Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 12:33:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 4  (Đọc 264798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #380 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 09:31:56 am »


Một thời trận mạc

ÉM QUÂN DƯỚI CHÂN ĐỒI CHÁY


QĐND - Thứ Ba, 29/05/2012, 20:17 (GMT+7)

QĐND Online - Ở quê lúa Thái Bình, có một con ngõ dài ước chừng hơn 300 mét nối liền hai thôn An Trực và Đồng Trực của xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ. Trong ngõ nhỏ ấy, có tới 3 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là: Nguyễn Thế Thao, Nguyễn Hồng Thế và Nguyễn Công Dị. “Một ngõ ba anh hùng, đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Thái Bình, mà còn khá hiếm gặp ở những địa phương khác”, Đại tá, Anh hùng Nguyễn Thế Thao tâm sự với chúng tôi như vậy.

Tìm gặp đúng dịp ông đang tất bật chuẩn bị cho chương trình “Về chiến trường xưa - tri ân đồng đội”, nhưng người lính trận từng có mặt trong đội hình Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) vẫn sẵn lòng dành thời gian kể lại cho chúng tôi về một thời trong biên chế Tiểu đoàn 6 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị .

Những ngày đầu tháng 9-1972, lợi dụng mùa mưa, quân đội Sài Gòn mở chiến dịch “Đại phong lôi” phản kích sang phía nam sông Thạch Hãn. Đêm 3-9-1972, các Trung đoàn 165, 141 và 209 của Sư đoàn 312 bí mật hành quân chiếm lĩnh các tuyến xuất phát xung phong và nhận nhiệm vụ phối thuộc cùng các đơn vị bạn. Trong khi Trung đoàn 209 chọc thủng nhiều vị trí quân địch ở tuyến tây nam, Trung đoàn 141 giữ vững trận địa ở Điểm cao 39 và động Ông Do, thì Trung đoàn 165 kiên cường chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, Tân Tạo và La Vang. Để mở rộng hành lang vận chuyển, Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 165 ( do Nguyễn Thế Thao là Tiểu đoàn trưởng) nhận nhiệm vụ diệt cứ điểm Đồi Cháy, một điểm cao do một đại đội lính thuỷ đánh bộ địch chiếm giữ ở phía đông nam làng Như Lệ, xã Hải Lệ (nay thuộc Thị xã Quảng Trị).

“Thay vì đánh địch vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng như phương án của các đơn vị bạn trước đây, sau khi trinh sát, chúng tôi đã quyết định sẽ đánh địch từ 17 giờ chiều, đúng vào lúc chúng đang chủ quan, lơ là canh gác. Một khó khăn đặt ra: Phải giấu quân ở đâu? Nếu giấu quân ở xa thì sẽ không kịp xung phong, nếu giấu quân vừa tầm thì địa hình trống trải, làm mồi cho pháo dàn và B52 của địch. Cuối cùng Tiểu đoàn quyết định: giấu quân ở trong lòng đất, ngay dưới chân đồi cháy, cách địch 70m” - Anh hùng Nguyễn Thế Thao kể lại. Đêm 8-9-1972, toàn tiểu đoàn bí mật luồn vào quanh điểm cao Đồi Cháy, cách địch khoảng 70m từ các hướng Đông, Đông Nam, Tây Bắc, với lực lượng khoảng 300 người của ba đại đội: 9, 10, 11.  Tại đây, mỗi chiến sĩ đào một công sự nhỏ, nguỵ trang kín đáo chờ lệnh. Chiều 9-9, trên Đồi Cháy xuất hiện hàng trăm nấm khói do bọn địch đang tổ chức nấu cơm chiều. Thời cơ nổ súng đã đến. Sau khi hoả lực phủ đầu, quân ta xung phong. Mũi đột kích của Tiểu đoàn 6 chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, song bị chững lại ở lưng đồi, vì pháo dàn của địch trùm lên Đồi Cháy. Từ trên cao, một ổ 12,8mm của địch quét chéo xuống sườn đồi, làm quân ta không sao tiến lên được. Đúng lúc đó, Trung đội trưởng Hoàng Đăng Miện đã trườn lên, tìm một địa thế thuận lợi, rồi đứng vụt dậy, giương khẩu B41, bóp cò! Ổ 12,8mm của địch bị tiêu diệt, những bước chân xung phong rầm rập tràn lên..

Sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, Đại đội trưởng Nguyễn Đình Khuyến đã chỉ huy Đại đội 10 đột phá tuyến phòng thủ thứ hai. Máy bay địch bắn phá dữ dội xung quanh Đồi Cháy. Đại đội trưởng Khuyến bị trúng đạn, hy sinh, Trung đội trưởng Hoàng Đăng Miện lên thay và nhận nhiệm vụ chỉ huy bộ đội tiếp tục tiến vào trung tâm cứ điểm, mặc cho pháo địch bắn dồn dập… Sau hai ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 6 đã diệt 150 tên địch và làm chủ Đồi Cháy. Chiến dịch “Đại phong lôi” của địch bước đầu bị thất bại.

Ngồi ôn lại chuyện cũ, Đại tá Nguyễn Thế Thao không khỏi xúc động khi nhắc tới sự hy sinh của đồng đội Hoàng Đăng Miện trong trận đánh Đồi Cháy năm xưa. Ông ngậm ngùi, đơn vị đã mất đi một cán bộ tài năng, một “chuyên gia” diệt địch bằng B41 được anh em mến phục. “Ngay từ ngày đơn vị còn chiến đấu ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng những năm 1970-1971, Miện đã là người có kinh nghiệm đánh B41 và diệt nhiều tên địch. Hôm diễn ra trận đánh Đồi Cháy, khi Hoàng Đăng Miện đang lắp tiếp vào đầu súng một trái đạn mới, bỗng một vầng sáng chớp lóe trước mặt, mọi người chỉ kịp thấy quả đạn B41 trên đầu súng của anh bắt lửa, đỏ chói…” - Đại tá Nguyễn Thế Thao kể lại.

Từ cách đánh “ém quân dưới chân đồi” của Tiểu đoàn 6, ngày 23-9-1973, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Thao và Trung đội trưởng Hoàng Đăng Miện được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: Minh Tuệ-Trung Nguyên

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/190919/Default.aspx



Đại tá Nguyễn Thế Thao, AHLLVT, sinh năm 1944, nguyên tiểu đoàn trưởng d6/e165/f312 năm 1972.



Giao lưu cùng đồng đội tại BTL CSCĐ 
[/b][/i]
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #381 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 09:35:52 am »

@LXT, nguyentrongluan và các bác trang mình: Hôm qua, sau cuộc giao lưu với CLB Kết nối trái tim, khi cô Lan trong Ban cố vấn của CLB nói lời cảm ơn các bác CCB tôi đã nói với cô rằng: chính chúng tôi phải cám ơn các anh chị trong Ban cố vấn CLB và các cháu vì bằng những hành động, những suy nghĩ của mình đã cho chúng tôi thêm niềm tin vào những cái tốt đẹp đang còn hiện hữu trên mảnh đất này, trong thời buổi "nhốn nháo" mà người ta đổ thừa cho là vì Kinh tế thị trường.
Khi tác nghiệp cùng các cháu trong phòng máy tính, tôi mở trang mạng của ta và giới thiệu cho các cháu, vài cháu nói chúng cháu cũng hay vào Diễn đàn này, lại có vài cháu đã coppy đường link của trang để về nhà mở. Điều đó thể hiện một điều rằng các cháu rất quan tâm đến những gì các bác viết, những gì các bác làm, cả trong quá khứ và hiện tại.
Chính vì vậy tôi lại càng thấy tâm đắc những điều nguyentrongluan@ nói: "Chúng tôi mừngđến rưng rưng nước mắt , thì ra lớp trẻ không quên quá khứ anh hùng một thời cha anh của chúng đổ xuống để giành lại đất nước này như có người nào đó đã không tin vào tuổi trẻ bây giờ . Không phải thế , các cháu cảm động , các cháu đã phát biểu hôm nay với chúng tôi những tâm sự thật trong sáng , sự trong sáng làm chúng tôi vui đến rơi nước mắt ." và càng thấy trách nhiệm của CHÚNG TA đối với các cháu trong vai trò hướng đạo lớn lao và quan trọng đến nhường nào.

@ chienc3 và các bác 19c NH :
Nhân tâm sự của Chiến c3 và Tường " ...và càng thấy trách nhiệm của chúng ta đối với các cháu trong vai trò hướng đạo lớn lao và quan trong và lớn lao đến nhường nào " tôi kể lại : Tối qua có chị em ở phía nam sau khi đọc bài có câu nói phản cảm về tên đường phố Cũ , Mới ở Sài gòn đã hỏi người viết ấy có phải ở 19c NH không ? tôi trả lời ở 19 c không có người ấy và chúng tôi chưa từng biết bác ấy . Rõ là một sự nhỏ nhưng không hề nhỏ nữa . Chúng ta đều rút kinh nghiệm phải không các anh em ?
 uote]
Logged
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #382 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 10:20:50 am »

Trích dẫn
Trích dẫn từ: lexuantuong1972 trong 28 Tháng Sáu, 2012, 01:47:23 PM
Đã là lính SV 325 tham gia diễn đàn thì cũng nên (phải) có mặt tại 19C Ngọc Hà vào lúc 5g chiều thứ bảy hàng tuần chứ nhỉ. CLB 19C xin đón chào bác.
Trích dẫn
Trích dẫn từ: linhthongtin trong 28 Tháng Sáu, 2012, 02:32:21 PM
Tôi không phải là lính SV 325 nhưng tôi đã tham gia diễn đàn thì tôi có nên (hoặc phải) có mặt tại 19C Ngọc Hà vào lúc 5g chiều thứ bảy hàng tuần không ạ?
@nguentrongluan và các bác: tôi thấy ngạc nhiên khi đọc mấy dòng bác nguyentrongluan vừa viết:
Trích dẫn
Tối qua có chị em ở phía nam sau khi đọc bài có câu nói phản cảm về tên đường phố Cũ , Mới ở Sài gòn đã hỏi người viết ấy có phải ở 19c NH không ? tôi trả lời ở 19 c không có người ấy và chúng tôi chưa từng biết bác ấy .
- Thứ nhất là người viết bài đó là nick linhthongtin, sao phải dấu tên.
- Thứ hai là nick linhthongtin chưa bao giờ tham gia CLB 19C Ngọc Hà. (theo lời bác ấy viết mà tôi trích dẫn ở trên). Đúng là một số anh em ở CLB 19C NH có biết nick chứ chưa hề biết con người bằng xương bằng thịt như thế nào. Rất mong có ngày diện kiến.
- Thứ ba là quan trọng gì việc bác ấy là ai và ở đâu. Bản thân bác ấy đã nhận thấy và tự xoá bài viết sau khi tiếp thu một số ý kiến phản ứng của các nick khác và của mod Binhyen1960 rồi còn gì.
Theo tôi mỗi chúng ta nên rút ra bài học từ chuyện không hay này.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2012, 07:07:48 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #383 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 03:39:56 pm »

  Một câu nói đùa không mang chủ ý, viết một câu thiếu một chữ nội dung mang màu sắc chính trị - hãy bỏ qua những điều vụn vặt cho nhau.  Chúng ta hãy kể cho nhau nghe về ký ức thời trai trẻ, để soi mình vào trong quá khứ của đồng đội.

  Câu lạc bộ 19c Ngọc Hà là gì hở bạn; dù đẳng cấp nó thế nào đã lính chiến Hà Nội thời đó đều tham gia được, hay lại là hình thức phân biệt mới đây; Nếu ở Hà Nội chỉ nói Lính sinh viên là chưa đủ - đánh thành cổ Quảng Trị đội hình lính sinh viên là đội hình đặc biệt nhất của đội ngũ trí thức tương lai tham chiến khi tổ quốc cần các anh sãn sàng lên đường. Thời đó văn hóa thanh niên tương đối đồng đều không như bây giờ ( Hà Nội bầy chừ là nơi có người mù chữ nhất nước phải không ban?.) và thanh niên tham gia chiến trận gồm cả Học Sinh, Sinh viên...ở Sài gòn thời đó người dân gọi ngắn gọn Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên tôi cho là rất đầy đủ. Nếu có điều kiện tôi sẽ ghé thăm ngồi uống cốc bia hơi ở câu lạc bộ này.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2012, 04:24:13 pm gửi bởi xuanxoan » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #384 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 05:19:33 pm »

  Một câu nói đùa không mang chủ ý, viết một câu thiếu một chữ nội dung mang màu sắc chính trị - hãy bỏ qua những điều vụn vặt cho nhau.  Chúng ta hãy kể cho nhau nghe về ký ức thời trai trẻ, để soi mình vào trong quá khứ của đồng đội.

  Câu lạc bộ 19c Ngọc Hà là gì hở bạn; dù đẳng cấp nó thế nào đã lính chiến Hà Nội thời đó đều tham gia được, hay lại là hình thức phân biệt mới đây; Nếu ở Hà Nội chỉ nói Lính sinh viên là chưa đủ - đánh thành cổ Quảng Trị đội hình lính sinh viên là đội hình đặc biệt nhất của đội ngũ trí thức tương lai tham chiến khi tổ quốc cần các anh sãn sàng lên đường. Thời đó văn hóa thanh niên tương đối đồng đều không như bây giờ ( Hà Nội bầy chừ là nơi có người mù chữ nhất nước phải không ban?.) và thanh niên tham gia chiến trận gồm cả Học Sinh, Sinh viên...ở Sài gòn thời đó người dân gọi ngắn gọn Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên tôi cho là rất đầy đủ. Nếu có điều kiện tôi sẽ ghé thăm ngồi uống cốc bia hơi ở câu lạc bộ này.

@xuanxoan: Chưa bao giờ chúng tôi nói là CLB 19C NH là của lính SV mặc dù nòng cốt ban đầu là lính SV của ĐHXD, tiếp đó mở rộng ra các thành viên tham gia DĐ DN-GN và bây giờ đã là sân chơi chung của tất cả những ai muốn chia sẻ những quá khứ của 1 thời không phân biệt tuổi tác. Ai cảm thấy thích thì tham gia, đến mà không thấy phù hợp cũng không sao.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #385 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 05:29:20 pm »

ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT HỘI CHIẾN SĨ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972 TỈNH QUẢNG TRỊ
 NHIỆM KỲ 2011 - 2016







« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2012, 06:17:47 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #386 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 08:01:21 pm »

      … Tuần trước, thay mặt thủ trưởng đi ký hợp đồng thuê trụ sở cơ quan. Ghé phòng chức năng photo một số chứng từ quan trọng, một cháu trai “trẻ”, mặt không ngước lên hỏi:
      - Có Ủy quyền không?
      - Chú chỉ ghé chứng thực thôi cháu ạ, khi nào trực tiếp ký hợp đồng chắc sẽ có ủy quyền.
Đôi mắt “trẻ” khẻ ngước lên:
      - Đem qua bên kia, cánh tay “trẻ” cầm số giấy tờ chỉ về bên trái, nơi có một cháu gái đang ngồi trước màn hình.
      Bực mình lắm, nhưng không tiện chỉnh sửa cho đứa cháu “trẻ” kia, bởi vì mới sáng đầu tuần khách hơi đông. Tay cầm giấy tờ, bước qua bàn kế bên:
      - Cháu gái ơi cho chú cái dấu sao y. Mắt không rời màn hình, cháu gái cũng “trẻ”:
      - Để đó.
      Sáng đầu tuần mà thế nào vậy? Lại nhớ đến phong trào của Thành phố phát động gần đây, nên chấm dứt tình trạng 3 không, đối với Cán bộ- công chức nhà nước: Không cười- không chủ ngữ- không giải thích.
      Hai người “trẻ” cùng một giọng điệu sao mà khó nghe quá. Định bụng nói cho “hai đứa trẻ” có thể trong lứa tuổi cháu, con biết rằng: Ngày xưa trạc tuổi hai đứa chú đã cầm súng để bảo vệ đất nước và ăn nói lễ phép lắm nhé!
      Nhưng nghĩ  lại, nếu nói  như vậy có “công thần” có “hống hách” quá hay không?
      Chợt nhớ đến, những thế hệ trước mình cũng từng cầm lấy cây súng mà giành lại quê hương, công trạng của những người ấy, lấy gì mà đong, mà đếm. Thế nhưng họ có kể lể gì đâu, họ vẫn bình dị trước mọi “ngoắc ngoéo” của cuộc sống hôm nay. Họ vẫn chấp nhận được cái “sự đời” của đời thường và họ vẫn sống vui. Họ vẫn dân dã, nhẹ nhàng dù họ cũng rất xứng đáng để “ta là…”
      Họ sống chan hòa, tình nghĩa, họ là những người Anh, mà mỗi lời nói, mỗi câu chữ trong mỗi bài viết chứa đựng nỗi niềm về quá khứ, chứa đựng cả Nhân- Lễ- Nghĩa…để cho người đọc phải suy ngẫm. Về nhiều lắm chữ TÌNH trong bề bộn hôm nay.
      Họ có một mái nhà chung, mà mỗi tuần đều tụ họp về đây, không phân biệt “địa vị- hèn sang”, không phân biệt “anh trước- mày sau”.

      Mái nhà của họ luôn nồng ấm tiếng cười, nụ cười của những người lính trong "19C Ngọc Hà".

« Sửa lần cuối: 02 Tháng Bảy, 2012, 08:26:39 pm gửi bởi duck8d5 » Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #387 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 09:00:10 pm »

Một thời trận mạc

DÒNG SÔNG HOA LỬA

QĐND - Thứ Năm, 03/05/2012, 17:39 (GMT+7)

QĐND - Tròn 40 năm đã trôi qua, nhưng dường như mỗi tấc đất, mỗi đoạn đường, mỗi ngọn đồi vẫn còn đó. Vùng đất này từng vang dội chiến công nhưng cảnh sắc lại dịu dàng, bình dị. Mỗi dòng suối xanh vẫn như thấp thoáng bóng hình người chiến sĩ thuở nào. Các anh đang vượt sông, đang vượt qua bom đạn nhằm hướng về phía kẻ thù xốc tới.

Chiến trường xưa, hôm nay lặng lẽ mà như muốn nói lên tất cả những gì thuộc về quá khứ của một thời oanh liệt.

Ôi, đồng đội của chúng tôi! Nắng, mưa càng hiện rõ chứng tích lịch sử oanh liệt này. Quảng Trị là nơi thử thách lòng kiên trinh cách mạng của tất cả chúng ta. Mỗi trận đánh như "lửa thử vàng", có bao con người đã ngã xuống trước bom đạn kẻ thù nhưng vẫn không ngăn nổi hàng nghìn chiến sĩ tuổi mười chín, đôi mươi xông lên để giữ Thành cổ yêu dấu bằng bất kỳ giá nào. Chúng ta đánh kẻ thù bằng xe tăng, pháo lớn và bằng cả tấm lòng kiêu hãnh của người chiến sĩ Việt Nam. Chiến công nào mà không có máu đổ. Sự hy sinh to lớn của người đồng đội chúng ta đúng như một nhà thơ đã viết: "Nếu các anh trở về đông đủ, sư đoàn ta sẽ thành mấy sư đoàn".

Năm ấy, mặt trận Quảng Trị và Thành cổ có một người chiến sĩ với cái tên bình dị: Lê Bá Dương. Mới tròn tuổi 15, Lê Bá Dương tự tay cắt máu, viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Người xã đội trưởng lúc đó đã tặng anh thêm ba tuổi để Dương được lên đường. Trung đoàn 27, đơn vị của Lê Bá Dương thuở ấy nổi danh với truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Lê Bá Dương trở thành dũng sĩ diệt Mỹ vào độ tuổi thanh xuân. Anh đã hơn 10 lần được phong tặng danh hiệu vẻ vang đó. Anh tâm sự: "Những giây phút thiêng liêng, yên tĩnh này chợt dậy lên trong tôi hình ảnh những đồng đội, đồng chí đã chiến đấu trong suốt 81 ngày đêm ở Thành cổ. Hầu hết các anh đều ở lứa tuổi đôi mươi, từ các trường Đại học vừa được bổ sung cho lực lượng chiến đấu của chúng ta. Những con người dường như chưa một lần nắm tay bạn gái, thế mà bất chấp cả triệu tấn bom đạn Mỹ, từ B52 rải thảm, pháo bầy từ hạm đội 7, các loại hỏa lực, pháo mặt đất, xe tăng đã ném vào đây bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hirosima (Nhật Bản). Bất chấp tất cả, Thành cổ không một viên gạch nguyên vẹn mà vẫn rạng lên gương mặt chiến sĩ, đồng đội của tôi và hơn 10 nghìn chiến sĩ yên nghỉ nơi này".

Những ngày cuộc chiến ác liệt nhất nơi Thành cổ, tôi đã từng có mặt với tư cách là một phóng viên chiến trường. Có không ít cán bộ, chiến sĩ tôi vừa viết bài, chụp ảnh gửi ra Hà Nội thì mấy ngày sau họ không còn nữa, đã anh dũng hy sinh. Họ không được đọc những trang viết về mình. Trong muôn vàn câu chuyện chiến đấu năm xưa có một câu chuyện thật cảm động. Đó là chuyện về căn hầm dưới chân Thành cổ, căn hầm chỉ huy của Chính trị viên tiểu đoàn Lê Binh Chủng. Anh và đồng đội đã không trở về sau chiến thắng. Căn hầm ấy, hơn 27 năm sau, đồng đội anh mới tìm thấy. Cùng với hài cốt của anh là rất nhiều tài liệu Chỉ huy tác chiến, địch vận có giá trị, cuốn Điều lệ Đảng, Nhật ký ghi chép những diễn biến cuối cùng của chiến đấu. Các anh biết cái chết đang đến từng ngày, từng giây, từng phút nhưng sẵn sàng đón nhận. Tất cả vì Tổ quốc thân yêu. Đặc biệt, trong đó có thư của chị Phan Thị Biển Khơi - người vợ của anh từ hậu phương gửi đến giữa những ngày cuộc chiến đấu giữ thành đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Lá thư gửi đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ 33 năm về trước, có đoạn viết: "Anh Chủng thân yêu của mẹ con em! Cầm bút biên thư cho anh trong khi chiến trường Trị - Thiên thắng to. Tin vui bay về đến hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi đến bao niềm thương, nỗi nhớ...". Trước đó, thư gửi ngày 20-4-1972, chị cũng thể hiện ý chí của mình: "Còn em phải tình nguyện bám đất, giữ làng chứ không đi, quyết ra sức thi đua với anh ở tiền tuyến, khi nước nhà thống nhất, ta gặp nhau, sẽ là những người cộng sản đỏ". Những lá thư hậu phương đã làm nên sức mạnh kỳ diệu cho những người chiến sĩ ở tiền tuyến. Trong những phút giây kỳ diệu đó, anh cùng đồng đội đã lao vào cuộc chiến đấu đó bằng cả sức mạnh phi thường.

Trở về dòng sông Thạch Hãn, tôi vẫn thấy lòng mình thổn thức, tràn ngập kỷ niệm xưa. Nơi này, bên này, chúng tôi đã vượt sông và có bao con người đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ dòng nước. Trên dòng sông này tôi đã gặp lại những người du kích Triệu Phong, Triệu Hải. Tôi như nghe trăm ngàn lần sóng vỗ, khúc hát anh hùng mà đầy đau thương, máu và nước mắt. Những đồng đội không trở về hôm nay vẫn muốn lòng tri ân những bà mẹ, những người chị, người em vừa đánh giặc, vừa hết lòng dành tình thương yêu chăm sóc người lính. Sự hy sinh ấy không sao tính được. Lê Bá Dương xúc động: "Thay mặt đồng đội hôm nay, chúng con lại về thăm các má - những người đã dành sự hy sinh cho Tổ quốc của mình mà không hề tính toán hạnh phúc riêng tư. Bàn tay các mẹ lúc nào cũng làm ấm lòng chúng con. Bàn tay một thời đã chăm chút cho chúng con như con đẻ của mình. Các mẹ, các chị là hiện thân của bà mẹ Việt Nam trong hành khúc cuộc đời chiến đấu của chúng con, của thế kỷ 20 đầy máu và nước mắt".

Bài và ảnh: Ngọc Đản
(còn tiếp)



http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/192521/Default.aspx

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #388 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 09:05:51 pm »

Một thời trận mạc

DÒNG SÔNG HOA LỬA

QĐND - Thứ Năm, 03/05/2012, 17:39 (GMT+7)

QĐND - Tròn 40 năm đã trôi qua, nhưng dường như mỗi tấc đất, mỗi đoạn đường, mỗi ngọn đồi vẫn còn đó. Vùng đất này từng vang dội chiến công nhưng cảnh sắc lại dịu dàng, bình dị. Mỗi dòng suối xanh vẫn như thấp thoáng bóng hình người chiến sĩ thuở nào. Các anh đang vượt sông, đang vượt qua bom đạn nhằm hướng về phía kẻ thù xốc tới.

(tiếp theo và hết)

Quảng Trị là chiến trường đúc nên biết bao vị tướng. Họ thấm đẫm máu và nước mắt, dày mưu, sáng tạo trong chiến đấu. Trong số đó có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong cuộc đời quân ngũ, anh có đến gần 10 năm bám trụ, chiến đấu trên mảnh đất này, với bao chiến tích hằn sâu trong trí nhớ. Trong mỗi lần gặp mặt vị tướng can trường lại sôi nổi kể về đồng đội, về những người lính của mình thời dòng sông hoa lửa. Sau chiến tranh, năm nào Tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng một đôi lần có mặt ở Quảng Trị, thăm hỏi, tặng quà đồng bào, đồng chí, đồng đội đã từng gắn bó, cưu mang, chở che trong từng trận đánh. Cây đa ở Gia Bình anh trồng ngày nào, nay đã mọc cao, tỏa lá xanh vời vợi như ước nguyện tâm linh sẽ là nơi hương hồn đồng đội về đây hội tụ linh thiêng. Giờ đây bên cạnh cây đã mọc lên ngôi đình làng mới. Quảng Trị là đất thiêng hiện hữu trên mỗi ngọn đồi, dòng sông, con suối. Vào dịp này lại thêm một cây bồ đề mới được Tướng Hiệu và đồng đội trồng lên trên đất Tân Kim - Sáp đá mài, nơi bao chiến sĩ, đồng bào ngã xuống để giành lấy từng tấc đất, mái nhà trong những năm tháng chiến tranh.

Trở về Thạch Hãn, tôi bắt gặp hình ảnh đoàn học sinh có những cặp mắt trong veo như giọt nước, những cô gái với tà áo dài thướt tha, các bà mẹ lưng còng đi chợ qua, thành kính nghiêng mình thả một nhành hoa xuống dòng sông một thời nhuộm lửa. "Người dân Quảng Trị chúng tôi còn nghèo nhưng tâm hồn mãi trắng trong bởi các anh đã dành cho chúng tôi tất cả. Chúng tôi say hoa, yêu hoa là còn vì có hình ảnh các anh trong đó. Những chàng trai, cô gái sinh ra trên đất Quảng Trị hôm nay khó hình dung cuộc chiến ác liệt đến chừng nào cũng dành cho các anh những nụ hoa, cành hoa đẹp nhất. Mỗi mầm cây, nụ hoa vươn lên từ mảnh đất này, người Quảng Trị chúng tôi vẫn như có lời nhắn gửi sâu xa của các anh" - một người gánh hoa nói.

Thành cổ Quảng Trị thiêng liêng trước hết nhờ sự tích của mỗi người, của chiến sĩ vô danh đã hằn sâu trong lòng đất mà dòng sông Thạch Hãn là nơi nhạy cảm nhất:

Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Dòng sông, lòng sông thấm đẫm xương máu của các liệt sĩ vô danh và tận trong sâu thẳm đó là tình dân, nghĩa dân Quảng Trị đối với các anh.

Xin thắp một nén hương cầu nguyện cho hương hồn các anh siêu thoát, mãi bất tử trong cuộc sống hôm nay.

Lễ thả hoa hằng năm bây giờ đã thành Hội truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" như ước vọng của Lê Bá Dương và của bao người con Quảng Trị. Những đóa hoa này thay cho tình cảm và những dòng nước mắt đối với các anh của người Quảng Trị. Những ngọn lửa và dòng sông vẫn như thuở nào, lưới lửa súng đạn tràn ngập Thạch Hãn, trút căm thù của người chiến sĩ vào kẻ thù, trào lên lời thề chung: Quyết thắng.

Máu và hoa đã tôn vinh tầm cao lịch sử: "Chúng ta bay ngàn độ lửa ta bay, đất đánh giặc đất vươn dài bén gót". Nơi này, đất này đã hội tụ những phẩm chất, những người lính tuyệt vời không phải bao giờ cũng có được. Sự vĩnh hằng của các anh tạo nên những ngọn lửa sáng trên dòng sông mà ngày đêm chúng tôi hướng tới tri ân. Các anh là những bông hoa luân hồi từ bến sông này, trở thành dòng sông hoa lửa bất tận, mãi tỏa sáng trong quá khứ và cả tương lai.

Tượng đài Quảng Trị quanh năm nghi ngút khói hương. Từ 40 năm trước, chính các anh đã tạo nên một kỳ quan trong lịch sử, kỳ tích ở trên đời, một minh chứng oai hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do mãi không bao giờ phai nhạt bên dòng sông Thạch Hãn.

Bài và ảnh: Ngọc Đản

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/192521/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #389 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 09:19:24 pm »


Một thời trận mạc

MỖI TẤC ĐẤT, MỘT CUỘC ĐỜI CÓ THẬT

QĐND - Thứ Năm, 09/02/2012, 21:56 (GMT+7)

QĐND - “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây”– Thiếu tướng Giang Văn Thành bất chợt khẽ ngâm đoạn thơ trên khi tôi hỏi anh về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, giúp các gia đình đồng đội thỏa nỗi mong ngóng nhiều năm. 40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến trường Quảng Trị vẫn nguyên vẹn trong anh.

Người lập bàn thờ liệt sĩ

Tôi gặp Thiếu tướng Giang Văn Thành lần đầu vào tháng 9-2010, đúng ngày Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1) tổ chức lễ trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Chủ tịch nước tặng anh. Lúc đó, Giang Văn Thành đang là Đại tá, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị. Tại buổi lễ, tôi được nghe nhiều cựu chiến binh là đồng đội của anh chia sẻ:

- Giang Văn Thành được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là rất xứng đáng, chứng tỏ công tác thi đua-khen thưởng của Đảng, Nhà nước ta đã không bỏ sót những người có công với Tổ quốc, với nhân dân.

Nhà báo Duy Mười (Báo Hànộimới), người từng một thời “súng bên súng, đầu sát bên đầu” với anh Thành, ghé tai tôi, thủ thỉ:

- Giang Văn Thành đã chỉ huy đại đội tả xung, hữu đột trong những trận đánh giải phóng Cửa Việt trước ngày thực hiện Hiệp định Pa-ri (28-1-1973). Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, anh ấy còn là người chí nghĩa, chí tình với đồng chí, anh em. Đã gần 20 năm nay, bên cạnh việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, anh Thành còn thực hiện hàng chục chuyến trở về chiến trường xưa Quảng Trị, tìm kiếm hài cốt đồng đội rồi báo tin cho gia đình của họ; giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong việc cất bốc, đưa liệt sĩ trở về quê hương nếu gia đình yêu cầu.

Nhân lúc vui vẻ, nhiều cựu chiến binh Trung đoàn 64 (Sư đoàn 390)-đơn vị của Giang Văn Thành trước đây cùng nói với tôi:

- Báo Quân đội nhân dân cần có bài viết về tấm gương Giang Văn Thành đi tìm hài cốt liệt sĩ. Việc này không phải để tuyên truyền thành tích cá nhân, mà là việc nghĩa cần phải nói để nhân dân, bộ đội hiện nay hiểu thêm về tình đồng đội của những người đã “một thời Quảng Trị”.

Trước “sức ép” của các cựu chiến binh, anh Thành đồng ý sẽ dành thời gian kể với tôi về hành trình đi tìm đồng đội của mình. Sau hôm đó, tôi đến nhà thấy anh đang đứng trước bàn thờ những đồng đội đã hy sinh (trong phòng thờ của gia đình, anh Thành lập một bát hương riêng để thờ đồng đội đã hy sinh ở Quảng Trị). Anh ngước nhìn tôi mà mắt đỏ hoe. Mấy lần tôi định hỏi nhưng thấy tâm trạng anh khó có thể trả lời. Đợi sự xúc động qua đi, anh nói nhỏ:

- Có lẽ mình phải hẹn cậu dịp khác. Bây giờ, mỗi lần nhớ về chúng nó (anh gọi những đồng đội đã hy sinh thân mật như vậy), mình không thể nào tĩnh tâm được. Những trận đánh cứ như vừa diễn ra hôm qua. Mỗi tên đất, tên làng ở Quảng Trị hiện nay đều gắn liền với những trận đánh bi hùng, những góc ruộng, bờ mương đều hiện lên hình ảnh đồng đội hy sinh mà mình đã trực tiếp chôn cất. Cho nên, cứ nhắc đến, mình lại thấy đó là một số phận, một mảnh đời, một tiếng kêu, một lời nhắn nhủ… Đành vậy nhé!

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Từ tháng 9-2010 đến nay, tôi đã có dịp đến gặp anh Thành nhiều lần nhưng ý định tìm hiểu về hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của anh vẫn chưa thành; vì anh không muốn kể chuyện này trên báo. Nhưng mỗi lần cóp nhặt vài mẩu chuyện, cũng giúp tôi hiểu được nhiều phẩm chất đáng quý trong anh.

Giang Văn Thành, sinh năm 1954, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Ngày 3-1-1972, cùng với hàng trăm trai làng trong huyện, Thành hăm hở nhập ngũ. Chiến trường miền Nam vẫy gọi, huấn luyện chưa xong, Thành cùng đồng đội đã được bổ sung vào Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320B cũ, nay là Sư đoàn 390), chiến đấu ở Mặt trận Cánh Đông Quảng Trị. Ngày 28-6-1972, chưa đầy nửa tuổi quân, Binh nhất Giang Văn Thành đã có trận “giáp lá cà” đầu tiên với giặc. Mỹ-ngụy lúc đó mất Quảng Trị, điên cuồng tung quân tái chiếm. Tiểu đoàn của Giang Văn Thành quần nhau với một tiểu đoàn địch tại Phương Lang – Linh Chiểu suốt một ngày. Trận đánh khốc liệt đầu tiên đó, ta giành thắng lợi lớn nhưng đại đội của Thành hy sinh gần một nửa. Một sự thật khốc liệt, một mất mát ngoài sức tưởng tượng đã đến với người lính trẻ Giang Văn Thành. Nhưng anh không khóc. Đêm đó, Thành tham gia an táng những đồng đội hy sinh, những người bạn cùng quê mới tối hôm trước còn rúc rích trêu đùa cùng anh…

Chiến đấu mưu trí, dũng cảm, táo bạo nên Giang Văn Thành trưởng thành rất nhanh. Sau 22 ngày quần nhau với địch, Thành đã lần lượt được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng. Đến đầu năm 1973, anh đã là đại đội trưởng ở tuổi 19, chỉ huy đại đội tham gia giải phóng Cửa Việt. Những trận đánh của anh, được sách sử Trung đoàn 64 ghi lại khá rõ nhưng anh không nhớ nhiều về chuyện đó, anh chỉ nhớ những lần băng bó vết thương cho đồng đội, hàng trăm lần tham gia chôn cất liệt sĩ. Có lần, đang trò chuyện với tôi, bất chợt anh kể:

- Trí nhớ của mình không phải tốt, nhưng không hiểu sao gần đây, mình nhớ lại rõ mồn một từng hình ảnh trong ngày 28-6-1972, cái ngày mình giáp trận đầu tiên. Nhớ nhất là Phạm Quang Vinh, bạn mình, người xã Thái Giang (Thái Thụy), bị dính một mảnh cối của địch văng vào cổ. Vinh cứ cố gọi mình: Thành ơi, băng đi, băng đi… Lúc đó, mình đang mải băng cho một đồng đội khác, khi quay lại thì Vinh... đã hy sinh rồi. Và kỳ lạ lắm, trong hàng chục trận đánh mình trải qua, trận nào cũng có đồng đội bị thương gọi mình: Thành ơi, băng đi. Mỗi lần về Quảng Trị, nhất là đến các nghĩa trang, mình lại nghe như nó đang vọng về bên tai…

Bén chuyện, anh mới chịu hé lộ chút ít về lần đầu tiên đi tìm hài cốt đồng đội. Kể từ sau năm 1973, Thành được cử ra Bắc đi học, trở thành sĩ quan, mải miết với nhiệm vụ, đến năm 1996, lần đầu tiên anh mới có điều kiện quay lại Quảng Trị. Mất rất nhiều chuyến tìm lại chiến trường xưa, xác minh xem những địa điểm mình đã chôn cất đồng đội khi xưa còn dấu vết hay không. Thật may, nhờ việc lưu trữ hồ sơ của đơn vị khá tốt nên phần nhiều hài cốt được quy tập về các nghĩa trang. Anh Thành đã dày công ghi lại địa chỉ từng ngôi mộ, tìm cách liên hệ với thân nhân liệt sĩ để gia đình biết tin. Liệt sĩ đầu tiên mà anh giúp gia đình đưa hài cốt về quê là Trần Vinh Phong, Tiểu đội trưởng của anh. Cuối năm 1996, sau mấy lần vào Quảng Trị thắp hương cho đồng đội, trên đường trở ra, đi ngang qua huyện Ý Yên (Nam Định), Thành bỗng nhớ lại trong một đêm tâm sự trước giờ xuất trận, Tiểu đội trưởng Phong có dặn: “Quê anh ở Ý Yên, Nam Định, gần Quốc lộ 1. Sau này có điều kiện, các em nhớ về nhà anh nhé”. Nhớ đến đây, anh Thành thấy thảng thốt trong người. Anh quyết định về huyện Ý Yên tìm địa chỉ nhà liệt sĩ Phong. Điều này tưởng chừng mơ hồ, vì cả một huyện rộng lớn như thế, biết đâu mà tìm. Thế nhưng, khá may mắn là người đầu tiên mà anh hỏi thăm, lại là người cháu của liệt sĩ Phong. Gặp được anh, mẹ liệt sĩ Phong mừng mừng, tủi tủi. Bà nói, bao năm qua, bà đã dò dẫm đi tìm hài cốt của con trai. Cứ nghe người ta mách ở đâu là vào đó tìm. Đi cả vào Gia Lai, Đắc Lắc… tìm mà vẫn biệt vô âm tín. Nay gặp anh Thành, mới biết hài cốt anh Phong đang nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị).

Hành trình báo tin và đưa hài cốt đồng đội đã hy sinh về với người thân của Thiếu tướng Giang Văn Thành còn nhiều câu chuyện ly kỳ, cảm động. Anh bảo, trong mấy chục đồng đội mà anh đã “đưa về quê”, mỗi người là một câu chuyện. Nhưng cũng có gia đình, anh Thành khuyên chỉ nên đến nghĩa trang thắp hương chứ không đề nghị đưa hài cốt liệt sĩ về quê. Tôi mấy lần hỏi vì sao? Anh chậm rãi:

- Đó là những đồng chí mình trực tiếp mai táng. Họ hy sinh anh dũng lắm, và nói thật là sau trận đánh, thi thể có còn nguyên vẹn đâu. Có người trúng mấy lần đạn pháo địch, thịt xương hòa lẫn với đất, chúng mình bốc đất đó để mai táng. Nên tiếng là mộ còn, nhưng các anh thực sự tan vào Đất Mẹ cả rồi.

Tôi thẫn thờ. Và tôi chợt hiểu vì sao, anh Thành lại thích câu thơ: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…” đến thế.

Bài và ảnh: Hồng Hải

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/296/296/175667/Default.aspx



Thiếu tướng Giang Văn Thành, AHLLVT, sinh năm 1954, nguyên đại đội trưởng c6/d8/e64/f320B năm 1972.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM