Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 05:16:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 4  (Đọc 264799 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 01:09:45 pm »

CHIA NHỎ LỰC LƯỢNG, CHỈ ĐẠO TẬP TRUNG, TIẾN CÔNG KIÊN QUYẾT

QĐND - Thứ Bẩy, 07/04/2012, 21:27 (GMT+7)

QĐND - Tác chiến biệt động là một trong những nét độc đáo của nghệ thuật tổ chức và tiến hành chiến tranh cách mạng của Đảng, Quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng đặc công biệt động và biệt động thành Sài Gòn đã lập công lớn. Với số lượng không đông, trang bị vũ khí nhẹ, nhưng lực lượng biệt động đã thực hiện những đòn tiến công vào hậu phương, đánh vào những mục tiêu chiến lược của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ quân địch trên chiến trường và tác động đến cả nước Mỹ.

Lực lượng đặc công biệt động và biệt động thành Sài Gòn ra đời nhằm đánh địch ngay trong lòng địch. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhất là từ khi Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược Việt Nam, biệt động trở thành lực lượng tác chiến tinh nhuệ, có nghệ thuật chiến đấu phát triển đa dạng phong phú, thực sự trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Với lối đánh hết sức táo bạo, bất ngờ và đầy sáng tạo, linh hoạt, biến hóa, lực lượng biệt động đã liên tiếp gây cho địch những tổn thất nặng nề về sinh lực cao cấp và phương tiện chiến tranh. Hàng loạt trận đánh vang dội vào các mục tiêu chiến lược như sân bay Tân Sơn Nhất, các cơ sở quân đội Mỹ, tàu sân bay US Card, Tòa Đại sứ quán Mỹ, cơ xá Brink, khách sạn Caravelle, Metropol, Victoria... từng gây chấn động trong nước và thế giới.

Bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến nội thành, lực lượng biệt động đã xây dựng được một hệ thống cơ sở từ nội thành tới ngoại thành hết sức công phu, tạo những hành lang và bàn đạp vững chắc, liên lạc, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí vào thành phố. Chuẩn bị cho thời cơ chiến lược lớn, từ năm 1965, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã chỉ đạo lực lượng biệt động xây dựng các hầm chứa vũ khí và ém quân trong nội thành. Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 “lõm” chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch với 400 điểm ém quân và 12 kho vũ khí. Lực lượng bảo đảm cũng đã xây dựng được các cơ sở đặt sở chỉ huy và bằng kỹ thuật ngụy trang khôn khéo và mưu trí, ta đã vận chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí phục vụ các đơn vị chiến đấu.

Mặt trận Sài Gòn - Gia Định đã bố trí lại thế trận và lực lượng biệt động phù hợp trong từng cuộc tổng tiến công và chiến dịch. Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động chia thành 5 phân khu ngoại thành trên 5 hướng và một phân khu nội thành là Phân khu 6. Bảo đảm cho các trận đánh thắng lợi, các đội biệt động lại được chia nhỏ, chỉ đạo tập trung, nhằm thực hiện các đòn đánh bất ngờ, hiểm hóc vào cơ quan trọng yếu, mục tiêu chiến lược của địch. Nhờ đó ngay trong ngày đầu mở màn chiến dịch, lực lượng biệt động xung kích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm 5 trong 9 mục tiêu quy định.

Bằng những chiến công xuất sắc đánh vào trung tâm đầu não chiến tranh của Mỹ, chính quyền Sài Gòn, lực lượng biệt động đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả miền Nam, tạo một bước ngoặt mới làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Nhật Quang
 

http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/183232/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 01:16:22 pm »

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

HIỆP ĐỒNG CHẶT CHẼ, KẾT HỢP TIẾN CÔNG QUÂN SỰ VỚI NỔI DẬY QUẦN CHÚNG
 
QĐND - Thứ Bẩy, 07/04/2012, 21:9 (GMT+7)

QĐND - Sau hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 27-1-1973, so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi căn bản, có lợi cho ta bất lợi cho địch. Nắm thời cơ, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong 2 năm 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, nhanh chóng làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta, tích cực làm mọi công tác chuẩn bị, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân. Nếu thời cơ đến sớm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, đầu năm 1975, ta mở ba chiến dịch lớn là Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1975 đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự: Tạo ưu thế lực lượng, bảo đảm đánh địch trên thế mạnh; vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch; phát huy sức mạnh các binh chủng, quân chủng trong tác chiến quy mô lớn và đặc biệt là kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhân dân. Sự kết hợp các đòn tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy của quần chúng ở cả nông thôn và thành thị, kết hợp tiêu diệt địch với giành quyền làm chủ, tạo sức mạnh áp đảo, trong đó đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực đi trước có tác dụng trực tiếp tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, quyết định thắng lợi trên chiến trường, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy. Ngược lại, sự nổi dậy của quần chúng có tác dụng căng kéo, phân tán địch, giành dân, giành đất, mở ra thế trận tiến công mới, làm cho LLVT ta tăng thêm sức mạnh, có điều kiện và thời cơ tiến lên đánh to, thắng lớn. Đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo việc kết hợp hai hình thức đấu tranh: Đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị; hai phương thức tiến hành chiến tranh: Chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, phối hợp với đòn tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực, nhân dân và LLVT địa phương tiến hành các hoạt động tác chiến nghi binh, triển khai làm đường cơ động, phát động quần chúng nổi dậy diệt bắt ác ôn, truy lùng bọn tề điệp, giành chính quyền ở từng khu phố. Quần chúng nhân dân nổi dậy phá "ấp chiến lược"; vận động, làm tan rã địch, cùng Ủy ban Quân quản ổn định tình hình địa phương sau khi được giải phóng.

Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thể hiện sự phát triển cao nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn lớn quân địch, vừa giải phóng khu vực, vừa giải phóng thành phố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trên hướng Trị Thiên-Huế, đòn tiến công của Quân đoàn 2, trực tiếp là Sư đoàn 324 đã phá một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch ở khu vực Đường 14 phối hợp với nhân dân địa phương nổi dậy giành chính quyền, giải tán toàn bộ chính quyền ngụy Sài Gòn. Trên hướng Đường 12, Trung đoàn 6 và Trung đoàn 271 (Quân khu Trị Thiên) tiến qua sông Hương vào Huế; Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) từ phía nam phối hợp cùng với xe tăng phát triển tiến công vào nội đô, nhân dân ở quận 1, 2 nội thành Huế và quận Phú Vang nổi dậy đánh chiếm, treo cờ ở quận lỵ, tổ chức đón bộ đội, tự vệ nội thành chiếm giữ một số mục tiêu trong thành phố, du kích và nhân dân địa phương dẫn đường, truy lùng địch, giúp bộ đội qua sông, diệt tề điệp, ác ôn. Trên hướng Đà Nẵng, khi các đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 phối hợp với LLVT Quân khu 5, nhanh chóng thọc sâu bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài, tiến thẳng vào thành phố, đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, thì LLVT địa phương và quần chúng cách mạng nổi dậy giải phóng Hội An và một số nơi khác. Trong thành phố, lực lượng du kích, tự vệ phối hợp tiến công khu nhà lao, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh tế, văn hóa, giữ gìn trật tự, an ninh, bảo đảm cho thành phố ổn định sinh hoạt bình thường ngay sau khi giải phóng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh có quy mô lực lượng lớn, cường độ tiến công, trình độ tác chiến hiệp đồng cao, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các binh đoàn chủ lực với nhân dân và LLVT địa phương, giữa các cánh quân và các binh chủng hợp thành. Trong chiến dịch này kết hợp với các đòn tiến công áp đảo của các binh đoàn chủ lực, nhân dân thành phố dưới sự lãnh đạo của các cơ sở đảng, hỗ trợ của các đơn vị đặc công, biệt động, bộ đội địa phương thành phố, nhanh chóng nổi dậy giành chính quyền ở nhiều khu vực nội, ngoại thành, các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Thủ Đức. Ở nội thành, quần chúng kết hợp với LLVT tại chỗ nổi dậy chiếm trụ sở một số khóm, phường của hầu hết các quận và 6 tòa hành chính quận, đến chiều 30-4-1975 cơ bản ta đã giành quyền làm chủ, kiểm soát tất cả các quận, huyện, phường, xã. Đòn nổi dậy của quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh với quy mô rộng lớn, hình thức phong phú đa dạng, kết hợp với tiến công quân sự, nòng cốt là các binh đoàn chủ lực, đã phản ánh quy luật của khởi nghĩa và đạt tới trình độ nghệ thuật phát triển cao của chiến tranh cách mạng.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1975 kết thúc thắng lợi, đánh dấu bước phát triển cao của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam, đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của tất cả các thành phần, lực lượng của cả nước, trong đó sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, phát triển trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật toàn dân đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bài học kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trong cuộc tiến công chiến lược năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển cho phù hợp với điều kiện mới, vận dụng sáng tạo vào xây dựng nền nghệ thuật quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Đào Văn Đệ


http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/183227/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 02:21:28 pm »

Kỷ niệm 40 năm mở các cuộc tiến công chiến lược (1972-2012)

NẮM CHẮC THỜI CƠ, KỊP THỜI CHUYỂN HƯỚNG TÁC CHIẾN CHIẾN LƯỢC
 
QĐND - Thứ Bẩy, 24/03/2012, 15:51 (GMT+7)

QĐND - Tháng 8-1971, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: Đông Nam Bộ (hướng chủ yếu), Tây Nguyên, Trị-Thiên (hướng phối hợp quan trọng), hình thành một cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững quyền chủ động chiến lược. Bộ Chính trị chỉ rõ: Trên chiến trường miền Nam, ta sẽ đánh địch ở cả 3 vùng nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi; đánh bằng ba đòn tiến công chiến lược: Đòn thứ nhất của bộ đội chủ lực; đòn thứ hai của quần chúng nhân dân ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng và đòn thứ ba kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đầu năm 1972, Bộ tổng tham mưu điều động lực lượng cho các hướng tác chiến chiến lược. Đầu tháng 3-1972, các đơn vị chủ lực tham gia tiến công trên các hướng đã lần lượt bí mật vào vị trí tập kết theo kế hoạch. Miền Đông Nam Bộ gồm 3 sư đoàn, 3 trung đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng của Miền và lực lượng vũ trang địa phương; Bắc Tây Nguyên gồm 2 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng; Mặt trận Trị-Thiên gồm 3 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng của Bộ, Quân khu Trị-Thiên và lực lượng vũ trang địa phương.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, thực tế chiến trường và khả năng của ta, nhất là nắm bắt ý đồ, thế bố trí lực lượng của địch, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công phối hợp Trị-Thiên thành hướng tiến công chủ yếu, thay hướng miền Đông Nam Bộ; đồng thời, quyết định mở 3 chiến dịch tiến công quy mô lớn: Chiến dịch Trị-Thiên trên hướng chủ yếu, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Chiến dịch Bắc Bình Định trên hướng phối hợp quan trọng.

Chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu là quyết định sáng suốt, nhạy bén đúng thời cơ, sát tình hình, tạo thuận lợi cho ta phát huy tối đa ưu thế trên chiến trường Trị-Thiên, bởi đây là nơi bộ đội và nhân dân có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, lại là địa bàn liền kề hậu phương lớn miền Bắc; đồng thời, gây khó khăn cho địch ứng cứu, tăng viện vì không có lực lượng dự bị chiến lược, thiếu phòng bị… Như vậy, chọn Trị-Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, ta càng có điều kiện khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Trị-Thiên bị tiến công, sẽ là nhân tố tác động mạnh đến tinh thần, tư tưởng quân địch và làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta trên toàn chiến trường miền Nam. Xuất phát từ vị trí, vai trò là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Bộ tổng tư lệnh quyết định tổ chức Sở chỉ huy tiền phương ở Quảng Trị để trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch Trị-Thiên.

Nắm chắc thời cơ, chuyển hướng tác chiến kịp thời trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, là nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng ta. Điều đó thể hiện tầm tư duy, tài thao lược của Quân ủy Trung ương trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan khoa học tình hình mọi mặt về ta-địch, nhất là tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Trị-Thiên. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược đề ra, ngày 30-3-1972, bộ đội ta mở cuộc tiến công vào các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở Đường 9-Bắc Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên). Trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị-Thiên, với sức mạnh vượt trội và bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, bộ đội ta bắn pháo mãnh liệt, dồn dập vào các căn cứ chủ yếu, các trận địa pháo của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, cùng với xe tăng đột phá vào các vị trí quân địch. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã đập tan hệ thống công sự, vật cản ở các căn cứ, khu vực phòng ngự vòng ngoài của địch. Trị-Thiên bị đánh bất ngờ, Mỹ và quân đội Sài Gòn vội vàng tung toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược và điều quân ở các chiến trường khác về ứng cứu. Đây là thời cơ thuận lợi cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Chiến dịch Bắc Bình Định đẩy mạnh hoạt động tác chiến mở vùng, mở mảng. Theo đó, cả 3 chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược đã phối hợp nhịp nhàng, làm chủ hoàn toàn, buộc địch phải hành động theo ý định của ta.

Cùng với đòn tiến công trên mặt trận Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định, bộ đội ta mở cuộc tiến công ở các mặt trận Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc tiến công chiến lược của ta đã làm cho Mỹ-chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, buộc địch phải phân tán lực lượng, thụ động đối phó và chịu những thiệt hại nặng nề. Đến giữa năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta đã giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo nên bước chuyển biến nhanh chóng về cục diện chiến trường, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta. Thắng lợi này đã mở ra một thế mới cho mặt trận đấu tranh ngoại giao của ta trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho ta phát triển thế tiến công quân sự trong những tháng cuối năm 1972 ở cả hai miền Nam-Bắc, giành thêm những thắng lợi quyết định.

Đại tá, TS Dương Đình Lập


http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/181500/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2012, 10:47:26 pm »

Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Quảng Trị 1972

CUỘC ĐỌ SỨC QUYẾT LIỆT
Trung tướng Phạm Hồng Cư

QĐND - Thứ Sáu, 13/04/2012, 15:47 (GMT+7)

QĐND - Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ vùng giải phóng còn in đậm trong ký ức chúng tôi, những người có vinh dự tham gia chiến dịch.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, chiến thắng Quảng Trị đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói: Đó là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng; đó là chiến thắng đầu tiên vang dội cổ vũ toàn quân toàn dân, mở màn cho cuộc tiến công chiến lược lịch sử năm 1972. Trong cuộc tiến công chiến lược này, Quảng Trị là hướng chủ yếu, nơi tập trung tập đoàn chiến dịch mạnh nhất của quân đội ta gồm các đơn vị binh chủng hợp thành có bề dày truyền thống, được trang bị và huấn luyện tốt. Quảng Trị tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, có điều kiện bảo đảm hậu cần cho yêu cầu tác chiến lớn, dài ngày. Trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, năm 1972 đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong một chiến dịch dài ngày nhất, dài tới 304 ngày, kể từ khi mở màn chiến dịch (ngày 30-3-1972) đến ngày ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (ngày 27-1-1973).

Mọi người còn nhớ: Năm 1972 ta mở một cuộc tiến công chiến lược quy mô toàn miền Nam, phối hợp các mũi tiến công của bộ đội chủ lực trên 3 hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với các chiến dịch tổng hợp ở Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt trận Trị Thiên là hướng chiến lược quan trọng nhất. Bộ tư lệnh Mặt trận được thành lập: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là Tư lệnh; Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy mặt trận; Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.

Ngày 30-3-1972, ta tiến công địch ở Quảng Trị và Kon Tum. Ngày 1 tháng 4 năm 1972, miền Đông Nam Bộ, Khu 5 và Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tiến công và nổi dậy.

Ngày 31-3-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi: "Chiến dịch lịch sử năm 1972 đã bắt đầu! Các đồng chí hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt tiến công địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, quyết giành cho được những thắng lợi to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính yêu…".

Quảng Trị, 11 giờ ngày 30-3-1972, Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn hạ lệnh: "Bão táp I". 247 khẩu pháo các loại của bộ đội pháo binh mở màn chiến dịch, đồng loạt bắn vào 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

Ngay từ loạt đạn đầu, pháo ta bắn trúng hầu hết các trận địa pháo, các sở chỉ huy địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu… Sau cuộc bắn phá của pháo binh dài 36 tiếng đồng hồ với gần 8000 viên đạn pháo các loại, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng xuất phát tiến công, đột phá trên hướng chủ yếu ở phía tây và tây bắc Quảng Trị, kết hợp với mũi thọc sâu bao vây ở phía đông và mũi chia cắt chiến dịch ở phía Nam.

Sau 5 ngày chiến đấu, đến ngày 4-4-1972, bộ đội ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, diệt 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn trên đường số 9, bức hàng Trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 và Lữ đoàn 147, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Trưa 4-4, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện tới Sở chỉ huy chiến dịch biểu dương quân và dân Quảng Trị đánh thắng trận đầu.

Trước đòn tấn công mạnh của ta ở Quảng Trị, ngày 3-4, Nguyễn Văn Thiệu họp Hội đồng An ninh quốc gia, điều động gấp 5 trung đoàn, lữ đoàn, 3 thiết đoàn tăng-thiết giáp từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra Quảng Trị. Địch điều chỉnh thế phòng ngự thành ba cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang-Quảng Trị, lực lượng chủ yếu tập trung ở Đông Hà.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: "Địch đã tăng cường lực lượng nhưng chưa được củng cố, tinh thần hoang mang dao động, nếu ta đánh mạnh, đánh nhanh thì chúng sẽ tan vỡ".

15 giờ ngày 8-4, pháo binh thực hành kế hoạch hỏa lực "Bão táp II". 2.713 viên đạn pháo giáng xuống căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử. 5 giờ sáng 9-4, Sư đoàn 304 tiến công cụm quân địch ở Ái Tử. Sư đoàn 324 đánh địch ở La Vang-Quảng Trị. Sư đoàn 308 được tăng cường Trung đoàn 48 (thay cho Trung đoàn 88 làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch) và 2 đại đội xe tăng tiến công cụm quân địch ở Đông Hà-Lai Phước. Ngay từ tuyến tiếp giáp, địch chống trả quyết liệt. Quân ta đánh địch trong hành tiến, bị các trận địa có xe tăng địch giấu trong công sự ngăn chặn, 6 xe tăng T54 của ta bị bắn hỏng. Mũi tiến công của Sư đoàn 308 vào căn cứ Đông Hà buộc phải dừng lại. Phía tây Ái Tử, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) giành giật quyết liệt với địch mới chiếm được căn cứ Phượng Hoàng. Trên hướng đông, 3 tiểu đoàn bộ binh, đặc công vượt sông Cửa Việt bị pháo hạm Mỹ bắn chặn. Tại Cửa Việt, Trung đoàn 126 Hải quân chiếm được cảng nhưng cũng bị tổn thất.

Thực tế chiến đấu cho thấy, lực lượng địch ở Đông Hà-Quảng Trị khá đông gồm sư đoàn 3 bộ binh (thiếu), 3 liên đoàn biệt động quân 1, 4, 5, Lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ, 3 thiết đoàn 11, 17 và 20 được không quân, pháo binh yểm trợ ở mức cao. Đặc biệt, không quân và hải quân Mỹ hoạt động mạnh, vừa yểm trợ cho quân ngụy ở Quảng Trị, vừa tăng cường đánh phá hậu phương chiến dịch. Máy bay B52 oanh tạc rải thảm, khu trục hạm Mỹ pháo kích ác liệt các trận địa ta và tuyến vận chuyển chiến dịch từ sông Gianh, Lệ Thủy (Quảng Bình) vào mặt trận.

Về chiến thuật, địch đã thay đổi thủ đoạn phòng ngự. Bị thất bại ở tuyến phòng thủ vòng ngoài, với ưu thế xe tăng thiết giáp, địch kết hợp giữa xe tăng và bộ binh tạo thành từng cụm phòng ngự di động, luôn thay đổi vị trí, tránh bị ta tập kích diệt gọn.

Để đánh bại chiến thuật "xe tăng bầy", ''vỏ thép cứng di dộng'' và phá vỡ hệ thống phòng ngự đã được tăng cường của địch, ta cần phải có thời gian chuẩn bị, tìm ra cách đánh thích hợp. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, kết thúc đợt 1, mở một đợt "đệm", phát động phong trào "săn xe tăng địch", tổ chức những trận đánh nhỏ, vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết định trong đợt 2 chiến dịch.

5 giờ sáng 27-4, ta mở đợt 2 chiến dịch, đợt quyết định chiến trường. Mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang-Quảng Trị, hỗ trợ cho nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, sau đó nắm thời cơ, phát triển tiến công địch ở Thừa Thiên.

Đợt 2 chiến dịch đã diễn ra trong 6 ngày đêm, mở đầu bằng đòn hỏa lực "Bão táp III". Sư đoàn 308 được hỏa lực pháo binh chiến dịch chi viện, liên tục tiến công cụm quân địch ở Đông Hà-Lai Phước. Trong tiếng nổ của đạn pháo, xe tăng T54, pháo cao xạ 37, 57 trong đội hình binh chủng hợp thành của Sư đoàn yểm hộ bộ binh tiến công. 18 giờ ngày 28-4, thị xã Đông Hà được giải phóng. Ủy ban Quân quản được thành lập, do đồng chí Nguyễn Hiền, Phó chính ủy Sư đoàn làm Chủ tịch.

Phía Ái Tử, Sư đoàn 304 được các cụm pháo Trung đoàn 45, 164, 38 chi viện, 21 giờ ngày 30-4, bộ binh, xe tăng Sư đoàn 304 tràn vào sân bay Ái Tử. 14 giờ ngày 1-5, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ.

Mất Đông Hà, Ái Tử, quân địch ở Quảng Trị-La Vang hoang mang rút chạy.

Hơn một trạm xe tập trung ở La Vang Thượng. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 324 (thiếu) cắt đường số 1, pháo binh chiến dịch tập trung hỏa lực bắn vào La Vang Thượng.

Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giành lại chính quyền ở khắp các thôn xã, 18 giờ ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng.

Tuy nhiên, chiến sự trên mặt trận Quảng Trị diễn ra giằng co quyết liệt, quân và dân Quảng Trị còn phải đương đầu và vượt qua nhiều thử thách rất lớn suốt nửa cuối năm 1972.

Ngày 28-6-1972, được không quân, pháo hạm Mỹ chi viện, Mỹ-ngụy huy động hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến, một lực lượng lớn pháo binh, thiết giáp vượt sông Mỹ Chánh phản kích lên thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã, giữ Thành cổ Quảng Trị kéo dài gần 3 tháng dưới bom đạn ác liệt của quân thù. Không có công sự trận địa nào không bị bom đạn pháo địch cày xới, băm nát hàng trăm lần. Thêm vào đó, mưa lũ đầu mùa đổ xuống công sự, chiến hào ngập nước, nhiều hầm hào bị sụt lở. Khó khăn là rất lớn. Các chiến sĩ dựa vào chiến hào, dựa vào tường Thành cổ giành giật với địch từng mô đất, từng mảng tường, từng đoạn chiến hào, có phân đội đã chiến đấu đến người cuối cùng.

Các đơn vị bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã giữ vững trận địa 81 ngày đêm, nêu một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiềm giữ một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho đấu tranh ngoại giao và các mặt trận khác đẩy mạnh tiến công.

Ngày 22-9-1972, dưới sự chi viện của không quân và pháo hạm Mỹ, quân ngụy mở một cuộc hành quân lớn nữa hòng chiếm lại toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị. Dựa vào hệ thống phòng ngự trận địa, quân và dân Quảng Trị đã đánh lui các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.

Do những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam cùng với "trận Điện Biên Phủ trên không" ở miền Bắc, tại Hội nghị Pa-ri, đế quốc Mỹ buộc phải thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đơn phương rút quân về nước.

Chữ ký trên Hiệp định Pa-ri chưa ráo mực, ngụy quân Sài Gòn đã phá hoại hiệp định. 23 giờ 30 phút ngày 27-1-1973, lợi dụng lúc gió to, nước thủy triều xuống, địch cho lữ đoàn đặc nhiệm có hơn 100 xe tăng, xe bọc thép dẫn đầu tiến theo mép nước lấn chiếm Cửa Việt. Chúng bị Sư đoàn 320B trừng trị thích đáng, đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm đầu tiên của địch sau Hiệp định Pa-ri.

Hai năm sau, ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và trong công cuộc giải phóng miền Nam, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên sạch bóng quân thù.

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/184004/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
quân y 103
Thành viên
*
Bài viết: 277


« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 09:10:13 pm »

Hôm nay trên tivi có  đưa tin và hình ảnh các CCB Quảng trị năm xưa về dâng hoa ,hương cho những chiến sĩ đã ngã xuống 72 ngày đêm chiến đấu ác liệt .xin thắp nén nhang cho các anh đã hy sinh ,xin cám ơn những người còn sống đã thắp lai ngọn lửa hào hùng năm xưa
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #65 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2012, 09:10:58 pm »

Về Hà Tĩnh

Thưa các bác, thế là nhóm anh em CCB c3 chúng tôi gồm SonTH, Lexuantuong1972 và chienc3.1972 đã hoàn thành được tâm nguyện sau 40 năm: Về thăm gia đình LS Phạm Thanh Tú.
Liệt sĩ Phạm Thanh Tú sinh năm 1949 tại xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên Hà Tĩnh. Anh đã học Công nhân kỹ thuật tại Liên Xô cũ và đã đi tham gia công tác trước khi nhập ngũ (tháng 9/1971).

Phạm Thanh Tú trước khi nhập ngũ




Anh nằm trong đội hình của c3d1e101f325 vào tham gia chiến đấu bảo vệ Thị xã-Thành cổ Quảng Trị đợt đầu (tháng 7/1972). Khi chúng tôi vào tham chiến thì anh đã là tiểu đội trưởng tiểu đội cối 60 của đại đội. Ấn tượng của mấy thằng chúng tôi về Tú rất tốt đẹp: Tú là một người điềm đạm, dễ gần, hiểu biết và khá đẹp trai. Tất nhiên là anh chững chạc hơn mấy thằng tôi vì anh nhiều tuổi hơn, lại đã là cán bộ trước khi nhập ngũ.
Đêm 4/9/1972 tiểu đội cối 60 của Tú, Sơn gồm 5 người được điều đi phối thuộc trong đội hình của c1 tại chốt Chợ Sãi. Rất may cho họ vì chiều ngày hôm sau (5/9/1972) trận bom B52 ném trúng đội hình c3 đã làm tung căn hầm trú ẩn của a cối!
Sau thời gian phối thuộc với c1 trở về đội hình c3 Tú lại dẫn a cối cùng đại đội vào chót tại Nại Cửu. Khoảng 10h đêm ngày 17/10/1972 Tú đã không may trúng một mảnh pháo bắn vu vơ của địch và đã hi sinh khi đang gác tại hầm chốt của tiểu đội mình.
SonTH kể lại rằng chính SonTH là người đã vuốt mắt, khâm liệm cho Tú bằng một chiếc võng vải và ôm xác Tú suốt một ngày một đêm cho tới đêm 18/10 mới có lực lượng vận tải vào đưa Tú ra an táng tại hậu cứ của ơn vị tại thôn Đầu Kênh Triệu Long Triệu Phong Quảng Trị. Rất may mắn cho Tú là thi thể của anh còn nguyên vẹn, mộ của anh cũng được nguyên vẹn cho đến khi được quy tập về NTLS Triệu Long sau này.

Trên bia mộ của LS Phạm Thanh Tú tại NTLS Xã Triệu Long ghi ngày hi sinh là 27/10/1972, Quê quán ghi Phú Lâm Đức Thọ Hà Tĩnh nhưng trong HS do SLĐTBXH Hà Tĩnh ghi là HS ngày 17/10/1972, Quê quán là Cẩm Nhượng Cẩm Xuyên Hà Tĩnh.


Một số hình ảnh trong chuyến đi Hà Tĩnh của chúng tôi.

Ông Phạm Gia Kinh là anh trai LS Phạm Thanh Tú



Trước mộ LS Tú



Hóa vàng gửi cho LS



Nơi an nghỉ của LS Tú tại NTLS Núi Nài TP Hà Tĩnh



Giao lưu cùng thân nhân LS


Việc tìm kiếm địa chỉ thân nhân LS Tú đã được nêu trong các bài viết của chúng tôi trong tô píc này gần đây.
Điều làm chúng tôi yên lòng là Tú đã được đưa về NTLS Núi Nài, một NTLS rất khang trang. Gia đình ông Phạm Gia Kinh cũng khá giả và rất có nề nếp nên chắc chắn việc hương khói cho LS sẽ không thể bị sao nhãng.

Sau nhiều lần kế hoạch thay đổi, đợt này nhóm chúng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình với sự tham gia rất tích cực và chân tình của Tanloc555 và HAN_DCT.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #66 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2012, 10:40:14 pm »

Sáng thứ bảy 14/4/2012, mấy anh em c3/d1/e101/f325 lên đường vào Hà Tĩnh để đến thăm gia đình LS Phạm Thanh Tú, người đồng đội thân thiết của chúng tôi đã ngã xuống tại chốt Nại Cửu ven TX Quảng Trị.

LS Phạm Thanh Tú sinh năm 1949, anh công tác tại Bộ công nghiệp nặng sau khi học trung cấp kỹ thuật tại Liên-xô cũ. Anh nhập ngũ ngày 6/9/1971 và là tiểu đội trưởng tiểu đội cối 60 ly của c3 chúng tội. Anh có vóc dáng thư sinh và có giọng ca rất mượt mà nhất là khi gửi tâm sự của mình vào những ca khúc trữ tình của Nga và cả những tình khúc của phía bên kia (một thời chúng ta vẫn gọi là nhạc vàng).

Theo lời kể của SonTH với gia đình: Đêm 17/10/1972, trong phiên gác đêm anh đã ngã xuống khi 1 quả pháo của địch nổ gần, 1 mảnh pháo bằng 2 ngón tay đã găm vào sau ót của anh...SonTH đã rút mảnh pháo và khâm liệm anh trong chiếc võng mang theo. Thi hài anh để trong hầm của SonTH cả một ngày trời, đến đêm hôm sau anh em vận tải mới đưa được anh về phía sau để an táng.

Các thông tin trong danh sách LS tại NTLS Triệu Long: LS Phạm Thanh Tú ;quê Phú Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh ; hy sinh 27/10/1972. Tháng 4/2001, trong chuyến đi trở lại chiến trường chúng tôi đã tìm thấy phần mộ của anh tại NTLS Triệu Long cùng 1 loạt các LS của d1/e101. Chúng tôi đã viết thư về BCH quân sự các địa phương để nhờ báo về gia đình các LS. Riêng trường hợp LS Tú không thấy hồi âm của BCH QS huyện Đức Thọ, HT. Sau thời gian tìm hiểu chúng tôi thấy huyện Đức Thọ không có xã Phú Lâm.

Để xác định chính xác quê hương của LS Tú với mong muốn thắp cho bạn mình 1 nén tâm nhang sau gần 40 năm cũng như đã làm cho anh Tạo, Bắc, Sơn, Lào...chúng tôi đã gửi thông tin đến nhiều nơi để hy vọng tìm ra gia đình của LS Tú. Thông qua các đồng đội c20/f325 chúng tôi nhận được thông tin về LS qua trích ngang lưu tại Sư đoàn 325: LS Phạm Thanh Tú ; sinh năm 1949 ; nhập ngũ 6/9/1971 ; quê Phố Lâm - Phúc Thọ - TX Hà Tĩnh ;  hy sinh 17/10/1972 ; tên cha Phạm Thanh Tuyên ; tên mẹ Nguyễn Thị Hiên.

Hai thông tin về một con người đã khiến cúng tôi phải bằng mọi cách xác minh quê quán đích thực của LS.

Chúng tôi lại nhờ bạn bè quen biết gốc gác TX Hà Tĩnh ngày trước để tìm địa chỉ này.

Một đồng nghiệp ở cơ quan cho biết tại TP Hà Tĩnh có phố Lâm Phước Thọ. Đây là 1 thông tin cực kỳ quý giá, chúng tôi còn phải tiếp tục xác minh gia đình Tú hiện tại còn ai và có còn ở đấy hay đã chuyển đi nơi khác.

Qua bạn bè ở TP Hà Tĩnh tôi đã nối liên lạc được với chị Duyên tại Sở LĐ-TBXH, chị đã cho tôi biết hiện tại tiền cúng giỗ hàng năm của LS Phạm Thanh Tú được trao cho người anh tên là Phạm Gia Kinh, ở phường Trần Phú vì song thân của Tú đã mất. Gia đình không còn ở phố Lâm Phước Thọ đã nhiều năm.

Cuối cùng tôi cũng có được số ĐT của anh trai của Tú - ông Phạm Gia Kinh. Gọi điện thoại cho ông Kinh, tôi đã nghẹn lại không nói được tiếp khi ông trả lời là anh trai của LS PTT, tôi mừng quá vì đã tìm ra gia đình của Tú để cùng các bạn mình đến thắp cho anh nén tâm nhang, trả món nợ lòng suốt 40 năm trời đằng đẵng.

Xuất phát từ Hà Nội có Chienc3, Tanloc555 và HAN_DCT và tôi LXT. Hai tài cứng là HAN_DCT và TL555 đã lái xe đến Vinh lúc gần 1g trưa. Chặng đường từ Ninh Bình qua Thanh Hóa đang sửa chữa nên xe phải đi chậm. SonTH đang giám sát thi công công trình tại Vinh đã đợi chúng tôi cùng đi. Em LS Nguyễn Hữu Sơn quê ở Tân Sơn, Quỳnh Lưu đang làm ở Vinh cũng đi cùng chúng tôi vào HT.

Hơn 3g chiều chúng tôi cùng gia đình ông Kinh ra NTLS núi Nài của TP Hà Tĩnh. Mộ của Tú nằm ở hàng cuối cùng sát chân núi Nài. Gia đình đã đưa Tú về đây từ năm 1992. Quãng thời gian đó chưa có nhiều LS được đưa về nên mộ của Tú nằm tại vị trí này. Đây là 1 NTLS đẹp, trên các bia mộ đỏ thắm lá cờ Tổ quốc.

Gia đình ông Kinh nằm trong khuôn viên đẹp trồng rất nhiều cây cảnh. Chúng tôi rất mừng vì gia đình ông Kinh tương đối khá giả không như gia đình của Lào, Bắc và Sơn mà năm ngoái chúng tôi đã đến thăm.

Sáng nay chúng tôi rời Vinh để về HN. Chọn đường về theo tuyến đường HCM tuy dài hơn nhưng đường tốt, thông thoáng. 5g chiều chúng tôi về đến HN, kết thúc tốt đẹp chuyến đi Hà Tĩnh.

















 
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tư, 2012, 01:00:30 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2012, 08:59:54 am »

@lexuantuong , chienc3
Các bạn đi HT mà mình cả ngày cứ ngóng tin . Biết được mọi việc theo đúng tâm nguyện là mình mừng lắm rồi . Chiều qua muốn gặp các bạn nhưng chắc mọi người đi 400km về mệt nên thôi hẹn hôm khác . Mình rất xúc động khi các bạn đã làm được việc này với anh TÚ .
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2012, 09:22:33 am »


Kỷ niệm 40 năm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2012)

SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG VÀ TỔ CHỨC CHIẾN ĐẤU LINH HOẠT
Đại tá,TS Dương Đình Lập

QĐND - Thứ Bẩy, 14/04/2012, 18:58 (GMT+7)
QĐND - Thắng lợi giải phóng toàn tỉnh, trong đó có Thành cổ Quảng Trị (1972) đã tạo ra cục diện mới trên chiến trường Trị-Thiên, làm thay đổi một bước so sánh lực lượng có lợi cho ta. Để giữ vững thành quả cách mạng, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch phải kiên quyết chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, trong đó có Thành cổ Quảng Trị.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và căn cứ vào thực tế chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng bảo vệ Thành cổ gồm: Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, ta tăng cường thêm Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320B), Đại đội công binh thuộc Trung đoàn 299. Ở bên ngoài, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng các sư đoàn: 308, 304, 325, 320B (thiếu) trấn giữ trên các hướng tây, tây nam và đông, tạo thành thế trận vững chắc bảo vệ, hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị bảo vệ Thành cổ.

Cuộc chiến đấu của bộ đội ta bảo vệ Thành cổ diễn ra rất gay go, quyết liệt. Địch tập trung lực lượng chiếm lại, ta quyết tâm ngăn chặn địch, kiên cường bám trận địa chiến đấu, giữ vững Thành cổ. Thế trận chiến đấu giữa ta và địch giằng co. Song trước việc địch được chi viện hỏa lực tối đa ồ ạt tiến vào đánh chiếm Thành cổ, ta quyết định rút toàn bộ lực lượng trong Thành cổ ra vùng hậu cứ củng cố, bổ sung lực lượng và nhận nhiệm vụ mới.

Quá trình tổ chức và sử dụng lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là giai đoạn kết nối quá trình chiến đấu kiên cường, anh dũng mở đầu với thắng lợi của Chiến dịch tiến công Trị-Thiên (từ 30-3 đến 27-6-1972) với Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (từ 1-9-1972 đến 31-1-1973), kéo dài 308 ngày đêm, trong đó có 81 ngày đêm giữ Thành cổ, kể từ khi địch phản công (28-6-1972) đến lúc ta thực hành rút khỏi Thành cổ (16-9-1972).
 
Điểm nổi bật trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ, cũng như thị xã Quảng Trị là, ta đã tổ chức lực lượng lúc cao nhất hơn 10 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 3 đại đội xe tăng, thiết giáp bố trí trấn giữ ở các vị trí trọng yếu; đồng thời sử dụng 3 trung đoàn và một tiểu đoàn pháo bố trí ở tả ngạn sông Thạch Hãn chi viện hiệu quả. Để phối hợp với các đơn vị bảo vệ Thành cổ và thị xã, ta còn sử dụng lần lượt nhiều sư đoàn bộ binh, nhiều đơn vị binh chủng tổ chức các đợt phản kích đánh vào bên sườn, đánh phía sau lưng địch. Bộ đội ta đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững Thành cổ 81 ngày đêm, tạo điều kiện cho ta có thời gian củng cố thế trận phòng giữ, bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị.

Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân số, vũ khí trang bị và thế trận địch hơn ta, ta chưa thể dàn trận đánh trực diện với địch, thì việc tìm ra cách đánh mới là tổ chức và sử dụng lực lượng tác chiến bảo vệ Thành cổ cũng như thị xã Quảng Trị là một quyết định sáng suốt, táo bạo chưa từng có tiền lệ kể từ khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thành công nổi bật nữa là ta khẩn trương tổ chức và sử dụng một bộ phận lực lượng thích hợp củng cố hệ thống trận địa phòng thủ. Dựa vào công sự trận địa, bộ đội ta vừa đánh chặn địch ở phía trước, vừa chủ động sử dụng lực lượng tập kích, phục kích, luồn sâu đánh vào phía sau, bên sườn quân địch với quy mô khác nhau. Đồng thời, ta tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt, sáng tạo đánh ban ngày và phát huy sở trường đánh đêm; kết hợp giữa các hoạt động tác chiến của bộ phận lực lượng nhỏ với các hoạt động tác chiến tập trung của lực lượng lớn để tiêu diệt, đẩy lùi các đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa của ta.

Có thể nói, trong điều kiện so sánh lực lượng và binh khí kỹ thuật rất chênh lệch và các điều kiện khác vô cùng khó khăn, thì việc giữ được Thành cổ 81 ngày đêm đã tăng thời gian quyết tái chiếm của địch lên 8 lần so với thời hạn ban đầu của chúng, làm thất bại những cố gắng cao nhất của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong âm mưu tái chiếm toàn tỉnh Quảng Trị, góp phần phục vụ tích cực yêu cầu của cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao trong thời điểm có tính chất quyết định giữa ta và Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), rút hết quân Mỹ và quân đồng minh Mỹ ra khỏi miền Nam, tạo ra thế và lực mới cho quân và dân ta tiến tới mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/184175/Default.aspx

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2012, 09:26:38 am »

@Luân đen: Biết là bạn sốt ruột rồi. Bạn gọi điện,nhắn tin nhiều quá làm bọn trên xe cứ bảo hai thằng đồng tính hay sao mà trao đổi liên tục từ 5h30 sáng đến 22h30 đêm. nói đùa thôi, kệ chúng nó chứ bạn nhỉ. Nói về chuyến đi thì thật là mĩ mãn. Bạn mình được đưa về nơi khang trang, thoáng mát, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Gia đình ông anh ruột là người chịu trách nhiệm chính trong việc thờ cúng lại rất khá giả chứ không khó khăn như gia đình của một số LS c3 khác nên bọn mình cũng rất nhẹ lòng. Thôi cũng là trút vợi được một phần món nợ lòng với đồng đội. Quý nhất với gia đình có lẽ là gặp được SonTH là người chứng kiến sự hy sinh của LS và đã khâm liệm, ôm xác anh suốt gần một ngày đêm.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tư, 2012, 10:53:56 am gửi bởi chienc3.1972 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM