Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 02:17:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức người lính 356. Phần 3  (Đọc 190969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sắn lùi
Thành viên
*
Bài viết: 98


« Trả lời #460 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 09:19:19 pm »

Ký ức 12/7 Vị Xuyên

Vẫn biết rằng nơi đâu có chiến tranh
Là nơi đó có đầu rơi, máu đổ
Nhưng không thể tin vào điều đó
Nếu không còn có các anh - Những nhân chứng sống anh hùng.
"Chỉ một ngày mà máu đổ thành sông"
Mười hai tháng bảy
                Tiếng xung phong
                               Chìm trong tầm pháo địch...
Mấy trăm nụ cười
               Mới tươi rói hôm qua
                               Mà nay
                                             Vụt tắt!
Đạn xới tung mảnh đất Vị Xuyên.
Khói lửa mịt mù "Yên ngựa"; "Không tên"
Cao điểm đất 300; 685, Khu E, Sân bóng...
Cối 60 băm nát những chiến hào...
Súng địch lặng rồi, bạn ở nơi nao?
Miệng đắng ngắt mà mắt trào máu đỏ
Tìm đồng đội: Thân vùi trong đá, cỏ
Mà ruột gan còn vắt tréo cành cây...
Bao đau thương, căm hận lại tràn đầy.
Yêu sự sống, chẳng sợ ngày phải chết.
Vì Tổ quốc nên bừng lên khí tiết
Hy sinh rồi vẫn ôm riết đất biên cương.
                            *
(*) Ba mươi năm, nay trở lại chiến trường
Thăm đồng đội, khói hương hồi tưởng lại
Vị Xuyên ơi, nghĩa trang tình ấm mãi
Một số nằm đây, còn lại nữa nằm đâu?
Lạnh lẽo tán cây rừng? Hay dưới đất đá? Thung sâu?
Đây là nỗi đau
Không chỉ riêng gia đình các anh
Mà của cả chúng tôi, những người còn đang sống
Bởi mấy chục năm rồi trong lòng vẫn ngóng
Để hôm nay về lại với Hà Giang.
Để hôm nay được thắp một nén nhang
Tri ân với những người anh hùng đã khuất
Sống: Chiến đấu giành dật từng tấc đất
Chết: Vẫn còn giữ chặt đất biên cương.

                                    16/7/2012
                                  Võ Thu Thủy
        ĐT: 0976.085.338. Thuthuyk816@gmail.com
(Em đã chuẩn bị rất kỹ bài thơ này để trình bày trước lễ kỷ niệm (em ngâm thơ thuộc diện chắt chít của NS Châu Loan đấy) nhưng vì sự cố điện đài và thời gian của Ban tổ chức nên không thể. Vì vậy em đăng lại bài này mong các anh cùng chia sẻ nỗi lòng vợ lính Hà Giang của em nhé).
Em cũng rất cảm ơn và trân trọng trước tấm lòng của các anh CCB Yên Bái, cùng một số các anh đã khơi dậy, thắp sáng và nhân rộng phong trào "Nhớ về đồng đội" này.
* Tháng 7/2012 em viết câu này là "Hai tám năm". Nay lên 30 năm nên viết lại là "30" cho nó phù hợp.


Logged
sắn lùi
Thành viên
*
Bài viết: 98


« Trả lời #461 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 09:25:14 pm »

NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ


Anh là đá?
Anh là mây?
Anh là cây? Hay anh là hạt sương rơi tí tách?
Vẫn hàng đêm tích tụ hương trời?
Gửi vào lòng đất nuôi thắm màu xanh?
Tất  cả đều là anh!
Hòa quyện.
Nguyễn Viết Ninh
Dòng nhắn của anh
Khắc trên báng súng
Vẫn còn đây - như bài ca bất hủ.
"Sống bám đá
Chết hóa đá
Trở thành bất tử".
Những lá chắn Đại liên
Chôn sâu trong lòng đất
Vẫn còn tên anh và đồng đội, như những bài ca không bao giờ tắt.
Thịt xương các anh hòa vào lòng đất
Tiếng thét xung phong xuyên vào bất tận
Lay động trời cao, đọng vào hang đá.
Mãi mãi với thời gian.
Anh là Đá, anh là Cây, anh là Mây, anh là Đất
Anh là Hạt sương rơi tí tách
Tích tụ hương trời
Bất tử với thời gian.

                                             31/8/2013
                                               Sắn Lùi




« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2014, 09:47:34 pm gửi bởi sắn lùi » Logged
sắn lùi
Thành viên
*
Bài viết: 98


« Trả lời #462 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 09:52:05 pm »

Nghe các bài hát và hình ảnh của Linhquany đưa lên mà em cứ xem đi xem lại, nhìn chị Kim Thanh khóc, nước mắt mình cũng nhạt nhòa.
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #463 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 10:07:36 pm »

Nghe các bài hát và hình ảnh của Linhquany đưa lên mà em cứ xem đi xem lại, nhìn chị Kim Thanh khóc, nước mắt mình cũng nhạt nhòa.

   Chào chị sắn lùi. em còn một clip quay cảnh lúc thắp hương buổi chiều ở nghĩa trang, nói chung là rát xúc động. Do dài quá, em up lên chưa được, đang loay hoay mãi tìm cách cắt nhỏ đưa lên cho mọi người xem. Hiện tại thì các bác và các chị cứ xem báo chính thống đi đã, lần này em không viết gì vì các nhà báo đã viết rất hay và truyền tải đủ thông tin rồi...

   Tặng chị mấy bức ảnh chụp trên nghĩa trang.






 
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
sắn lùi
Thành viên
*
Bài viết: 98


« Trả lời #464 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 10:19:38 pm »

Ui cha, đẹp qua. Cam ơn Linhquany thật nhiều. Một kỷ niệm không bao giờ quên. Chị ngồi mãi bên máy đây mà chưa biết viết gì, ký ức lộn xộn, vụng về. Cứ nghĩ đến hình ảnh các anh (Kim, Chung, Mai, Đệ, Nhân, Tiến....đi đốt từng bộ quần áo với con mắt đỏ hoe, đi bê từng đĩa thức ăn, từng bát cơm cho đoàn Nghệ An (do thiếu mâm) mà chị cảm động quá. Các anh ấy đã tận tâm, tận lực và tận tình, là cái nôi thắp sáng lên ngọn lửa nghĩa tình để đến nay nó đã được nhân rộng và để có một kết quả như em đã đưa tin là sáng mai chồng chị và đồng đội lại lên đường ra Hà Nội để cùng với anh em gặp Chủ tịch nước. Trong đó nhờ có nhiều tin bài và hình ảnh có giá trị của em đã đăng tải. Cháu Ngọc Thu nhà chị đang ước ao được đi lần nữa, để lại được anh Linhquan y chụp ảnh đó.
Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #465 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 10:37:41 pm »

Giữ từng thửa đất biên cương


TT - Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 12-7-1984, ngày quân Trung Quốc bắn pháo vào những bản làng yên bình của người Dao, Tày, Nùng huyện Vị Xuyên, Hà Giang để chiếm cửa khẩu Thanh Thủy.


Từ trái qua: cựu chiến binh Đặng Vũ Tùng, Đỗ Quang Huy, Kim Thanh (đứng) - nguyên lính sư đoàn 356 - Hà Nội và các đại biểu chờ chuyến xe đi Hà Giang - Ảnh: Việt Dũng

Cũng đã gần 20 năm biên giới này ngưng tiếng súng và những người dân đi sơ tán từ khắp nơi đã trở về, kịp dựng lại mái nhà, trồng lại nương và thu dọn bãi chiến trường để làm nương đồi, ruộng lúa trên chiến trường cũ. 30 năm đi qua, từ ký ức người già đến những người trẻ vẫn hằn sâu mất mát, đau thương nhưng họ nói: Nếu chiến tranh xảy ra, tôi sẽ ở lại đây trông đất của mình!

Ruộng mình ở đâu, nhà mình ở đó

Nậm Ngặt cách TP Hà Giang hơn 20km đường bộ nhưng chặng đường từ xã Thanh Thủy đến Nậm Ngặt là một con đường mòn bám vào vách núi dựng đứng. Con đường này cũng đi qua các ngọn núi, các cao điểm đã từng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc, đặc biệt là cuộc chiến diễn ra ngày 12-7-1984.

Một ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng núi (đây là cao điểm 468 nơi đặt sở chỉ huy sư đoàn 356 trong chiến dịch MB84), bên con đường mòn dẫn vào bản Nậm Ngặt, anh Nguyễn Văn Kim - cựu chiến binh của sư đoàn 356, người đã trực tiếp tham gia trận đánh ngày 12-7 - nói: “Trước mặt cao điểm này, nơi những đồng đội tôi đã bám trụ và hi sinh, chúng tôi lập ở đây miếu thờ các anh để từ miếu này, các anh có thể nhìn thấy các cao điểm, các đồn, các lô cốt, các chiến trường, nơi chúng tôi và đồng đội của mình đã chiến đấu”.

Từ miếu thờ nhỏ này, có thể nhìn thấy rõ bản Nậm Ngặt với hơn 50 hộ dân sống ở lưng triền núi, với những mái nhà bé xíu màu trắng trên nền xanh ngắt. “Bản có hơn 50 hộ dân, đều sống bằng nông nghiệp và trồng rẫy” - anh Trang Văn Việt, 36 tuổi, người bản Nậm Ngặt, nói.

Anh Việt cho biết khi chiến tranh xảy ra anh còn rất nhỏ nên theo gia đình đi sơ tán. Mãi đến năm 1990, biên giới ngưng tiếng súng thì gia đình anh mới trở về bản. “Tôi còn nhớ bố tôi đưa ba con trai về trước, cùng với những người anh em của ông. Khi đó, để vào được khu đất của thôn cũ, bố tôi và các bác xách dao đi trước, vừa đi vừa phát cỏ cây, vừa gạt những quả mìn còn sót lại trên đường. Lúc ấy cũng không dám đi theo đường đồi mà lần theo con suối dưới chân núi” - anh Việt kể.

Sau hơn một ngày đường, những người đầu tiên của bản Nậm Ngặt đã về đến mảnh nương cũ, họ cùng dựng lán để cả mấy nhà ở chung. Anh Việt nói: “Gần 10 năm đi sơ tán, chúng tôi cũng đã khai hoang được nương mới, ruộng mới nhưng ông bà bảo về với đất cũ để giữ đất, giữ thôn”.

Tôi hỏi anh Việt sao mình không ở phía ngoài, lên tận đây chi cho vất vả? Phía ngoài kia cũng có ruộng, có nương, lại không có mìn còn sót lại? Anh Việt bảo: “Cha tôi nói ruộng của mình ở đâu thì nhà ở đấy. Vậy nên cả mấy chục hộ đều dắt díu nhau về, dù người về muộn nhất là đến năm 2000 mới trở lại, vừa dọn mìn, vừa canh tác, vừa trồng lúa, vừa nuôi dê”...

Anh Việt nhập ngũ từ năm 1999, huấn luyện rồi phục vụ trong một đơn vị công binh. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về với bản Nậm Ngặt xa lắc xa lơ của mình, nơi có những dãy núi đá cao chót vót vừa là bức thành trì, vừa là biên giới của đất nước. “Hồi ở bộ đội tôi đã được học nhiều về mìn. Tất cả ngọn đồi xung quanh đây đều còn rất nhiều mìn, cũng như còn rất nhiều hài cốt của các anh mà chưa được quy tập. Tôi hướng dẫn người dân trong thôn để tránh mìn, chỉ có trâu bò hoặc dê bị thôi. Bản này ở nơi hiểm trở nhất, khó khăn nhất, xa xôi nhất và cũng chính là chiến trường cũ nhưng không có ai chết vì bom mìn cả” - anh Việt nói.

“Từ bé, tôi đã thấy giặc cướp”

Trong ngôi nhà sàn cũ ngay đầu thôn Nậm Ngặt, cụ Bùn Văn Bàn (74 tuổi, nguyên là chủ nhiệm HTX của xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên) đang ngồi tẽ những trái bắp ngô cuối vụ bên bếp lửa đã tàn. Nhắc về những ngày sơ tán khỏi thôn bản để tránh giặc phương Bắc, ông cụ móm mém kể rằng bắt đầu từ năm 1979 Trung Quốc đã đánh vào khu vực biên giới này rồi. Và có đến ba đợt sơ tán khác nhau nhưng riêng bản Nậm Ngặt thì sơ tán vào đợt cuối cùng. “Sở dĩ chúng tôi đi sau bởi thanh niên, người lớn đều còn giúp bộ đội gùi đạn, vác bêtông lên để làm lô cốt chống giặc. Đợt cuối cùng chúng tôi đi là vào khoảng tháng 5-1984”.

Vẫn còn nhớ rành mạch chuyến di chuyển trong đêm của đại gia đình nhà mình cũng như mấy chục hộ người Dao từ Nậm Ngặt đi ra, cụ Bàn nói: “Nhận được lệnh sơ tán thì tôi tổ chức cho cả xã trong đó có thôn Nậm Ngặt sơ tán ngay. Tất cả đều phải đi ban đêm và không được dùng lửa. Ai cũng tưởng chỉ đi ngắn ngày thôi nên mỗi gia đình chỉ mang theo vài cân gạo, ít quần áo và đồ dùng. Đi suốt đêm thì cũng đến được xã Đường Âm (huyện Bắc Mê). Trên đường đi, pháo Trung Quốc bắn xuống đì đùng. Từ trước đó mấy ngày, nó đã bắn pháo sang đất của mình rồi”.

Chỉ vào dãy núi đá Ẻ Bang (có nghĩa là núi Cây Cọ) ngay sau nhà, cụ Bàn nói: “Cái vách đá này đã cứu sống không biết bao nhiêu người, cả dân Nậm Ngặt lẫn bộ đội. Trước trận đánh ác liệt để chiếm đồn Thanh Thủy vào tháng 7 thì Trung Quốc đã bắn pháo từ bên kia biên giới rồi. Nó bắn một ngày bốn lần, buổi sáng lúc 8g, rồi đến 1g chiều, rồi 5g tối, 12g đêm. Nó không muốn cho mình làm ăn gì, cũng không cho mình ngủ nốt”.

Kể rằng từ nhỏ ông đã nhớ đến hành động của những tên cướp đến từ bên kia biên giới: “Từ 10 tuổi tôi đã chứng kiến những lần quân Trung Quốc sang cướp của trong làng. Chúng cứ vác súng ra bắn chỉ thiên làm cho cả bản sợ, rồi nó công khai cướp đi tài sản trong nhà. Cứ vài năm một lần bọn chúng lại đến như thế. Chưa bao giờ người Trung Quốc thôi muốn cướp đất của mình cả. Nếu hồi ấy quân đội không bắt buộc dân thôn bản phải ra thì chúng tôi cũng ở lại giữ thôn của mình cho con cháu”.

Nếu chiến tranh thì phải giữ đất

Người thôn Nậm Ngặt có một số người họ hàng sống ở phía bên kia trái núi. Nhiều năm nay, những người họ hàng ấy vẫn qua lại thăm hỏi nhau. “Mới đây, tôi sang thăm họ hàng bên Trung Quốc. Chúng tôi đều biết rõ câu chuyện giàn khoan trên biển” - anh Việt nói. Anh Việt cũng kể rằng anh và những họ hàng của mình đã nói với nhau về việc có thể xảy ra một cuộc chiến tranh. “Chúng tôi đã thăm nhau và ăn cơm với nhau. Chúng tôi là những người bà con, nhưng nếu như xảy ra chiến tranh thì đều phải chấp nhận”.

Dùng con dao phạt lên một vài búi cỏ rậm làm quang đường đi xuống ruộng để chuẩn bị cho một vụ gieo trồng mới, vợ anh Việt đi theo chồng, gương mặt sạm đen vì nắng. Những đứa trẻ con của bản Nậm Ngặt bé tí xíu cầm roi đuổi đàn dê leng keng chuông đi kiếm ăn ở lưng núi. Anh Việt dặn theo mấy đứa trẻ: “Tránh mấy chỗ lô cốt ra nghe chưa. Chỉ đi vào những chỗ đường mòn thôi nhé, kẻo giẫm phải mìn”.

30 năm đã qua rồi mà người lớn ở bản Nậm Ngặt vẫn phải nhắc trẻ con những điều như thế.

30 năm đã qua rồi mà còn hàng trăm hài cốt liệt sĩ vẫn nằm yên trong những cao điểm.

HOÀNG ĐIỆP

Nguần:http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/617344/giu-tung-thua-dat-bien-cuong.html
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #466 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 10:41:43 pm »

    Thưa các anh em đồng đội và các bạn !
Cũng như bao năm trước 12-7 năm nay những cựu chiến binh chúng tôi từ mọi miền của Tổ quốc lại tụ nhau về nơi chiến trường xưa ở Thanh thủy –Vị xuyên –Hà giang để tưởng nhớ các anh em đồng đội đã ngã xuống và nhớ về một thời kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời mình …
  Các anh em đồng đội ơi ! mới ngày nào còn ăn chung mâm ,ngủ chung màn ,làm chung nhiệm vụ …Vậy mà đã 30 năm rồi .Cuộc chiến đấu khốc liệt ngày ấy đã khiến cho chúng ta  âm dương cách biệt ,các bạn đã sống mãi với rừng xanh nơi đây với sức trẻ của tuổi mười chín ,đôi mươi của mình, để lại một khoảng trống không thể nào quên trong lòng gia đình ,người thân và các đồng đội của mình …
 Chẳng  biết nói gì hơn ,nặng nhẹ vơi đầy bao cảm súc ứa nghẹn,anh em hãy nhận lấy ở chúng tôi tình cảm chân thành của những người còn sống sót trở về .Các anh em hãy thanh thản nơi chín suối ,cùng phù hộ cho gia đình ,cho anh em bạn bè ,cho Tổ quốc này vượt qua mọi thử thách gian nan ,trường tồn mãi mãi .
 Dưới đây là vài hình ảnh lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ tại cây hương 468 do thầy thượng tọa Thích Quang Vinh chủ trì :










« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2014, 11:56:00 pm gửi bởi vmt » Logged
Biên cương
Thành viên
*
Bài viết: 261


« Trả lời #467 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 11:22:01 pm »

Ngày 12/7/2014, tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên. Hội Cựu quân nhân Sư đoàn 356 đã tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sỹ và kỷ niệm 30 năm ngày chiến dịch MB - 84 (Ngày 12/7/1984 ngày 12/7/2014). Xin được trân trọng cảm ơn các Đ/c Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang, của Huyện Vị Xuyên, của các xã Thanh Thủy, Đạo Đức, Việt Lâm, thị trấn Việt Lâm, thị trấn Vị Xuyên. Các vị khách quý, thân nhân của các liệt sỹ, CCB của các đơn vị bạn, đặc biệt là CCB của Sư đoàn 356 từ mọi miền của Tổ quốc. Lần đầu tiên tổ chức còn quá nhiều thiếu sót, rất mong các Đ/c đại biểu, quý vị khách quý thông cảm. T/m Ban tổ chức: Hoàng Thế Cương.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #468 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 11:34:58 pm »

 Và đây là vài hình ảnh buổi lễ tại nghĩa trang Liệt sỹ Vị -xuyên sáng 12-7-2012:











« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2014, 11:46:26 pm gửi bởi vmt » Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #469 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2014, 12:47:12 am »

   Tôi gặp đ/c này ở lễ cầu siêu sáng 12/7 tạiNTLS Vị xuyên mà khg tài nào nhớ tên . Ai biết nhắc hộ nhé   xin cảm ơn.



Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM