Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 04:30:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 4  (Đọc 264795 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
nguyendoantho
Thành viên
*
Bài viết: 439



« Trả lời #580 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 08:51:53 am »

Cảm ơn a Tường về sự nhạy bén và tình cảm với đồng đội.Tôi sẽ liên lạc ngay với Như Thìn,nếu có thông tin gì thêm mong anh tiếp tục thông tin.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #581 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 05:07:14 pm »

Cảm ơn a Tường về sự nhạy bén và tình cảm với đồng đội.Tôi sẽ liên lạc ngay với Như Thìn,nếu có thông tin gì thêm mong anh tiếp tục thông tin.

@NDT: Không phải Như Thìn đâu. NT ở e101/f325 đi 6/9/71 còn Thìn kia ở e18/f325 đi 8/1970 bây giờ trong BLL của e18/f325 tại KV Hà Nội. Bác Thọ à, lứa anh em ta tuổi Thìn nhiều lắm trong đó có NTL, NHL, TLT, 6971, NT, tôi và nhiều lắm...
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #582 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 05:45:23 pm »

NƯỚC MẮT DÀNH NGÀY GẶP MẶT

QĐND - Thứ Năm, 16/08/2012, 20:39 (GMT+7)

QĐND - Với hàng vạn người lính thời chống Mỹ, bài thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi! của Nam Hà có sức thôi thúc đặc biệt, nhất là khi theo sóng phát thanh đến các chiến trường:

.. Đất nước của những người con gái, con trai

Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt dành ngày gặp mặt...


Nhà văn Nam Hà, tên là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1933 ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Anh mồ côi cha khi lên 9 tuổi, vừa đi học, vừa làm ruộng giúp mẹ nuôi hai em nhỏ. Năm 1950, khi đang học đệ tứ, có phong trào thanh niên tòng quân, anh nhập ngũ làm lính huyện đội và bắt đầu viết báo với bút danh Trúc Hà. Bài bút ký Bộ đội về làng là tác phẩm đầu tay được đăng báo là lý do cấp trên điều anh về làm phóng viên Báo Giữ làng của tỉnh đội Nghệ An. Nhưng chỉ đến tháng 12 năm 1950 thì thiếu giấy in, báo ngừng hoạt động, anh được cử đi học lớp Quân chính đào tạo tiểu đội trưởng. Năm 1952, anh tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh, phục kích trên đường số Mười, đánh nhau với lính Âu Phi, đơn vị anh hy sinh 35 người. Trải nghiệm trận mạc, những tác phẩm đầu tay của anh đều viết trực tiếp về người lính. Năm 1959, Trúc Hà được cử đi dự một trại viết do Tổng cục Chính trị tổ chức và khi trại kết thúc, anh về làm cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Một buổi sớm mùa hè năm 1964, Trúc Hà đang tập thể dục cạnh gốc đại ở số 4 Lý Nam Đế thì nhà thơ Vũ Cao đạp xe đến. "Vào chỗ mình có tý việc", Vũ Cao trả lời câu chào của Trúc Hà bằng một lời mời. Tý việc đó là câu hỏi "Trúc Hà đi B được không?". Tính Chủ nhiệm Vũ Cao vẫn thế, anh không bao giờ ra lệnh, mà chỉ thăm dò ý kiến. Trúc Hà tự nghĩ mình là người trẻ nhất cơ quan, chẳng có lý do gì để thoái thác, nên chỉ vài phút suy nghĩ anh đã nhận nhiệm vụ.

Công việc đầu tiên của nhà văn, nhà báo đi B hồi đó là đổi bút danh. Nguyễn Ngọc Tấn đã lấy tên con trai là Nguyễn Thi làm bút danh mới. Nguyên Ngọc đổi thành Nguyễn Trung Thành. Anh quyết định đổi Trúc Hà thành Nam Hà, với ý nghĩa Trúc Hà ở miền Nam.


Nhà văn Nam Hà

Đã trên 44 năm rồi, nhưng anh vẫn nhớ rõ những ngày đó. Anh được cử làm chính trị viên một đoàn 32 người đi B bổ sung cho chiến trường khu 6. Năm giờ sáng ngày 25 tháng 5 năm 1964, từ khu văn công Mai Dịch, ô tô đưa đoàn từ biệt Hà Nội bằng cách đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, trước khi đi thẳng vào Vĩnh Linh. Dạo đó chưa có chiến tranh phá hoại trên miền Bắc nên từ Hà Nội vào giới tuyến được đi bằng ô tô. Từ Bến Hải vào đến Bình Long, đoàn anh phải đi bộ mất đúng một trăm ngày. Mang nặng, ăn đói, mùa mưa ướt át tăng võng áo quần, đến nơi tập kết cuối cùng ở Đồng Nai Thượng, vừa đọc xong câu ca Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng thì sốt rét quật anh quỵ xuống. Anh nhớ mãi cô y tá người địa phương lên chiến khu chưa lâu, cố bón cho anh từng thìa cháo và khuyên rằng: "Nếu không cố nuốt thì thế nào anh cũng chết"! Và, khi cơn sốt trong người anh tạm lui, thì cô ấy lại hy sinh vì máy bay địch. Khu 6 là đất miền Đông "gian lao mà anh dũng" trong câu hát thời kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ càng gian lao gấp bội. Cán bộ, bộ đội phải tự túc lương thực bằng cách phát rẫy trồng sắn. Anh là người nổi tiếng làm rẫy giỏi của cơ quan, từ việc chọn rừng, đến chuyện phát, đốt cây và trồng trỉa. Sáu tháng liền không có lấy một hạt cơm, không có muối phải đốt cỏ gianh lấy tro, hoặc lá đu đủ giã nhỏ với ớt, để "đánh lừa cái lưỡi". Thiếu đói triền miền, toàn trai tráng mà có khi bước đi mỏi long đầu gối, không co chân nổi mà leo dốc. Có những lần máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống đúng khu vực đơn vị đang phát rẫy, chẳng biết chạy đi đâu, bèn ngồi xuống tại chỗ, căng tấm ni lông lên che, chất độc chảy nhỏ giọt bốn phía như nước mưa. Cả rẫy sắn nhiễm độc lá trụi, củ đen, đắng không thể ăn được. Tập truyện Mùa rẫy của anh được viết trong hoàn cảnh ấy. Những ngày đó anh luôn nhớ lời căn dặn của Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trước lúc đoàn lên đường, là phải viết ngắn để phục vụ trước mắt, đồng thời phải có ý thức tích lũy để viết dài về sau. Ngoài nhiệm vụ chính làm Báo Quyết thắng của Quân khu, anh ghi chép đầy hàng chục quyển sổ để làm tư liệu viết dài, nhưng một lần đi công tác xa bị cháy rừng rồi cháy lán, thiêu sạch mọi thứ; một lần giấu trong hang bị biệt kích Mỹ lấy mất. Trong ba lô của anh còn có ảnh và một bức thư gửi về Tổng cục Chính trị báo cáo một năm công tác. Bức ảnh ấy bọn địch đã in vào truyền đơn nói rằng anh bị bắt, cho máy bay thả xuống quê hương làm mẹ anh khóc cạn nước mắt, sau đó em anh từ Nghệ An ra tận Tạp chí Văn nghệ Quân đội xác minh mới biết được sự thật. Còn tất cả tài liệu chúng mang về Mỹ, sau này nhà thơ Phạm Tiến Duật đến thăm Bolton, cựu chiến binh Mỹ đã chuyển bức thư này về nước và đăng trên tuần báo Văn nghệ với nhan đề Bức thư của một nhà văn.

Năm 1971, Nam Hà vào B2 để viết về gương chiến đấu của những anh hùng dũng sĩ nhân Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn miền. Xong việc, anh được giữ lại để bổ sung cho Văn nghệ Quân giải phóng, nơi Nguyễn Trọng Oánh đang phụ trách và hai người bạn đồng hương vốn cùng cơ quan lại được công tác với nhau thêm gần 4 năm nữa...

Năm 1974, quân đội có chủ trương những ai đã đi B mười năm thì được ra Bắc. Nam Hà đúng tiêu chuẩn ấy. Thấy anh Nguyễn Trọng Oánh gầy yếu, Nam Hà có ý định nhường suất ra Bắc của mình, khi đó anh Oánh chỉ mới được tám năm. Anh Oánh không chịu, bảo Nam Hà "ra Bắc còn lo chuyện vợ con, đã trên bốn mươi tuổi rồi còn gì"... Thế là cuộc nhường nhịn không thành. Hơn một tháng trời đi xe, đi bộ ngược đường Trường Sơn, Nam Hà mang ba lô về làng. Người làng reo lên khi nhận ra anh rồi gọi to: "Anh Công về rồi bà ơi!". Mẹ anh bước qua bậu cửa ôm chầm lấy anh trên thềm khi anh chưa kịp đặt ba lô: "Con còn về được với mẹ hả Công?". Hai mẹ con cứ đứng ôm nhau mà khóc trong sự chứng kiến của người làng nghe tin anh về tìm đến. Mười năm xa, người mẹ anh thấp, nhỏ đi nhiều và mái đầu đã bạc trắng, nước mắt thấm vào áo anh. Anh thầm nghĩ: Với mình, nước mắt ngày gặp mặt là thế này đây!

Khi về Hà Nội, anh có nhiệm vụ chuyển một loạt thư từ cho bạn bè, nên tìm đến cô Phương, cháu ruột của anh Oánh đang học năm cuối của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Do duyên trời se, hai người nên vợ nên chồng và hôn lễ được tổ chức vào 10-5-1975. Một buổi trưa tháng 3 năm 1976, biết vợ đã sinh con ở nhà hộ sinh Hàng Bún, Nam Hà nhớ lại nhiều người bạn ở chiến trường như mình, khi trở về lấy vợ sinh con dị tật, nên giữa trưa, nhà hộ sinh đóng cửa, anh leo qua rào sắt, lẻn vào nơi vợ nằm, cố nhìn được chân tay, mặt mũi của con, thấy bình thường vội leo rào về nhà để mau báo cho hai bên nội ngoại. Khi viết thư, anh mới nhớ ra rằng, vì quá mừng, mình đã vội chạy ra, chưa biết được con trai hay gái, liền chạy đến leo rào một lần nữa, nhưng lần này bảo vệ đuổi, nên tận cuối chiều mới biết được con trai! Cảm giác hồi hộp, lo âu này không chỉ riêng anh. Năm 1999, trong chuyến thăm Mỹ, có cuộc tọa đàm với một số cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, một cựu chiến binh ở Bolton nói với anh đại ý rằng: Khi đứa con đầu lòng sắp ra đời, anh không quan tâm là trai hay gái, đẹp hay xấu... mà chỉ mong nó có đầy đủ mặt mũi, tay chân! Thế đấy, ngay những người lính Mỹ cũng ám ảnh, kinh hoàng về chất độc hóa học Mỹ trút xuống trên chiến trường Việt Nam.

Nam Hà là người của công việc. Trong thời gian làm thư ký Chi hội Nhà văn Quân đội, anh đã làm một việc được dư luận đánh giá rất cao, đó là xuất bản Tổng tập Nhà văn Quân đội, gồm 5 tập, dày 5000 trang của 303 nhà văn đã và đang mặc áo lính. Phải chăng đó là bộ sách về văn học đồ sộ nhất ở nước ta?

Đến nay, nhà văn Nam Hà đã xuất bản trên hai chục tác phẩm, riêng tiểu thuyết đã vượt con số năm nghìn trang in. Bộ ba tiểu thuyết Đất Miền Đông và Trong vùng tam giác sắt đưa anh tới Giải thưởng Nhà nước cao quý. Đã có cháu nội, cháu ngoại, dù sức khỏe có giảm sút nhưng luôn coi mình là người may mắn bởi anh là một trong 8 người còn lại sau chiến tranh của đoàn 32 người cùng đi B năm đó.

Ngồi đối diện với anh ở Hà Nội mà sao trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh hai mẹ con anh giữa quê nhà như một tượng đài: Người con cao gầy trong màu quân phục, đầu đội mũ tai bèo, lưng mang ba lô, nước da sạm xanh sốt rét, hai tay ôm choàng vai người mẹ thấp nhỏ, mặt áp vào áo con, mái tóc bạc trắng, cả hai nước mắt tuôn trào niềm vui gặp mặt.

Vương Trọng

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/33/33/202473/Default.aspx

CHÚNG CON CHIẾN ĐẤU CHO NGƯỜI SỐNG MÃI, VIỆT NAM ƠI !
                                                               
Nam Hà


                       Đường dài đi giữa Trường Sơn
                       nghe vọng bài ca đất nước

                       Đất nước
                       Bốn ngàn năm không nghỉ
                       Những đạo quân song song cùng lịch sử
                       Đi suốt thời gian, đi suốt không gian
                       Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang

                       Đất nước
                       Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt
                       Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
                       Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua
                       Từ non ngàn cho tới biển xa

                       Đất nước
                       Của thơ ca
                       Của bốn mùa hoa nở
                       Đọc trang Kiều tưởng câu hát dân gian
                       Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn.

                       Đất nước
                       Của những dòng sông
                       Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
                       Ngọt lịm, những giọng hò xứ sở
                       Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa

                       Đất nước
                       Của những người mẹ
                       Mặc áo thay vai
                       Hạt lúa củ khoai
                       Bền bỉ nuôi con, nuôi chồng chiến đấu.

                       Đất nước
                       Của những người con gái, con trai
                       Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép
                       Xa nhau không hề rơi nước mắt
                       Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt

                       Đất nước
                       Của Bác Hồ
                       Của óc thông minh và lòng dũng cảm
                       Của những đèn pha cách mạng
                       Soi sáng chân trời, xuyên suốt đại dương

                       Ôi tuổi thanh xuân
                       Mang bốn nghìn năm lịch sử trong tim
                       Ta sung sướng được làm người con đất nước
                       Ta băng tới trước quân thù như triều như thác
                       Ta làm bão làm giông
                       Ta lay chuyển trời đất
                       Ta trút hờn căm để làm nên những vinh quang bất diệt
                       Giáng xuống quân thù
                       Như sấm sét không nguôi
                       Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời.

                       Đất nước
                       Ta hát mãi bài ca đất nước
                       Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc
                       Cho mắt ta nhìn tận cùng trời
                       Và cho chân ta đi tới cuối đất
                       Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất
                       Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi,
                       Việt Nam ơi!


Đường Trường Sơn
Bình Thuận, 1966
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Tám, 2012, 12:43:17 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #583 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 06:07:10 pm »

Nhật ký chiến tranh
KÝ ỨC QUẢNG TRỊ

QĐND - Thứ Tư, 18/04/2012, 18:21 (GMT+7)

QĐND - Ngày ấy trên vùng đất Trị Thiên đầy đạn bom và máu lửa, chàng sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Hàng hải Nguyễn Văn Hòa gác bút nghiên cầm súng ra mặt trận. Những suy tư của anh giữa chiến trường Quảng Trị đã được anh ghi lại. Đó là tâm tình về quê hương, đồng đội và đặc biệt với người bạn gái Tiếu Lan nơi hậu phương (trong nhật ký anh gọi là T, T. Lan)…

20-5-1972

Thế là từ nay tôi đã là một anh Giải phóng quân. T ơi, chẳng hiểu em của anh những ngày này sẽ sống ra sao? Lo lắng cho anh nhiều lắm phải không. Thôi nhé em ở lại đừng buồn, đừng phải suy nghĩ lo lắng nhiều cho anh nữa. Anh ra đi có đồng đội. Ra đi có thể hy sinh nhưng đó là vì đất nước, vì dân, vì hạnh phúc của non sông, của gia đình và của riêng chúng ta nữa em ạ.

Được biên chế làm chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, vài ba ngày lại phải học thuộc hàng trăm mật mã, Nguyễn Văn Hòa vẫn luôn bám sát đội hình hành quân của đơn vị tiến về phương Nam.


CCB Nguyễn Xuân Hòa.

26-5-1972

Sau mỗi cuộc hành quân là tôi lại càng tiến sâu dần vào tuyến lửa. Đêm qua thành phố Vinh, tôi đã thấy được cảnh tan hoang của nó sau những trận ném bom của máy bay Mỹ. Những hố bom la liệt hai bên đường đã để lại trong tôi bao suy nghĩ. Tôi tự hỏi mình đã làm gì để bớt những hố bom ấy, bớt cảnh tang thương cho đồng bào... Đêm về khuya chúng tôi vẫn hành quân. Hai bên đường là những làng xóm yên lặng. Trong đêm chỉ có chúng tôi-những người lính Giải phóng quân đang hướng theo phía Nam – nơi đồng bào ta đã mấy mươi năm chưa có khi nào yên giấc mà tiến.

30-5-1972

Hôm nay tôi đã nằm trên đất Quảng Bình (huyện Bố Trạch). Càng làm tôi thấy rõ sự ác liệt của chiến tranh phá hoại bằng máy bay của đế quốc Mỹ. Suốt ngày đêm máy bay lượn rú trên đầu, cả những trận pháo kích ác liệt nữa. Mới đặt chân tới nơi đây, chúng tôi đã đi qua bãi pháo kích, những hố bom sâu khoảng 0,8m  cách nhau chừng 1m tròn như những chiếc nia la liệt trên mặt đất. Nhìn đấy mới thấy đồng bào Khu 4 đã phải chịu đựng bao nhiêu, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình-những người lính trực tiếp cầm súng đánh Mỹ.

28-6-1972

Vượt qua sông Ba Lòng, con sông nước trong xanh trông đẹp quá mà nước chảy dữ lại sâu đến thắt lưng, tôi phải gắng hết sức mới vượt qua được an toàn. Trời mưa to nhưng đơn vị vẫn cứ đi, chưa kịp vượt qua bãi trống thì cả đơn vị lại bị máy bay địch đánh trúng đầu đội hình. Rất may là tôi còn cách xa khu bom rơi khoảng 100m. Thật là một lần thử lửa ghê gớm.

29-6-1972

Một sự bất ngờ, tôi được bổ sung vào đơn vị thông tin, phân khoa vô tuyến. Chắc chắn sẽ có những khó khăn mới với tôi về ngành nghề. Tôi phải có những quyết tâm mới cao hơn. Tôi tin rằng với sự nỗ lực của bản thân cộng với sự hỗ trợ tận tình của những đồng chí cũ tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ.


Một trang nhật ký của chiến sĩ thông tin Nguyễn Xuân Hòa. Ảnh: Thanh Tuấn

2-8-1972

Vẫn tiếp tục những ngày sống dưới đồng bằng, hôm nay SCH dịch chuyển nơi ở, chúng tôi đi đào hầm trước. Hôm qua vừa “húc” một mình một hầm mệt quá mà hôm nay vẫn hăng. Mặc dù bụi, mệt, đói, khát nước nhưng vẫn cứ đào bằng xong mới nghỉ. Pháo địch bắn mỗi lúc một nhiều, vừa đào vừa chúi. Chiếc hố sâu 1m mà 4 người chúng tôi cứ nằm gí trong đó tránh những quả pháo nổ ầm trời. Pháo dứt lại tiếp tục đào.

19-8-1972

Ngày cuối cùng sống trong thị xã Quảng Trị cũng là ngày ác liệt nhất. Pháo địch bắn suốt ngày, suốt đêm. Chúng tôi ngồi trong hầm cũng không an tâm vì những quả pháo với tiếng nổ “êm tai”. Trong chiếc hầm không lấy gì làm chắc chắn lắm, 5 chúng tôi ngồi đó, Hòa và Luyến bị thương vì mảnh pháo bắn vào. Rất may là những mảnh nhỏ nên vết thương nhẹ.

24-8-1972

Một đêm chầu chực không được nằm, không được ngủ, mệt quá. Tình hình thật là căng thẳng. SCH đặt cách địch khoảng 250m, đào hầm không dám làm mạnh nữa. Ngày nào cũng vậy, pháo địch, cối tay, pháo trên tăng, đạn thẳng… chúng tôi ù tai vì tiếng súng, ngạt thở vì khói đạn.

Một ngày lịch sử trong đời bộ đội. Là người chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông liên lạc thông suốt mà hôm nay tôi đã phải kìm súng, lựu đạn tự vệ. Nhìn thấy thằng địch chỉ cách chừng 40m tôi muốn bắn nhưng vì giữ bí mật tôi đành giữ yên khẩu súng trong tay, nín thở chờ cho nó đến gần hơn nhưng cuối cùng nó lại đi chếch sang hướng khác.

Giữa sự sống và cái chết Nguyễn Văn Hòa vẫn hướng về hậu phương, nơi ấy có cô bạn gái Tiếu Lan của anh. Tình yêu đó có lúc trăn trở, có những ngậm ngùi khôn nguôi…

14-7-1972

Em yêu của anh ơi! Một mùa hè mới sắp tới. Một mùa hè hoàn toàn khác hẳn với những năm xưa. Ngày còn là sinh viên thì hè là những ngày vui vẻ nhất của chúng mình. Giờ đây là người lính không được hưởng tiếng ve kêu, hưởng màu đỏ của những cánh phượng nữa mà mùa hè này anh lại đang nghe những tiếng pháo, tiếng bom. Những ngày này chắc em lại càng mong tin tức của anh lắm phải không. Sẽ còn nhiều mùa hè như vậy nữa em ạ!

15-8-1972

Trong những ngày ác liệt này, anh vẫn nhớ và nhớ tới em nhiều lắm. Dù khói đạn có che lấp bầu trời, bom pháo có thể lật hết đất của Quảng Trị thì anh cũng vẫn nhớ tới em. Hai đêm nay anh không yên giấc vì cứ ho suốt. Nằm trong chiếc hầm mắt cứ mở trừng trừng trong đêm. Nghĩ tới quê hương anh nhớ em vô cùng. Đã mấy tháng xa em anh chỉ được gặp em trong giấc mộng mà thôi. Khi tỉnh dậy chiến trường miền Nam lại hiện ra trước mặt.

29-8-1972

Hơn một tháng liên tục làm nhiệm vụ đảm bảo mạch máu liên lạc, bị thương nhẹ hôm nay tôi mới được về hậu cứ của đơn vị nghỉ ngơi. Ở cái chiến trường này thì không biết đâu là nơi an toàn, đâu là nơi đảm bảo chắc chắn tính mạng cả. Ở đâu cũng có bom đạn nhưng dù sao gọi là hậu cứ thì cũng tạm yên ổn so với tiền phương. Tôi luôn mong cho chóng khỏe và khỏi bệnh để rồi đây lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Nơi tiền phương anh em, đồng đội của tôi vẫn chiến đấu. Được nghỉ tôi cũng cố gắng học cho thuộc mật mã mới để khi nào khỏi bệnh sẽ bắt tay vào làm việc được ngay, trở lại vị trí chiến đấu của mình.

22-9-1972

Thế là anh sống trong chiến trường miền Nam đã gần 5 tháng rồi, không biết sẽ còn sống ở trong này bao lâu nữa. Mấy tháng nay bặt vô tin tức của gia đình, quê hương và của cả em nữa. Lúc nào anh cũng mong đến ngày đoàn tụ của chúng mình. Không biết ngày ấy có được thành sự thật với chúng mình không em nhỉ? Nhưng anh tin rằng chua xót và đắng cay sẽ không đến với chúng mình đâu. Hạnh phúc và tốt lành sẽ thuộc về những người yêu thương chân chính!

Tình yêu và niềm lạc quan cách mạng ấy đã giúp Nguyễn Xuân Hòa đi qua cuộc chiến, trở về bình an bên gia đình và người thân. Anh chuyển sang học ngành Tài chính - Ngân hàng,  lấy Tiếu Lan làm vợ, có một gia đình hạnh phúc với người con gái mình yêu thương. Đến nay, khi rời vị trí Giám đốc Kho bạc tỉnh Bắc Ninh về nghỉ hưu, CCB Nguyễn Xuân Hòa vẫn tham gia các công tác xã hội. Ông tâm sự: “Đã 40 năm trôi qua, chúng tôi, những chiến sĩ Quảng Trị dù ở nơi đâu vẫn tìm đến với nhau, tri ân đồng đội đã khuất và bảo nhau cùng nuôi dạy con cháu sống, học tập thật xứng đáng với sự hy sinh của cha anh”.

 
Bích Trang

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/89/70/267/267/267/184767/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
quân y 103
Thành viên
*
Bài viết: 277


« Trả lời #584 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2012, 08:53:09 pm »

Hôm qua trên VTV4 có đưa 1 phóng sự về anh lính Quảng trị Trần luân Tín hiện sống ở Huế ,anh cũng đi lính thời các anh <thời hoa lửa > cũng đi tàu vào Nam cũng giải phóng Thành cổ . Em thấy anh ấy viết cuốn sách ĐƯỢC SỐNG VÀ KỂ LAI  ,được giải A của  hôi nhà văn,
Hôm nạy đọc được Ký ức Quảng trị và  Nước mắt ngày gặp măt .Thật cảm động
Thật cám ơn các anh
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #585 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2012, 09:40:58 am »

Hôm qua trên VTV4 có đưa 1 phóng sự về anh lính Quảng trị Trần luân Tín hiện sống ở Huế ,anh cũng đi lính thời các anh <thời hoa lửa > cũng đi tàu vào Nam cũng giải phóng Thành cổ . Em thấy anh ấy viết cuốn sách ĐƯỢC SỐNG VÀ KỂ LAI  ,được giải A của  hôi nhà văn,
Hôm nạy đọc được Ký ức Quảng trị và  Nước mắt ngày gặp măt .Thật cảm động
Thật cám ơn các anh

@quan y 103: Trần Luân Tín nguyên là SV ĐH Mỹ thuật nhập ngũ 6/9/71, là chiến sĩ thông tin của d18/f325 (tiểu đoàn thông tin). Trần Luân Tín đã đi đến cùng của cuộc chiến. Trong lứa ĐH Mỹ thuật ngày ấy còn có Mai Châu, Lê Duy Ứng, Trung Sơn, Hải Nghiêm, LS Hoàng Tích Minh...
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Tám, 2012, 10:23:56 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #586 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2012, 03:07:20 pm »

        Chào bác chủ! Tranphu341 cảm ơn bác đã sưu tầm giới thiệu cho anh em được biết về chân dung, cuộc đời cùng sự nghiệp với những bài thơ hay có thể nói là:" kinh điển và bất hủ" của nhà văn nhà thơ Nam Hà, cùng chân dung của những nhà văn ccb khác.

         Những bài viết, những tư liệu này thật giá trị. Chúc bác luôn khỏe, tiếp tục với những sưu tầm, những bài viết của mình để anh em VMH được thưởng thức.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #587 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2012, 09:32:25 pm »

NHỚ LẠI MỘT NGÀY THÁNG 7/2003

Khoảng đầu tháng 7/2003, Hùng côn báo cho tôi biết nhân ngày 27/7 VTV3 có dự định làm 1 chương trình Người đương thời với đề tài Những Cựu SV-CS đi tìm đồng đội. Vào thời điểm đó khi những lá thư của Nguyễn Văn Thạc chưa xuất hiện thì báo chí trong nước đã xôn xao vì 2 lá thư của LS Lê Văn Huỳnh (nguyên SV ĐHXD) và LS Lê Binh Chủng gửi về cho người thân. Đặc biệt hai lá thư này còn được báo Nhân dân chủ nhật 26/4/2003 giới thiệu với nhan đề  Những lá thư gửi tới mai sau. Một lá thư của người lính trước lúc hy sinh nhưng không mang mầu sắc bi ai mà thấm đậm tình thương yêu với những người ở lại, động viên mọi người sống tốt đẹp hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội và đặc biệt có những lời tiên đoán nơi anh hy sinh dường như muốn nhắn nhủ cho gia đình tìm đến nơi anh ngã xuống.

Quan điểm của anh em chúng tôi là ủng hộ và tạo thuận lợi cho các cơ quan truyền thông phản ánh và tuyên truyền để tri ân những con người đã hy sinh vì Tổ quốc nhằm tôn vinh một thế hệ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho cuộc sống hôm nay, và thế là tối 5/7/2003 ba người là Lê Cường, Hùng côn và tôi lên tầu vào QT (năm trước nhóm chúng tôi đã tìm ra LVH sau 29 năm cùng 2 LS nữa, riêng Sơn cụt bận không tham gia được).

Sớm hôm sau 6/7, tầu đến Đông Hà, camera của VTV3 đã lấy được cảnh 3 người chúng tôi xuống tầu với lỉnh kỉnh hành trang cùng đồ lễ dâng lên các LS. Cho đến bây giờ mỗi khi đài TH Quảng Trị phát lại cái video clip 3 thằng chúng tôi lầm lũi qua cổng Thành cổ bước lên Đài tưởng niệm ôm chầm lấy Trần Khánh Khư (lúc ấy là GĐ bảo tàng Thành cổ, nguyên du kích Cửa Việt năm xưa), chúng tôi vẫn nao nao trong lòng. Cả buổi chiều hôm đó, nhà báo TBL yêu cầu chúng tôi chuẩn bị những chi tiết cho buổi ghi hình ngày hôm sau theo kịch bản của nhà Đài: các anh chỉ trả lời những câu hỏi của em đặt ra, còn kịch bản thì bí mật không cho biết trước. Việc của người ta, miễn sao ta lại có dịp trở lại với đồng đội mình. Chúng tôi cùng nhà Đài về Thượng Phước nơi Huỳnh hy sinh để ghi hình gia đình anh Hậu cùng nơi chôn cất Huỳnh, anh Lan và Thiệm và các điểm trong Thành cổ phục vụ cho chương trình. Chiều muộn hôm đó sau khi đã hoàn tất các yêu cầu của TBL, chúng tôi đi về cánh Đông nơi chúng tôi chiến đấu cũng như ra bến vượt tại dinh tỉnh trưởng cũ để thắp hương cho đồng đội mình (rất tiếc nếu như nhà Đài đi cùng chúng tôi sẽ ghi hình được hiện trạng các NTLS những nơi này vào thời điểm đó cũng như bến vượt chưa được làm kè thì vô cùng giá trị). Chúng tôi nghỉ tại nhà khách Thành cổ và gặp Lê Xuân Chinh cũng được mời để làm về Nụ cười Thành cổ.

Sáng 7/7, bầu trời QT trong vắt không một sợi mây báo hiệu một ngày nắng khủng khiếp. Đây là lần đầu tiên chương trình Người đương thời làm ngay ngoài trời ngay tại Đài chứng tích SV-CS trong bối cảnh nắng nóng và gió Lào ù ù thổi.

Chúng tôi đã khóc nhiều khi kể lại những kỷ niệm về những người bạn cùng ra đi từ trường ĐHXD và mãi mãi không bao giờ trở về. Nhắc lại những ngày chuẩn bị lên đường nhập ngũ không thể nào quên ấy, ba chúng tôi không khỏi xốn xang nhớ về các thầy cùng bạn bè. Khi TBL có hỏi chúng tôi đã viết gì khi gửi thư cho gia đình, tất cả ba chúng tôi đều nhớ đến Mẹ và tôi có viết là: Mẹ đừng khóc con, nhất định con sẽ trở về, mẹ hãy dành nước mắt cho ngày ấy…( có lẽ ngày chúng tôi ra đi những lời thơ của Nam Hà đã ảnh hưởng rất lớn đến lớp thanh niên thời bấy giờ).

Công việc ghi hình, phỏng vấn của nhà Đài đã chiếm gần hết thời gian buổi sáng 7/7 trong cái nắng nóng bỏng rát của gió Lào tại QT. Buổi trưa chúng tôi cùng nhau ăn 1 bữa cơm để chia tay về HN hôm sau tiếp tục đi làm. Trong bữa cơm, mọi câu chuyện được thật sự cởi mở vì nhiệm vụ đã hoàn tất. Rất nhiều bài hát của thời SV cả của Nga lẫn Việt được hát lên như lên đồng, bao nhiêu chuyện được kể ra để chia sẻ đến nỗi TBL phải kêu lên: Tuyệt thế tại sao sáng nay các anh không kể ?. Chúng tôi nói rằng: Kịch bản là của em, các anh chỉ trả lời khi em đặt câu hỏi ! Thế đấy nhiều khi những người làm công tác truyền thông hay bị cái bệnh áp đặt. Với chúng ta,  đâu phải chỗ nào cũng nhắc đến chuyện chiến tranh, phải là người trong cuộc hay đồng cảm trong một không gian phù hợp thì kho tàng của chúng ta mới có dịp để khai quật được.

Sau đó ít ngày, ngay trong tháng 7 năm đó chương trình Người đương thời đã được phát sóng trên VTV3 Những Cựu SV-CS đi tìm đồng độiNụ cười Thành cổ nói về những bức ảnh chụp tại QT của PV chiến trường Đoàn Công Tính và nụ cười của Lê Xuân Chinh.

Đã gần 10 năm qua, đây là đầu tiên VTV3 làm một chương trình về cuộc chiến  QT và đã để lại dấu ấn sâu sắc và cảm động về Một thời Hoa Lửa không thể nào quên.

Hà Nội tháng 7/2012


Vào đến Thành cổ sáng 6/7/2003




Trong Bảo tàng Thành cổ

Với "Nụ cười Thành cổ"

Nơi chôn cất anh Lan, Huỳnh và Thiệm trong vườn nhà anh Hậu tại Thượng Phước.


Với gia đình anh Hậu




Với các đồng đội đã ngã xuống


Sau khi hoàn tất việc ghi hình và phỏng vấn...


...và cùng với ê-kíp làm chương trình

    


« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2012, 05:08:17 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #588 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2012, 12:48:24 am »

Cám ơn Tường đã đăng bài của Vương Trọng viết về Nam Hà.
Lần đầu tiên mình được đọc về tác giả của bài thơ đã đi suốt cùng những năm tháng chiến trường.
Hồi ấy, nhiều lúc vác nặng đường xa muốn quỵ, lẩm nhẩm "Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất. Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi", là lại cố được.

Nhìn ảnh Tường, Hùng và Cường năm 2003 thật ấn tượng. Thoắt đấy đã 10 năm với bao chuyến đi của các bạn về lại Quảng Trị. Chuyến đi vừa rồi với mình rất quý báu, muốn thử viết gì đấy mà ít bữa qua kẹt quá, chỉ tranh thủ vào QS đọc bài mọi người.
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #589 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2012, 06:19:16 am »

Vào đến Thành cổ sáng 6/7/2003

Ôi hình ảnh mấy bác 9 năm trước thật đẹp, tươi rói nụ cười khi thực hiện được nghĩa cử về với đồng đội. Trông các bác hiền hoà như vậy mà ai đó nỡ gọi là "kiêu binh" nhỉ. Tôi được biết và bản thân tôi cũng vậy, luôn luôn là tự túc kinh phí cho mọi chuyến đi về với chiến trường xưa, về với đồng đội. Các bác và chúng tôi đang tham gia một cuộc chiến: cuộc chiến chống lãng quên như Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, một CCB 91 tuổi vừa nói trên VTV1 hôm nay.
Các bạn ơi, hãy nhìn và khắc sâu vào ký ức hình ảnh Đài chứng tích sinh viên tại Thành Cổ Quảng Trị bởi vì có thể một ngày nào đó nó sẽ không còn tồn tại. Thật đau xót khi nghĩ tới chuyện người ta bàn tới việc phá cái đài chứng tích Sinh viên đi với lí lẽ rằng Sinh viên cũng là lính...
Đúng, sinh viên cũng là lính, chúng tôi chỉ thực hiện bổn phận của người lính, của người công dân. Các LS-SV cũng hoà thân xác vào từng tấc đất ngọn cỏ trong Thành Cổ này. Các LS-SV không đòi hỏi gì cho riêng mình. Chúng tôi không đòi hỏi gì cho riêng mình. Đài chứng tích sinh viên cho tới nay là niềm tự hào duy nhất của chúng tôi được dựng nên ở nơi đây. Mà đâu phải chỉ riêng để tôn vinh những người lính sinh viên. Bao thế hệ học sinh sinh viên sau này đã tới đây, soi mình vào đó để xác định quyết tâm phấn đấu, học tập hy sinh vì nghĩa lớn của các bậc cha anh chúng từ tuổi học trò...
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2012, 02:26:39 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM