Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 12:07:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mảnh rời ký ức... ( Phần 2)  (Đọc 277644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #160 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 03:03:45 pm »


@ bác Lixeta : trong "Cơn lốc đầu mùa" có rất nhiều thơ vui của lính, nếu chỉ là nghe lại thì khó có thể nhớ được đầy đủ như vậy, liệu có bài nào chính bác là tác giả? Gặp bác rồi em mới dám hỏi câu này.

Chủ yếu là lắng nghe và ghi nhớ thôi, quê à Grin
Quần chúng vĩ đại và sáng tạo lắm. Đấy là còn nghe và ghi chưa được hết đâu Grin
Đi công tác đã về chưa đấy???
Logged
ahuuls
Thành viên
*
Bài viết: 453


Hoa hồi Xứ Lạng


« Trả lời #161 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 08:28:55 pm »

Chú Lixeta cho cháu hỏi với ạ. Trong trận Làng Vây 1968, ta đã cơ động xe tăng theo dòng Sepon và trong đó có "huyền thoại gùi xe tăng vào trận địa". Vậy thực hư chuyện này đến đâu, xe PT76 đã tháo và cơ động như thế nào, trong điều kiện chiến trường thời đó xe này có thể tháo được ra những bộ phận nào.  Smiley
Có 1 lần cũng đã khá lâu ti-vi cũng đưa tin về việc này nghe xong em lẩm bẩm 1 mình :ta làm được như vậy Mỹ thua là phải nhưng giờ mới biết chả phải như thế.Đúng là xào xáo các bác ạ,các ông nhà báo này lười tìm hiểu quá ,thật đúng gây phản cảm ít ra là đối với bản thân em.
Logged

Thư ký hỏi sếp :chữ sếp viết sờ nặng hay xờ nhẹ
sếp trả lời :Tao là xếp thích sờ gì mà chẳng được
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #162 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 09:24:56 am »

   Riêng về vụ báo chí thì còn nhiều chuyện phải bàn lắm. Chả trách QSVN có hẳn một tô- pic làm cỏ vườn báo chí. He...He... Grin
   Còn bây giờ cuộc hành quân vào chiến trường của cQY vẫn tiếp tục:

   Vì đây là xe TG, kíp xe đông nên sau khi đưa xe xuống tàu thì đại bộ phận quân lính đi bằng ô- tô vào Quảng Bình. Theo quyết định của ct Thư thì Chiến và Lưu theo xe lên tàu, còn tôi đi ô tô cùng anh em. Thế là cả đại đội tôi được lèn lên một chiếcxe cứu thương và một chiếc ZIL57 để chạy vào Quảng Bình. Tôi không rõ tại sao hôm ấy chúng tôi lại được chạy ban ngày?
   Chúng tôi hành quân dọc theo đường QL1, thỉnh thoảng lại phải tạt vào một đoạn đường tránh nào đó. Đi ban ngày nên chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh dọc theo con đường này. Xung quanh mỗi cây cầu là la liệt những hố bom, cây cối thì hầu như cụt ngọn hoặc cháy xém. Tuy vậy, lính đại đội tôi vẫn khí thế lắm. Bọn tôi hát váng cả đường hết bài này đến bài khác cho đến khi khản cả cổ mới thôi.
   Quá trưa thì bọn tôi tới đèo Ngang. Ở đây, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy biển Grin. Nói các quê đừng cười: mặc dù quê Hải Dương- cách Hải Phòng chỉ vài chục cây số nhưng thật tình tôi chưa bao giờ được ra biển, được nhìn thấy biển. Đọc sách, xem phim có cảnh biển rồi nghe thằng Toàn người Hải Phòng ba hoa nhưng cũng không hình dung ra thế nào, cứ nghĩ đại loại nó như cáo ao to mà thôi. Xe đến gần chân đèo đã nhìn thấy biển bao la từ xa xa. Tôi như bị ngợp trước cái mênh mông của biển (cho đến giờ cũng vậy, cứ khi đứng trước biển tôi lại thấy rõ hơn sự nhỏ bé của con người). Một mũi đá dưới chân đèo lao thẳng ra biển. Từ ngoài khơi sóng dội vào mũi đá tung bọt lên trắng xóa. Không chỉ có mình tôi mà trên xe còn khá nhiều tên lần đầu nhìn thấy biển nên bọn tôi đứng ào cả dạy say sưa nhìn ngắm. Khi xe lên đèo tầm mắt được mở rộng hơn. Tôi bần thần nhìn biển bao la phía dưới. Quá đẹp. Đúng là đủ cả “trời, mây, non, nước”. Thật là sơn thủy hữu tình. Lại nhớ bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Nhớ thật chứ không phải bây giờ nói cho văn vẻ đâu. Riêng bài này thì tôi nhớ rất chính xác vì năm lớp 9- khi tham gia CLB Thơ của trường- thày Tuân dạy văn có lấy bài này làm mẫu cho chúng tôi về “niêm, luật” của thơ Đường. Phải học thuộc lòng cái món Trắc- Trắc- Bằng- Bằng- Trắc- Trắc- Bằng .. khó quá nên tôi nhớ bài “Qua Đèo Ngang” làm chuẩn luôn vì bà huyện TQ là một người làm thơ rất mẫu mực về niêm luật. Ngoài ra, có lẽ tôi là người “hoài cổ” hay sao ấy nên thấy bài thơ rất hợp với tạng mình. Vì vậy tôi nhớ mãi và ngay cả bây giờ mỗi khi hứng lên làm bài thơ Đường vẫn phải nhẩm lại “Qua Đèo Ngang” để xem niêm, luật” có đúng không?
   Xuống chân đèo phía nam con đường lượn gần sát biển. Bọn tôi vỗ nóc ca- bin gào lên đòi các xếp cho nghỉ giải lao xuống “xem” biển một tý Grin. Y sỹ Uy chỉ huy xe tải đồng ý. Xe vừa dừng cả một lũ ùa nhau xuống bãi biển. Chỗ này bãi cát vàng sạch tinh khôi. Nước biển trong văn vắt. Cả lũ thích thú gào thét ầm ĩ. Lội này. Té nước lên nhau này. Nếm vị nước biển này. Đổ nước trong bi đông đi múc lấy một ít nước biển này… Thôi thì đủ trò. Tôi cũng vốc một ít nước biển lên nếm. Vị nước mặn mặn, chát chát lần đầu tôi biết.
   Theo đường 1 đi thêm một đoạn nữa thì bọn tôi rẽ lên một con đường đất đỏ bụi mù. Trời tối dần nên chúng tôi cũng chẳng biết xung quanh ra làm sao và ngủ thiếp đi. Đến lúc được gọi dậy thì đã thấy đến vị trí tập kết của trung đoàn: Nông trường Quyết Thắng. Ngay hôm đó các xe TG cũng vào đến nơi.
   Đến lúc này thì chúng tôi biết sắp tới sẽ được đánh nhau ở Quảng Trị. Trung đoàn 202 được giữ bí mật khá cao, ký hiệu là A7 và mang mật danh là Quang Trung (sau này đọc HK của các tướng lĩnh và LS Mặt trận Đ9- Bắc QT mới biết có 2 đơn vị được giữ bí mật rất cao là 308 và 202).  Bọn tôi được lệnh thêu lên ngực áo mấy chữ: “P-QT-xxx (P: BTLTTG, QT: đoàn 202, các số sau chỉ đơn vị). Cũng may có chị Tuyết, chị Hiền nên chữ của bọn cQY chúng tôi khá đẹp. Gặp mấy thằng ở đơn vị khác trông nó loằng ngoằng buồn cười lắm Grin.
Logged
bichuoi
Thành viên
*
Bài viết: 129


WWW
« Trả lời #163 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 09:54:29 am »

Cũng may có chị Tuyết, chị Hiền nên chữ của bọn cQY chúng tôi khá đẹp. Gặp mấy thằng ở đơn vị khác trông nó loằng ngoằng buồn cười lắm Grin.

Giản dị quá,  Grin lính Mỹ ở Việt Nam có đến gần trăm kiểu phù hiệu mà thêu máy đàng hoàng.
Logged

tamking
Thành viên
*
Bài viết: 374


LoneLy


« Trả lời #164 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 04:21:43 pm »

Bác Lixeta cho hỏi trong CZ Quảng Trị thì ta đặt mật hiệu cho từng loại xe tăng hay thiết giáp như thế nào ạ?

vì có nghe gọi T-54 là " Những đứa con khỏe nhất của Đào Huy Vũ "  Huh
Logged

Kẻ thù có thể thắng nhiều trận lớn
Nhưng chúng ta sẽ thắng trong cả cuộc chiến
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #165 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2009, 08:20:41 am »

Bác Lixeta cho hỏi trong CZ Quảng Trị thì ta đặt mật hiệu cho từng loại xe tăng hay thiết giáp như thế nào ạ?

vì có nghe gọi T-54 là " Những đứa con khỏe nhất của Đào Huy Vũ "  Huh

Xin chào!
Thực ra không có quy định mật hiệu nào cho các loại xe tăng, TG cả. Không chỉ ở CZ Quảng Trị mà cả ở các chiến trường khác nữa.
Còn câu nói trên là của "các cụ" nói với nhau (Bác Văn nói chuyện điện thoại với bác Lê trọng Tấn- TLCZ). Người nghe hiểu nghĩa bóng của người nói thôi, không phải mật hiệu chính thức của T54 đâu;D
Logged
sonvh0573
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2009, 11:56:28 pm »

Bác lixeta cho hỏi tôi muốn mua sách bác vừa phát hành thì có thể đến cửa hàng sách nào ở Hà nội mua không? Hay qua nhà bác lấy luôn được không??

Bác Lixeta cho hỏi trong CZ Quảng Trị thì ta đặt mật hiệu cho từng loại xe tăng hay thiết giáp như thế nào ạ?

vì có nghe gọi T-54 là " Những đứa con khỏe nhất của Đào Huy Vũ "  Huh

Xin chào!
Thực ra không có quy định mật hiệu nào cho các loại xe tăng, TG cả. Không chỉ ở CZ Quảng Trị mà cả ở các chiến trường khác nữa.
Còn câu nói trên là của "các cụ" nói với nhau (Bác Văn nói chuyện điện thoại với bác Lê trọng Tấn- TLCZ). Người nghe hiểu nghĩa bóng của người nói thôi, không phải mật hiệu chính thức của T54 đâu;D
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #167 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 09:45:13 am »

   Xin mời các quê tiếp tục cùng cQY của 202 hành quân vào chiến trường:

   Nông trường Quyết Thắng nằm ở Tây Quảng Bình và cũng gần giáp với Vĩnh Linh. Nông trường trồng toàn cây cao su. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây cao su. Những hàng cao su thẳng tắp vươn những cành lá xanh non che kín xe cộ của bọn tôi. Chắc cây được trồng từ khá lâu nên cũng đã khép tán, không phải ngụy trang gì cả.  Có lẽ nơi đây đã từng là hậu cứ của nhiều đơn vị nên khi eBBCG202 của bọn tôi đến đó thì tiếp thu luôn được những cơ sở cũ còn bỏ lại nên đỡ phải đào hầm, làm lán. Toàn đại đội tôi (trừ BCH và mấy chị nữ) nằm trong một cái nhà âm to. Nhà lợp tranh, được đào sâu xuống đất chừng hơn mét, hai đầu và giữa nhà có các giao thông hào để chạy ra hầm chữ A khi cần. Thế là mấy chục cái võng được giăng lên san sát và buổi tối thì đủ thứ chuyện cứ nổ như ngô rang. Tôi không ngờ câu chuyện về “châu chấu, cào cào” và “tôm hay tép” mình đã được nghe các chú bộ đội kể hồi ở nhà đến đây lại xảy ra và cuộc tranh luận có lúc đã diễn ra rất căng thẳng.
   Chỗ chúng tôi trú quân khá xa dân, chủ yếu là công nhân nông trường. Các chị công nhân khăn bịt kín mặt cặm cụi làm việc. Đôi khi cũng chí chóe đùa vui với lính tráng nhưng tôi chịu không nghe được họ nói gì, cứ líu lo như chim ấy. Có vẻ như bọn họ rất nghèo. Họ thấy cái gì cũng xin và miệng chưa hỏi xong tay đã cầm rồi- “con gái bọ” mà Grin.
   Tuy nhiên, nằm chưa ấm chỗ thì đêm 28.3.72 tiểu đoàn 66 (mật danh Lệ Thủy) và một số bộ phận bảo đảm đã có lệnh cơ động xuống Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh. Đại đội QY của tôi cũng được lệnh tổ chức 1 đội phẫu đi trên xe phẫu số 1 do tôi và Chiến lái đi theo để bảo đảm. Thực tình lúc đó lính tráng như bọn tôi không hề biết CZ Quảng Trị 1972 sắp bắt đầu.
   Không may cho cái xe phẫu của tôi- gần sáng hôm đó- lúc còn cách vị trí trú quân khá xa thì nó giở chứng. Lúc đó tôi đang lái, khi kéo cần lái bên phải để chuyển hướng thì sau khi chuyển hướng được nó không chịu trở về đằng trước như bình thường. Đẩy nó lên thì nó lại tự động giật về sau. Tôi vội dừng xe. Chiến gắt ngậu lên chửi tôi lái kém. Tôi bảo hắn xuống mà lái. Hắn xuống lái thử cũng vậy. Cái cần lái cứ trơ ra như thách đố. Hai thằng bọn tôi mày mò sửa gần suốt đêm nhưng không được. Đành để xe nằm lại tại chỗ. Ngày hôm sau c11 (SC) cử một xe công trình đến. Cả tổ thợ và hai tên chúng tôi xoay trần ra, phải cẩu cả hộp số và ly hợp chuyển hướng ra mà vẫn không chẩn ra bệnh. Cho đến đêm 29.3 mới tạm gọi là xong (Thực ra, chứng bệnh đó vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vài ngày sau nó lại bị. Sau này có điều kiện học sâu hơn về xe máy tôi đi đến kết luận cái bệnh này là do “khuyết tật khi chế tạo” chứ không phải do điều chỉnh hay sử dụng).
   Sửa xe xong trời đã gần sáng. BCH đại đội hội ý quyết định cứ đi vì đã chậm so với đội hình gần 2 ngày. Thế là hôm đó chúng tôi chạy ban ngày. Đường thì không biết nhưng cứ đi theo bản đồ, đến các ngã ba thì dừng lại xem xét và tìm vết xích. Cứ thế, tầm 13 giờ 31.3 thì bọn tôi tới vị trí quy định- tôi nhớ đó là xã Vĩnh Thạch của Vĩnh Linh. Ấn tượng chung về vùng đất này là: đất đỏ ba- zan, cây cối khá xanh tốt và... rất nhiều hố bom. Dân thì không thấy, chỉ thấy du kích mà cũng chủ yếu là nữ. Đến đây chúng tôi bổ sung nhiên liệu, dầu mỡ… để chuẩn bị vượt sông Bến Hải.
   Mặc dù ở khoảng cách khá xa nhưng vẫn có thể nghe được những tiếng nổ ùng oàng liên tục từ phía nam dội về. Là lính, lại ở cQY và rớt lại phía sau nên chúng tôi hoàn toàn không biết cuộc tiến công chiến lược 1972 đã bắt đầu  Cry.
Logged
songvedem
Thành viên
*
Bài viết: 129



« Trả lời #168 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 01:14:25 pm »

Chào bác quê Lixeta, hôm qua em vừa nhận đươc sách của bác rồi.
Quê là người thạo về xe tank cho em hỏi 1 chút

- Tại sao xe Mỹ, Đức thì xích của nó lại bọc bằng cao su (kể cả khi đi chiến đấu). Xe Nga và xe Israel Merkava lại dùng loai xích trần không có đệm cao su. Như thế là xích bọc cao su hay trần đều có cái hay của nó khi đi chiến trường (không nói là khi duyệt binh dùng đệm cao su cho đỡ hỏng đường nhé). Quê giải thích rõ hơn được không. Định hướng mỗi thằng Nga, Mỹ ra sao cho loại xích có cao su và không cao su.
- Xe Nga thời dánh Berlin đã có thùng chuồng gà chống đạn chống Tank (khẩu gì của Đức giống B40), TTG minh có làm cái chuồng gà đó không?  Trong kháng chiến chống Mỹ và thời bây giờ.
- Xe tank Nga có 1 nhược điểm lớn là không thể hạ nòng bắn gần được. Xe Mỹ, Israel đều có thể hạ nòng rất thấp. Quê có thể giải thích tại sao Nga lại không làm cái nòng bắn thấp,dù em nghĩ rằng trình độ và khả năng của Nga hoàn toàn có thể làm được. Vậy thì thực tế là thế nào?
Trước đây đã có người giải thích là Tank Nga bắn đạn vòng cầu nên không cần hạ vẫn bắn trúng được mục tiêu nhưng em thấy giải thích này không hợp lý.

- Quê nào bắn 12.7 trên nóc xe, hạ súng bắn bộ binh, nhỡ có viên trúng nòng súng chính thì có làm sao không.
- Khẩu 12.7 trên nóc xe Tank có nên làm thêm cái khiên chống đạn bộ binh như M113 không.
- Xe Mỹ phía sau tháp pháo có 1 khung sắt và có thể chất rất nhiều đồ đạc lên đó như M1A1 của Mỹ. Phần lớn Tank Nga và các nước dùng Tank Nga đều không làm cái giỏ này. Tại vì không làm hay vì Tank Nga không thể hàn thêm cái giỏ đồ như thế.

- Phía trên diềm xích xe Tank T54 ở 2 bên có khoảng 3 hộp đồ lớn gắn liên với xe, các quê đựng gì trong đó. Theo quy định chuẩn của xe Tank hay là chăn màn quần áo, đồ cổ, đồ cải thiện.
- 4 quê trên 1 xe T54 có được trang bị 4 khẩu AK bắng gấp không. Hay trưởng xe dùng K54? mà theo em khi trong xe Tank thì kể cả K54 cũng phải tháo ra cho dễ chui ra chui vào, dễ thao tác.
- Đạn nhon bộ binh như AK mà gõ vào các điểm yếu nhất của xe có sao không, 12.7 mà giã thật lực vào Tank thì có bị thiệt hại gì không, có đứt xích không

- Xe tăng có cái còi bên ngoài tháp pháo, thế quê tổ lái có hay bấm còi xe tank khi tham gia giao thông không


Cảm ơn quê nhiều
Logged

Bỏ lại sau lưng nước mắt nhạt nhòa dĩ vãng
Bỏ lại sau lưng nỗi đau làm tim ta tan nát
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #169 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 10:38:23 pm »

He...He...!
Quê songvedem cho một loạt câu hỏi chẳng kém gì thi tốt nghiệp sĩ quan đâu nhé Grin
Dưng mờ không sao cả! LXT biết đến đâu sẽ trả lời đến đấy vậy:
1- Về vụ xích bọc cao su: Nói cho công bằng, việc tạo thêm một cái "guốc" cao su vào băng xích xe tăng, xe TG vừa có cái lợi nhưng cũng có những cái bất lợi. Cái lợi lớn nhất khi lắp thêm guốc cao su là tăng độ bám trong trường hợp đường khô ráo. Ngoài ra, cũng sẽ kéo dài tuổi thọ cho băng xích (nếu có thêm lớp đệm cao su trong chốt xích sẽ nâng tuổi thọ băng xích từ khoảng 3000km lên 8000 km). Tuy nhiên, trong điều kiện đường trơn trượt thì nó lại phản tác dụng- lực bám sẽ giảm. Ngoài ra, làm thêm cái bộ guốc cao su này cũng khá tốn kém và đòi hỏi một trình độ công nghệ rất cao, cái đó kéo theo là tăng giá thành. Và có lẽ đây là nguyên nhân chính để LX không làm guốc cao su cho xích- xe T,TG của LX thường giá bán chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá xe cùng thế hệ của Mỹ.
Ngay cả ở VN ta cũng đã có một đề tài NCKH: "chế tạo guốc cao su cho xích TTG". Đề tài đã được thử nghiệm, nghiệm thu nhưng không được đem ra áp dụng rộng rãi vì giá thành quá cao, hơn nữa có lẽ cũng không cần thiết Grin.
Vì những lẽ trên, hiện tại các hãng chế tạo xe tăng quan tâm đến việc nghiên cứu bộ "guốc cao su" rời, có thể lắp vào và tháo ra được (bằng bu- lông) tùy tình hình đường sá.
2- Cái "chuồng gà" đó nói cho công bằng cũng có một số tác dụng. Tuy nhiên, nó cũng có cái bất lợi như: làm kích thước mục tiêu to ra, làm cho tháp pháo cồng kềnh hơn v.v... nên ta không làm. Hiện nay, để nâng cao khả năng bảo vệ cho xe tăng người ta nghiên cứu những loại giáp bảo vệ hoặc các thiết bị khác hiện đại và gọn nhẹ hơn nhiều Grin
3- Về chuyện hạ nòng bắn gần quê nghe ở đâu mà nói rằng đó là "nhược điểm của xe Nga?". Thực ra, với xe T54 thì góc tầm của pháo là từ -5 độ+-1 đến 18 độ +-1 nên "khoảng chết trước mũi xe"- tức là khoảng cách mà pháo không bắn được chỉ là 20 mét. Nghĩa là, trong điều kiện đỗ ở chỗ bằng phẳng, pháo xe tăng T54 có thể bắn được mục tiêu ở khoảng cách 20 mét (súng đại liên song song cũng tương tự). Như vậy mình nghĩ thế là quá đủ. Còn nếu để một tên địch nào vác súng chốngtăng cá nhân vào đến 20 mét thì quả thật là khó nói. Ngoài ra, trên xe còn có các loại vũ khí khác nữa chứ đâu chỉ có một khẩu pháo.
Còn đối với các loại xe bơi nước,  "khoảng chết" này sẽ lớn hơn do mũi xe vát như mũi thuyền. Đó là do những nguyên nhân bất khả kháng.
Thực ra, về mặt kỹ thuật việc hạ nòng thấp hơn cũng không phải là không làm được. Nhưng cái giá phải trả là phải nâng trục tai máng lên- tức là nâng tháp pháo cao lên. Mà đó lả điều không ai muốn Grin
4- Trường hợp bắn 12,7 mm không may trúng nòng pháo cũng không ảnh hưởng gỉ. Lý do: góc chạm quá nhỏ, viên đạn sẽ trượt đi, chỉ để lại một vết "chợt" rất mờ trên nòng pháo Nếu bắn vào ống hút khói thì có thẻ gây móp méo nhưng cũng không ảnh hưởng gì Grin
5- Cái gì cũng có giá của nó. Làm thêm cái khiên (lá chắn) chống đạn thì súng sẽ khó quay hơn, kém linh hoạt hơn. Ngoài ra, nếu quê nghiên cứu kỹ thì thấy xạ thủ được che chắn cũng khá tốt rồi đấy chứ: phía trước là khẩu súng, phía sau là tấm cửa pháo hai. Mà khẩu này chức năng chính của nó là bắn máy bay nên rất cần sự linh hoạt Grin
6- Cái giỏ đựng đồ thì đúng là nó cũng có tác dụng thật đấy, nhưng nó cũng làm tháp pháo thêm cồng kềnh và tăng trong lương. Mình nghĩ rằng chắc là thấy không thật cần thiết nên người ta không làm thôi chứ về mặt kỹ thuật thì không có gì khó khăn cả.
7- Phía trên diềm xích (bọn mình gọi đó là lan can) là những hòm đựng đồ theo biên chế của xe chứ không phải đựng đồ cá nhân đâu Grin. Đối với T54, T59, T55 thì ở bên phải theo hướng xe tiến có 3 thùng nhiên liệu tổ ngoài (mỗi thùng 90 lít) và 01 hòm đựng máy bơm. Ở bên trái từ trước về sau là: hòm dụng cụ theo xe (ngay cạnh cửa lái xe), hòm đựng thông nòng pháo, phía sau ống xả là 01 thùng chứa dầu nhờn.
8- Theo sách vở thì vũ khí cá nhân trong xe có 01 súng ngắn cho TX và 01 AK báng gấp cho Nạp đạn. Tuy nhiên, hồi đi chiến trường thì bọn mình 4 tên 4 khẩu AK luôn. Ngay cả các bác chỉ huy cũng không muốn mang súng ngắn Grin
9- Đạn nhọn bắn vào xe có tác dụng như thế nào thì còn phải tùy loại xe. Nếu là T54, T59 thì kể cả 12,7 mm có bắn cả ngày vào phía trước, phía sau, bên sườn hay xích... cũng không sao cả. Trừ trường hợp đạn trrúng kính quan sát sẽ gây vỡ lăng kính. Tuy nhiên, trong xe cũng có một số lăng kính dự trữ. Còn đối với xe TG thì dính 12, 7 mm ở khoảng cách gần sẽ bị đạn xuyên qua vỏ.
10- Cái còi bên ngoài xe chủ yếu để dùng khi chuẩn bị nổ máy thui, chứ quê đang lái xe tăng tham gia GT thì cần quái gì còi nữa. Ngoài cái còi này trong xe còn 01 còi nữa của thiết bị chữa cháy bán tự động hoặc tự động.

Híc...Híc...! Mình đi dự bảo vệ luận văn TN của các cử nhân chỉ huy TTG cũng chỉ có tối đa 3 câu hỏi thôi đới, quê ợ Grin
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2009, 08:24:27 am gửi bởi lixeta » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM