Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 08:04:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tình báo VN trong KCCM  (Đọc 116043 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #110 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2011, 10:44:49 am »

CIA giải mật các điệp vụ xâm nhập miền Bắc Việt Nam (Tiếp theo)



Bồ câu đưa tin

Trước tình trạng mất tích của hầu hết các nhóm điệp viên được huấn luyện bài bản và trang bị những phương tiện kỹ thuật điện đài tối tân nhất, CIA bắt đầu tính đến phương thức liên lạc nguyên thủy của nghề tình báo là sử dụng bồ câu đưa tin. CIA cho rằng sử dụng bồ câu đưa tin ngay khi điệp viên vừa xâm nhập vào miền Bắc, trước khi tìm được địa điểm an toàn để phát tín hiệu rađiô sẽ giúp tránh được những rắc rối đầu tiên thường gặp phải.

Đặc biệt, thông điệp từ chim bồ câu được CIA kỳ vọng sẽ phá vỡ mọi kế hoạch của an ninh Bắc VN khi biến nhóm biệt kích bị bắt giữ thành điệp viên hai mang. Cùng với kế hoạch chim bồ câu, Văn phòng CIA tại Sài Gòn cũng bắt đầu cho mỗi nhóm điệp viên mang theo hai bộ phát tín hiệu rađiô: Một để liên lạc với Sài Gòn, một để các nhóm đã xâm nhập vào miền Bắc VN có thể thông tin với nhau.

Điệp viên đa năng

Trước đó, vào tháng 5/1963, để tăng cường khả năng của các nhóm điệp viên, Tổng hành dinh CIA đã phái chuyên gia Herbert Weisshart tới Sài Gòn phụ trách công tác huấn luyện đặc biệt. Các điệp viên được tuyển lựa đều là người miền núi và được huấn luyện để có thể có khả năng thực hiện nhiều sứ mệnh của điệp viên đa năng.


Bản đồ mật của CIA về các vụ xâm nhập miền Bắc bằng đường biển năm 1961-1963.

Nhóm Easy từ lò đào tạo trên đã nhảy dù xuống khu vực gần biên giới Lào ngày 11/8/1963 và nhanh chóng liên lạc về Sài Gòn. Nhóm Swan cũng được Herbert huấn luyện để thực hiện cùng lúc nhiều sứ mệnh như rải truyền đơn, thu thập tin tình báo và phá hoại các mục tiêu. Tuy nhiên, Swan không gặp may như nhóm Easy.

Nhảy dù xuống phía bắc tỉnh Cao Bằng, các điệp viên đa năng được đặt nhiều kỳ vọng trong nhóm Swan nhanh chóng bị lực lượng an ninh Bắc VN bắt giữ. Văn phòng CIA tại Sài Gòn lần này may mắn hơn khi biết ngay việc Swan thất bại.

Trước sức ép từ nhiều phía, CIA bắt đầu chú trọng đến cuộc chiến tranh tâm lý bằng việc rải truyền đơn ở miền Bắc VN. Tổng hành dinh CIA tại Mỹ thậm chí đứng ra đề cử nhóm Bull và Ruby thực hiện sứ mệnh này, nhưng cả hai đều bị bắt giữ khi xâm nhập vào miền Bắc VN tháng 10 và tháng 12/1963.

Tới tháng 4 và 5/1964, báo chí ở Hà Nội mới đưa tin về việc bắt giữ và mở phiên tòa xét xử nhóm Bull, Ruby. Hai nhóm này đã bắt đầu nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của quân đội Mỹ sẽ tiếp quản sứ mệnh xâm nhập miền Bắc của CIA từ năm 1964.

Cùng thời điểm trên, CIA cũng được an ủi phần nào khi hàng loạt vụ xâm nhập đã mang lại kết quả ban đầu dù rất hạn chế và chưa bao giờ được chứng minh là có thật. Nhóm nằm vùng ở Tây Bắc VN báo cáo đã gây ra vài vụ nổ trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Trong báo cáo của Văn phòng CIA gửi về Tổng hành dinh ở Mỹ không nói rõ đây là nhóm nào, nhưng các tài liệu cho biết đây là nhóm Bell đã bị lực lượng an ninh bắt giữ và có thể đã trở thành điệp viên hai mang. Nhóm khác, cũng không nói rõ tên trong báo cáo, thông báo đã phá hủy được một cây cầu. Trong khi đó, quan chức cấp cao Mỹ bắt đầu có ý kiến rằng CIA không thích hợp cho những điệp vụ xâm nhập miền Bắc với sứ mệnh ngày càng mở rộng. 

Những tháng cuối năm 1963, CIA tổ chức một số vụ xâm nhập cuối cùng bằng đường biển trước khi chuyển giao hoạt động bí mật này cho quân đội. Ngày 27/10, CIA tổ chức một nhóm khá hùng hậu để đưa một điệp viên xâm nhập vào bờ biển Đồng Hới. Tuy nhiên, điệp viên này biến mất một cách khó hiểu và nhiều khả năng bị an ninh Bắc VN phát hiện, bắt giữ.

Cuối năm 1963, CIA nỗ lực đưa hai nhóm điệp viên xâm nhập vào vùng bờ biển miền Bắc VN, nhưng cả hai đều phải chạy trở lại thuyền do không an toàn. Cùng lúc đó, CIA tiếp tục bị choáng váng vì ngày 24/12, Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử nhóm biệt kích làm tay sai cho Mỹ. Đây là nhóm thứ 10 bị xét xử từ tháng 6/1963. 6 biệt kích do CIA huấn luyện bị tuyên án từ 5 đến 16 năm tù.

Dường như để đáp trả, ba tuần sau (ngày 14/1/1964), CIA cho tàu đưa nhóm người nhái Zeus và Charon xâm nhập vào Đồng Hới từ đường biển. Nhóm Zeus được báo cáo là thực hiện sứ mệnh "có thể thành công" khi giấu được túi thuốc nổ có hẹn giờ trên bờ biển sau đó trở lại thuyền an toàn.

Charon cũng thực hiện được một vụ nổ trên sông nhưng không rõ có gây thiệt hại gì cho Bắc VN. Tuy nhiên, kết quả rõ ràng nhất  là một nửa nhóm người nhái không trở lại tàu. Ngày 28/1/1964, Hà Nội lại tiến hành xét xử nhóm 6 biệt kích xâm nhập bằng đường biển với mức án từ 4 đến 15 năm tù.
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #111 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 12:40:42 am »

Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng


Hàng chục năm qua, dư luận báo chí trong và ngoài nước đều biết và ngưỡng mộ tấm gương của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương, người từng bị CIA và Mỹ - ngụy cưa cụt chân 6 lần để moi thông tin tình báo. Đoạn đời anh hùng đó đã từng được viết thành sách, dựng thành phim. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cho đến nay, những chiến công của Nguyễn Văn Thương - giai đoạn trước và sau khi bị cưa chân - mới được phép công bố.


Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương vẫn hạnh phúc dù không còn đôi chân.

"Ngắt đầu" Ngô Tổng thống

Nhà tình báo anh hùng Nguyễn Văn Thương vẫn cảm thấy rằng thiệt thòi rất lớn của ông là thiếu tình thương của mẹ và sự vắng bóng của cha. Chính vì vậy mà cả cuộc đời mình, ông đều tâm nguyện thực hiện theo những gì cha mẹ đã làm, dù thấy trước cảnh chết chóc, tù đày… của những người làm "quốc sự". 

Thương mồ côi mẹ quá sớm nên cha ông dành hết tình thương cho đứa con và gửi Thương vào Trường Đạo đức Học đường (thuộc phạm vi quản lý của Tòa thánh Cao đài Tây Ninh).  Tấm bằng tốt nghiệp loại ưu của trường như một giấy thông hành giá trị". Và chính vì có "giấy thông hành", những nhiệm vụ đầu tiên của Nguyễn Văn Thương như mang tài liệu từ Tây Ninh lên Long Khánh, rải truyền đơn trong đồn điền cao su Xuân Lộc (hiện đều thuộc Đồng Nai)… đều được anh thực hiện rất hoàn hảo.

Cũng trong thời gian công tác ở Long Khánh, Xuân Lộc, Nguyễn Văn Thương đã làm quen và được một nữ giáo dân tên Xuân cùng vị linh mục khu vực này và được họ quý mến. Sau này, chính vị linh mục và Xuân đã giúp đỡ anh  rất nhiều trong những cơn nguy biến.

Ngày 15/10/1958, một hội chợ triển lãm mang màu sắc chính trị diễn ra tại Biên Hòa. "Tổ công tác phong trào cách mạng của đồn điền cao su Xuân Lộc" gồm Nguyễn Văn Thương, Trịnh Minh Thành, Hai Gáo, Năm Ninh quyết định tham gia hội chợ với "món quà" bất ngờ là rải truyền đơn. Xong nhiệm vụ chính, Thương và đồng chí của mình hòa vào đám đông đang ngắm nghía chiếc xe bọc vải nhung kết hoa sặc sỡ. Nhìn thấy trên xe là hình nộm Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc áo gấm đội khăn, Thương sôi máu bàn với Năm Ninh “phải ngắt cổ Ngô tổng thống để hạ uy tín địch và nâng vị thế Cách mạng”.

Tuy việc này chưa được sự cho phép của tổ chức song thấy quá "ngon ăn", tất cả họ đều đồng ý tác chiến. Thương xung phong thực hiện. Xe chuyển bánh, Thương vờ hò hét dọn đường như một lơ xe thứ thiệt và đợi cho tài xế không quan sát phía sau, anh nhảy ngay lên thùng xe. Hàng ngàn cặp mắt đang dõi theo xe diễu hành cứ ngỡ Thương là người bảo vệ hình nộm Ngô tổng thống.

Xe chạy chầm chậm đến quãng vắng, Thương bắt đầu nấp sau lưng hình nộm, kiễng chân cắt dây chằng néo hình nộm và dây điện (dùng điều khiển tay chân hình nộm cử động). Phải hơn 15 phút đứng hành động và có khi đứng im sau lưng hình nộm để tránh bị phát hiện, Thương mới hất được cái đầu Ngô tổng thống làm bằng thạch cao rơi xuống thùng xe. Nhanh nhẹn ôm cái đầu hình nộm, Thương chọn quãng đường vắng nhảy xuống đất, lăn mấy vòng dạt vào bụi cỏ ven đường rồi đập nát bét cái gương mặt đúc thạch cao của Ngô Đình Diệm.

Sau này, lý giải cho hành động trên, ông bảo: "Nếu để nguyên cái đầu trên xe, địch sẽ gắn lại. Nếu quẳng xuống đất, xe sau sẽ nhặt được. Cho nên tôi quyết đập nát cái đầu hình nộm dù rằng do ôm cái đầu thạch cao của họ Ngô nhảy xe, tôi bị trẹo gân chân, đi cà nhắc". Cả tổ công tác theo dõi chiếc xe chở bức tượng cụt đầu vào khu vực dân cư, nơi có hàng ngàn giáo dân chứng kiến hình ảnh quái dị của Ngô tổng thống. Có người bàn tán là Việt Cộng làm, có người la làng đùn nhau đi chặn xe lại báo cáo tình hình (nhưng rút cục chẳng ai dám vì sợ bị nghi ngờ), người thì quỳ lạy hay làm dấu thánh… Trong khi đó cả tổ công tác của Thương rút lui êm đẹp.

Cũng trong giai đoạn này, một chiến công thầm lặng khác của Nguyễn Văn Thương ít được biết đến là tử hình tên ác ôn tên Thạnh, một kẻ lấy giết chóc làm vui và dùng chính máu của những nạn nhân mà hắn cho là Việt Cộng để pha rượu… uống! Tên Thạnh lúc nào cũng lận súng trong người và thường phóng xe rất nhanh. Một buổi trưa, Thương phục kích Thạnh trên đường hắn trở về nhà. Khi đầu ruồi súng của anh đã xê dịch trên thân thể của Thạnh thì bỗng dưng tên này chạy chậm lại và thế là nhiều thường dân khác cũng nằm trong tầm ngắm của ruồi súng. Thương nghiến răng bỏ qua cơ hội.

Nguyễn Văn Thương trong vỏ bọc Đại úy Ngọc tại Sài Gòn năm 1968.

Sau đó mấy ngày, lúc quyết định chặn đường bắn thẳng vào mặt tên ác ôn, Thương kiểm tra lại vũ khí lần chót thì tá hỏa phát hiện ra đạn đã rỉ sét. Lại phải rút, nghề điệp báo không sợ hy sinh nhưng cũng không thể hy sinh vô ích.

Rồi thời cơ cũng đến. Một đêm tối trời, Thương trèo tường đột nhập nhà Thạnh rồi nép mình trong góc tối, thực hiện án tử hình tên ác ôn bằng… rựa. Anh làm nhanh đến mức tên Thạnh không kịp kêu. Xong, Thương đặt bản án trên bàn, mở tủ lấy khẩu súng của tên Thạnh rồi rút lui. Phía ngoài kia, đồng đội của Thương cũng rải xong mớ truyền đơn cảnh cáo.

Sau trận đánh này, Thương được kết nạp vào Đoàn. Tổ chức đã đưa anh trở về quê hương Tây Ninh với một vỏ bọc mới, có sự bảo lãnh của một vị linh mục ở Xuân Lộc cùng tấm bằng do Tòa thánh Tây Ninh cấp khi xưa. Về đến ngôi nhà cũ, Thương treo ngay lá cờ ba sọc trước cửa, hình Ngô Đình Diệm trong nhà và các khẩu hiệu "Diệt Cộng tố Cộng" rồi lập cơ sở bán bánh mì. Nhiều bà con thân phía mình nhìn anh bằng cặp mắt dè chừng thiếu thiện cảm. Anh bảo: "Nghĩ lại thấy mình vẫn còn may, dù bị cưa cụt cả 2 chân, nhưng vẫn còn sống để minh oan cho chính mình".

"Đại úy Tổng nha cảnh sát" và cuộc giải cứu hy hữu

Sang năm 1960, Nguyễn Văn Thương được điều chuyển sang lực lượng công an vũ trang. Ngày 10/2/1961, Thương được ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đưa vào Phòng Tình báo phía Nam, thủ trưởng là ông Mười Nho, biệt hiệu đơn vị là D110. Thương nằm trong mũi tình báo giao thông (không gọi là giao liên đưa tin như các đơn vị quân đội khác), chịu trách nhiệm chuyển thông tin  lấy được từ nội thành ra chiến khu và ngược lại.

Một lần, cấp trên giao nhiệm vụ cho Thương phải đo chính xác cự ly từ ấp chiến lược Bình Giã đến Hương lộ 15. Đoạn đường này vốn là vị trí trọng yếu cốt tử nên bảo an, dân vệ và nhiều sắc lính mật khác canh gác rất nghiêm mật. Hôm ấy từ hướng Long Khánh đi lên, Thương đã bị ngay một tên mật thám bám đuôi. Nhớ tới mối quan hệ với vị linh mục năm nào, Thương bình tĩnh di chuyển đến nhà thờ và quẹo vào, chắp tay xin làm lễ theo đúng kiểu của một con chiên ngoan đạo. Do đã biết về Thương một phần và ngầm hiểu sự nguy hiểm đang kề cận, vị linh mục vội vẫy tay cho anh lại quỳ gần hơn và làm lễ ban  phép.

Khi đã qua giai đoạn kịch tính, biết Thương cần đến Bình Giã "có việc riêng", vị linh mục lấy xe hơi chở Thương cùng với một nữ tu chạy từ từ qua tất cả các chốt gác. Nhờ vậy mà Nguyễn Văn Thương đo được khoảng cách từ ấp đến hương lộ. Sau này kể lại, Nguyễn Văn Thương nói: “Lúc ấy có thể linh mục chỉ biết lờ mờ tôi là người cách mạng, chứ không rõ nhiệm vụ của tôi là làm gì, vậy mà ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ”.

Trong thời gian  làm giao thông tình báo, Nguyễn Văn Thương được cấp trên chuẩn bị cho một số giấy tờ, căn  cước giả, ẩn mình dưới vỏ bọc "Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA". Lúc đó trong ví của Thương toàn giữ hình tổng thống, cờ ba sọc, hình khỏa thân và giấy tờ giả. Phía ta có một người làm giấy giả siêu tinh vi là anh Tám Chứa (hiện ở Tân Bình). Sau giải phóng gặp lại, ông Tám Chứa vẫn còn trêu Thương: "Nhờ chữ ký (giả) của tôi trên giấy tờ mà cậu mới tự do tung hoành. Giờ có huân chương, huy chương gì phải chia đôi".

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương cùng vợ con.

Tuy nhiên, giấy tờ, căn cước giả Nguyễn Văn Thương chỉ thủ sẵn trong người để phòng hờ, cố giữ gìn để hầu như không phải sử dụng đến. Với vỏ bọc này mà suốt nhiều năm liền ở các mũi, Nguyễn Văn Thương hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ chuyển được rất nhiều tin tình báo, trong đó có cả thông tin do các nhà tình báo xuất sắc Ba Quốc (Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức) từ Tổng nha Cảnh sát ngụy, của ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ từ Phủ Tổng thống, của ông Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn) từ nội thành… về chiến khu.

Một lần, Thương cứu sống kịp thời cho một người đàn bà cụt tay gần chết do mất máu vì trúng đạn càn của giặc. Bà mẹ này tên Nguyễn Thị Huệ, có một người con là Nguyễn Mạnh Hùng, trung úy cảnh sát ngụy. Hai mẹ con họ xúc động nhận Thương làm con nuôi và anh trai kết nghĩa. Hơn thế nữa, người con tên Hùng đã quyết định làm việc cho cách mạng trong vỏ bọc có sẵn. Hai mẹ con tự lấy bí danh cho mình, mẹ là Giác, con là Ngộ.  Sau giải phóng, anh Ngộ trở thành thượng úy Công an nhân dân của ta.

Một hôm, từ giấy tờ, tài liệu do trung uý Nguyễn Mạnh Hùng lo, Thương đã nhập vai "đại úy Đức"  đi thanh tra các trạm từ Tây Ninh về Sài Gòn.  Các đồng chí của anh thì trở thành lái xe, tùy tùng trong các bộ quân phục và giấy tờ hợp pháp. Riêng trung úy Nguyễn Mạnh Hùng vẫn giữ nguyên vỏ bọc sẵn có.  Nhiệm vụ của "đại úy Đức" là phải "bảo kê" xe chở vũ khí của ta qua được 12 trạm gác của địch. Xe Jeep vừa dừng lại, barie đã được mở ra, mấy tên lính gác đứng nghiêm chào "đại úy Đức" đang ngồi dạng chân ngậm thuốc, đeo kính râm vẻ phớt đời. Tên trạm trưởng chạy ra khúm núm: "Chúng tôi đã nhận được công văn từ Ty Cảnh sát Tây Ninh báo rằng đại úy sẽ đi thanh tra các trạm. Mời đại úy vào uống cà phê".

"Đại úy Đức" cùng trung úy Hùng bước vào trong. Trên bàn đã thấy sẵn mấy phin cà phê, dĩa bánh bao nóng hổi cùng chai rượu. "Đại úy Đức" kẻ cả: "Đang ăn sáng hả, giờ nầy phải làm việc chứ?". Nghe vậy, tên trạm trưởng rối rít: "Dạ nghe tin đại úy đi thanh tra, tụi em chuẩn bị để mời đại úy đó chứ". "Đại úy Đức" xoa dịu: "Thôi, cứ hưởng trước đã. À, anh bảo mấy thằng lính khi gặp 2 xe chở bành mủ cao su từ Tây Ninh lên thì báo tôi biết vì anh bạn chủ hàng là bạn tôi".

Muốn lấy lòng cấp trên, tên trạm trưởng xun xoe: "Đại úy cứ yên tâm, ở đây không gì qua mắt được bọn em hết. Tụi bây ra ngoài hễ thấy 2 xe chở mủ cao su thì kính mời mấy thầy xuống trạm uống cà phê chơi". Trong thâm tâm, có lẽ hắn nghĩ tay "đại úy Đức" nầy cũng "cá mè một lứa" như hắn, lợi dụng ngày cuối năm để buôn hàng kiếm thêm…

Trong khi đó ở phía ngoài, trung úy Nguyễn Mạnh Hùng cùng mấy tay cảnh sát viên đường hoàng khoát tay cho 2 xe "chở mủ cao su" qua trót lọt. Bằng cách ngoạn mục như trên, 2 xe chở đầy vũ khí đã được "đại úy Đức" và trung úy Ngộ đưa qua trót lọt 12 trạm gác, về đến nội thành một cách an toàn kịp thời phục vụ cho chiến dịch lớn.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2011/8/75809.cand
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #112 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 12:43:45 am »

Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng (Tiếp theo)


Trận đánh đáng nhớ nhất là tiêu diệt toàn bộ 1 trung đội Mỹ đang tập kết chuẩn bị xăm hầm. Đêm đó, Thương và hai đồng chí trinh sát khác cởi trần, mình trét bùn sình như đặc công, bò tiếp cận trung đội Mỹ đang ăn uống. Họ cài 3 trái mìn ĐH10 ở ba phía rồi bò lui ra...


Đồng chí Nguyễn Văn Thương khi an dưỡng ở Miền Bắc.

Giải cứu đồng đội

Ngay sau khi áp tải xe vũ khí về nội thành an toàn giao cho các cơ sở, chiếc xe jeep chở họ quay ngược về Củ Chi để vào quận cảnh sát ngụy. Gặp mặt tên đại úy quận phó, "đại úy Đức" thờ ơ đưa thẻ và công lệnh cho hắn xem rồi ung dung cùng trung úy Ngộ tu bia lạnh. Nội dung của công lệnh là kiểm tra tuyến đường và người kiểm tra là "đại úy Đức" ở Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt.

Tên quận phó thừa biết tuy cấp bậc cả hai người ngang nhau nhưng đối với một người làm việc ở Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt, chỉ cần một lời nói không hài lòng của "đại úy Đức" đến tai Tổng nha Cảnh sát, hắn cũng không còn cơ hội để ngoi lên. Vì vậy khi "đại úy Đức" hỏi: "Nghe nói quận ta bắt được một nữ giao liên Việt Cộng, tên này là đầu mối liên lạc với một Việt Cộng vừa bị Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt bắt", tên quận phó đã hỏi ngay: "Dạ đại úy có thể cho em biết danh tính tên nữ giao liên?". Chỉ chờ có vậy, "đại úy Đức" vẫn giữ vẻ lãnh đạm, nói cộc lốc: "Nguyễn Thị Ngọc".

Thấy mặt tên quận phó nghệch ra, "đại úy Đức" đoán được tên này chưa nắm được tình hình gì. "Đại úy Đức" suy luận nếu như biết Nguyễn Thị Ngọc là Việt Cộng nòi, ắt hẳn hắn đã dùng mọi biện pháp để khai thác sớm, chứ không để đến khi được hỏi, tức là đến khi Nguyễn Thị Ngọc đã bị tạm giam đúng 1 tuần… Quay sang tên cảnh sát phụ trách sổ sách, tên quận phó hỏi: "Nó bị sao?". Trả lời: "Dạ chiêu hồi chỉ điểm nên bắt được con Nguyễn Thị Ngọc. Nhưng nó chưa khai gì mới".

Tên quận phó tự nhiên nghẹn họng. Hắn nhận ra sự sơ xuất của mình rồi như khỏa lấp, hắn quay sang hỏi ý kiến. "Đại úy Đức" trách: "Đáng lẽ ngay lúc bắt được, phải chuyển ngay tên này lên Tổng nha để khai thác. Ở đây mấy anh chỉ biết đấm đá là xong, chẳng được mẹ gì. Để lâu động ổ, tụi nó rút hết, có khai thác được thông tin gì từ Nguyễn Thị Ngọc cũng vô ích". Hai tên cảnh sát ngụy tái mặt không còn hột máu khi nghe bề trên trách móc. Chúng biết khi tin này về đến Tổng nha, tội của chúng rất nặng vì khinh suất và chủ quan. Trong khi "đại úy Đức" bóp trán suy nghĩ thì cả hai cứ đi lòng vòng, xoa tay van nài xin cấp trên chỉ giáo.

Đợi cho cả hai ngấm đòn và đến khi tên quận phó buột miệng "xin đại úy chỉ dạy", "đại úy Đức" mới làm ra vẻ ban ơn: "Thôi được rồi, tôi sẽ ký nhận đưa tên Việt Cộng này về khối. Nhưng đại úy phải sửa lại ngày bắt nó, sửa lại cách đây chừng vài ngày thôi, rồi chuyển nó đi liền hôm nay, cho nó hợp lệ".

Tên cảnh sát mang hồ sơ trình cho tay quận phó, hắn lướt sơ qua rồi ký nhoay nhoáy, kính cẩn đưa sang "đại úy Đức" ký nhận cùng cây bút đưa tận tay. Xong việc, chúng cho lính dìu người nữ giao liên mặt mũi bê bết máu ra xe của Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt và lễ phép chào "đại úy Đức", mặt hắn dãn ra như vừa trút được một gánh nặng. Trời đã chạng vạng, trên chiếc xe jeep lao đi rất nhanh hôm ấy, không ai thốt lên được lời gì trước chiến công quá lớn bởi Nguyễn Thị Ngọc là một đầu mối quan trọng nắm nhiều đầu mối giao liên, biết nhiều đường dây của ta. Mãi đến khi được hai "cảnh sát" dìu đỡ bước xuống và nghe được câu hỏi "đồng chí có đau lắm không?", Nguyễn Thị Ngọc mới òa khóc như chưa từng được khóc!

Chỉ huy cụm tình báo A36 trong  trận càn Cedar Fall

Về nguyên tắc hoạt động, các cụm tình báo phải rất tách biệt nhau, tránh tiếp xúc nhau và các điệp viên không thể biết thủ trưởng các cụm tình báo khác cụm mình đang hoạt động. Tuy nhiên ở Nguyễn Văn Thương thì lại khác. Ông được cấp trên tin cẩn đưa đi nhiều cụm tình báo và đến năm 1967 thì về làm mũi trưởng mũi giao thông Cụm tình báo A36 lo việc chuyển về căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R) các thông tin do ông Ba Quốc (Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức) lấy được. Ông Ba Quốc đã nhập vai sĩ quan cao cấp trong CIA suốt 24 năm và nếu như Nguyễn Văn Thương khai (khi bị bắt và bị cưa chân) ra, cách mạng sẽ mất mát rất lớn, ấy là chưa kể đến các đồng chí khác như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu…cũng có nguy  cơ sẽ bị lộ vì Thương đã có mặt ở rất nhiều cụm tình báo chiến lược khác nhau liên quan đến các nhà tình báo xuất sắc này.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương và người thân.

Ở Cụm A36, ngoài anh Ba Hội làm cụm trưởng, còn có anh Bảy Anh làm cụm phó kiêm bí thư chi bộ. Căn cứ đóng ở một địa đạo phía Nam Bến Cát (Bình Dương hiện nay) ven sông Sài Gòn, đối diện căn cứ địa đạo Củ Chi. Lúc ấy rất nhiều cơ quan quan trọng của Đảng, rồi các đơn vị của thanh niên, phụ nữ, tuyên huấn cũng đóng dày đặc xung quanh đó. Bởi vậy nên Mỹ mới mở trận càn Cedar Fall tung 35.000 quân, 700 xe tăng, xe ủi đất và hàng trăm lượt máy bay bỏ bom, hàng ngàn lượt pháo nhằm xóa trắng căn cứ Nam Bến Cát. Lúc đó anh Ba Hội đang ở Sài Gòn, anh Bảy Anh không có mặt nên tất cả nhiệm vụ tại căn cứ, Nguyễn Văn Thương phải gánh. Ngoài chuyện bảo vệ cơ quan mình, anh còn được lệnh phải báo cáo tình hình từng ngày.

Những ngày đầu của trận càn quy mô lớn có tên Cedar Fall, hầu như tất thảy mọi người trong hầm đều bị chảy máu lỗ tai do sức ép của bom. Những ngày sau đó, địch thả bom na-pan đốt cháy tất cả những gì hiện hữu. Nằm dưới hầm mà nóng đến độ phồng da, nước tiểu cũng không còn để uống, đói vàng mắt nhưng hầu như không ai có thể chui lên mặt đất. Chỉ đến khi anh em tiếp tục khoét sâu hơn nữa vào lòng đất, chui xuống thì mới không bị chết cháy.

Đến ngày thứ 16 Mỹ bắt đầu hút nước từ sông Sài Gòn lên bơm vào địa đạo. Anh em trong đơn vị chia khúc địa đạo, lấp kín hết các ngách và tập trung vào ngăn giữa, nơi mà cả hai đầu đều được bịt kín. Nhờ vậy mà thoát chết. Địch thả khí độc vào địa đạo, tất thảy mọi người đều im lặng đắp khăn ướt, úp mặt xuống đất nên tuy có bị chảy máu mũi nhưng cũng không ai hy sinh.

Họ dùng mìn tự tạo, 6 trái mìn định hướng ĐH10 được trang bị sẵn, Thương trèo lên ngọn cây, cột mìn lên theo hướng cho nổ hắt lên cao… Chiều hôm sau, một chiếc trực thăng chở đồ tiếp tế thả xuống đất, quả mìn nổ tung máy bay và làm chết nhiều lính Mỹ đang nhặt đồ hộp phía dưới. Đồng đội của Thương gài 5 quả, nổ hết 4, diệt 4 xe tăng.  Riêng các loại mìn tự tạo cũng tiêu diệt thêm 12 xe ủi đất và bọc thép của giặc.

Trận đánh đáng nhớ nhất là tiêu diệt toàn bộ 1 trung đội Mỹ đang tập kết chuẩn bị xăm hầm. Đêm đó, Thương và hai đồng chí trinh sát khác cởi trần, mình trét bùn sình như đặc công, bò tiếp cận trung đội Mỹ đang ăn uống. Họ cài 3 trái mìn ĐH10 ở ba phía rồi bò lui ra. Thương bắn thẳng một phát B40 vào đội hình địch, chúng nhốn nháo chạy tán loạn, đồng đội chập điện cho nổ liên tiếp mìn định hướng, toàn bộ lính Mỹ nằm rạp chết. Để chắc ăn, anh bồi thêm một phát B40 nữa rồi mới cùng đồng đội thu gom vũ khí, lương thực của chúng, chui xuống hầm an toàn.

Tuy nhiên dù có bảo toàn được lực lượng nhưng đồng bào trong vùng bị càn cũng chết rất nhiều vì bom đạn.

Đến ngày thứ 26 của trận càn thì Thương được lệnh quay về ấp chiến lược để nhận chỉ đạo. Vượt làn đạn hiểm nguy, băng qua sông Sài Gòn để vào phía nam huyện Củ Chi, Thương giả dạng dân cày chui vào ấp chiến lược Mỹ Phước nhận lệnh. Ngay trong ngày hôm đó, Thương lại phải quay về vì cấp trên lệnh: "Nguyễn Văn Thương chỉ huy đưa hết toàn bộ lực lượng cách mạng trong vùng bị càn, vượt sông về vùng giải phóng ở phía bắc Củ Chi để tránh tổn thất"…

Công việc dọn đường, tạo ám hiệu, bố trí bến đón, dự trù thực phẩm, trinh sát để đưa 175 cán bộ vượt sông Sài Gòn, chiếm mất một tuần lễ.  Thương phân công cắt  đặt kỹ lưỡng và luôn có mặt trên từng chuyến xuồng qua - lại để chở hết 175 cán bộ sang sông một cách an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố gì. Xong việc, anh cười: "Giờ thì tụi Mỹ có càn tới ba năm cũng chỉ là cày xới đất cho chúng ta trồng khoai mì".

Qua trận càn, cấp trên tổng kết lại thấy A36 đã tiêu diệt 12 xe tăng, 5 máy bay lên thẳng (số liệu thể hiện trong hồ sơ đề nghị phong tặng danh  hiệu  Anh hùng LLVTND cho đồng chí Nguyễn Văn Thương) cùng với thành tích đưa 175 cán bộ quan trọng của ta rút lui an toàn nên trong đợt xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm ấy đã đề nghị đưa Nguyễn Văn Thương vào xem xét. Ngay cả ông Ba Quốc, sau giải phóng còn khen Thương: "Tớ ở trong nội thành mà cũng được chia thành tích với A36".

Cụm trưởng A36 là ông Ba Hội cùng các anh em sát cánh cùng Thương ở Nam Bến Cát đều nhất trí cao. Nhưng khi đưa ra chi bộ để bình xét, anh lại bị một đồng  chí khác phê: "Đồng chí Thương đã không bảo toàn được lực lượng đơn vị, để 2 đồng chí là Thơm, Mới phải hy sinh. Vậy là chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên chưa thể phong anh hùng". Thương "cãi" rất hăng: "Tôi có trách nhiệm, nhưng trong chiến đấu, hy sinh  mất  mát là không tránh khỏi". Chi bộ A36 có 6 người, trừ Thương ra còn 5 thì có 4 phiếu ủng hộ Thương, 1 phiếu chống. Vài ngày sau, cấp trên nhận điện từ Chi bộ A36: "Đề nghị bồi dưỡng lại, để lần sau cho xứng đáng. Có công lao nhưng tính thanh niên nóng nảy, còn phải xem xét lại".

Suýt chết dưới hai làn đạn và đám cưới bí mật

Sau Mậu Thân, Thương nhận lệnh điều tra tình hình địch ở dọc quốc lộ 13. Do thông thuộc địa hình và có cơ sở trong ấp chiến lược Mỹ Phước, Thương bình tĩnh vận áo chim cò, quần ống loe cưỡi Honda phóng qua những đoàn xe tăng, xe bọc thép đậu dài trên quốc lộ. Sau  này, Nguyễn Văn Thương thừa nhận, ông  có phần  tự tin hơi quá, bởi luôn mang theo trong người tấm giấy thông hành đặc biệt (do cách mạng làm giả), dù  vẫn cố để không phải mang ra sử dụng. Ông biết rõ giá trị của tấm thẻ.  Đây là loại giấy đặc biệt được thay đổi 6 tháng một lần; rồi mỗi lần thay là một màu giấy khác nhau; trên giấy có mẫu vân tay, dán ảnh đóng mộc nổi và chữ ký có quy định màu mực riêng.

Khi đã ghi vào bộ nhớ tất cả các số liệu nắm được, Thương bị một toán lính chặn lại khám xét. Một tên trung úy bước đến. Ý nghĩ chợt lóe lên, Thương nghiêm giọng: "Tôi muốn gặp cấp trên của trung úy!". Liếc thấy thái độ ngần ngừ của hắn, Thương phủ đầu: "Trung úy cứ đi cùng tôi, sẽ biết tôi là ai. Tôi chỉ được phép tiết lộ bao nhiêu đó thôi, cũng mất hết 10 phút quý báu của tôi rồi". Tên trung úy hơi bối rối nhưng vẫn quay ra sau ra lệnh: "Thằng Tám, thằng Năm đi theo tao, súng lên đạn sẵn nghe chưa". Rất lo, nhưng Thương vẫn  giữ được thái độ bình tĩnh trong thế ung dung tự tại.

Cửa phòng chỉ huy bật mở, đứng trước tên trung tá đeo kính cận Thương cố ý tạo ánh mắt e ngại nhìn sang tên trung úy. Tên trung tá cũng nhận ra điều này nhưng hắn vẫn e ngại phải nói chuyện một mình nên khoát tay: "Có việc gì, anh cứ nói, trung úy đây là người rất biết giữ kín miệng". Thương vẫn im lặng trình tấm thẻ "Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA". Đây là lần đầu tiên Thương phải mang ra sử dụng.

Để thời gian đủ ngấm, Thương mới nói gọn: "Nghề nghiệp không cho phép tôi ba hoa, đây là tình thế bắt buộc". Tên trung tá lập tức xua cấp dưới ra ngoài, hắn đổi thái độ: "Trời, xin lỗi đại úy Ngọc, đại úy uống nước gì, giờ đại úy cần gì?". Thương diễn đoạn chót cho tròn vai: "Thôi, đừng gọi tôi là đại úy, tụi Việt Cộng chặt đầu tôi mất. Đang theo dõi một con Việt Cộng cái, bị lính của trung tá giữ lại, hụt mất mồi…".

Viên trung tá rối rít xin lỗi và gọi  lính bày tiệc thết đãi "đại úy Ngọc". Rượu vào lời ra, Thương và tên trung tá tên Huy ấy cùng thao thao bất tuyệt về những chiến tích giết Việt Cộng, về những mối quan hệ rộng lớn của cả hai bên. Trung tá Huy hứng chí mang máy hình ra xin chụp kỷ niệm vài pô. Không nề hà chi với "huynh đệ", "đại úy Ngọc" lựa thế để cả hai đứng tựa lưng vào…. tấm bản đồ quân sự treo tường với các dấu đỏ đánh chi chít dọc quốc lộ 13, "lè nhè kêu đám lính kiểng bấm hàng chục kiểu.

Trong khi Huy đi vệ sinh, "đại úy Ngọc" giả vờ săm soi chiếc máy ảnh, nhanh tay bật nắp lộ sáng làm hỏng phim rồi sập nắp máy lại như cũ. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng mấy giây. Sau này, địch có nghi ngờ kiểm tra lại, tên sĩ quan trực tiếp bấm máy chụp hình sẽ bị "xạc" vì tội làm hỏng phim, trong khi Nguyễn Văn Thương thì có thể yên tâm vì không bị địch lưu lại hình ảnh.
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #113 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 12:46:34 am »

Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng (Tiếp theo)


Cấp ủy cũng chưa biết phải giải quyết sao cho vẹn tròn. Chả lẽ cứ là giao thông viên, tình báo viên là không được cưới hỏi? Nhưng khó, cả hai chúng tôi đều cùng ngành tình báo, lại ở hai hệ thống khác nhau. Nếu sau này một người bị bắt, sẽ dễ đổ vỡ cả hai đường dây thì quá nguy hiểm" - Nguyễn Văn Thương nhớ lại phút cam go.

Suýt chết dưới hai làn đạn và đám cưới bí mật

Đường dây giao thông của A36 lúc này có khi phải qua vùng của ta, vùng của địch, vùng xôi đậu, vùng bán hợp pháp, hợp pháp… nên Thương phải thay đổi hình dạng rất nhiều lần từ một anh lính cho đến tay lái buôn, khi thì đi xe đò, lúc lại cuốc bộ. Một lần, tại chợ Đồng Xoài, Thương bị một tốp du kích cải trang bí mật kè súng giải đi. Đến quãng vắng, tốp du kích quật ngã Thương và lục soát. Một người la lên: "Nghi đâu trúng phóc đó. Nó là thám báo của CIA nè, đại úy Ngọc nè, hết chối nha con". Thương bị giải sâu vào vùng giải phóng. "Tên thám báo" bị trói vào gốc cây mít, "tang chứng vật chứng" gồm thẻ căn cước, thẻ đặc phái viên CIA, hình tổng thống, tiền USD và cả một lá cờ ba sọc nho nhỏ bày ra trước mặt.

Một anh du kích phán: "Hôm nay, chúng ta tử hình tên CIA nguy hiểm này!". Óc Thương căng như dây đàn. Trong giây phút hiểm nghèo đó, Thương chợt nhớ đến vị chỉ huy trinh sát chuyên đánh thám báo trong vùng, cổ họng Thương bật lên: "Tư Minh, cho tôi gặp ổng, tôi sẽ khai hết". Tiếng người du kích: "Đúng là CIA, nó biết tất cả tên chỉ huy của mình. May mà bắt được mày, không thì tụi tao ăn bom tọa độ do mày chỉ điểm rồi".

Nhưng rồi ý thức trách nhiệm của tốp du kích vẫn thắng. Họ giải Thương đến một tiệm may trong ngõ vắng, gõ cửa. Người đàn ông có tên Tư Minh soi ngọn đèn dầu nhìn kỹ mặt "đại úy Ngọc", xong nói: "Ờ, tôi biết mặt thằng này ở Bình Dương, thôi cởi trói…". Quay sang Thương, Tư Minh nói nhỏ: "May mà mày khôn khéo để tụi nó dong về, không thì tai hại biết cỡ nào!". Hú hồn!

Đại tướng Lê Văn Dũng (người thứ hai từ trái qua) và lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình đồng chí Nguyễn Văn Thương.

Nhiều lần đi công tác ghé ngang Phú Hòa Đông (Củ Chi), Thương hay ghé xin nước uống, cơm ăn tại nhà má Hai Kiều (vợ liệt sĩ) và để ý thương Hai Em, con gái má Hai Kiều. Má Hai Kiều cũng chỉ biết Thương làm cách mạng, chứ không rõ Thương làm nhiệm vụ gì. Còn Thương do nhiệm vụ bí mật và do… muốn cưới Hai Em, nên có lần đã theo dõi và biết Hai Em đang làm giao thông tình báo hệ địch vận.

Sau khi trình bày xong lý lịch của Hai Em cho "đàng trai", thì gặp trở ngại phía "đàng gái", lý do: "Chúng tôi tốn biết bao công sức mới gây dựng được một giao thông viên, nay gả cho phía các đồng chí rồi sẽ mất người". Phía "đàng trai" cam đoan: "Cưới xong sẽ không rút người của địch vận". Tuy nhiên "đàng gái" sau một thời gian xem xét lại nêu lý do mới rất chí lý: "Hai Em là gái chưa chồng. Nếu tổ chức cưới xin, bọn tề ấp điều tra gốc tích làm ảnh hưởng đến công việc phía "đàng trai" thì sao?"…

Nguyễn Văn Thương nhớ lại phút cam go: "Cấp ủy cũng chưa biết phải giải quyết sao cho vẹn tròn. Chả lẽ cứ là giao thông viên, tình báo viên là không được cưới hỏi? Nhưng khó, cả hai chúng tôi đều cùng ngành tình báo, lại ở hai hệ thống khác nhau. Nếu sau này một người bị bắt, sẽ dễ đổ vỡ cả hai đường dây thì  quá nguy hiểm". Buồn quá không biết  giải quyết thế nào, anh gặp người yêu thổ lộ một cách rất vụng về: "Cô Hai, cô có thương tôi thì cô ừ một tiếng". Không ngờ Hai Em nói như khóc: "Em… ưng". Hạnh phúc quá, quyết xin cấp trên cho cưới bí mật.

Ngày cưới được chọn trùng với một ngày giỗ trong nhà để che mắt địch. Đơn vị của Thương gom góp tiền mua tặng cô dâu đôi bông tai. Hai Em bán con heo đánh được cặp nhẫn cưới. Phần Thương… chẳng có gì. Một năm sau, Hai Em cấn thai. Má Hai Kiều nói: "Hai Em, mày mời một lính ngụy đến nhà chơi, uống nước để cho chòm xóm thấy. Rồi má lu loa lên, đe nẹt mày để mày thú nhận dại dột mà có thai với thằng đó". Hai Em khóc: "Hổng được má ơi, bạn bè sẽ khinh con hư đốn quan hệ với ác ôn". Má Hai Kiều mạnh miệng: "Cái vụ này cả nhà làm chứng cho mày, thằng Tư Thương biết là đủ rồi, tổ chức biết là đủ rồi"… Liêm, con  trai đầu lòng của Nguyễn Văn Thương, vì thế đã phải mang họ mẹ!

Bắt tình báo CIA trên đôi chân giả

Ngày 10/2/1969, Nguyễn Văn Thương bị bắt khi trên đường đi công tác. Nhưng ông vẫn kịp thời hủy tài liệu  và chiến đấu đến hết đạn, hạ trên 20 lính Mỹ. Rủi thay, một tên chiêu hồi đã biết mặt Thương nên CIA quyết tâm khai thác lời khai của ông bằng mọi cách, kể cả dùng tiền, gái đẹp, chức vụ… Không khuất phục được Thương, bọn chúng ra lệnh cưa chân ông trong 6 lần làm cả hai chân của người tình báo cụt gần đến háng. Đến ngày 14/2/1973, giặc mới trao trả tù binh và sau đó Nguyễn Văn Thương được đưa đi an dưỡng. Sau khi bình phục và ngay khi miền Nam được giải phóng, Nguyễn Văn Thương lại vào trận trên đôi chân giả!

Sau những ngày tháng 4/1975, Nguyễn Văn Thương lại có mặt trong đoàn cán bộ quân quản, trực tiếp gặp  hỏi cung đám tay sai của CIA còn sót lại không kịp di tản. Anh gặp lại thiếu tá Xuân, đối thủ cũ. Cách đấy 4 năm, cũng tại căn phòng này, Xuân đã từng hầm hè a dua quan thầy cưa chân người tình báo mà hắn biết chắc là Nguyễn Văn Thương…

Với ý đồ tâng công chuộc tội, Xuân khai rành mạch: "Cách đây 3 tháng, nhận thấy Sài Gòn sắp thất thủ, CIA đã cài đại tá Bách (bí danh Nhạn Bạch) ra đảo đợi thời cơ để tung biệt kích vào đất liền. Tôi có dịp tháp tùng trung tướng  Nguyễn Khắc Bình ra đảo nên nhớ rõ vị trí, ám hiệu liên lạc…". Nắm được mọi diễn biến, nhất là rất rõ tên Bách vốn là kẻ từng tham gia hỏi cung mình, Nguyễn Văn Thương quyết tâm xông trận. Sau khi báo cáo tình hình và được đồng ý, Thương chỉ huy 2 tiểu đội công an vũ trang đi trên 2 tàu (ngụy trang tàu thành tàu cá) xuất phát từ sông Sài Gòn vào ban đêm để giữ bí mật…

… 9h sáng thì hai chiếc tàu đã đến Mũi Cà Mau. Từ đây, họ đi thêm gần 100km nữa thì tấp vào một hòn đảo nằm giữa biển Hà Tiên và Rạch Giá. Neo một thời gian thì qua ống nhòm, Thương và tên Xuân đã nhận ra ám hiệu an toàn trên một chiếc ghe mục. 2h chiều, mọi người chuẩn bị lên đảo. Một bóng áo cà sa vàng xuất hiện ở lưng chừng núi, Xuân giải thích: "Trước đây, CIA đã bí mật thủ tiêu các vị sư sãi đang tu trong ngôi chùa nhỏ trên núi, chiếm dụng chùa và cho người cải trang. Hiện nay Nhạn Bạch đang đợi tướng Nguyễn Khắc Bình và tôi để nắm tình hình tiếp tục tổ chức đánh phá cách mạng…".

Thương nhận rõ tên CIA đầu cạo trọc, áo cà sa quàng để hở một bên vai trần đúng phong cách Phật giáo Tiểu thừa Khmer. Hắn đang ngờ ngợ nhìn thiếu tá Xuân thì Xuân và Sơn (trung úy  công an của ta) bước đến, chào theo đúng kiểu nhà binh rồi nghiêm giọng: "Thiếu tá Xuân đây, chú mày lên bẩm đại tá có tao đến".

Khi tên đội lốt nhà sư vừa khuất vào trong chùa, Sơn ra dấu để Thương chỉ đạo anh em công an tỏa lên bờ chiếm các vị trí xung yếu.  Một lúc sau, tên canh chừng đưa tay vẫy, thiếu tá Xuân và Sơn đi lên theo bậc tam cấp. Phía trên bậc thềm trước chánh điện, đã thấy tên Nhạn Bạch mặc jean cởi trần, hai bên hông đeo 2 khẩu súng xề xệ y như cao bồi. Nhận ra Xuân, tên Nhạn Bạch cười ha hả: "Dù bằng đường biển à, ông tướng sao rồi?” (ý hỏi tướng Nguyễn Khắc Bình). Xuân bình tĩnh đáp theo đúng kịch bản của Thương dựng sẵn: "Ổng bị say sóng, mệt quá nằm dưới tàu. Ổng dặn đại tá xuống tàu để bàn bạc cho nhanh rồi ổng còn ra hải phận quốc tế cho kịp cuộc hẹn với Thái Lan".

Tên Nhạn Bạch không mảy may nghi ngờ theo chân Xuân và Sơn  xuống tàu.  Trong lúc Xuân lùi lại mấy bước thì Sơn cùng hai chiến sĩ công an khác ập vào tước ngay 2 khẩu súng của Nhạn Bạch, còng tay hắn ra sau chỉ trong tích tắc. Hắn há hốc mồm chưa kịp định thần thì Nguyễn Văn Thương bước ra trên đôi chân giả và cặp nạng gỗ!

Năm 1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ai cũng nghĩ rằng đấy là phần thưởng do tinh thần thà hy sinh chứ không khai báo mạng lưới tình báo để rồi bị cưa chân của Nguyễn Văn Thương. Ít ai rõ những chiến công thầm lặng khác của người tình báo anh hùng này, bởi nhiều lý do khác nhau. Song dù sao trong mắt thế hệ trẻ hôm nay, tấm gương Nguyễn Văn Thương vẫn rất cần được sẻ chia, thấu hiểu và tôn vinh đúng với những chiến công  mà ông đã phấn đấu và giành được!
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #114 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2011, 10:13:36 pm »

Đám cưới dưới hầm bí mật


"Chuyện đã cách nay trên 4 thập niên. Nói chính xác là 41 năm tính tới thời điểm tôi ngồi viết những dòng này. Tại mật khu "C" giữa rừng Bời Lời xơ xác. Chàng rể là Vũ Minh Lĩnh, Đài trưởng VTĐ (vô tuyến điện). Quê ở Kim Bảng - Hà Nam. Cô dâu là Nguyễn Thị Hoa, nhân viên cơ công (thợ sửa chữa vô tuyến điện). Quê ở Tân Trụ - Long An. Cả hai đều công tác tại H67 (Cụm Tình báo Chiến lược, thuộc Đoàn J22 Cục Tình báo (Cục 2), nay là Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng".

Kênh liên lạc ưu việt

Giữa năm 1969, tôi được cấp trên điều từ cụm B49, căn cứ đóng quân ở khu vực Bến Chùa thuộc Bến Cát - Bình Dương về công tác tại H67 thì Lĩnh và Hoa đã có thâm niên bám trụ tại mật khu "C" tới mấy mùa lá rụng.

Sau tết Mậu Thân, địch phản kích mãnh liệt trên toàn chiến trường miền Nam. Nếu chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn là trọng điểm tấn công hủy diệt của địch, thì rừng Bời Lời trở thành vùng trọng điểm của trọng điểm. Không ngày nào là không có càn quét, bom đạn, xe ủi cày bới, xe tăng chà xát, cả cánh rừng mênh mông biến thành một nông trường đất đỏ. Mọi sinh vật đều không thể tồn tại trên mặt đất. Tất cả đều phải sống theo hình thức "độn thổ". Mọi sinh hoạt, ăn, ngủ, làm việc đều ở dưới hầm. Mỗi bộ phận công tác phải xây dựng hầm ở và làm việc riêng, phân tán nhiều hướng theo kế hoạch bố phòng phục vụ bám trụ và phối hợp chiến đấu khi giặc càn tới.

Theo yêu cầu nhiệm vụ, H67 phải bám trụ tại mật khu "C" để giữ liên lạc với cấp trên, vì tất cả các cụm tình báo thuộc J22 đang trong thời điểm phải chuyển căn cứ bám trụ khỏi địa bàn Đông và Tây Bắc Sài Gòn để bảo toàn lực lượng. Hầu hết tin tức quan trọng từ các lưới điệp báo nội thành đều thông qua bộ phận Vô tuyến điện (VTĐ) của H67 để báo cáo về trung tâm. Vì vậy, các phiên liên lạc của bộ phận điện đài đã phải tăng thời lượng gấp hai, ba lần.

Nghề tình báo, công tác thông tin liên lạc giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Báo cáo gửi về trung tâm được thực hiện bằng nhiều hình thức: chuyển giao trực tiếp, qua "hộp thư chết" (địa điểm bí mật giấu tài liệu), qua điện đài… Song, hình thức thông tin qua điện đài là ưu việt nhất. Nó đảm bảo thời gian nhanh nhất, bí mật nhất, an toàn nhất, bởi mỗi bức điện được phát lên không trung đều thông qua mã hóa của bộ phận cơ yếu. Vì vậy, có thể nói 100% các bức điện được phát lên không trung đối phương đều thu được hết, nhưng họ mù tịt nội dung. Đó là chiến công tuyệt vời của ngành cơ yếu Việt Nam.

Tuy nhiên, liên lạc qua VTĐ có cái nhược điểm cơ bản của nó là dễ lộ địa điểm phát sóng. Chỉ cần thông qua phương pháp giao hội 3 điểm là đối phương có thể xác định được nơi đặt đài phát. Nếu hoạt động trong lòng địch, địa điểm đặt máy sẽ bị phong tỏa, bị bắt tức thì; nếu ở vùng căn cứ, sẽ bị phi pháo hủy diệt.

Bản tin tối khẩn

Mười năm công tác ở chiến trường "B". Có một thời gian rất dài tôi đảm nhiệm công tác cơ yếu và tổng hợp báo cáo của các lưới điệp báo nội thành, nên rất rành về độ khẩn của các bức điện. Nó được quy định thành 3 chế độ: khẩn, thượng khẩn và tối khẩn. Những bức điện có chỉ định chế độ tối khẩn thì bằng mọi giá, bộ phận VTĐ phải phát đi ở phiên liên lạc gần nhất với thời gian nhanh nhất. Những phiên liên lạc như thế, anh em trinh sát phải đảm nhận trách nhiệm theo dõi máy bay trinh thám của địch nhằm chống kế hoạch giao hội mục tiêu; nhân viên cơ công phải túc trực cùng hiệu thính viên, đề phòng trục trặc kỹ thuật là sửa ngay. Vì vậy, anh em thường đùa vui "điện đài gắn bó với cơ công như bóng với hình" là vậy!

Lần ấy, có một báo cáo ngắn nhưng hàm chứa nội dung rất quan trọng của một cán bộ nội thành, ký bí danh là Hai Trung (người của đơn vị bạn). Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã chỉ đạo chế độ tối khẩn. Ông còn chua thêm "phải lên sóng với thời gian sớm nhất". Bộ phận cơ yếu đã mã hóa thành 5 bức điện, mỗi bức chừng 100 nhóm điện. Giờ liên lạc vào 10 giờ đêm. Đúng vào cái đêm pháo địch từ các cứ điểm Chà Rầy, Đồng Dù… thay phiên nhau dội tới, dấu hiệu của một trận càn lớn sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Bầu trời mật khu không mấy lúc ngớt tiếng máy bay trinh thám, thành thử có 5 bức điện mà nhịp ma níp của Vũ Minh Lĩnh phải ngừng tới mấy chục lần.

Sang tới bức điện cuối cùng thì sự cố xảy ra, máy mất tín hiệu. Cơ công Nguyễn Thị Hoa mày mò tìm mãi mà không ra "bệnh lý". Bỗng dưng Vũ Minh Lĩnh vọt lên khỏi miệng hầm trong lúc pháo địch vẫn nổ ì ầm trên đó. Mọi người ngơ ngác nhìn theo mà không kịp ngăn cản. Mấy phút sau Lĩnh trở lại, đầu tóc đầy bụi đất, nhe răng cười: "Nó xơi tái cái cột ăng ten. Nếu không… thì có mà đến tết cũng không liên lạc được". Nhịp ma níp lại vang lên cho tới nhóm điện cuối cùng.

Đài trưởng Vũ Minh Lĩnh, hàng đứng (bìa trái) và tác giả, hàng ngồi (giữa).

Tình huống bất ngờ

Cuối tháng 12 năm đó, đơn vị nhận được chỉ thị của J22: "Các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ di chuyển căn cứ khỏi vùng trọng điểm. H67 nhanh chóng chuyển căn cứ bám trụ về Bến Tre. Địa điểm cụ thể do đơn vị tự quyết định sau khi đã khảo sát địa hình. Đường chuyển quân rất khó khăn, phức tạp, cần chọn những đồng chí sức khỏe tốt, biết bơi lội, số còn lại chuyển anh em về "R" nhận nhiệm vụ mới… Toàn đơn vị với quân số gần 20 người (trừ số giao thông viên hợp pháp và cán bộ nội thành). Cấp ủy và lãnh đạo cụm họp gấp bàn về nhân sự. Hầu hết nằm trong danh sách về địa bàn mới, số về "R" chỉ 3-4 người, trong đó có cơ công Nguyễn Thị Hoa. Sau khi công bố danh sách, người đi thì vui mừng, hồ hởi, còn người chuyển về "R" thì vẻ mặt buồn thiu. Nói thế, nhưng quan sát kỹ "đoàn hùng binh" tôi vẫn nhận ra một gương mặt có vẻ trầm tư, đó là Đài trưởng Vũ Minh Lĩnh.

Tôi đã có ý định gặp riêng để tìm hiểu tâm tư đồng đội, thì tối hôm đó Lĩnh sang hầm tôi. Phải đắn đo lâu lắm cu cậu mới cất thành lời: “Có một việc em xin ý kiến anh… thú thực, em và Hoa yêu nhau… vì chia tay đột ngột quá nên chúng em muốn được công khai việc này trước đơn vị. Nhờ anh nói giúp với chú Bảy cụm trưởng” - “Cha!... vậy mà giữ kín thế. Nói với ông Bảy thì dễ ợt. Quan trọng là các cậu định công khai như thế nào?”...

Lặng im giây phút, Lĩnh lại rủ rỉ: "Đơn vị chỉ có mấy anh em miền Bắc, em coi anh như anh cả, nên như thế nào nhờ anh tính giúp".

Sáng sớm hôm sau tôi gặp Cụm trưởng Bảy Vĩnh ngay. Tôi vừa dứt lời, thì ông khẽ cười rồi phán luôn: "Chúng nó đã yêu nhau thì trước khi chia tay cho tổ chức cưới luôn. Đánh Mỹ lâu dài, đời cha đánh chưa xong thì đời con, đời cháu đánh tiếp".

Tôi ngỡ ngàng nhìn cụm trưởng: "Anh Bảy nói tổ chức cưới ngay ở đây?" - "Chứ sao! Cần chi phải cầu kỳ. Nói thế, nhưng cũng phải chu đáo một chút để chúng nó đỡ tủi thân. Việc này tôi giao đồng chí tổ chức thực hiện".

Quả là một tình huống quá bất ngờ. Một cuộc họp đột xuất giữa các bộ phận công tác và Đoàn thanh niên. Khi được thông báo tin này, anh em rất vui và nhất trí với phương án mỗi người ủng hộ một tháng phụ cấp tiêu vặt để mua quà tặng cô dâu. Phụ cấp bình quân mỗi người chỉ có mấy chục đồng tiền Sài Gòn lúc đó, tương đương với mấy chục ngàn bây giờ. Ấy vậy mà cũng đủ mua được một đôi hoa tai tới một chỉ rưỡi (1,5 chỉ) vàng 24 kara hẳn hoi. Vì vàng thời đó rất rẻ. Tiền còn lại cộng với đơn vị tặng một ít cũng đủ mua mấy gói bánh quy, mấy gói kẹo, mấy gói thuốc ruby và một ít chè… Nghĩa là đủ lễ bộ một đám cưới đời sống mới. Việc này cụm trưởng giao cho chị Tư Chiến, giao thông viên hợp pháp thực hiện.

Đám cưới của họ được tổ chức vào tối hôm sau, ở ngay dưới hầm "hội trường" của đơn vị. Đó là căn hầm bí mật được xây dựng rộng rãi, đủ sức chứa cho gần 20 người. Bàn ghế được bện bằng cây rừng và trải áo đi mưa lên trên. Bánh kẹo bày luôn xuống mặt bàn, bởi làm gì có đĩa. Chè (trà) pha luôn vào nồi nấu cơm, rồi múc ra bát ăn cơm của mỗi người. Cái khó nhất của công tác tổ chức lúc ấy là việc trang trí phòng cưới. Nhất định là phải có khẩu hiệu dán hai bên vách hầm và phải có bình hoa. Cái khoản khẩu hiệu, tiếng thế nhưng cũng không khó lắm, chỉ cần mấy tờ giấy màu và mấy viên phấn trắng là xong. Việc này cũng giao cho bộ phận giao thông đảm nhiệm.

Tôi nhận phần viết khẩu hiệu. Thực tình cái khoản viết phăngtêdy trên giấy khổ to tôi trình bày "hơi bị được". Sau khi ghim hai khẩu hiệu lên vách hầm, một bên là "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ"; và một bên bằng hai câu lục bát: "Lĩnh Hoa xây dựng gia đình - Vui trong duyên mới thắm tình Bắc Nam". Ngắm hai khẩu hiệu, mọi người đều tấm tắc khen, có người còn bốc lên đậm màu hài hước: "Đẹp, đẹp thiệt. Sau này đất nước hòa bình, anh Ba chỉ cần đi viết khẩu hiệu thuê cho các đám cưới cũng đủ sống…".

Cái nhiêu khê nhất còn lại, đó là bình hoa cưới. Đào đâu ra hoa giữa cánh rừng xơ xác bởi đạn bom của địch hủy diệt tới bao lần. Cũng may, chiều hôm ấy là một buổi chiều yên tĩnh, không có bom, pháo. Anh em bung ra nhiều hướng để tìm hoa, với tinh thần gặp hoa gì cũng hái, kể cả hoa mua. Sau hơn  một giờ tìm kiếm, anh em đem về được mấy bó hoa, nhưng toàn là hoa mua.  Rất mừng là cánh về sau cùng lại vớ được mấy cành mai nhỏ, loại mai nở sớm. Có lẽ đó là những cành mai may mắn còn sót lại ở rừng mật khu.

Tuần trăng mật của họ vẻn vẹn có 2 ngày. Tới ngày thứ 3, đúng chuyến giao liên, cô dâu Nguyễn Thị Hoa lên đường về "R" và cách một ngày sau đó, chúng tôi, cố nhiên là có cả chú rể Vũ Minh Lĩnh từ biệt rừng mật khu, từ biệt chiến trường miền Đông Nam Bộ về địa bàn mới, vùng sông nước Bến Tre, xa xôi tít tắp.

Bao năm gắn bó với chiến trường miền Nam, trong ký ức tôi đã hằn sâu bao kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm về đám cưới của  đồng đội tôi ngày ấy.

Bây giờ, sống giữa phố thị phồn hoa, giữa cảnh đất nước thanh bình, tôi từng tham dự hàng trăm đám cưới ở nhiều nhà hàng, hội trường, khách sạn sang trọng, ở cái thời người ta đua nhau chạy theo mốt cưới, với dẫy đầy sự xa hoa, lãng phí, có những lúc trong tiệc vui mà tôi như kẻ mộng du, thả hồn về nơi phương trời xa lắc để nhớ về đồng đội mình, nhớ về những đám cưới nơi chiến trường máu lửa.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2011/1/74405.cand

PS: Giữa gian khó, nguy hiểm những người lính tình báo vẫn có những giây phút lãng mạng và hạnh phúc.

Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #115 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 01:20:50 am »

Chuyện về hai nguồn tin tình báo 38 năm trước


Tôi muốn nhắc tới hai bản tin của các cơ sở tình báo thuộc H67 (Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang) trực thuộc J22 – Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Cả hai bản tin ấy đều xuất hiện vào những ngày tháng 10 cách đây vừa tròn 38 năm. Nhắc tới nó để tôi có dịp nhớ tới người thủ trưởng cũ của mình, người anh, người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ. Đó là Anh hùng tình báo Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh).

Anh hùng Lê Văn Vĩnh.

Mười năm công tác ở chiến trường miền Nam, tôi đã thuyên chuyển nhiều đơn vị. Nhưng cái “bến đỗ” lâu nhất là H67. Nói con số tròn là 5 năm 4 tháng. Trừ con số lẻ 4 tháng ra, ấy là thời gian tôi không được sống gần ông, với lý do: Ông về Miền họp và những chuyến đi bí mật vào nội thành. 5 năm với 1.825 ngày đều được sát cánh bên ông từ mật khu Bời Lời thuộc miền Đông tới quê dừa Đồng Khởi - Bến Tre  thuộc miền Trung Nam Bộ. Kỷ niệm đầy ắp về ông. Ấy vậy mà chưa viết  được cái gì cho ra tấm ra món về con người mình ngưỡng mộ. Có chăng, nhờ đồng chí Trưởng ban Báo An ninh thế giới khích lệ tôi mới viết được một bài về ông.

Với gần năm nghìn chữ cho một bài viết phỏng nói được những gì trong quá trình 50 năm cuộc đời binh nghiệp của ông? Thực tình tôi mới đề cập được hai sự kiện nhỏ, đó là: Đôi dòng ký ức của ông và hai chuyến công tác vào vùng địch hậu trực tiếp điều tra, nghiên cứu một số mục tiêu trọng điểm phục vụ cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968). Bao gồm: Tiểu khu Phước Long (tỉnh Phước Long); Một số mục tiêu quan trọng tại đô thành Sài Gòn: Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Nha Cảnh sát đô thành, sân bay Tân Sơn Nhất, Chi khu quân sự Hóc Môn... Vậy thôi, thế cũng là quá nhiều so với khuôn khổ một bài báo.

Và, cũng lại thực tình, đó là những sự kiện tôi đã nắm được đầy đủ, chi tiết từ thời đó. Còn biết bao huyền thoại về ông – Anh hùng tình báo Lê Văn Vĩnh – dẫu rằng có chừng ấy thời gian sống chết bên ông. Có những chuyện thật ly kỳ về nghiệp vụ. Biết đấy nhưng không đầy đủ, không chi tiết. Mà cái phần không ấy ví như phần chìm của tảng băng mà theo nguyên tắc nghề nghiệp tôi đâu dám hỏi. Tỉ như hai bản tin chưa được kiểm nghiệm nêu trên. Tất nhiên, cả hai sau này đã được thời gian và thực tế kiểm nghiệm. Bản tin đầu chỉ sau 6 tháng và bản tin sau lâu hơn, cỡ gần 2 năm sau đó. Nhưng nguồn gốc của hai báo cáo quan trọng ấy đối với tôi (người được ông giao trách nhiệm tổng hợp, sử dụng mã hóa, thông qua đường vô tuyến báo cáo về J22) thì cho đến nay vẫn là điều bí mật.

Chuyện xảy ra cách đây 38 năm. Tổ quốc hòa bình, Bắc - Nam thống nhất đã 33 năm. Nhiều chuyện thời chiến đã được giải mật. Vì vậy, đầu năm nay tôi điện thăm ông và hẹn sẽ tranh thủ vào trong đó tham gia ý kiến với ông về cuốn lịch sử truyền thống đơn vị. Tất nhiên có việc liên quan tới hai bản tin trên. Ông tỏ vẻ rất mừng và hẹn: “Thế thì hay lắm. Chờ khánh thành cầu Rạch Miễu, Thái Dương tranh thủ vô ta tổ chức thăm Bến Tre. Sức khỏe tôi năm nay hơi bết. Già rồi. Tám mươi lăm tuổi ta rồi còn gì nữa (ông sinh năm Giáp Tý - 1924)”. Rồi ông thông báo cho tôi một lô xích xông thông tin về anh em H67: Những Năm Tuyến, Tám Thanh, Năm Phương (3 cụm phó) hiện nay ở đâu, tới anh em cán bộ, chiến sĩ như: Cần, Nhiên, Thi lấy vợ tại căn cứ An Phước, Lĩnh và Hoa - “Ba Dương nhớ không – đám cưới hai đứa ở rừng Bời Lời. Tổ chức dưới hầm đó” – sau này chuyển ngành hiện đang ở thành phố. Anh em Tâm và Trí, Tâm và Nguyện cũng vậy. Tư Lợi sau này chuyển ngành về Viện Kiểm sát Giồng Trôm. Tư Sơn thương binh về sống ở quê Giồng Trôm. Rồi tới Hiệp và Bé (chồng trinh sát địa bàn, vợ công tác giao thông hợp pháp) sau hòa bình phục viên về làm ăn sinh sống tại căn cứ cũ ở rừng Bời Lời, Tây Ninh. Nguyệt (con gái anh Sáu Trí – Trưởng J22) và bé Phượng chuyển ngành công tác tại thành phố.

Ông nhắc tên hầu hết anh chị em, những gia đình cơ sở của đơn vị ở An Phước; những anh chị em đã hy sinh thời đó, tới những gia đình cơ sở tại địa bàn. Đặc biệt là một địa chỉ ở Mỹ Tho - “Ba Dương còn nhớ thầy giáo ở Mỹ Tho không?”-“Dạ nhớ chứ. Ông Tám nhà 19 Trương Vĩnh Ký - quê gốc Giao Long Hòa, Bến Tre. Cả 3 cha con đều là cơ sở của H67”. “Ờ... giỏi! Nhớ giỏi đó. Ông Tám mất lâu rồi. Hai người con gái - Cô Tám và cô Mười sau này chuyển ngành, công tác tại Mỹ Tho...”. Rồi ông hỏi tới anh em quê miền Bắc đã từng công tác ở cụm”. Sáu Hóa hiện nay ra sao? Nghe nói cậu ấy có chí lắm. Thương binh vậy mà  học tới 2 bằng đại học; cậu Cấp quê ở Nghệ An, có tin tức gì không? Còn hai đứa nhỏ nữa, đó là thằng Út Thử và Ba Quyết. Lâu nay có gặp tụi nó không? Cho tôi gởi lời thăm tất cả anh em mình...”.

Ôi! Một con người tuyệt vời... ông đã làm sống lại trong tôi bao tình cảm cũ, bao kỷ niệm xưa. Tôi lại thêm mong mỏi sớm tới ngày cầu Rạch Miễu khánh thành để sắp xếp công việc vào trong đó tiếp kiến, hầu mong khai thác cái “kho tàng bí mật” ứ đầy trong ông.

Hà Nội, những ngày đầu tháng 10, cả thành phố nô nức chuẩn bị kỷ niệm 54 năm Ngày Giải phóng thủ đô. Không khí tưng bừng của ngày 10-10 lịch sử đã thôi thúc tôi cầm bút. Dự định sẽ phác thảo bài viết về 2 nguồn tin kể trên để khi vào trong đó gặp ông sẽ bổ sung những chi tiết chưa “giải mã”. Buổi tối, tôi vừa ngồi vào bàn viết thì nhận được nhiều cú điện thoại từ phía Nam báo ra. Ôi! Tin như sét đánh... “Chú Bảy Vĩnh đã qua đời. Tang lễ cử hành sáng 12/10” cả đêm đó tôi không sao ngủ được. Bần thần cả ngày hôm sau. Vì lý do sức khỏe bản thân và hoàn cảnh gia đình tôi không vào viếng ông được. Sáng nay (12/10) vào giờ phút đơn vị, địa phương, gia đình, anh em đồng đội trọng thể tổ chức lễ tang tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang thành phố. Tôi ngồi viết bài này, bài viết sẽ không đầy đủ, trọn vẹn. Thôi đành... nhớ sao viết vậy. Nó sẽ thay nén tâm hương để tôi vái vọng, tiễn ông vào giấc ngủ ngàn thu nơi chín suối.

Đoàn cán bộ H67 về thăm địa bàn cũ - Đầm Thuỷ Lợi Bana, Bến Tre.

Những cuộc chuyển quân bí mật

Vào một chiều tháng 10/1970, nữ giao thông viên Tư Chiến từ nội thành về căn cứ của đơn vị tại  ấp I, xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre. Buổi tối, Cụm trưởng Bảy Vĩnh sang hầm làm việc của tôi. “Có một báo cáo rất hay của anh em cơ sở. Anh nghiên cứu rồi cho chuyển gấp về trên”. Ông đi rồi, tôi vội mở tài liệu ra đọc. Tài liệu ngắn gọn trong 2 trang viết tay. Nhận định về tình hình chiến sự. Thông tin cụ thể rất đơn giản nhưng phần dự báo thì quá “nặng đô”. Sự việc không phải ở chiến trường miền Đông Nam Bộ (vùng III chiến thuật) mà nó sẽ diễn ra ở tận vùng I chiến thuật mà chủ yếu tại khu vực đường 9 thuộc Hạ Lào.

Nội dung báo cáo tóm tắt như sau:

“...Có dấu hiệu quân đội quốc gia đang điều chỉnh lực lượng. Nhiều đơn vị bí mật chuyển ra miền Trung. Mấy đêm nay nhiều đoàn xe tải vận chuyển vũ khí; lương thực nhu yếu phẩm ra ngoài đó. Nhiều nguồn tin tin cậy nhận định sẽ có giao tranh lớn diễn ra vào mùa khô tới. Nhiều khả năng đó là khu vực Hạ Lào, dọc đường số 9. Các nhà hoạch định chiến lược quốc gia và đồng minh cho rằng muốn thực thi “chiến lược bình định ở Nam Việt Nam, bằng mọi giá phải ngăn chặn chi viện của quân đội Bắc Việt. Trước mắt, phải “bình định” đường 9. Bố trí binh lực dày đặc. Buộc các đoàn quân Bắc Việt chi viện miền Nam phải chấp nhận giao chiến tại đường 9, chỉ cần giữ “bức tường lửa” ấy trong 2 năm thì coi như hạ tầng cơ sở của Việt Cộng ở miền Nam sẽ tê liệt. Đảm bảo những tên du kích Việt Cộng sẽ không còn nổi một viên đạn súng trường”.

Sau ngày bản tin được chuyển đi, chúng tôi thắc thỏm đợi chờ cho tới một buổi chiều phải đến cỡ nửa năm, anh em bảo tôi “sang gấp hầm chú Bảy”. Tôi hồi hộp không hiểu có chuyện gì mà sếp triệu hồi gấp vậy. Tôi vừa bước xuống hầm, ông reo lên.

- A... Ba Dương đó hả! Nổ rồi... thắng to rồi!...

Tôi ngỡ ngàng – “Nổ ở đâu vậy anh? Có phải ta đánh...”.

Đánh ở đường 9. Thắng giòn giã. Lần đầu tiên ta bắt sống xe tăng địch. Bắt sống một đại tá chỉ  huy tên là Thọ.

Tất cả chúng tôi như nín thở lắng nghe bản tin thời sự trên đài. Giọng phát thanh viên sang sảng đang tường thuật trận đánh ở Làng Vây. Đó là một chiều tháng 4/1971. Sau 6 tháng bán tín, bán nghi, nỗi thắc thỏm đợi chờ của chúng tôi đã được giải tỏa.

Khổ nhục kế

Đó là một trong 36 kế trong “Binh pháp Tôn Tử” thời “Thất quốc tranh hùng” ở Trung Hoa xưa. Ấy vậy mà nó đã được kẻ thù vận dụng ngay trên chiến trường Việt Nam vào những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Sau bản báo cáo của cơ sở bí mật “dự báo tình hình chiến sự miền Trung” được ít ngày thì đơn vị nhận tiếp một báo cáo có liên quan tới tình hình nội bộ của ta. Khác với lần trước, lần này Cụm trưởng Bảy Vĩnh sang hầm tôi với nét mặt trầm buồn. Tôi lo lắng hỏi ông về sức khỏe. Rất thương ông bởi trong cái thân hình mảnh khảnh của ông còn giấu cả những mảnh bom, mảnh pháo trong đó nên những ngày trở trời ông thường “khó ở”. Ông không trả lời câu hỏi của tôi mà như lẩm bẩm nói với riêng mình. “Kỳ lạ! Nếu đúng vậy thì tệ hại lắm, mà không đúng thì sao? Sẽ tội cho anh em mình...”.

Ông đưa cho tôi một trang giấy viết tay có bút phê của ông ở góc trên bên trái 2 chữ “THƯỢNG KHẨN”. Bản báo cáo từ nội thành gửi về chỉ phản ánh một sự việc:

...Lực lượng bí mật của quân lực “Việt Nam Cộng hòa” vừa bắt được một người. Chức vụ đại đội bậc trưởng, có lẽ thuộc lực lượng tình báo hoặc quân báo Việt Cộng. Người đó có tên là Mười L... (tên gồm 4 chữ cái. Chữ L đứng đầu và có dấu sắc). Không chịu nổi tra tấn, Mười L... đã đầu hàng, khai báo. Tệ hại hơn là đã nhận làm mật báo viên cho họ và tạo cớ để trở về đơn vị cũ thực hiện ý đồ chui sâu, leo cao. Để che mắt đối phương, Mười L... phải chịu một trận tra tấn tàn khốc (tất nhiên là họ nghi trang như thật). Giữa sự sống và cái chết, Mười L... đã khôn khéo lợi dụng sơ hở của tụi lính gác, trốn khỏi trại giam trở về căn cứ...

Thông cảm nỗi niềm của Thủ trưởng, tôi lựa lời tâm sự:

- Nhiệm vụ của ta là thu lượm thông tin và báo cáo kịp thời về trung tâm. Cố nhiên phải tìm nguồn phối kiểm và có nhận xét của mình. Nhưng nếu chờ thì kẹt. Lỡ chuyện đó là thật thì sao? Với lại... cấp trên “các cụ” tỉnh lắm. Chắc chưa có đối sách gì ngay đâu. Ta cứ cho chuyển ngay anh ạ!.

- Ờ... Tôi cũng nghĩ như vậy, chỉ buồn... nếu đó là sự thật thì thằng địch nó thâm hiểm quá mà thằng của ta thì lại quá hèn. Thực ra cái kế này của địch không mới mẻ gì. Nó đã thực hiện từ “khuya” rồi. Từ thời “đệ nhất cộng hòa” kia. Nó đã từng răn đe những đồng chí của ta bị bắt rằng: “Khôn ngoan thì thành thực khai báo để được hưởng khoan hồng của quốc gia, được về yên vui, hạnh phúc với gia đình. Nếu ngoan cố thì sẽ thân tàn ma dại. Có trở về thì đồng chí của các anh sẽ không tin dùng các anh nữa. Đó! Kẻ thù nham hiểm thế đó.

Hơn một năm sau, ông trở về Miền họp tổng kết năm. Bấy giờ nằm trong giai đoạn địch thực hiện chiến lược “lùng diệt” và “hủy diệt”. Hầu hết các đơn vị phía sau của ta đều phải dạt sang vùng biên giới Campuchia. Hậu cứ của J22 cũng vậy. Hôm ông đi họp về, đơn vị được tập trung tại hầm hội trường nghe ông thông báo tình hình. Sau đó ông nói như với riêng tôi -“Thằng Mười  L... đã bị bắt. Về hậu cứ chắc là bị “kèm” chặt nên không mần ăn gì được. Y đã kích động số lính trẻ – “Bám mãi xứ chùa Tháp này buồn thúi ruột. Chi bằng cùng nhau trốn đơn vị về quê đánh giặc. Về để đánh giặc thì tội tình, khuyết điểm gì...”.

Đoàn “hùng binh” với trên 60 chiến sĩ trẻ, được trang bị đầy đủ vũ khí, kể cả máy vô tuyến điện, vừa “xuất quân” thì bị chặn lại. “Tác giả kịch bản” là Mười L... bị bắt. Các chiến sĩ trẻ vì nhẹ dạ cả tin, bị kiểm điểm, phê bình về ý thức tổ chức kỷ luật. Thật hú vía!

Với tôi, người may mắn được tiếp xúc nội dung 2 bản tin trên ngay từ buổi đầu cho tới khi được thời gian kiểm nghiệm. Tôi vô cùng tự hào, cảm phục lực lượng hoạt động bí mật của đơn vị. Sau đó là sự nuối tiếc. Bởi, vì nguyên tắc nghiệp vụ mà cho tới nay tôi vẫn chưa tỏ tường về họ. Những người đã một thời thầm lặng cống hiến cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta, ngoài 2 bí số quen thuộc (H9 và H81). H9 thì đã rõ quý danh nhưng chưa được gặp. Còn H81 là ai thì đành chịu.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2008/10/67665.cand
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #116 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 01:37:36 am »

Chuyện chưa biết về vị Tướng tình báo hai vợ


Lẽ ra bài viết này ra đời từ dăm bảy năm trước. Song, có cái kẹt cho người viết: Lúc cao hứng định viết thì bị "cái bệnh nghề nghiệp" cản lại - "coi chừng vi phạm nguyên tắc bí mật"; tới khi phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều bài viết về ông, rồi cả một tác phẩm điện ảnh công bố trên truyền hình nói về cuộc đời hoạt động của "viên tướng tình báo hai vợ", tôi thối chí luôn. Thiên hạ nói cả rồi, toàn những cây viết cự phách, chớ dại mà "múa rìu qua mắt thợ...".


Thiếu tướng tình báo Ba Quốc (tức Đặng Trần Đức).

Bẵng đi mấy năm, khi những bình luận của công chúng về vị anh hùng tình báo huyền thoại, viên tướng tình báo hai vợ, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tự Ba Quốc) có phần lắng xuống theo thời gian thì vào những ngày tháng 4 lịch sử này, bao kỷ niệm trong tôi về ông bùng lên khiến tôi phải cầm bút hầu mong được bổ sung những chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp, tình cảm của ông với gia đình, đồng đội, đồng chí… mà các tác giả đi trước chưa đề cập tới.

Chuyến công tác đặc biệt

Sau hơn 8 năm hoạt động ở vùng giáp ranh với địch ở miền Đông Nam Bộ tới chiến trường sông nước Bến Tre thuộc Trung Nam Bộ, giữa năm 1974, tôi nhận được quyết định về công tác tại "tổng hành dinh" Đoàn Tình báo chiến lược J22 - căn cứ đóng tại khu vực Lộc Ninh (thị trấn duy nhất trong vùng giải phóng) thực hiện chính sách "thay quân" đối với những trường hợp hoạt động quá lâu ở vùng yếu. Tôi được bố trí làm Trưởng một bộ môn nghiệp vụ tại A44 do anh Võ Hoàng Vân làm Trưởng ban.

Chưa được nửa năm, đầu tháng 1/1975, anh Võ Hoàng Vân thông báo cho tôi: "Bộ phận A10 (Văn phòng đoàn J22) truyền đạt ý kiến của anh Tư (tức đồng chí Tư Bốn, Trưởng đoàn J22) đầu giờ chiều đồng chí sang gặp anh Tư có việc gấp. Thời đó, cán bộ cỡ như tôi - thăm thẳm nhiều năm ở chiến trường vùng yếu rồi trở thành "lính tò te" ở chiến khu mà được Trưởng đoàn triệu lên gặp riêng, quả là điều đặc biệt. Cả buổi trưa hôm đó tôi sống trong tâm trạng thắc thỏm đợi chờ cuộc gặp gỡ bất ngờ với một nhân vật đặc biệt - Vị Anh hùng đầu tiên của lực lượng Tình báo quân sự trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, có tên gọi là Tư Bốn.

Đúng giờ hẹn, tôi có mặt tại lán làm việc của Đoàn trưởng ở khu vực căn cứ A10. Ông tiếp khách bằng chè Thanh Hương, thuốc lá Điện Biên bao bạc và kẹo Hải Hà (chắc là có đoàn từ Bắc mới vào). Sau khi thăm hỏi chuyện chiến trường Bến Tre, gia đình, quê quán xong, ông vào nội dung chính ngay.

- Có một việc rất quan trọng tôi cho kêu đồng chí sang để thông báo ý kiến của lãnh đạo sẽ giao cho đồng chí một nhiệm vụ quan trọng...

Tôi như nín thở, chờ nghe tiếp ý kiến của ông - "Theo yêu cầu của Trung ương, đơn vị sẽ cử một cán bộ mới ở trong thành về căn cứ, ra Hà Nội báo cáo gấp. Đi theo đường giao liên, trong khi xưa nay đồng chí ấy chỉ sống trong thành, sức khỏe yếu. Nhiệm vụ của đồng chí là sẽ tháp tùng đưa cán bộ ra Trung ương, đảm bảo tuyệt đối an toàn, với thời gian nhanh nhất. Trung ương rất cần những thông tin của đồng chí này. Kết hợp chuyến đi, đơn vị sẽ có văn bản xin thêm người và tài liệu để khi đồng chí vô sẽ đem theo luôn. Đánh nhau với Mỹ, luôn phải tính tới phương án lâu dài, dẫu rằng ngày toàn thắng đã tới rất gần.

Ông mới nói được chừng đó thì có khách đột xuất. Trưởng đoàn khẽ reo lên:

- Cha!... Sao mà linh vậy. Đang tính nói anh em sang kêu... vô đi anh Ba. Tôi đã tìm được "trợ thủ" cho anh rồi đây.

Vị khách chừng trên năm chục tuổi. Dong dỏng cao, gầy. Có lẽ vì thế mà trông ông càng cao hơn. Gương mặt hiền từ, phúc hậu. Khách vừa ngồi xuống bàn, Đoàn trưởng Tư Bốn quay sang tôi giới thiệu.

- Đây là anh Ba Quốc như tôi vừa nói với đồng chí. Có thể chiều nay hai người sẽ bàn kỹ một số việc. Những thứ cần thiết phục vụ chuyến đi, tôi đã giao cho A10 chuẩn bị. Đồng chí đã nhiều năm sống trong căn cứ, đã từng vượt Trường Sơn rồi coi cần thêm thứ gì thì đề xuất. Chuẩn bị sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường ngay. Đoàn sẽ bố trí giao liên sử dụng 2 xe máy chở các đồng chí tới trạm giao liên nào có ôtô thì anh em quay lại. Đồng chí Dương cần lưu ý sức khỏe anh Ba. Nhớ đem theo đầy đủ các loại thuốc thông dụng...

Nghe thủ trưởng giới thiệu khách là Ba Quốc, tôi trố mắt nhìn, tưởng như vị khách mới vào kia là người từ hành tinh khác vừa rơi xuống, bởi cái tên anh nghe có vẻ quen quen, nhưng người thì bây giờ mới gặp. Tôi nhớ mấy tuần trước được nghe anh em đơn vị nói nhỏ với  nhau "có một điệp viên cực kỳ quan trọng thuộc một cụm tình báo chiến lược tên là Ba Quốc, quê miền Bắc, vào Sài Gòn từ đầu thập niên 50. Chui rất sâu, leo rất cao, tồn tại qua mấy đời tổng thống. Thời Nguyễn Văn Thiệu trở thành cán bộ cao cấp trong USAID (Cơ quan Viện trợ của Mỹ). Ông bị lộ từ khâu giao thông liên lạc. Một nữ giao thông viên (GTV) đem báo cáo của ông từ Sài Gòn về căn cứ của cụm ở Đồng bằng sông Cửu Long, về tới Tân Châu - Hồng Ngự thì bị bắt. Đơn vị thông báo khẩn cấp nên khi  cảnh sát đặc biệt tới bao vây thì ông đã chuồn khỏi nhà trước đó hơn 30 phút và được cơ sở bí mật đưa về căn cứ luôn...".

Những thông tin liên quan tới kế hoạch giải thoát GTV bị bắt cũng rất ly kỳ, giật gân. Nghe nói khi trinh sát địa bàn đi đón, phát hiện GTV bị bọn cảnh sát Hồng Ngự bắt, đã nhanh chóng trở về căn cứ báo cáo. Lãnh đạo Cụm, một mặt báo cáo khẩn cấp về J22, mặt khác bàn gấp kế hoạch giải thoát bằng cách điều cơ sở bí mật tiếp cận đơn vị thụ lý là cảnh sát Hồng Ngự.

Ngã giá bằng nửa triệu (500.000đ) tiền Sài Gòn lúc đó tương đương 14 chiếc xe môtô hiệu Honda Nhật. Cái bệnh ăn hối lộ đối với chế độ Sài Gòn đã trở thành chuyện "hàng ngày nơi phố huyện". Với số tiền trên quả là quá lớn so với một cụm tình  báo lúc đó. Vì vậy phải báo cáo gấp về trên. Hình như cũng chỉ trong 1 ngày đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo J22. "Dù có phải chi tới một triệu đổi lấy GTV và tài liệu đem về cũng phải thực hiện ngay". Đơn vị tức tốc thực hiện thì "hàng" đã chuyển về "nhập kho" Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, vì đã hết hạn tạm giữ ở cấp quận, huyện theo quy định của luật pháp.

Tôi giật mình trở về thực tại sau câu hỏi của ông Tư Bốn:

- Nhiệm vụ là như vậy, đồng chí Thái Dương thấy sao?

- Dạ... Không sao! Việc này tôi hứa đảm bảo hoàn thành tốt. Xin hai đồng chí cứ yên tâm.

Ngày hôm sau tôi trở lại A10, chuyển cho chị em ở bộ phận hậu cần bản thống kê những thứ cần chuẩn bị cho anh Ba Quốc:  Những tăng, võng, thuốc tây, thức ăn khô, áo mưa, giày, dép, balô... và hướng dẫn anh Ba Quốc việc tập luyện trước khi lên đường. Tất nhiên chỉ tập có mức độ, đề phòng trường hợp có những đoạn đường phải đi bộ không thể đeo nặng như thời chúng tôi tập hành quân.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2010/5/72185.cand
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #117 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 01:39:46 am »

Chuyện chưa biết về vị Tướng tình báo hai vợ (Tiếp theo)


Khoảng cuối tháng 3/1975, khi căn cứ của J22 đã chuyển xuống khu vực rừng le ở sông Tha La (phía đông núi Bà Đen) thì chúng tôi có lệnh lên đường. Hai chiếc Honda 67 đã đưa tôi và anh Ba Quốc ngược trở lại căn cứ Lộc Ninh và hôm sau đi tới trạm D4A chính thức nhập vào tuyến giao liên của Miền, để từ đó qua Bù Đăng, Bù Đốp, qua các Trạm T10, T9, T8 rồi đi Buôn Ma Thuột...

Thời điểm đó đã thuận lợi hơn cả trăm lần  thời chúng tôi cuốc bộ đi vào. Bởi đã có ôtô. Song, ngặt mỗi xe ưu tiên cho đoàn vào nên đoàn đi ra đều phải chờ đợi ở các trạm. Mỗi nơi vài ba ngày. Thời gian chờ đợi lâu nhất đó là cung đường từ trạm có bí số là T10 ra T9 thuộc địa bàn Khu 6. Phải "ăn dầm nằm dề" ở T9 tới 8 ngày (từ ngày 5/4 đến 12/4). Vì là đoàn ưu tiên nên chúng tôi được bố trí trong một chiếc lán nhỏ, đủ căng võng cho 2 người. Hai anh em căng võng sát nhau để tiện tâm sự. Biết anh buồn, sốt ruột vì bị giam chân ở T9 quá lâu nên tôi lôi ra đủ thứ chuyện nhằm giúp anh khuây khỏa.

Từ chuyện quê hương miền Bắc sau ngày giải phóng, chuyện chúng tôi tập luyện trước khi đi "B" và quá trình hành quân vượt Trường Sơn... Nhiều tối, tôi "thay đổi món ăn tinh thần" bằng việc kể chuyện phim, tiểu thuyết, kể cả của ta và nước ngoài như: "Chiếc khuy đồng", "Lửa trung tuyến", "Con chim vành khuyên", "Đất vỡ hoang", "Sông Đông êm đềm", "Rừng thẳm tuyết dày" v.v... Tôi biết anh rất chăm chú nghe, vì với anh, đó đều là những chuyện mới vì sống trong lòng địch làm sao có được mà xem, mà đọc.

Để thể hiện tinh thần "có đi có lại", anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện ở Sài Gòn - Từ những hộp đêm, vũ trường, những sinh hoạt của dân "anh chị"', tâm trạng các giai tầng xã hội... tới đặc điểm tâm lý, cá tính, sinh hoạt, thái độ chính trị của nhiều nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn qua từng giai đoạn. Thấy anh vui vẻ, nhiều hôm tôi mạnh dạn hỏi anh về chuyện gia đình, vợ con, quá trình hoạt động ở miền Bắc, thời gian vào Nam, Sài Gòn thời đó và bây giờ, thực chất các đảng phái chính trị của chế độ Sài Gòn... Tất nhiên phải tránh những gì thuộc về nguyên tắc nghiệp vụ để gây khó cho anh.

Hồng Ngự - Vùng căn cứ bám trụ của một cụm tình báo thuộc J22.

Càng nghe, càng thêm ngỡ ngàng về một con người tưởng như mộc mạc, lành hiền, ít nói ấy lại chứa đựng tầng tầng lớp lớp kiến thức đa dạng, uyên thâm, như một từ điển sống của cả chế độ miền Nam thời đó. Có lẽ Trung ương cần gặp ông gấp là vậy. Chắc chắn có liên quan tới kế hoạch hậu chiến của địch.

Chứng cứ từ những vết thương

Một buổi tối, đợi anh nghe xong bản tin tiếng Anh của Đài BBC, tôi hỏi:  "Anh Ba ơi! Thời kháng chiến chống Pháp, tụi em còn bé tý. Năm 1954 giải phóng miền Bắc mới đang học lớp nhất ở quê, nghe người lớn nói có rất nhiều người di cư vào Nam. Chắc có anh trong số đó?...". Anh khẽ cười, lắc đầu - "Không! Tôi đã "di cư" từ hơn một năm trước đó". Tôi há hốc miệng nhìn anh, đầy nỗi ngạc nhiên, rồi nằm xuống, đung đưa cánh võng, mơ hồ thả hồn trôi theo dòng ký ức của anh.

Hoạt động trong lực lượng Tình báo quân sự, địa bàn của Đặng Trần Đức lúc đó là Thành Hà Nội (chỉ đạo một số cơ sở bí mật trong thành). Tất nhiên có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, để khi cần có thể vào nội thành. Một đêm cuối năm 1952, từ vùng căn cứ bí mật, anh đột về Gia Lâm gặp cơ sở để nắm tình hình tại hộp thư quy định. Khi trở ra chưa được bao xa thì bị thương do một trái moóc-chê bắn cầm canh từ một bót nào đó. Anh trở lại điểm hẹn, nhờ gia đình cơ sở đưa vào nhà thương trong nội thành, với nguyên nhân ngụy trang là bị ngã xe đạp. Vết thương chưa lành anh đã bị đưa về phòng thẩm vấn của lực lượng cảnh sát.

Được tin này, tổ chức đã cử ngay cơ sở bí mật (một nữ GTV hợp pháp của Đặng Trần Đức) tiếp cận ông chú làm việc tại Sở Liêm Phóng. Trước tình hình đó, cô gái phải  “thú thực” đó là "người yêu" của mình, đúng là bị thương do ngã xe đạp. Người chú nghiêm mặt, nói nhỏ: "Đừng có lôi thôi! Những vết thương trên người nó đã trở thành chứng cứ. Đó là mảnh moóc-chê chứ không phải ngã xe...". Cô gái lặng người, tay vân vê tà áo, trấn tĩnh lòng mình để mãi lâu sau mới nhỏ nhẹ: "Chú ơi! Vậy bây giờ phải làm sao?". "Chú có thể tìm mọi cách cho nó không bị bắt, nhưng rồi thì phải rủ nhau đi khỏi xứ này ngay. Đi càng xa càng tốt. Không qua mắt bọn "Phòng nhì" được đâu!...".

Logged
codon65
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #118 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2012, 04:40:02 pm »

Em có đọc bên trang web:http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/phong-van-tuong-linh-viet-nam-thieu-tuong-tran-van-danh.703686.html. Có đăng còn một vị tướng chỉ huy tình báo cũng rất nổi tiếng, có bác nào biết rõ vị tướng này ,xin kể lại cho em biết với.
Logged
tvthai
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #119 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2012, 11:34:25 pm »

Em có đọc bên trang web:http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/phong-van-tuong-linh-viet-nam-thieu-tuong-tran-van-danh.703686.html. Có đăng còn một vị tướng chỉ huy tình báo cũng rất nổi tiếng, có bác nào biết rõ vị tướng này ,xin kể lại cho em biết với.
Đây nè bác:

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=pUH4kSXx-xk" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=pUH4kSXx-xk</a>
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tư, 2012, 04:43:24 pm gửi bởi tvthai » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM