Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 08:38:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn bi hùng truyện  (Đọc 161143 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #180 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:48:32 pm »

Chương 37

Giận lời khích tướng, Ngô Văn Sở bắt tướng.
Lầm kế bất trung, Lý Trần Quán chết trung.

   
Nhắc lại Ninh Tốn và Phái vị hầu hậu bỏ đồn Cát Doanh và Động Hải chạy về Nghệ An ra mắt Đường trung hầu Bùi Thế Toại kể lại việc mất Thuận Hoá. Bùi Thế Toại liền sai người hoả tốc mang thư về kinh thành Thăng Long báo cùng Đoan nam vương Trịnh Khải. Trịnh Khải liền thiết triều hỏi bá quan văn võ bàn việc quốc gia. Trịnh Khải hỏi:

- Đường trung hầu Bùi Thế Toại trấn thủ Nghệ An báo tin về, quân Tây Sơn đã đánh lấy Thuận Hoá. Tạo quận công Phạm Ngô Cầu bị bắt, Tiền đình hầu Hoàng Đình Thể tử trận. Nay giặc Tây Sơn đã tiến đến sông Linh Giang, các quan bàn bạc xem ta nên tiến thủ thế nào?

Trần Công Xán trong hàng quan văn bước ra thưa:

- Việc mất đất Thuận Hoá là điều may, Chúa thượng nên mừng chớ nên lo.
Chúa Trịnh Khải ngạc nhiên hỏi:

- Đất của ta mất về tay giặc sao Trần Công Xán bảo ta nên mừng là ý thế nào?
Trần Công Xán đáp:

- Đất Thuận Hoá trước là do Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc lấy được trong tay nhà Nguyễn. Nơi này đường sá xa xôi, núi sông cách trở đất đai cằn cỗi chật hẹp. Mười mấy năm nay ta chiếm đóng xứ này hao binh tổn tướng mà chẳng được lợi lộc gì. Nay đất ấy mất, khỏi nhọc sức cho quân đi đồn trấn phương xa, ấy là điều may vậy. Nay ta cứ lấy sông Linh Giang cứ làm ranh giới hai miền Nam - Bắc. Cõi Đàng Trong giao cho họ Nguyễn và giặc Tây Sơn muốn làm thế nào thì làm, không can hệ đến ta, cho nên giữ lấy đất Nghệ An trở ra là đất đai của Tiên vương mà thôi.

Chúa Trịnh Khải lại hỏi:

- Lời khanh cũng phải. Vậy theo khanh ta nên dùng kế sách gì giữ vững đất Nghệ An?

Trần Công Xán đáp:

- Nghệ An có Đường trung hầu Bùi Thế Toại trấn đóng là đã vững như bàn thạch vậy. Bùi Thế Toại gồm tài thao lược, đất Nghệ An lại hiểm trở. Trước thì có sông Linh Giang làm hào, sau thì có núi Phượng Hoàng, Dũng Quyết làm luỹ. Thành Nghệ An chắc chắn, đất hiểm, tướng tài lại không giữ vững được sao. Vả lại quân Tây Sơn là bọn giặc mới ở núi cao thừa thời nổi loạn, nay chiếm được hết đất đai của họ Nguyễn đã cho đó là may, làm gì có tham vọng xâm lấn nước của ta. Về việc đất Nghệ An xin Chúa thượng chớ lo!

Nghe Trần Công Xán nói xong, Chúa Trịnh Khải vẫn dùng dằng chưa hết lo âu. Bỗng nghe trong hàng quan võ có tiếng hỏi lớn:

- Lấy gì làm chắc rằng quân Tây Sơn không xâm phạm đất Nghệ An ta. Giặc đem đại binh hai vạn đánh Phú Xuân trong một đêm, nếu chúng lại tiến đánh Nghệ An, Đường trung hầu Bùi Thế Toại sao chống nổi giặc.

Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra ấy là Thái đình hầu Trịnh Tự Quyền. Chúa Trịnh Khải hỏi Trịnh Tự Quyền rằng:

- Theo ý khanh thì thế nào?

Quyền đáp:

- Đất Thuận Hoá là do Tiên vương sai Việp quận công cất bốn vạn quân vào lấy được đã mười mấy năm nay. Nay đất của ta mất về tay giặc thì lại bảo là may. Giặc đã lăm le ngoài biên ải thì vô cớ lại bảo rằng giặc không có tham vọng lấy đất Nghệ An. Ấy là luận điệu của kẻ trói gà không chặt, nhác việc binh đao, xin Chúa thượng chớ nghe theo mà hại cho xã tắc. Vả lại binh pháp có câu: "Chờ cậy rằng: giặc không đến. Cứ cho là giặc sẽ đến ta đã có kế sách đánh chúng rồi vậy". Nói như Trần Công Xán tiên sinh thì là chưa từng biết việc binh gia. Trong các tướng dưới trướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc năm xưa còn có ai hùng tài hơn Tiền đình hầu Hoàng Đình Thể? Vậy mà quân Tây Sơn trong một đêm đã lấy được thành, cha con Tiền đình hầu đều bỏ mình bảo quốc. Nay Đường trung hầu Bùi Thế Toại mật báo về kinh ý xin binh cầu viện, ta lại bảo là giặc không tham vọng lấy đất Nghệ An chẳng chịu xuất quân. Ngộ nhỡ chúng đem quân đánh đất Nghệ thật, Trần Công Xán tiên sinh có dám đem đầu mình bảo đảm rằng Bùi Thế Toại thắng trận hay chăng.

Trịnh Tự Quyền nói một hồi, Trần Công Xán không biết trả lời thế nào đánh nín thinh rồi len lén lui ra. Chúa Trịnh Khải hỏi lại rằng:

- Vậy theo ý Thái đình hầu nên tiến thủ thế nào?

Trịnh Tự Quyền đáp:

- Thần làm võ tướng giặc đến thì đánh. Thần tuy bất tài cũng xin đem quân vào đất Nghệ An chống giặc Tây Sơn.

Trịnh Khải cả mừng nói:

- Lời khanh rất hợp ý ta. Nay ta phong khanh làm Bình Nam đại tướng quân, lập tức đem binh và Nghệ An chống giặc.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #181 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:50:46 pm »

Trịnh Tự Quyền tâu:

- Xin Chúa thượng cho thần thu xếp trong năm ngày mới xuất quân được.

Trịnh Khải hỏi:

- Cứu binh như cứu hoả, sao khanh không đi ngay mà phải đợi đến năm ngày.

Quyền đáp:

- Khải Chúa, từ ngày bọn lính tam phủ phá cung quận công Trịnh Cán đưa Chúa thượng lên ngôi chúng cậy công coi thường phép tắc. Nay thần đã vâng mệnh Chúa thượng nhưng không dễ gì hợp binh liền được nên xin hẹn đến năm ngày.

Trịnh Khải than rằng:

- Lời khanh rất phải, ta nhờ lính tam phủ mà được ngôi, nhưng lại không khiến được chúng. Xã tắc phen này e nguy mất.

Năm ngày sau Trịnh Tự Quyền hiệu triệu được ba vạn quân bèn vào phủ Chúa từ biệt Chúa Trịnh lên đường. Vừa vào đến nơi nghe quân vào báo rằng:

- Khải Chúa thượng, có trấn thủ Thanh Hoá là Thuỳ trung hầu Tạ Danh Thuỳ xin vào ra mắt.

Trịnh Khải ngạc nhiên nói:

- Thuỳ trung hầu đang trấn thủ Thanh Hoá sao bỗng dưng lại bỏ về đây. Mau cho vào!

Tạ Danh Thuỳ vào đến dập đầu thưa:

- Khải Chúa thượng, quân Tây Sơn đã tiến đánh chiếm kho lương ở Vị Hoàng, hiện còn cách kinh thành hai trăm dặm.

Trịnh Khải thất kinh hỏi:

- Chúng đánh thế nào mà nhanh thế. Còn binh tướng các ngươi ở hai trấn Nghệ An, Thanh Hoá thì sao?

Tạ Danh Thuỳ đáp:

- Hạ thần ở Thanh Hoá nghe tin Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn đánh chiếm kho lương ở Vị Hoàng, thần định đem binh ra lấy lại Vị Hoàng. Không ngờ Nguyễn Huệ đem bộ binh tiến đánh Nghệ An, trấn thủ Bùi Thế Toại phải bỏ thành chạy trốn. Nghệ An và Vị Hoàng đều mất, thần ở Thanh Hoá lưỡng đầu thọ địch phải bỏ thành bảo toàn lực lượng theo đường bộ chạy về đây báo cùng Chúa thượng. Xin Chúa thượng trị tội.

Trịnh Khải liền hô quân lôi Tạ Danh Thuỳ ra chém. Trịnh Tự Quyền can rằng:

- Tình hình như vậy, dù ai trấn thủ Thanh Hoá cùng phải thế mà thôi. Xin Chúa thượng tha tội cho Tạ Danh Thuỳ đoái công chuộc tội. Nay giặc đã tiến đến Vị Hoàng, hạ thần phải đem toàn quân gia lấy Sơn Năm, Chúa thượng mau sai Liễn trung hầu Đinh Tích Nhưỡng đem thuỷ quân án ngữ trên sông Nhị Hà. Như thế may ra có thể chặn được giặc.

Chúa Trịnh y lời, sai Quyền và Nhưỡng dẫn quân đi ngay.

Lúc ấy bên quân Tây Sơn hợp binh ở Vị Hoàng. Nguyễn Huệ hỏi Nguyễn Hữu Chỉnh rằng:

- Ta nghe nói đất Bắc Hà ngàn năm văn vật, đầy rẫy anh tài. Vậy mà ta kéo binh một hồi ra đến Vị Hoàng không thấy sự kháng cự nào đáng kể là cớ làm sao?

Hữu Chỉnh cười đáp:

- Nhân tài đất Bắc chỉ có một mình Chỉnh tôi mà thôi. Nay tôi đã bỏ đi, nước tất trống không. Xin tướng quân chớ ngại.

Huệ nửa đùa nửa thật rằng:

- Không có ai để ngại hoá ra chẳng phải là ngại mỗi mình ông Chỉnh đó sao?

Chỉnh thất sắc đáp:

- Tôi tự biết mình tài hèn những tôi nói thế là để chứng tỏ rằng Bắc Hà không có người tài mà thôi.

Thấy Chỉnh có vẻ lo sợ Huệ an ủi rằng:

- Lúc kéo quân đi đánh Vị Hoàng, ông e rằng quân ta vào sâu trong đất địch là mạo hiểm. Giờ ông đã thấy chưa, quân ta đánh giặc đều cân nhắc kỹ, không mạo hiểm bao giờ. Nay quân ta đã đến đây còn ngại gì mà không tiến. Nói rồi hạ lệnh tiến đánh quân Trịnh ở Nam Sơn. Quân Tây Sơn thuỷ bộ hai đạo ào ạt tiến lên. Thuỷ quân Tây Sơn theo sông Nhị Hà tiến đến khúc sông Lục Môn Giang thì gặp quân Trịnh. Tướng Trịnh là Đinh Tích Nhưỡng đứng trên soái thuyền chờ chiến thuyền quân Tây Sơn đến vừa tầm đạn sẽ nổ súng. Ngờ đâu quân Tây Sơn súng lớn bắn xa bất ngờ nổ súng trước, đại bác Tây Sơn ầm ầm bắn tới, quân Trịnh thất kinh hồn vía quay thuyền mà chạy về thành Thăng Long.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #182 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:52:44 pm »

Đinh Tích Nhưỡng không chống nổi đành phải chạy theo. Nguyễn Huệ hô quân truy kích. Quân Tây Sơn thần tốc đuổi theo. Quân Trịnh ở dưới sông liều bề không chạy kịp liền bỏ thuyền lên bờ chạy về đồn quân bộ của Trịnh Tự Quyền. Bộ binh Trịnh Tự Quyền thấy thuỷ binh Đinh Tích Nhưỡng tan vỡ, hoảng sợ rối loạn hàng ngũ mạnh ai nấy chạy. Trịnh Tự Quyền ngăn không nổi đành hoà trong đám loạn quân mà trốn.

Nguyễn Huệ thừa thắng hô quân theo sông Nhị Hà thẳng tiến về thành Thăng Long. Khi thuỷ quân tiến đến sông Thuý Ái bỗng gặp một đạo quân Trịnh gồm vài mươi chiếc thuyền nhỏ và mấy trăm quân xông ra cản đường. Đi đầu là hai viên dũng tướng tay cầm đại đao chém giết quân Tây Sơn rất hăng.

Quân Tây Sơn đồng loạt bắn tên, hai viên tướng dùng đại đao gạt tên hô quân tiến lên giáp chiến. Hai người này đao pháp tinh thông đánh quân Tây Sơn chết hàng mấy lớp. Nguyễn Huệ đứng trên soái thuyền trông thấy ngạc nhiên hỏi Nguyễn Hữu Chỉnh rằng:

- Ta từ Thuận Hoá kéo quân đến đây quá Nghệ An, Thanh Hoá, Vị Hoàng, Sơn Nam, quân Trịnh đông hàng mấy vạn vừa mới giao tranh đã vỡ tan mà chạy. Nay mới gặp mấy trăm quân của hai tướng này tinh thần chiến đấu thật là dũng mãnh thật đáng khen thay! Hữu Chỉnh có biết hai người này chăng?

Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:

- Đây là hai viên tiểu tướng đồn quân nơi bến sông Thuý Ái. Một người tên là Ngô Cảnh Hoàng, một người tên là Mai Thế Pháp. Cả hai đều tinh thông đao pháp cả.

Nguyễn Huệ nói:

- Nếu đại tướng bên Trịnh cầm quân kỷ luật như hai người này thì dễ gì ta kéo quân đến đây được - Nói xong quay lại bảo quân - Truyền lệnh ta không được bắn súng, phải bao vây bắt sống hai người này cho ta!

Lệnh truyền ra, quân Tây Sơn lập tức thi hành. Thấy mấy trăm quân của mình đều chết trận cả, quân Tây Sơn lại bao vây bốn phía, Mai Thế Pháp và Ngô Cảnh Hoàng vẫn đứng trên thuyền tả xung hữu đột. Bỗng quân Tây Sơn nới rộng vòng vây gọi lớn:

- Hai tướng kia hãy mau đầu hàng, Long Nhương tướng quân sẽ tha cho mạng sống!

Ngô Cảnh Hoàng và Mai Thế Pháp dựng đại đao đồng hét lớn rằng:

- Bọn ta thà chết chẳng quy hàng.

Trên soái thuyền Tây Sơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Duy bước ra thưa cùng Nguyễn Huệ:

- Ơn tướng quân tha mạng chưa có dịp báo đền, nay chúng tôi xin ra trận bắt Ngô Cảnh Hoàng và Mai Thế Pháp gọi là đáp ơn tri ngộ của tướng quân.
Nói rồi Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Duy cũng vác đao lướt thuyền ra trước trận. Nguyễn Huỳnh Đức nhảy lên thuyền địch đánh với Ngô Cảnh Hoàng, Nguyễn Duy tranh tài cùng Mai Thế Pháp. Hai bên đánh nhau hơn năm mươi hiệp bất phân thắng bại. Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Duy xem chừng đuối sức vội nhảy sang thuyền mình chạy về nói với Nguyễn Huệ:

- Ngô Cảnh Hoàng và Mai Thế Pháp đao pháp tinh thông, sức mạnh vô cùng. Chúng tôi không đánh lại.

Võ Đình Tú và Phan Văn Lân cùng bước ra thưa:

- Chúng tôi xin đi bắt tướng giặc!

Nguyễn Huệ nhìn Ngô Văn Sở rồi bảo Võ Đình Tú và Phan Văn Lân rằng:

- Hai người này dùng đại đao, ta phải lấy đại đao mà trị. Hai tướng đại đao của ta là Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu hiện theo quân bộ không có ở đây. Xem ra muốn bắt sống hai tướng nay ta phải thân hành mới xong. (Nguyễn Huệ nói vậy vì sở trường cũng sử dụng đại đao).

Ngô Văn Sở bước ra nói lớn:

- Ngô Văn Sở tôi cũng sở trường đánh đại đao, sao không nghe Long Nhương nhắc đến, lại chỉ nói về Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu thôi.

Nói xong không cần đợi lệnh liền vác đại đao nhảy xuống thuyền mà đi. Nguyễn Huệ liền gọi Phan Văn Lân bảo:

- Ta nói vậy là để khích Ngô Văn Sở. Không ngờ Ngô Văn Sở thường ngày điềm đạm, nay vì tự ái mà nổi nóng như vậy. Phan Văn Lân mau theo ứng giúp Ngô Văn Sở, để Văn Sở một chọi hai e có điều sơ sảy.

Phan Văn Lân tuân lệnh cầm trường thương đi ngay. Khi Phan Văn Lân đến nơi thì Ngô Văn Sở đã đánh rớt đao Mai Thế Pháp, Lân bèn nhảy lên thuyền bắt Mai Thế Pháp trói lại. Ngô Cảnh Hoàng cũng bị Ngô Văn Sở bắt sống. Sở và Lân đem Mai Thế Pháp và Ngô Cảnh Hoàng đến soái thuyền nộp cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huỳnh Đức khen Ngô Văn Sở rằng:
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #183 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:55:20 pm »

- Đao pháp cửa Ngô tướng quân thật thần sầu xưa nay hiếm thấy.

Ngô Văn Sở vẫn còn giận Nguyễn Huệ, nói mát:

- Ông nội tôi là Ngô Mãnh từng làm Đô thống dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, đao pháp chưa từng có địch thủ. Chỉ một mình Long NHương tướng quân chê mà không dùng đến.

Nguyễn Huệ cả cười rằng:

- Hổ tướng của ta đông quá, từ ngày khởi binh đến nay ai cũng đua nhau lập được công đầu, chỉ có Ngô Văn Sở tính tình điềm đạm không tranh quyền ra trận lập công. Ta vẫn biết thế nên sẵn dịp này mới nói khích cho Văn Sở ra trận một mình bắt hai tướng để tỏ rõ dũng lực của mình mà thôi. Nào ta có bảo đao pháp của Sở thua Diệu và Dũng bao giờ. Ba tướng của ta thật đáng gọi là Tây Sơn tam đao vậy!

(Từ ấy trong quân thường gọi Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở là Tây Sơn tam đao, lại tặng Ngô Văn Sở biệt đanh ở Khổn nghịch Đại tướng quân).

Lúc ấy hai tướng Trịnh là Mai Thế Pháp và Ngô Cảnh Hoàng bị trói trên thuyền, thừa lúc mọi người lơ đễnh, hai người bèn lao mình xuống sông tự vẫn.. Các tướng Tây Sơn bất ngờ đều ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Huệ thương tiếc nói:

- Lòng trung dũng của hai người này thật đáng phục thay!

Lúc ấy ở thành Thăng Long, chúa Trịnh Khải nghe tin hai đạo quân thuỷ bộ của mình đã thua trận ở trấn Sơn Nam, Khải liền lên voi dẫn quân cấm vệ ra cửa Tây Luông đánh giặc. Quân Tây Sơn tiến đến, chúa thúc quân ra đánh, quân Trịnh lúc ấy khiếp sợ, người này đưa mắt nhìn người kia không ai dám tiến. Đến khi nghe tiếng súng nổ, tiếng rèo hò, tiếng trống trận của quân Tây Sơn thì quân Trịnh không còn hồn vía nào mạnh ai nấy trốn. Các quan văn võ thảy đều trốn cả, đi theo chúa chỉ còn vài tên hầu cận nhằm hướng Sơn Tây mà chạy. Ra khỏi thành được vài dặm tên quân hầu nói:

- Nay ta thua trận mà chạy còn có mấy người. Xin Chúa hay bỏ voi và thay y phục, kẻo những kẻ ăn ở hai lòng bán Chúa cầu vinh, nhận được Chúa rồi ba quân Tây Sơn thì nguy.

Trịnh Khải nghe lời liền bỏ voi, thay đổi y phục.

Chúa tôi đi đến làng Giao Cốc trời đã xế chiều, ai nấy đều mệt và đói. Chúa Trịnh Khải bảo quân:

- Hôm trước quân Tây Sơn đánh lấy Vị Hoàng, ta đã xuống hịch cần vương sai quan Thiên lại là Lý Trần Quán về Sơn Tây mộ quân ở tại làng này. Vậy ngươi hãy mau đi vời Lý Trần Quán đến đây cho ta dậy việc. Ta sẽ tạm ngồi đợi ở quân nước bên đường.

Tên quân hầu vâng lệnh đi ngay. Lát sau Lý Trần Quán đến, thấy Chúa Trịnh, Quán toan sụp lạy. Chúa nhảy mắt ra hiệu gọi Quán đến gần bảo:

- Ngươi không cần phải giữ lễ như thế. Bây giờ nước mất nhà tan, vàng thau lẫn lộn nhỡ kẻ ăn ở hai lòng biết ta là Chúa báo cho giặc thì sao? Ngươi mộ quân đã được nhiều ít gì chưa? Hãy đưa ta đến thành Sơn Tây cũng Thạc quận công Hoàng Phụng Cơ rồi sẽ liệu kế đánh giặc.

Lý Trần Quán thưa rằng:

- Có người làm chức Tuần đinh trong làng tên là Nguyễn Trang đem vài mươi tráng binh theo thần. Thần bảo Trang phò Chúa lên Sơn Tây trước, còn thần mộ thêm quân sẽ đến sau.

Chúa Trịnh Khải lo lắng hỏi:

- Ngươi này có tin cậy được không.

Quân đáp:

- Nguyễn Trang vốn là học trò của thần có thể tin cậy được, xin Chúa chớ ngại.
Chúa Trịnh Khải nghĩ thầm rằng: Ta với Trịnh Cán vốn là anh em cật ruột, vì tranh giành ngôi báu mà còn hãm hại lẫn nhau. Tuy ta tin Lý Trần Quán, nhưng học trò ông ấy lấy gì làm chắc là có thể tin được.

Thấy Chúa còn do dự, Lý Trần Quán thưa:

- Thần xin đem tính mệnh ra bảo đảm. Xin Chúa thượng an lòng.

Rồi Lý Trần Quán quay sang Nguyễn Trang bảo:

- Ngươi mau phò Chúa lên Tây Sơn trước. Ta có việc ở lại rồi sẽ đến sau.

Nói xong Quân từ biệt Chúa Trịnh quay lại vào làng. Lý Trần Quán đi rồi Nguyễn Trang sai thủ hạ dắt ngựa Chúa Trịnh Khải đi. Chúa ngạc nhiên hỏi:

- Sao không đi về hướng Tây đến Sơn Tây mà dắt ngựa ta về hướng Đông.

Nguyễn Trang đáp:

- Về hướng Đông để đến kinh thành gặp quân Tây Sơn.

Chúa kinh hãi hỏi:

- Chúng mày toan làm phản hay sao?

Nói xong liền rút kiếm chém bọn Nguyễn Trang. Lúc ấy Chúa Trịnh Khải đã đói và mệt đánh không lại bị bọn Trang tuốt kiếm bắt trói lại đóng cũi khiêng đi. Mấy tên quân theo hầu Chúa cũng đều bị giết. Một tên quân cướp được ngựa chạy vào làng gọi Lý Trần Quán. Quân một mình một ngựa tất tả đuổi theo bọn Trang. Gặp Trang, Quán hỏi:

- Ta là thầy của anh, anh làm thế không sợ mang tiếng là phản sư sao. Chúa là Chúa của thiên hạ anh không thương Chúa mà làm điều bán Chúa cầu vinh ư?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #184 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2009, 11:58:12 pm »

Trang trâng tráo đáp:

- Sợ thấy không bằng sợ giặc, thương Chúa không bằng thương mình.

Nói rồi Nguyễn Trang gọi thủ hạ giải Chúa đi. Lý Trần Quán ngăn lại khóc lóc năn nỉ Nguyễn Trang rằng:

- Ngươi hay nên tính ta là thầy của ngươi mà tha cho Chúa một phen.

Nguyễn Trang đáp:

- Việc đã đến nước này, nếu tha cho Chúa, ngộ nhỡ quân Tây Sơn đến hỏi tội tôi dung dưỡng Chúa thì tôi chỉ có chết mà thôi!

Quán bảo:

- Ngươi tha cho Chúa về Sơn Tây tất quân các trấn Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Kinh Bắc đều kéo đến phò đánh đuổi giặc đi thi ngươi sợ gì quân Tây Sơn bắt tội?

Trang đáp:

- Nếu đuổi giặc Tây Sơn đi rồi Chúa lại tha tội cho tôi được sao? Tha cho Chúa đằng nào tôi cùng chết. Chỉ có nộp Chúa cho quân Tây Sơn là tôi mới còn đường sống mà thôi.

Quán nổi giận mắng rằng:

- Thằng nghịch tặc kia. Nếu ngươi nộp Chúa cho Nguyễn Huệ mà Nguyễn Huệ không chém đầu ngươi thì hãy trở về làng Giao Cốc này đào mả ta mà đổ xuống sông đi.

Nguyễn Trạng đỏ mặt nói:

- Nếu không nể tình thầy dạy tôi, tôi giết chứ không tha.

Nói rồi lệnh cho thủ ha khiêng cũi Chúa đi liền. Lý Trần Quán chạy theo khóc với Chúa Trịnh rằng:

- Hạ thần ngờ là cứu Chúa, không ngờ đã giết Chúa rồi.

Chúa Khải rơi nước mắt bảo Quán:

- Lòng trung của khanh ta đã biết. Sống chết là bởi mệnh trời đừng tự dằn vặt mình như thế, khanh hãy về đi. Ta là Chúa của thiên hạ đâu có thể làm nhục đến tổ tông.

Nói rồi rút dao ngắn trong người đâm cổ tự vẫn. Nguyễn Trang lẹ mắt giật con dao trong tay Chúa rồi hét quân đi mau. Lý Trần Quán ngỡ Chúa đã chết liền rút dao ngắn trong người đâm cổ chết theo.

Bọn Nguyễn Trang dẫn chúa Trịnh Khải đến gần thành Thăng Long Chúa vẫn chưa chết. Chúa Trịnh nghĩ thầm rằng:

- Lúc nãy Nguyễn Trang giật mất lưỡi dao nên vết thương cạn quá. Nếu ta con sống gặp giặc Tây Sơn chúng làm nhục mệnh thì sao?

Nghĩ xong liền thò ngón tay vào vết thương nơi cổ họng móc cho rộng ra. Khi
Nguyễn Trang đem Trịnh Khải đến nộp cho Nguyễn Huệ nơi phủ chúa ở kinh thành Thăng Long thì Khải đã chết rồi. Nguyễn Huệ hỏi Trang:

- Ngươi chỉ có mấy mươi thủ hạ sao bắt được Trịnh Khải.

Nguyễn Trang vô tình cứ y như việc ở làng Giao Cốc mà kể. Nghe xong Huệ hỏi:

- Vì sao người lại bắt Chúa nộp cho ta?

Trang khúm núm đáp:

- Tướng quân kéo binh đến đây diệt Trịnh phò Lê. Thảo dân là con dân của vua Lê nên bắt Chúa Trịnh nộp cho tướng quân.

Nguyễn Huệ khen rằng:

- Ngươi thật là người trúng nghĩa biết vì vua vì nước. Nay ngươi đã làm một việc tốt cho nước, và hãy về nhà mà lo phần con dân.

Nguyễn Trang ngập ngừng thưa:

- Xin tướng quân thưởng công cho.

Huệ ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao người lại bảo ta thưởng công?

Nguyễn Trang đánh bạo hỏi lại rằng:

- Chẳng phải tướng quân đã ra thông báo rằng: "Ai bắt Chúa Trịnh đem nộp sẽ được thưởng công sao?

Huệ nghiêm mặt đáp:

- Chính ta ra thông báo như vậy.

Nguyễn Trang mừng rỡ thưa:

- Vậy là kẻ thảo dân tất được thưởng công.

Nguyễn Huệ quắc mắt bảo:

- Nếu ngươi bỏ đi mà không đòi thưởng công là nộp chúa để phò vua, ta tự khắc sẽ gọi lại thưởng công. Giờ ngươi đòi thưởng công rõ là phường phản sư, bán chúa, tội phải trừng, công gì mà thưởng. Võ sĩ đâu lôi ra chém.

Võ sĩ lôi Nguyễn Trang ra ngoài. Trang mếu mão than khóc rằng:

- Ngỡ rằng được sống làm công hầu, ngờ đâu phải chết làm quỷ không đầu. Lý Trần Quán thầy của ta thật là cao kiến.

Chém Nguyễn Trang xong, Nguyễn Huệ sai người theo vương lễ tống táng Trịnh Khải.

Xong việc ấy Nguyễn Huệ gọi Nguyễn Hữu Chỉnh đến bảo:

- Lúc mới chiếm được thành ta đã sai người sang phủ vua bảo vệ vua Lê cùng Hoàng gia. Nay mọi việc đã tạm yên ta nên đến yết kiến vua Lê cho rõ nghĩa tôn phò.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #185 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 12:00:42 am »

Chương 38

Mộng bá vương Nguyễn Hữu Chỉnh làm mối.
Gặp giai nhân Nguyễn Huệ đối văn.

       
Hôm sau Nguyễn Huệ và Trần Văn Kỷ theo Nguyễn Hữu Chỉnh đến điện vua Lê Hiển Tông. Vua Lê Hiển Tông lúc ấy đã bảy mươi tuổi, già yếu lắm rồi lại thêm phần vì lâm trọng bệnh, nghe Nguyễn Huệ đến vừa gắng gượng ngồi dậy định tiếp Huệ. Nguyễn Huệ thi lễ xong vội vàng đỡ vua nằm xuống giường ngủ rồi nói:

- Hạ thần đến ra mắt Bệ hạ là bổn phận con dân trong nước. Bệ hạ mình rồng bất an cử nằm yên nghỉ đừng vì hạ thần mà nhọc nhằn lòng thế. E rằng thần phải đắc tội với vua.

Vua Lê hỏi:

- Ngài có phải là Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân ra đây đó chăng?

Nguyễn Huệ kính cẩn đáp:

- Hạ thần là kẻ áo vải ở Tây Sơn nhân thời thế mà nổi dậy. Bệ hạ tuy không cho cơm ăn áo mặc nhưng thân bấy lâu vẫn kính mến thành đức. Nay được thấy long nhan thật thoả lòng mong ước. Họ Trịnh vô đạo giết chết Thái tử Lê Duy Vỹ, hiếp đáp Bệ hạ nên trời cao mới mượn tay thần chỉ trong vòng một tháng đánh đổ xong họ Trịnh suốt hai trăm năm bức bách Hoàng gia. Ấy là nhờ oai đức của Bệ hạ cả!

Vua Lê xua tay bảo:

- Ấy là võ công của tướng quân chứ quả nhân nào có tài đức gì?

Nguyễn Huệ khiêm tốn đáp:

- Hạ thần ra đây cốt vì nghĩa phò vua đâu dám kể công, nên trước truyền hịch tôn phò rồi mới kéo qua đi. Quả nhiên quân Trịnh là con dân trong nước của Bệ hạ nghe quân của thần đến để phò vua họ bèn quăng vũ khí không dám theo họ Trịnh chống là mệnh trời. Ấy chẳng phải là nhớ oai đức của Bệ hạ đó sao? Nay họ Trịnh đã diệt là ý trời muốn Bệ hạ cầm cương nảy mực, khiến cho trong ấm, ngoài êm hạ thần ở cõi xa cũng được ơn nhờ.

Vua Lê Hiển Tông nghe Huệ nói xong liền hỏi:

- Sao tướng quân lại nói là ở cõi xa? Chẳng phá tướng quân ở đây giúp trẫm lập lại kỷ cương ở đất Bắc Hà sao?

Nguyễn Huệ trầm ngâm đáp:

- Hạ thần đến đây diệt Trịnh xong phải đem quân về Nam phục mệnh vua anh nên không thể ở lại được!

Vua Hiển Tông bảo:

- Nếu tướng quân đem quân về Nam ngay là tướng quân đã hai nhà Lê ta, sao bảo là tôn phò.

Nguyễn Huệ hỏi:

- Nếu ở lâu e thiên hạ bảo thần là mượn tiếng phò vua mưu đồ lấy đất nên phải kéo quân về! Hạ thần diệt Trịnh trả nước cho nhà vua sao lại bảo là hại Bệ hạ?
Vua Hiển Tông đáp:

- Trẫm làm vua hắn bốn mười năm nay không tham gia việc triều chính, chẳng biết việc dân sinh xã tắc. Trăm quan làm việc đều ở dưới quyền họ Trịnh. Nay họ Trịnh diệt, bá quan đều bỏ trốn, triều đình trống rỗng, quân binh chẳng có. Nếu tướng quân để quân về Nam, nước của quả nhân không kỷ cương pháp luật tất là sinh loạn. Ấy chẳng phải là tướng quân đã hại trẫm rồi sao?

Vua buồn rầu ứa nước mắt, nói tiếp:

- Nếu con của trẫm là Thái tử Vỹ con sống thì may ra nhân dịp này lấy lại quyền hành của họ Lý mà định quốc an dân.

Nguyễn Huệ cảm động thưa rằng:

- Năm trước Tĩnh đô vương Trịnh Sâm sai Phạm Ngô Cầu vào ngục giết Thái tử. Nay Trịnh Sâm đã bị hồn Thái tử theo báo oán mà chết. Còn Phạm Ngô Cầu bị hạ thần bắt đem về Quy Nhơn luận tội giết Thái tử phải chịu bêu đầu. Ấy là mối thù của Thái tử đã được rửa, oan hồn Thái tử cũng tiêu diêu miền cực lạc, xin Bệ hạ chớ quá thương tâm. Còn việc quốc gia nếu Bệ hạ làm được điều này thì hạ thần xin ở lại Bắc Hà giúp Bệ hạ sửa sang giềng mối, lập lại kỷ cương phép tắc, xong mới kéo quân về.

Vua Lê Hiển Tông liền hỏi:

- Xin hỏi tướng quân ta phải làm điều gì tướng quân mới bằng lòng ở lại giúp cho?

Huệ phân giải rằng:

- Sở dĩ bá quan con trốn tránh vì họ nghĩ hạ thần ra đây mượn tiếng tôn phò để mưu đồ tư lợi. Nay Bệ hạ nên xuống chỉ dụ để hiệu triệu các quan, định ngày thiết triều. Các quan có chiếu chỉ của vua ắt là phải đến, lúc ấy hạ thần sẽ đem số bỏ dân binh, thuế khá điền trạch mà họ Trịnh chiếm giữ suốt hai trăm năm nay trao về cho Bệ hạ. Ấy là Bệ hạ lấy lại quyền hành của Tiên đế từ thuở gian lao đất Lam Sơn dấy nghĩa. Rồi trước mặt trăm quan Bệ hạ lệnh cho hạ thần trong giúp vua lập nên đế nghiệp, ngoài cứu dân khỏi cảnh lầm than, thì hạ thần mới danh chín ngôn thuận mà ở lại Bắc Hà, đến khi nước được yên ổn rồi sẽ quay về.

Vua Lê cả mừng nói:

- Lời tướng quân rất là hữu lý, việc này nào có khó gì?

Nói xong vừa liền ngồi dậy sai người lấy bút nghiên viết chiếu chỉ hiệu triệu bá quan, định ngày đến để thiết triều.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #186 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 12:03:36 am »

Nguyễn Huệ vừa đến tư dinh nơi phủ Chúa Trịnh, Trần Văn Kỷ nói riêng với Huệ rằng:

- Nếu vua Thái Đức không lên ngôi hoàng đế lúc này Tây Sơn ta đã danh chính ngôn thuận thống nhất sơn hà trong nước của vua Lê, ấy chẳng phải là công nghiệp xưa nay chưa từng có hay sao?

Nguyễn Huệ gạt đi bảo:

- Ấy là chí hướng của Hoàng huynh, Trần tiên sinh đừng bàn đến nữa. Ta chỉ nên làm những gì có thể được trong tình hình hiện tại mà thôi.

Nói rồi liền sai quân mở kho thóc Hữu Viên phát chẩn dân nghèo, hạ lệnh chiêu an bá tánh, quân không được mảy may xâm phạm của dân, gặp phường trộm cướp phải đem ra trước dân mà xử.

Đến hôm thiết triều, vua Lê Hiển Tông ngồi trên ngai vàng, quan văn kéo đến chầu được vài mươi người, còn võ tướng thì không ai dám đến. Các đại thần gồm có Trần Công Xán, Phan Lê Phiền, Uông Sĩ Điền đến đứng hầu ở hai bên ngai vua. Vua bảo các quan rằng:

- Họ Trịnh tiếng là phò Lê nhưng thực chất đã cướp quyền của nhà Lê ta suốt hai trăm năm này, các khanh đã biết chưa? Nay Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ từ nơi xa xôi lội suối trèo đèo đem quân đến đây diệt họ Trịnh trả nước cho ta các khanh đã biết chưa? Nay ta tuy tuổi già sức yếu không biết sống chết lúc nào nhưng cũng vì xã tắc mà gắng gượng ra gánh vác việc quốc gia được ngày nào hay ngày ấy. Vậy các quan trước ở chức gì hãy về chân ấy giúp trẫm định yên xã tắc.

Trần Công Xán bước ra hỏi dò Nguyễn Huệ rằng:

- Ý Long Nhương tướng quân diệt Trịnh trả nước cho vua tôi, vậy sao còn chưa rút quân về.

Chưa vội đáp lời Xán, Huệ gọi quân mang số bộ dân váo rồi kính cẩn dâng cho vua Hiển Tông, Huệ thưa rằng:

- Đây là số dân quân hộ tịch xin trao về Bệ hạ. Mong Bệ hạ hãy thay trời hành đạo đem ấm no về cho trăm họ.

Vua run run nhận sổ xong. Huệ quay sang bảo Trần Công Xán:

- Xin hỏi ngài có phải là Trần Công Xán ngươi làng Yên Vĩ, Tổng Yên Cảnh, Huyện Đông An, phủ Khoái Châu đó chăng?

Xán đáp:

- Phải. Chính là tôi đây!

Huệ lại hỏi:

- Khi đạo binh tôn phò của tôi đánh lấy Vị Hoàng tôi nghe nói ngài bày mưu cho Trịnh Khải rằng: "Quân Tây Sơn từ nơi xa kéo quân đến đây ắt là mỏi mệt cứ nhử cho chúng vào sâu trong đất của ta rõ kéo quân đánh một trận ắt diệt được giặc". Xin hỏi ngài điều ấy có chăng?

Nghe Huệ nói, Phan Lê Phiền, Uông Sĩ Điền và các quan đều sợ thất sắc nghĩ rằng Nguyễn Huệ hoạch tội để giết Trần Công Xán. Xán vẫn thản nhiên đáp:

- Phải, người bày mưu ấy chính là tôi!

Nguyễn Huệ cười nói:

- Nếu ngài bày mưu ấy cho Chúa Trịnh là ngài có ba điều không rồi vậy.

Xán hỏi lại Huệ rằng:

- Thế nào là ba điều không?

Nguyễn Huệ lại mỉm cười đáp:

- Quân Tây Sơn tôi phò vua Lê diệt Trịnh, ngài lại bày mưu cho Trịnh đánh quân phò vua, ấy là bất trung. Quân Trịnh nghe hịch tôn phò của tôi đều nhờ ơn vua quang gươm giáo mà không kháng cự, vả lại họ Trịnh lúc ấy tướng lười, binh kiêu, ngài lại bảo rằng nhử giặc vào sâu rồi đánh một trận là tiêu diệt được, ấy là bất trí. Bày mưu chúa Trịnh đánh vua Lê, nay chúa mất rồi còn mặt mũi nào mà theo về với vua, ấy là bất nghĩa. Bất trung, bất trí, bất nghĩa là ba điều không vậy.

Trần Công Xán tái mặt cãi lại rằng:

- Tướng quân truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân đến nước tôi. Trong lúc vàng thau lẫn lộn biết đâu là thật giả, ngộ nhỡ diệt được Trịnh rồi tướng quân không trả nước cho vua thì sao? Vậy tôi bày mưu cho Chúa đánh tướng quân để giữ nước cho vua sao bảo là bất trung. Nay Chúa Trịnh Khải dù đã diệt những còn dư đảng là Trịnh Lê, Trịnh Bồng. Vả lại nay được biết tướng quân thật đã tôn phò tôi mới phò vua mà không theo Trịnh sao bảo là bất nghĩa. Tôi bày việc quân cơ cho Chúa là kế hay, khác nào Đức thánh Trần Hưng Đạo nhử giặc Nguyên vào sâu, chỉ vì không có tướng tài để đánh một trận là diệt xong địch như nhà Trần thuở trước, sao bảo là tôi bất trí.

Nghe Trần Công Xán nói xong Nguyễn Huệ cười lớn mấy hỏi rồi hỏi:

- Qua lời biện luận mới rõ ngài là người đại trung đại nghĩa, đại trí. Tôi thành thật xin lỗi vậy. Vậy tôi hỏi ngài, nay nếu tôi kéo quân về Nam ngay e dư đảng họ Trịnh kéo đến ăn hiếp vua thì tướng tài nào ra tay dẹp loạn? Bọn kiêu binh quân Trịnh còn đang lẩn trốn ngoài thành thừa dịp này cướp bóc của dân thì lấy ai cứu nguy trăm họ? Nếu ngài có kế hay định yên xã tắc, Huệ tôi lập tức rút binh.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #187 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 12:05:26 am »

Trần Công Xán đáp bừa rằng:

- Ngài cứ rút quân, người nước tôi tự có kế để giữ lấy nước mình.

Nguyễn Huệ lắc đầu nói:

- Ngài nghi ngờ tôi không thực bụng tôn phò mà nói thế. Nhưng lời ngài là vô căn cứ tôi không thể nghe theo. Tôi ra đây là để phò vua. Vậy việc về hay ở xin để cho Bệ hạ định đoạt.

Lúc này vua Hiển Tông mới bảo rằng:

- Trần Công Xán không được nhiều lời. Nay trước mặt ba quân ta phong Nguyễn Huệ chức Đại Nguyên soái, phù chính dực vận Uy Quốc Công, trao Nguyên soái bảo kiếm tiền trảm hậu tấu. Nguyên soái hãy lại đóng quân giúp trẫm định quốc an dân, lập lại các bộ, sửa sang giềng mối luân thường, chỉnh đốn kỷ cương phép tắc cho dân ngoan biết đến vua hiền, hưởng cuộc đời thái bình thịnh trị. Ấy là nhờ Tiền đế linh thiêng sai Nguyên soái tái tạo cho nhà Lê ta vậy. Chỉ tiếc rằng Thái tử Vỹ không còn sống mà thôi.

Nói xong vừa mui lòng sa nước mắt. Nguyễn Huệ cảm động thưa:

- Xin Bệ hạ ăn tâm, hạ thần xin hứa sẽ hết lòng phò vua đến khi nào người trăm họ đều thấm nhựa thành đức mới thôi.

Nói rồi từ biệt về dinh phủ. Đọc đường Nguyễn Huệ hỏi Trần Văn Kỷ rằng:

- Tiên sinh nghe Trần Công Xán luận về Trung, Nghĩa, Trí thế nào?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Luận về Trung, Nghĩa thì đúng, nhưng luận về Trí rõ là người bát trị nói càn.

Nguyễn Huệ nói:

- Các quan trong triều vua Lê lúc thiết triều không ai dám há môi mở miệng. Nghe ta bảo là Trần Công Xán bất trung, bắt nghĩa, bất trị thì sợ đà mất mật. Chỉ có Trần Công Xán tuy rằng bất trị nhưng là người trung liệt đáng khen.

 
Nói về Nguyễn Hữu Chỉnh nghe Nguyễn Huệ hứa với vua Lê Hiển Tông sẽ đóng binh ở đất Bắc định yên xã tắc rồi mới quay về, Chỉnh về đến tư dinh bồn chồn ngồi đứng không yên. Nguyễn Viết Tuyển hỏi:

- Việc gì mà tướng quân lại lo lắng ưu phiền như thế?

Hữu Chỉnh thở dài đáp:

- Ta xui Nguyễn Huệ kéo quân ra diệt Trịnh. Những tưởng diệt Trịnh xong rồi Nguyễn Huệ sẽ kéo quân về giao binh cho ta ở lại Bắc Hà phò việc nhà Lê. Chẳng ngờ Nguyễn Huệ không nói gì đến việc ấy cả. Ta e rằng Nguyễn Huệ hiểu được bụng ta không thực lòng quy thuận nên vạn nhất Huệ có kéo binh về Nam cũng chẳng thể giao binh quyền cho ta nơi đất Bắc, thì cái chí lấy ngai của chúa Trịnh dùng sông Linh Giang chia đôi thiên hạ với quân Tây Sơn ắt chẳng thành.

Nguyễn Viết Tuyển hỏi:

- Vậy tướng quân phải chịu theo hầu dưới trướng Nguyễn Huệ mãi sao?

Chỉnh đáp:

- Đời nào ta chịu yên như thế. Ta có một kế có thể khiến Nguyễn Huệ phải chịu để cho ta mượn binh trấn thủ Bắc Hà.

Nguyễn Viết Tuyển hỏi:

- Kế ấy là kế gì?

Chỉnh đáp:

- Ấy là mỹ nhân kế!

Rồi Chỉnh kề tai Tuyển nói nhỏ. Nghe xong Tuyển khen:

- Hay! Mỹ nhân là của ngươi khác lại dùng được để nên việc của ta. Thật là diệu kế.

Bàn với Nguyễn Viết Tuyển xong, Nguyễn Hữu Chỉnh liền soạn khăn áo sang bái yết vua Lê. Chỉnh tâu:

- Tâu Bệ hạ, lúc ban sáng Bệ hạ phong cho Nguyễn Huệ chức Đại Nguyên soái tước Uy Quốc Công, Nguyễn Huệ có về bảo với hạ thần rằng: Ta ra đây cốt để phò vua Lê. Nếu không nghĩ đến công của vua Thái Tổ đã ba trăm năm dựng nước thì ta muốn xưng đế xưng vương gì chẳng được? Nay vua lại đem cái chức Nguyên soái để phỉnh dụ ta. Hỏi cả tước Uy Quốc Công hão ấy ta được thêm gì? Nếu không nhận thì ra thất lễ với vua, mà nhận thì mang tiếng la người không biết gì! Tâu Bệ hạ, Nguyễn Huệ nói vậy đó!

Vua Lê thật thà ngỡ là thật, cả sợ hỏi Chỉnh:

- Rồi Nguyên soái còn nói gì nửa chăng?

Chỉnh đáp:

- Nguyên soái đòi kéo quân về Nam bỏ mặc Bắc Hà ra sao thì ra.

Vua Lê thất kinh nói:

- Nếu vậy thì nước ta loạn mất. Khanh trước là tớ của trẫm vì họ Trịnh bức bách phải bỏ nước theo vua Tây Sơn. Nay vì nghĩa cử có thể bày kế gì cho trẫm được chăng?

Chỉnh đáp:

- Hạ thần đến đây là vì an nguy của Bệ hạ và xã tắc đó.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #188 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 12:12:31 pm »

- Nếu vậy thì nước ta loạn mất. Khanh trước là tớ của trẫm vì họ Trịnh bức bách phải bỏ nước theo vua Tây Sơn. Nay vì nghĩa cử có thể bày kế gì cho trẫm được chăng?

Chỉnh đáp:

- Hạ thần đến đây là vì an nguy của Bệ hạ và xã tắc đó.

Vua vội vàng hỏi:

- Nói vậy nghĩa là khanh đã có kế?

Chỉnh hiến kế rằng:

- Hạ thần nghe nói trong các công chúa có Ngọc Hân công chúa là sắc nước hương trời. Theo ý hạ thần Bệ hạ nên gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyên soái. Một là để tỏ thành ý với Nguyên soái để Nguyên soái không nghĩ rằng Bệ hạ dùng chức hão mà phỉnh dụ ông ta. Hai là lấy tinh thần lôi kéo Nguyên soái ở lại Bắc Hà giúp cho Bệ hạ. Ngộ nhỡ trong Nam Hà có biến, Nguyên soái phải kéo quay về, Bệ hạ hay xin cũng Nguyên soái cho hạ thần được cầm binh ở lại trả ơn Bệ hạ cho trọn nghĩa vua tôi khi trước. Nguyên soái khi ấy đã là rể của Bệ hạ, vì nghĩa nước tình nhà không thể không vâng.

Vua Lê Hiển Tông ngẫm nghĩ rồi bảo Hữu Chỉnh:

- Lời khanh có lý. Vả lại trong các con, Ngọc Hân là người trẫm thương yêu nhất. Nay có được một tấm chồng anh hùng hào kiệt như Nguyên soái ta cũng an tâm. Vậy phiền khanh hãy về dò ý của Nguyên soái xem sao rồi mau báo cho trẫm hay để trẫm khỏi lo lắng.

Vua nói xong nằm trên giường ngự mệt nhọc ôm ngực ho khan. Nguyễn Hữu Chỉnh thấy vua Lê trúng kế của mình bấm bụng cười thầm rồi cáo biệt ra về. Nguyễn Hữu Chỉnh lại đến tìm gặp Nguyễn Huệ nói:

- Vua Hiển Tông tiếng làm vua hơn bọn mười năm nhưng quyền hành đều trong tay họ Trịnh. Nhà vua tâm sự với tôi rằng tuy đã phong chức Nguyễn Soái cho Chúa công nhưng nhà vua thanh bạch không có gì ban thưởng cho Chúa công nên trong lòng lấy làm áy náy lắm.

Nguyễn Huệ gạt đi bảo:

- Ta đem binh ra dây cốt là diệt Trịnh để cứu dân. Nay đến đây mới thấy nhờ truyền hịch phò Lê mà lòng quân Trịnh hoang mang chưa đánh đã tan khiến quân ta chiến thắng dễ dàng. Xét lòng trăm họ có thương tiếc nhà Lê, vậy vì dân tại sao ta không thực bụng tôn phò? Vả lại nhà vua là người nhân hậu nhu mì, bị họ Trịnh áp chế tình cảnh thật đáng thương. Xét về nhân không nên lấn át. Vậy ta phải đến gặp vua phân cho rõ tấm lòng kẻo vua áy náy lo âu thì ta là người đặc tội.

Nói xong đứng dậy toan đi. Nguyễn Hữu Chỉnh ngăn lại nói:

- Xin Chúa công chớ vội, vua Lê sai tôi đến đây dò ý Chúa công.

Huệ ngạc nhiên hỏi:

- Dò ý ta về việc gì?

Chỉnh đáp:

- Số là nhà vua có một nàng công chúa tên là Ngọc Hân sắc đẹp như tiên giáng thế nên trong Hoàng gia thường gọi là Chúa Tiên. Chúa Tiên tính nết đoan trang, am tường ca cầm kỳ thi hoạ. Vua nhờ tôi dò ý Chúa công, nếu không chê, vua sẽ nhận Chúa công làm phò mã để tỏ lòng thành với Chúa công phò vua vực nước.

Nguyễn Huệ gạt đi bảo:

- Việc này ta thác không đảm nhận.

Chỉnh hỏi:

- Vì sao Chúa công lại từ chối lòng thành của nhà vua?

Huệ đáp:

- Ta ra đây phò Lê không được lệnh của Hoàng huynh. Dù binh pháp có câu: "Tướng ngoài biên ải không nhất nhất phải nghe lệnh vua, nhưng Hoàng huynh có lý bắt ta về tội kháng lệnh. Nay ta lấy vợ mà không được phép của mẹ và anh, ấy là bất hiếu. Nếu ta làm thế tất Hoàng huynh ta vin vào tội bất hiếu càng khẳng định tội ta kháng mệnh bất trung. Đó là một lẽ.

Hữu Chỉnh dò hỏi:

- Còn điều thử hai là gì?

Huệ trầm ngâm đáp:

- Vua Lê vì ngại ta kéo quân về, Bắc Hà sẽ loạn nên vạn bất đắc dĩ mới gả công chúa để lấy lòng ta. Nếu thuận ý, hoá ra ta nhận lúc người cần mà ép người sao? Đó là hai lẽ. Vì hai lẽ đó, ta không thể thuận lòng.

Trần Văn Kỷ xen vào nói:

- Theo tôi việc này thật khó xử.

Huệ nói:

- Thế nào là khó xử.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #189 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 12:13:47 pm »

Kỷ đáp:

- Chúa công đã nhận chức Nguyên soái của vua Lê, xét theo lẽ là nghĩa quân thần. Nay vua không xuống lệnh mà hạ mình trước dò ý Chúa công, nên Chúa công không nhận hoá ra là thất lễ với vua. Nhận cũng không được mà từ chối cũng không xong ấy là điều khó xử.

Nguyễn Huệ lo âu hỏi:

- Thật khó khăn cho ta, đằng nào cũng bị mang tiếng. Theo tiên sinh nên làm thế nào mới vẹn toàn.

Trần Văn Kỷ đáp:

- Tôi có kế khiến Chúa công dù chối ta cũng không thất lễ với vua.

Huệ mừng rỡ hỏi:

- Kế thế nào?

Kỷ e dè đáp:

- Xin Chúa công tha tội, tôi mới đám thưa.

Nguyễn Huệ bảo:

- Có kế hay xin tiên sinh cứ dậy. Đừng khách sáo giữ lẽ làm chi.

Văn Kỷ hiến kế:

- Ngươi Bắc Hà tự cho mình ở đất ngàn năm văn vật, xem quân Tây Sơn ta như man di mọi rợ. Côn chúa dù thông minh nhưng cũng là phận nữ nhi khuê môn bất xuất, tất cũng nghe lời đồn đại trong Hoàng gia mà không ngoại lệ khi nghĩ về Tây Sơn ta. Vậy Chúa công hãy đến gặp vua nói như vầy... như vầy. Khi ấy ắt công chúa sẽ chối từ, thì Chúa công khỏi thất lễ với vua. Lời tôi ngay thật xin Chúa công tha tội.

Nguyễn Huệ bảo:

- Tướng quân của ta có binh lính người Thượng nên những kẻ xấu thường thừa dịp bảo quân Tây Sơn ta là có quân man mọi. Việc nay ta có biết, tiên sinh nào có lỗi gì? Cám ơn tiên sinh bày diệu kế, ta phải lập tức thi hành.

Nói rồi liền cùng Trần Văn Kỷ và Nguyễn Hữu Chỉnh khăn áo sang chầu vua Lê.
 

Nói về vua Lê Hiển Tông, khi Nguyễn Hữu Chỉnh đi rồi vua liền gọi công chúa Ngọc Hân đến. Vua nói:

- Nay cha định gả con cho Nguyễn Huệ, chẳng biết ý con thế nào?

Công chúa kính cẩn hỏi:

- Thưa Phụ vương, việc này là do Nguyễn Huệ cầu hôn chăng?

Vua đáp:

- Việc này Nguyễn Huệ còn chưa biết.

Ngọc Hân lại hỏi:

- Vậy vì lẽ gì Phụ vương lại định gả con cho Nguyễn Huệ.

Vua đáp:

- Nguyễn Huệ đem quân đến đây diệt Trịnh trả nước cho nhà Lê ta. Nay nếu Nguyễn Huệ kéo quân về Nam, nước ta ắt loạn. Nên cha định gả con cho Nguyễn Huệ là lấy tình thật đãi người, ắt người cũng vì tình hết dạ giúp ta. Vả lại nay cha đã gần đất xa trời, thấy con lấy được một tấm chồng anh hùng kiết hiệt như Nguyễn Huệ cha mới yên lòng nhắm mắt.

Ngọc Hân thưa:

- Nếu là bậc anh hùng hào kiệt thì Nguyễn Huệ không thể bỏ mặc Phụ vương mà kéo quân về Nam được. Phụ vương không cần gả con để giữ người.

Vua ngạc nhiên hỏi:

- Vì sao con dám quả quyết như thế?

Ngọc Hân đáp:

- Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê diệt Trịnh kéo quân đến đây, nay trong lúc nước ta con loạn lạc chưa yên mà bỏ mặc Phụ vương thì sao khỏi mang tiếng thất tín với thiên hạ. Nếu là bậc anh hùng hào kiệt ai lại làm điều thất tín, cần gì phải gả con. Còn nếu Nguyễn Huệ bỏ ta mà đi trong lúc này tất là người thất tín, cũng chỉ như phường thừa nước đục thả câu, tình gì mà phải giữ.

Vua giật mình nói:

- Con thật là sáng suốt. Nhưng cha đã sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi dò ý Nguyễn Huệ, nếu Nguyễn Huệ bằng lòng thì con cũng nên ưng thuận cho cha được yên lòng.

Ngọc Hân an ủi rằng:

- Xin Phụ vương an tâm, Nguyễn Huệ đem quân đến đây vẫn một lòng tôn kính Phụ vương. Mở kho thóc họ Trịnh phát chẩn dân nghèo, quân không mảy mây xâm phạm của dân, bắt được cướp đem ra trước dân mà xử. Một đạo binh nghiêm kỷ như thế, thì tướng tất phải là người quang minh lỗi lạc. Nay việc đã lộ, cứ để xem ý Nguyễn Huệ thế nào con sẽ liệu mà xử sự.

Ngọc Hân vừa nói xong, quân canh vào báo:

- Tâu Bệ hạ, Nguyên soái xin vào yết kiến.

Vua bảo Ngọc Hân:

- Con hãy tạm lánh một sau bức bình phong. Để cha tiếp Nguyễn Huệ xem ý Huệ thế nào.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM