Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 02:53:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích (phần III)  (Đọc 243322 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #560 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 11:07:41 am »

Vậy là tháng Năm đã tới. Tháng Năm năm nào đối với tôi cũng đầy ắp những nỗi nhớ, nguồn thương. Tháng Năm là tháng tôi được sinh ra và tháng Năm cũng là tháng mà tôi mất nhiều đồng đội, nhiều bạn hữu nhất, trong đó có số 2 Cao Sơn Khảo từng bay với tôi. Với tháng Năm, tôi từng viết :

   Tháng Năm đến lặng thầm trong ồn ã
   Như Tôi, từ hư vô bỗng hiện hình hài
   Rồi nổi chìm theo nhịp nỗi đời
   Lặn ngụp mãi giữa đôi dòng trong, đục
   Cười vờ khi thức
   Khóc thực khi mơ
   Lúc tinh khôn, lúc hóa dại khờ
   Lúc sống đời thường, lúc sống bằng hư ảo
   Bình lặng nơi này
   Nơi kia giông bão
   Thắm thiết sục sôi, mặt biển hững hờ
   Một cõi mênh mang, cố tìm bến tìm bờ
   Tráo trở, đảo điên
   Vẫn lê bước cuộc đời hành khất
   Tháng Năm
   Phượng tung sắc lửa lưng trời
   Sáng bừng mặt đất
   Miền quê nào còn mưa sậm sật
   Khóc tháng Ba
   Tiếng ve sôi ran, chợt khựng lại, vỡ òa!...

Tôi lại nghe, lại như thấy được những âm thanh của máy bay cất cánh, những tiếng rít ghê rợn của đạn bom, những tia chớp của pháo của tên lửa, những điểm nổ dày kín trời, rồi những niểm vui, nỗi buồn ào ạt hiện về. Tháng Năm năm 1972, tháng "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị thì cũng là tháng cháy bỏng bầu trời ở miền Bắc với biết bao trận không chiến giữa Không quân ta và Không quân Mỹ...
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #561 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2018, 10:57:46 am »

Ngày này của năm 1972, khi Hải quân Mỹ dùng các phi đội A-6, A-7 tấn công các mục tiêu ở Vinh và Đồng Hới thì biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Văn Bảy (B) thuộc Trung đoàn Không quân 923 đã xuất kích, bắn rơi 1 chiếc A-7. Anh Lê Hải nhớ lại : "Biên đội MiG-17 đã không chiến với một tốp máy bay Mỹ bay vào cứu giặc lái ở phía Tây Thanh Hóa. Sau khi bắn rơi 1 chiếc A-7, Nguyễn Văn Bảy (B) bị tên lửa của chiếc F-4 bắn trúng và anh đã anh dũng hy sinh đúng 17 ngày sau khi lập công ném bom gây trọng thương tàu Tuần dương USS Oklahoma của Mỹ".
 Anh Nguyễn Văn Bảy (B) đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lúc 17h31 phút cùng ngày, biên đội 4 chiếc MiG-21 của Trung đoàn KQ 927 gồm Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Thế Đức, Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Lập "còi" (gọi là Lập "còi" vì người anh nhỏ bé như con "vịt còi" trong đàn vịt) xuất kích bay về khu vực Đồng Giao, Vụ Bản. Biên đội phát hiện địch và dàn đội hình tấn công. Bọn F-4 cũng phát hiện MiG, phân ra thành nhiều tốp nhỏ, bao vây đánh từ nhiều hướng. Sau ít phút quần nhau với F-4, thấy diễn biến bất lợi vì gặp đúng tốp tiêm kích nên SCH cho lệnh thoát ly khỏi không chiến. Trong lúc thoát ly, Lê Văn Lập đã bị bọn F-4 bắn trúng, phải bỏ máy bay, nhảy dù.
Đây là trận thứ 2 của Trung đoàn 927 xuất kích song chưa đạt thành công mà còn bị tổn thất. Trung đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra phương án chiến đấu mới, cách đánh mới, quyết lập chiến công cho Trung đoàn mới được thành lập và đã thực hiện được quyết tâm ấy.
 Sau này, Nguyễn Tiến Sâm và Nguyễn Văn Nghĩa đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Nguyễn Thế Đức hy sinh vào ngày 18-7 ở Hòa Lạc khi thoát ly khỏi không chiến về hạ cánh.
Khởi đầu của tháng Năm đã vất vả, cam go nhưng các phi công chiến đấu của các Trung đoàn Không quân tiêm kích vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lao vào những cuộc không chiến đang chờ trước mặt, với quyết tâm sắt đá phải giành chiến thắng.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #562 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2018, 08:40:04 am »

xuanv338 chào anh chủ phicongtiemkich. Chào các anh chị em làng M & H. Đọc lại những dòng hồi ức về mùa hè đỏ lửa của các anh lính nhà trời, về những ngày  chiến trang miền Bắc. Về những trận không chiến bi hùng. Và có một ngày dài không chiến mà xuanv338 cũng đã được đọc cuốn sách của tác giả Nguyễn Công Huy. Nói chuyện không chiến nó như một huyền thoại mà hôm nay mới được nghe. Anh phicongtiemkich có trí nhớ tuyệt vời, cách kể chuyện không chiến của lính trên trời chân thật. Chuyện Thắng, Thua, Được , Mất không khoe, không dấu. Nó hay là ở đó. Vậy nên nghe chuyện anh  mà như giắt tay người đọc vào nhà tiemkich. xuanv338 chúc anh khỏe và viết tiếp những dòng văn.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #563 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2018, 12:00:13 pm »

Cám ơn Xuanv338 đã theo dõi và động viên. Rất mong được thường xuyên gặp các đồng đội trên trang VMH này.
 Ngày này của 46 năm về trước, lực lượng MiG-19 của Trung đoàn Không quân 925 đã cất cánh chiến đấu và lần đầu lập công cho Truyền thống của Trung đoàn.
Tại sân bay Yên Bái, hai biên đội 4 chiếc MiG-19 bố trí trực ban chiến đấu ở 2 đầu sân bay. Phía đầu Bắc sân bay có Nguyễn Ngọc Tiếp, Nguyễn Đức Tiêm, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hùng Sơn. Biên đội trực ở đầu Nam sân bay gồm Phạm Ngọc Tâm, Phạm Hồng Sơn, Phùng Văn Quảng, Nguyễn Mạnh Tùng.
Nhiệm vụ của các biên đội là phải bảo vệ sân bay Yên Bái, nhà máy thủy điện Thác Bà và ngăn chặn đội hình tấn công của KQ Mỹ từ hướng Tây vào. Để yểm trợ cho trận đầu của Trung đoàn KQ 925, Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ cho biên đội 2 chiếc MiG-21 của Phạm Phú Thái, Võ Sỹ Giáp cất cánh lên thu hút tốp tiêm kích của KQ Mỹ và yểm hộ cho lực lượng MiG-19.
8h40 phút, biên đội Phạm Phú Thái, Võ Sỹ Giáp cất cánh bay về hướng Tuyên Quang để thu hút tiêm kích Mỹ và yểm trợ cho MiG-19.
8h51 phút, biên đội MiG-19 ở đầu Bắc sân bay Yên Bái nhận lệnh cất cánh xuyên mây lên thẳng phía đầu Nam. Ra khỏi mây, biên đội phát hiện được địch. Cùng lúc, bọn F-4 cũng phát hiện ra MiG-19. Trận tao ngộ chiến xảy ra tức thì. Lũ F-4 tách tốp nhằm đánh lạc hướng chiến thuật nhưng MiG-19 cũng tách và bám chặt. Nguyễn Ngọc Tiếp bám sát thằng F-4, nã 1 loạt đạn, đạn "ăn" ở phía sau. Thằng F-4 tăng tốc bỏ chạy. Khi vòng sang bên phải, Nguyễn Ngọc Tiếp phát hiện 2 chiếc F-4 khác đang bay ở độ cao 2000 mét, lập tức vòng gấp bám chặt thằng F-4 bay số 1, đến cự li thích hợp nổ một loạt đạn dài. Thằng F-4 trúng đạn, rơi ngay tại chỗ. Nguyễn Ngọc Tiếp và số 2 thoát li về hạ cánh an toàn.
Khi biên đội 2 chiếc F-4 bên phải vòng gấp xuống, Nguyễn Hồng Sơn và Nguyễn Hùng Sơn bám theo. Nguyễn Hồng Sơn tiếp cận, nổ súng 2 lần nhưng không trúng. Khi ấy, Nguyễn Hùng Sơn cũng bám theo 1 thằng, thằng F-4 phóng 2 quả tên lửa nhưng Nguyễn Hùng Sơn cơ động tránh được, sau đó thằng F-4 xông lên trước, Hùng Sơn chớp thời cơ nện luôn một loạt đạn, song không trúng. Thằng F-4 chúi xuống định lẩn vào mây. Hùng Sơn bám theo bắn loạt đạn thứ hai, đạn trùm lên đuôi thằng F-4 này. Liếc thấy phía trước có núi chắn ngang, Hùng Sơn kéo máy bay thoát ly về hạ cánh.
Khu vực quanh sân bay vẫn còn địch. Biên đội trực ở đầu Nam sân bay nhận lệnh cất cánh yểm trợ. Sau khi cất cánh, biên đội không gặp địch nên quay về hạ cánh.
Tại khu vực Tuyên Quang, biên đội Phạm Phú Thái, Võ Sỹ Giáp phát hiện 4 chiếc F-4. Bọn F-4 cũng phát hiện MiG-21 rất nhanh. Hai bên lao vào quần thảo nhưng vì nhiệm vụ là thu hút địch nên biên đội MiG-21 chủ động kéo trận chiến ra xa  khu vực chiến đấu của MiG-19. Hai phía ta và địch đều muốn tạo thế có lợi để công kích nhưng tình thế luôn ở trạng thái cân bằng, không bên nào hơn được bên nào. Dầu liệu của MiG đã cạn, biên đội nhận lệnh thoát ly khỏi cuộc chiến. Bọn F-4 tiếp tục vòng gấp bám theo MiG-21, phóng tên lửa. Biên đội MiG-21 lật máy bay kéo gấp xuống tích lũy tyốc độ rồi kéo dựng ngược lên lấy độ cao, thoát ly về phía sân bay Đa Phúc. Thấy Võ Sỹ Giáp giữ đội hình hơi xa, Phạm Phú Thái nhắc phải bay gần lên hơn nhưng Võ Sỹ Giáp báo cáo hình như máy bay đã bị thương, dầu giảm nhanh, không đủ bay về sân bay. Đúng là máy bay của Võ Sỹ Giáp đã bị mảnh tên lửa của bọn F-4 bắn văng trúng ống dẫn dầu nên dầu liệu chảy hết nhanh thật. Sở chỉ huy và Phạm Phú Thái lệnh cho Võ Sỹ Giáp nhảy dù, nhưng Võ Sỹ Giáp xin hạ cánh bắt buộc, cứu máy bay. Khi lao xuống hạ cánh bắt buộc trên cánh đồng thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phú, lúc gần tiếp đất, Võ Sỹ Giáp phát hiện phía trước có trường học rất đông học sinh. Nếu cứ chạy thẳng thì sẽ lao vào trường học và chắc chắn rất nhiều học sinh thiệt mạng. Võ Sỹ Giáp liền đạp mạnh bánh lái hướng cho máy bao lao xuống mương nước cạnh đó. Anh bị trọng thương nhưng ngôi trường cùng các học sinh an toàn. Anh được đưa về bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cứu chữa, nhưng vì vết thương quá nặng, 3 ngày sau, anh đã hy sinh. Sau này, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và trên cánh đồng xã Thượng Trưng, Vĩnh Tường, nơi máy bay anh nằm lại đã xây tượng đài kỷ niệm người anh hùng với hành động anh hùng.
9h07 phút, biên đội MiG-21 của Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Nguyễn Văn Nghĩa, Hạ Vĩnh Thành cất cánh bay vào khu vực Đại Từ để chặn đánh đội hình KQ Mỹ định đánh vào sân bay Đa Phúc nhưng không gặp địch, biên đội quay về Đa Phúc hạ cánh.
Ở hướng Đông, 8h42 phút, biên đội MiG-17 của Hoàng Cống, Nguyễn Văn Giá, Nguyễn Hùng Vân, Ngô Sơn cất cánh từ Gia Lâm bay về phía Hòa Lạc để bảo vệ sân bay Hòa Lạc nhưng không gặp địch, quay về Gia Lâm hạ cánh.
Biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Xuân Hiển, Đỗ Hạng, Âu Văn Hùng trong ngày này cũng xuất kích 2 lần nhưng không gặp địch.
Như vậy, trong ngày 8-5-1972, các Trung đoàn Không quân tiêm kích đã xuất kích 24 lần/chiếc, có 2 tốp gặp địch, tiến hành không chiến, bắn rơi 2 máy bay F-4 của KQ Mỹ. Phía ta, phi công Võ Sỹ Giáp bay trên MiG-21 bị trọng thương và hy sinh.
Trong số các phi công tham gia chiến đấu trong ngày này về sau có 6 phi công được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là : Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Phú Thái, Âu Văn Hùng, Võ Sỹ Giáp (truy tặng), Ngô Duy Thư (truy tặng).
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #564 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2018, 05:35:28 am »

10-5-1972!.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #565 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2018, 10:53:19 am »

Ngày này của 46 năm về trước là một ngày ác liệt nhất trong những ngày có cuộc chiến trên không. KQ ta xuất kích liên tục từ sáng cho tới tận chiều. Tất cả 3 loại máy bay tiêm kích MiG-17, MiG-19, MiG-21 của 4 Trung đoàn KQ tiêm kích 921, 923, 925, 927 đều được sử dụng. Ta tổ chức dẫn 22 tốp xuất kích chiến đấu với 64 lần chiếc (38 lần chiếc MiG-17, 8 lần chiếc MiG-19 và 18 lần chiếc MiG-21). Trong số 64 lần chiếc xuất kích, có gần 20 phi công MiG-17 và MiG-21 xuất kích 3 lần và 2 lần ngay trong ngày.
Phía Mỹ, ngày đầu tiên bước 2 của "Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ 1" này đã huy động hàng trăm máy bay của KQ và HQ gồm 22 loại máy bay (tiêm kích, cường kích, tác chiến điện tử, trực thăng, trinh sát, tiếp dầu trên không ...) để tham gia vào ngày không chiến dài nhất và quy mô nhất trong chiến tranh Việt Nam. Tổng cộng có 414 lần chiếc xuất kích.
Người Mỹ gọi ngày này là "Một ngày trong cuộc chiến kéo dài" - cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam. Ngoài ra, họ còn chiếu trên kênh truyền hình History Channel một loạt phim về các trận không chiến ngày 10-5-1972 này với tiêu đề "Ngày đẫm máu".
Quả thực, ngày 10-5-1972 là ngày chiếm giữ nhiều kỷ lục nhất : ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất, ngày mà cả hai bên có nhiều lực lượng tham chiến nhất, ngày ác liệt nhất và theo thống kê của cả hai phía thì là ngày có số máy bay bị bắn hạ trong các trận không chiến cũng nhiều nhất...
Trong ngày điển hình về sự căng thẳng của cả tháng Năm, KQ Việt Nam bắn hạ 6 máy bay Mỹ và phía KQ Việt Nam cũng bị rơi 6 chiếc MiG.Nếu tính sòng phẳng thì mỗi máy bay Mỹ có 2 phi công, có nghĩa là họ thiệt hại gấp đôi về nhân sự. Nếu về kinh tế thì kinh phí chế tạo mỗi chiếc F-4 cao gấp 5 lần so với MiG-21, có nghĩa là cứ mỗi chiếc F-4 phải đổi được 5 chiếc MiG-21 thì tổn thất tài chính mới là ngang hàng. Vậy là, sự thiệt hại của Mỹ trong ngày này đâu có nhỏ!. Riêng ta, ta mất 6 MiG và 5 phi công hy sinh trong các trận không chiến là Nguyễn Văn Ngãi, Lê Đức Oánh, Đỗ Hạng, Trà Văn Kiếm, Cao Sơn Khảo. Còn 1 trường hợp hy sinh nữa là của anh Lê Văn Tưởng. Sau khi thoát ly khỏi không chiến, máy bay của anh hết dầu. Anh về hạ cánh bắt buộc. Chiếc MiG-19 của anh đã xông ra ngoài đường băng phía đầu Bắc sân bay Yên Bái. Anh hy sinh, không tính vào trong trận không chiến.
Số 2 của tôi là Cao Sơn Khảo. Anh bị bọn F-4 bắn. Anh đã nhảy dù thoát khỏi máy bay, nhưng hy sinh trên vùng đất Sơn Dương-Tuyên Quang. Anh được đưa về nghĩa trang huyện Yên Bình, Yên Bái, sau đó được di về nghĩa trang quê nhà. Nhiều năm sau khi anh hy sinh, chúng tôi vẫn đến nhà anh thắp hương và ra mộ viếng anh. Năm nay, vì vướng nhiều việc không dứt ra được nên chúng tôi đành khất với gia đình hẹn năm
sau sẽ về vào ngày này. Tuy không về viếng anh nhưng trong tôi vẫn hiện rõ mồn một trận chiến tôi cùng anh tham gia, vẫn nhớ như in dáng dấp anh - chàng trai quê Ý Yên và không bao giờ quên được những kỷ niệm về anh.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của anh, của tất cả các anh em từng "xếp lại đôi cánh của mình" trong ngày này năm xưa, hy sinh cho sự bình yên của bầu trời và mặt đất thân yêu của Tổ Quốc Việt Nam.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #566 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2018, 10:47:16 am »

Sau những trận không chiến ác liệt diễn ra ngày 10-5 với tần xuất cất cánh rất lớn của cả hai bên, sang ngày 11-5-1972, Bộ tư lệnh KQ dự báo KQ Mỹ có thể tiếp tục oanh kích các mục tiêu quan trọng sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, kể cả khả năng sử dụng B-52 ném bom phía Nam Nghệ An. Tuy nhiên, sáng hôm đó bầu trời miền Bắc Việt Nam hoàn toàn yên ắng. Đến 14h37 phút, trạm ra-đa phát hiện nhiều tốp máy bay từ Sầm Tơ  bay vào đánh Hà Nội. Trung đoàn KQ 927 nhận nhiệm vụ đánh chặn. 14h26 phút, biên đội MiG-21 của Ngô Văn Phú, Ngô Duy Thư xuất kích chiến đấu. Sau khi dẫn thay đổi hướng liên tục, biên đội phát hiện mục tiêu. Cả biên đội vào công kích hai tốp khác nhau. Ngô Duy Thư bám tốp F-105 và bắn cháy 1 chiếc. Trong khi đó, Ngô Văn Phú bám theo tốp F-4, quần nhau với chúng và bám được phía sau chiếc F-4 số 1, Ngô Văn Phú phóng 1 quả tên lửa, thấy điểm nổ chệch bên trái liền phóng tiếp quả thứ 2. Chiếc F-4D đã bị tên lửa của Ngô Văn Phú bắn hạ. Đây là chiếc F-4 do Trung tá Joseph Kittinger và Trung úy nhất William J. Reich thuộc Phi đoàn 555, Không đoàn 432, căn cứ Udorn điều khiển.Hai phi công này nhảy dù và bị bắt làm tù binh.
Trung tá Kittinger là 1 phi công lão luyện và được coi như huyền thoại của KQ Mỹ, từng là phi công thí nghiệm bay phục vụ cho các chương trình nghiên cứu vũ trụ và vào năm 1960 đã từng tham gia nhảy dù tự do từ kinh khí cầu ở độ cao 32,9 km. Kittinger có số giờ bay đến 7000 giờ. Ở Việt Nam, Kittinger đã thực hiện 485 lần chuyến xuất kích, chỉ còn 7 ngày nữa là kết thúc đợt chiến đấu thứ 3 tự nguyện tại Việt Nam và về nước ở tuổi 43, không ngờ bị Ngô Văn Phú - người thanh niên quê Hưng Yên mới có gần 300 giờ bay bắn rơi, sau chiến tranh mới được trao trả phía Mỹ.
Sau khi biên đội của Ngô Văn Phú và Ngô Duy Thư cất cánh thì biên đội MiG-21 của Nguyễn Tiến Sâm và Dương Đình Nghi cũng xuất kích với nhiệm vụ nghi binh và yểm trợ cho biên đội trước đồng thời sẵn sàng đánh chặn tốp tấn công sân bay Hòa Lạc nhưng không gặp địch.
Trong ngày, lực lượng MiG-19 và MiG-17 đều có những biên đội 4 chiếc xuất kích nhưng không gặp địch và quay về sân bay hạ cánh.
Như vậy, trận ngày 11-5-1972 biên đội của Ngô Văn Phú, Ngô Duy Thư đã bắn hạ 2 chiếc máy bay Mỹ, nhưng máy bay của Ngô Văn Phú cũng bị trúng đạn khi thoát ly khỏi không chiến, anh đã nhảy dù an toàn.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #567 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2018, 05:20:00 am »


           Chào bác chủ! Chào các bạn!!!
Người chiến sỹ không quân dũng cảm và tài hoa đại tá nhà văn nhà thơ. Và cao nhất là là là là người cựu chiến binh trong một lực lượng không quân oai hùng đã làm cho những phi công kỳ cựu của Ha Kỳ cùng các nước đồng minh nể phục. Trời đã cho anh bay trên trời cao sống và chiến đấu oai hùng. Trời lại cho anh những tài hoa cả những đào hoa trong cuộc sống!!!Thật tuyệt chúc mừng ngàn lần chúc mừng cùng sự ngưỡng mộ khâm phục anh!!!

           Đọc những bài viết của anh về những ngày tháng năm oai hùng cam go và rực lửa tôi hiểu các anh đã rất dũng cảm quyết tử chiến đấu và sẵn sàng hy sinh sẵn sàng cống hiến.

            Tôi cũng nhập ngũ lại vào những tháng năm đó có điều tôi luôn được chiến đấu bằng khẩu súng dài dưới mặt đất và kéo dài cả mấy cuộc chiến tranh. Gian khổ ác liệt hy sinh với biết bao những điều tưởng chừng không thể vượt qua nổi hoặc nói như tiêu cực muốn dính đạn thì để làm thương binh để hy sinh laọi ra khỏi cuộc chiến. Nhưng may mắn số phận tôi chúng tôi cùng đồng đội đã vượt qua với những hùng tráng và bi tráng khúc khải hoa ca đủ các âm điệu của người lính trận thực sự. Song luôn khâm phục kính phục và nể phục anh người phi công tuyệt trên cả tuyệt....
Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #568 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2018, 05:23:38 am »

Bác  Phicôngtiêmkích tổ chức đi thăm bác  tranphu341 đi thôi
Logged

Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #569 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2018, 06:09:50 pm »

Cám ơn anh TranPhu đã theo dõi và động viên. Chúng tôi rất khâm phục những người lính bộ binh. Họ mới thực sự làm chủ chiến trường khi bước chân của họ được đặt đến. Cũng đã có biết bao hy sinh cùng những gian khổ ác liệt mà họ từng nếm trải. Sau chiến tranh, họ lại là những người trực tiếp lao vào cuộc dựng xây đất nước, làm giàu cho quê hương ngay chính trên mảnh đất mình sinh ra. Trân trọng và quý mến biết nhường nào. Hy vọng, tôi, Giangtvx cùng PhaPhai và Dongadoan sớm có dịp về thăm lại quê anh TranPhu.
Ngày 12-5-1972, lúc 10h50 phút, biên đội 2 chiếc MiG-19 của Tâm, Long thuộc Trung đoàn KQ 925 đã xuất kích chiến đấu và 2 phút sau, biên đội 2 chiếc MiG-19 của Sơn A, Tản cũng cất cánh. Khi Sơn A và Tản đang vòng về hướng Vĩnh Phú thì phát hiện một tốp F-4. Biên đội nhanh chóng vứt thùng dầu phụ, lao vào trận chiến. Vũ Viết Tản nã một loạt dài nện 33 viên đạn nhưng không trúng mục tiêu. Bọn F-4 kéo cao thoát ly khỏi trận chiến, bay về phía Tây. Biên đội của SơnA, Tản cũng về hạ cánh.
Như vậy, trong ngày 12-5-1972, 4 chiếc MiG-19 đã cất cánh, đã gặp địch nhưng không bên nào tạo được kêt quả trong chiến trận.
Cho đến ngày này, kết quả các trận không chiến chưa cao. Ta có bắn rơi máy bay Mỹ nhưng cũng tổn thất, nhiều phi công hy sinh. Ngày 12-5-1972, Bộ tư lệnh KQ đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm, tổng kết cách đánh của các loại máy bay đối với các đối tượng tác chiến khác nhau để chỉ rõ những thành công và thiếu sót trong tất cả các khâu, đề ra chủ trương, biện pháp mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp dự Hội nghị và chỉ đạo nhiều vấn đề. Sau Hội nghị, Bộ tư lệnh đã triển khai một loạt biện pháp, điều chỉnh lại việc bố trí lực lượng cùng sự cơ động  hỗn hợp tại các sân bay, sẵn sàng cho những cuộc chiến mới ngày càng ác liệt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM