Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 12:58:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn bi hùng truyện  (Đọc 161140 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #40 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:38:03 pm »

- Tôi không phải kẻ tham sanh úy tử, lúc nãy đã định liều mình trả nợ quân vương. Nhưng nhìn thấy Chúa công tai to mặt lớn, tay dài quá gối tướng mạo phi phàm đúng là chân mệnh đế vương. Vả lại trong quân của Chúa công có kẻ kỳ tài bày ra trận đất lửa phía trước, trận nước phía sau thì nghiệp cả ắt thành. Nay được thấy dung nhan của Chúa công trong lòng đã thoả nguyện. Xin Chúa công cho biết vị nào đã bày kế đánh trận này, cho tôi được diện kiến thì dù Chúa công có giết cũng chẳng ân hận gì.

Nguyễn Nhạc chỉ Nguyễn Huệ cười nói:

- Ấy chính là em của ta, tên Nguyễn Huệ. Ngươi hãy xem thử tướng mạo em ta thế nào?

Tôn Thất Hương đăm đăm nhìn Nguyễn Huệ như quan sát tướng mạo rồi bất ngờ nhảy đến rút dao ngắn giấu trong người đâm Nguyễn Huệ. Huệ ngồi trên lưng ngựa vung chân đá một cước, Hương ngã nhào xuống đất. Hô quân trói lại, Nhạc hỏi:
   
- Cớ sao ngươi lập kế xin hàng rồi mưu giết em ta?

Tôn Thất Hương trợn mắt mắng:
   
- Ta muốn giết tên này để trừ mối nguy cho xã tắc. Nhà ta mấy đời khanh tướng lẽ đâu lại hàng lũ giặc cướp như ngươi sao!

Nói xong đập đầu xuống đất mà chết! Trương Văn Hiến thương xót nói:
   
- Tôi thường nghe nói Tôn Thất Hương là người tín nghĩa. Nay đến lúc chết còn lo trừ hại cho chúa, thật là một đấng trung thần. Xin Chúa công cho mai táng tử tế tỏ rõ lòn tông trọng người trung nghĩa của ta.

Nguyễn Huệ xuống ngựa, nhẹ nhàng đưa tay vuốt mặt Hương, nhưng mắt Hương vẫn mở trừng trừng. Thấy vậy Huệ nói:
   
- Tướng quân có cái lý trung với vua, tôi có cái lý hiếu với dân. Tuy rằng chí hướng khác nhau nhưng nghĩa khí của tướng quân, tôi một lòng tôn kính, thì vì đâu mà còn oán giận nhau đến thế!

Huệ vừa nói dứt lời, mắt Hương liền nhắm lại. Nguyễn Nhạc sai người lo hậu sự theo lễ công hầu, rồi sai Huệ, Dũng làm tiên phong, tự mình kéo đại binh dẫn theo quân sư Trương Văn Hiến, Vũ Văn Nhậm, Võ Đình Tú thừa thắng ra đánh phủ Quảng Ngãi.
                                         

Nói về Lý Tài và Tập Đình đem quân vào cửa biển An Giũ (cửa Hoài Hương, Bình Định ngày nay) thấy lửa cháy ở bờ Nam sông Lại Dương bèn men theo bờ Bắc kéo quân ra tiến sát chân núi Thạch Tân. Quân Nguyễn trong các chòi canh trên đèo nói với nhau rằng:
   
- Tướng quân Tôn Thất Hương đem ba vạn quân đuổi giặc Tây Sơn chạy vào Quy Nhơn rồi. Ta ở đây bình an vô sự mà ăn ngon ngủ yên.

Nói rồi mạnh ai nấy lăn ra ngủ. Lý Tài sai quân lặng lẽ đến bên chòi canh giết hết quân canh. Quân Nguyễn trong đồn trên đỉnh đèo không hề hay biết. Quân Lý Tài bí mật vây đồn hò hét xông vào. Quân Nguyễn trong lúc ấy mất vía lũ lượt ra hàng. Lý Tài và Tập Đình bèn sai quân giết hết cả đi. Quân chết hàng mấy trăm người thây chất thành đống.

Nguyễn Huệ và Vũ Văn Dũng cầm quân tiên phong đến đèo Thạch Tân, thấy quân Nguyến chết thây nằm rải rác, doanh trại trên đỉnh đèo cờ Tây Sơn bay phấp phới, Huệ vui mừng bảo Dũng:
   
- Tập Đình, Lý Tài đã chiếm đèo Thạch Tân, anh em ta mau lên ấy xem sao.

Đi gần đến doanh trại lại thấy vài trăm xác quân Nguyễn chất thành đống, Nguyễn Huệ sắc mặt hầm hầm nói:
   
- Hai tên tướng Tàu này thật là vô đạo, giết người không biết gớm tay.

Vũ Văn Dũng can Huệ:
   
- Trong lúc đánh nhau giết quân địch là lẽ thường tình, sao sư huynh gọi người ta là vô đạo?

Huệ cắt nghĩa rằng:
   
- Từ dưới chân đèo đi lên thây nằm rải rác là người chết trong lúc đánh nhau. Còn gần doanh trại thây nằm thành đống là phường khát máu tàn sát hàng quân, chốc nữa hỏi Lý Tài nếu không phải thế thì Dũng chớ gọi ta là sư huynh.

Vừa lúc ấy Lý Tài và Tập Đình nghe quân báo có quân Tây Sơn kéo đến liền ra nghênh đón. Nguyễn Huệ chỉ tay vào đống thây người hỏi:
   
- Tướng quân thật tài tình, đánh như thế nào mà giết địch nhiều thế?

Lý Tài mỉm cười tự đắc nhưng giả vờ khiêm tốn nói:
   
- Tôi được lệnh Chúa công đem thủy quân vào cửa bể An Giũ, rồi án binh bất động, khi thấy lửa ở bờ Nam sông Lại Dương liền tiến đánh đèo Thạch Tân. Quân giữ đèo ỷ lại đại quân Tôn Thất Hương còn ở phía trước nên không đề phòng. Bị đánh bất ngờ và thấy quân của tôi mười phần oai dũng vội quăng khí giới xin hàng. Tôi liền cho giết sạch.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #41 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:45:56 pm »

Vũ Văn Dũng nghe Lý Tài nói xong mới vỡ lẽ lời của Nguyễn Huệ là đúng, Dũng giận lắm cao giọng hỏi:
   
- Quân lệnh của Tây Sơn ta là không giết hàng quân. Tại sao ngươi đem cả mấy trăm quân giết hết cả đi?

Tập Đình đứng cạnh Lý Tài nghe Dũng hoạnh hoẹ quân mình liền lớn tiếng nói:
   
- Ngươi là gì mà dám bắt bẻ bọn ta. Nếu nói về quân lệnh hãy chờ Chúa công đến đây sẽ hay, ta không việc gì phải tâu bẩm với hạng vô danh tiểu tốt như các ngươi.

Nghe Tập Đình buông lời vô lễ, Văn Dũng bừng bừng nổi giận giơ đao chỉ mặt mắng rằng:
   
- Ngươi bảo ai là vô danh tiểu tốt. Bọn ngươi không còn đất sống vào lạy lục Chúa công ta xin nương nhờ nơi ở, bố thí miếng ăn, lại dám nói đại tướng quân Nguyễn Huệ em của Chúa công ta là vô danh tiểu tốt ư! Để ta chém hai ngươi trả thù cho sinh linh vô tội.

Tập Đình nghe Dũng nói, ngạo mạn cười vang:
   
- Ngươi tài cán gì mà đòi chém ta. Bọn ta dù thất thế cũng là đại tướng của Thiên triều. Ngươi hãy quăng đao đi kẻo ăn năn không kịp.

Văn Dũng  giận điên người cầm đại đao toan xông đến. Huệ ngăn lại, rồi tiến lên chỉ Lý Tài nói:
   
- Ngươi thì mắt lươn, môi mỏng, lưỡng quyền cao. ấy là gương mặt của hạng người nham hiểm - Rồi Huệ quay sang Tập Đình – Còn ngươi thì mày xếch mắt cú vọ, miệng thì vêu, hàm có ngạnh là gương mặt của kẻ hung tàn. Nay ta quyết giết hai ngươi để trừ hại cho dân Nam ta. Nếu cả hai ngươi cùng một lúc mà đỡ được một nhát đao của ta thì mới là đại tướng của Thiên triều.

Nguyên Nguyễn Huệ lúc thường tiếng nói ngân như chuông, khi nổi giận thì tiếng nói rền như sấm. Lý Tài và Tập Đình nghe giọng Huệ nói xong thì tâm thần bất định, lại thấy tia mắt như chớp quét sang thì cúi đầu bủn rủn tay chân. Huệ cho ngựa từ từ đi đến rồi hoành đại đao một vòng toan chém. Lý Tài và Tập Đình cả sợ, nhưng việc đã lỡ đành miễn cưỡng đưa đao chống đỡ. Bỗng nghe quân hô vang:
   
- Chúa công đến! Chúa công đến!

Nguyễn Huệ liền dừng đao xuống ngựa ra mắt Nguyễn Nhạc. Lý Tài và Tập Đình cúi đầu thi lễ rồi nói lớn:
   
- Xin Chúa công xét xử. Tôi vâng lệnh Chúa công đánh chiếm đèo Thạch Tân. Tướng quân Nguyễn Huệ vừa đến định giết chết anh em tôi.

Nguyễn Nhạc ngạc nhiên gọi Huệ hỏi:
   
- Vì sao lại có chuyện ấy?

Huệ giận lắm nhưng cố nén đáp lời anh rằng:
   
- Thưa đại huynh, quân lệnh của ta là không được giết hàng quân, mà Lý Tài và Tập Đình đem mấy trăm hàng quân giết sạch chất thây nằm thành đống. Thưa đại huynh hai tên này là người vô đạo, cho nên em mới quyết định giết đi trước là trừ hoạ cho dân, sau là thi hành quân lệnh, xin đại huynh minh xét.

Nhạc hỏi:
   
- Sao em biết Lý Tài giết hàng quân?

Huệ chỉ mặt Lý Tài nói:
   
- Thưa đại huynh, điều này chính do miệng Lý Tài nói ra lúc nãy.

Nhạc quay sang hỏi Lý Tài:
   
- Xin hỏi Lý tướng quân điều ấy có không?

Lý Tài sợ hãi đáp:
   
- Thưa Chúa công, xác quân Nguyễn đều chết trong lúc đánh nhau, nhưng khi tướng quân Nguyễn Huệ hỏi, tôi có ý tự đắc nói rằng quân Nguyễn thấy chúng tôi oai phong nên sợ hãi đầu hàng cả. Huệ tướng quân lại hỏi: Thế hàng quân đâu? Tôi chẳng biết trả lời thế nào đành đáp rằng: Giết hết cả rồi! Chỉ vì tôi có ý kiêu căng nói quá sự thật, chứ chẳng phải phạm vào quân lệnh, giết hết hàng quân. Xin Chúa công tha cho tội đại ngôn.

Huệ thấy Lý Tài tráo trở giận quá chỉ mặt mắng:
   
- Tội của ngươi không phải là đại ngôn mà là cuồng ngôn loạn ngữ, dám lừa dối cả anh ta. Xin đại huynh cho đem vài tên quân của Lý Tài đến tra xét thì sẽ rõ thực hư.

Nguyễn Nhạc liền xua tay nói:
   
- Thôi, thôi! Chẳng qua là Lý Tài trong lúc phấn chấn nói lời phóng đại mà thôi, ta bỏ qua chuyện này không phải tra xét làm gì.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #42 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:47:56 pm »

Nghe Nhạc nói, Huệ tỏ ý thất vọng, rồi cương quyết thưa:
   
- Thưa đại huynh, quân lệnh nghiêm minh mới thành ra quân kỷ. Việc này phải làm cho ra lẽ để làm gương cho kẻ khác.

Nhạc hạ giọng bảo Huệ:
   
- Nếu truy xét mà Lý Tài và Tập Đình không phạm quân lệnh thì em mang tội vu khống người vô tội đấy!

Huệ vẫn khăng khăng:
   
- Nếu đúng vậy em xin chịu tội.

Nhạc ôn tồn nói:
   
- Nay Lý Tài và Tập Đình đã theo quân ta đánh giặc thì cũng là người một nhà, sao em lại quyết vạch lá tìm sâu như thế? Nếu quả Lý Tài và Tập Đình có lỡ phạm một lần mà chứng cứ chưa rõ ràng thì cũng nên bỏ qua để khỏi gây chia rẽ trong quân. Nay ta lệnh cho Lý Tài và Tập Đình lãnh ấn tiên phong, đem một ngàn quân bản bộ tiến đánh phủ Quảng Ngãi. Ta sẽ đem đại binh tiếp ứng.

Huệ mở miệng toan nói, Nhạc nạt rằng:
   
- Lời ta là tướng lệnh em chớ có nhiều lời. Hãy mau đem ấn ra đây.

Huệ sợ hãi lui ra. Trên đỉnh đèo giữa các tướng sĩ, Nhạc gọi quân đem rượu tự tay rót ban cho Lý Tài và Tập Đình, Nhạc nói:
   
- Em của ta tuổi còn nhỏ dại có điều mạo phạm, hai tướng đừng để bụng làm gì! Nay hai tướng hãy vì ta lãnh ấn tiên phong, đem quân Bắc tiến, đập đổ Nguyễn triều. Đợi khi thu phục kinh thành chúng ta cùng chung chia phú quý. Hai vị tướng quân có vui lòng chăng?

ý Tài và Tập Đình cùng lạy tạ ơn, Lý Tài nói:
   
- Chúa công xét việc rõ ràng thật là một đấng minh quân. Anh em tôi nguyện phơi gan trải mật đáp đền ơn tri ngộ của Chúa công.

Nói rồi lãnh ấn dẫn quân lầm lũi xuống phía Bắc đèo Thạch Tân. Đi một đoạn Tập Đình nói:
   
- Thằng con nít Nguyễn Huệ nhất định đòi chiếu theo quân lệnh mà giết chết bọn ta, vì sợ ta tranh mất ấn tiên phong của hắn. Chẳng ngờ Chúa công biết bọn ta là đấng anh hùng, trao ấn tiên phong đánh giặc lập công, chắc thằng nhãi Huệ tức điên lên được.

Nói xong thích chí cười ha hả. Lý Tài nạt rằng:
   
- Ngươi thật là đồ hữu dũng vô mưu. Đi vào chỗ chết vui sướng lắm sao mà cười.

Tập Đình ngạc nhiên hỏi:
   
Nghĩa huynh nói thế là ý gì?

Lý Tài trầm ngâm nói:
   
- Thật ra Nguyễn Nhạc cũng biết bọn ta giết chết mấy trăm hàng quân Nguyễn triều nhưng chưa chứng cứ nên không quy tội. Chẳng qua Nguyễn Nhạc lợi dụng anh em ta làm con tốt trong bàn cờ tranh bá đồ vương của hắn mà thôi. Nguyễn Huệ chỉ thấy việc trước mắt, còn Nguyễn Nhạc mới thật là người cơ trí.

Tập Đình giật mình hỏi:
   
- Thế mà tôi chẳng nghĩ ra. Vậy ta nên tính thế nào đây?

Lý Tài đáp:
   
- Đã là con tốt trong bàn cờ chỉ có tiến chứ chẳng có lùi.

Tập Đình lại hỏi:
   
- Quân ta dù tinh nhuệ nhưng quân số chỉ có một ngàn. Đánh với quân triều ngộ nhỡ Nguyễn Nhạc không đem quân tiếp ứng thì có phải là hắn mượn tay giặc giết ta không?

Lý Tài lắc đầu nói:
   
- Nguyễn Nhạc không phải là người như thế. Hắn biết ta là người Tàu không thể lấy danh nghĩa gì mà chiêu binh mãi mã được, thì hắn sợ gì ta mà mượn tay giặc để giết ta. Trước mắt hắn chỉ mượn ta để làm tấm khiên che tên của giặc mà thôi. Từ nay nghĩa đệ nói năng phải cẩn thận, ở dưới trướng người thì đừng có kiêu căng. Ta phải đợi thời có rồi sẽ liệu tính.

Về phần quân Tây Sơn, sau khi Lý Tài và Tập Đình đi rồi, Nguyễn Nhạc gọi Nguyễn Huệ cùng các tướng Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng đến bảo:
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #43 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:49:34 pm »

- Chẳng phải là ta không biết Lý Tài và Tập Đình giết hết hàng quân. Nhưng ta bỏ qua không truy cứu vì biết rằng về sau chúng sẽ không bao giờ dám tái phạm. Nếu giết Lý Tài và Tập Đình thì một ngàn quân người Tàu kia biết để vào đâu, không lẽ lại đem ra giết hết, còn giữ chúng trong quân khác nào nuôi ong tay áo. Chi bằng để cho chúng làm tiên phong đánh giặc, thế chẳng lợi hơn sao.

Huệ cúi lạy tâu:
   
- Em vì thấy cảnh thảm sát trước mắt nên trong lòng tức giận, chỉ muốn giết chết Lý Tài và Tập Đình báo oán cho dân ta mà thôi. Em ngu muội chỉ thấy điều trước mắt mà không biết việc về sau. Xin đại huynh rộng lòng tha thứ.

Trương Văn Hiến xen vào nói:
   
- Nay ba vạn quân triều của Tôn Thất Hương đã bị ta đánh tan, thì quân của phủ Quảng Ngãi và Quảng Nam không phải là đối thủ của ta. Chúa công hãy cho Nguyễn Huệ dẫn ba ngàn quân về đèo Cù Mông hợp cùng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đánh vào mặt Nam chiếm lấy thành Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Có hai điều cần thiết phải đưa Nguyễn Huệ về mặt Nam, một là cho an lòng Lý Tài và Tập Đình đang dẫn quân tiên phong đánh ra mặt Bắc, thứ hai là nếu quân triều lấy quân ba dinh là Long Hồ, Phiên Trấn, Trấn Biên ra hợp cùng quân ba phủ Bình Thuận, Diên Khánh và Phú Yên mà đánh vào phía Nam thành Quy Nhơn thì e rằng Nguyễn Lữ không chống giữ được. Xin Chúa công minh xét.

Nguyễn Nhạc gật đầu bảo:
   
- Quân sư thật biết người biết ta, nhìn xa trông rộng. Lệnh cho Nguyễn Huệ đem ba ngàn quân vào hợp với quân Sở và Lân đánh vào Nam.

Nguyễn Huệ thưa:
   
- Thưa đại huynh cùng quân sư, tôi xin đem quân về hợp với Nguyễn Lữ giữ thành Quy Nhơn nhưng khoan đánh lấy Phú Yên.

Văn Hiến ngạc nhiên hỏi:
   
-Vì sao con lại làm thế?

Huệ đáp:
   
- Thưa thầy binh pháp có câu: “Đánh thành thì dễ nhưng giữ thành mới là việc khó”. Hiện nay quân của ta còn ít mà phải chia nhau chống giữ ở các nơi hiểm yếu. Vả lại nước Nam ta từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong các trấn phủ đều nằm dọc theo bờ biển. Nếu ta đánh lấy các phủ Phú Yên, Diên Khánh ngộ nhỡ quân Nguyễn đem thuỷ binh vào các cửa bể chặn đường về của ta rồi binh bộ từ Nam đánh ra, e rằng quân ta lúc ấy lưỡng đầu thọ địch thì nguy.

Văn Hiến hỏi:
   
- Theo con thì nay mặt Nam phải đánh thế nào?

Huệ đáp:
   
- Thưa thầy, địa hình của nước Nam ta thì việc dùng thủy binh là rất quan trọng. Con xin về trấn Quy Nhơn cùng Nguyễn Lữ đốc thúc dân binh xẻ gỗ đóng thuyền luyện tập thủy binh và cho đúc thêm thật nhiều súng đại bác là một thứ vũ khí đánh thành vô cùng hiệu quả. Đợi khi quân lực hùng mạnh ta sẽ đánh vào Nam bằng hai đường thủy, bộ. Khi ấy việc lấy một dải đất từ Quy Nhơn đến Gia Định chỉ một sớm một chiều mà thôi. Xin đại huynh cùng quân sư minh xét.

Trương Văn Hiến suy nghĩ giây lâu rồi nói:
   
- Lời Nguyễn Huệ rất là có lý, nhưng việc thành bại cốt yếu là ở thời cơ. Từ lúc khởi binh đến nay quân ta đi đến đâu muôn dân nô nức hưởng ứng đến đấy, ấy chẳng phải là ta được thuận lợi thời cơ đó sao? Nay Nguyễn Huệ đem ba ngàn quân chi viện mặt Nam sai Sở và Lân đánh lấy Phú Yên vỗ an bá tánh, mở kho thóc cướp được của quân Nguyễn phân phát cho dân nghèo, chiêu mộ thêm binh sĩ. Nếu quân Nguyễn từ Gia Định đánh ra mà Sở, Lân không chống được thì hãy bảo toàn lực lượng rút về Quy Nhơn cố thủ. Dù không giữ được thành Phú Yên nhưng lòng dân đã nên gốc rễ. Binh pháp có câu “chiếm thành không bằng chiếm lòng dân”, ấy là kế sách lâu dài vậy.

Nguyễn Nhạc tán thành nói:
   
- Người xưa có nói bậc đại thức giả thì thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung tường nhân sự. Quân sư thật là người đã quán triệt cả ba điều ấy rồi vậy. Huệ hãy về Quy Nhơn theo sách lược của quân sư mà hành động.

Rồi Nhạc cùng Trương Văn Hiến, Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng, Võ Đình Tú ồ ạt dẫn quân Bắc tiến. Chẳng bao lâu đến cuối năm Quý Tỵ (1773) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34, quân Tây Sơn ở mặt Nam do Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân thống lĩnh đánh chiếm được Phú Yên, Diên Khánh rồi thừa thắng đánh chiếm thành Bình Thuận. Đi đến đâu dân chúng nổi dậy xin theo, quan quân giữ thành đều bỏ thành mà chạy.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #44 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:51:24 pm »

Chương 12

Trương Văn Hiến dụng kế nghi binh.
Nguyễn Đăng Trường bày mưu chặn giặc.


Tin quân Tây Sơn làm chủ một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cấp báo về kinh thành Phú Xuân. Chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần lập tức thiết triều mời bá quan văn võ bàn luận kế sách đánh giặc. Định vương nói:
   
- Nay giặc cướp Tây Sơn dụ dỗ đám dân đen lại mị dân truyền hịch tôn phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đánh đổ Quốc phó. Quả nhân từ lúc lên ngôi chúa đến nay thiên hạ thái bình, mọi việc đã có Quốc phó lo toan, vả lại ta mới hai mươi tuổi chưa từng biết việc chiến chinh. Nay giặc cướp Tây Sơn chiếm đất đai của ta từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, còn định kéo ra đánh lấy kinh thành. Các khanh đã biết việc ấy hay chưa?

Quốc phó Trương Phúc Loan râu tóc bạc phơ bước ra nói:
   
- Kính Chúa thượng, lúc này thành Quy Nhơn bị giặc Tây Sơn cướp lấy, tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên chạy đường bể về đây phi báo, lão thần liền sai người về Quảng Nam lệnh cho tổng binh Quảng Nam dinh là Tôn Thất Hương đem quân ở dinh Quảng Nam và phủ Quảng Ngãi vào tiễu trừ giặc cỏ. Không ngờ cha con Tôn Thất Hương đều tử trận ở huyện Bồng Sơn, Quy Nhơn phủ. Nghe tin ấy lão thần đã sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi đem ba vạn quân vào Quảng Nam đánh giặc. Nay mai chắc có tin báo tiệp khải hoàn, xin Chúa thượng an tâm.

Chúa Định vương quở rằng:
   
- Việc trọng đại như thế sao Quốc phó lại không cho quả nhân được biết?

Trương Phúc Loan khúm núm thưa:
   
- Kính Chúa thượng, cung điện Phấn Dương vừa mới xây xong, Chúa thượng đang buồn bực vì nhân dân ta thán, lão thần sợ làm kinh động Chúa thượng nên không dám tâu trình.

Trong hàng quan văn bỗng nhiên có tiếng nói lớn:
   
- Nay ba vạn quân trấn thủ kinh thành đều đưa vào Quảng Nam đánh Tây Sơn. Lỡ như họ Trịnh ở Đàng Ngoài đem quân xâm phạm Châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) thì ta biết phải làm thế nào?

Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra đó là quan văn tước Tĩnh Điệp Hầu, tên húy Nguyễn Đăng Trường. Võ quan chưởng cơ Nguyễn Văn Chính cười nói:
   
- Ngài là quan văn không rõ việc binh. Ranh giới của ta và họ Trịnh là sông Linh Giang. Sông Linh Giang vừa rộng vừa sâu, ở bờ Nam lại có lũy Trường Dục kiên cố, quân ta đêm ngày canh phòng cẩn mật thì quân Trịnh dễ gì xâm phạm. Tôi nói có phải không tướng quân Tôn Thất Tiệp?

Tôn Thất Tiệp đồng tình gật đầu đáp:
   
- Lời quan chưởng cơ rất phải, lâu nay họ Trịnh ở Bắc Hà chuyên quyền lấn áp vua Lê khiến trăm họ bất bình nổi lên làm loạn khắp nơi. ở Hải Dương có Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ nổi dậy năm Canh Thân (1740). Rồi đến năm Quý Hợi (1743) Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất lại nổi dậy ở Hải Dương. Cũng năm Canh Thân lại có Nguyễn Danh Phương làm loạn ở Việt Trì, Tam Đảo, sau chiếm lấy Tuyên Quang, suốt mười năm sau là năm Canh Ngọ (1750) chúa Trịnh Doanh mới đánh dẹp xong. Lại có Hoàng thân là Lê Duy Mật nổi dậy ngót hai mươi năm ở huyện Thạch Thành. Rồi đến năm Giáp Tý (1764) Lê Duy Mật cầu cứu chúa Vũ Vương của ta, nhưng Tiên vương không muốn gây việc binh đao với họ Trịnh nên mới chối từ. Quan quân đánh dẹp mãi, hao binh tổn tướng mới yên. Trong nước đã rối ren như thế, thì tâm trí đâu mà dòm ngó cõi ngoài. Vả lại mới hai năm trước đây Thái tử Lê Duy Vỹ bị chúa Trịnh Sâm giết chết. Trời đất bỗng hôn u địa ám, muôn dân đóng cửa khóc thầm, Trịnh Sâm càng lo sợ trăm họ nổi lên, thì dám đâu cho quân đi đánh đất người. Vậy việc họ Trịnh xâm phạm sông Linh Giang xin Chúa thượng chớ lo.

Tôn Thất Tiệp nói một hơi nghe ra hữu lý, chúa Định Vương và Quốc phó Trương Phúc Loan vừa ý gật gù. Nguyễn Đăng Trường chậm rãi bước ra nói:
   
- Kính Chúa thượng, đành rằng là như vậy, nhưng lòng tham của con người vốn sâu không đáy. Chỉ e rằng Trịnh Sâm nghe tin quân Tây Sơn đánh phá phía Nam, hắn chỉ thấy cái lợi lấy đất ta ngay trước mắt, quên cái hoạ diệt vong trong nước phía sau lưng, mà đem quân xâm phạm mặt Bắc thì Kinh đô lưỡng đầu thọ địch. Vậy nay phải gấp dẹp cho xong giặc Tây Sơn, để lỡ có bề gì còn điều quân ra ngoài đánh Trịnh. Vả lại từ lâu nay trong dân gian có truyền câu sấm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” nay nghe giặc Tây Sơn làm loạn lòng trung quân rất là lo lắng. Xin Chúa thượng xét soi.

Chúa Định Vương liền hỏi:
   
- Vậy theo khanh thì nên làm thế nào?

Nguyễn Đăng Trường đáp:
   
- Kính Chúa thượng, quan trấn thủ dinh Long Hồ là lão tướng Tống Phước Hiệp gồm tài thao lược. Chúa thượng nên sai sứ giả vào đất Gia Định lệnh cho Tống Phước Hiệp lãnh binh ở ba dinh Long Hồ, Phiên Trấn, Trấn Biên. Lập tức đem quân Bắc tiến cho giặc Tây Sơn lưỡng đầu thọ địch, thì quân ta mới mong toàn thắng.

Chúa Định Vương vỗ tay khen:
   
- Thật là kế sách vẹn toàn. Tống Phước Hiệp trấn thủ nơi xa xôi ngàn dặm nếu không nhờ Tĩnh Điệp Hầu nhắc nhở thì ta đã quên mất ông ấy rồi! Nay ta phong cho Tĩnh Điệp Hầu làm tham tán quân cơ để cùng bàn việc quân.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #45 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:53:09 pm »

Nói rồi liền viết chiếu phong Tống Phước Hiệp làm tổng binh Quản dinh Bình Tây Đại tướng quân, điều binh ba dinh ra Bình Thuận đánh Tây Sơn.
                                                 

Lại nói về Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi vâng lệnh Trương Phúc Loan đem quân vào đến phủ Quảng Ngãi, quân Tây Sơn lùi về đóng ở phía Nam sông Trà Khúc. Đồn lũy lập xong, trong đại bản doanh Nguyễn Nhạc hỏi Trương Văn Hiến:
   
- Nguyễn Văn Hoằng đem ba vạn quân đến đánh ta, tôi nghe lời quân sư lui một mạch đến phía Nam sông Trà Khúc. Sông này vừa cạn vừa hẹp, địa thế không có gì hiểm yếu, sao quân sư lại khuyên tôi lập đồn luỹ nơi đây?

Trương Văn Hiến cười nói:
   
- Nguyễn Văn Hoằng dù có gan dạ như Quan Vũ đời Hán cũng không dám vượt sông, xin Chúa công chớ ngại!

Vũ Văn Nhậm hỏi:
   
- Quân sư dựa vào đâu mà quả quyết như thế?

Hiến vuốt râu đáp:
   
- Nguyễn Huệ đã đem ba ngàn quân chi viện phía Nam, quân ta hiện chỉ có bảy ngàn quân, vả lại nhựa hỏa hổ đã hết, ở Quy Nhơn chưa vận chuyển ra kịp, nếu đánh nhau với ba vạn quân địch e rằng bất lợi, nên tôi mới khuyên Chúa công bảo toàn lực lượng lui quân. Vừa đến đây tôi đã cho thả cho một số quân Nguyễn triều bị bắt trong trận đánh ở sông Lại Dương lúc trước. Chủ ý của tôi là để bọn quân này về báo với Nguyễn Văn Hoằng vì sao ba cha con Tôn Thất Hương phải chết. Nay lại thấy quân ta lui về bờ Nam sông Trà Khúc, Nguyễn Văn Hoằng ắt sợ trận “Thủy hỏa ký tế” như Tôn Thất Hương, thì làm gì mà dám vượt sông!

Nguyễn Nhạc mừng rỡ khen rằng:

- Ấy thật là diệu kế!

Vừa nói xong bỗng có quân vào báo:
   
- Thưa Chúa công, quân triều đã kéo đến bờ Bắc sông Trà Khúc.

Nguyễn Nhạc cùng Văn Hiến, Văn Dũng, Văn Nhậm, Đình Tú liền lên ngựa ra ngoài quan sát thấy binh triều quân đông vô số, khí thế hung hăng. Nguyễn Văn Hoằng định hô quân vượt sông tiến đánh, bỗng có quân đến báo:
   
- Thưa tướng quân, chúng tôi bắt được mấy tên quân, chúng nói là lính của tướng quân Tôn Thất Hương, nên dẫn đến cho tướng quân tra xét.

Nguyễn Văn Hoằng liền cho đưa mấy tên quân đến. Hoằng trợn mắt nạt:
   
- Chúng bay có phải là quân gian chăng hãy mau khai thật, nếu không ta chém mất đầu?

Mấy tên quân quỳ lạy khóc:
   
- Thưa tướng quân, chúng tôi ở trong quân của tướng Tôn Thất Hương. Tướng Tôn Thất Hương cùng hai con tử trận, chúng tôi bị quân Tây Sơn bắt được lén trốn về đây. Xin tướng quân chớ khá vượt sông!

Hoằng nghi ngờ hỏi:
   
- Tại sao các ngươi khuyên ta đừng vượt sông đánh giặc?

Tên quân đáp:
   
- Thưa tướng quân, lúc tướng Tôn Thất Hương dẫn ba vạn quân vượt đèo Thạch Tân tiến đánh phủ Quy Nhơn giặc Tây Sơn chỉ lui mà không đánh, nhử quân ta vượt sông Lại Dương ở Bồng Sơn. Rồi chúng cho quân lên thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chứa nước, sau đó chúng từ huyện Phù Ly đánh ra. Quân của chúng có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại ấy là một cái ống chứa lửa bên trong, khi giặc vung lên lửa từ trong ống bắn ra, giáo gươm chưa đụng được quân địch thì quân ta đã bị cháy áo phồng mình. Tướng quân Tôn Thất Hương dẫn chúng tôi chạy về sông Lại Dương, thì quân địch ở thượng nguồn phá đập, một nửa quân ta đang vượt sông bị nước cuốn trôi chết cả, lũ chúng tôi không còn đường chạy đành phải đầu hàng. Nay thấy tướng quân toan vượt sông đánh giặc nên mới đến đây dập đầu can gián.

Nghe tên quân kể xong Nguyễn Văn Hoằng và Nguyễn Nghi vã mồ hôi trán. Hoằng đưa vạt áo lên lau mồ hôi rồi nói:
   
- Thảo nào quân thua mà không thấy một người về báo. Đến lúc quân ở đèo Thạch Tân thua chạy về mới hay cha con Tôn Thất Hương thua trận, mà chẳng biết thua thế nào. Truyền quân không được vượt sông, lập tức lập đóng lũy ở bờ Bắc sông Trà Khúc chặn giặc.

Ở bờ Nam sông Trà Khúc, Nhạc thấy quân triều đóng đồn hạ trại ở bờ Bắc bèn vỗ tay cười lớn:
   
- Quả đúng như quân sư dự đoán, quân Nguyễn Văn Hoằng không dám vượt sông. Đợi ít hôm chúng sinh lười nhác ta đánh phá một trận ắt là toàn thắng.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #46 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:54:36 pm »

Văn Hiến can:
   
- Xin Chúa công chớ vội đánh làm gì khi binh Nguyễn triều còn đang mạnh. Không lâu nữa chúng sẽ rút quân về, chừng ấy lấy đất Quảng Nam mà đỡ tốn xương máu của anh em nghĩa sĩ.

Văn Dũng, Văn Nhậm, Đình Tú cùng ngạc nhiên hỏi:
   
- Vì sao vô cớ quân Nguyễn lại lui quân?

Văn Hiến vuốt râu đáp:
   
- Hơn một trăm năm nay họ Trịnh ở Đàng Ngoài lúc nào cũng có tham vọng thôn tính Đàng Trong của họ Nguyễn. Trong lịch sử của cuộc nội chiến này, cả bảy lần đánh nhau đều do họ Trịnh động binh trước, nhưng không lần nào quân Trịnh vượt khỏi sông Linh Giang. Nay chúa Trịnh Sâm nghe quân ta khởi binh đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi, quân Nguyễn triều đem ba vạn quân ở kinh thành vào chống giữ, Trịnh Sâm nhất định sẽ đem quân xâm phạm châu Bố Chánh, khi ấy Nguyễn triều chỉ còn một cách duy nhất là điều binh của Nguyễn Văn Hoằng ra ranh giới sông Linh Giang đánh Trịnh, chỉ để lại đây một lực lượng nhỏ mà thôi. Đối với Nguyễn triều dù sao quân Trịnh vẫn là kẻ thù nguy hiểm hơn ta. Khi ấy ta đánh chiếm Quảng Nam chẳng khó gì!

Nghe xong Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
   
- Ta có quân sư khác nào ngày xưa Lưu Bị có Gia Cát Lượng, bày mưu lập kế, định quốc an dân. Nếu không có quân sư mở mang trí óc thì tầm nhìn của ta chắc không ra khỏi Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Ngãi, thì có đâu biết đến việc ở xứ Bắc Hà. Mượn quân người để làm quân mình, không đánh mà thắng, nếu không có quân sư chỉ vẽ ta cứ mang quân gặp địch bừa thì việc thành bại chưa biết phải ra sao! - Rồi quay sang các tướng Nhạc nói - Truyền quân: án binh bất động, canh phòng cẩn mật, giữ vững doanh trại, ai trái lệnh chém đầu!
                                             

Ngày ấy tại kinh đô Thăng Long, trong phủ chúa Trịnh Sâm thiết triều hội bá quan văn võ, Sâm nói:
   
- Trấn thủ đồn Hoành Sơn là Quyền Trung Hầu Hoàng Nghĩa Hồ vừa gửi mật thư cho ta nói rằng: ở phủ Quy Nhơn có giặc Tây Sơn nổi lên đánh chiếm từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi. Chúa Nguyễn phải sai tướng đem ba vạn quân ở kinh thành đi dẹp loạn, lính ở Phú Xuân không còn được bao nhiêu. Ta nên thừa cơ đem đại binh mở cuộc Nam chinh, thu phục đất Thuận Hoá. Cơ đồ của nhà Nguyễn phen này ắt là sụp đổ. Các khanh thấy thế nào?

Trịnh Sâm vừa dứt lời, trong hàng quan văn bỗng có tiếng nói lớn:
   
- Khải Chúa! Việc ấy không nên!

Mọi người cùng nhìn lại, thì ra ấy là Tứ Xuyên Hầu Phan Lê Phiên. Trịnh Sâm hỏi:
   
- Theo ý khanh tại sao ta không nên động binh?

Phan Lê Phiên bước ra quỳ tâu:
   
- Khải Chúa thượng, mấy chục năm nay trong nước giặc giã nổi lên làm trăm họ sinh linh rất là thống khổ. May nhờ hồng phúc của Chúa thượng nên năm năm nay bốn phương yên ổn. Xin Chúa thượng chớ nên động binh cho thiên hạ được hưởng cảnh thái bình. Vả lại đã hơn trăm năm nay nước ta với chúa Nguyễn lấy sông Linh Giang làm ranh giới, bờ cõi của ai thì người ấy trị vì. Vậy nên vào năm Giáp Thân (1764) niên hiệu Cảnh Hưng thứ hai lăm, ở nước ta Lê Duy Mật làm loạn xứ Thanh Hoá có viết thư vào muốn cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhưng họ Nguyễn vì muốn cầu hoà với ta nên chẳng chịu động binh. Nay nhân lúc người ta có loạn mình đem quân xâm phạm e thiên hạ cười rằng là thừa cơ nước đục thả câu. Hơn nữa từ xưa đến nay phàm làm việc gì cũng danh chánh ngôn mới thuận, nay ta muốn mang quân đi đánh phía Nam thì lấy danh nghĩa gì để động binh? Xin Chúa thượng xét lại!

Phan Lê Phiên vừa dứt lời, các quan văn đồng thanh nói:
   
- Lời Tứ Xuyên Hầu rất phải, xin Chúa thượng chớ động binh!

Bỗng trong hàng quan võ có tiếng nói lớn:
   
- Lời Tứ Xuyên Hầu nói sai rồi!

Đó chính là đại tướng Hoàng Ngũ Phúc, tước Việp Quận Công. Phan Lê Phiên hỏi:
   
- Xin hỏi Việp Quận Công lời tôi nói sai chỗ nào?

Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đứng lên cười nói:
   
- Lời Tứ Xuyên Hầu sai ở chỗ: một là hơn một trăm năm nay dù rằng lấy sông Linh Giang làm ranh giới nhưng giữa chúng ta và họ Nguyễn đã bảy lần chinh chiến với nhau, sao lại gọi là bờ cõi của ai thì người ấy trị vì. Điều sai thứ hai, đây là dịp tốt trời cho, nếu ta động binh thì dễ dàng thống nhất sơn hà, làm bá chủ thiên hạ. Nay Chúa thượng động binh ấy chẳng phải gây hoạ binh đao, mà là mượn sự binh đao trong một lúc để muôn dân được thái bình mãi mãi về sau. ấy là việc nên làm. Điều sai thứ ba là năm ấy Lê Duy Mật viết thư cầu cứu, chẳng phải chúa tôi họ Nguyễn có ý tốt với ta mà không đem quân đánh giúp Lê Duy Mật. Chẳng qua vì năm đó chúa Nguyễn Phúc Khoát tham dâm quá độ mắc bệnh nặng nề, tinh thần bải hoải, thì tâm trí đâu mà nghĩ đến việc chiến chinh. Nay, nếu ta xuất quân Nam chinh thì trên hợp ý trời, dưới thuận lòng người. Vả lại Quốc phó Trương Phúc Loan tham lam bạo ngược để dân Đàng Trong nheo nhóc lầm than, ta lấy danh nghĩa diệt trừ Phúc Loan thì ấy là danh chánh ngôn thuận vậy. Xin Chúa thượng đừng bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #47 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:56:47 pm »

Trịnh Sâm mừng rỡ đứng lên nói:
   
- Lời của khanh rất hợp ý ta. Nay ta phong Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc lãnh chức Bình Nam thượng tướng quân, đem bốn vạn binh thủy bộ vào đánh châu Bố Chánh. Ta nán lại kinh thành sắp xếp việc triều chính xong sẽ điều binh các trấn về họp tại kinh thành, ta sẽ thân chinh đem đại binh tiếp ứng. Phen này nếu không diệt được nhà Nguyễn thì không còn cơ hội nào khác nữa.

Hoàng Ngũ Phúc quỳ lạy tạ ơn. Trịnh Sâm truyền bãi triều.

Tháng mười năm Giáp Ngọ (1774), niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba lăm, Hoàng Ngũ Phúc cùng các tướng là Hoàng Bình Thể, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Bảo đem bốn vạn quân theo hai đường thủy bộ, hẹn gặp nhau ở sông Linh Giang để cùng đánh nhà Nguyễn.
                                                  *
                                        *              *
Nghe tin quân Trịnh đem bốn vạn quân đã đến gần sông Linh Giang, tại kinh thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Định Vương lập tức thiết triều. Chúa lo sợ trách rằng:
   
- Hôm trước ta nghe lời Nguyễn Văn Chính và Tôn Thất Tiệp bảo không lo quân Trịnh xâm phạm mặt Bắc. Nay ở trong thì giặc Tây Sơn đánh phá, ngoài thì họ Trịnh đem quân sắp tới Linh Giang. ở kinh thành chỉ còn năm ngàn quân cấm vệ, vậy các ngươi phải liệu thế nào đây?

Trương Phúc Loan quỳ tâu:
   
- Kính Chúa thượng, ở lũy Trường Dục hãy còn năm ngàn quân của tướng quân Nguyễn Duy trấn thủ. Lũy Trường Dục thành cao hào sâu, năm xưa dưới thời Chúa thượng Phúc Lan, nội tổ của tôi là Trương Phúc Phấn chỉ có mấy ngàn quân trấn giữ lũy này chống nhau với quân Trịnh cả hàng mấy vạn chẳng hề hấn gì, đủ biết lũy Trường Dục hiểm trở thế nào! Quân Trịnh không dễ gì một sớm một chiều mà hạ được, xin Chúa thượng an tâm. Bây giờ ta lập tức điều hai vạn quân của Nguyễn Văn Hoằng ở Quảng Nam, sai Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính ra lũy Trường Dục tiếp viện, thì không phải lo gì nữa. Xin Chúa thượng mau mau xuống lệnh.

Định Vương vẫn lo lắng hỏi:
   
- Ta yên tâm thế nào được. Vậy nếu Nguyễn Văn Hoằng ở Quảng Nam chỉ còn một vạn quân e không phải là đối thủ của quân Tây Sơn!

Mọi người còn đang lo lắng thì Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường bước ra nói:
   
- Kính Chúa thượng, thần có một kế khiến quân Tây Sơn không thể tiến binh ở mặt Nam để ta rảnh tay điều quân ra Bắc đánh Trịnh.

Định Vương vội vàng hỏi:
   
- Tĩnh Điệp Hầu có kế gì hãy mau nói ra?

Nguyễn Đăng Trường chậm rãi nói:
   
- Trong lúc điều hai vạn quân ra Bắc, Chúa thượng nên sai một người vào Quảng Nam trấn giữ cùng Nguyễn Văn Hoằng thì nhất định quân Tây Sơn không dám tiến binh.

Mọi người đồng thanh hỏi:

- Ấy là người nào?

Nguyễn Đăng Trường đáp:

- Ấy chính là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương!

Quốc phó Trương Phúc Loan vốn không ưa Nguyễn Đăng Trường, nay nghe vậy lạnh lùng hỏi:
   
- Tĩnh Điệp Hầu có đùa không đấy? Hoàng tôn Dương mới mười tám tuổi, chưa từng biết việc binh nhung, thì sao có thể cầm quân đánh giặc Tây Sơn?

Nguyễn Đăng Trường bình thản đáp:
   
- Nếu Hoàng tôn Dương vào trấn Quảng Nam thì không cần dùng đến binh đao. Quân Tây Sơn danh nghĩa tôn phò Hoàng tôn Dương đánh đổ quan Quốc phó để thu chúng động binh. Nay Chúa thượng hãy phong cho Hoàng tôn Dương làm Đông cung Thế tử, cho vào trấn đất Quảng Nam. Rồi sai Hoàng tôn Dương viết thư cho Nguyễn Nhạc nói rằng: Chúa thượng và Hoàng tôn lúc ấy đều nhỏ dại, việc soán nghịch là do quan Quốc phó chuyên quyền làm bậy, nay Chúa thượng đã thu giữ binh quyền, giáng chức Quốc phó về làm dân dã, phong Hoàng tôn làm Đông cung Thế tử, vào trấn đất Quảng Nam. Nếu làm như thế thì quân Tây Sơn không lấy danh nghĩa gì mà tiến quân cho được. Nếu chúng bỏ danh nghĩa tôn phò mà đánh quân Hoàng tôn ở Quảng Nam thì lòng người tan rã, việc ấy chắc chắn Nguyễn Nhạc không làm. ấy là kế sách vẹn toàn, xin Chúa thượng chớ nên chậm trễ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #48 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 10:58:44 pm »

Định Vương mừng rỡ khen rằng:

- Ấy thật là diệu kế!

Bỗng Trương Phúc Loan quát:
   
- Nguyễn Đăng Trường to gan phạm thượng. Ngươi bảo ta là chuyên quyền làm bậy. Vậy ngươi dám bảo là Chúa thượng soán nghịch hay sao? Chúa thượng sao không lệnh chém đầu làm gương cho kẻ khác!

Đăng Trường không chút sợ hãi, nói:
   
- Thần không có ý đó. ấy là ta mượn danh nghĩa Hoàng tôn Dương nói với giặc Tây Sơn như thế thôi. Xin Quốc phó hãy dẹp bỏ lòng tự ti vị kỷ mà lấy xã tắc làm trọng. Nếu không làm như thế thì chẳng còn cách nào có thể cứu chúa ta trong cơn nguy khốn được đâu!

Định Vương xen vào nói:
   
- Lời Tĩnh Điệp Hầu nói rất phải. Nay xã tắc ngả nghiêng, tình thế nguy ngập như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu không dùng kế này thì cơ nghiệp của nhà Nguyễn ta ắt là sụp đổ. Quốc phó chớ nên nóng giận vì những lời trung nghĩa của Tĩnh Điệp Hầu.

Phúc Loan giận lắm nhưng vì có lệnh chúa nên đành bấm bụng ngồi im. Chúa Định vương liền sai người đi mời Hoàng tôn Dương đến bệ kiến. Định Vương vừa trông thấy liền ôm chầm lấy Nguyễn Phúc Dương khóc lớn:
   
- Cháu ơi! Cơ nghiệp nhà Nguyễn ta đến đây là tan nát mất rồi!

Nguyễn Phúc Dương dìu chúa đến ngai vàng an toạ rồi nói:
   
- Xin Chúa thượng đừng nên bi lụy. Cháu từ lâu không tham gia việc triều chính quốc gia, nhưng vẫn biết nước nhà đang trong cơn nguy khốn. Chẳng hay Chúa thượng cho gọi cháu có điều gì sai bảo?

Định Vương vẫn khóc, vỗ tay lên ngai nói:
   
- Cái ngai vàng này vốn là của cháu, nhưng lúc ấy cháu còn nhỏ dại, nên lúc lâm chung Phụ vương mới cho ta kế vị. Nay ta phong cho cháu làm Đông cung Thế tử vào trấn đất Quảng Nam chặn giặc Tây Sơn, còn ta sẽ đem quân ra sông Linh Giang đánh Trịnh. Đợi khi non nước bình yên ta sẽ thoái vị nhường ngôi chí tôn cho cháu vốn dòng chính thống. Cháu hãy vì cơ nghiệp nhà Nguyễn ta chớ khá chối từ.

Nguyễn Phúc Dương nghe nói được phong làm Đông cung Thế tử trong bụng mừng thầm, nhưng phải vào Quảng Nam đánh giặc Tây Sơn thì lo sợ hỏi:
   
- Đánh giặc Tây Sơn đã có tướng quân Nguyễn Văn Hoằng. Cháu chưa từng trải việc quân cơ, đánh nhau với Tây Sơn thế nào được?

Định Vương trấn an rằng:
   
- Nói là vào chặn Tây Sơn nhưng không phải cầm quân đánh giặc. Tĩnh Điệp Hầu Nguyễn Đăng Trường vừa thảo xong một bức thư, cháu cứ sai người mang thư này cho Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc tất phải nghe lời cháu mà không dám tiến binh.

Nói rồi liền trao thư cho Phúc Dương. Dương xem xong mừng rỡ reo lên:

- Ấy thật là diệu kế. Nhưng tại sao trong thư bảo giáng chức Quốc phó, cho về làm dân dã mà Quốc phó vẫn đứng hầu bên Chúa thượng vậy?

Trương Phúc Loan giận dữ mắng rằng:
   
- Thằng con nít không được vô lễ. Ta là Quốc phó nắm quyền nhiếp chính, muốn phong cho ngươi làm Thế tử hay giết ngươi là quyền của ta. Nếu không nể vì Chúa thượng thì ta đã lôi ngươi ra chém tức thì.

Phúc Dương quăng thư xuống đất nói:
   
- Nếu vậy thì ngươi cứ chém ta đi, rồi quân Tây Sơn sẽ kéo đến đây bằm ngươi làm trăm mảnh. Năm xưa ngươi giết chết Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân và Thái úy Trương Văn Hạnh, lại giam lỏng ta suốt chín năm nay. Nếu ta là Đông cung Thế tử thì không có Trương Phúc Loan làm Quốc phó.

Phúc Loan giận quá thét:
   
- Võ sĩ đâu lôi ra chém!

Quan Đô thống chưởng cấm vệ là Chữ Đức làm thinh, không hạ lệnh cho võ sĩ vào bắt Nguyễn Phúc Dương. Trương Phúc Loan run lên hét:
   
- Chữ Đức, ngươi có nghe lệnh ta không?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #49 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 11:00:59 pm »

Chữ Đức đáp:

- Thưa Quốc phó, có!

Loan vênh mặt lên hỏi:
   
- Sao còn chưa tuân lệnh?

Đức cúi đầu đáp:
   
- Nếu giết Hoàng tôn chẳng may giặc kéo đến thì chúa tôi của ta cũng phải chết theo.

Phúc Loan lúc ấy già quá thét ít câu thì đã hụt hơi, vừa mệt run run hỏi:
   
- Ngươi chẳng sợ ta sao?

Chữ Đức lầm lì đáp :
   
- Sợ Quốc phó không bằng sợ giặc! Thần giờ chỉ nghe lệnh của Chúa thượng mà thôi.

Phúc Loan gắng gượng nói:
   
- Năm xưa chính ta đã lập kế đưa Đô thống Ngô Mãnh ra khỏi kinh thành, cất nhắc ngươi thay Ngô Mãnh làm Đô thống, nay ngươi lại trở mặt phản ta sao?

Nét mặt không thay đổi, Đức đáp:
   
- Không còn cách nào khác. Quân Tôn Thất Hương ba vạn bị Tây Sơn đánh một trận không một người chạy thoát. Nay điều hai vạn quân ra Bắc đánh Trịnh thì Nguyễn Văn Hoằng chỉ còn một vạn quân trấn giữ mặt Nam. Nếu không có Hoàng tôn Dương thì lấy ai khiển giặc? Thần không phải là phụ ơn Quốc phó, nhưng chỉ làm theo cái lẽ sinh tồn.
Nghe Chữ Đức nói xong Phúc Loan thất vọng thả mình xuống ghế chẳng nói ra lời. Các quan văn võ thấy thế đều khấp khởi mừng thầm. Nguyễn Đăng Trường bước ra nói:
   
- Kính Chúa thượng, nay Chữ Đức đã nghe lệnh của Chúa thượng, thật là hồng phúc của nước nhà. Thần xin tiến cử một người chặn được đường tiến binh quân Trịnh.

Chữ Đức vội vàng nói:
   
- Ta vốn sức mạnh hơn người, tinh thông võ nghệ nên thống lĩnh năm ngàn quân cấm vệ, chứ thật ra tài điều binh không thể bằng Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính được.
Nguyễn Đăng Trường cười nói:
   
- Tôi không tiến cử tướng quân đâu, người mà tôi tiến cử chính là quan Quốc phó đó!
Chúa Định vương ngạc nhiên hỏi:
   
- Quốc phó đã răng long đầu bạc còn đánh giặc nỗi gì?

Nguyễn Đăng Trường ung dung đáp:
   
- Quân Trịnh kéo quân đến Linh Giang đã cho người truyền hịch các nơi rằng: Chỉ đem quân vào bắt Quốc phó Trương Phúc Loan để trừ hại cho dân, chứ không có ý xâm phạm đất đai của ta. Vậy Chúa thượng nên bắt Phúc Loan mà nộp cho Trịnh Sâm, thì quân Trịnh lấy cớ gì để tiến binh được nữa. Chúng đã truyền hịch đi cùng khắp thiên hạ, lý đâu Trịnh Sâm quyền hơn vua một nước mà lại nuốt lời.

Các quan đồng thanh nói:
   
- Lời Tĩnh Điệp Hầu rất phải. Xin Chúa thượng nghe theo để giữ yên xã tắc.

Định Vương vốn cảm cái ơn Phúc Loan đưa mình lên ngôi chúa còn đang phân vân, thì Chữ Đức đã sai quân trói Phúc Loan, lột cân đai áo mão. Phúc Loan ngửa mặt lên trời than rằng:
   
- Lúc trước ta có thề trước mặt Tiên Vương là sẽ làm theo lời di chiếu. Không ngờ lời thề ấy nay lại thành sự thật. Trong cõi đời này lại có trời đất thật sao?

Chúa thấy các quan đều đồng lòng chẳng biết làm sao đành lệnh tạm giam Trương Phúc Loan, sai Nguyễn Văn Chính và Tôn Thất Tiệp vào Quảng Nam lãnh hai vạn binh điều ra mặt Bắc, lại trao ấn Đông cung Thế tử cho Nguyễn Phúc Dương vào Quảng Nam trấn thủ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM