Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Năm, 2024, 05:25:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hà Giang Ký ức của chúng tôi và đồng đội. Phần 18.  (Đọc 174534 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SungCANON
Thành viên
*
Bài viết: 460


« Trả lời #520 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2014, 11:21:31 pm »

CÁC BÁC CCB HÀ GIANG ạ! cuộc vệ quốc mà các bác và đồng đội phải hy sinh thời trai trẻ hy sinh xương máu để giử ĐẤT NÀY. DÂN TỘC VIỆT NAM không có quyền lảng quên! nhưng vì mười mấy chử vàng mua sự yên bình cho TỔ QUỐC mà CHÍNH PHỦ VIỆT NAM phải ngậm câm hờn vào lòng. người lính trên mặt trận phải dấu công lao vào ký ức.
điều này chứng tỏ các bác đã hy sinh đến 30 năm sau chiến tranh! có cần hy sinh thêm nửa các bác cũng sẳn sàng. nhưng những điều cần để mai sau biết rỏ và chi tiết thì có lẻ phải viết nhiều, viết hết lên đây .!! HÀ GIANG KÝ ỨC CHÚNG TÔI VÀ ĐỒNG ĐỘI.đã quá hay chưa hết nghĩa của thời cuộc vậy em đề xuất chủ đề TRỞ VỀ VỚI KÝ ỨC HÀ GIANG !! có nghĩa ai nhớ đâu viết đó. không tuần tự không khuôn mẩu như một cách kể chuyện bình thường thôi !
Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #521 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2014, 12:14:59 am »

     Trích dẫn từ bác Laoshan:

  "...Hôm nay nhớ đến mối tình của người chiến sỹ,người đồng đội với cô gái người dân ở vùng chiến địa ác liệt.Hơn 30 năm rồi,có lẽ các con của họ cũng đã trưởng thành  và họ cũng đã về già.Hứa hẹn,khi nào trở lại chiến trường xưa,tôi sẽ bỏ công đi tìm lại họ và thăm lại chiến hào có mồ hôi,xương máu của người chiến sỹ đã đổ xuống !..."
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


                   Chào các bác và anh em.

      Đọc câu chuyện cảm động của bác Laoshan,lại thêm câu chuyện đơn sơ mộc mạc của bác Trinhvanhuong,lòng đã thấy bùi ngùi,cũng muốn viết gì lắm về những đồng đội của mình,nhưng loay hoay mãi mà tâm trí cứ ngổn ngang,chẳng thể nào chắp bút.Đành lang thang đọc. Qua những dòng chia sẻ động viên của bác SUNGCANON,lại thấy mình phải viết.Nhưng đành để hôm khác vậy. Với mong muốn cùng hòa mình vào dòng cảm xúc của các bác,Thai60 em đành xin phép đưa lại một bài trong HG phần 10 để tâm sự cùng các bác vậy :
      

       "Bây giờ đã là 0 giờ 40,bắt đầu một ngày mới.trên HG chỉ còn mỗi mình thai60 đang thơ thẩn.Chẳng thể nào ngủ được,như một kẻ đang oằn lưng bởi những món nợ với đời,60 em lại ngồi gõ phím,để sáng mai ra,các bác CCB già hay mắc bệnh dậy sớm có một chút hương vị lính tráng gì đó bổ xung vào chén trà nóng của buổi ban mai...
       Thai60 biết rằng,đối với nhiều anh em đã từng gắn bó một phần đời mình với Hà giang,được đi thăm lại mảnh đất,con người nơi đó đến tận bây giờ vẫn mãi là một giấc mơ chưa thành hiện thực.Có thể vì điều kiện sức khỏe như bác PB,vì khoảng cách địa lý như bác quangtri hay bạn maianh...giấc mơ ấy vẫn ngày đêm dằn vặt,thôi thúc...
       Với thai60 cũng đã từng như vậy.Xin kể cùng các bác như một sự cảm thông chia xẻ.
      Tháng 4/1987, thai60 em được ra quân.trở về với đời thường,60 em đã thấy cuộc đời thật là tươi đẹp,bản thân mình đã quá may mắn khi vẫn còn được sống.Mơ ước lớn nhất của em lúc đó là sớm " QUÊN đi ký ức về những năm tháng gian khổ nơi chiến trường",sớm hòa mình vào công cuộc lao đông,kiếm sống để sớm có một cuộc sống bình thường như mọi người,nhanh chóng bù đắp những chậm chễ thua thiệt so với bạn bè cùng lứa do những năm tháng phải đi chiến đấu.Lúc ấy,em chỉ mong sớm có được một cô bạn gái,yêu rồi cưới thật nhanh để cho thỏa những khát khao từ thời chiến trận.Nghĩ thế,làm thế,60 em đã nhanh chóng tìm được một cô gái để yêu say mê,và trong lòng đã tự nhủ ...sẽ cưới...cho bõ những lúc...Và cho khỏi...PHÍ.
      Những tưởng cái "giấc mơ con " ấy sẽ sớm trở thành hiện thực,nhưng rồi lại không được thế.Cái " giấc mơ con "kia đã không đủ sức "đè nát cuộc đời con " của thai60 ,chỉ vì những áp lực của đời sống cơm áo gạo tiền.Đứng trước gia cảnh bần hàn điển hình của một thời cả nước khốn khó,khi tự nhiên  do có thành tích "đã nhập ngũ,hoàn thành nghĩa vụ quân sự,đã chiến đấu ở biên giới " nên đã vượt qua vòng đấu loại,được cơ quan cho đi xuất khẩu lao động,60 em đã phải cắn răng ra đi...Để cứu cả nhà.
      Vậy là...sau bao nhiêu giọt nước mắt rơi xuống...sau bấy nhiêu lời thề hẹn bay lên...60 em đã bay đi...lòng vẫn ước hẹn có một ngày " châu sẽ về hợp phố "...
      Mấy năm đầu xa cách nghìn trùng ấy,60 em đã ra sức gìn giữ,thủy chung ,lăn vào làm việc để vượt qua mọi cám dỗ,những mong giữ mình vẹn nguyên cho tới ngày về với người trong mộng.
      Thế nhưng...mối tình ấy,với những kỷ niệm ngọt ngào của nó,theo thời gian đã dần trôi vào dĩ vãng lãng quên.Dù vẫn sống thui thủi một mình ở xứ người lạnh lẽo phương Bắc,60 em đã quên hẳn cô người yêu vẫn đang vò võ đợi chờ nơi quê hương ấm áp phương Nam...
      Ngày ra đi,60 em vẫn mong khi nào kiếm được một món kha khá,đủ để cải thiện một chút cho gia đình bố mẹ,anh em,sẽ trở về ,cưới nàng,và... bùng khỏi đất nước tươi đẹp của bác HO NEC CƠ...,đ...thèm đi nữa...
      Nhưng người tính không bằng trời phá,tự nhiên cái bức tường BERLIN tưởng cực kỳ vững chắc kia lại bị vỡ toang hoác,tan tành.Và cái toan tính tưởng như đinh đóng cột của 60 em kia cũng tan tành theo luôn.Tường ngăn đã bị phá,chúng em tự nhiên lại trở thành cư dân của bác HELMUT KOHL.Là một người có thân hình to béo,lại mang trong trái tim khối óc những tư tưởng chính trị cực kỳ nhân văn,lại rất hay thương người,khi nhìn thấy lũ chúng em thân hình đã còm cõi,còi cọc,lại còn phải còng lưng gánh vác bao nhiêu là trách nhiệm,kỳ vọng...bác ấy đã quyết định không bắt chúng em ...lao động nữa.Nghĩa là cho chúng em thất nghiệp.Nghĩa là cho chúng em cơ hội ...đứa nào chán quá thì về...Đứa nào về thì bác ấy không những mua vé máy bay,cho oto chở ra phi trường,lại còn nhét thêm vào túi mấy ngàn DM để...mua quà...Sướng chưa.May quá.Về đi...
      Khối người đã về.Nhưng em không thể về.Bởi nếu về thì biết lấy gì ra mà gặm,khi đến cái cat tút cũng chẳng còn,mà lại còn phải cưới vợ nữa chứ,nếu không thì ngủ với...xxx...à.Mấy ngàn DM tiền quà kia cũng chỉ vừa đủ trả các loại chi phí cho cái thùng hàng XHCN đã chót đóng chứa toàn xà phòng,xích líp,bột ca cao cùng 1 cái xe kích đểu,công sức của mấy năm trời làm như trâu,ăn như mèo của em.Đã thế thông tin từ phía quê hương yêu dấu còn cho biết :cơ quan cũ sẽ không tiếp nhận lại những người đi lao động ở Đức về.
      Ô ..la...la...Thất nghiệp là cái chắc rồi.Nghề nghiệp ,vốn liếng không có,nếu có bán kích cưới vợ thì chắc vài tháng cũng bị đá đít thôi.Em chả dại...Vâng...Em chả dại thêm lần nữa đâu.Chết đấy.
      Và em đã ở lại .Và ...xong một mối tình.
      Vậy là cái điều mình đinh ninh muốn nhớ thì đã bị quên.
      Thế nhưng còn có cái điều mình đinh ninh muốn quên...thì lại cứ phải nhớ...Các bác ạ.
      Điều gì ấy nhỉ ? Xin các bác nhớ lại những ngày đầu mới xuất ngũ,em có nói tới mong ước "sớm QUÊN đi ký ức về những năm tháng gian khổ nơi chiến trường"...
      Em không thể nào quên được các bác ạ.Và có rất nhiều những người từng khoác áo lính đang sống ở nơi đây cũng không thể nào quên được những tháng năm trận mạc mà họ đã nếm trải.Trong cảnh sống đủ đầy về vật chất,phong phú về tinh thần,những nỗi nhớ về quê hương ,gia đình,vợ con,người yêu...còn có thể nguôi ngoai,thậm chí phần nào quên lãng...nhưng cái nỗi nhớ về chiến tranh,nỗi nhớ về chiến trường,đồng đội...thì lại luôn cồn cào day dứt,cào xé khắc khoải trong trái tim tâm hồn họ,ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần,tình cảm của họ.Dù họ có là ai,làm gì,cũng chẳng cái gì có thể chia tách họ với những ký ức của một thời trai trẻ anh hùng và bi tráng nơi trận mạc ngày xưa.Và nỗi niềm mong ước có một ngày được trở về,thăm lại mảnh đất,con người nơi chiến trận ngày ấy đã trở thành một ngọn lửa thường xuyên hun đốt trái tim,tâm hồn họ,thôi thúc họ trở về.
     .......
      Với cá nhân thai60 em,do không thể chịu đựng được sự thôi thúc đó,cuối năm 1997,trong một lần về phép,em đã lên thăm lại VỊ XUYÊN.
      Ngày ấy em có một cô bạn gái.Cô ấy đòi đi theo.Và em đã cho cô ấy đi cùng.Đi bằng xe máy.
      Tháng 10,trời đã vào đông.Mưa phùn rả rích.Trên chiếc HUSKY đen xì ,kềnh càng,có 2 người không quản mưa rét chạy một mạch lên hướng Hà giang.Xe chạy từ Hà nội,qua cầu Thăng long,qua Phúc yên,Vĩnh yên,Phú thọ,thành phố Việt trì,ngã ba Đoan hùng,nhà máy giấy Thụy điển,thị xã Tuyên quang,Vĩnh tuy,Bắc quang,Việt lâm,Đạo đức,3 cây gạo vệ binh...Khi đến thị xã Hà giang thì trời vừa tối.
      Cả buổi tối đó,sau khi đến thăm nhà một vài người quen,ân nhân từ thời lính,thai60 cứ ngồi trên xe chạy lòng vòng khắp thị xã như bị ma ám,có lúc như quên bẵng cô bạn ngồi đằng sau.
      Tâm hồn ngập tràn trong những cảm xúc nồng nàn tha thiết trước cảnh cũ,người xưa...này đây vỉa hè bách hóa,nơi đã nhiều lần nằm ngả lưng mỗi khi theo xe chở tử sỹ về thị xã mượn sách,nạp ac quy,này đây cây cầu Yên viên,nơi có cô gái trắng hồng cao dong dỏng ngồi dạng chân bán mía cho lính,quần lụa rách toạc đũng hở toang các thứ...mà vẫn không biết,này đây chợ trung tâm,nơi ngày xưa có  cô gái người dân tộc mặc áo váy sặc sỡ từ bản nào vùng cao xuống chợ,bị lính trêu cứ khăng khăng "em không làm vợ bộ đội đâu,thằng bộ đội không to bằng bố em mà..." này đây là rạp chiếu bóng,sân c10,nơi mỗi khi tan phim hoặc hết văn công thì các cô gái vừa kêu oai oái vừa lần chần mãi không chịu về khi bị lính ...nghịch...này đây góc sân vận động cạnh nhà khách f 313,nơi có một chú lính quê Thanh hóa đang đau khổ vì cô người yêu đã có bầu 3 tháng   mà vẫn phụ tình bỏ theo thằng khác,sau khi gạ đổi bằng được cái xe đạp Phượng hoàng mới coóng lấy quả lựu đạn mỏ vịt của em,đã rút ngay  chốt ra còn nhờ "các anh đợi em một tý,lúc nào nghe xong tiếng nổ thì các anh để cái thư này vào ngực áo cho em,không nhỡ nó bị xé rách cô ấy không đọc được",báo hại em mất gần 2 tiếng năn nỉ động viên mãi nó mới chịu quăng quả lựu đạn ấy vào sân vận động.Nhưng may quá...xịt,không thì chẳng biết ra sao với mấy ông vệ binh ở dốc Mã tim gần đấy...Ôi,nhiều vô cùng những kỷ niệm cùng lúc ùa về...
      Lang thang suốt đêm,đến gần sáng mới về khách sạn gần cửa hàng ăn cũ.Tắm rửa.Chui vào chăn.Râm ran kể chuyện ngày xưa...Cho đến khi cô bạn gái kém em 13 tuổi mắt vẫn sáng long lanh,vẫn đang có vẻ háo hức nghe chuyện ,chợt buông ra một câu "điên rồi,ngủ đi"
thì mới...tắt đài...
      Sáng hôm sau,vừa bảnh mắt ra đã vội ăn sáng để đi lên biên.Dọc đường lại như quên mất cô bạn ngồi ôm eo đằng sau.Con đường lên biên giới vẫn nhỏ như ngày xưa,đã được phủ sơ sài một lớp nhựa đường lẫn đá.Cảnh vật từ km 4 trở lên vẫn gần như 10 năm trước,chẳng có gì thay đổi.Chỗ f bộ ngày xưa chẳng còn mái nhà lính nào,chỉ thấy những ụ đất dấu vết hầm hào ngày trước.Cánh đồng phía tay phải mọc đầy cây cỏ dại,thấp thoáng mặt nước ao...Mấy xã Phương độ,Phương tiến dân ở thưa thớt,chỉ thấp thoáng vài bóng nhà sàn còn lại từ ngày xưa.Hình như dân họ vẫn chưa hồi hương.
      Những cây gạo bên đường ngày xưa vẫn thế,những vết mảnh pháo trên thân mình vẫn xù xì ,sứt sẹo.NHững vách đá vẫn trắng toát như vôi,những hố pháo vẫn san sát,lồi lõm,dù cỏ dại đã mọc,che đi màu đất đỏ.
      Rẽ vào làng PINH,con đường vẫn nhỏ hẹp như thế,hai bên đường cây cối rậm rạp vươn cành ra tận giữa đường.Những vệt bánh xe,những ổ gà,hố pháo vẫn còn nguyên,nhiều chỗ cỏ cũng không mọc nổi.Không thấy bóng một người dân,một tiếng mõ trâu,một tiếng gà gáy...Im lặng tới rợn người.
      Gần vào bản,có một con suối nhỏ cắt ngang đường,xe máy gầm thấp không thể qua được,đành phải quay ra.
      Lên Nà cáy.Vẫn chẳng có bóng một người dân nào.Đến lưng chừng dốc,còn cách khoảng 60 m thì có một cái nhà nhỏ dựng tạm bợ bằng tre,mái cọ.Không có ai ở nhà,cũng chẳng thấy đồ đoàn gì.Vứt xe ở đó,leo lên phía hang PHẪU.
      Vừa đến bãi đất trống dưới cửa hang,cô bạn đã níu chặt lấy tay,nói thì thào :anh ơi,sao ở đây lạnh thế,em rùng hết cả mình đây này.Thai60 em đang mồ hôi mồ kê cũng thấy rùng mình ,toàn thân ớn lạnh.Chợt liên tưởng tới lĩnh vực tâm linh,chẳng mang theo hương khói gì,rút ra bao thuốc lá,châm hết cả bao,cắm rải rác trên những nhành cỏ,nói to tướng lên,cho đỡ quạnh vắng :Anh em ơi,thái 25 đây,thái to đây,về thăm anh em đây,có ai quanh đây thì về hút điếu thuốc với nhau đi nào ...
      Tiếng gọi vọng vào vách đá,như ngân vang mãi mới thôi...
      Cả hai đứa cùng chui vào trong hang.Lòng hang phía gần cửa vẫn khô ráo,phiá trong,bên dưới thì ẩm ướt nhiều,không còn một tấm phản nào.Những mảnh gỗ thông vỏ hòm đạn rải rác trên mặt đất.Ở trên một vài nhũ đá vẫn thấy có những đoạn băng ố vàng được buộc cẩn thận,chắc là để treo cái gì đó ,hìng như  là bình nước truyền hoặc đèn mổ như mình vẫn còn nhớ.loáng thoáng có những búi dây điện thoại,hình như ngày xưa dùng để buộc các cây gỗ kê phản cho thương binh.Ở vài khe đá vẫn thấy những lọ thủy tinh như lọ penicilin,trong không đựng gì.
      Đã quên bẵng cô bạn,những tự nhiên cô ấy lại ôm chặt lấy cánh tay,thì thào bảo :em nghe thấy nhiều người nói chuyện và cười đùa lắm...
      Cứ tưởng có ai đến,đi ra ngoài hang thì lại chẳng thấy có ai.Nhưng trong tai thỉnh thoảng lại thấy vọng lên âm thanh như tiếng lính gọi nhau trong rừng,có lúc lại nghe như tiếng khóc nghẹn ngào như kiểu người khóc đang cố kìm lại vậy.
      Tự nhiên người lại lạnh đi,em vội đốt thêm một bao thuốc nữa,đem ra chỗ bãi tử sỹ.Những vầng đá bao quanh vẫn còn tuy đã xộc xệch,60 em nhìn thật kỹ,bới cả đất đá lên cũng không còn thấy một dấu vết gì thuộc về thân xác con người,,cũng tạm thấy yên lòng.
       Đạp lên đám cây cỏ,lần ngược lên phía trên,dấu vết của những căn hầm vẫn còn lấp ló,có những mảng vách hầm xếp bằng đá vẫn còn đứng thẳng,nhưng tất cả các nắp hầm đều đã sụp.Trên mặt đất có rất nhiều mảnh pháo,cối,có cả những cái ngòi nổ vỡ toác nằm
vương vãi.Chỗ bếp hậu cần ngày xưa vẫn còn một đông bản lề hòm gỗ rỉ ngoèn.Tít trên đỉnh vách đá vẫn trắng toát vì đạn pháo,nơi ngày xưa có một cây đu đủ,nơi 60 em đã không biết bao lần ngắm lên đó để nhớ về quê hương....vẫn có một cây đu đủ .Đêm mùng 6 tết âm lịch năm 1987,sau khi bị sức ép đạn cối ở giữa ngã ba Thanh thuy rang sáng hôm 11/1/1987 đến ho ra máu,thai60 em đột ngột nhận lệnh rút xuống cứ trước,chỉ huy một số anh em ốm yếu chuẩn bị doanh trai cho đợn vị chuẩn bị rút,lúc 3 giờ đêm,trước khi theo xe chở tử sỹ xuống,đã ngỏng cổ lên để nhìn nó một lần cuối,nhưng trời tối quá,không nhìn được,đành chỉ lẩm bẩm chào.Vậy mà nay,sau 10 năm xa cách,nhìn thấy lại cây đu đủ ấy,lòng xao xuyến cứ như gặp lại cố nhân...
      Trong lúc 60 em đang chìm trong hoài ức,cảm xúc,cô bạn gái đã nhặt đầy một túi vải các mảnh đạn ,ngòi nổ,các mẩu đá,gỗ thông...để làm kỷ vât.thai60 em nhìn thấy nhưng cũng chẳng nói nổi điều gì...
      
      Các bác thân mến,lúc đêm em đã muốn gửi bài này để các bác già hay dậy sớm đọc lúc uống trà sớm,vậy em xin tạm dừng tại đây đã.Chuyến đi của chúng em dịp cuối năm 1997 ấy vẫn còn tiếp tục,một số tình tiết mang tính quyết định trong mối quan hệ với cô bạn gái kia vẫn chưa được kể,xin hẹn các bác một dịp khác nếu các bác vẫn còn muốn nghe tiếp..."
     ...
                         

                          Chúc các bác một ngày mới tốt lành.

     P/S: Nhân vật nữ ở phần trước câu chuyện chính là cô gái đã từng "diện " bộ quần đùi lính của em đấy các bác ạ.

Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #522 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2014, 12:24:07 am »

Chào bác laoshan 1234, bác khanhhuyen, bác pb47 chào các bác


Đêm hôm vận tải lên 1100 nếu bác khánh huyền còn ở đó hay biết bác pháo đang ở đó thì em đã chui vào hầm các bác ngủ rồi mà chẳng phải vội vã quay xuống để rồi như kẻ mộng du vừa đi vừa ngủ khổ sở như thế này.

Hôm đó nhận lệnh vận tải lên 1100 anh em cũng háo hức lắm, háo hức như đi xem phim vậy . Đơn vị cho nấu cơm ăn sớm rồi hành quân lên Cóc nghè. Đến ngã ba Cóc nghè thì trời vừa tối, hai người một thanh bê tông vác lên 1100 đi theo đường hào mùa xuân xuống Cọc 6, lội suối Thanh thủy và lại tiếp tục cuộc leo lên 1100. Khi lên tới 1050 mới hỏi người lính gác tới 1100 chưa anh ấy bảo cứ đi tiếp vì đây mới là 1050 thôi. Khi tới 1100 những người lính ôm súng đứng gác hiên ngang trên thành hào nhường nối cho những người vận tải chúng tôi đi . Một anh lính dẫn chúng tôi đi đến những nơi cần tập kết bê tông. Khi giao xong mọi người nhanh chóng rút xuống, còn mình thì cứ nằm năn ra vì quá mệt kệ nó dù có chết thì chết chứ phải nghỉ cái đã. Lúc đó, mình mới quan sát kĩ 1100, vì đây là điểm cao luôn diễn ra các cuộc chiến ác liệt và đây là cơ hội để quan sát điểm cao này. Mải quan sát nên anh em lính ở đây phải nhắc nhở lúc này đồng đội đã rút khá xa mình mới vội vàng chạy theo nên chỉ kịp hỏi người ở lại có ai quê Hưng yên không nhưng chỉ thấy những cái lắc đầu. Khi quay về nhìn xuống bên dưới mây dăng trắng xóa đúng là mình đang ở trên thiên đường ngắm cảnh bồng lai , trời đã trở về sáng nên bắt đầu thấy lạnh, mồ hôi ướt áo khi lên bây giờ lại thấy lạnh gai người. Lúc này không gian quá yên ắng lên hai mí mắt bắt đầu díp lại thế là cứ như kẻ mộng du vừa đi vừa ngủ. Khi xuống tới suối tiếng nước chẩy à à mới giật mình tỉnh dậy, cố gắng vượt qua cầu treo nhùng nhằng sang bên kia đường tăng, đoàn người bám nhau lặng lẽ bước đi, lầm lũi trong đêm không khí yên lặng của buổi ban mai lại làm cho hai con mắt díp lại, thế là lại như người mộng du vừa đi vừa ngủ và chỉ tỉnh dậy khi bắt đầu leo đốc trở lên Cóc nghè, đến đoạn nào mệt quá thì lại ngồi tựa vào thành hào ngủ tiếp  khi tóc ướt đẫm sương mai thì lại tỉnh, tỉnh lại đi mệt lại ngồi ngủ tiếp cứ như thế đến gần trưa hôm sau mới về tới căn cứ . Đây là cuộc vận tải đường dài vất vả nhất từ trước tới nay. .. nếu hôm ấy bác pb47 mà gọi Như ơi tao ở hầm đây cơ mà thì đã không phải như kẻ mộng du thế này Grin  hay bác khanhhuyen hãy còn ở đấy thì tuyệt biết bao Roll Eyes

Đọc những mẩu chuyện ký ức của bác,tôi như được sống lại những năm tháng của 30 năm về trước nó gần gũi và cho tôi thấy rõ được sự đổi thay rất nhiều của 1100 nói riêng và tình hình mặt trận Hà Giang lúc bấy giờ nói chung.
Lần đầu tiên nghe bác pháo47 nói đã từng nằm đài tại 1100,thật sự là tôi nghĩ bác ấy bị nhầm.Bởi trong câu chuyện của bác ấy nó quá xa lạ với tình hình của năm 1985,cũng như tôi đã từng nói nhiều lần rằng đó là những ngày tháng ác liệt nhất,gian nan nhất và vô cùng khó khăn.Cái khó nhất là đấu tranh tư tưởng,khó có ai mà yên tâm chịu nằm ở nơi cái chết đến từng giây,từng phút khi mà bên cạnh đó là sự sống đến trên 50% nằm tại 900 cách đó không xa.Ở đó,những anh em xa sút tinh thần,tinh thần không ổn định đều được đưa xuống đó làm những công việc khác.Ở đó,nơi mà hàng đêm vẫn có những giấc ngủ tuy không sâu nhưng cũng gần đẫy giấc.Ở đó,nơi mà hàng ngày miếng ăn vẫn đủ ấm,đủ nóng hôi hổi,vẫn có các nguồn rau xanh từ cung cấp ưu tiên cho phía trước hay lính mình tự túc tăng gia bằng những nắm rau rừng,là nơi mọi nguồn ưu tiên cho tiền tuyến từ hậu phương đều nhận đủ trừ súng đạn.Ở đó,nơi mà chẳng may ốm đau vẫn có nơi điều trị,nhỡ bị thương bằng mọi cách vẫn được cứu chữa kịp thời và xuôi về thị xã.
Đấy là chưa thể so sánh với cái sướng hơn về vật chất,tinh thần và cả tình cảm như phía sau không xa là thị xã Hà Giang hay người ta còn lo hưởng thụ và làm giàu như ở dưới xuôi quê hương chúng mình.
Cái khác biệt trong câu chuyện của bác phao47 là ở 1100 ngày đó ác liệt lắm,pháo địch bắn cả ngày.Bắn nhiều tới nỗi ngợp thở,ngồi ở cửa hầm sâu mà xung lực của trái nổ mạnh  đến như bóp méo thành hào nhanh như ảo thuật,khói đen quả trước bị sóng cuả quả sau đẩy xuống từng lớp,từng lớp xuống hầm sâu nghẹt thở vì không khí đặc quánh đắng ngắt của thuốc súng,đờm ra hàng dây đen đắng khô rát cuống họng.Ngay lính bộ binh cũng chỉ dám lao lên quan sát vội ngoài trận địa khi loạt đạn khác của địch chưa kịp rơi xuống đầu,nên các bác trinh sát pháo nằm ở 1100 thì có tác dụng gì?
Năm 1985,ở 1100 tôi đã phải dùng từ rơi rụng đúng cả nghĩa đen và trắng.Bởi vì 1100 ngày qua ngày lại như thấp dần xuống do đạn pháo cày sới,người người lớp lớp thay nhau hạ sơn bằng mọi cách.Đến khi tôi bị thương và trưng dụng ở lại hầm chỉ huy thì lúc đó anh Tỵ tiểu đoàn phó nằm cùng chỉ huy đại đội ở 1100 mới bị thương vào bụng,đại đội phó ct bị thương nặng,đại đội phó qs hoảng loạn tự rời trận địa,trung đội trưởng tiền tiêu chạy một mạch về cầu khỉ cọc 6.Và vài hôm sau anh Vinh đại đội trưởng hi sinh,...các bác ạ một đơn vị chiến đấu gần như chẳng còn gì.
So với những dòng ký ức của bác Như và bác phao47 thì lúc đó ở 1100 dễ thở nhiều lắm rồi.Các bác còn vác được bê tông lên làm hầm ở 1100,năm 1985 chỉ cần ở 1100 những đụn đất không còn giống hôm trước là nó bắn cho cả ngày rồi các bác ạ.Và ngay cả cái cầu vật cản như qua những mẩu chuyện các bác kể,tôi hiểu được là nó không còn nữa mà chỉ còn là cái hố rộng,có lẽ về sau cầu cũng sập .
Vậy là cho tới nay bác phao47 là người ở 1100 sau cùng nhất và 1100 hoàn toàn được bê tông các hầm.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2014, 12:31:32 am gửi bởi khanhhuyen » Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
NhưC7D2E876F356
Thành viên
*
Bài viết: 741



« Trả lời #523 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2014, 08:46:29 am »

Chào bác laoshan,bác phaphai,bác sung, bác thai60,bác khanhhuyen, chào tất cả các bác


Qua kí ức của các bác mọi người càng hiểu thêm về mặt trận vỵ xuyên ở những góc độ và vỵ trí khác nhau

Còn ở 1100 nơi bác khanhhuyen đã từng chiến đấu vẫn luôn xứng danh là 1 trong những trận địa ác liệt nhất mặt trận vỵ xuyên lúc bấy giờ, năm 1986 có trận rất ác liệt mà những chiến sĩ ở đó còn đươc phong là Dũng sĩ, xuống đơn vị mình kể chuyện chiến công cơ mà . Đắc biệt trận chiến 3 ngày 5,6,7/1/87 địch đã liên tiếp trong 3 ngày tổ chức tấn công nhưng chúng toàn thất bại. Sau trận đó thì không còn trận nào nữa mà chỉ nhùng nhằng bắn pháo sang nhau thôi, bằng chứng rằng hôm đó mình lên 1100 đúng là một trận địa tang hoang mà. Cũng may mắn là hôm đó chúng không bắn một quả đạn nào mà chỉ nghe thấy đạn nổ ở khu vực ngã ba Thanh thủy thôi.


Chào bác thai60 nghe chuyện của bác khi giã từ vũ khí phải sang tận trời Tây xa hương cầu thực thỉ " khổ "nhỉ Wink. chẳng bù cho em cứ vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu...xây dựng thiên đường cho mình mà "sướng" Undecided. Thôi bác hãy để cô bạn gái ở ngoài làng Pinh ấy  mang cáng vào Làng lò nhận nhiệm vụ thôi . Hôm nay có thương binh và tử sĩ đấy . Nốt chuyến vận tải này cho bác ra quân về cưới vợ-sướng nhé Grin

  



« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2014, 09:13:18 am gửi bởi NhưC7D2E876F356 » Logged
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #524 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2014, 04:12:51 pm »

Tôi có nói tôi ở 1100 ngày nào đâu nhất là giai đoạn từ 84 đến 6/86 bác Kh? tôi chỉ biết khu đấy thôi, có thể trong trí nhớ là đi qua đây rồi thì  phải chứ nghe các bác kể là tôi quá cảm phục các bác rồi. Địa hình khu này tôi nghe các bác tả là tôi có thể tưởng tượng ra: Đâu là tiền duyên, đâu là vị trí của ta PN, đâu là những tấm lưới ngụy trang 1200, còn lúc đó tôi ở bên Pha hán cơ.còn tôi khẳng định với bác không bao giờ TS pháo nằm ở đó, nếu có nó có thể luồn ra chỗ khác. Hồi trận địa bắn thẳng ở bên Thanh Hương của f chi viện trực tiếp cho hướng 1100 năm 84 bị chúng phản nhiều quá nên phải rút lên cóc nghè từ đó.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2014, 08:05:52 pm gửi bởi pb47vp » Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #525 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2014, 12:02:18 am »

Tôi có nói tôi ở 1100 ngày nào đâu bác Kh? tôi chỉ biết khu đấy thôi, có thể trong trí nhớ là đi qua đây rồi thì  phải chứ nghe các bác kể là tôi quá cảm phục các bác rồi. Địa hình khu này tôi nghe các bác tả là tôi có thể tưởng tượng ra: Đâu là tiền duyên, đâu là vị trí của ta PN, đâu là những tấm lưới ngụy trang 1200, còn lúc đó tôi ở bên Pha hán cơ.còn tôi khẳng định với bác không bao giờ TS pháo nằm ở đó, nếu có nó có thể luồn ra chỗ khác. Hồi trận địa bắn thẳng ở bên Thanh Hương của f chi viện trực tiếp cho hướng 1100 năm 84 bị chúng phản nhiều quá nên phải rút lên cóc nghè từ đó.

Chào bác phao47,ở trang 51 bài 01 là của bác.Theo ký ức của bác vào năm 1987,bác đang nằm cùng ct Bình là chỉ huy đại đội ở 1100 " nếu không bị nhầm lẫn khi theo dõi những dòng ký ức của các bác thì bác Bình là người thay cho bác Biên cương đảm nhận chức vụ ct cbb 6".
Không phải là KH muốn nâng cao cái gian khó của riêng đơn vị mình và của riêng cá nhân mình bác phao47 ạ.Có những dòng ký ức của các bác và từ những ký ức của các bác KH nhìn thấy,nhận ra rằng chiến sự lúc bấy giờ đã hạ nhiệt..
he..he..chứ cứ lao đầu vào ...oánh,....oánh không cần biết những cơ hội hòa bình đang đến thì làm sao bác có thể rũ bỏ áo lính về ôm vợ và làm đếch gì KH phải sợ quá ở luôn bên này đại dương bác 47 nhỉ?.Mà nói thật với bác những bổng lộc có thể nhận được,nếu cầm nó thấy còn đắng hơn là không cầm,vậy thì cái không thực tế,thực dụng...sống hơi,sống bằng không khí ấy KH đếch thèm.
Gặp nhau ở đây để cùng nhau ôn kỷ niệm,nhìn vào đó làm động lực sống cho mình cho con cho cháu,đó là những thứ vô giá mà không có một loại vật chất nào có thể thay thế.
Nói có thể các bác không tin,chứ thằng Đức hàng tuần không kênh này thì kênh kia luôn luôn có những thước phim tư liệu về thế chiến thế giới lần 1 và lần thứ 2 phát trực tiếp trên truyền hình,để cho mọi người hiểu được thế nào là chiến tranh và sự tàn phá như thế nào của chiến tranh.Từ đó hướng đến cho con người,sống phải biết trân trọng và yêu quí hòa bình cũng như phải biết làm gì để giữ lấy nó.
Vấn đề nữa KH quan tâm là làm sao để các đồng đội của mình được đảng và nhà nước quan tâm đến sát,sâu hơn.KH rất vui khi ngày càng có nhiều ccb Hà Giang tham gia trang mạng,nhiều người đã có đóng góp nhất định bằng hành động,vật chất,cũng như tác động đến nhà nước nhìn nhận hơn nữa đến cuốc chiến này...
Thôi anh em mình hồi... một tí để .....ức,các bác nhé. Grin

Theo dòng nhật ký của bác Như nhé các bác.

Tôi cũng có vài lần trong đời nhìn liệt sĩ,mỗi lần một khác nhau từ hoàn cảnh cho đến vị trí.Trong bài viết trước nói về các đồng đội bị thương,qua đó các bác cũng thấy hoàn cảnh của những người lính nơi đối mặt với kẻ địch khi thương vong cũng không có được mấy đồng đội ở bên cạnh.Vì kỷ luật chiến đấu đã được quán triệt tới từng người,đó là; ai ở vị trí nào giữ nguyên vị trí đó ngoài những người có trách nhiệm phải đi trong phạm vi của mình.Cho nên,khi anh em bị thương vong có khi cách mình có một mô đất nhưng không thuận đường cũng chỉ nhận được tin sau đó ít lâu,không có điều kiện nhìn hay chia tay hoặc vĩnh biệt đồng đội,đó là ước mơ phù phiếm trên đỉnh của mỏm 1100.Có lẽ những người lính nằm xuống ở chiến trường nào cũng thế,chẳng riêng gì mặt trận Thanh Thủy hay ở 1100.
Lần đầu tiên chúng tôi biết đánh nhau với kẻ địch bằng súng đạn,với ý chí rằng không cho chúng đến gần trận địa.Không trung hỗn loạn,ánh chớp loàng ngoằng của trái nổ,lẻ loi đường đạn bộ binh ánh lên chỗ này,hay ở góc kia.Cuối cùng hỏa lực của ta bắn chặn quyết liệt vào khu vực tiền tiêu giữa 1100 và 1200,lát sau địch cũng dùng hỏa lực bắn chùm lên trận địa 1100 ánh lửa của trái nổ đỏ rực,liên tiếp chút xuống thành bức tường đỏ ối màu gạch sẫm không còn phân biệt được tiếng nổ.Lạ thay,cảm giác run run ở hai bắp dùi của lần đầu xung trận cũng không còn nữa...
Trận này ở 1100 hi sinh vài người,tiểu đội đại liên chiếm giữ đỉnh 1100 và bảo vệ sườn tây "trái" 1100 không có thương vong.Tiểu đội 2 thuộc trung đội 1,bảo vệ sườn đông"phải" hi sinh 02 người,khi tiếng súng bộ binh ngắt và những quả đạn cối đang rơi xuống tiền tiêu,tôi vận động ngang về tiểu đội 2 để bắt liên lạc và biết rằng 02 đồng đội của mình hi sinh.Anh em nói để cả hai nằm trong hầm ngủ,đứng nhìn trân trân nơi mép hào anh em trúng đạn lướt nhìn xéo lên sườn đông tiền tiêu mù mịt trắng sương quện mùi thuốc súng hăng hăng,...Tôi lặng lẽ xuống hầm cách đó vài mét,cũng chẳng ý thức được là để làm gì,...chỉ thấy nghèn nghẹn nơi cuống họng khuân mặt như bì ra,trong hầm sâu cửa bên là cái ống bơ có ngọn lửa sáng lắt lay nhờ cái mảnh vải xé ra từ quần áo mục làm bấc ấn chìm trong ống bơ mỡ lợn,cửa hầm bên này tối om từ đây tôi nhìn thấy hai đồng đội mình nằm như ngủ,một người máu ấm vẫn chảy ra nhiều anh em phải lấy cái nồi 6 quân dụng để hứng máu.Trong hầm chẳng có ai,anh em ra ngoài vị trí chiến đấu hết...
Ngoài kia tiếng nổ lác đác vọng xuống,tôi lặng lẽ quay lên mắt đất ứng chiến.Bần thần nghĩ,thế là chúng tôi bắt đầu chia tay đồng đội theo cái cách mà không ai muốn và chưa hề nghĩ tới,ai sẽ là người tiếp theo đây?

Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
nguyenquuangtri
Thành viên
*
Bài viết: 467


« Trả lời #526 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2014, 09:08:49 am »

Để đặt tên cho tác phẩm (tạm gọi như vậy)viết về chiến sự Hà giang em nghỉ ta không dùng lại những từ như Máu và Hoa mà các CCB thời chống mỹ luôn nói đến,và để phân biệt giữa cuộc chiến tranh vệ quốc và cuộc chiến tranh giải phóng đất nước ta nên lấy ví dụ :Chiến tranh biên giới Hà giang những năm 1984.1989 .Hay Hà giang vị xuyên cuộc chiến thầm lặng vv..Đề tài mới lạ sẽ thu hút nhiều bạn đọc em tin chắc rằng nhiều người sẽ ngạc nhiên trước những sự kiện có thật xảy ra trong những năm tháng ấy.
   Đó củng chỉ là ý kiến của riêng em, mong rằng sẽ có nhiều ý kiến góp ý hay hơn nữa để hoàn thiện tên gọi qua đó sẽ thể hiện chính xác cũng như sự ác liệt riêng biệt của mặt trận Hà giang.
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #527 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2014, 09:37:25 am »

    Em thấy cái tên Hà giang cuộc chiến thầm lặng rất hay đấy ạ. Nó thay thế từ lãng quên rất chuẩn. Cũng thu hút người đọc khi nhìn tựa, đầy đủ yếu tố địa danh, cuộc chiến  và khi đọc vào mới bị ngỡ ngàng bởi nó chả thầm lặng chút nào, mà còn ác liệt, dữ dội nữa. Tuy nhiên, hình như em thấy còn thiêu thiếu cái ý gì trong tựa này...

    Nhưng cái tên từ 1984 đến 1989 bác lại giống nhà báo hay bác nguyennhongduc...vứt những trận chiến của mấy bác 313 trước 1984 đi rồi. Khổ cho bác dapxichlo  Embarrassed. Chỗ nào cũng nhăm nhăm loại bác ra khỏi ký ức !  Grin
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #528 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2014, 09:38:03 am »

Để đặt tên cho tác phẩm (tạm gọi như vậy)viết về chiến sự Hà giang em nghỉ ta không dùng lại những từ như Máu và Hoa mà các CCB thời chống mỹ luôn nói đến,và để phân biệt giữa cuộc chiến tranh vệ quốc và cuộc chiến tranh giải phóng đất nước ta nên lấy ví dụ :Chiến tranh biên giới Hà giang những năm 1984.1989 .Hay Hà giang vị xuyên cuộc chiến thầm lặng vv..Đề tài mới lạ sẽ thu hút nhiều bạn đọc em tin chắc rằng nhiều người sẽ ngạc nhiên trước những sự kiện có thật xảy ra trong những năm tháng ấy.
   Đó củng chỉ là ý kiến của riêng em, mong rằng sẽ có nhiều ý kiến góp ý hay hơn nữa để hoàn thiện tên gọi qua đó sẽ thể hiện chính xác cũng như sự ác liệt riêng biệt của mặt trận Hà giang.

          Huonghn76 chào các bác và anh em đồng đội !

        H.hn cũng đồng ý với ý kiến của bác Nguyenquangtri và các bác là nên đặt tên cho cuốn sách đó như thế nào để nó mang đặc thù riêng của mặt trận Vị Xuyên -Hà Giang nói riêng và nó cũng là điển hình của cuộc chiến đấu ở bg phía Bắc nói chung . Tên cuốn sách đó nó không thể giống hoặc na ná như tên các cuốn sách đã ra đời ở các cuộc chiến đấu các giai đoạn khác được .
       Theo ý riêng của huong76 hay là đặt tên cho cuốn sách đó là :

               HÀ GIANG MỘT THỜI KHÔNG THỂ LÃNG QUÊN .
      Nó vừa gợi được một cái gì đó về hồi ức chiến tranh vừa mang những kỷ niệm về thời trai trẻ các đồng đội đã sống chiến đấu và nhớ tới các anh em đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc .Nó cũng nhắc nhở các thể hệ tương lai hãy luôn nhớ tới nó .
         Cuộc chiến đấu 10 năm đó có thể ai đó hoặc giai đoạn nào đấy không được nhắc tới ,nhưng đối lương tâm của mỗi con người hãy nhớ và đừng bao giờ quên nó .
          Đó ý kiến riêng của H.hn76 thôi mong các bác tiếp tục trao đổi
                                                                                      Chào các bác .
Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #529 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2014, 09:40:51 am »

      

          H.hn76 xin chép lại một bài cũ gửi tới các bác và anh em

                                 TRỞ LẠI HÀ GIANG

                              Trời tháng bẩy ,cái nóng oi ả .
                              Chúng tôi lại về đây với cao nguyên đá
                              Hà Giang đã ghi bao kỷ niệm năm xưa .
                              Trên con đường trải nhựa -máy xát ,xưởng cưa
                              Những ngôi nhà cao tầng tạo nên bức tranh mới .
                              Đẩy quá khứ đau thương về một thủa ...
                              Chiến tranh đã lùi xa ...

                              Dòng sông Lô nước trong xanh hiền hòa .
                              Cầu treo bắc qua vẫn chia về hai ngả .
                              Cảnh thanh bình giờ đây đến lạ .
                              Theo thời gian đã qua ...

                               Không chúng tôi đến đây với chiến trường năm xưa .
                               Thăm anh em đã một thời gắn bó .
                               Trang sử kia ,dù có bỏ ngỏ .
                               Trong sâu lắng chúng tôi ,vẫn có các anh .
                               Những quả đồi ,điểm cao rừng đã phủ lên xanh .
                               Vẫn ghi lại bóng hình tôi và các anh trên đó .
                               Trong trận đánh năm xưa ,xương tan máu nhỏ .
                               Lại hiện về như chưa hề xa ...

                               Nắm hương thắp lên,chai rượu,gói thuốc làm quà .
                               Với các anh ở lại , ta cùng nhau chia sẻ .
                               Trong trời mây Hà Giang lặng lẽ .
                               Ta như sống lại cùng với nhau năm xưa .


                                                                                         H.hn76
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2014, 10:43:54 am gửi bởi huonghn76 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM