Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 07:00:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Sơn bi hùng truyện  (Đọc 161147 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 12:54:06 am »

Võ sĩ lôi Ngô Mãnh ra ngoài cung điện, có người tùy tướng của Ngô Mãnh là Phan Văn Long xông đến đâm chết mấy tên võ sĩ rồi cắt dây trói cho Ngô Mãnh. Long hối:
   
- Tướng quân mau chạy đi, để tôi ở lại chặn binh triều.

Mãnh than:
   
- Đã đến nước này đằng nào cũng mang tiếng bất trung. Ta trốn đi đã đành nhưng còn ngươi thì sao?
   
- Thần đội ơn tri ngộ của tướng quân, nay dù có xương tan thịt nát là dịp để báo đền. Binh triều kéo đến kìa, tướng quân mau về đem gia quyến trốn đi. Xin tướng quân bảo bọc con thần là Phan Văn Lân thì thần yên lòng nhắm mắt. Một lạy này xin vĩnh biệt tướng quân.

Nói xong Long vung thương xông đến phía binh triều. Ngô Mãnh chạy thoát về nhà.

Phan Văn Long chặn binh triều giết chết trăm tên quân rồi trúng tên chết. Loan sai Chữ Đức bằm thây trăm mảnh. Ngô Mãnh chỉ kịp dắt theo con Phan Văn Long là Phan Văn Lân, và cháu nội mình là Ngô Văn Sở. Toàn gia quyến bị Loan bắt giết sạch. Nguyên Sở và Lân là con nhà võ tướng nên mới mười ba tuổi đã thạo nghề cưỡi ngựa. Ba ông cháu ra cổng Nam thành Phú Xuân nhắm hướng Nam mà chạy.

Ngô Mãnh dắt hai cháu lội suối trèo đèo, đêm ngày không nghỉ, lần hồi đến Quy Nhơn thì Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ngã bệnh, Mãnh đành phải ra giữa chợ hành khất để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu. Bỗng có một phú nông họ Bùi đi ngang qua thấy lão ăn mày quắc thước và hai thiếu niên khôi ngô tuấn tú đem lòng thương, xuống ngựa hỏi

Ngô Mãnh:
   
- Tôi xem cụ và hai cháu đâu phải kẻ hèn, cớ sao đến nông nỗi này?

Ngô Mãnh gạt lệ đáp:
   
- Tôi quê ở Phú Xuân, rủi gặp nạn phải dắt cháu ăn xin độ nhật. Xin ông thương tình bố thí để chữa bệnh cháu thơ.

Bùi ông nói:
   
- Tôi có thể giúp cụ, nhưng cháu bớt bệnh rồi thì tá túc vào đâu? Chi bằng cụ về tệ xá tại ấp Tây Sơn ở tạm, thuốc men đã có thầy nhà.

Nói rồi bèn đem ông cháu Ngô Mãnh về nhà mình đối đãi tử tế, lo thuốc men cho Sở và Lân đến khi hồi phục.

Một đêm kia Ngô Mãnh đang ngon giấc bỗng nghe la “cướp, cướp” liền tung cửa chạy ra. Thì ra bọn cướp độ chừng vài chục tên hành hung người nhà Bùi ông, toan giở trò đạo tặc. Ngô Mãnh nghĩ bụng, đây là lúc để ta đáp nghĩa ân nhân. Mãnh quát lên như sấm:
   
- Lũ cướp dừng tay!

Mãnh tay không xông vào bọn cướp đến đâu chúng ngã lăn ra đến đấy, đứa vỡ đầu lọi cẳng gãy tay, lạy lục xin tha. Ngô Mãnh khuỳnh tay quát:
   
- Ta lấy đức hiếu sinh tha cho chúng bay một lần. Hãy cải tà quy chánh, chớ đem lòng đạo tặc mà có ngày chuốc vạ vào thân.

Tha bọn cướp xong, Bùi ông mời lão Ngô vào nhà hỏi.
   
- Cụ tài đức vẹn toàn mà phải tha phương cầu thực ắt là có uẩn khúc chi đây? Nếu không nghi ngại có thể bày tỏ cho vơi nỗi lòng được chăng?

Ngô Mãnh đáp:
   
- Giờ này chẳng dám giấu ân nhân. Tôi tên Ngô Mãnh làm Đô thống ở thành Phú Xuân bị Quốc phó Trương Phúc Loan làm hại nên trốn vào đây, gặp ân nhân ra tay tế độ lòng rất áy náy bấy lâu không biết lấy chi đền đáp.

Nói xong quỳ lạy Bùi ông. Bùi ông đỡ dậy nói:
   
- Làm việc nghĩa ai lại nghĩ  đến chuyện trả ơn. Nhưng nếu cụ muốn trả ơn cũng chẳng khó gì. Tôi có một con gái tên là Bùi Thị Xuân, tính ưa theo đòi cung kiếm, phiền cụ chỉ dạy cho cháu phòng khi hữu sự.

Nói xong gọi con ra bái Ngô Mãnh làm thầy, Ngô Mãnh thấy Bùi Thị Xuân mày tằm mắt phượng, môi nhỏ má hồng, dáng vẻ thanh tao mà thần sắc oai phong trong bụng rất mừng.

Từ ấy ông ngày đêm ra sức dạy võ nghệ binh thư cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Bùi Thị Xuân. Ngày qua tháng lại thấm thoát năm năm Xuân cùng Lân, Sở ba người đều võ nghệ siêu quần, tài trí hơn người, tiếng lành đồn khắp gần xa.
                                 
Trong khi Ngô Mãnh thoát chết trốn vào phủ Quy Nhơn tá túc nhà Bùi ông ở ấp Tây Sơn thì Trương Văn Hạnh bị giam vào ngục, Phúc Loan lại cho quân vây nhà Văn Hạnh bắt hết gia quyến, người tùy tướng là Trương Văn Hiến đơn thương độc mã đột phá trùng vậy chạy thoát khỏi thành Phú Xuân nhắm hướng Nam mà chạy.

Lần hồi đến Quy Nhơn phủ thấy núi non hung vĩ cỏ cây sầm uất, Hiến nghĩ thầm:
   
- Nơi đây là thành Đồ Bàn cũ của vua Chiêm, sau lưng dựa vào núi non hiểm trở, trước mặt trông ra biển lớn, trong ngoài đều có đèo cao án ngữ, thật là đất dụng võ. Thảo nào ngày xưa vua Chiêm là Chế Bồng Nga lập kinh đô ở đất này đã làm nên võ công hiển hách. Địa linh ắt sinh nhân kiệt. Thôi thì ta tạm tìm nơi ẩn náu rồi sẽ liệu sau.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 12:57:19 am »

Nghĩ xong bỗng nghe tiếng binh khí chạm nhau loảng xoảng. Ngoảnh nhìn lại thấy một thanh niên vừa đánh vừa lui, một mình chống đỡ hơn mười tên mặt mày hung tợn. Xem người này yếu thế, đã thấm mệt, Hiến bèn xông ra nói lớn:
   
- Các người sao lại ỷ đông hiếp yếu thì đâu phải là người hào kiệt.

Tên đầu đảng quát:
   
- Bọn ta là cướp, cần bạc vàng chứ đâu cần làm hào kiệt. Giết!

Chúng vung đao chém bừa. Hiến chỉ múa vài đường roi bọn chúng văng vũ khí liền hò nhau bỏ chạy. Người thanh niên quỳ lạy tạ ơn. Hiến đỡ dậy hỏi:
   
- Đây là nơi hoang vắng, sao anh lại mạo hiểm đi một mình để gặp cướp thế này?
Người ấy đáp:
   
- Tôi tên Hồ Nhạc nhà ở ấp Kiên Thành thường đi buôn trầu ở Tây Sơn Thượng đem xuống thành Quy Nhơn bán, rồi lấy vàng bạc xuống chợ Giả ở cửa Bể mua muối chở lên bán cho người Thượng ở Tây Sơn Thượng. Nay giữa đường gặp cướp nếu không gặp ân nhân mạng ắt chẳng còn. Nghe tiếng nói ân nhân không phải là người địa phương, dám hỏi ân nhân quê quán ở đâu, vì sao phải đến chốn này?

Hiến ngậm ngùi đáp:
   
- Tôi tên Trương Văn Hiến quê ở thành Phú Xuân, thời loạn ly gặp đại nạn phải bỏ nhà trốn tránh nơi đây.

Nhạc hỏi:
   
- Giờ ân nhân định đi về đâu?

Hiến đáp:
   
- Giờ đây là kẻ không nhà chưa biết phải về đâu?

Nói xong khật khưỡng vừa đi vừa ca rằng:

Không nhà chẳng biết đói no
Khá khen tạo hóa bày trò trêu ngươi
Sự đời chỉ một trận cười
Ta theo trăng gió dạo chơi ngũ hồ.


Nhạc chạy theo quỳ trước mặt Hiến thưa:

- Xin ân nhân dừng bước. Tôi hiện còn một căn nhà trống ba gian, xin ân nhân hãy về ở tạm. Tài văn võ của tiên sinh nếu mở trường dạy học thì chẳng những đã có kế sinh nhai lại còn được người đời trọng vọng. Xin tiên sinh chớ chối từ.

Hiến xúc động nói:
   
- Cảm ơn tấm thịnh tình của anh. Nhưng ta từ phương xa đến đây, ai biết ta thế nào mà cho con em theo học?

Nhạc đáp:
   
- Việc ấy xin tiên sinh chớ ngại. Tôi tuy tài hèn nhưng người quanh vùng đều mến phục. Nay họ thấy tôi tôn tiên sinh làm thầy lo gì họ chẳng cho con em theo học.
Hiến bèn theo Nhạc về nhà. Hôm sau Nhạc đến gặp Hiến nói:
   
- Tôi vốn phụ thân đã mất nên phải thay cha lo kế sinh nhai. Hiện còn hai em trai, nay đem đến bái sư xin nhờ thầy giáo huấn.

Hiến nói:
   
- Anh khách sáo làm gì, hãy cho trẻ vào ra mắt.

Nhạc gọi hai em vào lạy chào. Nhạc trỏ hai em nói:
   
- Đây là Hồ Huệ, tên tục là Thơm tuổi mới mười ba, còn kia là Hồ Lữ tuổi mới mười hai.
Hiến ngắm Lữ thấy tay chân vạm vỡ mặt mày hiền lương chân chất lòng rất cảm thương, lại thấy Huệ tuy còn niên thiếu mà lưng hùm vai gấu, mặt vuông tai lớn, mắt sắc như gươm, ánh nhìn như chớp thì lấy làm lạ bèn hỏi:
   
- Vì sao Huệ lại có tên tục là Thơm?

Nhạc bảo Huệ:

- Em hãy bẩm với thầy xem.

Huệ kính cẩn thưa:
   
- Bẩm thầy, con nghe thân mẫu kể rằng lúc lâm bồn sanh con, hoa huệ trong vườn bỗng nở thơm ngát nên thân phụ mới đặt tên chữ là Huệ, tên tục là Thơm.

Hiến nghe tiếng nói của Huệ sang sảng như chuông, thất kinh nghĩ thầm, thằng bé này về sau nhất định là bậc anh hùng quán thế, tài trùm thiên hạ chứ chẳng phải là kẻ tầm thường.

Từ ấy Trương Văn Hiến giữ Huệ và Lữ ở lại nhà truyền văn thụ võ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:04:09 am »

Một hôm Trương Văn Hiến có việc đi ngang qua núi Hoành Sơn. Khi đến chân núi, Hiến gặp một cậu bé trạc mười hai, mười ba tuổi đang ngồi hí hoáy vẽ. Thỉnh thoảng cậu bé đứng dậy đăm đăm nhìn lên núi rồi lại ngồi xuống chăm chú vẽ. Hiến lấy làm lạ đến gần hỏi:
   
- Cháu bé kia! Cháu vẽ gì thế?

Cậu bé đáp:
   
- Cháu vẽ núi!

Hiến nhìn vào bản vẽ cười to bảo:
   
- Vẽ núi thì phải có cỏ, có cây, có mây, có nước mới nên phong cảnh đẹp. Hình vẽ của cháu chỉ có hình mấy dãy núi và quả núi, lại có mấy đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi thì cần gì mà quan sát kỹ lưỡng thế?

Cậu bé cũng cười to đáp :
   
- Cỏ cây mây nước của ông thì ai cũng nhìn thấy được, còn những đường ngoằn ngoèo của cháu mắt phàm không thể trông thấy, nên cháu phải quan sát kỹ lưỡng là do thế.
Hiến ngạc nhiên hỏi:
   
- Những đường ấy là đường gì mà mắt phàm không thể nhìn thấy được?

Cậu bé hỏi lại Hiến:
   
- Thế ông nhìn lên núi có thấy những đường ngoằn ngoèo như trong bản vẽ của cháu chăng?

Hiến đáp:
   
- Ta chỉ thấy cỏ cây chứ làm gì có những đường ấy!

Cậu bé cười ngặt nghẽo nói:

- Ây mắt ông cũng là mắt phàm vậy.

Hiến tò mò hỏi:
   
Cháu hãy nói xem những đường ấy là đường gì? Nếu nói hay ta sẽ thưởng.

Bấy giờ cậu bé chỉ tay lên núi hỏi Hiến:
   
- Núi non cỏ cây sầm uất đều xanh thẫm một màu, vậy còn vùng núi màu xanh lợt kia là gì ông có biết không?

Hiến cười đáp:

- Ấy là trảng cỏ tranh bị cháy rồi nảy mầm non nên có màu xanh lợt. Việc ấy có gì mà không biết.

Cậu bé nói:
   
- Nai, mang, mển trong rừng thường đến vùng cỏ mới cháy để ăn mầm non, nên cháu vẽ đường lên trảng cỏ tranh ấy cho phường săn của ông Đặng Đồng Phụng đến bắt nai, mang.

Hiến hỏi:
   
- Cháu đã lên đấy chưa mà biết được đường?

Cậu bé lại cười to đáp:
   
- Nếu đã biết đường thì cần gì phải nhìn núi mà vẽ!

Hiến lấy làm lạ hỏi:
   
- Không biết đường sao vẽ được đường?

Cậu bé lại cười đáp:
   
- Cháu nhìn núi xem dốc đổ phía nào mà biết được dòng suối chảy vào mùa mưa. Nước chảy tất phải trôi mất đất, mà không còn đất chỉ còn đá, tất cây không mọc được. Tự nhiên nơi ấy sẽ thành đường đi trong rừng. Đó là cái mà ngoài cháu ra kẻ mắt phàm không nhìn thấy được.

Hiến mừng rỡ reo lên:
   
- Đây thật là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Quả nhiên đất Quy Nhơn địa linh sinh nhân kiệt.

Đoạn Hiến hỏi cậu bé:
   
- Cháu tên gì? Nhà ở đâu?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:04:23 am »

- Cháu tên Võ Văn Dũng! Nhà ở Tây Sơn Hạ!
   
- Cháu có muốn làm học trò của ta chăng?

Văn Dũng hỏi lại Hiến:
   
- Ông có tài gì mà đòi làm thầy của cháu?

Hiến chưa biết trả lời thế nào bỗng nghe sau lưng có tiếng quát lớn:
   
- Ta định nhận Văn Dũng làm học trò, ngươi là ai mà dám giành học trò của ta?

Hiến và Dũng giật mình quay lại thấy một ông già tuổi trạc lục tuần, tóc râu đã bạc nhưng thân thể hãy còn tráng kiện lắm. Võ Văn Dũng nói:

- Ấy là lão Đặng Đồng Phụng đầu phường săn.

Hiến hỏi lão Phụng:
   
- Vì sao tiền bối định nhận cháu Dũng làm học trò?

Lão Phụng đáp:
   
- Ta dạy võ nghệ cho nó mai sau lớn lên đi săn bắt thú rừng đem về thành bán cho quan quân. Như vậy cũng được phú quý.

- Hiến hỏi Võ Văn Dũng:
   
- Còn ta sẽ dạy cho con văn võ binh thư, mai sau khôn lớn vẽ bản đồ sông núi nước Nam để dùng quân đánh đổ binh triều cứu nguy trăm họ. Vậy con muốn theo ai?
Võ Văn Dũng đáp:
   
- Con xin nhận thầy làm sư phụ.

- Lão Phụng thấy vậy giận lắm quát lên:
   
- Nếu ngươi đánh thắng ta thì ta sẽ không giành học trò với ngươi nữa.

Quát xong xông vào đánh liền, Trương Văn Hiến đưa tay đỡ đòn. Hai tay chạm nhau, Hiến nghe tay mình đau buốt liền nhảy khỏi vòng chiến, Lão Phụng cả cười nói:
   
-Đặng Đồng Phụng ta được chân truyền về môn cương công. Ta tập luyện hai cánh tay như sắt, côn gỗ đánh vào còn không hề hấn gì thì tay ngươi sao chịu nổi. Vậy đã chịu thua chưa?

Hiến hỏi lại Lão Phụng:
   
-Nếu tôi đánh lại được tiền bối thì thế nào?

Lão Phụng cười to đáp:
   
- Ta sẽ nhường học trò cho ngươi, không giành nữa.

Văn Hiến mừng rỡ nói:
   
- Xin tiền bối chớ quên lời, vậy tiền bối hãy ra tay trước.

Đặng Đồng Phụng vung tay đánh Hiến. Hiến co ngón tay giữa nhô lên thành Độc giác chỉ điểm mạnh vào huyệt Hợp cốc ở hổ khẩu và huyệt Khúc trì ở khuỷu tay lão Phụng. Lão Phụng hai tay tê hại không cử động được, lão liền vung chân đá Hiến. Hiến lại co ngón tay giữa, điểm mạnh vào huyệt ủy trung ở nhượng chân và huyệt Thừa sơn ở giữa bắp chân của lão Phụng. Lão Phụng cà nhắc một chân cúi đầu nói:
   
- Ông võ nghệ cao cường tôi xin bái phục. Xin hỏi vừa rồi ông sử dụng môn võ gì?

Hiến đáp:
   
- Môn cương công của tiền bối đã luyện tay chân cứng như sắt thật là vô địch thiên hạ. Muốn thắng được tiền bối tôi phải dùng nhu công điểm vào các yếu huyệt làm cho tay chân tê dại mà thôi!

Lão Phụng bảo Võ Văn Dũng:
   
Ta mừng cho cháu gặp được thầy hay - rồi quay sang Trương Văn Hiến, Lão Phụng nói :

- Tôi có một đứa cháu nội tuổi trạc như Võ Văn Dũng tên là Đặng Văn Long. Cha nó chẳng may mất sớm, mẹ con nó được tôi nuôi dưỡng, nay xin gửi thầy theo học nghề văn võ mai sau giúp ích cho đời. Xin thầy vui lòng nhận cho.

Hiến vui vẻ chấp thuận.

Từ ấy hai cậu bé Võ Văn Dũng và Đặng Văn Long theo làm học trò Trương Văn Hiến.
Võ Văn Dũng và Đặng Văn Long gọi Hồ Huệ là đại sư huynh, gọi Lữ là nhị sư huynh. Huệ và Lữ gọi Văn Dũng là tam sư đệ và Đặng Văn Long là tứ sư đệ.

Trương Văn Hiến đem hết sở học truyền cho bốn học trò. Ngày qua tháng lại thấm thoát đã năm năm. Huệ, Lữ, Dũng, Long đã trở thành những trang thiếu niên anh kiệt. Tiếng lành đồn khắp gần xa.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:07:03 am »

Chương 4

Thiếu quân lương, Huệ bày anh làm quan
Thuận ý trời, Hiến khuyên trò đổi họ.


Một hôm Hiến cùng Nhạc ngồi đàm đạo có Huệ và Lữ đứng hầu bên cạnh. Bỗng nghe tiếng đàn bà hát ru con rằng:

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.


Huệ nghe vòng tay hỏi:
   
- Bẩm thầy, tên Lía trong chữ Hán viết như thế nào? Xin thầy chỉ dạy.

Hiến đáp:
   
- Tiếng Nam ta có nhiều từ mà chữ Hán không viết được. Ví như chữ Lía con vừa hỏi đó.

Huệ hỏi:
   
- Thế lúc Lía tập hợp dân khởi nghĩa ở Truông Mây, quan trấn thủ dâng sớ báo về triều thì viết chữ “Lía” như thế nào?

Hiến đáp:
   
- Điều này ta cũng không rõ, có lẽ viết tên Lía bằng chữ Nôm của nước Nam ta vậy.

Huệ lại hỏi:
   
- Thế tại sao triều đình không dùng chữ Nôm của nước ta, viết chiếu chỉ văn thư thay cho chữ Hán, để khi truyền đạt cho dân chúng không cần đến người dịch nghĩa. Theo con nghĩ như thế chẳng tiện hơn sao?

Hiến đáp:
   
- Từ xưa đến nay đã thành lệ như thế. Vả lại chưa thấy có ông vua nào có ý thay đổi quốc tự cả.

Huệ quay sang Nhạc thưa:
   
- Đại huynh, ngày sau đại huynh có làm vua nhất định phải đem chữ Nôm thay cho chữ Hán, chứ dùng văn tự của người Tàu thì làm sao gọi là quốc tự được.

Nhạc chỉ mặt Huệ mắng rằng:
   
- Ngươi là đứa con nít mới mười tám tuổi dám ngỗ nghịch nói càn. Quốc tự là việc lớn trong thiên hạ há để cho đứa con nít như ngươi bàn đến hay sao? Vả lại vua và chúa còn sờ sờ ra đó, muốn ta mất đầu hay sao mà buông lời xằng bậy. Mau ra ngoài cho ta hầu chuyện với thầy.

Huệ sợ hãi lui ra. Hiến nói :
   
- Ta thấy ý của Huệ là ý hay, nhưng không biết sau này có ai làm được hay không. Còn Huệ là em, chắc hiểu được được chí của anh nên mới nói thế chăng?

Nhạc vội vã thưa :
   
- Xin thầy chớ nghe lời trẻ con rồ dại. Tôi giữ phận con dân, chỉ biết đem trầu của miền ngược bán về miền xuôi, đem muối ở miền xuôi bán lên cho người Thượng, tần tảo thay cha nuôi em. Nếu nó có nói như thế ấy là ý của nó mà thôi. Xin thầy chớ để tâm làm gì.

Hiến trầm ngâm nói :
   
- Chẳng giấu gì anh, ta vốn là tùy tướng của quan Thái úy Trương Văn Hạnh. Quan Thái úy bị loạn thần Trương Phúc Loan làm hại phải chết, ta đành bỏ kinh thành trốn vào đây để giữ lấy thân. Nay ta thấy ở Đàng Ngoài vua Lê bị chúa Trịnh lấn áp. Trịnh - Nguyễn phân tranh lấy sông Linh Giang làm ranh giới nội chiến ngót trăm năm, dân tình thống khổ. Trong thì chúa Nguyễn chỉ lo hưởng lạc để trăm quan bóc lột lương dân. Gần đây Phúc Loan tham lam bạo ngược bá tánh lại càng thêm điêu đứng. Ta với anh có duyên hội ngộ, thân thế của ta từ lâu có dám thổ lộ với ai đâu. Người xưa có câu : “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”,  giấu nhau làm chi nữa. Vả chăng đem muối bán cho người Thượng chỉ là cái cớ, chẳng phải anh dự trữ một thứ lương thực không có gì thay thế được, mưu lấy vùng núi rừng Tây Sơn Thượng làm nơi dụng võ hay sao. Việc ấy chỉ che mắt kẻ khác chứ lừa được ta ư. Nếu anh đã có chí thay đổi cơ trời, ta xin giúp một tay, trước cứu muôn dân sau báo thù cho chủ tướng.

Nhạc thất kinh sụp lạy :
   
- Nhạc tôi có mắt không tròng, toan lấy vải thưa mà che mắt thánh. Thấy dân trong phủ lầm than, tiếng kêu oan đã thấu đến trời, tôi muốn làm như Lương Sơn Bạc quy tụ anh hùng định đánh đuổi quan trấn thủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên cho thoả lòng nghĩa hiệp mà thôi, chứ thân chưa ra khỏi núi rừng, chưa biết được điạ lợi nhân hòa thì dám đâu thay đổi cơ trời. Nay việc đã lỡ cúi xin thầy anh minh dạy bảo

Hiến đỡ Nhạc dậy hỏi :

- Hiện nay việc ấy anh đã làm đến đâu rồi ?

Nhạc thưa :
   
- Tôi quy tụ được năm trăm quân nghĩa đóng ở Tây Sơn Thượng, hiện đang giao cho Nguyễn Văn Tuyết trông coi việc phá rừng khai khẩn đất hoang tự lo lấy việc binh lương. Trong lúc ban đầu khai khẩn, thiếu lương thực nuôi quân, bạc tiền hết sạch, nếu để quân đói cướp bóc của dân thì còn gì là chính nghĩa. Thầy có cao kiến gì xin mách bảo cho.

Hiến còn đang suy nghĩ, bỗng Huệ bước vào chấp tay thưa :
   
- Bẩm thầy và đại huynh, con có một kế.

Nhạc tức giận toan quát, Hiến ngăn lại :
   
- Cứ để Huệ nói xem, anh đừng xem thường kẻ hậu sanh khả úy.

Nể lời thầy Nhạc nín thinh, Huệ nói :
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:12:46 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:10:09 am »

- Hiện nay mỗi tháng Biện lại Vân Đồn thu thuế của dân lên đến trăm lạng vàng. Đại huynh lúc buôn trầu có quen biết Đốc Trưng Đằng trông coi thuế khóa trong phủ Quy Nhơn. Nay đại huynh lo lót cho hắn xin làm Biện lại Vân Đồn, ta thu thuế ba tháng, sau đó bỏ chức đem bạc vào nuôi quân. Lúc ấy ta khai khẩn rừng hoang ở Tây Sơn Thượng, đất đai hàng trăm dặm thì vạn quân còn nuôi nổi, cứ gì năm trăm quân. Xin đại huynh xét lại.

Hiến khen :
   
- Diệu kế ! Nhưng ta không đành làm cướp đêm, lại đi làm cướp ngày sao được ?

Huệ đáp :
   
- Dù đại huynh không nhận chức cũng có người khác làm thay e rằng càng khổ cho dân hơn nữa. Vả lại nhân dân vốn khiếp sợ quân quan triều đình. Quan sai người đến lấy thuế, dân lập tức nộp ngay để tránh đòn roi. Người nào không đủ tiến nộp thuế, phải bỏ quê lẩn trốn lên rừng. Năm trăm quân của đại huynh ở Tây Sơn Thượng đều là người nghèo trốn thuế cả. Ta lấy tiền thuế nuôi dân sao gọi là cướp ngày được. Dám xin thầy xét lại.

Nhạc khen :
   
- Em thật là sáng dạ hơn người. Nhưng việc này ta thấy có một điều khó, đó là, Biện lại Vân Đồn có người đang tại chức thì làm sao xin thế chân cho được ?

Huệ đáp :
   
- Việc tên Biện lại Vân Đồn háo sắc không còn tại chức đại huynh cứ để em lo.

Nhạc lại hỏi :
   
- Lo bằng cách nào ?

Huệ đáp :
   
- Xin đại huynh chớ hỏi, hẹn trong năm ngày đại huynh đến xin Đốc Trưng Đằng nhận chức.

Hiến xen vào nói :
   
- Thôi được, anh Nhạc cứ an tâm, ta làm thầy ắt rõ tính trò. Huệ đã nói chắc vậy thì ắt việc phải thành đừng bàn đến nữa. Nay ta có điều này định nói anh xem ý thế nào?

Nhạc hỏi :
   
- Có việc gì xin thầy cứ vui lòng dạy bảo.

Hiến nói :
   
- Muôn dân ở Đàng Trong mang nặng ơn chúa Nguyễn Hoàng khai phá đất đai mở mang bờ cõi. Vả lại xét trong lịch sử nước ta Hồ Quý Ly làm vua do soán ngôi nhà Trần không được lòng dân. Gần đây ta lại nghe thiên hạ truyền miệng nhau hai câu sấm : Một là : “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Nay Nhạc dấy binh ở đất Tây Sơn đã phù hợp với câu sấm này rồi vậy. Câu thứ hai là : “Phụ Nguyễn phục thống”, nghĩa là một họ Nguyễn khác sẽ thống nhất Giang Sơn. Vậy sau này Nhạc ra nhận chức Biện lại ở Vân Đồn thì nên đổi họ Hồ ra họ Nguyễn cho thuận ý trời. Ý Nhạc thế nào ?

Nhạc bái lạy :
   
- Lời thầy thật chí lý, tôi đâu dám không nghe.

Từ ấy anh em Nhạc, Huệ, Lữ đổi họ Hồ thành họ Nguyễn.

                                       

Canh ba đêm ấy Huệ giắt kiếm vào lưng lẻn đến nhà toan giết chết Biện lại Vân Đồn. Đến cổng thấy vài chục tên lính nằm chết ngổn ngang, một người thanh niêm cầm gươm cắt vạt áo của xác tên Biện lại Vân Đồn rồi gói đầu hắn vào vạt áo ấy. Người này vừa đi vừa nói :
   
- Nay giết tên tham quan này, giờ có ra đầu thú cũng đã làm xong một việc có ích.

Huệ chặn người ấy lại nói :
   
- Hôm qua tên tham quan này hãm hiếp con gái nhà lành, tôi định cầm gươm đến lấy đầu hắn, không ngờ tráng sĩ đã lấy mất rồi. Tôi xem tài tráng sĩ có thể tung hoành trong thiên hạ, khí khái hơn người, sao vì một tên dâm tặc mà tự hủy thân mình, chẳng phải là việc làm nông nổi lắm ư ?

Người ấy đáp :
   
- Tôi tên Vũ Văn Nhậm quê quán ở phủ Quảng Nam, mồ côi cha mẹ. Đầu quân triều đình làm đội trưởng, bị quan trên chèn ép mới bỏ đến đây. Nghe tên quan này ban ngày ban mặt hãm hiếp con gái nhà lành mới giết đi định ra đầu thú. Bởi trong trời đất này không có chỗ dung thân ta nữa rồi. Còn cao nhân là ai, có thể cứu được kẻ cùng đường này sao mà hỏi những lời ấy ?

Huệ nói :
 
- Tôi tên Nguyễn Huệ, anh tôi là Nguyễn Nhạc dấy binh ở Tây Sơn, chiêu hiền đãi sĩ mong làm việc đại nghĩa cứu rỗi muôn dân. Nếu tráng sĩ không chê là phường đạo tặc thì có thể cùng nhau một phen lấp biển vá trời chăng?

Vũ Văn Nhậm bái tạ xin theo. Huệ bèn dẫn Nhậm về nhà ra mắt Nguyễn Nhạc, kể lại sự tình rồi nói :
   
- Nay tôi xin đến chiêu tập Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Bùi Thị Xuân đều là trang thiếu niên anh kiệt, vốn cùng tôi kết nghĩa đệ huynh, tình như thủ túc. Sau đó đại huynh đưa chúng tôi lên Tây Sơn Thượng xây dựng doanh trại, huấn luyện binh sĩ. Rồi đại huynh đệ về xin nhận chức Biện lại Vân Đồn. Hẹn ba tháng sau đón đại huynh lên đường cùng khởi sự.

Đêm hôm sau Nhạc dẫn Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Bùi Thị Xuân, trong tiết cuối đông trời se se lạnh dưới ánh trăng mờ mờ, nhắm hướng núi rừng Tây Sơn Thượng, sương trắng giăng giăng cùng nhau thẳng tiến.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2009, 01:12:22 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 06:53:25 am »

Chương 5

Thay quyền anh, Nguyễn Huệ nhổ cây thu phục Nguyễn Văn Tuyết.
Tìm minh chủ, Trần Quang Diệu đánh cọp gặp gỡ Bùi Thị Xuân
.


Nhắc lại Nguyễn Nhạc dẫn hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng các thủ hạ lên Tây Sơn Thượng. Tuyết hay tin ra nghênh đón rồi tất cả cùng vào doanh trại.
Sau khi yên vị Nhạc nói:
   
- Ngày mai ta về Quy Nhơn để nhận chức Biện lại huyện Vân Đồn. Nguyễn Huệ em kế của ta sẽ thay ta điều binh khiển tướng, huấn luyện binh sĩ, xây dựng doanh trại để phòng thủ. Hẹn ba tháng sau ta mang lương thảo về rồi cùng nhau khởi sự.

Nguyễn Văn Tuyết hậm hực bước ra nói:
   
- Từ ngày tôi theo phò chủ tướng đã năm năm nay. Nguyện Huệ dù là em ruột của chủ tướng nhưng có tài cán gì, vả lại, tuổi còn nhỏ dại nay thay chủ tướng điều khiển ba quân tôi e có nhiều người không phục.

Huệ điềm đạm nói:
   
- Thưa đại huynh, việc người thay thế hãy khoan bàn đến, Xin đại huynh hãy cho duyệt binh xem quân thế uy dũng ra sao, tiến thoái thế nào?

Nhạc khen:
   
- Lời em rất phải.

Nói xong liền ra ngoài doanh trại tập hợp binh sĩ, bảo Nguyễn Văn Tuyết:
   
- Tướng quân chỉ huy binh sĩ luyện tập xem sao!

Huệ đứng nhìn thấy năm trăm quân hàng ngũ lộn xộn, chỉ luyện tập võ nghệ không có hiệu lệnh tiến thoái gì cả.

Chờ Tuyết luyện quân xong Huệ nói:
   
- Tướng quân võ nghệ hơn người nên luyện tập binh sĩ khí thế dũng mãnh một có thể địch hai, ba. Nhưng nếu dùng hiệu lệnh bảo quân tiến thì thế nào, lui thế nào và sang tả, hữu thì sao, xin tướng quân vui lòng chỉ dạy.

Tuyết ngập ngừng đáp:
   
- Tôi chỉ luyện quân gặp giặc thì đánh, địch ở đâu thì tiến về phía ấy vậy chẳng đúng hay sao?

Huệ nói:
   
- Binh pháp có dạy: quân ngũ phải chỉnh tề, quân pháp phải nghiêm minh, tiến thoái đúng theo hiệu lệnh thì nhuệ khí mới mạnh mẽ, ba quân vững dạ, địch quân trông thấy ắt là nao núng có khi chưa đánh đã tan. Xin tướng quân xét lại.

Tuyết chẳng nói gì. Nhạc xen vào hỏi:
   
- Theo ý em thì nên thế nào?

Huệ đáp:
   
- Lúc qua đèo Mang em quan sát địa hình thấy gần đỉnh đèo có hai hòn núi(1) ở hai bên đường cách nhau vài dặm. Ta cho quân đắp lũy nối hai núi này, đường đèo làm cổng lên Tây Sơn Thượng đề phòng binh triều đến đánh. Trong chỉnh đốn đội ngũ, cứ mười quân làm một toán, mười toán làm một đội, mười đội làm một cơ có toán trưởng, đội trưởng chưởng cơ đứng đầu. Tập binh tiến thoái theo hiệu cờ và trống lệnh. Người Thượng có tài bắn cung nỏ bách phát bách trúng, họ vốn mang ân đức của đại huynh đem muối lên phân phát. Nay ta chiêu mộ người Thượng lập thành đội xạ thủ, thì dù quân triều có thiên binh vạn mã cũng không thể vượt khỏi đèo Mang hiểm trở, nói gì đến việc lên vùng Tây Sơn Thượng. 

Nhạc mừng rỡ nói:
   
- Em quả nhiên có tài thao lược. Nay có em điều binh khiển tướng ta mới yên lòng.

Nhạc quay sang Tuyết, cười hỏi:
   
- Chẳng hay ý song đao tướng quân Nguyễn Văn Tuyết thế nào?

Tuyết vòng tay đáp:
   
- Tôi thọ ơn chủ tướng chẳng dám sai lời, nhưng lòng này không phục.

Nhạc hỏi:
   
- Như thế nào tướng quân mới phục?

Tuyết hai tay vịn hai chuôi đao đeo sau lưng đáp:
   
- Nếu Huệ thắng được song đao của tôi, thì dù bảo nhảy vào lửa Tuyết cũng xin vâng.

Bỗng có tiếng quát:
   
- Một ngọn giáo của ta cũng đủ, cần gì phiền đến nhị ca.

Mọi người nhìn lại thấy Vũ Văn Nhậm đã vác giáo đứng giữa sân, Phan Văn Lân tiến đến can:
   
- Giáo của Vũ huynh vừa chém đầu tham quan giữa chợ ai cũng biết tài. Hãy để trường thương của tôi xem song đao vô địch biến hóa thế nào.

Tuyết thấy Văn Lân mặt mày trắng trẻo, dáng dấp thư sinh liền cười lớn:
   
- Song đao của ta đâu dùng để đánh tên học trò trói gà không chặt như ngươi!

Văn Lân thân người mảnh khảnh nhưng tính nóng như lửa, nghe Tuyết cười mình, hơi giận bốc lên vung thương toan xông đến. Huệ trừng mắt quát:
   
- Văn Lân không được vô lễ.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 06:56:31 am »

Lân hậm hực lui ra, Huệ trỏ vào một cây rừng ở giữa giáo trường hỏi Nhạc và Tuyết:

-Ở trước doanh trại nên dựng cột treo cờ cho thêm vẻ oai nghiêm. Dám hỏi đại huynh cùng tướng quân Văn Tuyết, cây hoang mọc trước doanh trại là cây gì? Vì sao không chặt đi?

Tuyết đáp:

- Ấy là cây sơn núi, giống cây này có nhựa màu đen nếu chạm phải nhựa ấy liền bị nhức nhối khắp mình. Nếu thế thôi thì cũng có thể chặt được, riêng cây này chẳng rõ vì sao lại rất độc, quân lính đã mấy phen chặt thử, nhưng mới chặt vào một dao, nhựa ứa ra hơi độc xông lên liền sưng phù mình mẩy, nhức nhối ngay tại chỗ nên không ai dám chặt. Vả lại tôi xét thấy cũng chẳng hại gì nên đành thôi vậy.

Huệ hỏi:
   
- Sao không chất lửa đốt đi?

Nhạc đỡ lời:
   
- Những cây sơn khác nếu đốt khói độc xông lên người ngựa đều mắc bệnh, huống hồ cây này, nên không dám đốt.

Huệ đến gần quan sát thấy cây độc cao vài chục thước, chu vi vừa tràm hai gang tay, bèn nói:
   
- Tôi có cách này không cần chặt, cũng không cần đốt lại có thể loại bỏ được cây độc.
Nhạc cùng các tướng đồng thanh hỏi:
   
- Cách nào?

Huệ đáp:
   
- Nhổ đi.

Tuyết vỗ tay cười lớn:
   
- Nãy giờ chỉ nghe ông nói thì hay lắm nhưng chẳng thấy làm. Nếu được như lời ta xin dập đầu bái phục.

Huệ chẳng nói chẳng rằng xắn tay áo, rùn chân xuống tấn ôm lấy thân cây, hét lên một tiếng nhổ bật cả gốc rễ, buông tay ra cây đã đổ ầm xuống đất. Ba quân vỗ tay hoan hô như sấm. Tuyết quỳ xuống vái lạy:
   
- Tôi có mắt không tròng, chẳng thấy núi Thái Sơn trước mặt, xin tướng quân miễn chấp. Nguyện một lòng tuân theo lời sai khiến của tướng quân.

- Huệ đỡ Tuyết đứng dậy nói:
   
- Nếu tôi có điều gì mạo phạm ấy cũng vì lo đại cuộc mà thôi. Xin tướng quân chớ để bụng.

Nhạc mừng rỡ nói với các tướng:
   
- Ngày mai ta về thành Quy Nhơn nhận chức Biện lại Vân Đồn để lo việc lương thảo. Em ta là Nguyễn Huệ tạm thời thay ta điều binh khiển tướng. Còn ai không phục nữa chăng?

Tướng sĩ đồng thanh hô:
   
Chúng tôi xin bái phục.

                 
Một hôm Huệ cùng các tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tuyết, Phan Văn Lân, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đang luyện tập quân sĩ bỗng có quân canh vào báo.
   
- Bẩm tướng quân, có người Thượng ở trên đèo Măng Giang đến báo, có con voi trắng một ngà dẫn đầu đàn voi vào làng phá hoại nhà cửa, hoa màu rất dữ. Nhờ tướng quân đem quân giết voi cứu dân.

Huệ truyền lệnh:
   
- Văn Tuyết, Văn Nhậm, cô Xuân ở lại giữ doanh trại. Văn Lân, Văn Sỡ dẫn theo một trăm tên xạ thủ cùng ta đến đấy xem sao.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân bước ra thưa:
   
- Ngày trước thầy tôi là ông nội của tướng quân Ngô Văn Sở, tên Ngô Mãnh, nguyên làm chức Đô thống cấm vệ quân của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, theo hộ giá chúa Nguyễn đến Quy Nhơn để mất ngựa Xích Kỳ của chúa. Phúc Loan mượn cớ làm tội, nên thầy tôi mới trốn vào ẩn ở Tây Sơn, dạy võ nghệ cho tôi cùng Văn Lân, Văn Sở. Thầy tôi có dạy cho tôi cách thuần phục voi rừng. Dù voi dữ cũng chớ giết đi mà uổng. Tôi xin đem theo một trăm quân đến tùy cơ ứng biến, nếu thuần phục được chúng lập thành đội tượng binh thì sức mạnh của quân ta tăng lên gấp bội. Xin tướng quân chấp thuận.

Huệ khen:
   
- Cô Xuân thật là nữ nhi hào kiệt đáng làm hổ thẹn đấng mày râu. Nhưng mình cô đi ta thật chẳng yên lòng. Văn Lân, Văn Sở hãy theo giúp nữ tướng Bùi Thị Xuân, nếu việc thành thì công lao của các ngươi thật là to lớn đó.

Văn Tuyết xen vào hỏi:
   
- Dám hỏi thầy của nữ tướng giờ đây sức khỏe thế nào?

Văn Sở đáp:
   
- Ông nội tôi lâm bệnh đã mất cánh đây hai năm rồi.

Tuyết bước đến cầm tay Sở, bùi ngùi nói:
   
- Ông nội tướng quân phải gian truân xa quê chết nơi đất khách chính là lỗi do tôi!

Văn Sở còn đang kinh ngạc thì Văn Lân hỏi:
   
- Tuyết tướng quân nói gì chúng tôi không hiểu?

Nguyễn Huệ đỡ lời:
   
- Ta nghe đại huynh kể lại rằng: Ngày trước chúa Nguyễn xa giá vào Quy Nhơn có tên thích khách chúa không thành bèn cướp ngựa Xích kỳ của chúa trốn đi chính là song đao Nguyễn Văn Tuyết đó. Nay nghe Đô thống Ngô Mãnh vì mất ngựa mà phải tội nên trong lòng áy náy đó thôi.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 05:36:31 pm »

Văn Sở điềm đạm nói:
   
- Ông tôi dù còn sống cũng đâu vì thế mà trách cứ tướng quân. Có đáng trách là lũ quan tham bạo chúa để muôn dân oán ghét mà thôi. Âu cũng là ý trời muốn anh hung hội tụ đất Tây Sơn, chúng ta hãy bỏ qua chuyện cũ thề một lòng phò chủ tướng vì nước cứu dân.

Nguyễn Huệ rót rượu cho các tướng nâng ly đồng thanh hô lớn: “Xin thề.” Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân bái biệt lên đường.

Bùi Thị Xuân cùng Sở, Lân dẫn đầu đến nơi bỗng nghe tiếng voi gầm. Lân quay lại bảo xạ thủ:
   
- Quân sĩ chuẩn bị cung tên, voi dữ sắp đến.

Xuân lắng nghe rồi bảo:
   
- Tiếng gầm nghe bi ai đau đớn chắc là voi bị nạn, hai em có thấy thế không?

Văn Sở gật đầu nói:
   
- Chị Xuân nói rất đúng, loài voi tuy dữ nhưng rất có nghĩa, trọng ơn. Nếu cứu được chúng đó là trời giúp ta vậy.

Văn Lân hối:
   
- Nếu vậy anh Sở ở lại đây bố trí ba quân, tôi cùng chị Xuân lần theo tiếng voi gầm, vào đấy xem sao.

Nói xong vọt ngựa đi liền, Xuân giục ngựa đuổi theo. Đến gần tiếng voi gầm hai người thấy con voi trắng một ngà to lớn đang bị một con trăn dài chừng trăm thước, to ngót thân người quấn chặt. Voi không cựa quậy được gầm lên đau đớn. Không chút chậm trễ, Xuân liền lấy cung rút tên độc bắn một phát cắm ngập vào đầu trăn. Trăn quằn quại nhả dần, nhả dần rồi rơi xuống đất. Xuân nhảy xuống ngựa tiến lại gần voi. Voi một ngà quỳ hai chân trước cúi đầu co vòi lạy người cứu mạng.

Xuân đến gần nói:
   
- Ta không có ý hại ngươi, chỉ khuyên ngươi đừng nhiễu hại dân làng. Nếu hiểu được lời thì hãy theo ta về phò vua giúp nước.

Voi phủ phục cho Xuân leo lên cổ rồi ngoan ngoãn đứng dậy theo Văn Lân đang đi trước dẫn đường.

Bùi Thị Xuân cưỡi voi trắng một ngà cùng Văn Sở, Văn Lân về doanh trại. Nguyễn Huệ thân hành ra đón, khen rằng:
   
- Nhờ tài xạ tiễn cô Xuân thu phục được voi rừng, thật xưa nay hiếm có nữ nhi nào như thế. Nếu thời thế tạo anh hùng thì ắt có thể sánh bằng bà Triệu, bà Trưng ngày xưa vậy.

Thị Xuân khiêm tốn nói:
   
- Được như vậy là nhờ hồng phúc của chủ tướng mà thôi. Chứ nếu voi dữ không gặp nạn thì dễ gì đem được về đây?

Huệ nói:
   
- Còn việc thành lập đội tượng binh cô Xuân định làm thế nào?

Xuân đáp:
   
- Tướng quân chiêu mộ vài mươi quản tượng. Còn tôi, xin một mình dẫn voi trắng đầu đàn lên rừng thuần phục đàn voi ấy. Sau đó theo hiệu cờ và trống lệnh quản tượng sẽ dạy cho chúng tiến thoái thành đội ngũ. Như thế chắc rằng ta có thể thành lập nên một đội tượng binh hùng mạnh.

Huệ khen:
   
- Hay! Hay lắm đúng là nữ nhi anh kiệt, chưa ra trận đã tỏ rõ tài thao lược, đáng khen thay.
Nói đoạn lập tức sai người tuyển chọn quản tượng. Từ ấy về sau ngày ngày Thị Xuân cưỡi voi trắng vào rừng bắt voi hoang đem về doanh trại.
                       

Một hôm, Xuân vào rừng bỗng nghe tiếng cọp gầm rung chuyển núi đồi, lại nghe có tiếng người hét vang. Xuân cưỡi voi về phía ấy, thấy giữa trảng cỏ tranh một thanh niên tay cầm đại đao đang đánh nhau với cọp dữ. Phút chốc cọp bị đao chém chết ngay. Không ngờ một con hổ khác từ sau lưng vồ tới, người ấy lách mình tránh khỏi nhưng bị cọp tát văng mất đại đao. Người ấy không hề nao núng, tay không đánh nhau với hổ dữ suốt nửa giờ không phân thắng bại.

Bùi Thị Xuân ngồi trên bành voi gương cung lắp tên bắn một phát nhằm giữa trán hổ. Cọp dữ ngã ra chết ngay. Người ấy giật mình quay lại, thấy kẻ cầm cung là một thiếu nữ mặt hoa má phấn, mười phần xinh đẹp liền bước đến thi lễ.
   
- Tạ ơn nữ hiệp đã ra tay cứu giúp, nếu không mạng tôi chưa biết thế nào!

Xuân từ lưng voi nhảy xuống:
   
- Xin tráng sĩ đừng nên khách sáo, gặp nguy khốn giúp nhau là chuyện thường tình. Dám hỏi tráng sĩ là người phương nào, cớ sao một mình vào chốn rừng sâu?

Người ấy đáp:
   
- Tôi tên Trần Quang Diệu quê ở Bồng Sơn đi đường núi vào Tây Sơn tìm bạn nên gặp cọp giữa đường. Còn cô nương sao cưỡi voi vào rừng làm chi, thân nữ nhi coi thường nguy hiểm, bắn tên bách phát bách trúng thật làm Diệu tôi khâm phục vô cùng.

Thấy Trần Quang Diệu mày tăm mắt phụng tướng mạo khôi ngô, Xuân e thẹn trả lời:

- Tôi tên Bùi Thị Xuân quê ở Tây Sơn Hạ, theo chủ tướng là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dấy binh ở Tây Sơn Thượng. Nay vào rừng săn voi mới tình cờ gặp tráng sĩ tay không đánh cọp, tài năng thật hiếm thấy trên đời. Tráng sĩ vào đây tìm bạn ở đâu, tôi có thể chỉ giúp được chăng?

Diệu mừng rỡ đáp:
   
- Nếu cô nương theo Nguyện Huệ dấy binh thì thật là may cho tôi quá, bạn tôi chính là Nguyễn Huệ đó.

Xuân vội đỡ lời:
   
- Hay quá! Vậy mời tráng sĩ cùng lên lưng voi về doanh trại.

Diệu ngập ngừng:
   
- Kẻ nam người nữ điều ấy có tiện hay chăng? Cô nương cứ để mặc tôi đi bộ theo sau cũng được rồi.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2009, 05:44:05 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2009, 05:39:04 pm »

Xuân cúi đầu đáp:
   
- Vẫn biết rằng: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân.” Nhưng từ đây về bản trại đi bộ mất nửa ngày đường mà trời đã xế chiều. Vả lại tráng sĩ chẳng nghe chuyện vị cao tăng cõng cô gái qua sông mà tâm chỉ nghĩ về Phật pháp hay sao. Nếu đã cùng nhau lo đại sự còn chấp nê chuyện nhỏ nhặt làm gì.

Quang Diệu chẳng biết nói sao đành lên lưng voi cùng Bùi Thị Xuân về doanh trại.

Đến nơi Quang Diệu vào yết kiến Nguyễn Huệ. Huệ mời ngồi rồi nói:
   
- Tôi có nghe cô Xuân kể rằng, gặp tráng sĩ đánh cọp giữa rừng lại tự xưng là bạn của Huệ. Huệ tôi không bao giờ dám quên tình xưa nghĩa cũ, nhưng quả thật không nhớ rằng đã gặp tráng sĩ ở đâu?

Diệu cười lớn:
   
- Tôi nghe tiếng Nguyễn Huệ là người thường vì kẻ khác quên mình, sức mạnh như thần, võ nghệ tuyệt luân, gồm tài thao lược đang chiêu hiền đãi sĩ nên vượt núi rừng đến xin kết bạn. Chẳng hay huynh trưởng chê tôi là người hèn mọn hay chăng?

Huệ cười ha hả nói:
   
- Kẻ anh hùng trong bốn biển đều là huynh đệ. Người đức độ ai cũng muốn bớt thù thêm bạn, nay có bậc hào kiệt đến kết giao chẳng phải là điều may mắn hay sao?
Nói xong sai quân đem rượu thịt thết đãi.

Quang Diệu nói:
   
- Chẳng giấu gì tướng quân, tôi hiện đang chiêu mộ được vài trăm tráng sĩ, hằng ngày có kết giao với Đặng Văn Long vốn cùng tướng quân là huynh đệ đồng môn. Nghe Văn Long nói tướng quân chiêu hiền đãi sĩ ở Tây Sơn nên trước đến xem sự thể thế nào, sau sẽ đem quân đến hầu trước tướng.

Huệ vội hỏi:
   
- Văn Long trước cùng tôi chia tay khi nghe tin mẹ bệnh. Có hẹn trước cùng nhau tụ nghĩa ở Tây Sơn, nay chẳng biết gia cảnh thế nào mà Văn Long chưa đến.

Diệu đáp:
   
- Mẹ Văn Long đã mất nên ở nhà chịu tang ba năm.

Huệ ngậm ngùi:
   
- Văn Long là người hiếu nghĩa, thích ngao du sơn thủy xem nhẹ công danh. Nay vì chữ hiếu đành chôn chí tang bồng hồ thỉ, thật đáng tiếc thay.

Chợt nhớ ra điều gì Huệ hỏi:
   
- Từ Bồng Sơn vào đây sao tướng quân không đi đường đại lộ qua thành Quy Nhơn rồi theo hướng Tây Sơn Hạ vượt đèo Mang lên Tây Sơn Thượng mà lại theo đường núi cho lắm gian nguy đến thế?

Diệu đáp:
   
- Tôi vốn mộ quân lập căn cứ ở núi rừng phía Tây Bồng Sơn nên có quen biết với người Thượng. Họ có đường băng rừng từ Quảng Ngãi có thể vào đến Tây Sơn, có thể ra đến Quảng Nam, Thuận Hoá. Nên tôi mới đi trước dò đường vì khi đưa hai trăm quân vào đây không thể nào qua thành Quy Nhơn mà chẳng bị sự truy cản của quan quân.

Huệ mừng rỡ nói:
   
- Trời đưa tướng quân về với ta chính là trời giúp ta vậy.

Diệu nói:
   
- Tôi có tài cán gì mà chủ tướng quá khen thế.

Huệ chợt hỏi:

Không có tài cán gì mà tay không dám đánh nhau với cọp dữ? Nhưng tại sao tướng quân bị mất đao?

Diệu đáp:
   
- Tôi bị cọp vồ từ sau lưng, may mà tránh kịp, nhưng bị cọp tát văng mất đại đao.

Huệ trầm ngâm nói:
   
- Nếu ta có con đường thượng đạo ấy bất ngờ đánh vào sau lưng kẻ địch, ví như cọp vồ từ sau lưng tướng quân đó.

Diệu giật mình đứng dậy chắp tay.
   
- Lời Văn Long nói quả không sai, chủ tướng nhìn xa thấy rộng. Diệu tôi vô cùng bái phục.

Huệ nắm tay Diệu thân mật nói:
   
- Khi về tướng quân hãy vì tôi đem quân mở đường theo lối mòn của người Thượng từ Bồng Sơn vào đây rồi cùng hội quân ở Tây Sơn Thượng. Sau đó tôi sẽ cấp thêm quân lương cho tướng quân, cứ theo dãy núi Trường Sơn mở đường từ Nam ra Bắc, sau này đạo binh đi theo đường thượng đạo đánh vào sau lưng địch quân chính là của tướng quân đó. Bây giờ mời tướng quân hãy vào trong trướng nghỉ ngơi, ngày mai sẽ lên đường.

Diệu vâng lệnh lui ra.   
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2009, 05:43:38 pm gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM