong gia đình người đẹp. Để tránh bị nhòm ngó, Tám Thảo nghĩ ra cách thỉnh thoảng mời sếp... về nhà chơi. Những chuyến thăm của viên thiếu tá Mỹ tới gia đình nhà tư sản bỗng nhiên tạo thành chiếc khoá an toàn cho ông thiếu tá Việt cộng.
 
Sáng tình báo Việt cộng đưa đi, chiều tình báo Mỹ rước về

Trước ngày cô Tám Thảo xin cho Tư Cang về nhà, ba cô cũng nghĩ ngợi ghê lắm. Trong nhà vốn toàn các cô chưa lập gia đình, tiêu tiền kiểu tư sản, nay tự nhiên lại xuất hiện một anh lính ở rừng về, chưa biết hoạ phúc ra sao.
 
Tám Thảo, người phụ nữ nổi tiếng với việc sáng tình báo Việt cộng đưa đi, chiều tình báo Hải quân Mỹ rước về

Ông cụ vẫn còn nhớ, gần hai chục năm trước đó, ngày cô xin đi vào chiến khu làm cách mạng, sợ ba gặp khó khăn, cô liều bảo: “Con đi vào rừng không có nhà. Nếu ai làm khó dễ ba, ba cứ bảo là con mê thằng nào rồi theo nó bỏ đi Nha Trang, Đà Lạt nha. Vậy nên ba tức chuyện, ba từ con luôn, nói thế cho an toàn”.

Khác với mọi khi luôn gật đầu vì cưng chiều con gái, lần này, ông nhất định không chịu: “Đâu có được, con gái của ba, không bao giờ ba bêu tiếng xấu như vậy. Con cứ đi, để ba ở nhà tuỳ cơ ứng biến”.

Nhưng lần này, câu chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Tám Thảo vẫn ở trong nhà, chỉ có điều, thêm một người đàn ông đến tá túc. Ngẫm ra, chuyện đó chẳng có vấn đề gì, tình thương của ông đối với cán bộ đã giúp ông gạt phăng hết ngại ngần.

Về ở với gia đình ông, “thằng Tư” sẽ bớt đi nhọc nhằn, nguy hiểm. Trong khi chiến tranh đang leo thang, tài liệu mật càng nhiều, nếu cứ đi đi về về thì sẽ còn nguy hiểm nữa.

Vậy nên không cần đợi cô thuyết phục, ông gật đầu đồng ý. Với vỏ bọc “anh rể thứ tư” mới trở về, từ hôm đó, cứ sáng ra, “anh Tư” đưa Tám Thảo đi làm. Chiều về, viên thiếu tá Mỹ lại chở cô về tận cửa. Bà con hàng xóm cũng có người tò mò, nhưng tiểu thư Mỹ Nhung nổi tiếng vừa đoan trang vừa kiêu kỳ nên chẳng ai dám lời ong tiếng ve.

l
Tiểu thư Mỹ Nhung từng nổi tiếng vừa đoan trang vừa kiêu kỳ đất Sài Gòn là vỏ bọc tốt cho Tám Thảo hoạt động trong lòng địch.

Một bữa, trên đường tới sở, tự nhiên nghĩ ra điều hay, cô kều tay nói giỡn với Tư Cang: “Anh Tư nè, em nghĩ đời mình cũng hay thiệt nghe. Sáng thì thiếu tá tình báo Việt cộng chở honda đi làm, chiều thì thiếu tá tình báo Mỹ xách bỏ lên xe jeep chở về. Anh bảo có ai được như vậy không?”.

Nghe cô cười khanh khách, ông thiếu tá Việt cộng cứ nghĩ mà xót xa. Khi ấy, cô đã gần 40 nhưng vẫn quyến rũ đến chết người. Bao nơi muốn mối lái, vậy mà cô cứ mải mê đi “làm Việt cộng”, chẳng hề tính đến hạnh phúc trăm năm.

Thời đó, có những lúc cũng có người gợi ý, sao hai người ở gần mà không cưới nhau đi, tạo luôn cái vỏ bọc hợp pháp cho an toàn? Nhưng cô chỉ điềm tĩnh bảo: Anh đã có vợ, còn chúng tôi lại chỉ là đồng chí, làm sao có thể yêu nhau theo cái kiểu lửa gần rơm lâu ngày cũng bén được vậy?

Cứ như thế, suốt từ năm 1966, trong ngôi nhà tư sản toàn tiểu thư xinh đẹp, có một ông nông dân chính hiệu ra vào. Với gia đình cô, chưa bao giờ ông là người lạ, dù cho lối sống đã quen kham khổ của ông rất khác xa với gia đình.

Tình quân dân, tình đồng chí lúc này là trên hết, vì có gì lạ đâu: cô và ông đều là người Việt, đều đang chiến đấu cho Nam Bắc một nhà!

Hai phát súng sinh tử

Đêm 31/1/1968, cuộc tổng tiến công Mậu Thân bắt đầu. Đã biết qua từ trước nên cả gia đình đều sẵn sàng chuẩn bị tinh thần.

Trước đó, theo yêu cầu của cấp trên, cô đã kịp chuyển tài liệu bố phòng quân sự tại Bộ Tư lệnh Hải quân ra ngoài căn cứ để làm sơ đồ cho biệt động Sài Gòn tấn công.

Đêm về, trong ngôi nhà bề thế nằm giữa trung tâm thành đô, cô có thể nghe tiếng súng nổ và quan sát những nhánh quân đang di chuyển về phía dinh Độc Lập. Lực lượng mỏng, gặp phải trục trặc ban đầu, đội biệt động Sài Gòn ngay khi vừa tấn công đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt.
 
"Tình quân dân, tình đồng chí lúc này là trên hết, vì có gì lạ đâu: cô và ông đều là người Việt, đều đang chiến đấu cho Nam Bắc một nhà!" - hơn 30 năm trước, Tám Thảo đã nghĩ như vậy về thủ trưởng Tư Cang của mình

Rạng sáng ngày mồng 1 Tết, địch được chi viện thêm lực lượng. Các chiến sĩ biệt động phải mở đường máu thoát ra ngoài và cố thủ tại một toà nhà còn đang xây dở. Cuộc chiến giằng co đến vài ngày. Đội biệt động của ta rơi vào tình cảnh nguy cấp. Khắp nơi, lính Cộng hoà bao vây kín cả trên trời dưới đất. Cả lính Mỹ và lính Đại Hàn tăng cường vây bủa.

“Suốt 2-3 ngày liền, hai anh em cứ nằm bò trên gác để theo dõi mà không thấy chiến sĩ nào thoát ra”. Tiếng súng trong toà nhà thì cứ ngày một thưa dần rồi yếu hẳn. Linh cảm thấy đồng đội đang gặp nguy hiểm, cô quyết định: chia lửa cùng anh em.

Nhìn quanh trong số những tên lính đang vây ráp, thấy có cả toán lính đánh thuê Đại Hàn, Tám Thảo giục anh Tư: Bắn!

Nhưng Tư Cang là chỉ huy lưới khi đó. Nhiệm vụ của ông là nằm vùng để chỉ huy và giúp đỡ nhà báo Phạm Xuân Ẩn chứ không phải chiến đấu trực tiếp. Hơn nữa, nếu bị lộ, không chỉ mình ông mà cả gia đình cô sẽ vào vòng tù tội, không chỉ cách mạng mất đi một cơ sở mà công sức gây dựng một lưới tình báo chui sâu leo cao trong lòng địch cả chục năm qua sẽ đổ sụp.

Ông băn khoăn ghê gớm. Nhưng Tám Thảo một mực giục ông: “Sao anh nỡ nhìn đồng đội mình chết? Mọi chuyện em sẽ lo, anh cứ bắn đi”.

Thế rồi, trước máu của đồng đội và nước mắt của cô, người anh hùng có tài bắn hai tay hai súng giương cao khẩu K54. “Đoàng, đoàng!” Hai phát đầu tiên, một tên chỉ huy Mỹ, một tên chỉ huy Đại Hàn ngã gục.

Phản xạ như chớp, Tám Thảo chạy nhanh xuống dưới tầng, chôn luôn mấy viên đạn còn lại cùng 2 vỏ đạn vào đống rác để đề phòng lính kéo đến lục lọi. Xong xuôi, cô cũng kéo luôn ông xuống nhà, giấu ông vào phía sau căn gác xép chứa đầy vải vóc, nơi để tài sản buôn bán của gia đình.

Còn tụi lính, ngay khi nghe tiếng súng nổ, đã hô lên ầm ĩ “có Việt cộng”. Chúng chia người bủa vây khắp nơi, đập cửa nhà cô ầm ầm. Trời tối, cô vừa giả bộ tìm chìa khoá để kéo dài thời gian, vừa nghĩ nhanh cách ứng phó với tụi lính.

Tới khi chúng xộc vào trong thì ba cô cũng đã gọi tất cả 8 người dậy, lấy nước mời chúng uống. Nhìn phong cách gia đình lịch thiệp, lại thêm các cô gái trẻ đẹp, tên chỉ huy bắt đầu hạ giọng. Nhưng chúng vẫn toả đi sục sạo khắp góc nhà. Vừa tìm, chúng vừa quát hỏi để “nắn gân” mọi người.

Nhìn thấy mẹ cô, tên chỉ huy quát lớn: “Bà già, sao lại mặc đồ trắng thế kia?” (vì ngày đó các cụ hay mặc đồ đen). Mẹ cô - do đã chuẩn bị tinh thần từ trước - nên từ tốn trả lời: “Tôi không biết nữa, thích thì mặc thôi”. Nghe câu trả lời không chút bối rối, tên chỉ huy cười bảo: “Tôi giỡn bà già đó” rồi lại tiếp tục ngó nghiêng.

Chỉ đến khi nhìn thấy ảnh ông thiếu tá Mỹ rất đẹp trai mà cô treo đầu giường, hắn mới thật sự hạ nhiệt: “Ủa, ai đây vậy cô?”. “Sếp tôi đó”. Chỉ trong một giây, cô thoáng thấy vẻ bối rối ngại ngần của hắn. Nhìn quanh quất lấy lệ cho xong, tên chỉ huy xin lỗi rồi rút quân về.
 
Suốt từ năm 1966, trong ngôi nhà tư sản toàn tiểu thư xinh đẹp, có một ông nông dân chính hiệu ra vào. Với gia đình cô, chưa bao giờ Tư Cang là người lạ, dù cho lối sống đã quen kham khổ của ông rất khác xa với gia đình - Ảnh chụp tại tư gia Tám Thảo tháng 4/2007

Chỉ đến khi toán lính rút đi, cô mới nhận ra rằng, mình vừa đi qua cõi chết. Sau một hồi im ắng, ông Tư Cang từ trong nơi ẩn nấp bước ra, nghẹn ngào cảm ơn cô cứu mạng. Cô cầm tay ông rồi cứ thế oà khóc.

Bây giờ cô mới thực sự hiểu: Làm tình báo đâu phải bước đi trên nhung hoa, đâu giống như tiểu thuyết mà cô đọc đầu đời. Làm tình báo không bao giờ được mắc lỗi. Nhưng sẽ bi kịch thế nào khi phải nhìn đồng đội chết trước mắt mà không được nổ súng, nhìn đồng bào bị tra tấn dã man mà không được rơi lệ? Trong phút lâm nguy nhất, bản năng sống và tự vệ đã giúp cô đối đầu được cả toán biệt kích lăm lăm súng đạn.       

Mấy ngày sau, cô đưa ông Tư Cang về căn cứ. Đối diện với nhà cô là nhà một tên chỉ điểm. Những ngày Tư Cang tá túc tại đây, hắn biết thừa cái “anh rể Tư” chỉ là vỏ bọc. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, biết gia đình cô che chở cho cán bộ cách mạng, hắn cũng không tố cáo bao giờ. Có thời nhà hắn khó khăn chật vật nhất, gia đình cô vẫn thương tình giúp đỡ, cho mượn 100.000 để giúp vợ chồng làm ăn.

Sau này, khi đã dư dả, sống thêm bằng lương chỉ điểm, nhưng hắn vẫn luôn tôn trọng gia đình. Một người hàng xóm của cô có con rể làm đại úy cảnh sát, sau ngày giải phóng, cũng nói lại: “Tao biết hết việc làm của tụi bay nghe. Đứa này đi Nam, đứa kia về Bắc, nhưng tao có nói gì hết đâu”.

Mỗi lần nghe vậy, cô đều xúc động.

Trong chiến tranh nhân dân, nếu không có những người đồng bào thương yêu và kính nể mình thật sự, liệu cô có còn sống sót? Liệu ông Tư Cang có hoàn thành nhiệm vụ? Liệu Phạm Xuân Ẩn có trở thành anh hùng? Và liệu dân tộc này có thể giành chiến thắng?
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #78 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 12:37:02 pm »

Kỳ 6: Giữa lòng địch để tang Bác Hồ


Đầu tháng 9 năm 1969, tin dữ bay về: Bác Hồ mất. Nữ chiến sĩ tình báo đã hơn 10 năm cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn không thể tin rằng, trong đời mình cô lại từng khóc dữ đến thế. Bất chấp đang ở ngay trong lòng địch, cô vẫn hiên ngang mặc áo trắng để để tang Người.
 
Đó là một ngày cô không thể nào quên. Buổi sáng cô đến sở làm. Vừa ngồi không bao lâu thì viên thiếu tá Mỹ Dave mới từ Mỹ đến Sài Gòn xông vào thông báo: “Ông Hồ đã mất”.
 
Tình yêu và niềm kính trọng Bác không thể không khiến Tám Thảo nghĩ ra cách để tang cho phù hợp với mình.

Dù đã quá quen với các kiểu tin sốc bất ngờ, nhưng chính trong khoảnh khắc đó, cô vẫn cảm thấy tim mình đứng sững lại.

Nhưng chỉ trong tích tắc sau, bản năng mách bảo cô phải giữ ngay lại bình tĩnh, bởi lúc xúc động là giây phút sơ hở nhất trong nghề. Quay mặt ngó lơ, cô đáp lại rất hờ hững: “Vậy hả?” rồi tiếp tục làm việc. Viên thiếu tá nhìn cô dò xét một lúc rồi cũng quay đi.

Mãi đến buổi trưa trở về, chỉ tới khi nhìn thấy ba và dắt xe vào hẳn trong nhà, cô mới dám oà lên nức nở: “Ba ơi, Bác mất rồi”.

Trong cả tháng trời sau đó, bất chấp sự theo dõi cảnh báo gắt gao, khắp nơi trong thành phố, đồng bào đã tổ chức truy điệu Bác, bằng cả hình thức công khai lẫn bí mật.

Ở nhà lao Chí Hoà, 600 anh chị em tù chính trị sáng nào cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Bác.
 
Tại Ngã Bảy, anh chị em công nhân và các nghiệp đoàn quanh vùng đã chiếm trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động để làm lễ tiễn đưa Người, còn giới công nhân xe buýt thì dành cả ngày và đêm mồng 9 tháng 9 để làm lễ truy điệu Bác.

Hàng loạt thanh niên, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài "Hồn tử sĩ".

Tại vùng Hòa Hưng, 200 phật tử, nhân sĩ trí thức tập trung về chùa Khánh Hưng ngay sau giờ Hà Nội bắt đầu truy điệu. Bốn ngày sau, Thượng tọa Thích Pháp Lan - người đọc điếu văn trong buổi lễ - bị Tổng nha Cảnh sát gửi giấy mời lên thẩm vấn suốt 9 tiếng đồng hồ.

Nhiều nơi, cảnh sát Cộng hoà cũng biết các hoạt động tưởng nhớ Bác nhưng cũng đành phải làm lơ vì không dám xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của nhân dân (*).

Còn với Tám Thảo, ở vị trí của cô, buồn là... không được phép. Nhưng tình yêu và niềm kính trọng Bác không thể không khiến cô nghĩ ra cách để tang cho phù hợp với mình.

Cuối cùng, bằng trí thông minh và sự khéo léo, cô đã “qua mặt” được cả viên sĩ quan tình báo Mỹ đầy kinh nghiệm.

Tám Thảo lần về thăm quê tại Bắc Ninh (2007)

Cô kể, suốt mấy tháng trời sau đó, ngày nào cô cũng bận áo dài trắng đi làm. Dave thấy thế sinh nghi, liền vặn hỏi: “Sao dạo này cô hay mặc đồ trắng vậy?”.

Đã tính kỹ nên cô trả lời không chút đắn đo: “Nhà tôi bán vải lụa, mẹ tôi may cho tôi hàng trăm cái áo. Tôi muốn thử hết những chiếc màu trắng này rồi chuyển sang những chiếc màu khác xem sao”.

Dave nghe vậy tin ngay, bởi từ trước đến giờ, ai chẳng biết tiểu thư Mỹ Nhung đi làm chỉ để khoe giàu khoe sắc. Thậm chí, đã có thời cô là chủ đề bàn tán của không ít sĩ quan, bởi trong suốt cả năm đi làm với mức lương loại xoàng, cô chưa hề mặc... trùng một chiếc áo.

Sau này, khi đất nước đã giải phóng, trong những ngày đầu tiên ra lại Hà Nội, điểm đến của cô bao giờ cũng là vào Lăng Bác.

Một lần, hai lần... nhiều lần quá đến mức không thể nhớ, nhưng mỗi lần được viếng Lăng lại là một lần cô nhớ về chuyện chiếc áo trắng ngày xưa.

“Thực ra trong nghề đâu có được liều lĩnh làm như vậy, nhưng lúc đó mình thực lòng thấy đau khi Bác mất. Kẻ thù nó phải sợ người Việt mình vì mình có những người như Bác chớ? Lúc đó, dù không nói ra đâu, nhưng tụi lính chỗ cô cũng không dám chống lại đồng bào để tang. Tụi nó cũng buồn, nhưng không dám lộ ra vì sợ Tây nghi là Việt Cộng. Cứ nghĩ xem, người như ông Cụ mà mất, ai không khóc thương?”, đến giữa tháng 4/2007, Tám Thảo vẫn còn nhớ như in câu chuyện đó.

Tháng 5/2007, có dịp gặp lại cô ở Hà Nội, trên đường trở về thăm quê. Suốt câu chuyện dài ở Hồ Tây vẫn thấy cô rưng rưng nước mắt khi nhắc tới những ngày tháng trắng màu tang năm 1969.

Đứng ở quảng trường Ba Đình, đôi mắt cô sâu hun hút hướng vào Lăng Bác. Ở đó, người Cha già của dân tộc đang nằm, mà mỗi khi có dịp ra Hà Nội, cô không thể không dành thời gian ghé lại, chào Người.
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #79 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2011, 12:43:11 pm »

Kỳ 7: Sống giữa lằn ranh


Nghề tình báo có những điều rất đặc biệt. Sống với mưa, anh phải là hạt mưa. Sống trong nắng, anh lại là giọt nắng. Nhưng dù bão táp có quật dữ đến đâu thì cội rễ nguyên sơ trong mỗi giọt mưa nắng ấy vẫn còn. Giữa bủa vây súng ống trên đất Sài Gòn nhiều cạm bẫy, tại sao những con người như Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Mỹ Nhung vẫn có thể sống an toàn? Đơn giản, bởi họ luôn giữ cái cội rễ nguyên sơ nhất: tính người và chất người Việt Nam.
 
Thế nào Việt Cộng?

Những ngày sống trong lòng địch, Tám Thảo luôn được các đời thiếu tá tình báo Mỹ yêu mến. Dù mang dáng vẻ rất “chảnh” của một tiểu thư con nhà giàu, nhưng chưa bao giờ cô tỏ ý đành hanh, ăn hiếp bất kỳ ai trước.
 
Sống giữa lằn ranh mong mang, Mỹ Nhung vẫn giữ được an tòan vì luôn giữ được cái cội rễ nguyên sơ nhất: tính người và chất người Việt Nam!

Những cú đập bàn, bạt tai cô chỉ “tung ra” khi biết có thể rơi vào vòng nguy hiểm, bởi trong mắt chúng, Việt Cộng là... cái gì đó... rất bí hiểm. Nếu cô lập luận sắc sảo - thế nào cũng bị nghi là Việt Cộng. Nếu cô chăm chỉ làm việc - Việt Cộng đây. Còn nếu cô tuân lệnh làm tròn nhiệm vụ - không ai khác ngoài Việt Cộng.

Hồi Phạm Xuân Ẩn đi học ở Mỹ, chỉ vì... học giỏi quá mà có lần bà giáo Mỹ phải soi mục kỉnh lên: “Mày là Việt Cộng hay sao mà học giỏi thế?”. Dẫu chỉ là câu hỏi chơi chơi, nhưng kể từ đó, Phạm Xuân Ẩn... dừng ngay chuyện chăm chỉ học hành.

 
Ông hiểu ngay, với người Mỹ, ông cần ứng xử như ông là chính họ: thích nói dóc, hay bông đùa, nói ngắn gọn nhưng luôn luôn thực dụng nhất.

Kết thân một thời gian, một hôm, Tám Thảo hỏi thẳng “sếp” Mỹ: “Này, ông có biết tại sao các ông sẽ thua không?”. Trố mắt ra nhìn, viên thiếu tá Mỹ ngạc nhiên hỏi: “Sao cô nói vậy?”.

Cô lạnh lùng trả lời: “Các ông thua vì các ông là người ngoại quốc. Các ông đến đây, không dành thời gian nghiên cứu, chỉ đến, ra lệnh, rồi về. Trong khi Việt Cộng là con đẻ ở đây. Họ sống chết ở đây, họ giành độc lập cho họ chứ họ không có xâm lăng ai. Do vậy, họ có cơm ăn cơm, có cháo căn cháo, có súng đánh bằng súng, có cuốc đánh bằng cuốc. Họ có thể chiến đấu từ đời này sang đời kia, ông, cha, con, cháu, miễn khi nào các ông rời khỏi hẳn quê hương họ. Còn các ông chỉ sang đây 18 tháng, 6 tháng đầu mới tìm hiểu việc, 6 tháng sau mới bắt đầu làm, 6 tháng cuối thì đi nghỉ với vợ, hết HongKong rồi lại Hawaii... Trong khi đó, Việt Cộng thì chỉ có mỗi một mục đích là làm sao có được độc lập. Tôi hỏi, nếu phải vậy thì ai sẽ thua?”

Viên thiếu tá nghe xong, vã mồ hôi hột, nhưng vẫn không quên chất vấn “sao cô nói giống giọng Việt Cộng thế?” Cô lại trả lời: “Tôi cũng là người Việt Nam nên tôi hiểu họ nghĩ gì. Đã làm việc cho các ông thì tôi phải tìm hiểu kỹ về Việt Cộng. Nhưng các ông không bao giờ nghe cả, các ông lúc nào cũng tự đắc là ông lớn mà thôi...”

Một lúc sau, viên thiếu tá gật gù, bởi chính bản thân cậu chàng cũng đâu quan tâm tới cuộc chiến. Ở bên Mỹ, cha cậu là giảng viên đại học, mẹ dạy đàn piano nên cậu chàng cũng có máu mê văn chương, nghệ thuật lắm.

Vì phải sang Việt Nam làm nghĩa vụ nên suốt thời gian ở đây, cậu chàng không bao giờ dám ra ngoài một mình, chỉ thích ngồi đàm đạo văn chương với Tám Thảo. Có việc gì cần đi đâu, cậu chàng đều nhờ Tám Thảo giúp, vì cô nói năng, lập luận vững vàng, đến sĩ quan ở đây còn phải kiềng nể.

Sau này, trong tài liệu Những thất bại của tình báo Mỹ trong chiến tranh Việt Nam do CIA công bố, một trong những lý do thất bại mà Mỹ phải công nhận chính là vì Mỹ đã quá chủ quan và tự kiêu về uy lực của mình.

Rất nhiều sĩ quan tình báo Mỹ được cử sang chiến trường Việt Nam mà không thèm học tiếng Việt. Họ thậm chí không cần biết người Việt là ai, văn hoá Việt Nam là thế nào, bởi Mỹ luôn số một.

Trong khi đó, ngay từ lúc người Pháp còn chưa chịu chấp nhận là Mỹ sẽ thế chân tại Đông Dương, những nhà lãnh đạo của Việt Nam đã nhanh chóng gửi Hai Trung sang Mỹ học tập.

Họ đã nhìn thấy rõ kẻ thù của đất nước ngay khi đối phương chưa hoàn toàn xuất đầu lộ diện.     

Những giờ tự học

Sống thẳng thắn, không sợ bất kỳ dèm pha nào, nhưng nhiều lần Tám Thảo vẫn phải nếm những cái bẫy điều tra, thậm chí còn bị công khai thẩm vấn qua máy phát hiện nói dối. Song bản lĩnh và trí tuệ luôn giúp cô giành chiến thắng trước cặp mắt cú vọ và những cỗ máy tâm lý hàng đầu.

"Tiểu thư" Tám Thảo hồn nhiên nhớ lại những kỷ niệm với viên thiếu tá hải quân mê văn chương

Thậm chí sau này, một vài người mới đến còn tỏ ý ngờ cô là Việt Cộng, nhưng chính những người làm việc lâu năm với cô lại... gạt phắt ngay: “Cô mà là Việt Cộng thì cả cái Bộ Tư lệnh Hải quân này cũng là… Việt Cộng hết”. 

Làm việc một thời gian dài, Tám Thảo cũng cảm mến viên thiếu tá mê văn chương nọ. Kém cô gần 8 tuổi nên có chuyện gì khó khăn trong cuộc sống riêng, cậu lại tìm đến Tám Thảo. Đôi khi, chỉ vì một câu thơ hay, một thoáng tiết trời đẹp, cậu thiếu tá lại mời cô đi uống cà phê, nói chuyện về gia đình, về cuộc sống.

Trong chiến tranh, là đối thủ, nhưng ở mỗi bên chiến tuyến, họ lại đều là những con người. “Anh là người Mỹ, tôi là người Việt, tại sao anh có quyền mang súng bom đến đất nước này để nói rằng nước Mỹ đang đem lại... tự do? Tôi phải cầm súng lên chính là vì lẽ đó. Nhưng khi thay bỏ quân phục, anh cũng là con người. Anh có cha, có mẹ, có những giấc mơ về một gia đình hạnh phúc. Nào ai muốn chính gia đình mình phải ly tán, đổ máu, tù đày? Chỉ khi phải trực diện với nỗi đau nào đó, người ta mới hiểu được giá trị của lương tri con người hay sao? Nếu anh là người tốt, anh có thể trở thành bạn tôi. Nhưng nhìn những chuyến hàng chở đạn mà anh ký nhận hằng ngày, nhìn những người đồng đội của tôi bị tra tấn trong hầm tối, bị thủ tiêu, tôi không thể không nói anh là kẻ thù được” - Tám Thảo lý giải với lòng mình, trong những lần đi cùng thiếu tá Mỹ mê văn chương.

Được huấn luyện tinh thần cách mạng từ khi 16 tuổi, thế nhưng không biết bao lần Tám Thảo cũng phải trăn trở đấu tranh với chính mình như thế. Có những lúc căng thẳng quá, cô phải tìm đến sự che chở của ba. Cô hạnh phúc vì có ba bên cạnh, nhưng càng hạnh phúc bao nhiêu thì cô càng hiểu rằng đang có những gia đình bất hạnh bấy nhiêu, bởi chỉ vì chiến tranh mà mỗi người mỗi ngả.

Năm 1968, Tảm Thảo kể, có một viên sĩ quan Mỹ cao lớn, đẹp trai đến Bộ Tư lệnh. Vừa chân ướt chân ráo về, cậu chàng dính ngay phải trận đánh khốc liệt Mậu Thân. Cô vẫo nhớ như in cảnh cậu chàng to cao lừng lững, ngồi sụp xuống ôm quả B40, núp bên chậu kiểng.
 
Bà Tám Thảo hồi tưởng lại những tháng ngày sống giữa lằn ranh giữa bạn và thù, chỉ một mình và chưa một lần vấp ngã

Nhìn thấy cô, nó kể chuyện nó có cái ảnh Việt Cộng, nhưng bảo “Cô đừng coi. Cô coi đêm về không ngủ được”. Nghe vậy, Tám Thảo hiểu ngay tấm ảnh đó là gì

Suốt mấy hôm sau, những lời bàn tán về nhiều “tên Việt Cộng” bị đánh, bị tra xét dã man càng chà xát lên lòng cô nỗi đau mất nước. Cô ngồi nghe, ức muốn rớt nước mắt mà vẫn phải yên lặng, không hé răng một lời.

Thấy cô căng thẳng quá, tụi lính liền bảo: “Thôi cô về đi, đừng ngồi nghe làm gì cho tội thân”. Tám Thảo đứng dậy, xách túi ra về. Vào đến nhà, cô mới dám khóc.

“Chục năm theo nghề cũng giúp mình biết được ai tốt ai xấu, ai bạn ai thù. Về con người, ai cũng có những điều đáng quý. Nhưng về công việc, nếu đấy lại là kẻ thù thì mình phải chiến đấu, phải đuổi ra khỏi đất nước thôi”, cô nói.

Cái biên giới giữa bạn và thù cứ mong manh như thế, vậy mà Tám Thảo cứ đi suốt cả chục năm ròng: đi một mình mà vẫn thẳng người, không một lần vấp ngã.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM