Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: Giangtvx trong 20 Tháng Mười Hai, 2019, 03:35:16 pm



Tiêu đề: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 20 Tháng Mười Hai, 2019, 03:35:16 pm
     
        - Tên sách : Sám hối Hiroshima (Avoir Détruit Hiroshima — Offlimits fur das Gewissen)

        - Tác giả : Claude Eatherly và Gunther Anders
                        Lê-Cao-Phan dịch

        - Nhà xuất bản Minh-Đức

        - Năm xuất bản : 1973

        - Số hóa : Giangtvx

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23091;image)


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Mười Hai, 2019, 09:24:55 pm
         
       (Thư ngỏ gửi nữ Bác-sĩ Marie losèphe Bonnet)

        Chị Bonnet thân mến,

        Tôi còn nhớ trong chuyến bay trên vòm trời Việt-Nam khói lửa năm nào, khi tôi trao cho Chị mượn đọc cuốn AVOIR DÉTRƯIT HIROSHIMA, thoạt nhìn bìa sách, Chị đã bất giác thổt ra câu : « Vụ Hiroshima và Nagasaki ? Kinh khủng thật!» Và tôi có tỏ bày cùng Chị ý định dịch cuốn sách này ra tiếng Việt-Nam để cống hiến thêm một tài liệu về vụ án nguyên từ tày trời ấy cho đồng bào tôi, nhất là để những giới hữu trách bên này cũng như bên kia lẳn mức phân ranh dân tộc tôi lưu ý hơn nữa đến vấn đề lương tâm nhân loại. Ý định trên đã được Chị nhiệt liệt tán đồng.

        Bộ y phục phụ nữ Việt-Nam Chị mặc hôm đó đã làm cho Chị càng thêm vẻ duyên dáng thùy mị và càng gần gũi nhân dân Việt-Nam chúng tôi hơn nữa. Chị lại càng gần gũi thêm khi tôi liên tưởng đến hình ảnh của một nữ bác sĩ giải phẫu tây phương có kinh nghiệm, trẻ tuổi và giàu nhiệt tâm, ngày đêm lặng lẽ giúp giới y sĩ Việt-Nam hàn gắn vết thương cho những con người Việt-Nam đang khốn đốn vì bom đạn suốt một phần tư thế kỷ này.

        Và nay bản địch mang tên SÁM HỐI HIROSHIMA sắp được chuyền đến hầu Chị bằng đường bưu điện, cũng như mùa Thu năm 1970 ấy AVOIR DÉTRUIT HIROSHIMA đã được trả lại tôi bằng đường bưu điện, vì chúng ta đã rủi ro không được gặp nhau lần cuối trước khi Chị lên đường trở về Pháp.

        Trước khi đọc lại Avoir Détruit Hiroshima bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, xin Chị vui lòng dành cho tôi mối hân hạnh được gửi đến Chị những giòng thư ngỏ thay lời phi lộ cho bản dịch này. Quả vậy, niềm thông cảm hồn nhiên — dù đang ở buổi sơ giao — giữa Chị, một y sĩ Thiên-Chúa giáo dịu hiền, giàu tình nhân loại, và tôi, một tín đồ Phật-giáo làm nghề dạy học kiêm văn nghệ sĩ đang đau niềm đau Việt-Nam và nhân loại, chính ra đã thúc đẩy tôi có cử chỉ đường đột này. 


        Chị Bonnet thân mến.

        Tôi đang cố quên đi hình ảnh của những đoàn quân viễn chinh Nhật-Bản với chương trình Đại-Đông-Á của họ trên quê hương tôi vào những năm 1943-45 ; tôi đang cố quên đi những hành động dã man của chiến binh Nhật hung hãn đeo kiếm dài lê thê, nhét những dân Việt-Nam có tội chống lại họ (!) vào bụng ngựa Mông-cổ rồi khâu lại và đem chôn...

        Hẳn Chị cũng như tôi, chúng ta có thừa sáng suốt để phân biệt những kẻ quân phiệt, thực dân của một nước với đại đa số quần chúng thuần lương, hiếu hòa và giàu tình nhân loại của chính nước ấy. Vậy thì tại sao trên nửa triệu dân Nhật-Bản ở Hiroshima và Nagasaki lại không thể là đại đa số quần chúng nói trên ?

        Vào hồi 08 giờ 17 phút ngày 6 tháng 8 năm 1945, thứ vũ khí mới lạ ấy từ cao độ 7.000m rơi xuống thành phố Hiroshima. Rồi một khối lửa đường kính 500m, mà người Nhật gọi là «Mặt trời Tử thần», đã tỏa ra một sức nóng khoảng 2 triệu độ bách phân, tương đương với 100 triệu tấn than hồng, làm mù mắt hẳn những ai nhìn thẳng vào nó dù ở cách xa hơn 10 km. Trong khắc đồng hồ đầu tiên, nó đã đốt tan thành khói bụi 17.000 người dân Hiroshima. Họ chưa kịp hoảng sợ thì đã đi về bên kia thế giới mà không để lại một dấu tích nào ! Sau đó, trong phạm vi một đường kính 3.000m, mọi người và vật đều bắt lửa cháy thành than. Những kẻ sống sót đều bị nhiễm chất phóng xạ, phỏng nặng, mắc chứng nôn mửa, tháo dạ, rụng tóc, suy giảm huyết cầu trầm trọng và xuất huyết nội tạng bắt nguồn từ trong cốt tủy, để rồi phải chết sau đó vài ba tuần lễ.

        Nếu tôi không nhầm thì hơn một phần ba trong số gồm 200 đồng nghiệp Nhật-Bản của Chị tại Hiroshima đã chết hoặc mất tích vì đại họa ấy. Và cao đẹp thay, một số bác sĩ khác còn lại vẫn quên mình, thản nhiên săn sóc các nạn nhân đồng bào của họ, trong khi chính họ tự biết mình cũng đã bị nhiễm độc và có the tiến dần đến cõi chết.

        Tổng kết riêng tại Hiroshima, quả bom nguyên tử đã giết 120.000 người trong số 220.000 nạn nhân, với sức công phá tương đương với 15.000 quả bom 250kg loại thường.

        Thiếu tá phi công Hoa-kỳ Claude Eatherly đã bị lương tâm dày xéo và đã có những hành động sám hối chân thành đến nỗi ông đã bị đối xử như một người điên. Bấy nhiêu chỉ vì Eatherly đã tham gia chuyến công tác lịch sử gây ra hỏa ngục kinh hoàng mà không hề được biết trước. Thế nhưng, có một điều an ủi lớn là ông đã tìm được nơi triết gia người Áo, Gunther Anders, một bạn tri kỷ cao niên đã giúp ông gióng lên tiếng chuông báo động về mối đại họa của vũ khí nguyên tử.

        Hiện nay người ta vẫn còn nói đến viễn tượng của một vực sâu nguyên tử, vẫn còn có những vụ chống đối các cuộc thí nghiệm nguyên tử, vẫn còn có những cuộc hội nghị quốc tế kiểm soát và hạn chế vũ khí hạch tâm, mà những ai đang chủ trương sản xuất đều tuyên bố rằng đấy chỉ là những vũ khí cảnh bị, tự vệ và... bảo vệ hòa bình.

        Riêng tại Việt-Nam, trong khi chiến tranh thảm khốc đang kéo dài, đã có lẫn tôi thấy đính chính tin đồn rằng một loại bom nguyên tử cỡ nhỏ có thể được dùng để... chóng kết thúc cuộc chiến !

        Mặc dù vụ án Hiroshima đã lùi dần vào dĩ vãng, mặc dù ngày 14-12-1946 đại hội đồng Liên-Hiệp-Quổc đã quyết định loại bỏ bom nguyên tử ra ngoài vòng pháp luật, nhưng « cây nấm khồng lồ » của 27 năm về trước nay vẫn còn in đậm dấu tích-trên thân thể tật nguyền của vô số dân Hiroshima và Nagasaki. Và nguyên tử năng — mà người ta mệnh danh là « nguyên tử năng phụng sự hòa bình » — vẫn có thề là « lưỡi gươm Damoclès » luyện bằng Uranium, Thorium, hoặc bằng hóa chất Hydrogène-Hélium và gì gì nữa, đang treo lủng lẳng trên đỉnh đầu của chúng ta, ngày nào trên quả đất này vấn đề lương tâm nhân loại chưa được đặt lại một cách nghiêm chỉnh hơn, ngày nào còn có những lực lượng đối nghịch tranh giành nhau ngôi vị bá chủ chỉ vì những quyền lợi phe phái hay một tinh thần quốc gia mù quáng và tuyệt đối.

        Biết bao giờ con người có được một vốn liếng tinh thần khả dĩ tự kiểm soát được chính mình, để hận thù, bạo lực và ích kỷ không còn chế ngự con tim nhân loại ?


        Chị Bonnet thân mến,

        Hẳn Chị thừa hiểu rằng chỉ vì những mối lo sợ đó mà bản dịch « SÁM HỐI HIROSHIMA» này đang tìm cách đến tận tay đồng bào tôi, nhất là thế hệ trẻ Việt-Nam đang lên và hằng làm cho tôỉ vô cùng tin tưởng ; và đến tận tay những ai thông hiểu ít nhiều tiếng Việt-Nam, trong số này tôi rất vui mừng đã tìm thấy có Chị, Nữ Bác-Sĩ M. J. Bonnet.

Viết tại Saigon,                                      
 tháng 10 năm 1972,                                  
vào những ngày Hòa Bình Việt-Nam được nói đến nhiều nhất
Dịch giả : LÊ-CAO-PHAN                                 


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:25:10 pm
       
TỰA

        Trường hợp CLAUDE không chỉ là dẫn chứng khủng khiếp của một bất công đang kéo dài đối với một cá nhân : trường hợp Claude Eatherly còn là điển hình của sự điên khùng thời đại, điên khùng có thể dẫn ngay đến tự vẫn. Những độc giả không thiên vị, khi đọc thư từ của hẳn sẽ không hoài nghi tình trạng thần kinh rất bình thường của viên phi công này. Riêng phần tôi, tôi vẫn thấy khó tin rằng những bác sĩ trước kia đã phán quyết tình trạng loạn thần của Eatherly có thể cầm chắc rằng họ đã kết luận chính xác. Eatherly chỉ bị lương tàm cắn rứt vì đã tham gia — cho dù chỉ giữ một vai tuồng tương đối phụ thuộc — vào một hành động tự do thảm sát tập thể. Có thể rằng những vận động ông nhằm thuyết phục nhân loại về điên rồ này chưa mang lại nhiều kết quả. Thế nhưng, những động lực thúc đẩy ông hành động rất đáng được những ai còn chút lương tâm nhân loại thán phục. Có điều là nếu trước đây thế giới sẵn sàng tuyên dương công trạng ông tham gia vụ tàn sát, thì ngay khi ông tỏ ra hối tiếc về hành động của ông, thế giới lại quay mũi dùi trở ông, cho rằng cử chỉ ăn năn của Eatherly chỉ là một sự ý buộc tội.Tôi thành thực mong rằng sau khi trường hợp Eatherly được phổ biến các nhà hữu trách chuyên môn sẽ có những nhận xét ve sự vật chính xác hơn, ngõ hầu giải oan cho phi công này.

BERTRAND RUSSELL        

KHI NHỮNG PHẠM NHÂN TRỞ THÀNH NẠN NHÂN

I

        Các chuyên gia Âu-châu, từ 1945, đã từng tốn nhiều giấy mực để mô tả tác dụng của vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, trong khu rừng sách vở dày cộm này vẫn không khỏi còn có một sự thiếu sót. Bởi vì, dù thực ra các chuyên gia đã quan sát tỉ mỉ các lưu tích điêu tàn và hàng vạn người sống sót sau cuộc ném bom, nhưng họ vẫn quên một yếu tố quan trọng : đó là bản thân của chính họ.

        Như vây, họ đã không nhận chân nguyên động lực có tính cách chung quyết sau đây : bom nguyên tử tác hại cho ngay cả những ai sử dụng nó, và ngay cả những ai có dự tính sử dụng nó. Phản hưởng của những phương tiện phá hoại đại qui mô này không có tính cách vật chất, nhưng thuộc địa hạt tinh thần và tâm lý. Bởi vì năng lực phá hoại của các vũ khí nguyên tử — lớn lao hơn bao giờ hết trong các cuộc chiến tranh vừa qua — đang đè nặng lên chính những ai sử dụng hoặc đang định sử dụng chúng : ảnh hưởng tinh thần của vũ khí nguyên tử tác động mạnh trên lương tri và vô thức của họ.

        Trường hợp Eatherly, lần đầu tiên, đã cho chúng ta nhận thức phản hưởng của các vũ khí mới. Chúng ta đang thấy một người, thay vì lẩn tránh sự hãi hùng thảm khốc trong đó đương sự có phần trách nhiệm, hoặc tự khép mình trong tư thái dồn ép, đã nhận chân tội lỗi của mình và gióng lên tiếng chuông báo động trong khi những kẻ khác nhẫn nhục giữ yên lặng. Sự rối loạn và bất bình của Eatherly, đối với các thế hệ tương lai, sẽ là một thái độ bình thường, bình thường hơn cả thái độ của những đồng bào của ông nói riêng, và của những người đương thời vời ông, nói chung.

        Đáng lẽ chúng ta phải cùng thông cảm nỗi đau khổ của Eatherly và nói lêu nỗi đau khổ ấy ; đáng lẽ chúng ta phải vận dụng tất cả mãnh lực của lương tâm và lý trí để chống lại sự xuất hiện của những gì phi nhân và phản nhân loại trên quả đất này.

        Nhưng khốn nỗi chúng ta đã yên lặng trong tư thái bình tĩnh, chúng ta đã giữ vẻ mặt « chán chường ».

        Sự bình yên của chúng ta thực ra chỉ có vẻ bên ngoài. Quả vậy, chúng ta không thể nào chịu đựng nổi sự thử thách tâm lý của những vũ khí tối tân. Dưới sức tác xạ của chúng, những căn bản sinh tồn của chúng ta về luân lý lẫn chính trị đều phải sụp đổ. Giữa những gì chúng ta muốn bảo vệ và những phương tiện dùng để bảo vệ, sự cách biệt ngày càng tăng trưởng. Hậu quả của sự tăng trưởng ấy chính là tình trạng căng thẳng tinh thần thường xuyên và sự xuất hiện của những bệnh thần kinh tập thể đang ngày càng tác hại nhiều cho nhân loại.

        Nếu Hoa-kỳ là quốc gia đầu tiên đã mang những quái vật phá hoại này lên sân khấu thế giới, và đã không ngần ngại tăng gia mức độ phá hoại của chúng, mặc dù Nhật-bản đã vang lên tiếng kêu thảm thiết, thì chính Hoa-kỳ lại là quốc gia đầu tiên thu lãnh phản hưởng tâm lý của bom nguyên tử. Nếu so sánh với trường hợp Hoa-kỳ thì trường hợp Eatherly còn quả đơn giản. Điểm cốt yếu của tấn bi kịch, theo nghĩa chinh của nó, không phải là nỗi đau khổ của phi công Hoa- kỳ, mà chính là sự sai lầm nguy hại của những đồng bào ông và quốc gia ông. Để thoát khỏi sự kinh hãi, họ đã gieo cho thế giới mối kinh hãi nguyên tử ; để mang hạnh phúc và tự do cho từng cá nhân, họ tưởng cần phải đe dọa giết hại hàng triệu sinh linh.

        Thêm vào «trường hợp Hoa-kỳ» đã có những trường hợp Nga-sô, Anh, Pháp, Đức, và mai kia chúng ta sẽ còn có những « trường hợp Thụy-điển », Thụy-sĩ, Do- thái, Trung-hoa. Bất cứ một quốc gia nào có ý định dùng thử vũ khí mới — thứ vũ khí có mãnh lực triệt hạ mọi giá trị và quyền lợi — để bảo vệ những giá trị và quyền lợi của chính mình, tất sẽ không thoát khỏi sự thử thách tâm lý do công trình chuẩn bị một cuộc sát hại như vậy gây nên.

        Mặc dù chưa được sử dụng, những vũ khí nguyên tử đang được lưu trữ, do sự hiện hữu của chúng mà thôi, đã quay mũi dùi trở lại những ai đã chủ xướng ra chúng, chúng đánh tan hẳn ý thức dân chủ vì bao nhiêu quyền quyết định tối thượng đều đặt trong tay một thiểu số, chúng làm cho những kẻ có trách vụ bảo vệ quốc gia mất hết nhân tính, vì lẽ họ phải luôn luôn sẵn sàng đánh xả láng. Chúng làm tiêu tán nơi công dân của những nước sử dụng chúng tất cả niềm tin sâu đậm vào thiên khiếu nhân đạo và luân lý.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:30:51 pm

II

        Khi nhìn chân dung của thanh niên Claude Robert Eatherly, phi công tình nguyện của thế chiến trước, ta thấy đó là điển hình của một khuôn mặt trẻ Hoa-kỳ nhẵn nhụi (clean cut boy) (1), không in lấy một vết hẳn thời cuộc, mà là phản ảnh của những anh hùng tiểu thuyết, với đầy đủ đức tính cương nghị, quả cảm và trong sạch.

        Hàng nghìn thanh niên như vậy đã tòng quân để bảo vệ những gì gọi là « sĩ diện và dân chủ » (decency and democracy) chống lại « sự dã man của ý thức quốc gia xã hội ». Sinh viên Eatherly, khi rời ghế nhà trường tại Texas để nhập ngũ, có quyền tin tưởng rằng người ta có thể cầm súng để bảo vệ tự do và nhân loại.

        Do đó lập trường của thanh niên này đã được khẳng định và càng thêm vững chãi, đối với mọi chiến tranh, ngay cả những cuộc chiến có vẻ hợp chính nghĩa. Bởi vì giữa sự tình nguyện đầu quân của người thanh niên thuở ấy và tư tưởng hiếu hòa của một kẻ đang bị an trí ngày nay, còn có kinh nghiệm của sự tàn phá nguyên tử. Quả nhiên, Ealherly đã vô tình dự phần tích cực vào cuộc tàn phá nguyên tử mà không ý thức rõ rệt vai tuồng mình đã được giao phó.

        Người ta kể lại rằng sau vụ Hiroshima động trời ấy, thiếu tá Eatherly không nói chuyện với các bạn hữu của ông nữa. Tình trạng này không làm cho ai lo ngại trong thời gian người phi công, được lừng danh một cách đau khổ, đang đợi lệnh giải ngũ tại Tinian.

        Người ta gọi đó là tình trạng « chiến sĩ thấm mệt » (battle fatigue) của bất cứ quân nhân nào ; và chính Eatherly, vào năm 1943, đã từng bị suy nhược tinh thần sau 13 tháng hoạt động tuần thám tại Nam Thái-Bình-Dương.

        Mười lăm ngày tĩnh dưỡng tại một bệnh viện ở Nữu-Ước hồi đó đã mang lại thăng bằng cho ông. Quả vậy, các chiến sĩ Thái- Bình-Dương đã xác nhận sự thăng bằng ấy qua những lời đùa giỡn, văng tục, những mẫu chuyện chiến tranh của ông trong khi chơi bài với anh em.

        Cũng vào thời kỳ dó, có tin đồn khắp thế giới rằng một trong những phi công ném bom Hiroshima đã vào sám hối trong một nhà tu kín. Và đấy chỉ là một huyền thoại, vì thực ra, thiếu-tá L. mà tên tuổi đã được công bố, đã nhận chức giám đốc một hãng kẹo sô-cô-la. Tiếng đồn đại có vẻ « chính xác hơn cả sự thật» vì làm cho thiên hạ chú ý đến một cử chỉ ân hận mà mọi người đang chờ đợi.

        Trong những kẻ có tham gia cuộc ném bom nguyên tử, Eatherly là người duy nhất đã không chịu để thiên hạ hoan nghênh như một anh hùng chiến thắng trong mấy tháng hậu chiến. Những người đồng xử của ông tại thành phố Alstyne nhỏ bé thông cảm thái độ của ông : họ không cho ông là « điên » và cũng chẳng bảo ông « lập dị ».

        Bởi vì vào thời ấy chưa có một hố chia rẽ nào ngăn cách « người công dân Mỹ tốt» với đồng bào của họ. Sự kinh hoàng do đại họa bom nguyên tử gây nên chưa bị xem là một « trạng thái hèn yếu » : người ta vẫn chưa ngán những kẻ buộc tội bom nguyên tử. Hồi đó rất nhiều người liên hệ đã nhận chân sự lầm lỗi và tỏ ra ân hận. Dư luận quần chúng đồng một loạt lên tiếng tẩy chay vũ khí nguyên tử, nhiều đoàn thể chính trị đề nghị Mỹ quốc bỏ việc nắm độc quyền nguyên tử — dù là ngắn hạn — và trao những bí mật về sáng chế loại vũ khí siêu nguyên tử cho các quốc gia đồng minh trong Liên-hiệp-quốc. Thế nhưng nhóm thiểu số chủ trương rằng Mỹ phải nắm độc quyền nguyên tử năng này — bị cô lập lúc ban đầu — về sau thắng thế, nhờ chỗ Nga sô bác bỏ những đề nghị thuộc chương trình kiểm soát nguyên tử do Mỹ đưa ra một cách miễn cưỡng. Hồi đó là « chiến tranh lạnh », là « cuộc thi đua võ trang nguyên tử ». Trong khi con số khổng lồ những nạn nhân Hiroshima đã làm cho thế giới vô cùng xúc động trong trận thế chiến trước, người ta lại hoan hỷ nuôi viễn ảnh của những con số nạn nhân nguyên tử gấp mười gấp trăm lần lớn hơn ! Một đơn vị đo lường mới đã xuất hiện: đấy là danh từ « megadeath » đê chỉ một triệu nạn nhân chết vì một vụ nổ bom nguyên tử. Con số này được dùng trong tất cả những bài tính thuộc « chính sách can gián ». Nếu một cá nhân riêng lẻ nào đó dám nuôi hoài bão « megadeath » này, tất hắn sẽ bị xem là loạn óc ngay, và sẽ bị giam cầm như một kẻ nguy hiểm !

        Nhưng nếu là trường hợp của những bộ tham mưu hay những chính phủ, vấn đề lại khác hẳn. Các cơ cấu chấp hành của xã hội loài người có quyền thảo ra những kế hoạch điên khùng và chuyển sang những công trình chuẩn bị cụ thể trước sự hoan hô của một phần dư luận quần chúng. Thí dụ một công dân vốn hiền lương, bỗng nhận thấy nơi người láng giềng nhất cử nhất động đều có hậu ý sát nhân, bèn dựng chướng ngại vật quanh nhà mình, rút lui vào ngọn tháp tự vệ, và buông màn bí mật bao trùm cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không khỏi cho rằng người công dân này mắc bệnh cuồng sảng và sẽ khuyên đương sự vào y viện thần kinh. Đối với một đại cường quốc thì không thế. Vì mọi cử chỉ tự vệ như trên sẽ được xem như là « thông minh và thực tiễn ».

        Bom nguyên tử không ngờ đã trở gậy đánh vào lưng những ai làm chủ nó : việc nắm giữ những phương tiện bí hiểm không giúp các cường quốc trở nên khôn khéo và khiêm tốn. mà trái lại chỉ làm cho họ kiêu căng và khắc nghiệt.

----------------
        1. Những từ ngữ hoặc cầu Anh văn trong bản dịch này đều sao y bản Pháp văn. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:32:01 pm
 
III

        Ngày mai — nếu chúng ta có viễn ảnh một « ngày mai » — tòa án Lịch sử sẽ xử tội những kẻ chủ xướng vũ khí nguyên tử và những tên toán học ngồi tính ra sự ám sát tập thể này, chẳng khác gì hiện nay chúng ta đang xử tội Hitler với những chủ thuyết cuồng trí của hẳn. Thế nhưng xử tội như vậy sẽ quá muộn, vì không thể nào làm sống lại những nạn nhân của sự điên rồ hiện nay. Trước khi hàng loạt đô thị và thôn quê bị tiêu tan vì một con toán nhầm lẫn của chánh sách đe dọa, trước khi quả đất biến thành nghĩa địa, — hoặc giả, lạc quan hơn (!) một trại khổng lồ nuôi những bệnh nhân nan y — chúng ta cần phải giải thích cho những kẻ đang nắm giữ bom nguyên tử rằng bom nguyên tử đang làm cho chính họ trở nên cuồng trí. Căn bệnh càng tệ hại thê thảm hơn nữa khi các bệnh nhân ăn nói và hành động có vẻ như những kẻ hoàn toàn lành mạnh và đầy đủ lý trí, xử sự với một ý thức trách nhiệm cao.

        Thử hỏi, chúng là — những công dân thường hôm nay nhưng sẽ là nạn nhân ngày mai — có thể làm được gì để ngăn cản các «nhà toán học của tử thần» khỏi gieo mối đại họa nguyên tử lên đầu chúng ta ? Thiếu tá Êatherly đã thử trả lời câu hỏi quyết định trốn đây, một câu hỏi đặt ra cho tất cả những ai sống sót sau đệ nhị thế chiến. Những sáng kiến đầu tiên của cựu phi công này đã tỏ ra chưa được thích đáng và nhất là vô hiệu. Thoạt tiên, ông dùng biện pháp di cư : một thời gian sau 1917, kinh hoàng trước những biến chuyển chính trị Hoa-kỳ, ông đã lìa bỏ quê hương. Sau đó, ông lại trở về và cố gắng, cũng như mọi người chung quanh ông, tìm sự nguôi quên, làm ăn và cố chú tâm vào các sinh hoạt hàng ngày. Ông kiếm được việc tại một hãng dầu ở Houston, hàng ngày đều đặn đến sở làm, lại học thêm các lớp tối và đạt đến chức vụ « giám đốc mãi dịch ».

        Năm 1943, Eatherly lập gia đình với một nữ nghệ sĩ trẻ tuổi, Concetta Margetti, bạn quen của ông thời còn đi học tại Californie. Trong 7 năm đầu hôn phối, họa hoằn mỗi năm họ sống chung được vài hôm, thỉnh thoảng may lắm là vài tuần lễ. Cuối cùng họ tiến đến một cuộc sống gần như bình thường bên cạnh con cái họ trong một ngôi nhà có vườn, nghĩa là với hoài bão tìm « hạnh phúc tổ ấm ».

        Nhưng khốn nỗi đấy chỉ là bức tranh sinh hoạt ban ngày, vì về đêm viên cựu phi công này vẫn còn bị những hình ảnh kinh hoàng và nhũng giấc mơ hãi hùng ảm ảnh. Lúc đầu tình trạng chưa đến nỗi bi đát lắm, Eatherly còn tìm được quên lãng bằng vài cốc rượu, (drinks) bằng thuốc an thần. Nhưng về sau những phương thuốc này đều hóa ra vô hiệu và ông tưởng cứ phải thấy lại trong giấc mơ bàng hoàng nét mặt nhăn nhỏ rùng rợn của các nạn nhân địa ngục Hiroshima.

        Cũng vào thời kỳ đó, Eatherly bắt đầu bỏ những tiền giấy vào phong bì gửi đến Hiroshima, và gửi sang Nhật những bức thư thổ lộ tâm tình, vừa tự kết án mình vừa xin thứ lỗi. Thế nhưng «phương thuốc» này cũng chẳng làm ông khuây khỏa hơn những phương thuốc khác. Bởi vậy, vào năm 1950 — năm mà tổng thống Truman tuyên bố rằng Hoa-Kỳ sẽ sản xuất những bom mạnh hơn nữa, tức là loại « bom khinh khí » — Eatherly đã toan tự vẫn bằng thuốc ngủ tại một phòng khách sạn ở New Orleans.

        Sau khi được cứu sống và lưu lại bệnh viện trong hai hôm, ông được chuyên đến tĩnh dưõng hơn sáu tuần lễ tại y viện thần kinh Waco, nơi chuyên chữa trị cho những quân nhân mắc chứng loạn óc. Sau đó Eatherly xuất viện, mặc dù tình trạng của ông chưa hẳn đã khả quan hơn.

        Ông bèn tự chữa trị bằng cách ngưng công việc văn phòng và chuyển sang những hoạt động lao lực tại các mỏ dầu lửa của hãng ông. Nhờ những công việc tay chân này, giấc ngủ của ông được yên tĩnh trong một thời gian. Nhưng rồi khúc phim quá khứ vẫn tái diễn trong trí óc, và Eatherly lại bóp trán suy nghĩ phải làm gì để ngăn ngừa một trận chiến tranh nguyên tử khác.

        Ông vạch ra một kế hoạch kỳ dị: để chống lại khuynh hướng quân phiệt của Hoa-Kỳ biểu lộ qua việc bầu cử một tướng lãnh của thế chiến trước làm tổng thống, Eatherly tìm cách làm lung lạc sự tôn thờ thần tượng anh hùng quốc gia, thứ anh hùng chiến trận khoác đủ loại huy chương tài đức. Thần tượng mà ông sẽ lột mặt nạ không ai khác hơn là chính bản thân ông, « người hùng Hiroshima », thiếu tá Claude Robert Eatherly...  kể ra vô nghĩa. Thế rồi tòa án chấp cung lấy lệ theo thủ tực, hỏi vài câu bâng quơ, kết án 9 tháng tù... Để tòa còn xử vụ khác...

        Cựu thiếu tá phi công Eatherly — vì ổng chính là nạn nhân kể trên — không hề có dịp mở lời để tự biện hộ. Lẽ ra ông có thể giải thích rằng ông đã gửi tấm chi phiếu cho một viện mồ côi đang chăm sóc những nạn nhân vụ ném bom Hiroshima ; lẽ ra ông có thể nhắc lại tình trạng quân vụ, trưng ra những chiến công hiển hách của ông. Nhưng ông chẳng được nói gì cả. Bộ máy tư pháp làm việc theo dây chuyền, trường hợp Eatherly không đáng để tòa ngừng lại lâu hơn...

        Một thời gian sau, ông được ân xá và phỏng thích nhờ hạnh kiêm tốt. Rồi lại một mưu toan khác tại Dallas : cướp giựt có vũ khí. Nhưng kẻ cướp kỳ dị đã không lấy đi một cọng rác nào ! Trạng sư biện hộ cho Eatherly tuyên bố thân chủ ông vô trách nhiệm ; tòa án miễn tố và Eatherly được đưa đến chữa trị tại một dưỡng trí viện. Bốn tháng sống tại Waco. Lần này người ta nhận ra rằng thiếu tả Eatherly là một « phế nhân tâm linh » và còn trợ cấp cho ông mỗi tháng một trăm ba mươi hai Mỹ kim, về sau khoản trợ cấp này được tăng gấp đôi.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Mười Hai, 2019, 08:33:39 pm

        Người ta không tố cáo Eatherly là một phạm nhân đại hình, điều mà chính ông ao ước, người ta không chịu trừng phạt Eatherly « để làm phúc cho chính ông », vì lẽ ra sự trừng phạt đã giúp được ông chuộc tội mình. Mặt khác người ta lại không thể nào chữa cho ông khỏi bệnh. Trong sáu tháng, Eatherly đi công tác di chuyển cho một hãng sản xuất máy may. Lại toan tự tử lần nữa. Vợ ông can thiệp kịp khi ông đang cắt mạch máu ở cườm tay. Nàng đòi ly dị nếu Eatherly không chịu kiếm bác sĩ chữa trị bệnh thần kinh. Và một lần nữa ông đến gõ cửa y viện Waco. Bác sĩ Me Elroy, giám đốc y viện, định bệnh của Eatherly như sau : « Cá tính bị suy nhược trầm trọng. Bệnh nhân mất hẳn liên lạc với thực tế. Lo âu, căng thẳng tinh thần, phản ứng giác quân tê nhụt, ảo giác. Người ta giải thích sự cắn rứt lương tâm của Eatherly bẵng vài định nghĩa bệnh lý học ; người ta dùng danh từ « cơ năng tình cảm suy giảm » để chỉ sự dễ cảm của ông, một sự bén nhạy làm ông khác hẳn nhiều đồng bào vô tư của ông. Người ta định dùng phương thuốc tụy linh (insuline) để làm dứt những ấn tượng hãi hùng nơi Eathcrly.

        Mỗi tuần lễ bốn năm lần, Eatherly phải chịu chữa trị như vậy để tập quên. Sáu tháng sau, người ta cho rằng một phần những kỷ niệm xấu xa của ông đã dược xóa mờ. Người cựu phi công lại cùng vợ về sống tại thành phố dầu lửa Beaumont, cùng đau khổ ôn lại bao nhiêu thử thách đã làm rời rạc đời sống vợ chồng của họ. Concetta Margetti khởi sự xin sống ly thân, và ít lâu sau nàng xin ly dị. Eatherly không được tiếp xúc với con cái, nhưng Concetta từ khước mọi trợ cấp. Chiều theo ý vợ, ông không thăm viếng con, nhưng vẫn tiếp tục chu cấp hằng tháng cho con học tập.

        Trong thời gian 5 năm, từ 1954 đến 1959, đời sống bị quả bom nguyên tử xáo trộn ấy đã kẻo dài qua sự đều đặn nhàm chán của những tòa án và y viện thần kinh. Những hành động phiến loạn, tấn công thu ngân viên nhưng không giựt tiền, trộm tại các nhà bưu điện... rồi những chuỗi ngày vào bệnh viện chữa trị... Nhưng không một phương  sách trị liệu tâm linh nào, không một vị « thuốc an thần » nào có thể bồi dưỡng sức khỏe cho một người — vì thực ra tâm linh của Eatherly vẫn minh mẫn — rất khó thích nghi với một xã hội bệnh hoạn. Bởi vì vào năm 1945 Eatherly đã đánh mất « chiếc áo giáp » vốn là một thứ võ trang tinh thần giúp những người đồng thời với ông, mệnh danh là « những người bình thường, vô bệnh » có thể sống yên lành giữa những ấn tượng Auschwitz1, Hiroshima và viễn ảnh tàn khốc tày trời của cuộc chiến tới.

        Dù sao chăng nữa, thiếu tá Eatherly có thể tự hào đã thành công ở một địa hạt nhất định : ông đã làm cho dư luận chú ý đến « trường hợp » của ông. Thực ra, dư luận chưa phản ứng đúng hẳn theo ý hướng mà « viên phi công Hiroshima hóa điên » đã ước tính. Eatherly muốn giày xẻo, làm đau đớn những  kẻ đương thời với ông, nhưng ông chỉ mới làm cho họ cảm kích, động lòng thôi. Thay vì làm mất uy thế của cánh quân đội do chiến tranh tạo nên và đang ngồi vững như bàn thạch ở tòa Bạch-ốc, vụ Eatherly, trái lại. còn bị bộ Quốc-phòng lợi dụng để quảng cáo cho bộ này. Vì hồi đó người ta chỉ được biết rằng Không-lực đã phải can thiệp nhiều lần với các tòa án để Eatherly khỏi bị cầm tù mà chỉ bị cấm túc trong những y viện thần kinh. Nhà cầm quyền quân sự muốn nhân vụ này tự gây cho mình chút tiếng tăm nhân đạo. Và trường hợp Eatherly gây được dư âm gì ? Rất nhiều tò mò, và chút ít thương hại, thế thôi.

        Nhưng mùa xuân năm 1959, triết gia Gunther Anders, người Vienne, biết đến số phận của Eatherly qua một tờ tạp chỉ (News magazine) Mỹ. Nhà đại học giả uyên thâm với bộ óc khác thường này bèn chụp lấy « trường hợp Eatherly » ; bởi vì ông nhận chân được tính cách quan trọng hàng đầu của vụ Eatherly đối với sự biến chuyển của thời đại chúng ta, trong lúc những kẻ khác chỉ cho đấy là một « giai thoại» đáng chú ý bên lề Lịch sử.

        Sự trao đồi thư từ giữa « nhà trí thức » và « kẻ phạm tội » tiếp diễn sau khi hai người bắt được liên lạc với nhau, đã cung cấp cho chúng ta một giải đáp cho câu hỏi đầy thắc mắc : « Làm sao đây? » Giải đáp này sẽ chẳng thấu đáo gì, nhưng nó sẽ là một đóng góp quan trọng vào công trình cứu chữa một xã hội bệnh hoạn, bởi vì nó chẩn mạch cho thấy rõ sự điên cuồng nguyên tử trong lúc xã hội, trái lại, cho là «lề phải ».

        Nhưng tác dụng cảm động nhất của sự trao đổi thư từ này là sự lành bệnh tuần tự của Eatherly mà độc giả sẽ có dịp theo dõi qua các giai đoạn. Mọi liều thuốc cũng như mọi chuyên gia về bệnh tâm linh đều đã thất bại. Nhưng một bộ óc sáng suốt, một người bạn giàu thiện cảm và nhân ái đã mang lại bình thản nội tâm và nguồn hy vọng nơi một con người bị tòa án lương tâm dày xéo.

-------------------
        1. Auschwitz: một thành phố tại Ba-Lan nơi có một trại an trí của Bức. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:17:05 pm

        Tuy nhiên, nhà triết học đã không giúp gì được cho người môn đệ mà ông bảo trợ, khi đương sư đã đầy đủ ý thức về bạn thân, về phận sự mình, và muốn tìm lại tự do, làm lại cuộc đời. Nhà hữu trách cứ lặp đi lặp lại rằng Eatherly không bị cấm túc tại quân y viện Waco, mà là một bệnh nhân tự do. Tuy nhiêu vẫn không chịu để cho Eatherly xuất viện, cho đến một ngày kia, vi quá phẫn uất, Ealherly phải bỏ trốn. Đúng vào lúc Eatherly vừa thôi là một kẻ phản nghịch hơi loạn óc, vào lúc ông chuẩn bị, với tư thế con người tự do và làm chủ tư tưởng của minh, hiến dâng quãng đời còn lại cho cuộc tranh đấu chống vũ khí nguyên tử, người ta lại bắt giữ ông chẳng khác nào một tên tù khổ sai vượt ngục, rồi tuyên án phạt ông cấm lúc tại quàn y viện thần kinh Waco. Phiên tòa không hề có một chuyên gia độc lập nào được mời đến giám định, mà chỉ có một quân y sĩ về bệnh thần kinh tham dự.

        Để có thế có một ý niệm về quân y viện Waco, ta hãy đọc đoạn phóng sự sau đây của ký giả Ray Bell đăng trên một tờ nhật báo địa phương, tờ Waco News Tribune:

        « Bệnh viện cựu quân nhân Waco gồm nhiều nhà lầu hai tầng. Gần đầy Eatherly được di chuyển đến « phòng giam số 10». Đây là khu nhữug người loạn óc. Phần lớn các bệnh nhân ở đây không biết ngay cả tên của chính họ. Eatherly thì tuyên bố : « Chỉ có y tá là những người tôi có thể nói chuyện».

        « Ông dậy sớm, nhưng chẳng ai giao ông làm việc gì cả. Chỉ được thấy y sĩ vào những chuyến thăm bệnh thường lệ. Về thuốc men, ông chỉ lãnh hai viên « therazine ». Trong phòng giam của Eatherly có khoảng ba mươi bệnh nhân. Không khí phòng giam làm ông chán nản vì không cho ông tự do viết lách, công việc mà ông thích nhất. Trong thời gian này, Eatherly còn bị cấm ngay cả đi lễ nhà thờ, mặc dù giáo đường tọa lạc hẳn trong khuôn viên của y viện... »

        Thái độ của Eatherly như thế nào — một Eatherly bị giam chung với những bệnh nhân hung bạo (violent cases) — khi trường hợp của ông được đưa ra phiên tòa đại hình vào tháng giêng 1961 ? Cũng nhà báo Mỹ nói trên, khi viết thiên phỏng sự cho một tờ báo Pháp, đã mô tả phiên tòa như sau :

        « Eatherly đã tỏ là người xử thế khéo léo... thỉnh thoảng ông cười khi người biện hộ cho ông đưa ra một luận cứ có tính cách khích động,(chẳng hạn,khi một trong những y sĩ nhân chứng trình tòa rằng Eatherly có đánh máy một bảng câu hỏi soạn trước, Eatherly nói khẽ vào tai nhân chứng rằng chính mình chưa bao giờ biết đánh máy chữ). Khi tòa hỏi, ông trả lời bằng những câu hỏi thẳng thắn và trực tiếp, thường là theo kiểu quân sự : Thưa ngài, có, thưa ngài, không ạ. » Eatherly tỏ vẻ bất bình khi trạng sư Don Hall của bên phía thỉnh nguyện (chính John, anh của Eatherly, đã yêu cầu phòng thỉnh nguyện của Không- lực giam ông) hỏi ông những câu về xuất xứ những tiền bạc của ông. Trạng sư Hall tỏ ra có nhiều ác ý nêu Eatherly trả lời: « ông có cách kiếm tiến của ông, và tôi có cách của tôi ! » Dù cáu tiết, Eatherly vẫn giữ được bình tĩnh. Ông ta có vẻ thản nhiên, đầy tự chủ và chín chắn chẳng kém một người bình thường nào. Lẽ dĩ nhiên lời phán quyết của các quan tòa  đã làm ông thất vọng, nhưng nhìn ông chẳng có vẻ nào muốn bỏ cuộc. Eatherly chỉ tuyên bố bấy nhiêu lời : «Được thì ra sự việc là như vậy đấy ».

        Trong một bức thư kèm theo thiên phóng sự dài về vụ án này, viên bỉnh bủt của nhật báo địa phương, khi đề cập «bệnh nhân » bị giam tại khu dành cho những trường hợp trầm trọng, có nhận xét : « Eatherly hẳn là người thông minh nhất trong phòng xử án ».

        Trong khi đó, tờ nhật báo nơi người phỏng viên trung trực Ray Bell có chân biên tập lại cho đăng một bài phóng sự khác về phiên tòa nói trên, do một cộng sự viên khác viết, với những lời kết luận hoàn toàn mâu thuẫn với bài của Ray Bell. Bài phóng sự sau khốn nỗi lại ăn khớp với luận cứ của đa số báo chí Hoa-Kỳ, nghĩa là phi công Eatherly bị suy nhược tinh thần và bị giam cầm hợp lý.

        Bởi vì chúng ta đang ở vào thời đại mà kẻ có thiện chí bị xem là khờ khạo, kẻ trung trực bị xem là ngu muội, lòng thương hại chỉ là một nhược điểm, và chỉ những người khùng mới giàu lòng nhân ái ! Trên lý thuyết nền đạo đức vẫn có giá, nhưng trong thực tế của đời sống hằng ngày, thiên hạ cho đấy là trò cười. Những người bị chẽ riễu, lừa bịp sẽ không cần phản ứng nữa vì phản ứng cũng bằng thừa. Tuy nhiên, ít ra họ cũng được giác ngộ và quyết không để bị chơi xấu nữa. Kẻ nào nói chuyện luân lý với họ sẽ không khỏi bị xem là nói khoác, dạo đức giả, lạc hậu ! Bởi vì những kẻ hoài nghi, vô liêm sỉ vẫn thản nhiên tự cho mình là « thực tế », lầm tưởng rằng họ đã hiểu rõ chiếu bạc và hăng hái nhập cuộc, cho dù họ chỉ là những «thẻ đồi tiền » dùng cho người khác ăn thua. Trách nhiệm lại còn nặng nề hơn nữa đối với những kẻ không biết « lố bịch Don Quichotte »1 là gì.

        Sự giúp đỡ tinh thần mà Gunther Anders dành cho người bạn Mỹ không hề quen biết, đối với tôi có vẻ thật gương mẫu. Nó chứng minh rằng những ai có ý thức trách nhiệm không thể đầu hàng và cũng không thể nhẫn nhục chịu đựng. Trái lại, họ phải là phát ngôn viên cho các nạn nhân : có như vậy mới gọi là làm tròn trách vụ.

        Hành động như vậy không có nghĩa — như nhiều người vổ đoán — là gieo rắc mầm tan rã cho xã hội, mà trái lại còn giúp xã hội nhận thức được những sai lầm của mình.

        « Trường hợp Eatherly » điển hình đơn giản cho câu chuyện cổ điền — nhưng vẫn hợp với mọi thời đại — của « kẻ trung thần đã trót mù quáng phục vụ cho một lý tưởng thiêng liêng », rồi sau đó dám đi ngược chiều quần chúng, tố cáo những kẻ có thế lực của thế giới và nền đạo đức đang lung lay của họ. Trường hợp Ealherly thường là dấu hiệu cho sự xuất hiện của những bộ luật mới...

ROBERT JUNGK       

----------------
        1. Don Quicholle là nhân vật chính trong cuốn chuyện hài hước Tây-Ban-Nha « Don Quijote » của Miguel Cervantes (1517—1616) — Vì quá say mê những chuyện võ hiệp kỳ tình, Don Ọuichotte đã trở thành một hiệp sĩ loạn óc đi lang thang làm trò cười cho thiên hạ. (Chú Illicit của dịch giả bản Việt văn).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:19:14 pm
     
THƯ SỐ 1


        Gửi ông Claude r. Eatherly, cựu thiếu tá không lực y viện cựu quân nhân waco, texas,

        Ngày 3 tháng 6 năm 1959.

        Ông Eatherly thân mến,

        Hẳn ông không biết người viết những giòng này là ai. Trái lại, tôi cũng như các bạn tôi đều biết ông. Dù ở Nữu-Ước, Vienne, hay Đông-Kinh, chúng tôi đều đang say sưa theo dõi cuộc tranh đấu của ông chống lại một nghịch cảnh. Chúng tôi không tò mò và cũng chẳng phải những lợi ích « y học » hay « tàm lý » trong trường hợp của ông đã thúc đẩy chúng tôi. Vì chúng tôi đâu phải là những y sĩ hay tâm lý gia ? Trong sự khoắc khoải và kinh hoàng, chúng tôi cố gắng phân tích những vấn đề tinh thần, đạo đức đang trỗi dậy trên con đường chúng ta đi. Sự cơ khí hóa đời sống, sự ràng buộc chúng ta, chẳng khác gì một bánh xe guồng máy, vào những diễn tiến của một công tác mà chúng ta không thể tiên đoán hiệu lực — hoặc giả nếu tiên đoán được thì chúng ta đã không tán thành — tệ trạng đó đã đặt chúng ta vào một hoàn cảnh tinh thần đạo đức mới. Sự cơ khí hỏa đã có hiệu lực làm cho chúng ta trở thành những «phạm nhân hàm oan », là điều không hề xảy ra vào thời đại ông cha chúng ta, những người chưa biết đến những tiến bộ của nền kỹ thuật tân kỳ.

        Nói vậy tất ông đã biết ngay vấn đề này liên quan đến ông như thế nào. ông là nạn nhân đầu tiên vướng vào hình thức « phạm tội » mới này. Số phận của ông ngày nay, ngày mai có thế là số phận của mọi người. Vì lẽ ấy, ông đang giữ vai tuồng của một dẫn chứng, của một kẻ tiền phong.

        Có lẽ ông đang bực mình đến cực độ vì vai tuồng này. Ông thích sống yên thân, «your life is your busines», đời ông là việc riêng của ông. ông hãy tin rằng chúng tôi cũng như ông, ghét thậm tệ cái thói xen vào việc người, do đó, xin ông vui lòng tha lỗi chúng tôi về sự vận động thiếu kín đáo này. Thế nhưng, trong trường hợp này và bởi những lý do vừa trình bày trên đây, điều không đẹp ấy quả thật khó tránh, trái lại còn là một điều cần thiết nữa là khác. Vì thực ra cuộc đời của ông đã trả thành mối bận tâm « của chúng tôi ». Một khi ông, Claude Eatherly, một cá nhân thường, đã « ngẫu nhiên » (hoặc giả dùng một danh từ nào khác để chỉ tình trạng này cũng thế) tượng trưng cho tương lai, tất ông không thể từ khước để chúng tôi được xen vào việc của ông. Nếu ông bị bắt buộc phải giữ vai tuồng tượng trưng này, thay vì một trong vô số những kẻ đồng thời với ông, thì đấy không phải lỗi của chúng tôi; nhưng khốn nỗi sự kiện đã hiển nhiên sờ sờ ra đấy.

        Tuy nhiên, xin ông chớ lầm tưởng rằng ông đang đơn độc chịu đựng mà không có người cùng cảnh ngộ. Bởi vì định mệnh bắt buộc chúng ta sống vào thời đại này, và bắt tất cả chúng ta đặt giả thiết mỗi người đều có thể phạm tội như ông. Chúng tôi có bao giờ chọn để ra đời vào thời đại khốn khổ này, và ông cũng vậy, ông có bao giờ tự chọn lấy vai tuồng oái oăm hiện tại ? Theo ý hướng này, ông và chúng tôi là những người «đồng hội  đồ thuyền » — (in the same boat), nói theo ngôn ngữ của ông, — chúng ta là con cả cha chung. Vì cùng chung định mệnh, chúng tôi có những liên hệ với ông. Chúng tôi chủ tâm đến nỗi đau khổ của ông chẳng khác nào những anh chị em ruột thịt; chúng tôi nói chuyện với ông như với một người anh em đã khổ tâm vướng vào một việc mà một ngày kia mỗi chúng tôi có thể bị ép buộc phải làm. Những người anh em này hy vọng một ngày kia không bị bất hạnh dồn vào một thế ác liệt tương tự, cũng như ông hiện nay, đang tìm cách thoát ly —  một cách tuyệt vọng — khỏi sự bất hạnh của những ngày qua. Nhưng đấy là chuyện đã rồi. Cơ cấu của những mệnh lệnh được ban bố và truyền đi thật quả ư hoàn thiện, và hồi đó, khốn nỗi ông còn trẻ, chẳng hay biết gì. Bởi vậy, ông đã « làm» việc ấy. Vì ông đã « làm » nên chúng tôi sẽ nhờ đến ông — nhờ ông mà thôi — để tìm biết vận mệnh của chúng tôi nếu chúng tôi đã, hoặc sẽ phải ở vào địa vị của ông. Hẳn ông đã ý thức vai tuồng quan trọng của ông đối với chúng tôi. Chúng tôi rất cần ông, ông chẳng khác nào là « môn sư » của chúng tôi.

        Chắc rằng ông sẽ từ khước chức vị này. Ông sẽ nóỉ : « Gì cũng được, ngoại trừ điều đó», bởi vì ông sẽ không quyết định gì được về số phận của ông.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:20:18 pm

        Vậy thì ông sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng chính sự bất lực của ông trong vụ gỡ rối này là một điều rất quan trọng đối với chúng tôi. Những khó khăn của ông an ủi chúng tôi đấy. Thoại tiên, sự quả quyết này có vẻ vô nghĩa. Tôi xin giải thích thêm :

        Tỏi không nói rằng ở đây có vấn đề an ủi ông. Tôi chẳng bao giờ có ý định an ủi ông, vì người an ủi chỉ biết nói : « Không đến nỗi gì đâu », hắn cố gắng giảm thiểu mọi khổ đau và lỗi lầm, dùng lời nói để thủ tiêu sự thật. Chính các y sĩ của ông có khuynh hưởng hành động như vậy. Điều này rất dễ, vì họ là những quân nhân, và đã là quân nhân thì họ dại gì rước vạ vào mình bằng cách bài bác, kết tội một hành động quân sự mà thiên hạ xem như một chiến công hiển hách ? Họ còn không có quyền nghĩ đến sự bài bác nữa là khác. Họ có bồn phận phải xem như hợp pháp một hành động mà ông đã cảm thấy một cách chi lý là một lỗi lầm đạo đức. Bởi vây, các y sĩ của ông đã nói với ông : « Hiroshima itself is not enough to explain your behaviour », câu này có nghĩa đơn giản là : «Hiroshima đến nỗi trầm trọng lắm »! Thế rồi họ chỉ bình phẩm cách thức phản ứng của ông, thay vì chỉ trích ngay hành động ném bom (hoặc chỉ trích cái xã hội trong đó một hành động như vây có thể được nhận thức). Họ phải xem những nỗi đau khổ và sự chờ đợi hình phạt của ông như là một « chứng bệnh » (mặc cảm phạm tội thông thường — classical guilt complex) : họ phải nói đến hành động của ông như một điều sai quấy tưởng tượng (self imagined wrong). Chúng ta không thể ngạc nhiên được, khi những người vì nặng óc thủ cựu, vì thiếu hẳn tinh thần độc lập, đã xóa trắng hành động tội lỗi của ông, đã gán nhãn hiệu « bệnh hoạn » cho những đau khổ của ông. Chúng ta cũng không thể ngạc nhiên được khi những kẻ đã dựa trên những nguyên tắc dối trá như vậy, dù cố gắng bao nhiêu vẫn không thể chữa ông khỏi bệnh. Tôi có thể tưởng tượng được — xin ông vui lòng đính chính nếu tôi nói quá lời — ông hoài nghi biết bao nhiêu khi ông phải tiếp xúc những kẻ biết xét đến tình trạng của ông thay vì chỉ xét đến hành động của ông. Vả lại, đối với họ Hiroshima chỉ là kết quả của sự tưởng tượng của ông mà thôi (self imagined). Phần ông, tất ông tự biết mình nhiều hơn họ. Không phải để đùa dai mà những tiếng kêu than của các thương nhân vang dội mãi trong tai ông, mà những bóng ma chập chờn ảm ảnh mãi giấc ngủ của ông ! Ông biết rõ những gì đã xảy ra — biết rõ chứ không phải tưởng tượng, ông không chấp nhận một sự đánh tráo nào, ông từ khước những lối « an ủi » ấy.

        Vì vây, trên kia tôi đã nói đây là mối bận tâm « của chúng tôi ». Chính mối ray rứt dằng dai của ông đã an ủi chúng tôi, vì điều đó chửng tỏ rằng sau vụ ném bom ông đã cố gắng tìm hiểu hành động của mình có tầm quan trọng nào, tầm quan trọng mà trước kia ông chưa nhận thức được. Và cho dù thất bại, những toan tính của ông chứng tỏ rằng ông đã giữ được lương tri luôn luôn thức tỉnh sau khỉ ông đã đóng vai tuồng bánh xe trong một guồng máy kỹ thuật rất hoàn thiện. Ông đã chịu làm bánh xe ấy để chứng tỏ rằng mọi người lâm vào hoàn cảnh đều phải tham gia guồng máy, và chúng tôi cũng vậy, sẽ chẳng làm được gì khác hơn. Bây giờ chúng tôi mới biết điều đó, và chúng tôi thọ ơn ông cũng ở điểm đó.

        Tôi có nói « cho dù thất bại », vì những toan tính của ông thế nào cũng thất bại. ông muốn biết lý do ?

        Đại phàm khi ta gây thiệt hại cho một cá nhân thôi — ở đây tôi không nói đến sự giết chóc — ta đã thấy khó quên và đã ân hận rồi, mặc dầu sự thiệt hại chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó. Nhưng khốn nỗi trường hợp của ông thì lại khác. Tai họa của ông là đã dập tắt 200.000 sinh mạng. Thử hỏi tìm đâu ra một nỗi thống khổ tương xứng với 200.000 sinh mạng bị tàn sát ? Làm sao ân hận được khi đã sát hại đến 200 000 người ? Đến mức độ ấy, không chỉ mình ông bất lực, mà chúng tôi cũng bất lực, và cả thế  giới cũng bất lực nốt! Dầu ông cố công đến bao nhiêu đi nữa, những thống khổ và ân hận của ông chẳng bao giờ giúp ông chuộc lại những gì ông đã làm. Ông Eatherly ạ, thất bại ở trường hợp này không phải lỗi ở ông. Sự thất bại này chính là hậu quả của cái mà trên đây tôi đã gọi là « tình thế mới » ; chúng ta có thể phạm những tệ đoan ngoài sức tưởng tượng của chúng ta ; những dụng cụ do chúng ta hiệu chính đã có những tác dung mãnh liệt quá tầm nhân thức của chúng ta, mãnh liệt đến nỗi trí óc chúng ta không tài nào quán xuyến được. Vậy ông cũng chở nên tự trách mình đã sám hối hết lòng nhưng vô hiệu quả. Làm như vậy chỉ hoài công, vì không thể nào sám hối được. Có điều là tháng ngày ông vẫn đau khổ vì sự hoài công ấy ; kinh nghiệm đau đớn của sự thất bại này là điều duy nhất có thể thay thế sự sám hối, là điều duy nhất có thể cản trở chúng tôi trong tương lai khỏi phải nhúng tay vào những hành động thái quá như vậy. Mọi người đều thông cảm dễ dàng khi thấy ông băn khoăn và ngơ ngác vì những gắng công vô vọng của ông. Lẽ ra người ta còn có khuynh hướng xem đây là một dẫn chứng cho sức mạnh tinh thần của ông nữa là khác. Bởi vì cách phản ứng của ông đã chứng tỏ rằng lương tri nơi ông không hề bị đánh mất.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:20:56 pm

        Phương pháp thông thường để khước bỏ một sự việc đang ám ảnh mình là làm như không biết đến sự việc ấy : tiếp tục cuộc sống như trước, hủy bỏ hết những gì đã xảy ra, tuyên bố rằng một lỗi lầm đại qui mô không còn là lỗi lầm nữa. Tóm lại, người ta đạt tới đích bằng cách ... từ chối không tiến tới đích. Chính Joe Stiborik cựu vô tuyến điện viên trên chiếc Enola Gay, người bạn đồng đội và đồng bào của ông — người từng được nêu ra để làm gương cho ông — đã... đạt tới đích bằng cách ấy : sau vụ ném bom, hắn ta vẫn tiếp tục sống vui vẻ, vô tư, và còn hỏm hỉnh rằng « kể ra quả bom hôm đó cũng mạnh hơn những quả khác chút đỉnh » ! Phương pháp giản dị nói trên được chính vị Tổng thống của ông chứng minh rành mạch hơn nữa khi ông ta ra lệnh cho ông « tiến lên » (go ahead), cũng như đến lượt ông, ông đã truyền lệnh « tiến lên » (go ahead) cho viên phi công lái chiếc mảy bay ném bom. Vậy vị tổng thống ở cùng hoàn cảnh với ông, nếu không nói là ở vào một hoàn cảnh thậm tệ hơn ông. Tuy nhiên, ông ta « trót quên » không làm những gì một Eatlierly đã làm. Cách đây vài năm, ông ta đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn — chẳng hay ông có biết vụ này hay không, quả thực là một sự đảo ngược luân thường quá ngây thơ ! — rằng ông ta chẳng hề bị lương tâm cắn rứt một mảy may nào (pangs of  conscience) điều đó chứng minh ông ta vô tội ! Ngày ăn mừng sinh nhật thứ 75 của ông ta, tổng kết lại quãng đường đã đi qua, ông ta lại tuyên bố lỗi lầm duy nhất của ông ta là đã lấy vợ hơi muộn, vào năm ba mươi tuổi! Tôi không tin rằng ông sẽ ganh tị vị Tổng thống của ông về điểm lương tâm yên ổn này (clean sheet). Nhưng tôi tin chắc rằng ông sẽ không xem những lời quả quyết của một tội nhân đại hình không hề sám hối là một biện minh cho sự vô tội của hắn. Một người tự trốn tránh chính mình, nghĩ cho cùng, phải chăng là một kẻ lố bịch ? Phần ông, ông đã không hành động như vậy. Ông vẫn tranh đấu, cho dù tranh đấu để thất bại. Và đấy là một mối an ủi lớn cho chúng tôi, giả dụ một Eatherly ngày nay không giống một Eatherly ngày trước thì cũng thế, vì người ta đã nhận thức được ông qua hành động của ông.

        Ông thấy rằng ở đây tôi đã ám chỉ các vụ đánh cướp, giả mạo giấy tờ và mọi hành vi phạm pháp khác của ông ; rằng tôi đã ám chỉ trình trạng « loạn óc » mà thiên hạ gán cho ông. Xin ông đừng lầm tưởng rằng tôi là phiến loạn nên coi thường các vụ phạm pháp của ông. Trong trường hợp của ông, các vụ phạm pháp có một ý nghĩa rất đặc biệt; đấy chính là công trình vận động của một người thất vọng. Phạm tội như ông mà được thiên hạ cho là vô tội, lại được tuyên dương là « anh hùng thỏa chí» (Smiling hero), đấy quả là một tình thế không thể tha thứ được đối với con người quân tử. Để chấm dứt tình trạng ấy, ông đã định công kích kịch liệt nêu luân lý thông thường. Vì lẽ thế giới trong đó ông đang sống không hiểu nổi tội phạm đại hình đã và đang đè nặng trên tâm linh của ông, ông đã thử diễn tả tội phạm của Ông theo ngôn ngữ thích hợp với những cái «nhỏ nhặt, vô nghĩa » (petty) « thường phạm », hoặc giả « tội gian manh đại qui mô (big larceny) theo ngôn ngữ của cái xã hội mà ông đang lệ thuộc, ông đã thử chứng minh tội trạng của ông bằng những hành động mà người ta chỉ xem như những khinh tội. Ớ đây ông lại thất bại nữa. Ông bị xem như một « bệnh nhân » thay vì một « phạm nhân ». Và ông đang khổ sở vì thiên hạ khống cho phép ông làm một « phạm nhân ».

        Để chấm dứt thư này, tôi muốn đề nghị cùng ông một việc :

        Năm ngoái tôi có viếng thăm Hiroshima. Tôi có nói chuyện với những người sống sót sau « cuộc viếng thăm » của ông xuống đảo này. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng chẳng ai nghĩ đến buộc tội ông đã làm chiếc bánh xe răng cưa trong bộ máy quân sự ấy — khi thi hành « công tác » ông mới 26 tuổi — và chẳng ai nghĩ đến thù ghét ông cả.

        Trong khi đó, khác hẳn nhiều người, ông đã chứng tỏ rằng, sau khi bị dùng làm bánh xe guồng máy, ông vẫn còn là một con người, hoặc ông đã thu hồi lại được nhân tính. Vậy ông hãy nghĩ đến việc mà tôi sắp đề nghị với ông.

        Cũng như mọi năm, vào ngày (6 tháng 8 tới đây, dân chúng Hiroshima sẽ kỷ niệm « biến cố » tày trời ấy. Ông hãy gửi cho họ một thông điệp đến đúng vào ngày kỷ niệm. Chẳng hạn, nếu ông nói với họ : « Hồi đó tôi không ý thức được hành động của tôi, nhưng bây giờ tôi đã biết. Và tôi biết rằng một biến cố như thế sẽ không bao giờ tái diễn, không một người nào sẽ bị giao phó một công tác tương tự. Sự tranh đấu của quý bạn hầu loại bỏ vĩnh viễn một vụ bất thần như vậy, chính cũng là sự tranh đấu của tôi. Khẩu hiệu « Không tái diễn một Hiroshima khác » (No more Hiroshima) của quý bạn, chính cũng là khẩu hiệu « Không tái diễn một Hiroshima khác » của tôi vậy... Ông hãy tin rằng một thông điệp đại khái như trên sẽ mang lại cho những dân Hiroshima còn sống sốt một niềm vui không nhỏ, và họ sẽ xem ông như một người bạn, như một người đồng xứ của họ. Tôi tưởng họ nên xử sự như vậy mới gọi là công minh đối với ông, bởi vì chính ông, Eatherly, cũng là một nạn nhân vụ Hiroshima. Như vậy, nếu không được an ủi, thì ít nhất ông cũng sẽ hưởng một niềm vui.

        Xin tạm chào ông với những cảm nghĩ hướng về tất cả các nạn nhân.

Anders.       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Mười Hai, 2019, 11:23:55 pm

THƯ SỐ 2

        Gửi Ô. Giinther Andders

        Ngày 12 tháng 6 năm 1959.

        Kính ông,

        Tôi xin cảm ơn ông về là thư vừa nhận được hôm thứ sáu trước.

        Sau khi đọc lại nhiều lần, tỏi quyết định viết thư cho ông, và có thể sẽ cùng ông trao đổi thư từ để nói về những vấn đề mà theo tôi nghĩ, hai chúng ta đều thông cảm. Sự thực thì tôi cũng có nhận được khả nhiều thư từ khắp nơi, mà phần lớn tôi không thể trả lời. Thư của ông, trái lại, đã khiến tôi phải phúc đáp để giải thích ông rõ tôi suy nghĩ thế nào về những vấn đề thế giới hiện nay. Trong suốt giai đoạn tráng niên của tôi, tôi luôn luôn mải mê suy nghĩ vấn đề « nên sống như thế nào » ( human conduct).

        Mặc dù không là một kẻ cuồng tín — tôi hy vọng thế — trên bình diện tôn giáo cũng như trên bình diện chính trị, tôi vẫn tin chắc rằng sự khủng hoảng trong đó chúng ta đang bị kẹt đòi hỏi phải xét lại hệ thống các giá trị, đồng thời xét lại sự dấn thân của chúng ta (loyalties). Trong quá khứ, có nhũng thời con người có thể sống buông xuôi (coast along), chẳng cần đặt vấn đề lương tâm đối với các tập quán suy tư và hành dộng của họ. Thời đại của chúng ta nay rõ ràng là không có gì giống thời xưa cả. Trái lại tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến đến một thời đại bắt buộc chúng ta phải duyệt lại ý chỉ của mình và giao phó (surrender) tất cả trách nhiệm về tư tưởng lẫn hành động của mình cho các tổ chức xã hội (đảng phái chính trị, hội đoàn, tôn giáo hay chính quyền). Không một tổ chức nào có đầy đủ thẩm quyền ban bố những khuyến cáo tuyệt đối công hiệu về đạo đức, và chúng ta cần thách thức (to challenge) để phủ nhận nơi họ cái quyền ban bố những khuyến cáo như vậy. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cần được xét dưới ánh sáng hợp lý này nếu muốn nhận chân tầm quan trọng của nó không những đối với riêng tôi mà còn đối với mọi người nữa. Nếu ông cảm thấy tôi nghĩ đúng và có ít nhiều điểm giống như cách suy tư của ông, tôi đề nghị chúng ta sẽ cùng xác định các dữ kiện bằng một sự trao đổi thư tín có thể lâu dài về sau.

        Tôi có cảm tưởng rằng, ngoại trừ người y sĩ điều trị vừa là bạn thân của tôi, ông là người hiểu tôi hơn ai cả.

        Những hành động phản xã hội của tôi đã mang hậu quả tai hại cho đời sống riêng của tôi, nhưng tôi tin rằng với chút cố gắng tôi sẽ biểu thị được những động lực thật sự, cũng như những định kiến và triết lý đã thúc đẩy tôi hành động.

        Ồng Giinther, tôi viết thư cho ông với niềm vui tràn ngập. Có lẽ sự trao đổi thư từ này sẽ đưa đến một mối tình thân hữu dựa trên sự tin tưởng và thông cảm. Xin ông hãy giãi bày thành thật những quan điểm của ông về các vấn đề liên quan đến hoàn cảnh của chúng ta và đến các hành động của chúng ta. Khi đó tôi sẽ xin bộc bạch quan điểm của tôi.

        Một lần nữa, tôi xin cảm ơn ông về lá thư vừa rồi.

Claude R. Eatherly.1       

--------------
        1. Lời lẽ của Ealherly không phải là của một văn gia, đôi khi còn có vẻ mộc mạc thô sơ nữa là khác.

        a/ Điều này do nơi thế hệ của ông, ông tiết kiệm lời nói như những người cùng tuổi ông ; cũng như họ, ông nghe thường xuyên những buổi truyền thanh, do đó, hấp thụ một « lối diễn ý đơn phương ». Lối này không thuộc loại văn viết, mà thuộc loại văn để đọc một loạt cho người nghe.

        b/ Lý do riêng : văn chương đàm thoại phần nhiều tùy thuộc vào một hoàn cảnh nào đó và hợp với hoàn cảnh, thí dụ : trả lời một câu hỏi ; ý hướng của người nói; trước khi trao đổi lời nói, ý hướng đã do hoàn cảnh ấn định, các giới từ phần nhiều vô chí. Người viết không thể căn cứ trên một ý hướng phát hiện trước khi có đối thoại ; ý hướng phải được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ. Eatherly viết như khi ông nói... Quả vậy, « cú pháp nghèo nàn » của ông, sự chắp nối hồn nhiên những câu ông viết tiêu biểu lối hành văn của ông còn hơn à sự thiếu từ ngữ.

        c/ Thêm vào đấy, tình trạng giam cầm hàng bao nhiêu năm làm ông mất đi nhiều cơ hội đàm thoại. Đáng lẽ không thể nói là Eatherly viết giống như nói, vì chính ông đã quên ngay cả cách ăn nói.

        d/ Trong trường hợp này, ngôn ngữ thông thường không đủ sức khỏa lấp hố phân cách giữa ngôn ngữ hằng ngày do ông cha lưu truyền lại (nghĩa là đầy rẫy những thành ngữ và thổ âm) và...ngôn ngữ dùng vào vấn đề huyền bí mông lung như vấn đề của Eatherly. Hố phân cách thường vẫn làm cho nhiều cây bút nhà nghề thất bại. Đôi khi Eatherly có vẻ lúng túng ; đôi khi sự bất cập trong từ ngữ đối với vấn đề đang thảo luận vô tình làm cho câu chuyện trở thành siêu thực.

        e/ Tôi không đủ thầm quyền để quy tội cho những thuốc men đã làm suy kém khả năng ngôn ngữ. Chỉ một lần thôi, Eatherly đề cập các vị thuốc an thần (tranquillizers) (sẽ thấy trong thư số 37) Thư này cũng như thư số 36, thiếu hẳn mạch lạc và cú pháp, do đó có những đoạn tối nghĩa. Muốn hiểu rõ tình trạng này hơn nữa, xin đọc phần chú dẫn liên quan  đến những thư nói trên. Sự so sánh trình độ ngôn ngữ với tình trạng can phạm chung, có vẻ chửng tỏ một mối tương quan nào đó giữa hai hiện trạng : mỗi khi hy vọng phóng thích bị tiêu tan, ta thấy rõ ngôn ngữ của Eatherly bị ảnh hưởng. Và trái lại, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hai bức thư của Eatherly viết sau khi thoát khỏi y viện và được tư do, có một bố cục hoàn toàn, khác hẳn những thư trước. Nhận xét này sẽ vô ích nếu những thư viết trong khi Eatherly bị cấm túc không kém sút những thư viết ngoài y viện. Hai tháng sống tự do đã bổ ích nhiều cho ông đến nỗi ảnh hưởng còn thấy rõ trong kỳ cấm túc thứ nhì. Quả vậy, lá thư độc nhất Eatherly viết trong khi chán nản vì bị bắt lại vẫn không mất thăng bằng tí nào và chứng tỏ tác giả không hề mất tự chủ ( (thư số 56). Lẽ ra người ta phải nghĩ rằng bệnh của Eatherly — nguyên nhân làm ông bị cấm túc — trái lại do chính sự cấm túc này gây nên.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Mười Hai, 2019, 09:36:06 pm

THƯ SỐ 3


        Gửi Giintheranders
        Ngày 23 tháng 6 năm 1959.
        Kính Ông,

        Tôi lấy làm hài lòng đã nhận được tin ông Nếu ông có thể gửi cho tôi một cuốn « Nhưng khuyến cáo của Thời đại Nguyên tử »1, tôi sẽ sung sướng lắm. Tôi rất tiếc không thể viết văn giỏi như ông. Nếu có những tác giả giỏi cỡ ông, hy vọng một trong những người ấy sẽ tung ra khắp thế giới một thông điệp có đủ hiệu lực chỉ đường cho thiên hạ tiến đến hòa giải và thanh bình. Có lẽ ông là người mà tôi muốn nói đến. Nếu ông cần tôi tiếp tay, xin cử tin tưởng nơi tôi. Tôi cho phép ông phổ biến bức thư của tôi.

        Tôi ít có thì giờ viết thư. ông hỏi tôi điều gì tôi sẽ trả lời đích thực điều đọ. Tôi rất nóng lòng (I starve) muốn biết giải đáp của những vấn đề liên quan đến tôi, nghĩa là vụ hủy bỏ chiến tranh nguyên tử, hủy bỏ tái võ trang. Tôi có tỏ bày ý kiến với nhiều tổ chức nhằm kêu gọi họ giúp sức, nhưng rồi các lời diễn thuyết vẫn chẳng có chút dư âm lâu dài nào. Trái lại, sách vở có thể lưu lại như những đền đài. Vậy ông hãy cố gắng viết thành sách, ông hay mang lại cho người đời bức thông điệp mà những ai tha thiết với hòa bình đang chờ đợi.

        Rắt mong được đọc thư ông.

Bạn ông             
Claude Eatherlu       

THƯ SỐ 4

        Gửi Claude Eatherly
        Ngày 2 thảng 7 năm 1959.
        Thân gửi anh Claude Eatherly,

        Trước hết, xin anh từ nay chớ gọi tôi bằng « ông » nữa. Thực tình chúng ta quen biết trong một hoàn cảnh khả bắt thường, thế nhưng từ lúc xã giao, chúng ta đã đến với nhau với định kiến vững chắc rằng chúng ta sẽ tin nhau và thông cảm nhau : và sự thật quả đúng như vậy.

        Tôi rất hài lòng được anh chấp thuận cho phổ biến lá thư trả lời đầu tiên của anh. Thực ra tôi cũng đã chuyển cho vài nhân vật xem lá thư của anh, đáng kể nhất là những nhà vật lý học nguyên tử, nghĩa là những người nắm vững chuyên môn khi họ nói chuyện hủy diệt toàn thể nhân loại. Ai nấy đều cảm kích khi biết rằng kẻ « phạm nhân vô tình » đầu tiên của thời đại nguyên tử nay lại đứng vào hàng ngũ những người đấu tranh để tránh thảm họa tày trời này. Anh có thuật lại trong thư rằng anh đã nhiều lần nêu vấn đề của chúng ta trước quần chúng, về phần tỏi cũng vậy, tôi đã nói chuyện với đủ các thành phần quần chúng : giới đại học, giới trung học, cả đến giới tu sỹ Phật-giáo tại Kioto, tóm lại, nói với mọi người, vì vấn đề của chúng ta liên quan đến mọi người ; mối đe dọa đang đè nặng trên tâm linh của mọi người, tất phải liên hệ đến mọi người, già cũng như trẻ, quân nhân cũng như thường dân, da đen, da trắng, Thiên chúa giáo lẫn Hồi-giáo và Do-thái. Tôi muốn được biết về phần anh, anh đã nói chuyện với những quần chúng nào.

        Tôi xin gửi theo đây cuốn « Những Klmyến cáo của Thời đại Nguyên tử » mà anh đã hỏi trong thư trước. Vợ tôi đã dịch cuốn này ra tiếng Anh (lễ ra phải nói là tiếng Mỹ, vì nàng chính gốc người Californie). Cuốn khuyến cáo thay cho lá thư kỳ này (đáng lẽ phải dài hơn.) Thực tình tôi vừa hoàn thành vào ngày hôm qua cuốn sách viết về chuyến du hành của tôi tại Nhật-bản. Như vậy anh đủ thấy rằng tôi hiện không có thì giờ viết thư từ. Giờ phút này tôi đang soạn va li vì sắp dời nhà trong vài hôm tới. Tôi hy vọng sau đó sẽ được nghỉ xả hơi nửa thảng, và nhất định sẽ lợi dụng những ngày nghỉ để viết dài cho anh.

Thành thực, bạn anh,       
Giiniher Anders           

---------------
        1. Nhân một bức thư gửi Eatherly xin được dùng thư ông làm tài liệu, tôi có đề cập tóm lược cuốn khuyến cáo này (FAZ,13-7-1957)


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Mười Hai, 2019, 09:37:29 pm
         
NHỮNG KHUYẾN CÁO CỦA THỜI ĐẠI NGUYÊN TỬ
( FraAllgemeine Zeitung, ngày 13 tháng 7 năm 1957).

        Mỗi suy tư đầu tiên của bạn khi vừa thức giấc sẽ là vấn đề « nguyên tử ». Bởi vì bạn chớ say sưa với ảo tưởng rằng mọi sự vật chung quanh bạn là một thế giới vững bền. Trái lại, những gì chung quanh bạn ngày mai trong phút chốc có thể trở thành dĩ vãng, nghĩa là những gì đã qua, không hơn không kém ; bạn cũng như tôi và tất cả những kẻ đồng loại của chúng ta đều có số kiếp ngắn ngủi còn hơn cả những kẻ hôm qua được xem là phù du. Vì sự mong manh của chúng ta không chỉ có nghĩa rằng chúng ta có thể chết, rằng kẻ khác có thể chấm dứt sinh mạng của chúng ta. Tình trạng này vẫn hiển nhiên qua các thời đại. Nhưng nay có điều khác là nguyên cả « nhân loại» có thể bị tiêu diệt. « Nhân loại » không có nghĩa là nhân loại đương thời, nhân loại giới hạn đang sinh hoạt trên quả đất, vì nếu nhân loại đương thời phải mai một, tất nhân loại dĩ vãng đã bị tiêu diệt, và nhân loại tương lai sẽ không có cơ duyên manh nha. Chúng ta đang ở một ngưõng cửa, trên có bảng đề : « Sẽ chẳng có gì trong tương lai » ; mặt sau bảng chúng ta đọc thấy : « Thời gian qua chỉ là một « ngẫu nhiên tình cờ », sự ngẫu nhiên này không xảy ra giữa « vô thủy » và « vô chung » như tổ tiên chúng ta ngày xưa vẫn mong ước, trái lại nó xảy ra giữa hai « hư vô ». Nghĩa là giữa Hư Vô mà sau này chẳng ai nhớ đến, một Hư Vô như không từng có hư vô, và Hư vô của những gì sẽ không bao giờ có. Vì lẽ người ta sẽ không phân biệt được hai hư vô, cuối cùng, chúng sẽ chỉ là một hư vô duy nhất. Vậy, đó là sự mong manh huyền bí làm cho những gì ta mệnh danh là « phù du » quả là những chuyện vặt vô nghĩa. Muốn hiểu tường tận chân lý này, mối suy tư đầu tiên của bạn khi vừa thức giấc phải là vấn đề « nguyên tử ».

        Tính chất thần bí nơi sức mạnh

        Mối suy tư thứ nhì của bạn khi vừa thức giấc sẽ là : « Tạo nên tính chất thần bí nơi sức mạnh chính là công trình của chúng ta ; nhưng chúng ta lại chẳng biết mình đang làm gì ». Quả thực chúng ta chẳng biết gì, ngay cả đến những kẻ quyết định tính chất thần bí ấy cũng chẳng biết gì nốt bởi vì « họ » cũng như « chúng ta », bởi vì, xét cho cùng, họ cũng chẳng có chút thẩm quyền chuyên môn nào. Thiếu thẩm quyền chuyên môn không phải lỗi tại họ, vì tình trạng này là hậu quả của một sự việc không thể quy trách cho họ hay cho chúng ta. Giữa cái gì chúng ta có thể làm và cái gì chúng ta có thể tưởng tượng có một hố ngăn cách ngày một sâu rộng hơn lên.

        Trong trào lưu kỹ thuật, mối liên hệ cổ truyền giữa trí tưởng tượng và hành động đã bị đảo ngược. Tổ tiên chúng ta ngày xưa cứ cho rằng óc tưởng tượng của con người quả « phi lý », và vượt xa ngoài thực tế. Ngày nay thì trái lại, sức tác dụng của trí tưởng tượng con người (của tình cảm và của ý thức trách nhiệm) không bắt kịp kích thước của những gì chúng ta thực hiện. Thực vậy, trí tưởng tượng không thể ước lượng nổi hậu quả của những gì con người thực hiện. Ngoài lý trí của chúng ta (lý trí Kant) « óc tưởng tượng » của chúng ta có giới hạn, nói gì đến sự xúc cảm. Một vụ ám sát còn có thể gây hối tiếc, chúng ta có thể tưởng tượng ra mười vụ ám sát, nhưng đến mức này chúng ta đã tiến tới biên giới của trí tưởng tượng. Trái lại, ngày nay sự giết hại hàng trăm nghìn sinh mạng không đặt thành một vấn đề nào cả. Không chỉ về phương diện kỹ thuật, cũng không chỉ vì hành dộng đã trở thành một « cử chỉ » đồng lõa thông thường mà chúng ta không thể thấy hiệu năng. Không đặt thành vấn đề vì một lý do tinh thần thôi. Sự ám sát tập thể vượt hẳn phạm vi những hành động mà chúng ta có thể hình dung được, tức là có liên hệ đến xúc cảm, do đó có thế bị óc tưởng tượng hay xúc cảm ngăn cản. Bởi vậy, bạn cần phải nghĩ rằng « Hành động càng thái quá ngoài mức bình thường thì con người càng dễ có khuynh hướng lộng hành. » Và phải nghĩ rằng : « Chúng ta, con người, chúng ta vốn vô nghĩa hơn chúng ta tưởng. » Câu này định nghĩa một phần nào tình trạng loạn trí của thời đại chúng ta, loạn trí vì các cơ năng hoạt động riêng biệt, không liên hệ với nhau, chẳng khác nào những sinh vật biệt lập hoàn toàn,

        Khi tự nhắc lại những câu trên, bạn không nên có một phán quyết chủ bại về trường hợp của chúng ta ; trái lại, bạn phải phẫn uất và cố gắng vạch lại những giới hạn do chính chúng ta đặt ra, biến những giới hạn ấy thành những rào cản có thể di dịch được, và chấm dứt tình trạng loạn trí. Lễ tất nhiên bạn cũng có thể khoanh tay thất vọng và nhẫn nhục chịu đựng tình trạng loạn trí. Nếu không có ý định đầu hàng, xin bạn hãy tự nâng mình lên ngang trình độ của chính bạn, tự bắt kịp lấy mình. Trong trường hợp này, bạn phải —  và đấy là phận sự của bạn — lấp bằng cải hố ngăn cách giữa sức mạnh của bạn, với hành động và trí tưởng tượng. Nói khác đi, bạn phải nới rộng phạm vi cho trí tưởng tượng của bạn (và cho những tình cảm của bạn) ngõ hầu các cơ năng này ý thức được cái gì to lớn vô biên mà bạn đã có thể tạo nên, ngõ hầu bạn có thể chấp nhận hoặc bác bỏ cái gì trí óc bạn đang thai nghén, Tóm lại, bạn có phận sự nới rộng trí tưởng tượng của mình.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Mười Hai, 2019, 09:38:38 pm

        Hãy can đảm biết sợ hãi !

        Kế đó, bạn có bồn phận phải « mở rộng tầm ý thức của bạn về thời gian ». Điểm đặc biệt của thời đại chúng ta không chỉ ở chỗ thông thường rằng không gian trên quả đất đã thn ngắn lại, những địa điểm ngày trước xem là xa xôi nay đã trở nên kế cận. Phải nhận thức rằng nếu trước kia danh từ « tương lai» có vẻ xa vời đến thế, thì ngày nay « tương lai » sát nách với « hiện tại » và đã được xếp vào hệ thống quy chiếu của chúng ta. Điều này chính xác đối với xã hội Đông phương cũng như đối với xã hội Tây phương.

        Quả vậy, bên Đông phương người ta lập kế hoạch tổ chức tương lai, điều mà từ trước đến nay người ta chưa bao giờ làm. Một tương lai được « kế hoạch hóa » không còn là thứ tưong lai mà ngẫu nhiên người ta nhìn thấy tiến tới nữa. Tương lai là sản phẩm của kế hoạch (in the marking) do đó, đã là một phân bộ liên hệ hẳn với hiện tại trong đó chúng ta đang tiến hóa. Nói khác đi, vì hành động của con người tùy thuộc vào tương lai, hình ảnh của tương lai đã có trong hiện tại, trên phương diện thực tiễn tương lai đã thuộc về hiện tại rồi. Điều này cũng đúng đối với con người Tây phương — và chính câu chuyện có liên hệ với chúng ta ở điểm này — vì vô tình con người Tây phương đã có ảnh hường đối với tương lai xa xôi. Chẳng hạn, con người Tây phương vẫn quyết định sự thịnh suy của sức khỏe, sự ra đời hay không ra đời của con cháu họ. Chúng ta có ý thức sự kiện này hay không, chúng ta có muốn sự kiện này xảy ra hay không, điều dó không quan trọng, vì thực trạng chỉ cần được xét đến trên phương diện thuần túy tinh thần. Bởi vì sự kiện gọi là « ảnh hưởng đến tương lai » nói trên, dù chúng ta không mong muốn rõ rệt, chúng ta vẫn nhận chân ảnh hưởng ấy, do đó chúng ta sẽ phạm tội nếu cứ tiếp tục hành động trong khi vẫn ý thức thế nào là « vượt phạm vi vì bất cẩn ».

        Mối suy tư sắp đến của bạn khi thức giấc sẽ là : « Hãy can đảm biết sợ hãi». Bạn phải cố sức dấy lên nơi bạn cái khối lượng sợ hãi cân xứng với mối đại họa thần bí đang đe dọa bạn. Thực vậy, « sự sợ hãi » thuộc thành phần những tình cảm mà chúng ta không muốn hoặc không thể nhận chân. Lời quả quyết theo đó con người sợ bằng mọi cách vì chúng ta đang sống vào « thế kỷ của sợ hãi » chỉ là một lời khoa trương rỗng tuếch : có khi còn là một mưu toan lừa bịp vì nó cản trở không cho chúng ta cảm thấy lo âu phiền muộn trước mối hăm dọa tày trời lẽ ra phải gây được ưu phiền nơi chúng ta. Sự thật lại trái hẳn : chúng ta đang sống vào một thời đại « không thể biết sợ hãi là gì » và cũng vì lẽ đó chúng ta tham dự một cách thụ động vào sự tiến hóa đang manh nha. Để giải thích hiện trạng này, lẽ ra, ngoài sự « hẹp hòi tình cảm » của chúng ta, chúng ta có thể viện vô số lý lẽ và như vậy sẽ vượt quá phạm vi của vấn đề. Tuy nhiên, hãy kể ra đây một lý lẽ mà thế giới hiện đại xem là rất hấp dẫn, đó là cái thói ham mê chuyên biệt hóa của chúng ta. Nó gieo cho chúng ta mối tin tưởng là mỗi vấn đề đều thuộc một địa hạt nhất định, nơi đó chúng ta không có quyền đặt chân đến. Chẳng hạn, chúng ta tin tưởng rằng vấn đề nguyên tử chỉ thuộc phạm vi chuyên môn của các nhà chính trị và quân sự. Và một khi nó không phải việc của chúng ta và chúng ta « không được » xen vào, thì chúng ta kết luận là chúng ta chẳng cần gì xen vào vấn đề nguyên tử ấy nữa. Nói khác đi, bởi vì tôi không có quyền lo lắng đến một số vấn đề nào đó, nên tôi cũng không có nhiệm vụ phải lo lắng đến chúng nữa. Như vậy, người ta miễn cho tôi vấn đề « sợ hãi » vì đã có kẻ khác lo rồi. Do đó, khi ngủ dậy, bạn sẽ nói: « Nostra res agitur !» một câu châm ngôn có hai nghĩa :

         1/ Vụ này liên quan đến chúng ta vì lẽ chúng ta có thể là những nạn nhân ;

         2/ Một số người dương dương tự đắc đòi nắm dộc quyền chuyên môn về một lãnh vực nào đó thì thật quả hồ đồ, vì lẽ đã là những con người, tất thảy chúng ta đều là những kẻ bất tài và vô thẩm quyền cả. Thật là ngu xuẩn nếu tin tưởng rằng, nhằm mục tiêu khả dĩ tận diệt thế giới, kẻ này hay kẻ nọ, khi họ ngẫu nhiên được làm những nhà chính trị hay quân sự hữu trách, thì họ đương nhiên được trực tiếp hay giản tiếp liên can đến việc sản xuất hoặc « sử dụng » « vật ấy », và đương nhiên « có thẩm quyền » về địa hạt đó hơn chúng ta, những kẻ phàm tục ! Những kẻ mưu toan sáng chế cho chúng ta thứ sản phẩm tối tân ấy (dù là chính các «chuyên gia » hay những kẻ vào hùa bợ đỡ họ cũng thế) đều chứng tỏ họ là những kẻ « bất tài » nhất về địa hạt đạo đức. Chúng ta không tài nào duy trì nổi đạo đức khi những kẻ mệnh danh là « chuyên gia » (họ không nhìn một vấn đề ở khía cạnh khác hơn là khía cạnh chiến thuật chiến lược) muốn bắt chúng ta ngộ nhận rằng chúng ta chẳng có quyền được sợ hãi hay chẳng có lấy một lương tri nữa. Theo lý luận của họ « lương tri» đòi hỏi ý thức về « trách nhiệm », và « trách nhiệm » là việc của họ, vì đây là « địa hạt chuyên môn » của họ. Bởi vậy, theo họ chủ trương, nếu chúng ta biết sợ hãi, nếu lương tri chúng ta còn thức tỉnh, tất chúng ta sẽ phạm tội là đã dẫm chân lên một «địa hạt chuyên môn » khác. Bạn phải bác bỏ cho kỳ được ý thức về một « giai cấp thần bí », một nhóm người nắm độc quyền tận diệt thế giới, nghĩa là tận diệt chúng ta. Nếu giải rộng phương châm của Ranke « mọi người ở cách xa Thượng Đế đều nhau », chúng có thể nói « tất thảy chúng ta đang ở cách xa cái họa tận diệt đều nhau». Do đó bạn cũng như mọi người khác đều có quyền và có bổn phận lớn tiếng tố giác mối đại họa ấy...


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Mười Hai, 2019, 09:39:21 pm
 
       Chống đối các cuộc thảo luận về « chiến ».

        Chúng ta không thế nào hình dung, linh cảm, chấp nhận được « vật ấy » trong lương tri của chúng ta, thậm chí chúng ta không thể « suy nghĩ » đến nó nữa. Bởi vì dầu chúng ta xếp vật ấy vào bất cứ từng lớp nào trong trí óc, chúng ta cũng sẽ lầm lạc ; lầm lạc ở chỗ chúng ta giảm thiểu nó bằng cách xếp hạng nó, xem nó chẳng khác nào một vật như mọi vật khác ». Giả thử vật đó được chế ra, hằng loạt đi chăng nữa, nó vẫn là một mẫu " duy nhất của một loại duy nhất, cái người ta thường gọi là một quái vật. Chúng ta chỉ có thể định nghĩa nó bằng một cái gì không phải chính nó, nên chúng ta phải dùng đến những xảo thật của « thần học vô hư ». Khốn nỗi tính chất quái dị bất khả phân loại của vật ấy.

 
        Đầu năm 1953, trong một loại những kẻ «gian vặt» bị bắt quả tang và ra tòa án thành phố New Orleans, người ta thấy có một phạm nhân can tội ký chi phiếu giả, với một số tiền  lại có tác dụng làm cho chúng ta xao lãng hoặc quên hẳn nó đi. Những gì không thể phân loại được bị xem như không có. Khi nhắc đến vật ấy trong đời sống hằng ngày (kể cùng chẳng mấy khi đề cập trong câu chuyện giữa người này và người khác),người ta xếp nó vào một loại có nhãn hiệu cầu chửng hẳn hoi, gọi nó là một « vũ khí » hay một « chiến cụ ». Chiến cụ ấy đâu phải là một « phương tiện » bởi vì bản chất của một phương tiện đòi hỏi phương tiện ấy phải dính liền với cứu cánh và phải mất dạng vào trong cứu cánh chẳng khác nào con đường đi mất dạng vào trong mục đích cuối cùng của hành trình. Nhưng đây hoàn toàn không phải là trường hợp của « vật ấy ». Thực ra hậu quả không thể tránh khỏi của nó (để khỏi nói đã định trước) trầm trọng hơn bất cứ cứu cánh nào có thể tưởng tượng được ; bởi vì cứu cánh bắt buộc phải mất dạng vào trong hậu quả. Cứu cánh bị tiêu diệt cùng một lần với thế giới trong đó có cả những « cứu cánh và những « phương tiện ». Dĩ nhiên là một vật có khả năng phả hoại được cái sơ đồ « phương tiện —  cứu cánh » thì không thể được mệnh danh là « phương tiện ». Do đó, bạn phải xét thấu đáo phương châm : « Không ai có thể đánh lừa tôi rằng quả bom là một phương tiện. » Vì lẽ quả bom không phải là một phương tiện như hàng triệu phương tiện khác chung quanh ta, bạn không được chấp nhận cho thiên hạ sản xuất vật này như một cái tủ lạnh, một ống xà phòng đánh răng, hoặc ngay cả đến một cây súng tay, mặc dù riêng về sản phẩm này chúng ta chẳng được ai hỏi ý kiến để biết việc sáng chế nó ra có thích thời hay không. Bạn cũng chớ nên tin lời những kẻ bịp bợm lành nghề rỉ vào tai bạn rằng « vật ấy » chỉ nhằm mục đích cảnh cáo, nên chỉ được sản xuất mà không bao giờ dùng đến! Người ta chưa bao giờ thấy những sản phẩm mà công dụng được giới hạn ở chỗ là không được dùng đến. Người ta có thấy những sản phẩm thỉnh thoảng khỏi cần được sử dụng (sau từng dùng đến) vì chỉ việc hăm dọa dùng đến chúng mà thôi cũng đủ rồi. Ngoài ra, chúng ta chớ bao giờ quên là chiến cụ ấy thực sự đã được dùng tại Hiroshima và Nagasaki ( vì những lý do không mấy minh chính). Nhân đây, cũng xin nói rằng bạn không thể để cho một chiến cụ có tác dụng ngoài mức tưởng tượng lại được người ta đặt cho một cái tên thật ôn hòa, vô hại, với dụng ý liệt nó vào một hạng khác. Chẳng hạn, danh xưng « công tác Opa », « công tác ông già tí hon » đặt cho một vụ nổ bom H nào đó trước kia không những đã khiếm nhã mà lại còn là một mưu toan bịp bợm nữa.

        Mặt khác, bạn còn phải chống đối cái thói quen là « xét dưới khía cạnh thuần túy chiến thuật » cách dùng một chiến cụ mà chỉ mỗi một việc sản xuất nó ra cũng đã là một thứ tác dụng rồi. Lời biện luận « chiến thuật » như vậy quả là một xúc phạm đối với đạo đức vì nó gieo trước ý thức về một hoàn cảnh chính trị không hề mảy may liên quan đến sư hiện hữu của quả bom nguyên tử. Người ta tỏ ra thiếu hẳn thực tế, vì lẽ hoàn cảnh chính trị — nói đúng ra là « thời đại nguyên tử » — được định nghĩa bằng chính sự hiện hữu của quả bom nguyên tử. Người ta không ngẫu nhiên chạm trán với vũ khí nguyên tử trên chính trường, thế nhưng những sự việc rời rạc lại thuộc vào toàn bộ nguyên tử; phần lởn các hành động chỉnh trị thực ra là những cuộc vận động trong khuôn khổ của tình hình nguyên tử. Mọi mưu toan tung cái giả thiết tận diệt thế giới ra làm một quân cờ giữa những quân cờ khác trên mặt trận chính trị, cho dù khéo léo hay vụng về, vẫn là một triệu chứng của mù quảng. Do đó bạn cần phải cản trở những người đồng thời đại với bạn thảo luận về mối họa nguyên tử dưới khía cạnh chiến thuật. Trải lại, bạn phải cố gắng đưa cuộc thảo luận sang địa hạt thiết yếu, tức là bàn cãi về mối nguy hại tự diệt của nhân loại bằng cách chính mình bố trí lấy sự tận tiêu thế giới. Bạn hãy cứ làm như vậy, dù có thể bị chế riễu là « thiếu ý thức thực tế về chính trị ». Thực ra, chính các nhà « chiến thuật » là những kẻ thiếu thực tế vì họ xem các vũ khí nguyên tử như những « phương tiện » thuần túy, thay vì ý thức rằng những mục tiêu họ đang nhắm, hoặc nêu ra là đang nhắm, sẽ vì sự sử dụng các phương tiện mà mất hết ý nghĩa — tôi muốn nói ở đây về sự sử dụng giả tưởng của những phương tiện ấy.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Mười Hai, 2019, 09:40:14 pm

        Quyết định đã có rồi.

        Bạn chớ để bị thiên hạ đánh lừa bằng lời quả quyết rằng chúng ta còn đang ở vào giai đoạn khảo cứu, thí nghiệm. Đấy chỉ là những lời quả quyết vô nghĩa. Chẳng những một số bom nguyên tử đã được ném rồi (lắm người có vẻ quên điều này) và kỷ nguyên sử dụng nguyên tử đã mở màn cách đây hơn mười năm, mà — điều này bội phần quan trọng —  chúng ta cũng không được quyền nói đến những cuộc « thí nghiệm ». Vậy, phương châm cuối cùng của bạn sẽ là : « dù thí nghiệm có thành công như thế nào, việc thí nghiệm cũng sẽ đưa đến đại họa ! » Nó đưa đến đại họa vì ta không thể nói đến « thí nghiệm » khi việc thí nghiệm làm vỡ tung khuôn khổ hữu hạn của phòng thí nghiệm; và đây chính là trường hợp vừa nói. Điểm chính yếu của thí nghiệm —  ít nhất cũng trong phần lớn các trường hợp —  là làm sao cho sức ép thật mạnh, và sức tỏa phóng xạ thật rộng lớn. Điều khá mâu thuẫn : người ta thí nghiệm để biết đến mức độ nào thì chính các giới hạn của sự thí nghiệm sẽ bị phá vỡ. Hậu quả của các cuộc thí nghiệm nói trên không hề thuộc vào địa hạt thí nghiệm, nhưng lại hệ thuộc vào thực tế, và lịch sử — như việc những dân đánh cá Nhật-bản bị nhiễm độc phóng xạ chẳng hạn — và ngay cả lịch sử trong tương lai, vì chất phóng xạ đã phương hại đến sức khỏe của những thế hệ sắp tới. Tương lai đã bắt đầu, theo một định nghĩa triết lý của Jungk. Như vậy người ta có những lý lẽ vững chắc để không tin tường vào lời ngoa truyền quả quyết rằng chưa ai có thế biết được tí nào về vấn đề sử dụng chiến cụ ấy. Trái lại, một khi đã có những cuộc thí nghiệm như vậy, tất nhiên quyết định đã có rồi. Do đó, bạn có bổn phân phải đánh tan sự ngộ nhận rằng chúng ta đang sống vào một thời đại « tiền nguyên tử », và phải « gọi hẳn con mèo là con mèo » mới được.

        Chúng ta đang bị cơ khí điều khiển

        Những khuyến cáo trên có thể được thu gọn lại trong câu duy nhất sau đây : « Bạn chỉ nên có những phẩm vật mà phương châm sáng chế có thể trở thành phương châm của chính bạn, do đó, là phương châm của một nền pháp chế cộng đồng. »

        Ta có thể thấy khuyến cáo này kỳ dị. Danh xưng « phương châm của phẩm vật » có vẻ khó chịu vì chính nó hàm súc một ý nghĩa kỳ dị và khiêu khích. Chúng ta chỉ muốn ngụ ý rằng, sống trong thế giới cơ khí, tất chúng ta phải bị máy móc điều động theo những phương thức riêng của cơ khí. Ngoài ra, bởi lễ chúng ta là những kẻ sử dụng máy móc, và chúng ta tiếp xúc với thế giới đồng loại nhờ ở máy móc, chúng ta không tiếp xúc với họ theo những nguyên tắc riêng của chúng ta mà theo kiểu thức của máy móc, nghĩa là theo những « phương châm » của cơ khí vậy. Lời khuyến cáo trên đây đòi hỏi chúng ta phải có một ý thức rõ rệt về những phương châm ấy, chẳng khác nào đấy là những phương châm của chính chúng ta, vì lẽ trong thực tế nó là của chúng ta. Lời khuyến cáo ấy đòi hỏi chúng ta chớ để lương tâm chìm đắm trong sự tìm hiểu chiều sâu của chúng ta (việc này có vẻ chẳng hao tổn gì) mà chính là phải đi sâu vào sự tìm hiểu những « động lực bí mật » và những « nguyên tắc » của cơ khí. Một tổng trưởng « nguyên tử » khi tự đi sâu vào tâm hồn mình, thông thường chẳng tìm thấy một tì vết nào lớn lao cả. Thế nhưng, nếu ông ta xét lại « sinh hoạt bên trong » các máy móc, ông ta sẽ tìm thấy một tính chất gọi là « oai hùng siêu đẳng » ở giai tầng toàn vũ ; bởi vì chỉ có danh xưng này mới xứng đáng khi nói về sự tác hại của vũ khỉ nguyên tử đối với loài người.

        Lúc nào hấp thụ được cái thói quen hợp đạo là « nhìn thẳng vào bên trong của cơ khí », chúng ta sẽ tăng thêm chút đỉnh niềm hy vọng hướng về sinh tồn, vì chúng ta sẽ được toàn quyền lựa chọn giữa sinh tồn và hư vô.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Mười Hai, 2019, 10:54:40 pm

        Chúng ta phải hành động cho kỳ được.

        Nguyên tắc tiếp theo là : bạn chở vội tưởng với cuộc thắng lợi đầu tiên của chúng ta, tức sự dẹp bỏ các thí nghiệm nguyên tử, chúng ta sẽ tránh được mối hiểm họa. Ngưng thí nghiệm đâu có nghĩa là ngưng sản xuất bom hoặc hủy hoại các bom hay mẫu bom đã được thí nghiệm rồi và đang được lưu trữ phòng khi cần đến ! Người ta có thể nghĩ ra nhiều lý do để ngưng các cuộc thí nghiệm .

        Một quốc gia có thể ngưng thí nghiệm vì cho rằng thí nghiệm thêm cũng bằng thừa, trong khi số bom mẫu đã được thử và số bom sản xuất được tồn kho đã đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu. Nói một cách khác, khi đã lên đến mức tiêu diệt nhân loại, ai lại khờ khạo cố gắng thêm nữa làm gì cho tốn kém ?

        Giá thử chúng ta đấu tranh đòi hỏi được thiên hạ phải ngưng sản xuất những bom mới A và H, và tiêu hủy tất cả những kho chứa bom, chúng ta vẫn chưa có quyền tự mãn vì cuộc thắng lợi thứ nhì ấy. Trái lại, chúng ta còn cần phải gia tăng hoạt động nữa là khác. Ngay cả trong một thế giới được « miễn » có bom (một thế giới không có bom A hay H) các loại bom vẫn phải được xem như có thể có, vì chúng ta đã biết họ làm bom như thế nào rồi. Ở vào thời đại mô phỏng máy móc này, không thể nào nói là sản phẩm này hay sản phẩm nọ không hiện hữu, vì lẽ không phải các sản phẩm sờ mó được ấy là quan trọng, mà quan trọng chính là những mẫu, những đồ án, « mô hình » của chúng. Sau khi tất cả những bom A và H đã bị loại bỏ, con người vẫn còn có thể là nạn nhân của các đồ án ( blueprints).Trong trường hợp này, lại phải dùng bom đê hủy diệt các đồ án ! Và đấy là việc không thể làm được, bởi vì đã là những đồ án thì chúng nó « bất khả hủy diệt » chẳng khác nào những tư tưởng của Platon. Nói theo một ý nghĩa nào đó, thì những đồ án ấy là sự thể hiện quái đản của các loại bom. Tóm lại, nếu chúng ta hủy diệt được tất cả bom lẫn đồ án, và nhờ đó, nguyên cả thế hệ chúng ta khỏi bị tiêu diệt, thì đấy cũng chỉ là một phần thắng lợi tạm bợ thôi. Người ta có thể lại tiếp tục sản xuất bom vào bất kỳ giờ nào. Mối hăm dọa vẫn tồn tại, và chừng nào còn có hăm dọa tất phải còn cớ.. sợ hãi ! Từ nay về sau, nhân loại sẽ không ngừng sống hồi hộp dưới bóng con quái vật. Muốn tránh khỏi hiểm dọa tận diệt thế giới, không phải chỉ hành động một lần là đủ mà cần có hàng loạt hành động. Vậy chúng ta phải hiểu — và điều này cho thấy hoàn cảnh chúng ta bấp bênh đến thế nào — rằng cuộc đấu tranh của chúng ta chống lại sự hiện hữu thực thể của quả bom, cuộc đấu tranh để phá hủy nó, để dẹp bỏ mọi cuộc thí nghiệm, sẽ mãi mãi là một cuộc đấu tranh không bao giờ hoàn bị. Đấu tranh chống lại sự hiện hữu của quả bom thì thật hoài công. Chúng ta phải đả phá việc sử dụng nó. Con người đã nắm trọn nguyên tắc, và việc sản xuất, ứng dụng dễ như trở bàn tay vào bất cứ ngày giờ nào.

        Vậy bạn phải cố gắng giải thích cho nhân loại thấy rằng, không một biện pháp cụ thể nào, không một sự hủy diệt chiến cụ nào có thể  giải thoát chúng ta khỏi bị sự hăm dọa tái diễn, và chúng ta phải cương quyết từ khước hành động tận diệt thế giới — mặc dầu chúng ta luôn luôn ở vào môi trường có thể  hành động. Nếu bạn và tôi, chúng ta không thể làm cho nhân loại tin tưởng ở chân lý này, thì chúng ta là những kẻ bỏ di.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Mười Hai, 2019, 10:56:00 pm

THƯ SỐ 5
gửi Giinther Anders

        không để ngày...

        Thưa Anh,

        Từ khi tôi nhận được cuốn « Những Khuyến cáo của Thời đại Nguyên tử » do anh gửi đến, những vấn đề và những sự thật mà cuốn sách này nêu lên đã không ngớt ám ảnh tôi. Sự chân thành, sự nghiêm chỉnh của anh, cũng như cách thức trình bày tư tưởng của anh đã gây nơi tôi nhiều tin tưởng. Tôi tin tưởng nơi những cố gắng của anh nhằm mang lại an ninh và thái bình cho thế giới chúng ta. Cỏ lẽ nào anh, tôi và hàng nghìn người chống đối chiến tranh khác khắp quả đất này không thuyết phục nổi một nhóm người, (nhóm bác học)? Có lẽ nào chúng ta không thể khuyên được họ từ bỏ (risk) công việc nghiên cứu, mục tiêu tha thiết của họ, để lắng nghe tiếng nói lương tâm và liên kết với chúng ta, hoãn lại các công trình nghiên cứu nguyên tử của họ đến lúc nào một ủy hội luật gia quốc tế có thể lập nên một chính phủ thế giới, một chính phủ không có những tổ chức chính trị, không có những phương tiện quân sự siêu cường ? Chỉ có các nhà bác học mới đủ bản lãnh làm cho nhóm người cai trị trở nên hoàn toàn bất lực, bằng phương sách duy nhất là bất hợp tác với họ. Bởi vì một khi không còn sự yểm trợ của những công trình khảo cứu khoa học nữa, các thế lực chính trị và quân sự sẽ bị suy bại và tiêu mòn dần. Tôi đã có dịp nói chuyện trước những đoàn thể chống chiến tranh tại nhiều thành phố Hoa-kỳ, và tôi đã nhấn mạnh ở tính chất quan yếu của các vấn đề giải giới nguyên tử, dẹp bỏ các cuộc thí nghiệm nguyên tử và triệt hạ cáo lò nguyên tử. Có dịp tôi cũng đã dành cho giới tu hành có tên tuổi những buổi nói chuyện truyền hình ; và ở thế giới học đường khắp các cấp tôi được xem như là một kẻ không ai ưa !

        Tháng vừa rồi, tướng Twining tham mưu trưởng không quân Hoa-kỳ đã tìm cách cho đưa tôi đến bệnh viện Walter Reed tại Hoa-thịnh-đốn, lấy cớ muốn cho tôi được chữa trị một cách hữu hiệu hơn. Vị y sĩ của tôi đã từ chối vụ này vì ông ta thừa hiểu như tôi rằng thâm ý duy nhất của tướng Twining là cản trở mọi sự quảng bá (publicity) về cá nhân tôi và vấn đề của tôi, bởi vì như vậy sẽ không có lợi gì cho quân đội Mỹ. Họ sẽ hài lòng biết bao nếu có thể bắt ép tôi dẹp bỏ (shut up) vấn đề này. Rất may là y sĩ của tôi tin tưởng nơi tôi nên cho phép tôi làm việc tại bệnh viện và tự do ghi chép những suy tưởng của tôi,

        Tôi muốn hỏi anh vài điều. Chẳng hạn, chúng ta có thể tin tưởng nơi các nhà khoa học không ? nghĩa là phỏng họ có thể chấp nhận ngưng các công trình khảo cửu để làm tê liệt các lực lượng quân sự và chính trị không ? Phỏng họ có thể từ khước mục tiêu thiết tha của họ, từ khước mọi trợ cấp của các cơ quan thí nghiệm, của các chính quyền để đồng thanh đòi hỏi cho kỳ được một kẻ đỡ đầu và quản trị đáng tin cậy cho công trình sáng chế (brain child) của họ ? Nếu họ sẵn sàng chấp nhận những điều trên, chúng ta sẽ có phần thắng lợi an toàn. Tôi vẫn nóng lòng trông đợi thư anh và xin cảm ơn chị nhà đã hết lòng phiên dịch các thư từ ấy dùm tôi.

        Tôi hy vọng có thể rời bệnh viện vào mùa thu này. Đáng lẽ tôi sẽ được về vào tuần tới, vì đã mãn hạn ba tháng chữa trị, nhưng y sĩ của tôi yêu cầu lưu lại thêm một thời gian nữa. Tôi thì luôn luôn tuân theo lời của ông ta vì đã được ông chữa trị (under him) ngót mười năm nay.

        Mong anh được nghỉ ngơi thong thả và tôi rất hân hạnh được đọc một lá thư viết trong thời gian nghỉ hè quý báu của anh. Anh có thể cho tôi xin một bổn tường thuật của anh về nước Nhật không ?

        Tạm chào anh. (Good bye for now).

Bạn anh,            
Claude Eatherly        


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Mười Hai, 2019, 10:57:33 pm
     
THƯ SỐ 6
gửi Claude Ealherly

        Ngày 22 thảng 7 năm 1959
        Anh Eatherly thân,

        Thư anh vừa rồi đã phải mất mười hôm mới đến tay tôi tại đây, vùng núi Alpes. Viết thư cho anh trong lúc nghỉ hè quả là một sự « phí phạm thì giờ » lý thú : bởi vì mỗi cái cảm tưởng tôi đang có ở phương xa một người bạn đồng chí tranh đấu nhằm một mục tiêu mà chính tôi đang hướng đến bằng những phương thức đấu tranh riêng của tôi, đã là một mối an ủi cho tôi rồi. Trao đổi ý kiến với anh thật chẳng còn gì thoải mái hơn vì giữa hai chúng ta không hề có một mảy may trở ngại phân cách nào cả. Anh có hỏi tôi phỏng các khoa học gia có thể từ bỏ những « mối tình đầu » của họ ? Thật khó trả lời anh điểm này. Sẽ có một số xử sự hợp lý. Chính Pauling cũng đã đánh thức được lương tâm của một số đáng kể. Thế nhưng chúng ta sẽ không khỏi gặp một số khoa học gia không thể hoặc không muốn ý thức những hậu quả của công việc họ làm. Chúng ta cần tiếp xúc với một số lớn khoa học gia, càng nhiều càng tốt. Riêng tôi, tôi có liên lạc với một nhóm gồm mười tám (18) khoa học gia Đức, những người đã có can đảm phổ biến cho quần chúng biết công dụng mâu thuẫn tại hại của vũ khí nguyên tử, do dó họ đã bị Adenauer ghét. Dầu sao chăng nữa, nếu chỉ tấn công vào giới khoa học gia mà thôi thì chẳng được việc gì. Cứ phân tích kỹ ra thì các nhà bác học chung quy cũng chỉ là những con người như mọi người trong quần chúng, tính tình họ phần lớn cũng không quá mức trung bình, nghĩa là những người mà dư luận quần chúng vẫn có thể bao vây, khuyến khích, hay bắt nạt được. Bởi vậy có một việc không kém quan trọng — để khỏi nói là quan trọng hơn — là chúng ta phải giải độc hoàn cảnh, cải đổi tâm lý quần chúng, uốn nắn lại dư luận quần chúng chung quanh các nhà bác học nguyên tử. Hoàn cảnh mới mà chúng ta đang cố tạo nên phải lan rộng trên mọi địa hạt, đến độ những khoa học gia nào còn khai thác các khí tượng hướng vào mục tiêu quân sự sẽ tự thấy mình sống lạc lõng giữa một thế giới chống đối họ, xem họ như những kẻ thù, những phần tử phá hoại đáng khinh bỉ.

        Một trong những công tác chính yếu của chúng ta là phải mở một một mặt trận quy mô. Anh phải đặt giả thuyết rằng trong phần lớn các trường hợp, con người thường từ bỏ những dự tính mà họ có thể thực hiện được, chẳng hạn, hạ sát một người láng giềng thường quấy rầy họ. Họ không hành động chẳng phải vì bản tính đạo đức, hoặc vì họ chân thành muốn tôn trọng hạnh phúc hay sự bất khả xâm phạm của kẻ khác, mà chính vì họ không thích đụng phải một thứ nhân vật « húy kỵ » mà quần chúng đã thừa nhận, để khỏi bị xã hội lên án. Vì lẽ đây là những con người thực sự bằng xương bằng thịt chứ không phải là những biểu tượng lý tưởng, chúng ta cần tạo nên một trạng huống trong đó ngay cả những con người thiếu hẳn nhiệt thành đạo đức, thiếu hẳn óc tưởng tượng, sẽ hành động chẳng khác nào dưới động lực của đạo đức và lòng thương nhân loại. Phải là « mặt trận qui mô » trong đó anh phải giữ một vai tuồng. Tôi xin đưa ra nhận xét sau đây với hy vọng anh thông cảm và không cho rằng tôi có ý châm biếm : nếu thiếu anh, mặt trận này không bao giờ được rộng lớn, vì nhờ có anh, mặt trận sẽ mở rộng từ « phạm nhân » đến « nạn nhân ». Mặt khác chính anh đã tuyên bố lập trường khẳng định và dứt khoát của anh rồi. Bởi vậy tôi nghĩ rằng những đề nghị  của tôi cuối lá thư đầu tiên viết cho anh (về việc gửi một thông điệp cho các nạn nhân Hiroshima) sẽ trùng hợp hoàn toàn với những triền vọng và hành động của anh — Vì xa cách lẽ tất nhiên tôi không thể có một ý nghĩ chính xác về hoàn cảnh của anh — có lẽ những trở ngại kỹ thuật bất khả khảng đã không cho phép anh ghi nhớ đề nghị của tôi. Mối hoài nghi càng được minh xác khi anh cho tôi biết về những kẻ đã cố tâm lấn át tiếng nói của anh và đối xử với anh chẳng khác nào một phạm nhân được biệt đãi. Tôi rất sung sướng thấy ít nhất anh cũng còn tìm thấy một điểm tựa nơi một y sĩ khá thông minh và hiểu biết, đấy quả là một người bạn tri kỷ của anh, là một người có can đảm chống đối lại các kẻ cầm quyền, lo lắng và đảm bảo cho sự tự do của anh. Có dịp, nhờ anh chuyển lời cho vị y sĩ ấy biết là kẻ viết thư này rất thán phục ông ta. Anh ạ, tôi thiết nghĩ những sự vận động của ông ta giúp anh có lẽ cũng tương tự như những gì chính tôi đã làm. Xin anh cử tin tưởng rằng nếu có những kẻ cầm quyền thọc gậy bánh xe, những kẻ đó cũng chẳng bao giờ là những kẻ toàn năng và luôn luôn chúng ta có những con đường vòng để đạt mục đích. Rất khổ tâm là chúng ta đang sống vào thời đại mà những « con đường vòng » đã trở nên cần thiết và hợp đạo. Con đường vòng áp dụng vào trường hợp của chúng ta sẽ như thế này : nếu người ta cản trở không cho anh gửi riêng một thông điệp cho các nạn nhân Hiroshima qua sự trung gian của viên thị trưởng địa phương (phương sách này sẽ ngoạn mục, huê dạng lắm đó), thì chúng ta sẽ có một lối thoát khác tạm được, nghĩa là chính tôi sẽ nhân danh anh mà gửi bức thông điệp ấy. Nhưng anh hãy biết rằng bạn anh sẽ không bao giờ làm một việc gì đằng sau lưng anh. Do đó tôi xin anh cho phép tôi lo vụ này.

        Tôi nghĩ rằng nội dung thích đáng và gọn gãy nhất cho bức thông điệp nói trên sẽ là . Xin cùng quí bạn hô lớn khẩu hiệu « Không tái diễn một Hiroshima » ký tên : Claude Eatherly, một phi công Hiroshima. Trong trường hợp anh không gửi thông điệp này đến Nhật-bản, và muốn tôi gửi thay anh, xin anh vui lòng đánh cho tôi một điện tín với hai chữ « đồng ý ».

Bạn anh,        
Anders        


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Mười Hai, 2019, 11:00:27 pm

THƯ SỐ 7
gửi GiintherAnders

        Ngày 12 thảng 8 năm 1959
        Anh Anders thân,

        Tôi xin báo tin mừng cho anh hay rằng, bức thông điệp « của chúng ta » gửi đến các nạn nhân Hiroshima đã bắt đầu có hiệu quả. Qua hai lá thư kèm theo đây anh sẽ thấy họ cảm nghĩ như thế nào. Có dịp, xin anh vui lòng phát hoàn những thư này cho tôi.

        Hôm nav y sĩ của tôi có cho biết rằng tôi có thể rời bệnh viện vào tháng tới. Thư từ cho tôi sẽ được chuyển tiếp đến Van Alstyne, hộp thư 187, Texas. Tôi sẽ bận bịu lắm. Hãng phim Bop Hope có mời tôi ký hợp đồng để thực hiện một cuộn phim về đời sống của tôi. Tôi sẽ chấp nhận nếu họ cam kết làm phát ngôn nhân cho những tư tưởng của tôi, và không bóp méo lập trường khẳng định của tôi đối với các vấn đề thời sự, nghĩa là những vấn đề đang làm cho trí óc anh và tôi khá bận rộn. Tôi cần có anh phụ lực để sớm vạch ra một bản sơ phác hoặc một bài chủ để hầu các nhà làm phim dùng làm căn bản phô diễn những mục đích và tôn chỉ của chúng ta. Họ có ý định, sau khi hoàn thành cuộn phim, sẽ đưa tôi đi chu du khắp thế giới cùng với tác phẩm này. Nếu có anh cùng di, tôi sẽ lấy làm hài lòng vô cùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ làm nên việc. Tôi sẽ viết thư cho anh trước khi ký hợp đồng.

        Vắn tắt, tôi mong đợi những lời khuyên của anh về cuộn phim và bài chủ đề nói trên.

        Tôi hy vọng trong một thời gian gần đây sẽ có thể sang Âu-Châu. Có lẽ sang năm tới. Rất mong đợi thư anh.

Bạn anh,           
Claude Eatherly       


THƯ SỐ 8
của « những người con gái Hiroshi ma » gửi Thiếu-tá Claude Eatherly, V.A. Bệnh viện Waco, Texas (Nhờ ông Arden Yamanaka 522 A. oyama Kita Machi,   Minatokou chuyền đạt)

        Ngày 24 tháng 7 năm 1959
        Thưa ông,

        Trước tiên, «những người con gai Hiroshima » ký tên dưới đây, xin gửi lời thành thực chào ông.

        Tất cả chúng tôi là những thiếu nữ đã may mắn thoát chết, nhưng thảy đều bị thương nơi mặt mày tay chân và khắp thân thế vì quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima trong trận chiến tranh trước đây. Quá đau khổ vì những thương tích, những vết thẹo này, chúng tôi muốn rằng mối tai họa khủng khiếp mệnh danh là « chiến tranh » sẽ không bao giờ tái diễn, giáng xuống đầu chúng tôi cũng như bất cứ ai trên quả đất này. Chúng tôi vừa được tin ông đang bị ray rứt vì một mặc cảm tội lỗi sau biến cố Hiroshima, do đó ông được đưa đến bệnh viện để điều trị hầu cải tiến trạng thái tâm hồn của ông.

        Thư này gửi đến ông nhằm mục đích biểu lộ mối thông cảm của chúng tôi, và để xác nhận cùng ông rằng chúng tôi không hề có chút tị hiềm nào đối với ông cả. Có lẽ người ta đã hạ lệnh cho ông phải làm những gì ông đã làm. Và cũng có lẽ ông đã nghĩ rằng, như vậy chiến tranh sẽ chấm dứt mau lẹ hơn và thiên hạ sẽ thoát nạn giết chóc. Nhưng hẳn ông cũng hiểu rằng chẳng bao giờ bom đạn giúp chấm dứt được các cuộc chiến. Chúng tôi đã được những tín đồ giáo phái « Quaker » Hoa-kỳ đối đãi rất tử tế   (kindness).Chúng tôi đã dần dà có thiện cảm với ông và chúng tôi nghĩ rằng ông cũng chỉ là một nạn nhân của chiến cuộc như chúng tôi.

        Chúng tôi cầu mong ông sớm được hoàn toàn bình phục để ông có thể tiếp tay với những ai đang sát cánh nhau trong tình huynh đệ, đấu tranh hủy bỏ cái điều dã man mệnh danh là « chiến tranh » ấy.

        Kính chào ông với tất cả cảm tình chân thành và nồng nhiệt.

        Ký tên

        Hideko Sumimura,   Shigeko Miimoto,
        Sayoko Komatsu,   Michiko Yamaoka,
        Chiẹko Komura,   Yasuko Sima,
        Tadako Emori,   Arden T.T. Yamanaka,
        Motoko Yamashita,   Hatsue Ynoue,
        Keiko Kawasaki,   Suzue Hiyama,
        Miyoko Matsubara,   Shigeko Hara,
       Tszuko Shibafu,   Yukiko Okita,
        Masako Wađa,   Yoshie Kihara,
        Emiko Takemoto,   Sakiko Kawamata,
        Mitsuko Kodama,   Michiyo Yamanaka,
        Chizuko Suzuki,   Toyoko Yamanaka,
        Atsuko Tada,   Yoshie Enokawa,
        Misako Kanabe,   Hisaomi Watanabe,
        Hiroko Tasaka,   Ruriko Funatsu,


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Mười Hai, 2019, 11:02:13 pm

THƯ SỐ 9
gửi Claude Eatherly.

        Ngày, 18 thàng 8 năm 1959
        Anh Claude Eatherly thân mến,

        Tôi đã băn khoăn về anh vì không thấy anh trả lời thư tôi gửi từ bên Thụy-sĩ. Tôi cứ nghĩ rằng anh sẽ không trả lời thư, có thể  là vì auh bị bệnh hoặc có những người vì không thích cuộc trao đổi thư từ giữa chúng ta, đã cản trở không cho anh hồi âm. Nay thì rất mừng là tôi đã băn khăn hão vì mọi sự đều êm đẹp và nay mai anh sẽ là con người tự do với một phần vụ tốt đẹp trước mặt anh. Trước khi bàn về « phần vụ » ấy, tôi muốn cho anh hay rằng những tiếng « bức thông điệp của chúng ta » trong thư anh đã làm cho tôi hài lòng vô hạn. Như vậy là anh đã gửi xong bức thông điệp ấy. Rất tiếc là anh đã không cho tôi biết nội dung của nó. Nhưng việc đó không đáng kể, vì điều quan trọng  là việc gửi dược thông điệp chứ đâu phải nội dung của thông điệp ?

        Có lẽ anh còn nhớ, trong lá thư đầu tiên cho anh, tôi có nói rằng khi tôi sang Nhật-bản, tôi không hề thấy một ai oán trách thù hận anh. Và lá thư của « những người con gái Hiroshima » có thể được xem là sự xác nhận đẹp đẽ nhất về những gì tôi đã nói. Có đáng để chúng ta sung sướng chăng khi chúng ta lập được một mặt trận duy nhất cho hòa bình trong đó chính những nạn nhân chiến tranh lại đã công nhận rằng các phạm nhân chiến tranh cũng chỉ là những nạn nhân như họ ? Vậy thì bây giờ tất cả các nạn nhân phải biến thành những phạm nhân » để phạm cái « tội » (!) ngăn cản không để cho những người khác trở thành nạn nhân chiến tranh nữa.

        Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về những dự tính của anh, hay nói đúng hơn, những gì khả dĩ anh làm được.

        Anh Claude ạ, thực tình tôi rất lấy làm hân hạnh được anh tín nhiệm khi anh nói : « Tôi cần có anh phụ lực để vạch ra một bản sơ phác hoặc một bài chủ để hầu các nhà làm phim dùng làm căn bản phô diễn những mục đích và tôn chỉ của chúng ta...».

        Nhân đây tôi rút được một kinh nghiệm, có lẽ cũng như anh là, muốn kết thân với ai và muốn ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với nhau, ta chỉ cần tìm hiểu thiện chí và sự liêm khiết của bạn là đủ rồi.

        Anh cho phép tôi nói một cách cụ thể hơn : thực tình tôi thấy không yên tâm về vụ Bob Hope mời anh ký hợp đồng làm phim. Tôi đã sống nhiều năm ở Hollywood nên tôi hiểu rõ những nguyên tắc, hay nói đúng hơn, sự thiếu hẳn nguyên tắc, bất chấp nguyên tắc, của giới sản xuất phim ảnh. Một khi họ nắm được người nào, một tác giả, một tài tử v. v... — lẽ tất nhiên là đương sự được trả thù lao rất hậu — nhà sản xuất xem người đó là một vật hữu của họ để họ tự do khai thác. Giá thử anh có thừa kinh nghiệm và khôn ngoan chăng nữa để đạt những điều kiện theo đó anh sẵn sàng làm « vật sở hữu của nhà sản xuất» (chẳng hạn, anh được họ cam kết sẽ tôn trọng đời sống, những cảm nghĩ và lập trường của anh để xuất phẩm phải nói lên sự tin tưởng của anh) tôi vẫn có thể đoán chắc với anh rằng họ sẽ luôn luôn tìm được một lối thoát để giải đoán các điều kiện của anh theo một nghĩa mơ hồ, thậm chí có khi để xem thường những điều kiện ấy nữa là khác. Một cá nhân riêng lẻ như anh hẳn sẽ không đương đầu nổi cuộc tranh chấp vì đối phương của anh không đơn thương độc mã như anh, trái lại, là một hãng thương mãi lớn lao và các phương lược truy tố họ trước pháp luật chỉ có thể là ảo tưởng. Một khi chủ đề của anh đã bị diễn xuất sai lệch, cho dù trong muôn một anh thắng kiện và được bồi thường thiệt hại, hủy bỏ hợp đồng chăng nữa, sự thắng cuộc của anh cũng bằng thừa vì ý tưởng của anh dã bị hẵng phim làm sai lạc rồi.

        Đấy cũng chưa phải là điểm chỉnh yếu : khi anh là một nhân vật có thực sống trong một bối cảnh lịch sử có thực dĩ nhiên anh thích được coi trọng bởi những con người thực sự, cần có những quyết định thay vì những kẻ hâm mộ màn bạc (movie fans) chỉ giải trí bằng một câu chuyện lịch sử giả tạo, bịa dặt. Không nên xem thường mối nguy hại là một cá nhân có thực như anh lại bị biến cải thành một diễn viên tươi cười, nghĩa là một nhân vật vô hại không thuộc vào xã hội thực tế, mà lại thuộc vào thế giới ảo tưởng. Hẳn anh cũng thừa hiểu như tôi rằng sẽ có những đoàn thể có thể lực hài lòng về sự biến cải này và không đòi hỏi gì hơn là chôn anh dưới một lớp dày huê dạng mê hoặc (glamour) — sự biến cải anh thành một thần tượng màn bạc sẽ có tác dụng ngược hẳn với những gì anh xem như bổn phận và sứ mạng của anh.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 06:56:34 am

        Mối nguy hại sẽ càng trầm trọng nếu anh tỏ ra là một vai tuồng « ăn ảnh » hay tệ hơn nữa, một nghệ sĩ diễn xuất tài tình. Nếu anh nhận « đóng » vai tuồng thảm hại mà anh đã phải giữ trong đời sống thực tế của anh — một trong những vai tuồng bi đát nhất — tất nhiên anh sẽ gạt bỏ hết thực chất nơi đời sống của anh — những ý nghĩ trên sẽ đưa chúng ta đến những điều tiên quyết sau đây :

        1/Trong bất cứ trường hợp nào, anh cần phải từ khước từ thủ lấy vai tuồng của mình, để người ta dùng anh làm tài tử diễn xuất đời sống của chính anh.

        2/ Anh hãy chống chọi với khuynh hưởng « áp phe »(business) điện ảnh cho đến khi nào anh cầm chắc rằng nhà sản xuất và đạo diễn đã đi sát với quyền lợi lý tưởng của chúng ta. Trước hết, anh phải cầm chắc rằng những người ấy không có hậu ý thuần nhất là khai thác thắng lợi của anh, như là một « anh hùng của thời đại nguyên tử ». Tôi có biết một vài người liêm khiết đứng đắn, đáng tin cây trong giới kỹ nghệ điện ảnh. Anh và tôi, chúng ta sẽ cố gắng tiếp xúc với họ.

        3/ Đến đây là vấn đề cốt chuyện của phim (script) — Tôi có cho anh hay là tôi đã từng sống gàn Hollywood (tôi không làm điện ảnh, song tôi có quen biết vài điện ảnh gia). Từ bốn mươi năm nay, viết truyện phim là một công việc quá thông thường mà nhà sản xuất vẫn giao phó cho một nhóm chuyên viên làm việc ngay tại hãng phim. Một số nhà văn tên tuổi được mời đến Hollywood để viết cốt truyện thường phải khổ tâm vì những đề án hay những bản thảo của họ bị giựt khỏi tay họ, cho vào guồng máy sản xuất và bị sửa đổi quá nhiều, đến nỗi cuộn phim hoàn tất khác hẳn với cốt truyện căn bản. Xin anh chớ quên rằng khi các nhà điện ảnh mời anh viết lại đời sống của anh để làm phim, bản thảo của anh chỉ được dùng làm cờ, và họ sẽ tự do dựng thành phim theo ý muốn của họ. Mặt khác, cốt truyện của anh sẽ được dùng làm căn cứ để giới thiệu xuất phẩm như là một tài liệu đích thực về tiểu sử của anh. Tôi có thể hình dung được sắc diện của anh khi anh dự xem buổi chiếu ra mắt của cuộn phim mang tựa để « đời sống tự thuật của  Claude Eatherly » và nhận thấy câu chuyện trên man bạc không mảy may liên quan gì đến đời sống hoặc tập bản thảo của anh.

        4/ Mặc dù tôi đã lưu ý anh những điểm trên, trong trường hợp anh nghĩ rằng đây là một dịp may hiếm có cần nắm lấy để hành động, tôi xin đề nghị phương thức sau đây:

        Bởi lẽ anh không phải là một nhà văn chính cống, anh cần có sự cộng tác của một văn sĩ chuyên nghiệp mà anh tín nhiệm khi soạn thảo cốt truyện của anh. Dù nhà sản xuất viện lý do nào chăng nữa, anh cũng cần từ khước hợp tác với một người « viết thay » (ghost writer) của hãng phim, vì bản thảo cốt truyệu cần nói lên đời sống đích thực của chính anh, những băn khoăn của chính anh, và những triển vọng của chính anh ; và anh không thể để cho ai xen vào và lèo lái mình qua cốt truyện đầu tiên ấy. Anh cần có bản thảo đầu tiên làm cẩm nang khi duyệt lại chuyện phim cuối cùng, hầu minh chứng những gì anh đã muốn nói lên trong cuộn phim khi anh nhận thấy có những chỗ sửa đổi man trá. Tôi muốn mãi mãi nhắc lại với anh rằng anh cần tập trung khá nhiều tâm trí vào công việc này. Anh hãy cho xuất bản thành sách câu chuyện tự thuật đời anh trước khi cho nó biến vào trong cái cối xay của hãng sản xuất phim ảnh. Nghĩa là anh có bổn phận nói lên sự thật trước tiên.

        Qua thư anh, tỏi thấy anh có vẻ muốn làm công việc này cùng với tôi. Tôi rất sẵn lòng nhưng tôi tưởng trước tiên chúng ta nên nghĩ đến những thể thức nào thuận lợi cho một cuộc hợp tác như vậy. Riêng phần tôi, tôi không thể sang Hoa-kỳ được, tuy nhiên, nếu anh có ý định sẽ sang Âu-châu thì anh nên chọn Anh-quốc, và chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy. Tôi nghĩ đến địa điểm này vì hai lý do :

        1) Anh sẽ ở một xử nói tiếng Anh, do đó anh sẽ khỏi cảm thấy lạc lõng và bỡ ngỡ như trường hợp chúng ta phải gặp nhau tại đây.

        2) Riêng tôi sẽ đỡ tốn khả nhiều lộ phí.

        Chúng ta sẽ cùng làm việc hàng ngày để thử soạn ra một văn bản hay ít lắm là một bản sơ phác mà tôi sẽ mang về Áo nhuận chính lại phần văn chương. Dĩ nhiêu là công việc này sẽ diễn tiến với sự kiểm điểm thường xuyên của anh : anh sẽ xem xét lại những gì tôi viết, cho ý kiến, thêm bớt những chỗ nào anh thấy cần. Trong giai đoạn thứ nhì này chúng ta có thể  làm việc bằng thư từ, và như vậy phải mất nhiều tháng — nhưng với phương thức ấy anh sẽ cầm chắc rằng kết quả công việc chúng ta làm sẽ không phải là một văn bản phiến diện thô sơ, và tính chất nghiêm chỉnh của văn bản sẽ phù hợp với tính chất nghiêm chỉnh của sứ mạng mà chúng ta cần hoàn thành.

        Trong trường hợp anh chấp nhận đề nghị này, anh nên thu xếp để lên đường sang Âu- châu sớm hơn thời gian dự tính. Dù chưa rõ tương lai của ý định cộng tác này rồi sẽ ra sao, nhưng riêng tôi sẽ hài lòng được gặp mặt một người bạn mà bấy lâu tôi chỉ được biết qua thư từ.

        Tôi đã thấy những hình ảnh của anh, và tiện đây tôi xin gửi tặng anh hai tấm hình của tôi để anh có một ý niệm về ngoại diện của tôi. Trong tấm chụp lẹ tại Hồng-Kông, tôi đang thảo luận ráo riết về thời sự thế giới với một thanh niên Trung-hoa khá đa nghi.

        Mấy hôm nữa tôi sẽ gửi trả lại anh lá thư của những thiếu nữ Hiroshima.

        Xin anh cho tôi biết các chi tiết về bản thông điệp gửi đến Hiroshima, cũng như công việc điều đình của giới sản xuất điện ảnh với anh đã đến đâu, dự án xuất bản cuốn sách của anh, và những dự tính khác sau khi anh được tự do.

        Chúc anh mọi sự như ý.
Bạn anh       
Anders.       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 06:58:54 am
 
THƯ SỐ 10
gửi GiintherAnders.

        Ngày 22 tháng 8 năm 1959

        Thưa Anh,

        Có lẽ anh lấy làm ngạc nhiên thấy tôi phải tìm kiếm mãi tận chân trời một người bạn mà tôi tín nhiệm và đủ khả năng hướng dẫn tôi, (trust and guidce) nhưng tôi hy vọng rằng anh sẽ thông cảm hoàn cảnh của tôi. Tại đây có rất nhiều tư nhân và đoàn thể muốn dùng tôi vào vụ này vu nọ. Có lẽ anh sẽ cho tôi là điên, nhưng tôi có cảm tưởng rằng phần lớn họ kiếm đến tôi chỉ vì cái tên của tôi — làm sao có thể tin được nơi tất cả ?1 —  Riêng về phần anh, tôi nghĩ rằng anh không có hậu ý nào mà chỉ có thiện chí giúp tôi thực hiện sứ mạng mà anh cũng như tôi, chúng ta được sinh ra để thực hiện: sứ mạng đó là đề cao tình thương, gây niềm thông cảm giữa con người và con người, sở dĩ tôi tín nhiệm anh là nhờ ở những tấm hình mà anh đã chọn và gửi cho tôi.

        Tôi xin thưa anh rõ rằng tôi sẽ không bao giờ làm gì với tham vọng trở thành một ngôi sao màn ảnh. Tôi chỉ mong muốn một điều là : hoạt động cho nền hòa bình, đấu tranh loại bỏ vũ khí nguyên tử, tạo dựng công lý nhân loại bất cử thuộc chủng tộc màu da và tín ngưỡng nào.

        Anh Giinther, tôi không thể nào nhớ lại tất cả những thư tín gửi đi Nhật-bản. Tôi cho họ biết rằng tôi là tên thiếu-tá phi công đã ra hiệu lệnh « tiến lên » (go ahead) cho các máy bay ném bom nguyên tử xuống Hiroshima ; rằng bây giờ tôi không thể nào quên được hành động sai lầm trầm trọng ấy, và hiện nó đang dày vò lương tâm tôi. Tôi xin họ tha thứ cho tôi. Tôi lại có nói rằng nhân loại không nên chém giết nhau. « Tại sao chém giết nhau ? Chiến tranh là dã man, vô nhân đạo. Chiến tranh đâu phải là hành động của con người, con vật thượng đẳng đứng cao nhất trên muôn loài của tạo- hóa (head of all creatures)? Tôi có cảm tưởng rằng oan hồn của những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống tro tàn Hiroshima đang thankhóc và cầu xin hòa bình. Tôi mong mỏi rằng nhân loại có thể sát cánh nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn ».

        Tôi đã chuyển đến họ bản thông điệp «của chúng ta ». Một mình tôi, hẳn là chẳng bao giờ tôi nói lên được những gì tôi đã nói. Rốt cuộc tôi nghĩ rằng « chúng ta » đã gây được thiện cảm nơi họ (It must have made an impression for us).

        Hình như tôi chưa kể cho anh việc rất nhiều người cầm bút đến tiếp xúc với tôi và thảy đều bị từ khước. Thế nhưng họ vẫn thản nhiên « đẻ » ra những cột báo sai hẳn sự thật về tôi. Tôi đã từ chối trước khi rời bệnh viện, không thương lượng gì với các luật sư của hãng phim Bob Hope, vả lại, tôi cũng biết rằng dù sao chăng nữa chữ ký của tôi trong trường hợp ấy sẽ chẳng có chút giá trị pháp lý nào. Tôi nhận thấy cần có một thời gian suy nghĩ và những lời khuyên xây dựng hầu quyết định một thỏa hiệp nào với giới kỹ nghệ điện ảnh. Anh Gunther ạ, xin anh cử yên chí rằng tôi không phải là một kẻ cầu danh, và cái danh đó, nếu có, sẽ chỉ nhằm phục vụ một lý tưởng, lý tưởng « của chúng ta ».

        Nhà văn Al Hirschberg, tác giả của nhiều sách hay tại Hoa-kỳ, có tỏ ý muốn viết về câu chuyện của tôi, nhưng tôi không ký hợp đồng, vì lẽ tôi chưa hề tiếp xúc thẳng với ông ta. ông ta có xúc tiến vụ này với người anh ruột của tôi là người chuyên lo về các quyền lợi vật chất cho tôi. Tôi xin hứa với anh một điều là tôi sẽ không bao giờ làm một diễn- viên. Nếu anh có quen biết một người nào trong giới sản xuất phim ảnh, tôi sẽ xin ủy quyền cho anh thu xếp giùm tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau biên soạn cuốn sách và sách đó sẽ được họ chấp nhận, có người cho tôi hay rằng Bob Hope là một hãng phim đáng tin cậy. Nếu anh muốn, tôi sẽ viết thư cho hãng này, vì tôi biết Bob Hope đang lưu tâm đến vụ của tôi.

        Tôi không hiểu người anh ruột tôi sẽ cấp cho tôi bao nhiêu tiền. Như anh đã biết, anh tôi vốn quản trị các tài sản và lợi tức của tôi. Phải nói rằng anh ấy luôn luôn chiều theo mọi nhu cầu và ước muốn của tôi, và luôn luôn lo lắng cho sức khỏe của tôi. Bởi chưa quyết định dứt khoát việc cùng viết cuốn sách với anh, nên tôi chưa thể cho anh biết có đi sang Anh-quốc hay không và đi vào lúc nào. Xin anh đừng tưởng rằng tôi lợi dụng mối thiện cảm của anh để nài ép anh viết sách với tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng anh là người bạn hiểu biết rõ con người tôi và những tư tưởng của tôi hơn ai hết, và là người tín nhiệm tôi. Ngoài ra, tôi sẽ nghĩ tới việc hợp tác với nhà văn AI Hirschberg vì ông ta có những liên hệ với anh ruột tôi.

        Hiện nay vị y sĩ điều trị tôi đang đi nghỉ hè cho đến đầu tháng chín. Sau đó tôi sẽ xin ông ta cho tôi rời bệnh viện. Rồi tôi sẽ đến ở trang trại của tôi và trở lại tiếp xúc với các bằng hữu. Sự thực tôi chẳng biết họ sẽ còn nhận tôi là bạn nữa không. Tôi sẽ xuất đầu lộ diện giữa nơi công cộng, và đối đầu với những người tôi quen biết: tiếp đón tôi ra sao, đấy sẽ là việc của họ.

        Xin cám ơn anh đã gửi tặng tôi mấy bức hình. Tôi sẽ cho lên khung đàng hoàng sau khi rời bệnh viện. Rất tiếc là những hình ảnh của tôi mà hiện anh đang giữ chỉ là những tấm chụp vào thời tôi còn đầy đủ sức khỏe.

        Để chấm dứt, tôi xin nói thêm điều này : tôi sẽ không chấp nhận một vai tuồng diễn viên thuần túy. Tôi sẽ không phản bội lòng tín nhiệm của anh cũng như tất cả những gì tôi đang tin tưởng mãnh liệt.

        Kính chúc anh mọi điều tốt đẹp.

Bạn anh             
Claude Eatherly       

-------------
        1. Nguyên văn Anh-ngữ : « I feel I cannot so many people and groups only for my name ».


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 07:00:07 am

THƯ SỐ 11
gửi Claude Eatherly

        Ngày 30 tháng 8 năm 1959. Anh Claude thân,

        Tôi chẳng thấy có gì khác thường khi chúng ta quả gần gũi nhau đến thế mặc dù chúng ta ở hai nơi nghìn trùng tưởng như xa cách nhiều. Nếu các quân đội thù nghịch có thể « tiếp xúc » được với nhau qua hàng nghìn cây số dài, thì những thân hữu lai có bồn phận tỏ ra rằng họ cũng chẳng lệ thuộc nhiều vào những khoảng cách vật chất y như các quân đội thù nghịch vậy. Chúng ta cứ tiếp tục trao đổi cho nhau những « hỏa tiễn » thân hữu như vậy để tỏ cho những ai đang trổ tài hủy diệt nhau qua không gian thấy rằng chúng ta cũng có tài loại bỏ không gian như họ.

        Thư trước của anh đã làm cho tôi an tâm. Tôi thấy rằng giới điện ảnh không dễ gì lung lạc tính thần anh, và cái viễn ảnh được nổi tiếng cũng sẽ khó lôi cuốn anh và làm anh sa đọa. Trái lại, anh sẽ dùng tên tuổi của anh để gia tăng phần tác dụng cho bản thông điệp mà anh đã gửi đi. Tỏi thán phục thái độ của anh.

        Bây giờ xin nói đến những điểm trong thư anh : như vậy, chúng ta đồng ý là trước tiên cần soạn thảo tiểu sử của anh đã. Sau đó chúng ta sẽ nghĩ đến cuộn phim. Tôi muốn di xa hơn nữa : không những bản tiểu sử sẽ được dùng làm thể tài cho việc thực hiện phim ảnh, mà trong tờ hợp đồng cần có một điều khoản minh định rằng tiểu sử của anh sẽ là tài liệu căn bản duy nhất, và anh có thể bác bỏ một số phân cảnh hoặc có khi nguyên cả cuộn phim nếu anh nhận thấy nó bóp méo sự thật hoặc có dụng ý lái đến những mục tiêu trái hẳn với những mục tiêu của anh.

        Tôi không được biết Al Hirschberg. Dầu sao anh cũng nên tìm hiểu nhà văn này, nhưng chở vội cam kết gì với ông ta. Tôi sẽ cố kiếm đọc những tác phẩm mới nhất của ông ta để xem trình độ đạo đức và nghệ thuật của những sách đó có thể xác nhận ông ta đủ tư cách dựng cuộn phim quan trọng của chúng ta hay không. Tôi nghĩ, nếu anh có thể tự thảo lấy tiểu sử của anh tại Hoa-kỳ thì tiện lợi cho anh biết chừng nào.

        Trong trường hợp tôi nhận thấy nhà văn AI Hirschberg không xứng đáng với công việc này, tôi sẽ trình bày quan điểm của tôi và tôi sẽ đề nghị anh kiếm một người cộng sự khác. Nếu không được vậy, chúng ta buộc lòng phải chọn lấy con đường khó khăn nhất: tôi muốn nói chúng ta sẽ cùng nhau soạn thảo bản tiểu sử tại Anh-quốc.

        Trong lúc chờ đợi, tôi có thử viết thư cho một nhà xuất bản người Đức (ông ta vừa in ra cuốn sách của tôi về Hiroshima) cho biết rằng anh và tôi, chúng ta có thể hợp tác viết cuốn tiểu sử của anh, như vậy, chúng ta cần làm việc vài tháng tại Anh-quốc, và các nhà xuất bản tại Hoa-kỳ, Anh, Đức và Nhật muốn mua bản quyền sẽ phải đài thọ chi phí ăn ở cho chúng ta. Dĩ nhiên tôi có nhấn mạnh rằng « có thể » vậy thôi, chưa có cam kết gì. Tỏi chỉ yêu cầu nhà xuất bản nói trên suy nghĩ về vụ này và giữ kín.

        Ngoài ra, tôi còn có viết thư cho người nữ thư ký của một nhà đạo diễn mà tôi cho là trong số những điện ảnh gia đáng tin cậy nhất về đạo đức cũng như về nghệ thuật tại Hollywood. Tôi nói về cuộc trao đổi thư từ của chúng ta, những dự tính về cuộn phim, tiểu truyện và vụ anh được mời ký hợp đồng. Nếu tôi không lầm thì nhà đạo diễn này hiện đang ở tại Á-châu. Vì không rõ địa chỉ chính xác nên tôi không thể giao thiệp thẳng với ông ta. Nhưng có điều là, theo lời một người bạn thân, nhà đạo diễn này bấy lâu vẫn nuôi hoài bão làm một cuộn phim về tình hình nguyên tử hiện nay. Cho đến nay, ông ta chưa hề thực hiện phim nào về loại này vì không thích làm một công việc pha chế có tính chất quy ước về các vấn đề nguyên tử, và đây cũng là quan điểm của tôi. Tôi cũng được hay rằng ông ta có tỏ ra quí mến tôi vì có biết đến cuốn sách của tôi viết về Nhật-bản. Nếu tôi thuyết phục được ông ta và nếu ông ta có tài chánh, chắc hẳn thể nào cũng thực hiện được cuộn phim về tình hình nguyên tử. Ta đừng quá nóng lòng, và không nên ký giao kèo với bất cứ ai trước khi gặp được nhà đạo diễn này và biết ý kiến của ông ta.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 07:01:02 am

        Tôi cũng nghĩ rằng tại Nhật-bản chúng ta rất có thể được trợ cấp tài chánh để thực hiện cuộn phim này. Vì lẽ tại Nhật-bản anh đã có tiếng tăm và tôi cũng được người ta biết một phần nào.

        Trong thư trước của anh có một câu mà tôi không thể hiểu rổ. Anh nói sẽ cho phép tôi hành động như một đại-lý của anh. Dưới hình thức ấy tôi ngại không thế chấp nhận, vì hai lẽ : 

         1) Tôi không có những kiến thức về thương mãi và luật pháp cần thiết, chưa nói đến việc phải có kinh nghiệm, giao thiệp rộng, và gác bên vấn đề lương tâm.

        2) Giả thử tôi là một nhà đại lý chuyên nghiệp đi nữa, tôi nghĩ thật khó mà làm đại diện hữu hiệu cho một thân chủ đang sống ở một lục địa khác. Vậy chúng ta nên giữ hình thức cộng tác bằng thư từ, thay vì nói đến đại lý hay thân chủ.

        Bây giờ hãy đề cập đời sống hiện tại của anh : hẳn anh biết rằng tôi suy nghĩ lo lắng về anh, vì sau khi được « trả lại tự do » anh sẽ bước vào một giai đoạn mới của đời anh. Tôi ngại rằng việc lập lại cuộc đời sẽ không mấy dễ dàng đối với anh. Trước tiên phải đặt giả thiết rằng những người, hay đa số những người đồng châu và đồng thế hệ với anh có thể sẽ có thái độ dè dặt hoặc thiếu thiện cảm đối với anh. Có thể sau buổi thiếu thời chung sống với anh họ không được tiến bộ, do đó không thể hiểu thấu những thử thách mà anh đã trải qua và những kinh nghiệm mà anh đã rút tỉa. Và cũng có thể có những « ruồi nhặng » nổi lên tấn công anh để hút máu anh, để khai thác tiếng tăm của anh, lôi kéo anh làm kẻ đồng minh để thực hiện những dự án mập mờ và ngu xuẩn của họ. Anh sẽ không thể luôn luôn phân biệt được gì trong đám vàng thau lẫn lộn và không thể tổ chức cuộc sống của anh mà không bị hạng người trên đây lợi dụng. Ở địa vị anh, tôi sẽ cương quyết, dù phải sống thế nào đi nữa, dành lấy mỗi ngày ít nhất là hai tiếng đồng hồ để khởi sự soạn thảo bản tiểu sử cho mình. Nếu anh không làm được việc này, tôi ngại cả Hirschberg lẫn tòi đều sẽ không giúp được anh viết ra cuốn truyện phim tự thuật của anh.

        Khi anh bắt đầu viết về đời sống của anh, anh sẽ mang tâm trạng của bất cứ kẻ cầm bút nào : anh sẽ chán nản vì lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng đấy là một tâm trạng rất thường tình, anh không nên vì vậy mà thối chí. Vả lại anh cũng nên biết rằng không nhất thiết phải bắt đầu từ chỗ bắt đầu. Anh hãy tùy hứng viết ra giấy bất cứ đều gì anh thích hoặc bất cử cảnh sống nào thoáng qua trí anh. Một khi anh đã viết ra đoạn văn thứ nhất, đoạn này sẽ đóng vai tuồng hướng dẫu vô giá đối với anh. Bởi vì nó sẽ đòi hỏi anh phải đi ngược lại, viết những gì cần thiết trước đoạn đó, hoặc nó sẽ đưa anh đến đoạn kế tiếp một cách lưu loát, dễ dàng. Trong kho tàng văn chương thế giới, chẳng có cuốn sách nào mà ấn bản có bố cục hoàn toàn giống như bản thảo đầu tiên.

        Mặt khác, — và đây là điều tôi không muốn phủ nhận — nghệ thuật viết văn luôn luôn mang lại ít nhiều nỗi khổ. Bởi vì nhà văn tự làm chủ lấy mình, không bao giờ nhận lệnh của ai, không sống trong sự lệ thuộc an toàn như người thợ mộc, người viên chức, hay quân nhân chỉ biết thi hành chỉ thị. Nhà văn hằng ngày đối đầu với công việc của chính mình và tự xếp đặt lấy thì giờ của mình.

        Những điều trên đày có thể có vẻ khó khăn, nhưng anh đang có một sứ mệnh tích cực phải tiến hành. Sứ mệnh ấy, mà anh đã tự đặt lấy cho mình, sẽ ngăn ngừa anh khỏi phạm vào những hành động tuyệt vọng như những kẻ đã suýt làm hỏng cuộc đời của anh. Khi anh ngồi vào bàn viết, anh sẽ không cảm thấy cô độc, anh sẽ biết rằng rất nhiều người khác đang liên kết chặt chẽ với anh vào công việc này.

        Vậy xin chúc anh thành công trong bước đầu lập lại cuộc đời.

Bạn anh       
Gunther       

        T.B. Thư này để hai địa chỉ vì tôi không rõ hiện anh còn « ở trong » hay đã được « ra ngoài».


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 07:04:27 am

THƯ SỐ 12
gửi Gunther Anders

        Không đề ngày.

        Tôi xin thành thật cảm ơn anh về những lòi lẽ đầy thiện chí của anh trong thư trước vì chính tôi không tha thiết gì với cái hư vinh của điện ảnh. Nếu phải thu xếp gì với một nhà sản xuất phim ảnh nào, tôi sẽ theo những lời anh đã chỉ dặn. Con người ta chỉ sống có một lần, bởi vậy, nếu có thể mang kinh nghiệm bản thân phụng sự nhân loại, tôi sẽ không hành động vì danh vọng hay tiền tài mà vì chút ý thức trách nhiệm của chính tôi đối với mọi người. Sống như vậy, đời của tôi sẽ là một sự chuộc tội và tôi sẽ không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Số tiền tôi có thể thu được, nếu chỉ nhằm khía cạnh tài chánh, sẽ làm cho tôi nhớ lại số tiền ba mươi đồng ngày xưa Judas Iscariote đã được thưởng nhờ phản bội (tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng kẻ chịu trách nhiệm chính yếu về vụ án Đức Chúa Giê-su là vị Hồng-y Caiphe, kẻ đại diện cho những « đại thiện tâm » những đại chức sự, những phần tử « ưu tú » theo đúng nghĩa thường tình của nó). Trong khi hạng người này không thể bị trách cứ như Judas, họ vẫn là những kẻ phạm tội tế nhị và thâm thúy. Cũng vì lẽ này, thật khó giải thích cho xã hội thấy rõ sự phạm tội của tôi mà chính tôi đã ý thức được từ lâu. Sự thực thì xã hội không thể chấp nhận ý thức phạm tội của tôi, mà không tự kết án lấy mình trong vụ này. Cần phải gây nơi xã hội ý thức đó, bởi vậy tôi rất tha thiết với cuốn truyện tự thuật của tôi,tôi muốn nói của chúng ta thì đúng hơn. Ngoài ra, tôi hiểu rằng có một sự kiện chúng ta không thể nào tránh được : xã hội không bao giờ ý thức được trách nhiệm của tôi nếu tôi có những hành động phạm pháp nhằm đánh tan cái chức vị « thần tượng » mà xã hội đã gán cho tôi, chỉ vì xã hội muốn tiếp tục sống hoàn toàn vô tâm và thỏa chí.

        Tôi chẳng bao giờ có ý định cậy anh làm « quản lý » cho tôi, tôi chỉ muốn tỏ cho anh biết rằng tôi tín nhiệm anh trong việc theo đuổi mục tiêu chung của chúng ta, hầu anh có thể có những quyết định theo chiều hướng đó.

        Bác sĩ điều trị cho hay chừng vài hôm nữa tỏi sẽ có thể rời bệnh viện. Mặt khác ông còn nói ông sẽ sẵn sàng cung cấp những chi tiết y chứng cần thiết nếu chúng ta muốn thực hiện cuốn truyện tự thuật của tôi. Tôi sẽ không ký hợp đồng nào trước khi được anh hồi âm cho biết anh có thể làm được gì.

        Thân mến chúc anh mạnh giỏi.

Claude Eatherly       

THƯ SỐ 13
gửi Claude Eatherly

        Ngày 8 tháng 9 năm 1959
        Anh Claude thân,

        Cám ơn anh một nghìn lần về lá thư vừa  rồi. Tôi rất an tâm là anh sẽ không bị cám dỗ và không có gì làm lung lạc lòng tin mà tôi hằng đặt nơi anh.

        Lần này tôi không thực sự viết thư cho anh, mà cốt chỉ để gửi trả lại anh lá thư Nhật-bản theo lời dặn của anh, thế thôi. Hiện nay tôi vẫn chưa nhận được thư trả lời của các nhà xuất bản và điện ảnh. Cần phải kiên tâm chờ đợi vậy.

        Hẳn anh biết rằng tôi luôn luôn suy nghĩ về anh và cầu chúc mọi sự lành cho anh. Được tự do kỳ này anh sẽ lại bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Và anh có một sứ mệnh phải hoàn thành, một sứ mệnh trọng đại đấy.

        Anh hãy bắt tay vào việc ngay, và viết ra vài đoạn đường đời của anh đi. Nhất là chớ vội nản chỉ, nếu gặp thất bại ở bước đầu. Muốn học bơi lội, phải chịu khó xuống nước, muốn học viết văn, tất phải cầm bút vậy....

Gunther       

THƯ SỐ 14
gửi Giinther Anders

        Ngày 11 tháng 8 năm 1959;

        Tôi viết thư này để báo tin anh biết, anh cứ gửi thư từ đến bệnh viện như trước, vì đơn của tôi xin tạm rời bệnh viện để về sống thử với gia đình đã bị khước từ. Y sĩ điều trị của tôi có xin cho tôi được về nhưng lại bị Hoa-thịnh-đốn bác. Như vậy anh thấy rằng tôi bị đặt dưới một sự kiểm soát quá nghiêm nhặt. Tôi xin bảo đảm với anh rằng họ sẽ chẳng ngăn cấm nổi tôi viết những gì tôi thích, cho dù họ giam cầm tôi như một tên tù khổ sai. Vị y sĩ của tôi có đề nghị trong một vài tháng tới sẽ thử xin cho tôi rời bệnh viện lần nữa xem sao. Theo ông ta thì dư luận quá lưu ý đến trường hợp của tôi và tôi bị « nổi tiếng » đến nỗi thả tôi ra trong lúc này sẽ là một việc mạo hiểm. Dĩ nhiên tôi sẽ có thể làm đơn xin rời bệnh viện mặc dù y sĩ của tôi khuyên đừng làm, nhưng tôi ngại hành động như vậy sẽ làm cho ông ta bối rối, điều mà tôi muốn tránh với bất cứ giá nào. Tôi vẫn nhận được khá nhiều thư từ Nhật-bản gửi đến. Cùng với thư từ luôn luôn có những tờ báo gửi kèm đến nỗi tôi nghĩ rằng hầu hết bảo chí Nhật-bản đã phổ biến câu chuyện của tôi. Tôi tin chắc rằng vì những chuyện lẩm cẩm như vậy mà tôi bị giữ mãi ở Waco. Y-sĩ của tôi có cho hay rằng đấy cũng là một trong những lý do làm cho tôi bị cầm chân.

        Tôi luôn luôn cố gắng trả lời tất cả thư từ nhận được. Thực ra, đấy cũng là một cách bắc cầu thông cảm hữu hiệu nhất từ quốc gia này đến quốc gia khác. Con người ở đâu cũng giống nhau cả (nilmankind is alike). Tôi không nghĩ có những ranh giới giữa các dân tộc. Phương sách duy nhất bảo vệ hòa bình là sự đề cao tình huynh đệ và mối thông cảm giữa các dân tộc, còn chiến tranh chẳng mang lại được gì. Đa số các thư từ nói trên là của giới trẻ Nhật-bản, họ kể rằng họ đã làm bất cứ gì để thắng lại sự điều chỉnh những vũ khí khủng khiếp ấy, và những gì tôi viết đã giúp họ nhiều, đã mang thêm cho họ một liều thuốc can đảm. Ý nghĩ này làm cho tôi hân hoan vô kể.

        Nếu anh có ý gì về cách bênh vực cho lý tưởng của chúng ta trong lúc tôi còn bị lưu lại bệnh viện, xin anh đừng do dự viết thư cho tôi.

        Tôi đã quyết định ghi ra một vài sự việc về đời tôi. Những phần ghi chú này sẽ dùng vào việc soạn thảo cuốn sách. Tôi vẫn giữ lại những thư từ của các nơi, sau này thể nào cũng có thể dùng đến.

        Anh đừng tưởng tôi nhụt can đảm vì người ta chưa chịu để tôi rời bệnh viện. Tôi công nhận rằng họ có làm tôi ngã lòng đấy ; nhưng tôi sẽ cố gắng lợi dụng thời gian bị giam cầm này để làm bất cứ điều gì.

        Thành thật chúc anh cùng quý quyến khương an.

Claude Eatherly       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Mười Hai, 2019, 07:07:36 am
     
THƯ SỐ 14
gửi Claude Eatherlg

        Ngày 20 tháng 9 năm 1959
        Anh Claude thân,

        Rất tiếc là tôi không thể chắp cảnh bay đến thăm anh hôm nay ! Tôi bực tức có thể phát ốm được, tôi lấy làm khó chịu và ghê tởm khi nghĩ đến những lý do làm cho sự giam cầm của anh cứ kéo dài. Nhưng nếu tôi đến được gần anh chăng nữa, tôi sẽ không chỉ nói với anh bấy nhiêu đó. Tôi sẽ bái phục anh về sự cương nghị của anh, và cách thức anh nói về sự nản lòng của anh như là một chi tiết nhỏ nhặt thứ yếu. Tôi thừa biết rằng anh nhất quyết từ chối giữ vai tuồng có ưu thế của người tuẫn đạo. Người tuẫn đạo thực sự lẽ dĩ nhiên chỉ bị bắt buộc phải giữ vai tuồng tuẫn đạo chứ có thích bị ngược đãi hao giờ ? Hắn chỉ là một kẻ tuẫn đạo bất đắc dĩ. Trong dĩ vãng cũng như hiện nay người ta vẫn « tạo nên » những kẻ tuẫn đạo. Họ làm như vậy vì chính họ mù quáng, thiếu óc tưởng tượng và muốn khỏa lấp tiếng nói của chân lý. Anh Claude ạ, nói thật với anh, tôi tự thấy tôi quá thấp kém đối với anh, khi tôi nghĩ rằng anh đã nhận lãnh vai tuồng tuẫn đạo một cách nhẫn nhục đến thế. Anh đã tỏ ra hoàn toàn xứng đáng với sứ mệnh bất đắc dĩ ấy. Xứng đáng bởi vì anh bảo tôi cứ gửi thư từ theo địa chỉ của bệnh viện như trước, mà việc giữ địa chỉ này đối với anh mang ý nghĩa sự sụp đổ của cả một lâu đài hy vọng. Cách đây mấy năm, tôi có lập một bảng thống kê những lý do từ trần của các đại triết gia và các vị có tên tuổi trong tôn giáo. Có lẽ anh sẽ thích xem bảng thống kê này, nó sẽ an ủi anh vì nhờ đó anh sẽ hiểu biết được ít nhiều về vân mệnh của những vĩ nhân ấy. Anh sẽ thấy rằng bảy mươi phần trăm trong số họ từ thượng cổ đến thế kỷ 18 đã trải qua nhiều năm tù đày, và đã chết trong khi trốn tránh hoặc vì bị ám sát. Anh thấy những bậc đồng chí tiền bối của chúng ta đã phải trả một giá nào để không lùi bước, để lớn tiếng nói lên những gì công minh chính trực. Cái giá đó không hề thay đồi. Giờ đây, khi chúng ta dám mạo hiểm sống xứng đáng với lý tưởng của chúng ta tất « chúng ta » là những kẻ đồng đạo với nhà hiền triết Socrate và những vĩ nhân khác còn cao hơn Socrate nữa1.

        Và bây giờ, để trả lời câu hỏi của anh trong thư trước, tôi xin bày tỏ quân điểm của tôi về những gì anh có thể làm trong thời gian bị giữ tại bệnh viện. Thí dụ anh là y sĩ chữa bệnh ung thư, anh sẽ có hai việc phải làm : trước tiên anh sẽ phải thăm viếng bệnh nhân thường xuyên và không được chậm trễ. Giá thử anh có thêm những ý kiến riêng về căn bệnh và cách chữa trị bịnh này, anh có bổn phận phải viết ra những ý kiến của anh hầu mai kia mốt nọ những ý kiến ấy sẽ đắc dụng; trong trường hợp anh vẫn phải lo thăm bệnh, tất nhiên anh bị cản trở không làm được phận sự chính yếu của anh. — Thí du này đương nhiên đúng vào trường hợp của anh hiện nay. Thực vậy, anh có hai việc phải làm ; và nếu anh làm được tất cả hai việc ấy, thì đấy là giải pháp tốt đẹp nhất. Nhưng người ta không cho anh đi thăm bệnh nhàn, do đó anh sẽ có thể lo công việc nghiên cứu của anh.

        Chúng ta đã đồng ý rằng câu chuyện tự thuật của anh cần phải được viết ra. Đấy là trách vụ khẩn cấp nhất về phần anh, mặc dù nó chỉ có tác dụng trong tương lai. Tôi sung sướng được biết anh đã bắt đầu ghi chép một vài sự việc của đời anh. Vậy, cứ tiếp tục tiến lên. Nếu gặp trở ngại, anh nên tìm đọc những tài liệu về tiểu sử của những thời trước để biết người xưa tự tìm thấy mình, thu xếp lại từ quá khứ và ghi chép được cuộc đời của họ như thế nào. Nên nhớ rằng viết lại cuộc đời của mình bằng trí nhớ không phải là việc dễ. Vì lẽ ta thường có khuynh hướng nhìn vào tương lai thay vì ôn lại dĩ vãng, nên thật khó mà giữ một nhãn quan thích đáng. Tôi đề nghị anh nên khởi đầu với cuốn Hồi ký tự thú (Confessions) của Thánh Augustin. Tôi đã nói với anh rằng tôi sẵn sàng cho anh biết những cảm tưởng của tôi nếu anh gửi cho tôi xem những đoạn anh đã viết và tôi sẽ có thể góp ý kiến cụ thể hơn để anh tiếp tục công việc. Tôi hy vọng anh có thể tiến hành công việc mỹ mãn mà khỏi cần đến một người viết thay (ghost writer) nào cả. Nhiều đoạn trong những thư từ của anh có vẻ chứng tỏ rằng anh đủ khả năng — mặc dù chưa có thể vì vậy mà gọi là một cây viết lành nghề — diễn tả tâm niệm và hy vọng của anh một cách mãnh liệt và đày tin tưởng. Tôi nghĩ anh nên tiếp tục giữ tính chất đặc thù trong lối diễn tả tư tưởng của anh thay vì rơi vào thói quen thông thường của các nhà văn chuyên nghiệp dùng những từ thức văn hoa để làm « trổi» hẳn lối hành văn, điều mà tôi biết trái hẳn với tính tình của anh. Nhận xét này không có nghĩa là tôi không sẵn sàng hợp tác với anh như đã ước định. Tuy nhiên anh nên thử tự viết lấy vì đó là câu chuyện của đời anh, nỗi đau khổ của anh, niềm hy vọng và sự can đảm của anh : tất cả sẽ là nội dung cuốn sách của anh. Nếu tôi được may mắn đích thân đến thăm anh, tất nhiên tôi đã nói với anh những điều vừa rồi.

        Rất tiếc là đến nay tôi chưa nhận được lời hồi âm nào của các nhà điện ảnh. Anh hiểu rằng một khi có tin gì tôi sẽ không quên cho anh biết ngay.

        Nhân thể, tôi có đọc bản giới thiệu một cuộn phim của Bob Hope, theo đó, quả là một sản phẩm hoàn toàn vô nghĩa. Tôi nghĩ chúng ta cần phải tránh xa ngay nhân vật này. Tôi chưa kiếm được những sách của Hirschfeld, nhưng theo người ta cho biết thì ông này chỉ viết cho sân khấu. Cuốn sách của tôi về Hiroshima vừa mới ra. Tôi sẽ yêu cầu nhà xuất bản gửi biếu anh một cuốn. Sách này viết bằng tiếng Đức. Tôi biết anh sẽ chẳng đọc được nhưng vẫn gửi biếu anh vì cảm tình.

        Anh hãy vững tin nơi tình bạn của chúng ta , chớ nản chí và cũng chớ quên rằng khắp thế giới anh có nhiều bạn thân hơn là anh tưởng.

Bạn của anh          
Gunther Anders        

--------------
        1. Tôi nói « chúng ta » là vì chính tôi đã từng bị những kẻ khinh thị nhân loại và chân lý ngược đãi : bọn Hitler đã xem tôi như có rác hèn mọn một phần vì tôi là dân Do-thái, mặt khác vì tôi đã gióng lên tiếng chuông báo động trong những năm trước về chế độ độc tài của « Quốc gia xã hội chủ nghĩa ». Bây giờ, tôi lại lên tiếng để đề cao cảnh giác nhân loại trước hiểm họa nguyên tử, chống những kẻ mở đường, sửa soạn cho hiểm họa nguyên tử, lại còn rêu rao giảm thiểu hiểm họa ấy.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Mười Hai, 2019, 06:12:28 pm

THƯ SỐ 16
gửi Gunther

        Ngày 12 tháng 10 năm 1959 Anh Giinther thân,

        Xin anh vui lòng tha lỗi tôi đã chậm trả lời thư anh. Lại xin cảm ơn anh về cuốn sách của Platon.

        Tôi bị giam riêng trong hai tuần lễ1 vì đã cương quyết phản đối ban giám đốc, và phản đối vụ tôi bị cầm giữ tại bệnh viện quá lâu. Trong khi bị giam riêng như vậy, việc gửi thư tử ra ngoài không mấy dễ dàng. Vậy xin anh đừng thắc mắc nếu có chậm trễ thư từ. Tôi đã kiếm được cuốn thú của thánh Augustin nhờ có một vị thầy giòng thỉnh thoảng lại thăm tôi. Hai cuốn sách này đã làm cho tôi hân hoan vô cùng. Trước đây tôi đã đọc khá nhiều về Socrate. Tôi đang nghĩ đến thời gian sau khi tỏi được trả tự do, lúc đó tôi sẽ viết lách theo đường hướng anh đã khuyên tôi. ‘Kỷ luật của bệnh viện hầu như chiếm hết cả thì giờ của tôi. Tuy nhiên, tôi đã ghi được những giòng kỷ niệm đầu tiên, và tôi sẽ tiếp tục nếu người ta chịu để cho tỏi có thì giờ viết lách. Tôi vẫn nhận vô số thư từ Nhật-bản gửi đến. Đa số các người viết thư mời tôi sang Nhật cầm đầu phong trào thanh niên chống sự võ trang nguyên tử. Tôi lại có nhận được thư của một vị giáo sĩ người Áo hiện trú tại Kenia (Phi Châu), cho biết ông đã đọc một trong những bài báo của anh. Có lẽ ông ta muốn đề cập cuốn sách của anh về Nhật-bản.

        Tôi vẫn trông đợi cuốn sách của anh. Có lẽ tôi sẽ kiếm người dịch ra giúp tôi. Tôi cố gắng trả lời thư của bất cứ những ai quan tâm  đến thời cuộc và tôi khuyến khích họ liên lạc bằng thư từ với những người đang làm bất cứ gì để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh nguyên tử khác. Nếu cuốn sách của anh được in thêm bằng Anh-ngữ và Nhật-ngữ thì tốt lắm.

        Bộ tư lệnh Không-quân lại vừa viết thư đến bệnh viện, hỏi thăm tình trạng của tôi và hỏi xem có ai giúp đỡ gì được cho tôi chăng. Điều này làm tôi lo ngại, vì nếu tôi được rời bệnh viện này, Không-quân sẽ tìm cách giữ tại quân y viện của họ. Có lẽ vì vậy mà vị y sĩ của tôi chưa muốn để tôi rời bệnh viện trong lúc này. Ông ta có ý định xin cho tôi thử ở ngoài một thời gian, tất nhiên là dưới sự kiểm soát của ông.

        Thỉnh thoảng tôi muốn kiếm một sản phẩm Hoa-kỳ mà bên Âu-châu không có để gửi biếu anh. Vậy xin anh cho biết ý kiến, để một khi được trả tự do tôi sẽ gửi biếu anh làm kỷ niệm. Tôi tin chắc sẽ được tự do trước Noel này.

        Mong anh được luôn luôn mạnh giỏi,

Bạn anh             
Claude Eatheiiy       

------------------
        1. Locked up. — Eatherly muốn nói về vụ đã bị giam tại phòng số 10, nơi dành riêng cho những người bị lên cơn loạn trí.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Mười Hai, 2019, 06:14:38 pm

THƯ SỐ 17
gửi Claude

        Ngày 18 tháng 10 năm 1959
        Anh Claude thân,

        Thư anh vừa rồi đã làm cho tôi suy nghĩ nhiều. Tôi thừa hiểu rằng bất cứ ai khao khát tự do cũng sẽ hết kiên nhẫn và còn nổi giận nữa là khác. Sự nổi giận của anh chứng tỏ anh vẫn còn dồi dào sinh lực, và sự phiền lụy nơi đời sống bất đắc dĩ hiện nay của anh vẫn không làm tiêu tan được những hy vọng và lý tưởng của anh. Những cơn thịnh nộ ấy không biểu hiệu cho tình trạng bất thường, vì chỉ có những kẻ bất thường mới không có những phản ứng bất thường trong những hoàn cảnh bất thường.

        Nhưng nói bao nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu ! Tôi chỉ mong làm được cái gì cho anh, và tôi suy nghĩ nát óc để tìm phương sách giúp anh. Anh thử tính xem những ai trong số bạn bè mà anh tin cậy có thể liên lạc để cùng nhau bàn thảo về trường hợp của anh không ? Tôi biết anh tin tưởng nơi một trong những y sĩ điều trị của anh, và anh tin tưởng nơi tôi. Vậy anh có thể giới thiệu tôi cùng vị y sĩ của anh (nếu đã giới thiệu rồi thì thôi) và đề nghị ông ta viết thư cho tôi, hầu hai chúng tôi có thể hội ý tìm cách vận động cho anh chăng ? Việc này phải do chính anh quyết định, anh Claude ạ, vì tôi không thích làm bất cứ gì đẳng sau lưng ai, và trong trường hợp của anh mọi sự giấu diếm sẽ làm mếch lòng anh nhiều đấy. Sau nhiều năm sống dưới ách lệ thuộc, đối với anh không gì quan trọng  bằng chính anh phải tự mình có sáng kiến và quyết định lấy việc mình. Anh hãy suy nghĩ lại xem có nên cho vị y sĩ của anh biết việc trao đổi thư từ giữa chúng ta hiện nay hay không, và nay đã đến lúc cùng chung sức hành động chưa ? Tôi có cảm tưởng rằng vị y sĩ của anh cũng như tôi, muốn anh là con người tự do. Tôi ý thức hoàn toàn, ở cương vị một y sĩ, ông ta phải tôn trọng bi mật nghề nghiệp khi nói về các bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta chiếm một địa hạt khá rộng lớn vượt ngoài phạm vi bí mật nghề nghiệp ấy, chẳng hạn như khi nói đến những gì anh sẽ làm sau khi được trả tự do...

        Vả lại, trong thư trước của anh có một điểm liên quan đến vấn đề trên : anh cho hay rằng người Nhật có đề nghị anh sang nước họ đê cầm đầu phong trào chống nguyên tử. Tôi nhận thấy đề nghị ấy không hợp lý. Anh sẽ khó mà lập lại cuộc đời như vậy sau khi anh rời dưỡng đường. Anh chỉ thành công khi anh nói cùng một ngôn ngữ với thế giới chung quanh anh. Dù cùng nói chung một ngôn ngữ chăng nữa, lắm khi anh sẽ còn có cảm tưởng không hiểu được những kẻ đồng loại, và ngược lại cũng không được họ hiểu mình. Tôi tin chắc rằng nếu đến Nhật-bản anh sẽ được tiếp đón nồng hậu và hoan hỉ. Nhưng rồi anh sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự giúp đỡ của kẻ khác, anh sẽ lệ thuộc vào người khác về bất cứ một nhu cầu nhỏ nhặt hằng ngày nào của anh. Nói khác đi anh sẽ rơi vào một tình trạng lệ thuộc còn tệ hơn sự thiếu tự do hiện đang làm cho anh đau khổ. Anh sẽ chẳng khác gì một đứa bé. Mặt khác không một ai dám đến lãnh đạo một phong trào tại một nước mà mình không am tường trình độ văn minh. Giả thử chính anh và những người Nhật-bản đã mời anh đến nước họ đều có những thiện ý thuần túy bất vụ lợi đi chăng nữa (điều này lẽ tất nhiên tôi chẳng dám nghi ngờ tí nào) bất quá anh cũng sẽ chỉ là một quân cờ, một bảng hiệu. Không, anh Claude ạ, trước tiên anh cần phải giữ lấy bản ngã của anh đã. Anh chỉ có thể hành động tại nước anh mà thôi.

        Trong thư trước của anh có một đoạn không được rõ ràng: một mặt anh bảo rằng anh mong được trả tự do vào dịp Noel, mặt khác, anh lại tỏ ra e ngại sẽ phải chuyển đến một bệnh viện khác. Tôi cho rằng anh đang sống trong tình trạng bấp bênh, anh hy vọng, mặc dầu vẫn e ngại, và e ngại, mặc dầu vẫn hy vọng, hoặc giả anh vừa e ngại lẫn hy vọng. Tôi mong anh có thái độ càng minh bạch càng tốt và cho tôi biết tình trạng qua nhãn quan của anh, hầu tôi có căn bản vững chắc để ước tính và tìm phương thức giúp anh.

        Tôi rất hài lòng được tin anh đã khởi sự ghi chép lại phần đầu tiểu sử của anh. Hy vọng anh có thể tiếp tục công việc này, Ít ra nếu anh không bị bắt buộc phải làm những việc khác. Nếu quả thật như vậy, tôi xin anh cho biết những việc đó thuộc loại gì. Nếu tôi không lầm thì viết tiểu sử tự thuật là công việc khẩn cấp nhất mà anh phải làm. Tôi nói « công việc khẩn cấp » không những vì các lý do chúng ta bàn cãi trước đây, mà còn vì lẽ khi anh ngồi viết lại cuộc đời của anh, chính anh sẽ tự chữa bệnh cho mình. Cuốn sách của thánh Augustin sẽ biện minh cho những gì tôi muốn nói.

        Hôm vừa rồi, tôi có nhận được một lá thư từ Nhật-bản hỏi những chi tiết về cả nhân anh và đời sống của anh hầu cung cấp tài liệu cho một tác giả Nhật đang viết một cuốn tiều thuyết về Hiroshima. Và tôi đã khước từ. Người duy nhất quyết định về những gì viết ra liên quan đến Eatherly phải là chính Eatherly chứ không thể ai khác. Tôi xin nêu ra vài đoạn của lá thư như sau : « M. K. một tác giả Nhật-bản nổi tiếng, vốn quan tâm  — không như đa số các nhà văn bạn của ông — đến những vấn đề quốc tế thời nay, hiện đang viết một cuốn tiểu thuyết về Hiroshima, ông ta muốn biết những chi tiết về đời sống của ông Eatherly. Những thư từ trao đổi giữa ông và Eatherly do Asahi và Yominouri1 đăng tải đã gây một tiếng vang rộng lớn. Xin ông hãy cho M.K. biết tất cả những gì ông am tường về Eatherly và khuyên ông Eatherly thuật lại cho M. K. những kinh nghiệm của ông ta ». Nếu anh muốn cho biết một vài điều chính xác về đời anh, xin anh cứ trao cho tôi để chuyên đến họ.

        Tôi rất cảm kích về sự ân cần của anh đối với tôi. Vâng, tôi đang cần một thứ : đó là thì giờ. Tôi đang cần có ngay những ngày dài bốn mươi tám (48) tiếng đồng hồ để hoàn tất công việc của tôi. Phải gì anh đóng kiện và gửi được cho tôi một nghìn tiếng đồng hồ nhàn rỗi của anh, tôi sẽ cám ơn anh vô cùng. Ngoài ra mọi thứ khác tôi đều có sẵn hoặc chẳng cần đến nữa.

        Chúc anh can đảm, chớ bao giờ ngã lòng.

Bạn anh         

----------------
        1. Tên hai tờ báo lớn Nhận bản đã đăng hai lá thư đầu tiên.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Mười Hai, 2019, 06:18:46 pm

THƯ SỐ 18
của Gunther Anders người anh ruột của Claude Eatherly tại Texas1

        Ngày 16 tháng 11 năm 1959
        Kính gửi ông Eatherly,

        Tôi không hiểu tên tôi có thể gợi cho ông điều gì chăng. Có lẽ anh Claude đã cho ông hay về việc chúng tôi trao đổi thư từ cho nhau được vài tháng nay. Hồi tháng sáu tôi có gửi cho Claude một lá thư tỉ mỉ về các vấn đề tinh thần của đời anh. Thư này đã làm cho Claude tin tưởng khả nhiều nơi cá nhân tôi đến nỗi từ đấy anh đã đề cập cùng tôi nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của anh. Về phần tôi, tôi cũng đã cố gắng khuyến nhủ và giúp đỡ Claude, vì tôi có cảm tưởng rằng những lời dẫn dụ của tôi có thể giúp ích phần nào cho anh. Trong lá thư vừa rồi, Claude có thồ lộ cùng tôi mối lo ngại rằng anh sẽ bị di chuyển đến bệnh viện Walter Reed thay vì được rời nhà thương như anh hằng hy vọng. Tôi tự biết không đủ tư cách phán xét để biết mối lo ngại ấy có chỉnh đáng hay không. Theo ý một kẻ không mấy thông thạo pháp luật như tôi, thì, một khi đã được xuất ngũ, Claude không còn lệ thuộc quân đội nữa, do đó quân đội không có quyền điều động anh đến một bệnh viện khác.

        Tôi đâm ra lo ngại về Claude vì trước kia cứ vào khoảng 2 hay 3 tuần một tôi vẫn nhận được thư của anh, thế mà đã hơn tháng nay anh bặt vô âm tín. Bởi vậy, tôi viết thư này nhằm xin ông cho biết tin tức về Claude vì tôi được biết rằng ông vốn là người quán xuyến mọi việc của anh và Claude rất sung sướng có một người thân để anh thổ lộ mọi điều không chút dè dặt.

        Xin ông vui lòng cho tôi biết Claude mạnh khỏe thế nào, hiện anh còn ở Waco hay không, và theo ông nghĩ, Claude có thể được trả tự do và có thể thích nghi trở lại với đời sống bình thường không ?

        Tôi rất cảm phục Claude luôn luôn cố gắng chỉ tình để đương lấy gánh nặng trên vai và không ngã quỵ dưới gánh nặng ấy. Càng cảm phục anh, tôi lại càng cảm thấy áy náy, khi nghĩ rang việc báo chí phổ biến những thư từ đầu tiên giữa Claude và tôi (dĩ nhiên là do tôi cho phép) đã làm cho hoàn cảnh của anh trở nên khó khăn hơn trước. Sự áy náy đó đã thúc đẩy tôi viết thư này thỉnh ý ông. Xin ông đừng nghĩ rằng tôi lén lút thu tập những tin tức về Claude. Trong lá thư tôi gửi Claude, tôi sẽ không quên cho anh hay rằng tôi đã gửi mấy giòng này đến ông.

        Thành thực chào ông,

Anders       

        T.B. Trong trường hợp ông muốn xem những thư từ đã đăng báo nói trên, tôi sẽ xin sẵn lòng gửi đến ông.


THƯ SỐ 19
gửi Claude

        Ngày 11 tháng 11 năm 1959
        Anh Claude thân,

        Thư này vắn tắt chỉ để anh khỏi hiểu lầm rằng tôi đã làm một việc thầm lén đối với anh. Số là sau khi đọc thư anh tỏ ý lo ngại có thể bị di chuyển đến bệnh viện Walter Reed, tôi có yêu cầu giáo sư Linus Pauling (nhà bác học đã thu tập được 9.000 chữ ký chống đối vụ tiếp tục sử dụng vũ khí nguyên tử) nghiên cứu về tình trạng pháp lý của một quân nhân đã được giải ngũ như anh. Tôi có yêu cầu ông ta hỏi thăm xem một cơ quan quân đội có quyền lấy những quyết định liên quan đến một người như vậy hay không. Tôi đã viết bức thư nói trên không ngoài mục đích tìm hiểu những chi tiết pháp lý mà tôi không được am tường vì không phải là dân Mỹ. Nhờ những điểm chỉ dẫn ấy, tôi sẽ có thể góp những ý kiến xây dựng cho anh nếu anh muốn.

        Rất tiếc là thư tôi đến vừa đúng lúc giáo sư Pauling đang sửa soạn đi Úc-đại-Lợi. Vì bận thu xếp xuất ngoại, ông đã trao bức thư cho tổ chức « American Civil Liberties Union2». Thoạt tiên, tôi hài lòng về cuộc vận động này vì hy vọng tổ chức vừa nói sẽ gửi đến cho tôi những chỉ dẫn đo tôi thỉnh cầu.

        Chẳng dè họ trở lại hành tội anh và đặt cho anh cả một bảng lục vấn mà lẽ ra tòi có thể  trực tiếp hỏi anh cũng được. Thế mới hay họ chỉ làm ra vẻ chú ý đến trường hợp của anh thay vì dành cho nó sự quán xuyến đặc biệt mà một trường hợp như vậy đòi hỏi.

        Anh Claude ạ, tôi cứ e ngại anh tưởng rằng tôi đã xúc tiến cuộc vận động này đằng sau lưng anh. Thực ra, cần phải nói rằng người ta đã làm nhiều chuyện sau lưng tôi. Nhưng tôi dám yên trí rằng anh chẳng nghi kỵ gì tôi. Chúng ta đã quen biết nhau hằng mấy tháng nay, và việc trao đổi thư từ sẽ mất hết ý nghĩa nếu tôi bị anh liệt vào hàng những kẻ không đáng tin cậy.

        Xin báo tin anh biết : vì đã hơn tháng nay không hề có tin anh, và lo lắng cho anh (cũng như bây giờ vậy) nên vừa rồi tôi có viết thư cho bào huynh của anh để thăm hỏi tin tức về anh, đồng thời cũng để nhờ ông ta cho biết về tình trạng pháp lý của anh. Tôi không chắc ông ta sẽ nhận được thư vì tôi không có địa chỉ đầy đủ và đành phải dựa theo nơi cư trú của ông được ghi trong một cuốn sách về Hiroshima.

        Trên đây là những tin tức mới nhất cho anh. Anh hãy vui lòng cho tôi biết dự tính của anh về những ngày tới.

Bạn anh       

--------------------
        1. Thư này không dược trả lời.

        2. Đây không phải là một hiệp hội mà là một tổ chức nhằm bênh vực tự do dân sự đã được Hiến pháp bảo đảm.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:12:46 pm

THƯ SỔ 20
gửi Giinther Anders

        Không đề ngày
        Anh Giiuther thân,

        Xin anh tha lỗi đã chậm trả lời thư anh. Thực ra thì ngày lại ngày vẫn hy vọng được trả tự do, và tôi có ý định, sau khi rời hẳn bệnh viện, sẽ mô tả cho anh lối sống mới của tôi. Cách đây ba tuần lễ, tôi được y sĩ điều tri cho biết tôi có thể được về nhà nếu anh tôi đến nhận tôi và ký một mẫu giấy bảo đảm1.

        Tôi có điện đàm với anh tôi và được anh hứa sẽ đến nhận tôi về. Do đó, nửa tháng sau tôi lại gọi điện thoại, và lần này anh tôi bảo không tin rằng tôi đã « sẵn sàng » (ready) để rời bệnh viện. Nói cách khác, anh tôi đã thoái thác trách nhiệm thừa tiếp tôi. Anh ấy vốn không đồng quan điểm với tôi và trước đây đã có lần cản trở tôi viết lách, làm việc cho những tổ chức có chủ trương hòa bình. Anh ấy không thích tôi được một số đoàn thể thán phục, và đã can thiệp với các giới hữu quyền của bệnh viện để họ hạn chế một số những đặc ân trước kia tôi từng được hưởng, cùng là giảm bớt những vụ tiếp khách của tôi. Trước đây, tôi định không thổ lộ với anh những điều này. Mặt khác, tôi cũng chẳng dám làm khổ anh tôi. Có những vụ tôi mới chỉ được biết rất gần đầy mà thôi.

        Tuy nhiên, có một việc vừa đạt được, là tuần rồi vị y sĩ điều trị của tôi có cho tôi hay ông sẽ giúp tôi rời khỏi nơi này trước lễ Noel Xin cảm ơn anh và bà Pauling đã thông báo trường hợp của tôi cho tổ chức « Civil Liberties Union ». Hôm qua, tôi đã trả lời thư của ông Watt và cung cấp những gì ông ta muốn biết.
Tôi tiếc không thể đưa ra những chi tiết chính xác hơn về hoàn cảnh của tôi, vì bệnh viện không hao giờ chịu trả lời thẳng thắn khi tôi đặt những câu hỏi liên quan đến việc rời bệnh viện ; người ta hăm dọa sẽ cầm giữ tôi lâu hơn nếu tôi cứ xin ra bệnh viện « trái hẳn với ý kiến của các y sĩ điều trị tôi », và luôn luôn người ta gợi đến việc có thể di chuyển tôi đến bệnh viện Walter Reed. Tôi sẽ không gửi gì cho M. K. ở Nhật-bản. Nhà văn này cứ việc rút những tin cần thiết trong các văn bản đã được phổ biến.

        Hôm nay là ngày « Lễ Tạ ơn »2. Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi được nhiều bạn tốt, và xin anh biết rằng anh là người thân hữu quý mến nhất của tôi. Nhờ anh chuyển lời tôi thành thực cảm ơn bà Pauling đã tham dự vào vấn đề của tôi. Rất mong đợi thư anh.

Trân trọng           
Claude Eatheiiy.       

THƯ SỐ 21
gửi Claude Ealherly

        Anh Claude thân,

        Được thư anh thật mừng quá đỗi ! Thực tình tôi nóng lòng và lo lắng nữa là khác, vì cứ ngại có việc gì đã xảy đến cho anh chăng. Tôi rất hài lòng được tin trước tiên là anh vẫn khỏe mạnh.

        Bây giờ tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu rõ hoàn cảnh của anh hơn trước. Tôi nhận ra bào huynh của anh không hề có chút ác tâm nào, mà ông ta chỉ đáng được gọi là một người « trung hậu ». Hẳn là ông ta ngán sự khi nghĩ đến phải đương đầu với một con người chỉ biết lắng nghe tiếng nói của lương tri và không đếm xỉa đến dư luận quần chúng. Sống khác hẳn với lớp người trung bình là một thái độ mà con người trung bình — kể cả những phần tử xuất sắc nhất trong đám này — xem như là phản bội. Lịch sử các tôn giáo và triết học vốn đầy rẫy những vụ chống báng của hạng người trung bình đối với những ai dám giữ bàn tay trong sạch, hoặc những ai dám đòi tẩy uế bàn tay của kẻ đồng loại. Chắc anh còn nhớ có lần tôi đã chẳng nói chuyện với anh về những « con người tuẫn tiết » là gì ? Bởi thế cho nên chúng ta phải cố gắng thông cảm những con người «trung bình », mặc dù vì ở vào hạng trung bình nên họ chẳng hiểu được chúng ta.

        Tôi không có ý nói vì lẽ ấy mà chúng ta phải chịu khuất phục những con người trung bình ấy và để cho họ tha hồ âm mưu này nọ. Trái lại, chúng ta cần tìm mọi cách gạt bỏ những chướng ngại mà họ chồng chất dọc đường chúng ta đi — điều đó không chỉ vì quyền lợi riêng của chúng ta, mà chính vì quyền lợi của chính họ nữa.

        Theo thư anh, nếu tôi không lầm thì bào huynh của anh đồng thời là người giám hộ anh, và quyết định mọi việc cho anh.

        Sở dĩ bệnh viện chưa chịu buông anh ra là vì chính bào huynh của anh cho rằng anh chưa « đủ lông đủ cánh ». Tôi hoàn toàn mù tịt về những luật lệ làm căn bản cho một tình trạng như vậy. Nhưng tôi lự hỏi làm sao bào huynh của anh, chẳng phải là một nhà tâm lý học cũng không là một y sĩ chuyên về thần kinh học, lại đòi ảnh hưởng đến quyết định của bệnh viện ?

        Nói trắng ra, hiện giờ anh là tù nhân của chính bào huynh anh và ông ta dùng bệnh viện làm nơi cầm túc em ông. Nếu quả thật như vậy và nếu không một cá nhân hay đoàn thể nào muốn gạt anh ra ngoài lề xã hội, tất phải có cách cứu vãn tình trạng hiện tại của anh. — Trong trường hợp anh còn lệ thuộc vào quyền quản trị và tài phán của « Không lực » thì vấn đề sẽ khác hẳn. Khốn nỗi tôi cũng chưa được anh trả lời chính xác về điểm này. Anh đã được giải ngũ hoàn toàn và trở về đời sống dân sự chưa ? Xin anh trả lời sớm cho tôi biết, vì chừng nào vấn đề căn bản này còn chưa được minh bạch, tôi sẽ không thể giúp được gì cho anh. Còn một việc nữa — và đây là một lời khuyên thực tế cho suốt đời anh — anh đừng vứt bỏ thư tôi để khi viết thư trả lời khỏi bỏ sót một điểm quan yếu nào. Sau đây là những điều tôi muốn biết :

        1/ Anh hãy hỏi y sĩ điều trị xem người giám hộ của anh có đủ tư cách thúc đẩy bệnh viện quyết định không ?

        2/ Anh đã rời « Không lực » chưa ? Nếu đã, xin cho biết ngày giải ngũ.

        3/ Ai đã đưa anh vào cấm túc tại bệnh viện ? Do một quyết định của tòa án ? Tòa án dân sự hay quân sự ? Hay do quyết định của bào huynh anh ?

        4/ Anh bị mất quyền tự quyết về cá nhân anh vì lẽ gì và từ bao giờ ? Anh được đặt dưới sự giám hộ của bào huynh anh từ lúc nào?

        Anh nên lập một bảng liệt kê theo thời gian những biến cố đã đưa đến tình trạng hiện tại của anh. Cần làm gấp công việc này hầu tôi có thể can thiệp giúp anh.

        Hôm qua tôi tình cờ tìm thấy một cuốn sách của Albert Schweitzer. Vậy xin gửi biếu anh và hy vọng sách sẽ đến tay anh đúng vào dịp Noel. Chúng ta hãy thôi đừng khách sáo, cám ơn này nọ nữa và hãy cùng bước sang giai đoạn hành động.

Bạn anh       
Giiuther       

---------------------
        1. tờ khai theo đó đương sự chịu trách nhiệm thừa tiếp và sàn sóc tinh thằn cho người em.

        2. Thanksgiving Day — Trước kia là ngày lễ tạ mùa gặt, nay trở thành một ngày lễ thông thường, không còn tính chất đặc biệt nữa.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 27 Tháng Mười Hai, 2019, 07:17:46 pm

THƯ SỐ 22
gửi Gunther

        Ngày 12 tháng 01 năm 1960 Anh Gunther thân,

        Tôi chắc rằng anh không nhận được lá thư vừa rồi của tôi, vậy tôi xin trả lời các câu hỏi của anh. Phải nói ngay với anh rằng tất cả thư từ của tôi đều qua tay y sĩ điều trị tôi và chỉ được gửi đi nếu được ông ta đồng ý. Vì vậy, thư này sẽ gửi lậu cho anh. Một thời gian ngắn sau khi viết hức thư vừa rồi, tôi bị đưa đến phòng biệt giam Security ward)1. Rất may là tôi được gặp một y sĩ mới, tỏ ra thông cảm tình trạng bấp bênh bất ổn của tôi. Sáng nay ông ta có bảo ông không hiểu vì lẽ gì bệnh viện phải giam cầm tôi quá nghiêm nhặt như vậy, nhưng tôi vẫn hồ nghi rằng ông ta đã biết rõ lý do. Có lần tỏi toan thoát khỏi nhà giam nhưng rồi bị bắt lại ngay. Tôi bị khá nhiều người biết mặt và cảnh sát được chỉ thị chận bắt tôi và trả về dưỡng đường. Mọi người đã đối xử với tôi rất đàng hoàng và lẽ phép nữa là khác, nhưng điều đó vẫn chưa đủ.

        Và sau đây tôi xin giải đáp các câu hỏi của anh:

        1) Tôi không có người giám hộ (tguardian), nhưng rồi ra người thân nhân kế cận nhất của tôi (tức là bào huynh của tôi) vẫn có ảnh hưởng phần nào đối với sự giữ tôi tại bệnh viện hay cho rời bệnh viện. Nhân cuộc tiếp xúc vừa rồi, anh tôi có đe dọa sẽ xin cấm túc vô hạn định nếu tôi tìm cách trốn thoát.

        2) Tôi rời « Không lực » vào năm 1947.

        3/Tôi bị giữ tại bệnh viện này do phán quyết của một tòa án dân sự.

        Tôi vào một cửa hàng, và chĩa súng lục uy hiếp người thâu ngân, buộc hắn lấy tất cả tiền bạc cho vào một cái túi. Rồi tôi rời cửa hàng mà không mang theo túi bạc. Một thời gian sau, tôi bị bắt vì bị nhận diện. Trước đó, vào một dịp khác, tôi cũng đã làm một vụ như vậy. Sau khi được hai y sĩ thần kinh khám nghiệm (held a lunacy hearing) tôi bị đưa vào dưỡng đường nàv. Anh biết rằng tôi đã nhiều lần hành động phạm pháp và mỗi lần như vậy tôi đều bị đưa đến một dưỡng trí viện. Những vụ này xảy ra một thời gian sau ngày tôi rời quân đội. Vì lẽ tồi viết những bài báo chống đối sự võ trang nguyên tử nên bệnh viện lẫn « Không lực » đều không cho phép tôi tiếp khách. Tôi chắc rằng họ muốn ngăn cản tôi chiêu mộ thêm những phần tử chống đối việc võ trang nguyên tử (further antagonizing the public against).

        Bệnh viện nơi tôi lưu trú vốn dành cho cựu quân nhân và anh biết rằng « Không lực » vẫn có ảnh hưởng nhiều tại đây.

        Trong thư từ thật khó nói về hoàn cảnh kinh khủng mà tôi đang sống mặc dầu tôi không có vẻ gì là điên khùng cả (without an attitude of the paranoid), nhưng tôi chỉ tả lại cho anh những gì đã thực sự xảy ra thôi. Hình như tôi vẫn đang ở trạng thái thần kinh bình thường, và tôi không tin rằng tôi còn có khuynh hướng phạm pháp nữa. Giờ đây, tôi muốn rời khỏi nơi này để có thể nói lên những gì tôi cần nói,

        Mặt khác tôi lại tin chắc rằng chẳng có tòa án nào dám lấy một quyết định trái với ý kiến của giới y sĩ nếu giới này xác nhận tôi chưa khỏi bệnh. Một trạng sư không thể nào chống chọi với lời chứng của giới y sĩ.

        Có thể rằng một bức thư do anh hoặc bác sĩ Pauling viết cho y sĩ điều trị tôi (bác sĩ Frank) sẽ mang lại hiệu năng tốt đẹp. Tôi không định thôi thúc anh viết thư cho ông ta, nhưng nếu anh nghĩ rằng với tư cách một công dân thế giới anh có thể giãi bày hoàn cảnh của tôi, và nếu anh cho rằng tôi đã làm chủ được hành động và lương tri của tôi, thì xin anh cử viết.

        Tôi phải kết thúc thư này vì có người đang nóng lòng chờ đợi để mang đi. Tôi đã đọc xong cuốn sách do anh gửi tặng. Nghìn lần cám ơn anh. Thư tới tôi sẽ tìm cách gửi lậu đến anh.

Bạn anh       
Claude       

-----------------
        1. Phòng giam có canh gác nghiêm nhặt, theo nguyên tắc dành cho những trường hợp điên có bạo động.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 08:38:18 pm
   
THƯ SỐ 23
của Gunther gửi bác sĩ Frank, y sĩ điều trị Claude Eatherly1

        Ngày 22 tháng 7 năm I9602
        Kính ông,

        Tôi không rõ tên tôi đã hân hạnh được ông biết đến chưa. Tuy nhiên, Claude Eatherly thản hoặc có thể đã nói về tôi và về sự trao đổi thư từ bấy lâu giữa ông ta với tồi. Tôi thiển nghĩ cần trình bày để ông lưu ý trong trường hợp nào cuộc trao đổi thư từ này đã bắt đầu. Số là ngẫu nhiên tôi có dịp đọc thấy một mẫu ghi chú về Claude Eatherly đăng trên một tập san Mỹ ; trong một bức thư viết cho Claude Eatherly, tôi có cố gắng giải thích cho ông ta biết hoàn cảnh tinh thần mới do những tiến bộ kỹ thuật tạo nên. Tôi nói: chiến tranh đã mang một tính cách gián tiếp và ma quái bởi lẽ đôi bên cừu địch không còn thấy mặt nhau nữa, và kết qua của mọi hành động của chúng ta vượt khỏi khả năng trí tuệ của chúng ta, vượt khỏi mức tưởng tượng của chúng ta chẳng hạn. Chúng ta có thể đạt được những hiệu lực ngoài sức tưởng tượng, chúng ta có thể tạo nên những gì mà trí óc chúng ta không thể tạo lần thứ nhì. Đồng thời, tôi cũng có đề cập mối liên hệ trái ngược giữa sự cấm đoán và tầm rộng lớn của hành động, bởi lẽ bộ máy cấm đoán bị tê liệt trước tình trạng hành động vượt xa ngoài mức tưởng tượng của chúng ta. Tóm lại, tôi đã giải thích cho Claude Eatherly thấy rằng thời nay người ta có thể phạm tội một cách ngay tình, vô tư. Tôi trích những dẫn chứng trong cuốn sách của tôi, nhan đề « Die Antiquiertheit des Menschen » (tiếng Đức cổ nghĩa là nguồn gốc của loài người), nhưng phải dùng một ngôn ngữ nhẹ bớt tính chất bác học. Tôi có làm cho Eatherly hiểu rằng những hành động phản xã hội và phạm pháp vừa rồi của ông ta có thể là khuynh hướng tỏ cho những người đồng loại — đang cho là ông vô tội và lại còn xem ông là anh hùng lẫm liệt — trở lại ý thức rằng chính ông ta là một kẻ phạm tội, và những hành động phạm pháp quá thông thường như vậy chẳng khác nào là di chửng của tội lỗi ông ta trước kia. Trên đây là đầu mối khơi sự cuộc trao đổi thư từ của chúng tôi. Phản ứng của Eatherly không những đã làm cho tôi ngạc nhiên mà lại còn gây nên mối cảm khích nữa. Bức thư trả lời của ông ta, với lối văn bình dị nhưng khả xứng hợp với một ý thức uyên thâm về thực tại và một lương tri tế nhị, đã cho tôi thấy rằng Eatherly không những là một con người có giá trị mà còn là một nạn nhân của sự tiến bộ kỹ thuật. Claude hiển nhiên bất lực (tôi xem đây là một vinh dự cho ông ta) trước gánh nặng tinh thần của công việc ông ta đã làm, một hành động đã thách thức trí tưởng tượng của nhân loại. Ngoài ra thư của Claude đã tỏ rằng ông ta tín nhiệm tôi ngay từ lúc sơ giao. Chính ông ta đã yêu cầu tôi tiếp tục trao đổi thư từ với ông ta. Qua thư tín, tôi thấy luôn luôn phát hiện tinh chất thuần túy trong sạch nơi thiện chí của Claude. Một thí dụ : mấy tháng trước đây, một nhà điện ảnh có tìm cách tiếp xúc với Eatherly để mời thực hiện một cuộn phim. Tôi đã lập tức đề cao cảnh giác Eatherlỵ bằng cách giải thích cho ông ta biết rằng không có gì làm tổn hại lý tưởng của ông bằng ánh đèn sân khấu, và một tiền lệ như vậy sẽ bắt buộc ông tự gán thêm cho mình một cả tính kép, giả tạo, bởi vì người ta sẽ dựa trên vai tuồng Claude trong phim mà nhận diện Claude ngoài đời. Claude đã tỏ ra có tâm hồn cao thượng và đã tự chủ được trước sự lôi cuốn mời mọc của vinh hoa điện ảnh. Ông ta có hứa với tôi sẽ không ký kết một hợp đồng nào nếu không được bảo đảm rằng họ sẽ triệt để tôn trọng sự thật. Tưởng không còn gì hơn nữa để nói lên tinh thần cao qúy của một con người (tôi thẳng thắn chấp nhận điều này) đang còn lưu lại nơi mình chút gì ấu trĩ, thơ ngây, lẽ dĩ nhiên, vì chính ông ta chưa hề có dịp được sống một nếp sống của con người trưởng thành.

        Tôi lại có khuynh hướng nghĩ rằng những nhận thức của tôi về Eatherly có khi còn phiến diện hay có khi lệnh lạc chăng. Có thể rằng ông ta đã viết thư cho tôi vào những lúc tỉnh táo, lành mạnh. Nếu quả thật như vậy, xin ông vui lòng phác qua cho tôi một hình ảnh về tình trạng của Eatherly, hầu tôi có thể, khi cần thiết, thích nghi lời lẽ trong thư từ với những đòi hỏi của hoàn cảnh. Thực tình mà nói, tôi rất ngại sự giam cầm kéo dài sẽ mang lại cho Eatherly một trạng thái tâm hồn bất thường mà trước đây ông ta không hề có, hoặc có ít hơn. Nói khác đi, ông có nghĩ là cần duy trì vô hạn định (indefinitely) biện pháp giam cầm đối với ông ta không ? Hoặc có thể trả tự do cho Eatherly ? sở dĩ tôi đã đặt câu hỏi trên là vì theo Eatherly, quyết định tối hậu vẫn còn tùy thuộc nơi lời phán quyết của ông và các đồng nghiệp của ông. Vì lẽ Eatherly không còn ở trong « Không lực » nữa, vận mạng của ông ta hẳn phải đặt vào tay của các vị y sĩ chuyên môn.

        Tôi nghĩ rằng Eatherly sẽ không khỏi cảm thấy khó khăn khi được trở lại đời sống bình thường. Đấy hẳn là một vấn đề cần được suy nghĩ chín chắn. Nhưng tôi ngại giam giữ càng dài ngày thì những khó khăn trở ngại sau này sẽ tăng gia gấp bội. Quả thật là một tình trạng bi đát nếu con người ấy cứ phải sống bên lề xã hội cho đến hơi thở cuối cùng, chỉ vì lúc thiếu thời đã được giao phó một công tác mà tầm quan trọng vượt hẳn ngoài mức lĩnh hội của mình.

        Tôi xin ông tha lỗi đã thẳng thắn nói lên những điều cởi mở ; nhưng tôi có cảm tưởng rằng mối ưu tư chung của chúng ta về hạnh phúc của con người ấy đã làm cho chúng ta trở thành những kẻ đồng minh, và tất cả những thân hữu của Claude cần cùng nhau cố gắng giải thoát ông ta khỏi tình trạng oái oăm này.

        Thành thật kính chào ông.

Gunther Anders        

---------------------
        1. Thư này cũng không được hồi âm.

        2. Dịch y bản Pháp văn có lẽ thư này và thư số 24 sắp đến đã được viết vào tháng 1 hoặc 2 năm I960. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn)


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 08:45:09 pm

THƯ SỐ 24
gửi Claude Eatherly

        Ngày 23 tháng 10 năm I9601
        Anh Claude thân,

        Hẳn anh sẽ thích thú khi biết rang sáng hôm nay tôi vừa viết một bức thư khá đầy đủ chi tiết cho vị y sĩ điều trị anh2. Dĩ nhiên tôi không hề quen biết y sĩ này, nhưng không thể vì lẽ gì phủ nhận danh nghĩa của ông ta, do đó tôi đã ngỏ lời với ông ta chẳng khác nào với một người có phong độ thuần lương.

        Lẽ ra tôi phải xin phép anh trước khi viết thư, nhưng tôi linh cảm biết rằng anh sẽ tán thành sự vận động này.

        Tôi báo tin này cho anh để anh khỏi ngạc nhiên trong trường hợp y sĩ của anh đề cập bức thư của tôi.

Bạn anh       
Giinther       

THƯ SỐ 25
gửi Claude

        Ngày 20 tháng 3 năm 1960

        Rất tiếc là tất cả thư tôi viết cho anh đều bắt đầu bằng câu : tôi rất lo ngại vì không được tin anh.

        Thư trước của anh đã đến tôi ít lâu sau ngày đầu năm dương lịch, và tôi đã trả lời anh kịp thời. Ngoài ra, tôi có viết một bức thư khá đầy đủ chi tiết gửi bác sĩ Frank ; ông ta hẳn không thể ngộ nhận tính cách đứng đắn nơi sự can thiệp của tôi, nhưng lại không trả lời thư tôi. Tôi xem như bị bó tay, và không thể làm gì giúp anh trước khi nhận được những tin chính xác về hoàn cảnh của anh.

        Thư này nhằm báo tin anh biết một tạp chí lớn có tranh ảnh tại Đức vừa mới phổ biến phần đầu của tiểu sử anh với những hình ảnh và chi tiết bi thảm. Tôi không thế nói được đích xác tờ báo này dựa trên những nguồn tin xuất xứ từ đâu, nhưng xét chung có ăn khớp với sự thật. Tuy nhiên luận điệu của bài báo nhằm gây xúc động, do đó thiếu tính chất trang nghiêm. Toàn bài được trình bày chẳng khác gì một truyện trinh thám, Tôi biết rằng anh không bao giờ cung cấp tài liệu cho họ, bởi vì trong thư từ chúng ta đã từng đề cập mối nguy hại của tiêu sử nhằm gây xúc cảm, và anh đã quyết định không bao giờ để cho ai xen vào viết tiểu sử của anh. Tôi cũng không nhận thức được ý định của tòa soạn tạp chí này, nhưng tôi hoài nghi lắm... Nếu anh không muốn để họ tiếp tục loạt bài này, thì đây là những yếu tố cho anh... tôi sẽ tìm hiểu xem anh có những phương cách nào để đối phó với các tác giả của bài báo nham nhở này.

Bạn anh       
Giinther       

THƯ SỐ 26
gửi Giinther

        Anh Giinther thân,

        Xin cám ơn anh đã cho biết tin về vụ tờ tạp chí. Anh thừa biết rằng tôi chẳng bao giờ chấp thuận chuyện đó, và tôi rất mong cản trở không cho họ tiếp tục loạt bài ấy. Nếu anh thấy có vài phương sách pháp lý nào để hành động, xin anh chớ ngần ngại đưa ra. Có lẽ anh sẽ cần một cố vấn. Trong trường hợp đó, tôi sẽ xin đài thọ mọi sở phí. Có thế trình nhà chức trách can thiệp để ngưng loạt bài ấy không ? Trăm sự xin nhờ anh tìm phương pháp can thiệp giúp tôi, nhưng với điều kiện là anh không quá bận bịu công việc. Tôi biết anh không mấy khi được nhàn rỗi. Nếu phải mất nhiều thì giờ để lo vụ này thì xin thôi vậy.

        Tỏi lấy làm tiếc đã hơi lơ là vụ thư từ của chúng ta, nhưng thực ra tôi cứ đợi đến lúc có tin được trả tự do để viết thư cho anh. Bởi vì tôi có hy vọng được rời bệnh viện trong một ngày gần đây. Xin anh vui lòng cho tôi biết, anh có thể làm được gì đối với vụ tờ báo, và tại nước Đức có những phương cách pháp lý nào để cấm chỉ việc phổ biến một tiểu sử mà không có phép, nếu chúng ta đưa ra pháp luật. Tôi mong được biết ý kiến anh về vụ này. Một lần nữa, xin thành thật cám ơn anh đã giúp đỡ và khuyên bảo tôi.

Bạn anh             
Claude Eatherlg       

        TB. Tại đây người ta cũng vừa cho ra một bài báo về đời tôi mà tôi không hề thỏa thuận.

THƯ SỐ 27
gửi ClaudeEatherly

        Ngày 6 tháng 4 năm 1960
        Anh Claude thân,

        Rất hài lòng đã nhận được thư anh đề ngày 25 tháng 3. Sau một thời gian im lặng khá dài, tôi sung sướng thấy anh xuất hiện lại và tỏ cho tôi biết rằng anh vẫn không nản lòng chờ đợi những ngày tươi đẹp hơn. Có điều đáng tiếc là thư anh kỳ này đến quá chậm, bởi lẽ nhằm lúc tôi đang đi du lịch nửa tháng và thư từ chuyển theo khá khó nhọc. Dầu sao, nội ngày hôm nay tôi sẽ đánh điện tín đến tòa soạn của tờ tạp chí ấy, vì trong tiểu sử của anh họ đã đưa ra những đoạn trích dẫn và phỏng vấn không gọi là trung thực. Không hiểu họ dự tính cho ra tiếp bao nhiêu bài báo nữa, có lẽ một vài số cũng nên. Nội dung bản điện tín sẽ như sau: « Eatherly khẩn thiết yêu cầu tôi can thiệp, bằng đường lối pháp lý nếu cần, để quý báo cho ngưng loạt bài về ông ta ».

        Cũng nên biết rằng xuyên qua ba kỳ báo vừa rồi tờ tạp chí này không hề có luận điệu thù nghịch đối với anh. Hình như các tác giả còn tỏ ra có nhiều thiện chí nữa là khác, nhưng dầu sao cũng nên làm cho chấm dứt sự khai thác cuộc đời của anh nhằm mục đích thương mãi, và những sự tọc mạch không thể  tha thứ.

Bạn anh       
Giinther       

--------------------
        1. Xin xem chủ thích của dịch gia bản việt văn nơi thư số 23.

        2. Tiếp theo đây là một đoạn tóm lược bức thư vừa nói.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 08:49:48 pm

THƯ SỐ 28
của Claude Eatherly tổ chức « American Civil  Liberties Union»

        Ngày 22 tháng 4 năm 1960
        Thưa ông,

        Ngày 26 tháng 11 năm vừa rồi, tôi có nhận được một bức thư của quý Hội sau vụ can thiệp của hai ông Linus Pauling và Gunther Anders. Hai vị này đã tỏ bày cùng quý Hội mối lo ngại của họ về sự cầm giữ tôi quá lâu tại bệnh viện Cựu Quân Nhân ( pital). Trong thư trả lời quý Hội, tôi có xin quý Hội khỏi phiền can thiệp giúp vì y sĩ điều trị của tôi có hứa sẽ lo cho tôi được ra khỏi bệnh viện trong một ngày gần đây. Tôi đã tình nguyên nhập viện, tất có quyền xin ra. Bởi vậy, tôi đã gửi dơn xin xuất viện và bệnh viện đã thông báo cho người anh ruột của tôi biết ngày về của tỏi, dự tính vào hôm 21 tháng tư. Thể rồi anh tôi liền xin gia hạn việc lưu giữ tôi.1

        Anh đến thăm và yêu cầu tôi hãy tình nguyên lưu lại bệnh viện, khỏi cần pháp luật can thiệp. Nguyên do vụ này, anh tôi nói rõ rằng nếu ra khỏi bệnh viện tôi sẽ bị nhiều áp lực chính trị vì những bài báo chống võ trang nguyên tử mà tôi đã viết trên nhiều tạp chí. Tôi chẳng được rõ ông Pauling và ông Anders có tường thuật quý Hội biết đầy đủ về đời sống của tôi hay không. Tôi xin tự giới thiệu là viên phi công đã điều khiển cuộc ném bom Hiroshima (Hiroshima A bomb Mision) hồi thế chiến thứ hai ; và từ dạo ấy đến nay tôi bị lương tâm dày xéo nặng nề. Tôi đã có những hành động phạm pháp để tìm cách tự trị tội lấy mình. Sau mỗi vụ như vậy tôi được gửi đến một bệnh viện về thần kinh. — Hiện tôi ở tại bệnh viện đã được mười ba tháng2, và từ bốn tháng nay người ta không chữa trị cho tôi nữa. Sự quảng bá rộng rãi trường hợp của tôi, và áp lực của « Không lực » đối với bệnh viện làm cho tôi hầu như không thể được trả tự do nữa, ngoại trừ trường hợp tôi nhờ tòa án can thiệp. Cách thức người anh đòi lưu tôi lại bệnh viện3 đã khiến tôi xin đưa nội vụ ra tòa đại hình. Anh tôi đã phong tỏa trương mục của tôi tại ngân hàng —  tiền bạc của tôi được bỏ vào một trương mục chung, và sự kiện này làm cho tôi vô phương mướn luật sư biện hộ.

        Tôi rất mong được quý Hội giúp đỡ về mặt pháp lý. Xin ông vui lòng cho tôi biết càng sớm càng tốt có thể giúp dược gì cho tôi chăng. Hiện tôi chưa được biết đích xác vụ của tôi sẽ đăng đường vào ngày nào, nhưng tôi sẽ xin được ra hầu tòa đại hình. Tôi sẽ thông báo ông rõ ngày xử nếu được biết quý Hội có ý giúp tôi.

        Tôi rất mong sớm được thư trả lời của quý Hội.

Kính thư             
Claude Eatherly       

THƯ SỐ 29
gửi Claude
        Ngàv 2 tháng 5 năm 1960
        Anh Claude thân,

        Sở dĩ tôi chậm viết thư cho anh là vì định đợi làm xong mấy việc về vụ ngưng đăng tải các bài báo về anh, rồi sẽ báo tin anh sau. Vậy nay xin tường thuật cho anh biết :

        1/ Như đã bảo trước với anh, tôi có gửi một điện tín đến tờ tạp chí ấy và nhân danh anh, thôi thúc họ phải ngưng đăng loạt bài của họ. Không thấy họ hồi âm.

        2/ Tôi có nhờ một trạng sư tại Hambourg liên lạc với tòa soạn để yêu cầu họ ngưng loạt bài tiết lộ đời tư sâu xa của anh mà anh không bao giờ cho phép phổ biến. Vị trạng sư này đã cho tôi biết như sau :

         a) Không thế vận động gì được nếu không có giấy ủy quyền do anh ký tên và có chưởng khế thị thực.

       b) Ngoài ra, ông ta còn ngại với những điều kiện ấy ông vẫn không hành động hữu hiệu được vì luật tự do báo chí cho phép đăng tải những bài — dù có khuynh hướng lãng mạn đi nữa — nói về những nhân vật đã được quảng đại quần chủng biết tên tuổi. Tôi có đưa lời biện bác rằng nếu vậy tự do báo chí cũng chẳng được bảo đảm gì trong khi tự do cá nhân bị hạn chế, vì lẽ không thừa nhận cho cá nhân được quyền sống đời sống riêng tư của mình. Nhưng lời biện bác ấy có vẻ không thuyết phục được ông ta.

        3/ Bởi vậy tôi có viết thư cho tòa soạn tạp chí liên hệ để khẩn khoản yêu cầu họ ngưng hẳn loạt bài. Hôm qua tôi nhận được một thư trả lời khá khô khan ; cho thấy rõ rệt rằng con đường pháp lý quá dài đến nỗi đợi đến lúc có quyết định của tòa án thì mọi việc đã quá trễ. Dù sao, tôi vẫn viết thêm một lá thư nữa, nhấn mạnh về sự phản đối chính thức của anh, hầu có thêm một chứng cử phòng khi cần đến pháp luật.

        Nhưng tôi có cảm tưởng quyền lực và tiền bạc đầu tư vào vu này sẽ chẳng bõ tí nào. Vì sao ? Khuynh hướng chung của các bài báo (tính đến nay đã có 7 bài dược đăng tải) không hề dấy lên một sự chống đối     nào. Độc giả sẽ không dửng dưng với vấn đề võ trang nguyên tử và còn ít tán thành nữa. Bởi lẽ đây là một tờ báo có khả nhiều độc giả, công việc của họ hầu như đang được chúng ta ông hộ là khác. Vậy chúng ta nên xem sự thiếu ý thức và thiếu thận trọng của tòa báo này là một giá phải trả cho một công cuộc hẳn là rất hướng thiện.

        Bây giờ ta hãy kết luận vụ này : anh cần phải tự viết lấy tiêu sử của anh để ngăn ngừa những kẻ thèm muốn truyện giựt gân khai thác cuộc đời anh và đưa ra một hình ảnh pha chế giả tạo. Có điều đáng tiếc là đến lúc anh cho ra cuốn sách của anh thì quần chúng, đã quá quen thuộc với câu chuyện của anh trước đó, sẽ đón tiếp trường hợp Eatherly với một câu gọn lỏn : «Vụ đó biết rồi ! » Bởi vậy tối nhấn mạnh rằng anh chớ trì hoãn việc viết tiểu sử. Nếu tự thấy còn vấp váp nhiều — điều này không đáng ngạc nhiên vì mới cầm bút không thể thành ngay văn sĩ —  anh thử viết những bức thư, viết đê cất vào ngăn kéo chứ không phải để gửi đi nhà bưu điện. Trước khi bắt tay vào việc anh hãy hình dung ra nhân vật tưởng tượng sẽ đọc những thư từ của anh. (một kẻ đối lập hay ngược lại một bạn đồng lý tưởng ? một người quen hay một người lạ ? một người Mỹ hay một người Nhật ?). Anh sẽ tùy theo nhân vật lựa chọn mà lựa lời viết thư. Tôi tin chắc mỗi ngày anh sẽ ngồi vào bàn viết một hoặc hai tiếng đồng hồ. Khi đã bắt được trớn, anh sẽ thấy cảm khoái có một công việc (job) trong đó anh sẽ chỉ y lệnh hai người chủ mà thôi, đó là bản thân anh và lương tâm anh.

        Anh hãy vui lòng nói cho tôi biết hiện nay anh sống thế nào, và theo nhãn quan của anh, viễn ảnh cuộc sống của anh sẽ ra sao ? Tôi nóng lòng mong đợi ngày nào chúng ta có thể trao đổi thư từ cho nhau như hai kẻ hoàn toàn tự do.

        Xin anh chớ quên câu ngạn ngữ đầy ý nghĩa sau đây : « Chuông không đảnh không kêu, đèn không khêu không rạng. »

Bạn anh       
Gunther       

-----------------
        1. Nguyên văn Anh-ngữ : Immediately filed a com mitment against me.

        2. Eatherly chỉ nói đến thời gian ở tại bệnh viện Waco.

        3. Nguyên văn Anh-ngữ : The commitment my brother filed on me.



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 08:54:27 pm

THƯ SỐ 30
gửi Claude Eatherỉy

Ngày 2 tháng 5 năm 1960
Anh Claude

        Tôi đang nghĩ đến anh vì tôi vừa nhận được thư của ông Watts báo tin rằng ngày hôm kia anh đã trải qua một cuộc thẩm vấn trước tòa án (hearing). Tôi tò mò muốn biết chi tiết của cuộc thẩm vấn ấy. Tôi vẫn ngại anh không đủ thì giờ chuẩn bị các câu trả lời. Anh đừng nản chí nếu kết quả không đáp lại những mong ước của anh. Anh biết rằng trong ba tháng nữa anh sẽ có một dịp may khác, và trong thời gian ấy các bạn của anh sẽ làm bất cứ gì để dọn đường đi đến một kết quả như ý. Tôi rất muốn được ở gần anh để giãi bày tính chất đặc biệt của trường hợp anh với những người đang nắm lấy vận mệnh của anh. Tôi sẽ cố gắng kêu gọi lương tâm của họ và yêu cầu họ gánh lấy trách nhiệm, không để cho những lời hăm dọa trực tiếp hay gián tiếp uy hiếp1.

        Nhưng ước muốn của tôi khó thực hiện vì hai lẽ : tôi ở quá xa cách anh lại yếu kém về tài chánh ; mặt khác kể ra cũng khó mà có ảnh hưởng với tòa án. Bởi vậy, tôi thích chọn những phương pháp hành động gián tiếp, nếu được anh đồng ý. Tôi có thể liên lạc với ông Harold Henry, đại diện của tổ chức  «American Civil Liberties Union » tại Waco ? Xin anh cho tôi biết gấp ! Ngoài ra tôi nghĩ chúng ta có thể kiếm một bác sĩ thần kinh có tiếng tấm quốc tế, có tinh thần độc lập, đến lập một bản giám định về tình trạng của anh thay cho các chuyên viên địa phương. Đồng thời, tôi sẽ viết thư cho ông Watts và bà Pauling. Anh thấy không, anh không có lý do gì để cảm thấy cô đơn. Trong khoảng ba tháng, có thể thực hiện được khả nhiều công việc đấy.

        Luôn luôn là bạn anh.
Gunther       

THƯ SỐ 31
gửi Gunther Anders

        Ngày 27 tháng 5 năm 1960.
        Anh Gunther thân,

        Rất sung sướng được tin anh. Xin hứa với anh, tôi sẽ không là kẻ « được chim quên ná » đâu. Vâng, vừa rồi tôi đã trải qua một cuộc thẩm vấn tại tòa. Nhưng bác sĩ Frank cũng như bác sĩ Constantine đều xác nhân tôi đang còn bệnh và cần săn sóc. Cuộc thầm vấn lại chẳng có bồi thầm nên tự khắc tôi cảm thấy hy vọng quá mỏng manh. Quan tòa có vẻ cảm khích trước nhũng lời khai của tôi và nói với các y sĩ rằng ông ta muốn gặp lại tôi sau ba tháng, nếu đến ngày ấy tỏi vẫn chưa được trả tự do. Theo tôi tưởng anh có thể viết —  và cần viết — giúp tôi một bức thư gửi đến ông tòa Haley, tại Pháp đình County, Mo Lellan County, Waco, Texas, để giãi bày trường hợp của tôi và cho ông ta biết rằng sự phóng thích tôi chắc chắn sẽ có lợi cho tình trạng tinh thần của tôi và hoạt động của tôi sẽ làm cho người đồng loại ý thức mối nguy hại của võ trang nguyên tử. Nếu anh thuyết phục được bà Pauling cùng viết thư cho ông chánh án, tôi tin chắc ông ta sẽ cho lệnh thả tôi. Tôi có nhận được những thư từ nhiều nước gửi đến báo cho tôi hay về những xuất phẩm của anh và cổ võ tôi hãy cố công hoạt động cho một cuộc sống chung hòa bình.

        Tôi rất đồng ý với anh rằng chúng ta có thể  hài lòng nhìn thấy tác dụng tốt đẹp của loạt bài về tiểu sử tôi trên tờ tạp chí Đức. Nếu nền hòa bình và tình huynh đệ bị đe dọa thì thử hỏi những tự ái và phẩm cách của chúng ta còn đáng được xem trọng hay không (pride and dignity is nothing to sacrifice if peace and brotherhood is the reward).

        Tôi sẽ chịu ơn anh suốt đời về sự liên lạc thân mật của chúng ta. Anh làm sao hiểu được tôi cần đến dường nào một người như anh, hầu nuôi dưỡng năng lực làm việc nơi tôi và đảm bảo thắng lợi cho niềm tin của tôi. Phần lớn thiên hạ cho tôi là điên vì chống đối ý thức chiến tranh, Nhưng thử hỏi tôi còn có cách nào khác hơn để giải nghĩa cho nhân loại biết rằng chiến tranh nguyên tử không những chỉ mang lại sự hủy diệt vật chất mà còn gây ra sự băng hoại đạo đức của con người nữa2.

        Tôi không cần biết những người đương thời nghĩ thế nào về phẩm hạnh của tôi ; tôi chỉ muốn thức tỉnh họ và làm cho họ hiểu rằng họ không dược giáng xuống một lần nữa một đại họa như vậy trên đầu của chính họ hoặc của con cải họ.

        Xin anh đừng tưởng rằng tôi hoàn toàn bất vụ lợi. Phần thưởng của tôi sẽ không nhỏ : tôi sẽ mãn nguyện đã góp công vào sự lựa chọn rộng lớn của nhân dân khắp các lục địa, nếu họ còn muốn sống trên quả đất này.

Bạn anh       
Claude         

-----------------
        1. Xin xem thư số 58 tới.

        2. Câu này đáng được xét lại lâu hơn ; đối với tôi nó dường như có nghĩa là : « Tôi tự hạ mình để tỏ cho nhân loại thấy rằng chiến tranh nguyên tử hạ thấp giá trị tinh thần của con người». Ealherly như vậy đã hy sinh phẫm giá mình để suy tôn đạo đức.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 08:56:30 pm
       
THƯ SỐ 32
gửi Claude Eatherly

        Ngày 11 tháng 6 năm 1960
        Anh Claude thân,

        Nhận thấy chính anh còn không nản chí, tôi càng thêm can đảm. Chúng ta là hai kẻ đều không biết tự cao tự đại, nhưng chúng ta vẫn có thể bảo nhau rằng thiên hạ đang cần đến chúng ta, và chúng ta không có quyền bỏ cuộc. Chúng ta hành động vì một lý tưởng chung. Vậy anh chở ngạc nhiên khi tôi đứng về phía anh. Đã chung cùng lý tưởng, tất tôi không thể bỏ rơi anh vì như vậy là thiệt thòi cho chính tôi.

        Cách đây ba tuần lẽ, tôi có nhờ bác sĩ G. một nhà thần kinh học nổi tiếng trong hàng thân hữu của tôi, rất có thể có cảm tình với vấn dề của chúng ta và hiện đang ở tại Hoa- kỳ, kiếm một y sĩ nào chuyên chữa bệnh thần kinh đến giúp anh. Về phần anh, cũng nên viết thư cho ông ta. Vì đây là một nhân vật cao niên, anh nên mở lời thư bằng một câu xin lỗi thông thường về chỗ làm phiền ông ta này nọ...

        Sau nữa, tỏi đã chuyển lời yêu cầu của anh đến bà Pauling ngay sau khi nhận được thư của anh. Bà ta không biết anh, nên bức thư của bà ta gửi cho ông chánh án hẳn sẽ vắn tắt. Thế nhưng nó vẫn không kém phần hữu ích vì đấy là thư của một nữ công dân Mỹ. Riêng phần tôi là một người ngoại quốc, tôi sẽ viết dông dài hơn, và sẽ trích dẫn những đoạn thư của anh để chứng minh rằng thần kinh của anh khá lành mạnh, vả lại, danh từ « thần kinh lành mạnh » nghĩa là gì ? Hẳn anh đã biết, tôi cho rằng những ai không có những phản ứng « bất thường » trước những kinh nghiệm động trời của anh sẽ là « những con người bất thường ».

        Dĩ nhiên là tôi không được biết ông chánh án. Nhưng tôi sẽ « một được một mất » nói khá nhiều về anh với ông ta, xem như ông ta đã quá am tường trường họp của anh và sẵn có một lương tâm chức nghiệp đặc biệt. Có lẽ ông ta có đầy đủ những ưu điểm ấy. Tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên theo những nhận xét của anh về ông chánh án này...

        Claude ạ, anh hãy tin tôi đi, những cố gắng của chúng ta sớm muộn thế nào cũng mang lại thành quả tốt đẹp; tôi vững lòng tin như vậy. Đáng lẽ anh phải chuẩn bị đón nhận thành quả ấy ; tôi muốn nói, ngay từ bây giờ anh phải nghĩ đến tổ chức cuộc sống của anh sau ngày được trả tự do. Như vậy từ một thành công tạm thời, anh sẽ tạo nên một thành công vĩnh cửu.

        Thư này viết cho anh hôm nay đúng vào cái ngày duy nhất — hơn ngày nào hết — chứng tỏ tính cách thiết yếu của công việc chúng ta đang làm1. Chúng ta tuyên chiến không những với sự tàn ác mà còn với sự khờ dại, khờ dại ở đây có nghĩa là thiếu óc tưởng tượng. Sứ mệnh của chúng ta là rèn luyện óc tưởng tượng cho những kẻ khác.

Bạn anh        
Gunther        

--------------------
        1. Ngụ ý đề cập phong trào phản kháng hiệp ước an ninh hỗ tương Nhật Mỹ và những xáo trộn xảy ra trong vụ này.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 28 Tháng Mười Hai, 2019, 09:00:26 pm

THƯ SỐ 33
của Gunther Anders gửi ông chánh án w.Haley.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1960.
        Thưa Ngài,

        Hẳn ngài sẽ ngạc nhiên khi nhận được thư này của một nhà văn người Áo mà có lẽ ngài chưa từng nghe nói đến bao giờ. Bởi vậy, trước tiên tôi xin thưa ngài rõ : tôi viết thư này cho ngài theo lời yêu cầu của ông Claude Eatherly, một người hằng thảo luận với tôi suốt một năm nay về những vấn đề đang dày vò ông ta. Claude không hề ý thức như tôi rằng một bức thư gửi cho một quan tòa có thể gây ngộ nhận dễ dàng : nó có thể bị xem như có khuynh hướng gây ảnh hưởng cho tòa án mà mọi phán quyết, nhìn dưới khía cạnh pháp lý, không thuộc thẩm cấp của một nhân chứng ngoại quốc. Điều này lại càng đúng hơn nữa khi tôi không phải là một « nhân chứng mục kích » mà chỉ là một « nhân chứng tình cảm ». Eatherly vẫn xét rằng tôi là người đầy đủ tư cách hơn bất cứ ai để soi sáng hoàn cảnh tâm lý và tinh thần khả phức tạp của ông ta. Thiển nghĩ về phần tôi, nếu từ khước giúp đỡ ông ta thì thật quá hẹp lòng1.

        Khả nhiều đoạn trong các thư từ trao đổi giữa chúng tôi đã tỏ rằng Eatherly đau khổ vô cùng, và đã xác định tư cách nghiêm chỉnh và giàu lương tri của ông ta, một người đang cố gắng rút tỉa kinh nghiệm cá nhân của mình. Tôi nhận thấy rằng nếu nói kinh nghiệm của Eatherly (tham gia hủy diệt cả một thành phố) vượt hẳn khả năng lĩnh hội về xúc cảm lẫn tinh thần của một con người, thì thiên hạ sẽ cho đấy là một nhận thức tầm thường, nhảm nhí. Thật là một điều dễ hiểu khi mà những thanh niên khác cùng tham gia công tác ấy, sau đó đã tìm kế « đào tẩu » để trốn thoát mọi ảm ảnh bằng cách không rút ra bất cứ một kết luận nào về vụ ném bom, bằng cách tin tưởng vào những lời khen tặng của chính quyền nhiều hơn là vào thị giác của họ, sự xúc động của họ và lương tri của họ.

        Về phần Claude, ông ta lại có thừa tinh thần độc lập để gạt bỏ một ý nghĩ « đào tẩu » như vậy. Ông ta luôn luôn thử diễn tả lại kinh nghiệm của ông ta để tự mình khỏi quên lãng, để làm cho những người đồng thời đại thấy rõ chân lý đang bị chìm lấp phần nào dưới lớp sương mù dư luận, thấy rõ mối hiểm họa lớn lao vốn đã có sẵn trong hiện tình nguyên tử. Lẽ dĩ nhiên, Claude làm sao có được lối diễn tả tế nhị của một văn sĩ chuyên nghiệp, hay cách trình bày khoa học, chính xác của một nhà bác học khi ông ta chỉ có trình độ hiểu biết thô sơ và những kinh nghiệm thuần túy cá nhân ? Vì tin rằng (giả thiết này hoàn toàn căn cứ trên bình diện tâm lý) một số khía cạnh của con người Eatherly bộc lộ dễ dàng qua thư từ nhưng có thể không được phát giác trong một cuộc thẩm vấn, nên tôi xin phép gửi đính kèm theo đây để ngài tường lãm một vài đoạn thư đã từng làm cho tôi xúc động nhiều hơn cả. Sau đó, tôi sẽ cố gắng phác họa chân dung của Eatherly theo nhãn quân của tôi. Tôi tin chắc ông ta đang là nạn nhân của một trạng thái tinh thần hoàn toàn mới lạ. Chưa bao giờ những hiệu lực có thể có do một hành động của con người, đã vượt quá xa khả năng tưởng tượng nghèo nàn của chúng ta như trường hợp này. Từ sau khi Claude nhận chân hậu quả kinh tởm của chuyến công tác Hiroshima, cuộc sống của ông ta chỉ còn là một cố gắng vô biên để tìm hiểu điều mà Claude gọi là « tội lỗi của ông ta » và để chứng giải cho mọi người thấy rằng mình đã phạm tội. Những hành vi vô ý thức và trái phép của ông ta sau đó đã chửng tỏ những cố gắng vô hiệu của ông. Bằng những hành động mà xã hội lên án nặng nề như vậy, Claude muốn tỏ cho xã hội thấy rằng ông không phải là kẻ vô tội như mọi người muốn tưởng. Trong khi phần nhiều thiên hạ mang tội vì đã hành động phạm pháp, Claude trái lại chủ tâm hành động phạm pháp để chứng minh tình trạng phạm tội của mình.

        Tôi không có những tin tức chinh xác về quá trình diễn tiến của các cuộc thẩm vấn, các kỳ cấm túc và các giai đoạn chữa trị thần kinh của Eatherly. Thế nhưng, tôi rất hiểu rằng một đời người gồm những hành động chiến tranh, những chuyến giam cầm, những mưu toan xác nhận tội trạng của mình và bị trấn áp tức thời như vậy, tất có ít hy vọng trở nên một đời người thực sự trưởng thành. Tôi hoài nghi rằng một ngày kia nếu sự giam cầm cứ kéo dài như thế này, Claude sẽ không đủ tư cách sống một đời sống bình thường, tự gánh lấy những trách nhiệm của mình, sống theo những niềm tin của mình, tóm lại, có thể sống như mọi người. Tôi nhận thức rõ rệt rằng ngài không đồng ý về « triết lý » của Claude. Có lẽ ngài không tán đồng quan điểm cho rằng tiếp tục võ trang nguyên tử là một sự « hăm dọa tận thế », một sự hăm dọa làm hư hỏng phẩm cách nhân loại, nếu không làm hư hỏng đời sống đơn thuần của con người. Nhưng Eatherly may mắn được sống tại một quốc gia vốn dùng pháp luật để đảm bảo tự do tư tưởng của dân chúng thay vì cản trở sự tự do ấy.

        Dĩ nhiên hiện nay tôi không thể bảo đảm cho Claude một khi ông ta được trả tự do để tự điều khiển lấy cuộc sống của mình. Nhưng ngược lại, tôi dám cam đoan rằng đời sống của Claude sẽ bị xem như bỏ đi, nếu bây giờ không ai cho ông ta được may mắn trở lại sống tự do. Đã nhiều lần, tôi có giải thích cho Claude hiểu rằng ông ta có bổn phận phải tự viết lấy tiểu sử của mình. Nếu ông ta viết được, tài liệu này sẽ xác nhận những nỗi khó khăn lớn lao đang uy hiếp con người hiện đại ở vai tuồng vừa là tôi mọi vừa là chủ nhân của thế giới cơ khí hóa. Tôi tin chắc trường hợp Eatherly không thể là một trường hợp riêng biệt, hoặc có thể được xem như riêng biệt hoặc duy nhất về loại này. Trái lại, tình trạng của Eatherly phải được xem như báo trước tình trạng tương lai của con người vào thời đại kỹ thuật của chúng ta, nếu con người bị cưỡng bách phạm vào những hành động có tính chất vừa chủ quan lại vừa khách quan, do một sự trùng phùng giá trị kỳ lạ. Phán quyết của tòa án về « trường hợp Eatherlv » sẽ không là một phán quyết đối với một cá nhân riêng biệt, trái lại nó sẽ nhắm đối tượng « con người vào thời đại kỹ thuật », do đó nó sẽ có một giá trị tiêu biểu.

        Tôi sẽ rất lấy làm tiếc nếu thư này bị ngài xem như là có dụng ý bất chính ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án. Nhưng qua mấy lời trong thư Eatherly nói về cách thức ngài lưu tâm đến trường hợp của ông ta, tôi hy vọng ngài sẽ hiểu rõ tinh thần của những điều biện giải trên đây. Kính xin ngài vui lòng hồi âm cho biết đã nhận được thư này. Tôi xin thành thật cảm tạ2.

Kính thư             
Giinther Anders       

------------------
        1. Tiếp theo đây là đoạn thuật lại sự giao thiệp thân hữu và trao đổi thư từ giữa Eatherly và tôi.

        2. Thư này không hề được hồi âm.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:10:22 pm

THƯ SỐ 34
gửi GiintherAnders

        Không đề ngày.
        Anh Giinther thân,

        Lại phải xin lỗi anh vì chậm viết thư cho anh, nhưng xin thề rằng tôi quá bận việc, và tôi hy vọng hoạt động của tôi đang có hoặc sẽ sớm có kết quả tốt. Tôi nghĩ rằng anh hiểu tôi khá nhiều để biết rằng tôi xem mọi sự len lỏi chính trị vào lý tưởng của chúng ta là điều bất tường. Hẳn anh có nghe nói về những vụ lộn xộn vừa xảy ra tại Nhật-bản. Anh biết rằng người ta đã hủy bỏ vụ mời Tổng thống Mỹ sang viếng Nhật-bản. Sự hủy bỏ này xảy ra sau chuyến thăm của vài giới chức trong chính quyền và vài nghị sĩ có trách nhiệm chuẩn bị cuộc công du cho Tổng thống Mỹ. Qua các cuộc biểu tình, người dân Nhật — hay ít nhất là một thiểu số dân Nhật —  cho rằng sự hiện diện của Tổng thống Mỹ trên đất Nhật không hợp thời. Hiệp Chủng Quốc cũng không muốn an ninh cá nhân của Tổng thống Mỹ bị hăm dọa. Tôi vừa nhận được một lá thư của thượng nghị sĩ Hoa-kỳ Ralph Yarborough kèm theo đó có lá thư của Linh mục N. thuộc Hạ viện Nhật-bản. Bằng những lời thư khá thân mật, họ yêu cầu tôi giãi bày quân điểm cùng Đức cha N. về các biến cố tại Nhật. Theo hai vị này thì quan điểm của tôi sẽ có ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ Nhật-bản, giới này dường như là nguồn gốc của các cuộc biểu tình1. Bởi vậy, tôi có viết thư cho vị dân biểu Nhật để nói quan điểm chung của chúng ta, nghĩa là của anh và của tôi. Để làm ông ta cảm khích, tôi có nói rằng, theo tôi nghĩ, chỉ có lòng thương, sự tin cậy và tình hữu nghị mới làm chấm dứt được những cuộc chiến tranh vô ý thức. Tôi lại giải thích cho ông ta thấy rằng sự băng hoại tinh thần do võ trang nguyên tử gây ra chẳng kém gì những hủy diệt vật chất của nó. Tôi đã đơn cử chính bản thân tôi làm thí dụ. Tôi cũng có viết thư báo tin cho nghị sĩ Yarborough hay việc đã trả lời thẳng với vị dân biểu Nhật. Nhưng tôi không nói rõ nội dung lá thư hồi âm này vì biết rằng thế nào ông Yarborough cũng sẽ có một bản sao.

        Gần đây, tôi có liên lạc với David Mc Clure là người đã viết cho Audie Murphy câu chuyện « To Hell and Back » (Trở về từ địa ngục). Murphy là người lính đã được ân thưởng trọng hậu nhất và hiện nay anh ta là một tài tử điện ảnh. Nếu tôi không lầm thì có lẽ Audie muốn « tả chân » tôi trong một cuộn phim. Tôi có cho hắn hay rằng tôi rất sẵn sàng chấp nhận sáng kiến ấy với điều kiện duy nhất là phim phải nói lên những tư tưởng của tôi.

        Về vụ trả tự do cho tôi, tôi không tin rằng họ sẽ quyết định giam giữ tôi tại một bệnh viện thêm một thời gian nữa. Tôi chỉ dựa theo những nhận xét của y sĩ điều trị để tin tưởng như vậy thôi.

        Tôi cũng chẳng viết thư cho bác sĩ G. làm gì, vì ngại phải đặt một y sĩ cao niên vào một thế nan giải. Trong kỳ thẩm vấn tới, các y sĩ sẽ không nói là tôi mắc bệnh thần kinh nữa, nhưng họ sẽ nói tôi suýt tự tử ! Một lần nữa tôi xin cảm ơn anh và bà Pauling đã viết thư cho ông tòa; những thư ấy hẳn sẽ không khỏi gây cảm khích cho ông ta. Tôi biết rằng bệnh viện rất muốn thả tôi ra cho rảnh trí, nhưng họ lại sợ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sự rủi ro nào xảy đến cho tôi.

        Một khi được trả tự do, hoài bão duy nhất của tôi sẽ là vận dụng tất cả ảnh hưởng, tiếng tăm và bất cứ phương sách quảng cáo nào, cho dù những phương sách ấy có thể làm tổn thương danh dự và phẩm cách của mình (regardless of lack of dignity and the loss of pride to me), để nói chuyện với mọi người trên quả đất này, với đại chúng, chứ không phải với các chính trị gia và quân nhân. Vì hai hạng sau này chỉ là những con người máy hành động theo chỉ thị và cũng phản ứng theo đường hướng đã học tập. Nhân thể, hỡi nhà phiêu lưu Casanova2, tôi xin có lời khen ngợi anh,và xin gửi kèm theo đày một bài bảo có lẽ sẽ làm anh khoái chí3.

        Trong khi đó, tôi lại nhận tới tấp những thư tỏ tình của phụ nữ Âu-châu ! Chẳng lẽ bên Âu-châu không còn đàn ông nữa hay sao ? Đây có thể là phản ứng gây nên do những loạt bài về tôi được đăng tải trên báo chí.

        Ạnh Giinther, anh sẽ không bao giờ hiểu nổi ý nghĩa của những thư từ của anh đối với tôi, và những thư ấy đã tác động tinh thần tôi đến độ nào. Những gì anh viết đã chứng minh cho tôi rằng thời gian tôi bị giữ tại Waco không phải là phí phạm. Những kinh nghiệm tôi thu nhặt được trong khi bị ẩn cư sẽ rất bổ ích cho chúng ta sau này. Tôi biết rằng những cố gắng của chúng ta không phải là vô hiệu, bằng không, một nghị sĩ Hoa-kỳ và một dân biểu Nhật-bản sẽ chẳng bao giờ gọi đến tên một kẻ mắc bệnh thần kinh để hỏi ý kiến và nhờ giúp đỡ.

        Chúc anh mọi sự lành.

Bạn anh       
Claude         

------------------
        1. Thật là vô liêm sỉ và đáng hỗ thẹn ! Một con người bị tuyên bố là bệnh hoạn và bị giam cầm, bây giờ lại được xem như có tinh thần lành mạnh và được cầu cứu để gây ảnh hưởng, lèo lái các biến cố (theo một chiều hướng quả thật là trái hẳn với tư tưởng của đương sự !)

        2. Casanova de Seinqalt (Giovanni Giacomo) nhà phiêu lưu Ý sanh tại Venise (1725-1798), nổi tiếng nhờ những thành tích tình cảm lãng mạn được ông ghi lại trong tập bút ký (Memoires) của ông.

        3. Bài báo này nói chuyện mách lẻo về nữ tài tử Maria Schell, và đăng tin đồn đại rằng Maria Schell si tình một người cũng tên là Gunther Anders nhưng lại là một nhà quay phim !



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:11:44 pm

THƯ SỐ 35
gửi Claude Eatherly.

        Ngày 17 tháng 7 năm 1960
        Anh Claude thân,

        Tôi rất tiếc phải đính chính với anh điều này : tôi chưa bao giờ được hân hạnh diện kiến nữ tài tử Maria Schell, mà chỉ thấy cô ta một lần trong một cuộn phim nào đó. Thay vì chúc mừng tôi, đáng lẽ anh phải viết thư chia buồn cho người bạn đồng danh của tôi (hắn trùng cả tên lẫn họ với tôi, như vậy hắn dám mất chức điện ảnh gia vì bị tình nghi là tác giả của những bài văn triết lý !)

        Sự pha trò của anh dù sao vẫn có một khía cạnh nghiêm chỉnh : vì tôi sung sướng nhận thấy anh không hề mất đi tí nào tinh thần hoạt kê, hoặc giả anh đã lấy lại được tinh thần hoạt kê ấy. Những kẻ như anh và tôi, vốn sống vì một sự nghiệp nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ là những con người khó tính nếu quên hẳn nụ cười. Thiếu tinh thần hoạt kê ấy, chúng ta sẽ chẳng giúp ích gì cho ai, và nếu chúng ta có hài hước cũng chẳng làm mếch lòng ai. Sau một trận cười thỏa chí, con người thường được thêm gấp đôi năng lực để hoàn thành sứ mạng.

        Tôi có đọc khả nhiều bài tường thuật các biến cố vừa rồi tại Nhật-bản. Tôi lại còn nhận được thư của các bạn tại Nhật kể lại những vụ ấy với đầy đủ chi tiết. Hầu có những nhận thức chung cục, tôi đang đợi chuyến trở về Âu-châu của một người bạn Hoa-kỳ vì anh ta tình cờ đã có mặt tại Đông- kinh vào những ngày sôi động.

        Theo tôi nghĩ, việc nghị sĩ Yarborough yêu cầu anh viết thư cho linh mục N. là một triệu chứng rất tốt. Điều này chứng tỏ rằng anh đã chọc thủng được bức tường biệt cư đang bao vây anh và phóng được tiếng nói của anh ra thế giới bên ngoài. Tôi cũng muốn biết tại Nhật người ta có phổ biến một số những bài do anh viết hay không, hoặc giả tiếng tăm của anh là kết quả của những thư từ đầu tiên trao đổi giữa chúng ta? (như anh biết, một số thư từ đã được những báo nổi tiếng nhất tại Nhật trích đăng). Hẳn anh phải nhận thức rằng anh có diễm phúc là không ở trong hoàn cảnh đau buồn của những người giàu thiện chí có những điều muốn nói mà lại không được sử dụng như anh những phương tiện để phổ biến tiếng nói của họ đến tận tai quần chúng.

        Bây giờ xin nói về vụ thực hiện cuộn phim mà anh đã đề cập trong thư trước : anh chớ tường lầm rằng tôi thích phá đám, nhưng ý nghĩ một Audie Murphy thủ vai của anh trên màn bạc làm cho tôi khó chịu vô cùng. Lẽ tất nhiên là một dịch vụ nhằm gây xúc động để câu khán giả, trong đó một anh hùng này thay thế một anh hùng khác. Tôi chưa bao giờ thấy Audie Murphy. Có thể hắn ta là một tài tử thực sự. Hẳn anh đã nắm được then chốt của vấn đề khi điều đình với Mc Clure và Audie Murphy, vì anh đã nhấn mạnh rằng anh không muốn họ đưa ra những hình ảnh sai lệch về đời sống của anh. Tôi vẫn tin tưởng rằng phương sách duy nhất để đạt được mục đích của anh là phải trao cho các nhà điện ảnh bản tiểu sử của anh do chính tay anh viết ra. Nếu anh cần một người cộng tác, hãy thận trọng chọn một người nào có thiện chí hoạt động vì lý tưởng, không vì tư lợi. Trước khi đi vào vấn đề này, anh cần phải được trả tự do đã. Bởi vậy, như tôi chẳng hạn, nếu không được tự do, không bao giờ tôi ký kết một điều gì với ai.

        Tôi có cảm tưởng rằng bây giờ anh đã nhìn vào tương lai với nhiều tin tưởng hơn trước, và anh cho rằng có nhiều hy vọng được trả tự do nay mai. Nếu những cố gắng của anh mang lại kết quả tốt đẹp, xin anh sớm báo tin cho tôi để kịp thời chia vui cùng anh. Anh đã có những dự tính gì xin hãy cho tôi biết luôn.

        Tôi cám ơn anh đã tỏ ra kính nể bác sĩ G., vị y sĩ cao niên ấy. Tôi sẽ báo cho ông ta biết quyết định của anh và rằng anh không dám quấy rầy ông. Tôi nghĩ anh sẽ không khỏi cảm mến bác sĩ G., vì ông ta là người nhân hậu nhất mà tòi đã được gặp. Nhưng đồng, thời ông lại là một con người đầy sinh lực và cương nghị.

        Luôn luôn là bạn anh
Gunther       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:13:51 pm

THƯ SỐ 36
gửi Gunther

        Ngày 26 tháng 7 năm 1960
        Anh Giinther thân mến,

        Cám ơn anh nghìn lần vì đã trả lời mau lẹ lá thư trước của tôi. Tôi xin hoàn toàn đồng ý với anh về vụ tảc giả Mc Clure và tài tử Audie Murphy đề nghị làm phim. Tôi vừa được biết Murphy mới từ Âu-châu trở về sau khi thực hiện một phim tài liệu về loại hỏa tiễn vô tuyển điều khiển để chứng minh sự phá hoại của chúng. Tại Hoa-kỳ hiện có một hội mệnh danh là « Sane Nuclear Society » (Hội Hạch Nhân Sane), hoạt động tại Hollywood dưới sự điều khiển của Steve Allen và Robert Allen, là hai nhân vật nổi tiếng thuộc giới truyền hình và điện ảnh. Tôi không liên lạc với họ, nhưng khi sách tôi hoàn tất, chính họ là những người tôi sẽ mời thực hiện cuộn phim của tôi. Về tài tử thì tôi thích Robert Ryan hơn Audie Murphy vì Robert Ryan khá nổi tiếng, và nếu tôi không lầm thì tài tử này là một người đứng đắn, trung thành với lý tưởng của hắn. Tôi cho rằng nếu chúng ta thu phục được những người này theo lý tưởng của chúng ta, chúng ta sẽ khai thác được tên tuổi của những nghệ sĩ đứng đắn và có chân tài ấy. Tại Hollywood còn có khá nhiều tài tử khác, có chân trong hội Sane. Hiện nay tôi có hai việc (jobs) cần phải hoàn tất gấp. Trước tiên tôi muốn báo anh biết vị dân biểu Nhật-bản đã trả lời thư tôi. Tốt hơn, tôi xin gửi lá thư ấy kèm theo đây. Có lẽ anh sẽ cần đến nó để viết một bài báo. Anh có thể gửi thư cho ông ta để nhân dịp hỏi luôn về những quan điểm của ông. Như vậy anh sẽ biết ông ta nghĩ thế nào về triết lý và tư tưởng của tôi, và ông đang nghĩ cách nào để trấn áp mối sợ quần chúng. Xin anh chớ quên rằng tên tôi không được dính dấp vào những vấn đề hay đoàn thể chính trị. Điều đáng kể là những tư tưởng của tôi về các vấn đề nguyên tử. Tôn chỉ của tôi tóm tắt thành ba điều : lòng thương, sự tin cậy và tình hữu nghị. Chỉ cần ba điều ấy thôi cũng đủ để loại bỏ sự sợ hãi trên quả đất này và tránh được nguy cơ chiến tranh. Nếu anh giải thích được để vị dân biểu ấy và những dàn biểu khác đã ký tên vào lá thư đều nhận thức là cần đặt vấn đề trọng đại này trên một căn bản đạo đức, tất nhiên sự sợ hãi sẽ không có lý do tồn tại nữa, và những hình thức biweu dương lực lượng (như phim ảnh, truyền thanh, diễn binh đại qui mô...) sẽ không còn một tác dụng nào đối với loài người. Về phần anh, Gunther, anh sẽ có thể  viết một bài báo1 làm chấn động Âu- châu. Anh hãy cố gắng làm cho bài báo được phổ biến khắp các nước Âu-châu, tại Pháp, Ý, Na-uy, Thụy-điển nhờ sự trung gian của các bạn và các nhà xuất bản tác phẩm của anh2. Chúng ta phải hoạt động anh ạ, vì tình hình đang trở nên trầm trọng. Tôi biết rằng bài báo của chúng ta đã đến tận Ba-lan. Thực vậy, y sĩ điều trị của tôi có nhận được một lá thư từ Ba-lan, với bài báo đính kèm. Ông ta gốc xứ Ukraine nên đọc được thư ấy. Tôi cũng sẽ viết thư cho các dân biểu nói trên và chỉ đứng trên lập trường hoàn toàn đạo đức, không đề cập chính trị. Chúng ta phải ngăn ngừa không để họ đồng hóa chúng ta với bất cứ một tổ chức chính trị hay tín ngưỡng nào. Chúng ta muốn chấm dứt sự võ trang nguyên tử và lập nên một chính phủ thế giới3 có khả năng duy trì hòa bình. Một chính phủ như vậy phải quy tụ tất cả các nước, nhỏ bé cũng như rộng lớn, khi đó những tiền bạc mà hiện nay người ta đang phung phí về quân sự sẽ dùng vào những công trình giáo dục, vệ sinh và tạo nền thịnh vượng cho những nước nghèo.

        Xin anh vui lòng cho tôi nhận lại bức thư Nhật-bản sau khi anh đã cho chụp phỏng ảnh. Tôi sẽ rảng kiếm giấy than đê sao gửi cho anh bức thư mà tôi sẽ viết cho Quốc hội Nhật-bẵn. Nhất thiết chúng ta phải tích cực bắt tav vào việc ; đôi khi tôi có cảm tưởng chúng ta đã buông thả một phần nào vào những giờ phút quyết định.
 
        Anh Giinther ạ, tôi muốn thổ lộ cùng anh một vụ rất quan trọng liên hệ đến các hành động của tôi từ mười bốn năm nay. Một ngày nào đó tôi sẽ có dịp nói vời anh rõ hơn, hiện giờ thì thật khó viết hẳn ra trong thư từ. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng anh hiểu được cái gọi là « ý tại ngôn ngoại » của tôi qua thư này, và anh sẽ hiểu tôi muốn nói về những hành động gì. Nhưng thôi, hãy tạm gác lại vụ ấy đã...

------------------
        1. Tiếng Anh : story.— Eatherly gọi các bài báo bài văn là «story ».

        2. Eatherly đề cao ảnh hưởng của nhà văn độc lập ; riêng đối với tôi, Eatherly suy tôn quá lố ảnh hưởng cá nhân của tôi. Sở dĩ ông ta ngộ nhận ở điểm này là vì mỗi khi đề cập trường hợp Eatherly, người ta thường nêu tên tôi (các tác giả Âu-châu khác không hề chú ý đến Eatherly).

        3. Tôi không rõ Eatherly có ý thực sự từ khước mọi hoạt động chính trị hay không, hoặc giả đây chỉ là một mánh khóe (song tôi nghĩ không thể có như vậy). Nếu ông ta cho rằng tôi đồng ý với ông ở lãnh vực này thì có lẽ ông lầm. Tôi không tin tường chút nào ở một chính phủ thế giới vì lẽ mọi sự tập quyền, theo khuynh hướng chính trị hiện thời (không nói đến kỹ thuật) vốn đã hàm súc mối nguy hại của độc tài chuyên chế — Giải pháp đích thực cho vấn đề không phải là sự loại bỏ uy quyền của các quốc gia mà chính là sự « định phân » (dosage) uy quyền của họ.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:21:14 pm

        Có điều quan trọng là nhận thấy tên tôi bây giờ được thiên hạ biết đến nhiều hơn là tên của những người đã thực sự ném bom. Những ý kiến của tôi sẽ phải được dùng để chứng minh tội phạm của tôi. Thực vậy, cần phải giải thích cho quảng đại quần chủng thấy rằng sự băng hoại tinh thần do quả bom gây ra cũng quan trọng chẳng kém gì hiệu lực vật chất của nó1. Theo tôi quan niệm, chúng ta và các thân hữu của chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài để có thể làm cho mọi kẻ khác chấp nhân những tư tưởng của mình. Tôi định lưu lại bệnh viện một thời gian lâu hơn nữa để hoàn tất một bài mà tôi sẽ cho đăng trên tờ Coronet (một trong những tạp chí quan trọng  nhất tại Hoa-kỳ). Cách đây không lâu, tạp chí này có cho ra một bài tường thuật về đoàn phi hành của phóng pháo cơ Enola Gay với dụng ý rõ rệt là triệt hạ ảnh hưởng của những gì tôi đã viết. Theo bản tường thuật này, phi hành đoàn tuyên bố không hề mảy may cảm thấy hối hận, và lại đầy tin tưởng khi tháp tùng đại tá Tibbets (nay là tướng Tibbets) người đã chỉ huy phi đội trong công tác ném bom ấy. Họ còn nói rất sẵn sàng đi ném bom nguyên tử vào bất cứ lúc nào. Bài tường thuật đầy rẫy những điểm mâu thuẫn. Tôi sẽ gửi sang anh xem. Tôi sẽ nhờ ông bạn All Hirschberg viết tiểu sử của tôi y như lời tôi tường thuật (as told by me) hầu cơ quan kiểm duyệt của « Không lực » — họ vốn ra chỉ thị cho bệnh viện về mọi quyết định liên quan đến tôi — không thể thọc gậy bánh xe được. Tôi lại có một người bạn khác (y sĩ điều trị
tôi) vẫn ủng hộ tôi theo cách thức của ông ta, nhưng cũng chỉ trong một phạm vi nào thôi. Ông ta là bạn của gia đình và đã giúp đỡ tôi từ mười năm nay. Trong suốt thời gian ấy, ông ta đã biết hết mọi sự...

        Anh Giinther, anh có thể cho phép tôi dùng cuốn «Những Khuyến cáo của Thời đại Nguyên tử » của anh trong một bài báo để hậu thuẫn cho triết lý của tôi ? Tôi thiển nghĩ, nhằm phục vụ lý tưởng của chúng ta, tốt hơn tôi sẽ xin không nêu rõ tác giả của những khuyến cáo ấy, để quần chúng không cho rằng tất cả tư tưởng của tôi đã được những người khác viết ra rồi, do đó họ mất hẳn tin tưởng nơi tính chất nghiêm chỉnh của những cố gắng của tôi. Để gây uy tín, mỗi người chúng ta phải dùng đến công việc của người kia. Tôi sẽ xin san sẻ cùng anh mọi khoản tiền nhuận bút. Xin anh cho tôi biết ý kiến càng sớm càng tốt vì tôi muốn phổ biến bài báo của tôi rất sớm hầu chống lại ảnh hưởng của bài tường thuật trên kia. Tôi đã viết thư cho AI Hirschberg vì gần đây ông ta có đòi tôi viết một bài (story).

        Tôi nhận khá nhiều thư từ Đức gửi đến. Một số thư đầy rẫy những chuyện ngớ ngẩn và những lời tỏ tình, nhưng một số khác lại nói rõ thực tâm tha thiết với vấn đề võ trang nguyên tử.

        Để chấm dứt, tôi rất tiếc anh không phải là một nhân vật Gunther Anders nào đó đang say mê một mỹ nhân tuyệt sắc như vậy. Nhưng tôi cảm ơn anh đã dành mối tình của anh cho sứ mạng cao đẹp mà chúng ta đang phải cáng đáng. Muốn thành công, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa.

        Tôi không hề nhận được cuốn sách viết về Nhật-bản của anh. Anh có thể đề tặng và gửi cho tôi một cuốn ? Tôi hy vọng một ngày gần đây có thể đứng tên cùng với anh trên một cuốn sách.

        Xin anh chở lo ngại nhiều về tôi, tôi vẫn mạnh và hy vọng vẫn mạnh giỏi mãi. Tôi biết rằng tôi có thể luôn luôn tin tưởng nơi anh (you will never forsake me).

Bạn anh         
Claude         
        T.B-Anh có thể đọc được tuồng chữ khá cầu thả của tôi không ?

----------------------
        1. Tiếp theo đấy là một đoạn giải thích rất đáng ngạc nhiên về những hành động phạm pháp của Eatherly, và nếu quả đúng như vậy thì phải gạt bỏ hoàn toàn lập luận rằng Eatherly bị bệnh thần kinh. Tôi xin miễn ghi những lời giải thích ấy ra đây (mà tôi xem như là sự thuyết minh hậu thiên — à posteriori — về dĩ vãng của Eatherly) vì đương sự đã khẩn khoản yêu cầu tôi đừng phổ biến đoạn này.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Mười Hai, 2019, 06:23:18 pm
   
THƯ SỐ 37
gửi Claude Eatherly

        Ngày 30 tháng 7 năm 1960.
        Anh Claude Thân,

        Vừa nhận được lá thư dài và khá thân mật của anh. Tôi phải vội hồi âm ngay mặc dầu có cảm tưởng không thể giải đáp cấp thời tất cả những vấn đề anh đã nêu ra. Thư anh không khỏi để phát lộ sự bực tức của anh, có lẽ1 do bài báo đốn mạt đăng trên tạp chí Coronet. Tôi viết gấp cho anh để xin anh chớ để sự nhạy cảm lôi cuốn, và chớ hao tâm tổn lực vì những sự đê tiện khó tránh khỏi hàng ngày. Trái lại, lẽ ra anh phải để dành sinh lực cho những công việc thiết yếu. Sự đê tiện của một số người chỉ tỏ cho anh thấy rằng chúng ta cần phải kiên trì tiếp tục sứ mệnh đã khai đoan. Nếu nói một cách khoa trương, thì đáng lẽ chúng ta phải tự mãn về những sự đê tiện đó, vì chính chúng ngăn cản không cho chúng ta lười biếng và buông thả.

        Bây giờ xin nói đến những điểm trong thư anh : một lần nữa, tôi phải cho anh hay là tôi lại hoài nghi một phần nào. Tôi hoài nghi rằng những dân biểu Nhật-bản đã liên lạc với anh qua sự môi giới của một thượng nghị sĩ Hoa-kỳ không hẳn là những kẻ tán đồng lý tưởng của chúng ta. Hơn nữa, tôi còn hoài nghi họ muốn lợi dụng sự giao tiếp giữa anh và thế hệ trẻ Nhật-bản. Họ muốn giới thiệu anh, như có liên quan đến một thỏa hiệp quỉ kế mà khi cần họ sẽ cho đội lốt Gia-tô giáo2. Khốn nỗi, tôi không được biết anh đã trả lời họ thế nào. Anh có thể bị rơi vào cạm bẫy của họ lắm. Tôi đã vội vàng yêu cầu một giáo sư trong số các bạn Nhật- bản của tôi cho vài tin tức về những người đã ký tên vào lá thư để tìm hiểu xem họ có thực tâm hay không, hoặc giả họ thuộc về phe của Kishi — có lẽ người ta quên rằng Kishi trước kia là một nhân viên tích cực của chính quyền Nhật trong cuộc chiến tranh xâm lược của họ, và sau vụ Trân-Châu cảng, hắn đã từng chỉ huy cơ quan khai thác những đất đai do Nhật chiếm đóng. Không phải vô cớ mà người Mỹ đã bắt giam hắn trong ba năm sau khi chiến tranh chấm dứt. Không một công dân Mỹ nào biết giữ danh dự mình lại đi giao thiệp với con người ấy hoặc với những thủ hạ của hắn. Tôi hy vọng những người đứng tên trong lá thư ấy không thuộc phe Kishi, tuy nhiên cũng phải đợi thư trả lời của người bạn Đông-kinh để biết đích xác hơn.

        Anh có cậy tôi viết thư cho nhóm người nói trên, và nếu tôi không lầm, thì cho công bố thư tôi như một lá thư ngỏ. Tôi không thể làm việc này vì chưa được biết họ ra sao cả. Giọng văn phải thay đổi tùy theo người mình gửi thư. Trừ trường hợp thư đã đi rồi, tôi thành thực khuyên anh chở nên gửi cho họ. Vì trước hết ta phải minh định xem ai là những người đáng để chúng ta trao đổi thư từ. Tôi đã sao xong lá thư của các dân biểu, và sẽ gửi hoàn bản chính cho anh nay mai.

        Về bài báo mà vị y sĩ điều trị anh đã nhận được từ Ba-lan, thực tình tôi không khỏi lấy làm ngạc nhiên ! Như vậy, hẳn là báo chí Ba-lan đã dịch bài ấy từ một tạp chí Đức. Chủng ta chẳng đang sống ở một thế giới kỳ lạ mà khi đang ở Vienne thì được một lá thư từ Texas báo cho biết vè bài mình dược đăng tại Ba-lan là gì ?

        Claude ạ, anh có hỏi tôi về việc anh muốn trích một số lời nói trong cuốn « Những Khuyến cáo của Thời đại Nguyên tử » để dùng trong một bài mà anh sẽ cho đăng trên tạp chí Coronet. Nói thực với anh, vấn đề này vốn phức tập hơn anh tưởng! Người ta sẽ nhận ra lối hành văn của tôi trong các định nghĩa. Tôi chỉ sợ khi đọc những câu ấy, người ta sẽ bảo : « Đây không phải do ngòi bút của Eatherly. » Vậy tôi khuyên anh chuyển dịch hẳn những câu của tôi để che giấu hoàn toàn xuất xứ của chúng ; hoặc giả anh cứ thẳng thắn trích y nguyên văn của tôi đúng theo quy tắc của nghệ thuật viết văn. Xin anh cứ tùy theo lối hành văn của bài báo gửi tạp chí Coronet mà chọn một trong hai giải pháp trên. Tháng hai 1959, tôi có đọc cho sinh viên đại học đường Tây-bá-linh chép một loạt những luận án về tình hình nguyên tử. Các sinh viên này vừa cho tôi hay họ dự tính phổ biến những luận án của tôi trong tờ tạp chí của họ. Cho đến nay, các luận án đó chưa hề được dịch ra Anh văn. Xin anh bỏ qua ý định cho tôi hưởng một phần tiền nhuận bút về bài báo anh sắp cho đăng trên tạp chí Coronet. Tốt hơn, anh nên gửi số tiền ấy đến bệnh viện Hiroshima, khu « các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ».

        Những điều ngớ ngẩn mà dân Âu-châu viết cho anh, không làm tôi ngạc nhiên tí nào. Sao chẳng thấy anh nói gì về hy vọng được rời bệnh viện ? Anh đừng quên cho tôi biết tin tức của anh. Anh có nghe được tiếng vang nào về những thư tôi viết cho ông tòa và bác sĩ Frank không ?

        Anh có thấy không, chúng ta quen biết nhau tính đến nay đã hơn một năm rồi đấy ! Trong lá thư đầu tiên dạo ấy, anh hy vọng chúng ta sẽ trao đổi ý kiến lâu dài. Bây giờ tôi ước mong chúng ta sẽ tiếp tục công việc này suốt đời chúng ta...

Bạn anh        
Gunther       

----------------
        1. Nét chữ trong thư hẳn đã để lộ sự bực tức và mất bình tĩnh.

        2. Tôi không muốn nói tất cả sự thật cho Eatherìy vì tôi cho rằng tất cả thư từ của tôi thế nào cũng qua tay những người khác (xem phần phê bình thư số 31),


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Mười Hai, 2019, 10:32:35 pm
     
THƯ SỐ 38
gửi Giinther Anders1

        Ngày 3 tháng 8 năm 1960. Anh Gunther thân,

        Tôi vừa mới tiếp được tức thời bức thư và những lời khuyên bảo của anh, người mà luôn luôn tôi xem là một thân hữu đáng tin cậy. Về bức thư tôi viết cho Linh mục N. (hẳn là anh đã lầm rồi đấy2. Anh sẽ thấy điều đó khi anh đọc lá thư của những hội viên Hội XY : năm trước tôi cũng có viết thư cho họ và được họ hưởng ứng nhiệt liệt. Trong thư này có câu liên quan đến Linh mục N. sẽ tỏ cho anh thấy rằng đấy là một người đứng đắn, một người tán đồng lý tưởng của chúng ta. Tôi sẽ không gửi lá thư đang đánh máy này trước khi nhận được thư anh. Ngay khi lấy được bản sao lá thư đó, tôi sẽ gửi nó cho anh. Tôi hết sức cẩn thận, tránh bất cứ điều gì có thể làm cho người ta tưởng lầm rằng tôi thuộc về một đoàn thể, một đảng phái, một giáo đường nào đó. Ngoài ra, trước khi nhận được thư anh, tôi cũng đã bỏ quyết định viết bài (story) đăng vào tạp chí Coronet, đợi đến lúc được tự do và viết xong cuốn sách của tôi đã. Tôi vừa hay tin là, cho dầu đã ra khỏi bệnh viện, tôi sẽ không được phép rời Hoa-kỳ, ít nhất là trong một thời gian nào đó. Nhưng tôi sẽ kiếm được người xứng đáng để cùng tôi soạn cuốn tiểu sử của tôi. Nếu anh giúp tôi được việc này, ít nhất tôi cũng sẽ nhờ anh viết giùm bài giới thiệu hay phê bình (hoặc người ta gọi là bài tựa ?), xin anh tha lỗi vì tôi không được am tường, nhưng mấy lúc gần đây người ta cho tôi uống nhiều thuốc an thần, bởi vì bác sĩ bảo tôí bị « cuồng si thái quả » (hyperr,naniaque)như đã ghi trong tờ phúc trình dạo tôi còn ờ quân đội. ông ta (đến đây có một đoạn không đọc được)... nhận thấy tình trạng của tôi có phẫn khả quân hơn, nhưng ông ta không muốn ( đoạn không rồ) tôi rơi trở lại vào tình trạng cuồng si trước đây đã làm phát khối mặc cảm tội lỗi của tôi3.

---------------------
        1. Thư này có chỗ không thể đọc được, văn phạm lệch lạc và nhiều đoạn tối nghĩa. Nếu trao thư này cho các bác sĩ thần kinh họ sẽ nêu ra triệu chứng một cách hợp lý là đương sự có tình trạng loạn trí. Thật ra, thư này xuất hiện như một khối bất định lạc lõng giữa một cơ cấu hoàn toàn binh thường. Chính Eatherly đã hai lần công nhận rằng thư này viết ra trong lúc ông ta đang bị mấy liều thuốc an thần công phạt, nên lời lẽ rời rạc, khiếm nhã. Ngoài ra, trong những thư từ khác Eatherly không bao giờ nói đến các loại « thuốc an thần ». Còn vấn đề tại sao trong lúc này người ta cố tâm làm cho Eatherly đần độn, câu trả lời khá dễ hiểu : tuần lễ đầu của tháng tám này là « tuần lễ Hiroshima » ; và người ta nghĩ rằng Eatherly sẽ qua một giai đoạn kích thích mãnh liệt hơn. Như vậy, lá thư này, bằng chứng duy nhất của tình trạng loạn trí, là kết quả của những thuốc an thần mà người ta nghĩ sẽ giúp Eatherly khỏi bệnh. Thế nhưng lá thư này khủng khiếp không vì đã để phát lộ tình trạng của « bệnh nhân » mà vì nó tỏ rằng các y sĩ định dùng những dược liệu để chữa sự kinh hãi của con người trước viễn ảnh của mối đại họa nguyên tử.

        2. Dấu ngoặc đơn ( ) sao y bản Pháp văn (chú thích của dịch giả bản Việt văn).

        3. Eatherly bị ảnh hưởng trầm trọng của lối lý luận của bệnh viện trong nhiều năm đến nỗi ông dùng danh từ « mặc cảm tội lỗi » trong khi chắc hẳn là ông chỉ muốn nói « tội lỗi » mà thôi. Như vậy chính ông dã dùng một từ ngữ làm mất hết tính cách hợp pháp của ý nghĩa phạm tội như ông, và điều này trái hẳn với lý tưởng của ông. Theo khoa phân tâm học thì « mặc cảm tội lỗi » chỉ dùng đặc biệt cho những cảm nghĩ phạm tội không được chứng minh. Trong khi đó Eatherly nhấn mạnh rằng ông đã thực sự phạm tội. (xem thư số 62).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Mười Hai, 2019, 10:33:43 pm

        Tôi sẽ cố gắng trình anh rõ vì lẽ gì tôi có chút ít hy vọng được trả tự do vào tháng chín, bởi vì tôi có điện đàm với người anh tôi, trong dịp đó tôi có giải thích cho anh tôi một số sự kiện mà tôi đã giải thích cho anh rõ trong một lá thư trước đây1. Vậy nên tôi hy vọng anh tôi sẽ chấp nhận cho tôi rời bệnh viện.

        Tôi hy vọng những người Nhật và Mỹ không đặt bẫy để hại tôi, nhưng tôi cũng chẳng nói gì liên quan đến chính trị (xin anh xem lá thư của tôi viết đi Nhật-bản). Tôi chỉ cắt nghĩa rằng sự tàn bạo không giải quyết được gì.

        Tôi có chấp nhận cho Hội XY — mà trước đây tôi có viết giúp mấy bài báo —  thực hiện một buổi truyền hình về tôi, chống đối võ trang nguyên tử và chiến tranh, và cổ võ hòa bình. Tói sẽ gửi anh xem lá thư tôi vừa nhận được của một người quen, yêu chuộng hòa bình và có chân trong hội XY... Nàng là một bạn thân và tôi có thể tin cậy, nàng chẳng khác gì tôi tin tưởng nơi anh vậy. Nàng vừa cho xuất bản cuốn sách đầu tay nói về vấn đề cầu nguyện.

        Về cuốn « Khuyến cáo » tôi rất tán đồng quan điểm của anh : tôi sẽ hoàn toàn bất lực để đạt đến chỗ tinh tể và uyên thâm trong ngôn ngữ của anh. Vậy tôi sẽ xin theo ý muốn của anh và sẽ thay đổi lối hành văn của anh hầu thích hợp với cách viết của tôi.

        Xin anh lưu ý viết giúp bài giới thiệu hay bài tựa cuốn sách của tôi. Tôi nhớ hình như đã nói với anh tôi sẽ làm gì với số tiền nhuận bút, nếu có : tôi sẽ gửi một phần lớn đến Nhật- bản, còn một phần đến Đức và những nước khác, nơi nào tôi sẽ mở trương mục mà tiền của tôi sẽ không bị đánh thuế, và tiền đó sẽ không dùng để chế ra một quả bom.

        Trở lại vụ cuốn sách, đến tháng mười tôi mới sẽ khởi sự viết được. Tôi sẽ rất cần anh cố vấn và giúp tôi nhất là làm sao tôi đừng ghê tởm khi phải tả lại những chiến công của tôi, mà thiên hạ cho là « anh dũng » (supposedly heroic acls). Tôi không biết phải làm thế nào, vì khi đọc truyện tôi tường thuật, mọi thanh niên hẳn sẽ thích đăng vào quân đội và chơi trò chơi anh hùng. Anh Giinther, tôi có nhờ mấy người bạn gửi đến cho anh một số bào Coronet có đăng chuyện tướng Tibbets và phi hành đoàn trên chiếc phóng pháo cơ ấy. Như vậy anh có thể nhận thấy bài báo đó trực tiếp chống lại những gì tôi đã viết (to retaliate against my articles).

        Cỏ lẽ anh không biết rằng sở dĩ Hoa-kỳ ủng hộ Kishi là vì tờ hiệp ước mà hắn có ký tên. Xin anh chớ ngại, trong lá thư vắn tắt của tôi, tôi không hề nói gì để bênh vực hắn hay các đồng bọn của hắn. Tôi đã nghĩ rằng trong bài báo viết chung, chúng ta sẽ phải nói là các nước nhỏ chống đối võ trang nguyên tử để khỏi phải sổng dưới sự đe dọa của các nước lớn. Tôi muốn quốc hội Nhật- bản ủng hộ những lời biện luận của tôi. Tôi chưa gửi lá thư đó và tôi sẽ không gửi đi trước khi có những bằng chứng về thiện chí của họ. Tôi biết rằng Hội XY là một đoàn thể từ thiện, đáng kính trọng và rất yêu chuộng hòa bình do những người như Bertrand Russell và Pauling nâng đỡ. Trong trường hợp có sự sai lạc nào, tôi sẽ sửa đổi lại những lời lẽ đã dùng trong bài báo dành cho dân chúng Nhật-bản.

        Tôi sẽ lấy làm thích thủ đọc những luận án của anh về bom nguyên tử nếu anh có thể cho tôi một bản dịch.

        Tôi không hay biết gì cả, họ (hai ông y sĩ và chánh án) chẳng bao giờ nói với tôi về những thư từ họ nhận được.

        Tôi không tin rằng anh tôi sẽ yêu cầu lưu tôi tại bệnh viện một lần nữa, tôi chán ghét nghĩ đến việc phải bị đưa vào một cuộc thẩm vấn nữa vì họ (các y sĩ) sẽ bảo là tôi cứ toan tự vẫn, điều này sẽ làm suy nhược tất cả những cố gắng của tôi.

        Một năm trao đổi thư từ có vẻ ngắn ngủi nhưng mối tình bạn giữa chúng ta sẽ bất tận. Tôi hy vọng đã giải đáp tất cả những câu hỏi của anh, tôi đã cho anh hay điều gì tôi biết về hoàn cảnh của tôi. Tôi có bị các thuốc men ảnh hưởng một phần nào, vậy xin anh vui lòng tha lỗi về lá thư rời rạc này.

Bạn anh       
Claude       

----------------------
        1. Hẳn Eatherly muốn nói đến việc giải thích những hành động « bất thường » hoặc « phạm pháp » mà ông ta đã thổ lộ (riêng) với tôi trong thư số 36, và ông sẽ còn đề cập lại sau này (xin xem lời chú giải nơi thư số 15).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Mười Hai, 2019, 10:37:04 pm

THƯ SỐ 39
của Hội XY Đông-kinh gửi Claude Eatherly

        Kính gửi Thiếu tá Eatherly,

        Nhân dịp sắp đến ngày kỷ niệm Hiroshima, chúng tôi xin có thư này để biểu lộ tất cả lòng ưu ái đối với ông, mười lăm năm sau biến cố thê thảm ấy.

        Cách đây một năm, chúng tôi có viết thư cho ông, nhờ một người bạn chung, bà … chuyển giao. Mặc dầu không thấy ông xác nhận thư đã đến tận tay, chúng tôi vẫn hy vọng ôug đã xem thư ấy. Tiếp theo đó là một lá thư khác đầy cảm tình và thiện chí ( sympathy and goodwill) do « 30 thiếu nữ Hiroshima » ký tên. Những thiếu nữ này đã viết thư để tỏ rằng họ không hề oán hận ông. Cũng như chúng tôi, những thiếu nữ (girls) nạn nhân của cuộc ném bom muốn nói rằng ông cũng là một nạn nhân của cái cơ chế dã man mệnh danh là « chiến tranh » ấy, cái cơ chế đã lưu lại nơi họ những dấu vết suốt đời.

        Chúng tôi được biết ông vừa viết thư cho một thân hữu của chúng tôi là Linh mục N. (dân biểu quốc hội, lại là nhân viên ban quản trị của hội chúng tôi). Thư ông đã được rất nhiều người đọc, và chúng tôi sung sướng nhận thấy sức khỏe của ông đã khả quan nhiều, và ông dứt khoát chọn lập trường chống chiến tranh, cổ võ hòa bình. Chúng tôi hy vọng đã nhận xét đúng chứ không phải là một giả thuyết đơn giản. Chúng tôi xin cầu nguyện cho ông chóng được phục hồi sức khỏe và được trở lại đời sống bình thường.

        Chúng tôi ước mong thư này sẽ đến tay ông vào ngày kỷ niệm Hiroshima. Đấy là một ngàv hoàn toàn dành cho lý tưởng hòa giải, một ngày lưu niệm. Ngày ấy phải dùng để giải thoát nhân loại khỏi mọi tinh thần nghi kỵ lẫn nhau, khỏi hận thù, và chiến tranh, cầu mong nhân loại thay vào đó bằng sự tín nhiệm hỗ tương và tình thương huynh đệ.

        Nhiệt thành kính chào Thiếu tá.

Ký tên                   
Hai nhân vật Nhật-bản.       

THƯ SỐ 40
gửi Claude

        Ngày 10 tháng 8 năm 1960.
        Anh Claude thân

        Tôiv vừa nhận được lá thư khá tỉ mỉ và thân tình của anh. Rất tiếc là tôi chưa tiện trả lời ngay bây giờ vì sắp bay đi Bá-linh để diễn thuyết nhân dịp một buổi lễ hoài niệm Hiroshima. Sau khi trở về, tôi sẽ viết dài cho anh. Đọc lá thư Nhật-bản của anh, tôi hài lòng nhận thấy chính tôi đã lầm và đã hoài nghi một cách không chính đáng. Ông bạn ấy là một người đàng hoàng đấy.

        Luôn luôn là bạn anh

Gunther       

THƯ SỐ 41
gửi Gunther Anders

        Ngàv 17 tháng 8 năm 1060.
        Anh Giinther thân,

        Vắn tắt xin hồi âm anh biết là tôi đã tiếp được thư anh, có đính kèm bản sao thư của Hội XY. Tôi xin gửi đến anh một phần của bản văn (script) tôi viết cho Quốc hội Nhật-bản, vì nay đã biết rằng họ là những người trung chính. Nhật bảo Tokyo Shìm có ngỏ ý muốn dùng tiểu truyện1 của tôi để khai triển thành một truyện dài (story). Tôi có trả lời đồng ý với điều kiện là Quốc hội Nhật không thấy gì trở ngại. Tòa báo lại có yêu cầu tôi giải đáp vài câu hỏi. Tôi đã chọn những lời lẽ triết lý để tránh mọi cạm bẫy2.

        Tôi chẳng hiểu người ta sẽ trả tự do sởin cho tôi hay không. Nếu bị từ khước, tôi sẽ kỷ một giấy khảng cáo (A. M. A. - Against Medical   Advice)đê xin rời bệnh viện. Như vậy, nếu muốn cầm giữ tổi lâu hơn nữa, họ lại phải xin gia hạn ecâu nàv nguyên văn Anh ngữ không được rõ : they have to recommit me if I am held). Tôi hy vọng anh tôi sẽ không xin giữ tôi thêm nữa tại bệnh viện.

Bạn anh       
Claude       

---------------------------
        1. Eatherly dùng ở đây danh từ essay. Trong thư từ của ông, ông thích dùng những từ ngữ văn hoa mà ông không hiểu rõ ý nghĩa ; có lẽ ông cho rằng khi giao thiệp với một văn nhân (hẳn là người đầu tiên ông quen biết) tất trong thư từ phải tỏ ra mình có ít nhiều kiến thức.

        2. Hẳn Eatherly không có ý thức rằng như vậy ông ta đã kết tội triết lý đóng vai tuồng tạ sự (che giấu sự thật).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Mười Hai, 2019, 10:41:29 pm

THƯ SỐ 42
của Claude gửi Linh mục1

        Thưa Ngài,

        Trước hết, xin ngài cho phép tôi được biểu đạt lời chân thành cảm tạ ngài cùng tất thảy các vị dân biểu đã ký tên vào bức thư gửi đến tôi, đề ngày 25 tháng bảy. Tôi xin mãi mãi ghi ân ngài đã ân cần hỏi thăm và cầu nguyện cho tôi. Tôi lấy làm hân hạnh được ngài thăm dò ý kiến để biết quan điểm triết lý của tôi nhiều hơn nữa, trong những ngày giao động vừa qua.

        Tôi chỉ xin nhân danh riêng tôi để phất biểu ý kiến, nói gì đến đa số đồng bào của tôi vẫn cho rằng cần phải chấm dứt sự xung đột giũa các quốc gia, lớn cũng như bé2.

        Tôi đã viết khá nhiều, hầu mang trở lại niềm hy vọng cho con người và đề cao sự bảo tồn quả đất này.

        Trước tiên, tôi xin trả lời câu hỏi của ngài về vai tuồng của tôi trong vụ ném bom Hiroshima. Hồi đó, tôi lái chiếc máy bay dẫn đầu, tên là Straight Flush (Chim phỏng thẳng lên). Tôi có nhiệm vụ (job) bay đến Hiroshima, thành phố đầu tiên trong danh sách những mục tiêu ném bom, để nghiên cứu điều kiện thời tiết và xem chúng tôi có thể  bị máy bay hoặc súng phòng không của đối phương chống cự hay không. Trong khoảng bốn mươi lăm phút, tôi bay trên các mục tiêu để nghiên cứu những tầng mây đang án ngữ từng đám bên dưới. Người ta đã chỉ định cho tôi mục tiêu chính yếu là một cây cầu nẳm giữa khoảng cách từ tổng hành dinh quân đội đến thành phố Hiroshima. Có chừng 15 máy bay Nhật đang bay lượn ở độ cao 15.000 bộ (khoảng 5.000 m) nhưng không thấy bay lên đến tầm bay 29.000 bộ (khoảng 10.000 m) của tôi. Một thời gian sau, những phi cơ đó mất dạng. Điều kiện thời tiết ngày hôm ấy, 6 tháng tám, như sau : trên không trung Hiroshima, giữa 12 000 và 15.000 bộ, có vài cụm mây rải rác, có vẻ đang bay về hướng Hiroshima với vận tốc từ 10 đến 15 dặm / giờ. Tôi ghi nhận những điều ấy vào hồi 7 g 30 sáng. Mục tiêu hoàn toàn rõ rệt. Như tôi đã nói, mục tiêu là một cây cầu mà nếu bị phá hoại, sẽ gây nhiều trở ngại cho tổng hành dinh Nhật-bản. Thời tiết có vẻ lý tưởng. Mục tiêu thấy rõ nguyên vẹn và thành phố lại bị che khuất. Quả bom ném xuống sẽ cho bộ tổng hành dinh thấy sức phá hoại trầm trọng của nó, và đưa quân đội đến việc ký kết một hòa ước hầu chấm dứt cuộc chiến kinh khủng ấy. Tôi đánh điện, ghi rõ các điều kiện lý tưởng cho cuộc ném bom, và chiếc mảy bay có trách vụ phóng pháo lên đường thi hành công tác.

        Hy vọng của tôi bị tiêu tan ngay sau đó. Những áng mây trên nền trời Hiroshima bỗng tan biến, viên phi công nhắm sai mục tiêu khoảng 3.000 bộ (1.000 m) do đó thành phố Hiroshima bị tiêu diệt. Tôi nghĩ đây không phải là một trường hợp cố ý, mà chỉ là một sự vụng về làm sai hẳn mục tiêu qui định (straight and true)3.

---------------------
        1. Đây là « tiểu truyện » (tóm lược) được Eatherly đề cập trong thư số 41.

        2. Eatherly dùng những ngữ điệu « thanh lịch » nhưng rất tiếc chúng chỉ làm tối nghĩa câu văn của ông. — Nguyên văn Anh ngữ : « A great mass of the American people hold my viewpoint on the philoso phy which can end these days of strife...» Tiếng philosophy ở đây hoàn toàn không có nghĩa cổ điển là «triết lý », nhưng lại hàm ý theo lối Mỹ là một chủ nghĩa thực dụng.

        3. Nếu sự thật đúng như lời Eatherly nói, thì đây là một dẫn chứng về điều mà chúng tôi đã để quyết về vũ khi nguyên tử : sự thiếu chính xác về phần con người lẫn kỹ thuật, đã mang lại biết bao tệ hại ngay vào buổi phôi thai của thời đại nguyên tử.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Mười Hai, 2019, 10:51:11 pm

        Xin ngài lưu ý rằng đấy là một chiến cụ hoàn toàn mới mẻ vào thời ấy, chưa từng được thí nghiệm. Nhưng các sự kiện đã hiển nhiên, và giờ đây chúng ta có bổn phận (job)1 làm bất cứ gì để ngăn ngừa một vụ Hiroshima khác.

        Sau khi đã mô tả phân vụ của tôi trong cuộc ném bom, tôi xin trình bày ngài rõ, trong ngày 6 tháng 8 năm 1945 ấy, tôi đã làm gì để quyết định dành suốt đời tôi cho việc đấu tranh bãi bỏ mọi nguồn gốc của giặc giã, và bãi bỏ tất thảy các loại vũ khí nguyên tử 2, Tôi đã tự nguyện như vậy khi tôi đọc kinh trên đường bay trở về căn cứ. Dù ngày mai ra sao chăng nữa, tôi biết rằng tôi đã học được ba điều và sẽ ghi tâm khắc cốt suốt đời tôi :

        — Sự sống, dù là sự sống khốn khổ cùng tột, vẫn là bảo vật kỳ diệu nhất, và là phép lạ nhiệm mầu nhất trên đời này.

        — Làm nhiệm vụ của mình là một sự kỳ diệu thứ nhì. Nhiệm vụ của chúng ta là gì ? Tạo cho mọi ngưòi dù là da đỏ, da trắng, da vàng hay da đen, một đời sống hạnh phúc, không sợ hãi, không nghèo đói, không nô lệ. Khi lái máy bay từ Hiroshima trở về Tinian, tôi đã tâm nguyện dâng hiến cuộc đời tôi cho nhiệm vụ ấy. Đó là tín điều (credo) thứ nhì của tôi.

        — Tín điều thứ ba của tôi là : thiên hạ sẽ không bao giờ tạo lập một thế kỷ hạnh phúc trên hung tàn, thù hận, bạo lực và bất công. Muốn được vậy, trái lại phải biểu dương lòng thương xây dựng, sự tín nhiệm và tình huynh đệ. Không những chỉ khuyến cáo suông mà cần phải thực sự thi hành những điều này.

        Đã mười lăm năm trôi qua kể từ ngày tôi có những lời tâm nguyện trên. Tình trạng tội lỗi gắn liền với một vụ phạm pháp tày trời như vậy, từ đấy đến nay vẫn làm rối loạn tâm hồn và trí não của tôi. Trong mười lăm năm ấy, tôi đã trải qua tám năm tại các bệnh viện, và đôi khi tại các nhà lao. Khi ở tù tôi cảm thấy sung sướng hơn, vì nhờ có sự trừng phạt, tôi được chuộc tội...

        Những năm bi đát ấy vẫn không làm sờn nơi tôi ý chí bãi bỏ hẳn (to stamp out) bạo động và võ trang nguyên tử. Trái lại, tôi luôn luôn hăng hái tìm cách gia tăng mọi cố gắng để một mặt tìm hiểu những tiến bộ khoa học, và mặt khác tìm hiểu sự suy đồi tiêu tan của đạo đức quần chúng.

        Xin ngài cho phép tôi dẫn ra đây một đoạn của Thánh kinh : « Những kẻ hiền lương được hạnh phúc vì quả đất sẽ thuộc về họ; những kẻ giàu lòng từ bi được hạnh phúc vì họ sẽ được hưởng lượng từ bi ; những kẻ mến chuộng hòa bình được hạnh phúc vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa. »

        Rất tiếc là trong hoàn cảnh hiện nay, tôi không thể gửi tặng ngài một bức hình chụp gia đình tôi. Nhưng hiện có một chân dung của tôi, lại do một độc giả vô danh đã từng đọc một bài báo tôi đăng tại Đức gửi tặng. Tôi xin gửi biếu ngài theo thư này.

        Tôi cầu mong những cố gắng của ngài mang thành quả tốt đẹp để đền đáp lại thái độ thực tình hợp đạo của ngài.

Thân kính       
Claude         

-------------------------
        1. Từ ngữ này khá hàm súc ý nghĩa. Tiếng job đã thay thế tất cả những danh từ trước kia được dùng để chỉ bất cứ hành động nào, vì lẽ « job », công việc có tính chất vô tư, không đòi hỏi nơi người làm một sự vấn tâm nào cả, mà chỉ cần người làm thực hành đúng mức. Chúng ta ngán sợ mà thấy rằng chúng ta không thể thoát khỏi danh từ job (công việc) vì chính Eatherly, người vốn chối bỏ ý tưởng về tính chất vô tư của công việc, vẫn dùng danh từ job một cách ngây ngô để chỉ sự tranh đấu của ông chống lại loại job ấy. Ngoài danh từ job thông dụng trong giới lao động, người ta còn dùng một danh từ khác có màu sắc tôn giáo, hay ít lắm cũng có nguồn gốc tôn giáo, đó là danh từ mission (công tác). Danh từ này gọi lên nhiều hội ý, nhưng vai tuồng được gán cho mission làm cho danh từ này hầu như đồng nghĩa với job. Vì khi nói đến mission tất không nói đến tính cách « hợp pháp » hay « bất hợp pháp » ; hơn nữa chẳng bao giờ có mọt công tác bất hợp pháp. Nói khác đi, khi dùng danh từ « công tác » thì mọi sự vận dụng lương tâm và ý thức trách nhiệm sẽ bị xem như thừa thãi vô ích.

        2. Đọc câu này, người ta có thể tin rằng khi vừa thi hành xong công tác Eatherly đã biết rõ sự trầm trọng của tai họa nguyên tử. Ta hãy chú ý những điều này :

        a) Câu chuyện được thuật lại 15 năm sau biến cố ấy. Trong suốt 15 năm qua, Eatherly suy gẫm mãi về mối nguy hại của cuộc ném bom, do đó không thể tự đặt tinh thần của ông trở lại trong hoàn cảnh trước giây phút thi hành công tảc.

        b) Có thể tin được rằng thời ấy Eatherly chỉ có một ý thức mơ hồ, trừu tượng về hậu quả của hành động mình. Nhưng ý thức như vậy chẳng có nghĩa lý gì. Trong suốt thời gian tập dượt đặc biệt, người ta không hề cho Eatherly hay gì về vũ khí nguyên tử cả. Tuy nhiên, trước chuyến công tác ấy, người ta đã cho phi đoàn hay về những thí nghiệm tại New Mexico : người ta có cho xem hình ảnh. Nhưng các hình ảnh chỉ cho thấy « cây nấm » ấy thôi, thay vì sức phá hoại của quả bom nguyên tử, Trước giờ lên đường người ta chỉ kêu gọi những thanh niên này — mệnh danh là « những người trai chiến thắng » (Victory boys) — hãy hãnh diện, tự mãn, trong khi họ lại dược giao phó một công tác rất ít tính cách « thái bình » mãi tận bên kia Thái bình dương.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Mười Hai, 2019, 03:08:02 pm
     
THƯ SỐ 43
gửi Giinther Anders.

        Ngày 18 tháng 8 năm 1960. Anh Gunther thân,

        Xin anh tha lỗi cho tôi vì bắt anh đọc thư quả nhiều và lạm dụng thì giờ quí báu của anh. Tôi tưởng đã đến lúc cần phải vận động để rời khỏi bệnh viện này. Theo tôi, anh có thể giúp tôi bằng cách gửi một lá thư cho chị tôi, bà Clyde L. Cobb, đồng gửi cho J. E. Eatherly, em trai tôi (điều này xin ghi trong thư), theo địa chỉ: .... Nhờ anh yêu cầu họ đòi hỏi trả tự do cho tôi (to sign out). Gần đây, tôi có nói chuyện với họ về những dự tính và tâm nguyện của tôi trong mười lăm năm qua, nhưng tôi ngại họ không thể tưởng tượng được tôi đã từ khước thanh danh, sự nghiệp, tiền bạc để chỉ phục vụ lý- tưởng. Tôi mong anh sẽ có thể cho họ biết chúng ta đang hoạt động cho một phong trào quốc tế để cứu giúp thế giới. Xin anh hãy cho họ biết mối thâm giao cùng là lối sinh hoạt của chúng ta ( of life), mà ý nghĩa là sự tự do cho mọi người. Tôi tin chác rằng anh sẽ làm cho họ xúc động sâu xa và không còn chỉ xem tôi như là một người điên nữa. Anh cần phải cho họ thấy rằng ý nghĩ phạm tội của tôi là chính đáng, rằng tôi không phải là kẻ mang tâm bệnh1.

        Hai hôm gần đây, tôi có nhận được khá nhiều thư từ Nhật-bản gửi đến vì tờ thông điệp của tôi gửi đến Hạ viện Nhật đã được bảo chí đăng tải.

        Tôi có viết thư cho thượng nghị sĩ Yarborough để yêu cầu vị dân cử này dùng uy tín của ông ta vận động bỏ qua vụ xúc phạm tòa án2 ( contempt charge) của bác sĩ Linus Pauling. Tôi sẽ gửi một bản sao thư này cho anh. Thư này không được đánh máy đàng hoàng, nhưng tôi không thể làm gì hơn, vì tại bệnh viện tôi không được quyền dùng máy đánh chữ. Cuộc vận động này hẳn sẽ không tránh mang lại hậu quả cho tôi (will probably slap me the face), nhưng tôi không hề quên rằng cả hai vợ chồng bác sĩ Pauling đã từng tìm mọi cách giúp đỡ tôi. Nếu có thể, xin anh viết cho tôi mấy dòng. Loạt bài đăng trên tạp chí Âu-châu nọ đã ngưng chưa ? Xin anh giữ làm tài liệu giúp tôi. Rất mong đợi thư anh.

        Chúc anh vạn sự lành.

Bạn anh        
Claude        

THƯ SỐ 44
của Claude gửi thượng nghị sĩ Yarborough (Thư này tóm lược, vì có những đoạn chỉ lập lại những điều đã nói)

        Ngày 10 tháng 8 năm 1900.
        Thưa Ngài,

        Cách đày và tuần, ngài có viết thư cho tôi hay ngài đã gặp Linh mục N. dân biểu Nhật-bản; vị dân biểu này có nhờ ngài chuyển lời chúc lành cho tôi và ngỏ ý muốn biết những tin tức về tôi. Bởi vậy tôi có viết thư cảm tạ Linh mục N. đã lưu ý đến tòi, và giãi bày căn bệnh mà tôi đã mắc phải sau khi giữ vai tuồng đắc tội trong vụ ném bom Hiroshima.

        Tôi thường cho phổ biến những bài chống võ trang nguyên tử và cổ võ việc bãi bỏ những cuộc thí nghiệm nguyên tử tại các nước có khả năng chế tạo loại vũ khí này.

        Bức thư tôi gửi cho vị dân biểu có lẽ đã được chú ý : vì ông ta có yêu cầu tôi trình bày tường tận hơn nữa những ý kiến của tôi về nền hòa bình thế giới. Thư ông mang chữ ký của nhiều vị đồng viện với ông. Còn về phần lá thư của tôi thì không có một ngụ ý chính trị nào, mà tôi chỉ nêu rõ ý kiến của tôi rằng lòng thương, sự tin cậy và tình huynh đệ cần được suy tôn giữa các quốc gia.

        Trong thư vừa rồi ngài có dặn tôi, khi cần giúp đỡ hãy bảo cho ngài biết.

        Bác sĩ Linus Pauling bị tòa án quở trách về một vụ xúc phạm (contempt of court) liên quan  đến những lời chứng của ông trước ủy ban Quốc hội (Congressional Committee). Tôi sẽ sung sướng nếu ngài can thiệp được (I pray that you can feel it in your heart) để giúp đỡ cho ông ta. Đây là một nhận vật có kích thước, một người giàu tư tưởng nhân đạo. Việc sử dụng vũ khí nguyên tử gây ra những mối nguy hại hoàn toàn mới lạ, chứ không phải chỉ gia tăng gấp bội những nguy hại cố hữu của loại chiến tranh thông thường. Hiện nay chúng ta chưa biết gì về ảnh hưởng xã hội của những tần quang phóng xạ mãnh liệt. Có những nhân vật, như Einstein chẳng hạn, đồng ý cho rằng kết quả chung cục của một cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ là sự tiêu diệt nhân loại.

        Tôi có chứng kiến vụ cho nổ ba quả bom nguyên tử đầu tiên3; nhờ những tiến bộ khoa học từ thời kỳ ấy, tôi cũng biết như bác sĩ Pauling rằng kết quả sau cùng sẽ là sự tiêu diệt loài người trên quả đất này. Cũng vì lẽ ấy mà chiến tranh thời nay nguy hại hơn thuở trước nhiều.

        Như vậy. cần phải loại trừ chiến tranh nếu chúng ta muốn tiếp tục đời sống văn minh tiỗn bộ, hay nói vắn tắt là tiếp tục đời sống.

        Những dẫn cứ trên đây quả khẳng định (so imperative) đến nỗi chúng ta không thể lùi bước trước những hình thái mới của tư tưởng chính trị, cũng như trước nhu cầu phải đề cập những vấn đề thuở trước vốn bị xem thường (không phải một cách vô tội vạ mà vì chưa thấy nguy cơ của một đại họa cuối cùng).

        Tôi không có ý định trình bày cùng ngài dài giòng hơn nữa tôn chỉ của tôi, nhưng tôi khẩn khoản yêu cầu ngài giúp cho bác sĩ Pauling tránh được mọi lo ngại, bởi vì con người ấy chỉ hành động để làm thức tỉnh đại chúng Hoa-kỳ và làm cho họ hiểu rằng chúng ta phải làm bất cứ gì để bảo vệ sự sinh tồn của chúng ta.

        Xin ngài tha lỗi cho tôi đã kêu gọi dài giòng, nhưng tôi xét cần phải bày tỏ ý kiến hầu khiến ngài sẵn lòng giúp đỡ một nhân vật tên tuổi như bác sĩ Pauling.

        Tôi xin thâm tạ về mối thiện cảm của ngài cũng như về thì giờ quí báu mà ngài sẽ hoan hỷ dành cho tôi...

Kính thư        
Claude        

------------------------
        1. Thư này không toàn vẹn ; cũng như trong thư số 36, nhiều đoạn bị cắt bứt theo yêu cầu của Eatherly.

        2. Xúc phạm tòa án, như từ chối cung khai chẳng hạn.

        3. Kể cả vụ nổ tại Bikini.



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Mười Hai, 2019, 03:10:33 pm

THƯ SỐ 45
gửi Claude

        Ngày 31 tháng 8 năm 1960.
        Anh Claude thân,

        Xin lỗi đã chậm viết thư cho anh vì vợ tôi lâm bệnh. Nay thì cơn nguy kịch đã qua và tôi đã phải gửi nàng bằng đường hàng không về nhà cha mẹ nàng vì ở đó việc săn sóc sẽ chu đáo hơn tại đây. Và chính tôi cũng đã và đang ốm nữa, thật là nhục nhã mà nhận thức rằng mình còn lệ thuộc vào cái xác phàm của mình quá nhiều ! Bây giờ tôi đã có thể trở lại bàn viết, và tờ giấy đầu tiên tra vào mảy chữ là dành cho anh đấy.
Tôi rất sẵn lòng viết thư cho gia đình anh ; xin gửi theo đây một bản sao lá thư đó để anh biết. Tôi hy vọng đã chọn được một giọng văn thích hợp. Kể ra cũng không dễ, dầu gì viết thư cho những người mình hoàn toàn chưa quen biết. Nhưng trước kia anh đối với tôi chẳng là một kẻ xa lạ là gì ? Và rồi chúng ta cũng đã triệt để thông cảm nhau vậy !

        Nếu người ta giải thoát được anh khỏi nơi ấy thì sung sướng biết bao ! Không hiểu tôi sẽ vui mừng đến độ nào nếu được tin anh đã tự do. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng nhau ăn mừng biến cố đại hạnh ấy !

        Sáng nay tôi vừa được thư của vài người bạn Nhật-bản thúc hối tôi đề cao cảnh giác anh phải khả thận trọng đối với những người Nhật mà anh đang giao thiệp. Các bạn tôi biết tên tuổi của những người ấy và không lấy gì làm tin tưởng lắm. Anh Claude, tôi có cảm tưởng những người ấy đang tìm cách khai thác tên anh dùng vào những mục tiêu mà anh sẽ không nhận bênh vực. Những người giàu thiện tâm thì thật khó mà học được chữ ngờ. Nhưng đây chính là một điều mà chúng ta cần phải học. Thư trước của anh có một câu tôi không tài nào hiểu được. Anh bảo sẽ chấp nhận cho phổ biến một trong những bài của anh trên một nhật báo tại Đông-kinh nếu dược quốc hội Nhật đồng ý. Cần gì phải được họ chấp thuận ? Chẳng lẽ quốc hội Nhật-bản có thể  đứng lên phán xét điều thực hư ? Chân lý không lệ thuộc vào sự đồng ý của một phe nhóm nào đó. « Ba lần ba là chín » vẫn là sự thật, cho dù tất thảy các hạ viện trên thế giới đều tuyên bố rằng « ba lần ba là mười ». Làm sao quốc hội có thể chấp thuận cho đăng báo một bài của anh ? Không một cơ quan lập pháp nào trên thế giới lại đi bỏ thăm ủng hộ hay chống đối việc đăng tải một bài báo. Tại sao anh không chịu căn cứ trên nguyên tắc tự do tư tưởng (freedom of expression) của Hoa-kỳ ? Nếu anh bảo chịu đặt vụ đăng báo dưới sự thỏa hiệp của họ, tức là anh tự mình chối bỏ quyền tự do làm dân Hoa-kỳ của anh, trong đó quyền tự do diễn đạt tư tưởng cá nhân vốn được bảo đảm. Anh có quyền hưởng sự tự do ấy, dù anh cho phổ biến bài của anh trên một nhật báo Mỹ hay một nhật bảo ngoại quốc !

        Bức thư của anh bày tỏ quan điểm với N. lẽ tất nhiên là một bản cung chứng xác đáng. Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng bằng bức thư anh gửi thượng nghị sĩ Yarborough trong đó anh yêu cầu ông ta hãy mau lẹ can thiệp giúp cho ông bạn Pauling của chúng mình. Qua thư ấy, anh tỏ rằng anh đã phát giác được con đường dẫn dắt lý tưởng của anh đến thực tế. Đấy là nhiệm vụ hiện nay của chúng ta : bắc những chiếc cầu nối liền niềm hy vọng của chúng ta với thế giới hiện tại. Do đó, chúng ta bắt buộc phải «xen» vào những chuyện dơ bẩn trên đời này, ngay cả trong lãnh vực « ngoại giao ». Làm như vậy bàn tay chúng ta sẽ vấy bẩn, vì khi phải giặt đồ dơ làm sao giữ sạch được bàn tay ? Nếu chúng ta đứng ra ngoài lề, hay tệ hơn nữa, chúng ta tuyên bố đứng hẳn bên lề, chúng ta chẳng bao giờ hoán cải được xã hội này. Tôi tin rằng anh hiểu điều đó, bằng không anh đã chẳng viết thư cho thượng nghị sĩ Yarborough.

        Ngày đêm tôi vẫn viết rồi bôi bỏ, viết lại cuốn sách về tình hình nguyên tử. Trong lúc chờ đợi, anh sẽ nhận được tác phẩm của tôi về Hiroshima, tôi tiếc không thể dịch ra cho anh. Nhưng tôi hy vọng bản dịch Anh ngữ sẽ ra trong nay mai.

        Chúc anh mọi sự may mắn.

Bạn anh       
Gunther       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Mười Hai, 2019, 03:11:43 pm

THƯ SỐ 46
của Gunther Anders gửi gia đình Eatherly

        Ngày 1 tháng 9 năm 1960.
        Thưa bà Gobb và ông Eatherly,

        Hẳn quý vị sẽ ngạc nhiên khi tiếp được một lá thư từ Vienne, mà người viết chưa từng quen biết quý vị. Vậy xin quí vị thứ lỗi cho tôi đã có cử chỉ đường đột này.

        Thư này gửi đến quí vị theo lời yêu cầu của bạn Claude : thực vậy Claude có nhờ tôi trình bày vắn tắt cùng quí vị những cảm nghĩ của tôi về anh. Lời yêu cầu này chứng tỏ anh tin cậy nhiều nơi tôi, bởi vậy tôi nghĩ nếu từ khước thì hóa ra thiếu chân thành đối với bạn.

        Tôi không được rõ Claude đã bao giờ nói chuyện với quí vị về sự trao đổi thư từ giữa anh và tôi hay chưa — giữa hai người chưa hề được gặp nhau — nhằm thảo luận những vấn đề chúng tôi hằng tha thiết. Những vấn đề này liên quan đến ý nghĩa và hậu quả của thời đại nguyên tử. Vì những lý do khá dễ hiểu, nó đã trở thành mối lo chung của hằng triệu người, nói vắn tắt là một vấn đề của nhân loại, của các nhà khoa học, tu sĩ, chính trị gia, cung như các giới giáo dục và y khoa khắp thế giới. Nó không thông thường như mọi việc khác, mà lại là một vấn đề kinh khủng chưa từng thấy, vì đây là viễn tượng hủy diệt toàn thể nhân loại bằng thứ vũ khí (nếu có thể mệnh danh là « vũ khí ») con đẻ của sự tiến bộ về khoa vật lý hạch tâm. Hẳn quí vị biết rang nhiều cuộc hội nghị được tổ chức khắp bốn phương để giải thích cho nhân loại thấy rõ tình thế mới. Có những người còn lười biếng hay mù quáng, lại có những kẻ không có ý định nhận chân mối đại họa đã gần kề. Những người tham gia phong trào « chống nguyên tử » đều thuộc thành phần tinh túy của nhân loại vì họ ý thức trách nhiệm của họ đối với sự tồn vong của con người. Họ chẳng phải là những con người « lập dị », trái lại chỉ tại các cuộc hội nghị chống nguyên tử Luân-đôn và Đông-kinh tôi mới ít tìm thấy kẻ lập dị.

        Hình như thiên hạ hiểu dễ dàng rằng một con người như Claude — một trong những người đầu tiên đã nhận chân bộ mặt thực không thể tưởng tượng của thời đại nguyên tử — phải hết lòng gia nhập hàng ngũ của những người có trách nhiệm này. Mười lăm năm sau chuyến bay tai hại của Claude trên nền trời Hiroshima, tôi đã có dịp thảo luận về anh với các nạn nhân vụ ném bom : họ xác nhận với tôi rằng họ vẫn thương hại anh. Vì họ biết rằng ngày đêm anh vẫn bị hồn ma của vô số người chết ám ảnh.

        Hẳn quí vị công nhận rằng ta phải bị lương tâm cắn rứt khi đã làm hại người đồng loại, cho dầu ngoài ý muốn của mình. Ý nghĩ đã tham gia vào một hành động (dĩ nhiên là  ngoài ý muốn) gây chết chóc cho 200.000 nhân mạng tất phải nặng nề khó chịu vô cùng. Một con người giàu ý thức trách nhiệm hẳn không thể tự an ủi được với tư tưởng biện minh rằng đấy chỉ là một « nhu cầu không thể  tránh ». Sự hối tiếc còn mãi, vết thương khó hàn gắn cho đến lúc — và đây là trường hợp của Claude — sự hối tiếc biến thành một quyết định dứt khoát : « Không bao giờ tái diễn một sự tàn ác như vậy nữa ». Quí vị cũng hiểu rằng khoảng thời gian từ 1954 đến 1960 này, trong đó Claude đã phạm đến cả những hành động phi pháp, quả là chuỗi dài những năm tháng của một thử thách cá nhân mà bất cứ ai trong chúng ta sẽ không thể nào bình thản chịu đựng nổi. Chúng ta là những kẻ may mắn không bị những oan hồn Hiroshima đè nặng tâm tư, vậy chúng ta cần phải giúp đỡ Claude mới được. Có lẽ chúng ta cũng phải hiêu rằng nỗi thống khổ và quyết định dứt khoát của anh (không hề liên quan đến chính trị) hiến dâng tất cả lý tưởng hòa bình, đã chứng minh một cái gì nghiêm chỉnh. Ngược lại, nếu sau cơn thử thách ấy Claude trở lại sống bình thản như trước, chúng ta sẽ thấy anh thiếu hẳn căn bản đạo đức. Tình trạng « bệnh hoạn » đã nói lên lòng trắc ẩn của anh. Nếu đòi hỏi một người đã trải qua những thử thách như vậy phải vui vẻ, vô tư thì thật là không nhằm chỗ. Claude không là một người bất thường, chính cái kinh nghiệm anh đã trải qua mới là một sự kiện bất thường. Nếu phản ứng một cách dung dị đối với những thử thách bất thường như vậy thì quả là một điều bất thường.

        Đối với rất nhiều người, Claude nay là biểu hiện sống động cho ý thức trách nhiệm. Cách đây vài tháng, người ta có yêu cầu tôi diễn thuyết cho sinh viên Bá-linh : khi nhắc đến tên Eatherly, tôi ngạc nhiên thấy rằng mọi người đều biết anh và kính trọng anh, vì anh mang trách nhiệm nặng nề trong lúc anh chỉ « phạm tội một cách vô tình ». Các sinh viên nhận thức rằng một ngày kia họ có thể  nhận lệnh của một tướng lãnh Đức phải thi hành một « công tác » thuộc loại công tảc Hiroshima. Trường hợp của Claude, theo họ nói, chứng tỏ rằng « kẻ nào hủy diệt người đồng loại là tự hủy diệt lấy mình ». Họ cảm ơn Claude đã dùng những thống khổ của anh để nói lên tầm quan trọng của sự thực này.

        Dĩ nhiên, dưới nhãn quân bình thường trường hợp của Claude có vẻ hơi lạ : không thể  giải thích nó theo tiêu chuẩn của đời sống hằng ngày. Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa điều tôi vừa xác định trên đây : Eatherly đã bị đưa vào một cuộc thí nghiệm vượt mức thông thường. Anh sẽ không phải là con người « thông thường » có thể tồn tại khi những phương thức chiến tranh như vậy được áp dụng. Hẳn tất cả chúng ta đều biết điều đó, nhưng riêng phần Claude, anh biết một cách thâm thúy hơn, và chúng ta không thể kết tội anh về sự thấm nhuần ấy.

        Xin quý vị hãy đặc biệt lưu tâm đến tính chất trầm trọng của sự ân hận nơi Claude, cũng như đến những ước vọng của anh. Xin hãy giúp cho Claude được trở về sống với mọi người. Thời gian biệt cư của một con người khỏi xã hội bên ngoài càng kéo dài bao nhiêu, thì sau này, khi được trở lại với xã hội, sự thích nghi của con người đó sẽ càng khó khăn bấy nhiêu. Claude sẽ suốt đời là nạn nhân của một cuộc thí nghiệm mà anh không hề chịu trách nhiệm ? Như vậy là công bình ?

        Tôi thấy thật khó diễn tả tường tận những cảm nghĩ của tôi qua lời văn của một ngoại ngữ. Có lẽ quỷ vị sẽ trách tôi sao ở cương vị một bạn thân của Claude mà lại dám lên tiếng khẩn cầu thống thiết như vậy; có lẽ quý vị sẽ cho rằng tôi khéo xen vào những chuyện không liên quan đến mình. Tôi xin quỷ vị đừng nghĩ thế. Ở thế kỷ này người ta có thể ám sát dễ dàng một kẻ khác ở tận bên kia chân trời. Vậy chúng ta không cần cố gắng gửi đến tận bên kia chân trời tiếng nói của tình thương hay sao1?

-----------------------
        1. Thư này không được trả lời.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Mười Hai, 2019, 03:14:25 pm

THƯ SỐ 47
gửi Giinther

        Ngày 31 tháng 8 năm 1960.

        Anh và tôi, anh Giinther ạ, chúng ta thế mà có tiếng tăm khắp thế giới nhiều hơn anh tưởng đấy. Vậy cần phải lợi dụng sự kiện này để gây ảnh hưởng của chúng ta.

        Anh Gunther thân,

        Tôi biết anh bận việc và không có thì giờ viết thư ; tôi được rảnh rang phần nào nên xin báo anh biết một số ít tin tức vừa thu thập về tình trạng của tôi. Tôi có gửi đến anh bản sao lá thư tôi viết cho thượng nghị sĩ Yarborough về vụ bác sĩ Pauling. Tôi hy vọng anh đã tiếp được thư đó. Tôi không tin chắc thượng nghị sĩ Yarborougb đã thực sự nhận được thư tôi vì những thư từ thuộc loại ấy vẫn bị kiểm duyệt khắt khe, nhất là vào một trường hợp như của tôi. Có thể ông ta làm ngơ vì không muốn dính dấp vào vụ này, hoặc giả một cơ quan (agency) nào đó đã chận lá thư. Tôi biết có nhiều thư của tôi bị chận, vì có một số câu hỏi không hề được giải đáp. Bức thư cho Yarborough tôi đã gửi lâu, nhưng họ vẫn có nhiều mánh khóe kiểm soát thư từ. Tôi đã tìm cách khác. Họ làm phiền tôi nhiều, nhưng tôi có khối bạn bè và họ chớ hòng làm cho tôi hoàn toàn thúc thủ. Tôi muốn thúc giục Yarborough giúp tôi để bù lại những gì ông đã cậy tôi làm trong cuộc khủng hoảng Nhật-bản. Về trường hợp bác sĩ Pauling, tôi hy vọng tòa án sẽ chỉ khiển trách ông, chứ tôi không có can đảm nhìn thấy ông bị phạt tù. Nếu ông bị kêu án tù, tôi muốn họ giam tôi thay cho ông, vì vị y sĩ này đã cao niên và rất cần thiết cho sự đạt thành lý tưởng của chúng ta. Tôi thán phục sức mạnh tinh thần và lòng quả cảm của ông. Thật là dễ gài bẫy đối với những nhân vật như bác sĩ Pauling (đến đây có một giòng   rưỡi không thể đọc được) vì lý do đơn giản là ông không chịu cung khai danh tánh của 10.000 nhà bác học đã ký tên vào bản kiến nghị của ông1. Tôi sẽ cấp báo cho các bạn tôi ở Đông-kinh và tôi sẽ tổ chức một loạt « bắn phủ đầu », như chúng tôi thường nói hồi còn đánh nhau ; rồi tôi sẽ yêu cầu quốc hội Nhật-bản gửi thư cho Tổng Thống, Thượng nghị sĩ Johnson, và Quốc vụ khanh Herter để họ cho ngưng thụ lý vụ bác sĩ Pauling. Tôi cứ sợ ông ta bị ngồi tù hoặc phạt vạ nặng nề. Tói biết rằng anh sẽ không quên vụ này... vì chỗ nhà Pauling vốn trong hàng thân hữu của anh ; tôi sẽ giúp đỡ họ.

        Anh Giinther ạ, tôi đã thành công khá nhiều tại Nhật-bản, những gì anh và tôi viết ra đã có nhiều tác dụng2. Con số thư từ nhận được chứng tỏ rằng tôi ngày càng được nhiều người ngưỡng mộ, và họ rất muốn biết sự thật tường tận. Phần lớn công trình là của anh đấy. Tôi hy vọng anh cũng thận trọng như tôi, và anh không để người ta nhận diện anh có liên quan với một quốc gia nào đó (not to be tied with),mà chỉ xem anh như là một nhận vật hoạt động đơn thuần cho lý tưởng cao đẹp. Bằng không, mọi cố gắng của chúng ta sẽ chẳng mang lại chút thành công nào. Xin anh coi chừng chớ để một tổ chức nào thu hút (don’t get hooked up).

        Về vụ trả tự do cho tôi, em trai tôi và chị tôi sẽ đến thăm tôi và sẽ cố xin giấy cho tôi xuất viện, nhưng y sĩ điều trị lại cho thế nào cũng phải đợi qua kỳ bầu cử. Tôi không hiểu vì sao tại Hoa-thịnh-đốn người ta quan trọng  hóa cá nhân tôi đến thế, nhưng họ thừa biết tôi đang ở đâu, và họ bảo nhau giữ tôi lại đây thì khó khăn gì (doing a good job for keeping me). Đã vài tuần lễ nay y sĩ của tôi không đề cập chuyên này với tôi nữa.

        Sau bài bảo vừa rồi, tôi có nhận được khá nhiều thư từ Nhật-bản; giới thanh niên Nhật rất say mê tôn chỉ của tôi.

        Tôi vừa tiếp được một số thư từ và thấy bài của tôi được đăng bảo tại Ba-tây. Thực vậy, một nhà truyền giáo cho tôi hay ông đã đọc bài báo ấy. Tôi đoán một số người trong đoàn di dân Nhật-bản đã phiên dịch bài báo. Có lẽ chúng ta phải viết một bài (story) cho dân Nam-Mỹ3.

        Anh Gunther, tôi vừa tiếp được một bức thư khá dài của Al Hirschberg; tôi có tìm hiểu ông ta : ông ta không phải là người như anh tưởng, ông ta chỉ rút đề tài làm phim từ một cuốn sách duy nhất nhan đề là  « Fear Strikes » (Những Phen Mắt Vía). Đấy là câu chuyện có thực của một tay chơi dã cầu vô địch toàn quốc, về sau chết tại một dưỡng trí viện. Cuốn sách rất hay. Tôi định giao việc tôi dự tính cho AI Hirschberg là một người có tiếng tăm tại đây. Ông ta sẽ đến gặp tôi vào đầu tháng mười một, và sang năm tôi sẽ bắt tay vào việc. Tôi mong sẽ được anh góp sức vì đây là một việc quan trọng. Chẳng hạn, trong lời phi lộ anh sẽ có thể giãi bày triết lý mà tôi đã nêu ra... Chẳng hiểu những thư từ của tôi có đến tận tay anh không, vì những thư tôi nhận từ Ba-tây gửi đến sáng nay đều bị mở tung và kiểm duyệt. Tôi sẽ hài lòng nếu có thể phổ biến được những gì anh đã viết đến thật nhiều nước. Anh viết văn mạnh bạo hơn tôi nhiều và kéo được quần chủng ra khỏi trạng thải vô tư lự, lười biếng. Tôi ngại những bài tôi viết ra chỉ giống hệt những lời nghiêm trách khoác một vẻ ngoài Thiên-Chúa giáo. Hợp sức lại, anh và tôi sẽ có thể gây xúc động cho toàn thể nhân loại.

        Tôi có tiếp được thư của một nữ bác sĩ tại Eschweiler (chăm sóc trẻ con bị bỏ rơi và bệnh hoạn). Bà ta nhờ tôi giúp bằng cách viết những bài nói về những cha mẹ bỏ rơi con cái họ. Kể ra tôi cũng rất muốn tiếp tay với bà ta, nhưng tôi lại tự hỏi mình có quyền nới rộng chiến tuyến cho lý tưởng của mình hay không (but can I afford to over extend my cause) ? Theo tôi nghĩ, trước tiên cần phải dọn bằng phẳng con đường đi của mình. Đấy là phương thức tôi nhìn vào vấn đề này. Sau khi đạt được mục tiêu, tôi sẽ có thể giúp đỡ những kẻ nghèo túng, thiểu học, vô gia cư, bằng cách lấy những khoản tiền chuẩn bị chiến tranh mang ra phục vu cho những người thiếu may mắn ấy. Nữ bác sĩ nói trên đã đọc cuốn sách của anh. Thật khó mà từ chối giúp sức những người như bà ta...

        Xin anh suy nghĩ giùm về vấn đề nhà truyền giáo... Tôi vẫn biết anh bận vì sinh kế, nhưng cũng phải hy sinh vậy. Tôi dành lại rất ít tiền cho tôi vì tôi đang lo chu cấp cho mười chín trẻ em do tôi đỡ đầu tại những nước khác, nhưng tiền bạc cũng chẳng thiếu thốn gì. Tôi tiêu hàng tháng sáu Mỹ-kim cho mỗi đứa trẻ. Rất mong đợi thư anh và xin Thượng đế ban phước lành cho anh (and God bless you, Gunther).

Bạn anh       
Claude       

------------------------
        1. Eatherly muốn nói bác sĩ Pauling không chịu tố cáo những người đã giúp ông lập bản danh sách.

        2. Ở đây Eatherly nói đến hai lá thư đầu tiên của ông và tôi được đăng báo tại Nhật-bản.

        3. Xin xem chú dẫn nơi thư số 36.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Mười Hai, 2019, 03:17:26 pm

THƯ SỐ 48
gửi Giỉnther Anders

        Ngày 6 tháng 9 năm 1960.
        Anh Gunther thân,

        Tôi lấy làm xúc động khi được tin chị nhà lâm bệnh. Vậy nhờ anh chuyển lời tôi cầu chúc chị sớm được bình phục. Hiện nay chị đang ở Hoa-kỳ, tại Californie ? Xin anh vui lòng cho tôi biết địa chỉ hẳu có thể gửi đến chị một tấm thiệp. Tôi không dè chính anh cũng ốm nữa, hẳn nay anh đã bình phục rồi ?

        Tôi xin cảm ơn anh đã viết thư cho em trai tôi và chị tôi... Thư anh khá hay, tôi biết thế nào cũng làm cho họ xúc động. Tôi sẽ làm một giấy kháng cáo A.M.A. khác (đơn xin rời bệnh viện, trải hẳn với ý kiến của các y sĩ) vì tôi lại bị xem như một « bệnh nhân tự nguyện»1. Muốn lưu tôi thêm một thời gian tại bệnh viện, ban giám đốc hoặc một thân nhân của tôi lại phải lập thủ tục xin tái giam cấm. Tôi không tin họ sẽ làm như thế. Nhưng vào thời kỳ này tại Mỹ mọi việc đều có thể xảy đến. Chắc hẳn họ muốn giữ tôi lại cho đến sau cuộc bầu cử tháng mười một. Tôi không hiểu họ ngán tôi gây ảnh hưởng ở chỗ nào và tại sao họ xét cần giữ tôi tại bệnh viện ?

        Nếu có điều gì có thể ảnh hưởng tốt đẹp đến thời sự, thì điều đó chính là lá thư của anh, quý hồ nó đến tận tay các thân nhân của tôi trước ngày 12 tháng 9, là ngày họ dự tính đến đây thăm tôi.

        Anh Giinther, trong thư vừa rồi, có lẽ tôi chưa diễn đạt hết ý về vụ những bài của tôi được báo chí đăng tải ; có một đoạn đã bị anh hiểu sai. Tôi gửi thư cho các dân biểu và đồng ý để Linh mục N. phổ biến. Tôi có cho nhật báo Tokyo Shimbun hay họ có thể khai thác lá thư của tôi để viết thành một bài thật chấn động nếu họ thích. Tôi đã gửi cho tòa báo một bản sao lá thư đó. Nếu anh muốn có một bản sao của bài báo kia, tôi sẽ gửi đến anh, vả anh sẽ thấy rằng bài ấy chỉ có lợi thôi, cho dù đăng ở bất cứ tờ báo nào. Phải chăng anh hoài nghi vì sợ những người Nhật ấy định lợi dụng tôi để kinh tài, hoặc giả anh ngại họ dùng những bài của tôi để tuyên truyền cho họ? Nếu anh có thể cho tôi biết rõ tư thế của họ, tôi sẽ hết sức thận trọng. Anh muốn đề cao cảnh giác tôi đối với nhật báo Tokyo Shimbun ?

        Tôi có yêu cầu một nhà truyền giáo lập một kiến nghị bênh vực bác sĩ Pauling tại Californie và gửi đến ủy ban2. ông ta đã bắt tay vào việc ngay; tuần trước tôi có được thư ông cho hay đã làm đủ cách để giúp bác sĩ Pauling. Thực tình tối cứ ái ngại cho bác sĩ Pauling quả : bởi vì những người bị quân đội quấy rầy như vậy thật khó mà yên tâm lo lắng những công trình xây dựng. Thế nhưng tôi vẫn hy vọng bác sĩ Pauling đủ cương nghị để đương đầu.

        Gunther, xin anh đừng để bị bệnh, hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe và vui vẻ luôn, vì chúng ta có khả nhiều việc quan trọng phải làm. Nếu anh có thể làm gì được với hai bài của tôi, xin anh chớ do dự khai thác những văn liệu ấy !

Bạn anh       
Claude       

-------------------------
        1. Xem thư số 63.

        2. Eatherly muốn nói : « Senate Internal Security Committee » ủy ban An ninh Thượng viện, cơ quan  đã khởi tố bác sĩ Pauling.



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Giêng, 2020, 04:48:52 pm
     
THƯ SỐ 49
gửi Gunther Anders.

        Ngày 20 tháng 9 năm 1960
        Anh Giinther thân,

        Tôi đã nhận được cuốn sách của anh hôm nay. Tôi sẽ xem đó là một kho tàng vô giá giữa những bảo vật khác.

        Rất khổ tâm là tôi không thể đọc được cuốn ấy, nhưng có lẽ nay mai sẽ có một bản dịch ra Anh ngữ1.

        Tôi xin báo để anh biết : tôi chết điếng người khi được tin buồn về vụ trả tự do cho tôi. Chị tôi và hai người anh, em của tôi có đến bệnh viện ; hai người đàn ông bị viên y sĩ thuyết dụ chớ xin cho tôi rời bệnh viện2; vì vậy họ đã làm đơn xin lưu giữ tôi vô hạn định (indefinite commitment). Sau biến cố này, tôi sẽ thưa ra tòa, và lần này tôi sẽ tự biện hộ lấy, bởi vì tôi có tìm hiểu rằng tại Tiểu bang Texas tôi không bị mất quyền tự biện hộ trước pháp luật3 (7 have not been disbarred) như tại Tiểu bang Louisiane. Dầu sao đi nữa, tôi sẽ đi đến cùng, và tôi sẽ vượt cao hơn mọi cuộc tranh biện đến nỗi sự thấm vấn, cung khai sẽ mất hết ý nghĩa. Anh xem, khi cả gia đình đều chống lại tôi thì tôi còn ai nữa ? Nếu họ xử áp bức tôi, tôi sẽ kháng cáo với tòa án địa phương, và vụ án của tôi sẽ lên tòa thượng thẩm. Bồi thẩm đoàn hẳn sẽ không thể trả tôi trở lại bệnh viện. Thủ tục tranh tụng sẽ lâu dài, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi khai thác mọi khả năng đã được luật pháp dự liệu ; tôi không nói để khoa trương (incgoiism) nhưng tôi nắm được luật. Tôi muốn nói rằng tôi biết tường tận các thủ tục, tôi đã từng chuyên chủ về những vụ án tiết và đã phải biện hộ cho nhiều binh sĩ4. Tôi chưa từng thua kiện bao giờ... Tôi lại còn biện hộ cho một quân nhân da đen được trắng án, dù biết hắn có tội; nhưng hồi đó kể ra bên nguyên cáo cũng thiếu kinh nghiệm5.

        Anh Gunther, tôi sẽ rất hài lòng nếu chúng ta có thể liên kết những cố gắng của chúng ta ngay sau khi tôi được trả tự do, hầu thảo luận nên chọn những phương thức nào khả dĩ giúp đỡ nhân loại, và chấm dứt được vụ võ trang nguyên tử6. Anh có nói được tiếng Nhật-bản không ?

        Tôi có ý định sang Nhât-bản sau khi đã hoàn tất tiểu sử của tôi và hội « Sane Nuclear Society » đã làm thành phim. Nhân thể, tôi thích Robert Ryan thủ vai tôi trên màn bạc vì ông ta là một nhân viên quan trọng của hội này tại Hollywood. Tôi tin chắc chúng ta sẽ kiếm được ngân quỹ cần thiết để thực hiện dự tính này theo ý chúng ta. Audie Murphy có đề nghị trả cho tôi 250.000 Mỹ kim bản quyền về cuộn phim phóng tác. Tôi đã từ khước và trích dẫn cho hắn ta một trong những « Khuyến cáo về thời đại nguyên tử» của anh, đồng thời, giải thích cho hắn thấy hắn chỉ là một anh hùng giả hiệu như tôi ( told him he was as phony a hero as I was). Từ đấy, tôi không hề được tin tức gì của hắn ta nữa. Murphy vừa quay xong tại Âu-châu một phim tài liệu về vũ khí nguyên tử cho chính quyền. Gunther, xin anh đừng ngại, họ chẳng mua được chúng ta đâu ! (I won’t us out). Anh hãy cho tôi biết anh mạnh giỏi thế nào. Anh có cần tiền không ? Chỗ bạn tâm giao, xin anh đừng tưởng tôi có ý định mua chuộc cảm tình của anh. Tôi chỉ mong được giúp anh, nếu anh thiếu tiền. Tôi phải chấm dứt thư này. Và ước mong chị Gunther được mạnh khỏe. Nhờ anh chuyên lời tôi kính thăm chị.

Bạn anh        
Claude        

--------------------------
        1. Thật là một thái độ tự chủ khả cao đẹp ! Trong lúc đang thất vọng nặng nề, Eatherly vẫn mở đầu lá thư vói những lời cảm tạ, thay vì những tiếng thở than !

        2. Trái với những lời người ta đã cam kết với ông. Xin xem thư số 20.

        3. To disbar thật ra có nghĩa là truất quyền biện hộ của một luật sư trước tòa án. Người ta biết rằng Eatherly có học luật. Tôi không rõ ông ta có hành nghề trạng sự hay không nên tôi không hiểu được chính xác danh từ ông ta đã chọn.

        4 Sự kiện này chứng tỏ Eatherly không có thành kiến. Bởi vì một người Nam Mỹ biện hộ cho một người da đen thì thật có ý nghĩa.

        5. Hẳn là đoạn này liên quan đến những vụ án ngoài nước Mỹ.

        6. Thành ngữ Anh văn the nuclear armament rap có nghĩa là thoát khỏi một hoàn cảnh khó chịu, thường là một sự trừng phạt, bằng những mánh khóe tài tình. — Ở đoạn này, người ta thấy rõ hơn bao giờ hết rằng Eatherly không có một vốn liếng từ ngữ để diễn đạt tư tưởng « triết lý» (philosophy) của ông.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Giêng, 2020, 04:52:28 pm

THƯ SỐ 50
gửi Claude Eatherly

        Ngày 23 tháng 10 năm 1960.
        Anh Claude thân,

        Chuyến này đáng lẽ tôi viết thành một cuốn sách đấy, vì ít nhất tôi cung phải trả lời một lượt ba lá thư của anh. Thú thực là giờ đây, sau khi vợ tôi trở về nhà, tôi mới có đủ thì giờ và bình tâm trở lại với các vấn đề của anh. Trước tiên tôi rất thán phục anh đã nhẫn nhục chấp nhận trì hoãn ngày rời bệnh viện, cũng như chịu đựng sự thiếu thông cảm của gia đình anh. Tôi lại càng thán phục anh hơn nữa vì đây không phải là sự nhẫn nhục của một con người lười biếng và lãnh đạm mà là của một con người đang nóng lòng vận động thoát khỏi tình trạng hiện nay,

        Thư anh làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên vì đã tiết lộ một điều mà trước đây tôi hoàn toàn không biết: đó là việc anh đã học luật và đã làm trạng sư, có thể là tôi hiểu lầm một đoạn trong thư chăng, nhưng vì anh nói không hề bị tước quyền biện hộ tôi phải hiểu rằng anh có quyền cãi trước tòa án Texas, trong khi anh không còn quyền đó tại Louisiane. Tôi không tin Hiệp hội Tự do Dân quyền (Civil Liberties Union) đã biết sự kiện này. Theo tôi nghĩ, anh cần cho họ biết.

        Hình như Roland Watts (Nữu-ước), người tuyên bố sẵn sàng tận lực giúp anh trong vụ này, là một trạng sư đứng đắn, giàu tư tưởng nhân đạo và rất am hiểu tính cách đặc biệt của trường hợp anh. Sự thực thì cách đây chừng mười hôm vợ tôi có nói chuyện về anh với ông ta ; vợ tôi có cảm tưởng Roland Watts không phải là một trạng sư sa lầy trong thói quen nghề nghiệp, mà là một người biết đam mê dốc toàn lực vào những vụ án xứng đáng, ông ta tin tưởng nơi vị trạng sư mà anh đã tiếp xúc cách đây vài ba tuần gì đó, và ông ta dự tính sẽ sang Texas vào mùa xuân tới. Tôi không thể biết Hiệp hội Tự do Dân quyền và các trạng sư của anh có liên kết mọi cố gắng của họ trong vụ án này chăng ? Nếu vợ tôi không hiểu sai, thì theo lời ông Watts (và đây lá một điểm tối quan trọng), gia đình không thể có quyền quyết định việc « cầm giữ vô thời hạn ». Vì lẽ anh thông thạo các guồng máy tòa án, tưởng anh nên tìm hiểu có phải gia đình anh đã bị dồn vào thế phải ký một giấy tờ vượt hẳn quyền hạn của họ chăng ; nếu quả thực như vậy thì văn kiện đó sẽ vô hiệu lực. Và trong trường hợp ấy, anh sẽ thắng được một điểm. Tôi không tin ông Watts, trạng sư thuộc một tòa án cao cấp cỡ đó, có thể xét lầm khoản quan trọng này.

        Và đây là một vấn đề khác nữa : ông Watts có nhắn lời khuyên anh nên xin « tạm rời bệnh viện » (temporary release) trong một ngày, một tuần lễ, hay một tháng cũng được, thòi gian dài hoặc ngắn không đáng kể. Trong thời gian ấy, anh sẽ có dịp tỏ cho những kẻ quyết định vận mệnh của anh thấy rằng anh « sống bình thường » như mọi người và họ không còn lý do gì để hoài nghi anh. Tôi nhận thấy giải pháp đó không mấy dễ dàng, nhưng đây quả là một ý kiến rất hay. Nếu ở địa vị anh, sau khi được « tự do tạm » tôi sẽ hành động như thế này : cho dù sống một mình, tôi sẽ có thái độ như đang sống với những nhân chứng ; nếu có thừa tiền, tôi sẽ kiếm một nơi có suối nước nóng, có thư viện, và sẽ sống đều đặn, bình thường. Mỗi ngày tôi sẽ viết lách vài giờ, đến thư viện tự học vài tiếng, ngoài ra tôi sẽ bơi lội hoặc chơi một môn thể thao nào khác. Tôi sẽ hoàn toàn tự chủ, và để có lợi cho chính lý tưởng của chúng ta, tôi sẽ gạt ra ngoài bất cứ gì liên quan đến lý tưởng ấy ; tôi sẽ từ khước bàn cãi với bất cứ ai về vấn đề đó. Tôi sẽ tránh xa như trốn dịch hạch bất cứ nơi nào có thân nhân hay bằng hữu và có thể  đưa câu chuyện ấy ra bàn cãi. Tôi sẽ không uống rượu, không giao thiệp với phụ nữ và như vậy tôi sẽ làm cho những kẻ lẻn theo quan sát tôi sẽ phải ngáp dài, nản chí. Anh Claude, tôi thừa hiểu một chương trình sống như vậy chẳng có gì hấp dẫn đối với anh sau bao nhiêu năm bị cầm giữ, nhưng phải đánh cuộc như vậy mới xứng đáng. Phải với giá ấy anh mới thu hồi được cuộc sống của anh, sự tự do và khả năng phục vụ sứ mệnh của anh. Trước khi đòi hỏi được tự do, dĩ nhiên anh phải tự xét có đủ sức thực hiện một chương trình sống như vậy hay không đã. Có lẽ những người đợi nhìn anh vấp ngã sẽ cho rằng anh đóng kịch, nhưng họ sẽ phải công nhận rằng anh có đầy đủ nghị lực để tránh được những hành vi bất thường hay phạm pháp.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Giêng, 2020, 04:53:46 pm

        Tôi không có tài trinh thảm, nhưng thực tình muốn được sống gần anh để cùng anh chia xẻ gánh nặng qua giai đoạn thử thách này. Anh cũng biết rằng điều này khó, nhưng chúng ta có thể bù lại bằng cách trao đổi thư từ thường xuyên bất cứ lúc nào anh muốn.

        Dĩ nhiên, anh sẽ dùng những ngày «nghỉ» để viết tiểu sử tự thuật. Có lẽ từ trước đến nay anh chưa viết được vì gặp quá nhiều trở ngại. Tôi muốn nhân dịp này nhắc lại anh một lời khuyên đã nói trong một thư trước đây : tôi thấy thư từ anh viết khác xa những bài đăng báo. Thư từ sống động hơn nhiều : lời thư chính xác, nói thẳng đến lòng người nhưng vẫn không thiếu trào phúng. Tóm lại, thư từ của anh vượt xa các bài báo. Khi anh ở cương vị một cá nhân để nói chuyện với một cá nhân chính xác nào, người ta nhận rõ anh hơn là khi anh viết cho những độc giả không nhất định. Bởi vậy tôi tưởng anh nên viết tiểu sử bằng những thư từ, chẳng khác nào khi anh viết cho tôi hoặc cho các nạn nhân Nhật-bản vậy. Tự khắc mọi khó khăn diễn đạt ý tưởng sẽ không còn nữa, bởi vì anh quen viết thư từ chứ không quen viết sách.

        Một vấn đề này nữa : anh có đề cập vụ để cho hội S.A.N.E. thực hiện một cuộn phim về đời anh. Nếu tôi không làm, có lẽ các nhân vật của hội này khá dè dặt đối với anh. Do đó hình như họ không hoạt động nhiêu để giúp Bác sĩ Pauling (tôi không nghĩ rằng ông ta có thể bị án tù vì ông còn nhiều phương tiện pháp lý khác). Tôi không được biết Steve Allen nên không thể có ý kiến gì cho anh. Vợ tôi có dịp xem Allen diễn trong một chương trình hài hước trên đài truyền hình và khó tưởng tượng được ông ta có thể đóng phim về đời anh. Thực ra, Steve Allen là tài tử khá can đảm tại Hollywood là nơi mà lắm kẻ khác phải chạy dài. Tôi cũng không được biết AI Hirschberg. Nếu có dịp, anh cũng nên tiếp xúc với ông ta. Điều này không có nghĩa là anh phải cùng với ông ta mở đầu cuốn sách của anh. Tôi vẫn luôn luôn cho rằng anh phải tự mình khởi sự viết lấy, bằng không, văn chương của anh sẽ bị lu mờ dưới bút pháp của một nhà văn chuyên nghiệp. Xin anh đừng quên rằng dầu sao chăng nữa cuốn sách vẫn phải là của anh. Tuy nhiên, sau khi anh hoàn tất bản thảo, vấn đề sẽ khác. Khi đó, anh có thể không ngần ngại nhờ một cây viết lão luyện như AI Hirschberg cùng xem lại bản thảo với anh. Vấn đề tôi nêu ra đây có khi đã muộn, vì trước anh đã từng nói đến vụ hợp tác với AI Hirschberg vào thời anh hy vọng được trả tự do trước ngày bầu cử. (Tôi thú thực không hiểu có sự liên quan gì giữa việc anh được trả tự do và cuộc bầu cử). Lại một vấn đề nữa: anh bảo rằng nhiều người đến tiếp xúc với anh hầu mong cậy anh giúp đỡ. Tôi tin chắc đây là những người đứng đắn. Tuy nhiên, nếu cứ phải phân tán năng lực của anh như vậy, hẳn anh không khỏi mất đi sức mạnh cần thiết để đạt mục đích của anh. Nếu vì tốt bụng mà một y sĩ nhận sửa xe hơi giùm cho các nhà láng giềng, tất ông ta có thể đã thấm mệt lúc người ta cần ông đế chữa một bệnh khẩn cấp.

        Thư này khá dài đủ để chửng tỏ rằng tôi không hề quên anh1. Nếu thỉnh thoảng tôi chưa viết cho anh, anh cũng nên biết rằng thiện tình của tôi không bao giờ vì vậy mà phai nhạt. Hiện tôi đang tràn ngập công việc (mà có nhiều vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lý tưởng của chúng ta), tôi không thể  đương đầu với tất cả, nhưng có điều là chẳng bao giờ quên anh. Tôi thường hình dung ra giây phút chúng ta được thực sự gặp nhau. Chúng ta sẽ cùng tỏ cho thế giới thấy rằng những khác biệt về tuổi tác, quốc gia, hoàn cảnh sống, kinh nghiệm, tôn giáo... đều vô nghĩa khi hai người cùng đấu tranh cho một lý tưởng chung.

Bạn già của anh       
Gunther             

        T.B. Tôi suýt quên tin anh biết rằng tôi có cho Pauling hay việc anh cố gắng giúp ông ta. Pauling là người tốt và can đảm, nên tôi tin chắc ông ta sẽ xúc động không ít khi được tin này.

----------------------
        1. Eatherly không hề nhận được thư này, trong đó tôi giải thích ông cần sống như thế nào sau khi được rời bệnh viện Waco, ông ta trốn thoát 4 hôm trước khi tôi viết thư này. Việc Eatherly có thể sống tự do trong hai tháng mà không có vụ gì làm cho ai chú ý chứng tỏ những lời khuyên của tôi là thừa, và ông ta tự kiểm soát được mình, điều mà thiên hạ phải cho là « bất thường » đối với một người « mắc bệnh thần kinh ».



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Giêng, 2020, 04:58:08 pm

THƯ SỐ 51
gửi Gunther Anders

        Tháng 10 năm 1960 (không để ngày) đến Vienne ngày 1 tháng 11 năm 1960.
        Anh Giinther thân1.

        Xin anh tha lỗi cho tôi đã chậm viết thư cho anh. Tôi có dựa vào các trạng sư của tôi để thử ra khỏi bệnh viện bằng những phương thức hợp pháp. Và tôi đã thất bại vi « Không-lực » có yêu cần giam cầm tôi vô hạn định (because the « Air Force » filed a commitment against me, indefinitely). Không-lực có đưa ý kiến cho bệnh viện cản trở tòa án đòi tôi, do đó tôi không thể mang trường hợp của tôi ra tòa (and then had the hospital to notify the court,not to a on me, so Ĩ could not take it court). Hôm thứ tư vừa rồi tôi có nói chuyện với y sĩ của tôi và ông ta giải thích rằng tôi đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo là bị thiên hạ biết nhiều và còn nổi tiếng nữa là khác, do đó, đáng lẽ tôi phải ngưng viết những bài bảo chống võ trang nguyên tử và gieo ảnh hưởng của tôi ra nước ngoài qua trung gian của báo chí Mỹ. Ông ta lại còn nói không thể giúp gì được cho tôi, vì lẽ ông ta cũng như ban giám đốc bệnh viện phải tuân theo chỉ thị của « Không lực » và của « Bộ ». (that he and the hospital staff had to take orders from the « Air Force» and the State Department). Tôi hỏi người ta có định giữ tôi lại không, thì ông ta trả lời có.

        Bởi vậy tôi đã thu xếp với những người bạn bên ngoài để tẩu thoát. Hiện giờ tôi đang trú tại một căn nhà nhỏ mà chẳng dám đi đâu vì chính quyền đang tìm cách bắt tôi lại...

        Anh Giinther, tôi mong anh sẽ không cho là tôi đã hành động ngu xuẩn khi thoát khỏi bức tường mà người ta bắt đầu dựng lên chung quanh tôi... Tôi rất lo lắng cho anh, và sức khỏe của chị Gunther. Tôi mong anh cho biết tin tức để được yên tâm2. Xin anh đừng sốt ruột về tôi vì tôi được các bạn hữu ở đây săn sóc tận tình. Trước kia tôi không ngờ có nhiều bạn quý như thế này.

        Thế nào tôi cũng sẽ được việc, anh Giinther ạ, xin anh chớ lo lắng gì cả. Có khối người đang ráng sức che chở cho tôi.

        Vụ cáo buộc ( contemp of court) bác sĩ Pauling đã được bỏ qua, nhưng « lưỡi gươm Damoclès»3 vẫn treo lủng lẳng trên đầu ông để tự hậu ông không còn nhúc nhích được nữa ! Xứ này chẳng khác gì những nơi khác. Đương đầu với nhà binh quả là một sự mạo hiểm (Gunther, this country much many other countries. It is nearly impossible to go against the military).

        Thượng nghị sĩ Yarborough cũng có viết thư cho biết ông ta sẽ tận tình giúp tôi và bác sĩ Pauling. Đây là một người đứng đắn và cũng rất tha thiết với lý tưởng hòa bình như chúng ta.

        Tôi ước mong anh sớm được bình phục.

Bạn Claude của anh.         

------------------------
        1. Trừ trường hợp có những chứng từ khác (điều này rất khó tin) đối với tôi, đây là một chứng cớ cho thấy rằng ngày Eatherly thoát khỏi bệnh viện theo như đã được báo chí khắp thế giới phổ biến (22-11-1960) là không đúng sự thật. Tôi không hiểu vì lý do gì ban đầu người ta giữ kín vụ này ; tôi lại càng không hiểu tại sao người ta đã bịa đặt ra một ngày như vậy mà quên rằng những bạn hữu của Eatherly sẽ không khỏi lên tiếng đính chính sự mạo tin. Bản chính của lá thư mang tên nhiều thân hữu mà nếu không có họ giúp sức Eatherly sẽ không tài nào trốn thoát. Xin độc giả phán xét chúng ta nên nghĩ sao về việc không một y sĩ nào thuộc bệnh viện đứng tên trong hàng những người ủng hộ Eatherly.

        2. Trong một hoàn cảnh như vậy, nếu Eatherlv có « ca bài chiến thắng sau khi tìm lại tự do thì cũng là chuyện quá «bình thường ». Thế mà qua ba đoạn thư ông ta chỉ nghĩ đến những kẻ khác : ông tỏ lòng tri ân những bạn đã giúp ông, ông hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, ông nhớ đến bác sĩ Pauling. Những điều đó thật chẳng bình thường » tí nào. Những hành động « bất thường » này của Ealherly quả thực rất cần được khuyến khích.

        3. L'épée de Damoclès. — Damoclès triều thần vua Denys I’Ancien ("thế kỷ 4 trước T.C.) thường ca ngợi hạnh phúc nhà vua. Muốn cho ông hiểu tính cách bấp bênh của sự quyền quý ấy, một hôm vua cho vời Damoclès vào cung dự yến và hạ lệnh phục dịch ông như chính mình. Damoclès đang ăn uống say sưa, bỗng ngước nhìn lên trần nhà thấy một lưỡi gươm khá nặng và bén nhọn treo lủng lẳng ngay trên đỉnh đầu ông, mà chỉ buộc bằng một sợi lông đuôi ngựa! Damoclès choáng váng mặt mày đánh rơi ly rượu đang đầy trong tay, và từ đấy đã ý thức được thế nào là hạnh phúc của các bậc vua chúa. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn)


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Giêng, 2020, 05:01:52 pm

THƯ SỐ 52
gửi Claude Eatherly

        (không gọi đích danh thư gửi đến một địa chỉ bi mật).
        Ngày 2 tháng 11 năm 1960.

        Quả thật là một chuyện ngạc nhiên kỳ lạ ! Anh đã phải quyết định như vậy là điều đáng tiếc: nhưng đấy là một điều cần thiết. Bây giờ tôi xin anh hãy nghe theo những lời khuyên sau đây, nếu anh muốn tránh điều tệ hại và cầm chắc phần thắng lợi cuối cùng trong cuộc vận động này :

        1) Đừng viết thư cho ai, trừ trường hợp tối bất đắc dĩ.

        2)  Mỗi khi gửi thư, nhớ thay đổi địa chỉ xuất phát.

        3)  Không bao giờ đề tên người gửi trên thư từ.

        4)  Nhờ các bạn thân viết thư và để bì thay anh.

        5)  Chớ bao giờ tưởng rằng sau một thời gian tình hình sẽ lắng dịu ; bởi vì người ta kiếm nơi trú ẩn của anh dễ dàng như trở bàn tay, nhưng sở dĩ người ta hoãn việc bắt lại anh là vì còn đợi thu lượm danh tánh của những người đang liên lạc với anh.

        6)  Đừng nghĩ rằng anh có thể cư trú vĩnh viễn tại Hoa-kỳ ; tuy nhiên, chớ nên vội vàng, và cần phải chuẩn bị thật tỉ mỉ để rời khỏi nước.

        7) Phải tìm cách biết tất cả mọi tin tức.

        8)  Hãy học thuộc lòng những lời dặn trên đây.

        9) Và chớ để lại một dấu tích nào.

        Anh chớ ngạc nhiên khi thấy trường hợp của anh được phổ cập khắp quần chúng ; chính tôi là kẻ giựt dây, và bây giờ anh là đối tượng của mọi công việc của tôi (full time job).

        Tôi đang ở đúng địa chỉ mà anh đã biết. Con niêm Hoa-kỳ trên phong bì chỉ là một mưu thuật...

        Một lần nữa, anh hãy tránh mọi việc gì bất cẩn và phiêu lưu. Nếu chúng ta thất bại, anh có thể khổ suốt đời. Tôi tin tưởng ở anh và anh có thể tin cậy nơi tôi.

        Luôn luôn là bạn anh.

THƯ SỐ 53
gửi Claude Eatherly

        (Thư này nhằm đánh lừa bệnh viện cho họ lầm tưởng tôi không hay biết gì về vụ Eatherly trốn thoát),
        Ngày 12 tháng 11 năm 1960. Anh Claude thân,

        Cách đây khoảng mười hôm, tôi có viết thư khá dài cho anh sau một thời gian im lặng có thể đã làm cho anh khó chịu. Vì không được anh hồi âm, tôi lại viết thư này để báo anh biết rằng bệnh tình của vợ tôi đã khiến tôi phải bỏ phế nhiều việc. Như tôi đã nói trước đây, bây giờ mọi sự đã được bình thường, tôi đã trở lại phòng việc để viết thư cho anh.

Bạn anh       
Gunther       

THƯ SỐ 54
của Claude Eatherly (tự do)gửi Gunther

        Ngày 15 tháng 11 năm 1960. Anh Gunther thân,

        Xin cảm ơn anh về lá thư vừa rồi ; xin anh tha lỗi đã để anh đợi tin khá lâu, vì tôi không thể nào cho chuyển được thư từ... Tại đây tôi có vài người bạn có thể tin cậy được và đang giúp đỡ tôi. Anh Giinther, hẳn anh biết hoặc đoán đúng rằng hiện có một cơ quan (agency) thuộc cái « Không lực » ấy đang theo dõi tôi; vì « Không lực » luôn luôn muốn tóm tôi về giam lại tại bệnh viện (in having me picked up and sacked away).

        Tôi cố tìm đủ cách thuyết phục mọi người và các y sĩ ở đây để họ thấy rằng tôi chỉ có một ý muốn duy nhất đề cao hòa bình và bình đẳng giữa nhân loại thân yêu của chúng ta. Anh hẳn phải biết là tại xứ này người ta không chấp nhận luận điệu ấy. Khi tôi tuyên bố như vậy, hình như tôi cản trở người ta đeo đuổi các mục tiêu của họ. Tôi kinh hoàng trước thái độ của nước tôi, và tôi hứa với anh sẽ dùng tên tuổi và ảnh hưởng của tôi để chống lại những ác ý của giới quân sự. Hẳn anh đã biết tôi muốn nói đến vụ gì và anh đã biết chiến dịch của họ chống lại bác sĩ Pauling.

        ...Tôi sẽ đợi tại đây. Xin anh chớ lo ngại gì về tôi, tôi có chút ít tiền và có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ tôi khi cần thiết. Tôi xin hứa với anh là sẽ hết sức thận trọng về mọi mặt.

        Nếu chúng ta được ở cạnh nhau để cùng hoạt động cho lý tưởng của chúng ta thì hạnh phúc biết bao ! Anh có sáng kiến gì, xin chớ quên cho tôi biết...

        Mỗi khi có thay đổi địa chỉ tôi sẽ báo trước cho anh.

        Anh chớ ngần ngại xúc tiến mọi cuộc vận động cần thiết cho lý tưởng của chúng ta, và nếu cần xin anh cứ việc bảo tôi đóng góp.

        Tôi có thể nhờ bỏ thư này tại nhà bưu điện một thành phố khác. Xin cám ơn anh đã nâng đỡ tôi.

Bạn anh       
Claude       


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Giêng, 2020, 11:22:15 pm

THƯ SỐ 55
gửi Claude Eatherly1

        Bạn thân mến,

        Tôi thấy người nhẹ nhõm khi nhận được thư anh sau chuyến đi du lịch mới về. Vậy mà tôi cứ ngại có điều gì cản trở anh viết thư cho tòi, và tôi đã tiêu tan hy vọng nhận được tin lành về anh. Anh không cựa quậy là khôn lắm đấy, nhưng một thời gian nữa anh cần phải xuống miền Nam nghỉ mát, điều rất cần cho tình trạng sức khỏe của anh. Dĩ nhiên, một chuyến du lịch như vậy cần được chuẩn bị chu đáo. Nên thong thả xếp đặt hơn là vội vã lên đường. Tôi rất ao ước dược gặp anh, nhưng gặp ở đâu bây giờ ?Tôi không thể nào đài thọ nổi một chuyến đi xa đến thế. Đã nhiều năm nay, tôi nuôi hoài bão thăm viếng Mễ-Tây-Cơ vì xứ này khá hấp dẫn. Có lẽ một ngày nào anh nên đến thăm xứ ấy. Hoặc giả anh không thể lợi dụng thời gian nghỉ mát để đến đấy chăng, vì chúng ta đã đồng ý là anh cần nghỉ mát ? về phần tôi, tôi sẽ đề nghị với anh một nơi gặp gỡ mà tôi có thể  ráng đến được với những phương tiện hiện có của tôi. Còn về ngày tháng gặp gỡ, xin để anh quyết định vì nó tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của anh. Anh nhớ cho tôi biết tình hình, vì tôi cứ thường xuyên e ngại có sự bất trắc nào xảy đến cho anh mà anh chỉ bị hàm oan. Tôi tưởng tượng không có niềm vui nào hơn khi nhận được một điện tín hay một lá thư báo tin anh đang ở một trại nghỉ mát xa cách hẳn những kẻ đang đầu độc cuộc đời anh.

        Anh ạ, tôi rất lấy làm cảm xúc thấy anh hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi mặc dù chính anh đang khổ tâm nhiều. Hiện tôi đang đọc thư này cho vợ tôi viết. Tội nghiệp cho nàng, bị tôi giáng chức bắt làm tốc ký kiêm đả tự viên, trong khi chỗ ngồi của nàng phải là trước đàn dương cầm ! Vợ tôi nay đã bình phục hẳn, và tôi đã có thể hoàn toàn phục vụ anh.

        Trong thư trước, tôi có báo tin anh hay là tôi sẽ cho những nhật báo và tạp chi lớn khắp nhiều nước biết rõ trường hợp của anh. Việc ấy tôi đã làm xong, nhưng có lẽ các bài tôi viết chưa kịp đăng ra.

        Luôn luôn hướng mọi ý nghĩ về anh.

        Bạn anh

ĐIỆN TÍN2
gửi Claude Eatherly. Không đề ngày.

        Chúng tôi không quên anh. Rất gần anh bằng tư tưởng trong những ngày vui.

THƯ SỐ 56
gửi Gunther

        Ngày 21 tháng 12 năm I960 Cao ốc 103, Waco, Texas.

        Anh Gunther thân,

        Cách đây hai mươi hôm, các đài truyền hình và phát thanh, các nhật báo và tạp chí có loan tin tôi mất tích. Tôi không biết ai đã có sáng kiến tung ra chiến dịch này ; có lẽ là chính quyền. Tôi liền cấp tốc tìm mọi cách rời khỏi nước, theo lời khuyên của anh. Tôi có liên lạc với ông..., trạng sư tại Mễ-Tây-Cơ để vượt biên giới. Sau khi gặp ông ta bên kia biên giới, tôi trở về Dallas để thu góp tiền bạc. Trong lúc đang đi đến nhà thân phụ tôi với ý định báo tin chuyến đi này, tôi bị một cảnh binh chận lại, nêu lý do tôi đã vượt đèn đỏ. Thực ra, tôi đâu có lái xe4, mà chính ở L., bạn tôi, đến rước tôi tại phi trường. Họ đã theo dõi tôi từ khi xuống máy bay ; có lẽ xe tôi bị anh tôi nhận diện, vì anh biết rằng L. đến Dallas rước tôi. Dù sao tay « cỡm » ( cop) nhận ra tôi ngay và chận bắt tôi với cái lý do buồn cười ấy (phony charge).Về phần L. thì được thong thả ra về không có chút bất trắc nào. Trước đó, bệnh viện đã công bố một phúc trình rằng tôi đã được thả ra và họ không muốn giữ tôi lại lần nữa5. Nhưng thực ra chính bệnh viện đã đòi giam giữ tôi vào ngày 20 tháng 10, nghĩa là một hôm sau khi tòi trốn thoát.

        Tôi biết bây giờ càng khó thoát khỏi bệnh viện hơn nữa, nhưng tôi cam đoan với anh sẽ làm bất cứ gì để được trả tự do, hầu chúng ta có thể trở lại công việc. Anh đừng nản chí, tôi sẽ không bỏ cuộc đâu ! Những vụ như vậy trái lại càng làm cho ý chí của tôi cứng rắn hơn. Tôi xin xác định lại một lần cuối (feel assured) là tôi luôn luôn thuộc quyền sử dụng của anh ( can use me in any sense of the word, do so) nếu anh cần một bài tự tay tôi viết ra, hoặc bất cứ điều gì khác.

        Tôi đã tìm được cách gửi lậu lá thư này... Nếu anh cần gì xin cứ cho tôi hay6...

        Bạn anh Claude

------------------------       
        1. Thư này viết gián tiếp, gửi nhờ một đệ tam nhân trao lại, vi sợ Eatherly bị lộ diện.

        2. Tôi gửi điện tin này sau khi báo chí loan tin Eatherly bị bắt lại.

        3. Cao ốc 10 dành cho những bệnh nhân nguy hiểm.

        4. Tin thất thiệt về vụ Eatherly bị giữ vì lái xe vượt đèn đó này được báo chí khắp thế giới đăng tải.

        5. Tờ Washington Post and Times Herald số ra ngày 5 tháng 12 năm 1960 viết : « Các viên chức thuộc Veteran Administration (cơ quan cựu chiến sĩ) tuyên bố họ không có quyền bắt Eatlierly đẽ trao trả cho bệnh viện, »

        6. Cuộc trao đổi thư từ giữa hai chúng tôi chấm dứt ở đây. Eatherly đã giấu thư này trong một tập bài khá dài gồm toàn những đoạn trích các diễn văn của viên chức Mỹ. Tôi đã trả lời rất vắn tắt khéo léo ngụ ý nhắc đến tên người bạn đã giúp chuyền thư của Eatherly đến cho tôi. Vì không thể phổ biến danh tánh người bạn này nên tôi nghĩ không cần đăng ra đây lá thư vắn tắt của tôi. Nhờ một người bạn, tôi được biết Ealherly có nhận được thư này, nhưng vi lời lẽ quá bóng bẩy nên ông ta không hiểu gì cả. Về sau tôi có cố gắng bắt lại liên lạc với Eatherly, chẳng hạn, thư số 58, nhưng vô hiệu.



Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Giêng, 2020, 11:25:07 pm
       
THƯ SỐ 57
của Gunther Anders gửi Tổng Thống John Kennedy1

        Ngày 13 tháng 1 năm 1961.

        Thưa Tổng Thống,

        Xin Tổng Thống vui lòng cho phép tôi trình bày lý do của bức thư này gửi đến Tổng Thống, mà đồng thời tôi cũng đã gửi đến cho báo chí khắp thế giới : vì đang gánh quá nhiều trách nhiệm trong những tháng gần đây, có lẽ Tồng Thống không nhận thấy rằng khi lên cầm quyền, Tồng Thống đã lãnh làm di sản một vụ « gây băng hoại tinh thần » có cơ đi vào lịch sử thế kỷ 20 như một « vụ Dreyfus » mới2. Nó còn có thể tai hại hơn vụ Dreyfus, bởi lẽ hệ thống viễn thông dày đặc ngày nay đã làm cho những ai đã gây sự hăng hoại ấy, hoặc chỉ chấp nhận sự băng hoại ấy, đều mất ngay hết tin tưởng và thiện cảm của quần chúng còn nhanh hơn vụ Dreyfus trước kia đã lảm giảm uy tín của nước Pháp nữa. Tôi muốn nói đến « vụ Eatherly », « viên phi công Hiroshima », người đã phụ trách báo hiệu cho các phóng pháo cơ ném bom trong hai chuyến « công tác » nguyên tử ấy.

        Có lẽ Tổng Thống sẽ hỏi tôi, một ký giả triết gia ở tại Vienne, làm sao có quyền lên tiếng phê phán trường hợp này, trong khi tôi ở cách xa Waco, nơi Eatherly ở, và cũng cách xa Hiroshima, nơi ông ta đã « lầm lạc ». Vậy tôi xin thưa: đã mười tám tháng nay tôi trao đổi thư từ với Eatherly. Tôi hiện có một tập thư, trong đó phát lộ hình ảnh đầy đủ về tư cách của ông ta, một hình ảnh đòi hỏi phải thán phục. Tổng Thống lại sẽ hỏi tôi làm sao quen biết Eatherly. Riêng cá nhân ông ta, tôi không hề được biết. Nhưng vì tôi cố gắng đặt trên căn bản lý thuyết các vấn đề đạo đức và triết lý liên quan đến thời đại nguyên tử nên những bài tôi viết về lãnh vực này được chú ý nhiều. Tôi đặc biệt lưu tâm đến vận mạng cũng như những lời tuyên bố của những ai đang vô tình nhiều hay ít, chen chúc ở ngưỡng cửa dẫn đến kỷ nguyên mới. Rồi một ngày nọ, tôi gặp được một bài về Eatherly rất có ý nghĩa và khá cảm động đăng trên từ Newsreel, khiến tôi đã viết cho ông ta một lá thư. Thư đó, cũng như bức thư trả lời của Eatherly, đã được phổ biến khắp thế giới. Sự liên lạc đầu tiên này về sau đã mở đường cho một cuộc trao đổi thư từ liên tục.

        Lý do chính yếu khiến tôi viết thư này là một nguồn tin phát xuất ngày hôm nay, 13 tháng giêng, từ Waco, Texas, theo đó Eatherly bị xác định là mắc bệnh thần kinh, sau cuộc khám nghiệm của viên y sĩ tòa án.

        Tôi xét cần phải thẳng thắn trình Tổng Thống tường rằng sự khám nghiệm ấy trái hẳn với các sự thể. Tôi tin chắc Tồng Thống sẽ ngạc nhiên trước quyết định của các y sĩ tòa án, sau khi họ được xem những phần trình dẫn thư từ của Eatherly mà tôi đệ trình Tổng Thống kèm theo thư này. Người ta chỉ có thể làm cho ông ta trở nên một nhân vật « bất thường » trong trường hợp người ta nhầm lẫn — việc này xảy ra thường xuyên ở cái thế kỷ thủ cựu của chúng ta — hai tính từ bình thường (hạnh kiểm bình thường — normal behaviour) và trung bình (hạnh kiểm trung bình — average behaviour). Theo giả thiết này, quả nhiên người ta có thể xem như « bất thường » một con người có lương tâm khắc nghiệt và luôn luôn thức tỉnh như Eatherly. Như vậy, đáng lẽ những tác giả như Thánh Augustin và Kierkegaard3 (để chỉ kể những người trí thức cỡ lớn) phải bị xếp vào khu thần kinh học trong kho tàng sách vở của chúng ta thay vì được chiếm một chỗ ngồi trong hàng các nhà triết học và thần học.

        Người ta có thể kháng biện rằng chính Eatherly đã có những hành động kỳ dị (các vụ đánh cướp giả v.v...) chứng tỏ ông ta là người bất thường theo nghĩa y học của danh từ này. Không thể chối cãi được những hành động như trên là kỳ dị; thế nhưng, nếu xét đàng hoàng, người ta tìm thấy nơi những hành động ấy một ý hướng khác, tức là một ý nghĩa hẳn hoi.

---------------
        1. Nội dung bức thư này có hơi khác hơn bức thư đã được báo chí Đức đăng tải từ trước đến nay, vì có vài lời lẽ dùng trong bản dịch ra Anh ngữ gửi đến Tổng Thống Kennedy sắc bén hơn nguyên văn Đức ngữ. Từ đấy tôi đã đưa nhưng chỗ này vào bản Đức ngữ.

        2. Dreyfus (Alfred) là một sĩ quan Pháp gốc Do-thái sanh tại Mulhouse (1859 — 1935). Ông bị cáo và kết án nhầm là điệp viên (1864) về sau được giải oan (1899) nhờ một « chiến dịch xét lại » (campagne de revision) khá sôi động (1897 — 1899). Chiến dịch này bị ảnh hưởng của những biến chất chính trị và tôn giáo. Phía đối nghịch của ông là Hội Liên minh Quốc gia Pháp (Ligue de la patrie frangaise); cảnh đồng chí của ông là Hội Nhân Quyền (Ligue des Droits de V Homme). Vụ này đã chia nước Pháp thành hai phe. — (Chú thích của dịch giả bản Việt văn).

        3. Sceren Kierkegaard nhà triết học và thần học Đan-Mạch (1813-1855), tác giả của thiên khảo luận Concept d’angoisse với những tư tưởng bi quan về cuộc đời. {Chú thích của dịch giả bản Việt văn).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Giêng, 2020, 11:26:09 pm

        Mọi y sĩ biết điều phải thừa hiểu rằng người ta gọi là « bất thường » kẻ nào hành động một cách bất thường trong hoặc sau một trường hợp bình thường. Sau khi bị xúc động khá mạnh, nếu một người vẫn xử sự thản nhiên như không việc gì xảy ra, thí đó là một kẻ bất thường. Càng bất thường hơn nữa, theo đúng nghĩa y học của danh từ này, là người nào vẫn giữ một thái độ « bình thường » khi bị một xúc động vượt hẳn mức tưởng tượng, suy nghĩ hay hối tiếc của con người. Và chính Eatherly đã bị một xúc động vượt bực như vậy khi ông ta để lại sau mình hàng vạn người bị hỏa thiêu, và một đống tro tại nơi mà trước đó một chốc, cả một thành phố  đông đảo đang nhung nhúc sinh hoạt. Trong trường hợp ấy, thái độ « bất thường » của Eatherly quả là một thái độ bình thường. Nếu là một phản ứng không thích đáng, khoa tâm lý dùng một danh từ chuyên môn là « sự mù quáng tâm hồn ». Một thí dụ cổ điển về « mù quáng tâm hồn » là trường hợp của ông Truman, vị tiền nhiệm của Tổng Thống ; trong dịp mừng sinh nhật thứ bảy mươi hai của ông, ông có tuyên bố một câu không mấy  xuất sắc đã bị loan truyền khắp thế giới. Số là, khi có người hỏi trong đời ông có điều gì đã lưu lại cho ông một mối khổ tâm, cựu Tổng Thống Truman đã trả lời: « Có, tôi tiếc là đã không chịu lấy vợ sớm hơn. » Ông không hề nhớ đến vụ Hiroshima. Biến cố này quá lớn lao nên không thể lưu lại trong khối óc có kích thước của ông. Lessing đã nói: « Kẻ nào không đánh mất lý tính khi nhìn thấy một số sự vật, là kẻ không có lý tính để đánh mất. »

        Nếu cứ lấy riêng từ vụ một để xét các hành vi dị thường của một người, thay vì xem chung tất cả là những «phản ứng», thì quả là một lối làm việc không mấy khoa học, thật chẳng vinh dự gì cho giới khoa học cả. Một phương pháp như vậy chẳng hơn gì dựa theo sự phát âm của một người bị đả thương trí mạng mà tuyên bố rằng đấy là một triệu chứng « bất thường ». Những tiếng phát âm ấy quả thực là « bất thường » nếu tách rời chúng ta khỏi hoàn cảnh. Rất tiếc là mọi sự đều xác nhận giả thiết theo đó các y sĩ đã tách rời hẳn từng « phản ứng » riêng biệt của Eatherly mà không cần đếm xỉa đến những sự việc đã gây nên các  phản ứng ấy. Thực vậy, họ có nói đến một « mặc cảm tội lỗi » rồi căn cứ vào đấy họ giải thích cho quần chúng, vốn ít am tường về tâm lý, thấy rằng nơi Eatherly chỉ là một ý nghĩ phạm tội vô nghĩa và không chính đáng. Họ lại còn dám nói đến một « mặc cảm CEdipe »1 nơi Eatherly (một lối tuyên truyền có vẻ « hạ sách »), làm như yếu tố mở đường cho các hành động của Eatherly là một tư tưởng gây loạn chứ không là sự ám ảnh của hàng nghìn người chết. Nhân thể, xin Tổng Thống cho phép tôi nói rằng, lối vay mượn danh từ nơi ngôn ngữ khoa học một cách buồn cười và bất đáng như vây, nhằm gây uy tín cho khoa học bằng những « chân lý nửa vời », đã làm cho tiếng tăm của nước Mỹ bị tổn thương khá nhiều trong giới trí thức khắp các nước.

        Lý do của những hành động « ngụy phạm pháp » của Eatherly thật quả đơn giản. Trong khi ông ta cố gắng tìm hiểu một cách tuyệt vọng hậu quả của một việc mà ông ta đã tham gia như một bánh xe trong guồng mảy; trong khi sự thất công tìm hiểu ấy tỏ cho ông thấy rằng hành động của ông đã vượt hẳn ý thức trách nhiệm của một con người; trong khi ông kết luân rằng mọi người phải hình dung thế nào là tính cách máy móc của hành động tày trời ấy hầu ngăn những hành động như vậy tái diễn ; trong khi Eatherly đã chín mùi với ý chí hy sinh cuộc đời mình cho sứ mệnh cứu nguy ấy; trong khi tấn bi kịch đang dày xẻo nội tâm ông ta, thì Eatherly lại được hoan nghênh như một anh hùng quốc gia, và báo chí đầy rẫy hơi men ái quốc, chẳng hạn như tô điểm lại và đăng tải bức chân dung của chàng thanh niên đẹp trai xứ Texas ! Đối với ông ta, « vinh dự » ấy quả thật là một mối khổ tâm. Sự cách biệt giữa tội phạm của Eatherly và cái vòng hào quang bao vây lấy ông ta đã nói lên dễ dàng ý nghĩa của những hành vi phạm pháp của ông ta. Vì sự tham gia vào chuyến « công tác Hiroshima » không được công nhận là một tội phạm, nên Eatherly đã nghĩ cách tự mình rước lấy hình phạt xứng đáng ấy bằng những hành động phạm pháp thích nghi. Thực vậy, có một thứ quyền mệnh danh là « quyền được thọ phạt » — Hegel đã cho ra danh từ này — và không gì chứng minh rõ rệt tính chất bất phạm pháp của con người bằng việc hắn đích thân đòi hỏi « quyền được thọ phạt » ấy. Bởi vậy, Eatherly đã mưu toan dùng những hành động ngụy phạm pháp để được lãnh sự trừng phạt thích đáng mà ông ta đã bị người ta từ khước.

--------------------
        1. CEdipe trong thần thoại Hy-lạp là con vua Laĩos xứ Thèbes và hoàng hậu Jocaste. CEdipe bị vua mang bỏ trên núi Cithéron vi sấm truyền CEđipe lớn lên sẽ giết cha và lấy mẹ. Về sau mặc dẫu CEdipe cũng biết sấm này và cố tránh, nhưng rồi chẳng chạy khỏi số trời: CEdipe đã vô tình giết cha và lấy mẹ trong những trường hợp khá ly kỳ. Khi vỡ lẽ ra, hoàng hậu Jocaste tự vẫn và CEdipe tự móc mắt hóa mù... (Chú thích của dịch giả bản Việt văn).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Giêng, 2020, 11:26:58 pm

        Không phải ngẫu nhiên mà người ta từ khước trừng phạt Eatherly và luôn luôn lập lại với quần chúng rằng sự sám hối của ông ta là không chính đáng (sám hối cũng vô ích vì không có sự sám hối nào tương xứng với một hành động cỡ đó). Bởi vì, nếu công nhận sự sám hối này là có lý do chính đáng thì có khác gì công nhận sự phạm tội tày trời kia. Nói khác đi, sự sám hối của Eatherly đáng được xem như là lên án vụ ném bom Hiroshima, lên án những phạm nhân thực sự của công tác này, những kẻ nhờ quá nghèo óc tưởng tượng nên đã nghĩ rằng họ được quyền gánh lấy trách nhiệm của một hành động cỡ đó một cách vô cùng bình thản. Hoặc giả, ta sẽ nói như Eatherly, con người mang tâm bệnh : « Sự thực thì xã hội không thể nào chấp nhận tình trạng phạm tội của tôi mà không tự khắc công nhận tội phạm nặng nề gấp bội của chinh họ »(The truth that society simply cannot accept the fact of my guilt without at the same time recognizing its own far deeper guilt) (Thư không đề ngày, có lẽ viết vào khoảng giữa 10 và 15 tháng 8 năm 1950). Khi đọc câu này, người ta chỉ có nước kêu lên: Thời đại nào mà những người điên khùng ăn nói được như vậy quả là một thời đại hạnh phúc ; thời đại nào chỉ có những người điên khùng ăn nói như vậy thì quả là một thời đại khốn đốn !»

        Một số người sẽ nhún vai và phản kháng: « Việc gì đến ông ta ?» Tại sao Ẹatherly lại cảm thấy ân hận khi ông ta chỉ có báo hiệu « mọi sự sẵn sàng » cho những người khác hành động ; khi ông ta chỉ khám phá được hậu quả của nguyên tử sau lúc ông hành động; khi ông ta chỉ là một công cụ để tuân hành mệnh lệnh ?

        Thưa Tổng Thống, tôi không thể chấp nhận những lời phản khảng ấy. Tôi không muốn nhấn mạnh ở tính cách mập mờ (để dùng một từ ngữ rất vừa phải) của một mệnh lệnh được dùng để sai khiến những kẻ đồng loại làm một việc mà hậu quả bị giấu diếm. Tôi cũng không muốn nhấn mạnh ở trách nhiệm nặng nề do những kẻ chủ trương phải lãnh chịu. Tôi chỉ xin nói đến « sự vô tình » mà thiên hạ thường nêu ra để chạy tội sau khi phạm tội. Tôi là người Do-thái, tôi đã mất nhiều bạn trong các phòng chứa hơi độc của Hitler. Tất cả những viên chức tham gia công tác « thanh toán » này đã tìm cách chạy tội bằng những lời khai « chỉ tuân theo chỉ thị ». Lời bào chữa giống hệt một cách quĩ quái lời khai của Eichmann mà cả thế giới đều biết: « Thực ra, hồi đó tôi chỉ là một bánh xe cỏn con trong guồng máy đại qui mô đặt ra để thi hành các chỉ thị và mệnh lệnh của Quốc Trưởng. Tôi không phải là kẻ sát nhân và cũng chẳng phai là một kẻ diệt nhân chủng » (Life, số ra ngày 9 tháng 01 năm 1961).

        Không, Eatherly không là đứa con song sanh với Eichmann, đấy là một điều đáng yên ủi: Eatherly là thái cực của Eichmann. Ông ta không là con người lấy cơ khí làm bình phong để che đậy sự thiếu trách nhiệm ; trái lại chính ông ta đã nhận thấy nơi cơ khí một mối đe dọa trầm trọng cho lương tri con người. Như vậy, Eatherly đã đề cập điểm chủ yếu của vấn đề bằng cách nói lên cho chúng ta một lời cảnh cáo dứt khoát. Bởi vì, nếu cứ dựa vào cơ khí để tự bào chữa, nếu cứ bảo rằng chúng ta « đã hành động như mọi người khác », nếu cứ viện cớ đó như một lý do hợp pháp, chúng ta sẽ loại bỏ tất cả tự do quyết định, do dó, loại bỏ tất cả tự do của lương tâm. Và chữ « tự do » troug từ ngữ « thế giới tự do » bị biến cải thành một ý thức giả dối và vô nghĩa. Tôi còn ngại rằng những sự viện cớ này nọ đã có rồi. Và Eatherly có thái độ cao thượng ở chỗ ông ta dám đánh đổ mọi lời chống chế, phục hưng lại cả một nền đạo đức bị băng hoại và đang chế ngự khắp nơi bằng một nhãn quân mới. Tóm lại, Eatherly tuyên bố : « Cho dầu tôi chỉ là một diễn viên phụ, tôi cũng đã tham gia hành động. Tôi chịu trách nhiệm không chỉ về những hành vi cá nhân của tôi, mà còn về những hành vi cộng đồng mà tôi đã dự phần ». Đối với lương tâm chúng ta, vấn đề không chỉ là biết mình phải làm gì, mà còn là biết mình phải tham gia một công việc đến mức độ nào và trong những trường hợp nào. Eathèrly lại còn cảm thấy trách nhiệm về mặt tham gia công tác cộng đồng nặng nề hơn những hành động cá nhân của ông ta, bởi vì đại phàm hậu quả của những hành động cá nhân không nghĩa lý gì sánh với hậu quả thảm khốc của những hành động tập thể của chúng ta. Có được một đời tư gương mẫu thật chẳng khó khăn gì, vì tập quán phần nhiều thường đứng vào vị trí của lương tri để tác động. Chính ra, tinh thần độc lập và chí quả cảm thực sự của một công dân được biểu lộ qua sự chống lại mọi cưỡng bách nhẹ nhàng của tập thể. Người ta chặt đứt cái vòng vận mệnh bằng một thải độ từ khước, như thái độ của Eatherly trước sự tích trữ vũ khí nguyên tử của quý quốc, rồi người ta biến cải hành động của ông thành một hành động cá nhân, theo nghĩa thông thường của danh từ. Mỗi lần người ta lại muốn phong chức anh hùng cho Eatherly. Eatherly quả có anh hùng thật, không phải vì đã thề « không có một vụ Hiroshima khác nữa » trên chuyến bay trở về căn cứ lúc bấy giờ, mà vì chính ông ta đã dám nói lại lời nguyện đó sau khi ông bị người ta đè xuống để chữa bệnh.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Giêng, 2020, 11:28:15 pm

        Thường thì máy móc gánh hết trách nhiệm cho mọi người — ngay cả người tổ chức ra nó và người làm chủ nó —  để rồi chung cục không còn ai chịu trách nhiệm gì cả. Còn chăng là đất đai bị thiêu hủy dưới ngọn lửa và lương tâm yên ổn của những kẻ ngu xuẩn.

        Khi tự mình nhận lấy trách nhiệm về một hành vi mà ông chỉ là người tham gia, Eatherly đã xử sự trái hẳn với mọi người: ông ta đã tìm cách giữ cho lương tâm luôn luôn thức tỉnh giữa thế kỷ của cơ khí. Vì lẽ lương tâm luôn luôn giữ vai tuồng phán đoán chỉ trích, và không theo chủ nghĩa công thức, nên người ta không muốn Eatherly có thứ lương tâm ấy.

        Quả thực người ta đã chống đối thái độ của Eatherly. Theo như tôi đã tìm hiểu tại Waco, « Không lực » thường xuyên làm áp lực đối với giới y sĩ tại bệnh viện Cựu quân nhân (Veteran’sAdministration Hospital). Thật vậy, « Không lực » đã ra chỉ thị cho các y sĩ phải lưu Eatherly lại bệnh viện trong một thời gian vô hạn định (indefinitely) tiếc là tôi không biết gì về luật pháp Mỹ. Do đó, tôi không hiểu « Không lực » lấy quyền gì để điều động một thường dân (Eatherly được giải ngũ từ năm 1947) và bày chuyện ra tòa (court hearing) để dựa vào giới y sĩ mà trì hoãn việc trả tự do cho ông ta.Tôi cũng không hiểu người ta lấy quyền gì để giam giữ một người được giới hữu trách mệnh danh là « bệnh nhân tự nguyện » ; rồi khi người ấy rời dưỡng trí viện vì quyền lợi của chính đương sự, thì người ta lại cho lùng bắt và giam giữ lại. Một lần nữa, những biện pháp hoàn bị ấy quả đã vượt quả xa tầm hiểu biết thô thiển của tôi về « quyền uy Liên bang » (Federal law) và luật pháp hiện hành tại tiểu bang Texas. Tôi chỉ ngại Tổng Thống sẽ phiền trách nếu tôi trình bày dài giòng sự dốt nát của tôi về luật pháp Mỹ.

        Thưa Tổng Thống, qua giọng thư này, hẳn Tổng Thống thừa hiểu rằng tôi không hề mảy may có ý xin ân xá cho Eatherly. Vì theo như tôi đã tìm hiểu trên đây, ân xá sẽ có nghĩa là thừa nhận ông ta có phạm tội. Nhưng không thể nào buộc tội Eatherly ở chỗ đương sự có một lương tâm, và thêm vào đấy, còn có can đảm đứng ra nhận tội về hành động phạm pháp của những kẻ khác. Đối với Eatherly, thái độ thích hợp duy nhất phải là kính nể và biết ơn ông ta. Thật là điều đáng tiếc, và những người Hoa-kỳ có ý thức tự trọng lẽ ra phải cảm thấy lúng túng ở chỗ trên đất Mỹ Eatherly bị xem như là một gánh nặng, một tủi hổ, trong khi đó, tại Hiroshima và Nagasaki, thay vì có thể căm thù Eatherly một cách xứng đáng, người ta lại nhớ đến ông ta, cảm phục và còn quý mến ông ta nữa là khác. Mối thiện cảm này phát xuất từ cửa miệng của chính các nạn nhân, vì tôi có dịp thảo luận với họ về số phận của người phi công Hiroshima này. Theo lời Eatherly thuật lại thì qua những cử chỉ đầy ưu ái đối với ông ta, họ đã xem ông ta như một nạn nhân. Trong bức thư đề ngày 24 tháng 7 năm 1959 gửi từ Hiroshima, một nhóm gồm ba mươi thiếu nữ nạn nhân đang bị bệnh vì nhiễm chất phóng xạ nguyên tử đã nói với Eatherly : «Những giòng này nhằm bày tỏ cảm tình sâu xa của chúng tôi và bảo đảm với ông rằng chúng tôi không mảy may có chút hận thù nào đối với ông cả. Ông cũng là nạn nhân như chúng tôi». Những lời nói trên đây sẽ làm im tiếng bất cử kẻ đồng đẵng nào ( born equal) vì nó khiến cho chúng ta hãnh diện được làm những con người giữa nhân loại.

        Bởi vậy, thưa Tổng Thống, tôi không van xin Tổng Thống ân xá cho Eatherly ; tôi chỉ xin thỉnh cầu Tổng Thống hai điều sau đây ngõ hầu vụ Eatherly khỏi bị xem như vu Dreyfus :

        1) Xin Tổng Thống thẩm xét việc lập một hội đồng các y sĩ thần kinh và chỉ có hội đồng này quyết định số phận của Eatherly. Thành phần hội đồng này sẽ tương tự như một số những hội đồng chuyên môn của Liên- hiệp-quốc. Nó phải có tính chất quốc tế và gồm những chuyên viên về thần kinh xuất sắc nhất thuộc nhiều quốc gia. Chẳng hạn, một chuyên viên Thụy-điển, một chuyên viên Ấn-độ, một chuyên viên Ba-lan và một chuyên viên Nhật-bản. Thành lập được một hội đồng như vậy, nước Mỹ sẽ phục hồi lại tiếng tăm của mình, một quốc gia vốn là gươug mẫu về mặt tinh thần. Công việc này thực hiện vào đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống sẽ được xem như tiêu biểu cho những nguyên tắc lãnh đạo của Tổng Thống, nhờ đó thế giới sẽ tin tưởng vào những gì Tổng Thống chủ trương sau này.

        2) Vì Tổng Thống vốn nổi danh là một nhân vật tân tiến, thích tìm hiểu và không có thành kiến, tôi xin mạn phép được hình dung ra một cuộc tiếp kiến mà Tổng Thống sẽ dành cho Eatherly. Đấy không phải là cuộc yết kiến của một công dân đối với vị nguyên chủ quốc gia mà là một cuộc nói chuyện giữa hai người anh em ruột thịt. Bởi vì cái gánh trách nhiệm đang đè nặng lên vai Tổng Thống — và nó sẽ biến dần thành mối trách nhiệm về sự mất còn (to be or not to be) của toàn thể nhân loại — thật ra chẳng khác gì gánh nặng tinh thần mà Eatherly đã mang trên vai và thấy hiện diện thường trực trong tâm trí ông suốt gần mười lăm năm nay. Giá thử Eatherly là một kẻ vô danh tiêu tốt đi chăng nữa (đây hẳn không phả là trường hợp ấy), việc ông ta đã bị đày đi làm một công tác ngoài ý muốn và bị bưng bít để rồi ngày nay còn mang nặng hậu quả tinh thần như vậy, vẫn khiến ông ta trở thành một nhân vật bi thảm, tiêu biểu, một con người tương đương với Tổng Thống, không chỉ về phương diện « đồng đẳng (born equal) mà thôi1.

Kính thư       
Anders       

---------------------
        1. Tiếp theo đây là những đoạn trích trong thư từ của Eatherlỵ.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 03 Tháng Giêng, 2020, 11:37:39 pm

THƯ SỐ 58
gửi Claude Eatherly.

        Ngày 10 tháng 2 năm 1961. Anh Claude thân mến,

        Nếu biết chắc chắn thư sẽ đến tay anh thì tôi đã không chậm viết thư cho anh như thế này. Tôi vẫn hy vọng anh không đến đỗi tuyệt vô âm tín. Nhưng rồi sau nhiều tuần lễ bặt tin anh, tôi quyết định phải gửi thư cho anh, cho dù chẳng khác nào bỏ một thông điệp vào chai thả ra biên cả.

        Có lẽ anh sẽ hài lòng khi biết rằng tôi đã thu thập được vài chi tiết về phiên tòa nhờ một nhân chứng (anh không biết người này) có mặt vào buổi ấy. Ông ta đến dự phiên tòa không chút thành kiến và cũng chẳng biết anh là ai nữa. Ông ta không thuộc «phong trào» của chúng ta. Những điều ông ta thuật lại đã làm cho tôi hãnh diện về anh (phỏng tôi được quyền này chăng ?), vì ông ta cho rằng anh đã ứng đối đặc biệt linh hoạt (và còn thông minh hơn những người hiện diện trong cuộc, kể cả các y sĩ và quan tòa). Theo ông ta thì anh không hề mất ý thức trào phúng, và giấu sự thất vọng của anh với một nụ cười sau khi đã gây lúng túng cho những kẻ đòi đứng ra giám định tình trạng thần kinh của anh. Khi đọc đến đoạn nói về cái cười của anh, tôi đã không khỏi bật cười, dù tôi vẫn luôn luôn kính nể anh. Thư của người bạn ấy lại còn có đoạn phê bình khá hay về bồi thầm đoàn. Những người này đã cảm thấy khó chịu (và đã thú nhận như vậy) vì khi đối diện với anh trước tòa họ thấy anh hoàn toàn khác hẳn « với con bệnh loạn óc » mà các y sĩ đã mô tả cho họ biết trước đó. Họ đã giải thích nói đúng hơn, họ đã biện minh cho lời phán quyết của họ bằng câu nói sau đây : « Chung cục thì chúng tôi đâu phải là những chuyên viên mà chính là các y sĩ, họ phải biết nghề của họ chứ ! Chúng tôi đâu dám hoài nghi thẩm quyền chuyên môn của họ ? ».

        Như vậy, họ có vẻ hạ thấp tính chất dân chủ của một tòa án có bồi thẩm đoàn, bởi vì nếu cử dùng ảnh hưởng của các nhà chuyên môn để áp đảo tinh thần các bồi thẩm làm cho họ mất hết tự do ý chí, tất nhiên phiên tòa có bồi thẩm này bị biến thành một màn trào lộng vô nghĩa (các nữ y tá cũng có cung khai những điều có lợi cho anh. Họ quả quyết không hề thấy triệu chứng bất bình thường trong cử chỉ ngôn ngừ của anh.) Tôi kết luận rằng anh đã có một thái độ bất thường, nghĩa là một thái độ hợp lý một cách bất thường ; anh đã tự chủ được mình một cách bất thường.

        Có một điều duy nhất trong suốt bức thư đã làm tôi hoảng hốt. Đó là việc sau phiên tòa anh đã bị đưa trở lại về khu trại cũ của bệnh viện, tức là khu dành riêng cho những người điên và những người bị giao động tinh thần ; và người ta đã cắt đứt mọi liên lạc bình thường cần thiết với bên ngoài. Như vậy, thật khó xua đuổi ý nghĩ rằng những kẻ chủ trương giam cấm anh ở khu đặc biệt » ấy đang hy vọng làm cho anh hỏa điên, để trừng phạt anh về tội không chịu điên. Họ manh tâm làm cho SỊT dối trả của họ trở thành sự thực để rồi có thể khoác lác tuyên bố : « QUỶ vị xem, chúng tôi đâu có nói sai ?»

        Tôi yên trí anh sẽ xử sự như Daniel1 trong xà lim của anh (hoặc trong phòng riêng hay bất cứ đâu), và những kẻ « mang đá lại chực sẵn bên hố »sẽ chẳng được ngủ yên hơn vua Darius, sẽ trở lại để thấy anh bình thường, rồi phóng thích anh vì không thấy gì « đáng tội » nơi anh cả. Lễ ra phải sửa lại đoạn kết của câu chuyện này, bởi vì những kẻ hành hạ anh sẽ không phải chết để đền tội dưới hố sư tử như trong chuyện Daniel. Rồi đây chúng ta cần phải giải thích cho họ biết những động lực nào đã thúc đầy anh hành động, vận mạng của anh đã bất hạnh như thế nào, và thành quả của công việc anh làm sẽ tốt dẹp và hữu ích ra sao cho chính họ nữa.

        Có lẽ anh biết rằng trong suốt thời gian không có thư từ cho anh, tôi đã tìm mọi cách để gián tiếp giúp anh. Tôi có gửi một « bức thư ngỏ » đến Tổng Thống Kennedy để giãi bày trường hợp của anh (tiếp theo đây là đoạn tóm lược lá thư)... Tôi lại có gửi bản sao thư này đến một số tạp chí, nhật bảo và một số nhân vật khắp thế giới. Thư này đã được đăng lên báo chí, và tôi hy vọng nó cũng sẽ đến tay Tổng Thống Kennedy, mặc dù biết chắc rằng bản chính do tôi đích thân gửi đến tòa Bạch-ốc sẽ chấm dứt lộ trình của nó trong sọt rác của một viên thư ký nào đó. Một số bác sĩ thần kinh tại các nước đang thảo luận « ngoài hành lang » về những đề nghị  của tôi. Một trong những bạn thân của tôi, ký giả nổi tiếng khắp thế giới, đã giúp tôi (đúng ra là giúp anh đấy) bằng cách cho đăng một bài khá dài về anh trên vài tờ báo ngoại quốc. Claude ạ, hẳn anh thấy rõ anh chẳng bao giờ là con người bị bỏ quên (forgotten man) dù vận mạng anh ra sao và anh buồn chán đến đâu chăng nữa. Ý định của nhà cầm quyền bưng bít vụ của anh vô thời hạn trước mắt thế giới rồi đây sẽ ngày một yếu dần.

        Lại còn một cuộc vận động khác mà tôi cần báo cho anh biết : số là, sau khi đọc hai lá thư đầu tiên trao đổi giữa chúng ta, một nhà xuất bản lớn nổi tiếng khắp thế giới có tiếp xúc với tôi và đề nghị tôi để họ xuất bản những thư từ của chúng ta trong khuôn khổ chương trình hoạt động của họ. Thoạt tiên tôi do dự vì nghĩ rằng sáng kiển đó có thể bất lợi cho anh. Nhưng giờ đây, khi anh đã bị tuyên bố là « mắc bệnh thần kinh », tôi tự thấy có bổn phận phải làm cho thiên hạ biết anh bằng cách cho công bố những tài liệu ấy, và phải đưa ra dẫn chứng về thần kinh lành mạnh, sự liêm chính, tinh thần quả cảm và lòng vị tha của anh, cùng là những cố gắng của anh nhằm làm chủ được một tình thế đặc biệt. Do đó, tôi đã cho sao lại tất cả thư từ của chúng ta, vài hôm nữa tôi sẽ dành thì giờ đọc lại để có một ý niệm tổng quát. Dĩ nhiên là tôi sẽ không nêu ra tên tuổi của những người mà anh đã yêu cầu giữ kín. Đã nhiều lẫn anh có bảo tôi cứ việc dùng mọi văn bản của anh miễn là có lợi ích cho lý tưởng của chúng ta. Dù sao hồi đó anh cũng không thể dự tính hoàn cảnh nay sẽ thuận tiện ; vậy xin anh xác định lại giùm tôi việc anh chấp thuận để tôi khai thác những tài liệu ấy. Bất cứ vì lẽ gì tôi cũng chẳng bao giờ tự ý làm một việc nào trước khi hội ý với anh2.

        Cho đến nay, tôi chưa gặp nhà xuất bản ấy, các thư từ vẫn chưa được dịch ra Đức ngữ, các điều khoản hợp đồng chưa được thảo luận. Thành thử bây giờ bàn đến vụ đó kể cũng quá sớm. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta sẽ chia nhau đồng đều chỗ tiền nhuận bút.

        Tôi đã bắt đầu không ưa người bưu tín viên vì hắn ta cứ mang lại thư từ của những ai ở đâu đâu...

Bạn anh       
Giinther       

--------------------
        1. Daniel là một nhà tiên tri nổi tiếng xử Babylone vào thế kỷ 7 trước Thiên Chúa. Ông được hưởng ân sủng nhà vua, do đó bị các chiêm tinh gia dèm pha đến nỗi về sau ông bị kết tội và thả xuống hố sư tử — Nhưng kỳ lạ thay, Daniel không hề bị sư tử ăn thịt. (Chú thích của dịch giả bản Việt văn).

        2. Thư này không có hồi âm, nên tôi chẳng hề nhận được lời xác định việc chấp thuận nói trên. —  Nhưng Eatherly đã nhiều lần cho phép tôi cứ tùy thích khai thác các văn bản của ông, chẳng hạn như trong các thư số 54 và 65.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 04 Tháng Giêng, 2020, 09:09:26 pm

THƯ SỐ 59
của Gunther Anders gửi ô. Ray Bell,báo « Waco News Tribune»

        Ngày 28 tháng 1 năm 1961.
        Thưa ông,

        Tôi nghĩ ông có biết mơ hồ về cá nhân tôi, vì ông đã đích thân tham dự phiên tòa về vụ Eatherly. Nhiều tiếng đồn từ Hoa-kỳ vang đến đây làm cho tôi e ngại những ai hiện diện trong phiên tòa ấy đã có một ý niệm sai lầm về vai tuồng của tôi trong vụ án Bob Eatherly1.

        Tôi xin kèm theo đây bức « thư ngỏ » gửi Tổng Thống Kennedy trong đó tôi có giải thích tình trạng tâm lý và triết lý của « trường hợp » Eatherly. Để chửng minh một cách vững chắc Eatherly đã trở lại bình thường (đây là một từ ngữ hơi yếu để chỉ sự liêm chính, khả năng tự chủ và lòng vị tha !), tôi xin gửi kèm theo đây vài đoạn trích trong các thư từ của ông ta. Còn bức thư ngỏ của tôi thi đã được gửi đến nhiều tạp chí và nhật bảo tại nhiều nước và tất nhiên nó sẽ được phổ biến. Tôi có vài dữ kiện để tin rằng ông rất đặc biệt lưu tâm đến vụ án này, và các quan tòa, y sĩ và bồi thẩm sẽ có lợi nếu họ đọc đến bức thư ngỏ nói trên. Vì lẽ đó, tôi xin gửi kèm nó theo đây, và rất sẵn lòng để ông cho đăng lên quý báo...

        Không chỉ riêng về quý báo, ông còn có thể  dùng những văn bản của tôi trong trường hợp ông có liên lạc với các báo khác, chẳng hạn như tại Dallas, và giữ được mục « Nghiệp đoàn » ( syndicate column), ông có thể  dùng đến các bài của tôi. Để phục vụ sự thật, lẽ ra các phóng viên phải nhấn mạnh ở chỗ không có vụ gì xây ra trong thời gian hai tháng Bob Eatherly sống ngoài bệnh viện Waco. Rất tiếc là câu chuyện Eatherly bị bắt đăng trên báo chí Mỹ và Âu-châu đã không phản ảnh sự thật một cách chân chính ; thực vậy, người ta bảo rằng Eatherly đã phạm luật lưu thông! Tôi có nhận được những tiếng vang khác nhau rất xa về trường hợp Eatherly bị bắt. Tôi tưởng ông cũng nên thận trọng và phối kiểm lại một lần nữa các sự kiện trên.

        Tôi rất mong sớm được thư trả lời của ông.

Kính thư             
Gunther Anders       

THƯ SỐ 60
(tómlược), của Gunther Anders gửi ô. Roland « Tự do Dân quyền Hoa-Kỳ » Civil Liberties Union),

        Ngày 17 tháng 7 năm 1961.
        Thưa ông,

        Chúng ta hãy làm bất cứ gì để Eatherly khỏi phải liệt vào hàng những người bị bỏ quên (forgotten men). Đây quả là một hiểm họa thực sự rõ rệt, bởi vì chinh một thông tin viên báo France-Soir được cử đến tìm hiểu vụ này đã bị viên giám đốc giao tế của bệnh viện cựu quân nhân Waco (Veteran's Administration Hospital, Waco) xua đuổi với ngụ ý đòi dư luận phải bỏ quên vụ Eatherly, và để cho các đương sự quên đi dĩ vãng của họ.

        Sự từ khước của viên chức nói trên cho thấy rằng tôi rất có lý, vì cách đây khá lâu tôi đã từng quả quyết người ta không muốn để cho Eatherly học tập kinh nghiệm cá nhân của ông ta, và tôi cũng từng e ngại rằng các y sĩ cố hết sức dìm sâu Eatherly vào trong một tình trạng thần kinh có cơ làm mất hết khả năng suy lý và đến cả trí nhớ của ông ta nữa. Vấn đề đối với họ là phục hồi sức khỏe của một con người bằng cách hủy diệt trí nhớ của đương sự. Tôi trưởng thành trong sự thấm nhuần khoa tâm lý học và tôi phải thú nhận rằng tôi quá hổ thẹn đến có thể độn thổ được khi nghĩ đến những tiêu chuẩn và phương thức hành động của các y sĩ thần kinh tại bệnh viện Waco...

Kính thư             
Gunther Anders       

-----------------------
        1. Những người thân thường gọi Ealherly là Bob- tiếng này do tiếng Robert (tên lót của Eatlierly).


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Giêng, 2020, 02:35:26 pm

THƯ SỐ 61
của ông Ray Bell gửi Gunther Anders.

        Ngày 1 tháng 3 năm 1961.
        Ông Anders thân,

        Tôi rất lấy làm hài lòng và vinh hạnh đã nhận được thư ông, có đính kèm bức thư ngỏ gửi Tổng Thống Kennedy. Rất tiếc là tôi không thể cho đăng bức thư ngỏ ấy lên bản báo (khuôn khổ của báo không được thong thả, vả lại chủ nhiệm cung do dự không dám cho đăng những văn bản cỡ ấy); tuy nhiên tôi cũng đã gửi bức thư của ông đến hai tạp chí Mỹ, họ có thể khai thác thư đó trong nay mai.

        Thực ra theo tôi nghĩ, điều quan trọng hơn cả là nên trao một bản sao bức thư của ông cho vị trạng sư của Eatherly hầu dùng khi ông ta khởi tố. Tôi có cảm tưởng tinh thần của bức thư ấy sẽ không khỏi gây xúc động mạnh nơi bồi thẩm đoàn.

        Có lẽ ông biết rằng trạng sư Tom Moore, người nhận biện hộ cho Eatherly, hy vọng có thể  kháng tố trong nay mai. Lẽ ra ông ta đã kháng tố, nếu sau phiên tòa vừa rồi không xảy ra hai vụ lạ thường dưới đây :

        1) Kể từ sau ngày 12 tháng giêng tức là ngày Eatherly ra tòa, con số các vụ phá phách của các bệnh nhân tại bệnh viện cựu quân nhân (Veteran’s Hospital) được ghi nhận là đặc biệt cao.

        2) Tôi nghe nói những bồi thẩm nhân dân trong phiên tòa tới có thể dựa theo phán quyết của những người trước để bác bỏ việc Eatherly rời bệnh viện. Tôi thiết tưởng tệ trạng này không khỏi làm tiêu tan hết hy vọng được trả tự do của Eatherly sau này.

        Hẳn ông biết tôi hiện đang cộng tác chặt chẽ với trạng sư Moore. Thú thực, tôi rất ngạc nhiên trước phán quyết của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa ngày 12 tháng giêng và cũng hơi chấn động (more than a little moved) vì sự ngu xuẩn phản ảnh qua phiên tòa. Như vậy là người ta đã nêu ra một số sự kiện có vẻ không đáng tin cậy để chứng minh bệnh tình của Eatherly. Tôi cũng thấy thật là phi lý khi người ta quả quyết — dù là một y sĩ thần kinh hay một người thường — rằng chỉ cần xét cái bắt tay của một người cũng có thể biết tình trạng thần kinh của đương sự.

        Chi tiết này không những khiến cho tôi chú ý mà còn khiến cho tôi bất bình nữa. Tôi khẩn khoản đòi hỏi phải có sự công minh và tôi thiết tha mong mỏi được góp phần khiêm tốn vào công việc này. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thắng cuộc, nhưng vị trạng sư của Eatherly cần có sẵn đầy đủ những tài liệu có giá trị và không thể bị tòa bác.

        Sau khi tòa phán quyết, tôi có dịp phỏng vấn riêng từng người một tất cả sáu vị bồi thẩm nhân dân đã có trách nhiệm quyết định vụ này. Tôi cho rằng phần đông họ là những người có danh giá và đứng đắn, duy chỉ họ thiếu uyên bác và thiếu cả những kiến thức cần thiết. Khả năng văn hóa của họ chỉ vừa đủ để họ theo dõi một cách mơ hồ những lời biện bạch của các y sĩ thần kinh, để rồi cuối cùng họ đương nhiên chấp nhận mọi kết luận của giới y khoa. Rất tiếc là các bồi thẩm nhân dân không đủ sức hiểu nổi một con người như Eatherlv và các môi trường đã đào tạo nên ông ta (could not comprehend a man of Ealherly’s make up and upbringing)1. Dĩ nhiên, đối với mọi người chúng ta, thật khó mà kết luận về những kinh nghiệm, thử thách mà chúng ta không hè đích thân trải qua.

        Tôi muốn nhấn mạnh điểm này: theo tôi thiển nghĩ, bồi thẩm đoàn không gồm những kẻ có gian ý hoặc đã được dặn dò trước. Xin nói vắn tắt là các bồi thẩm đã bị bưng bít tất cả mọi sự kiện. Nếu họ biết các sự  kiện — vào một thời khắc nhất định nào đó của cuộc nghị án — nếu họ được thấy trưng bằng cớ về những bài báo do Eatherly viết, tất nhiên lời phán quyết của họ sẽ có thể khác hẳn.

        Tôi muốn yêu cầu ông điều sau đây nhưng vẫn ngại làm phiền ông: nếu có thể được, xin ông vui lòng cho tôi biết các chi tiết về sự liên lạc giữa ông và Bob. Tôi xin bảo đảm những tài liệu đó chỉ được dùng để bênh vực cho ông ta thôi. Tôi thiết nghĩ như vậy sẽ có ích khả nhiều cho Bob.

        Dầu sao chăng nữa, tôi sẽ viết dài về vụ Eatherlv trên tờ báo của chúng tôi và trên tất cả những tạp chí nào đồng ý để cho độc giả của họ biết vụ án này. Vào lúc này kể ra cũng rất khó làm một cái gì. Phần lớn báo chí Mỹ có luận điệu bất lợi cho Eatherly, hoặc vì nhãn hiệu « bệnh nhân thần kinh » hoặc vì cái mũ «chủ hòa» khá buồn cười mà người ta chụp cho ông ta. Thái độ trên là do sự thiếu thông cảm và cũng do sự thiếu những tài liệu chứng minh. Tôi được biết ông có viết chung vài bài báo với Eatherly, và hình như cả một cuốn sách nữa, tôi thiết nghĩ những bản sao các tài liệu cộng tác ấy sẽ giúp ích nhiều cho tôi, cho Bob và cho trạng sư của ông ta.

        Thực tình mà nói, tôi có cảm tưởng chúng ta đang đứng trước một trong những vấn đề khá hàm súc ý nghĩa của thế hệ chúng ta và có lẽ của toàn thể nhân loại nữa là khác. Ảnh hưởng của vu này có thể rộng lớn vô cùng (the impact and the implications).

        Tôi rất mong được góp sức vào vụ án này, cho dù chỉ là một phần đóng góp nhỏ nhặt.

Kính thư       
Ray Bell       

--------------------
        1. Tôi không được rõ tác giả bức thư nói đến địa hạt đào tạo nào !


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Giêng, 2020, 03:42:48 pm

THƯ SỐ 62
của Gunther ông Ray Bell

        Ngày 16 tháng 11 năm 1959
        Kính gửi anh Ray Bell,

        Anh thật quá khiêm tốn : thư vừa rồi của tôi có gì đâu để làm anh thấy hài lòng và vinh hạnh? Đáng hài lòng chăng là ở chỗ có những con người — chỉ vì họ là con người — cùng bị cắn rứt vì một mối bất mãn chung. Chính lá thơ trả lời của anh đã gợi cho tôi ý nghĩ ấy. Sở dĩ tôi có nhiều can đảm hành động là vì nhận thấy không cử gì chúng ta  phải ở gần gũi nhau mới cộng tảc được, và đối với những ai đã đồng tâm nhất trí thì cho dù nghìn trùng cách trở vẫn chẳng khác nào lảng giềng cùng khu phố vậy (just around the corner). Trước khi trả lời những điểm trong thư anh, xin anh cho phép tôi kể ra đây vài sự việc chắc chắn sẽ được anh và trạng sư Moore lưu tâm đến:

        1) Loid Roussel vừa gửi đến tôi một bài báo trong đó ông ta căn cứ vào những bức thư của Claude và nhận xét : «Nếu một người đủ tư cách viết được những thư này mà còn bị phán quyết là «mắc bệnh thần kinh», thì tôi dám sống thản nhiên những ngày cuối cùng của đời tôi trong một dương trí viện, vì ở đấy tôi sẽ được chung sống với những con người đang còn giữ được ý thức nhân đạo.»1.
         
        2) Những bài báo có hình ảnh (ở nhiều đoạn) nói về Claude và sự trao đổi thư từ giữa ông ta với tôi, đã được đăng tải trên những tờ báo lớn tại Pháp và Ý (chẳng hạn tờ France-soir và tờ Europa).

        Anh thấy rằng vụ này đã được phổ cập đến tận tai mắt thế giới ; và thật chẳng có gì quả đáng nếu tôi nói rằng hằng vạn người khắp Âu Ả đang hướng về Claude và nóng lòng chờ đợi người ta thu xếp êm đẹp một vụ án đã bị đánh lạc hướng ngay từ đầu. Thêm vào đó, cần chú ý rằng phương thức giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến uy tín của Hoa-kỳ. Hình như đấy là một trong những điểm then chốt mà trạng sư Moore sẽ nêu ra với bồi thẩm đoàn, cần cho những người này hiểu là họ có hai việc phải làm sau đây:

        a) Họ cần phải tận tâm cân nhắc để quyết định vận mạng của Eatherly, con người đã vô tình phạm tội.

        b) Họ càn phải tỏ ra xứng đáng với lý tưởng của Hoa-Kỳ và chớ nên phả hoại uy tín của quốc gia họ bằng cách nghe lời thuyết

        phục của những kẻ giấu mặt (hidden persuaders) có dụng ý lèo lái họ để bảo vệ những quyền lợi chính trị và quân sự.

        1) Tôi không hề được tin Claude kể từ ngày 22 tháng 12. Từ trước đến nay chưa bao giờ chúng tôi bị cắt đứt liên lạc quá lâu như vậy. Việc này có vẻ xác nhân thư trước của anh, theo đó Eatherly đã bị biệt giam tại phòng số 10 ( Ward 10). Tôi ngại họ ngăn cấm luôn Eatherly, không cho viết thư và nhận thư nữa. Tôi không muốn hồ nghi chính quyền Mỹ « sản xuất » một Eatherly mang tâm bệnh, tuy nhiên — và đây là một điểm khác mà trạng sư Moore cần lưu ý đến — chúng ta không thể phủ nhận rằng một phương thức điều trị như vậy rồi ra sẽ không khỏi tạo nên nơi Eatherly một tình trạng lý trí và tình cảm bất bình thường. Hiểm họa lại càng trầm trọng hơn nữa khi Eatherly đã không được sống đời sống xã hội bình thường từ nhiều năm nay và không được hưởng những lạc thú thiên nhiên của sự sống. Như vậy nguồn sinh lạc lẽ ra phải giúp Eatherly đương đầu với những thử thách tày trời, nay đã khô cạn rồi. Xét tình hình trên, ta phải thản phục Eatherly đã không có hành động nào bất thường trong suốt thời gian hai tháng sống bên ngoài dưỡng trí viện, ông ta đã ung dung biểu dương một khả năng tự chủ hoàn toàn. Đấy là điểm thứ ba khá hữu ích cho trạng sư Moore.

        Đến đây, tôi xin trả lời về khoản anh hỏi lấy tài liệu. Kể ra thì cũng khó mà gửi cho anh tất cả những thư từ liên lạc giữa Claude và tôi: vả lại chúng cũng sắp được một nhà xuất bản lớn in ra thành sách nay mai. Điều này lại hoàn toàn không có nghĩa là anh không được biết đến các tài liệu ấy, bởi vì mục đích chính yếu của bao nhiêu cố gắng của chúng ta là trực tiếp giúp đỡ cho Claude. Nếu anh hoặc trạng sư Moore đặt những câu hỏi chính xác về một điểm nào, tôi sẽ cố gắng xem lại các thư từ của Eatherly và cho chụp phóng ảnh những đoạn có thể thay lời giải đáp. Dĩ nhiên là cuốn sách tôi vừa đề cập sẽ làm cho công chúng lưu tâm đặc biệt đến trường hợp của Claude. Robert Jungk, một tác giả nổi tiếng tại các nước dùng Đức ngữ và nhiều nơi khác sẽ đề tựa và ký tên cuốn sách này. Thật là một điều dễ hiểu nếu những thư từ của Eatherly được các nhà xuất bản chú ý bởi vì hai bức thư đầu tiên trao đổi giữa chúng tôi được bảo chí nhiều nước đăng tải. Bức thư trả lời của Claude đã gây xúc động trong giới xuất bản và khiến họ theo dõi vụ này.

        Khả nhiều chi tiết trong thư anh, chẳng han cảm tưởng của anh về bồi thẩm đoàn nhân dân và tình trạng mê loạn tại bệnh viện cựu quân nhân từ sau ngày 12 tháng giêng, thật hoàn toàn mới lạ và rất quan trong đối với tôi. Xin thành thật cảm ơn anh về những tin ấy, và xin anh vui lòng cho tôi được tiếp tục biết thêm diễn tiến của tình hình. Thực tình tôi chưa hiểu thấu đáo ngụ ý của anh khi nói đến «rất nhiều vụ phá phách của các bệnh nhân tại bệnh viện cựu quân nhân từ sau phiên tòa ngày 12 tháng giêng», phải chăng đấy chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay anh liên tưởng đến một sự nhân quả nào giữa phiên tòa và biến cố tại bệnh viện ? (chỗ này có lẽ tôi diễn đạt tư tưởng hơi vụng về?).

        Trước khi chấm dứt thư này, tôi muốn xác định lại sự hoan hỷ của tôi khi được thấy anh hiện diện trong hàng ngũ hiếm hoi của những con người «bất hạnh» (unhappy few) đã hiểu rằng vụ án Eatherly đang lôi kéo nguyên cả tình trạng đạo đức của chúng ta  ra trước vành móng ngựa. Chúng ta hãy hãnh diện được cầm giữ trong tay — như một mẫu thu nhỏ — một cái gì đang chứa đựng và chứng minh tất cả các vấn đề đạo đức hiện nay. Chúng ta đang hoạt động để phục vụ một người, nhưng kỳ thực chúng ta không chỉ hoạt động cho mỗi một mình người ấy. Cho dù vụ án Eatherly sẽ đưa đến những gì tày trời đi chăng nữa, chúng ta vẫn vững tâm nhận thức rằng chúng ta đang đầu tư nội lực vào vấn đề duy nhất của thời đại.

Kính thư             
Giỉnther Anders       

-----------------------
        1. Báo New Statesman số ra ngày 17 tháng 2 năm 1961.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Giêng, 2020, 12:21:43 pm

THƯ SỐ 63
(tóm lược) của Gunther Anders gửi bác sĩWalter F.Ford, Giám đốc Nha Chuyên nghiêp, Bệnh viện Cựu quân nhân (V-T. Hospital) Waco, Texas.

        Ngày 18 tháng 4 năm 1961.
        Thưa ông,

        Tôi may mắn được đọc một bức thư do ông gửi cho một trong những thân hữu của tôi. Ông đã dựa trên « bức thư ngỏ gửi Tổng Thống  Kennedy » của tôi để chẩn đoán rằng tôi đang mang «mặc cảm Dreyfus». Ông bảo « không thể nào hy vọng chữa lành bệnh những phần tử mang mặc cảm Dreyfus, nhất là khi họ sống cách đây hàng trăm nghìn cây số ».

        Tôi không hiểu vì lẽ gì ông nói đến « mặc cảm » ? Phải chăng Socrate cảm thấy cần phải dạy chân lý cho tuổi trẻ? Không phải! ông ta đang bị «mặc cảm giáo dục »! Phải chăng Hegel cố gắng đặt để một nguyên tắc lịch sử phổ quảt ? Không phải! Ông ta đang khổ vì một « mặc cảm hệ thuyết». Các y sĩ tận tâm tận lực chữa bệnh ư? ông nhầm rồi đấy! Họ đang khổ vì «mặc cảm sức khỏe » ! Có những người đang đói? ông lại muốn cười hay sao? Họ đang có «mặc cảm miếng ăn» đấy ! Eatherly hối tiếc về vụ Hiroshima ? Đâu có ! Ông ta bị « mặc cảm tội lỗi ». Anders muốn giúp Eatherly? Đây là điển hình của một « mặc cảm Dreyfus ». Phương pháp của ông áp dụng thật quá gương mẫu. Chỉ còn có những mặc cảm thôi. Và kết quả thật xây dựng:

        1) Ông khỏa lấp khéo léo tính chất phức tạp của một vấn đề,

        2) Ông lừa gạt những kẻ đồng loại của ông rằng lý tưởng đấu tranh của những phần tử bị ông chẩn đoán thật chẳng xứng đáng tí nào.

        Ổng mang những ai bênh vực cho lý tưởng đấu tranh ấy ra làm trò cười cho thiên hạ.

Kính chào ông       
Anders           

THƯ SỐ 64
của Giinther Anders gửi ô. Robert Kennedy1 Chánh án Washington D. C.

        Ngày 7 tháng 3 năm 1961
        Thưa ông Tổng trưởng,

        Một tạp chí Đan-mạch, vốn có đăng tải cách đây vài tuần lẽ « bức thư ngỏ gửi Tổng thống Kennedy » của tôi vừa cậy tôi trả lời bức thư mà ông Tổng trưởng đã gửi cho giáo sư Johannes Knudsen sau khi ông Tổng trưởng biết về bức thư ngỏ nói trên.

        Dĩ nhiên ông Tổng trưởng còn nhớ rằng bức thư của ông hầu hết chỉ sao lại bản phúc trình mà ông Tồng trưởng đã chỉ thị cho cơ quan quản trị cựu quân nhân đệ lên quý Bộ.

        1) Bản phúc trình ấy bắt đầu bằng câu sau đây : «Ở Eatherly đã nhiều lần là một bệnh nhân tình nguyện lưu trú ( patient) tại bệnh viện cựu quân nhân của chúng tôi ở Waco ». Tôi xin cảm ơn ông Tổng trưởng đã trích chuyển câu vừa rồi, vì nó đã xảc nhận thêm lập luận của tôi cho rằng việc bắt và giam lại Eatherly sau khi ông ta ung dung rời bỏ bệnh viện, quả là một vi phạm đối với quy chế «tình nguyện» của đương sự.

        2) Bản phúc trình được phổ biến này lại còn nói thêm : Eatherly có báo trước cho ban giám đốc bệnh viện rằng ông ta dự tính (expected) rời bệnh viện ; do đó bệnh viện đã bảo cho bào huynh của Eatherly (ở James) biết và ông này đã làm đơn xin bệnh viện giữ lại đương sự. Trường hợp lời khai trên đây là đúng sự thực đi chăng nữa, nó sẽ xác nhận lập luận của tôi rằng danh từ « bệnh nhân tình nguyện lưu trú » chỉ là một danh từ trống rỗng.

        3) Bản phúc trình ghi nhận phiên tòa ngày 12 tháng giêng năm 1961, theo đó tòa xét ô. Eatherly cần được điều trị chứng thần kinh và phải trở lại bệnh viện của cơ quan quản trị cựu quân nhân... Phán quyết này thật quá mâu thuẫn với thực tế, vì :

        a) trong bản phúc trình có ghi : « Thực vậy, tòa có tuyên bố Eatherly đủ khả năng điều hành mọi tư sản của ông ta ». Nhất là tại quý quốc, điều này chứng tỏ đương sự có khả năng ở một địa hạt khá quan trọng ;

        b) tất cả sự thật đã được ghi trong một bản tường thuật do một nhân chứng có dự phiên tòa gửi đến cho tôi (tiếp theo đây bản tường thuật, xin xem thư số 58)

        Về thuyết của bệnh viện, thuyết này chẳng ăn khớp tí nào với lời tường thuật đầy đủ chi tiết do chính Eatherly gửi đến tôi ; lẽ tất nhiên tôi không có lý nào nghi ngờ đương sự. Ngược lại, tôi tự thấy có quyền nghi ngờ bản phúc trình của cơ quan quản trị cựu quân nhân, vì ông Tổng trưởng biết rằng cơ quan này đã nhiều lần tỏ ra làm việc thiếu chính xác — Chẳng hạn họ đã man khai ngày Eatherly rời bỏ bệnh viện và công bố với bảo chí thế giới một ngày giả tưởng (22 tháng 11, thay vì 19 tháng 10),

        Trở lại từ đầu thư này, tôi thiết nghĩ ông Tổng trưởng cũng muốn biết qua câu tường thuật sau đâv đăng trên tờ Washington Post and Time-Herald ra ngày 5 tháng 12 năm 1960: « Một số viên chức của cơ quan quản trị cựu quân nhân tuyên bố rằng họ không có thẩm quyền bắt Eatherly và đưa trở lại bệnh viện ». Bộ óc phàm tục của tôi thật chẳng hiếu được vì sao những giới chức kia lại có thể bắt giữ một người đã từng tự do sống tại bệnh viện, ung dung rời bệnh viện và không hề có một hành vi phạm pháp nào trong suốt thời gian ở ngoài bệnh viện. Lẽ tất nhiên, tại Hoa-kỳ cũng như tại Âu- châu mọi người đều biết khi bị bắt giữ về tội « vượt đèn đỏ » Eatherly không hề ngồi ở tay lái. Nói cách khác, tôi không thể nào hiểu được từ ngữ « tình nguyện » theo cái nghĩa thông thường của nó.

        Tôi tin tưởng nếu giải quyết được vụ án Eatherly thì cũng chẳng có gì làm tổn thương uy tín của nước Mỹ.

Kính thư             
Gunther Anders       

------------------
        1. Tổng trưởng Tư pháp, bào đệ của Tổng thống Kennedy.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 02:50:27 pm

THƯ SỐ 65
gửi Claude Eatherly

        Ngày 10 tháng 5 năm 1961
        Anh Claude thân,

        Nếu bảo tôi có nhiều hy vọng thư này sẽ đến tay anh thì sẽ không thành thực đối với anh. Đã bốn tháng nay tôi không hề được tin anh và tôi cho rằng anh cũng chẳng nhận được thư từ của tôi. Phải chăng anh đã đâm ra hoài nghi tất cả trong cái thế giới câm nín mà anh dang sống, hoặc giả anh ngại rằng tôi đã hết hy vọng và đã bỏ cuộc ? Tôi nghĩ rất có thể như vậy, vì anh không được biết một việc mà tôi đã làm trong thời gian anh biến dạng. Anh Claude ạ, những e ngại của anh, nếu có, thì thật oan cho tôi lắm đấy. Vì trái lại, càng không liên lạc được với anh, càng trông đợi tin anh, tôi lại càng cảm thấy vận mệnh của anh quan trọng phi thường. Sự im lặng của anh còn có nhiều âm vang trong tai tôi hơn là tiếng nói của anh. Tôi không có can đảm tỏ ra hờ hững với âm vang của sự im lặng ấy.

        Sự im lặng của anh đã thúc đẩy tôi vận động cho anh bằng cách viết ra một « bức thư ngỏ » nói về vận mệnh của anh. Để bức thư được thêm phần tác dụng, tôi đã viết gửi cho Tổng thống Kennedy ; và gần đây thư này đã được phổ biến ra công chúng. Tổng thống Kennedy không trả lời bức thư nhưng một viên thư ký có hồi âm cho biết Tổng thống đã nhận được thư tôi. Bởi vì hiện nay một số giáo sư đại học đã cho sao thư ấy và phổ biến khắp Hoa-kỳ ; kết quả là, mặc dù bị giam giữ, anh đã đi thẳng vào tâm trí của nhiều người, và kết thêm được khá nhiều bạn hơn trước, còn nhiều hơn cả thời mà hình ảnh của anh được tôn là chàng trai có nhiều chiến công phi thường (glamourous victory boy) trên báo chí khắp thế giới. Những bức tường ngăn cách anh với thế giới bên ngoài giờ đây đã trở nên giả tưởng rồi. Từ các ỵ sĩ, đến «Không-Lực» và những thân nhân khiếp nhược của anh, tất thảy đều bó tay trước sự kiện này. Dù anh không được thấy mặt các thân hữu của anh, họ vẫn luôn luôn hướng về anh. Như vậy là anh đâu còn bị giam cầm nữa ? Nếu có những kẻ bị « giam cầm » (hay đúng hơn : bị nhân loại chán ghét) thì đấy chính là bọn điên khùng đã gán cho anh cải bệnh loạn óc chỉ vì anh còn đầy đủ lương năng để hành động theo mức hiểu biết của anh. Có thể chấp nhận rằng những kẻ giam cầm anh thực lòng thương hại anh. Nhưng sự thương hại ấy cũng chẳng có giá trị gì. Bởi vì nó bắt nguồn từ chỗ người ta sợ, người ta sợ sự thật.

        Không phải ngẫu nhiên mà tôi nghĩ nhiều đến anh trong những ngày gần đây và tôi lại tìm cách làm cho tiếng nói của tôi đến tận anh một lần nữa. Bởi vì suốt mấy tuần lẽ nay, những con người như anh, và tất cả những ai mà lòng trắc ẩn chưa bị chai chì, đều không khỏi phẫn nộ về vụ Eichmann.

        Hẳn anh biết Eichmann là kẻ đã tổ chức vào những năm sau 1940 cuộc tiêu diệt hằng triệu nhân mạng, nào là dân Do-thái, dân Ba-lan và dân du mục (tziganes) ; hắn là kẻ đã thi hành một cách trung thành phận sự của một viên « thư lại lãnh việc giết chóc ». Có lẽ anh đã đọc những bài tường thuật đăng trên báo chí : hẳn ta « thành thực khai rằng hắn chỉ là một công cụ, một « bánh xe trong guồng máy khủng bố », và chỉ có tỏ ra trung thành với lời tuyên thệ đã liên kết hắn với Hitler. Tóm lại, hắn ta tuyên bố là hắn «vô tội theo tiêu chuẩn người ta đã lên án hắn». Chúng ta biết rất ít về những tội phạm của Eichmann, cũng như về đời sống của hắn trong mười lăm năm qua trước khi hắn bị bắt. Trong thời gian đó hắn chẳng bao giờ nói đến tội trạng của hắn, chẳng bao giờ bày tỏ lập trường, chẳng bao giờ đau khổ thái quá. Thế nhưng thật khó chấp nhận rằng hắn chỉ là một công cụ. Việc Eichmann ngồi uống rượu « cô nhắc » tham dự các hội nghị trong đó bọn chủ xướng thảo luận về việc thanh toán hàng triệu người và những phương thức thích hợp để đạt mục đích của chúng, lẽ tất nhiên là quá mâu thuẫn đối với vai tuồng thư lại vô nghĩa mà hắn hạ mình tự gán lấy hầu giảm thiểu tội trạng của hắn. Hắn ta sẽ khó mà chống chế rằng hắn chỉ có điều khiển văn phòng phụ trách lập phiếu cho các vụ sát hại, và ở cương vị một viên chức hắn không thể hình dung nổi tầm mức rộng lớn của cuộc giết chóc. Lời chống chế ấy (lẽ ra không được xem là một sự chống chế) không đúng với sự thật, bởi vì hắn đã có dịp chứng kiến vụ ám sát những người có tên và giả hiệu viết bằng kim nhũ khá xinh xắn trong các hộc phiếu của hắn. Dĩ nhiên hẳn chẳng khoái gì cái cảnh lò thịt ấy ; và bây giờ hắn đề nghị — quả là một thái độ thiếu nhân cách — chúng ta nên thương hại hắn vì hắn đã biết chốn ghét cái cảnh ấy ngay hồi đó... Thế nhưng sự chán ghét của hắn có ngăn cản được hắn điều khiển năm này qua năm khác cái văn phòng thanh toán nhân mạng ấy và thi hành phận sự một cách trung thành đâu ?


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 02:52:12 pm

        Những lời khai của Eichmann, chẳng hạn : «Tôi chỉ là một cái bánh xe quay theo guồng máy » hoặc «Tôi chỉ có tuân hành chỉ thị » thật quả ghê tởm vì chúng nó giống hệt như những lý lẽ mà mọi người viện ra ngày nay. Lý lẽ của những công nhân ráp hỏa tiễn « Polaris », của những nhà khoa học ngồi thí nghiệm những sản phẩm chiến tranh hóa học (chemical warfare) của người bạn đồng ngũ Francis Powers của anh đã từng suýt gây đại họa vì các chuyến bay thám thính của hắn... Quý hơn nữa, những lý lẽ ấy là những « liều thuốc an thần » mà họ cho chúng ta uống đê mê hoặc lương tri của chúng ta ! Chúng ta đừng mơ ước hão, vì nếu phủ nhận những lý lẽ của Eichmann, chúng ta sẽ bị xúc động thực sự vì trường hợp đặc biệt của con người ấy.

        Hoặc giả họ sẽ cho chúng ta là những kẻ mắc bệnh thần kinh.

        Giờ đây, khi những biến cố tày trời cách đây ngót vài chục năm đang được làm sống lại, tôi càng đặc biệt nghĩ đến anh, Claude ạ, bởi lẽ đối với họ anh là cái thái cực sinh động cao quý hiện diện trong hàng ngũ chúng ta để an ủi những kẻ có lương năng. Trước kia, khi bị sử dụng như một bánh xe guồng mảy, anh không hề ý thức được điều mình làm. Nhưng khi nhận chân được việc mình vừa làm xong, anh đã vùng dậy và thét lên : « Không được ! » Lời phản kháng ấy, anh đã lập lại mỗi ngày kể từ sau vụ đại họa. Anh đã không hèn hạ, không tìm cách chạy tội với câu « Tôi chỉ là cái bánh xe guồng máy, tôi có tội gì đâu ? » Trái lại anh đã nói : «Nếu một bảnh xe có thể đảm nhận một hành động đắc tội cỡ đó, chúng ta có quyền từ khước không làm những bánh xe guồng máy ». Eichmann và anh chính là hai hình ảnh đối chiếu nơi đầu mũi chiếc thuyền thời đại của chúng ta. Nếu trước mặt một Eichmann không có những mẫu người như anh, chúng ta sẽ thất vọng là phải.

        Claude ạ, xin anh đừng nghĩ tôi mang anh ra đối lập với Eichmann là quá đáng. Sáng nay tôi đã nhận chân sự đối lập ấy khi tôi xem báo thấy Servatius, kẻ biện hộ cho Eichmann (với Eichmann thì có một trạng sư biện hộ có âm vang rộng lớn như vậy, còn với anh thì không) đã lì lợm tuyên bố: « Một người chỉ biết thi hành thượng lệnh như trường hợp của một Eichmann không thể bị gán buộc trách nhiệm về việc hắn đã làm, chẳng khác nào người ta không thể buộc tội kẻ đã ném quả bom Hiroshima ». Thiết tưởng chúng ta không cần vạch ra cái quái dị của một sự so sánh như vậy, bởi vì anh và các bạn đồng ngũ của anh đã làm những việc mà các anh có quyền xem như những hành động chiến tranh, trong khi Eichmann, ngày lại ngày, đã tiêu diệt những nhân mạng không hề có chút giá trị tiêu biểu nào về phương diện chiến tranh cả. Anh đã chấp nhận trách nhiệm về những hành động mà chẳng ai lấy làm tiêu chuẩn để kết tội anh, mà chẳng ai muốn trút trách nhiệm cho anh ; trái lại người ta mang một Eichmann ra so sánh với anh hầu khỏa lấp trách nhiệm của hắn...

        Anh Claude, dù có cảm thấy cô đơn mỗi buổi sáng khi ngủ dậy, anh đừng quên rằng anh đang được cải diễm phúc khôn tả là một yếu nhân mang niềm an ủi và hy vọng đến cho chúng tôi. Sánh với vai tuồng trọng yếu mà anh đang thủ một cách ung dung, thì việc anh bị giam cầm về thể xác và không được nhìn thấy những kẻ được anh an ủi, thật chẳng có nghĩa lý gì. Tất cả chúng tôi đều nghĩ đến anh với lòng biết ơn vô biên. Và một ngày nào đó, khi chúng tôi — nghĩa là tất cả những ai xem sự hiện hữu của anh là một nguồn an ủi — được gặp lại anh, anh sẽ thấy sự hy sinh mà anh đã chấp nhận trong những năm qua không có gì đáng kể cho lắm. Vậy chúng ta hãy cùng làm việc để đạt đến ngày gặp gỡ ấy !

Luôn luôn là bạn anh       
Gunther               

PHỤ - LỤC

        Trong lúc những thư từ trao đổi với Eatherly đang được lên khuôn, thì — sau gần sáu tháng bị gián đoạn — tôi lại được tin tức về ông ta. Thực vậy, sự tiến triển của tình hình mà tôi xin miễn tìm hiểu lý do ở đây, cho phép chúng ta có quyền hy vọng. Chúng tôi có thể thông bảo cho độc giả biết một giai đoạn mới của vụ này đã mở màn. Vụ án Eatherly còn tiếp tục. Có thể vụ án đã đạt tới một thành quả mỹ mãn khi cuốn sách này đến tay quần chúng.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 02:54:12 pm
 
THƯ SỐ 66
gửi Giinther Anders.

        Ngày 30 tháng 5 năm 1961.
        Cao ốc 10.
        Anh Giinther thân mến,

        Tôi rất sung sướng đã lại nhận được tin anh cho hay anh và quý quyến đều được yên lành cả. Xin anh tha lỗi cho tôi đã không viết thư được cho anh trong thời gian qua. Tôi có tiếp được một lá thư của anh cách đây chừng ba tháng. Tôi vẫn được mạnh giỏi tại bệnh viện.

        Nhưng hiện nay tôi không thể có những tin đích xác về việc được trả tự do. Hồi tháng giêng, tôi có cố gắng đòi được phóng thích trong một phiên tòa. Tôi lại sẽ tranh đấu nữa, nhưng với điều kiện là các y sĩ cho biết những tin tức giúp tôi vững tâm hơn trong vụ này. Anh cứ lầm tưởng sự giam giữ kéo dài này làm cho tôi xuống hẳn tinh thần, nhưng kỳ thực tôi không hề nao núng, bởi vì dù sao chung cục rồi cũng sẽ có một tia sáng (a break). Cô F. có cho tôi biết về lá thư anh gửi cho cô ta.

        Tôi có đọc một bài bảo nói về tôi và cũng được biết tác phẩm mới của anh sắp xuất bản nay mai. Tôi mong sách đó được dịch ra Anh ngữ hầu tôi có thể đọc được !

        Tôi có theo dõi vụ án Eichmann vì các báo hàng ngày vẫn tường thuật về vụ ấy. Dù có tìm phương chống chế đến đâu hắn cũng chẳng có lối thoát... Trong thế giới này không có chỗ dung thân cho một kẻ như Eichmann.

        Tôi không hề có tin tức gì của các thân nhân tôi. Và cũng chẳng trông đợi họ giúp đỡ gì được cho mình...

THƯ SỐ 67
của Bộ Tư pháp, Washington D. c. gửi Gunther Anders.
        Ngày 26 tháng 5 năm 1961
        Thưa ông,

        Ông Tổng trưởng Tư pháp có nhờ tôi trả lời bức thư thứ nhì của ông về vụ Eatherly! Theo thư đó thì ông đã không nắm vững thứ tự các diễn tiến liên quan đến vụ giam cấm ( retention) đương sự tại bệnh viện. Thật ra, trước tiên sự nhập viện của Thiếu tá Eatherly đã căn cứ trên lời tình nguyện xin được điều trị của chính ông ta (on the basis of voluntary admission), nhưng về sau dựa trên phán quyết của bồi thẩm đoàn, giới hữu quyền tư pháp Texas đã ra một án lệnh, cải đổi quy chế « bệnh nhân tình nguyện » thành « quy chế cưỡng bách ». Như vậy, đương sự sẽ bị giam ( committed) theo khuyến cáo của một tòa án. Do sự thi hành án lệnh dựa trên phán quyết của tòa, cần phải đưa Thiếu tá Eatherly trở về bệnh viện sau khi ông ta rời khỏi nơi này.

        Cũng trong ý hướng này, tôi muốn trình bày thêm một điểm khác nữa :

        Tòa án cũng như án lệnh nói trên đều thuộc thẩm quyền của tiểu bang (nghĩa là Tiểu bang Texas) thay vì của bộ Tư pháp Liên bang. Quyền tài phán được trao cho các tiêu bang do Hiến pháp, và bộ này (bộ Tư pháp), không có quyền xen vào những vụ thuộc phạm vi tài phán của các tiểu bang. Nếu bị giam giữ trái phép, Thiếu tá Eatherly có quyền lấy bằng cớ để kháng cáo lên tòa án Liên bang.

        Như vậy tôi thiết tưởng tất cả những điểm nêu ra trong thư ông đều đã được giải đáp minh bạch.

        Trân trọng... V V...
William H. Orrick, Jr.       
Phó Chưởng lý           


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 02:58:00 pm

THƯ SỐ 68
của Gunther Anders gửi Ô. William H. Orrick, Jr.,

        Phó Chưởng Lý1 Washington  D. C
        Thưa ông Phó Chưởng lý.

        Tôi xin cám ơn ông về bức thư đề ngày 26 tháng 6 năm 1961 theo đó ông đã có ý đánh tan những điểm hoài nghi của tôi về vụ án Eatherly. Tôi rất tiếc phải thưa lại rằng tôi vẫn chưa thấy hoàn toàn thỏa mãn.

        Dĩ nhiên ở đây tôi xin gác qua một bên các khía cạnh tổng quát và triết lý của tòa án ; do đó, tôi sẽ không đề cập tình trạng bi đát của một người vô tình đã trở thành « nạn nhân » đầu tiên của chuyến công tác nguyên tử đầu tiên, mặc dù tôi cho rằng một ngày nào đó các khía cạnh nói trên sẽ mang một tầm quan trọng lớn lao hơn khía cạnh pháp lý của vụ án này. Bởi lẽ tôi ngại chúng ta không thể đồng quan điểm với nhau nếu thảo luận dài thêm về triết lý và nhân sinh, tôi xin chỉ hạn định thư này trong lãnh vực pháp lý.

        Ông nhấn mạnh ở chỗ thứ tự các diễn tiến (các giai đoạn quy chế bệnh nhân « tình nguyện » và quy chế « cưỡng bách ») là điểm then chốt của vấn đề. Nếu tôi không nhầm thì sự bắt lại Eatherly sau khi ông ta rời bệnh viện chỉ có thể hợp pháp, nếu nó xảy ra trong giai đoạn « lưu giữ cưỡng bách » ; điều này có nghĩa là nó sẽ bất hợp pháp vào giai đoạn đương sự là bệnh nhân « tình nguyện lưu trú ». Như vậy, việc bắt lại Thiếu tá Eatherly quả là bất hợp pháp, bởi vì — và đây là điểm chính yếu của lời trình bày của tôi — thứ tự các diễn tiến được ghi lại và hiện có trước mắt tôi quả hoàn toàn trái ngược với thứ tự mà ông đã nêu ra trong thư biện bác của ông.

        Ông biết rõ hơn tôi là các giai đoạn Thiếu tá Eatherly lưu trú « tự do » và « cưỡng bách » đã nhiều lần xen kẽ lẫn nhau. Vì vậy, một trong các giai đoạn lưu trú « tự do » đã kéo dài trong chín mươi ngày và chấm dứt hồi tháng 7 năm 1959 ; mặc dù ở quy chế « tình nguyện » đương sự vẫn bị chống đối mỗi khi ông ta toan rời bệnh viện cựu quân nhân.

        Ngày 20 tháng 4 năm 1960, Eatherly xác định lại quy chế « tình nguyện » của ông ta trong một bức thư gửi cho « Hiệp hội Tự do Dân quyền Mỹ », theo đó ông đã nhận xét : « Tôi là một kẻ tình nguyện lưu trú, tất nhiên tôi có quyền xin rời bệnh viện ».

        Mãi đến ngày 20 tháng 5 năm 1960, do một phiên tòa không có bồi thẩm (closed aring), Eatherly mới bị liệt vào hàng những bệnh nhân không tình nguyện ( patients), do đó quy chế mới của ông ta phải gia hạn thêm ba tháng. Điều này có nghĩa là Eatherly đã trở lại quy chế « tình nguyện » (voluntary patient) ngày 18 tháng 8 năm 1960. Thực vậy, ngày 18 tháng 8, ông ta nói trong thư viết cho tôi : « Tôi nghĩ đã đến lúc cần vận động để được rời bệnh viện ». Đến ngày 6 tháng 9 năm 1960, ông ta lại viết : « Vì lẽ tôi lại được xem là bệnh nhân tình nguyện (voluntary patient)..Từ những sự kiện trên đây, người ta có quyền kết luận rằng Eatherly có thể tự do quyết định hoặc ở lại bệnh viện cựu quân nhân hoặc rời dưỡng đường này. Hoặc giả từ ngữ « tình nguyện » (voluntary) đối với ông ta có nghĩa là một sự tự do lựa chọn hoặc giả đây chỉ là một từ ngữ vô nghĩa trái hẳn với tiếng thông dụng hằng ngày cũng như với thuật ngữ triết học.

        Xin ông vui lòng cho phép tôi trở lại với những lời biện bác của ông liên quan đến thứ tự các diễn tiến : vì lẽ vào ngày 18 tháng 8 năm 1960 Eatherly được hưởng quy chế « bệnh nhân tình nguyện » (voluntary patient), ông ta hẳn đang ở quy chế ấy vào ngày 19 tháng 10 năm 1960, khi ông ta thoát khỏi bệnh viện. Việc Eatherly thực sự là một « bệnh nhân tình nguyện » được xác định bởi những văn kiện sau đây :

        1) Một bài báo (Washington Post and Titimes-Herald, số ngày 5 tháng 12 năm 1960) mà tôi đã trích dẫn hầu ông trong thư trước. Nay tôi xin nhắc lại: « Các viên chức của cơ quan quản trị cựu quân nhân tuyên bố rằng họ không có thẩm quyền bắt Eatherly để đưa ông ta trở lại bệnh viện.

        2) Một đoạn trong thư của Eatherly để ngày 22 tháng 12 năm 1960 nói . « Các bản phúc trình của bệnh viện được phổ biến ra ngoài có nêu rằng tôi đã được rời bệnh viện và họ chẳng muốn tôi trở lại. Nhưng kỳ thực bệnh viện đã xin được giữ tôi lại vào ngày 20 tháng 10, tức là ngày tôi thoát ly ».

        Như vậy Eatherly đã bị đưa trở lại quy chế « bệnh nhân cưỡng bách » ( patient) sau khi bị bắt lại, do phán quyết của phiên tòa có bồi thẩm đoàn xử ngày 12 tháng giêng năm 1960.

        Khi xét kỹ thứ tự các diễn tiến nói trên, tôi không thể không nghĩ rằng một sự nhầm lẫn nào đó có thể đã xen vào bản phúc trình gửi đến quý Bộ. Trong trường hợp ông thấy

        Sự hoài nghi của tôi có thể chính đáng, tôi thiết tưởng, nếu ta chịu khó cho kiểm soát lại thứ tự các diễn tiến một lần nữa cũng chẳng phải là phí công.

        Tôi sẽ mang ơn ông nhiều nếu ông có thể đích thân nghiên cửu thấu đáo và cố gắng giải rõ vụ này.

        Kính chào ông Phó Chưởng Lý.
Kính thư           
Gunther Anders       

-----------------
        1. Giám đốc Nha Dâu luật tại bộ Tư pháp.


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 02:59:38 pm

THƯ SỐ 69
gửi Claude Eathcrly

        Ngày 3 tháng 9 năm 1961
        Anh Claude thân mến,

        Tôi cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi dược tin tức của anh ! Có lẽ anh không nhớ ra rằng tôi đã bặt tin anh từ gần sáu tháng nay ! Hẳn anh biết tôi lo lắng nhiều về anh, và nay vẫn chưa hết băn khoăn vì anh không chịu nói lý do khiến anh đã phải im lặng quá lâu như vậy. Anh chỉ nói mơ hồ là « không thể viết thư được ». Vậy anh đã bị bệnh, hoặc giả có kẻ nào — tôi thật khỏ chịu khi nghĩ đến giả thiết này — đã cản trở anh viết thư ?

        Tôi thấy hình như anh đang cần được trợ lực.Vậy dưới đây là mấy liều thuốc bổ cho anh:

        Thứ nhất :Những thư từ trao đồi giữa anh và tôi đã gây được nhiều thiện cảm đến nỗi nhà xuất bản dự tính cho chạy 11.000 bổn, nghĩa là một số xuất bản khá cao đối với lần in đầu tiên. Lại nữa, tác phẩm sẽ được giới thiệu như là thời sự số 1. Như vậy anh sẽ có một mối lợi tài chánh, bởi vì trong bản hợp đồng mang tên cả anh lẫn tôi đã dự liệu chia đồng đều số tiền bản quyền cho hai người. Hiện nay, mặc dù còn nhiều tháng trước ngày xuất bản, đã có sẵn 750 Mỹ kim cho anh, và anh có thể lấy khi nào anh muốn. Cho dù anh không cần đến tiền bạc đi nữa, việc anh được hưởng một số tiền nhuận bút như vậy sẽ có thể gây một ấn tượng tốt đẹp nơi các bồi thẩm và quan tòa. Tiền bạc chưa bao giờ phương hại đến uy tín của một con người. Anh có thể  hy vọng tiền bản quyền của anh sẽ gia tăng nhanh chỏng vỉ hiện có từ tám đến mười nhà xuất bản ngoại quốc thích cuốn sách này. Nếu cần tiền, anh chỉ việc viết thư cho nhà xuất bản Rowohlt (địa chỉ...).

        Thứ nhì : « bức thư ngỏ » của tôi gửi Tổng thống Kennedy rốt cục cũng đã đáp xuống một bàn giấy chính quyền. Hôm qua tôi có tiếp được thư trả lời của ông Phó Chưởng lý ‘William H. Orrick, jr. Bộ Tư pháp, Nha Dân luật, Washington D. c. Ông ta dựa trên những tin tức sai lạc dễ tìm cách biện minh rằng việc bắt giữ anh lại sau khi anh thoát ly khỏi bệnh viện là hợp pháp. Lời biện bác này căn cứ trên cái tiền đề sai lạc là anh đã bị xếp vào hạng « bệnh nhân cưỡng bách » (involuntary patients) trước khi anh tự ý rời bệnh viện.

        Bức thư của ông Orrick chấm dứt bằng câu sau đây : « Trong trường hợp việc giam cầm Thiếu tá Eatherly là trái phép, đương sự có quyền tuyệt đối lấy bằng cớ để kháng cáo lên Tòa án Liên bang ». Có lẽ anh cần lợi dụng triệt để câu nhận xét trên đây. Anh phải tính xem có nên gửi cho ông ta một bản liệt kê thứ tự các diễn tiến, đặc biệt là các giai đoạn lưu trú « tự do » và « cưỡng bách » của anh tại bệnh viện, hầu làm dữ kiện pháp lý chăng ? Nếu anh chia bẵng liệt kê này thành ba cột thì tốt lắm : bên trái là ngày tháng, giữa là cột ghi các diễn tiến và bên phải là chỗ ghi quy chế « tình nguvện » hay «cưỡng bách » của anh. Thí dụ : 19 tháng 10 — thoát ly — quy chế tình nguyện. —

        Dù sao tôi cũng xin gửi kèm theo đây bản sao bức thư tôi đã đã viết cho Ô. Orrick,

        Anh Claude thân, tôi đề nghị chúng ta nên trở lại tiếp tục cuộc trao đổi thư từ. Xin anh chớ quên rằng cách đây nhiều tháng chúng ta đã từng cùng nhau thảo luận đầy đủ chi tiết về các dự tính tương lai của anh. Nếu anh chưa có khả năng thực hiện những dự tính ấy trong thời gian sáu tháng qua, cũng xin anh chớ ngại cho tôi biết rõ lý do. Có thể là hiệu năng gián tiếp của việc chữa trị hay không khí của bệnh viện đã cản trở anh tập trung ý chí. Nếu vậy thì thật quá dễ hiểu đối với tôi. Những diễn tiến hằng ngày mà anh vẫn dè dặt giữ kín ấy, xin anh chớ quên cho tôi biết. Dù có buồn phiền thậm tệ đến bao nhiêu, anh cứ việc thổ lộ cho tôi hay. vì đấy đâu phải lỗi của anh ? Chịu đựng một đời sống đầy khổ não đôi khi còn đòi hỏi nhiều hào khí hơn là một hành động dũng cảm mà thiên hạ thường tán thán hoan nghênh !

        Anh chở quên điểm này thế giới anh đang sống không chỉ gồm bốn bức tường làm «ngôi nhà » của anh. Thế giới ấy đầy rẫy những thân hữu đang cảm thấy sống khá gần anh và thán phục anh. Tôi vẫn biết, được sống tự do bên ngoài như tôi để tha hồ khuyên nhủ anh thì thật quả dễ dàng. Thế nhưng chúng tôi, những kẻ tự thấy không xứng đáng được an hưởng hoàn cảnh hiện tại, những kẻ có thể  bị rơi vào hoàn cảnh của anh, chúng tôi không khỏi hổ thẹn với đời sống ung dung này.
Luôn luôn là bạn anh       
Gunther               


Tiêu đề: Re: Sám hối Hiroshima
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Giêng, 2020, 03:02:09 pm

THƯ SỐ 70
gửi Giinther Anders

        Ngày 7 tháng 7 năm 1961.
        Anh Gunther thân mến,

        Xin thành thực cảm ơn anh về lá thư quý mến và đầy khích lệ vừa rồi.

        Tôi hoan hỷ báo tin anh hay là cảnh huống của tôi nay đã khả quan hơn trước. Tôi được chuyển từ trại « An ninh tối đa » ( Maximum Security Building) đến khu dành cho những bệnh nhân biệt đãi (put on lege basis). Hiện tôi được tự do một phần nào. Cuối cùng tôi được một y sĩ tìm cách giúp đỡ ; và tôi tin tưởng sẽ có thể rời bệnh viện trong vài tháng tới. Vì vây, tốt hơn chúng ta không nên yêu cầu tòa án ra một phán quyết khác.

        Sở dĩ trong thư trước tôi nói không thể  viết thư là ngụ ý nói không thể nào cho chuyển được một lá thư ra khỏi căn phòng tôi đang lưu trú. Bây giờ thì tôi đã được hoàn toàn tự do gửi thư cho anh.

        Tôi rất sung sướng được biết anh sẽ cho xuất bản một cuốn sách gồm những thư từ của chúng ta. Tôi xin thán phục lối giải quyết thẳng thắn của anh trong tờ hợp đồng mà anh đã ký kết với nhà xuất bản. Tôi không cần tiền trong khi còn ở bệnh viện, bởi vậy tôi sẽ để dành phòng khi cần đến.

        Tôi cảm thấy khá thoải mái, nhưng ý nghĩ rời bệnh viện vẫn làm cho tôi băn khoăn đôi chút (I feel wonderful only little anxi ous about leaving the hospital). Tuy nhiên tôi có cảm tưởng ngày ấy sẽ không xa nên tôi tiếp tay đắc lực với vị y sĩ của tôi. Tôi có ý định phải hành động hết mình.

        Anh Giinther, tôi am tường tất cả những gì anh đã làm giúp tôi và tôi hy vọng một ngày kia có thể giúp lại anh. Xin anh cứ yên tâm là tôi sẽ cố làm bất cứ gì để phục hồi sức khỏe. Tôi không hề thối chí, tôi sẽ không bỏ cuộc đâu anh ạ.

        Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn anh.

Bạn anh       
Claude       

THƯ SỐ 71
gửi ClaudeEatherly

        Ngày 11 tháng 7 năm 1961.
        Anh Claude thân mến,

        Xin có lời khen anh đấy nhé ! Tôi chưa bao giờ viết thư cho anh với nhiều tin tưởng và hy vọng như hôm nay. Khi đọc lá thư khá bi quan vừa rồi của anh, tôi chẳng bao giờ dám hy vọng các biến cố có thể chuyên hướng một cách thuận lợi cho anh như vậy. Tôi đã soạn xong một bản tuyên cáo về Eatherly và lấy được chữ ký của những nhân vật có uy tín chẳng hạn như Lord Russel, Max Born, Moravia, Carlo Levi ; chính ông Thị trưởng Hiroshima cũng đã ký tên vào bản tuyên cáo. Nhưng bây giờ đưa bản ấy ra cho báo chí thì chẳng có lợi gì, do đó các chữ ký sẽ ngủ yên trong ngăn kéo của tôi.

        Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn chẳng biết gì cái ngày quyết định ấy. Anh hãy chuẩn bị tinh thần đi là vừa. Hãy suy nghĩ anh sẽ làm gì sau khi được trả tự do.

        Tôi nghĩ ngày đó anh sẽ bị một đám nhà báo vây hãm. Họ sẽ không chỉ tọc mạch khai thác những tin tức về đời sống cá nhân riêng tư của anh ; họ sẽ còn đánh bẫy anh bằng những câu hỏi hóc búa mà chẳng ai giải đáp nổi nếu không được chuẩn bị trước. Tôi khuyên anh hãy nhã nhặn từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào, và giải thích cho họ thấy rằng đời sống riêng tư của anh chẳng có gì quan trọng , và nếu có điều gì quan trọng đối với thế giới, thì điều ấy hẳn phải là tỉnh trạng nguyên tử. Anh hãy bảo với họ là trước tiên anh cần phải tự thích nghi với cuộc sống mới, và anh sẽ cảm ơn họ nếu họ vui lòng thông cảm vì lẽ gì anh phải dè dặt như vây. Anh chớ quên nói thêm là anh sẽ có lời bộc bạch sau này, nếu xét thấy hữu ích và cần thiết; vả lại cũng cần cho họ thấy anh không thích trả lời những cầu hỏi đã gieo sẵn ý hướng cho lời giải đáp.

        Nếu anh quyết định sẽ có thái độ như tôi đã đề nghị trên đây, tất anh sẽ không có gì phải ái ngại khi anh được phóng thích.

        Khi đọc đoạn thư nói về mối « băn khoăn » của anh, tôi sực nhớ lại một phim về Dreyfus được xem cách đây khoảng vài chục năm. Sau những năm dài sốt ruột chờ đợi, khi Dreyfus hay tin được phóng thích, ông ta bèn đi đi lại lại trong ngục thất như trước kia ông thường làm hàng ngày, mặc dầu khi đó cảnh cửa ngục thất đã mở rộng cho ông. Dreyfus đã phải cố gắng nhiều để bước qua cái ngưỡng cửa đã từng ngăn cách ông trong bao nhiêu năm với đời sống bên ngoài. Vậy anh chớ ngạc nhiên nếu đến ngày ấy anh cảm thấy một phản ứng tương tự; vì đấy là một điều tự nhiên. Nhưng may mắn cho anh là anh sẽ được báo tin trước, và anh có thể đếm bước đi lại trong phòng trước ngày trọng đại ấy; như vậy anh sẽ có thể ung dung bước qua khung cửa dẫn đến tự do.

        Anh Claude, anh hãy biết rằng đến ngày anh được phỏng thích chính tôi đây cũng sẽ cảm thấy được tự do nữa. Ngay sau khi tiếp được bản điện tín cho hay anh được trả tự do, tôi sẽ tìm cách đến gặp anh để cùng anh chào mừng một giai đoạn mới, một giai đoạn không chỉ chấm dứt mọi trở ngại đã từng bủa vây anh, mà còn mở đường cho anh được tha hồ hiến dâng tất cả cho sứ mệnh của mình.

Bạn anh       
Gunther       

HẾT