Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:04:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo VN trong KCCM  (Đọc 116038 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:42:54 pm »

Khu vực nhạy cảm

Ông Ba Quốc có 6 người con, nhưng 2 người mang họ Trần còn 4 người ban đầu mang họ Nguyễn, sau đó 3 người đổi lại họ Trần, nhưng vẫn còn 1 người mang họ Nguyễn. Vì sao vậy ? Đây là một câu chuyện rất dài và khá tế nhị của gia đình ông, như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu của thiên ký sự này, ông không muốn "người ngoài" biết.  

Nhưng khi đề cập đến các hoạt động của ông, nhất là về sau này, chúng tôi không thể không nhắc đến những người trong gia đình. Bởi vậy chúng tôi phải tìm hiểu, qua các tư liệu và qua những người thân của ông.

Còn nhớ lúc ông được cử vào Hà Nội hoạt động tình báo hồi chống Pháp, ông bảo ông vào với "danh nghĩa đi tìm vợ con bị thất lạc". Như vậy là lúc đó ông đã có vợ, có con và thực ra vợ con của ông không hề bị "thất lạc". Vợ ông, bà Phạm Thị Thanh, cũng là một chiến sĩ Việt Minh, cùng tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu với ông sau Cách mạng tháng Tám. Cho đến khi ông vào Nam, ông và bà Thanh đã có với nhau 2 người con. Nhưng ông đã vào Nam với một người vợ khác, đó là bà Ngô Thị Xuân. Đây là một câu chuyện nhạy cảm.

Ở phần đầu của thiên ký sự, chúng tôi có nhắc đến một nhân vật. Đó là người con rể của ông Đàm Y, chính người này đã đưa ông về nhà giới thiệu với bố vợ, để từ đó ông có điều kiện thâm nhập vào lòng địch. Người con rể của ông Đàm Y hiện nay còn sống và đang ở Sài Gòn. Chúng tôi đã tìm gặp được ông. Ông tên là Đặng Văn Hàm, năm nay đã 86 tuổi. Trước khi "vào thành" với ông Ba Quốc, ông Hàm cũng là một cán bộ Việt Minh, làm Trưởng ty Thương binh tỉnh Ninh Bình. Khi vào Hà Nội lúc đó, ông Hàm vào làm ngành bưu điện để hoạt động cách mạng, năm 1954 ông cũng vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động, cũng làm trong ngành bưu điện. Ông đã về hưu từ nhiều năm nay, cấp hàm được công nhận là thiếu tá. Ông Hàm kể: "Khi tôi đưa Ba Quốc về nhà bố vợ tôi, nhờ ông cụ giúp đỡ, che chở, ông cụ đã lo rất chu đáo. Ba Quốc đã ở luôn tại nhà ông cụ tôi, như người trong nhà, tôi và Ba Quốc như anh em ruột thịt. Sau đó ông cụ tôi đã xin cho Ba Quốc làm ở một đồn công an ở Bắc Ninh như các anh đã biết. Ở được một thời gian, Ba Quốc tự nhiên biến đi đâu mất. Tôi biết anh ta đi ra ngoài liên lạc với tổ chức của ta. Được một thời gian, lại quay về. Thấy nguy hiểm quá, tôi nói với ông cụ tôi: Bố ơi, bố làm thế nào lấp liếm chuyện này với tụi mật vụ cho thằng Tá. Mà các anh có biết tên Nguyễn Văn Tá là do ai đặt không? Là do chính tôi đặt cho Ba Quốc đấy. Tụi mật thám lại tin ông cụ tôi nên cho qua luôn...". Chúng tôi hỏi: "Ông Đàm Y có biết ông Ba Quốc là Việt Minh không?". Ông Hàm nói: "Sao không biết. Ông cụ tôi làm quận trưởng cho Pháp, nhưng ông biết tôi là Việt Minh, do đó cũng biết Ba Quốc là Việt Minh, khi giới thiệu Ba Quốc vào làm công an cho Pháp, ông cụ đã biết rồi". Ông Đàm Y đã mất một năm trước khi giải phóng, bà vợ ông hiện vẫn còn, nay đã già yếu. Chúng tôi được biết cơ quan tình báo quân đội hằng tháng vẫn dành một khoản trợ cấp cho bà, khoản trợ cấp tuy không nhiều nhưng đầy tình nghĩa.

Qua sự giới thiệu của người con rể và nhìn cách ăn ở thật thà tình nghĩa của ông Ba Quốc, gia đình ông Đàm Y rất thương yêu ông. Ông Đặng Văn Hàm xác nhận: "Anh ấy là người rất có tình có nghĩa, có trước có sau. Tuy sau này anh ấy đã trở thành một vị tướng, nhưng đối với mọi người anh ấy vẫn một mực thủy chung". Ông Đàm Y là bạn thân của bố bà Ngô Thị Xuân nên bà Xuân được vợ chồng ông Đàm Y coi như con cháu. Biết ông Ba Quốc "tìm vợ con thất lạc" không có kết quả, vợ chồng ông Đàm Y nhiều lần muốn làm mối bà Xuân cho ông, mục đích là muốn có được một người con rể tử tế như ông, vì vợ chồng ông Đàm Y thương bà Xuân như con ruột. Đến khi chuẩn bị di cư, gia đình ông Đàm Y lại đề cập đến chuyện đó với mong muốn ông Ba Quốc cùng gia đình ông bà vào Nam. Như chúng tôi đã đề cập, ông Ba Quốc cũng nhận lệnh vào Nam hoạt động, nhưng vấn đề gay cấn nhất là hồ sơ nghi vấn Việt Minh của ông vẫn còn chỗ cơ quan công an của địch. Nếu trở thành "người nhà" của ông Đàm Y thì việc xóa hồ sơ đó sẽ dễ dàng. Ông báo cáo với tổ chức, tổ chức đồng ý. Ông trao đổi với vợ ông là bà Phạm Thị Thanh, bà Thanh cũng đồng ý và mong cho ông hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, ông lấy bà Xuân làm vợ và như đã biết, ông Đàm Y đã "làm trong sạch" lý lịch cho ông. Tất nhiên, để lấy bà Xuân làm vợ, việc ông có cảm tình với bà Xuân là lẽ đương nhiên.

Vì hoàn cảnh như thế cho nên ông có đến hai người vợ, một ở lại miền Bắc cùng với 2 người con và một cùng ông vào Nam, sau này có 4 người con (và một người con đầu đã mất từ nhỏ). Hồi đó hai bà vợ của ông không gặp nhau, nhưng ông Ba Quốc đã "làm trung gian" cho hai người trao đổi thư từ với nhau. Anh Nguyễn Vũ, con trai ông Ba Quốc (với bà Xuân) đã "tiết lộ" cho chúng tôi biết là ông Ba Quốc vẫn còn giữ một lá thư mà bà Thanh gửi cho bà Xuân, trong đó có câu: "Chị gửi anh Đức cho em chăm sóc".

Bây giờ bà Thanh không còn nữa, còn bà Xuân thì lo chăm sóc ông đang nằm trên giường bệnh. Sau giải phóng họ đã gặp nhau. Bà Ngô Thị Xuân nhớ lại: "Chị em chúng tôi gặp nhau vui vẻ lắm. Sau này mặc dù phận ai nấy lo làm ăn nhưng chúng tôi vẫn lui tới bình thường". Khi bà Thanh mất, bà Xuân bị bệnh không ra được, nhưng các con của bà đều ra đầy đủ, họ rất thương bà Thanh. Còn các con của bà Thanh cũng thương bà Xuân như là mẹ của mình.

Đó là sơ lược mấy nét về gia đình ông Ba Quốc. Họ đã được đoàn tụ sau giải phóng, nhưng suốt hơn 20 năm chiến tranh, mỗi người một hoàn cảnh, trong cách biệt hai miền, họ đã vì ông Ba Quốc mà chấp nhận một cuộc sống gian truân, nhiều khi rất nghiệt ngã...
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:44:54 pm »

Khi người thân vào Nam “làm tay sai cho địch”

Chúng ta thường nghe đây đó những câu chuyện về các nhà tình báo của chúng ta được cử đi "theo địch" vào Nam hoạt động, vợ con ở ngoài Bắc phải chịu cảnh éo le, vì có chồng, có cha "làm tay sai cho địch". Họ mang một bản lý lịch không trong sạch, bị chính quyền địa phương hoặc đơn vị công tác phân biệt đối xử, con cái không được học hành, vì hồi đó những người có lý lịch "không trong sạch", "không rõ ràng" thì khó mà học lên đại học. Những người có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động tình báo nhiều khi vẫn biết gia đình đồng đội của mình bị rơi vào hoàn cảnh như vậy nhưng đành phải "cắn răng" không can thiệp, vì nếu can thiệp thì sẽ không giữ được bí mật, rất nguy hiểm cho người tình báo.

Gia đình ông Ba Quốc ở miền Bắc cũng chịu một số phận như vậy. Chúng tôi đã gặp người con trai của ông Ba Quốc và bà Phạm Thị Thanh. Anh năm nay đã ngoài 50 tuổi và cũng là một cán bộ quân đội. Anh bảo: "Hồi đó sau khi bố tôi đi họp về, bảo với mẹ tôi rằng: Anh phải đi, 2 năm nữa sẽ về. Bố cũng nói với mẹ về chuyện cô Xuân, mẹ bảo vì nhiệm vụ của bố nên chấp nhận. Thế rồi không phải 2 năm mà đến 20 năm sau bố mới trở về". Khi ông Ba Quốc vào Nam, bà Thanh đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy In Tiến Bộ. Anh kể tiếp: "Mẹ tôi đang làm ở đó thì bị đưa lên Phú Thọ, nơi đấy rừng núi âm u lắm. Ban đầu bà làm cấp dưỡng cho một đơn vị, sau đó chuyển qua Nông trường chè Vân Lĩnh. Lúc đó tôi nghe nhiều thông tin về bố tôi, có người bảo bố tôi chết rồi, có người bảo bố tôi theo giặc. Mẹ tôi cũng giấu không nói bố tôi đi đâu. Chị em chúng tôi không biết gì cả. Mãi đến sau này, khi mẹ tôi bị một trận ốm rất nặng, tưởng không qua khỏi, bà mới gọi chúng tôi lại bảo rằng bố chúng tôi đi B".

Chúng tôi hỏi cuộc sống của gia đình hồi đó như thế nào, anh nhớ lại: "Lên nông trường mẹ tôi khổ lắm. Lương thì ít ỏi mà phải nuôi ba miệng ăn. Mẹ tôi là con gái Hà Nội, được học hành tử tế, vậy mà lên đến Vân Lĩnh phải làm đủ thứ công việc, từ cuốc đất trồng chè, giữ kho quần áo bảo hộ lao động và nhiều công việc nặng nhọc khác. Mà ăn uống thì có bao giờ đủ no đâu. Cả ba mẹ con chúng tôi chỉ trông vào một suất gạo của mẹ, nên ăn sắn ăn khoai là trường kỳ, thậm chí có thời gian cả tháng trời phải ăn sắn. Tôi nhớ một lần chị tôi đi tập huấn bắn súng, vì chị tôi có năng khiếu thể thao, chị tôi tiết kiệm được mang về một ít gạo. Các anh có tưởng tượng được không, chúng tôi chỉ nấu lên chưa ăn đã thấy ngon, rồi ăn tới đâu tỉnh người tới đấy. Chưa hết đâu, ngay cả quần áo chúng tôi cũng không đủ để mặc, nên nhiều khi mẹ tôi và chị tôi phải mặc chung đồ của nhau. Mẹ tôi bị nông trường phê bình rất nhiều về việc mặc chung đồ với con gái, nhưng bà phải chịu thôi, vì quá nghèo biết làm thế nào được, cái ăn còn không đủ thì lấy đâu cái mặc". Nhớ lại những chuyện đã xảy ra, đã lâu lắm rồi mà anh tưởng như vừa mới xảy ra. Anh nói tiếp: "Hồi ấy gần chỗ chúng tôi ở có một cái căn-tin, thấy người ta ăn phở chúng tôi thèm lắm. Nhưng phở đối với chúng tôi là cả một vấn đề. Có lần thèm quá chúng tôi về xin mẹ, mẹ không có tiền, nhưng thương con bà cũng tìm được cho chúng tôi. Tiền mẹ cho chỉ đủ mua một tô phở thôi. Thế là hai chị em hăm hở đến căn-tin xếp hàng, đến lượt chị tôi mua thì đồng xu do chen lấn đã rơi đâu mất. Chúng tôi buồn bã quay về nhà nói với mẹ. Mẹ bảo hai chị em về nhà đi, đợi mẹ. Chúng tôi vừa buồn vừa sợ. Rồi mẹ về, mẹ chỉ khóc thôi. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn không hiểu vì sao cuộc sống của chúng tôi lại cơ cực đến vậy". "Còn chuyện ở, cũng nhiêu khê lắm, cực kỳ tạm bợ. Một lần, lúc đó tôi đã lớn rồi, về nhà tôi thấy áo quần đồ đạc bị bỏ ra ngoài sân. Người ta lấy lại chỗ ở đó. Nếu muốn lấy lại nhà thì người ta chỉ cần bỏ đồ đạc của chúng tôi ngoài sân. Lúc bấy giờ mẹ con tôi lại lóc cóc, người ta chỉ đến đâu thì đến đó. Thời gian ấy có năm mẹ con tôi phải chuyển đi đến 4 lần. Bởi vì chỗ ở là của nông trường, hễ có một ai đó xây dựng gia đình, người ta lại "mời" mẹ con tôi đi chỗ khác lấy chỗ cho vợ chồng mới cưới ở, họ bảo mình tới đâu thì mình tới đó", anh nhớ lại.

Chúng tôi cũng đã gặp chị Đặng Thị Chính Giang, người con gái đầu của ông Ba Quốc. Nói thêm về chuyện nhà cửa, chị Giang bảo: "Nhà của mẹ con tôi hồi ấy không có cửa nẻo gì hết, chui ra chui vô bất cứ chỗ nào cũng được. Phía trên trời nắng thì không sao, còn trời mưa thì ba mẹ con cứ căng tấm nilon lên, dồn vào một cái giường. Cái giường là vật đáng giá nhất của mẹ con tôi, tính ra trị giá khoảng 15 ngàn đồng bây giờ".

Sống trong một hoàn cảnh như thế, bà Thanh đã có một bản lĩnh đáng nể. Anh Trần Sơn, chồng chị Giang, cũng là một cán bộ quân đội về hưu, nói về mẹ vợ của mình: "Bà là người tuyệt vời lắm. Kiếm một phụ nữ như thế là hơi khó đó, không phải bà là mẹ vợ của tôi mà tôi nói vậy đâu...".
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:47:02 pm »

“Ngõ cụt” trên đường học vấn của hai người con ở miền Bắc

Chị Đặng Thị Chính Giang (1) kể: “Chuyện học hành của chị em tôi nhiêu khê lắm. Khi tôi học đến lớp 4, tự nhiên nhà trường không cho học nữa. Hồi ấy vào đầu năm học, những cháu gặp khó khăn hoặc gia đình bộ đội, gia đình cán bộ công nhân viên thì được nhà trường cho sách giáo khoa hoặc tập vở, còn tôi thì không có gì. Lại có tin bố tôi là phản động chạy theo địch nên họ không cho học tiếp. Mẹ tôi phải nhờ một ông ở nông trường đứng ra can thiệp thì tôi mới được học tiếp, nhưng cũng không được cấp sách vở. Tôi là học sinh giỏi văn đấy, nhưng trường cũng không cho đi thi. Cho đến khi tôi học xong lớp 5, thì trên Cục (cơ quan tình báo quân đội - PV) thông báo cho tôi vào học trường học sinh miền Nam dành cho nữ, khi ấy ở Hải Phòng. Thế là mẹ tôi cho tôi về Hà Nội để chờ nhập học. Tôi chờ hết tháng 8, không thấy gọi, sang đến sau mùng 2 tháng 9 cũng không thấy gọi. Ông nội tôi mới lên Cục hỏi thì các anh ấy bảo: Nếu cho cháu vào học thì anh ấy (ông Ba Quốc - PV) sẽ bị lộ. Các anh trong Cục chỉ nói với ông và mẹ tôi thôi, còn với tôi thì họ nói ngắn gọn: Trường miền Nam đủ học sinh rồi, không nhận nữa. Tôi phải về lại Phú Thọ. Còn nhớ lúc ấy tôi một mình cầm một túi quần áo và đem theo mấy cái bánh dẻo ông nội cho, ra tàu đi từ Hà Nội về đến ga Phú Thọ, từ ga đi bộ thêm 9 cây số nữa. Năm ấy lại bị lũ, tôi đi qua một cái suối, cầu thì trôi hết rồi, nên phải đi trên một cây cầu tạm lắc lư, nhìn xuống suối mà bụng bảo dạ: nếu có ngã xuống suối này cũng không sao, miễn là đừng chết và đừng rơi mấy cái bánh dẻo. Trên ấy mà có được mấy cái bánh dẻo này là cả một vấn đề, quý lắm...”.

Chị Giang kể tiếp: “Về đến trên này, tôi học đến hết lớp 7, không được thi lên lớp 8, họ chuyển tôi sang học trường phổ thông công nghiệp, dạng như trường vừa học vừa làm. Một buổi đi học, một buổi phải đi làm, thấy khổ quá, tôi nghĩ tốt nhất mình đi học trung cấp, mất hai năm rưỡi thôi, khi ra trường sẽ có một cái nghề làm kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Tôi làm đơn xin nghỉ học, rút hồ sơ xin vào học trung cấp vật tư. Hồi đó xin vào học trung cấp thì không khó nhưng phải nộp tiền ăn học, không có học bổng”.

Chuyện học của chị Giang là như vậy, nhưng chị bảo chuyện học của em trai chị còn phức tạp hơn nhiều. “Cũng long đong như tôi, cậu ấy học xong cấp 2 thì họ cũng không cho học nữa. Mẹ tôi gọi tôi về bảo ra trường cấp 3 xin cho em, nếu không cho học chính quy thì học dự bị cũng được. Nhưng họ dứt khoát không cho. Chính quy cũng không cho mà dự bị cũng không cho. Thế là cậu ấy phải về nông trường đi làm mất một năm, nói chính xác là đi chặt nứa về bán cho nông trường. Lúc ấy tôi đã lớn rồi, tôi chạy lên Cục nhờ các anh ấy can thiệp. Tôi làm sẵn một cái đơn nhờ các anh ấy chứng nhận, nhưng các anh ấy bảo: Không thể chứng nhận được, chứng nhận vào là bố sẽ bị lộ ngay! Cuối cùng, có một chú tên là Kình, bạn thân của bố tôi đứng ra bảo lãnh. Chú Kình là cán bộ quân đội chỉ huy cấp sư đoàn. Chú nhờ bạn bè lo cho em tôi vào học trường trung cấp quân giới. Cậu ấy thi và đậu vào trường này, nhưng khi đến trường thì bị đuổi về vì lý lịch. Chú Kình lại chạy đi lo một lần nữa mới được. Chú ấy bảo: Tôi phải lo cho cháu chứ mai kia anh ấy về thì tôi biết nói sao với anh ấy đây ! Thật tội cho chú ấy, không bao giờ chú ấy còn gặp được bố tôi, vì sau đó chú ấy đã hy sinh ở Quảng Trị”.

Người em trai chị Giang còn cho biết, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, anh đã đăng ký vào bộ đội nhưng cũng vì lý lịch “không trong sạch” của anh mà người ta đã không cho anh nhập ngũ. Gia đình bà Thanh ở trên Phú Thọ một thời gian rất dài, mãi sau này mới về Hà Nội. Anh Trần Sơn kể: “Hồi đơn vị tôi lên sơ tán, tôi quen nhà tôi. Lúc ấy gia đình bà cụ khó khăn lắm, nhưng mọi người chung quanh rất kính trọng bà cụ. Tình cảm giữa chúng tôi ngày càng sâu đậm và thành vợ thành chồng”. Chúng tôi hỏi: “Anh là bộ đội, lấy một người có lý lịch không rõ ràng, anh có gặp trở ngại gì không ?”. “Cô ấy tốt, gia đình cô ấy được mọi người kính trọng, tôi sợ gì. Vả lại, tôi tuy là đảng viên nhưng chỉ làm công tác chuyên môn thôi, nên không bị gây khó dễ. Mà có bị gây khó dễ tôi cũng chấp nhận”. Anh Sơn kể tiếp: “Trong thời gian xây dựng Lăng Bác Hồ, cả Cục Quân khí chỉ chọn một người đi xây Lăng, người đó là tôi, thành ra tôi nghĩ đơn vị không có định kiến gì với tôi qua cuộc hôn nhân này. Và chính vì được đi xây Lăng nên sau đó tôi mới chuyển được nhà tôi và bà cụ về Hà Nội. Có lần (sau giải phóng), thằng Vũ (anh Nguyễn Vũ, con ông Ba Quốc với bà Ngô Thị Xuân) ra, nó thấy một gian nhà lá ở Đông Anh, chỉ kê một chiếc giường, nó bảo: Có lẽ mẹ ở ngoài này bị đi cải tạo hay sao mà không được ở một cái nhà đàng hoàng ? Tôi bảo với nó rằng không phải, vì hoàn cảnh mới như thế thôi. Căn nhà lá đó là tiêu chuẩn của nhà tôi, bà cụ về ở với con để trông cháu ngoại, chứ hộ khẩu của cụ vẫn còn trên Phú Thọ. Một thời gian sau khi ông (ông Ba Quốc) về, tôi có một anh bạn, anh ấy cho tôi một mảnh đất ở Nghĩa Đô, làm được một căn nhà cấp 4, lúc bấy giờ mẹ con tôi mới chính thức có được một cái nhà riêng”.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:49:19 pm »

Tình báo cha và tình báo con

Bà Ngô Thị Xuân nhớ lại: "Bố tôi hồi đó làm công chức cho Pháp ở Bắc Ninh. Ông này (ông Ba Quốc) được ông Đàm Y gửi gắm đến làm việc chỗ bố tôi. Ông ấy ăn ở luôn tại nhà tôi, ngoài thời gian đi làm còn dạy thêm cho mấy đứa em tôi học.

Ông ấy bảo với bố mẹ tôi là ông ấy đã có vợ con, nhưng vợ con bị thất lạc, kiếm hoài không được. Tôi chỉ biết có vậy. Ông bà Đàm Y ngỏ ý muốn "xin" tôi cho ông ấy. Ban đầu bố mẹ tôi rất băn khoăn, nhưng thấy ông ấy hiền, dạy các em tôi rất chu đáo, nên cuối cùng bố mẹ tôi đã đồng ý. Sau Hiệp định Genève, tôi vào trước ở với gia đình ông Đàm Y trên đường Tự Đức, hai tháng sau ông ấy vào, chúng tôi đi thuê nhà ở. Cuộc sống của chúng tôi lúc mới vào Sài Gòn khó khăn lắm, phải làm việc rất nhiều. Tôi đi lên chợ Sài Gòn lấy sợi về đan thành những cái túi xách tay (dùng để đi chợ) bán cho người ta kiếm tiền. Sau này ổng làm ở Sở Nghiên cứu chính trị, rồi Phủ Đặc ủy tình báo, tiền lương của ông ấy cũng không phải dồi dào, lúc ấy lại có đông con, tôi phải đi lấy len ở mãi đồng ông Cộ về làm thêm kiếm sống...". Trong suốt 20 năm sống ở Sài Gòn, ông phải dành một phần đáng kể tiền lương của mình cho việc "gây dựng cơ sở" hoặc sau này cho những người cung cấp tài liệu cho ông ở Bộ Tổng tham mưu (quân đội Sài Gòn cũ). Vợ ông phải cất giấu dành dụm để có tiền nuôi con, đề phòng trường hợp ông bị bắt. Vì vậy cuộc sống gia đình quá thiếu thốn. Ông Ba Quốc bảo hồi đó ông sống "kham khổ như một nhà tu".

Như đã biết, làm ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội của Trần Kim Tuyến ông nhất thiết phải vào đạo Công giáo. Nhưng ông không vào đảng Cần lao. Vào đảng Cần lao lúc đó có thể có khả năng "thăng tiến" nhanh, nhưng sẽ không an toàn nếu thời thế thay đổi. Và thực tế chứng minh ông đã lựa chọn đúng. Cả nhà ông đi nhà thờ, các con ông học trường của Công giáo. Người con thứ ba của ông nói rằng hồi ấy anh đi nhà thờ, đi học Trường Lasan Đức Minh, Kinh Thánh thì "đến bây giờ vẫn còn thuộc", nhưng ông không cho các con ông tham gia các hội đoàn Công giáo.

"Anh biết bố anh hoạt động cho cách mạng từ lúc nào ?". Người con trai của ông kể: "Chúng tôi đi học về, ông bắt ở nhà, không cho giao du với ai hết. Mục đích duy nhất của chúng tôi chỉ là học thôi. Ông rất ghét Mỹ nên trong nhà không bao giờ xài đồ Mỹ. Buổi tối xem ti vi, ông chỉ cho chúng tôi coi phim hoặc văn nghệ, đến chỗ Nguyễn Văn Thiệu phát biểu hay các chương trình về quân đội ông tắt máy không cho coi. Một hôm tôi đã nhìn thấy ông viết tài liệu lên những tờ giấy dầu màu vàng, viết bằng nước trà. Viết nước trà lên giấy đó không nhìn thấy chữ, sau này tôi biết là phải dùng hóa chất mới đọc được. Mẹ tôi dặn tuyệt đối không được nói với ai chuyện này. Năm đó tôi 12 tuổi".

"Anh có giúp gì cho bố anh không?". "Năm tôi 13 tuổi, một hôm ông đem một máy chụp hình hiệu Canon về kèm theo một hộp tráng phim và thuốc tráng phim. Tôi còn nhớ hôm đó ông đem tập tài liệu "hồ sơ trận liệt" về hướng dẫn tôi chụp từng trang một. Ông lấy một thùng carton, kẹp tài liệu trên thành đứng của nó, máy ảnh đặt trên ba chân chống, ống kính cách tài liệu 40 cm, một bóng đèn rọi vào tài liệu từ phía sau. Bé Hạnh, em gái tôi, lấy hai tay căng tờ giấy cho thẳng ra, tôi chụp xong tờ nào thì bé Hạnh rút ra tờ đó, cứ thế chụp cho đến khi nào hết tập tài liệu... Chụp xong, ông hướng dẫn tôi cách tráng phim".

Liên quan đến tính cẩn thận của ông Ba Quốc, anh con trai kể tiếp: "Lần tráng phim đầu tiên, tôi nhớ đó là ngày thứ bảy, tài liệu chưa gửi đi, ông bảo tôi kiểm tra độ nét của tài liệu mà chúng tôi chụp. Ông lấy tấm thẻ quân nhân của ông cậu tôi, bảo tôi chụp, rồi cắt phim mang ra tiệm chụp hình Chí Mỹ ở đường Hai Bà Trưng coi thử có rõ không. Ông chủ tiệm là ông Nguyễn Chí Bửu, có một con trai học cùng lớp với tôi tên là Nguyễn Chí Xuân, anh ta có một đứa em gái tên Nguyễn Thị Thu, tôi chơi rất thân với cô Thu. Tôi đem phim ra nhờ cô Thu rọi, thì đọc được, nhưng hơi mờ. Tôi nghĩ tấm thẻ đó chữ in lớn mà còn mờ, chắc là tài liệu chụp xong sẽ rất khó đọc. Nghĩ vậy nên trưa hôm đó, tôi cắt một đoạn phim chụp tài liệu mang đến tiệm Chí Mỹ, tôi cùng với cô Thu vào rọi trong phòng tối. Khi cô Thu sấy hình, đang đợi cho khô, thì bố tôi đi vespa chạy tới, bảo tôi thu lại tất cả mang về, không để ai nhìn thấy. Hôm đó phim chụp đọc được, nhưng hơi nhòe. Ông phải mua thêm một ống kính... Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái tiệm chụp hình đó. Sau giải phóng ông Nguyễn Chí Bửu về Tây Ninh, cũng mở tiệm chụp hình lấy tên Chí Mỹ, có thời gian vướng phải chuyện rắc rối, cô Thu có gửi thư cho tôi. Thời gian đó bố tôi đi công tác xa. Đến năm 1990, bố tôi về lại thành phố, nhắc lại tiệm chụp hình Chí Mỹ, ông hỏi bây giờ họ ở đâu để ông lên thăm...".

Anh con trai thứ ba này của ông Ba Quốc chuyện gì cũng nhớ, anh nói chuyện này thì liên tưởng đến chuyện kia, chuyện gì cũng có tình người. Anh không những nhớ tới cô Thu mà còn nhớ hồi học lớp năm, lớp tư, lớp ba (lớp 1, lớp 2, lớp 3 bây giờ), khi ấy ông Hoàng Ngọc Điệp (Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, "cha đỡ đầu" của ông Ba Quốc) không có vợ con, nuôi hai người cháu, một người tên là Hảo, một người tên là An, học chung lớp với anh, hằng ngày ông Điệp cho lái xe đưa ba anh em đi học, những năm đó anh thường xuyên lui tới nhà ông Điệp. Anh nhớ tới người quản gia của ông Điệp là cô Lý, thỉnh thoảng vẫn dúi tiền cho anh ăn quà. Ông Điệp thì đã chết, hình như vào năm 1976, còn cô Lý, Hảo, An không biết giờ đây đang ở đâu...
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:51:12 pm »

Kỹ thuật truyền tin

Trước khi vào phần chính của kỳ này, chúng tôi xin nói thêm vài điều về gia đình ông Ba Quốc ở miền Bắc. Vì theo dõi thiên ký sự này trong những ngày qua, nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông Ba Quốc và khâm phục sự hy sinh của những người trong gia đình ông, đồng thời cũng nêu một vài thắc mắc liên quan đến chính sách.

Một bạn đọc tên là Jeff Nguyễn, ở Canada, trong e-mail gửi về tòa soạn có nêu vấn đề về những người thân của ông Ba Quốc ở miền Bắc: "Tôi thắc mắc là không biết sau chiến tranh họ có được Nhà nước đền bù cho những thiệt thòi to lớn mà họ phải gánh chịu một cách oan uổng hay không?". Chúng tôi định sẽ đề cập những vấn đề đó trong những kỳ sau vì thiên ký sự này vẫn chưa kết thúc. Nhưng để giải tỏa nỗi bức xúc của bạn đọc, chúng tôi xin thông tin như sau: Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình ông Ba Quốc ở miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước cũng như cơ quan tình báo quân đội chăm lo thực hiện chính sách một cách chu đáo. Bà Phạm Thị Thanh được chuyển hộ khẩu về Hà Nội, được cấp một căn hộ để ở và được hưởng chính sách theo chế độ chung. Gia đình hai người con đều có công việc thuận lợi, hạnh phúc và thành đạt. Riêng người con trai đã được đào tạo thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trở lại nội dung chính của kỳ này. Cho đến nay, có thể khẳng định các điệp viên của "Việt cộng" hoạt động ở Sài Gòn rất ít khi dùng điện đài, trừ việc phục vụ các chiến dịch lớn. Trong khi người Mỹ sử dụng những thành tựu khoa học hiện đại nhất và phương tiện kỹ thuật tối tân nhất cho hoạt động tình báo thì "Việt cộng" lại sử dụng các phương tiện truyền tin thô sơ nhất. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, rõ ràng là các phương tiện hiện đại nhất của CIA đã hoàn toàn bất lực trước các phương tiện "dân dã" nhất của tình báo "Việt cộng". Chúng tôi tò mò hỏi anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc: "Anh có biết bố anh chuyển phim ảnh và tài liệu lên chiến khu bằng cách nào không ?". Anh cười: "Biết chứ. Tôi cũng thường giúp bố tôi làm chuyện đó mà. Đối với tài liệu viết bằng nước trà trên những tờ giấy dầu màu vàng thì dùng những tờ giấy đó... gói đồ, hoặc dán lại thành cái túi đựng đồ. Còn phim thì làm theo hai cách. Một là mua một đôi dép chapeau, lột lớp phía trên ra, rồi lấy dao cắt rỗng miếng xốp trong đế dép, phim cắt ra từng khúc nhét vào đó rồi dán lại. Một chiếc dép chứa được 1/4 cuộn phim, một đôi được 1/2 cuộn. 1/2 cuộn còn lại cũng cắt ra, cuộn nhỏ lại, nhét vào đồ chơi trẻ em. Tất cả đựng vào cái túi bằng giấy dầu màu vàng nói trên, cả vỏ cả ruột đều là tài liệu. Ông đem cái túi đó để vào cốp xe vespa rồi mang đi gặp giao liên nội đô". Chúng tôi được biết, theo nguyên tắc, ông chỉ gặp giao liên nội đô thôi. Người giao liên nội đô sau khi nhận tài liệu của ông, ra khỏi thành phố sẽ chuyển cho giao liên có vũ trang mang tài liệu về căn cứ.

"Một tập Hồ sơ trận liệt mà anh chụp hình có bao nhiêu trang ?". "Một tập ít nhất là trên 100 trang giấy A4, nhiều nhất là hơn 200 trang, cứ 3 ngày bố tôi mang về một tập". "Anh có biết nội dung trong đó là gì không ?". "Biết chứ. Tôi vẫn còn nhớ ngoài bìa ghi là Hồ sơ trận liệt cộng sản Bắc Việt. Trong đó có ghi phiên hiệu các sư đoàn và đơn vị quân đội, trang bị vũ khí hỏa lực, nơi đóng quân, tên cấp chỉ huy, tinh thần cán binh và những diễn biến trên chiến trường". "Hồ sơ đó ông bắt đầu đem về nhà từ bao giờ và đến bao giờ thì hết ?". "Tài liệu Hồ sơ trận liệt thì bắt đầu từ năm 1971, suốt cho đến ngày bố tôi bị lộ. Trước năm 1971 ông chỉ viết trên giấy dầu thôi, từ năm 1971 trở đi vừa viết trên giấy dầu vừa chụp phim, riêng giấy dầu thì ngày nào ông cũng viết".

Được biết, vào năm 1971, do quen biết với trung tá Vũ Văn Nho, Trưởng phòng 2 (tình báo) của Bộ Tổng tham mưu, ông đã biết được tin địch phát hiện ra đường dây 559 của ta suốt dọc dãy Trường Sơn. Tài liệu này ông lấy được nguyên bản và đó là bản Hồ sơ trận liệt đầu tiên mà anh con trai thứ ba của ông đã kể. Từ đó, thông qua một sĩ quan phụ trách in ấn của Bộ Tổng tham mưu ông lấy được tất cả các tài liệu nguyên bản Hồ sơ trận liệt, cứ 3 ngày một tập như trên đã nói. Những tài liệu đó cho thấy địch đã phát hiện nhiều bí mật của ta trên chiến trường, thông qua điệp báo và do thám. Có những hồ sơ cho thấy địch còn theo dõi được những diễn biến, sự thay đổi về quân số, hỏa lực, nơi đóng quân và cấp chỉ huy của từng sư đoàn của chúng ta vào những thời điểm khác nhau. Những tài liệu mà ông gửi về đã giúp ích rất nhiều cho việc điều chỉnh, đối phó, ngăn ngừa được tổn thất trên chiến trường, đồng thời cảnh giác, phát hiện được các hoạt động gián điệp của kẻ địch, vì vậy với những tài liệu đó ông đã góp phần lặng lẽ nhưng rất đáng kể vào thắng lợi của các hoạt động quân sự. Biết địch biết được những gì về ta cũng là một trong những yêu cầu của công tác tình báo.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những phần việc "làm thêm" của ông. Vì như đã biết, vị trí của ông không phải ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn mà ở Đặc ủy Trung ương tình báo. Mặc dù vậy, việc "làm thêm" này được ông thực hiện một cách hết sức khôn khéo và mẫn cán, đến mức nhiều khi ông có trong tay những tập tài liệu đó trước khi nó được đưa đến Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Và thật đáng tiếc, chính vì những tập Hồ sơ trận liệt này mà ông đã bị lộ, vợ con ông bị bắt... Nhưng đó là việc sau này, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong những kỳ cuối của thiên ký sự. Còn lúc đó, trong những năm Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền, trong nhiệm vụ trọng tâm của mình, ông vừa lập được chiến công ngoạn mục vừa có những hành động mạo hiểm cũng ngoạn mục không kém...
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #35 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:54:13 pm »

"Tóm gọn" 35 ổ gián điệp

Hoạt động tình báo của ông Ba Quốc ở Sài Gòn khá đa dạng. Ông vừa làm nhiệm vụ phản gián vừa làm tình báo chính trị vừa làm tình báo hành động, nhưng thành công lớn nhất của ông có lẽ là nhiệm vụ phản gián.

Trong thời gian ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chế độ Sài Gòn, có lúc ông làm trợ lý cho Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội, có lúc làm Trưởng ban Đoàn thể phụ trách các đảng phái chính trị. Ông tìm hiểu khá kỹ thực chất hoạt động của từng bộ phận của Phủ Đặc ủy.

Thông qua một sĩ quan phụ trách bộ phận ra tin của Ban R, ông biết 2/3 tin tức do Ban R sản xuất là tin công khai của báo chí và phát thanh, 1/3 là tin lấy cung từ các tù binh. Những tin tức của Cục Tình báo quốc ngoại cũng tương tự, có những tin tức có giá trị cũng chủ yếu là tin của "cảm tình viên", không phải là "nội tuyến". Chỉ có Cục Tình báo quốc nội là nơi ông có thể khai thác những tin tức cần thiết để phục vụ cho yêu cầu của cấp trên. Lúc đó, cấp trên yêu cầu ông "bằng mọi giá" phải lấy cho được toàn bộ hồ sơ về mạng lưới gián điệp của đối phương. Bởi vậy, thông qua Lê Liêm, ông ngày càng bám sát Nguyễn Văn Giàu. Ông biết Nguyễn Văn Giàu giữ cái tủ tài liệu còn "kỹ hơn giữ cái đầu của mình". Sau câu chuyện coi tướng cho vợ Lê Liêm, ông đã tận dụng triệt để mối quan hệ này. Nhưng để có chuyện mà bàn với Lê Liêm, ông lại phải tận dụng thông tin từ những chính khách đối lập đủ mọi khuynh hướng, trong đó có những người ông tạo mối quan hệ thân tình ngay từ khi mới vào Nam hoặc trước khi vào Nam. Những tin tức đó được ông xử lý rất thận trọng trên một tầm hiểu biết vừa rộng vừa sắc sảo. Ông nói với Lê Liêm: "Mặt trận Khe Sanh (lúc đó quân giải phóng đang đánh lớn ở Khe Sanh) có nguy cơ trở thành một Điện Biên Phủ thứ hai. Người Mỹ đang có nhiều tính toán để gỡ bí. Một trong những toan tính của người Mỹ là làm một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để thương thuyết với cộng sản, nếu không có lối thoát về quân sự". Ông cũng kể cho Lê Liêm nghe về hoạt động bí mật của đại tá Mỹ Malwin trong chính giới Sài Gòn. Ông chứng minh với Lê Liêm rằng ông đủ khả năng theo dõi những âm mưu này và có thể báo trước nếu có đảo chính xảy ra. "Nghe tôi nói, Lê Liêm ngẩn người như tỉnh ngộ", ông nhớ lại. Ông đề nghị cho lập một phòng tình hình, ông hứa sẽ lo tin tức từ phía Mỹ. Nhân đó ông cũng đề nghị phục hồi lại cho ông cấp bậc mà Nguyễn Khánh đã tước khi làm đảo chính Ngô Đình Diệm (lúc đó ông mang quân hàm đại úy). Lê Liêm yêu cầu ông bám sát các hoạt động của Mỹ và yêu cầu hằng ngày gặp ông vào 9 giờ sáng tại nơi làm việc. Cần biết, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngày càng trở thành công cụ để bảo vệ người cầm quyền mà mối đe dọa lớn nhất lúc đó là các âm mưu đảo chính. Mà các cuộc đảo chính đều có bàn tay của người Mỹ. Cho nên Mỹ cũng là đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.

Ông kể: "Từ đó tôi gặp Lê Liêm hằng ngày. Một buổi sáng tôi không tới, ông ta gọi điện tìm tôi, gọi không được ông ta gọi điện bảo Nguyễn Văn Giàu đi tìm. Nguyễn Văn Giàu yêu cầu tôi nếu có đi đâu thì báo cho ông ta biết để nếu Lê Liêm gọi thì ông ta biết chỗ mà tìm". Như đã nói, mục đích của ông là mở cho được cái tủ tài liệu của Nguyễn Văn Giàu và ông đang "mượn thế" của Lê Liêm để tiến tới mục đích đó. Ông kể tiếp: "Hằng ngày, 7 giờ 30 sáng Giàu tới phòng mở tủ ra làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng SOC (Sở Giao dịch dân sự), ký các giấy tờ công văn... cho đến hết ngày. Sáng thứ bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ bảy nghỉ... Một buổi sáng, tôi cầm một semi giấy tờ lên phòng ông ta, đến trước cửa tôi dừng lại. Ông ta biết ý, bảo: Chắc anh cần làm việc riêng cho ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi làm việc, tôi đi uống cà phê một lát không sao. Ông ta biết buồng làm việc của tôi đông người, không tiện ngồi làm những việc hết sức quan trọng của sếp. Tôi cám ơn và ngồi vào bàn của ông ta. Khi ông ta đi, tôi mở tủ và phát hiện thấy trong đó có các hồ sơ STAY BEHIND IN NORTH VIETNAM. Đó chính là những hồ sơ mà cấp trên yêu cầu tôi phải lấy cho được bằng mọi giá".

"Ông làm sao lấy được những tài liệu đó?", chúng tôi hỏi. "Tôi lấy tài liệu trong tủ ra ngồi chép lại". "Ông làm sao chép hết được ?". "Hôm đó tôi chép được một ít thôi. Từ bữa đó trở đi, cứ mỗi lần tôi nhìn thấy tủ của Giàu hé mở là tôi vác đồ lên, ông ta biết ý lại vội vàng xếp đồ vào cặp rồi nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép sạch hết 35 bộ hồ sơ kế hoạch của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc". "Trong thời gian đó ông hoàn toàn không bị phát hiện ?". "Chỉ có một lần tôi bị một nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ lên bắt gặp tôi đứng cạnh tủ tài liệu của Nguyễn Văn Giàu, nhưng cô ta không hề tỏ thái độ ngạc nhiên. Tôi nghĩ là cô ta thường thấy tôi ngồi làm việc tại bàn giấy của ông Giàu nên coi việc tôi đứng trước tủ hay ngồi ở bàn cũng không có gì lạ". "Còn Nguyễn Văn Giàu ? Ông ta không lúc nào về trong khi ông chép tài liệu ?". "Không. Thứ nhất là tôi chỉ chép trong khoảng thời gian ông ta uống cà phê, trước khi ông ta về tôi cẩn thận đem tài liệu để lại đúng chỗ. Thứ hai, vì ông ta biết tôi đang làm những việc tối quan trọng cho Lê Liêm, nên trong khi tôi làm việc ông ta không bước vào phòng, vì ông ta phải giữ ý tứ". Đó là khoảng thời gian sau Tết Mậu Thân 1968. Những ổ gián điệp đó, theo lời ông Mười Nho, đã bị "tóm gọn" hết.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:55:46 pm »

Khi Mỹ trở thành đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo

Sau Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường. Mặt trận Khe Sanh trở thành "địa ngục trần gian" của quân Mỹ. Phong trào chống chiến tranh dâng cao trên khắp nước Mỹ. Giới cầm quyền Sài Gòn lâm vào hoàn cảnh đen tối.

Lúc này Johnson có tái đắc cử Tổng thống Mỹ hay không là tùy thuộc vào tình hình Việt Nam. Tháng 6/1968, Johnson tuyên bố ném bom hạn chế để đi vào Hội nghị Paris. Ông Ba Quốc nhớ lại: "Lúc đó khắp nơi phấn khởi nhưng bọn cực hữu trong và ngoài chính quyền Sài Gòn dao động đến cực độ. Vợ Nguyễn Văn Thiệu khóc oán trách người Mỹ...". Lúc này phái hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ đã có liên lạc với giới chính trị chống cộng cực đoan ở Sài Gòn tác động Nguyễn Văn Thiệu phá hoại thương thuyết để tiếp tay cho đảng Cộng hòa hạ bệ Johnson. Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu trì hoãn không chịu ngồi vào bàn đàm phán, rồi bày ra chuyện "chỉ xanh, chỉ đỏ", "bàn méo, bàn tròn", cù cưa kéo dài thời gian cho đến khi Johnson rút lui không ứng cử tổng thống. Trong chuyện này, Nguyễn Văn Thiệu được coi là đã góp phần đáng kể cho Nixon lên làm Tổng thống Mỹ.

Nguyễn Văn Thiệu một mặt phá hoại đàm phán để kéo dài chiến tranh, mặt khác ra sức củng cố thế đứng. Thiệu tiến hành cải tổ Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, biến cơ quan này thành tổ chức mật vụ để khống chế, kiểm soát, lũng đoạn, vô hiệu hóa các đảng phái đối lập và các lực lượng hòa bình, đồng thời theo dõi các âm mưu của Mỹ nhằm đề phòng đảo chính. Thiệu đưa người bí thư thân tín của mình là tướng Nguyễn Khắc Bình về làm Đặc ủy trưởng. Phủ Đặc ủy được cải tổ sâu rộng. Về tổ chức, ngoài Văn phòng Đặc ủy trưởng, còn có 3 văn phòng phụ tá: An ninh, Điều hành và Kế hoạch. Cục Tình báo quốc nội và Cục Tình báo quốc ngoại được "nâng cấp". Riêng Cục Tình báo quốc nội có ba nha: Nha Điệp báo (ban K), Nha Phản gián (ban U) và Nha Chính trị (ban Z). Về nhân sự, Nguyễn Khắc Bình loại hết những người của Mỹ và của "chế độ cũ" (chỉ chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh) ra khỏi các chức vụ chỉ huy từ cấp phòng trở lên. Ví dụ, trung tá Nguyễn Văn Hữu, Trưởng ban E (tình báo quốc ngoại) người của Mỹ và  khoảng 25 sĩ quan từ cấp úy trở lên người của "chế độ cũ" bị trả về Bộ Quốc phòng hoặc Tổng nha Cảnh sát. Người Mỹ chỉ quản lý được ban Q (Trung tâm Thẩm vấn quốc gia), cơ quan này chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận các tù binh từ các quân khu đưa về thẩm tra. Mặc dù trên văn bản không nêu, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo là bảo vệ Nguyễn Văn Thiệu, đối tượng của Phủ Đặc ủy là Mỹ và các thế lực chống đối trong và ngoài chính quyền. Các kế hoạch và biện pháp an ninh trong Phủ Đặc ủy được bảo đảm hết sức chặt chẽ. Từ nhân viên cho đến  chỉ huy  ra vào cơ quan đều qua các lần kiểm tra an ninh. Khu vực đi lại trong cơ quan được quy định nghiêm ngặt. Ngay cả các cố vấn Mỹ cũng không được tùy tiện vào ra Phủ Đặc ủy, họ chỉ được tiếp xúc với trưởng ban E, ban K, ban U. Để đối phó với thái độ của Nguyễn Khắc Bình, Mỹ cắt các khoản viện trợ về tiền và phương tiện, cắt các cố vấn SOC. Mỹ chỉ còn chi tiền cho từng kế hoạch cụ thể, còn người và phương tiện thì chỉ còn dành cho Trung tâm Thẩm vấn quốc gia mà thôi.

Ông Ba Quốc kể: "Trước khi Nguyễn Khắc Bình về Phủ Đặc ủy 1 tuần, Nguyễn Văn Giàu cho tôi biết là Giàu sẽ nằm trong Bộ Tham mưu của Bình làm kế hoạch cải tổ Phủ Đặc ủy, ông ta bảo sắp xếp xong tổ chức tôi sẽ về chỗ ông ta. Sau khi cải tổ, Giàu làm Giám đốc Cục Tình báo quốc nội. Tôi gặp ông ta để bàn công việc của tôi, nhưng Giàu khuyên tôi không nên về vì chính ông ta cũng định không nhận nhiệm vụ đó. Ông ta tỏ ra thất vọng. Tôi hỏi vì sao, ông ta nói: Nguyễn Khắc Bình đã không thực hiện đúng chức năng của một cơ quan tình báo chiến lược chống cộng. Kế hoạch đề ra chức năng là vậy nhưng sau khi đưa cho Tổng thống Thiệu duyệt, Nguyễn Khắc Bình đã biến Phủ Đặc ủy thành tổ chức chỉ để bảo vệ Tổng thống Thiệu. Giàu không chống lại việc bảo vệ chế độ của Thiệu nhưng ông ta cho rằng chỉ cần dành 30% hay nhiều nhất là 50% cho công việc này là đủ. Bình không những không nghe mà còn coi Giàu là một phần tử chống Thiệu. Từ lúc đó tôi gần như ngày nào cũng vào giải thích cho Giàu, tôi bảo với ông ta rằng chủ trương của tướng Nguyễn Khắc Bình là đúng, vì nếu không tích cực bảo vệ Tổng thống Thiệu thì rất có thể bị đảo chính. Nguyễn Văn Giàu dần dần nghe lời tôi, nhưng giữa Bình và Giàu vẫn còn mâu thuẫn, bởi vậy tuy Giàu vẫn là Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội nhưng 3 nha của Cục này đều làm việc trực tiếp với Bình, không thông qua Giàu".

Theo ông Ba Quốc, việc củng cố và chuyển hóa Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (cũng như Cơ quan An ninh quân đội) thành công cụ để bảo vệ bản thân mình là phản ứng tự nhiên của Nguyễn Văn Thiệu để đối phó với Mỹ và các tướng tá trong quân đội cũng như các phong trào chính trị nhằm ngăn ngừa các âm mưu đảo chính. Do vậy, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo và Cơ quan An ninh quân đội trở thành mục tiêu thù ghét của các tổ chức khác, kể cả Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh cảnh sát. Bởi vậy mà tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, cấm không cho Bộ Tổng tham mưu trao tin tức tài liệu cho Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.

Trước tình hình đó, ông Ba Quốc thấy rằng, trừ các văn phòng của Đặc ủy trưởng, việc bám vào các vị trí khác của Phủ Đặc ủy, kể cả ở Cục Tình báo quốc nội hay quốc ngoại đều không đáp ứng được yêu cầu điều tra mà cấp trên giao cho ông. Lúc này Nguyễn Văn Thiệu không chỉ đưa người thân tín về làm Đặc ủy trưởng mà còn đưa "người nhà" vào nắm các vị trí then chốt của Phủ Đặc ủy. Ông Ba Quốc lại "nhắm" vào những người này...
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 12:58:33 pm »

Mạo hiểm

Trong những người thân tín của gia đình Nguyễn Văn Thiệu đưa về “cắm” ở Phủ Đặc ủy trung ương tình báo có Nguyễn Thành Long, cháu vợ Nguyễn Văn Thiệu. Long còn trẻ, chưa vợ, được Nguyễn Khắc Bình cho làm Giám đốc Nha chính trị (ban Z). Nghĩ rằng người này sẽ có vị trí cao hơn ở Phủ Đặc ủy nên ông làm thân với anh ta, hy vọng có thể khai thác được những tin tức quan trọng sau này.

Long cũng rất tin tưởng ông và thường hỏi ý kiến ông về mọi chuyện. Anh ta nói thật với ông rằng anh ta đã nhờ vợ Nguyễn Văn Thiệu can thiệp cho mình được làm Đặc ủy phó hoặc phụ tá điều hành. Nhưng chức vụ phụ tá điều hành lúc đó đã được giao cho đại tá Nguyễn Phi Phụng mà Phụng là người của Trần Thiện Khiêm. Nguyễn Khắc Bình tuy là thủ hạ thân tín của Nguyễn Văn Thiệu nhưng vẫn sợ mất lòng Trần Thiện Khiêm vì ông Khiêm lúc này đang làm Thủ tướng. Qua điều tra, ông được biết giữa vợ Trần Thiện Khiêm với vợ Nguyễn Văn Thiệu có mâu thuẫn. Nguyễn Văn Thiệu lại có tính sợ vợ, nên nhân vụ này ông xúi Nguyễn Thành Long báo cho vợ Thiệu biết chuyện Nguyễn Khắc Bình trọng dụng người của Trần Thiện Khiêm. Quả như dự đoán, vợ Nguyễn Văn Thiệu đã làm áp lực bảo chồng buộc Nguyễn Khắc Bình đưa Long thay thế Phụng. Nhưng vụ này kết quả diễn ra ngược với mong muốn của ông và của Nguyễn Thành Long. Do sự can thiệp của vợ Thiệu, Nguyễn Khắc Bình buộc phải đưa Nguyễn Phi Phụng khỏi Đặc ủy, chuyển về Tổng nha quan thuế, nhưng lại đưa một người khác lên thay, người đó là đại tá Nguyễn Văn Tây, cũng là một người thân tín của Nguyễn Văn Thiệu. Còn Nguyễn Thành Long không những không được đề bạt mà còn bị Nguyễn Khắc Bình đưa xuống quân trường Thủ Đức. Trung tá Võ Thanh Phong về làm giám đốc Nha chính trị thay Long. Thời kỳ này dư luận chống đối Phủ Đặc ủy cho rằng phủ này là phủ “trốn tổng động viên”, nên Nguyễn Khắc Bình giải thích với vợ Thiệu rằng Long còn quá trẻ, phải đưa đi “rèn luyện” một thời gian rồi sẽ rút về cho giữ chức phụ tá. Vợ Thiệu không biết nói gì, vả lại chức vụ phụ tá lúc này cũng được giao cho người của Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ. Trong vụ này, coi như ông Ba Quốc đã đi lạc một nước cờ.

Yêu cầu của cấp trên ngày càng khẩn trương, ngoài những tin tức thường xuyên mà ông lấy được dễ dàng từ vị trí công tác của mình, ông giữ mối quan hệ tốt với Giám đốc Nha chính trị Võ Thanh Phong. Với cương vị là trưởng ban chính trị phụ trách các đảng phái, ông nắm rất chắc mọi diễn biến chính trị của các phe phái đối lập, hằng tuần ông và trung tá Phong gặp nhau để trao đổi tin tức. Ông thông báo tình hình cho ông ta vào chiều thứ sáu, sáng thứ bảy ông ta họp với Nguyễn Khắc Bình và sáng thứ hai ông ta báo lại cho ông biết về phương hướng công tác của Phủ Đặc ủy, những mâu thuẫn khó khăn trong nội bộ, những chỉ thị của Nguyễn Văn Thiệu... Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông lúc này là phải tiếp tục phát hiện và lấy cho được các tài liệu về mạng lưới gián điệp của địch. Người mà ông "nhắm" vào là Nguyễn Đăng Khiêm, chủ sự kế hoạch của Nha Điệp báo (ban K).

Nguyễn Đăng Khiêm là một thầy tu xuất, không chơi bời hút xách và “kín như bưng”. Ông đã “đi vào tình cảm” và trở nên thân thiết với người này qua việc cùng nhau nghiên cứu đất đai trồng trọt ở Long Khánh và bàn công việc làm ăn. Từ đó ông lái dần sang những vấn đề thời sự, rồi bàn đến những việc ở Phủ Đặc ủy. Kết quả cũng thật khả quan. Từ Nguyễn Đăng Khiêm ông đã phát hiện 4 cán bộ của ta làm việc cho địch.

Đến tháng 5.1972, ông lại được cấp trên chỉ thị bằng mọi cách phải lấy cho bằng được hồ sơ của hai cán bộ ta làm mật vụ cho địch ở hai tỉnh. Ở trên đã biết là có hai nội gián làm việc cho địch nhưng không biết cụ thể tên tuổi, chức vụ. Với tư cách là một cán bộ nằm sâu trong mục tiêu, ông phải chấp hành chỉ thị này, nhưng đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Ông bảo, Phủ Đặc ủy trung ương tình báo “áp dụng chế độ phát-xít” trong nguyên tắc bảo mật, người của nha này kình chống người của nha kia, nên việc đi lại rất phức tạp. Chấp hành chỉ thị này, ông đành phải mạo hiểm.

Thiết lập được “quan hệ làm ăn” với Nguyễn Đăng Khiêm, ông thường xuyên đến nhà Khiêm và vài ngày ông đến phòng làm việc của ông ta một lần... Ông đến phòng làm việc của ông ta mục đích là nghiên cứu kế hoạch đánh cắp tài liệu. Mỗi lần đến, ông quan sát để xác định tài liệu nằm ở tủ nào, ngăn nào, khóa gì, chìa ra sao, đồng thời quan sát quy luật đi lại, giờ giấc của Nguyễn Đăng Khiêm. Ông kể: "Sau khi nắm được quy luật, một buổi sáng tôi đột nhập vào ban K, lúc nhân viên canh gác còn đi uống cà phê. Tôi đến trước phòng làm việc của Nguyễn Đăng Khiêm lúc người tùy phái vừa làm xong nhiệm vụ mở cửa lau bàn và đã sang làm buồng bên cạnh. Tôi bước nhanh tới tủ, mở khóa. Tôi đã hai, ba lần đo khóa của ông Khiêm để làm chìa cho đúng. Tôi cũng thử làm như vậy để mở các tủ hành chính trong ban của tôi và mở rất tốt. Nhưng thật đáng tiếc, loại tủ Macadi trong phòng của ông Khiêm không mở được bằng khóa của tôi, mặc dù chìa khóa tôi làm rất đúng tầm, đúng cỡ. Đã không mở được mà chìa khóa còn bị kẹt trong tủ. Tôi hơi hốt hoảng, nhưng lúng túng một lát tôi cũng rút được chìa khóa và ngồi xuống ghế dành cho khách. Ngay lúc đó, trung tá Tiên, Giám đốc Nha Điệp báo từ cầu thang đi lên. Ông ta trân trân nhìn vào tôi, hỏi vào giờ này tôi tới đây có việc gì. Tôi trả lời rằng tôi đến gặp ông Khiêm hẹn ông ta chủ nhật đi Long Khánh. Trung tá Tiên yên lặng đi vào phòng làm việc của mình. Tôi vẫn ngồi đó, chờ cho Nguyễn Đăng Khiêm đến và rủ ông ta đi Long Khánh để chứng minh việc này là có thật. Khi ra về, tuy không lấy được tài liệu nhưng tôi yên tâm vì đã che được mắt địch. Tôi đang nghĩ đến một kế hoạch khác thì buổi chiều hôm đó đại úy Tâm, trưởng ban An ninh của Nha Điệp báo đến gặp tôi. Đại úy Tâm trước đây là nhân viên dưới quyền của tôi thời tôi làm chỗ bác sĩ Tuyến. Anh ta báo cho tôi biết là anh ta được trung tá Tiên ra lệnh theo dõi tôi. Tôi báo cáo khẩn cấp về cấp trên, cấp trên chỉ thị ngưng không thực hiện kế hoạch đó nữa. 10 ngày sau, đại úy Tâm lại báo cho tôi biết anh ta đã được lệnh ngừng theo dõi tôi. Tôi báo về trên rằng tình hình đã yên, nhưng tôi vẫn nhận được chỉ thị thôi không thực hiện kế hoạch này. Vụ đó mãi đến sau giải phóng, khi khai thác những người chỉ huy và nhân viên Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo tôi mới nắm được danh sách hai cán bộ này, qua Nguyễn Đăng Khiêm”.
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 02:16:47 pm »

"Xúi" Nguyễn Cao Kỳ đảo chính lật Nguyễn Văn Thiệu

Trong cuốn hồi ký Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào ? xuất bản ở nước ngoài năm 1985, ông Nguyễn Cao Kỳ kể lại: "Khi sắp bầu cử tổng thống và nhiệm kỳ 4 năm của tôi sắp hết, tôi quyết định là dù ông Thiệu có muốn tôi cũng không ứng cử phó tổng thống nữa.

Nhưng ông Thiệu không muốn và đã chọn ông Hương (Trần Văn Hương - PV). Ông Hương từng là thủ tướng đầu tiên của Thiệu, về sau làm tổng thư ký cho Thiệu ở Dinh Độc Lập. Còn tôi, tôi quyết định ứng cử tổng thống. Nhưng cuộc bầu cử đã bị gian lận, như tôi chờ đợi, Thiệu có 2 đối thủ chính - ông Minh Lớn (Dương Văn Minh - PV), từ ngoài chính quyền trở lại và tôi - nhưng trong 4 năm cầm quyền Thiệu đã củng cố địa vị của mình đến độ không còn có thể tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do được nữa. Ông đã làm ra những đạo luật khiến cho người ta khó lòng có thể tranh cử chứ đừng nói đến thắng cử...

Người muốn ứng cử phải đại diện cho một đảng lớn (tôi không phải là đảng viên của một đảng nào), hoặc phải được 40 nghị sĩ, dân biểu giới thiệu và bảo đảm. Nhưng Thiệu đã kiểm soát tất cả các dân biểu và nghị sĩ. Người ta đòi hỏi chữ ký giới thiệu của hơn 100 hội viên hội đồng tỉnh. Tôi biết là có đủ số hội viên muốn tôi ra ứng cử nhưng Thiệu lại đưa ra một đạo luật cho ông ta được quyền cách chức họ một cách độc đoán, vì thế đã đặt họ vào một địa vị khó xử.

Thiệu làm đủ điều để ngăn cản các đối thủ ra tranh cử. Nhiều nhân viên mật vụ của ông nói với tôi là có thể có đến 65 phần trăm quân đội bầu cho tôi hoặc cho ông Minh nếu có bầu cử trung thực, nhưng sau bốn năm cầm quyền Thiệu đã kiểm soát được công an và qua công an, đã kiểm soát được nhân dân.

Trong một nước mà đảo chính đã trở thành cơm bữa, dĩ nhiên là chúng tôi có thảo luận về khả năng làm đảo chính để lật đổ Thiệu. Tôi biết rằng tôi có thể hoàn toàn tin tưởng ở không quân và đa số tướng lãnh trong quân đội, nhưng không thể nào giữ được bí mật bởi vì những người Mỹ còn lại vẫn liên lạc chặt chẽ với các đơn vị Việt Nam. Chắc chắn họ sẽ mách Thiệu. Nhiều tướng lãnh khẳng định là chúng tôi không cần lính. "Chỉ cần làm sao cho các sĩ quan cao cấp nhất ký một tối hậu thư là Thiệu sẽ ra đi", một người nói như thế. Nhưng việc ấy không làm được. Các tướng lãnh có thể ủng hộ một sự thay đổi chính phủ, nhưng những sĩ quan cao cấp nhất, những người làm việc cho Bộ Tổng tham mưu, đã được người Mỹ cảnh cáo là đừng có can thiệp, đồng thời tìm cách mua chuộc một cách tế nhị...

Có điều lạ lùng là, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói cho tôi hiểu rằng họ không chấp nhận một cuộc xung đột công khai giữa Thiệu và tôi (hay bất cứ việc gì có vẻ như một cuộc đảo chính), họ lại rất muốn tôi ra tranh cử để chống lại Thiệu. Họ nghĩ rằng việc ấy sẽ làm cho cuộc bầu cử có vẻ dân chủ hơn. Một buổi chiều, Đại sứ Bunker đến nhà tôi trong căn cứ không quân và nói với tôi: "Bầu cử và độc diễn thì không phải là tấm gương tốt cho thế giới". Ông ta còn xung phong kiếm tiền cho tôi vận động bầu cử, chắc hẳn ông ta thừa biết tôi chẳng có hy vọng gì trúng cử, nhưng có lẽ người Mỹ nghĩ rằng nếu phải tổn phí mà tạo được một cái vỏ ngoài bầu cử tự do thì cũng đáng đồng tiền. CIA cũng làm áp lực để tôi phải ra tranh cử, nhưng tôi trả lời họ như tôi đã trả lời Đại sứ Bunker: "Không thể được. Thiệu nắm chắc quá, và nhất định sẽ không chịu để cho tôi trúng cử". Rốt cuộc, cả Minh và tôi đều rút lui và cuộc bầu cử đã tiến hành với một tên duy nhất trên lá phiếu: tên của Thiệu".

Đó là cuộc bầu cử năm 1971 mà báo chí gọi là "trò hề độc diễn" của Nguyễn Văn Thiệu. Điều tra thực chất cuộc bầu cử này là nhiệm vụ trọng tâm mà cấp trên giao cho ông Ba Quốc. Nhưng ông không chỉ điều tra mà còn làm một cuộc khuấy động, khoét sâu mâu thuẫn giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu. Tiếp xúc, theo dõi các thủ lĩnh các đảng phái, tôn giáo là chức năng của ông Ba Quốc ở Đặc ủy Trung ương tình báo. Nhưng không chỉ có vậy. Ông còn "tham mưu", "cố vấn" cho họ nhiều kế hoạch. Trong cuộc bầu cử năm 1971, thông qua các "chân rết" của mình nằm trong bộ tham mưu của Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh, ông nắm rất chắc tương quan lực lượng.

Lúc này Tổng thống Mỹ Nixon tập trung ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu nhằm chứng minh sự thành công của học thuyết "Việt Nam hóa chiến tranh". Trong cuộc bầu cử này, Dương Văn Minh được Phật giáo ủng hộ nhưng vì không nắm được âm mưu của người Mỹ nên phải rút lui. Ông Ba Quốc kể: "Bunker sợ Thiệu độc diễn nên sẵn sàng chi cho Nguyễn Cao Kỳ 2 tỉ đồng để Kỳ ra tranh cử. Ông Thái Lăng Nghiêm và ông Lê Văn Thái nằm trong Ban tham mưu của Nguyễn Cao Kỳ. Hai người này đều thân quen với tôi từ khi tôi mới vào Nam. Tôi một mặt tiếp cận với Nguyễn Cao Kỳ, mặt khác tiếp cận với Phật giáo qua thượng tọa Thích Thiện Minh. Tôi gặp vị thượng tọa này để thống nhất một kế hoạch. Sau đó, tôi xúi Hoàng Văn Giàu, người của thượng tọa Thích Thiện Minh viết bài trên tờ Lập Trường chống Thiệu, đề cao vai trò Nguyễn Cao Kỳ. Đồng thời thông qua Lê Văn Thái, tôi đến gặp Nguyễn Cao Kỳ. Khi tôi đến nhà Nguyễn Cao Kỳ, Lê Văn Thái giới thiệu với Kỳ tôi là người của thượng tọa Thích Thiện Minh, ông Kỳ có thể trông cậy vào tôi để lấy chữ ký của nghị viên Phật tử. Tôi nói với Nguyễn Cao Kỳ rằng, việc lấy chữ ký vào thời điểm này là hơi muộn, vì Nguyễn Văn Thiệu đã mua gần hết, nhưng vẫn còn có khả năng nếu ông Kỳ được Phật giáo ủng hộ. Tôi cũng thông báo cho Nguyễn Cao Kỳ biết, vấn đề quan trọng là Phật giáo sẽ ủng hộ ai trong cuộc tranh cử này. Nguyễn Văn Thiệu tất nhiên là Phật giáo không ủng hộ rồi. Tôi nói: Còn đối với ông Kỳ, một là Phật giáo không chấp nhận tính hiếu chiến của ông, hai là vụ ông Kỳ đàn áp Phật giáo ở miền Trung vừa qua họ cũng không chấp nhận. Phật giáo không cần tiền, họ chỉ cần ông Kỳ có thái độ rõ rệt đối với các yêu cầu của Phật giáo. Nguyễn Cao Kỳ nói nếu được ủng hộ ông ta sẽ làm theo yêu cầu của Phật giáo. Ông ta hẹn gặp lại tôi trưa hôm sau. Tôi về gặp lại thượng tọa Thích Thiện Minh, cho ông ta biết là Nguyễn Cao Kỳ sẽ làm bất cứ việc gì miễn là được Phật giáo ủng hộ. Thượng tọa Thích Thiện Minh nói: Ông Kỳ dù có lấy đủ chữ ký cũng không thể đắc cử tổng thống được. Vì vậy, ông ta chỉ cần sám hối việc đàn áp Phật giáo vừa qua và đảo chính lật đổ Thiệu thì Phật giáo sẽ ủng hộ. Ông ta có dám làm đảo chính không ? Hôm sau tôi trở lại nhà Nguyễn Cao Kỳ, cho ông ta biết ý của thượng tọa Thiện Minh. Kỳ ưng chịu ngay. Ông ta nói về phía Mỹ ông ta sẽ cử người đi vận động, vì đảo chính mà không được Mỹ ủng hộ thì không thể thành công. Kỳ cũng đi vận động Dương Văn Minh tham gia. Tôi ráp mối cho Nguyễn Cao Kỳ gặp thượng tọa Thiện Minh, ông ta nói sắp xếp xong sẽ cho tôi biết thời gian gặp. Lúc đó thượng tọa Thiện Minh cáo ốm vào nằm Bệnh viện Sùng Chính đợi Nguyễn Cao Kỳ suốt cả tuần lễ nhưng không thấy tin tức gì. Tôi lại đến nhà Nguyễn Cao Kỳ. Ông ta nói rằng người Mỹ dứt khoát không ủng hộ, còn ông Dương Văn Minh thì không chịu hợp tác. Ông ta đề nghị: Chỉ còn một cách thôi, Phật giáo cứ đưa phong trào lên, tôi sẽ nhân cơ hội đó đặt người Mỹ vào một chuyện đã rồi. Nhưng thượng tọa Thích Thiện Minh vẫn một mực đòi hỏi ngược lại: Nguyễn Cao Kỳ phải công khai xin lỗi Phật giáo, rồi làm đảo chính, lúc đó Phật giáo sẽ đưa phong trào ra ủng hộ cuộc đảo chính này. Cuối cùng, hai bên đều bỏ cuộc".
Logged
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2008, 02:18:41 pm »

Mật vụ và chính khách

Sau việc "xúi" Nguyễn Cao Kỳ đảo chính Nguyễn Văn Thiệu không thành công, khi phong trào chống Thiệu bùng phát dữ dội, ông Ba Quốc bảo ông lại xáp vào làm một cuộc vận động nữa nhưng cũng thất bại. Ông rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại các hoạt động.

Năm 1972 là năm có nhiều biến cố quan trọng. Nếu năm 1971 quân giải phóng mới tiêu diệt địch “dã ngoại” thì năm 1972 đã tiêu diệt địch ở những cứ điểm rắn nhất, giải phóng Quảng Trị, đánh đường 13 bao vây An Lộc... Mặc dù quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ không quân và hải quân với quy mô chưa từng thấy, mặc dù Mỹ điên cuồng ném bom dữ dội xuống Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972, nhưng đây cũng là năm Mỹ phải chấp nhận thất bại, buộc phải ký Hiệp định Paris vào đầu năm 1973. Đây cũng là năm mà các phái đoàn quân sự từ Mỹ, Pháp, Thái Bình Dương... qua Sài Gòn nghiên cứu đông nhất, cũng là năm mà các tướng tá quân đội Sài Gòn dao động chưa từng thấy. Lúc này ông Ba Quốc đã mở rộng thêm được nhiều mối quan hệ.

Về quân sự, từ năm 1971 ông lợi dụng mâu thuẫn giữa Đặc ủy trưởng Nguyễn Khắc Bình với Tổng tham mưu trưởng quân đội Cao Văn Viên để lấy cắp các tài liệu của Bộ Tổng tham mưu mà người cung cấp chỉ biết ông lấy cho Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Ông còn thân thiết với Giám đốc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ Tổng tham mưu Vũ Văn Nho, với nhiều phòng ban của Bộ Tổng tham mưu, rồi mở rộng quan hệ với chuẩn tướng Vũ Văn Giai (Quân đoàn I) và trung tướng Ngô Du (Quân đoàn II), với Phó đại sứ Mỹ Comer, với các sĩ quan Mỹ trong cơ quan MACV... Ông không chỉ lấy được những tài liệu nguyên bản về hồ sơ trận liệt suốt từ năm 1971 đến 1974 mà còn báo những tin quan trọng về tình trạng suy sụp của Quân đoàn 2 và kế hoạch sử dụng địa phương quân của Ngô Du, về mức độ tan vỡ của hai binh chủng Dù và Thủy quân lục chiến, về việc Lonnol gặp Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị thành lập các trung đoàn hỗn hợp dọc biên giới Việt Nam -Campuchia, thông tin xung quanh việc Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội...

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ một mặt ồ ạt đổ chiến cụ vào miền Nam, mặt khác tiếp tay cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm hiệp định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Lúc này ngoài tin tức về quân sự, ông Ba Quốc được chỉ thị đi sâu vào các tổ chức chính trị và các phe phái đối lập.

Ông kể: "Kinh nghiệm cho thấy tôi có nhiều khả năng cố vấn những âm mưu chống lại chính quyền bao nhiêu thì càng khai thác được nhiều tin tức bấy nhiêu. Chẳng hạn, tôi "gà bài" cho dân biểu Vũ Công Minh (Vũ Công Minh, người của Hòa Hảo, trước đây dẫn đường cho ông gặp Trịnh Quốc Khánh hồi ông còn làm ở Sở Nghiên cứu chính trị, nên thân với ông từ đó - PV) thì không những tôi khai thác được tin tức của các phe phái Hòa Hảo mà còn sử dụng ông ta điều tra các phe phái tay chân của Mỹ hay của Nguyễn Văn Thiệu trong Hạ viện. Góp ý với Thái Lăng Nghiêm (thượng nghị sĩ) cách chống Nguyễn Văn Thiệu, tôi có thể sử dụng ông ta điều tra bàn tay của Mỹ, của Thiệu hay của Công giáo trong Thượng viện... Còn đối với linh mục Hoàng Quỳnh, lúc đó muốn thành lập Mặt trận nhân dân đòi hòa bình, tự do dân chủ với chủ trương muốn Chính phủ của Thiệu nói chuyện với Hà Nội còn mặt trận của ông ta nói chuyện với Mặt trận dân tộc giải phóng. Linh mục Quỳnh đã liên lạc được với Cao Đài, Hòa Hảo, nhưng chưa liên lạc được với Phật giáo Ấn Quang. Âm mưu của người Mỹ là sử dụng linh mục Hoàng Quỳnh để thành lập "mặt trận liên tôn" chống cộng, nên phải lôi kéo Phật giáo tham gia, vì nếu Phật giáo không tham gia thì các tôn giáo khác sẽ không theo. Tôi hứa với linh mục Quỳnh liên lạc với Phật giáo. Và khi gặp người của thượng tọa Trí Quang, tôi biết ông Trí Quang nắm rõ âm mưu của Mỹ nên không bao giờ hợp tác với Hoàng Quỳnh...".

Ông Ba Quốc kể tiếp: "Để có thể nắm được sát âm mưu của địch trong việc thi hành hiệp định và để nếu chính phủ ba thành phần được hình thành thì tôi đã nằm được trong phe cực hữu, tôi bắt đầu tham gia vào các tổ chức chính trị. Đầu tiên tôi gia nhập lực lượng nhân dân kiến quốc của luật sư Lê Trọng Quát với cương vị Ủy viên Trung ương phụ trách Tổng bộ chính trị. Tiếp đó, trước khi Nguyễn Văn Thiệu đi Mỹ gặp Nixon, ông ta liên lạc với Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Đảng Công nông, Nguyễn Ngọc Huy, Tổng thư ký Tân Đại Việt và Lê Trọng Quát yêu cầu lập mặt trận rộng rãi vừa để hậu thuẫn cho ông ta gặp Nixon vừa sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh chính trị để củng cố quyền lực. Sau nhiều ngày họp tại trụ sở Tổng liên đoàn Lao công, "Mặt trận quốc gia xã hội" được thành lập, gồm Đảng Công nông, Tân Đại Việt, Lực lượng nhân dân kiến quốc Việt Nam Quốc dân Đảng (nhóm Nguyễn Đình Lương), Việt Nam Dân chủ xã hội Đảng (nhóm Hòa Hảo của Lâm Thành Nguyễn) và Đảng Xã hội của Trương Lương Thiện (Cao Đài). Tôi tham gia mặt trận này với cương vị Ủy viên Trung ương phụ trách Tổng bộ Lao động". Việc tham gia hoạt động chính trị như vậy cũng là "chức năng" của ông ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, vì phủ này cũng cần đưa mật vụ vào nắm giữ các vị trí trong các tổ chức chính trị, bởi vậy coi như ông làm một công đôi việc. Bên cạnh các tin tức quân sự, tin tức chính trị ông gửi lên cấp trên trong thời kỳ này là nhiều nhất...


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM