Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 01:11:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mảnh rời ký ức... ( Phần 2)  (Đọc 277637 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 09:03:51 am »

Chào các quê!
Những anh hùng dũng sĩ miền Nam mà các quê vừa nhắc đến (trừ anh TRừ Văn Thố đã HS) thì đều có trong tấm ảnh này. Thực tình cho đến giờ mình cũng không nhớ được chính xác ai vào ai, chỉ chắc chắn chị Tạ Thị Kiều đi cạnh Bác Hồ, bên trái chị Kiều là anh Huỳnh Văn Đảnh, còn anh Trần Dưỡng thì đi bên trái Bác Văn. Quê nào nhớ chính xác thì chỉ hộ nhé!



Đúng như quê baoleo đã viết: có được ngày hôm nay là nhờ những sự hy sinh vô cùng to lớn của các AHLS. Tuy nhiên, không chỉ có thế! Hôm nay lixeta tôi xin kể tiếp câu chuyện học lái tăng của mình:

Tôi cũng không ngờ khóa đào tạo lái xe tăng của mình kết thúc sớm như vậy!
Sáng 10 tháng Ba năm 1972, một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác. Trời mát mẻ, những hạt mưa xuân nhè nhẹ chỉ làm con đường đất đỡ bụi chứ không làm ướt áo người. Ăn sáng về bọn tôi đã thay xong quần áo công tác chuẩn bị đi học. Theo kế hoạch thì hôm nay chúng tôi sẽ học bài Lái tổng hợp CNV lần hai.
Bỗng từ phía nhà chỉ huy vang lên mấy tiếng kẻng, ngay sau đó là “tuýt… tuýt… tuýt…”, những hồi còi dồn dập nổi lên. Thằng Ngọt hét: “Báo động!”. Bọn tôi định cứ thế lao ra thì at Tao từ nhà bên hét: “báo động di chuyển!”. Thế là cả bọn quay vào thay quân phục, cuộn chăn chiếu, thu dọn đồ đạc… Mấy phút sau ba thằng tôi khoác ba lô chạy ra sân kho trước con mắt ngỡ ngàng của ông bà Tư và mấy đứa em.
Tại sân kho, đã thấy lố nhố khá đông. Chúng tôi vừa tới là đứng ngay vào đội hình trung đội mình. Đại đội trưởng Nguyên hô thật to: “nghiêm!” rồi thấy anh quay sang báo cáo một ai đó. Đến lúc này bọn tôi mới thấy đứng cạnh ct còn mấy cán bộ nữa, bác nào bác ấy quân hàm đỏ chói và đầy sao. Chúng tôi lơ mơ đoán ra cơ sự: Đó chính là cán bộ các đơn vị chiến đấu về đón chúng tôi!
Đúng thế thật! Khi các trung đội báo đủ quân số ct Nguyên dõng dạc công bố lý do buổi báo động. Bác ấy nói dài nhưng tôi chỉ nhớ là hôm nay sẽ có một số đc về đơn vị mới. Tiếp đó là đọc danh sách. Những người được đọc đến tên sẽ ra xếp hàng sau lưng cán bộ nhận quân. Hội CL của tôi có Đức về c3/d244, Thu về c3/d66- chỗ chúng tôi tập lái bơi mấy hôm trước. Còn tôi với Ký chưa thấy động đến. Thằng Sơn với thằng Hiệu thì dĩ nhiên không phải đi rồi- chúng nó đang là nuôi quân cơ mà. Đến đây thì tôi chợt hiểu cái vẻ hý hửng của chúng hôm nghe tuyên bố “không được học lái xe tăng nữa”.  Sau đó thì buổi học sáng hôm đó cũng bỏ luôn. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau và tin rằng chỉ một, hai hôm nữa sẽ đến lượt mình. Nhưng với tôi và đa số đồng đội thì cho rằng đó là chuyện bình thường. Nếu có gì đó không bình thường thì đó là chúng tôi chưa được HL đến nơi, đến chốn. Và chính điều đó sẽ đem lại những hệ lụy sau này.
Chiều 11 tôi rủ Ký sang chơi với Thu vì nếu đi tắt đồng thì khoảng cách từ chỗ c tôi ra đó không xa lắm. Sang đến nơi đã thấy thằng quê được phát trang bị đi B. Gớm! Một đống tướng. Đủ cả quần áo, tăng võng, mũ tai bèo, dao găm, bi đông, hăng- gô, túi đựng cơm vắt, hộp thuốc B2 v.v… Lại còn đường sữa với lương khô nữa chứ. Mặc dù là cơ số đi B nhưng ngay lập tức nó đem ra đãi chúng tôi. Thu được phân công làm lái phụ cho xe ct Tiến Tùng ở đây. Qua Thu chúng tôi cũng biết Đức cũng chỉ làm lái phụ thôi.
Mấy thằng còn đang ngồi tán gẫu thì thằng Điểm hơt hơ hớt hải chạy tới. Nó vừa thở vừa bảo tôi: “Về ngay! Bố mày lên đấy!”. Thế là tôi tức tốc phi về. Về đến nhà thấy bố tôi và thằng em út đang ở đấy (chú nó sinh năm 66, hiện là trung tá pháo binh). Nhưng không phải chỉ có thế. Còn mẹ tôi và bác Ba gái ngày mai sẽ đi tàu lên Hương Canh (bác Ba là mẹ Tiếu, cũng xóm với tôi và cùng nhập ngũ một ngày, lúc ấy nó ở trung đội Phòng Hóa của trung đoàn. Bố nó với bố tôi đạp xe đi trước, còn hai bà mẹ đi tàu lên sau).
Thật sự tôi không cảm thấy vui mà chỉ thấy bối rối, nhất là trong tình hình “nước sôi, lửa bỏng” lúc ấy. Thế này mà lại phải về đơn vị chiến đấu ngay hôm nay hoặc ngày mai thì biết làm sao. Mà mẹ tôi thì hay khóc lắm. Còn tôi thì cũng sợ nước mắt của mẹ lắm lắm. Từ hôm tôi nhận quyết định nhập ngũ mẹ tôi đã bao mất bao nhiêu nước mắt rồi.
Nỗi lo của tôi đâm ra thành sự thật! Sáng hôm sau, lại báo động. Tôi hồi hộp mong sao mình đừng có tên trong đợt này. Nhưng không! Tôi có quyết định bổ sung cho c quân y! Mà chỉ có mỗi mình tôi về bên đó, 12 giờ trưa phải có mặt. Sau khi báo cáo lại tình hình với bố tôi quyết định đạp xe sang đơn vị mới xin phép được lùi lại 1 ngày. Cũng may, bên ấy các thủ trưởng đồng ý. Thế là ngay sau đó tôi đạp xe ra Hương Canh đón mẹ.
Đối với bố mẹ tôi có thể coi như gặp may vì chỉ chậm một vài ngày nữa có lên cũng không gặp được tôi. Còn tôi vẫn lo ngay ngáy, không biết mẹ mình có chịu đựng được cuộc chia ly này không? Gặp mẹ rồi tôi cũng chưa thông báo gì cả nên mẹ tôi cũng bình thường, lại còn có vẻ phấn khởi vì thấy con trai khỏe mạnh và rắn rỏi hơn. Đón được mẹ về rồi tôi còn đưa thằng em út đi xem xe tăng, nó thích lắm.
Nhưng rồi thì cũng phải cho mẹ tôi biết. Có lẽ vì giữ ý với chủ nhà nên mẹ tôi không khóc lóc gì. Thấy vậy tôi cũng yên tâm hơn. Bố mẹ tôi mang lên khá nhiều quà, hình như có ý cho tôi ăn Tết muộn nên có cả giò, bánh chưng và một con gà. Trưa hôm đó các thứ được bỏ ra hết làm một bữa liên hoan với nhà cụ Tư và các đồng đội còn ở lại.
Và rồi cũng đến lúc tôi phải đi. Sau bữa cơm bố mẹ tôi tiễn tôi ra đầu làng- nơi có con đường đi tắt sang Gia Du chỗ cQY của tôi đóng quân. Trời lây phây mưa bụi và khá rét. Gió căm căm thổi từ cánh đồng trống trước mặt vào làm cho cảnh vật thêm bội phần thê lương.
Dường như đã nhìn thấy những gian khổ, hy sinh mà con trai mình sắp dấn thân vào, lại không phải giữ ý với ai nữa nên lúc tôi khoác ba- lô lên vai định đi thì mẹ tôi bật khóc. Bà khóc như mưa như gió, khóc như chưa bao giờ được khóc. Thằng em út tôi chẳng biết gì cũng khóc theo. Bố tôi vẫn lặng im nhưng đôi mắt ầng ậc nước. Tôi thì bối rối vô cùng, dỗ mẹ, dỗ em mãi chẳng được. Thật may, lúc đó có anh Triều- một trợ giáo của cHL cũng sang Gia Du đi tới. Anh động viên, an ủi mẹ giúp tôi. Bà vừa ngớt khóc là tôi và anh Triều cất bước đi liền. Nhưng tôi chỉ đi được vài bước bà lại vật vã khóc. Thời gian không còn nữa. Tôi không dám ngoảnh lại mà nghiến răng rảo bước vượt lên. Mắt tôi cũng rơm rớm ướt.
Có thể nói không ngoa: tôi lên đường ra chiến trường trong tiếng khóc xé lòng của mẹ!
Suốt những năm tháng ở chiến trường cho đến bây giờ, và có lẽ cả mai sau nữa chắc chắn không bao giờ tôi quên được tiếng khóc não nùng buổi trưa giá rét ấy. Và tôi cũng biết rằng không chỉ có một mẹ tôi khóc tiễn con ra trận. Đất nước này không chỉ thấm đẫm máu xương những người chiến sĩ ở chiến trường mà còn thấm đẫm bao nước mắt những mẹ già, em nhỏ đang mòn mỏi trông chờ ở hậu phương.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #41 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 10:02:44 am »

Dường như đã nhìn thấy những gian khổ, hy sinh mà con trai mình sắp dấn thân vào, lại không phải giữ ý với ai nữa nên lúc tôi khoác ba- lô lên vai định đi thì mẹ tôi bật khóc. Bà khóc như mưa như gió, khóc như chưa bao giờ được khóc. Thằng em út tôi chẳng biết gì cũng khóc theo. Bố tôi vẫn lặng im nhưng đôi mắt ầng ậc nước. Tôi thì bối rối vô cùng, dỗ mẹ, dỗ em mãi chẳng được. Thật may, lúc đó có anh Triều- một trợ giáo của cHL cũng sang Gia Du đi tới. Anh động viên, an ủi mẹ giúp tôi. Bà vừa ngớt khóc là tôi và anh Triều cất bước đi liền. Nhưng tôi chỉ đi được vài bước bà lại vật vã khóc. Thời gian không còn nữa. Tôi không dám ngoảnh lại mà nghiến răng rảo bước vượt lên. Mắt tôi cũng rơm rớm ướt.
Có thể nói không ngoa: tôi lên đường ra chiến trường trong tiếng khóc xé lòng của mẹ!
Suốt những năm tháng ở chiến trường cho đến bây giờ, và có lẽ cả mai sau nữa chắc chắn không bao giờ tôi quên được tiếng khóc não nùng buổi trưa giá rét ấy. Và tôi cũng biết rằng không chỉ có một mẹ tôi khóc tiễn con ra trận. Đất nước này không chỉ thấm đẫm máu xương những người chiến sĩ ở chiến trường mà còn thấm đẫm bao nước mắt những mẹ già, em nhỏ đang mòn mỏi trông chờ ở hậu phương.

Đọc chỗ này mũi cay cay, mắt nhoè nước. Cảm ơn bác Lixeta
Logged
smilingmen
Thành viên
*
Bài viết: 363


« Trả lời #42 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 03:57:49 pm »


Có thể nói không ngoa: tôi lên đường ra chiến trường trong tiếng khóc xé lòng của mẹ!
Suốt những năm tháng ở chiến trường cho đến bây giờ, và có lẽ cả mai sau nữa chắc chắn không bao giờ tôi quên được tiếng khóc não nùng buổi trưa giá rét ấy. Và tôi cũng biết rằng không chỉ có một mẹ tôi khóc tiễn con ra trận. Đất nước này không chỉ thấm đẫm máu xương những người chiến sĩ ở chiến trường mà còn thấm đẫm bao nước mắt những mẹ già, em nhỏ đang mòn mỏi trông chờ ở hậu phương.


Cám ơn bác Lixeta đã chia sẻ với tất cả mọi người những dòng này. Mong rằng những ký ức như thế sẽ tồn tại mãi, để những người trẻ hôm nay hiểu được thế nào là chiến tranh.
Logged
vaxiliep
Global Moderator
*
Bài viết: 321



« Trả lời #43 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 04:20:29 pm »

Chào các quê!
Những anh hùng dũng sĩ miền Nam mà các quê vừa nhắc đến (trừ anh TRừ Văn Thố đã HS) thì đều có trong tấm ảnh này. Thực tình cho đến giờ mình cũng không nhớ được chính xác ai vào ai, chỉ chắc chắn chị Tạ Thị Kiều đi cạnh Bác Hồ, bên trái chị Kiều là anh Huỳnh Văn Đảnh, còn anh Trần Dưỡng thì đi bên trái Bác Văn. Quê nào nhớ chính xác thì chỉ hộ nhé!





Em chỉ nhớ người đứng giữa Bác và anh đội mũ là anh hùng Hồ Vai.  Cheesy
Logged

Ầu ơ...Gió đưa tàu chuối sau hè
Tưởng vui một chút ai dè...có con!

hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 06:06:42 pm »

Hôm nay đọc kỹ bài của Lixeta@ hóa ra bọn mình cùng ở một khu vực trong thời gian ấy,bạn thì chuẩn bị tốt nghiệp sớm trường Tăng ở vùng gần Hương canh còn bọn mình cũng làm đồ án tốt nghiệp của trường DHQS và sơ tán lung tung vào thời gian đó cũng quanh quanh các huyện ở Vĩnh yên,Tam dương,Lạc ý...
Tiếng khóc xé lòng của mẹ bạn năm ấy làm cho mình nhớ đến mẹ mình,sáng 19-12 sau trận bom B52 đầu tiên vào đêm 18-12-1972 ở khu vực trạm TT A 10 (hiện nay là khu vực siêu thị Big C ) mẹ mình là người đạp xe đạp đầu tiên từ sáng sớm đến cổng doanh trại thăm mình ,gặp mẹ, mẹ khóc vì con gái không sao nhưng vẫn động viên con vào trận chiến Điện biên phủ trên không năm 1972 ấy. Những ngày ấy mặc dù hai mẹ con đều ở Hà nội nhưng đều lo cho nhau vì mẹ trực ở cơ quan hôi LHPN,mình thì bảo đảm TTở trạm TT  A 10.
Có người mẹ khóc xé lòng,có người mẹ nuốt nước mắt vào trong lòng nhưng tất cả các mẹ của những người lính đều đưt từng khúc ruột khi trao con mình cho Tổ quốc bạn nhỉ.
Chúng mình hôm nay cùng nghĩ về những người mẹ của lính nói chung và những người mẹ của các thương binh liệt sỹ nói riêng ,mong các mẹ đã ra đi được siêu thoat,các mẹ còn sống thì khỏe manh,yên bình hơn.
Logged
VanKiep82
Thành viên
*
Bài viết: 63


« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 06:10:12 pm »

    Ngoài cùng bên trái : ông Phạm Hùng Phó bí thư TƯ Cục; Ngoài cùng bên tay phải : bà Hồ Thị Bi.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 07:44:39 pm »

   Chào quê Lixeta:
   Đứa con nào ra trận mà chẳng nhớ mẹ nhất.

   Bác còn nhớ phim "Bài ca người lính" của Liên-xô  không? Người lính ấy lặn lội qua bao vất vả về thăm mẹ, cũng chỉ gặp mẹ vội vàng được vài phút, rồi vội vã lên đường ra trận, để không bao giờ trở về nữa.

   Còn với tôi:

  "...Tôi không muốn mẹ tôi tiễn tôi vào lúc tàu chạy, sợ mẹ buồn. Mẹ tôi không khóc, nhưng lúc lên ô-tô, mẹ tôi đã kín đáo lấy khăn tay lau mắt. Tôi biết mẹ tôi buồn lắm.
       Đến đêm, tôi cùng đơn vị ra ga, lên tàu vào chiến trường. Thế là tôi đã ra đi, tôi đã đem theo cả cuộc đời của mẹ tôi mà ra trận".

Logged

napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 08:37:50 pm »

Đọc hồi kí của quê Lixeta đến đoạn chia tay thật xúc động, người mẹ nào chả thương con nhưng vì tổ quốc mà phải chia tay con. Lại nhớ đến bài hát "Huyền thoại mẹ".
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 08:55:33 pm »


Tiếng khóc xé lòng của mẹ bạn năm ấy làm cho mình nhớ đến mẹ mình,sáng 19-12 sau trận bom B52 đầu tiên vào đêm 18-12-1972 ở khu vực trạm TT A 10 (hiện nay là khu vực siêu thị Big C ) mẹ mình là người đạp xe đạp đầu tiên từ sáng sớm đến cổng doanh trại thăm mình ,gặp mẹ, mẹ khóc vì con gái không sao nhưng vẫn động viên con vào trận chiến Điện biên phủ trên không năm 1972 ấy. Những ngày ấy mặc dù hai mẹ con đều ở Hà nội nhưng đều lo cho nhau vì mẹ trực ở cơ quan hôi LHPN,mình thì bảo đảm TTở trạm TT  A 10.


Hì hì, cô nói đến chi tiết mẹ cô đạp xe đến tìm cô, làm cháu cũng nhớ chuyện của bác trai anh ruột bố cháu.

Bác cháu năm 1964 là bộ đội cao xạ, tham gia trận đánh trưa ngày 5/8/1964 tại Hạ Long. Bác nói trận địa của bác nhìn xuống ngay quân cảng trong vịnh cửa Lục.

Ngay sau trận đánh, em trai ông nội cháu (Bác cháu gọi là chú ruột) đạp xe 1 mạch từ Hà Nội xuống đơn vị để thăm bác cháu Cheesy.

Mà cháu thấy chỗ Big C bây giờ, hồi xưa là cánh đồng lúa của xã Trung Hòa nhỉ? Còn gần cầu Trung Hòa bây giờ có Lữ đoàn 205 đóng quân?
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #49 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 07:20:57 am »

 Rongxanh@ thân mến ,ngày chiến tranh ấy là vậy đấy các ông bố bà mẹ,ông  chú bà bác,thương con thương cháu lắm mặc dù trao con cháu cho Tổ quốc,mà chả phải lúc đó đâu lúc nào cũng vậy,dân mình thương con cháu nhưng cũng hết sức tự hào đấy bạn ạ.
 Khu vực đóng quân của lữ đoàn 205 chính là khu vực của Trung  đoàn 134 ngày ấy,cái tram TT A10 của mình nằm trong đó,còn cả cánh đồng khu vực Big C bây giờ bị bom B52 cày xới  đất lộn cả lên,cả cánh đồng mênh mông một màu đất mới,không còn màu xanh.
Trạm TT của mình nằm cạnh một con đường đất cách bởi một bờ ao,giữa cánh đồng lúa bạt ngàn,hồi đó cầu Trung kính là một con cầu nhỏ,như một cái cống xi măng thôi.Từ cái tram TT này các hướng đường dây vào nam,về đông,còn đi lên phía bắc và sang tây thì qua một hệ thống cáp ngầm rồi mới ra đường dây trần.Duy nhất cái bây giờ còn là hai cái cột an ten của Đài phát thanh tiếng nói Việt nam ở Mễ trì.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM