Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:29:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn bi hùng truyện  (Đọc 161151 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:04:16 am »

- Nay vua Lê ở ngôi ba mươi sáu năm, tuổi đã già, sức đã yếu, mà không có công đức gì cho trăm họ. Mọi việc lớn nhỏ trong nước đều do nơi Chúa thượng của ta, vua Lê chỉ ngồi không mà hưởng lộc, ở trên đời sao lại có việc bất công như thế. Chi bằng chúng ta sẵn dịp đông đủ trăm quan kéo qua điện vua Lê, bảo nhà vua thoái vị nhường ngôi Thiên tử cho chúa thì lẽ cương thường mới gom về một mối. Chứ trong nước đã có vua lại còn có chúa, từ quan đến dân đều theo lệnh chúa thì vua ngồi đó để làm gì? Trăm quan nghe thử lời tôi nói có đúng chăng?

Bây giờ quan trong triều phần đông đều là tay chân của Trịnh Sâm nghe vậy đồng thanh nói:
   
- Lời Tạo Quận Công rất phải, chúng ta hãy qua điện vua bảo vua Lê thoái vị cho rồi!
Nói xong đồng loạt đứng dậy toan đi. Bỗng có một người bước ra nói lớn:
   
- Việc ấy không nên!

Mọi người giật mình nhìn lại, hóa ra kẻ vừa nói là quan Thị lang Vũ Trần Thiệu. Ngô Cầu nổi giận mắng Thiệu:
   
- Ngươi chỉ là một chức quan nhỏ dám kháng lệnh chúa hay sao?
Vũ Trần Thiệu bình thản đáp:
   Chúa chưa xuống lệnh sao gọi là kháng lệnh? Vả lại người xưa có câu: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Nay thấy họa diệt vong của chúa lẽ nào tôi nhắm mắt làm ngơ.

Trịnh Sâm giận lắm nhưng cố nén hỏi:
   
- Ngươi nói thử xem họa diệt vong của ta là ở chỗ nào?

Thiệu bình thản đáp:
   
- Khải Chúa, tuy rằng truất ngôi vua Lê là điều trên thuận ý trời, dưới hợp lòng dân. Nhưng từ xưa đến nay người nước Tàu bao giờ cũng lăm le chờ có cơ hội là sang xâm chiếm nước Nam ta đặt làm quận huyện. Nếu Chúa thượng phế ngôi vua, ngộ nhỡ vua Càn Long nhà Thanh mượn cớ ấy đem quân sang đánh, thì không phải là bá quan đem cái họa diệt vong về cho chúa hay sao?

Sâm đổi giận làm vui hỏi:
   
- Lời khanh rất đúng! Vậy theo khanh thì phải thế nào?

Thiệu hiến kế:
   
- Theo ý thần thì ta nên viết một tờ cáo đại ý rằng: Muôn dân ở nước Nam đều mong ngóng nhà chúa được lên ngôi Thiên tử trị vì trăm họ, hoàng tộc nhà Lê không còn ai xứng đáng để làm vua nữa, rồi bá quan đồng ký tên vào tờ cáo ấy. Thần tuy bất tài cũng xin cầm tờ cáo ấy đi sứ sang Tàu trình với vua Càn Long nhà Thanh, xin được phong cho chúa làm An Nam quốc vương, khi ấy ta truất phế vua Lê để Chúa thượng lên ngôi hoàng đế đã muộn màng gì?

Trịnh Sâm nghe xong khen:
   
- Ý của khanh thật là chu đáo. Nếu việc lớn mà thành thì công của khanh không nhỏ.
Nói rồi liền sai Vũ Trần Thiệu viết tờ cáo, rồi bảo các quan đều ký tên vào. Xong việc, Trịnh Sâm truyền bãi triều. Ra ngoài Phạm Ngô Cầu bảo Vũ Trần Thiệu:
   
- Lúc nãy ta hiểu lầm ý ông nên buông lời không phải. Thật không ngờ ông trung với chúa chẳng kém gì ta.

Thiệu cười nói:
   
- Ông không nghe người xưa nói rằng: “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần” hay sao?

- Nói rồi liền quay lưng về nhà thu xếp chờ ngày đi sứ sang Tàu.

Vũ Trần Thiệu và đoàn tùy tùng đi rồi, Trịnh Sâm ngày đêm trông ngóng tin vui, mơ ngày lên ngôi Cửu Ngũ.

Ngày kia Trịnh Sâm thiết triều, quân canh vào báo:
   
- Khải Chúa, sứ đoàn đã trở về xin vào ra mắt.

Sâm mừng khấp khởi bảo:
   
- Mau mau cho vào!

Sứ đoàn vào đến. Không thấy Vũ Trần Thiệu, Sâm hỏi:
   
- Vũ Trần Thiệu đâu rồi?

Viên phó sứ sợ hãi quỳ thưa:
   
- Xin Chúa thượng tha tội!

Sâm gắt:
   
- Việc thế nào hãy nói mau?

Quan phó sứ vẫn quỳ mọp đáp:

- Khải Chúa! Lúc sứ đoàn đi đến Động Đình Hồ thuộc đất Lưỡng Quảng thì quan Chánh sứ Vũ Trần Thiệu đem tờ cáo đốt đi rồi uống thuốc độc mà chết. Quan chánh sứ để lại một bức thư phong kín cẩn thận, ngoài đề gửi cho Chúa thượng. Hạ thần không biết làm thế nào đành phải quay về. Đây là thư của Vũ Trần Thiệu xin Chúa thượng duyệt lãm.

Trịnh Sâm nghe qua như sét đánh ngang mày tiếp thư đọc, thư đại ý rằng: Ngày trước chúa giết chết Thái tử, nay lại toan làm điều soán nghịch. Trăm quan trong phủ chúa đều là tay chân của chúa, biết bụng chúa mới hòng truất phế nhà vua. Nhưng ngoài trăm họ đều nhớ ơn vua Lê Thái Tổ, Thái Tông. Nếu không như thế thì ngày xưa sao Bình An Vương Trịnh Tùng có thể dứt được nhà Mạc mà lập nên nhà Lê Trung Hưng? Nay chúa hòng giẫm lên bước chân của Mạc Đăng Dung ngày trước, trên cãi ý trời, dưới nghịch lòng dân thần e rằng chúa phải mang tiếng bất nhân và gây họa binh đao làm khổ cho bách gia trăm họ. Hôm ấy sống không thể mở miệng can ngăn, nay thần lấy cái chết để viết lời khuyên giải. Tuy rằng chúa tiếng không phải là vua, nhưng quyền thì đã nghiêng thiên hạ. Đừng quá tham danh trong một lúc, mà để hại cho nước non dân tộc về sau. Dưới tuyền đài khuyên chúa hãy bình tâm suy xét lại.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #71 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:08:11 am »

Sâm đọc xong vò nát thư nắm trong tay, vừa giận vừa thẹn bảo quan phó sứ:
   
- Truyền cho ngươi lui! Từ nay về sau cấm không ai được nhắc đến việc này nữa.

Quan phó sứ liền lui ra mồ hôi toát đầm đìa!

Xong việc ấy quân canh lại vào báo:
   
- Khải Chúa! Có thư của Bình Nam thượng tướng từ Quảng Nam gửi về, trình chúa duyệt lãm.

Trịnh Sâm tiếp thư đọc xong nói:
   
- Thượng tướng Hoàng Ngũ Phúc dâng biểu xin phong cho Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm trấn thủ hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi để Nhạc đem quân đánh Nguyễn ở phương Nam. Chờ chúng đánh nhau cho kiệt sức ta sẽ đem quân thôn tính toàn cõi Đàng Trong. Các quan thấy thế nào?

Quan đại học sĩ Lê Quý Đôn bước ra thưa:
   
- Tâu Chúa thượng, nay nhân lúc Tây Sơn đang ở thế lưỡng đầu thọ địch, chúng phải chia quân ra giữ hai mặt Bắc và Nam, tất lực lượng phải bị phân tán, Chúa thượng nên lệnh cho Hoàng Ngũ Phúc lập tức tấn công tiêu diệt. Nếu ta lầm kế giảng hòa của Nguyễn Nhạc để chúng rảnh tay tập trung lực lượng đánh Nguyễn xong, rồi Nhạc lại đem toàn quân ra Bắc chống nhau với ta thì e rằng ta bỏ lỡ thời cơ hiếm có. Vả lại trong dân gian có truyền câu sấm rằng: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Xin Chúa thượng hãy khá đề phòng giặc Tây Sơn.

Trịnh Sâm nói:
   
- Nhưng trong thư Hoàng Ngũ Phúc tâu rằng, chiếm Quảng Nam xong, gặp lúc mùa hè nóng nực quân ta bị bệnh, dịch tả lỵ rất nhiều không thể ra trận được. Còn những câu sấm kia, ấy chẳng qua là chuyện hoang đường lấy gì cho là thực? Từ trước đến nay các Tiên vương đánh nhau với họ Nguyễn bảy lần đã có lần nào vượt khỏi sông Linh Giang chưa? Nay tướng của ta mới ra oai một trận đã chiếm đất Thuận Hóa thu phục kinh thành Phú Xuân, đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định. Gặp Tây Sơn chưa đánh, giặc nghe tiếng đã bỏ Quảng Nam mà chạy trốn vào Quảng Ngãi. Nay dang là mùa hè nóng nực cứ để quân ta dưỡng uy sức nhuệ, chờ chúng đánh nhau tay chân sứt mẻ, rồi ta đem quân khỏe đến bắt vào có khó gì? Quân bay đem bút nghiên ra, ta viết chiếu phong quan cho Nguyễn Nhạc.

Lê Quý Đôn quỳ xuống can:
   
- Xin Chúa thượng hay mau diệt Tây Sơn rồi thống nhất sơn hà!

Sâm bực tức quát rằng:
   
- Không làm vua được thì cần gì phải thống nhất sơn hà! ý ta đã quyết, ai còn can ngăn, chém!

Đôn sợ hãi lui ra. Viết chiếu phong quan cho Nguyễn Nhạc, rồi sai người mang trao Hoàng Ngũ Phúc xong, Sâm truyền bãi triều. Ra ngoài phủ chúa Lê Quý Đôn lập tức đến nhà danh y Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Đôn nói với Trác:
   
- Xin thầy viết cho toa thuốc trị bệnh tả lỵ.

Hữu Trác cười vuốt hàm râu bạc phơ, hỏi Đôn:
   
- Đại quan ngồi cho tôi xem mạch chẩn đoán định bịnh rồi bốc thuốc về nhà uống, cần gì mà phải viết toa?

Đôn đáp:
   
- Không phải tôi bị bệnh!

Trác cười nói:
   
- Nếu người nhà bị tả lỵ, tôi xin bốc thuốc biếu đại quan, đem về không cần phải viết toa.

Đôn suy tư đáp:
   
- Bệnh tả lỵ này cả hàng mấy ngàn người mắc phải, liệu tủ thuốc của danh y có đủ không?

Trác giật mình hỏi:
   
- Nếu nói vậy ắt ở địa phương nào bị dịch tả lỵ chăng?

Đôn gật đầu đáp:
   
Tướng quân Hoàng Ngũ Phúc đem bốn vạn quân vào đến Quảng Nam thì quân bị dịch tả lỵ nên tôi mới đến xin toa thuốc của danh y, cứu nguy quân ta.

Lê Hữu Trác nhẩm tính:
   
- Năm nay là năm Át Mùi thuộc âm kim. Đại trường (ruột già) ứng kim có bệnh. Mùa hè hành hỏa nhiệt thịnh, Tiểu trường (ruột non) ứng hỏa tích nhiệt, gặp phải thấp khí bốc lên ứng vào hành thổ của tỳ vị (dạ dày, lách). Nếu trong năm nay vào mùa hè ở địa phương nào có nhiều thấp khí bốc lên, nhất định là thấp nhiệt tích nơi trường vị mà sinh dịch bệnh tả lỵ triền miên.

Lê Quý Đôn lo lắng hỏi:
   
- Vậy danh y có thuốc gì chữa khỏi bịnh này chăng?

Hữu Trác đáp:
   
Có ba loại cỏ thường mọc khắp nước Nam ta ấy là Lệ trường thảo, Thủy tinh thảo và Mã xĩ thảo. Hái lá tươi giã nhỏ vắt lấy nước mà uống lập tức khỏi ngay. Nhưng theo tôi có hai điều khó, một là từ Thăng Long mang bài thuốc vào đến Quảng Nam có nhanh nhất cũng hết mười ngày, thì số người đang mắc bệnh ắt phải tử vong, hai là nếu nơi ấy ban đêm khí trời nóng bức, ban ngày màu nắng vàng vọt là thấp khí vẫn bốc lên nhiều, thì phải lập tức rời khỏi vùng đất ấy ngay mới mong bảo toàn tánh mạng.

Lê Quý Đôn ngửa mặt than:
   
- Nếu thế là số trời đã giúp quân Tây Sơn rồi vậy!

Nói xong Đôn vòng tay cáo từ Lê Hữu Trác ra về. Đến nhà Đôn lập tức viết thư sai người thân tín ngày đêm đi gấp vào Quảng Nam trao cho Hoàng Ngũ Phúc.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #72 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:10:40 am »

Chương 18

Lừa Đông cung, Nguyễn Huệ dùng kế nghi binh.
Lầm Tây Sơn, Tống Phước Hiệp thua quân bỏ mạng


Nói về Hoàng Ngũ Phúc đóng quân trong thành Quảng Nam ngày kia nhận được chiếu chỉ của Trịnh Sâm, bèn hội các tướng nói:

- Ta vừa nhận được lệnh chúa phong Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn hiệu trưởng, trấn thủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi. Vậy ai có thể mang ấn kiếm vào Quy Nhơn? Trước là thừa lệnh chúa phong quan cho Nguyễn Nhạc, sau là dò xét tình hình quân Tây Sơn mạnh yếu thế nào?

Nguyễn Hữu Chỉnh đứng lên nói:
   
- Tôi xin lãnh mệnh vào Quy Nhơn làm sứ giả!

Phúc cả mừng nói:
   
- Nguyễn Hữu Chỉnh thông kim bác cổ, ứng đối như lưu, lại có tại dụng binh. Nay tướng quân lãnh trọng trách này, thật ta chẳng lo gì nữa.

Nói xong rót rượu tiễn Nguyễn Hữu Chỉnh.

Hôm ấy Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn nghe quân vào bảo:
   
- Tâu Chúa công, có sứ giá của chúa Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh đến gọi Chúa công ra tiếp chiếu.

Nhạc cả mừng nói:
   
- Ngày trước Nguyễn Thung tiên sinh đem lễ vật dâng Hoàng Ngũ Phúc cầu hoà. Nay quân Trịnh lại sai sứ giả đến bảo ta tiếp chiếu ắt lá thuận ý rồi đây!

Nói rồi truyền quân mời sứ giả vào. Chỉnh vào đến thấy Nguyễn Nhạc vẫn ngồi yên trên bệ, hai bên các tướng đứng hầu, liền nói:
   
- Tôi vâng lệnh chúa đêm chiếu chỉ và ấn kiếm đến đây cho tướng quân thọ chức. Sao tướng quân không quỳ mà lĩnh chiếu?

Nhạc nghiêm mặt hỏi:
   
- Từ xưa đến nay chỉ nghe nói tiếp chiếu của vua chưa nghe nói tiếp chiếu của chúa bao giờ. Nay nghe ngài bảo là vâng lệnh chúa nên Nhạc tôi còn lưỡng lự chưa biết phải làm sao?

Chỉnh liền đáp:
   
- Từ thời Lê Trung Hưng đến nay các vua Lê đã giao cho các chúa thay quyền nhiếp chính, điều hành mọi việc trong nước, bất cứ việc gì cũng không phải xin lệnh của vua. Nếu tướng quân không nhận chiếu chỉ của chúa, Chỉnh tôi xin về tâu lại.

Nhạc với bước xuống bệ nói:

- Ấy! Chẳng qua tôi là người nước người nên không hiểu lệ ấy mà thôi. Nếu vua đã trao quyền cho chúa thì chiếu của chúa là chiếu của vua.

Nói rồi liền cũng các tướng quỳ nghe chiếu, Chỉnh đọc:

“Nước Đại Việt niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi sáu. Tĩnh Đô Vương hạ chiếu:
Nay sắc phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn hiệu trưởng trấn thủ hai phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, lệnh cho Tây Sơn hiệu trưởng đem quân hai phủ tiền đánh giặc Nguyễn ở phương Nam, đem non sông gom về một mối. Tiếp được chiếu này lập tức thi hành chớ phụ lòng mong đợi của quả nhân.
Nay chiếu”

Nhạc nghe xong lậy ba lậy nhận ấn kiếm của Chỉnh trao cho, rồi truyền quân bày yến tiệc. Nhập tiệc Nhạc rót rượu mời Chỉnh. Nhạc nói:
   
- Nay tôi được sắc phong của Tĩnh Đô Vương và cùng với ngài là bạn đồng liêu, xin mời ngài một chén.

Chỉnh nâng chén uống cạn hỏi:
   
- Đã nhận sắc phong rồi, vậy hiệu trưởng định bao giờ xuất quân đánh Nguyễn?

Nguyễn Huệ liền đứng lên đỡ lời Nhạc:
   
- Xin ngài về thưa cùng chúa, đại huynh tôi hẹn trong mười ngày sẽ đánh tan hai vạn quân của Tôn Phước Hiệp chiếm lấy Phú Yên.

Chỉnh thấy Huệ còn rất trẻ mới đắn đo rằng:
   
- Hay lắm! Những việc quân thắng bại là lẽ thường tướng quân sao đã vội định ngày? Vả lại Tôn Phước Hiệp là một lão tướng của Nguyễn Định Vương, tướng quân đừng nên khinh địch mà chuốc lấy bại vong đó.

Nói rồi vòng tay cáo biệt ra về. Nhạc quở trách Huệ:
   
- Trước mặt Hữu Chỉnh em đã vội hứa trong mười ngày phá xong địch chiếm Phú Yên. Ngộ nhỡ trong mười ngày mà việc không xong hoá ra ta nói khoác với họ thì còn mặt mũi nào?
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:02:37 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #73 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:13:02 am »

Huệ thưa:

- Xin đại huynh chớ lo, trận này em xin lãnh binh phá địch, nếu trong mười ngày không thắng xin chịu mất đầu theo tướng lệnh.

Huệ vừa nói xong bỗng có một người xồng xộc bước vào nói lớn:
   
- Nguyễn Nhạc sao dám lừa dối ta. Ông hứa đánh Trịnh chiếm lại Phú Xuân tôn phò ta lên ngôi chúa, mà nay đi nhận sắc phong của họ Trịnh là nghĩa làm sao?

Mọi người nhìn lại hoá ra là Đông cung Nguyễn Phúc Dương. Huệ thấy Đông cung Dương đã biết cơ mưu của mình liền đáp rằng:
   
- Xin Đông cung Thế tử chớ khá hiểu lầm. Đại huynh tôi buộc phải giả hoà với quân Trịnh để là kế hoãn binh, vì không thể đem hết toàn quân r Quảng Nam đánh Trịnh. Bởi ở Phú Yên Tống Phước Hiệp đã đem đại binh hai vạn lăm le đánh chiếm Quy Nhơn, Đông cung Thế tử đã biết chưa?

Nguyễn Phúc Dương đáp:
   
- Việc nay ta có biết.

Huệ lại nói:
   
- Giờ xin Thế tử hay viết một bức thư nói rõ ý tôn phò của đại huynh tôi cho Tống Phước Hiệp được biết yêu cầu ông ấy lui bình. Nếu Tống Phước Hiệp cho nghe lệnh       Định Vương Nguyễn Phúc Thuần mà không nghe lệnh Thế tử thì quân Tây Sơn ta phải đánh Tống Phước Hiệp trước, sau đó sẽ dốc toàn lực quay sang đánh Trịnh, mới có cơ thu phục được kinh thành đưa Thế tử lên ngôi chúa. Chẳng hay ý Thế tử thế nào?

Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi thật thà, nghe Huệ nói thế tỏ ý ăn năn đáp:
   
- Ta thật là hồ đồ, chút nữa đã hiểu lầm tấm lòng trung nghĩa của các vị tướng quân. Để ta viết thư cho Tống Phước Hiệp xem thứ ý ông ấy thế nào?

Nguyễn Phúc Dương viết xong, Nhạc bèn sai Nguyễn Thung đem thư sang Phú Yên cho Tống Phước Hiệp.

Nói về Tống Phước Hiệp lúc ấy đã ngoài sáu mươi tuổi, được chúa Định Vương phong làm tổng binh quản dinh Bình Tây đại tướng quân, bèn lấy quân ở ba dinh Long Hồ, Phiên Trấn, Trấn Biên tổng cộng hơn hai vạn dân. Các con là Tống Phước Khương, Tống Phước Lương, Tống Viết Phước, Tống Viết Nghĩa ồ át xua quân ra Bình Thuận. Quân Nguyễn tiến đến đâu quân Tây Sơn chỉ lui mà không đánh.


Chỉ trong vòng hai tháng Tống Phước Hiệp đã chiếm lại ba thành Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên. Chiếm thành Phú Yên, Tống Phước Hiệp đích thân cưỡi ngựa đến ải Cù Mông xem xét. Thấy núi non trùng điệp đá dựng hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo lên đến đỉnh đèo, Hiệp nói với các con:

- Ải Cù Mông hình thế hiểm trở quân Tây Sơn lại đóng ở trên đỉnh đèo có lợi thế từ cao đánh xuống. Dù ta có thiên bình vạn mã cũng không thể nào qua khỏi ải này. Các con hãy chia quân đóng giữ các nó hiểm yếu cho binh sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức rồi ta sẽ tính kế sau.

Người con nhỏ của Hiệp là Tống Viết Nghĩa hỏi:
   
- Thưa cha ải này không cao và hiểm trở bằng ải Vân Phong (đèo Cả). ải Vân Phong ta con lấy được dễ dàng thì ải Cù Mông này sao cha lại ngại?

Tống Phước Hiệp vuốt râu cười:

- Ải Vân Phong tuy rằng hiểm trở nhưng giặc Tây Sơn chỉ lui mà không đánh nên ta mới chiếm được dễ dàng. Còn ải Cù Mông này con hãy nhìn xem trên sườn núi dọc theo đường đèo lều trại san sát, mỗi một khúc quanh đá đều gom thành đống, chứng tỏ chúng phong bị rất kỹ càng, không thể nào đánh được.

Nói xong liền quay ngựa về doanh trại. Vừa đến nơi có quân canh vào bảo:
   
- Thưa đại tướng quân, có sứ giả quân Tây Sơn xin vào yết kiến.

Phước Hiệp cho vào. Đến trước án, Nguyễn Thung thi lễ nói:
   
-Tôi là sứ giả của Tây Sơn xin được ra mắt tướng quán.

Hiệp vênh mặt hỏi:
   
- Tây Sơn các người đánh nhau với ta thua quá bỏ luôn ba dinh Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên mà chạy về Quy Nhơn. Nay cùng đường Nguyễn Nhạc sai ngươi đến cầu hoà phải chăng?
Thung ung dung đáp:
   Chủ tướng tôi bỏ ba dinh lui về Quy Nhơn không phải vì thua quân, mà vì chủ tướng tôi với tướng quân đều là tôi trong một nước nên không muốn chém giết lẫn nhau do thôi!

Hiệp vỗ bàn quát:
   
- Láo xược! Nguyễn Nhạc khởi loạn ở Tây Sơn kéo ra đánh Quảng Nam đuổi chúa ta chạy vào Gia Định sao dám bảo ta với hắn là tôi trong một nước? Nhà ngươi nói không ra lẽ, ta giết chết không tha.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #74 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:15:16 am »

Không chút sợ hãi, Thùng đáp rằng:
   
- Chủ tướng tôi khởi binh ở Tây Sơn đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền làm lắm điều tàn bạo, tôn phò Đông cung Nguyễn Phúc Dương vốn dòng chính thống bị Phúc Loan truất phế. Nay Đông cung sai chủ tướng tôi đem quân Bắc tiến thu phục kinh thành Phú Xuân về chỗ chúa Nguyễn. ấy chẳng phải chủ tướng tôi là tôi của chúa Nguyễn rồi ư?

Hiệp suy nghĩ giây lát rồi bảo:
   
- Điều ngươi vừa nói nghe ra hợp lý, nhưng việc Nguyễn Nhạc tôn phò Đông cung lấy gì để làm bằng?

Thùng lấy thư trong ngực ra dâng Phước Hiệp rồi nói:
   
- Đây là thư của Đông cung gửi cho tướng quân. Xin tướng quân xem lấy làm bằng.

Tống Phước Hiệp tiếp thư đọc xong nói:
   
- Trong thư Đông cung bảo ta phải lui binh, để Nguyễn Nhạc tin tưởng dồn toàn lực ra Quảng Ngãi đánh Trịnh. Nhưng nếu ta lui binh thì các người thừa cơ chiếm lại Phú Yên thì làm sao?

Thùng ngạc nhiên hỏi:
   
- Trong thư có dấu ấn của Đông cung, tướng quân vẫn chưa tin ư?

Hiệp vuốt râu cười đáp:
   
- Ngộ nhỡ các ngươi dùng vũ lực ép Thế tử viết thư để lừa ta, bảo ta tin sao được? Nếu thật lòng người về thưa cùng Đông cung, chờ ta sai người ra Quy Nhơn diện kiến, nếu đúng là ý của Đông cung ta lập tức lui binh.

Nguyễn Thung cáo biệt ra về. Ngày sứ giả của Tống Phước Hiệp đến, Nguyễn Nhạc, mời Nguyễn Phúc Đường ngồi giữa, Nhạc và các tướng đứng hầu hai bên, rồi truyền cho sứ giả vào. Sứ giả vào đến trông thấy Nguyễn Đường liền sụp lậy tung hô:
   
- Kính chúc Thế tử sức khoẻ an khang!

Nguyễn Phúc Đường ân cần nói:
   
- Tống Phước Hiệp không tin thư ấy là của ta, nên mới sai người đến xem hư thực thế nào có phải vậy chăng?

Sứ giả đáp:
   
- Đúng là như vậy, dám hỏi Thế tử sự thể thế nào?

Nguyễn Phúc Dương bảo:
   
- Tống tướng quân cẩn thận vậy là đúng! Ngươi hãy về thưa cùng Tống tướng quân đem đại binh quay về Gia Định truất phế Định Vương Nguyễn Phúc Thuần thì ta mới yên tâm đem toàn quân ra Quảng Nam đánh Trịnh. Có như thế sau khi đuổi Trịnh ra khỏi sông Linh Giang, thu phục kinh thành Phú Xuân, tất cơ đồ nguyên vẹn như xưa, nghĩa cương thường gom về một mối, thì công của Tống tướng quân rất lớn. Ta đã viết sẵn một phong thư, ngươi hãy kíp mang về tâu lại cùng Tống tướng quân.

Sứ giả vâng lệnh quay về dâng thư của Phúc Đường cho Tống Phước Hiệp. Hiệp xem thư xong cười rằng:
   
- Đông cung tuổi còn nhỏ chưa trải việc đời, nên mới bị Nhạc dối gạt. Ta chưa có kế gì đánh chúng thì chúng tự đem thân nộp mạng cho ta.

Mấy người con Tống Phước Hiệp cũng thưa:
   
- Cha nói vậy là nghĩa gì, chúng con không hiểu?

Hiệp đáp:
   
- Ta đã sai người dò xét tình hình quân địch. Chờ cho thám mã về bảo, các con khắc rõ.

Vừa nói xong quân thám mã về bảo:
   
- Thưa đại tướng quân, giặc Tây Sơn đang chưa bị bịnh mà định ngày tiến đánh quân ta.

Hiệp vuốt râu bảo:
   
- Đúng như điều ta dự đoán, Nguyễn Nhạc mượn tiếng tôn phò Đông cung, giả danh đánh Trịnh để ta không đề phòng rồi bất ngờ tiến đánh. Chúng tưởng ta cũng khờ khạo như Đông cung sao?

Nói xong cười lớn. Tống Viết Nghĩa hỏi:
   
- Thưa cha vậy ta nên liệu tính thế nào?

Hiệp đáp:
   
- Ta tương kế tự kế đánh cho chúng một trái không còn manh giáp.

Nói rồi liền viết thư sai một tên quân đem sang ải Cù Mông báo cho quân Tây Sơn hẹn trong năm ngày sẽ rút quân về. Hiệp bảo Tống Viết Nghĩa rằng:
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #75 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:19:05 am »

- Tống Viết Nghĩa và Tống Viết Phước hai con lãnh một vạn tinh binh ra phía Bắc thành mai phục quân Tây Sơn từ ải Cù Mông tiến vào thì cứ để cho chung đi qua, đợi khi nào quân ta mở cổng thành giao chiến, hai con lập tức đánh vào sau lưng giặc.

Tống Viết Phước và Tống Viết Nghĩa lãnh lệnh lui ra. Tống Phước Hiệp xuống lệnh:
   
- Tống Phước Khương lãnh năm ngàn quân ra canh phòng ở cửa bể đề phòng chúng đánh ta bằng thuỷ binh. Tống Phước Lương ngày đêm cho quân canh phòng cẩn mật ở mặt Bắc thành, chúng chỉ có thể đánh ta bằng hai con đường ấy mà thôi.

Nói về Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn nhận được thư của Tống Phước Hiệp mở ra xem nói:
   
- Tống Phước Hiệp hẹn trong năm ngày sẽ kéo quân về Gia Định truất phế Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Vậy nhân lúc chúng không đề phòng ta bt ngờ tiến đánh ắt là toàn thắng.

Nguyễn Huệ can rằng:
   
- Xin đại huynh hay khoan. Nếu ta đem quân qua ải Cù Mông theo đường đại ộ đánh Phú Yên nhất định sẽ gặp quân mai phục của Tống Phước Hiệp.
Huệ vừa dứt lời quân thám mã về báo:
   
- Tâu Chúa công, Tống Phước Hiệp sai con là Tống Viết Nghĩa đem một vạn quân mai phục ở phí Bắc thành Phú Yên chờ quân ta đến thì đổ ra đánh. Tống Phước Khương đêm năm ngàn quân canh phòng mặt bể.

Nghe xong Nhạc giật mình hỏi Huệ:
   
- Sao em biết rằng Tống Phước Hiệp nhất định cho quân mai phục?

Huệ đáp:
   
- Tống Phước Hiệp là một lão tướng đa mưu túc trí. Hắn biết ta giả hoà để bất ngờ tiến đánh, nên tương kế tựu kế cho quân mai phục chờ ta tiến đánh rồi hai mặt giáp công.

Lý Tài bước ra cười hỏi:
   
- Nếu tướng quân đã biết thế thì sao còn giả kế giảng hoà, để quân Nguyễn càng cẩn mật đề phòng thì quân ta càng khó bề thủ thắng?

Huệ cũng cười bảo:
   
- Nhưng Tống Phước Hiệp chỉ đề phòng phía trước mặt mà không che chắn ở sau lưng. Tôi làm thế để chia quân của địch ra mai phục ở mặt Bắc ta thừa cơ đem binh tiến đánh phía sau lưng.

Nhạc ngạc nhiên hỏi:
   
- Em làm cách nào mà đánh được ở sau lưng quân Nguyễn?
   
- Thưa đại huynh, ở phía Nam thành Quy Nhơn có một con đường núi của các bộ tộc người Thượng thông thương với nhau. Con đường này đi vòng qua phía tây ải Cù Mông vào đến thành Phú Yên. Nay ta bí mật theo đường này đánh lấy Phú Yên, chặn đường rút của một vạn quân Tống Viết Nghĩa mai phục. Khi ấy không những ta chiếm được Phú Yên mà con tiêu diệt được hai vạn quân Nguyễn đang uy hiếp ta ở mặt Nam. Ấy là kế giương Đông kích Tây, xin đại huynh xuống lệnh xuất quân.

Lý Tài cười hỏi:
   
- Nếu là giương Đông kích Tây, thì ta làm kế ngh bình ở ải Cù Mông, rồi theo đường này mà đánh việc gì phải cho Đông cung làm kế giải hoà?

Huệ ung dung đáp:
   
- Lúc Tống Phước Hiệp đánh lấy Bình Thuận Diên Khánh, Phú Yên của ta, hắn cho thuỷ binh làm kế nghi binh nói phao rằng sẽ đem thuỷ binh đánh vào các cửa bể, khiến ta sợ quân mình lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch nên phải lui quân về giữ ải Cù Mông bỏ ba dinh cho quân Nguyễn, chứng tỏ Tống Phước Hiệp không phải là kẻ vô mưu. Nếu chỉ dùng kế kế nghi binh thường tình như Lý tướng quân nói sao lừa được Tống Phước Hiệp.

Lý Tài lại cãi:
   
- Nếu chỉ dùng kế nghi binh như tôi vừa nói, mà hắn không biết có con đường núi kia thì ắt chẳng đề phòng. Còn bây giờ dù có cho Đông cung Thế tử là kẻ giả hoà mà hắn biết có con đường núi ấy tất hắn lại càng đề phòng hơn nữa!

Nguyễn Huệ cười lớn đáp:
   
- Ta làm kế giả hoà để cho hắn đề phòng. Nay hắn đem một vạn quân mai phục ở mặt Bắc, để năm ngàn quân phòng thủ ở mặt Đông, trong thành còn lại năm ngàn quân. Chứng tỏ hắn không biết rằng ở phía Tây có con đường núi bí mật này. Ấy chẳng phải là biết người biết ta trăm trận trăm thắng đó sao?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #76 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:21:08 am »

Lý Tài nghe xong không còn bắt bẻ vào đâu nữa. Nguyễn Thung bước ra nói:
   
- Mưu của Nguyễn Huệ thật là diệu kế thập toàn. Xin Chúa công cho Nguyễn Huệ điều binh khiển tướng đánh trận này mới mong đập tan lực lượng của địch quân.

Nguyễn Nhạc y lời nói:
   
- Nay có đông đủ các tướng, ta phong Nguyễn Huệ làm chánh tướng điều binh khiển tướng. Có ai không phục chăng?

Các tướng vui vẻ đồng thanh nói:
   
- Chúng tôi đều phục!

Chỉ có Lý Tài là chẳng nói gì. Nguyễn Huệ dõng dạc bước lên nhận gươm lệnh của Nhạc trao cho rồi quay lại lấy trong mình một phong thư gọi tên quân đến bảo:
   
- Ngươi lập tức đến ải Cù Mông trao cho Nguyễn Lữ, Cứ y như trong thư ta dặn mà làm.

Tên quân lãnh lệnh đi ngay. Huệ lại truyền:
   
- Vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đem hai mươi thớt voi kéo theo một trăm khẩu đại bác cùng năm trăm quân hoả hổ đi trước mở đường, ta sẽ đem đại binh tiếp ứng. Trận này nếu không tiêu diệt được hai vạn quân Nguyễn thề không về gặp mà Chúa công!

Nói rồi hạ lệnh xuất quân. Năm ngàn quân Tây Sơn ngựa cất lạt người ngậm tăm, lặng lẽ theo đường núi tiến vào Phú Yên. Nguyễn Huệ chờ đến nửa đêm cho quân áp sát thành, quân Nguyễn vẫn không hề hay biết. Bố trận xong, Huệ hạ lệnh tiến quân. Quân Tây Sơn đặt đai bác nhằm cổng thành mà bắn. Cổng thành vỡ, Huệ cho bộ binh tràn vào tung hoả hổ đốt phá trại địch trong thành. Tống Phước Lương đang chia quân canh phòng cổng Bắc, bổng nghe phía Tây thành đại bác nổ ầm ầm, rồi thì lửa cháy rực trời, quân hò reo vang dậy, trống trận dậy dồn. Lương thất kinh hồn vía chạy vào thủ phủ tìm cha. Đến nơi thấy Tống Phước Hiệp vừa mặc giáp xong đang cầm thương lên ngựa. Hiệp lo âu hỏi:
   
- Giặc từ đâu đánh thẻ?

Lương hớt hải đáp:
   
- Phía Bắc thành không nghe động tĩnh. Con vừa nghe súng nổ ở phía Tây thành vội chạy đến tìm cha ngay.

Hiệp liền bảo:
   
- Mau về phía ấy xem sao!

Nói rồi ra roi thúc ngựa về phía Tây thành. Đến nơi thấy quân Tây Sơn đã tràn vào như thác lũ, còn quân mình bàng hoàng vừa tỉnh cơn mê, không biết đường nào chống đỡ hỗn loạn mà chạy, bị quân Tây Sơn chém giết rất nhiều.

Cha con Tống Phước Hiệp liệu bề không chống lại bên quay ngựa nhắm cổng Nam thành mà chạy. Nữ tướng Tây Sơn là Bùi Thị Xuân đầu vấn khăn lụa, mình mặc áo bà ba, ngồi trên lưng voi một ngà trông thấy hét lớn:
   
- Tống Phước Hiệp chạy đâu cho thoát!

Hét xong giương cung lắp tên bắn một phát trúng tay trái Tống Phước Hiệp. Hiệp nghiến răng nhổ tên, nằm mọp trên lưng ngựa quất ngựa chạy dài. Trần Quang Diệu thúc ngựa xua quân đuổi theo. Hai tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Khoa Kiên khua đao rượt đánh Trần Quang Diệu cho Tống Phước Lương phò tá Hiệp chạy trước. Hiền và Kiên bị Trần Quang Diệu vung đại đao chém trong một lúc, đầu Hiền và Kiên cũng rơi xuống đất. Ra khỏi thành chỉ chừng chừng trăm tên quân chạy theo cha con Tống Phước Hiệp. Chạy về gần đến ải Vân Phong bỗng thấy một đạo quân từ trong đường hẻm kéo ra, Tống Phước Lương giật mình nhìn lại, thì ra anh mình là Tống Phước Khương. Khương chạy đến ôm Hiệp khóc, quỳ tạ tội rằng:
   
- Cha bị nguy con không cứu kịp, đến nơi cha bị trọng thương, tội con đáng chết!
Nói rồi hai anh em đỡ cha xuống ngựa nằm nghỉ dưới gốc cây bên vệ đường. Hiệp hỏi Khương:
   
- Sao con về được đến đây?

Khương đáp:
   
- Con thấy lửa cháy ngút trời lại nghe súng nổ ầm ầm ở thành Phú Yên, biết có biến vội kéo quân về tiếp viện. Mới đến nửa đường gặp tàn quân của ta chạy đến nơi: Cha đã bỏ thành chạy về ải Vân Phong nên con bèn đi đường tắt đến đây. Chẳng hay Việt Phúc và Việt Nghĩa đâu không thấy?

Lương đỡ lời cha đáp:
   
- Thưa đại ca, hai em ta đã đem một vạn quân mai phục ở phía Bắc thành. Nay quân Tây Sơn đã chiếm mất thành, tất hai em ta không còn đường lui, nếu giặc từ ải Cù Mông đánh ra e rằng hai em ta nguy mất!
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #77 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:23:02 am »

Tống Phước Khương liền nói với Tống Phước Lương:
   
- Nhị đệ mau dìu cha về cố thủ ải Vân Phong, để ta đem năm ngàn quân đánh cứu hai em.

Tống Phước Hiệp lúc ấy tuổi đã già lại bị thương máu ra nhiều sức đã kiệt, gắng gượng hỏi:
   
- Tướng Tây Sơn điều khiển đánh trận này là ai?

Khương đáp:
   
- Thưa cha, nghe nói là Nguyễn Huệ em và Nguyễn Nhạc mời vừa hai mươi mốt tuổi.

Hiệp nghe xong bảo:
   
- Hai con hãy mau cho vài mươi người thân tín ở đường bể lẻn ra Quy Nhơn phao tin lên rằng quân Trịnh sắp đem quân vào đánh Quảng Ngãi. Nguyễn Nhạc tất gọi Nguyễn Huệ đem quân về đề phòng mặt Bắc.

Tống Phước Khương y lời gọi quân đến dặn dò. Quân đi xong, Khương nói:
   
- Xin cha cho con đem quân giải cứu hai em!

Hiệp bảo:
   
- Sau khi cha chết đi hai con lập tức đem tàn quân về giữ ải Vân Phong, không được liều lĩnh đánh nhau cùng Nguyễn Huệ. Các con không phải là đối thủ của nó. Con hai em con sống chết đánh phó thác cho trời không còn cách nào khác đâu!

Nói rồi Hiệp than:
   Ta đã hơn ba mươi năm làm tướng, nay đã quá tuổi lục tuần mà phải thua mưu của một thằng con nít miệng con hơi sữa, để đến nỗi bị một đứa con gái đuổi theo bắn trọng thương. Nhục nhã thay!
Than xong lại khóc:
   
- Hai con đi! Biết hai con đang nguy khốn mà đành bó tay không cứu được, lòng cha đau xót lắm thay!

Nói rồi vừa đau thường vừa uất ức, Tống Phước Hiệp thổ huyết mà chết.

Tống Phước Khương, Tống Phước Lương khóc rống một hồi, rồi đưa thi hài Tống Phước Hiệp và lui quân về ải Văn Phong.

Trong đêm Nguyễn Huệ đem quân theo đường núi chuẩn bị đánh thành Phú Yên, thì Tống Viết Nghĩa và Tống Viết Phước mai phục ở phía Bắc thành, bỗng thấy quân Tây Sơn ở trên ải Cù Mông đánh trống dập dồn, đốt đuốc sáng rực. Tống Viết Nghĩa nói với Tống Viết Phước:
   
- Cha của ta thật là thần cơ diệu toán, quân Tây Sơn quả nhiên trúng kế...

Nói chưa dứt lại bỗng nghe ở phía thành Phú Yên súng nổ ầm ấm chuyển đất. Ngoảnh lại nhìn thấy lửa cháy sáng rực mây trời. Tống Viết Phước la lên:
   
- Nguy rồi, ta đã trúng kế giương đông kích tây của giặc rồi. Anh em ta mau kéo binh về cứu cha.

Việt Nghĩa nói:
   
- Em đem năm ngàn quân đi trước, anh đem năm ngàn quân đi sau đoạn hậu đề phòng giặc ở Cù Mông đánh ra.

Nói rồi liền quay ngựa hối hả dặn quân quay lại thành Phú Yên. Trời vừa hửng sáng, Việt Nghĩa đến nơi thì cửa thành đã mở toang, trong thành một đạo quân áo đỏ xông ra, đi đâu là ba viên dũng tướng, một viên tướng tuổi còn rất trẻ diện mạo khôi ngô quát lớn:
   
- Có ta là Tây Sơn đại tướng Đặng Văn Long ở đây, sao các ngươi con chưa xuống ngay quỳ hàng?

Tống Viết Nghĩa thất kinh than:
   
- Thành đã mất về tay giặc rồi. Chẳng biết cha và anh ta sống chết ra sao! Chúng đánh bằng cách nào mà nhanh thế!

Nói xong liều chết vung đao hò quân giáp chiến. Đặng Văn Long lướt ngựa khua kích rượt đánh. Quân Tây Sơn càng đánh càng hăng. Quân Nguyễn lòng đã hoang mang không còn tinh thần chiến đấu bị Tây Sơn giết chết vô số. Tống Viết Nghĩa đánh được mươi hiệp bị Đặng Văn Long vung kích chém chết. Quân Nguyễn vỡ tan bỏ chạy, tiếng khóc la vang trời dậy đất. Đặng Xuân Bảo và Đặng Xuân Phong thừa thắng xua quân đuổi theo. Văn Long ngăn lại nói:
   
- Hai em đừng nên truy sát làm chi, để chúng chạy ra sẽ gặp nhị sư huynh Nguyễn Lữ từ Cù Mông kéo đến. Chúng cùng đường ắt phải xin hàng.

Nói rồi lệnh cho quân, địch chạy đến đầu đuổi theo đến đấy không được giết hại.
Nhắc lại tướng Nguyễn là Tống Viết Phước đi sau đoạn hậu, bỗng thấy tiền quân mình rối loạn, có tên quân đến bảo:

- Thưa tướng quân, tướng quân Tống Viết Nghĩa đã tử trận. Hiện giặc đang đuổi theo truy sát.

Phước thất kinh hồn vía bảo quân sĩ:

- Phía Bắc có một vùng núi non hiểm trở mà chạy đến đấy mau!

Phước dẫn quân chạy đến chân núi đã thấy quân Tây Sơn chặn đường. Tướng Tây Sơn là Nguyễn Lữ thét to:
   
- Các ngươi không còn đường thoát thân, sao ngoan cố chưa chịu quy hàng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #78 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:07:28 am »

Chương 19

Cái số trời, Hoàng Ngũ Phúc mạng vong.
Khuyên xuất quân, Nguyễn Huệ giá bệnh.


Ngày ấy Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn nghe quân về báo:

- Tâu Chúa công, tướng quân Nguyễn Huệ trong một đêm đã chiếm xong toàn phủ Phú Yên.

Nguyễn Nhạc thở dài buột miệng nói:

- Nguyễn Huệ thật là tài năng xuất chúng, ta không thể nào sánh kịp!

Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:

- Nay ta đã phá được thế lưỡng đầu thọ địch của họ nhà Trịnh, Nguyễn, ấy là nhờ tài thao lược của Nguyễn Huệ. Chúa công nên vui mới phải sao lại thở dài?

Nguyễn Nhạc giật mình cười đáp:

- Ta thở dài bởi thương Huệ phải vì ta mà xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Vả lại Huệ đem quân đánh Phú Yên, ngộ nhỡ quân Trịnh thừa cơ đánh Quảng Ngãi e rằng Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú ít quân không địch nổi thì sao!

Vừa nói xong có quân vào báo:

- Tâu Chúa công, có tin đồn rằng quân Trịnh nay mai sẽ tiến vào đánh Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Dân chúng trong thành ngoài phủ bàn tán xôn xao.
Nguyễn Thung nghe xong nói:

- Tống Phước Hiệp mới bại binh, hai vạn quân tan vỡ, quân Nguyễn sợ ta thừa thăng đánh thẳng vào Nam, nên mới bày kế này để ta triệu hồi Nguyễn Huệ đem quân về phòng thủ mặt Bắc để giải nguy cho chúng mà thôi. Xin Chúa công chớ vội tin.
Nhạc nghiêm mặt hỏi:

- Nếu ngộ nhỡ quân Trịnh thất tín đem quân đánh thật thì ông liệu thế nào?
Thung không biết nói sao đánh nín thỉnh. Nhạc liền sai người vào Phú Yên gọi Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn. Huệ để Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lãnh hai ngàn quân ở lại giữ Phú yên. Lúc sắp kéo quân về Văn Sở hỏi:

- Tướng quân cấp hai ngàn quân giao trọng trách cho chúng tôi giữ Phú Yên. Nếu quân Nguyễn từ Gia Định kéo đại binh ra đánh thì làm thế nào?
Huệ đáp:

- Quân Nguyễn sợ ta tiến đánh nên mới lập kế phao tin rằng quân Trịnh sắp sửa tiến đánh Quảng Ngãi. Đại huynh ta lầm kế của giặc nên mới triệu ta về. Năm ngàn quân của Tống Phước Khương ở ải Vân Phong còn chưa hoàn hồn. Tướng chúng dù muốn đánh, quân chỉ hòng chực chạy, binh như thế thì có đánh được ai? Còn quân của chúng ở Gia Định, ta sẽ đánh chúng trước khi chúng kịp chỉnh đốn binh mã. Các em không phải lo.

Ngô Văn Sở nghi ngờ hỏi:

- Tướng quân đánh địch ở Gia đình bằng cách nào?
Huệ cười đáp:

- Việc quân cơ không thể lộ. Nếu các em còn lo lắng, thì khi nào quân Nguyễn kéo đến các em hay bỏ Phú Yên về Quy Nhơn, ta xin chịu tội trước đại huynh.
Ngô Văn Sở nói:

- Nếu vậy chúng tôi an lòng trấn thủ Phú Yên.
Phan Văn Lân xen vào hỏi:

- Sao tướng quân không sai người về Quy Nhơn nói rõ kế của quân Nguyễn rồi thừa thắng đánh thẳng vào Nam, việc gì phải kéo đại quân về?

Huệ lắc đầu bảo:

- Chỉ có một người có thể nói được với đại huynh ta. Nay người ấy không còn, dù có nói cách nào đại huynh cũng chẳng nghe, lại còn cho ta là kháng lệnh thì nguy.

Lân hỏi:

- Dám hỏi tướng quân người nói cho Chúa công nghe được là ai?

Huệ đáp:

- Người ấy là thầy ta, Quân sư Trương Văn Hiến!

Nói rồi Nguyễn Huệ đem ba ngàn quân rút về Quy Nhơn. Đến Quy Nhơn, Huệ ra mắt

Nguyễn Nhạc, hỏi:

- Quân ta đang thắng sao đại huynh lại triệu hồi em về?

Nhạc vỗ vai Huệ thân mặt nói:

- Ta nghe dân chúng đồn rằng quân Trịnh sẽ đem quân vào đánh Quảng Ngãi, Quy Nhơn, nên mới gọi em về phòng khi hữu sự

Huệ nắm tay anh thân mật bảo rằng:

- Lúc trước Trịnh Sâm phong đại huynh làm Tây Sơn hiệu trưởng bảo ta đánh quân Nguyễn. Nay đại huynh nên sai người sang Trịnh báo tin thắng trận rồi dò la động tĩnh thế nào?

Nhạc khen phải và viết thư sai Nguyễn Thung đi sứ sang Trịnh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #79 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:08:57 am »

Nguyễn Thung sang đất Quảng Nam yết kiến Hoàng Ngũ Phúc nói:

- Thưa đại tướng quân, Nguyễn hiệu trưởng đánh tan hai vạn quân chúa Nguyễn ở Phú Yên, sai tờ dâng thư báo tiệp cũng đại tướng quân.
Phúc tiếp thu xem xong vui vẻ nói:

- Hay lắm! Ta vâng lệnh Tĩnh Đô Vương kéo quân vào đây cốt là đánh Nguyễn. Nay

hiệu trưởng đã đánh được chúng, ta kéo quân về trấn thủ Thuận Hoá, phong Nguyễn hiệu trưởng làm đại trấn thủ ba dinh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn.

Nguyễn Thung mừng rỡ tạ ơn. Nguyễn Hữu Chỉnh nói đùa rằng:

- Hôm ấy Nguyễn Huệ hẹn trong mười hôm sẽ phá được Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Nay đã trễ hẹn một ngày lại không có lời xin lỗi với ta sao?

Nguyễn Thung nửa đùa nửa thật đáp lại:

- Tướng quân Nguyễn Huệ đánh tan hai vạn quân Tống Phước Hiệp chiếm đất Phú Yên chí trong ba ngày, một ngày từ Phú Yên về Quy Nhơn báo tiệp, ba ngày tới từ Quy Nhơn đến Quảng Nam, tướng quân tính xem có đúng không nào?

Nói rồi cáo biệt ra về. Nguyễn Thung đi xong, Chỉnh hỏi Phúc:

- Nguyễn Nhạc ngoài mặt hoà ta đánh Nguyễn nhưng trong lòng vẫn muốn làm vua một cõi, sao thượng tướng quân bỏ đất Quảng Nam cho hắn?

Phúc vuốt râu cười bảo:

- Quân ta hiện đang bị bệnh dịch tả lỵ chết mà mấy ngàn người, số còn lại đều gầy còm suy nhược. Vả lại ta vừa nhận được thư của quan đại học sĩ Lê Quý Đôn, cho toa thuốc của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông ấy khuyên ta nên rút quân khỏi vùng đất bị địch tả lỵ. Nhất cứ lưỡng tiện ta mà giao đất Quảng Nam cho Tây Sơn để ban ơn cho Nguyễn Nhạc.

Nói rồi liền sai quân tìm ba vị thuốc là Thuỷ tinh thảo, Lệ trường thảo và Mã sĩ thảo cho quân sĩ uống. Quân uống vào nội nhật hôm ấy liền cầm chứng tả lỵ ngay. Quân sĩ trầm trồ khen:

- Hay quá thuốc tiên! Hai Thượng Lãn Ông thật là thần y xưa nay hiếm có.
(Từ ấy về sau thiên hạ truyền nhau bài thuốc này để chữa bệnh tả lỵ, đi người ra máu mủ rất là thần hiệu, bằng ba loại cỏ mộc khắp nước Nam: Thuỷ tinh thảo là cỏ sữa, Lệ trường thảo là có mực, Mã sĩ thảo là rau sam).

Hoàng Ngũ Phúc thấy quân mình bớt bệnh liền hỏi các tướng đến thương nghị. Phúc nói:

- Nay quân ta nhờ bài thuốc tiên của thần y Hải Thượng Lãn Ông mà bớt bệnh. Ta định thôi không rút binh khỏi Quảng Nam nữa, đợi quân ta dưỡng sức khỏe mạnh như xưa, rồi nhân lúc Nguyễn Nhạc dồn toàn lực đánh nhau với quân Nguyễn ở phương Nam ta xuất kỳ bất ý tiến đánh Quảng Ngãi ắt là toàn thắng. Các ngươi thấy thế nào?
Phúc vừa dứt lời bỗng nghe trong bụng đau quặn thắt, Phúc ôm bụng rên la ngã vật ra đất, các tướng hoảng hốt vội dìu Phúc ra hậu dinh tĩnh dưỡng. Ngày hôm ấy Hoàng Ngũ Phúc đi tả lỵ triền miên. Quân hấu lấy ba vị thuốc Thuỷ tinh thảo, Lệ trường thảo, Mà sĩ thảo cho Phúc uống, suốt ba ngày không khỏi. Các tướng xúm lại hối hận. Hoàng Đình Thể buột miệng nói:

- Bài thuốc này hàng vạn quân bị bệnh uống và tức khắc khỏi ngay, sao đại tướng quân uống đã ba ngày mà không khỏi bệnh?
Phúc mệt mỏi hỏi:

- Các ngươi thấy màu nắng ngoài trời thế nào?
Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:

- Mấy ngày trước thời tiết trong sáng. Ngày nay khí trời bỗng trở nên nóng bức, màu năng vàng vọt như có sương mù che phủ.
Phúc bảo:

- Các tướng hay lệnh cho quân sĩ chuẩn bị quân trang. Rạng sáng ngày mai lập tức rút binh về Phú Xuân!

Các tướng vâng lệnh ra đi. Hoàng Ngũ Phúc than:

- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Thật là trời đã giúp cho quân Tây Sơn rồi vậy!
Ngày hôm sau Hoàng Ngũ Phúc nằm trên xe, Hoàng Đình Bảo theo sau hộ tống. Quân Trịnh người mạnh cáng người bệnh lục đục bỏ Quảng Nam rút về Phú Xuân. Về đến Phú Xuân, Hoàng Ngũ Phúc mất, thọ bảy mươi tuổi. Hoàng Đình Bảo, Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ, Nguyễn Hữu Chỉnh, sai quân đưa linh cữu về Thăng Long. Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương thương tiếc vô cùng, mai táng rất là trọng thể, rồi sai Bùi Thế Đạt vào thay Hoàng Ngũ Phúc làm trấn thủ giữ đất Thuận Hoá.

Lại nói đến Nguyễn Thung về tới Quy Nhơn nói với Nguyễn Nhạc:

- Hoàng Ngũ Phúc bỏ đất Quảng Nam cho ta, lui về trấn thủ tại ải Hải Vân trở ra Thuận Hoá. Tôi nghĩ hắn chẳng có bụng tốt gì, chẳng qua vì quân Trịnh bị địch tả lỵ mà chết rất nhiều nên mới bỏ đất ấy mà thôi.

Nghe Thung nói xong, Nhạc vùng ôm mặt khóc lớn. Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:

- Quân Trịnh bị địch tả lỵ mà chết, Ngủ Phúc rút khỏi Quảng Nam ấy là trời giúp ta. Chúa công nên mừng mới phải, sao lại khóc?
Nhạc nghẹn ngào không nói được. Các tướng đều ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Huệ ứa nước mắt nói:

- Các vị chưa rõ do thôi. Nguyên trước lúc lâm chung thầy tôi có khuyên đại huynh nên rút khỏi Quảng Nam, bỏ đất ấy cho quân Trịnh. Thầy xem khí tượng đoán biết rằng, sang mùa hè nhất định quân Trịnh bị bệnh dịch tả lỵ mà chết rất nhiều tự khắc sẽ lui binh. Nay quả đúng như vậy, nên đại huynh tôi thương thầy mà khóc đây thôi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM