Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 06:00:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh linh thần võ dân tộc Việt - Quyển 7  (Đọc 67537 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #80 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:40:35 pm »

 Khiếu Tam Bản vung tay chụp tửu bảo nhắc bổng y lên. Tiểu bảo la oai oái:

- Loạn rồi! Loạn rồi. Đại-Tống ta trên có thánh Thiên-tử trị vì, mà mi làm càn ư? Mi có bỏ ta xuống không?
Có nhiều tiếng lao xao, tiếng binh khí chạm nhau, rồi mười tên bộ khoái, dẫn đầu bởi viên hiệu-úy lên lầu. Viên hiệu-úy hỏi chủ tửu lầu:

- Ông Thuận-Hỷ, bọn du thủ du thực đâu?

 Lão Thuận chỉ vào Sử-vạn, Khiếu:
- Không có du thủ du thực. Nhưng hai vị tiên sinh đây ăn xong trả bằng vàng không dấu kiềm thự, rồi hành hung tiểu bảo.

 Mười tên bộ khoái bao vây hai lão Sử-vạn, Khiếu vào giữa. Viên hiệu úy tiếp vàng từ tay lão Thuận-Hỷ, y xem qua rồi nói:

- Vàng này của hoàng cung. Trước khi đem xử dụng phải có dấu kiềm ấn của Tuyên-huy Nam viện sứ. Vàng không kiềm ấn là vàng gian. Bắt hai lão về phủ Khai-phong.

 Thông thường với chức vụ tổng quản Thị-vệ, cùng thống lĩnh Ngự-lâm quân của hai lão, thì đến quan phủ Khai-phong cũng không dám nhìn thẳng vào mặt, huống hồ viên hiệu-úy? Nhưng hai lão biết rằng chức tước mình chưa bị cách, mà Lưu hậu đang căm hận vì hiểu lầm. Hai lão cần bí mật nhập cung phân giải, nên không thể xưng chức tước ra được.

 Hai lão đưa mắt nhìn nhau, rồi đồng phát chưởng tấn công đám bộ khoái. Đám bộ khoái bị bật lui lại. Hai lão phóng thêm chưởng nữa, cửa sổ vỡ tan tành. Cả hai tung mình nhảy ra.

 Khi còn lơ lửng trên không, hai lão cảm thấy hai luồng lực đạo từ dưới đánh ngược lên mạnh đến long trời lở đất. Hai lão kinh hoàng vội đánh xuống chân một chưởng. Bùng, bùng hai tiếng. Người hai lão bay bổng lên không, chân tay như tê dại, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Mùi hương thơm như trầm thoang thoảng trong chưởng. Hai lão kinh hoảng nghĩ:

- Nếu hai kẻ kia phát thêm chưởng nữa thì mình về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh mất.

 Nhưng hai người kia không đánh tiếp. Hai lão rơi xuống đến hụych một cái như bà già ngã. Cả hai vội hít một hơi rồi đứng dậy. Sử-vạn đưa mắt nhìn quanh. Trong bóng đêm y thấy hai người đứng xa xa khoanh tay nhàn nhã. Biết gặp kình địch, dù có đấu cũng mất mạng vô ích, Khiếu Tam Bản lên tiếng:

- Tôn giá là ai? Tại sao lại tấn công anh em tại hạ?

 Có tiếng trầm trầm đáp lại:

- Có cút mau không? Trái lệnh ta đánh thêm chưởng nữa mất mạng bây giờ.

 Hai lão tung mình vào đêm tối.

 Vừa lúc đó Tônn Đản, Tự-Mai, cũng đáp xuống. Một trong hai người đứng trong bóng tối lên tiếng:

- Hai thằng cà chớn, xuống đây làm gì, để các bạn ở trên đó bị người ta hại thì sao?

 Tự-Mai đã nhận ra tiếng người nói. Chàng cảm thấy ớn xương sống, vội dạ một tiếng rồi tung mình lên lầu đứng cạnh nhà vua.

 Tuy võ công Thiên-Thánh hoàng đế không cao, nhưng ông đã từng xem hàng nghìn trận đấu, đã được các đại cao thủ phân giải, nên kiến thức võ công rất quảng bác. Nhà vua nghĩ thầm:

- Thái hậu thực có con mắt tinh đời, nên mới dùng hai lão Sử-vạn, Khiếu bấy lâu. Mình e tại triều khó có
võ tướng nào địch lại một trong hai lão.

 Bất giác nhà vua đưa mắt nhìn Tự-Mai:

- Ban nãy một lão phóng chưởng cực kỳ hùng hậu, Tôn Đản đỡ chưởng ấy, dường như ngang sức nhau. Như vậy võ công y ngang với nhị đệ. Ừ, còn hai người ở dưới lầu là ai, võ công thực kỳ diệu, chỉ một chiêu
làm cho hai lão già kia kinh hoảng bỏ chạy.

 Thuận-Tông hỏi Lê Văn:

- Chú mười! Hai người đó là ai vậy? Một người xử dụng võ công Sài-sơn dường như chiêu Thiên-vương bạt sơn. Còn người kia xử dụng chiêu Ác ngưu nan độ của Tản-viên.

 Lê Văn méo miệng trêu:

- Ông mập! Đần nó vừa vừa thôi nhé.

- Ta đần ở chỗ nào?

- Trên đời này làm gì có người nào toả ra mùi hương thơm ngát ngoài tiên cô nhà mình? Thế gian cũng không hai người, mà chỉ nói một câu, khiến ông Thiên-lôi Tự-Mai tuân lệnh răm rắp.

- Ừ, ta đần thực. Thì ra ông kẹ, bà chằng. Hai ông bà ấy như chim vậy. Bố ai biết đâu mà tìm.

 Viên hiệu-úy kinh khiếp về võ công hai lão Sử-vạn, Khiếu vừa hoàn hồn. Trở lại thực tại, liếc qua một cái y đã nhận ra trong sáu thiếu niên, thì năm không phải là người Hán. Vừa rồi nghe nàng Thanh thuật, một thiếu niên đối chưởng ngang tay với Sử-vạn. Y tỏ vẻ khách khí:

- Xin các công tử cho xem thẻ bài.

 Tôn Đản trình thẻ bài ra. Trên thẻ bài có khắc dấu hiệu của Khu-mật viện rằng người xử dụng thuộc sứ đoàn Đại-Việt sang kết hiếu. Y hỏi nhà vua:

- Vị công tử này mặc y phục Nho-sinh, vậy thẻ bài của trường Quốc-tử giám đâu?

 Tự-Mai đáp:

- Anh tôi không có thẻ bài của Quốc-tử giám.

 Viên hiệu úy tỏ vẻ cương quyết:

- Nếu công tử không có thẻ bài của Quốc-tử giám, thì phải theo chúng tôi về phủ Khai-phong.
Nhà vua quên mất mình là Lê Luyện:

- Không được vô lễ.

 Viên hiệu úy kinh ngạc:

- Bản chức thi hành luật của đức Hoàng-đế, mà bảo là vô lễ ư?

 Mấy bộ khoái vây xung quanh sáu người.

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:41:28 pm »

 Giữa lúc ấy có tiếng hô lớn:

- Kính chào hai lão công công. Không biết luồng gió nào thổi hai công công tới đây.

 Mọi người nhìn ra: Hai thái giám lớn tuổi đang đi vào. Nhà vua thấy hai lão, thì than thầm:

- Hỏng bét. Hai lão này nhận ra ta mất.

 Nguyên đó là hai thái giám hầu cận nhà vua. Một lão tên Trịnh Đức, một lão tên Trịnh Ngọc. Trịnh Đức hầu hạ nhà vua từ hồi mới sinh ra. Hiện lão làm tổng lĩnh thái giám coi tẩm cung của hoàng hậu. Một lão tổng lĩnh thái giám coi tẩm cung của nhà vua. Nhà vua vội đứng lui ra sau Tự-Mai.

 Viên hiệu-úy cũng như đám bộ khoái, thấy hai lão Trịnh vội cung cung kính kính nhường lối cho hai lão.
Nguyên theo quan chế nhà Tống, Tổng-lĩnh thái-giám, đẳng trật cao ngang bằng quan phủ, thấp hơn quan phủ Khai-phong một chút. Nhưng vì hai lão hầu cận vua vùng Hoàng-hậu, quan xa không bằng lính gần, hai lão được kính trọng hơn.

 Hai lão vẫy tay đáp lễ, rồi lên lầu. Nhác thấy nhà vua, hai lão vội phủ phục xuống:

- Trịnh Đức, Trịnh Ngọc xin...

 Tự-Mai rất nhanh trí, chàng nói lớn lên át giọng hai lão:

- Hai lão Trịnh không nên đa lễ. Đại ca ta họ Lê tên Luyện, hiện làm Ngự-sử trung thừa. Người vâng mật chỉ thiên tử ra ngoài có việc trọng đại. Hai lão đứng dậy thôi.

 Hai lão thái giám hiểu rằng nhà vua giả làm Nho-sinh vi hành thăm dân, ông không muốn hiển lộ thân thế. Hai lão vội đứng dậy, chắp tay lui lại.

 Lê Văn móc ra một nén vàng đưa cho lão Thuận-Hỷ:

- Đây là vàng Đại-Việt. Ta trả cho tửu lầu về chi phí sứ đoàn Đại-Việt ăn uống. Trả luôn chi phí rượu thịt cho hai tên du thủ du thực, cùng bồi hoàn đổ vỡ ở đây. Chủ nhân dọn cho một tiệc khác.

 Nhà vua vẫy bọn Tôn Đản:

- Chúng ta lại đối ẩm.

 Ông ban chỉ cho hai lão thái giám:

- Các người xuống lầu ăn uống, chờ ta.

 Trước khi hai lão thái giám xuống lầu Lê Văn nói vọng ra:

- Hai lão Trịnh. Liệu cái lưỡi nhà người có dai bằng gân bò không?

- Dạ...dạ lưỡi của lão nô cứng như sỏi, như đá, không nói được nhiều.

- Vậy thì hơn hết kiếm cái gì bỏ đầy miệng, bằng không lúc nằm mơ xủa bậy thì không còn chỗ đội nón.

- Bọn lão nô nhất định đậy kín miệng bình.

 Nhà vua đến bên nàng Hồng, mời ngồi xuống cạnh ông:

- Hồng cô nương! Ta với nhị đệ thực không phải với ba cô nương. Mấy bài từ trên bức lụa mà cô nương đem thử trí thông minh của ta; thực ra ta đã thuộc làu từ trước. Còn nhị đệ, y cũng thuộc bài Tiền xuất sư biểu từ hồi chín mười tuổi.

 Nàng Tử nói:

- Thế nhưng Trần đại ca đoán được tâm sự phụ thân tiểu muội, thì Trần đại ca vẫn trúng cách như thường.

 Nhà vua xua tay:

- Lỗi tại ta. Khi nhìn nét bút của lệnh tôn, ta đã nhận ra ngay. Tất cả tiến trình cũng như tâm sự của lệnh tôn ta đều biết trước cả. Ta dùng ngón tay viết lên đùi gà cho nhị đệ. Vì vậy y mới nói được tâm sự lệnh tôn. Chỉ có việc gọi ra tên họ, chức vụ lệnh tôn do y suy luận mà thôi. Như vậy coi như anh em chúng ta
gian lận. Gian lận tức thua cuộc.

 Lê Văn hỏi nàng Tử:

- Đinh tỷ tỷ. Hai ông anh thua cuộc rồi. Vậy Đinh tỷ tỷ bảo chúng tôi phải giết ai, xin nói ra đi thôi. Tôi nhắc lại, những kẻ đó phải là bọn ác đức. Chứ giết người ngay, thì chúng tôi không dám làm. Mà ví dù chúng tôi có làm, khi về nước đức Hoàng-đế của tôi cũng chặt đầu. Hơn nữa đức Hoàng-đế Đại-Việt có khoan thứ, bố tôi cũng đánh què.

 Nàng Thanh chắp tay:

- Đúng là mệnh trời. Nếu không do trời xui khiến, sao đưa Lê đại ca đến đây? Dù hai đại ca thuộc thơ văn từ trước. Dù Lê đại ca nhận ra nét bút Phùng quốc công, rồi nhân đó giải đoán, cũng do thiên mệnh. Vì vậy ba chị em tiểu muội vẫn không đổi ý.

 Tự-Mai biết khi con gái người Hán đã nguyện theo ai, không bao giờ đổi thay. Chàng đành chấp thuận:

- Tử muội. Thôi được, coi như anh em ta thắng cuộc. Tuy thắng chúng ta vẫn sẵn sàng giúp muội hoàn thành những điều tâm nguyện.

 Nàng Tử chỉ vào nàng Hồng:

- Hồng tỷ tỷ họ Khấu tên Kim-Hồng.

 Nhà vua nghĩ thầm:

- Nàng là con thừa tướng Khấu Chuẩn đây.

 Tự-Mai chửi thầm:

- Mình thực ngu, lúc đầu nhác thấy nàng Hồng quen quen, mà không nhận được gặp ở đâu. Thì ra nàng là em vợ anh Bảo-Dân, nên khuôn mặt hao hao giống nhau.

 Khấu Kim-Hồng chỉ bức tranh vẽ Kim-An nói với nhà vua:

- Việc đầu tiên tiểu muội muốn nhờ đại ca tìm kiếm tung tích chị Kim-An dùm.

 Rồi nàng tóm lược sơ sài vụ Kim-An tiến cung làm phi tần cho vua Chân-Tông. Nhà vua định phế Lưu hậu, phong Kim-An làm hoàng hậu theo lời quần thần. Sau đó Kim-An mất tích. Triều thần cho rằng gian nhân bắt Kim-An là của Lưu hậu. Không chừng Kim-An bị giết rồi cũng nên.

Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:44:19 pm »

 Nhà vua nắm tay nàng Hồng lắc đầu:

- Ta không thể hứa trước được. Hồi tiên đế còn tại thế, người sai thị vệ, cùng Khu-mật viện truy lùng khắp nơi cũng không ra tung tích, thì nay anh em chúng ta e cũng uổng công. Nhưng Khấu muội đừng vội tuyệt vọng. Ta hứa sẽ làm hết sức.

 Lê Văn nghe tiếng Bảo-Hòa dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai chàng:

- Thằng em cà chớn, hãy làm theo lời chị nói để được kết hôn với Nong-Nụt. Bằng không thì đừng hòng. Nào nói đi.

 Lê Văn nói theo lời Bảo-Hòa:

- Hai ông anh giỏi văn chương mà được vợ đẹp. Nhưng bây giờ người đẹp nhờ vả lại bó tay. Trong khi thằng nhỏ có thể thực hiện được điều Khấu tỷ tỷ nhờ, thì không trúng cách. Ôi! Phải chi có nàng thứ tư cho mình dự thi.

 Nhà vua cầm tay Lê Văn:

- Văn đệ ngoan. Nếu Văn đệ tìm ra được tung tích Khấu Kim-An, bất cứ Văn đệ yêu cầu điều gì ta cũng chiều.

 Lê Văn ngồi ngay ngắn lại, chỉ mọi người:

- Các vị làm chứng cho nghe. Nếu tôi tìm được Khấu quý phi, Lê đại ca phải giúp tôi một việc.

- Một việc chứ mười việc ta cũng thuận.

 Lê Văn ghé tai nhà vua nói nhỏ mấy câu. Nhà vua gật gật đầu:

- Được, ta sẽ làm như lời Văn đệ muốn. Bao giờ Văn đệ cho biết tin tức Khấu quý phi?

 Lê Văn bấm đốt ngón tay nói:

- Đệ biết bấm độn. Phương pháp của đệ theo Lý Thuần-Phong lão tiên. Hôm nay là ngày mười tám, tháng chạp. Bây giờ thuộc giờ Tuất. Như vậy được quẻ Tốc hỷ. Tốc là mau chóng. Tốc hỷ chủ tin vui đến gấp. Tỷ tỷ sẽ tìm thấy Khấu quý phi trong một vài ngày.

 Nó làm bộ đọc thơ:

 Tốc hỷ, hỷ lai lâm,

 Cầu tài hướng Nam hành.

 Thất vật Thân, Mùi, Ngọ.

 Phùng nhân lộ thượng tầm.

 Quan sự hữu phúc đức,

 Bệnh giả vô họa xâm,

 Điền trạch lục súc cát,

 Hành nhân hữu tín âm.

 Thuận-Tông hỏi:

- Mấy câu thơ đó nghĩa là gì vậy?

 Lê Văn nói với nhà vua:

- Lê đại ca. Ông anh mập ù của đệ muốn đệ dịch sang tiếng Việt. Đệ phải nói tiếng Việt. Mong đại ca tha thứ.

 Chàng nói tiếng Việt:

- Mấy câu thơ đó tạm dịch như sau:

 Tốc hỷ, vui đến mau,

 Ước tiền hướng Nam cầu,

 Vật mất Thân, Mùi, Ngọ,

 Mong người sẽ gặp nhau.

 Việc quan hưởng phúc đức,

 Đau yếu thoát âu sầu.

 Ruộng vườn lục súc tốt,

 Tìm người nào khó đâu?

 Trong mấy người, chỉ mình Tự-Mai biết Lê Văn dịch tào lao, nhưng thoát ý. Chàng bấm bụng cười thầm:

- Lê Văn khéo giả bộ thực. Không chừng Đản, Lãm, Tông cũng tin mất.

 Chàng làm bộ tính toán nhắm mắt một lúc rồi nói:

- Khấu quý phi vẫn còn tại thế. Người hiện đang ở Biện-kinh này.

 Khấu Kim-Hồng giật mình:

- Chị Kim-An bị giam trong ngục ư?

- Không! Trong đêm đó, chị bị một võ lâm cao thủ, tuân lệnh người nữ bắt đem ra ngoài Cấm-thành giết. Nhưng may mắn thay, Khấu quý phi được một đại hiệp cứu sống. Hiện hai người thành vợ chồng.

 Nhà vua hỏi:

- Bao giờ Văn đệ cho Hồng muội với Khấu quý phi gặp nhau?

- Không thể và không nên. Theo đúng phong hóa Nho-gia, Khấu quý phi đâu được quyền kết hôn với bất cứ ai, mà phải ở vậy suốt đời thờ Chân-Tông hoàng đế. Nay nàng đã kết hôn với người khác, mà xuất hiện, e Thiên-Thánh hoàng đế chặt đầu.

 Nhà vua vẫy tay:

- Ta chắc hoàng đế ân xá.

- Vậy lát nữa đây Hồng tỷ tỷ có thể gặp Khấu quý phi.

 Đến đó tiếng Bảo-Hòa nói tiếp:

- Cà chớn, sang vấn đề Tự-Mai đi.

 Lê Văn hỏi nàng Thanh, nàng Tử:

- Vấn đề thứ nhất đã xong. Bây giờ đến lượt hai bà chị. Hai bà chị muốn ông anh chúng tôi làm gì? Tôi nói cho hai tỷ tỷ biết, ông anh của tôi đang ứng tuyển phò mã. Lỡ mà thành phò mã thì e hai tỷ tỷ phải làm phận tiểu tinh.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:46:10 pm »

 Nàng Tử nói:

- Nơi này đông người, nói ra e không tiện.

 Lê Văn cười:

- Thì nói thầm vậy.

 Nàng Tử ghé miệng trái đào nói vào tai Tự-Mai. Tự-Mai gật đầu liên tiếp tỏ ý vui lòng.

 Ăn uống xong nhà vua nói với Tự-Mai:

- Muộn rồi, để đệ đưa ta về thôi. Ta xuất hành dấu tung tích, lý lịch. Nhưng các hiền đệ thông minh ắt biết ta là ai rồi. Nếu chưa biết, sau Tự-Mai sẽ nói cho các đệ biết. Đừng đa lễ.

 Ông nói với Tôn Đản, Lê Văn:

- Nhị vị hiền đệ nhớ nhé, cứ dự tuyển phò mã như thường. Ta hứa Đản sẽ được kết hôn với Cẩm-Thi, Văn
đệ sẽ được kết hôn với Nong-Nụt. Còn Tự-Mai cũng phải dự thi, ta sẽ gả Thuận-Tường cho.

 Nhà vua nắm lấy tay Khấu Kim-Hồng:

- Hồng muội đi với Văn đệ để gặp chị Kim-An. Ta hứa nội trong một tháng sẽ nhờ mai mối đến rước Hồng muội về với ta.

 Nhà vua bảo lão Thuận-Hỷ:

- Nhà ngươi để ba tiểu thư đi với nhị đệ của ta được chứ?

 Lão Thuận-Hỷ chắp tay:

- Dạ, xin đại nhân cứ tự tiện.

 Tự-Mai nói với Lê Văn:

- Em ở lại dọn hành lý của ba bà chị về Bồng-lai. Còn ta tiễn Lê đại ca về.

 Nhà vua, Tự-Mai giã từ mọi người, rồi lên xe ngựa vào Cấm-thành. Vừa tới cửa Chính-dương thì thấy có đám đông đang bao quanh đội thị vệ. Một trung niên nam tử kêu gào thảm thiết:

- Trời hỡi trời có thấu cho không? Tôi đến cửa khuyết kêu oan. Oan không được xét, mà còn bị bắt thế này.

 Một viên võ quan hất hàm ra lệnh cho thị vệ:

- Lệnh của tể tướng, bắt tên này đem điều tra. Bỏ nó lên xe cho ta.

 Đám thị vệ chưa kịp ra tay, thì hai võ sĩ đã nắm cổ người dân đó liệng lên xe. Người này không vừa. Y nhảy xuống xe cầm dùi định đánh trống tiếp. Hai võ sĩ trói anh ta lại. Anh ta kêu lớn:

- Bàn dân thiên hạ biết cho. Tôi tên Triệu Đức-Sùng, ngoan dân ở Triệu-châu. Viên Giám-binh bắt vợ tôi về làm tỳ thiếp, còn vu cho tôi làm phản. Ức lòng tôi lên cửa vua đánh trống kêu oan. Không ngờ lại bị bắt.

 Nhà vua hỏi:

- Viên Giám-quan đó tên gì?

 Thanh niên chỉ vào viên quan võ:

- Chính là y. Y là con quan tể tướng Tào Lợi-Dụng tên Tào Nhuế. Y biết tôi về kinh kêu oan, nên dẫn thủ hạ đón bắt tôi.

 Tào Nhuế tát Đức-Sùng một cái:

- Nói láo, đem y đi ngay.

 Nhà vua quát:

- Ngừng tay.

 Đám võ sĩ với Tào Nhuế vội ngừng tay nhìn lại thấy hai thái giám, có hơi ngại. Tào Nhuế hỏi:

- Hai công công ở cung nào? Đêm khuya ra ngoài có việc gì?

 Nhà vua quát:

- Ta ra ngoài có việc gì, cái thứ như mi không có quyền hỏi.

 Nhà vua bảo thị vệ:

- Bắt tất cả đem giao cho Bắc-ban chỉ hậu La Sùng-Đản.

 Đám thị vệ trù trừ chưa quyết định, thì một võ quan cỡi ngựa đi tới. Y hỏi:

- La Sùng-Đản là ta. Ai vừa nói đến ta đó?

 Vừa thấy nhà vua với Tự-Mai, Sùng-Đản kinh hoảng. Nhà vua vội nói:

- Ta là thái giám Lê Luyện, vâng chỉ Hoàng-thượng ra ngoài có việc. Nay gặp con Tào Lợi-Dụng ức hiếp dân. Vậy người hãy bắt cả bọn này điều tra, rồi tâu lên thiên tử.

 Bắc-ban chỉ hậu nội phẩm là chức tước cao bậc nhất của quan tại nội cung. Sùng-Đản hiện coi cung nga, thái giám cùng thị vệ Cấm-cung. Trước đây La phạm lỗi, bị thái hậu sai tể tướng Tào Lợi-Dụng quản thúc. Tào cho lột khăn, đai của Sùng-Dản, cùng làm nhục y biết bao phen. Y giận căm gan, mong có ngày trả thù. Nhưng chức tước y nhỏ bé thì làm gì được Tào. Trong khi đó Tào còn là cao thủ bậc nhất triều đình. Hôm nay được chỉ dụ của nhà vua, La Sùng-Đản mừng rú. Y truyền thị vệ bắt Tào Nhuế cùng đám vệ sĩ giam lại.

 Trời đã khuya, thị vệ tưởng nhà vua là thái giám Lê Luyện, nên phải mở cửa cho vào. Nhà vua nắm tay
Tự-Mai:

- Thôi nhị đệ về với sứ đoàn. Ngày mai chúng ta gặp nhau.

 Tự-Mai bái biệt nhà vua, chàng tung mình vào đêm tối. Khi chàng về đến khách điếm thì trời quá khuya, mọi người đã ngủ. Chàng về phòng trùm chăn, đánh một giấc ngon lành.

 Tự-Mai giật mình tỉnh giấc vì nhiều tiếng nói lớn:

- Thượng-thư tả thừa, lĩnh Hàn-lâm thị độc học sĩ Yến Thù, tuân chỉ Thiên-Thánh hoàng đế đến rước Khai-Quốc vương cùng sứ đoàn về Nam-thanh điện cư ngụ.

 Có tiếng Khai-Quốc vương:

- Thực nhọc công đại học sĩ. Kính mời đại học sĩ vào.

 Vương thân ra tiếp Yến Thù, truyền pha trà. Phân ngôi chủ khách xong, vương nói :

- Xin đại-học sĩ chờ mấy khắc, để tiểu vương cho tùy tùng chuẩn bị.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:48:42 pm »

 Vào trong, thấy nét mặt vương phi bối rối, vương hỏi:

- Có truyện gì không?

- Bảo-Hòa, Thông-Mai, Tự-Mai không có tin tức gì cả.

- Hỏi chim ưng xem.

- Thiệu-Thái hỏi rồi, nhưng chim ưng không biết nói. Bảo nó đi tìm ba người, chúng đi mất tích từ sáng tới giờ.

 Ngô Cẩm-Thi lo nghĩ:

- Hay bị bắt hết rồi.

 Lê Văn lắc đầu:

- Với võ công ba người, nếu chẳng may bại lộ, ắt có trận đấu long trời lở đất mới bị bắt. Ba người mà bị bắt, thì thị vệ đã kéo tới vây kín Bồng-lai đảo rồi. Em chắc vô sự.

 Mỹ-Linh sủng ái cậu em Tự-Mai cùng cực. Nàng nói:

- Thôi ta cứ dọn hành trang của nó tới điện Nam-thanh. Hễ nó trở về, khách điếm chỉ cho nó tới chỗ ta ở.
Nói rồi Mỹ-Linh vào phòng Tự-Mai dọn đồ cho cậu sư đệ. Vừa vào tới phòng, một cảnh làm nàng vừa bực mình, vừa vui mừng: Tự-Mai ngồi xếp bằng tròn trên dường, hai bàn tay banh mắt, căng miệng, thè lưỡi nhát nàng.
 
 Vừa lo lắng cho em, bây giờ thấy nó an toàn, còn trêu mình. Mỹ-Linh nổi giận. Nàng nhảy tới kéo tai y. Tự-Mai không dám chống lại, để Mỹ-Linh nắm tai lôi ra ngoài. Nàng kéo Tự-Mai chạy khắp nhà. Mọi người
đều bật cười.

 Khai-Quốc vương bảo cháu:

- Tạm thời cho Tự-Mai nợ một lần. Khi khác tính tội cũng chưa muộn.

 Yến Thù rước cả sứ đoàn lên xe ngựa, có thiết kị hộ tống, hướng Nam-thanh điện. Nam-thanh điện đã được lau chùi, đốt trầm hương chờ đón sứ đoàn. Thù nói bằng tiếng Việt:

- Vương gia! Nam-thanh điện có đủ xe cộ, mã phu, ngựa tốt, cùng nữ tỳ, bộc phụ. Viên quản Nam-thanh cung tên Triệu Tiền. Vương gia cần gì xin cứ sai y. Y sẽ lo liệu đủ.

 Trước khi rời Nam-thanh điện, Yến Thù nói:

- Vào giờ Tỵ ngày mai, các ứng sinh phò mã chín mươi ba châu sẽ đến bộ Lễ để tuyển chọn vòng đầu. Nếu vương gia có thời giờ, xin thỉnh ghé qua xem cho vui.

 Đợi Yến Thù đi rồi, Trần Bảo-Dân gọi chim ưng canh gác, còn tất cả vào trong phòng nghe Tự-Mai thuật về tất cả những gì đã diễn ra hôm qua. Y thuật lại tỷ mỷ từng chi tiết một, chỉ dấu không nói đến việc nhà vua trao thẻ bài trên ghi nó là nghĩa đệ.

 Tôn Đản hỏi Lê Văn:

- Có ba điều anh không hiểu.

- Ba điều gì?

- Một là, tại sao Văn đệ không yêu cầu nhà vua ưng cho vấn đề to lớn, mà chỉ đòi viết tặng ba mươi bài thơ.

 Thanh-Mai nói sẽ:

- Không phải Văn đệ yêu cầu đâu, mà tiên cô Bảo-Hòa sai nó đấy. Chị đoán thế này: Bảo-Hòa thấy nhà vua với Tự-Mai kết bạn, ắt sau này khắp Tống, Việt đều biết. Vì vậy nếu như Tự-Mai cầm lệnh chỉ của nhà vua trao một đại thần. Đại thần thấy bút tích của hoàng đế thì tin ngay.

 Lê Văn nhảy dựng lên:

- À, phải rồi, bà Bảo-Hòa muốn biết tuồng chữ của nhà vua. Sau này, nếu cần sẽ làm lệnh chỉ... giả.

 Thanh-Mai cười:

- Đề phòng vậy thôi.

 Tôn Đản hỏi:

- Còn vấn đề thứ nhì: Lê Văn nhờ nhà vua một điều. Nhà vua gật đầu. Thế việc đó là việc gì vậy?

 Lê Văn cười:

- Em nghĩ rằng: Bố em bắt em phải ứng thí phò mã. Khi đấu võ, em mà giả bộ thua thì tiên cô Bảo-Hòa biết liền. Bà ấy không bẹo tai, mà mách bố. Bố sẽ đánh em què giò. Vì vậy em xin nhà vua: khi em điện thí về văn, nhà vua tìm cớ đánh em trượt. Thế là hòa cả làng.

 Khai-Quốc vương lắc đầu:

- Hư qúa. Còn điều nàng Tử yêu cầu Tự-Mai là điều gì vậy?

 Tự-Mai nói sẽ:

- Phụ thân nàng bị Tào Lợi-Dụng hại. Nàng nhờ chúng ta hạ y dùm. Việc hạ Tào không khó, bởi chính nhà vua cũng muốn làm việc đó. Vì vậy em gật đầu.

 Vương nghe xong, nắm tay Tự-Mai:

- Mục đích chuyến đi của chúng ta là kết hiếu với Tống. Nay Thiếu-Mai kết thân được với Lưu hậu. Tự-Mai kết thân với Lý thái phi, cùng Thiên-Thánh hoàng đế. Hôm nay chúng ta tới bộ Lễ xem tuyển phò mã, nhân tiện kết thân với anh hùng bốn phương. Vả ta cần đi, để xem ba ứng sinh Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn trổ tài.
Ăn sáng xong, vương phân phối cho Bảo-Dân, Khấu Kim-An, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Ngô Cẩm-Thi giữ nhà. Nhất là thù tiếp ba nàng Hồng, Thanh, Tử. Còn lại vương với vương phi, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái áp tải ba ông thiên lôi đi ứng tuyển phò mã.

 Tôn Đản thấy rõ ràng mình đi ứng tuyển phò mã, trong lòng như lửa đốt, sao Ngô Cẩm-Thi vẫn vui cười như không có gì xẩy ra? Y muốn phân trần với nàng, mà không có dịp.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:51:21 pm »

 Trước khi lên xe, Khai-Quốc vương dặn các em:

- Trong gần ba trăm người về ứng tuyển lấy một phò mã, mười bẩy rể của đại thần này, chúng ta có ba ứng sinh. Về võ công chúng ta không sợ bất cứ thiếu niên nào. Nhưng việc tuyển chọn có ba kỳ. Kỳ một xem hình thể, bệnh tật, tuổi tác, lý lịch đều do các quan bộ Lễ đảm nhiệm. Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích, thuộc phe chủ xâm lăng Đại-Việt. Tôn Thích vốn xuất thân làm Ngự-y. Y đã nghe tiếng Hồng-Sơn đại phu, tỏ ra ganh ghét, dèm pha người. Nay gặp Lê Văn, chắc y sẽ gây khó dễ. Ngược lại Phùng Nguyên kiêm thêm chức vụ Thiên-văn lịch số, chủ trương đánh Tây-hạ, Kim trước. Vì vậy các sư đệ phải khéo léo lắm mới được. Dù y gây rắc rối gì, ta cũng thản nhiên như không. Nhưng...

 Vương ngừng lại, suy nghĩ, rồi tiếp:

- Nếu bất cứ kẻ nào nhục mạ quốc thể, ta không để yên. Ta phải nhân dịp này, tìm xem những kẻ nào chủ Nam xâm, kẻ nào chủ hòa bình, rồi còn đối phó. Thôi ta đi.

 Xe tới bộ Lễ.

 Hào kiệt các nơi tụ về đông như kiến, đều đứng chờ ở ngoài cổng. Kẻ đi ngựa, người đi xe. Cứ mỗi ứng viên lại có thân thuộc tháp tùng, thành ra số người hội về có đến hàng mấy vạn.

 Mỹ-Linh dặn các em:

- Theo như thể lệ, lát nữa sẽ có quan Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích, Lễ-bộ tham-tri Phùng Nguyên đích thân đọc danh sách ứng viên vào. Tổng cộng Tống có chín mươi ba châu, mỗi châu ba người trúng sơ tuyển, thành hai trăm bẩy mươi chín người. Ngoài ra còn Đại-Việt, Bắc-biên, Tây-hạ, Thổ-phồn, Đại-lý, Đại-liêu, Xiêm-la, mỗi nơi ba người nữa thành ba trăm. Ba trăm người chia làm ba mươi cửa. Mỗi cửa mười người vào. Các em phải nhớ một điều: Chúng ta sang Tống kết hiếu với anh hùng. Phải hết sức lễ độ, nhũn nhặn. Trừ trường hợp nguy đến tính mệnh, còn ngoại giả cấm xứ dụng võ công.
 
 Thanh-Mai tiếp:

- Các em xuống xe làm quen với anh hùng thiên hạ đi. Kìa, phái Hoa-sơn kìa.

 Phái Hoa-sơn đi trên ba chiếc xe, chiếc đầu có Bắc-Sơn lão nhân ngồi với Khúc Chẩn. Chiếc thứ nhì có Tây-Sơn lão nhân ngồi với Triệu Tiết. Chiếc thứ ba Địch Thanh ngồi với Nam-sơn lão nhân,.
Đám Hoa-sơn đã từng thân quen với Tự-Mai, Lê Văn, Tôn Đản. Hai bên gặp nhau truyện trò nổ như pháo rang. Chỉ riêng Triệu Tiết, Khúc Chẩn, nhìn Tôn Đản, Tự-Mai bằng con mắt hằn học.

 Lê Văn vồn vã hỏi Triệu Tiết:

- Thế nào, thương thế Triệu huynh khỏi hẳn chưa?

 Triệu Tiết nhớ lại trận đánh Tản-lĩnh, y xấu hổ cau mặt lại:

- Đa tạ Lê huynh. Đệ khỏi rồi.

 Người mà Triệu Tiết thù ghét nhất là Tự-Mai. Y hỏi mát:

- Trần huynh cũng ứng tuyển phò mã đấy à? Tôi tưởng trên thế gian này Trần huynh chỉ có sư muội Thuận-Tường mà thôi?

 Tự-Mai cười:

- Câu hỏi này xin nhường cho Triệu huynh tự trả lời. Triệu huynh nhất tâm, nhất trí chỉ biết có Thuận-Tường, mà sao cũng ứng tuyển phò mã?

 Triệu Tiết nổi giận:

- Dĩ nhiên ta chỉ biết có sư muội. Ta ứng tuyển...

 Tây-Sơn lão nhân đưa mắt cho Triệu Tiết:

- Không được nhiều lời.

 Tự-Mai vái Tây-Sơn lão nhân:

- Đại sư! Tiểu bối nghe đại sư có tài thông thiên, huyền diệu, mong đại sư tính số Tử-vi xem tiểu bối có thể trở thành phò mã không?

 Tây-Sơn lão nhân kinh ngạc nghĩ thầm:

- Tại sao thiếu niên này biết mình giỏi Tử-vi? Điều mà chỉ có hoàng cung Tống cùng đệ tử phái Hoa-sơn rõ thôi. Y từ xa tới cũng biết, quả thực sứ đoàn Đại-Việt nhiều tai, lắm mắt.

 Ông chỉ vào gốc cây gần đó:

- Bần đạo cũng đang muốn nghiên cứu lá số kỳ diệu của công tử đây. Nào, chúng ta lại gốc cây kia cho yên tĩnh.
 
 Tự-Mai xuống xe, theo Tây-Sơn lão nhân. Chàng biết lão sẽ hỏi chàng về giờ, ngày, tháng, năm sinh.
Chàng nghĩ thầm:

- Mình khai trước lá số, tỏ cho lão rõ mình cũng biết sơ về khoa này.

 Nghĩ vậy chàng chắp tay:

- Thưa đại sư, tiểu bối tuổi Nhâm-Tý, sinh tháng năm, ngày hai mươi bốn, giờ Sửu.

 Tây-Sơn lão nhân xòe bàn tay ra bấm, ông gật gật đầu rồi nói:

- Công tử! Công tử thuộc loại người hiếm có trên thế gian. Nói rằng số công tử tốt cũng cực tốt, mà xấu cũng cực xấu. Nhưng cũng may cái xấu đã được Trần đại hiệp vô tình giải cho rồi, nên chỉ còn cái tốt thôi.

- Xin đại sư chỉ rõ hơn.

- Mệnh công tử lập tại Tỵ. Tử-vi, Thất-sát thủ mệnh. Công tử tuổi Nhâm, đắc cách cực tốt, mà trong Tử-vi kinh nói:

 « Tử, Sát Tốn cung,

 Đế huề bảo kiếm.

 Tử, Tuyệt nhập xâm,

 Đa sát chi nhân.

 Hạnh ngộ chiến công, vi đại tướng ».

 (Câu trên nghĩa là: Người có Tử-vi, Thất-sát thủ mệnh tại Tỵ, thêm sao Tử, Tuyệt nữa, thì luôn gặp chiến công thành đại tướng. Nhưng tính hay đa sát).
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #86 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:52:19 pm »

- Tử-vi là sao đế tượng, lớn nhất của tinh đẩu. Tử-vi thủ mệnh, thì mệnh công tử thuộc loại lớn, lớn vô cùng. Bản chất lớn, mà Tử-vi lại chủ thông minh. Nên công tử học một biết mười. Tử-vi là vua, cần phải có văn, võ phù tá, bằng không cũng là cô quân. Thất-sát cư chung với Tử-vi... Thất-sát là thượng tướng tinh đẩu, là võ quan. Công-tử sinh giờ Sửu, được Văn-khúc thủ mệnh, Văn-xương cư quan. Như vậy là có đủ văn võ phò tá. Mệnh công tử lớn là thế đó.

 Ông chau mày suy nghĩ:

- Tử-vi vốn thông minh, lại thêm Văn-khúc thủ mệnh nữa, thành ra công tử thuộc loại thông minh quán thế. Ông vua thông minh, có văn võ phù tá, thế nhưng vua có uy quyền hay vua bù nhìn? Làm vua, mà không có của cũng vô ích. Đây công tử tuổi Nhâm nên được thêm Hóa-quyền thủ mệnh; Lộc-tồn cư Hợi, thêm Hóa-khoa ở Thiên-di. Thành ra ông vua có quyền, có của chứ không phải cô quân nghèo khó.
Tự-Mai định hỏi, Tây-Sơn lão nhân xua tay không cho chàng hỏi. Ông tiếp:

- Về công danh. Cung quan có Liêm-trinh, Phá-quân, Văn-xương, Đào-hoa, Liêm, Phá chủ về võ.
Văn-xương chủ về văn. Vậy công tử xuất ra làm võ, rồi lĩnh luôn cả văn lẫn võ. Đào-hoa cư quan là cách sớm hiển đạt công danh. Vì Tử-vi kinh nói:

 « Đào hoa cư quan,

 Tảo tuế thanh vân đắc lộ »

 Nghĩa là người mà có Đào-hoa đóng ở cung quan, thì sớm hiển đạt.

 Tự-Mai hỏi:

- Đại sư nói số tiểu bối tốt, cũng cực tốt. Xấu cũng cực xấu. Cực tốt đại sư đã nói rồi. Còn cực xấu nó ra làm sao?

- Xấu vì mệnh công tử có Tử-vi thủ, thêm Thất-sát. Tử-vi là ông vua. Thất-sát là thượng tướng của tinh đẩu, hóa hình là thanh kiếm. Cái cách Tử-Sát trong Tử-vi kinh gọi là Đế huề bảo kiếm tức ông vua đeo kiếm. Trong khi công tử thuộc Hỏa-lục-cục, sao Tử cư quan, sao Tuyệt ở thiên-di, đúng với câu trên.

 ... Tóm lại công tử thông minh, công danh hiển đạt, được chúa yêu trao cho trọng quyền. Nhưng hiềm vì sau này làm đại tướng, lâm vào tình trạng đa sát, thành ra thất đức.
 
 Ông ngừng lại, mỉm cười:

- May thay cái xấu của công tử đã được phụ thân giải cho rồi, do vậy không đáng ngại nữa.

- Tiểu bối không hiểu.

- Vô tình, Côi-Sơn đại hiệp gửi công tử cho sư thái Tịnh-Huyền giảng về Phật-pháp, lòng dạ công tử trở thành từ bi, sát nghiệp do đó giải được phần nào. Nhưng cũng chính vì lẽ ấy, công tử sẽ chán mùi thế tục, thích tiêu dao với cỏ cây.

 Tự-Mai định hỏi xem việc ứng tuyển phò mã của chàng sẽ ra sao, nhưng chàng chợt nghĩ lại:

- Ông này đang phò trợ cho hai đệ tử Triệu Tiết, Khúc Chẩn ứng tuyển, đương nhiên đối đầu với mình. Mình chả nên hỏi ông việc này.

 Chàng chắp tay:

- Đa tạ đạo sư.

 Chợt có tiếng quát tháo, rồi một cỗ xe tứ mã phóng tới. Tự-Mai nhìn thấy rõ: Tào Nhuế ngồi chễm chệ ở trên. Xung quanh có hơn mười võ sĩ theo hầu. Chàng nghĩ thầm:

- Rõ ràng hôm qua nhà vua sai Bắc-ban chỉ hậu La Sùng-Đản bắt giam y, mà sao nay y còn thung dung ứng tuyển phò mã? Thế lực Tào Lợi-Dụng thực kinh khiếp.

 Có tiếng lóc cóc, chàng nhìn thấy ba chiếc xe chạy tới, trên xe kéo lá cờ, trên lá cờ thêu hình bông sen. Giữa nhụy sen một nhà sư ngồi kiết già. Tự-Mai biết đó là biểu hiệu của phái Thiếu-lâm. Thoáng nhìn thấy Quách Quỳ ngồi bên một nhà sư lớn tuổi trên xe đi đầu, tính tinh nghịch nổi dậy, Tự-Mai hướng Quách Quỳ chắp tay vái:

- Quách huynh! Quách huynh đã trúng sơ tuyển làm phò mã ư?

 Nghe tiếng quen quen, Quách Quỳ quay lại thấy Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn, mặt y sa sầm, nhưng bất đắc dĩ phải đáp lễ:

- Vâng, tiểu đệ nhờ ơn Thái-sư phụ, trúng sơ tuyển. Nên hôm nay về đây.

 Tự-Mai nhớ lại, Mỹ-Linh kể truyện Triệu Anh chết thảm trên ngọn Tuyệt-phong, chàng nói bằng giọng ôn nhu:

- Hôm trước nghe tin tôn sư vị quốc vong thân, anh em chúng tôi cùng bùi ngùi thương tiếc. Hôm nay gặp Quách huynh đây, chúng tôi xin chia buồn.
 
 Tự-Mai hướng nhà sư:

- A-di Đà-Phật, đệ tử Trần Tự-Mai, thuộc Đại-Việt, không dám thỉnh pháp danh đại sư.

 Vị sư già thấy Tự-Mai lễ độ, rõ ra một Phật-tử thuận-thành, ông cũng đáp lễ:

- Bần tăng pháp danh Minh-Đức. Chẳng hay thí chủ thuộc châu nào?

- Đệ tử không thuộc chín mươi ba châu, mà thuộc Đại-Việt.

 Mắt nhà sư hiện ra tia sáng long lanh:

- Đại-Việt nổi tiếng nhiều cao nhân võ học, không biết tôn sư là ai? Chắc thí chủ nhờ tôn sư truyền cho tuyệt học, nên mới được cử đại diện cho quý quốc ứng tuyển phò mã.

 Nhà sư muốn hỏi sư phụ truyền thụ võ công cho Tự-Mai, chàng vờ như hiểu lầm, đáp:

- Bổn sư của đệ tử pháp danh thượng Tịnh hạ Huyền. Thưa đại sư, nói ra thực xấu hổ, bổn sư dạy thực nhiều, mà đệ tử vẫn chưa vượt xa hơn được bộ Kim-cương cùng bài kinh Bát-nhã Ba-la mật-đa tâm kinh.

 Chàng suýt xoa:

- Sau đệ tử có duyên gặp Minh-Thiên đại sư giảng cho yếu chỉ của Thiền-môn. Đệ tử ước ao mãn việc ở đây sẽ được viếng chùa Thiếu-lâm để nghe các cao tăng giảng về lẽ huyền diệu đạo đức Thế-tôn.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #87 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:53:43 pm »

 Thiền-sư Bồ-đề Đạt-Ma cỡi thuyền từ Tây-trúc qua Đại-Việt, rồi sang Trung-thổ, mục đích hoằng đương đạo pháp, độ cho những người trong bến mê. Sau đó, đồ tử đồ tôn của người thành lập phái Thiếu-lâm. Võ lâm Trung-thổ chỉ biết về võ công Thiếu-lâm. Trong khi các cao tăng lại tự hào về Thiền-học của mình.
Minh-Đức thấy Tự-Mai không chú ý đến võ học, mà chỉ ước ao nghe giảng Thiền-học, ông mở to mắt nhìn chàng, trong lòng nghĩ thầm:

- Đúng là đệ tử danh gia, mới có cái nhìn thấu đạt như vậy.

 Ông chắp tay:

- Bản tự lúc nào cũng mở cửa rộng đón nhận những người có túc duyên như thí chủ.

 Quách Quỳ quen cả hai bên, y giới thiệu một lượt. Khi y giới thiệu đến một thiếu niên dáng điệu thanh nhã tên Đào Bật. Tự-Mai nghe tên y quen quen, chưa nhớ ra đã nghe ở đâu, thì Thanh-Mai đã hỏi:

- Đào công tử. Hôm trước công tử ghi danh ứng tuyển làm động trưởng Bắc-biên, rồi sao lại bỏ cuộc? Với võ công, nhân phẩm của công tử mà ứng tuyển làm châu trưởng Phong-châu, chắc chắn phải được.

 Đào Bật chắp tay:

- Tiểu bối cũng định tham dự đấy, nhưng cuối cùng sư phụ truyền lệnh phải luyện võ hầu ứng tuyển phò mã, nên bỏ cuộc.

 Thanh-Mai cười:

- Tôn sư thực xứng đáng là người tính xa. Làm phò mã dĩ nhiên hơn làm châu trưởng.

 Đến đó, tiếng trống nổi lên. Mọi người cùng im lặng. Quan Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích xuất hiện trên đài, cầm loa xướng:

- Xin các vị anh hùng bốn phương nghe.

 Chờ cho mọi người hoàn toàn im lặng Tôn Thích tiếp:

- Vâng chỉ dụ của Thiên-Thánh hoàng đế về việc tuyển phò-mã. Hôm nay thiểm bộ trách nhiệm tuyển kỳ thứ nhất. Các vị khi nghe đến tên, xin ứng thanh dạ, rồi tiến vào cổng.

 Tôn Thích ngừng lại môt lát, rồi tiếp:

- Những ai trúng sơ tuyển, nhưng vắng mặt hôm nay, coi như bỏ cuộc, dĩ nhiên không được vào kỳ tuyển võ. Sau đây là những điều lệ cuối cùng: Một là gái giả trai, phải tự biết thân phận rút lui. Hai là những người đời ông, đời cha từng phạm tội đại nghịch, trộm cướp, hoặc bất cứ tội gì phải đi tù, phát vãng, không được vào dự kỳ này. Dù cố vào dự, sau khám phá ra, bị mang tội khi quân, phải tội trảm. Ba là những người đời ông, cha, hay sư phụ từng theo Hồng-thiết giáo, bang Nhật-hồ, phải lui ngay. Nếu miễn cưỡng dự, sẽ bị chém đầu.

 Tham-tri Phùng Nguyên cầm loa tiếp:

- Bây giờ xướng tên ai, người ấy vào. Phải giao vũ khí, ám khí cho thân thuộc ở ngoài giữ.

 Tiếng loa xướng:

- Hoa-sơn Triệu Tiết, Khúc Chẩn.

 Hai người dạ thực lớn, rồi bái biệt sư phụ vào trong cổng. Tiếng loa tiếp:

- Thiếu-lâm Yên Đạt, Tu Kỷ.

 Hai người dạ, rồi tiến vào. Lê Văn nói nhỏ:

- Tu Kỷ bị dập chim ở Bắc-biên rồi, chỉ nên ứng tuyển thái giám mà thôi, chứ làm phò mã sao được?

 Mọi người cười ồ. Tiếng loa lại gọi:

- Thiếu-lâm Đào Bật, Quách Quỳ.

 Hai người ứng thanh, rồi vào cổng. Loa gọi hai trăm bẩy mươi chín người, nhưng chỉ có hai trăm năm chục người hiện . Tiếp theo Tôn Thích nói lớn:

- Bây giờ tới bẩy ngoại quốc.

 Loa gọi đủ hai mươi mốt người. Tên Tự-Mai, Lê Văn đứng cuối cùng sau cả Tôn Đản. Ba thiếu niên vào trong, lập tức cánh cổng bộ Lễ đóng lại. Ngay khi bước vào sân, ba anh em bị chia nhập làm ba toán khác nhau.

 Khai-Quốc vương cùng vương phi, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái trở về Nam-thanh điện.

 Tối hôm đó, Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn trở về. Khai-Quốc vương hỏi:

- Lê Văn kể cho anh nghe công cuộc tuyển ra sao?

- Bọn đệ bị chia làm mười tám toán. Mỗi toán do một quan bộ Lễ khảo hạch. Họ hỏi về nguồn gốc từ ông tam đại trở xuống. Hỏi về sư phụ. Sau đó một thái y khám bệnh.

 Mỹ-Linh hỏi:

- Ông ta khám ra sao?

 Lê Văn lắc đầu:

- Ông nói thầm vào từng tai xem có bị điếc không? Ông bắt mạch, xem lưỡi. Cuối cùng...

- Cuối cùng cân xem nặng bao nhiêu cân, đo xem cao bao nhiêu thước phải không?

- Không! Không nói với con gái được.

 Mỹ-Linh cốc vào đầu Lê Văn:

- Tất cả con gái ở đây đều lớn hơn cậu nhiều. Cậu là em nhỏ nhất, cứ nói đi. Ai mà chấp với cậu.

 Lê Văn bẽn lẽn:

- Ông ta sờ chim, rồi nắn hai hột. Nhột chết đi được.

 Mọi người cười ồ. Lê Văn tiếp:

- Có hai người bị loại về vụ khám chim này.

 Thuận-Tông tò mò:

- Sao?

- Còn sao nữa. Một người tên Lý Hiến. Y không có chim. Còn một người hai trứng lép. Y tên Tu Kỷ.

 Nghe đến tên Tu Kỷ, mọi người đều nhớ lại trận đấu tuyển người thống lĩnh Khê-Động. Tu Kỷ bị đối thủ bóp chim đến trợn mắt hút chết. Hôm đó Lê Văn khám đã nói: Y không thể làm chồng nữa.

- Sau khi đúc kết, bộ Lễ chỉ còn giữ lại một trăm tám chục người. Ngày mai vào yết kiến nhà vua, dự thi văn trước điện.

 Cơm chiều dọn ra, mọi người chuẩn bị ăn cơm, thình lình Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn cùng kêu thét lên tỏ vẻ đau đớn.

 Thanh-Mai hỏi:

- Cái gì vậy?

 Lê Văn nhăn nhó:

- Con chim. Con chim, ối đau chết.


Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #88 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 05:59:12 pm »

Chương 11
Triều đình Đại Tống

 Lê Văn cùng Tôn Đản, Tự-Mai chạy vào phòng riêng. Y vội kéo quần Tự-Mai, Tôn Đản ra xem: Dương vật bị sưng lớn đỏ lòm. Y nói:

- Chúng mình bị trúng Chu-sa độc phấn rồi. Gọi ông heo mau.

 Thiệu-Thái chạy vào, chàng nâng chim ba cậu em lên coi: Sưng đỏ lòm. Đúng là bị trúng Chu-sa phấn. Chàng bảo cả ba ngồi ngay ngắn lại, rồi vỗ tay lên huyệt Bách-hội ba người. Cả ba rùng mình một cái, mồ hôi toát ra ướt hết quần áo. Mùi hôi tanh khủng khiếp xông lên. Khoảng nhai dập miếng trầu, cả ba đã hết đau, cùng mặc quần áo lại.

 Thiệu-Thái dặn:

- Ba đứa đi tắm, rồi trở ra đây cho cậu hai hỏi truyện.

 Tắm xong, Tôn Đản văng tục:

- Con bà nó. Nếu không có ông ỉn, e bọn mình mất chim, phải làm thái giám không chừng.

 Lê Văn hỏi Thiệu-Thái:

- Ông heo ơi. Em đề nghị thế này: Ông heo dạy bọn em luyện Hồng-thiết tâm pháp. Không cần dạy đến trình độ có thể giải độc cho người, mà chỉ cần tự chống được mọi độc tố cũng đủ rồi.

 Mỹ-Linh bước vào, nàng nắm tai Lê Văn vặn tréo đi:

- Vừa rồi em gọi anh Thiệu-Thái là gì?

- Ối đau. Bà sề làm gì người ta đây. Tai em là tai người, vặn đứt đem cho chó, chó cũng không ăn đâu. Tốt hơn hết vặn tai ông heo làm giò thủ hoặc luộc lên ăn dòn đáo để.

 Mỹ-Linh càng vặn tai mạnh hơn:

- Hôm ở Tân-Dã khi nhờ chị cứu Nong-Nụt cho. Em đã hứa từ nay không được gọi anh Thiệu-Thái bằng cái tên ỉn nữa. Tại sao nay lại nuốt lời?

- Ái, em hứa không gọi tên ỉn. Vừa rồi em gọi là ông heo chứ có gọi cái tên cúng cơm kia đâu?

 Tính Mỹ-Linh vốn hiền hậu, lại tu Thiền từ bé. Vì vậy dù mấy cậu em phá đến đâu nàng cũng không giận. Biết môn võ mồm, muôn ngàn lần không thể địch lại Tự-Mai, Lê Văn, nàng đành buông tai nó ra:

- Chị không thèm nói truyện với em nữa.

 Lê Văn chưng hửng, chàng nắm tay Mỹ-Linh:

- Chị giận đấy à? Đi tu mà giận thì sao thành Phật được?

 Biết võ công này có hiệu quả với Lê Văn, nàng đẩy tay y ra:

- Từ nay chị không nói truyện với em nữa. Suốt từ khi sang Tống đến giờ, em với Tự-Mai phá chị đến điên đầu lên được.

- Em không phá chị thì phá ai bây giờ? Không lẽ phá hai bà chằng Bảo-Hòa, Thiếu-Mai để ăn đòn? Hay phá bà la sát Thanh-Mai để bà tụng cho mấy bộ kinh A-Di-Đà?

 Thế là Mỹ-Linh bật cười, bẹo má y:

- Cái mỏ như con két.

 Chị em cùng cười.

 Khi Tự-Mai cùng Lê Văn trở ra, đã thấy Khai-Quốc vương, vương phi, Thông-Mai, Bảo-Hòa ngồi đó từ bao giờ. Thấy Thông-Mai, Bảo-Hòa, hai đứa trẻ phát rét, không dám đùa nữa.

 Khai-Quốc vương hỏi Lê Văn:

- Em thử đoán xem ai đã hạ độc thủ này? Chúng hạ độc với mục đích gì?

 Lê Văn đáp ngay:

- Chắc chắn người hạ độc thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc. Có hai trường hợp xẩy ra. Nếu do viên y quan bôi phấn vào tay khi khám hạ độc, thì ít nhất có ba tên đồng bọn. Vì ba đứa thuộc ba toán khác nhau.

 Bảo-Hòa gật đầu:

- Đúng vậy.

 Bảo-Hòa phân tích:

- Cháu nghĩ chúng không chỉ hạ độc bọn ba đứa nhà mình, mà còn hạ độc tất cả các ứng viên. Vậy có khi cả mười tám tên đều hạ độc thủ. Trường hợp này tất phải Lưu thái hậu, nhà vua hay Định-vương mới đủ uy quyền ra lệnh. Nhà vua vốn hiền hậu, lại đang nhờ vả ba đứa, chắc không phải ông. Định-vương là người quân tử, không thể làm truyện ác đức. Rút cuộc chỉ còn mình Lưu hậu mà thôi. Cuộc tuyển phò mã do Lưu hậu chủ xướng, không lẽ bà hại bà?

 Mọi người đều công nhận lời Bảo-Hòa hợp lý. Nàng tiếp:

- Bây giờ chúng ta thám thính xem có ứng sinh nào trúng độc nữa không. Nếu tất cả đều bị trúng độc, ta lập tức cho Tự-Mai nhập cung báo với nhà vua, rồi ta bắt một tên y quan tra khảo, tất y khai ra người truyền lệnh. Còn như không có ai trúng độc cả, thì ba đứa trẻ nhà mình trúng độc do nguyên cớ khác.

 Đến đó, Khấu Kim-Hồng vào cung tay:

- Khải vương gia, có Tây-sơn lão nhân cầu kiến.
Logged
daibangden
Moderator
*
Bài viết: 14469


Чёрный Орёл


« Trả lời #89 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 06:00:09 pm »

 Vương vội đứng dậy, vẫy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái theo. Ngoài phòng khách Tây-sơn lão nhân cùng Địch Thanh, Triệu Tiết, Khúc Chẩn đang ngồi chờ. Thấy Vương ra, Tây-Sơn lão nhân cùng ba đệ tử đứng dậy chắp tay hành lễ. Vương vội đáp lễ mời ngồi. Cứ nhìn sắc diện ba đệ tử Hoa-sơn, Vương đã biết việc gì xẩy ra. Vương hỏi lão:

- Đạo sư. Đạo sư thử nghĩ xem ai đã đánh thuốc độc bọn trẻ?

 Tây-Sơn lão nhân thở dài:

- Khó đoán quá. Dường như kẻ nào đó định phá hoại cuộc tuyển phò mã thì phải. Bần đạo phải khẩn tâu lên Hoàng-đế điều tra ngay mới được. Bần đạo nghe trong sứ đoàn Đại-Việt có công tử của Hồng-Sơn đại phu. Vì vậy bần đạo đem ba tên đệ tử tới nhờ người trị cho.

 Khai-Quốc vương nhìn Địch Thanh:

- Trạng nguyên đã trúng Chu-sa phấn hai lần. Vậy lần trạng nguyên có thấy giống những lần trước không?

 Địch Thanh cung tay:

- Khải vương gia giống hệt. Vừa nóng, vừa nhức, lại vừa đau.

 Vương mỉm cười:

- Thế thì có thuốc tạm cầm đau đớn. Thuốc này cô gia đã tặng Định-vương khá nhiều. Tuy vậy Lê Văn mang theo đây mười mấy bình, ta dùng để trấn tĩnh rồi tính sau.

 Vương truyền mời Lê Văn. Y thấy tình trạng ba đệ tử Hoa-sơn thì lắc đầu:

- Ba anh em chúng tôi cũng bị trúng độc như các vị. Đây thuốc đây, các vị uống vào cầm cơn đau, rồi ta tìm cách trị sau.

 Địch Thanh hỏi:

- Lê công tử, tại hạ nghe Thân giáo chủ có thể dùng thần công trị tuyệt độc tố Chu-sa. Xin công tử mời Thân giáo chủ trị cho anh em tại hạ, nguyện không bao giờ quên ơn.

 Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Tây-Sơn lão nhân, rồi mỉm cười:

- Xin đạo sư hiểu cho. Chúng tôi đang trên đường đi sứ, nên không muốn, và không thể làm trái với những thế lực tối cao.

 Lão nhân lắc đầu:

- Khải vương gia, bần đạo nghĩ Hoàng-thượng không hề biết gì về việc này.

 Triệu Tiết ngơ ngác hỏi:

- Sư thúc, đệ tử không hiểu ý tứ cao xa của sư thúc với vương gia.

 Địch Thanh vốn cực kỳ thông minh, y giảng giải cho Triệu Tiết:

- Sư đệ ơi! Sư đệ nên biết việc đầu độc này do mười tám y quan cùng ra tay. Phàm người thường, đụng vào Chu-sa phấn, thì tay mình bị trúng độc trước. Đây các y quan không bị trúng độc, hẳn họ đã có thuốc phòng. Việc tuyển phò mã do chỉ dụ của Thái-hậu, mà mười tám y quan cùng ra tay phá, e có thế lực cực lớn sai khiến.

 Triệu Tiết hiểu ra:

- Đệ hiểu rồi. Vì thế Vương gia mới phán : Không muốn và không thể làm trái với thế lực tối cao. Sư thúc cho rằng ý vương chỉ Thiên-tử. Người mới nói rằng Hoàng-thượng không biết gì về việc này.

 Lê Văn tiếp:

- Cho nên anh Thiệu-Thái không thể trị dứt cho các vị. Trị như vậy, là gây hấn với thế lực tối cao. Theo tại hạ, có lẽ Thái-hậu hoặc triều đình chủ trương việc này để thử công lực của sĩ tử không chừng.

 Tây-Sơn lão nhân chắp tay hướng Khai-Quốc vương:

- Đa tạ vương gia cứu trị cho ba đệ tử thiểm phái. Bần đạo phải đi yết kiến Thiên-tử ngay, để tâu trình việc này.

 Ba anh em Địch, Triệu, Khúc cáo từ ra về.

 Tự-Mai hỏi Khai-Quốc vương:

- Sáng mai tất cả ứng sinh phải vào sân rồng điện Sùng-chính yết kiến nhà vua, cùng nhận hoa, sau đó thi văn, đấu võ. Trong khi bộ Lễ loan báo nhà vua tiếp anh cả cũng vào ngày mai. Vậy em có nên đợi cùng mọi người vào, hay theo sứ đoàn?

- Em nên vào cung báo cho nhà vua biết trước vụ này để người đề phòng.

 Bảo-Hòa mỉm cười:

- Em với Lê Văn phải nhập cung thực sớm tâu trình cho nhà vua. Hiện Định-vương chuẩn bị giáp binh bao vây tư thất đại thần thuộc dư đảng Hồng-thiết giáo, những biến chuyển dồn dập, rất có thể Lưu hậu ra tay hại nhà vua. Em là em kết nghĩa với nhà vua phải xin theo đến điện Sùng-chính để hộ vệ cho nghĩa huynh.

 Khai-Quốc vương ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi nói rất chậm:

- Mai này sứ đoàn vào triều yết Thiên-Thánh hoàng đế. Trong lúc bách quan lâm triều thì Định-vương cùng Phụ-Quốc, Trung-Đạo với mười trưởng lão bang Nhật-hồ cũ tổ chức chính biến. Dinh thự của đại thần thuộc phe Lưu hậu bị bao vây. Trong cung, đội thị vệ cuối cùng của Lưu hậu sẽ bị bắt. Có người đánh thuốc cho Lưu hậu mê man. Nhưng ta sợ một điều là Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn cũng học được Hồng-thiết tâm pháp. Tuy bản lĩnh không bằng Nhật-Hồ lão nhân với Thiệu-Thái, nhưng y cũng có thể giải độc cho Lưu hậu. Còn Lý thái-phi được tôn lên làm Thái-hậu. Khi lâm triều Lý thái-hậu ngồi trong màn thính chính. Bọn thủ hạ Lưu hậu tưởng Lưu hậu ngồi đó. Vì vậy...

 Vương nhìn năm trẻ:

- Năm hiền đệ tuyệt đối tuân lệnh anh Thông-Mai với chị Bảo-Hòa mà hành sự.

 Tự-Mai, Lê Văn đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Thiệu-Thái hỏi:

- Có gì lạ không?

 Lê Văn nheo mặt:

- Anh cả ra lệnh cho bọn em phải tuân lệnh ông kẹ, bà chằng e... thừa. Vì có bao giờ ổng bà nói mà bọn em dám cãi đâu?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM