Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 05:50:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 3  (Đọc 270384 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #70 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 04:30:44 pm »

Cuối tuần!
Logged

Nhật ký Viết lại
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #71 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 08:22:38 pm »

Cuối tuần!

@6971: Cám ơn bác cho tôi xem lại tờ lịch ngày hôm ấy, giờ mới nhớ hôm đó là thứ bẩy. Những ngày tháng ác liệt như thế khái niệm về thời gian đâu có nghĩa gì nếu như không có 1 cuốn lịch bỏ túi đánh dấu từng ngày (hiện đại hơn Robinson đánh dấu ngày tháng bằng cách khắc vào cây). Đêm ấy lúc lết về chốt c6 có những lúc pháo sáng của địch bớt đi thì cảm nhận được ánh trăng thượng tuần khi tỏ khi mờ trong khói bom đạn ngút trời.
 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #72 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 09:06:52 pm »

...A trưởng Thường bảo mình vận động tới gần tương cho nó 1 quả B40. Mình chạy theo các bụi chuối lúp xúp cao chưa quá đầu tới cách khoảng 40m, ngắm kĩ lắm, chẳng run gì cả nhưng bóp cò 2 lần không nổ. Mình bảo nhỏ: A.Thường ơi đạn lép (a.Thường xách AK chạy theo yểm hộ mình). Bố ấy bảo: mày đã mở khóa an toàn đ. đâu mà bắn được. Thế là hai anh em lại thay đổi vị trí và làm lại. Kết quả là khẩu đại liên đó câm tịt. Bọn Biệt động quân thấy lính mình giáng trả bằng B40 cũng chờn, không dám hung hăng nữa. Sau đó là củng cố chỗ ẩn nấp, đào được một đoạn hào nông choẹt và...chờ đợi trong căng thẳng. Ông Thường bảo mình đơn vị bị lạc mẹ nó rồi, chẳng liên lạc được với chỉ huy đại đội đâu, mấy anh em mình ở đây đợi tối thì tìm đường rút về cứ thôi...

@chienc3: Đó là Nguyễn Như Thường quê Quỳnh Phụ, Thái Bình, thuộc đợt quân Thái Bình bổ sung cho đơn vị mình giữa tháng 8/1972. Thường nhập ngũ cũng trước chúng ta khá lâu, nghe nói thuộc quân thu dung về đơn vị quân tăng cường của Thái Bình. Thường hy sinh 7/5/1975 khi c3 của ta trên đường rút từ SG về Long Thành, xe bị nổ tung và 28 người đã hy sinh trong tổng số 32 người. Mình vẫn nhớ Thường có mái tóc luôn chải lật về phía sau, nụ cười nhóng nhánh một chiếc răng vàng bên khóe môi.

Hôm ấy vào trận, cả đại đội ta chỉ có hơn chục tay súng biên chế thành 2 trung đội. Nếu mình không nhầm số lính cũ đã tham chiến có c trưởng Nghĩ, Thường, Phồm, Thu, Thuận và Thủy con liên lạc. Số còn lại là quân Nghệ An vào trước ta 1 ngày; nhóm SV ĐHXD có cậu, tớ và thằng Mẫn.

Chúng ta phải thừa nhận trận ấy chính những người lính cũ đó đã là chỗ dựa về tinh thần cho lính mới chúng ta rất nhiều. Mình cứ hình dung ra thằng Phồm, mỗi lần mình nhìn sang nó, miệng nó cắn chặt quai mũ tai bèo, hai tay hai quả lựu đạn, đầu gật gật động viên. Hành động của những người lính cũ ấy (chỉ vào trận trước chúng ta chừng 1 tháng) đã giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi lúc ban đầu để làm được những gì mà người lính buộc phải làm trong trận chiến đối đầu với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần.        
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #73 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 11:36:38 pm »

 Vào giờ này của ngày này 39 năm về trước:
    Sau một ngày chứng kiến pháo biển bắn vào trận địa, chỗ B1 của tôi chỉ hứng đạn M79 nhưng vì vướng cây và nhừng gì còn sót lại của căn nhà đổ, nên chỉ nghe tiếng nổ chát chúa của đạn M79, thỉnh thoảng nghe tiếng đại liên nổ ( chắc là chỗ C3 của bácc hiến C3), Tôi và Bùi Đăng Biên được giao khẩu B41, sáu quả đạn và hai quả mìn chống tăng, buổi sáng sau khi xem vết xích xe chúng tôi đã chôn hai quả mìn trên đường xe chạy. Trời tối mịt không khí xung quanh im ắng, không khí khét lẹt mùi bom đạn. Thỉnh thoảng nghe tiếng lính ngụy chửi lên bắt sống VC, nhưng chúng đâu có dám. Một lúc sau A trưởng Nghĩa thông báo, Ông Phương B trưởng đi rồi vì lĩnh tron một quả M79, khi đang thập thò quan sát, lòng tôi xe lại. Vì Phương là cán bộ khung của D56 F304B nhập vào cùng với D60 cùng vào chiến trường, trên đường hành quân Phương là A trưởng, Hiểu B trưởng, Liên B phó, sau khi vào đến Quảng Trị Btrưởng Hiểu quay lại ra Bắc ,Phương được đôn lên B phó, Liên B trưởng  nhưng trong trận bom B52 trước đó mấy ngày Liên bị dính thương, Phương được đôn lên Btrưởng.
Phương người Thái Nguyên rất gan dạ, khi vào Quảng Trị thường đi kiếm thức ăn về cho trung đội, bắn gà, chó, bò, tìm kiếm hoa quả, rau xanh như một người anh thực sự. Phương hy sinh là một tổn thất lớn cho C1.
      Sau một ngày căng thẳng chúng tôi phân công nhau gác để mọi người thay nhau nghỉ nhưng làm sao mà ngủ được vì sợ bị tập kích bất ngờ, tin tức về Đại đội chúng tôi không nắm được vì chúng tôi luồn sâu nhất, sát địch nhất nên tránh được thương vong do pháo, chỉ có mình Phương hy sinh còn anh, em trong B ( chủ yếu là SV ĐHXD) vẫn còn nguyên vẹn...
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #74 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2011, 02:41:18 am »




---
thaiminhung
"Vào giờ này của ngày này 39 năm về trước:
    Sau một ngày chứng kiến pháo biển bắn vào trận địa, ..."
---

Trở về sau một chuyến đi dài, lúi húi suốt một ngày bận rộn, hơn 3 giờ sáng tôi mới có dịp vào QS, chợt đọc thấy mấy chữ "giờ này ngày này ..." của bác TM Hùng bỗng sững người vì ngày 16/9.

Vẫn thật nhớ ngày đó với nhiều hình ảnh không phai nhòa lúc này đang hiện về cùng ký ức (không rõ vì sao trong gần hai tháng hè 72 với thị xã QT, tôi nhớ rõ và nhiều nhất hình ảnh ngày 16/9).

Sáng 16/9 chúng tôi ở Nhan Biều, vào quãng 11 giờ sáng có một trận đạn pháo dài gần hai tiếng đồng hồ vào làng, một trận pháo dài chưa bao giờ gặp, đủ các loại và rất nhiều pháo khoan. Hai tiếng trong hầm khi pháo khoan bắn dài làm sao.

Ngớt pháo một lúc thì có điện mặt trận xuống trinh sát qua sông điều tra để đêm dẫn bộ đội qua sông chiếm lại thị xã. Đã sẵn chỉ quần đùi lựu đạn đến bờ sông rồi thì C phó quyết định thôi. Một hình ảnh tôi còn nhớ rõ, là khi từ làng ra đến đường 1 bị một đợt pháo nhào xuống vệ đường rồi, xác một người lính đã hy sinh phải vài ngày trước đó nằm cách chưa đdầy hai mét. Vì nhiệm vụ hết pháo nhóm trinh sát phải đi ngay.

Có lẽ người lính ấy sẽ nằm mãi cùng một nấm mộ vô danh, trong bao nấm mộ vô danh Tanvinh mới viết về các NTLS ở QT.

Vậy là đã tròn 39 năm. Người chết đã nằm lại đâu đấy người sống cũng đã sống những ngày trở về dẫu không dễ dàng gì nhưng cũng đã vượt lên như những ngày còn ở lính. Không có điều kiện về lại QT, tôi thầm cảm ơn các bạn đã trở về tìm đồng đội trong nhiều năm qua, trở về QT thắp hương cho đồng đội những ngày không quên này.

Chúc các bạn những người lính còn lại sau ngày 16/9 này của 39 năm trước luôn nhiều sức khỏe và mọi sự tốt lành.

---
TANVINHprc25:
Chiến tranh đã lùi xa gần một thế hệ, lứa chúng ta lúc lên đường  ra trận những năm 71, 72 tuổi mới đôi mươi nay tóc đã bạc, hầu hết đã đi hết cuộc đời công cán, đã sang sườn dốc của cuộc đời.
Vết thương trên cơ thể bao đồng đội đã liền sẹo từ lâu. Hố bom, hầm hào nơi chiến địa một thời nay đến tìm mãi mới nhận ra vì đất đã lấp đầy, cỏ cây xanh tốt bao trùm theo thời gian. Cả một chiến trường Quảng Trị tan hoang, tiêu điều năm xưa nay đã xanh tươi, dòng Thạch Hãn nước trong xanh uốn lượn, ôm ấp những xóm làng yên ả, thanh bình xuôi về Cửa Việt. Những chuyến đò dọc từ Cam Lộ từ Triệu Phong xuôi ngược về bến Đông Hà nhộn nhịp. Những ngày tháng 9 này, trời trong xanh – một màu xanh Quảng Trị. Ngược lên Đường 9, xuôi về Ái Tử, sang Hải Lăng, vào Thành Cổ, ra dòng Thạch Hãn, xuôi về miền Đông, Cửa Việt, Cửa Tùng mà lòng ta bồi hồi nhớ về một thời hi sinh gian khổ. Mới đó mà đã 39 năm có lẻ.
---

Logged
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #75 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2011, 04:13:53 pm »

 
    NGÀY NÀY  39 năm trước  -     16/9/72  -
   
      Mờ sáng , chúng tôi nhận lệnh tăng cường cho bến vượt  Quảng tri . Từ làng NHAN BIỀU hành quân ra bến

   Nước sông mênh mông , ngập lên đường mòn dẫn vào làng .  Lõm bõm lội .... Pháo sáng bập bùng, pháo địch bắn nổ chát chúa  hai bên bờ sông
   LÍnh tứ dưới sông lên ướt sũng, hối hả ....... Chúng tôi không liên lạc được với  bến vượt . Nằm chờ liên lạc ......
   Đến gần sáng ,   có lệnh rút về tuyến 2  trong làng NHAN BIỀU , chờ lệnh chiến đấu .....
    Tiếp sau đó,  như tất cả CCB tham chiến đã biết.

    Nhớ lại và suy nghĩ về trận chiến 81 ngày đêm đó .
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #76 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2011, 12:02:26 am »

Hôm nay 17/9/2011, một ngày hết sức bận rộn định vào QS để kể tiếp cho các đồng đội nhưng, đến giờ này mới có thời giờ rảnh rỗi vì bận nhiều việc, theo đúng lich 17 h có mặt tại 19c Ngọc Hà để gặp nhau cuối tuần, rất đông anh em gặp nhau để giao lưu , sau một tuần mới gặp lại, nhiều câu chuyện để kể, để giao lưu có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu và thông cảm được, nhiều người còn góp ý sao bác mõ LXT không mang cờ ra đây? nhưng bác mõ nói ngay:" mang cờ ra đây để người ta bắt sang " Trâu Quỳ " à. Mọi người đều cười .
    Ngày này 39 năm về trước:
Sau một đêm căng thẳng và mệt mỏi khi trời gần sáng có tiếng dộng gần cửa hầm, một người trong hầm hô ai? bên ngoài hầm có tiếng hô em đây. người trong hầm hô "Bắc" người ngoài hầm hô " bình". Đúng mật khẩu rồi. Cậu liên lạc Đại đội, vào bảo:" các anh ơi lệnh cấp trên đề nghị các anh rút ra phía ngoài". Chúng tôi bừng tỉnh cả B đi theo cậu liên lạc rút ra phía ngoài. Lúc này trời vẫn còn mưa các giao thông hào, hầm đều ngập nước. Sau này chúng tôi mới biết đại đội đã hy sinh khá nhiều nên C trưởng quyết định rút B1 ra để chốt hướng chính. Lúc này trời mời mờ sáng chưa có tiếng súng hoặc pháo. Sau khi trời sáng hẳn , bắt đầu một đợt pháo kích mới , đầu tiên là pháo chơm, nổ trên cao các mảnh, đinh cắm phầm phập xuống mặt đất, sau đó là pháo phạt những mảnh pháo bay rào rào cưa đứt mọi vật trên mặt đât. Sau một hồi thấy im ắng, phía bên kia giao thông hào có tiếng người nói, mày lên quan sát đi xem bọn nó có lên không , hóa ra chúng tôi ở gần hầm của Hùng bồ, Hùng côn, hầm tôi có 3 người Tôi, Phạm Khang và Thể ( người Quảng Ninh), Nhưng chỉ im được khoảng 5 phút, chúng bắt đầu bắn pháo khoan. Căn hầm chao đảo nghiêng ngả như có động đất chỉ nghe tiếng huỳnh, huỵch . Sau một ngày mệt mỏi không hạt cơm, ngụm nước vào ngườ, tôi tranh thủ rút một thỏi lương khô đưa lên miệng, chưa kịp ăn thì một tiểng nổ ầm, mặt đất tung lên, nắp hầm bay mất nhín sang bên cạnh , thấy thể bay mất cái mũi, khang bị thương ở chân và tay, còn minh người không còn cảm giác gì nữa, thỏi lương khô bay mất , tay trái tê dại nhìn xuống thấy một vết sâu hắm trắng hếu không chảy máu, chúng tôi vọt ra khỏi hầm nhẩy lên mặt đất nhìn thấy một hầm khác tôi bèn nhầy vào. Trong hầm lúc này có Anh Thọ, Quyết, Chức. Anh Thọ nói ông này bị thương rồi các ông đưa sang hầm y tá đại đội để băng bó... Chức lên quan sát xem chúng nó có lên không .
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2011, 10:29:38 am gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #77 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2011, 11:25:03 am »

@CCBCS ĐHXD Hà Nội và các bác thành viên VHM: Hôm nay tôi nhận được Email của LXT chuyển tài liệu của Ban Liên lạc Trung đoàn 207 bao gồm:
1. Thư ngỏ
2. Mô hình Đài tưởng niệm các LS TĐ207 (mà phần lớn là SV Đại học XD Hà Nội hy sinh trong trận huyết chiến 03/10/1973 tại ấp Đá Biên...)
3. Bài viết của Nguyễn Hoài Nam: "Miếu Bắc bỏ và những thành hoàng đội mũ cối".
Thưa các bác, tôi vừa đọc vừa khóc. Hơn 200 con người hy sinh trong một trận đánh không cân sức , những cái xác dềnh lên, chìm xuống trong nước lũ đồng bằng sông Cửu long, những tiếng kêu than trong đêm vắng...
Tôi xin phép được chuyển tải lên diễn đàn này để các bác cùng đọc.

Thư ngỏ


BAN LIÊN LẠC BẠN CHIẾN ĐẤU       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
         Trung đoàn 207                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
               *****                                                ---------------------
TP Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 9 năm 2011
THƯ NGỎ
- Kính gửi: - Thày Tần – Phó Hiệu trưởng Trương DH Xây Dựng HN
- Đồng Kính gửi : Ban giám hiệu nhà trường
Ngày 03 tháng 10 năm 1973 Trung đoàn 207 được lệnh hành quân bí mật luồn
sâu xuống Đồng Tháp Mười (vùng 8 Kiến Tường cũ). Điểm xuất phát hành quân là
từ khu mỏ vẹt (biên giới Căm Pu Chia), vượt sông Vàm Cỏ Tây xuống đến ấp Đá
Biên xã Thạnh Phước huyện Mộc Hoá (cũ) nay là Huyện Thạnh Hoá tỉnh Long An.
Hành quân suốt đêm xuyên Đồng Tháp Mười, khi tới rạch Đá Biên thì trời sáng. Đơn
vị phải ém quân tại rừng tràm để nghỉ. Điểm dừng chân là một rừng tràm gió (tràm tự
mọc) thưa thớt không đủ khả năng che phủ. Anh em chiến sỹ phần lớn là tân binh
thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội, từ miền Bắc mới được bổ sung vào đơn vị
trước đó 02 ngày. Khi xuống chiến trường mới lạ không quen địa hình, chưa có kinh
nghiệm nên bị địch phát hiện. Lập tức chúng cho pháo bắn cấp tập và huy động trực
thăng đổ chụp quân xuống bao vây, tấn công. Đơn vị đã chiến đấu cảm tử, bắn cháy
01 máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch để mở đường máu đưa sở chỉ huy
Trung đoàn và số thưong binh ra khỏi vòng vây của địch. Tuy nhiên cuộc chiến đấu
bất ngờ, lực lượng không cân sức nên bộ phận cảm tử ở lại chiến đấu đến viên đạn
cuối cùng và đã anh dũng hy sinh hơn 200 đồng chí. Những ngày sau đó địch vẫn tiếp
tục lùng sục, phục kích không cho đơn vị lấy xác.
Khi địch rút, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho đại đội Trinh sát cùng với du kích địa
phương đêm đêm bơi xuồng kiếm tìm đồng đội. Trong 7 đêm chỉ thu gom được
khoảng 40 liệt sỹ. Do địa hình ngập nước không có đất chôn nên khi gặp hài cốt Liệt
sĩ anh em lấy mùng vớt lên, gói lại thả xuống nước buộc lại gốc tràm. Đơn vị lại tiếp
tục hành quân nhận nhiệm vụ mới.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, do yêu cầu mới nên Trung đoàn 207
chuyển một nửa sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế với tên mới là Đoàn 622. Bộ
phận còn lại cùng với đội hình Sư đoàn 8 tham gia bảo vệ biên giới tây nam và làm
Nghĩa vụ Quốc tế tại Cam Pu Chia. Sau đó, Quân khu 8 sát nhập vào Quân khu 9.
Tỉnh Kiến Tường nhập vào tỉnh Long An. Tỉnh Long an cắt về Quân khu 7. Cán bộ
thay đổi, một số cũ hy sinh. Hồ sơ báo tử bị thất lạc và sai tên đơn vị nên việc qui tập
gặp rất nhiều khó khăn.
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ Ban liên lạc trung đoàn 207 cùng
một số gia đình thân nhân liệt sỹ trở lại chiến trường xưa và thật bất ngờ biết được
những câu chuyện đau lòng về số liệt sỹ hy sinh sau gần 40 năm ở đây chưa được quy
tập hết.
Năm 1974 vùng đất này đã được giải phóng, nhân dân trở về khai hoang sản
xuất. Trong quá trình khai khẩn đất đai cô bác đã phát quang cây cỏ, đốt rừng làm
ruộng đã nhặt được rất nhiều súng đạn, ba lô, quân trang quân dụng (đã giao nộp cho
chính quyền) và đặc biệt là thu được rất nhiêu mảnh xương và hài cốt liệt sỹ. Những
năm sau đó số lượng người về khai hoang mỗi ngày một đông hơn thì số lượng hài
cốt được phát hiện nhiều hơn. Nhân dân tự chôn, có trường hợp chuyển về nghĩa
trang Tân Thạnh cũng có trường hợp gom lại đốt…
Năm 1992 (gần 20 năm sau) khi được tin báo của nhân dân ấp Đá Biên, phòng
lao động thương binh huyện Mộc Hoá do bà Phạm Thị Đấu làm trưởng phòng, đã cho
người về thu gom được một ít xương đem về nghĩa trang huyện Mộc Hoá xây mộ tập
thể. Số còn lại không thể tìm được vì bị vùi sâu xuống ruộng do máy cày, máy bừa
san lấp, mỗi năm nước lũ mang phù sa bồi đắp càng khó tìm hơn. Nhân dân địa
phương cho biết: hiện còn có 10 hài cốt nằm sâu dưới 2 đám tràm và cỏ mọc um tùm.
Để tỏ lòng tri ân các Liệt sĩ , nhân dân đã tự lập Miếu thờ và đặt tên Miếu thờ là
“Miếu Bắc Bỏ” (anh em bộ đội miền Bắc hy sinh bỏ xác tại đây). Hàng năm cứ đến
ngày 8/9 âm lịch (tức ngày anh em hy sinh) nhân dân cả vùng đến đây để làm đám
giỗ tập thể.
Gọi là miếu nhưng chỉ có vài viên gạch, nằm trong một túp lều lợp tôn, đơn sơ
giữa mênh mông sông nước kênh rạch hoang vu. Chính vì vậy nên Ban liên lạc quyết
định: XÂY DỰNG TẠI ĐÂY MỘT ĐỀN THỜ KHANG TRANG HƠN VỚI ĐẦY
ĐỦ DANH SÁCH CÁC LIỆT SĨ ĐÃ HY SINH NGÀY 03/10/1973 CHO XỨNG
ĐÁNG VỚI SỰ HY SINH OANH LIỆT CỦA CÁC LIỆT SĨ CŨNG NHƯ MONG
MỎI CỦA CÁC GIA ĐÌNH LIỆT SĨ VÀ NHÂN DÂN ẤP ĐÁ BIÊN LÂU NAY.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đồng thời khuyến khích và mở rộng phong
trào đền ơn đáp nghĩa, thể hiện tình cảm nguyện vọng của thân nhân gia đình liệt sỹ.
Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 207 kêu gọi các đồng đội thuộc Trung đoàn
207, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp kinh phí để Ban liên lạc thực
hiện được ý nguyện cao cả này.
Kính mong các các đồng chí và các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn.
Mọi thông tin xin liên hệ với đ/c Phan Xuân Thi - Văn phòng đại diện số 115/6
Phường Phước Bình Quận 9 TP HCM. Số điện thoại: 0988588168. Email:
phanxuanthinsnt@gmail.com .
Số tài khoản tiếp nhận tài trợ: Phạm Văn Thông , Ngân hàng MB - Phòng giao
dịch THỐNG NHẤT-tp HCM. Só tài khoản 1130100201008 .
Khi gửi tiền ủng hộ, các anh chị vui lòng thông báo cho ông Phạm Văn Thông, ĐT
0908314929 – hoặc email phamvanthong1154@gmail.com. Để ông Thông phản hồi
xác nhận là đã nhận được tiền hay chưa.
T/M Ban LL
Đại tá NGUYỄN TẤN DẪU
(Nguyên chính ủy trung đoàn 207 – QK8 (nay thuộc sư đoàn 8 – QK9)
(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2011, 03:00:03 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #78 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2011, 11:30:51 am »

Miếu Bắc bỏ và những ông "Thành hoàng" đội mũ cối.

(04/08/2011 22:02:40 PM) Ngồi giữa mênh mông rừng tràm, nghe những người nông dân chân chất nói chuyện mà tôi thấy lâng lâng trong lòng. Không hiểu có phải vì quá yêu quí các anh, tôn trọng sự hy sinh của các anh cho Tổ quốc mà nhân dân nói quá lên như vậy, hay vì sự hy sinh của các anh quá linh thiêng nên các anh đã được Trời đất phong Thánh.
Kính dâng hương hồn các Liệt sĩ Trung đoàn 207 khu 8 hy sinh ngày 3/10/1973 tại khu vực Đá Biên – Mộc Hóa – Kiến Tường nay là ấp Đá Biên – xã Thạnh phước – huyện Thạnh hóa – Tỉnh Long An.
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ, theo chân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Tế và đồng đội của Trung đoàn 207 đi tìm hài cốt Liệt sĩ, tôi vô tình biết được giữa mênh mông vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười  có một ấp không ai dám nói dối và có những “Ông thành hoàng” đội mũ cối…
 Nhân chứng sống
Ông Ba Thi (Phan Xuân Thi- nguyên là cán bộ Trinh sát Trung đoàn 207, Quân Khu 8 cũ ) nay là Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu và CCB Trung Đoàn đưa chúng tôi đi tìm lại chiến trường xưa nơi Trung đoàn 207 đã có một trận chiến  đấu oanh liệt kể lại: Tháng 10 năm 1973, đơn vị ông nhận nhiệm vụ bí mật luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười thuộc (vùng 8 Kiến Tường cũ). Đêm ngày 3 tháng 10, trung đoàn Triển khai đội hình hành quân từ mỏ vẹt (giáp biên giới Căm Pu Chia) bí mật vượt sông Vàm cỏ tây đến Ấp Đá Biên Huyện Mộc Hoá, nay thuộc Huyện Thạnh Hoá Tỉnh Long An  thì trời vừa sáng nên phải ém quân vào một rừng tràm để nghỉ.
 
CCB Ba Thi  trở về nơi mình đã chiến đấu và chứng kiến sự hy sinh của 200 người đồng đội năm ấy.
Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước, bộ đội mệt mỏi rã rời, rừng tràm nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Anh em phần lớn là tân binh mới nhập ngũ từ trường Đại học Xây Dựng Hà Nội  mới bổ sung về đơn vị trước đó 2 ngày chưa quen chiến trường đồng nước, chưa có kinh nghiệm chiến trường nên giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm nên bị máy bay trinh sát của địch phát hiện. Ngay lập tức chúng huy động 12 chiếc trực thăng bao vây  bắn xối xả xuống trận địa và ồ ạt đổ quân và xe tăng M113 ập vào hòng bắt sống sở chỉ huy Trung Đoàn. Trước tình thế hiểm nguy đơn vị đã nhanh chóng triển khai chiến đấu với tinh thần cảm tử,  bắn cháy 1 máy bay trực thăng tiêu diệt nhiều tên địch mở đường máu đưa được sở chỉ huy Trung đoàn thoát khỏi vòng vây của địch an toàn. Các chiến sỹ cảm tử quân (chủ yếu là tiểu đoàn 1) đã bám sát trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình phức tạp, bị tập kích bất ngờ, lực lượng chiến đấu không cân sức , anh em đã anh dũng hy sinh hơn 200 đồng chí..
Những ngày sau đó địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này nhằm tiêu diệt bất cứ mầm sống nào còn sót lại trên cánh đồng hoang vu mênh mông nước, chúng cho quân canh giữ không cho ta lấy tử sỹ. 12 ngày sau đại đội trinh sát cùng với lực lượng địa phương mới tổ chức được lực lượng đưa quân vào tìm đồng đội. Chỉ duy nhất 1 đồng chí cán bộ bị thương nặng,  được bà con cấp cứu thuốc men, giấu ngoài đồng hàng đêm đưa cơm ra nuôi sau này đưa về đơn vị chiến đấu (đồng chí này nay vẫn còn sống). Giữa cánh đồng xác các anh nổi lên đồng đội phải dùng màn để vớt vì cánh đồng ngập nước không có đất chôn nên các anh phải bó lại treo lên, hoặc cột chặt vào cây tràm để mùa khô đồng bào chôn giúp. Giao cho địa phương xong đơn vị lại tiếp tục hành quân vào trận chiến mới. Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi chiến tranh biên giới tây nam. Theo yêu cầu nhiệm vụ mới  Trung đoàn 207 giải thể, khu 8 sát nhập khu 9, Tỉnh Kiến Tường sát nhập vào Tỉnh Long An, Long An sát nhập vào Quân Khu 7 … Mới đó đây mà đã 38 năm…
Ngồi trước chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ bé đã ngoài 60 tuổi đó là bà Hai Đấu nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Kiến tường nguyên huyện ủy viên huyện Mộc hóa trưởng phòng TBXH huyện Mộc hóa. Khi chưa thành lập tỉnh Long An, chưa phân huyện thì vùng Thạnh hóa vẫn thuộc về Mộc hóa và chính bà đã phụ trách vùng này. Chúng tôi tìm đến nhà bà trong cơn mưa tầm tã. Biết chúng tôi đi tìm thân nhân liệt sỹ hy sinh trong trận rạch Đá Biên đêm ngày 3 tháng 10 năm 1973 bà cho biết chính bà đã cùng du kích nhiều đêm chèo xuồng tìm thương binh, liệt sĩ  hy sinh trong trận đó nhưng không gặp ai sống sót.
Sau này do công tác bà không có điều kiện để quay lại để tìm hài cốt các anh nhưng trong lòng vẫn đáu đáu nỗi đau. Đến năm 1992 khi về làm trưởng phòng TBXH huyện bà đã cùng 4 cán bộ đi xuồng về chiến trường cũ. Lúc này sau hòa bình nhân dân đã về vùng này khai hoang trồng lúa sống chung với lũ. Khi gặp hài cốt liệt sĩ phần thì không phân biệt được ai với ai, phần thì hài cốt thì nhiều  nên nhân dân đã chôn chung các anh với nhau. Khi đi quy tập bà đau lòng quá mà không biết làm sao nên đành đưa các anh về chôn chung thành ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Mộc hóa. Nói chuyện với chúng tôi mà nỗi đau xót còn hiện trên gương mặt bà, nước mắt bà chảy giữa cơn mưa tầm tã của vùng rốn lũ…
 

 Dừng chân tại đầu cầu 79, chúng tôi gửi xe để thuê ghe máy đi vào chiến trường cũ của Liệt sĩ. Trên cầu anh Ba Thi chỉ cho chúng tôi xa xa là rạch Đá Biên, nơi đơn vị hành quân về và bị tập kích bất ngờ. Nghe chúng tôi đi tìm ghe mà nói giọng Bắc người đàn ông địa phương hỏi ngay có phải chúng tôi tìm vào miếu Bắc bỏ không? Anh Ba Thi hỏi sao gọi là miếu Bắc bỏ?
Ông ta trả lời dân vùng này ai không biết miếu đó, đó là miếu dân địa phương tự lập ra thờ những người bộ đội miền Bắc chết bỏ xác tại đó nên có tên như vậy. Chúng tôi thuê ghe máy chạy chừng 3km tính từ chân cầu 79. Dòng kênh này năm 1979 mới đào nên có tên vậy. Đang chạy ngon trớn, chiếc ghe máy bỗng giảm tốc rồi rẽ sang bên phải, hai bên dòng kênh nhỏ dần, xung quanh tràm mọc san sát. Càng chạy tầm nhìn càng bị cản trở vì bây giờ chỉ còn tràm và tràm. Chạy khoảng 10 phút tài công cho ghe ghé vào một gò đất. Nền đất được đắp nổi xung quanh 4 bên là các dòng kênh. Trên nền là một chòi lợp tôn đơn sơ, giữa chòi là một tấm bia xây bằng gạch đỏ chẳng tô trát gì. Trên vách là lá cờ đỏ sao vàng. Bên dưới tấm bia là bát nhang và ly, dĩa. Trên nền xi măng là dòng chữ HY SINH GÌ (VÌ) TỔ QUỐC và ngày tháng lập bia. Nhìn cảnh tượng trên giữa mênh mông rừng tràm có lẽ kí ức xưa kia hiện vể anh Ba Thi gục đầu khóc nấc lên: các đồng chí ơi, đau xót quá 40 năm rồi vẫn cứ nằm đây chẳng ai quan tâm. Vừa khóc anh vừa đập đầu xuống nền đất làm cả đoàn không ai cầm được nước mắt, nhìn nhau ai cũng nước mắt rưng rưng  …
  
Thấy chúng tôi ghé lên miếu, vợ chồng anh chịTư Tờ - người đã hiến hơn 200m đất lập miếu và là “thủ từ” lâu nay cũng chạy ghe lại. Rồi chúng tôi cùng nhau sắp lễ dâng lên các anh. Đồ lễ thì thật đơn giản nhưng khi vợ Tư Tờ khấn: các ông ơi về nhận lễ này, đồng đội tới thăm đây, gia đình tới thăm này, có ai nhận ra thân nhân thì theo về chứ cứ than không biết đường về hoài thì anh Ba Thi lại òa lên khóc. Có lẽ trận chiến với hơn 200 đồng đội hy sinh vẫn là nỗi đau trong lòng không thể nguôi ngoai của người cựu chiến binh này…
Sau khi thắp nhang cho các anh xong chúng tôi hỏi anhTư Tờ về hoàn cảnh lập miếu, Tư Tờ nói: thôi các anh đã tới đây thì ghé nhà tôi nói chuyện, sẵn tôi làm bữa cơm mời mấy ảnh liệt sỹ cùng về uống rượu luôn. Nói xong hai vợ chồng Tư Tờ thắp nhang khấn: sẵn có đồng đội tới thăm tôi làm mâm cơm, có chén rượu các anh ghé nhà tôi luôn nha. Nghe Tư Tờ nói khơi khơi vậy mà thái độ chân thành làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên.
 
Năm 1974, sau khi vùng này hòa bình, Tư Tờ cùng gia đình về sống lại tại vùng này. Lúc đó còn nhỏ, Tư Tờ thích nón cối nên chống xuồng đi tìm đồ của bộ đội. Không ít lần đi tìm, Tư Tờ gặp phải hài cốt Liệt sĩ, khi ít xương, lúc cái sọ. Còn nhỏ quá nên Tư Tờ cũng chỉ biết bỏ chạy khi gặp cảnh đó. Theo Tư Tờ hài cốt còn nhiều lắm. Sau năm 1975, hòa bình lập lại dân ngày càng về sống tại đó đông hơn. Rồi người ta đốn tràm làm ruộng, lúc cày ruộng gặp rất nhiều hài cốt bộ đội dân chỉ biết gom lại chôn chung.
Cũng có người như ông H. gom xương lại đốt nên bị hành điên dại mấy năm trời. Rồi chuyện các anh về báo mộng … Có gia đình bà B. đêm đêm nghe tiếng gọi: “Ông bà ơi có gì cho con ăn với, con đói lắm, con lạnh lắm, con còn nằm trên cây”/ Sáng ngày tỉnh mộng bà và gia đình ra tìm thì quả thật trên ngọn tràm vẫn còn gói hài cốt. Bản thân nhà Tư Tờ thì gặp hoài, lâu lâu các anh lại “nhập” vào cô con gái rồi than là đói, lạnh và không nhớ đường về quê. Có lúc nhậu chưa hết chai mang cất các anh lại “giận” nói rằng đông vậy uống chưa ”đã” mà mang cất là sao…
 
Rồi cô con gái bệnh, mang chữa hết viện nọ viện kia mà không hết, bí quá về khấn các anh thì quả nhiên con hết bệnh…Cứ vậy, người này đồn người kia, ai cũng nói các anh chết trẻ và chết vì Tổ quốc nên linh thiêng lắm nên Tư Tờ tự xây miếu để thờ. Lần thứ nhất che tạm bằng lá rồi có người cho tôn che tạm. Lần thứ hai mua gạch về xây thì các anh “bảo” nhỏ quá ở không đủ lại đập đi mua gạch xây lại lần ba cho tới giờ. Tôi nhìn nhà Tư Tờ,  cả nhà “không có cục gạch chọi chim” vì động cơ gì mà người đàn ông này 3 lần dựng miếu thờ Liệt sĩ? Tư Tờ cười hồn nhiên: không phải riêng nhà tôi, cả khu này nhân dân thờ các ảnh như “thần hoàng”. Hằng năm cứ ngày các ảnh hy sinh (mồng 8 tháng 9 âm lịch) là nhân dân cả vùng ghé về. Có gì cúng nấy. Ai có cá, ai có gà, vịt có rượu thì tự mang tới. Trước là cúng các ảnh sau là xin các ảnh phù hộ cho làm ăn may mắn, không có bệnh tật. Rồi ở lại tự “hưởng lộc”, đàn ca cho các ảnh nghe thâu đêm. Vui lắm!!!
Và đặc biệt theo Tư Tờ, dân vùng này không biết nói dối. Trước đây ai mới tới mà không biết, lỡ nói dối nói trá, các ảnh “hành” cho hư máy móc hoặc bệnh tật. Dân ở đó nếu có gì chỉ cần thề “nếu nói sai lính bắt” là ai nấy đều sợ. Lâu dần thành quen nên dân ở đây sống thật bụng, không dám dối trá. Và không ai bảo ai, tự mọi người coi các anh là những ông thành hoàng luôn bảo vệ cuộc sống nhân dân vùng này.
Ngồi giữa mênh mông rừng tràm, nghe những người nông dân chân chất nói chuyện mà tôi thấy lâng lâng trong lòng. Không hiểu có phải vì quá yêu quí các anh, tôn trọng sự hy sinh của các anh cho Tổ quốc mà nhân dân nói quá lên như vậy, hay vì sự hy sinh của các anh quá linh thiêng nên các anh đã được Trời đất phong Thánh. Những vị Thánh rời bỏ bút nghiên, Hy sinh tuổi thanh xuân cho quê hương mãi được bình yên. Và dù các anh đã được qui tập về nghĩa trang hay vẫn còn nằm đâu đó trên cánh rừng tràm thì với Nhân dân vùng ấp Đá Biên Xã Thạnh Phước Huyện Thạnh Hoá, với chúng tôi, các anh vẫn là những “Ông thành hoàng” - Những “Ông thành hoàng đội mũ cối” đã mang lại bình yên, hạnh phúc cho quê hương.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa rừng tràm mênh mông bát ngát, nhìn ánh mắt rạng rỡ của những người nông dân vùng đồng thàp mười với những mùa lúa bội thu, ngoài những giọt mồ hôi của nông dân hôm nay còn có máu xưongcủa biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ công ơn của các Anh.
          Rời miếu Bắc bỏ tôi và anh Ba Thy nắm chặt tay nhau, chúng tôi đã hứa sẽ làm tất cả để xây dựng lại nơi đây một miếu thờ đàng hoàng hơn, ấm cúng hơn để Các Anh lấy chỗ đi về, gặp gỡ nhau. Dù các gia đình có tìm được hay không tìm được thì Các Anh biết rằng bây giờ và mãi mãi chúng tôi và hậu thế vẫn nhớ và kính trọng Các Anh. Sự Hy sinh của Các Anh hơn 200 cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 1 và 3 Trung đoàn 207 thật cao cả và anh hùng. Các Anh đã nằm xuống cho quê hương mãi mãi thanh bình.
                                                            Ấp đá Biên – Tp. HCM, tháng 7 năm 2011
                                                                             Nguyễn Hoài Nam
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2011, 12:36:36 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #79 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2011, 11:46:13 am »

@CCBCS ĐHXD Hà Nội: vậy là cho tới nay Trường ĐHXD Hà Nội có tới 3 ngày "Trường tang"
- Ngày 12/9/1972: Ngày ĐQ Mỹ ném bom xuống Trường tại Hương Canh, giết chết 7 giáo viên BM Mác-Lê Nin của Trường và bạn Lê Kim Yến là sinh viên K15TL-Cảng đang nằm điều trị tại Bệnh xá của Trường.
- Ngày 16/9/1972: cũng là ngày tang chung của rất nhiều SV và CS tại khu vực Thành Cổ QT.
- Ngày 03/10/1973: Ngày hy sinh chung của trên 200 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 207 mà phần lớn là SV ĐHXD Hà Nội.
Riêng về cái ngày đau thương 03/10/1973 này cho tới nay tôi và chắc rằng nhiều bạn trong chúng ta mới được biết. Tại sao lại như vậy???
Nhân danh cá nhân tôi khẩn thiết đề nghị:
- Phải xác định danh tính cho các anh. Việc này Lãnh đạo Trường ĐHXD Hà Nội cần phải có tiếng nói của mình vì Nhà trường chính là nơi quản lý cuối cùng của số SV này trước khi nhập ngũ.
- Những ai đã từng tham gia còn sống sót sau trận đánh hoặc biết thông tin về trận đánh đẫm máu đó xin hãy lên tiếng. Phải coi đây là yêu cầu khẩn thiết của lương tâm mỗi người. Không thể kéo dài sự im lặng thêm nữa. 38 năm là quá dài.
Thưa các bạn tôi xin dừng lời vì thực tình cổ tôi đang nghẹn lại. Nghĩ thương các bạn xấu số phần nhiều. Cả trách những người thiếu trách nhiệm (có thể là cả thiếu lương tâm nữa).
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2011, 02:58:52 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM