Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 05:24:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa - Phần 4  (Đọc 264786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2012, 07:59:42 pm »

Nhân sắp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng QT & 81 ngày đêm chốt giữ thành cổ mời các bac xem video này
http://www.dailymotion.com/video/xlyk8x_thanh-cy-quyng-try-mau-va-hoa_news

dài hơn 30 phút nhưng tương đối chi tiết
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2012, 08:20:51 pm »

Bác@Lexuantuong : Bác nói đúng ạ ! Em xin lỗi vì đã nói không chính xác . em vừa về hỏi lại ông cụ nhà em, hơn 80 rồi nên cũng không nhớ chính xác ngày và tháng vào Quảng Trị, nhưng đúng như bác nói, bố em cùng nhà báo vào QT sau hiệp định Paris và được phép đến sát sông Mỹ Chánh.  Có chuyện thật mà như đùa là như em kể ở trên là hai bên nhìn nhau, tất nhiên là cảnh giác . Trong đoàn ngoài bộ đội đi bảo vệ còn có cả mấy đ/c của tỉnh hay huyện gì đấy đi cùng, cánh dân sự thì cứ cúi cúi thấp lom khom vì sợ bắn tỉa ,  ngược lại mấy ông nhà báo Đức cứ đứng nhìn và chụp ảnh. Bố em tất nhiên là cũng sợ, nhưng sau này kể lại, thấy " các đ/c bạn " ( từ của bố em ) họ chẳng sợ, mình mà không tỏ vẻ " anh dũng" thì về thành tiếng xấu với Bộ ngoại giao,  thế là cũng gồng người đứng  thẳng để không  ảnh hưởng đến quốc thể , nhưng  an tâm phần nào vì có đứng thẳng đến mấy thì cũng chỉ bằng người bình thường lom khom, bởi bố em thấp lắm ạ, cao có mét sáu mươi kể cả dép  !
Bác@Đậu Thanh Sơn : em cũng có hai cái huy hiệu chiến dịch Giải phóng Sài gòn, nhưng là thứ làm lại mãi sau này, trông chất lượng buồn cười lắm.

Đây ạ   :

Còn đây em post lên mấy chiếc huy hiệu thật, em có nó cũng khoảng độ hơn 30 năm nay.




Quý nhất là chiếc kỷ niệm giải phóng TN  hình như được làm kỷ niệm 5 năm ngày giải phóng.



...sông Thạch Hãn...
  lúc đó là ranh giới của 2 bên.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2012, 08:43:59 pm »

 @thaiminhhung: cám ơn bạn đã đưa clip đó lên. Bạn chắc cũng như tôi, khi thấy lại hình ảnh mình trong đó không trể cầm lòng được, lại càng quay quắt nhớ bạn bè, cả những thằng còn sống và cả những thằng đã trở thành bất tử.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Ba, 2012, 08:55:49 pm gửi bởi chienc3.1972 » Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2012, 09:17:03 pm »

     Chào các bác
     Năm ngoái nhân dịp BeHienQYV7C mời đến nhà liên hoan "hâm hôn" Thanh Sơn có rủ anh Đoàn Công Tính đi chơi. Lần đó anh Tính có mang theo mấy bộ ảnh tặng cho một số chiến hữu tại nhà Behien. Anh Tính cũng tặng cho Sơn 2 bộ ảnh về chiến tranh. Trong đó 1 bộ là tác phẩm của anh ấy. Anh Tính có kể lại chuyện vào thành cổ để chụp ảnh. Trong bộ ảnh đó có tấm ảnh "Nụ cười Thành cổ " (nhân vật chính trong ảnh là Lê Xuân Chinh mà sau này có một anh nhận nhầm chắc các bác biết).
     Vừa rồi có hỏi ý kiến anh Tính để post lên trên bài của các bác nhằm minh hoạ bài của các bác viết về Quảng Trị. Nhưng vì bận quá Thanh Sơn chưa scan vào máy tính được. Nhà anh Tính và nhà Sơn cách nhau vài trăm mét, nên hai anh em thỉnh thoảng sáng chủ nhật đi uống càe trò chuyện với nhau. Thanh Sơn đã đề nghị anh Tính mở một toppic trên diễn đàn, anh Tính cũng đồng ý rồi, Nhưng có lẽ tuổi tác cao nên anh ấy cũng ngại mày mò với máy tính.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2012, 10:48:46 pm »

    Chào các bác
     Năm ngoái nhân dịp BeHienQYV7C mời đến nhà liên hoan "hâm hôn" Thanh Sơn có rủ anh Đoàn Công Tính đi chơi. Lần đó anh Tính có mang theo mấy bộ ảnh tặng cho một số chiến hữu tại nhà Behien. Anh Tính cũng tặng cho Sơn 2 bộ ảnh về chiến tranh. Trong đó 1 bộ là tác phẩm của anh ấy. Anh Tính có kể lại chuyện vào thành cổ để chụp ảnh. Trong bộ ảnh đó có tấm ảnh "Nụ cười Thành cổ " (nhân vật chính trong ảnh là Lê Xuân Chinh mà sau này có một anh nhận nhầm chắc các bác biết).
     Vừa rồi có hỏi ý kiến anh Tính để post lên trên bài của các bác nhằm minh hoạ bài của các bác viết về Quảng Trị. Nhưng vì bận quá Thanh Sơn chưa scan vào máy tính được. Nhà anh Tính và nhà Sơn cách nhau vài trăm mét, nên hai anh em thỉnh thoảng sáng chủ nhật đi uống càe trò chuyện với nhau. Thanh Sơn đã đề nghị anh Tính mở một toppic trên diễn đàn, anh Tính cũng đồng ý rồi, Nhưng có lẽ tuổi tác cao nên anh ấy cũng ngại mày mò với máy tính.

@ĐTS: Trong cuốn Khúc tráng ca Thành cổ có rất nhiều ảnh của ĐCT. Cho đến bây giờ có lẽ chỉ duy nhất có bộ ảnh về Thành cổ của ĐCT là đồ sộ nhất.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 12:11:19 am »



Đây là kỷ vật của em giữ từ nhiều năm nay. Bố em cho em sau ngày ông vào Quảng Trị năm 72. 

@HH: Anh chưa nhìn thấy cái này bao giờ, xuất sứ như thế nào ?

HaHoi,

Anh thấy em có bộ sưu tập các kỉ niệm chương chiến tranh hay đấy.
Anh tặng em cái tờ lịch (đúng là tờ, cỡ cho vào túi ngực lính), lịch Xuân 1973 Hòa Hợp Dân Tộc CMCN, chắc ông cụ nhà em với cái KNC Quảng Trị 1-5-72 khi ông vào QT năm 73 thì biết tờ lịch đặc biệt này.
Hôm nào anh mang ra 19cNH tặng em cho vào bộ collection kia, nó cùng tuổi đời với tấm KNC QT đấy Cheesy




Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 12:39:25 am »

Úi ! tuyệt quá anh. Thế thì phải cố mà tuần sau em có mặt ở 19C còn nhận quà anh TanVinh. Hay thế, anh giữ từ hồi đó đến giờ kia à? Phải cảm ơn bác trước.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 11:10:49 pm »

Cùng các bác trên diễn đàn DN-GN:

Tối nay như thường lệ CLB 19C NH giao ban hàng tuần. Chúng tôi thống nhất cùng tác giả NTL và anh em nếu ai có nhu cầu về tập Mây trên trời Quảng Trị xin đăng ký vào tin nhắn của lexuantuong1972 theo nội dung: nick name, số lượng, số điện thoại và tỉnh, TP của người đăng ký.  Nhận đăng ký đến hết ngày 5/4/2012 để kịp in ấn.

Giá thành 100.000đ/cuốn khổ 1/2 A4, in laser mầu với hơn 40 trang.

Bác nào đăng ký mua xin chuyển tiền về TK: 711A 0001 0063 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương VN - Chi nhánh TP Hà Nội . Người thụ hưởng Lê Xuân Tường. Nội dung chuyển tiền: (Nick name số ĐT) đặt mua sách

Khi tôi thấy báo có tiền về với nick cùng số ĐT sẽ đối chiếu với danh sách đã đăng ký trên Tin nhắn của hộp thư và sẽ trả lời các bác bằng tin nhắn trên ĐT.

Tôi sẽ có trách nhiệm gửi sách cho các bác theo khu vực nếu như ở xa. Các bác ở HN hoặc các tỉnh lân cận sẽ trực tiếp liên lạc với tôi để nhận sách. Các bác ở xa như TP HCM tôi sẽ tập hợp và chuyển cho 1 bác nào đó làm đầu mối.

Tôi nhắc lại việc in tập thơ của NTL chỉ mang tính nội bộ xuất phát từ tình cảm của 1 số anh em tại 19C nhất là trong dịp 40 năm Quảng Trị. Số lượng in không nhiều, in bằng laser mầu nên giá thành cao (2500đ/trang 1/2 A4).
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Ba, 2012, 09:59:47 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #38 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2012, 11:06:50 am »

QUẢNG TRỊ - THỪA THIÊN NĂM 1972:

CUỘC ĐỤNG ĐẦU LỊCH SỬ (Bài 1)

Thiếu tướng Lê Mã Lương

QĐND - Thứ Hai, 26/03/2012, 17:28 (GMT+7)

Quảng Trị - Thừa Thiên là chiến trường được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lựa chọn làm hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược của ta năm 1972. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi hội nghị Pa-ri đang đi tới giai đoạn quyết định cho một giải pháp chính trị. Vì vậy, chiến dịch tiến công này đã trở thành cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và đối phương. Hai bên đều tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất để giành chiến thắng lớn nhất nhằm làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho mình. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ chưa bao giờ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị - ngoại giao lại kết hợp chặt chẽ đến như vậy. Mọi hoạt động tác chiến trên các chiến trường, đặc biệt là ở Trị - Thiên luôn chịu sự chi phối trực tiếp, toàn diện về chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương.


KỲ 1: Chiến dịch tổng lực

QĐND - Từ giữa năm 1971 đến đầu năm 1972, sau những thất bại chiến lược liên tiếp, Mỹ cố gắng giữ cho cục diện chiến trường Đông Dương không rơi vào thế bi đát. Do đó, Mỹ tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược đã xác định: Thúc đẩy “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần số quân Mỹ còn lại ở Miền Nam nhằm tạo thế trong cuộc đàm phán với ta ở Pa-ri và xoa dịu các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ, từ đó mở ra cơ hội cho Ních-xơn tái cử tổng thống vào cuối năm 1972.

Về phía ta, thực hiện quyết tâm “đánh bại về cơ bản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và mọi âm mưu của địch”, tháng 7-1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn miền Nam, cả ở vùng rừng núi, vùng nông thôn đồng bằng, nhất là địa bàn đông dân. Cuộc tiến công này được dự định thực hiện trên 3 hướng: Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị - Thừa Thiên, lấy miền Đông Nam Bộ làm hướng chủ yếu, Trị - Thiên là hướng thứ yếu quan trọng. Mục đích được đặt ra là: Tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự của địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng địch, ta; thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, buộc địch chấp nhận giải pháp chính trị có lợi cho ta. Đầu năm 1972, căn cứ vào kết quả chuẩn bị và tình hình địch - ta, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Trị - Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Quyết tâm đó được Bộ Chính trị thông qua ngày 23-3-1972. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê chuẩn Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến dịch; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy; các Phó tư lệnh: Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Phạm Hồng Sơn, Lương Nhân, Nguyễn Anh Đệ và các Phó chính ủy: Hoàng Minh Thi, Lê Tự Đồng. Đảng ủy chiến dịch do Lê Quang Đạo làm Bí thư; tham gia Đảng ủy còn có Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản; Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là đại diện Quân ủy Trung ương ở hướng chiến lược này[2].

Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định 4 nhiệm vụ của chiến dịch tiến công Trị - Thiên là:

1. Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự địch ở Trị - Thiên, cơ bản tiêu diệt được 2 sư đoàn và đánh thiệt hại nặng 1 sư đoàn khác.

2. Phối hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đô thị và công tác binh vận, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của địch.

3. Giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, có điều kiện thì kiên quyết giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

4. Tiêu diệt, phân tán, giam chân, thu hút lực lượng địch, phối hợp với các chiến trường khác toàn miền Nam, góp phần giành thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Phương châm chỉ đạo tác chiến của Quân ủy Trung ương là phải nắm thật chắc vấn đề đánh tiêu diệt, không cho địch co cụm lớn, phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, kết hợp tốt giữa đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng và binh vận.

Đầu năm 1972, Mỹ - ngụy phán đoán ta có thể dùng 4 đến 5 sư đoàn bộ binh và một số binh chủng mở một đợt tiến công ở Trị - Thiên nhằm giam chân, thu hút lực lượng quân ngụy, tạo điều kiện cho các hướng khác hoạt động. Mỹ - ngụy cho rằng, hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta là Tây Nguyên. Từ phán đoán ấy, chủ trương chiến lược của ngụy ở Trị - Thiên là:

1. Dùng lực lượng tại chỗ có sự chi viện của không quân, hải quân Mỹ để tổ chức bố phòng và ngăn chặn cuộc tiến công của ta là chủ yếu.

2. Đánh phá các khu vực nghi là các căn cứ, các vùng tập trung quân của ta; đánh phá đường vận chuyển tiếp tế, các kho tàng của ta bên ngoài tuyến phòng thủ. Ở tuyến trong, quân ngụy củng cố các ấp xã để ngăn chặn các hoạt động của đặc công và triệt phá các cơ sở của ta. Trường hợp có nguy cơ bị tiêu diệt thì tạm thời co về cố thủ tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau đó dùng hỏa lực mạnh và bộ binh phản kích đánh chiếm lại.

Lực lượng phòng thủ của quân ngụy ở Trị - Thiên có 2 sư đoàn bộ binh, trong đó có sư đoàn bộ binh số 3 do Thiếu tướng Vũ Văn Giai làm Tư lệnh đứng chân tại thị xã Quảng Trị (8 trung đoàn bộ binh với 27 tiểu đoàn), 4 tiểu đoàn và 94 đại đội bảo an, 5.100 cảnh sát, cùng 13 tiểu đoàn và 4 đại đội pháo binh (258 khẩu), 3 thiết đoàn (184 xe tăng, thiết giáp). Hệ thống phòng ngự của ngụy quân hình thành 3 tuyến theo chiều sâu. Tuyến ngoài từ Nam sông Bến Hải (vùng giáp ranh Biển Đông) tới Lao Bảo, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, phá chuẩn bị của ta từ xa với lực lượng tham gia chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích. Khi cần thiết ngụy quân dùng một bộ phận chủ lực tổ chức các cuộc hành quân càn quét. Tuyến phòng ngự cơ bản (trung tâm) với các điểm cao 367, Động Ông Gio, 52, 365, 548, 597, 241, các căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, Cửa Việt có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc tiến công của ta và bảo vệ thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các căn cứ, đường số 1, đường số 9. Ở tuyến phòng ngự cơ bản, ngụy quân tổ chức thành từng khu phòng ngự cấp trung đoàn, có các khu then chốt, các cụm điểm tựa cấp tiểu đoàn, liên kết chặt chẽ với nhau và có lực lượng dự bị tùy theo từng cấp. Tuyến phía sau gồm chủ yếu thị trấn, thị tứ, khu đông dân cư với các hậu cứ Ái Tử vào tới Huế, do một bộ phận chủ lực và lực lượng bảo an, dân vệ trấn giữ.

Về phía ta, nhân dân Trị - Thiên vốn giàu lòng yêu nước, có cảm tình với cách mạng, tuy nhiên có đến 80 đến 90% gia đình có quan hệ với ngụy quân, ngụy quyền. Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, cơ sở chính trị và phong trào quần chúng có nơi được xây dựng lại nhưng nhìn chung còn yếu. Nông thôn đồng bằng chưa có thôn, xã nào được giải phóng. Cơ sở Đảng ít, quần chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng nổi dậy.

Lực lượng bộ đội chủ lực sử dụng trong chiến dịch này trên hướng Quảng Trị có 3 sư đoàn bộ binh cơ động: 304, 308, 324[3] (thiếu Trung đoàn 3); 2 trung đoàn độc lập: 48, 27; 4 tiểu đoàn độc lập: 2, 3, 15, 47; tổng số: 34 tiểu đoàn; đặc công: 6 tiểu đoàn; pháo binh: 6 trung đoàn pháo xe kéo; 1 trung đoàn mang vác; tổng số: 390 khẩu pháo các cỡ 130mm, 122mm, 100mm và 85mm, với các cỡ 120mm, 160mm, 2 đại đội B72 (tên lửa diệt xe tăng); cao xạ có sư 367, 2 trung đoàn tên lửa 275, 236; thiết giáp có Trung đoàn Xe tăng 203 với 78 xe tăng, thiết giáp; Công binh: 2 trung đoàn công binh công trình (219, 229); Hóa học: 4 đại đội; Thông tin: 5 tiểu đoàn; Hải quân: Đoàn 126.

Trên hướng Thừa Thiên có trung đoàn bộ binh 3 và trung đoàn độc lập 6; Đặc công 3 tiểu đoàn (3, 7, 12); Pháo binh: Tiểu đoàn pháo 130mm, 1 tiểu đoàn súng cối 120mm, 1 đại đội B72; Cao xạ: 1 tiểu đoàn cao xạ 37mm, 4 tiểu đoàn súng máy cao xạ 14,5mm; Công binh: Trung đoàn Công binh 414 và 2 tiểu đoàn Công binh độc lập; Thiết giáp: 1 tiểu đoàn; Thông tin: 1 tiểu đoàn; Vận tải: 1 tiểu đoàn ô tô với 38 xe.

Quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch: Trong khoảng thời gian từ 20 đến 25 ngày, tiến công tiêu diệt cho được từ 4 đến 5 trung đoàn ngụy, thực hiện nổi dậy giải phóng Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển chiến dịch vào hướng Thừa Thiên. Về cách đánh chiến dịch, tập trung giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, đánh vỡ tuyến phòng thủ bên ngoài gồm các cứ điểm có công sự kiên cố như Cồn Tiên, miếu Bái Sơn, 544, Động Toàn, nhanh chóng đưa lực lượng vào tiến công Đông Hà, Mai Lộc, Ái Tử. Thứ hai, phá vỡ hệ thống pháo binh địch. Thứ ba, đánh bại quân cơ động ứng chiến cỡ tiểu đoàn, trung đoàn ngụy quân.

Từ ngày 15-7-1971, sau hơn 8 tháng chuẩn bị kế hoạch chiến dịch tiến công Trị - Thiên công phu, kỹ lưỡng, song do tình hình chiến trường diễn biến phức tạp, nên kế hoạch chiến dịch phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Thời gian chuẩn bị tuy dài nhưng càng về cuối càng gấp. Phần kế hoạch tiếp tục phát triển vào Thừa Thiên chỉ mới dự kiến một số vấn đề, sau khi giải phóng Quảng Trị được xác định thêm.

Cùng với sự chuẩn bị kế hoạch tác chiến là công tác chuẩn bị chiến trường, trong đó chủ yếu là làm các con đường từ phía Bắc xuống. Đến tháng 3-1972, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm mới và sửa chữa được 9 con đường dài 264km, bảo đảm triển khai được các loại binh khí kỹ thuật và vận chuyển hậu cần cho chiến dịch ở khu vực Quảng Trị. Hệ thống thông tin hữu tuyến điện đã được triển khai xuống các hướng. Trong khi đó việc chuẩn bị vật chất hậu cần cho chiến dịch tính đến ngày 29-2-1972, Cục Vận tải và Đoàn 559 đã vận chuyển được 12.490 tấn đạt 78% kế hoạch theo yêu cầu của Bộ tư lệnh chiến dịch.

Suốt thời gian các đơn vị chủ lực cơ động lực lượng chuẩn bị chiến dịch, chủ yếu dựa vào hệ thống thông tin hiện có của các đơn vị tại chỗ, đã làm hạn chế khả năng của địch thông qua phương tiện kỹ thuật hiện đại theo dõi hướng và lực lượng cơ động của chủ lực ta. Ta giữ được bí mật. Để nghi binh, Bộ Tổng Tư lệnh cho các tổ đài 15W và 30 cán bộ, chiến sĩ do trợ lý tác chiến Sư đoàn 304 Dương Văn Mùa chỉ huy được lệnh hành quân vào Tây Nguyên, thường xuyên báo cáo từng cung độ hành quân và nhận các mệnh lệnh giả. Chính vì thế càng làm cho Bộ Tổng tham mưu ngụy quân khẳng định chắc chắn hướng tiến công chủ yếu của ta là Tây Nguyên.
______________

[1] Đầu năm 1969, Mỹ có 550.136 tên, năm 1970 còn 335.000 tên, cuối năm 1971 còn 157.000 tên, cuối năm 1972 còn 24.000 tên gồm 2 lữ đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn pháo, 2 đại đội xe tăng, 20 tàu chiến, 1.400 máy bay các loại.

[2] Sở Chỉ huy chiến dịch đặt tại bãi Hà, bắc sông Bến Hải, tây Quốc lộ 1 khoảng 10km.

[3] Sư đoàn 320b, Sư đoàn bộ và Trung đoàn 64 tham gia chiến dịch tháng 6 năm 1972.

Sư đoàn 325 tham gia chiến dịch từ tháng 6 năm 1972.

Sư đoàn 312 Trung đoàn 165 vào tháng 7 năm 1972, Trung đoàn 141 và 209 vào tháng 8 năm 1972. Sư đoàn Bộ vào tháng 11 năm 1972.
[/i]

(còn tiếp)

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/181703/Default.aspx
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2012, 01:48:44 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #39 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2012, 08:56:25 pm »


QUẢNG TRỊ - THỪA THIÊN NĂM 1972:

CUỘC ĐỤNG ĐẦU LỊCH SỬ (Bài 2)

Thiếu tướng Lê Mã Lương

QĐND - Thứ Ba, 27/03/2012, 20:42 (GMT+7)

KỲ 2: Giải phóng Quảng Trị

QĐND - Trước ngày 19-3-1972, các Sư đoàn 304, 324 và các lực lượng binh chủng có xe cơ giới (thiết giáp, pháo binh, cao xạ, tên lửa, xe tăng…) từ hậu phương Quảng Bình hành quân vào vị trí tập kết. Riêng Sư đoàn 308 được lệnh đến ngày 25-3 có mặt ở khu vực điểm cao 202 Bắc sông Bến Hải. 18 giờ ngày 29-3, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch trên tất cả các hướng, đã vào vị trí xuất phát tiến công. Trong khi đó, ngụy quân không hề biết gì, nên ngày 29-3, các đơn vị quân ngụy vẫn thực hiện thay quân giữa Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Tân Lâm, 241, 544.

Đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa giội xuống hệ thống phòng thủ quân ngụy, gây choáng váng cho đối phương ngay từ phút đầu. Các đơn vị pháo binh đã bắn dữ dội trúng các mục tiêu, hoàn toàn chế áp quân ngụy, chi viện cho các đơn vị cùng một lúc, tiến công 5 căn cứ Động Toàn, Ba Hồ, 544, 288, 365.

Ở hướng Bắc, Trung đoàn bộ binh 27 do Trung tá Phạm Minh Tâm làm Trung đoàn trưởng, giao nhiệm vụ thọc sâu, chia cắt, cho Đại úy Nguyễn Huy Hiệu, Tiểu đoàn trưởng bộ binh 3 được tăng cường lực lượng và triển khai chiến đấu ở khu vực đồi 322 và 288 trước khi thọc sâu xuống đường 9. 10 giờ 40 phút, đội hình hành quân của địch lọt hẳn vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn trưởng Hiệu ra lệnh: Bao vây, diệt địch không cho chúng thoát về Cam Lộ. Chỉ trong 20 phút chiến đấu, toàn bộ Tiểu đoàn bộ binh 2 của ngụy bị xóa sổ. Nguyễn Viết Mão, chiến sĩ Đại đội 1 một mình bắt sống 12 tù binh, trong đó có Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Hà Thúc Mẫn. Ta làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Nam, căn cứ 544, đồi Tròn, chặn đứng lực lượng chi viện từ Cam Lộ lên, tạo điều kiện thuận lợi cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh chiếm căn cứ Phu Lơ - một mục tiêu quan trọng mà Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho Trung đoàn 27. Trận đánh kết thúc cũng là lúc Bộ tư lệnh chiến dịch phát lệnh nổ súng chiến đấu hiệp đồng trên toàn mặt trận.

Ở hướng Tây, trong thế trận chiến đấu hiệp đồng toàn chiến dịch, các Sư đoàn 304, 324 đã dồn dập nổ súng tiến công địch. Trung đoàn 9 đánh chiếm Đầu Mầu, Trung đoàn 24 là lực lượng chủ yếu bao vây, tiến công Trung đoàn 56 ngụy ở cứ điểm 241. 8 giờ sáng ngày 2-4, trên các hướng, bộ đội của Trung đoàn bộ binh 24 đã vào vị trí xuất phát tiến công. Địch dùng máy bay B-52 đánh phía ngoài căn cứ. Đại đội 2 thương vong 17 người. Cùng lúc, Trung tá Trung đoàn trưởng Lê Đắc Long nhận được điện của Thượng tá Hoàng Đan, Sư trưởng 304 đồng ý cho bộ đội nổ súng vào lúc 12 giờ. Toàn bộ căn cứ 241 ngụy bị Trung đoàn 24 vây chặt, không còn lối thoát và không chịu nổi những đòn sấm sét của pháo binh ta. Chỉ huy Trung đoàn 56 ngụy xin ứng cứu bằng lực lượng xe tăng từ Đông Hà theo Đường 9 lên, nhưng bị Tiểu đoàn đặc công 15 chặn đánh. Quân ngụy liều lĩnh dùng trực thăng để cứu bọn chỉ huy nhưng cao xạ của ta không cho hạ cánh. Đúng 13 giờ ngày 2-4, quân ngụy treo cờ trắng lên cần ăng-ten trung tâm chỉ huy rồi kéo nhau ra hàng. Đi đầu là Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng, tiếp theo là Thiếu tá Nguyễn Vĩnh Phong, Trung đoàn phó, Thiếu tá Nguyễn Văn Thế, Tiểu đoàn trưởng pháo binh cùng với 12 sĩ quan cấp úy và 308 hạ sĩ quan binh sĩ. Ta thu 4 khẩu pháo 175mm.

Ở hướng đông, Trung đoàn 126 Hải quân đã tiến đánh Hải quân ngụy trên sông Cửa Việt và duyên đoàn 11 tại cảng Cửa Việt, khống chế chặt đường sông.

Hướng Cam Lộ, Đường 9, 0 giờ 30 phút ngày 2-4, Trung đoàn 48 nhận được lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Tiểu đoàn 1 chặn xe tăng của thiết đoàn 20 không cho vượt cầu Đuối vào ứng cứu Cam Lộ, sau đó phát triển theo hướng Đông Hà. Nhận lệnh xong, Trung tá Trung đoàn trưởng Lê Quang Thúy trao quyền chỉ huy chung cho Trung tá Tham mưu phó Sư đoàn 320b Trịnh Hồng Thái rồi cùng trợ lý tác chiến xuống Tiểu đoàn 1 triển khai phương án đánh địch.

Sau 5 ngày chiến đấu mở đầu chiến dịch, ta đã đập vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ vòng ngoài của ngụy quân, chiếm hầu hết các điểm cao, khống chế, tiêu diệt một bộ phận lớn lực lượng ngụy quân, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều thôn, xã. Quân ngụy phải bỏ toàn bộ tuyến phòng thủ đường 9 với 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn.

Bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài và bị thiệt hại nặng, ngụy quân buộc phải nhanh chóng tăng lực lượng để đối phó. Chỉ trong 5 ngày, ngụy quân điều 3 trung đoàn, 2 lữ đoàn và 2 thiết đoàn, đồng thời điều chỉnh lại thế bố trí phòng ngự, tổ chức thành 3 cụm Đông Hà, Ái Tử, La Vang - Quang Trị, tập trung lực lượng chủ yếu ở thị xã Đông Hà, tăng cường hỏa lực không quân kể cả máy bay B-52, nhằm ngăn chặn ta phát triển tiến công. Ngụy quân tận dụng các điểm cao còn lại ở phía tây tổ chức tuyến phòng thủ liên hoàn, lực lượng nòng cốt là xe tăng, thiết giáp.

Trên đà thắng lợi, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công ngay vào khu trung tâm phòng ngự của địch, không cho ngụy quân kịp củng cố hoặc rút chạy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị bằng các lực lượng Sư đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 88) và Trung đoàn 48 có 2 đại đội xe tăng chi viện, tiến công ngụy quân ở Đông Hà, Lai Phước. Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 66) đánh vào cụm quân ngụy ở Ái Tử, chia cắt ngụy quân ở cầu Quảng Trị và các lực lượng ngụy quân tiếp giáp 2 tỉnh Trị - Thiên. Trung đoàn 27 cùng Tiểu đoàn 47 huyện đội Vĩnh Linh, có 2 đại đội xe tăng của Trung đoàn 202, thọc sâu vu hồi ở hướng Đông, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sư đoàn bộ binh 324 (thiếu Trung đoàn 3), đánh địch ở La Vang - Quảng Trị, cắt giao thông trên đường số 1 đoạn bắc cầu Mỹ Chánh - nam Quảng Trị. Ở phía nam các lực lượng B4 tiếp tục vây lấn Động Tranh, cắt giao thông đường 1 ở nam Phú Bài.

Đúng 15 giờ ngày 8-4, pháo binh ta nhả đạn. 5 giờ ngày 9-4, các đơn vị bộ binh, xe tăng được lệnh xuất kích. Ở Đông Hà, Thượng tá Trương Đình Mậu, Sư đoàn trưởng 308 ra lệnh cho Trung đoàn trưỏng Trung đoàn bộ binh 36 nhanh chóng chiếm ngã 3 đường 1 - đường 9, nhưng ngụy quân chống trả quyết liệt, không phát triển được. Trung đoàn 102 tiến công quân ngụy ở điểm cao 30, Động Côn. Trung đoàn 48 và tiểu đoàn độc lập 15 thọc sâu chia cắt ở Lai Phước, đều bị chặn lại.

Ở hướng đông, từ ngày 5-4, 2 Tiểu đoàn đặc công 19, 25 và Tiểu đoàn 47 đã vượt sông Cửa Việt đánh quân ngụy ở xã Triệu Thượng, Triệu Lê, huyện Triệu Phong. Quân bảo an chống trả rất quyết liệt, quân ta bị tổn thất nặng, không đủ sức phát triển vào thị xã Quảng Trị, chờ đêm xuống bơi qua bờ bắc sông Thạch Hãn. Do chưa chuẩn bị chu đáo, vả lại chưa có cách đánh phù hợp nên các mũi tiến công đều vấp phải sức kháng cự có chiều sâu của quân ngụy, bị tổn thất lớn và không thực hiện được kế hoạch.

Để chuẩn bị đợt tiến công mới được thuận lợi, ta đã tổ chức bước hoạt động đêm từ ngày 10-4 đến ngày 26-4-1972, đồng thời tranh thủ củng cố bộ đội, triển khai binh khí kỹ thuật theo phương án tác chiến mới, chuẩn bị vật chất bảo đảm. Cách đánh của chiến dịch là hiệp đồng binh chủng, phát huy cao độ sức mạnh của binh khí kỹ thuật, thực hành vừa tiến công trên toàn tuyến, vừa chủ yếu tập trung diệt từng điểm, từng cụm, từng khu vực; kiên quyết thực hiện bao vây chia cắt, kết hợp đánh vỡ với bao vây tiêu diệt. Chú trọng kết hợp tấn công quân sự với nổi dậy của quần chúng.

5 giờ ngày 26-4. Từ đầu, pháo binh trút bão đạn dồn dập chế áp hoàn toàn quân ngụy báo hiệu cuộc tiến công của quân ta với sức mạnh khủng khiếp.

Ở cụm Đông Hà - Lai Phước, Thượng tá, quyền tư lệnh Sư đoàn 308 Đào Đình Sung giao nhiệm vụ cho Trung đoàn bộ binh 36 đánh địch ở các khu vực điểm cao 28, 30 (tây bắc Đông Hà); Trung đoàn bộ binh 88 (mới trở về đội hình sư đoàn) đánh địch ở khu vực các điểm cao 35, 37 (Tây Đông Hà); Trung đoàn bộ binh 102 đánh địch ở khu vực các điểm cao 32, 26 (tây nam - Đông Hà). Phát hiện thấy một mũi đặc công của ta thọc sâu vào phía bắc sân bay Đông Hà, ngụy quân dùng xe tăng, bộ binh có không quân và pháo hạm chi viện, liên tục phản kích. Ngay lập tức bị trung đội tên lửa chống tăng B72 của chiến dịch tăng cường cho Sư đoàn do Lục Vĩnh Tưởng chỉ huy, lần đầu xuất hiện trên chiến trường với bản lĩnh chiến đấu và khả năng điều khiển thuần thục khí tài đã lập công xuất sắc phóng 7 quả đạn thiêu cháy 6 xe tăng ngụy.

Sau 10 phút bắn phá bằng hỏa lực, bộ binh ta trên cả 3 hướng tây - bắc, tây, tây - nam ém sát quân ngụy, bật dậy xung phong. Đến chiều 27-4, Sư đoàn 308 đã làm chủ hầu hết căn cứ Đông Hà, dồn địch ra đường 1. Sáng 28-4, 2 tổ du kích do Hồ Thị Bích Liên, Thị ủy viên thị xã Đông Hà phụ trách dẫn đường cho 2 Trung đoàn bộ binh 88 và 102[1], tiến công chiếm được Trung Chi, Đại Áng và bắc cầu Lai Phước nhằm cô lập Đông Hà. Trong bom, đạn, khói lửa mịt mù.

Quân ngụy hoảng loạn tháo chạy, vứt lại xe tăng, thiết giáp, vận tải, vũ khí nặng. 18 giờ ngày 28-4, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ Đông Hà, Lai Phước trong niềm vui khôn tả. Ủy ban quân quản thị xã Đông Hà được thành lập do Trung tá Nguyễn Hiền, Phó chính ủy sư đoàn 308 làm Chủ tịch.

Phối hợp cùng các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đã trở về đồng bằng nhanh chóng đánh các đồn, bốt dọc đường 68, phát động quần chúng nổi dậy, truy tìm tàn binh, bắt bọn ác ôn. Các thôn xã vừa được giải phóng lập tức tổ chức tiếp nhận, giáo dục bọn đầu thú; đồng thời xúc tiến ngay việc thành lập chính quyền cách mạng. Trong khi đó, quân ngụy hoảng sợ, vứt bỏ xe, pháo ngổn ngang, lột bỏ quần áo lính, cải trang thường phục, vượt tắt qua đường, lội qua sông tháo chạy về phía Thừa Thiên. Du kích và nhân dân các xã Triệu Lễ, Triệu Ái sát cánh cùng bộ đội trong những trận đánh ác liệt ở thị xã Quảng Trị. Trong khói lửa mịt mù, tiếng pháo, đạn nổ ầm vang nhưng nhân dân Triệu Trạch vẫn hăng hái, dũng cảm giúp bộ đội, tự dỡ nhà mình làm công sự cho các chiến sĩ và tham gia tiếp tế đạn, lương thực cho từng trận địa. Nữ cán bộ xã đội Lê Thị Tám chỉ huy du kích xã Triệu Thượng cùng đồng đội ngày đêm bám đất, bám dân chiến đấu. Và đặc biệt là nữ cán bộ Trần Thị Tâm[2], Huyện đội phó huyện Hải Lăng, trực tiếp chỉ huy tiểu đội du kích xã Hải Quế suốt một ngày quần nhau với 1 tiểu đoàn ngụy ngăn chặn không cho chúng vào làng và đã anh dũng hy sinh.

Trên hướng Ái Tử và cầu Quảng Trị, các trung đoàn bộ binh 24 và Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 304 liên tục tiến công trong các ngày 27, 28, 29 tháng 4, chiếm được các điểm cao 22, 23, 42 ở phía Tây. Địch giành giật quyết liệt với bộ đội ta ở từng khu vực, điển hình nhất là: Đêm 9 rạng sáng 10-4, 20 cán bộ, chiến sĩ do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa và Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy trung đội 2 thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh 9, được lệnh thọc sâu chiếm giữ cầu Quảng Trị, thực hiện chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện để đại quân ta tiêu diệt tập đoàn quân sự mạnh nhất của ngụy quân ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngụy quân đã điều 2 tiểu đoàn lính dù, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, liên tục tiến công nhằm tiêu diệt chốt chặn của một trung đội quân giải phóng với vũ khí bộ binh nhẹ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Lực lượng ngụy quân đông gấp nhiều lần, nhưng trung đội đã ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt 125 ngụy quân, bắn cháy 5 xe tăng. Cả trung đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi dùng lưỡi lê, dao găm đánh giáp lá cà với quân ngụy. Mai Quốc Ca và 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng chiến sĩ Thành Vũ Quang bị thương và rơi vào tay địch. Cầu Quảng Trị bị phá hỏng, quân ngụy bị chặn lại trước chốt thép của 20 cán bộ, chiến sĩ anh hùng.

Ngày 1-5-1972, sau khi Đông Hà, Ái Tử bị mất, quận lỵ Hải Lăng bị uy hiếp, Quốc lộ 1 bị cắt, quân ngụy hoang mang, đến 11 giờ ngày 1-5, quân ngụy bắt đầu rút. Nắm được ý đồ của ngụy quân, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn bộ binh 324 lập tức cơ động bộ đội chặn đánh quân ngụy ở Cầu Nhũng, cầu dài và cầu bến Đá. Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304 chặn đánh quân ngụy ở La Vang, đồng thời pháo binh mặt trận bắn mãnh liệt vào đội hình rút lui của ngụy quân, gây nên một cuộc bỏ xe, bỏ pháo tháo chạy hỗn loạn.

15 giờ ngày 1-5-1972, được tin quân ngụy có kế hoạch rút chạy khỏi thị xã Quảng Trị, từ sở chỉ huy phía trước, Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 9 được lệnh của Sư đoàn trưởng 304, nhanh chóng đánh chiếm và giải phóng thị xã Quảng Trị. Sau khi nhận lệnh, Nguyễn Đức Huy cùng Thiếu tá Lê Thanh Khê, Phó chính ủy Trung đoàn bộ binh 9, đốc chiến tiểu đoàn bộ binh 1 do Đại úy Vũ Đức Chiến làm Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Thêm làm Chính trị viên cùng đại đội súng máy cao xạ 14,5 ly vượt sông Thạch Hãn vào lúc 20 giờ ngày 1-5, tới bờ nam sông Thạch Hãn. Sau khi ổn định đội hình theo kế hoạch tác chiến, hướng chủ yếu của Tiểu đoàn bộ binh 1 theo đường Trần Hưng Đạo vào đánh chiếm trường Bồ Đề, quân ngụy chống trả quyết liệt, hơn nửa giờ chiến đấu, các chiến sĩ ta đã tiêu diệt bọn lính cố thủ ở đây. Ngay sau đó, bộ đội phát triển đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, khu an ninh, tiểu khu quân sự.

Hướng thứ yếu của tiểu đoàn tiến theo trục đường cổng phía tây Thành Cổ, đánh chiếm trại giam, khu bình định, giải phóng hàng trăm người bị quân ngụy bắt và giam tù ở đây. Đáng ngạc nhiên là 1 đại đội ngụy dựa vào nhà thờ Tri Bưu chống cự ác liệt, cuộc chiến đấu kéo dài gần 2 giờ mới chấm dứt. 4 giờ sáng ngày 2 -5-1972, lá cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Đào Châu Vũ đã cắm lên nóc dinh tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị báo hiệu thị xã Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban quân quản được thành lập do Thiếu tá Nguyễn Đức Huy - Trung đoàn phó bộ binh 9 làm Chủ tịch. Đây là lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, giành và giữ được một bộ phận dân, giải quyết được nhiều vấn đề đối với vùng mới giải phóng, tạo bước ngoặt mới cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cả trước mắt và lâu dài.
_________
 
[1] Hồ Thị Bích Liên hy sinh ở tuổi 24 khi vào tiếp quản thị xã Đông Hà.

[2] Năm 1973, Trần Thị Tâm được truy tặng anh hùng LLVT.


(còn tiếp)

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/181844/Default.aspx
 
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Ba, 2012, 09:21:08 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM