Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 03:20:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mảnh rời ký ức... ( Phần 2)  (Đọc 277644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #310 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 05:11:59 pm »

Còn riêng đại đội 3 của tôi (khi tôi HQ vào là đi với cT3 bơi nước) cũng bị nó "chần" cho một trận hôm 15.5.1972, hy sinh 1, bị thương 2. Mấy hôm nữa tôi mới kể đến đoạn ấy được.
Với 2 loại vũ khí này có thể nói là bắn vào xe tăng chỉ như "gãi ghẻ". Ngay cả xe lội nước K63-85 cũng không hề hấn gì chứ đừng nói đến T54 Grin.
Quê cho em hỏi về đoạn trên với Huh
Nếu AC 130 đánh cT3 của quê làm hy sinh 1, bị thương 2. Vậy nó dùng cối 40mm hả quê? Vì ngay đoạn dưới quê nói nó không gây nguy hiểm cho K63-85 mà? Grin

   Híc...!Híc...!
   Hôm nay cT3 vừa mới vượt qua Cổng Trời thui mà, còn chưa đến đường 9 cơ. Thế mà mãi đến Dốc Đá- km 60 đường B45 mới bị AC 130 đánh cơ.
   Thôi thì bật mí trước vậy: Lúc đó xe đang dừng, mấy anh em đang đứng ngoài xe nên mới bị.

   Còn bây giờ bọn tôi đang chết khát ở đường 18 đây này. Đừng tưởng chỉ các anh em bên K sau này mới khổ vì mùa khô. Ngay hồi 72 khi hành quân qua rừng Lào bọn tôi cũng đã biết thế nào là "khát" rồi. Mà lại còn khổ hơn các quê vì ngay cả cái xe nó cũng đòi uống nước. Đã thế lại uống nhiều mới gay chứ Grin.

   Mặc dù lúc này ở bên Đông Trường Sơn đã chớm bước vào mùa mưa nhưng phía bên Lào thì vẫn là mùa khô. Lúc chúng tôi ở bên Quảng Trị đã bị những trận mưa đầu mùa làm khổ thì khi vượt Cổng Trời sang bên Lào thời tiết vẫn là mùa khô thực sự. Trời lúc nào cũng trong xanh, thỉnh thoảng mới có một đám mây trắng xốp lững lờ bay, lúc nào cũng thấy ong ong nóng. Lại thêm thằng OV10 canh từ sáng sớm đến tối mịt. Mà cái tiếng của thằng này thì khó chịu vô cùng. Tuy vậy, có  hai cái đáng sợ nhất đối với lái xe mùa khô bên Lào này là bụi và thiếu nước.
   Những con đường quân sự làm gấp thường xuyên bị bom đạn đào bới xới lộn; rồi thì hàng nghìn, hàng vạn lượt bánh xe lăn qua hình thành nên một lớp bụi dày ngập mắt cá chân trên mặt đường. Chỉ cần đi bộ thôi mà mỗi bước chân cũng tạo nên những tiếng “phùm phụp, phùm phụp” và khuấy lên một đám bụi nhỏ thì các bạn sẽ hình dung ra đám bụi khổng lồ mà một chiếc xe tăng tạo ra. Như xe tôi đi đầu còn đỡ chứ bọn đi sau thì nhem nhuốc vô cùng. Mỗi lần dừng nghỉ trông mấy tên lái xe chẳng khác gì hề xiếc: bụi phủ kín từ đầu đến chân, bụi len hết vào trong người, đến tận từng chân tóc. Riêng ở dưới mi mắt thì bụi đóng thành một cục phải bóc mãi mới ra được (do mắt lúc nào cũng phải căng ra để nhìn đường nên tuyến lệ phải thường xuyên tiết nước mắt ra và bụi cứ bám hết lớp này đến lớp khác vào đó tạo thành một cục như cái hình trăng khuyết bám vào mi dưới). Ấy thế nhưng mắt thằng nào thằng ấy vẫn cứ sáng như đèn ô tô mỗi khi thấy í ới chị em TNXP đang chống lầy dưới đường.
   Về vụ nước nôi chúng tôi cũng đã được “quán triệt” cả rồi nên lúc ở km 72 đường 10- trú quân ở một con suối và bắt đầu đi sang Lào mỗi xe đều mang theo chừng 30 lít nước dự trữ. Hồi đó mỗi xe đều được trang bị 01 cái túi nước của TQ, có quai đeo, nắp đậy như cái ba lô nên rất tiện. Ngoài ra còn 2 bi đông xe x 5 lít lúc nào cũng đầy. Cứ tưởng với lượng dự trữ ấy thì có ném vào sa mạc cũng sống được vài ngày. Ai ngờ…
   Hôm ấy- khoảng 22, 23.4 gì đó- khi đang chạy trên đường 18 (đoạn gần đến chỗ giao nhau với đường 9) thì xe tôi bị hỏng. Tôi đang lái thấy xe cứ tự động dạt sang bên phải đường. Tôi dừng xe báo cáo ct Đô: “Đứt xích”. Tuy nhiên, xuống kiểm tra thì không phải. Mở nắp máy ra xem thì phát hiện thấy động lực không truyền ra ngoài được, muốn sửa phải có cẩu. cpKT Bình đề xuất: “Để xe này lại đây, điện về cho trung đoàn cho người vào sửa. Còn đại đội tiếp tục hành quân”. Ct Đô suy nghĩ một hồi rồi quyết: “Đồng ý!”. Sau đó ông chỉ tôi và Chỉnh pháo hai: “Hai đc ở lại trông xe. Còn lại chuyển đồ sang xe khác”. Tôi vã mồ hôi hột: hai thằng nằm lại giữa rừng thế này biết đến bao giờ trung đoàn mới vào. Vì vậy, mặc cho bọn hắn chuyển đồ tôi cứ ngồi bần thần nhìn xuống buồng truyền động xe.   Đúng lúc cả c chuẩn bị đi thì tôi phát hiện ra: hoàn toàn không cần cẩu cũng cói thể chữa được nếu tháo cái ống phụt nước ra. Tôi hét lên. Mọi người quay lại xem và công nhận tôi nói đúng. Thế là tất cả tập trung vào sửa chữa đến hơn 1 giờ sáng thì xong. Nhưng chỉ chạy được một lúc thì nhiệt độ động cơ lên trên 100 độ. Lại dừng xe kiểm tra và chúng tôi phát hiện là hệ thống làm mát đang thiếu nước nghiêm trọng. Toàn bộ nước dự trữ còn lại của xe được đem ra đổ vào nhưng vẫn chưa đủ. Đến lúc này chúng tôi mới phát hiện ra một cái ống nước bị bục- chắc là trong quá trình sửa chữa một tên nào đã vô ý chọc tuốc- nơ- vít vào. Chúng tôi tập trung thay ngay đoạn ống hỏng đó. Còn ct Đô bắt đại đội dừng xe lại rồi lệnh cho các xe đem nước lên. Tuy nhiên, do đã chạy 2 ngày không gặp suối để lấy thêm nước dự trữ nên mỗi xe chỉ còn chừng chục lít và chúng tôi phải dồn tất cả nước trong đại đội vào mới đủ cho xe tôi chạy được- kể cả nước trong các bi đông xe và bi đông cá nhân cũng đem ra đổ tất vào cái két mát tưởng chừng như không đáy kia. Thế là từ đó đến sáng, ngồi lái xe mặc dù cổ họng khô không khốc, lại đầy bụi mà chúng tôi cũng không hề có một ngụm nước nào để nhấp môi. Gần sáng, dừng xe để giấu xong theo lệ thường sẽ có một ca sữa cho lái xe song hôm nay cũng cắt vì không có nước. Bụng thì đói nhưng nghĩ đến lương khô đã thấy chán rồi nên cả xe đành bấm bụng đi nằm.
   Sáng hôm sau, sau một giấc ngủ ngắn ngủi đầy mệt mỏi chúng tôi thức dậy trong cái nắng oi nồng của rừng Lào. Cổ họng vẫn khô không khốc và rát tợn. Vừa định kiếm tý nước cho nó dịu lại thì thấy thằng Chỉnh pháo hai oang oang: “Báo cáo đại trưởng! Bọn em đã đi tìm khắp xung quanh mà không thấy có tý nước nào”. Ông Đô giọng khản đặc: “Thử hỏi xem có xe nào còn nước dự trữ không?”. Nó lắc đầu quầy quậy: “Báo cáo, hết sạch rồi ạ. Chúng nó bảo đêm qua đem đổ hết vào két mát xe mình rồi”. Ngẫm nghĩ một lát ct Đô ra lệnh: “Chia ra thành hai tốp, mỗi tốp hai thằng, tìm rộng ra xung quanh xem sao”.
   Chấp hành lệnh của ct, Chỉnh và Hiển đi một hướng, tôi và Kiên đi một hướng, còn Thọ ở nhà làm kỹ thuật. Cắp khẩu AK và cái túi đựng nước hai thằng tôi đi theo một con suối cạn vì nghĩ: “cứ đi theo suối thế nào cũng gặp được cái vũng nào đó”. Chúng tôi đi đã khá xa mà chẳng thấy gì, lòng suối khô không khốc trơ toàn sỏi đá. Đúng lúc định quay về thì phát hiện ra một vũng nước bằng cái nia nhưng nông choèn, nước thì đục lờ lờ, dưới đó đầy lá mục và những con cá cóc có cái bụng ỏng to đùng. Mặc dù rất khát nhưng tôi và Kiên cũng không dám uống. Hai thằng bàn nhau một lúc và quyết định không lấy nữa, hy vọng cánh Chỉnh và Hiển sẽ tìm được chỗ khả dĩ hơn.
   Thế nhưng về đến nhà mới biết cánh kia cũng đã về tay không. Nghe bọn tôi kể chuyện vũng nước, ct Đô chửi: “Ngu lắm! Bây giờ nước là vàng đấy”. Ông bắt mấy thằng mang thùng và túi đi ngay. Đến nơi chúng tôi vét mãi cũng được khỏang hơn chục lít nước. Số nước ít ỏi đó được đem chia cho cả trung đội 1 nấu cơm và nấu nước uống cho cả ngày. Kể ra thì đói và khát nên cứ ăn uống đại đi thôi chứ cũng ghê lắm: cơm nấu lên mà nó đổi màu thành thâm sì sì ấy.
   Không biết tình hình đại đội chúng tôi sẽ thế nào nếu đêm hôm ấy chúng tôi không gặp một con sông- hình như  Xê Băng Hiêng thì phải?
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2009, 05:27:07 pm gửi bởi lixeta » Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #311 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 05:34:45 pm »

   Híc...!Híc...!
   Hôm nay cT3 vừa mới vượt qua Cổng Trời thui mà, còn chưa đến đường 9 cơ. Thế mà mãi đến Dốc Đá- km 60 đường B45 mới bị AC 130 đánh cơ.
   Thôi thì bật mí trước vậy: Lúc đó xe đang dừng, mấy anh em đang đứng ngoài xe nên mới bị.
Hê hê, quê làm em tò mò quá. Đúng là nhà văn có khác Grin
Quê kể tiếp về hoàn cảnh AC 130 đánh cT3 ra sao? Nó đến mà mình không phát hiện để vào xe, cao xạ 37mm không bắn cảnh báo hả quê? 
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2009, 07:46:55 pm gửi bởi napoleon » Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #312 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2009, 08:51:19 am »

   Xin tiếp tục cuộc hành quân vào A Lưới của cT3:

   Sau khoảng 10 ngày hành quân theo các trục đường 15, đường 10, đường 18, đường 23 thì chúng tôi đến Rừng Thông ở đường B45. Đây là con đường ngang từ Lào trở về Việt  nam. Cũng là đường ngang nhưng so với đường Chín thì một trời một vực vì cái đèo Lao Bảo nằm giữa biên giới hai nước ở đường 9 chỉ có độ cao hơn 200 mét. Còn cái đèo biên giới ở đây thì lại cao những hơn 1000 mét cơ. Còn so với Cổng Trời thì dốc Mèo cũng có độ cao tương đương nhưng hiểm trở và khó đi hơn vì ở xa miền Bắc, ít được duy tu bảo dưỡng, lại thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá. Không chỉ riêng dốc Mèo mà nói chung cả con đường là cheo leo. Trong đó có 2 trọng điểm là Dốc Đá (km 55) và đặc biệt là con đèo biên giới: dốc Con Mèo. Vì đây là đường mở qua vùng núi đá tai mèo nên cả hai đều rất hiểm trở, chật hẹp và nguy hiểm. Tuy nhiên, cách biên giới chừng 20- 30 km lại có một cái rừng thông tuyệt đẹp mới lạ chứ Grin.
   Ở quê tôi cũng có một rừng thông thuộc loại cổ thụ và khá đẹp- rừng thông Côn Sơn mà tương truyền là do ông ngoại Nguyễn Trãi- quan Tư đồ Trần Nguyên Đán trồng. Chả là ở vùng này có lưu truyền câu ca: “ông trồng thông, bà cấy rễ” (rễ ở đây là cây rễ thanh hao chứ không phải rễ cây). Hồi bé chúng tôi hay lên đó chơi và vơ lá thông về đun. Thế mà khi gặp cái rừng thông ở đường B45 này tôi vẫn thấy ngỡ ngàng: thông vừa nhiều, vừa to, vừa thẳng. Mà hình như nó không bị ảnh hưởng của chất rụng lá cây hay sao ý mà rất ít cây thông chết đứng như các cánh rừng khác. Chỉ chỗ nào bị bom thì mới xơ xác thôi.
   Vì nhiên liệu, dầu mỡ cũng đã tiêu hao kha khá rồi nên BCH đại đội quyết định nghỉ lại để vào xin bổ sung vì Binh trạm bộ BT42 cũng đóng ở gần đó. Thế là lính tráng được dịp xả hơi, ngủ bù. Còn dp Bảng cùng BCH đại đội đi vào binh trạm bộ. Hồi đó, lính xe tăng vẫn được các binh trạm của 559 quý lắm. Vì vậy, ngoài số lượng dầu nhờn, nhiên liệu đủ theo yêu cầu BT42 còn cấp cho chúng tôi một ít gạo và thịt hộp nữa. Lại có cả quà 01.5 nữa chứ: mỗi tên được 2 cái kẹo và 2 điếu thuốc lá. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, bổ sung các thứ xong, chuẩn bị lên đường thì phía trước báo về: “Tắc đường”. Và không chỉ tắc một lúc mà có khi phải vài ngày. Thế là chúng tôi phải nằm lại tiếp. Đối với các vị chỉ huy thì rõ là nóng ruột rồi. Còn đối với cánh lính tráng thì được nằm lại ở một nơi tuyệt đẹp như thế này thì càng sướng.
   Vì đã khá lâu chưa nạp điện bổ sung nên cpKT Bình rất nóng ruột. Theo quy tắc sử dụng bình điện thì mỗi tháng chúng tôi phải nạp điện bổ sung 01 lần. Dù rằng không sử dụng một tý nào cũng vậy. Mà phải nạp theo kiểu “dòng điện không đổi” cơ. Khi đi độc lập thế này bọn tôi đã được trang bị một cái máy nổ Phi- mắc nhưng công suất của nó chỉ đủ nạp cho 4 bình một mà thôi. Không chịu đầu hàng tình thế cp Bình lật đật vào BT bộ hỏi thăm. Khi biết BT có một Trạm kỹ thuật, có cả máy nạp điện thì anh đề nghị giúp đỡ và các đc ở đó đồng ý sẽ cho Trạm KT của BT nạp điện giúp. Thế là toàn bộ được lệnh tháo bình điện ra. 32 cái bình điện được xếp lên cái xe Vọt Tiến. Bộ phận đi nạp điện do bt Thanh chỉ huy, cùng đi có thợ điện Thịnh và tôi. Trạm KT của BT nằm cách rừng thông chừng hơn 20 km và ở phía tây nên chúng tôi phải đi ngược lại.
   Như đã nói trên, mùa mưa năm 1972 đến rất sớm. Cộng với trọng tải khá nặng (suýt soát 2 tấn) nên phải mất gần một đêm trày trật cái Vọt Tiến bọn tôi mới đến được Trạm KT của BT 42, trong khi khoảng cách không xa lắm. Đến nơi, trời vẫn chưa sáng. Bọn tôi tranh thủ ngủ một giấc. Lười chẳng muốn mắc võng nên bt Thanh và lái xe Độ ngủ trong ca- bin. Còn tôi với Thịnh sờ thấy mớ ni- lon vẫn để cạnh cái máy nổ liền kéo ra rải nằm. Trời thỉnh thoảng rắc vài hạt mưa, bọn tôi lại kéo thêm mấy tấm ni- lon đó làm tấm đắp luôn. Sáng hôm sau, vẫn còn đang say sưa ngủ thì thấy bt Thanh quát thật lực: “Dậy! Muốn chết hay sao mà lấy cái này để đắp?”. Hai thằng tôi lồm cồm bò dậy. Mở mắt ta bọn tôi giật thót cả mình: mớ ni- lon mà chúng tôi rải và đắp chính là mấy chục túi ni- lon dùng để liệm tử sỹ. Nó như cái túi to, ở đầu có dây buộc, giữa có đai cuốn. Tôi cũng thấy hơi sợ sợ. Thằng Thịnh thì tỏ ra bất cần: “Sợ .éo gì! Số đã chết thì kiểu gì chả chết. Số đã không chết thì có chui vào túi này mà nằm vẫn sống”. Nghe nó nói vậy tôi cũng yên tâm hơn. (Thằng Thịnh này về sau có một lần bị lọt vào giữa bãi bom B52: nó đang ngồi ị thì máy bay đánh, 3 quả bom nổ 3 góc cách nó chỉ độ 10 m. Lúc tìm đwọc nó trên người không còn mảnh vải nhưng vẫn thoi thóp. Đi viện mất ba tháng mới về, đầu rụng hết tóc, tai hơi nghễnh ngãng, mặt lúc nào cũng ngơ ngơ. Nó quê ngay Từ Liêm mà tôi tìm mãi không được, đến hội CCB xã hỏi nhưng ngươi ta không biết)..
  Đợi một lúc nữa, bt Thanh vào làm việc. Một lúc anh quay ra, vẻ mặt thất vọng ê chề. Bọn tôi xúm lại hỏi thì biết: tiếng là Trạm KT của BT nhưng chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của nó là rèn cuốc xẻng và sửa chữa nhỏ ô- tô mà thôi. Về nạp điện họ cũng chỉ có đúng 01 cái máy nổ tương đương cái Phi- mắc của bọn tôi. Chà! Vượt mấy chục km đèo dốc đến đây với bao hy vọng mà gặp tình cảnh này thì chán thật còn gì. Chả lẽ lại quay về Undecided Undecided Undecided
 
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #313 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2009, 02:53:30 pm »

Đọc chuyện của bác lixeta, em lại nhớ đến một một nhà văn đã viết thành truyện ngắn "lính sư đoàn" thì phải?
Câu chuyện cảm động về việc nước trên xe tăng bị chảy hết, bộ phận làm mát bị hỏng, nhiệt độ tăng cao, xe không chạy được. Lúc đó lại đang vào chiến dịch HCM - hành quân thần tốc. 5 anh lính tăng bị bỏ lại giữa rừng và thay nhau đi tìm nước. Qua 2 ngày vét, gạn nước từ cái giếng đào được thì có một đoàn xe chở bộ binh đến. Chiến xe tăng chắn đường làm xe chở bộ binh không qua được. Vì quá ngượng và xấu hổ nếu nói là xe không đi được do chủ quan làm hết nước, các anh lính xe tăng đã nói xe hỏng máy (4 anh lính tăng tiếp tục gạn nước còn 1 anh trông xe). Vì chiến dịch đang thần tốc nên những người lính bộ binh đã xuống bạt đá, mở rộng đường. Trong quá trình đó, một người lính bộ binh bộ binh tò mò hỏi và đã biết được xe không đi được chỉ vì thiếu nước. Vậy là cảnh tượng ồn ào xảy ra, những người lính bộ binh tranh nhau nhường nước cho xe tăng: 200l nước. Mà chỉ có những bình bi đông nước tinh khiết mới dùng được, nước chè, nước đường đều bị loại. Họ cười cợt trêu đùa nhau còn những người lính xe tăng đã khóc. Ân hận vì biết đồng đội mình hành quân thần tốc giữa chiến dịch, giữa Tây nguyên khô cạn,  sẽ thiếu nước uống vì hành vi chủ quan không cẩn thận của họ. Nhưng những người lính bộ binh chỉ bảo rằng: "chúng ta lính sư đoàn"
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2009, 03:05:41 pm gửi bởi quangcan » Logged

hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #314 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2009, 03:23:42 pm »

Hạnh phúc cho Bộ đội   tăng thiết giáp có cậu em  Lixeta@ của mình,nên kể về những trận chiến của xe tăng thật hay,thật sinh động.Mới chỉ có nước thôi,xe thiếu đã không  chạy được rồi.
Lính thông tin mình đâu chỉ có 2w,mình kém thật phải học cậu em mình thôi.
Logged
Tookies
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #315 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2009, 05:06:15 pm »

Đọc chuyện của bác lixeta, em lại nhớ đến một một nhà văn đã viết thành truyện ngắn "lính sư đoàn" thì phải?
"[/font][/b]
Cái chuyện bác đọc đó là nằm trong cuối "Kỷ niệm sâu sắc kháng chiến chống Mỹ" nếu em không nhớ nhầm thì là tập 1. Em đọc từ hồi học lớp 3-4 những năm 1990-1991. Hồi nhỏ lên đơn vị papa toàn mò vào thư viện đọc sách cả ngày nên nhớ rõ lắm.
Logged

napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #316 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 12:02:18 am »

Thằng Thịnh thì tỏ ra bất cần: “Sợ .éo gì! Số đã chết thì kiểu gì chả chết. Số đã không chết thì có chui vào túi này mà nằm vẫn sống”. Nghe nó nói vậy tôi cũng yên tâm hơn. (Thằng Thịnh này về sau có một lần bị lọt vào giữa bãi bom B52: nó đang ngồi ị thì máy bay đánh, 3 quả bom nổ 3 góc cách nó chỉ độ 10 m. Lúc tìm được nó trên người không còn mảnh vải nhưng vẫn thoi thóp.
Đúng là sống chết có số bác ạ, bom đạn tránh mình chứ mình sao tránh được nó bác nhỉ? Grin
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #317 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2009, 10:19:02 am »

   Chào các quê!
   Hai ngày vừa qua được anh em trên Trường SQTTG mời lên chơi- chả là ngày hôm qua trên ấy họ tổ chức khai giảng năm học 2009- 2010 đồng thời tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới- Oách phết nhể! Mình sẽ có một phóng sự ảnh về nhà trường nhưng chắc sẽ phải để bên mục khác.
   Còn bây giờ xin tiếp tục câu chuyện ở cái trạm kỹ thuật của BT42:

   Kể cũng thất vọng thật. Vượt mấy chục km đường đèo dốc, chấp nhận cả nguy hiểm, rủi ro mang 32 cái bình điện xe tăng đến đây hy vọng được nạp giúp mà kết quả thế này thì còn gì buồn hơn. Nói chấp nhận rủi ro là thật bởi vì ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra với 32 cái binh điện này thì 8 cái xe tăng kia có khi chỉ như đống sắt vụn. Chắc lại phải nằm đấy mà đợi ngoài bắc chở bình điện vào tiếp ứng thì mới có thể nhúc nhích được. Mà cũng chán thật, mang tiếng là trạm kỹ thuật tổng hợp của một Binh trạm 559 mà cơ ngơi chỉ có thế này thì làm ăn gì được? Một khó khăn nữa là nước cất để pha dung dịch và bổ sung vào bình điện ở đây cũng không có!. Bố Thanh thì lo lắng, cứ oán thán cpKT Bình "máy móc, nguyên tắc", rồi thì là "không nắm kỹ tình hình, cái trạm KT thế này mà cũng mất công chạy đến. Thà cứ ở nhà nạp dần thì có tốt hơn không cơ chứ?
   Bọn tôi xúm lại bàn bạc với nhau một hồi, rồi kéo cả Thanh+ Lũy là hai thợ điện ở đó vào cuộc. Cuối cùng đi đến kết luận: sẽ ở lại, dùng cả cái máy Phi- mắc của bọn tôi và máy của Trạm để nạp. Như vậy, mỗi “mẻ” sẽ đwọc 8 bình. Phải mất 4 mẻ mới hết lượt. Bình quân mỗi mẻ 8 giờ. Như vậy sẽ mất 32 giờ, cộng với thời gian cho máy nghỉ nữa sẽ mất chừng 1, 5 ngày. Nếu chạy liên tục cả ngày lẫn đêm thì tối ngày kia sẽ xong và chúng tôi có thể lên đường về đơn vị ngay trong đêm hôm ấy. Còn nước cất thì cũng có cách giải quyết: căng thật nhiều tăng và ny- lon lên hứng nước mưa, kể ra cũng không thật đủ tiêu chuẩn nhưng dùng tạm cũng được. Hạ quyết tâm xong ngay lập tức chúng tôi bắt tay vào việc. Bình điện được khiêng xuống, xếp hàng và che đậy cẩn thận. Thịnh đấu dây diện nhoáng cái đã xong. Hai cái máy nổ đwọc khởi động. Lúc đầu chắc là do máy nguội nên những tiếng nổ còn hơi rời rạc. Vài phút sau, khi tiếng nổ đã đều hơn thì Thịnh bắt đầu điều chỉnh điện áp theo yêu cầu. Được rồi nó mới đóng cầu dao nạp. Tiếng máy gằn lại nhưng ngay sau đó lại nổ đều.
   Thật may, cả hai cái máy không bị hỏng hóc lần nào. Trời vẫn mưa lắc rắc. Không có máy bay TS nhưng thỉnh thoảng một loạt tọa độ lại nổ rền mạn ngoài đường tuyến. Vì đã có hầm tản khói ống xả nên chúng tôi vẫn làm việc bình thường. Cứ độ 4 tiếng chúng tôi lại tắt máy cho nghỉ chừng 30 phút. Thỉnh thoảng Thịnh lại mang dụng cụ đi đo tỷ trọng dung dịch. Chu kỳ ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến gần tối ngày hôm sau mới xong. Hai ông bạn mới Thanh+ Lũy đã chuẩn bị cơm nước, có tý tươi hơn để liên hoan. Chúng tôi ăn xong là chia tay. Những người lính ở chiến trường thật dễ đến với nhau. Chúng tôi mới đến đây và cùng làm việc với hai anh em họ có hơn một ngày mà sao đã thân thiết thế. Cuộc chia tay đầy bịn rịn nhưng chúng tôi vẫn phải lên đường.
   Con đường về đơn vị có vẻ gian khổ hơn lúc đi vì chủ yếu là lên dốc và mưa suốt hai ngày nay. Có những lúc xe bị rệ nằm chênh vênh ngay bên mép vực. Chính lúc ấy chúng tôi mới thấy sâu sắc hơn sự nguy hiểm của việc đưa bình điện đi nạp xa như thế này. Nhưng thật may, mấy anh em tôi đã đưa được xe bình điện đi đến nơi, về đến chốn. Nghe báo cáo lại mấy cán bộ c ai cũng thấy hú vía- nhất là cpKT Bình, chắc rồi khi vận dụng các quy tắc sử dụng trang bị ở chiến trường anh cũng sẽ linh hoạt hơn Grin.


Logged
fanruot_mu™
Thành viên
*
Bài viết: 128

Binh nhất Chiến sĩ


WWW
« Trả lời #318 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2009, 05:28:55 pm »


   Ở quê tôi cũng có một rừng thông thuộc loại cổ thụ và khá đẹp- rừng thông Côn Sơn mà tương truyền là do ông ngoại Nguyễn Trãi- quan Tư đồ Trần Nguyên Đán trồng. Chả là ở vùng này có lưu truyền câu ca: “ông trồng thông, bà cấy rễ” (rễ ở đây là cây rễ thanh hao chứ không phải rễ cây). Hồi bé chúng tôi hay lên đó chơi và vơ lá thông về đun. Thế mà khi gặp cái rừng thông ở đường B45 này tôi vẫn thấy ngỡ ngàng: thông vừa nhiều, vừa to, vừa thẳng. Mà hình như nó không bị ảnh hưởng của chất rụng lá cây hay sao ý mà rất ít cây thông chết đứng như các cánh rừng khác. Chỉ chỗ nào bị bom thì mới xơ xác thôi.
   

Công nhận rừng thông ở chỗ bác Quê đẹp thật, ngày còn trong bộ đội em cũng từng có dịp diễn tập ở đấy rồi, cụ thể là rừng thông khu vực đền Sinh bác ạh. Đợt bọn em đến đấy là tầm cuối năm 2000, rừng thông đang khai thác nhựa. Vừa đến nơi, chiếm lĩnh xong phát là lính mình nổi lửa lên em ngay, khói um tí mẹt. Rừng thông mà các bố đốt lửa thì chịu rồi, chú Đào Thanh Chàng tham mưu phó trung đoàn quát ầm lên, bảo dập lửa nhanh không tôi với các ông đi tù hết bây giờ  Grin

Sau này các chú trên trung đoàn quán triệt, trong khu vực đơn vị nào chiếm lĩnh mà mất 1 bát nhựa thông thì cả đơn vị đấy phải đền mỗi người 1 tháng phụ cấp, sĩ quan thì 1 tháng lương. Có lần anh nuôi đại đội 6 em nấu cơm làm lửa bén vào cây cháy lên bùng bùng, cả đại đội tá hỏa phải lao vào dập ngay. Hôm đấy mà để lửa bén to tí nữa cháy cả rừng thông thì chết đòn.

Trong thời gian ở đấy bọn em hay lên đền Sinh chơi lắm, xem lên đồng kiếm ít lộc cũng thấy hay hay. Trên đền có ông già bán quán nước trước là CA huyện Chí Linh, ông kể chuyện ngày xưa vào Hang Trăn gần đơn vị em tiễu phỉ, nói chung là hay lắm. Ông cũng quý bộ đội, ăn chịu ăn nợ thoải mái (mới ở có vài ngày mà đã nợ được rồi, đúng là lính) thế mà cuối cùng diễn tập xong là các bố cắp đít đi hết bỏ mặc ông già ở lại không biết kêu ai  Grin Bựa không thể tả bác Quê ạh  Tongue
Logged

"Cuộc đời là những chuyến đi"
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #319 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2009, 10:39:28 am »

Cảm ơn quê FR- MU đã nhắc đến rừng thông Chí Linh với những tình cảm đặc biệt. Bây giờ, công tác bảo quản, chăm sóc có vẻ như quy củ hơn nên thông vẫn đẹp lắm. Ấy thế mà mình vẫn ngỡ ngàng khi gặp rừng thông ở đường B45 đấy. Nó hoang sơ nhưng tuyệt đẹp. Cũng may, lúc tắc đường có chỗ trú quân đẹp và rất mát mẻ, trong lành thế cũng đỡ khổ.
Nhưng xin tạm gác cuộc hành quân của cT3 một chút. Chả là sắp đến ngày truyền thống binh chủng TTG, các bác ở 2 kíp xe 843 và 390 lại được nhớ đến và mời lên. Vừa có mặt ở nhà khách BC các bác ấy đã gọi nên LXT cũng có mặt luôn. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm 2 kíp xe này được tề tựu với nhau (rất tiếc là thiếu 01 thành viên là Thái Bá Minh- pháo thủ xe 843 vì đã qua đời).
Xin gửi tới các quê một số hình ảnh và thông tin mới nhất về 7 người còn lại:

Cuộc hàn huyên trong mơ:



Từ trái qua phải: Lữ Văn Hỏa, Nguyễn Văn Tập, Bùi Quang Thận, Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Nguyễn Văn Kỷ, Lê Văn Phượng- trước cửa Bảo tàng TTG.

Lại được trèo lên chiếc xe tăng thân thuộc như ngày nào:



Tâm sự:

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM